Ngày 26-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức tin mang ơn chữa lành
LM. Trần Bình Trọng
05:01 26/06/2009

ÐỨC TIN MANG ƠN CHỮA LÀNH



Chúa Nhật 13 Thường Niên, Năm B

Kn 1:13-15, 2:23-24; 2 Cr 8:7-9, 13-15; Mc 5:21-43


Trong thời cận đại và hiện tại, với những phát minh tân kì về khoa học, y khoa và kĩ thuật, loài người chứng kiến những việc chữa trị bệnh tật với những cuộc giải phẫu thành công ngoài sức tưởng tượng. Mặc dầu thế, có những bệnh tật mà y học tân tiến cũng đành bó tay. Lại có những trường hợp khác mà người ta được khỏi bệnh thì y học cũng không cắt nghĩa được tại sao, mà chỉ thấy rằng người ta được khỏi bệnh mà không phải do cách chữa trị của bác sĩ, cũng không phải do thuốc chữa. Tại Lộ Ðức, có toán bác sĩ quốc tế gồm cà người không công giáo đã khám nghiệm, cứu xét và đi đến kết luận rằng có những bệnh nhân được khỏi bệnh một cách ngoại thường.

Phúc âm hôm nay ghi lại một dấu chỉ về quyền năng của Thiên Chúa được thực hiện cho người có đức tin quả quyết và vững mạnh. Ðó là người đàn bà mắc bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà ta tốn nhiều tiền của đi tìm thầy chạy thuốc mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Do đó bà ao ước muốn được gặp Ðức Giêsu để xin Người một ân huệ là cho bà được khỏi bệnh. Không may là phong tục người Do thái thời bấy giờ không cho phép đàn ông nói chuyện với đàn bà nơi công cộng. Cũng theo phong tục Do thái thì người đàn bà không được chạm đến người đàn ông nơi công chúng giống như quan niệm: Nam nữ thụ thụ bất thân của Khổng giáo xưa bên Trung Hoa, có ảnh hưởng sang Viêt Nam vậy.

Còn theo luật Lêvi thì khi người đàn bà trong lúc có kinh nguyệt mà đụng chạm đến ai hay ai đụng chạm đến người đàn bà có kinh thì người đó sẽ ra ô uế (Lv 15:19-28). Thời đó chắc người ta chưa chế tạo băng vệ sinh cho các bà dùng khi có kinh nguyệt. Như vậy bệnh xuất huyết kéo dài mười hai năm của ngưởi đàn bà trong Phúc âm gây ra cả một vấn đề bất tiện và khó khăn cho việc giữ vệ sinh như thế nào! Do đó ước muốn được chửa khỏi càng phải gia tăng cường độ vì bà có thể sợ người đời chê bai là hôi hám khi huyết dính vào quần áo. Vậy thì bà ta phải hành xử thế nào trong trường hợp này để đối diện với Ðức Giêsu?

Ðể tránh việc lỗi luật, bà ta chỉ dám động đến gấu áo của Ðức Giêsu mà thôi. Bà tin rằng chỉ cần động đến gấu áo của Người thì bà cũng được khỏi bệnh. Nếu nhóm người Pharisêu hay bới lông tìm vết có tố cáo bà là đụng đến Đức Giêsu, thì bà có thể cãi hoặc nhờ luật sư cãi phăng đi, là bà đâu có đụng đến thân thể của Đức Giêsu đâu, mà chỉ đụng đến gấu áo của Người mà thôi. Quả thật, đức tin của bà đã cứu chữa bà. Ðức Giêsu đã cảm thấy sức chữa trị xuất phát từ thân mình Người. Người quan tâm đến bà, mà không sợ dư luận quần chúng, nên mới hỏi thử: Ai đã động đến tôi (Mc 5:31). Ðức Giêsu đòi bà phải đối diện với thực chất của việc bà làm. Sau khi bà kể tất cả sự thật, Chúa liền chữa bà khỏi bệnh và còn cho bà được bình an (Mc 5:34).

Ðức tin còn đem đến phép lạ cho người chết sống lại. Viên trưởng hội đường Do thái trong Phúc âm hôm nay cũng đã bầy tỏ đức tin vào quyền năng Ðức Giêsu trong khi nhiều nhà lãnh đạo Do thái nghi ngờ và bất tín Người. Ông bất chấp những nhà lãnh đạo Do thái khác nghĩ thế nào về ông khi ông đến xin Ðức Giêsu một ân huệ. Ông chỉ xin Ðức Giêsu đặt tay trên con gái ông đang hấp hối cho được sống lại. Ðức tin của ông khiến Ðức Giêsu làm phép lạ phục hồi sự sống cho con gái ông: Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi (Mc 5:41).

Phép lạ vẫn xẩy ra hằng ngày trong thời đại ta đang sống. Chỉ cần dùng con mắt đức tin là ta có thể nhận ra và chứng kiến phép lạ. Hằng ngày ta còn có cơ hội để bầy tỏ đức tin vào quyền năng Chúa, xin Người cứu chữa. Ðiều mà ta cần có là lời cầu xin. Phong trào Thánh linh trong Giáo hội đời nay đã giúp khơi dậy ước muốn cầu nguyện, không hẳn là cầu nguyện xin cho được khỏi bệnh, mà còn cầu nguyện để tạ tội, tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa. Và lời cầu nguyện của ta phải đi đôi với đức tin, vì nếu cầu nguyện mà không có đức tin, thì lời cầu nguyện của ta chưa chắc gì được Chúa trả lời. Bằng chứng được ghi lại trong Phúc âm là khi người Pharisêu xin Ðức Giêsu một dấu lạ, Người từ chối việc làm phép lạ vì họ không có lòng tin (Mc 6:5,6) hay chỉ muốn thử Người (Mc 8:11-12). Trái lại ta thấy đức tin của người đàn bà loạn huyết và của viên trưởng hội đường là một đức tin quả quyết, vững mạnh, đơn sơ, chân thành và khiêm tốn. Phúc âm ghi lại: Ông ta sụp xuống dưới chân Người (Mc 5:22); còn bà đến phủ phục trước mặt Người (Mc 5:33). Là người, ta cũng cảm thấy khó từ chối khi có ai kêu cầu đến ta một cách khẩn khoản và khiêm tốn như vậy.

Bất cứ khi nào Chúa làm phép lạ đều do người ta xin với lòng tin. Nếu không có đức tin, sẽ không có phép lạ, cũng không được ơn chữa lành. Tất cả những người được thụ hưởng phép lạ của Chúa đều có một điểm giống nhau là họ được thúc đẩy bởi lòng tin vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa.

Ðôi khi ta có thể có thái độ như người Pharisêu, nghĩa là ta ngồi đó há miệng chờ ho, đợi cho Chúa làm phép lạ, trước khi ta có thể đặt tin tưởng vào Chúa. Còn Chúa thì lại muốn ta bầy tỏ niềm tin trước đã, trước khi Người hành động. Chúa biết nhu cầu thiếu thốn của mỗi người. Tuy nhiên nếu ta đóng cửa nhà tâm hồn, thì Chúa cũng đành chịu, vì Chúa đã ban cho loài người được tự do lựa chọn và Chúa tôn trọng tự do của loài người.

Nói như vậy không có nghĩa là khi mắc bệnh, người tín hữu không cần đi bác sĩ, không cần uống thuốc chữa trị. Việc đi bác sĩ hay vào nhà thương nếu cần, ta vẫn tiến hành, nhưng đồng thời ta cũng vẫn cầu xin cho được ơn khỏi bệnh. Cách thế Chúa chữa trị bệnh tật loài người thông thường là dùng bác sĩ và thuốc men để chữa trị. Ðôi khi Chúa không cần dùng đến bác sĩ hay thuốc chữa, nhưng là chữa trực tiếp. Cách thế chữa trị đó được gọi là phép lạ. Có một vài giáo phái Kitô giáo chủ trương không đi bác sĩ và uống thuốc. Họ cho rằng đi bác sĩ và uống thuốc là làm giảm lòng tin vào quyền năng của Chúa. Họ không biết rằng Chúa cũng dùng bác sĩ và thuốc men để chữa trị bệnh tật loài người. Như vậy không có việc xung khắc giữa việc đi bác sĩ, uống thuốc và lời cầu nguyện cho được khỏi bệnh. Cả hai phương pháp: đi bác sĩ/uống thuốc và cầu nguyện cho được khỏi bệnh đều bổ túc cho nhau để phục hồi sức khoẻ.

Tuy nhiên có những trường hợp người ta vừa đi bác sĩ, vừa uống thuốc, vừa cầu nguyện với đầy lòng tin tưởng mà bệnh vẫn không được khỏi. Như vậy thì phải giải thích thế nào? Thưa rằng khi Ðức Giêsu còn tại thế, Người có chữa bệnh tật của một số ít người, nhưng mục đích chính của việc Ðức Giêsu xuống thế là để chữa bệnh tật linh hồn của loài người. Ðược chữa trị khỏi bệnh tật phần xác là một niềm vui và là một hồng ân, ta cần tạ ơn Chúa. Tuy nhiên ta cũng phải nhận thức rằng mỗi người phải đi qua tiến trình của kiếp sống con người: sinh, lão, bệnh, tử, để ta có thể chấp nhận những giai đoạn cuối của cuộc đời. Trước khi Ðức Giêsu xuống thế cứu chuộc, thì tác giả sách Khôn ngoan đã nhận ra vì tội ganh tị của quỉ dữ, mà sự chết về phần linh hồn đã lọt vào thế gian (Kn 1:24). Do đó Ðức Giêsu đến để phục hồi sự sống cho hồn thiêng loài người.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn giải thoát khỏi bệnh tật đau khổ:

Lậy Chúa Giêsu nhân lành hay thương xót!
Cũng như Chúa đã chữa trị bệnh tật
của người đàn bà loạn huyết
và cho con gái viên trưởng hội đường được sống lại
vì họ bầy tỏ lòng tin xác tín vào Chúa.
Xin Chúa cũng chữa trị bệnh tật của những người
kêu cầu đến Chúa, gồm cả chính con
với tất cả lòng chân thành, khiêm tốn và tin tưởng
để chúng con được tự do phụng thờ Chúa
với lòng an vui thanh thoả. Amen.

 
Cộng tác với Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:38 26/06/2009
CỘNG TÁC VỚI ƠN CHÚA

CN 13 B

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được cả ba tác giả trong Tin Mừng Nhất Lãm kể lại. Tuy nhiên, Máccô kể dài hơn, gồm 23 câu, do vậy nhiều tình tiết hơn, cảm động hơn khiến chúng ta bị cuốn hút một cách tự nhiên từ đầu đến cuối câu chuyện. Máccô đã lồng hai câu chuyện vào với nhau một cách khéo léo, tài tình, nhưng ý nghĩa vẫn là một: Đức Giêsu ban tặng sự sống cho những ai vững tin và biết cộng tác với Ơn Thánh.

1. Chúa ban sự sống, con người có lòng tin.

Phép lạ thứ nhất, Máccô kể rằng, giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu, có những người đụng vào áo Người. Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang. Ðó là cái đụng của một người phụ nữ, bất chấp lệnh cấm theo lề luật Do thái. Mười hai năm mắc bệnh băng huyết. Mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi. Mười hai năm bị coi là ô nhơ, không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ. Người phụ nữ thận trọng và đầy can đảm đã đụng vào áo Ðức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ "Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.". Tức khắc, bà cảm thấy lành bệnh vì máu trong người đã cầm lại. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.

Phép lạ thứ hai, Máccô kể, ông Giairô đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái ông đã mười hai tuổi. Ông là viên chức trưởng hội đường. Tình yêu của người cha đối với đứa con gái đã làm cho ông can đảm. Ông sẵn sàng tin cậy vào một người xa lạ. Ông tín nhiệm vào một người từ nơi khác đến. Ông chỉ mới nghe danh tiếng về người ấy. Ông đến gặp Chúa và "phủ phục dưới chân Đức Giêsu và năn nỉ". Đức Giêsu đã chấp thuận, nhưng khi hai người đang trên đường về nhà ông thì được tin con gái đã chết. Vậy là hết, vô phương cứu chữa nữa! Đức Giêsu động viên ông "Đừng sợ, cứ tin". Khi đến nhà, thấy đông đảo bà con xóm làng đến, Người nói: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy ? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Cô bé đã chết rồi, nhưng đối với Đức Giêsu, cái chết chẳng có tính chung cuộc mà chỉ là một giấc ngủ thôi. Người có quyền năng đưa kẻ chết ra khỏi giấc ngủ ấy. Với cử chỉ đơn sơ cầm tay đứa bé và nói “Talithakum”, nghĩa là “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi !” Đức Giêsu đã khiến cho đứa bé đứng dậy và đi lại được. Người còn bảo họ cho đứa bé ăn để chứng thực là nó đã sống lại thật.

Hai phép lạ đều liên quan đến sự sống. Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết đang mất dần sự sống: máu là nguyên lý sự sống, mà bà này đã bị mất máu liên tục mười hai năm, nghĩa là sức sống đang dần dần rời xa bà. Vì thế khi Đức Giêsu làm cho bà hết bệnh, là Người trả lại sức sống cho bà. Đứa con gái ông Giairô thì đã chết, sự sống đã hoàn toàn rời khỏi nó. Nhưng Đức Giêsu đã làm cho nó sống lại.

Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin. Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con". Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Giarô: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi".

Thiên Chúa ban sự sống, con người cần có đức tin.

Tin vào những chuyện dễ dàng, tin khi cuộc sống bình an xuôi thuận thì chưa hẳn là đức tin, đó chỉ là một chuyện đương nhiên thôi. Đức tin, một nhân đức căn bản của đạo, phải là vẫn cứ tin vào những chuyện khó khăn vượt quá sức loài người, vẫn cứ tin khi cuộc đời gặp lúc cheo leo. Đức tin vững vàng như vậy có thể làm nên những phép lạ. Bởi lẽ, trước một hoàn cảnh quá khó khăn, trong lúc đời sống quá gian nan, nếu ta vẫn tin thì không phải là ta tin vào sức riêng của ta nữa, mà là tin vào sức Chúa, và Chúa quyền năng làm được mọi sự.

- Như Abraham đã 90 tuổi mới có được một đứa con trai. Vâng lệnh Chúa, ông đưa con yêu quý lên núi sát tế mà lòng đau như cắt. Ông tin rằng, Chúa sẽ thực hiện lời hứa ban cho ông thành tổ phụ một dân đông đảo. Ông vẫn tin và Chúa đã làm ông thành tổ phụ những người tin.

- Như Phêrô dám bước đi trên mặt nước. Ông đã đi khi vững tin vào Chúa. Nhưng khi bắt đầu hoài nghi thì cũng là lúc ông bắt đầu chìm xuống.

Đức Giêsu bày tỏ quyền năng trên thiên nhiên, trên ma quỷ, trên bệnh tật và trên sự chết, vì Người là Đấng ban sự sống. Tin vào Người, chúng ta luôn có được sự sống dồi dào.

2. Cộng tác với ơn Chúa

Chuyện kể rằng một bà già bị đau răng, bà đã làm Tuần chín ngày để kính thánh Antôn, vì người ta nói: Thánh Antôn "chuyên trách" về bệnh này.

Hết tuần chín ngày bà vẫn còn đau. Lúc đó một vị linh mục đến thăm. Bà liền hỏi:

- Xin Cha nói cho con biết: có phải thánh Antôn chuyên trách bệnh đau răng không?

Vị linh mục nói:

- Bà hãy nghe tôi: Đây là địa chỉ của nha sĩ. Hãy đến đó và nói là tôi giới thiệu, họ sẽ làm không công cho bà.

Bà già la lên:

- Trời đất ơi, một ông linh mục vô thần.

Thánh Antôn tự nhủ:

- Kể ra cũng đau lòng, để nhận lời cầu nguyện của bà, chính ta đã gởi cho bà vị linh mục này. Thế mà!

Nếu bà già trong câu chuyện suy niệm bài Tin mừng hôm nay, chắc bà sẽ không làm cho thánh Antôn phải thất vọng. Người phụ nữ xuất huyết trong bài Tin mừng và bà già đau răng trong câu chuyện trên, cả hai đều tin tưởng vào Chúa. Nhưng niềm tin của họ có sự khác biệt rất lớn. Người phụ nữ xuất huyết nghĩ mình phải làm điều gì đó chứ không chỉ tin suông. Bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình. Bà già đau răng thì cầu nguyện rồi chờ phép lạ. Bà không chịu làm gì nữa.

Ông Giairô cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông. Ông đã làm hết sức mình. Con gái ông hấp hối không thể đến với Chúa được, nên ông đã xin Chúa đến chữa cho con gái ông.

Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn. Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban. Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta. Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này: "Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa". Mc.Kenzie nói: "Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều ta không thể".

Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình. Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người.

Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người. Trong tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã "múc nước đổ đầy các chum" (Ga 2,7)

Trong phép lạ về bánh, Người chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi "có 5 chiếc bánh và 2 con cá" (Mc 6,35-43).

Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga 9,1-40).

Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần. Ngạn ngữ Tây phương có câu: "Hãy tự giúp mình trước rồi Trời sẽ giúp sau". (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu"). Cộng tác với Ơn Chúa bằng lòng tin là con đường của hy vọng.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa,
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa,
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Chúa bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con,
để khiêm tốn thấy Chúa tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen ( Manna)


 
Hiệu quả của lòng tin - Hiệu quả của lời xin
LM. Anmai,CSsR
07:21 26/06/2009
CHÚA NHẬT 13 TN B

HIỆU QUẢ CỦA LÒNG TIN – HIỆU QUẢ CỦA LỜI XIN

Kn 1, 13-15; 2, 23-24; Cr 8, 7-9.13-15; Mc 5, 21-43

Trang tin mừng theo Thánh Máccô mà chúng ta vừa nghe thánh ký nối kết 2 phép lạ với nhau phép lạ chữa phụ nữ băng huyết (c. 24(34) và phép lạ phục sinh con gái Giairô (c. 35(43). Hai biến cố đó được khơi mào bằng lời xin của viên trưởng hội đường cũng như sự chấp thuận của Chúa Giêsu (c. 21(23).

Thánh Máccô đã có dụng ý thần học gì khi phối trí 2 phép lạ này với nhau ? Chúng ta có thể nhìn thấy vài chi tiết biên soạn song chiếu như sau:

Con số 12 năm bệnh xuất huyết của người phụ nữ và em gái 12 tuổi.

Cả 2 phép lạ chữa lành có liên hệ tới sự đụng chạm thể lý: người phụ nữ rờ áo choàng Chúa Giêsu và để phục sinh em bé, Người cầm tay nó.

Ở 2 phép lạ, chủ đề về đức tin được trình bày nổi bật: “lòng tin của con đã cứu con” (c. 34); “đừng sợ, hãy tin mà thôi” (c. 37).

Như vậy, với nghệ thuật kết cấu văn chương như thế, thánh ký Máccô muốn phác họa một cách độc sáng quyền năng ban sức sống cứu độ của Chúa Giêsu. Ở đó phép lạ chữa người phụ nữ trở nên như một thứ tiền khúc dẫn đưa vào tuyệt đỉnh của bản hòa âm: quyền năng phục sinh kẻ chết. Và lời mời gọi cụ thể là tin vào Đấng có quyền năng cứu độ như thế.

Lòng tin vào quyền năng của Thiên Chúa vẫn được mời gọi, vẫn được thử thách từng giây từng phút trong cuộc đời. Chuyện quan trọng là có tin hay không và có tin để ngỏ lời xin ấy hay không ?

Vấn đề của niềm tin luôn luôn là vấn đề lớn trong cuộc đời của từng người. Thiên Chúa luôn luôn thương yêu, tuôn đổ muôn ơn lành trên con người ấy nhưng đáng tiếc thay con người đã không tin.

Dừng lại một chút thử coi, Chúa ban cho quá nhiều ơn đấy ! Ấy vậy mà có chịu tin đâu ? Không chịu tin nên đâm ra cứ loay hoay mãi với cái cuộc đời tạm này. Nếu tin rồi thì đâu có loay hoay cho mệt nhọc như vậy ?

Và, dừng lại một chút để xem lời xin của mỗi người chúng ta.

Vẫn xin đấy ! “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày !” nhưng thử hỏi là có vừa lòng vừa ý hay chưa hay là vẫn còn trách móc Chúa này nọ ? Thật sự ra mà nói, kitô hữu đích thực không dừng lại ở chỗ cơm bánh nhưng còn phải đi xa hơn đó là lương thực Lời Chúa, là của ăn linh hồn như Chúa đã nói. Chuyện người ta cần xin đó là xin cho được bình an trong tâm hồn chứ không chỉ dừng lại ở cái vật chất qua ngày. Chúa vẫn có đó, Chúa vẫn ban ơn đó nhưng rồi vì lẽ không nhận ra ơn huệ của Chúa để rồi cứ mãi xin. Điều xin đã cho nhưng lại không sống điều xin ấy mà cứ mãi càm ràm với Chúa. Vấn đề thêm một chỗ về điều mình xin nữa đó là mình xin nhiều quá mà mình không sống điều mình xin, thật vô lý.

Như Chúa cũng đã từng nói với chúng ta rằng trước khi chúng ta xin Chúa điều gì thì với tâm tình của người mẹ và của “đấng thấu suốt mọi sự trong ngoài” thì chúng ta yên tâm, Chúa biết trước nhu cầu của ta mà ! Nhưng không ! Hình như lòng tham của chúng ta nó không có đáy như nhiều người vẫn thường nói về lòng tham của con người, sự ích kỷ của chúng ta quá lớn để rồi chúng ta cứ mãi xin mà chúng ta không để ý đó thôi.

Thật có lý khi thánh Phaolô mời gọi chúng ta trong thư của Ngài gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe: “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu”. (2 Cr 8, 14).

Nghe như vậy, chúng ta sẽ lu loa lên rằng chúng ta có gì đâu để mà giúp đỡ người khác. Xét cho cùng, chúng ta dư giả hơn anh chị em xung quanh chúng ta đấy nhưng rồi vì cứ khư khư vun vén cho mình nên chúng ta cảm thấy thiếu và khi cảm thấy thiếu rồi sẽ nảy sinh ra nhiều tâm tính không hay.

Một buổi sáng nọ, đang loay hoay với mấy ông thợ sửa nhà thờ. Thấy có chiếc xe gắn máy là lạ và một xe ba gác máy ở trong sân nhà thờ. Hỏi ra thì là của một giáo dân đến để xin đá của Nhà Thờ về làm nhà mình. Người vào lấy đá nói rằng: “Cha ơi ! Nhà con khổ lắm con mới xin !” Cha mới nói lại với bà ấy: “Tôi biết vùng này, nhà nào cũng khổ hết nhưng nhà chị còn khá hơn nhiều người đấy !”.

Nói vậy thôi chứ người ta nói như thế để người ta vào chở đá của Nhà Thờ về làm nhà mình thì còn nói gì nữa. Cô giáo lý viên thấy thế bèn nói: “Kỳ lắm Cha ơi ! người nghèo thật họ không dám làm thế đâu ! Ai mà dám đến để xin đá của Nhà thờ về làm nhà mình”.

Khi ấy, nhóm thợ đang làm nhà thờ nhìn xuống người đàn bà cùng 2 cậu thanh niên hì hà hì hục chất đá lên xe ba gác thì chỉ biết ngao ngán thở dài: “Ngoài quê con không bao giờ thấy cảnh này !”.

Vâng ! Cha còn chưa thấy cảnh này chứ huống hồ gì mấy anh.

Hình ảnh của người xin đá này nói lên tâm tính chung của nhiều người. Mình khá giả hơn nhiều người ấy vậy mà lúc nào mình cũng kêu khổ hơn người khác và bắt đầu đi vun vén về thêm cho mình. Nếu như Cha xứ mà không cho thì bà giận Cha xứ ngay chứ không phải đơn giản ! Đã xảy ra rồi chuyện xin cho ! chỉ vài cân gạo thôi mà ra khỏi nhà thờ là đã này nọ là kẻ xứng đáng người bất xứng !

Cuộc đời chúng ta nhiều lúc giống như cái bài đi chở đá kia. Chúng ta được Chúa thương nhiều, chúng ta được Chúa ban ơn nhiều nhưng vì lòng tham, chúng ta cứ cảm thấy thiếu thiếu làm sao đó để rồi cứ mãi xin. Chúa ban bao nhiêu để thỏa mãn lòng tham của ta đây ?

Một lần nọ, chờ đò sang để đưa qua sông, đang khi ấy có mấy người được người bán vé số mời mua. Câu chuyện qua lại của những người khách qua đò về chuyện tờ vé số ngày thêm nóng. Ông kia bảo rằng có một người bạn đi bán vé số suốt 15 năm trời mà không bán được đến 1 tờ trúng độc đắc !?

Bà cụ ngồi bên cạnh nói rằng bà chẳng ham trúng số vì lẽ bao nhiêu người trúng số rồi nhưng gia đình có khá hơn đâu ? Nhiều khi có tiền nhưng lại bệnh hoạn và gia đình gặp chuyện này chuyện kia không chừng !

Suy nghĩ của bà cụ vậy mà hay ! Cuộc đời này đâu phải chỉ là tiền, là vật chất mà là sự bình an là lòng thanh thản. Vì sao người ta bất an, vì sao người ta cứ loanh quanh luẩn quẩn trong sự thiếu thốn ? Vì lẽ người ta cứ khư khư cuộc đời của người ta vào vật chất nên cứ mãi xin và xin không theo ý thì giận Chúa.

Và vì thế, chuyện cần mà chúng ta xin Chúa chính là ơn bình an trong tâm hồn chứ không phải là vật chất vì lẽ vật chất không thể nào làm thỏa mãn lòng tham của chúng ta.

Người đàn bà 12 năm sống trong cái bệnh hoạn băng huyết của mình cảm thấy bất an vô cùng, tâm hồn bà không bình an được với căn bệnh này. Chúa thương và Chúa chữa lành sự bất an theo đuổi bà suốt 12 năm.

Đứa con gái rượu của ông trưởng hội đường ra đi ở cái tuổi cực trẻ: 12 đã làm cho ông quá đau đớn, ông quá bất an và rồi Chúa đã cho con gái ông được sống để ông tìm lại được sự bình an thật trong lòng của ông.

Nếu thật sự nhu cầu mà Chúa thấy cần thiết Chúa sẽ ban cho ngay như Chúa đã từng nói. Ắt hẳn người đàn bà bị băng huyết 12 năm cũng như con bé con của ông trưởng hội đường Chúa biết chứ ! Và với lòng tin phải nói là hết sức mạnh mẽ của bà và ba của con bé vào Chúa, Chúa đã nhận lời cầu xin của bà và ông trưởng hội đường một cách hết sức nhanh chóng. Liệu rằng lòng tin của chúng ta mạnh như người đàn bà bị băng huyết và ông trưởng hội đường hay không ?

Nếu chúng ta có lòng tin mạnh như người đàn bà và ông trưởng hội đường thì chúng ta sẽ nhận được ơn Chúa ngay tức khắc.

Chúa vẫn có đó, Chúa vẫn chờ chúng ta nhưng phần chúng ta, chúng ta có chạy đến Chúa và có ngỏ lời và tín thác vào Chúa điều mà chúng ta thì thầm với Chúa hay không ? Có hay không đó là phần của mỗi người chúng ta.

Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi mỗi người chúng ta để chúng ta dám tín thác cuộc đời của chúng ta vào Chúa khi vui cũng như khi buồn. Xin Chúa ban thêm lòng tin để chúng ta luôn luôn cảm nhận và tin rằng Chúa thương chúng ta hơn chúng ta tưởng.
 
Đức tin đem chúng ta đến gần Chúa
Lm. Jude Siciliano, OP
12:34 26/06/2009
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN (B)

Kn 1: 13-15; 2: 23-24; Tv 30; 2 Cr. 8: 7, 9, 13-15; Mc 5: 21-43

Anh chị em thân mến,

Bài đọc 2 hôm nay không tiếp tục trích tuần tự theo thư thánh Phaolô đọc trong Chúa Nhật tuần trước. Mà nhảy qua cách bài tuần trước 3 chương. Để anh chị em dễ hiểu, tôi sẽ sử dụng vài từ cũ trong bài đọc tuần trước để diễn giảng bài hôm nay.

Thánh Phaolô khen giáo hữu thành Cô-rin-tô, vì, tuy họ vừa đủ sống, nhưng họ cũng rộng rãi giúp đỡ những Kitô hữu thiếu thốn. Thánh Phaolô không phải là người dùng lời ngoại giao để lạc quyên, trái lại, ông khen đức tin của họ. Giáo hữu thành Cô-rin-tô được nhiều ơn qua đức tin của họ. Ai cũng biết được những ơn như: tài ăn nói, chữa lành bệnh tật, khôn ngoan và hiểu biết v.v...

Và bây giờ, Phaolô muốn họ dùng những ân sủng đang có để giúp các anh em giáo hữu khác. Phaolô dựa vào sự tự hiến của Chúa Giêsu để khuyến khích họ: “anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr,9). Chúng ta đã trở nên giàu có với những ân thánh sủng. Vì thế, Thánh Phaolô khuyến khích giáo hữu thành Cô-rin-tô nên theo gương Chúa Giêsu để chia sẻ những gì họ có nhiều hơn cho kẻ túng thiếu.

Giáo Hội không gồm những cộng đoàn độc lập, giữ đức tin riêng biệt cho cộng đoàn mình. Trái lại, máu thánh Chúa Giêsu hòa hợp chúng ta lại với nhau, vì vậy, chúng ta không thể quên sự thiếu thốn của anh em trong các cộng đoàn khác. Bởi thế, bên nước El Salvador, các cộng đoàn ở thành phố nhận giúp đỡ các cộng đoàn ở vùng quê. Họ không những gom tiền cho cộng đoàn họ giúp đỡ, mà còn kêu gọi người tình nguyện đến giúp đỡ trực tiếp vào mỗi mùa xuân như đến để sửa sang nhà thờ, sửa sang các nhà bị ngập lụt, và đào giếng cho dân chúng cả vùng.

Phaolô nói, giúp đỡ người nghèo không chỉ có một chiều, chính người nghèo cũng giúp đỡ lại chúng ta. Một nhóm sinh viên đến nước Honduras ở Trung Mỹ đã nhận thấy như vậy khi họ giúp đỡ một làng ở Honduras trong mười ngày vào dịp lễ Phục Sinh. Họ đã xác nhận điều đó với cộng đoàn Giáo Hội trong đại học hôm Chúa Nhật sau khi họ ở Honduras về. Họ đã học hỏi được nhiều điều trong lúc giúp đỡ: Học cách đón tiếp của người trong làng, về giá trị của gia đình, về sự làm ăn cần mẫn, về lòng hy sinh và về đức tin của dân làng.

Hôm nay có thể là Chúa Nhật mà ban tổ chức công tác xã hội trong cộng đoàn Giáo Hội chúng ta có thể làm bảng tổng kết về những việc đã làm, như hô hào các sinh viên, học sinh giúp xây nhà ở; chương trình phát của ăn cho người thiếu thốn v.v… “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự quân bình.” (2Cr 8,14)

Trong Phúc Âm hôm nay, người phụ nữ bị bệnh băng huyết lâu năm không còn hy vọng gì nữa. Thánh Mác-cô đã cho biết, bà ta đã bị bệnh từ 12 năm rồi “…chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản,…” Bệnh đã làm cho bà trở nên người không sạch, và bị loại ra khỏi cộng đoàn. Bà ta đau đớn về thể xác, và khó nghèo do bị khánh kiệt, lại còn bị loại ra khỏi cộng đoàn tôn giáo nữa. Và hơn thế nữa là nếu bà sờ vào ai thì người đó cũng trở nên không sạch sẽ, vậy nếu bà sờ và Chúa Giêsu, bà sẽ làm cho Ngài không sạch sẽ. Như thế cả hai người sẽ cùng bị cộng đoàn, tôn giáo và xã hội ruồng bỏ.

Câu chuyện người phụ nữ này rất nổi bật trong Phúc âm thánh Mác-cô. Thường một phép lạ xảy ra nhấn mạnh vào Chúa Giêsu. Nhưng phép lạ này nhấn mạnh đến người phụ nữ “Có một bà kia…” Rồi Thánh Mác-cô kể chi tiết bệnh tình của người phụ nữ ấy. Trong Phúc âm, có chuyện một người phụ nữ khác, người gốc Phê-ni-xi (Mc7:24-30) có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám. Thánh Mác-cô tả danh tính hai người phụ nữa ấy và câu chuyện của họ liên quan đến Chúa Giêsu. Cả hai đều rất cần sự giúp đỡ. Trong câu chuyện người phụ nữ hôm nay, bà ta “nói hết sự thật với Chúa Giêsu”.

Trong Kinh Thánh, chỉ toàn chuyện của nam giới. Mỗi khi người phụ nữ lập gia đình, thì người đó rời gia đình họ, gia nhập vào gia đình nhà chồng và sống dưới quyền nhà chồng. Người đàn ông có toàn quyền trong gia đình, trên vợ và con cái. Nhưng cũng có nhiều câu chuyện nhắc đến phụ nữđó là những người phụ nữ theo Chúa Giêsu, và trong các cộng đoàn giáo hữu đầu tiên cũng có nhiều phụ nữ giúp đỡ. Như trong thơ Phaolô gởi giáo hữu thành Roma, có chị Pơ-rít-ca (Rm 16:3), chị Phê-bê nữ trợ tá Hội Thánh Ken-khơ-rê(Rm 16:1) và Maria (Rm 16:6)

Người phụ nữ trong Phúc Âm hôm nay đã trở nên gương mẫu cho các phụ nữ trong các cộng đoàn giáo hữu đầu tiên. Bà ta bước ra khỏi sự áp chế của xã hội thời bấy giờ. Bà đã tự động chen qua đám đông quần chúng để đến sờ vào áo Chúa Giêsu. Bà ta ở trong tình huống ngặt nghèo chỉ hy vọng duy nhất vào sự giúp đỡ của Chúa Giêsu. Bà ta không những vượt qua sự ngăn cản của xã hội mà cả sự ngăn cản của tôn giáo nữa. Bà tin Chúa Giêsu sẽ giúp cho bà, mặc dù những người khác không suy nghĩ như vậy.

Người phụ nữ ấy không những là gương mẫu cho các phụ nữ khác đang bị ràng buộc bởi giai cấp xã hội, bởi giới doanh nhân, mà còn là gương mẫu cho các phụ nữ đã bị tôn giáo khai trừ, hay coi thường những tài năng của họ. Nhưng họ vẫn dấn thân trong cộng đoàn để lãnh nhận những phần việc phục vụ gia đình và cộng đoàn, dạy dỗ con trẻ, làm việc trong cộng đoàn, giúp những gia đình thiếu thốn, đọc sách và kiệu Mình Thánh Chúa, cố vấn những người khác v.v…

Sau khi người phụ nữ trong Phúc Âm được chữa lành, Chúa Giêsu gọi bà ta là ‘con’. “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con…” Bà được trở lại với cộng đoàn con cái Chúa, không còn bị xã hội và tôn giáo ruồng bỏ nữa. “Lòng tin của con đã cứu chữa con” nghĩa là gì? Bà đã bị ruồng bỏ, nhưng bây giờ Chúa Giêsu thấy bà cần được giúp đỡ nên đã chữa lành cho bà. Lời của Giêsu dẫn đưa người ngoại vào cộng đoàn và được Chúa chữa lành. Điều gì đưa chúng ta đến Thánh lễ ngày hôm nay? Có phải chúng ta đến đây để sờ vào Chúa Giêsu và để được Chúa sờ vào chúng ta chăng? Nếu quả thật như vậy, thì đời sống chúng ta sẽ được thay đổi như thế nào? Sự liên kết trong cộng đoàn chúng ta có khắng khít hơn không? Và chúng ta có mời gọi nhau cùng đến để sờ và được sờ về thể xác và về tâm hồn không?

Câu chuyện người Gia-ia có con gái gần chết, bị gián đoạn vì câu chuyện người phụ nữ bị bệnh băng huyết. Thật ra, hai câu chuyện đều nói về hai người phụ nữ cần được giúp đỡ. Con của ông Gia-ia chỉ có 12 tuổi, nhưng đó là tuổi có thể được lập gia đình. Vừa đến tuổi trưởng thành, lập gia đình, thì sự chết của cô ta làm cho cha mẹ muốn chết theo.

Khi Chúa Giêsu vào phòng người con gái đã chết, thì đó là lúc Chúa Giêsu bước qua bên kia bờ, không phải là bước lên thuyền để qua bờ bên kia, nhưng là Chúa Giêsu bước qua bên phía người bị loại bỏ, không sạch nữa. Lòng thương yêu của Chúa Giêsu làm cho Ngài bước qua sự cấm đoán của xã hội và tôn giáo để giúp những trường hợp cần đến Ngài. Khi Chúa đã truyền người con gái đứng dậy, Ngài bảo phải cho cô đồ ăn. Cô gái đó và cả gia đình đều được chữa lành. Chúa Giêsu đã thắng sự chết, và cộng đoàn đã được bình ổn. Đó là việc xảy ra mỗi khi chúng ta đến dự Tiệc Thánh nhờ đó chúng ta được lành lại, vì Chúa Giêsu đã đưa tay kéo chúng ta đứng dậy và Ngài nói “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi”. (Mc 5,41).

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Lời Chúa soi dẫn đường con đi
LM. Anmai, Cssr
16:11 26/06/2009
LỜI CHÚA DẪN SOI CON ĐƯỜNG ĐI !

Giữa một thế giới ngày càng bị tục hóa, tưởng chừng như sự hiện diện của Chúa, cách riêng qua Lời của Ngài sẽ bị mờ nhạt. Thế nhưng, dẫu con người ta cố tình đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ nhưng Thiên Chúa vẫn ở bên, vẫn hoạt động. Đặc biệt, Lời của Chúa vẫn có đó, vẫn còn đó để soi đường chỉ lối cho con người.

Một người bạn, vì hoàn cảnh học hành, công ăn việc làm và khá lâu rồi chẳng liên lạc bỗng nhiên nối lại liên lạc. Trong nhóm bạn, có người bạn này, vì là bạn thời còn Trung Học nên thân nhau và quý nhau chứ chẳng hề phân biệt tôn giáo. Thi thoảng, hoà nhập với nhóm bạn này nhưng sự hiện diện của một linh mục phải rất là tế nhị. Không phải là “giấu” thiên chức Linh Mục vì ai ai cũng biết trong nhóm có người là linh mục nhưng tế nhị trong từng lời ăn tiếng nói vì nếu không sẽ bị gán cho cái tư tưởng hết sức “buồn cười”: “Tưởng làm cha rồi muốn nói gì nói, muốn làm gì làm hả ?”.

Cũng sinh hoạt, cũng gần gụi với các bạn nhưng vấn đề đạo nghĩa phải hết sức tế nhị. Thấy người bạn này là người Công Giáo nhưng có vẻ chẳng mặn mà gì với Chúa, với Mẹ. Trong thâm tâm cũng buồn lắm nhưng biết sao giờ.

Ít lâu sau gặp lại, thật không ngờ khi người bạn này rủ “Cha bạn” đi học khoá Thánh Kinh 18 tuần tại lầu thượng Nhà Hiệp Nhất Dòng Chúa Cứu Thế !?

Trước khi trả lời thì “Cha bạn” thắc mắc hỏi tại sao thế thì người bạn này không hề giấu diếm điều gì cả.

Chuyện là vì khó chịu trong cách sống, cách cư xử trong công việc ở công ty, vì người ta chà đạp người khác nên bực mình nộp đơn xin nghỉ việc. Đang lúc chán nản tìm việc làm, bỗng nhiên có người bạn rủ đến với lớp Thánh Kinh cầu nguyện. Ban đầu, đi học chỉ là đi cho có nào ngờ được “tái khám phá” một Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót, một Chúa Giêsu xuống trần gian để cứu độ và một Chúa Thánh Thần luôn luôn yêu thương con người.

Đến nay, người bạn này cực kỳ sốt sắng để tham dự lớp, hầu như không bỏ lỡ giờ nào cả. Không chỉ là siêng năng đến với lớp cầu nguyện nhưng còn đi mời, đi khuyên những người nguội lạnh hãy tìm đến Chúa, cách riêng đến với lớp Thánh Kinh cầu nguyện.

Người bạn này đưa cho “Cha bạn” xem qua chương trình của khoá Cầu Nguyện với Thánh Kinh như thế này:

Chuẩn bị để lãnh nhận ân huệ Thánh Thần

Chuẩn bị để lớn lên

Chuẩn bị đặt nền tảng

Chuẩn bị để phục vụ người khác

Chương trình của Khoá cầu nguyện này rất hay, Khoá Cầu nguyện mời gọi những người tham dự mở lòng ra để đón Thánh Thần - Chúa của Tình Yêu - và rồi nhờ ơn Chúa Thánh Thần, những người này sẽ ra đi để phục vụ Chúa nơi tha nhân. Điều này tưởng nghĩ chẳng là gì nhưng thật là quan trọng trong cuộc sống ngày hôm nay. Ngày hôm nay, với cuộc sống khá đầy đủ, người ta quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa, đặc biệt là Chúa Thánh Thần. Thật ra, như nhiều vị nói rằng thời đại của chúng ta ngày hôm nay là thời đại của Chúa Thánh Thần.

Vâng ! Phải chăng đây là thời của Chúa Thánh Thần thật sự ?

Chuyện người bạn bị thất nghiệp, đang ở trong tình trạng chán nản và nhất là không có tiền tiêu ấy nhưng khi gặp được Chúa, gặp được những người đi tìm Chúa ở Khoá Cầu Nguyện với Thánh Kinh thì thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Ai rơi vào trong cái cảnh thất nghiệp mà vui cho được vì thất nghiệp sẽ ảnh hưởng đến miếng bánh, nồi cơm để lo cho bản thân, lo cho gia đình. Biết rằng con người cần và cần lắm nồi cơm, miếng bánh để nuôi thân nhưng đâu phải đó là điều kiện kiên quyết. Bởi lẽ, bên cạnh cái xác năm bảy chục ký con người còn có cái phần hồn nặng hơn nhiều và chính phần hồn ấy quyết định mạng sống thật của con người.

Nghĩ cũng vui, chính trong cái bế tắc của cuộc đời mà người bạn đang gặp phải thì người bạn ấy lại gặp được Chúa. Kể từ ngày tham dự lớp Cầu Nguyện với Thánh Kinh thì thấy đời sống của người bạn ấy thay đổi hẳn. Phải chăng bạn ấy đã “tìm được một con đường, tìm một lối đi” mà bao ngày cuộc đời của bạn còn trong vẩn nghi. Trong cái bế tắt của cuộc đời ấy, bạn đã tìm ra được một Thiên Chúa vô cùng yêu thương bạn qua Lời của Ngài. Không ngờ là chính vào cái lúc tăm tối nhất của cuộc đời, bạn đã được Lời của Chúa dẫn bạn đi. Không chỉ dẫn mà còn dẫn một cách hết sức là tuyệt vời.

Khi người bạn nói đến cái lớp Cầu nguyện này thì thật ra “Cha bạn” cũng chẳng thấy làm lạ gì vì lẽ những ngày “dùi mài kinh sử” ở Kinh Viện thì “Cha bạn” đã biết và đã chứng kiến nhiều ơn lạ mà những người tham sự lớp cầu nguyện này nhận được. Xác tín của người bạn này một lần nữa làm cho “Cha bạn” vui hơn vì “đồng quan điểm”, “cùng xác tín” với nhau về sự hiện diện của Chúa, cách riêng qua Lời của Ngài.

Những ngày còn ở Kinh Viện, những lời chứng sống động về ơn chữa lành hồn xác cứ văng vẳng bên tai. Nhiều và nhiều người được ơn khi chìm vào đời sống cầu nguyện và đặc biệt khi cầu nguyện với Lời. Có những người chồng bê tha rượu chè, cờ bạc; có những đứa con ngập lặn trong những chốn truỵ lạc ăn chơi hút sách bỗng nhiên từ bỏ tất cả nhờ lời cầu nguyện của người mẹ, người vợ tham gia lớp cầu nguyện và đặc biệt là lời cầu nguyện ấy được sự hiệp thông của cả lớp.

Lời cầu nguyện của cá nhân đã là tốt nhưng còn tốt hơn nữa nếu như gia đình, nếu như cộng đoàn sốt sắng dâng lên Thiên Chúa. Lời của Thiên Chúa đã, đang và sẽ vẫn còn làm những “chuyện lạ” trong cái cõi trần ngày càng tục hoá này. Chuyện quan trọng là ta còn niềm mê say, lòng nhiệt thành để tìm hiểu, để chia sẻ và đặc biệt để mang Lời vào trong cuộc sống của chúng ta hay không ?

Qua thật, Lời Thiên Chúa là Lời Hằng Sống, “sắc bén tựa gươm hai lưỡi”. Lời Thiên Chúa có sức sống để vực dậy những tâm hồn mang vác những gánh nặng trĩu của cuộc đời.

Lời Chúa đặc biệt là luôn luôn mới, luôn luôn sống động trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố của cuộc đời nếu như người ta chịu khó tìm tòi, suy gẫm và khám phá.

Lời Chúa là một “thực phẩm” vô cùng rẻ, bất cứ ai giàu hay nghèo, sang hay hèn cứ thoải mái đến mang về mà hưởng dùng.

Lời Chúa vẫn luôn là Lời bỏ ngõ, Lời tự do cho mọi người.

Chỉ những ai cảm nghiệm được Sức Mạnh của Lời, Tình Yêu của Lời sẽ đến và kín múc Sức Mạnh, Tình Yêu ấy. Chỉ những ai có Sức Mạnh, có Tình Yêu của Lời thì mới có thể vượt qua những khó khăn thử thách của cõi tạm này. Chỉ những ai có Sức Mạnh, có Tình Yêu của Lời thì mới có thể mang Sức Mạnh, mang Tình Yêu đến cho anh chị em đồng loại được.
 
Đức Chúa Giêsu chữa lành bà bị băng huyết và cho con gái Gia-ia sống lại
LM Vũ Phan Long, OFM
16:22 26/06/2009
ĐỨC GIÊSU CHỮA LÀNH BÀ BỊ BĂNG HUYẾT VÀ CHO CON GÁI GIA-IA SỐNG LẠI (5,21-43 – CN XIII TN - B)

1.- Ngữ cảnh

Đoạn văn này tổng hợp hai truyện về chữa lành (con gái ông Gia-ia [5,21-24.35-43] và bà băng huyết [5,25-43]). Đây là một ví dụ nữa về cấu trúc “tháp ghép [sandwich construction]” của tác giả (x. 1,21-28; 2,1-12; 3,21-35; 6,7-33; 11,11-21; 14,1-11). Hai truyện này có nhiều điểm chung: những người đau khổ là những người nữ; con số 12 (5,25.42); và từ vựng (“lòng tin”, “sự sợ hãi”, “khỏi/lành mạnh”, “con [gái]…”). Tuy nhiên, giọng văn của hai truyện này không giống nhau, khiến phải cho rằng đây là hai truyện lúc đầu độc lập với nhau: Truyện con gái ông Gia-ia được kể bằng những câu ngắn, với ít phân từ (participles) và các động từ ở thì hiện tại lịch sử (historic present); còn truyện bà băng huyết được kể bằng những câu dài, dùng nhiều phân từ và ở thì quá khứ aorist và imperfect.

2.- Bố cục

Bản văn này có thể chia thành ba phần:

1) Mở: Khung cảnh, các nhân vật (5,21);

2) Hai truyện về chữa lành (5,22-42a):

a- Chữa con gái ông Gia-ia (cc. 22-24.35-42a),

b- Chữa bà băng huyết (cc. 25-34);

3) Kết: Phản ứng của dân chúng và lệnh của Đức Giêsu (5,42b-43).

3.- Vài điểm chú giải

- lại trở sang bờ bên kia (21): Đức Giêsu trở lại bờ biển phía tây (x. 4,35).

- một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia (22): Ít ra ta biết Gia-ia là một thành viên vị vọng của hội đường Do-thái, thuộc hàng kỳ mục có nhiệm vụ quan tâm đến những vấn đề tôn giáo và xã hội của cộng đồng. Tên Híp-ri Ya’ir (x. Ds 32,41; Tl 10,3-5;Hl. Iaðros) có nghĩa là “ước gì Ngài (= Thiên Chúa) soi sáng”.

- sụp xuống… khẩn khoản nài xin (22-23): “Sụp xuống” (Hl. piptei, x. 3,11; 5,33; 7,25) tương tự động từ proskyneô (“quì xuống”, x. 5,6; 15,19), là thái độ vâng phục bày tỏ với một người trên, và trong ngữ cảnh khác, là sự tôn kính bày tỏ ra với Thiên Chúa. Tác giả dùng hai động từ trên để giới thiệu Gia-ia như là một người cầu xin: vì ở trong một hoàn cảnh bế tắc, một bậc vị vọng Do-thái đã xin Đức Giêsu giúp đỡ.

- con bé: “con gái nhỏ” (Hl. thygatrion, từ giảm nhẹ của thygater). Từ giảm nhẹ này nói lên tình âu yếm của người cha đối với con mình.

- gần chết rồi: Mt nói “vừa mới chết” (Mt 9,18), còn Lc thì nói “đã gần chết (đang hấp hối)” (NTT; Lc 8,42). Mc thì viết “đã gần lâm chung” (NTT) (Hl. eschatôs echei).

- bà băng huyết (25): Chứng bệnh này làm cho người phụ nữ bị ô uế về phương diện tế tự (x. Lv 15,19.25), và do đó, tất cả những gì bà động chạm đến cũng trở nên ô uế.

- khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc (26): Lời kết án các thầy thuốc đây thuộc nguồn riêng của Mc. Lc sẽ nói nhẹ nhàng hơn (x. Lc 8,43).

- sợ phát run lên (33): Bà sợ có lẽ vì thấy mình đã làm cho Đức Giêsu bị luỵ vào tình trạng ô uế theo luật. Nhưng cũng có thể bà sợ vì thấy điều vừa xảy ra cho mình. Sợ và run cũng là một phản ứng của con người khi Thiên Chúa tỏ mình ra (x. Xh 15,16; Đnl 2,25; 11,25; Gđt 15,2).

- lòng tin (34): Đây không phải chỉ là một cuộc chữa lành thể lý nhờ tiếp xúc bên ngoài với bản thân Đức Giêsu, nhưng là ơn cứu độ mà lời Người loan báo và ban cho tất cả những ai tin tưởng đến với Người. Vì thế động từ sesôken có thể dịch là “đã chữa con lành” hoặc “đã cứu con”.

- đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống: Việc đặt tay trên người đau ốm là một cử chỉ thường có trong các nghi thức chữa bệnh ngày xưa, dựa trên ý tưởng người chữa bệnh là một người đầy quyền lực (x. 5,27-30: một kiểu tiến hành ngược lại). Những từ Gia-ia nói ra (“được cứu thoát”, “được sống”) là những từ chuyên môn được các nhóm Kitô hữu tiên khởi sử dụng để nói về sự cứu độ và sự sống được phục hồi (sống lại). Như vậy, rất có thể các Kitô hữu tiên khởi đã coi câu truyện phục hồi sự sống cho con gái Gia-ia là một lời tiên báo hoặc một sự tiền dự vào sự sống lại của Đức Giêsu và của những ai tin vào Người.

- con gái ông chết rồi (35): Gia-ia chìm đi một lúc trong đám đông đang đi theo Đức Giêsu. Trong khoảng thời gian này, bà băng huyết được chữa lành. Đến lúc ấy, Gia-ia nhận được tin chẳng lành: con gái ông đã chết! Vậy thì “làm phiền Thầy chi nữa?”. Dưới mắt những người đưa tin, người cha đã đến gặp Đức Giêsu quá muộn. Chính họ vừa mới nói ra sự không tin của họ; chính thái độ này vừa như muốn giới hạn quyền năng Đức Giêsu lại vừa muốn lung lạc lòng tin của Gia-ia.

- Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi (36): Đức Giêsu đã trấn an ông, bởi vì ông cần phải thắng vượt được nỗi sợ hãi của ông, để sẵn sàng chứng kiến quyền lực thần linh của Đức Giêsu hiển lộ ra. Công thức “Đừng sợ” ở những chỗ khác thường được dành cho các hoạt cảnh mạc khải (x. 6,50; Mt 28,5; Lc 1,13.30); ở đây công thức này cũng đang chuẩn bị một cảnh thuộc loại đó. Mc thường nhấn mạnh đến nỗi sợ hãi, kinh ngạc hoặc kinh hoàng nơi những người đã chứng kiến các phép lạ (x. 1,27; 2,12; 4,41; 5,15; …), nhưng những phản ứng này không đưa tới đức tin. Đức Giêsu khuyến khích Gia-ia đừng chao đảo trong đức tin, bởi vì, như Đức Giêsu sẽ nói với người cha của đứa bé động kinh, “cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin” (9,23).

- người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ (38): Tình trạng ồn ào, với sự hiện diện của những người khóc mướn, dường như chứng tỏ đứa bé đã chết thật rồi.

- nó ngủ đấy (39): Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, cái chết thường được tượng trưng bằng giấc ngủ (Đn 12,2; Ga 11,13; 1 Cr 15,20.51; Ep 5,14; 1 Tx 5,6.10). Bản LXX cũng thường dùng động từ “ngủ” để nói về cái chết. Bản văn Mt 9,18 và Lc 8,53.55 cũng theo ý nghĩa ấy. Nhưng động từ ấy, trong bản văn Mc thì còn có vẻ hàm hồ, lý do là ngay ở đầu, tác giả ghi nhận là đứa bé chưa chết. Dù câu truyện có vẻ là cuộc phục sinh một em bé, biết đâu chừng nó chưa chết, chỉ rơi vào tình trạng hôn mê thôi; và Đức Giêsu với cái nhìn thấu suốt, đã nhận ra tình trạng ấy của đứa bé, nên đã nói như thế? (x. Mann; NJBC). Khi đó, câu truyện này sẽ là truyện về một cuộc chữa lành ngược lại mọi hy vọng và ngược lại sự lượng định khôn ngoan của những người có mặt (x. 5,43).

- Họ chế nhạo Người (40): Phản ứng mạnh mẽ của đám đông được nhắc tới bằng câu này vừa cho thấy họ không tin vừa càng nêu bật tính cách phi thường của những gì Đức Giêsu sắp làm. Cha mẹ em bé ở vào vị trí chứng nhân cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan. Dường như mọi người đều đồng ý là đứa bé đã chết.

- nơi nó đang nằm: Đây là chi tiết của riêng Mc. Câu này chứng tỏ Đức Giêsu vào phòng lần đầu tiên.

- Talitha koum (41): (A-ram tơlitha’ qum). Chi tiết này rất có thể chứng tỏ câu truyện đang được một người đã chứng kiến tận mắt kể lại.

- đứng dậy và đi lại được (42): Hai động từ này được dừng ở hai thì khác nhau. “Đứng dậy”, anestê, ở thì quá khứ aorist, diễn tả một hành vi vừa làm xong, còn “đi lại”, periepatei, ở thì vị-hoàn (imperfect), diễn tả một hành vi còn kéo dài.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Mở: Khung cảnh, các nhân vật ( 21)

Chúng ta gặp lại những yếu tố quen thuộc trong câu mở đầu này: đám đông quy tụ ở bờ Biển Hồ (x. 4,1), con thuyền (x. 4,1.36), vượt hồ (x. 5,1t).

* Hai truyện về chữa lành (22-42a)

Đức Giêsu đào tạo các môn đệ không những bằng lời nói mà còn bằng các hành động nữa. Một vài hành động nổi bật hẳn, bởi vì Người chỉ cho Phêrô, Giacôbê và Anrê tham dự thôi (5,35-43; 9,2-9; 14,32-42). Trong truyện cho con gái Gia-ia sống lại, tác giả nói hai lần là Đức Giêsu chỉ đưa ba môn đệ ấy theo thôi (cc. 37.40). Họ không có nhiệm vụ nào cả; họ chỉ phải có mặt mà trực tiếp chứng kiến một hoàn cảnh bế tắc về phương diện con người, nhưng cũng thấy sự tin tưởng người ta đăt vào Đức Giêsu và thấy quyền lực siêu phàm của Người.

Trong sự cố bà băng huyết được lành, họ đã thấy: bà hoàn toàn không mong dựa vào sức lực con người nữa, nhưng bà vẫn không mất hy vọng, bà đặt tin tưởng nơi Đức Giêsu (c. 28). Gia-ia thì hy vọng là nhận được sự trợ giúp cho con gái ông đang hấp hối (c. 23). Nhưng trên đường về có Đức Giêsu cùng đi, ông đã được tin chẳng lành. Đây là điểm gay cấn. Có tương quan nào giữa Đức Giêsu và cái chết? Phải chăng Đức Giêsu có là thầy thuốc tài giỏi nhất, cũng phải bó tay trước cái chết? Người đã kêu mời Gia-ia đừng sợ hãi và thất vọng, nhưng hãy đứng vững trong niềm tin (c. 36). Giữa lời khuyên của các sứ giả (c. 35) và lời khuyến khích của Đức Giêsu, ông đã nghe theo Đức Giêsu và đi với Người đến với đứa con gái vừa tắt thở. Đức Giêsu không rút lại sự giúp đỡ đã hứa và tiếp tục tiến bước, dù bây giờ là tiến bước đến với một người đã chết.

Đến đây, Đức Giêsu muốn ba môn đệ chọn lọc có măt, không phải để họ tích cực làm việc gì, nhưng để họ tham dự vào sự cố thật gần gũi. Khi Đức Giêsu nói rằng em bé chỉ “ngủ” thôi, mọi người đều chế nhạo Người, bởi vì họ chắc chắn em đã chết. Bây giờ, Người lại làm một cuộc phân rẽ nữa: chỉ cha mẹ em bé và ba môn đệ được đi với Người vào gặp em bé đã hết. Họ đã chứng kiến hành động hết sức đơn giản của Người: Người chỉ cầm lấy tay em và gọi em dậy. Thế là chuyện không thể tin nổi đã xảy ra: em đứng dậy và đi lại được. Tác giả còn ghi lại một chi tiết cho thấy Đức Giêsu rất tinh tế: Người bảo họ “cho con bé ăn”.

* Kết: Phản ứng của dân chúng và lệnh của Đức Giêsu (42b-43)

Hành vi của Đức Giêsu đã làm nổ tung các giới hạn của mọi niềm hy vọng, và cả những giới hạn của kinh nghiệm của các môn đệ. Họ phải nhìn nhận: Đức Giêsu mạnh hơn sự chết. Các môn đệ không còn như trước nữa; một thực tại mới vừa xuất hiện ở chân trời kinh nghiệm của họ. Đứng trước cái chết, các môn đệ có thể trả lời với nó không chỉ bằng các tiếng than van rỗng tuếch, nhưng bằng niềm tin tưởng vào quyền lực của Đức Giêsu. Họ không mạnh, nhưng họ biết rằng Đức Giêsu rất mạnh.

+ Kết luận

Nơi ông Gia-ia và bà băng huyết, tác giả Mc cho chúng ta thấy hai ví dụ tương tự về bước đi của người tín hữu và câu trả lời họ nhận được từ Đức Kitô. Bên kia phép lạ thể lý, tác giả muốn giúp chúng ta cảm nhận được sự sống viên mãn Đấng Cứu Thế ban cho người tín hữu, lúc này, khi Người đã được tôn vinh bởi cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Người Kitô hữu cũng là người được Đức Giêsu tách riêng ra để trải nghiệm quyền lực của Người trên những hoàn cảnh gay go. Chắc chắn Đức Giêsu không muốn chúng ta nhắm mắt khi đứng trước các giới hạn của khả năng con người, hoặc chao đảo giữa ảo tưởng và thất vọng. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Là chứng nhân của Đấng là Chúa tể, chúng ta biết mời gọi người ta bình tĩnh giữ vững niềm tin? Hay là chỉ hùa theo số đông, buông xuôi theo hoàn cảnh khó khăn như một định mệnh khắc nghiệt?

2. Gia-ia đã chứng tỏ một đức tin đáng phục. Bà băng huyết cũng có những suy nghĩ và chọn lựa nói lên lòng tín thác. Bởi vì Đức Giêsu có đó để khuyến khích, trấn an, mời gọi họ vững vàng đi tới. Niềm tin vào Đức Giêsu hôm nay có giúp các môn đệ của Người hiên ngang tiến đi và làm điểm tựa cho người khác trong hành trình đức tin của họ?

3. Cũng cần phải hiểu Đức Giêsu có uy quyền như thế, nhưng vì sao Người đã không cho mọi người chết sống lại, tức là hiểu ý nghĩa của việc Đức Giêsu cho em bé này sống lại, dù sau đó em sẽ lại chết. Bên kia phép lạ, Đức Giêsu mời gọi chúng ta khám phá ra mầu nhiệm bản thân Người. Bên kia cái chết thể lý, Người mời chúng ta hướng tới sự sống viên mãn.

4. Trong hành trình phục vụ, nếu tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bước, dù con đường trước mắt có vẻ đã khép lại. Trong trăm công nghìn việc nhằm phục vụ hạnh phúc của con người, chúng ta vẫn được mời học lấy cái nhìn tinh tế và ân cần của Đức Giêsu: “cho con bé ăn”. Đức Giêsu thấy nhu cầu nhỏ bé của từng con người, dù bé nhỏ. Người không bao giờ vì số đông mà quên từng cá nhân và coi thường nhu cầu của từng cá nhân.
 
''Ai đã chạm đến áo Ta?''
Tuyết Mai
16:54 26/06/2009
"Ai đã chạm đến áo Ta?"

"Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!"

(Mc 5, 21-43).

Quyền năng của Thiên Chúa quả thật vô song và thật vô cùng tận, ai ai trong chúng ta khi đọc bài Phúc Âm này của Thánh Mác Cô, cũng phải nghiêng mình mà bái lậy, Thiên Chúa của chúng ta, muôn đời từ thời tổ phụ của chúng ta hằng tôn vinh Ngài, quả tình không một mảy may hối tiếc. Thiên Chúa của chúng ta đã chữa cho hằng bao nhiêu con người mang bệnh tật trước mắt, thế mà vì lý do gì, đã làm ngăn chận lòng tin của tất cả chúng ta vào Ngài ở mọi thời đại???? Chẳng lẽ trong đôi mắt thịt của chúng ta vì Ngài Giêsu quá nghèo ư!? Hình dáng và cách ăn ở của Ngài so với vua trần gian, quả Ngài chẳng là gì thật!?. So với những dân pharisêu, biệt phái, các nhà thông luật, và những người giầu có thời bấy giờ và ngay cả trong con mắt đời thường của chúng ta ngày nay, thì quả thật Ngài chẳng là gì cả!? Trong con mắt thịt của chúng ta ngày nay thì Ngài không khác gì một con người rất tầm thường, không những tầm thường không thôi thì không đáng nói nhưng chúng ta còn liệt Ngài trong thành phần là không được bình thường, thưa có đúng không anh chị em??. Có phải những con người như Ngài chúng ta có dịp được thấy hằng ngày ở khắp mọi nơi! Cũng nhóm họp, cũng nói chuyện trên trời dưới đất, mà chúng ta thường thắc mắc sao họ có thể sống được qua ngày nhỉ!? Không thấy họ đi làm đi ăn gì cả!? Không thấy họ làm được tích sự gì!? Trong tay thường cầm cuốn sách Thánh Kinh và miệng thì luôn rêu rao như những con người quảng cáo cho những món hàng của mình. Trên tay luôn cầm những cuốn sách nhỏ nói về Nước Trời, và miệng thì không ngơi mời gọi mọi người để đến nhận và để đọc, trong một thế giới đầy những bận bịu, đầu tắt mặt tối, thiếu điều không còn thời giờ nhớ để mà thở nữa!

Trong con mắt tầm thường của con người trong mọi thời đại, quả thật thì Ngài Giêsu quá tầm thường, trong con mắt hay xét đoán rất bề ngoài, rất nông cạn, và rất thiếu sự hiểu biết của chúng ta, tới độ trong lòng của chúng ta phải cất lên những tiếng chê bai bởi vì Ngài không sở hữu bất cứ một thứ gì (nhà cửa, tiền bạc, nữ trang, không một thứ gì trên Ngài để làm vật hộ thân) để phòng khi trái nắng trở trời còn có để mà mua thuốc thang??? Chính bởi nhìn được tận mặt con người tầm thường của Ngài thế, thì xin hỏi ai lại khờ dại mà đi theo Ngài cơ chứ!?? Theo nhận xét chung thì Ngài chỉ là những con người du thủ du thục, mà chúng ta gọi những con người giống như Ngài là làm biếng, là thành phần vô dụng, chỉ tối ngày tụ họp mọi người lại để rao truyền những Lời Nói nghe thật chói tai. Ngài cũng gây nhiều ấn tượng tốt cho rất nhiều người, thuộc cấp nghèo khổ, nhưng ngược lại Ngài cũng làm nhiều người chướng lỗ tai gai con mắt nhất là thuộc cấp giầu có và trí thức của xã hội, có danh vọng, quyền thế, và tiếng tăm.

Quyền năng trên con người của Ngài là gì mà để như thu hút nhiều người nghe đến thế!? Như nam châm thu hút mọi người lại với Ngài để được nghe những Lời giảng dậy bộc bạch, đơn sơ chân chất, và rất dễ hiểu, của Ngài, mà người nghe cũng cảm thấy trên Ngài như thể có được sức mạnh từ Trên, mà hoàn toàn không giống như những lời giảng thường nghe thấy của các thầy thượng tế giảng trong Đền Thánh vào ngày lễ Chúa Nhật? Nơi Ngài Giêsu có gì mà hấp thụ và hấp dẫn người ta đến thế!? Ngài làm thế nào mà cả hàng ngàn người già trẻ lớn bé đều lũ lượt để được đi theo Ngài bất kể nơi nào Ngài đi đến? Ngài là ai mà trong Ngài đã phát xuất ra sự oai phong, tài hùng biện, hùng dũng, giảng dậy một cách rất trung thực, và không biết sợ một ai? Ngài là ai mà đã dám thẳng thắn chê trách lên án những con người có quyền thế, mà không sợ bị bắt bớ hay hành xử, mà xã hội có thể ghép Ngài đồng hạng với những con người cố tình gây phá rối trật tự của xã hội? Nhất là Ngài không ngần ngại mà chỉ trích các ông trước mặt các đám đông?.

Thầy hỏi "Ai chạm đến Ta?!". Thầy hỏi thế, có phải để chứng minh với tất cả mọi người rằng, trong Ngài đã phát xuất ra nguồn điện lực, để chữa lành bệnh cho ai đó chăng? Ngài hỏi thế có phải là để chính miệng người đàn bà bị hoại huyết suốt 12 năm trời, trả lời cho mọi người được nghe biết Ngài chữa lành bệnh cho bà thế nào, chỉ vì một lý do rất đơn thuần là do chính Đức Tin của bà?? Chúa muốn chứng minh cho tất cả chúng ta là những người đi theo Ngài phải luôn tin tưởng, phải có niềm tin vào Ngài một cách xác tín, phải tin vào Ngài một cách tuyệt đối, vì Ngài đã từng chữa lành cho tất cả mọi người, không thiên vị ai, không từ chối ai. Ngài chỉ đòi hỏi nơi tất cả chúng ta một lòng tin như trẻ thơ tin tưởng vào cha mẹ của mình, thế thôi, thưa có đúng không thưa anh chị em!?

Ai đã từng làm con nít sẽ hiểu ngay ý tôi muốn nói gì! Ai thuở nhỏ mà không bám sát vào cha hay mẹ, để tìm chỗ ẩn náu, nương tựa, an bình, và bảo toàn. Té chảy máu mà được cha hay mẹ thơm lên vết thương là cảm thấy lành ngay, nín khóc ngay. Ai sợ hãi bóng tối tìm đến cha hay mẹ để tìm được ngay giấc ngủ thật bình an. Người lạ đến gần là sợ hãi nhưng được cha hay mẹ đến nắm tay là quên ngay người lạ sợ hãi đó! Cho nên Thầy Giêsu cũng chỉ mong mỏi nơi tất cả chúng ta tìm đến Ngài sự chở che, như đàn chiên chỉ biết bám vào vị Mục Tử Nhân Lành là Thầy Giêsu để được Ngài chăn dắt, hướng dẫn, dậy dỗ ngày đêm.

Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: "Talitha, Koumi", nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay. Lậy Thiên Chúa của chúng con! Chúng con còn chần chờ gì nữa mà không đi theo Ngài ngay tức khắc vì đã chứng kiến được việc làm kỳ diệu của Ngài? Từ cái thuở khai thiên lập địa, chúng con chưa từng thấy có tiên tri nào lại chữa được cho người chết sống lại bao giờ!?? Thế mà vì lý do gì chúng con còn do dự, còn thắc mắc, còn nghĩ ngợi, còn đắn đo, còn sợ hãi, vì có phải những bài giảng dậy của Ngài, đã khuyên con người ta là muốn theo Ngài, hãy về bán hết tài sản mà theo Ngài hay không!?? Nếu phải thì thưa Chúa, Nước Trời mà Chúa giảng dậy thật đối với chúng con là sự mơ hồ, bởi theo Ngài mà phải bán hết của cải, chia sẻ cho người nghèo, rồi theo Ngài? Có nghĩa là theo Ngài chẳng có nhà cửa, chẳng có của cải gì hết! Sống một cuộc sống rày đây mai đó! Thiên nhiên mọi nơi mọi chỗ được gọi là nhà!? Thì Chúa ơi! Thế thì có đến tết Congô Chúa cũng chẳng kiếm được ai mà gọi là khôn ngoan trên đời, lại bỏ tất cả mà đi theo Chúa được cả!. Con không bảo là hoàn toàn không có ai! Thưa có chứ, mà những người đã đi theo Ngài cho đến hết cả cuộc đời của mấy ông, đó là 12 Thánh Tông Đồ của Chúa xưa. Thưa có chứ, đó là những Đức Giáo Hoàng, những phẩm trật trong Giáo Hội, những Linh Mục, những Sơ, những tu sĩ nam nữ, và tất cả giáo dân của Chúa đang cố gắng sống một cuộc đời thánh thiện.

Lậy Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ của chúng con!

Ngài không những chữa lành bệnh xác hồn của chúng con, mà ngay cả sự chết, đối với Ngài không là sự khó khăn. Vì Ngài là Thiên Chúa mà quyền năng của Ngài thì cả trên trời và dưới đất đều phải cúc cung quỳ lậy và tung hô tán tụng đến muôn ngàn đời. Xin Ngài ban thêm cho chúng con sức mạnh của thánh thần Thiên Chúa, chỉ có sức mạnh của thánh thần, mới có thể giúp chúng con thắng được những mê đắm của trần gian; mới thắng được mọi cám dỗ; mới thắng được sự chết của mọi sự dữ đang bủa vây chúng con, bởi từ thuở muôn đời chúng con đã được Thiên Chúa dựng nên trong một thân xác luôn yếu đuối, đớn hèn, và đầy dẫy những tội lỗi luôn mất lòng Chúa. Xin cho chúng con được mở con mắt đức tin ra mà nhìn thấy bao kỳ công, mọi tạo tác, và muôn vàn điều kỳ diệu đang sống chung với chúng con mỗi ngày. Xin thêm cho chúng con niềm tin yêu nơi Chúa tuyệt đối, để chúng con luôn nhìn thấy sự sống trong con mắt đức tin của chúng con, để biết rằng cuộc sống trần gian không gì bằng cuộc sống vĩnh cửu mai sau trên Nước Thiên Đàng.

Nhờ vào sự sống mà Chúa ban cho em nhỏ, chúng con sẽ tha thiết hơn vì sự hy vọng lớn lao cao quý mà rất tối cần cho linh hồn đời đời của chúng con, đó là sự sống muôn đời mai sau; là sự sống của hạnh phúc, của vĩnh cữu muôn đời, được sống bên cạnh Ba Ngôi Thiên Chúa. Ở đời sống mà trên trần gian này không thể ban phát cho chúng con được. Ai hiện giờ thích sống bám víu vào cuộc sống trần gian này thì sẽ nhận lấy cái chết. Còn ai ngay bây giờ biết tích lũy của cải của mình trên trời thì chúng ta chắc chắn sẽ nhận lãnh được một vé thông hành về thẳng Trời khi được Chúa gọi ra đi ở ngày giờ, mà chỉ có Thiên Chúa là Đấng có thể định đoạt và an bài cho chúng ta là con cái của Chúa. Bởi có phải Nơi ấy là nơi mà Chúa dậy chúng con, mắt chưa từng bao giờ được thấy, và tai chúng con chưa từng bao giờ được nghe, hay không thưa Chúa!? Amen.
 
Cái ''sờ'' của niềm tin
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
18:06 26/06/2009
Chúa Nhật 13 TN B: “CÁI SỜ” CỦA NIỀM TIN

Một trong những hình ảnh rất ấn tượng mà chúng ta thường thấy trong các kỳ World Cup hay Eurô là các cầu thủ và những cổ động viên của các đội vô địch tìm mọi cách để được sờ, được chạm vào chiếc cúp vô địch của mình hầu mong được may mắn và vinh quang. Có nhiều người còn ôm hôn chiếc cúp thắm thiết như ôm hôn người tình vậy.

Tin mừng hôm nay nói đến một người phụ nữ cũng mong muốn “được chạm”, “được sờ vào” không phải là chiếc cúp vô địch, mà là sờ vào gấu áo Chúa Giêsu. Đây là cái sờ, cái chạm của niềm tin, một niềm tin đơn sơ chất phác, nhưng cũng rất mãnh liệt. Không phải sờ để cầu may, nhưng sờ để được chữa lành bệnh. Bà tin chắc như thế. Và sự thật căn bệnh băng huyết của bà đã được chữa lành. Chúa Giêsu đã xác nhận điều này: “Đức tin con đã cứu chữa con”. Đức tin đã khai mở quyền năng của Ngài, như thể Chúa Giêsu qui gán phép lạ cho khả năng của con người. Đức tin đã giúp bà tìm đúng địa chỉ để dứt điểm căn bệnh mà bà phải chịu đựng trong suốt 12 năm trường. Trình thuật Maccô cho thấy người đàn bà bị loạn huyết đang đối diện với một căn bệnh được xem là nan y thời đó. Nhưng bà tin Chúa Giêsu có dư năng quyền để chữa bà lành bệnh. Bằng chứng là bà tự nhủ rằng chỉ cần một chút quyền năng phát ra nơi gấu áo của Chúa Giêsu thôi cũng đủ để giải thoát bà khỏi cái ách nặng nề của căn bệnh. Qủa đúng như thế. Bà vừa mới sờ vào gấu áo Chúa Giêsu, tức khắc căn bệnh lành hẳn. Kỳ diệu thay quyền năng của Thiên Chúa và cũng diệu kỳ thay đức tin của con người.

Hằng ngày chúng ta chẳng những được chạm, được sờ vào Chúa qua Lời của Ngài và qua Thánh Thể của Ngài, mà còn ăn uống chính Mình Máu Ngài nữa. Tuy nhiên chúng ta đang chạm hay đang ăn uống với lòng tin thực sự hay không?
 
Đức tin khai mở quyền năng Thiên Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
18:08 26/06/2009
Đức tin khai mở Quyền Năng Thiên Chúa

Sau phép lạ dẹp yên bão tố và phép lạ giải thoát người bị quỷ ám, hôm nay chúng ta được nghe trình thuật diễn tả hai phép lạ khác đan kết với nhau một cách chặt chẽ: phép lạ chữa người đàn bà loạn huyết và phép lạ phục sinh con gái ông Gia-ia. Qua các phép lạ này ta thấy có một sự tăng trưởng dần dần trong niềm tin của các môn đệ vào quyền năng của Chúa Giêsu. Quyền năng trên các định luật thiên nhiên: làm cho sóng yên biển lặng. Quyền năng trên các thần ô uế: giải thoát người bị quỷ ám ở Ghêrasa. Quyền năng trên bệnh tật: chữa lành người đàn bà bị chứng xuất huyết. Và quyền năng trên sự chết: phục sinh con gái ông trưởng hội đường. Thế nhưng để quyền năng của Chúa Giêsu được biểu lộ, đòi hỏi con người phải có niềm tin. Nói cách khác, tin là điều kiện cần có để được Đức Giêsu thực hiện các phép lạ.

Chính nhờ đức tin mà người đàn bà loạn huyết được chữa lành. Chúa Giêsu đã xác nhận điều này: “Đức tin con đã cứu chữa con”. Đức tin đã khai mở quyền năng của Ngài, như thể Chúa Giêsu qui gán phép lạ cho khả năng của con người. Đức tin đã giúp bà tìm đúng địa chỉ để dứt điểm căn bệnh mà bà phải gồng mình chịu đựng trong suốt 12 năm trường. Trình thuật Maccô cho thấy người đàn bà bị loạn huyết đang đối diện với một căn bệnh được xem là nan y thời đó. Căn bệnh đang lấy dần đi sự sống nơi bà, vì máu là căn nguyên sự sống, trong khi bà đang bị băng huyết.

Nhưng bà tin Chúa Giêsu có dư năng quyền để chữa bà lành bệnh. Bằng chứng là bà tự nhủ rằng chỉ cần một chút quyền năng phát ra nơi gấu áo của Chúa Giêsu thôi cũng bằng ngàn vạn thầy thuốc giỏi nhất trần gian. Qủa đúng như thế. Bà vừa mới sờ vào gấu áo Chúa Giêsu, tức khắc căn bệnh đã “say goodbye forever” với bà. Kỳ diệu thay quyền năng của Thiên Chúa và cũng diệu kỳ thay đức tin của con người.

Cũng vậy, chính nhờ đức tin của ông trưởng hội đường mà con gái ông được cứu sống. Cứ xem diễn tiến của câu chuyện chúng ta sẽ thấy rõ sự kỳ diệu của đức tin.

Khi hay tin con gái cưng của ông đã chết và những người nhà của ông đã tuyệt vọng, ông vẫn tin vào quyền năng của Chúa. Con gái của ông không còn là một bệnh nhân, mà đã trở thành một xác chết. Và điều ông nài xin Chúa Giêsu giờ đây đối với gia nhân của ông cũng không còn giá trị nữa, như lời họ khuyến cáo: Con gái ông đã là người thiên cổ rồi còn làm khổ Thầy chi nữa (x. Mc 5,35).

Sự kiện “người ta khóc than kêu la” là dấu chứng con gái ông đã chết. Thánh sử Matthêu còn thêm chi tiết là “đến nơi Chúa Giêsu thấy phường kèn và đám đông xôn xao” (Mt 9, 23). Đang sống thì phường kèn không có lý do gì để có mặt ở đó. Điều này chứng tỏ con gái ông rõ ràng đã chết thật, và đức tin của ông lúc này đang bị thử thách nặng nề. Có thể nói được là thử thách đã lên tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, khi được Chúa Giêsu khích lệ, ông đã một lòng tin tưởng và tín thác, mặc cho bầu khí kém lòng tin, do những người bà con lối xóm gây ra, đang bao trùm chung quanh.

Kết quả là đức tin ấy đã được tưởng thưởng xứng đáng: người con gái quí yêu đã được tử thần trả lại cho ông. Nói cách khác chính đức tin đã đem con gái ông trở về từ cõi chết. Chẳng phải Chúa Giêsu đã từng có lần nói: “Mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin” (x. Mt 21,21-22).

Nói tóm lại tin là điều kiện cần thiết để Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ. Thế nhưng việc Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ cũng không nằm ngoài mục đích là củng cố niềm tin cho những kẻ đi theo Ngài, để họ tin rằng Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, nhờ đó mà họ được ơn cứu độ. Không bao giờ Chúa Giêsu làm phép lạ để biểu diễn như lời dụ khị của Satan; hay là để cho nhân dân tán thưởng như các võ sĩ, các nhà ảo thuật, hoặc các diễn viên xiếc …

Qua phép lạ, Ngài kiện cường, thanh luyện niềm tin của những kẻ theo Ngài vốn còn nông cạn, thậm chí còn mang hơi hám ma thuật sơ đẳng, như đức tin của người đàn bà bị loạn huyết, hay còn đang bị chao đảo như đức tin của ông trưởng hội đường, trở thành một đức tin chân chính và sâu xa.

Niềm tin của tôi đang mang màu sắc nào ? Tôi có để cho Chúa thanh luyện và “nâng cấp” để đức tin của tôi ngày càng trở nên tinh ròng và kiên vững hay không ? Xin Chúa gia tăng lòng tin còn non yếu của chúng ta, hầu chúng ta có thể mở các kho tàng ân sủng trào tràn của Thiên Chúa. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:30 26/06/2009
THUỐC AN THẦN

N2T


Cô y tá lay tỉnh người bệnh đang ngủ, miệng lẩm bẩm:

- “Ông, ông, thức dậy.”

Bệnh nhân giật mình dậy, kinh hoàng hỏi:

- “Chuyện gì vậy, có gì không ?”

- “Không có gì ! Tôi quên cho ông uống thuốc an thần.”


(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Hiệu quả của thuốc an thần là làm cho bệnh nhân ngủ được, không quậy phá và tạm thời quên đi nỗi đau.

“Thuốc an thần” của người Ki-tô hữu chính là yêu thương và phó thác cho Thiên Chúa, bởi vì khi chúng ta yêu thương và hoàn toàn phó thác cho Ngài, thì tâm hồn chúng ta nhẹ nhàng thư thái hoặc sẽ luôn bình an trong tâm hồn.

“Thuốc an thần” của người Ki-tô hữu cũng là cầu nguyện, nếu không cầu nguyện thì tâm hồn bất an, lo lắng và dẫn đến kiêu ngạo; nhưng nếu cầu nguyện mà lòng trí lo ra trăm sự, thì tai hại vô cùng...

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 26/06/2009
N2T


23. Thiên Chúa tạo dựng rất nhiều vi trùng hại người là để khuất phục tính kiêu ngạo của con người, người kiêu ngạo thì ngược lại, tự cho mình trên người khác thì thật là đáng hổ thẹn.

(Thánh Augustinus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:35 26/06/2009
N2T


156. Cảm kích người bỏ rơi anh, bởi vì họ dạy anh nên sống độc lập.

 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:44 26/06/2009
CHỦ NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 5, 21-43

"Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi.


Bạn thân mến,

Chúa Giê-su đến trần gian, không phải để được người khác phục vụ, nhưng là để phục vụ và thi ân giáng phúc cho nhân loại. Phục vụ và thi ân là bày tỏ cho nhân loại biết Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa thật và là người thật: khi thi ân thì Ngài là Thiên Chúa, khi phục vụ thì Ngài là con người.

Lãnh nhận ân phúc phải có đức tin

Đức tin của ông đội trưởng đã cứu sống con gái của ông, đức tin của người đàn bà bị bệnh băng huyết đã chữa lành bà, cho nên để đón nhận ân phúc bởi Thiên Chúa thì dứt khoát con người phải có đức tin.

Đức tin làm cho con người nhận ra được quyền năng của Thiên Chúa trong sự yếu đuối và bất lực của mình; đức tin cũng làm cho con người nhìn thấy được Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh nhất của tha nhân, bởi vì khi đối diện với đau khổ và thất vọng, con người thường có khuynh hướng nhìn lên trời cao.

Ân sủng của Thiên Chúa vẫn tuôn đổ trên con người, Ngài vẫn luôn thi ân cho nhân loại, nhưng để đón nhận những ân huệ Thiên Chúa ban cho, thì cần phải có đức tin như đức tin của tổ phụ Abraham, như đức tin của tổ phụ I-sa-ác, đức tin của Gia-cóp, và như đức tin của viên đội trưởng và của người đàn bà bệnh loạn huyết. Ân sủng của Thiên Chúa ban cho cách nhưng không, nhưng muốn đón nhận nó thì cần phải có đức tin.

Phục vụ tha nhân phải có đức tin

Thời nay có nhiều hội từ thiện để giúp đỡ người bất hạnh, thời nay có nhiều bệnh viện và cơ quan từ thiện để chăm sóc bệnh nhân nghèo, và thời nay cũng có nhiều cá nhân làm việc thiện, nhưng số người không biết đến Thiên Chúa thì càng nhiều hơn. Bởi vì có nhiều đoàn thể và có nhiều cá nhân phục vụ nhưng không có đức tin, hoặc đức tin đã bị ngâm sâu dưới lớp tro bụi cuộc sống bon chen.

Khi phục vụ tha nhân mà không tin, không nhìn thấy Chúa Giê-su ở trong họ, thì họ cũng sẽ không nhìn thấy được Chúa Giê-su ở trong những người làm việc từ thiện.

Đức tin dạy cho người tin biết rằng Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, đặc biệt là nơi những người nghèo khó bất hạnh, đức tin cũng dạy cho người tin biết rằng, phục vụ tha nhân chỉ vì danh vọng hảo huyền mà thôi, thì họ sẽ không thể thay mặt Chúa Giê-su đem an ủi đến cho người khác được...

Bạn thân mến,

Là những người được gọi là “những kẻ tin”, chúng ta cũng có trong mình “gen” phục vụ tha nhân như Chúa Giê-su đã phục vụ, bởi vì đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày Rửa Tội đã làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su hơn, khi chúng ta phục vụ tha nhân.

Chúng ta cũng được trở nên con cháu của tổ phụ Abraham nhờ lòng tin của mình, khi chúng ta tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa, và đón nhận những ơn lành cũng như những thử thách của Ngài dành cho chúng ta trong cuộc sống đời thường, để nhờ đức tin, mà chúng ta ngày càng trở nên hoàn hảo hơn trong đức mến.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn. myblog.yahoo.com

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby
 
Thư của thánh Phaolô gửi Phi Lê Môn và Ti Mô Thê lần hai: Di sản của Phaolô
Jos. Tú Nạc, NMS
21:18 26/06/2009
THƯ CỦA THÁNH PHAO-LÔ GỬI PHI-LÊ-MÔN VÀ TI-MÔ-THÊ LẦN HAI: DI SẢN CỦA PHAO-LÔ

Năm Thánh Phao-lô dần khép lại và chúng ta những tín hữu Ki-tô Công giáo cân nhắc, suy ngẩm di sản cùa ông đối với giáo hội. Chúng ta quay trở lại với sự chú ý của chúng ta với hai ý tóm tắt, những lá thư Tân Ước có vẻ không quan trọng nhưng phong phú trong việc rao giảng cách thể hiện đức tin đối với các cộng đồng, và những cá nhân có thể sống những đời sống được dẫn dắt bởi Thần Khí.

Những vần thơ bài 25, thư của Thánh Phao-lô gửi ông Phi-lê-môn thuộc trong số những bài viết ngắn nhất. Và đề tài của nó, cách cư xử của Phi-lê-môn với Ô-nê-xi-mô tránh khỏi cảnh nô lệ của ông, có vẻ như không thích hợp với ngày nay. Nhưng cách ứng xử tế nhị của những đòi hỏi về bằng hữu, tới một chừng mực nào đó vượt qua sự cần thiết về công lý, nói tới mọi thời đại, bao gồm những sở hữu của chúng ta. Phao-lô đã tuân thủ điều đó, mặc dù ông có thể đề nghị Phi-lê-môn thực hiện lẽ phải, ông ta sẽ lãnh nhận nhiều Thần Khí hơn để dẫn dắt ông ta lựa chọn con đường bác ái.

Phi-lê-môn, một tín hữu Ki-tô giáo giàu có, đã đánh mất một tài sản giá trị khi Ô-nê-xi-mô đưa cả nhà bỏ trốn sau khi lừa gạt ông ta. Sau khi đến để được biết Thánh Phao-lô, Ô-nê-xi-mô tìm gặp cho bằng được ông trong tù, và ở đó đã trở thành một tín đồ Ki-tô giáo (“tôi đã trở thành cha nó trong lúc tủ đày”).

Theo luật La Mã, những người nô lệ bỏ trốn phải quay trở lại với người chủ của họ; bất kỳ người nào che giấu một nô lệ đào tẩu bắt buộc phải nộp một khoản tiền phạt. Phao-lô đã gửi trả Ô-nê-xi-mô cho Phi-lê-môn kèm theo là thư này. Trong thư, ông yêu cầu Phi-lê-môn nhận Ô-nê-xi-mô “không còn là một nô lệ mà còn hơn một nô lệ, một người anh em đáng được yêu thương.” Việc nhận Ô-nê-xi-mô như người anh em hàm ý rằng Phi-lê-môn đã tha thứ Ô-nê-xi-mô một món nợ theo yêu cầu của Phao-lô. Điều đã được Phao-lô suy tư đối với Phi-lê-môn không biết ông ta hàm ơn Phao-lô về món quà của niềm tin không biết đến bao nhiêu!

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Phi-lê-môn đã tạo hố sâu với những quyền lợi của mình chống lại sự cho phép bản thân được dẫn dắt bởi những đòi hỏi của lòng bác ái. Mặc dù Phao-lô đã không khuyên việc xóa bỏ chế độ nô lệ (một thể chế chính thức vào thời đại ông), ông đã nài xin những người cùng Ki-tô giáo không đối xử với nô lệ như một vật sở hữu mà hãy cư xử như một người thuộc tính người. Phao-lô cũng để ông ta tự do đưa ra quyết định riêng của mình trong tình bác ái.

Chúng ta không biết Phi-lê-môn đối xử như thế nào trước tình thế giằng co giữa hai thái cực mà Thánh Phao-lô đã trao tay ông. Như một truyền thuyết xa xưa kể về một giám mục có tên là Ô-nê-xi-mô. Chi tiết này có thề giải thích về sự bảo quản lá thư súc tích này của Phao-lô.

Tân Ước gồm ba lá thư Phao-lô đã gửi công khai cho những người kế tục trong hôi tông đồ: hai tới Ti-mô-thi và một cho Ti-tô, những người cộng tác gần gũi với ông. Từ cuối thế kỷ 19, những học giả đã tranh luận về mức độ khả tín của những lá thư này, được thông qua hội đồng như những “Lá thư Thuyết giáo.” Chúng bị bác bỏ bởi một số người vì nỗ lực của giáo hội với sự thích nghi Thánh Phao-lô được thu hút, đưa ra việc rao giảng tràn đầy Thần Khí vào những diệu kế thuộc vật chất. Một số khác, gần đây hơn, đã ủng hộ Phao-lô và cho ông là tác giả.

Trong một loạt bài bình luận gần đây, Fr. Michel Gourgues thuôc Trường Đại học Dominic của Ottawa gợi ý vấn đề phức tạp không có sự cân nhắc bắt nguồn từ mỗi tác phẩm về những giá trị của riêng nó. Những học giả có ý định viết về những đề tài của những Thư Thuyết Giáo (cơ hội thực tế, các bộ v.v…) thay vì viết lại những tính chất cá biệt của từng văn bản.

Sau khi nghiên cứu chi tiết, Gourgues đã thuyết phục việc xác thực lời giới thiệu (1: 1-2: 13) và phần kết luận (4: 6-22) của lá thư gửi Ti-mô-thê thứ hai. Chúng bao gồm lá thư cuối của Phao-lô. Phần còn lại của lá thư thứ hai gửi Ti-mô-thê (2: 14-4: 5) cũng như lá thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê và Ti-tô, ông thấy như sự khai triển về di sản của Thánh Phao-lô và sự cải biên của nó về những chi tiết, sự kiện mới hơn đã xuất hiện sau khi Thánh Phao-lô qua đời.

Cuộc đời và chứng nhân của Thánh Phao-lô có thể được hiểu, sau đó, như một chân lý sự sống để được thích nghi với những thế hê giáo hội về sau. Vậy kết thúc Năm Thánh Phao-lô bước sang Năm Linh Mục không phải là không giống nhau về phong trào từ Thánh Phao-lô đến thời hậu giáo hội tông đồ, mà có thể đã bắt đầu trong những Thư Truyền Giáo.

Phao-lô thường nhấn mạnh đến nguồn gốc siêu nhiên của thiên hướng đời mình trong thư gửi Ti-mô-thê lần hai nhắc lại vai trò của bản thân trong thiên hướng của Ti-mô-thê “qua sự đặt để trên đôi tay của tôi.” Qua việc ủy thác này Thiên chúa đã ban – và đang ban những mục tự được sắc phong của giáo hội không là một “yếu tính của sự hèn nhát, nhưng là một yếu tính của sức mạnh, của tình yêu và của tính tự kỷ luật.”

Trong những vần cuối của lá thư thứ hai gửi Ti-mô-thê, Phao-lô dùng những hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc tượng trung sự đến gần cái chết của mình. “Tôi đang trút ra như một thức uống” là một lời ám chỉ rượu đổ ra trên những của tế lễ trong đền thờ. “Thời gian ra đi của tôi” gợi lên cảm nghĩ nơi ở tạm thời đang đổ nát hoặc để con tàu xa dần chỗ buông neo, cả hai uyển ngữ đều phổ biến cho cái chết trong lối nói cổ xưa. Phao-lô cũng đã diễn đạt khiêm tốn về sự thành tựu, một thành quả không từ sức mạnh đơn độc của mình nhưng một diều gì đó mà ông đã được phép lãnh nhận quyền năng của Đức Ki-tô (“Chúa đứng bên tôi và cho tôi sức mạnh”).

Hai hình ảnh phi thường đều qui chiếu một kết luận, tóm tắt tôn giáo toàn bộ của Thánh Phao-lô: “Tôi đã chiến đấu một trận chiến lẫy lừng, tôi đã hoàn thành cuộc đua, tôi đã giữ vững đức tin.” Tất cả đó mãi mãi thuộc về Thánh Phao-lô là để nhận món quà cuối cùng của Thiên Chúa. Kết thúc một cuộc đời của những ban tặng vô bờ, “vương miện của sự công chính, mà Chúa Trời, vị thẩm phán công bằng, sẽ ban cho tôi vào ngày (cuối cùng) ấy,” ngày của “Người xuất hiện” trong vinh quang.

20/ 6/ 09

Nguồn: The Catholic Register
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
34 Tổng Giám Mục được lãnh nhận giây Pallium
Bùi Hữu Thư
01:55 26/06/2009

34 Tổng Giám Mục được lãnh nhận giây Pallium



5 vị thuộc Hoa Kỳ sẽ lãnh nhận biểu hiệu của sự Hiệp Nhất

VATICAN, ngày 25, tháng 6, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ ban giây phù hiệu pallium cho 34 tổng giám mục được bổ nhiệm năm ngoái, trong đó có 5 vị ở Hoa Kỳ, hai vị ở Canada và một từ nước Anh.

Nghi thức sẽ được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ngày thứ hai, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô.

Giây pallium, được mang bởi Đức Giáo Hoàng và các Tổng Giám Mục biểu hiệu cho con chiên lạc đã tìm thấy được, và được người chăn chiên nhân lành mang trên vai, và cũng là Chiên bị đóng đanh để cứu chuộc nhân loại. Giây này cũng biểu hiệu một phần cho việc Đức Thánh Cha phân quyền và hiệp thông với các vị lãnh đạo các giáo hội địa phương lớn.

10 tổng giám mục từ Miền Bắc Mỹ:

  • -- Allen Vigneron ở Detroit, Michigan
  • -- Timothy Dolan ở New York
  • -- Robert Carlson ở St. Louis, Missouri
  • -- George Lucas ở Omaha, Nebraska
  • -- Gregory Aymond ở New Orleans, Louisiana
  • -- Pierre-André Fournier ở Rimouski, Quebec
  • -- John Michael Miller ở Vancouver, British Columbia
  • -- Domingo Díaz Martínez ở Tulancingo, Mễ Tây Cơ
  • -- Víctor Sánchez Espinosa ở Puebla de Los Angeles, Mễ Tây Cơ
  • -- Carlos Aguiar Retes ở Tlalnepantla, Mễ Tây Cơ.


7 tổng giám mục từ Nam Mỹ:

  • -- Ismael Rueda Sierra ở Bucaramanga, Colombia
  • -- Manuel Felipe Díaz Sánchez ở Calabozo, Venezuela
  • -- José Luis Escobar Alas ở San Salvador, El Salvador
  • -- Sérgio da Rocha ở Teresina, Ba Tây
  • -- Maurício Grotto de Camargo ở Botucatu, Ba Tây
  • -- Gil Antônio Moreira ở Juiz de Fora, Ba Tây
  • -- Orani João Tempesta ở San Sebastián do Río de Janeiro, Ba Tây.


8 vị từ Âu Châu:

  • -- Vincent Nichols ở Westminster, Anh
  • -- Andrzej Dziega ở Szczecin-Kamien, Ba Lan
  • -- Carlos Osoro Sierra ở Valencia, Tây Ban Nha
  • -- Braulio Rodríguez Plaza ở Toledo, Tây Ban Nha
  • -- Giuseppe Betori ở Florence, Ý
  • -- Salvatore Pappalardo ở Syracuse, Ý
  • -- Domenico Umberto D'Ambrosio ở Lecce, Ý.
  • -- Mieczyslaw Mokrzycki ở the Latin Archdiocese ở Lviv, Ukraine.


6 vị từ Phi Châu:

  • -- Philippe Ouédraogo ở Ouagadougou, Burkina Faso
  • -- Ghaleb Moussa Abdalla Bader ở Algiers, Algeria
  • -- Joseph Yapo Aké ở Gagnoa, Ivory Coast
  • -- Paul Mandla Khumalo ở Pretoria, South Africa
  • -- Marcel Utembi Tapa ở Kisangani, Congo
  • -- Philip Naameh ở Tamale, Ghana.


Cuối cùng 3 vị từ Á Châu:

  • -- Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij ở Bangkok, Thái Lan
  • -- Albert Malcolm Ranjith Patabendige Don ở Colombo, Sri Lanka
  • -- Anicetus Bongsu Antonius Sinaga ở Medan, Nam Dương.
 
Hoa trái của Năm Thánh Phaolô
Vũ Văn An
08:00 26/06/2009
Năm thánh Phaolô sẽ chính thức chấm dứt vào ngày 29 tháng Sáu. Nhưng liệu Thánh Phaolô, vị Thánh có người xưng tụng là Tiến Sĩ Dân Ngoại, chứ không phải chỉ là Tông Đồ Dân Ngoại, có lui vào bóng tối không?

Nhìn vào những sinh hoạt rầm rộ trong mấy ngày qua tại Rôma, người ta có quyền nghĩ rằng điều trên không xẩy ra. Thực vậy, một số biến cố chung quanh các nghi lễ bế mạc cho thấy một nỗ lực nhằm tiếp tục cái động lượng (momentum) của năm thánh đầy ơn phúc này. Một cuộc trưng bày nghệ thuật tại Bảo Tàng Viện Vatican sẽ tiếp tục lôi cuốn tín hữu, trong khi Tòa Thánh phái bẩy vị đặc sứ tới các quốc gia, nơi Thánh Phaolô từng cư ngụ, trước khi chịu tử đạo tại Kinh Thành Muôn Thuở, để nhấn mạnh nguyện vọng hợp nhất của các dân tộc này.

Các vị được chọn trong Hồng Y Đoàn đã lên đường tới các nơi chỉ định: Giêrusalem, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Siria và Li Băng, tất cả đều là những địa danh nổi tiếng khắp thế giới, nhưng hòn đảo nhỏ Sýp đáng được hưởng một giây phút rạng ngời đặc biệt vì vai trò quan trọng của nó trong lịch sử Kitô Giáo.

Sách Tông Đồ Công Vụ cho ta biết Thánh Phaolô (lúc ấy còn mang tên Saolô) cùng Barnaba rời Antiôkia qua Đảo Sýp vào khoảng các năm 45-47 và bắt đầu rao giảng tại các hội đường của Salamis phía đông hòn đảo.

Bất chấp mọi gian nan thử thách, một trong các thành công lớn đầu tiên của Thánh Phaolô đã diễn ra trên đảo này. Vượt lên trên các mưu đồ của người phù thủy địa phương là Elymas, Thánh Phaolô đã làm cho tổng trấn La Mã là Sergius Paulus trở lại Kitô Giáo. Nhờ thế, Đảo Sýp đã trở thành lãnh thổ đầu tiên của Đế Quốc được cai trị bởi một Kitô hữu.

Địa điểm xẩy ra biến cố có tính xoay chiều lịch sử Giáo Hội này tọa lạc tại phía tây hòn đảo, thuộc thành phố Paphos, lúc ấy từng nổi tiếng thế giới vì là thành đầu tiên của nữ thần Aphrodite.

Vốn sinh ra từ các triều sóng Địa Trung Hải, Aphrodite được từ từ trôi dạt vào đảo Sýp, và khi lên bờ tại Paphos, nàng đã đem tình yêu và sắc đẹp lại cho nhân loại. Thánh Phaolô hoàn thiện hóa món quà qúy giá của nàng Aphrodite bằng cách tỏ lộ mô thức yêu thương và cái đẹp nhập thể của Chúa Kitô cho cửa ngõ Biển này là Sýp.

Khi rời khỏi đảo này, vị Tông Đồ Dân Ngoại cũng để lại cả cái tên Saolô vốn có từ trước đến nay, để nhận lấy một căn cước khác với tên Phaolô.

Đảo Sýp từ đó trở thành miếng mồi tranh chấp của nhiều phe phái, kể cả bây giờ. Thời xưa, Sýp vốn bị chiếm đóng bởi các hoàng đế Byzantine, bởi người Ả Rập, bởi thập tự quân, bởi người Vênixia và bởi người Thổ Nhĩ Kỳ thời Ottoman. Nhưng sợi dây liên kết mạnh mẽ với Kitô Giáo, một phần trong di sản của Thánh Phaolô, vẫn là nét nổi bật của Sýp trong bao thế kỷ nay.

Nữ hoàng Charlotte của Sýp bị buộc phải thoái vị vào năm 1463 để nhường ngôi cho người em cùng cha khác mẹ đầy âm mưu của mình. Bà trốn qua Rôma, chết ở đó, và được chôn cất tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Ngày nay, mộ của bà nằm đối diện với mộ của Tôi Tớ Chúa là Đức GH Gioan Phaolô II.

Cuộc chinh phục của người Ottoman đã đặt đảo này dưới sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1570, nhưng một cuộc kiểm tra dân số năm 1872 cho thấy đa số dân vẫn trung thành với Kitô Giáo: 100,000 so với 44,000 theo Hồi Giáo. Hòn đảo nhỏ nhưng đầy ý nghĩa này, từ lâu, vốn là bằng chứng cho thấy hạt giống được Thánh Phaolô gieo tại Địa Trung Hải vừa có tính khó khăn vừa có tính lâu bền, và khi năm thánh mừng ngài qua đi, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy những hạt giống ấy tàn lụi.

Một liên minh giá trị

Lúc Đức Hồng Y Renato Martino lên đường qua đảo Sýp mang theo sứ điệp hợp nhất của Rôma, một đặc sứ của Sýp cũng đã được ‘mở màn’ tại Rôma. Đó là bức ảnh của Thánh Nicholas tis Ste’gis. Bức ảnh này được trưng bày vào ngày thứ Tư sau một cuộc tái tạo lâu dài tại các phòng chuyên môn ở Rôma. Bức tranh này khổ 203 cm x 158 cm, vẽ hình Thánh Nicholas bằng sơn trộn lòng trứng (tempera) trên nền gỗ, chung quanh có những cảnh diễn tả lại cuộc đời của thánh nhân. Ngài vốn là vị thánh được cả Giáo Hội Đông Phương lẫn Giáo Hội Tây Phương yêu kính.

Bức tranh trên được vẽ vào thế kỷ 13, dành cho nhà thờ Thánh Nichloas tis Ste’gis thuộc thành phố Kakopetria, tọa lạc khoảng giữa thủ đô Sýp là Nicosia và thành phố Paphos. Ngày nay, nó được lưu giữ tại Bảo Tàng Viện Byzantine của Kakopetria.

Bức tranh được đem tới Rôma để trùng tu sau khi các yếu tố thời tiết đã làm hư nước sơn và mối mọt đã làm yếu nền gỗ, và kẻ phá hoại đã cạo mất các khuôn mặt của những người hiến tặng được vẽ ở dưới chân vị thánh.

Liên minh giữa Rôma và Sýp trong việc cứu công trình nghệ thuật thánh này đã phản ảnh một cách sâu sắc sự hợp tác mạnh mẽ về nghệ thuật giữa người Sýp và người Rôma thời Trung Cổ.

Thực vậy, bức tranh này vẽ trên một mặt phẳng được lót không những bằng vữa và vải sợi mà còn bằng một miếng da thú (permagum) dán cứng vào gỗ bằng keo súc vật. Kỹ thuật đặc biệt được sáng chế tại Sýp này đã góp phần duy trì được bức tranh lâu đời và đã được truyền cho các nghệ sĩ Ý thời Trung Cổ.

Bức tranh Thánh Nicholas cao 6 bộ Anh, đóng khung mạ vàng có trang trí hoa huệ, một biểu tượng của nghệ thuật Tây Phương. Các chất mầu quí giá, đá da trời, vàng và bạc vốn là các đặc điểm của bức tranh, nhưng thường được xuất khẩu qua Rôma. Phía trên đầu Thánh Nhân, Chúa Giêsu trao cho Thánh Nicholas một cuốn Phúc Âm trong khi Đức Mẹ ban tặng ngài tấm pallium, biểu hiệu chức vụ giám mục đã do Chúa Giêsu và Giáo Hội ban cho ngài.

Các khối bên cạnh trên bức tranh vẽ lại đời sống và các phép lạ của ngài, nhưng việc lồng món quà hồi môn Thánh Nicholas dành cho các cô gái nghèo và cuộc phục sinh ba vị linh mục bị thản sát, cho thấy cả ảnh hưởng La Tinh lẫn ảnh hưởng Đông Phương trong nghệ thuật tạo ảnh tượng.

Người ta tin rằng các người dâng tặng thuộc một gia đình La Tinh quí tộc, căn cứ vào con chim ưng đế quốc trên áo giáp của một nhân vật đứng ở phía phải. Công trình nghệ thuật này, vốn được thực hiện dưới thời người Tây Phương thống trị đảo, nói lên sự hợp tác phong phú giữa các nghệ sĩ Sýp và những người La Tinh yêu nước trong việc cùng thực hiện các tranh vẽ đẹp đẽ này để làm vinh danh Thiên Chúa hơn nữa.

Tình bạn muôn thuở

Bảo Tàng Viện Vatican, nơi thu hút cả Kitô hữu lẫn người không phải là Kitô hữu, đã quyết định giữ cho ngọn lửa của năm Thánh Phaolô tiếp tục rực sáng sau khi năm này kết thúc. Ngày 25 tháng Sáu vừa qua, Bảo Tàng Viện đã khai mạc một cuộc trưng bày mới đặt tên là “Thánh Phaolô tại Vatican: Các lời và hình ảnh của Tông Đồ Các Dân Tộc trong Các Bộ Sưu Tập Giáo Hoàng”. Cuộc triển lãm này sẽ kéo dài tới ngày 27 tháng Chín năm nay.

Đặt tại Bảo Tàng Kitô Giáo Piô (Pio Christian Museum) cuộc triển lãm này tập hợp hơn 120 công trình lấy từ nhiều phần khác nhau của các sưu tập giáo hoàng; một số lấy từ Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, trong khi các công trình khác được các đại học giáo hoàng hay Thư Viện Vatican cho mượn.

Những sách chép tay họa hiếm và những hình ảnh cổ xưa dựng lại cả khuôn mặt lịch sử của Thánh Phaolô lẫn di sản các bức thư của ngài qua các thế kỷ và lục địa.

Phần đầu trình bày các khám phá mới đây lẫn xưa kia quanh ngôi mộ của Thánh Nhân tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Mẫu ngôi nhà thờ cũ do Theodosius xây vào thế kỷ thứ 5 và phiến đá thời danh đặt tại mộ Thánh Phaolô và có khắc hàng chữ “Phaolô, Tông Đồ, Tử Đạo” cho thấy tính cách cổ xưa của truyền thuyết về địa điểm chôn cất Thánh Phaolô.

Một quan tài đồ sộ bằng đá có từ khoảng năm 350, được đặt tên là “Quan Tài Tín Lý” (“Dogmatic Sarcophagus”), tạc hình Chúa Ba Ngôi một cách công phu lần đầu tiên trên thế giới, được tìm thấy cạnh mộ Thánh Phaolô, chứng tỏ ngôi mộ của ngài hết sức thời danh lúc đó.Gần 30 cổ vật cho thấy sự phát triển trong nghệ thuật hình ảnh về Thánh Phaolô. Các tranh thủy mạc sống động của Đức Cha Joseph Wilpert vẽ hình ảnh lấy từ các hang toại đạo ở Rôma cũng như những tranh nổi trên các quan tài bằng đá cho thấy nét mặt và lịch sử của Thánh Phaolô đã được phổ biến lần đầu ra sao qua nền văn hóa tượng hình cao độ của thế giới La Hy.

Các nghệ phẩm đáng yêu nhất của khu này chính là những bức ảnh bằng thuỷ tinh và vàng, vốn là vật kỷ niệm của các khách hành hương thời xa xưa, với hình hai Thánh Phêrô và Phaolô khảm bằng vàng lá giữa những tấm kính. Nghệ thuật tạo ảnh tượng về hai vị Tân Romulus và Remus, tức hai vị đồng sáng lập ra Tân Rôma Kitô Giáo này, sau đó đã phát triển rộng rãi.

Mối liên hệ giữa Thánh Phêrô và Thánh Phaolô còn được cuộc trưng bày này phân tích hơn nữa qua rất nhiều hình ảnh về Thánh Phaolô tìm thấy tại mộ Thánh Phêrô. Từ chiếc bình đựng Mình Thánh thuộc thế kỷ 15 của Paolo Romano tại Vương Cung Thánh Đường trình bày việc Thánh Phaolô bị chặt đầu, tới hình Thánh Phaolô trên cửa đồng hiện đang trang trí cho ngôi nhà thờ, tất cả các công trình này đều có công dụng làm nổi bật tình thân hữu và đoàn kết giữa Tông Đồ Dân Ngoại và Thủ Lãnh Các Tông Đồ.

Khu sau cùng trình bày các chứng tá bằng lời viết. Bản khắc Kitô Giáo xưa nhất, tức Văn Bia Albercius có từ cuối thế kỷ thứ hai, mô tả cuộc hành hương của Đức Giám Mục thành Hieropolis, người từng dùng các thư của Thánh Phaolô làm “sách hướng dẫn của tôi”. Các ấn bản Thánh Kinh từ những bản chép tay có họa hình của Charles Hói Đầu (Charles the Bald) ở thế kỷ thứ chín tới các ấn bản mới nhất của Hội Đồng Giám Mục Ý thẩy đều làm chứng cho di sản các lời viết của Thánh Phaolô.

Bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Đức của Luthêrô được đặt nằm cạnh các bản chú giải của Thánh Tôma Aquinô, và các sách phúc âm bằng tiếng Slav, Copt, Ả Rập, Tây Ban Nha, Trung Hoa và Ácmêni nói lên tính phổ quát trong các thư của Thánh Phaolô.

Vốn coi mình mắc nợ “cả người Hy Lạp lẫn người mọi rợ, cả người khôn ngoan lẫn người không khôn ngoan” (Rm 1:14), Thánh Phaolô đã bổ túc cho Bảo Tàng Viện một cách hoàn hảo. Vì nghệ phẩm trong bộ sưu tập giáo hoàng quả đã lôi cuốn người thuộc đủ hậu cảnh và niềm tin, trong khi cuộc trưng bày giúp Thánh Phaolô rao giảng một lần nữa giống như lúc ngài lên tiếng tại Agora ở Athens và các hội đường ở Sýp. Hoa trái vĩ đại nhất của năm Thánh Phaolô dĩ nhiên là lúc người ta biết tiếp tục lắng nghe ngài.

Theo Elizabeth Lev, giáo sư môn nghệ thuật và kiến trúc Kitô Giáo tại Đại Học Duquesne ở Ý, và Đại Học Thánh Tôma. Zenit 25 tháng Sáu, 2009
 
Đức Thánh Cha ca ngợi công trình bác ái của Hội Dòng Malta
Bùi Hữu Thư
23:13 26/06/2009

Đức Thánh Cha ca ngợi công trình bác ái của Hội Dòng Malta



Bề trên cả viếng thăm Đức Thánh Cha vào ngày lễ bổn mạng

VATICAN, ngày 26 tháng 6, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI ngày thứ năm đã thảo luận về một số các công trình bác ái đang được Hội Dòng Malta thực hiện.

Đức Thánh Cha được bề trên cả của hội dòng là Thầy Matthew Festing viếng thăm, nhân dịp hội dòng mừng lễ quan thầy là Thánh Gioan Baotixita. Hội dòng này cũng họp phiên khoáng đại tại Rôma trong tháng này.

Trong 15 phút gặp gỡ, Đức Thánh Cha và bề trên cả đã thảo luận về kế hoạch 10 năm hội dòng đã thiết lập trong buổi họp tại Venice hồi tháng Giêng.

Họ cũng bàn về việc đối thoại liên tôn với Giáo Hội Chính Thống Nga do hội cổ võ, các dịch vụ y tế tại Đất Thánh, và việc hợp tác với Lực lượng Duyên Phòng Ý để trợ giúp người di cư. Họ cũng bàn về các trợ cấp nhân bản của hội tại Pakistan, Sri Lanka và Myanmar.

Hai vị lãnh đạo cũng xem xét việc trợ giúp nạn nhân trận động đất L'Aquila bởi chi hội Ý. Nhóm này gồm 2.000 thiện nguyện viên cung cấp việc yểm trợ y tế và thực phẩm cho nạn nhân trận động đất.

Đức Thánh Cha Benedict XVI ca ngợi công việc của hội dòng và khuyến khích họ trung thành với đặc sủng của họ là chăm sóc người nghèo khó và bệnh tật, để làm nhân chứng đức tin.

Đức Thánh Cha cũng chào mừng các thành viên của Ban Điều Hành, đa số được bầu lên cho một nhiệm kỳ 5 năm trong phiên họp khoáng đại.

Sau buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha, Thầy Festing đã đến gặp Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong 40 phút.

Nguồn gốc của Hội Dòng Malta, một cơ quan bác ái quốc tế được thành lập từ 1050, khi được tổ chức như một hội ái hữu phục vụ cho Bệnh Viện Thánh Gioan tại Giêrusalem. Đây là một Hội Dòng Giáo Dân, gồm có một số người đã khấn trọn.

Ngày nay hội đang trợ giúp về bác ái, y tế và xã hội tại 120 quốc gia.
 
Top Stories
INDE: Karnataka: les Eglises chrétiennes se rassemblent en un Forum œcuménique pour la défense de leurs droits
Eglises d'Asie
20:00 26/06/2009
INDE: Karnataka: les Eglises chrétiennes se rassemblent en un Forum œcuménique pour la défense de leurs droits

Le 19 juin dernier, évêques catholiques et représentants de différentes confessions chrétiennes se sont rassemblés pour le lancement du Forum chrétien du Karnataka pour les droits de l’homme (Karnataka United Christians Forum for Human Rights, KUCFHR), dans la cathédrale protestante St Marc, à Bangalore, dans l’Etat du Karnataka. L’évêque du lieu, le Rev. Vasanthkumar, de l’Eglise de l’Inde du Sud (Church of South India, CSI) a accueilli huit évêques catholiques du Karnataka, ainsi que les représentants des Eglises méthodiste, orthodoxe, jacobite, de l’Eglise des croyants (Believer’s Church), de La Fédération des Eglise Chrétiennes et des Eglises indépendantes, soit une foule composée de délégations de 113 Eglises de l'Etat du Karnataka (1).

Cette grande première dans l’histoire de l’œcuménisme en Inde, est l’œuvre de Mgr Bernard Moras, archevêque de Bangalore. En octobre dernier, en pleine persécution antichrétienne, il lançait l’idée d’une institution regroupant les différentes Eglises pour la défense de leurs droits. Après l’Orissa, l’Etat du Karnataka a été en effet l’un de ceux qui ont le plus souffert de la vague de violence de 2008, avec une quarantaine de lieux de culte saccagés et de nombreux chrétiens agressés, de toutes confessions.
L’unité n’allait pas de soi, surtout après les fortes tensions qui avaient surgi entre l’Eglise catholique et les Eglises évangéliques, en particulier celles appartenant à la mouvance de la New Life Fellowship (2), à laquelle il avait été reproché d'avoir en partie provoqué les attaques hindouistes par ses méthodes d’évangélisation controversées.

L’œcuménisme voulu par les fondateurs du Forum était déjà à l’œuvre pour ce premier rassemblement inaugural: après l’accueil de Mgr Vasanthkumar, de l’Eglise de l’Inde du Sud (3), le Rev. Jesu Prasad de la Believer’s Church (4) a fait prier l’assemblée. Puis Mgr Moras a expliqué les fondements et buts du Forum, relayé par le P. Ronnie Prabhu, secrétaire de la Commission du Karnataka pour l’œcuménisme, lequel avait également dirigé le comité de création du Forum. Se sont ensuite exprimés le P. Faustine Lobo, porte-parole de l’archidiocèse catholique de Bangalore, le président du FCCO, le Rev. Yeswanth Kumar (5), le Rev. Prabhakar Shadrack, pasteur de l’Eglise méthodiste et le P. Arokianathan secrétaire de l’archidiocèse catholique de Bangalore pour l’œcuménisme.

Au cours de son allocution, Mgr Bernard Moras a tenu à préciser que « bien que la raison première de la création du Forum ait été les violences antichrétiennes, [les participants savaient ] qu’il fallait aller plus loin et faire de ce Forum un lieu d’échanges où [ils pourraient] déterminer ce [qu'ils possédaient ]en commun et [pouvaient] faire en commun, comme tendre la main aux déshérités de la société» (6).

Le prélat, également président du Conseil des évêques catholiques du Karnataka, a ajouté: « Les attaques contre nos églises n’ont eu pour effet que de faire grandir notre foi et nous rassembler. Nous avons entendu certains de nos politiciens dire que le Karnataka deviendrait un second Gujarat (7) mais rien ne peut l’emporter sur l’unité de l’Eglise».

Selon les statistiques nationales de 2001, l’Etat du Karnataka compte près de 53 millions d’habitants, en grande majorité hindous, les musulmans représentant environ 12 % de la population et les chrétiens moins de 2 %, subissant régulièrement les attaques des fondamentalistes hindous.

« Dieu a le pouvoir de faire jaillir le bien du mal », a poursuivi Mgr Moras. « La création de ce Forum en est la preuve. Les attaques des églises et de ceux qui sont à leur service (…), [nous] ont poussé à réfléchir sur la façon d’arrêter la violation de notre droit à pratiquer et professer notre foi. C’est dans cette souffrance commune que nous avons ressenti le besoin d’unifier nos différentes confessions chrétiennes afin d’être représentés collectivement auprès des autorités, comme de la société. »

Le Forum s’est doté d’une direction tricéphale avec l’archevêque catholique de Bangalore, l’évêque de la Church of South India (CSI) et celui de l’Eglise méthodiste. Les autres membres sont issus des autres confessions chrétiennes, dont deux représentants pour chacun des diocèses catholiques du Karnataka, au nombre d’une dizaine.

Le Forum a déjà mis en place des propositions communes, insistant notamment sur les règles d’éthique concernant l’évangélisation, laquelle ne doit en aucun cas s’accompagner de proposition d’argent, ou d'autres procédés pouvant remettre en cause la liberté de choix des convertis.


(1) Daijiworld Media Network, 20 juin 2009 (agence indienne d’information ), SAR News, 24 juin 2009
(2) Voir EDA 502
(3) L’Eglise de l’Inde du Sud (Church of South India, CSI) est une Eglise protestante autonome, résultant de l’union en 1947 de différentes communautés anglicanes, méthodistes, congrégationalistes, presbytériennes et réformées. Elle fait partie de la Communion anglicane.
(4) La Believer’s Church, dont les lieux de culte ont été de nombreuses fois touchés lors des violences anti-chrétiennes, appartient à la mouvance évangélique.
(5) Le Rev. Yeswanth Kumar est le pasteur à Bangalore, de la Shekinah Assembly Church, pentecôtiste, rattachée à la New Life Fellowship.
(6) Catholic Bishop’s Conference of India, CBCI, 24 juin
(7) L’Etat du Gujarat, à la frontière du Pakistan est tristement célèbre pour ses violences endémiques contre les minorités chrétiennes et musulmanes, lesquelles se sont gravement accentuées ces dernières années, notamment en raison de la loi anticonversion adoptée par l’Etat en 2003.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Men Phục Sinh: Giáo hạt Thanh Hóa cầu nguyện Taize
Vân Sơn
05:19 26/06/2009
Men Phục Sinh: Giáo hạt Thanh Hóa cầu nguyện Taize

Đối với mỗi người Kitô hữu, cầu nguyện là hơi thở của đời sống và là lương thực nuôi dưỡng tâm hồn. Với Men Phục Sinh, cầu nguyện là trung tâm điểm, là đỉnh cao của mọi hoạt động và là nguồn sức mạnh giúp các bạn giáo lý viên (GLV) dấn thân trong sứ vụ tông đồ.

Vào lúc 7h30 tối ngày 23/06/2009, ban giảng huấn (BGH) mùa men năm 2009 giáo hạt Chính Tòa đã tổ chức buổi cầu nguyện Taizé để cầu cho công cuộc truyền giáo cho tất cả các bạn GLV và BGH. Đồng thời, cũng nhằm giúp các bạn hiểu thêm về sức mạnh và tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống của người Kitô hữu, đặc biệt là của người GLV. Thêm vào đó, buổi cầu nguyện được tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho các bạn GLV được làm quen, được học hỏi phương pháp và cách thức tổ chức một buổi cầu nguyện Taizé hầu mai ngày các bạn có thể tự tổ chức hoạt động linh thánh này cho giáo dân hoặc các em học viên trong các lớp giáo lý nơi giáo xứ mà các bạn phục vụ.

Buổi cầu nguyện đã diễn ra trong bầu khí linh thiêng với sự hiện diện của Cha Thường Vụ giáo xứ Chính Tòa, Giuse Phạm Văn Quế, đại diện Quý Xơ Dòng MTG Thanh Hóa, BGH, và tất cả các bạn học viên của khóa huấn luyện.

Đối với nhiều bạn đây là lần đầu tiên được tham gia cầu nguyện Taizé nên các bạn rất cảm động và bị cuốn hút bởi phương pháp cầu nguyện mới mẻ này. Sau buổi cầu nguyện, có nhiều bạn đã nán lại “phỏng vấn” các thầy, các xơ để tìm hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của cầu nguyện Taizé. Đồng thời, các bạn cũng đã nói lên những tâm sự của mình khi được tham gia buổi cầu nguyện. Bạn Nga, giáo xứ Phúc Lãng, đã chia sẻ rằng, bạn đã rất cảm động và rưng rưng nước mắt khi nghĩ tới tình yêu mà Chúa Giesu đã dành cho bạn. Lời ca du dương của nhạc khúc “Giêsu ơi, Ngài là Ánh Sáng” được vang lên trong bầu khí linh thiêng và chan hòa ánh nến, như nhắc nhở bạn hãy can đảm đáp trả hơn nữa trong sứ vụ tông đồ mà Chúa đã mời gọi và trao ban.

Buổi cầu nguyện đã được khép lại, nhưng dư âm của nó như vẫn còn vang vọng mãi trong tâm tưởng của các thành phần tham dự. Các bạn GLV như được kín múc thêm nguồn sức mạnh của Chúa Thánh Linh, thêm can đảm tiến bước theo lời mời gọi dấn thân phục vụ của Thầy Giêsu.

 
Hội Sinh viên Công giáo TGP Hà Nội và chương trình “Tiếp Sức Mùa Thi 2009”
Gioan Ngọc Phú
15:59 26/06/2009
Phỏng vấn anh Giuse Nguyễn Tiến Đạt – Trưởng Hội Sinh viên Công giáo TGP Hà Nội về chương trình “Tiếp Sức Mùa Thi 2009”

Vào sáng ngày 26/06/2009, tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội - cơ sở II tại Cổ Nhuế, Anh Giuse Nguyễn Tiến Đạt - Trưởng Hội Sinh viên Công giáo Tổng Giáo Phận Hà Nội (Hội SVCG TGP HN), đã dành thời gian nói chuyện với chúng tôi về các hoạt động của Hội, trong suốt thời gian từ khi thành lập đến nay.

Hội Sinh viên Công giáo Tổng Giáo Phận Hà Nội được thành lập cách đây hơn 10 năm, do sự gợi ý của Đức cố Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng và nay là sự chăm lo coi sóc của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt. Ban đầu, Hội được thành lập với số thành viên rất ít, là các bạn Sinh viên Công giáo từ khắp các miền quê lên Hà Nội học Đại học, Cao đẳng,…. Mọi sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng qua thời gian, với ơn Chúa hướng dẫn, mọi người đã duy trì Hội cho đến ngày nay. Hiện nay, con số đã lên đến gần 4.000 sinh viên tham gia. Qua những buổi sinh hoạt hết sức sôi nổi, từ việc gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập và cách sống Đạo nơi môi trường học đường, nơi xóm trọ….Và qua việc tham dự thánh lễ vào Chúa Nhật thứ 2 hàng tháng, đến các buổi đi dã ngoại, các công tác từ thiện bác ái, giúp các vùng dân tộc khó khăn, thăm các bệnh nhân ở khắp các trại phong của Miền Bắc….Đặc biệt là chương trình tiếp sức mùa thi hàng năm.

Trong cuộc trò chuyện này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn nhanh về chương trình TIẾP SỨC MÙA THI 2009:

Anh Nguyễn Tiến Đạt trả lời phỏng vấn
Gioan Ngọc Phú: Thưa anh Đạt! Tôi thấy chương trình tiếp sức mùa thi là một việc làm rất thiết thực. Xin anh cho biết về công công tác chuẩn bị cho việc tiếp sức mùa thi năm nay có những thuận lợi và khó khăn gì?

Giuse Nguyễn Tiến Đạt: Cũng như mọi năm, chương trình này được rất nhiều người ủng hộ như quý Đức Cha, quý Cha và bà con giáo dân thuộc các giáo xứ nội thành Hà Nội. Đăc biệt, chúng tôi cũng nhận được sự nâng đỡ về tinh thần cũng như vật của các nhà hảo tâm từ trong nước cũng như hải ngoại. Năm nay, chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn các năm trước, như về nhà ở cho các em thí sinh. Cụ thể là có một số ngôi nhà lớn như khu nhà 5 tầng của Đại Chủng viện Hà Nội - cơ sở II tại Cổ Nhuế, Khu mục vụ nhà thờ Phùng Khoang và nhà thờ Thái Hà đã hoàn thành. Tuy nhiên, cũng như các năm trước, chúng tôi có gặp phải một số khó khăn về phương tiện đưa đón các em thí sinh. Nhưng với sự năng động và sáng tạo của các bạn sinh viên và sự quan tâm của bà con giáo dân, chúng tôi hy vọng sẽ khắc phục được về vấn đề này.

Gioan Ngọc Phú: Anh có thể cho biết ý nghĩa và mục đích của việc làm này?

Giuse Nguyễn Tiến Đạt: Với tinh thần “Phục vụ trong Yêu thương”, Chúng tôi không mong muốn mình sẽ làm gì lớn lao, nhưng qua những việc này, giúp chúng tôi ý thức hơn về việc phục vụ.

Mục đích thứ nhất mà chúng tôi nhắm tới là giảm bớt chi phí về kinh tế cho các thí sinh và gia đình, vì đa số các thí sinh đều là ở vùng quê rất nghèo. Mục đích thứ hai là làm sao tạo cho các em có một tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi. Mục đích thứ ba mà chúng tôi mong muốn là sau khi các em thi đỗ đại học thì các em biết được các hoạt động của Hội sinh viên Công giáo và các em gia nhập sinh hoạt cùng với chúng tôi để cùng nâng đỡ nhau về Đức tin cũng như công viêc học hành.

Gioan Ngọc Phú: Để thể hiện nét đặc thù của Sinh viên tình nguyện (SVTNCG) Công giáo so với các nhóm Sinh viên tình nguyện khác, SVTN Công giáo có gì khác biệt?

Giuse Nguyễn Tiến Đạt: Để dễ dàng cho công việc tiếp sức mùa thi, năm nay, Hội Sinh viên chúng tôi có chuẩn bị cho các tình nguyện viên của mình một số áo đồng phục để vừa mang tính tập thể, vừa là dấu hiệu để các em thí sinh dễ nhận biết các anh chị tình nguyện viên trong lúc đưa đón các em từ bến xe về nhà ở và từ nhà ở đến địa điểm thi.

Gioan Ngọc Phú: Tình nguyện viên phục vụ cho những đối tượng nào? Có đối tượng nào khác hay chỉ dành cho các em thí sinh Công giáo?

ĐCV thánh Giuse Hà Nội - một trong những nơi phục vụ thí sinh
Giuse Nguyuyễn Tiến Đạt: Chúng tôi phục vụ chủ yếu là các em thí sinh Công giáo trong Tổng Giáo Phận Hà Nội, còn thí sinh ngoài Công giáo chúng tôi cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu các em cần. Chúng tôi cũng muốn giúp đỡ nhiều cho các em không cùng Công giáo, vì đây cũng là cơ hội để cho các bạn trẻ lương giáo có dịp gặp gỡ và chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Gioan Ngọc Phú: Cách tổ chức và phương thức phục vụ như thế nào?

Giuse Nguyễn Tiến Đạt: Cách tổ chức của chúng tôi nó có sự khác biệt so với các sinh viên tình nguyện khác. Đó là: Ngay từ mấy tháng trước chúng tôi đã lên chương trình và sau đó các nhóm gửi danh sách đăng kí về từng giáo xứ trong Giáo phận của mình, chuẩn bị về nơi ăn chốn nghỉ cho các em. Tới ngày thi, chúng tôi tổ chức thuê xe đón các em từ dưới quê hoặc đón các em tại các bến xe trong nội thành Hà Nội. Sau đó đưa các em về những nơi ở trọ gần địa điểm thi của các em. Chúng tôi cũng tổ chức nấu cơm cho các em để đảm bảo sức khoẻ trong suốt thời gian các em thi.

Gioan Ngọc Phú: Các anh chuẩn bị gì cho ngày lễ ra quân TIẾP SỨC MÙA THI?

Giuse Nguyễn Tiến Đạt: Mọi năm, chúng tôi chỉ tổ chức ngày lễ ra quân có nửa buổi thôi. Nhưng có rất nhiều ý kiến cho rằng nửa buổi ít quá và không đủ thời gian cho các tình nguyện viên trao đổi kinh nghiệm nên năm nay chúng tôi đã quyết định tổ chức cả ngày và với mục đích là cho các tình nguyện viên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm trong việc tiếp sức mùa thi. Mặt khác cũng là dịp để cho các tình nguyện viên có giờ để sống thân mật với Chúa qua giờ chầu Thánh Thể vào buổi trưa, và đỉnh cao là Thánh lễ buổi chiều cùng với nghi thức sai đi.

Gioan Ngọc Phú: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Anh Đạt! Nguyện chúc cho Anh và Hội Sinh viên Công giáo thành công tốt đẹp. Đặc biệt là chương trình tiếp sức mùa thi này!

Giuse Nguyễn Tiến Đạt: Vâng! Xin cảm ơn anh!
 
Năm Thánh Các Linh Mục - Phỏng vấn Cha Stêphanô Bùi Thượng Lưu Chủ Nhiệm Dân Chúa Âu Châu
Thúy Dung
18:26 26/06/2009
Từ những năm cuối cùng của thế kỷ 20 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một sự bùng nổ các kỹ thuật thông tin dẫn đến sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới đang định hình xã hội chúng ta, đang thay đổi sâu sắc Giáo Hội, xã hội và gia đình chúng ta.

Giáo Hội nhận thấy nơi các phương tiện truyền thông mới này những cơ hội thật bất ngờ và lớn lao. Chúng ta có thể nói như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Chúa đang đặt vào tay chúng ta một phương tiện truyền bá sứ điệp của Đức Kitô vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những người truyền giảng Tin Mừng đi trước chúng ta”.

Nhân biến cố Đức Thánh Cha khai mạc Năm Thánh Các Linh Mục như một cơ hội để toàn thể Giáo Hội suy tư về những khía cạnh khác nhau của thiên chức linh mục, và công việc mục vụ của các ngài, chúng tôi xin giới thiệu đến quý cha và anh chị em một linh mục hoạt động trong một lãnh vực rất chuyên biệt trong đời sống Giáo Hội, đó là lãnh vực Truyền Thông Công Giáo.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu với quý cha và anh chị em Cha Stêphanô Bùi Thượng Lưu, Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Âu Châu.
 
Ngày 29 tháng 6: Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ Mừng Lễ Bổn Mạng Thánh Phêrô và Phaolô
Giuse Đặng Văn Kiếm
21:21 26/06/2009
Ngày 29 tháng 6: Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ Mừng Lễ Bổn Mạng Thánh Phêrô và Phaolô

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập trong đại hội lần thứ nhất vào tháng 7 năm 1980 tại Mountain View, California, đồng thời nhận hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô làm bổn mạng của Liên Đoàn.

Hai vị thánh đặc biệt nêu gương yêu mến và phó thác. Vì yêu mến mà Phêrô được Chúa Giêsu đặt làm Giáo hoàng đầu tiên của Hội Thánh; cũng vì yêu mến và phó thác mà Phaolô đã viết: “Không có gì, kể cả thiên thần trên trời hoặc qủi dữ dưới địa ngục, hoặc uy quyền hay danh lợi nào có thể làm chúng ta xa rời lòng yêu mến Thiên Chúa được”.

Là một phần tử của Liên Đoàn đã nhận hai vị đại thánh làm bổn mạng, chúng ta noi gương các Ngài luôn hân hoan vui sống trong niềm kính mến Chúa và thương yêu anh em.

Cùng với 850 Linh mục, 71 Phó tế Vĩnh viễn, 400 nữ tu, 700 nam tu sĩ, đệ tử, chủng sinh, và 500 ngàn người Công giáo Việt Nam đang sinh hoạt sống đạo tại 250 cộng đoàn, họ đạo, giáo xứ và các cơ sở tông đồ dòng tu tại các giáo phận địa phương Hoa Kỳ, chúng ta đồng hành nối kết các sinh hoạt xây dựng và phát triển chung trong tinh thần sống châm ngôn “Bác ái, Huynh đệ, Hiệp nhất, Phục vụ”, để cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa, loan truyền Tin Mừng ơn cứu độ, mang lại sự bình an đến với mọi người, nhờ công nghiệp và sự trợ giúp của hai vị thánh bổn mạng của chúng ta!

Thánh Phêrô viết hai thư, và thánh Phaolô viết 14 thư gửi các tín hữu. Ước mong mỗi người chúng ta lần lượt đọc lại các thư này, để được thấm nhuần ngôn ngữ, tư tưởng và lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô của các Ngài. Đó chính là một cách mừng Lễ Bổn Mạng thiết thực và ý nghĩa hơn cả!

Nhân ngày mừng lễ bổn mạng thánh Phêrô và Phaolô, sau đây chúng tôi xin ghi lại đôi nét về sự hiện diện và sinh hoạt sống đạo của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Sự Hiện Diện và Sinh Hoạt Sống Đạo
Của Người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ


Tổng thống John F. Kennedy đã gọi Hoa Kỳ là đất nước của những người di dân. Tất cả những người đến đây đều có được cơ hội đồng đều để thăng tiến đời sống cho cá nhân mình và góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước này. Các sắc dân từ khắp nơi trong quá khứ đến Hoa Kỳ đều đã cố gắng giữ gìn được bản sắc và căn tính nguồn cội, đồng thời xây dựng làm phong phú cho quê hương thứ hai của mình. Người Việt Nam di dân và tỵ nạn nói chung, và người Công giáo Việt Nam nói riêng cũng không ngoài định luật đó.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu về sự hiện diện của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ với những tổ chức đầu tiên, cũng như các sinh hoạt và đường hướng sống đạo liên hệ.

Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ
(The Community of Vietnamese Clergy and Religious in the U.S.A.)


Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập từ năm 1970, như một hội thân hữu dành cho các linh mục và tu sĩ nam nữ được gửi sang du học và làm việc mục vụ tại Bắc Mỹ bao gồm Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Với cuộc di tản năm 1975, số linh mục và tu sĩ Việt Nam gia tăng lên rất đông. Các thành viên cộng đồng đã họp nhau lần đầu tiên vào mùa Hè năm 1976 dịp Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Philadelphia, Pennsylvania, và quyết định thành lập riêng Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ, liên kết toàn thể các linh mục và tu sĩ nam nữ Việt Nam hiện đang sống ơn gọi và làm việc tông đồ tại Hoa Kỳ.

Hiện nay, Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ có khoảng 850 linh mục, 71 phó tế vĩnh viễn, trên 400 nữ tu đã khấn, chừng 700 nam tu sĩ, chủng sinh, đệ tử, nhà tập đang theo đuổi ơn gọi trong đời sống tu trì. Để việc sinh hoạt được hữu hiệu, trong Đại Hội các linh mục và tu sĩ nam nữ tháng 8 năm 2001 tại Dòng Đức Mẹ Đồng Công, Carthage, Missouri, Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ đồng thuận phân chia ra làm 3 tổ chức riêng, đó là: Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Nam, Cộng Đồng Phó Tế Vĩnh Viễn, và Liên Dòng Nữ Tu.

Sinh hoạt đạo đức và thân hữu của Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ rất tốt đẹp từ trung ương cho tới các miền địa phương. Hội Thánh Công Giáo Hoa Kỳ đánh giá tổ chức này khá cao vì đã góp phần tích cực trong việc chăm lo mục vụ cho đồng bào Việt di dân và tỵ nạn nói chung, và người Công giáo Việt Nam nói riêng ở khắp nơi trên toàn quốc, đặc biệt đã cung cấp rất nhiều ơn gọi cho các giáo phận và các dòng tu tại Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, hằng năm có thêm vào khoảng 30 tân linh mục và 20 nữ tu tuyên khấn.

Tuy vậy, các linh mục, phó tế và tu sĩ gốc Việt Nam vẫn ý thức được những điều kiện hạn hẹp của họ. Sự liên kết của anh chị em trong cộng đồng vẫn chỉ là một hội ái hữu để giúp đỡ và tương trợ nhau sống ơn gọi, chứ không mang tư cách pháp lý theo giáo luật, và cũng không nhận được sự yểm trợ đặc biệt nào của giáo quyền Hoa Kỳ. Sự liên đới mang tinh thần hiệp thông trong Hội Thánh hơn là sự ràng buộc trách nhiệm bởi giáo luật. Họ vẫn làm việc mục vụ trực thuộc các giáo phận địa phương hay các dòng tu, và chỉ có thể tự nguyện dành ra một số thời giờ để sinh hoạt với nhau và nâng đỡ tinh thần lẫn nhau.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
(The Federation of Vietnamese Catholics in the U.S.A.)


Trước biến cố năm 1975, tổng số người Việt Nam sinh sống tại Hoa Kỳ chỉ có khoảng 3.000 sinh viên và sĩ quan du học, cộng thêm với khoảng 20.000 người Việt đã lập gia đình với người Mỹ. Nhưng đến năm 1975, với đợt di tản đầu tiên đã nâng tổng số người Việt lên trên 120.000 người. Hiện nay, sau 33 năm di dân với các sắc diện khác nhau, tổng số người Việt Nam tại Hoa Kỳ đã lên tới trên 1.600.000 người. Trong tổng số này, theo ước lượng khá chính xác từ các cộng đoàn, họ đạo và giáo xứ tại các tiểu bang, dân số công giáo có vào khoảng 32 phần trăm, tức khoảng 500.000 người.

Cũng như những sắc dân khác đã tới Hoa Kỳ trong dòng lịch sử, họ vẫn cố gắng giữ được bản sắc và đức tin của họ, thì người Công giáo Việt Nam ngay từ lúc khởi đầu, dù phải sinh sống rải rác trên khắp các tiểu bang, họ cũng đã có khuynh hướng quy tụ thành những cộng đoàn lớn hay nhỏ nơi địa phương để duy trì và phát huy truyền thống văn hóa và niềm tin tôn giáo, như ở các tiểu bang California, Carolina, Colorado, Georgia, Florida, Kansas, Louisiana, Maryland, Michigan, Illinois, Oklahoma, Oregon, Pennsylvania, Texas, Virginia, Washington v.v…

Khi công trình tiếp cư và định cư cho người Việt Nam đã khả quan với chương trình thăng tiến và phát triển mạnh, mọi người đều phấn khởi nỗ lực xây dựng đời sống mới cho các gia đình, thì tất cả các cộng đoàn, họ đạo, giáo xứ đều ao ước có một tổ chức chung để liên lạc, đoàn kết, thân hữu để CÓ TIẾNG NÓI CHUNG, giúp đỡ nhau sống đạo và xây dựng cuộc sống mới, nhất là bảo vệ và phát huy nền tảng văn hóa đạo đức, luân lý gia đình Việt Nam cùng TIẾNG NÓI, CHỮ VIẾT CHO CÁC TRẺ EM VIỆT NAM; đồng thời để giúp đỡ cha mẹ, anh chị em, thân nhân và các giáo phận tại quê nhà.

Vì thế hầu hết các linh mục, tu sĩ, giáo dân đã đồng tâm nhất trí lập HỘI ÁI HỮU LINH MỤC, TU SĨ và GIÁO DÂN Việt Nam tại Hoa Kỳ, nên tháng 7 năm 1980 đã chính thức mở đại hội tại Mountain View, Bắc California, quy tụ 450 đại biểu cùng với khoảng 10 ngàn đồng hương gồm các linh mục, tu sĩ, giáo dân từ các tiểu bang về tĩnh tâm, cầu nguyện, tôn vinh các Thánh Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam trong 3 ngày, có sự hiện diện của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Jean Jadot, Đức Tổng Giám mục Chủ tịch HĐGMCGHK John R. Quinn với các Giám mục tham dự và chứng kiến việc thành lập Hội Ái Hữu tức LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ, và đại hội đã bầu Cha Giuse Nguyễn Văn Tịnh thay mặt anh em linh mục, tu sĩ, giáo dân làm Chủ tịch.

Sau nhiều năm liên kết sống đạo, hiện nay tại Hoa Kỳ có 50 Giáo xứ Việt Nam, 5 Trung Tâm Mục Vụ, 45 Họ Đạo và trên 100 Cộng đoàn lớn nhỏ, sinh hoạt theo sự phân chia trong 8 Miền. Tính theo chiều kim đồng hồ, 8 Miền như sau:

• Miền Đông Bắc, gồm các tiểu bang Connecticut, Maine, Massachusetts, New Jersey,
New Hampshire, New York, Rhode Island, Vermont
• Miền Trung Đông, gồm các tiểu bang Delaware, Maryland, Pennsylvania, Virginia, W. Virginia, DC
• Miền Đông Nam, gồm các tiểu bang Alabama, Florida, Georgia, Louisiana, Mississippi, N. Carolia, S. Carolina, Tennessee
• Miền Nam, gồm các tiểu bang Arkansas, New Mexico, Oklahoma, Texas
• Miền Tây Nam, gồm các tiểu bang Arizona, S. California, Guam, Hawaii
• Miền Tây, gồm các tiểu bang N. California, Colorado, Nevada
• Miền Tây Bắc, gồm các tiểu bang Alaska, Idaho, Montana, Oregon, Utah, Washington
• Miền Trung, gồm các tiểu bang Illinois, Indiana, Iowa, Kentucky, Ohio, Kansas, Kentucky, Michigan, Minnesota, Missouri, Nebraska, N. Dakota, S. Dakota, Wisconsin, Wyoming

Trong thời gian gần đây, qua những kinh nghiệm liên kết sống đạo tại các Miền, để tín hữu giữa các địa phương có thể gặp gỡ nhau được thuận tiện hơn trong những sinh hoạt chung, nhiều người nhận định việc tổ chức và phân chia thêm các Miền là một nhu cầu thực tế.

Tinh Thần và Sinh Hoạt của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam taị Hoa Kỳ

Như đã được trình bày ở trên, các linh mục, tu sĩ và giáo dân đều sống đạo trực thuộc vào các giáo phận và giáo quyền địa phương. Do đó, người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chỉ có thể thành lập các hội ái hữu để giúp đỡ và tương trợ nhau sống ơn gọi, làm việc mục vụ và góp phần vào việc loan báo Tin Mừng, đồng thời cũng tự nguyện dành ra một ít thời giờ và cơ hội để sinh hoạt với nhau và nâng đỡ lẫn nhau xây dựng cuộc sống mới.

Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ vốn có nền tảng liên kết chặt chẽ trong lý tưởng tu trì hiến thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ mọi người, mặc dù phận vụ chính tùy thuộc nơi các Giáo mục địa phương hay các Dòng tu, nhưng vẫn có những cuộc gặp gỡ chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm mục vụ trong tình đồng hương hiệp thông với nhau.

Về việc tổ chức và sinh hoạt cho khối giáo dân, thì từ bao năm qua vai trò của người giáo dân trong Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chưa được xác định rõ ràng, cho nên nhiều khi có khó khăn trong sinh hoạt khiến những sự xây dựng chung chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Đại Hội Liên Đoàn lần thứ VI vào mùa Hè năm 2002 tại Chapman University, Orange, California, đã hội thảo nhiều đề tài liên quan tới vai trò người tín hữu giáo dân trong Hội Thánh, và trong dịp này lần đầu tiên đã bầu cử được vị Đại diện cho Cộng Đồng Giáo Dân trong Liên Đoàn; và được tái xác định trong Đại Hội Liên Đoàn lần thứ VII vào tháng 8 năm 2005 tại Washington, D.C.

Khối anh chị em giáo dân đã tổ chức Hội Nghị Mục Vụ Giới Chức Toàn Quốc kỳ I, từ ngày 3 đến 5 tháng 9 năm 2004 tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Tổng Giáo phận Galveston-Houston, Texas. Anh chị em đã nêu lên những quan tâm và mong muốn được góp phần sống đạo tích cực hơn trong việc xây dựng và phát triển các Cộng đoàn, Họ đạo và Giáo xứ địa phương; đồng thời liên kết dấn thân vào đời sống xã hội đúng với chức năng của người tín hữu giáo dân. Hội nghị lần đầu tiên này đã mang lại tinh thần hiệp nhất và sức sống mới cho các thành viên trong Liên Đoàn toàn quốc cũng như tại các Miền.

Mỗi Miền được một linh mục và một giáo dân cùng với Ban Chấp Hành điều hợp các sinh hoạt của Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ, và Cộng Đồng Giáo Dân Miền. Hằng năm mỗi Miền phối hợp cùng với các địa phương có những sinh hoạt chung như: tĩnh tâm, cấm phòng, hành hương, học tập, hội thảo v.v… Dù sao, trên thực tế Liên Đoàn vẫn chưa phục vụ được cộng đồng dân Chúa một cách rộng rãi. Ước mong giai đoạn phát triển tới đây, qua những chương trình do các ban chuyên môn Liên Đoàn đề xướng, chúng ta sẽ cố gắng hơn nữa để có nhiều sinh hoạt về tinh thần, mục vụ, tu đức và đời sống nội tâm dẫn tới tình yêu thương huynh đệ và gắn bó phục vụ nhau hiệu quả hơn.

Qua Đại Hội Liên Đoàn kỳ VII tại Washington, D.C., tháng 8 năm 2005, một Chương trình Nên Thánh Sống Đạo và Loan Báo Tin Mừng đã được phổ biến. Chương trình sống đạo này nêu lên những gợi ý thực hành cụ thể, dựa vào các văn kiện của Hội Thánh hoàn cầu, Giáo hội Việt Nam và Hoa Kỳ, chương trình Hậu Hội Ngộ Niềm Tin Rôma của Văn phòng Phối kết Tông đồ Mục vụ Việt Nam Hải Ngoại, và đời sống thực tế của cộng đồng dân Chúa Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đầu năm 2008, các vị đại diện Liên Đoàn cũng đã giới thiệu lại chương trình sống đạo này, và tái khẳng định đây cũng là đường hướng chung của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang tại Washington, D.C.
(Our Lady of Lavang Chapel)


Sau nhiều năm chuẩn bị dưới sự phối hợp của Hội Đồng Chỉ Đạo và các Ban Điều Hành Liên Đoàn, cùng với sự nức lòng tích cực đóng góp của toàn thể cộng đồng dân Chúa, Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Basilica of The National Shrine of The Immaculate Conception) tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã được hoàn thành tốt đẹp. Lễ khởi công xây dựng đã được tổ chức dịp Đại Hội Liên Đoàn kỳ VII tháng 8 năm 2005 do Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn chủ sự; và lễ khánh thành đã được long trọng cử hành vào tháng 10 năm 2006 với sự hiện diện của khoảng 10.000 tín hữu và 3 Giám mục Việt Nam. Đặc biệt, Thánh Lễ Tạ Ơn đầu tiên ngay tại bàn thờ Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang, một ngày sau lễ khánh thành, đã được Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt chủ sự.

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ngôi đến thờ nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ. Trong ngôi thánh đường này, cả lầu trên lẫn tầng hầm dưới có 60 gian nhà nguyện dành để tôn kính Đức Mẹ Maria của các sắc dân khác nhau. Tại mỗi nhà nguyện nhỏ ấy, có bàn thờ với ảnh tượng Đức Mẹ theo kiến trúc và nghệ thuật thánh của nước đó, cùng với bàn qùy và bảng ghi chép về lịch sử và lòng sùng kính của sắc tộc liên hệ. Nhà nguyện Đức Mẹ Phi Châu thứ 60 với tượng Mẹ màu đen vừa được khánh thành không lâu, thì Ủy Ban Quản Trị Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dành ra gian phòng cuối cùng cho cộng đồng dân Chúa Việt Nam xây dựng Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang.

Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang với nghệ thuật thánh có phẩm chất cao là hình ảnh và tiếng nói giới thiệu về văn hoá, tinh thần, giáo hội và đất nước Việt Nam. Có thể nói Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang tại thủ đô Washington chính là biểu tượng hiệp thông của Hội Thánh Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Mỗi năm có hằng triệu du khách hành hương viếng Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng dừng bước tại Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang xin ơn chữa lành!

Một Số Sinh Hoạt Mùa Hè 2009

1. Đại Hội Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ lần thứ X, do cha Giuse Nguyễn Việt Hưng, Ủy Ban Giáo Lý tổ chức ngày 12-14 tháng 6 năm 2009 tại Baton Rouge, Louisiana, với chủ đề “Thánh Phaolô: Mẫu Gương Giáo Lý Viên”. Vị thuyết trình chính là Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, Giám đốc Trung Tâm Linh Hoạt Truyền Giáo tại Rôma.

2. Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ II với chủ đề “Cùng với thánh Phaolô, chúng ta về bên Mẹ La Vang kể chuyện Chúa Giêsu”, ngày 18-20 tháng 6 năm 2009 tại thủ đô Washington D.C., với sự hiện diện của Đức TGM Pierre Nguyễn Văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh tại Costa Rica, và đại diện hàng giáo phẩm Hoa Kỳ. Trưởng Ban Tổ Chức là Lm. Gioan B. Nguyễn Đức Vượng, OP, đệ I Phó Chủ tịch Liên Đoàn và là Chính xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Arlington, Virginia; Phó Ban là Giáo sư Bùi Hữu Thư, Chủ tịch Giáo Dân Miền Trung Đông Hoa Kỳ.

3. Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam kỳ III (Vietnamese Youth Conference - VYC III) vào những ngày 3,4 và 5 tháng 7 năm 2009 tại Đại Học Long Beach, Long Beach, California với chủ đề “Đừng Sợ - Not Be Afraid”, do Lm. Joseph Đồng Minh Quang, Trưởng Ban Giới Trẻ Liên Đoàn cộng tác với các Linh mục, Tu sĩ, anh Nguyễn Mạnh Chí, Trưởng Ban Tổ Chức, và nhiều bạn trẻ trên các tiểu bang Hoa Kỳ cùng thực hiện.

4. Đại Hội Phó Tế Vĩnh Viễn Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 31 tháng 7, và mùng 1 và 2 tháng 8 năm 2009 tại Marywood Center, Giáo phận Orange, California. Trưởng Ban Tổ Chức là Phó Tế Joseph Nguyễn Ánh, Chủ tịch Cộng Đồng Phó Tế Vĩnh Viễn.

5. Đại Hội Thánh Mẫu của Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, vào những ngày 6, 7, 8, 9 tháng 8 năm 2009 tại Carthage, Missouri. Trưởng Ban Tổ Chức là Lm. Louis Vũ Minh Nhiên, CMC, cũng là Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình của Liên Đoàn.

6. Họp Mặt Huynh Đệ Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ - Hành Trình Emmaus III sẽ diễn ra vào các ngày 24, 25, 26 và 27 tháng 8 năm 2009 tại Giáo phận San Jose, California. Trưởng Ban Tổ Chức là Lm. Paul Phan Quang Cường, Chủ tịch Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Miền Tây Hoa Kỳ.

7. Cuối cùng, có rất nhiều các khóa tĩnh huấn, linh thao, huấn luyện và hội họp của các phong trào và hội đoàn Công giáo Tiến Hành cũng như của các cấp Miền và địa phương thực hiện.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
www.liendoanconggiao.net

Giuse Đặng Văn Kiếm
 
Bài giảng của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành
+ GM. Phaolô Bùi Văn Đọc
22:45 26/06/2009
ROMA Ngày 23-6-2009 -- Những lời nói đầu tiên của các giám mục Việt nam đến viếng mộ các thánh Phêrô và Phaolô, dựa theo bài đọc sách Giêrêmia hôm nay, là những lời khiêm nhường của tiên tri Giêrêmia thưa với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, chúng con đây còn quá trẻ, chúng con không biết ăn nói!”.

Trước sự phức tạp của tình hình thế giới, trước những thế lực giằng co chống đối nhau luôn muốn lôi kéo chúng tôi về phía họ, chúng tôi phải làm gì, nói gì? Điều đó là một gánh nặng rất lớn, là một vấn đề không đơn giản chút nào. Để không làm công cụ cho một thế lực chính trị nào, chúng tôi phải giữ gìn lời ăn tiếng nói. Khi chọn thái độ dè dặt thận trọng, chúng tôi phải chịu đựng những lời phê phán nặng nề, và nhiều khi rất bất công. Xin dành lại cho sự phán xét của Thiên Chúa.

Điều quan trọng đối với chúng tôi là không ngừng đối diện với Chúa, lắng nghe Chúa, để cho Chúa thanh tẩy tâm hồn và môi miệng, như Chúa đã giơ tay chạm vào miệng Giêrêmia và phán: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi”. Chúng tôi phải can đảm và mạnh dạn đón nhận sứ mạng, tiếp tục để cho Thiên Chúa sai bảo: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói”. Rõ ràng sứ mạng của chúng tôi là một “sứ vụ tôn giáo”, không phải là một nhiệm vụ chính trị, như Chúa Giêsu khẳng định trước mặt Philatô: “Nước Ta không thuộc về thế gian này”. Quả thật, nếu Nước Thiên Chúa thuộc về thế gian này, thì người ta có thể lôi cuốn chúng tôi theo quan điểm chính trị của họ. Nhưng Nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian này, nên chúng tôi không dựa vào thế lực nào cả, chỉ dựa vào Chúa, dựa vào Phêrô và Đấng kế vị Phêrô mà Chúa đã đặt làm đầu chúng tôi.

Sứ vụ chính yếu của chúng tôi ngày hôm nay vẫn là sứ vụ loan báo Tin Mừng. Tin Mừng đó là tin mừng về Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại! Tin Mừng về một Thiên Chúa Tình yêu đã chiến thắng sự dữ, tội ác, và hận thù, chiến thắng sự chết là kẻ thù lớn nhất của loài người. Tin Mừng mở ra niềm hy vọng cho tất cả thế giới, cho mọi người, đặc biệt là những kẻ bé mọn.

Đó chính là lý do của sự lạc quan của chúng tôi, của nhiều người trong anh em chúng tôi. Chúng tôi vẫn tươi cười, vẫn làm việc hăng say, hết lòng phục vụ Dân Chúa và những người chưa biết Chúa. Chúng tôi hãnh diện và sung sướng nói với những người chúng tôi phục vụ như thánh Phêrô: “Anh em thân mến, tuy không thấy Đức Giêsu Kitô, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người”.

Hôm nay, tại đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, kỷ niệm 2000 năm sinh nhật của Thánh Phaolô, chúng tôi cần phải xác tín sứ mạng “đến với muôn dân” (ad Gentes), của chính chúng tôi. Đã có một thời, cách đây khoảng 50 năm, có rất nhiều người ước ao được hiện diện, được rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu tại các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Sô, các nước Đông Âu, Trung Hoa lục địa, mà không được mãn nguyện. Bây giờ, chính chúng tôi, được hiện diện, được rao giảng Tin Mừng trong một Nước cộng sản, anh chị em hãy khích lệ chúng tôi rao giảng Tình Yêu của Thiên Chúa bằng “lời nói và hành động”, cho mọi người, không trừ một ai.

Nếu có ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ. Chúa chỉ đòi hỏi chúng tôi “can đảm nói sự thật khi cần”, dù phải trả giá bằng mạng sống. Chúng tôi không thể vừa căm ghét người khác, vừa rao giảng tin mừng Tình Yêu cho họ, vì như thế là tự mâu thuẫn. Những người “ngoại giáo mới” thuộc thời đại chúng ta, trong đó có người cộng sản, cũng là một trong những đối tượng mà Thiên Chúa muốn chinh phục bằng tình yêu.

Có người sẽ nói rằng, đó là ảo tưởng, là điều không thể được, giống như việc bà Elisabeth, vợ của thầy tư tế Zacaria sẽ sinh con trai, tuy tuổi đã già! Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được. Sứ thần của Chúa đã nói với Zacaria: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỉ hoan ngày con trẻ chào đời!”

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong lá thư gởi cho Giáo hội tại Trung Hoa, đã biểu lộ “niềm hy vọng lớn lao” do tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Ngài đã mạnh dạn nói với mọi người trong Giáo hội, không phân biệt phe phái, kêu gọi mọi người, hãy hợp nhất, hãy một lòng một ý loan báo Tin Mừng Chúa Kitô. Không phải Đức Thánh Cha không biết những khó khăn, những bách hại mà nhiều người trong Giáo hội hầm trú đã chịu đựng.

Tại Đền thờ thánh Phaolô hôm nay, chúng tôi như nghe tiếng thúc giục của Vị tông đồ Dân ngoại: “Hãy mạnh dạn loan báo Chúa Kitô, đừng sợ, hãy mở toang mọi cánh cửa cho Chúa”.

(Nguồn: http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=8&Act=Detail&ID=477&CateID=63)
 
Nhật ký Ad Limina 2009 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Làm chứng và Rao giảng
UB Truyền thông Xã hội / HĐGMVN
23:17 26/06/2009
Thứ tư 24.06.2009: LÀM CHỨNG VÀ RAO GIẢNG

ROMA - 7g30 sáng, các Đức cha dâng thánh lễ tại Đền Thánh Phêrô. Có hơn 30 cha đồng tế, khoảng 30 nữ tu và 30 giáo dân tham dự. Hôm nay là một ngày mang nhiều ý nghĩa: lễ kính thánh Gioan Tẩy Giả tại Đền Thánh Phêrô, trong năm Thánh Phaolô.

Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ sự và Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt giảng. Cả cộng đoàn vỗ tay mừng lễ bổn mạng Đức Hồng y. Đức cha Ngô Quang Kiệt giới thiệu thánh Phêrô được Chúa Giêsu chọn làm đá tảng của Hội Thánh, mặc dầu thánh nhân nhiều khi yếu đuối.

Thánh Gioan Tẩy Giả là một người hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa. Các ngài đã được Thiên Chúa dẫn đến nơi các ngài không muốn: thánh Phêrô đến Roma, thánh Gioan Tẩy Giả đến dinh Hêrôđê. Các ngài không muốn chống đối hay lật đổ ai, chỉ loan báo Đức Kitô và đòi hỏi tôn trọng công lý và luân lý. Các ngài đã trung thành với sứ mạng đến hy sinh mạng sống. Xin Chúa cho Giáo Hội Việt Nam tinh thần của các ngài để làm chứng và rao giảng trong giai đoạn này của lịch sử.

Sau thánh lễ ở Đền Thánh Phêrô, các Đức cha đến trụ sở Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc để gặp các vị lãnh đạo của Bộ cũng như vị lãnh đạo của các Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo.

Tiếp đoàn có Đức Hồng y Bộ trưởng Dias và Đức Tổng Giám mục Tổng thư ký. Trước hết Đức Hồng y Bộ trưởng cho biết sau thời gian gặp nhiều thử thách, hiện nay có nhiều điểm tích cực như nhiều ơn kêu gọi, nhiều linh mục và nữ tu theo học ở Roma và các nơi khác, việc bổ nhiệm giám mục dễ dàng hơn… “Hãy tận dụng thời gian bình an, và hy vọng thời gian này sẽ lâu dài.”

Đức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục trình bày khái quát về tình hình Giáo Hội Việt Nam, việc đào tạo linh mục, tu sĩ giáo lý viên. Ngài cho biết trong cả nước có 5 ngàn giáo lý viên làm việc không lương.

Năm nay Hội đồng Giám mục nhấn mạnh về giáo dục Công giáo ở gia đình. Về sứ mạng truyền giáo, ngài nói đến việc phải phát triển con người toàn diện, và vì thế phải đối diện với nhiều vấn đề mới. Giáo Hội Việt Nam sẽ kiên nhẫn phục vụ lợi ích sâu xa của toàn thể nhân dân, vì ơn gọi của Hội Thánh là phục vụ con người.

Đức Hồng y Bộ trưởng cho biết “xem quả thì biết cây”: thấy sức sống của Giáo Hội Việt Nam thì biết Hội đồng Giám mục thế nào. Khi bão, có những cây bị gẫy, có những cây bị uốn cong, có những cây thêm vững mạnh. Giáo Hội Việt Nam đã trải qua mùa đông, nay đã sang mùa xuân.

Đức cha Tổng thư ký cám ơn các Đức cha về những gì đã thực hiện trong Giáo Hội Việt Nam, mặc dù không phải lúc nào hoàn cảnh cũng thuận lợi. Ngài nhấn mạnh đến việc đào tạo linh mục, linh hồn của các giáo xứ. “Hãy giúp các linh mục sống ơn gọi linh mục một cách thánh thiện.”

Tuy nhiên ngài cũng nhắc là đừng quên việc đào tạo tu sĩ và giáo dân. Đặc biệt ngài nhấn mạnh đến mục vụ gia đình: “Người ta phá hủy văn hóa băng việc tấn công vào gia đình.”

Cuộc trao đổi sau đó đề cập một số vấn đề cụ thể như Giáo Hội Việt Nam không chỉ cần các giáo sư, nhưng hơn nữa cần các nhà đào tạo; việc đào tạo 6 ngàn chủng sinh trong 7 chủng viện…

Đức Hồng y Bộ trưởng đề nghị Hội đồng Giám mục có những dự án cụ thể để Bộ có thể giúp đỡ. Nhân Năm Linh mục, ngài cho rằng một linh mục tốt phải có 3 chiều kích: giáo thuyết, kỷ luật và đạo đức. “Dân chúng phải thấy là linh mục tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa như thánh Gioan Vianney.” Ngài cũng khuyên các Đức cha: “Đừng dung thứ các gương mù gương xấu.” Để kết luận, ngài cho rằng “Giáo Hội Việt Nam rất xinh đẹp vì đầy sức sống: cần vun trồng và phát triển.”

Tiếp đến, Đức Tổng Giám mục Vacchelli, chủ tịch các Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo cho biết các Hiệp hội trợ giúp nhiều hoạt động của 2 ngàn giáo phận trong các xứ truyền giáo, nên sẵn sàng giúp các Đức cha Việt Nam, nhưng phải cân bằng vì nhu cầu thì nhiều mà khả năng có hạn. Ngài đề nghị các Đức cha lên dự án trong lãnh vực đào tạo chủng sinh và giáo dân để các Hiệp hội cứu xét và giúp đỡ.

Mở đầu buổi gặp gỡ, Đức Hồng y Bộ trưởng đã chào các Đức cha đến đây như “về nhà”. Giữa hai buổi gặp gỡ, các Đức cha được mời uống cà phê và ăn bánh ngọt, điều chỉ thấy ở Bộ này! Trong lúc giải khát, các Đức cha đã nói chuyện thân mật và cởi mở với hai vị lãnh đạo cao nhất của Bộ. Bầu khí thân thiện và vui tươi đã giúp các Đức cha như quên đi một buổi sáng không có giờ nghỉ ngơi.





 
Giáo hạt Ba Làng, Thanh Hóa tổ chức đêm lửa trại
Nhóm Men Phuc Sinh VI
23:48 26/06/2009
Giáo hạt Ba Làng tổ chức đêm lửa trại

Sau những ngày học vất vả, mệt nhọc của các học viên, đêm 26/6/2009, ban huấn luyện Men Phuc Sinh giáo hạt Ba Làng đã kết hợp với giới trẻ giáo xứ Ba Làng, cùng nhau cộng tác tổ chức đêm lửa trại, nhằm mục đích tạo bầu khí thoải mái, vui tươi và cơ hội giao lưu giữa các giáo lý viên đến từ các giáo xứ trong giáo hạt với các bạn trẻ giáo xứ Ba Làng.

Đêm lửa trại được diễn ra từ 19 giờ 45 đến 21 giờ 00, ngày 26/6/2009, tại quảng trường nhà thờ giáo xứ Ba Làng. Tham dự đêm lửa trại có sự hiện quý báu của Cha quản xứ giáo xứ Ba Làng, ban huấn luyện giáo lý viên, các học viên tham gia khoá huấn luyện, giới trẻ giáo xứ Ba Làng và đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ.

Đúng 19 giờ 45, toàn bộ khuôn viên quảng trường và nhà thờ xứ Ba Làng được tắt điện. Tất cả chìm ngập trong màn đêm bao phủ. Theo lời mời gọi của Quản trò, các tổ trong khoá huấn luyện giáo lý viên và giới trẻ Ba Làng tập trung về khu vực lửa trại. Mỗi tổ và giới trẻ có tên gọi riêng cùng với một bài hát đặc thù.

Để bắt đầu chương trình, MC giới thiệu ý nghĩa và mục đích của đêm lửa trại: đêm lửa trại nhắm tới việc giáo dục và huấn luyện ngay trong lúc vui chơi và nghỉ ngơi thư giãn, làm cho nhịp đập con tim được xúc cảm chan hoà cùng muôn thọ tạo…

Tiếp theo là lời dẫn vào bài hát: Xin Ngôi Ba Thiên Chúa để xin Chúa Thánh Thần, Đấng được mệnh danh là “Lửa” đến soi sáng mỗi người và phá tan bóng tối. Sau lời mời gọi lấy lửa, lửa được thắp từ Nến Phục Sinh tại Cung Thánh nhà thờ giáo xứ, sau đó rước xuống sân thượng rồi chạy vòng quanh nhà thờ, tiến về khu vực lửa trại và trao cho Cha quản xứ. Trong khi đó, một hồi trống được vang lên và kết thúc bằng bài hát gọi lửa. Cha quản xứ cầm lửa sáng trong tay và ngài nói: “Xin ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh phá tan bóng tối và đem lại hạnh phúc tình người cho tất cả chúng ta…”, rồi ngài châm lửa.

Sau khi đốt lửa trại, các tiết mục vui văn nghệ của các tổ trong lớp giáo lý viên và giới trẻ các giáo họ được trình diễn. Các tiết mục văn nghệ được diễn ra đa dạng về phong cách biểu diễn, cũng như về loại hình âm nhạc mà các bạn trẻ ngày nay ưa thích. Ánh lửa bập bùng hoà lẫn với những nhạc phẩm vui nhộn, khiến cho mọi người tham dự cảm thấy như bị hút vào giữa một guồng xoáy, làm cho tinh thần vui chơi của các bạn trẻ mỗi lúc càng thêm hăng say, phấn khởi.

Thời gian vô hạn, nhưng đêm vui chơi lửa trại không thể kéo dài. Đúng 21 giờ 00, đêm lửa trại kết thúc. Đại diện ban huấn luyện cám ơn sự hiện diện của Cha xứ và bà con giáo dân, đặc biệt là giới trẻ giáo xứ Ba Làng. Để kết thúc chương trình lửa trại, mọi người cầm tay nhau cùng hát lên bài ca: Gặp nhau đây rồi chia tay”. Mọi người ra về lòng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.



 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nóng từ trời đất và cái nóng của lòng dân
Nhật Hà
20:09 26/06/2009
Nóng từ trời đất và cái nóng của lòng dân

Người dân miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội những ngày tháng Sáu đang phải chịu đựng cái nóng khủng khiếp. Gần đây, mỗi năm mùa hè lại nóng thêm một chút, thiên nhiên như đang thử thách sức chịu đựng của con người.

Quả có vậy thật, đợt nóng thứ hai người ta chấp nhận nó có vẻ đỡ căng thẳng hơn... Thì ra cái gì rồi cũng phải quen hết, kể cả cái khổ, mà người Việt mình vốn cần cù và chịu khó, sáng tạo nên có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, lại thêm óc hài hước làm công cụ để vượt qua gian khổ. Nghe nói trong đợt nóng trước, lúc bị cúp điện, nhiều gia đình khá giả kéo nhau lên khách sạn thuê phòng nghỉ, đám sinh viên thì rủ nhau đi xe buýt cho đỡ nóng...

Có ở đâu trên thế giới có biện pháp tránh nóng tuyệt vời như vậy chứ!

Tuy nhiên năm nay chắc nhiều người nhận thấy điều khác hơn: mọi người không quan tâm đến cái nóng như lẽ ra phải thế, cái nóng bên ngoài của thời tiết chưa phải là mối quan tâm lớ nhất? Hình như đất nước này đang có nhiều chuyện còn nóng hơn cả nhiệt độ ngoài trời kia? Người dân Việt lâu nay tưởng an phận bỗng dưng nổi trận lôi đình khi nhận ra "giặc đang ngồi sau lưng" mình.

Chợt nhớ một câu chuyện không biết đọc ở đâu đó xin kể nội dung hầu bạn đọc:

Gia đình kia vốn khá giả, có ba bốn thằng con trai, mỗi thằng một tính một nết. Thằng Cả tốt nết, điềm đạm, thuần hậu, tiếp thu cách xuất sắc nền nếp gia phong của tổ tiên. Thằng Hai đẹp mã, mồm miệng khôn khéo giảo hoạt, học hành thì lỗ mỗ nhưng khoản đối phó với phụ mẫu và sư phụ thì thuộc hàng siêu đẳng, thằng Ba thằng Tư thì nhàn nhạt, thế nào cũng xong... Khi các con trưởng thành, cơ nghiệp tổ tiên mấy đời thanh bạch, chủ yếu là sách vở chữ nghĩa, ruộng đất thì không nhiều nhưng đủ để các con và sau này là cháu chắt chút chít... ăn học bằng người mà không phải làm thuê làm mướn hay gian dối lừa đảo (như ngoài xã hội ngày càng nhiều).

Sau một thời gian dài đắn đo, cân nhắc, ông bà quyết định chỉ xét đến một trong hai ứng viên là thằng Cả và thằng Hai. Thằng Ba thằng Tư tuy là những đứa con ngoan nhưng đơn giản và chí hướng thì mờ nhạt... nên chia cho chúng một ít ruộng đất để làm cần câu cơm. Cơ nghiệp dòng họ thì nên chọn gửi vào một trong hai thằng lớn. Và họ chú ý đến việc dạy dỗ dìu dắt hai thằng lớn cẩn thận và kỹ càng hơn, hòng gửi gắm hy vọng: không những chỉ gìn giữ gia phong mà còn làm sinh sôi tài sản mà cha ông để lại. (Bởi ông bà thấy xã hội ngày càng phát triển, con người ta không chỉ cần ăn no mà còn ăn ngon, không chỉ cần mặc ấm mà còn mặc đẹp...- câu này nghe quen quen).

Thằng Cả vốn là đứa giỏi giang chuyện học hành thì không nói làm gì nhưng thằng Hai đã thực sự làm ông bà "đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác" bởi sự tu chí học hành và ý thức trách nhiệm quán xuyến việc thợ thuyền của nó. Ngoài những lúc bận bịu, nó lại biết quan tâm đến ông bà bằng những lời nói và việc làm rất tình cảm khiến ông bà mừng lắm, thầm cảm ơn Trời Phật đã thương ban cho ông bà cả bốn đứa con đều ngoan. Thằng Hai còn rất có uy với thợ thuyền, nó nói năng nhỏ nhẹ, khôn khéo, nó biết cách dẫn dụ người ta tin tưởng và cống hiến cho nó hết mình (về điểm này nó hơn hẳn ông bà - chắc phúc lớn đây).

Sau khi ông bà thăm dò ý tứ từng đứa và nhận thấy: thằng Cả chín chắn, sâu sắc, điềm đạm và rất cẩn thận trong mọi việc, thằng Hai nhanh nhẹn, hoạt bát khôn khéo và ứng xử tài tình trong mọi tình huống (có khả năng chuyển bại thành thắng), lại cũng là đứa thông minh, biết mình biết người, biết tiến biết thoái... Hơn nữa nó thổ lộ tâm tình với bà rằng nó sẽ là nhân vật nổi danh trong dòng họ và dòng họ này nhờ có nó sẽ lẫy lừng thiên hạ, sẽ sánh vai với các dòng họ danh giá xưa nay... Vậy là ông bà quyết định cắt một phần gia sản nho nhỏ cho thằng Cả làm phương tiện sinh nhai bằng nghề dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cứu người, bà bảo "việc này hợp với con hơn cả", còn phần lớn tài sản ông bà giao cho thằng Hai quản lý.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mỗi ngày ông bà lại nhận thấy sai lầm của mình qua những sai lầm của thằng Hai quý hóa, mỗi lần ông bà chỉ ra sai lầm của nó thì nó lại nhận lỗi hết sức thành khẩn và hứa sẽ sửa sai, rút kinh nghiệm, xin phụ mẫu cho thêm cơ hội và thời gian để sửa sai. Là cha mẹ không ai muốn tước đi cơ hội (dù là sửa sai) của con nên ông bà đã tha thứ hết lần này lần khác và rồi đến một ngày, bỗng dưng ở đâu kéo đến một "lũ đầu trâu mặt ngựa" cầm theo gậy gộc đao kiếm xộc vào nhà ông bà đòi đuổi ông bà và các con cháu ra khỏi ngôi nhà mà dòng họ nhà ông đã sống bao đời. Thì ra thằng Hai lâu nay đã đi đêm với bọn lưu manh, chúng nó rủ rê buôn lậu, đánh bạc và canh bạc cuối cùng là chính thân xác cha mẹ nó và con cháu nó, lúc này ông bà nhận thấy thì đã muộn.

Câu chuyện không mới nhưng chắc không bao giờ cũ trong bối cảnh người dân Việt lúc này nếu không muốn nói là mang tính thời sự.

Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, những địa danh vốn là niềm tự hào về một đất nước hùng vĩ xinh đẹp đã trở thành món hàng trao đổi của bọn gian thương bán nước từ bao giờ...

Không ngẫu nhiên mà những kẻ đã từng được trang bị một thứ lý luận sắt máu Mác - Lê luôn lấy súng đạn làm công cụ hành nghề, xương máu là trò chơi và bạo lực là nghề chính lại bỗng trở nên khiếp nhược và hèn hạ đến độ nhượng đất nhượng biển của tổ tiên cho láng giềng ai cũng biết rõ dã tâm xâm lấn có truyền thống, nếu bản thân nó không kiếm được khoản kếch xù từ thằng bạn láng giềng đó.

Và bây giờ là Tây Nguyên, món gia bảo, thanh gươm báu của tổ tiên để lại cho con cháu đã bị đặt lên bàn mạt chược một cách trắng trợn bất chấp đạo lý và lẽ phải. Dù chúng có đóng kịch trước nhân dân, thì người dân cũng biết tỏng màn kịch đó là gì, hậu quả của nó là vô cùng khủng khiếp, là muôn đời con cháu của dân tộc này trong vòng nô lệ.

Lẽ nào đó là định mệnh đau xót của dân tộc này, là cái giá phải trả cho sự lựa chọn sai lầm của lịch sử khiến lỡ hẹn với không ít cơ hội?

Ngẫm nghĩ lại thì điều đó cũng không đúng, dân tộc này đâu có được sự lựa chọn bao giờ, làm gì có sự lựa chọn nào khi buộc phải ăn món thịt thối trong cơn quẫn bách người ta cố tình nhét vào miệng.

Đã không ít lần, người dân phải gào lên: Xin đừng đánh lận con đen, đừng đánh tráo khái niệm mãi. Nhưng đó chỉ mới là những tiếng kêu chưa vọng tới trời xanh. Và cứ thế người dân Việt phải nghiến răng, gồng mình chịu đựng.

Và sự chịu đựng đó đã kéo dài không phải là một năm, một tháng mà là cả mấy đời người.

Sức chịu đựng của con người thật phi thường nhưng không thể là vô tận, "con giun xéo lắm cũng quằn", sự thất vọng khi đến đỉnh điểm sẽ không có chỗ cho lòng vị tha. Niềm tin bị đánh cắp và phản bội sẽ khiến người ta phẫn uất và khi đó thật khó lường điều gì sẽ xảy ra.

Hơn nữa, càng ngày càng có nhiều người quan tâm đến những vấn đề của xã hội, của đất nước và của thế giới, dù chỉ là trong quán nhậu, trên xe buýt, hay đi thể dục... thì đó cũng là điều rất đáng mừng.

Hy vọng rằng trí tuệ Việt Nam, (không phải loại "đỉnh cao trí tuệ loài người"), khí phách và lòng tự trọng Việt Nam, cùng với lòng nhân ái Việt Nam... sẽ là sức mạnh, là con đường, là công cụ giữ gìn và đòi lại giang sơn gấm vóc của tổ tiên.

Để cho những hy vọng đó không hoàn toàn là ảo tưởng, mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi người dân Việt dù ở đâu, dù làm gì cũng không thể tự cho phép mình làm ngơ khi sơn hà nguy biến.

Hà Nội, 26/06/2009
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ta Về
Lm. Trần Cao Tường
02:09 26/06/2009

TA VỀ



Ảnh của Cao Tường (Ngọn Nửa Vòm - Half-Dome ở Yosemite)

Ta về như hạt sương trên cỏ

Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời

Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt

Tội tình chi lắm nữa, người ơi

(Thơ Tô Thùy Yên)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Dưới Nắng Hạ
Lm. Tâm Duy
06:21 26/06/2009

HOA DƯỚI NẮNG HẠ



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Vườn ai Lan Ngọc dâng màu nhớ

Nhặt nắng chiều xa gửi bến Quỳnh.

(Trích thơ của Tuệ Nga)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền