Ngày 29-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:54 29/06/2009
VÌ VIỆC THIỆN KHÔNG ĐỂ NGƯỜI KHÁC BIẾT

n2T


Ban nhạc biểu diễn bên bờ biển rất hay, nhưng ngày hôm sau không có báo nào đăng tải cả, do đó mà số người đến xem rất ít.

Nhưng có một anh lùn mỗi tối đều đến xem biểu diễn từ đầu đến cuối. Sự có mặt của anh ta là sự khích lệ rất lớn đối với ban nhạc, nhưng xét cho cùng thì ban nhạc chưa có thể giải quyết vấn đề kinh phí.

Khi diển xuất đêm cuối cùng, ông bầu của ban nhạc đích thân lên sân khấu nói lời cám ơn:

- “Kính thưa quý quan khách, trước khi chúng tôi rời khỏi nơi này, chúng tôi đặc biệt cám ơn vị khách ngồi trước hàng ghế này, anh ta là người ủng hộ chúng tôi cách đặc biệt, mỗi đêm diễn anh ta đều có mặt nơi đây.”

Anh lùn ấy đứng lên lắp bắp nói cám ơn ban nhạc đã quá khen mình:

- “Ông quá khách sáo, thành thật mà nói, chỗ này bà xã tôi dứt khoác tìm không ra.”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Dù là động cơ nào chăng nữa, thì sự có mặt của anh lùn là sự khích lệ lớn cho ban nhạc. Tinh thần của người Ki-tô hữu chính là tinh thần Phúc Âm, tức là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Có người động cơ thúc đẩy để họ làm việc thiện là vì người yêu của họ đang công tác trong đoàn thể từ thiện ấy; có người động cơ làm việc từ thiện của họ là vì họ đang vận động bầu cử vào chức vụ béo bở; có người động cơ làm việc thiện của họ là vì để lấy tiếng tăm.v.v...

Động cơ để người Ki-tô hữu làm việc thiện chính là nhìn thấy Chúa Giê-su trong mọi người, nhất là những người nghèo khó bất hạnh.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:56 29/06/2009
N2T


25. Thiên Chúa thường giúp đỡ người khiêm tốn, ức chế người kiêu ngạo.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:57 29/06/2009
N2T


158. Không có chuyện gì là tốt hoặc là xấu, nhưng tư tưởng lại làm cho trong đó có cái không giống nhau.

 
Sứ mạng của tiên tri
Đinh Lập Liễm
04:18 29/06/2009
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN B

SỨ MẠNG CỦA TIÊN TRI

+++

A. DẪN NHẬP

Đức Giêsu Kitô là sứ giả của Chúa Cha, Ngài đến đem Tin mừng và ơn cứu độ cho nhân loại. Sứ mạng đó không được kết thúc ở nơi Ngài mà còn tiếp tục mãi trong trần gian. Vào buổi sáng Thăng Thiên, qua con người của các Tông đồ, Đức Giêsu đã trao phó cho Hội thánh tiếp tục sứ mạng của Ngài cho đến tận thế.

Thi hành sứ mạng rao giảng Tin mừng không phải là chuyện dễ. Chính Đức Giêsu đã tiết lộ cho chúng ta những khó khăn sẽ gặp phải trên bước đường truyền giáo: Ngài đã bị người đồng hương chối bỏ, không chấp nhận sứ mạng Cứu thế của Ngài và còn ghen tị định tâm giết Ngài nữa (x. Lc 48,28-30). Chính vì thế, Ngài kết luận: ”Không một tiên tri nào mà không bị khinh dể ở quê hương, gia đình họ hàng mình”(Mc 6,4).

Sở dĩ người đồng hương không chấp nhận Đức Giêsu vì họ có thành kiến nặng nề về con người và gia cảnh của Ngài, đúng là “Bụt nhà không thiêng”. Ngày nay, những người thi hành sứ mạng tiên tri không thể thoát khỏi cái công lệ đó. Họ phải theo gương tiên tri Ezéchiel (bài đọc 1) mà thi hành sứ mạng của mình trong kiên nhẫn, chịu đựng và tin tưởng.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Ed 2, 2-5

Ezéchiel nói về sứ mạng tiên tri của mình. Ông chỉ là một con người như tất cả mọi người, một con người đơn giản, nhưng được gọi để tuyên sấm lời Chúa cho dân của Ngài, một dân tộc bất tuân đã chống lại Chúa. Đã nhiều lần, Chúa báo cho dân Israel biết rằng: nếu họ cứ cố chấp trong sự bất tuân, họ sẽ bị phạt. Lời răn đe đó đã bị bỏ ngoài tai, chứng nào tật ấy, nên họ đã bị lưu đầy ở Babylon. Ezéchiel cũng đồng chịu số phận của những kẻ lưu đầy.

Trong hoàn cảnh bi đát đó, Thiên Chúa đã trao cho Ezéchiel nhiệm vụ cảnh tỉnh dân chúng, làm cho họ nhận biết tội lỗi và sám hối. Ông phải đương đầu với một dân tộc phản loạn từ nhiều thế kỷ. Đối thủ của ông thì hùng mạnh trong khi đó ông biết thân phận hèn yếu của mình, phương tiện rất nghèo nàn; tuy thế, ông không do dự nhận lấy trách nhiệm nặng nề ấy.

+ Bài đọc 2: 2Cr 12,7-10

Thánh Phaolô thành thực chia sẻ tâm tình với chúng ta: Ngài là một Tông đồ sinh sau đẻ muộn, từ một người bách hại đạo Chúa, lại trở nên một Tông đồ nhiệt thành rao giảng đạo ấy. Mặc dầu Ngài đã được Chúa ban cho những ơn mạc khải phi thường như con người đã lên tới tầng trời thứ ba, nhưng Ngài không dám tự cao tự đại về hồng ân ấy.

Để hạ mình trước sự yếu đuối của ông, Chúa để cho cái “dằm” đâm vào thân xác ông (2Cr 12,7). Các chuyên viên Thánh Kinh đang tìm hiểu cái “dằm” này là gì ? Dù chúng ta chưa xác định được cụ thể, nhưng có thể hiểu đó là những sự yếu đuối của Phaolô, hay mối thù địch của những anh em giả mạo. Cũng có thể hiểu được đây là một căn bệnh đang hoành hành thân xác Ngài.

Chính vì ý thức được sự yếu đuối của mình, nhiều lần Ngài đã muốn nản lòng, xin Chúa cất cái dằm ấy đi, nhưng Chúa yên ủi và bảo đảm cho Ngài: ”Ơn Ta đã đủ cho con”. Do đó, Ngài lấy lại được sức mạnh và hăng say rao giảng Tin mừng với ý thức rằng “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh mẽ”.

+ Bài Tin mừng: Mc 6,1-6

Từ Naazareth đi rao giảng Tin mừng ở nơi xa, thỉnh thoảng Đức Giêsu trở về thăm quê hương, và ngày Sabbat cũng vào cầu nguyện tại hội đường. Đọc Lời Chúa như mọi người, nhưng qua bài Thánh Kinh, Ngài cũng được mời cắt nghĩa bài đọc đó và giải thích rằng: ”Ngài chính là Đấng Messia mà toàn dân đang mong đợi”.

Ban đầu, người dân làng Nazareth thán phục về những phép lạ Ngài đã làm khắp nơi và những lời giảng dạy rất khôn ngoan và đầy thế giá của Ngài, nhưng khi nhớ đến nguồn gốc tầm thường của Ngài, họ thắc mắc và không tin Ngài nữa. Tại sao ? Ngài chỉ là một người thợ mộc tầm thường, cha mẹ và anh em Ngài là những người hàng xóm quen thuộc đang ở với họ. Ông Giêsu trước đây cũng chỉ là một người tầm thường có gì đặc biệt đâu, sao bây giờ lại được khôn ngoan như vậy ? Tuy thế, theo như tục ngữ đã nói “Bụt nhà không thiêng” nên họ không tin nhận Ngài nữa.

Vì vậy, Đức Giêsu kết luận: ”Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mà thôi”(Mc 6,5). Chính vì thái độ cứng lòng ấy, nên ở Nazareth Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Bụt nhà không thiêng

I. ĐỨC GIÊSU TRỞ VỀ NAZARETH

1. Cuộc viếng thăm mục vụ

Đức Giêsu rời bỏ quê hương Nazareth đi rao giảng Tin mừng và chọn Capharnaum làm trung tâm truyền giáo. Tại nơi đây và nhiều nơi khác, Đức Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ như dẹp yên bão tố, chữa người bị qủi ám, chữa lành các chứng bệnh nan y, làm cho kẻ chết sống lại... Danh tiếng Ngài đã vang dội khắp nơi. Nhưng Ngài cũng không quên xứ sở của mình, Ngài cũng trở về thăm quê hương Nazareth. Đây là lần thứ hai Ngài trở về Nazareth (Lần thứ nhất: Lc 4,16-30).

Ngài không có ý trở về quê quán với tính cách riêng tư cốt chỉ thăm lại ngôi nhà và những người thân cũ. Ngài trở về với các môn đệ của mình, nghĩa là Ngài về quê với tư cách một rabbi. Các rabbi vẫn đi đây đó trong xứ với nhóm môn đệ nhỏ của mình. Với tư cách giảng sư Đức Giêsu đã trở về Nazareth với các môn đệ.

2. Tại hội đường Nazareth

Theo thông lệ, ngày sabbat dân làng đến hội đường nghe đọc Sách Thánh và hát Thánh vịnh từ 9 đến 12 giờ trưa. Đức Giêsu và các môn đệ cũng đến hội đường cầu nguyện với dân làng. Đọc Sách Luật và Thánh vịnh xong, ông trưởng hội đường mời một vị có thế giá và hiểu biết về Thánh Kinh lên giải nghĩa bài đọc. Đức Giêsu cũng được mời lên đăng đàn. Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường. Gương mặt của Ngài luôn tỏ ra nét dịu hiền mến yêu, đầy thiện cảm. Giọng điệu tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn, Ý tứ Ngài trình bầy đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Ngài trình bầy một cách khôn ngoan và giọng nói như của Đấng có uy quyền, làm cho họ ngạc nhiên, thì thầm với nhau: ”Bởi đâu ông ta được như thế ? Sao ông ta khôn ngoan như vậy ? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế, nghĩa là gì”(Mc 6,2). Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu ở đâu ? Họ muốn tìm về nguồn gốc của Ngài.

3. Phản ứng của dân làng Nazareth

Trước những lời giảng dạy khôn ngoan và hấp dẫn, cùng với những phép lạ đã làm, Đức Giêsu đã làm cho dân làng Nazareth có nhiều phản ứng khác nhau, và chúng ta có thể gồm tóm những phản ứng ấy trong ba chữ:

a) Tín nhiệm

Từ Nazareth người ta đã nghe đồn thổi về Ngài rất nhiều, nghe đồn về những phép lạ Ngài đã làm khắp đó đây. Hôm nay, tại hội đường, họ đã trực tiếp được nghe Ngài giảng. Trước đây nghe lời đồn thổi họ đã ngạc nhiên, bây giờ họ càng ngạc nhiên hơn: ”Mọi người làm chứng cho Ngài và họ thán phục về ân sủng xuất bởi miệng Ngài”(Lc 4,22).

Những điều trên đây cho ta thấy khi Đức Giêsu trở lại Nazareth, những cảm nghĩ của họ hầu hết là tín nhiệm Ngài.

b) Hoài nghi

Họ muốn tìm về nguồn gốc của Ngài. Mọi người đều biết mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giôsê, Giuđa và Simon. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nazareth này, một thôn ấp nhỏ bé có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, đóng bàn sửa ghế, đóng giường tủ, đục đẽo cầy bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ ông ấy nói năng, làm được việc gì lạ đâu ? Ông bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi chóng thế ?

c) Thất bại

Đáng lẽ những phép lạ Đức Giêsu đã làm ở những nơi khác cộng với sự rao giảng đầy thuyết phục của Ngài khiến cho dân làng Nazareth phải tin nhận Ngài, nhưng đàng này họ chỉ dựa vào nguồn gốc của Ngài, một nguồn gốc có vẻ tầm thường như họ thấy, nên họ nhìn sai lệch về con người của Ngài. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo cái dáng vẻ bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật. Vì thế,”họ bị vấp phạm vì Ngài”(Mc 6,3). Còn Ngài, Ngài âm thầm kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ:”Không ai là tiên tri cho xứ sở mình” vì người ta thường nói:”Gần chùa gọi bụt bằng anh”.

Trước sự cứng lòng tin kèm theo sự ghen tương với thành kiến cố hữu của họ, Đức Giêsu không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa lành vài bệnh nhân. Phép lạ đòi hỏi phải có lòng tin, mà phép lạ chỉ là phần thưởng cho lòng tin ấy. Sự cứng lòng của con người như thánh Matthêu nói rõ (Mt 13,58) làm tê liệt phần nào quyền làm phép lạ của Ngài.

II. CĂN BỆNH THÀNH KIẾN

Theo Đào duy Anh, Thành kiến là ý kiến cố chấp không thể lay động được. Khi đã có ý kiến tốt hay xấu về một người hay một vật gì thì khó lòng có thể thay đổi được. Thành kiến thay đổi sự thật của sự vật, không còn như nó có. Thành kiến đã bóp méo sự thật, giống như người đeo kính xanh thì vật gì cũng xanh, đeo kính đỏ thì vật gì cũng đỏ.

Người ta có thể nhìn sự vật với ba thái độ, đó là yêu, ghét hay dửng dưng. Nhưng thường thì chúng ta ít khi có thái độ dửng dưng, trung lập, mà thường là nghiêng về một phía yêu hay ghét. Chính thái độ yêu hay ghét này làm cho ta nhìn sự vật khác nhau: ”Yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Khi yêu thì thì coi mọi cái đều đẹp đều tốt, khi ghét thì thấy mọi cái là xấu: ”Yêu ai yêu cà đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.

Truyện: Thi sĩ R. Tagore

R. Tagore là một thi sĩ nổi tiếng của Ấn độ và cả Đông phương nữa. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn thơ ấu.

Một hôm, cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xem. Ông thân sinh lắc đầu chê:

- Thơ mày là thơ thẩn !

Tagore mới nghĩ ra một mưu: cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và chua xuất xứ là trích sao trong một cuốn thơ cổ. Cậu ta lại không quên đề tên cuốn thơ cổ ấy cẩn thận.

Lần này, ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen: ”Tuyệt, tuyệt”. Rồi đem khoe tíu tít với đứa con trai lớn của ông, hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói:

- Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này.

Ông con trai chủ nhiệm đọc xong cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen là hay đáo để, và muốn trích đăng lên mặt tờ báo văn học của ông.

Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đưa cuốn thơ cổ kia ra đối chiếu chứng minh và cũng để dễ bề chua xuất xứ trong khi đăng.

Đến đây câu truyện mới vỡ lở ra. Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn cảnh bịa đặt của thằng bé Tagore ! Ông thân sinh giận sôi máu lên, nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình xưa nay.

(Vũ minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr 333-335)

Qua kinh nghiệm hằng ngày, chúng ta phải công nhận rằng Thành kiến là một căn bệnh phổ quát chung cho mọi người. Thành kiến là chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài nguời, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ vào những cái bề ngoài mà đánh giá thiên hạ.

Cùng một câu văn, một lời nói, một việc làm, mà do người này thì có giá trị, do người kia thì vô duyên, do người này thì hay đáo để, do người kia thì dở ẹc ra. Người có danh tiếng thì lời nói việc làm nào cũng được coi như vàng ngọc. Người vô danh tiểu tốt thì lời có đẹp như trăng sao, việc có hay như thần thánh, cũng bị thành kiến dìm xuống đến tận bùn đen. Vì thế, Đức Giêsu đã nói:”Không tiên tri nào lại được trọng đãi nơi quê hương mình (Ga 4,44).

Thành kiến làm cho bụt nhà không thiêng, thích những cái lạ; thích gì thì phóng đại tô mầu, ghét thì cũng thế. Nhiều khi lý luận một chiều sai lệch, cái vô lý ngớ ngẩn cũng cho là hay là đẹp, hoặc không hiểu gì cũng cho là hay. Sống hoàn toàn theo dư luận, theo cách của người đời, không dám vượt trên dư luận sai lạc, vượt trên những phán đoán thiên lệch. Ví dụ các bà tin theo thầy bói thì cái gì thầy nói ra cũng đúng, cũng hay, coi như lời sấm, như thánh phán:

Số cô không giầu thì nghèo,

Ba mươi Tết có thịt heo trong nhà.

Số cô có mẹ có cha,

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.

Số cô có vợ có chồng,

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.

Các bà các cô sẽ phải thốt lên: ”Thánh phán. Tuyệt ! Tuyệt” !

III. BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG

1. Đức Giêsu bị rẻ rúng nơi quê hương

Dân làng Nazareth không thể chấp nhận một người mà họ đã quen biết: thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn, họ hàng chẳng có danh giá gì. Biết rõ như thế thì làm sao người đó có thể là vị Cứu tinh, là Đấng Cứu thế, là Đấng giải thoát cho dân tộc mình được ? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giầu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Đức Giêsu. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Ngài làm phép lạ như đã làm những nơi khác.

Trước sự cứng lòng và khinh thường của dân Nazareth, Đức Giêsu chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đưa ra nhận xét chua cay:”Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”(Mc 6,4). Dân làng Nazareth không tin Chúa thì cũng vì họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo vào trong những định kiến hẹp hòi có sẵn của họ. Đấng Cứu thế phải hiện nguyên hình như định kiến của họ, nghĩa là Đấng Cứu thế phải có đầy quyền lực theo nghĩa thế gian, họ không thể tin nhận được một Đấng Cứu thế như một con người đơn sơ khiêm hạ như họ thấy được.

2. Các tiên tri cũng bị khinh dể

Trong Tin mừng thánh Luca, Đức Giêsu nhắc đến hai vị tiên tri đã không làm phép lạ ở quê nhà được mà lại làm phép lạ ở dân ngoại: ”Và Ta bảo thật các ngươi: có nhiều bà goá tại Israel thời tiên tri Êlia, khi trời khoá lại ba năm sáu tháng, và xẩy ra nạn đói lớn trong toàn xứ, song Êlia không được sai đến với một bà nào trong họ, mà lại đến với bà góa tại Sorepta thuộc hạt Sidon. Cũng có nhiều người phong hủi đời tiên tri Êlisê, song không người nào trong họ được lành sạch cả, trừ phi là Naaman người Syri”(Lc 4, 26-27). Tiên tri Êlisê đã làm nhiều sự lạ ở Guilgal mà không làm được ở quê nhà (2V 4,1-29t). Sự thật và thường tình, tiên tri không được tôn trọng nơi quê nhà.

3. Những tài năng bị coi thường

Nhiều người có tài năng cao vời bị coi thường trước khi được chấp nhận. Chúng ta có thể đưa ra mấy trường hợp để làm chứng:

- Giám mục Fulton Sheen, một nhà thuyết giáo vĩ đại, đã từng bị giáo sư môn biện luận trường đại học chê: ”Anh đúng là diễn giả tồi nhất mà tôi từng gặp”.

- Ernest Hemingway, một tiểu thuyết gia cự phách, đã từng bị các thầy giáo chê: ”Hãy quên việc viết lách đi ! Anh không đủ tài để làm việc đó đâu”.

- Richard Hooker, tác giả quyển sách nhan đề “Mash”, đã từng thấy quyển sách của ông bị đến 6 nhà xuất bản từ chối in để rồi cuối cùng quyển ấy đã trở thành một trong những quyển sách bán chạy nhất.

Thành kiến đã làm cho dân làng Nazareth phán đoán sai về Đức Giêsu. Họ đã không nhận ra Ngài là Đấng Cứu thế. Đối với chúng ta cũng vậy, thành kiến có thể làm cho chúng ta mù quáng, không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến làm cho chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi người khác. Mc Kenzie nói: ”Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người ghen tị thì nhìn bằng kính hiển vi”.

4. Số phận người rao giảng Tin mừng

Cho dù Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài có thể làm được mọi sự, nhưng Ngài phải bó tay trước sự cứng lòng của con người. Ngài đã trở nên bất lực trước những kẻ thiếu niềm tin. Và quả thật, “Ngài đã không làm được phép lạ nào”tại quê hương mình. Thế mới biết con người có khả năng ngăn cản Thiên Chúa, con người có toàn quyền từ chối quà tặng của Thiên Chúa.

Trên con đường truyền giáo, Đức Giêsu vẫn đem các môn đệ đi theo để huấn luyện các ông. Trong việc huấn luyện cũng cần thấy sự thất bại, chứ không phải chỉ nhìn thấy thành công. Sau này trên đường truyền giáo, sự thất bại không làm cho các ông nản lòng.

Các người rao giảng Tin mừng hãy bắt chước Đức Giêsu mà đón nhận thái độ “Bụt nhà không thiêng” của những người được rao giảng. Họ có thể nghi kỵ, không ưa, hoặc chống đối chúng ta đi nữa, thì hãy vững tâm vì “chân lý sẽ thắng”. Ban đầu có thể gặp thất bại nhưng với thời gian người ta sẽ nhìn ra chân lý. Đức Giêsu đã thất bại khi còn sống nhưng đã thành công vẻ vang sau khi sống lại. Người Tông đồ cũng phải đi theo con đường ấy: phải kiên nhẫn chịu đựng, nhưng phải chịu đựng trong vui tươi với tình thương mến.

Truyện: Chú chồn Pepe LePew

Cách đây nhiều năm, các rạp chiếu bóng thường chiếu phim hoạt hoạ. Có một bộ phim được nhiều người ưa thích tên là Looney Tunes. Một vai được nhiều người hâm mộ trong phim là chú chồn lãng mạn tên là Pepe LePew. Pepe luôn luôn yêu mến mọi người nhưng vì chú có mùi hôi, nên mọi người đều từ chối tình thương của chú. Nhưng Pepe không nản lòng. Chú vẫn tiếp tục yêu thương dù có bị từ chối nhiều lần. Pepe không bao giờ từ chối yêu thương bất cứ một ai. Đó chính là lý do tại sao rất nhiều người coi phim này càng quí mến Pepe.

(M. Link, Giảng lễ Chúa nhật năm B, tr 264).

Chúng ta thấy Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta về tình yêu thương. Ngài không khước từ ai bao giờ. Ngài vẫn tiếp tục yêu thương dù biết bao lần Ngài đã bị từ chối. Chú chồn Pepe trong phim quả rất giống Chúa Giêsu. Đây là bài học cho chúng ta rút ra được từ các bài đọc hôm nay. Chúng ta phải bắt chước cách xử sự của Đức Giêsu, chúng ta có thể bắt chước chú chồn Pepe mà yêu thương mọi người dù có bị chối từ bao nhiêu lần đi nữa. Tóm lại, các bài đọc hôm nay dạy chúng ta hai điều: Trước hết, chúng có thể tin chắc rằng chúng ta sẽ nhiều lần bị người khác khước từ phản đối giống như Đức Giêsu đã từng bị trong đời Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cứ tiếp tục yêu thương giống như Đức Giêsu. Dù bị khước từ Ngài vẫn không ngừng ban phát tình yêu của Ngài cho nhân loại.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Mỗi ngày một câu Kinh Thánh (1 đến 15.07.2009)
Pt JB Nguyễn văn Định
14:51 29/06/2009
Ngày 01-7-09: Đức Kitô thì trung thành với tư cách là người con đứng đầu Nhà Thiên Chúa. Mà Nhà Thiên Chúa là chính chúng ta, miễn là chúng ta giữ vững đến cùng lòng tin tưởng… (Dt 3, 6)

Đức Kitô là Thượng tế có thế giá giữa Thiên Chúa và loài người. Tôi cần tỏ lòng tin tưởng và hiên ngang về Ngài để có niềm hy vọng.

Ngày 02-7-09: Vì thế, như Lời Thánh Thần phán: “Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa thì chớ cứng lòng như hồi chúng nổi loạn, như ngày chúng thử thách Ta trong sa mạc.” (Dt 3, 8-9)

Lòng bạn là nơi thường phát ra những cảm xúc và ước muốn xấu. Bạn đừng thử thách Chúa như dân Do thái kêu trách trong sa mạc.

Ngày 03-7-09: Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta. (Dt 3, 11)

Chúa đã làm nhiều phép lạ cho dân Do thái suốt bốn mươi năm. Tôi đừng coi thường Người mà hôm nay không chịu sám hối sửa mình !

Ngày 04-7-09: Hãy đề phòng, đừng để người nào trong anh em lòng dạ xấu chối bỏ đức tin mà lià xa Thiên Chúa hằng sống. (Dt 3, 12)

Bạn đừng nổi loạn theo dục vọng để chống lại Thiên Chúa. Vì Người đã chọn bạn, đang ở với bạn, Người không để bạn cô đơn.

Ngày 05-7-09: Ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. …soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. (Gc 1, 23-24)

Tôi cầu nguyện và xin Chúa Thánh Linh nhắc nhở tôi quyết tâm thực hành Lời Chúa vào đời sống hàng ngày mà tôi đã lắng nghe.

Ngày 06-7-09: Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. (Gc 1, 26)

Cẩn thận trước khi nói và lắng nghe nhiều, nói ít là chứng tỏ lòng tin Lời Chúa của bạn, đã để Chúa Thánh Linh dẫn dắt trong mọi lúc.

Ngày 07-7-09: Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian chuân và giữ mình cho khỏi vết nhơ của thế gian. (Gc 1, 27)

Đạo đức tinh tuyền là đạo đức nhân bản, có thật của con người với đồng loại. Tôi kính trọng người cô nhi, qủa phụ là mến Chúa rồi.

Ngày 08-7-09: Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Chúa bất diệt(1Pr 1, 23)

Tôi được biến đổi là do Lời Chân Lý, Lời ban Sự Sống mỗi ngày. Lời này là sứ điệp mặc khải của Chúa trong Kinh Thánh Tân Ước.

Ngày 09-7-09: Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em… (1 Pr 1, 25)

Mọi vinh quang của con người đều héo tàn, rụng như hoa cỏ. Còn Lời Chúa là hạt giống bất diệt, sẽ sinh hoa kết quả gấp trăm lần.

Ngày 10-7-09: Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ.(1Pr 2, 2)

Sữa Lời Chúa sẽ giúp bạn uống dễ dàng, còn thức ăn bạn chưa chịu nổi. Vì bạn còn sống theo xác thịt như cãi cọ, nóng nẩy, ghen tương.

Ngày 11-7-09: Quả vậy, Lời Ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm; nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa. (2 Pr 1, 21)

Sách Thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng, khiến Ngôn sứ nói Lời Thiên Chúa, chú thích Lời Thiên Chúa trong Giáo hội, dạy tôi trở nên người khôn ngoan trong việc giảng dạy và giáo dục.

Ngày 12-7-09: Trong những ngày sau hết, sẽ xuất hiện những kẻ nhạo báng chê cười, sống theo những đam mê riêng của họ.(2Pr 3, 3)

Sự xuất hiện của người rối đạo là dấu chỉ là dấu chỉ thời sau hết đã gần. Bạn cần tỉnh thức, đừng bỏ họp nhóm và lắng nghe Lời Chúa.

Ngày 13-7-09: Ai muốn rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi. (1 Ga 2, 6)

Ở lại trong Chúa là sống có Người hiện diện và liên kết với Người. Tôi cần sống nói năng, phản ứng, suy nghĩ, hành động như Người.

Ngày 14-7-09: Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. (1 Ga 2, 9)

Lời Chúa là ánh sáng dẫn bạn thực hành yêu thương anh em mình. Bạn sẽ không còn đi trong bóng tối là nô lệ các tính xấu và đam mê.

Ngày 15-7-09: Nhưng ai ghet anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng. (1 Ga 2, 11)

Điều răn mới là yêu thương mà Chúa Giêsu đã chiếu toả trong Cộng đoàn Kitô hữu, như ánh sáng rạng động chiếu toả trần gian. Bạn và tôi cùng bước đi trong ánh sáng và sự khôn ngoan của Lời Chúa.

Phó tế: GB Nguyễn Định-Huyền Đồng * johndvn@yahoo.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kết thúc năm thánh Phaolô tại Rôma
Bình Hòa
02:39 29/06/2009
Ngày chúa nhựt hôm qua, Đức thánh cha đã chủ sự hai buổi cầu nguyện với cộng đồng Dân Chúa: lần thứ nhất lúc đọc kinh Truyền tin vào hồi 12 giờ trưa tại quảng trường thánh Phêrô, và lần thứ hai lúc 6 giờ chiều khi chủ sự buổi hát kinh chiều Một của lễ trọng hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô tại đền thánh Phaolô ngoại thành. Một đề tài huấn giáo nối kết cả hai buổi cầu nguyện là Năm thánh Phaolô, nhưng với điều đặc biệt là bài huấn dụ vào ban trưa thì nhấn mạnh đến năm các linh mục vừa bắt đầu, còn vào buổi chiều thì điểm qua những thành quả của một năm sắp kết thúc.

Như quý vị đã biết, năm các linh mục đã được khai mạc với kinh chiều vọng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày 19/6, và đức Bênêđictô XVI đã dành buổi tiếp kiến chung hôm thứ tư vừa qua để nhắc lại ý nghĩa của nó. Bài huấn dụ trưa hôm qua muốn móc nối tư tưởng giữa Năm thánh Phaolô và năm các linh mục, đặc biệt là mẫu gương của thánh Phaolô cho các linh mục. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thấn mến

Với buổi kinh chiều Một lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô mà tôi sẽ chủ sự chiều nay tại vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, sẽ kết thúc năm thánh Phaolô được mở ra nhân dịp hai ngàn năm sinh nhật của vị Tông đồ muôn dân. Thật là một mùa hồng phúc, nhờ những cuộc hành hương, những buổi huấn giáo, những ấn phẩm được xuất bản và nhiều sáng kiến khác, bức chân dung của thánh Phaolô lại được trưng bày cho toàn thể Giáo hội, và sứ điệp hùng hồn của Người đã khơi dậy lòng say mê với Chúa Giêsu và với Tin mừng. Vì thế chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Năm thánh Phaolô và vì những hồng ân thiêng liêng mà nó mang đến.

Chúa quan phòng đã xếp đặt để một năm đặc biệt khác được mở ra cách đây mấy bữa, ngày 19 tháng 6, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, năm Linh mục, nhân dịp 150 năm tạ thế của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars. Tôi tin rằng đây sẽ là một sự thúc đẩy mới về tinh thần và mục vụ mang lại nhiều ơn ích cho dân Chúa và cách riêng cho các linh mục. Mục đích của năm Linh mục là gì? Như tôi đã viết trong bức tâm thư gửi các linh mục vào dịp này, năm Linh mục nhằm góp phần vào việc cổ võ cuộc đổi mới tâm linh của tất cả các linh mục ngõ hầu làm chứng tá mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn cho Tin mừng trong thế giới hôm nay. Thánh Phaolô tông đồ là một mẫu gương sáng ngời đáng bắt chước, không những về cuộc sống cụ thể - phải nhận ràng cuộc sống của Người quả là phi thường – mà còn trong việc bắt chước Chúa Giêsu, trong nhiệt tâm loan báo Tin mừng, trong sự tận tụy phục vụ cộng đoàn, trong việc phác hoạ những toát lược về thần học mục vụ. Thánh Phaolô là một tấm gương của một linh mục hoàn toàn đồng hóa với sứ vụ của mình – cũng như thánh Vianney về sau này -, ý thức rằng mình mang trong mình một kho tàng vô giá, đó là sứ điệp cứu độ, nhưng mang nó trong một “chiếc bình sành” (xc. 2Cr 4.7); vì thế Người vừa mạnh mẽ lại vừa khiêm tốn, xác tín tận thâm tâm rằng tất cả đều là do ân sủng của Chúa. Thánh Phaolô viết: “Tinh yêu Chúa Kitô chiếm đoạt tôi”. Điều này cũng có thể trở nên châm ngôn cho hết mọi linh mục, nghĩa là Thánh Linh đã “trói buộc” (xc. Cv 20,22) mình để biến thành một người quản nhiệm trung tín của các mầu nhiệm của Chúa (xc. 1Cr 4,1-2): linh mục phải là một con người thuộc trọn về Chúa Kitô, thuộc trọn về Giáo hội; linh mục được mời gọi dành trót con tim không chia sẻ để phục vụ Giáo hội, giống như một người chồng trung thành với người bạn trăm năm của mình.

Các bạn thân mến, cùng với các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria cầu bầu để xin Chúa ban muôn phúc dồi dào cho các linh mục trong năm Linh mục vừa bắt đầu. Thánh Gioan Maria Vianney rất sùng kinh và cổ động cho các tín hữu yêu mến Dức Mẹ. Xin Mẹ giúp cho mỗi linh mục làm sống lại hồng ân Chúa ban khi thụ phong, nhờ đó ngài tăng tiến trong đường thánh thiện và mau mắn làm chứng, kể cả bằng việc tử đạo, cho vẻ đẹp của cuộc dâng hiến toàn thân và dứt khoát cho Chúa Kitô và cho Giáo hội.---------

Tại Rôma năm thánh Phaolô được khai mạc và bế mạc với Kinh Chiều Một của lễ hai thánh Phêrô và Phaolô vì lý do dễ hiểu. Vào chính ngày lễ, Đức Thánh Cha phải chủ sự thánh lễ trọng thể tại trên mộ thánh Phêrô, vì thế không thể hiện diện tại đền thánh Phaolô nữa.

Trong bài giảng tiếp theo bài đọc Lời Chúa, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở rằng tuy rằng năm thánh Phaolô kết thúc, nhưng thánh tông đồ vẫn đồng hành với chúng ta trong việc hiểu biết Chúa Kitô, để từ đó cuộc sống chúng ta được chiếu sáng và đổi mới. Tư tưởng “canh tân đổi mới” được phân tích dựa trên vài đoạn văn tiêu biểu của các thư thánh tông đồ.

Đoạn văn thứ nhất là thư gửi tín hữu Rôma, chương 12 câu 2: “Anh em đừng rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa…”. Đoạn văn này nhấn mạnh đến việc “cải biến” và “đổi mới”. Chúng ta cần phải trở nên những con người mới, được biến đổi bằng một nếp sống mơi. Người ta luôn luôn thích đi tìm điều mới lạ, và không thỏa mãn với hiện tại. Thánh Phaolô nói cho chúng ta biết rằng: đừng mong gì sẽ gặp một thế giới mới nếu không có những con người mới. Chừng nào có những con người mới, thì mới có thế giới mới, một thế giới được đổi mới và tốt hơn. Cần bắt đầu với việc đổi mới con người. Điều này cần được áp dụng cho mỗi cá nhân, Chỉ khi nào chúng ta trở nên mới, thì thế giới mới đổi mới. Điều này có nghĩa là chúng ta không được rập theo đời này, không được chạy theo não trạng của thời đại. Nhưng thế nào là đổi mới? Liêụ chúng ta có sức đổi mới không?

Đoạn văn thứ hai, trích từ thư thứ hai gửi Corintô (chương 5,17) giúp cho chúng ta một chìa khóa, khi thánh Phaolô thuật lại cuộc đổi đời của mình nhờ gặp gỡ Đức Kitô phục sinh: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi”. Cuộc gặp gỡ ấy đã gây ra một sự xáo trộn trong cuộc đời của Phaolô, đến nỗi Người viết: “Tôi đã chết rồi” (Gl 2,19; xc Rm 6). Người đã trở nên mới, một con người khác, bởi vì không còn sống cho chính mình và sống nhờ sức của mình, nhưng sống cho Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Trong suốt cuộc đời, thánh Phaolô nhận thấy rằng cuộc canh tân và biến đổi là một tiến trình kéo dài. Chúng ta sẽ trở nên mới nếu chúng ta để cho Chúa Kitô chiếm đoạt và nhào nặn nên người mới. Đức Kitô là Con người mới.

Thánh Phaolô tiếp tục nói về sự đổi mới khi nói đến sự biến đổi trong lề lối suy tưởng. Người sử dụng từ ngữ Hy lạp “nous”, có nghĩa là “tinh thần, tâm thức, tâm tình, lý lẽ và đường lối suy tư”. Thánh nhân nói rằng chúng ta cần phải thay đổi cách thức lý luận. Thực ra hơi lạ, bởi vì chúng ta tưởng rằng chỉ cần thay đổi vài cách thức hành sử là đủ, nhưng Người muốn đi sâu xa hơn. Cần phải thay đổi tận gốc cách thức mà chúng ta nhìn thế giới, đánh giá thực tại. Lối suy tư cũ của người đời thường là nhắm đến sự chiếm đoạt, hưởng thụ, địa vị, quyền thế, danh giá. Nhưng cái nhìn đó quá thiển cận, bởi vì đặt cái “tôi” làm trung tâm. Cần phải đi xa hơn, đó là đi tìm cái gì là tốt đẹp đối với Chúa, đi tìm ý Chúa. Điều này đòi hỏi sự biến đổi toàn diện con người chúng ta. Chúng ta cần để cho tư tưởng và ý muốn của Thiên Chúa điều khiển cuộc đời chúng ta. Có như thế thì chúng ta mới nên con người mới, và từ đó nổi lên một thế giới mới.

Đức Thánh Cha trưng dẫn một đoạn văn nữa của thánh Phaolô để suy gẫm về sự đổi mới, đó là Ephêsô chương 4. Thánh tông đồ nhắn nhủ các tín hữu là trong đức Kitô, chúng ta đã đạt được tuổi trưởng thành. Vì thế đừng nên cư xử như những kẻ ấu trĩ, bị cuốn theo chiều gió. Đức tin trưởng thành có nghĩa là chấp nhận đạo lý đã được truyền thụ từ các thánh tông đồ, chứ không phải là thời trang của thế gian. Điều này đôi khi có nghĩa là đi ngược lại với sự tuyên truyền của dư luận, chẳng hạn như tôn trọng sự sống của thai nhi chứ không hủy diệt nó, tôn trọng sự chung thuỷ vợ chồng. Đức tin tưởng thành có nghĩa là hành động theo “sự thật trong bác ái” như thánh tông đồ viết ở câu 15. Đường lối tư duy mới có nghĩa là hướng theo sự thực, đối lại với gian dối. Dù sao, nếu muốn đổi mới cách tư duy, chúng ta cần phải nhìn lên Thiên Chúa, Đấng vừa là sự thật vừa là tình thương, cả hai đi đôi với nhau. Tình thương là tiêu chuẩn đo lường sự thực, và sự thực làm cho chúng ta biết yêu thương thật tình.

Trong phần cuối của bài suy niệm, đức thánh cha nêu bật rằng cuộc canh tân đổi mới là một tiến trình trong cuộc đời chúng ta. Điều này đòi hỏi sự củng cố con người nội tâm, như thánh Phaolô viết trong thư gửi Ephêsô 3,16. Một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thời đại hôm nay là sự trống rỗng nội tâm. Vì thế cần phải củng cố con người nội tâm, để có khả năng để đánh giá mọi vật với lý trí và con tim, để hành động trong lý trí và bác ái. Điều này đòi hỏi chúng ta phải sống thân mật với Thiên Chúa, qua việc gặp gỡ Chúa nhờ việc cầu nguyện và các bí tích. Nhờ đó, chúng ta sẽ hiểu biết tất cả chiều dài rộng cao sâu của tình yêu Chúa. Thánh Irênê giải thích bốn chiều kích đó như là thập giá của Chúa Kitô, chiều sâu của cái chết, chiều cao của sự tôn vinj, và hai chiều dài rộng để kéo dài ôm ấp tất cả nhân loại và vũ trụ. Tình yêu Chúa Kitô đã ôm ấp tất cả chúng ta.
 
Giáo Hội Việt Nam: tái thiết tâm hồn Kitô Giáo
Vũ Văn An
03:51 29/06/2009
La Croix (Thánh Giá) là một nhật báo Công Giáo Pháp, xuất bản tại Paris và được phân phối khắp nước Pháp, với số độc giả xấp xỉ 100,000. Về các vấn đề chính trị lớn, tờ báo tỏ ra không phóng khoáng cũng không bảo thủ, nhưng thường theo quan điểm của Giáo Hội mặc dầu thiên qua cấp tiến. Tuy nhiên, không thể coi tờ báo này là một tờ báo tôn giáo, vì các chủ đề của nó có tính tổng quát: tin tức thế giới, kinh tế, tôn giáo và tâm linh, làm cha mẹ, văn hóa và khoa học. Tờ báo đã được thành lập từ năm 1880 và hiện do công ty Bayard Presse sở hữu.

Trong mấy ngày gần đây, tờ báo này viết nhiều về Giáo Hội Việt Nam, nhất là trong dịp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tới Rôma thăm viếng Tòa Thánh theo Giáo Luật (Ad Limina). Ký giả Yves Kerihuel của tờ này đã lặn lội về tận Việt Nam để phỏng vấn một linh mục trọng tuổi là Cha Laurenxô Nguyễn Hân Quynh, hiện là chánh xứ Xuân Hòa, Tiên Lãng, thuộc Giáo Phận Hải Phòng. Cha Quynh thụ phong linh mục năm 1952 tại Paris, bạn cùng trường với Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger, cựu Tổng Giám Mục Paris, bị Cộng Sản Việt Nam quản chế 28 năm, đến tận năm 1988 mới được “thong dong” thi hành mục vụ.

Chúng tôi phóng dịch cuộc phỏng vấn của ký giả Kerihuel từ nguyên bản tiếng Pháp đã được đăng tải trên Vietcatholic.


Cha đã sống ra sao những năm khủng khiếp bắt đầu từ 1954?

Cha Quynh: Tôi đã có thể cầm cự đến năm 1960, vì tôi biết Hồ Chí Minh. Sau đó, Đảng đã đặt các đảng viên của họ vào các giáo xứ, và (thế là) người công giáo chống đối đều bị bắt. Chỉ riêng giáo phận Hải Phòng mà thôi, 2,000 linh mục và giáo dân đã bị cầm tù, đến nỗi chỉ còn lại 3 linh mục. Phải nói rằng, hơn một triệu người đã tản cư về Hải Phòng để đáp tầu suôi Nam, một khu vực đã trở thành khu kháng chiến cuối cùng.

Ở đây, người ta đã kinh qua những cuộc bách hại thảm khốc. Năm 1960, tôi bị quản chế tại một thôn làng: việc ấy còn tệ hơn nhà tù nữa vì ở nhà tù các linh mục còn cầm cự được. Tôi hoàn toàn bị cô lập trong 28 năm. Việc ấy giúp tôi cơ hội đọc trọn bộ Lénine và trọn bộ Marx ! (Cười). Tuy nhiên người ta cho phép tôi giữ sách nguyện và Thánh Kinh. Đêm nào, tôi cũng làm lễ dưới ánh sáng một ngọn nến, và luôn có hai hay ba giáo dân lén lút tới tham dự.

Năm 1988, nhờ sự kiện có những thay đổi trong xu hướng chính trị, việc quản chế tôi được chấm dứt. Thực vậy, các cán bộ từng được Đảng chỉ định quản lý các giáo xứ đã thôi không làm thế nữa vì họ hiểu rõ việc ấy chỉ thất bại mà thôi. Trong suốt 28 năm giam giữ ấy, tôi không bao giờ cảm thấy hận thù gì người cộng sản.

Cha làm sao làm thế được?

Tôi cố gắng làm một linh mục chân chính của Chúa Kitô trước mặt các kẻ thù của Người. Những người canh giữ tôi đã trở thành bạn hữu của tôi. Ngoài ra, một số còn tiếp tục tới đây thăm tôi nữa… Trong khu vực, có cả hàng trăm Kitô hữu trở thành đảng viên; ngày nay, họ đã trở lại với đức tin và Chúa Nhật nào cũng tham dự thánh lễ. Vào lễ Phục Sinh, lễ Giáng Sinh hay ngày Tết, hàng chục những người khác tới tặng tôi quà cáp. Tôi tin rằng các nhà chức trách địa phương đã hiểu ra rằng hợp tác với Giáo Hội, thì họ có lợi nhiều hơn là khủng bố Giáo Hội. Thực tế, tại khắp nơi, các mối liên hệ giữa Đảng và Giáo Hội đã trở nên thân thiện hơn, ngoại trừ giáo xứ Thái Hà, ở Hà Nội, nơi các căng thẳng vẫn còn sống động.

Cha từng là bạn của Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger. Làm sao cha biết ngài?

Chúng tôi cùng ở với nhau tại chủng viện Carmes ở Paris, nơi tôi được thụ phong năm 1952. Tôi được gặp lại ngài năm 1989, rồi năm 2006, một năm trước khi ngài qua đời. Tôi hỏi ngài, trong 25 năm qua, đã làm gì để “nâng cao” giáo phận Paris. Ngài trả lời tôi rằng giáo phận này đã ngưng không rơi nữa, nhưng “lên cao thì chưa”. Ngài lưu ý tôi tới sự kiện này là mặc dù bề ngoài có vẻ phồn thịnh, nhưng Giáo Hội Việt Nam cũng đang trên đà suy yếu. Ngài nói với tôi: “Từ đây tới 30 năm sau, Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng sẽ như Paris”.

Theo ngài, không phải chủ nghĩa cộng sản sẽ làm đức tin Kitô Giáo mất đi, nhưng là chủ nghĩa tiêu thụ. Khi một dân tộc nghèo tự mở cửa cho nền văn minh hưởng nhàn và tiêu thụ, thì tinh thần tôn giáo sẽ mất đi. Đức hồng y Lustiger khuyến khích tôi hành động để tránh cho Giáo Hội Việt Nam khỏi suy yếu.

Không phải ấn tượng nó đưa ra, vào lúc này …

Chắc chắn, các giáo xứ của chúng tôi đầy người, nhưng phần lớn tín hữu đã ngoài 50 tuổi. Chắc chắn, chúng tôi đang có nhiều chủng sinh, nhưng từ mấy năm nay, mỗi ngày họ một ít đi. Chắc chắn, các cử hành của chúng tôi tại thôn quê vào dịp Giáng Sinh hay Phục Sinh với những cuộc rước kiệu và đình đám vốn lôi cuốn từ 3 tới 4 nghìn người, nhưng những hình thức Kitô Giáo thôn làng này không còn lôi cuốn giới trẻ được nữa. Phải duy trì các thế hệ trẻ và muốn được như thế, chúng tôi không cần tiền bạc lẫn đất đai, mà là giáo dục và đào tạo tôn giáo. Từ ngoại quốc, người ta đang giúp chúng tôi tái thiết các nhà thờ, nhưng họ cần giúp chúng tôi tái thiết chính tâm hồn Kitô Giáo.

Làm thế nào ngăn chặn việc mất đức tin nơi người Việt Nam?

Trước nhất phải cầu nguyện và dạy dỗ. Việc phúc âm hóa phải qua đào tạo. Trong hơn 30 năm nay, do việc đóng cửa các chủng viện, trình độ trí thức của hàng giáo sĩ và giáo dân đã xuống thấp. Từ hơn chục năm nay, các giám mục của chúng tôi đã được đào tạo tốt hơn, bởi các ngài đã được học tại ngoại quốc, nhưng cần phải đợi cả mười năm nữa để các ngài có cơ hội thi hành công việc giám mục của các ngài. Còn đối với các linh mục của chúng tôi, xét chung, họ vẫn còn thiếu đào tạo, không hẳn vì họ lơ là nền văn chương và văn hóa của xứ sở. Cho nên, thế hệ linh mục mới cần phải thu lượm được một nền tảng vững chắc về thần học và triết học. Phần đông các giám mục của chúng tôi đã hiểu việc ấy và đang cố gắng gửi các chủng sinh qua Paris, Rome và Hoa Kỳ.

Điều ấy có đủ để tránh cho Giáo Hội tại Việt Nam các khó khăn của Tây Phương không?

Từ một thế kỷ nay, tỷ lệ người Công Giáo ở Việt Nam không tăng tiến: nó vẫn là 6.5% vào năm 1886 (650,000 người Công Giáo so với 10 triệu dân cư) và 6.5% vào năm 2000 (5 triệu người Công Giáo so với 77 triệu dân cư). Và điều này là vì người ta vẫn tiếp tục rao giảng một thứ Kitô Giáo của Phương Tây. Tại đây, Giáo Hội đổ lỗi cho Phật Giáo, cho Khổng Giáo, cho việc thờ cúng tổ tiên… Cần phải làm cho đức tin lâu đời của Giáo Hội dính chặt vào tư tưởng Việt Nam và vào truyền thống tổ tiên.

Với tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục “Ecclesia in Asia” (Giáo Hội Tại Á Châu) năm 1999, Đức Gioan Phaolô II đã khuyến khích phải làm việc trong chiều hướng trên, một cách kiên nhẫn và khôn ngoan. Và đó là điều tôi từng cố gắng thực hiện ở đây từ 12 năm nay. Mỗi tuần, khoảng 60 người cả nam lẫn nữ, mà chính tôi đã đào tạo, lên đường tới các làng mạc để phúc âm hóa. Kết quả: đã có 8,000 người trở lại và chịu phép rửa tội (ngoài các cặp hôn nhân hỗn hợp). Trong một làng kia cách đây 5 cây số, chúng tôi sắp xây một nhà thờ cho 800 tín hữu, trong khi cách nay 12 năm, ở đó chỉ có 4 người Công Giáo.

Yves Kerihuel ghi tại Hải Phòng

(Nguồn: http://www.la-croix.com/article/index.jsp?docId=2378650&rubId=4078)
 
Đức Thánh Cha hỗ trợ chiến dịch của Liên Hiệp Quốc nhằm chấm dứt việc sử dụng các trẻ em làm chiến binh
Bùi Hữu Thư
04:03 29/06/2009
VATICAN (CNS) – Đức Thánh Cha Benedict XVI chính thức bầy tỏ sự hỗ trợ của ngài đối với các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn việc tuyển mộ và sử dụng các trẻ em làm binh sĩ và nói ngài cầu nguyện hàng ngày cho các trẻ em đang chịu đau khổ trên khắp thế giới.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày 24 tháng 6, Đức Thánh Cha tiếp ông Radhika Coormaraswamy, đại biểu của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc về Các Trẻ Em Trong Các Chiến Cuộc, ông được tháp tùng bởi Grace Akallo và Kon Kelei, hai cựu chiến binh trẻ em.

Đức Thánh Cha nói với nhóm này là ngài “hoan nghênh việc cam kết bảo vệ các trẻ em nạn nhân của bạo tàn và vũ khí."

Ngài nói, "Tôi nhớ đến tất cả các trẻ em trên thế giới, nhất là những em phải chịu đựng những sợ hãi, bị bỏ rơi, đói khát, bị hành hung, bệnh tật, và chết chóc. Đức Thánh Cha luôn luôn rất gần gũi với các nạn nhân bé nhỏ này và nhớ đến chúng trong kinh nguyện hàng ngày của ngài.”

Với Akallo, bây giờ là một sinh viên Cao Học tại Hoa Kỳ, tiếng nói của Đức Thánh Cha rất quan trọng.

Khi em bị loạn quân thuộc Kháng Chiến Quân Uganda bắt cóc năm 1996, em nói, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã công khai kêu gọi việc giải phóng em và các trẻ gái khác bị bắt đi từ một Trường Công Giáo.

Em nói, "Tiếng nói của ngài cũng đủ. Khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô lên tiếng về việc chúng em bị bắt cóc, toàn thể thế giới đều nghe biết. Ngay cả loạn quân cũng hay biết. Họ rất tức giận và hỏi, “Chúng mày là ai mà cả Đức Thánh Cha cũng đang nói về chúng mày?"

Vào buổi chiều sau khi được Đức Thánh Cha Benedict tiếp kiến, Akallo và các bạn trình bầy trong một buổi họp về nhu cầu gia tăng việc bảo vệ trẻ em trong thời chiến và cung cấp các chương trình trị liệu phục hồi cho các em đã bị bó buộc phải cầm súng.

Trong buổi họp được Cộng Đồng Sant’Egidio có trụ sở tại Rôma tổ chức, bà Coormaraswamy nói văn phòng của bà ước tính có khoảng 250.000 trẻ em hiện đang bị sử dụng làm binh sĩ trong các trận chiến và tranh chấp du kích trên thế giới.

Bà nói, “Ước tính này đã giảm đi 50.000 trong 10 năm qua, vì chiến cuộc tại Sierra Leone và Liberia.”

Vị đại biểu của Liên Hiệp Quốc cho hay các cộng đồng đức tin hết sức thiết yếu trong sự ngăn chặn việc sử dụng trẻ em trong chiến tranh và trong thể thức lâu dài nhắm giúp dỡ các trẻ em nạn nhân phục hồi sau khi chịu đựng các kinh nghiệm bi thảm vì phải tham gia vào việc giết chóc và cướp bóc, và bị bạo hành tính dục bởi các tên lính lớn tuổi hơn.

Bà nói, "Các cộng đồng đức tin là các mạng luới truyền thông.”

Họ đóng một phần quan trọng trong “một hệ thống tiên báo” chia sẻ và thông tin về các vụ bắt cóc hay ám sát trẻ em, giáo dục các phụ huynh và trẻ em về các mưu toan tuyển mộ và đảm bảo rằng các trường học do các giáo hội cai quản là “những khu vực an toàn."

Nữ tu Dòng Thánh Tâm Rosemary Nyerumbe, điều hành một trung tâm dành cho các cựu chiến binh trẻ em tại miền bắc Uganda, nói trong 21 năm chiến cuộc với Kháng Chiến Quân “không ai đề cập đến các em gái bị bắt lính,” chúng bị duy trì như các thê thiếp và cũng phải cầm súng như là binh sĩ.

Sơ Nyerumbe nói, “Giúp đỡ các em đã trốn thoát trở về một đời sống bình thường là một thách đố lớn lao. Chúng mang những dấu tích và thường bị chính gia đình chúng từ bỏ.” Sơ Nyerumbe điềi khiển Trung Tâm Thánh Monica ở Gulu, Uganda, nơi trú ngụ của các nạn nhân và giúp đỡ các trẻ gái đã trốn thoát.

Sơ nói, "Chúng ta có bổn phận phải phục hồi phẩm giá của các trẻ em này.”
 
Top Stories
Vietnam: Visite ad limina, discours de Benoît XVI
VietCatholic Network
00:54 29/06/2009
Monsieur le Cardinal,

Chers Frères dans l'Épiscopat,


C'est avec grande joie que je vous accueille, pasteurs de l'Eglise catholique qui est au Viêt-Nam. Notre rencontre prend une signification particulière en ces jours où l'Eglise tout entière célèbre la solennité des Apôtres Pierre et Paul, et elle est pour moi de grand réconfort car je connais les liens profonds de fidélité et d'amour que les fidèles de votre pays nourrissent pour l'Eglise et pour le Pape.

C'est auprès des tombeaux de ces deux Princes des Apôtres, que vous êtes venus manifester votre communion avec le Successeur de Pierre et renforcer l'unité qui doit toujours demeurer entre vous et qui doit grandir encore. Je remercie le Président de votre Conférence épiscopale, Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, évêque de Dalat, pour les aimables paroles qu'il m'a adressées en votre nom. Permettez-moi de saluer particulièrement les Évêques qui ont été nommés depuis votre dernière visite ad limina. Je voudrais aussi faire mémoire du vénéré Cardinal Paul Joseph Pham Dinh Tung, Archevêque de Hà Nôi pendant de nombreuses années. Avec vous, je rends grâce à Dieu pour le zèle pastoral qu'il a déployé avec humilité dans un amour paternel profond pour son peuple et une grande fraternité pour ses prêtres. Que l'exemple de sainteté, d'humilité, de simplicité de vie des grands pasteurs de votre pays soient pour vous des stimulants dans votre ministère épiscopal au service du peuple vietnamien, auquel je voudrais manifester ma profonde estime.

Chers Frères dans l'épiscopat, il y a quelques jours a débuté l'Année du Sacerdoce. Elle permettra de mettre en lumière la grandeur et la beauté du ministère des prêtres. Je vous saurais gré de bien vouloir remercier les prêtres diocésains et religieux de votre cher pays pour leur vie consacrée au Seigneur et pour leurs efforts pastoraux en vue de la sanctification du Peuple de Dieu. Ayez souci d'eux, soyez pour eux pleins de compréhension et aidez-les à compléter leur formation permanente. Pour être un guide authentique et conforme au cœur de Dieu et à l'enseignement de l'Eglise, le prêtre doit approfondir sa vie intérieure et tendre à la sainteté comme l'humble curé d'Ars l'a montré. La floraison des vocations sacerdotales et religieuses, notamment dans la vie consacrée féminine, est un don de la part du Seigneur pour votre Eglise. Rendons grâce à Dieu pour leurs charismes propres que vous encouragez en les respectant et en les promouvant.

Dans votre Lettre pastorale de l'année dernière vous avez montré une attention particulière aux fidèles laïcs en mettant en évidence le rôle de leur vocation dans le domaine familial. Il est souhaitable que chaque famille catholique, enseignant aux enfants à vivre en accord avec une conscience droite, dans la loyauté et la vérité, devienne un foyer de valeurs et de vertus humaines, une école de foi et d'amour pour Dieu. Quant à eux, les laïcs catholiques devraient démontrer par leur vie basée sur la charité, l'honnêteté, l'amour du bien commun, qu'un bon catholique est aussi un bon citoyen. Pour cela vous veillez attentivement à leur bonne formation en promouvant leur vie de foi et leur niveau culturel afin qu'ils puissent servir efficacement l'Eglise et la société. Je voudrais confier de manière particulière à votre sollicitude les jeunes, notamment les jeunes ruraux qui sont attirés par la ville pour y poursuivre des études supérieures et pour y trouver du travail. Il serait souhaitable de développer une pastorale appropriée pour ces jeunes migrants internes en commençant par renforcer, là aussi, la collaboration entre les diocèses d'origine des jeunes et les diocèses d'accueil et en leur prodiguant des conseils éthiques et des directives pratiques.

L'Eglise qui est au Viêt-Nam se prépare actuellement à la célébration du cinquantième anniversaire de l'érection de la hiérarchie épiscopale vietnamienne. Cette célébration qui sera marquée tout spécialement par l'Année jubilaire 2010 pourra lui permettre de partager avec enthousiasme la joie de la foi avec tous les Vietnamiens en renouvelant ses engagements missionnaires. A cette occasion le peuple de Dieu doit être invité à rendre grâce pour le don de la foi en Jésus-Christ. Ce don a été accueilli généreusement, vécu et témoigné par de nombreux martyrs, qui ont voulu proclamer la vérité et l'universalité de la foi en Dieu. En ce sens, le témoignage rendu au Christ est un service suprême que l'Eglise peut offrir au Viêt-Nam et à tous les peuples d'Asie, parce qu'il répond à la recherche profonde de la vérité et des valeurs qui garantissent le développement humain intégral (cf. Ecclesia in Asia). Devant les nombreux défis que ce témoignage rencontre actuellement, une collaboration plus étroite est nécessaire entre les différents diocèses, entre les diocèses et les congrégations religieuses, de même qu'entre ces dernières elles-mêmes.

La Lettre Pastorale que votre Conférence épiscopale a publiée en 1980, insiste sur « l'Eglise du Christ au milieu de son Peuple ». En apportant sa spécificité - l'annonce de la Bonne Nouvelle du Christ -, l'Eglise contribue au développement humain et spirituel des personnes, mais également au développement du pays. Sa participation à ce processus est un devoir et une contribution importante surtout au moment où le Viêt-Nam connaît une progressive ouverture à la communauté internationale.

Vous savez comme moi qu'une saine collaboration entre l'Eglise et la communauté politique est possible. A ce propos, l'Eglise invite tous ses membres à s'engager loyalement pour l'édification d'une société juste, solidaire et équitable. Elle n'entend nullement se substituer aux responsables gouvernementaux, souhaitant seulement pouvoir, dans un esprit de dialogue et de collaboration respectueuse, prendre une juste part à la vie de la nation, au service de tout le peuple. En participant activement, à la place qui lui revient et selon sa vocation spécifique, l'Eglise ne peut jamais se dispenser de l'exercice de la charité en tant qu'activité organisée des croyants et, d'autre part, il n'y aura jamais une situation dans laquelle on n'aura pas besoin de la charité de chaque chrétien, car l'homme, au-delà de la justice, a et aura toujours besoin de l'amour (Deus caritas est, n. 29). En outre, il me semble important de souligner que les religions ne présentent pas un danger pour l'unité de la nation, car elles visent à aider l'individu à se sanctifier et, à travers leurs institutions, elles désirent se mettre généreusement et de manière désintéressée au service du prochain.

Monsieur le Cardinal, chers Frères dans l'épiscopat, à votre retour dans votre pays, transmettez le salut chaleureux du Pape aux prêtres, aux religieux, aux religieuses, aux séminaristes, aux catéchistes et à tous les fidèles, surtout aux plus pauvres et à ceux qui souffrent physiquement et spirituellement. Je les encourage vivement à demeurer fidèles à la foi reçue des Apôtres dont ils sont les témoins généreux dans des conditions souvent difficiles et à démontrer l'humble fermeté que l'Exhortation apostolique « Ecclesia in Asia » (n. 9) leur a reconnu comme une caractéristique. Que l'Esprit du Seigneur soit leur guide et leur force ! Vous confiant à la protection maternelle de Notre-Dame de La-Vang et à l'intercession des saints Martyrs du Viêt-Nam, j'accorde à tous une affectueuse Bénédiction apostolique.

Texte original: Français
 
VIETNAM: En visite à Rome, les évêques vietnamiens invitent le souverain pontife à accomplir un voyage dans leur pays
Eglises d'Asie
18:05 29/06/2009
Le 27 juin 2009, à midi, le pape Benoît XVI a reçu les trois archevêques (dont un cardinal) et les 26 évêques du Vietnam venus à Rome pour y accomplir leur visite ad limina. Bien que l’adresse au pape prononcée par le président de la Conférence épiscopale vietnamienne, Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, à cette occasion et la réponse de Benoît XVI aient été relativement courtes, les thèmes abordés dans les deux textes (1) ont touché à des aspects concrets de la situation actuelle de l’Eglise de ce pays d’Asie. Mgr Nhon, à la fin de son allocution, a fait part à son interlocuteur du désir des pasteurs et du laïcat au Vietnam de l’accueillir sur le sol de leur pays et, plus particulièrement, au centre de pèlerinage marial de La Vang.

L’adresse du président de la Conférence épiscopale a été surtout consacrée à présenter au Souverain Pontife l’année jubilaire 2010, que l’Eglise du Vietnam s’apprête à vivre à partir du 29 novembre 2009, fête des saints martyrs du Vietnam. L’évêque a précisé que cette année était destinée à commémorer le 350ème anniversaire de la création des deux premiers vicariats apostoliques au Tonkin et en Cochinchine (la partie nord et la partie sud du Vietnam), dont les deux premiers responsables furent Mgr François Pallu et Mgr Pierre Lambert de La Motte, fondateurs des Missions Etrangères de Paris, ainsi que le 50ème anniversaire de l’établissement de la hiérarchie au Vietnam en 1960, alors que le Vietnam était encore divisé en deux Etats. Cette commémoration, a ajouté l’actuel responsable de la Conférence épiscopale, ne vise pas à enfermer la communauté catholique dans son passé mais à la guider « sur les chemins nouveaux du temps présent et de l’avenir ». L’Eglise du Vietnam se trouve en effet aujourd’hui à un nouveau tournant de son histoire, qui exige d’elle qu’elle « grandisse dans la foi, se construise dans la charité et s’engage résolument dans l’évangélisation du monde (…) ».

Dans son allocution aux évêques vietnamiens (1), le pape a témoigné d’une grande connaissance des réalités de l’Eglise du Vietnam. Il a fait un éloge appuyé du cardinal Pham Dinh Tung, ancien archevêque de Hanoi, récemment décédé; il a commenté la dernière lettre commune de la Conférence épiscopale ainsi que la première de 1980; il a longuement évoqué l’année sainte 2010, dont il a répété et approuvé les objectifs.

Benoît XVI s’est également montré très au courant des problèmes et difficultés rencontrés par la communauté catholique au Vietnam. Un paragraphe du discours du pape était consacré aux rapports de l’Eglise et de la communauté politique. L’Eglise, souligne le pape, doit « prendre une juste part à la vie de la nation, au service de tout le peuple ». En outre, « l’Eglise ne peut jamais se dispenser de l’exercice de la charité en tant qu’activité organisée des croyants ». Le pape n’a pas répondu publiquement à l’invitation à accomplir en voyage au Vietnam, formulée par le président de la Conférence épiscopale. Mais peut-être cette réponse sera-t-elle donnée discrètement et par d’autres voies.

(1) Ces deux textes ont été publiés en français dans le Bulletin de presse du Saint-Siège (27 juin 2009); une traduction vietnamienne par le P. Tran Duc Anh a été diffusée par Radio Vatican, émissions en langue vietnamienne.

(Source: Eglises d'Asie, 29 juin 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Hội giáo phận Nha Trang tổ chức tổng kết năm học giáo lý
Antôn Minh Dũng
18:18 29/06/2009
NHA TRANG - Sau khi tổ chức cho 36 em lớp Sơ Cấp II rước lễ lần đầu vào Chúa nhật 21/6/2009 kính trọng thể Thánh Tâm Chúa Giêsu, Bổn Mạng của giáo xứ, vào ngày 28/6/2009, giáo xứ Tân Hội đã tổ chức tổng kết năm học giáo lý và phát thưởng cho các em.

Về học giáo lý có 82 em từ lớp Đồng Cỏ Non đến lớp Vào Đời được khen thưởng. Mỗi lớp có 5 em được khen thưởng về thành tích đã học giáo lý giỏi và chuyên cần.Về học văn hóa có 89 em được khen thưởng. Đó là những em từ lớp Một đến lớp Chín đạt danh hiệu Học Sinh Giỏi cả năm học. Các em từ lớp Mười đến lớp Mười Hai chỉ cần đạt danh hiệu Học Sinh Tiên Tiến cũng được giáo xứ khen thưởng.

Quà thưởng của giáo xứ tuy không lớn lao gì, tuy nhiên chúng gói ghém rất nhiều tình cảm và hy vọng của Cha Sở, quý Xơ, Hội Đồng Giáo Xứ và quý Giáo Lý Viên dành cho các em. Vì thế, sau khi nhận phần thưởng, một em đã đại diện bày tỏ tâm tình kính mến và biết ơn chân thành của các em. Các em cầu xin Thiên Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho Cha Sở, quý Xơ, quý Hội Đồng Giáo Xứ và quý Giáo Lý Viên. Các em cũng xin hứa sẽ cố gắng ngoan ngoãn hơn, siêng năng đọc kinh đi lễ, chuyên cần học giáo lý và văn hóa để càng thêm tuổi các em càng có thêm nhân cách và được mọi người thương mến.

Bước sang ngày 29/6/2009 là lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Bổn Mạng của Cha Sở. Bà con giáo dân đã đi lễ rất đông để chúc mừng và cầu nguyện cho Cha. Xin Thiên Chúa, nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của Thánh Cả Phêrô, gìn giữ Cha luôn thánh thiện và nhiệt thành trong sứ vụ linh mục, để Cha có thể mang lại thật nhiều ơn ích cho đoàn chiên Chúa giao phó.

Sau thánh lễ, cộng đoàn đã tập trung trước nhà xứ để tham dự nghi thức làm phép tượng Thánh Cả Phêrô. Xin Thánh Cả Phêrô cầu bầu cùng Chúa cho giáo xứ chúng con ngày càng thêm vững tin vào Chúa, luôn sống đoàn kết, yêu thương và hăng say làm chứng về Chúa cho anh chị em lương dân đang sống xung quanh chúng con.

Buổi lễ mừng Bổn Mạng Cha Sở đã kết thúc trong bầu không khí hân hoan, hiệp thông, chia sẻ, chan hòa tâm tình cảm tạ tri ân và lạc quan tin tưởng về tương lai tốt đẹp của giáo xứ.
 
Ngày hội Di dân hạt Can Lộc giáo phận Vinh
Tran Kim Ngoc, OP
18:24 29/06/2009
VINH - Chúa nhật ngày 28/06/2009, gần 1000 anh chị em di dân của mười giáo xứ trong hạt Can Lộc thuộc giáo phận Vinh đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn đến dự ngày họp mặt sinh hoạt tại tu viện Mân Côi Gò Vấp (Dòng Đa Minh) với chủ đề: “Anh em hãy làm việc này”.

Ngày hội di dân diễn ra trong bầu khí vui tươi, huynh đệ và ấm áp với những sinh hoạt thể thao vào buổi sáng, văn nghệ dân quê vào buổi trưa, chia sẻ những vấn đề cuộc sống vào buổi chiều. Cao điểm của ngày hội là thánh lễ với sự chủ tế của cha đặc trách di dân của giáo hạt cùng đồng tế có cha đặc trách di dân của giáo phận và cha đồng hương Can Lộc. Kết thúc ngày hội là nghi thức tuyên thệ của anh chị em trong ban điều hành nhiệm kỳ 2009-2010.

Nét đặc biệt đầu tiên trong ngày hội di dân là phần diễn đàn “Ve Chai” của các nhóm sống rải rác ở khắp thành phố và ở Bình Dương. Đặc biệt là ở chỗ: anh chị em trong mấy tháng gần đây đã tích cực đi thu nhặt những cái ve chai bán để lấy tiền mua quà cho anh chị em nghèo dân tộc, ở quê nghèo. Những công việc anh chị em làm, tuy nhỏ nhưng gây ấn tượng đẹp nơi người dân trong các khu phố và các khu công nghiệp. Anh chị em đều là những sinh viên, công nhân trẻ đẹp mà lại đi nhặt ve chai, điều này làm cho những người chứng kiến ngạc nhiên và thắc mắc. Thấy anh chị em thường xuyên đi nhặt ve chai như thế nhiều người đến hỏi, và khi biết được anh chị em làm như thế thì người ta cảm phục, có người sẵn sàng giúp đỡ anh chị em bằng những hiện vật để anh chị em có điều kiện đến với người nghèo hơn. Ý thưởng khởi đầu của anh chị em rất đơn sơ là nhằm kiếm tiền để mua sách vở cho các em nghèo ở thôn quê, nhưng công việc ngày càng mở rộng ra. Trong diễn đàn, thầy Dòng Đa Minh đã nói lên ý nghĩa và mục đích của việc nhặt ve chai: Việc anh chị em làm tuy rất tầm thường nhưng lại phác họa lên một hình ảnh đẹp về người trẻ Công Giáo; với việc làm đơn sơ đó, anh chị em đang góp phần vào việc rao truyền Tin Mừng yêu thương của Đức Kitô cho anh chị em không Công Giáo, đang góp phần vào việc làm sạch và bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần làm công tác bác ái đối với những người nghèo. Với những mục đích và ý nghĩa như thế, anh chị em quyết tâm tiếp tục công việc đó để làm cho men Tin Mừng tiếp tục lan tỏa nơi các khu phố và các khu công nghiệp. Đó chính là nội dung của chủ đề “Anh em hãy làm việc này”.

Nét đặc biệt thứ hai là nghi thức tuyên thệ của ban điều hành mới. Anh chị em đều nói lên quyết tâm dấn thân vào công việc chung, sẵn sàng tham gia vào các sinh hoạt và công tác bác ái của nhóm mình.

Kết thúc ngày hội di dân, anh chị em ra về trong niềm vui và sẵn sàng cho một cuộc lên đường dấn thân phục vụ mới nơi cuộc sống trong các đại học và các khu công nghiệp. Ước mong và cầu chúc cho giới di dân Can Lộc tiếp tục giữ vững tinh thần hi sinh phục vụ Giáo Hội trong tình yêu thương và liên đới Kitô giáo.
 
Lễ Mình Thánh Chúa tại giáo xứ Kim Lâm giáo phận Vinh
Tân Lập
19:08 29/06/2009
VINH - Lúc 6 giờ 30 ngày 28 tháng 6 năm 2009, tại nhà thờ giáo xứ Kim Lâm, giáo phận Vinh, linh mục Phaolô Bùi Đình Cao, giáo sư đại chủng viện Vinh Thanh chủ sự thánh lễ Mình Thánh Chúa Kitô, bế mạc tuần đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể của giáo xứ thay cho giáo phận. Cùng đồng tế thánh lễ còn có đông đảo các Cha trong và ngoài hạt Can Lộc trước sự tham dự tích cực của rất đông bà con giáo hữu.

Diễn ra trong những ngày cuối cùng của tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu, nằm trong thời gian của năm thánh linh mục, và trong giai đoạn chuẩn bị cho năm thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam, tuần đền tạ, nhất là thánh lễ cao điểm này diễn ra trong bầu khí trang trọng, sốt sắng và nhiều ý nghĩa. Các chủ đề thời sự đó lần lượt được triển khai không chỉ trong cách trang hoàng, mà quan trọng là trong các cử hành phụng vụ, nhất là trong các bài chia sẻ, bài tĩnh tâm cũng như mọi sinh hoạt liên quan khác của tuần chầu. Trong phần khai lễ, linh mục chủ tế đã nói rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của tuần chầu. Theo Ngài “Chầu lượt là thời gian quan trọng nhất giúp chúng ta tĩnh tâm, để tôn vinh, để tạ ơn, để đền tội và để cầu xin, nhờ đó mà sống tốt bổn phận làm người và làm người Kitô hữu”.

Nhắc lại tâm tình tuần chầu lượt trong bài giảng lễ, linh mục Phêrô Nguyễn Huy Hoàng, quản hạt Can Lộc, đã đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu vì tội lỗi của nhân loại ngày càng chồng chất và phức tạp hơn. Theo Ngài, “Thánh Tâm Chúa Giêsu vẫn đang liên lỉ bị đâm thâu bởi các tội dững dưng, tội vô thần, tội phản bội, tội huỷ hoại sự sống và rất nhiều tội thời đại khác mới. Là con cái “trong nhà”, hơn ai hết, chúng ta cần đền bù phạt tạ những sự vong ơn bội nghĩa đó, xin Chúa thứ tha cho nhân loại”.

Được biết, giáo xứ Kim Lâm được thành lập từ năm 1927, tách từ giáo xứ Tràng Đình. Hiện nay, Kim Lâm đã có hơn 4000 giáo dân, chia làm 4 họ là Kim Lâm, Tân Lập, Vịnh Lộc và Văn Thọ; sống tập trung chủ yếu ở ba xã Vượng Lộc, Thanh Lộc và thị trấn Nghèn; linh mục quản xứ hiện nay là Cha Lu-y Nguyễn Văn Nga.

Năm nay, ngoài các hoạt động của tuần chầu như thường lệ mà giáo xứ đã long trọng thực hiện trong suốt tuần vừa qua, để chào mừng ngày đại lễ chầu lượt của mình, trong tâm tình tôn vinh và tạ ơn Chúa Giêsu Thánh Thánh Thể; đáp lại lời mời gọi của Hội Đông Giám Mục Việt Nam là đem Lời Chúa áp dụng sâu rộng vào trong đời sống thường ngày; với hy vọng thắp sáng niềm tin, xây dựng niềm hy vọng; cũng cố sự hiểu biết về năm giáo dục gia đình; trong tinh thần giao lưu học hỏi lẫn nhau, mở rộng và kéo dài tình yêu thương đoàn kết, tối 27/6/2009, giáo xứ Kim Lâm đã tổ chức thi đố Giáo lý thông qua chương trình RUNG CHUÔNG VÀNG. Xen lẫn vào đó là những lời ca, điệu múa, câu thơ rất đỗi thân quen bình dị của “cây nhà lá vườn”.

Và những ai có mặt trong đêm canh thức đó đã không thể không hoà nhịp vào cung điệu hát cùng Giêsu, để hát mừng Giêsu cứu Chúa, là hát về tình yêu; hát về sự bao dung tha thứ; hát về niềm tin, niềm hy vọng; hát về sự khát khao cho tự do, công lý và hoà bình; hát cho được ấm no và hạnh phúc cho bản thân và gia đình.

Tuần đền tạ Chúa Thánh Thể của giáo xứ Kim Lâm khép lại trong niềm vui sướng hạnh phúc của mỗi một người vì họ đã được “ăn bánh no nê” (xMt 1, 13-20); tương lai mới của Kim Lâm đã được gửi trọn cho Chúa, để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, mọi người sẽ được hạnh phúc và bình an hơn.
 
Sau 40 năm có Thánh lễ đầu tiên tại giáo họ Bình Hải giáo phận Hải Phòng
Thanh Tuấn
23:38 29/06/2009
HẢI PHÒNG - Giáo họ Bình Hải thuộc giáo xứ An Hải, nằm trên khu vực Phường Máy Chai, Quận Ngô Quyền, Thành Phố Hải Phòng. Trước đây Giáo Họ Bình Hải khá sầm uất, một ngôi nhà thờ rất đẹp, số giáo dân đông đúc gồm anh chị em công nhân làm việc tại một số nhà máy đóng trên địa bàn này và cùng với một số giáo dân làm nghề chài lưới, sau biến cố di cư năm 1954 cùng với sự tàn phá của chiến tranh nên Nhà thờ Bình Hải bị phá huỷ và bị chiếm dụng.

Hiện nay, ngôi nhà thờ Bình Hải đã bị chiếm dụng, số giáo dân khoảng gần bốn trăm, phần lớn là giới công nhân, anh chị em di dân từ các tỉnh, Thành phố khác về đây làm ăn sinh sống, cùng với một số gia đình làm nghề chài lưới ở khu vực Cảng Cá.

Vì không có Nhà thờ và không có Thánh lễ nên Giáo dân ở đây rất vất vả khi phải đi tham dự Thánh lễ tại một số nhà thờ khác trong Thành phố, nhiều người già yếu đã không đi tham dự Thánh lễ và cầu nguyện được vì sức khoẻ cộng với đường xá xa xôi.

Mọi năm Giáo dân giáo Họ Bình Hải mừng kính Thánh Quan Thầy thánh An tôn của mình tại Nhà thờ xứ An Hải, năm nay Cha Quản nhiệm đã tổ chức Thánh lễ đầu tiên kính Thánh An tôn quan thầy giáo họ Bình Hải sau hơn 40 năm không có Thánh lễ tại gia đình của Ong Trùm Phêrô Lê Văn Thân

Thánh lễ mừng kính quan thầy, có đông đảo giáo dân tham dự và có rất nhiều anh chị em không Công Giáo cũng tham dự một cách thành kính và nghiêm trang.

Thánh lễ được bắt đầu với lời mời gọi của Cha quản nhiệm đó là tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn Thánh An tôn đã làm phép lạ đặc biệt trong Thánh lễ hôm nay, chính Chúa và Thánh Antôn đã làm cho Giáo Họ Bình Hải đang được hồi sinh mỗi ngày, Cha cũng kêu gọi mọi người cầu nguyện cho Giáo Họ Bình Hải sớm có được ngôi nhà nguyện để con cái của Giáo Họ Bình Hải sớm tối lui tới tham dự Thánh lễ và cầu nguyện.

Trong bài giảng Cha quản nhiệm đã nói tới sự kiện Ong vua nhạc Pop vừa mới qua đời, Cha đã so sánh sự ra đi của ông vua nhạc Pop Michael Jackson với Thánh Antôn, hai con người giống nhau vì tuổi thọ rất ngắn, Ong hoàng nhạc Pop Michael Jackson rất nổi tiếng trên sàn diễn, phát hành rất nhiều Album còn Thánh An tôn không ầm ĩ trên sân khấu, không phát hành nhiều Album, nhưng cả cuộc đời Ngài đã chuyên chăm suy niệm và cầu nguyện một cuốn album duy nhất đó là cuốn Kinh Thánh, nhờ say mê nghiên cứu và cầu nguyện cùng với Đức Giêsu, nhờ việc cầu nguyện và sống đời sống phục vụ và khiêm tốn Ngài đã lừng danh trong việc rao truyền Lời của Chúa, nhờ học được bài học yêu thương của Chúa Giêsu mà Ngài đã ra tay cứu giúp những người đau khổ, cô đơn bệnh tật…Ngài không từ chối ai khi chạy đến với Ngài.

Kết thúc Thánh Lễ Ông Trùm Hieronimo Nguyễn Văn Bình cám ơn Cha Quản nhiệm, quý chức, và cộng đoàn tham dự Thánh lễ, Ong cũng cảm ơn những anh chị em không cùng niềm tin nơi Thiên Chúa nhưng cũng đã thiện chí đến tham dự chung với cộng đoàn Giáo Họ Bình Hải, Ong cũng xin mọi người tiếp tục cầu nguyện và cộng tác với Giáo Họ bình Hải sớm có một ngôi nhà nguyện để con cái của Thánh An tôn có nơi chạy đến cầu khẩn Ngài khi gặp khó khăn.

Xin Thánh An tôn khẩn cầu cùng Chúa tiếp tục làm phép lạ cho cộng đoàn Giáo Họ Bình Hải với những dự định mà Chúa và Thánh An tôn muốn.

Xin Chúa cho cộng đoàn nơi đây luôn noi gương thánh quan thày của mình bằng cách phát triển đời sống đức tin, hăng say loan báo Tin Mừng của Chúa cho anh chị em xung quanh và nhất là luôn thực thi đức ái trong môi trường sống của Giáo hội và xã hội hôm nay.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ls Lê Trần Luật được cơ quan thuế ''mời'' làm việc, nhưng lại bị nhân viên an ninh áp giải đi
Thư ký luật sư
16:52 29/06/2009
SAIGÒN - Sáng nay 29/06/2009, các nhân viên an ninh đến tận nhà áp giải Luật sư Lê Trần Luật đến làm việc với cơ quan thuế. Buổi làm việc giữa cơ quan thuế và Luật sư có mặt của một nhân viên an ninh.

Trước đây, cơ quan thuế đã làm việc rất nhiều lần với Văn phòng Luật sư Pháp quyền (VPLSPQ) từ trước khi văn phòng bị giải thể bắt buộc.

Cách nay 2 tuần, trước lời mời làm việc của cơ quan thuế, Luật sư đã từ chối, vì anh đã cung cấp đầy đủ hồ sơ quyết toán. Tuy nhiên, cơ quan thuế vẫn chưa hài lòng và cứ loanh quanh với những nội dung cũ mà anh đã giải trình rất nhiều lần cả với cơ quan thuế lẫn Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế.

Trụ sở cũ không còn nữa, hồ sơ chứng từ bị lục soát thu giữ nhiều lần, nhưng cơ quan thuế vẫn ra thông báo sẽ đến tận nhà Luật sư vào thứ sáu tuần này (3/7) để "tiếp tục kiểm tra".

Được biết, Luật sư đã bị thất nghiệp dài hạn và thường xuyên bị công an "mời" làm việc từ sau phiên tòa phúc thẩm các giáo dân của giáo xứ Thái Hà đến nay. Nhiều hồ sơ, tài liệu, cùng tất cả các máy vi tính của anh đã bị "tạm giữ vô thời hạn", không hiểu còn dữ liệu nào mà cơ quan thuế muốn "xem xét, kiểm tra" nữa.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ Mừng Lễ Bổn Mạng Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ
Giuse Đặng Văn Kiếm
01:47 29/06/2009
Ngày 29 tháng 6: Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ Mừng Lễ Bổn Mạng Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập trong đại hội lần thứ nhất vào tháng 7 năm 1980 tại Mountain View, California, đồng thời nhận hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô làm bổn mạng của Liên Đoàn.

Hai vị thánh đặc biệt nêu gương yêu mến và phó thác. Vì yêu mến mà Phêrô được Chúa Giêsu đặt làm Giáo hoàng đầu tiên của Hội Thánh; cũng vì yêu mến và phó thác mà Phaolô đã viết: “Không có gì, kể cả thiên thần trên trời hoặc qủi dữ dưới địa ngục, hoặc uy quyền hay danh lợi nào có thể làm chúng ta xa rời lòng yêu mến Thiên Chúa được”.

Là một phần tử của Liên Đoàn đã nhận hai vị đại thánh làm bổn mạng, chúng ta noi gương các Ngài luôn hân hoan vui sống trong niềm kính mến Chúa và thương yêu anh em.

Cùng với 850 Linh mục, 71 Phó tế Vĩnh viễn, 400 nữ tu, 700 nam tu sĩ, đệ tử, chủng sinh, và 500 ngàn người Công giáo Việt Nam đang sinh hoạt sống đạo tại 250 cộng đoàn, họ đạo, giáo xứ và các cơ sở tông đồ dòng tu tại các giáo phận địa phương Hoa Kỳ, chúng ta đồng hành nối kết các sinh hoạt xây dựng và phát triển chung trong tinh thần sống châm ngôn “Bác ái, Huynh đệ, Hiệp nhất, Phục vụ”, để cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa, loan truyền Tin Mừng ơn cứu độ, mang lại sự bình an đến với mọi người, nhờ công nghiệp và sự trợ giúp của hai vị thánh bổn mạng của chúng ta!

Thánh Phêrô viết hai thư, và thánh Phaolô viết 14 thư gửi các tín hữu. Ước mong mỗi người chúng ta lần lượt đọc lại các thư này, để được thấm nhuần ngôn ngữ, tư tưởng và lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô của các Ngài. Đó chính là một cách mừng Lễ Bổn Mạng thiết thực và ý nghĩa hơn cả!

Nhân ngày mừng lễ bổn mạng thánh Phêrô và Phaolô, sau đây chúng tôi xin ghi lại đôi nét về sự hiện diện và sinh hoạt sống đạo của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Sự Hiện Diện và Sinh Hoạt Sống Đạo
Của Người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

Tổng thống John F. Kennedy đã gọi Hoa Kỳ là đất nước của những người di dân. Tất cả những người đến đây đều có được cơ hội đồng đều để thăng tiến đời sống cho cá nhân mình và góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước này. Các sắc dân từ khắp nơi trong quá khứ đến Hoa Kỳ đều đã cố gắng giữ gìn được bản sắc và căn tính nguồn cội, đồng thời xây dựng làm phong phú cho quê hương thứ hai của mình. Người Việt Nam di dân và tỵ nạn nói chung, và người Công giáo Việt Nam nói riêng cũng không ngoài định luật đó.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu về sự hiện diện của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ với những tổ chức đầu tiên, cũng như các sinh hoạt và đường hướng sống đạo liên hệ.

Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ
(The Community of Vietnamese Clergy and Religious in the U.S.A.)

Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập từ năm 1970, như một hội thân hữu dành cho các linh mục và tu sĩ nam nữ được gửi sang du học và làm việc mục vụ tại Bắc Mỹ bao gồm Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Với cuộc di tản năm 1975, số linh mục và tu sĩ Việt Nam gia tăng lên rất đông. Các thành viên cộng đồng đã họp nhau lần đầu tiên vào mùa Hè năm 1976 dịp Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Philadelphia, Pennsylvania, và quyết định thành lập riêng Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ, liên kết toàn thể các linh mục và tu sĩ nam nữ Việt Nam hiện đang sống ơn gọi và làm việc tông đồ tại Hoa Kỳ.

Hiện nay, Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ có khoảng 850 linh mục, 71 phó tế vĩnh viễn, trên 400 nữ tu đã khấn, chừng 700 nam tu sĩ, chủng sinh, đệ tử, nhà tập đang theo đuổi ơn gọi trong đời sống tu trì. Để việc sinh hoạt được hữu hiệu, trong Đại Hội các linh mục và tu sĩ nam nữ tháng 8 năm 2001 tại Dòng Đức Mẹ Đồng Công, Carthage, Missouri, Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ đồng thuận phân chia ra làm 3 tổ chức riêng, đó là: Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Nam, Cộng Đồng Phó Tế Vĩnh Viễn, và Liên Dòng Nữ Tu.

Sinh hoạt đạo đức và thân hữu của Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ rất tốt đẹp từ trung ương cho tới các miền địa phương. Hội Thánh Công Giáo Hoa Kỳ đánh giá tổ chức này khá cao vì đã góp phần tích cực trong việc chăm lo mục vụ cho đồng bào Việt di dân và tỵ nạn nói chung, và người Công giáo Việt Nam nói riêng ở khắp nơi trên toàn quốc, đặc biệt đã cung cấp rất nhiều ơn gọi cho các giáo phận và các dòng tu tại Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, hằng năm có thêm vào khoảng 30 tân linh mục và 20 nữ tu tuyên khấn.

Tuy vậy, các linh mục, phó tế và tu sĩ gốc Việt Nam vẫn ý thức được những điều kiện hạn hẹp của họ. Sự liên kết của anh chị em trong cộng đồng vẫn chỉ là một hội ái hữu để giúp đỡ và tương trợ nhau sống ơn gọi, chứ không mang tư cách pháp lý theo giáo luật, và cũng không nhận được sự yểm trợ đặc biệt nào của giáo quyền Hoa Kỳ. Sự liên đới mang tinh thần hiệp thông trong Hội Thánh hơn là sự ràng buộc trách nhiệm bởi giáo luật. Họ vẫn làm việc mục vụ trực thuộc các giáo phận địa phương hay các dòng tu, và chỉ có thể tự nguyện dành ra một số thời giờ để sinh hoạt với nhau và nâng đỡ tinh thần lẫn nhau.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
(The Federation of Vietnamese Catholics in the U.S.A.)

Trước biến cố năm 1975, tổng số người Việt Nam sinh sống tại Hoa Kỳ chỉ có khoảng 3.000 sinh viên và sĩ quan du học, cộng thêm với khoảng 20.000 người Việt đã lập gia đình với người Mỹ. Nhưng đến năm 1975, với đợt di tản đầu tiên đã nâng tổng số người Việt lên trên 120.000 người. Hiện nay, sau 33 năm di dân với các sắc diện khác nhau, tổng số người Việt Nam tại Hoa Kỳ đã lên tới trên 1.600.000 người. Trong tổng số này, theo ước lượng khá chính xác từ các cộng đoàn, họ đạo và giáo xứ tại các tiểu bang, dân số công giáo có vào khoảng 32 phần trăm, tức khoảng 500.000 người.

Cũng như những sắc dân khác đã tới Hoa Kỳ trong dòng lịch sử, họ vẫn cố gắng giữ được bản sắc và đức tin của họ, thì người Công giáo Việt Nam ngay từ lúc khởi đầu, dù phải sinh sống rải rác trên khắp các tiểu bang, họ cũng đã có khuynh hướng quy tụ thành những cộng đoàn lớn hay nhỏ nơi địa phương để duy trì và phát huy truyền thống văn hóa và niềm tin tôn giáo, như ở các tiểu bang California, Carolina, Colorado, Georgia, Florida, Kansas, Louisiana, Maryland, Michigan, Illinois, Oklahoma, Oregon, Pennsylvania, Texas, Virginia, Washington v.v…

Khi công trình tiếp cư và định cư cho người Việt Nam đã khả quan với chương trình thăng tiến và phát triển mạnh, mọi người đều phấn khởi nỗ lực xây dựng đời sống mới cho các gia đình, thì tất cả các cộng đoàn, họ đạo, giáo xứ đều ao ước có một tổ chức chung để liên lạc, đoàn kết, thân hữu để CÓ TIẾNG NÓI CHUNG, giúp đỡ nhau sống đạo và xây dựng cuộc sống mới, nhất là bảo vệ và phát huy nền tảng văn hóa đạo đức, luân lý gia đình Việt Nam cùng TIẾNG NÓI, CHỮ VIẾT CHO CÁC TRẺ EM VIỆT NAM; đồng thời để giúp đỡ cha mẹ, anh chị em, thân nhân và các giáo phận tại quê nhà.

Vì thế hầu hết các linh mục, tu sĩ, giáo dân đã đồng tâm nhất trí lập HỘI ÁI HỮU LINH MỤC, TU SĨ và GIÁO DÂN Việt Nam tại Hoa Kỳ, nên tháng 7 năm 1980 đã chính thức mở đại hội tại Mountain View, Bắc California, quy tụ 450 đại biểu cùng với khoảng 10 ngàn đồng hương gồm các linh mục, tu sĩ, giáo dân từ các tiểu bang về tĩnh tâm, cầu nguyện, tôn vinh các Thánh Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam trong 3 ngày, có sự hiện diện của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Jean Jadot, Đức Tổng Giám mục Chủ tịch HĐGMCGHK John R. Quinn với các Giám mục tham dự và chứng kiến việc thành lập Hội Ái Hữu tức LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ, và đại hội đã bầu Cha Giuse Nguyễn Văn Tịnh thay mặt anh em linh mục, tu sĩ, giáo dân làm Chủ tịch.

Tổng kết một số mục vụ của Liên Đoàn:

Sau nhiều năm liên kết sống đạo, hiện nay tại Hoa Kỳ có 50 Giáo xứ Việt Nam, 5 Trung Tâm Mục Vụ, 45 Họ Đạo và trên 100 Cộng đoàn lớn nhỏ, sinh hoạt theo sự phân chia trong 8 Miền. Tính theo chiều kim đồng hồ, 8 Miền như sau:

· Miền Đông Bắc, gồm các tiểu bang Connecticut, Maine, Massachusetts, New Jersey,
New Hampshire, New York, Rhode Island, Vermont
· Miền Trung Đông, gồm các tiểu bang Delaware, Maryland, Pennsylvania, Virginia, W. Virginia, DC
· Miền Đông Nam, gồm các tiểu bang Alabama, Florida, Georgia, Louisiana, Mississippi, N. Carolia, S. Carolina, Tennessee
· Miền Nam, gồm các tiểu bang Arkansas, New Mexico, Oklahoma, Texas
· Miền Tây Nam, gồm các tiểu bang Arizona, S. California, Guam, Hawaii
· Miền Tây, gồm các tiểu bang N. California, Colorado, Nevada
· Miền Tây Bắc, gồm các tiểu bang Alaska, Idaho, Montana, Oregon, Utah, Washington
· Miền Trung, gồm các tiểu bang Illinois, Indiana, Iowa, Kentucky, Ohio, Kansas, Kentucky, Michigan, Minnesota, Missouri, Nebraska, N. Dakota, S. Dakota, Wisconsin, Wyoming

Trong thời gian gần đây, qua những kinh nghiệm liên kết sống đạo tại các Miền, để tín hữu giữa các địa phương có thể gặp gỡ nhau được thuận tiện hơn trong những sinh hoạt chung, nhiều người nhận định việc tổ chức và phân chia thêm các Miền là một nhu cầu thực tế.

Tinh Thần và Sinh Hoạt của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam taị Hoa Kỳ

Như đã được trình bày ở trên, các linh mục, tu sĩ và giáo dân đều sống đạo trực thuộc vào các giáo phận và giáo quyền địa phương. Do đó, người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chỉ có thể thành lập các hội ái hữu để giúp đỡ và tương trợ nhau sống ơn gọi, làm việc mục vụ và góp phần vào việc loan báo Tin Mừng, đồng thời cũng tự nguyện dành ra một ít thời giờ và cơ hội để sinh hoạt với nhau và nâng đỡ lẫn nhau xây dựng cuộc sống mới.

Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ vốn có nền tảng liên kết chặt chẽ trong lý tưởng tu trì hiến thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ mọi người, mặc dù phận vụ chính tùy thuộc nơi các Giáo mục địa phương hay các Dòng tu, nhưng vẫn có những cuộc gặp gỡ chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm mục vụ trong tình đồng hương hiệp thông với nhau.

Về việc tổ chức và sinh hoạt cho khối giáo dân, thì từ bao năm qua vai trò của người giáo dân trong Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chưa được xác định rõ ràng, cho nên nhiều khi có khó khăn trong sinh hoạt khiến những sự xây dựng chung chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Đại Hội Liên Đoàn lần thứ VI vào mùa Hè năm 2002 tại Chapman University, Orange, California, đã hội thảo nhiều đề tài liên quan tới vai trò người tín hữu giáo dân trong Hội Thánh, và trong dịp này lần đầu tiên đã bầu cử được vị Đại diện cho Cộng Đồng Giáo Dân trong Liên Đoàn; và được tái xác định trong Đại Hội Liên Đoàn lần thứ VII vào tháng 8 năm 2005 tại Washington, D.C.

Khối anh chị em giáo dân đã tổ chức Hội Nghị Mục Vụ Giới Chức Toàn Quốc kỳ I, từ ngày 3 đến 5 tháng 9 năm 2004 tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Tổng Giáo phận Galveston-Houston, Texas. Anh chị em đã nêu lên những quan tâm và mong muốn được góp phần sống đạo tích cực hơn trong việc xây dựng và phát triển các Cộng đoàn, Họ đạo và Giáo xứ địa phương; đồng thời liên kết dấn thân vào đời sống xã hội đúng với chức năng của người tín hữu giáo dân. Hội nghị lần đầu tiên này đã mang lại tinh thần hiệp nhất và sức sống mới cho các thành viên trong Liên Đoàn toàn quốc cũng như tại các Miền.

Mỗi Miền được một linh mục và một giáo dân cùng với Ban Chấp Hành điều hợp các sinh hoạt của Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ, và Cộng Đồng Giáo Dân Miền. Hằng năm mỗi Miền phối hợp cùng với các địa phương có những sinh hoạt chung như: tĩnh tâm, cấm phòng, hành hương, học tập, hội thảo v.v… Dù sao, trên thực tế Liên Đoàn vẫn chưa phục vụ được cộng đồng dân Chúa một cách rộng rãi. Ước mong giai đoạn phát triển tới đây, qua những chương trình do các ban chuyên môn Liên Đoàn đề xướng, chúng ta sẽ cố gắng hơn nữa để có nhiều sinh hoạt về tinh thần, mục vụ, tu đức và đời sống nội tâm dẫn tới tình yêu thương huynh đệ và gắn bó phục vụ nhau hiệu quả hơn.

Qua Đại Hội Liên Đoàn kỳ VII tại Washington, D.C., tháng 8 năm 2005, một Chương trình Nên Thánh Sống Đạo và Loan Báo Tin Mừng đã được phổ biến. Chương trình sống đạo này nêu lên những gợi ý thực hành cụ thể, dựa vào các văn kiện của Hội Thánh hoàn cầu, Giáo hội Việt Nam và Hoa Kỳ, chương trình Hậu Hội Ngộ Niềm Tin Rôma của Văn phòng Phối kết Tông đồ Mục vụ Việt Nam Hải Ngoại, và đời sống thực tế của cộng đồng dân Chúa Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đầu năm 2008, các vị đại diện Liên Đoàn cũng đã giới thiệu lại chương trình sống đạo này, và tái khẳng định đây cũng là đường hướng chung của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang tại Washington, D.C.
(Our Lady of Lavang Chapel)

Sau nhiều năm chuẩn bị dưới sự phối hợp của Hội Đồng Chỉ Đạo và các Ban Điều Hành Liên Đoàn, cùng với sự nức lòng tích cực đóng góp của toàn thể cộng đồng dân Chúa, Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Basilica of The National Shrine of The Immaculate Conception) tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã được hoàn thành tốt đẹp. Lễ khởi công xây dựng đã được tổ chức dịp Đại Hội Liên Đoàn kỳ VII tháng 8 năm 2005 do Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn chủ sự; và lễ khánh thành đã được long trọng cử hành vào tháng 10 năm 2006 với sự hiện diện của khoảng 10.000 tín hữu và 3 Giám mục Việt Nam. Đặc biệt, Thánh Lễ Tạ Ơn đầu tiên ngay tại bàn thờ Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang, một ngày sau lễ khánh thành, đã được Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt chủ sự.

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ngôi đến thờ nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ. Trong ngôi thánh đường này, cả lầu trên lẫn tầng hầm dưới có 60 gian nhà nguyện dành để tôn kính Đức Mẹ Maria của các sắc dân khác nhau. Tại mỗi nhà nguyện nhỏ ấy, có bàn thờ với ảnh tượng Đức Mẹ theo kiến trúc và nghệ thuật thánh của nước đó, cùng với bàn qùy và bảng ghi chép về lịch sử và lòng sùng kính của sắc tộc liên hệ. Nhà nguyện Đức Mẹ Phi Châu thứ 60 với tượng Mẹ màu đen vừa được khánh thành không lâu, thì Ủy Ban Quản Trị Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dành ra gian phòng cuối cùng cho cộng đồng dân Chúa Việt Nam xây dựng Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang.

Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang với nghệ thuật thánh có phẩm chất cao là hình ảnh và tiếng nói giới thiệu về văn hoá, tinh thần, giáo hội và đất nước Việt Nam. Có thể nói Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang tại thủ đô Washington chính là biểu tượng hiệp thông của Hội Thánh Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Mỗi năm có hằng triệu du khách hành hương viếng Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng dừng bước tại Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang xin ơn chữa lành!

Một Số Sinh Hoạt Mùa Hè 2009

1. Đại Hội Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ lần thứ X, do cha Giuse Nguyễn Việt Hưng, Ủy Ban Giáo Lý tổ chức ngày 12-14 tháng 6 năm 2009 tại Baton Rouge, Louisiana, với chủ đề “Thánh Phaolô: Mẫu Gương Giáo Lý Viên”. Vị thuyết trình chính là Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, Giám đốc Trung Tâm Linh Hoạt Truyền Giáo tại Rôma.

2. Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ II với chủ đề “Cùng với thánh Phaolô, chúng ta về bên Mẹ La Vang kể chuyện Chúa Giêsu”, ngày 18-20 tháng 6 năm 2009 tại thủ đô Washington D.C., với sự hiện diện của Đức TGM Pierre Nguyễn Văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh tại Costa Rica, và đại diện hàng giáo phẩm Hoa Kỳ. Trưởng Ban Tổ Chức là Lm. Gioan B. Nguyễn Đức Vượng, OP, đệ I Phó Chủ tịch Liên Đoàn và là Chính xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Arlington, Virginia; Phó Ban là Giáo sư Bùi Hữu Thư, Chủ tịch Giáo Dân Miền Trung Đông Hoa Kỳ.

3. Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam kỳ III (Vietnamese Youth Conference - VYC III) vào những ngày 3,4 và 5 tháng 7 năm 2009 tại Đại Học Long Beach, Long Beach, California với chủ đề “Đừng Sợ - Not Be Afraid”, do Lm. Joseph Đồng Minh Quang, Trưởng Ban Giới Trẻ Liên Đoàn cộng tác với các Linh mục, Tu sĩ, anh Nguyễn Mạnh Chí, Trưởng Ban Tổ Chức, và nhiều bạn trẻ trên các tiểu bang Hoa Kỳ cùng thực hiện.

4. Đại Hội Phó Tế Vĩnh Viễn Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 31 tháng 7, và mùng 1 và 2 tháng 8 năm 2009 tại Marywood Center, Giáo phận Orange, California. Trưởng Ban Tổ Chức là Phó Tế Joseph Nguyễn Ánh, Chủ tịch Cộng Đồng Phó Tế Vĩnh Viễn.

5. Đại Hội Thánh Mẫu của Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, vào những ngày 6, 7, 8, 9 tháng 8 năm 2009 tại Carthage, Missouri. Trưởng Ban Tổ Chức là Lm. Louis Vũ Minh Nhiên, CMC, cũng là Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình của Liên Đoàn.

6. Họp Mặt Huynh Đệ Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ - Hành Trình Emmaus III sẽ diễn ra vào các ngày 24, 25, 26 và 27 tháng 8 năm 2009 tại Giáo phận San Jose, California. Trưởng Ban Tổ Chức là Lm. Paul Phan Quang Cường, Chủ tịch Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Miền Tây Hoa Kỳ.

7. Cuối cùng, có rất nhiều các khóa tĩnh huấn, linh thao, huấn luyện và hội họp của các phong trào và hội đoàn Công giáo Tiến Hành cũng như của các cấp Miền và địa phương thực hiện.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, www.liendoanconggiao.net
 
Tin Đáng Chú Ý
Chuyện Lương tâm và Văn hóa tại Việt Nam
Anmai, CSsR
23:41 29/06/2009
SAIGÒN - Báo Pháp Luật ngày 21 tháng 6 trong chuyên mục Giáo Dục đăng một bản tin như thế này: Nghiên cứu về hành vi đạo đức của Sinh viên: 41% SV không thích sống cao thượng. Có 36% sinh viên đồng ý rằng làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt. 39% cho rằng tự do không phải là điều ai cũng cần.

Một tỷ lệ khá cao, 31% sinh viên chấp nhận việc hành động mà không quan tâm xem mình có ảnh hưởng đến người khác hay không. Ngoài ra, có 32% sinh viên chấp nhận hành vi vô ơn, không xem đó là chuyện phi đạo đức. Hơn nữa, còn khá nhiều thái độ tiêu cực tồn tại trong sinh viên. Cụ thể: 39% sinh viên chấp nhận rằng tự do là một điều không phải ai cũng cần và mơ ước; 43% sinh viên chấp nhận rằng hòa bình thì không chắc rằng lúc đó con người sẽ vô cùng hạnh phúc.

Một tỷ lệ cũng rất cao là có đến 41% sinh viên đồng ý không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng, 36% đồng ý làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt và 28% có tư tưởng trả thù, báo oán. Bên cạnh đó, có 18% sinh viên chấp nhận đưa lợi ích cá nhân lên trên hết và không bao giờ quan tâm đến ai nếu không liên quan đến mình. Trong phạm vi quan hệ gia đình, có đến 60% sinh viên đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ mà không thừa nhận trách nhiệm của chính bản thân những người con.

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy sinh viên tự đánh giá về hành vi của mình trong việc lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn. Trong đó, hàng loạt hành vi như: xếp hàng nghiêm túc nơi công cộng, nhường chỗ trên xe buýt cho người già và trẻ em, tự nhận khuyết điểm và nói lời xin lỗi, kiềm chế tránh xúc phạm người khác, bảo vệ và trồng cây xanh, giúp người khác dù biết thiệt hại... thì lại không có hành vi nào được sinh viên xếp vào mức rất thường xuyên thực hiện.

Nhiều hành vi tiêu cực cho thấy sinh viên đôi khi hoặc nhiều khi thực hiện như: nói xấu người khác, tiêu xài lãng phí, trễ hẹn, gian lận và mưu mẹo trong thi cử, chưng diện lòe loẹt, nhậu nhẹt, nói tục chửi thề, xem thường người khác, cãi vã với cha mẹ, vô lễ với thầy cô và người lớn tuổi, đánh nhau, phá hoại môi trường, sai giờ, xả rác bừa bãi, trộm cắp, mê tín dị đoan, rủ bạn bè xem phim sex, sống thử...

Báo Người Lao Động trong chuyên mục Văn hoá & Giải trí ngày 29 tháng 6 đưa tin: Đại diện 87 gia đình văn hóa đã được UBND TP Hà Nội biểu dương, khen thưởng tại liên hoan gặp mặt các gia đình văn hóa tiêu biểu thủ đô năm 2009, tổ chức vào sáng 28-6 (Ngày Gia đình VN). Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), đến hết năm 2008, cả nước có gần 17 triệu gia đình. Trong số này, có hơn 13,5 triệu gia đình văn hóa.

Những con số thống kê này ắt hẳn không phải là chính xác nhưng nhìn vào đó ta cũng đủ hiểu đất nước ta đang ở đâu. Sinh viên – là những người tương lai làm chủ đất nước ấy vậy mà có đến 36% đồng ý rằng làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt ! Như vậy, đồng nghĩa với việc họ chấp nhận làm việc không theo lương tâm vì lẽ nếu làm theo lương tâm sẽ bị thiệt thòi hơn người khác.

Người ta vẫn thường đùa với nhau “lương tâm không bằng lương tháng !”. Tưởng là đùa đấy nhưng ngày nay nó là sự thật với con số thống kê như trên.

Người đọc vừa giật mình và vừa chạnh lòng với con số: có gần 17 triệu gia đình trong đất nước này nhưng có hơn 13,5 triệu gia đình văn hoá ! Như vậy còn lại 3,5 triệu gia đình kia thuộc loại nào ? Chẳng lẽ là hơn văn hoá ? Chắc có lẽ 3,5 triệu gia đình còn lại ấy sẽ rơi vào tình trạng thiếu văn hoá, chưa có văn hoá hay vô văn hoá !

Không thể nào phủ nhận được một Việt Nam đang vươn mình cùng sánh vai với các cường quốc 5 châu 4 bể thế nhưng khi nhìn thấy những con số, những thực tại ta sẽ cảm thấy thật đau lòng. Một đất nước dù có giàu có đi chăng nữa mà không có lương tâm, không có đạo đức, thiếu văn hoá.

Liệu rằng mọi người có bình an và hạnh phúc thật khi đời sống vật chất quá đầy đủ và thậm chí dư thừa nhưng giá trị lương tâm và văn hoá giảm sút hay nói đúng hơn là bị đánh mất.

Qua những thống kê, qua những con số trên cần phải thêm lời cầu nguyện cho một đất nước thiếu lương tâm và trống vắng văn hóa như thế này.
 
Mười ba tập quán gia tăng sức khỏe
Jos Tú Nạc
23:46 29/06/2009
MƯỜI BA TẬP QUÁN GIA TĂNG SỨC KHỎE
(Thirteen Healthy Habits) dịch: Jos Tú Nạc, NMS

Một số người tin rằng con số mười ba mang lại những điều kém may mắn. Nhưng thay vào đó, hôm nay, con số mười ba sẽ đem lại sức khỏe cho bạn!

Đôi khi điều này có vẻ như khó khăn đối với nhiều người để cải thiện sức khỏe của họ. chúng ta hoặc quá bận rộn, quá mệt mỏi hoặc đơn giản không có yêu cầu! Bước thứ nhất là thói quen – hoạt động bảo đảm sức khỏe tốt chúng ta thực hiện mỗi ngày, không cần phải suy nghĩ. Bất kỳ ai cũng có thể bổ sung thói quen vào đời sống của mình.

1. Dùng điểm tâm mỗi sáng

Qua việc nghiên cứu thấy rằng ăn một bữa vào buổi sáng kết quả cơ thể ít bị béo. Hàm lượng cholesterol thấp hơn và sự trao đổi chất kém trong trường hợp ăn quá mức. Ăn sáng có thể giúp người ta khỏe mạnh và minh mẫn suốt một ngày. Và, trẻ em ăn sáng luôn tỉnh táo và làm việc hiệu quả hơn trong trường học! Một bữa điểm tâm chất lượng gồm những thực phẩm từ nhiều nhóm thực phẩm khác nhau như trái cây, rau quả, ngũ cốc.

2. Ăn cá

Tổ chức y tế Mỹ đề nghị ăn cá hai lần một tuần. Cá có hàm lượng béo thấp, hoặc chất béo được bão hòa. Chất béo bão hòa có thể đẩy mạnh họat động lưu thông các động mạch của bạn. Các động mạch này mang máu đến khắp cơ thể. Nhưng cá có chất béo bổ ích hoặc acid béo Omega-3. Công trình nghiên cứu chỉ ra rằng acid béo Omega-3 có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim. Acid béo Omega-3 có thể giúp chúng ta tránh những dị ứng. Dị ứng có thể làm cho cơ thể người chống lại những điều kiện môi trường kém – như phấn hoa từ thực vật, bụi và lông động vật. Một số người không thích ăn cá. Và một số người không thể có điều kiện dễ dàng để ăn cá. Nếu đây là hoàn cảnh của bạn, cố gắng tìm ăn đậu nành, quả phỉ hoặc hạt lanh.

3. Thời gian ngủ

Chất lượng giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và năng lực hiểu biết. Nó cũng có thể gây ra tai nạn giao thông! Những nghiên cứu đã cho thấy người ta ngủ không đầy đủ gây tai nạn nhiều hơn. Vậy để giữ an toàn và giấc ngủ! Các chuyên gia khuyên ít nhất ngủ bảy giờ đồng hồ trong một đêm.

4. Tạo những mối quan hệ xã hội

Dành thời gian với những người khác cũng có thể cải thiện viêc chữa trị bệnh. David Jenkins là một bác sỹ. Ông nói rằng yêu thích cuộc sống xã hội điều này rất có ích cho sức khỏe của chúng ta. Những nhóm hoạt động có thể chia sẻ, chu cấp sự giúp đỡ, ủng hộ. Những nhóm hoạt động giáo hội hoặc đoàn thể tôn giáo, những đội thể thao, nhóm âm nhạc hay nghệ thuật. Những thành viên trong nhóm có thể cho nhau những lời khuyên nhủ. Họ có thể giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Và những nhóm hoạt động xã hội này mang đến những thành viên một cảm giác gắn bó với cộng đồng. Cũng vậy, sống trong một đoàn thể đòi hỏi tâm trí bạn phải hoạt động. Một trí óc năng động là một trí óc lành mạnh.

5. Tập thể dục

Tập thể dục rất quan trong cho việc tăng cường sức khỏe. Nó giúp sự điều chỉnh trong lượng cơ thể cho một người. Trong lượng quá mức có thể gây ra nhiều vấn đề phức tạp. Việc tập thể dục cũng giúp cho cơ bắp, xương, khớp rắn chắc. Nó giảm rủi ro cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Tập thể dục làm giảm bất trắc tử vong của bệnh tim. Và nó tạo cho tinh thần phong phú. Tập thể dục giúp con người suy nghĩ và hành động linh hoạt hơn. Nó giúp người ta giải quyết những căng thẳng, cải thiện cảm xúc và cho người ta nhiều năng lượng.

6. Chăm sóc răng của bạn

Việc nghiên cứu cho thấy chăm sóc răng của bạn có thể tăng thêm sáu năm cho cuộc sống của bạn! Máu tiếp tế miệng và răng của bạn được nối kết với phần còn lại của cơ thể. Nếu răng của bạn không chắc khỏe, thường tim của bạn cũng không được ổn định. Đó là vì những vi khuẩn từ miệng của chúng ta xâm nhập vào hệ thống máu của chúng ta. Rồi nó chuyển về tim. Vậy nhớ đánh răng, và chải kỹ khe răng!

7. Sở thích

Sở thích là cái gì đó mà bạn cảm thấy thích thú khi thực hiện. Nó có thể là chạy bộ, đọc sách hoặc làm việc gí đó bằng đôi tay của bạn. Sở thích giúp người ta thoải mái và thư giãn. Sở thích mang lại cho chúng ta niềm vui. Mọi người có thể tiêu tao hơn một chút trong cuộc sống.

8. Bảo vệ làn da

Mặt trời sản ra tia tử ngoại (ultraviolet) hoặc tia UV. Những tia này có thể tác hại đến da của chúng ta. Tia UV gây ra những nếp nhăn và da khô. Giãi nắng nhiều có thể dẫn đến da bị cháy nhức hoặc ung thư da. Những chuyên gia đề nghị luôn bảo vệ da của bạn bằng những chất bảo vệ da hoặc quần áo. Họ cũng khuyến cáo nên tránh ánh nắng mặt trời giữa thời điểm từ mười giờ sáng cho đến ba giờ chiều.

9. Ăn những thức tăng sức khỏe giũa những bữa ăn

Ăn giữa những bữa ăn được gọi là ăn dặm hay ăn qua loa. Nhiều người ăn dặm bắng những loại thực phẩm vô bổ - những loại thực phẩm có hàm lượng đường, muối và chất béo cao. Trái cây và rau quả là sự lựa chọn tốt nhất. Trái cây và rau quả có thể giúp cơ thể chống lại bệnh tật, trợ tim và tăng cường trí nhớ và làm giảm rủi ro của các loại ung thư! Hãy nhớ ăn một quả táo một ngày tránh xa bác sỹ.

10. Uống nước

Cơ thể của chúng ta được tạo thành hầu hết là nước. Trong thực tế, cợ thể của chúng ta 60 đến 70 phần trăm là nước! Nước giúp cơ thể chúng ta làm việc thích nghi. Nước giúp cơ thể chúng ta tẩy sạch những chất thải có hại. Uống tám ly nước trong một ngày tác dụng tốt cho cơ thể.

11. Uống trà

Có một số bằng chứng rằng uống trà có thể cải thiện trí nhớ. Trà có thể ngăn chặn nhiều vấn đề cho răng của chúng ta. Và chúng ta cũng biết sự quan trọng của vấn đề chăm sóc răng của chúng ta là thế nào rồi! Trà có thể giúp ngăn chặn bệnh ung thư và bệnh tim. Bạn có thể uống nước trà nóng hoặc lạnh, cả hai đều tốt, không có vấn đề gì.

12. Đi bộ mỗi ngày

Chúng ta đã bàn đến tầm quan trọng của việc tập thể dục rồi. Đi bộ là cách dễ dàng nhất để bổ sung cho việc tập thể dục đối với đời sống của chúng ta. Thay vì đi xe, cố gắng đi bộ tới những nơi mà chúng ta cần đến. thay vì gặp bạn bè để ăn nhậu, gặp họ để cùng đi bộ. Chỉ dẩn con cái của bạn vẻ đẹp của thế giới xung quanh, bạn – dẫn chúng đi bộ. Một khi bạn cố gắng, bạn thấy rằng việc bổ sung đi bộ trong cuộc sống hàng ngày của bạn rất dễ dàng.

13. Lên kế hoạch

Đôi khi sức khỏe sự sống có vẻ như khó. Chúng ta bận rộn công việc. chúng ta quên. Chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Có nhiều lý do tại sao người ta không được khỏe mạnh. Nhưng có nhiều lý do hơn thế tại sao người ta NÊN được khỏe mạnh. Đời sống của chúng ta tùy thuộc vào nó. Vậy cách tốt nhất để được khỏe mạnh là chúng ta lên kế hoạch.

(Source: “Thirteen Healthy Habits” – Rebekah Schipper)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mật Ngọt Hoa Thơm
Lê Trị
06:15 29/06/2009

MẬT NGỌT HOA THƠM



Ảnh của Lê Trị

Chim Quyên hút mật bông quì

Nam Kỳ Lục Tỉnh thiếu gì gái khôn.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền