Ngày 22-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa là đấng hay thương xót
LM. Anphong Trần Đức Phương
02:48 22/06/2009
CHÚA LÀ ĐẤNG HAY THƯƠNG XÓT

(CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN, NĂM B)

Trước đây đã khá lâu, tôi đã được nghe kể câu chuyện như sau: Một bà mẹ bế đứa con đau nặng đến xin một bác sĩ ở ven đô Sài Gòn chữa em. Khi gặp bác sĩ, bà nói “Xin bác sĩ thương chữa cháu…tội nghiệp cháu quá…Chúa bắt tội cháu..!” Bác sĩ nhìn bà mẹ và nói “Bà tin Chúa hở!...Tôi cũng tin Chúa…Nhưng sao bà lại nói “Chúa bắt tội cháu!...Chúa là đấng nhân từ…dầu Chúa có bắt tội cháu…Chúa nào mà lại bắt cháu nhỏ phải đau yếu !”

Chúng ta thường có quan niệm: “Chúa phạt…Chúa bắt tội…Chúa làm mưa bão, sấm sét, Chúa làm lụt lội, Chúa gây ra bịnh tật… Chúa luôn nhìn xuống người phàm với con mắt nghiêm khắc để phạt tội người ta, kể cả các trẻ em…Và chúng ta sợ Chúa, xa tránh Chúa!”

Nhưng bài đọc Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta thấy “Chúa là Đấng nhân ái, đầy tình yêu thương với mọi người chúng ta, nhất là những người đau khổ, nghèo khó; kể cả những ai lỡ sa ngã phạm tội.

Bài đọc I (Sách Khôn Ngoan: 1:13-15;2:23-24): “Thiên Chúa đã tạo dựng sự sống chứ không tạo dựng sự chết…Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa và cho được trường sinh bất tử…”

Khi con người vì tội kiêu ngạo đã phản nghịch không giữ các giới răn của Chúa, đã đi vào con đường tội lỗi, chính Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc. Ngài đã giáng sinh trong hoàn cảnh khó nghèo, sống đời sống khó nghèo để chia sẻ những đau khổ của chúng ta. Trong thời gian rao giảng, Chúa Giêsu đã luôn chú ý giúp đỡ những người khiêm tốn, tin tưởng cầu xin Chúa khi gặp những hoàn cảnh khổ đau. Trong bài Phúc âm hôm nay (Matcô 5: 21-43), Chúa đã thương an ủi và chữa lành con ông trưởng hội đường khi ông khiêm tốn tự mình đến xin Chúa chữa con của ông. Chúa cũng an ủi và chữa lành người phụ nữ bị bệnh xuất huyết đã 12 năm, bà vừa phải chịu bịnh tật, vừa phải chịu khổ nhục vì người khác coi bà như kẻ nhơ bẩn, bị phạt tội, và ai cũng muốn xa tránh.

Suy gẫm về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, Thánh Phaolô, trong Bài đọc II hôm nay (2Corinto 8:7.9.13-15), đã nhắn nhủ chúng ta: “…Mặc dù giàu sang, Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Ngài mà chúng ta được trở nên giàu có… Vì thế, mọi người chúng ta hãy noi gương lòng thương xót của Chúa và quảng đại giúp đỡ những người nghèo khó để sự giúp đỡ của chúng ta bù đắp vào sự thiếu thốn của những anh em khác…”

Thiên Chúa là người Cha hay thương xót, tất cả chúng ta đều là con Chúa, và là anh chị em với nhau trong gia đình nhân loại. Vậy trong tinh thần Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy luôn tâm niệm Thánh vịnh 102: “Thiên Chúa là Đấng hay thương xót…Ngài tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta khi chúng ta khiêm nhường ăn năn sám hối… Như người cha thương con mình thế nào, Chúa cũng cùng thương xót những ai tôn kính Ngài …” Rồi chúng ta hãy noi gương Chúa, biết thương xót và giúp đỡ lẫn nhau khi ai trong chúng ta gặp phải hoàn cảnh đáng thương.
 
Nhân ngày Father's Day
Lại Thế Lãng
15:05 22/06/2009
Trong thời gian đi tù Cộng sản tôi có một người bạn tù rất thân, anh NTL, một sĩ quan Không quân. Tôi không nhớ rõ đã gặp anh ở trại nào trong những trại mà tôi đã trải qua trong thời gian đi tù ở miền Bắc. Nhưng điều mà tôi nhớ rất rõ là chúng tôi đã trở thành bạn thân thiết sau một trận cãi vã dữ dội. Đúng như kiểu nói trong các bộ phim Hồng Kông "Không cãi vã dữ dội thì không trở thành bạn thân"

Nguyên nhân dẫn đến cuộc cãi vã là một chuyện vớ vẩn, không đâu: bất đồng về cách chụm củi. Hôm đó anh ngồi cạnh tôi trong lúc tôi nhóm lửa đun nước uống. Thấy tôi vụng về, loay hoay mãi mà lửa không chịu cháy, anh bực bội giật phăng những thanh củi tôi đã xếp trong lò và xếp lại theo cách của anh. Vừa làm anh vừa càm ràm. Lúc đầu lời lẽ còn nhẹ nhàng nhưng càng lúc càng trở nên nặng nề theo nhịp độ của sự tức giận hiện trên nét mặt. Trước thái độ bất thường của anh lúc đầu tôi chỉ ngạc nhiên nhưng rồi không thể chịu đựng được nữa tôi cũng nổi nóng.

Bây giờ đến phiên tôi trút sự giận dữ lên anh. Tôi chỉ vào mặt anh và lớn tiếng bảo anh im ngay đi vì anh không có tư cách nào để nói năng với tôi như vậy. Thật lạ lùng đang hung hăng anh bỗng xìu xuống như trái banh xì hơi, ngôi yên chịu trận. Tôi được thể càng làm dữ. Một chặp sau anh từ từ ngẩng đầu lên nhìn tôi và nói "Xin lỗi". Giọng nói yếu ớt, cử chỉ thành thật và với dáng điệu thiểu não đến tội nghiệp khiến tôi thấy hối hận. Tôi cũng xin lỗi anh vì đã nặng lời với anh. Thế là hòa cả làng.

Sau khi chúng tôi bắt tay thông cảm nhau anh bắt đầu tâm sự. Bằng giọng nói trầm buồn anh thổ lộ rằng anh biết thái độ vừa rồi là một khuyết điểm lớn. Anh thú nhận cái khuyết điểm đó đó đã nhiếu lần làm khổ vợ con, nhất là những đứa con của anh khi chúng còn thơ dại. Anh kể có khi đang vui vẻ với con cái anh bỗng nổi nóng chỉ vì những chuyện vu vơ giống như chuyện vừa xẩy ra giữa anh va tôi. Anh kể tiếp rằng khi hết cơn nóng giận thì anh vô cùng hối hận xin lỗi các con và cha con lại vui vẻ. Nhưng rồi hết lần này đến lần khác cứ xin lỗi rồi lại tái phạm rồi lại xin lỗi. Anh cảm thấy hổ thẹn với con cái vì trước mắt chúng anh là một người cha không giữ lời hứa. Cho đến một lúc anh nhận ra rằng những khi nóng giận như thế chẳng khác gì bị rơi vào tr ạng thái mê sảng cần được đánh động để tỉnh lại và anh đã yêu cầu những người thân quen kể cả con cái giúp đánh động anh bằng cách nhìn thẳng vào mặt, gọi tên anh và thét lớn "L hãy im đi". Anh cho biết câu "thần chú" đó đã có tác dụng làm dịu lại cơn nóng giận cũng như vừa rồi nhờ tôi la lớn anh đã tỉnh lại.

Tôi thông cảm với những cố gắng của anh nhằm thóat ra khỏi cơn "mê sảng" nhưng tôi hỏi anh việc cho phép con cái gọi tên và quát vào mặt cha mình liệu có qúa đáng không? Anh không trả lời thẳng câu hỏi của tôi mà lại đặt câu hỏi cho tôi: Khi một người cha nóng giận vô cớ, la mắng vô lý, cư xử bất công. .. với con cái thì người cha đó có còn xứng đáng là một người cha hay không?

Nhớ lại thời trước ở Việt Nam cha mẹ hầu như có quyền tuyệt đối trên con cái. "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Cha mẹ nói sao con cái phải nghe vậy cãi lại thì bị coi là vô lễ, bất hiếu. Có nhiều bậc cha mẹ quan niệm rằng chỉ có con cái sai lầm chứ cha mẹ không bao giờ sai lầm. Quan niệm đó cộng với lối giáo dục "Gìa đòn non nhẽ, đánh khỏe thì chừa" khiến cho con cái nhiều khi phải hứng chịu những trận đòn oan uổng.

Thỉnh thỏang trong những lúc trà dư tửu hậu người ta thấy vẫn còn có người kể lại những trận đòn khi xưa với ý trách móc. Tôi không nhớ khi còn nhỏ tôi có bị bố tôi đánh cho trận đòn nên thân nào hay không. Nhưng cho dù là có, tôi cũng không oán hận mà còn biết ơn. Là vì chung quy thì cha mẹ nào cũng chỉ muốn cho con cái nên người. Cách giáo dục xưa kia có thể qúa nghiêm khắc nhưng theo quan niệm "Yêu cho roi cho vọt" của thời kỳ bấy giờ thì việc sửa phạt con cái bằng roi vọt cũng chỉ là chuyện bình thường.

Ngày nay và nhất là sống trong xã hội Mỹ thì lối giáo dục con cái bằng roi vọt hoàn toàn không còn thích hợp nữa. Ngay cả việc mắng chửi con cái cũng phải choi chừng vì trẻ con ở Mỹ mới tập tễnh đến trường đã được chỉ cho biết cách gọi 911 khi chúng nghĩ rằng chúng bị xúc phạm. Tôn trọng con cái là điều bắt buộc trong xã hội này tuy vậy cha mẹ không phải lúc nào cũng phải theo con cái, không phải lúc nào cũng phải thỏa mãn những đòi hỏi của con cái. Cha mẹ vẫn cần phải nói không trước những đòi hỏi không chính đáng của con cái hay trước những yêu cầu của con cái mà cha mẹ biết rõ là có hại.

Tôn trọng con cái cũng không có nghĩa là thả lỏng, không đếm xỉa gì đến con cái, không hướng dẫn khi chúng còn qúa nhỏ. Trong một lần chuyện trò với một người cha còn trẻ tuổi tôi vô cùng kinh ngạc khi nghe người cha này chủ trương không rửa tội cho đứa con gái đầu lòng khi còn nhỏ mà đợi cho con lớn khôn xem nó có chịu theo đạo thì mới rửa tội. Tôn trọng con cái kiểu này thì thật là tai hại và không hiểu biết gì về gíao lý Công giáo. Trong cuốn Giáo lý Công giáo của Giáo Hội Việt Nam phần nói về Rửa tội có ghi rõ "cha mẹ Kitô giáo phải lo cho con cái sinh ra được rửa tội trong vòng một tháng". Trong phần nói về Bổn phận của cha mẹ sách Giáo lý cũng ghi rõ "cha mẹ lo dậy giáo lý, dạy con cái biết cầu nguyện và biết nhận ra chúng là con cái Thiên Chúa", ngay trong việc chọn trường cho con cái cũng phải " chọn trường học phù hợp với niềm tin tôn giáo của mình để đảm bảo cho chúng được nền giáo dục Kitô giáo".

Cha mẹ sinh ra con cái có trách nhiệm phải nuôi dạy. Không những chỉ lo cho con cái ăn, mặc, học hành mà còn phải hướng dẫn và giáo dục con cái về niềm tin nữa. Rõ ràng trách nhiệm của cha mẹ là phải hướng dẫn con cái ngay từ thơ ấu chứ không chờ cho con cái lớn lên xem chúng có chịu theo đạo hay không rồi mới rửa tội.

Có một câu chuyện kể rằng một hôm một đứa bé cứ quanh quẩn bên cha nó và kể cho cha nó nghe nhiều chuyện ở trường học nhưng người cha chẳng hề quan tâm. Đứa bé hết kể chuyện của nó thì sang đến công việc của cha nó. Nó hỏi cha nó đi làm việc mỗi ngày được trả bao nhiêu tiền. Người cha không trả lời vì cho rằng một đứa trẻ không cần biết việc của người lớn. Nhưng đứa bé vẫn không chịu thua, nó tiếp tục hỏi mỗi giờ cha nó đi làm được trả bao nhiêu.. Bất đắc dĩ người cha phải trả lời cho xong chuyện với hy vọng đứa con sẽ không quấy rầy mính nữa. Người cha trả lời gọn lỏn: 20 đô. Nghe xong đứa bé bỏ đi không hỏi thêm gì nữa. Ít lâu sau vao một buổi sáng ngày cuối tuần khi người cha chuẩn bị đi làm đứa bé đến trước mặt cha nó và đưa cho người cha 20 đô la là tiền nó gom góp được từ con heo tiết kiệm. Người cha ngơ ngác chưa kịp hỏi gì thì đứa con đã nhanh nhẩu nói với cha nó rằng nó muốn mua cha nó một giờ. Nghĩa là nó muốn cha nó nghỉ bớt một giờ trong ngày cuối tuần để gần gũi với nó.

Câu chuyện trên phản ảnh khá trung thực cuộc sống của nhiều gia đình trong xã hội ngày nay. Có những người cha, người mẹ đã để qúa nhiều thời giờ vào việc kiếm tiến đến nỗi không còn thời gian dành cho con cái. Cha mẹ cần có thời gian gần gũi con cái để con cái có thể chia sẻ những suy nghĩ cũng như những băn khoăn mà con cái gặp phải. Con cái không được cha mẹ quan tâm và hướng dẫn đúng mức dễ bị lầm lỡ và có thể dẫn đến hậu qủa khó lường. Đến khi đó thì cho dù có kiếm đưọc thật nhiều tiền củng không thể bù đắp được những thiệt hại này.

Ngày Father’s Day được thiết lập để vinh danh những người cha. Thiết tưởng cũng là dịp để những người chồng, người cha kiểm điểm lai trách nhiệm và bổn phận đối với vợ, con trong tư cách là người chủ gia đình.
 
Ngôi nhà Hòa bình
Jos. Tú Nạc, NMS
17:41 22/06/2009
Maggy chạy hết nhà này đến nhà khác. Những đứa con của bà cùng chạy theo bà. Bà có bảy đứa con. Bà hốt hoảng và đang tìm chỗ trú ẩn cho gia đình bà. Đó là vào tháng 10 năm 1993, và chiến tranh vừa bắt đầu nổ ra trên quê hương bà, Burundi.

Người dân hai sắc tộc Hutu và Tutsi đang trong giao chiến. Maggy là người Tutsi và ba đứa con của bà cũng vậy. Nhưng ba đứa trẻ kia là người Hutu. Maggy đã nhân chúng là con nuôi. Chúng mồ côi - những đứa trẻ vô gia đình. Nên Maggy đã nhận những đứa trẻ này là một phần trong gia đình bà.

Nhưng đêm đó, không ai cho gia đình bà tá túc trong nhà họ. Những gia đình Hutu nói họ chỉ bảo vệ những đứa trẻ người Hutu. Và ngược lại những gia đình người Tutsi chỉ bảo vệ Maggy và những đứa con người Tutsi của bà. Nhưng không ai dám bảo vệ hết số họ. Và Maggy muốn gia đình bà cùng ở bên nhau.

Nên Maggy đã đến một người mà bà biết chắc thế nào cũng được giúp đỡ - vị Giám Mục Công Giáo sở tại. Nhà lãnh đạo Ki-tô giáo này đã giấu Maggy, gia đình bà và những người Hutu khác. Maggy nghĩ cuối cùng họ đã được an toàn.

Tuy nhiên, ngày 24 tháng Mười năm 1993, những người lính Tutsi đã tấn công Tòa Giám mục. Maggy đã không bị giết bởi bà là người Tutsi. Thay vì, bà đã bị trói và buộc phải chứng kiến cảnh những người lính này giết 72 người vả thiêu hủy tòa nhà.

Maggy đã bị choáng và đau buồn khôn xiết bởi những gì bà đã thấy. Nhưng ngay cả trong tình huống khủng khiếp này, bà đã không nghĩ tới bản thân. Thay và đó, bà đã nghĩ đến những đứa con của mình – cả con bà và những đứa bà nhận làm mẹ vừa bị giết. Đêm đó, Maggy đã trả tiền cho những người lính để đừng giết và bắt cóc 25 đứa trẻ. Những đứa trẻ này giờ đây trở thành những trẻ mồ côi, tỵ nạn chiến tranh.

Vào đêm kinh hoàng ấy, Maggy bắt đầu một công việc mới của cuộc đời. Bà biết rằng những đứa trẻ này, và sẽ còn nhiều hơn nữa những trường hợp như chúng, cần sự chăm sóc và bảo vệ.

Sau vụ tấn công vào Tòa Giám mục, Maggy trở nên người có trách nhiệm trên 30 đứa trẻ. Bà thấy rằng bà không thể trông coi tất cả chúng trong nhà bà. Nên Maggy quyết định bắt đầu thành lập Ngôi Nhà Hòa Bình (Mason Shalom hay House of Peace).

Ngôi Nhà Hòa Bình đã trở thành nơi mà bất cứ đứa trẻ thuộc sắc tộc, tôn giáo, thành phần xã hội nào cũng đều được chào đón. Thoạt đầu, ngôi nhà là một trường học cũ. Đó chỉ là một ý tưởng đơn giản. Maggy và những đứa lớn chăm sóc những đứa bé. Họ cùng nhau làm việc thu hoạch những vụ mùa từ nông trại của gia đình Maggy để nuôi sống mọi người.

Vì cuộc chiến còn tiếp tục, hàng trăm đứa trẻ tỵ nạn đến Ngôi Nhà Hòa Bình để được bảo vệ và chăm sóc. Nhiều người không hiểu tại sao Maggy lại nuôi nấng, chăm sóc những đứa trẻ này. Bà đã trình bày lý do trước tổ chức UNICEF:

“Tôi biết rằng trong trái tim tôi tội ác không bao giờ chiến thắng … Mọi người nghĩ tôi điên và rằng tôi là người mất lý trí – thậm chí cả gia đình tôi! Tôi nói vâng, tôi là người mất lý trí, nhưng các bạn cũng là người điên bởi lẽ các bạn đã bắt đầu giết chóc. Ai đã mất lý trí hơn – người nào đó đang bắn giết hay người nào đó đang cứu vớt sự sống?

Vì công việc của Ngôi Nhà Hòa Bình ngày càng đa đoan, Maggy đã giành được sự ủng hộ trên toàn thế giới. Với sự ủng hộ này, Maggy đã mở hai trung tâm cho những trẻ bị thương tật thể chất và tinh thần ở Burundi. Bà cũng mở thêm ba ngôi nhà hoặc “làng trẻ” cho những trẻ mồ côi hay thất lạc gia đình. Những ngôi làng này chu cấp một “ mái gia đình” và những nguồn tài trợ cho các em.

Ngôi Nhà Hòa Bình cũng cung cấp giáo dục và đào tạo những kỹ năng cho các em. Làm việc chăm chỉ là phần quan trọng của Ngôi Nhà Hòa Bình. Trẻ em học để chăm sóc gia đình và nhà cửa. chúng cũng học những kỹ năng trong những rạp hát trung tâm, nhà hàng, khách sạn, và tiệm hớt tóc.

Maggy nghĩ đó là điều quan trọng để những đứa trẻ biết làm việc và giúp đỡ bản thân. Maggy nghĩ những điều quan trọng nhất để dạy chúng là hòa bình và tha thứ. Maggy nói với UNICEF vì lý do này mà bà đã thiết lập Ngôi Nhà Hòa Bình,

“Tôi muốn chứng tỏ với người dân chúng tôi rằng chỉ có công lý và tình yêu đó là yếu tố để sống trong hòa bình.”

Maggy luôn ý thức trong công việc của mình. Bà đã đoạt nhiều giải thưởng: Voice Courage Award, Nansen Refugee Award, và năm 2008 là giải thưởng Opus Prize giá trị 1,000,000 Mỹ kim tiền thưởng cho những hoạt động xuất sắc về công tác cứu giúp nhân loại. Đây là một trong những phần thưởng giá trị nhất.

Khi bà nhận phần thưởng, bà đã nhảy múa, vỗ tay với niềm hân hoan, sung sướng, bà nói với các phóng viên,

“Tôi vinh dự được nhận 1,000,000 Mỹ kim – tôi sẽ có hơn 50,000 đứa con, và rồi tôi sẽ giúp đỡ tất cả chúng.”

Maggy đã dùng số tiền thưởng này để giúp đỡ tất cả những đứa trẻ. Bà đã mở một bênh viện một trăm hai mươi giường ở Burundi.

Nhiều người gọi Maggy là ‘Mẹ Teresa của Burundi’, nhiều người khác đã gọi bà là ‘Thiên Thần của Burundi’. Cả hai tên đều thể hiện tinh thần và việc làm của bà. Nhưng Maggy bộc bạch rằng công việc của bà thông qua Ngôi Nhà Hòa Bình không phải của riêng bà. Bà nói đó là sự thành lập từ Opus Prize,

“Tôi tin đó là một sứ mệnh, nó là công việc của cuộc đời. tôi tràn đầy hy vọng. Trong công việc có bàn tay của Thiên Chúa.”

Cuộc đời của Maggy là một tấm gương khác biệt, một người mà có thể làm thành. Maggy luôn nuôi hy vọng. thậm chí trong những lúc khủng hoảng, bà vẫn tin rằng cái ác không bao giờ tồn tại. Maggy vẫn hằng mơ ước bằng mọi cách bà có thể giúp đỡ mọi người. Và qua những lời của bà, bà khích lệ tất cả mọi người cũng nuôi những ước mơ như vậy. Bà nói,

“Với mỗi mơ ước của chúng ta, chúng ta đang phát triển nhân loại.”
 
Thánh Gioan Tẩy Giả
Lm Giacôbê Tạ Chúc
17:42 22/06/2009
Trong xã hội phong kiến, dưới chế độ quân chủ, vua được mệnh danh là”Thiên Tử”, thần dân chỉ biết cúi đầu vâng lệnh. Chống lại vua, thì chỉ có con đường chết. Vậy mà có một người chẳng biết sợ, dám can đảm nói lên những khuyết điểm của vua Hêrôđê Antipa, khi ông vua này cưới bà Salômê vợ của Philipphê anh mình làm vợ. Người đó là Gioan Tẩy Giả, ông là chứng nhân của công lý và sự thật.

Trong thời gian qua, người ta nhắc nhiều đến một cái tên của một luật sư đang sống và làm việc tại Việt nam, khi ông này làm đơn kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 11/06/2009, thật là một trường hợp hiếm thấy tại Việt nam, từ trước đến nay. Luật sư Cù Huy Hà Vũ, rõ ràng “trứng mà chọi với đá”, “con kiến mà kiện củ khoai”. Nhìn lại cuộc đời Gioan, chúng ta thấy có những điểm bất thường và phi thừơng. Bất thường trong hòan cảnh sinh ra của ông. Cha mẹ là những người cao tuổi, và mang tiếng là”hiếm muộn”, ấy vậy mà được Chúa cho một mụn con nối dõi tông đường. Sinh ra và lớn lên, người ta thường tìm một cuộc sống xa hoa, còn Gioan thức ăn là châu chấu và mật ong, áo quần mặc là lông của thú vật. Rao giảng thì trong sa mạc, những nơi tịch liêu, đúng là tay anh hùng chẳng sợ cô liêu. Tóat lên đôi nét thật chân quê đó là một tâm hồn cao thượng và phi thường. Trong lúc không ai dám lên tiếng cho chân lý thì Gioan lại là người đi tiên phong khi lên tiếng phản đối Hêrôđê.Các quan của triều đình chắc hẳn cũng thấy những việc làm phi pháp của nhà vua. Nhất là đời sống luân thường đạo lý:cướp vợ của anh, lấy chị dâu làm vợ. Đám quần thần im lặng, chỉ vì sợ liên lụy đến lợi ích bổng lộc và tính mạng mình. Còn Gioan, ông lên tiếng cho lẽ phải, và chính vì điều đó mà ông bị bỏ tù và bị chém đầu. Ngòai ngày mừng sinh nhật của Gioan, Hội Thánh còn có ngày mừng phúc tử đạo của vị thánh nhân khả kính này. Trong cuộc sống ngày hôm nay, cũng không thiếu những hình ảnh Gioan Tẩy Giả, những con người sống và hành động theo lương tâm, vì lợi ích của cộng động và của dân tộc. Thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô trung thành với sứ mạng của mình khi dọn đường cho Đức Giêsu đến, Ngài đã rút vào bên trong hậu trường khi đã hòan tất vai diễn là một Đại Ngôn Sứ.

Cuộc sống làm chứng cho Tin mừng luôn là lời mời gọi cho những ai đang bước theo Đức Giêsu, họ là những chứng nhân bằng lời và bằng việc làm. Con người ngày hôm nay vẫn luôn khao khát có những vị Tông đồ như Gioan Tiền Hô, sống thanh bần và chết trong vinh quang.
 
Đức cha André Dupleix nói về Năm Linh Mục
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
18:33 22/06/2009
PHÁP QUỐC - Nhìn vào viễn tượng Năm Thánh Phaolô được thay thế bằng Năm Linh Mục, đức cha André Dupleix, Phó Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Pháp cho rằng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa vị Tông Đồ dân ngoại và những cộng sự viên chia sẻ tác vụ thánh với các giám mục trong việc đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu mà sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn cuộc đời để phục vụ Tin Mừng.

Đặc biệt, đức cha cũng nhắc đến sự kiện Năm Linh Mục trùng lặp với dịp kỷ niệm năm thứ 150 ngày qua đời của cha thánh Gioan Maria Vianney, quan thầy không những của các cha xứ trên hoàn vũ, hơn nữa chiếu theo mong ước của Đức Thánh Cha, ngài còn là quan thầy của tất cả các linh mục mang bất cứ trọng trách nào trong Giáo Hội. « Năm Linh Mục còn giúp các cộng đoàn Kitô hữu ý thức được vai trò chính yếu của các linh mục trong đời sống sứ mạng của Giáo Hội đối với thế giới », đức cha nhấn mạnh.

Cũng theo phân tích của đức cha Dupleix thì Năm Linh Mục đặt biệt mang ý nghĩa rất lớn cách riêng đối với Giáo Hội Pháp khi mà con số các giáo sỹ và các chủng sinh giảm sút như hoàn cảnh hiện nay. Theo ngài trong hoàn cảnh ấy, câu hỏi về trách nhiệm của các cộng đoàn Kitô giáo cũng như về trọng trách trong sứ mệnh Phúc Âm hóa được đặt ra.

Đức cha cũng không quên đánh giá tác vụ của các linh mục là tuyệt đối cần thiết trong đời sống của Giáo Hội: « Ngay từ những thế kỷ đầu, và cho dù có sự tiến triển về mô thức thì tính nội dung và tính mục đích của tác vụ này luôn triệt để nguyên vẹn ». Chính vì vậy, quy chiếu vào mẫu gương của cha thánh Gioan Maria Vianney không thể được xem như là một bản copy nguyên mẫu, nhưng phải được hiểu như là một sự năng động về linh đạo cũng như về mục vụ. « Cha Thánh Gioan Vianney tiếp tục cho đến ngày nay vẫn là khuôn mẫu và là căn nguyên », đức cha Dupleix nhận định.

Riêng đối với hàng ngũ linh mục, đức cha Dupleix chia sẻ: « Chúng ta không thể tránh né tự hỏi mình rằng liệu thế hệ thời nay có đủ tin để rồi có ước muốn bước theo kế tiếp chúng ta ». Ngài không quy kết cho những yếu đuối và mỏng dòn, vì đức cha lập luận rằng chỉ những ai không bao giờ nhập cuộc thì người ấy mới không có sai lầm. Tuy nhiên, đức cha cũng thừa nhận rằng ý nghĩa đích thực về những cam kết dấn thân trong đời sống của các linh mục và về sứ mạng của họ rất có thể chưa được con người thời nay hiểu một cách đầy đủ cho lắm…

Đức cha Dupleix cũng nhấn mạnh rằng trong cuộc sống của các môn đệ Chúa Kitô, mặc dù còn có những bất toàn, nhưng tất cả đều được thấm nhuần bởi Phúc Âm và bởi sứ điệp của tình yêu và hòa giải, của tự do và bình an. Những điều đó không thể tách rời nhau, và cùng với ý thức gắn bó chặt chẽ với Đức Kitô cách dứt khoát và không có giới hạn.

Sau cùng Đức Cha Dupleix nói rằng cần phải thánh hóa Năm Linh Mục với niềm xác tín nêu trên. Về phía cá nhân mình, ngài nghĩ như vậy. « Chúng ta cũng hoàn toàn tin tưởng vào sự khởi đầu này sẽ đơm bông kết trái », đức cha Dupleix hy vọng.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ca tụng Thiên Chúa bằng mọi ngôn ngữ
Pt Huỳnh Mai Trác
15:36 22/06/2009
Thánh Cyril và thánh Methodius, tông đồ của người Slaves là những đấng đồng bảo trợ xứ Âu châu, được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nêu lên trong dịp triều kiến chung. Sứ vụ của các thánh là “nhịp cầu nối liền Đông Phương và Tây Phương”.

Trình bày lại tiểu sử của hai anh em, Đức Giáo Hoàng nói về ngày sinh của thánh Cyril được biết vào khoảng năm 827 ở xứ Salonica và ngài đã được học hành kỷ lưỡng trước khi nhận lãnh chức linh mục. Em của ngài là Methodius, sinh vào năm 815, cũng đã từ bỏ việc làm quan để trở thành một tu sĩ. Thánh Cyril đã đến tu hành với em của mình tại tu viện Olympus.

Vài năm sau đó, triều đinh của Hoàng đế bổ nhiệm thánh Cyril đến cai quản các dân tộc sinh sống gần bờ biển Azov trong khi các sắc dân này lại muốn đàm phán cùng người Do Thái và người Hồi. Sau khi trở về lại Constantinople, thì Hoàng đế quyết định đưa thánh Cyril, lần này cùng đi với thánh Methodius đến Moravia. Ở đó ông Hoàng Ratislaw muốn được giải thích về đạo Công giáo bằng ngôn ngữ của xứ ông.

Sứ vụ này đã mang lại một thành công rực rỡ, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh. Hai anh em thánh này đã dịch lời phụng vụ ra tiếng Slave, nên các ngài được dân chúng ở đây hết sức ngưỡng mộ, nhưng lại bị hàng giáo sĩ người Franc hiện diện ở xứ này tức giận vì họ cho đây là phần đất thuộc quyền cai quản của họ.

Trong cuộc hành trình đến Roma, khi đi ngang qua Venise, các thánh Cyril và Methodius đã có một cuộc biện luận với những nguời cho rằng chỉ có ba ngôn ngữ được dùng trong việc ca tụng Thiên Chúa là Hebrew, Hy lạp và La tinh, còn dùng các thứ tiếng khác là lạc đạo. Các ngài đã đến trình bày việc làm của các ngài trước Đức Giáo Hoàng Andrien II, và các ngài đã được tiếp đón niềm nở và ngợi khen giá trị công việc làm của các ngài.

Đức Giáo Hoàng tin tưởng là các dân tộc Slaves sẽ là nhịp cầu giữa Đông và Tây, điều này bảo đảm cho sự thống nhất của người Kitô hữu trong đế quốc. Ngài đã chấp thuận công việc của các thánh ở Moravia và chấp thuận cho dùng tiếng Slave trong phụng vụ.

Thánh Cyril chết tại Roma sau một cơn bệnh nặng vào ngày 14 tháng 2 năm 869. Một năm sau đó thì người em thánh Methodius trở lại Moravia và Pannonia, soạn thảo một hiến pháp cho Giáo Hội địa phương nhờ vào sự ủng hộ của các đệ tử. Thánh Methodius tạ thế ngày 6 tháng 4 năm 885.

Những nét tinh thần của hai anh em thánh người Slave này được viết lại trong những bài viết của thánh Gregory ở Naziance mà ngài đã nhận biết giá trị ngôn ngữ trong việc truyền đạt ơn Cứu độ. . . Các thánh Cyril và Methodius đã thực hiện công việc dịch thuật các tín lý ra tiếng Slave.. do đó có được sự chính xác và dể hiểu theo tiếng nói địa phương được xử dụng hằng ngày.

Từ đó phát sinh ra bản mẫu tự tiếng Slave mà sau này người ta gọi là mẫu tự Cyril để vinh danh thánh Cyril.. . Các thánh Cyril và Methodius biết rằng một dân tộc không thể thâu nhận hoàn toàn ơn Cứu độ và sư Mặc khải nếu không được đọc và nghe Lời Chúa trong ngôn ngữ của họ. Hai vị thánh này thường được nhắc nhở khi nói về hội nhập văn hóa, là mọi dân tộc cần được nghe và đọc Tin Mừng trong chính ngôn ngữ của họ…

“Về sự việc này, Giáo Hội thường nhắc nhở về các đấng thánh này như một nguồn cảm hứng và một việc làm luôn mãi có giá trị.”(nguồn tin VIS)
 
ĐTC khai mạc Năm Linh Mục: ''Giáo Hội đang cần những linh mục là chứng nhân đầy xác tín về tình yêu Thiên Chúa''
LM Trần Đức Anh, OP
18:25 22/06/2009
VATICAN - Lúc 6 giờ chiều thứ sáu 19-6-2009, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng là Ngày Thánh Hóa các linh mục, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để khai mạc Năm Linh Mục kéo dài đến ngày 19-6 năm 2010 với chủ đề ”Trung thành trong Chúa Kitô, niềm trung thành của linh mục”.

Hiện diện trong đền thờ có 30 HY và 60 GM gồm các vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và nhiều GM khác, đặc biệt là các GM Venezuala vẫn còn có mặt tại Roma nhân cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và các GM Công giáo nghi lễ Siri. Ngoài ra, có nhiều LM, các chủng sinh và tu sĩ nam nữ. Một số LM đến từ Việt Nam hoặc đang du học tại Pháp và Italia cũng hiện diện, cùng với nhiều nữ tu.

Trước đó vào lúc 5 giờ rưỡi, Đức TGM Mauro Piacenza, Tổng thư ký Bộ giáo sĩ đã ngỏ lời với mọi người và dẫn giải về diễn tiến buổi cử hành, trước khi ĐHY Angelo Comastri Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô chủ sự nghi thức rước hòm đựng thánh tích là trái tim của Thánh Gioan Maria Vianney Cha sở họ Ars, bổn mạng các cha sở trong Giáo Hội, từ nhà nguyện Đức Mẹ Sầu Bi ở cuối Đền thờ tới Bàn thờ chính, rồi đặt tại Nhà nguyện cung nguyện. Cùng hướng dẫn đoàn rước có ĐHY Claudio Hummes, dòng Phanxicô, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, Đức cha Guy Bagnard, GM giáo phận Belley-Ars bên Pháp, nơi có Đền thánh Vianney.

Tôn kính thánh tích Thánh Gioan M. Vianney

Khi tiến vào Đền thờ, ĐTC đã đi thẳng vào Nhà nguyện cung nguyện để kính viếng thánh tích vị Thánh bổn mạng các cha sở, qua đời cách đây đúng 150 năm. Ngài cầu nguyện trong thinh lặng, xông hương thánh tích và đọc lời nguyện:

”Lạy Chúa Giêsu, nơi thánh Gioan Maria Vianney, Chúa đã muốn ban cho Giáo Hội một hình ảnh cảm động về đức bác ái mục tử của Chúa, xin ban cho chúng con sống trọn vẹn Năm linh mục này, cùng với thánh nhân và được sự nâng đỡ của Người.

”Xin cho chúng con, khi ở lại trước Thánh Thể như thánh Vianney, chúng con có thể được biết rằng lời Chúa dạy chúng con thật là đơn sơ và thường nhật dường nào; tình yêu của Người dịu hiền biết bao khi đón nhận các hối nhân; lòng phó thác tin tưởng của Người nơi Mẹ Vô Nhiễm của Chúa có sức an ủi dường bao.

”Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Cha Sở họ Ars, xin cho các gia đình Kitô trở thành những giáo hội nhỏ, trong đó tất cả ơn gọi và mọi đoàn sủng do Chúa Thánh Linh ban xuống, có thể được đón nhận và nêu cao giá trị. Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con có thể lập lại với cùng một lòng sốt sắng của Thánh Cha Sở những lời Người thường cầu nguyện với Chúa:

”Lạy Chúa của con, con yêu mến Chúa, và ước muốn duy nhất của con là yêu mến Chúa cho đến hơi thở cuối cùng của con. Lạy Thiên Chúa rất đáng yêu mến vô cùng, con yêu mến Chúa và con thà chết vì yêu mến CHúa còn hơn là sống một giây phút mà không yêu mến Chúa.

”Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, ơn duy nhất con cầu xin Chúa đó là được yêu mến Chúa đời đời.

”Lạy Thiên Chúa của con, nếu miệng lưỡi con không thể nói với Chúa trong mọi giây phút rằng con yêu mến Chúa, con muốn trái tim của con lập lại điều ấy với Chúa mỗi khi con hô hấp.

”Lạy Chúa là Đấng Cứu Độ con, con yếu mến Chúa, vì Chúa đã chịu đóng đanh cho con, và Chúa cho con được chịu đóng đanh cùng Chúa dưới thế này. Lạy Chúa của con, xin ban cho con ơn được chết trong lúc yêu mến Chúa và biết rằng con yêu mến Chúa. Amen”.

Kinh chiều được bắt đầu với bài thánh ca phụng vụ, và 3 thánh vịnh, sau mỗi thánh vịnh có phần thinh lặng để mỗi người cầu nguyện riêng.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Epheso nói về Thiên Chúa đầy lòng xót thương, ĐTC đã diễn giảng về mầu nhiệm lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa và nói rằng:

”Con tim của Thiên Chúa rung động vì cảm thương! Trong ngày lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay, Giáo Hội trình bày mầu nhiệm này cho chúng ta chiêm niệm, mầu nhiệm trái tim của một vị Thiên Chúa cảm động và đổ tràn tình thương của Ngài cho nhân loại. Qua các trang của Tân Ước, Tình Yêu này được trình bày cho chúng ta như sự say mê khôn lường của Thiên Chúa đối với con người. Chúa không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, kể cả trước sự từ chối của dân mà Ngài đã tuyển chọn, trái lại với lòng từ bi vô biên, Ngài sai Con Duy Nhất của Ngài xuống trần thế, để mang lấy số phận của một tình yêu bị hủy diệt; để sau khi đánh bại quyền lực của sự ác và sự chết, Chúa Con có thể trả lại cho loài người chức phận làm con, dù họ đã bị tội lỗi biến thành nô lệ. Tất cả những điều đó đã phải trả giá đắt đỏ: Con duy nhất của Chúa Cha đã tự hiến tế trên thập giá: ”Sau khi đã yêu thương con cái Ngài trong trần thế, Ngài yêu thương họ cho đến cùng” (cf Ga 13,1). Biểu tượng tình yêu ấy đi xa hơn cái chết chính là cạnh sườn của Chúa bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Về điểm này, chứng nhân tận mắt là thánh Tông đồ Gioan đã quả quyết: ”Một trong những người lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, và tức thì máu cùng nước chảy ra” (cf Ga 19,34).

Anh chị em thân mến, cám ơn anh chị em, vì đã đáp lại lời mời của tôi đến đây đông đảo trong buổi cử hành này, khai mạc năm linh mục. Tôi chào thăm các Hồng Y và GM, đặc biệt là ĐHY Tổng trưởng và Đức TGM Tổng thư ký Bộ giáo sĩ, cùng với các cộng sự viên, và Đức Giám Mục giáo phận Ars. Tôi chào thăm các linh mục và chủng sinh thuộc các chủng viện và học viện ở Roma; các tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu. Tôi đặc biệt chào Đức thượng Phụ Ignace Youssef Younan, Thượng Phụ Antiokia của các tín hữu Siri, đến Roma để gặp tôi và công khai bày tỏ sự hiệp thông Giáo Hội mà tôi đã ban cho ngài.

”Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau dừng lại để chiêm ngắm Trái Tim bị đâm thâu qua của Đấng chịu đóng đinh. Chúng ta vừa nghe lại một lần nữa, trong bài đọc ngắn, trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêso, rằng ”Thiên Chúa giàu lòng xót thương, vì tình yêu bao la của Ngài đối với chúng ta, Ngài đã làm cho chúng ta vốn đã chết vì tội lỗi, được sống lại với Chúa Kitô... Ngài đã cho chúng ta sống lại với Chúa Kitô và cho chúng ta được ngồi trên trời, trong Chúa Giêsu Kitô” (Ep 2,4-6). Trong Trái Tim Chúa Giêsu có biểu lộ nòng cốt của Kitô giáo; trong Chúa Kitô, một sự mới mẻ hoàn toàn, có tính chất cách mạng của Tin Mừng được biểu lộ và ban cho chúng ta: Đấng là Tình Yêu đã cứu thoát và làm cho chúng ta được sống ngay từ bây giờ trong sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh Sử đã viết: ”Thực vậy, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài để tất cả những ai tin nơi Người thì sẽ không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (3, 16). Trái tim thần linh của Ngài kêu gọi trái tim chúng ta, mời gọi chúng ta ra khỏi chính mình, để từ bỏ những điều chắc chắn phàm nhân của chúng ta, hầu tín thác nơi Ngài, biến chúng ta thành một dâng hiến tình yêu không chút dè dặt”.

”Nếu lời mời gọi của Chúa Giêsu ”ở lại trong tình yêu của Ngài” (Ga 15,9) được gửi tới mọi tín hữu đã chịu phép rửa, thì trong ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Ngày Thánh Hóa linh mục, lời mời gọi ấy càng vang vọng mạnh mẽ hơn đối với các linh mục chúng ta, đặc biệt là chiều hôm nay, long trọng khai mạc Năm linh mục mà tôi đã muốn ấn định nhân dịp kỷ niệm 150 năm Thánh Cha Sở họ Ars qua đời. Tôi nghĩ ngay đến lời quả quyết đẹp đẽ và cảm động của Thánh Nhân, như được trích lại trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, rằng: ”Chức linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu” (số 1589). Làm sao ta không cảm động nhớ lại rằng chính từ Trái Tim Chúa đã trực tiếp nảy sinh hồng ân sứ vụ linh mục của chúng ta? Làm sao quên rằng các linh mục chúng ta được thánh hiến để phục vụ, một cách khiêm tốn và có thế giá, chức linh mục chung của các tín hữu. Sứ mạng của chúng ta là điều không thể thiếu được đối với Giáo Hội và thế giới, đòi phải trung thành trọn vẹn đối với Chúa Kitô và không ngừng kết hiệp với Chúa, nghĩa là đòi hỏi chúng ta phải liên lỷ hướng về sự thánh thiện như thánh Gioan Maria Vianney đã làm. Anh em linh mục quí mến, trong thư gửi anh em nhân dịp năm đặc biệt này, tôi đã muốn làm nổi bật một vài khía cạnh quan trọng trong sứ vụ của chúng ta, chiếu theo tấm gương và giáo huấn của Thánh Cha Sở họ Ars, mẫu gương và bổn mạng của tất cả các linh mục, và đặc biệt là các cha sở. Ước gì lá thư ấy của tôi là một trợ lực và khích lệ cho anh em trong việc biến năm này thành cơ hội thuận tiện để tăng trưởng trong cuộc sống thân mật với Chúa Giêsu, Chúa đang mong đợi nơi chúng ta là các thừa tác viên của Ngài để mở rộng và củng cố Nước Chúa. Và vì thế, theo gương Thánh Cha Sở họ Ars, như tôi đã kết luận lá thư, anh em hãy để cho Chúa chinh phục và như thế anh em cũng trở thành những sứ giả hy vọng, hòa giải và an bình trong thế giới ngày nay”.

”Để cho Chúa Kitô hoàn toàn chinh phục! Đó là mục đích toàn thể đời sống của Thánh Phaolô, Vị mà chúng ta đã đặc biệt chú ý trong Năm Thánh Phaolô sắp kết thúc; điều đó cũng là mục tiêu toàn thể sứ vụ của Thánh Cha Sở họ Ars, Vị mà chúng ta đặc biệt kêu cầu trong Năm Linh Mục; ước gì đó cũng là mục tiêu chính của mỗi người chúng ta. Để là thừa tác viên phục vụ Tin Mừng, điều chắc chắn hữu ích là việc học hành cùng với một sự thường huấn mục vụ kỹ lưỡng, nhưng điều còn cần thiết hơn nữa, đó chính là ”khoa học tình yêu” mà ta chỉ học được trong cuộc sống thân mật với Chúa Kitô. Thực vậy, chính Chúa đã kêu gọi chúng ta để bẻ bánh tình yêu của Ngài, để tha thứ tội lỗi và để hướng dẫn đoàn chiên nhân danh Chúa. Chính vì thế, không bao giờ chúng ta được xa lìa nguồn mạch Tình Yêu là Trái Tim Chúa chịu đâm thâu qua trên thập giá.

”Chỉ như thế, chúng ta mới có thể cộng tác hữu hiệu vào ý định mầu nhiệm của Chúa Cha làm làm cho Chúa Kitô trở thành trái tim của thế giới! Ý định này được thực hiện trong lịch sử, dần dần Chúa Giêsu trở thành Trái Tim của các con tim loài người, bắt đầu từ những người được kêu gọi ở gần Ngài hơn, tức là chính các linh mục. Những lời hứa khi chịu chức linh mục nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ liên lỷ ấy, những lời hứa ấy vẫn được lập lại mỗi năm trong thánh lễ làm phép dầu Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Cả những khiếm khuyết, những giới hạn và yếu đuối của chúng ta cũng phải dẫn chúng ta về cùng Trái Tim Chúa Giêsu. Thực vậy, nếu các tội nhân, khi chiêm ngắm trái tim Chúa, phải tìm được nơi Chúa sự đau đớn vì tội lỗi, dẫn đưa họ về cùng Chúa Cha, thì điều này càng được áp dụng cho các thừa tác viên thánh. Về vấn đề này, làm sao quên được rằng không có gì làm cho Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô, phải đau khổ cho bằng những tội lỗi của các mục tử Giáo Hội, nhất là những ngừơi biến thành những kẻ ”ăn trộm chiên” (Ga 10,1ss), hoặc làm cho đoàn chiên lạc hướng vì những giáo thuyết riêng của họ, hoặc xiết chiên bằng những giây tội lỗi và chết chóc? Các linh mục thân mến, lời mời gọi hoán cải và tìm đến Lượng Từ Bi của Chúa cũng được áp dụng cho chúng ta, và chúng ta cũng phải khiêm tốn tha thiết không ngừng cầu xin Trái Tim Chúa Giêsu để Ngài giữ gìn chúng ta khỏi nguy cơ kinh khủng là làm thiệt hại cho những người mà chúng ta phải cứu vớt.

Trong phần kết luận bài giảng, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Giáo Hội đang cần những linh mục thánh thiện; cần những thừa tác viên giúp các tín hữu cảm nghiệm lòng từ bi thương xót của Chúa và là những chứng nhân đầy xác tín về tình yêu này. Trong khi chầu Thánh Thể sau Kinh Chiều này, chúng ta hãy xin Chúa làm cho con tim của mỗi linh mục được nồng cháy tình bác ái mục tử, có khả năng đồng hóa cái tôi của mình với cái tôi của Chúa Giêsu linh mục, để có thể noi gương Chúa trong sự tự hiến hoàn hảo nhất. Xin Mẹ Maria cầu cho chúng ta được ơn này, Đấng mà ngài mai chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Khiết Tâm của Mẹ với niềm tin nhiệt thành. Thánh Cha Sở Họ Ars vẫn có lòng kính mến con thảo đối với Mẹ, đến độ vào năm 1836, trước khi Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm được tuyên bố, thánh nhân đã thánh hiến giáo xứ của Người cho Đức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội. Thánh nhân vẫn giữ thói quen hiến dâng giáo xứ cho Đức Mẹ, và dạy các tín hữu rằng chỉ cần chạy đến cùng Mẹ để được nhậm lời, vì Mẹ mong ước thấy chúng ta được hạnh phúc. Xin Đức Trinh Nữ rất thánh là Mẹ chúng ta tháp tùng chúng ta trong Năm linh mục bắt đầu hôm nay, để chúng ta có thể là những người hướng đạo vững chắc và sáng suốt cho các tín hữu mà Chúa ủy thác cho chúng ta săn sóc mục vụ. Amen

Sau kinh chiều, ĐTC đã chủ sự cuộc Chầu Mình Thánh Chúa và ban phép lành Thánh Thể cho mọi người. Buổi phụng vụ kết thúc với bài Thánh Ca Salve Regina, Kính chào Nữ Vương!
 
Đức Thánh Cha viếng thăm mộ của thánh Piô Năm dấu
Bình Hòa
18:29 22/06/2009
NAM Ý - Đức Thánh Cha đã dành trọn ngày chúa nhựt hôm qua để đi thăm viếng San Giovanni Rotondo, một thị trấn với 26 ngàn dân cư, nằm ở mạn Nam nước Ý, cách Rôma 500 cây số, nổi tiếng nhờ thánh Piô de Pietralcinô, một linh mục dòng Capucinô, sinh năm 1887 và qua đời năm 1968. Từ năm 1918, cha đã được bề trên cử về San Giovanni Rotondo (có lẽ tên gọi bắt nguồn từ ngôi nhà thờ hình tròn, dâng kính thánh Gioan Tấy giả, được cất từ thế kỷ VII) để hoạt động mục vụ cho đến khi qua đời.

Trong suốt thời gian 50 năm, cha được biết đến như là vị giải tội ngoại thường: nhiều ngày cha ngồi toà hơn 10 tiếng đồng hồ; ngoài ra cũng từ năm 1918 cha được lãnh nhận trên thân mình 5 dấu thương tích của Chúa Giêsu. Tuy đã qua đời từ hơn 40 năm qua, nhưng hai công trình do cha khởi xướng vẫn tồn tại, thứ nhất là “Nhà xoa dịu đau khổ”, tức là bệnh viện dành cho các bệnh nhân (khánh thành vào năm 1956 với 250 giường, nhưng nay đã lên đến 1200 giường với 50 ngành chuyên khoa) và “hội cầu nguyện cha Piô” (chính thức thành lập từ năm 1950, và ngày nay bành trướng khắp thế giới). Cha Piô được phong chân phước năm 1999 và hiển thánh năm 2002, lễ kính vào ngày 23/9, trùng vào ngày tạ thế. Cách đây 22 năm, vào ngày 23/5/1987, đức Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm mộ của cha Piô, vị giải tội mà ngài đã từng gặp khi còn là một linh mục sinh viên ở Rôma 40 năm về trước. Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm mồ của vị thánh linh mục hầu như suốt đời chỉ thi hành hai tác vụ là dâng Thánh lễ (đôi lúc kéo dài 3 giờ đồng hồ) và ban bí tích giải tội.

Theo chương trình, lẽ ra ngài đáp máy bay lên thẳng từ Vaticano đến sân vận động thành phố, nhưng vì thời tiết xấu, nên phải đổi dùng máy bay thường và đáp xuống phi trường quân sự ở Foggia. Vào buổi sáng, ngài cử hành Thánh lễ cho cộng đoàn Dân Chúa, với các tín hữu đến từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Ba-lan. Các bài đọc Sách Thánh được công bố bằng tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Ý. Những ý chỉ lời nguyện giáo dân được xướng bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây-ban-nha, Ba-lan. Vào buổi chiều, ngài đã thăm các bệnh nhân điều trị tại “Nhà Xoa dịu đau khổ” và gặp gỡ các linh mục tu sĩ. Bài tường thuật hôm nay chỉ giới hạn vào Thánh Lễ buổi sáng, phần tiếp sẽ được dành cho buổi phát ngày mai.

Dựa theo các bài đọc Sách Thánh chúa nhựt thứ XII thường niên, cách riêng là bài đọc Tin mừng kể lại việc Chúa Giêsu dẹp tan cơn bão tố trên hồ Tiberiađê, đức thánh cha đã áp dụng cho đời sống của các môn đệ của Chúa, qua tấm gương của thánh Piô. Khi cơn sóng gió nổi lên, các môn đệ đâm ra hoảng hốt. nhưng đức Giêsu bình thản. Nhưng cũng có lúc mà chính đức Giêsu cảm thấy xao xuyến, tuy vẫn không hoài nghi về quyền năng và sự gần gũi của Chúa Cha. Đức Giêsu đã có lần trải qua tình cảnh bi đát, một đàng thấy mình hợp nhất với Chúa Cha, phó thác hoàn toàn cho Cha, và đàng khác, vì liên đới với các tội nhân, Người cảm thấy ra như xa cách Cha và bị Cha bỏ rơi. Trong cuộc Tử nạn, Người đã cảm thấy trọn vẹn sự cách quãng giữa hận thù và thương yêu. Nhiều vị thánh cũng trải qua cơn thử thách ấy, trong số đó có cha Piô.

Cha Piô là một con người chất phác bình dân, nhưng đã được Chúa Kitô chọn để trở thành dụng cụ của sức mạnh vạn năng của Thập giá. Các dấu thương tích mà cha Piô mang trên mình đã đưa cha kết hợp chặt chẽ với Đấng chịu đóng đinh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con người của cha hoàn toàn bị động. Không, cha Piô đã sử dụng những khả năng tự nhiên của mình để phục vụ chương trình của Thiên Chúa, đặc biệt ở ba điểm: rao giảng Tin mừng, tha thứ tội lỗi, và chữa lành những vết thương thể xác và tâm hồn. Hơn thế nữa, ai ai cũng biết những cuộc chiến đấu mà cha Piô phải đương đầu trong suốt cuộc đời.

Cũng như Chúa Giêsu, cuộc chiến đấu khốc liệt nhất không phải là đối lại với địch thù trần thế nhưng là ma quỷ. Những bão tố đe doạ cha là những cuộc tấn công của ma quỷ. Cha đã đương đầu với chúng với khí cụ của Chúa, với thuẫn của đức tin, và gươm của Thần khí tức là lời của Chúa.

Nhờ kết hiệp với Chúa Giêsu, cha Piô đã hiểu biết sâu sắc tình trạng bi thảm của cuộc sống con người, và vì thế cha đã hiến mình và dâng hiến những nỗi đau khổ của mình cho họ. Cũng vì thế cha đã tìm hết phương tiện để xoa dịu những nỗi đau khổ của các bệnh nhân, như dấu chỉ biểu hiện tình thương của Chúa, của triều đại Thiên Chúa đã đến, của sự chiến thắng của tình yêu và sự sống trên tội lỗi và sự chết. Cuộc đời linh mục của cha tóm lại trong sứ vụ “hướng dẫn các linh hồn và xoa dịu đau khổ” hay nói theo Đức giáo hoàng Phaolô VI, “cha là con người của cầu nguyện và đau khổ”.

Hướng về những con cái tinh thần của cha Piô, tức là các anh em dòng Capuxinô và các nhóm cầu nguyện của cha, đức Bênêđictô XVI trao lại cho họ một khẩu hiệu: hãy nên thánh. Và con đường nên thánh được xây cất bởi sự cầu nguyện và lòng bác ái. Nhờ cầu nguyện và kết hợp với Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh, cách riêng khi dâng Thánh lễ, cha Piô đã múc được nguồn mạch để gặp gỡ con người một cách cụ thể. Tình yêu tha nhân mà cha ấp ủ trong lòng được diễn tả qua những hành động cụ thể khi ân cần gặp gỡ họ trong những hoàn cảnh thực tế của cá nhân cũng như gia đình. Ngôi nhà xoa dịu đau khổ mà cha dựng lên bắt nguồn từ lòng yêu mến mà cha nhận được do sự cầu nguyện. Cha muốn mang tình yêu của Thánh Tâm Chúa đến với những người đau khổ. Ngày nay, công trình của cha vẫn được tiếp tục nơi nhiều người thiện nguyện, nhưng cần phải cảnh giác trước nguy cơ là chúng ta đánh mất tinh thần của thuở ban đầu, khi chỉ nghĩ dến hiệu năng sản xuất, mà bỏ qua việc lắng nghe Lời Chúa nhờ đó chúng ta tìm cách thi hành ý Chúa.

Trong phần kết luận, đức thánh cha nhắn nhủ rằng chúng ta sẽ gặp những sóng gió bão táp, nhưng khi nó xảy đến, chúng ta hãy nhìn tấm gương của cha Piô, con người cầu nguyện và chia sẻ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, nhờ đó chúng ta sẽ vượt qua được.

Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ với chén thánh mà cha Piô đã dùng. Một nét đặc biệt của buổi cử hành Thánh lễ hôm qua là đám đông 30 ngàn người đã giữ được những phút thinh lặng hoàn toàn vào đầu Thánh lễ để hồi tâm xét mình, sau bài giảng để nghiền ngẫm, và sau khi rước lễ để tạ ơn.

Trước khi ban phép lành kết thúc, đức thánh cha đã cám ơn những người đã góp phần vào việc tổ chức cho cuộc viếng thăm được tốt đẹp. Ngài cũng ký thác cho Đức Mẹ các tu sĩ dòng Capuxin, các bệnh nhân và những nhân viên y tế phục vụ tại Nhà xoa dịu đau khổ, các nhóm cầu nguyện của cha Piô, và cũng xin Đức Mẹ và cha Piô chuyển cầu cho năm dành cho các linh mục mới khai mạc hôm thứ 6 vừa qua.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ đại trào kết thúc cuộc Hành hương của Liên đoàn CGVN/KH về với Mẹ La Vang tại Hoa thịnh Đốn
Liên Đoàn
04:32 22/06/2009
WASHINGTON DC - Thánh lễ trọng thể cho người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hành hương kính viếng Đền Đức Mẹ La Vang tại Vương Cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn do Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt chủ tế và giảng thuyết cùng với 30 linh mục đồng tế, cùng với cả ngàn giáo dân tham dự rất sốt sằng và trang nghiêm.

Trong buổi lễ cũng có sự tham dự của 20 nữ tu Việt nam thuộc 4 dòng Mến thánh Giá Đà Lạt, Phát Diệm, Trinh Vương và Đa Minh.

Số giáo dân Việt nam về tham dự từ rất nhiều tiểu bang Hoa Kỳ và Canada: New York, New Jersey, Connecticut, Maryland, Virginia, Louisiana, Pennsylvania, Oregon, Texas và California. Hai cộng đoàn Canada là Toronto và Montreal.

Tất cả giáo dân đều được phát cờ Đức Mẹ, họ đã đứng lên phất cờ đề đón chào và cung nghinh tượng Mẹ La Vang trong khi ca đoàn tổng hợp khoảng 250 ca viên thuộc các ca đoàn tại điạ phương và các tiểu bang xa xôi, hát bài ca nhập Lễ: “Hãy Về Bên Mẹ”. Kiệu CTTĐ dẫn đầu rồi đến kiệu Mẹ được đưa lên cung thánh để Đức Tổng xông hương.
 
Phỏng vấn ĐTGM Phêrô Nguyễn văn Tốt về ý nghĩa Năm Linh Mục
LM Trần Công Nghị
15:00 22/06/2009
WASHINGTON DC - Ngày 19.6.2009

Nhân dịp Đức TGM Nguyễn Văn Tốt, khâm sứ Tòa Thánh tại Costa Rica đến với Đại Hội Hành Hương của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ vào ngày 19.6.2009 và cũng là ngày ĐTC Benedictô XVI khai mạc "Năm Linh Mục", LM Trần Công Nghị đã xin Đức Sứ Thần Tòa Thánh chia sẻ về ý nghĩa và mục tiêu Năm Linh Mục với cộng đoàn dân Chúa khắp nơi.
 
Hình Ảnh Thánh Lễ Đại Trào ngày 20 tháng 6, 2009
Bùi Hữu Thư
16:32 22/06/2009

Hình Ảnh Thánh Lễ Đại Trào ngày 20 tháng 6, 2009



Hoa Thịnh Đốn ngày 21 tháng 6, 2009:




Thánh Lễ Đại Trào 20/06/09

Đức Tổng Giám Mục Pierre Nguyễn Văn Tốt, Khâm Sứ Tòa Thánh tại Costa Rica đã chủ tế và giảng thuyết trong thánh lễ đại trào tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: 400 Michigan Avenue, NE Washington DC lúc 1:30 chiều ngày Chúa Nhật vừa qua với sự tham dự của 30 linh mục, 4 thầy Sáu Vĩnh Viễn và Chuyển Tiếp, 20 nữ tu và khoảng 4000 giáo dân từ khắp nơi trên đất Hoa Kỳ và Canada. Cuộc rước kiệu được tổ chức từ cuối nhà thờ lên cung thánh với hai cỗ kiệu Các Thánh Tử Đạo của Giáo Xứ CTTĐ Arlington, và Kiệu Mẹ La Vang của giáo xứ CTTĐ Richmond do Đức Ông Phạm Xuân Thắng cho mượn. Một ca đoàn tổng hợp hùng hậu với 250 ca viên, và 35 ngạc công Mỹ Việt dưới sự điều khiển của Nhạc sư Phạm Đức Huyến và các ca trưởng mới hoàn tất khóa Ca Trưởng Cấp 3 tuần trước đó. Đoàn Phụng Vũ gồm 50 em vũ sinh thuộc giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Arlington, Virginia dưới sự hướng dẫn của hai sơ Nguyệt Cầu và Thiên Ân thuộc Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Fairfax trong đồng phục áo dài khăn vành hai mầu đỏ và vàng, đã dâng hoa trong phần Dâng Lễ.

Cha Michael Weston, Giám Đốc Phụng Vụ của Vương Cung Thánh Đường đã đại diện cho Đức Ông Rossi chào mừng quan khách. Cha Nguyễn Đức Vượng và Ông Bùi Hữu Thư đã giới thiệu bà Cecile Motus, Phó Giám Đốc Văn Phòng Đa Văn Hóa của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Bà Motus đã hàng năm tổ chức Ngày Sắc Tộc Á Châu và Thái Bình Dương vào tháng 5 cũng tại nơi này, đã ngỏ lời khen ngợi sự thành công của cuộc Hành Hương Đức Mẹ La Vang của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm đã đọc diễn văn bế mạc để cám ơn sự tham dự và đóng góp của tất cả mọi thành phần Dân Chúa khiến cho cuộc Hành Hương Mẹ La Vang 2009 thành công mỹ mãn. Cha Liêm cũng hỏi ý kiến cử toạ về việc tổ chức hành hương tại Đây hàng năm, và mọi người đã trả lời "Muốn !!!" ba lần.

Do đó ngài đã hẹn tái ngộ với tất cả mọi người vào các ngày 17, 18 và 19 tháng 6 năm 2010.
 
Men Phục Sinh giáo hạt Ba Làng: Cầu nguyện cho các linh mục
Nhóm MPS VI
18:09 22/06/2009
THANH HÓA - Hòa chung với toàn thể giáo hội trong Năm Linh Mục, vào lúc 20g00, ngày 21.6.2009, tại quản trường giáo xứ Ba Làng, nhóm Men Phục Sinh I đã tổ chức buổi cầu nguyện Taize – cầu cho các linh mục.

Tham dự buổi cầu nguyện có cha chính xứ Ba Làng Phaolo Trịnh Quan Tịnh, quý thầy, quý sơ, các chú ứng sinh, các em học viên MPS và đông đảo bà con giáo dân giáo xứ Ba Làng tham dự.

Đúng 19g45, tại quảng trường, các em thiếu nhi và bà con giáo dân đã tập trung đông đảo chung quanh Thánh Giá. Những ngọn nến bắt đầu được thắp sáng lên để chuẩn bị cho buổi cầu nguyện theo sự hướng dẫn của ban tổ chức. Đồng thời, tại sân nhà xứ, đoàn rước nến gồm: Cha chủ sự, quý thầy, quý sơ và các em học viên cũng bắt đầu tiến về quảng trường trong ánh nến lung linh, hoà với những lời ca tiếng hát tạo nên một bầu khí thật linh thiêng và sốt sắng.

Thánh Giá là trung tâm điểm quy tụ mọi người tham dự trong buổi cầu nguyện, là nhịp cầu nối kết mọi người với nhau và nối kết linh mục với cộng đoàn dân Chúa. Trong tiếng nhạc du dương hòa cùng tiếng sóng biển vỗ rì rào, khúc ca “Lời Ngài là sức sống của con, Lời Ngài là ánh sáng đời con” đã đưa trăm ngàn ánh mắt chăm chú hướng nhìn lên Thánh Giá để được thông ban ánh sáng và truyền thông sự sống.

Hình ảnh Cha chủ sự quỳ gối, tay cầm ngọn nến cháy sáng, như muốn biểu lộ một ý nghĩa đặc biệt mà trong thư mục vụ của Đức Giám Mục Giáo Phận đã nhấn mạnh: “một năm đặc biệt cầu nguyện cho linh mục”. Trong thinh lặng cầu nguyện trước Thánh Giá Chúa, giữa cộng đoàn tín hữu, hình ảnh người mục tử càng gần gửi và thân thiết hơn bao giờ hết.

Trong tâm tình cầu nguyện cho các linh mục trong Giáo phận và trên thế giới, mỗi người tham dự đều dâng lên Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm những nguyện ước, hầu xin Ngài ban ơn thánh hoá các linh mục, để các linh mục trở nên muối men ướp cuộc đời mỗi lúc một mặn nồng hơn, nên ánh sáng trần gian mỗi lúc một chiếu toả hơn.

Đêm cầu nguyện đã đi sâu vào tâm hồn mỗi người, biến đổi và thánh hoá, làm cho mỗi con tim thấm đượm tình Chúa, tình người. Ước mong linh mục Chúa luôn là hy tế để hiến thánh cho một mình Thiên Chúa mà thôi.
 
Chương trình ad limina của Phái đoàn HĐGMVN tại Roma
VietCatholic
22:22 22/06/2009
VATICAN - Hôm nay Chúa nhật 21-06-2009, các giám mục Việt Nam hiện đã có mặt ở Rôma để thực hiện chuyến viếng thăm ad limina theo giáo luật. Trong tâm tình hiệp thông cầu nguyện, xin gửi đến độc giả những thông tin ban đầu về chương trình của Phái đoàn HĐGMVN – do Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương và Đức Ông Phanxicô B. Trần Văn Khả cung cấp.

Ngày Nội dung: Gặp Cơ quan của Tòa Thánh / Thánh Lễ
Thứ Hai

22-06-2009
09g30: Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân
11g00: Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình
Thứ Ba

23-06-2009
09g30: Bộ Giáo Sĩ
11g00: Bộ Giáo lý Đức Tin
17g30: Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành, Chủ sự: Đức Tổng Giám Mục Huế

Giảng: Đức Cha Mỹ Tho; Sau Thánh lễ: viếng Mộ Thánh Phaolô
Thứ Tư

24-06-2009
07g30: Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, Vaticanô (bàn thờ Cattedra)

Chủ sự: ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn; Giảng: Đức Tổng Giám mục Hà Nội.

Sau Thánh Lễ: viếng mộ Thánh Phêrô
09g30: Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc
11g30: Hội Giáo hoàng Truyền giáo (P.O.M)
Thứ Năm

25-06-2009
09g30: Bộ Phong Thánh
11g00: Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích
12g30: Hội đồng Giáo hoàng Đối thoại Liên tôn
Thứ Sáu

26-06-2009
09g30: Bộ Đời Sống Thánh Hiến
16g30: Hội đồng Giáo hoàng Mục vụ Di dân
17g30: Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình
Thứ Bảy

27-06-2009
09g30: Bộ Giáo Dục Công Giáo
Chủ Nhật

28-06-2009
10g30: Thánh Lễ tại nhà nguyện Pontificio Collegio Urbano, Vaticanô với Liên Tu Sĩ Rôma

Chủ sự: Đức Cha Chủ Tịch HĐGM. VN; Giảng: Đức Cha Ban Mê Thuột

Sau Thánh Lễ: gặp Liên Tu Sĩ Rôma.
18g00: Kinh Chiều với Đức Thánh Cha tại VCTĐ thánh Phaolô ngoại thành
Thứ Hai

29-06-2009
9g30: Thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Đền thờ Thánh Phêrô
Thứ Ba

30-06-2009
09g30: Hội đồng Giáo hoàng Văn Hoá
11g00: Hội đồng Giáo hoàng Mục vụ Y tế
Thứ Tư

01-07-2009
12g00: Hội đồng Giáo hoàng Truyền Thông Xã hội
Thứ Năm

02-07-2009
10g30: Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm (Cor Unum)
Thứ Sáu

03-07-2009
09g30: Hội đồng Giáo hoàng Hiệp nhất Kitô giáo
12g00: Bộ Ngoại giao
 
Các Giám mục Việt Nam 'Ad limina' 2009
Hà–Minh Thảo
22:30 22/06/2009
Từ chiều Chúa nhật ngày 21.06.2009, 3 Đức Tổng Giám mục và 28 Đức Giám mục Việt-Nam đã tới Rôma để chuẩn bị cuộc ‘Ad limina’ khởi sự từ ngày 22.06.2009 tại Vatican.

Ad limina, viết tắt của ad limina apostolonna (aux seuils des basiliques des apôtres) = bước qua ngưỡng cửa vương cung thánh đường các tông đồ, nói cách khác là đến Rôma. Tại đây, các Giám Mục, mỗi 5 năm phải đến viếng mộ hai thánh Tông đồ, Phêrô và Phaolô, cùng gặp Đức Giáo Hoàng để tường trình về mục vụ tại Giáo phận mình có trách nhiệm, như qui định nơi điều 400 Giáo luật 1983 như sau:

(1) Vào đúng năm phải nạp phúc trình lên Đức Thánh Cha, nếu Tòa Thánh không định cách khác, Giám Mục giáo phận phải về Rôma để viếng mộ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và yết kiến Đức Thánh Cha.

(2) Giám Mục buộc phải tự mình chu toàn bổn phận nói trên, trừ khi bị ngăn trở hợp lệ, thì có thể nhờ thay thế bởi Giám Mục phó, nếu có, hoặc Giám Mục phụ tá, hay một linh mục xứng đáng thuộc linh mục đoàn của mình hiện đang cư ngụ trong giáo phận…

A. NHỮNG LẦN AD LIMINA ĐÃ QUA.

Hội đồng Giám mục Việt-Nam đã họp Đại hội từ ngày 24.04 đến 01.05.1980 tại Hà nội. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban hành Sắc chỉ ‘Venerabilium Nostrorum’ thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt-Nam ngày 24.11.1960, các Đức Giám mục Việt-Nam (thiếu Đức Cha P.X Nguyễn văn Thuận) mới có dịp họp chung. 33 Đức Giám mục đã có thư gởi toàn thể Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân cả nước ngày 01.05.1980. Trong đó, Hội đồng Giám mục Việt-Nam xác định: «Việc đi viếng mộ các Tông đồ và việc tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tại Rôma nói lên đặc tính của Hội thánh Chúa Kitô là phổ quát và hợp nhất, đồng thời thể hiện tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm của các Giám mục đối với Hội thánh toàn cầu.»

1.- ‘ad limina’ năm 1980

21 Đức Giám mục Việt-Nam thực hiện ‘ad limina' do Đức Hồng Y Trịnh văn Căn hướng dẫn. Đặc biệt, ngày 22.06.1980, Đức Thánh Cha đã ưu ái đến tận Nhà Quản lý Phát Diệm (Rôma) để thăm Đức Hồng Y và các Đức Cha. Trong diễn văn đọc hôm 17.06.1980, Đức Thánh Cha nhấn mạnh hai điểm: «lần đầu các Giám mục đến đông từ miền Bắc tới Rôma viếng Tòa Thánh và ‘gặp Phêrô'', thủ lãnh Giám Mục đoàn và Chủ Chăn Giáo Hội hoàn cầu, dấu hiệu hữu hình sự hiệp nhất và hiệp thông của toàn Giáo Hội." Do đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đặc biệt về lòng trung thành, về sự hiệp nhất và hiệp thông với Phêrô, bởi vì Đức Thánh Cha thấu hiểu hoàn cảnh của các Vị chủ chăn và của Cộng đồng Công giáo Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Đức Thánh Cha thấy rõ: cần phải củng cố Đức Tin. Đức Tin này được củng cố nhất là khi các Giám mục đến viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, cột trụ của Giáo hội và có nhiệm vụ do Chúa trao cho: là "củng cố Đức Tin của anh em mình", trước hết những anh em trong Hàng Giám mục, kế vị các Tông đồ, thuộc Giám mục đoàn, và cũng là Thầy dạy Đức Tin cho phần Dân Chúa được trao phó.

2.- Năm 1985 chỉ có 3 Giám Mục được về Rôma.

3.- Năm 1990 có 21 Giám Mục đến viếng mộ hai thánh Tông Đồ và gặp Đức Thánh Cha.

4.- Năm 1996 có 14 Giám Mục về Rôma.

Trong cuộc gặp gỡ chung với Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ngày 14.12.1996, sau khi nghe lời chào mừng của Đức Hồng Y Tổng Gíám Mục Hà nội, Đức Thánh Cha đã trao cho mỗi Giám mục bài diển văn, nói đến ý nghĩa của việc các Giám Mục về Rôma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và gặp Đức Thánh Cha. Ý nghĩa đó là sự hiệp thông của toàn thể Gíáo Hội và sự hiệp nhất của Giám mục đoàn với nhau và với Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha nói lên ao uớc của Người được gặp tất cả các Giám mục Việt-Nam, nhưng không thể được. Đức Thánh Cha gởi lời chào thăm các Giám mục vắng mặt, cộng đoàn tín hữu, và toàn thể Dân Tộc Việt-Nam. Đức Thánh Cha lưu ý rằng: « cuộc viếng thăm của một Hội đồng Giám mục đầy đủ là dấu chứng tỏ sự tự do tôn giáo được tôn trọng tại một quốc gia. »

5.- "Ad limina năm 2002.

Lần cuối cùng, cách đây đã hơn 7 năm, ngày 14.01.2002, Hội đồng Giám mục Việt-Nam (chỉ thiếu 2 vị) đã đến viếng mộ hai thánh Tông đồ, Phêrô và Phaolô, cùng gặp Đức Giáo Hoàng để tường trình về mục vụ tại Giáo phận mình có trách nhiệm.

Ngày 22.01.2002, sau khi chào mừng Đức Thánh Cha, cám ơn Tiền Nhân từ gần năm thế kỷ đã gieo Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội Đất Việt, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt-Nam, đã đề cập đến việc sống đạo của tín hữu người Việt, quốc nội cũng như hải ngoại.

Nhìn lại Quê hương đang canh tân, Đức Cha nói: «Việt-Nam là quốc gia đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ nền kinh tế quốc doanh chuyển sang kinh tế thị trường, từ chủ thuyết cô lập tiến vào việc hội nhập với cộng đồng thế giới tự do. Thế nhưng, trong tiến trình đổi mới nầy Giáo Hội vẫn còn chưa được hưởng tất cả những tự do cần thiết.»

Đức Thánh Cha mở đầu Huấn từ bằng bày tỏ sự sung sướng được gặp gỡ những Giám Mục mới được tấn phong và hầu hết các Giám mục trong Hội đồng Giám Mục trong diễm phúc hiệp thông đầy tình huynh đệ. Đức Thánh Cha nhờ các Giám Mục chuyển đến toàn thể các thành phần Dân Chúa Việt-Nam là Đức Thánh Cha cầu nguyện và khuyến khích chúng ta sống theo Phúc Âm bằng noi gương Tiền Nhân Tử đạo.

Sau khi nhắc lại những hoạt động mà các Giám Mục đã cộng tác thực hiện từ sau lần ‘ad limina' trước, Đức Thánh Cha mời: Giáo Hội Việt-Nam ra khơi.

Đức Thánh Cha cầu xin một hơi thở từ Chúa Thánh Thần để có niềm phấn khởi mới trong việc giáo huấn, đào tạo, kinh nguyện cũng như công tác tông đồ của các Giám Mục. Những dự án mục vụ cần vừa thích hợp với hoàn cảnh và nhu cầu khả hữu vừa lưu ý đến môi trường đang sống, trong đó, phải lưu ý yếu tố con người được vun bồi bởi nhiều nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau. Đức Thánh Cha nhắc lại sự hoàn chỉnh các cơ chế của Hội đồng Giám Mục. Hôm kết thúc khóa họp thường niên ngày 22.09.2001, Hội đồng đã lập 4 Ủy ban mới: Phúc âm hóa, Giáo lý, Văn hóa và Bác ái Xã hội.

Trong tường trình ngũ niên, các Giám Mục thường đề cập đến sự phát triển huấn dạy giáo lý cơ bản lẫn đào luyện liên tục cho linh mục, tu sĩ và giáo dân để xây dựng và sống Đức Tin. Điều cần là cung cấp cho mọi người một giáo huấn vững chắc về học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Giáo Hội Công Giáo cũng được kêu gọi chia sẻ niềm Hy vọng bằng luôn đề xuất con đường đối thoại. Chỉ một cuộc đối thoại tín nhiệm và xây dựng giữa các thành phần của xã hội dân sự cũng đủ mở ra một niềm hy vọng mới cho toàn dân Việt-Nam.

Đức Thánh Cha nêu đoạn 76 Gaudium et Spes «Giáo Hội, vì sứ mạng và chức năng mình, Giáo Hội không lẫn lộn với một cộng đồng chánh trị và không bị gắn liền với bất cứ hệ thống chánh trị nào». Bởi thế «cộng đồng chánh trị và và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình». Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu nếu «cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau». Vì ‘sự hợp tác lành mạnh nầy', Giáo Hội mời tín hữu dấn thân cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. Giáo Hội không muốn thay người trách nhiệm của Nhà nước, công việc của cá nhân hay tập thể.

Để thực hiện ‘sự hợp tác lành mạnh’ nầy, Giáo Hội mong đợi nơi chánh quyền tôn trọng toàn diện sự độc lập và tự trị của Giáo Hội mà quyền Tự do Tôn giáo quí giá đã được khẳng định trong Công Đồng Vatican II và trong những Tuyên ngôn và Quy ước quốc tế, cho từng cá nhân và những cộng đồng tôn giáo.

Đức Thánh Cha không chỉ ưu tư đến Giáo Hội Công giáo mà còn nghĩ đến các tôn giáo khác cũng như cả Dân Tộc Việt-Nam. Người mọi người Việt được quyền có đời sống no ấm và hạnh phúc thật sự, Đức Thánh Cha đã nói đến Sự Hợp Tác Lành Mạnh giữa Cộng Đồng Chánh trị và Cộng Đồng Tôn Giáo. Khi Cộng Đồng Tôn Giáo được độc lập và tự chủ thì mới có đủ tư cách để cộng tác trực tiếp vào việc xây dựng xã hội lành mạnh. Một thí dụ: công táục giáo dục cần thiết cho việc mở mang dân trí. Các tôn giáo không được dự phần vào công tác nầy vì Nhà nước đã chiếm đoạt toàn bộ những trường học cũa các tôn giáo từ 1975 đến giờ.

Nhật báo ‘La Croix'' (Thánh Giá), phát hành tại Pháp quốc ngày 23.01.2002, dưới tựa đề «Jean-Paul II encourage les évêques vietnamiens qu’il juge ‘exemplaires'» (Gioan-Phaolô Đệ Nhị khích lệ các Giám Mục Việt-Nam mà Ngài cho là ‘gương mẫu'), đặc phái viên thường trực đã nhắc lại đầy đủ cuộc thăm viếng ‘ad limina'' các Giám Mục Việt-Nam tại Rôma.

B. AD LIMINA 2009

Đây là lần đầu tiên, các Đức Giám mục Việt-Nam đến yết kiến Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, đấng kế vị thánh Phêrô, trong thời gian đáng ghi nhớ:

1. Năm Thánh Phaolô sắp chấm dứt (28.06.2009) và Năm Linh mục vừa bắt đầu (19.06.2009);

2. Giáo Hội Công giáo Việt-Nam đang chuẩn bị mừng Năm Thánh (24.11.2009 đến 02.01.2011) kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Giáo Hội.

Ngoài ra, 31 Đức Giám mục đến từ 25 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh (Hà Nội, Huế và Sài Gòn) và giáo phận Phát Diệm được đại diện bởi Đức Cha Giám quản. Vị Giám mục cao tuổi nhất là Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên (82 tuổi) và ít tuổi nhất là Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên (49 tuổi),

Theo chương trình dự trù:

- mỗi ngày, Đức Thánh Cha tiếp 4 Giám mục, mỗi vị 15 phút, bắt đầu từ các Giám mục thuộc Giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài gòn.

- Các Giám mục viếng mộ Thánh Phaolô (Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành) và cử hành Thánh lễ lúc 17 giờ 30 ngày 23.06.2009. Ngày 24.06.2009, lúc 7 giờ 30, các Giám mục cử hành Thánh lễ tại mộ Thánh Phêrô (vương cung đại thánh đường thánh Phêrô).

- Các Giám mục cũng đi thăm Phủ Quốc Vụ Khanh và Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh, 6 Thánh Bộ và 12 Hội Đồng Giáo Hoàng,… và 3 học viện: Urbano Collegio, San Paolo và San Pietro thuộc Bộ Truyền Giáo. - Thứ bảy 27.6.2009, Đức Thánh Cha gặp chung 31 Giám mục Việt-Nam.

Nhân dịp này, chúng ta, tín hữu Công giáo Việt-Nam, cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho Giáo Hội Công Giáo, cho Giáo Hội tại Việt-Nam và cho các vị Chủ chăn của mình.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Về anh luật sư trẻ Lê Công Định
Bùi Tín
18:17 22/06/2009
Tôi ngắm ảnh anh. Tôi xem tướng anh. Tôi đọc tiểu sử anh. Tôi đọc tin tức tới tấp về anh. Tôi xem lại 7 bài viết mang tính chất luận văn của anh. Tôi suy nghĩ về anh. Qua đôi kính cận, đôi mắt anh sáng, thẳng, cương nghị. Nét mặt anh có chiều sâu của suy tư, điềm tĩnh.

Ls Lê Công Định
Những bài viết của anh rõ ràng, mạch lạc, thẳng vào vấn đề, dễ hiểu, truyền cảm. Tôi đã đọc bài anh viết trên báo Tia Sáng, Pháp luật, Tuổi Trẻ, cả Nhân dân nữa.

Tôi không thấy cần nhận xét thêm về anh. Những đánh giá người biết anh, quen anh, hiểu anh ở trong nước là quá đủ. Cũng chẳng cần nhắc lại cái "tâm" và cái "tầm" trong các luận văn của anh. Văn là người.

Bác Trần Lâm, luật sư già dặn, từng là thẩm phán toà án tối cao, nay tham gia đấu tranh cho dân chủ, không dễ tính khi xét người, đánh giá Lê Công Định được trọng nể, học vấn cao, có tâm sáng, dễ gì mà được chọn làm phó chủ nhiệm đoàn luật sư Sàigòn. Anh từng tình nguyện cãi miễn phí cho các bạn luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, nhà báo Điếu Cày, với giọng ôn tồn mà sâu sắc, chặy chẽ.

Thế giới từng biết anh. Anh nghiên cứu luật ở Pháp, ở Mỹ, tham gia những hội luận về luật. Anh bị bắt, các chính phủ, bộ ngoại giao, các đại sứ, các tổ chức nhân quyền quốc tế. .. các nước lên tiếng ngay, mạnh mẽ, dứt khoát.

Ai cũng hiểu, chế độ độc đảng tuy lâu nay ba hoa về luật pháp, về nhân quyền, về bản chất là dị ứng với luật pháp, là đối lập thù địch giới luật sư.
Não trạng của nhóm lãnh đạo CS từng đóng cửa trường đại học luật từ năm 1945 đến năm 1974, từng xóa diệt thẳng tay chức vị luật sư, với những toà án nhân dân không luật sư, do bộ chính trị và các đảng uỷ quyết định mức án, từng xử tử hình hàng vạn lương dân trong cải cách ruộng đất, và bỏ tù hàng chục vạn đồng bào ta qua "cải tạo"... cái não trạng hủ lậu dã man ấy cho đến nay vẫn không hề đổi thay và tỉnh ngộ.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường tốt nghiệp tiến sỹ luật ở Paris khi 23 tuổi, chỉ vì được mời lên tiếng nhận xét tình trạng lạc hậu về pháp lý trong cải cách ruộng đất, đã bị bộ chính trị đày đoạ cho đến chết (lột hết chức: uỷ viên đoàn chủ tịch Mặt trận, hiệu trưởng Đại học, giáo sư, cấm dạy tiếng Pháp. ..)

Gần đây, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân đã bị tù; bà luật sư Bùi Thi Kim Thành bị ép vào viện tâm thần. Luật sư Lê Trần Luật bị đe doạ và quấy nhiễu. Họ toàn là luật sư do trong nước đào tạo.

Luật sư trẻ Lê Công Định bị Công an chế độ chiếu tướng, theo dõi giám sát chặt 2 năm nay vì nhiều lẽ. Anh học giỏi; anh am hiểu luật, cả kim cổ, đông tây. Anh thông minh, tài trí. Anh có tư duy độc lập. Anh có nhân cách. Anh có lòng thương dân mình, yêu nước mình. Anh động lòng về các hiệp định bất bình đẳng Việt-Trung; anh sớm ký tên vào kiến nghị ngừng ngay việc khai thác bôxít. Anh ca ngợi Hào khí Diên Hồng; anh cổ vũ bà con ta, nhất là tuổi trẻ đừng nhu nhược, bạc nhược.

Anh là của hiếm; là vốn quý của dân tộc, anh là "vàng ròng " của tương lai Việt Nam.

Công An Cộng sản điểm mặt anh, thâm thù anh, "khẩn cấp" bắt anh vì những lẽ trên, vì quá nhiều lý do như thế, lại còn vì anh sắp viết một bài
tố cáo, hay một lá đơn gửi Liên Hợp Quốc hay Toà Án quốc tế khởi kiện nhà cầm quyền Bắc kinh cấm ngư dân Việt nam không được đánh cá trong vùng biển của Việt nam. Bẽ mặt ông thủ tướng, bẽ mặt bộ trưởng ngoại giao, bẽ mặt và chạm nọc 15 uỷ viên bộ chính trị.

Cho nên 2 viên tướng an ninh phải xuất hiện để mở đầu vụ án.
Cho nên mọi món chưởng độc nhất, thâm nhất sẽ còn được họ đưa ra thi thố với anh. Anh đã biết từ sớm.
Cho nên họ bầy trò kết tội anh âm mưu lật đổ chế độ trước cả khi khởi tố.
Cho nên họ bày chuyện anh nhanh nhẩu "thú nhận mọi tội lỗi" và "xin được khoan hồng".
Cho nên họ cố tạo ra hình dung một con người khác, mềm yếu, ươn hèn, nhũn như con chi chi.

Còn lạ gì công an mật vụ của những chế độ độc quyền đảng trị, thù ghét những con người quang minh chính trực, nhất là khi đảng cầm quyền toàn trị tha hoá, suy đồi đến độ ''nơi nơi uất hận, khắp chốn kêu than" như hiện nay. Họ dở đủ ngón của bọn Hitler, Goebel, của Gestapo, của bọn Mật vụ Nga, Stasi Đông Đức, được thụ huấn trực tiếp và học lỏm, còn hợp tác cả với bọn xã hội đen kiểu Mafia mới để trị những Lê Công Định.

Xin chớ ai quá lo, quá sợ cho số phận của luật sư Định. Cuộc đọ sức tưởng như quá ư chênh lệch. Một con người có tim và óc đầy chất người tinh khiết chống lại cả một bộ máy, súng đạn, nhà tù, quyền lực vũ phu,
nhưng con người ấy có chính nghĩa dân tộc, có lẽ phải làm chỗ dựa vững, có nhân dân hậu thuẫn, có pháp luật quốc tế và thời đại hỗ trợ.

Luật pháp ghi rõ mọi khai báo, thú nhận của bị cáo khi bị ép cung, mớm cung, trong doạ nạt, bạo lực hay qua dụ dỗ mua chuộc lộ liễu cũng như tinh vi. .. đều không có giá trị pháp lý.

Chính phủ Mỹ đã quyết định "quên", coi như "không có" những lời thú nhận của mấy chục phi công tù binh Mỹ ở Hilton Hànoi là đã gây tội ác chống nhân loại ở Bắc Việt, khi họ bị bỏ đói, bỏ khát, bị dử mồi là thú nhận thì được tháo cùm, được nhận quà, thư, ảnh của bố, mẹ, vợ con...

Tôi còn nhớ rõ vụ ông Võ Đại Tôn hồi năm 1982 thú nhận hết tội lỗi, còn đóng kịch xuất sắc, lừa bộ trưởng công an Phạm Hùng và các thứ trưởng, vụ trưởng an ninh, để được ra mắt các phóng viên quốc tế Nhật, Pháp, Mỹ, Anh, Đức. .. để lúc ấy mới đột nhiên lên án chế độ toàn trị Cộng sản, giữa sự tưng hửng, bàng hoàng của bộ xậu an ninh.

Tôi tin ở con người. Tôi tin ở tuổi trẻ trong thời đại mới. Tôi tin ở dân tộc mình. Cho nên tôi lạc quan, tuy bao giờ cũng thận trọng, không lạc quan tếu. Ta hay yên lòng chờ. ..

Vụ án Lê Công Định còn dài. Cuộc đấu tranh còn dài. Nhiều Lê Công Định nữa sẽ xuất hiện, trong 4.400 luật sư đang hành nghề và hàng ngàn sinh viên luật đang được đào tạo.

Tôi biết rõ một số em đang học luật đã viết bài luận văn tuyệt vời bác bỏ Luật đất đai và Luật báo chí hiện tại, mà các em cho là "phản động " thật sự, vì kìm hãm sự phát triển của xã hội ta.

Hậu sinh thật khả uý vậy.

Paris 21-6-2009
Nguồn: X-Cafevn.org
 
Tấn công Tôn giáo và 'phục thiện' gian trá của CSVN
Lê Sáng
21:30 22/06/2009
Một trong những nguyên lý căn bản để tồn tại và phát triển của xã hội loài người đó là PHỤC THIỆN. Phục thiện ở góc độ từ ngữ nó dùng để chỉ tình trạng sai lầm của vật chủ được phát hiện ra, và vật chủ tự điều chỉnh mình, chịu nghe theo, làm theo điều đúng lẽ phải.

Phục thiện trước hết tốt cho vật chủ, vì giúp cho vật chủ tránh bị diệt vong, đảm bảo cho vật chủ có thể tồn tại và phát triển. Và cũng tốt cho toàn xã hội vì bớt đi những tai hoạ, nguy cơ từ sự sai lầm của vật chủ.

Ở góc độ là một nguyên lý, một qui luật xã hội, phục thiện có tính xu hướng. Nghĩa là trong khoảng thời gian càng dài nó càng phát tác, càng thể hiện tính đúng đắn. Và ngược lại, trong khoảng thời gian ngắn ngủi có khi nó rất mờ nhạt… Những người thực dụng hay yếu kém về năng lực nhận thức, sẽ khó nhìn nhận ra tính qui luật, tính đúng đắn của nó…

Không bàn đến năng lực nhận thức của những người tự xưng là cộng sản ở Việt Nam vì họ vẫn tự cho họ là “Đỉnh cao trí tuệ” là “Có chính nghĩa sáng ngời”, trong khi thực tế họ đã tự chuốc lấy không biết bao nhiêu tai hoạ cho chính họ, cho cả dân tộc Việt vì bất chấp qui luật, chà đạp lẽ phải… Chỉ phân tích một góc độ: CSVN có nhận ra sai lầm không? Nếu có họ có chịu phục thiện không? Tại sao có lúc họ nhận ra sai lầm nhưng lại không phục thiện, hoặc “phục thiện” theo lối ăn gian, giả hình…?

Lịch sử dân tộc Việt từ khi csvn lên nắm quyền có rất nhiều sự kiện có thể đem ra phân tích làm sáng rõ vấn đề trên. Xin lấy sự kiện gần đây nhất và liên quan đến tôn giáo để minh bạch vấn đề, cùng lúc khảo sát cái ngài chủ tịch nước CHXHCNVN vừa hùng hổ tuyên bố: “Chúng ta có chính nghĩa sáng ngời” … “Chúng ta không sợ” … “Nhưng vì…”

Khi sự kiện Toà Khâm Sứ và DCCT Thái Hà xảy ra, csvn rất bối rối, sự bối rối này không phải như những “nhà phân tích” chính trị nghiệp dư nhận định vì Công Giáo nổi dậy… Công Giáo từ mấy ngàn năm nay vấn thế, họ chẳng chịu gian tà, nên chẳng khuất phục và chẳng nổi dậy gì cả. Công Giáo tìm kiếm sự phục thiện ở những kẻ lầm đường để cho xã hội thay đổi theo chiều hướng nhân văn nhân bản mà không phải có một cuộc “cách mạng long trời lở đất” với máu chảy đầu rơi. Công Giáo tìm kiếm sự phục thiện lại còn vì chính những kẻ cầm quyền ăn trên ngồi chốc… Vì xét ở một góc độ, họ cũng là nạn nhân của nhận thức sai lầm. Chính người cộng sản ở Việt Nam đã bị quốc tế cộng sản lừa bịp.

Vì thế sự kiện đòi lại đất đai của Tổng Giáo Phận Hà Nội làm cho csvn bối rồi vì họ nhận ra sai lầm của các thế hệ cộng sản đi trước, nhưng không biết sửa chữa cách nào. Mọi phương án phục thiện đều bị vướng bởi có quá nhiều kẻ gian trong hàng ngũ cộng sản. Nếu không phục thiện thì lại đi theo vết xe đổ của cộng sản Liên Xô và Đông Âu…

Cuối năm 2007 khi xảy ra vụ việc, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay lập tức đến viếng thăm toà Tổng Giám Mục Hà Nội, cùng Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt ra tận hiện trường, đó là ánh sáng le lói của sự phục thiện. Nhưng sau đó, mọi diễn biến ngược lại chân lý, ngược lại qui luật phục thiện đã được phơi bày. Người ta đặt câu hỏi, cái gì đang diễn biến ở bên trong nội bộ chính quyền cộng sản? Có thực người cộng sản mù quáng đến mức không thể nhận ra đúng sai chăng? Chẳng nhẽ người cộng sản còn kém hơn cả những tên tội phạm băng đảng mafia vốn thừa nhận việc làm của mình là sai trái… Nhưng không phục thiện vì lý do kinh tế???

Và đây, một trong số tài liệu từ nội bộ chính quyền cộng sản (xem tài liệu), minh chứng cho sự nhận ra chân lý nhưng tìm cách đối phó chống lại qui luật chứ không phục thiện:

Sau khi tấn công đàn áp theo kiểu không ăn được thì đạp đổ ở Toà Khâm Sứ và DCCT Thái Hà, ngày 7/10/2008 sở xây dựng Hà Nội ra công văn số 1641/SXD-QLN. Ngày 22/10/2008 công ty quản lý nhà thuộc sở xây dựng cũng ra văn bản 5309/QL&PTN-QL. Nội dung của 2 công văn này đều là rà soát thống kê lại những tài sản nhà đất tại 4 quận nội thành (Ba Đình – Hoàn Kiếm - Đống Đa – Hai Bà Trưng) trước đây thuộc sở hữu của Công Giáo. Các việc làm này đương nhiên được chỉ đạo từ bí thư thành uỷ và chủ tịch UBND T.P Hà Nội.

Văn thư thông kê tài sản nhà đất có nguồn gốc của Công Giáo lập từ sở xây dựng Hà Nội và công ty quản lý nhà thuộc sở xây dựng Hà Nội đã gián tiếp thừa nhận tài sản nhà đất này trước đây là của giáo hội Công Giáo.

Công Giáo thì chưa bao giờ nhà nước cộng sản việt Nam đặt ra ngoài pháp luật, hay chính thức lên tiếng cáo buộc là “phản động” như đạo Cao Đài, Hoà Hoả… Và như thế Công Giáo là một chủ sở hữu dân sự hợp pháp, hợp pháp ngay cả với luật pháp rất lộn xộn của nhà nước csvn. Đây là chủ dân sự thuần tuý không liên quan gì đến chế độ chính trị, chính quyền cũ mới gì cả.

Tài sản của các chủ dân sự phải được tôn trọng và nối tiếp thừa nhận qua các chế độ nhà nước khác nhau, luật pháp của csvn ngay từ lúc về tiếp quản Hà Nội cũng phải qui định như thế. Vậy căn cứ vào đâu mà nhà nước chiếm giữ tài sản của Công Giáo??? Ngay cả việc nó có quyết định tịch thu, thì đến hôm nay các chủ dân sự hợp pháp này cũng có quyền kiện lại các quyết định tịch thu vô căn cứ, vi hiến, vi phạm pháp luật đó.

Phương chi tài sản đất đai nhà cửa đó là của Công Giáo - Một chủ sở hữu dân sự được pháp luật bảo hộ - lại bị nhà nước chiếm dụng bằng vũ lực… Mà không có một quyết định pháp lý nào phù hợp với các qui định của luật dân sự, hành chính, hay hình sự... Ngay cả cái nghị quyết 23/2003 của quốc hội bù nhìn cộng sản, nó cũng là luật khung, là chủ trương chứ không phải quyết định pháp lý. Muốn triển khai nghị quyết đó, từng trường hợp phải có quyết định riêng. Như luật hình sự chẳng hạn, bộ luật hình sự là khung pháp lý. Còn muốn trừng phạt người phạm tội cụ thể phải có một bản án.

Nhưng tại sao csvn không ra từng quyết định pháp lý tịch thu, trưng thu…? Việc này trong tầm tay của họ cơ mà? – Là vì nếu ra quyết định như thế, các chủ thể dân sự sẽ có căn cứ để khiếu nại tiếp, thậm chí khiếu nại ra tận quốc tế về những việc làm vi phạm quyền dân sự - Một trong số nhân quyền mà csvn đã thừa nhận, đã đặt bút ký kết công ước về quyền dân sự khi hội nhập sâu vào LHQ.

Tiếp tục chiếm đoạt đất đai tài sản của Công Giáo, csvn còn nhắm vào nhiều mục đích. Trước tiên là mục đích kinh tế. Tài sản này là những món béo bở cho quan chức cộng sản cùng những kẻ lái thương xu thời bợ đỡ cộng sản. Tiếp theo là mục đích triệt hạ Công Giáo, làm cho Công Giáo mất đi mồ hôi công sức của bao nhiêu thế hệ người… Đẩy họ vào tình cảnh thiếu phương tiện để đem lời Chúa đến cho thế gian… Mục đích nữa là dằn mặt các tôn giáo, các cộng đồng dân cư khác cũng đang nhen nhóm việc đòi lại tài sản đòi lại công lý… Ngoài ra, csvn tiếp tục chiếm đoạt đất đai tài sản của Công Giáo để đặt Công Giáo Việt Nam như con tin khi thương lượng các vấn đề với Vatican và thế giới văn minh …

Khi tấn công và tìm cách triệt hạ tinh thần lên tiếng cho công lý của Tổng Giáo Phận Hà Nội, csvn thể hiện “chính sách nhất quán” của chính quyền xây trên nền học thuyết cộng sản vô thần: Các tôn giáo là kẻ thù của chế cộng sản. Các tôn giáo khác đừng hy vọng cộng sản chỉ tấn công giáo hội Thiên Chúa Giáo và sẽ chừa mình ra. Ngay cả các tu sĩ quốc doanh của các tôn giáo cũng đừng mơ cộng sản sẽ dung nạp mình. Hết thỏ, thì chó săn sẽ bị giết. Câu tổng kết từ ngàn đời nay chưa bao giờ sai…

Nếu có chính nghĩa sáng ngời, người cộng sản đâu cần phải thống kê tài sản của công giáo ở nội thành Hà Nội. Vì theo họ nói, không có đất đai nào của Công Giáo cả. Không có tài sản nào của Công Giáo nhà nước chiếm dụng cả. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Tài sản của địa chủ nhà thờ đã bị tịch thu. Công văn này thật là bất nhất với đường lối chính sách pháp luật của đảng và nhà nước.

Mặt khác các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cộng sản được hình thành từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa này đã phá sản và sụp đổ nhẵn tiền, csvn cũng thừa nhận và không bàn cãi nữa. Hiện nay nhà nước csvn đang bế tắc về mặt lý luận. Họ cố “may vá” cái khố rách tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế… Nhưng vẫn là thay sự bế tắc này bằng sự bế tắc khác mà thôi. Trong khi bế tắc về lý luận, bộ máy nhà nước này cho ra đời “luật hành quyết - bộ máy hành quyết” không loại trừ ai kể cả UVBCT nếu có biểu hiện đe doạ đến sự tồn vong của chế độ. Đó là nghị định do Võ Văn Kiệt ký khi lên nhận chức thủ tướng giao toàn quyền cho tổng cục 2 ám sát ngay lập tức những ai bị liệt vào diện này…

Do đó không một ai, kể cả thủ tướng dám quyết một vụ việc nào đó mang mầu sắc của sự phục thiện… Người cộng sản ngày nay phần lớn là những kẻ không biết đến chiến trường… Lên được lãnh đạo từ cơ hội của lý lịch gốc gác cộng sản... Bản chất họ là những người thực dụng, tham nhũng. Tuy gian manh nhưng lại hèn nhát… Phục thiện là lĩnh vực thuộc về nhân cách, thuộc về nhu cầu tinh thần, tâm linh nó đòi hỏi phải dũng cản và kiên quyết bất chấp nguy nan... Những cái không có ở người cộng sản Việt nam. Nói như Mác: “Khỉ không thể tự ngắt đuôi khỉ để làm người.”

Tuy nhiên có thể kết luận, csvn có nhận ra sự thực. Nhưng không hành xử theo những gì sự thực đòi hỏi. Họ không công khai lên tiếng thừa nhận sự thực. Và đương nhiên không phục thiện. Họ đang chống lại qui luật. Và nói như tổng thông Obama khi nhậm chức là: “Các vị đang đi ngược lại lịch sử”.

Những kẻ chống lại qui luật, đi ngược lại lịch sử là những kẻ dơ chân đạp mũi nhọn, ngửa mặt nhổ nước miếng. Hành động tấn công tôn giáo thì chính Lênin đã có kết luận. Đó là sự ngu xuẩn và là hành vi tự sát nhục nhã không hơn không kém. Nhưng vì qui luật xã hội có tính xu hướng, cho nên những người công chính hãy bình tâm mà tranh đấu cho công lý. Thời gian càng dài, qui luật càng phát tác. Có những hành động chống lại qui luật mà 70 năm sau mới phải trả giá – Liên Bang Xô Viết gương còn tày liếp.

Những người công chính thì phải làm gì? Theo một nguồn tin từ nội bộ cộng sản việt nam, chính quyền trung ương có chỉ đạo các địa phương trên toàn quốc tăng cường thực hiện những hành động quấy nhiễu, tấn công, dùng các biện pháp hành chính, để chuyển đổi tài sản, hay đe doạ thu hồi, thu hồi giải toả đất đai tài sản của Công Giáo trên toàn quốc… Nhằm “thử sức” Công Giáo Việt Nam, cũng như nhằm gây mệt mỏi trước khi đặt lại đối thoại. Đối thoại nếu có đương nhiên người cộng sản sẽ trên thế mạnh…

BCT đã chỉ đạo các cơ quan ngoại giao sử dụng các kênh khác nhau để tìm hiểu quan điểm của Vatican về vấn đề quan hệ giữa nhà nước với Công Giáo; Những vấn đề quan hệ nội bộ giữa Công Giáo Việt Nam với Vatican; Quan hệ giữa Vatican với nhà nước cộng sản Việt Nam. Sau khi thu thập đủ các dữ kiện, BCT sẽ chỉ đạo nhà nước đưa ra quyết sách mới, rõ nét hơn với Vatican và Công Giáo Việt Nam trong thời gian tới. Chưa thể nói trước các quyết sách rõ nét này là gì? Nó có phục thiện hay không?

Hiện Tại nhà nước csvn chưa có quyết định cụ thể nào cho việc tiến tới bang giao với Vatican. Dự kiến sớm nhất cũng phải đến 2015 mới có những việc làm cụ thể. Quan hệ với Vatican, là một trong những vấn đề ngoại giao mà csvn triệt để lợi dụng để thực hiện chính sách “nghi binh” hoặc thương lượng “con tin”… Chỉ có Chúa mới biết hết trong đầu người cộng sản toan tính những gì.

Sự thật sẽ giải thoát con người, bằng cách định hướng hành vi. Như thế cùng với việc nắm bắt sự thật, người công chính phải có hành động. Hay nói cách khác chính hành động của những người công chính, trong hiểu biết sự thực của mình, và dưới ánh sáng chân lý vĩnh cửu của Chúa, mới giải thoát được họ.
 
Giang Sơn Việt Nam còn gì dưới sự cai trị của csVN?
Hà Long
23:52 22/06/2009
Bản tin mới nhất từ VietNamNet cho biết bọn công nhân Tàu cộng đang làm việc tại nhà máy xi măng Nghi Sơn, Thanh Hóa nhào vào người Việt Nam hành hung, bao nhiêu vụ xảy ra trước mắt người cầm quyền địa phương, nhưng nhóm công nhân Tàu vẫn bình chân như vại. Sau khi lấn chiếm biển Đông không cho ngư dân ra khơi đánh cá, rồi đến xâm lấn đến vùng Tây Nguyên đào mới quặng mỏ Bô-xít, về nguồn nước sông bọn Tàu cũng không để yên qua việc chặn dòng sông Mêkông làm đập thủy điện ở nơi thượng nguồn và bây giờ công nhân Tàu ngang nhiên hành hạ người dân địa phương tại Nghi Sơn.

Khu nhà ở của đám người Tàu làm việc tại Nghi Sơn được tách biệt ra hẳn khu dân cư người Việt, ra vào đều được kiểm soát nghiêm ngặt. Tờ báo cho biết vì „giữa người dân địa phương và lao động Trung Quốc ở đây từng xảy ra nhiều vụ xô xát, gây mất trật tự“.

Theo tin đưa ngày 22/6/2009 như sau:

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Len và chị Lê Thị Nghị ở thôn Bắc Hải (Hải Thượng) kể lại như sau: Đúng vào đêm chung kết bóng đá AFF Cup, đội tuyển Việt Nam thắng đội tuyển Thái Lan, một lao động Trung Quốc say rượu vào quán nhà anh mua thuốc lá.

Do bất đồng ngôn ngữ nên người lao động Trung Quốc này đã đập bàn ghế, xé bao thuốc lá rồi quát tháo vợ anh. Vừa lúc đó anh Len về nhà, thấy thái độ ngang ngược của lao động Trung Quốc nên đã túm tay vị khách ngang ngược này đẩy ra khỏi quán. Bất ngờ anh Len bị vị khách này quay lại túm tóc đánh ngay tại quán của mình.

Sự việc trở nên phức tạp hơn khi anh Len và người nhà chống trả lại thì vị khách này chạy về khu tập trung kéo thêm 40 lao động là người Trung Quốc đến. Sau đó, gần 200 lao động Trung Quốc tay cầm ống nước, gậy gộc đánh xe tải từ công trường ra lấy đèn rọi vào nhà anh Len đập phá, đánh bị thương nhiều người trong gia đình anh. Thậm chí hàng xóm qua can ngăn cũng bị rượt đánh.

Người bị đánh trọng thương nặng nhất là anh Nguyễn Văn Đen, em trai của anh Len. Hôm đó, vừa đi xe ôm chở khách về, nghe tin nhà anh trai bị lao động Trung Quốc đập phá, anh Đen đi xe máy đến thì bị 5 đến 6 lao động Trung Quốc xông tới đánh tới tấp, đập nát xe, mũ bảo hiểm, khiến anh bị gãy tay, chân và phải khâu 16 mũi trên trán, đầu.

Trước đó, người dân xã Hải Thượng còn bàn tán về việc công nhân Trung Quốc vào nhà hàng Đồng Thúy, thôn Bắc Hải ôm tivi ngang nhiên bước ra trước sự bất lực của chủ quán. Ông Hoàng Văn Chung, Trưởng công an xã Hải Thượng cho biết: “Chúng tôi chỉ nghe người dân kể lại sau khi ngồi uống cafe ở nhà hàng về, vì mất điện thoại, công nhân Trung Quốc quay lại quán tìm nhưng không thấy đâu nên đã ôm tivi của nhà hàng đi…”.

Những tình tiết coi pháp luật của Việt Nam không bằng cái đinh chẳng khác nào thời VN thuộc quyền đô hộ của Tàu, báo chí cho biết thêm các tin sốt dẻo như sau về việc:

Tuỳ tiện bắt giữ người, tuỳ tiện đánh người và tuỳ tiện bao vây công an VN

- Tuỳ tiện bắt giữ người: Vào tháng 11/2008, một đối tượng là dân địa phương trèo tường vào ăn trộm trong khu nhà ở của công nhân Trung Quốc thì bị bắt. Công nhân Trung Quốc không những không giao người cho công an địa phương mà còn tự ý trói đối tượng và treo lên qua đêm, sáng hôm sau mới chịu thả ra.

- Tuỳ tiện bao vây công an VN: Vào ngày 24/4/2009, nhà thầu Trung Quốc bắt được 2 đối tượng là dân địa phương trộm cắp sắt. Khi công an xã Hải Thượng và công an đồn Nghi Sơn đến nhận người để điều tra thì họ không giao người mà đòi giữ lại xử lý riêng. Chưa hết, nhóm công nhân Trung Quốc còn tổ chức bao vây xe ô tô của đồn công an Nghi Sơn một tiếng đồng hồ rồi mới cho đi.

-Tuỳ tiện đánh người: Mới đây nhất, vào ngày 26/4/2009, khoảng 30 công nhân Trung Quốc đã kéo đến ban điều hành nhà thầu Hà Nội đánh một công nhân của nhà thầu này và yêu cầu bồi thường do va chạm giữa 2 người với nhau trong quá trình thi công.

- Việc công nhân Trung Quốc nhậu say, đập phá hàng quán ở khu dân cư sát nhà máy xi măng Nghi Sơn cũng không phải chuyện hiếm qua bà Hiệp, một chủ quán ăn ở gần đó cho biết: “Thời gian này còn đỡ, chứ trước đây lao động Trung Quốc vào ăn nhậu say không trả tiền rồi đập phá dọa nạt chủ quán xảy ra thường xuyên. Thậm chí, tối đến con gái trong làng còn không dám ra đường vì sợ lao động Trung Quốc say xỉn đuổi bắt dọa nạt…”.

Giang Sơn VN, chủ quyền VN và người dân VN đang bị chà đạp bởi bọn bành trướng Bắc Kinh, thế nhưng 15 tên đầu sỏ Hà Nội vẫn miệng câm như hến và có thể còn „hèn“ hơn thế nữa qua sự cung phụng cúi đầu hầu hạ giặc Tàu: nào là tiếp đón các quan Tàu tại Hà Nội trong tình „thân mật“, nào là bang giao „hữu nghị“ nhằm thăng tiến cả hai quốc gia.

Tổ quốc VN còn gì dưới con mắt của người cộng sản VN ngoài sự đê hèn của kẻ bán nước, trong khi đó họ thẳng tay chèn ép và bắt bớ những người yêu nước, những người muốn ngẩng đầu chống lại bọn xâm lăng, điển hình vụ bắt khẩn cấp Ls Lê Công Định.

Người Việt Nam hãy học câu nói của nhà lãnh tụ đối lập Iran, ông Mir Hossein Mussawi được phổ biến trong các trang mạng Internet, kêu gọi người dân Iran nhận thức quyền lợi cao quý của toàn dân: „Đây là quyền lợi của đồng bào, hãy biểu tình chống gian lận và dối trá! Tuy nhiên đồng bào hãy tiếp tục tự chế.“ ("Es ist euer Recht, gegen Lügen und Betrug zu protestieren, aber ihr solltet immer Zurückhaltung üben").

Lời kêu gọi khẩn cấp này cũng đúng cho người dân Việt Nam vì nguồn gốc cộng sản là dối trá và lừa đảo. Qua 2 ví dụ cụ thể người dân có thể hiểu rõ ràng đường lối của csVN:

- Dối trá- "vấn nạn" của ngành giáo dục, một tựa đề được báo VietNamNet đưa lên công khai ngay trong hệ thống giáo dục truyền thống của csVN (http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6939/index.aspx)

- Video: Trưởng ban Thanh tra mất người chỉ đạo, nhận chỉ thị và lật lọng, trong cuộc tiếp xúc của linh mục và giáo dân với Đoàn thanh tra ở UBND Quận Đống Đa 16.6.2009 (http://dcctvn.net/news.php?id=4050)

Người csVN và đảng csVN đang đánh mất lòng yêu quê hương và tổ quốc VN.
Người csVN và đảng csVN đang đánh mất giang sơn và chủ quyền VN.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Họp Đàn
Dominic Đức Nguyễn
06:36 22/06/2009

HỌP ĐÀN



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Chim nhớ đường về bên tổ cũ

Chỉ chờ xuôi gió thuận đường bay

Chim sẽ họp đàn cao tiếng hót

Xoè tung đôi cánh vượt trời mây.!!

(Trích thơ của Hà Thiên Lương)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền