Ngày 27-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:13 27/06/2020

11. Nếu người ta nghĩ rằng giá trị của sự đau khổ chính là Thiên Chúa, thì người ta sẽ tranh nhau để nhận đau khổ.

(Thánh nữ Angela Merici)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:16 27/06/2020
58. NGƯỜI MÊ TUỒNG MƠ TUỒNG

Một đêm nọ người mê diễn tuồng nằm mơ mình đến trong nhà bạn coi diễn tuồng.

Đang lúc anh ta đang vui vẻ ngồi xuống, mở to con mắt để coi tuồng thì vợ hách xì một tiếng làm anh ta giựt mình tỉnh dậy.

Anh ta rất buồn phiền, liên tiếp chửi mắng bà vợ làm đứt ngang giấc mơ của mình.

Bà vợ vừa giận vừa tức cười nói với anh ta:

- “Đừng chửi nữa, ông tranh thủ ngủ đi, vở tuồng đại khái mới diễn chưa được một nửa mà !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 58:

Con người ta say mê điều gì thì đến nỗi tối nằm ngủ cũng mơ thấy điều ấy, gọi là nhập tâm.

Có người yêu đến nỗi thất tình, có người thích đánh bạc đến nỗi tan gia bại sản mà vẫn còn thích, có người mê rượu hể tỉnh là uống, có người mê nhậu thịt chó đến nỗi sắp chết rổi mà vẫn còn muốn ăn thịt chó.v.v...

Mê và tỉnh là hai trạng thái không giống nhau, mê là lú lẫn không biết gì khác ngoài cái mình thích, cho nên dễ dàng trở thành người cố chấp và là trở ngại lớn cho cộng đoàn; tỉnh là sáng, nên dễ dàng nhận ra cái mình thích nó hay và không hay ở chỗ nào để làm cho đầy, nên dễ dàng nghe theo ý kiến xây dựng của mọi người.

Người Ki-tô hữu luôn hiểu rằng mình đang ở trong thực tại của trần thế nên không thể sống như người nằm mơ, cho nên họ hăng hái làm việc và phục vụ tha nhân cách tích cực, thế là họ làm cho Lời Chúa được sống động trong hoàn cảnh sống của họ, và –qua họ- người ta dễ dàng nhận ra khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa hơn.

Đã tỉnh dậy thì không thể ngủ lại để câu chuyện mình nằm mơ được tiếp tục, người Ki-tô hữu một khi đã tỉnh dậy sau giấc mộng dài trong tội, thì cũng cố gắng sẽ không “mê” lại, nhưng sẽ dứt khoác hơn với cuộc sống mới của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 13 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:18 27/06/2020
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 10, 37-42

“Ai không vác thập giá, thì không xứng với Thầy. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy”.


Anh chị em thân mến,

“Bông sen trong hồ rất hâm mộ chim biết ca hát, bươm bướm biết bay, còn mình thì cả ngày bị giam cầm trong hồ nước, lâu ngày không tránh khỏi oán than.

Chúa Tạo Vật thấy vậy, lập tức nói:

“Bé con, giam cầm con thật ra không phải là hồ nước, mà là cái tâm của con đó”.


Điều kiện tối thiểu để làm môn đệ của Đức Đức Chúa Giê-su là từ bỏ mình và vác thập giá của mình để theo Ngài, đó là điều kiện tiên quyết và là một cái ách nhẹ nhàng cho những ai biết phó mình cho Thiên Chúa, và là cái ách nặng nề cho những ai thích hưởng thụ, mà coi thập giá như là sợi dây thòng lọng trói buộc tự do của mình.

Không từ bỏ mình là tự giam cầm tự do của mình, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều việc phải lo toan và nhiều điều toan tính:

- Có người tính toán chuyện học hành tương lai để được chỉ huy người khác, nên cứ loay hoay tính toán mà quên mất bổn phận phải chu toàn của mình: họ bị giam cầm trong cái bằng cấp địa vị mà họ chưa bao giờ nhìn thấy.

- Có người cứ tưởng mình là Thiên Chúa nên đoán xét tương lai của cộng đoàn là mù mờ không tương lai, nên họ loay hoay tìm cách thoát ly cộng đoàn: họ bị giam cầm trong cái hưởng thụ vô hình, để rồi cộng đoàn chưa đen tối mà họ thì đã tối đen trong hiện tại và cả tương lai.

Có người thỏa mãn với tài năng của mình, có người tự đắc với thành công của cá nhân, có người bất mãn với cuộc sống hiện tại, có người chán chường vì nhân tình thế thái.v.v...đó chính là những khối đá hoa cương giam hãm tâm hồn của họ trong những cám dỗ của vật chất...

Không từ bỏ những sợi mắc xích trói buộc tâm hồn ấy, thì chúng ta vẫn cứ bị giam cầm trong những loay hoay tính toán, để rồi tâm hồn không được tự do bay bổng lên với Thiên Chúa trong bổn phận hằng ngày, và như thế thập giá chỉ là những chán chường, lo âu, bất an mà thôi.

Thập giá là nguyên nhân của tự do và dâng hiến, bởi vì không một hy sinh nào mà không trở thành của lễ dâng hiến cách tự do lên Thiên Chúa, vì ngài là Đấng đã ban sự tự do cho con người.

Bổn phận và trách nhiệm dù muốn dù không thì chúng ta cũng phải chu toàn, do đó mà có nhiều tiêu cực phát sinh trong khi thi hành bổn phận; nhưng bổn phận sẽ là sự tự do dâng hiến nếu chúng ta coi đó chính là thập giá mà Thiên Chúa đã gởi đến cho mình. Khi đã dâng hiến phụng sự Thiên Chúa với tất cả tự do, thì chính tự do này đã giải thoát chúng ta khỏi giam cầm bởi những lo toan tính toán trong bổn phận của mình, đó cũng là lời mời gọi của Đức Chúa Giê-su: hãy “vác thập giá của mình” mà theo Ngài.

Anh chị em thân mến,

Vác thập giá mà không từ bỏ sân si, thì thập giá trở nên tảng đá nặng nề đè trên cuộc sống của chúng ta.

Vác thập giá mà không có tâm tình tự nguyện, thì thập giá là những vòng xích trói buộc tâm hồn mình.

Vác thập giá mà vẫn cứ nhìn người này để phê bình, ngó người kia để đoán xét, thì thập giá sẽ như nhà tù giam hãm tâm hồn vốn thanh thoát hướng thiện của chúng ta...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Lễ 2 thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:23 27/06/2020
LỄ HAI THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ

TÔNG ĐỒ


Tin mừng: Mt 16, 13-19.

“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.”


Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, không nói thì chúng ta cũng biết các ngài là người như thế nào trong Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su, thánh Phê-rô được Đức Chúa Giê-su Ki-tô chọn làm thủ lãnh của Giáo Hội, và trao cho ngài quyền đóng và mở cửa Nước Trời; thánh Phao-lô là người nhiệt thành với tôn giáo và niềm tin của mình nên đã đi bắt các Ki-tô hữu, và có lẽ vì ưu điểm nhiệt thành ấy mà Đức Chúa Giê-su đã chọn ngài làm tông đồ, và sai đi loan báo tin mừng Nước Trời cho dân ngoại.

Tinh thần của thánh Phê-rô là chân thành, thẳng thắn, bộc trực dám nói dám làm, đó chính là mẫu gương của người làm tông đồ rao truyền Lời Chúa cho mọi người. Chúng ta chắc chắn cũng có những đức tính như thánh Phê-rô vậy, nhưng chúng ta chưa có tinh thần khiêm tốn như ngài, bởi vì có những lúc bạn và tôi rất chân thành nói lời yêu thương nhưng vẫn còn tính toán lợi hại; có những lần bạn và tôi thẳng thắn nói lên khuyết điểm và việc làm sai trái của người khác, nhưng lời thẳng thắn bộc trực ấy đầy kiêu ngạo dạy đời thiên hạ, và làm cho người khác cảm thấy bực tức hơn là sửa đổi lỗi lầm.

Tinh thần của thánh Phao-lô là can đảm, nhiệt thành và xác tín vào niềm tin của mình, nếu không có những ưu điểm như thế, thì Đức Chúa Giê-su –có lẽ- không chọn ngài làm tông đồ, và cũng không sai ngài đến với dân ngoại là chúng ta.

Lòng nhiệt thành và xác tín vào niềm tin của mình đã làm cho thánh Phao-lô nhiệt thành bắt đạo, và cũng lòng nhiệt thành ấy, mà sau khi nhận biết Đức Chúa Giê-su là Đấng đã vì mình mà chịu chết trên thập giá, thì ngài đã không ngần ngại chuyển lòng nhiệt thành, xác tín này qua cho việc rao giảng Phúc Âm cho những người không phải là Do Thái, là dân ngoại chưa nhận biết Thiên Chúa là Cha của mọi loài.

Anh chị em thân mến,

Cả hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đều có một điểm giống nhau, đó là rất yêu mến Đức Chúa Giê-su và hăng say làm chứng cho Ngài, các ngài đã đem chính mạng sống của mình ra để làm chứng.

Chúng ta đều là những hoa quả được sinh ra bởi lời rao giảng của các ngài, và như thế, chúng ta cũng đều có bổn phận đem Lời Chúa đến cho mọi người bằng chính cuộc sống của chúng ta. Muốn được như thế, bạn và tôi hãy đem tinh thần bảo tồn chân lý Ki-tô giáo của thánh Phê-rô, và tinh thần truyền giáo của thánh Phao-lô đặt vào trong tim trong óc của mình, để khi rao giảng Lời Chúa cho tha nhân, thì chúng ta không làm mất đi tính truyền thống tông truyền của Giáo Hội.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
CN 13A TN: Lòng Hiếu Khách : Gương Trong Sách Thánh
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
11:12 27/06/2020
Có khá nhiều đề tài cho bài giảng hôm nay mà ta có thể rút ra được từ đoạn Tin Mừng. Nào là điều kiện theo Chúa (điều kiện nào); nào là vác thập giá theo Ngài (thập giá nào, vác làm sao); và cái "nào là" thứ ba là cái tôi muốn nói, đó là về tấm lòng: lòng hiếu khách mà ta rút được từ bài Tin Mừng hôm nay: Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đó tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

Đón tiếp cũng chính là điều mà Hội Thánh muốn chúng ta suy nghĩ, vì bài đọc I trong các Chúa nhật Thường Niên, theo chỉ dẫn của Phụng vụ, là nhằm minh hoạ, nhằm nói rõ hơn cho bài Tin Mừng, thì chính bài đọc I hôm nay nói về một cuộc đón tiếp, nói về lòng hiếu khách.

Tôi nhớ trong một chương trình “chiếc nón kỳ diệu, ” có 9 ô trống với câu hỏi là : Người ngoại quốc, khi đến Việt-Nam, họ thường khen người Việt về điểm gì. Lòng hiếu khách chính là câu trả lời trúng. Do đó hiếu khách không xa lạ gì đối với người Việt ta, vì đó là nét đẹp của dân tộc. Nhưng một dân tộc khác cũng có nét đẹp này không kém, mà có khi hơn, đó dân của Chúa Giêsu: dân Israel.

Sách Thánh ghi lại ít là ba cuộc tiếp đón rất đẹp và rất dễ thương

1) Abraham thấy 3 người khách lạ đang đi trong sa mạc. Ông chạy ra năn nỉ họ vào nhà và ân cần chăm sóc họ. Đó là 3 sứ giả của Thiên Chúa, (mà hoạ sĩ người Nga Roublev đã vẽ lại và bức tranh này trở thành danh hoạ, được xem như diễn tả chính Ba Ngôi). Đáp lại tấm lòng của Abraham, 3 sứ giả này ban ơn cho vợ chồng son sẻ của Abraham có con trai đầu lòng (St 18): Độ này sang năm, bà sẽ sinh cho ông một con trai. Bà Sara cao niên, vợ Abram lớn tuổi, nghe được, cười thầm trong lòng mà lớn tiếng, khiến vị khách nghe được, nên tỏ ý không hài lòng.

2) Một gia đình ở Su-nêm chẳng những tiếp đón ngôn sứ Elisa, mà còn dọn hẳn cho ông một căn phòng để những lần sau ông tới có chỗ trọ. Đáp lại, Elisa cũng giúp họ thoát khỏi tình trạng son sẻ (bài đọc I) :

Một hôm, ông Ê-li-sa đi qua Su-nêm. Ở đó có một phụ nữ giàu sang. Bà ta giữ ông lại dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào dùng bữa. Bà ấy nói với chồng: "Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó." Một hôm, ông đến nơi ấy, ông lui vào phòng trên lầu và nghỉ ở đó. Ông nói với Giê-kha-di, tiểu đồng của ông: "Đi gọi bà Su-nêm." Nó đi gọi bà và bà đến trước mặt nó. Ông Ê-li-sa bảo nó: "Hãy nói với bà ấy: Bà đã quá lo lắng bận rộn vì chúng tôi. Chúng tôi biết phải làm gì cho bà đây? Có cần chúng tôi phải nói một lời với đức vua hay với tướng chỉ huy quân đội cho bà không? " Bà trả lời: "Tôi sống yên hàn giữa dân tôi." Ông Ê-li-sa nói với tiểu đồng: "Nên làm gì cho bà ấy? " Giê-kha-di đáp: "Tội nghiệp, bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già." Ông Ê-li-sa bảo: "Đi gọi bà ấy." Nó đi gọi bà, và bà ấy đến đứng ngoài cửa. Ông Ê-li-sa nói: "Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai." Bà mới nói: "Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài!" Quả nhiên, bà ấy có thai, và năm sau, vào thời kỳ, vào độ mà ông Ê-li-sa đã nói, thì bà sinh con trai.

3) Gia đình Matta, Maria và Lazarô ở Bêtania là nơi thường xuyên tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ. Đáp lại, Đức Giêsu đã làm cho Ladarô chết 4 ngày sống lại.

Qua những gương mẫu trên ta rút ra hai kết luận:

Kết luận 1. Phải mở lòng mới hiếu khách được. Nói kiểu khác phải quảng đại mới có thể tiếp đón bất cứ ai. Hiếu khách không vì hậu ý kiếm lợi, mà rất nhiều khi ngược lại, hại nhiều hơn: hại của, hao tiền, tốn giờ, hại sức… :

-Abraham lo cho 3 người khách kia đi trong sa mạc sẽ bị đói khát và không có chỗ nghỉ ngơi để lấy lại sức;

-Gia đình ở Sunam lo sợ ngôn sứ Elisê phải bơ vơ tứ cố vô thân ở một miền đất lạ, họ đâu mong được gì. Khi ngôn sứ Elisa hỏi: Có cần chúng tôi phải nói một lời với đức vua hay với tướng chỉ huy quân đội cho bà không? " Bà trả lời: "Tôi sống yên hàn giữa dân tôi.";

-Gia đình Bêthania thì muốn Đức Giêsu và các môn đệ được nghỉ ngơi sau một thời gian mệt mỏi vì công việc rao giảng Tin Mừng. Nhiều nơi gọi nhà tiếp đón khách là nhà Betania.

Không mong lợi lộc gì, đó là kết luận 1. Và kết luận 2 là

Kết luận 2. Người hiếu khách, tuy không mong lợi lộc gì, nhưng Chúa sẽ trả công bội hậu.

Trong cả 3 mẫu gương Kinh Thánh ta vừa nêu, phần thưởng Chúa trả là cái quí giá nhất của đời người: sự sống: hai đứa con trai đầu lòng cho hai vợ chồng son sẻ, và đặc biết đứa con trai trong bài đọc I hôm nay lâm li hơn nữa, nếu chúng ta đọc tiếp:

Đứa trẻ lớn lên. Một ngày kia, khi đi kiếm cha nó ở giữa những người thợ gặt, nó nói với cha: "Ôi, cái đầu con! Cái đầu con!" Người cha bảo anh đầy tớ: "Bồng nó về cho mẹ nó." Người tớ trai bồng nó, đem về cho bà mẹ. Đứa trẻ ngồi trên đầu gối bà đến trưa, rồi nó chết. Bà lên đường và đi đến với người của Thiên Chúa ở núi Các-men., bà nói: "Nào tôi có xin ngài cho tôi được đứa con đâu? Tôi đã chẳng nói: "Xin đừng đánh lừa tôi, đó sao? " Ngôn sứ Elisa đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ có hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện với ĐỨC CHÚA. Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên miệng nó, kề mắt ông trên mắt nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm trên đứa trẻ, da thịt nó nóng lên. Ông đi đi lại lại trong nhà, rồi lại lên nằm trên nó; cậu bé hắt hơi đến bảy lần, và mở mắt ra. Ông Ê-li-sa gọi Giê-kha-di và bảo: "Đi gọi bà Su-nêm." Nó đi gọi bà; bà đến với ông, ông nói: "Bà hãy đem con đi !"

Còn gia đình Matta và Maria ở Betania thì mạng sống được trả lại cho Ladarô đã chết 4 ngày. Chúa là Đấng rộng lượng từ bi không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Con người tiếp các sứ giả của Ngài, Ngài sẽ trả lại vật quí hơn hết: sự sống, kể cả sự sống đời đời.

Nhiều cá nhân, nhiều dòng, nhiều chùa, nhiều nhà thờ có hình thức làm các căn nhà mở để đón tiếp những kẻ cơ nhỡ, tật nguyền nghèo đói đến trú ngụ ở ăn. Thật đáng phục.

Giáo xứ Vĩnh Phước Nhatrang có cơ ngơi đón tiếp các đoàn ghé qua, hãy quảng đại đón tiếp. Giáo xứ lại có các khoá Cầu Nguyện Lời Chúa, cung cấp miễn phí chỗ ăn chỗ ở cho những người đến dự tuần cầu nguyện. Hiếu khách với những người anh em bé nhỏ của Chúa, Chúa sẽ trả lại những gì ta không ngờ. Xin nhắc lại lần nữa : Chúa không chịu thua lòng quảng đại của ta đâu.

Hôm nay, Chúa đã công khai hứa ban thưởng cho những ai tiếp đón giúp đỡ các môn đệ của Chúa. Dù chỉ cho môn đệ một chén nước lạnh thì Chúa cũng trả công. Mà sự trả công của Chúa thì vô cùng trọng hậu.

Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tông Đồ Của Tình Yêu Và Lòng Mến
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
11:16 27/06/2020
Suy Niệm Lễ Vọng Hai Thánh Phêrô Và Phaolô Tông Đồ

(Ga 21, 15-19)

Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng ta về với hai khuôn mặt vĩ đại của tình yêu và lòng mến là Phêrô và Phaolô.

Phaolô, vị Tông Đồ của tình yêu

Phaolô, vị thánh mệnh danh là bị tình yêu Đức Kitô thúc bách (x. 2 Cr 5, 15). Trước khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, vì lòng nhiệt thành với Đạo Do Thái, ông đã bắt bớ những người theo Chúa Giêsu (x.Cv 8, 3-9, 2), cố tình tiêu diệt Hội Thánh ngay từ lúc phôi thai, làm cho Khanania khiếp sợ (x.Cv 9, 13-14). Được Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi, ông gắn bó với Người bằng tình yêu không thể chia lìa, ông nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? ” (Rm 8, 35). Đức Kitô đã trở nên “người yêu” và “người tình” của Phaolô. Đức Kitô không ngừng ám ảnh ông, đến độ Phaolô phải thốt lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Ga 2, 20).

Xem video và nghe bài giảng

Giáo hội của Chúa là thánh, nhưng thành phần của Giáo hội là những tội nhân. Các Tông Đồ là những người có sứ mệnh tiếp tục công việc của Chúa Giêsu đều là những tội nhân, những tội nhân đã được thánh hóa, chính Chúa Giêsu là Đấng thánh hóa Giáo hội của Người.

Phêrô, vị Tông Đồ của lòng mến

Mỗi lần đọc đoạn Tin Mừng (Ga 21, 15-19) với ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không? ” Hai lần ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Lần thứ ba ông thưa: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”, không khỏi làm chúng tuôn trào xúc động trước tình yêu Chúa dành cho ông và lòng mến ông đáp lại Chúa, khiến Chúa Giêsu bảo ông ba lần: “Hãy chăm sóc chiên con… chiên mẹ… của Thầy” (x. Ga 21.15.16.17).

Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã ngăn cản lòng trung thành bảo vệ Phêrô nên nói: “Hãy xỏ gươm vào bao, kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Ga 18, 11). Không lâu sau đó Phêrô đã chối Thầy vào lúc đỉnh cao của cuộc khổ: “Tôi chẳng biết người ấy là ai!” (x. Ga 18.17.25.27). Tuy nhiên, với giọt nước mắt đầy lòng thống hối ăn năn chảy thành rãnh trên gò má, nhất là Phêrô vẫn yêu mến Thầy. Nếu Gioan người bạn của ông đã nghe được lời ông chối: “Tôi chẳng biết người ấy là ai!” Thì Gioan cũng nghe được lời tuyên xưng đầy tình yêu và lòng mến của Phêrô với Thầy đến ba lần: “Thầy biết con yêu mến Thầy”, như để sửa lại ba lần chối Thầy trong cuộc khổ nạn, mà cho đến giờ này Phêrô vẫn còn cảm thấy lòng mình cháy bỏng vết thương đã gây ra cho Thầy trong đêm ông phản bội. Tình yêu của Chúa Giêsu đã đủ cho Phêrô. Ông không được chiều theo cơn cám dỗ tò mò, ghen tị, như khi nhìn thấy Gioan đứng gần ông, ông đã hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, còn anh này thì sao? ” (Ga 21, 21). Nhưng Chúa Giêsu, trước những cám dỗ ấy đã trả lời Phêrô: “Việc gì đến con? Phần con, hãy theo Thầy!” (Ga 21, 22).

Tình yêu và Lòng mến là nền tảng của sứ vụ

Như vậy, Tình Yêu của Thiên Chúa nhập thể, khi mặc lấy xác phàm, biểu lộ quyền năng và sức mạnh vô biên của Thiên Chúa trong sự yếu đuối, mỏng giòn của con người. Chính vì sự yếu đuối nghèo hèn của Phêrô mà Chúa Giêsu trao Giáo hội của mình cho ông. Chính sự nhiệt thành đầy kiều hãnh của Phaolô, mà Chúa đặt ông làm Tông đồ dân ngoại, để cùng với Phêrô thể hiện sự tràn đầy của Chúa Giêsu Tình Yêu. Cả hai đã đón nhận tình yêu của Chúa Giêsu và để cho mình được tình yêu Chúa biến đổi.

Thiên Chúa là Thánh ở giữa chúng ta, đã thông ban tình yêu cho hết mọi chi thể trong thân thể Ngài. Giáo hội, thánh thiện và tinh tuyền, nhận lãnh Tình Yêu của Thiên Chúa, được Tình Yêu biến đổi. Mầu nhiệm của tình yêu chỉ có thể được đón nhận bằng tình yêu, Giáo hội là mẹ, hiền thê yêu dấu duy nhất của Chúa Giêsu, nhưng gồm các tội nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi: “Làm thế nào Giáo hội có thể là thánh thiện khi những thành viên của mình là những người tội lỗi? ” Ngài khẳng định: “Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi. Tuy nhiên, Giáo hội là thánh! Chúng ta là những người tội lỗi, nhưng Giáo hội là thánh. Giáo hội là hiền thê của Chúa Giêsu Kitô, và Người yêu thương hiền thê của mình, Người thánh hoá Giáo hội mỗi ngày với hy tế Thánh Thể bởi vì Người yêu thương Giáo hội hết mực và chúng ta tuy là những tội nhân, nhưng chúng ta ở trong một Giáo hội thánh thiện, và chúng ta cũng được thánh hóa. Mẹ Giáo hội thánh hóa chúng ta, với lòng từ ái, với các bí tích của Phu Quân mình.” (Trích Bài giảng tại nhà nguyện Matta 09/5/2016).

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta cùng một câu hỏi như Chúa hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không? ” Chúng ta trả lời Chúa ra làm sao? Chúng ta yêu mến Chúa thế nào? Phêrô chỉ cách cho chúng ta: tin tưởng vào Chúa, Ðấng “biết mọi sự” nơi chúng ta, Ðấng tin nơi chúng ta không phải vì chúng ta có khả năng trung thành, nhưng vì lòng trung thành vững chắc của Chúa. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Chúa không thể chối bỏ chính mình (x. Tm 2, 13). Thiên Chúa luôn trung tín. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy yêu mến Chúa và Giáo hội hết lòng và làm tất cả vì Chúa: “Dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1Cr 10, 31).

Kính lạy hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, chứng nhân của tình yêu và lòng mến, xin cầu cùng Chúa cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và trong mọi người. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Lễ Kính Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ 29/6/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
22:21 27/06/2020

Bài Ðọc I: Cv 12, 1-11

"Bây giờ tôi biết thật Chúa đã cứu tôi khỏi tay Hêrôđê".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội thánh. Ông đã dùng gươm giết Giacôbê anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do-thái, nên lại cho bắt cả Phêrô. Bấy giờ là ngày lễ Bánh Không Men. Bắt được người, vua cho tống ngục, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ, có ý đợi sau lễ Vượt Qua, sẽ điệu người ra cho dân. Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho người. Ðến khi vua Hêrôđê sắp điệu người ra, thì đêm ấy, Phêrô phải mang xiềng xích, nằm ngủ giữa hai tên lính, và có quân canh giữ trước cửa ngục. Bỗng có thiên thần Chúa đứng kề bên, một luồng ánh sáng chiếu giãi vào ngục; thiên thần đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức người dậy mà rằng: "Hãy chỗi dậy mau". Xiềng xích liền rơi khỏi tay người. Thiên thần bảo người rằng: "Hãy thắt lưng và mang giày vào". Người làm y như vậy. Thiên thần lại bảo rằng: "Hãy khoác áo vào mà theo ta".

Người liền đi ra theo thiên thần, mà chẳng biết việc thiên thần làm có thật chăng, người tưởng như trong giấc mộng. Qua khỏi chặng thứ nhất và chặng thứ hai, thì đến cửa sắt thông ra thành. Cửa ấy tự nhiên mở ra. Thiên thần và Phêrô rảo qua một phố nọ, rồi thiên thần biến đi. Phêrô hoàn hồn và nói rằng: "Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do-thái".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.

Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ. - Ðáp.

Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Ðáp.

Xướng: Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 17-18

"Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 16, 18

Alleluia, alleluia! - Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-19

"Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai? " Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai? " Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phân tích Huấn thị Mới về Việc Dạy Giáo Lý của Hội đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Tân Phúc âm hóa
Vũ Văn An
01:07 27/06/2020

Theo Vatican News, Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Tân Phúc âm hóa vừa cho công bố Huấn thị mới về việc Dạy Giáo lý, cung cấp các chỉ dẫn cho sứ mệnh công bố Tin Mừng của Giáo Hội qua việc dạy giáo lý và phúc âm hóa.



Huấn thị vốn được chờ đợi từ lâu này được công bố tại Vatican hôm thứ Năm, 25 tháng 6 năm 2020. Nó được soạn thảo dưới sự điều hướng của Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Tân Phúc âm hóa và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận vào ngày 23 tháng Ba, ngày kính Thánh Turibius thành Mongrovejo, vị thánh thế kỷ 16 hết lòng cổ vũ việc phúc âm hóa và dạy giáo lý. Đây là văn kiện thứ ba của Tòa Thánh đề cập đến việc dạy giáo lý. Hai văn kiện kia là “Huấn thị Giáo lý Tổng quát”công bố năm 1971, và “Huấn thị Tổng Quát Cho Việc Dạy Giáo lý” công bố năm 1997. Cả hai văn kiện vừa nói được Bộ Giáo sĩ ban hành.

Huấn thị mới tìm cách làm nổi bật sự liên kết chặt chẽ giữa việc phúc âm hóa và việc dạy giáo lý. Nó nhấn mạnh rằng mọi người đã chịu phép rửa đều là nhà truyền giáo được mời gọi tìm ra những con đường mới để thông truyền đức tin một cách đầy cam kết và trách nhiệm. Về phương diện này, huấn thị mới đề nghị ba nguyên tắc chính để hành động: Làm chứng, thương xót và đối thoại. Huấn thị mới gồm hơn 300 trang và chia thành 3 phần, 12 chương.

Đào tạo các giáo lý viên

Phần thứ nhất, tựa là “Việc Dạy Giáo lý trong Sứ mệnh Phúc âm hóa của Giáo Hội”, bàn đến việc đào tạo các giáo lý viên.

Huấn thị nhấn mạnh rằng để trở thành các nhân chứng khả tín của đức tin, các giáo lý viên phải “được dạy giáo lý trước khi làm giáo lý viên”. Điều này bao hàm phải làm việc một cách nhưng không, tận tụy và chính trực, theo linh đạo truyền giáo vốn là thuốc chữa căn bệnh “mệt mỏi mục vụ vô sinh”.

Các giáo lý viên cũng được kêu gọi phải thận trọng khi thi hành bổn phận chuyên biệt của mình “để bảo đảm việc tuyệt đối che chở cho mọi người, nhất là các vị thành niên và người dễ bị thương tổn”.

Diễn trình giáo lý

Phần thứ hai – “Diễn trình dạy giáo lý” - nhấn mạnh tầm quan trọng của một “mô hình truyền đạt sâu sắc và hữu hiệu”. Nó đề ra việc sử dụng nghệ thuật qua việc chiêm ngưỡng cái đẹp như một phương tiện nối kết với Thiên Chúa, và âm nhạc thánh như một cách truyền dẫn lòng ước ao Thiên Chúa vào tâm hồn mọi người.

Vai trò của gia đình cũng trở nên nổi bật. Ở đó, những người được phúc âm hóa có thể sống đức tin một cách đơn sơ và tự phát. Nó cũng là nơi người ta có thể tiếp nhận nền giáo dục Kitô giáo một cách khiêm tốn và cảm thương.

Trước các khung cảnh gia đình mới trong xã hội đương thời, các Kitô hữu được mời gọi đồng hành với những người khác một cách gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu để khôi phục niềm hy vọng và tín thác cho mọi người.

Nền Văn hóa Hòa nhập

Huấn thị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “việc chào đón và nhìn nhận” những người có khả năng cách khác. Nó nhấn mạnh rằng họ là nhân chứng cho các sự thật thiết yếu của sự sống con người và phải được chào đón như một hồng phúc lớn lao. Gia đình của họ cũng xứng đáng “được tôn trọng và ngưỡng mộ”.

Tương tự như thế, việc dạy giáo lý phải tập chú vào việc chấp nhận, tin tưởng và liên đới với các di dân, những người, vì ở xa quê hương, nên có thể gặp khủng hoảng đức tin. Các di dân phải được hỗ trợ trong cuộc đấu tranh chống định kiến và những nguy hiểm nghiêm trọng mà họ có thể gặp phải, chẳng hạn như buôn bán người.

Ưu tiên chọn người nghèo, dạy giáo lý cho các tù nhân

Huấn thị kêu gọi phải chú ý tới các nhà tù, mô tả chúng như một “mảnh đất truyền giáo chân chính”. Nó đề nghị rằng đối với các tù nhân, việc dạy giáo lý phải là việc loan báo ơn cứu rỗi trong Chúa Kitô, cũng như lắng nghe một cách quan tâm, bày tỏ khuôn mặt mẫu thân của Giáo hội.

Đối với người nghèo, việc dạy giáo lý phải giáo dục người ta về đức nghèo khó theo tin mừng. Nó cũng phải cổ vũ một nền văn hóa huynh đệ và sự phẫn nộ nơi tín hữu chống lại những tình huống khốn khổ và bất công mà người nghèo phải chịu.

Các giáo xứ, trường học và hiệp hội trong Giáo Hội

Phần thứ ba, tựa là “Dạy giáo lý trong các Giáo hội Đặc thù”, dành riêng cho việc dạy giáo lý tại các giáo xứ, các phong trào và hiệp hội khác trong Giáo hội.

Các giáo xứ được nêu bật như “các điển hình cộng đồng hoạt động tông đồ”, nơi nên cung cấp việc dạy giáo lý một cách sáng tạo, thích ứng với kinh nghiệm sống của người ta. Các hiệp hội khác trong Giáo hội cũng được công nhận như có “một khả năng truyền giáo lớn lao” giúp tăng thêm sự phong phú của Giáo hội.

Đối với các trường Công Giáo, Huấn thị đề nghị phải di chuyển ra khỏi tư cách “các định chế học hành” để trở thành “các cộng đồng học hành” đức tin với một dự án giáo dục dựa trên các giá trị Tin Mừng. Nó cũng lưu ý rằng việc giảng dạy về tôn giáo khác biệt, nhưng bổ túc cho giáo lý.

Nhấn mạnh rằng “nhân tố tôn giáo là một chiều kích hiện sinh không nên bị bỏ qua”, Huấn thị khẳng định rằng, “quyền của phụ huynh và học sinh” là được tiếp nhận một nền đào tạo toàn diện bao gồm việc giảng dạy về tôn giáo.

Đa nguyên văn hóa và tôn giáo

Huấn thị nhấn mạnh rằng đại kết và đối thoại liên tôn với Do Thái giáo và Hồi giáo là một lĩnh vực đặc biệt cho việc dạy giáo lý. Việc này phải “khuyến khích lòng khao khát hiệp nhất” để nó trở thành một công cụ truyền giảng Tin Mừng thực sự.

Nó kêu gọi một cuộc đối thoại nhằm chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, và cổ vũ hòa bình và công lý với Do Thái giáo. Đồng thời, nó thúc giục các tín hữu tránh những tổng quát hoá hời hợt để có thể cổ vũ đối thoại với Hồi giáo.

Trong bối cảnh đương thời của chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo, Huấn thị kêu gọi một việc dạy giáo lý biết “làm sâu sắc và củng cố bản sắc của các tín hữu”, cổ vũ động lực truyền giáo của họ qua việc làm chứng cũng như “đối thoại bằng hữu và thân ái”.

Kỹ thuật và thế giới kỹ thuật số

Huấn thị khẳng định rằng khoa học và kỹ thuật phục vụ con người và cần được hướng tới việc cải thiện các điều kiện sống của nhân loại.
Huấn thị đề nghị rằng việc dạy giáo lý nên được điều hướng về việc giáo dục người ta trong việc sử dụng đúng đắn nền văn hóa kỹ thuật số, một nền văn hóa vốn có cả yếu tố tốt lẫn yếu tố xấu. Việc dạy giáo lý cũng nên tập chú vào việc giúp người trẻ phân biệt được sự thật và phẩm chất giữa “nền văn hóa tức thời”.

Các chủ đề khác được Huấn thị làm nổi bật bao gồm lời kêu gọi “Hoán cải sinh thái sâu sắc”. Việc dạy giáo lý cổ vũ sự hoán cải này qua việc chú ý đến việc bảo vệ sáng thế và tránh chủ nghĩa duy tiêu thụ.

Nó cũng nhấn mạnh rằng việc dạy giáo lý phải truyền cảm hứng cho lao động phù hợp với Học thuyết xã hội của Giáo hội với sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ các quyền của những người yếu thế nhất. Ngoài ra, nó cũng khuyến khích sự phát triển các tài liệu giáo lý sản xuất ở bình diện và tổ chức địa phương nhằm phục vụ việc dạy giáo lý trong đó có Thượng hội đồng Giám mục và các Hội đồng Giám mục.

Bối cảnh của Huấn thị

Trong cuộc họp báo công bố Huấn thị, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Tân Phúc âm hóa, cho biết : nhu cầu có một huấn thị mới về việc dạy giáo lý phát sinh do diễn trình hội nhập văn hóa; diễn trình này đòi việc dạy giáo lý phải có một tập chú đặc biệt.

Cụ thể hơn, nền văn hóa kỹ thuật số đã tạo ra một “biến đổi triệt để về tác phong” gây ảnh hưởng đến việc “đào tạo căn tính bản thân và các tương quan liên bản vị”. Mô hình mới của thông đạt và đào tạo này “cũng ảnh hưởng đến Giáo Hội trong thế giới giáo dục đầy phức tạp”.

Các lý do thần học và Giáo Hội cũng góp phần vào việc soạn thảo Huấn thị mới. Đức Tổng Giám Mục Fisichella nhắc nhở rằng một vài Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây đã nhất quán bàn đến chủ đề truyền giảng Tin Mừng và dạy giáo lý. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng bàn đến chủ đề này trong Tông huấn Evangelii gaudium nhân dịp kỷ niệm 25 năm công bố Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Fisichella quả quyết rằng “do đó, việc dạy giáo lý phải kết hợp chặt chẽ với công trình truyền giảng Tin Mừng và không thể tách rời khỏi nó”. Vì “truyền giảng Tin Mừng là nhiệm vụ mà Chúa Phục Sinh đã ủy thác cho Giáo Hội để, ở mọi thời, nó phải là việc trung thành công bố Tin Mừng của Người”.

Đức Tổng Giám Mục Fisichella nhấn mạnh rằng “tâm điểm việc dạy giáo lý là con người Chúa Giêsu Kitô”. Ngài gọi đó là nền giáo lý sơ truyền (kerygmatic catechesis). Nền giáo lý này vừa công bố con người của Chúa Giêsu vừa công bố lòng thương xót của Người, một lòng thương hướng tới người tội lỗi; họ không còn bị loại trừ nhưng là khách ưu tuyển tại bàn tiệc cứu rỗi.

Nhiều đề tài

Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho hay Huấn thị đề cập tới nhiều chủ đề. Trước nhất là Mystagogy (khai tâm mầu nhiệm) gồm 2 yếu tố: đánh giá cách mới các dấu chỉ phụng vụ của khai tâm Kitô giáo, và làm chín mùi một cách tân tiến diễn trình đào tạo bao gồm trọn cả cộng đồng.

Chủ đề khác là mối liên kết giữa phúc âm hóa và thời kỳ dự tòng. Việc này làm nổi bật sự khẩn thiết phải “hoán cải mục vụ” để giải phóng việc dạy giáo lý khỏi các yếu tố cản trở tính hữu hiệu của nó.

Đức Tổng Giám Mục cho hay Huấn thị cũng đã dựa vào tông huấn Evangelii gaudium của Đức Phanxicô để đề cao con đường cái đẹp (via pulchritudinis), lấy nó làm một trong các nguồn của việc dạy giáo lý.

Trong khi ấy, Đức Cha Franz-Peter Tebartz-van Elst cho hay Huấn thị lưu ý tới các dấu chỉ thời đại và giải thích chúng dưới ánh sáng Tin Mừng. Ngài nhấn mạnh rằng nó đem lại can đảm cho nội dung đức tin và làm nổi bật tầm quan trọng của việc dạy giáo lý trong diễn trình phúc âm hóa rộng lớn hơn. Ngài cũng hy vọng nhiều Giáo Hội địa phương sẽ được thúc đẩy trong việc khai triển các huấn thị riêng cho các giáo phận của họ, dựa trên Huấn Thị mới này.
 
Mời nghe một bạn trẻ người Mỹ gốc Việt ở Houston phân tích về hiện trạng xáo động ngày nay liên quan tới BLM
Cheyrea Hạ Nguyễn
09:54 27/06/2020
 
Bầu cho một kẻ vô thần làm thủ tướng rồi hạ mình năn nỉ y cho mở cửa nhà thờ trở lại
Đặng Tự Do
16:43 27/06/2020
Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin
Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của tổng giáo phận Dublin, Ái Nhĩ Lan đã cảnh báo chính phủ nước này liên tục trong nhiều tuần qua rằng người Công Giáo ngày càng không vui và cảm thấy họ không được lắng nghe đối với việc xin mở trở lại các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự tờ Irish Catholic cho biết.

Trong một thỉnh cầu được gởi cho Thủ tướng Leo Varadkar vào ngày 7 tháng 5, nại đến Đạo luật Quyền Được Thông Tin, Đức Tổng Giám Mục đề cập đến việc chính phủ Ý đã đồng ý cho các Thánh lễ công khai tái tục sau khi thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Giáo hội ở đó.

Đức Tổng Giám Mục viết: “Có sự bất mãn ngày càng tăng trong giới Công Giáo về việc hoãn vô thời hạn việc mở cửa các nhà thờ cho đến ít nhất là giữa tháng 7, mà Giáo Hội không được cho bất cứ cơ hội nào để trình bày quan điểm của mình.”

Tính cho đến ngày thứ Bẩy 27 tháng 6, Ái Nhĩ Lan chỉ có 25, 437 trường hợp nhiễm coronavirus được ghi nhận với con số tử vong là 1, 734, xếp thứ 46 trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Trong nhiều ngày liên tiếp không có ca nhiễm bệnh nào. Tuy thế, đây là dịp thuận lợi để Thủ tướng vô thần áp đặt các hạn chế vô lý nhất lên Giáo Hội Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Martin cảnh báo Thủ tướng rằng lập trường của chính phủ đang gây ra sự tức giận và rằng phần lớn các cuộc thảo luận đang diễn ra với một giai điệu chống chính phủ rất căng thẳng. Ngài nói rằng, sự bất mãn này càng gia tăng sau khi một thỏa thuận đã được đưa ra với chính phủ Ý cho phép tái tục các Thánh Lễ với những điều kiện rõ ràng.

Đức Tổng Giám Mục kêu gọi Thủ tướng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Giáo hội để lắng nghe những lo lắng của các tín hữu và hàng giáo sĩ để Giáo Hội Công Giáo có thể cảm thấy rằng những lý lẽ của mình đã được lắng nghe một cách tôn trọng.

Những đề nghị của Đức Tổng Giám Mục Martin rơi vào hư không. Thủ tướng không buồn trả lời.

Một tuần sau đó, Đức Tổng Giám Mục Martin đã gửi một email khác cho các quan chức trong chính phủ nêu rõ những gì các nhà lãnh đạo Giáo hội đã làm ở các quốc gia khác để các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự được tái tục. Trong email này, ngài chỉ ra rằng việc tham dự thánh lễ là rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và đời sống thiêng liêng.

Ngài cũng phác thảo kế hoạch giáo xứ đang tiến hành để bảo đảm việc tái tục các thánh lễ sẽ diễn ra an toàn.

Leo Varadkar, sinh ngày 18 thánh Giêng, 1979, là một người vô thần và là người đồng tính, được bầu làm Thủ tướng từ ngày 14 tháng 6, 2017 đến ngày 27 tháng 6, 2020. Quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ Ái Nhĩ Lan đã rất căng thẳng trong những năm gần đây.

Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng mới Micheál Martin vừa lên nhậm chức vào hôm thứ Bẩy 27 tháng 6 đã đồng ý cho các nhà thờ được mở cửa trở lại vào ngày thứ Hai 29 tháng 6, Lễ Kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Đó là một trong những quyết định đầu tiên được tân Thủ tướng ban hành.


Source:The Irish Catholic
 
COVID-19 càng lúc càng kinh hoàng tại Brazil
Đặng Tự Do
17:03 27/06/2020

Andrelina Bizzera da Silva 49 tuổi bị nghi là đã chết vì COVID-19. Giống như rất nhiều người khác ở các vùng xa xôi của Brazil, bao gồm vùng Amazon, cô chưa bao giờ hưởng được quyền xét nghiệm coronavirus.

Mang quan tài của cô trở về làng trong chuyến trở về từ bệnh viện, người thân của cô tự hỏi có bao nhiêu người nữa sẽ phải chết trước khi có thêm sự giúp đỡ.

Các trường hợp nhiễm coronavirus ở Brazil hiện đã vượt quá 1 triệu người, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới ngoài Hoa Kỳ.

Tại đây, Reuters đã dành một tuần để đồng hành cùng các chuyên gia y tế trong trận chiến gần đảo Marajó, nơi chia đôi sông Amazon thành hai dòng chảy khi nó tiếp cận Đại Tây Dương.

Coronavirus đã bén rễ ở đây, giết chết rất nhiều người và số trường hợp lây nhiễm là hàng trăm lần cao hơn số tử vong. Reuters thấy rằng nhiễm trùng nặng thường được xác định và điều trị quá muộn, khi tỷ lệ sống sót của các bệnh nhân không còn bao nhiêu.

Nizomar Junior, thư ký ủy ban y tế thành phố ở thị trấn nhỏ Portel, bên kia sông Marajó, dẫn đầu một nhóm các bác sĩ thường xuyên di chuyển hàng giờ liên tục, chiến đấu với dòng chảy cuồn cuộn và sự thay đổi nhanh của thời tiết.

Nizomar Junior giải thích: “Chúng tôi sử dụng thuyền cứu thương để đi bằng đường sông đến những nơi khó tiếp cận, mang đến các dịch vụ nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân ở Marajó. Điều này tạo ra sự khác biệt khi chiến đấu với COVID-19, và ngày nay chúng ta đang trong một cuộc chiến không mệt mỏi đối với đại dịch này”.

- Khoảng cách xã hội gần như không thể tuân giữ tại các khu định cư bị cô lập, được xây dựng trên các nhà sàn dọc theo sông. Người dân có thể phải mất một ngày hoặc nhiều hơn để đến các phòng khám sức khỏe.”

Maria Luiza Costa, người gần đây đã trải qua các triệu chứng giống như cúm, sẽ không bao giờ biết rằng cô đã mắc COVID-19 trước khi đội ngũ y tế đến. Bây giờ cô ấy đang bị cô lập.

Cô giải thích: “Vâng, tôi rất ngạc nhiên. Chúng tôi không mong đợi điều này, nhưng cảm ơn Chúa, họ đã đến. Chúng tôi rất vui khi có thể có được dịch vụ này tại nhà, và sẽ tốt hơn cho chúng tôi, những người sống ở đây trong các cộng đồng ven sông và những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các tài nguyên y tế.”

Một kết quả âm tính có thể là một cái thở phào nhẹ nhõm rất lớn cho một số gia đình. Nhưng đối với Andreza Lima de Cruz, 25 tuổi, chứng kiến cảnh cha cô được chuyển bằng xe cứu thương đến bệnh viện sau khi kết quả dương tính khiến cô đau lòng xót dạ. Cô không biết khi nào và liệu cha cô có cơ hội quay về nhà hay không.


Source:Reuters
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Chúa Nhật XIII Thường Niên - Năm A - 2020
Ban Thông Tin-CĐCGVNNU
08:14 27/06/2020



Trong mùa đại dịch COVID-19, theo yêu cầu của giáo dân và dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh-Tâm, Quản Nhiệm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam- Nam Úc, Ban Thông Tin – CĐCGVN-NU thực hiện các Thánh Lễ Trực Tuyến (TLTT) hằng tuần. Thêm vào đó, vẫn có Tiểu Tập Phụng Vụ Lời Chúa hằng tuần được in ra cho những tín hữu không có điều kiện xem TLTT.
Sau đây là bài Suy Niệm cho Thánh Lễ Chúa Nhật 13 Thường Niện Năm A của Đức Ông Quản Nhiệm Phaolô Nguyễn Minh-Tâm.

Bài Suy Niệm - Thánh Lễ Chúa Nhật 13 Thường Niên - Năm A

Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa đòi hỏi các môn đệ của Ngài một thái độ triệt để. Đó là chọn Chúa làm trung tâm cuộc đời của mình. Lòng trung thành của những kẻ theo Chúa phải đặt trên các quan hệ khác, dù đó là mối dây huyết nhục như gia đình.
Ta nghe Chúa nói: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng đáng với Thầy.” Thật vậy, lời Chúa xem ra khắt khe. Nhưng việc đòi hỏi đó là một đòi hỏi hợp lý. Khi chọn Chúa làm trung tâm của đời mình, thì mọi sự trong đời sống của ta sẽ có một hướng đi rõ rệt để thăng tiến. Đã là con người thì tất nhiên ta sống thành xã hội. Ta không sống riêng rẽ. Cho dù một kẻ nào cô độc đến mấy đi nữa thì vẫn phải chịu ảnh hưởng của xã hội. Khi sống thành xã hội, khi tụ lại thành nhóm, khi quây quần thành gia đình, cộng đồng, thì cần có người nắm quyền lãnh đạo để vạch hướng đi cho tập thể. Bằng không mọi người và mọi sự sẽ rời rạc, nếu không nói là xung đột, chia rẽ lẫn nhau. Nhưng không có một uy quyền nào có khả năng quy tụ và hướng dẫn sâu xa như uy quyền của Chúa. Chỉ khi nào ta thực sự đặt Chúa làm trung tâm, thì bấy giờ ta mới có hướng đi chắc chắn lâu dài. Nơi nào có Chúa ngự trị, nơi ấy có hiệp nhất và bình an. Nơi nào có Chúa ngự trị, nơi ấy mới tạo được phát triển và hạnh phúc lâu dài. Vì thế việc chọn Chúa làm trung tâm cuộc sống không phải là khắt khe hay thừa thãi. Chỉ như thế mới xứng đáng là môn đệ của Chúa.
Chúa không bảo ta phải vứt bỏ gia đình, nhưng là phải đặt gia đình ở vị trí thứ yếu trong mối quan hệ của ta với Chúa. Điều đó là hợp lý, vì lẽ Chúa là nguồn mạch của mọi điều thiện hảo. Chính gia đình của ta cũng phải đón nhận ân huệ của Chúa. Cho nên Chúa phải là trên hết. Luôn luôn phải mến Chúa yêu người, chứ không phải mến người yêu Chúa. Ta phải mến Chúa thực sự, thì ta mới có sức mạnh, động lực và can đảm để vượt qua tính ích kỷ tự nhiên mà yêu mến đồng loại. Bao giờ cũng vậy, theo bản năng sinh tồn, ta nghĩ đến mình và gia đình mình trước, và lắm khi ta chỉ quan tâm đến người thân ruột thịt mà thôi. Chỉ có lòng mến Chúa mới nới rộng con tim ta để ta quan tâm đến tha nhân.
Không phải lúc nào gia đình cũng đem điều tốt đến cho ta. Biết bao rắc rối cũng vì gia đình mà ra. Gia đình cũng chỉ là những con người yếu đuối, nên gia đình cũng tạo ra những hoàn cảnh và ảnh hưởng không tốt cho ta. Biết bao đổ vỡ cũng từ gia đình mà ra. Vì thế chỉ có uy quyền và ảnh hưởng của Chúa mới cứu thoát và hướng dẫn gia đình khỏi phiền toái mà thôi. Nếu chân thành theo Chúa và làm theo lời Chúa dạy, thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều.
Phải chọn Chúa làm trung tâm cuộc sống. Chỉ có nhìn lên Chúa, thì ta mới vững bước khi gặp gian nan. Chúa là nguồn hy vọng và sức mạnh cho ta khi ta rơi vào nghịch cảnh. Chỉ có nhìn lên Chúa thì ta mới bớt bị thế giới vật chất và bả vinh hoa trần thế cuốn hút làm băng hoại cuộc đời. Điều này đòi hỏi hy sinh rất nhiều. Đó là những thập giá mà ta được mời gọi vác lên mà theo chân Chúa, Thầy của ta.
Việc chọn Chúa làm trung tâm đời mình là một diễn tiến không ngừng. Mỗi lần ta lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành, là mỗi lần ta xác định tư cách môn đệ của mình. Mỗi lần như thế ta hâm nóng lại quyết tâm theo Chúa trong đời mình. Có những khi ta thực hành ý Chúa rất dễ. Có khi ta phải nỗ lực rất nhiều, thì mới vươn lên khỏi bản tính ích kỷ tự nhiên để tha thứ, để sống công bình, chân thật. Tuy nhiên, về đường dài, thì việc sống theo đường lối Chúa, chọn Ngài làm trung tâm cuộc sống sẽ đem đến cho ta bình an hạnh phúc sâu xa. Ta được dựng nên theo hình ảnh của Chúa và tâm hồn ta luôn mong chờ Chúa. Vì thế, chỉ có thể chọn Chúa và sống theo ý Chúa thì ta mới thực sự an vui.
Xin cho ta luôn nhìn lên Chúa là trung tâm cuộc đời mình. Xin cho ta trung thành theo Chúa và sống theo ý Ngài. Có như thế thì ta mới xứng đáng là môn đệ của Chúa, Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và thí mạng sống mình để cứu chuộc loài người.
(Trích đoạn từ bài suy niệm “Chọn Chúa” của Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh-Tâm, 2005)
Ban Thông Tin -CộngĐồng Công GiáoViệt Nam- Nam Úc

 
Phong Trào Cursilo Giáo Phận Đà Nẵng Hành Hương Trung Tâm Thánh Mẫu Đức Mẹ Trà Kiệu
Tô-ma Trương Văn Ân
15:52 27/06/2020
Phong Trào Cursilo Giáo Phận Đà Nẵng Hành Hương Trung Tâm Thánh Mẫu Đức Mẹ Trà Kiệu

Chiều Thứ bảy, ngày 27 / 6 / 2020, Cursillistas ( Thành viên của Phong trào Cursillo- Tham dự viên) Giáo phận Đà Nẵng hành hương về Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu trong Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu, kỷ niệm 135 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây, theo lịch Hành hương của Ban Năm Thánh Giáo phận Đà Nẵng.

Xem hình

Có gần 100 Cursillistas tham dự. Chương trình được bắt đầu lúc 14 giờ 30, tại nhà thờ của Giáo xứ Trà Kiệu. Các Tham dự viên học hỏi, tìm hiểu về Đức Mẹ đã phù hộ các Giáo hữu trong cơn bách hại thử thách về đức tin, trong khoảng thời gian từ ngày 1 / 9 / 1885 đến ngày 21 / 9 / 1885. Anh Giuse Maria Phạm Cảnh Đáng – Trưởng Phong Trào Cursillo Giáo phận Đà Nẵng, Người con của Giáo xứ Trà Kiệu, Anh là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Giáo xứ Trà Kiệu. Anh đã giảng giải, trình bày từng chi tiết, nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc tàn sát các Giáo hữu Công Giáo trong thời kỳ Văn Thân ( Văn Hào Thân Sĩ ) dưới Triều Nguyễn trong năm 1885. Những hình ảnh và bài chia sẻ thông tin phong phú làm hấp dẫn người tham dự và Người tham dự hiễu được rõ ràng tường tận hơn, nhất là việc Đức Mẹ hiện ra phù hộ giúp Giáo dân thắng trong các trận giao tranh, mặc dù quân số Giáo dân rất ít và vũ khí thô sơ so với quân của Văn Thân đông gấp nhiều lần và được trang bị Đại bác Thần công và voi chiến.

Sau tìm hiểu học hỏi về Đức Mẹ Trà Kiệu, các Tham dự viên Hội Nhóm Ultreya và chia sẻ với nhau trong từng nhóm nhỏ ( 3 dến 4 người) với 3 vấn đề. 1. Sùng Đạo: điều gì giúp Tôi thăng tiến trong đời sống Đức tin; 2. Học Đạo: Tôi đã thay đổi tâm thức thế nào để trở thành Người Ki-tô hữu đích thực? 3. Hành Đạo: Tôi đã làm gì để thay đổi người khác nơi môi trường đang sống và làm việc để trở nên tốt hơn.

Trong dịp này Cha Phao-lô Hồ Quang Phúc – Linh hướng của Phong trào tại Giáo phận Đà Nẵng đã giúp Tham dự viên tĩnh tâm, nhận ra Tình yêu Thiên Chúa bao la, và những thiếu sót lỡ lầm để quay về làm hòa với Thiên Chúa và Anh chị em qua Bí tích hòa giải.

Tâm điểm của Ngày Hành hương là Thánh lễ Kính Đức Mẹ tại nhà thờ núi, đỉnh đồi Kim Sơn. Cha Phao-lô Nguyễn Hữu Trường Sơn – Linh hướng chính của Phong trào Cursillo tại Giáo phận Đà Nẵng, đã Chủ sự Thánh lễ. Cha đã giới thiệu với cộng đoàn tham dự về lịch sử và nguyên nhân hình thành phong trào Cursillo tại Tây Ban Nha, trên thế giới, tại Việt Nam và tại Giáo phận Đà Nẵng hiện nay. Phong trào Cursillo giúp Người tín hữu Công Giáo trưởng thành về Đức tin, sống đức tin và loan báo Tin mừng bằng chính đời sống chứng nhân của mình trong môi trường sống và làm việc, với định hướng sống “ Một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh chị em”.

Sau Thánh lễ, các Tham dự viện và Cộng đoàn đã long trọng Kiệu Thánh tượng Đức Mẹ Trà Kiệu quanh chân đồi Kim Sơn ( Trung tâm hành hương), trong tâm tình tôn vinh và cảm tạ, phó thác và cầu nguyện với Đức Mẹ phù hộ cho mỗi người được an lành trong dông bão cuộc đời, biết sống Đức tin và chia sẻ Đức tin cho anh chị em trong môi trường sống và làm việc của Mình.

Tô-ma Trương Văn Ân
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đặc Sủng Dòng Mến Thánh Giá
Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, csf
07:59 27/06/2020
I. Đặc Sủng Của Các Dòng Tu

Đặc sủng được coi là ân huệ mà Thần Khí ban cho mỗi người hay mỗi Hội dòng vì lợi ích chung. Văn kiện của Bộ Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ và Bộ Giám mục đã nói về đặc sủng của đấng sáng lập như sau: “Đặc sủng của các Đấng sáng lập biểu lộ như là một kinh nghiệm về Thần Khí, được truyền lại cho các môn đệ của họ để sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển trong sự hài hòa với Thân Thể Chúa Kitô đang không ngừng lớn lên.” (MR 11) Đây là một cảm nghiệm đặc biệt về Thần Khí của Đấng sáng lập; qua đó, giúp vị này nhận thức một hướng đi mới trong đường nên thánh và hoạt động tông đồ.[2] Như thế, đoàn sủng của mỗi dòng tu bao gồm hai khía cạnh: linh đạo (con đường nên thánh riêng của Hội dòng) và sứ vụ.

Mỗi Hội dòng chỉ nhận được một đặc sủng, được ban qua Đấng sáng lập. Đấng sáng lập chia sẻ Đặc sủng (đoàn sủng)[3] này cho cả Hội dòng để mọi thành viện cùng sống đặc sủng ấy và làm phong phú thêm đặc sủng ấy qua dòng thời gian. Đặc sủng là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt giữa hội dòng này với hội dòng khác. Đặc sủng chính là sức sống, là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ của mỗi hội dòng. Một hội dòng mà không sống theo đặc sủng của đấng sáng lập sẽ đánh mất đi căn tính của nó, và như một hệ quả, mất đi phương hướng của nó. Chìa khóa cho sự phát triển của mỗi hội dòng là trung thành với đặc sủng của đấng sáng lập. Bởi đó, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã kêu gọi các cộng đoàn tu trì phải trung thành với tinh thần, với những ý hướng Phúc âm và gương thánh thiện của đấng sáng lập. Chính ở đây mà các hội dòng tìm thấy nguồn gốc của họ (x. ET 11-12).

Linh Đạo là con đường thiêng liêng, con đường nên thánh. Trong các dòng tu, mỗi hội dòng đều có một linh đạo riêng, một con đường nên thánh riêng do vị sáng lập đề ra qua ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Các Vị sáng lập hoặc dựa vào Tin Mừng để hướng dẫn đời sống thiêng liêng, hoặc chọn một mẫu gương như Mẹ Maria, thánh Giuse, thánh Phaolô, … hoặc chọn sống một mầu nhiệm nào đó để nên thánh, như mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Truyền Tin, mầu nhiệm Thập giá, mầu nhiệm Thánh Thể, …

Mỗi dòng có sứ vụ/sứ mệnh riêng biệt. Đây chính là mục đích của vị sáng lập khi thành lập dòng. Mỗi dòng được thành lập để đáp ứng nhu cầu nào đó của Giáo hội hoặc xã hội: dòng Lasan: giáo dục; dòng Gioan Thiên Chúa: phục vụ bệnh nhân; Tu hội Xuân Bích: đào tạo linh mục; dòng Phaolô Thiện Bản: rao giảng Đức Kitô bằng sách báo và các phương tiện truyền thông, … Đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh truyền giáo, mỗi hội dòng có một sứ mệnh truyền giáo riêng biệt, tùy theo đặc sủng của mình (x. VC 19, 72, 46; PC 10, 20; Can 673, 674, 676, 677).

Đức Gioan Phaolô II cũng yêu cầu các hội dòng chú tâm vào việc đào tạo theo đoàn sủng riêng biệt của họ, để họ có thể thực hiện sứ mệnh loan báo Tin mừng tùy theo đoàn sủng của mình (x. VC 68, 72). Các hội dòng chỉ có thể trung thành với đặc sủng nguồn gốc khi họ biết thế nào để đọc được những dấu chỉ của thời đại và biết thế nào để đáp ứng lại những nhu cầu của Giáo hội và xã hội trong thời hiện tại. “Các Bề trên và các phần tử hãy trung thành duy trì sứ mệnh và các công tác riêng của dòng. Tuy nhiên, họ hãy biết thích ứng chúng cách khôn ngoan chiếu theo nhu cầu của thời thế và địa phương, kể cả bằng việc sử dụng các phương tiện mới mẻ và thích ứng.” (Can 677 §1). Dù nhu cầu mục vụ cấp bách thế nào đi nữa, chúng ta luôn phải nhớ rằng sự đóng góp tốt nhất mà một hội dòng có thể đem lại cho Giáo hội là sự trung thành với đoàn sủng của họ. Hội dòng càng hiện diện theo đoàn sủng của mình, càng đem lại nhiều hoa trái (x. FLC 61; MR 49- 50).

Trung thành mà không thích nghi vào bối cảnh mới, sẽ dẫn đến chỗ suy tàn; đổi mới mà không bám vào gốc của nó, sẽ dẫn đến chỗ lập nên một hội dòng mới. Sai lầm có thể xảy ra là khi chúng ta “hiện đại hóa” đặc sủng, thay mới hoàn toàn để cho nó hấp dẫn hơn, hoặc sử dụng đặc sủng của đấng sáng lập để phục vụ cho chính chúng ta, để biện minh cho những quyết định và hành động của chúng ta. Điều này có thể là tốt, nhưng nó không phải là mục đích của đấng sáng lập. Nó có thể phá đi những gì đã được dày công xây dựng và làm mất đi đặc tính và căn tính của hội dòng.[4] Mỗi hội dòng cũng có thể có thêm một số hoạt động khác với sứ vụ chuyên biệt của mình, nhưng không nên để cho những hoạt động này trở thành những hoạt động chính. Nên để cho một số phần tử nào đó phụ trách mà thôi. Trong bối cảnh xét lại các hình thức hoạt động tông đồ, văn kiện “Những yếu tố cốt yếu của đời tu” (số 27) đã đưa ra những khuyến cáo về ba cơn cám dỗ khi xây dựng kế hoạch hoạt động tông đồ: (i) muốn ôm đồm mọi hình thức hoạt động tông đồ, (ii) bỏ đi những hình thức hoạt động truyền thống theo đặc sủng của dòng, để chạy theo những hoạt động đáp ứng nhu cầu xã hội tức thời, nhưng lại không hợp với đặc sủng của dòng, (iii) phân tán nhân lực dòng vào những hoạt động ngắn hạn, chỉ liên hệ đến đặc sủng một cách mơ hồ; do đó, với thời gian, tính cách đồng nhất trong việc thực hiện đặc sủng của dòng sẽ bị tổn thương.[5] Muốn có đổi mới, chúng ta cần biết chúng ta là ai. Mỗi hội dòng phải ra sức giữ lấy căn tính của mình để khỏi rơi vào tình trạng mập mờ, không xác định được vị trí và nhiệm vụ của mình trong đời sống Giáo hội (x. FLC 46).

Theo tông huấn về Đời sống thánh hiến, căn tính của đời sống thánh hiến là thánh hiến (mục đích của thánh hiến là nên thánh qua việc bắt chước Đức Kitô sống trinh sạch, khó nghèo và vâng lời) và sứ sụ (x. VC 32- 35, 76). Mỗi dòng tu cũng có căn tính riêng, được định hình bởi Đặc sủng của Đấng sáng lập: Linh đạo (con đường nên thánh) và sứ vụ. Như vậy, các tu sỹ đều có chung một con đường nên thánh: bắt chước Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua việc sống 3 Lời Khuyên Phúc Âm. Mỗi dòng tu lại có một con đường nên thánh riêng (linh đạo).

II. Đặc Sủng Dòng Mến Thánh Giá

1. Linh đạo:

Đức cha Lambert de la Motte lập một Hội dòng mang tên Mến Thánh Giá. Đây cũng chính là linh đạo của dòng. Để sống linh đạo này, các nữ tu Mến Thánh Giá phải hướng trọn lòng trí và cuộc sống vào Đức Giêsu-Kitô Chịu- Đóng- Đinh là đối tượng duy nhất.

Lúc mới lên 9 tuổi, khi suy niệm sách Gương Phước, giải thích về câu Tin Mừng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9, 23), Đức cha Lambert đã được ơn Chúa thúc đẩy để chọn con đường nên thánh bằng con đường khổ giá. Đây chính là một cảm nghiệm/ kinh nghiệm về Thần Khí của Đức cha Lambert. Từ đó, Đức Giêsu-Kitô Chịu- Đóng- Đinh đã dần dần lôi cuốn, chiếm đoạt tâm trí, lối sống, hoạt động tông đồ của ngài và thôi thúc ngài lập nên một Hội dòng quy tụ những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu.[6]

Đức cha Lambert quyết tâm noi theo Đức Giêsu-Kitô: bị bắt bớ, sỉ nhục, chế giễu, đánh đòn, vác thập giá ….nhưng vẫn không kêu ca, không hề thốt ra một lời, như con chiên hiền lành bị đem đi giết (x. Is 53, 7-8). Đức cha Lambert quả quyết: “Mọi ân sủng và thánh đức nơi hết thảy mọi người đã qua đời trong các thế kỷ trước đây, hoặc đang sống trong hiện tại, hoặc sẽ sinh ra cho đến tận thế, là hoa quả của Thánh Giá Đức Giêsu-Kitô mà thôi.”[7] Đức Cha Lambert còn nhấn mạnh đây là con đường nên thánh đúng nhất mà tại sao “nhiều người đi tìm ở đâu đâu những phương thế dẫn tới sự công chính, chứ không tìm nơi thánh giá.”[8]

Trong cuộc hành trình truyền giáo ở Viễn đông, lúc dừng chân ở thủ đô Thái Lan, ngài đã tĩnh tâm 40 đêm ngày và đã trải qua một kinh nghiệm thiêng liêng rất đặc biệt: ngài muốn chứng tỏ một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu, thông dự vào cuộc thương khó của Chúa bằng việc đánh tội hằng ngày, “để long trọng suy tôn hy lễ Thánh Giá cao cả của Chúa và cũng để hoàn tất điều duy nhất còn thiếu nơi hy lễ bàn thờ, đó là phải có sự đau khổ. Đây là bí quyết mới mẻ làm hài lòng Đức Giêsu-Kitô.” Ngài sống khiêm nhường; luôn cầu nguyện, chiêm niệm về con đường khổ giá; thường xuyên đánh tội, chế ngự thân xác, ăn chay, kiêng thịt và rượu để đền tội và đồng lao cộng khổ với Chúa trong công cuộc cứu độ. Ngài không ngừng tạ ơn Chúa khi gặp đau khổ và hăm hở bước theo Chúa trên con đường khổ giá để làm sáng danh Chúa. Ngài hy sinh cầu nguyện cho lương dân được ơn trở lại với Chúa.[9]

Đức cha Lambert không chỉ vui vẻ đón nhận những đau khổ Chúa gửi đến, mà ngài còn làm thay cho Chúa, tạo ra những đau khổ bằng cách cho Chúa mượn thân xác để Chúa tiếp tục bị sỉ nhục, chế giễu, vác thập giá[10]:

- Khi còn làm nghề luật sư, ngài bị ngã ngựa trên đường đi ăn tiệc cưới, dù mũ đội đầu bị bay mất và trang phục bị vấy bẩn, ngài vẫn để vậy và bước vào phòng tiệc cưới dưới cái nhìn khinh bỉ của mọi người.

- Có lần ngài cải trang thành người nghèo để đi ăn xin trong suốt một ngày với bao khinh bỉ và sỉ nhục của những người qua lại.

- Để chuẩn bị lãnh chức linh mục, ngài đã thực hiện một cuộc hành hương “khổ nhục” từ Caen đến Rennes, khoảng 120 km: ngài cải trang thành người quê mùa, ăn mặc rách rưới để được người ta khinh chê, sỉ nhục…

- Vì bác ái, ngài giúp một thiếu nữ nghèo đem giấy tờ cho thừa phát lại. Ông này hiểu lầm ngài là một tay trung gian ăn huê hồng. Ngài không cải chính, nhưng rất vui mừng vì bị hiểu lầm như thế.

Đức cha Lambert, trong cơn đau khủng khiếp lúc hấp hối, không ngớt lập lại lời nguyện: “Lạy Chúa, xin gia tăng sự đau đớn, xin ban thêm sức chịu đựng cho con”.[11] Ngài mong được chết một cách đau đớn vì Chúa Kitô.[12]

Đức cha Lambert đã lập nên Hội dòng những người yêu mến Thánh Giá để ‘chuyên chú tưởng nhớ và noi theo cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu-Kitô mỗi ngày.”[13] Chính ngài đã sống linh đạo Mến Thánh Giá này và trở thành mẫu mực cho con cái của ngài.[14]

Tóm lại, để sống linh đạo Mến Thánh Giá: “Đức Giêsu-Kitô Chịu- Đóng- Đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí tôi”

- Yêu mến Thánh Giá, hằng ngày suy niệm/chiêm niệm về con đường khổ giá mà Chúa đã đi từ lúc Chúa bị bắt đến lúc Chúa chịu chết trên thập giá (bị bắt như một tội nhân, bị phản bội, bị kết án bất công, bị khạc nhổ, sỉ nhục, đội mão gai, chế giễu, đánh đòn, vác thập giá lên núi Sọ, bị ngã nhiều lần, bị đóng đinh và chết trên thập giá).

- Noi theo/bắt chước Đức Giêsu-Kitô trên con đường khổ giá, làm thay cho Chúa, cho Chúa mượn thân xác để tiếp tục hy sinh bằng cách ăn chay hãm mình, chế ngự thân xác, vui vẻ chấp nhận những đau khổ về tinh thần (bị hiểu lầm, chống đối, sỉ nhục, chỉ trích, …) cũng như những đau khổ thể xác (phục vụ quên mình, bệnh tật, lao nhọc, ….) để Chúa tiếp tục dùng con đường khổ giá cứu chuộc nhân loại.

Như vậy, càng bắt chước Đức Kitô, càng nên giống Đức Kitô, càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua con đường khổ giá để cứu chuộc nhân loại, càng thánh thiện.[15]

Như vậy, từ chiêm niệm trong lòng dẫn tới hành động bên ngoài và giống như Đức cha Lambert[16], các nữ tu Mến Thánh Giá có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống và hoạt động trong tôi” (Gl 2, 20) và “hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu vì thân mình Người là Hội thánh” (Cl 1, 24).

Đối với dòng Mến Thánh Gia, chiêm niệm và truyền giáo luôn gắn chặt với nhau. Khi sống linh đạo Mến Thánh Giá (suy niệm/chiêm niệm và hy sinh hãm mình), các nữ tu Mến Thánh Giá luôn hướng đến việc cầu xin Thiên Chúa ban ơn ăn năn trở lại cho lương dân (sứ vụ số 1).

2. Sứ vụ

Mục đích/sứ vụ lập dòng được Đức cha Lambert ghi vào trong Luật Tiên Khởi dòng nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô, chương 3:

1. Tất cả những người đi theo nếp sống này phải liên lỉ kết hợp nước mắt, việc suy gẫm cầu nguyện và hãm mình đền tội với công nghiệp của Đức Kitô, để cầu xin Thiên Chúa ban ơn ăn năn trở lại cho lương dân trong ba miền truyền giáo thuộc quyền các vị đại diện Tông Tòa, cách riêng ở Đàng Ngoài.

2. Dạy các thiếu nữ, giáo cũng như lương, những điều nữ giới cần biết. Nếu vì tình huống hiện nay xảy đến cho đạo Thánh không thể làm được, chị em hãy nhớ rằng khi hoàn cảnh cho phép, thì đó là một trong những nhiệm vụ chính của mình.

3. Săn sóc những phụ nữ, thiếu nữ đau ốm bệnh tật cả giáo lẫn lương. Nhờ cơ hội đó khuyên bảo họ lo phần rỗi và trở lại với Chúa.

4. Cố gắng rửa tội cho những trẻ nhỏ lâm cơn nguy tử, kẻo chúng chết mà không được nhận ơn Thánh tẩy.

5. Dùng mọi cách kêu gọi những người phụ nữ và thiếu nữ trụy lạc trở về nếp sống lương thiện.

Qua mục đích số 2, số 3 và số 5, Đức cha Lambert đã chọn đối tượng phục vụ của Hội dòng là phụ nữ và thiếu nữ lương cũng như giáo: dạy dỗ, săn sóc và cải hóa họ. Ngài nhấn mạnh đó là một trong những nhiệm vụ chính của Hội dòng (số 2). Đây chính là nét tạo nên căn tính của Hội dòng, tạo nên sự khác biệt với các dòng khác. Có thể nói đặc sủng/đoàn sủng của dòng Mến Thánh Giá là dạy dỗ, săn sóc và cải hóa các phụ nữ và thiếu nữ lương cũng như giáo. Nói các khác, dòng Mến Thánh Giá được lập nên là để phục vụ các phụ nữ và thiếu nữ lương cũng như giáo.

Đức cha Lambert còn hiểu rõ hoàn cảnh của xã hội Việt nam đang và sẽ bị cấm cách đạo, nên ngài nhắn nhủ “khi hoàn cảnh cho phép” thì phải chú tâm vào sứ vụ chính này. Đây cũng là điều mà công đồng Vatican II kêu gọi các dòng tu phải khám phá lại tinh thần và mục đích của Đấng sáng lập (x. PC 2b). Thư Đức Thánh Cha Nhân Dịp Năm Về Đời Sống Thánh Hiến 2015 kêu gọi những người sống đời thánh hiến “dấn thân canh tân đoàn sủng, kiểm điểm sự trung thành đối với sứ mạng đã được ủy thác, tiếp tục làm phong phú và thích nghi, nhưng không đánh mất đi căn tính của mình.

Chính Đức cha Lambert đã thi hành sứ vụ này:[17]

- Sau khi tốt nghiệp trung học, ngài đã tham gia Hiệp Hội Thánh Thể với một trong những mục đích của Hiệp Hội là “giúp hoàn lương những thiếu nữ trụy lạc.”

- Sau khi chịu chức linh mục năm 1655, ngài thành lập một “trung tâm tiếp đón những phụ nữ hư hỏng.”

Các nữ tu Mến Thánh Giá từ buổi đầu đã chú tâm vào phục vụ phụ nữ và thiếu nữ lương cũng như giáo. Theo bài viết “350 năm Dòng Mến Thánh Giá: Sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá, 16/06/2020”:

- Một đóng góp hữu ích của các nữ tu Mến Thánh Giá là công việc dạy dỗ các thiếu nữ. Trong thư ngày 02/06/1830 gửi cho Hội Truyền Bá Đức tin, Đức Cha Taberd cho biết đang có 16 Nhà dòng Mến Thánh Giá, “tất cả các nhà này sẽ đón nhận các người cùng giới để dạy dỗ và đào tạo họ các công việc thích hợp”. Những người trẻ này, sau khi về lại nhà mình, sẽ trở thành những người mẹ tốt của gia đình, và qua gương sáng cũng như qua những lời dạy dỗ của họ, sẽ là gương mẫu và sự nâng đỡ cho bạn hữu.

- Trong những lúc đồng bào gặp cảnh đói khổ vì thiên tai, các nữ tu hy sinh một phần nhà của mình để đón tiếp các phụ nữ đau yếu và các trẻ mồ côi.

- Đức Cha Retord kể lại trong thư gửi cho cha Laurent ở Lyon vào tháng 01/1846: “Họ đi thăm viếng và an ủi những người đau yếu, giúp chúng tôi dạy dỗ các phụ nữ dự tòng.”

Trước năm 1975, các Hội dòng Mến Thánh Giá đã có nhiều cơ sở để phục vụ đối tượng này. Sau năm 1975, tất cả các phương tiện để thi hành sứ vụ của các dòng tu đã được quốc hữu hóa như: trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà cô nhi, trại phong, …Hoạt động tông đồ của các dòng tu bị hạn chế tối đa. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, các dòng tu chỉ cố gắng sao cho có thể sống còn. Không còn phương tiện để thi hành sứ vụ chính, các tu sĩ làm bất cứ công việc gì để có thể tồn tại. Đây thực sự là giai đoạn khủng hoảng về căn tính của các dòng tu. Trải qua một giai đoạn dài như thế, các dòng tu có thể dần dần mất ý thức về sứ vụ chính của mình, những tu sĩ trong giai đoạn này không thể sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển đoàn sủng của mình như định nghĩa về đặc sủng được nói đến ở trên. Và như vậy, họ không thể truyền lại cho thế hệ kế tiếp một cách chính xác và trung thành. Và nếu các dòng tu còn ý thức về sứ vụ, nhưng điều kiện không cho phép, các dòng tu cũng gặp rất nhiều khó khăn để thi hành sứ vụ riêng biệt của mình. Và hậu quả là nhiều dòng tu ngày nay thi hành những sứ vụ giống nhau. Nhiều hội dòng cố gắng thích nghi vào trong bối cảnh mới, nhưng cũng không dễ dàng. Điều quan trọng là thích nghi vào môi trường mới thế nào mà vẫn giữ được căn tính của Hội dòng. Đối với các Hội dòng Mến Thánh Giá, giai đoạn hiện nay là thời điểm mà Đức cha Lambert đã tiên đoán “khi hoàn cảnh cho phép”, giúp các nữ tu Mến Thánh Giá chú tâm vào sứ vụ chính của họ.

Đoàn sủng của dòng Mến Thánh Giá là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho Giáo hội Việt Nam. Các nữ tu dòng MTG đã sinh ra và lớn lên trong lòng Giáo hội Việt Nam; cùng với Giáo hội Việt Nam trải qua những thăng trầm, với 350 năm hiện diện, “liên lỉ kết hợp nước mắt” như chính lời Đức cha Lambert đã viết trong Luật Tiên Khởi, có lúc phải mục nát đi để sản sinh những hoa trái như ngày hôm nay. Có thể nói rằng lịch sử Dòng MTG gắn liền với lịch sử của Giáo Hội Việt Nam. Ngày nay, có 30 hội dòng MTG với các nữ tu hiện diện khắp nơi trong nước và ngoài nước. Nhiều dòng tu phát xuất từ các dòng MTG hay lúc đầu được các nữ tu MTG giúp hình thành và đào tạo như dòng Con Đức Mẹ Nam Vang, Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương, Con Đức Mẹ Đi Viếng, Con Đức Mẹ Mân Côi, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang, Nữ Vương Hòa Bình, …

Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, csf

[1] Xin chia sẻ về Đặc sủng của dòng Mến Thánh Giá của một người nhìn từ bên ngoài. Người viết có cơ duyên giúp cho một số dòng Mến Thánh Giá, nên đọc được một số cuốn sách về dòng Mến Thánh Giá như: Dòng Mến Thánh Giá- Những Năm Đầu Đỗ Quang Chính, SJ; Đặc sủng Mến Thánh Giá (Lm. Đào Quang Toản) và nhất là cuốn Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte của Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, 1998. Đây là những tài liệu được sử dụng để viết bài này.

[2] X. Phan Tấn Thành. Giải Thích Giáo Luật Quyển 2- Dân Thiên Chúa, tập 4, Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ. Rôma, 1993, tr. 577- 578.

[3] Các đặc sủng được ban là để phục vụ lợi ích chung, phục vụ cộng đoàn, nên còn được gọi là Đoàn sủng.

[4] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders: The person and Charism of Founders in Contemporary Theological Reflection. Ireland: St Pauls, 1994, tr. 171.

[5] Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật Quyển 2- Dân Thiên Chúa, tập 4, Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ (Rôma, 1993), tr. 762- 763.

[6] X. Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte”, 1998, tr. 8, 31, 35, 61, 104-105.

[7] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 84, x. tr. 96-97, 117-118.

[8] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 84.

[9] X. Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 17, 31- 32, 46, 53, 56, 58, 82, 93, 105, 106, 107, 117; x. Lm. Đào Quang Toản, Đặc Sủng Mến Thánh Giá, tr. 91, 93.

[10] X. Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 10- 11, 53, 54, 104-105, 127; x. Lm. Đào Quang Toản, Đặc Sủng Mến Thánh Giá, tr. 145- 147.

[11] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 47.

[12] x. Lm. Đào Quang Toản, Đặc Sủng Mến Thánh Giá, tr. 160- 161.

[13] Luật Tiên Khởi dòng nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô, chương 2

[14] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 63.

[15] Giống như con đường nên thánh của tất cả các tu sỹ: càng bắt chước Đức Kitô, càng nên giống Đức Kitô, càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua việc sống Ba Lời Khuyên Phúc Âm, càng thánh thiện.

[16] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 56, 105.

[17] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 9, 11.
 
VietCatholic TV
Tòa Thánh công bố Chỉ Nam Giáo Lý. Trung Quốc phóng vệ tinh khống chế toàn vùng Á Châu
Giáo Hội Năm Châu
07:08 27/06/2020


1. Trung Quốc phóng thêm vệ tinh trinh sát lên không gian

Hôm thứ Ba 23 tháng 6, Trung Quốc đã phóng thành công vào không gian vệ tinh cuối cùng trong mạng lưới điều hướng Bắc Đẩu (Beidou - 北斗), để cạnh tranh với mạng điều hướng GPS do Mỹ sở hữu.

Ban đầu, Trung Quốc dự định phóng vệ tinh này lên không gian vào ngày 16 tháng 6, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ vào phút cuối do những vấn đề về kỹ thuật được phát hiện trong các cuộc thử nghiệm trước khi phóng tên lửa Vạn Lý Trường Chinh-3B.

Vệ tinh vừa được phóng lên không gian có tên là Bắc Đẩu-3 là vệ tinh thứ 35 và cũng là vệ tinh cuối cùng của hệ thống định vị Trung Quốc - một dự án ước tính trị giá 10 tỷ Mỹ Kim. Đây được coi là câu trả lời của Bắc Kinh cho Hệ thống Định vị Toàn cầu, gọi tắc là GPS, do Mỹ sở hữu.

Trung Quốc giải thích rằng Hệ thống Định vị Toàn cầu Bắc Đẩu của họ đã hình thành vào những năm 1990 khi quân đội Trung Quốc tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Hệ thống Định vị Toàn cầu GPS do Không quân Hoa Kỳ điều hành.

Ban đầu thế hệ Bắc Đẩu 1 của Trung Quốc giới hạn trong phạm vi Trung Quốc mà thôi.

Thế hệ Bắc Đẩu 2 của Trung Quốc, bắt đầu hoạt động vào năm 2012, bao trùm khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu triển khai thế hệ thứ ba gọi là Bắc Đẩu 3 nhằm mục đích phủ sóng toàn cầu.

Trong cuộc họp báo sáng thứ Sáu 26 tháng 6 tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) đã lên tiếng trấn an dư luận rằng các vệ tinh Bắc Đẩu của Tầu Cộng chỉ nhắm đến các mục đích dân sự, chủ yếu là chỉ đường cho các xe cộ trên đất liền và tàu bè trên biển. Tuyên bố của Kiên được đưa ra vì nhiều nước lo ngại rằng Trung Quốc đang tiến hành do thám các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong vùng Đông Nam Á để phục vụ các mục tiêu bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán.

2. Tòa Thánh công bố công bố Chỉ Nam Giáo Lý Công Giáo

Đạo đức sinh học, bản sắc giới tính và giới tính sinh học là những chủ đề mới được nêu trong Chỉ nam Giáo lý Công Giáo mới nhất của Vatican, được phát hành hôm thứ Năm 25 tháng Sáu. Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo mới được sửa đổi này nói rằng các phát triển khoa học mới phải tôn trọng ý chí sáng tạo của Thiên Chúa và phẩm giá con người.

Cuốn sách dầy 300 trang, cung cấp các chuẩn mực phổ quát cho các mục tử và các giáo lý viên trong công việc truyền giáo, được viết một cách nhất quán với các Chỉ nam Giáo lý Công Giáo của Giáo hội đã được công bố năm 1971 và 1997, và trình bày giáo lý Công Giáo trước các vấn đề xã hội đương đại, bao gồm các vấn đề đạo đức mới chưa được đề cập đến trong các phiên bản trước đó.

“Các vấn nạn về đạo đức sinh học đang đặt ra các thách đố đối với sách giáo lý và chức năng đào tạo của nó, ” cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo khẳng định, và lưu ý sự cần thiết là các giáo lý viên phải được huấn luyện kỹ lưỡng về các vấn đề liên quan đến cuộc sống.

Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo nhấn mạnh rằng: “Có một sự cần thiết phải chú ý đến những thách đố xuất phát từ sự phát triển khoa học và công nghệ.”

Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo đã đề cập đến các vấn đề về giới tính và đạo đức sinh học trong các đoạn từ 373 đến 378. Vào cuối phân đoạn này cuốn Chỉ Nam đề cập đến bốn “yếu tố cơ bản” để hình thành các phán đoán liên quan đến các vấn đề đạo đức sinh học.

Cuốn sách khẳng định rằng: “Thiên Chúa là điểm tham khảo ban đầu và chung cuộc của sự sống, từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên; con người luôn là một thể thống nhất về tinh thần và thể xác; khoa học là để phục vụ của con người; cuộc sống phải được chấp nhận trong bất kỳ điều kiện nào, bởi vì nó được cứu chuộc bởi mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô.”

Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo mới được công bố trong cuộc họp báo vào lúc 11:30 sáng thứ Năm 25 tháng Sáu, tại Hội trường Gioan Phaolô II của Phòng Báo chí Tòa Thánh.

Chủ tọa cuộc họp báo là Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng; cùng với Đức Cha Octavio Ruiz Arenas, người Colombia, Tổng thư ký của Hội đồng; và Đức Cha Franz-Peter Tebartz-van Elst, người Đức, chuyên viên về vấn đề huấn giáo của hội đồng này.

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, nói với các nhà báo hôm thứ Năm rằng Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo đã đề cập đến “tất cả những tình huống” liên quan đến đạo đức sinh học kết nối với chiều kích nhân chủng học của con người.

Ngài cũng lưu ý cách tiếp cận chung mà một tài liệu thuộc loại này phải thực hiện trong khi vẫn phải mang tính chất cụ thể. “Một cuốn chỉ nam không trả lời tất cả các câu hỏi có thể mở ra. Vì thế, cuốn chỉ nam này trình bày những vấn đề trong các khía cạnh tổng quát – nhưng không chung chung – nghĩa là mang tính đại cương, và phổ quát.”

Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo hướng đến các Giám Mục, Linh Mục, và tất cả những người Công Giáo tham gia vào giảng dạy đức tin, khẳng định rằng các nghiên cứu khoa học và ứng dụng của nó “không trung lập về mặt đạo đức”.

Tương tự như vậy, cuốn sách nhấn mạnh rằng tính chất luân lý của một hành động không thể dựa vào “hiệu quả kỹ thuật mà thôi, không thể chỉ dựa đơn thuần trên phương diện tiện ích hay các từ ý thức hệ thống trị.”

“Một hành động có hiệu quả về kỹ thuật vẫn có thể mâu thuẫn với phẩm giá của con người, ” cuốn sách nói thêm.

Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo bao gồm các vấn đề về đạo đức sinh học liên quan đến phẩm giá con người của thai nhi chưa chào đời, thụ thai nhân tạo, định nghĩa về cái chết, trợ tử, chăm sóc giảm nhẹ, sức khoẻ và các thí nghiệm trên con người, như kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học.

Tài liệu này giải thích rằng theo giáo huấn của Giáo Hội, đạo đức sinh học phải “dựa trên bình diện tư duy” nhưng nó cũng được lấy cảm hứng từ Mạc Khải Thiên Chúa, trên đó nền nhân chủng học Kitô giáo được thành lập. “Cuộc sống và sự tốt lành của sự sáng tạo dựa trên chúc lành ban đầu của Thiên Chúa: 'Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!' (St 1:31)”

Trong những lời bình luận của mình với các nhà báo vào ngày 25 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho biết thông tin chi tiết hơn về giáo huấn của Giáo hội liên quan đến các vấn đề đạo đức có thể được tìm thấy trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, và các Hội Đồng Giám Mục cũng được kêu gọi để lên tiếng trước các vấn đề cụ thể ở các quốc gia các ngài.
 
Ba vị Hồng Y sẵn sàng trao mũ và nhẫn cho bất cứ phụ nữ nào muốn đội và muốn đeo
Giáo Hội Năm Châu
17:01 27/06/2020

1. Ba vị Hồng Y sẵn sàng trao mũ và nhẫn cho bất cứ phụ nữ nào muốn đội và muốn đeo

Trái với mong đợi của nhiều người, đại dịch coronavirus kinh hoàng, trong đó hàng trăm ngàn người lũ lượt chết và được an táng sơ sài trong các ngôi mộ tập thể, đã không mang lại ơn hoán cải nào cho nhiều người. Ngay khi các cảnh chôn vùi thi thể vẫn đang tiếp tục diễn ra tại Mỹ Châu Latinh, chẳng hạn như các cảnh tượng kinh hoàng tại Brazil, các trào lưu nữ quyền quá khích như đòi quyền phá thai, chúc lành cho hôn nhân đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, sau một thời gian tạm ngưng lại bùng lên rất mạnh tại lục địa này sau các cuộc biểu tình rầm rộ của người da đen tại Mỹ.

Trong bối cảnh đó, ba vị sinh tại Tây Ban Nha cho biết các ngài sẵn sàng trao “mũ đỏ và nhẫn Hồng Y” cho bất kỳ người phụ nữ muốn trở thành một thành viên trong hàng ngũ cao nhất của Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, có một yêu cầu: các phụ nữ ấy cần phải tái khám phá chức linh mục như Chúa Giêsu nghĩ khi Ngài thiết định sứ vụ này “đó là một sứ vụ, chứ không phải là quyền lực.”

“Phụ nữ, giống như nam giới, phải tái khám phá bí tích rửa tội và phẩm giá làm con cái của Thiên Chúa mà bí tích rửa tội mang lại cho chúng ta, ” Đức Hồng Y Cristobal Lopez, tổng giám mục Rabat nói. “Niềm vui của chúng ta không phải là làm giám mục hay Hồng Y, thụ phong linh mục hay không. Niềm vui của chúng ta phải đến từ việc trở thành con của Chúa.”

“Tôi sẵn sàng trao chiếc mũ Zucchetto Hồng Y của tôi, chiếc nhẫn Hồng Y của tôi và cả chiếc áo Hồng Y của tôi cho người phụ nữ nào muốn mặc chúng để đạt được một ảo tưởng. Nhưng nên biết điều này: Tất cả những thứ ấy sẽ không thêm bất cứ điều gì vào việc họ là ai. Nếu họ muốn được thăng tiến trên đàng nhân đức, họ phải là những phụ nữ và Kitô hữu.”

Đức Hồng Y đã bày tỏ lập trường trên tại một cuộc hội thảo do tạp chí Vida Nueva, nghĩa là Đời Sống Mới, của Tây Ban Nha tổ chức, trong đó có cả Đức Hồng Y Juan Jose Omella, tổng giám mục Barcelona, và Đức Hồng Y Pedro Barreto, của Huancayo, Peru. Mặc dù đang sống cách xa nhau, cả ba vị đều được sinh ra ở Tây Ban Nha, và cả ba đều được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y.

Các ý kiến được đưa ra khi Đức Hồng Y Lopez trả lời một câu hỏi đặt ra cho ngài về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Khi ngài, hai vị Hồng Y kia đều mỉm cười gật đầu ưng thuận.

“Đừng đặt căn bản cho cảm giác hoàn thiện cá nhân trên cơ sở tin rằng bạn chưa hoàn thiện nếu bạn chưa được thụ phong linh mục, ” Đức Hồng Y nhận xét và nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng “Chúng ta phải tìm lại phẩm giá là con cái của Thiên Chúa.”

Nhắc lại ý kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y Lopez bác bỏ khả năng phong chức linh mục cho phụ nữ, và nhắc nhở người Công Giáo rằng “chúng ta là những con cái của Thiên Chúa và tất cả chúng ta có cùng một phẩm giá, phẩm giá làm con cái Chúa”.

“Phụ nữ cũng có cùng một phẩm giá đó, việc trở thành một Hồng Y không làm cho tôi có phẩm giá nhiều hơn hay ít hơn một người phụ nữ. Chúng ta phải vượt qua chủ nghĩa giáo sĩ, trong đó bao gồm tin tưởng cho rằng trở thành một linh mục, một giám mục hay một Hồng Y là một bước tiến đáng kể.”


Source:Crux

2. COVID-19 càng lúc càng kinh hoàng tại Brazil

Andrelina Bizzera da Silva 49 tuổi bị nghi là đã chết vì COVID-19. Giống như rất nhiều người khác ở các vùng xa xôi của Brazil, bao gồm vùng Amazon, cô chưa bao giờ hưởng được quyền xét nghiệm coronavirus.

Mang quan tài của cô trở về làng trong chuyến trở về từ bệnh viện, người thân của cô tự hỏi có bao nhiêu người nữa sẽ phải chết trước khi có thêm sự giúp đỡ.

Các trường hợp nhiễm coronavirus ở Brazil hiện đã vượt quá 1 triệu người, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới ngoài Hoa Kỳ.

Tại đây, Reuters đã dành một tuần để đồng hành cùng các chuyên gia y tế trong trận chiến gần đảo Marajó, nơi chia đôi sông Amazon thành hai dòng chảy khi nó tiếp cận Đại Tây Dương.

Coronavirus đã bén rễ ở đây, giết chết rất nhiều người và số trường hợp lây nhiễm là hàng trăm lần cao hơn số tử vong. Reuters thấy rằng nhiễm trùng nặng thường được xác định và điều trị quá muộn, khi tỷ lệ sống sót của các bệnh nhân không còn bao nhiêu.

Nizomar Junior, thư ký ủy ban y tế thành phố ở thị trấn nhỏ Portel, bên kia sông Marajó, dẫn đầu một nhóm các bác sĩ thường xuyên di chuyển hàng giờ liên tục, chiến đấu với dòng chảy cuồn cuộn và sự thay đổi nhanh của thời tiết.

Nizomar Junior giải thích: “Chúng tôi sử dụng thuyền cứu thương để đi bằng đường sông đến những nơi khó tiếp cận, mang đến các dịch vụ nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân ở Marajó. Điều này tạo ra sự khác biệt khi chiến đấu với COVID-19, và ngày nay chúng ta đang trong một cuộc chiến không mệt mỏi đối với đại dịch này”.

- Khoảng cách xã hội gần như không thể tuân giữ tại các khu định cư bị cô lập, được xây dựng trên các nhà sàn dọc theo sông. Người dân có thể phải mất một ngày hoặc nhiều hơn để đến các phòng khám sức khỏe.”

Maria Luiza Costa, người gần đây đã trải qua các triệu chứng giống như cúm, sẽ không bao giờ biết rằng cô đã mắc COVID-19 trước khi đội ngũ y tế đến. Bây giờ cô ấy đang bị cô lập.

Cô giải thích: “Vâng, tôi rất ngạc nhiên. Chúng tôi không mong đợi điều này, nhưng cảm ơn Chúa, họ đã đến. Chúng tôi rất vui khi có thể có được dịch vụ này tại nhà, và sẽ tốt hơn cho chúng tôi, những người sống ở đây trong các cộng đồng ven sông và những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các tài nguyên y tế.”

Một kết quả âm tính có thể là một cái thở phào nhẹ nhõm rất lớn cho một số gia đình. Nhưng đối với Andreza Lima de Cruz, 25 tuổi, chứng kiến cảnh cha cô được chuyển bằng xe cứu thương đến bệnh viện sau khi kết quả dương tính khiến cô đau lòng xót dạ. Cô không biết khi nào và liệu cha cô có cơ hội quay về nhà hay không.


Source:Reuters