Ngày 27-06-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 28/06: Quyền Năng và Lòng Tin – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:06 27/06/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, có các môn đệ theo Người. Và đây biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Người vẫn ngủ. Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: "Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!" Chúa phán: "Hỡi những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?" Bấy giờ Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển. Và biển yên lặng như tờ! Cho nên những người ấy kinh ngạc mà rằng: "Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?"

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:47 27/06/2022

13. Nguyện vọng thần thánh vừa khiến chúng ta đạt tới khả năng hoàn mỹ, vừa giúp chúng ta giảm bớt thống khổ gặp phải khi tiến hành.

(Thánh Laurence Giustiniani)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:49 27/06/2022
95. CÁT SỎI PHÍA SAU.

Vương Văn Độ, Phan Vinh Kì hai người đều là thủ hạ làm việc dưới trướng Giản Văn Công.

Họ Vương tuổi lớn mà địa vị nhỏ, họ Phan tuổi nhỏ mà địa vị lớn, về sau, chức vụ của Phan lại trao qua cho họ Vương.

Vương Văn Độ giểu cợt Phan Vinh Kì, nói:

- “Sàn sảy bốc lên, rơm rác phía trước”.

Phan Vĩnh Kì giểu cợt lại, nói:

- “Đào thải chọn lọc, cát sỏi phía sau”.

(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 95:

Người đời thường lấy tước hiệu, chức vị để coi trọng và đánh giá lẫn nhau, cho nên mới nảy sinh phân biệt giai cấp, coi thường nhân phẩm của người nghèo và lẻ phải công bằng đều ở cả nơi người giàu có, người có tước vị, chức quyền...Nhưng tất cả những tước hiệu chức vị ấy đều không tồn tại, hôm nay nó được trao cho người này, thì ngày mai ngày mốt nó cũng sẽ được trao qua cho người khác, có gì là vênh vang lếu láo với anh em chứ?

Trên đời chỉ có một tước hiệu cao quý nhất và vĩnh viễn không mất đi, đó là thiên chức Linh Mục, bởi vì tước hiệu chức vụ này là do Đức Chúa Giêsu lập ra, chứ không phải do con người, mà đã do Chúa lập ra thì làm sao mà mất mà hư được chứ?

“Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-sê-đê”, “muôn thuở” tức là đời đời vĩnh viễn, đời đời vĩnh viễn là tư tế của Thiên Chúa.

Nhưng có những lúc người ta không nhận ra tôi là một linh mục đời đời của Đức Chúa Giêsu, người ta chỉ biết tôi là một con người bon chen như họ, vẫn ham danh đoạt lợi như họ, vẫn chia bè kết phái để đấu đá nhau như người đời, vẫn muốn ăn trên ngồi trốc như những quan quyền trong xã hội... Các tín hữu của thời đại ngày nay rất hiểu và thông cảm cho tính yếu đuối của con người nơi các linh mục của họ, nhưng không phải vì thế mà họ chấp nhận những thái độ quá ư là không linh mục nơi tôi, đó là: kiêu căng, phách lối, hách dịch, kẻ cả...

“Muôn thuở, con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-sê-đê” chứ không phải là theo cơ chế phẩm trật của nhà vua, của chính quyền hay của một đoàn thể xã hội nào cả ở trần gian này.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Cứ để Ngài ngủ
Lm. Minh Anh
23:22 27/06/2022

CỨ ĐỂ NGÀI NGỦ!
“Biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Ngài vẫn ngủ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng quyền năng phát xuất từ một Đấng đang ngủ trong thuyền các môn đệ của Ngài, đang khi biển thì dậy sóng! Đúng hơn, chúng ta chiêm ngưỡng sự im lặng của Thiên Chúa; cùng lúc, nhìn lại niềm tin của chính mình. Trước ‘sự im lặng thần thánh’ đó, một niềm tin kiên định vẫn có thể lên tiếng, ‘Cứ để Ngài ngủ!’.

Thử tưởng tượng, trong con thuyền nghèo nàn bị sóng đánh hòng chìm này, bạn và tôi đang ở vị trí của các môn đệ! Tình trạng cùng quẫn éo le vùi dập không thương tiếc, và nỗi sợ hãi tồi tệ của mỗi người lại càng tồi tệ hơn; vậy mà Chúa Giêsu vẫn ngủ! Cám dỗ của chúng ta là đánh thức Ngài… và quá nhiều linh hồn đã làm như thế qua việc không ngừng phàn nàn, tỏ ra tuyệt vọng, bỏ cầu nguyện, hoặc trút giận lên người khác. Trong những thời khắc đó, chúng ta cảm thấy cuộc sống vuột khỏi tầm tay; tình cảnh ấy khiến chúng ta mất bình tĩnh, bất an và suy sụp!

Không thể như thế! Tin Mừng hôm nay đánh thức đức tin của bạn và tôi; chớ gì nó mạnh đủ để lên tiếng trấn an, ‘Cứ để Ngài ngủ!’; và còn hơn thế, giúp chúng ta chiêm ngưỡng quyền năng phát xuất từ một Thiên Chúa đang ngủ! Kế hoạch của Ngài thật nhiệm mầu! Bởi lẽ, Ngài cố tình thử nghiệm để kéo chúng ta lại gần Ngài hơn; Ngài muốn bạn và tôi gia tăng sự phụ thuộc vào Ngài. Từ niềm tin của mình, chúng ta múc lấy nội lực; bằng không, tất cả những gì ngự trị sẽ chỉ là sợ hãi, cay đắng và tuyệt vọng. ‘Sự im lặng thần thánh’ của Đấng Kitô có một sức mạnh tiềm ẩn! Xem nhẹ ý nghĩa của nó là bỏ qua một số bài học sâu sắc nhất trong trái tim Ngài; im lặng thần thánh phải dạy chúng ta một điều gì đó. Nó dạy chúng ta định mức đức tin của mình!

Vậy giấc ngủ của Chúa Giêsu thế nào? Khi còn là một bà mẹ trẻ, Maria đã nhiều lần nhìn Con Thiên Chúa ngủ. Trong cuốn sách của mình, “When Jesus Sleeps”, “Khi Chúa Giêsu Ngủ”, Tổng Giám Mục Martínez viết, “Chúa Giêsu đẹp tột cùng khi Ngài mở miệng nói về sự sống đời đời, khi Ngài thực hiện hoàn hảo các phép lạ; hoặc khi Ngài nhìn bằng ánh mắt xót thương, âu yếm và thiết tha. Thế nhưng, tôi lại muốn nhìn Ngài khi Ngài đang ngủ, bởi lúc đó, tôi có thể chiêm ngưỡng Ngài đến tận trái tim mình mà không bị ánh mắt Ngài mê hoặc, khiến tôi phải phân tâm. Không vẻ đẹp hoàn hảo nào và ánh quang huy hoàng nào của Ngài làm tôi chói mắt và khiến linh hồn tôi mê mẩn. Vẻ đẹp Giêsu tỉnh giấc là quá lớn so với sự nhỏ bé của tôi! Ai có thể hỗ trợ nó? Tôi cảm thấy phù hợp hơn với tôi khi Ngài ngủ, vì hào quang mặt trời thích nghi hơn với mắt tôi, khi tôi nhìn nó qua một lăng kính mờ!”.

Thật trùng hợp, bài đọc Amos hôm nay tiết lộ, “Thiên Chúa không làm điều gì mà lại không mặc khải ý định của Ngài cho các tiên tri tôi tớ”. Vấn đề là các tôi tớ phải đọc cho được thánh ý Ngài. Sự im lặng của Chúa Giêsu, hay việc Ngài ngủ cũng không nằm ngoài ý nghĩa này. Vậy, “Cứ để Ngài ngủ!”. Trước hành động của Thiên Chúa, con người thường mù tịt, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật thâm thuý, “Lạy Chúa, xin lấy đức công chính của Ngài mà hướng dẫn con!”.

Anh Chị em,

“Biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Ngài vẫn ngủ!”. Vậy mà bạn và tôi hãy ‘Cứ để Ngài ngủ!’. ‘Cứ để Ngài ngủ!’, nghĩa là chúng ta phải tôn trọng và thờ lạy sự im lặng thần thánh của Thiên Chúa ‘trong các biến cố’; đang khi phải đánh thức Chúa Kitô ‘trong trái tim mình’, và linh hồn không ngưng nghỉ lặp đi lặp lại, “Lạy Chúa, xin cứu con!”. Có như thế, chúng ta mới có thể bình an bước đi trên sóng gió và ngủ ngon trong mọi hoàn cảnh xám xịt của cuộc đời. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể quan chiêm những gì đang xảy ra bằng đôi mắt của Ngài, đôi mắt vốn có thể xuyên suốt mọi sự, kể cả bão tố. Qua ánh mắt thanh thản ấy, chúng ta có thể thấy một bức tranh toàn cảnh mà tự sức, không bao giờ chúng ta có thể nhìn thấy; một bức tranh tình yêu quan phòng mà Thiên Chúa lên kế hoạch cho từng người, không ai giống ai!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cứ ngủ; nhưng đừng để kinh nghiệm sống lấn át kinh nghiệm đức tin của con. Vì đức tin là chìa khoá mở ra sự hiện diện của Chúa trong thuyền đời con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cử Hồng Y Ngoại trưởng Tòa thánh Pietro Parolin, đại diện Ngài tới thăm Nam Sudan & Cộng hòa Dân Chủ Congo .
Thanh Quảng sdb
18:42 27/06/2022
Đức Thánh Cha cử Hồng Y Ngoại trưởng Tòa thánh Pietro Parolin, đại diện Ngài tới thăm Nam Sudan & Cộng hòa Dân Chủ Congo (DRC).

(Tin Vatican)

Văn phòng Báo chí của Tòa Thánh đã công bố tin này vào tối thứ Hai (27/6/2022) rằng Đức Thánh Cha Phanxicô "đã quyết định cử Ngoại trưởng, Hồng Y Pietro Parolin, đến Kinshasa và Juba thay thế Ngài để thăm viếng các dân tộc yêu quý tại Congo và Nam Sudan."

Động thái này diễn ra sau khi Đức Thánh Cha phải hoãn cuộc Tông du đến các quốc gia châu Phi, vì cơn đau đầu gối và trước lời khuyến cáo của các bác sĩ.

Ngoại trưởng Vatican sẽ thực hiện chuyến viếng thăm này mà đáng lẽ ra Đức Thánh Cha tông du từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 7.

Chuyến thăm của Đức Hồng Y Parolin sẽ diễn ra trong thời gian thay cho Chuyến tông du lần thứ 37 của Đức Thánh Cha Phanxicô ra nước ngoài đã được lên kế hoạch.

Tuy thế, vào ngày 3 tháng 7, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ với cộng đồng người Congo ở Rome, cùng ngày mà ngài chính ra phải chủ trì thánh lễ ở Kinshasa.

ĐTC đã công bố tin này vào ngày 13 tháng 6 trong khi tiếp kiến những người tham gia vào Chương chung truyền giáo tại châu Phi ở Hội trường Clementine ở Vatican.
 
Những Câu Truyện Từ Vatican 8
Vũ Văn An
20:01 27/06/2022

Vẽ tranh cho tình Huynh đệ Nhân bản: một bức chân dung chung sống hòa bình


Câu truyện từ Vatican lần này là của Francesca Merlo viết từ Dubai về chủ đề Tình Huynh đệ Nhân bản, một văn kiện Đức Phanxicô ký với Sheikh Ahmed el-Tayeb, Đại Imam của Al-Azhar năm 2019. Văn kiện này đã gợi hứng cho việc phát sinh ra Ngày Quốc Tế Huynh đệ Nhân bản. Cô tường trình:

Trước Ngày Quốc tế về Tình huynh đệ nhân bản, những người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về để vẽ những kiệt tác nổi tiếng, cảm thấy đoàn kết bởi cảm giác tự do chung khi mỗi người giải thích màu sắc theo cách riêng của họ.

Vẽ tranh sống như một bức chân dung mô tả lòng khoan dung và chung sống hòa bình. Đây là khái niệm đứng đằng sau một phiên họp do Bộ Khoan dung và Chung sống tổ chức, phối hợp với "Chúng tôi yêu Nghệ thuật" tại gian hàng của tiểu vương quốc tại cuộc triển lãm 2020 Expo ở Dubai.

Đây là một trong nhiều sự kiện diễn ra trong Lễ hội do Bộ và Tổng Ủy Tình Huynh đệ Nhân bản tổ chức trước Ngày Quốc tế Tình Huynh đệ Nhân bản, được đánh dấu vào ngày 4 tháng Hai.

Từ nhìn đến vẽ

Khoảng 20 người trẻ tuổi đã tụ tập để vẽ lại các phiên bản của chính họ trong ba tác phẩm nghệ thuật giống y hệt.

Zahra Khalifa, từ Bộ Khoan dung cho biết, cả ba đều là những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, và do đó tất cả đều hợp nhất. Người ta đi du lịch từ khắp nơi trên thế giới để viếng bức Mona Lisa tại Louvre thế nào, thì người ta cũng từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về đây để vẽ về nàng như thế vào chiều thứ Tư.

Nghệ thuật như một ngôn ngữ phổ quát

Denise Schmitz đến từ Hoà Lan, người sáng lập ra "We Love Art", đã tư vấn cho một số nghệ sĩ về cách tạo chiều sâu hơn cho nụ cười của Mona và giải thích nghệ thuật đóng vai trò làm cầu nối ra sao giữa các nền văn hóa.

“Màu sắc kết nối chúng ta! Và nó làm cho chúng ta tự do, phá vỡ cho chúng ta mọi ranh giới và các quy tắc tự áp đặt. Nó không biết tôn giáo hay giới tính. Khi chúng ta vẽ, tất cả chúng ta đều giống nhau và sự khác biệt của chúng ta là thế mạnh của chúng ta”.

Zahra nhấn mạnh rằng “nghệ thuật là một ngôn ngữ phổ quát” và qua buổi vẽ tranh trực tiếp này, họ đã hướng đến việc “mở rộng lòng khoan dung cho mọi hữu thể sống động”.

Vẽ tranh cho nhân loại


"Vẽ tranh trực tiếp cho tình huynh đệ nhân bản" là tên của biến cố, với hạn từ Ả Rập "lamasat" (chạm vào) làm khẩu hiệu của nó. Zahra giải thích, điều này có nghĩa là tiếp xúc và cảm nhận nhau, “và ở đây chúng ta làm điều này qua nghệ thuật.”

Văn kiện về tình huynh đệ nhân bản

Buổi vẽ tranh trực tiếp trên thực tế đã thúc đẩy các chủ đề được công bố trong Văn kiện về tình Huynh đệ Nhân bản, được ký vào ngày 4 tháng 2, 2019 bởi Đại Imam của Al-Azhar và Đức Giáo Hoàng Phanxicô: hòa bình, tự do tín ngưỡng, lòng khoan dung, đạo đức, bảo vệ nơi thờ phượng, và nhiều hơn nữa.

Lễ hội đang diễn ra, với công việc của những người trẻ thuộc các tôn giáo khác nhau, tìm cách hiện thân và minh họa khái niệm Tình Huynh đệ và Lòng Khoan dung Nhân bản.

Denise Schmitz


Ý nghĩa thực sự của lòng khoan dung

Nhưng, Zahra giải thích, khoan dung không phải là khả năng coi trọng một điều bạn không đồng ý. Nó đồng nghĩa với tình huynh đệ và khả năng mô phỏng người khoan dung để chấp nhận, và phát triển sự quan tâm đến các nền văn hóa xung quanh bạn.

“Đó là cách duy nhất để thế giới có thể tiến lên”, và nó chỉ có thể thực hiện được “nếu chúng ta hợp lực”.

Cô cho biết “Có một số quy tắc trong nghệ thuật, và các nghệ sĩ vĩ đại vốn dạy chúng ta rằng ngay cả những quy tắc đó cũng phải có đó để bị phá vỡ".

Zahra và Denise
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Thi Rung Chuông Vàng tại giáo xứ Vạn Thắng và Tuỵ Hiền Hà Nội
BTT Gx. Tụy Hiền
07:51 27/06/2022
Hội Thi Rung Chuông Vàng tại giáo xứ Vạn Thắng và Tuỵ Hiền Hà Nội

Sau một tháng phát động chương trình “Tháng giáo lý”, hội thi Rung Chuông Vàng dành các em thiếu nhi của Xứ đoàn Thánh Piô X miền Vạn Thắng và Tụy Hiền đã được diễn ra rất sôi động tại giáo họ Đông Mỹ vào sáng Chúa nhật ngày 26/6/2022.

Xem Hình

Dưới ánh bình minh của mùa hè oi ả, tại sân nhà thờ giáo họ Đông Mỹ thuộc giáo xứ Tụy Hiền, đã rôm rả tiếng cười nói, vui chơi của các em thiếu nhi từ khắp các giáo họ thuộc hai giáo xứ Tuỵ Hiền và Vạn Thắng. Như một ngày hội, các em quy tụ về đây từ rất sớm với sự hao hức không phải để học giáo lý như mọi ngày, nhưng để tham dự Thánh lễ và chương trình Rung Chuông Vàng với những game show hấp dẫn và sôi động.

Trước đó, vào khoảng 7h30, tại tiền sảnh nhà thờ, đông đảo các đoàn sinh với trang phục Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) đã tề tựu cách nghiêm chỉnh, ngay hàng thẳng lối theo đội hình đội ngũ của phong trào TNTT. Sau đó, các em đã tiến vào nhà thờ và bắt đầu nghi thức chào cờ.

Với chủ đề “Cùng đi với Chúa Giêsu”, Cha xứ Antôn chia sẻ câu chuyện dưới cờ cho các đoàn sinh. Cha Antôn nhắn nhủ các em thiếu nhi: “Hôm nay chúng ta quy tụ lại đây, như một dịp để cùng nhau tạ ơn Chúa về tháng học Giáo lý và cùng nhau củng cố lại kiến thức ngang qua trò chơi Rung Chuông Vàng. Đây là một sân chơi lành mạnh, bổ ích sau những giờ học tập căng thẳng ở trường lớp, nhưng cũng là cơ hội để các con thi thố tài năng. Các con cứ vui chơi hết mình nhé! Miễn là các con đừng phạm tội, có Chúa Giêsu luôn đồng hành với các con”.

Sau lời tuyên bố khai mạc của Cha xứ, dưới sự tổ chức của thầy Minh Đức và Hòa Hưng, SJ. cùng sự điều phối của thầy Gioan B. Tiền năng động và hài hước, các em bắt đầu trò chơi Rung Chuông Vàng với một bầu khí sôi động và vui vẻ. Ai ai cũng chăm chú lắng nghe từng câu hỏi và nhanh tay trả lời đáp án cách cẩn thận. Sau các vòng thi gay cấn và hấp dẫn, Ban tổ chức chương trình cũng đã tìm ra được quán quân của kỳ thi, cùng giải nhì, giải ba và các giải khuyến khích kèm theo.

Kết thúc trò chơi, các em thiếu nhi cùng nhau tham dự Thánh lễ Chúa nhật XIII thường niên cách sốt sắng.

Sau Thánh lễ, cha Tuyên uý đã tuyên dương, phát thưởng cho các em đoạt giải và trao quà khuyến khích các bạn đoàn sinh khác.

Tiếp đến, đại diện các đoàn sinh đã nói lời tri ân đến cha Tuyên úy Antôn, quý Thầy Dòng Tên, quý Thầy Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, quý ban Hội đồng Mục vụ của hai giáo xứ đã tạo điều kiện để các em có buổi vui chơi ý nghĩa và bổ ích.

“Trên môi tươi thắm nụ cười, niềm vui trong Chúa người người trao ban” là tâm tình chung của các bạn thiếu nhi trong xứ đoàn Thánh Piô X trong ngày hội hôm nay.

Minh Đức, SJ.
 
Nam Úc: Tưởng Nhớ và Giỗ 10 năm Linh mục Âutinh Nguyễn Đức Thụ Sj.
Jo Vĩnh SA
07:58 27/06/2022
Cha Thụ là vị sáng lập Cộng Đồng Thiên Chúa Giáo Người Việt – Nam Úc. Tiền thân của Cộng Đồng Công Việt Nam – Nam Úc ngày nay.
Ngài là vị Quản nhiệm & Tuyên úy tiên khởi đầu tiên của Cộng Đồng CG Nam Úc.
Lm. Nguyễn Đức Thụ được dòng Tên bổ nhiệm từ Anh Quốc sang Úc 1979 làm tuyên úy cho tất cả những người Việt tỵ nạn di cư đến Nam Úc.
Cha Thụ gầy dựng và thành lập Cộng Đồng Công Giáo Người Việt Nam Tỵ Nạn – Nam Úc. Ngài đã bỏ rất nhiều công sức đi tìm mua được một khu đất rộng trên 6 mẫu tây, để xây dựng Trung Tâm Công Giáo Việt Nam. Ngài đặt tên là Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân Pooraka, rất gần trung tâm thành phố Adelaide, thủ phủ của tiểu bang South Australia.
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam là một cộng đồng tòng thổ, độc lập đầu tiên trên Úc Châu, giống như một giáo xứ bên Việt Nam.

XEM VIDEO I
XEM VIDEO II

Cha Thụ bị Heart attack và qua đời ngày 26 tháng 6 năm 2012 tại bệnh viện Saint Vincent, Melbourne, Victoria.
Người Việt Công Giáo Nam Úc vô cùng tiếc thương một vị Linh mục đức độ, hiền lành, bác ái yêu thương, giúp đỡ hết mọi người, không phân biệt lương hay giáo. Ngài được Hoà Thượng Thích Như Huệ Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Đại Lợi & Tân Tây Lan rất thương mến và nhận là người bạn tri kỷ. Vì thế sau khi Cha Thụ qua đời, Hoà Thượng Thích Như Huệ đã thỉnh bức di ảnh Cha Thụ đem về đặt trong chùa. Hàng ngày Hoà Thượng tụng kinh cầu nguyện cho Cha.




 
VietCatholic TV
Đại Tướng Tổng Tư Lệnh của các lực lượng Nga tại Ukraine, khét tiếng tàn bạo, cũng phải ra đi
VietCatholic Media
03:09 27/06/2022


1. Đại Tướng Tổng tư lệnh khét tiếng tàn bạo của các lực lượng Nga tại Ukraine đã ra đi

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh, gọi tắt là MoD, cho biết Tướng Alexander Dvornikov, Tổng tư lệnh các lực lượng Nga tại Ukraine đã phải ra đi bất kể ông ta được tường trình có rất nhiều kinh nghiệm điều hành các chiến dịch của Nga ở Syria.

Dvornikov sinh ngày 22 tháng 8, 1961. Sau khi gia nhập Quân đội Liên Xô năm 1978, Dvornikov đã trải qua các cấp bậc của Quân đội Liên Xô và sau đó là Nga trong khoảng thời gian ba mươi năm.

Vào ngày 13 tháng 12 năm 2012, Dvornikov trở thành Trung Tướng. Đúng hai năm sau, ngày 13 tháng 12 năm 2014, ông được thăng quân hàm Đại Tướng.

Năm 2015, ông trở thành Tư lệnh Lực lượng vũ trang Nga ở Syria trong cuộc can thiệp quân sự của Nga tại đây. Vào thời điểm đó, ông đã củng cố danh tiếng về việc tiến hành các chiến dịch quân sự của mình một cách tàn bạo như những chiến dịch ở Chechnya trước đây.

Tháng 7 năm 2016, Dvornikov trở thành quyền chỉ huy của Quân khu phía Nam. Ông chính thức đảm nhận vào vị trí này vào ngày 20 tháng 9 năm 2016.

Vào tháng 3 năm 2019, Liên minh Âu Châu đã ban hành lệnh trừng phạt đối với ông do vai trò của ông ta trong vụ eo biển Kerch.

Vào ngày 10 tháng 4 năm 2022, Dvornikov được Putin bổ nhiệm Tổng tư lệnh các lực lượng Nga tại Ukraine phụ trách hoàn toàn các hoạt động quân sự trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Putin tính toán rằng ông ta sẽ chiếm được Kyiv trong vòng ba ngày và sẽ chiếm được toàn cõi Ukraine trong 7 ngày. Thành ra, trước khi xảy ra bổ nhiệm này, chưa có một nhà lãnh đạo quân sự nào được Putin bổ nhiệm là Tổng tư lệnh tất cả các lực lượng Nga; ông đã từng là một trong số những người phụ trách các mặt trận khác nhau.

Vào ngày 3 tháng 6 năm 2022, các nguồn tin tình báo, dẫn nguồn từ các binh sĩ Nga, cho biết Dvornikov đã bị thay thế bởi Đại Tướng Gennady Zhidko. Tuy nhiên, vào ngày 5 tháng 6, thống đốc Luhansk Serhiy Haidai của Ukraine cho biết Dvornikov vẫn đang nắm quyền chỉ huy và được Putin giao trách nhiệm đến ngày 10 tháng 6 phải hoàn thành trận Severodonetsk. Vào ngày 25 tháng 6, MoD xác nhận rằng Dvornikov đã bị cách chức.

Động thái này diễn ra bất kể quân Nga đã chiếm được thành phố Severodonetsk khi các lực lượng Ukraine được yêu cầu rút khỏi thành phố miền đông nam nước này để tập hợp lại và hạn chế thương vong.

Trong diễn văn video vào tối thứ Hai 13 tháng Sáu, tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trận chiến căng thẳng giành kiểm soát Sievierodonetsk đã gây thiệt hại “kinh hoàng” cho cả hai bên. Quân Nga được tường trình đã tung vào chiến trường này một lực lượng đông gấp 10 lần và tăng dần lên gấp 20 lần, với một hỏa lực cũng gấp 10 lần quân Ukraine. Quân Nga chiếm được Sievierodonetsk nhưng Dvornikov phải bị cách chức vì thành phố được tường trình là một nghĩa trang mênh mông với xác lính Nga. MoD cho biết cái cay đắng nhất đối với Dvornikov là ông ta phải ra đi chính xác vào ngày quân Nga được tường trình là đã chiếm được thành phố Sievierodonetsk, ngày 25 tháng 6.

2. Cuộc tấn công của Nga tiếp tục ở miền đông Ukraine

Sau khi thành phố quan trọng Severodonetsk được Ukraine xác nhận là “hoàn toàn nằm dưới sự chiếm đóng của Nga” vào hôm thứ Bảy, hầu hết khu vực Luhansk phía đông của đất nước gần như hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục bảo vệ thành phố lân cận Lysychansk, nơi đang bị các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo binh ngày càng tăng của Nga.

Cuộc chiến giành Sloviansk có thể là 'trận chiến then chốt tiếp theo' trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Hôm Chúa Nhật, người đứng đầu cơ quan quân sự của khu vực Donetsk láng giềng, Pavlo Kyrylenko, cho biết các lực lượng Nga đang tập hợp để thực hiện các cuộc tấn công mới trong khu vực, gần một nửa khu vực này vẫn thuộc quyền kiểm soát của Ukraine.

Kyrylenko cho biết trên truyền hình Ukraine: “Hiện chúng tôi đang chứng kiến quân Nga dồn dập đưa nhân lực, xe bọc thép hạng nặng và pháo binh đến hướng Sloviansk”.

“Quân Nga đang sử dụng chiến thuật nổi tiếng của mình, cố gắng tiến gần hơn đến tuyến phòng thủ của chúng tôi để nã pháo vào các thành phố. Pháo binh của quân Nga đã tới một số khu vực nhất định của Sloviansk. Đây là một xác nhận khác rằng mọi người nên di tản”.

Trong suốt cuộc tấn công ở phía đông, các lực lượng Nga đã sử dụng pháo binh và hỏa tiễn bắn phá dữ dội trước khi cố gắng đánh chiếm bằng bộ binh. Họ đang tấn công các khu vực của Donetsk từ ba hướng.

Kyrylenko cho biết “đã có một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào Kurakhove, một thị trấn ở chiến tuyến phía nam ở Donetsk vốn là mục tiêu tấn công của Nga trong hơn hai tháng qua. Avdiivka cũng từng bị trúng hỏa tiễn.”

Khi các lực lượng Nga tăng cường động lực tấn công ở miền đông Ukraine, thành phố Kharkiv và các khu vực lân cận lại hứng chịu hỏa lực pháo binh ngày càng gia tăng.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cũng đã đến thăm quân đội Nga tham gia vào cuộc xâm lược mà Điện Cẩm Linh gọi là hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Đoạn video do hãng tin RIA Novosti công bố cho thấy Shoigu hạ cánh từ trực thăng ở một địa điểm không xác định và gặp gỡ các sĩ quan bên trong nơi có vẻ như là một trung tâm chỉ huy.

Kênh Telegram của Bộ Quốc phòng Nga cho biết Shoigu “đã lắng nghe báo cáo từ các chỉ huy về tình hình hiện tại và các hoạt động của Lực lượng vũ trang Nga trong các khu vực hoạt động chính tại các sở chỉ huy”.

Shoigu cũng được nhìn thấy đã trao tặng huy chương cho một số binh sĩ, bao gồm “Huân chương Sao vàng của Anh hùng Liên bang Nga và Huân chương Dũng cảm”. Không rõ chính xác Shoigu đã đến thăm những địa điểm nào và liệu chúng có ở bên trong Ukraine hay không.

3. Bộ trưởng Ngoại giao Đức hô hào chống lại cuộc khủng hoảng lương thực

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết các đối tác quốc tế đang làm việc cùng nhau trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập do cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Baerbock nói với các phóng viên tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: “Chúng tôi đang làm việc cùng nhau để chống lại cuộc chiến tranh vô lý của Nga có nguy cơ gây mất ổn định cho các nước.''

Baerbock nói: “Chúng tôi sẽ không để cuộc chiến này làm thế giới chết đói, và nói thêm, “Có sự bất an trên thế giới liên quan đến việc phân phối lương thực, đặc biệt là ngũ cốc.”

Baerbock cho biết ưu tiên hàng đầu của hội nghị an ninh lương thực do Đức đăng cai tổ chức là thiết lập các tuyến vận tải đáng tin cậy, bao gồm cả việc mở cửa việc vận tải qua đường biển và đường sắt, để cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Ngoại trưởng Đức cũng cho biết với sáng kiến của Mỹ, các hầm chứa tạm thời sẽ được xây dựng ở Ukraine để lưu trữ và xuất khẩu ngũ cốc nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nga đã phong tỏa hàng hải của Ukraine, chặn đứng gần như tất cả các cơ hội xuất khẩu qua đường hàng hải các loại thực phẩm như ngũ cốc, lúa mạch, hướng dương.

Chiến lược này gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực tại các nước Phi Châu, Âu Châu, Á Châu, nơi vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm lương thực này của Ukraine.

Theo Liên Hiệp Quốc, trước chiến tranh, Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì và sản xuất ngô lớn nhất thế giới. Nhiều quốc gia dựa vào nguồn cung cấp lúa mì của Ukraine. Các chính phủ phương Tây đã nhiều lần cảnh báo về khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực và nạn đói ở một số quốc gia do cuộc chiến chống Ukraine của Nga. Vào tháng 3, Liên Hiệp Quốc đã báo cáo giá lương thực tăng hơn 12%, là mức cao kỷ lục kể từ năm 1990. Đầu tháng Sáu, giá lương thực đã tăng hơn 30% ở nhiều nước trên thế giới.

Giá cả tăng cao và gián đoạn nguồn cung đã gây nguy hiểm cho an toàn thực phẩm ở Trung Đông, Phi Châu và các khu vực Á Châu, nơi dân số thường xuyên bị suy dinh dưỡng.

Gần 4 tháng qua, Ukraine đã không thể vận chuyển ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác do bị phong tỏa, làm dấy lên bóng ma về tình trạng thiếu lương thực thảm khốc trên khắp thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển ở Phi Châu và Á Châu.

4. Lực lượng vũ trang Ukraine gây thương vong nặng nề cho quân Nga ở hướng Bakhmut

Trong bản báo cáo sáng thứ Hai 27 tháng 6, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lực lượng vũ trang Ukraine đã gây thương vong nặng nề cho đối phương ở khu vực Pavlivka, hướng Bakhmut. Quân Nga rút lui sau một cuộc tấn công thất bại.

Trên các hướng Volyn và Polissya, trong lãnh thổ của Cộng hòa Belarus, một số đơn vị của quân đội Nga chuẩn bị các nhóm phá hoại và trinh sát cho các nhiệm vụ tiếp theo trên lãnh thổ Ukraine.

Trên hướng Siversky, quân Nga tổ chức các đơn vị riêng biệt của quân khu phía tây ở khu vực biên giới của vùng Bryansk và Kursk để kiềm chế Lực lượng Phòng vệ Ukraine. Người Nga bắn vào cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự gần Khrinivka và Yanzhulivka.

Ở hướng Kharkiv, đối phương dùng xe tăng và pháo binh tấn công vào Ruski Tyshky, Chepil, Chuhuiv, Zolochiv và Mospanove, tiến hành các cuộc không kích gần Yavirske, Dementiyivka và Zamulivka. Người Nga đã cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật của mình bằng cách tấn công vào khu vực Dementiyivka nhưng không thành công.

Các khu vực Nova Dmytrivka, Dibrivne, Virnopillia, Velyka Komyshuvakha, Dolyna và Ridne bị phóng hỏa dọc theo hướng Slovyansk. Quân đội Ukraine đã đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của đối phương tại các khu vực Dolyna, Kurulka và Mazanivka.

Ở hướng Donetsk, quân Nga, với sự yểm trợ của pháo binh, cố gắng phong tỏa thị trấn Lysychansk từ hướng nam. Người Nga đã bắn vào các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự ở các quận Lysychansk, Verkhniokamyanka và Loskutivka, tiến hành một cuộc không kích gần Vovchoyarivka. Để hỗ trợ cuộc tấn công, địch tăng cường thêm các nhóm pháo binh.

Các binh sĩ Ukraine đã gây thương vong nặng nề cho quân Nga gần làng Pavlivka. Sau một cuộc tấn công bất thành, quân xâm lược rút lui.

Với sự yểm trợ của máy bay lục quân, địch cố gắng giành lại quyền kiểm soát khu định cư Potiomkine, không thành công, đành rút lui.

Như đã báo cáo, tổn thất của quân đội Nga tính đến ngày 26 tháng 6 là 34.850 quân nhân.

5. Diễn viên Mila Kunis quyên góp được hàng triệu USD để hỗ trợ những người Ukraine đang gặp khó khăn

Năm 1991, khi diễn viên Mila Kunis chuyển đến Hoa Kỳ, gia đình cô rời quê hương của họ lúc đó vẫn còn nằm trong Liên bang Xô Viết. Cô đã bảy tuổi rưỡi; nói tiếng Nga và nghĩ rằng mình là người Nga.

“Nếu tôi nói rằng tôi đến từ Ukraine, không ai có thể biết quốc gia đó ở đâu trên bản đồ, và vì vậy tôi đã tự nhủ, 'điều đó thật mệt mỏi vì chỉ có chấm đỏ lớn ở đó, và vì vậy tôi sẽ nói rằng tôi đến từ Nga trong nhiều, rất nhiều năm’” Kunis nói với Erin Burnett của CNN.

Tháng 2 năm ngoái, khi quân Nga xâm lược Ukraine, Kunis cho biết cô đã tìm thấy cảm giác tự hào mới về đất nước nơi cô sinh ra. Cô ấy nói rõ: “Tôi là người Ukraine nói tiếng Nga, và tôi thấy mình đang sửa sai cho bản thân và những người bạn của tôi, những người cũng đến từ Ukraine.”

Kể từ cuộc xâm lược, khoảng một phần ba công dân Ukraine đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và hơn năm triệu người đã tìm cách tị nạn ở các nước khác.

Theo dõi tin tức về cuộc chiến đã ảnh hưởng sâu sắc đến Kunis. Cô ấy nói với Burnett, “Là một người mẹ, bất cứ khi nào bạn nhìn thấy những đứa trẻ bị tổn hại dưới mọi khía cạnh, đó là nỗi đau không thể diễn tả được bởi vì tất cả những gì bạn muốn làm là giúp đỡ một đứa trẻ. Đó là tất cả những gì tôi muốn làm.”

Vì vậy, Kunis và chồng Ashton Kutcher đã quyết định “cố gắng tìm ra những cách giúp đỡ hiệu quả nhất”

Họ cùng nhau tìm cách để có thể tác động ngay lập tức đến những người đang đau khổ. Họ quyết định quyên góp tiền và giúp cung cấp nhà ở và vật dụng cho những người tị nạn.

Họ hợp tác với GoFundMe.org, công ty thiết lập cấu trúc kỹ thuật để chấp nhận các khoản đóng góp trong vòng vài giờ

Theo hoạt động gây quỹ của họ, các khoản đóng góp mang lại lợi ích trực tiếp cho Flexport.org và Airbnb.org, hai tổ chức tích cực cung cấp sự giúp đỡ ngay lập tức cho những người cần nó nhất. Flexport.org đang tổ chức các chuyến hàng cứu trợ đến các địa điểm tị nạn và Airbnb.org đang cung cấp nhà ở miễn phí, ngắn hạn.

Kunis và Kutcher đặt tên cho chiến dịch của họ là Stand With Ukraine và khởi động vào đầu tháng 3 với mục tiêu huy động được 30 triệu đô la. Hai vợ chồng đã quyên ra 3 triệu đô la cho quỹ. Chỉ hai tuần sau, họ đã vượt mục tiêu và trong một video, họ cho biết 65.000 người đã đóng góp.

Đến nay, Stand with Ukraine đã quyên góp được hơn 36 triệu USD, và hơn 75.000 người đã quyên góp. Kunis nói rằng chiến dịch không chỉ trong nội bộ người dân Ukraine mà còn cho phép những người ủng hộ trên khắp thế giới tham gia.
 
Lật đổ phán quyết Roe: Cám ơn TT Trump vì những gì đã làm cho chính nghĩa phò sinh. Kinh Truyền Tin
VietCatholic Media
05:51 27/06/2022


1. Phản ứng của Cựu Tổng thống Donald Trump trước quyết định lật nhào phán quyết Roe chống Wade

Cựu Tổng thống Donald Trump ca ngợi quyết định của Tòa án Tối cao về việc lật ngược vụ Roe kiện Wade vào hôm thứ Sáu, và nói với Fox News rằng phán quyết “sẽ tốt cho tất cả mọi người”.

Ông Trump nói với Fox News: “Điều này tuân theo Hiến pháp và trao lại các quyền cho các tiểu bang mà đáng lẽ chúng phải được trao lại từ lâu”.

Khi được hỏi liệu ông có thông điệp gì cho những người ủng hộ ông hay không, tổng thống Trump nói với Fox News: “Tôi nghĩ, cuối cùng, đây là điều tốt cho tất cả mọi người.”

“Điều này đưa mọi thứ trở lại trạng thái mà nó luôn thuộc về”.

Khi được hỏi liệu ông có cảm thấy mình đóng một vai trò nào đó trong sự đảo ngược của Roe kiện Wade hay không, sau khi bổ nhiệm ba thẩm phán bảo thủ vào Tối Cao Pháp Viện, cựu tổng thống nói với Fox News: “Chúa đã đưa ra quyết định.”

Cựu Tổng thống Donald Trump, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, đã bổ nhiệm các Thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao.

Với những cuộc bổ nhiệm đó, Tối Cao Pháp Viện đã có một đa số bảo thủ, với Chánh án John Roberts, và các Thẩm phán Samuel Alito, Clarence Thomas, Gorsuch, Kavanaugh và Barrett.

Các thẩm phán Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elana Kagan, tất cả đều do đảng Dân chủ bổ nhiệm, đã bất đồng quan điểm với đa số trong quyết định lật ngược phán quyết Roe kiện Wade.

Phán quyết được đưa ra theo quan điểm của tòa án trong vụ Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson, tập trung vào luật Mississippi cấm phá thai sau khi thai được 15 tuần. Tiểu bang Mississippi do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã yêu cầu Tối Cao Pháp Viện hủy bỏ phán quyết của một tòa án cấp thấp hơn, sau khi tòa án này ngăn chặn lệnh cấm phá thai của tiểu bang.

“Chúng tôi kết thúc ý kiến này từ nơi chúng tôi bắt đầu. Phá thai đưa ra một vấn đề đạo đức sâu sắc. Hiến pháp không cấm công dân của mỗi tiểu bang cho phép hoặc cấm phá thai. Các phán quyết trong các vụ Roe và Casey đã quá kiêu ngạo với thẩm quyền của mình. Giờ đây, chúng tôi đã loại bỏ những quyết định này và trả lại quyền đó cho người dân và những người đại diện được bầu của họ.” Thẩm Phán Samuel Alito viết trong ý kiến của tòa án.

Ý kiến của Alito bắt đầu bằng sự phân tích và chỉ trích đối với phán quyết Roe kiện Wade và khẳng định của phán quyết ấy khi cho rằng mặc dù các tiểu bang có “lợi ích hợp pháp trong việc bảo vệ 'sự sống tiềm tàng'“, nhưng mối quan tâm này không đủ mạnh để cấm phá thai trước thời điểm thai nhi có thể tồn tại, được hiểu là khi thai được khoảng 23 tuần.

“Tòa án đã không thể giải thích cơ sở lý luận cho quan điểm này, và ngay cả những người ủng hộ việc phá thai cũng khó bảo vệ lý luận của phán quyết Roe,” Alito viết.

Breyer, Kagan và Sotomayor là các Thẩm Phán do đảng Dân Chủ bổ nhiệm đã bất đồng quan điểm với nhóm đa số.

2. Lý do cựu Tổng thống Trump nói ‘Chúa đã đưa ra quyết định’ trong vụ lật ngược phán quyết Roe chống Wade

Lý do cựu Tổng thống Trump nói “Chúa đã đưa ra quyết định” trong quyết định lật ngược phán quyết Roe chống Wade được nhiều người hiểu như thế này:

Ngay khi Tổng thống Trump sắp hết nhiệm kỳ, và các cuộc thăm dò cho thấy ông có khả năng thua trong cuộc tranh cử tổng thống, thì Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg đột ngột qua đời ở tuổi 87 vào ngày 18 tháng 9, 2020. Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg là người cực kỳ cấp tiến. Tuy nhiên, bà đã cao tuổi. Thấy trước nguy cơ bà có thể qua đời đột ngột và Đảng Cộng Hòa có thể có cơ hội bổ nhiệm một tân Thẩm Phán bảo thủ, Barrack Obama đã hai lần mời bà vào phủ tổng thống để năn nỉ bà ta về hưu, để có cơ hội cho ông ta bổ nhiệm một Thẩm Phán trẻ hơn, nhưng bà Ginsburg không chịu.

Kết quả là bà Ginsburg qua đời vào những giờ sau cùng của nhiệm kỳ tổng thống của Ông Donald Trump, tạo cơ hội cho ông bổ nhiệm ngay một Thẩm Phán phò sinh là Thẩm Phán Amy Coney Barret.

Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu xác nhận Thẩm Phán Barret vào gần 8 giờ tối ngày thứ Hai 26 tháng 10, 2020 theo giờ địa phương Washington DC với tỷ số nghẹt thở 52-48. Các Thượng nghị sĩ phần lớn đã bỏ phiếu theo đường lối của đảng mình. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Susan Collins đã a dua với các Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ phản đối việc xác nhận Barrett. Sau cuộc bỏ phiếu, một nghị quyết xác nhận chính thức được gửi tới Tòa Bạch Ốc để xin chữ ký của Tổng thống Trump. Cố nhiên, Tổng thống Trump ký ngay lập tức và tham dự lễ nghi nhậm chức của Thẩm Phán Amy Coney Barrett diễn ra tức khắc.

Thẩm Phán Clarence Thomas đã thực hiện Lễ tuyên thệ chính thức theo hiến pháp cho Barrett tại Tòa Bạch Ốc vào đêm thứ Hai 26 tháng 10, 2020.

Barrett là vị Thẩm Phán Công Giáo thứ 6 trong số 9 Thẩm Phán tại Tối Cao Pháp Viện, cùng với Chánh án John Roberts và các Thẩm phán Thomas, Samuel Alito, Sonia Sotomayor, và Brett Kavanaugh. Ngoài ra, Barrett sẽ cùng Sotomayor trở thành hai nữ Thẩm phán Tòa án Tối cao Công Giáo duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Chiến thắng ngày 26 tháng 10, 2020 tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ.

Rõ ràng là nếu Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg không đột ngột qua đời, hay tổng thống Trump không nhanh tay bổ nhiệm Thẩm Phán Barrett thì còn lâu mới lật ngược lại được phán quyết Roe chống Wade. Tất cả là sự quan phòng của Chúa.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26/6

Chúa Nhật 26 tháng 6, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 13 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người vì Người đang đi về hướng Giêrusalem.

Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”

Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

Đức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”

Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng cho Phụng vụ Chúa nhật này cho chúng ta biết về một bước ngoặt. Điều này được thể hiện trong câu: “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (x. Lc 9:51). Như thế, Chúa Giêsu bắt đầu “cuộc hành trình vĩ đại” của mình tới Thành Thánh, nơi đòi hỏi một quyết định đặc biệt vì đó là quyết định cuối cùng của Người. Các môn đệ, tràn đầy nhiệt huyết vì vẫn còn quá trần tục, mơ rằng Thầy sẽ khải hoàn. Trái lại, Chúa Giêsu biết rằng sự từ chối và cái chết đang chờ đợi Người ở Giêrusalem (x. Lc 9:22, 43b-45); Ngài biết mình sẽ phải chịu đựng rất nhiều. Đây là những gì đòi hỏi một quyết định kiên quyết. Và như vậy, Chúa Giêsu tiến những bước quyết định về phía Giêrusalem. Đây cũng là quyết định mà chúng ta phải thực hiện nếu muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Quyết định này bao gồm những gì? Thưa: Chúng ta phải là những môn đệ nghiêm túc của Chúa Giêsu, thực sự dứt khoát, không phải là “những Kitô hữu nước hoa hồng” như một bà già tôi quen thường nói. Không không không! Kitô hữu phải dứt khoát. Và đoạn Thánh sử Luca thuật lại ngay sau đó giúp chúng ta hiểu rõ điều này.

Chúa Giêsu và các môn đệ bắt đầu cuộc hành trình. Một làng của người Samaritanô, khi biết rằng Chúa Giêsu đang tiến về Giêrusalem - thành phố của những người thù nghịch với họ - đã không chào đón Ngài. Cảm thấy bị xúc phạm, hai Tông đồ Giacôbê và Gioan đề nghị với Chúa Giêsu rằng Ngài nên trừng phạt những người đó bằng cách dội lửa từ trời xuống trên họ. Chúa Giêsu không những không chấp nhận đề nghị này mà còn quở trách hai anh em. Họ muốn lôi kéo Chúa Giêsu tham gia vào ước muốn trả thù của họ và Ngài sẽ không làm điều đó (xem câu 52-55). “Lửa” mà Chúa Giêsu đến, để mang xuống trái đất này, là một cái gì đó khác (x. Lc 12:49). Đó là Tình yêu nhân hậu của Chúa Cha. Và cần có sự kiên nhẫn, kiên trì và một tinh thần sám hối để làm cho ngọn lửa này bùng lên.

Hai Tông đồ Giacôbê và Gioan đã để bản thân bị chế ngự bởi sự tức giận. Điều này cũng xảy ra với chúng ta, ngay cả khi chúng ta đang làm điều gì đó tốt lành, thậm chí đến độ phải hy sinh, chúng ta vẫn thấy một cánh cửa đóng lại thay vì được chào đón. Vì thế, chúng ta tức giận. Chúng ta thậm chí cố gắng muốn lôi kéo cả chính Thiên Chúa, đe dọa các hình phạt trên trời. Trái lại, Chúa Giêsu đi một con đường khác, không phải con đường của sự tức giận, mà là một con đường kiên quyết tiến về phía trước, mà không thể được hiểu như một sự khắc nghiệt, nhưng hàm ý sự bình tĩnh, kiên nhẫn, kiên trì, không chểnh mảng dù chỉ một chút trong việc làm điều lành. Cách sống này không có nghĩa là yếu đuối, không, nhưng ngược lại, là một sức mạnh nội tâm to lớn. Thật dễ dàng, vì đó là bản năng, khi để cho mình bị chế ngự bởi sự tức giận khi đối mặt với sự chống đối. Trái lại, điều khó khăn là làm chủ chính mình, làm như Chúa Giêsu đã làm, Đấng, như Phúc âm đã nói, “đi đến một làng khác” (câu 56). Điều này có nghĩa là khi gặp sự chống đối, chúng ta phải quay sang làm điều tốt ở nơi khác, mà không oán giận. Bằng cách này, Chúa Giêsu giúp chúng ta trở thành những người thanh thản, hài lòng với những việc tốt đã hoàn thành, và không tìm kiếm sự chấp thuận của con người.

Bây giờ, chúng ta có thể tự hỏi mình: chúng ta đang ở điểm nào? Chúng ta đang ở điểm nào? Trước sự chống đối, hiểu lầm, chúng ta có hướng về Chúa không? Chúng ta có cầu xin Chúa cho chúng ta biết kiên định làm điều thiện không? Hay chúng ta lại tìm kiếm sự tán thưởng thông qua những tiếng vỗ tay, để cuối cùng chúng ta cay đắng và bực bội khi chúng ta không nghe thấy những tiếng vỗ tay ấy? Nhiều khi, dù có ý thức hay vô thức, chúng ta tìm kiếm sự tán thưởng, tán thành từ người khác, và chúng ta làm việc để được vỗ tay. Không, điều đó không hoạt động. Chúng ta phải làm tốt nhiệm vụ, không tìm kiếm sự tán thưởng. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sự nhiệt thành của chúng ta xuất phát từ ý thức công bằng, hay vì một mục đích chính đáng. Nhưng trên thực tế, phần lớn thời gian đó không gì khác ngoài sự kiêu hãnh, kết hợp với sự yếu đuối, nhạy cảm và thiếu kiên nhẫn. Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh để được giống như Ngài, kiên quyết theo Ngài trên con đường phục vụ, không báo thù, không cố chấp khi gặp khó khăn, khi chúng ta cống hiến để làm điều thiện và người khác không cảm thông, hoặc thậm chí loại bỏ chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta im lặng và tiếp tục.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta đưa ra quyết định kiên quyết mà Chúa Giêsu đã làm để tiếp tục yêu cho đến cùng.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi đang theo dõi với sự lo lắng về những gì đang xảy ra ở Ecuador. Tôi gần gũi với người dân và khuyến khích tất cả các bên từ bỏ bạo lực và các lập trường cực đoan. Chúng ta hãy học hiểu điều này: chỉ thông qua đối thoại, hòa bình trong xã hội mới có thể đạt được - tôi hy vọng sẽ sớm đạt được - với sự quan tâm đặc biệt đến những nhóm dân cư bị gạt ra ngoài lề và những người nghèo nhất, nhưng luôn tôn trọng quyền của mọi người và của các thể chế đất nước.

Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người thân và những người chị em cùng dòng của Sơ Luisa Dell'Orto, một nữ tu của Dòng Truyền bá Phúc Âm do Thánh Charles de Foucauld sáng lập. Sơ Luisa đã bị giết ngày hôm qua tại Port-au-Prince, thủ đô của Haiti. Trong hai mươi năm, Sơ Luisa đã sống ở đó, trên hết là tận tụy phục vụ trẻ em trên đường phố. Tôi giao phó linh hồn của Sơ ấy cho Chúa, và tôi cầu nguyện cho người dân Haiti, đặc biệt là ít nhất, để họ có một tương lai thanh thản hơn, không đau khổ và không bạo lực. Sơ Luisa đã cống hiến cuộc sống của mình cho những người khác đến độ tử vì đạo.

Tôi chào tất cả anh chị em đến từ Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều quốc gia khác. Tôi nhìn thấy một lá cờ Á Căn Đình, thưa các đồng bào của tôi, tôi chào anh chị em. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Lisbon, các sinh viên từ Học viện Notre-Dame de Sainte-Croix từ Neuilly ở Pháp, và những sinh viên từ Telfs, ở Áo. Tôi chào các thành viên của Polyphonic Chorale từ Riesi, nhóm phụ huynh từ Rovigo và cộng đồng mục vụ Chân phước Serafino Morazzone từ Maggianico. Tôi thấy cờ Ukraine ở đó. Các cuộc ném bom vẫn tiếp tục ở Ukraine, gây ra cái chết, sự tàn phá và đau khổ cho người dân. Làm ơn, chúng ta đừng quên những con người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Chúng ta đừng quên điều này trong trái tim và với những lời cầu nguyện của chúng ta.

Tôi hy vọng tất cả các bạn có một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Năm bạn hiền của Putin treo cổ. Đại Tướng Tư Lệnh Không Quân Nga ra đi. Ukraine pháo dàn khoan Nga
VietCatholic Media
15:38 27/06/2022


1. Đại Tướng Tư Lệnh Không Quân của Nga cũng phải ra đi

Ngày 25 tháng 2, chỉ một ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine, thi thể của Alexander Tyulakov, 61 tuổi, phó tổng giám đốc phụ trách tài chính và an ninh của Gazprom, công ty khí đốt lớn nhất của Nga đã được người tình của ông ta phát hiện.

Cổ anh ta bị thắt bởi một chiếc thòng lọng trong ngôi nhà trị giá 500.000 bảng Anh.

Sau cái chết của Tyulakov, lại xảy ra thêm bốn vụ “tự sát” gần đây của các giám đốc điều hành ngành khí đốt có liên quan đến bạo chúa Putin.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh, gọi tắt là MoD, cho biết Putin dường như nghi ngờ có những âm mưu loại dần phe cánh của ông ta. Trong bối cảnh đó, nhiều tướng lãnh không thực sự được Putin tin cậy đã lần lượt ra đi.

Đại Tướng Alexandr Dvornikov, Tư Lệnh Quân đội Nga tại Ukraine, đã bị thay thế bởi Đại Tướng Gennady Zhidko.

Trong khi đó Tư Lệnh Không Quân Andrei Serdyukov bị thay thế bởi Sergei Surovikin - người khét tiếng là tham nhũng và tàn bạo trong sự nghiệp 30 năm của mình.

Andrei Serdyukov sinh ngày 4 tháng Ba, 1962. Ông ta gia nhập không quân Nga và leo lên đến chức Đại Tướng sau khi đã tham gia các trận chiến tại Kosovo, Chechnya. Ông ta đã từng là Tư Lệnh chiến trường Crimea vào năm 2014 và Donbas năm 2015.

Vào ngày 2 tháng 2 năm 2022 Serdyukov được tờ Financial Times đồn đại là chỉ huy quân đội Nga sẽ được cử đến Ukraine, nếu một hành động xâm lược như vậy được thực hiện.

Vào ngày 19 tháng 6 năm 2022, phát ngôn viên quân sự của Odessa, Serhiy Bratchuk cho biết Vladimir Putin đã thanh trừng Serdyukov vì vai trò của ông ta trong một nỗ lực cam go nhằm chiếm lấy sân bay Hostomel. Nỗ lực này thất bại và chỉ có một số ít quân Nga sống sót. Điều này vừa được các báo cáo truyền thông Nga xác nhận.

2. Nga cáo buộc Ukraine tấn công một dàn khoan

Hãng thông tấn Tass của Nga dẫn lời các quan chức địa phương cho biết hôm Chúa Nhật đã tấn công một giàn khoan ở Hắc Hải thuộc sở hữu của một công ty dầu khí Crimea.

Reuters tường thuật rằng giàn khoan này được vận hành bởi Chernomorneftegaz, mà các quan chức do Nga hậu thuẫn đã chiếm đoạt từ nhà điều hành khí đốt quốc gia của Ukraine Naftogaz trong quá trình sáp nhập bán đảo của Mạc Tư Khoa vào năm 2014.

Tass dẫn lời một thành viên của các dịch vụ khẩn cấp của Crimea cho biết: “Đó là cuộc pháo kích của các lực lượng vũ trang Ukraine, không có thương vong”.

Thứ Hai tuần trước, các quan chức Crimea cho biết 3 người bị thương và 7 người mất tích sau một cuộc tấn công của Ukraine buộc 3 giàn khoan phải đình chỉ công việc khai thác. Chernomorneftegaz đang bị Mỹ và Liên minh Âu Châu trừng phạt.

3. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 tiếp tục ủng hộ Ukraine

Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 đừng “bỏ rơi” Ukraine khi ông cam kết hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine khi nước này nỗ lực chống lại sự xâm lược của Nga.

“Ukraine có thể thắng và sẽ thắng. Nhưng họ cần sự hỗ trợ của chúng ta để làm như vậy. Bây giờ không phải là lúc để bỏ rơi Ukraine,” Thủ tướng Johnson nói.

Anh sẵn sàng cung cấp thêm khoản khoản vay trị giá 525 triệu USD, thông báo từ Downing Street cho biết, đồng thời cảnh báo rằng chính phủ Ukraine lo ngại nước này có thể cạn kiệt tiền mặt vào mùa thu nếu không có tiền mới bơm vào.

Cam kết này nâng tổng số viện trợ tài chính và nhân đạo của Anh cho Ukraine trong năm nay lên khoảng 1,8 tỷ USD.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7 vào thứ Hai và theo Downing Street, Thủ tướng Johnson sẽ thúc giục các đồng minh hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.

Thủ tướng Johnson nhấn mạnh rằng:

“Bất kỳ dấu hiệu mệt mỏi hoặc dao động nào trong sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin”

Johnson cho biết khi chiến sự đang diễn ra, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine cần phải bước vào “một giai đoạn mới” và câu hỏi đặt ra là làm thế nào để trợ giúp tốt nhất cho Ukraine.

Đó là những gì Thủ tướng Johnson sẽ yêu cầu tại các hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO khi ông khuyến khích các nhà lãnh đạo đồng cấp của mình tăng cường hỗ trợ kinh tế, quân sự và chính trị cho Ukraine

“Song song, chúng ta phải tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Putin và những người thân cận của ông ta, bảo đảm rằng họ cảm thấy cái giá phải trả cho sự man rợ của mình”.

4. Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, nhận định về cuộc pháo kích vào thủ đô Kyiv

Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, cho biết các cuộc tấn công của Nga vào các tòa nhà dân cư ở Kyiv cho thấy tầm quan trọng của sự đoàn kết quốc tế trong việc hỗ trợ Ukraine

Phát biểu sau khi chủ trì phiên họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G7, ông Scholz nhấn mạnh sự thống nhất của G7 về vấn đề Ukraine. Ông nói:

Có thể khẳng định chắc chắn rằng Putin đã không tính đến sự ủng hộ to lớn của quốc tế đối với Ukraine và điều đó vẫn đang khiến ông phải đau đầu, bên cạnh đó tất nhiên còn có ý chí và sự dũng cảm của người Ukraine trong việc bảo vệ đất nước của họ.

Trước một cuộc chiến tàn khốc mà Putin đang tiến hành, giờ đây chúng ta đã một lần nữa chứng kiến những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các ngôi nhà ở Kyiv - điều đó cho thấy rằng chúng ta phải cùng nhau quyết tâm sát cánh và hỗ trợ người Ukraine bảo vệ đất nước, nền dân chủ, tự do của họ.

Scholz nói rằng ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhất trí về những gì cần phải làm.

Scholz, người đã phải đối mặt với những lời chỉ trích trong và ngoài nước vì nhận thấy sự miễn cưỡng trong việc gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine, nói rằng “Đức và Mỹ sẽ luôn hành động cùng nhau khi đề cập đến vấn đề an ninh của Ukraine”.

5. Thủ tướng Johnson yêu cầu có các hành động khẩn cấp đối với ngũ cốc Ukraine tại G7

Thủ tướng Anh, Boris Johnson đã sử dụng phiên họp hôm thứ Hai tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức để kêu gọi các cường quốc có hành động khẩn cấp để giúp đưa nguồn cung cấp ngũ cốc quan trọng ra khỏi các cảng bị phong tỏa của Ukraine nhằm hỗ trợ nền kinh tế của đất nước này và giảm bớt tình trạng thiếu hụt trên khắp thế giới

Việc phong tỏa các cảng lớn của Ukraine như Odesa, các cuộc tấn công vào các trang trại và nhà kho và ảnh hưởng rộng hơn từ cuộc xâm lược của Nga đã làm tăng thêm vấn đề lương thực từ nước này, cả thị trường toàn cầu cũng đang phải đối mặt.

Ukraine trước đây cung cấp 10% lượng lúa mì cho thế giới, 17% lượng ngô trên thế giới và một nửa lượng dầu hướng dương của thế giới. Khoảng 25 triệu tấn ngô và lúa mì hiện có nguy cơ bị thối rữa trong các hầm chứa của Ukraine.

Ông Johnson đã kêu gọi một giải pháp quốc tế cho cuộc khủng hoảng, bao gồm việc tìm kiếm các tuyến đường bộ cho nguồn cung cấp ngũ cốc để đánh bại cuộc phong tỏa của Nga, với 10 triệu vật liệu và thiết bị để sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt bị hư hỏng. Vương quốc Anh cũng đang thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kiểm soát việc tiếp cận Hắc Hải, làm nhiều hơn nữa để đưa nguồn cung ngũ cốc ra ngoài bằng tàu.

Thủ tướng sẽ nói với các nhà lãnh đạo G7 vào thứ Hai:

“Những hành động của Putin ở Ukraine đang tạo ra những dư chấn khủng khiếp trên toàn thế giới, đẩy giá năng lượng và lương thực lên cao khi hàng triệu người đang đứng trước bờ vực của nạn đói. Chỉ có Putin mới có thể chấm dứt cuộc chiến vô ích và không cần thiết này.”

“Nhưng các nhà lãnh đạo toàn cầu cần phải tập hợp lại và sử dụng sức mạnh kinh tế và chính trị kết hợp của họ để giúp Ukraine và làm cho cuộc sống của các gia đình trên toàn thế giới trở nên dễ dàng hơn. Đây là một vấn đề cấp bách không có gì phải bàn”.

6. Putin hứa cung cấp cho Alexander Lukashenko các hệ thống hỏa tiễn có khả năng hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko rằng Nga sẽ cung cấp cho Belarus các hệ thống hỏa tiễn có khả năng hạt nhân.

Theo Reuters, trong cuộc gặp tại St.Petersburg, Nga, ông Lukashenko đã nêu quan ngại về các hành động “gây hấn” và “đối đầu” của các nước láng giềng như Ba Lan và Lithuania. Ông cũng thảo luận về các chuyến bay có trang bị vũ khí hạt nhân gần biên giới Belarus đang được thực hiện bởi liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu và được tường trình là đã yêu cầu Putin giúp đỡ Belarus có khả năng đưa ra một “phản ứng cân xứng”.

Theo Reuters, ông Putin nói rằng một phản ứng như vậy là không cần thiết, nhưng đất nước của ông sẽ chuyển giao “hệ thống hỏa tiễn chiến thuật Iskander-M cho Belarus, có thể sử dụng cả hỏa tiễn hành trình và đạn đạo, cả ở phiên bản hạt nhân và thông thường”.

Tháng trước, Tổng thống Nga đã bán hỏa tiễn Iskander có khả năng hạt nhân và hệ thống hỏa tiễn S-400 cho Belarus.

“Chúng tôi đã thực hiện một thỏa thuận với Putin. Chúng tôi đã mua từ bạn một số Iskanders và S-400 mà chúng tôi cần, và trang bị cho Quân đội của chúng tôi,” Lukashenko nói vào thời điểm đó. “Bây giờ chúng tôi có một đội quân hoàn toàn khác với những vũ khí như vậy. Ít nhất, loại vũ khí này có thể gây ra sát thương khổng lồ”.

Belarus là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga kể từ khi Putin xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai.

Hôm thứ Bảy, các quan chức tình báo Ukraine tuyên bố rằng Nga đã bắn hỏa tiễn từ Belarus trong nỗ lực “lôi kéo” đồng minh của mình vào cuộc chiến.

“Đây là trường hợp đầu tiên xảy ra một cuộc không kích trên khắp Ukraine trực tiếp từ lãnh thổ của Belarus. Vụ pháo kích hôm nay liên quan trực tiếp đến những nỗ lực của chính quyền Điện Cẩm Linh nhằm lôi kéo Belarus vào cuộc chiến ở Ukraine với tư cách là bên tham gia trực tiếp”, Cục trưởng Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố.

Tuần trước, Mark Voyger thuộc Chương trình Quốc phòng và An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Âu Châu, lưu ý rằng quân đội Belarus dự kiến tổ chức các cuộc tập trận ở biên giới Ukraine vào cuối tháng này cũng như trong tháng tới, điều này đã làm dấy lên lo ngại.

“Mối quan tâm là Putin đang cố gắng gây áp lực lên Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và buộc ông ấy phải có lập trường tích cực hơn để thực hiện các hành động gây hấn hơn với Ukraine, có sự tham gia của quân đội Belarus,” Voyger nói với Express UK.

“Cho đến nay, chúng tôi đã thấy quân đội Nga tiến vào Belarus và sau đó vào tháng 2, họ đã tấn công Ukraine từ phía Bắc. Nhưng trong trường hợp này, Nga đang bị thiếu binh sĩ nên bất kỳ binh sĩ nào bổ sung sẽ thêm rất nhiều so với tiềm năng của họ,” ông nói thêm.

7. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi người Belarus đoàn kết với Ukraine.

Trong một video phát biểu trước người Belarus, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi người dân Belarus đoàn kết với Ukraine.

“Ban lãnh đạo Nga muốn kéo các bạn vào cuộc chiến Ukraine-Nga vì họ không quan tâm đến tính mạng của các bạn. Nhưng bạn không phải nô lệ và có thể tự mình quyết định số phận của mình,” Ông Zelenskiy nói.

Bài phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng Belarus có thể đứng hẳn về phía Nga và trực tiếp xâm lược Ukraine.

Đầu tuần này, Nga tuyên bố sẽ cung cấp hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho Belarus trong những tháng tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết khi tiếp lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko.

Ông Putin đã nhiều lần đề cập đến vũ khí hạt nhân kể từ khi đất nước ông tiến hành một chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24 tháng 2, là điều mà phương Tây coi là lời cảnh báo không nên can thiệp vào cuộc chiến tại Ukraine. Ông Lukashenko hồi tháng trước cho biết đất nước ông đã mua hỏa tiễn hạt nhân Iskander và hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 từ Nga.
 
Điềm lạ: Đang thánh hiến nhà thờ, Thượng Phụ Kirill té ngã đưa bốn vó lên trời. Các tín hữu xanh mặt
VietCatholic Media
17:03 27/06/2022


1. Thượng Phụ Kirill té ngã ngay giữa buổi lễ khánh thành nhà thờ

Thượng Phụ Kirill, giáo chủ Giáo hội Chính thống Nga, là người đã bị Anh trừng phạt vì ủng hộ cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine, đã ngã sóng soài trong một buổi lễ khánh thành nhà thờ mới.

Thượng phụ Kirill đang thánh hiến một nhà thờ ở thành phố Novorossiysk ở miền nam Krasnodar bên bờ Hắc Hải thì bị trượt chân trên sàn đá cẩm thạch.

Một phát ngôn viên của nhà thờ nói rằng giáo chủ bị thương ở lưng trên mép của bục giảng sau khi các nhân viên an ninh gần đó và các giám mục khác không thể phản ứng kịp thời để ngăn chặn cú nhào lộn của ông, tờ báo Moskovsky Komsomolets đưa tin. Các cử hành vẫn được tiếp tục.

Thượng Phụ Kirill đã cố gắng cười ngượng sau cú té ngã mà ông cho là do bề mặt của ngôi thánh đường mới quá trơn trượt. “Việc tôi ngã hôm nay không phải là điềm gì cả,” ông nói với các tín hữu trong một đoạn clip do BBC Monitoring chia sẻ.

Thượng Phụ Kirill được tường trình là đang rẩy nước phép để thánh hiến ngôi thánh đường mới. Có lẽ nước làm ướt sàn nhà khiến ông bị trượt té. Tuy nhiên, tin tức này lan truyền nhanh chóng vì chưa bao giờ một biến cố như thế lại xảy ra. Ngay trên mạng xã hội được ưa chuộng nhất tại Nga là mạng Telegram, người ta cho rằng Chúa đã cho ông té ngã như đã từng làm cho Thánh Phaolô phải té ngã trên đường đi Đa mát như một lời cảnh tỉnh đối với Kirill.

Trong thánh lễ hôm Chúa Nhật Thượng Phụ Kirill đã chủ động nhắc lại biến cố này, và nói rằng, chuyện té ngã như thế chỉ là hiện tượng vật lý, chẳng phải là điềm gì cả.

“Chỉ là sàn nhà thật tuyệt vời, bạn có thể nhìn ngắm mình trong đó, nó sáng bóng và mịn màng. Khi nước đổ lên đó, dù là nước thánh thì định luật vật lý cũng phát huy tác dụng.”

Thượng Phụ Kirill đã phải đối mặt với sự lên án của quốc tế vì đã đưa ra lời biện minh tôn giáo cho cuộc chiến ở Ukraine. Trong tháng này, Vương quốc Anh đã trừng phạt ông sau khi Liên Hiệp Âu Châu loại ông khỏi danh sách trừng phạt vì sự phản đối của Hung Gia Lợi. Nhiều người tin rằng Kirill là người giữ của cho Vladimir Putin, và Sergei Lavrov.

Trong số những người chỉ trích kịch liệt ông có nhóm Nhân Quyền Không Biên Giới. Nhóm này đã đệ trình lên Tòa án Hình sự Quốc tế một báo cáo cho thấy rằng Thượng Phụ Kirill đồng lõa với “tội ác chiến tranh của Nga và tội ác chống lại loài người ở Ukraine”.

Nhóm Nhân Quyền Không Biên Giới nói với Newsweek vào tháng trước rằng Thượng Phụ Kirill là “đồng phạm trên thực tế” trong hành vi xâm lược quân sự của Putin.

Lập trường của Kirill đã gây ra sự chia rẽ trong Chính Thống Giáo trên toàn thế giới. Ủy ban Các vấn đề Chính thống của Hoa Kỳ, vào tháng 4 đã mô tả sự ủng hộ của ông đối với cuộc chiến là “tàn nhẫn và phi lý”.

2. Đức Giáo Hoàng ca ngợi các gia đình, tấn công 'văn hóa lãng phí' sau khi phán quyết Roe chống Wade bị lật nhào

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự cuộc gặp gỡ với các gia đình thế giới vào hôm thứ Bảy và kêu gọi họ tránh xa những quyết định “ích kỷ”, thờ ơ với cuộc sống khi ngài kết thúc một cuộc gặp gỡ lớn ở Vatican một ngày sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật nhào phán quyết Roe chống Wade.

Đức Phanxicô đã không đề cập đến phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, cũng không đề cập rõ ràng đến việc phá thai trong bài giảng của mình. Nhưng ngài đã sử dụng những từ thông dụng mà ngài đã đưa ra trong suốt triều giáo hoàng của mình về sự cần thiết phải bảo vệ các gia đình và lên án “văn hóa lãng phí” mà ngài tin là lý do đằng sau sự chấp nhận của xã hội đối với việc phá thai.

Ngài nói: “Chúng ta đừng để gia đình bị đầu độc bởi độc tố của ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, văn hóa thờ ơ và lãng phí ngày nay, và kết quả là đánh mất chính DNA của nó, vốn là tinh thần chào đón và phục vụ”.

Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng một số cặp vợ chồng cho phép nỗi sợ hãi và lo lắng của họ “cản trở mong muốn mang lại cuộc sống mới trên thế giới”, và kêu gọi họ đừng bám vào những ham muốn ích kỷ.

“Anh chị em đã được yêu cầu đừng có những ưu tiên khác, đừng 'nhìn lại' cuộc sống trước đây, sự tự do trước đây của anh chị em, với những ảo tưởng lừa dối của nó”

Đức Phanxicô đã mạnh mẽ ủng hộ việc Giáo Hội phản đối phá thai, coi đó là việc “thuê một sát thủ để giải quyết vấn đề”. Đồng thời, ngài cũng bày tỏ sự cảm thông đối với những phụ nữ đã phá thai và giúp họ hoán cải sau khi đã thực hiện thủ thuật này.

Giáo Hội Công Giáo cho rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai và phải được bảo vệ, che chở cho đến khi chết tự nhiên.

Đức Phanxicô đã đọc bài giảng của mình tại quảng trường Thánh Phêrô chật cứng vào cuối buổi Gặp gỡ Gia đình Thế giới, một hội nghị bốn ngày được tổ chức vài năm một lần nhằm mục đích giúp các nhân viên mục vụ Giáo Hội chăm sóc tốt hơn cho các gia đình, đặc biệt là những gia đình khó khăn.

Đức Hồng Y Kevin Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống đã cử hành thánh lễ bế mạc trước hàng chục nghìn người vì Đức Phanxicô bị đau đầu gối nặng khiến ngài khó đứng trong thời gian dài.

Đức Giáo Hoàng ngồi bên cạnh bàn thờ và ngồi trong suốt bài giảng của ngài, mặc dù ngài có thể dễ dàng đứng lên khi nghe đọc Tin Mừng và những khoảnh khắc khác với sự trợ giúp của một cây gậy.

Vatican hoan nghênh phán quyết hôm thứ Sáu lật ngược Roe kiện Wade, là phán quyết năm 1973 cung cấp các biện pháp bảo vệ hiến pháp cho việc phá thai ở Hoa Kỳ. Động thái này mở ra cánh cửa cho các tiểu bang riêng lẻ cấm hoặc hạn chế việc tiếp cận phá thai, với lệnh cấm hiện dự kiến ở khoảng một nửa số tiểu bang của Hoa Kỳ nơi có các thống đốc là đảng viên Cộng Hòa.

Cơ quan đạo đức sinh học chính của Tòa thánh, Học viện Giáo hoàng về Sự sống, cho biết họ “thách thức toàn thế giới” mở lại cuộc tranh luận về sự cần thiết phải bảo vệ sự sống. Phá thai là hợp pháp ở Ý và hầu hết Âu Châu.

Trong một bài xã luận hôm thứ Bảy có tựa đề “Vì cuộc sống, luôn luôn”, Giám đốc biên tập của Vatican, Andrea Tornielli, đã kêu gọi cuộc tranh luận đó chuyển từ tư tưởng phân cực sang một cuộc đối thoại có tính đến những lo ngại về tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ và giúp đỡ phụ nữ, đặc biệt là những người nghèo, với chế độ nghỉ phép có lương của cha mẹ và các hỗ trợ khác khi họ đưa trẻ em đến với thế giới.

Tornielli viết: “Luôn luôn vì sự sống, cũng có nghĩa là bảo vệ nó trước mối đe dọa từ súng đạn, thứ đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ.

Đức Hồng Y Farrell, trong lời phát biểu bế mạc vào cuối thánh lễ, cám ơn Đức Phanxicô về nhiều sáng kiến có lợi cho các gia đình, đặc biệt là trích dẫn giáo huấn của ngài về giá trị của ông bà và “nhiều lời tuyên bố bảo vệ sự sống” của ngài.


Source:Catholic News Agency

3. Họp báo chuẩn bị Năm Thánh 2025

Chiều thứ Ba, ngày 28 tháng Sáu vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, trưởng ban phối hợp tổ chức Năm Thánh 2025, đã mở cuộc họp báo tại Vatican để trình bày tiến trình chuẩn bị Năm Thánh 2025.

Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho đến nay là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng. Cơ quan này được Đức Thánh Cha gộp vào Bộ Truyền giảng Tin mừng, theo Tông hiến mới về Giáo triều Roma bắt đầu có hiệu lực từ ngày 05 tháng Sáu vừa qua.

Hiện diện trong buổi họp báo, cũng sẽ có Bộ trưởng du lịch của Ý, ông Massimo Garavaglia, và ông Roberto Gualtier, Chủ tịch miền Lazio nơi có thành Roma.

Đức Tổng Giám Mục Fisichella đã trình bày tiến trình Năm Thánh và sẽ có sự hiện diện của người trúng giải cuộc thi tuyển quốc tế thực hiện Logo, hay huy hiệu của Năm Thánh tới đây.

3. Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ bắt đầu 22 dự án giúp Syria

Tổ chức bác ái Công Giáo Trợ giúp bác ái Giáo hội đau khổ bắt đầu tiến hành 22 dự án giúp dân chúng tại Syria, nhắm làm giảm bớt hậu quả sự khủng hoảng tài chánh tại nước này.

Syria từ 12 năm nay phải chịu tình cảnh chiến tranh, và nay, tuy phần lớn các cuộc xung đột đã chấm dứt nhưng dân chúng tại nước này tiếp tục chịu những hậu quả của chiến tranh và nhất là do chính sách cấm vận của Âu Mỹ.

Trong thông cáo công bố hôm 24 tháng Sáu vừa qua tại Vienne, thủ đô Áo, Tổ chức bác ái Công Giáo quốc tế này cho biết để có thể sống còn, mỗi gia đình ở Syria cần khoảng 150 Euro mỗi tháng, nhưng hiện nay trung bình họ chỉ kiếm được 20 Euro.

Với các dự án mới, tổ chức Trợ giúp bác ái các Giáo hội đau khổ giúp phân phối thực phẩm, chăm sóc người già và người bệnh cũng như giúp học bổng cho các học sinh và sinh viên. Nhờ các biện pháp này, người ta hy vọng người trẻ Syria bớt tìm đường di cư ra nước ngoài.

Ngoài ra, để giúp người trẻ vượt thắng những chấn thương tâm lý, cơ quan bác ái Công Giáo này cũng tổ chức các trại hè cho các học sinh, người trẻ và những người khuyết tật. Ngoài ra, những gia đình nghèo cũng được trợ giúp tiền thuê nhà, hoặc sửa chữa gia cư bị hư hại vì chiến tranh.

Bà Regina Lynch, giám đốc dự án của tổ chức Trợ giúp bác ái Giáo hội đau khổ cho biết có một tình trạng tuyệt vọng rất lớn ở người dân Syria. Trước chiến tranh bắt đầu năm 2011, số Kitô hữu chiếm 10% dân số Syria, nhưng rồi hàng trăm ngàn Kitô hữu đã phải tị nạn ra nước ngoài khiến số Kitô hữu ngày càng giảm sút. Đức Thánh Cha Phanxicô hồi tháng Ba năm nay, trong sứ điệp gửi các tín hữu Kitô Syria, đã nói rằng “Anh chị em không bị quên lãng, Giáo hội tiếp tục quan tâm đến an sinh của anh chị em vì anh chị em là những người giữ vai chính trong sứ mạng của Chúa Giêsu tại đất nước Syria này”.