Ngày 24-06-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 25/06: Người Mẹ Trái Tim Tỏa Sáng – Lm. Giuse Trần Châu Đông.
Giáo Hội Năm Châu
03:32 24/06/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

Đó là lời Chúa
 
Hai tên gọi một lý tưởng
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
04:02 24/06/2022
LỄ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ Ngày 29/6

HAI TÊN GỌI MỘT LÝ TƯỞNG

Cv 12, 1-11; 2 Tm 4,6-8.17-18; Mt 16,13-19

Mừng lễ trọng hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô là dịp chúng ta suy ngắm hai khuôn mặt trổi vượt và quan trọng này trong Hội Thánh.

Tôi thấy trong mỗi vị đều có hai danh xưng khác nhau, đó là Simon - Phêrô; Saolô – Phaolô. Nếu tên gọi Simon và Saolô nói lên con người cũ, con người chưa được biến đổi, thì Phêrô và Phaolô là con người mới, con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô.

1- Từ Simon đến Phêrô

Trước khi gặp Chúa Giêsu, chưa theo Chúa, Phêrô được gọi là Simon, con ông Giona, là một ngư phủ lành nghề nhưng quê mùa, chất phác và bộc trực. Ông đã có gia đình, có vợ con đề huề.

Trong Tin Mừng, Phêrô thể hiện rất rõ cá tính của mình: một Simon yếu đuối, nhẹ dạ, nhất thời, bồng bột và dễ thay đổi, phản bội trong những lúc gặp khó khăn thử thách (x. Mt 14,22; 16,23). Nhưng trong ông, cũng có một Phêrô khiêm tốn, chất phác và rất hăng hái, biết sám hối và nhận lỗi của mình (x. Mt 26,69); một Phêrô mạnh mẽ và vững vàng trong Đức tin, lòng mến, cũng như trong sứ vụ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai” (Ga 6,68); “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16).

Sau khi gặp Chúa Giêsu, được Chúa mời gọi, ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Chúa đặt cho ông một danh xưng mới: đó là “Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Với danh xưng này, Phêrô trở thành Tông Đồ của Chúa, và được chọn làm thủ lãnh của nhóm Mười Hai. Phêrô đã sống và gắn bó với Chúa Giêsu trong suốt ba năm trên mọi nẻo đường rao giảng. Sau khi Chúa về trời, Phêrô cùng với các Tông Đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Phêrô đã đến giảng đạo tại Rôma, rồi bị bắt và bị đóng đinh trên đồi Gianicolo. Theo truyền thống kể lại, khi nghe tin sẽ bị bắt, Phêrô hoảng sợ tìm đường trốn khỏi Rôma để về quê, trên đường đi, ngài đã gặp Chúa Giêsu đang vác thánh giá vào thành Rôma, Phêrô hỏi Chúa: “Quo vadis - Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy vào thành Rôma để chịu tử nạn lần thứ hai.” Hiểu ra ý Chúa nên Phêrô đã trở lại với đoàn chiên của ngài và chấp nhận án tử hình trên thập giá. Đang khi chịu đóng đinh, Phêrô xin lính La Mã đóng đinh đầu ngược, vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được đóng đinh giống như Chúa Giêsu.

Một điều rất rõ mà chúng ta thấy trong cuộc đời của thánh Phêrô là khi nào ông càng cậy dựa vào sức mình, vào khả năng mình thì ông càng thất bại và tỏ ra yếu đuối. Nhưng khi nào ông càng bám lấy Chúa, tin vào Chúa, Phêrô càng thành công, càng trở nên vững vàng và rất cao cả!

2- Từ Saolô đến Phaolô

Cũng thế, nơi thánh Phaolô, có một Saolô trước khi gặp Đấng Phục Sinh, Saolô ấy không phải là một chàng trai ăn chơi lêu lổng, nhưng là một người nhiệt thành với truyền thống đạo Do Thái. Là con của một gia đình khá giả, Saolô được học hành chu đáo. Vì lòng trung thành với truyền thống cha ông, Saolô hăng hái đi bắt bớ các Kitô hữu đầu tiên vốn thuộc về một tôn giáo mới đang đe dọa sự tồn tại của đạo Do Thái.

Cú té ngựa trên đường Đamát đã làm cho Saolô thay đổi hoàn toàn. Saolô gặp Đấng Phục Sinh, và được Người đặt cho một tên mới đó là Phaolô, vị Tông Đồ của dân ngoại. Sau cuộc trở lại này, Phaolô hăng say rao giảng Đức Kitô. Ông đã sang Hy Lạp và La Mã nhiều lần để rao giảng Tin Mừng, rồi chịu tử đạo chặt đầu vì Tin Mừng ở ngoài thành Rôma.

3- Hai tên gọi, một lý tưởng

Hai danh xưng ấy nói lên hai khuôn mặt, hai con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô. Hai con người ấy trở thành hai ngôi sao sáng, hai cột trụ chính của Giáo Hội. Cả hai đều có cùng một lý tưởng là Tông Đồ của Đức Kitô. Cả hai đã mang hạt giống Tin Mừng sang Châu Âu và đã biến Châu Âu thành một lục địa và là trung tâm của Kitô giáo. Cả hai đã đổ máu đào để làm chứng cho Đức tin và tình yêu vào Đức Kitô.

Cũng như Phêrô và Phaolô, những ai gặp Chúa, tìm kiếm Chúa, thì sẽ được Chúa biến đổi. Và những ai được Chúa biến đổi thì một cách tự nhiên, người đó cũng muốn giới thiệu Chúa cho người khác, muốn là Tông Đồ của Chúa cho thế giới hôm nay.

Trước những khó khăn và những lối rẽ khác mời mọc, cùng với Phêrô, chúng ta hãy xác tín thêm một lần nữa: “Bỏ Thầy, con biết theo ai” (Mt 16,16). Cùng với Phaolô, chúng ta tuyên xưng rằng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,36-37). Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Theo Chúa Để Đi Đâu Và Làm Gì?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:50 24/06/2022
Theo Chúa Để Đi Đâu Và Làm Gì?

(Chúa Nhật XIII TN C)

“Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”(Lc 9,57). Một vị tôn sư được dân chúng tôn phong vào hàng ngôn sứ, có lời quyền năng cũng như nhiều hành động phi thường chắc chắn sẽ lôi cuốn nhiều người đi theo. Chuyện “thấy người sang bắc quàng làm họ” là chuyện bình thường kiếp người. Đi theo người có quyền năng trong lời nói lẫn hành động hẳn nhiên dù ít nhiều cũng sẽ được lợi mặt này, mặt kia. Nhiều người không chỉ muốn theo Chúa Giêsu như là đám đông quần chúng mong hưởng nhận những phúc lành mà còn muốn trở thành những người thân cận, những môn đệ, những cộng sự viên thân tín. Và chắc chắn khi Thầy Giêsu lên ngai vinh hiển thì mình sẽ được dự phần quyền uy và dĩ nhiên kèm theo vinh hoa phú quý. Ngay nhóm Mười Hai cũng không thoát được ảo vọng vương bá này. Thế nhưng cả nhóm Mười Hai và nhiều người muốn theo Chúa Giêsu có ngờ đâu đích đến của hành trình Thầy chí thánh chính là Giêrusalem.

“Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết lên Giêrusalem”(Lc 9,51). Chúa Giêsu lên Giêrusalem để làm gì? Xin thưa là để hoàn thành công cuộc cứu độ nhân trần bằng cái chết trên thập giá. Không phải Chúa Giêsu tự tìm cái chết nhưng Người lên Giêrusalem để sống yêu thương đến cùng, đó là hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13).

Trên hành trình lên Giêrusalem, có một số người muốn xin đi theo Chúa Giêsu. Thoạt nghe những câu trả lời của Chúa Giêsu với những người này, chúng ta có thể nghĩ rằng chúng có vẻ “cứng cỏi”, và chúng có thể làm nhụt nhuệ khí, làm nhụt thiện chí của họ. Thế nhưng để có thể sống yêu thương đến cùng thì cần phải đối diện với đòi hỏi như tất yếu là sự triệt để. Hành vi yêu thương đến cùng đòi hỏi sự triệt để cả trong sự từ bỏ lẫn trong sự hiến dâng.

Triệt để trong sự từ bỏ: “Con chồn có hang, chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”(Lc 9,58). Vốn giàu sang, Chúa Kitô đã tự nguyện sống nghèo khó để chúng ta được nên sang giàu (x.2Cr 8,9-12). Từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ những tiện nghi không phải để tự hài lòng trong cảnh thiếu thốn nhưng là để dễ dàng sống yêu thương. “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết” (Lc 9,60). Chúa Giêsu còn mời gọi những kẻ theo Người phải tự do với cả những tình cảm huyết nhục để dệt xây Nước Trời, vương quốc của tình yêu. Mối dây liên kết trong tình huyết nhục tự nó là điều tốt đẹp. Tuy nhiên còn có mối dây liên kết tốt hơn và cao cả hơn. Không phải chỉ khi cưu mang và cho Ngôi Lời nhập thể bú mớm mới là có phúc, nhưng chính khi nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa thì mới là có phúc hơn nhiều (x.Lc 11,27-28).

Triệt để trong sự hiến dâng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Đường cày không thể nào thẳng khi tay cầm cày mà mặt lại ngoảnh đằng sau. Tình yêu không thể chấp nhận sự nửa vời. Nóng thì nóng hẳn đi hoặc lạnh thì lạnh hẳn đi, nếu cứ hâm hẩm thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải (x.Kh 3,15-16). Chuyện bắt cá hai tay có thể áp dụng trong kinh doanh buôn bán nhưng tuyệt đối không thể có trong tình yêu đích thực.

Tuy nhiên, phận người chúng ta không dễ gì dứt khoát một lần cho tất cả. Vẫn có đó tình trạng vấn vương, ngập ngừng trong chuyện tình yêu, cả tình lứa đôi lẫn tình dâng hiến. Cái cảnh cầm cày mà còn ngó lại đằng sau thì có thể không nhiều, nhưng cảnh cầm cày mà còn nhìn bên này, quay bên nọ quả là không hiếm. Và chắc chắn khi nhìn ngang, nhìn ngửa thì đường cày sẽ chệch choạc, ngoằn ngoèo. Dẫu biết rằng Thiên Chúa, Đấng quyền năng, thừa sức vẽ nên đường thằng bằng những nét cong, nhưng khi quá ỉ lại vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì chúng ta vô tình hay hữu ý rơi vào chước cám dỗ lỗi đức trông cậy (x.GLCG Chung số 2092).

Để có thể thẳng bước theo chân Chúa Kitô, để sống yêu thương cách triệt để, thì chắc chắn cần phải diệt trừ nhiều điều, mà dĩ nhiên trước hết đó là những điều bất chính, xấu xa. Và để có thể sống yêu thương đến cùng thì chúng ta còn cần phải biết tự do với cả những điều tự nó là không xấu. “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em mình, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”(Lc 13,26-27). Hạn từ “từ bỏ” ở đây theo cách nói của người Do Thái không có nghĩa là loại trừ nhưng biểu thị sự so sánh. Khi nói “từ bỏ” một điều gì đó để chọn một điều khác thì muốn nói điều ấy “kém hơn”điều ta chọn. Khi đã tin nhận Chúa là tất cả, là trên hết thì việc tự do với các mối liên hệ huyết nhục, với cả mạng sống mình, là chuyện đương nhiên phải có.

Vấn đề đặt ra đó là cần thường xuyên xác định lại mục đích chúng ta theo Chúa Kitô. Mang danh là Kitô hữu, chúng ta không theo chủ thuyết này hay chủ nghĩa nọ, nhưng chúng ta chỉ theo một Đấng là Giêsu Kitô. Đức Kitô vừa là người chỉ đạo (dẫn đường), vừa chính là con đường dẫn chúng ta đến hạnh phúc đích thực (x.Mt 23,10; Ga 14,6). Đường Chúa Kitô dẫn chúng ta đi và cũng là con đường Người đã đi qua đó là đường tình yêu tự hiến vì hạnh phúc của loài người. Chính khi quên mình vì hạnh phúc của đồng loại thì chúng sẽ gặp lại bản thân và có hạnh phúc vĩnh tồn (thánh Phanxicô Axidi).

Theo Công Giáo, bạn, tôi, chúng ta đang theo ai, đi đâu, làm gì? Một câu hỏi thiết tưởng mãi không thừa với những người vốn tự nhận là “có đạo”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Thánh Tâm Chúa: Tim, tìm, tím
Lm. Nguyễn Xuân Trường
15:38 24/06/2022

THÁNH TÂM CHÚA: TIM, TÌM, TÍM

Tim phập phồng bơm máu đem sự sống. Tim lúc lắc những nhịp đập yêu thương. Vì thế, Thánh Tâm Chúa Giêsu là hình ảnh tuyệt vời nhất để diễn tả Thiên Chúa là tình yêu và sự sống. Lời Chúa Lễ Thánh Tâm diễn tả Chúa yêu, Chúa tìm và Chúa chết vì chiên.

1. Tim. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta” (Bài đọc 2). Chúa yêu nên Chúa chăn dắt, chăm sóc đoàn chiên chẳng thiếu thốn gì. Tim diễn tả tình Chúa chứa chan tràn đầy. Thế nên, hình tượng Thánh Tâm Chúa luôn có trái tim lộ ra ngoài cháy lửa yêu thương. Người đời hay nói ngọn lửa tình yêu, còn trái tim Chúa là cả lò lửa tình yêu như lời kinh: “Trái tim Chúa Giêsu là lò lửa mến hằng cháy”.

2. Tìm. Phúc Âm kể dụ ngôn Chúa đi tìm chiên. Sao lại tìm? Vì tiếc mới tìm, không tiếc thì tìm làm chi. Tiếc là vì yêu quý, gắn bó với thứ, với người lạc mất. Càng yêu thì khi mất càng tiếc, càng cần tìm. Thế nên, Chúa là tình yêu nên Chúa nong nả vất vả đi tìm chiên. Chúng ta thường quen nói mình đi tìm Thiên Chúa, nhưng thực ra thì Chúa đi tìm mình trước. Chúa đi tìm con người lầm lỗi, lạc mất. Chúa tìm về để băng bó chữa lành.

3. Tím. Chúa yêu. Chúa yêu thật nhiều. Nhiều đến độ Chúa đã hy sinh tính mạng vì chúng ta như thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc 2: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi”. Càng tội lỗi Chúa càng yêu. Đấy là tình yêu vô điều kiện của Chúa. Trái tim Chúa đã trao ban cho nhân loại những giọt máu cuối cùng. Vì yêu, Chúa đã chết trên đồi tím.

Lạy Thánh Tâm Chúa yêu con trọn tình. Xin Chúa ban tặng chúng con quả tim biết yêu thương. Lạy trái tim Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 24/06/2022

10. Thiên Chúa yêu thích những linh hồn khảng khái (rộng rãi) và nguyện vọng vĩ đại.

(Thánh Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:35 24/06/2022
93. TRONG BỤNG ĐỰNG NGƯỜI.

Vương thừa tướng gối đầu trên đầu gối của Châu Bá Nhân, chỉ vào bụng của Châu mà nói:

- “Trong cái này của ông có những gì nào?”

Châu Bá Nhân cười vui vẻ trả lời:

- “Ở trong này không có gì cả, nhưng dung lượng bụng thì lớn, có thể đựng ngài và khoảng 100 người”.

(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 93:

Người ta thường nói mưu kế đầy một bụng, chứ ít ai nói mưu kế đầy một...óc não, cho nên “bụng” của các mưu sĩ thì nhỏ nhưng dung lượng thì lớn đến nỗi trí óc của một ông vua và trí óc của một trăm người cộng lại cũng không bằng.

Cũng có những người tín hữu khoe khoang với cha sở của mình rằng: “Con là con nhà đạo gốc, con học giáo lý từ nhỏ, kinh sách gì cũng thuộc làu như ăn cháo, cho nên con có cả một bụng giáo lý !”

Có cả “một bụng” giáo lý, nhưng không thấy tham gia các đoàn thể trong họ đạo, thấy ai được mời tham gia công việc nhà thờ thì tức tối nói xấu người ta; có cả “một bụng” giáo lí, nhưng chia bè kết phái để chửi và kiện cha sở của mình nơi phường xã, vì chút quyền lợi cá nhân không chính đáng; có “một bụng” giáo lý nhưng mỗi năm chỉ có hai lần đi lễ là lễ giáng sinh và lễ phục sinh...

Có cả “một bụng” giáo lý thì nên cộng tác với cha sở, với người có trách nhiệm để xây dựng họ đạo ngày càng tốt đẹp hơn, như thế mới đúng là “con nhà đạo gốc, thuộc làu kinh sách như ăn cháo” vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 13 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:37 24/06/2022
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 9, 51-62.

“Đức Giê-su nhất quyết đi Giê-ru-sa-lem. Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo".


Bạn thân mến,

Có rất nhiều người xin đi theo làm môn đệ Đức Chúa Giê-su, nhưng họ vẫn còn xin trở về để giải quyết việc riêng tư của mình cũng như của gia đình, đây không phải là việc xấu nhưng là việc của những người thế gian, đây không phải là việc đáng trách nhưng là cái tâm lo lắng của con người, với đoạn Tin Mừng này, tôi chia sẻ với anh chị em về kinh nghiệm theo Đức Chúa Giê-su của mình:

1. Đức Chúa Giê-su mời gọi tôi đi làm môn đệ của Ngài, Ngài gọi tôi và tôi đã xác định đó là tiếng nói của Ngài trong cuộc sống của tôi nên tôi đã đi theo, nhưng trên đường đi tôi gặp rất nhiều tiếng gọi khác đó là tiếng gọi của bạn bè kêu tôi đi với họ để ăn chơi hưởng lạc; đó là tiếng gọi của tiền bạc kêu tôi đi theo nó để được sung sướng no ấm thân xác; đó là tiếng gọi tình cảm tự nhiên của con người mà lắm lúc tưởng chừng tôi đã nghe theo. Tất cả những tiếng gọi ấy đã át mất tiếng gọi của Đức Chúa Giê-su trong lòng tôi, thế nhưng Ngài vẫn đợi chờ và thỉnh thoảng gọi lớn tiếng để thức tỉnh tôi đang phân vân với những tiếng gọi khác, thế là tôi phải chọn lựa giữa hai tiếng gọi: tiếng gọi của thế gian và tiếng gọi của Đức Chúa Giê-su.

2. Nhiều tháng ngày tôi thao thức giữa hai tiếng gọi này và lắm lúc tôi tự biện hộ rằng, theo Chúa cũng được mà theo thế gian cũng được, miễn là tôi sống đạo tốt lành giữa đời. Ý nghĩ biện hộ này như con dao hai lưỡi làm tôi sực tỉnh: theo thế gian nhưng sống đạo tốt lành thì chưa thấy vì nó đang ở trong thì tương lai, nhưng ơn gọi tu trì vẫn cứ thôi thúc mỗi ngày một lớn, thế là tôi phớt lờ tiếng gọi của bạn bè, tiền bạc vật chất và của tình cảm mà bước theo Chúa…

Đi theo Đức Chúa Giê-su là một cuộc chiến đấu lâu dài với những ham muốn của cá nhân, nhưng cuộc chiến đấu này hứa hẹn một cuộc toàn thắng rất hạnh phúc, mà chỉ có những ai quyết tâm theo Ngài mới cảm nghiệm được.

Bạn thân mến,

Tôi theo Đức Chúa Giê-su để làm môn đệ của Ngài trong thiên chức linh mục, bạn được Đức Chúa Giê-su mời gọi làm môn đệ của Ngài trong đời sống tín hữu, tuy khác nhau về ơn gọi nhưng tôi và bạn có một điểm chung, đó là chúng ta đều được Đức Chúa Giê-su kêu gọi để làm chứng nhân cho Ngài ở trần gian này.

Mỗi ngày trong cuộc sống, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy sống và làm chứng cho tình thương của Ngài đối với nhân loại. Ngài đã chọn tôi, chọn bạn để loan báo sứ điệp yêu thương này giữa thế gian, bằng chính cuộc sống bác ái và phục vụ của mình.

Xin Thiên Chúa đừng để một ai trong chúng ta viện nhiều lý do để từ chối lời kêu gọi của Ngài, dù lý do ấy rất hợp lý, nhưng xin Chúa ban cho chúng ta hiểu được rằng, lời kêu gọi của Ngài càng hợp lý hơn và có ích hơn cho bạn và tôi và tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Các Lời nguyện Tín hữu cầu cho Sự sống - LM Giuse
Lm. Giuse
21:59 24/06/2022
Các Lời nguyện Tín hữu cầu cho Sự sống

24/Jun/2022 Nhân phán quyết hôm nay của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ liên hệ đến sự sống và việc phá thai, sau đây là một

vài lời nguyện có thể được dùng trong các Thánh lễ (lời nguyện cho mọi người). Các lời nguyện dựa trên Tuyên

bố của các Giám mục Tiểu bang California vào đầu năm 2022, và của tài liệu về sự sống của Hội đồng Giám

mục Hoa Kỳ. Các cộng đoàn có thể dùng một hay hai lời nguyện trong mỗi Thánh lễ, hoặc mỗi tuần chỉ dùng

một lời nguyện.


1) Cầu cho Giáo hội: Chớ gì chúng ta quyết tâm đồng hành với các bà mẹ mang thai, các gia đình có nhu cầu,

và cổ võ lòng tôn trọng sự sống cũng như phẩm giá của mọi người, ngay từ các trẻ em chưa chào đời.

Chúng ta nguyện xin Chúa.

2) Cầu cho đất nước Hoa Kỳ: Xin Thiên Chúa đưa mọi người lại gần nhau, tôn trọng nhau hơn, và cùng nhau

chăm lo cho sự sống con người trong mọi giai đoạn, khi mạnh khoẻ cũng như khi đau yếu, trong bất cứ

hoàn cảnh nào.

Chúng ta nguyện xin Chúa.

3) Cầu cho những ai làm việc trong các trung tâm phục vụ phụ nữ mang thai: Xin cho họ được sự nâng đỡ cần

thiết khi phục vụ các phụ nữ và gia đình, đặc biệt những ai gặp nhiều khó khăn.

Chúng ta nguyện xin Chúa.

4) Cầu cho xứ đạo chúng ta: Xin cho cộng đoàn chúng ta sẵn sàng đồng hành với những phụ nữ mang thai,

các trẻ em và gia đình gặp nhiều khó khăn, công bố phẩm giá của mỗi con người qua lời nói và việc làm.

Chúng ta nguyện xin Chúa.

Các lời nguyện tiếng Anh

1) For the Church: that we may be committed to accompanying mothers and families in need, and promoting

a culture of life, a respect for the inherent dignity of every person, born and unborn, we pray…

2) For our nation: that God may unite us in respect for each other, and help us work together to care for all

human life at every stage, in sickness and in health, even in the most difficult of circumstances, we pray…

3) For those who work in life-affirming pregnancy shelters, centers, and clinics: that they may be sustained in

their service to women and families in need, especially the most vulnerable, we pray…

4) For our parish: that we may be ready to walk with the most vulnerable women, children, and families in our

community or elsewhere, proclaiming the dignity of every human life through word and action, we pray…
 
Không phải tất cả mọi thứ đều rõ ràng
Lm. Minh Anh
22:26 24/06/2022

KHÔNG PHẢI TẤT CẢ MỌI THỨ ĐỀU RÕ RÀNG
“Maria, mẹ Ngài, ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng!”.

Johann Wolfgang von Goethe, 1749-1832, được coi là nhân vật văn học lẫy lừng nhất của Đức ở thời kỳ thơ ca hiện đại; ông là bạn, đã cùng làm việc với sử gia và triết gia Friedrich Schiller. Goethe từng nói, “Trước một bộ óc vĩ đại, tôi cúi đầu; trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm qua, trọng kính Trái Tim Chúa Giêsu, Hội Thánh ‘quỳ gối’; hôm nay, kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, Hội Thánh ‘cúi đầu’. Trái Tim Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa dành cho con người; Trái Tim Đức Mẹ tỏ bày tình yêu vô điều kiện con người dành cho Thiên Chúa. Nói rằng, vô điều kiện; bởi lẽ, trước kế hoạch của Thiên Chúa, Mẹ đã khiêm cung đón nhận mọi sự, dẫu ‘không phải tất cả mọi thứ đều rõ ràng!’.

Mẹ Maria cưu mang, sinh hạ Chúa Giêsu; Mẹ yêu thương, một lòng với con, có mặt với con trên mọi nẻo đường. Mẹ cùng con lắng nghe những lời tán tụng cũng như những sỉ nhục; có thể nói, từ khi Con Chúa nhập thể trong cung lòng, Mẹ gặp nhiều thử thách và khó khăn hơn là xuôi may! Tuy nhiên, Maria vẫn quyết đồng hành với con. Mẹ đi theo con, tìm hiểu sứ vụ của con; bởi lẽ, sứ vụ của con cũng là sứ vụ của Mẹ. Và nhiều bất ngờ sẽ dành cho Mẹ dù Maria không bao giờ mong đợi điều này; chẳng hạn, mất con ba ngày khi con ở độ tuổi mười hai! Chúa Giêsu muốn ở lại nhà Cha, chuẩn bị cho ngày lên đường, hoàn tất sứ vụ Cha trao. Mẹ Maria cũng chuẩn bị cho ngày lên đường đó, và Chúa Giêsu đã giúp Mẹ Ngài sẵn sàng.

Trong gia đình Nazareth, sự kinh ngạc không bao giờ nguôi ngoai, ngay cả trong một thời điểm kịch tính như việc Chúa Giêsu ở lại đền thờ. Đó là khả năng kinh ngạc trước sự tỏ mình tiệm tiến của Con Thiên Chúa; chính sự kinh ngạc này cũng đã làm cho các bậc thức giả trong đền thờ “ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Ngài đáp lại”. Thế nhưng, kinh ngạc là gì để có thể trở thành ngạc nhiên? Kinh ngạc và ngạc nhiên là trái ngược với việc coi mọi thứ là điều hiển nhiên; kinh ngạc và ngạc nhiên mang ý nghĩa thán phục. Nó ngược với thực tế khi các sự kiện lịch sử chỉ được nhìn theo con mắt loài người; vì ‘không phải tất cả mọi thứ đều rõ ràng!’.

Thật khó cho Maria để hiểu hết ý nghĩa từng biến cố xảy ra trong đời của con mình. Là một phụ nữ cầu nguyện và chiêm ngắm, Mẹ cất giữ tất cả trong lòng để có thể nhớ lại và gẫm suy; đồng thời, so sánh chúng với những khoảnh khắc khác trong đời. Đó là kế hoạch của Thiên Chúa vốn chỉ bộc lộ theo thời gian, và Mẹ sẽ sẵn sàng cho điều đó. Mẹ không cần hiểu biết nhiều, nên cũng chẳng thắc mắc nhiều; trái lại, đón nhận, thuỷ chung, và tìm mọi cách để hoàn thành nó. Mẹ biết, Mẹ có một vai trò trong đó và cần chuẩn bị nó thông qua một đời sống cầu nguyện.

Anh Chị em,

“Maria, mẹ Ngài, ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng!”. Đó là cách ứng xử tuyệt vời, cao thượng của Mẹ trước những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Làm sao một phàm nhân có thể hiểu được kế hoạch của Ngài; dẫu thế, trong đức tin, Mẹ Maria vẫn dò dẫm tìm hiểu và thi hành trong tín thác tuyệt đối. Nơi trái tim vẹn sạch của Mẹ, không có chỗ cho cái tôi! Mẹ dành cho Thiên Chúa một con tim tinh tuyền với một tình yêu vô điều kiện. Cũng thế, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết giá trị, mục đích và ý nghĩa đời mình trong kế hoạch của Thiên Chúa, trừ khi có một đời sống cầu nguyện và chiêm ngắm như Mẹ. Nó cần có thời gian, kiên nhẫn và tin tưởng đơn sơ. Hãy học như Mẹ và trung thành bước đi trên con đường đã vạch sẵn cho chúng ta, dẫu đó có thể là một con đường không rõ ràng. Không cần biết tất cả những gì phía trước, chỉ cần biết nơi chúng ta phải đi. Trên con đường mù tăm, khó khăn và không biết trước đó, Mẹ Maria không thể không nắm lấy tay bạn và dẫn dắt bạn; bởi lẽ, ‘không phải tất cả mọi thứ đều rõ ràng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, xin gìn giữ trái tim con tinh tuyền, thuộc trọn về Chúa như Mẹ; để con chỉ làm theo ý Chúa như Mẹ đã làm; xin dẫn dắt con, vì ‘không phải tất cả mọi thứ đều rõ ràng!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trong một quyết định lịch sử, Tối Cao Pháp Viện lật ngược phán quyết Roe kiện Wade
Đặng Tự Do
15:42 24/06/2022
Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã lật ngược phán quyết Roe kiện Wade trong một quyết định lịch sử với tỷ lệ 6 phiếu thuận trên 3 phiếu chống. Phán quyết được công bố hôm thứ Sáu 24 tháng Sáu, Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả - năm nay là Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu - mang đến một kết thúc đột ngột và đầy kịch tính cho gần nửa thế kỷ phá thai được hợp pháp hóa trên toàn quốc ở Mỹ

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, trong vụ phá thai Mississippi Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, được nhiều người coi là phán quyết có tầm vóc rất lớn và được mong đợi nhất của Tòa án Tối cao kể từ phán quyết Roe chống Wade. Nó không chỉ lật ngược Roe, là vụ phá thai mang tính bước ngoặt năm 1973, mà còn cả vụ Planned Parenthood kiện Casey, là một phán quyết đưa ra năm 1992 nhằm khẳng định phán quyết Roe.

“Phá thai đưa ra một vấn đề đạo đức sâu sắc. Hiến pháp không cấm công dân của mỗi tiểu bang cho phép hoặc cấm phá thai. Các phán quyết trong các vụ Roe và Casey đã quá kiêu ngạo với thẩm quyền của mình. Giờ đây, chúng tôi đã loại bỏ những quyết định này và trả lại quyền đó cho người dân và những người đại diện được bầu của họ.” Toàn bộ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có thể đọc ở đây.

Ý kiến về vụ Dobbs được viết bởi Phó Chánh Án Samuel Alito. Các thẩm phán Clarence Thomas, Neil M. Gorsuch, Brett M. Kavanaugh và Amy Coney Barrett tham gia ý kiến. Thomas và Kavanaugh đã đưa ra những ý kiến đồng tình. Chánh án John Roberts đã đệ trình một ý kiến đồng tình trong phán quyết.

Các thẩm phán Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan đã bất đồng quan điểm. Ý kiến phản đối của 3 Thẩm Phán này viết “Khi loại bỏ các phán quyết Roe và Casey, Tòa án này đã phản bội các nguyên tắc chỉ đạo của mình. Với nỗi buồn - cho Tòa án này, nhưng hơn thế nữa, cho hàng triệu phụ nữ Mỹ, những người ngày nay đã mất đi sự bảo vệ cơ bản của hiến pháp - chúng tôi bất đồng ý kiến”.

Quyết định không cấm hoặc hình sự hóa việc phá thai, cũng như không công nhận quyền được sống theo hiến pháp của một đứa trẻ chưa sinh. Nhưng trong một cú đột phá ngoạn mục, hành động của tòa án đã quét sạch các rào cản pháp lý cố thủ, được tạo ra và thực thi nghiêm ngặt bởi cơ quan tư pháp liên bang, trong nhiều thập kỷ qua đã ngăn các tiểu bang như Mississippi hạn chế hoặc nghiêm cấm việc giết những đứa trẻ chưa sinh trong bụng mẹ.

Phán quyết này mở ra một kỷ nguyên mới của chính trị phá thai ở Mỹ, với chiến trường hiện chuyển sang các cơ quan lập pháp tiểu bang. Các cơ quan được bầu cử dân chủ đó giờ đây được tự do tranh luận và điều chỉnh việc phá thai khi họ thấy phù hợp, như đã xảy ra trong suốt lịch sử Hoa Kỳ trước khi Tòa án Tối cao liên bang can thiệp vào vấn đề này qua phán quyết Roe chống Wade.

“Một phong trào ủng hộ cuộc sống hoàn toàn mới bắt đầu ngày hôm nay. Chúng tôi sẵn sàng đưa ra các nỗ lực phò sinh tại mọi cơ quan lập pháp, tại từng tiểu bang và Tòa Bạch Ốc,” Chủ tịch Marjorie Dannenfelser của tổ chức Susan B. Anthony Pro-Life, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu. “Trong vài năm tới, chúng ta sẽ có cơ hội cứu sống hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu sinh mạng bằng cách hạn chế sự kinh hoàng của nạn phá thai ở nhiều tiểu bang”.

Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc vào chiều thứ Sáu, Tổng thống Joe Biden, một người Công Giáo nhiệt thành ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai, đã gọi ý kiến của tòa án là “một sai lầm bi thảm”.

“Theo quan điểm của tôi, đó là một ngày buồn đối với đất nước, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến đã kết thúc,” Biden nói. Ông kêu gọi Quốc hội luật hóa phán quyết Roe và khuôn khổ pháp lý mà nó tạo ra thành luật liên bang.

Thừa nhận sự tức giận và thất vọng lan rộng trước quyết định của tòa án, Biden kêu gọi các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, và nói rằng “Đe dọa và hăm he không phải là tự do ngôn luận.”
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Kevin Farrell và Đại sứ Colombia cạnh Tòa thánh khẳng định tin Đức Giáo Hoàng sẽ thoái vị là tin giả
Đặng Tự Do
17:49 24/06/2022


Đại sứ Colombia cạnh Tòa thánh, Jorge Mario Eastman, đã công bố một thông điệp trên mạng xã hội, trong đó ông phủ nhận những thông tin liên quan đến khả năng từ chức của Đức Giáo Hoàng.

Thông điệp của ông đề cập đến “tin tức giả mạo” được quảng bá ở Hoa Kỳ, có thể là tham chiếu đến một bài đăng một ngày trước đó của Megyn Kelly, là người đã báo cáo rằng theo hướng dẫn mà cô ấy nhận được liên quan đến kỳ nghỉ gia đình, “rất bất thường” khi có rất nhiều các Hồng Y ở Vatican trong mùa hè này.

Đại sứ Colombia đã tweet rằng Đức Thánh Cha cảm thấy khó chịu vì cơn đau ở đầu gối, nhưng “ngài không phải là một ngôi sao bóng đá, mà là một mục tử.”

“Tin tức giả đang lan truyền trên các mạng xã hội, được quảng bá bởi những người cực đoan từ Hoa Kỳ cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang nghĩ đến việc từ chức. Tất cả những thứ đó chỉ là những quả bong bóng thăm dò. Đức Thánh Cha vẫn ổn, trí óc của ngài vẫn minh mẫn kể cả khiếu hài hước của ngài. Ngài bị đau đầu gối khó chịu, nhưng ngài không phải là một ngôi sao bóng đá, mà là một mục tử”.

Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu số lượng Hồng Y ở Vatican cao hơn bình thường, đó có thể là do Cuộc họp Thế giới của các Gia đình bắt đầu vào ngày mai, với bài phát biểu khởi động từ Đức Giáo Hoàng.

Vào tháng 5, phát biểu trước các giám mục Ý trong cuộc họp toàn thể của họ, Đức Giáo Hoàng được tường trình đã nói với các Giám Mục Ý rằng “để cai quản, người ta phải có cái đầu, không phải cái chân.” Nhận xét này của Đức Thánh Cha đã được nhắc lại bởi Đức Hồng Y Kevin Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống.

Là một người thân cận với Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Nación của Á Căn Đình rằng ngài không cảm thấy một “bầu không khí kết thúc một triều đại giáo hoàng”.

Đức Hồng Y Farrell là Hồng Y Nhiếp Chính, và do đó sẽ điều hành Tòa thánh trong trường hợp trống ngôi Giáo Hoàng.

“Tôi tin rằng tất cả những tin đồn này đều rất phóng đại; Không có dữ kiện cụ thể nào,” Đức Hồng Y Farrell nói, nhắc lại trong cuộc họp với các giám mục Ý vào ngày 23 tháng 5 rằng Đức Giáo Hoàng là người minh mẫn và sức khỏe tốt: “Để điều hành Giáo hội, bạn cần cái đầu, không phải đôi chân,” ngài nói.

Sau khi khai mạc Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 10 tại Rôma vào thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ chủ tọa Thánh lễ bế mạc vào tối thứ Bảy. Sự kiện này dự kiến sẽ là sự kiện quy tụ lớn nhất tại Vatican trong năm nay.
Source:Aleteia
 
Hai linh mục Dòng Tên bị giết trong một nhà thờ ở Mễ Tây Cơ
Đặng Tự Do
17:50 24/06/2022


Hôm thứ Ba, Tỉnh Dòng Tên tại Mễ Tây Cơ thông báo rằng hai linh mục của dòng đã bị giết hôm thứ Hai bên trong một nhà thờ ở một vùng miền núi bang Chihuahua.

Các cha Javier Campos Morales và Joaquín César Mora Salazar đã từng là linh mục Dòng Tên. Thời gian phục vụ của các ngài cộng lại gần một thế kỷ. Các tay súng thực hiện vụ tấn công ngày 20/6 nhằm vào nhà thờ ở Cerocahui, Chihuahua cũng lấy đi thi thể của các ngài.

“Chúng tôi lên án những hành động bạo lực này, chúng tôi yêu cầu công lý và việc thu hồi thi thể của những người anh em của chúng tôi, những người đã bị những kẻ có vũ trang mang khỏi nhà thờ,” một tuyên bố ngày 21 tháng 6 bằng tiếng Tây Ban Nha của các tu sĩ Dòng Tên Mễ Tây Cơ cho biết như trên.

“Chúng tôi tin tưởng rằng những lời chứng về cuộc sống Kitô của các Cha Javier và Joaquín thân yêu của chúng tôi tiếp tục truyền cảm hứng cho những người nam nữ hiến thân phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất. Hãy nghỉ yên trong Chúa.”

Theo Văn phòng Tổng chưởng lý bang Chihuahua, cả hai linh mục đã cố gắng bảo vệ một người tìm cách ẩn náu trong nhà thờ trong khi bị truy đuổi bởi ít nhất một người đàn ông khác, cả hai đều có vũ khí, tờ El Sol de Mễ Tây Cơ đưa tin. Kẻ săn đuổi đã bắn chết cả ba người.

Cha Luis Gerardo Moro Madrid, Giám tỉnh Dòng Tên Mễ Tây Cơ, lên án vụ giết người và cho biết tỉnh dòng đang “làm việc với chính quyền liên bang và tiểu bang để bảo đảm an toàn” cho hai linh mục còn lại của giáo xứ.

Các tu sĩ Dòng Tên đã đưa ra yêu cầu rằng “tất cả các biện pháp bảo vệ phải được áp dụng ngay lập tức để bảo vệ cuộc sống của các Cha Dòng Tên, giáo dân của chúng tôi và toàn bộ cộng đồng Cerocahui.”

Khi được hỏi về tội ác của El Sol de Mễ Tây Cơ, Tổng thống Mễ Tây Cơ Andrés Manuel López Obrador cho biết rằng một cuộc điều tra đang được tiến hành.

Khu vực xảy ra các vụ giết người là dân bản địa Tarahumara, những người nổi tiếng về kỹ năng chạy bộ của họ. Khu vực này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tội phạm có tổ chức liên quan đến ma túy trong nhiều năm, và các tu sĩ Dòng Tên ghi nhận và bày tỏ tình đoàn kết với nỗi đau mà những người mà các ngài phục vụ đang phải trải qua ‘do bạo lực phổ biến’.

“Sierra Tarahumara, giống như nhiều khu vực khác của đất nước, phải đối mặt với tình trạng bạo lực và bị bỏ rơi vẫn chưa thể đảo ngược,” tuyên bố của các tu sĩ Dòng Tên cho biết.

“Ngày nào những người đàn ông và các phụ nữ cũng đều bị tước đoạt mạng sống một cách tùy tiện, như ngày nay anh em chúng tôi bị sát hại. Các tu sĩ Dòng Tên ở Mễ Tây Cơ sẽ không im lặng khi đối mặt với thực tế đang làm nhức nhối toàn xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện và hoạt động vì sứ mệnh công lý, hòa giải và hòa bình, thông qua các công việc mục vụ, giáo dục và xã hội của chúng tôi “.

Theo Dòng Tên, Cha Campos Morales sinh ra tại Thành phố Mễ Tây Cơ và được tấn phong năm 1972. Sau nhiều nhiệm vụ mục vụ, cha trở lại Cerocahui vào năm 2019 để làm Bề trên Truyền giáo Dòng Tên; với tư cách là mục tử và Đại diện Mục vụ Bản địa của Giáo phận Tarahumara, và là Cố vấn Khu vực của các Cộng đồng Giáo hội Cơ bản.

Cha Salazar sinh ra ở Monterrey và được thụ phong năm 1971. Từ năm 2000, cha làm Tổng Đại diện tại Chínipas, và sau đó là Đại diện Hợp tác tại Cerocahui từ năm 2007.

Việc giết hại các linh mục ở Mễ Tây Cơ đã leo thang trong những năm gần đây. Gần đây nhất, thi thể của Cha José Guadalupe Rivas Saldaña, 57 tuổi, được tìm thấy với dấu hiệu bạo lực ở ngoại ô Tecate, một thành phố nằm ở biên giới với Hoa Kỳ ở bang Baja California của Mễ Tây Cơ.

Người ta ước tính rằng ba năm rưỡi đầu tiên của chính quyền hiện tại của López Obrador là thời kỳ bạo lực nhất được ghi nhận trong lịch sử Mễ Tây Cơ, với hơn 120.000 vụ giết người.
Source:Catholic News Agency
 
Bộ An ninh Nội địa cảnh báo về Đêm Cuồng Nộ sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Quý cha và anh chị em hãy cẩn thận
Đặng Tự Do
19:43 24/06/2022
Các nhà thờ Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ đã được cảnh báo về một mối đe dọa thực tiễn liên quan đến các hành động “bạo lực cực đoan” sau quyết định của Tòa án Tối cao.

Bộ An ninh Nội địa, gọi tắt là DHS, đã cảnh báo các giáo phận Công Giáo về mối đe dọa “bạo lực cực đoan” đối với các nhà thờ sau quyết định của Tòa án Tối cao về việc lật lại quyết định Roe chống Wade năm 1973.

Tài liệu DHS, được gọi là “bản ghi nhớ khẩn cấp”, được Newsweek đăng tải sau khi được gửi đến tất cả các Giáo phận Công Giáo Hoa Kỳ. Newsweek báo cáo rằng DHS đã cảnh báo về các “Đêm cuồng nộ” đã được lên kế hoạch nếu tòa án ra phán quyết bác bỏ phán quyết Roe chống Wade. Hiện các nhà thờ đang chuẩn bị cho những phản ứng dữ dội có thể xảy ra.

Bản ghi nhớ

Theo bản ghi nhớ, điệp viên của DHS Jesse Rangel lần đầu tiên cảnh báo Giáo phận Stockton, California, sau khi phát hiện ra tuyên ngôn từ một “nhóm cực đoan” đe dọa tấn công các nhà thờ. DHS cảnh báo rằng những cuộc tấn công này có thể diễn ra trên khắp đất nước và nhóm này đã kêu gọi những hành vi như vậy bắt đầu lúc 8 giờ tối vào đêm có Quyết định của Tòa án Tối cao.

Bản ghi nhớ không xác định nhóm nào đã thực hiện các mối đe dọa, nhưng nó mô tả chúng là “các nhóm lớn với các tiểu tổ trên toàn quốc.” Các tiểu tổ này được cho là đã “bao bọc” các giáo xứ để lập kế hoạch và điều phối các cuộc tấn công tốt hơn. Bản ghi nhớ đề nghị các nhà thờ phải chuẩn bị tinh thần trước khả năng bị tấn công.

Bản ghi nhớ cho biết tiếp rằng: “Hãy chắc chắn rằng bạn luôn có sẵn các biện pháp bảo vệ và an ninh trong suốt thời gian thực hiện các cử hành của mình và có thể xác định ai trong số các tình nguyện viên và giáo dân của bạn là người thực thi pháp luật. Hoạt động đáng ngờ sẽ bao gồm một người nào đó đặt những câu hỏi không đúng chỗ như giờ nào có thánh lễ đông nhất? Cửa có luôn mở không? Các bạn có camera an ninh không?. Hãy tìm kiếm xung quanh tài sản của nhà thờ, những người biểu tình và những xáo trộn chung.”

Ở Washington, DC, các nhà chức trách đã nhận thấy một lời kêu gọi tương tự cho một “đêm thịnh nộ” dưới hình thức các tờ rơi dán tại các địa điểm công cộng. Được gọi là là “lời kêu gọi hành động”, những tờ quảng cáo này hướng người đọc đến “đường phố” và nhắc họ rằng “bạn đã nói rằng bạn sẽ bạo loạn”. Được ký tên bởi “Jane's Revenge”, những khẩu hiệu này đã được dán ở nhiều trung tâm trợ giúp thai nghén và các nhà thờ bị tấn công trong những tuần gần đây:

“Đối với những kẻ áp bức chúng tôi: Nếu phá thai không an toàn, thì bạn cũng không.”

FBI vẫn đang trong quá trình điều tra các cuộc tấn công vào các nhà thờ và các tổ chức ủng hộ sự sống trong những tuần gần đây có liên quan đến nhóm Jane's Revenge. Nhóm này, có biệt danh được lấy từ “Jane Roe” ẩn danh của Roe trong vụ Roe kiện Wade. Nhóm này đã đánh bom một trung tâm trợ giúp mang thai ở Wisconsin và có liên quan đến các sự việc tại các địa điểm tương tự ở New York, North Carolina, Washington, Wisconsin, Ohio, Maryland, Đặc khu Columbia và Iowa.

Quý cha và anh chị em hãy đề phòng. FBI hoàn toàn có khả năng bắt hết nhóm Jane's Revenge trong một thời gian ngắn. Những ai cho rằng họ không thể bắt được nhóm này đánh giá quá thấp khả năng gián điệp của Hoa Kỳ. Họ có thể bắt hay bắn chết các thành phần khủng bố ở các quốc gia khác, làm sao họ lại không có khả năng tóm được nhóm Jane's Revenge hoạt động ồn ào ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Vấn đề là họ không muốn bắt vì Jane's Revenge là đồng minh chiến lược của ông Joe Biden, là kẻ đã gọi ý kiến của Tối Cao Pháp Viện là “một sai lầm bi thảm”.
Source:Aleteia
 
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đảo ngược phán quyết Roe v. Wade
Vũ Văn An
19:56 24/06/2022

Theo tin của John Burger trên tạp chí Aleteia, năm trong số chín thẩm phán bỏ phiếu để trả lại vấn đề phá thai cho diễn trình lập pháp của tiểu bang, nơi mà nó đã hiện hữu cho đến gần 50 năm trước. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bác bỏ cơ cấu pháp lý liên quan đến phá thai vốn là nguồn gốc của sự chia rẽ sâu sắc trong giới chính trị Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua.



Sáu trong số chín thẩm phán, bao gồm cả Chánh án John G. Roberts, đã bỏ phiếu ủng hộ Đạo luật Gestational Age Act (thai kỳ) của Mississippi, cấm phá thai sau khi thai nhi được 15 tuần - sớm hơn nhiều so với mốc 23-28 tuần đã được đặt ra bởi hai tiền lệ về luật phá thai lớn: quyết định năm 1973 trong vụ Roe v. Wade, và vụ án năm 1986 khẳng định Roe, Planned Parenthood of Southeastern Pennsylvania v. Casey.

Cả Roe lẫn Casey, trong ý kiến đa số do Thẩm phán Samuel A. Alito Jr. soạn thảo, đều bị tòa bác bỏ.

Tòa nói, "Chúng tôi cho rằng RoeCasey phải bị đảo ngược. Hiến pháp không đề cập đến việc phá thai và không có quyền nào như vậy được bảo vệ một cách hoàn toàn bởi bất cứ điều khoản hiến pháp nào, kể cả điều khoản mà những người bảo vệ RoeCasey hiện nay chủ yếu dựa vào - Điều khoản về Diễn trình Phải có của Tu chính án Thứ mười bốn.”

Trong một ý kiến đồng tình, Thẩm phán Clarence Thomas gọi RoeCasey là “hai trong số các phán quyết về bản chất diễn trình phải có ‘nổi tiếng là không chính xác nhất’ của Tòa án này” phát sinh “sau hơn 63 triệu ca phá thai đã được thực hiện”.

Tuy nhiên, Chánh án Roberts, trong một ý kiến riêng, nói rằng ông sẽ không đi xa bằng việc đảo ngược RoeCasey.

Roberts viết: “Tôi sẽ theo một tiến trình chừng mực hơn. Tôi đồng ý với Tòa án rằng ranh giới có thể sống sót được [viability] do RoeCasey thiết lập nên bị loại bỏ dưới sự phân tích tiền lệ một cách thẳng thắn. Ranh giới đó không bao giờ có ý nghĩa. Các tiền lệ về phá thai của chúng ta mô tả quyền đang được đề cập như quyền của phụ nữ được lựa chọn chấm dứt thai kỳ của mình. Do đó, quyền đó nên mở rộng đủ để bảo đảm cơ hội hợp lý để lựa chọn, nhưng không cần mở rộng thêm nữa - chắc chắn không phải là đến tận lúc thai nhi có thể sống sót được. Luật của Mississippi cho phép một người phụ nữ sau ba tháng được phá thai, vượt xa thời điểm mà việc phát hiện mang thai được coi là 'muộn'. (thai kỳ có thể phát hiện được và thường được phát hiện khi thai kỳ được sáu tuần). Tôi không thấy cơ sở nào để nghi vấn tính thỏa đáng của cơ hội đó. … Chắc chắn chúng ta nên tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc hạn chế pháp lý ở đây, khi con đường rộng hơn mà Tòa án lựa chọn bao hàm việc bác bỏ quyền hiến định mà chúng ta không những đã công nhận trước đây mà còn khẳng định lại một cách rõ ràng việc áp dụng học thuyết về tiền lệ. Ý kiến của Tòa án là có suy tư và thấu đáo, nhưng những đức tính này không thể bù đắp được sự kiện này là phán quyết đầy kịch tính và gây hậu quả của tòa là điều không cần thiết để quyết định vụ án có trước chúng ta. "

Nhưng theo ý kiến đa số, tòa cho rằng "cuộc xét duyệt dựa trên cơ sở hợp lý" - nhằm xác định xem một luật có "liên quan hợp lý" đến lợi ích "hợp pháp" của chính phủ hay không - sẽ là tiêu chuẩn để đánh giá các quy định về phá thai của tiểu bang khi chúng chịu các thách thức hiến định.

Tòa nói rằng, “Một luật quy định về phá thai, giống như các luật khác về sức khỏe và phúc lợi, có quyền giả định mạnh về tính hiệu lực. Nó phải được duy trì nếu có cơ sở hợp lý mà cơ quan lập pháp có thể nghĩ rằng nó sẽ phục vụ lợi ích hợp pháp của nhà nước."

Những lợi ích đó bao gồm việc “tôn trọng và bảo tồn cuộc sống trước khi sinh ở tất cả các giai đoạn phát triển; bảo vệ sức khỏe và an toàn của bà mẹ; loại bỏ các thủ tục y tế đặc biệt khủng khiếp hoặc man rợ; duy trì sự liêm chính của nghề y; giảm nhẹ cơn đau của thai nhi; và ngăn ngừa sự phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc, giới tính hoặc khuyết tật.”

Phán quyết ngày 24 tháng 6, một phán quyết được mong đợi nhất từ Tối cao Pháp viện trong nhiều năm, theo sau các tranh luận miệng ngày 1 tháng 12 và một năm hoạt động đầy ấn tượng ở cấp tiểu bang. Nhiều tiểu bang, dường như được khuyến khích bởi đa số bảo thủ ở tòa án sau khi Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm ba thẩm phán mới, đã thông qua luật phá thai rõ ràng không vượt qua quy định hợp hiến với các tiền lệ RoeCasey. Tòa án cấp cao cũng vào cuộc để cố gắng giải quyết tranh chấp về việc hạn chế phá thai của Texas, giống như các tiểu bang khác, cấm hủy thai khi phát hiện được nhịp tim của thai nhi (khi thai nhi được khoảng sáu tuần), nhưng cũng bao gồm một điều khoản cho phép công dân bình thường khởi kiện bác sĩ đã thực hiện phá thai.

Đa số ý kiến, trong đó Roberts, Thomas, Amy Coney Barrett, Brett M. Kavanaugh, và Neil M. Gorsuch đồng tình – hơi khác so với bản thảo mà Alito đã phổ biến giữa các đồng nghiệp của ông vào đầu tháng Hai và bị rò rỉ cho báo chí vào đầu tháng Năm. Theo Chánh án Roberts, vụ rò rỉ, một sự vi phạm và bất thường nghiêm trọng đối với quy định của tòa án, đang được điều tra. Không có thông báo nào được công bố về bất cứ phát hiện nào trong cuộc điều tra này. Nhiều nhà quan sát suy đoán rằng kẻ rò rỉ hoặc những kẻ rò rỉ hy vọng bằng cách nào đó việc này có thể gây ra sự tức giận đến mức một số thẩm phán bảo thủ có thể thay đổi ý định về việc lật ngược Roe.

Mặc dù chiến thuật đó không thành công, nhưng nó đã có tác động phụ: phá hoại từ một số cá nhân cực đoan ủng hộ việc phá thai hoặc các trung tâm và giáo hội phò sinh, một âm mưu ám sát chống lại một trong những thẩm phán bảo thủ và mối đe dọa của "Ngày Phẫn nộ” (Days of Rage) nếu Roe bị đảo ngược.

Tuy nhiên, cộng đồng phò sinh bày tỏ lòng biết ơn khi một bước - từng được cho là gần như không thể đạt được - đã được thực hiện. Nhưng họ nhìn nhận rằng đây mới chỉ là - một bước - và không phải là việc kết thúc phá thai. Phán quyết Dobbs không tự động hủy bỏ quyền phá thai ở Hoa Kỳ. Nó cho phép các tiểu bang làm như vậy, nhưng nhiều tiểu bang không làm. Trên thực tế, một số cơ quan lập pháp tiểu bang đã thông qua luật tăng cường tính hợp pháp của việc phá thai và thậm chí mở rộng nó.

Nhưng trong khoảng thời gian trước phán quyết của tuần này, nhiều tiểu bang đã lựa chọn bảo vệ quyền của những đứa trẻ chưa chào đời trước đây dễ bị phá thai. Luật của Mississippi tự do hơn luật của Texas và các tiểu bang khác đã thông qua các dự luật về nhịp tim của thai nhi. Một số tiểu bang thậm chí còn bỏ phiếu cấm phá thai ngay từ khi thụ thai.

Jeanne Mancini, chủ tịch của Diễn hành Phò Sự sống (March for Life), cho biết: “Hôm nay, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra một trong những phán quyết đáng vinh dự nhất của họ trong nhiều thập niên, đồng thời sửa chữa một trong những kỷ nguyên đen tối nhất trong lịch sử quốc gia của chúng ta. Năm 1973, phán quyết của Tối cao Pháp viện trong vụ Roe v. Wade đã loại bỏ các luật của tiểu bang bảo vệ sự sống dựa trên lý luận thiếu sót rằng bất cứ luật nào hạn chế quyền tiếp cận phá thai trước khi đứa trẻ chưa sinh ‘có khả năng sống sót’ đều vi hiến. … Tất cả điều này hiện đang thay đổi.”

Tổ chức Hoa kỳ Thống nhất Phò sinh (American United for Life) tuyên bố, “Với quyết định hôm nay, Tối cao Pháp viện đã sửa chữa những sai lầm lịch sử của mình đối với Roe, Casey và luật pháp sau đó, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà lập pháp Mỹ một lần nữa duy trì quyền sống của con người”.

Theo một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ và Tổng Giám mục William E. Lori của Baltimore, chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, “Đây là một ngày lịch sử trong cuộc đời của đất nước chúng ta, một ngày khiến chúng ta suy nghĩ, cảm xúc và cầu nguyện. Trong gần 50 năm, nước Mỹ đã thực thi một luật bất công cho phép một số người quyết định liệu những người khác có thể sống hay chết; Chính sách này đã dẫn đến cái chết của hàng chục triệu trẻ sơ sinh, những thế hệ bị từ chối quyền được sinh ra".

Các giám mục nói: “Hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa vì Tòa án đã đảo ngược phán quyết này. Chúng ta cầu nguyện để các viên chức dân cử của chúng ta bây giờ ban hành các luật lệ và chính sách thúc đẩy và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta".

Các Đức Tổng Giám Mục Gomez và Lori nói tiếp, “Bây giờ là lúc bắt đầu công việc xây dựng một nước Mỹ hậu Roe. Đó là thời gian để chữa lành vết thương và sửa chữa những chia rẽ xã hội; đó là thời gian để suy tư theo lý lẽ và đối thoại dân sự, đồng thời cùng nhau xây dựng một xã hội và nền kinh tế hỗ trợ hôn nhân và gia đình, và trong đó mọi phụ nữ đều có sự hỗ trợ và nguồn lực cần thiết để đưa con mình đến với thế giới này trong tình yêu thương."

"Quyền tư pháp thô"

Trong ý kiến của mình, Alito đã dẫn lời cựu Thẩm phán Tối cao Pháp viện Byron White từ ý kiến bất đồng của ông trong phán quyết Roe năm 1973, gọi đó là “việc thực thi quyền tư pháp thô”. Alito nói, Roe đã “châm ngòi cho một cuộc tranh cãi quốc gia đã làm ô nhiễm nền văn hóa chính trị của chúng ta trong nửa thế kỷ qua”.

Ngay cả phán quyết Casey, ủng hộ Roe trên cơ sở tiền lệ (stare decisis), "đã loại bỏ kế hoạch ba tháng của Roe," Alito nói như thế khi đề cập đến đòi hỏi của Roe rằng được phép phá thai trong hai quý đầu của thai kỳ, khi một bào thai được cho là chưa có thể tự sống sót ngoài bụng mẹ. Ông nói, Casey "đã thay thế một quy tắc mới có nguồn gốc không chắc chắn, theo đó các tiểu bang bị cấm áp dụng bất cứ quy định nào đặt "gánh nặng quá mức" lên quyền phá thai của một phụ nữ."

Alito viết cho ý kiến đa số, “Chúng ta cho rằng RoeCasey phải bị đảo ngược. Hiến pháp không đề cập đến việc phá thai và không có quyền nào như vậy được bảo vệ một cách mặc nhiên bởi bất cứ điều khoản hiến pháp nào, kể cả điều khoản mà những người bảo vệ RoeCasey hiện đang dựa vào - Điều khoản về Diễn trình Phải có của Tu chính án Thứ mười bốn. Điều khoản đó đã được duy trì để bảo đảm một số quyền không được đề cập trong Hiến pháp, nhưng bất cứ quyền nào như vậy phải 'bắt rễ sâu trong lịch sử và truyền thống của Quốc gia này' và 'mặc nhiên trong khái niệm tự do có trật tự, "Alito viết như thế trong khi trích dẫn Washington v. Glucksberg liên quan đến việc tự tử được bác sĩ hỗ trợ. “Quyền phá thai không thuộc loại này. Cho đến cuối thế kỷ 20, quyền như vậy hoàn toàn không được biết đến trong luật pháp Hoa Kỳ. Thật vậy, khi Tu chính án thứ mười bốn được thông qua, 3/4 Hoa Kỳ đã coi việc phá thai là một tội ác ở tất cả các giai đoạn của thai kỳ”.

Ông nói, phá thai về cơ bản khác với các quyền khác mà tòa án đã công nhận như bảo vệ tự do, bởi vì phá thai phá hủy điều mà RoeCasey gọi là “sự sống của thai nhi”.

Tiền lệ

Rất nhiều tranh luận bằng miệng trong vụ Dobbs tập chú vào phán quyết tiền lệ - nguyên tắc qua đó các thẩm phán bị ràng buộc vào tiền lệ (do cụm từ tiếng Latinh có nghĩa là “đứng trong-những-điều-đã-được phán quyết”). Trong khi một số người cho rằng đó là lý do chính đáng để ủng hộ RoeCasey, Alito viết rằng “điều đó không bắt buộc phải tuân thủ lâu dài hành vi lạm dụng quyền tư pháp của Roe”.

Alito viết, “Roe đã sai lầm nghiêm trọng ngay từ đầu. Lý luận của nó đặc biệt yếu, và phán quyết đã gây ra những hậu quả tai hại”.

Ông viết thêm: “Đã đến lúc phải lưu ý đến Hiến pháp và trả lại vấn đề phá thai cho các đại biểu dân cử của nhân dân”.

Mặc dù tiền lệ là quan trọng - bảo vệ lợi ích của những người thực hiện hành động dựa trên quyết định trước đó của tòa án, góp phần vào tính toàn vẹn thực tế và được nhận thức của diễn trình pháp lý, v.v. - thực tế có khá nhiều tiền lệ đã bị bỏ qua vì chúng đã bị phán quyết sai lầm, vụ tai tiếng nhất là vụ Plessy v. Ferguson, vụ án thế kỷ 19 đề cao tính hợp hiến của phân biệt chủng tộc dựa trên cơ sở học thuyết “tách biệt nhưng bình đẳng”.

Ý kiến nói rằng trong Dobbs, “5 yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc đảo ngược RoeCasey: bản chất sai của chúng, phẩm chất lý luận của chúng, 'khả năng thực thi' của các quy tắc mà chúng áp đặt lên đất nước, tác động phá hủy của chúng đối với những lĩnh vực khác của luật pháp, và thiếu sự đáng tin cậy cụ thể."

Tòa cho biết, Roe đã tìm thấy một cách sai lầm quyền phá thai trong Hiến pháp dựa trên quyền riêng tư viển vông. Và Casey đã ủng hộ nó dựa trên sự bảo đảm quyền tự do của Tu chính án thứ mười bốn. Tòa khẳng định những gì Byron White đã kết luận trong bất đồng ý kiến của ông đối với Roe - rằng quyền được cho là phá thai không hề "bắt nguồn sâu xa" trong lịch sử hoặc truyền thống của Hoa Kỳ, vì, trước Roe, hầu hết các tiểu bang đã đặt nó ngoài vòng pháp luật - hoặc ít nhất là hạn chế nó một cách nghiêm ngặt.

Roe đã xây dựng một bộ quy tắc quy định việc phá thai theo tam cá nguyệt. Ý kiến cho biết, “Tòa ít cố gắng trong việc giải thích làm thế nào những quy tắc này có thể được suy luận từ bất cứ nguồn nào trên đó các phán quyết hợp hiến thường dựa vào”

Casey ủng hộ Roe bằng cách viện dẫn các trường hợp khác liên quan đến tầm quan trọng của quyền tự chủ cá nhân (chẳng hạn như quyền kết hôn với những người thuộc chủng tộc khác), tòa án cho biết như thế, đồng thời cho biết thêm rằng trong các tranh luận bằng miệng ngày 1 tháng 12, Tổng luật sư Hoa Kỳ và Trung tâm Quyền sinh sản được trích dẫn như nhau các trường hợp hậu Casey như phán quyết Obergefell cho phép hôn nhân đồng tính. Nhưng tòa cho biết, phá thai thì khác, không có trường hợp nào khác được trích dẫn liên quan đến việc lấy đi mạng sống của một con người.

Ý kiến này nhắm vào khái niệm khả năng sống sót ngoài bụng mẹ, điểm mà tại đó Roe cho biết các quốc gia có thể cấm phá thai.

Y kiến đặt câu hỏi, "Định nghĩa về một bào thai ‘có thể sống sót’ là một bào thai có khả năng sống sót bên ngoài tử cung, nhưng tại sao điểm này lại là điểm tại đó quyền lợi của Nhà nước trở nên có tính bó buộc. Như Roe vốn chủ trương, nếu lợi ích của Nhà nước trong việc bảo vệ sự sống trước khi sinh là điều bó buộc ‘sau khả năng sống sót’, thì tại sao mối quan tâm đó không bó buộc như nhau trước khả năng sống sót? Roe không nói gì, và không có lời giải thích nào rõ ràng. "

Tòa cho biết khả năng sống sót một phần phụ thuộc vào các yếu tố như tiến bộ y tế và chất lượng chăm sóc dành cho phụ nữ ở bệnh viện thành phố lớn chứ không phải cơ sở y tế nông thôn. Ý kiến thắc mắc, “Nếu khả năng sống sót được dùng để đánh dấu đường ranh có ý nghĩa đạo đức phổ quát, thì có thể nào một bào thai sống sót được ở một thành phố lớn của Hoa Kỳ có một tư thế đạo đức ưu tuyển hơn mà một thai nhi giống hệt như thế ở một vùng sâu vùng xa của một đất nước nghèo không được hưởng?”

Casey đã thay thế kế hoạch tam cá nguyệt của Roe bằng một trắc nghiệm “gánh nặng không đáng có”. Trường Luật Cornell giải thích rằng một gánh nặng không đáng có nảy sinh “nếu mục đích hoặc hiệu quả của việc tiểu bang hạn chế việc phá thai đã đặt ra một trở ngại đáng kể lên một người đang tìm cách phá một thai nhi không thể sống sót.” Tuy nhiên, ý kiến Dobbs cho biết, “cơ sở của trắc nghiệm này tối nghĩa. … Trắc nghiệm này đầy những mơ hồ và khó áp dụng”.

Tòa kết luận, "Hiến pháp không cấm công dân của mỗi tiểu bang quy định hoặc cấm phá thai. Roe và Casey đã loại bỏ quyền đó. Bây giờ chúng tôi đảo ngược các phán quyết đó và trả lại quyền đó cho người dân và các đại diện được bầu của họ”.

Bản tin này đã được cập nhật
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước phán quyết lịch sử của Tối Cao Pháp Viện
J.B. Đặng Minh An dịch
21:40 24/06/2022
Để đáp lại việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ra phán quyết bác bỏ phán quyết Roe chống Wade năm 1973, Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của USCCB đã đưa ra tuyên bố sau:

“Đây là một ngày lịch sử trong cuộc đời của đất nước chúng ta, một ngày làm xúc động những suy nghĩ, cảm xúc và những lời cầu nguyện của chúng ta. Trong gần năm mươi năm, Hoa Kỳ đã thực thi một luật bất công cho phép một số người quyết định xem những người khác có thể sống hay chết. Chính sách này đã dẫn đến cái chết của hàng chục triệu trẻ sơ sinh, những thế hệ bị từ chối quyền được sinh ra”.

“Nước Mỹ được thành lập dựa trên sự thật rằng tất cả nam giới và phụ nữ đều được tạo ra bình đẳng, với các quyền được Chúa ban cho cuộc sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Sự thật này đã bị phủ nhận một cách đau buồn bởi phán quyết Roe kiện Wade của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, là phán quyết đã hợp pháp hóa và bình thường hóa việc lấy đi mạng người vô tội. Hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa vì Tòa án đã lật lại quyết định này. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho các quan chức được bầu của chúng ta bây giờ sẽ ban hành luật và chính sách thúc đẩy và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta”.

“Suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi là với những đứa trẻ nhỏ bé đã bị cướp đi mạng sống kể từ năm 1973. Chúng tôi thương tiếc sự mất mát của họ, và chúng tôi giao phó linh hồn của họ cho Chúa, Đấng đã yêu thương họ từ trước đó và sẽ yêu thương họ đến muôn đời. Trái tim của chúng tôi cũng ở với mọi phụ nữ và nam giới đã phải chịu đựng đau buồn vì phá thai; chúng tôi cầu nguyện cho sự chữa lành của họ, và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục cảm thông và hỗ trợ. Với tư cách là một Giáo hội, chúng ta cần phục vụ những người gặp khó khăn trong việc mang thai và bao bọc họ bằng tình yêu thương.”

“Quyết định của ngày hôm nay cũng là kết quả của những lời cầu nguyện, sự hy sinh và ủng hộ của vô số người Mỹ bình thường từ mọi nẻo đường cuộc sống. Trong những năm dài này, hàng triệu đồng bào của chúng ta đã làm việc cùng nhau một cách hòa bình để giáo dục và thuyết phục những người hàng xóm của họ về sự bất công của việc phá thai, cung cấp dịch vụ chăm sóc và tư vấn cho phụ nữ, và hoạt động cho các biện pháp thay thế cho việc phá thai, bao gồm nhận con nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng và các chính sách công hỗ trợ thực sự cho các gia đình. Chúng tôi chia sẻ niềm vui của họ ngày hôm nay và chúng tôi biết ơn họ. Công việc của họ vì sự sống phản ánh tất cả những gì tốt đẹp trong nền dân chủ của chúng ta và phong trào ủng hộ cuộc sống xứng đáng được xếp vào số những phong trào vĩ đại nhằm thay đổi xã hội và dân quyền trong lịch sử dân tộc chúng ta.”

“Bây giờ là lúc bắt đầu công việc xây dựng một nước Mỹ thời hậu Roe. Đó là thời gian để chữa lành vết thương và sửa chữa những chia rẽ xã hội; đó là thời gian để suy tư một cách có lý trí và đối thoại dân sự, đồng thời cùng nhau xây dựng một xã hội và một nền kinh tế hỗ trợ hôn nhân và gia đình, đồng thời là nơi mọi phụ nữ có sự hỗ trợ và nguồn lực cần thiết để đưa con mình đến với thế giới này trong tình yêu thương.”

“Với tư cách là những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi cam kết tiếp tục phục vụ kế hoạch tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho con người, và hợp tác với đồng bào của chúng ta để thực hiện lời hứa của Hoa Kỳ là bảo đảm quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người.”
Source:USCCB
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục Tại Giáo Phận Đà Nẵng Năm 2022
Tôma Trương Văn Ân
08:02 24/06/2022
Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục Tại Giáo Phận Đà Nẵng Năm 2022

Lúc 08g00, thứ Sáu, ngày 24 tháng 6 năm 2022, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Bổn mạng Giáo phận. Tại Nhà thờ Giáo xứ An Ngãi, Thôn An Ngãi Tây 2, Xã Hòa Sơn, Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận, đã chủ sự Thánh lễ truyền chức Linh mục cho 03 thầy Phó tế:

Xem Hình Truyền Chức LM

Thầy Gioan Boscô VŨ SỸ SƠN, thuộc Giáo xứ Phú Thượng.

Thầy Phêrô NGUYỄN LONG, thuộc Giáo xứ Thuận Yên.

Thầy Martinô Porres PHAN VĂN LUẬN, thuộc Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc.

Cùng đồng tế có Cha Bonaventura Mai Thái- Tổng Đại diện Giáo phận Đà Nẵng; Cha Phaolô Maria Trần Quốc Việt – Đại diện Giám mục; Cha Giuse Hồ Thứ- Giám đốc Đại Chủng viện Xuân Bích- Huế; Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy – Giám đốc Đại Chủng viện Assumption, San Antonio, Texas do Hội Xuân Bích Hoa Kỳ và Tổng Giáo Phận San Antonio; Cha Phó Tổng Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc; quí Cha tại Giáo phận Đà Nẵng và nhiều Giáo phận khác.

Lời huấn dụ trong nghi thức phong chức Linh mục, Đức Giám Mục nhắn nhủ Công đoàn phụng vụ về tình yêu Thánh tâm Chúa Giê-su, và con người tìm được sự ủi an và lòng thương xót của Thiên Chúa. Cách riêng, Đức Giám Mục huấn dụ các tiến chức về: sứ vụ giảng huấn

Nghĩa là truyền đạt, diễn giảng Lời Chúa. Linh mục phải chuyên chăm học hỏi, nghiên cứu tài liệu chính thống của Giáo Hội, chuyên cần suy gẫm và lấy Lời Chúa làm sức sống, làm kim chỉ nam cho cuộc sống, “ tin điều mình đọc, dạy điều mình tin, thực hành điều mình dạy”. Đồng thời hướng dẫn cho người giáo dân cách sống và áp dụng Lời Chúa vào đời sống hằng ngày của họ.

Sứ vụ thánh hóa

Thánh hóa các tâm hồn trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, nhất là qua bí tích Thánh Thể. Đức cha Giuse nhắc các tiến chức: “hằng ngày khi dâng thánh lễ trên bàn thờ, các con hãy ý thức việc các con làm, noi theo điều các con thực hiện, nghĩa là cùng chết với Chúa Kitô, khi các con từ bỏ nết xấu và tội lỗi, chế ngự con người xác thịt để cùng sống lại với Chúa Kitô trong một cuộc sống mới, cuộc sống trong sạch, thánh thiện và nhân đức

Không tìm kiếm tư lợi, nhưng tìm kiếm ý Chúa

Đức Giám Mục nhắc nhở các tiến chức luôn luôn vui vẻ chu toàn nhiệm vụ của Đức Kitô trong đức mến, không theo thói đời, không tìm tư lợi, nhưng tìm kiếm ý Chúa và cố thực hiện theo ý Chúa

Hứa Vâng phục Đấng Bản quyền

Các tiến chức hứa vâng phục Đức Giám Mục và những Người kế vị Ngài, Linh mục Dòng hứa vâng phục Bề trên hợp pháp của Dòng. Các tiến chức còn hứa hiệp nhất với linh mục đoàn, liên kết và hòa giải dân Chúa, trở thành điểm nối kết Dân Thiên Chúa.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Phanxicô xavie Nguyễn Đông Nhật, Phó Chánh văn phòng Tòa Giám mục đã công bố Thư triệu tập Công Nghị Hiệp Hành Giáo phận và tiến tới mừng 60 năm thành lập Giáo phận Đà Nẵng ( 1963-2023), vào ngày thứ sáu, ngày 1 / 7 / 2022 tại Trung tâm mục Giáo phận. Thành phần gồm: tất cả Giáo sĩ của Giáo phận, Đại biểu Hội đồng mục vụ Giáo xứ, Đại Biểu Hội đoàn cấp Giáo phận, Đại diện các Dòng tu tại Giáo phận.

Xin Tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu gìn giữ và thánh hóa Giáo phận, Thánh hóa các Linh mục và mỗi người chúng con.

Tôma Trương Văn Ân

Giáo xứ An Ngãi:

Nhà thờ Giáo xứ An Ngãi được Đức Cha Giuse Giám mục Giáo phận Chủ sự Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Ngày 3 / 11 / 2016. Và vừa mới khánh thành hôm ngày 11 / 2 / 2022.

Nhà thờ với 2 tháp chuông cao vút, những hoa văn cầu kỳ nhưng mềm mại uyển chuyển, vừa mang nét uy nghiêm cổ kính, vừa mang bóng dáng tân kỳ hiện đại.

Giáo xứ An Ngãi, xưa gọi là Bàu Nghè, là một trong những Cộng đoàn Tín hữu Công Giáo thời kỳ đầu của Giáo Hội Việt Nam. Từ 26 / 1 / 1670 đã có Linh mục Hainques, một vị thừa sai thuộc Hội Truyền Giáo Paris, phụ trách Giáo xứ Hội An, đã đến làm mục vụ giúp giáo dân Bàu Nghè.

Năm 1678, Bàu Nghè có 4 nhà thờ, với 4 cộng đoàn riêng, với số giáo dân trên 8.000. Cha Le Noir được bổ nhiệm làm quản xứ đầu tiên Giáo xứ Bàu Nghè, phụ trách luôn cả 3 giáo xứ kia.

Hiện nay Giáo xứ An Ngãi có 4559 Giáo dân, nhận Thánh hiệu “Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ” làm Bổn mạng, Cha Phao-lô Đoàn Quang Dân - Quản xứ và Cha An-tôn Đinh Văn Long – Phụ tá.

Tôma Trương Văn Ân
 
Bổn Mạng Phong Trào Cursillo TGP Sydney.
Diệp Hải Dung
22:16 24/06/2022
Bổn Mạng Phong Trào Cursillo TGP Sydney.

Tối thứ Sáu 24/06/2022 các anh chị em thành viên Phong Trào Cursillo ngành Việt Nam tại Sydney đã đến hội trường Nhà Thờ St. Luke Revesby tham dự Lễ mừng kính Thánh Tông Đồ Phaolô là Quan Thầy của Phong Trào và đồng thời ra mắt Tân Ban Chấp Hành Phong Trào niên khóa 2022 – 2025.

Xem Hình

Trước khi cử hành Thánh Lễ Văn Phòng Điều Hành cung nghinh di ảnh Thánh Phaolô Tông đồ rước lên bàn thờ và Cha Linh hướng Paul Văn Chi ngỏ lời chúc mừng bổn mạng, sau đó ngài và Cha Phêrô Trần Văn Trợ cùng hiệp dâng Thánh Lễ. ngoài ra còn có sự hiện diện của Cha Phêrô Hoàng Minh Tân.

Sau bài giảng anh Phạm Ngọc Huynh Tân Chủ tịch Phong Trào Cursillo TGP Sydney giới thiệu ra mắt Tân Ban Chấp Hành gồm:

Chủ tịch: Anh Giuse Phạm Ngọc Huynh

Phó Nội Vụ: Anh Giuse Trần Văn Hòa

Phó Ngoại Vụ: Chị Maria Nguyễn Thị Nguyệt

Thư Ký: Chị Maria Trần Thị Thanh Huyền

Thủ Quỹ: Chị Maria Đinh Túy Phượng

Và một số anh chị em trong Ban Điều Hành Phong Trào cùng hợp tác phục vụ.

Tân Ban Điều Hành quỳ trước bàn thờ tuyên xưng Đức Tin và Cha Linh Hướng Paul Văn Chi đã ban phép lành cho Tân Ban Điều Hành.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ. anh Mai Phước Thành, Phó Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng của Phong Trào và chúc mừng Tân Ban Chấp Hành nhiệm kỳ 2022 – 2025. Kế tiếp anh Phạm Ngọc Huynh Chủ tịch Phong Trào lên ngỏ lời cám ớn quý Cha quý Sơ và các anh chị em thành viên Cursillo đã đến tham dự mừng kính Lễ Bổn Mạng hôm nay. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria chúc lành phù trì cho Phong Trào luôn tiến triển trong Cộng Đồng.

Thánh Lễ kết thúc, mọi người ở lại dùng bữa liên hoan bổn mạng cuả Phong Trào.

Diệp Hải Dung
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh công trình thiên nhiên
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
07:52 24/06/2022
Hình ảnh công trình thiên nhiên

Mùa Hè thời gian nghỉ ngơi cho gân cốt thể xác cùng tâm trí có lại sức lực niềm vui phấn khởi. Vì sau những tháng ngày tuần lễ trong năm mài miệt mẫn cán làm việc, học hành tập luyện, thể xác cùng tinh thần tâm trí trở nên căng thẳng mệt mỏi tựa như sợi giây đàn kéo căng thẳng đang có chiều hướng chùng giãn ra, hay có thể đứt đoạn, hay như chiếc máy vơi cạn hết xăng dầu nhớt, khí đốt. Và mùa hè thời tiết nóng bức cũng gây ra mệt nhọc mau chẩy đổ mồ hôi, nên làm việc không mang đến hiệu qủa thành tích cao tốt như mong muốn!

Vì thế thể xác cùng tinh thần tâm trí cần có thời gian thư giãn nghỉ dừng lại kín múc năng lượng, để lấy lại đà sức cùng niềm vui phấn khởi cho đời sống làm việc ngày mai.

Có nhiều cách thức nghỉ ngơi bồi dưỡng sức lực trong mùa Hè, tùy theo nhu cầu ý thích của mỗi người, mỗi hoàn cảnh cùng tập tục thói quen đời sống.

Đi vào thưởng thức, khám phá thiên nhiên là cách nghỉ ngơi trong mùa hè không chỉ lành mạnh cho gân cốt thể xác, mà còn mở mang sự hiểu biết cho tâm trí nhiều nữa.

Vậy làm thế nào có thể tìm nhận ra hình ảnh công trình thiên nhiên?

Theo đức tin Kitô giáo, con người chúng ta tìm nhận dấu vết những hình ảnh công trình thiên nhiên do Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, đã tạo dựng nên: “ Từ khởi thủy Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ trời và đất.” ( Sách Sáng Thế, 1,1).

Bài tường thuật đầu tiên trong kinh thánh về công trình sáng tạo với những chi tiết: nước, đất, núi rừng, sông nước đại dương, bầu trời, mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, cây cỏ thảo mộc, các loài thú xúc động vật các thứ loại và sau cùng là con người. ( Sách Sáng Thế 1, 1-31).

Những công trình sáng tạo này là những dấu vết của Đấng Tạo Hóa khắc ghi in dấu vết hình ảnh rõ nét luôn tồn tại trong thiên nhiên từ xưa nay. Vì thế càng đi sâu vào chi tiết tìm hiểu thiên nhiên, càng có nhiều bỡ ngỡ đầy thú vị, khám phá ra những hình ảnh lạ lùng của công trình thiên nhiên. Có thể nói được công trình thiên nhiên luôn ẩn dấu chất chứa những kho tàng bí ẩn to lớn bao la bất tận, mà con người tìm hiểu khám phá từ thế hệ này sang thế hệ khác không sao hết được.

Mỗi loài cây cỏ thảo mộc là một kỳ công lạ lùng. Tuy chúng có chung một tên thảo mộc, nhưng mỗi thứ loại có hình dạng thân thể cành lá hoa trái, mầu sắc đặc thù khác nhau. Chưa hết ở mỗi vùng đất nước vùng miền tuy cùng thứ loại mọc lên, nhưng lại có phát triển khác với loài thảo đồng chủng mọc phát triển ở vùng miền đất nước vũ trụ nơi khác.

Ánh sáng mặt trời, nước mưa và đất là thực phẩm nuôi cho chúng phát triển mọc lớn lên như chúng là, mà Đấng Tạo Hoá đã tạo dựng nên chúng từ thuở ban đầu. Đấng Tạo Hóa đã ký thác phú bẩm vào bản chất nhân lõi của chúng tế bào gốc mầm sự sống, để chúng sinh sôi nẩy nở ra thêm nhiều cây mới, không bị hủy diệt mất giống nòi chủng loại. Trái lại vẫn luôn có sự nối tiếp tồn tại, dù cây gốc theo dòng thời gian năm tháng tàn héo chết đi.

Rồi hình ảnh đa dạng lạ lùng trong thiên nhiên của các loài thú động vật. Khoa nghiên cứu ước tính ra có chừng hơn một triệu thứ chủng loại động vật. Loài động vật lớn nhất có kích thước 30 mét chiều dài và cân nặng hơn một trăm tạ.

Loài động vật nhỏ nhất có kích thước nhỏ li ti chỉ to hơn vài milimét, và bằng mắt thường của con người không thể nhìn thấy chúng được. Rồi mầu da hương sắc bộ y phục của chúng cũng rất đa dạng nhiều mầu sắc, có loài vật mang nhiều mầu sắc khác nhau thay đổi tùy theo tình trạng thời tiết, hoàn cảnh nơi sinh sống…

Trong lòng đại dương những nhà khảo cứu khám phá ra những đàn cá to nhỏ đủ mọi chủng loại có tới hằng trăm ngàn triệu con bơi lội thành từng bầy san sát nhau theo một trật tự lạ lùng. Chúng là nguồn cung cấp thực phẩm thức ăn cho nhau, cùng cho con người. Có những loài cá sống ở dưới nước, nhưng lại có thể bay nhẩy lên cao khỏi mặt nước được, có những lài cá sống sâu tận cả 10.000 mét trong lòng nước ở ngoài đại dương, cùng có khả năng chiếu sáng như một chiếc đèn pin cầm tay có năng lương tỏa sáng.

Rồi trên nền trời có những bầy đàn chim to nhỏ khác nhau, hình dạng mầu lông y phục sặc sỡ muôn mầu khác nhau bay lượn thành đàn thứ tự như những cảnh chiểu trình diễn màn vũ múa rất ngoạn mục hấp dẫn, vừa bay lượn vừa ca hót gọi nhau phát ra những âm thanh tiếng khác nhau vang trời. Chúng thuộc về công trình thiên nhiên.

Đời sống của chúng tô điểm trình bày tạo nên bức tranh hình ảnh rực rỡ sống động cho công trình thiên nhiên. Và cũng vậy, Đấng Tạo Hoá đã ký thác phú bẩm cách lạ lùng vào trong thân thể máu mủ của chúng tế bào gốc mầm sự sống, để giống nòi chủng loại của chúng sinh sôi nẩy nở phát triển thêm lên luôn mãi, nối tiếp không bị cắt đứt chấm dứt từ đời này qua đời khác.

Trong khu vườn thiên nhiên nơi đồng ruộng, nơi vùng thung lũng núi đồi trùng điệp có hằng hà sa số không biết bao nhiêu thứ chủng loại những động vật côn trùng to nhỏ khác nhau, hoặc bò sát dưới mặt đất, hoặc bay lượn nhảy chuyền trong không gian, hoặc sống chạy nhảy sống trong hang động dưới lòng đất, trong lòng khe núi đá, trong lùm gốc cây, làm tổ dưới tùm lá cành cây, chạy nhảy chuyền từ cành cây nhọ sang cành cây khác. Lá cây, rong rêu, phấn hoa là thực phẩm nuôi sống chúng. Và chúng cũng là thực phẩm cho nhau nữa.

Sự cư ngụ sinh sống có mặt của chúng nói lên nơi đó sự sống phát triển thịnh vượng sinh động. Và Đấng Tạo Hoá cũng ghi khắc phú bẩm vào thân thể dòng máu chúng tế bào gốc mầm sống cho sự nẩy nở phát triển không ngừng luôn mãi.

Nơi thân thể mỗi người có một trái tim bằng thịt. Nhưng đó là một kỳ công lạ lùng. Trái tim là trung tâm của sự sống, được ví như một động cơ ( motor) của sức sống. Trái tim ta hằng ngày đập 100.000 lần và bơm luân chuyển đi khắp cùng thân thể tới tận các cơ quan trong người 5.000 lít máu cho thân thể có năng sức hoạt động. Mỗi người có con đường sống trên trần gian dài ngắn tùy như Đấng Tạo Hóa sinh thành ban cho, dù 30, 40, 50,60, 70, 80.,90, hay 100 tuổi đời, nhưng trái tim luôn làm việc hoạt động mẫn cán ngày đêm điều hòa như thế mà không bao giờ phải thay pin năng lượng, hay bơm thêm dầu mỡ gì vào. Điều này vượt qúa tầm mức thành tích hạng bậc nhất tối cao của một cỗ máy về klhoa học kỹ thuật do con người chế tạo làm ra.

Rồi nhìn lên bầu trời hằng ngày mặt trời từ bình mình cho tới chiều tối luôn luôn chiếu sáng. Ban đêm mặt trăng và các vì tinh tú chiếu toả ánh sáng dịu mát trong lành. Và những hành tinh này cũng không bao giờ cần tới pin năng lượng gì để hoạt động từ ngày khởi thủy được Đấng Tạo Hóa dựng nên.

Và với dụng cụ viễn vọng kính tối tân to lớn, xưa nay con người càng ngạc nhiên hơn nữa. Vì luôn còn khám phá ra những dải ngân hà, những hệ thống mặt trời xa diệu vợi khác nữa trong bầu trời vũ trụ bao la không có biên giới cùng tận.

Khoa học khám phá ra trái đất di chuyển xuay vòng quanh mặt trời theo đúng đường qũy đạo, cùng đúng với vận tốc mà Đấng Tạo Hoá đã vạch ra. Có thế con người cùng những loài tạo vật khác trong trái đất không bị sức nóng của mặt trời thiêu cháy, nhưng theo thứ tự tuần hoàn thời giờ của ngày và của năm có đủ số lượng ánh sáng cùng hơi nóng ấm cần thiết cho sự sống, cho phát triển tồn tại. Giả như nếu một vật thể nhỏ li ti thôi đi trật đường ra ngoài vòng qũy đạo này, nó sẽ bị sức nóng mặt trời đốt chảy thiêu hủy không thể sống còn được nữa.

Các nhà khoa học khoa thiên văn đã nghiên cứu đưa ra kết qủa đo lường về khoảng cách giữa trái đất và mặt trời là 150 triệu Kilômét. Một khoảng cách qúa xa dài diệu vợi!

Và còn không biết bao nhiêu sự lạ lùng trong công trình thiên nhiên mà con người từ cổ chí kim chưa hay không sao phám phá ra được. Vì khả năng trí khôn, cùng thời gian sống trên mặt đất của con người có giới hạn, đang khi công trình thiên nhiên bao la không có giới hạn.

Một trật tự hoàn hảo của công trình thiên nhiên, mà con người chúng ta biết đến, dù chỉ là một phần trăm hay góc cạnh nào đó thôi, cũng đã vượt qúa tầm suy hiểu của tâm trí ta. Điều lạ lùng này không thể là ngẫu nhiên. Vì điều gì xảy ra ngẫu nhiên không có trật tự, nhưng là sự chao đảo hỗn loạn.

Trật tự lạ lùng trong vũ trụ công trình thiên nhiên diễn xảy ra từ bao ngàn triệu năm nay, mà con người chúng ta mới chỉ khám phá nhận ra một góc phần, cũng đủ gợi lên trong tâm trí suy nghĩ của chúng ta là phải có một kỹ sư bậc thầy lỗi lạc siêu việt đã làm nên công trình này, người đã tạo dựng làm nên tất cả, và không để dấu vết sự sống, hình dạng khả năng cùng sức mạnh sự nối tiếp tồn tại của các công trình bị biến mất tàn lụi. Trái lại đã ghi khắc tế bào gốc mầm sự sống, hình dạng sức mạnh cho nòi giống chúng phát triển nối tiếp luôn mãi qua mọi dòng thời gian niên đại.

Như người hướng dẫn đoàn người mạo hiểm leo núi đạt tới ngọn đỉnh núi, sau khi đã vượt qua mọi lối đi nhỏ hẹp với những rào cản sườn núi tảng đá chênh vênh gồng ghềnh khó khăn…

Cũng vậy những hình ảnh dấu vết công trình thiên nhiên này dẫn đưa tâm trí hướng đến Vị Kỹ Sư Siêu Việt đó có tên là Thiên Chúa, như Vua Thánh David đã viết lên tâm tư qúa đỗi ngạc nhiên lạ lùng cùng lòng tin chân nhận và cũng là lời ca tụng nguyện cầu:

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,

không trung loan báo việc tay Người làm.” ( Thánh Vịnh 19,2)

Mùa kiết Hạ 2022

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Trận đấu xe tăng đầu tiên Ukraine – Nga. Tin vui giữa thời chinh chiến cho Ukraine, cả nước reo mừng
VietCatholic Media
03:33 24/06/2022


1. Bộ chỉ huy tác chiến 'phía Bắc' xác nhận trận chiến xe tăng đầu tiên đã diễn ra ở vùng Donetsk

Trong chiến tranh hiện đại, các trận đấu giữa các xe tăng rất hiếm khi xảy ra. Các hỏa tiễn cầm tay đã phá hủy các xe tăng trước khi một trận chiến như thế có thể xảy ra. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy tác chiến ở vùng Donetsk cho biết, trong hai ngày 22 và 23 tháng 6, “các trận chiến xe tăng đã diễn ra ở vùng Donetsk: những người điều khiển xe tăng thiện nghệ của chúng tôi đã tấn công xe tăng địch đang cố gắng tiếp cận các vị trí của quân đội Ukraine”.

Các xe tăng của Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 30 đã phá hủy tổng cộng 12 xe tăng Nga.

Các quan sát viên cho rằng cả Nga và Ukraine có lẽ đã cạn kiệt các tài nguyên chiến tranh trong khu vực Donetsk sau những trận đánh dữ dội trong các ngày qua.

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, từ ngày 24 tháng 2 đến hết ngày 23 tháng 6, Lực lượng vũ trang Ukraine đã loại bỏ khoảng 34.430 quân xâm lược Nga và phá hủy 1.504 xe tăng Nga.

Serhai Haidai, thống đốc Luhansk của Ukraine, đã đăng những gì ông mô tả là “một báo cáo buổi tối ngắn” lên Telegram. Ông viết:

Giao tranh vẫn tiếp tục ở mọi hướng. Nhiều công trình phòng thủ đã bị phá hủy trong khu công nghiệp Sievierodonetsk, chúng tôi không loại trừ khả năng phải rút lui đến các vị trí mới, kiên cố hơn.

Lysychansk bị pháo kích nặng nề. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cuộc sống của thành phố… cuộc di tản “lặng lẽ” vẫn tiếp tục - hôm nay chúng tôi di tản được khoảng 40 người.

Có những âu lo rằng trong trường hợp Sievierodonetsk bị chiếm đóng, những người ẩn náu trong các hầm trú ẩn của nhà máy hóa chất Azot sẽ trở thành con tin của quân xâm lược.

Ở những vùng lãnh thổ mới bị chiếm đóng, quân xâm lược Nga đã bắt đầu cái gọi là tiến trình “thanh lọc”. Các nhà hoạt động và những người liên quan đến các vấn đề quân sự đang bị săn lùng, và những người thân của những người đó cũng nằm trong tầm ngắm. Nam giới bị buộc phải tham chiến chống lại Ukraine, hay được sử dụng làm “bia đỡ đạn”

2. Quân đội Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công gần Lysychansk, quân Nga bị tổn thất nặng

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 24 tháng 6, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: “Lực lượng vũ trang Ukraine đã ngăn chặn một cuộc tấn công của quân Nga ở vùng ngoại ô phía nam Lysychansk, gây tổn thất cho quân Nga và buộc chúng phải rút lui”.

“Trên hướng Sievierodonetsk, quân đội Nga sử dụng xe tăng, súng cối và pháo binh bên ngoài các khu định cư Syrotyne, Lysychansk, Sievierodonetsk, Voronove và Myrna Dolyna. Các đơn vị của Quân đoàn 2, với sự hỗ trợ của Vệ binh Quốc gia Nga, đang tổ chức các chiến dịch tấn công nhằm thiết lập toàn quyền kiểm soát Sievierodonetsk. Cuộc giao tranh vẫn tiếp tục.”

“Quân đội Ukraine đã chặn đứng cuộc tấn công về phía ngoại ô phía nam của Lysychansk, gây tổn thất cho đối phương và buộc chúng phải rút lui. Những kẻ xâm lược Nga đang tung thêm vào chiến trường các lực lượng dự bị để tiếp tục cuộc tấn công. Lực lượng phòng thủ Ukraine cũng chặn đứng cuộc tấn công của đối phương gần Borivske.”

Theo đánh giá của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, quân Nga đã tiến hành trinh sát bên ngoài khu định cư Bila Hora, và cũng tiếp tục cuộc tấn công gần khu định cư Rai-Oleksandrivka.

3. Hoa Kỳ công bố gói hỗ trợ an ninh bổ sung 450 triệu đô la cho Ukraine

Tòa Bạch Ốc đã công bố hỗ trợ an ninh bổ sung 450 triệu USD cho Ukraine để bảo đảm việc chuyển giao thêm vũ khí và trang thiết bị cho Lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm hệ thống HIMARS, đạn dược và các thiết bị khác.

Thiếu Tướng John Kirby, Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ về Truyền thông Chiến lược, cho biết: “Hoa Kỳ đã công bố hỗ trợ an ninh trị giá 450 triệu đô la bổ sung cho Ukraine như một phần cam kết của chúng tôi nhằm giúp Ukraine bảo vệ nền dân chủ của mình trước sự xâm lược vô cớ của Nga”

Theo Tướng Kirby, gói mới chứa “vũ khí và thiết bị, bao gồm Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao mới, hàng chục nghìn viên đạn bổ sung cho các hệ thống pháo đã được cung cấp và các tàu tuần tra.”

Theo ghi nhận, đây là lần thứ 13 Tổng thống Mỹ Biden ủy quyền gói rút vốn của Tổng thống trong thời kỳ chiến tranh, nâng tổng số tiền hỗ trợ an ninh của Mỹ dành cho Ukraine lên 6,1 tỷ USD kể từ ngày 24/2.

Như đã đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bảo đảm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong cuộc điện đàm tuần trước rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường khả năng quốc phòng của Ukraine.

4. Tin vui giữa thời chinh chiến: Liên minh Âu Châu chấp thuận Ukraine là một quốc gia ứng viên

Liên minh Âu Châu đã chấp thuận đơn của Ukraine trở thành một quốc gia ứng viên để gia nhập khối 27 cường quốc. Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu nhóm họp tại Brussels đã tuân theo khuyến nghị của Ủy ban Âu Châu, được đưa ra vào thứ Sáu ngày 17 tháng 6. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen gọi động thái này là một đòn chí tử vào chủ nghĩa đế quốc Nga.

Ukraine đã tìm kiếm tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu kể từ “cuộc cách mạng da cam” năm 2004 và kiên quyết hơn kể từ cuộc biểu tình Maidan 2013-14, khi chủ tịch thân Điện Cẩm Linh, Viktor Yanukovych, bị lật đổ sau khi ông từ chối ký một thỏa thuận liên kết với Liên Hiệp Âu Châu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng việc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine giống như: “đi vào ánh sáng từ chốn tối tăm.”

Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Âu Châu, Vsevolod Chentsov, cho biết động thái này sẽ “là một tín hiệu cho Mạc Tư Khoa rằng Ukraine, và các nước khác từ Liên Xô cũ, không thể thuộc phạm vi ảnh hưởng của Nga”.

Động thái này diễn ra chỉ một ngày trước lễ kỷ niệm 4 tháng Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội của mình xâm lược Ukraine vì điều mà Nga khẳng định không phải là một cuộc chiến tranh, mà là một “cuộc hành quân đặc biệt”.

Quá trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu có thể kéo dài. Cho đến ngày hôm nay, danh sách chính thức của các quốc gia ứng viên bao gồm Albania, Cộng hòa Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ trở thành ứng viên vào năm 1999, Cộng hòa Bắc Macedonia vào năm 2005.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã tweet vào thứ Năm, “Hôm nay là một ngày tốt lành cho Âu Châu.”

“Quyết định này tiếp thêm sức mạnh cho tất cả chúng ta. Nó củng cố Ukraine, Moldova và Georgia, khi đối mặt với chủ nghĩa đế quốc Nga. Và nó củng cố sức mạnh của Liên Hiệp Âu Châu,” bà nói thêm khi đề cập đến việc phê duyệt các đơn ghi danh của Moldova và Georgia.

Ông Zelenskiy đã nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu 5 ngày sau khi cuộc tấn công của Nga bắt đầu. Vào một ngày khi các vụ nổ được nghe thấy ở Kyiv, ông đã kêu gọi “gia nhập ngay lập tức theo một thủ tục đặc biệt mới”. Trong khi phản ứng ban đầu từ khoảng 10 quốc gia Liên Hiệp Âu Châu tỏ ra nghi ngờ sâu sắc, thì sự phản đối đã không còn nữa, mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi về con đường dài phía trước.

Tư cách ứng viên Liên Hiệp Âu Châu là bước đầu tiên để trở thành thành viên. Nó không cung cấp bất kỳ bảo đảm an ninh hoặc quyền tự động để tham gia Liên Hiệp Âu Châu. Tư cách thành viên đầy đủ của Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc liệu quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh này có thể đáp ứng các điều kiện kinh tế và chính trị hay không.
 
ĐGH khẳng định với các Giám Mục Brazil ngài sẽ không thoái vị. Ukraine chưa sẵn sàng đón ĐTC tông du
VietCatholic Media
04:55 24/06/2022


1. Đức Giáo Hoàng tuyên bố sẽ không thoái vị như Đức Bênêđíctô

Tin đồn đang trở nên mạnh mẽ trên khắp thế giới, với các cuộc nói chuyện trên báo chí Công Giáo và thế tục rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sớm gia nhập cùng Đức Bênêđíctô XVI trong hàng ngũ các vị “giáo hoàng danh dự”, do cơn đau dữ dội ở đầu gối của ngài và các manh mối khác, đặc biệt là một chuyến đi đến thánh tích của vị giáo hoàng tự nguyện thoái vị trước Đức Bênêđíctô.

Nhưng bản thân Đức Giáo Hoàng đã không đưa ra dấu chỉ nào, và thay vào đó, ngài nói với các giám mục Brazil về Rôma viếng mộ hai thánh Tông đồ và thăm Tòa Thánh vào ngày 20 tháng 6 rằng ngài có kế hoạch tiếp tục “bao lâu Chúa còn cho phép”.

Đức Tổng Giám Mục Roque Paloschi của tổng giáo phận Porto Velho, nói với Vatican News rằng cơn đau ở đầu gối không làm mất đi tâm trạng vui vẻ của Đức Thánh Cha.

Đức Tổng Giám Mục Paloschi bảo đảm rằng vị Giáo hoàng Mỹ Latinh không hề có ý định từ chức khỏi ngai tòa Thánh Phêrô như một số phương tiện truyền thông tuyên bố.

Thay vào đó, vị giám mục bảo đảm rằng, Đức Giáo Hoàng đang bận rộn trên một số mặt trận của giáo hội, và ý tưởng thoái vị như “những gì báo chí loan tin không mảy may xuất hiện trong tâm trí của ngài”.

Gặp gỡ 17 giám mục của hai trong số các giáo tỉnh của Brazil, vị Giáo hoàng Mỹ Latinh đã khuyến khích các ngài “hãy chăn dắt đoàn chiên mà không sợ đối mặt với những thách thức mà thời điểm hiện tại đang đặt ra cho chúng ta” và “tố cáo mọi thứ chà đạp lên các quyền cơ bản của người dân bản địa và việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.”

Đức Giáo Hoàng đã rất vui khi nhận được một chiếc mũ đội đầu đầy màu sắc từ các tín hữu của Đức Cha Edson Taschetto Damian của giáo phận São Gabriel da Cachoeira ở phía tây bắc Brazil và ở giữa rừng nhiệt đới Amazon.

Ngài đội lên đầu và hỏi “Cái này có phải là cái mũ chóp nhọn (miter) của Giám Mục không? Hãy tưởng tượng nếu tôi đến gặp Thánh Phêrô với cái mũ này”. Các giám mục đã cười khúc khích.


Source:Aleteia

2. Đức Giám Mục Kyiv cho rằng Đức Giáo Hoàng không nên đến thăm vì người Ukraine đã mất lòng tin nơi ngài

Giám mục theo nghi thức Latinh của Kyiv cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới rằng trong khi chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine sẽ là một nguồn hy vọng, thì điều đó hiện không thể thực hiện được do những lo ngại về an ninh và sự mất lòng tin ngày càng tăng của người Ukraine đối với Đức Giáo Hoàng trước một số nhận xét công khai gần đây của ngài về cuộc chiến.

Phát biểu với tờ Avvenire, nghĩa là “Tương Lai”, tờ báo chính thức của các giám mục Ý, Đức Cha Vitaliy Krivitskiy nói, “Ý định của Đức Thánh Cha là ở giữa một dân tộc đang đau khổ là dành cho những người Công Giáo chúng tôi, bắt đầu với tôi với tư cách là một giám mục, một lý do cho hy vọng lớn lao”.

“Chúng tôi cảm thấy sự gần gũi của ngài được thể hiện qua những lời kêu gọi ngừng bắn lặp đi lặp lại của ngài, và bằng những cử chỉ cụ thể cũng đã dẫn đến nhiều lần gửi viện trợ nhân đạo. Và sau đó là lời cầu nguyện liên tục của ngài bao gồm cả những lời cầu nguyện của cả Giáo Hội. Chuyến thăm của ngài sẽ cho chúng tôi thêm can đảm”

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có thể ước tính thời gian về thời điểm có thể diễn ra chuyến thăm có thể có của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine hay không, Đức Cha Krivitskiy nói không.

Đức Giáo Hoàng không chỉ cần một mức độ an ninh cao, mà đó sẽ là thách thức để cung cấp vì hầu hết các binh sĩ Ukraine đều được triển khai ra tiền tuyến trong cuộc chiến chống lại Nga, và “cần phải nói thêm rằng, nhu cầu này cao hơn so với khi bắt đầu cuộc xung đột,” Đức Cha Krivitskiy nói.

Mặc dù không đề cập đến những tuyên bố nào của Đức Giáo Hoàng, nhưng ai cũng biết rằng sự chần chừ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc hỗ trợ việc trang bị vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga và đề xuất của ngài rằng NATO có thể đã kích động chiến tranh đang tiếp tục gây ra những tranh cãi lớn.

Trong một cuộc trò chuyện gần đây với các biên tập viên của tờ báo La Civiltà Cattolica, hay Văn Minh Công Giáo, do Dòng Tên điều hành được xuất bản hôm thứ Ba tuần trước, Đức Phanxicô, đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine, nói, “Không có kẻ tốt và kẻ xấu siêu hình nào ở đây, một cách trừu tượng. Một cái gì đó toàn cầu đang xuất hiện, với các yếu tố rất hòa quyện với nhau”.

Ngài lên án “sự hung hãn, tàn ác của quân đội Nga”, nhưng cũng chỉ trích hoạt động buôn bán vũ khí nhằm kích động chiến tranh, mà một số nhà quan sát coi là phản đối việc trang bị vũ khí cho Ukraine.

Đức Phanxicô cũng đề cập đến cuộc trò chuyện mà ngài đã có với một nguyên thủ quốc gia giấu tên trước cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 của Nga, trong đó chính trị gia được nêu nói rằng NATO đang “sủa trước ngưỡng cửa của Nga” và các hoạt động của NATO “có thể dẫn đến chiến tranh”. Những nhận xét này cho thấy NATO, có thể phải chịu trách nhiệm một phần về cuộc xung đột.

Đức Giáo Hoàng đã phải chịu nhiều áp lực về những nhận xét và quyết định khác mà ngài đã đưa ra kể từ khi chiến tranh bắt đầu, chẳng hạn như yêu cầu một phụ nữ Nga và một phụ nữ Ukraine vác thánh giá cùng nhau trong Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở Rôma.

Ngài đã được chụp ảnh hôn một lá cờ Ukraine từ Bucha, nơi quân Nga bị cáo buộc tội ác chiến tranh, và đã liên tục kêu gọi ngừng bắn và đề nghị hỗ trợ trong các cuộc đàm phán, nhưng ngài vẫn chưa nêu tên “Nga” hoặc “Putin” là những kẻ xâm lược trong cuộc xung đột.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera, hay Tin Chiều, vào tháng 5, Đức Giáo Hoàng đã ngừng nhắc đến việc các quốc gia khác vũ trang cho Ukraine là có phù hợp hay không. Ngài nói rằng: “Tôi không thể trả lời; Tôi ở quá xa”.

“Điều rõ ràng là vũ khí đang được thử nghiệm ở vùng đất đó. Người Nga hiện biết rằng xe tăng ít được sử dụng và đang nghĩ đến những thứ khác. Các cuộc chiến được thực hiện vì điều này: để kiểm tra vũ khí mà chúng ta đã sản xuất,” ngài nói trong cuộc phỏng vấn. “Việc buôn bán vũ khí là một vụ tai tiếng; một số ít người chống lại nó. “

Những nhận xét này đã thu hút sự chỉ trích từ bạn bè cũng như quân Nga, bao gồm cả người bạn lâu năm của Đức Giáo Hoàng từ Buenos Aires, là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Trong một phản ứng rõ ràng trước nhận xét của Đức Giáo Hoàng đã được đăng trên tờ La Civiltà Cattolica, trong một thông điệp video gần đây Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết, “nguyên nhân của cuộc chiến này nằm chính bên trong nước Nga. Và kẻ xâm lược Nga đang cố gắng giải quyết các vấn đề nội bộ của mình với sự trợ giúp của sự xâm lược từ bên ngoài”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Việc Nga gây hấn với Ukraine là hoàn toàn vô cớ. Bất cứ ai nghĩ rằng một số nguyên nhân bên ngoài đã kích động Nga xâm lược quân sự thì hoặc là họ đang bị tuyên truyền của Nga tóm được, hoặc họ quá đơn sơ, hoặc họ đang cố ý lừa dối thế giới”.

Gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã tổ chức một buổi tiếp kiến kéo dài gần hai giờ với một nhóm nhỏ người Ukraine, những người lo ngại về luận điệu “mơ hồ” của ngài về chiến tranh.

Trong cuộc phỏng vấn với Avvenire, Đức Giám Mục Krivitskiy nói rằng để Đức Giáo Hoàng đến thăm Ukraine, cần phải “xây dựng lại 'sự đồng thuận' xung quanh cuộc hành trình của ngài.”

Điều này cần có thời gian, ngài nói: “Sẽ là một niềm vui ngoại thường khi được chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Kyiv, nhưng hiện tại tôi khẳng định rằng không có đủ điều kiện cho chuyến thăm.”

Đức Cha Krivitskiy, người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Kyiv vào năm 2017, chăn dắt khoảng 200.000 người Công Giáo theo nghi thức Latinh tại một thành phố có khoảng tám triệu người.

Khi được hỏi liệu ngài có tin rằng Đức Giáo Hoàng vẫn có thể đóng góp vào việc ngăn chặn chiến tranh hay không, Đức Cha Krivitskiy nói “chắc chắn rồi,” và rằng Tòa thánh “có thể đóng một vai trò cơ bản như là người hòa giải giữa chúng tôi và Nga.”

Ngài nói: “Các cuộc đàm phán cần có 'người hòa giải' và Đức Giáo Hoàng là một trong số những người đó, mặc dù một số người ở đây không còn coi ngài là người trung lập”.

Bất chấp những tranh cãi về nhận xét của Đức Giáo Hoàng, Đức Cha Krivitskiy lên tiếng tin tưởng rằng Đức Phanxicô và tất cả những người tham gia vào chính sách ngoại giao của Vatican “đang gieo mầm để tạo ra một môi trường đối thoại, là điều kiện tiên quyết để mở ra các cuộc đàm phán.”


Source:Crux

3. Ukraine đang bốc cháy. Lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk vừa đưa ra lời kêu gọi sau đây:

Ukraine đã trải qua ngày thứ 114 của cuộc chiến vĩ đại mà Nga đang dẫn đầu chống lại nhân dân của chúng tôi và chống lại nhà nước của chúng tôi. Hôm nay, chúng tôi gởi lời chào đến anh chị em từ Poltava, từ thành phố Ukraine cụ thể này, từ giáo xứ Tất cả các Thánh của Nhân dân Ukraine, nơi cùng với các linh mục, nữ tu, người dân và con cái của chúng tôi, chúng tôi gửi đến anh chị em những lời chào chân thành từ Poltava dù anh chị em ở đâu và từ bất cứ nơi nào anh chị em đang theo dõi chúng tôi bây giờ.

Ukraine đang bốc cháy. Từ vùng Kharkiv ở phía bắc đến vùng Mykolayiv và vùng Kherson ở phía nam có những trận chiến khốc liệt và đẫm máu và chúng tôi ở Poltava cảm ơn Chúa vì buổi sáng yên bình này và cảm ơn những người lính của chúng tôi, Lực lượng vũ trang Ukraine, đã cho chúng tôi nhìn thấy ánh nắng này, ngày mới này, ở đây ở Poltava.

Ngày hôm qua tại Kharkiv, chúng tôi đã thực sự chứng kiến sự tàn phá lớn từ chiến tranh. Chúng tôi đã nghe chứng tá của nhiều người nói về việc người Ukraine bị ngược đãi và tra tấn ở phần bị chiếm đóng của Kharkiv. Đặc biệt, là những chứng từ nói về một trại thanh lọc lớn, nơi có hơn 1.000 người thực sự đang ở trong một trại tập trung và dường như đang chờ một cái chết nào đó. Chúng tôi nhìn thấy những ngôi nhà bị hỏng và cơ sở hạ tầng thành phố bị phá hủy. Sau chuyến thăm của chúng tôi đến Sumy, không xa nhà nguyện nơi chúng tôi đang ở, chúng tôi đã bị trúng hỏa tiễn, và hỏa lực sáng nay đã được giáng xuống Mykolayiv, nhiều người bị mất tích, có những vết thương mới và sự tàn phá.

Nhưng Ukraine đang đứng, Ukraine đang chiến đấu. Và niềm tin vào chiến thắng của Ukraine có thể hiện rõ trong mắt những người dân Poltava, những người con của chúng tôi, những người luôn cầu nguyện và nỗ lực để mang ngày chiến thắng chung của chúng tôi đến gần hơn.

Tuần này, chúng ta suy niệm mỗi ngày về một ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần Đấng đã giáng trần để đổi mới sự hiện diện của Ngài trong Giáo Hội của chúng ta vào Chúa Nhật tuần trước.

Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy ngẫm về món quà đặc biệt của Chúa Thánh Thần, đó là món quà sức mạnh. Sức mạnh này, được ban cho bởi Chúa Thánh Thần, đặc biệt củng cố đức tính can đảm. Nó làm cho một người không chỉ can đảm trong sức người, trong nỗ lực của bản chất con người, nhưng lòng can đảm được củng cố bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần và trở thành sức mạnh và mang đến cơ hội để đạt được những mục tiêu tốt đẹp. Sức mạnh, như một món quà của Chúa Thánh Thần, xua tan nỗi sợ hãi của con người, mà đôi khi là cảm hứng của quân Nga. Đặc biệt là khi một người cảm thấy rằng để đạt được mục tiêu, nỗ lực của con người là không đủ, thì ân sủng thiêng liêng ở đây sẽ trợ giúp con người có lòng can đảm, ban cho sức mạnh để chịu đựng trong những hoàn cảnh gian nan. Món quà sức mạnh mang đến cho một người sức mạnh để đạt được mục tiêu tốt đẹp và cao cả với sự trợ giúp của ân sủng thiêng liêng. Tất cả chúng ta đều biết rằng mục tiêu như vậy, mà đôi khi có vẻ cao siêu đối với chúng ta, là chiến thắng cái ác, chiến thắng của Ukraine trước quân Nga của chúng ta.

Đó là lý do tại sao hôm nay chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho ân sủng sức mạnh cho những người lính của chúng ta, những người con trai và con gái của Ukraine đang bảo vệ tổ quốc của chúng ta, cho những vị tuyên úy quân đội của chúng ta, những người đồng hành với những người lính của chúng ta trong những hoàn cảnh này, nơi mọi người đang ở bên bờ vực của cuộc sống, và cái chết. Chúng ta cầu nguyện ân sủng sức mạnh cho các nhà lãnh đạo, chính quyền và các chính khách của chúng tôi.

Chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy tăng cường sức mạnh cho Ukraine. Và củng cố các Kitô hữu của Ukraine, vì chỉ khi chúng con hy vọng và tin tưởng vào Ngài, chúng con mới có thể đạt được mục tiêu lớn lao này. Lạy Chúa, xin chúc lành cho Ukraine và con cái của mảnh đất này!

Cầu mong phước lành của Chúa ở trên anh chị em nhờ ân sủng và tình yêu của Ngài, luôn luôn, bây giờ và mãi mãi, và cho mọi thời đại. Amen.

Vinh quang Chúa Giêsu Kitô!

http://news.ugcc.ua/en/articles/videomessage_of_his_beatitude_sviatoslav_june_17_114_th_day_of_the_war_97159.html
 
Máy bay khổng lồ chở các sĩ quan Dù Nga bị nổ tung ngay trên đất Putin. Chiến sự tại Sievierodonetsk
VietCatholic Media
15:10 24/06/2022


1. Nga cáo buộc Ukraine bắn rơi máy bay quân sự của Nga chở các sĩ quan Dù ngay trên đất của Putin

Chiều thứ Sáu 24 tháng 6, Pavel Viktorovich Malkov, thống đốc khu vực Ryazan, cho biết một chiếc máy bay Ilyushin-76 đã bốc cháy trước khi hạ cánh xuống một công viên, gây ra một phản ứng khẩn cấp từ các cơ quan chức năng trong khu vực.

Một quả cầu lửa khổng lồ đã được nhìn thấy tại địa điểm máy bay rơi ở Ryazan, phía đông nam Mạc Tư Khoa.

Theo ông Malkov, máy bay đã bốc cháy giữa không trung và bay vòng một khoảng thời gian trước khi hạ cánh. Đoạn video kịch tính cho thấy chiếc máy bay đang bốc cháy lao xuống trái đất như một quả cầu lửa rực cháy.

Khi nó đâm vào phía sau một dãy các tòa tháp dân cư, ngọn lửa và một đám khói đen khổng lồ bốc lên bầu trời. Trong video, tiếng nói của những người chứng kiến được nghe thấy khi họ quan sát chiếc máy bay gặp nạn. Một giọng nói cất lên: “Tất cả đều chìm trong biển lửa”. Một giọng khác la thất thanh: “Nó đang bay về phía chúng ta.”

Một người khác nói: “Thật đáng sợ, nó đang bay về phía chúng ta. Nó sẽ tấn công các ngôi nhà, nhìn kìa.”

Phi công dường như đang cố gắng hạ cánh khẩn cấp chiếc máy bay rực lửa.

Mặc dù địa điểm máy bay rơi gần các cửa hàng và tòa nhà dân cư, nhưng phi công đã tránh được bất kỳ thương vong nào trên mặt đất.

Thống đốc Malkov cho rằng chiếc máy bay được cho là đang trên đường tới cuộc chiến ở Ukraine với 9 người trên máy bay sau khi được tiếp nhiên liệu ở Ryazan.

Ba hành khách thiệt mạng trong vụ tai nạn trong khi những người sống sót được nhanh chóng đưa đến bệnh viện sau khi bị kéo ra khỏi đống đổ nát rực lửa.

Một người thứ tư chết trong bệnh viện trong khi năm người khác được cho là trong tình trạng “tử vong”. Các hành khách trên máy bay được tường trình là các sĩ quan Dù cao cấp của Nga.

Máy bay được cho là đã khởi hành từ Orenburg ở Belgorod trước khi dừng lại để tiếp nhiên liệu ở Ryazan, một căn cứ quan trọng của lính dù Nga cách Mạc Tư Khoa 125 dặm về phía đông nam.

Những chiếc Ilyushin-76 đã được sử dụng trong những tháng gần đây để vận chuyển thiết bị quân sự từ Nga tới chiến tuyến ở Ukraine.

Hiện vẫn chưa rõ chiếc máy bay mang theo thiết bị gì khi nó gặp nạn.

Thống đốc Malkov cáo buộc chiếc máy bay đã trúng phải một hỏa tiễn nhưng không có bằng chứng cụ thể. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã từ chối không đưa ra bình luận về vụ này.

2. Quân đội Ukraine sẽ buộc phải di tản chiến thuật khỏi Sievierodonetsk

Quân đội Ukraine đang bảo vệ thành phố Sievierodonetsk quan trọng ở phía đông có thể sẽ “phải di tản chiến thuật”, thống đốc khu vực xác nhận vào chiều thứ Sáu 24 tháng 6.

Sergey Haidai nói với đài truyền hình Ukraine: “Việc ở lại những vị trí bị đập nát trong nhiều tháng chỉ vì hư danh không có ý nghĩa.

Trước đó, Haidai đã công bố một báo cáo buổi sáng trên Telegram. Ông nói:

Thật không may, chúng ta sẽ phải triệt thoái quân đội của mình khỏi Sievierodonetsk, bởi vì ở lại trong những vị trí bị pháo tan tành không có ý nghĩa gì - số lượng người chết ngày càng tăng. “

Thống đốc nói thêm rằng 90% ngôi nhà ở Sievierodonetsk đã bị hư hại hoặc phá hủy.

3. Lithuania sẵn sàng chiến đấu

“Tôi sẽ gặp chủ tịch Ủy ban Âu Châu lúc 3h30 chiều, tôi sẽ xem bản dự thảo và tôi tin rằng việc làm rõ sẽ sớm được công bố. Tôi sẽ không bình luận về nội dung của nó vì tôi không muốn bình luận về nội dung của các tài liệu chưa được công bố và thảo luận,” tổng thống Lithuania Nauseda nói với các phóng viên tại Brussels hôm thứ Năm sau khi đến dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu.

“Tôi chỉ muốn gọi đó là sự làm rõ về quá trình vận chuyển hàng hóa từ lục địa Nga đến khu vực Kaliningrad.”

Các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Âu Châu có hiệu lực vào tuần trước và Lithuania đã hạn chế việc vận chuyển thép và kim loại đen đến Kaliningrad.

Mạc Tư Khoa cho biết hôm thứ Hai rằng các hạn chế quá cảnh như vậy đã vi phạm các thỏa thuận quốc tế và đe dọa sẽ trả đũa.

Các nhà ngoại giao của Lithuania ở Mạc Tư Khoa được thông báo rằng trừ khi quá trình vận chuyển hàng hóa được nối lại trong tương lai gần, Nga có quyền hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói: “Chúng tôi coi các biện pháp khiêu khích của phía Lithuania là sự vi phạm các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Lithuania, chủ yếu là Tuyên bố chung năm 2002 của Liên bang Nga và Liên minh Âu Châu về quá cảnh giữa khu vực Kaliningrad và phần còn lại của Liên bang Nga, và đó là một hành vi công khai thù địch.”

Thượng nghị sĩ Andrey Klimov, một người trung thành với Putin, cảnh báo đây là “hành động gây hấn trực tiếp chống lại Nga, theo nghĩa đen, buộc chúng tôi phải ngay lập tức sử dụng biện pháp tự vệ thích hợp”.

Người đứng đầu ủy ban bảo vệ chủ quyền của quốc hội tuyên bố rằng Nga sẽ giải quyết việc phong tỏa của Lithuania “theo BẤT KỲ cách nào chúng tôi chọn”.

Tổng thống Nauseda cũng chỉ ra rằng Lithuania sẵn sàng chiến đấu và không thể bị bắt nạt. Nhưng ông nói thêm Lithuania muốn mọi sự được rõ ràng. “Chúng tôi ủng hộ gói trừng phạt thứ tư đối với Nga, được thông qua vào tháng 3 để đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Tuy nhiên, khi nói đến việc áp dụng các biện pháp trừng phạt trên thực tế, chúng ta đang nói về trách nhiệm của Ủy ban Âu Châu trong việc thực hiện điều đó. Vấn đề là như vậy và tôi tin rằng điều này sẽ sớm được công bố.”

4. Giới thiệu Kaliningrad, thành phố đang là điểm nóng có thể dẫn đến thế chiến thứ ba

Lithuania - một quốc gia thuộc NATO - ngày nay đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý sau khi nước này ngăn chặn hàng hóa bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt không được đến Kaliningrad của Nga.

Một số thành viên Quốc Hội Nga đã lên tiếng yêu cầu Putin tuyên chiến với Lithuania, một hành động chắc chắn sẽ dẫn đến thế chiến thứ ba.

Kaliningrad, cho đến năm 1946 được gọi là Königsberg là một thành phố của Đức. Ngày này, đó là thành phố lớn nhất và là trung tâm hành chính của vùng Kaliningrad, một vùng lãnh thổ của Nga nằm lọt thỏm giữa Lithuania và Ba Lan. Thành phố này nằm trên sông Pregolya, ở đầu cửa biển Vistula trên biển Baltic, và là cảng không có băng duy nhất của Nga và các nước Baltic.

Dân số của thành phố vào năm 2020 là 489.359. Bên cạnh đó còn có 800.000 cư dân trong các vùng ngoại ô. Kaliningrad là thành phố lớn thứ hai ở Khu liên bang Tây Bắc, sau Saint Petersburg. Nó cũng là thành phố lớn thứ ba ở vùng Baltic.

Khu định cư Kaliningrad ngày nay được thành lập vào năm 1255 trên địa điểm của khu định cư cổ đại của người Phổ bởi các Hiệp sĩ Teutonic trong các cuộc Thập tự chinh phương Bắc, và được đặt tên là Königsberg để vinh danh Vua Ottokar II của Bohemia.

Königsberg vẫn là thành phố có các cung điện hoàng gia của chế độ quân chủ Phổ, mặc dù thủ đô đã được chuyển đến Berlin vào năm 1701. Từ năm 1454 đến năm 1455, thành phố này được gọi là Królewiec thuộc về Vương quốc Ba Lan, và từ năm 1466 đến năm 1657, nó là một thành phố lớn của Ba Lan cho đến khi rơi vào tay người Đức trở lại và được tái gọi là Königsberg. Đây là thành phố lớn ở cực đông của Đức cho đến Thế chiến thứ hai.

Thành phố đã bị hư hại nặng nề bởi cuộc ném bom của quân Đồng minh vào năm 1944 và trong trận Königsberg năm 1945. Sau đó nó bị Liên Xô chiếm vào ngày 9 tháng 4 năm 1945. Hiệp định Potsdam năm 1945 đặt nó dưới sự quản lý của Liên Xô. Thành phố được đổi tên thành Kaliningrad vào năm 1946 để vinh danh nhà cách mạng Liên Xô Mikhail Kalinin. Kể từ khi Liên Xô tan rã, nó được quản lý như là trung tâm hành chính của vùng Kaliningrad.

Là một đầu mối giao thông chính, với các cảng biển và sông, thành phố là nơi đặt trụ sở của Hạm đội Baltic của Hải quân Nga, và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất ở Nga. Đây được coi là thành phố tốt nhất ở Nga vào các năm 2012, 2013 và 2014 trong tạp chí.

Kaliningrad là điểm thu hút người di cư nội địa lớn ở Nga trong hai thập kỷ qua và là một trong những thành phố đăng cai tổ chức FIFA World Cup 2018.

5. Ukraine ghi nhận từ 200 đến 300 tội ác chiến tranh của Nga mỗi ngày

Ukraine đang ghi nhận từ 200 đến 300 tội ác chiến tranh do các lực lượng Nga gây ra trên lãnh thổ Ukraine mỗi ngày.

Tổng công tố Ukraine Iryna Venediktova cho biết như trên hôm thứ Năm 23/6

“Tội ác chiến tranh là vấn đề của chúng tôi. Mỗi ngày chúng tôi có từ 200 đến 300 hồ sơ như vậu, và không phải vì chúng tôi muốn hay không muốn bắt đầu một cuộc điều tra. Đó là bởi vì chúng tôi có nhiệm vụ: khi có tội phạm, chúng tôi phải bắt đầu điều tra,” Venediktova nói.

Cô nói rõ rằng các nhân viên thực thi pháp luật, tất nhiên, không thể điều tra tất cả chúng một cách hiệu quả cùng một lúc. “Rất thường xuyên chúng tôi không có quyền truy cập vào các vùng lãnh thổ hoặc con người. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng tôi không nên bắt đầu điều tra. Chúng tôi sẽ luôn làm điều đó.”

Theo Venediktova, hầu như tất cả các tội ác chiến tranh được liệt kê trong Quy chế Rôma, trên ba trang, thật không may, đều được thực hiện ở Ukraine.

Cô cũng nhắc lại rằng cho đến nay đã có 623 nghi phạm trong các vụ án chính liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

“Đặc biệt, chúng ta đang nói về ba tội ác quan trọng nhất đã gây ra trong cuộc xâm lược – đó là tội ác xâm lược, tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng. Cuộc điều tra của chúng tôi đã bắt đầu từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến toàn lực. Riêng về tội xâm lược, chúng ta có hơn 20 vụ. Về tội diệt chủng, chúng tôi đã có hai nghi phạm kêu gọi diệt chủng,” Venediktova nói.

Cô nói rằng các nhân viên thực thi pháp luật cũng đang điều tra 12 trường hợp chất diệt khuẩn sinh thái, đã được thực hiện trong cuộc chiến toàn diện với Nga.

“Đây là những tội ác chống lại môi trường. Những kẻ xâm lược đã đến nhà máy điện hạt nhân Chornobyl và các nhà máy điện hạt nhân khác. Tất nhiên, chúng tôi đã mở những thủ tục tố tụng này và chúng tôi đang điều tra chúng.”

6. Ukraine đệ đơn kiện Nga lên Tòa án Nhân quyền Âu Châu

Trong một động thái mang tính biểu tượng, hôm thứ Năm 23 tháng 6, Ukraine cho biết họ đã chính thức đệ đơn kiện Nga lên Tòa án Nhân quyền Âu Châu để chấm dứt “các hành vi vi phạm nhân quyền hàng loạt và nghiêm trọng” của các lực lượng Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Cố gắng này không có cơ hội thành công đáng kể, vì vào ngày 7 tháng 6, Quốc hội Nga đã thông qua hai dự luật chấm dứt quyền tài phán của tòa án này ở Nga.

Một tuyên bố của Bộ Tư pháp Ukraine cho biết việc Nga xâm lược Ukraine là bất hợp pháp theo Công ước Âu Châu về Nhân quyền.

“Tòa án sẽ được mời để phát hiện ra rằng Nga đã phạm tội vì những vi phạm rõ ràng, nghiêm trọng và lâu dài nhất đối với Công ước từng được đưa ra trước Tòa án; và sẽ tuyên bố một phán quyết chính đáng trên một quy mô chưa từng có”.

Hồ sơ bao gồm giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, từ ngày 24 tháng 2 cho đến ngày 7 tháng 4, là ngày Nga rút lực lượng bộ binh của mình khỏi xung quanh Kyiv và các thành phố phía bắc khác. Bộ Tư Pháp Ukraine cho biết các hồ sơ tiếp theo sẽ bao gồm các sự kiện sau đó.

Mạc Tư Khoa đã bác bỏ cáo buộc của Ukraine và các chính phủ phương Tây về vi phạm nhân quyền trong chiến tranh.

Vào tháng 3, tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc về các tranh chấp giữa các quốc gia đã ra lệnh cho Nga ngừng các hoạt động quân sự, nói rằng họ lo ngại sâu sắc về việc sử dụng vũ lực của Mạc Tư Khoa. Tòa án Công lý Quốc tế đã trả lời một vụ kiện của Ukraine ngay sau khi chiến tranh bắt đầu.
 
Đức Hồng Y Farrell: Tin nói Đức Giáo Hoàng muốn thoái vị là bịa đặt. Dòng Tên Mễ Tây Cơ than khóc hai linh mục
VietCatholic Media
17:47 24/06/2022


1. Đức Hồng Y Kevin Farrell và Đại sứ Colombia cạnh Tòa thánh khẳng định tin Đức Giáo Hoàng sẽ thoái vị là tin giả

Đại sứ Colombia cạnh Tòa thánh, Jorge Mario Eastman, đã công bố một thông điệp trên mạng xã hội, trong đó ông phủ nhận những thông tin liên quan đến khả năng từ chức của Đức Giáo Hoàng.

Thông điệp của ông đề cập đến “tin tức giả mạo” được quảng bá ở Hoa Kỳ, có thể là tham chiếu đến một bài đăng một ngày trước đó của Megyn Kelly, là người đã báo cáo rằng theo hướng dẫn mà cô ấy nhận được liên quan đến kỳ nghỉ gia đình, “rất bất thường” khi có rất nhiều các Hồng Y ở Vatican trong mùa hè này.

Đại sứ Colombia đã tweet rằng Đức Thánh Cha cảm thấy khó chịu vì cơn đau ở đầu gối, nhưng “ngài không phải là một ngôi sao bóng đá, mà là một mục tử.”

“Tin tức giả đang lan truyền trên các mạng xã hội, được quảng bá bởi những người cực đoan từ Hoa Kỳ cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang nghĩ đến việc từ chức. Tất cả những thứ đó chỉ là những quả bong bóng thăm dò. Đức Thánh Cha vẫn ổn, trí óc của ngài vẫn minh mẫn kể cả khiếu hài hước của ngài. Ngài bị đau đầu gối khó chịu, nhưng ngài không phải là một ngôi sao bóng đá, mà là một mục tử”.

Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu số lượng Hồng Y ở Vatican cao hơn bình thường, đó có thể là do Cuộc họp Thế giới của các Gia đình bắt đầu vào ngày mai, với bài phát biểu khởi động từ Đức Giáo Hoàng.

Vào tháng 5, phát biểu trước các giám mục Ý trong cuộc họp toàn thể của họ, Đức Giáo Hoàng được tường trình đã nói với các Giám Mục Ý rằng “để cai quản, người ta phải có cái đầu, không phải cái chân.” Nhận xét này của Đức Thánh Cha đã được nhắc lại bởi Đức Hồng Y Kevin Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống.

Là một người thân cận với Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Nación của Á Căn Đình rằng ngài không cảm thấy một “bầu không khí kết thúc một triều đại giáo hoàng”.

Đức Hồng Y Farrell là Hồng Y Nhiếp Chính, và do đó sẽ điều hành Tòa thánh trong trường hợp trống ngôi Giáo Hoàng.

“Tôi tin rằng tất cả những tin đồn này đều rất phóng đại; Không có dữ kiện cụ thể nào,” Đức Hồng Y Farrell nói, nhắc lại trong cuộc họp với các giám mục Ý vào ngày 23 tháng 5 rằng Đức Giáo Hoàng là người minh mẫn và sức khỏe tốt: “Để điều hành Giáo hội, bạn cần cái đầu, không phải đôi chân,” ngài nói.

Sau khi khai mạc Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 10 tại Rôma vào thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ chủ tọa Thánh lễ bế mạc vào tối thứ Bảy. Sự kiện này dự kiến sẽ là sự kiện quy tụ lớn nhất tại Vatican trong năm nay.
Source:Aleteia

2. Lần đầu tiên trong lịch sử, một tín hữu Kitô được chọn làm Thủ tướng của Singapore.

Đó là ông Lawrence Hoàng Tuần Tài (Wong Shyun Tsai), 49 tuổi, thuộc Giáo hội Tin lành Methodist, hay cũng gọi là Giáo hội Giám Lý, cho đến nay là Bộ trưởng tài chánh của Singapore. Ông được bổ nhiệm làm thủ tướng hồi đầu tháng Sáu này, kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong).

Cộng hòa Singapore độc lập từ năm 1958, hiện có gần sáu triệu dân cư, trong đó 33% là Phật tử, 18% là Kitô hữu, trong đó có 154.000 tín hữu Công Giáo họp thành Tổng giáo phận Singapore, do Đức Hồng Y tân cử William Ngô Thành Tài (Goh Seng Chye) coi sóc, và 14% theo Hồi giáo, 10% theo Lão giáo và 5% theo Ấn giáo. Trên bình diện miền, Singapore được nhiều quan sát viên coi là một mẫu gương về sự sống chung hòa bình. Đây là thành quả chính sách của chính phủ Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew), Thủ tướng đầu tiên của tiểu quốc này, từ năm 1959 đến 1990, thân phụ của Thủ tướng Lý Hiền Lương. Ông rất quan tâm khích lệ và phối hợp cuộc đối thoại liên tôn trong những thập niên gần đây.

Ông Lawrence Hoàng Tuần Tài xuất thân từ một gia đình có phần khiêm hạ, du học tại Mỹ, trước khi trở thành công chức, và làm bí thư của thủ tướng từ năm 2005 đến 2008. Từ năm 2011, ông lần lượt đảm trách các nhiệm vụ của bộ văn hóa, bộ phát triển quốc gia, rồi bộ trưởng giáo dục, trước khi làm bộ trưởng tài chánh từ năm ngoài, trong thời đại dịch Covid-19. Việc chọn ông Hoàng Tuần Tài làm thủ tướng nằm trong chủ trương tiếp tục chính sách từ trước đến nay của Singapore.

3. Hai linh mục Dòng Tên bị giết trong một nhà thờ ở Mễ Tây Cơ

Hôm thứ Ba, Tỉnh Dòng Tên tại Mễ Tây Cơ thông báo rằng hai linh mục của dòng đã bị giết hôm thứ Hai bên trong một nhà thờ ở một vùng miền núi bang Chihuahua.

Các cha Javier Campos Morales và Joaquín César Mora Salazar đã từng là linh mục Dòng Tên. Thời gian phục vụ của các ngài cộng lại gần một thế kỷ. Các tay súng thực hiện vụ tấn công ngày 20/6 nhằm vào nhà thờ ở Cerocahui, Chihuahua cũng lấy đi thi thể của các ngài.

“Chúng tôi lên án những hành động bạo lực này, chúng tôi yêu cầu công lý và việc thu hồi thi thể của những người anh em của chúng tôi, những người đã bị những kẻ có vũ trang mang khỏi nhà thờ,” một tuyên bố ngày 21 tháng 6 bằng tiếng Tây Ban Nha của các tu sĩ Dòng Tên Mễ Tây Cơ cho biết như trên.

“Chúng tôi tin tưởng rằng những lời chứng về cuộc sống Kitô của các Cha Javier và Joaquín thân yêu của chúng tôi tiếp tục truyền cảm hứng cho những người nam nữ hiến thân phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất. Hãy nghỉ yên trong Chúa.”

Theo Văn phòng Tổng chưởng lý bang Chihuahua, cả hai linh mục đã cố gắng bảo vệ một người tìm cách ẩn náu trong nhà thờ trong khi bị truy đuổi bởi ít nhất một người đàn ông khác, cả hai đều có vũ khí, tờ El Sol de Mễ Tây Cơ đưa tin. Kẻ săn đuổi đã bắn chết cả ba người.

Cha Luis Gerardo Moro Madrid, Giám tỉnh Dòng Tên Mễ Tây Cơ, lên án vụ giết người và cho biết tỉnh dòng đang “làm việc với chính quyền liên bang và tiểu bang để bảo đảm an toàn” cho hai linh mục còn lại của giáo xứ.

Các tu sĩ Dòng Tên đã đưa ra yêu cầu rằng “tất cả các biện pháp bảo vệ phải được áp dụng ngay lập tức để bảo vệ cuộc sống của các Cha Dòng Tên, giáo dân của chúng tôi và toàn bộ cộng đồng Cerocahui.”

Khi được hỏi về tội ác của El Sol de Mễ Tây Cơ, Tổng thống Mễ Tây Cơ Andrés Manuel López Obrador cho biết rằng một cuộc điều tra đang được tiến hành.

Khu vực xảy ra các vụ giết người là dân bản địa Tarahumara, những người nổi tiếng về kỹ năng chạy bộ của họ. Khu vực này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tội phạm có tổ chức liên quan đến ma túy trong nhiều năm, và các tu sĩ Dòng Tên ghi nhận và bày tỏ tình đoàn kết với nỗi đau mà những người mà các ngài phục vụ đang phải trải qua ‘do bạo lực phổ biến’.

“Sierra Tarahumara, giống như nhiều khu vực khác của đất nước, phải đối mặt với tình trạng bạo lực và bị bỏ rơi vẫn chưa thể đảo ngược,” tuyên bố của các tu sĩ Dòng Tên cho biết.

“Ngày nào những người đàn ông và các phụ nữ cũng đều bị tước đoạt mạng sống một cách tùy tiện, như ngày nay anh em chúng tôi bị sát hại. Các tu sĩ Dòng Tên ở Mễ Tây Cơ sẽ không im lặng khi đối mặt với thực tế đang làm nhức nhối toàn xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện và hoạt động vì sứ mệnh công lý, hòa giải và hòa bình, thông qua các công việc mục vụ, giáo dục và xã hội của chúng tôi “.

Theo Dòng Tên, Cha Campos Morales sinh ra tại Thành phố Mễ Tây Cơ và được tấn phong năm 1972. Sau nhiều nhiệm vụ mục vụ, cha trở lại Cerocahui vào năm 2019 để làm Bề trên Truyền giáo Dòng Tên; với tư cách là mục tử và Đại diện Mục vụ Bản địa của Giáo phận Tarahumara, và là Cố vấn Khu vực của các Cộng đồng Giáo hội Cơ bản.

Cha Salazar sinh ra ở Monterrey và được thụ phong năm 1971. Từ năm 2000, cha làm Tổng Đại diện tại Chínipas, và sau đó là Đại diện Hợp tác tại Cerocahui từ năm 2007.

Việc giết hại các linh mục ở Mễ Tây Cơ đã leo thang trong những năm gần đây. Gần đây nhất, thi thể của Cha José Guadalupe Rivas Saldaña, 57 tuổi, được tìm thấy với dấu hiệu bạo lực ở ngoại ô Tecate, một thành phố nằm ở biên giới với Hoa Kỳ ở bang Baja California của Mễ Tây Cơ.

Người ta ước tính rằng ba năm rưỡi đầu tiên của chính quyền hiện tại của López Obrador là thời kỳ bạo lực nhất được ghi nhận trong lịch sử Mễ Tây Cơ, với hơn 120.000 vụ giết người.
Source:Catholic News Agency