Ngày 18-06-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Ba Ngôi và dấu Thánh Gía
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:16 18/06/2011
Chúa Ba Ngôi và dấu Thánh Gía

Ngày lãnh nhận làn nước Bí tích rửa tội, dấu Thánh gía được ghi vẽ trên trán em bé. Hằng ngày lúc thức dậy, lúc ăn cơm, trước khi đi ngủ, người tín hữu Chúa Kitô đều làm dấu Thánh gía trên mình. Khi làm dấu Thánh gía họ cầu xin sự chúc phúc lành của Thiên Chúa cho đời sống.

Nhưng đâu là ý nghĩa của dấu thánh gía ở ba nơi trên thân thể?

Làm dấu thánh gía tay ta đụng chạm ba nơi trên thân mình: trán, miệng và ngực.

Nơi ba phần thân thể đó tỏa chiếu ba sức lực khả năng khác nhau:

- Nơi trán là chỗ của trí khôn suy nghĩ hiểu biết.
- Nơi môi miệng là vị trí của nói năng
- Nơi ngực là nơi chốn của cảm gíac của tình yêu mến.

Ba khả năng sức lực khác nhau, nhưng trên cùng một thân thể của một cá nhân suy nghĩ, nói năng và cảm nhận yêu mến.

Chúa Ba ngôi có ba người: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng cũng là một Chúa thôi.

- Khi đọc lời kinh: „Nhân danh Cha“ chúng ta đưa tay lên trán, chỗ của trí khôn suy nghĩ. Khi làm điều gì, ngay từ khởi đầu ta đều suy nghĩ cân nhắc. Qua hành động đó, ta muốn tôn vinh Chúa Chúa bằng cung cách đặc biệt là chúng ta con người đắn đo suy nghĩ về sự sống con người do Chúa tạo thành ban cho, và cố gắng suy nghĩ cho đúng đắn ngay chính. Đích điểm ta muốn đạt tới là Chúa Cha, người ở trên cao nơi chốn của trí khôn suy nghĩ.

- Lúc đọc lời kinh „và Con“ , tay ta đưa qua môi miệng. Cử chỉ này muốn nói lên: con người chúng ta muốn khai mở chính mình qua Lời nói: Ngôn ngữ lời nói là nhịp cầu đi tới với nhau, và thông truyền tin tức cho nhau. Trong cuộc nói chuyện ta trao đổi với nhau và làm giầu cho nhau qua trao đổi lời nói.

Trong Phúc âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu được gọi đặt tên là Lời của Thiên Chúa nói với con người. Khi con ngừời qua môi miệng nói sự tốt lành thánh đức, những lời thân thiện đầy bác ái tình người là một cách tôn kính vinh danh Chúa Giêsu rồi.

Thánh Phero đã bộc trực nói lên tâm tư của mình với Chúa Giêsu: Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống“ (Ga 6,68).

- Đưa bàn tay xuống nơi ngực đang khi đọc „ và Thánh Thần“ , nơi chốn vị trí của trái tim về sự cảm nhận, lòng yêu mến. Chúa Thánh Thần là ân đức của tình yêu mến, nên đưa bàn tay xuống ngực cùng kêu cầu người ngự xuống, thật là điều phải đạo chính đáng.

Trái tim con người là trung tâm lọc chuyền máu đi nuôi các cơ quan trong thân thể, và cũng là nơi chốn sức lực của cảm nhận, của tình yêu mến cùng lòng ao ước mong chờ. Tất cả những cảm tình sâu thẳm và sự cảm động đều đi vào trái tim và phát xuất từ trái tim đi ra bên ngoài.

Đức Chúa Thánh Thần trao tặng con người chúng ta sự sống và tình yêu mến. Điều này là thiết bị căn bản khiến thân thể ta trở nên ngôi nhà Chúa Thánh Thần.

Dấu Thánh Gía là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa Ba ngôi.

Dấu Thánh gía là một chương trình cho ngày sống của con người buổi sáng, buổi chiều, lúc ăn uống cùng cả khi đi đường, lúc đứng qùy hay nằm trên giường nữa.

Làm dấu Thánh gía trên thân thể là lời cầu nguyện , đồng thời cũng là chúc lành cho chính mình cùng cho ngưòi khác nữa.

lễ Một Chúa Ba ngôi 2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
08:22 18/06/2011
Tuyên xưng niềm tin vào Mầu nhiệm Ba Ngôi thì phải sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi cụ thể là sống thế nào ?

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa trước hết là sống tâm tình cảm mến tri ân.

Cảm mến tri ân vì Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm quá đổi lớn lao này. Cảm mến tri ân vì Ba Ngôi mà lại chỉ một Chúa. Đây là nguyên lý của sự hiệp nhất và bền vững của thế giới tạo thành. Có người thắc mắc tại sao không hiểu Ba Ngôi là ba Chúa cho đơn giản mà lại dạy Ba Ngôi một Chúa cho phức tạp, khó hiểu, mệt cái đầu. Thiết nghĩ nếu Ba Ngôi mà ba Chúa có lẽ số phận của con người và vũ trụ này sẽ bất hạnh biết chừng nào, bởi vì cứ tưởng tượng một nhà ba chủ, một nước ba vua, một Giáo hội ba giáo hoàng,... thì sẽ ra sao chúng ta có thể hình dung được.

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa thứ đến là sống tinh thần hiệp nhất yêu thương.

Tự bản tính, Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu hiệp nhất Cha Con và Thánh thần. Chỉ trong tương quan tình yêu, chúng ta mới có thể hiểu phần nào Ba Ngôi mà lại một Chúa : “Ta và Cha Ta là một, Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta”. Nói cách khác, chỉ có tình yêu mới khả dĩ cắt nghĩa được khía cạnh ngôi hiệp trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi thế mà những người đang yêu hiểu khái niệm “ngôi hiệp” một cách dễ dàng hơn, như lời họ bộc bạch trong một bài hát : “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Tình yêu nối kết chúng ta, ta thương nhau quá nên hai hoá ra thành một”.

Tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa luôn yêu thương hiệp nhất như là bản chất của các Ngài, thì ta cũng phải sống tinh thần hiệp nhất yêu thương như các Ngài vẫn sống. Mọi hình thức chia rẽ, hận thù, ly giáo, đoạn tuyệt… đều đi ngược với niềm tin mà ta tuyên xưng vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa sau nữa còn là sống tinh thần hy sinh phục vụ.

Ba Ngôi Thiên Chúa không giữ lại tình yêu cho riêng mình mà chia sẻ tình yêu ấy cho mọi thụ tạo, đặc biệt là con người qua tình yêu tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá. Ba Ngôi Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người qua mầu nhiệm nhập thể để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho con người được sống và sống dồi dào. Do vậy không thể tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi mà lại sống ích kỷ hẹp hòi, chỉ biết đến mình, lo cho mình mà thôi.

Khi nghiên cứu vết máu trên tấm khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học đã xác định được Chúa Giêsu thuộc nhóm máu B. Là con cái của Thiên Chúa Ba Ngôi và là anh em của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là ta cùng huyết thống với Ngài, cùng nhóm máu với Ngài, nhóm máu B. “B” là bác ái, “B” là bao dung, “B” cũng là bình an. Bác ái với mọi người nhất là những người nghèo khổ bất hạnh. Bao dung với những người lầm lỗi, những người đã xúc phạm đến ta hay làm ta tổn thương. Có như thế thì ta mới có được sự bình an của Chúa Ba Ngôi nơi tâm hồn mình được.

Người ta kể rằng Christophe Colombus, người đã khám phá ra châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách rất đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi, cũng như ông luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ : “Nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh”. Trong cuộc khởi hành thứ 3 của ông năm 1498, Christophe Colombus đã thề hứa sẽ dâng Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá đầu tiên. Vì thế hòn đảo ông đặt chân đến đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là “Trinidad”, tức là Chúa Ba Ngôi.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta khi mừng lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi, hay mỗi khi tuyên xưng mầu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng biết đưa mầu nhiệm ấy vào trong cuộc hằng ngày, bằng việc hết lòng yêu mến Chúa Ba Ngôi như Christophe Colombus đã từng yêu mến. Đồng thời biết hết tình hiệp nhất yêu thương và hết mình hy sinh phục vụ anh chị đồng loại ngay trong gia đình, gia tộc và trong cộng đoàn mà mình đang sống. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục chấp thuận bản tuyên ngôn quan trọng đầu tiên về trợ tử bởi bác sĩ
Bùi Hữu Thư
05:34 18/06/2011
BELLEVUE, Washington. (CNS) -- Phản ứng với vấn đề trợ tử bởi bác sĩ tại tiểu bang nơi các cử tri mới đây đã bỏ phiếu thuận, các giám mục Hoa Kỳ tuyên bố là việc trợ tử này là một "thảm kịch ghê gớm, một điều mà một xã hội biết cảm thương cần phải tranh đấu để ngăn cản."

Được chấp thuận ngày 16 tháng 6 trong phiên họp khoáng đại mùa xuận của các giám mục, bản tuyên ngôn mang tên "Sống mọi ngày có phẩm giá" là tài liệu đầu tiên về trợ tử được toàn thể hội đồng giám mục Hoa Kỳ thông qua.

Giới thiệu tài liệu này ngày 15 tháng 6, Hồng Y Daniel N. DiNardo of Galveston-Houston, chủ tịch uỷ ban các Hoạt Động Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói, ngài hy vọng tài liệu này sẽ chống lại "những vận động ào ạt" mới đây của phong trào trợ tử.

Tài liệu này nói: "Với sự tài trợ gia tăng của các mạnh thường quân giầu có, nhóm bảo vệ việc trợ tử đã tái thiết các chiến dịch vận động toàn quốc qua ngả lập pháp, tư pháp và quảng cáo trong quần chúng, nhắm vào các tiểu bang họ cho là sẽ tiếp nhận điệp văn của họ. Nếu họ thành công, xã hội sẽ phải trải qua một cuộc biến đổi hoàn toàn."

Tài liệu đặc biệt chỉ trích Hiệp Hội Hemlock, "mà chính tên của hội nhắc cho mọi người thực tại độc ác của cái chết vì thuốc độc," là đã đổi tên thành "Thương Cảm và Lựa Chọn."

Tài liệu nói: "Nói cách giản dị là họ cần bóc đi lớp vẹc-ni bên trên để lột trần sự thật, vì điều họ đề ra không cổ võ cho tự do lựa chọn cũng như lòng thương cảm."

Việc trợ tử bởi các bác sĩ đã được các cử tri bỏ phiếu thuận tại tiểu bang Washington vào tháng 11, 2008. Điều này cũng đã trở nên hợp pháp tại Oregon, nơi các cử tri bỏ phiếu thuận năm 1994, và Montana, nơi một tòa án tiểu bang phán quyết rằng điều này không đi ngược với chính sách công cộng.

Trong khi Hồng Y DiNardo đang trình bầy tài liệu thì các đại diện của nhóm Thương Cảm và Lựa Chọn cũng tổ chức một buổi họp báo ngay cùng trong một khách sạn nơi các giám mục hội họp.

Barbara Coombs Lee, chủ tịch của tổ chức này, nói tài liệu của các giám mục nhắm vào việc dùng các tín điều của Công Giáo để ép buộc toàn thể quần chúng Hoa Kỳ.

Bà nói: "Trong khi chúng tôi tôn trọng việc dạy giáo lý cho những ai có đức tin Công Giáo, chúng tôi cảm thấy không thể chấp nhận việc dùng giáo huấn của một tôn giáo để ép buộc tất cả mọi người trong một thế giới đa dạng. Chúng tôi tin là việc chăm lo cho 'chung sự' cần theo các giá trị và niềm tin của bệnh nhân, và thủ tục ý tế tốt đẹp, nhưng không thể giới hạn ý muốn của bệnh nhân bới học thuyết Công Giáo."

Để đáp ứng lời lên án này, Đức Hồng Y DiNardo nói các giám mục đang đóng góp vào một "cuộc tranh luận cơ bản với quần chúng' dựa trên "truyền thống luân lý và tình tương thân tương ái với mọi người."

Ngài tiếp: "Phương cách cảm thương là phải trợ giúp mọi người thay vì khuyến khích họ tìm cái chết." Một phần của truyền thống Hoa Kỳ là "khi có ai có nhu cầu, thì chúng ta đế cứu giúp họ," y như khi người Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ vào việc trợ giúp cho các nạn nhân của trận cuồng phong tai Joplin, Mo..

Ngài tiếp: "Thương cảm không phải là để nói, 'Này đây là viên thuốc,' mà là trình bầy cho bệnh nhân những cách thức chúng ta có thể giúp đỡ họ, cho đến lúc Thiên Chúa cất họ đi."

Trong tài liệu, các giám mục nói là phong trào trợ tử "thực ra còn gia tăng sự nguy hiểm vì đau đớn cho những bệnh nhân có bệnh tình trầm trọng."

Tài liệu nói: "Nỗi đau ghê gớm nhất của họ thường không phải là nỗi đau thân xác, có thể được giảm thiểu qua các phương thức y tế hữu hiệu, mà là cảm giác cô đơn và tuyệt vọng. Cảm tưởng là người khác -- hay toàn thể xã hội -- đã cho cái chết của họ là một giải pháp không tránh được và được mong muốn như vậy, điều này có thể làm gia tăng nỗi đau tinh thần."
Ngài ra, theo tài liệu: "chúng ta không thể duy trì sự tự do và phẩm giá cho con người bằng cách hạ phẩm giá đời sống con người."

Tài liệu viết: "Một lựa chọn để lấy đi mạng sống của một người là một cực kỳ mâu thuẫn đối với sự tự do, là một lưa chọn hủy diệt đi tất cả mọi lựa chọn khác. Và một xã hội hạ giá đời sống một người bằng cách làm cho chết mau hơn, sẽ cuối cùng mất hết sự tôn trọng các nhân quyền khác cũng như quyền tự do của người này."

Tài liệu chỉ trích việc dùng các bác sĩ trong việc giúp các bệnh nhân của họ tự tử, và gọi điều này là "sự đồi bại của nghệ thuật chữa lành."

"Người Công Giáo phải là người lãnh đạo trong nỗ lực bảo vệ và duy trì nguyên lý là mỗi người trong chúng ta có quyền sống với phẩm giá trong mọi ngày của cuộc đời."

Tài liệu được các đại diện của các nhóm người khuyết tật Công Giáo và các nhóm đạo đức sinh học nhiệt liệt hoan nghênh.
 
Hồng y Quốc Vụ Khanh Bertone kêu gọi các nhà lãnh đạo kinh doanh cần can đảm
Nguyễn Trầm Tư
08:18 18/06/2011
Vận dụng học thuyết xã hội cách nghiêm túc nghĩa là dấn thân vào những địa hạt mới

ROME, ngày 17 tháng 6, 2011 (Zenit.org).- Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói rằng các nhà lãnh đạo kinh doanh có đạo đức ngày hôm nay phải đối diện với những thách đố lớn lao trong việc nhắm tới một mục đích cao hơn lợi nhuận, trong khi vẫn không chối từ lợi nhuận.

“Các nhà lãnh đạo kinh doanh thực thi điều này,” đức Hồng Y Bertone nói, là những người “xem hoạt động của họ là một nhiệm vụ và là một ơn gọi.”

Ngài đã nói điều này vào hôm thứ 5 khi ngài mở một hội nghị ba ngày bàn về đạo đức kinh doanh, được hội đồng Giáo Hoàng về công lý và hòa bình hỗ trợ.

Đức Hồng Y nói: “Ngày nay, các nhà lãnh đạo kinh doanh muốn vận dụng giáo huấn xã hội của giáo hội cách nghiêm túc sẽ cần phải phiêu lưu hơn, không giới hạn chính mình vào những thực hành có trách nhiệm với xã hội và/hoặc là những hành vi nhân ái – dù những điều này có thể tích cực và đáng khen – nhưng mạnh mẽ dấn thân vào những địa hạt mới.”

Ngài tiếp tục đề cập hai địa hạt ấy.

Địa hạt thứ nhất bàn đến nhu cầu việc làm ngày càng lớn .

Ngài nhìn nhận: “Công cuộc canh tân và có sáng kiến mới là điều cần thiết nếu việc kinh doanh, nền kinh tế và thị trường phải tính đến những người bị loại trừ vào lúc này. Hôm nay cũng như hôm qua, nền kinh tế và khu vực kinh doanh thực thi trách nhiệm của họ để phục vụ công ích khi họ xoay xở cách hợp tác với những khu vực rộng lớn của những người bị gạt ra bên lề xã hội – người ta chỉ cần nghĩ tới những công nhân nhà máy trong thế kỷ trước – và để đảm bảo rằng những người này trở nên, không phải là những vấn đề, nhưng là những nguồn lực và những cơ hội: cho chính họ, cho việc kinh doanh và cho toàn thể xã hội.”

Sự quản lý đúng mực

Thứ hai, đức Hồng Y nói về những thách đố về “những ích chung,”chẳng hạn như nước và năng lượng.

Ngài đề xuất: “Việc kinh doanh ngày hôm nay phải ngày càng tính đến những ích chung này, vì trong một nền kinh tế toàn cầu phức tạp thì chúng không còn dành riêng cho nhà nước hoặc cho khu vực quốc doanh quản lý: người ta cũng cần đến nhân tài của khu vực kinh doanh nếu chúng cần được quản lý cách thích hợp. Nơi nào có dính líu đến ích chung, chúng tôi vô cùng cần đến các nhà lãnh đạo kinh doanh vốn xem lợi nhuận không phải là mục đích duy nhất. Chúng tôi ngày càng cần các nhà lãnh đạo kinh doanh có lương tâm xã hội, là những lãnh đạo mà việc cải cách, óc sáng tạo và tính hiệu quả của họ được thúc đẩy bởi điều cao hơn cả lợi nhuận, là người xem công việc của là một phần của một khế ước xã hội mới với dân chúng và với xã hội dân sự.”

Ngài quốc vụ khanh nói về hai loại các nhà lãnh đạo kinh doanh. Họ hoặc là có tính dân sự theo nghĩa hoạt động thương mại của họ nhằm xây dựng ích chung, là lợi ích của tất cả mọi người và của mọi cá nhân; hoặc nếu không, họ là điều trái nghịch, nghĩa là khi họ không sản xuất những sản phẩm chất lượng, không cần đổi mới, không sáng tạo của cải và công việc, và không trả thuế.

Đức Hồng Y khẳng định rằng Giáo Hội, xét như một “chuyên gia về con người,” biết rằng “cũng giống như những chiều kích khác của đời sống con người và có lẽ còn hơn thế nữa, thì khu vực kinh tế học và lao động thường dễ rơi và cám dỗ ích kỷ và tư lợi hẹp hòi.”

Ngài nói: “Đồng thời, Giáo Hội nhận thấy thế giới của nền kinh tế, của lao động và kinh doanh, dưới ánh sáng tích cực, là một khối cầu quan trọng đối với tính sáng tạo và việc phục vụ cho xã hội, một yếu tố tích cực trong các vấn đề của con người. Giống như bất kỳ thành tố nào khác của nhân dân, thế giới ấy có thể đôi khi phát triển khoa bệnh lý học, tuy nhiên chức năng của nó thì luôn luôn sáng sủa, có tính dân sự và nhân đạo.”
 
Argentina:Thống kê cho thấy sự suy giảm đạo đức tình dục
Phạm Kim An
08:21 18/06/2011
Argentina:Thống kê cho thấy sự suy giảm đạo đức tình dục

Buenos Aires, Argentina - Hội Đạo Đức Y học và Sinh học ở Argentina cảnh báo rằng đạo đức tình dục trong nước đang nhanh chóng sút giảm.

Trong một tuyên bố đăng trên hãng tin AICA ngày 16-6, hội nói rằng nhận định trên dựa vào nhiều dấu hiệu khác nhau, chẳng hạn việc sản xuất bao cao su tăng cao và số bao cao su bán ra với tốc độ mỗi ngày gần 500.000 bao.

Hội nói: “Mỗi năm có 18 triệu viên thuốc tránh thai được sản xuất, mà theo pháp luật được phân phối miễn phí, và khoảng bốn triệu hộp thuốc viên ‘tránh thai sáng hôm sau’, cũng là miễn phí. Các chi phí lớn này được nhà nước bao cấp với đô la thuế".

Hội cũng than phiền việc đẩy mạnh liên tục cho "giáo dục tình dục", vốn chỉ dẫn đến sự gia tăng trong mang thai ở tuổi thiếu niên, quan hệ tình dục bừa bãi và hoạt động tình dục.

Hội cho biết số lượng các cuộc hôn nhân và số trẻ ra đời đang giảm mỗi năm, biến Argentina thành "một quốc gia lớn với nhiều tài nguyên nhưng không có người ở, với số nhân khẩu học nằm trong màu đỏ".

Theo hội, nạn mại dâm và sự chú ý đến hôn nhân đồng tính đã trở nên ngày càng được chấp nhận.

Hội kết luận: “Rabbi Abraham Skorka đã có lý khi ông nói trên truyền hình: ‘Hôm nay chúng ta đang sống trong sự ích kỷ cực độ, và điều này cũng là rõ ràng trong các vấn đề tình dục, khi mỗi người tìm cách thỏa mãn sự ưa thích nhất thời riêng của mình, và không có đối thoại của tình yêu’". (CNA 17-6-2011)

Phạm Kim An
 
Đại học Gregorian đi đầu trong giáo dục trực tuyến
Nguyễn Trọng Đa
08:23 18/06/2011
Đại học Gregorian đi đầu trong giáo dục trực tuyến

ROMA – Chiều 16-6, Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Truyền Thông Xã Hội, đã gặp gỡ các Giám mục và các sinh viên Guatemala và Bolivia của Đại học Gregorian ở Roma. Địa điểm tổ chức lần này là hơi bất thường: mạng Internet. Cuộc thảo luận diễn ra trong khuôn khổ một hội nghị qua mạng, được Trung tâm liên ngành về Truyền Thông Xã hội (CICS) của Đại học Giáo Hoàng Gregorian, trong đó các sinh viên, mặc dù ở đất nước mình, vẫn tham dự đầy đủ.

Đức Tổng Giám Mục Celli, bên cạnh có Viện trưởng, cha François-Xavier Dumortier SJ, và Giám đốc Trung tâm liên ngành về Truyền Thông Xã hội (CICS), Cha Augustin Savarimuthu SJ, đã thảo luận với sinh viên Nam Mỹ về thông điệp của ĐTC Biển Đức XVI cho Ngày Quốc tế Truyền thông xã hội lần thứ 45, “Sự thật, việc loan báo và đời sống chân chính trong thời đại kỹ thuật số". Cuộc gặp gỡ này kết thúc chu kỳ thứ hai của việc đào tạo trực tuyến, được tổ chức cho sinh viên Bolivia và Guatemala.

Từ năm 2007, Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Rome, được ủy thác cho Dòng Tên (SJ), cung cấp việc đào tạo trực tuyến thông qua các lớp học truyền video từ mạng Internet. Phương pháp giảng dạy mới này sử dụng các tiến bộ công nghệ, trong việc phục vụ những người ở xa và không thể di chuyển xa, để tham dự các khóa học tại các trường đại học trong nước họ hoặc ở nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay việc đào tạo mới được thực hiện bằng tiếng Tây Ban Nha và dành cho các nước Nam Mỹ.

Mười khóa học của chương trình đã được giảng dạy bởi các giáo sư của Đại học Gregorian, và 423 người đã theo học cho đến nay. Trong 96 sinh viên đăng ký kỳ học này dành cho sinh viên Bolivia và Guatemala, 85 người đã học đến cuối khóa học. Họ được đánh giá qua các bài làm nộp cho giáo sư, nhưng cũng qua việc họ tham gia vào quá trình học (thông qua các câu hỏi họ hỏi ...), sự dấn thân của họ trong làm việc nhóm, và qua thực hành bài tập trực tuyến. Ngoài ra, có một vài cuộc gặp của các sinh viên này tại các hội nghị tổ chức đặc biệt cho họ ở đất nước họ, để chia sẻ kinh nghiệm, sự thực hành và các vấn đề của họ.

Theo giải thích của Ary Waldir Ramos Diaz, điều phối viên cho chương trình đào tạo từ xa của Trung tâm liên ngành về Truyền Thông Xã hội (CICS), chính trong các cuộc gặp gỡ địa phương này người ta thấy có sự chuyển “ từ một cộng đồng ảo đến một cộng đồng thực tế". Một lập luận mà Tổng giám mục Celli cũng nêu ra trước, khi Ngài giải thích rằng tất cả việc đào tạo không phải đến từ Rome, nhưng "sau một khóa học trực tuyến cần phải có các khóa học tại chỗ, để hội nhập các kiến thức ấy trong văn hóa địa phương". Cha Dumortier, Viện trưởng Đại học Gregorian, cho biết trong phát biểu khai mạc tại cuộc gặp gỡ này rằng ngài hy vọng rằng một số sinh viên trong chương trình này sẽ đến Rome, để tiếp tục học tập.

Trong Phòng Thượng viện của Đại học Giáo hoàng Gregorian, nơi diễn ra việc truyền ảnh dạy học của Đại học Rome, những người tham gia ngồi trước một màn hình khổng lồ, nơi đó người ta nhìn trực tiếp video từ Guatemala và Bolivia. Sau nhiều lời phát biểu khác nhau, các tràng pháo tay vang lên từ cả hai phía của Trái đất (với một chênh lệch múi giờ cho những người đến từ bên kia địa cầu). Hai giám mục, Đức Giám Mục Oscar Aparicio Céspedes, Giám Mục phụ tá tổng giáo phận La Paz, Bolivia, và Đức Giám Mục Alvaro Ramazzimi, Chủ tịch Ủy ban Truyền Thông Xã Hội của Hội Đồng Giám Mục Guatemala, đã đưa một số học sinh đến cho cuộc gặp mặt, trong đó họ nói lên ích lợi của phương pháp giảng dạy này.

Đối với Tổng giám mục Celli, cách thức mới mẻ này của trường đại học Gregorian là khôn ngoan, bởi vì cần phải sử dụng "các công nghệ mới để chuẩn bị các người trẻ tuổi cho công tác truyền thông. Người ta cần phải lợi dụng nó. Người ta có thể trao đổi, đối thoại, đấy là một ý tưởng tốt mà Đại học Gregorian đã tiên liệu, và đó là tích cực". (Zenit 17-6-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Hoa Kỳ: tỉ lệ Hôn nhân Công Giáo giảm mạnh
Tiền Hô
08:26 18/06/2011
Số lượng lễ cưới được tổ chức tại các nhà thờ Công Giáo Hoa Kỳ đã giảm 60% trong thời gian vừa qua, tại một thời điểm mà tổng số người Công Giáo đã tăng gần 17 triệu người.

Một nghiên cứu của Mark Gray thực hiện cho nhà xuất bản "Người Thăm Viếng Ngày Chúa Nhật" (Our Sunday Visitor - OSV) phát hiện ra rằng, số người Công giáo chọn kết hôn trong Giáo Hội đã giảm đáng kể. Ông Gray cho thấy "có một sự thay đổi: từ 8.6 cuộc hôn nhân trên 1000 người Công giáo Hoa Kỳ vào năm 1972 giảm xuống còn 2.6 cuộc hôn nhân trên 1000 người Công Giáo vào năm 2010".

Một biên tập viên của OSV cho rằng sự suy giảm trong hôn nhân Công Giáo là "một cuộc khủng hoảng lòng trung tín", với hàm ý so sánh với những cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục. "Nhiều người Công giáo dường như không còn biết rằng bí tích hôn phối trong Giáo Hội ý nghĩa như thế nào, bạn sẽ có cơ hội đón nhận ân sủng và lợi thế nhiều hơn là một cuộc hôn nhân dân sự". Họ kết luận rằng cần có một phản ứng thích hợp, bước đầu tiên là phải xác nhận rằng đây "thực sự là một cuộc khủng hoảng của Giáo Hội". (CatholicCulture, 17 Tháng Sáu 2011)
 
Trung Quốc: ứng viên giám mục của Thành Đô qua đời vì bệnh ung thư
Tiền Hô
08:26 18/06/2011
Thành Đô, 18 Tháng Sáu 2011 (AsiaNews) - Cha Simon Lý Chí Cương (Li Zhigang) - người được chính quyền Trung Quốc chọn làm ứng viên giám mục của giáo phận Thành Đô (Tứ Xuyên) cách đây một tháng đã qua đời vào ngày hôm nay lúc 9:48 (giờ địa phương) vì bệnh ung thư gan, thọ 48 tuổi. Tang lễ vẫn chưa được định ngày.

Năm nay, họ đã tổ chức kỷ niệm 20 năm linh mục của Cha Lý và 10 năm làm giám quản giáo phận Thành Đô. Ngày 10 Tháng Năm vừa qua, cha Lý được một hội đồng gồm có 23 linh mục, 17 giáo dân, 4 nữ tu và các chủng sinh bầu chọn làm ứng viên giám mục Thành Đô. Cha nhận được 41 phiếu thuận trong tổng số 45 phiếu, với ba phiếu trắng và một chống. Nhưng cho đến tận nay, cha Lý vẫn không nhận được sự uỷ nhiệm của Tòa Thánh.

Một nguồn tin nói với AsiaNews rằng, Cha Lý đã được nhập viện trong vài ngày gần đây, ngày hôm qua (17 Tháng Sáu) hầu hết các linh mục trong giáo phận đều tập trung tại giường bệnh của cha và cầu nguyện cho cha, cha Lý cũng đã nhận Bí Tích sau cùng. Một linh mục nói: "Rõ ràng Cha Lý đã được an bình và an lòng vì nhận được lời cầu nguyện của các linh mục, mặc dù cha bị đau bệnh".

Một vài nguồn tin của Giáo Hội cho biết, việc tấn phong cho Cha Lý được dự tính sẽ diễn ra vào cuối năm 2011, sau khi tấn phong cho các giám mục khác của tỉnh Tứ Xuyên. Các giáo phận như Lạc Sơn, Tây Xương, Nam Sung và Nghi Tân (tất cả đều ở tỉnh Tứ Xuyên) đã sẵn sàng với các ứng viên giám mục. Cho đến nay, Cha Lý và hai ứng viên giám mục khác ở Tứ Xuyên đều không có ủy nhiệm từ Tòa Thánh.

Sinh Tháng Mười năm 1963 tại Miên Dương, thuộc giáo phận Thành Đô, Cha Lý học tại Đại Chủng Viện khu vực tỉnh Tứ Xuyên từ 1984 đến 1987. Cha được thụ phong linh mục vào Tháng Tư năm 1991. Cha từng làm linh mục phụ tá giáo xứ Chánh Tòa. Từ năm 1996 đến 2000, cha Lý làm Phó Hiệu trưởng và Hiệu trưởng tại Chủng Viện Tứ Xuyên. Kể từ Tháng Mười Hai năm 2000, cha làm giám quản của giáo phận. Từ năm 2006, cha làm Chủ tịch của Hiệp Hội Yêu Nước thành phố Thành Đô.

Giáo phận Thành Đô hiện có 23 linh mục, 13 nữ tu và gần 100.000 người Công Giáo. Năm 2008, tỉnh Tứ Xuyên đã bị thiệt hại nặng nề bởi trận động đất. Nhiều nơi khắp giáo phận Thành Đô đã bị tàn phá và Cha Li đã tham gia vào công việc tái thiết.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Diện Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp tham dự khóa gặp gỡ Giới Trưởng Thành
Trần Văn Cảnh
08:36 18/06/2011
Đại Diện Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp Về trung tâm Ánh Quang Thiên Chúa - Orsay Tham dự Khóa gặp gỡ Giới Trưởng Thành

Orsay, ngày 17.06.2011, trên 80 đại diện của trên 20 Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp đã về tham dự Khóa Gặp Gỡ Giới Trưởng Thành tại Trung Tâm Ánh Quang Thiên Chúa, La Clarté – Dieu, 95 Rue Paris, 91400 Orsay.

Chương trình chính thức tiếp đón, bắt đầu từ 16 giớ ; 18 giờ 45, cơm tối ; 20 giờ gặp gỡ, giới thiệu, lời khai khóa, bầu ban điều hành, ban thư ký, chia nhóm sinh hoạt, giải thích sinh hoạt ; 22 giờ, tiệc trà. Nhưng từ 2, 3 giờ trưa, những người mau chân đã bắt đầu đến.

Tổ chức và phục vụ khóa gặp gỡ có cả một Ban Đại Diện Mục Vụ Giới Trưởng thành và một ban thuyết trình, hùng hậu và đầy khả năng.

Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành mới được bầu vào cuối năm 2010 hùng hậu với 12 vị đầy thiện chí phục vụ mà lại rất khiêm nhường. Đó là những vị sau đây, phục vụ theo 10 trách nhiệm cụ thể trong khóa gặp gỡ này :

• Trưởng Ban Mục Vụ Trưởng Thành : Linh mục Lâm Thái Sơn

• Điều hành : Sư Huynh Trần Công Lao

• Thư ký : anh Xuân Anh (Lille) và chị Xuân Hằng (Reims)

• Tiếp tân : chị Phỉ (Clermont Ferrand) và Sơ Hảo

• Trang Trí : Sh Lao, anh Long, chị Hằng (Reims)

• Hình ảnh : Sơ Hảo

• Văn phòng phẩm : Sơ Hảo

• Tài chánh và ẩm thực : Sơ Lan, chị Minh Tâm và chị Thành

• Phụng vụ : Sơ Lan, anh Xuân Anh, anh chị Long Hằng

• Y tế : Bs Đỉnh, Bs Khánh

Xem hình các đại diện cộng đoàn tham dự khóa gặp gỡ giới trưởng thành

Đề tài học hỏi về « Giáo dục tâm linh và sinh lý trong các gia đình công giáo Việt Nam hôm nay » sẽ được ba thuyết trình viên sau đây trình bày :

• Bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh, tiến sĩ y khoa, làm Chủ Tịch lâu năm trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris ;

• Linh mục Nguyễn Xuân Nghĩa, thạc sĩ thần học tu đức gia đình, cha sở phục vụ miền Challons-sur-Saône

• Chị Vintar Hà, Chuyên gia tâm lý trẻ em, làm việc ở vùng Paris.

Bên cạnh đó, còn có một Ban Điều Hành và Thư Ký vừa mới được bầu ra. Gs Cảnh chủ tọa và điều hành các buổi thuyết trình và hội thảo. Hai chị Hằng và Agnès Thảo cùng với ba anh Xuân Anh, Phúc Khánh và Minh Dương làm thư ký.

Các Hội thảo viên được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm trên 10 người.

Tất cả cuộc gặp gỡ được điều khiển tổng quát với cha Tỗng Tuyên Úy Nguyễn Kim Sang, cha Trưởng Ban Mục Vụ Trưởng Thành Lâm Thái Sơn và thầy Điều Hành Viên Trần Công Lao.

Mọi việc chuẩn bị đã sẵn sàng. Các hội thảo viên cùng đọc kinh tối, lãnh phép lành của các linh mục hiện diên, dùng tiệc trà và đi nghỉ đêm.

Orsay, ngày 17 tháng 06 năm 2011

Trần Văn Cảnh
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tác động của Thiên Chúa trong một thời đại không có chúa
Vũ Văn An
00:02 18/06/2011
Ba tháng trước, một phúc trình đặc biệt trên tờ The Tablet (của Anh) đã đặt câu hỏi: Người Công Giáo đi đâu hết cả rồi? Với nhiều dữ kiện giá trị trong tay, Gordon Heald, giám đốc điều hành một viện nghiên cứu có tiếng ở Anh, đã đưa ra nhận định như sau: không những việc tham dự Thánh Lễ vào Chúa Nhật giảm đi đều đặn tại Anh và tại Wales trong suốt 30 năm qua, mà con số thụ phong linh mục, chịu rửa tội, rước lễ lần đầu, thêm sức và nhất là hôn phối trong nhà thờ đã không ngừng giảm xuống một cách đáng ngại hết năm này qua năm nọ. Dù nhận rằng hiện tượng này khiến người đọc cảm thấy nản lòng, nhưng Heald cho rằng: cũng như bất cứ lúc nào khác, các con số kia cần được đọc trong một ngữ cảnh rộng rãi hơn. Bởi theo ông, khuynh hướng đi xuống xẩy ra cho mọi Giáo Hội Kitô Giáo tại Vương Quốc Thống Nhất, và đúng hơn tại toàn bộ lục địa Âu Châu.

Cái nhìn tiêu cực

Năm tuần sau, phúc trình đặc biệt của Heald làm Cha Dòng Tên người Bỉ là Jan Kerkhofs, một linh mục và là nhà xã hội học nổi tiếng, lên tiếng chứng minh rằng các con số đi xuống tại Anh và Wales quả thực đã được phản ảnh khắp Âu Châu. Dựa vào tác phẩm của mình tựa là Europe Without Priests (1995), Cha Kerkhofs đặc biệt lưu tâm tới con số đi xuống nơi các linh mục Công Giáo ở Âu Châu. Ngài đưa ra con số thống kê của 13 nước trong vòng 20 năm qua, phần lớn tại Tây Âu. Một phân tích chi tiết của Zulehner và Tomka năm 1999 cũng cho thấy những con số hay khuynh hướng tương tự ở Trung Âu và Đông Âu, chỉ sai lệch đôi chút. Tại Đông Đức cựu Cộng Sản, chẳng hạn, 73% dân số không thuộc bất cứ Giáo Hội nào. Con số của Cộng Hòa Czech cũng tương tự như thế. Các số thống kê tiêu cực của Đan Mạch và Thụy Điển cũng được nhiều người biết đến. Từ các dữ kiện tổng hợp trong các Nghiên Cứu Giá Trị Tại Âu Châu, Cha Kerkhofs đi đến kết luận này: có một hiện tượng xa dần Kitô Giáo để hướng về một thứ chủ nghĩa bất khả tri mơ hồ, tạo nên một thứ thế tục hóa Âu Châu hậu hiện đại và hậu Kitô Giáo.

Samuel Huntingdon, tác giả cuốn sách gây tranh luận Clash of Civilisations từng làm người ta chú ý khi mới xuất bản năm 1997, cũng có cùng một kết luận. Ông cho rằng tỷ lệ những người Âu Châu tuyên xưng các niềm tin tôn giáo, tuân giữ các thực hành tôn giáo và tham dự các hoạt động tôn giáo đang càng ngày càng giảm đi. Khuynh hướng này phản ảnh cả việc thù nghịch đối với tôn giáo lẫn việc dửng dưng đối với nó. Tuy thế, các quan niệm, giá trị và thực hành tôn giáo vẫn phảng phất trong toàn bộ nền văn minh Âu Châu. Theo Huntington, điều ấy có nghĩa: Âu Châu, khi làm suy yếu thành tố chính tạo ra mình là Kitô Giáo, quả đang lao đầu vào một cuộc khủng hoảng.

Nhà xã hội học tôn giáo người Anh là David Martin, có lúc giữ vai chủ tịch Hội Xã Hội Học Tôn Giáo Quốc Tế, cũng có cùng một kết luận. Ông nói: ở Âu Châu, việc thoát ly khỏi bất cứ thứ tôn giáo nào, nhất là khỏi Kitô Giáo, đã đạt tới những tỷ lệ chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Âu Châu đã trở thành lục địa duy nhất thực sự thế tục trên thế giới. Theo Martin, ảnh hưởng của Phong Trào Ánh Sáng, vốn có nguồn gốc Âu Châu, nay hoàn toàn đã thấm nhiễm vào mọi bình diện tại Âu Châu, và do đó, Kitô Giáo đã mất ý nghĩa của nó. Nhà xã hội học tôn giáo người Mỹ sinh tại Vienna là Peter Berger, cách nay không lâu, cũng kết luận rằng Âu Châu đã trở thành một thảm họa cho Giáo Hội. Theo một phúc trình về Âu Châu trên tờ Herald Tribune, ngày nay Âu Châu là khu vực vô thần nhất trên trái đất.

Năm 1992, tuần báo Đức Der Spiegel xem sét vấn đề liệu tôn giáo có tương lai gì không, hay liệu Thiên Chúa đã thua cuộc chưa. Tờ này đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến để thấy người Đức tin gì. Kết luận của tờ Der Spiegel được trình bày trong bài “Giã Biệt Thiên Chúa”. Theo đó, người Đức đã đánh mất niềm tin của họ vào Thiên Chúa và với niềm tin này là triết lý sống của Kitô Giáo. Tuy nhiên, ai cũng biết rõ chủ bút tờ Der Spiegel có khuynh hướng khá tiêu cực đối với Kitô Giáo, nên người ta có quyền nêu câu hỏi: ông ta đã giải thích kết quả cuộc thăm dò ý kiến kia ra sao, rất có thể việc giải thích này chịu ảnh hưởng ý kiến cá nhân của ông ta.

Dù gì, ta cũng phải nhìn nhận sự kiện này: trên lục địa Âu Châu vào lúc này, các số thống kê và các con số so sánh đều cho thấy một đà đi xuống trong việc thực hành tôn giáo, dù người ta không thể dùng thống kê để đo lường một số khía cạnh trong đời sống Giáo Hội.

Cái nhìn tích cực

Nhưng cũng có những dữ liệu khác cho thấy chiều hướng ngược lại. Các số thống kê tại Phi Châu và Á Châu cho thấy một sự gia tăng đáng kể về con số người Công Giáo ở cả hai lục địa. Trong tư cách đại diện đại kết của toàn bộ cộng đồng Kitô Giáo, Đức Giáo Hoàng vẫn được coi trọng trên khắp thế giới, nhất lả ở ngoài Âu Châu, và được giới truyền thông hết sức chú ý. Tạp chí Time bầu ngài là Người Của Năm 1994. Tháng Mười Một năm 1995, tờ Independent nói rằng Đức Giáo Hoàng là chiếc neo duy nhất trong thế giới hỗn mang hiện nay. Man vàn lời xưng tụng được gửi tới Đức HY Hume ngày ngài qua đời, không riêng gì từ Vương Quốc Thống Nhất, mà từ khắp nơi trên thế giới, là để dành cho một Kitô hữu điển hình của thời đại ta. Tôi được nhiều người cho hay các trường Công Giáo và Anh Giáo vẫn hết sức nổi danh tại Anh. Tại các nước khác,tình thế cũng vậy, nhất là tại Áo.

Như thế, ta thấy không thiếu các giọng nói nổi bật lên tiếng công bố cuộc phục hưng tôn giáo khắp thế giới, mà dấu chỉ đầu tiên đã khá hiển nhiên. Nhà xã hội học tôn giao người Pháp là Gilles Kepel đã nói lên ý kiến này trong cuốn sách của ông, tựa là La Revanche de Dieu (Cuộc Phục Thù Của Thiên Chúa). Còn các sử gia Hoa Kỳ như Weigel và Huntingdon cũng có cùng một cái nhìn như thế. Huntingdon nói một cách tổng quát hơn rằng: việc phục hưng tôn giáo trên khắp thế giới là một phản ứng chống lại chủ nghĩa duy tục, chủ nghĩa tương đối về luân lý, việc tự buông thả. Nó tái khẳng định các giá trị như trật tự, kỷ luật, làm việc, trợ giúp lẫn nhau và liên đới nhân bản.

Phong trào đại kết Taizé dành cho giới trẻ đã có những thành công đáng ngạc nhiên. Cách nay mấy năm, gần 100,000 người trẻ từ khắp các nước Đông và Tây Âu đã ùn ùn kéo nhau tới Vienna dự cuộc gặp gỡ Taizé dịp Lễ Giáng Sinh. Và năm 1997, có đến 1 tiệu người trẻ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Paris để gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, dù với những động lực phức tạp.

Nhưng quan tâm lớn lao đối với tôn giáo phần lớn lại nằm bên ngoài các giáo hội Kitô Giáo. Con số lớn lao các giáo phái vừa mọc lên là dấu hiệu cho người ta thấy: nói chung, con người không thể chịu đựng hơn nữa cảnh chân không thiếu tôn giáo. Vì, như một cuộc nghiên cứu về tôn giáo và triết lý hiện sinh cho thấy, tôn giáo quả thuộc về yếu tính của nhân loại: con người, cả nam lẫn nữ, đều tìm kiếm đường dây nối họ với Thiên Chúa hay với một vị thần nào đó. Pascal chính là người đã tóm tắt kinh nghiệm hiện sinh trong tâm trí kiếm tìm của con người như sau: “Trái tim có những lý lẽ mà lý lẽ không hề hiểu”, một câu nói không bao giờ mất tính hùng hồn của nó trong lịch sử tư tưởng Âu Châu.

Tiếng nói các khoa học gia

Bất chấp chủ nghĩa hoài nghi phổ biến ngày nay đối với các tiến bộ và khám phá của khoa học, người ta vẫn đang hết sức lưu ý tới khoa vật lý nguyên tử và các hiện tượng thiên văn học. Bởi thế, khi các khoa học gia hàng đầu lên tiếng nói về Thiên Chúa, họ đều được người ta lắng nghe. Năm 1992, người trúng giải Nobel về vật lý (1984) và là giám đốc Hội Đồng Âu Châu Nghiên Cứu Hạch Nhân (CERN: Conseil Européen de Recherches Nucléaires) là Carl Rubbia, trong cuộc phỏng vấn của tờ Neue Zurcher Zeitung, đã tuyên bố rằng : Khi ta liệt kê con số các thiên hà hay thăm dò sự hiện hữu của các phân tử sơ đẳng, thì có lẽ không tìm ra chứng cớ chứng minh có Thiên Chúa. Nhưng trong tư cách một khoa học gia nghiên cứu, tôi hết sức có ấn tượng trước sự trật tự và vẻ đẹp tìm thấy trong vũ trụ và trong các hiện tượng vật chất. Và trong tư cách một người quan sát thiên nhiên, tôi không thể bác bỏ tư tưởng này: chính tại đây có sự hiện hữu từ trước của một trật tự sự vật cao hơn. Tôi nhận thấy ý nghĩ cho rằng tất cả những điều này chỉ là kết quả của trùng hợp hay chỉ là sự đa dạng về thống kê quả là không thể chấp nhận được. Ở đây, quả có sự hiện hữu của một trí hiểu cao hơn, vượt quá và vượt lên trên sự hiện hữu của chính vũ trụ.

Albert Einstein, nhà vật lý học vĩ đại nhất của thế kỷ 20 cũng đạt tới kết luận tương tự. Ông không theo một tín ngưỡng đặc thù nào, nhưng trong khảo luận cuối cùng về Khoa Học và Tôn Giáo, ông viết: “Tôn giáo của tôi hệ ở việc khiêm nhu chiêm ngưỡng tinh thần bất tận tự tỏ mình ra trong những chi tiết nhỏ nhoi nhất mà ta có thể thấy được bằng trí óc mỏng dòn yếu ớt của mình. Niềm xác tín hết sức cảm xúc ấy về sự hiện hữu của quyền lực suy luận thượng đẳng ấy tự tỏ mình ra trong vũ trụ khả niệm của ta. Chính điều đó tạo thành ý niệm của tôi về Thiên Chúa”.

Đi tìm ý nghĩa đời người

Công đồng Vatican II bổ túc các khẳng định khoa học trên khi bàn đến ý nghĩa của sự sống. Tuyên Ngôn về Liên Hệ của Giáo Hội với Các Tôn Giáo Không Phải Kitô Giáo nói rằng: Con người kiếm tìm trong các tôn giáo khác nhau câu trả lời cho các điều bí ẩn chưa ai giải đáp được về sự hiện hữu của con người (Nostra Aetate, 1). Các vấn đề đang đè nặng lên tâm hồn con người ngày nay hay ngày xưa cũng đều giống nhau. Nhân loại là gì? Đâu là ý nghĩa và mục đích của sự sống? Đau khổ do đâu phát sinh và nhắm cùng đích nào? Làm thế nào tìm được hạnh phúc chân chính? Điều gì xẩy ra sau khi chết? Phán xét là gì? Đâu là phần thưởng sau khi chết? Và sau cùng, mầu nhiệm tối hậu là gì, một mầu nhiệm vượt quá sự giải thích của con người, bao gồm toàn cuộc hiện sinh của ta, phát sinh ra nguồn cội của ta, và ta đang hướng tới?

Tất cả chúng ta đều đang đi tìm ý nghĩa và mục đích đời mình. Cả chủ nghĩa bất khả tri mơ hồ lẫn môi trường tục hóa đều không đem lại cho ta các câu trả lời thỏa đáng cho các mầu nhiệm chưa ai giải quyết được về sự sống con người. Nên con người vẫn đi tìm các giái đáp ở bất cứ chỗ nào tình cờ đang cung cấp nó hay ở bất cứ chỗ nào họ tình cờ tìm ra nó.

Vì cuộc đi tìm ý nghĩa và mục đích sự sống là một trong những vấn đề then chốt trong triết học, văn học và phân tâm học ngày nay. Tại Vienna, nhà trị liệu quá cố Viktor Frankl, một đệ tử của Freud, đã đặt căn bản phương pháp mà ông gọi là “logotherapy” (1) trên việc đi tìm ý nghĩa cuộc hiện sinh của ta. Việc đi tìm này không là một với cuộc đi tìm Thiên Chúa nhưng rất gần với cuộc đi tìm ấy. Đây không phải là việc đi tìm bất cứ ý nghĩa nào cho cuộc hiện sinh của ta, mà tìm cho được ý nghĩa cho chính cuộc sống của mình. Ngay những phát biểu sai lầm của tôn giáo trong các nền văn hóa khác nhau, xét cho tới nơi, cũng đều là những hoài mong có được câu trả lời đáng tin đối với các câu hỏi tối hậu trong cuộc hiện sinh của ta, một câu trả lời đối với sự bất ổn của đời ta.

Không một dân tộc nào vô tôn giáo

Chính môn tôn giáo học so sánh đã chỉ cho ta thấy rõ: theo tầm hiểu biết của ta, chưa bao giờ có một dân tộc hay một bộ lạc người nào không có tôn giáo. Chỉ sự kiện đó thôi cũng cho thấy tôn giáo liên hệ chặt chẽ với nhân loại, nó là một phần hữu thể ta. Như thế, tôn giáo học so sánh muốn chứng tỏ rằng thực hành tôn giáo là thiên bẩm (dowry) chủ yếu của linh hồn con người.

Nếu ta mở sách lịch sử, ta sẽ thấy ở mọi nơi và mọi lúc, các dân tộc bán khai và các tôn giáo chính trong các nền văn minh khác nhau đều hướng về Đấng Thiên Chúa hay các thần minh của họ trong tìm kiếm và khẩn cầu. Bất cứ nơi nào con người để lại dấu vết hay đền đài làm chứng tích đời họ, ta đều thấy các bằng chứng họ thực hành hy lễ cho các thần minh và khẩn cầu các vị trợ giúp.

Ở mọi lục địa và mọi thời đại, con người đều qùy gối khẩn cầu và ca ngợi, tạ ơn và tạ tội với Thiên Chúa, và để lại cho ta những biểu hiện của việc họ kêu van nài xin để nhiều thời đại sau ta có thể nhìn vào con người bên trong nhất của họ.

Những lời kinh cảm tạ đơn giản của người Yamana trên Tierra del Fuego, những lời khẩn cầu trên các bia mộ Ai Cập, những tiếng kêu tha thiết được bất tử hóa trên đất sét của họ bằng ngôn ngữ tượng hình, những lời cầu trời của người Trung Hoa, những lời kinh của người Hy Lạp và La Mã khẩn cầu cho chiến thắng và thành công, những tiếng tụng kinh đạo hạnh của kinh điển Phật Giáo, những ca khúc ngợi khen thần minh tại các vạn thần miếu Vedic và Avestic ở Ấn Độ và Ba Tư, đều là những kinh Vinh Danh (Gloria) nhiều giọng, bất tận, được đục hay khắc vào đá hoặc viết lên đất sét. Chúng đều là những kinh Miserere and De Profundis (Xin Thương Xót và Từ Vực Sâu) hết sức cảm động của những con người từng sống cả mấy nghìn năm trước dùng để khẩn cầu các quyền năng cao hơn mình trợ giúp và giải thoát. Ngay từ những thời xa xăm nhất của lịch sử thế giới mà ta có thể kiếm lại được các biểu hiện và nền văn minh nhân loại, các dấu vết và giọng nói khẩn cầu, khấn xin của những con người nhân bản vẫn được ta khám phá ra.

Và giờ đây, để so sánh, ta hãy lắng nghe lời của một con người đã từ bỏ việc đi tìm Thiên Chúa, đã từ khước không cầu nguyện nữa, và là người dứt khoát dơ cánh tay lên chống lại Thiên Chúa. Đó chính là Friedrich Nietzsche, người nhất định tìm cách giết Thiên Chúa, nghĩa là đặt con người vào chỗ của Người. Nói với mình, ông bảo: “Ngươi sẽ không bao giờ cầu nguyện lại nữa, không bao giờ thờ lạy lại nữa, không bao giờ an nghỉ lại trong một niềm tín thác bất tận nữa. Ngươi không được cho phép ngươi ngưng lại trước bất cứ sự khôn ngoan tối hậu nào, sự tốt lành tối hậu nào, quyền lực tối hậu nào, khi vận dụng tư tưởng ngươi. Ngươi không có đấng bảo hộ và bằng hữu đời đời nào cho bẩy thứ cô đơn của ngươi. Ngươi sống không cần thấy núi, thấy tuyết trên đỉnh chúng và lửa trong tâm chúng. Không còn người báo thù cho ngươi cũng không còn người hoàn thiện ngươi lần sau hết nữa. Không còn bất cứ lý lẽ nào cho những điều đang xẩy ra nữa, mà cũng không còn bất cứ yêu thương nào trong những điều sẽ xẩy ra cho ngươi nữa. Không còn nơi an nghỉ nào mở cửa cho trái tim ngươi nữa, nơi nó chỉ cần thấy chứ không cần tìm nữa. Ngươi phải chống lại bất cứ thứ sự bình an tối hậu nào… Ai sẽ cho ngươi sức mạnh để làm những điều ấy? Không ai từng có sức mạnh này” (Nietzsche, Fröhliche Wissenschaft, Aphorism 285.)

Đây là giọng nói của một con người muốn đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa và do đó tự diệt vong mình ngay trong diễn trình ấy. Những quan điểm trái ngược nhau trên có nghĩa gì đối với các Kitô hữu ở lúc hừng đông của thiên niên kỷ mới? Một đàng, có những con số phản ảnh việc xa lìa Giáo Hội như một cộng đồng tín hữu, nhưng đàng khác, chúng ta lại bắt gặp một lòng hoài mong trông đợi Thiên Chúa. Đâu là lý do tạo ra đà xuống dốc cho các Giáo Hội Kitô Giáo? Có nên đổ lỗi cho xã hội không? Hay vì các Giáo Hội Kitô Giáo không hiểu các dấu chỉ của thời đại? hay không muốn hiểu chúng? Và do đó không nhận được sứ điệp của chúng? Hay tại lỗi của chính các Kitô hữu?

Bởi thế câu hỏi đầu tiên: có nên đổ lỗi cho xã hội không?

Trong thế kỷ 20, xã hội ta đã trở nên đa nguyên và đa văn hóa hơn bao giờ hết. Người ta dễ khám phá ra một sự biến đổi sâu rộng khắp mọi nơi. Khoa học và kỹ thuật đã thay đổi cuộc sống ta từ căn bản. Hai thế chiến đã tàn phá Âu Châu. Nhưng niềm tin vào tiến bộ khoa học như một thay thế cho tôn giáo, khởi đầu thế kỷ hết sức mạnh, nay đang bắt đầu lung lay.

35 năm trước đây, khi chưa có được những con số thống kê mà ta có hiện nay về việc người ta giảm quan tâm đối với niềm tin Kitô giáo, Công Đồng Vatican II đã thấy rằng “lịch sử đang tiến bước quá nhanh đến nỗi từng cá nhân riêng rẽ khó lòng theo kịp. Vận mạng cộng đoàn nhân loại trở thành một mà thôi và không còn bị phân tán thành nhiều dòng lịch sử khác nhau nữa. Như vậy từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn, do đó phát sinh những vấn đề hết sức phức tạp mới mẻ đòi phải có những phân tích và tổng hợp mới” (Vui Mừng và Hy Vọng, 5).

Xa hơn chút nữa, cũng hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng (9) này nhận định thêm: con người càng ngày càng ý thức được rằng các sức mạnh họ vừa tạo ra vẫn nằm trong bàn tay của họ. Kiểm soát chúng hay để chúng nô dịch mình là tùy ở họ. Chính đây là thế lưỡng nan của thời hiện đại. Như vậy, Công Đồng đã thấy trước sự biến đổi xã hội to lớn sẽ xẩy ra vào hừng đông thiên niên kỷ mới. Và, vào lúc kết thúc đệ nhị thiên niên kỷ, việc chẩn bệnh của Công Đồng quả đã tỏ ra rất đúng: vì muốn được tự lập hơn bao giờ hết, các cá nhân đã càng ngày càng phải dựa vào chính mình nhiều hơn và tỏ ra bất tín nhiệm đối với bất cứ thứ định chế nào. Người ta tra vấn thẩm quyền. Hậu quả là: một đàng, có sự bất an phổ quát và mất tình liên đới đối với các đồng loại, cả nam lẫn nữ, của mình. Và đàng khác, chủ nghĩa vị kỷ và ngạo mạn đã dẫn tới việc gia tăng chỉ trích nhà nước và xã hội. Giáo Hội, trong vai trò cộng đồng Kitô hữu, cũng không tránh khỏi việc bị chỉ trích này.

Công luận cũng đã trải qua một biến đổi lớn. Xã hội truyền thông đầy năng động và mềm dẻo đã thay thế cho trật tự ổn định trước đây của các định chế đã được thiết lập từ lâu. Hệ thống giá trị mới đang dần dần lấn áp. Hôn nhân và gia đình là những định chế chịu nhiều tác động hơn cả. Kể từ thập niên 1960, tự do và độc lập đã trở thành các khẩu hiệu của giới trẻ. Nhưng tự do vô trách nhiệm cho mình và cho người khác là một tự do mỏng dòn.

Một cách vô hình, quyền lực lưỡng giá (ambivalent) của truyền thông đang càng ngày càng trở nên nhân tố quyết định nơi công luận đa văn hóa. Ngày nay, các biến cố địa phương thường được thổi phồng thành chiều kích hoàn cầu, và mọi sự kiện đơn độc đều được tổng quát hóa. Ai cũng xác tín rằng họ hoàn toàn hiểu biết và do đó có thể bình luận và phê phán các biến cố dù xa xôi vạn dặm. Mọi sự đều ở trạng thái trồi sụt và chẳng có gì xem ra là có thể cả. Một đàng, ta có sự trăm hoa đua nở về nhận thức và kinh nghiệm, một lòng sẵn sàng mới để giúp người, một lòng sẵn sàng, nhờ sử dụng được hệ thống thông tin hoàn cầu, càng trở nên sắc bén hơn. Nhưng đàng khác, người ta đang nói tới quyền lực của các hình ảnh ác, bầu khí tàn nhẫn và bạo lực mà nhiều người vẫn cho là do ảnh hưởng của truyền thông. Xem ra, càng ngày người ta càng xác tín rằng giải quyết các tranh chấp bằng vũ lực dễ hơn bằng đối thoại. Chỗ đứng của Kitô Giáo trong tất cả các vấn đề này là đâu?

Câu hỏi thứ hai: Đà xuống dốc có phải là do lỗi của các Giáo Hội?

Với một vận tốc đau đầu, xã hội truyền thông, một xã hội chỉ để mắt vào phía nhân bản của Giáo Hội, cũng đã làm tăng cảm quan bất an đối với các thực hành của Giáo Hội. Do đó, được truyền bá bằng lối tường thuật một chiều của truyền thông, hình ảnh tiêu cực về Giáo Hội và đức tin Kitô Giáo đã được thổi phồng hết cỡ. Đối diện với khung cảnh ấy, các nhà lãnh đạo Giáo Hội càng ngày càng cảm thấy bất an. Một số vị muốn rút chân ra khỏi tình thế phức tạp ấy và hướng chú ý của mình vào bên trong. Họ bận bịu với những phê bình chỉ trích nội bộ, tự phê phán mình, cố gắng canh tân cơ cấu. Trong những cuộc thảo luận sau Công Đồng, khuynh hướng này trở nên gia trọng hơn nữa vì sự chia rẽ giữa những người bảo thủ và những người cấp tiến. Một thứ cảnh tự nhìn rốn mình trong Giáo Hội đang diễn ra.

Nhưng, quan tâm hàng đầu của các Giáo Hội Kitô Giáo, của mọi Giáo Hội, nhất là Giáo Hội Công Giáo, trước nhất và trên hết không phải là hình ảnh công về mình. Quan tâm hàng đầu của nó luôn phải là chuyển giao sứ điệp Tin Mừng bằng quan điểm vừa thích ứng vừa bất biến của mình. Do đó, ta đối diện với câu hỏi: làm thế nào tôi có thể chu toàn nhiệm vụ chuyển giao sứ điệp này trong thế giới như hiện nay? Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nó đòi nhiều hơn mức bình thường sự hợp tác giữa các vị giám mục, linh mục và giáo dân. Cả ở đây, Công Đồng Vatican II cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tới sự cần thiết của một hợp tác như thế. Như hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân”, số 33, từng nói: Ngày nay, các giáo dân được mời gọi một cách đặc biệt phải làm cho Giáo Hội hiện diện và sinh hoa trái tại những nơi và trong những hoàn cảnh mà chỉ nhờ họ Giáo Hội mới trở nên muối đất.

Và điều đó nữa cũng là lý do khiến các nhà lãnh đạo Giáo Hội không nên nhát sợ trước sự đa dạng lớn lao. Trong nhiều năm qua, sự nhát sợ của các vị trong phạm vi này đã dẫn tới chủ nghĩa tập quyền và bàn giấy thái quá, đầy tính phòng ngự. Từ ngày Công Đồng Vatican II đến nay, người ta càng ngày càng hiểu rõ: Giáo Hội Công Giáo đang đối diện với một vấn đề thuộc loại đặc biệt trong tương lai. Tín hữu Công Giáo tại các giáo xứ và giáo phận ngã lòng khi không thấy an tâm hay phấn khích chút nào từ cơ quan lãnh đạo trung ương của Giáo Hội, khi nhiều cảnh cáo về sai lầm hay lạc giáo xuất hiện trên rất nhiều văn kiện xuất phát từ Rôma, ngoại trừ các văn kiện và thông điệp do chính Đức Giáo Hoàng viết. Tín hữu Công Giáo chờ mong các dấu chỉ khích lệ và việc trao đổi tin tức hỗ tương như dấu chỉ hợp nhất và đa dạng.

Đây là lý do tại sao ngày nay, những câu hỏi như ta cần loại lãnh đạo nào trong Giáo Hội Công Giáo ngõ hầu duy trì được sự hợp nhất của nó trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, và ta có thể áp dụng các hình thức đa dạng nào mà không gây thiệt hại nghiêm trọng cho sự hợp nhất kia, vẫn cứ tiếp tục được đặt ra. Qua thông điệp Ut Unum Sint (số 95), hiển nhiên ta thấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II biết rất rõ những câu hỏi này. Trong thông điệp này, ngài nhấn mạnh tới mối nối kết giữa giám mục đoàn và đức giáo hoàng. Theo ngài, giám mục Rôma cũng là thành viên của giám mục đoàn, và các giám mục là anh em của ngài trong thừa tác vụ.

Dựa vào Chúa Thánh Thần, ta phải dành chỗ cho tính đa diện của Giáo Hội trong mọi lãnh vực và trong mọi vấn đề của đời sống Giáo Hội. Cộng đồng tín hữu bắt rễ trong các gia đình, trong các giáo xứ, nơi người tín hữu trưởng thành đi vào cộng đồng và trở nên Kitô hữu nhờ phép rửa và các bí tích. Chính các cộng đồng bé nhỏ, nhưng sống động này lập thành mạng lưới Giáo Hội với các nhận thức của họ về Kitô Giáo, những huấn giáo tôn giáo căn bản dành cho người lớn (giáo lý) và tình liên đới trung trinh của họ. Trong các thời buổi sóng gió, mạng lưới này cần thông tin, thông đạt, tăng cường và khích lệ từ các cơ cấu lớn hơn của Giáo Hội thế giới, là Giáo Hội, căn cứ vào nguyên tắc phụ đới, phải có tính nâng đỡ chứ không độc tài. Lúc ấy, tình liên đới của cộng đồng Giáo Hội sẽ tăng tiến.

Câu hỏi thứ ba và cuối cùng: đà xuống dốc có phải là lỗi của chính các Kitô hữu không?

Thiên Chúa tạo dựng những con người sống động chứ không phải các cơ cấu. Xét cho cùng, ta luôn luôn xử lý với những con người. Các cơ cấu tốt nhất vẫn vô ích nếu con người nhân bản thất bại. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nói khi giảng dạy tại Israel, và sau Bài Giảng Trên Núi, đã nói như Mátthêu 5:13 ghi lại rằng: “Các con là muối đất; nhưng nếu muối mất vị, thì làm sao lấy lại được cái mặn của nó? Nó chẳng còn ích lợi chi cho điều gì hết ngoại trừ bị liệng đi… Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên đồi không thể bị che kín… Ánh sáng các con hãy chiếu rạng giữa muôn người, để khi thấy việc làm tốt của các con họ sẽ vinh danh Cha các con ở trên trời. Và sau cùng, ai nghe những lời này của Thầy và thực hành chúng sẽ như người khôn ngoan xây nhà trên đá”.

Điều này có nghĩa: thảo luận lời Chúa và chú giải về nó chưa đủ: trước nhất, ta phải mang nó ra thực thi và làm chứng cho nó bằng lối sống của ta. Không hề có câu trả lời ngoạn mục, không hề có công thức bí mật. Các giáo hội, tín hữu trong các giáo hội, phải là các nhà giải thích đáng tin cậy, phải là chứng nhân của tình Chúa yêu thương nhân loại. Đó chính là bí quyết của Mẹ Chân Phúc Têrêxa hoặc của Cha Thánh Maximilian Kolbe, những người đã thay đổi thế giới bao quanh họ. Và như thế, Kitô Giáo và các giáo hội của nó không cần phải sáng chế bất cứ điều gì mới. Họ chỉ cần ra đi công bố cùng một Tin Mừng, không hẳn bằng lời cho bằng làm chứng một cách yêu thương qua lối sống của mình.

Để làm nổi bật các cố gắng hiểu biết thế giới của mình, Công Đồng Vatican II bắt đầu hiến chế mục vụ vĩ đại về Giáo Hội trong thế giới ngày nay bằng một tuyên bố đổi mới có tính nhân bản Kitô Giáo rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Vui Mừng Và Hy Vọng, 1). Với cái đà vĩ đại ấy, Công Đồng đã đem lại cho diễn trình tương lai của Giáo Hội một trang bị giá trị mà ta cần phải sử dụng nhuần nhuyễn. Chỉ cần lưu ý một số chữ then chốt ở đây: hình ảnh đổi mới về Giáo Hội, các cố gắng để phát huy việc đại kết, việc hợp tác giữa các linh mục và giáo dân, tầm quan trọng của các tôn giáo lớn theo quan điểm Kitô Giáo qua đối thoại liên tôn, và sau cùng việc nhấn mạnh tới tự do tôn giáo.

Kết luận

Ta có thể tóm lược như thế này: cộng đồng Kitô Giáo ở Âu Châu, một cộng đồng mà từ cuộc trở lại của Hoàng Đế Constantinô vào thế kỷ thứ tư trở về sau rất được công luận kính nể và hỗ trợ, nhưng ngày nay đang bị lật nhào trở lại chính mình bởi một môi trường sống không biết tin, dửng dưng và đôi khi còn thù nghịch nữa, và cũng như lúc khởi đầu phải tự xoay xở thế nào, thì nay cũng chỉ còn trơ lại các tài nguyên riêng của mình, những tài nguyên vốn từng diễn biến từ các yếu tố cả thần linh lẫn nhân bản. Các vết tích của một Giáo Hội thời Constantinô xem ra đang mờ dần, và một xoay chiều lần thứ hai cũng nền tảng không kém gì sự xoay chiều thời Constantinô đang chờ đợi ta. Đương đầu với làn gió lạnh lùng đối kháng, cộng đồng Kitô Giáo hợp nhất theo mẫu đại kết một lần nữa đang trở thành muối đất và ánh sáng trên đồi cao. Vì lời kêu gọi trở thành ánh sáng chiếu rọi từ đỉnh đồi cao, trở thành muối không mất vị mặn lúc nào cũng văng vẳng đối với lối sống Kitô Giáo mọi thời.

Sau cùng ta hãy lắng nghe giọng nói của một người mà đối với ông, làm chứng là điều quan trọng hơn cả: Hãy chiếu rọi như ánh sáng trong một thế giới âm u… Có lẽ người ta chả cần phải nói thế nếu đời ta thực sự chiếu rọi ra bên ngoài. Ta chả cần nói thế nếu ta để việc làm của ta lên tiếng. Có lẽ chả còn người ngoại đạo nếu tất cả chúng ta đều là những Kitô hữu chính danh, nếu ta tuân giữ các giới răn của Chúa Kitô. Nhưng thực ra, ta yêu tiền cũng như họ yêu, thực tế, còn hơn cả họ. Ta sợ chết cũng như họ sợ. Như thế làm sao họ bị các niềm tin của ta thuyết phục cho được? Bằng phép lạ ư? Đâu còn phép lạ. Bằng tác phong của ta ư? Tác phong ấy quá tệ. Bằng tình yêu chăng? Có thấy dấu vết nó ở nơi nào đâu? Đó chính là lý do tại sao có ngày ta phải tính sổ không phải chỉ là các tội lỗi của ta mà còn cả những thiệt hại do ta thực hiện.

Người diễn tả quan tâm của mình một cách mạnh mẽ như trên chính là Thánh Gioan Kim Khẩu, Thượng Phụ Constantinốp và là người đồng thời của Thánh Augustinô thế kỷ thứ năm. Điều Thánh Gioan Kim Khẩu nói lúc Kitô Giáo mới phôi thai cũng đúng đối với chúng ta trong xã hội đa văn hóa ngày nay khi ta khởi đầu một thiên niên kỷ mới. Lời mà thôi không đủ. Con người nhân bản và những điều họ làm mới là nhân tố quyết định.

Phóng dịch bài “The pull of God in a godless age” của Đức Hồng Y Franz König, Tổng Giám Mục Hưu Trí của Vienna, đăng trên tuần san The Tablet của Anh số 18/09/1999.

(1) Logotherapy là phương pháp trị liệu do nhà thần kinh học và phân tâm học Viktor Frankl khai triển. Nó được coi là “Trường Phái Trị Liệu Tâm Lý Thứ Ba Của Vienna” bên cạnh phân tâm học của Freud và tâm lý học cá nhân của Adler. Đây là loại phân tích hiện sinh tập chú vào ý chí tìm ý nghĩa, đối nghịch với học thuyết ý chí tìm quyền lực chịu ảnh hưởng Nietzsche của Adler, và ý chí tìm khoái lạc của Freud. Thay vì quyền lực hay khoái lạc, logotherapy xây dựng trên niềm tin cho rằng chính cố gắng đi tìm ý nghĩa đời người mới là sức mạnh hàng đầu, mạnh nhất nơi con người.
 
Nhân ngày Father Day: 100 thành phố đáng sống nhất cho các ông Bố
Trần Mạnh Trác
13:05 18/06/2011
Ngày Father Day đầu tiên không phải là một ngày vui mừng đáng ghi nhớ gì cho lắm! Vào năm 1907 khí methane của mỏ than Monongah phát nổ và giết chết 350 công nhân, để lại cho thành phố Fairmont, West Virginia, trên 1000 trẻ mồ côi.

Tháng 7 năm sau, năm 1908, một ngày giỗ chung đã được tổ chức để tôn vinh những nạn nhân trong thảm họa tồi tệ nhất từ xưa đến nay đó, và, trên thực tế, là tưởng niệm tất cả các ông Bố của Fairmont.

Ngày vui mừng đầu tiên để vinh danh các ông Bố có thể là của thành phố Spokane, Washington, họ tổ chức Father day vào năm 1910. Do đó Spokane vẫn tranh cãi là chính mình mới là nơi lịch sử của ngày Father Day.

Ngày nay đối với đa số, thì Father Day chỉ còn ý nghĩa là một chiếc cà vạt mới hoặc là một bữa ăn tối cho ông Bố. Nhưng dịp lễ cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ về việc làm thế nào để cho các ông Bố được dễ chịu hơn một chút.

Môi trường sinh sống là một yếu tố quan trọng cho nên câu hỏi được đặt ra là: Thành phố nào có nhiều công việc tốt giúp cho việc nuôi sống gia đình của một ông Bố được chút dễ dàng hơn quanh năm (Dads-per-capita rank)? Nơi nào có những tổ chức giải trí giúp cho Bố và Con có nhiều thời gian 'có chất lượng' với nhau (Little leagues-per-Dad rank)? Nơi nào có nhiều bác sĩ 'tim mạch' để điều trị các cơn đau tim 'đột xuất' của các ông Bố (Cardiologists-per-Dad rank)? Nơi nào có nhiều chương trình giúp vui trong ngày Father Day (Father’s Day fun day rank)? và sau cùng nơi nào có chất lượng giáo dục cao để các ông Bố yên tâm về việc giáo dục con cái (School quality (1-10 scale))?

Báo Newsweek đã dùng các dữ liệu lấy ra từ US Census Bureau và xếp hạng 100 thành phố đáng sống nhất ở Hoa Kỳ cho một người Cha.

Theo bảng ngôi thứ của báo Newsweek thì cả hai thành phố Fairmont và Spokane trên đều lọt sổ cả.

Nơi ông Bố của bạn sống có phải là một thành phố thân thiện với người Cha không? Xin coi bảng xếp hạng sau đây:

#1, Irvine, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 7
Little leagues-per-Dad rank: 49
Cardiologists-per-Dad rank: 18
Father’s Day fun day rank: 28
School quality (1-10 scale): 10

#2, Scottsdale, Arizona

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 4
Little leagues-per-Dad rank: 83
Cardiologists-per-Dad rank: 24
Father’s Day fun day rank: 4
School quality (1-10 scale): 9

#3, Gilbert, Arizona

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 8
Little leagues-per-Dad rank: 64
Cardiologists-per-Dad rank: 31
Father’s Day fun day rank: 20
School quality (1-10 scale): 9

#4, Orlando, Florida

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 73
Little leagues-per-Dad rank: 5
Cardiologists-per-Dad rank: 22
Father’s Day fun day rank: 1
School quality (1-10 scale): 6

#5, Tampa, Florida

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 57
Little leagues-per-Dad rank: 2
Cardiologists-per-Dad rank: 33
Father’s Day fun day rank: 18
School quality (1-10 scale): 6

#6, Chandler, Arizona

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 12
Little leagues-per-Dad rank: 65
Cardiologists-per-Dad rank: 40
Father’s Day fun day rank: 25
School quality (1-10 scale): 8

#7, Pittsburgh, Pennsylvania

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 84
Little leagues-per-Dad rank: 12
Cardiologists-per-Dad rank: 6
Father’s Day fun day rank: 17
School quality (1-10 scale): 6

#8, North Las Vegas, Nevada

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 36
Little leagues-per-Dad rank: 20
Cardiologists-per-Dad rank: 28
Father’s Day fun day rank: 3
School quality (1-10 scale): 3

#9, Glendale, Arizona

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 56
Little leagues-per-Dad rank: 61
Cardiologists-per-Dad rank: 19
Father’s Day fun day rank: 10
School quality (1-10 scale): 7

#10, Boston, Massachusetts

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 93
Little leagues-per-Dad rank: 3
Cardiologists-per-Dad rank: 4
Father’s Day fun day rank: 11
School quality (1-10 scale): 4

#11, Chesapeake, Virginia

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 1
Little leagues-per-Dad rank: 35
Cardiologists-per-Dad rank: 60
Father’s Day fun day rank: 59
School quality (1-10 scale): 7

#12, Seattle, Washington

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 34
Little leagues-per-Dad rank: 28
Cardiologists-per-Dad rank: 42
Father’s Day fun day rank: 40
School quality (1-10 scale): 6

#13, Portland, Oregon

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 41
Little leagues-per-Dad rank: 14
Cardiologists-per-Dad rank: 53
Father’s Day fun day rank: 37
School quality (1-10 scale): 6

#14, Madison, Wisconsin

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 47
Little leagues-per-Dad rank: 21
Cardiologists-per-Dad rank: 34
Father’s Day fun day rank: 26
School quality (1-10 scale): 4

#15, Arlington, Virginia

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 64
Little leagues-per-Dad rank: 4
Cardiologists-per-Dad rank: 3
Father’s Day fun day rank: 87
School quality (1-10 scale): 6

#16, Mesa, Arizona

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 9
Little leagues-per-Dad rank: 81
Cardiologists-per-Dad rank: 58
Father’s Day fun day rank: 23
School quality (1-10 scale): 7

#17, Rochester, New York

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 99
Little leagues-per-Dad rank: 13
Cardiologists-per-Dad rank: 13
Father’s Day fun day rank: 9
School quality (1-10 scale): 4

#18, Cincinnati, Ohio

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 92
Little leagues-per-Dad rank: 43
Cardiologists-per-Dad rank: 20
Father’s Day fun day rank: 5
School quality (1-10 scale): 6

#19, Plano, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 3
Little leagues-per-Dad rank: 86
Cardiologists-per-Dad rank: 54
Father’s Day fun day rank: 43
School quality (1-10 scale): 8

#20, Henderson, Nevada

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 2
Little leagues-per-Dad rank: 85
Cardiologists-per-Dad rank: 57
Father’s Day fun day rank: 47
School quality (1-10 scale): 8

#21, Anaheim, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 37
Little leagues-per-Dad rank: 11
Cardiologists-per-Dad rank: 26
Father’s Day fun day rank: 80
School quality (1-10 scale): 5

#22, St. Louis, Missouri

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 94
Little leagues-per-Dad rank: 19
Cardiologists-per-Dad rank: 8
Father’s Day fun day rank: 22
School quality (1-10 scale): 4

#23, Santa Ana, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 83
Little leagues-per-Dad rank: 26
Cardiologists-per-Dad rank: 21
Father’s Day fun day rank: 29
School quality (1-10 scale): 5

#24, St. Petersburg, Florida

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 40
Little leagues-per-Dad rank: 24
Cardiologists-per-Dad rank: 47
Father’s Day fun day rank: 50
School quality (1-10 scale): 5

#25, Buffalo, New York

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 88
Little leagues-per-Dad rank: 8
Cardiologists-per-Dad rank: 27
Father’s Day fun day rank: 16
School quality (1-10 scale): 3

#26, Reno, Nevada

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 43
Little leagues-per-Dad rank: 56
Cardiologists-per-Dad rank: 55
Father’s Day fun day rank: 24
School quality (1-10 scale): 6

#27, St. Paul, Minnesota

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 70
Little leagues-per-Dad rank: 45
Cardiologists-per-Dad rank: 11
Father’s Day fun day rank: 15
School quality (1-10 scale): 3

#28, Louisville, Kentucky

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 18
Little leagues-per-Dad rank: 27
Cardiologists-per-Dad rank: 61
Father’s Day fun day rank: 55
School quality (1-10 scale): 4

#29, Washington, DC

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 95
Little leagues-per-Dad rank: 10
Cardiologists-per-Dad rank: 10
Father’s Day fun day rank: 81
School quality (1-10 scale): 0

#30, Fort Wayne, Indiana

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 17
Little leagues-per-Dad rank: 42
Cardiologists-per-Dad rank: 64
Father’s Day fun day rank: 51
School quality (1-10 scale): 5
#31, Atlanta, Georgia

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 96
Little leagues-per-Dad rank: 58
Cardiologists-per-Dad rank: 14
Father’s Day fun day rank: 8
School quality (1-10 scale): 5

#32, Aurora, Colorado

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 24
Little leagues-per-Dad rank: 72
Cardiologists-per-Dad rank: 36
Father’s Day fun day rank: 35
School quality (1-10 scale): 4

#33, Indianapolis, Indiana

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 52
Little leagues-per-Dad rank: 22
Cardiologists-per-Dad rank: 48
Father’s Day fun day rank: 45
School quality (1-10 scale): 4

#34, Cleveland, Ohio

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 97
Little leagues-per-Dad rank: 63
Cardiologists-per-Dad rank: 5
Father’s Day fun day rank: 2
School quality (1-10 scale): 4

#35, Minneapolis, Minnesota

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 78
Little leagues-per-Dad rank: 55
Cardiologists-per-Dad rank: 9
Father’s Day fun day rank: 13
School quality (1-10 scale): 3

#36, Lexington, Kentucky

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 20
Little leagues-per-Dad rank: 84
Cardiologists-per-Dad rank: 50
Father’s Day fun day rank: 52
School quality (1-10 scale): 7

#37, Durham, North Carolina

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 51
Little leagues-per-Dad rank: 57
Cardiologists-per-Dad rank: 17
Father’s Day fun day rank: 31
School quality (1-10 scale): 3

#38, Hialeah, Florida

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 23
Little leagues-per-Dad rank: 59
Cardiologists-per-Dad rank: 12
Father’s Day fun day rank: 88
School quality (1-10 scale): 5

#39, Las Vegas, Nevada

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 29
Little leagues-per-Dad rank: 54
Cardiologists-per-Dad rank: 65
Father’s Day fun day rank: 34
School quality (1-10 scale): 5

#40, Riverside, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 42
Little leagues-per-Dad rank: 1
Cardiologists-per-Dad rank: 78
Father’s Day fun day rank: 62
School quality (1-10 scale): 5

#41, Chula Vista, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 27
Little leagues-per-Dad rank: 60
Cardiologists-per-Dad rank: 29
Father’s Day fun day rank: 93
School quality (1-10 scale): 7

#42, Virginia Beach, Virginia

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 11
Little leagues-per-Dad rank: 15
Cardiologists-per-Dad rank: 99
Father’s Day fun day rank: 74
School quality (1-10 scale): 6

#43, Kansas City, Missouri

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 46
Little leagues-per-Dad rank: 68
Cardiologists-per-Dad rank: 38
Father’s Day fun day rank: 36
School quality (1-10 scale): 5

#44, Oakland, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 80
Little leagues-per-Dad rank: 7
Cardiologists-per-Dad rank: 30
Father’s Day fun day rank: 72
School quality (1-10 scale): 5

#45, Jersey City, New Jersey

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 67
Little leagues-per-Dad rank: 32
Cardiologists-per-Dad rank: 1
Father’s Day fun day rank: 92
School quality (1-10 scale): 5

#46, Omaha, Nebraska

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 32
Little leagues-per-Dad rank: 41
Cardiologists-per-Dad rank: 67
Father’s Day fun day rank: 53
School quality (1-10 scale): 5

#47, Miami, Florida

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 82
Little leagues-per-Dad rank: 70
Cardiologists-per-Dad rank: 15
Father’s Day fun day rank: 39
School quality (1-10 scale): 6

#48, Norfolk, Virginia

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 76
Little leagues-per-Dad rank: 29
Cardiologists-per-Dad rank: 39
Father’s Day fun day rank: 38
School quality (1-10 scale): 4

#49, Milwaukee, Wisconsin

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 87
Little leagues-per-Dad rank: 17
Cardiologists-per-Dad rank: 35
Father’s Day fun day rank: 19
School quality (1-10 scale): 2

#50, Boise, Idaho

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 5
Little leagues-per-Dad rank: 80
Cardiologists-per-Dad rank: 90
Father’s Day fun day rank: 46
School quality (1-10 scale): 7
#51, Newark, New Jersey

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 91
Little leagues-per-Dad rank: 6
Cardiologists-per-Dad rank: 2
Father’s Day fun day rank: 73
School quality (1-10 scale): 3

#52, Albuquerque, New Mexico

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 21
Little leagues-per-Dad rank: 23
Cardiologists-per-Dad rank: 72
Father’s Day fun day rank: 95
School quality (1-10 scale): 6

#53, Columbus, Ohio

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 66
Little leagues-per-Dad rank: 71
Cardiologists-per-Dad rank: 49
Father’s Day fun day rank: 14
School quality (1-10 scale): 5

#54, Akron, Ohio

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 69
Little leagues-per-Dad rank: 74
Cardiologists-per-Dad rank: 51
Father’s Day fun day rank: 6
School quality (1-10 scale): 5

#55, Sacramento, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 60
Little leagues-per-Dad rank: 9
Cardiologists-per-Dad rank: 56
Father’s Day fun day rank: 77
School quality (1-10 scale): 5

#56, Baltimore, Maryland

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 98
Little leagues-per-Dad rank: 36
Cardiologists-per-Dad rank: 16
Father’s Day fun day rank: 54
School quality (1-10 scale): 5

#57, Houston, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 48
Little leagues-per-Dad rank: 33
Cardiologists-per-Dad rank: 75
Father’s Day fun day rank: 49
School quality (1-10 scale): 5

#58, Tucson, Arizona

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 75
Little leagues-per-Dad rank: 40
Cardiologists-per-Dad rank: 62
Father’s Day fun day rank: 42
School quality (1-10 scale): 6

#59, San Diego, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 45
Little leagues-per-Dad rank: 34
Cardiologists-per-Dad rank: 86
Father’s Day fun day rank: 69
School quality (1-10 scale): 7

#60, Raleigh, North Carolina

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 53
Little leagues-per-Dad rank: 100
Cardiologists-per-Dad rank: 59
Father’s Day fun day rank: 12
School quality (1-10 scale): 6

#61, Corpus Christi, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 38
Little leagues-per-Dad rank: 25
Cardiologists-per-Dad rank: 84
Father’s Day fun day rank: 66
School quality (1-10 scale): 5

#62, Lubbock, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 44
Little leagues-per-Dad rank: 44
Cardiologists-per-Dad rank: 66
Father’s Day fun day rank: 75
School quality (1-10 scale): 6

#63, Birmingham, Alabama

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 90
Little leagues-per-Dad rank: 100
Cardiologists-per-Dad rank: 7
Father’s Day fun day rank: 7
School quality (1-10 scale): 4

#64, Austin, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 49
Little leagues-per-Dad rank: 37
Cardiologists-per-Dad rank: 87
Father’s Day fun day rank: 57
School quality (1-10 scale): 6

#65, Honolulu, Hawaii

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 15
Little leagues-per-Dad rank: 100
Cardiologists-per-Dad rank: 80
Father’s Day fun day rank: 48
School quality (1-10 scale): 7

#66, Greensboro, North Carolina

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 50
Little leagues-per-Dad rank: 79
Cardiologists-per-Dad rank: 63
Father’s Day fun day rank: 27
School quality (1-10 scale): 5

#67, Philadelphia, Pennsylvania

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 86
Little leagues-per-Dad rank: 16
Cardiologists-per-Dad rank: 25
Father’s Day fun day rank: 67
School quality (1-10 scale): 3

#68, San Francisco, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 77
Little leagues-per-Dad rank: 69
Cardiologists-per-Dad rank: 41
Father’s Day fun day rank: 58
School quality (1-10 scale): 7

#69, New Orleans, Louisiana

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 89
Little leagues-per-Dad rank: 100
Cardiologists-per-Dad rank: 23
Father’s Day fun day rank: 21
School quality (1-10 scale): 6

#70, Denver, Colorado

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 62
Little leagues-per-Dad rank: 52
Cardiologists-per-Dad rank: 52
Father’s Day fun day rank: 30
School quality (1-10 scale): 3

#71, Garland, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 33
Little leagues-per-Dad rank: 78
Cardiologists-per-Dad rank: 32
Father’s Day fun day rank: 91
School quality (1-10 scale): 6

#72, San Jose, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 25
Little leagues-per-Dad rank: 30
Cardiologists-per-Dad rank: 91
Father’s Day fun day rank: 89
School quality (1-10 scale): 6

#73, Long Beach, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 74
Little leagues-per-Dad rank: 39
Cardiologists-per-Dad rank: 37
Father’s Day fun day rank: 86
School quality (1-10 scale): 6

#74, Tulsa, Oklahoma

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 26
Little leagues-per-Dad rank: 87
Cardiologists-per-Dad rank: 69
Father’s Day fun day rank: 44
School quality (1-10 scale): 5

#75, Anchorage, Alaska

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 10
Little leagues-per-Dad rank: 46
Cardiologists-per-Dad rank: 97
Father’s Day fun day rank: 99
School quality (1-10 scale): 7

#76, San Antonio, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 58
Little leagues-per-Dad rank: 38
Cardiologists-per-Dad rank: 77
Father’s Day fun day rank: 60
School quality (1-10 scale): 5

#77, Jacksonville, Florida

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 28
Little leagues-per-Dad rank: 67
Cardiologists-per-Dad rank: 79
Father’s Day fun day rank: 61
School quality (1-10 scale): 5

#78, Winston-Salem, North Carolina

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 31
Little leagues-per-Dad rank: 62
Cardiologists-per-Dad rank: 45
Father’s Day fun day rank: 97
School quality (1-10 scale): 5

#79, Oklahoma City, Oklahoma

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 13
Little leagues-per-Dad rank: 89
Cardiologists-per-Dad rank: 73
Father’s Day fun day rank: 64
School quality (1-10 scale): 5

#80, Toledo, Ohio

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 63
Little leagues-per-Dad rank: 100
Cardiologists-per-Dad rank: 44
Father’s Day fun day rank: 32
School quality (1-10 scale): 5
#81, Charlotte, North Carolina

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 19
Little leagues-per-Dad rank: 90
Cardiologists-per-Dad rank: 82
Father’s Day fun day rank: 63
School quality (1-10 scale): 6

#82, Stockton, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 54
Little leagues-per-Dad rank: 18
Cardiologists-per-Dad rank: 88
Father’s Day fun day rank: 70
School quality (1-10 scale): 4

#83, Colorado Springs, Colorado

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 6
Little leagues-per-Dad rank: 88
Cardiologists-per-Dad rank: 92
Father’s Day fun day rank: 84
School quality (1-10 scale): 7

#84, Nashville, Tennessee

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 59
Little leagues-per-Dad rank: 53
Cardiologists-per-Dad rank: 43
Father’s Day fun day rank: 83
School quality (1-10 scale): 4

#85, Phoenix, Arizona

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 55
Little leagues-per-Dad rank: 75
Cardiologists-per-Dad rank: 83
Father’s Day fun day rank: 41
School quality (1-10 scale): 5

#86, Arlington, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 22
Little leagues-per-Dad rank: 76
Cardiologists-per-Dad rank: 93
Father’s Day fun day rank: 65
School quality (1-10 scale): 5

#87, Fort Worth, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 30
Little leagues-per-Dad rank: 50
Cardiologists-per-Dad rank: 96
Father’s Day fun day rank: 71
School quality (1-10 scale): 4

#88, Baton Rouge, Louisiana

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 81
Little leagues-per-Dad rank: 100
Cardiologists-per-Dad rank: 46
Father’s Day fun day rank: 33
School quality (1-10 scale): 5

#89, Bakersfield, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 39
Little leagues-per-Dad rank: 47
Cardiologists-per-Dad rank: 95
Father’s Day fun day rank: 94
School quality (1-10 scale): 5

#90, New York, New York

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 72
Little leagues-per-Dad rank: 48
Cardiologists-per-Dad rank: 74
Father’s Day fun day rank: 82
School quality (1-10 scale): 5
#91, Lincoln, Nebraska

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 14
Little leagues-per-Dad rank: 100
Cardiologists-per-Dad rank: 94
Father’s Day fun day rank: 78
School quality (1-10 scale): 5

#92, Dallas, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 65
Little leagues-per-Dad rank: 82
Cardiologists-per-Dad rank: 76
Father’s Day fun day rank: 68
School quality (1-10 scale): 5

#93, Los Angeles, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 71
Little leagues-per-Dad rank: 31
Cardiologists-per-Dad rank: 81
Father’s Day fun day rank: 98
School quality (1-10 scale): 4

#94, Chicago, Illinois

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 79
Little leagues-per-Dad rank: 51
Cardiologists-per-Dad rank: 71
Father’s Day fun day rank: 76
School quality (1-10 scale): 3

#95, Wichita, Kansas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 16
Little leagues-per-Dad rank: 100
Cardiologists-per-Dad rank: 85
Father’s Day fun day rank: 79
School quality (1-10 scale): 3

#96, Fresno, California

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 68
Little leagues-per-Dad rank: 66
Cardiologists-per-Dad rank: 89
Father’s Day fun day rank: 90
School quality (1-10 scale): 5

#97, El Paso, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 35
Little leagues-per-Dad rank: 100
Cardiologists-per-Dad rank: 98
Father’s Day fun day rank: 96
School quality (1-10 scale): 6

#98, Memphis, Tennessee

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 85
Little leagues-per-Dad rank: 100
Cardiologists-per-Dad rank: 70
Father’s Day fun day rank: 56
School quality (1-10 scale): 4

#99, Laredo, Texas

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 61
Little leagues-per-Dad rank: 77
Cardiologists-per-Dad rank: 100
Father’s Day fun day rank: 100
School quality (1-10 scale): 4


#100, Detroit, Michigan

Dads-per-capita rank (among 100 largest cities): 100
Little leagues-per-Dad rank: 73
Cardiologists-per-Dad rank: 68
Father’s Day fun day rank: 85
School quality (1-10 scale): 3
 
Điện toán thường thức: Gọi điện thoại sang Mỹ và Canada không tốn một xu
Thúy Dung
19:55 18/06/2011
Hỏi: Tôi ở Việt Nam, người nhà ở Mỹ đau nặng, gọi điện sang mấy tháng nay tốn tiền quá, có cách nào để đỡ tốn tiền hơn không?

Thưa: Có chứ. Không những đỡ tốn tiền mà thực ra là không mất một xu nào nếu quý vị có Internet.

Vật dụng cần thiết:

Ngoài computer nối kết vào Internet, quý vị cần có một micro (để nói) và một speaker (để nghe người ở đầu giây bên kia nói cái gì). Quý vị cắm micro và speaker vào soundcard ở đằng sau máy.

Thực hành

Bước 1: (Chỉ dành cho quý vị nào chưa có Gmail)

Nếu chưa có một Gmail account thì nhấn vào đây để làm một Gmail account.

https://www.google.com/accounts/NewAccount

Bước 2: Login vào Gmail https://mail.google.com/ giống như khi mình muốn xem có ai gởi thư hỏi han gì mình không.

Bước 3: Ngó ở bên tay trái quý vị sẽ thấy như hình bên. Nhấn vào chỗ Call phone. Lần đầu tiên, Google sẽ yêu cầu quý vị cài đặt một software. Sau khi cài đặt xong, mỗi khi gọi điện thoại đến điện thoại nhà hay điện thoại di động quý vị chọn như hình đính kèm rồi đánh số muốn gọi vào. Sau đó, nhấn vào nút Call như trong hình đính kèm.

Gọi kiểu này vừa không tốn tiền vừa tránh không bị “các thế lực sự ác” dòm ngó. Chương trình phải “digitize” tiếng nói của quý vị để truyền qua Internet. Lúc nó digitize thì nó mã hóa luôn thành ra “các thế lực sự ác” không biết quý vị nói cái gì.

Hỏi: Thế nếu người ở Mỹ muốn gọi cho người ở Mỹ thì có được không?

Thưa: Đương nhiên là được và cũng không tốn tiền.

Hỏi: Thế nếu muốn gọi cho người ở nước khác ngoài Hoa Kỳ thì có được không?

Thưa: Đương nhiên là được nhưng:

Nếu gọi sang Canada thì giống như Mỹ là không tốn tiền.

Gọi về Việt Nam: 0.09 USD một phút.

Gọi sang Australia: 0.02 USD một phút nếu gọi điện thoại nhà, 0.17 USD một phút nếu gọi cho điện thoại di động.

Gọi sang Pháp: 0.02 USD một phút nếu gọi điện thoại nhà, 0.15 USD một phút nếu gọi cho điện thoại di động.

Bảng giá đầy đủ ở đây: https://www.google.com/voice/rates?hl=en
 
Thông Báo
Cáo Phó: LM Luca Trần Khánh Tích mới qua đời tại Chí Hòa Saigòn
LM Phêrô Phan Khắc Triển
07:14 18/06/2011
CÁO PHÓ:
Trong niềm tin vào Chúa Kitô tử nạn và phục sinh,

Chúng con kính báo:

Cha Cố Luca Trần Khánh Tích
Sinh ngày 13 tháng 10 năm 1932 tại Hiếu Nghĩa, Tôn Đạo, Kim Sơn, Ninh Bình, Giáo phận Phát Diệm
Chịu chức Linh mục ngày 23 tháng 04 năm 1962 tại Sàigòn.
Đã được Chúa gọi về vào lúc 01g25’; ngày 18 tháng 06 năm 2011, tại Bệnh viện Thống Nhất, Saigòn.
Hưởng thọ 79 tuổi, với 49 năm Linh mục.

Đã phục vụ:
• 1962 – 1975: Phụ tá Giáo xứ Bình An, hạt Bình An.
• Hiệu trưởng trường Đồng Tâm.
• 1975 – 1998: Chính xứ Giáo xứ Bình An.
• 1992 – 1998: Hạt Trưởng Hạt Bình An,
• 1999 – 2006: Chính xứ Giáo xứ Thánh Tống Viết Bường, Hạt Phú Thọ.
• 2006 – 2011: Nghỉ Hưu tại nhà Hưu dưỡng Linh mục Chí Hòa.

CHƯƠNG TRÌNH LỄ TANG
• Nghi thức tẩn liệm: 17g00’ ngày 18 tháng 06 năm 2011 tại nhà Hưu Dưỡng Linh mục Chí Hòa.
• 08g00, Thứ Hai, ngày 20 tháng 06 năm 2011: Thánh lễ đồng tế tại nhà thờ Chí Hòa.
Sau đó di quan Cha Cố Luca về Nhà thờ Thánh Tống Viết Bường, số J10 Hương Giang, Phường 15, Quận 10.
Sau khi cộng đoàn Giáo xứ viếng xong sẽ di quan về nhà thờ Giáo xứ Bình An số 2287 Phạm Thế Hiển, Phường 6, Quận 8.
• Thánh lễ an táng vào lúc, 08g30; Thứ Tư, ngày 22 tháng 06 năm 2011 tại Nhà thờ Bình An,
Sau đó được an táng tại nghĩa trang giáo xứ Bình An, Hạt Bình An.

Kính xin Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu Sĩ
và cộng đồng dân Chúa thương cầu nguyện cho linh hồn Cha Cố Luca.
Chúng con xin chân thành cảm tạ.

Linh mục chính phó xứ và cộng đoàn Giáo xứ Bình An,
Linh mục chính xứ và cộng đoàn Giáo xứ Thánh Tống Viết Bường,
Đại diện Linh mục tu sĩ gốc Phát Diệm,
Gia đình Linh tông và Huyết tộc.
Kính Báo
 
Văn Hóa
Không có Chúa con là hư vô
Lm Vũđình Tường
02:44 18/06/2011
Khoa thở dài ngồi xuống ghế âu yếm hỏi cô vợ trẻ “còn thiếu gì không em?” Người vợ nhỏ nhẹ đáp: “Có lẽ như vậy cũng tạm đủ, chỉ cần mua thêm ít áo nữa là xong, nhưng bây giờ chưa biết cỡ nào để mà mua.” Cặp vợ chồng trẻ suốt mấy tháng qua chuẩn bị đủ thứ để cho đứa con đầu lòng chào đời. Ngày nào hai vợ chồng cũng chỉ quanh đi quẩn lại câu chuyện lo cho đứa con sắp sanh. Đó là niềm hy vọng của họ. Có một chút gì băn khoăn trong nỗi lo, và cũng có một chút gì vui vui trong hy vọng. Trong cái lo, có hy vọng, trong hy vọng có nhen nhúm thất vọng. Thật ra, trong việc chuẩn bị cho đứa con đầu lòng, vợ chồng Khoa chuẩn bị trong sự dự đoán của họ. Họ tưởng tượng ra đôi chân đứa bé để mua cho nó một đôi vớ, họ hình dung ra cái đầu để mua một cái mũ, nghĩ đến khuôn mặt xinh xinh có nụ cười tươi, cặp mắt sáng long lanh, đen huyền để lộ rõ cái lanh lợi, tinh thông của đứa bé. Những tưởng tượng trên mang đến cho vợ chồng Khoa bao là hy vọng. Những ước mơ kia trở thành sự thật.

Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta chào đời cũng tương tự như vậy. Thiên Chúa cũng sắm cho chúng ta những thứ cần thiết trước khi chúng ta chào đời. Vợ chồng trẻ chỉ chuẩn bị để đón con họ, Thiên Chúa chuẩn bị để gọi chúng ta từ hư vô, Ngài tạo thành chúng ta rồi ban cho chúng ta một cuộc sống. Thiên Chúa đưa chúng ta vào đời bằng hai cách: Cách thứ nhất qua trung gian cha mẹ ta. Cách thứ hai qua Thiên Chúa.

Ta không tự chọn để được sinh ra trong gia đình ông A hay bà B, và họ cũng không chọn ta. Họ chấp nhận ta và nuôi ta lớn lên. Nếu ta được sinh ra trong gia đình họ, ta tự nhiên được nuôi nấng, yêu quý và được giáo dục thành người. Thiên Chúa can thiệp qua việc ban cho ta sức khoẻ, trí khôn và sự sống để ta trưởng thành trong sứ mạng Chúa giao. Cha mẹ ta cộng tác với Thiên Chúa để chuẩn bị cho chúng ta một cuộc sống, chuẩn bị để chúng ta vào đời. Cha mẹ là người thi hành sứ mạng cao quý mà Thiên Chúa giao phó để coi sóc phần xác và chỉ bảo thêm về phần thiêng liêng. Mọi cố gắng tách biệt tình thương giữa cha mẹ và con cái đều là một thách đố chống lại ý Thiên Chúa.

Về tâm linh Thiên Chúa ban cho ta một lương tâm để suy xét điều phải trái, cho ta đức tin để ta tin vào Ngài và lớn lên trong ân sủng đó. Thiên Chúa không cho ta một người mẹ đức tin như thân xác, nhưng Ngài cho ta Giáo Hội Ngài. Giáo Hội nâng đỡ, chỉ dạy, ban huấn dụ giúp và chuẩn bị cho ta trong cuộc sống theo Chúa, trung thành với Ngài. Cuộc sống dù bơ vơ, dù đau khổ, dù có bị đời chê trách, xua đuổi thì cuộc sống đó vẫn là cuộc sống của thân phận làm người. Thiên Chúa không bao giờ bỏ ta, nếu Ngài dựng nên ta rồi lại bỏ rơi ta, thì tại sao Ngài lại dựng nên ta? Có chăng là ta không hiểu, biết được ý Ngài. Thiên Chúa có mục đích trong việc Chúa làm, trách nhiệm của ta là nếu Chúa đã chuẩn bị cho ta đủ khôn để bước chân vào đời thì ta có nhiệm vụ tìm ra ý Ngài. Chừng nào ta chưa biết được ý Ngài chừng đó đời còn là bể khổ, tìm được ý Ngài và chấp nhận nó thì đời sẽ không là bể khổ mà là nhân chứng của Chúa Kitô. Mỗi chúng ta là một nhân chứng cho tình yêu và mỗi nhân chứng có một vai trò trong xã hội để đóng. Người thành công là người đóng trọn vai trò của mình.

Lạy Chúa, con thâm tín rằng Thiên Chúa gọi con ra từ cõi hư vô, ban cho con sự sống làm người. Ngài chuẩn bị để con vào đời, để con thực thi ý Chúa và chuẩn bị để sống bất diệt với Ngài. Xin khẩn cầu để tìm ra ý Chúa. Nhìn lên Ngài để biết cùng đích cuộc đời. Đời dù đông đảo, Chúa dựng nên con và chỉ mình con, không ai giống con, cho đến ngàn đời.

Lm Vũđình Tường

(Viết ngày 15/12/1987)

TiengChuong.org
 
Ngày Hiền Phụ với nhạc phẩm Tình Cha của Nguyễn Văn Hiển
Nguyễn Văn Hiển
06:09 18/06/2011
Chúc mừng ngày hiền phụ của các bậc sinh thành với nhạc phẩm của Nguyễn Văn Hiển và ý thơ của Sương Lam.


 
Khúc tình ca viễn xứ
Nguyễn Huy Hoàng
08:20 18/06/2011
Có một loài hoa nở bên ghềnh đá
một loài hoa bình thường và nhỏ nhoi
nhưng mặt trời đã nhìn thấy và chiếu soi
bởi Chúa trên cao thấu hiểu tấm lòng nó

Có hai người dâng mình trong nhà Chúa
hai người nữ của một dân tộc nghèo hèn
nhưng tấm lòng đẹp tựa khúc nhạc êm
tha thiết cho một tình yêu dâng hiến

Bỏ lại sau lưng quê hương và kỉ niệm
có người thân có che chở an toàn
quyết ra đi dẫu đầy lòng hoang mang
thân nhỏ bé liều xứ người phiêu dạt

Tay cầm nến soi vào ngày mai mờ mịt
tà áo trắng như chút tình khiết trinh
môi miệng thơm mậ̣t ngọt từ con tim
thân thưa rằng này con đây, lạy Chúa

Thề thốt nhé rằng phận con bé nhỏ
xin yêu thương đắm đuối đến tận cùng
ngày hôm ấy nhạc tình thánh vang lừng
trên thập giá Chúa mỉm cười đoái nhận.

(Viết cho chị Thùy và Ngọc)
 
Hạnh phúc tuổi già
Minh Lương Trương Minh Sung
08:25 18/06/2011
Hạnh-phúc tuổi già - còn có đôi
Tâm-đầu ý-hợp - chẳng chia phôi
Vui bao kỷ niệm cùng chung sống
Sung-sướng trong đời thỏa-mãn rồi!

Hạnh-phúc tuổi già - hợp ý nhau
Vợ chồng trái ý thật buồn đau
Nhường nhau không giận - vui trường thọ
Cay-đắng bất-hòa - muốn tránh mau !

Hạnh-phúc tuổi già - gần cháu con
Gia-đình êm ấm tiếng cười dòn
Tình yêu thân tộc càng tha-thiết
Sống thọ bình-yên với nước non!

Hạnh-phúc tuổi già - ăn ngủ ngon
Càng già sức-lực càng hao-mòn
Uống ăn bồi dưỡng thêm xương cốt
Nên nhớ cữ-kiêng tránh béo-tròn!

Hạnh-phúc tuổi già - tập chân tay
Vận động dưỡng sinh vui tháng ngày
Du lịch chung vui khi đủ sức
Dẻo-dai trẻ lại sống lâu dài!

Hạnh-phúc tuổi già - tri-kỷ vui
Chơi cờ , thơ , nhạc giải-khuây nhiều
Điện thư thăm hỏi thêm thân hữu
Tâm-sự hàn-huyên tuổi xế chiều!

Hạnh-phúc tuổi già - nụ cười tươi
Hỷ-xả khoan-dung sống ở đời
Trải rộng tình thương cho độ lượng
Ra đi thanh-thản cõi xa vời !

Hạnh-phúc tuổi già - nhớ nguyện cầu
Từ-bi hỷ-xả - chẳng lo-âu .
Giữ gìn chánh-niệm cho tinh-tấn
Hoan-hỷ chia-ly chẳng khổ-sầu!
Cali, ngày 09 / 08 / 2010
 
Tri ân Kim khánh khấn dòng
Cécile Trang Nhung
15:36 18/06/2011
Giêsu ơi, tri ân Ngài vạn thuở
Đã cùng con đi suốt cả chặng đường
50 năm lộ trường đời dâng hiến
Tình kiên trung, Chúa sánh bước ngày đêm

Nhớ lại xưa, khi con đứng « bên thềm »
Nhìn dòng đời, nhìn trời, con hỏi Chúa
Đâu là dường dẫn con về Đất hứa
Gặp Người Yêu duy nhất của đời con ?

Trong lặng thinh, con nhìn lá rơi đầy,
Chờ tiếng Chúa, Ngài không lời giải đáp.
Tôn trọng tự do, Chúa vẫn lặng yên,
Và chính con đi tìm Chúa từng ngày.

Trong tin yêu con phó thác nơi Ngài
Bỏ gia đình đang êm vui đầm ấm,
Con âm thầm tìm đến chốn Viện tu
Đến nơi đây, con trao gửi cuộc đời.

Thời gian trôi nhanh như diều theo gió,
Năm thập niên ngày thánh hiến đời con,
Hôm nay đây niềm vui ngập tâm hồn
Xin tri ân Tình Ngài thương dẫn dắt.

Giêsu ơi, nhìn lại những khoảnh khắc,
Con vô tình nhạt lời hứa tin yêu,
Xin thứ tha và sưởi ấm “đời chiều”
Nên hy lễ toàn thiêu trong Tình Chúa.

(Kính tặng Quí Sœurs mừng Kim Khánh Khấn Dòng)