Ngày 23-06-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy Đón Chào Sự Sống !
LM. Giuse Trương Đình Hiền
16:06 23/06/2012
Hãy Đón Chào Sự Sống !

Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

LM. Giuse Trương Đình Hiền

Nếu Gioan Tiền Hô là người giới thiệu Chúa Giêsu cho dân ít-ra-en, thì chính Chúa Giêsu cũng là người nhận xét về Gioan một cách tường tận và sâu xa nhất. Tin Mừng Matthêô đã thuật lại những lời của Chúa Giêsu như sau :

“Quả thật, tôi bảo các ngươi, trong hàng những kẻ sinh bởi người nữ chưa từng xuất thân một người nào lớn hơn Gioan tẩy Giả…” (Mt 11,7-11)

Vậy, sứ điệp phụng vụ của ngày lễ Sinh nhật của Thánh Gioan hôm nay mời gọi chúng ta điều gì ?

Điều khám phá đầu tiên đó chính là : Hãy đón chào sự sống vì sự sông chính là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa

Cũng như bao nhiêu người khác, Gioan đã được sinh ra như lời Tin mừng Luca ghi lại : “Bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan…” (Lc 1, 11-17). Và đứng trước biến cố nhân sinh đặc biệt nầy, Lời Chúa nhấn mạnh khía cạnh hân hoan vui mừng không chỉ của một người, một gia đình mà rất nhiều người : “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời”. Lý do đơn giản : “Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Thiên Chúa”.

Đứng trước ý nghĩa nầy của Lời Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho bao thai nhi đã chết đi khi chưa kịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời, cho bao nhiêu em bé, khi cất tiếng khóc chào đời đã không được đón nhận bằng niềm hoan hỷ vui mừng nhưng đã bị bỏ rơi nơi đầu đường góc phố hay trong những viện cô nhi xa lạ lạc loài. Chúng ta không quên cầu nguyện cho bao nhiêu thân phận con người, đáng lẽ được sống cái ý nghĩa cao cả của phận người, nhưng rồi do bao nhiêu áp lực và hoàn cảnh đa đoan, lại biến cuộc đời thành tăm tối, bất hạnh và đôi khi bị vất bỏ đi không chút xót thương…

Không ai được phép cho cuộc đời mình là vô nghĩa ; cũng như đừng ai mặc cảm tự nhận rằng : mình sinh ra dưới một “ngôi sao xấu” ! Nếu có quá đau khổ mà thốt lên như thánh Gióp : “Ước chi ngày sinh của tôi đã lụi tàn, để tôi không bao giờ nhìn thấy ánh dương…”, thì sau đó, bình tỉnh lại, Gióp đã vững lòng trông cậy thân thưa : “Chúa cho, Chúa cất lấy. Xin cảm tạ ơn Chúa !”.

Hãy chào mừng sự sống. Hãy đón lấy sự sống và gìn giữ cuộc sống sao cho tươi đẹp, rạng rỡ. Hãy luôn cảm tạ hồng ân được Chúa cho làm người và nhất là làm con Thiên Chúa. Hồng ân to lớn nầy chỉ có thể luôn được cất lên như lời đáp vịnh ca hôm nay : “Tôi ca ngợi Chúa vì Chúa đã dựng nên con rất lạ lùng…”

Hay như cảm nhận sâu xa của sứ ngôn Giêrêmia trong BĐ 1 hôm nay khi nhà tiên tri xác tín rằng : “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi ; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.”

Với lễ mừng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay, sứ điệp phụng vụ còn muốn khơi gợi lên trong chúng ta tâm tình yêu mến và nhiệt tâm nhiều hơn với sứ mệnh ngôn sứ theo con đường của Thánh Gioan tẩy Giả ; đó là con đường dấn thân can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu, cho chân lý cứu rỗi, cho sự thật của lề luật Thiên Chúa, dù phải trả giá đắt như Thánh Gioan, hy sinh chính mạng sống mình.

Sống sứ mệnh ngôn sứ cũng là biết từng ngày khiêm hạ, lu mờ đi, nhỏ lại cái tôi, để Chúa được lớn lên trong anh em, để Tin Mừng của Chúa được vang lên trong mọi ngỏ ngách đời thường cuộc sống ; đó là sống như tâm tư khiêm hạ mà đầy ắp niềm vui sâu lắng của Thánh Gioan Tiền Hô :

“Đó là niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,29-30). Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nước Ý: ''Ngày Bác Ái của Đức Thánh Cha'', 24 tháng 6
Bùi Hữu Thư
06:01 23/06/2012
Cùng với Đức Thánh Cha Benedict XVI để phục vụ cho những người yếu đuối nhất

ROME, Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Đức Cha Mariano Crociata, thư ký Hội Đồng Giám Mục Ý viết trong một thông tư: "Ngày Bác Ái của Đức Thánh Cha" là cơ hội "để sát cánh với Đức Thánh Cha bên những người yếu đuối nhất".

"Ngày Bác Ái của Đức Thánh Cha" được Hội Đồng Giám Mục Ý cổ võ với sự hợp tác của Đồng Tiền của Thánh Phêrô (l’Obole de saint Pierre), sẽ được tổ chức ngày Chúa Nhật 24 tháng 6: Các cuộc quyên góp sẽ được thực hiện trong các Thánh Lễ ngày Chúa Nhật 24 tháng 6 này, và sẽ được dâng cúng cho Đức Thánh Cha Benedict XVI, để ngài sử dụng cho các công trình bác ái của ngài, tùy theo nhu cầu khẩn cấp của thế giới.

Đối với Đức Cha Crociata, ngày này biểu hiệu cho "trách nhiệm" nối kết các người công giáo với người kế vị Thánh Phêrô. Đức Cha nhấn mạnh: "Nơi những người dân bị ảnh hưởng bởi những thảm họa, nơi đã có thực hiện các công trình xã hội cho những người yếu đuối nhất, nơi Đức Thánh Cha hiện diện, và chúng ta cũng muốn có mặt kế bên ngài. Tất cả chúng ta tùy theo khả năng của mỗi người, đều có cơ hội để cụ thể hóa ước muốn này."
 
Đức Thánh Cha gặp các Hồng y về vụ Vatileaks
Lm. Trần Đức Anh OP
06:47 23/06/2012
VATICAN. Lúc 10 giờ sáng ngày 23-6-2012, ĐTC đã nhóm họp các vị HY Tổng trưởng và TGM Chủ tịch các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Tham dự cuộc họp cũng có ĐHY Quốc vụ khanh, Đức TGM Phụ tá và Đức TGM ngoại trưởng của Tòa Thánh. Cuộc họp này, thông thường diễn ra 2 lần một năm.

Ngoài ra, lúc 6 giờ chiều cùng ngày (23-6-2012), ĐTC nhóm họp với các vị HY, trong đó có ĐHY George Pell, TGM giáo phận Sydney bên Úc, ĐHY Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ GM, ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, ĐHY Camillo Ruini, người Ý, nguyên Giám quản Roma và ĐHY Jozef Tomko, người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: ”Trong bối cảnh tình trạng xảy ra sau vụ thất thoát và phổ biến các tài liệu mật, ĐTC đào sâu suy tư qua việc đối thoại liên tục với những người cùng chia sẻ trách nhiệm với ngài trong việc cai quản Giáo Hội. Như đã biết, thứ bẩy 16-6 vừa qua, ngài đã được Ủy ban 3 HY điều tra thông báo rộng rãi hơn về diễn tiến việc điều tra, do ĐHY Julian Herraz người Tây Ban Nha hướng dẫn.”

Cha Lombardi cũng nói rằng ”cuộc họp của ĐTC với các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, như thường lệ, bàn về việc phối hợp hoạt động của Giáo triều Roma cho tốt đẹp. Việc phối hợp này ngày nay đặc biệt quan trọng và cấp thiết để chứng tỏ một cách hữu hiệu tinh thần hiệp nhất vốn linh hoạt Giáo Triều.

Cha Lombardi giải thích rằng: ”Ban chiều, ĐTC quyết định gặp một số vị Hồng Y, vốn có nhiều kinh nghiệm khác nhau trong việc phục vụ Giáo Hội, không những ở Roma, nhưng cả trong lãnh vực quốc tế, các vị có thể trao đổi với ngài những nhận xét và đề nghị hữu ích để góp phần tái lập bầu không khí thanh thản và tín nhiệm đối với công việc phục vụ của các cơ quan trung ương Tòa Thánh.”

Dĩ nhiên, trong những ngày tới đây, ĐTC tiếp tục các cuộc nói chuyện và suy tư của ngài, lợi dụng sự kiện có nhiều vị Mục Tử đến Roma nhân dịp lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, là cơ hội đặc biệt để cộng đoàn Giáo Hội hoàn vũ cảm thấy hiệp nhất với ngài trong kinh nguyện, trong việc phục vụ và làm chứng về đức tin cho nhân loại ngày nay” (SD 23-6-2012)
 
Mục vụ xã hội - Cơn lốc chính trị ở Paraguay
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
18:54 23/06/2012
Cơn lốc chính trị ở Paraguay

Khi ngồi vào máy viết những dòng chữ này thì người dân Paraguay vừa trải qua một cơn lốc chính trị chưa từng thấy. Thượng viện vừa hoàn tất việc luận tội tổng thống và đã truất phế ông vì cho rằng ông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm sau biến cố đẫm máu vào thứ sáu ngày 15 tháng 6 vừa qua khi những người nông dân và cảnh sát đụng độ sau vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Curuguaty thuộc bang miền Đông Bắc của Paraguay. Vụ việc khiến 17 người thiệt mạng gồm 6 cảnh sát, 11 nông dân và nhiều người bị thương. Ngay sau biến cố này, bộ trưởng bộ nội vụ đã phải từ chức. Hạ viện Paraguay do phe đối lập kiểm soát đã tiến hành biểu quyết thông qua việc luận tội tổng thống vào ngày 21 tháng 6, và liền sau đó Thượng Viện đã tiến hành họp khẩn cấp để luận tội ông. Về phía Tổng thống Lugo, ông tuyên bố không từ chức nhưng sẽ chấp nhận mọi quyết định trong phiên luận tội. Trong 2 ngày họp bất thường để luận tội, hàng trăm ngàn người dân đến từ khắp các nơi trong nước đã đến tập trung trước Hội trường Quốc hội và dinh Tổng thống để ủng hộ vị tổng thống đáng yêu của mình. Tuy nhiên, các đối thủ chính trị của đương kim tổng thống đã bắt tay nhau để loại trừ ông dù ông không đáng bị luận tội. Sau khi bỏ phiếu để lại trừ ông và để vị phó tổng thống nhiếp chính, bên ngoài hội trường đã xảy ra xô xát và không biết trong những ngày tối chuyện gì sẽ xảy ra.

Các ngoại trưởng thuộc Liên Đoàn các quốc gia Nam Mỹ còn gọi là Unasur đã hiện diện ngay từ đầu của cuộc họp luận tội để ủng hộ vị tổng thống hợp hiến của Paraguay đã lên tiếng không thừa nhận người nhiếp chính. Nếu thế thì tình hình càng căng thẳng hơn. Tuy nhiên, liền ngay sau đó, vị tổng thống đã tuyên bố trên truyền hình là chấp nhận từ chức để vị phó của ông tiếp tục lái con tàu cho đến ngày tổng tuyển cửa vào 20 tháng 4 năm tới vì ông tôn trọng phiếu đại cử tri và cũng tránh để Paraguay rơi vào tình trạng đỗ máu và giảm căng thẳng tình hình đang xáo trộn vì người dân sẵn sàng đứng lên để bảo vệ cho ông. Ông cũng không muốn Paraguay bị mất đi tiếng nói trên chính trường thế giới khi các nước chưa công nhận vị tổng thống nhiếp chính vừa mới thay thế ông. Nhiều người dân đã khóc khi ông nói lời từ biệt và rời khỏi dinh tổng thống. Thế là hết. Sự nghiệp chính trị của ông đã kết thúc một cách đáng buồn chỉ vì một cuộc xung đột làm nhiều người chết và ông bị quy trách nhiệm vì là tổng thống của dân. Từ nay, cái tên Lugo của ông sẽ không được nhắc đến nữa. Người xưa đã nói thật đúng: “Dân vạn đại, quan nhất thời”. Mới ngày nào đây ông đắc cử tổng thống và được người ta ca tụng vang dội, thì chưa đầy 4 năm sau ông lại bị truất phế và ra đi buồn bã. Nhưng qua đó chúng tôi được hiểu thêm một điều là sống ở các nước dân chủ, những người làm lớn luôn nghĩ tới người dân và lo cho dân. Nếu làm lớn mà thiếu trách nhiệm với dân, với nước thì sẽ bị trừng trị ngay cả người đó là tổng thống chăng nữa. Ba bộ máy hành chính lập pháp, hành pháp và tư pháp hoạt động độc lập và rất hiệu quả nên tránh được sự lạm quyền.

Xin chia sẻ thêm một tí về vụ việc xảy ra ở Paraguay vào tuần qua khiến nhiều người chết và đã dẫn đến cơn lốc chính trị này.

Curuguaty là nơi đã diễn ra một cuộc xung đột đẫm máu giữa nông dân và cảnh sát khiến nhiều người thiệt mạng. Đây là nơi mà chúng tôi đã từng phục vụ ngay những năm đầu khi đặt chân truyền giáo tại Paraguay.

Nhớ lại những ngày ấy sao mà bây giờ mới cảm thấy rợn tóc gáy vì vào dịp vận động tranh cử của vị tổng thống vừa bị luận tội, phía đối lập đã chỉ trích ông rất gay gắt và những người có liên quan đến ông cũng bị vạ lây. Vị linh mục người Paraguay cùng ở chung cộng đoàn với chúng tôi là bạn học cũ của vị tổng thống (mà lúc ấy chỉ là ứng cử viên) đã từng bị đe dọa bằng những phát súng dằn mặt và bôi nhọ trên truyền thông rất nhiều. Khi chúng tôi đi dâng lễ ở các cộng đoàn quanh vùng ấy, nhiều người đã hỏi chúng tôi thực hư thế nào về những chuyện bôi nhọ vị linh mục đang sống với chúng tôi. Tôi đã nói với họ chuyện đó không đúng và mọi người có thể đến trực tiếp giáo xứ chúng tôi để tìm hiểu cho rõ trước khi kết luận đúng sai. Những ngày sau đó trên đài phát thanh của quận Curuguaty này của một dân biểu đối lập đã đe dọa chẳng những vị linh mục Paraguay mà còn đe dọa cả chúng tôi khi họ nói sẽ giết cả linh mục Việt Nam! Khi nghe tin ấy, cha bề trên chúng tôi đã gọi điện và muốn chuyển chúng tôi đến một vùng khác vì sự an toàn nhưng chúng tôi đã từ chối lời đề nghị của bề trên vì anh em linh mục người Paraguay đang sống với tôi rất cần người liên đới và hiểu chuyện trước hoàn cảnh khó khăn này. Nếu chúng tôi chuyển đi nơi khác vì sợ, thì đồng nghĩa với việc trốn chạy và vô tình đẩy anh em vào thế tuyệt vọng vì không ai có thể giải oan. Cũng may là sau đó mọi sự đều tốt đẹp và tôi vẫn còn sống đến bây giờ dù trong thâm tâm lúc ấy cũng khá sợ.

Curuguaty nơi chúng tôi từng sống là một vùng quê đang phát triển. Người dân ở đây đa số là nông dân nên rất hiền hòa và dễ thương. Cũng có nhiều dân thập phương mới đến nên cuộc sống có những xáo trộn và bát nháo. Đây cũng là vùng đất khá mất an ninh vì nhóm mafia hoạt động rất mạnh ở đây. Nhóm này điều khiển cả những cảnh sát biến chất để phục vụ cho công việc trồng và vận chuyển ma túy vì đây là một vùng đất rộng lớn và màu mỡ để trồng marihuana (cây cần sa). Nhiều lúc đi đâng thánh lễ ở các giáo điểm truyền giáo cách nhà xứ khoảng 60 cây số, và ông trùm xứ có chỉ cho tôi thấy cả một cánh đồng trồng cây cần sa. Vì thế, nếu ai mà lỡ dại báo cho cảnh sát biết về việc vận chuyển ma túy thì sớm muộn gì cũng thiệt mạng. Có những ngày chúng tôi phải làm phép xác cho 5 người vì nào là tai nạn, nào là bị giết cách bí ẩn. Cứ khoảng 3 tháng là phải đổi thẩm phán, cảnh sát trưởng và công tố ở vùng này. Gần 2 năm ở đó mà chúng tôi chứng kiến đến 5 lần thay đổi như vậy.

Paraguay là một quốc gia đất rộng người thưa nhưng việc phân bố đất đai không đồng đều do nạn tham nhũng từ nhiều chục năm nay. Bởi thế, việc xảy ra chuyện mâu thuẫn đất đai giữa những nông dân và các tài phiệt luôn diễn ra hàng ngày vì người nông dân ở đây chiếm đến hơn 80% dân số. Người nông dân tuy rất thật thà, chất phát nhưng khi bị đẩy đến bước đường cùng thì họ không hề sợ gì cả. Sau vụ thảm sát khiến 17 người chết trong đó có 6 cảnh sát và 11 nông dân, tất cả người dân đã đồng loạt đứng lên “đòi nợ máu”. Cũng may là Hội Đồng Giám Mục và các vị bề trên của các Dòng tu lớn đã kêu gọi người dân bĩnh tĩnh chờ công lí. Nhiều luật sư nói với chúng tôi rằng giữa các cuộc xung đột căng thẳng ở đây thì chính tiếng nói của những bậc tu hành, chứ không phải là của những vị lãnh đạo chính quyền, luôn được người dân lắng nghe vì họ có niềm tin vào Thiên Chúa. Họ còn nói thêm rằng một bài giảng, một bài phát biểu của một linh mục thánh thiện có tác dụng mạnh hơn cả một sư đoàn trước những xung đột chính trị vì người tu hành không làm chính trị mà chỉ là sứ giả của hòa bình. Một số giáo dân ở đó có điện thoại cho chúng tôi vì người thân của họ cũng bị giết chết trong cuộc xung đột đẫm máu đó và có ý định trả thù, nhưng chúng tôi khuyên họ nên bình tĩnh để chờ công lý vì nếu trả thù thì sau đó sẽ lại vào tù, rồi thân nhân của người chết sẽ lại tiếp tục hành động trả thù kế tiếp và họ đã lắng nghe.

Mục vụ xã hội

Sau khóa học về đào tạo ở Rô-ma trở về, chúng tôi lại phải bắt tay ngay vào công việc mà những tháng qua đã nhờ các anh em đồng môn làm thay.

Chính khóa học đã giúp chúng tôi mở rộng thêm tầm nhìn trong việc cư xử, phán đoán và tương quan với nhau trong công tác huấn luyện và trong mục vụ.

Như chúng tôi đã từng chia sẻ trong các bài trước, từ hơn 3 năm qua chúng tôi làm việc trong Ban Đào Tạo nên vệc mục vụ giáo xứ chúng tôi chỉ đảm nhận 2 giáo họ lẻ gần chủng viện. Ngoài ra vào những ngày cuối tuần, chúng tôi cùng đồng hành với các em chủng sinh và một nhóm anh em linh mục, phó tế và giáo dân thuộc Tổng giáo phận thủ đô Asunción để lo mục vụ cho 2 nhà tù và một bệnh viện.

Trong lĩnh vực mục vụ cho các tù nhân, chúng tôi được chứng kiến tận mắt những điều mà nhiều lúc nghĩ lại cảm thấy giật mình và tự hỏi tại sao mình lại dám mạo hiểm như vậy. Hai nhà tù mà chúng tôi đang làm mục vụ là một nhà tù nam khét tiếng ở Paraguay có tên gọi là Tacumbú (muốn biết thêm nhà tù này có thể gõ gào google.com.py với chữ “la Carcel de Tacumbú). Sức chứa của nhà tù này chỉ giành cho khoảng 1.000 phạm nhân, nhưng số tội phạm hiện nay đã hơn 3.000. Những phạm nhân này phạm tội hình sự như cướp của, giết người, buôn bán ma túy và có cả những tên mafia nữa. Những tưởng trong nhà tù thì mọi người đều như nhau nhưng chúng tôi đã lầm. Ngay trong nhà tù cũng được chia thành nhiều khu vực riêng biệt. Có những khu giành cho các tù nhân VIP thì chẳng khác gì những khu biệt thự và những phạm nhân này sống như ông hoàng, chỉ có một điều là không được tự do như người ở ngoài mà thôi. Dĩ nhiên khi có khu giành cho phạm nhân VIP thì cũng có khu giành cho những tù nhân nghèo cùng cực. Nhiều phạm nhân nghèo được nhốt chung trong những phòng không có nhà vệ sinh, không điện, nước. Những lúc trời nóng đến 47 độ C hay trời lạnh xuống 0 độ C nhìn thấy họ thật khốn khổ. Có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ cho giày, dép, quần áo và lương thực nhưng được khoảng một ngày là họ đem đi bán hết để có tiền mua thuốc để thỏa mãn cơn nghiện vì ngay trong các nhà tù họ vẫn lén lét đâu đó để buôn bán. Những tưởng vào tù là bớt đi tiêu cực nhưng lại càng tệ hơn vì những nhân viên biến chất làm việc ở các trại tù đang tiếp tục làm tiêu tan cuộc đời của những phạm nhân.

Cách đây hơn 2 tuần, 1 tù nhân khoảng 23 tuổi đã bị giết chết và băm thành nhiều mảnh trước khi quăng vào hố rác chỉ vì tù nhân này hay ăn cắp vặt và làm phiền các phạm nhân khác. Khi xe rác làm nhiệm vụ mới phát hiện cái xác không toàn thây này nhưng vẫn không biết đích xác ai là người đã ra tay dù họ đã tiến hành điều tra rất kỹ. Chúng tôi được biết rằng trong tù có một luật gọi là luật im lặng vì bọn mafia sẽ ra tay ngay nếu phạm nhân nào tiết lộ những chuyện chúng làm.

Các linh mục cùng làm việc với chúng tôi phân công với nhau để thường xuyên đến dâng thánh lễ, ngồi tòa, dạy cho các tù nhân sắp được phóng thích về giáo lý và cử hành phụng vụ Lời Chúa khỉ không có linh mục. Các chủng sinh và những giáo dân thiện nguyện cũng thăm viếng và giúp các tù nhân cách chia sẻ Lời Chúa. Cũng thấy thương cho những người quản giáo vì ngày nào họ cũng chịu áp lực về công việc khi lúc nào cũng cầm dùi cui, mang súng bên mình phòng những phạm nhân nguy hiểm nổi loạn. Họ rất vui khi chúng tôi đến làm mục vụ với các tù nhân vì lúc đó họ có được những giây phút thanh thản hơn. Đừng bao giờ cho rằng chúng tôi, những linh mục, tu sĩ và những người thiện nguyện giúp các trại tù xúi giục hay kích động tù nhân làm chuyện bậy chống lại quản giáo hay chống chính quyền. Không ai dại gì mà làm chuyện đó vì lương tâm của những người tu hành không cho phép. Trái lại, khi chúng tôi tham gia làm công việc mục vụ đầy nguy hiểm này là chúng tôi muốn các tù nhân thay đổi để mau về với đời sống bình thường và để xã hội bới đi những ung nhọt khi mỗi ngày ít đi tội phạm. Hãy mở rộng cửa tù để đón và các nhà thiện nguyện các nhà tu hành để giúp đỡ các tù nhân về vật chất cũng như tinh thần vì đây là một việc làm nhân đạo cần được khuyến khích.

Chúng tôi cũng giúp mục vụ cho một trại tù nữ nằm ngay trung tâm của thủ đô 2 lần mỗi tháng. Nhà tù này có một cái tên rất đẹp: El Buen Pastor (Chúa Chiên Lành) với một bức hình rất lớn của Chúa Giê-su đang vác một con chiên và được đặt ngay cổng chính của trại tù. So với nhà tù nam ở Tacumbú, nhà tù nữ này rất gọn gàng, sạch đẹp nên bước vào nhà tù này ta không hề có cảm giác sợ hãi như trại tù nam. Tuy nhiên, nhiều phạm nhân nữ ở đây cũng thuộc thành phần khét tiếng chẳng kém các phạm nhân nam. Chỉ khác một điều là họ biết sỉ diện, biết ăn năn và biết phục thiện nên khi tiếp xúc với họ thoải mái hơn. Nhiều người cũng chỉ vì ghen tương rồi thiếu kiềm chế nên đã giết tình địch hay giết chồng nhưng khi sự việc đã lỡ thì hối hận không kịp. Nhiều người cũng vì nuông chiều con cái quá mức nên đã làm mọi thứ để có tiền cho con nhưng con cái lại không hiểu và khi hiểu ra thì mẹ đã bị kết án vào tù vì đã tham gia vào một vụ án mạng. Biết bao cảnh đời éo le trong tù và nhiều phạm nhân nữ chỉ biết khóc và ân hận khi tâm sự với chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết lắng nghe và hứa cầu nguyện cho họ để họ mau sớm trở về với gia đình dù ước muốn đó cũng khá xa vời khi bản án đã được tuyên khá nặng.

Công việc mục vụ ở bệnh viện tương đối nhẹ nhàng hơn vì người nhà của những người bệnh ở giai đoạn cuối rất mong được linh mục ban các bí tích sau cùng. Chỉ có một điều hơi ngại là có những người bị bệnh truyền nhiễm lâu ngày và người nhà không vệ sinh tốt cho người bệnh nên có những mùi hơi khó chịu khi cử hành bí tích. Nhiều khi mình còn trẻ có thể mọi thứ sẽ vượt qua như biết đâu khi mình có tuổi rồi không biết ra sao đây nữa. Nhiều người cũng khuyên chúng tôi là nên tìm công việc mục vụ nào dễ dãi để làm và chúng tôi cũng đã xuôi tai nhưng khi ngồi họp với các em chủng sinh để lượng giá công việc mục vụ ở nhà tù và ở bệnh viện thì các em nói rằng sẽ tiếp tục dấn thân phục vụ những người khốn khổ ấy nên chúng tôi cùng nhau tiếp tục.

Thế đó, cuộc sống luôn phải chiến đấu dù đứng ở mặt trận, chiến tuyến nào. Cuộc sống mà thiếu vắng sự hi sinh là cuộc sống đơn điệu và buồn tẻ. Chúng tôi không dám cho rằng mình đã làm những chuyện gì to tát và hi sinh đủ nhưng chúng tôi sống theo lời của Mẹ Tê-rê-sa Calcuta là làm từ những chuyện nhỏ nhặt với một tình yêu lớn.

Paraguay, ngày 23 tháng 6 năm 2012-06-23
 
Top Stories
Pope gives advice to keep Catholics from falling away:
Zenit
06:50 23/06/2012
Be Better Believers, More Pious, Welcoming in Our Parishes

VATICAN CITY, JUNE 22, 2012 (Zenit.org).- Benedict XVI met today with a group of bishops from Colombia in Rome for their ad limina visits, offering them some concrete advice on growing religious pluralism and the increasing presence of evangelical communities in the country.

The Pope cited the concluding document from the fifth general conference of the Latin American and Caribbean bishops, which observed that people often leave the Church not because of what non-Catholic groups believe, but because of what they live.

Hence, the Holy Father said, facing this challenge is "about being better believers, more pious, affable and welcoming in our parishes and communities, so that no one will feel distant or excluded."

"Catechesis must be promoted, giving special attention to young people and adults; homilies must be carefully prepared, as well as promoting the teaching of Catholic doctrine in schools and universities," he added.

All of this, the Bishop of Rome affirmed, will help to recover in the baptized "a sense of belonging to the Church and to awaken in them the aspiration to share with others the joy of following Christ and of being members of his Mystical Body."

Benedict XVI added that it is important to emphasize the Church's tradition, Marian spirituality and the rich diversity of devotion.

"To facilitate a serene and open exchange with other Christians, without losing one’s own identity, can also help to improve relations with them," he said, "and to overcome mistrust and unnecessary confrontations."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Mẹ Việt Nam với dân tộc Việt Nam
+ GM Vinh sơn Nguyễn văn Long
23:03 23/06/2012
Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Hôm nay, tôi rất hân hạnh được đến Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn để tham dự cuộc Hành Hương kính Đức Mẹ La Vang do Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức. Lời đầu tiên, tôi xin được gởi đến toàn thể quý vị đó là lời chúc sức khoẻ, tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Xin Ngài kiện toàn thánh ý nhiệm mầu của Ngài nơi chúng ta, những chứng nhân của tự do, công lý và nhân bản. Tôi cũng xin được chuyển lời chào thân thương của đồng bào chúng ta tại Úc Đại Lợi luôn hướng về khối người Việt tại Hoa Kỳ như là con chim đầu đàn của đàn chim Việt đang tản mác khắp bốn phương trời. Dù ở đâu, người Việt Nam chúng ta cũng cố gắng để làm rạng danh ‘con Rồng cháu Tiên’ và cùng tranh đấu cho một tương lai tươi sáng của quê hương dân tộc.



Chủ đề mà Ban Tổ Chức đã mời tôi đến để chia sẻ với quý vị tối nay là “Mẹ La Vang với dân tộc Việt Nam.” Tôi phải thú thật là khi nhìn vào một chủ đề như thế, tôi không biết phải nói gì để khỏi phụ lòng mong đợi của quý vị. Nhiều người nghĩ rằng, giám mục thì có thể nói về bất cứ vấn đề gì. Thực tế thì không như thế. Ở lứa tuổi 50 và sống hai phần ba đời mình ở Úc, tôi cũng chỉ có một kiến thức giới hạn – nhất là về những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Tôi không thể ‘xuất khẩu thành thơ’ và càng không thể ‘múa rìu qua mắt thợ’ trước một cử tọa ở cái nôi chính trị và văn hóa của Hiệp Chủng Quốc này. Ước mong của tôi là được chia sẻ và học hỏi hơn là được ‘thuyết giảng’ về mối liên quan giữa tôn giáo và dân tộc – nhất là trong hoàn cảnh đất nước chúng ta hôm nay. Tôi cũng đại diện cho một thế hệ trẻ được hấp thụ hai nền văn hoá khác nhau. Vì thế, ước mơ của tôi là làm một nhịp cầu giữa hai thế hệ, ngõ hầu ngọn đuốc của tự do và công lý được chuyển tiếp cho đến ngày quê hương mến yêu được phục hưng.

Đức Mẹ Việt Nam và Đức Mẹ Ba Lan:

Để tìm hiểu về sự tương quan của “Mẹ La Vang với dân tộc Việt Nam,” chúng ta có thể nhìn vào một dân tộc mà lịch sử của họ cũng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam chúng ta, đó là Ba Lan, quê hương của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Ba Lan, một quốc gia bị ngoại bang xâm chiếm nhiều lần và trong lịch sử cận đại đã chịu nhiều tang tóc hơn các dân tộc khác, với hơn sáu triệu người chết trong Đệ Nhị Thế Chiến. Hơn thế nữa, Ba Lan đã sống dưới bóng của tên khổng lồ không mấy tử tế là Liên Bang Xô Viết và chế độ Cộng Sản hơn bốn thập niên. Trong suốt những năm dài tăm tối đó, người dân Ba Lan đã hướng về một thánh địa tượng trưng cho tinh thần dân tộc và ý chí bất khuất của họ, đó là Jasna Gora – một địa danh có nghĩa là Núi Sáng (Luminous Mount) hoặc có thể tạm dịch là Minh Sơn. Nơi đây, Đức Trinh Nữ Maria dưới danh hiệu Đức Mẹ Czestochowa được sùng kính như là Đấng Bảo Vệ cho dân tộc Ba Lan qua bao thăng trầm của lịch sử.

Đức Mẹ Czestochowa có nghĩa là ‘Đức Mẹ Đồng Đen’ Tục truyền rằng, vào năm 1655, khi quân Thụy Điển chuẩn bị xâm chiếm Ba Lan, những người lính trên đồi Jasna Gora đã cầu nguyện với ảnh Đức Mẹ Đồng Đen và họ dù yếu thế hơn đã đẩy lui được quân Thụy Điển. Từ đó, Đức Mẹ Czestochowa được mệnh danh là Nữ Vương nước Ba Lan và đồi Jasna Gora được coi như thánh đô của họ. Vào năm 1920, khi Hồng Quân Liên Xô ồ ạt đánh vào Warsava, một lần nữa người dân Ba Lan lại chạy đến với Đức Mẹ Czestochowa. Không ai có thể giải thích nổi, với một đạo quân hùng mạnh nhất Âu Châu thời đó, Hồng Quân Liên Xô đã bị đánh bại ở dòng sông Vistula – một chiến thắng không ngờ, như Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm xưa (năm 938).

Với lịch sử dân tộc gắn liền với đức tin Công Giáo và đặc biệt là lòng sùng kính Đức Mẹ, chúng ta không ngạc nhiên khi Jasna Gora trở thành một biểu tượng không thuần túy về tôn giáo mà là một biểu tượng cho tinh thần quốc gia và niềm tự hào dân tộc. Mỗi khi quốc gia bị mất chủ quyền và dân tộc bị đàn áp, người dân Ba Lan đã tìm đến Jasna Gora không phải chỉ nguyện xin mà còn tìm một lối thoát cho quốc gia và một tương lai mới cho dân tộc. Chính vì thế, trong những năm gọi là ‘chiến tranh lạnh,’ khi bạo quyền Cộng Sản Ba Lan, được sự chỉ đạo của Điện Cẩm Linh, dập tắt tất cả các ngọn lửa đấu tranh cho nhân quyền, Jasna Gora đã trở nên thành lũy đối kháng và linh hồn của phong trào chống cộng.

Vào ngày 26 tháng 8 năm 1982, tức ngày Lễ Kính Đức Mẹ Czestochowa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói những lời tâm huyết với đồng bào mình còn đang sống sau cái gọi là ‘bức màn sắt’ và đang tranh đấu cho tự do. Ngài nói như sau:

“Đồng bào thân mến. Dù đời sống của người Ba Lan khó khăn thế nào, xin cho chúng ta thâm tín rằng cuộc đời của chúng ta đã thuộc về Trái Tim Mẹ. Như Mẹ đã toàn thắng nơi Thánh Maximiliano Kolbe, người Hiệp sĩ của Đấng Khiết Trinh, xin Mẹ cũng toàn thắng nơi chúng ta. Xin Mẹ Jasna Gora toàn thắng nơi chúng ta và qua chúng ta. Xin Mẹ toàn thắng ngay cả qua những đau khổ và thất bại của chúng ta. Xin Mẹ cho chúng ta đừng nản lòng tranh đấu cho công lý và sự thật, cho tự do và nhân phẩm của con người. Chẳng phải lời của Mẹ ở tiệc cưới Cana ‘Hãy làm theo mệnh lệnh của Ngài’ có nghĩa như vậy sao? Anh chị em hãy nhớ rằng, sức mạnh được thể hiện qua sự yếu đuối. Tôi ở gần anh chị em. Tôi luôn nhớ tới anh chị em.”

Tôn giáo và chính trị:

Đọc những lời của Đức Thánh Cha, tôi không có cảm tưởng là tôn giáo và chính trị là hai thái cực mà người tín hữu không được lẫn lộn. Ngược lại, sự nhập thể của Thiên Chúa vào đời sống của con người đòi buộc chúng ta cũng phải ‘nhập thể’ dưới ánh sáng Tin Mừng. Như lời mở đầu Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) của Công Đồng Vaticano II đã khẳng định “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô,” Chân phước Gioan Phaolô II đã cho chúng ta thấy rằng, tranh đấu cho công lý và sự thật, cho tự do và nhân phẩm không phải là việc làm của những kẻ muốn chính trị hóa tôn giáo mà là bổn phận ‘nhập thể hóa’ Tin Mừng và ‘Kitô hóa’ môi trường của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ giữ đạo trong nhà thờ, nếu chúng ta chỉ đóng khung tôn giáo trong những vấn đề siêu nhiên mà hoàn toàn vô cảm với những vui mừng và hy vọng, những sợ hãi và lo âu của đồng loại, thì phải chăng tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện ru ngủ chúng ta như lời Karl Marx? Đây cũng là chiêu bài của cộng sản. Họ muốn tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện ru ngủ dân chúng. Họ muốn biến tôn giáo trở thành một công cụ của chế độ.

Cách đây không lâu, tôi có nghe một câu nói rất hùng hồn: “Nếu ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ.” Đằng sau câu nói này là một khó khăn thực tế cho những ai phải sống dưới chế độ cộng sản. Trong bối cảnh đất nước và giáo hội Việt Nam hôm nay, sự liên quan giữa chính trị và tôn giáo quả thật là một đề tài hết sức tế nhị cho người tín hữu, nhất là các vị lãnh đạo. Làm sao để giữ được một lợi thế thực dụng cho giáo hội mà không thỏa hiệp các giá trị cơ bản của Phúc Âm? Làm sao thăng tiến đời sống đạo và lo cho các nhu cầu của các giáo xứ, các dòng tu, các chủng viện v.v... và đồng thời làm trách nhiệm ngôn sứ trong một xã hội độc tài đảng trị? Đó là một số những mệnh đề nan giải mà những ai sống với cộng sản mới biết những phức tạp của nó. Ở đây, tôi không có ý phê bình câu nói hùng hồn trên kia hay một thái độ nào đó của các vị lãnh đạo giáo hội trước tình hình chính trị của đất nước. Tuy nhiên, như Đức Cố Giáo Hoàng Phaolo II đã quảng diễn qua lời giảng dạy, thái độ và đời sống của ngài, Kitô hóa môi trường theo tôn chỉ Phúc Âm là nhiệm vụ của mọi tín hữu. Tranh đấu cho công lý và sự thật, tự do và nhân phẩm là con đường tất yếu của những ai theo Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Vì thế, vấn đề ở đây không phải là chúng ta ‘không thích cộng sản’ hay ‘khích bác họ.’ Vấn đề ở đây là chọn lựa của chúng ta giữa hai thế lực tương phản: sự thật và sự giả dối, sự thánh thiện và sự gian ác, ánh sáng và bóng tối. Vâng, người tín hữu phải yêu thương cả kẻ thù, kể cả người cộng sản. Nhưng chúng ta không thể đồng lõa và vô cảm với sự giả dối, gian ác và phi nhân của họ. Chính tình yêu đối với Thiên Chúa và nhiệt tâm cho Vương Quốc của Ngài đòi hỏi thôi thúc chúng ta trong cuộc chiến cho công lý và sự thật, ánh sáng và sự sống – cuộc chiến mà chính Đức Kitô đã tranh đấu và khải hoàn qua sự chết và phục sinh của Ngài.

Vai trò của giáo hội với dân tộc:

Quý vị thân mến,

Nếu người dân Ba Lan đã coi Đức Mẹ Czestochowa như là biểu tượng niềm tin của họ, thì người Việt Nam chúng ta có thể coi Đức Mẹ La Vang như là biểu tượng niềm tin của chúng ta hay không? Hơn thế nữa, nếu Jasna Gora đã hun đúc tinh thần đấu tranh cho quê hương và cho giáo hội Ba Lan trong những chặng đường cam go nhất của lịch sử dân tộc Ba Lan, người Việt Nam Công Giáo chúng ta có thể đến với Mẹ La Vang trong nỗ lực tìm kiếm một tương lai tươi sáng cho đất nước và giáo hội hay không? Đối với tôi, những câu hỏi này thật thiết thực với bối cảnh của quê hương chúng ta hôm nay. Đối với tôi, đây không phải là ‘chính trị hóa’ La Vang mà là đem Phúc Âm vào lòng dân tộc và là thực thi vai trò ngôn sứ của chúng ta trong một xã hội đang mất căn tính nhân bản. Nói một cách khác, nếu người tín hữu chúng ta phải như ‘thành phố xây trên núi’ hay như ‘muối men cho đời,’ thì vai trò phục hồi cho xã hội một căn tính nhân bản trên những giá trị Phúc Âm là vai trò thiết yếu của chúng ta. Câu Kinh Đức Mẹ La Vang “Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” sẽ không có ý nghĩa khi người tín hữu chúng ta vô cảm trước hiện tình một xã hội băng hoại toàn diện đang diễn ra trên quê hương chúng ta.

Như quý vị đã biết, trong những ngày gần đây, giáo hội tại Hoa Kỳ đang tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo qua những cuộc biểu tình rầm rộ, những kháng cáo trước tòa án cũng như qua các phương tiện truyền thông. Lý do là gi? Đó là việc chính phủ của Tổng thống Obama đã đề xướng ra một đạo luật về y tế mà theo đó, tất cả các tổ chức kể cả tổ chức Công Giáo phải cung cấp bảo hiểm phổ quát bao gồm ngừa thai cho các nhân viên của mình. Các giám mục Hoa Kỳ đã không ngần ngại đương đầu với chính sách ‘Obamacare’ mà họ cho rằng đi ngược lại với luân lý Công Giáo và hơn thế nữa giới hạn quyền tự do của giáo hội trong việc hành xử theo giáo luật. Giáo hội không thể làm ngược lại tôn chỉ của Phúc Âm nếu bị bắt buộc phải cung cấp dịch vụ phá thai hay ngừa thai – dù chỉ là gián tiếp – trong các bệnh viện của mình hay tài trợ các dịch vụ này cho các nhân viên của mình như tại trường học, giáo xứ, cơ sở xã hội v.v...

Chính vì thế, các giám muc Hoa Kỳ đã không ngần ngại đứng lên bảo vệ những giá trị mà họ cho là không thể nhượng bộ dù là trong một xã hội đa nguyên. Nhiều giáo dân và ngay cả một số giáo sĩ Hoa Kỳ không đồng quan điểm với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Nhưng ít ra, không ai có thể chỉ trích là họ đã can thiệp vào chính sách của nhà nước hay là họ đã vượt qua giới hạn tôn giáo thuần túy. Phúc Âm và đời sống không thể tách lìa nhau; tôn giáo và chính trị không thể không liên hệ với nhau. Vai trò ngôn sứ của Giáo hội đòi buộc người tín hữu ở mỗi bậc và mỗi hoàn cảnh phải tranh đấu cho một xã hội phản ảnh Vương Quốc của Thiên Chúa, hay như Kinh Đức Mẹ La Vang, là xây dựng một ‘nền văn minh tình thương và sự sống.’

Thực thế, truyền thống công lý xã hội trong Kinh Thánh là bằng chứng hùng hồn về sự nhập thế của các giá trị siêu nhiên vào đời sống tự nhiên của con người. Ơn cứu độ không chỉ có nghĩa là một sự giải thoát của linh hồn và đời sống vĩnh hằng trên Thiên Quốc mà là sự giải thoát con người toàn diện. Ngay trên cõi đời này và ngay trong xã hội này, con người được mời gọi để sống cuộc sống sung mãn với Thiên Chúa và tha nhân. Do đó, sống đức tin và sống thánh thiện không chỉ có một chiều dọc, tức là thờ phượng kính mến Chúa được quảng diễn qua xây nhà thờ, tu viện, trung tâm, lễ nghi, kinh kệ, rước sách, đình đám, hành hương, ăn chay hãm minh v.v...

Sống đức tin và sống thánh thiện không thể tách lìa khỏi tiến trình công lý hóa xã hội và phong phú hóa đời sống con người. Tiên tri Isaiah đã định nghĩa cho chúng ta thế nào là giữ đạo, đó là “phá vỡ xiềng xích của bọn ác nhân, cất đi gánh nặng của kẻ lầm than, giải thoát cho kẻ bị áp bức và phá tan mọi gông xiềng” (Isaiah 58:6). Đức Kitô cũng đã đúc kết sứ mạng của Ngài trong câu nói đầy ý nghĩa và súc tích: “Ta đến để mọi người được sự sống và sự sống viên mãn” (Gioan 10:10). Sự sống viên mãn không phải chỉ là ở đời sau. Nó là sự sống toàn thể trọn vẹn. Nó là sự sống trong yêu thương, trong công lý, trong tình người từ bây giờ và mãi mãi.

Ở bên Úc, có rất nhiều người hỏi tôi là họ phải làm gì khi nhận những lá thư hay những lời kêu gọi giúp đỡ giáo hội quê nhà. Nào là xây nhà thờ, sửa tu viện, tu bổ trung tâm hành hương, nâng cấp địa điểm truyền giáo.... rồi nào là giúp cô nhi, người tàn tật, kẻ neo đơn.. v.v... Có nhiều người còn nói là họ rất sợ vô đoàn thể vì đó là những nơi bị xin tiền! Tôi trả lời với họ rằng chúng ta không nên vô cảm nhưng cũng không nên tạo một gánh nặng cho mình hay cho người khác. Tôi cũng nói thêm là trên hết mọi sự giúp đỡ, anh chị em hãy tham dự vào tiến trình công lý hóa cho dân tộc. Vì sao? Vì căn nguyên của sự nghèo đói và của những nỗi nhục quốc thể ở trong nước cũng như ở ngoài nước là hệ thống chính trị lỗi thời, là chế độ cộng sản tham nhũng, bất công và phi nhân. Tôi sẽ không bao giờ ngần ngại để nói lên sự thật phũ phàng đó. Tôi sẽ không bao giờ tách lìa lý tưởng một Việt Nam phi cộng sản và một Việt Nam nhân bản ra khỏi sứ mạng giám mục của tôi.

Nhiều người Công Giáo quan niệm rằng, đạo và đời là hai thực thể riêng biệt. Chính vì thế, câu nói “người Công Giáo không làm chính trị” đối với họ đã trở thành sự biện minh cho thái độ vô cảm hay chủ trương không tham dự vào những vấn đề xã hội và đất nước. Một số quý vị lớn tuổi ở đây chắc đã từng trải qua thời kỳ Việt Minh vào những năm sau Đệ Nhị Thế Chiến. Ở Bắc Việt, Đức Giám Mục Lê Hữu Từ, là một vị tiền nhiệm của Đức Giám Mục Nguyễn Năng hiện nay, đã có thời lập ra khu Bùi Chu - Phát Diệm tự trị với cả những đội vũ trang Tự vệ Công giáo, chống lại chính quyền Việt Minh do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đối với ngài cũng như rất nhiều giám mục miền Bắc trong thời kỳ đó đã không ngần ngại dấn thân cho quê hương và có thể nói vượt qua cái ranh giới thông thường của đạo và đời, tôn giáo và chính trị. Hôm nay, tôi không có ý hoài niệm về một quá khứ mà nhiều người trong thế hệ cha anh rất tự hào về giáo hội Việt Nam; tôi càng không có ý cổ võ một con đường chống đối bạo động dù đối với chế độ vong bản phi nhân. Tuy nhiên, khi lấy cuộc sống sung mãn làm mục đích, chúng ta không thể mặc nhiên để sự ác hoành hành khống chế xã hội. Sự ác này không những thể hiện nơi cá nhân hay đoàn thể. Tôi cho rằng sự ác lớn nhất đang hoành hành trên đất nước chúng ta hôm nay chính là tà quyền và hệ thống chính trị đưa con người vào chỗ bế tắc.

Giáo hội là lương tri của xã h̉ội hay là công cụ của chế độ?

Có nhiều người sẽ không đồng thuận với nhận xét và quan điểm ở trên của tôi. Họ dẫn chứng rằng: Việt Nam đã có ít nhiều tự do tôn giáo. Nhà thờ, dòng tu, chủng viện v.v... được xây cất tu bổ một cách rầm rộ. Giáo dân đi lễ không còn chỗ ngồi. Ơn gọi không còn chỗ chứa. Bây giờ, cái khó không phải là do chính phủ hay công cụ của họ như công an cảnh sát cơ động gây nên. Cái khó là do đời sống luân lý đạo đức suy đồi của người dân, đặc biệt là giới trẻ...

Tôi không phủ nhận những thử thách đến từ sự mất hướng đi, lối sống buông thả và hưởng thụ vô trách nhiệm của thế hệ hôm nay cũng như đã xảy ra cho thế hệ hôm qua. Nhưng tôi cho rằng những thử thách về đời sống luân lý vẫn ở mãi với chúng ta từ đời này qua đời khác. Cái khác là trong một xã hội bị cai trị bởi một tà quyền và hệ thống chính trị gian dối ác độc, những thử thách ấy mang một sắc thái tiêu cực và bi đát hơn.

Khi một chế độ không cho giới trẻ một tương lai, không tạo cho họ một niềm tự hào, không cho họ cơ hội phát huy tài năng; khi một chế độ chỉ cho họ tiến thân qua thẻ đảng, khi chỉ có ‘còn đảng mới còn ta’ thì làm sao tránh được sự tuyệt vọng, sự mất hướng đi và sự bất cần của giới trẻ. Hãy cứ hỏi những cô dâu đi lấy chồng Đài Loan, Nam Hàn, những người lao động hợp tác ở Mã Lai, ở Arab Saudi và thậm chí ở cả Phi Châu, những người di dân bất hợp pháp ở Đông Âu, những em bị bán làm nô lệ tình dục ở Thái Lan, những người dân oan bị cướp đất, các công nhân bị bóc lột ở các hãng xưởng, những người trẻ trong các ‘chat-room’ v.v...

Có lần đi Macau, tôi gặp một số bạn trẻ Việt Nam lao động bất hợp pháp. Họ bị đối xử tàn tệ mà tòa đại sứ Việt Nam hoàn toàn không can thiệp và thậm chí còng đồng lõa với những đối tượng bất chính. Tôi không nghĩ là trong các nước không cộng sản không có những vấn nạn xã hội của họ – ngay cả trên đất nước Hoa Kỳ này.

Nhưng một điều không thể chối cãi được là trong nước ta hôm nay, nhiều những hiện tượng tôi đan cử trên là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử oai hùng của nước ta và là những nỗi nhục quốc thể cho những ai mang dòng máu Việt. Những hiện tượng này là triệu chứng của một cơn bệnh trầm kha: một thể chế hoàn toàn băng hoại và dẫn cả dân tộc vào chỗ bế tắc.

Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI có nhắc nhở cho người Công Giáo là “Giáo Hội không làm chính trị nhưng cũng không đứng bên lề xã hội.” Lịch sử Việt Nam qua nhiều thời đại đã minh chứng được sự dấn thân của người tín hữu thuộc mọi thành phần giáo hội vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Thế nhưng trong những năm gần đây, sự ru ngủ lương tri của giáo hội đã trở thành một hiện tượng phổ biến nằm trong chính sách công cụ hóa tôn giáo của chính quyền cộng sản. Các cụm từ như ‘tôn giáo và dân tộc,’ ‘tốt đời đẹp đạo,’ ‘giáo dân tốt công dân tốt,’ ‘kính Chúa yêu nước’ và ‘đồng hành cùng dân tộc’ đã trở thành những viên thuốc an thần để ru ngủ lương tri và vô hiệu hóa vai trò ngôn sứ của giáo hội.

Khi “đồng chí” Lê Hồng Anh, thường trực Ban Bí Thư, đi thăm Đức Cha Bùi Tuần nhân dịp Giáng sinh 2011, “ông bày tỏ tin tưởng đồng bào có đạo tiếp tục phát huy truyền thống kính Chúa yêu nước” (nguyên văn của báo Sàigòn Giải Phóng). Rồi sống sượng hơn nữa, “đồng chí” Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ Tướng, tại La Vang năm 2010 đã ban huấn từ cho cả các giám mục Việt Nam về việc mà ông gọi là “đồng hành cùng dân tộc.” Cái điều mà người Tây phương gọi là ‘elephant in the room’ tức là điều ai cũng nhận ra là đảng đã tự tôn mình ngang hàng với dân tộc thay vì là ‘đầy tớ của nhân dân’ như họ vẫn rêu rao.

Bằng chiêu bài đồng hóa đảng với dân tộc họ biến lòng yêu nước thành yêu đảng và chống đảng là chống lại dân tộc. Điều đáng buồn là liều thuốc an thần này đang làm ru ngủ và làm vô cảm lương tri của nhiều người Việt Nam, kể cả người tín hữu. Đồng hành cùng dân tộc không thể là đồng hành cùng chế độ, nhất là khi chế độ đó đang đưa dân tộc vào chỗ diệt vong.

Maria là nữ tì của chiều đại chính trực:

Quý vị thân mến,

Trở lại câu hỏi là chúng ta có thể đến với Mẹ La Vang trong nỗ lực tìm kiếm một tương lai tươi sáng cho đất nước và giáo hội hay không, niềm xác tín của tôi là đây là bổn phận của người tín hữu. Như người Công Giáo Ba Lan, cũng như ở khắp mọi nơi, chúng ta người tín hữu Việt Nam cũng cùng Mẹ để hành trình tiến về sự sống sung mãn cho đất nước và cho dân tộc. Ở trên, tôi đã chứng minh là đây là sự nhập thể hóa đức tin và là bổn phận Phúc Âm hóa môi trường xã hội của người môn đệ Chúa Giêsu. Bây giờ, tôi xin được hướng về chính Đức Trinh Nữ Maria như là một ‘mẫu người lữ hành trong đức tin’ và là một ‘đầy tớ can trường của công lý.’

Có lẽ đối với nhiều người Công Giáo Việt Nam, họ ít khi nào dùng hai cụm từ này để diễn tả hay suy niệm về Đức Mẹ. Trong gần 20 năm ở trong nước, kể cả những năm ở tiểu chủng viện Phaolô Xuân Lộc, tôi chưa một lần nghe các cha giảng về Đức Mẹ dưới hai danh hiệu nói trên. Thế nhưng tôi cho rằng đây là một kho tàng về Thánh Mẫu học mà chúng ta cần khai phá, nhất là cho những tín hữu Việt Nam trong bối cảnh của đất nước chúng ta hôm nay.

Phúc Âm thánh Luca đã mô tả là khi Maria bước vào nhà mình, bà Elisabeth được đầy ơn Chúa Thánh Thần đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi... Phúc cho em là kẻ đã tin lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Luca 1:43,45). Maria được đầy ơn phúc không những vì là người được những đặc ân Thiên Chúa ban tặng. Bà là một người đã tín thác tuyệt đối. Bà là mẫu người lữ hành trong đức tin vượt trội hơn mọi người lữ hành khác. Abraham đã tin vào lời Chúa hứa khi ông bỏ tất cả để tiến về vùng đất hứa. Ông đã tin dù chẳng được thấy bằng chứng của lời hứa ấy. Abraham chẳng hề nhìn thấy con đàn cháu đống và cũng chẳng hề được bước chân vào vùng đất đầy sữa và mật ong. Ông tin khi không còn gì để tin và hy vọng khi không còn gì để hy vọng. Maria cũng thế. Bà cũng tin khi không còn gì để tin và hy vọng khi không còn gì để hy vọng. Ít ra ông Abraham khi phải chịu thử thách là đem con đi sát tế, Chúa đã nhận lòng tin và cứu con ông khỏi chết. Còn lòng tin của Maria thì bị thúc đẩy đến đường cùng. Bà phải chứng kiến con một mình bị sát tế trên bàn thờ thập giá. Đức tin của bà được chứng minh một cách tuyệt đối. Maria trên Núi Sọ đã trở thành một người lữ hành trọn hảo trong đức tin. Bà cũng là môn đệ trọn hảo vì đã bước theo con đường chân thiện mỹ của Đức Kitô cho đến cùng.

Còn Maria là ‘đầy tớ can trường của công lý’ như thế nào? Kinh Magnificat (Luca 1:46-55) cho chúng ta câu trả lời khi Maria ca ngợi Đấng đoái thương tới người nữ tì hèn mọn như Ngài đã luôn chúc phúc cho những kẻ khiêm nhường và đói nghèo nhưng luôn kính sợ Ngài. Những lời nói này đối với những người không hiểu lịch sử cứu độ thì có vẻ tổng quát và mơ hồ. Kẻ khiêm nhường và người nghèo đói theo truyền thống Kinh Thánh là những người trung tín với giao ước bất chấp những thử thách. Họ không chỉ là những người mà nói theo tục ngữ Việt Nam là “ở hiền gặp lành”mà là kiên cường trong sự lành dù chỉ gặp toàn sự dữ.

Khi người Do Thái bị lưu đày hơn 60 năm ở Babylon, rất nhiều tín hữu mất niềm tin trong tâm trạng tuyệt vọng hoàn toàn. Họ mất quê hương, mất đền thánh Jerusalem, mất hòm bia, mất chính quyền, mất quân đội và mất tất cả. Họ bỏ giao ước vì nghĩ rằng chính Thiên Chúa đã bỏ họ. Chỉ có một thiểu số giữ vững niềm tin và tiếp tục duy trì giao ước. Trong Kinh Thánh họ được gọi là ‘Anawim’ mà có thể gọi nôm na là ‘tàn dư còn sống sót’.

Chính từ những ‘tàn dư’ này hay hình ảnh ‘gốc chồi Jesse’ mà Thiên Chúa đã tái tạo một Do Thái mới sau khi họ trở về đất hứa. Họ là những người sống theo sự công chính của giao ước. Họ là những người trung tín với đường lối Thiên Chúa ngay cả khi lộ trình này tưởng như chỉ dẫn đến sự thất bại, tủi nhục và tuyệt vọng.

Maria là nữ tì hèn mọn theo bước chân của những ‘tàn dư’ trung tín. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã viết là “Anawim không phải một giai cấp xã hội mà là một sự chọn lựa của kẻ công chính.” Họ chọn con đường công lý và sự thật mặc dù bị thiệt thòi và bắt bớ. Họ trung kiên theo giao ước dù bị kẻ có quyền bính ức hiếp. Như thế kẻ ‘tàn dư’ trung tín cũng là những ai sống tám mối phúc thật. Maria đầy ơn phúc vì Ngài là người nghèo khó, người hiền lành, người có lòng thương xót, người khóc lóc và khao khát chân lý... Maria đầy ơn phúc vì Bà trung kiên bước theo con đường của người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II kết luận là “Bài ngợi ca Magnificat đã nói lên vai trò của Mẹ trong cuộc chiến chống lại sự dữ và tà quyền.” Mẹ là người đồng hành và liên đới với tất cả những ai đứng về phía công lý và sự thật.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
(Lc 1:51-53)

Những lời này cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn đứng về phía ‘anawim’ của Ngài, tức là những người dù thiểu số và yếu hèn nhưng luôn kiên cường trong công lý và sự thật. Ngài sẽ chiến thắng trên những kẻ gian tà và phục hồi danh dự những ‘anawim’ của Ngài. Thiên Chúa đã thực hiện chiến thắng này nơi Đức Kitô, “phiến đá mà người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường”. Ngài đã thực hiện nơi Maria nữ tì hèn mọn cũng như tất cả những ‘anawim’ trung tín của Ngài.

Lời kết: Giáo hội là tiếng kêu trong hoang điạ hay chỉ là tiếng chũm chẹo kêu inh ỏi?

Quý vị thân mến,

Đ
Đức Mẹ La Vang đã đi vào tâm hồn của người Công Giáo Việt Nam và Ngài cũng đã đi vào lòng dân tộc chúng ta. Dù không phải như là người Ba Lan đã gắn bó với thánh địa Minh Sơn như là linh hồn của cả dân tộc, người Việt Công Giáo ở khắp mọi nơi hướng về Mẹ La Vang như là người đồng hành trong thăng trầm của lịch sử và là đấng phù hộ trong cơn thử thách. Lòng sùng kính Đức Mẹ không chỉ đưa chúng ta tới những hành động thuần túy tôn giáo và lễ nghi như đi hành hương, dâng hoa, rước kiệu, cung nghinh v.v... Với bổn phận ‘nhập thể hóa’ Tin Mừng và ‘Kitô hóa’ môi trường, lòng sùng kính Đức Mẹ cũng như lòng yêu mến Chúa thôi thúc chúng ta tìm cuộc sống sung mãn cho tha nhân. Chính vì thế, chúng ta không thể chỉ đến với Mẹ qua những hành động thuần túy tôn giáo mà không noi gương đấng là ‘anawim’ của Thiên Chúa. Maria là người lữ hành trong đức tin và là nữ tì trung tín của triều đại chính trực. Lòng sùng kính Mẹ thách thức chúng ta cũng phải làm đầy tớ và là chiến sĩ của công lý và sự thật trong cuộc chiến muôn thưở chống lại sự dữ và tà quyền.

Vào ngày 15 tháng 8 tới đây, theo như tin tức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì sẽ có nghi lễ đặt viên đá đầu tiên để xây Vương Cung Thánh Đường tại La Vang. Đây là một biến cố quan trọng thể hiện lòng sùng kính Mẹ và là một biểu hiện đặc thù của đức tin Công Giáo Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta không dừng lại ở một hình thức bên ngoài và nhất là tạo nên một biến cố để trang điểm cho chế độ. Nếu Kitô giáo mà mất vai trò ngôn sứ thì nó bị thuần hóa và trở thành công cụ của chế độ. Lúc đó, chúng ta không còn là tiếng kêu trong hoang địa nữa mà sẽ là tiếng chũm chọe kêu inh ỏi (1Cor 13:1); lúc đó chúng ta sẽ như muối không còn mặn nữa mà chỉ còn chờ ném ra ngoài đường cho người ta đạp lên nó (Mat 5:13).

Nói tóm lại, lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang không thể tách lìa với bổn phận xây dựng một xã hội theo giá trị của Phúc Âm. Sứ mạng của Đức Kitô là đem sự sống sung mãn cho con người. Người Kitô hữu chúng ta không thể chỉ dừng lại trong những hành động tôn giáo mà không kiếm tìm sự sung mãn của đồng loại và nhất là của đồng bào. Như Mẹ Maria là nữ tì trung tín, xin cho mọi người Công Giáo Việt Nam trong và ngoài nước cũng trở nên đầy tớ của Tin Mừng, của công lý, của sự thật trong cuộc chiến chống lại sự dữ và tà quyền. Tôi xin phỏng theo lời của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II để kết thúc bài chia sẻ:

Xin Mẹ La Vang toàn thắng nơi quê hương chúng ta.

Xin Mẹ toàn thắng ngay cả qua những đau khổ và thất bại của chúng ta.

Xin Mẹ cho chúng ta đừng nản lòng tranh đấu cho công lý và sự thật,

cho tự do và nhân phẩm của con người.

Xin Mẹ đem lại chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, sự lành trên sự dữ,

chí nhân trên cường bạo và đại nghĩa trên hung tàn.

Cùng Mẹ La Vang, chúng ta hãy tiến bước về tương lai tươi sáng cho dân tộc và cho đất nước.

+ GM Vinh sơn Nguyễn văn Long OFM Conv.,

Giám mục Hiệu tòa Tala và Giám mục Phụ tá TGP Melbourne, Australia.

Washington DC, USA, ngày 16 tháng 6 năm 2012.
 
Bổn Mạng Cursillo Ngành Việt Nam TGP Sydney
Diệp Hải Dung
06:46 23/06/2012
Tối thứ Sáu 22/06/2012 các anh chị em Cursillista trong Cộng Đồng đã đến hội trường nhà thờ St. Luke Revesby Sydney tham dự Lễ mừng kính Thánh Phaolô Tông Đồ là Quan Thầy của Phong Trào Cursillo Ngành Việt Nam TGP Sydney.

Khai mạc Đại Hội Ultreya trong nghi thức kiệu cung nghinh di ảnh Thánh Phaolô rước lên bàn thờ. Cha Linh hướng Paul Văn Chi, Tân và Cựu Chủ Tịch, Đại diện Văn Phòng Điều Hành, các nhóm trưởng, long trọng rước Thánh Phaolô và dâng hương trước di ảnh của Ngài.

Trước Thánh lễ là phần chia sẻ của chị Maria Phạm Thị Nhiên về đề tài “Thánh Phaolô Tông Đồ và Hồng Ân” và sau đó là phần trình chiếu Slide Show những sinh hoạt của Phong Trào Cursillo TGP Sydney trong những năm tháng qua.

Cha Linh Hướng Paul Văn Chi và Cha Phêrô Phạm Văn Thuyết cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn mừng kính Bổn Mạng và kỷ niệm 21 năm Phong Trào được thành lập tại Sydney. Trong bài giảng, Cha Linh Hướng đã hướng dẫn về hình ảnh Thánh Phaolô trong bước đường nhiệt thành của Ngài theo Chúa.

Sau bài giảng của Cha Paul Văn Chi giới thiệu anh Đinh Khắc Hòa, Tân Chủ tịch Phong Trào Cursillo TGP Sydney nhiệm kỳ 2012 – 2015 lên bàn thờ với nghi thức nhậm chức. Anh Đinh Khắc Hòa chúc mừng Bổn Mạng và ngỏ lời chào tất cả mọi người đồng thời anh giới thiệu anh chị em Tân Văn Phòng Điều Hành của nhiệm kỳ 2012 – 2015. Các anh chị em lên trước bàn thờ và cùng quỳ xuống để nhận lãnh trọng trách mà Phong Trào giao phó. Tất cả mọi người cùng giơ tay cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và chúc lành cho các anh chị em Tân Văn Phòng Điều Hành Phong Trào Cursillo TGP Sydney của nhiệm kỳ 2012 – 2015.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Đào Mạnh Hiếu Cựu Chủ tịch nhiệm kỳ 2009 –2012 lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, đặc biệt Cha Linh Hướng Paul Văn Chi và các anh chị em Cursillista đã nâng đỡ trợ giúp anh trong suốt thời gian điều hành Phong Trào trong Cộng Đồng được gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Kế tiếp anh Đinh Khắc Hòa Tân Chủ tịch lên ngỏ lời cám ơn quý Cha và tất cả các anh chị em Cursillista đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Phong Trào.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc liên hoan mừng kính Bổn Mạng và kết thúc bế mạc trong tình yêu của Thầy Chí Thánh Giêsu.
 
Văn Hóa
Euro 2012: Đức - Hy lạp: 4-2
Thanh Sơn
06:41 23/06/2012
"TỔ QUỐC VANG TO"

Hôm nay dẫu chẳng được thần phò
Yếu thế phép mầu lại chẳng cho
Đại bác Xe Tăng dồn mạnh qúa
Thần công bắn phá hết sức lo
Phản đòn quyết được dăm ba phát
Khéo thủ thành công vẫn nổi đò
Nước nhỏ nhưng tinh thần rất lớn
Dù thua tổ quốc vẫn vang to

Đức vượt trội so với Hy Lạp

Đức là một đội hình qúa mạnh so với Hy Lạp. Đây là sự khác biệt giữa 2 đội banh.

Lối chơi của Hy Lạp luôn là thủ rồi lừa cơ hôi để phản đồn chớp nhoáng.

Nhưng hôm nay họ rất ít có cơ hội phản đòn đó. Từ đầu đến cuối ta thấy đội Đức qúa mạnh về mọi mặt, nên họ tấn công vây khung thành của Hy Lạp liên tục làm cho cả đội của Hy Lạp vô cùng chật vật trong phòng ngự.

Đức được mệnh danh là cỗ "xe tăng" vòng ngoài đã ủi sập cả ba đối thủ mạnh hờn Hy Lạp là Hòa Lan, Bồ Đào nha và Đan Mạch. Trước trận đấu Hy Lạp và CĐV. của họ và mọi người đã đoán được trước rồi, "khó chống đỡ". Nhưng không vì vậy mà Hy Lạp chịu cúi đầu trước một đối thủ lớn mạnh hơn. Họ kiên trì chiến đấu cho đến cùng và luôn ngước cao đầu hướng về hai chữ linh thiêng "Tổ Quốc"

Philip Lahm mở màn bàn thắng:

Đến phút thứ 39 thì Philip Lahm đội trưởng của Đức đá một trái chéo góc xa rất đẹp và làm tung lưới của Hy Lạp, thủ môn Sifakis của Hy Lạp đã cố gắng hết mình nhưng không thể cứu nổi trái banh qúa căng bên góc phải này va điểm 1-0 cho Đức.

Samaras gỡ hòa cho Hy Lạp

Ít ai có thể nghĩ Hy Lạp lại nhanh chóng có được gỡ huề như vậy nhưng điều đó đã tới. 14 phút sau khi để thủng lưới, đội bóng tới từ xứ sở của các vị thần đã có được bàn gỡ hùê sau một pha phản công thật lẹ. Salpingidis là người dẫn banh lên góc phải và đua ngang rất chính xác vào giữa để Samaras băng lên dứt điểm đẹp vượt qua những nỗ lực truy cản của hậu vệ và thủ môn ĐT Đức. Bàn thắng của Samaras đã nói lên bản lĩnh và nỗ lực phi thường của người Hy Lạp.

Chính vào thời điểm mà Hy Lạp tỏ ra hy vọng nhất này, Đội Đức đã tung ra những đòn quyết định. Phút 61, từ quả đưa ngang bên cánh phải của J.Boateng, Khedira lao vào đá banh bổng tung nóc lưới Sifakis. Tiếp đà hưng phấn này cỗ xe tăng đã tiếp tục nhả đạn khiến cho những hy vọng mong manh nhất của Hy Lạp tan biến mất.

Sự nhạy bén của Klose

Lão tướng Klose 34 tuổi này vẫn chứng minh mình còn phong độ đã ghi bàn đúng với phong cách của mình với cú đánh đầu đẹp và rất gọn để nâng tỷ số lên 3-1 cho Đức, và Klose đã chứng minh anh vẫn còn đầy giá trị.

Marco Reus và dấu chấm hết cho Hy Lạp

Một cái tên giờ đây đã không còn quá mới mẻ đã ghi bàn cho ĐT. Đức hôm nay, như báo tin rằng mọi thứ đã chính thức khép lại với Hy Lạp. Đó là một cú đá dứt điểm tung lưới và rung rinh khung thành Hy Lạp của cầu thủ 23 tuổi này nâng tỷ số lên 4-1 vào 6 phút sau.

Thêm một trái an ủi cho Hy Lạp Salpingidis đá trái phạt đền rút ngắn tỷ số xuống còn 2-4 để chấm hết.

Chiến thắng cho Đức:

Lahm mở tỷ số, Khedira nhân đôi cách biệt, Klose gia tăng khoảng cách và khi Marco Reus,

Trước khi trận tứ kết 2 này diễn ra, không ít người đã kỳ vọng về một bất ngờ mà Hy Lạp có thể mang lại, như họ đã từng làm ở EURO 2004 hay chính tại vòng bảng EURO 2012 với Nga. Tuy nhiên giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ, bất ngờ đã không đến. Đức mạnh hơn, điều đó đã được thể hiện qua một thế trận áp đảo, sắc nét với 4 bàn thắng được ghi do công của Lahm, Khedira, Klose và Reus.

Những gì Hy Lạp có thể làm được thì đã làm hết.

Một sự kiên cường và quyết tâm cao độ.

Trước một ĐT Đức mạnh mẽ là thế, đội bóng của Hy Lạp vẫn chơi rất tự tin.

Họ khiến đối thủ phải ngỡ ngàng khi ghi tới 2 bàn thắng trong hiệp đấu thứ 2.

Chỉ tiếc rằng ngần đó là không đủ giúp họ có thể tạo nên một cú sốc trước cỗ xe tăng Đức mạnh mẽ và đầy bản lĩnh

Rất nhiều người kỳ vọng Hy Lạp sẽ viết tiếp 1 câu chuyện thần thoại. Nhưng đã không có điều kỳ diệu xảy ra.

Với tỷ số 4-2, Đội Đức giành quyền đi tiếp vào bán kết.

Còn Hy Lạp thì vẫn không có gì phải nuối tiếc vì họ đã chiến đấu hết mình cho Tổ Quốc.

Phụ ghi:

"Mình thua một kẻ mạnh hơn mình nhiều lần,
Thì đó là một cái thua trong vinh quang"
"Mình không cúi đầu sợ hãi trước nước mạnh hơn
Đó là đã làm vinh quang cho Tổ Quốc"
"Tổ tiên của mọi dân tộc vẫn anh hùng như vậy
Nên đất nước của họ mới hùng cường như hiện nay"
" Khốn cho những người luôn miệng vì Tổ Quốc
Mà chỉ biết vơ vét của cải riêng cho mình"
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sách Lời Chúa
Diệp Hải Dung
09:53 23/06/2012
SÁCH LỜI CHÚA
Ảnh của Diệp Hải Dung, (Australia)
Hàng tỷ người đã thấy được lợi ích to lớn
trong những lời dạy của Chúa Giêsu Kitô,
để giúp cuộc sống của họ được sung mãn.
Đây chính là một kho báu của cả nhân loại.
(Đức Đạt-lai Lạt-ma (Dalai Lama)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền