Ngày 27-06-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Viếng Mộ hai Thánh Tông Đồ
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
08:25 27/06/2008
Lễ 2 thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ

VIẾNG MỘ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai ?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ." Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." Mt 16, 13-19

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Theo Giáo luật, cứ 5 năm một lần, mỗi Giám mục phải về viếng một hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự cuộc viếng mộ cùng với đông đủ các vị Giám mục và Giám quản của hầu hết các Giáo phận.

Cuộc viếng mộ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 24. Trong suốt 10 ngày đã có 22 cuộc gặp gỡ chính thức. 18 cuộc gặp gỡ với các Bộ và các Hội đồng Toà Thánh. 4 cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha. Tuy nhiên cao điểm vẫn là 2 thánh lễ ở bên mộ hai Thánh Tông đồ. Đối với tôi, đây chính là hai cuộc gặp gỡ quan trọng nhất, để lại trong tôi những cảm nghiệm sâu xa.

Cảm nghiệm thứ nhất là về ơn đức tin.

Đức tin không ai tự mình có được, nhưng là ơn Chúa ban. Điều này được thấy rõ trong cuộc đời hai Thánh Tông đồ. Không thể nói hai Thánh Tông đồ đã không có đức tin. Các ngài đã có một đức tin nào đó. Nhưng đó là thứ đức tin sai lầm, giả hiệu.

Thánh Phaolô tin sai lầm nên đã trở thành cuồng tín. Chỉ tin vào Lề Luật nên ngài ra sức bảo vệ Lề Luật. Không chỉ công kích mà còn đích thân lùng bắt những người tin Chúa. Ngài trở thành cơn ác mộng của các Kitô hữu tiên khởi. Để cảm hoá Ngài, Chúa đã quật ngã Ngài xuống khỏi lưng ngựa. Thay thế lòng cuồng tín bằng một đức tin chân thật.

Thánh Phêrô, vì đức tin non nớt, đã trở thành tự mãn. Khi mới tin Chúa, Ngài nghĩ rằng có thể làm được tất cả: đi trên mặt nước, trung thành hơn những người khác. Nhưng không ngờ Ngài đã bị chìm xuống, đã phản bội. Nhờ ơn Chúa thương yêu dìu dắt, dậy dỗ, đức tin của thánh nhân mới vững mạnh và trở thành người nâng đỡ đức tin của anh em.

Chúa đã thương ban cho các Ngài đức tin chân chính. Chúa đã huấn luyện cho đức tin của các Ngài nên trưởng thành. Đó là ơn của Chúa. Đó là sáng kiến của Chúa. Nếu không có ơn Chúa, các Ngài sẽ mãi mãi xa lạc. Trước mộ các ngài, tôi tha thiết cầu xin ơn đức tin. Tôi sợ đức tin của mình non nớt dễ trở thành tự mãn. Tôi sợ đức tin của mình sai lạc dễ trở thành cuồng tín.

Cảm nghiệm thứ hai là về ơn sám hối. Hai vị Tông đồ Cả đã có thời lầm lạc. Không chỉ phạm những sai lầm nhỏ mọn nhưng là những sai lầm nghiêm trọng.

Thánh Phaolô đã là kẻ thù của Chúa, đi tìm bắt giết những người theo Chúa. Thánh Phêrô là môn đệ của Chúa, nhưng đã phản bội, công khai chối Thày.

Nhưng các Ngài đã được ơn ăn năn sám hối. Một cú ngã ngựa đã làm thay đổi cuộc đời thánh Phaolô. Một ánh mắt của Thày Chí Thánh đã hoán cải thánh Phêrô.

Thật lạ lùng sự hoán cải của tâm hồn con người. Đang cứng cỏi bỗng trở nên mềm mại. Đang hung hăng bỗng trở nên hiền lành. Đang chống đối bỗng trở nên kính mến. Đang thù ghét bỗng trở nên tin tưởng.

Tâm hồn các Ngài biến chuyển nhanh chóng không nhờ sức thuyết phục của lí trí con người, nhưng nhờ ơn Chúa. Ơn Chúa tác động làm cho tâm hồn các Ngài nhạy bén nhận biết lỗi lầm và mau mắn trở về. Không có ơn Chúa tâm hồn tội lỗi không thể biết ăn năn.

Trong đền thờ có tượng thánh Phêrô bằng đồng đen nhánh. Nhưng bàn chân Ngài sáng bóng và mòn khuyết một nửa, vì mỗi khách hành hương đi qua đều chạm vào. Bàn chân ấy được yêu mến vì lầm đường nhưng đã biết quay trở lại. Xếp hàng rồng rắn theo đoàn hành hương, tôi cũng đến chạm vào bàn chân Ngài, lòng thầm cầu xin ơn sám hối.

Cảm nghiệm thứ ba là về ơn khiêm nhường.

Khi viếng mộ hai thánh Tông đồ, phải cúi mình rất sâu, vì phần mộ của các Ngài nằm sâu dưới lòng đất. Bước xuống những bậc thang sâu hun hút, rồi nhìn lên các Vương Cung Thánh đường đồ sộ cao thăm thẳm, tôi có cảm tưởng các Ngài bị chôn vùi thật sâu, đang phải oằn lưng gánh lấy sức nặng của những phiến đá khổng lồ. Chính những ngôi mộ chìm sâu trong lòng đất đã trở thành nền móng cho những ngôi thánh đường đồ sộ vươn lên. Hội Thánh được xây dựng trên những nền tảng khiêm nhường. Đó là nền tảng vững chắc nhất.

Việc xây dựng như thế phản ảnh đúng đời sống khiêm nhường của các Ngài. Sau khi được ơn sám hối, thánh Phêrô rất mực khiêm nhường. Theo lời truyền, Ngài đã ăn năn khóc lóc tội lỗi suốt cả đời. Trong những hầm mộ ở ngoại ô Rôma, nơi các Kitô hữu đầu tiên ẩn trú có khắc nhiều hàng chữ “Xin Chúa thương xót con”. Truyền thống cho đó là lời của thánh Phêrô.
Còn thánh Phaolô thì không ngại xưng mình là “phân bón thế gian, cặn bã của mọi người”. Các ngài giống như hạt lúa chịu chôn vùi dưới lòng đất, chịu mục nát đi để sinh bông hạt phong phú. Các Ngài tự nguyện làm nền móng cho những ngôi nhà đẹp đẽ vươn lên. Các Ngài tự nguyện làm gốc rễ nằm sâu dưới lòng đất hút chất bổ dưỡng nuôi cho thân cây Hội Thánh được xanh lá, tươi hoa, trĩu quả.

Sau cùng là cảm nghiệm về tình yêu.

Tất cả những ơn đức tin, ơn sám hối, ơn khiêm nhường các Ngài nhận được đều do tình yêu thương của Chúa. Chính Chúa chủ động đi tìm, ban ơn và dìu dắt các Ngài. Chúa đã bao phủ các Ngài bằng một tình yêu thương không gì so sánh được. Và các Ngài cũng đã mở lòng ra đón nhận, cảm nghiệm và đáp đền ơn tình yêu bằng một đời sống quảng đại, theo gương Thày Chí Thánh. Tình yêu kêu gọi tình yêu. Tình yêu đền đáp tỉnh yêu. Tình yêu đã biến những con người bất tín trở thành tin tưởng, lầm lạc biết quay trở về, tự mãn trở nên khiêm nhường, cứng cỏi trở nên chan chứa yêu thương.

Đứng bên mộ, tôi cảm thấy các Ngài thật gần gũi. Gần gũi trong thân phận làm người với tất cả những yếu đuối mong manh. Gần gũi trong ơn gọi Tông đồ tôi được hân hạnh cùng các Ngài chia sẻ. Gần gũi trong thao thức được Chúa thương hoán cải, hướng dẫn. Nhất là gần gũi vì được ấp ủ, được tan hoà vào cùng một tình yêu của Thiên chúa.

Được gần gũi các Ngài, tôi cảm thấy mình được đưa đi rất xa trong hành trình nội tâm. Hành trình ấy dài hơn cả 10 nghìn cây số đường bay tôi đã trải.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Có người nói: Đừng kể những nhân đức cao vời, nhưng hãy nói cho tôi biêt những yếu đuối của các thánh, như thế tôi dễ noi gương các ngài hơn. Bạn thấy thánh Phê rô và Phaolô có gần gũi với bạn trong những yếu đuối không?
2- Qua cuộc đời các ngài, bạn cảm nghiệm gì về tình thương của Chúa?
3- “Quên hẳn quãng đường đã qua, để lao mình về phía trước”. Đó là quyết tâm của thánh Phaolô sau khi được ơn trở lại. Bạn có quyết tâm như thế không?
 
Vượt qua hiểm trở... tiến vào cõi phúc
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
09:05 27/06/2008
VƯỢT QUA HIỂM TRỞ. .. TIẾN VÀO CÕI PHÚC

”Chúa dựng nên chúng con vì Ngài, lạy Chúa, vì thế trái tim chúng con luôn khắc khoải bao lâu chưa tìm được an nghỉ trong Chúa”. Đó là câu thánh Augustino (354-430) diễn tả lý do của hầu hết con đường dẫn đến ơn gọi tu dòng. Sau đây là một trong các con đường ấy.

... Khi nhìn lại quãng đời niên thiếu vào lúc tuổi dậy thì, con kinh ngạc tự hỏi:

- Lúc ấy con là ai vậy? Con ở đâu thế? và con làm gì?

Quả thật, con cảm nhận thấm thía tận xương tủy thịt da con rằng, nếu không có THIÊN CHÚA, không có chương trình Tình Yêu vĩnh cửu Ngài đặt định trên mỗi người, thì chúng ta chỉ là hư vô, không thể làm bất cứ cái gì.

Vào năm lên 18 tuổi, bị ảnh hưởng bởi một thứ trào lưu tự do giả tạo, con chọn một nếp sống hoàn toàn độc lập với THIÊN CHÚA. Nghĩa là, THIÊN CHÚA không dính dáng gì đến cuộc đời con. Chưa hết, con còn hỗn-xược gán ghép cho THIÊN CHÚA đặc tính ”tàn ác”. Dưới cái nhìn thiển cận của con, THIÊN CHÚA trở thành Đấng “nhẫn-tâm” vô cảm trước các đau khổ của loài người!

Trong thời gian này, vì thất bại trên đường tìm kiếm hướng đi nghề nghiệp, con rơi vào vòng vây của nhóm trẻ ”hư-đốn phóng-đãng”. May mắn là Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA luôn dõi mắt từ mẫu theo sát con. Chính nhờ Đức Mẹ mà con không rơi hẳn xuống vực thẳm sa đọa. Đây là hồng ân vô cùng trọng đại. Suốt đời con ghi ơn Hiền Mẫu Thiên Quốc.

Một ít lâu sau đó, con bắt đầu cảm thấy đau khổ về tình trạng ”lạc-lõng” của mình. Một nỗi âu sầu phiền muộn xâm chiếm hồn con. Con cảm thấy như bị ”ngộp-thở” và ”chán-ngấy” về các môn học vô thần và duy vật. Con khắc khoải tự hỏi:

- Làm thế nào để thoát khỏi ngục tù nội tâm con?

Tình trạng tinh thần đau thương kéo dài hai năm rưỡi. Cho đến một hôm, một luồng ánh sáng dọi chiếu vào hồn con. Con tự nhận ra:

- Con long-bong nỗi-trôi chập-chờn là vì đời con thiếu điểm-tham-chiếu vững chắc!

Con bỗng hồi tưởng kỷ niệm thân thương thời thơ ấu. Con cùng các trẻ nữ khác thi nhau hát thánh ca trước bức ảnh Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU trong nhà thờ. Hoặc, con cùng anh chị em con chú bác tung tăng chơi đùa nơi nhà Bà Nội. Lúc ấy con luôn có cảm tưởng là đôi mắt Đức Chúa GIÊSU trên Thánh Giá cứ nhìn theo con, dầu con đứng bất cứ nơi đâu và ở bất cứ hướng nào trong nhà! Con nhớ lại niềm vui khôn tả - vào Thứ Sáu Tuần Thánh - khi con trân trọng đặt trên bàn thờ trọn số tiền con dành dụm được, để gởi cho các trẻ em nghèo bên Phi Châu.

Con bỗng nhận ra cái lầm lẫn vĩ đại của con. Con thật ngu dại vô ngần khi tách rời THIÊN CHÚA khỏi cuộc sống và khi khước từ Tình Yêu Ngài dành cho con, thụ tạo bé bỏng của Ngài.

Con quyết định rời bỏ thành phố lớn nơi con đang theo các khóa ở đại học và trở về tỉnh nhỏ nơi con chào đời. Mẹ con mừng rỡ không tả xiết. Mẹ vẫn liên lĩ cầu nguyện cho con quay về đường ngay nẻo chính, trở lại với nếp sống ngoan đạo thời thơ ấu. Mẹ đưa ngay con đến gặp một vị Linh Mục. Điều đầu tiên Cha khuyên con phải làm là tham dự Thánh Lễ, ít ra là vào Chúa Nhật và lễ trọng. Con mau mắn vâng lời Cha. Khi trở lại thánh đường, con mới nhận ra là có nhóm trẻ từng đi theo các con đường xấu, nay trở về tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận bí tích Giải Tội. Việc làm của họ gây ấn tượng mạnh và thôi thúc con noi gương họ.

THIÊN CHÚA Quan Phòng đưa đẩy con tham dự cuộc hành hương chung với họ. Kể từ đó, con khởi sự nếp sống mới, nếp sống chân chính. Nhóm bạn trẻ cũng dạy con cách thức yêu mến Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA bằng cách sốt sắng lần hạt Mân Côi. Con nghe theo lời khuyên và tạo thói quen lần hạt Mân Côi mỗi ngày, không bao giờ quên. Con cũng thường xuyên lãnh bí tích Giải Tội và tham dự Thánh Lễ hàng ngày. Ơn thánh Chúa tuôn đổ trên con và niềm an bình lấp đầy khoảng trống thiếu vắng hạnh phúc của con. Tình Yêu THIÊN CHÚA mĩm cười chào đón con. Con trở lại những ngày ngây thơ trong trắng thời thơ ấu.

Một năm sau ngày con hoán cải, cuộc sống thiêng liêng tràn đầy như thúc giục con tiến xa hơn trên con đường tận hiến trọn vẹn cho THIÊN CHÚA. Con bắt đầu nghĩ đến cuộc sống tu dòng. Con âm thầm kêu van THIÊN CHÚA cho con gặp một vị Linh Mục - có trái tim như Đức Chúa GIÊSU KITÔ mong muốn và là quí tử của Hiền Mẫu Thiên Quốc. Và quả thật, con gặp được vị Linh Mục thánh thiện. Sau khi lắng nghe con giải bày, ngài xác nhận con có ơn gọi tu dòng. Nhưng nhất là, ngài nhấn mạnh cho con hiểu:

- Con được bàn tay THIÊN CHÚA bảo bọc, suốt thời gian ”bơ-vơ” lầm đường lạc lối. Giờ đây con phải có tâm tình cảm tạ tri ân và tận hiến toàn thân cho THIÊN CHÚA.

Đó cũng là ước nguyện thâm sâu nhất của lòng con. Vì thế, con mau mắn nghe lời vị Linh Mục khuyên. Con tìm hiểu và chọn một dòng nữ theo vết chân khó nghèo thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226).

Suốt đời, con ghi ơn THIÊN CHÚA và Đức Nữ Vô Nhiễm MARIA đã dẫn dắt con đi qua các nẻo đường ”hiểm-trở” và sau cùng đưa con đến đồi cao vào nơi ”cõi phúc” của cuộc sống tu trì.

... ”Từ độ thanh xuân, lạy THIÊN CHÚA, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài. Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc, lạy THIÊN CHÚA, xin đừng bỏ rơi con, để con tường thuật quyền năng của Chúa cho thế hệ này được rõ, và dũng lực của Ngài cho thế hệ mai sau. Lạy THIÊN CHÚA, đức chính trực của Ngài cao vời vợi, Ngài đã làm những việc lớn lao, lạy THIÊN CHÚA, nào ai sánh tày! Ngài đã bắt con nếm mùi tân khổ, chính Ngài sẽ cho con được hoàn sinh và kéo ra khỏi vực sâu lòng đất. Phần vinh hoa Ngài sẽ ban nhiều, và trở lại vỗ về an ủi. Lạy THIÊN CHÚA, con dạo khúc hạc cầm tạ ơn Ngài thành tín. Gảy cung tỳ bà, con ngâm vịnh kính dâng Ngài, lạy ĐỨC CHÚA của Israel. Miệng con sẽ reo hò theo nhịp đàn mừng Chúa. Hồn con nữa, hồn con Ngài cứu chuộc, cũng vui sướng hò reo” (Thánh Vịnh 71,17-23).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, n.6, 2-2-2003, trang 24-25)
 
Gương can đảm và tấm lòng vàng
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
09:06 27/06/2008
GƯƠNG CAN ĐẢM VÀ TẤM LÒNG VÀNG

Frank Maurice nhớ mãi. . cái buổi chiều thứ bảy hôm ấy, một ngày trong tháng 2 năm 1995. Frank là thiếu niên 14 tuổi, người Pháp. Gia đình cậu sống tại làng Masseuil, nơi có con sông Auxances chảy qua, trong vùng Vienne, miền Trung nước Pháp.

Buổi chiều hôm ấy, Frank đi bộ ra bờ sông, định lấy xuồng dạo chơi một vòng trên sông. Khi đến nơi, cậu hơi ngạc nhiên vì thấy chiếc xuồng đầy nước. Đang loay hoay tìm cách lật xuồng đổ nước ra ngoài, Frank bỗng nghe tiếng kêu thất thanh của mấy đứa trẻ. Ngước mắt nhìn lên, cậu thấy hai bé trai vừa vẫy tay cầu cứu vừa gào to. Không kịp xỏ giày, Frank phóng nhanh về phía hai đứa trẻ. Đến nơi cậu thấy một bé gái đang bị dòng nước cuốn đi. Chiếc áo mưa cô bé mang, đang thấm nước và chỉ trong vòng vài phút nữa, cô bé sẽ bị chết chìm. Frank bơi rất thạo, nhưng cậu biết rõ vào thời kỳ này, các dòng nước chảy rất mạnh và nước thì. . lạnh ngắt!

Tuy nhiên, Frank không chần chừ một giây. Cậu thấy ngay mình phải ra tay cứu giúp. Cậu ngửa mặt hít một hơi dài rồi lao nhanh xuống sông. Nước lạnh như cắt da. Cậu có cảm tưởng như lướt trên mặt nước đá. Một thoáng tuyệt vọng xâm chiếm tâm hồn, nhưng Frank cương quyết thắng vượt. Chẳng mấy chốc, cậu bơi đến gần thân xác bất động của cô bé. Vừa bơi, Frank vừa dùng hai tay và đầu đẩy cô bé. Một cố gắng tột bực đã giúp Frank thành công trong việc đưa cô bé vào bờ.

May mắn thay vào chính lúc đó, một người đàn ông đi dạo qua đây, ông đỡ lấy cô bé và lật úp cô bé xuống, để cô bé mửa hết nước ra. Vài phút sau, cô bé hồi tỉnh lại. Đó là bé Ombeline, 3 tuổi.

Đối với bé Ombeline, tai nạn xảy ra chỉ là một kỷ niệm mơ hồ. Trong khi đó, cha mẹ bé và toàn dân làng hết lòng ghi ơn và nhiệt liệt ca ngợi lòng can đảm của Frank Maurice. Trước mọi lời cám ơn và khen tặng, Frank chỉ đơn sơ và khiêm tốn đáp:

- Cháu rất hài lòng vì đã cứu sống bé Ombeline. Một người khác ở vào hoàn cảnh cháu, chắc chắn sẽ làm y như cháu đã làm!

Trên đây là khuôn mặt can đảm của cậu thiếu niên 14 tuổi, Frank Maurice.

Tấm gương thứ hai là ông Michel Drucker, xướng ngôn viên đài truyền thanh và truyền hình Pháp. Ông rất được khán thính giả hâm mộ và khen thưởng. Nhưng trước khi vào nghề và thành công trong nghề, ông Drucker bắt đầu sự nghiệp với chức vụ huấn luyện viên trại hè nơi vùng Vendée, miền Trung Tây nước Pháp. Chính ông Michel Drucker hồi tưởng kinh nghiệm ban đầu.

Trong gia đình tôi, ai ai cũng nói đến nghề bác sĩ, kỹ sư hoặc triết gia. Thân phụ tôi làm y sĩ trong làng. Ông cụ nuôi mộng thật lớn cho ba đứa con trai. Nhưng tôi chỉ thích rong chơi chạy nhảy sau các giờ học. Tôi biết rõ mình không có khiếu học và phải tự lực cánh sinh.

Năm 17 tuổi, tôi ghi tên làm huấn luyện viên trong một trại hè, chịu trách nhiệm trên 25 thiếu niên tuổi từ 13-14. Điều đáng nói: đây không phải là những thiếu niên con nhà lành, nhưng là những đứa trẻ cứng đầu, mất dạy, xuất thân từ những gia đình nghèo, sống nơi ngoại ô thủ đô Paris.

Ban đầu, nguyên ý nghĩ phải đưa 25 trẻ này đi tắm biển cũng đủ làm tôi rùng mình ớn lạnh. Tôi không được rời mắt theo dõi chúng, dù chỉ trong một giây! Chiều đến, nơi phòng ngủ, tôi phải lục soát tất cả túi quần áo chúng và sáng hôm sau, phải giao nộp cảnh sát tất cả những gì chúng đã ăn cắp. Vừa trình vừa xin lỗi cảnh sát, quả là việc làm khổ sở đối với một thiếu niên 17 tuổi!

Tuy nhiên, ngày qua ngày, tôi bắt đầu hiểu chúng và giữa chúng tôi, nảy sinh mối tình huynh đệ sâu đậm. Xét cho cùng, chúng là những đứa trẻ rất nhạy cảm. Sỡ dĩ chúng cứng đầu mất dạy chỉ vì chúng thiếu tình thương và không người hướng dẫn. Cha mẹ chúng thường bỏ rơi chúng lang thang đầu đường cuối phố. . Sau ba tuần lễ của trại hè, tôi đương nhiên trở thành người bạn thân nhất của chúng. Và khi giờ chia tay đến, đúng là cảnh ruột đau thịt nát trăm chiều!

Kinh nghiệm đầu đời sống với những thiếu niên kém may mắn để lại nơi tôi một bài học vô cùng quý giá. Chúng dạy tôi biết rằng:

- Để thành công trong cuộc đời, cần phải có ý chí, lòng can đảm và nhất là Đức Tin. Tin vào Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Chuộc và là Người Bạn Duy Nhất của tuổi trẻ.

... ”Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời THIÊN CHÚA dạy. Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa. Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung. Lạy Chúa, con dâng lời ca tụng, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con. Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại, các quyết định miệng Ngài phán ra. Tuân theo thánh chỉ Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể. Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền, đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa. Con vui thú với thánh chỉ Ngài chẳng quên lời Ngài phán” (Thánh Vịnh 119,9-16).

(”Reader's Digest Sélection”, 7/1995, trang 75-76 + 8/1995 trang 42-43)
 
Trên sân cỏ Euro 2008 ( 4)
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
12:33 27/06/2008

Trên sân cỏ Euro 2008 ( 4)



Khi một đội banh tiến ra sân cỏ thi đấu, người ta không chỉ chú ý đến tên tuổi cùng trình độ chuyên nghiệp chơi banh của các Cầu thủ, nhưng còn chú ý nhiều hơn nữa tới Huấn luyện viên, người tập luyện dìu dắt đội banh.

Triết lý chơi thi đấu chuyền banh, kỹ thuật nhồi banh, đội hình cùng cung cách dàn chạy lên xuống trên sân cỏ của các cầu thủ phản ảnh lại những gì Huấn luyện viên đã vạch vẽ ra cho họ lúc luyện tập trước đó. Huấn luyện viên là bộ óc điều khiển đội banh.

Có thể nói, chiến thắng của đội banh trên sân cỏ cũng là chiến thắng của Huấn luyện viên. Ông cũng nhận được nhiều lời chúc mừng, ca ngợi vui mừng reo hò cùng cám ơn, như vị anh hùng.

Thất bại thua trận của một đội banh cũng ảnh hưởng rất mạnh đến tương lai nghề nghiệp huấn luyện của ông. Vì thế sau những trận thua liên tiếp, Huấn luyện viên một là tự ý từ chức hai là bị ban lãnh đạo đội banh sa thải. Ông là mũi nhọn của nhiều lời phê bình chỉ trích.

Có điều gì tương đồng giữa Huấn luyện viên banh đá với Huấn luyện viên trong đời sống đức tin đạo giáo không?

Không dám, cùng càng không được phép đơn giản thu tóm đời sống đức tin lại như một đội đá banh. Nhưng trong đời sống Giáo Hội, những vị chủ chăn hướng dẫn tinh thần đức tin đạo giáo đâu có khác gì là những Huấn luyện viên về đức tin!

Xin được phép ngược dòng lịch sử Giáo Hội tìm về cội nguồn cách đây hơn hai nghìn năm. Chúa Giêsu khi đi rao giảng về nước Thiên Chúa đã kêu gọi chọn 12 Tông đồ làm cột trụ nền tảng cho Giáo Hội Công giáo. Ngài đặt Thánh Phero đứng đầu làm thủ quân đoàn Môn đệ 12 người. Nhưng sau cùng đội (banh) Môn đệ còn lại 11 người.

Đoàn đội 11 người này là khởi đầu cho Giáo Hội của Chúa từ khi Chúa về trời trên sân cỏ đời sống ở trần gian: “ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Cv 1,8).

Chưa xong, lệnh truyền của Chúa làm sao trải rộng sân cỏ đời sống đức tin tới mọi biên cương trái đất. Vì thế cần nhà huấn luyện hăng say dấn thân cho việc này. Và Chúa đã tìm ra cùng kêu gọi Thánh Phaolô vào vị thế này.

1- Trong việc tuyển lựa chọn huấn luyện viên cho đội banh, nhiều khi ban lãnh đạo đi thuê chọn một huấn luyện viên, lẽ dĩ nhiên yếu tố khả năng là ưu tiên hàng đầu, không chỉ xa lạ mà có khi còn có ý kiến khác mới lạ với ban lãnh đạo nữa.

Trường hợp Thánh Phaolô tương tự như vậy. Ông Phaolô không được huấn luyện trực tiếp với Chúa Giêsu như Phêrô. Nhưng ông được huấn luyện trong một khung cảnh môi trường trí thức sách vở, có một nền học vấn uyên bác ở ngưỡng cửa đại học thời đó. Ông được huấn luyện về cung cách tìm tòi, đối chất biện bác và viết lách.

Ông là đối thủ với Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô thuở Hội Thánh còn sơ khai. „ Còn Saolo thì cứ phá Hội Thánh: ông đến từng nhà lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.“ ( Cv 8,3).

Nhưng „ thế gian bỗng tự nhiên ra khác“, Chúa Giêsu đã hoán cải ông ngay trên đường đi tìm lùng diệt phá Hội Thánh Chúa, và dùng ông làm Huấn luyện viên cho việc rao giảng nước Chúa trong Hội thánh: „ Mọi người nghe ông giảng đều kinh ngạc và nói: Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao?...Nhưng Phaolô càng thêm vững mạnh và ông làm cho người Do Thái ở Damaskus phải bẽ mặt, khi chứng minh rằng Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia.“ ( Cv 9,21-22).

Yếu tố phản chứng đối nghịch không cản trở việc huấn luyện. Trái lại nhiều khi lại tốt, giúp huấn luyện viên phát triển sáng kiến mới và nhiệt thành hăng say dấn thân hơn!

2- Khi được hỏi làm sao để thi đấu thắng trận. Huấn luyện viên thường nói: Trái banh trên sân cỏ lúc nào cũng tròn. Các cầu thủ phải tập, tập và tập luyện luôn luôn, cùng tuân giữ kỷ luật!

Huấn luyện viên Phaolô dùng hình ảnh trong thể thao, làm phương pháp thao luyện tinh thần niềm tin, như „ Người tham dự điền kinh cũng vậy, không đoạt gỉai nếu không thi đấu theo luật lệ“ ( 2 Tm 2,5).

Lời hướng dẫn minh bạch rõ ràng!

3- Trên sân cỏ thi đấu, khi thấy đội hình cầu thủ có vẻ như rời rạc, huấn luyện viên ở mép sân thường la hét ra dấu chỉ tay thúc dục các cầu thủ đội mình chạy tiến lên tấn công, hay chạy vòng ngược trở lại phòng thủ giữ nhà...

Huấn luyện viên Phaolô cổ vũ tinh thần người tín hữu Chúa Kitô như sau: „ Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt gỉai. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng.“ (1 cor 9,24)

Lời chỉ bảo cổ võ khuyến khích, nhưng cũng là lời cảnh cáo thúc dục!

4- Các huấn luyện viên thường khuyến khích các cầu thủ đội mình chơi thi đấu tận lực, nhưng với tinh thần thế thao có kỹ thuật cùng có văn hóa nghệ thuật cao đẹp.

Huấn luyện viên Phaolô khuyên nhủ học trò mình: „ Anh Timotheo, đó là chỉ thị tôi trao cho anh là người con của tôi, chiếu theo các lời ngôn sứ trước đây đã nói về anh, để anh dựa vào đó mà chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, với đức tin và lương tâm ngay thẳng.“ (1 Tm 1,18-19).

Fair play trên sân cỏ cuộc thi đấu bóng đá, và fair play trên sân cỏ cuộc đời!

5- Tinh thần đồng đội cùng nhau thi đấu, giúp nhau chuyền banh phá lưới khung thành đối thủ là yếu tố giúp đưa đến thành công. Trước trận thi đấu huấn luyện viên thường nói những lời khuyến khích tinh thần cầu thủ cùng chung vai sát cánh chơi thi đấu.

Huấn luyện viên Phaolô đưa ra chỉ dẫn trong nếp sống đạo đức: „ Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.“ ( 1 Cr 13,13).

Tình yêu Thiên Chúa và con người giữa con người với nhau là điểm cao qúy trong cuộc sống chung!

6- Là người hướng dẫn dìu dắt các cầu thủ cả về mặt tinh thần. Nên Huấn luyện viên không chỉ chú ý đến phần kỹ thuật nhồi chuyền banh, đến thể lực dẻo dai của cầu thủ. Nhưng còn cả phong cách sống cư xử của cầu thủ với nhau trong đội banh, với Trọng tài trên sân banh, với các cầu thủ của đội banh bạn cùng với khán gỉa nữa: dành chiến thắng, nhưng chơi thi đấu với tinh thần ngay thẳng cùng lịch sự, kính trọng nhau.

Huấn luyện viên Phaolô vạch ra lối sống giữa nhau: „Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo!“ (Col. 3, 12-14).

Mens sana in copore sano - Tinh thần lành mạnh trong thân xác khỏe mạnh! Một lối huấn luyện hài hòa trong ngoài, tinh thần lẫn thể xác, củng cố lối sống đức tin, cùng cung cách sống tình người!

7-Trong suốt trận thi đấu trên sân cỏ, Huấn luyện viên đứng ngồi không yên theo dõi diễn biến xảy ra. Khi thấy cầu thủ nào của đội mình phạm lỗi kỷ luật bị phạt cảnh cáo, hay bị thương nơi thân thể, hay có vẻ như mệt nhọc đuối sức uể oải, ông hồi hộp lo lắng tìm cách cho chữa chạy an ủi nhắc bảo, nếu cần thiết cho cầu thủ khác vào sân thay thế.

Huấn luyện viên Phaolo đưa ra những lời thân tình nhắc bảo, cảnh cáo học trò mình về tinh thần cùng cung cách sống trung thành vơi Ơn kêu gọi: “ Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.

Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.9

Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su,nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện. Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.11 Thiên Chúa đã đặt tôi làm người rao giảng Tin Mừng đó, làm tông đồ và thầy dạy.

Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó.

Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy.Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta. “ ( 2 Timotheo,6-14).

Lời khuyên nhủ sống theo kỷ luật thật chính xác cùng đậm nét thân tình đầy lòng xác tín của một Thầy dậy - Huấn luyện viên - Phaolô cho học trò Timotheo của mình!

*****************************

Ngay từ thuở đầu đời và rồi trong suốt dọc đời sống, cha mẹ là Huấn luyện viên của con cái mình. Con cháu cần được huấn luyện chỉ bảo” học ăn, học nói, học gói, học mở” trong đời sống.

Con cái cần được huấn luyện biết hướng lên trời cao, biết sống tự lập, biết sống vươn lên, biết sống chung trong cộng đồng xã hội. Đời sống trong gia đình thấm nhuần cung cách huấn luyện chỉ dẫn của cha mẹ cho con cái mình là một trường giáo dục đào tạo rất tốt cho họ hôm nay và ngày mai.

Đời sống đức tin người tín hữu Chúa Giêsu Kitô trong lòng Giáo Hội cũng cần những chỉ dẫn nhắc bảo cùng cổ võ khuyến khích. Giáo Hội là Thầy dậy, là nhà Huấn luyện được Chúa tuyển chọn làm công việc huấn luyện này.

Kỷ niệm năm Thánh Phaolo 29.06.2008
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:16 27/06/2008
HOÀNG TỬ MÀU SẮC

N2T


Thời cổ đại, có một hoàng tử anh tuấn trú ngụ trong rừng sâu, trên thân thể của anh ta có đủ màu sắc đẹp nhất và rực rỡ nhất của thế giới: tóc màu vàng kim, mắt màu bích ngọc xanh, do đó mà mọi người gọi anh ta là “hoàng tử màu sắc”.

Một hôm, hoàng tử màu sắc đi bộ trên cỏ bên bờ hồ, đột nhiên nghe tiếng khóc. “Ai khóc vậy kìa ?” hoàng tử màu sắc tự hỏi.

- “Là em !” hoàng tử màu sắc tìm theo tiếng nói, hóa ra là hoa hồng, nó cô đơn ẩn trong đám cỏ sum sê che khuất mặt nó, nó đang khóc rất thương tâm.

Hoàng tử màu sắc cúi đầu xuống hỏi: “Hoa hồng, em làm sao vậy ?”

- “Màu sắc của em thật khó coi, mọi người đều không thích em,” nói xong thì lại khóc hu hu.

Hoàng tử màu sắc lương thiện làm sao có thể nhẫn tâm nhìn thấy hoa hồng buồn như thế được chứ ? Thế là hoàng tử đem màu đỏ rực rỡ tặng cho hoa hồng, cánh của hoa hồng lúc ấy biến thành kiều diễm. Cứ như thế, hoàng tử màu sắc đem màu trắng tặng cho bách hợp, đem màu hồng tặng cho hoa hương thơm. Các loại hoa được tặng màu sắc tô điểm cho đám cỏ rất là đẹp, chúng nó ngước mặt cười tươi, cùng nhau lên tiếng cảm kích hoàng tử màu sắc: “Cám ơn anh, hoàng tử màu sắc.”

Hoàng tử màu sắc rất phấn khởi, nhưng anh ta lại mất tất cả các màu sắc, hoàng tử màu sắc rất mệt, anh ta quyết định trở về nhà ngủ một giấc cho lại sức.

Mùa đông qua đi cách chậm chạp, khi hoàng tử màu sắc tỉnh dậy, thì anh ta đã biến thành cây Hà thủ ô. Theo như người ta nói, con người ta chỉ cần lấy thân rễ của nó sắc thành thuốc mà uống, thì tóc sẽ biến thành vừa đen vừa sáng.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Hoàng tử màu sắc với tấm lòng thiện lương, đã đem màu sắc đẹp rực rỡ của mình tặng cho các bông hoa vô điều kiện, nhưng hoàng tử vì đó mà mất tất cả màu sắc đẹp rực rỡ của mình, nhưng lại biến thành Hà thủ ô rất có lợi cho mọi người, anh ta dùng tấm lòng yêu thương để biến đổi thế giới của chúng ta thêm nhiều màu sắc sặc sỡ.

Chỉ có yêu thương chân thành mới có thể làm hoán cải lòng người; chỉ có tình yêu thương thật mới có thể làm cho hận thù tiêu tan và hàn gắn lại những gì đã đổ vỡ do hận thù gây nên.

Các em hãy học nơi Chúa Giê-su lòng yêu thương, bởi vì nếu Chúa Giê-su không yêu thương nhân loại thì chúng ta sẽ sống trong vô vọng dưới ách thống trị của ma quỷ; nếu Chúa Giê-su không yêu thương nhân loại, thì chúng ta sẽ không có cơ hội làm lại cuộc đời khi lỡ phạm tội...

Hoàng tử màu sắc đã vì yêu thương nên đem tất cả màu sắc đẹp rực rỡ của mình tặng cho những ai cần đến, cuối cùng chính hoàng tử màu sắc lại không có màu sắc gì cả, nhưng bù lại, hoàng tử màu sắc đã biến thành cây Hà thủ ô rất có ích cho mọi người.

Các em thực hành:

- Khi giúp được cho người khác thì cứ giúp mà không so đo tính toán.

- Tập chia sẻ với các bạn những gì mà mình yêu thích.

- Trở nên người của các bạn khi học hành, khi vui chơi...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:18 27/06/2008
CHỦ NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 10, 37-42.

“Ai không vác thập giá, thì không xứng với Thầy. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy.”


Bạn thân mến,

Điều kiện mà Chúa Giê-su đưa ra để chúng ta dành được Nước Trời, đó là phải từ bỏ mình và đón tiếp anh em, hai điều kiện nghe ra rất dễ dàng thực hiện, nhưng thực ra quả là khó khăn cho những ai không hết lòng yêu mến Thiên Chúa.

Từ bỏ là quăng đi, là để lại, là không cần và cũng không đem theo bên mình để nhẹ nhàng đi đến một nơi khác làm việc. Những thứ mà chúng ta có thể bỏ lại là áo quần cũ, là chiếc xe đạp cũ, là cơm thừa canh cặn, là những người bạn không thân, và có khi –bất đắc dĩ- phải bỏ lại một vài thứ đồ dùng mà chúng ta thích. Tất cả những thứ mà chúng ta từ bỏ không “thương tiếc” ấy, thì chúng ta sẽ sắm lại khi đến nơi làm việc mới, và có khi sắm lại nhiều hơn nữa.

Chúa Giê-su nhấn mạnh là chỉ có ai từ bỏ mình thật sự mới xứng đáng là bạn thân thiết của Ngài. Từ bỏ thật sự như Ngài đã từ bỏ ngai trời vinh hiển để chọn hang lừa máng cỏ làm nơi sinh ra; từ bỏ như Ngài đã từ bỏ vinh quang Thiên Chúa để mặc lấy thân phận tôi đòi trở nên giống phàm nhân và sống như người trần thế (Pl 2, 6-7), tức là Ngài đã hủy mình ra không.

Chúa Giê-su mời gọi chúng ta từ bỏ mình chính là từ bỏ cái tôi của chúng ta, cái tôi của bạn thường làm cho bạn cảm thấy mình cần phải được kẻ khác tôn trọng, cần phải ăn trên ngồi trước, cần phải chỉ huy người khác.v.v...bằng không thì tâm hồn bạn lo buồn khó chịu và bực tức khi người khác coi bạn như những người khác.

Bạn thân mến,

Ai không từ bỏ mình thì cũng không sẵn lòng tiếp đón anh chị em, bởi vì khi bạn và tôi từ bỏ mình là lúc mà tâm hồn chúng ta trống rỗng, rộng rãi, vị tha để dư sức tiếp nhận tha nhân vào trong tâm hồn của mình; bởi vì khi từ bỏ cái tôi của mình, thì bạn và tôi sẽ vui vẻ tiếp đón anh chị em vô điều kiện, đó chính là điều mà Chúa Giê-su muốn chúng ta phải thực hiện để xứng đáng làm môn đệ của Ngài.

Từ bỏ mình là phải từ bỏ liên lĩ trong cuộc sống của bạn và tôi, không phải từ bỏ cái mình không yêu không thích, nhưng từ bỏ cái mà mình thích mình yêu để đón tiếp người anh em mà mình không thích không yêu, đó chính là bí quyết để trở nên môn đệ của Chúa Giê-su vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

--------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ thánh Phê-rô và Phao-lô Tông đồ
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 27/06/2008
LỄ KÍNH HAI THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ

TÔNG ĐỒ


Tin mừng: Mt 16, 13-19.

“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.”

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, không nói thì bạn cũng biết các ngài là người như thế nào trong Giáo Hội của Chúa Giê-su, thánh Phê-rô được Chúa Giê-su Ki-tô chọn làm thủ lãnh của Giáo Hội và trao quyền đóng và mở cửa Nước Trời cho ngài; thánh Phao-lô là người nhiệt thành vì tôn giáo và niềm tin của mình, và vì ưu điểm ấy mà Chúa Giê-su đã chọn ngài làm tông đồ và sai đi loan báo tin mừng Nước Trời cho dân ngoại.

Tinh thần của thánh Phê-rô là chân thành, thẳng thắn, bộc trực dám nói dám làm, đó chính là mẫu gương của người làm tông đồ rao truyền Lời Chúa cho mọi người. Bạn và tôi chắc chắn cũng có những đức tính như thánh Phê-rô vậy, nhưng chúng ta chưa có tinh thần khiêm tốn như ngài, bởi vì có những lúc bạn và tôi rất chân thành nói lời yêu thương nhưng vẫn còn tính toán lợi hại; có những lần bạn và tôi thẳng thắn nói lên khuyết điểm và việc làm sai trái của người khác, nhưng lời thẳng thắn bộc trực ấy đầy sự là kiêu ngạo dạy đời thiên hạ, và làm cho người khác cảm thấy bực tức hơn là sửa đổi lỗi lầm.

Tinh thần của thánh Phao-lô là can đảm, nhiệt thành và xác tín vào niềm tin của mình, nếu không có những ưu điểm như thế, thì Chúa Giê-su –có lẽ- không chọn ngài làm tông đồ, và cũng không sai ngài đến với dân ngoại là chúng ta.

Lòng nhiệt thành và xác tín vào niềm tin của mình, đã làm cho thánh Phao-lô nhiệt thành bắt đạo, và cũng lòng nhiệt thành ấy mà sau khi nhận biết Chúa Giê-su là Đấng đã vì mình mà chịu chết trên thập giá, thì ngài đã không ngần ngại chuyển lòng nhiệt thành, xác tín này qua cho việc rao giảng Phúc Âm cho những người không phải là Do Thái, là dân ngoại chưa nhận biết Thiên Chúa là Cha của mọi loài.

Bạn thân mến,

Cả hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đều có một điểm giống nhau, đó là rất yêu mến Chúa Giê-su và hăng say làm chứng cho Ngài, các ngài đã đem chính mạng sống của mình ra để làm chứng.

Bạn và tôi đều là những hoa quả được sinh ra bởi lời rao giảng của các ngài, và như thế, chúng ta cũng đều có bổn phận đem Lời Chúa đến cho mọi người bằng chính cuộc sống của chúng ta. Muốn được như thế, bạn và tôi hãy đem tinh thần bảo tồn chân lý Ki-tô giáo của thánh Phê-rô, và tinh thần truyền giáo của thánh Phao-lô đặt vào trong tim trong óc của mình, để khi rao giảng Lời Chúa cho tha nhân, thì chúng ta không làm mất đi tính truyền thống tông truyền của Giáo Hội.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:21 27/06/2008
N2T


32. Người không suy niệm mà muốn hoàn thành tu đức của mình, đều là mơ mộng hão huyền.

(Thánh Alphonsus Liguori)
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
19:58 27/06/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (41)

411. Con người của Phêrô

Tên Ximong. Con của ông Giona. Chủ một chiếc đò. Làm nghề chài lưới.
Chúa Giêsu kêu gọi Phêrô và Phêrô bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ gia đình để theo Chúa.
Chúa Giêsu đến nhà Phêrô và chữa bà gia ông lành bệnh. Ngài sống trong nhà ông Phêrô một thời gian để làm việc. Ngài cho ông một tên mới, gọi là “Đá” vì con người cứng rắn của ông.

Phêrô có tư cách thủ lĩnh: ông điều khiển được Nhóm Mười Hai.
Phêrô có tính tình thẳng thắn, bộc trực. Ông thường nói toạc ra trước khi suy nghĩ: “Con không bỏ Thầy đâu?”….
Khi mọi người im lặng, sợ sệt, Phêrô cả gan nói lớn: “Lạy Thầy, con sẽ đi với ai vì Thầy là Đấng có lời hằng sống.”
Chúa Giêsu yêu đặc biệt Phêrô vì thấy Phêrô có nhiều tư cách đáng phục: đưa lên Núi Tabôrê, đưa vào Vườn Giếtsêmani.

412. Phêrô, trước: hoảng sợ chối Thầy Giêsu!

Nhưng cuối cùng vì hoảng sợ, Phêrô đã phản bội Thầy Giêsu một cách phủ phàng: chối Thầy đến ba lần liên tiếp, chối phăng phắc, chối không chút ngập ngừng, chối không chút do dự.
Và khi gà gáy, liếc nhìn của Thầy Giêsu đầy buồn bã đã rơi đúng trên khuôn mặt sợ sệt của Phêrô.

413. Phêrô, sau: yêu Chúa Giêsu không ai bằng!

Khi gà sắp gáy lần thứ ba, liếc nhìn của Chúa Giêsu đầy yêu thương tha thứ, - nhưng cũng rất buồn - rơi đúng trên khuôn mặt đầy sợ sệt của Phêrô, và lạ lùng thay, Phêrô bắt được luồng sóng tình yêu của Thầy và tin chăc rằng Thầy không bao giờ loại bỏ mình, nên Phêrô đáp lại, không phải bằng sự tuyệt vọng của Giuđa, nhưng bằng một lòng hy vọng lớn lao. Phêrô tin rằng Thầy đã hoàn toàn tha thứ cho mình.

Thế rồi một bóng người ra đi loạng choạng giữa đêm khuya vắng, vừa thất thểu, vừc mếu máo, đấm ngực ăn năn khóc lóc thảm thiết, đến đến đỗi từ đó, cho đến cuối đời, giọt lệ thống hối làm cho đôi má Phêrô phải mòn đi thấy rõ.

Khi sống lại, hai Thầy trò gặp nhau. Chúa Giêsu thấy Phêrô quả thật là một con người mới mẻ, có tình yêu khiêm tốn nhưng sâu đậm. Chúa Giêsu không ngầ ngại cử Phêrô chính thức làm vị chủ tịch tôi cao của Giáo Hội. Và vị Giáo Hoàng đầu tiên nầy đã không phụ lòng mong mỏi của Thầy mình.

Phêrô hăng hái ra đi khắp nơi, chinh phục các linh hồn cho Chúa Giêsu. Bị tù đày, vẫn vui mừng; bị đánh đập, vẫn hân hoan; luôn bình tĩnh, chịu đựng, can đảm, không còn sợ sệt nữa. Và tù ra khám, bị đánh bị đuổi, Phêrô vẫn một mực cương quyết điều khiển Giáo Hội sơ khai một cách tận tụy.

Đến tận Rôma, dưới thời bạo chúa Nêrông, trong lúc Đạo của Thầy mình bị bắt bớ ghê rợn, Phêrô tìm đủ cách để rao giảng Tin Mừng, lén lút sống trong các hang Toại Đạo với các bổn đạo, nâng đỡ đức tin của đoàn chiên mẹ, chiên con.

Phêrô vui lòng để cho quân nghịch đạo bắt, sau khi biết rõ ý Chúa là phải hy sinh mạng sống cho Giáo Hội.
Phêrô bị bắt và bị giam trong ngục sâu, 9 tháng ròng rã, đói, khát, lạnh lẽo, cô đơn, nhưng vẫn vui lòng chịu đựng vì yêu Thầy.

Khi bị lôi ra khỏi ngục để bị đóng đinh như Thầy, Phêrô khiêm nhượng xin cho được đóng đinh ngược, để kính trọng Thầy Giêsu của mình. Như vậy, trước khi chết, Phêrô vẫn còn khiêm nhượng cho mình không xứng đáng đóng đinh trên thập giá trong tư thế như Thầy của mình.

Chúa Giêsu đã đặt tất cả vận mạng của Giáo Hội Ngài lập, vào tay Phêrô.
Con người hèn yếu, hèn nhát và bất toàn nầy, tên là Phêrô, vẫn được Chúa Giêsu dùng để làm nên một vị thánh, vị Giáo Hoàng tiên khởi, cột trụ của Giáo Hội.
Và Giáo Hội Công giáo luôn hiên ngang về Vị Giáo Hoàng đầu tiên nầy của mình.

414. Phaolô, trước: ghét Chúa Giêsu hết sức thậm tệ

Phaolô, truớc, có tên là Saolê. Lúc còn ăn học tại Giêrusalem, Saolê rất gắn bó với Đạo Do Thái, vì thế, khi biết được có những kẻ cả gan đứng lên rao giảng đạo của một người đã chết tên là Giêsu, ông liền nổi cơn tức giận đến cực điểm và quyết tiêu diệt cho kỳ được những kẻ theo đạo mới nầy.

Phaolô tìm cách tiêu diệt đến 3 lần những kẻ theo Chúa Giêsu.

Lần thứ nhất: Để thủ tiêu thánh Stêphanô là một kẻ trung thành theo Chúa Giêsu, Saolê đã xúi giục dân chúng ném đá thánh Stêphanô cho đến chết. Chính Saolô sốt sắng giữ áo cho bọn ném đá nầy, để tay họ được thảnh thơi mà ném cho mạnh.

Lần thứ hai: Giết được thánh Stêphanô, Saolô chưa hả giận. Như chó sói hung dữ đi tìm mồi, Saoô tình nguyện dẫn đầu quânđội pháp đình Do hái, đi lục soát các gia đình ở Giêrusalem, xem có ai theo ông Giêsu thì bắt đem về, hành hạ, tra tấn và gết chết.

Lần thứ ba: Bắt bớ và tiêu diệt các bổn đạo ở Giêrusalem, Saolô chưa thoả lòng, nên còn muốn đi bắt xa hơn nữa. Ông xung phong đem quân lính đi đến thành Đamas, thủ đô nước Syria, cách Giêrusalen 250 cây số, để vây bắt, tra tấn, hành hạ và giết chết những ai theo ông Giêsu ở đó.

415. Phaolô, sau: yêu Chúa Giêsu không ai bằng!

Đang khi đi bắt Đạo lần thứ ba, Phaolô, lúc đó đang còn mang tên Saolê, đã được Chúa Giêsu làm cho trở lại một cách lạ lùng.

Chúng ta hãy nghe chính thánh Phaolô krể lại biến cố lạ lùng nầy: "Đang khi tôi đi đường và đến gần Đamát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: "Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai?". Người nói với tôi: "Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ." (Cv 22, 6-8)

Saolê đi bắt Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu phục kích bắt lại Saolê, và Saolê đầu hang Chúa Giêsu.
Saolê rút lui vào sa mạc ba năm để ăn năn để ăn ăn, cầu nguyện và dọn mình làm tôi Chúa. Sau đó, Saolê đổi tên thành Phaolô, đi giảng đạo trong 30 năm.
Phaolô yêu mến Chúa Giêsu đến nỗi ngài nói: không phải tôi sống
Phaolô thách đố ai có thể tách ngài ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô được: gian trân, khổ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gơm giáo. "Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình Chúa Giêsu yêu tôi được!" (x.Rô 8,35).

Trong ba mươi năm đi loan báo Tin Mừng, Phaolô đi đây đi đó được hai vạn cây số: bị đánh đòn năm lần, bị tra tấn a lần, bị ném đá một lần, bị đắm tàu ba lần, bị trôi chơi vơi giữa biển một ngày một đêm, bị đói, bị khát, bị mình trần, nếm đủ mọi nguy hiểm do sông ngòi, do trộm cướp, do người đồng hương, do người dân ngoại, do những anh em giả, nguy hiểm nơi thành thị, trên rừng vắng, trên biển cả. Và cuối cùng, được đổ máu ra, để làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng mà trước đây, ngài ghét thậm tệ, nhưng sau đó, lại yêu Ngài không ai bằng!

416. Giáo Hội Công giáo luôn tươi trẻ, luôn mới mẽ

Giáo Hội Công giáo, mà trong quá khứ cũng như trong hiện tại, thường bị bắt bớ, bị xâu xé, nhiều phen xem ra sắp ngã xuống bờ diệt vong, nhưng vẫn luôn vững đứng, vì cũng như Thầy Giêsu của mình, Giáo Hội Công giáo luôn tái sinh, luôn phục sinh, luôn mới mẻ.

Có thể có kẻ cho Giáo Hội Công giáo là già nua, là lỗi thời. Đối với họ, Giáo Hội Công giáo là một tổ chức tuy đáng kính, nhưng điều nầy đã thuộc về quá khứ, đã thuộc về đời trước, vì hiện nay, Giáo Hội Công giáo không còn hợp thời nữa, vì hiện nay, Giáo Hội Công giáo đã hết thời rồi: nhiều người bỏ Giáo-Hội Công giáo mà đi, ít người còn theo Giáo Hội Công giáo nữa. ...

Những kẻ chủ trương như vậy là lầm vì Giáo-Hội Công giáo vẫn luôn tươi trẻ, vẫn luôn mới mẻ, vẫn luôn có mặt khắp nơi, vẫn luôn hăng say hoạt động khắp chốn, vẫn thu hút nhiều kẻ trở lại đó đây, đây đó.

Có thể có kẻ cho Giáo Hội Công giáo là một tổ chức mà thế nào thời gian cũng làm cho ra úa tàn, kiệt quệ và tiêu tan. Họ giống như những Napôlêôn, những Vônte,. ...Nhưng họ đã thất vọng! Vì càng đi sâu vào thời gian, kẻ khác thì tan, tổ chức khác thì tàn, còn Giáo Hội Công giáo thì bất chấp sức tiêu diệt của thời gian, càng lâu trong thời gian, càng trẻ thêm trong thời gian; càng nhiều trong thời gian, càng rực rỡ thêm mãi trong thời gian.

Thời gian không làm cho Giáo-Hội Công giáo trở nên già cỗi, héo khô; trái lại, với thời gian, Giáo Hội Công giáo càng sinh động, càng lột xác, càng có nhiều Công Đồng như Công Đồng Vatican Hai để làm cho mình luôn ở trong một mùa xuân tươi trẻ. Vì thế, hoàng đế Napôlêôn, sau khi đã ngạo nghễ tuyên bố: "Trẫm sẽ nghiền nát Giáo-Hội”, thì cuối cùng, trước khi chết, cũng đã phải thú nhận: "Trẫm đã xây dựng một nước trên gươm giáo, và nước đó đã sụp đổ. Đức Giêsu đã xây dựng nước Ngài trên tình yêu, và nước đó vẫn còn”. Và nhà văn hào vô thần Vônte vung tay múa ngón ngăm đe Giáo Hội Công giáo: "Ta đã chán nghe câu chuyện 12 tông đồ bành trướng nước ông Kitô. Một mình ta, ta sẽ tiêu diệt Giáo-Hội”. Lúc đó là năm 1758. Vônte nói tiên tri: "Còn 20 năm nữa, Giáo Hội sẽ bị tiêu diệt ”. Và lịch sử đã chứng minh, một cách lạ lùng, lời ông nầy nói: đúng vào năm 1778, là 20 năm sau, Vônte già, yếu, chết, còn Giáo Hội Công giáo vẫn trẻ, mạnh, và sống mãi, sống cho đến bây giờ, và cho đến tận thế.

417. Lấy hy sinh và đau khổ để làm việc tông đồ

Người ta có thể chịu đau khổ như người ngoại giáo, như người bị trầm luân hoả ngục hoặc như một đấng thánh.

Để được chịu đau khổ như Chúa Giêsu, tiên vàn phải tập chịu đau khổ như đấng thánh. Chốc ấy, đau khổ sẽ làm ích cho bản thân chúng ta, rồi mưói đem áp dụng mầu nhiệm đau khổ trên các linh hồn: “Tôi bổ khuyết sự Thương Khó Chúa Giêsu còn thiếu trong xác thịt tôi và vì nhiệm thể của Chúa là Giáo Hội” (Cl 1,24)….

Linh mục Faber nói: “Đau khổ là Bí Tích cao cả hơn hết”. Vị tôn sư nầy đã nhấn mạnh vào sự cần thiết và vinh dự của đau khổ. tất cả cáclý lẽ ngài nêu ra, đều có thể áp dụng vào sự phong phú của hoạt động tông đồ do sựu liên kết mật thiết đau khổ của vị tông đồ với hy sinh của Chúa Cứu Thế trên đồi Gôngôta, nhờ đó, ngài mới được tham gia ơn ích bởi Máu Thánh Chúa (x.Hồn Tông Đồ).

418. Không cần tìm lý do đích thực ở đâu xa!

Tại Hàn Lâm Viện Các Khoa học luân lý và chính trị, các viện sĩ bàn về những nguyên nhân gây ra sự nghèo đói, túng cực.
Mỗi viện sĩ đều có bài tham luận.
Để kết thúc, ông Renouard tóm lại một câu như sau: “Không cần tìm nguyên nhân đích thực ở đâu xa. Nguyên nhân nầy có trong sách giáo lý, nơi chương nói về Bảy Mối Tội Đầu.”

419. Hoàn cảnh tạo chúng ta, hay chúng ta tạo nên hoàn cảnh?

Hai phụ nữ vừa mừng thọ 70, nhưng mỗi người nhìn biến cố nầy một cách khác.
Một bà “biết” rằng đời mình đã xế bóng. Đối với bà, 70 năm sống đã làm tàn tạ cơ thể bà và bà nên nghĩ tới cái chết.
Bà kia thì lại tin rằng con người làm được gì là tuỳ ở niềm tin của mình, và vì thế, bà đã đề ra một lý tưỏng cao hơn cho mình. Bà tin rằng leo núi là một loại thể thao thích hợp ở tuổi của bà.
Suốt 25 năm sau đó, bà đã dấn mình vào cuộc mạo hiểm mới nầy, và bà đã chinh phục được một số đỉnh núi cao nhất thế giới, khi bà ở tuổi 90.
Đây là bà Hulda Crooks.
Hulda Crooks đã trở thành người phụ nữ già nhất thế giới leo tới đỉnh núi Phú Sĩ. (x. Đánh thức con người phi thường trong Bạn)

420. Hoặc làm việc hoặc chết!

Đô đốc Byrd sống 5 tháng trong cô độc, giữa băng tuyết mênh mông của Nam Cực. Xung quanh, không có một sinh vật nào hết. Trời lạnh đến đổi ông thấy hơi thở của ông đóng băng mỗi lần ông thở ra. Trong 5 tháng nầy, tại nam Cực, ngày cũng tối như đêm.

Ông kiếm việc làm để cho tinh thần ông khỏi rối loạn, để ông khỏi phải phát điên.

Ông kể lại trong cuốn nhật ký như sau: “Đêm tới, trước khi tắt đèn, ông tập thói quen vạch rõ công việc hôm sau: một giờ đào hầm ra, nửa giờ san phẳng đống tuyết, một giờ chêm đóng thùng xăng cho được vững, một giờ đục những ngăn chứa sách trong bức tường hầm đựng thức ăn, và hai giờ để thay một cây ngang gãy trong chiếc xe. Nhờ đó, tôi thấy tự chủ được mình. Không thế, thì chuỗi ngày của tôi không có mục đích, mà không có mục đích thì đời tôi chắc đã tàn luôn vậy.”

Thật đúng như lời thơ tự thú của thi sĩ Tennyson: “Tôi phải cặm cụi làm việc, nếu không, thất vọng và chán nản sẽ giết tôi mất.”
 
Đường lên trọn lành
Lm Vũđình Tường
20:37 27/06/2008
Dịp này chúng ta tìm hiểu hầu bắt chước một trong số nhiều nhân đức của thánh Phaolô. Đó là nhân đức tự nhận lỗi.

Sách Tông Đồ Công Vụ chương chín thuật lại việc Phaolô tự nguyện đến gặp các tư tế xin thư giới thiệu đến các hội đường Đamát để nếu gặp những người theo Đức Kitô bất luận phái tính, tuổi tác đều gông cổ giải về Giêrusalem.

Cũng tại nơi đây, nhờ ơn Chúa Phaolô biết mình sai, tự nhận tội đã phạm. Nghe lời ông thú tội mọi người kinh ngạc nói với nhau rằng,

Ông này chẳng phải là người ở Jêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Chúa Jesu sao? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói người giải về cho các thượng tế sao?

Việc làm của Phaolô gây sóng gió, hãi hùng cho nhiều người đến nỗi nghe đến tên ông người ta mường tượng ra thần chết đang kề lưỡi hái sát cổ, chỉ cần nhúc nhích đời đi đong.

Hãy nghe Khanania người Chúa sai đi đến gặp Phaolô đáp lại trong nỗi sợ hãi.

Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả các điều ác người ấy đã làm cho các thánh Chúa tại Jêrusalem. Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu Danh Chúa. Cv 9

Tự thú

Phaolô không đổ thừa, không trách người. Tự trách mình, nhận thiếu sót, sai lầm. Thú tội không phải là việc dễ làm. Tội nhẹ dễ nói. Tội trọng khó hơn và tội giết người càng khó hơn nữa. Hậu quả của thú tội có thể thiệt thân, hại vật chất, mất danh dự hoặc mất tự do vì thế người ta sợ nhận tội. Phaolô không sợ thiệt thân, sống chân thành với lòng mình. Có lỗi ông nhận lỗi không chối, không phải đợi đến khi có người tố cáo mới nhận nhưng tự nhận, tự quy trách nhiệm cho mình.

Nhờ ơn Chúa tác động Phaolô thú tội để nhắc nhở ông đừng bao giờ đi vào con đường xưa. Phaolô thú tội tự nhắc mình tránh xa con đường dẫn đến sự chết. Phaolô đã thành công trong việc tự thú tội để nhắc nhở mình. Có lẽ học từ ông mà Augutinô sau này cũng viết bộ sách tự thú, thuật lại chi tiết mạch lạc những lỗi lầm ông đã phạm. Hiện nay nhiều học giả ca tụng là cuốn sách có giá trị cho linh thao nội tâm.

Bất cứ nơi đâu, có dịp thuận tiện Phaolô luôn thú tội, tự khai trước cộng đoàn về lỗi lầm đã phạm. Ngài không đổ thừa tại người này, tại người kia, tại hoàn cảnh, tại trách nhiệm hay tại không hiểu biết. Phaolô luôn nhận mình sai, có lỗi. Muốn nên thánh phải biết nhận lỗi, tránh đổ thừa. Chỉ khi nào ta nhận lỗi, chân thành tự nguyện nhận sai trái, thiếu sót lúc đó ta mới sống khiêm nhường và ăn năn xin ơn thống hối. Bao lâu còn chối tội, còn chạy tội, bấy lâu còn xa Chúa, còn từ chối ơn Thánh. Thánh nhân rành rẽ tội của mình và mù mờ tội người; chúng ta thì ngược lại.

Chối tội dễ hơn nhận tội. Chối tội luôn sống trong lo âu. Tự thú sống trong bình an vì trút bỏ được gánh nặng. Bao lâu còn chối, tội chưa được công khai hoá, tội còn âm ỉ như nắm than tàn, âm ỉ cháy, lúc bùng to, lúc nhen nhúm trong lòng nên chối tội cuộc sống luôn bất an. Chối tội là tự huỷ, tự làm cho mình mất vui, gây gánh nặng không cần thiết cho đời. Chối tội là thiếu trách nhiệm. Gieo mầm đau khổ mà không nhận hậu quả. Chối tội là tự dối lòng. Dối chính mình sao có thể thành thật với người.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những tiếng nói khác về Ngày Giới Trẻ Thế Giới
Vũ Văn An
03:16 27/06/2008
Những tiếng nói khác về Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Sydney sắp tưng bừng chào đón khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD), dưới sự chủ trì của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Biến cố vĩ đại có một không hai trong lịch sử Giáo Hội Úc và cả đất nước Úc này lẽ dĩ nhiên lôi cuốn sự chú ý của nhiều giới ở đây, trong đó hàng đầu phải kể là báo chí. Các báo chí Đạo thì hiển nhiên chứng tỏ tình hiệp thông bằng cách hết lòng cổ vũ biến cố trọng đại và nhiều ý nghĩa này, đồng thời cung cấp thật nhiều dữ kiện để giúp khách hành hương những ngày tuyệt vời trên mảnh đất vẫn còn xa lạ với thật nhiều bạn trẻ này.

Dù người Công Giáo hiện nay là khối quần chúng đông nhất tại Úc, tỷ lệ của họ vẫn chưa vượt quá 30% dân số nước này, và dư vị của những kình chống trong dĩ vãng giữa Anh giáo và Công giáo chưa hẳn là đã lu mờ hoàn toàn trong ký ức người dân ở đây, mặt khác, theo nhận định của Đức Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Úc, Ambrose B. De Paoli, Úc là nước thế tục hóa chẳng nhất thì cũng nhì. Nên biết “tác phong” của các báo chí “đời” trong việc đưa tin về biến cố này cũng có thể hữu ích để tránh thái độ hãnh tiến, vô tình khuấy động tâm tư những người vẫn quen với thời thượng chống tôn giáo chăng?


1. Tối cao Pháp viện cân nhắc sự hào phóng đối với WYD

Hôm nay, 27 tháng Sáu, tờ Sydney Morning Herald có hai bài nói đến WYD. Bài đầu là của Richard Ackland đăng ở mục ý kiến, có cái tựa dài lê thê như trên. Richard cho hay: năm ngày trước kỳ bầu cử liên bang vừa qua, ông John Howard đã tuyệt vọng lục lọi hầu bao để tìm ra 22 triệu Úc Kim tiền của Liên Bang mà đem tặng Ngày Giới Trẻ Thế Giới, ngày mà Richard gọi là “một cuộc khoa trương dùng để cải đạo và tiếp thị” (proselyting & marketing extravanza) của Giáo Hội Công Giáo.

Rồi anh ta đặt câu hỏi: Liệu khoản chi ấy có vi hiến hay không? Vấn đề sau đó đã được đưa ra trước Tối Cao Pháp Viện. Trước đây nó đã được bàn thảo một hai vòng rồi, nhưng sáng nay, lại được mổ xẻ một lần nữa.

Người đứng đơn khiếu nại chính là Carmelo Vescio, một người Công Giáo đã ngưng không còn thực hành Đạo nữa. Khi nghe được chuyện “vung vãi” tiền bạc hòng mua phiếu của những người Công Giáo do dự, anh này bèn liên lạc với vị tổng trưởng liên hệ ở Canberra, lúc ấy, là Peter McGauran (cựu sinh viên trường Xavier, Melbourne), và đặt câu hỏi: “các ông làm việc này trên căn bản nào?”.

Nhưng anh ta không nhận được câu trả lời nào. Ông Howard và nhân viên của ông cũng không trả lời. Các vị tổng trưởng liên hệ trong chính phủ hiện nay thì chưa trả lời.

Thế là ngày 20 tháng Ba vừa qua, Vescio đệ đơn (writ of summons) lên Tối Cao Pháp Viện tố cáo khoản chi tiêu kia là vi phạm điều 116 Hiến Pháp, là điều qui định rằng: “Liên Bang sẽ không ban hành bất cứ luật lệ nào nhằm thiết lập một tôn giáo, hay đặt để bất cứ thực hành tôn giáo nào, hay ngăn cấm việc thực hành tự do bất cứ tôn giáo nào, và không được đòi hỏi bất cứ một trắc nghiệm tôn giáo nào làm điều kiện cho một chức vụ hay một ủy thác công nào của Liên Bang”.

Ngân qũy dành cho WYD này sẽ được một đạo luật chuẩn chi. Dĩ nhiên, đây không phải là món tiền duy nhất dành cho Đại Hội. Chính Phủ Tiểu Bang New South Wales cũng thực hiện điều Richard gọi là phân phối lãng phí (ladling) 86 triệu Úc Kim nữa, công ty Telstra “đang xì ra” (stumped up) hàng đống tiền bảo trợ, và “nếu bạn nhìn vào cửa tiệm WYD trên liên mạng, bạn sẽ thấy hàng lô hàng hóa lóa mắt, hay sản phẩm tôn giáo, mà bạn có thể đặt mua bằng thẻ tín dụng”.

Liệu điều 116 có chống lại vụ ông Howard “hối lộ chính trị” hay không? Richard cho hay: Tối Cao Pháp Viện tỏ ra không muốn can dự vào việc này, ngoại trừ Chánh Án Michael Kirby (cựu học sinh Fort Street High).

Khi đơn kiện tới nơi, Trưởng Chánh Án, Murray Gleeson (cựu học sinh St Joseph, Hunters Hill), từ chối không nhận. Ông chỉ thị viên đăng bộ tòa án từ khước không cho tiến hành vụ kiện nếu không được một quan tòa cho phép.

Vescio và các luật sư của anh bèn kêu lên Chánh Án Susan Crennan (cựu nữ sinh Our Lady of Mercy, Heidelberg). Bà cũng từ khước, nói rằng tài liệu ấy “hỗn độn, dài dòng và gây bối rối”. Bà còn nói thêm, các khiếu nại này “tự bản chất có tính chính trị”, hiển nhiên ám chỉ sự hào phóng của ông Howard không có tính chính trị.

Bởi vậy mà thứ Sáu vừa qua, vấn đề được đệ lên Chánh Án Kirby. Richard cho hay: thời gian là chủ yếu, vì Vescio muốn ngăn chặn món tiền trên không ‘bị nuốt trửng trong cái cuồng nhiệt của cuộc phấn khích của giáo hoàng”.

Kirby hiện chưa nghe lời kháng án của Crennan. Ông chỉ đang quyết định xem liệu đơn xin tiến hành vụ kiện kia có hợp lý đáng được biện bác hay không mà thôi.

Lời kháng án của Crennan được đưa ra trước toàn bộ Tối Cao Pháp Viện vào sáng hôm nay. Để thổi sự sống vào vụ này và cho hay nên nhanh tiến hành nó, Kirby tuyên bố: “Nếu có một thiếu sót gì đó trong diễn trình của đương đơn, thì cần phải ráng sửa lại thiếu sót ấy, hơn là ngăn cản một người vốn có một trong những quyền căn bản nhất hiện có trong một xã hội do luật lệ cai trị, tức quyền được tòa án thụ lý”. Richard cũng cho hay, theo chánh án Kirby: “Việc Chánh Án Crennan nhắc đến sự kiện các lời khiếu nại của đương đơn ‘trong bản chất có tính chính trị’ không nhất thiết biến chúng thành không thể xem sét được dựa trên các tiêu chuẩn do Hiến Pháp quy định”.

Tuy nhiên, theo Richard, các trở ngại mà nhóm luật sư của Vescio phải vượt qua là các phán quyết của tòa trước đây về việc cấp ngân khoản cho các trường của các giáo hội, vụ Greg Combet (chống lại các quảng cáo cho đạo luật Work Choices) trong đó “việc chuẩn chi cho các mục tiêu của Liên Bang” đã được xem sét…

Dù sao, theo Richard, Kirby vẫn cho hay tất cả đều có thể “biện bác” (arguable) được. Và một số biện bác đã được đưa ra. Đương đơn cho hay bản thân anh ta bị ảnh hưởng vì đã bị loại ra khỏi Trường Đua Randwich trong tư cách người coi đua ngựa suốt thánh lễ của Đức Giáo Hoàng. Anh ta cũng bị loại ra khỏi một số đường phố và “làn sóng”.

Luật sư cho đương đơn là Peter King (cựu học sinh Sydney Church of England Grammar School) nói rằng trong suốt WYD (một tuần lễ) những người tới Randwick bị loại không được thực hành bất cứ tôn giáo nào khác ngoại trừ Công Giáo. Việc ấy đủ là một “can thiệp” vào việc giữ đạo, được nhà nước hỗ trợ.

Các điểm đặc thù được xác nhận trước tòa cho hay: thánh lễ của Đức Giáo Hoàng là một thực hành tôn giáo và do đó quả là chính xác khi nói rằng “nó loại bỏ những người tuyên tín các niềm tin khác và tôn giáo khác không được tham gia”.

Để xem câu chuyện sẽ ra sao vào ngày hôm nay. Richard cho hay nếu Vescio không thành công trong kháng án của mình, chắc chắn anh ta sẽ tham gia nhóm “No To Pope” và phân phối “áo mưa” cho các khách hành hương đang tiến về nơi Richard gọi là “cực thánh” (holy of holies) tức trường đua Randwick.

2. 175 Úc Kim bảo đảm có chỗ ngồi trong Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng

Bài báo thứ hai vào ngày hôm nay của tờ Sydney Morning Herald là của Josephine Tovey và Linda Morris. Tuy đầu đề có vẻ “châm chọc” như trên, nhưng giọng điệu có trung lập hơn và cũng nhiều tin tức khách quan hơn bài trước.

Theo bài báo này, Giáo Hội Công Giáo đang khuyến khích dân Sydney đăng ký với giá 175 Úc Kim để bảo đảm có chỗ ngồi dành riêng trong các biến cố chủ yếu của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Bao gồm đêm canh thức và Thánh Lễ bế mạc tại Trường Đua Randwick.

75,000 người sẽ được cấp thẻ để tham dự đêm canh thức và 75,000 người khác tham dự Thánh Lễ trên căn bản ai đến trước thì ngồi trước. 200,000 ngàn người khác có thể theo dõi các biến cố trên các màn truyền hình vĩ đại dựng ở bên ngoài trường đua tại khu Alison Road và Centennial Park. Việc sắp ghế ngồi ưu tiên dành cho các khách hành hương đã đăng ký, bảo đảm rằng những chỗ ngồi dễ nhìn nhất sẽ dành cho các khách quốc tế và người địa phương đã đăng ký.

Những người không đăng ký tới tham dự Thánh Lễ tại trường đua sẽ phải thật vội vã đi sớm mà dành vé, họ rất có nguy cơ bị từ khước không được vào trong. Ngày hôm qua, ban tổ chức WYD xác nhận rằng họ chờ đợi hơn 200,000 người không đăng ký sẽ tới tham dự Thánh Lễ vào ngày 20 tháng Bẩy cộng với số khoảng 225,000 khách hành hương đã đăng ký.

Một người trong ban tổ chức cho hay: “Giáo Hội Công Giáo mời gọi mọi người tham gia một số biến cố, trong tư cách khách hành hương hay công chúng nói chung. Đăng ký không phải là việc bắt buộc nhưng ưu tiên dành cho khách hành hương có đăng ký ở một số địa điểm. Khách hành hương cũng nhận được các phần ăn, một túi đeo, vé di chuyển tự do trên xe lửa và xe buýt cũng như chăm sóc sức khỏe khẩn cấp. Đối với những người Sydney nào chỉ muốn tham dự một số biến cố, chúng tôi hết lòng hoan hô họ xuất hiện và tham dự các biến cố ấy”.

Ông Danny Casey, viên chức điều hành chính của Đại Hội, khuyên người chưa có vé, nên “thức dậy sớm. Chúng tôi dự định phân phối những vé đó tại nơi đến, trên căn bản ai đến trước được trước, tùy thuộc sức chứa còn lại của trường đua Randwick”.

Nữ phát ngôn nhân của Chính Phủ NSW về WYD, bà Kristina Keneally, cho hay: người ta không nên phó mặc vận may nếu họ muốn tham dự. “Nếu bạn muốn bảo đảm có mặt ở trường đua Randwick vào Chúa Nhật với Đức Giáo Hoàng, bạn cần đăng ký làm khách hành hương để chắc chắn bạn có mặt ở đó”.

Với 335 Úc Kim chi ra, người ta có thể bảo đảm một chỗ ngồi/đứng tại mọi biến cố và được tận mắt thấy 6 trạm cuối cùng của Đàng Thánh Giá, bao gồm cả các bữa ăn và vận chuyển.

Tuần này, ban tổ chức nói rằng người Úc chậm đăng ký hơn dự tính nhưng họ vẫn đạt được mục tiêu 225,000 người đăng ký. Phần lớn con số 132,671 khách hành hương đăng ký đã nạp tiền. 64,181 người còn lại đã khởi sự nhưng chưa hoàn tất việc đăng ký.

3. Các linh mục ‘nóng bỏng’ trong cổ cồn trên một cuốn lịch đặc biệt

Tờ báo thứ hai rất đông người đọc của Sydney là tờ Daily Telegraph, hôm nay, cũng có một bài về WYD nhưng lại trình bầy dưới một hàng tít hơi lạ như trên. Bài này của Michelle Cazzulino. Cô cho hay: họ là các linh mục đang dụ bạn (đừng) bị cám dỗ trong những ngày dẫn vào WYD tại Sydney. Theo Michelle, các nhà tổ chức WYD nói rằng 12 nhân vật ‘thiên giới' có hình trên cuốn Calendario Romano của năm nay này không có dây mơ rễ má nào trực tiếp với Đại Hội, nhưng điều đó không ngăn cản họ sử dụng các tấm hình đen trắng đó để quảng bá cho đại hội.

Các tấm hình trên lịch đã được chụp từ hơn ba năm trước với lời chú thích là lịch treo tường, bán với giá 22.99 úc kim, thực ra đã được phổ biến để dụ du khách Mỹ tới thăm Rome. Lời quảng cáo cho cuốn lịch nói rằng: “Nhằm quảng bá du lịch tới thủ đô Ý đại lợi, cuốn lịch gây ngạc nhiên này cung hiến chân dung các linh mục của mình trước hậu cảnh các nhà thờ chính tòa hết sức đẹp đẽ của Kinh Thành Muôn Thuở”

Ngày hôm qua, khi đưa tin, một cái tin chắc chắn làm các nữ khách hành hương đa tình thất vọng, các nhà tổ chức WYD cho hay họ không biết chắc liệu các vị linh mục ấy có tới Sydney tham dự Đại Hội hay không.

Tuy nhiên, họ quả quyết rằng họ đã đạt mục tiêu có được 225,000 khách ngoại quốc và trong nước tham gia Đại Hội, trong đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ thăm nước Úc lần đầu tiên.

Họ cũng cho người dân Sydney nào không muốn đăng ký việc họ tham dự từ trước hay những người ấy vẫn có thể tới tham dự Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng chủ tế vào ngày 20 tháng Bẩy. Người ta mong cuộc cử hành này sẽ lôi kéo 500,000 người tới Trường Đua Randwick và Centennial Park.

Viên Chức Trưởng Điều Hành WYD, Danny Casey, cho hay trường đua có sức chứa 300,000 người, nên còn dư 75,000 vé dành để phân phát cho những người không đăng ký.

Nhiều tấm màn truyền hình vĩ đại sẽ được dựng trên đường Alison và Centennial Park gần đó, giúp cho 200,000 người nữa có thể thấy Đức Giáo Hoàng. Ông Casey cho hay: “chúng tôi dự tính phân phối vé trên căn bản đến trước nhận trước, tùy theo sức chứa còn lại của Randwick. Chúng tôi ước đoán hơn 75,000 người nữa sẽ xuất hiện ở đấy vào ngày đó”.

Phát ngôn nhân của Chính Phủ New South Wales, bà Kristina Keneally, nói rằng người địa phương nào muốn thấy Đức Giáo Hoàng, thì nên dùng bảng lên kế hoạch các biến cố trên trang mạng chính thức của Đại Hội. Trang mạng này cũng trình bầy nhiều tín liệu về những nơi đường xá bị hạn chế hay bị đóng, các cách vận chuyển công cộng, cả các địa điểm thuận tiện để theo dõi Đại Hội. Đức Giáo Hoàng sẽ đến Cảng Sydney trong một “đoàn thuyền giáo hoàng” vào ngày 17 tháng Bẩy.

4. An ninh chặt chẽ tại Barangaroo nhân WYD.

Ngày 17 tháng Sáu, Michelle Cazzulino cũng có một bài báo khác với tựa đề gần như trên về địa điểm sẽ diễn ra Lễ Khai Mạc Đại Hội và sáu chặng Đàng Thánh Giá cuối cùng. Theo Michelle, địa điểm đó được mệnh danh là thành phố bỏ túi, nhưng hôm trước đây, các nhà tổ chức WYD nhìn nhận Barangaroo cũng có thể trở thành một cộng đồng kín cổng cao tường trong những ngày Đại Hội.

Dù công chúng có thể tham dự một số biến cố tại địa điểm này nằm về phía Đông Darling Harbour, nhưng các khách hành hương có đăng ký sẽ dành được quyền vào đó tham dự bất cứ biến cố nào khác.

Vào khoảng 100 công nhân đã được ủy nhiệm để chắc chắn rằng khu vực này sẽ sẵn sàng chào đón tới 150,000 người trẻ tới tham dự thánh lễ khai mạc, cũng như chào đón Đức Giáo Hoàng, các lễ hội tuổi trẻ và sáu chặng Đàng Thánh Giá cuối cùng.

Với công trình xây cất còn phải tiếp diễn sau WYD, phát ngôn nhân Chính Phủ NSW, bà Kristina Keneally, cho hay các biện pháp cẩn trọng đã được đưa ra nhằm tạo an toàn cho các khách hành hương. “ Phần lớn khu vực này có nước bao quanh, nên vì các lý do an toàn, chúng tôi cần phải lập hàng rào chung quanh khu vực ấy”.

Bà thêm: người trẻ đã đăng ký tham dự WYD cần đeo “thẻ ra vào hành hương” (pilgrim pass) quanh cổ trong một số sinh hoạt đã dự liệu trước”.

Đức cha Anthony Fisher cho hay các kế hoạch cho địa điểm này rất lớn nhưng hy vọng công việc ở đây sẽ hoàn tất kịp thời. “Barangaroo sẽ là một thành phố bỏ túi với hai khán đài chính, 45 địa điềm cho khách hành hương, 1,200 nhà vệ sinh, 25 địa điểm phân phối lương thực, sáu màn ảmh lớn, một diễn đàn truyền thông 300 chỗ ngồi, với 7 phòng phiên dịch, khu dành cho thượng khách, các địa điểm bán hàng hóa và một khu dành cho các nhu cầu đặc biệt”.

Đức hồng y George Pell sẽ chủ tọa thánh lễ khai mạc vào hôm Thứ Ba, 15 tháng Bẩy và, hai ngày sau, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ được chính thức chào đón tại địa điểm này khi Ngài dùng thuyền tới Cảng Sydney.

Một bàn thờ cao 17 thước đang được dựng cho các biến cố trên. Đức cha Fisher cho hay: “Cung thánh sẽ là 78 thước từ bên này qua bên kia, mặt tiền 20 thước và sâu 46 thước, ngay ở đàng kia, trên nước, để giới trẻ có thể thấy, phía sau Đức Giáo Hoàng hay các vị hồng y và giám mục đang cử hành thánh lễ, là vẻ rực rỡ của Cảng Sydney khi chúng ta chào đón các vị ở đây. Quả là một địa điểm ngoạn mục và là một địa điểm tôi chắc chắn sẽ gây ấn tượng lớn trong lòng mọi khách viếng thăm của ta”

Đức cha Fisher cũng bác bỏ nguồn tin cho rằng việc Giáo Hội sử dụng Hyde Park có thể bị lâm nguy vì đã không chịu trả 150,000 úc kim tiền đặt cọc cho việc sử dụng ấy. Ngài nói: “Giáo Hội đã trả cho Chính Phủ Tiểu Bang 10 triệu úc kim để bảo đảm được sử dụng các nơi công cộng và tôi chắc chắn họ sẽ dành các chỗ ấy cho chúng ta. Tôi hoàn toàn tin tưởng việc ấy sẽ xẩy ra. Đó chỉ là món tiền nhỏ chúng tôi để dành cho các địa điểm công cộng”.

5. Các địa điểm tốt để thấy Đức Giáo Hoàng

Ngày 24 vừa qua, tờ Dailky Telegraph có bài của Bruce McDougall cho hay lộ trình của Đức Bênêđíctô XVI trong những ngày WYD. MacDougall viết như sau:

Hàng chục ngàn người sẽ được thấy tận mắt Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI khi ngài du hành trên Cảng và các đường phố trong Thành.

Ngày hôm qua, khi chiếc bàn thờ khổng lồ tại Trường Đua Randwick đã được dựng lên, các nhà tổ chức WYD cho công bố lộ trình các đoàn xe và đoàn thuyền hộ tống Đức Giáo Hoàng và các địa điểm tốt nhất để thấy ngài vào ngày Thứ Năm, 17 tháng Bẩy.

Đoàn tầu 13 chiếc sẽ rời Rose Bay và lướt qua Farm Cove và Circular Quay, băng qua Cầu Harbour để vào Barangaroo ở Đông Darling Harbour.

Sau diễn văn ngỏ với hơn 140,000 khách hành hương, du khách và dân chúng sở tại, Đức Giáo Hoàng sẽ lên Giáo Hoàng Xa của Ngài. Đoàn xe sẽ chạy dọc theo Hickson Road và George Street trước khi chạy dọc theo các đường Bridge, Loftus, Alfred và Macquarie để tới tiền đình Opera House. Sau đó, đoàn xe sẽ qua Vườn Bách Thảo mà vào Mrs Macquarie Chair, dọc theo Art Gallery Road băng qua The Domain, Hospital Road rồi Shakespear Place và Macquarie Street để vào Nhà Thờ Chính Tòa St Mary.

Phát ngôn nhân chính phủ NSW là bà Kristina Keneally cho hay tất cả khu vực buôn bán trung tâm sẽ bị ảnh hưởng do việc ngăn đường và những khúc cấm đậu xe vì các biến cố đặc biệt. Bà nói: “Lộ trình này hiển nhiên khá dài và vì hôm đó là ngày làm ăn buôn bán bình thường đối với 180,000 công nhân khu CBD, nên chúng tôi phải chắc chắn làm họ hiểu rõ những gì xẩy ra để họ có thể đặt kế hoạch trước. Sydney đang ở đỉnh cao biến cố quốc tế lớn nhất trong năm nay ngoại trừ Thế Vận Hội Bắc Kinh”.

Người ta chờ đợi tới 225,000 khách hành hương đăng ký và công chúng sẽ xếp hàng ở Hải Cảng và các lộ trình của đoàn xe.

Tại Trường Đua Randwick, nơi 500,000 người sẽ tham dự thánh lễ bế mạc, một tòa có mái với kích thước 30m x 40m đã được dựng lên. Cấu trúc này đã được nâng cao 25 thước khỏi mặt đất trên phạm vi sẽ dựng bàn thờ cho Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ.

Các công nhân cũng đang bắt đầu dựng các nhà vệ sinh tạm thời tại trường đua.

Vào buổi sáng Thứ Năm, Đức Giáo Hoàng sẽ qua North Sydney để cầu nguyện tại Nhà Nguyện Chân Phước Mary MacKillop và dự cuộc họp tại Kirribilli (Nhà khách Chính Phủ Liên Bang).

Lộ trình Thánh Giá và Ảnh Đại Hội qua Sydney vào ngày 14 tháng Bẩy đã được tiết lộ: Bà Keneally cho hay: " Thánh Giá sẽ tới Khu Trung Tâm Buôn Bán trên các Chuyến Phà đi Manly từng trở thành một trong các biểu tượng của thành phố, rồi sau đó sẽ được rước dọc theo Pitt Street tới Belmore Park gần Ga Trung Ương. Chúng tôi mong biến cố này sẽ thu hút nhiều đám đông đáng kể… nên vì các lý do an toàn, một số đường xá chính sẽ tạm thời bị đóng lại”. Pitt Street sẽ hoàn toàn bị cấm lưu thông từ lúc 11 giờ sáng cho tới 2 giờ chiều và các giao điểm với nó sẽ tạm thời bị cấm trong khi đoàn rước băng qua phía nam để vào Belmore Park.

Các nhà tổ chức WYD khẩn khoản yêu cầu người lái xe tránh không đi vào trung tâm thành phố suốt trong tuần đại hội. Bà Keneally thì nói rằng họ nhắm mục tiêu giảm số lượng xe xuống 30% mỗi ngày, gần như 50,000 chiếc ít hơn mức bình thường. Bà nói: “Thành phố sẽ không có chỗ cho xe hơi trong suốt tuần lễ đó, nhất là vào ngày Thứ Năm. Với hơn 300 khúc đường bị cấm và 500 địa điểm không được đậu xe dành cho các biến cố đặc biệt, các xáo trộn lớn về lưu thông nhất định phải có”.

Bộ trưởng giao thông là ông John Watkins cho hay: “Bất kể các bạn tham dự hay không tham dự các cuộc cử hành này, giờ đây cũng vẫn là lúc để các bạn bắt đầu đặt kế hoạch từ trước cho tuần lễ có WYD. Ngày này là biến cố lớn ta sẽ cử hành tốt nhất bằng cách dùng các phương tiện chuyên chở công cộng với vé giảm giá đặc biệt mua trước của xe lửa và xe buýt".

Thay kết luận

“Tác phong” của tờ sau rõ ràng thân thiện hơn ”tác phong” tờ trước. Nghĩ một hồi, mới nhớ ra tờ sau là tờ Đức Hồng Y George Pell vốn có một cột báo thường xuyên để trình bầy quan điểm. Và nghe đâu còn là tờ báo được chọn để đưa tin chính thức về Đại Hội. Còn tờ trước kỳ cựu hơn, có tính “establishment” hơn, nên cũng ít thân thiện hơn đối với người Công Giáo xứ này,những người xưa kia chiếm đa số trên những chuyến tầu chở tội đồ từ Anh quốc qua và cho đến mãi những năm tiền bán Thế kỷ 20, vẫn được coi là công dân hạng nhì.
 
Đức Thánh Cha thích Rước Lễ bằng Lưỡi hơn
Phaolô Phạm Xuân Khôi
06:54 27/06/2008
VATICAN, ngày 26 tháng 6, năm 2008 (Zenit.org). – Theo Đức Ông trưởng ban nghi lễ của Đức Thánh Cha thì ĐTC Bênêđictô XVI mốn cho Rước Lễ bằng lưỡi và những người lên Rước Lễ quỳ gối.

Tờ Osservatore Romano đã ghi nhận trong một cuộc phỏng vấn Đức Ông Guido Marini được ấn hành hôm Thứ Tư rằng ĐTC đã cho Rước Lễ cho những cá nhân quỳ và nhận Mình Thánh trên lưỡi trong chuyến tông du vừa qua ở Brindisi, Miền Nam Nước Ý.

Khi được hỏi rằng điều này có thể trở thành thông lệ không, Đức Ông đã trả lời, “Tôi tin là như thế.”

Và Đức Ông nói thêm, “Đừng quên rằng theo giáo luật thì vẫn được cho Rước Lễ trên tay, đó là một luật trừ mà Toà Thánh đã nhượng bộ cho Hội Đồng Giám Mục nào xin điều này.”

Đức Ông Marini giải thích, “Cách cho Rước Lễ mà ĐTC dùng có ý nhấn mạnh hiệu lực của quy luật hợp lệ được áp dụng cho toàn thể Hội Thánh.”

Vị trưởng ban nghi lễ đã nói rằng Rước Lễ bằng lưỡi, “không làm những cách Rước Lễ khác mất gì, mà còn nhấn mạnh cách tốt hơn chân lý của sự hiện diện thật [của Đức Kitô] trong Bí Tích Thánh Thể, giúp cho các tín hữu thêm sùng kính, và diễn tả cách dễ dàng hơn ý thức mầu nhiệm. Nói theo kiểu mục vụ của thời đại chúng ta, là những bình diện khẩn trương phải được nhấn mạnh và phục hồi.”

Tiền và hậu

Đối với những người kết án ĐTC Bênêđictô XVI là muốn đưa Hội Thánh trở lại con đường trước Công Đồng Vaticanô II, vị trưởng ban nghi lễ của ĐTC đã giải thích rằng, “những từ như ‘tiền công đồng’ và ‘hậu công đồng’ đối với tôi có vẻ là một kiểu nói lỗi thời, như là chúng được dùng với mục đích ám chỉ có một sự gián đoạn trên đường đi của Hội Thánh, tôi coi những kiểu nói đó là sai và tiêu biểu cho những quan điểm tư tưởng hẹp hòi.”

Đức Ông Marini nói thêm, “Có ‘những điều cũ’ và ‘những điều mới’ lúc nào cũng thuộc về kho tàng của Hội Thánh, và như thế chúng phải được quan tâm đến.”

Cha thêm, “Không phải tất cả mọi điều mới đều đúng, mà mọi điều cũ cũng thế. Chân lý hàm chứa cả trong điều cũ và điều mới, và chính vì chân lý mà chúng ta gìn giữ chúng một cách không có thành kiến.

“Hội Thánh sống theo luật liên tục này, vì luật ấy Hội Thánh chấp nhận một sự phát triển bắt nguồn từ Truyền Thống.”

Đức Ông tiếp: “Điều quan trọng là tất cả đều phải nhắm vào một cuộc cử hành phụng vụ thật sự là cuộc cử hành mầu nhiệm thánh, của Chúa chịu đóng đinh và phục sinh, làm cho mầu nhiệm này được hiện diện trong Hội Thánh – làm hiện diện lại mầu nhiệm cứu độ - và mời gọi chúng ta, theo lý lẽ của một sự tham dự chính đáng và tích cực, để chia sẻ cho đến cùng trong đời sống [của Đức Kitô], đó là một đời hiến thân vì yêu Chúa Cha và vì cách anh chị em của Người, một đời thánh thiện.”
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 11 Giám Mục nước Honduras
LM Trần Đức Anh, OP
08:09 27/06/2008
VATICAN - Sáng 26-6-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 11 GM nước Honduras. Ngài khích lệ các vị tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn.

Đoàn GM Honduras về Roma viếng mộ hai thánh tông đồ và thăm Tòa Thánh dưới sự hướng dẫn của ĐHY Oscar Rodriguez Mariadaga, SDB, TGM giáo phận Tegucigalpa, Chủ tịch HĐGM.

Trong bài huấn dụ, ĐTC ca ngợi tinh thần tôn giáo của các tín hữu Honduras, được biểu lộ qua nhiều hình thức của lòng đạo đức bình dân. Nhưng đàng khác, trào lưu tục hóa lan tràn, cùng với nạn giáo phái chiêu dụ tín đồ, đã gây hoang mang cho nhiều tín hữu và làm cho họ mất cảm thức mình thuộc về Giáo Hội.

ĐTC nói: ”Sự ý thức về những khó khăn hết sức lớn lao cản trở sứ vụ mục tử của anh em chẳng những không làm cho anh em nản chí nhưng phải khuyến khích anh em đẩy mạnh công trình rao giảng Tin Mừng một cách rộng rãi và táo bạo, dựa trên sức mạnh của Lời Chúa, hơn là hiệu năng của những phương tiện vật chất hoặc những dự phóng của con người”.

ĐTC ghi nhận ơn gọi có phần gia tăng trong thời gian gần đây ở Honduras, nhưng Giáo Hội tại nước này này vẫn còn thiếu LM. Ngài kêu gọi các GM tăng cường việc mục vụ ơn gọi và việc đào tạo các chủng sinh, dành những LM tốt nhất và các phương tiện dồi dào nhất cho chủng viện, để các LM tương lai đạt được sự trưởng thành nhân bản, tu đức mà các tín hữu đang cần và có quyền hy vọng nơi các vị mục tử của mình”.

Các GM Honduras cũng được ĐTC khuyến khích phát triển việc huấn luyện giáo dân và giúp đỡ dân nghèo. Ngài nói: ”Tôi biết anh em quan tâm và đau buồn vì nạn nghèo đói đang đè nặng trên nhiều đồng bào của anh em, cùng với sự gia tăng bạo lực, nạn di cư ra nước ngoài, sự phá hủy môi sinh, nạn tham những và những thiếu sót trong lãnh vực giáo dục”.

Trong lời chào mừng ĐTC, ĐHY nói đến những vấn đề và thách đố các GM Honduras phải đương đầu, bắt đầu là tình trạng nghèo đói vô nhân đạo, trở nên trầm trọng hơn vì sự tăng giá xăng dầu và lương thực.

Honduras rộng 112 ngàn cây số vuông với 7,6 triệu dân trong đó 97% là tín hữu Công Giáo, 3% theo Tin Lành. (SD 26-6-2008)
 
Thành phố Dublin (Ái Nhĩ Lan) sẽ chủ tọa Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần thứ 50 vào Năm 2012
Anthony Lê
09:42 27/06/2008
Thành phố Dublin (Ái Nhĩ Lan) sẽ chủ tọa Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần thứ 50 vào Năm 2012

ĐHY Sean Brady của Ái Nhĩ Lan
QUEBEC CITY (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã chọn thành phố Dublin, Ái Nhĩ Lan - sẽ là nước chủ nhà cho kỳ Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần thứ 50 được tổ chức vào năm 2012.

Đức Thánh Cha công bố ra quyết định trên ngay trong bài giảng được truyền hình qua vệ tinh trong Thánh Lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần thứ 49 tại thành phố Quebec, Canada.

Đức Thánh Cha nói:

"Khi sự kiện trọng đại này trong đời sống của Giáo Hội đến hồi kết thức, Cha mời gọi tất cả chúng con hãy cùng hiệp ý với Cha để cầu nguyện cho sự thành công của Đại Hội Thánh Thể sắp tới, vốn sẽ diễn ra vào năm 2012 tại thành phố Dublin. Và cũng nhân dịp này, Cha nồng nhiệt gởi lời chào đến mọi dân của Ái Nhĩ Lan, khi họ chuẩn bị chủ trì cuộc quy tụ có tầm cở giáo hội này. Cha tin rằng - tất cả chúng con, cùng với tất cả những tham dự viên của kỳ Đại Hội Thánh Thể sắp tới, sẽ tìm thấy nơi đó chính là một nguồn canh tân tâm linh vĩnh cửu."

Cũng tham dự tại Đại Hội Thánh Thể ở Quebec, Canada còn có Đức Hồng Y Sean Brady - Tổng Giám Mục Armagh; và Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Tổng Giáo Phận Dublin, Ái Nhĩ Lan và cả 2 vị đã rất vui mừng khi đón nhận tin này.

Phát biểu trong một thông cáo chung, 2 vị này cho biết:

"Thay mặt tất cả những tín hữu Công Giáo của Ái Nhĩ Lan, chúng tôi rất hân hạnh và khiêm tốn vì đã được Đức Thánh Cha chọn Dublin để chủ tọa kỳ Đại Hội Thánh Thể lần thứ 50 vào năm 2012. Mặc dầu chủ đề của kỳ Đại Hội Thánh Thể sắp tới chưa được chung quyết chọn ra, thế nhưng chúng tôi ý thức rất sâu sắc rằng năm 2012 cũng là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Chung Vaticăn II.

Việc đứng ra chủ tọa một Đại Hội Thánh Thể lớn ở Dublin sẽ là một sự kiện quốc tế quan trọng. Việc cử hành này thu hút hàng ngàn khách hành hương và cho phép tất cả những người Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan và nước ngoài được gặp gỡ và cầu nguyện cùng với nhau, và để cùng nhau bàn thảo đến những vấn đề có liên quan đến đức tin."

Đây là lần thứ nhì Dublin được chọn để chủ tọa kỳ Đại Hội Thánh Thể Thế Giới. Aí Nhĩ Lan chủ tọa kỳ Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần thứ 31 vào năm 1932.

Hai vị trên cho biết thêm:

"Giờ đây chúng tôi sống trong thời đại khác so với trước kia, do đó hy vọng của chúng tôi chính là kỳ Đại Hội Thánh Thể vào năm 2012 này sẽ là một cơ hội cho Giáo Hội Công Giáo tại Ái Nhĩ Lan vừa suy niệm về trọng tâm của Phép Thánh Thể ngay giữa cộng đoàn ngày càng đa dạng hơn, và vừa để tạo ra một sức đẩy canh tân mới vào trong đời sống đức tin của cộng đoàn."
 
Trung quốc cho phép phân phối hạn chế Kinh Thánh tại Thế vận hội
Phụng Nghi
09:58 27/06/2008
Bắc kinh (CNA) – Thông thường, chính quyền Trung quốc kiểm soát việc in ấn và phát hành Kinh Thánh, nhưng nay tuyên bố sẽ cho phép các tập sách Tin Mừng, Tân Ước và toàn bản Kinh Thánh được phân phối tại Thế vận hội.

Sách Tân Ước tại Thế vận hội Bắc kinh
Liên Hiệp Thánh Kinh hội, là một tổ chức bác ái Kitô giáo có trú sở tại Anh quốc, đã xác nhận 50 ngàn tập sách song ngữ in 4 Tin Mừng sẽ được đem tới Làng Lực sĩ tại Bắc kinh và 5 đô thị khác có tranh tài Thế vận. Thêm vào đó, theo nguồn tin của Times Online, 10 ngàn cuốn Tân Ước và 30 ngàn toàn bản Kinh Thánh cũng sẽ được ấn hành.

Chi phí in Kinh Thánh cho Thế vận hội lên đến gần 400 ngàn mỹ kim sẽ do Liên Hiệp Thánh Kinh hội tài trợ. Kinh Thánh sẽ được in tại Nhà in Amity, một cơ sở mới trị giá nhiều triệu đôla vừa khai trương tại Nam kinh tháng trước. Amity có khả năng sản xuất cứ mỗi giây đồng hồ một cuốn Kinh Thánh. Cuốn Kinh Thánh thứ 50 triệu đã được in vào hồi tháng 9 năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên, Kinh Thánh được phân phối đến các tiệm có đăng ký và được đảng Cộng sản chấp thuận. Ủy ban Tổ chức Thế vận Bắc kinh cho phép được tự do dùng huy hiệu Thế vận trên các bản in Kinh Thánh.

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung quốc, Kinh Thánh bị cấm dùng và bị tịch thu. Việc in ấn Kinh Thánh tại Trung quốc được tái tục từ thập niên 1980 với sự trợ giúp của Liên Hiệp Thánh Kinh hội trên khắp thế giới.

Người Kitô giáo tại Trung quốc có thể sở hữu Kinh Thánh, nhưng họ còn bị bắt bớ nếu thực hành nghi thức tôn giáo bên ngoài các thánh đường đã đăng ký với nhà nước. Theo nguồn tin của Times Online, hồi tháng 6 này có một bản báo cáo của Hội Đoàn kết Kitô hữu Thế giới và Hội Tương trợ Trung quốc cho biết mới đây đã có những cuộc đàn áp các “nhà thờ tại gia” và các tín hữu ngoại quốc bị trục xuất, với mức độ “chưa từng thấy kể từ thập niên 1950”.

Các lực sĩ và du khách tham dự Thế vận được phép mang những vật dụng có tính cách tôn giáo vào Làng Thế vận để dùng cho cá nhân mình. Mặt khác, nguồn tin của Times Online cho biết các viên chức Bắc kinh chắc sẽ không cho phổ biến ào ạt các văn phẩm tôn giáo được coi là tuyên truyền, chẳng hạn như các sách vở của Đức Đạt lai Lạt ma.
 
Hội đồng Giám mục Hoa kỳ tuyên bố: Phim ‘The Love Guru’ xúc phạm luân lý
Phụng Nghi
11:42 27/06/2008
Ấn độ (Merinews) – Rajan Zed, một lãnh tụ Ấn giáo có uy tín, đã lên tiếng ca ngợi cử chỉ liên kết tôn giáo đáng chú ý của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ khi xếp hạng cao nhất ‘O’ (xúc phạm luân lý) cho cuốn phim của Hollywood có tên là ‘The Love Guru’.

Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, đặt trụ sở tại Washington DC, là một tổ chức của hàng giáo phẩm Hoa kỳ và Virgin Islands có nhiệm vụ thực thi các phần hành mục vụ nhân danh tín hữu Công giáo tại Hoa kỳ. Văn phòng Phim ảnh và Truyền Thanh Truyền hình của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ tại New York có nhiệm vụ duyệt xét và xếp hạng phim ảnh chiếu tại các rạp.

Giám đốc của Văn phòng nói trên là Harry Forbes, trong bài điểm phim ‘The Love Guru’ nói rằng “cuốn phim này thô tục và vô vị không chút ngượng ngùng, tràn ngập những câu khôi hài tục tĩu đến bất tận và những lời bỡn cợt ngu ngốc, kinh tởm...” ‘O’ là mức xếp hạng cao nhất trong năm loại của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.

Ông Zed tuyên bố: “Chúng tôi biết ơn Hội đồng Giám mục Hoa kỳ vì đã cảm nghiệm được nỗi đau đớn của người Ấn giáo và cộng đồng tín hữu khi xếp hạng ‘The Love Guru’ là cuốn phim xúc phạm đạo đức.”
Quảng cáo của phim The Love Guru


Đồng thời ông Rajan Zed cũng đã kêu gọi tín đồ Ấn giáo và người theo các tôn giáo khác trên toàn thế giới tẩy chay phim ‘The Love Guru’ vì nó đả kích Ấn giáo và các quan niệm Ấn giáo cũng như dùng các từ ngữ Ấn giáo một cách phù phiếm, ngớ ngẩn.

Ông Zed đã bắt đầu chiến dịch chống phim này ngay từ hồi tháng Ba, yêu cầu tín đồ các tôn giáo khác (ngoài Ấn giáo) cùng tẩy chay. Ông nói: “Hôm nay là Ấn giáo, ngày mai Hollywood có thể âm mưu hạ giá trị các tôn giáo khác.”

Các trò hề của Guru Pikta trong phim ‘The Love Guru’ là một lời nhạo báng cơ chế các vị guru đáng kính. Guru là một kinh sư tinh thần rất được tôn trọng, là minh sư hoặc người giảng huấn về Ấn giáo, là người giúp tẩy trừ vô minh nơi những kẻ tầm đạo, và dẫn dắt con người từ tăm tối ra ngoài ánh sáng.

Trong khi đó, theo lời ông Zed, guru trong phim ‘The Love Guru’ xúi bẩy đánh nhau trong bar rượu, liên tục kể chuyện khôi hài tục tĩu, chế nhạo phương pháp yoga (là một trong sáu trường phái chính thống của triết học Ấn độ), đeo nữ trang, nhạo báng quan niệm về con mắt thứ ba, bắt đệ tử uống trà đã chảy qua lỗ mũi của y, gọi món soup cá sấu trong nhà hàng, thúc cho voi truyền giống ngay trước đám đông, tự gọi mình là “Ngài”, sống xa hoa giữa bày tì nữ mặc áo quần chật cứng, và mục đích sống ở đời dường như chỉ nhằm để xuất hiện trên chương trình truyền hình của Oprah Winfrey.

Rajan Zed nêu lên những câu hỏi: Khi nào thì các guru Ấn độ đã có sẵn để đem ‘cho thuê’? Ai đã xếp hạng họ và xếp loại lúc nào? Khi nào thì các shishyas (đệ tử) bắt đầu gia nhập tu viện chỉ với mục đích làm cho các cô gái yêu thích họ? Tu viện Ấn giáo nào tổ chức cho các đệ tử đánh nhau bằng những miếng mop thấm đẫm nước tiểu của guru? Có guru nào đứng tiểu ngay giữa đám đệ tử?

Một vị giáo sĩ Do thái xuất chúng là Elizabeth W Beyer tại Nevada (Hoa kỳ ) cũng đã kêu gọi tẩy chay phim ‘The Love Guru’ vì nó “…đả kích Ấn giáo, chế nhạo cuộc sống và triết học Ấn độ…”

Đồng thời, chiến dịch lấy chữ ký của nhóm Ấn giáo chống phim ‘The Love Guru’ đã lên đến 6400 người tham gia ký tên.
 
Đức Tổng Giám Mục Raymond L. Burke nói lời giã biệt TGP St. Louis, MO
Paul Anh
15:06 27/06/2008
Đức Tổng Giám Mục Raymond L. Burke nói lời giã biệt TGP St. Louis, MO

Đức Tổng Giám Mục vừa mới được Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm vào Tòa Án Cao Nhất của Giáo Hội Công Giáo ở Rôma

Đức Tân Tổng Trưởng Tòa Án Cao Nhất của Giáo Hội Công Giáo
ST. LOUIS, MO.- Vào lúc trưa Thứ Sáu hôm nay giờ Rôma (tức 5h sáng giờ Miền Trung Bộ Hoa Kỳ), Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Raymond L. Burke - cựu Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận St. Louis, MO - trở thành vị Tân Tổng Trưởng của Tòa Án Tối Cao Apostolic Signatura - Tòa Án Cao Nhất của Giáo Hội Công Giáo ở Rôma.

Trong diễn văn giã từ, được đặt ngay trang nhà của Tổng Giáo Phận St. Louis, Đức Tổng Giám Mục Burke bày tỏ sự khiêm tốn khi được Đức Thánh Cha trao phó cho chức vụ quan trọng kể trên, và hứa sẽ giữ vững lòng vâng phục với Đức Thánh Cha.

Sự ra đi của Đức Tổng Giám Mục Burke chính là một mất mát lớn cho Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, vì suy cho cùng ngài chính là tiếng nói bảo vệ đạo đức và luân lý Công Giáo mạnh mẽ và can trường nhất - cùng với Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, OFM Cap. của Tổng Giáo Phận Denver - tại một Tổng Giáo Phận vốn có rất nhiều người Công Giáo nhưng lại có quan điểm và lối sống hết sức "phóng khoáng" (liberals) và "tự do" cực độ.

Nếu xét về bình diện Hoa Kỳ thì đó chính là một sự mất mát lớn, thế nhưng, sự mất mát lớn đó lại là một đại hồng phúc cho cả Giáo Hội Công Giáo khắp toàn cầu, khi một vị Giám Mục có quan điểm cực kỳ chính thống và trung thành tuyệt đối với những giảng dạy về xã hội và truyền thống đạo đức và luân lý của Giáo Hội, lại là vị Tổng Trưởng của một Tòa Án Cao Nhất của cả Giáo Hội Hoàn Vũ.

Sống tại Hoa Kỳ, nhất là có dịp theo dõi sát nút những chuyển biến của Giáo Hội tại nơi này, chúng ta dễ nhận biết trong hàng ngũ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hiện nay, ai chính là những Vị Giám Mục hoặc Hồng Y kiên cường mạnh mẽ bảo vệ giáo lý đức tin chân truyền của Giáo Hội một cách không mõi mệt, gan dạ và can trường nhất, mặc cho biết bao thế lực đe dọa và khủng bố, nhất là tại các Tổng Giáo Phận lớn của Hoa Kỳ.

Với sự bổ nhiệm này, giới quan sát viên Tòa Thánh càng ngày càng hiểu biết và khâm phục Đức Thánh Cha nhiều hơn qua những lần bổ nhiệm mà Ngài chọn ra, để điền vào các chức vị cao nhất của Giáo Triều Rôma và của cả Hội Thánh.

Tính cho đến nay, Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ được diễm phúc có 3 vị hiện đang giữ các chức cao nhất của Tòa Thánh đó là Đức Hồng Y William Leveda (vị cựu Tổng Giám Mục của San Francisco, CA) - Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin; Đức Hồng John Foley - Chủ Tịch Hội Thánh Mộ; và nay là Đức Tổng Giám Mục Burke - người sẽ đương nhiên được Đức Thánh Cha cất nhắc lên chức vị Hồng Y trong thời gian rất gần - vào chức vụ của Tòa Án Cao Nhất của Giáo Hội Công Giáo khắp hoàn vũ.

Đức Tổng Giám Mục Raymond L. Burke sinh vào ngày 30 tháng 6 năm 1948 tại Richland Center thuộc tiểu bang Wisconsin trong một gia đình gồm 6 người con, và ngài là con út. Cậu bé Burke được rửa tội vào ngày 11 tháng 7 năm 1948, và rước lễ lần đầu vào ngày 13 tháng 5 năm 1956. Cậu lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức từ tay Đức Cố Giám Mục John P. Treacy vào ngày 5 tháng 4 năm 1962. Từ năm 1962 đến 1968, Cậu Burke học tại Chủng Viện Thánh Giá ở La Crosse; và sau này học tại Trường Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, D.C. từ năm 1968 đến 1971. Từ năm 1971 đến 1975, Thầy Burke học tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Gregory ở Rôma, và vào ngày 29 tháng 6 năm 1975, Thầy Burke được Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục truyền chức Linh Mục tại Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rôma.

Sau khi được thụ phong Linh Mục, ngài nhận nhiệm sở đầu tiên trong chức vụ Phụ Tá cho Cha Sở của Vương Cung Thánh Đường Thánh Giuse Thợ tại La Crosse thuộc tiểu bang Wisconsin. Lúc này, ngài cũng giảng dạy môn giáo lý tại trường Trung Học Aquinas ở La Crosse, vốn cũng là nơi có một đại sảnh được đặt tên của ngài.

Từ năm 1980 đến 1984, Cha Burke học về Giáo Luật tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Gregory ở Rôma, và sau đó đã đổ được bằng Tiến Sĩ Giáo Luật. Vào năm 1989, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị bổ nhiệm Cha Burke vào vị trí Defender of the Bond of the Supreme Tribunal of the Apostolic Signatura lần đầu tiên hết, và ngài cũng là người gốc Hoa Kỳ đầu tiên giữ chức vụ này.

Vào ngày 10 tháng 12 năm 1994, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị cất nhắc ngài lên chức vị Giám Mục cho Giáo Phận La Crosse, và mãi cho đến ngày 2 tháng 12 năm 2003, ngài được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị một lần bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận St. Louis - thay thế cho Đức Tổng Giám Mục Justin Rigali (lúc đó) về làm Tổng Giám Mục cho Tổng Giáo Phận Philadelphia thuộc tiểu bang PA của Hoa Kỳ.

Ở Tổng Giáo Phận St. Louis, ngài được biết đến như là vị khôi phục lại và thu hút vào rất nhiều ơn gọi Linh Mục và tu sĩ Dòng, vốn đã bị khủng hoảng trước kia. Hằng tuần, ngài viết trên báo bày tỏ quan điểm giáo huấn của ngài về các vấn đề đạo đức và luân lý nóng bỏng và nhạy cảm, khiến cho rất nhiều chính trị gia Công Giáo bị bẽ mặt, và cũng từ đó khiến cho ngài có thêm rất nhiều kẻ thù. Thế nhưng với sự quan phòng và che chở của Thiên Chúa, những người có quan điểm "loạn lạc" và chống đối ngài, dần dần hiểu biết ra được sự thật và trở nên yêu mến ngài hơn.

Vị Tổng Trưởng trước kia của Tòa Án Tối Cao Apostolic Signatura là Đức Hồng Y Agostino Vallinili - Vị cũng vừa mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm để thay thế Đức Cựu Hồng Y Camillo Ruini (tới tuổi nghĩ hưu) vào chức vụ Giám Mục Phó của Rôma (Đức Thánh Cha chính là Giám Mục Chính của Rôma).

Các thành viên hiện tại của Apostolic Signatura gồm có các vị như sau:

Most Rev. Raymond Leo Burke, Prefect;

11 vị Hồng Y đó là: Cardinal Agostino Vallini; Cardinal Józef Glemp; Cardinal Antonio Rouco Varela; Cardinal Edward Egan; Cardinal Péter Erdő; Cardinal Agostino Cacciavillan; Cardinal Sergio Sebastiani; Cardinal Walter Kasper; Cardinal Jean-Louis Tauran; Cardinal Julian Herranz; và Cardinal Zenon Grocholewski;

8 vị Tổng Giám Mục gồm: Most Rev. Joseph Mercieca; Most Rev. Emilio Eid; Most Rev. Eduardo Davino; Most Rev. Heinrich Mussinghoff; Most Rev. Francesco Coccopalmerio; Most Rev. Thomas Doran; Most Rev. Javier Echevarria Rodriguez; và Most Rev. Lluis Martinez Sistach.
 
Top Stories
Vatican: Receiving Eucharist kneeling will be norm at papal liturgies
Catholic News Service
08:54 27/06/2008
VATICAN CITY (CNS) -- Receiving the Eucharist on the tongue while kneeling before the pope will become the norm at papal liturgies, said the Vatican's liturgist.

While current norms allow the faithful to receive the Eucharist in the hand while standing, Pope Benedict XVI has indicated a preference for the more traditional practice, said Msgr. Guido Marini, master of papal liturgical ceremonies.

Kneeling and receiving Communion on the tongue highlights "the truth of the real presence (of Christ) in the Eucharist, helps the devotion of the faithful and introduces the sense of mystery more easily," he said in a June 26 interview with the Vatican newspaper, L'Osservatore Romano.

Pastorally speaking, he said "it is urgent to highlight and recover" these aspects of the sacredness and mystery of the Eucharist in modern times.

Generally at papal Masses, those receiving Communion from the pope stand and the majority choose to receive on the tongue.

But starting with a May 22 Mass outside the Basilica of St. John Lateran, two ushers placed a kneeler in front of the altar and the chosen communicants all knelt and received on the tongue.

At a June 15 Mass in the southern Italian port city of Brindisi, the pope again distributed Communion to the faithful on the tongue while they were kneeling.

In the Vatican newspaper interview, Msgr. Marini was asked if this practice was destined to become the norm in all papal celebrations, and he replied, "I really think so."

He said "it is necessary not to forget that the distribution of Communion in the hand, from a juridical standpoint, remains up to now an indult," which is an exemption from a general requirement that is granted by the Vatican to the bishops' conferences which have requested it. He said the pope's adoption of the traditional practice of distributing Communion "aims to highlight the force of the valid norm for the whole church."

However, the pope's preference for the traditional practice is not meant to "take anything away from the other" permissible form of standing or receiving the Eucharist in the hand, he said.

Msgr. Marini told the Vatican newspaper that Pope Benedict also would be introducing another change to future papal liturgies during his June 29 Mass marking the feast of Sts. Peter and Paul, the patron saints of Rome.

He said the pope would begin wearing a shorter pallium -- a circular woolen band worn over the shoulders with a shorter strip hanging down the front and back -- similar to the kind worn by Pope John Paul II.

Pope Benedict had been wearing a pallium similar to ones worn by popes in the first millennium, when the woolen band was wrapped around the pope's shoulders and hung down his left side to just below his knees.

Msgr. Marini said the new pallium was chosen for two reasons: "to more heavily underline the continued development this liturgical vestment has had over the span of more than 12 centuries" and to be more practical.

The longer pallium the pope had been using created "different and troublesome problems," he said.

The newer, shorter pallium is decorated with six red crosses instead of black ones. Like other palliums, the end piece is made of black silk, a symbol of the black sheep which the shepherd rescues and carries over his shoulder back to the flock.

The white woolen pallium is a sign of the pope's and an archbishop's authority over the Christian community and the Gospel authority of a shepherd called to carry his sheep, to lead them and to feed them.

(Source: Carol Glatz /Catholic News Service)
 
Priests urged to care for their bodies the way they care for souls
Catholic News Service
08:56 27/06/2008
WASHINGTON (CNS) -- With studies confirming that a high percentage of U.S. clerics are overweight and lead inactive and nutritionally unhealthy lifestyles, several Catholic leaders in interviews with Catholic News Service said priests should focus on their bodies with the same care they give the souls of their parishioners.

"We should remind our priests to take the time for relaxation and physical exercise," said Baltimore Archbishop Edwin F. O'Brien, himself a physically fit 69-year-old Catholic leader. "It's very important for their health and their ministry."

A 2001 national survey of more than 2,500 Christian religious leaders -- conducted by the pastoral leadership research project "Pulpit and Pew" based at Duke Divinity School in North Carolina -- said that 76 percent of Christian clergy were either overweight or obese, 15 percentage points higher than for the general U.S. population.

The "Pulpit and Pew" study was the largest of recent surveys conducted on the health of U.S. clergy of several Christian denominations, all reaching similar conclusions.

"I probably would agree with that finding, because I know a lot of overweight priests," said Father David Garcia, director of the Old Spanish Missions in San Antonio. "I'm determined not to ever become one."

The 58-year-old priest -- who combines a strict regimen of running, weight lifting and martial arts six days a week to maintain a body fat percentage of 13 on his 5-foot-7-inch, 148-pound frame -- believes his body is a gift from God and that it's his duty to be a good steward.

Though Father Garcia has been athletic since he was a child, he said that five years after his ordination he became the secretary to his archbishop and began attending high-profile social functions that came complete with servings of rich foods. Six months into the job at the age of 30, he noticed his pants had become pretty snug.

"I looked in the mirror and asked myself, 'Do you want to be a fat old man before your time?'" he said. "So I looked at my lifestyle, began to study nutrition, began to run.. . and then diversified my workout program. It's been a big part of my priesthood. You're more aware of yourself, and the gift of life. When we let our bodies go, we really in a sense misuse or abuse the gift that God gave us."

Father Garcia said bishops need to do a better job promoting ongoing exercise routines and a healthy diet to their priests.

It's easy for clergy to fall into a sedentary lifestyle with a work schedule that has them on call 24 hours every day of the week and also to indulge in unhealthy foods provided at the numerous social functions and potluck dinners they are required to attend, said Susan Gibbs, spokeswoman for the Archdiocese of Washington.

"It is a problem and it needs to be addressed by the bishops in each diocese," said Father David L. Toups, a priest of the Diocese of St. Petersburg, Fla., who is associate director for the Secretariat of Clergy, Consecrated Life and Vocations for the U.S. Conference of Catholic Bishops.

"As the bishops look at accountability of priests, that physical accountability has to be there, for their own well-being and the well-being of the people they tend to," he said. "It's about making sure their physical and spiritual needs are being met and about them being credible witnesses for God."

Some U.S. Catholic dioceses have established sports leagues and marathons designed for participation by priests and women religious, fashioned exercise centers in diocesan buildings and routinely encouraged seminarians to pay careful attention to the well-being of their bodies.

In general, younger priests lead healthier lifestyles than older clergy, said Father William M. Joensen, 48, of the Archdiocese of Dubuque, Iowa, and a philosophy professor at Loras College in Dubuque, which has a small number of seminarians in its St. Pius X Seminary Program.

"You can attribute some of that to a generational philosophy which places physical fitness as a priority," said Father Joensen, himself an avid bicyclist who was spending part of June in Spain on a cycling trip.

"But, we also stress in priestly formation that it is important to avoid reverting to a sedentary lifestyle and to focus on staying active. This becomes an issue in their evaluations, when I work with them as a spiritual director," he said.

In the late 1990s the Archdiocese of Seattle offered priests rewards for participating in a wellness program designed by a local medical center as an incentive to adopt healthier lifestyles, complete with better nutrition and physical activity.

A few years ago several pastors of the Archdiocese of Baltimore volunteered to participate in an archdiocesan parish leadership analysis, and after an independent consultant interviewed parishioners of St. Dominic Catholic Church in Baltimore, she told the pastor of the parish -- Father James P. Kiesel -- concerns about his health had been overwhelmingly raised by his flock.

"It was a wake-up call for me," said Father Kiesel, 51. "I certainly was aware that I was out of shape, but hearing the concerns from the people around me drove home the point."

The pastor joined a gym, developed a workout program and within 18 months shed 40 pounds and gained more than muscle tone for his 6-foot-1-inch frame. He said he achieved stronger concentration skills for his ministry and a deeper connection with God.

Since parish priests have unusual work schedules tending to the spiritual needs of the faithful at Masses, funerals, weddings, hospital visits and individual consultations around the clock, many don't find the time for a regular exercise routine, Gibbs said.

"The problem with that kind of thinking is, it's a vicious cycle," Father Garcia said. "The more you give yourself permission not to take care of your body, the more your body deteriorates. Then you get sick more often and then you have less time for your ministry. Taking care of my body is as important as praying. If priests are too busy to pray, then we have a real problem."

It's crucial for priests to make the time commitment for routine physical activity and to stick to the schedule, even if it means other pastoral demands have to wait, he said.

"Don't give me the excuse that you don't have the time, because we can all fit this in our schedules," Father Garcia said. "Sometimes you have to tell people no, because you have another priority. I have to make time for my body, just like I need to make time for my mind and spirit."

Father Joseph G. Bochenek, the 63-year-old pastor of St. Brigid Church in the Canton section of Baltimore, found the best way for him to keep physically active and fit was to join an activity with members of his parish.

So, when an old friend asked him if he could use a building on his parish's campus to run an Okinawa Shorin Ryu Karate school five years ago, Father Bochenek gave him access to space rent free, joined the program and encouraged parishioners to enroll in the twice-weekly class.

"It's offered me discipline, balance, physical fitness and tranquility," he said. "For the group, it's offered us companionship in a wholesome and friendly atmosphere."

Because many diocesan priests live alone, it's easy for them to fall into the trap of eating junk food and spending their leisure time in a sedentary way, which is why group activities can be beneficial for priests, Father Joensen said.

"I tell seminarians that it's important to become involved in prayer groups, especially among other priests, where priests are looking out for each other," he said. "This way, you can lead more by example. I've been in my prayer group for the past 15 years. There are six of us in it and three of us cycle, several of us belong to fitness centers and one works with a personal trainer."

Physically fit priests also have more credibility when espousing the virtues of being a good steward of one's body to members of their congregation, Father Garcia said.

"We should practice what we preach and we have to remember we're leading by example," he said. "The bishop of a diocese can do the same for his priests. By himself taking care of his health, he can show them how to take care of their body and that it's important to keep life in balance with prayer, eating, exercise and stimulating the mind, and then doing the hard work."

(Source: Chaz Muth /Catholic News Service)
 
Newly ordained Society of the Divine Word priests serve around world
Catholic News Service
08:58 27/06/2008
TECHNY, Ill. (CNS) -- The first assignments for the nine men ordained as priests of the Society of the Divine Word in May will take them around the globe. The new priests -- eight are of Vietnamese descent and one is from China -- will serve in the order's western and southern U.S. provinces and in Mexico, Mozambique and Paraguay. Historically, Divine Word priests have "transcended boundaries -- geographically, philosophically and culturally. Globally, we work together," said Father Mark Weber, Chicago provincial superior for the Society of the Divine Word located in Techny. The men were ordained May 24 in Techny by Auxiliary Bishop Dominic Carmon of New Orleans, who was ordained a priest for the Society of the Divine Word, known commonly as Divine Word missionaries and as Verbites. The Society of the Divine Word was founded in 1875 and currently has more than 6,000 members who serve the spiritual and social needs of people in 70 countries.
 
Vietnamese Catholics gather at National Shrine to celebrate their faith
Meredith Black
10:12 27/06/2008

Vietnamese Catholics gather at National Shrine to celebrate their faith



Washington DC: June 22, 2008 - For three days, Vietnamese Catholics from around the country came together at the Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception in Washington to pray and learn about their faith. Vietnamese Cardinal Jean-Baptiste Pham Minh Man, the archbishop of Ho Chi Minh City, presided at several Masses during the June 19- 21 pilgrimage. Events included a seminar on family ministry and workshops on Catholic religious education, and discussions on the role of the laity today as witnesses to Jesus, and how families today can live their faith in the United States. The Vietnamese Catholics also participated in a Eucharistic procession, adoration and Confession, dance performances, and a Marian procession.

(Photo:Rafael Crisostomo)
Right photo: A Woman sings during a June 21 Marian procession at the National Shrine sponsored by Vietnamese Catholics from across the United States.

Thu Bui, the chairman of the parish council at Holy Martyrs of Vietnam Church in Arlington and the lay chairman of the Vietnamese Catholic Federation in the Mid-Eastern States, said about 3,500 Vietnamese Catholics from 25 states attended this year's pilgrimage, sponsored by the Federation of Vietnamese Catholics in the USA. But this year's pilgrimage had a special significance as it marked 20 years since Pope John Paul II canonized the 117 Vietnamese martyrs on June 19, 1988. Purposes of the pilgrimage, according to Bui, included commemorating the canonization of those martyrs, venerating Our Lady of La Vang in her chapel at the National Shrine, and strengthening ties between Vietnamese communities throughout the country.

The theme for the pilgrimage was "With the Vietnamese Martyrs, We Come to Our Lady of La Vang." The chapel to Our Lady of La Vang, a gift from Vietnamese-Catholics to the Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception, was dedicated on Oct. 21, 2006. The first apparition of Our Lady of La Vang occurred in 1798. During a period of persecution, Vietnamese Catholics had taken refuge in a jungle in the La Vang region in central Vietnam. They prayed the rosary there, and one night the Blessed Mother appeared to them in Vietnamese clothing and comforted them. A chapel was built there and then a church, and in 1961 the Council of Vietnamese Bishops made the church of La Vang the National Sacred Marian Center. In 1962, Pope John XXIII then converted the church of La Vang into the Basilica of La Vang.

One Vietnamese pilgrim who was at the National Shrine on June 20, Trinh Tran, said she came from Massachusetts to "listen to father's talks about Jesus and Mary." Tran said, "We are Catholic to be good in the world."

Long Nguyen, another pilgrim from Massachusetts, said she was tired from waking up early to catch the bus along with 55 others to make the trip to the National Shrine in Washington. About the priests' talks during the three-day event, she said, "We learn from them." She said the pilgrimage is also an opportunity to communicate with the children. "We don't have enough time together" in this country, she said.

Father Van Dinh, a diocesan priest from Oakland, Calif., said he was there "to work with the youth." On June 20, Father Dinh was in the Crypt Church at the National Shrine with the Vietnamese youth as they listened to speakers and sang songs. One song they sang was "This Little Light of Mine."

Father Dinh said the youth today have to deal with peer pressure and the hardest part for them is "to be the light for the world." The priest said the activities during the pilgrimage provide a "gateway" for the young people to remember what they are learning. The hope is that they will "go home and put into practice" what they have learned, he said.

"I hope that they can see that they are not alone," Father Dinh said.

(by Meredith Black / Catholic Standard - Washington Archdiocese)
 
Thai Binh: dans un séminaire récemment restitué et déjà restauré, futurs enseignants et futurs étudiants participent à une messe d’action de grâces
Eglises d'Asie
11:33 27/06/2008
Thai Binh: dans un séminaire récemment restitué et déjà restauré, futurs enseignants et futurs étudiants participent à une messe d’action de grâces

Les choses n’auront pas traîné. Le 30 mai dernier, l’évêque de Thai Binh, Mgr Nguyen Van Sang, avait fait annoncer (1) dans toutes les églises paroissiales du diocèse la restitution par les autorités locales des bâtiments de l’ancien séminaire My Duc ainsi que son projet d’en faire un lieu de formation pour des aspirants au sacerdoce déjà âgés. Tout le monde s’est mis au travail. L’intérieur du bâtiment a retrouvé une nouvelle fraîcheur. Mobilier, tables chaises et lits ont été remis en place. Et déjà le 23 juin, à l’intérieur de la chapelle rénovée, les 33 futurs étudiants participaient à une célébration eucharistique présidée par l’évêque du lieu, Mgr Nguyên Van Sang, et concélébrée par un certain nombre de prêtres qui formeront le corps enseignant du nouveau séminaire (1). Tous ont remercié le Seigneur pour la restitution de ce lieu de formation où tous les candidats au sacerdoce vont pouvoir reprendre des études, interrompues par certains il y a plus de trente ans.

Le séminaire de My Duc, désormais appelé le séminaire du Sacré-Cœur, est un vaste édifice occupant une surface de 2 000 m². Il avait été construit par Mgr Juan Casado Obispo, dominicain (2), premier vicaire apostolique de Thai Binh, l’année même de sa nomination. Le séminaire est composé de deux bâtiments de trois étages, auxquels il faut ajouter une cuisine, un jardin et un terrain de jeu. Il est situé à environ trois kilomètres de l’évêché. Après l’accession des communistes au pouvoir en 1954, le séminaire avait cessé toute activité, prêtres et laïcs s’étant associés en grand nombre à l’exode vers le sud. En 1956, le séminaire ouvrira à nouveau ses portes, mais, en 1968, les autorités locales confisquèrent l’un des deux bâtiments pour en faire un centre éducatif et fermèrent totalement le séminaire en 1977, à savoir deux ans après la fin de la guerre du Vietnam.

L’évêque a décidé d’être lui-même le directeur du séminaire et a confié la formation des séminaristes à un groupe de cinq prêtres ayant poursuivi des études universitaires en France, à Rome ou encore aux Philippines. L’un d’entre eux, le P. Dominique Dang Van Câu, qui a fait ses études à l’Institut catholique de Paris, secondera son évêque dans la direction du séminaire.

La trentaine de futurs étudiants qui, sans doute, commenceront leur formation à la mi-septembre ont, tous, dépassé les 35 ans. Certains ont déjà doublé le cap de la cinquantaine. L’un d’entre eux, Joseph Pham Dinh Phung, a 66 ans. Ils vivent actuellement dans des paroisses où ils aident les prêtres dans leurs activités pastorales. Quelques-uns d’entre eux avaient commencé leur formation dans l’ancien séminaire de My Duc. Ils en avaient été renvoyés dans leur famille par le gouvernement avec interdiction de travailler en paroisse. Joseph Pham Dinh Phung, accusé d’avoir contrevenu à cet ordre, fut interné dans un camp de travail durant dix ans. D’autres se sont préparés au sacerdoce dans des équipes d’études théologiques à Hô Chi Minh-Ville mais avaient dû interrompu leurs études lorsqu’il était devenu évident que le gouvernement ne leur donnerait pas l’autorisation d’être ordonnés prêtres.

Le diocèse de Thai Binh souffre d’une pénurie de prêtres mais ne manque pas de vocations. Cependant, à cause des restrictions imposées par le gouvernement et du peu de places disponibles au séminaire de Hanoi, celui-ci ne peut admettre que six séminaristes du diocèse par an.

(1) Voir VietCatholic News, 23 juin 2008

(2) Mgr Juan Casado Obispo est né le 27 décembre 1886 à Fuentecen, en Espagne. Ordonné prêtre en 1912, il est consacré évêque le 2 août 1936. Il est mort en 1941.

(Source: Eglises d'Asie - 27 juin 2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Một số điều Thí sinh Công giáo cần thực hiện khi đến Hà Nội thi tuyển vào Đại Học
LM Phêrô Nguyễn Văn Khải
08:21 27/06/2008
MỘT SỐ ĐIỀU THÍ SINH CÔNG GIÁO CẦN THỰC HIỆN
KHI ĐẾN HÀ NỘI THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC


Các bạn thí sinh thân mến

Từ các vùng nông thôn các bạn đến Hà Nội để tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Học sinh-sinh viên nào ở Việt Nam mình cũng biết đây là kỳ thi khó khăn và vất vả nhất. Đối với các bạn, tình cảnh lại càng khó khăn và vất vả hơn, vì bỗng nhiên các bạn rơi vào giữa một thành phố ồn ào, sôi động đến chóng mặt giữa cái nắng mùa hè gay gắt, có lối sinh họat giao tiếp có nhiều điều khác hẳn nếp sống thường nhật ở nông thôn. Chúng tôi rất thông cảm với các bạn.

Chúng tôi nhận ra rằng để việc thi cử của các bạn đạt kết quả tốt nhất trong mức độ có thể được, cần thiết các bạn phải biết phối hợp khéo léo tất cả các yếu tố bên trong bên ngoài từ thể lý, tâm lý đến tâm linh, chứ không thể chỉ cậy dựa vào trí thông minh và sự hiểu biết của mình. Do đó, ngoài những gì các bạn thấy là cần thiết, theo chúng tôi, bạn còn cần phải làm một số điều sau đây.

A. ỨNG XỬ VỚI GIA CHỦ

• Lưu trú trong nhà theo sự hướng dẫn của gia chủ.
• Thật thà, lễ phép, cởi mở, tự nhiên, chân thành với mọi người trong nơi lưu trú.
• Luôn có tiếng “xin phép”, “xin lỗi” và “cám ơn” với mọi người xung quanh.
• Luôn giữ cho dung nhan tươi tỉnh khi vào phòng thi cũng như khi ở nhà.
• Không sử dụng điện thoại, máy DVD, VCD, vv, của gia chủ mà không có phép.
• Không ngại xin gia chủ hướng dẫn nếu không biết cách sử dụng các vật dụng trong nhà
• Không ngại nhờ gia chủ đáp ứng các yêu cầu cần thiết của mình trong mức độ có thể được.
• Luôn tôn trọng thói quen sinh họat của gia chủ và hoà mình vào nếp sinh hoạt ấy.
• Luôn giữ phòng ốc nơi lưu trú cho vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp.
• Tôn trọng các vật dụng trong nhà chủ, không tự ý xê dịch hay sử dụng nếu chưa có phép.
• Nếu gia chủ có người là sinh viên, giáo viên, thì đừng ngại hỏi kinh nghiệm thi của họ.
• Nhớ là gia chủ đã nhận giúp mình tức là gia chủ sẵn sàng tôn trọng lịch trình thi cử của mình, thậm chí là phục vụ mình cho mình có điều kiện thi cử tốt nhất, do đó bạn đừng ngại xin gia chủ thức dậy sớm hơn để mở cửa giúp bạn đi thi hay cho phép bạn bật đèn ôn bài khuya hơn thường lệ.
• Nhớ ghi trong một mảnh giấy địa chỉ và số điện thoại của gia chủ để liên lạc khi cần thiết. Nhất là để khi thi xong về đến nhà bình an, thì báo cho gia chủ biết, cám ơn gia chủ và báo tin cho gia chủ chia vui với bạn nếu bạn thi đậu.

B. ỨNG XỬ VỚI CÁC ANH CHỊ THAM GIA TIẾP SỨC MÙA THI

• Bạn hãy ghi nhớ tên tuổi anh chị phụ trách giúp bạn trong chương trình tiếp sức mùa thi để tiện việc liên hệ và để xác định trách nhiệm liên quan của các anh chị trong khi giúp bạn.

• Các anh chị tiếp sức mùa thi là người phục vụ bạn, là trung gian giữa gia chủ với bạn. Vì thế bạn hãy tin tưởng các anh chị và đừng ngại nhờ các anh chị giúp đỡ mình, cũng đừng ngại làm theo sự hướng dẫn của các anh chị.

• Bạn nhớ thống nhất rõ ràng, chắc chắn với các anh chị về chuyện giờ giấc đưa đón, ăn uống, ngủ nghỉ và các điều cần thiết khác. Bạn nghe cho rõ mọi điều hướng dẫn, nếu chưa rõ thì đừng ngại hỏi lại. Bạn hiểu cho kỹ các điều hướng dẫn, nếu chưa hiểu thì đừng ngại xin các anh chị giải thích.

• Bạn cũng phải chủ động giữ liên lạc với các anh chị trực tiếp giúp đỡ mình. Nhớ giữ số điện thoại của các anh chị này và của các anh chị phụ trách. Trường hợp có sự trục trặc trong liên lạc, đi lại, ăn ở, thi cử thì báo ngay cho các anh chị phụ trách biết để bạn được giúp đỡ kịp thời. Nếu không được thì tạm thời bạn phải thuê xe ôm chở đến điểm thi cho kịp.

• Bạn hãy phối hợp với các bạn trực tiếp đưa đón các bạn trong chuyện ăn ở, đi lại, thi cử. Phải rõ ràng và minh bạch trong vấn đề tiền bạc chi phí. Nếu bạn vì lý do nào đó đã bị mất hết tiền bạc, đừng ngại trình bày ngay với các anh chị tham gia tiếp sức mùa thi để được giúp đỡ kịp thời.
• Bạn hãy giữ địa chỉ và số điện thoại của các anh chị này để khi thi xong và về đến nhà bình an, thì báo cho các anh chị biết, cám ơn các anh chị và báo tin cho các anh chị chia vui với bạn nếu bạn thi đậu. Trường hợp này các anh chị lại có thể giúp bạn sớm ổn định để học tập tốt hơn.

C. ỨNG XỬ VỚI CHÍNH MÌNH

• Tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc lịch sự, ăn uống đấy đủ và cẩn thận. Đừng để bụng quá no hay quá đói. Thức ăn lạ liệu mình không hợp thì đừng ăn kẻo đau bụng cản trở nặng nề cho việc thi. Nếu cần thì uống thêm nước hoa quả hay sữa tươi cho đủ dinh dưỡng cần thiết cho việc thi.

• Không nên giữ nhiều tiền. Tiền bạc và vật dụng quý hãy luôn mang theo bên mình. Không nên để ly thân kẻo lỡ mất lại gây hiểu nhầm hay khó nghĩ cho gia chủ và những người xung quanh. Nếu có nhiều tiền bạc hay vật dụng quý, tốt nhất hãy giao phó cho các anh chị trưởng nhóm tiếp sức mùa thi giữ giúp. Nhớ là bạn phải biết rõ tên tuổi và địa chỉ liên lạc của người này đồng thời khi giao phải có các anh chị khác chứng kiến.

• Ngày đi thi, tuỳ vị trí từ nơi lưu trú đến điểm thi, bạn hãy tính toán thời gian nên dậy lúc nào cho thích hợp. Sợ mình có thể ngủ quên thì nhờ các bạn cùng nhà hoặc nhờ gia chủ đánh thức. Thường thì các anh chị tiếp sức mùa thi cũng cùng các bạn lo sắp đặt chuyện này.

• Uống nước cho đầy đủ. Đừng để người thiếu nước. Vì trời nóng mà thiếu nước thì sẽ khó làm bài tốt và sẽ rất nguy hiểm cho việc thi cử. Bạn hãy mang theo một chai nước nhỏ vào phòng thi. Bạn cũng hãy liệu cách đi vệ sinh lúc thuận tiện trước khi bước vào giờ thi.

• Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và vật dụng cần thiết khi đi thi như bút chì, bút mực, thước kẻ, compa, tẩy, chứng minh nhân dân, thẻ dự thi, giấy báo tốt nghiệp, v.v.

• Đừng mang vào phòng thi các tài liệu và vật dụng bị cấm như điện thoại di động, máy thu phát sóng FM, sách vở, tài liệu, v.v.

• Hãy bình tĩnh, tự tin và phó thác khi vào phòng thi. Bạn hãy coi đấy là một cuộc thử sức mình, một cơ hội khám phá chính mình, một bổn phận thiêng liêng Chúa trao phó cho mình. Qua kỳ thi này bạn sẽ thu được một điều gì đó tốt đẹp, hữu ích cho mình trong tương lai.

• Bạn nhớ ghi chép đầy đủ và chính xác các thông tin lên phần phách của bài thi. Đừng bao giờ làm bài trên một tờ giấy chưa ghi các thông tin của bản thân lên phách.

• Khi vào chỗ ngồi xong, trong lúc chờ phát đề thi, bạn hãy làm dấu thánh giá, đọc Kinh Chúa Thánh Thần hay Kinh Sáng Soi, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và thêm những lời cầu nguyện thích hợp với tâm trạng và hoàn cảnh của mình lúc đấy. Hãy xin Chúa giúp bạn dốc lòng, dốc sức, dốc trí để làm bài thi cách nghiêm túc. Sau đó bạn tập trung làm bài. Không nhớ đến ai và đến điều gì nữa. Nếu bạn và bài thi là một, bạn không còn nhớ gì khác trên đời, kể cả chính mình, thì tin chắc là bạn đã tập trung làm bài tốt.

• Là người Công giáo bạn tuyệt đối tránh chuyện gian lận trong thi cử. Trong khi làm bài, bạn không nói chuyện, không xem tài liệu không được phép, không quay ngang quay dọc, không hỏi bài, không trả lời bất cứ ai bên cạnh về bất cứ chuyện gì. Hãy nhớ rằng có bạn đã phải bị đình chỉ thi và bị trừ điểm phần bài đã làm được chỉ vì lỡ nói một câu với người bên cạnh, dù câu trả lời không liên quan đến nội dung bài thi.

• Kể từ lúc bắt đầu có đề thi, nếu thoáng xuất hiện trong trí một ý tưởng liên quan đến một phần nào trong nội dung bài thi, thì nhanh chóng ghi ngay ra giấy nháp. Nên làm phần mình thấy dễ trước, phần khó sau. Nếu có hai đề thì tính toán cho kỹ, nếu cần thì chi ra 15 phút để ghi nội dung mình có thể làm được liên quan đến hai đề thi. Thấy đề nào mình làm được nhiều hơn, chắc chắn hơn, thì chọn đề ấy. Đã chọn rồi thì xác tín về chọn lựa của mình, không nghĩ gì đến đề kia nữa. Gạt nhanh và gạt toàn bộ đề thi kia ra khỏi phạm vi suy nghĩ và tính toán của mình.

• Bạn hãy tính toán thời gian để làm bài. Không nên làm nhanh quá, cũng không nên làm chậm quá. Đừng vì thấy các bạn xung quanh làm xong trước, nộp bài ra về mà bạn sốt ruột. Dù chỉ còn một mình bạn trong phòng thi, dù chỉ còn một phút nữa thôi, nếu bạn chưa làm xong thì hãy bình tĩnh tiếp tục suy nghĩ. Chỉ với 30 giây nếu bạn ghi ra được một ý gì thì kết quả kỳ thi của bạn có thể sẽ khác.

• Nếu làm được và làm xong sớm, bạn hãy im lặng cầu nguyện với Chúa. Sau một hồi cầu nguyện và nghỉ ngơi, bạn hãy xem lại bài làm của mình. Xong rồi đợi đến một vài phút cuối cùng bạn hãy nộp bài thi. Bạn hãy giữ một lối ứng xử bác ái: Không nên nộp bài thi sớm quá, kẻo tác động đến tâm lý của các thí sinh khác trong phòng thi, ảnh hưởng tới việc làm bài của các bạn kia. Khi nộp bài thi, bạn nhớ ký tên và ghi rõ số tờ mang nội dung bài thi của bạn.

• Nếu bạn không làm được bài thi bạn hãy im lặng cầu nguyện, sám hối và có những dốc lòng cần thiết cho kỳ thi tới. Có bạn sau sáu lần thi đại học liên tiếp cuối cùng thì cũng đã thi đậu. Bạn cũng hãy dốc lòng và định hướng cho tương lai của mình. Có nhiều lối vào đời. Để được thành công và hạnh phúc, không nhất thiết phải qua cửa đại học.

• Dù làm được bài hay không làm được bài, bạn hãy ứng xử lịch sự lễ phép với mọi người xung quanh, nhất là với giám thị và các bạn cùng thi. Không nên có những hành động, lời nói có tính cách nổi loạn, coi thường người khác.

• Bạn đừng quên kịp thời làm dấu và cám ơn Chúa khi kết thúc một bài thi. Cũng xin Chúa chúc lành cho bạn trong bài thi kế tiếp.

D. ỨNG XỬ VỚI MỘT SỐ NGƯỜI KHÁC

VỚI CÁC BẠN CÙNG PHÒNG Ở: Bạn hãy tỏ ra thân thiện với các bạn ở cùng nhà. Hãy có những lời thăm hỏi, động viên, khuyến khích. Hãy có những cử chỉ bác ái để giúp đỡ các bạn, trong chuyện ăn uống, nghỉ ngơi, tắm giặt, học tập. Tránh làm điều gì tổn hại đến việc học và việc thi của các bạn khác. Tránh tình trạng chỉ nhìn nhau mà không nói với nhau câu nào.

VỚI CÁC GIÁM THỊ: Bạn hãy tin tưởng các giám thị; hãy tỏ ra dễ thuơng và dễ bảo đối với họ; hãy luôn luôn mau mắn hành động theo sự hướng dẫn của họ. Đừng để cho họ phải nhắc nhở mình điều gì. Nếu cần giúp đỡ, hay yêu cầu gì, thì đừng ngại giơ tay ra hiệu. Không ngại có những lời nói và hành vi bác ái với họ để khuyến khích họ và giúp họ thi hành tốt nhiệm vụ.

VỚI CÁC BẠN CÙNG PHÒNG THI: Bạn hãy tỏ ra thân thiện với các bạn thi cùng phòng. Đừng ngại thăm hỏi nhau và trao đổi với nhau ngoài phòng thi và ngoài giờ thi. Hãy có những lời nói, cử chỉ động viên khuyến khích họ làm bài tốt. Khi mình biết làm thế cho người khác cũng là lúc mình nhận được điều ấy nơi mình. Hãy giao hẹn trước với các bạn cạnh mình để những bạn này đừng hỏi han gì mình trong giờ làm bài thi, kẻo nguy hiểm cho cả hai.

VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC BẠN GẶP ĐÂY ĐÓ TRONG KHI ĐI THI: Hãy tỏ ra bình tĩnh, tự tin trước bất cứ ai bạn gặp và luôn lễ phép và lịch sự với người ta. Tuy nhiên, cũng phải tỉnh táo để tránh những sự cố đáng tiếc.

NHỚ: Bạn không nên vay mượn tiền bạc hay vật dụng quý giá của bất cứ ai. Bạn cũng không nên cho bất cứ ai vay mượn tiền bạc hay vật dụng quý giá. Nếu bạn gặp khó khăn về tiền bạc hoặc bạn có nhu cầu gì bất ưng mà điều kiện của bạn không cho phép, bạn hãy liên hệ các anh chị phụ trách tiếp sức mùa thi, hoặc với cha phụ trách.

E. NHỮNG VIỆC BẠN CẦN LÀM SAU KHI THI

• Nếu bạn đã học tập và chuẩn bị thi cử bằng tất cả, thời gian, phương tiện và năng lực cho phép và nếu bạn đã làm bài thi nghiêm túc, thì dù nhận được kết quả ở mức nào, bạn cũng hãy hài lòng vì đã chu toàn bổn phận Chúa giao phó và hãy tạ ơn Chúa vì bạn đã tìm được ý Chúa.

• Khi bạn đã kết thúc kỳ th, bạn cũng hãy tự khuyến khích chính mình: Bạn đã kiên trì theo học ít là 12 năm vừa qua. Đấy là một nỗ lực rất lớn để vào đời và để thành người. Bạn hãy tự khen thưởng cho mình bằng một điều tốt đẹp nào đó.

• Bạn cũng hãy cám ơn bố mẹ, anh chị em, thầy cô giáo và những người giúp đỡ bạn trong 12 năm học vừa qua, đặc biệt là trong kỳ thi tuyển sinh đại học này. Bao nhiêu ân tình bạn đã nhận được từ những người ấy. Bạn hãy cám ơn bằng lời. Nhất là với bố mẹ bạn. Và bạn hãy hứa với các ngài là bạn sẽ cố gắng vào đời bằng niềm tin, tình yêu, lòng nhiệt thành của mình.
• Trên hết, bạn đừng ngại tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp và các thánh. Bạn hãy đi đến một đền thánh nào đó để hành hương kính viếng các đấng và tạ ơn các đấng. “Kẻ dâng lời tạ ơn làm hy lễ, sẽ làm hiển danh ta”.

• Bạn cũng có thể nhờ các anh chị tiếp sức mùa thi xem điểm giúp. Nếu bạn trúng tuyển vào Trường đại học hoặc Cao đẳng nào bạn hãy báo lại cho các anh chị phụ trách chương chính tiếp sức mùa thi biết để bạn được giúp đỡ khi nhập học. Nếu không thì các anh chị cũng biết số lượng thí sinh thi đậu trong năm nay để có tinh thần phục vụ tốt hơn trong những năm tới.

XIN CHÚA GIÊSU CỨU THẾ QUA LỜI CHUYỂN CẦU CỦA MẸ MARIA HẰNG CỨU GIÚP CHO BẠN ĐƯỢC BÌNH AN MẠNH KHOẺ, CÓ MỘT KỲ THI TUYỂN SINH TỐT ĐẸP VÀ ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ TỐT NHẤT. NGUYỆN XIN ÂN SỦNG CỦA CHÚA LUÔN Ở CÙNG BẠN. ĐẶC BIỆT XIN CHÚA BAN CHO BẠN ƠN KHÔN NGOAN, THÔNG HIỂU VÀ CAN ĐẢM.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải
Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội
ĐT 0989 036 880
 
Việt Ngữ được chọn là 1 trong 7 ngôn ngữ chính thức trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 Sydney
Ban Tổ Chức WYD 2008
08:34 27/06/2008
Việt Ngữ được chọn là 1 trong 7 ngôn ngữ chính thức trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 Sydney

Trong tinh thần cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và với niềm hãnh diện là người Việt Nam, Ban Tổ Chức WYD4VN Tổng Giáo Phận Sydney xin hân hạnh thông báo:

Việt Ngữ được chọn là 1 trong 7 ngôn ngữ chính thức trong Đại Hội Giới Trẻ
Thế Giới 2008 Sydney.

Việt Ngữ sẽ được thông dịch tại chỗ và phát thanh qua hệ thống Radio tại các
sinh hoạt chính yếu của Đại Hội, gồm có:

- Thánh Lễ Khai Mạc vào Thứ Ba 15/7 do Đức Hồng Y George Pell chủ tế
- Nghi lễ chào đón Đức Giáo Hoàng Benedict XVI vào Thứ Năm 17/7
- Chặng Đàng Thánh Giá vào Thứ Sáu 18/7
- Đêm Canh Thức vào Thứ Bảy 19/7
- Thánh Lễ Bế Mạc vào Chúa Nhật 20/7 do Đức Giáo Hoàng Benedict XVI chủ tế

Xin chia vui cùng tất cả đồng bào Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam từ
bốn phương về Sydney tham dự Đại Hội.

Trân trọng,
BTC WYD4VN TGP SYDNEY
 
Người Công Giáo Việt Nam tụ tập tại Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia để tuyên xưng đức tin
Bùi Hữu Thư dịch
11:06 27/06/2008

Người Công Giáo Việt Nam tụ tập tại Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia để tuyên xưng đức tin



Hoa Thịnh Đốn: ngày 23/6/2008 - Trong ba ngày người Công Giáo Việt Nam từ khắp các nơi trên Hoa Kỳ đã tụ tập tại Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia để cầu nguyện và học hỏi về đức tin của họ. Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Saigon chủ tế nhiều thánh lễ trong ba ngày Hành Hương 19-21 tháng 6. Chương trình gồm có một buổi hội thảo về Mục Vụ Gia Đình, và các hội thảo về Giáo Lý Công Giáo, và vai trò của người giáo dân hôm nay như những nhân chứng cho Chúa Giêsu, và cách thức gia đình sống đạo tại Hoa Kỳ. Giáo dân Việt Nam cũng tham gia một cuộc rước kiệu Thánh Thể, kiệu CTTĐ, chầu Mình Thánh, bí tích Hòa Giải, hôn xương Thánh, trình diễn thánh nhạc và thánh vũ, và rước kiệu Đức Mẹ

Một ca viên đang hát trước thềm VCTĐ: hình của RAFAEL CRISOSTOMO


Ông Bùi Hữu Thư, Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, Virginia, và Chủ Tịch Giáo Dân Liên Đoàn Công Giáo Miền Trung Đông Hoa Kỳ cho hay có vào khoảng 3.500 người Công Giáo Việt Nam từ 25 tiểu bang tham dự cuộc hành hương, do Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức.

Năm nay cuộc hành hương có ý nghĩa đặc biệt vì đánh dấu 20 năm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong thánh cho 117 vị thánh tử đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6, 1988. Theo ông Thư, mục đích của cuộc hành hương cũng nhằm việc kỷ niệm việc phong thánh, tôn kính Mẹ La Vang tại Nhà Nguyện bên trong Vương Cung Thánh Đường, và thắt chặt tình thân ái giữa các cộng đồng Công Giáo Việt Nam trên toàn quốc.

Chủ đề của cuộc hành hương là “Cùng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Chúng ta về bên Mẹ La Vang.” Nhà nguyện Đức Mẹ La Vang là một qùa tặng của người Công Giáo Việt Nam dâng cúng cho Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và được khánh thành ngày 21 tháng 10, 2006.

Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất năm 1798. Trong một thời kỳ bách đạo, người Công Giáo Việt Nam đã ẩn trốn trong một khu rừng tại La Vang, ở Miền Trung Việt Nam. Họ cầu nguyện chuỗi Mân Côi tại đây, và một đêm kia Đức Mẹ đã hiện ra với họ và an ủi họ. Một nhà nguyện được dựng lên tại đây, và năm 1961, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nâng nơi này lên hàng Thánh Điạ Quốc Gia. Năm 1962, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng Thánh Đường La Vang lên hàng Vương Cung Thánh Đường.

Một khách hành hương có mặt tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 20 tháng 6 là Trần Trịnh cho hay anh đến từ Massachusetts để được nghe các cha “giảng về Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Anh nói, “Chúng tôi là người Cộng Giáo và phải sống đạo tốt giữa thế gian."

Nguyễn T. Long, một khách hành hương khác cũng đến từ tiểu bang Massachusetts, nói, bà rất mỏi mệt vì phải thức dậy thật sớm để đón xe buýt cùng với 55 người khác để đến Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Hoa Thịnh Đốn. Bà cũng cho hay bà học hỏi được rất nhiều từ các bài giảng của các cha trong ba ngày hành hương. Bà cũng cho hay cuộc hành hương là một dịp tốt để trò truyện với con cái. Bà nói, “Tại quốc gia này, chúng tôi không có đủ thì giờ để gần gũi nhau.”

Linh Mục Đồng Minh Quang, một cha xứ từ Oakland, California nói ngài đến “để sinh hoạt với giới trẻ”. Ngày 20 tháng 6, cha Quang ở trong nhà nguyện dưới hầm cùng với giới trẻ Việt Nam trong khi họ lắng nghe các diễn giả và hát các bài ca. Một trong những bài ca họ đã hát là "This Little Light of Mine."

Cha Quang cho hay giới trẻ hôm nay phải đối phó với áp lực của bạn bè và điều khó khăn nhất đối với họ là “làm ánh sáng cho thế gian.” Linh mục này cũng nói “các sinh hoạt trong cuộc hành hương cung cấp một cửa ngõ cho giới trẻ ghi nhớ những gì họ học hỏi được. Hy vọng là họ sẽ “về nhà và thực hành những gì họ đã học hỏi được.”

Cha Quang tiếp, “Tôi hy vọng là họ sẽ cảm nhận được rằng họ không phải đi một mình."

Cha Đồng Minh Quang đang giảng


Meredith Black

Báo Catholic Standard (Tổng Giáo Phận Hoa Thịnh Đốn)
 
Canada làm phim về Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
Trần Trung Lương
14:30 27/06/2008
Đài Truyền Hình Công Giáo Canada, Salt + Light Catholic Media Foundation, vì khâm phục và kính mến Đức Cố HY Nguyễn Văn Thuận, vừa hoàn thành một DVD nói về cuộc đời và thân thế cuả ngài. Cuốn phim dài một giờ này cũng nhằm hỗ trợ việc xin phong thánh cho Ngài. Trong phim, ngoài phần phát biểu của các chức sắc Canada, còn có sự xuất hiện của 4 nhân vật VN là Đức Ông Trần Văn Khả ở Roma, GS Nguyễn Văn Châu ở Thụy Sĩ, Bà Nguyễn Thu Hồng em ruột của Đức Hồng Y ở Canada, và Nhà văn Trà Lũ ở Canada trong vai Đức Hồng Y trong trại tù cộng sản 13 năm

DVD gía 25 đô la Canada. Xin hỏi mua qua: www.saltandlighttv.org
Tel: 1-888-302-7181.
Địa chỉ: Salt + Light Catholic Media Foundation, 114 Richmond St. E., Toronto, Ont. M5C 1P1
 
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam có thêm 27 Thầy khấn dòng
Thái Hà
20:19 27/06/2008
DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM: 27 THẦY KHẤN DÒNG

SAI GÒN - Hôm nay thứ sáu, 27.06.2008, Dòng Chúa Cứu Thế đã tổ chức lễ khấn lần đầu và khấn vĩnh viễn cho 27 thầy tại thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn. Chủ sự thánh lễ và nhận lời khấn là cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT Việt Nam.

Có 10 thầy khấn vĩnh viễn, trong đó có 7 thầy theo ơn gọi giáo sĩ và 3 thầy theo ơn gọi trợ sĩ. Các thầy giáo sĩ đã học xong triết học và một nửa chương trình thần học theo quy định của Giáo Hội. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, thì 2 năm nữa quý thầy sẽ đựơc thụ phong linh mục.

Ba thầy trợ sĩ hiện đang phục vụ tại các cộng đoàn địa phương. Thầy Giuse Phan Vũ Dũng đang phục vụ tại vùng truyền giáo Cần Giờ. Thầy Phêrô Phan Văn Hoàn đang giám sát công trình xây dựng tại Kỳ Đồng và thầy Phêrô Đặng Văn Lượng đang phục vụ tại vùng truyền giáo Đà Lạt. Hiện nay DCCT vẫn còn thiếu nhiều ơn gọi trợ sĩ.

Có 17 tập sinh khấn lần đầu, trong đó có 16 thầy theo ơn gọi giáo sĩ và 1 thầy theo ơn gọi trợ sĩ. Các thầy theo ơn gọi giáo sĩ đều đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học tại các trường nhà nước. Các thầy cũng đã học xong chương trình triết học theo quy định của Giáo Hội. Do đó, các thầy sẽ chỉ còn 4 năm thần học tại Học viện DCCT.

Với đợt khấn dòng, này DCCT Việt Nam có 280 thành viên, trong đó có 71 anh em đang học triết học và thần học tại Học viện của Dòng.

Thánh lễ khấn dòng hôm nay quy tụ khoảng 90 linh mục và đông đảo tu sĩ và giáo dân đến từ nhiều vùng khác nhau. Có những người đến từ các giáo phận Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm ở Miền Bắc Huế, Đà Nẵng ở Miền Trung cho đến Xuân Lộc, Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên ở Miền Nam.

Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thánh đã đại diện anh em DCCT cám ơn quý cha nghĩa phụ, quý tu sĩ nam nữ, quý thân nhân, ân nhân và bạn hữu của quý thầy. Theo ngài sự nâng đỡ, trợ giúp và hướng dẫn của các vị này là cần thiết để DCCT có thêm nhiều ơn gọi và để anh em khấn sinh có thể trung thành hiến thân phục vụ.

Kết thúc thánh lễ, tại sân tu viện các tân khấn cùng với quý thân nhân, ân nhân, bạn hữu uống nước, dùng bánh ngọt và hoa trái trong khi trò chuyện, chúc mừng và chia vui với các tân khấn cùng quý cha quý thầy DCCT.
 
Văn Hóa
Tỉnh thức? Khó đấy!
Nguyễn Trung Tây, SVD
07:45 27/06/2008

Tỉnh thức? Khó đấy!

Tịnh tâm, Ảnh Nguyễn Trung Tây
— Xin lỗi, nghe không rõ! Bạn nói chi?

— Tỉnh thức.

— Tỉnh thức? À, tỉnh thức. Cái này thì khó đấy…

I. Tỉnh thức: Vật chất dư thừa
Trong những xã hội tiên tiến, tỉnh thức không phải là một điều dễ làm, bởi vì vật chất dư thừa bao quanh khiến mình khó phân biệt đâu là thần tài, đâu là thần chết.

Chuyện kể rằng có hai tên tướng cướp một hôm đi ngang qua cánh rừng, bất ngờ cả hai cùng bắt gặp một người đàn ông tuổi trung niên đang hốt hoảng bỏ chạy, tay chỉ vào trong rừng, miệng hét to, “Thần chết! Thần chết!”. Thấy chuyện lạ, hai tên tướng cướp chặn người đàn ông lại, kề dao vào cổ, vặn hỏi, “Thần chết ở đâu mà nhà ngươi vừa chạy vừa hét ầm ĩ lên như vậy? Mát hả? Hay là té giếng sâu mười tám thước?”. Lạ thay, mặc dù bị dao sắc chạm ngay cần cổ, người đàn ông vẫn không tỏ vẻ sợ hãi, nhưng tiếp tục chỉ tay vào rừng, tiếp tục hét to, “Thần chết! Thần chết!”. Thấy người đàn ông có thái độ lạ kỳ, hai tên tướng cướp liền để mặc người đàn ông một mình, rồi cả hai đi sâu vào bià rừng về hướng tay chỉ của người đàn ông. Thật bất ngờ, mới lần mò vào bià rừng được khoảng ném một cục đá, hai tên tướng cướp khám phá ra một cái hang bên trong chất cao đầy vàng bạc và kim cương. Thấy kho tàng bất ngờ xuất hiện trước mặt, hai tên tướng cướp mắt sáng ra. Rồi không ai nói ai, cả hai tên cướp thay phiên nhau đào vàng bạc, hốt kim cương cho vào những bao bố, chuẩn bị mang về thành phố. Cả hai vừa đào vàng, vừa hốt bạc, tâm hồn lâng lâng nghĩ tới ngày mai, một ngày mai tươi sáng với một kho tàng trời tặng ban cho thật bất ngờ. Sau một hồi loay hoay với kho vàng, cả hai tên cướp cùng đói bụng. Một tên mới đề nghị, “Thôi, để tao vô thành phố. Mi cứ ở đây, đào tiếp, đợi tao mua bánh mì mang về tụi mình ăn trưa nhé”. Đang đói bụng, nghe bạn nói vậy, tên kia gật đầu đồng ý liền. Trên đường đi mua bánh mì ăn trưa, tên cướp thứ nhất bất ngờ động lòng tham, hắn nghĩ, ‘Thôi kệ, bây giờ mình ghé vào tiệm thuốc Bắc mua thuốc chuột nhét vào ổ bánh mì kẹp thịt. Như vậy cả nguyên một kho tàng sẽ thuộc hẳn về mình’. Nhưng cũng không ai ngờ, trong hang núi, tên cướp thứ hai cũng động lòng tham y như tên cướp thứ nhất. Cho nên, hắn bậm môi đứng nép ngay cửa hang, tay giơ cao thanh đao đợi chờ. Bởi không tỉnh thức, không nghi ngờ, tên cướp thứ nhất không chuẩn bị. Cho nên vừa mới ló đầu vào, đầu hắn rụng xuống, rơi lăn nghe kêu lông lốc trên nền đất khô. Giết chết bạn xong, tên cướp thứ hai tỉnh bơ ngồi xuống, lấy bánh mì có ướp thuốc chuột ra ăn. Nhưng bánh mì vừa kịp trôi qua cổ họng, hắn trợn mắt lên, rồi giãy đành đạch té chết nằm sõng soài bên cạnh xác đồng nghiệp còn chưa kịp lạnh. Thế là thần tài rớt mặt nạ xuống, hiện nguyên hình thần chết.

Tỉnh thức? Khó đấy!

II. Tỉnh thức: Giật gấu vá vai
Đối với những cuộc giật gấu vá vai, tỉnh thức cũng không phải là một điều dễ thực hiện, bởi vì đời sống vật chất thiếu thốn khiến người ta cũng dễ dàng bị mập mờ lẫn lộn giữa hạnh phúc bây giờ và bất hạnh tương lai.

Chuyện kể rằng tại một thôn làng có một cặp vợ chồng son. Cả hai rất hạnh phúc, nhưng chỉ tội nghèo. Bởi thế chồng phải ngày ngày vô rừng đốn củi kiếm tiền. Vợ ở nhà xúc cá bắt tép mang ra chợ bán. Cả hai quần quật làm việc đầu tắt mặt tối, thế mà vẫn không thoát cảnh cơm trưa trộn sắn, cơm chiều trộn khoai. Nhưng mặc cho phận nghèo tiếp tục theo đuổi, hai vợ chồng rất thương yêu nhau. Tối trong khi chồng đang ngồi xếp đống củi chuẩn bị mang ra chợ bán vào sáng sớm ngày hôm sau, vợ ngồi bên cạnh ướp muối từng chú cá xúc được trong ngày. Lâu lâu hai vợ chồng nhìn nhau, cười tủm tỉm thương yêu mặn nồng.

Bất ngờ, vào một ngày kia, trong khi đang vớt tép, vợ khám phá ra trong rổ lóng lánh một cục đá. Ánh sáng của cục đá sáng lấp lánh che tối ánh bạc mặt trời nhiệt đới và cả những chú cá rô đồng lớn bằng bàn tay đang dãy dụa trong rổ. Mang cục đá lớn bằng trái trứng chim câu về nhà, vợ nhờ người mang đi bán. Thế là bắt đầu kể từ đó đời sống của hai vợ chông thay đổi, chồng thôi phận tiều phu, vợ thôi kiếp xúc tép. Cả hai trở nên giàu có với nhà cao cửa rộng, người ăn kẻ ở tấp nập. Và cũng bắt đầu từ đó, người chồng một thời tiều phu bắt đầu đổi tính. Anh không còn tối tối quây quần xum họp với vợ trong túp lều tranh nữa, nhưng ngày đêm la cà nơi quán rượu nhà chứa… Và cũng bắt đầu từ đó, người vợ một thời xúc tép đổi hình. Chị ăn mặc sang trọng phấn son rỡ ràng, thường xuyên xuất hiện nơi sòng bạc casino… Có người còn nói chị trở nên gái gọi hạng sang… Thực hư chẳng ai biết. Nhưng,

Tỉnh thức? Khó đấy!

III. Tỉnh thức: Chốn thiền môn
Trong đời sống thiền môn, không tỉnh thức cõi thiền sẽ nhập nhằng hóa ra cõi trần.

Chuyện kể rằng, có nhà tu sĩ thuộc phái hành khất bình bát có lần dừng bước ngồi ăn xin dưới gốc đa đầu làng. Người trong thôn đi ngang qua, họ nhận ra gia tài duy nhất người tu sĩ sở hữu là hai cánh áo tăng và cái bình bát làm bằng gỗ. Tuy nghèo, nhưng nhà tu sĩ rất là hạnh phúc. Khuôn mặt của chàng không bao giờ thiếu vắng nụ cười. Ngày ngày ngồi dưới gốc đa, chàng lần chuỗi tâm kinh bình bát, “Xin cho con sống trọn một đời tu hành, chọn Trời làm mền, lấy đất làm giường, lấy hạnh phúc tha nhân là hạnh phúc của chính con”.

Dân làng đi ngang qua, có người dâng cúng trái chuối sứ, có người dâng tặng hành khất sĩ cái bánh cam. Trẻ em rắn mặt có tên nhặt đá ném người xuất gia. Có người không hiểu đạo lý diệt ngã của môn phái hành khất, cho nên đi ngang qua mở miệng mắng,

— Ơ hay chửa! Thanh niên trai tráng mặt mũi thông minh sáng láng như thế kia, tay chân vạm vỡ ra dáng người có ăn học như thế, mà lại lười biếng, không chịu đi làm! Rõ là nằm dưới gốc sung!

Ai cho chi, tăng sĩ trẻ tuổi cúi đầu, tay đưa lên trước ngực theo kiểu khất sĩ, miệng nói lời cám ơn.

Bị đá ném thẳng vào người, dù là to hay nhỏ, tăng sĩ vẫn yên lặng, thân mình không di chuyển, vầng trán cao không gợn một nét nhăn, nụ cười tăng sĩ vẫn nở trên môi, nhưng đầu cúi xuống tránh những hòn đá hiểm ác ném thẳng vào mặt.

Trước những lời la mắng, cự trách, người tu sĩ cúi xuống, tay chắp theo thế tâm kinh bình bát, mắt nhìn xuống nền đất, ánh mắt khoan thai tựa như Đức Phật ngự trên tòa sen.

Người trong làng, có mấy lần ghé tận gốc đa mời tăng sĩ về nhà dùng bữa cơm chay dưa muối. Nhưng tu sĩ bình bát nhã nhặn cúi đầu miệng nói lời cám ơn.

Ngày ngày trôi qua người tăng sĩ ngồi dưới gốc đa đã trở thành một phần đời sống của thôn làng. Sáng sáng lũ lượt kéo nhau đi ngang qua đầu làng chuẩn bị cho một ngày mới, người trong thôn nhận ra nhà tu sĩ vẫn ngồi thiền dưới gốc cây đa, ánh mắt hiền từ, nụ cười khoan dung.

Nhưng bất ngờ, vào một ngày kia người trong thôn nhận ra hai bộ quần áo tăng của người tu sĩ bị chuột nhắt gặm cắn nham nhở. Ái ngại cho tình cảnh đơn chiếc của tăng sĩ, có người quay về nhà mua tặng tăng sĩ hai bộ áo tăng mới. Nhưng tu sĩ lắc đầu, chỉ xin mượn kim chỉ khâu vá lại những chỗ rách.

Nhận ra những chú chuột nhắt là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng cơ hàn lại thêm cơ hàn của tăng sĩ, có người chạy về nhà kiếm chú mèo mang lại tặng. Người này thông minh lanh lợi, ông không biếu tặng tăng sĩ một con mèo béo mập khỏe mạnh, mà là một chú mèo gầy đói ốm yếu nhưng hay bắt chuột. Dưới gốc cây đa, tăng sĩ nhìn chú mèo, thoạt tiên, chàng từ chối, viện lẽ ông thuộc về giới hành khất bình bát, không có quyền sở hữu bất cứ điều chi ngoài hai bộ y phục tăng sĩ và bình bát. Nhưng người chủ nhân của chú mèo ốm đói nói,

— Bạch thầy! Thầy nói đúng lắm. Nhưng con chỉ gởi tạm thầy chú mèo ốm đói nhờ phước của thầy chăm nom dăm bữa nửa tháng mà thôi. Sau đó, con sẽ quay lại, xin lại chú mèo.

Nhận ra chú mèo gầy gò, ốm đói, bệnh hoạn, miệng kêu meo meo đói sữa, lòng từ tâm của tăng sĩ bình bát nổi lên, thế là chàng miễn cưỡng gật đầu.

Từ ngày có sự xuất hiện của chú mèo, chuột nhắt không còn dám lai vãng dưới gốc đa để cắn xé quần áo của tăng sĩ nữa. Nhưng cũng bởi có sự xuất hiện của mèo mướp hay chuột, tăng sĩ bắt đầu phải đảo mắt tìm kiếm lương thực cho chú mèo. Nhận ra điều đó, có người trong thôn sáng chiều ghé vào dâng cúng thiền môn hai chén sữa cho chú mèo. Thế là xong xuôi một mối lo!

Ngày một ngày hai tiếp tục trôi qua, người biếu sữa cho chú mèo có chuyện phải rời bỏ thôn làng đi lên kinh đô làm ăn trong vòng một thời gian dài. Thôi thì cũng là nhất cử lưỡng tiện, ông liền quyết định mang con bò sữa lại gửi thiền sư gốc đa nhờ trông nom. Như thế chú mèo cũng có sữa, mà tăng sĩ cũng có thêm miếng sữa tươi uống hằng ngày. Nhìn chú bò, tăng sĩ không nói chi, miệng tiếp tục lời tâm kinh bình bát.

Bây giờ đã có nguyên một chú bò sữa quẩn quanh bên gốc đa, tăng sĩ bắt đầu phải đảo mắt nhìn quanh quẩn tìm kiếm cỏ khô. Bởi thế tăng sĩ không còn ngày ngày ngồi thiền dưới gốc đa nữa, nhưng sáng sớm chiều tối, chàng phải bỏ những buổi công phu tâm kinh bình bát đi quanh quẩn tìm kiếm cỏ khô cho chú bò sữa.

Nhận ra tình trạng lúng túng của tăng sĩ, dân làng hội họp lại, và họ quyết định gửi tới gốc đa một người phụ nữ nhà nghèo cùng đinh khố rách, không công ăn việc làm để trông coi chú bò sữa cho nhà thiền sư. Thôi, thế cũng coi như là làm việc bác ái, một công hai việc, vừa là làm phúc cho cô gái, vừa là tiếp tục giúp nhà tăng sĩ không phải mất thì giờ công phu tu hành đi làm công việc dẫn bò ăn cỏ. Người trong thôn làng nhận ra đây là lần đầu tiên, khi nhận ra cô gái chăn bò sữa đang đứng trước mặt, vầng trán tu sĩ cao rộng thoáng gợn lên một đường hằn. Nhưng chàng không nói chi, tay chỉ ra phía sau. Thôn làng hiểu ý, người ta liền cất lên một ngôi nhà tranh nho nhỏ cho cô gái chăn bò sữa ở phía xa xa.

Ngày tháng trôi qua, đời sống của người trong thôn làng và người tăng sĩ gốc đa quay trở lại những nhịp điệu bình thường. Người trong thôn không còn phải lo cho tu sĩ nữa, bởi có người một phụ nữ đã được thôn làng cắt cử đặc trách công việc chăm sóc cho tăng sĩ. Tăng sĩ tiếp tục chăm chú vào những lời tâm kinh bình bát, bởi chàng không còn phải xao lãng và chia trí bởi những đường áo rách, bởi những chén sữa sáng chiều cho chú mèo, bởi những bó cỏ khô cho chú bò. Tất cả những điều đó, cô gái dưới túp lều tranh ở phía xa xa đã làm hộ chàng.

Tháng năm trôi qua, vào một buổi sáng, người trong thôn làng giật mình khám phá ra tăng sĩ không còn ngồi dưới gốc cây đa nữa.

— Ủa, tăng sĩ đi đâu rồi?

— Chắc là ông ấy lại cất bước lên đường viễn du với lời kinh bình bát của ông ấy rồi.

Trong khi người ta đang bàn tán về tăng sĩ bình bát, có người chỉ vào túp lều tranh,

— Trời ơi! Tưởng ổng đi đâu. Nhìn kìa!

Mọi người quay về hướng tay chỉ, ai cũng nhận ra tăng sĩ bình bát vừa từ trong túp lều tranh mở cửa đi ra. Chàng không còn mặc áo tăng sĩ nữa, nhưng trên người là một bộ áo bà ba màu nâu, cổ chàng quấn khăn rằn ri. Người đàn ông có một thời sống đời tăng sĩ bình bát mỉm cười, giơ tay chào mọi người trong thôn. Sau đó, chàng chậm rãi đi lại phía con bò, mở dây cột, rồi chậm rãi dẫn chú bò sữa đi ra ngoài cánh đồng.

Tỉnh thức? Khó đấy!

www.nguyentrungtay.com
 
Sách độc ''Twilight'' - Một lời cảnh tỉnh Khẩn Cấp dành cho các bậc làm Cha-Mẹ!!!
Anthony Lê
10:47 27/06/2008
Sách độc "Twilight" - Một lời cảnh tỉnh Quan Trọng và Khẩn Cấp dành cho các bậc làm Cha-Mẹ!!!

Cuốn sách "Twilight" của Nữ Tác Giả Stephanie Meyer, Hoa Kỳ - Một kiểu J.K.Rowling của "Harry Potter" mới!

Stephanie Myer
WASHINGTON, D.C. - Vào ngày 9 tháng 5 năm 2008 vừa qua, trên đường lái xe về nhà từ sở làm, tình cờ tôi có dịp lắng nghe đài phát thanh NPR (National Public Radio) trong mục "All Things Considered" (Tất Cả Mọi Thứ Đều Được Xét Tới) và được hai phát ngôn viên Melissa Block và Robert Siegel giới thiệu về nữ tác giả Stephanie Meyer với cuốn tiểu thuyết "Twilight" mà tôi tạm dịch là "Hư Ảo" hay "Huyền Ảo"

Về nhà lục lọi trên Internet và tức tốc liên lạc với các tác giả Công Giáo người Hoa Kỳ tại CatholicExchange.com, Cô Army Welborn và NextWaveFaithful của Cô Stephanie Wood (người thường xuất hiện trên EWTN), thì được các tác giả Công Giáo này cho biết: "Họ cũng chưa hay biết gì về cuốn tiểu thuyết này cả, và đã rất ngạc nhiên khi thấy sức hút của nó rất mạnh nơi các bạn trẻ người Hoa Kỳ!"

Theo như bản tin do NPR phát ra, thì bộ tiểu thuyết "Twilight" của Stephanie Meyer có tới 3 tập (tính cho đến lúc này), và tính cho đến nay đã bán được trên hơn 10 triệu cuốn ở Hoa Kỳ, và là sách bán chạy nhất cho các trẻ em. Và con số này cũng đang trên đà gia tăng, nhất là vào Mùa Hè 2008 này, khi mà các em đều được nghỉ hè ở nhà đọc sách thoải mái, trong khi đó cha-mẹ lại bận bịu với công ăn việc làm thường nhật.

Twilight
Đối với Meyer, người luôn tìm cách từ chối những ai ví mình là một J.K.Rowling mới, bởi vì bà rất yêu thích những loạt sách viết về Harry Potter thậm chí trước khi bà trở thành một nhà văn nữa.

Đã có hơn 1,000 người hâm mộ tuôn đến để gặp Meyer vào hôm Thứ Ba - ngày 6 tháng 5 vừa qua, khi bà chính thức khai mạc cho chuyến công du cổ võ cho cuốn sách "The Host" mà bà vừa mới viết ra dành cho người lớn, tại một Siêu Thị lớn ở vùng đô thị Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota.

Loạt sách "Twilight" chuyên kể về một ước mơ của một con ma cà rồng (vampire) và một em gái.

Đọc trọn hết những cuốn tiểu thuyết kiểu này, các em sẽ bị đẩy đưa vào những loại ma quỷ, thần phép; và đáng ghê sợ hơn nữa, các em sẽ nhận thấy rằng: ma quỷ và các loại ma cà rồng - mới thực sự chính là những người hiểu biết, yêu mến, gần gũi và thông cảm với các em hơn bao giờ hết, ngay cả bạn bè và cha-mẹ các em cũng chẳng là gì cả - họ chỉ là những loại kẻ thù và những cản trở lớn đối với các em mà thôi, so với những loại quỷ dữ này, vốn được vô tình "bóp méo" và được nhồi vào một kiểu "tâm thức bệnh hoạn" hòng để đầu độc các em. Và Thiên Chúa, đối với các em khi đó, dĩ nhiên chẳng còn là gì cả, vì đối với các em Thiên Chúa chỉ là kẻ thù ác độc của các loại ma cà rồng và quỷ dữ mà các em yêu mến mà thôi.

Thì đây đúng là một điều hết sức nguy hiểm trong việc đầu độc đầu óc non dại, ngây thơ và trong trắng của các em!

Stephanie Meyer là một người mẹ theo đạo Mormon (nhiều vợ), và bà đã xây dựng nên vương quốc của bà chung quanh một câu chuyện với ước mơ của thời niên thiếu, qua hình tượng của Bella - một thiếu nữ trẻ tuổi gan dạ đã phải lòng yêu thương Edward - một con mà cà rồng (vampire) vốn từ chối hút máu người. Thế nhưng Edward phải liên tục chống lại sự ham muốn về việc uống máu của Bella.

Có ai đời nào một thiếu nữ đã biết yêu đương và có những giấc mơ về tình dục điên loạn với một con quỷ chưa!?

Tạp chí Times đã mổ tả về kiểu căng thẳng tình dục (sexual tension) này chính là "erotics of abstinence" (dịch nôm na chính là "một sự cưỡng lại mạnh mẽ trước những đa cảm khó kìm lại của dục tính"), còn chính Meyer thì lại gọi đó là một kiểu "kiềm chế của sự đam mê" (passionate restraint) và bà cho đó là yếu tố bị đánh mất đi trong hầu hết các cuốn tiểu thuyết và phim ảnh thời nay.

Còn trong cuốn "The Host" dành cho người lớn thì Meyer lại kể về câu chuyện của hai người phụ nữ - một người vốn là người ngoài hành tinh, vốn trú ẩn trong cùng một thân thể và cũng đang cùng yêu với một người đàn ông khác.

Thì đây quả đúng là những cuốn tiểu thuyết "điên rồ" và băng hoại nhất về mặt đạo đức luân lý chưa từng thấy nơi các loại sách dành cho cả trẻ em lẫn người lớn mà Meyer giới thiệu ra.

Được biết cuốn "Breaking Dawn" (Phá Tan Bình Minh), cuốn thứ 4 trong loạt tiểu thuyết "Twilight" sẽ được Meyer cho xuất bản ra vào Tháng 8/2008 sắp tới, hiện sách chưa được in ra, nhưng đã có tới hơn 2.5 triệu cuốn đã được đặt rồi.

Là các bậc cha-mẹ, chúng ta nghĩ gì về những loại sách đầu độc và băng hoại kể trên, vốn đang tìm mọi cách để len lõi vào trong mọi ngõ ngách của gia đình chúng ta?

Đã đến lúc chúng ta cần phải cẩn thận trong việc chọn lựa sách đọc cho con cái của chúng ta trong suốt Mùa Hè nóng nực này, và hãy cùng nhau khuyên bảo các bà mẹ Công Giáo Việt lẫn Mỹ khác về sức phá hoại kinh khủng này nơi đầu óc non dại của tất cả con em chúng ta!

Để đọc thêm về bài phát thanh của NPR nói về "Twilight," xin mời Quý Vị vào trang Web của NPR tại địa chỉ: http://www.npr.org/templates/story/story.php?storyId=90321831
 
Đôi bàn tay linh mục
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
12:39 27/06/2008

Đôi bàn tay linh mục



Có mẫu ảnh in vẽ hai đôi bàn tay theo hai chiều đối diện nhau:

- Đôi bàn tay của Thiên Chúa từ trên trời cao mở ra tỏa xuống dưới trần gian, như cử chỉ ban phát cùng dẫn đường chỉ hướng.

- Và đôi bàn tay của con người cũng mở ra từ dưới hướng lên phía trên cao, như muốn đón nhận chúc lành cùng sự hướng dẫn từ nơi đôi bàn tay Thiên Chúa tỏa xuống.

Một hình ảnh đẹp thi vị và nói lên sâu đậm ý nghĩa đời sống đạo đức cùng tình người!

Hình ảnh này có mang ý nghĩa gì hay có liên quan gì tới đời sống linh mục không?

1. Đôi tay chúc lành

Ngay từ thuở đầu đời sống, đôi bàn tay cha mẹ luôn là nơi chốn nương tựa cho con cái: bàn tay bồng ẵm, nâng niu săn sóc!

Trong đời sống linh mục, đôi tay linh mục là dụng cụ Thiên Chúa dùng

để chiếu tỏa ban phát chúc lành của Người cho trần gian.

Ngày lãnh nhận chức Linh mục, đôi bàn tay của ứng sinh Linh mục được xức Dầu thánh hiến. Đây là dấu hiệu cho phép Linh mục được ban các Bí tích biểu hiệu cho sự gần gũi cùng lòng trung thành của Thiên Chúa với con người.

Trong suốt cuộc đời Linh mục, mỗi khi cử hành các Bí tích, ông đều dùng đôi tay đã xức Dầu thánh hiến mà ban phát.

Khi ban Bí tích Rửa tội cho trẻ em, cho người lớn, Linh mục cũng dùng đôi tay múc nước tưới dội trên đầu cùng xức Dầu Thánh cho em bé, cho người lãnh nhận Bí tích rửa tội.

Khi dâng Thánh Lễ, linh mục cũng dùng đôi bàn tay cầm Tấm Bánh, Chén rượu lễ giơ lên, cầm Mình Thánh Chúa trao cho người tới tiếp rước Tấm Bánh Thánh Thể Chúa, rồi sau lễ ban Phép Lành kết lễ của Chúa cho tín hữu Chúa.

Khi những em bé cùng với cha mẹ lên trước bàn thờ rước lễ, Linh mục cũng dùng bàn tay ban phép lành vẽ hình Thánh gía trên trán cho chúng.

Ngày đôi Bạn trẻ dắt tay nhau đến trước bàn thờ Chúa trao cho nhau Bí tích hôn nhân, linh mục cũng giang đôi tay ra đọc lời chúc lành của Chúa cho họ.

Trong tòa giải tội, linh mục giơ tay chúc lành đang khi đọc lời tha tội của Giáo Hội cho người đến xin hòa giải cùng Thiên Chúa.

Đến thăm người bệnh yếu đau, linh mục dùng bàn tay xức Dầu Thánh xin ơn tha thứ và củng cố sức mạnh tâm hồn đức tin cho người đau yếu.

Chưa hết, linh mục còn dùng đôi tay của mình xoa dịu an ủi những người trong bước đường lâm gặp cảnh sầu khổ họan nạn.

Đôi tay của linh mục được xức Dầu Thánh hiến ngày chịu chức linh mục cho công việc phụng tự thờ kính Thiên Chúa và phép lành của Người. Và qua đôi tay đó tình yêu thương lòng khoan dung của Thiên Chúa chiếu tỏa đến với con người trong trần gian.

2. Đời sống mục vụ

Trong mỗi Thánh Lễ, linh mục dang đôi tay đọc lời kinh nguyện Thánh Thể kêu khấn lòng khoan dung của Chúa: „ Chúa đã cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước tôn nhan và phụng sự Chúa“.

Lời kinh này không chỉ nói lên tâm tình tạ ơn, nhưng còn nhìn nhận việc tế lễ phụng thờ Thiên Chúa bắt nguồn từ nơi Đấng đã kêu gọi ban cho chức linh mục.

Trong lúc truyền chức Linh mục, Đức Giám Mục chủ tế thinh lặng nhân danh Thiên Chúa và Giáo Hội đặt đôi tay trên đầu ứng sinh linh mục.

Cử chỉ đặt tay, theo nguồn gồc trong Kinh Thánh Cựu ước là hành động của chúc phúc lành.

Cử chỉ này còn mở rộng ra hơn nữa: Không chỉ ứng sinh linh mục nhận được chúc lành. Nhưng chúc lành của Thiên Chúa còn lan tỏa rộng sang tới những người khác từ đôi bàn tay chúc lành của linh mục. Linh mục là người được Thiên Chúa đặt tay chúc lành, và cũng là người dùng đôi tay mang chuyển chúc lành của Thiên Chúa tiếp cho người khác nữa.

Trong đời sống con người, ai cũng có những kỷ niệm ghi khắc sâu đậm trong tâm hồn. Kỷ niệm thánh đức sâu đậm của đôi bạn trẻ nam nữ ngày thành hôn là lời ưng thuận họ trao cho nhau.

Kỷ niệm thánh đức sâu đậm của ngày truyền chức linh mục là giây phút thinh lặng lúc đức Giám Mục nhân danh Thiên Chúa đặt tay trên đỉnh đầu truyền chức linh mục. Như thế, đôi tay này gắn liền với việc mục vụ tế tự của Linh mục.

Và cũng không kém phần quan trọng trong công việc mục vụ cùng tế tự của linh mục là việc cầu nguyện trong thinh lặng trước mặt Thiên Chúa cho chính mình cùng cho người khác. Cho dù việc cầu nguyện trong thinh lặng với Thiên Chúa vô hình nhiều khi gặp khó khăn nặng nề xác thịt cùng bệnh tật của thân xác, và cả về tinh thần trí khôn nữa.

Nhưng có lẽ đó là dịp cơ hội tốt cho linh mục suy nghĩ học hỏi tập sống lòng khiêm nhượng về những công việc mục vụ với chính bản thân mình, với người khác, cùng với những mầu nhiệm của Thiên Chúa trong đời sống ở trần gian.

3. Nếp sống của loài Ong

3.1. Thầy Dòng Francisco de Osuna, người Tây ban Nha, có đời sống chiêm niệm trong thinh lặng cao sâu, đã viết ra suy tư cảm nhận về lòng khiêm nhượng khi Ông ngắm nhìn loài Ong: „ Loài Ong, như kể thuật lại, khi trời có giông bão gió lớn, chúng cặp vào thân mình thêm một hòn đá nhỏ nữa, để giữ thăng bằng cho khỏi bị gió mạnh cuốn lôi chao đảo ngả nghiêng lúc bay. Nếu gió qúa mạnh chúng thả mình cho từ từ hạ cánh xuống thấp an toàn nhờ sức nặng của cục đá giữ thân thể được thăng bằng. Sức nặng của cục đá là hình ảnh của sự hiểu biết về cung cách làm cho thân mình hạ thấp xuống mà không bị tổn thương hư hại.

Cũng vậy, lòng khiêm nhượng trọn vẹn đạt được, khi gặp vượt qua khó khăn thử thách trong yên lặng bình tĩnh và không bị mất mát, giống như loài ong lúc hạ thấp đáp xuống mà vẫn giữ được bình tĩnh thăng bằng và không làm mất phấn hoa dinh dưỡng làm nên mật ngọt.“

Cũng thế, nếu linh mục cảm nhận ra sự yếu đuối thấp hèn bản tính con người của mình, hay khi bị những thấp hèn bản năng con người lôi kéo cám dỗ, đâu có là cớ lý do sinh ra nản lòng thoái chí. Nhưng phải bám vào nền tảng thực tế, đứng vững bằng đôi chân trên mặt đất.

Chữ thửa nền đất theo tiếng Latinh là Humus. Cũng theo tiếng Latinh chữ Humilitas có nghĩa là khiêm nhượng. Và như thế trong chữ Humilitas có cả chữ Humus.

Bông hoa, cây cối, lúa mạ đều cần Humus - thửa đất ruộng vườn. Khu vườn nước Thiên Chúa, theo nghĩa bóng, cũng có những khó khăn mệt nhọc, những thử thách, những trái ngược phản chứng phải hy sinh chịu đựng mới vượt qua được.

3.2.Loài Ong như thế có thể nói là gương mẫu cho đời sống của Linh mục. Thánh Franziskus de Sales có suy nghĩ so sánh về việc này: „ Loài Ong hút góp mật từ những nụ hoa mới nhú nở. Chúng đáp đậu vào trung tâm nụ hoa mà không làm hư hại cánh hoa. Trái lại chúng mang phấn hoa từ nụ hoa này sang nụ hoa khác. Và như thế mang đến sự chữa lành cùng sự tươi mát cho hoa được phát triển kết sinh hoa trái hạt giống.

Lòng đạo đức chân thực mang lại hiệu qủa tốt đẹp hơn thế nữa. Cung cách sống lòng đạo đức chân thực không gây ra hư hao thiệt hại cho ơn kêu gọi cùng việc làm của linh mục; trái lại giúp làm cho trong sáng đẹp thêm lên.“

Đó là dấu chỉ việc mục vụ tốt lành thánh đức thấm nhuộm tình người mang lại lợi ích cho tâm hồn con người. Qua việc mục vụ tốt lành như thế, người tín hữu cảm thấy tâm hồn thư thái nhẹ nhàng hơn, cùng trở nên chín chắn trưởng thành hơn, chứ không bị lôi kéo theo vào một mục đích thế tục bất chính nào khác.

3.3.Marie Noel, một người sống tu đức chiêm niệm vào thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất cách đây trên dưới một thế kỷ, đã có suy nghĩ về mẫu gương nếp sống của loài Ong, khi so sánh với nếp sống mục vụ phụng thờ Thiên Chúa: „ Sẽ tới thời những con Muỗi, con Chim nhỏ bé và những con Mèo nhảy mừng. Nhưng những con Kiến thì không. Và cả những con Ong cũng không nữa. Đã có ai nhìn thấy loài Ong sống thưởng thức niềm vui trong đời sống chưa! Những chú Ong như bị bắt làm nô lệ phải làm việc vào tận trong trung tâm trái tim của bông hoa hồng. Nói thế không có nghĩa là chúng ta muốn nói đến loài sâu bọ đâu!“

Hình ảnh nếp sống này không có ý muốn nói linh mục phải cắm đầu làm việc hoạt động như loài Ong: chỉ biết làm việc mà không có niềm vui nào, không có thưởng thức.

Không, không phải như thế. Trong trung tâm trái tim bông hoa hồng là hình ảnh đẹp dùng diễn tả việc muc vụ của linh mục với niềm vui mừng trước mặt Thiên Chúa: linh mục không phải là người sống kiểu tâm tính của một nô lệ.

Thánh Phaolô đã nhắc nhớ cảnh tỉnh về điều này: „ Chính để chúng ta được tự do thanh thản mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.“ ( Galata 5,1).

***********************

Đời sống của linh mục không phải vì được xức Dầu Thánh cất nhắc lên hàng tư tế

của Thiên Chúa mà quên humus - thửa đất- của mình đang sống trên trần gian.

Đôi bàn tay linh mục là đôi bàn tay Thiên Chúa dùng chuyển mang chúc lành bình an từ trời cao đến cho tâm hồn con người.

Đôi bàn tay cùng với tâm hồn của linh mục là nhân chứng cho lòng khoan dung của Thiên Chúa giữa con người.

Đôi bàn tay và môi miệng của linh mục là phương tiện Thiên Chúa dùng cho việc rao giảng văn hóa phúc âm nước Trời giữa trần gian.

Đôi bàn tay và cung cách sống tình người của linh mục là nếp sống tình yêu lòng trung thành của Thiên Chúa luôn có mặt bên cạnh con người.

Kính thưa Cha Cố Phêrô Nguyễn Trọng Qúy,



50 năm, theo ngôn ngữ văn chương thi ca diễn tả đó là thời gian nửa thế kỷ, Cha Cố được Thiên Chúa kêu gọi là Sứ gỉa trong chức vụ Linh mục.

50 năm giai đoạn lịch sử không gian, tu trì du học bên Âu châu chịu chức linh mục. Sau đó trở về quê nhà bên ViệtNam dạy học. Và rồi lại trở lại sống bên Âu châu làm việc mục vụ linh mục.

50 năm đoạn đường lịch sử đời Linh mục của Cha cố sống học hành nghiên cứu thần học, dạy học rao giảng cùng làm chứng cho Thiên Chúa giữa con người.

50 năm quãng thời gian lịch sử đời Linh mục của Cha Cố rộng đôi tay ban các Bí tích của Thiên Chúa cho con người.

Thiên Chúa đã kêu gọi Cha cố vào làm thợ trong thửa vườn –humus- của Ngài trong nhiều giai đoạn với những chức vụ khác nhau. Và Cha cố từ 50 năm nay đã luôn nói với Ngài: Ad sum! Vâng, con xin đến để thực thi ý Chúa muốn!

Thực thi ý Chúa muốn trong cố gắng cùng đồng hành dẫn đưa con người đến với nguồn chúc lành bình an từ nơi Thiên Chúa.

Xin dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban ân đức kêu gọi cùng gìn giữ đời linh mục của Cha cố.

Xin chúc mừng Cha cố dịp kỷ niệm thánh đức 50 năm chức Linh mục

1958. - 29.06. - 2008.


Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Cậu học trò ngày xưa ở Chủng viện Thánh Toma Long Xuyên
 
chuyến tàu viễn xứ
lykhách
19:55 27/06/2008

chuyến tàu viễn xứ



Xin mời em lên con tàu viễn xứ
Đi cùng tôi về bến tương lai
Em đừng lo mang theo mọi thứ
Trừ yêu thương làm hành lý đường dài

Em muốn biết mình sẽ đi đến đâu?
Và viễn du cho tới bao lâu?
Bến yêu thương sẽ là cùng đích
Có thể dăm Thu, có thể đến bạc đầu

Ta sẽ qua lắm biển rộng sông dài
Sẽ mưa sẽ sóng những ngày mai
Em sẽ lạnh, sẽ đau rồi quay về quá khứ
Nếu lòng em chưa định hướng tương lai

Sẽ có lúc nắng chói như sa mạc
Gió viễn du bay thất lạc phương nào…
Rũ cánh buồm giữa biển rộng trăng sao
Phải chèo chống trong nghẹn ngào cô độc

Em sẽ khóc, rồi em sẽ trách móc
Sẽ hận đời, rồi sẽ hận cả Trời
Nếu em chưa hiểu nghĩa của cười và khóc
Mãi mãi tàu trôi giữa bể khổ em ơi!

Anh chẳng phải là một hoa tiêu
Chỉ là tên có...máu hay liều
Biết thế, nên anh đã lo liệu
Gởi linh hồn cho một Đấng Thương Yêu

Ở đấy chẳng ai bán đâu mà mua
Tiền mang theo cũng chỉ bằng thừa
Và nơi ấy cũng chẳng cần mặc cả
Ai cũng hồn nhiên, chả tính chuyện hơn thua.

Tàu viễn xứ chạy bằng...tim em ạ
Chạy tới khi nào chán đập thì thôi
Rồi một hôm nao dầu tim cạn cả
Hứa chắc với em, mình đã đến nơi rồi!

Anh nói thật đấy, dù đang cười,
Lạc quan, tâm tánh Trời cho thôi
Còn hay giỡn nên anh mới sống nổi
An-Nam ta khổ lắm, mới hay cười
…hì hì...

Nhanh lên em, mình phải tí vội vàng
Ra sông từ con suối Việt Nam
Sẽ nhập trường giang rồi ra biển
Nghe nhấp nhô muôn đợt sóng trần gian

Ừ thôi, anh sẽ đi một mình
Giã từ em, một bến nước nguyên trinh
Hãy giữ giùm anh màu trong trắng
Sẽ thơ mộng đời những lúc điêu linh.

Buồm đang căng, gió réo lời biển gọi
Chuyến viễn du này đã đến lúc đi riêng
Con chẳng xin đừng sóng gào bão biển
Chỉ xin Trời cho con được bình yên.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cùng Trâu Cầy Bừa
Nguyễn Đăng Khoa
00:54 27/06/2008

CÙNG TRÂU CẦY BỪA



Ảnh của Nguyễn Đăng Khoa, Giáo phận Vinh Việt Nam.

Bao giờ đồng rộng thảnh thơi

Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuần Nghiêu.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền