Ngày 27-06-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiêng liêng hóa
Lm GB Nguyễn Minh Hùng
06:44 27/06/2017
Thiêng liêng hóa

Cuộc sống không bao giờ phẳng lặn như mặt nước hồ thu. Có lúc dồn dập sóng, có lúc lăn tăn sóng, cuộc sống là một chuỗi biến động kết thành đời người.

Dù cho trắc trở hay bình an, thấm thía nỗi đau hay rộn rã tiếng cười, là Kitô hữu, chúng ta cần thiêng liêng hóa tất cả.

1. Thiêng liêng hóa tất cả

Thiêng liêng hóa là sự giải thoát cần thiết cho những gì khắc sâu vào lòng người, đến mức khó quên, thậm chí trở thành như chính bản thân, làm nên cách sống, cách suy nghĩ, cách yêu, cách giận, cách phản ứng, cách thể hiện… của bản thân.

Thiêng liêng hóa cả đời sống bản thân, cả những gì ta bắt gặp nơi anh em, cả những biến cố trong đời, những đối xử của người khác, những hoàn cảnh mà ta lâm vào… sẽ làm ta sâu sắc hơn, nội tâm hơn, khôn ngoan hơn, trải nghiệm hơn, nhận ra lòng người hơn, biết tạ ơn Chúa và cầu nguyện nhiều hơn.

Thiêng liêng hóa tất cả như thế, sẽ cho ta sức mạnh chống chọi những vùi giập. Nó nâng đỡ nghị lực trong ta, để ta có thể can đảm trực diện những cay đắng mà giải quyết nó, tháo gở nó từng mối gút, mối thắt.

Trong “Lâu đài nội tâm”, thánh nữ Têrêsa Avila, vị thánh Tiến sĩ nổi tiếng là người thành công trong việc kết hợp với Chúa, biết thiêng liêng hóa mọi sự đi qua cuộc đời của chính thánh nhân, cũng như cuộc đời của những con người mà thánh nhân can dự vào, đã thốt lên, sau khi kể lại nhiều đau khổ của mình:

“Trong cơn giông tố này, không còn phương dược nào có thể cứu vãn mà chỉ trông đợi nơi tình thương của Thiên Chúa, vào lúc bất ngờ hơn cả, chỉ với một lời hay một cơ hội thay đổi nào đó, bất thình lình, Người cất đi tất cả ách nặng cho linh hồn, để nó thấy thanh quang như chẳng bao giờ có mây mù nào, nhưng chan hòa ánh sáng và còn tràn ngập hạnh phúc hơn trước bội phần. Bấy giờ, như người đã thoát khỏi trận giao tranh khốc liệt và đã thắng, linh hồn chỉ còn việc ngợi khen Chúa, vì chính Người đã chiến đấu và đã làm cho nó thắng trận” (Những cư sở thứ sáu – chương 1).

Đức tin càng được nảy sinh, càng được nở lớn, khi người ta biết thiêng liêng hóa mọi sự. Đó là điều mà thánh Têrêsa đã cho thấy bằng chính kinh nghiệm thiêng liêng trải qua mọi thời gian sống làm người, và làm người thánh hiến trong ơn gọi chiêm tu của mình.

Chính trong cái nhìn nội tâm, đầy thiêng liêng hóa ấy, thánh nhân chỉ dạy: Nếu linh hồn rơi vào những bi đát cùng cực, thì “phương dược thần diệu nhất – tôi không nói là được dẹp đi những rối loạn này, vì tôi không biết có phương dược nào như thế, nhưng có thể làm cho linh hồn chịu đựng được – là chú tâm lo những công việc bên ngoài và công việc bác ái, rồi trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Tình thương sẽ không bao giờ khước từ những kẻ cậy trông vào Người” (Lâu đài nội tâm – Những cư sở thứ sáu – chương 1).

Nếu trải qua những thách thức, ta vẫn còn đứng vững, hãy tạ ơn Chúa (Chúng ta sẽ nói về lòng tạ ơn Chúa nhiều hơn ở số 3). Nhưng nếu có lở đổ quỵ vì đau đớn, vì nhiều sức mạnh tấn công, nhờ thiêng liêng hóa, ta sẽ có sức gượng dậy, để bước tiếp hành trình, để hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành ơn gọi mà Chúa trao ban.

Hãy suy niệm những lời của thánh Phêrô: “Anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1Pr 4, 12-14),

Đó là những lời thánh Phêrô dạy ta kết hợp với chính những đau khổ của Chúa Kitô. Bởi chỉ có kết hợp với Chúa, ta thêm can trường trong đức tin, vững vàng trong chiến đấu, đạt chiến thắng trong sức mạnh của ân sủng, đi tới cùng như một người mang lấy tình yêu thánh giá tiến vào ơn phục sinh.

Tương tự thánh Phêrô, thánh Phaolô luôn đặt mình trong sự thiêng liêng hóa. Nhờ đó, thánh nhân luôn thấy Chúa, luôn yêu Chúa, luôn cảm tạ Chúa, luôn vững bước, luôn xả thân, luôn phóng tầm nhìn về phía trước…

Chúng ta hãy suy niệm những lời của thánh Phaolô, để thấy rõ nội tâm và suốt cuộc đời thiêng liêng hóa của thánh nhân: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Ngài” (Pl 3, 5-6).

Chỉ khi nào có đủ tầm nhìn thiêng liêng hóa, người ta mới không còn bám víu bất cứ điều gì ngoài Chúa Kitô. Chỉ khi nào sự thiêng liêng hóa đã thấm đượm, người ta mới dám trút bỏ mọi sự, để được Chúa Kitô là sự nghiệp lớn nhất của đời mình.

Thánh Phaolô kể tiếp cái nhìn thiêng liêng hóa ấy trên những đau khổ mà ngài phải đối mặt. Chính trong cái nhìn thiêng liêng hóa mọi sự, thánh Phaolô đã ghi nhận quá nhiều sự tốt được rút ra từ những cái xấu:

“Bị coi là bịp bợm nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi bị mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2 Cr 7, 8-10).

Thiêng liêng hóa tất cả những gì diễn ra suốt dọc dài sự sống chúng ta, là cách ta thắp một ánh sáng cho tối tăm bị xua tan. Tối tăm ấy chính là những cuồng phong, những khó khăn mà ta đang mắc vào.
Rọi ánh sáng bằng sự thiêng liêng hóa vào nghịch cảnh của cuộc sống, giúp ta bước đi trong vinh quang của Chúa Kitô thánh giá. Mà kết hợp mật thiết với Chúa Kitô thánh giá để đạt tới giá trị cứu độ là đỉnh cao của sự thiêng liêng hóa. Bởi không có bất cứ điều gì, khi được tháp nhập vào Chúa Kitô thánh giá mà không mang lại hiệu quả cứu độ, hiệu quả vĩnh cửu.

Nhận ra ánh sáng của sự thiêng liêng hóa khi được bước đi trong vinh quang của Chúa Kitô, thánh Phaolô reo lên: “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: ‘Ánh sáng hãy bừng lên nơi tối tăm!’. Ngài cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô” (2Cr 4, 6).

2. Thiêng liêng hoá để nhìn xuyên thấu.

Thiêng liêng hóa mọi sự là cách tốt để nâng đỡ tầm nhìn xuyên thấu trong ta cách hoàn bị. Thiêng liêng hóa mọi sự không chỉ đưa ta vào nội tâm của chính mình, không chỉ giúp ta nhận diện lại con người mình, không chỉ giúp ta lượng giá bản thân, điều mà ta khó làm nhất.

Hơn thế, thiêng liêng hóa mọi sự còn cho ta một tầm nhìn thiêng liêng.

Thiêng liêng hóa tất cả, là cách để ta nhìn mọi sự diễn ra nơi mình, nơi cuộc đời, nơi những con người, nơi hoàn cảnh xung quanh… bằng con mắt của tình yêu Thiên Chúa, nhờ đó, tầm nhìn xuyên thấu trong ta, một khi đã đi qua cái lưới của sự thiêng liêng hóa, càng giúp ta có tầm nhìn trung thực hơn, sâu lắng hơn, từ bi hơn, nhẫn nại hơn, yêu thương hơn, xinh đẹp hơn, thấu đáo hơn, chính chắn hơn, chính xác hơn …

Nhờ có cái nhìn thiêng liêng, chúng ta nhận ra nhiều ý nghĩa nơi bất cứ hoàn cảnh nào đang rơi vào giữa đời mình.

Tôi gọi sự thiêng liêng hóa trong ánh sáng và chiếu ánh sáng vào nội tâm là TẦM NHÌN XUYÊN THẤU.

Từ thiêng liêng hóa mọi sự, đến tầm nhìn xuyên thấu, ta đã nối một con đường khởi đi từ nội tâm của ta, ra đến tất cả những gì mà ta đối diện, ta hoạt động, ta chạm phải, ta cần phải giải quyết…
Chắc chắn có được ơn thiêng liêng hóa mọi sự nơi nội tâm, tầm nhìn xuyên thấu của chúng ta cũng sẽ được nâng cao. Hay tầm nhìn xuyên thấu là hiệu quả thấy được nơi người biết thiêng liêng hóa mọi sự.

Vì thế, biết thiêng liêng hóa mọi sự, cũng có nghĩa là ta đang tự luyện tập để mỗi ngày một nhìn xuyên thấu hơn, mỗi ngày một vượt tầm nhìn lên trên hơn, thấu đáo hơn, sáng hơn, xuyên suốt hơn, cao trội hơn…

Học để biết thiêng liêng hóa mọi sự, và học một tầm nhìn xuyên thấu, luôn là cách tuyệt vời để Chúa có thể uốn nắn, đào tạo chúng ta thành người hữu dụng cho Chúa, thành người môn đệ đúng nghĩa là môn đệ của Chúa.

Nhờ sự giáo dục của Chúa, ta dễ nhìn “xuyên thấu” vào tâm hồn và nội tâm của mình, để nhận ra mình, nhận ra sự yếu đuối, nhỏ nhoi, dòn mỏng của bản thân mà trở nên khiêm tốn hơn, biết mình, biết người, biết chấp nhận thân phận thụ tạo của mình hơn...

Nhờ sự giáo dục của Chúa, ta cũng sẽ thấy ơn Chúa là sức mạnh thật sự trong đời mình. Không có Chúa, với thân phận thụ tạo dễ bị tội lỗi đốn ngã, không dễ gì ta trưởng thành, không dễ gì ta có được và còn được như ta đang là; đang sở hữu; đang sống trong niềm thâm tín được Chúa bảo bộc, dưỡng dục, chở che…; đang tự tin mà sống hoài bão, sống hết lòng cho niềm hy vọng, cho lý tưởng, cho sự trọn vẹn của ơn gọi đời mình…

Đó là ơn Chúa, kho tàng vô giá mà Chúa vẫn tin tưởng trao cho ta. Nói như thánh Phaolô, ta chỉ là “chiếc bình sành” dễ vỡ, lại được mang sứ mạng chứa đựng “kho tàng” ơn Chúa: “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành” (2Cr 4, 7a).

Nhờ ý thức mình nhỏ bé, tầm thường, nhờ nhận ra mình để khiêm tốn, biết thu nhỏ cái “tôi” của bản thân, để ơn Chúa, để tình yêu của Chúa có cơ hội lớn lên, chính nơi “chiếc bình sành” dễ vỡ này, mà chúng ta mới trở thành cơ duyên để “chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4, 7b).

Được Chúa đào tạo để ý thức mình nhỏ bé, chúng ta lãnh trách nhiệm gieo Lời Chúa, gieo chính Chúa vào cuộc đời và vào lòng người, mà luôn luôn nhận thức, luôn luôn ghi khắc trong tâm khảm rằng: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa. Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu” (2Cr 4, 5).

3. Biết ơn Chúa.

Với tất cả đời sống nội tâm biết thiêng liêng hóa mọi sự, biết nhìn xuyên thấu, và sẵn sàng để Chúa uốn nắn, giáo dục, nhằm thăng tiến chính mình trong ơn Chúa, trong tình yêu của Chúa, chúng ta không thể nào không sống lòng biết ơn mà bản thân phải có đối với Thiên Chúa. Lòng biết ơn ấy phải được thể hiện sống động như lời Thánh vịnh: “Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một khúc tân ca, rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng” (33, 2-3).

Nhưng sống lòng tạ ơn, không đơn thuần là cất lên nơi môi miệng, nhưng là “gieo”, là “gảy” cung đàn, là làm cho “vang lừng” tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng hoan hô.

Dù vậy, chúng ta không dừng lại ở những dụng cụ âm nhạc, những lời ca hay tiếng hoan hô, mà chính là hiến dâng cuộc đời, hiến dâng sức lực, hiến dâng trọn sự sống, hiến dâng từng năm tháng ngày giờ đi qua đời mình, hiến dâng cả trái tim lẫn khối óc, hiến dâng cả bàn tay và từng nhịp thở, hiếng dâng môi miệng và trọn tâm tư, hiến dâng lòng vâng phục và niềm phó thác trong ơn nghĩa của Chúa, hiến dâng đến trọn kiếp, đến tàn hơi, đến bộ mặt bên ngoài ai cũng có thể nhìn thấy, lẫn cả thế giới riêng tư của bản thân…

Lòng hiến dâng Chúa tất cả, đến mức chẳng còn gì giữ lại cho mình, chính là cung đàn, là điệu nhạc, là bài ca cuộc đời để thể hiện lòng biết ơn Thiên Chúa. Bởi chỉ có lời cảm tạ từ chính cuộc đời, mới là lời cảm tạ đáng để ước mong đẹp lòng Chúa, đáng để hiến dâng mà trông đợi Chúa chúc lành, Chúa sử dụng, Chúa nhàu nắn theo ý Người.

Và như vậy, mỗi lần cầu nguyện bằng lời Thánh vịnh “Cảm tạ Chúa gieo vạn tiếng đàn…”, ta sẽ cầu nguyện tha thiết hơn, sâu lắng hơn, thâm tín hơn, cậy trông hơn, trọn vẹn hơn bằng cả kiếp sống, qua mọi hiến dâng của chính bản thân ta.

Niềm biết ơn Thiên Chúa, cũng sẽ hướng chúng ta về cùng Chúa Giêsu, Con của Người. Bởi trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu, con đường duy nhất mà ta đến cùng Thiên Chúa và được Thiên Chúa thương đoái: “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Ngài nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Ngài, để được sống muôn đời” (1Tm 1, 13-16).

Biết ơn Chúa Giêsu là để Người hiện diện, chiếm ngự nội tâm của ta. Bởi không để Chúa Giêsu hiện diện trong ta, sẽ khó có được một đời sống luôn luôn thiêng liêng hóa tất cả, khó có được tầm nhìn xuyên thấu tất cả.

Không có Chúa Giêsu hiện diện, ta chỉ là những kẻ sống xốc nổi, cạn nghĩ, nông thể hiện, nông tương quan, thiếu lòng yêu mến, thiếu hy sinh, thiếu chân thành, thiếu thâm trầm, thiếu chiều sâu ngâm ngợi, thiếu những thể hiện mà một người yêu Chúa luôn phải có đối với anh chị em như: sự tín nghĩa, lòng đại lượng, sự dung thứ, tinh thần san sớt, hy sinh, khoan hậu…
Từng người chúng ta hãy ghi khắc thật sâu, thật bền lời của thánh Phaolô: “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Ngài đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Ngài” (1Tm 1, 12).

Hãy luôn luôn sống lòng biết ơn Chúa Giêsu, luôn luôn ý thức sức mạnh của Người nơi chúng ta, luôn luôn thâm tín Người chẳng những không bao giờ bất tín, mà còn luôn tín nhiệm ta, để như thánh Phaolô, ta biết hiến dâng chính mình, hiến dâng trọn đời mình, biết chấp nhận cách không khoan nhượng, dù là sự sống hay sự chết, dù là thua thiệt, bất lợi hay tràn ngập hy vọng, dù phải đối diện với rừng sâu hay núi thẳm…, ta vẫn trung kiên cho trọn một niềm cảm tạ mà ta hiến dâng Chúa Giêsu.

 
Những Tương Đồng Lạ Lùng nơi Thánh Phêrô và Phaolô
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
06:52 27/06/2017

Lễ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

Những Tương Đồng Lạ Lùng

Giáo Hội mừng kính hai Thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo Hội cùng chung một ngày. Hai con người khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng có rất nhiều cái chung.Cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô. Cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô. Cùng chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó. Và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo Hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Thánh Tông Đồ được Giáo Hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6.

Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng.Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha. Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

1. Hai tên gọi cùng được đổi mới.

Theo cách dùngThánh Kinh, tên không những chỉ là danh xưng dùng để gọi một người mà còn là hiện thân của một người (x.Từ điển Công Giáo phổ thông).Tên gọi nói lên một sứ mạng. Tên mới biểu tượng một thân phận mới một bản chất mới. Ađam đặt tên cho mọi giống vật và đặt tên cho vợ: “Ngươi sẽ gọi tên vợ là Eva, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3,20). Abram được đổi tên để nhận lấy một sứ mạng cao cả: “Tên ngươi không còn là Abram nữa, mà là Abraham…Sarai, vợ ngươi, sẽ không còn là Sarai nữa. Song tên nó là Sara. Bởi Sara, ngươi có một người con trai, ngươi sẽ đặt tên cho nó là Isaac” (St 17,5-20). Tổ phụ Giacop được đổi tên là Israel: “Người đó hỏi ông: "Tên ngươi là gì? " Ông đáp: "Tên tôi là Giacop." Người đó nói: "Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacop nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng." (St 32,28-29).Theo lời Sứ thần Gabriel, Đức Maria đặt tên cho con là Giêsu. Ông Giacaria đặt tên cho con trai là Gioan.

Khi Anrê dẫn em trai là Simon đến gặp Chúa Giêsu, Người nhìn Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô) (Ga 1,42). Chúa xây dựng Giáo Hội trên Đá Tảng Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Chúa còn trao chìa khoá Nước trời cho Phêrô.

Saolô là một biệt phái nhiệt thành. Trên đường đến Đamát, thình linh một luồng sáng từ trời bao tỏa lấy Saolô. Ông ngã xuống đất và nghe một giọng nói với ông: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Saolô hỏi: “Ngài là ai?” Và có tiếng trả lời “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,1-5). Saolô đã bị mù lòa. Ông làm những gì được chỉ bảo. Ba ngày sau, ông Annanias đến, đặt tay trên Saolô và ngay lập tức có cái vảy bong ra khỏi mắt và ông được sáng. Ông đứng dậy và chịu phép rửa (Cv 9,6-18). Từ đó, Chúa Giêsu biến đổi Saolô thành một Tông đồ dân ngoại. Kể từ chương 13 sách CVTĐ, Saolô có tên mới là Phaolô.

Đặt tên cho một người là định hướng cuộc đời người ấy theo tên gọi. Từ đó có một chương trình trong sự quan tâm trìu mến của người đặt tên. Tên Giêsu là sứ mạng của Người (Mt 1,21) nghĩa là cứu độ (Cv 14,3), cứu thoát (Cv 4,12), đem lại sự sống siêu nhiên cách viên mãn (Col 3,17). Ai cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu, theo ý hướng của Người sẽ luôn luôn được nhận lời (Ga 15,16); Ai kêu cầu tên Người sẽ được cứu thoát (Rm 10,13); Những ai tin vào tên Người sẽ làm nên Hội Thánh (1 Cor 1,2) và từ đó được gọi là Kitô hữu (Cv 11,26). Simon và Saolô đón nhận tên gọi mới là Phêrô và Phaolô với sứ vụ cao cả là đá tảng và là cột trụ của Giáo Hội.

2. Hai khuôn mặt cùng một niềm tin

Có nhiều dư luận nói về Chúa Giêsu. Người hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?”. Simon Phêrô nhanh nhẹn đáp:"Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Chúa Giêsu rất hài lòng về câu trả lời của Phêrô. Người nói với Phêrô:"Này anh Simon, con ông Gioan, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời"( Mt 16,17 ). Phêrô tuyên xưng niềm tin. Chúa Giêsu đặt thánh Phêrô làm đầu Giáo Hội ( Mt 16,18 ).

Từ khi nhận phép rửa, Phaolô đã mạnh dạn rao giảng về Chúa Kitô khiến nhiều người Do Thái ngạc nhiên tự hỏi:" Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao ? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?"( Cv 9, 21 ). Phaolô đã làm bẽ mặt những người Do Thái ở Đamát, khi minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia ( Cv 9, 22). Phaolô đã được các tông đồ tin tưởng nhờ đó ngài và các tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Phaolô mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa Giêsu Kitô ( Cv 9, 28 ).

Phêrô tuyên xưng đức tin. Trên đá tảng Phêrô, đức tin được xây dựng. Phaolô làm sáng tỏ đức tin. Vị tông đồ dân ngoại hăng hái đem đức tin gieo trồng khắp mọi nơi. Hai khía cạnh của đức tin luôn sống động trong Giáo Hội, sứ mạng củng cố đức tin, xây dựng nội bộ và sứ mạng truyền giáo, đem đức tin đến với muôn dân.

3. Hai tính cách cùng một lòng mến
Thánh Phêrô, tính tình nóng nảy, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh. Nói về ông người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của ông. Đó là lần ông đã chối Chúa. Alain một nhà tư tưởng lớn của Pháp đã viết những lời như thế thật chua cay về cái biến cố này: "Tôi hình dung ra ông ta đang ở trên Thiên đàng, đầu đội triều thiên hào quang sáng chói nhưng mỗi khi nhớ đến 'dzụ' ấy, chắc ông còn phải đỏ mặt". Lý do, ông viết tiếp: "Tông đồ Phêrô trong hoàn cảnh lúc đó đã lẩn trốn như thỏ hay như chuột". Lời nhận định hơi chua chát một chút nhưng nó cho chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Vì Phêrô là Thủ lãnh các tông đồ, thủ lãnh nhóm 12 và nhất là trước đó Chúa đã cảnh cáo ông.

Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Tuy nhiên, thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ngài. Nhờ đó, ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa. Thánh Phêrô có lòng quảng đại. Khi được Chúa gọi, ông nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự rồi theo Chúa. Thánh Phêrô có một đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: "Lạy thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Đức tính đáng cảm phục nhất chính là lòng khiêm nhường. Đó là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Khiêm nhường là mẹ các nhân đức. Rõ ràng, trong trái tim Phêrô lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì Phêrô cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.

Saolô là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và trên đường Đamát truy lùng các Kitô hữu. Được ơn trở lại, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Khi đã biết Chúa Kitô thì “ những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay,vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi.Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi,so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi.Vì Ngài, tôi đành mất hết,và tôi coi tất cả như đồ bỏ,để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.Được như vậy,không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại,nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu”( Pl 3,7-9). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Ngài trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường. Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời thánh nhân. Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “ Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9).Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp;hoang mang nhưng không tuyêt vọng;bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”( 2cor 4,8-9).Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).Vì Đức Kitô và vì Tin mừng, thánh nhân đã sống và chết cho sứ vụ. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ,đói khát,trần truồng,nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ ( Rm 8,35-39).

Hai vị Thánh Tông Đồ có chung một lòng mến, một niềm tin và một khát khao nên thánh.Cả hai vị đều có những lầm lỗi và yếu đuối. Và cả hai đều hối hận, đều yêu mến Chúa thật tình. Chúa đã gọi và chọn hai vị làm Tông Đồ. Nhân danh và nhờ quyền năng Chúa Giêsu Kitô, hai vị đã làm được nhiều phép lạ.

Phêrô cùng với Gioan chữa lành một người què từ lúc lọt lòng mẹ vẫn ngồi ăn xin ở Cửa Đẹp Đền Thờ ( x. Cv 3, 7 – 9 ); Phêrô làm cho người chết sống lại ( x. Cv 9, 40 – 42 ); Phêrô chữa nhiều người đau ốm bệnh hoạn mà dân chúng khiêng họ ra tận đường phố để khi Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông phủ lên một bệnh nhân nào đó, và tất cả đã được chữa lành ( x. Cv 5, 15 – 16 )...

Phaolô đã chữa lành một người bẩm sinh bị bại chân tại Lítra ( x. Cv 14, 8 – 10 ). Phaolô cũng làm cho một người đã chết sống lại ( x. Cv 20, 9 – 12 ). Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết Phêrô bị bắt giam trong ngục, đã được Chúa sai thiên sứ đến cứu thoát khỏi tay vua Hêrôđê ( x. Cv 12, 1–11). Cả hai vị được đầy quyền năng và vinh quang trước mặt người đời.

Cuối cùng hai vị cũng bị bắt và chịu chết vì Danh Đức Giêsu Kitô. Cả hai vị đã bằng lòng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh. Hai vị đã trở nên trụ cột của Giáo Hội. Phêrô là Anh Cả, đứng đầu Tông Đồ Đoàn. Phaolô là Tông Đồ Dân Ngoại. Hai vị có tính tình khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, khả năng làm việc khác nhau, nhưng lại cùng hoạt động, cùng xây dựng Nước Chúa. Những khác biệt của hai vị là để bổ túc cho nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau thăng tiến trong sứ vụ Tông đồ. Trên “tảng đá Phêrô” và “cột trụ Phaolô”, Giáo Hội Chúa Kitô bền vững và phát triển đến thiên thu vạn đại.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nổ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo Hội.

 
Hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
07:51 27/06/2017
Hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô

BÀI SUY NIỆM LỄ CHÍNH NGÀY

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

(Mt 16,13-19)

Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo Hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô, những cột trụ của Giáo Hội phổ quát Chúa Kitô. Theo truyền thống, Giáo Hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, và tông truyền.

Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ « tảng đá », chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Phêrô, ngư phủ miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô, người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu tại thế, ông bách hại những người tin Chúa Kitô. Nhưng khi gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, ông trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin, là « dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc (x. Cv 9, 1-22).

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai mờ. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới. Phaolô là chiếc bình được tuyển chọn, Phêrô giữ chìa khóa Nước Trời ; cho dù người này là ngư phủ, người kia là kẻ bách hại. Phaolô đã bị đánh cho mù, cuối cùng thấy rõ hơn ; Phêrô đã chối Chúa, sau tin vững vàng. Phaolô đã chọn tin vào Chúa Kitô sau khi phục sinh. Phêrô vị dân chài thay vì thả lưới bắt cá, nay trở thành kẻ lưới người ta.

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa.

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng : « Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy » (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)

Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28) ; « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).

Cả hai hạnh phúc trong việc giữ gìn giáo lý tinh tuyền, nhưng cái phúc tử đạo còn hạnh phúc hơn. Nơi dương gian, vinh quang chỉ là ước muốn ; chốn thiên đàng mọi sự thật nhãn tiền. Tiếng các ngài đã vang đến tận cùng trái đất, và thông điệp loan đi tới chân trời góc bể. Khắp nơi vang tiếng ngợi khen các ngài ; các tín hữu nhẩm đi nhắc lại chiến thắng khải hoàn của các đấng.

Thật là hữu ích khi nhắc lại cho chúng ta vinh quang tử đạo của các hai đấng. Phaolô bị chặt đầu, Phêrô bị đóng đinh cắm đầu xuống đất. Hình thức tử đạo thật mầu nhiệm. Phêrô không dám chịu đóng đinh giống Thầy mình. Đó không phải là ông từ chối tử đạo, nhưng ông sợ nhận lấy cái chết giống Đấng Cứu Thế. Cả hai vị đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

Lạy Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, cầu cho chúng con.

Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:50 27/06/2017
68. HỎA VÀ HỔ KHÔNG CÓ GÌ KHÁC BIỆT
Người Đông Âu ở bên Trung Quốc thường nói “hoả火” (lửa) thành “hổ虎” (con hổ), họ phát âm “hoả” và “hổ” (1) thì không có gì là khác biệt.
Người nước này thường dùng cỏ tranh để lợp nhà, do đó mà khi có hoả hoạn thì người dân ở đây cảm thấy rất là khổ não.
Có một thương nhân đi qua nước Tấn nghe nói có một người đàn bà có tài bắt hổ rất giỏi, bà ta ở bát kỳ chỗ nào thì hổ ở đó đều tuyệt tích. Sau khi về nước, người thương nhân đem chuyện này báo cáo lại với nhà vua, vua nước Đông Âu nghe nói người đàn bà ấy có thể diệt hoả (hổ), lập tức ra lệnh đem ngựa tốt, ngọc đẹp, gấm vóc và rất nhiều lễ vật đi qua nước Tấn đón người đàn bà ấy, khi người đàn bà ấy tới thì nhà vua đích thân ra đón tiếp như một vị thượng khách.
Ngày hôm sau trên phố phát hoả, người của thủ đô bèn báo cho người đàn bà biết, người đàn bà ấy bèn xắn tay áo lên, chạy theo với họ đến nơi xảy ra hoả hoạn và tìm hổ khắp nơi, nhưng tìm không có.
Tận mắt chứng kiến ngọn lửa đang cháy và từ từ lan qua cung điện, dân chúng bèn ôm người đàn bà đem đến nơi lửa cháy mạnh nhất để bà chữa lửa, nhưng người đàn bà liền bị lửa thiêu sống.
Thế là nhà vua cho rằng mình bị người thương nhân ấy đánh lừa nên bắt ra chém, mà người đàn bà ấy chết cũng không biết tại sao mình lại chết !
(Úc Ly tử)

Suy tư 68:
“Hoả” và “hổ” phát âm theo tiếng quan thoại thì khác nhau, nhưng nếu nói mà không uốn lưỡi thì thật có hơi giống nhau khi phát âm hoả và hổ, cho nên thay vì đi kiếm người cứu hoả thì lại tìm người giết hổ, lầm to.
Có những người Ki-tô hữu lầm tưởng rằng phạm tội rồi đi xưng tội thì được tha tội, đương nhiên, nhưng nếu họ không có một chút tâm tình sám hối, hy sinh, đền tội, thì...còn khuya mới được tha.
Cũng có người lầm tưởng rằng mình tuy tội lỗi, nhưng cứ làm việc lành phúc đức cho nhiều thì được tha tội ! Họ ngây thơ quá mà quên rằng, một khi cành cây lìa khỏi thân cây thì nó đã bị chết khô queo mất rồi, làm sao mà còn tốt xanh tươi để mà đơm bông kết trái được chứ ? Khi chúng ta phạm tội trọng thì chúng ta đã lìa khỏi thân cây là Đức Chúa Giê-su, thì dù cho chúng ta làm việc lành phúc đức mấy chăng nữa thì cũng vô ích, nếu bao lâu chúng ta chưa lãnh nhận ơn tha tội trong bí tích Giải Tội.
Hoả và hổ thì cả hai đối với con người rất là đáng sợ.
Nhưng càng đáng sợ hơn đối với linh hồn khi chúng ta hiểu sai lầm về giáo lý của Giáo Hội, rồi kiêu ngạo cho mình là có tài giỏi rồi giải thích giáo lý và Kinh Thánh và sống theo sự sai lầm của mình.

(1) 火 phát âm là “hùo”, 虎 phát âm là “hù”, nghe từa tựa giống nhau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:51 27/06/2017

1. Cầu nguyện là cửa để các ân sủng tiến vào linh hồn của con người.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Danh sách 36 vị Tổng Giám Mục sẽ được ĐTC trao dây Pallium, Việt Nam có Đức Cha Nguyễn Chí Linh
Đặng Tự Do
01:39 27/06/2017
Sáng thứ Ba 27 tháng 6, Tòa Thánh đã công bố danh sách 36 vị Tổng Giám Mục sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô trao dây Pallium trong thánh lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô tại quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 9:30 sáng thứ Năm 29 tháng 6.

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam hân hạnh có Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh trong số các vị sẽ được trao dây Pallium.

Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh sinh ngày 22 tháng 11 năm 1949 tại Ba Làng, Thanh Hóa, thụ phong linh mục năm 1992 thuộc Giáo phận Nha Trang, du học Pháp từ 1995 đến 2003 và đậu tiến sĩ triết học. Trở về nước, ngài làm giáo sư Đại Chủng viện Sao Biển, Nha Trang. Năm sau đó, 2004, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Chính tòa Thanh Hóa, kế nhiệm Đức Cha Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm.

Tưởng cũng nên nhắc lại là ngày 29 tháng 10 năm ngoái 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Huế thay cho Đức Cha Lê Văn Hồng.

Trước đó vào đầu tháng 10, 2016, ngài được bầu làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nhiệm kỳ 2016-2019, kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc.

Trong danh sách 36 vị Tổng Giám Mục trên thế giới sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô trao dây Pallium, đông nhất là Ba Tây với 5 vị, rồi đến Hoa Kỳ 3 vị, Ba Lan và Phi Luật Tân 2 vị.

Danh sách tất cả 36 vị Tổng Giám Mục trên thế giới sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô trao dây Pallium gồm có:

1. Đức Hồng Y Joseph William TOBIN, C.SS.R. Tổng Giám Mục Newark (Hoa Kỳ)
2. Đức Cha Francisco OZORIA ACOSTA Tổng Giám Mục Santo Domingo (Cộng Hòa Dominicana)
3. Đức Cha Donald Joseph BOLEN Tổng Giám Mục Regina (Canada)
4. Đức Cha Goetbe Edmond DJITANGAR Tổng Giám Mục N’Djaména (Ciad)
5. Đức Cha François KALIST Tổng Giám Mục Clermont (Pháp)
6. Đức Cha Martin S. JUMOAD Tổng Giám Mục Ozamiz (Phi Luật Tân)
7. Đức Cha Paul Dennis ETIENNE Tổng Giám Mục Anchorage (Hoa Kỳ)
8. Đức Cha Józef GÓRZYŃSKI Tổng Giám Mục Warmia (Polonia)
9. Đức Cha Giovanni ACCOLLA Tổng Giám Mục Messina-Lipari-Santa Lucia del Mela (Italia)
10. Đức Cha Faustin AMBASSA NDJODO, C.I.C.M. Tổng Giám Mục Garoua (Cameroon)
11. Đức Cha Mariano José PARRA SANDOVAL Tổng Giám Mục Coro (Venezuela)
12. Đức Cha Giuse NGUYỄN Chí Linh Tổng Giám Mục Huế (Vietnam)
13. Đức Cha Joseph KALATHIPARAMBIL Tổng Giám Mục Verapoly (India)
14. Đức Cha Carlos GARFIAS MERLOS Tổng Giám Mục Morelia (Messico)
15. Đức Cha Fridolin AMBONGO BESUNGU, O.F.M. Cap. Tổng Giám Mục Mbandaka-Bikoro (Cộng Hoà Dân Chủ Congo)
16. Đức Cha Orlando BRANDES Tổng Giám Mục Aparecida (Ba Tây)
17. Đức Cha George FRENDO, O.P. Tổng Giám Mục Tiranë-Durrës (Albania)
18. Đức Cha Wilfredo Pino ESTÉVEZ Tổng Giám Mục Camagüey (Cuba)
19. Đức Cha Marek JĘDRASZEWSKI Tổng Giám Mục Kraków (Ba Lan)
20. Đức Cha Michael Didi Adgum MANGORIA Tổng Giám Mục Khartoum (Sudan)
21. Đức Cha Jean-Pierre COTTANCEAU, SS.CC. Tổng Giám Mục Papeete (Polinesia thuộc Pháp)
22. Đức Cha Paul DESFARGES, S.I. Tổng Giám Mục Alger (Algeria)
23. Đức Cha Júlio Endi AKAMINE, S.A.C. Tổng Giám Mục Sorocaba (Ba Tây)
24. Đức Cha João José DA COSTA, O. Carm. Tổng Giám Mục Aracaju (Ba Tây)
25. Đức Cha Gilbert A. GARCERA Tổng Giám Mục Lipa (Phi Luật Tân)
26. Đức Cha Moses COSTA, C.S.C. Tổng Giám Mục Chittagong (Bangladesh)
27. Đức Cha Simon POH HOON SENG Tổng Giám Mục Kuching (Malaysia)
28. Đức Cha Manoel Delson PEDREIRA DA CRUZ, O.F.M. Cap. Tổng Giám Mục Paraíba (Ba Tây)
29. Đức Cha Robertus RUBIYATMOKO Tổng Giám Mục Semarang (Indonesia)
30. Đức Cha Inácio SAÚRE, I.M.C. Tổng Giám Mục Nampula (Mozambique)
31. Đức Cha Tadeusz WOJDA, S.A.C. Tổng Giám Mục Białystok (Ba Lan)
32. Đức Cha Anthony MUHERIA Tổng Giám Mục Nyeri (Kenya)
33. Đức Cha Ignacio Francisco DUCASSE MEDINA Tổng Giám Mục Antofagasta (Chí Lợi)
34. Đức Cha Charles C. THOMPSON Tổng Giám Mục Indianapolis (Hoa Kỳ)
35. Đức Cha Geremias STEINMETZ Tổng Giám Mục Londrina (Ba Tây)
36. Đức Cha Jorge Eduardo LOZANO Tổng Giám Mục San Juan de Cuyo (Argentina)
 
Tòa Thánh bày tỏ quan ngại về tình trạng của Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn
Đặng Tự Do
04:13 27/06/2017
Vatican đã bày tỏ “mối quan tâm sâu xa” đối với tình trạng của một Giám Mục ở Trung Quốc đã bị nhà cầm quyền Bắc Kinh giam giữ gần 10 tháng nay và đã liên tục di chuyển từ nơi giam giữ này đến nơi khác trong một nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn cản ngài đảm nhận vai trò lãnh đạo trong giáo phận của mình.

Đức Giám Mục Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin) đã là giám mục phó với quyền kế vị của Ôn Châu vì thế nên tháng Chín năm ngoái 2016, ngài tiếp nhận việc lãnh đạo giáo phận khi người tiền nhiệm của ngài qua đời. Nhưng, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bắt giữ và đưa ngài đến miền Bắc Trung Quốc kể từ ngày 18 tháng 5 đến nay

Trong một thông cáo đưa ra hôm 21 tháng 9 năm ngoái 2016, Tòa Thánh khẳng định rằng Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn là giám mục kế vị hợp pháp của Giáo phận Ôn Châu, sau khi Đức Giám Mục Vincent Chu Duy Phương (Zhu Weifang) qua đời.

Một thời gian ngắn trước khi vị giám mục 90 tuổi qua đời, chính quyền Trung Quốc đã bắt cóc Đức Cha Thiệu và Hội Công Giáo Yêu Nước chớp thời cơ đưa lên một giám mục khác bất kể Tòa Thánh có đồng ý hay không.

Ông Greg Burke, giám đốc văn phòng báo chí của Vatican, tuyên bố hôm 26 tháng 6 rằng: “Toà Thánh đang theo dõi với mối quan tâm sâu xa tình trạng cá nhân của Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn của Ôn Châu, đã bị buộc phải xa tòa giám mục của ngài trong một thời gian dài”.

Ông Burke nói thêm: “Cộng đoàn Công Giáo và những người họ hàng của ngài không có tin tức gì, cũng chẳng biết lý do gì tại sao ngài bị bắt, và họ cũng không biết ngài đang ở đâu.”

Ông Burke nói một cách ngoại giao rằng thái độ đối xử với Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn “và các điệp khúc tương tự khác” không góp phần vào sự hiểu biết giữa Vatican và chính phủ Trung Quốc.

Cuối cùng, phát ngôn viên Tòa Thánh nói Tòa Thánh hy vọng rằng Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn “có thể quay lại giáo phận càng sớm càng tốt và ngài có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ giám mục của mình một cách thanh thản”.

Associated Press cho hay ông Michael Clauss, đại sứ của Đức tại Trung Quốc, đã đưa ra tuyên bố trên trang web của Đại sứ quán vào ngày 20 tháng 6 phản đối việc bắt giữ Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn.

Đại Sứ Michael Clauss viết:

“Tự do cư trú và di chuyển của Đức Giám Mục Thiệu phải được phục hồi”.

Vị Đại sứ cũng bày tỏ những lo ngại rằng các quy định mới của chính phủ đang ngăn chặn tự do tôn giáo.
 
Đức Thánh Cha: kêu gọi từ bỏ mọi hình thức tra tấn
Bùi Hữu Thư
08:07 27/06/2017
Đức Thánh Cha: khuyến khích từ bỏ mọi hình thức tra tấn

Vatican, ngày 27 tháng 6, 2017: Đức Thánh Cha gửi điện tín tweet ngày 26 tháng 6, 2017 nhân Ngày Quốc Tế Yểm Trợ cho các Nạn Nhân bị Tra Tấn: “Tôi nhắc lại lời cương quyết lên án tất cả mọi hình thức tra tấn và kêu gọi tất cả mọi người hành động để loại bỏ việc tra tấn và yểm trợ cho các nạn nhân và gia đình.

Ngày Quốc Tế này được Liên Hiệp Quốc thiết lập năm 1997, “nhằm hủy bỏ toàn diện mọi hình thức tra tấn và đảm bảo việc thi hành hữu hiệu Thỏa Ước chống tra tấn và các hình thức tàn bạo, dã man hay hạ phẩm giá con người. Thỏa ước này được thi hành từ ngày 26 tháng 6, năm 1987.”Tòa Thánh chấp hành thỏa ước này năm 2002.

Theo ACAT (Action by Christians Against Torture), một tổ chức NGO (phi chính phủ) Kitô giáo chống tra tấn, họ đã phổ biến hàng năm một thông cáo về một trong hai quốc gia luôn luôn áp dụng các hình thức tra tấn, kể cả các quốc gia dân chủ.

Bùi Hữu Thư
 
Đức Cha Nguyễn Chí Linh trong số 36 TGM nhận dây Pallium – Ý nghĩa của dây này.
VietCatholic Network
08:46 27/06/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Ba 27 tháng 6, Tòa Thánh đã công bố danh sách 36 vị Tổng Giám Mục sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô trao dây Pallium trong thánh lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô tại quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 9:30 sáng thứ Năm 29 tháng 6.

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam hân hạnh có Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh trong số các vị sẽ được trao dây Pallium.

Tưởng cũng nên nhắc lại là ngày 29 tháng 10 năm ngoái 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Huế thay cho Đức Cha Lê Văn Hồng.

Trước đó vào đầu tháng 10, 2016, ngài được bầu làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nhiệm kỳ 2016-2019, kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc.

Trong danh sách 36 vị Tổng Giám Mục trên thế giới sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô trao dây Pallium, đông nhất là Ba Tây với 5 vị, rồi đến Hoa Kỳ 3 vị, Ba Lan và Phi Luật Tân 2 vị.

Dây Pallium là gì? và ý nghĩa của dây này theo lời giải thích của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ được gởi đến quý vị và anh chị em sau đây qua lời thuyết minh của Thụy Khanh.

Thể thức trao dây Pallium

Trước đây việc trao dây Pallium diễn ra như sau: sau khi Đức Thánh Cha làm phép các dây Pallium, các vị Tổng Giám Mục tiến đến quỳ trước mặt ngài và Đức Thánh Cha sẽ choàng dây lên vai vị Tổng Giám Mục.

Tháng Giêng năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định rằng buổi lễ trao dây Pallium chính thức cho các Tổng Giám Mục Chính Tòa từ nay trở đi sẽ diễn ra tại các giáo phận của vị Tổng Giám Mục chứ không phải ở Vatican như trước.

Sau khi dây Pallium được làm phép, cuối thánh lễ ngày hôm nay, Đức Thánh Cha sẽ trao tận tay dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục nhưng có tính cách cá nhân hơn.

Sứ thần Tòa Thánh hay Khâm Sứ Tòa Thánh sẽ bàn thảo với vị Tổng Giám Mục ngày giờ và, hoàn cảnh hợp lý nhất để “công khai và chính thức” trao dây Pallium cho ngài nhân danh Đức Thánh Cha với sự tham dự của các giám mục trong các giáo phận thuộc về giáo tỉnh; và cộng đoàn tín hữu địa phương.

Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, người Phi Luật Tân, là Sứ Thần Tòa Thánh tại Úc Đại Lợi đang trao dây Pallium cho Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của tổng giáo phận Sydney hôm 25 tháng Bẩy 2015.

Đức Thánh Cha tin rằng theo cách này, buổi lễ “sẽ giúp ích rất nhiều cho sự tham gia của Giáo Hội địa phương vào một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc sống và lịch sử của cộng đoàn Công Giáo địa phương.” Đức ông Guido Marini, Chưởng Nghi các nghi lễ Phụng Vụ Giáo Hoàng đã cho biết như trên hôm 12 tháng Giêng trong một bức thư gửi đến các sứ thần Tòa Thánh ở các quốc gia nơi có các Tổng Giám Mục Chính Tòa được dự kiến sẽ nhận được dây pallium từ Đức Giáo Hoàng tại Vatican vào ngày 29 tháng 6, ngày lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô.

Hơn nữa, ngài nói, Đức Thánh Cha Phanxicô tin rằng phong tục mới này có thể giúp thúc đẩy “cuộc hành trình đề cao tính đồng đoàn trong Giáo Hội Công Giáo, mà từ khi bắt đầu triều đại của ngài, Đức Phanxicô đã không ngừng nhấn mạnh rằng tính chất này là đặc biệt cần thiết một cách cấp bách và quý báu vào thời điểm lịch sử này của Giáo Hội”

Cha của Marini viết: “Dây Pallium tượng trưng cho những mối liên hệ của sự hiệp thông phẩm trật giữa Ngai Tòa Phêrô, Người kế nhiệm Thánh Tông Đồ và những người được chọn gánh vác sứ vụ giám mục trong tư cách là Tổng Giám Mục của một Giáo Tỉnh. Nó cũng là biểu tượng cho thẩm quyền của Tổng Giám Mục Chính Tòa trong chính giáo phận của ngài và các giáo phận khác trong giáo tỉnh.

Lịch sử dây Pallium

Theo sử gia Tertullian, dây Pallium được sử dụng trễ nhất là vào năm 220 sau Chúa Giáng Sinh; khi cuốn Liber Pontificalis ghi nhận rằng Đức Giáo Hoàng Marcus đã cho phép Đức Giám Mục thành Ostia đeo dây Pallium vì ngài chủ tọa lễ đăng quang Giáo Hoàng. Đến thế kỷ thứ 8, truyền thống các Tổng Giám Mục Chính Tòa đeo dây Pallium bắt đầu thịnh hành.

Cấu trúc và hình dạng dây Pallium thay đổi theo thời gian. Dây Pallium ngày nay có hình thể như chữ Y, phía trên quấn thành hình tròn choàng qua hai bên vai, và có hai giải thả xuống phía trước ngực và phía sau lưng. Chiều ngang rộng bằng 3 đốt ngón tay. Trên dây Pallium có thêu 6 hình Thánh gía mầu đen, hai thánh giá ở hai bên vai, 2 thánh giá trước ngực và 2 thánh giá sau lưng.

Việc thực hiện dây Pallium hàng năm

Vào ngày lễ Thánh Nữ Agnes, tức là ngày 21 tháng Giêng hàng năm, chiên con được Đức Giáo Hoàng thánh hiến. Lông các con chiên được thánh hiến này được đưa về nhà Dòng kín Santa Cecilia bên Ý để dệt thành dây Pallium.

Chiều trước ngày lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, những chiếc dây Pallium này được đưa đến bàn thờ trước mộ Thánh Phêro nằm bên dưới bàn thờ chính của đền thờ Thánh Phêrô tại Vatican và được giữ cẩn thận trong hộp ngay sát cạnh di tích Xương Thánh của Thánh Phêrô. Như thế dây Pallium được đụng chạm với di tích Xương Thánh của vị Tông Đồ.

Ý nghĩa thần học của dây Pallium

Dây Pallium được Đức Giáo Hoàng, các vị Tổng Giám Mục Chính Tòa và Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Giêrusalem mang trên vai; có một ý nghĩa thần học sâu xa đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 giải thích trong lễ đăng quang Giáo Hoàng của ngài hôm 24/05/2015. Ngài nói:

“Biểu tượng của dây Pallium còn cụ thể hơn nữa: len chiên nhằm tiêu biểu cho những con chiên lạc lối, yếu đau mà vị mục tử vác lên vai ngài và đem đến những nguồn nước sự sống. Đối với các Nghị Phụ của Giáo Hội, dụ ngôn con chiên đi lạc mà vị mục tử tìm kiếm trong sa mạc, là một hình ảnh của mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Nhân loại – nghĩa là mỗi một người trong chúng ta - là con chiên lạc trong sa mạc không còn biết lối về. Con Thiên Chúa không thể để điều này xảy ra; Ngài không thể bỏ mặc con người trong điều kiện thê thảm như vậy. Ngài nhảy trên đôi chân mình và từ bỏ vinh quang thiên quốc để tìm kiếm con chiên này và theo nó đến tận cùng của Thánh Giá. Ngài mang nó lên vai và gách vác nhân loại; Ngài gách vác tất cả chúng ta - Ngài là mục tử nhân lành đã thí mạng vì đàn chiên. Điều mà dây Pallium này chỉ ra đầu tiên và trên hết là tất cả chúng ta được gánh vác bởi Đức Kitô. Nhưng đồng thời nó cũng mời gọi chúng ta gánh vác lẫn nhau.”

“Người mục tử phải được linh hứng bởi lòng nhiệt thành thánh thiện của Đức Kitô: không thể có chuyện người mục tử thờ ơ trước cảnh quá nhiều người đang sống trong sa mạc. Và có quá nhiều loại sa mạc. Có những sa mạc của nghèo đói, sa mạc của đói khát, sa mạc của bỏ rơi, của cô đơn, của tình yêu bị huỷ diệt. Có những sa mạc của đêm đen Thiên Chúa, sự trống rỗng của các linh hồn không còn nhận thức được phẩm giá và mục đích đời người. Những sa mạc bên ngoài thế giới đang lớn dần vì những sa mạc bên trong đã trở thành quá mênh mông.”
 
Hành hương Đền Thánh Giuse ở Montreal - Canada
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:29 27/06/2017
Đền Thánh Giuse ở Montreal Canada nổi tiếng thế giới, mỗi năm thu hút hơn 2 triệu người đến hành hương. Nhận Thánh Cả làm Quan Thầy nên tôi ước ao một lần đến kính viếng nguyện cầu cùng Ngài.

Hình ảnh

Dịp may đã đến. Hội nghị Signis về Truyền thông Công Giáo Quốc tế tổ chức tại Thành phố Quebec – Canada, từ ngày 19 đến 22 tháng 6 năm 2017, với chủ đề “Quảng bá những câu chuyện về Hy Vọng”. Hơn 200 tham dự viên đến từ 140 quốc gia.

Đại biểu của Truyền thông Công Giáo Việt Nam có 5 thành viên, gồm 3 linh mục và 2 bạn trẻ, cha GiuseVũ Hữu Hiền Tổng thư ký UBTT thuộc HĐGMVN, cha Giuse Đinh Hiền Tiến TGP Sài gòn và cha Giuse Nguyễn Hữu An GP Phan Thiết. Hai bạn trẻ Trí và Vi từ Sài gòn, đã được Signis mời đến trước một tuần cùng với nhóm bạn trẻ khắp thế giới làm những câu chuyện phim cũng như thuyết trình về vấn đề tuổi trẻ và truyền thông.

Trong 4 ngày hội nghị, các tham dự viên lắng nghe các chuyên viên truyền thông quốc tế thuyết trình các đề tài truyền thông mang tính thời sự và tham dự các buổi hội thảo theo chủ đề. Đại hội Truyền thông Công Giáo Quốc tế kết thúc với lễ kỷ niệm 90 năm thành lập, sau đó lễ trao giải và tôn vinh những người đóng góp công sức vào sự hình thành phát triển hiệp hội quốc tế này.Thánh lễ bế mạc tại Nhà thờ Chính tòa Quebec. Hẹn nhau 4 năm sau, Hội nghị sẽ tổ chức tại Hàn quốc.

Sau những ngày đại hội, chúng tôi đi thăm thành phố, thăm đại chủng viện và hành hương đến Vương cung thánh đường Thánh Anna. Ngày Chúa Nhật đi hành hương đến Vương cung thánh đường Notre Dame Du Cap cùng giáo đoàn Việt Nam, dâng thánh lễ và đi 14 chặng đàng thánh giá đi hành hương cùng giáo đoàn Việt Nam tại Quebec. Bà con giáo dân Việt Nam nơi đây có khoảng 100 người, cha GB Nguyễn Ngọc Lâm phụ trách Tòa án hôn phối lien địa phận, chăm sóc mục vụ cho giáo đoàn hơn 100 người. Đức Ông Peter Godet giáo sư Đại chủng viện Quebec đã từng giúp đỡ người Việt từ những năm khó khăn thuở đầu, ngài thương và hay đến dùng cơm với các gia đình. Họ sống gắn bó với nhau như một gia đình, gặp nhau hàng tuần dâng lễ và ăn uống chuyện trò thân tình. Họ thật tận tình, quan tâm chu đáo, chở chúng tôi đi tham quan các danh lam thắng cảnh, các đền thánh, họ mời về nhà dùng cơm, bao câu chuyện hàn huyên tâm sự.

Ngày 26 tháng 6, chúng tôi đi Montreal kính viếng Thánh Giuse. Ra khỏi thành phố, xe đi lần qua các cánh rừng. Đường rộng thênh thang. Dưới ánh nắng của buổi ban mai, cái lạnh bớt buốt giá, mặt trời chiếu nắng ấm, xe chạy qua ngút ngàn những cánh rừng xanh biếc. Sau đường dài 250km, chúng tôi đến nơi.

Vương cung thánh đường Thánh Giuse nổi bật trên đỉnh đồi Mount Royal. Tổng diện tích thánh địa hơn 500 ha. Đền Thánh thật nguy nga và cổ kính như nhiều người từng kể. Cả một quần thể gồm nhiều kiến trúc khác nhau, tạo thành một ngọn đồi thánh thiêng.

1. Đôi nét tổng quát

Ngay cạnh nhà tiếp đón du khách có một tháp chuông cao, nơi đó treo cả một bộ chuông gồm 56 chuông lớn nhỏ khác nhau, tùy theo âm thanh mỗi chuông phát ra tạo thành một cuộc hòa âm bằng tiếng chuông ngân.Tổng trọng lượng bộ chuông này là 11 tấn. Thực ra bộ chuông quý giá có một không hai này do Chính phủ Pháp đặt làm để trang trí trên Tháp Eiffel tại Thủ Ðô Paris, nhưng vì lý do kỹ thuật, nhà sản xuất Paccard et Frères đã dâng tặng Ðền Thánh năm 1955, nhân kỷ niệm 50 năm xây cất đền thờ.

Chúng tôi bước qua cửa chính để tiến vào Nguyện Ðường Khấn Thánh Giuse. Nơi đây trang trí 8 phù điêu lớn rất quý giá do điêu khắc gia người Canada Joseph Guardo thực hiện năm 1948, theo TÁM tước hiệu mà truyền thống Công Giáo suy tôn Thánh Giuse : Ðấng Bảo Trợ các Gia Ðình, Bổn Mạng giới Thợ Thuyền, Bảo Trợ các Tâm Hồn Thanh Khiết, Bổn Mạng Người Chết Lành, Nâng Ðỡ những ai Ðau Khổ, Hy Vọng của Bệnh Nhân, Đấng Xua đuổi thần dữ và Ðấng Bảo Trợ Giáo Hội.

Dọc theo hành lang nguyện đường, trên các bức tường có nhiều chiếc nạng, và những bia đá cẩm thạch khách hành hương tri ân thánh Giuse. Trước mỗi phù điêu biểu tượng hình ảnh Thánh Giuse, tôi cảm nhận bầu khí thánh thiêng lan tỏa, từng đoàn du khách, đủ các sắc dân, nhiều ngôn ngữ…thành kính thắp lên những ngọn nến và thinh lặng cầu nguyện. Tổng số những đèn nến này lên tới trên 10.000 chiếc.

Từ hành lang nguyện đường nhỏ, tiến sang phía tay phải có một ngôi mộ lớn bằng đá cẩm thạch màu đen huyền, nơi an nghỉ của Thầy Anrê. Nhiều người đặt trên phần mộ thầm khấn nguyện với thánh nhân. Có nhiều phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Thầy Anrê. Thánh Gioan Phaolô II đã suy tôn Thầy lên bậc Chân Phước ngày 23 tháng 5 năm 1982. Và Đức ĐGH Biển Đức XVI suy tôn lên bậc hiển thánh ngày 17 tháng 10 năm 2010.

Sau đó chúng tôi bước vào Nhà Thờ Hầm, nằm dưới Vương Cung Thánh Ðường. Thánh lễ đang cử hành. Nhà thờ thật rộng rãi với hơn ngàn chỗ ngồi, được xây cất năm 1916, do hai kiến trúc sư Dalbé Viau và Alphonse Venne thiết kế.

Ngay chính giữa cung thánh là tượng Thánh Cả Giuse, chiều cao 2m75, nặng 2,3 tấn, do một nghệ sĩ người Ý, ông A. Giacomini, đã tạc bằng đá hoa cương màu trắng rất quý hiếm gọi là carrara. Chung quanh tượng thánh có gắn những hào quang kim khí mạ vàng sáng chói. Trên những bức tường Nhà Thờ Hầm, thật ngưỡng mộ những tranh màu bằng kính mô tả những giai đoạn chính trong cuộc đời Thánh Cả Giuse. Ðây là công trình nghệ thuật của hai nghệ sĩ Canada, ông Perdriau và ông O' Shea hoàn thành năm 1919. Phía bên phải cung thánh có tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, khách hành hương đã đến sờ vào bàn chân của Ngài và cầu nguyện và rất nhiều người lành bệnh, nay bàn chân tượng Chịu nạn đã bị mòn đi rất nhiều.

Từ nhà thờ hầm bước ra, chúng tôi vào cầu thang cuốn để lên trên lầu. Nơi đây là phòng nghỉ chân cho các đoàn khách hành hương. Trên đây có một bức tranh lớn vẽ ngay trên tường, rất đẹp và công phu họa chân dung Thánh Cả Giuse với những đoàn hành hương đến cầu nguyện. Kế bên có gắn 13 phù hiệu gồm 10 tỉnh bang và 3 lãnh thổ của Canada, vì Thánh Giuse đã được Chính Phủ và Giáo Hội tôn vinh là Thánh Bổn Mạng của đất nước Canada. Từ đây chúng tôi bước ra ngoài ban công khá cao phía trước, phóng tầm mắt để có một cái nhìn bao quát thành phố Montréal trước mặt. Phía đối diện là Ðại Học Notre Dame, nơi mà Thầy Anrê đã phục vụ như một người gác cổng trường trên 40 năm. Xa xa về hướng Tây Bắc là đảo nhỏ Montréal. Phía tay mặt đàng xa là Ðại Học Montréal. Phía tay trái là Hồ Saint Louis.

Sau đó lên lầu viếng thăm một khu triển lãm nhỏ về cuộc đời Thầy Anrê. Ngoài những bức tranh trên tường chụp căn nhà bé nhỏ tồi tàn Sư Huynh đã cất tiếng khóc chào đời, cho đến những tài liệu, những hình ảnh chụp lúc sinh thời và khi qua đời, tôi thấy có 4 phòng lớn : Phòng I mô tả cảnh Thầy Anrê làm người gác dan suốt 40 năm tại cổng trường đại học Notre Dame (1870-1909). Phòng II là văn phòng nơi Sư Huynh đón tiếp và săn sóc các bệnh nhân. Phòng III là căn phòng ngủ đơn sơ, có một giường cá nhân, một bàn nhỏ và chiếc ghế, một cái dù đen treo trên tường. Phòng IV là một phòng nhỏ bằng sắt mạ đồng, có lan can chung quanh, chính giữa có đặt trái tim đã khô của Sư Huynh trong một hộp nhỏ bằng vàng. Ðây là một truyền thống lâu đời của nước Pháp và nước Ý, thường lấy trái tim của các bậc vĩ nhân nổi tiếng để dân chúng tri ân và tôn vinh.

Từ đây tôi trở lại phòng nghỉ chân để đi sang khu vườn bên cạnh. Nơi đây là cả một khu vườn rất rộng, cây cối và hoa cảnh cắt xén mỹ thuật, do kiến trúc sư phối cảnh Frederick G. Todd thiết kế để dựng 14 chặng đàng Thánh Giá, với những bức tượng màu trắng rất mỹ thuật do hai nghệ sĩ Ercolo Barieri và Louis Parent tạc bằng đá cẩm thạch quý giá. Những bức tượng 14 đàng Thánh gia này với kích thước như một người trung bình được chiếu sáng ban đêm do một hệ thống ánh sáng do chuyên viên Jean d'Orsay nghiên cứu. Tại khu vườn này cũng có một tượng Chúa Kitô Phục sinh, dưới chân tượng là một hệ thống phun nước khá lớn, giúp người hành hương có những giây phút trầm lặng suy tư về cuộc đời.

Trên phương diện mỹ thuật tôn giáo, đặc điểm có ý nghĩa và đáng lưu ý nhất trong quần thể Ðền Thánh Giuse Montréal là Bảo Tàng Viện chiếm cả một khu vực lớn cạnh Vương Cung Thánh Ðường. Bảo tàng viện này được thực hiện với chủ đề Thánh Gia Thất: Ðức Kitô, Ðức Mẹ và Thánh Giuse, chiếm cả hai tầng lầu mênh mông là một công trình thu thập các tác phẩm nghệ thuật quý giá, qua nhiều năm khác nhau, khởi đầu từ khi xây cất đền thờ nhỏ đầu tiên từ năm 1905.

Bước vào bảo tàng viện, chúng tôi bị choáng ngợp bởi một bức tranh sơn dầu thật lớn do nghệ sĩ Anrê Bergeron thực hiện cùng với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Canada và hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Bảo tàng viện chia thành 2 khu vực khác nhau: Bảo tàng viện bằng sáp do nghệ sĩ Joseph Guardo thực hiện năm 1955, gồm 10 cảnh sinh hoạt của Thánh Gia Thất, với 76 bức tượng bằng sáp, với kích thước giống như người thật. Tất cả 76 bức tượng này rất sống động được các đoàn du khách đặc biệt quan sát và trầm trồ ngưỡng mộ.

Khu vực II là Bảo tàng viện Giáng Sinh, bao gồm 330 máng cỏ do các nghệ sĩ của 130 quốc gia trên khắp thế giới thực hiện. Từ chủ đề Ðức Kitô Giáng Sinh, người ta thấy mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể này đã được các nghệ sĩ của các quốc gia Âu Châu, Mỹ Châu, Phi Châu, Á Châu, Châu Thái Bình Dương tìm nguồn cảm hứng và thể hiện bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Bất cứ đoàn du khách của quốc gia nào cũng cố đi tìm tác phẩm của quốc gia mình trong số 130 quốc gia ấy. Bên cạnh những máng cỏ bằng gỗ, bằng phalê, bằng kiếng, bằng vải, sơn dầu, tranh thủy mạc, bằng sứ, bằng sành ... đã nói lên tinh hoa và văn hóa của mỗi dân tộc.

Tại đây có hai bộ hang đá máng cỏ của Việt Nam : một bằng rễ cây đẽo gọt rất tinh vi mỹ thuật và một tranh sơn mài vẽ Ðức Kitô, Ðức Mẹ và Thánh Giuse dưới y phục và dáng vóc người Việt Nam. Hai hang đá máng cỏ này do Nhà văn Phạm Ðình Khiêm, Sàigòn, kính tặng bảo tàng viện năm 1992. Phải đến tận nơi nhìn ngắm các máng cỏ từng quốc gia rất tinh vi mỹ thuật của các nước như Nhật Bản, Phi Luật Tân, Tiệp Khắc, Pháp, Ðức v.v..người ta mới thấy giá trị mỹ thuật tôn giáo của bảo tàng viện.

Điểm đến của cuộc hành hương là Vương Cung Thánh Ðường kính Thánh Giuse. Vương Cung Thánh Ðường dài 105 mét, rộng 65 mét, chiều cao từ nền đến mái vòm 60 mét, nếu tính chung từ nhà thờ hầm đến chóp đỉnh thánh giá 319 mét, đường kính mái vòm bên trong 26 mét, mái vòm bên ngoài 39 mét. Toàn bộ Vương Cung Thánh Ðường cao 263 mét sánh với mặt biển, đây cũng là ngọn tháp cao nhất thành phố Montréal. Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 100 năm khởi công xây dựng, chính phủ Canada đã ghi Đền Thánh vào sổ các Danh Lam Thắng Cảnh Lịch Sử Quốc Gia.

Quỳ gối cầu nguyện trong thánh đường, tôi thầm tạ ơn Chúa, cám ơn thánh Giuse về chuyến hành hương nhiều ý nghĩa. Còn ở lại Motreal vài ngày, tồi sẽ trở lại đền Thánh một lần nữa.

Trong lịch sử hơn hai ngàn năm của Giáo Hội, Chúa thường chọn những con người tầm thường, bé nhỏ, ít học, bình dân như Thầy Anrê để thực hiện những công trình lớn lao. Tôi cũng xác tín hơn về lời chuyển cầu của thánh Giuse, và thật thán phục niềm tin của người tín hữu, khắp nơi trên thế giới hành hương với niềm hy vọng, tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa tình yêu.

2. Thầy Anrê Bessette

Thầy Anrê có lòng sùng kính Thánh Giuse cách đặc biệt. Suốt đời chỉ là một Thầy Dòng đơn sơ, khó nghèo và khiêm tốn, chỉ biết đọc, biết viết chút ít; nhưng ảnh hưởng của Thầy đã lan rộng khắp Canada và nhiều nơi trên thế giới. Khi Thầy còn sống, bao người đến xin những lời khuyên bảo và xin Thầy chữa lành bệnh. Cũng chỉ là một Thầy Dòng nghèo khó mà Thầy đã có thể khởi công xây dựng một công trình rất vĩ đại.

Thầy Anrê sinh ngày 9 tháng 8 năm 1845 tại một thành phố nhỏ vùng Quebec, cách Montreal khoảng 40 cây số. Thầy là người con thứ 8 trong gia đình 12 người con; hai người mất sớm, còn lại 10 người. Cha mẹ Thầy là những người đạo đức, tốt lành. Cha Thầy, ông Isaac Bessette, làm nghề đốn cây rừng và làm thợ mộc. Mẹ Thầy, bà Clothilde Foisy Bessette, lo việc gia đình và giáo dục con cái. Cha Thầy chết do một tai nạn khi đốn cây. Ít năm sau, mẹ Thầy cũng chết vì bệnh lao phổi. Như vậy, Thầy mồ côi cha mẹ từ lúc 12 tuổi, và phải đi làm nhiều nghề khác nhau để sinh sống cùng với anh chị em trong gia đình. Suốt đời, Thầy đau ốm luôn và chỉ được học để biết đọc, biết viết chút ít. Tuy nhiên, từ nhỏ Thầy đã có lòng đạo đức khác thường. Tuy vẫn phải làm ăn vất vả, nhưng Thầy dành những giờ rảnh rỗi để cầu nguyện trước Thánh Giá Chúa (đây cũng là lý do sau này Thầy xin vào Dòng Thánh Giá). Thầy thích nói chuyện về Phúc Âm với các bạn bè.

Sau bao nhiêu gian truân, vất vả và thử thách trong cuộc sống, năm 1870, lúc đã 25 tuổi, Thầy cảm nhận ơn gọi vào Dòng Thánh Giá, và cũng được sự khuyến khích của Cha Sở giáo xứ của Thầy. Trong thư giới thiệu, Cha sở của Thầy viết: “Tôi xin gửi đến Nhà Dòng một vị Thánh…!” Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu kém và học lực quá thấp, mà các Thầy Dòng Thánh Giá lại chuyên về việc dạy học; vì thế, Nhà Dòng quyết định cho Thầy về. Dầu vậy, Thầy vẫn cầu khẩn với Thánh Giuse. Sau đó, nhờ sự can thiệp đặc biệt của Đức Cha Ignace Bourget, Tổng Giám Mục Montreal thời đó, Thầy được nhận lại và sau thời gian Nhà Thử, Nhà Tập, Thầy được khấn dòng vào năm 1874, lúc Thầy đã 28 tuổi, và từ đó được gọi là ‘Thầy Anrê’. Sau khi Thầy khấn rồi, Bề Trên Nhà Dòng không biết phải cử Thầy làm việc gì, nên cho Thầy nhiệm vụ là người canh cổng trường Đức Bà (College of Notre Dame, Montreal), lo việc canh cổng và làm đủ thứ việc lặt vặt. Trong suốt 40 năm giữ nhiệm vụ khiêm nhường này, Thầy luôn vui vẻ tiếp đãi và giúp đỡ mọi người đến với Thầy, và vào đêm khuya, Thầy vào Nhà Nguyện để cầu nguyện nhiều giờ.

Sau 40 năm giữ việc canh cổng, Nhà Dòng chuyển Thầy đến coi sóc ngôi nhà nguyện Thánh Giuse nhỏ bé tại ngọn đồi ‘Mount Royal’ cũng gần Notre Dame College. Tại đây, Thầy lại tiếp tục sống đời sống âm thầm cầu nguyện, và đặc biệt khấn xin Thánh Giuse. Cũng tại nơi đây, qua lời bầu cử của Thánh Giuse, Chúa đã làm những việc ‘kỳ diệu’ nơi Thầy. Có hàng nhiều ngàn người thuộc các tôn giáo khác nhau, kể cả anh em Tin Lành, từ khắp nơi ở Canada đến với Thầy để xin những lời khuyên bảo, an ủi. Những bệnh nhân, những người đau khổ đến xin khấn và xin chữa bệnh. Nhiều người đã được lành bệnh hoặc vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Người ta gọi Thầy là ‘Người Chữa Lành’, ‘Người làm phép lạ thành Montreal’. Trong lúc đó, Thầy cũng phải chịu nhiều đau khổ vì gặp những người nghi ngờ, chống đối, dèm pha; nhưng danh tiếng của Thầy vẫn lan rộng, và càng ngày càng có nhiều người đến với Thầy. Thầy phải dành từ 8 đến 10 giờ một ngày để tiếp những người đến với Thầy. Hàng năm có tới 80,000 bức thư gởi đến Thầy để xin khấn và những lời khuyên bảo; phải có rất nhiều người làm thư ký để giúp Thầy trả lời. Tuy nhiên, Thầy vẫn sống rất giản dị và rất khiêm tốn. Khi người ta ca tụng Thầy, Thầy chỉ nói “Tôi chỉ là kẻ ngu dốt. Nếu có ai ngu dốt hơn tôi, chắc Chúa đã chọn người đó thay tôi.” (Đúng là Chúa đã dùng những con người nhỏ bé, khiêm nhường để làm những việc vĩ đại). Khi những người đến xin Thầy khấn và được khỏi bệnh cám ơn Thầy, Thầy chỉ nói: “Đó là Thánh Giuse chữa; chứ tôi chỉ là con chó nhỏ của Ngài mà thôi.” Những thời giờ ngắn ngủi còn lại, Thầy cầu nguyện và xin khấn Thánh Giuse để làm một Nhà Thờ lớn hơn vì Nhà Nguyện đã trở nên quá nhỏ bé so với số người đến kính viếng.

Suốt nhiều năm cầu nguyện và xin khấn Thánh Giuse, và tìm hết cách để ‘gây qũy’, có khi cắt tóc cho học sinh để kiếm 5 cents mỗi em bỏ vào qũy, vào năm 1940, Thầy đã làm được một nhà nguyện lớn hơn bên cạnh nhà nguyện cũ. Sau cùng, cũng là phép lạ đặc biệt của Chúa qua lời bầu cử của Thánh Giuse, bao vị hảo tâm đã đóng góp, và Thầy đã xây được một Nhà Thờ lớn cũng ngay trên đồi Mount Royal, đủ chỗ ngồi cho một ngàn người. Năm 1917, Thầy làm thêm các tầng trên và công việc kiến thiết tiếp tục, sau khi Thầy đã qua đời (năm 1937). Năm 1955, Đại Thánh Đường đã được thánh hiến với danh hiệu Vương Cung Thánh Đường Thánh Giuse; tuy vẫn thường được gọi là Đền Thánh Giuse Mount Royal (Saint Joseph’s Oratory of Mount Royal). Có lẽ đây là một Đền Thờ kính Thánh Giuse lớn nhất thế giới. Vào năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày khởi công xây dựng, chính phủ Canada đã ghi Đền Thánh vào sổ các Danh Lam Thắng Cảnh Lịch Sử Quốc Gia. Hiện nay, hàng năm vẫn có hơn hai triệu người hành hương đến kính viếng và nhiều người xin khấn được nhiều ơn.

Dù suốt đời đau yếu, nhưng Chúa đã để Thầy Anrê sống khá lâu để thực hiện những công việc Chúa muốn Thầy làm để vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Thầy mất vào ngày 6 tháng 01 năm 1937, hưởng thọ 91 tuổi. Trong đám tang của Thầy đã có hơn một triệu người từ các nơi đến kính viếng và dự Lễ an táng. (theo tư liệu của Lm. Anphong Trần Đức Phương).

Công việc xây cất Đền Thánh Giuse kỳ diệu, hùng vĩ tại Montreal, Canada, được coi như một ‘phép lạ’ qua lời khấn xin với Thánh Giuse của Thầy Anrê.

3. Lòng kính mến thánh cả Giuse

Trong các tư liệu về cuộc đời Thầy Anrê, có kể, từ cổng trường ở nhà dòng, hàng ngày thầy Anrê ngồi đó và nhìn lên ngọn đồi cầu nguyện và suy niệm. Ngài rất có lòng kính mến đặc biệt thánh cả Giuse và ước ao xây lên trên đó một nhà nguyện để sau này sẽ trở thành đền kính thánh cả Giuse.

Ðã nhiều năm Tu Hội Thánh Giá cố thương lượng với chủ đất để mua lấy miếng đất trên ngọn đồi Royal nhưng không thành công. Một hôm thầy Anrê dẫn vài người khác đã leo lên đó để đặt một tượng Thánh Giuse. Bỗng dưng ít bữa sau chủ đất đồng ý. Thầy Anrê quyên góp được $200 để xây một nhà nguyện nhỏ và dùng làm nơi ngài cầu nguyện. Sau khi về già ngài mới được bề trên chấp nhận cho lên đây ở trong một nhà nguyện nhỏ trên qủa đồi này và từ đây thầy chăm lo cho việc cầu nguyện và phép lạ bắt đầu xảy ra.

Nhiều người đến xin thầy cầu nguyện tuần cửu nhật và rất nhiều người được Chúa ban cho những ơn lành khỏi những bệnh nan y...

Tiếng lành đồn xa ngày càng nhiều người đến đây hơn, không chỉ xin cầu nguyện mà còn nhờ thầy hướng dẫn cho để giải quyết những việc khó khăn. Rồi cả những người không Công Giáo cũng đến đây nhờ thầy linh hướng ...

Dù tuổi đời đã cao nhưng ngài luôn làm đủ mọi công việc không nề hà. Mỗi năm có khoảng 80 ngàn lá thơ gởi về cho thầy Anrê, thầy phải cần tới 4 người thơ ký để giải quyết hàng đống thơ mỗi ngày, mặc dù bận thế nhưng ngài vẫn dành ra rất nhiều thời gian để cầu nguyện. Rất nhiều người được ơn khỏi bệnh đã trở lại đây giúp đỡ dâng cúng tiền của và thầy bắt đầu thực hiện chương trình xây đền thánh Giusetheo ước nguyện. Năm 1917 thì ngôi nhà thờ đầu tiên được hoàn tất và có thể chứa được khoảng 1 ngàn người, sau đó vì để giải quyết cho số người ngày về hành hương một đông nên đền thánh bắt đầu nới rộng và xây lên lớn hơn. Thầy qua đời khi công việc xây dựng đền thánh còn dở dang. Công việc xây dựng vẫn nối tiếp đến năm 1955, Đền thánh đã được thánh hiến với danh hiệu Vương Cung Thánh Đường Thánh Giuse.

Một câu ngạn ngữ của người Nigêria nói rằng: Hãy lắng nghe và bạn sẽ nghe được những bước chân của các con kiến. Theo gương Thầy Anrê, ai cũng được mời gọi để lắng nghe những bước chân âm thầm của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Nhiều vị Thánh có lòng sùng mộ Thánh Giuse cách đặc biệt như Thánh Margaret Cortona, Thánh Brigit Thụy Điển, Thánh Vinh Sơn Ferrer, Thánh Bernardine Siena, Thánh Gioan Gerson…Thánh Nữ Teresa Avila nói “không bao giờ tôi khấn xin Thánh Giuse mà không được nhận lời”.

Thánh Giuse là Bổn mạng của Giáo Hội toàn cầu, cũng là Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam, Bổn mạng nhiều Hội Dòng, Quan Thầy nhiều người...

Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho chúng ta soi. Tấm gương của một con người luôn thao thức lắng nghe tiếng Chúa và khi đã nghe thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn hướng tâm hồn về Chúa, xin vâng trước Thiên Ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.

Thánh Giuse là con người thầm lặng, ít nói, khiêm tốn. Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống ấy đã biến Thánh nhân thành một vị Đại Thánh. Thánh Cả đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động, ngài xứng đáng là Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ, là Đấng Bảo Trợ Giáo Hội.

Lạy Thánh Cả Giuse, xin thương đến Giáo Hội và mỗi người chúng con.

Đến Thánh Giuse là trường học về cuộc đời Thánh Cả. Bài học lắng nghe và thi hành Lời Chúa trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng và phó thác. Lạy Thánh Cả Giuse, xin nâng đỡ Hàng Giám Mục, quý anh em Linh Mục trong hành trình sứ vụ mục tử theo gương Ngài, để chúng con mãi luôn là tôi tớ trung tín và khôn ngoan, với một con tim nhạy cảm theo thánh ý Thiên Chúa, nhạy cảm với sứ mạng Chúa trao và nhạy cảm với lời của Chúa. Amen.

Montreal ngày 27.6.2017
 
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hoan nghênh phán quyết của Tối Cao Pháp Viện về việc trợ giúp cho các trường của các tôn giáo
Đặng Tự Do
17:25 27/06/2017
Đức Tổng Giám Mục William Lori của Baltimore, chủ tịch Ủy ban Tự Do Tôn Giáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, hoan nghênh phán quyết áp đảo 7-2 của Tối Cao Pháp Viện trong vụ Nhà thờ Trinity Lutheran kiện Comer như là một “chiến thắng mang tính bước ngoặt đối với tự do tôn giáo.”

Nhà thờ Trinity của Tin Lành Lutheran ở Columbia, Missouri, đã làm đơn xin trợ cấp nhà nước để làm sân chơi của mình an toàn hơn cho trẻ em. Trích dẫn hiến pháp tiểu bang, bà Carol Comer, giám đốc Sở Tài nguyên Missouri nói nó không thể hỗ trợ bất kỳ trường tôn giáo nào.

Tòa án truyền rằng Sở Tài nguyên “vi phạm các quyền của nhà thờ Trinity thuộc khoản Tự do Tôn giáo theo Tu Chính Án Thứ khi từ chối một lợi ích công cộng chỉ vì tình trạng tôn giáo của nhà thờ này.”

Đức Tổng Giám Mục Lori nhận xét:

“Tòa án Tối cao nhận ra một cách đúng đắn rằng người có đức tin không nên bị phân biệt đối xử khi nói rằng các chương trình của chính phủ phải được cung cấp cho tất cả mọi người. Ngoài ra, phán quyết này đánh dấu một bước đi đúng hướng nhằm hạn chế những tác hại của Tu Chính Án Blaine đang hoành hành ở nhiều tiểu bang trên khắp đất nước.

Tu Chính Án Blaine đã đưa hiến pháp ở hầu hết các tiểu bang quay trở lại thời thế kỷ XIX, là thời điểm có những quan điểm cố chấp chống Công Giáo dữ dội ở nhiều nơi trên đất nước. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Tối Cao Pháp Viện tiến tới việc hạn chế những quy định có hại, đang hạn chế sự tự do của tổ chức tôn giáo và các tín hữu trong việc phục vụ cộng đồng của họ.”
 
Dân số Công Giáo tại Úc giảm mạnh, vô thần và Hồi Giáo tăng chóng mặt
Đặng Tự Do
17:46 27/06/2017
Dân số Công Giáo đang giảm mạnh tại Úc Đại Lợi, và số người tuyên bố “không tôn giáo” bây giờ là khối đông nhất tại Úc. Cuộc điều tra dân số mới nhất của Úc đã cho biết như trên.

Trong cuộc điều tra dân số vào năm 2016, vừa được công bố hôm thứ Ba 27 tháng Sáu, 2017, 29.6% người Úc Bản mô tả mình là “không tôn giáo.” Con số này là gần gấp đôi so với con số cho năm 2001 (16%). Trong thống kê 1966, số người nhận mình là vô thần chỉ có 0.8%.

Trong khoảng thời gian đó, nghĩa là từ năm 1966, tỷ lệ dân số Kitô của Úc đã sụt giảm mạnh từ 88% xuống chỉ còn 52%.

Cho đến nay, người Công Giáo vẫn là nhóm tôn giáo lớn nhất tại Úc, sau khi vượt qua Anh giáo vào đầu những năm 1980. Trong gần 50 năm, số dân Công Giáo giao động trong khoảng từ 26% đến 28%. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất này, tỷ lệ giáo dân Công Giáo đang rơi về phía 20%.

Trong tổng số 22,992,700 người Úc Đại Lợi, người Hồi Giáo tại Trung Đông có sinh suất cao nhất. Từ con số gần như 0% vào năm 1966, ngày nay người Hồi Giáo đã tăng mạnh đến 2.2%. Có những tiên đoán của các phong trào chống Hồi Giáo theo đó trong vòng 50 năm nữa Úc Đại Lợi sẽ là một quốc gia Hồi Giáo. Tuy nhiên, với thống kê này, những tiên đoán này xem ra không có cơ sở.
 
Kết quả thống kê Úc năm 2016: số người Công Giáo giảm, số người Hồi Giáo tăng
Vũ Văn An
23:19 27/06/2017
Sau gần một năm, ngày 27 tháng Sáu, Sở Thống Kê Úc đã cho phổ biến kết quả cuộc điều tra dân số năm 2016. Theo kết quả này, có ba điều đáng lưu ý: 1) Melbourne sẽ thay thế Sydney làm thành phố đông dân nhất nước Úc; 2) lần đầu tiên trong lịch sử, đa số người sinh ở nước ngoài hiện xuất xứ từ Á Châu, chứ không phải Âu Châu nữa; và 3) con số những người tự cho mình sống trong mối liên hệ đồng tính tăng 40%.

Cũng theo kết quả trên, dân số Úc đã gia tăng 8.8% lên tới 24 triệu 400 ngàn người kể từ cuộc điều tra dân số năm 2011.

Từng Tiểu Bang

Tiểu Bang New South Wales (thủ phủ: Sydney) hiện vẫn còn dẫn đầu về dân số với 7 triệu 500 ngàn người, nhưng Melbourne đang nhanh chóng trở thành thành phố đông dân nhất.

Thực vậy, hồi tháng Tám năm ngoái, 4,485,211 người Melbourne điền mẫu điều tra dân số, trong khi đó số người làm việc này ở Sydney là 4,823,991, trong khi 600,000 người Úc ở ngoại quốc.

Nhưng khoảng cách trên đang bị giảm dần từng tuần lễ một. Thực vậy, từ năm 2011, 1656 người mới tới Sydney cư ngụ mỗi tuần, trong khi đó số người làm việc này ở Melbourne là 1859. Tuy nhiên, khu vực thủ đô Canberra có tỷ lệ gia tăng dân số cao nhất: trong khoảng 5 năm vừa qua, Canberra thu hút thêm 40,000 cư dân mới, tăng 11 phần trăm.

Tôn giáo giảm dần

Người Công Giáo không còn chiếm đa số nữa. Thực thế, trong 5 năm qua, những người tự xưng không có tôn giáo đã tăng lên, chiếm tới 29.6 phần trăm dân số. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ người Công Giáo tới 7 phần trăm, và hơn gấp đôi con số người theo Anh Giáo, là tôn giáo đông nhất của Úc cho tới năm 1986.

Từ 0.7 phần trăm cách nay môt thế kỷ, các tôn giáo khác hiện chiếm 8.2 phần trăm dân số. Người Phật Giáo phần lớn xuất xứ từ Việt Nam (26 phần trăm) trong khi người Hồi Giáo phần lớn xuất xứ từ Pakistan (14 phần trăm) và Afghanistan (11 phần trăm). Nhưng không nước nào trong mấy nước này là nước Úc nhận nhiều di dân hơn cả.

Điều đáng lưu ý, Hồi Giáo và Ấn Giáo là hai tôn giáo duy nhất gia tăng số tín hữu: Hồi Giáo tăng 0.4%, trong khi Ấn Giáo tăng 0.6%.

Sau đây là một vài số liệu về tôn giáo của cuộc điều tra dân số năm 2016:

6,933,708 người (29.6%) tự nhận không có tôn giáo, tăng 7.8% từ năm 2011
5,291,834 người (22.6%) tự nhận là Công Giáo, giảm 2.7% từ năm 2011.
3,101,185 người (13.3%) tự nhận là Anh Giáo, giảm 3.8% từ nă m 2011.
3,808,600 người (16.3%) tự nhận thuộc các hệ phái Kitô Giáo ‘khác’.
604,200 người (2.6%) tự nhận là Hồi Giáo, tăng 0.4% từ năm 2011.
563,700 người (2.4%) tự nhận là Phật Giáo, giảm 0.1% từ năm 2011.
440,300 người (1.9%) tự nhận là Ấn Giáo, tăng 0.6% từ năm 2011.
125,900 người (0.5%) tự nhận là Sikh, tăng 0.2% từ năm 2011.
91,000 người (0.4%) tự nhận là Do Thái Giáo.
186,700 người (0.8%) tự nhận là 'tôn giáo khác'.

Tỷ lệ người sinh ở ngoại quốc

Hơn 1 phần tư người Úc sinh ở ngoại quốc, trong đó, người Anh hiện vẫn nắm đa số. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, đa số cư dân Úc sinh ở ngoại quốc nay là người Á Châu chứ không còn là người Âu Châu nữa.

Trung Hoa, Ấn Độ và Phi Luật Tân hiện thuộc nhóm 5 nước có nhiều kiều dân nhất sống tại Úc, đứng sau Anh và Tân Tây Lan.

Trong 5 năm qua, 1 triệu 300 ngàn di dân mới đã nhập cư Úc, với Trung Hoa (191,000 người) và Ấn Độ (163,000 người) chiếm số di dân đông nhất mới tới.

Nói chung, Úc có tỷ lệ người sinh ở ngoại quốc (26%) cao hơn Vương Quốc Thống Nhất (13%), Hoa Kỳ (14%), Gia Nã Đại (22%) và Tân Tây Lan (23%).

Phần lớn di dân sống ở tiểu bang New South Wales nơi họ chiếm tới 28% dân số. Ở nhà, 72.7% dân số nói tiếng Anh, 2.5% nói tiếng Quan Thoại và 1.4% nói tiếng Ả Rập.

Liên hệ gia đình

Hiện có 47,000 cặp đồng tính sau khi con số những người tự xưng đang sống trong mối liên hệ đồng tính tăng tới 42% kể từ năm 2011.

Từ năm 2006, lúc con số các cặp đồng tính chỉ là 26,000 cặp, đã có một sự gia tăng tới 81%.

Đối với mọi cặp hôn nhân, 45% các gia đình có con, trong khi 37.8% các cặp không có con. Các cặp này cũng dễ chia tay nhau thường xuyên hơn, nhất là sau tuổi 45.

Tổng số các gia đình chỉ có cha hay mẹ đơn lẻ tăng 15.8% và các gia đình chỉ có mẹ đơn lẻ chiếm tới 81.8% những người hiện còn phải chăm sóc con cái.

Dân số trọng tuổi

Người Úc cũng ngày một cao tuổi hơn. Tuổi ở giữa (median age) từ 23 năm 1911, lên 28 năm 1966, và 38 năm 2011. Giám đốc dữ kiện điều tra dân số Úc, Sue Taylor, nói rằng “Úc đã khai triển trường hợp điển hình của việc mở rộng tuổi ở giữa”.

Việc lớn lên của thế hệ bùng nổ bé thơ (baby boomer) có nghĩa là 1 trong 6 người nay 65 tuổi, so với 1 trong 7 người vào năm 2011 và 1 trong 25 người năm 1911.

Những người trên 85 tuổi hiện là nửa triệu. Tỷ lệ trẻ em và thiếu niên giảm đi ở hầu hết mọi khu vực ngoại trừ nơi Thổ Dân và Người Các Đảo Torres Strait, nơi phần lớn sự gia tăng diễn ra nơi người trẻ.

Con số Thổ Dân và người Các Đảo Torres Strait tăng 18% từ năm 2011, lên tới 649,171 người, chiếm 2.8% dân số. Tuổi ở giữa của người Thổ Dân cũng tăng 3 tuổi trong vòng 2 thập niên qua, từ 20 lên 23. Trong khi, như trên đã nói, tuổi ở giữa của người không phải Thổ Dân hiện là 38.

Ngân sách gia đình

Việc gia tăng giá thuê nhà và trả nợ mua nhà cộng với việc trì trệ tăng lương khiến người Úc gặp nhiều khó khăn hơn về ngân sách gia đình.

Thu nhập cá nhân trung bình của người Úc tăng lên $662 một tuần khắp nước Úc, $664 ở Tiểu Bang New South Wales và $644 ở Tiểu Bang Victoria. Lãnh Thổ Thủ Đô là lãnh thổ giấu nhất nước Úc với thu nhập trung bình hàng tuần là $998.

Nhưng Melbourne, Sydney và Perth có tỷ lệ cao nhất các gia hộ chi tới hơn 30% thu nhập của họ vào tiền trả nợ mua nhà, trong khi 22% gia hộ Sydney trả tới 1 phần 3 thu nhập hàng tháng vào tiền thuê nhà.

Từ năm 2011, con số những người thuê nhà ở Tiểu Bang New South Wales đã tăng từ 30.1% tới 31.8% trong khi Victoria tăng từ 26.5% tới 28.7%.

Năm 2016, 31% người Úc trả đứt căn nhà của họ, 34.5% còn phải trả nợ mua nhà và 30.9% trả tiền thuê nhà. Hai mươi lăm năm trước đây, 41.1% trả đứt căn nhà của họ 27.5% trả nợ mua nhà và 26.9% trả tiền thuê nhà.

Người Úc cũng càng ngày càng phải sống chen chúc nhiều hơn. Dù các căn nhà biệt lập vẫn chiếm tới 72% các căn nhà ở Úc, hiện đang có sự gia tăng đáng kể các “flats, apartments” (chung cư), nhà nửa biệt lập, nhà dẫy hay nhà sát vách (town houses) lên tới 26%.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Mừng Lễ Bổn Mạng : Mẹ Hằng Cứu Giúp
Người Giồng Trôm
15:04 27/06/2017
Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Mừng Lễ Bổn Mạng : Mẹ Hằng Cứu Giúp

Để chuẩn bị cho ngày Đại Lễ mừng Kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp : bổn mạng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, từ mấy ngày qua, Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng đã tổ chức tam nhật hành hương kính Mẹ. Chiều hôm nay, ngày chính Lễ, cũng là đỉnh cao của những ngày mừng kính Mẹ Hằng Cứu Giúp, con cái Mẹ từ khắp nơi về với Mẹ. Có thể nói, hôm nay, người từ xa nhất có thể kể được đó là Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn – Giám Mục Giáo Phận Bà Rịa.

Xem Hình

Từ hơn 16 g 00, Đức Cha thân yêu của giáo phận Bà Rịa đã có mặt tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng. Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông – Phó Giám Tỉnh, Cha Tôma Trần Quốc Hùng – Tu viện trưởng Tu Viện Sài Gòn cũng là bề trên Chính Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng đã đón tiếp Đức Cha Emmanuel hết sức thân mật tại phòng chung của Tu Viện.

Lúc Đức Cha Emmanuel đến Tu Viện, một cơn mưa như mưa hồng ân đổ xuống trên Nhà Dòng. Cùng lúc ấy, nhiều người sợ rằng mưa sẽ bất tiện cho việc rước kiệu hành hương kính Mẹ. Thế nhưng, tất cả không ngoài ý Chúa và hồng ân. Cha Tôma Trần Quốc Hùng nói như xác tín rằng “chút xíu nữa đến giờ kiệu sẽ hết mưa”.

Đúng như lời Cha Hùng nói, trong khi quý Cha trò chuyện với Đức Cha Emmanuel thì cộng đoàn cùng nhau tham dự giờ dâng hoa thật sốt sắng. Giờ dâng hoa kết thúc và đến giờ kiệu Đức Mẹ thì như lời Cha Hùng nói : hết mưa. Thế là mọi người hân hoan lên đường hành hương với Mẹ.

17 g 30, khởi kiệu lên đường với Thánh Giá nến cao, đại diện các đoàn thể, quý thầy, các em tung hoa, kiệu Đức Mẹ, quý Cha đồng tế và cuối cùng là Đức Cha Emmanuel chủ sự Thánh Lễ chiều nay. Đoàn kiệu hôm nay rất dài bởi đơn giản lòng sùng kính Mẹ được con cái Mẹ diễn tả cách rõ nét. Phải chăng đây là dấu chỉ quy tụ con cái của Mẹ và nhờ lòng quảng bá sùng kính Mẹ của tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế trở nên hiện thực.

18 g 00, Thánh Lễ tạ ơn mừng Kính Mẹ Hằng Cứu Giúp : Bổn mạng Tỉnh Dòng, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, các hội đoàn được bắt đầu.

Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích – Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế ngỏ lời chào mừng Đức Cha. Cộng đoàn chào mừng Đức Cha Emmanuel bằng một tràng pháo tay thật lớn. Cha Giám Tỉnh xin Đức Cha dâng Thánh Lễ tạ ơn mừng Bổn Mạng Tỉnh Dòng, Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và một số đoàn thể.

Để bước vào Thánh Lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng nhìn nhận tội lỗi của mình để dâng lời nguyện xin hôm nay được đẹp lòng Chúa.

Trong bài chia sẻ phải nói rằng rất ngắn, Đức Cha gợi đến những tâm tình mà chưa ai nghĩ đến đó chính là tâm tình mỗi người nhận ra mình là người cần được Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhận ra rằng mình có tội và mình hãy đón nhận Mẹ là Mẹ của mình như Mẹ đã đón nhận Gioan dưới chân cây thập giá. Đức Cha nhấn đi nhấn lại về thân phận con người tội lỗi của mỗi người, mỗi người có khi thấy việc tốt không làm, có khi thấy việc không tốt lại không làm. Và Đức Cha gợi lại lòng yêu mến Mẹ tự đáy lòng của mỗi người … Để kết, Đức Cha mời gọi cộng đoàn hãy cùng nhau cầu nguyện cho các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời sống gia đình theo tiêu chí của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Trước khi ban phép lành cuối Lễ, Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông – Phó Giám Tỉnh – thay mặt Nhà Dòng và cộng đoàn ngỏ lời cảm ơn Đức Cha. Cha Đaminh cũng không quên cảm ơn tấm lòng của Đức Cha Tôma và Đức Cha Emmanuel đã đón nhận an hem Dòng Chúa Cứu Thế vào làm việc trong giáo phận Bà Rịa. Cha Đaminh xin Đức Cha tiếp tục cầu nguyện cho Tỉnh Dòng.

Một lẵng hoa tươi dâng lên Đức Cha bày tỏ tấm lòng của cả cộng đoàn dân Chúa chiều nay.

Để đáp từ, Đức Cha có đôi lời chúc mừng Lễ các cha mừng kỷ niệm linh mục trong những ngày này cũng như các tiến chức chuẩn bị lãnh sứ vụ linh mục trong vài ngày tới. Đức Cha cũng mời gọi mọi người hãy nhìn lại mình và nhất là lòng yêu mến Mẹ. Đức Cha cầu chúc cho Nhà Dòng ngày càng phát triển để mang Mẹ đến cho mọi người. Rất khiêm nhường và dí dỏm, Đức Cha xin mọi người cầu nguyện cho Đức Cha nếu nhớ đến Ngài.

Thánh Lễ tạ ơn chiều hôm nay khép lại trong bầu khí yêu thương và sốt sắng. Có thể nói rằng chiều hôm nay lượng người đến dự Lễ rất đông và rất đông ngoài dự kiến.

Với tấm tình kính mến Đức Cha, nhiều người đứng sẵn bên hông cửa Phòng Thánh thông vào nhà Dòng để chờ hôn nhẫn cũng như xin Đức Cha chúc lành. Đức ngay cửa vào Nhà Dòng, một bà mẹ trẻ ôm đứa con đau bệnh và bày tỏ lòng tin mến của mình, chị xin Đức Cha đặt tay câu nguyện để ca mổ của cháu trong vài ngày tới được tốt đẹp.

Vì đường còn xa và trời đã tối, Đức Cha phải lên đường về lại Tòa Giám Mục để sáng mai còn cử hành Thánh Lễ Thêm Sức. Được biết trong những ngày này, rất bận với công việc mục vụ như ban bí tích Thêm Sức, thuyên chuyển các cha trong giáo phận … nhưng vì lòng yêu mến và ưu ái nhà Dòng, Đức Cha đã không quản ngại đường xa đến với Dòng Chúa Cứu Thế chiều hôm nay.

Rất thân tình, Cha Giám Tỉnh và phó Giám Tỉnh ra tận xe để chào tạm biệt Đức Cha.

Nguyện chúc Đức Cha lên đường bình an và khỏe để phục vụ dâng Chúa.

Hy vọng một ngày gần nhất Đức Cha sẽ trở lại ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thân yêu này. Đơn giản vì những ai đến với Mẹ Hằng Cứu Giúp đều không trở về tay không. Ngay cả Đức Cha cũng vậy, đến với Mẹ, Mẹ cũng chẳng bao giờ bỏ Đức Cha.

Nguyện xin Mẹ Hằng Cứu Giúp hằng cứu giúp anh em trong Dòng Chúa Cứu Thế để an hem ngày một yêu thương hiệp nhất với nhau hơn để làm sáng danh Chúa cũng như làm cho thế giới biết Mẹ. Ước gì đời sống của mỗi sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế là hiện thân của lòng thương xót Chúa và hằng cứu giúp của Mẹ giữa cuộc đời, bởi đơn giản Dòng Chúa Cứu Thế được thành lập để loan Tin Mừng cho những người nghèo khó tất bạt.

 
Thánh lễ tạ ơn mừng 50 năm hình thành và phát triển Giáo phận Ban Mê Thuột tại Giáo xứ Phước Vĩnh
Vadita Nguyen
15:35 27/06/2017
Thánh lễ tạ ơn mừng 50 năm hình thành và phát triển Giáo phận Ban Mê Thuột tại Giáo xứ Phước Vĩnh

Sáng ngày 27.6.2017, các tín hữu từ khắp nơi trong Giáo hạt Phước Long về tham dự Thánh lễ tạ ơn mừng 50 năm hình thành và phát triển Giáo phận Ban Mê Thuột.

Xem Hình

Thánh lễ do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Giám mục Giáo phận chủ tế. Đồng tế với ngài có Quý Cha trong hạt Phước Long. Cùng về tham dự Thánh lễ có đông đảo quý Tu sĩ nam nữ và mọi thành phần Dân Chúa trong và ngoài Giáo hạt Phước Long.

Thánh Lễ bắt đầu vào lúc 9g00. Đoàn rước gồm hương lửa, Thánh giá nến cao, Quý Cha đồng tế, Đức Giám Mục Giáo Phận - cùng Cộng đoàn dân Chúa tiến về lễ đài.

Mở đầu Thánh lễ, Cha Quản hạt Phước Long công bố sắc lệnh của Tòa Thánh cho phép mở Năm thánh Kim khánh cho Giáo Phận Ban Mê Thuột.

Trong phần bài giảng, Đức Cha Vinh Sơn nói lên tâm tình tạ ơn Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho Giáo phận, cách riêng cho Giáo xứ Phước Vĩnh, cho từng cộng đoàn và cho từng người. Ngài cũng nhắc nhở mọi người hãy luôn vững bước trên hành trình Đức Tin mà tổ tiên và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã đi qua.

Cuối Thánh lễ, một vị đại diện thay mặt cộng đoàn tri ân, cảm tạ Thiên Chúa; Đức Cha, quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ và quý khách gần xa đã đến hiệp dâng Thánh Lễ và cầu nguyện cho Giáo xứ.

Thánh lễ kết thúc, nhưng đời sống chứng nhân và tinh thần của các Thánh Tử Đạo Việt Nam qua lời giảng của Đức Cha Vinh Sơn đã làm cho những người tham dự thánh lễ cảm động, thầm cầu nguyện và cảm ơn các ngài, bởi vì niềm tin Kitô giáo tại Việt Nam có được như ngày hôm nay là do sự hy sinh của các Thánh Tử Đạo. Được thừa hưởng gia sản ấy, các thế hệ con cháu luôn ghi nhớ, giữ gìn và phát triển đức tin trong thế giới hôm nay. Mặc dù không còn những cuộc bách hại đạo như thời các Vị Tử Đạo, nhưng ở thời nào Kitô hữu cũng có cơ hội được phúc tử đạo bằng việc hy sinh, hãm mình và thực hành các nhân đức trong đời sống hằng ngày để trở thành những hạt giống Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo.

Vadita Nguyen
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phát triển các dân tộc và dân tộc Việt Nam
Hà Minh Thảo
14:57 27/06/2017
PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM 2

(Tiếp theo)

4. Tình trạng ‘Vừa đánh, vừa đàm’.

Ngày 31.03.1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson (đảng Dân chủ), người ra lện đưa quân tác chiến Mỹ vào Việt Nam, tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc; không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 và cử người đàm phán với đại diện Chính phủ Hà nội tại Paris. Ngày 03.04.1968, Chính phủ này hồi đáp ‘Sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ để xác định với Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện’.

Cái gọi là ‘Hội nghị Paris về Việt Nam’ tuy đã khai mạc ngày 13.05.1968, nhưng chỉ để các tên Mỹ và cộng sản Hà nội tiêu xài tiền người dân mỗi nước đóng thuế và đếm từng xác chết mang tên Việt Nam hay Hoa kỳ. Một tuần chỉ họp một lần, đọc cho nhau những lời mà đối phương giả điếc để khỏi nghe. Chúng chỉ đồng ý với nhau khi, từ ngày 25.01.1969, Hội nghị được tăng đôi thành bốn bên, với Việt Nam Cộng hòa và Cộng hoà miền Nam Việt Nam, còn gọi là Việt cộng.

Tình hình lúc bấy giờ giống như cố Tổng thống Ngô Ðình Diệm đã tiên đoán về sự hiện diện của Quân tác chiến ở Việt Nam :

1. Làm mất chính nghĩa Việt Nam Cộng hòa để, từ một nước bị Cộng sản, vi phạm Hiệp định Geneva, xăm lăng trở thành một nước bị Mỹ xăm lăng mà cộng quân có bổn phận phải giải phóng.

2. Chiến đấu cho Tự do. Ðó là chỉ là những mỹ từ vô nghĩa đối với các binh sĩ quân dịch Mỹ. Họ là những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, vợ trẻ, con thơ… Với tiền lương cao so với người Việt, họ đã mua được đàn bà, con gái địa phương… gây khủng hoảng xã hội Việt Nam. Thật đáng tiếc và đáng thương cho 58.000 quân nhân Hoa kỳ. Tham chiến tại Việt Nam, do phải tuân lịnh thẩm quyền chính trị, Quân đội Hoa kỳ không được ‘quyền chiến thắng’. Gởi họ vào chiến cuộc Việt Nam bởi một Tổng thống đảng Dân chủ và bọn phản chiến ‘tập sự’ chống chiến tranh Việt Nam cũng thuộc đảng Dân chủ (Bill Clinton, John Kerry…).

3. Chiến tranh lan tràn khắp nơi thì làm sao có thể phát triển kinh tế. Là nước đã xuất cảng gạo, Việt Nam Cộng hòa bị buộc phải nhập cảng gạo Mỹ. Tuy nhiên, lúc đó, nước này đã sản xuất được xe Ladalat. Trường học thường bị cộng nô khủng bố, cướp phá. Trường Lasan Taberd bị chúng pháo kích, gây tử thương cho một Sư huynh.

Trong cuộc bầu cử ngày 05.11.1968, ông Richard Nixon (đảng Cộng hòa) đắc cử Tổng thống do đã hứa ‘đem quân Mỹ về’. Henry Kissinger, cố vấn an ninh rồi ngoại trưởûng cho Nixon, năm 1971, đã sang Bắc kinh để thiết lập bang giao Mỹ-Tàu để tiến tới Hiệp định Paris để ‘đem quân Mỹ về’.

Trong thời gian ‘Vừa đánh, vừa đàm’ này, tại Bắc Việt, chế độ độc tài kiểm soát người dân thì tại Việt Nam Cộng hòa, núp dưới chiêu bài ‘thành phần thứ ba’, cộng sản len lỏi cả vào Hạ nghị viện. Tại các xí nghiệp, chúng xách động đình công, biểu tình... làm kinh tế đình trệ và đưa tới lạm phát, gây bất mãn nơi đồng bào. Sự thật, thì đời sống và tự do ‘ăn nói’ thời đó còn khá hơn hiện nay rất nhiều, chỉ sợ ‘việt cộâng khủng bố’ mà thôi.

Về phần các sinh viên Công Giáo ‘nằm vùng’ thì sau khi giải ngũ, chúng tôi đến thăm Phong trào Thanh niên Công Giáo Ðại học, sau vài buổi sinh hoạt, chúng tôi nhận biết các đoàn viên Thanh Lao Công đã đến ‘nằm vùng’, dưới sự chỉ đạo của các ‘cha’ Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ... Dĩ nhiên, đến ngày 30.04.1975, bọn họ rất hồ hởi tự xưng ‘cách mạng 30’, rồi như các ‘dư luận viên’ ngày nay, thêm sự chỉ huy của đồng chí ‘cha’ Huỳnh Công Minh, chúng rao giảng ‘do thi hành hiệp định Paris, Ðức cha Thuận phải trở về Nha Trang và Ðức Khâm sứ hãy rời khỏi Việt Nam’. Tiếp theo, dưới sự lãnh đạo của ‘lái heo’ Ðỗ Mười, Cộng sản Miền Bắc đã cướp sạch Hòn Ngọc Viễn Ðông và Lục tỉnh qua các cuộc đánh ‘Tư sản mại bản và Tư sản thương nghiệp để tiêu diệt sự Phát triển nền Kinh tế Miền Nam. Sự thống nhất Ðất Nước chỉ còn là sự thăng bằng tài sản hai Miền.

B. Sau ngày 30.04.1975.

Sau khi ‘đớp’ tài sản của những người bị ghép tội ‘giàu’, bọn giải phóng cũng không tha đồng bào lao động qua các cuộc đổi tiền (Ðưa bao nhiêu, nhà nước cũng nhận, nhưng chúng chỉ đưa ra tương đương 100.000 đồng Việt Nam Cộng hòa. Rồi với chủ trương ‘Miền Nam nhận họ, Miền Bắc nhận hàng’, hàng đáùm tiến sĩ gôÙc đảng được gởi vào thành Hồ, chiếm nhà của người ‘tìm tự do’. Lúc đó, chúng tôi làm việc cho chủ củ Ngân hàng Ðại Á được ‘chủ mới’ giải thích ‘ngân là tiền và hàng là hàng hóa, tức cho vay tiền, phải có hàng thế chấp’. Trong khi nghĩa đúng là ‘ngân đúng là tiền, nhưng hàng không phải là hàng hóa, mà là cửa hàng, tức ngân hàng là nơi giao dịch về tiền tệ.

Tại số 20 Thông điệp, Ðức Phaolô VI viết : ‘Ðể xúc tiến việc phát triển, cần phải có chuyên viên ngày càng nhiều, cần phải có những nhà hiền triết để suy nghĩ và tìm kiếm một thuyết nhân bản mới. Nhờ đó, con người tìm lại được chính mình vì thấm nhuần những giá trị cao quý của tình yêu, tình bạn, cầu nguyện và chiêm ngắm. Có thế, mới thực hiện được trọn vẹn sự phát triển đích thực. Sự phát triển đích thực đối với mỗi người và đối với mọi người, là đi từ những điều kiện ít xứng đến những điều kiện xứng với con người hơn’.

Sau ngày đen tối 30.04.1975, những chuyên viên được đào tạo ở hải ngoại đã rời bỏ nhiệm sở vì không chấp nhận sự tàn bạo và lật lộng của Cộng sản. Phần chúng tôi, vì yêu nước hay vì có cha mẹ tuổi cao, muốn ở lại để phục vụ đồng bào và giúp phần phát triển Ðất Nước. Mọi người hy vọng chúng sẽ biết sống nhân đạo hơn sau khi chiến tranh đã chấm dứt. Nhưng không, những lời hứa với các sĩ quan, công chức đi ‘học tập’ một tuần hay một tháng chỉ để lừa đảo đồng bào vì các vị này không về trước nhiều năm, có người bị lừa đến cả chục năm. Sáng mắt trước cái gọi là ‘khoan hồng’ của kẻ tự xưng cách mạng, nhiều đồng bào buộc phải bỏ nước ra đi, cao điểm từ năm 1979, khi Việt cộng xua quân đánh Khmer đỏ và Tàu cộng đánh ở biên giới Việt-Trung, đến năm 1981, khi việc thanh lọc trở thành tàn bạo đối với những người tìm tự do. {Nếu các công chức cao cấp Liên hiệp quốc làm trọn nhiệm vụ đúng số lương họ nhận thì thế giới sẽ bới chiến tranh và số người tìm tự do sẽ giảm đến số ‘không’}.

Nhiều tiến sĩ kinh tế ‘hồng hơn chuyên’ ca ngợi thời ‘tiến bộ’ Võ Văn Kiệt. Lúc đó, Thủ tướng Lý Quang Diệu (Tân gia ba) đã giúp Việt Nam rất nhiều. Thời đó, cờ đến tay, sao họ không phất để đưa kinh tế Việt Nam vào tiến trình phát triển. Thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm, ông Lý Quang Diệu ước ao Tân gia ba sẽ được phát triển như Sài Gòn (Hòn ngọc Viễn đông). Gần đây, ủy viên bộ chính trị Ðinh La Thăng ‘la’ rằng sẽ ‘biến’ Thành Hồ trở lại là Hòn ngọc Viễn đông, nhưng chỉ 15 tháng sau, ông được ‘thăng’ về Hà nội. Các trí thức chiến thắng Miền Nam ‘bỏ ngỏ’ năm 1975 chỉ lên tiếng vừa đủ để người ta còn nhớ tên mình và tiền hưu được lãnh đủ, mặc sự Phát triển Dân Việt.

Sự Thật, Việt Nam ngày nay vẫn còn những tiến sĩ các ngành ‘chuyên môn nhưng không đỏ hồng’ (nếu bị ‘tù oan’ là vì, ngoài những chuyên môn, các công dân này còn chứng minh khả năng cải thiện quốc gia và lãnh đạo đồng bào qua lá phiếu đân chủ và tự do. Dưới thể chế Việt Nam Cộng hòa, thời cộng quân khủng bố và pháo kích, các chuyên viên tốt nghiệp ngoại quốc trở về nước để giúp gia đình và phục vụ đồng bào. Không đồng ý, họ có quyền viết báo chỉ trích, miễn đúng đó là sự thật…

C. Ðời sống Dân tộc Việt dưới chế độ vô nhân Cộng sản.

Năm 1976, nhân dịp Tết Nhâm Thìn, cộng sản rêu rao :
‘Xuân nào vui bằng Xuân này,
Miền Nam nhận họ, Miền Bắc nhận hàng.’

Thật vậy, cán bộ trí thức tranh nhau vào Miền Nam để tiếp thu những căn nhà đầy đủ tiện nghi mà người dân Miền Nam đã để lại, khi ra đi tìm Tự do. Những đồng chí nồng cốt về giáo dục được đưa ngay vào Miền Nam để ‘mưu xóa bỏ’ Nền Giáo dục nhân bản và dân tộc, để thay bằng giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ chí Minh. Chúng thi nhau đốt sách khoa học, văn học, sinh ngữ… Hậu quả, sau hơn 42 năm ngự trị Ðất Nước… Qua bao triều đại bộ trưởng giáo dục, chúng thay nhau hốt tiền công quỹ và bòn rút tiền học trò, sinh viên. Khi người trẻ tốt nghiệp Ðại học, đi tìm việc làm cũng không dễ, nếu không có dù, lộng.

Về kinh tế, trong những năm 1975 đến 1978, với cao điểm ‘Đại hội IV’ năm 1976, trong say men chiến thắng, cộng đảng áp dụng mô hình kinh tế của miền Bắc cho cả nước, dù tổng bí thư Lê Duẩn, ngày 13.8.1975, đã đề nghị không áp dụng ngay hợp tác hoá ở miền Nam, cho phép tư sản kinh doanh…, nhưng không thành. Do đó, hợp tác hoá miền Nam đã được ‘cơ bản hoàn thành’, bởi ‘ác nhân dốt’ Ðỗ Mười trong những năm 1979-80. Ðó là : ‘cải tạo công thương nghiệp’, nhà nước « thống nhất quản lý kinh doanh » cho đến cây kim, sợi chỉ, vở viết, phụ tùng xe đạp v.v..., với hệ quả rõ ràng là sản xuất đình đốn, giảm sút, khủng hoảng trầm trọng trên mọi mặt… Cùng lúc đó, viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa giảm sút. Đặc biệt, viện trợ từ Tàu cộng chấm dứt hoàn toàn từ năm 1977. Từ năm 1978, Khmer Đỏ tấn công Việt Nam ở trên tuyến biên giới, chi tiêu cho quốc phòng Việt Nam vì vậy tăng mạnh. Tháng 1/1979, Việt Nam phản công đánh sang Campuchia, nên bị quốc tế ngưng viện trợ.

Tháng 12/1986, nhờ sự tham gia của cả một số chuyên gia Việt kiều… bắt đầu thời kỳ ‘đổi mới’. Năm 1989, chặn đứng lạm phát phi mã bắt đầu sau cuộc đổi tiền 1985, sự chấm dứt nạn thiếu đói kinh niên và lần đầu tiên, xuất càng gạo, xoá bỏ chế độ tem phiếu.

Trong hoàn cảnh xã hội đó, do thiếu thốn các điều kiện vật chất tối thiểu cho cuộc sống, các cơ cấu đàn áp, lạm dụng quyền bính, khai thác bóc lột nhân công, mọi hình thức bất công, mà cần thăng tiến các điều kiện giúp cuộc sống con người được nhân bản hơn mới hy vọng có được sự Phát triển Dân tộc.

Việc phát triển đòi buộc phải có thêm nhiều chuyên viên kỹ thuật, nhưng cũng cần có nhiều tư tưởng gia có khả năng suy tư để tìm ra một nền nhân bản mới, cho phép con người tìm lại chính mình và tiếp nhận các gia trị cao hơn của tình yêu thương, tình bạn, của lời cầu nguyện và việc chiêm niệm, là những giá trị giúp con người đạt các điều kiện nhân bản hơn. Do đó cần làm sao để loại bỏ tất cả những gì khiến cho con người ít là người hơn như: sự thiếu thốn các điều kiện vật chất tối thiểu cho cuộc sống, các cơ cấu đàn áp, lạm dụng quyền bính, khai thác bóc lột nhân công, và mọi hình thức bất công xã hội khác. Phải thăng tiến các điều kiện giúp cuộc sống con người được nhân bản hơn như chiến thắng các tai ương xã hội, thăng tiến sự hiểu biết, văn hóa giáo dục và tôn trọng nhân phẩm, cộng tác lo cho công ích, phát huy hoà bình và thừa nhận các giá trị siêu việt, Thiên Chúa và niềm tin.

Các lãnh đạo cộng sản luôn quảng cáo sự phát triển của cả nước Việt lẫn từng người dân Việt bằng sự tăng trưởng kinh tế qua con số Tổng sản phẩm nội địa (TSPNÐ), thường được gọi là Gross Domestic Product (GDP), tiếng Anh và Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp, là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ được sản xuất ra trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định, thường là ba tháng và một năm.

Ngày 28.12.2016, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế Việt Nam năm 2016. Theo báo cáo, nền kinh tế năm 2016, theo giá hiện hành, đạt 4,45 triệu tỷ đồng, ước tính tăng 6,21% so với năm 2015 (TSPNÐ : 4,19 triệu tỷ đồng). Tuy nhiên, trong số 4,45 triệu tỷ đồng không phải toàn TSPNÐ tốt mà còn gồm những con số TSPNÐ xấu. Thật sự, nhà thầu xây cất thuê thợ để xây một chiếc cầu bắt qua sông, chủ thầu phải trả tiền cho công nhân. Ðó là tăng trưởng kinh tế ‘tốt’. Nhưng do có kẻ cung cấp hàng xấu phẩm chất, cầu đang thi công bị gẫy, chủ thầu cũng phải trả tiền cho công nhân để dọn dẹp phần hư đó. Ðó là tăng trưởng kinh tế ‘xấu’.

Ðặc biệt, năm 2016, ngoài những công trình buộc phải xây dựng lại đó, Việt Nam còn gặp thảm họa do bọn ác nhân Formosa gây ra. Trước đó, chúng đã gây bao nhiêu tội ác tại Ðài loan và các nơi khác. Nhưng tại các nơi này, các cơ quan công quyền do dân bầu ra, nên người dân được bồi thường xứng đáng và chúng phải rút đi. Thảm họa Formosa này đã giết bao nhiêu tôm, cá… và người bệnh lẫn chết. Vì không do dân bầu, các cơ quan nhà nước cộng sản duy trì Formosa bất chấp chúng gây bao nhiêu tăng trưởng kinh tế ‘xấu’.

Thật vậy, ngân sách nhà nước lẫn túi tiền người dân đã phải thanh toán bao nhiêu tỷ đồng cho những chi tiêu xấu để, cuối năm 2016, Ðảng mừng sự gia tăng TSPNÐ để dọn dẹp hóa chất độc hại do Formosa gây ra. Ðau khổ hơn nữa, hàng tỷ đồng, tiền đóng thuế của người dân nghèo, để thuê công an, côn đồ hành hung dã man đồng bào, kể cả trẻ em (các học sinh vì cha mẹ không tiền đóng học phí, đành phải thất học) biểu tình chống Formosa.

Cũng theo báo cáo đó, số thu nhập (TSPNÐ) bình quân đầu người ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 mỹ kim, tức tăng 106 mỹ kim so với năm 2015. Quý vị bạn đọc có tin điều đó không, nhưng đó là cách tính của Ngân hàng Thế giới. Theo số liệu Cơ quan quốc tế này, TSPNÐ Việt Nam năm 2009 là 90.090.966.131 mỹ kim với Dân số là 87.279.754 người. Do đó, TSLNÐ trung bình từng người là: 1.032,21 mỹ kim. Như vậy, chỉ trong 7 năm, thu nhập trung bình người dân Việt tăng hơn gấp đôi (114%). Sự thật, vì tại Việt Nam, có những tên độc tài (như Nông đức Mạnh, nhà cửa sơn bằng vàng), và những kẻ dựa vào chúng để làm giàu bất chính.

KẾT LUẬN.

Cách nay hai năm, ngày 18.06.2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô ban hành Thông điệp ‘Laudato sí’ (Vinh danh Thiên Chúa) về bảo vệ thiên nhiên. Thông điệp lấy tên từ lời cầu của thánh Phanxicô. 'Laudato sí, mí Signore' (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa), trong ‘Bài ca Vạn vật’ nhắc nhởù mọi người rằng trái đất là ‘căn nhà chung của chúng ta’.

Không đầy một năm sau, từ ngày 06.04.2016, tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), rồi đến vùng biển Quảng Bình và biển Quảng Trị rồi lan rộng vào Thừa Thiên-Huế… Do được nhà nước chậm tìm nguyên nhân và chỉ tuyên bố, sau khi có sự đồng ý của Formosa, là chính họ là thủ phạm thảm họa ô nhiễm môi trường và chỉ nhận 500 triệu mỹ kim bồi thường. Mọi sự thưa kiện trong nước đều bị ‘phán’ là không có cơ sở. Bao nhiêu máu của đồng bào và các Linh mục Giáo phận Vinh đã bị đổ, bị đe dọa. Bề Trên của các Cha, cũng vì Công lý và Hòa bình như Giáo huấn Xã hội Công Giáo dạy, đã bị các báo đài nhà nước vu cáo.

Cuối cùng, như Ðức cha Micae Hoàng Đức Oanh đã, với một vọng thật buồn, hôm 27.04.2017, đã nói : « Thảm hoạ Formosa là thật nghiêm trọng, là đại họa không chỉ cho đồng bào 4 tỉnh miền Trung mà còn cho cả đất nước Việt Nam. Ðại hoạ này không chỉ bây giờ mà còn lâu dài nữa, không chỉ có đại hoạ Formosa chỉ là một trong những đại hoạ của Việt Nam mà còn nhiều đại hoạ khác trên lảnh thổ Việt Nam’… ‘Việt Nam ngày nay không chỉ bị ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đủ mọi thứ và luôn lương tâm con người cũng bị ô nhiễm. Cuối cùng, mạnh ai lo sống, thành ra cái đó là cái thảm hơn nữa ».

Hơn thế nữa, khi nghèo đói quá, người ta cứ chế tạo thực phẩm bằng những nguyên liệu nghi ngờ, rồi đi bán ở xa như tại Miền Nam hay, có thể, được xuất cảng đi những nước khác như lời nhắc nhở mọi người, bởi Ðức Thánh Cha Phanxicô, rằng trái đất là ‘căn nhà chung của chúng ta’ trong Thông điệp ‘Vinh danh Thiên Chúa’. Nhưng đừng trách những người nghèo đó. Họ cũng chỉ là những nạn nhân của chế độ và những người giao du với họ.

Hà Minh Thảo








 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Chén thánh cần được làm bằng kim loại quý.
Nguyễn Trọng Đa
07:52 27/06/2017
Giải đáp phụng vụ: Chén thánh cần được làm bằng kim loại quý.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Vài năm trước, Tòa Thánh Vatican đã công bố một huấn thị liên quan đến chất liệu phù hợp để sử dụng cho chén thánh. Nói tóm lại, kim loại là được phép, và các chất liệu dễ vỡ (kể cả tinh thể và gốm) là bị cấm. Tuy nhiên, hầu hết các giáo xứ mà con đã đến thăm đều sử dụng chén thủy tinh hoặc chén gốm, để cho các thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường sử dụng khi cho Rước lễ, trong khi linh mục sử dụng chén kim loại. Điều này có vẻ mâu thuẫn, hoặc ít nhất là không nhất quán. Một số linh mục, mà con đã nói chuyện với họ, hy vọng rằng quy định này sẽ được nới lỏng hoặc thay đổi. Một linh mục đã than van về giá cả của chén thánh bằng pha lê, mà ngài từng ưa thích sử dụng nhưng bây giờ thì không thể nữa. Và dường như Chúa chúng ta đã sử dụng một chén làm bằng gốm ở Bữa Tiệc Ly, vì vậy có vẻ là kỳ quặc rằng loại chén mà Chúa chúng ta có thể sử dụng và thấy là xứng đáng, thì Giáo Hội hiện nay không muốn. Thưa cha, liệu có thảo luận nào về việc thay đổi quy định này không? - M. P., Indianapolis, Indiana, Hoa Kỳ.

Đáp: Chúng tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự trong một bài vào khoảng đầu năm 2003. Lúc đó, mặc dù tôi đã trả lời rằng không nên sử dụng các chén thánh bằng thủy tinh hoặc gốm do tính dễ vỡ, tôi gợi ý rằng luật tại thời điểm đó là không hoàn toàn rõ ràng. Vấn đề này sau đó đã được giải quyết bởi Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ) năm 2005, vốn khẳng định như sau:

"117. Các bình thánh, dùng để đựng Mình và Máu Thánh Chúa, phải được làm hoàn toàn đúng với các quy tắc của truyền thống và của các sách phụng vụ. Theo sự phán đoán của các Hội Đồng Giám Mục, mà quyền hạn này đã được ban cho với sự Toà Thánh xác nhận (confirmatio) các hành vi của các ngài, có thể thích thời thực hiện các bình thánh bằng cách sử dụng những chất thể khác, với điều kiện là chúng phải được chắc chắn. Nhưng mà, trong mỗi vùng, đòi hỏi cách nghiêm chỉnh phải chọn lựa những chất thể mà mọi người đánh giá là quý, để tỏ sự tôn kính Chúa, và để tránh hoàn toàn, nơi mắt các tín hữu, mọi nguy cơ giảm bớt lòng tin nơi sự hiện diện thực sự của Đức Kitô dưới hình bánh và hình rượu. Như vậy, việc cử hành Thánh Lễ với bất cứ bình dùng hằng ngày hay thông thường hơn, phải được dứt khoát bài trừ, đặc biệt nếu đó là những đồ vật không có chút nào là nghệ thuật, hay chỉ là những cái giỏ thường, hay nữa là những đồ đựng bằng thuỷ tinh, đất sét, đất nung hay bằng những chất liệu khác dễ bể. Việc này cũng có giá trị đối với tất cả bình bằng kim loại hay được làm bằng những chất liệu dễ hỏng” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Trong trường hợp này, cụm từ "phải được dứt khoát bài trừ" có nghĩa rằng các tập tục trái ngược không thể có sức mạnh hiệu lực của luật, cho dù sự thực hành ấy đã có từ lâu.

Một số Hội Đồng Giám Mục đã sử dụng khả năng được cung cấp bởi các sách phụng vụ cho chất liệu của các bình thánh một cách chi tiết hơn.

Do đó, phiên bản Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma của Hoa Kỳ cho biết:

"327. Trong các vật dụng cần phải có để cử hành Thánh Lễ, các bình thánh phải được đặt biệt tôn trọng, và trong số đó, có chén thánh và đĩa thánh, dùng để dâng, truyền phép và rước bánh rượu.

“328. Các bình thánh phải được làm bằng kim loại quý. Nếu được chế từ kim loại có thể bị rỉ sét hay kém hơn vàng, thì phía trong các bình phải được mạ vàng.

“329. Trong các Giáo phận của Hoa Kỳ, các bình thánh có thể được làm bằng những chất liệu khác vững bền và cao quý theo đánh giá chung của địa phương, thí dụ: ngà hay vài thứ gỗ cứng, miễn là thích hợp cho việc sử dụng thánh. Trong trường hợp này, luôn luôn nên chọn chất liệu không dễ vở hay hư hỏng. Ðiều này đặc biệt áp dụng cho các bình đựng Mình Thánh, như đĩa, bình, hộp, mặt nhật v.v...

“330. Về chén thánh và các bình đựng Máu Chúa, phần chứa đựng phải làm bằng chất liệu không thẩm thấu. Còn phần chân thì có thể làm bằng chất khác bền chắc và xứng đáng.

“331. Ðĩa đựng bánh thánh nên làm khá lớn để có thể đặt vào đó bánh cho vị tư tế, phó tế, các người giúp khác và tín hữu.

“332. Về hình dáng các bình thánh, các nghệ nhân chế tạo theo cách thích đáng, đáp ứng các thông tục của địa phương, miễn là thích hợp với việc sự dụng thánh mà chúng nhắm tới, và phân biệt rõ với những bình thông dụng.

“333. Việc làm phép các bình thánh phải theo nghi thức trong các sách phụng vụ.

“334. Nên giữ thói tục làm một giếng thánh trong phòng thánh, để đổ vào đấy nước rửa bình thánh và nước rửa chỗ bánh thánh rơi (x. số 280). (Bản dịch có tham khảo bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Đây là luật đang có hiệu lực. Đã có một số cuộc tranh luận gần đây về khả năng của các kỹ thuật mới, vốn sản xuất kính và gốm sứ thật cứng, thực sự cứng hơn so với kim loại và gỗ cứng. Nếu các kỹ thuật này được xác minh, thì tôi nghĩ rằng câu hỏi có thể được mở lại. Các điều cấm đối với thủy tinh và đồ gốm nói chung là do các chén giòn, dễ vỡ, vỡ vụn và thực sự không thể sửa chữa được.

Vấn đề không đề cập đến sự xứng đáng giá trị cố hữu, vì các chén thủy tinh và gốm sứ mỹ thuật có thể được ưa thích nhiều và thực sự có giá trị. Cũng đúng là các bình thánh bằng thủy tinh đã được sử dụng trong quá khứ.

Tuy nhiên, tôi sẽ không đồng ý rằng các nhà thờ sử dụng các chén không được chấp thuận cho các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ. Các chén là để chứa Mình Thánh, và chúng cần phải xứng đáng cho Ngài, cho dù thừa tác viên nào cầm chén ấy.

Không ai biết rõ là Chúa Kitô dùng chén loại nào cho Bữa Tiệc Ly. Thật là khó có được các vật liệu quý giá thời ấy, nhưng nó ở ngoài điểm chính. Các nghi lễ của Giáo Hội tiến triển. Việc thiết lập ban đầu của Bí Tích Thánh Thể đưa ra các yếu tố cơ bản, nhưng chúng được tô điểm cách tự nhiên theo dòng thời gian và biến đổi thành các nghi lễ, mà trong đó Kitô hữu mong muốn dâng hiến cái tốt nhất của họ trong việc thờ phượng Thiên Chúa.

Có thể là biểu tượng rằng trong năm 303, khi bắt đầu cuộc bách hại cuối cùng của Hoàng đế Diocletian đối với các Kitô hữu, một phái đoàn của các quan chức chính quyền Rôma đến nhà thờ ở Cirta, vùng Numidia (tức Constantine ngày nay ở Algeria), và đòi đưa ra các sách và tài sản khác của nhà thờ. Họ đã thực hiện sự kiểm kê sau đây:

"Hai chén thánh vàng, sáu chén thánh bạc, sáu bình bạc, một nồi nấu bằng bạc, bảy đèn bạc, hai khay bánh thánh, bảy cây nến bằng đồng với đèn riêng, mười một đèn bằng đồng với chuỗi riêng, 82 áo choàng phụ nữ, 38 chiếc áo choàng, 16 áo phụ phó tế, 13 đôi giày nam, 47 đôi giày nữ, và 19 cái cài móc nông dân. Khi kiểm tra chặt chẽ hơn, có thêm một chiếc đèn bạc và một hộp bạc, bốn cái bình lớn và sáu thùng từ phòng ăn, cũng như một sách chép tay lớn".

Nếu nhà thờ tương đối mờ nhạt này trong thời gian bách hại muốn sở hữu và sử dụng các chén như thế cho việc cử hành Thánh lễ bí mật, thì chúng ta không nên ngạc nhiên rằng Giáo Hội vẫn tìm cách dâng lên Chúa Kitô những gì là tốt nhất vào thời sau có tự do hơn. (Zenit.org 27-6-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Hoà bình là gì ?
Đinh Văn Tiến Hùng
14:59 27/06/2017
HÒA BÌNH là gì ?

*”Bấy giờ họ sẽ lấy lưỡi gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm.
Nước này chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác.
Người ta chẳng còn tập sự chiến tranh. ( E-sai.2 : 4 )


Có phải Hòa bình đang phát sinh từ nòng súng ?
Nên bày trò cho con trẻ ham thích chiến tranh,
Để chúng mê man nên sao lãng chuyện học hành,
Với phim ảnh cùng biết bao trò chơi điện tử.

Cấy nọc độc vào biết bao tâm hồn non trẻ,
Khi lớn lên bị dụ dỗ, đáp ứng thật nhanh.
Tàn sát người vô tội, nhuốm máu hôi tanh,
Mượn danh Thượng Đế, hăng say lao vào thánh chiến.

Người lớn trò chơi chiến tranh trở thành hù dọa,
Đem phản lực, thiết giáp, tiềm thủy đĩnh phô trương,
Hỏa tiễn đầu đạn nguyên tử uy hiếp đối phương,
Lấn chiếm hải đảo, biển khơi bao vây khép chặn.

Cường quốc bày trò chiến tranh tiêu hao ngàn tỉ,
Trong lúc người dân nhiều triệu lâm cảnh đói nghèo,
Bọn độc tài tham nhũng ngồi ngạo mạn thảnh thơi,
Khi ngàn người tị nạn bỏ xác trong lòng biển.

Sao không tạo lập Hòa bình dựng xây phát triển ?
Sao không tạo lập Hòa bình ngưng hẳn chiến tranh ?
Sao không tạo dựng Hòa bình ấm no an lành ?
Đó là chân lý mọi người khát khao mong đợi !

Hòa bình không chỉ dứt chiến tranh thôi chém giết !
Hòa bình không phải âm mưu trao đổi làm giàu !
Hòa bình không phải bằng gian dối lừa nhau !
Hòa bình không phải cướp dân chất cho đầy túi !

Hòa bình chính là vun đắp tình thương nhân loại,
Hòa bình là khi ta biết hoán cải tâm hồn,
Hòa bình là khi ta biết tương trợ thứ tha,
Hòa bình là khi ta biết quên đi thù hận,

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Gia Đình/Family
Robert Helfman
18:45 27/06/2017
GIA ĐÌNH / FAMILY
Ảnh của Robert Helfman
Gia đình
là một trong những
Tuyệt phẩm của Thương đế.

Family is one of God’s Masterpieces
(ukn)