Ngày 22-06-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
09:26 22/06/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (37)

361. Sợ Chúa thế nào?

Đối với Chúa, ta không nên sợ như tội nhân sợ quan toà, nhưng ta sợ Chúa như con cái sợ cha mẹ, nghĩa là kính trọng, yêu mến và vâng phục.

362. Ba cái sợ

Ta phải sợ Chúa vì Ngài toàn năng (làm gì cũng được), vì Ngài toàn tri (cái gì cũng biết).
Ta phải sợ hoả ngục vì hoả ngục là nơi đời đời ta phải mghiến răng, tru trếu và khóc lóc.
Ta phải sợ tội vì tội làm cho ta trở thành kẻ thù của Chúa và nạn nhân vô phước đời đời trong hoả ngục.

363. Coi chừng những người tuyên bố “không sợ”

Tôi muốn bạn cùng tôi nghe lời nhận xét sau đây của Waterstone: “Hãy coi chừng những người làm hùm làm hổ nhất, những người nói huyênh hoang phách lối nhất, những người tuyên bố chống đối nhất, vì họ lại là những người sợ hãi nhất, khi đụng trở lực thì đầu hàng, trốn tránh trách nhiệm, rút lui êm thắm.”

364. Tai hại của sự sợ

Khi sợ, con người của ta có những triệu chứng rất tai hại: ngực nhúm lại, bắp thịt căng, run tay run chân và run môi, nước miếng khô, mồ hôi ra, tim đập mạnh, mặt đỏ hay tái tùy theo người, tư tưởng và ý kiến bay đi đâu hết, nói lắp bắp và mau hơn thường, nghe mệt toàn thân, tai ù, mắt hoa, … Thật là quá nhiều tai hại do sự sợ mà ra.

365. Làm thế nào để tránh tính nhút nhát, sợ sệt

Điều mơ ước của hàng triệu triệu con người là sống sao cho bình tĩnh, không nhút nhát, không sợ hãi.

Có một số phương pháp sau đây:

- tìm cách biết rõ những sở đoản của mình, nghĩa là các khuyết điểm, các thiếu sót, các tật xấu của mình, để tiêu diệt, để vượt qua, …
- tìm cách biết rõ những sở trường của mình, nghĩa là các ưu điểm, các điều đáng khen, các tính tốt của mình để làm cho hoàn hảo hơn, cho trọn lành hơn, …
- tránh tính ưa cô độc một mình
- tránh tính nhai đi nhai lại trong trí về một điều gì, nhưng hãy tìm cách dứt khoát về điều đó
- nuôi những ước muốn chính đáng và tìm cách thực hiện những ước muốn nầy bất chấp mọi trở ngại
- tập ý thức mình đang thở vào và đang thở ra
- bình thản trước những trở ngại vật chất như nóng, lạnh, đói, khát, …
- bình thản trước những trở ngại tinh thần như khi bị người ta chọc ghẹo, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian, …
- khi đối diện với đối phương, nhìn thẳng vào giữa hai con mắt của họ.
- luyện tập thân xác để có một sức khoẻ dẻo dai.

366. Làm sao để sống hạnh phúc trên đời nầy?

Bí quyết tuyệt vời giúp chúng ta sống hạnh phúc trên mặt đất nầy, là luôn luôn sống theo Thánh Ý Chúa Quan Phòng, luôn luôn sống hoà hợp với Thánh ý Chúa Quan Phòng.

367. Chúa quan phòng rất chu đáo

Cha mẹ còn biết lo cho con cái, người chủ còn biết lo cho tôi tớ, thầy dạy còn biết lo cho học trò, huống nữa là Chúa, Đấng dựng nên muôn loài, Đấng quan phòng rất chu đáo: mỗi sáng sớm, sự quan phòng của Chúa đến với chúng ta sớm hơn mặt trời.

368. Chúng ta hơn chiếc hoa, hơn con chim bội phần

Chiếc hoa mong manh kia thuộc loài thực vật, con chim nho nhỏ kia thuộc loài động vật, thế mà Chúa còn lo lắng cho chúng chu đáo, huống hồ là chúng ta, loài được Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài, loài được Chúa cứu chuộc bằng máu của Con của Ngài.

369. Đường đời của chúng ta không bao giờ đi vào ngõ cụt

Hoàn cảnh đời chúng ta có đen tối đến đâu mặc lòng, vẫn có lối thoát êm đẹp.
Chúa không bao giờ đưa chúng ta đi vào ngõ cụt.
Đường Chúa dẫn chúng ta đi, luôn luôn có kết thúc đẹp.
Chúa dùng ngay cả lòng độc ác của con người, ngay cả lòng nham hiểm của quỷ ma để làm vinh danh Chúa, để đem lại ích lợi cho những linh hồn yêu mến Chúa.

370. Hãy thờ lạy Thánh Ý Chúa và hãy luôn luôn vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự!

Hãy thờ lạy Thánh Ý Chúa và hãy luôn luôn vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự: trong các biến cố tự nhiên, trong các tai hoạ công cộng, trong những nỗi khó khăn và lo lắng về gia đình, trong những lúc rủi ro, trong những khi nghèo túng, trong những cơn khốn khó và nhục nhã, trong những khuyết điểm tự nhiên của mình, trong lúc mình ốm đau tàn tật, trong khi mình mất các ơn bên trong cũng như các ơn bên ngoài, trong khi mình hứng chịu những hậu quả của tội lỗi, trong những nổi khổ bên trong của mình, trong các nhân đức, trong những ơn Chúa ban, trong cái chết và trong những hoàn cảnh phụ thuộc của nó.

Hãy thờ lạy Thánh Ý Chúa và hãy luôn luôn vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự! Amen.
 
Đừng bao giờ mang trái tim chuột !
Lm. Jos. Trương Đình Hiền
12:04 22/06/2008

Đừng bao giờ mang trái tim chuột !



1. Điều quan trọng hơn: biết chiến thắng sợ hải:

Người ta kể rằng, trên một con tàu xuyên đại dương, tất cả mọi hành khách đều nhốn nháo hoang mang lo sợ khi tàu phải đối diện với một cơn bảo lớn. Trong khi đó, tại phòng lái của viên thuyền trưởng, có một em bé vẫn bình thản, vui chơi, như không cảm thấy sự gì xảy ra. Có người thấy vậy mới buột miệng hỏi em:

- Sao đang đứng trước phong ba bảo táp như thế mà cháu vẫn bình tâm vô sự ?

Em bé tươi tỉnh trả lời:

- Bố tôi đang lái tàu mà, tôi có gì mà phải sợ !

Trên “chuyến tàu đời” hôm nay, chúng ta cũng đang phải đối diện từng ngày với những phong ba bảo táp của cuộc sống, những đe dọa trăm chiều, những áp lực nặng nề bủa vây giăng mắc trên mọi nẽo đời thường. Sợ hạnh phúc gia đình tan vỡ, sợ tình yêu bị phản bội chối từ, sợ công ăn việc làm thất bại, sợ thi không đổ, sợ bệnh tật, sợ con cái bất phục cứng đầu, sợ chồng đánh, sợ vợ ghen, sợ thanh danh hoen ố, sợ nghèo, sợ bị kết án, sợ tù tội, sợ sinh con, sợ chết…

Cuộc đời của Vị Ngôn Sứ được trích đọc hôm nay, sứ ngôn Giêrimia, là phản ảnh rõ nét những xuyến xao, lo sợ như thế, khi Ngài phải đối diện với bao nổi oái ăm, nguy khốn tràn ngập cuộc đời làm chứng cho chân lý. Tuy nhiên, điều cuối cùng mà Sứ ngôn Giêrêmia muốn gióng lên lại là: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng…Hãy ca ngợi Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo” (BĐ 1).

Đó cũng chính là điều mà Đức Kitô, Đấng được tiên báo qua sứ điệp và hình ảnh của sứ ngôn Giêrimia, đã cô đọng thành một mệnh lệnh dứt khoát: “Anh em đừng sợ …Anh em đừng sợ …”.

Như vậy, sống và sống đức tin, không có nghĩa là tìm kiếm cuộc sống an bình thư thái, không có những gian nguy thử thách để lắng lo đối diện, những bảo táp phong ba để lo sợ và chiến đấu...Nhưng là biết bình tâm để chiến đấu và chiến thắng sợ hải, biết khôn ngoan và can đảm để vượt qua thử thách gian nan.

2. Để “đừng sợ”, hãy ném cuộc đời vào bàn tay Thiên Chúa.

Với những người con cái Thiên Chúa, với những kẻ mang danh là đồ đệ của Chúa Kitô, thì vũ khí mạnh nhất để chiến thắng sợ hải đó chính là “lời quyền năng và sự hiện diện của chính Thiên Chúa”.

Nếu Thiên Chúa của Giêrêmia là một “trang chiến sĩ oai hùng”, thì Thiên Chúa của Đức Kitô lại là một người Cha nhân ái sẵn sàng bảo đảm cuộc sống cho những con chim sẻ, giữ gìn cho từng sợi tóc trên đầu của tôi của anh khỏi rơi rụng vô cớ ! Vâng, đó chính là Tin mừng, một Tin Mừng được cụ thể bằng hai từ giản đơn như một mệnh lệnh: ĐỪNG SỢ.

- Đừng sợ: khi Thầy đến để xóa tan đi những lo sợ hải hùng của các Tông đồ trên biển hồ Tibêriát khi giông bảo nổi dậy giữa đêm đen để nhường lại một chuyến đi giữa trời yên bể lặng bằng chính sự hiện diện đầy quyền năng: "Thầy đây, đừng sợ !";

- Đừng sợ: khi Thầy xóa tan đi những xuyến xao buồn thảm của của Bà góa Naim trước cái chết của đứa con một thân yêu, để đem về một sự sống hân hoan tươi đẹp;

- Đừng sợ: Khi Thầy biến cõi lòng mắc cở, hổ thẹn điếng người của người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và bị đem xử án, thành một con người hoàn lương ra đi làm lại cuộc đời trong tin yêu phó thác…

- Đừng sợ: khi Thầy biến những những con tim hoang mang sợ hải của những tông đồ như Phêrô, Giacôbê, Tôma…tan vở thất vọng đóng cửa cài then vì sợ người Do Thái sau biến cố cái chết của thầy, thành vui mừng rạng rỡ vào Ngày thứ Nhất trong tuần khi Đấng Phục Sinh xuất hiện và ưu ái ban tặng bình an;

- Đừng sợ: Khi Thầy đã biến những cõi lòng sầu muộn tái tê của hai môn sinh trên nẽo đường Emmau sau Ngày Thứ Sáu thê lương của biến cố thập giá, thành hân hoan đầy tràn sức sống vội vã lên đường công bố tin vui Chúa đã sống lại…

Làm sao chúng ta có thể sợ hải được khi Thiên Chúa là Đấng Emmanuen, khi Thiên Chúa là Cha nhân lành, khi Thiên Chúa là người luôn đồng hành chia sẻ kiếp phận nhân sinh, khi Thiên Chúa là Đấng luôn đưa mắt diệu hiền đỡ nâng an ủi.

Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu lầm: thái độ “Đừng Sợ” ở đây không là “giải pháp tạm thời” để lẫn tránh thực tại, để chạy trốn hiểm nguy. Không, đó luôn phải là một chọn lựa anh hùng và đầy can đảm, mà điểm đến cuối cùng chính là hy sinh mạng sống. Điều nầy, chúng ta sẽ nhận thấy rõ nét qua chứng từ của các Thánh Tử Đạo Việt nam: dù gông cùm trăn trói, dù đói khát nhục hình, dù phải bị thiêu, thắt cổ, đâm chém, xẻo từng miếng da…các Ngài vẫn mĩm cười trung trinh với Chúa Kitô, với đức tin Công Giáo.

3. Sứ vụ ngôn sứ đòi hỏi nhiều can đảm

Ngày xưa, sau khi nhận lãnh sức mạnh Chúa Thánh Thần, các tông Đồ đã mạnh mẽ ra đi loan báo Tin Mừng. Cho dù bị bắt bớ, đánh đập, bị điệu đến trước tòa án để bị cấm loan báo Tin Mừng, cấm nói về Chúa Kitô, các Ngài vẫn can đảm thực hành sứ vụ, cho đến ngày làm chứng bằng cái chết Tử đạo. Điều đó đã khẳng định lời tiên báo hôm nào của Đức Kitô mà tin Mừng hôm nay chúng ta vừa đọc lại: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm thì hãy nói ra giữa ban ngày, điều anh em nghe rỉ tai thì hãy lên mái nhà rao giảng”. Quả thật, nếu các ngài sợ hải, chùn bước, thối lui, thì làm gì có chúng ta hôm nay, làm gì có Giáo hội, làm gì thế giới biết được Tin Mừng cứu độ, biết Chúa yêu thương con người đến độ chết trên thập giá, biết được niềm hy vọng phục sinh…

Trong thế giới hôm nay, một thế giới muốn quay lưng lại với những giá trị của Tin Mừng, một thế giới muốn xây dựng trật tự xã hội trên duy chỉ bằng quyền lực chính trị và kinh tế, một thế giới chiến tranh khủng bố, bạo lực hận thù…thì các người môn đệ của Chúa Kitô là phải dấn thân “đừng sợ” để lên đường.

Có biết bao nhiêu sự yếu hèn đầu hàng sự dữ, chùn bước trước những đe dọa tầm thường, im lặng vì lười biếng, thiếu trách nhiệm và tự ái…đã khiến bao gia đình tan vỡ hạnh phúc, bao cuộc ly dị vợ chồng, con cái đánh mất niềm tin nơi cha mẹ, bạn bè trở nên hận thù hiềm khích. Đôi khi, chỉ cần can đảm nói lên một lời xin lỗi, sẵn sàng nhẫn nhục để thứ tha, cố gắng nở một nụ cười, giằng lại một lời nói cay cú, một cơn nóng giận nhỏ nhen…thì có cả một “bầu trời xanh” bình an và đầy tin yêu hy vọng tỏa sáng. Chính vì thế, lời cầu nguyện “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô khó khăn mãi mãi cần được lặp lại trên môi miệng chúng ta, những người kitô hữu: “Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa...”, và mệnh lệnh hôm nay của Đức Kitô, “Các con dừng sợ”, không phải chỉ để tồn tại trên các trang Tin Mừng nhưng phải hiện thực rõ nét bằng chính những thực hành trong cuộc sống đời thường.

Kết: Đừng biến trái tim người thành “trái tim chuột”:

Có một con chuột kia rất sợ mèo. Một vị thần tội nghiệp nó nên biến nó thành mèo. Thành mèo rồi nó lại sợ chó. Vị thần biến nó thành chó. Thành chó rồi nó lại sợ cọp. Vị thần cho nó thành cọp. Nhưng thành cọp rồi nó lại sợ người thợ săn. Vị thần đành chịu thua: "Ta có biến mi thành bất cứ thứ gì đi nữa thì cũng không giúp mi hết sợ, bởi vì trái tim của mi vẫn là trái tim chuột".

Kính thưa ông bà và anh chị em, trái tim chúng ta đã được dựng nên giống ảnh hình Thiên Chúa, được Thánh Thần tác động và thanh tẩy để thành một trái tim biết yêu thương, trung tín, một trái tim được nuôi dưỡng bởi Máu thịt Con Đức Chúa Trời, một trái tim của một dòng tộc mang danh là “Dòng tộc Tư Tế, Vương Đế”, của một Dân Thánh, lẽ nào chúng ta khiếp nhược để giam mình trong những nổi lo sợ vụn vặt của loài chuột. Chúng ta hãy xác tín vào lời của Đức Kitô: “Can đảm lên, đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian”. Hay như lời của Đức Cố giáo hoàng G.P. II: “Đừng sợ ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô…”.

Và khi nào phải đối diện với những gian nguy thử thách, vất vả hiểm nghèo, thì nếu không hồn nhiên phó thác “như đôi chim sẻ”, không thanh thản cậy trông như “cánh huệ giữa cánh đồng”, hay không an bình thư thái tin yêu như “những cọng tóc rơi vãi”… thì ít nữa hãy biết cầu nguyện với Chúa như Thánh nữ Bernadette Soubirous rằng: “Lạy Chúa, con không xin Chúa cho con khỏi bị đau khổ, mà chỉ xin Chúa đừng bỏ con một mình trong lúc khổ đau”.
 
Ấn tín dầu Thánh Chrisam
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
18:16 22/06/2008

Ấn tín dầu Thánh Chrisam



Trong nghi lễ Bí tích Thêm sức, sau khi Đức Giám Mục chủ tế đặt tay đọc lời cầu nguyện xin Ơn Đức Chúa Thánh Thấn xuống trong tâm hồn người lãnh nhận phép Bí tích, ngài xức Dầu Thánh trên trán người lãnh nhận Bí tích: “….Hãy nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”.

Ấn tín Dầu Thánh mang ý nghĩa gì?

Việc đóng dấu ấn tín có nguồn gốc trong Kinh Thánh, như Thánh Phao viết „ Trong Đức Ki-tô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa.Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.“ ( Epheso 1, 13-14).

Trong thời thượng cổ, người Hy lạp và người Rôma cũng được đóng con dấu ấn chìm lặn trên thân thể. Dấu hiệu này nói lên họ thuộc về Thần Thánh, và như thế được Thần Thánh che chở gìn giữ.

Người Do Thái cũng biết đến cùng công nhận dấu ấn là dấu hiệu của gìn giữ bảo vệ.

Người tín hữu Chúa Kitô thuở ban đầu đã nhận Thánh gía là dấu ấn của mình. Nhiều người vẽ khắc ghi hình Thánh gía trên trán, để cho biết họ thuộc về Thiên Chúa, không ai là con người có uy quyền sức mạnh gì trên họ nữa.

Cũng vậy với dấu ấn Chúa Thánh Thần của Bí tích Thêm Sức là một dấu chỉ nói lên, người đã nhận lãnh Bí tích Thêm sức thuộc về Thiên Chúa. Và Thiên Chúa qua dấu ấn của Chúa Thánh Thần củng cố tâm hồn đức tin họ thêm vững mạnh, gìn giữ cùng giúp tinh thần vượt qua những thử thách cám dỗ nghiêng hướng về sự dữ, sự xấu trong đời sống.

Ấn tín ngày chịu phép Bí tích Thêm sức được khắc ghi trên trán, trong tâm hồn bằng Dầu Thánh Chrisam.

Dầu Thánh Chrisam được pha trộn chung của dầu cây Oliu và chất Balsamum.

Dầu oliu dùng cho việc nấu nướng chiên xào, trộn rau sống sàlát thức ăn. Dầu Oliu cũng còn được dùng làm chất thuốc chữa bệnh vết thương.

Trong Kinh Thánh thuật lại, người Samaritano nhân lành giữa đường gặp người bị đánh trọng thương, ông ta lấy dầu oliu và rượu đổ xức trên vết thương cho cầm máu lại.

Trong thời thượng cổ những người luyện tập chơi thể thao cũng lấy dầu oliu xoa trên chân tay thân thể, để cho gân cốt bắp thịt trở nên dẻo dai, sức lực được nâng cao, hầu đạt thành tích tốt khi thi đấu.

Những hiệu qủa như thế cũng có ý nghĩa sâu đậm với việc xức dầu thánh trong Bí tích Thêm sức. Qua ơn đức Chúa Thánh Thần, đời sống nhận được hương vị mới. Những vết thương tâm hồn của lịch sử đời sống được chữa lành, sức mạnh cho tâm hồn được củng cố thêm vững mạnh trước những thử thách cám dỗ.

Dầu Oliu được trộn chung với Balsamum. Chất Balsamum là tinh chất hương thơm lấy từ nhiều loại thảo mộc. Chất Balsamum trong thời thượng cổ trộn chung với dầu oliu trở thành một chất mỹ phẩm để trang điểm sắc đẹp (Kosmetikum).

Dầu Oliu trộn chung với Balsamum có tên chữ mới „Chrisam“. Chữ này nhắc nhớ đến Chúa Giêsu Kitô (Christus).

Dầu Chrisam nhắc tưởng nhớ đến hương thơm tình yêu của Chúa Kitô chiếu tỏa trong tâm hồn đời sống người được xức dầu Chrisam.

Và qua đó đời sống đức tin của người lãnh nhận Bí Tích Thêm sức có niềm vui tươi phấn khởi làm chứng cho Thiên Chúa đến mọi biên giới bờ cõi trong đời sống: “ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Công vụ các Tông đồ 1,8).
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:17 22/06/2008
EM BÉ QUÉT ỐNG KHÓI

N2T


Mùa thu trên trời màu xanh thẳm, giống như mặt biển trong vắt. Trong thời gian nghỉ học, có một em bé trai mười tuổi quét ống khói đứng bên đường đang khóc. Trên vai em bé vác một cái chổi lớn và một cái bị lớn để đựng tàn khói, mặt đầy bồ hóng. Lúc bấy giờ, từ nơi cổng trường đi ra mấy em bé gái, chúng nó chạy lên phía trước, vây quanh em bé quét ống khói.

- “Em sao vậy ?” em bé quét ống khói không trả lời, chỉ khóc mà thôi.

- “Sao lại không nói ?” các em bé gái mồm năm miệng mười hỏi.

Em bé quét ống khói chùi chùi nước mắt, nói: “Sáng nay em quét mấy ống khói, kiếm được ba mươi đồng xu, em bỏ tiền vào trong túi, nhưng không biết cái túi bị thủng một lỗ,” em bé quét ống khói nói xong bèn lấy cái túi ra chỉ cái lỗ thủng nói tiếp:

- “Về nhà giao không đủ tiền công sư phụ sẽ đánh em.” nói xong thì khóc lớn.

Người càng lúc càng đông, mọi người đều đồng tình với em bé. Lúc ấy, một em bé gái trên mũ cắm một lông vũ rất đẹp lấy ra hai đồng, nói: “Tớ chỉ có hai đồng xu, các bạn có thể giúp đỡ góp chút ít được không ?”

- “Trên người tớ cũng có hai đồng xu”, một em bé gái mặc áo đỏ nói tiếp: “Mọi người lấy tiền trong mình góp lại, nhất định sẽ được ba mươi đồng xu.” Em bé gái quay đầu nói với các bạn học: “Các bạn ai có tiền, mau giúp đỡ !”

- “Được”, thế là tiền mọi người chuẩn bị mua bút mua hoa đều lấy ra, từng đồng từng đồng xu đem bỏ vào trong tay em bé quét ống khói, đồng thời lớn tiếng đếm: “Tám đồng, mười đồng, mười lăm đồng, vẫn chưa đủ, làm sao đây ?”

Lúc ấy, nơi cổng trường đi ra một nữ học sinh lớn, cô ta lấy ra một nén bạc bằng mười đồng xu đặt vào trong tay em bé quét ống khói. “Còn thiếu mười lăm đồng xu”, các em bé gái lớn tiếng vui vẻ nói.

Lại có một vài em bé gái vừa ra khỏi cổng trường đến bên em bé quết ống khói. Các em ấy khảng khái tranh nhau mở túi bao của mình, không lâu thì góp đủ ba mươi đồng xu, lại còn dư nhiều nữa. Những em bé gái không mang tiền theo thì lấy hoa trong tay mình tặng cho em bé quét ống khói.

- “Cám ơn, thật cám ơn các chị.” Em bé quét ống khói cảm kích nói.

- “A”, hiệu trưởng đến rồi”, không biết ai đã nói lên câu đó. Các em bé gái nghe tiếng thì như một bầy chim giải tán, chỉ còn lại một mình em bé quét ống khói đứng trên đường, nó một tay xách túi tiền, tay kia nắm chặt hoa, và trong túi trên mũ đều đầy những đóa hoa, lại còn có rất nhiều hoa rơi bên chân của nó.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Có một loại yêu thương vượt qua phạm vi cả tình cảm thân tộc, tình bè bạn, tình cảm ấy được chuyền qua giữa người lạ và người khác, đó chính là tình cảm chân thật của nhân gian.

Tình cảm chân thật thì không cần biết người ấy đối với tôi có họ hàng gì, không cần biết người tôi muốn giúp đỡ có trả công lại cho tôi hay không, nhưng tôi chỉ biết người ấy đang cần tôi giúp đỡ khi tôi có thể giúp, và nhất là họ chính là Chúa Giê-su đau khổ đang mong chờ sự giúp đỡ của tôi.

Chung quanh các em có rất nhiều trẻ em cùng lứa tuổi với mình cần giúp đỡ, các em đó cần một cây bút chì để viết bài tập, các em đó cần một quyển sách một quyển vở để lên lớp, các em đó cần một cái áo sạch để mặc khi đến trường.v.v...các em có thể giúp đỡ với khả năng hạn chế của mình, bởi vì làm việc bác ái điều quan trọng chính là cái tâm của chúng ta.

Các em thực hành:

- Mau mắn giúp đỡ bạn khi có thể làm.

- Giúp đỡ xong thì đừng bao giờ nhắc lại.

- Tập nhìn thấy Chúa Giê-su nơi các bạn.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:18 22/06/2008
N2T


27. Lợi ích lớn nhất trong việc suy niệm chính là xin ơn thánh sủng của Thiên Chúa.

(Thánh Alphonsus Liguori)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Giới Trẻ Thế Giới và giới trẻ Úc (5)
Vũ Văn An
01:43 22/06/2008
Các trường hợp điển hình – Linh đạo, Các ảnh hưởng, Các hậu quả

Cô đọng sự phong phú của nội dung phỏng vấn là việc không dễ; nên các tác giả đã quyết định chỉ trình bày trong phúc trình này năm trường hợp điển hình. Nhằm duy trì tính cá thể của các cuộc phỏng vấn, các tác giả đã để các chủ thể nói bằng chính ngôn ngữ của họ ở những điểm then chốt. Một ngày gần đây, họ sẽ phân tích đầy đủ hơn và không còn dưới dạng các trường hợp điển hình như thế này nữa mà sẽ bao trùm trọn cả mẫu đã phỏng vấn. Ở đây, họ muốn trình bày năm người trẻ là những người tuy không nhất thiết tiêu biểu cho lớp tuổi của họ, nhưng cũng đã phần nào nói lên sự lựa chọn tương đối đại diện cho những người được phỏng vấn trong giai đoạn đầu này (5).

Trong mỗi trường hợp, sau khi cung cấp một số chi tiết thuộc dân số học của người được phỏng vấn, các tác giả sẽ lần lượt xem sét nền linh đạo của người ấy, các ảnh hưởng đã lên khuôn nền linh đạo này và các hậu quả của nó qua các thái độ và hành động đối với người khác, nhất là đối với xã hội nói chung.

Trường hợp điền hình 1: ‘Michael’ (Người được phỏng vấn nói dài 7,633 chữ; nam phỏng vấn viên).

Michael (tên giả) 23 tuổi, sinh tại Úc; cha là thợ lành nghề (tradesman) cũng sinh tại Úc; mẹ sinh tại một quốc gia nói tiếng anh, nguồn gốc Celtic, và hiện làm việc trong ngành giáo dục. Michael học trường tư, vừa hoàn tất văn bằng hậu đại học về giáo dục và đang dọn ra khỏi nhà để khởi đầu sự nghiệp thầy giáo của mình.

Linh đạo

Bản sắc tính dục là vấn đề nổi bật đối với anh. Được hỏi vấn đề nào anh cảm nhận mạnh mẽ nhất, anh trả lời một cách đầy xuc cảm rằng đó là lời phát biểu có tính chính trị chống lại hôn nhân đồng tính:

Đúng. Tôi cảm nhận rất mạnh về các quyền của người đồng tính. Chính tôi không tự nhận là người dị tính… Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là thiểu số cho bằng lúc tôi nghe ông ta nói trong xe trên radio. Lời phát biểu ấy khiến tôi cảm thấy hết sức tức giận, nó khiến tôi cảm thấy bị hất ra ngoài lề thực sự. Tôi nghĩ đó là một bất công không thể nào tin được, theo tôi, đó là một ảnh hưởng phá hoại đối với người trẻ. Nó buộc tôi phải nghĩ rằng chúng ta vẫn còn ở điểm chưa thể nhìn nhận các lối sống này hay tính dục là điều hợp pháp cho cả hai phía và chưa chịu phản ảnh điều ấy trong luật lệ và văn hóa, thực hành và nhiều chuyện khác. Tôi quả tình nghĩ rằng điều đó là tội ác hiển nhiên và theo tôi, ta không cần dành thì giờ cho giáo hội, cho chính trị nữa; tôi nghĩ ta phải tỉnh dậy và nhận ra rằng điều ấy bất công xiết bao. Vâng đó là vấn đề tôi cảm nhận mạnh mẽ nhất.

Mối tương quan giữa nền linh đạo của Michael và các thế giới quan cũng như các giá trị tôn giáo cổ truyền thì sao?

Mặc dù Michael cho hay ‘tôi không lớn lên trong một gia đình tôn giáo’, nhưng anh ta đã được rửa tội trong Giáo Hội Hiệp Nhất (Uniting Church): (‘lúc còn nhỏ xíu… Tất nhiên, do quyết định của cha mẹ tôi’) và có tham dự Trường Ngày Chúa Nhật. ‘Bây giờ, trong tư cách người trưởng thành, không bao giờ tôi chọn điều ấy’. Lúc ấy, có lúc anh và cha mẹ anh có tham dự nhà thờ.

Nền linh đạo của anh hiện nay vì thế nhất định không còn tính tôn giáo. ‘Tôi tự hào nói rằng mình không có tôn giáo, tôi không tin tôn giáo, tôi không xếp hàng ngũ với giáo hội. Tôi đoán chính giáo hội đã đẩy tôi ra xa… Tôi cảm nhận rất mạnh về các quyền của người đồng tính, tôi không tự nhận là người dị tính’.

Được hỏi liệu anh ‘có rút tỉa các ý niệm từ bất cứ tôn giáo hay triết lý đặc thù nào không’, anh trả lời ‘Có, nhưng theo nghĩa tiêu cực, nó cung cấp tin tức cho tôi phải suy nghĩ ra sao về sự vật, nhưng theo nghĩa tiêu cực. Tôi thấy Kitô giáo thực sự rất tiêu cực vì các chủ trương cực đoan của nó về những chuyện như hôn nhân đồng tính, phá thai, làm tình trước hôn nhân. Những chuyện tôi cho là được, các giáo hội tôi thấy trên truyền hình xem ra đều lên án chúng.

Bởi vậy, theo một nghĩa nào đó, tôi hoàn toàn tách xa khỏi các giáo hội ấy… Tôi cho rằng điều làm tôi quay mặt nhất chính là các Kitô hữu mà tôi thường nói chuyện với. Anh thấy đó, người ta ráng và xách nhiễu anh về chuyện đức tin, truyền thông cũng đã mô tả chuyện ấy.

Michael đặc biệt bác bỏ chủ trương về các vấn đề luân lý được anh liên kết với các giáo hội. Nhưng sự bác bỏ của anh đối với tôn giáo cổ truyền không chỉ giới hạn vào các vấn đề luân lý, nó đụng tới lãnh vực căn bản hơn nhiều: ‘Tôi thực sự không tin Thiên Chúa, tôi không tin một đấng thiết kế nào hay một đấng nào tương tự như thế’.

Triết lý sống của anh nhấn mạnh nhiều tới sự tự lập bản thân, nhất là trong phạm vi tính dục, và âm sắc của nhấn mạnh này là giận dữ và thách thức khi anh bác bỏ điều anh coi là chủ nghĩa duy luân của các giáo hội. Tuy nhiên, quan điểm rộng hơn của anh lại không tiêu cực bao nhiêu. Mặc dù không chịu đưa ra một quan điểm thay thế cho cái nhìn tôn giáo về thế giới bằng một ngôn từ trừu tượng có tính khoa học hay triết học hơn, nhưng anh có xác định một cách rõ ràng một loạt các quan tâm và cam kết từng lên khuôn cho bản sắc anh và hướng đi cho cuộc đời anh.

Như sẽ thấy, anh hết sức lý tưởng, quan tâm nhiều tới thế giới chung quanh anh, có khả năng cam kết sâu sắc, vị tha, đại lượng, không hề vật chất chủ nghĩa và đầy năng lực. ‘Dù sao cũng có một nền văn hóa thực sự về những người tôi liên hệ với, và lòng hoài mong muốn làm điều tốt gì đó, một điều đáng giá. Không hẳn đi làm cho một công ty để hái ra tiên hay chuyện này chuyện nọ. Hơi cánh tả một chút, tôi không biết có phải đấy là điều tiêu biểu cho những người thuộc lứa tuổi tôi hay không. Nhưng chắc chắn đó là loại người tôi muốn liên kết với… Có được lối sống trong đó không nhất thiết phải làm tiền, nhưng làm việc với giới trẻ, quả hết sức quan trọng, vì được làm một điều đáng giá. Về đến nhà, quả là hân hoan khi có thể nói (với mình) được rằng mình đã thực hiện được một khác biệt hay mình đã làm được điều gì đó quan trọng đối với cộng đồng’.

Điều có ý nghĩa vì ngược với hầu hết các trường hợp điển hình khác, là Michael đã coi bạn bè của anh là nguồn gây ảnh hưởng chính, và là nhóm nâng đỡ đệ nhất đẳng của anh. Phần lớn những người khác chọn gia đình họ. Có lẽ điều này liên quan tới tuổi của anh (anh là người lớn tuổi nhất trong số những người chưa có việc làm toàn thời gian), và cũng có thể tới cả bản sắc tính dục của anh nữa.

Khi được hỏi ở lúc khởi đầu, anh thích làm việc gì nhất, anh trả lời: ‘Tôi cũng làm khá nhiều việc thiện nguyện, đủ mọi việc thiện nguyện thuộc chương trình này. Tôi thực sự thích những việc ấy. Tôi làm việc với người khuyết tật, với người trẻ, với các gia đình chỉ có mẹ hoặc cha và những người như thế’.

Anh không nói ngoa; như sẽ thấy ở phần nói về các hậu quả, Michael can dự sâu rộng vào việc đóng góp cho các phát triển người trẻ về xã hội và chính trị, và hiến nhiều thì giờ cho các chính nghĩa khác nữa như các trẻ tật nguyền và các gia đình Thổ Dân.

Anh có ý thức mạnh về ơn gọi đối với vai trò chuyên nghiệp của nghề dạy học mà anh vừa bước vào. ‘Quả là chuyện hơi lạ, tôi muốn làm nghề giáo ngay lúc mới 15 tuổi. Và tôi nghĩ, tôi nghĩ điều ấy hơi bất thường, tôi cho rằng nghề dạy sau này đã trở nên phổ thông hơn. Với tôi, điều ấy hơi giống như một lời kêu gọi [calling]. Tôi được thấy những người (như thế) trong cộng đồng của mình, tại trường của cộng đồng và tôi thực sự muốn làm như họ. Tôi nghĩ đó là một nghề thực sự đáng giá, nên tôi đã lên đại học với nghề đó làm mục tiêu và cuối cùng tốt nghiệp, anh có tin được hay không, với cũng một nghề ấy làm mục tiêu. Tôi luôn luôn muốn làm nghề đó và không còn gì làm tôi vui sướng hơn là được đi dạy. Và người ta đã chứng nhận là tôi thực sự muốn ở lại làm việc với giới trẻ. Tôi thực sự thích ý niệm dạy học, nên hãy xem năm tới sẽ ra sao. Nếu lúc ấy tôi thực sự tung (hack) được nó… Tôi coi các vấn đề giáo dục rất trọng, thực sự rất trọng. Các vấn đề này có lẽ là những vấn đề được tôi quan tâm hơn cả, khi người ta nói về nó, các vấn đề về môi sinh có lẽ ở hàng nhì. Theo tôi, chính sách giáo dục thực sự rất đáng lưu ý. Tôi thực sự hăng say đối với các vấn đề công bằng trong các trươờng học vì tôi thấy đủ mọi thứ vấn đề bên trong đó…, khi anh đi từ trường này tới trươờg khác, anh thấy đủ mọi thứ chuyện. Chỉ cần can dự vào một nghề nghiệp có đủ mọi thứ vấn đề như thế luôn là điều thực sự quan trọng đối với tôi. Một lãnh vực bổ dưỡng để mình bước vào.

Đây rõ ràng là thành tố chính trong cái nhìn của Michael về chính mình và thế giới của anh ta; anh có một tổng hợp nhiều ý niệm nhất quán về nghề dạy học, và một lôi cuốn mạnh mẽ và dai dẳng đối với nó, một lôi cuốn đã thành nguyên động lực cho anh trong các năm đại học để chuẩn bị, trong các lần giảng dạy, chọn dạy học làm nghề chính. Bản sắc đang xuất hiện trong anh trong tư cách thầy giáo đã nhận được được nâng đỡ từ những đồng nghiệp cùng chí hướng.

Anh có có thân cận gần gũi với thế giới tự nhiên: ‘Đầu óc tôi hơi hướng về thiên nhiên một chút. Tôi từng nghiên cứu về việc bảo tồn ngay tại đại học. Tôi tham dự loại trại này vào năm thứ ba. Chúng tôi đi quan sát những con gấu túi (wombat) bằng đèn pha và họ dạy chúng tôi phải tìm dấu vết các con vật ra sao để lên tài liệu cho các bài nghiên cứu của mình về bảo vệ môi sinh. Nhờ thế, tôi đã triển khai được lòng yêu qúy quan yếu đối với những vấn đề này, nhất là phong cảnh Úc, một phong cảnh theo tôi hết sức hùng vĩ. Tôi cũng thích đọc những bài thơ biết dùng phong cảnh ấy làm gợi hứng. Chỉ cần ra ngoài này để cùng với những người cùng trang lứa học hỏi về nó. Tôi cho rằng như thế là gần gũi với thiên nhiên nhưng cũng là cách trực tiếp học hỏi về cây cối và các giống vật hiện diện tại môi trường này. Tôi thích có mặt ở ngoài này, dùng nó như một thứ phòng thí nghiệm để nghiên cứu…’

Một lần nữa, ta thấy nhiều ý tưởng nhất quán, thành hình nhờ học hỏi và một số kinh nghiệm chủ yếu do thế giới tự nhiên mang đến, được lên men nhờ một triết lý sống vừa tích cực vừa có tính cảm giới (affective) cao, cho thấy cả một đạo đức học môi sinh lẫn một chiều kích văn chương đầy thẩm mỹ, nới rộng ra sẽ dẫn ta vào việc trân quý nói chung đối với môi trường Úc. Nó được phát biểu qua các thực hành đều đặn (cuốc bộ trong rừng và theo dõi gấu túi). Đó là các thành tố tạo nên một nhà tranh đấu cho môi sinh.

Tính sáng tạo và sự nhậy cảm về thẩm mỹ của Michael đã được khai triển nhờ việc can dự vào sân khấu hơn hết: ‘Hơn một năm nay, tôi không làm việc này nhưng trong suốt sáu năm trước, tôi từng đạo diễn các buổi trình diễn của người trẻ mà chính tôi cũng thủ diễn nữa…Tôi bắt đầu bước vào sinh hoạt này là ở nhà trường, vào năm lớp 10, thực hiện các buổi trình diễn của trường rồi việc ấy dẫn đến việc thực hiện các buổi diễn kịch tài tử ở nhà hát cộng đồng. Có thể nói, tôi can dự vào khá nhiều các buổi trình diễn của giới trẻ và gặp gỡ rất nhiều bạn bè mà tôi có hiện nay từ những buổi trình diễn ấy… [Tôi cảm thấy điều ấy] thật hết sức giải thoát, vì mặc dù thực sự không thích dán nhãn hiệu cho nó, tôi vẫn nghĩ mình quả là người có óc sáng tạo, có thể suy nghĩ và có khả năng làm được nhiều việc trong môi trường ấy. Tôi thực sự thích nó vì tôi nghĩ rằng có nhiều người làm kịch nghệ sân khấu và đấy là nơi họ sinh hoạt và chói sáng. Tôi nghĩ tôi cũng là một người như họ, thực sự thủ đắc được điều gì đó tứ nó. Đây là một môi trường khác nữa để tôi thành tựu…

Tôi không bao giờ giỏi về thể thao hay lớn lên như thế. Tôi luôn cảm thấy khiếp đảm và thực sự mất hứng mỗi lần nghĩ đến các trò thể thao tranh đua và các cuộc tranh đua… Nên tìm được một nơi như sân khấu để mình có thể sáng tạo và thực hiện được những điều kỳ thú như thế này quả hết sức khích lệ’

Vì sự nổi bật do các tường thuật của báo chí về các tôn giáo và thực hành ‘Tân Đại’, cũng như các thử nghiệm đối với những điều ‘huyền bí’ như thông linh học [spiritualism], nên tất cả những người được phỏng vấn đều được hỏi một số câu hỏi về các chủ đề này: họ có tham dự các buổi gọi hồn [séances], có thực hành yoga, ngồi thiền hay tụng niệm, bói bài, thấy thiên thần hay ma quái, xem số tử vi hay không (và có tin chuyện ấy, có theo chuyện ấy hay không?)

Một khuôn mẫu hết sức đồng nhất đã xuất hiện ở đây: chỉ trừ một số nhỏ (phần lớn là những người hết sức đạo hạnh), các chủ thể đều có kinh qua một hay nhiều thực hành kể trên, nhất là lúc họ mới bước vào giữa tuổi mười mấy. Mức độ can dự thì có khác nhau. Một ít thiếu niên lớn tuổi hơn đã chịu trả tiền cho các tay lành nghề bói bài hay viết số tử vi hộ. Nhưng đồng thời, chỉ trừ một số ít, họ đều vội thêm rằng họ không tin bất cứ hệ thống nào loại này cả hay coi trọng chúng một cách nghiêm chỉnh hoặc để cuộc sống họ chịu ảnh hưởng bởi chúng…

Trở lại trường hợp Michael, chỉ còn lại việc xác định nền linh đạo của anh căn cứ vào các loại linh đạo đã trình bày ở đây. Dù khá độc đáo, Michael vẫn có chung nhiều điểm với những người được phỏng vấn khác vốn có chung một loại linh đạo với anh.

Đó là loại linh đạo Thế tục.

Các ảnh hưởng đối với linh đạo:

Quan tâm thế tục nơi Michael xem ra khá tiêu biểu cho những người trẻ dấn thân cho xã hội và các sinh hoạt công dân, là những người anh đồng hóa với (và là những người được dự án này phỏng vấn). Nhiều người trưởng thành trẻ thuộc loại này xuất thân từ một hậu cảnh nói tiếng Anh gốc Celtic, thuộc giai cấp trung lưu, học trường tư và khi còn nhỏ có tiếp xúc với các giáo hội một cách lỏng lẻo. Hậu cảnh tôn giáo của họ có thông tri cho cơ sở luân lý của họ, nhưng chính giáo hội thì không còn sức lôi cuốn nữa và cũng không còn cung cấp được một cộng đoàn để những người như Michael cảmthấy họ có thể đồng nhất với.

Anh ta ghi nhận: ‘Tôi chưa bao giờ can dự nhiều vào đó, tôi đoán chính các Kitô hữu mà tôi nói truyện với đã làm tôi quay mặt khỏi đó. Anh biết đó, những người ấy nhiều lần xách nhiễu anh về đức tin của họ. Cả truyền thông, đúng cả truyền thông, cũng mô tả điều ấy. Nhưng lúc còn nhỏ, tôi có dự trường Ngày Chúa Nhật. Bây giờ, điều ấy với tôi như thuộc một thế giới khác. Là người trưởng thành, hay gần như trưởng thành, tôi sẽ không bao giờ chọn làm điều ấy nữa. Chính cha mẹ tôi chọn làm điều ấy cho tôi, nhưng tôi nghĩ ở cái tuổi quá nhỏ như hế, nó chả có hiệu quả bao nhiêu đối với tôi… Giờ đây, tôi là một sinh viên đại học suy nghĩ tự do hoặc gần như thế. Nên, vâng, hiệu quả kia chỉ là tối thiểu, tôi đã không lớn lên trong một gia đình tôn giáo, tôi chỉ tham dự chút đỉnh các lớp giáo lý Chúa Nhật nhưng chua bao giờ thực sự có cảm nhận mạnh đối với tôn giáo trong một quốc gia giống như Úc.

Trong cuộc phỏng vấn, Michael ít nhắc tới gia đình, không giống như nhiều người được phỏng vấn khác, nhưng anh cho biết rõ đạo đức học hiện nay của anh được các tiếp xúc với những người cùng trang cùng lứa nuôi dưỡng và gây ảnh hưởng: ‘Nhưng vào lúc này, hầu hết người trẻ mà tôi liên hệ với, như những người cùng trang lứa, đều muốn những điều có thể thay đổi được xã hội cho tốt đẹp hơn. Nhất là theo học những môn như giáo dục, và làm việc thiện nguyện.

Trong quá khứ, Michael từng sử dụng nhiều tài nguyên thiêng liêng, nhưng việc ấy không còn là thành phần trong cuộc sống đang tiếp diễn của anh nữa mà chúng cũng không gây được một tác dụng lâu bền nào. Ta hãy nghe một câu phỏng vấn:

Người hỏi (NH): Xin hỏi anh một số vấn đề đặc thù, anh có bao giờ dự một buổi gọi hồn chưa?

Michael (M): Tôi đang cố gắng nhớ lại xem sao, à, tôi nhớ tôi luôn chú ý đến việc ấy, lúc tôi đang lớn lên, vào năm lớp 9 và lớp 10, tôi có một người bạn, chúng tôi hay để ý đến những chuyện ấy, tôi chắc chắn chúng tôi có nói về chúng, nhưng tôi cố nhớ xem mình có thực hành hay không. Có lẽ không, nhưng không hẳn vì mình không tin mà chỉ là vì không có dịp. Nhưng lúc còn thiếu niên, dám tôi có làm lắm ạ. Bây giờ, chả bao giờ tôi làm như thế nữa, vì tôi thuộc loại không thích ý niệm làm điều gì đó mà mình không hiểu chi cả… Lúc đang lớn lên, có thể vì tò mò những chuyện như thế, nên rất có thể tôi đã thử khi có ai đó xúi bẩy, nhưng tôi nhớ lại tôi chưa bao giờ có cơ hội cả, tôi đoán thế. Ngồi đó với cái bàn ‘ouija’ và một vài bạn hữu’.

Tuy nhiên, việc can dự của anh vào sân khấu, thi ca, và cả một số ‘triết lý’ nữa đàng sau vấn đề bảo tồn môi sinh, công việc giúp các thanh thiếu niên Thổ Dân và túng thiếu, và d1ân thân vào nghề dạy học, thẩy đều là những cam kết với các nguồn tài nguyên văn hóa thuộc loại khác và chắc chắn gây nhiều tác động nơi anh.

Các hậu quả của linh đạo

1. Kiến thức

Michael chứng tỏ mức kiến thức cao về công dân và hiểu rõ các nguyên tắc trong cơ cấu xã hội và chính trị và việc thay đổi xã hội. ‘Tôi nghĩ là người trẻ anh phải bị ám ảnh về các bất công. Tôi có thể nói mọi người tôi có dịp chuyện trò với, những người được nhận diện thuộc cùng trang cùng lứa, đều có sẵn cả một lô sự việc, và sẽ trả lời câu hỏi này một cách hết sức dễ dàng. Tôi đã từng nói đến việc phân biệt người đồng tính mà tôi cho là đang lan tràn tại Úc, tôi tin đây là (vấn đề) thuộc cả luật lệ lẫn văn hóa. Và tôi nghĩ nạn ghét người đồng tính (homophobia) là điều thực sự không may, đang sống động và phổ biến tại Úc. Lại còn vấn đề này nữa là người Thổ Dân ở xứ này hiện cũng đang bị kỳ thị cách bất công. Tôi cho là bất công khi đang có cái thứ triết lý kỳ thị chủng tộc qua việc cứ ném tiền vào họ và hy vọng mọi việc sẽ êm đẹp. Còn người Úc da trắng thì bảo họ lười, chỉ ráng lãnh trợ cấp của chính phủ. Tôi thấy đó là cái thứ động lực văn hóa cực kỳ đáng lưu ý nhưng đồng thời cũng là những quan điểm hết sức đáng sợ đang hiện hữu. Tôi cho rằng việc xóa bỏ tiếng nói của người Thổ Dân là một bất công thực sự to lớn. Tôi đã nghe ứ tai về chuyện ấy. Ngoài ra, tôi muốn nói vẫn còn nhiều nhóm thiểu số ở đây, vì tôi cũng cảm nhận khá mạnh về phụ nữ. Ngay như trong chương trình thiện nguyện mà tôi đang tham gia chẳng hạn,…có đến 70% các trưởng trại là phụ nữ nhưng mọi chức vụ quản trị hay phối trí viên chương trình hay trưởng nhóm đều 90o% là nam giới, điều ấy quả không chấp nhận được. Trong số 16 người thuộc nhóm đặc nhiệm của chương trình, chỉ có 4 người là phụ nữ, còn bao nhiêu là nam giới.

Theo tôi, đây là vai trò kiểu mẫu đang có vấn đề đối với người trẻ và tôi nghĩ đó là một bất công vì rất nhiều người nghĩ rằng phụ nữ hiện nay đã tiến bộ nhiều trong cố gắng bình đẳng. Tôi chắc chắn họ chưa tiến gần được điểm đáng lẽ họ phải có. Điều ấy cũng làm tôi quan tâm. Tôi cũng không thích nạn phân biệt chủng tộc… Tôi muốn nói người đồng tính, phụ nữ và người Thổ Dân là các lãnh vực bất công chủ yếu mà tôi chú tâm.

2. Các khả năng và kỹ năng bản thân

Michael cũng chứng tỏ mức độ cao về các khả năng và kỹ năng bản thân. Anh cởi mở đối với các ý tưởng mới, đạt trình độ cao trong việc tự kiểm soát lấy mình và các kỹ năng lãnh đạo.

‘Sẽ hết sức ngây thơ nếu bảo làm điều ấy (tạo sự khác biệt) là điều dễ dàng. Trái lại, tôi nghĩ đó là việc đục khoét hết sức chậm rãi, từng tí một những điều chung quanh anh, thì anh mới có thể bắt đầu được. Bắt đầu phải có niềm tin về những niềm tin ấy, rồi khởi sự làm những chuyện như tích cực trong trường, hay lạc quyên tiền bạc, tra vấn sự việc, lựa các chính sách trong trường hay trong cộng đồng rồi nói: thưa ông thưa bà, xin ông xin bà giải thích giùm điều này, vì theo tôi nó sai lầm. Vâng đúng thế, tôi nghĩ người ta không tạo được khác biệt theo lối phim ảnh, nơi cái gì cũng chiến thắng cũng tiệc tùng mừng vui hết, nhưng phải cột vào nó một [quá trình] đẽo gọt đục khoét từ từ và vất vả, từng bước một. Cần thì giờ nếu người trẻ muốn tạo được sự khác biệt, vì tôi thấy người trẻ phần lớn không nắm quyền lực gì đặc biệt trong xã hội. Cho nên, theo tôi, tạo được khác biệt không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng tôi tin chắc nó sẽ xẩy ra. Tôi không muốn quá bi quan, tôi muốn nghĩ tôi đang cố làm được chút gì đó trong công việc thiện nguyện mà tôi đang làm’.

Điều cũng đáng lưu ý nữa về Michael là nhiều sinh hoạt cộng đồng của anh đòi hỏi thật nhiều can đảm. Anh phải thắng vượt các sợ sệt và bất an của chính anh, nhưng nhờ kiên tâm, nên anh thấy các khả năng và kỹ năng của anh càng ngày càng lớn mạnh.

3. Các thái độ xã hội

Michael cũng đạt được trình độ cao trong việc nối kết với bạn bè và cộng đồng nói chung. Anh cũng liên kết các giá trị và thế giới quan của anh với các hành động của mình và cho rằng anh hành động vì lý tưởng.

‘Anh biết không, mọi người nói với tôi: chỉ vài năm, anh sẽ quên khuấy cái [lý tưởng] ấy. Lúc ấy hết muốn thay đổi thế giới. Nhưng trong lúc này, tôi thấy phần đông người trẻ mà tôi liên hệ với như người cùng trang cùng lứa, thẩy đều munốn thay đổi sự việc trong xã hội cho tốt đẹp hơn. Nhất là học những môn như giáo dục và làm việc thiện nguyện’.

4. Hành động xã hội

Michael can dự một cách tích cực vào các sinh hoạt cộng đồng cả trong tư cách cá nhân lẫn trong một nhóm. Mức độ làm việc thiện nguyện của anh khá cao và cuộc sống của anh xem ra xoay quanh việc giúp đỡ người khác và hợp tác với các tổ chức phục vụ thiện ích người khác. ‘Tôi từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối chỉ để chứng tỏ sự hỗ trợ và thái độ của mình, nhưng tôi đoán tôi tham dự những cuộc biểu tình đó theo các phương cách anh khó có thể đo lường được thành công. Thôi được, để tôi nói cho anh hay, tôi sẽ tham gia ‘Hội Trại Hành Động Tuổi Trẻ’ này với các thiếu niên Thổ Dân là điều tôi từng có làm,…chỉ dành một tuần kinh nghiệm cho họ. Nên tôi nghĩ tôi không thể

ngồi xuống mà nói đúng hôm nay mình đã thực hiện được điều gì đó cho quyền lợi người Thổ Dân, nhưng tôi nghĩ tôi có thể nói mình đang tạo nên một điều gì đó tích cực trong phạm vi này’.

Michael lọt khít khao vào khuynh hướng công dân cao ở điểm anh đã chứng tỏ được các mức độ cao về cả bốn chiều kích. Như thế, ta có thể coi anh như một công dân trẻ mẫu mực. Cuộc sống của anh đã được tích nhập tốt đẹp về phương diện các hậu quả do nền linh đạo của anh tạo ra: các niềm tin, kiến thức, các kỹ năng, các thái độ xã hội, và hành động xã hội.

Ghi chú

(5) Tất cả những người được phỏng vấn đều được gán cho một tên giả và các chi tiết có thể nhận diện họ đều được thay đổi.
 
Giáo Hội không làm chính trị, nhưng Giáo Hội có một học thuyết về Chính Trị
Đỗ Hữu Nghiêm
09:03 22/06/2008
Khai Trương Một Hội Thảo ở Vatican

VATICAN - Theo bản tin Zenith.org do Anita S. Bourdin biên tập và phát đi từ Roma, Thứ Sáu, ngày 20/6/2008, Giáo Hội không làm chính trị nhưng giáo hội có một học thuyết về chính trị, để có thể hoàn thành sứ mệnh phục vụ công ích. Đó là lời tuyên bố khằng định của Hồng Y Renato R. Matino, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình. Ngài đã khai trương sáng nay, một cuộc hội thảo quốc tế tại Vatican về “đạo lý và chính trị” dưới đề tài chung là “Chính trị, một hình thức đòi hỏi đức bác ái”.

Hội thảo đó qui tụ sáu mươi chuyên gia tại Rôma (theo Zenith ngày 19/6/2008.)

Ngài giải thích: “Duy trì và cô vũ cho lương tri công cộng nhận thức về phẩm cách siêu việt của bản vị con người: đó là đóng góp trước nhất và cốt yếu Giáo Hội hiến tặng cho cộng đồng chính trị” .

Vì Hồng Y Martino còn giải thích thêm: “Trong tín điệp Chúa Kitô mà Giáo Hội loan báo, cộng đồng nhân loại có thể tìm thấy sức mạnh để yêu mến tha nhân như chính một bản thân mình khác, nhằm đối kháng lại những gì chống lại sự sống, nhằn nhìn nhận mọi người có quyền bình đẳng cơ bản, nhằm đấu tranh chống mọi hình thức kỳ thị, nhằm vượt qua một đạo lý hoàn toàn có tính cá nhân chủ nghĩa”.

Về những gì liên quan đến cộng đoàn tín hữu thường, đôi khi còn được hiểu là loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống chính trị, chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình đã diễn đạt niềm thâm tín của ngài rằng Công giáo sẽ không bao giờ khước từ một vai trò đức tin công khai. Tuy nhiên, khi đó, ngài phân biệt rõ những điều mà người tín hữu làm theo danh nghĩa chính họ và những gì họ thực hiện nhân danh Giáo Hội, kết hợp với các mục tử của họ.

Ngài giải thích: “Nếu một nền chính trị chủ trương hành động như Thiên Chúa không hiện hữu, thì cuối cùng nền chính trị ấy trở nên khô héo, và đánh mất lương tri của mình về đặc tính trường cửu không thế đá động đến của phẩm cách con người” .

Về những gì thuộc về học thuyết đa nguyên dân chú và về các giá trị cơ bản, thì Hồng Y Marino đã nhắc ta nhớ rằng: “Các quyền nào đòi hỏi theo chủ nghĩa cá nhân và vị kỷ, ngoài khuôn khổ chân lý, liên đới và có trách nhiệm, đều làm soi mòn chính nền dân chủ đó và đưa đến những yếu tố gây ly tán và chống dối” .

Hồng Y Martino đã quả quyết: “Một thời kỳ như thời kỳ chúng ta đang sống hiện nay, có nhiều thái dộ đối-kháng-chính-trị, thì một nền dân chủ đích thực, cần đến một tâm hồn yểm trợ, giá trị vô điều kiện của bản vị con người, mở rộng tới tha nhân và Thiên Chúa, trong chân lý và thiện hảo” .

Oakland, CA ngày 21/6/2008
 
Chương trình Giới trẻ Tổng Giáo phận Melbourne, Úc châu, hiệp thông với WYD 2008
Trần Văn Minh
11:04 22/06/2008
MELBOURNE - Để gíup các phái đoàn Việt Nam khắp nơi trên thế giới về dự Đại Hội Giới trẻ Công Giáo Việt Nam Tại Sydney Năm 2008, chúng tôi xin gửi một số thông tin hữu ích về những hoạt động trước Đại hội của Giới trẻ Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne. Chương Trình Sinh Hoạt Days in the Diocese Melbourne 2008

Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo Melbourne phối hợp với chương trình Days in the Diocese của Tổng Địa Phận Melbourne trình bày đến quý vị chương trình sinh hoạt của giới trẻ công giáo trong tuần lễ trước Đại Hội World Youth Day tại Melbourne. Văn Phòng DID08 Melbourne đã loan tãi rất nhiều sinh hoạt trong tuần lễ DID chính thức (10-14/7). Xin mời quý vị muốn biết thêm chi tiết về các chương trình khác của Văn Phòng DID08 Melbourne nên ghé thăm trang web: www.did08.com.

LĐTNCG Melbourne sẽ tham gia một số chương trình đó và sẽ tổ chức thêm vài chương trình dành riêng cho giới trẻ Việt Nam. Xin mời quý vị tiếp tục xem trang này trong những tuần xắp tới vì các chi tiết có thể thây đổi vào giờ phút chót. Sau đây là chương trình tổng hợp của LĐTNCG Melbourne từ 6-13 tháng 7.

Chúa Nhật 6 tháng 7, 08
5 PM: Thánh Lễ Giới Trẻ Việt Nam cho tất cả các giới trẻ trong và ngoài Melbourne.
Địa Điểm: St John the Evangelist Church,
576 Victoria Pde, East Melbourne

Thứ Hai 7th July
5 AM – 5 PM: Du Lịch - Núi Tuyết cho khách hành hương từ xa đến Địa Điểm Khởi Hành: Sẽ thông báo sau

Thứ Ba 8 tháng 7, 08
AM: Du Lịch Tự Do, Tham quang thành phố Melbourne

Thứ Tư 9 tháng 7, 08
8 AM: Du Lịch – Ballarat Sovereign Hill (Mõ Vàng)
Địa Điểm Khởi Hành: Sẽ thông báo sau
6:30 PM: Thuyết trình do Cha Phạm Quang Hồng
Địa Điểm: St John the Evangelist Church,
576 Victoria Pde, East Melbourne

Thứ Năm 10 tháng 7, 08
AM: Tham quang Pilgrim Welcoming Center
Địa Điểm: Australian Catholic University, 115 Victoria Parade, Fitzroy
AM: Du Lịch - Tarrawarra Abbey Tour (AM Tour)
Vé miễn phí nhưng phải có vé, xin liên lạc với LĐTNCG Melbourne (info@vcyam.net)
Địa Điểm Khởi Hành: Sẽ thông báo sau
PM: Thánh Lễ Khai Mạc DID08
Địa Điểm: St Patrick’s Cathedral
Vé miễn phí nhưng phải có vé, xin liên lạc với LĐTNCG Melbourne (info@vcyam.net)
AM: Du Lịch - Tarrawarra Abbey Tour (PM Tour)
Vé miễn phí nhưng phải có vé, xin liên lạc với LĐTNCG Melbourne (info@vcyam.net)
Địa Điểm Khởi Hành: Sẽ thông báo sau
6 PM: Vietnamese Youth Food Festival
Địa Điểm: St John the Evangelist Church, 576 Victoria Pde, East Melbourne

Thứ Sáu 11 tháng 7, 08
AM: Du Lịch Tự Do, tham quang thành phố Melbourne
AM: Hành hương tham quang các di tích Á Thánh Mary McKillop
Địa Điểm: Brunswick và Melbourne City
4:00 PM: Melbourne Archdiocese Commissioning Mass
Địa Điểm: Telstra Dome Melbourne

Thứ Bảy 12 tháng 7, 08
9:30 AM – 8:00 PM: Vietnamese Catholic Youth Gathering / Ngày Hội Ngộ Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam
Địa Điểm: Robert Blackwood Hall, Monash University Clayton Campus, Wellington Road, Clayton (Melway 70 G10)

Chúa Nhật 13 tháng 7, 08
11:00 AM: Thánh Lễ Giới Trẻ do Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên (Chủ Tịch Mục Vụ Giới Trẻ Việt Nam),
Địa Điểm: St John the Evangelist Church, 576 Victoria Pde, East Melbourne
6:00 PM: Các phái đoàn hành hương bắt đầu rời Melbourne tiến đến Sydney.

Xin lưu ý Các phái đoàn. Úc đang là mùa Đông, xin mang theo áo ấm khi đến Úc.
 
Mục Vụ Giới Trẻ Úc dành cho WYD 2008 của các linh mục Việt tại Perth
Nguyễn Việt Nam
11:41 22/06/2008
Tờ Record, tờ báo Công Giáo chính thức của tổng giáo phận Perth trong số ra tuần này tràn ngập những hình ảnh chuyến viếng thăm của cây Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ. Đặc biệt là những hình ảnh cảm động tại cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc và những giáo xứ do các linh mục Việt Nam coi sóc. Những hình ảnh này phản ảnh những sáng kiến phong phú của các linh mục Việt Nam đang làm mục vụ tại Úc Châu.

Trong bài phóng sự này chúng tôi xin giới thiệu một số những nét nổi bật trong các hoạt động chuẩn bị về mọi mặt cho giới trẻ của các linh mục Việt Nam tại hai giáo xứ Úc có đông thanh niên tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

Giáo xứ Chúa Chiên Lành ở Lockridge là giáo xứ lớn thứ tư trong tổng giáo phận Perth. Giáo xứ đã có vinh dự được tôn vinh Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ một ngày và một đêm với những hoạt động rất đa dạng.

Cha Giuse Đồng Văn Vinh, chánh xứ nhà thờ Chúa Chiên Lành, sẽ chia sẻ về những hoạt động chuẩn bị cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ và viễn tượng của ngài làm sao để dư âm ngày Quốc Tế Giới Trẻ còn vang vọng cả sau Đại Hội này.

Chúng tôi cũng xin giới thiệu với quý vị cha Giuse Trần Minh Nhật, linh mục rất trẻ đang làm chánh xứ giáo xứ Đức Bà Truyền Giáo là giáo xứ tại tổng giáo phận Perth có con số bạn trẻ tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney đông nhất.
 
Hàng ngàn tín hữu tham dự lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49 tại Quebec (Canađa)
Đức Long
13:38 22/06/2008
QUEBEC- Ngày 22 tháng 06 năm 2008, hàng ngàn tín hữu tập họp tại Quebec hôm Chúa Nhật để tham dự thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 49, trong thánh lễ, ĐTC Beneđicto XVI công bố lời huấn dụ được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh.

Mặc dù trời mưa, các tín hữu tụ họp đông đảo trên thảo nguyên Abraham, công viên lớn nằm ở trung tâm Thành phố Quebec, theo nguồng tin truyền thông địa phương.

Hình ảnh ĐTC được truyền lên màn hình lớn, được đám đông tham dự lễ chào đón bằng những tràng pháo tay hoan hô qua đường nối kết vệ tinh.

Khoảng 11.000 khách hành hương, 50 Hồng Y, hơn 100 Giám mục đã tham gia vào Đại Hội Thấnh Thể quan trọng của Giáo Hội công giáo, khai mạc từ Chúa Nhật vừa rồi.

Giáo Hội công giáo Canađa đã mời ĐTC, họ ước mong sự hiện diện của ĐTC tại Quebec, nhưng ĐHY Marc Ouellet, Tổng Giám mục Quebec, hôm tháng Giêng vừa qua thông báo rằng ĐTC sẽ không đến được vì chương trình quá nặng.

Đại Hội Thánh Thể diển ra bốn năm một lần tại một Thành phố do ĐTC chỉ định.

Thánh Thể là Bí Tích chính yếu của Kitô giáo tưởng nhớ của lễ hy sinh của Chúa Kitô.

Đại Hội Thánh Thể Quebec trùng hợp với năm nay kỷ niệm 400 năm thành lập thành phố nước Pháp đầu tiên tại Bắc Mỹ ở thế kỷ XVII. Đây là thánh phố trung gian truyền giáo quan trọng cho các Châu lục.

Thành phố Quebec là Toà Giám mục lâu năm nhất ở Bắc Mỹ, tuy nhiên ngoại trừ Mêhicô.
 
Đức Thánh Cha Benedictô XVI: Sợ Chúa và sợ người
Bình Hòa
19:29 22/06/2008
Đức Thánh Cha Benedictô XVI: Sợ Chúa và sợ người

Bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin được dành để suy niệm về một đề tài trong bài Tin mừng của thánh lễ, đối chiếu giữa sự sợ hãi thế gian và lòng kính sợ Thiên Chúa. Lòng kính sợ Thiên Chúa là nguồn gốc của sự khôn ngoan đích thực, đem lại an bình cho tâm hồn, khiến cho ta không sợ hãi trước các sự dữ trên đời, nhờ lòng tín thác vào tình thương của Chúa. Một tấm gương tín thác can đảm được nhận thấy nơi cuộc đời của thánh Phaolô tông đồ, mà chúng ta sẽ mừng Năm Toàn xá kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật, được khai mạc vào chiều thứ bảy sắp đến. Sau cùng, Đức Thánh Cha cũng không quên gửi lời chía buồn đến các nạn nhân trận cuồng phong ở Philippin. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ:

Anh chị em thân mến

Trong bài Tin mừng chúa nhựt hôm nay, chúng ta thấy hai lời mời gọi của Chúa Giêsu, một đàng là “đừng sợ người đời”, và đàng khác là “hãy sợ” Thiên Chúa (xc Mt 10,26.28). Chúng ta được thúc giục hãy suy nghĩ về sự khác biệt giữa sự sợ hãi con người và lòng kính sợ Thiên Chúa. Sự sợ hãi là một khía cạnh tự nhiên của cuộc đời. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã cảm thấy nhiều nỗi sợ hãi mà sau đó ta thấy rằng vu vơ và biến mất; có những thứ sợ hãi dựa trên thực tại, mà ta cần phải đương đầu với chúng và vượt thắng bằng nỗ lực và lòng tín thác vào Thiên Chúa. Nhưng nhất là có thứ sợ hãi sâu đậm hơn, mang tính cách hiện sinh, và lắm lần biến thành nỗi khắc khoải: nỗi sợ hãi bắt nguồn từ cảm nghiệm về trống rỗng, gắn liền với một thứ văn hoá nhuốm màu chủ nghĩa hư không về lý thuyết hoặc thực hành.

Đứng trước viễn tượng bao la và đa dạng của những nỗi sợ hãi của con người, Lời Chúa thật là minh bạch: ai biết “kính sợ” Chúa thì không sợ hãi gì hết. Lòng kính sợ Chúa mà Kinh Thánh gọi là “khởi điểm của sự khôn ngoan đích thực” trùng hợp với lòng tin vào Thiên Chúa, tôn trọng quyền bính của Chúa trên sự sống và thế giới. Ngược lại, “không kính sợ Chúa” có nghĩa là dành điạ vị của Thiên Chúa, muốn làm bá chủ định đoạt điều tốt điều xấu, sự sống và sự chết. Ai kính sợ Chúa thì cảm thấy an toàn tựa như trẻ thơ nằm trên tay mẹ (xc Tv 130,2): ai kính sợ Chúa thì giữ được an bình kể cả giữa cơn bão tố, bởi vì như Chúa Giêsu đã nói, Thiên Chúa là Cha giàu lòng khoan nhân. Ai kính sợ Chúa thì không sợ hãi gì. Thánh Gioan tông đồ viết rằng: “Trong tình yêu không còn sợ hãi; trái lại, tình yêu trọn hảo xua đuổi sự sợ hãi, bởi vì sự sợ hãi giả định sự trừng phạt, và kẻ nào sợ hãi thì không trọn hảo trong tình yêu” (1Ga 4,18). Vì thế người tín hữu không sợ hãi trước hư không, bởi vì biết rằng mình ở trong bàn tay của Chúa, biết rằng sự dữ và sự phi lý sẽ không có tiếng nói cuối cùng, nhưng Chủ tể duy nhất của thế giới và sự sống là Đức Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể, kẻ đã yêu thương chúng ta đến mức hy sinh bản thân cho ta, kẻ đã chết trên thập giá để cứu độ chúng ta.

Chúng ta càng tăng trưởng trong tình thân với Thiên Chúa, thấm nhuần yêu thương, thì ta càng lướt thắng dễ dàng mọi hình thức sợ hãi. Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa lặp lại nhiều lần lời khuyên “đừng sợ”. Chúa trấn an chúng ta cũng tựa như đã trấn an các tông đồ, tựa như trấn an thánh Phaolô khi hiện ra với ông một đêm kia khi ông đang trải qua một buổi cực kỳ khó khăn trong khi truyền giáo. Chúa nói với ông: “Đừng sợ, bởi vì Thầy ở với con” (Cv 18,9). Được vững mạnh nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô và được củng cố nhờ tình thương của Chúa, vị tông đồ dân ngoại đã không sợ sự tử đạo. Chúng ta đang chuẩn bị mừng hai ngàn năm sinh nhật của thánh Phaolô với một năm Toàn xá đặc biệt. Mong sao cho biến cố linh thiêng và mục vụ này khơi dậy trong chúng ta lòng tín thác vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã kêu gọi chúng ta loan báo và làm chứng cho Tin mừng, không sợ hãi gì hết. Vì vậy, anh chị em thân mến, tôi xin mời anh chị em hãy chuẩn bị cử hành Năm thánh Phaolô, mà tôi sẽ khai mạc vào thứ bảy sắp đến lúc 6 giờ chiều, tại đền thánh Phaolô ngoại thành, với phụng vụ Kinh Chiều Một của Lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy ký thác dự án này cho sự cầu bầu của thánh Phaolô và Đức mẹ Maria, Nữ vương các thánh tông đồ và Mẹ của Hội thánh, nguồn mạch của niềm vui và an bình cho chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tường thuật Ngày Đại Hội Thánh Thể lần thứ 13 tại TGP Atlanta, GA
Paul Anh
10:18 22/06/2008
Tường thuật Ngày Đại Hội Thánh Thể lần thứ 13 tại TGP Atlanta, GA

ATLANTA, GA.- Sáng thứ Bảy (ngày 21 tháng 6 năm 2008) trời thành phố Atlanta với những hạt mưa nhẹ mang lại một chút độ ẩm cho thành phố / tiểu bang vốn phải lâm vào nạn hạn hán. Tham dự kỳ Đại Hội Thánh Thể lần thứ 13 năm nay, người viết tôi nhận ra có một số điểm khác biệt, so với những lần trước khi có dịp ghé đến tiểu bang này vào mỗi lần diễn ra Kỳ Đại Hội Thánh Thể hằng năm.

Chủ đề của kỳ Đại Hội Thánh Thể lần này chính là: "Ta Là Bánh Hằng Sống" (I Am The Living Bread). Xét về số lượng tham dự viên, phải nói thật là khá đông trên 40,000 người, và đây chính là tiểu bang duy nhất trên toàn thể nước Mỹ vốn hằng năm vẫn thường hay diễn ra kỳ Đại Hội Thánh Thể, là dịp vô cùng quý báu để giúp người Công Giáo trưởng thành lên trong Đức Tin qua Phép Thánh Thể - Đấng hiện diện mỗi ngày với tất cả chúng ta, và cũng là Đấng mang lại cho chúng ta Bánh Hằng Sống.

Truyền thống cao đẹp này vốn ban đầu được khởi xướng bởi vị cựu Tổng Giám Mục John Francis Donoghue, và sau này được nối tiếp bởi Đức Tổng Giám Mục Wilton Daniel Gregory. Bất cứ người ở nơi xa lạ nào đến Tổng Giáo Phận này đều phải nhận thấy và công nhận một sự thật cao đẹp rất rõ ràng rằng: có một điều duy nhất mà mọi người Công Giáo ở đây rất tự hào và trân trọng nhất đó là việc có được Đại Hội Thánh Thể truyền thống được cử hành hằng năm. Do đó, cứ mỗi năm, số lượng người đến tham dự Đại Hội Thánh Thể càng tăng lên, chứ chưa bao giờ sút giảm cả. Vì sao vậy? Thưa, vì sự thu hút diệu kỳ và nhiệm mầu của Chúa Giêsu - Đấng thật sự hiện diện nơi Phép Thánh Thể, và bầu khí đón chào thân thiện lan tỏa của Chúa Thánh Thần hiện diện nơi từng người Công Giáo tại đây.

A. Buổi Khai Mạc Ban Sáng:

Chương trình Đại Hội Thánh Thể lần thứ 13 được long trọng khai mạc bởi phần Kiệu Thánh Thể ban sáng rất sốt sắng do Đức Tổng Giám Mục Wilton D. Gregory, S.T.D. chủ tế, cùng với sự đồng tế của: Đức Giám Mục Stêphanô Tri Bửu Thiên (Giám Mục Phó Cần Thơ, Việt Nam), Đức cựu Tổng Giám Mục John Donoghue, Đức Giám Mục Gabino Miranda-Melgarejo (Giám Mục Ayacucho, Pêru), Đức Giám Mục Daniel Flores, S.T.D. (Đức Giám Mục Phụ Tá của Tổng Giáo Phận Detroit, Michigan), và 20 vị Linh Mục.

Phải nói rằng, bài suy niệm ban sáng của ĐTGM Gregory về Phép Thánh Thể rất hay và rất mới lạ!

Ngài bắt đầu bài giảng bằng cách kể lại một kỷ niệm của thưở thiếu thời, khi hãy còn là một cậu bé, ngài rất thích đi ngang tiệm làm bánh mì để có dịp ngửi vào hương vị rất thơm tho, rất mới mẽ của bánh mì vừa mới được chế ra lò, rất nóng hổi. Từ cái cảm nghiệm về miếng bánh trần gian đó, ngài mới hướng giáo dân đến giá trị cao vời hơn của Bánh Thánh trong Mầu Nhiệm Thánh Thể của Chúa Kitô.

Theo ngài, Bánh Thánh đóng một vai trò không thể nào thiếu được trong câu chuyện về ơn cứu rỗi của nhân loại. Bánh Thánh của Chúa Giêsu, cũng chính là Mình và Máu của Ngài, được hy tế để phục vụ như là lòng độ lượng, như là của ăn dồi dào và như là Đấng luôn cùng đồng hành với con người. Từ một chiếc bánh bình thường, Thiên Chúa đã nhân nó ra thật nhiều qua chính lời cầu nguyện và tạ ơn của Ngài, để nuôi sống đám đông đang phải khát khao theo Chúa, để tìm lấy Lời và Của Ăn của Bánh Hằng Sống....

Phép Thánh Thể trước tiên là làm thỏa mãn sự đói khát nơi trái tim nhân loại con người xét về mặt thể xác, và sau cùng hết chính là sự thỏa mãn của linh hồn. Phép Thánh Thể chính là lời nhắc nhớ dành cho những ai muốn được cứu rỗi vào thời sau hết về Bánh hằng sống của Nước Thiêng Đàng. Bánh đó không chỉ là một bữa ăn bình thường, mà là một của ăn được mầu nhiệm hóa bởi chính sự hiện diện của một Chúa Kitô đang sống động ngự trị ở trong đó.

Phép Thánh Thể chính là dịp mà một lần nữa, Thiên Chúa gọi mời chúng ta hãy biết tận hưởng hết tất cả sự thương yêu và lòng độ lượng của Ngài dành cho chúng ta, vì "Ta là Bánh hằng sống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời..... "

Phép Thánh Thể không chỉ thuần túy dung dưỡng sự sống, mà đúng hơn Phép Thánh Thể tự đó chính là sự sống.

Rồi ngài đề cập đến truyền thống La Tinh thời Đức Cố Giáo Hoàng Piô X, là thời mà các em khi lần đầu lãnh nhận Phép Thánh Thể, các em đều có thể phân biệt được một cách rất tỏ tường đâu chính là sự khác biệt rõ ràng nhật giữa bánh ăn bình thường và Bánh Thánh nơi Phép Thánh Thể. Từ đó, ngài đề cập đến cuộc thăm dò gần đây nơi những người Công Giáo cho thấy họ thật sự chưa hiểu biết gì cả về Phép Thánh Thể.

Phép Thánh Thể chính là Thiên Chúa của vũ trụ, của Linh Hồn, và của Bản Tính Thiêng Liêng của Thiên Chúa. Phép Thánh Thể chính là một giao ước mà chúng ta sung sướng có được với Chúa Kitô, để qua đó trở nên sự hiện diện của Ngài ngay giữa lòng trần thế, ngay trong môi trường mà chúng ta hiện đang sống, để từ đó tìm cách tỏ bày sự hiện diện của Ngài ra cho những người khác, vốn đang còn phải mãi mê và vương vấn trong vòng vây của tội lỗi, của sự cám dỗ, quyến rũ, và xa lạc với Đức Tin Công Giáo.

Có như thế thì chúng ta mới có thể sống mãi trong Chúa Kitô, và ngài đã kết thúc bài giảng ban sáng như vậy!

Sau bài suy niệm của ĐTGM Gregory chính là phần suy tôn Thánh Thể trong sự thinh lặng - quả thật, đây đúng là giây phút thiêng liêng và thánh thiện nhất của kỳ Đại Hội Thánh Thể lần này, khi 6 ống kính quay camera điệu nghệ của những chuyên viên quay video chuyên nghiệp của Hoa Kỳ, đều quy hướng duy nhất vào Monstrance có chứa Phép Thánh Thể.

Đây là giây phút sâu lắng thiêng liêng để đưa cõi lòng, tâm trí và linh hồn hướng về mầu nhiệm cao vời của Phép Thánh Thể! Cả cộng đoàn hơn 40,000 người đều thinh lặng tuyệt đối để gẩm suy đời mình qua lăng kính của Phép Thánh Thể...

Lòng tôi cũng hòa chung vào bầu khí đó, tôi tự gẫm suy lại cuộc đời mình và tự chất vấn chính bản thân mình về những việc mà mình đã làm, hay chưa dám làm, hay chưa dám can đảm để sống đúng với những gì mà Thiên Chúa mõi mong nơi mình,..... , khi mà mỗi ngày, Ngài đều chờ đợi, và mỗi tuần Ngài đều muốn ngự vào trong cung lòng của tôi.....

Xen lẫn trong sự thinh lặng chính là những tiếng nhạc réo rắt, ru hồn, và hướng tâm con người lên tới Thiên Chúa qua những bài hát như: How Great Thou Art (Ngài Thật Là Thiện Hảo Dường Bao), How Great is Our God (Thiên Chúa của Chúng Ta Vĩ Đại Dường Bao), và In Remembrance of You (Qua Việc Tưởng Nhớ đến Ngài).

Kết thúc phần tự suy niệm về Phép Thánh Thể nơi cả cộng đồng chính là phần Chầu Mình Thánh Chúa qua bản nhạc La Tinh Tantum Ergo, và Divine Praises qua đó cộng đoàn đọc theo sau ĐTGM.

Kết thúc phần Chầu Thánh Thể chính là phần khai mạc do ĐTGM Gregory chủ xướng khi ngài giới thiệu về Russ Spencer - Phát Ngôn Viên Chính của Kênh Truyền Hình Fox 5 ở Atlanta, GA - cũng là một người Công Giáo ngoan đạo.

Rồi sau đó, Emcee Russ Spencer tiến lên bục thực hiện vai trò của Ông. Ông tỏ bày lời cám ơn đến ĐTGM Gregory vì đã nối tiếp truyền thống về Đại Hội Thánh Thể không những trong năm này, mà còn thêm nhiều năm dài sau này nữa, và Ông cũng gởi lời chúc đến Đức cựu TGM Donoghue, cũng như gởi lời mong ước rằng: ĐTGM Gregory sẽ ở với con chiên của Ngài trong vùng phía Bắc của tiểu bang Georgia này trong nhiều năm nữa.

Sở dĩ, Russ đưa ra tin này, vì hiện đang có rất nhiều tin hành lang cho biết rằng: ĐTGM Gregory có thể sẽ trở thành vị Tân Hồng Y của Tổng Giáo Phận New York vì Đức Hồng Y Eward Egan của New York đã đến tuổi nghỉ hưu rồi, và tên của ĐTGM Gregory được bàn đến rất nhiều lần trong các ứng viên có thể thay thế chiếc ghế Hồng Y mà mấy lâu nay đều thuộc về những vị có gốc "Ái Nhĩ Lan" mà thôi!?

Thông thường, theo như thông lệ hằng năm, sau khi Emcee Russ giới thiệu qua chương trình cụ thể của cả Ngày Đại Hội Thánh Thể, thì Cha Ricardo Bailey (hay còn gọi là Father "Crunk") - vị Tân Linh Mục tuyên uý tại trường Trung Học Blessed Trinity High School - sẽ là người nói tiếp, để huy động và kêu gọi sự đóng góp về tài chánh của các tham dự viên, để giúp cho TGP trang trải chi phí tổ chức kỳ Đại Hội Thánh Thể lớn như thế này, vốn vẫn thường mất tới hơn $650,000 để tổ chức được.

Lần này có sự thay đổi, không có sự phát biểu của vị Linh Mục nữa, mà là lời chia sẽ của 3 người giáo dân đại diện cho khối nói tiếng Anh, Tây Ban Nha và Việt Nam.

Về phần Việt Nam, Ông Phêrô Nguyễn Tiến Hùng - Chủ Tịch Cộng Đoàn của Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang là nơi mà Msgr. Francis Phạm Văn Phương làm Chánh Xứ - lên kêu gọi mọi giáo dân Việt Nam hãy rộng lượng giúp cho TGP.

Phần trình bày của Ông này rất hay, và sôi nổi không kém gì so với phần trình bày rất vui nhộn, sâu lắng, và hùng hồn của 2 vị nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha trước đó.

Thêm một điểm lạ rất hay mà chúng ta dễ nhận biết được trong TGP Atlanta này đó là: mặc dầu các cộng đoàn Đại Hàn, Tàu, Phi Luật Tân, Indonesia, vân vân... rất đông, và thậm chí được tổ chức rất là đoàn kết nữa là đằng khác, thế nhưng, các cộng đoàn Á Châu này vẫn chưa có Nhà Thờ riêng, như cộng đoàn Việt Nam, do hai Linh Mục ban đầu có công rất lớn đó là Đức Ông Phương, với Nhà Thờ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, và Linh Mục Phêrô Nguyễn Ngọc Đức - với Nhà Thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mà hiện nay do Cha Trần Quốc Tuấn làm Giám Quản / Quản Nhiệm (Administrator).

[Administrator chứ không phải Pastor (Cha Sở) - và giữa AdministratorPastor có sự khác nhau hoàn toàn - ND]

Xét về mặt xã hội trần tục, thì cộng đồng người Đại Hàn tại tiểu bang Georgia này lớn mạnh hơn rất nhiều vì họ có các Farmer Markets (Chợ Nông Trại) riêng, làm chủ rất nhiều tiệm giặt ủi và cây xăng, có ngân hàng riêng, và có hãng máy bay riêng bay trực tiếp từ Atlanta đến Seoul và ngược lại. Cộng đoàn Tàu cũng giống vậy, nhưng họ lại làm chủ nhiều nhà hàng hơn.

Và về mặt Công Giáo, thì cả hai cộng đoàn Đại Hàn và Tàu vẫn thua cộng đoàn Công Giáo Việt Nam. Suy cho cùng, cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở TGP Atlanta được các vị Tổng Giám Mục Hoa Kỳ da trắng và da đen ưu ái và lưu tâm đến chính là nhờ công lao rất lớn của Msgr. Phương - người đã từng giữ chức Vicar for Clergy (Tổng Đại Diện về Giáo Sĩ) dưới thời Đức cựu TGM Donoghue và ngài được nâng lên tước hiệu Đức Ông (Msgr.) vào cuối năm 2004 cũng dưới thời của vị cựu Tổng Giám Mục này.

Cũng giống như nội dung chính được trình bày bằng 2 thứ tiếng trước đó và nội dung được trình bày cho các độc giả Công Giáo của TGP trên tờ The Georgia Bulletin số ra ngày 5 tháng 6 năm 2008 từ trang 10 đến 12, rằng: TGP rất cần sự hổ trợ về tài chánh để giúp trang trải chi phí tổ chức, và giúp duy trì Đại Hội Thánh Thể này hằng năm. Vào năm ngoái, chi phí tổ chức lên tới $650,000 nhưng số tiền bỏ coi của cộng đoàn hãy còn thiếu tới hơn $287,000. Hy vọng rằng lời kêu gọi này được rộng rãi đáp ứng bởi 3 sắc dân Công Giáo chính (Anh, Tây Ban Nha, và Việt) có trong TGP Atlanta.

Kế tiếp là phần trình bày ngắn gọn nhưng rất súc tích của Ông Tom Peterson - người vừa mới trở về từ Rôma vào tối thứ Sáu vừa qua, sau khi Ông gặp gỡ với các viên chức trong Giáo Triều Rôma, để cùng phối hợp thực hiện một chiến dịch trên tầm cở toàn cầu và trên toàn cõi nước Mỹ về chiến dịch "Kêu Gọi Những Công Giáo Đã Rời Bỏ Giáo Hội Hãy Trở Về" (Catholics Come Home) và đặc biệt là việc tung ra những thước phim quảng cáo trên các phương tiện đại chúng của Hoa Kỳ, vào ngay giữa các chương trình chính như: American Idol trên Fox, các Chương Trình Thể Thao, các Chương Trình Tin Tức Thời Sự, các buổi tranh luận bầu cử sắp tới, vân vân... nói về vấn nạn phá thai, việc bảo vệ sự sống, và việc duy trì một đời sống gia đình lành mạnh giữa một người nam và một người nữ.

Catholics Come Home


Rồi Ông cho trình chiếu những thước phim quảng cáo thử, trong đó có 1 thước phim trình chiếu hình một hài nhi khi hãy còn trong bụng mẹ, đến khi được chào đời, và mang về cho gia đình đó biết bao nhiêu là niềm vui, và hạnh phúc.

Để thực hiện được điều này, và để giúp đánh động được lương tâm của cả nhân loại trên thế giới trước các vấn đề đạo đức và luân lý quan trọng có tính nền tảng như vậy, thì nhóm của Ông Peterson rất cần đến sự hổ trợ về mặt tài chánh của chúng ta. Chúng ta có thể vào thăm trang Web này của Nhóm và hổ trợ tài chánh trên mạng Internet tại www.CatholicsComeHome.org.

Rồi sau đó, chương trình của Ngày Đại Hội Thánh Thể được phân chia ra từng khu dành cho nhóm người nghe bằng tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, và 2 phần dành riêng cho các em ở lứa tuổi thanh thiếu niên và những người câm điếc.

B. Phần Trình Bày bằng tiếng Việt:

Khác với năm ngoái, cộng đồng người Việt được sắp xếp vào một cái phòng rất nhỏ hẹp, và phải có nhiều người đứng, năm nay có sự tiến bộ hơn, cộng đoàn Công Giáo người Việt được phân vào một cái phòng khá lớn ở khu International Salon 2-3.

Điều phối chính là Đức Ông Phương. Các diễn giả trình bày chính trong phần dành cho người Việt Nam là Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên - Giám Mục Phó Cần Thơ (chứ không phải Giám Mục Tổng Quản của Giáo Phận Cần Thơ như lời của Msgr. Phương giới thiệu - ND) cùng với 2 Cha tháp tùng với Đức Giám Mục Tri Bửu Thiên từ Giáo Phận Cần Thơ đó là Cha Anthony Vũ Văn Triết - Cha Sở của Giáo Xứ Vị Hưng, Cần Thơ; và Cha Dominico Nguyễn Thành Tín.

Ngoài ra cũng có sự hiện diện của các Linh Mục Việt Nam tại Atlanta, GA Hoa Kỳ đó là Cha Tuấn, Cha Đoan (một trong 2 vị Linh Mục đến từ GP. Phát Diệm sang Mỹ để giúp mục vụ cho hai cộng đoàn Công Giáo Việt Nam theo lời đề nghị của Đức Ông Phương và Cha Đức).

Qua lời giới thiệu, cộng đoàn được biết sơ qua về tiểu sử của Đức Giám Mục Stêphanô Tri Bửu Thiên - người đã hoàn tất môn Thần Học Luân Lý ở Rôma, và là Giáo Sư Tiểu Chủng Viện Cần Thơ cũng về lãnh vực này. Đức Giám Mục mở đầu phần trình bày của Ngài bằng câu hỏi: "Người Tin Lành chất vấn người Công Giáo rằng: tại sao các ông lại thờ, tin và kính yêu vào một Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Giá thật máu me, tàn nhẫn và ghê sợ đến như vậy?"

Câu hỏi này vừa dễ cũng vừa khó và ngược lại.

Rồi sau đó cả cộng đoàn thay phiên nhau - ai nấy cũng đều cố giải đáp câu hỏi "hóc búa" như trên, thế nhưng không có ai trả lời đúng ý mà Đức Giám Mục Tri Bửu Thiên muốn trình bày cả, dẫu rằng từng ý kiến đóng góp của các thành viên trong cộng đoàn đều rất đúng và chính xác. Với câu hỏi đó, ĐGM cũng nhìn nhận cũng khó mà trả lời được kể cả trong hàng ngủ của các anh-em Linh Mục của ngài.

Rồi sau đó, ĐGM trình bày qua cả Cựu Ước và Tân Ước để lý giải và đối luận cho câu hỏi trên cho người "chất vấn" Tin Lành.

Thú thật, với kinh nghiệm bản thân sống trong môi trường Mỹ, người viết tôi vẫn chưa bao giờ bị người Tin Lành Hoa Kỳ chất vấn về kiểu câu hỏi như trên, ngoại trừ việc họ chất vấn đạo Công Giáo chúng ta về việc xưng tội, việc sùng kính Đức Maria mà thôi, do đó sự trình bày của ĐGM Tri Bửu Thiên rất là có ích để giúp cộng đoàn Việt Nam hiểu biết thêm về Giáo Lý Công Giáo, và để có thêm một nền tảng tri thức hòng sau này có dịp đối chất lại những người Tin Lành.

Phần trình bày của Linh Mục Vũ Văn Triết giúp cộng đoàn Việt Nam ở hải ngoại hiểu rõ hơn về việc tôn kính Phép Thánh Thể của bà con giáo dân ở trong nước, nhất là tại Giáo Phận Cần Thơ.

Điểm lại các thuyết trình viên cho người Việt trong các kỳ Đại Hội Thánh Thể trước đây, do chính Đức Ông Phương trực tiếp mời về dưới danh nghĩa của Tổng Giáo Phận Atlanta, gồm:

Kỳ Đại Hội Thánh Thể Lần Thứ 12 vào Năm 2007: Cha Giuse Hoàng Minh Thắng thuộc Đài Vaticăn từ Rôma; và Cha Giuse Nguyễn Tiến Lộc, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Kỳ Đại Hội Thánh Thể Lần Thứ 11 vào Năm 2006 có Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo thuộc Đại Học Giáo Hoàng (Pontifical Urban University) ở Rôma.

Kỳ Đại Hội Thánh Thể Lần Thứ 10 vào Năm 2005 có Cha Anthony Đào Quang Chính - Dòng Đa Minh - Chủ Tịch Ủy Ban Mục Vụ Di Dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Có 4 cộng đoàn Công Giáo Việt Nam từ Norcross, Riverdale, Toccoa, và Gainsville, GA đến tham dự kỳ Đại Hội Thánh Thể lần này, do đó số lượng rất đông đảo. Ống kính máy quay phim quay đến đâu cũng thấy bóng dáng của người Việt cả!

Tại Tổng Giáo Phận Atlanta, GA - có tất cả 10 vị Linh Mục Việt Nam, trong đó chỉ có duy nhất Rev. Dominic Tran, L.C. là thuộc Dòng Legion of Christ (Đạo Binh Chúa Kitô) mà thôi, 9 vị còn lại đều là các Cha Triều.

Một Linh Mục Việt Nam duy nhất rất trẻ và nhiều tài năng tại Tổng Giáo Phận Atlanta là Cha Sở của hai Giáo Xứ Mỹ cùng một lúc đó là Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm - hiện cũng là đương kim Chủ Tịch của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại. Cha là Cha Sở của St. Mary Catholic Church ở thành phố Toccoa và St. Catherine Laboure ở thành phố Commerce, GA.

Và có 4 Cha Việt Nam là Cha Phó cho Giáo Xứ Mỹ.

C. Phần Trình Bày bằng tiếng Anh chung hết cho mọi thính giả:

Phải nói rằng, có ba phần trình bày rất hay của Nữ Giáo Sư Helen M. Alvaré, của Đức Giám Mục William George Curlin (cựu Giám Mục của Giáo Phận Charlotte, NC) và của Anh Matthew Kelly (người Úc).

Nữ Giáo Sư Alvaré - vốn là cố vấn cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 trong Ủy Ban Giáo Hoàng đặc trách về Giáo Dân, và là tác giả của rất nhiều bài viết về Rôma rất có giá trị được tìm thấy trên Zenit, đã trình bày về vai trò, trách nhiệm, và sứ mạng của người giáo dân có trong Giáo Hội, được soi chiếu và rút ra từ Phép Thánh Thể - sức mạnh và lời nhắc nhớ liên lũy của người giáo dân sống giữa nền văn hóa sự chết và trần tục này.

Đức Giám Mục Curlin chia sẽ rất nhiều về những mẩu chuyện có thực nhưng rất vui về Mẹ Chân Phước Têrêsa thành Calcutta - là người mà Đức Giám Mục đã có thời gian làm việc rất gần gũi hơn các vị Giám Mục nào khác trên cả thế giới, và những mẩu chuyện về thưở thiếu thời của ngài khi ngài hãy còn là thanh niên, rồi sau này là Linh Mục sống nơi các trại tra tấn của Đức Quốc Xã, vân vân...

Matthew Kelly - Tác Giả của Nhiều Sách Công Giáo Rất Hay
Anh Matthew Kelly - một diễn giả duy nhất trình bày cho cả 3 đối tượng: giới trẻ vào tối Thứ Sáu, các em thanh thiếu niên vào lúc 11:45 sáng Thứ Bảy, và tổng quát (đủ mọi giới về sắc tộc và tuổi tác) vào 3:30 chiều Thứ Bảy. Phải công nhận rằng: Anh nói rất hay, nghe rất đã, rất là hài hước, rất là thông minh, và rất là thánh thiện. Những gì Anh nói ra rất có giá trị và rất thực tế.

Trong phần trình bày này Anh nói về 7 cột trụ chính (7 Main Pillars) trong đời sống của người Công Giáo đó là: việc năng đi xưng tội (Confession); việc suy niệm và sống đời sống suy niệm nội tâm (Contemplation); việc năng tham dự Thánh Lễ là nơi Thiên Chúa tỏ tường quyền năng và tình yêu thương vô bờ bến của Ngài cho từng người (Mass); việc năng đọc và suy gẫm về Sách Thánh Kinh - Lời của Thiên Chúa và là Kim Chỉ Nam cho tất cả chúng ta (Bible); việc đọc đến những loại sách nâng đở về mặt tâm linh Kitô Giáo (Spiritual Readings); và sau cùng hết là việc Lần Hạt Mân Côi (Rosary).

Theo Anh, một đời sống Kitô Giáo đích thực và xứng đáng nhất sau khi đã lãnh nhận được hồng ân của Thiên Chúa đến từ Phép Thánh Thể, chính là một đời sống được thể hiện một cách trọn hảo qua 7 cột trụ kể trên, và đó cũng là cách duy nhất để trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn về chính mình (become a better version of yourself).

D. Phần Thánh Lễ Ban Chiều Kết Thúc Đại Hội Thánh Thể:

Dĩ nhiên, phần quan trọng nhất của kỳ Đại Hội Thánh Thể lần thứ 13 này chính là Thánh Lễ với sự đồng tế của 60 Linh Mục (triều cũng như dòng. Các Cha Dòng đến từ 2 Dòng chính là: Legion of Christ và Holy Spirit Monastery Monks), 3 vị Giám Mục, 1 vị cựu TGM và 1 vị TGM hiện hành của TGP Atlanta.

Ngoài ra, có 4 vị Linh Mục phụ trách về Nghi Lễ đó là: Cha Charles Byrd (Cha Phó của Giáo Xứ Chánh Tòa Christ the King); Cha Theodore Book, SLL (Giám Đốc Văn Phòng đặc trách việc Phụng Tự của TGP); Cha Ricardo Bailey (Tuyên Úy của trường Blessed Trinity High School) và Cha Diosmar Natad (Trưởng Nghi Lễ của TGP).

Bài đọc I trong Thánh Lễ được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, và Bài Đọc II bằng tiếng Việt do một Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá nơi Giáo Xứ của Đức Ông Phương đọc.

Hình ảnh một Nữ Tu đại diện cho một cộng đoàn Công Giáo Việt Nam duy nhất là một hình ảnh rất đẹp và thánh thiện, làm nổi rõ bản chất thật sự của cộng đoàn Công Giáo người Việt so với các cộng đoàn thuộc các sắc dân tộc khác.

Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTGM Gregory nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa quá vô biên và vô điều kiện đến nổi Ngài đã hy sinh Con Một của Ngài làm Hy Tế cho tội lỗi của nhân loại. Phép Thánh Thể chính là nguồn của mọi sự chữa lành và hoán cải con tim. Qua Phép Thánh Thể - Chúa Giêsu tự bẻ nát chính mình ra và để sẳn sàng để cho chúng ta đón nhận vào, hòng từ đó có thể tạo nên một thế giới tổng thể, hiệp nhất và mới mẽ hơn. Và sau cùng, Phép Thánh Thể chính là cách tuyệt hảo và đúng đắn nhất để Giáo Hội nương tựa và kêu mời tất cả những người con cái của Thiên Chúa hãy trở về và hãy cùng nhau tham dự vào cùng một bàn Tiệc Thánh, vốn là của Ăn hằng sống cho chúng ta.

Phần Lời Nguyện Thánh Lễ được đọc bằng tiếng Indonesia, tiếng Haitian Creole, tiếng Hàn Quốc, tiếng Igbo (Phi Châu), tiếng Ba Lan, tiếng Tàu, và tiếng Bồ Đào Nha.

Thánh Lễ nhìn chung diễn ra rất long trọng và sốt sắng, chỉ có điều Ca Đoàn hát không khớp và chọn ra những bài hát rất lạ, mặc dầu có nội dung rất hay như: Exultation; When the Roll is Called up Yonder, Hail the Day that Sees Him Rise, vân vân...

Về sau, người viết tìm hiểu Ca Đoàn đó chính là một Ca Đoàn của Tin Lành Chính Thống Glen Memorial United Methodist Church tại Emory University.

Theo người điều khiển ca đoàn này cho hay: "Họ được mời hát vào giây phút chót, do đó, họ chưa chuẩn bị kỹ càng cho lắm" và phải chăng cũng chính vì thế mà 6 ống kính quay phim chưa hề "chiếu họ lên trên màn ảnh lớn."

Phải chăng đó là sự đối thoại liên tôn?

Phải chăng đó chính là một sự lạm dụng "ngang nhiên" về phụng vụ, khi một ca đoàn Tin Lành được mời hát trong một Thánh Lễ trọng thể của Công Giáo?! Không hiểu ai là người phụ trách việc mời gọi ca đoàn này! Suy cho cùng, việc đối thoại liên tôn chưa bao giờ được Giáo Hội Công Giáo Truyền Thống cho xảy ra ngay trong Thánh Lễ Trọng Thể cả!

Tổng Giáo Phận nói chung có rất nhiều ca đoàn Công Giáo chân truyền hát rất hay và rất thánh thiện, trong đó có cả hai ca đoàn của Việt Nam ở hai nhà thờ do Đức Ông Phương và Cha Tuấn phụ trách, thế mà không hiểu tại sao một Ca Đoàn của Tin Lành Chính Thống được len lõi vào?

Vào cuối lúc kết Lễ vì chờ đợi ca đoàn Tin Lành này hát rất lâu, nên Đức Tổng Giám Mục Gregory và đoàn đồng tế phải miễn cưỡng rời Cung Thánh, rồi sau đó ca đoàn này mới cất lên bài hát kết Lễ? Ai nấy cũng đều ngỡ ngàng và thắc mắc chuyện này, tại sao vậy???

Đó phần nào theo tôi, cũng là sự "đáng tiếc" duy nhất trong một ngày Đại Hội Thánh Thể hết sức thánh thiện và diệu kỳ!
 
Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc với luồng gió mát WYD 2008
Nguyễn Việt Nam
11:07 22/06/2008
Càng gần đến ngày Quốc Tế Giới Trẻ, những hoạt động chuẩn bị tại Úc Châu càng trở nên nhộn nhịp và ráo riết. Riêng tại Tây Úc trong những ngày này, chuyến viếng thăm của cây Thánh Giá và tượng ảnh Đức Mẹ của ngày Quốc Tế Giới Trẻ càng làm bùng lên một sức sống mãnh liệt chưa từng thấy mà người ta có thể cảm nhận được qua các hoạt động muôn màu muôn sắc.

Chủ đề của ngày Quốc Tế Giới Trẻ kỳ này là: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy”

Chúa Thánh Thần và sứ mạng truyền giáo không chỉ là tư tưởng chủ đạo trong việc chuẩn bị thiêng liêng cho cuộc gặp gỡ tại Sydney nhưng còn là chiến lược phát triển tương lai của Giáo Hội tại Úc Châu, nơi nhiều bạn trẻ đang nhìn cuộc đời mình với nhiều lo âu và đặt cho mình nhiều câu hỏi về tương lai. Họ áy náy tự hỏi: Làm sao chúng tôi có thể hòa nhập vào một xã hội được đánh dấu bằng quá nhiều bất công và đau khổ nặng nề? Chúng tôi phải phản ứng như thế nào trước tính ích kỷ và bạo lực thỉnh thoảng xem ra đang thắng thế? Làm sao chúng tôi có thể làm cho cuộc sống đầy ý nghĩa? Làm sao chúng tôi có thể làm cho những hoa quả của Thần Khí là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” tràn ngập một thế giới mang đầy vết thương và dễ vỡ này, đặc biệt là thế giới của người trẻ?

Trong bài phóng sự này chúng tôi xin giới thiệu một số những nét nổi bật trong các hoạt động chuẩn bị về mọi mặt cho giới trẻ của các linh mục Việt Nam theo chiều hướng làm sao cho qua Đại Hội Giới Trẻ kỳ này giới trẻ đón nhận được sức mạnh của Thánh Thần và trở nên những chứng nhân hùng hồn cho Chúa Kitô.
 
Clip Video về Cuộc Rước tôn kính Đức Mẹ La Vang tại Washington DC
Thanh Nguyên
15:29 22/06/2008
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức cuộc Hành Hương về Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyện Tội, nhà thờ quốc gia của Hoa Kỳ, trong đó có nguyện đường Đức Mẹ La Vang, để kỉ niệm đệ nhất chu niên xây dưng nguyện đường. Có tới 5.000 người Công giáo Việt Nam từ khắp nơi đã về đây tôn kính Mẹ và cầu nguyện cho Việt Nam. Một vài hình ảnh trong clip video tạm này nói lên lòng nhiệt thành và kính yêu của người Việt Nam đối với Mẹ La Vang.

Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ và VietCatholic sẽ thực hiện cuốn DVD thật ý nghĩa cùng với những hình ảnh sống động để cho anh chị em Công giáo khắp nơi được hiệp thông với nhau.
 
Hành Hương Mẹ La Vang ngày thứ sáu 20/6/2008
Bùi Hữu Thư
18:14 22/06/2008

Hành Hương Mẹ La Vang ngày thứ sáu 20/6/2008



Sau đây là chương trình và diễn tiến của ngày thứ sáu:

Buổi sáng:

10:00am-11:45pm Thuyết Trình & Hội Thảo theo nhóm

+ Người lớn: “Giáo Dục Kitô Giáo”

• Điều Hợp: Lm Trần Công Nghị, Giám Đốc VietCatholic

• Chủ Toạ: Lm. Nguyễn Thanh Liêm, Chủ Tịch Liên Đoàn; Lm. Nguyễn Đức Vượng, Cộng Đồng Giáo Sĩ & Nam Tu Sĩ; Sr. Phạm Thị Hằng, Liên Dòng Nữ Tu; Phó tế Nguyễn Ánh, Cộng Đồng Phó Tế Vĩnh Viễn; Ông Lê Thanh Liêm, Cộng Đồng Giáo Dân.

• Thuyết Trình: Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài Gòn

• Tham Luận: Lm. Nguyễn Khắc Hy, Giáo sư Đại Chủng viện

• Ban Thư Ký: Phong Trào Đồng Hành

Trên 1.500 người đã tham dự buổi nói chuyện của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn tại Crypt Church.

+ Thanh Niên: “Giới trẻ ngày nay và những thách đố của cuộc sống”

• Điều Hợp: Lm. Ðồng Minh Quang, Ban Giới Trẻ Liên Đoàn

• Nhận định và Chia sẻ: Lm. Nguyễn Hoài Chương, Nhóm Lửa Việt 117

• Ban Thư Ký: Phong Trào Đồng Hành

Khoảng 400 người đã tham dự phần thuyết trình của hai cha Quang và Chương. Những bài hát và những sinh hoạt sôi động kèm theo âm nhạc và slideshow làm cho cử tọa rất hứng khởi.

+ Thiếu Nhi: Lm. Nguyễn Bá Thông điều hợp

Các em Thiếu nhi đã quy tụ trên nhà thờ chính để được Sơ Grace Đức Lê dạy hát bài Got Jesus in Your Life? với sự trợ giúp của dụng cụ thính thị.

• Nhóm 13-17 tuổi: “Got Jesus in your life?” (Sr. Grace Đức Lê và qúy Nữ Tu MTG LA)

• Nhóm 7-12 tuổi: “Con còn bé lắm Chúa ơi!” (Chị Mai & Anh Dương, HT/TNTT)

12:00pm Thánh Lễ Kính Thánh Quan Thầy Liên Đoàn: Phêrô & Phaolô Tông Đồ

• Chủ tế: Lm. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ Tịch Miền Tây Bắc Hoa Kỳ

• Thuyết giảng: Lm. Đinh Ngọc Quế, Chủ Tịch Miền Tây Nam Hoa Kỳ

• Phụ Trách Phụng Vụ và Thánh Nhạc: Giáo Xứ Mẹ Việt Nam, Maryland

Thánh lễ được cử hành tại nhà thờ trên, số người cũng rất đông. Cha Đinh Ngọc Quế giảng một bài giảng rất hùng hồn.

Ca Đoàn và ban nhạc của Giáo Xứ Mẹ Việt Nam đã trình diễn các ca khúc rất thành công.

Buổi chiều:

1:30pm Ăn Trưa, tự do. Nhân viên Cafeteria của VCTĐ phải chờ đợi vì thánh lễ kéo dài hơn dự trù. Thực khách sắp hàng thật dải để lấy thức ăn. Các món ăn cũng đặc biệt nấu cho người Việt Nam. Tuy nhiên món cơm trắng lại qúa khô cứng.

2:30pm-5:00pm: Thuyết Trình & Hội Thảo theo nhóm (Memorial Hall dưới hầm)

+ Hội Thảo Người Lớn: “Vai Trò Giáo Dân Hôm Nay”

• Điều Hợp: Bs. Nguyễn Tiến Cảnh, Cộng Đồng Giáo Dân Miền Đông Nam Hoa Kỳ

• Chủ Toạ: Lm. Nguyễn Thanh Liêm, Chủ Tịch Liên Đoàn; Lm. Nguyễn Đức Vượng, Cộng Đồng Giáo Sĩ & Nam Tu Sĩ; Sr. Phạm Thị Hằng, Liên Dòng Nữ; Phó tế Nguyễn Ánh, Cộng Đồng Phó Tế Vĩnh Viễn; Ông Lê Thanh Liêm, Cộng Đồng Giáo Dân.

• Thuyết Trình: Lm. Nguyễn Khắc Hy: “Vai Trò Nhân Chứng cuả Giáo dân Ngày Nay”; Gs. Bùi Hữu Thư: “Gia Đình Sống Đạo Tại Hoa Kỳ”

Khoảng 500 người đã tham dự buổi hội thảo này. Cha Nguyễn Khắc Hy đã trình bầy ngắn gọn về đề tài của ngài, và đã trả lời chính xác, như đinh đóng cột tất cả các câu hỏi của cử tọa. Giáo sư Thư chia sẻ rất nhiều về kinh nghiệm sống đạo của cá nhân và kinh nghiệm giáo dục thanh thiếu niên trên đất Hoa Kỳ về đức dục và sống đạo. Có nhiều vị trong cử toạ khi nghe những câu chuyện về trẻ em hư hỏng và không nghe lời cha mẹ, theo băng đảng, ăn cắp súng đi ăn cướp, rượu chè ma túy, bỏ nha nhà ra đi đã rất xúc động. Sau cuộc hội thảo nhiều người đã đến xin ý kiến giúp đỡ về việc dậy dỗ con cái.

+ Giới Trẻ: “Giới trẻ ngày nay và những thách đố của cuộc sống” (tiếp theo)

• Điều Hợp: Lm. Ðồng Minh Quang, Ban Giới Trẻ Liên Đoàn

• Nhận định và Chia sẻ: Lm. Nguyễn Hoài Chương, Nhóm Lửa Việt 117

Hai cha Quang và Chương đã tiếp tục đề tài buổi sáng trong Crypt Church.

Phần sinh hoạt của Thiếu Nhi được hủy bỏ vì các em phải tổng dượt văn nghệ.

+ Ca Đoàn & Nhóm Thiếu Nhi Tổng dợt Văn nghệ

5:00pm Giải Lao, chuẩn bị Trình diễn

5:30pm-7:00pm Văn Nghệ & Thánh Nhạc trên nhà thờ chính. các màn hợp ca của ca đoàn tổng hợp, các màn song ca và đơn ca và vũ làm khán thính giả say mê

7:00pm Xe bus di chuyển đưa đến nhà hàng “Thần Tài”. Vì xe đến trễ 15 phút, một số quý vị đã theo các xe nhà đi trước, và do đó phải hủy bỏ một xe.

8:00pm Dạ Tiệc Liên Đoàn

Dạ Tiệc tại nhà hàng Thần Tài ở Fall Church, Viginia đã diễn ra trong bầu khi sôi nổi nhộn nhịp nhờ tài điều khiển khéo léo của M.C. LM chánh xứ Oakland, CA, Đồng Minh Quang, với sự phụ giúp của LM ca sĩ Tiến Linh và Ca sĩ Ngọc Huệ.

Đức Hồng Y PhạmMinh Mẫn đã ban phép lành của ăn. trước khi cha Nguyễn Đức Vượg chào mừng quan khách.

Ông Tony Lưu, và ông Vinh chủ nhà hàng đã phải mượn thêm bàn ghế để kê được 64 bàn cho bữa tiệc. Các em Thanh Sinh Công đã trang hoàng nhà hàng và lo liệu việc xếp chỗ ngồi. Ngay ngoài cửa quan khách được mời chụp hình lấy ngay trước khi về ghế ngồi.

Ngoài cha Tiến Linh, Ngọc Huệ còn có sự đóng góp của nhiều vị thực khách, đặc biệt các em Thanh Sinh Công giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Arlington đã trình diễn hai màn múa: “Tôi Chọn Giêsu và “Who Am I?” Các em đã dùng đèn Ultra Violet để múa bài "Who Am I?" Các bao tay trắng được nhẩy múa dưới ánh sáng của đèn trông thật linh động. Các bàn tay xếp thành hình các chữ, hình thập giá, và hình chim bồ câu hòa bình.

Ông bà Bùi Công, Ủy Viên Tài Chánh của Liên Đoàn cùng với cha Quang, cha Tiến Linh và ca sĩ Ngọc Huệ đã tích cực đi từng bàn để bán vé số trước khi xổ số. Ngoài ra các vị này còn bán đấu giá các bức tranh của nhóm Lửa Việt 117 có chữ ký của Đức Hồng Y. Sáu bức tranh đã được các vị hảo tâm mua với giá $500.00 một bức. Sau màn đấu giá tranh là màn đấu giá các bức tượng và tranh do Giáo Xứ CTTĐ cung cấp. Màn xổ số được thực hiện vào cuối chương trình.

Ông bà Đặng Văn Kiếm, thứ ký Liên Đoàn đã phụ giúp ông bà Bùi Công trong việc kế toán. Kết quả tiền quyên góp trong bữa tiệc và kết quả cuộc Xổ Số sẽ được thông báo sau.

Sau đây là vài hình ảnh của ngày Thứ Sáu:

Cha Vượng chào mừng tại Crypt Church


Chủ tọa đoàn


Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đang thuyết giảng


Cha Đồng Minh Quang Hội Thảo Giới Trẻ
Sơ Liễu, Cha Trí, và Cha Châu, chủ tọa đoàn hội thảo tại Memorial Hall
Cử toạ trong Memorial Hall


Cha Nguyễn Hoài Chương


Sơ Grace Đức Lê và Thiếu Nhi trên nhà thờ chính


Đức Hồng Y trong Crypt Church


Cha Đinh Ngọc Quế đang thuyết giảng trong thánh lễ 12 giờ tại nhà thờ trên


Cha Nguyễn Anh Tuấn chủ tế và thầy PT Nguyễn Hòa Phú


Giáo dân trong VCTĐ


Ca Đoàn Giáo Xứ Mẹ Việt Nam


Quý cha Đồng tế


Cha Nguyễn Khắc Hy tại Memorial Hall


BS Nguyễn Tiến Cảnh Điều Hợp Viên
 
Hành Hương Mẹ La Vang ngày thứ bẩy 21/6/2008
Ban tổ chức
20:37 22/06/2008

Hành Hương Mẹ La Vang ngày thứ bẩy 21/6/2008



Sau đây là chương trình và diễn tiến của ngày thứ bẩy:

Thứ Bảy, 21 tháng 6

10:00am Tập trung – Tổng dợt

11:30am Rước Kiệu Đức Mẹ

12:00pm Thánh lễ Đại Trào - Kính Đức Mẹ La Vang

• Chủ tế & Giảng thuyết: Hồng Y Gioan B. Phạm Minh Mẫn

• Phụ Trách Phụng Vụ và Thánh Nhạc: Ban Tổ Chức Hành Hương Mẹ La Vang

• Phép Lành Tòa Thánh

• Tuyên Bố Ngày Hành Hương La Vang năm 2009

Ngay từ 9 giờ sáng bãi đậu xe lớn của VCTĐ đã khá đông, các chỗ đậu xe bên phải của VCTĐ đã hết chỗ. Mặc dầu đây là một ngày nắng đẹp, khi mặt trời lên cao dân chúng phải tìm chỗ có bóng mát để tránh sức nóng. M.C. Ngô Quốc Tuấn rất vất vả trong việc yếu cầu mọi người xếp hàng theo thứ tự để chuẩn bị rước kiệu.

Sau khi hai kiệu Đức Mẹ và CTTĐ được sắp xếp vào chỗ trên thềm VCTĐ, ca đoàn tổng hợp tiến ra và các em vũ sinh của Giáo Xứ CTTĐVN đã dâng hoa trong khi ca đoàn tổng hợp hát. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và quý cha đồng tế tiến ra sông hương kiệu Mẹ và sau đó sông hương kiệu Các Thánh. Đoàn Hiệp Sĩ trong sắc phục Đệ Tứ Đẳng dàn chào hai bên rồi hộ tống đoàn kiệu. Vì các cụ già không đi kiệu và một số người ở trong nhà thờ không ra, con số đi rước kiệu được ước lượng khoảng 3,000 người. Tổng số tham dự viên được ước tính trên 4,500 người.

Nhờ sự điều hành hữu hiệu và khéo léo của Cha Weston, Giám Đốc Phụng Vụ của VCTĐ và các trợ tá, thánh lễ đại trào diễn ra thật long trọng và oai nghiêm. Ca Đoàn tổng hợp khoảng 200 ca viên, và 20 nhạc công Việt Mỹ dưới sự điều khiển của các ca trưởng Phạm Đức Huyến, Nguyễn Đức Vượng và Văn Duy Tùng, và đơn ca của Vũ Anh, Kiều văn Tập, Ngọc Huệ đã trình diễn tuyệt vời, làm cho một số cha trên cung thánh phải chú ý. Mở đầu là lời chào mừng của cha Vượng, sau đó, Đức Ông Walter Rossi, chánh xứ đã chào mừng với sự thông dịch của GS Bùi Hữu Thư. Đức Hồng Y chủ tế sau đó đã chia sẻ cảm nghĩ của ngài trước khi cử hành thánh lễ. Đoàn vũ dâng hoa dưới sự điều khiển của các Nữ Tu Mến Thánh Giá Đà Lạt Fairfax trong quốc phục mầu vàng và khăn choàng mầu xanh đã múa trong khi dâng của lễ.

Cuối lễ cha Chủ Tịch Nguyễn Thanh Liêm đã cám ơn tất cả mọi người tham dự và đóng góp cho cuộc hành hương ba ngày. Sau khi hỏi cửa toạ nhiều lần và được hưởng ứng nồng nhiệt, cha Liêm đã tuyên bố bế mạc Hành Hương Mẹ La Vang 2008 và thông báo ngày Hành Hương Mẹ La Vang 2009 là các ngày 18, 19 và 20 tháng 6, 2009.

Ngay sau thánh lễ, Đức Hồng Y, quý cha, HSĐ, Ca Đoàn, và đã tiến xuống nhà nguyện Đức Mẹ La Vang để đọc kinh và dâng lời nguyện. Cha Holcomb, giám đốc hành hương đã thết đãi Đức Hồng Y, qúy cha, quý sơ và Ban Chấp Hành Liên Đoàn trong phòng hội một bữa ăn nhẹ với ham croissant sandwich, salad va nước ngọt.

Hồi 5 giờ 30 tại giáo xứ Các thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, VA đã có bữa tiệc khoản đãi Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và quý cha, quý sơ, ban chấp hành Liên Đoàn tại Hội Trường giáo xứ. Bữa tiệc có mục đích mừng kỷ niệm Đệ Thập Chu niên ngày Đức Hồng Y nhậm chức Tổng Giám Mục Giáo Phận Saigon, đồng thời cũng mừng quan thầy của ngài là thánh Gioan Baotixita. Cha xứ Nguyễn Đức Vượng và cha phó Đoàn Bình Minh cũng có quan thầy là Gioan Baotixita cùng cắt bánh với Đức Hồng Y và hai ông Hạnh và Hãn.

MC LM Đồng Minh Quang đã khéo léo điều khiển các màn văn nghệ bỏ túi rất vui nhộn. Số người ghi danh đóng góp trên mức dự trù, và có người không được lên hát và giúp vui. Đức Hồng Y cũng kể nhiều chuyện vui trong bữa tiệc trong đó có hai câu chuyện tình Hồng Y rất ý nhị.

Bữa tiệc kết thúc lúc 8 giờ 30 vì Đức Hồng Y có hẹn phải ra về.

Ngày chủ nhật 22/6/2008. Đức Hồng y đã chủ tế thánh lễ 8 giờ sáng tại giáo xứ CTTĐVN Arlington với quý cha đồng tế: Cha Chủ Tịch Liên Đoàn Nguyễn Thanh Liêm, cha Nguyễn Khảm, Nguyễn Duy, Bùi Khánh, Đàm Lộ, Nguyễn Đức Vượng, và các thầy phó tế Đức, Phú, Ánh và Thiên Ân. Trong cử toạ có nhiều nhân vật trong Ban Chấp Hành Liên Đoàn và quý sơ. Cha Nguyễn Khảm giảng thuyết, và đã chia sẻ lời Chúa “Các con đừng sợ....” Bình thường thánh lễ 8 giờ sáng không đông nhưng vì có Đức Hồng Y, nhà thờ đông nghẹt. Liên Ca Đoàn Cecilia và Phanxicô đã trình bầy nhiều ca khúc của Nhac Sĩ Linh Mục Nguyễn Duy. Các bài hát này đã làm cho nhiều người xúc động vì cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương mình. Giáo sư Bùi Hữu Thư đã thay mặt HĐMV cám ơn Đức Hồng Y, cha Khảm, cha Duy và các cha, thầy sơ đến dâng thánh lễ cho giáo xứ, và xin cầu nguyện cho công trình bành trướng và chỉnh trang giáo xứ sắp được tiến hành. Đức Hồng Y cũng ban phép lành Tòa Thánh cho Ông Hồ Sỹ Thư Thiên, cựu Uỷ Viên Uỷ Ban Tài Chánh của Giáo Xứ, đã đổi đi Houston nhưng vẫn về giúp đỡ và đóng góp mỗi khi cần. Sau thánh lễ, Đức Hồng y đã chụp chung với mọi người và quý cha trong nhà thờ và sau đó ra Lễ Đài Đức Mẹ La Vang để chụp hình với các gia đình.

Thánh lễ 10 giờ Chủ Nhật:

Cha Nguyễn Hoài Chương, SDB chủ tế và cha Đồng Minh Quang giảng thuyết. Hai cha tiếp tay trong bài giảng. Cha Chương làm mưa, làm gió và sấm sét khiến cho nền nhà thờ rung chuyển. Có người nói coi chừng sập nhà thờ vì dậm chân quá mạnh.

Bốn ngày qua đi như gió thoảng. Tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ La Vang, cuộc hành hương Mẹ La Vang 2008 đã diễn ra tốt đẹp, đông đảo và có thời tiết tốt.

Ban tổ chức xin cáo lỗi về các sự thiếu sót bất khả kháng. Hy vọng sang năm mọi sự sẽ êm suôi hơn.

Ban Nhạc Việt Mỹ
Vũ Anh và Kiều Tập
Nhạc Sĩ Phạm Đức Huyến
Ca Đoàn tổng Hợp với các ca trưởng Huyến, Vưọng và Văn Tùng
Phó Tế Nguyễn Ánh và Bùi H Thư
Kiệu Đức Mẹ La Vang với TSC và LMTT
Kiệu Các Thánh Tử Đạo với PT Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình
Cộng đoàn Worcester, MA
Ông CT/GD Miền Tây Bắc Nguyễn Văn Lành và ông bà Bùi Công
Tông Đồ Fatima GX CTTĐ Arlington
Cộng đoàn Đức Mẹ Ban Ơn
Cờ hiệu GX CTTĐ Arlington và Đoàn LMT
Các vũ sinh
Ca đoàn tổng hợp trước thềm VCTĐ
Quý sơ hát và lần hạt trong khi rước kiệu
Ca đoàn và kiệu Mẹ
Đức Hồng Y và quý cha, quý thầy
ĐHY sông hương kiệu Mẹ
Sông Hương Kiệu Các Thánh
Hiệp Sĩ Đoàn
Trước VCTĐ
Ông cố Phục và Kiệu Mẹ
Quý cha
Các vũ sinh
Quý sơ
Trên Cung Thánh
Bàn tiệc Đức Hồng Y
Bàn các sơ
ĐHY chia sẻ
Kỷ niệm 10 năm TGM Saigon
Ông bà Bùi Công
Ông bà Đặng Văn Kiếm
Văn Tùng và Cha Nguyễn Duy
Cha Nguyễn Hoài Chương
Nhà bếp với chị Hậu và Mỹ Hiền
Peter phu nhân và hai bà Lắm và Phép
Bà Thư và Hương
Bánh mừng quan thầy Gioan Baotixita
Cắt bánh
Gia đình LMTT
Châu, Thu và Mai
Quý bà Sen, Hưng và Năm
Cha Võ Tá Đề đang hò dô ta
Gia đình anh Châu Thanh
Cha Liêm và cha Đàm Lộ
Các anh Viên, Doanh và Tâm nhiếp ảnh viên
BS Cảnh và anh Kiểm
Thầy Ân, cha Văn, bà Cố và bạn
Bàn ông Nhâm và Peter
Gia đình Ca Trưởng Phạm Dương hãn
Anh Đức và bạn
Sơ Ngọc Diệp và Cha Khảm
 
Huynh đoàn ĐaMinh xứ Bắc Hải- Hố Nai, mừng 50 năm thành lập
Đan Viện Mỹ Ca
23:33 22/06/2008
HUYNH ĐOÀN ĐAMINH XỨ BẮC HẢI ( Hạt Hố Nai – GP Xuân Lộc )

MỪNG KIM KHÁNH ( 50 NĂM ) THÀNH LẬP 22/6/1958 – 22/6/2008

HỐ NAI - Sáng Chúa Nhật 22/6/2008 Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh Xứ Bắc Hải tổ chức Lễ Tạ ơn Chúa mừng kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển ( 22/6/1958 – 22/6/2008 ).

Đoàn rước Cha Linh hướng – Chủ Tế từ trong hội trường giáo xứ tiến về Thánh Đường, với bao niềm vui hân hoan bước đi trong tiếng hát dịu dàng đầm ấm mà thánh thoát của ca đoàn “ Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca, chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa, Qua bao tháng năm mong chờ, say sưa thánh ân vô bờ. Được cùng nhau bên Chúa thỏa lòng con ước mơ … “

Đến Hiệp thông trong Thánh Lễ và chia sẻ niềm vui với Huynh Đoàn có Cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan – nguyên chánh xứ Bắc Hải, Cha Phó Đaminh Trần Mạnh Duyên, Cha Phero Phạm Duy Liễm – Chánh xứ Ninh Phát, Cha Giuse Đỗ Mạnh Dũng – Chánh xứ Tân Bình, Cha Phero Phan Khắc Giữa – phó xứ Đông Vinh, Qúy Soeur Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Hải, Qúy Anh chị Ban thường vụ Huynh Đoàn giáo phận, Liên Huynh, 16 Huynh Đoàn trong Hạt, Qúy Khách, Qúy ân nhân của Huynh Đoàn và hơn năm trăm đoàn viên.

Mở đầu Thánh Lễ, Cha chánh Xứ Bắc Hải Đaminh Bùi Văn Án, thay mặt cộng đoàn giáo xứ dâng lời chào Qúy Cha, Qúy Bề trên, Qúy Tu Sỹ nam nữ, và cộng đoàn tham dự ! kế đến là tràng vỗ tay vang dội chào chúc nhau nhân ngày kỷ niệm vui mừng trọng đại của Huynh Đoàn hôm nay.

Trong giây phút họp mặt đầm ấm đầy yêu thương, Cha xứ là Cha Linh Hướng đã ân cần ngỏ lời với Anh chị em trong Huynh Đoàn Đaminh Bắc Hải: “ Hôm nay Anh Chị em trong Huynh Đoàn Đaminh Bắc Hải chúng ta vui mừng tổ chức Lễ Tạ ơn Chúa ! Tạ ơn ! vì một chặng đường dài 50 năm xây dựng, dưới sự nâng đỡ, hướng dẫn, sáng lập của các bề trên là các Cha, các Tu Sỹ dành cho anh chị em. Quả thật ! Anh chị em đã lớn mạnh trưởng thành, và 50 năm qua những cống hiến cho Chúa, bằng cách dùng đời sống đạo đức của mình để đóng góp cho giáo hội và cụ thể cho giáo hội địa phương tại giáo xứ nhà, là những sinh hoạt năng động, nhất là bằng lời cầu nguyện, những việc làm tông đồ Bác ái … Thay mặt cho cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Bắc Hải, tôi trân trọng ghi nhận những đóng góp đó và cảm ơn về những thành quả mà anh chị em đã dâng cho Chúa cho giáo hội cho giáo xứ ! Nhân dịp này giáo xứ có lẵng hoa xin trao tặng anh chị em ! Xin chia sẻ niềm vui với anh chị em “.

Trong khi ông cố Giuse Huỳnh Hữu – Trưởng Huynh Đoàn bước lên gian Cung Thánh để nhận lẵng hoa từ tay Cha xứ và vị đại diện Ban Hành giáo của giáo xứ, thì tiếng vỗ tay của cộng đoàn lại rộn ràng vang lên như một sự đồng thuận Tạ ơn Chúa ! biết ơn vô tận của Huynh Đoàn đối với Qúy Cha, Qúy Tu Sỹ, Qúy ân nhân, Qúy vị Tiền nhiệm và của toàn thể các đoàn viên trong Huynh Đoàn giáo dân Đaminh xứ Bắc Hải.

Giuse Khổng Hữu Nguồn
 
Huynh đoàn ĐaMinh xứ Bắc Hải- Hố Nai, mừng 50 năm thành lập
Giuse Khổng Hữu Nguồn
23:34 22/06/2008
HỐ NAI - Sáng Chúa Nhật 22/6/2008 Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh Xứ Bắc Hải tổ chức Lễ Tạ ơn Chúa mừng kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển ( 22/6/1958 – 22/6/2008 ).

Đoàn rước Cha Linh hướng – Chủ Tế từ trong hội trường giáo xứ tiến về Thánh Đường, với bao niềm vui hân hoan bước đi trong tiếng hát dịu dàng đầm ấm mà thánh thoát của ca đoàn “ Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca, chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa, Qua bao tháng năm mong chờ, say sưa thánh ân vô bờ. Được cùng nhau bên Chúa thỏa lòng con ước mơ … “

Đến Hiệp thông trong Thánh Lễ và chia sẻ niềm vui với Huynh Đoàn có Cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan – nguyên chánh xứ Bắc Hải, Cha Phó Đaminh Trần Mạnh Duyên, Cha Phero Phạm Duy Liễm – Chánh xứ Ninh Phát, Cha Giuse Đỗ Mạnh Dũng – Chánh xứ Tân Bình, Cha Phero Phan Khắc Giữa – phó xứ Đông Vinh, Qúy Soeur Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Hải, Qúy Anh chị Ban thường vụ Huynh Đoàn giáo phận, Liên Huynh, 16 Huynh Đoàn trong Hạt, Qúy Khách, Qúy ân nhân của Huynh Đoàn và hơn năm trăm đoàn viên.

Mở đầu Thánh Lễ, Cha chánh Xứ Bắc Hải Đaminh Bùi Văn Án, thay mặt cộng đoàn giáo xứ dâng lời chào Qúy Cha, Qúy Bề trên, Qúy Tu Sỹ nam nữ, và cộng đoàn tham dự ! kế đến là tràng vỗ tay vang dội chào chúc nhau nhân ngày kỷ niệm vui mừng trọng đại của Huynh Đoàn hôm nay.

Trong giây phút họp mặt đầm ấm đầy yêu thương, Cha xứ là Cha Linh Hướng đã ân cần ngỏ lời với Anh chị em trong Huynh Đoàn Đaminh Bắc Hải: “ Hôm nay Anh Chị em trong Huynh Đoàn Đaminh Bắc Hải chúng ta vui mừng tổ chức Lễ Tạ ơn Chúa ! Tạ ơn ! vì một chặng đường dài 50 năm xây dựng, dưới sự nâng đỡ, hướng dẫn, sáng lập của các bề trên là các Cha, các Tu Sỹ dành cho anh chị em. Quả thật ! Anh chị em đã lớn mạnh trưởng thành, và 50 năm qua những cống hiến cho Chúa, bằng cách dùng đời sống đạo đức của mình để đóng góp cho giáo hội và cụ thể cho giáo hội địa phương tại giáo xứ nhà, là những sinh hoạt năng động, nhất là bằng lời cầu nguyện, những việc làm tông đồ Bác ái … Thay mặt cho cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Bắc Hải, tôi trân trọng ghi nhận những đóng góp đó và cảm ơn về những thành quả mà anh chị em đã dâng cho Chúa cho giáo hội cho giáo xứ ! Nhân dịp này giáo xứ có lẵng hoa xin trao tặng anh chị em ! Xin chia sẻ niềm vui với anh chị em “.

Trong khi ông cố Giuse Huỳnh Hữu – Trưởng Huynh Đoàn bước lên gian Cung Thánh để nhận lẵng hoa từ tay Cha xứ và vị đại diện Ban Hành giáo của giáo xứ, thì tiếng vỗ tay của cộng đoàn lại rộn ràng vang lên như một sự đồng thuận Tạ ơn Chúa ! biết ơn vô tận của Huynh Đoàn đối với Qúy Cha, Qúy Tu Sỹ, Qúy ân nhân, Qúy vị Tiền nhiệm và của toàn thể các đoàn viên trong Huynh Đoàn giáo dân Đaminh xứ Bắc Hải.
 
Chương trình Đại Hội Thánh Mẫu La Vang lần 28 (13,14,15/08/2008)
LM Giacôbê Lê Sĩ Hiền
23:40 22/06/2008
 
Clip Video nhạc Chủ đề: Đại Hội Thánh Mẫu La Vang năm 2008
LM Minh Anh
23:59 22/06/2008
Đại Hội Thánh Mẫu La Vang năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 13/8 tới 15/8/2008 tại Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang với chủ đề: "Đức Maria Nhà Giáo Dục Đức Tin"; và bản nhạc chủ đề "Mẹ La Vang, Thầy Dậy Của Con" một sáng tác của LM Minh Anh, phần Video Clip do VietCatholic thực hiện với hình ảnh từ cuộc Hành Hương La Vang tại thủ đô Washington DC từ ngày 19-21/06/2008 vừa qua.
 
Thông Báo
Lễ Truyền chức Linh mục cho ba Đan sĩ thuộc Đan Viện Thánh Tâm Mỹ Ca
Đan Viện Mỹ Ca
23:19 22/06/2008
Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca (chi nhánh của Nhà Mẹ Lerins-Pháp), Thôn Lập Định, Xã Cẩm Hòa, Tỉnh Khánh Hòa, xin thông báo để mọi người hiệp thông cầu nguyện cho các đan sĩ của Dòng sẽ được lãnh chức linh mục là:

  • Thầy Giuse An-Nguyễn Văn Bang
  • Thầy Phêrô Tự-Nguyễn Văn Lực
  • Thầy Phêrô Khoa-Nguyễn Thái Bình
Lễ truyền chức được tổ chức vào lúc 9h00 sáng ngày 19-07-2008, tại nguyện đường Đan Viện Mỹ Ca, và do Đức Giám mục Giuse Võ Đức Minh chủ sự.

Xin cùng hiệp ý cầu nguyện cho các Tân Chức và Cộng Đoàn Mỹ Ca.
 
Văn Hóa
Học... Già cũng học...
Trương Hải
08:59 22/06/2008
UTAH - Đúng là sự học nó không bị hạn chế trong phạm vi tuổi nào mà nó luôn phát triển nếu người nào biết tìm và học hỏi.

Bác Lâm Lay là một điển hình…Hiện tại bác đang sinh sống tại tiểu bang Utah (Hoa Kỳ) và đã được cấp bằng tốt nghiệp vào lúc 7 giờ tối ngày 19 tháng 6 năm 2008.

Theo như người viết được biết, bác Lâm Lay qua Mỹ theo diện H.O cùng với người vợ là bà Mã thị Tròn … Sau vài năm, hai ông bà lại đón người con trai và gia đình đến Mỹ trong chương trình Mc Cain.

Gia đình bác ta đang tạm ổn trong cuộc sống mới, thì bất ngờ đứa con trai bác là Lâm Thành Lý đã được Chúa gọi về quê trời vĩnh cửu để lại cho ông bà đứa con dâu và hai đứa cháu gái với tuổi còn nhỏ…Sau khi chôn cất con trai xong, tới lượt cụ bà cũng được Chúa cất về, để cho bác ta một cái đau khổ rất lớn đó là mất con và mất người vợ yêu quý. Để rồi cuối cùng, bác phải đơn côi sống một mình.

Tuy sống một mình, và đang hưởng tất cả những gì mà Chính phủ Hoa kỳ giúp đỡ, nên bác cũng tạo được cho mình có một cuộc sống tương đối, thêm nữa bác đã chọn cho mình một hướng đi là lấy sự học để tăng thêm kiến thức cho mình…Đúng thế, học để tạo thêm kiến thức và học để biết cái hay của người và cái khiếm khuyết của ta…Nên bác đã chọn và hội nhập với cuộc sống nơi xứ người. Mỗi ngày Chúa nhật gặp bác tại nhà thờ, người viết cảm thấy bác vẫn mạnh khoẻ và vui vẻ, nhiều khi bản thân người viết nghĩ: “Không biết lúc mình bằng tuổi của bác, có được sự an vui như bác đó không?” Và qua hình ảnh của bác, người viết có một ý nghĩ đến những người già bằng tuổi bác đang sống tại Việt nam…Người già tại Việt nam, người viết tin chắc không bao giờ có cuộc sống như bác Lâm Lay. Vì ở Việt nam họ luôn quan n iệm: “Già rồi đầu óc không còn minh mẫn và hay quên…” Nhưng Bác Lâm Lay không quên, nên bác đã học và đã tốt nghiệp. Người viết xin chúc mừng bác và chúc bác luôn an mạnh để làm gương cho con cháu trong tương lai…