Ngày 28-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô 29/6/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
02:30 28/06/2019
Bài Ðọc I: Cv 12, 1-11

"Bây giờ tôi biết thật Chúa đã cứu tôi khỏi tay Hêrôđê".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội thánh. Ông đã dùng gươm giết Giacôbê anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do-thái, nên lại cho bắt cả Phêrô. Bấy giờ là ngày lễ Bánh Không Men. Bắt được người, vua cho tống ngục, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ, có ý đợi sau lễ Vượt Qua, sẽ điệu người ra cho dân. Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho người. Ðến khi vua Hêrôđê sắp điệu người ra, thì đêm ấy, Phêrô phải mang xiềng xích, nằm ngủ giữa hai tên lính, và có quân canh giữ trước cửa ngục. Bỗng có thiên thần Chúa đứng kề bên, một luồng ánh sáng chiếu giãi vào ngục; thiên thần đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức người dậy mà rằng: "Hãy chỗi dậy mau". Xiềng xích liền rơi khỏi tay người. Thiên thần bảo người rằng: "Hãy thắt lưng và mang giày vào". Người làm y như vậy. Thiên thần lại bảo rằng: "Hãy khoác áo vào mà theo ta".

Người liền đi ra theo thiên thần, mà chẳng biết việc thiên thần làm có thật chăng, người tưởng như trong giấc mộng. Qua khỏi chặng thứ nhất và chặng thứ hai, thì đến cửa sắt thông ra thành. Cửa ấy tự nhiên mở ra. Thiên thần và Phêrô rảo qua một phố nọ, rồi thiên thần biến đi. Phêrô hoàn hồn và nói rằng: "Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do-thái".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.

Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ. - Ðáp.

Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Ðáp.

Xướng: Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 17-18

"Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 16, 18

Alleluia, alleluia! - Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-19

"Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở".

Ðó là lời Chúa.
 
Hai Tính Cách Cùng Một Lòng Mến
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
05:13 28/06/2019
Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô

Giáo hội mừng kính hai Thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con người khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng có rất nhiều cái chung.

Cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô. Cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô. Cùng chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó. Và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẻ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Thánh Tông Đồ được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6.

Phêrô và Phaolô, hai con người khác biệt lại có những điểm tương đồng lạ lùng. Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha. Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

1. Hai tên gọi cùng được đổi mới.

Theo cách dùngThánh Kinh, tên không những chỉ là danh xưng dùng để gọi một người mà còn là hiện thân của một người (x.Từ điển Công Giáo phổ thông).Tên gọi nói lên một sứ mạng. Tên mới biểu tượng một thân phận mới một bản chất mới. Ađam đặt tên cho mọi giống vật và đặt tên cho vợ: “Ngươi sẽ gọi tên vợ là Eva, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3,20). Abram được đổi tên để nhận lấy một sứ mạng cao cả: “Tên ngươi không còn là Abram nữa, mà là Abraham…Sarai, vợ ngươi, sẽ không còn là Sarai nữa. Song tên nó là Sara. Bởi Sara, ngươi có một người con trai, ngươi sẽ đặt tên cho nó là Isaac” (St 17,5-20). Tổ phụ Giacop được đổi tên là Israel: “Người đó hỏi ông: "Tên ngươi là gì? " Ông đáp: "Tên tôi là Giacop." Người đó nói: "Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacop nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng." (St 32,28-29).Theo lời Sứ thần Gabriel, Đức Maria đặt tên cho con là Giêsu. Ông Giacaria đặt tên cho con trai là Gioan.

Khi Anrê dẫn em trai là Simon đến gặp Chúa Giêsu, Người nhìn Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô) (Ga 1,42). Chúa xây dựng Giáo Hội trên Đá Tảng Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Chúa còn trao chìa khoá Nước trời cho Phêrô.

Saolô là một biệt phái nhiệt thành. Trên đường đến Đamát, thình lình một luồng sáng từ trời bao tỏa lấy Saolô. Ông ngã xuống đất và nghe một giọng nói với ông: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Saolô hỏi: “Ngài là ai?” Và có tiếng trả lời “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,1-5). Saolô đã bị mù lòa. Ông làm những gì được chỉ bảo. Ba ngày sau, ông Annanias đến, đặt tay trên Saolô và ngay lập tức có cái vảy bong ra khỏi mắt và ông được sáng. Ông đứng dậy và chịu phép rửa (Cv 9,6-18). Từ đó, Chúa Giêsu biến đổi Saolô thành một Tông đồ dân ngoại. Kể từ chương 13 sách CVTĐ, Saolô có tên mới là Phaolô.

Đặt tên cho một người là định hướng cuộc đời người ấy theo tên gọi. Từ đó có một chương trình trong sự quan tâm trìu mến của người đặt tên. Tên Giêsu là sứ mạng của Người (Mt 1,21) nghĩa là cứu độ (Cv 14,3), cứu thoát (Cv 4,12), đem lại sự sống siêu nhiên cách viên mãn (Col 3,17). Ai cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu, theo ý hướng của Người sẽ luôn luôn được nhận lời (Ga 15,16); Ai kêu cầu tên Người sẽ được cứu thoát (Rm 10,13); Những ai tin vào tên Người sẽ làm nên Hội Thánh (1 Cor 1,2) và từ đó được gọi là Kitô hữu (Cv 11,26). Simon và Saolô đón nhận tên gọi mới là Phêrô và Phaolô với sứ vụ cao cả là đá tảng và là cột trụ của Giáo Hội.

2. Hai khuôn mặt cùng một niềm tin

Có nhiều dư luận nói về Chúa Giêsu. Người hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?”. Simon Phêrô nhanh nhẹn đáp:"Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Chúa Giêsu rất hài lòng về câu trả lời của Phêrô. Người nói với Phêrô:"Này anh Simon, con ông Gioan, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời"( Mt 16,17 ). Phêrô tuyên xưng niềm tin. Chúa Giêsu đặt thánh Phêrô làm đầu Giáo Hội ( Mt 16,18 ).

Từ khi nhận phép rửa, Phaolô đã mạnh dạn rao giảng về Chúa Kitô khiến nhiều người Do Thái ngạc nhiên tự hỏi:" Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao ? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?"( Cv 9, 21 ). Phaolô đã làm bẽ mặt những người Do Thái ở Đamát, khi minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia ( Cv 9, 22). Phaolô đã được các tông đồ tin tưởng, nhờ đó ngài và các tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Phaolô mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa Giêsu Kitô ( Cv 9, 28 ).

Phêrô tuyên xưng đức tin. Trên đá tảng Phêrô, đức tin được xây dựng. Phaolô làm sáng tỏ đức tin. Vị tông đồ dân ngoại hăng hái đem đức tin gieo trồng khắp mọi nơi. Hai khía cạnh của đức tin luôn sống động trong Giáo Hội, sứ mạng củng cố đức tin, xây dựng nội bộ và sứ mạng truyền giáo, đem đức tin đến với muôn dân.

3. Hai tính cách cùng một lòng mến

Thánh Phêrô, tính tình nóng nảy, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh. Nói về ông người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của ông. Đó là lần ông đã chối Chúa. Alain một nhà tư tưởng lớn của Pháp đã viết những lời như thế thật chua cay về cái biến cố này: "Tôi hình dung ra ông ta đang ở trên Thiên đàng, đầu đội triều thiên hào quang sáng chói nhưng mỗi khi nhớ đến 'dzụ' ấy, chắc ông còn phải đỏ mặt". Lý do, ông viết tiếp: "Tông đồ Phêrô trong hoàn cảnh lúc đó đã lẩn trốn như thỏ hay như chuột". Lời nhận định hơi chua chát một chút nhưng nó cho chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Vì Phêrô là Thủ lãnh các tông đồ, thủ lãnh nhóm 12 và nhất là trước đó Chúa đã cảnh cáo ông.

Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Tuy nhiên, thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ngài. Nhờ đó, ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa. Thánh Phêrô có lòng quãng đại. Khi được Chúa gọi, ông nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự rồi theo Chúa. Thánh Phêrô có một đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: "Lạy thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Đức tính đáng cảm phục nhất chính là lòng khiêm nhường. Đó là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Khiêm nhường là mẹ các nhân đức. Rõ ràng, trong trái tim Phêrô lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì Phêrô cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.

Saolô là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và trên đường Đamát truy lùng các Kitô hữu. Được ơn trở lại, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Khi đã biết Chúa Kitô thì “ những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay,vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi.Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi.Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu”( Pl 3,7-9). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Ngài trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường. Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời thánh nhân. Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “ Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyêt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” ( 2 Cor 4,8-9).Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).Vì Đức Kitô và vì Tin mừng, thánh nhân đã sống và chết cho sứ vụ. Cuộc sống bôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta “ ( Rm 8,35-39).

Hai vị Thánh Tông Đồ có chung một lòng mến, một niềm tin và một khát khao nên thánh.Cả hai vị đều có những lầm lỗi và yếu đuối. Và cả hai đều hối hận, đều yêu mến Chúa thật tình. Chúa đã gọi và chọn hai vị làm Tông Đồ. Nhân danh và nhờ quyền năng Chúa Giêsu Kitô, hai vị đã làm được nhiều phép lạ.

Phêrô cùng với Gioan chữa lành một người què từ lúc lọt lòng mẹ vẫn ngồi ăn xin ở Cửa Đẹp Đền Thờ ( x. Cv 3, 7 – 9 ); Phêrô làm cho người chết sống lại ( x. Cv 9, 40 – 42 ); Phêrô chữa nhiều người đau ốm bệnh hoạn mà dân chúng khiêng họ ra tận đường phố để khi Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông phủ lên một bệnh nhân nào đó, và tất cả đã được chữa lành ( x. Cv 5, 15 – 16 )...

Phaolô đã chữa lành một người bẩm sinh bị bại chân tại Lítra ( x. Cv 14, 8 – 10 ). Phaolô cũng làm cho một người đã chết sống lại ( x. Cv 20, 9 – 12 ). Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết Phêrô bị bắt giam trong ngục, đã được Chúa sai thiên sứ đến cứu thoát khỏi tay vua Hêrôđê ( x. Cv 12, 1–11). Cả hai vị được đầy quyền năng và vinh quang trước mặt người đời.

Cuối cùng hai vị cũng bị bắt và chịu chết vì Danh Đức Giêsu Kitô. Cả hai vị đã bằng lòng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh. Hai vị đã trở nên trụ cột của Giáo Hội. Phêrô là Anh Cả, đứng đầu Tông Đồ Đoàn. Phaolô là Tông Đồ Dân Ngoại. Hai vị có tính tình khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, khả năng làm việc khác nhau, nhưng lại cùng hoạt động, cùng xây dựng Nước Chúa. Những khác biệt của hai vị là để bổ túc cho nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau thăng tiến trong sứ vụ Tông đồ. Trên “tảng đá Phêrô” và “cột trụ Phaolô”, Giáo Hội Chúa Kitô bền vững và phát triển đến thiên thu vạn đại.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.



 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:38 28/06/2019

19. Người kiêu ngạo thích được người khác ca ngợi, giống như em bé chụp bắt con bướm, đối với em bé đó là việc lớn, nhưng trong con mắt của người lớn đó chỉ là vui đùa mà thôi.

(Vô danh)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:44 28/06/2019
57. KHÔNG THẤY LÝ QUẢNG

Tài bắn cung của Lý Quảng rất là cao cường, dù cho chim bay trên không cũng bắn bách phát bách trúng.

Có người muốn học cách bắn tuyệt kỷ của ông ta, Lý Quảng cười nói:

- “Bắn đông bắn tây thì nhất định phải bắn bất ngờ, mỗi khi giương cung bắn thì tôi thấy chim mà chim lại không thấy tôi”.

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 57:

Ma quỷ thường chiến thắng chúng ta bởi vì nó thấy chúng ta còn chúng ta thì không thấy nó, nói thật ra chúng ta vẫn thấy nó hàng ngày trong cuộc sống nhưng chúng ta coi thường nó mà thôi, nó chính là những cám dỗ mà chúng ta thường gặp...

Có người mới bị một cơn cám dỗ mà tâm hồn loạn cả lên rồi bối rối, rồi thất vọng, rồi tự trách mình và cuối cùng thì buông xuôi. Cám dỗ thì lúc nào cũng có và ân sủng của Chúa thì lúc nào cũng sẵn sàng cho chúng ta, có điều là chúng ta có thấy được ân sủng của Chúa hay không mà thôi !

Không thấy ma quỷ nhưng ma quỷ vẫn có và vẫn tồn tại, chúng ta có thể thắng được nó nếu chúng ta dùng mắt đức tin để nhìn, tức là dùng ân sủng của Chúa để có thể “bách phát bách trúng” khi chiến đấu với ma quỷ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Lễ thánh Phê-rô và thánh Phao-lô tông đồ
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:56 28/06/2019
LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ

Tin mừng: Mt 16, 13-19

“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”.


Bạn thân mến,

Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng lể hai thánh Phê-rô và thánh Phao-lô Tông Đồ, hai vị thánh hai khuôn mặt, hai đời sống và là hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo, trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai nét sau đây của hai vị thánh lớn của Giáo Hội.

1. Nhiệt tình với sứ mệnh.

Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đều có tâm hồn nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su đã giao phó, sự nhiệt tình này Đức Chúa Giê-su đã nhìn thấy khi chọn các ngài làm tông đồ, và giao phó trọng trách gánh vác Giáo Hội của Ngài.

Nhiệt tình chất phác bộc trực cương nghị của thánh Phê-rô, đã được Đức Chúa Giê-su khám phá ra khi ngài đang đánh cá với anh là An-rê, Ngài nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” và hai ông đã lập tức bỏ chài lưới mà theo Ngài.

Nhiệt tình hăng hái của thánh Phao-lô đã bộc lộ rất rõ, khi ngài giữ áo cho người ta ném đá tử hình thánh Stephanô cũng như đang hăng hái bách hại Giáo Hội tiên khởi của Đức Chúa Giê-su mới thành lập, sự nhiệt tình này không phải vì danh dự cá nhân, nhưng nhiệt tình vì lòng yêu mến Đức Chúa Ya-Vê của người Do Thái trong con người của thánh Phao-lô.

Tâm hồn nhiệt tình là điều cần thiết trước tiên để được chọn, không ai chọn một tinh binh không có dũng khí chiến đấu để làm tiên phong, cũng không ai chọn một người dù tài cao học rộng nhưng không nhiệt tình với bổn phận để giao trọng trách, nhưng người ta đã chọn người có tâm hồn nhiệt tình hăng say với công việc để giao phó sứ mệnh quan trọng…

Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đã có đức tính này ngay trong cuộc sống đời thường của các ngài, và sau khi được chọn với ân sủng của Thánh Thần, các ngài càng thêm nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su giao phó cho các ngài, đó chính là sứ mạnh loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Nhiệt tình của chúng ta có thừa, nhưng sự nhiệt tình này chúng ta đã dùng không đúng chỗ: chúng ta nhiệt tình với bạn bè mà không nhiệt tình với Thiên Chúa; chúng ta nhiệt tình với các hợp đồng béo bở nhưng lại lạnh băng với công tác từ thiện; chúng ta nhiệt tình với những công trình tiếng tăm để đời, nhưng lại nguội lạnh với công việc mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã trao cho chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, đó là loan báo và làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày của mình.

2. Yêu mến Đức Chúa Giê-su hết lòng.

Một thánh Phê-rô đã ba lần trả lời với Đức Chúa Giê-su khi được Ngài hỏi: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Một thánh Phao-lô đã tuyên bố: “Thật vậy, chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa” và chính ngài cũng đã không ngại ngùng nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi.”

Yêu mến Đức Chúa Giê-su làm gia tăng sự nhiệt thành trong tâm hồn của các ngài, cho nên dù chịu biết bao khổ cực, nhọc nhằn, dù chịu bao nhiêu hy sinh gian nan thì các ngài vẫn cứ yêu mến Đức Chúa Giê-su. Và vì yêu mến Đấng đã chọn mình làm khí cụ loan báo tin mừng Nước Trời, nên các ngài vui lòng chia sẻ nổi khổ đau với Đức Chúa Giê-su. Tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu nơi người đang yêu, và điều kỳ diệu trước tiên xảy ra chính là thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được Đấng mình yêu đang rất gần gũi bên mình, và do đó mà hai ngài đã không quản ngại hy sinh gian khổ để làm chứng cho tình yêu…

Yêu mến Đức Chúa Giê-su là năng lượng thúc đẩy chúng ta đi vào không gian vô tận của tình yêu Thiên Chúa, để sự nhiệt tình của chúng ta trở nên năng lực thúc đầy người khác biết yêu mến và sống tinh thần yêu mến của Đức Chúa Giê-su…

Bạn thân mến,

Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ chính là hai ngọn đèn tỏa sáng của Giáo Hội, chính trên nền tảng Phê-rô này, mà thánh Phao-lô nổi bật với những giáo huấn về Đức Chúa Giê-su và đã làm cho ngài trở thành trụ cột của Giáo Hội như thánh Phê-rô.

Mừng lễ hai thánh tông đồ Phê-rô và thánh Phao-lô hôm nay, chúng ta cầu xin hai ngài ban cho chúng ta có tâm hồn nhiệt tình với tâm tình yêu mến Đức Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có sự nhiệt tình mới làm cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta được tiến triển, và Lời Chúa được mau chạy tiến bước đến với mọi tâm hồn.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Suy niệm lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:59 28/06/2019
Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô, những cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô. Theo truyền thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, và tông truyền.

Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.

Xem video và nghe bài giảng

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này: « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ « tảng đá », chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Phêrô, ngư phủ miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô, người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu tại thế, ông bách hại những người tin Chúa Kitô. Nhưng khi gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, ông trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin, là « dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc (x. Cv 9, 1-22).

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai mờ. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới. Phaolô là chiếc bình được tuyển chọn, Phêrô giữ chìa khóa Nước Trời; cho dù người này là ngư phủ, người kia là kẻ bách hại. Phaolô đã bị đánh cho mù, cuối cùng thấy rõ hơn; Phêrô đã chối Chúa, sau tin vững vàng. Phaolô đã chọn tin vào Chúa Kitô sau khi phục sinh. Phêrô vị dân chài thay vì thả lưới bắt cá, nay trở thành kẻ lưới người ta.

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả dân Chúa.

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng: « Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy » (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)

Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28); « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).

Cả hai hạnh phúc trong việc giữ gìn giáo lý tinh tuyền, nhưng cái phúc tử đạo còn hạnh phúc hơn. Nơi dương gian, vinh quang chỉ là ước muốn; chốn thiên đàng mọi sự thật nhãn tiền. Tiếng các ngài đã vang đến tận cùng trái đất, và thông điệp loan đi tới chân trời góc bể. Khắp nơi vang tiếng ngợi khen các ngài; các tín hữu nhẩm đi nhắc lại chiến thắng khải hoàn của các đấng.

Thật là hữu ích khi nhắc lại cho chúng ta vinh quang tử đạo của các hai đấng. Phaolô bị chặt đầu, Phêrô bị đóng đinh cắm đầu xuống đất. Hình thức tử đạo thật mầu nhiệm. Phêrô không dám chịu đóng đinh giống Thầy mình. Đó không phải là ông từ chối tử đạo, nhưng ông sợ nhận lấy cái chết giống Đấng Cứu Thế. Cả hai vị đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

Lạy Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, cầu cho chúng con.

Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Với Đức Phanxicô, kỹ thuật số phải phục vụ việc cầu nguyện phổ quát
Vũ Văn An
20:11 28/06/2019


Theo ký giả Elise Harris của tạp chí Crux, trong hơn sáu năm tại chức, Đức Phanxicô tỏ rõ thói quen phục hồi các dự án gần như sắp rơi vào quên lãng hoặc các nhân vật bị coi là mất ảnh hưởng trên diễn đàn Công Giáo hoàn cầu.

Một trong các dự án ấy chính là “Mạng Lưới Cầu Nguyện Khắp Thế Giới của Đức Giáo Hoàng” mà trước đây quen gọi là “Tông Đồ Cầu Nguyện”, một việc tông đồ mà 10 năm trước đây bị nhiều người coi là một dự án giáo hoàng xưa cũ, tăm tối và lỗi thời sắp từ từ đi vào lịch sử.

Tuy nhiên chỉ trong năm năm qua, dự án đã được Đức Phanxicô đổi tên và phát động lại với các qui định mới, một ngành thanh niên mới, ngôn ngữ tươi mới, hiện đại hơn và khả năng khôn khéo sử dụng các hệ điều hành (platforms) kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá các ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Giáo Hoàng .

Mặc dù dự án là một công trình giáo hoàng của Tòa thánh, nhưng nó được ủy thác cho Dòng Tên, là Dòng đã thiết lập ra mạng lưới này ở Pháp vào năm 1884 để khuyến khích các Kitô hữu phục vụ Thiên Chúa và người khác bằng việc cầu nguyện, đặc biệt là cầu cho các nhu cầu của Giáo hội.

Tuần này, mạng lưới sẽ kỷ niệm 175 năm, được đánh dấu bằng một hội nghị ngày 28-29 tháng 6, bao gồm một cuộc yết kiến Đức Phanxicô và các buổi gặp gỡ với các giám đốc và phối trí viên của mạng lưới từ khắp nơi trên thế giới.

Theo cha dòng Tên Fréderic Fornos, giám đốc mạng lưới quốc tế, việc cầu nguyện có thể là “máy móc” đối với nhiều người, vì vậy, một nhiệm vụ quan trọng của mạng lưới là giúp các tín hữu mở lòng ra với Thiên Chúa và những gì Người muốn nơi họ, bằng cách giúp cổ vũ “một sứ mệnh cảm thương đối với thế giới”, bắt nguồn từ việc cầu nguyện.

Nói chuyện với Crux, Cha Fornos cho biết mục đích chính của Đức Phanxicô, với mạng lưới cầu nguyện của ngài là trong yếu tính, gửi đi một tín hiệu cấp cứu (SOS) đầy cầu nguyện về các vấn đề và các chủ đề mà cả Giáo hội lẫn thế giới đang quan tâm.

Đức Giáo Hoàng “lo âu đối với một thách thức mà thế giới đang phải đối đầu” mỗi tháng, “và ngài xin sự trợ giúp của toàn thể Giáo hội cùng cầu nguyện với ngài, bởi vì thách thức này rất quan trọng” Cha Fornos nói thế; ngài vừa nói vừa chỉ vào ý cầu nguyện tháng Sáu: cầu cho các linh mục sống như một tấm gương.

Cha nói, “chúng ta có một năm rất khó khăn với những tai tiếng lớn và người ta rất đau buồn, các nạn nhân của bạo lực tình dục và lạm quyền và lạm dụng lương tâm”. Ngài lưu ý rằng nhiều linh mục và tu sĩ đã đóng vai trò chính trong các vụ tai tiếng gây tai họa cho Đạo Công Giáo hoàn cầu, kể từ mùa hè năm ngoái.

Cha Fornos cho rằng vì số lượng lớn những đau khổ do các tai tiếng này gây ra, đôi khi rất khó đề cao uy tín của các linh mục “vẫn tiếp tục việc làm của các ngài một cách đại lượng, đơn sơ và trung thành”, và không hề dính líu đến các vụ tai tiếng này.

Ngài nói: trọng điểm của ý cầu nguyện tháng này là cầu nguyện cho các linh mục thuộc đủ mọi xu hướng trong nỗ lực khuyến khích các ngài tiếp tục sống mạnh mẽ và tập chú vào việc hiến mình cho người khác.

Ngoài ra, mạng lưới còn sản xuất các video về các ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Giáo Hoàng, và gần đây còn phát động ứng dụng “Bấm để Cầu nguyện” (Click to Pray app.), cung cấp cho người dùng cơ hội chia sẻ ý cầu nguyện của riêng họ và cầu nguyện cho những ý mới của Đức Phanxicô.

Người dùng nhận được thông báo cầu nguyện ba lần một ngày - sáng, chiều và tối - và ứng dụng gửi tới người dùng một bản kiến nghị đặc biệt vào Ngày Thế giới Cầu nguyện, được cử hành vào mỗi Thứ Sáu đầu tháng.

Kể từ khi đổi tên, mạng lưới đã lớn mạnh cả về số lượng lẫn yếu tố nhân khẩu học, tự hào với khoảng 35 triệu người Công Giáo tham gia vào các sáng kiến khác nhau của họ và việc gia tăng đáng kể số lượng người trẻ tham gia.

Cách đây không lâu, hầu hết các giám đốc của các văn phòng địa phương đều trên 60 tuổi, nhưng bây giờ nhiều người dưới 40 tuổi, bao gồm cả người 21 tuổi giám sát văn phòng mới của mạng lưới tại khu vực Trung Mỹ, vừa được thành lập ở Guatemala.

Trong năm nay, các ý cầu nguyện của Giáo hoàng cho đến nay bao gồm các nạn nhân của nạn buôn người, các Kitô hữu bị bách hại, và việc gần gũi với Đức Trinh Nữ Maria. Các ý khác, từng được nêu bật, bao gồm các chủ đề gần gũi với trái tim Đức Giáo Hoàng, bao gồm gia đình, giới trẻ, hòa bình ở Trung Đông, bảo vệ các đại dương của thế giới và ý của tháng tới là cầu nguyện cho các luật sư, thẩm phán và tất cả những người liên quan đến việc bảo vệ “sự toàn vẹn của công lý".

Theo Cha Fornos, các video, được phát động trong Năm Thánh Lòng Thương Xót năm 2016 của Đức Phanxicô, không những là một cách mới mẻ để truyền đạt thông điệp của Đức Giáo Hoàng qua các hệ điều hành kỹ thuật số mới, nhưng việc sử dụng hệ điều hành trực quan cũng là một cách nhờ đó những người không quen thuộc với tiếng nói Công Giáo có thể “được đánh động”.

Cha nói, “Nó đã gây một tác động hoàn cầu rất lớn”. Ngài lưu ý rằng các video hiện đang được cung cấp bằng 12 ngôn ngữ và nhận được hàng triệu lượt xem mỗi tháng. Chỉ trong tháng này, các ngôn ngữ mới đã được phát động: tiếng Swahili, Kinyarwanda và tiếng Việt.

Cha Fornos nói, “việc trên để giúp người Công Giáo hiểu rằng ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng không chỉ là một việc cầu nguyện cho vui hay một điều gì đó chung chung mà không ảnh hưởng gì đến thế giới, nhưng nó là một vấn đề lớn trên thế giới”. Cha nói thêm “Đức Thánh Cha tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện và ngài cần lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội Công Giáo”.

Cha Fornos cho biết, Đức Phanxicô “một trăm phần trăm” can dự vào việc lựa chọn các ý cầu nguyện, một diễn trình thường mất khoảng sáu tháng. Nó liên quan đến việc thu thập các gợi ý từ các văn phòng hoàn cầu của mạng lưới, cũng như các ban ngành khác nhau của Vatican; lập ra bản liệt kê; gửi bản liệt kê đó cho Đức Giáo Hoàng để ngài suy gẫm; gặp gỡ Đức Giáo Hoàng để nghe bất cứ thay đổi hoặc đề nghị đích thân nào của ngài; hoàn thiện bản liệt kê; phiên dịch nó và cuối cùng chia sẻ nó khi đến lúc.

Cha Fornos, người thường xuyên nói chuyện với Đức Giáo Hoàng quanh năm trong các cuộc gặp gỡ hoặc đích thân hoặc theo nhóm hoặc trên điện thoại, mô tả Đức Phanxicô như một con người hoàn toàn xác tín đối với sức mạnh của việc cầu nguyện.

Ngài nói “Không phải ngài tin một cách trừu tượng, nhưng ngài tin dựa vào kinh nghiệm, vì khi ai đó cầu nguyện từ trái tim, giao phó cho Chúa những mối quan tâm của họ, thì Chúa sẽ hành động”. Ngài nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rất nhiều vào việc cầu nguyện vì ngài đã trải nghiệm sức mạnh của nó ở bình diện bản thân.

Cha Fornos nói: là một giáo hoàng dòng Tên, Đức Phanxicô rất quen thuộc với mạng lưới do Dòng Tên điều khiển trước khi đắc cử, điều này giúp việc làm việc với ngài dễ dàng hơn trong các dự án khác nhau. Cha giải thích rằng điều này cũng giúp ngài dễ dàng hơn trong việc soạn thảo các ý cầu nguyện.

Cha Fornos nói “Khi ngài nói, tôi biết nguồn gốc linh đạo của ngài, vì vậy tôi có thể dễ dàng diễn giải những gì ngài muốn nói”. Cha nói thêm “đôi khi có những nhà báo diễn giải những gì ngài nói theo cách không phải là những gì ngài nghĩ, vì họ không hiểu nguồn gốc linh đạo Inhaxiô của ngài”.

Mặc dù ngài đánh giá cao phong cách cá nhân của mọi giáo hoàng mà ngài làm việc với, Cha Fornos nói rằng khi một tu sĩ dòng Tên người Pháp làm việc cho một giáo hoàng dòng Tên chịu ảnh hưởng lớn của các nhà thần học Pháp như Henri de Lubac, “thì (điều này) giúp tôi rất nhiều vì tôi hiểu được suy nghĩ của ngài và những gì ngài muốn nói”.

Nói về các dự án trong tương lai, Cha Fornos cho biết, vào thứ Sáu, mạng lưới sẽ phát động một dự án mới có tên là “Con đường Trái Tim” (The Way of the Heart), sẽ được giới thiệu trên một trang mạng và một ứng dụng, và dành riêng cho việc truyền bá lòng cảm thương, “vì không có lòng cảm thương, rất khó mà cầu nguyện cho người khác và cho thế giới”.

Bao gồm một hành trình 9 tháng để phát triển về cảm thương, dự án sẽ cung cấp cho các tín hữu những suy tư kinh thánh, linh đạo và thần học, các trích dẫn từ Đức Giáo Hoàng, các bài linh thao khác nhau và các đề xuất khác vế cách giúp đỡ ai đó trong tháng.

Các dự án trên cũng có một số sáng kiến, được lên kế hoạch cho tháng truyền giáo đặc biệt của Đức Phanxicô, sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2019, trùng với Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt về Amazon.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ khấn tại Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
08:29 28/06/2019
Trong mùa hồng ân tuyên khấn năm 2019, Hội dòng Mến Thánh Giá Nha Trang có 23 Nữ Tu Khấn Trọn Đời, 3 Nữ Tu mừng Ngân Khánh và 1 Nữ Tu mừng Kim Khánh Khấn Dòng.

Sáng ngày 28.6.2019, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh chủ sự Thánh lễ khấn dòng tại nguyện đường hội dòng MTG Nha Trang. Đồng tế thánh lễ có Đức Ông TĐD GP Nha trang, cha Tổng đại diện GP Phan thiết, quý cha giáo Chủng viện, quý cha Giám tỉnh cùng với hơn 100 linh mục trong và ngoài Giáo phận. Các tu sĩ nam nữ và quý thân nhân ân nhân các Tân Khấn Sinh hiệp thông tạ ơn và chung lời cầu nguyện.

Lời mở đầu thánh lễ, Đức cha Giuse dâng lên Thiên Chúa tâm tình thờ phượng, cảm mến tri ân, đặc biệt trong dịp có Nữ tu mừng 50 năm khấn dòng, 3 Nữ tu mừng Ngân khánh và 23 Nữ tu tuyên khấn trọn đời trong Hội dòng MTG Nha trang. Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa. Cám ơn các chị em Nữ tu. Cảm ơn gia đình của các Nữ tu. Con cái đi tu là những bông hoa tốt đẹp của các gia đình, dâng con cho Chúa, cha mẹ tin tưởng và phó thác cho Hội dòng để những người con thân yêu được lớn lên trong Ơn gọi. Cảm ơn và trân trọng các gia đình rất nhiều. Ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày cả Giáo hội cảm tạ Chúa Giêsu Linh Mục, chúng ta hãy cầu nguyện cách riêng cho các linh mục mãi mãi thuộc về Chúa và thuộc về dân Chúa.

Xem Hình

Trong bài giảng lễ, Đức cha nói đến ý nghĩa ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu với các ý nguyện xin ơn thánh hóa linh mục và hội dòng Mến thánh giá Nha trang có lễ tuyên khấn trọn đời, các nữ tu lập lại lời khấn.

Các ý nguyện nói lên mối tương quan mật thiết giữa những linh mục và những nữ tu sống đời thánh hiến. Ơn gọi cao đẹp ấy nhằm mục đích làm cho khuôn mặt Chúa Giêsu vị Mục Tử Nhân Lành được hiện diện sống động giữa dân Chúa.

Cách đây 350 năm, Giáo Hội Việt Nam được diễm phúc đón tiếp Đức cha Lambert De La Motte đặt chân đến Việt Nam. Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte là một trong ba vị Giám Mục Thừa Sai người Pháp tiên khởi trong chức vụ Đại Diện Tông Tòa được gửi sang truyền giáo tại miền Đông Nam Á vào thế kỷ thứ mười bảy. Ngoài việc truyền chức cho các linh mục bản xứ Việt Nam và việc thiết lập hàng giáo sĩ địa phương, ngài còn có công sáng lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, một tu hội nữ đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, dành cho người Việt Nam và để phục vụ cho dân tộc Việt Nam. Sát cánh với các vị thừa sai khác, ngài đã gieo vào lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam một nền linh đạo tập trung vào Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh, để chính nền linh đạo này đã trở nên động lực vững chắc thúc đẩy hàng trăm ngàn tín hữu Việt Nam mạnh dạn tuyên xưng đức tin trong suốt gần 300 năm cấm đạo.

Hội dòng Mến thánh giá tự bản chất là dấu chỉ sự phong phú của Giáo hội tại địa phương. Thời đó, Giáo hội sống trong các cuộc bách hại. Nhìn lại dòng lịch sử và trong bối cảnh hôm nay, chúng ta không ngần ngại nói rằng chính Chúa Quan Phòng đã soi sáng cho Đức cha Lambert có sáng kiến như là cần những cộng sự viên. Và chúng ta cũng không ngần ngại để nói: một cánh tay của ngài chính là hàng linh mục và cánh tay kia là các nữ tu Mến thánh giá, đương nhiên thời bấy giờ các hội dòng nữ khác chưa có tại Việt Nam. Ngài mời gọi tất cả linh mục và nữ tu cùng một lòng một ý làm việc tông đồ.

Với các tân khấn sinh, Đức cha mời gọi, chúng con chọn Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Chúa chịu đóng đinh trong quá khứ, thánh giá của Chúa nơi đây là điều kỳ diệu, Chúa Kitô được kéo dài, được hiện diện ở trong Hội Thánh, ở trong Giáo phận là Hội Thánh địa phương. Có những lúc, Đức Kitô như bị bách hại, có những lúc Đức Kitô như bị đóng đinh, có những lúc Đức Kitô như bị sỉ nhục. Thưa, những điều đó người ta tránh xa, nhưng chúng con đã chọn Đức Kitô chịu đóng đinh. Chúng con chọn Đức Kitô chịu đóng đinh, chọn làm gia nghiệp của mình, để chúng con cầu nguyện, để chúng con yêu thương, để chúng con làm những công việc đền tạ, phạt tạ hầu toát ra sức mạnh vô biên và sự khôn ngoan Thiên Chúa xuyên qua mầu nhiệm Thánh Giá. Sự nhạy bén của Dòng Mến Thánh Giá phải nằm ở chỗ đó, bởi vì Mến Thánh Giá đồng hành với Giáo hội địa phương ngay từ thuở ban đầu với Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Paullu. Yêu mến Giáo Hội địa phương, cầu nguyện cho Giáo Hội địa phương, đồng sinh đồng tử với Giáo Hội địa phương. Đó là ơn gọi của Mến Thánh Giá hiện nay.

Khi tham dự lễ khấn trọn đời của một hội dòng, lòng chúng ta đầy tràn niềm vui và xúc cảm. Chúng ta chia vui với những người tận hiến cả cuộc đời của mình cho Chúa trong một hội dòng để tìm kiếm con đường nên thánh. Chúng ta đầy xúc cảm bởi vì những người trẻ tuổi lại dám dấn thân cả một đời của mình không tính toán so đo. Vì thế, chúng ta tin có ơn Chúa tác động nơi tâm hồn của những con người phát xuất từ các gia đình truyền thống đạo đức, phát xuất từ các giáo xứ truyền thống đạo đức.

Tiếp ngay sau bài giảng lễ là nghi thức Khấn Trọn Đời. Đây là bước quyết định quan trọng, là đỉnh cao và khởi đầu của sự trao hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa với niềm phó thác tin yêu để được thuộc trọn về Ngài. Sau khi trả lời thẩm vấn của Đức Cha chủ sự về ước nguyện dâng hiến trọn đời và quyết định bước theo Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh của mình, các ứng sinh quỳ phủ phục hiệp lời cùng Đức Cha và cộng đoàn trong Kinh Cầu Các Thánh.

Quỳ trước mặt Đức Cha Giuse, trong tay Chị Tổng Phụ Trách cùng sự chứng kiến của cộng đoàn phụng vụ, 23 Nữ tu nhân danh Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh nói lên lời tự nguyện cam kết hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa: sống Khiết Tịnh, Nghèo Khó, Vâng Phục trọn đời theo Hiến Chương Hội dòng Mến Thánh Giá Nha Trang.

Tiếp đến là phần trao nhẫn giao ước, nhận và suy tôn Thánh Giá. Nhẫn giao ước là ấn tích của tình yêu, là dấu chỉ của lời thề trung tín mà chị em đã ký kết với Đức Kitô qua lời Khấn Trọn Đời. Đức Cha chủ sự trao nhẫn cho từng khấn sinh với lời nhắn “chị em sẽ mang chiếc nhẫn này trên tay mọi nơi, mọi lúc như lời nhắc nhở chị em luôn nhớ mình hoàn toàn thuộc về Đức Kitô”. Sau đó, từng khấn sinh đón nhận Thánh Giá và cất cao lời ca tôn vinh như một dấu chỉ xác quyết tình yêu tận hiến của người nữ tu Mến Thánh Giá, dám chấp nhận vác lấy khổ đau, nhục nhã của Thập hình để làm nảy sinh hoa trái thiêng liêng mang lại vinh quang cho Tin Mừng Nước Trời.

Nghi thức khấn dòng kết thúc với nghi thức gia nhập cộng đoàn. Chị Tân Tổng Phụ Trách Maria Nguyễn Thị Thanh Trang, đại diện hội dòng, tiến lên đón nhận các thành viên chính thức của hội dòng gia nhập cộng đoàn trong những tràng pháo tay và những nụ cười rạng rỡ hân hoan chúc mừng của mọi người.

Sau nghi thức Khấn Trọn, 3 Nữ tu mừng 25 năm và Nữ tu mừng 50 năm khấn dòng tiến lên cung thánh, cầm nến cháy sáng tay và quỳ gối lập lại lời khấn hứa với Thiên Chúa Tình Yêu: Lạy Cha là Thiên Chúa cao cả tốt lành, nhờ ơn Chúa Thánh Linh soi dẫn, con tự nguyện cam kết bước theo Chúa Giêsu trên đường thánh giá để cùng với Người hiến thân phụng sự Cha và phục vụ anh chị em đồng loại. Con xin hiệp thông với toàn thể chị em, tuân giữ ba lời khuyên phúc âm: khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục, theo hiến chương Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Nguyện xin Cha chấp nhận đời con như một hiến lễ và xin giúp con trung thành với giao ước tình yêu trong Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.

Cuối thánh lễ, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thanh Trang, tân Tổng phụ trách, thay mặt Hội dòng dâng lời tri ân.

Trong nghi thức khấn dòng, Đức Giám Mục đeo nhẫn cho từng Nữ tu. Chiếc nhẫn ấy là dấu chỉ các Nữ tu từ nay là hôn thê, là người yêu của Chúa Giêsu. Lễ cưới của các Nữ tu không có xe hoa, không có chú rể, vì Tân Lang là Đức Kitô. Các Nữ tu trở thành tân nương, nhưng vẫn là những trinh nữ thanh khiết. Hình ảnh ấy, Thánh Phaolô ước muốn cho Giáo hội. Ngài mong cho Giáo hội được tinh tuyền như một người trinh nữ. Các trinh nữ được hiến thánh trong Giáo Hội luôn được quý trọng, được đề cao.

Đức Giám Mục trao cho mỗi Nữ tu một thánh giá. Chúa Kitô đã đạt tới Vinh Quang bằng Con Đường Thánh Giá. Người đạt tới tột điểm của hạnh phúc kinh qua con đường khổ nạn. Đó là đường lối mà Chúa Cha đã vạch ra cho Chúa Kitô, cho Giáo hội và cho mỗi một người Kitô hữu. Ai muốn là môn đệ của Người, đều phải theo con đường ấy. Các Nữ tu khấn dòng đã chọn con đường ấy một cách đặc biệt hơn. Các Nữ tu đã chọn Dòng Mến Thánh Giá. Suốt cuộc đời, các Nữ tu tuyên dương Thánh Giá Cứu Độ của Chúa Kitô.

Qua lời tuyên khấn trọn đời, Chúa Giêsu và Nữ tu kết duyên với nhau một cách thiêng liêng cao trọng bằng sự chung thủy như ngôn sứ Ôsê đã từng nói: “Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng đức trung tín, và ngươi sẽ biết Yavê.” (Hs 2,22). Nữ tu dâng trọn xác hồn cho Chúa Giêsu, như lời nhận xét của thánh Phaolô khi nói với giáo đoàn Côrintô: “Người trinh nữ chuyên lo việc Chúa, để trọn thuộc về Chúa cả hồn lẫn xác.” (1 Cr 7,34).

Nguyện xin ơn Thánh Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse và Đấng sáng lập, xin cho các nữ tu mừng kỷ niệm hồng ân thánh hiến hôm nay được trọn đời trung thành với lời khấn của mình.

Nguyện xin Mẹ Maria, guơng mẫu của mọi tu sĩ trong đời sống thanh khiết, khó nghèo, vâng phục, luôn đồng hành với các Tân Khấn Sinh trên con đường theo Chúa Giêsu cho đến cùng.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Xin giúp Sisters St. Joseph of the Apparition ở Kyriat Yearim Do thái, nơi có Tượng Đức Mẹ La Vang
LM Trần Công Nghị
16:42 28/06/2019
Xin giúp Sisters St. Joseph of the Apparition ở Kyriat Yearim Do thái
nơi có tượng Mẹ La Vang Việt Nam quyên tiền làm hàng rào an toàn


Dưới đây là email Sr. Bề trên Valerie gửi Cha John Trần Công Nghị xin giúp đỡ:

Ngày 19 tháng 6 năm 2019

Thưa cha John Nghị Trần,

Cha Nguyễn Công Đoan ở Jerusalem chuyển cho tôi địa chỉ email của Cha. Cha Đoan cho biết rằng Cha có thể giúp làm hàng rào an toàn cho khu vực có tượng Đức Mẹ La Vang tại Dòng chúng tôi. Hiện tại để bảo đảm an toàn chúng tôi có căng dây thừng bên cạnh hàng rào an toàn mà Phái đoàn Cha đã thực hiện năm ngoái, nhưng còn chưa bao trùm cả khu vực này. Tôi đang gửi cho bạn bè gây quỹ làm hàng rào an toàn này, nhưng số tiền gây quỹ nhận được quá ít. Nếu Cha và quí ân nhân Việt Nam có thể giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ rất biết ơn.

Tháng 10 năm 2018 vừa qua chúng ta đã có cuộc cung hiến tượng Đức Mẹ La Vang với cả ngàn người Việt Nam tham dự thật tuyệt vời. Tôi hy vọng Quí vị có thể giúp chúng tôi một tay.


Sau đây là bức thư tôi đã gửi cho bạn bè mục đích gây quỹ:

Bạn thân mến,

Kyriat Yearim là một thánh đường dành riêng cho Đức Mẹ Hòm Bia Giao Ước (Our Lady of the Ark of the Covenant Church). Đây là nơi an nghỉ của Hòm Bia Giao Ước trước khi Vua David đưa về Jerusalem. Nhà thờ được thánh hiến cho Đức Mẹ Hòm Bia Giao Ước, Mẹ ôm Chúa Giêsu trong lòng và ban Ngài cho chúng ta. Nơi này được điều hành bởi các nữ tu của Dòng Sisters of St. Joseph of the Apparition.

Người hành hương từ mọi tôn giáo, tín ngưỡng, và văn hóa đến cầu nguyện và viếng thăm nhà thờ, nơi có môi trường xung quanh tuyệt đẹp. Từ trên đỉnh đồi Nhà Dòng chúng tôi, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh con đường về Jerusalem và thành phố. Chung quanh bờ tường nhìn xuống đồi không an toàn lắm, do đó chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ an toàn nhiều hơn vì lợi ích của khách hành hương. Nhiều người khuyên chúng tôi nên đặt một hàng rào xung quanh khu tường thấp nhìn xuống đồi, chu vi tường rất rộng, và chúng tôi cần củng cố hàng rào này.

Tôi đã xin chuyên gia lượng giá xây dựng và số tiền ước tính của dự án là 10.000 đô la Mỹ, nhưng thật không may, chúng tôi không có phương tiện để chi trả cho dự án này. Chúng tôi xin sự hỗ trợ của quí bạn và hy vọng quí bạn sẽ giúp đỡ chúng tôi để thực hiện dự án này.

Cảm ơn trước và hy vọng nghe một kết quả tích cực từ quí bạn. Xin Chúa phù hộ cho tất cả chúng ta.

Trân trọng
Sr. Valerie


Kính thưa Quí Vị,

Chúng tôi tha thiết kêu gọi Quí vị và đặc biệt những ai đã từng đi hành hương đến kính viếng tượng Mẹ La Vang tại Jerusalem, xin quảng đại đóng góp để quí Sơ có thể thực hiện xong dự án làm hàng rào an toàn chung quang khu công viên tượng Mẹ La Vang ở Nhà Thờ Hòm Bia Giao Ước bên Do Thái.

Ai muốn đóng góp có thể chọn những phương thức như sau:


1. GỬI TRỰC TIẾP VỀ BANK ACCOUNT CỦA NHÀ DÒNG:
Account Name: Srs of St. Joseph of the Apparition Kyriat Yearim
Account No: 050458
Swift Code: BARDILIT
IBAN: IL640176420000001050453
Bank Address: MERCANTILE DISCOUNT BANK LTD
Branch 642
64 Rehov Jaffa
Jerusalem, Israel


2. Viết check cá nhân rồi gửi về cho
VIETCATHOLIC
P.O.BOX 2068
GARDEN GROVE, CA 92842
Ghi chú đề: Dòng Apparition


3. Chuyển tiền trực tiếp dùng smartphone Apps Zelle cho tất cả các Nhà Banks: (download)
send money to: donation@vietcatholic.com
or to: 714-757-32234


Chúng tôi sẽ đăng tên quí Ân nhân đóng góp trên VietCatholic. Vậy xin những ai có ý định gửi tiền trực tiếp cho Quí Sơ xin cũng cho chúng tôi một copy bản sao để đăng tên Ghơ Ơn quí vị.

Trân trọng,

LM Trần Công Nghị
LM Nguyễn Công Đoan
LM Paul Văn Chi
LM Lê Quang Hiền
 
Giáo xứ Thánh Tâm, Hố Nai, mừng Bổn Mạng Giáo xứ: Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
23:05 28/06/2019
Chiều Thứ Năm, 27/6/2019, Giáo xứ Thánh Tâm, Hạt Hố Nai đã cử hành Thánh Lễ Mừng Kính Mẹ Hằng Cứu Giúp, bổn mạng của Giáo xứ rất ý nghĩa và sốt sắng. Mọi tâm tình của đoàn con Giáo xứ Thánh Tâm đã cùng dâng lên Mẹ Hằng Cứu Giúp như lời mời gọi đầu lễ của Cha Chánh Xứ Giuse Hà Đăng Định với cộng đoàn trước khi cử hành Thánh Lễ.“Trong Thánh Lễ mừng kính Mẹ hôm nay, chúng ta cùng hiệp nhau xin với Mẹ Maria, với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp, chuyển cầu cùng Chúa ban mọi ơn lành cho mọi thành phần trong Giáo xứ, cho Giáo xứ được trở nên một cộng đoàn hiệp nhất, bình an và yêu thương”.

Xem Hình

Trước Thánh Lễ, Cha Xứ cùng quý Cha, quý nữ tu và cộng đoàn dân Chúa đã cử hành cuộc rước Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp vòng quanh nhà thờ, sau đó tiến lên lễ đài. Cuộc rước Linh Ảnh Mẹ đi giữa đoàn con giáo xứ, làm cho mọi người tham dự Thánh Lễ, dù già, trẻ hay thiếu nhicảmnhận quả đúng là một cộng đoàn đức tin cùng với Mẹ ở giữa để ca ngợi và chúc tụng Thiên Chúa. Mẹ Hằng Cứu Giúp ở giữa mỗi gia đình, trong cộng đoàn Giáo Xứđã, đang và luôn chuyển cầu ơn cho Giáo xứ, và cho từng gia đình và mỗi cá nhân. Vì thế, trong tình yêu và niềm tin tưởng, Cha Xứ và đoàn con Giáo xứ đã cùng nhau cử hành Giờ Khấn Mẹ. Hơn 4000 ý khấn với mọi lời khẩn cầu, được gộp thành những ý chung, xướng lên giữa cộng đoàn, trước Linh Ảnh Mẹ,thật linh thiêng lạ lùng, và cũng thật gần gũi. Chẳng còn ai ở ngoài vòng tay Mẹ, bởi mọi lời khấn bao gồm tất cả: từ Cha xứ, tu sĩ nam nữ, các cụ cao niên, người bệnh, những phụ huynh, người trẻ, thiếu nhi, cả đến những giáo dân Thánh Tâm đang sống xa quê…cũng đều được nói đến trong những ý khấn thật cụ thể, khiến bao người cảm thấy họ có thể ôm lấy hết vào lòng những ý nguyện đó, như trong một gia đình, một cộng đoàn thật sự.

Sau giờ khấn, Thánh Lễ mừng kính Mẹ Maria với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp, Bổn Mạng Giáo xứ đã được cử hành thật trang trọng và linh thánh. Trong vai trò chủ tế, Cha Xứ Giuse đã cùng với quý Cha đồng tế cử hành Thánh lễ trong tâm tình sốt sắng,dẫn đưa cộng đoàn giáo xứ đến chỗ cùng nhauhiệp thông thờ phượng Chúa trong tin yêu, làm nên một bức tranh thật đẹp về niềm tin, sự hiệp nhất cùng nhau trong cộng đoàn Giáo xứ. Điều này cũng nói lên một tâm tình yêu mến tha thiết dành cho Đức Mẹ, cũng như tin cậy vào sự chuyển cầu của Mẹ với những ước nguyện xin ơn của mỗi người.

Nguyện xin Mẹ Hằng Cứu Giúp thương đến mọi thành phần con cái Mẹ trong Giáo xứ Thánh Tâm như lời kinh cộng đoàn Giáo xứ vẫn hằng dâng lên Mẹ “Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, chúng con được đến khấn cầu dưới bức chân dung Mẹ hay làm phép lạ thì con được thỏa lòng là dường nào…”. Và như lời Cha Chánh Xứ Giuse mời gọi mọi người “hãy sống xứng đáng làm con Mẹ, biết đặt vào tay Mẹ những nhu cầu của chúng ta”, và xin Mẹ “làm cho cộng đoàn giáo xứ được hiệp nhất, bình an và yêu thương nhau” quả thật rất ý nghĩa trong hành trình 65 năm Giáo xứ Thánh Tâm được thành lập và phát triển.

Hành trình 65 năm trong đời sống đức tin của mọi thành phần dân Chúa nói riêng và Giáo xứ Thánh Tâm, thuộc Hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc nói chung là cả một công trình tri ân Thiên Chúa, Đấng đã chuẩn bị mọi kế hoạch cho Giáo xứ, với niềm tri ân đến Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam ( 1954-1955) và Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam (1955-2018). Ngày 8/9/2018 vừa qua, Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam đã trao trả Giáo Xứ Thánh Tâm lại cho Giáo phận Xuân Lộc, và Cha Giuse Hà Đăng Định đã lãnh nhận trách nhiệm coi sóc Giáo xứ Thánh Tâm từ Đức Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc với cương vị Chánh Xứ.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh chiếc chìa khóa trong phúc âm
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:51 28/06/2019
Chiếc chía khóa đóng vai trò cần thiết trong đời sống con người. Khi đi đâu ra khỏi nhà, ai cũng cẩn thận cầm theo chùm chìa khóa luôn giữ bên mình. Khi quên mất chìa khóa, ai cũng bối rối đi tìm.

Chìa khóa để mở khóa cửa đi ra bên ngoài hay đi vào bên trong. Như thế chìa khóa nắm vai trò quan trọng.

Ai giữ chìa khóa cửa nhà, cửa cổng thánh đường hay cửa công sở, cửa cổng thành phố, người đó có tiếng nói, có trách nhiệm cùng quyền hạn.

Ngày nhâm chức cha sở, chiếc chìa khóa cửa thánh đường được trao cho cha xứ mới nói lên hình ảnh cùng ý nghĩa nhiệm vụ và quyền hạn của cha xứ.

Trong phúc âm Chúa Giêsu tin tưởng trao chìa khóa nước trời cho Thánh Phero: “ Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.“( Mt 16,19).

Hình ảnh này được vẽ hội họa lại nơi bức tranh ở trên tường bên phải trong lòng nhà nguyện Sixtina bên Vatican.

Và trong dân gian xưa nay có truyền thuyết về Thánh Phero là người giữ chiếc chìa khóa mở cửa thiên đàng luôn đứng đợi ở nơi cổng thiên đàng. Truyền thuyết này có nguồn gốc từ trong phúc âm.

Thánh tông đồ Phero được Chúa Giêsu ngày xưa kêu gọi đầu tiên cùng được Chúa Giesu tin tưởng trao cho chìa khóa nước trời, vì ông đã thay mặt các anh em tông đồ tuyên xưng đức tin trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu: Anh em bảo Thầy là ai? Phero trả lời: Thầy là Đấng Kitô con Thiên Chúa hằng sống! ( Mt 16,13…).

Lời công nhận tuyên tín của Phero như thế là chìa khóa mở cánh cửa đức tin vào Chúa Giêsu.

Lời tuyên tín của Phero vào Chúa Giêsu và lời (như chiếc) chìa khóa của Chúa Giesu mang lại ý nghĩa quan trọng to lớn trong lịch sử Giáo hội. Các Đức Giáo Hoàng, Giám mục thành Roma, là người kế vị Thánh Phero, trong dòng thời gian hằng chục thế kỷ nay nhận được uy quyền tối cao trong Giáo hội bắt nguồn từ đó: uy quyền lãnh đạo trong Giáo hội.

Và nhân danh phận vụ Thánh Phero, chìa khóa uy quyền trong Giáo hội được mang ra sử dụng. Có không biết bao nhiêu người nhờ thế được mở cánh cửa dẫn đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Rất nhiều người nhờ đức tin vào Giáo hội đã tìm gặp Chúa Kitô, và yêu mến Chúa.

Nhưng trong dòng lịch sử Giáo hội cũng có nhiều giai đoạn cánh cửa, cánh cổng đến với Tin Mừng Chúa Giêsu bị khép đóng lại ngăn cản không cho con người vào…gây hoang mang trở ngại cho việc rao giảng loan báo tin mừng tình yêu Chúa ở trần gian cho con người.

Khi nói lời trao chìa khóa nước trời cho Phero, Chúa Giêsu không nghĩ đến quyền lực sức mạnh áp chế trên con người. Nhưng đến điều khác. Đó là phần tinh thần thiêng liêng linh hồn con người.

Thánh Phero được Chúa Giêsu trao cho nhiệm vụ đứng đầu Giáo hội Chúa ở trần gian, khác nào nhiệm vụ của chìa khóa mở cánh cửa cho truyền thống đạo Do Thái và những tín hữu Chúa Kitô cùng đến với Giao hội Chúa. Nhiệm vụ này cũng là nhiệm vụ đóng vai trò gạch nối giữa truyền thống cũ của đạo Do Thái với nếp sống đức tin mới vào Chúa, mà Chúa Giêsu rao giảng, gạch nối cho người lương dân tìm đến với Giáo hội Chúa ở trần gian.

Thánh sử Matteo thuật lại cảnh Chúa Giêsu trao chìa khóa cho Phero ờ vùng Caesare Philippi, vùng núi đá cổ xưa. Ngày nay là vùng Banjas, nơi là đầu nguồn nước lớn nhất của sông Jordan, ở phiá bắc nước Do Thái, nơi đây ngày xưa là thánh địa cổ của vị thần người chăn chiên Pan. Hang động núi đá nơi đây, ngày nay vẫn còn hấp dẫn khách du lịch tham quan.

Vào thời Chúa Giêsu địa điểm này là một cung điện của Hoàng đế trong đế quốc quyền lực. Như thế, quyền lực và tự biểu lộ vinh quang của hoàng đế nhà vua nằm bao trùm ở vùng Caesarea Philippi.

Trên hậu trường qúa khứ lịch sử nơi đó, Chúa Giêsu đã nói lời tin tưởng trao quyền thiêng liêng cho Phero: „ Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.“( Mt 16,18-19).

Những lời này của Chúa Giêsu xếp bỏ quá khứ của vùng này sang một bên khác. Quyền hành mà Chúa Giesu ban cho Phero không phải là sức mạnh uy quyền như những tảng khối đá vùng thời cố ở Banjas, nơi vùng Caesarea Philippi là quê hương của hoàng đế của thần dân ngoại bên lương.

Quyền hành của Chúa Giêsu trao cho Phero là con đường hy sinh chịu đau khổ.: „ Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! "23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.“ ( Mt 16, 21-23.

Giáo hội của Chúa ở trần gian từ hơn hai ngàn năm nay đã trải qua nhiều thử thách, phải nhiều giai đoan thăng trầm lên xuống, nhiều khủng hoảng đổ vỡ, như cơn khủng hoảng về lạm dụng tình dục hay đồng tình hiện nay. Nhưng không vì thế mà bị hủy diệt tiêu tan.

„ Hai ngàn năm nay, có những giai đoạn, những cá nhân trong hàng ngũ Tông đồ, Giáo hoàng, Hồng Y, Giám mục, linh mục, Tu sĩ, giáo dân đã phản bội Hội Thánh không thể tưởng tượng. Đức Phaolô VI. gọi là tự hủy diệt. Nhưng mỗi lần như thế Hội Thánh lại canh tân hơn, tươi sáng hơn, mãnh liệt hơn. Hội Thánh tiếp tục mầu nhiệm tử nạn và phục sinh.“ ( TGM. Phanxico Xavier Nguyễn văn Thuận, Đường Hy Vọng, Nr. 263. )

Lời chìa khóa Chúa Giêsu nói với Phero và chiếc chìa khóa Chúa Giêsu trao cho Phero, cho Hội Thánh ở trần gian ẩn chứa sứ mạng:

- con đường hy sinh cùng chịu đau khổ với Chúa, và cùng phục sinh để được đổi mới.

- và mở ra con đường cho con người đến với Chúa.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News