Ngày 18-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hành Trình Vượt Biển Đời
LM Giuse Nguyễn Thành Long
07:04 18/06/2009
Chúa nhật XII Thường Niên: Hành Trình Vượt Biển Đời

Hình ảnh các môn đệ vượt biển hồ nói lên hành trình vượt biển thế gian. Theo các Giáo phụ, con thuyền ở đây là Giáo hội và cũng là cuộc đời của mỗi người Kitô hữu; biển tượng trưng cho thế gian. Thế gian chưa phải là bến đổ mà chỉ là đại dương cần phải vượt qua mỗi ngày. Bến đổ là sự sống vĩnh cửu mai sau, là quê hương thiên đường vĩnh phúc.

Biển cả không phải lúc nào cũng êm đềm phẳng lặng, trái lại nhiều lúc đầy phong ba bão tố và hiểm nguy (cuồng phong, mưa bão, sóng dữ…). Biển đời cũng vậy. Chẳng phải khi nào cũng bình yên vô sự. Đau khổ, thử thách và gian truân dường như là bạn đường của con người. Thế mới hay “đời là bể khổ”. Thử thách gian truân do nhiều thế lực sự dữ: thế gian, ma quỷ, tai ương… Tuy nhiên cần xác tín một điều là trên hành trình đó, chúng ta không cô đơn vì có Chúa cùng đi, vì có Chúa là “Hoa Tiêu” dẫn đường. Dẫu rằng “Hoa Tiêu” ấy có thể đang “tựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”, như câu chuyện trong Tin mừng hôm nay.

Có người bảo rằng Chúa Giêsu thuộc hạng mê ăn mê ngủ, nên dù thuyền có bị sóng đánh tả tơi và các môn đệ của ngài đang đối mặt với nguy cơ làm mồi cho thuỷ quái, ngài vẫn cứ vô tư “kéo gỗ”. Có người lại bảo hôm đó Chúa Giêsu bị say sóng nên nằm li bì như vậy không chừng. Người khác nữa lại cho rằng Chúa giả bộ để thử lòng các môn đệ và để cho các ông một phen “ú tim” chơi. Đó là những suy diễn nghe cho vui vậy thôi.

Thực ra hình ảnh “Chúa Giêsu tựa đầu trên gối mà ngủ” ám chỉ một sự hiện diện vô hình. Và đây là chi tiết quan trọng của trình thuật Tin Mừng thánh Marcô. Các môn đệ đã thiếu tin tưởng vào sự hiện diện vô hình nhưng đầy quyền năng của Chúa Giêsu. Sợ chỉ là tâm lí thường tình của con người khi đối diện với nguy hiểm, nhưng vì thiếu niềm tin nên các ông đã hoảng hốt. Chúa Giêsu đã trách cứ các môn đệ. Không phải trách vì các ông sợ, mà là trách vì các ông không có niềm tin. Sự thiếu niềm tin thể hiện qua câu nói: “Chúng ta cầm chắc cái chết rồi…”, chứ không phải là một lời van xin với lòng tin tưởng.

Cũng dễ hiểu thôi, vì không lẽ những dân chài thứ thiệt như các ông lại phải cậy đến sự trợ giúp của một bác thợ mộc lúc gặp bão tố cuồng phong trên biển cả ư! Kinh nghiệm thợ mộc giúp được ích gì cho các ông lúc này, nếu không muốn nói là vô dụng. Các ông cần sự trợ giúp thần linh, đúng hơn là một phép lạ. Và Chúa Giêsu đã đáp ứng ước nguyện thầm kín trong lòng các ông. Không phải bằng một kỷ năng hàng hải mà bằng uy quyền của trời cao. Niềm tin của các ông đã được củng cố qua dấu chỉ năng quyền: sóng yên biển lặng tức thì.

Trong thế giới hôm nay, người ta thường thiếu niềm tin nơi Thiên Chúa, vì thế dễ lo lắng, sợ hãi trước những biến động xảy ra trong cuộc sống. Thậm chí có thể trở nên khủng hoảng tinh thần, bất mãn với cuộc đời, và có những trường hợp đưa đến loạn trí, hành động điên rồ: như tự hủy chính mình, có khi giết hại mạng sống cả gia đình, có khi giết hại những người vô tội, như những cuộc bắn giết trong thời gian qua tại các trường học, tiệm ăn, công sở và các trung tâm thương mại, v.v… (x. 5 phút cho Lời Chúa mỗi ngày, Chúa nhật 12 TN B).

Phần chúng ta thì sao, chúng ta có tin tưởng vào sự hiện diện và đồng hành của Chúa Giêsu trên thuyền đời của mình hay không? Bao nhiêu lần chúng ta đã hoảng hốt, bao nhiêu lần chúng ta kêu trách Chúa khi gặp đau khổ, thử thách… ?

Xin Chúa dẹp tan những sóng gió trong cõi lòng mình để chúng ta luôn biết vững tin vào quyền năng và tình thương chở che của Ngài trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.
 
''Các con không có đức tin ư?''
Tuyết Mai
15:43 18/06/2009
"Các con không có đức tin ư?"

Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?" Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?". (Mc 4, 35-40 (Hl 35-41)).

Ở trong mọi thời đại, Chúa Giêsu luôn luôn hỏi con cái của Ngài một câu hỏi duy nhất là: "Các con không có đức tin ư?". Và trong dạ chúng ta cũng luôn có một câu trả lời với Chúa là dạ thưa không, nhưng có phải Chúa không biết lòng dạ của chúng ta đâu! Nên Chúa hằng phải buồn phiền và ngao ngán với hết thảy con cái của Ngài. Vì thế Ngài vẫn cứ phải gởi hết tiên tri này đến tiên tri khác đến thế gian để hằng nhắc nhở con cái của Ngài phải biết ăn ở đàng hoàng, tuân theo giới răn của Chúa, ăn năn, sám hối, luôn nguyện cầu, bởi không biết khi nào thì Chúa sẽ trở lại để phân loại lúa tốt cùng với cỏ lùng. Lúa tốt sẽ được thợ gặt Chúa đem về kho lẫm của Ngài, còn cỏ lùng sẽ bị thợ gặt Chúa quẳng vào lửa đời đời để thiêu rụi chúng vì chúng đã sống cả một đời ăn bám và thật vô dụng, chỉ biết chiếm đất, chen lấn, và tranh dành. Cả một đời chẳng đem lợi lộc gì cho ai! Cả một đời chỉ tốn đất tốn nước! Cả một đời chỉ biết sống trơ trơ làm nhuốc nhơ và làm xấu cả một thửa ruộng của Người, mà Người Trồng đã tốn hao bao nhiêu mồ hôi nước mắt và công lao nhọc nhằn. Người Trồng đã cố gắng cho lúa có đủ nắng mưa để cây lúa được đơm bông. Nhưng có phải Người trồng cũng không có thể muốn được theo ý muốn của mình, bởi lúa thì có cũng có hạt đầy hạt lép. Bởi có phải Người Trồng đã làm hết tất cả những gì cần thiết và đã cho lúa có thời gian lớn lên, trổ chân, và đơm bông hay không. Và có phải Người Trồng chỉ hoài mong cho được đến ngày lúa vàng trên khắp cánh đồng, để Người sai thợ gặt Chúa đến mà gặt hay không!?

Biển đời của chúng ta là những gì!?? Có phải biển đời của chúng ta là những gì chúng ta tìm kiếm không theo thánh ý Chúa, mà chỉ theo ý riêng của chúng ta, cho nên có những khi chúng ta bị sóng đánh phủ đầu và như muốn nhận chìm chúng ta trong đó!? Có phải biển đời của chúng ta là những gì chúng ta gieo thì ít mà gặt thì muốn cho thật đầy?? Đầy dẫy những thứ không cần thiết. Đầy dẫy những thứ chất chứa cho đầy kho đầy lẫm nhưng chỉ làm chật kho, chật nhà, chật mắt, đến ngộp thở, mà chẳng lợi lộc gì cho ta. Qua những tháng năm những thứ ta chất chứa chỉ làm chúng ta thêm bệnh, vì bụi bám, vì màng nhện, vì những con dán, chuột, bọ, chứ chẳng làm lợi gì cho ai, ngay cả cho chính mình. Chúng ta chẳng khác nào những con người ích kỷ, nên bản chất luôn luôn thích gom hết vào cho mình, chẳng một thứ chi chúng ta muốn được chia sẻ. Gom thật nhiều, tích lũy cho đầy, đến khi chúng ta chết cũng chẳng đem theo được một thứ gì cho mình. Mà chỉ tổ cho con cháu chúng ta chúng mang ra chợ trời bán tống bán tháo hết tất cả những gì mà chúng ta còn sống coi chúng là những đồ cổ, quý giá, và rất có giá trị, nhưng thử hỏi con cháu chúng ta chúng nào có biết?? Chúng chỉ biết những gì là thực tế mà thôi!!!

Thiên Chúa nhân hậu và luôn yêu thương của chúng ta làm gì mà ban phát cho chúng ta những điều mà nghịch lòng Thiên Chúa bao giờ! Những gì mà chúng ta mong muốn và thèm khát thì đều là những gì trần gian có thể mang lại cho chúng ta mà thôi! Mà trần gian thì thuộc về trần gian, chúng không phải thuộc những gì mà có thể mang được lên trên Trời. Cho nên muôn đời và muôn thuở Chúa nào có trong lòng trong tâm hồn của chúng ta!?. Chúa nào, mà hiện tại ban phát và cung cấp cho chúng ta những của cải chóng hư nát chóng mang lại cho chúng ta sự chết, thì chúng ta thờ chúng ta lậy, và chúng ta ca khen dữ lắm! Nên bất cứ ông thầy hay bà thầy bói toán nào giỏi, đoán tâm lý giỏi, thì đều được các bà, các ông, các cô, chịu bỏ thật nhiều tiền để cúng cho những lời nói nịnh đầm, nịnh bợ, và thường dở những ngón đòn thật tâm lý mà các bà, các cô, các ông, các cậu đang cần muốn nghe, thì được khen là ông thầy bói hay bà thầy bói đó hay đó giỏi, thưa có đúng không??.

Chúng ta sống trên đời chỉ luôn cầu mong cho chính bản thân của mình được no ấm, kế đến là gia đình mình thôi! Hễ không được như thiên hạ thì ủ dột than thân trách phận, nào là sao Thiên Chúa không thương yêu mình!? Cho dù là mình chỉ luôn chạy đến với Chúa Mẹ xin cho được giầu có, tiền nhiều, có chức phận, có quyền hành, có nhiều người trọng nể. Khi được theo như ý mong muốn thì mới cảm tạ Thiên Chúa, còn không thì bảo Chúa chẳng thương mình, luôn để cuộc đời của mình chỉ đủ ăn mà chẳng một đồng dư!?? Chứ rất ít ai biết cảm tạ và tri ân Ngài hằng ban cho chúng ta hằng ngày dùng đủ; gia đình êm thắm hạnh phúc; con cái chúng hiền lành dễ dậy, biết Chúa biết Mẹ, biết thương yêu và chia sẻ cho anh chị em có nhu cầu, biết xót thương cho những người thế cô, đau ốm, và sống trong thiếu thốn khổ nghèo. Biết hằng ngày cảm tạ Thiên Chúa ban cho có công ăn việc làm vừa đủ để còn có thời giờ cho gia đình, vợ chồng, con cái, có nhau. Bởi ai sống một lúc trong hai mái nhà mà cho là hạnh phúc bao giờ!? Có ai đang sống núi này mà trông núi nọ mà cho là hạnh phúc? Có ai lại tự làm khổ mình khi muốn có nhiều xe, nhiều nhà, nhiều những của cải vật chất, mà không đi làm những việc gian xảo, lừa đảo mọi người, để cho có?? Có ai lại có được 2 bao tử để ăn cho thật nhiều và uống cho thỏa thích và chỉ có ao ước ngày lại ngày được sống trong tiệc tùng, như nhà giầu có với người nghèo ghẻ chốc là Lazarô xưa!? Có phải tất cả những gì chúng ta ao ước và muốn có trên trần gian này, đều phải đánh đổi một giá rất cao và rất mắc hay không!? Thường sự đánh đổi này cho chúng ta rất nhiều tan nát, như mất con là những đứa con chúng ta thật yêu quý? Mất cha mẹ, mất anh em, mất vợ, mất chồng, gia đình tan nát, và rồi chúng ta cũng bị tù đầy, vì lòng tham không đáy của chúng ta????

Vâng, thường thì tình đời bao giờ cũng cho chúng ta một kết cuộc, như bao nhiêu những chuyện phim ảnh xã hội mà chúng ta rất là nhiều người mê và ghiền coi không thể bỏ được. Có rất nhiều chuyện tâm lý xã hội cho chúng ta thấy những kết cuộc chẳng có hậu một chút nào. Nhưng cũng có những chuyện phim tình cảm xã hội có những kết cuộc là những ai có ác tâm muốn gieo gió thì sẽ gặt bão, làm cho mình cảm thấy an ủi, là những dân gian ác, chúng sẽ phải trả những việc họ làm một rất đích đáng với những gì chúng gây ra, là những chuyện gieo toàn những hiểm họa cho những dân nhà quê, ít học, hiền lành, và chất phát.

Có nhiều người chúng ta chỉ biết đến Thiên Chúa thỉnh thoảng có dịp đến nhà thờ khi có tang chế hoặc đám cưới của ai thân quen, mà bắt buộc chúng ta phải đến tham dự, chứ không xem không được. Có nhiều người chúng ta tìm đến nhà thờ là để có dịp kiếm trai gái chứ Chúa vẫn rất xa lạ và không thông thường tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật. Có nhiều người đến nhà thờ là để phô trương cái giầu có của mình, muốn đem đồng tiền để mua tất cả những gì chúng ta muốn như được nhiều người tâng bốc, ca khen, nể trọng, và thiếu điều muốn chèn ép cả các cha cho những điều mình muốn. Còn nếu như các cha từ chối thì sao!?? Có nhiều người chỉ thấy được Chúa trong nhà thờ một năm một lần để đi xưng tội, và sau đó cảm thấy mình không còn tội lỗi gì với Chúa cả! Và còn rất có nhiều người chỉ chạy đến Chúa, biết đến Chúa, và nhớ đến Chúa, khi họ đã mất hết tất cả!!! Đang sống quằn quại trong đớn đau vì quá khứ mình đã quá trác táng, đắm chìm trong tội lỗi, trong đam mê của những cần xa, ma túy, trai gái, và băng đảng, và cuối đời đã bị đời chối bỏ xem như rác rưởi trên đường phố??

Nhưng dầu gì đi chăng nữa, có phải lúc đó con người của chúng ta mới biết đi tìm Chúa chăng!? Mới thật sự thấy sợ hãi vì biết rằng nơi mình sắp đến đây còn khủng hoảng hơn tình trạng mình sống hiện giờ?? Và có phải Chúa lúc này mới được chúng ta nghĩ đến, để kêu cầu, than khóc, ăn năn, sám hối, muốn trở về nương tựa bên Người Cha nhân lành? Mà cả cuộc đời tưởng chừng như sẽ không bao giờ còn muốn thấy mặt Người Cha Nhân Hậu của mình nữa!?

Lậy Thiên Chúa là Cha nhân từ của tất cả chúng con!

Tất cả chúng con đây là những con chiên bất kham, hư hỏng, và tội lỗi, nay chúng con ra thân tàn ma dại, đói khát, bệnh hoạn, và thành phế nhân, chúng con mới nhớ đến Chúa, đến Cha. Nguyện xin Cha ban phát cho chúng con những của dư của thừa của Cha, cho chúng con được những bữa no nê. Bởi chúng con đi cầu thực khắp mọi nơi mà chẳng ai cho chúng con ăn, ngay cả cám heo mà họ cũng không sớt chia, nay chúng con nghĩ lại những gì mà Cha từng ban phát cho chúng con, mà chúng con nỡ làm Cha buồn lòng. Chúng con đã thật xúc phạm đến tình yêu của Cha, bắt Cha phải chia gia tài để chúng con đi phung phí, đi hủy hoại cuộc sống của chúng con, nay chúng con không khác gì rác rưởi của xã hội, tanh hôi, và ghẻ chốc. Xin Cha tha thứ cho chúng con để chúng con có được nơi nương tựa, để chúng con có được nơi an ủi cuối đời của chúng con Chúa ơi!!!!

Lậy thưa Chúa, có lẽ bây giờ là lúc mà chúng con mạnh dạn tuyên xưng đức tin của chúng con. Bởi bây giờ chúng con mới hiểu rằng tại sao sóng đánh phủ đầu trên chúng con mà Chúa vẫn ngủ!!!! Bởi trong cuộc đời sóng gió của chúng con, tâm trí và tâm hồn của chúng con, không bao giờ có hình bóng của Chúa. Amen.
 
Trái tim yêu thương: Lễ Thánh Tâm- Ngày thế giới xin ơn thánh hoá linh mục
LM Giuse Nguyễn Hữu An
16:11 18/06/2009
TRÁI TIM YÊU THƯƠNG.

LỄ THÁNH TÂM Ngày thế giới xin ơn thánh hoá linh mục


Lời Chúa: Hs 11,1.3-4,8c-9;Ep 3,8-12.14-19; Ga 19,31-37

Tháng 6 hằng năm được phụng vụ dành riêng cho việc kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu.

Tháng Trái Tim, bầu khí thiêng liêng thổi hơi ấm đạo đức bao phủ các cộng đoàn giáo xứ. Một cuộc trao đổi giữa trái tim tín hữu với trái tim Chúa Giêsu, giữa các trái tim tín hữu với cuộc đời.

Tấm lòng người Công giáo Việt Nam đối với Thánh Tâm đúng là tâm tình đạo đức nhiệt thành. Tâm tình này là một cách đáp trả lòng thương xót đặc biệt mà Chúa dành cho chúng ta. Trái tim là trung tâm điểm của tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, nên nói tới tình yêu Thiên Chúa, chúng ta liên tưởng tới Trái Tim Chúa Giêsu.

Như trái tim.

Trái tim là nguồn phát máu đi nuôi thân thể con người, khi nào trái tim ngừng đập, lúc ấy không còn sự sống nữa. Trái tim làm việc kinh khủng để cung cấp máu, không hề nghỉ một giây phút, từ lúc con người sinh ra cho đến lúc chết. Tính ra mỗi phút trái tim chuyển được 10 lít máu,mỗi giờ được 600 lít, một ngày được 14.000 lít, một năm được 5.110.000 lít. Và nếu ai sống được 60 tuổi thì trái tim đã làm việc để chuyển đi được 30.000.000 lít máu. Một ngày, tim đập được 100.000 lần, có một sức mạnh tổng cộng có thể nâng được một toa xa hỏa nặng 45 tấn lên cao một mét. Quả tim có sức mạnh phi thường, không ai ngờ được. Trái tim, một công trình tạo dựng siêu bền. Rất nhỏ được đặt trong lồng ngực, nhưng hoạt động cách không thể ngờ. Mỗi người với 24 giờ, trái tim bơm và lọc được 14.000 lít máu. Thật bất ngờ khi biết được con số, điều bất ngờ không dừng ở đấy và tôi khám phá ra công việc bơm và lọc 14. 000 lít máu của trái tim, cho tôi 24 giờ sống tinh tuyền nhất mặc dù rất nhiều bất toàn trong tôi.

Tôi nhớ đến Lời Chúa nói qua tiên tri Edêkiel với toàn thể dân Do thái: “Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới. Bên trong các ngươi Ta sẽ ban xuống một thần khí mới”. Lời ấy như một Lời tái tạo con người cũ thành con người mới. Như trái tim lọc những dòng máu dơ bẩn khi đi qua các ngõ ngách của cơ thể, để thay vào đó dòng máu tinh tuyền và mang sức sống nuôi dưỡng và làm phát triển toàn thân. Thiên Chúa đang từng giây phút thanh lọc tôi bằng Lời của Người qua dòng đời tôi đang sống. Lời đã sáng tạo và Lời hằng làm nên cái mới. Thiên Chúa đang làm nên những cái mới lưu chảy trong tim tôi. Từng phút giây, Người vẫn không ngừng đổ rót hồng ân Thánh Thần đổi mới cuộc sống trong tôi. Kìa cái cũ đang qua đi và cái mới đang thành sự.

Như công việc của trái tim, tôi không thấy cụ thể những điều trái tim đang làm việc, nhưng tôi biết trái tim vẫn không ngừng rung nhịp đập với trung bình 70 lần một phút trong tôi. Theo từng nhịp đập của trái tim ấy, Thiên Chúa đang hoạt động trong tôi, bởi vì tôi biết rằng Người đã dựng nên tôi, Người cho tôi sự sống và sự sống ấy không ngừng lưu chuyển, cho đến khi tôi được yên nghỉ trong Người. Nếu một ngày kia trái tim này ngừng đập và tôi đã trở thành người thiên cổ, nhưng trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa tôi đang an nghỉ. Hôm nay, lúc này, xin tạ ơn Chúa, trái tim tôi vẫn còn nhịp đập. Và như vậy là tôi đang sống, đang hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa. Khám phá ra điều này, tôi nhận thức rằng, mỗi ngày tôi có cả ngàn lý do để tạ ơn Chúa. Sự sống nào không phải là hồng ân Chúa ban tặng để tạ ơn Người luôn mãi?

Như chức năng lọc của trái tim, Thiên Chúa đang thanh luyện cuộc đời tôi bằng Thánh Thần của Người. Lọc những vị kỷ để còn vị tha. Lọc hiềm thù để còn yêu thương. Lọc những gì là ô uế để còn những gì tinh trong. Nếu trái tim không lọc rửa, dòng máu sẽ trở thành dòng sông đem đến chết chóc. Nếu Thánh Thần không được ban xuống trong tôi, như trái tim không còn lọc tẩy, cuộc sống tôi sẽ chết dần chết mòn trong ô uế và tội lỗi. Thánh Thần đang đổi mới cuội đời tôi.

Như chức năng của máu là nuôi dưỡng những phần nhỏ nhất của cơ thể, Thiên Chúa đang tháp nhập toàn bộ cuộc sống này của tôi vào lòng yêu thương của Người bằng cách thẩm thấu. Nếu dòng máu bơm đi từ tim không tới được phần cơ thể nào, cơ thể ấy sẽ chết, và sớm cần được cắt rời khỏi thân thể. Thiên Chúa sống trong tôi và đó là điều tôi cảm nghiệm trong dòng máu lưu chuyển châu thân này, nên tôi biết trong thân thể mỏng giòn yếu đuối này, tôi cần được tham dự vào sự sống của Người.

Hãy yêu như đang sống.

Hãy sống như đang yêu.

Yêu để sự sống tồn tại.

Sống để tình yêu có mặt.


Tình yêu làm hỗn mang trở nên mầu nhiệm sự sống. Và cũng chính tình yêu ấy làm cho sự sống trường tồn bất diệt khi vượt qua sự chết. Thiên Chúa đã bước vào trần thế bằng thân thể, bằng hình hài, và mang trái tim bằng thịt. Cuộc sống trở nên kỳ diệu khi Thiên Chúa biểu lộ bằng trái tim của nhân loại. Thiên Chúa, Người yêu thương tôi bằng trái tim con người và bằng trái tim của Thiên Chúa. Sự chết không thể chôn kín được tình yêu, bởi sức mạnh của tình yêu là làm cho sống. Một trái tim bằng thịt, không phải là bằng kim khí hoạt động như chiếc động cơ do con người chế tạo. Bằng thịt nên trái tim dễ bị tổn thương, và trái tim được đặt vào lồng ngực được những hàng rào xương sườn che chắn. Thiên Chúa biết tôi mỏng giòn và là bình sành dễ vỡ nên người yêu thương tôi, bao bọc tôi bằng ân sủng của Người. Tình yêu của Thiên Chúa khiến tôi không ngừng tự hỏi: “Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm”. Người yêu thương tôi nhưng sao Người lại đặt trái tim của Người bên ngoài lồng ngực của Người” ?

Xin ơn thánh hoá các linh mục.

Trong lịch Phụng vụ, ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được ghi là ngày thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục.

Chỉ mấy dòng chữ đó thôi cũng gợi cho chúng ta thấy:

- Thánh hoá các linh mục đang trở thành một nhu cầu thế giới.

- Thánh hoá các linh mục là một ơn ta phải xin với Chúa.

- Thánh hoá các linh mục được hiểu một cách cụ thể là theo mẫu gương Thánh Tâm Chúa.

Cầu nguyện cho linh mục với tâm tình kính trọng và cảm thương chân thành

Kính trọng và cảm thương nói đây là một yêu cầu đạo đức của nhân bản, của văn hoá, nhất là của Phúc Âm.

Bởi vì linh mục mang rất nhiều bổn phận quan trọng đáng kính và đáng được nâng đỡ.

Thực vậy, Ngài có bổn phận phải sống mật thiết với Chúa, Đấng đã ban cho ngài chức quyền cao quý.

Ngài có bổn phận phải hiệp thông chặt chẽ với Hội Thánh, một thực thể được Chúa thiết lập như dụng cụ và dấu chỉ của sự cứu rỗi.

Ngài có bổn phận phải cộng tác một cách khiêm nhường và hiếu thảo với Đức Giám Mục của ngài.

Ngài có bổn phận phải phục vụ cộng đoàn được trao phó. Phục vụ theo gương Chúa Giêsu, "Đấng đến không để được hầu hạ mà để hầu hạ" (Mc 10,45), Đấng nên gương phục vụ hết tình qua việc rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,5) trước khi tự nguyện đi vào cuộc thương khó dẫn đến cái chết trên thánh giá (x. Ga 20,21).

Ngài có bổn phận phải loan báo Tin Mừng và làm chứng về Chúa cho mọi người, cho quê hương yêu dấu.

Kể ra bằng ấy bổn phận vẫn chỉ là phác hoạ sơ sài hình ảnh linh mục. Nhưng hình ảnh thô sơ đó vẫn mang những chiều kích thiêng liêng rất đáng kính trọng.

Những chiều kích thiêng liêng ấy là những tiếng gọi khác nhau của tình yêu Thiên Chúa.

Điều quan trọng là linh mục biết đón nhận những tiếng gọi ấy. Và khi ý thức được đúng những đòi hỏi của những tiếng gọi ấy, linh mục sẽ càng cảm thấy mình rất cần đón nhận ơn Chúa và những đỡ nâng của bất cứ ai. Bởi vì, các ngài mang thân phận con người, cảm nghiệm thấm thía những yếu đuối, những bất xứng và những giới hạn của mình.

Vì thế, dù các linh mục của ta đạo đức đến đâu, chúng ta vẫn hãy cứ cầu nguyện cho các ngài. Phương chi khi các ngài có vẻ như bị rơi vào một cảnh khó khăn nào đó, chúng ta càng cần cầu nguyện cho các ngài.

Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta hãy cầu nguyện với tâm tình kính trọng và cảm thương. Việc cầu nguyện như thế chắc chắn sẽ rất đẹp lòng Chúa. Đó cũng là một cách chúng ta tỏ lòng biết ơn và đền ơn đối với Chúa, Hội Thánh và các linh mục.

Cùng với tâm tình kính trọng và cảm thương, chúng ta còn cần cầu nguyện cho linh mục với tâm tình khiêm tốn cộng tác với Chúa.

Cầu nguyện cho linh mục với tâm tình cộng tác với Chúa

Tâm tình cộng tác với Chúa nói đây là cầu cho các linh mục được sống theo thánh ý Chúa.

Những điều Chúa muốn nơi linh mục thì nhiều. Nhưng điều Chúa muốn hơn hết nơi ngài là ngài hãy đặt đời sống thiêng liêng lên hàng đầu. Trong cuốn "Hướng dẫn sứ vụ và đời sống linh mục", Toà Thánh quả quyết đời sống thiêng liêng phải chiếm địa vị ưu tiên tuyệt đối nơi linh mục.

Đời sống thiêng liêng cốt ở sự "ở lại với Chúa" (Mt 3,14). Nó được tồn tại và tăng cường bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện liên lỉ theo gương Chúa Giêsu. Cầu nguyện thiết tha cùng nhịp với Hội Thánh.

Nhờ đời sống thiêng liêng đó, linh mục mới có thể làm chứng hữu hiệu cho Chúa qua đức ái vô vị lợi, qua đức vâng lời khiêm tốn, qua đức khó nghèo và khiết tịnh từ bỏ chính mình, qua đức nhiệt thành rao giảng Lời Chúa.

Thiếu đời sống thiêng liêng, người linh mục sẽ dễ rơi vào hoàn cảnh làm linh mục, chứ không thực sự là linh mục của Chúa.

Vì thế, khi cầu cho linh mục, ta nên khẩn khoản xin Chúa cho linh mục được sống theo thánh ý Chúa, tức là ưu tiên biết lo cho đời sống thiêng liêng của mình.

Nếu đời sống thiêng liêng nơi một linh mục dần dần trở nên khô cạn, rồi cả linh mục lẫn cộng đoàn của linh mục coi đó là chuyện bình thường, không chút áy náy, thì tình hình đạo nơi đó sẽ khó tránh khỏi những hậu quả đáng lo ngại.

Công bằng mà nói, nhiều trường hợp đời sống thiêng liêng nơi linh mục bị giảm sút, cũng một phần do những yếu tố bên ngoài tác động. Trong những yếu tố bên ngoài đó, không thiếu yếu tố nội bộ. Ngoài ra, ác quỷ vô hình bao giờ cũng rất hăng say tìm cách làm hư những người theo Chúa. Mưu mô của chúng thường được trá hình dưới nhiều hình thức và động lực mang màu đạo đức.

Vì thế, cầu cho ơn thánh hoá linh mục nhiều khi cũng nên kèm theo việc xin Chúa thanh luyện cơ chế, bầu khí và cộng đoàn mà linh mục cùng chung sống.

Chia sẻ trên đây của tôi chỉ là một ý kiến nhỏ về một vấn đề lớn.

Mong rằng, thao thức này cũng được kể như một lời cầu nguyện chân thành tha thiết hiệp thông. Với ý thức rằng: Vấn đề này đang và sẽ còn trở thành phức tạp. Nó sẽ là một thử thách lớn cho Hội Thánh toàn cầu nói chung và cho Hội Thánh Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, nếu chúng ta vững tâm cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa, thì vấn đề này, dù khó khăn đến đâu, cũng sẽ được giải quyết tốt đẹp. Các linh mục của chúng ta sẽ được ơn phản chiếu tình yêu cứu độ của Thánh Tâm. Dù trong hoàn cảnh nào, các ngài sẽ là những linh mục của Thánh Tâm, dấn thân đưa tình yêu Chúa vào các linh hồn đang đợi chờ Nước Chúa (theo ĐGM JB Bùi Tuần)

Mừng kính trái tim Chúa Giêsu, xin cho các linh mục được có con tim nhạy cảm, tấm lòng yêu thương như Chúa để các Ngài luôn trung tín, sẵn sàng hy sinh cho tình yêu, cho đàn chiên.

“ Thánh Tâm Chúa Giêsu,nguồn êm ái dịu dàng, xin hãy ban xuống lòng con tràn lửa say yêu một Chúa...Xin thương những người đã dám vô tình xúc phạm đến Thánh Tâm Cha “.
 
Chúng ta luôn ở trong tay Thiên Chúa
Jos. Tú Nạc, NMS
16:18 18/06/2009
CHÚNG TA LUÔN Ở TRONG TAY THIÊN CHÚA

Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm B (Job 38: 1-4, 6-11; Psalm 107; Corinthians 5: 14-17; Mark 4:35-41)

Mạch nguồn của nỗi thống khổ loài người nằm trong sự khao khát của chúng ta trước vai trò Thiên Chúa. Vũ trụ vận hành hoàn hảo khi chúng ta thừa nhận Thiên Chúa điều khiển sự vận chuyển này – đó là điều duy nhất khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể làm một công việc tốt hơn mà mọi thứ bắt đầu đi lệch hướng.

Ông Job đã đấu tranh với những khổ đau mà ông phải chịu đựng như một kết quả đánh cuộc giữa Satan và Thiên Chúa. Satan tin chắc rằng lòng thành kính, sự dâng hiến và công chính của ông Job sẽ tan biến trong phút chốc mà nó trải qua nghịch cảnh và mong muốn. Job đã duy trì sự kiên định qua tất cả những đau khổ của mình. Thậm chí phải lắng nghe từ bạn bè mang những lời giải thích chân thành và lém lỉnh về nỗi thống khổ của ông. Khi ông một lần nữa đòi hỏi sự vô tội của mình trước Thiên Chúa, Job yêu cầu một câu trả lời: Tại sao điều này lại xảy đến với con? Con đã làm gì để đáng lãnh nhận nó? Rồi Thiên Chúa xuất hiện bằng một cơn gió lốc cho ông một “câu trả lời vô âm tín.”

Thiên Chúa đã thử thách Job bằng cách hỏi nơi ông sống là Trái Đất đã được sáng tạo khi nào. Vì hai chương thi ca rất dài Thiên Chúa đã liệt kê những quyền năng thiêng liêng, cao cả mà đã được biểu hiện trong sự sáng tạo và quở trách Job nhiều lần với câu hỏi, con đang ở đâu? Thiên Chúa quả quyết rằng Job không có năng lực hiểu biết những sự thiêng liêng tuyệt vời và tầm nhìn về hình ảnh to tát này. Thiên Chúa kết thúc sự thăm dò lâu dài bằng việc nói theo cách căn bản với Job rằng điều đó tuyệt không có sự liên quan đến cá nhân ông.

Câu hỏi về nỗi dằn vặt của sự vô tội và một trong những câu hỏi thuộc tôn giáo và triết học thựợng cổ trên thế giới và không có những câu trả lời thỏa mãn, thuyết phục. Thậm chí những nhà uyên bác nhất cố gắng giải thích nỗi thống khổ trong sự tận cùng hình như phần nào còn khập khiễng và tách rời con người với cảm nghĩ trách móc rằng có điều gì không hoàn toàn đúng – luận cứ triết học dân gian “không có lửa làm sao có khói.” Nghĩ về nỗi đau ở Darfur hoặc những nạn nhân ngây thơ, vô tội của chiến tranh. Nghĩ về một phần tư triệu người đã bị cuốn trôi trong một trận sóng thần. Nghĩ về những nạn nhân vô tội hoặc những trẻ em chết vì bệnh tăng bạch cầu. Không có những câu trả lời thỏa đáng. Nhưng chúng ta có thể tránh hai cực. Cực thứ nhất là bi quan và thuyết vô thần trong khi cực thứ hai gồm lòng thành kình dần phai lạt hoặc sự tôn sùng trong đau khổ bằng những ý tưởng lỗi lầm, mà đó là bằng cách này hay cách khác làm đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta có thể thay đổi những gì chúng ta có thể và chấp nhận những điều mà chúng ta không thể thay đổi. Và trên hết, chúng ta có thể đấu tranh để gặp gỡ tất cả mọi nỗi đau – của mình và của người – với sự thương cảm, kiên nhẫn và can đảm. Cuối cùng đó là một giải pháp thỏa mãn hơn là sự tư biện mông lung.

Thánh Phaolô đã mô tả lăng kính tâm cảnh lạc quan mới mẻ của mình – mọi thứ và mọi người đối với ông hoàn toàn đổi mới. Làm thế nào để chúng ta không còn nhìn những người xung quanh từ quan điểm nhân sinh? Khi chúng ta chợt thấy và hiểu được tình yêu của Thiên Chúa (đối với chúng ta) được diễn tả trong cuộc sống như thế nào, cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa Giê su, một thế giới tinh thần và trí tuệ mới được mở ra. Khi chúng ta tự nhìn chúng ta và người khác như mọt phần sự sống của Đức Kitô và sự sống tình yêu bởi Thiên Chúa chúng ta, chúng ta có thể không còn thấy những khổ đau, tự thân hoặc thế giới trong cùng một cách. Thế giới còn sống trong hồng ân Thiên Chúa. Mọi thứ thực sự mới, vì trong cùng một hồng ân đã khai trí và tái tạo ý thức tinh thần của chúng ta.

Hồ nghi và yếm thế thường được diễn tả bởi tiếng kêu than trời “Thầy không để ý thấy chúng con đau khổ sao?” Khi các tông đồ phải chống chỏi với cuồng phong bão táp trên biển Galilee, sự sợ hãi của họ căng thẳng và rối trí cùng một chút tức giận vì sự thờ ơ, lãnh đạm của Chúa Giêsu trước cảnh ngộ bi đát của họ. Những lời bình an và khiển trách của Chúa Giêsu đã ban ra phục hồi tình trạng tức thời, nhưng giờ Người đưa ra câu hỏi làm giảm sự lo lắng của họ tưởng không được sự giúp đỡ: Tại sao các con sợ? Các con không có niềm tin sao? Ít hoặc nhiều họ mang những nghi vấn mà đã được trả lời cho ông Job. Các tông đồ không bao giờ nhận một lời giải thích và phép mầu bất ngờ xa lìa họ sự suy đoán về tính chất cá nhân của Chúa Giêsu. Họ đã không kịp nghĩ ra sự liên kết giữa Chúa Giêsu và quyền năng vượt lên trên sự tự nhiên mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện được.

Chúng ta không thể lúc nào hoặc thậm chí trông chờ một giải pháp thần diệu trực tiếp và ngoạn muc giống như trong câu chuyện này. Nhựng một thông điệp chủ yếu là đừng sợ hãi và hãy vững tin, và bất chấp những gì xảy đến với chúng ta vì chúng ta luôn ở trong tay Thiên Chúa. Niềm tin không hứa hẹn với chúng ta một cuộc sống dễ dàng, đơn giản không có đấu tranh và gian khổ mà sự cai quản của Thiên Chúa nhắm đến chúng ta: “Bình an” và “Mãi mãi.”
 
Linh Mục là ai ? Xin thưa quý Linh Mục.
LM Fx Nguyễn Hùng Oánh
16:29 18/06/2009
LINH MỤC LÀ AI ? XIN THƯA QUÝ LINH MỤC.

Con viết bài nầy lúc 15 giờ 30 Saigon ngày 18-6-2009 tức là còn 20 giờ 30 phút nữa con sẽ đặt tay trên đầu 12 tiến chức linh mục tại Vương Cung Thánh đường Đức Bà Saigon. Nhớ lại Đức Khâm sứ Henri de Lemaitre đặt tay trao chức linh mục cho chúng con tại Nhà thờ Chính toà Vĩnh long ngày 28-4-1972,

con dâng lời cảm tạ Chúa trong tâm tình biết ơn và xin lỗi Chúa.

Cũng nhớ lại lời cha bố nói với con mấy tháng trước khi con lãnh chức linh mục: ”làm linh mục thì một chân đạp trên cửa hoả ngục, một chân thòng xuống cửa hoả ngục rồi đó”. Cha Gastine, Giám đốc Đại Chủng viện Xuân Bích Vĩnh long trong bài huấn đức theo sắc lệnh Đời Sống Linh mục, nói: ”Không biết tôi còn sống lúc đó để nhắc nhở các ông không “. Cha Chính Tử, Giám Đốc Đại Chủng viện thay Cha Gastine, thì nói: ”một tân linh mục về ăn tiệc mừng, gặp môt cô quen thời đi học, nói chuyện rồi tân linh mục nầy nói: biết như vậy, tôi không chịu chức rồi.. ít lâu sau, vị nầy theo tiếng gọi khác. Còn con được cha FX Nguyễn Hữu Tấn, Giám dốc Tiểu Chủng viện, sang làm Linh hướng Đại chủng viện, nhờ giảng tĩnh tâm cho các thầy sắp chịu chức linh mục (khoá đâu sau năm 1975) con đã nhấn mạnh tới: bây giờ còn cảm thấy mình đang do dự về ơn gọi, hoặc không lên chức thì cha mẹ sẽ buồn. . thì đừng chịu chức linh mục. Chức linh mục sẽ là ngục tù của người không có ơn gọi thực”. Mấy tháng sau, có linh mục đi theo tiếng gọi khác !!

Mong rằng các thầy đã có một xác quyết mạnh về ơn gọi của mình và hân hoan lãnh tác vụ linh mục trong ngầy đầu của năm linh mục (19-6-2009-19-6-2010), và chắc chắn là nhận ra Đức Thánh Cha Bênêdicto XVI hết sức quan tâm đến các linh mục. Điều nầy cũng dễ hiểu vì Công đồng Vatican II đã nhắc lại: Presbyterorum Ordinis in Ecclesia excellentiam iam pluries heac Sacrosancta Synodus in memoriam omnium revocavit ( đã nhiều lần thánh Công đồng nầy nhắc cho tất cả mọi người biết chức linh mục trong Giáo hội hết sức quan trọng, Sắc lệnh PO, đời sống Linh mục, số 1). Và Công đồng thẩm định trong việc canh tân Giáo hội: linh mục giữ một vai trò tối quan trọng (Cum tamen huic Ordini in Ecclesiae Christi renovatione partes maximi momenti, nt số 1).

Thư của Bộ Giao sỹ về năm linh mục nhắc tới: căn tính linh mục, linh đạo linh mục và sứ vụ của linh mục. Rất tiếc máy vi tính của con không tìm được bàn văn tiếng Latinh, hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để biết từ ngữ căn tính, hay là căn cước, hay là giấy “chứng minh” v.v, xin trích ra đây hai bản dịch:

- Bản dịch của Vietcatholic: ’Hoán cải đề trở nên trung thực hơn điều chúng ta là, hoán cải căn tính thuộc về Giáo hội mà thừa tác vụ chúng ta là một kết quả cần thiết, hầu một ý thức canh tân và hân hoan về “căn tính” sẽ xác định “hành động” của chúng ta, hay đúng hơn sẽ tạo nên một không gian cho phép Đức Kytô, vị mục tử nhân lành sống trong chúng ta và hành động nhờ chúng ta.

- Bản dịch của CGDT: ”Phải hoán cải, phải trở lại, nhưng chúng ta được kêu gọi cách đặc biệt trong năm nay, trong mối hiệp nhất với tât cả những ai đã lãnh nhận hồng ân chịu chức linh mục. Nhưng trở lại với cái gì ? Thưa, trở lại để sống đúng với căn tính của mình hơn, trở lại với căn tính Giáo hội vốn khơi nguồn cho thừa tác vụ của chúng ta để một khi căn tính đó được nhận thức cách mới mẻ và vui tươi, thì nhận thức đó sẽ quyết định hoạt động của chúng ta, hay đúng hơn, nhận thức đó sẽ tạo khoảng trống cho Chúa Kytô Mục tử nhân lành sống trong ta và hoạt động trong ta.

Xin cứ tưởng ra con người linh mục đang chất chứa những gì thuộc thế gian đến nỗi Chúa Kytô không thể hoạt động được nơi con người linh mục, bây giờ phải hoán cải, vứt đi những thứ đó để tạo nên một khoảng trống cho Chúa Kytô

sống trong con người linh mục và hoạt động. Tiền bạc, tình dục, danh vọng, tham vọng chính trị dễ nhận ra, còn thứ khó nhận ra: hoạt động cho Giáo hội, cho bác ái, cho đoàn thể v.v không cần cầu nguyện nữa, dâng lễ cách hời hợt, không còn giờ đọc Kinh Thánh, sách thiêng liêng, suy gẫm, chầu Thánh Thể v.v.

Một đề tài lớn: ” Căn cước truyền giáo của linh mục trong Giáo hội, chiều kích nội tại của việc thi hành ba bổn phận của linh mục “ được Đức Tổng Giám mục Mauro Placenza, Tổng thư ký Bộ Giáo sỹ về năm Linh mục nêu lên trong bài phỏng vấn là một đề tài nghiên cứu của linh mục trong năm nầy.
 
Linh Mục – Người Nối Kết với Anh Em Linh Mục
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
17:12 18/06/2009
Linh Mục – Người Nối Kết với Anh Em Linh Mục

Qua bí tích Truyền Chức, các linh mục được liên kết với nhau một cách huyền diệu. Các ngài trở nên anh em với nhau trong cùng một lý tưởng, cùng một chí hướng. Tập tục của Phụng vụ: sau Giám mục là các linh mục lần lượt lên đặt tay trên tân linh mục, nói lên sự đón nhận nhau và hiệp thông huynh đệ rõ rệt nhất.

Để sống tốt tương quan giữa các linh mục với nhau, người linh mục cần có tinh thần nào ? Thiết tưởng cần có tinh thần đối thoại và lòng bác ái yêu thương.

1. Tinh thần đối thoại:

Linh mục còn được Liên Hội Đồng Á Châu định nghĩa là “con người của đối thoại”. Quả vậy hơn ai hết, linh mục phải là mẫu gương tiêu biểu cho tinh thần đối thoại. Trước hết là đối thoại liên lỉ với Chúa, với bề trên và với cộng đoàn dân Chúa. Sau nữa là đối thoại với anh em linh mục trong tinh thần cởi mở và chân thành.

Ngoài lợi ích giúp cho các linh mục phong phú hoá kiến thức và kinh nghiệm sống của mình, đồng thời giúp nhận ra những khiếm khuyết của mình để sữa chữa và bổ khuyết, đối thoại còn giúp cho các ngài hiểu nhau và cảm thông với nhau hơn; từ đó giúp tạo nên bầu khí trong Giáo phận ngày một trở nên gần gũi và thân thiện. Tuy nhiên, để có thể đối thoại được với nhau, người linh mục cần phải vượt ra khỏi cái tôi nhỏ nhoi của mình, dẹp bỏ óc cục bộ bè phái, óc thành kiến hẹp hòi để biết lắng nghe và biết đón nhận nhau trong tinh thần yêu mến và tôn trọng.

2. Tinh thần bác ái huynh đệ:

Với niềm xác tín tôi không làm linh mục một mình, các linh mục cần hiệp thông với nhau trong tình bác ái và huynh đệ. Vì cùng lý tưởng và cùng chí hướng, linh mục trở nên anh em với nhau và nên bằng hữu của nhau. Được liên kết qua Chức Thánh trong tinh thần bác ái huynh đệ, các linh mục sẽ tìm được tình bạn chân thành, để san sẻ cho nhau mọi vui buồn sướng khổ, cảm thông cho nhau về những yếu đuối lầm lỗi và nâng đỡ khích lệ nhau trước những khó khăn thử thách trong đời sống cá nhân cũng như đời sống mục vụ. Coi nhau như anh em và như bạn hữu, các linh mục cần phải sống thật lòng với nhau, chân thành với nhau, hết tình hết mình với nhau, nhất là liên kết với nhau, nâng đỡ nhau bằng lời cầu nguyện. Có được tình bạn linh mục chân thành, các ngài sẽ có được niềm an ủi lớn lao. Trái lại, nếu thiếu sự hiệp nhất với linh mục đoàn, các ngài sẽ dễ rơi vào tâm trạng cô đơn và đau khổ. Kinh nghiệm cho thấy linh mục nào không có tương quan tốt với anh em linh mục sẽ là người bất hạnh vì họ mất mát rất nhiều.

Phan Thiết, Năm Linh Mục
 
Căn cước tính đời Linh Mục
LM Đaminh Nguyễn Ngọc Long
18:44 18/06/2009
Căn cước tính đời Linh Mục

Từ khi Chúa Giêsu kêu gọi 12 Tông đồ và truyền chức Linh mục cho họ trong Bữa Tiệc ly trước khi chịu đau khổ vác thập gía cho tới bây giờ, đời sống Giáo Hội Chúa đã trải qua hơn hai ngàn năm trên trần gian. Trong dòng thời gian này, Chúa vẫn hằng phát đi tiếng kêu gọi con người sống dấn thấn làm việc cho khu vườn đức tin của Chúa trong vai trò chức vụ Linh mục. Và số người ( trẻ ) đáp lại tiếng Chúa kêu gọi luôn luôn liên tục khi lên cao điểm, khi khủng hoảng xuống thấp trong đời sống Giáo Hội.

Những người trẻ đáp lại tiếng Chúa kêu gọi với lòng nhiệt tâm hăng say phấn khởi. Nhưng không vì thế mà họ không gặp khó khăn thử thách khi chọn muốn sống dấn thân theo tiếng ơn kêu gọi làm linh mục. Đến khi họ đạt đến đích điểm trở thành Linh mục, đời sống cũng không đơn gỉản đi phần nào. Trái lại có phần phức tạp hơn, nhiều thách đố khó khăn hơn. Vì linh mục phải chiến đấu với chính bản thân mình, với những dằng co về bản tính con người, với khung cảnh văn hóa đời sống xã hội sao cho nhân bản tình người, sao cho xứng hợp trung thành với lời đoan hứa ngày chịu chức Linh Mục: Adsum! – Này con đây, xin sẵn sàng !

Và trong thinh lặng khi suy nghĩ về chức Linh mục, họ cũng không khỏi gặp nhiều thắc mắc, bỡ ngỡ, đôi khi lúng túng không biết rõ thế nào là bản chất đích thực con người Linh mục.

1.Tấm thẻ căn cước

Ngày nay mọi người ở mọi đất nước, ai cũng có thẻ căn cước, thẻ chứng minh nhân dân. Không có tấm thẻ này, bị kể là người bất hợp pháp, không có quyền công dân trong đất nước đó. Trong các hãng xưởng cũng thế, không có thẻ này không thể vào trong hãng được. Còn Linh mục, sau khi trở thành Linh mục cũng nhận được tấm thẻ căn cước Linh mục do tòa Gíam Mục cấp chứng nhận.

Phải chăng Linh mục cũng cần thẻ căn cước chứng minh là Linh mục? Trong trường hợp hồ nghi hay thanh tra kiểm soát, tấm thẻ này là giấy tờ chứng minh cần thiết.

Như vậy, phải chăng tấm thẻ này chứng minh tất cả: Ông là Linh mục ? Không hẳn là như thế. Vì con người không thể đơn giản chứng minh bằng một tờ giấy chứng thư. Bản chất con người còn sâu xa, lớn hơn, có gía trị cao qúy hơn tấm thẻ căn cước nhiều.

Vậy đâu là căn cước tính đời linh mục?

2. Tôi là ai?

Đây là thắc mắc có lẽ từ khi Chúa Giêsu lập chức Linh mục, và người ta sẽ còn thắc mắc mãi về vấn đề này trong dòng thời gian. Thắc mắc này cũng có thể phản ảnh cơn khủng hoảng về chức Linh mục hiện nay bên xã hội phương tây. Nhưng thắc mắc này cũng là nhu cầu nội tâm của con người, khi họ suy nghĩ hồi tâm về cuộc đời linh mục của mình. Thắc này theo tôi nghĩ là câu hỏi: Tôi là ai? Tôi là gì?

Câu trả lời cho thắc mắc này mang nhiều sắc thái khác nhau. Nếu theo khả năng sức lực, câu trả lời sẽ bao hàm những gì ta có cùng có thể làm được, như khả năng ăn nói, viết lách, giảng dạy, điều khiển tổ chức, có sức hấp dẫn thu hút người khác…

Nếu theo căn cứ bản chất con người, câu trả lời sẽ không căn cứ trên những gì có ( habeo). Tôi không thể trả lời tôi là linh mục, vì tôi có chức Linh mục, đồng nghĩa với những năng quyền Chúa và Giáo Hội ban cho tôi! Câu trả lời như thế giáo điều và qúa đơn giản. Nhưng phải căn cứ trên một nền tảng khác. Nền tảng đó là bản chất (esse) con người của ta.

Làm thế nào tôi nhận ra bản chất con người của tôi? Câu hỏi này có liên quan đến nền tảng đức tin. Và như thế không thể tìm được câu trả lời từ chính tôi. Vì đời sống tôi không bắt nguồn từ tôi. Nhưng nguồn đó ở trên tôi, tận trong tâm hồn tôi, và là cùng tận đời tôi, là Alpha và Omega.

Nguồn đó là nhân vị đời tôi. Đã là nhân vị, tôi không thể nào tự mình qua gắng sức, qua tài khéo léo thành tích cá nhân hay bằng cấp sản xuất làm ra được.

Nhân vị đời tôi, tôi nhận được từ Nguồi đó. Và ngoài Nguồn đó, không ai là con người như tôi, có thể cho tôi điều đó được.

3. Ego eimi – chính là tôi!

Trước tòa xét xử, khi bị chất vấn về căn cước tính con người của Chúa Giêsu: Ông có phải là Giêsu thành Nazareth, Ông có phải là Đấng Cứu thế, con Thiên Chúa không? Chúa Giêsu luôn luôn khẳng định: Ego eimi – Phải chính là tôi đây! (Mc 14,61-62; Ga 4,25-26; 18,5-8).

Người bị mù lòa từ khi lọt lòng mẹ vẫn ngồi ăn xin trứơc cửa đền thờ, sau khi được Chúa Giêsu chữa cho lành bệnh sáng mắt trở lại - nhân vị con người được trả lại – đã nhất mực trả lời cho những người nghi ngờ căn cước tính của mình: Ego eimi - Phải chính là tôi đây!, chứ không người nào khác giống tôi đâu! …Tôi biết ơn và tuyên xưng niềm tin vào Ông Giêsu, là Thiên Chúa. Chính Ông ta đã chữa cho tôi lành bệnh sáng mắt trở lại (Ga 9,1-40).

Ông Phero đã đánh mất căn cước tính con người của mình khi Ông chối bỏ không thuộc về Chúa Giêsu, khi bị một người canh cổng chất vấn: ouk eimi – Không tôi không thuộc về Ông ta! Tôi không biết Ông ta là ai!

Chối bỏ như thế, Ông đã đánh mất mối liên hệ với Chúa Giêsu, Thầy của mình. Và vì thế căn cước tính của Ông cũng bị mất. Nhưng sau khi mối liên hệ Thầy trò được nối lại trở lại qua ánh mắt nhìn của Thầy Giêsu, cùng lòng ăn năn hối lỗi của mình, Ông đã tìm lại được điều Ông đã đánh mất: căn cước tính của mình. ( Lc 22,54-62).

Như thế, có thể nói, căn cước tính con người của linh mục, chính là người tin theo Chúa Giêsu cho dù những yếu đuối tội lỗi, khiếm khuyết thua kém…trong mọi hoàn cảnh vẫn một mực không chối bỏ Ngài.

Cho dù trí tuệ không hiểu biết gì nhiều về Ngài. Nhưng vẫn một lòng trung thành với Ngaì.

Cho dù gặp khó khăn cô đơn, bị thử thách hiểu lầm trong đời sống hay đức tin bị lung lay hồ nghi về Thầy Giêsu của mình, vẫn luôn tin rằng Thầy Giêsu là nguồn nhân vị đời ta, và Ngài không bỏ rơi ta, như trường hợp người mù lòa được chữa lành và Ông Phero.

Thần học gia Tin Lành D. Bonhoeffer trong ngục tù thời Đức quốc xã, khi suy nghĩ về căn cước tính con người của mình, đã thốt tâm tình thành lời cầu nguyện: „Wer ich auch bin, Du kennst mich, Dein bin ich, O Gott - Lạy Chúa, là cha đời con, Cha biết con là ai, dẫu thế nào con vẫn thuộc về Cha!“

4. Amor ergo sum!

Đó là chiều hướng thượng giữa Linh mục với Chúa. Nhưng linh mục còn đang sống trên mặt địa cầu với mọi người, họ cũng là con Chúa như ông. Vậy thế đâu là căn cước tính con người linh mục, một thụ tạo của Thiên Chúa có thân xác và trí khôn?

Câu định nghĩa thời danh Amor ergo sum! Tôi được yêu, vì thế tôi có mặt! có thể giúp nhận chân ra căn cước tính con người của linh mục trong đời sống xã hội con người.

Được Chúa yêu thương kính trọng trong cộng đồng Giáo Hội như bao anh chị em khác qua Bí tích Rửa tội, linh mục cùng liên kết với mọi người tín hữu Chúa Kitô trong đức tin, qua ân đức của Thiên Chúa. Linh mục luôn mãi là người đã nhận lãnh làn nước Bí tích rửa tội, và tin vào Thiên Chúa như các người tín hữu Chúa Kitô khác đã cùng lãnh nhận làn nước bí tích rửa tội. Đó là điều quan trọng hơn hết và là chức Linh mục căn bản.

Nếu niềm tin này, chức Linh mục này không bén rễ sâu, không phát triển trong tâm hồn, thiết tưởng những gì gọi là việc làm của người có chức linh mục trong Giáo Hội cơ chế hữu hình, sẽ thiếu nền tảng và sai lạc hướng.

5. Niềm hy vọng

Công đồng Vatican thứ hai đã định nghĩa căn cước tính cho việc mục vụ của Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian: „ Vui mừng và hy vọng, buồn sầu và lo âu của con người ngày hôm nay, nhất là của người nghèo khổ, bị ruồng bỏ quên lãng, cũng là niềm vui, hy vọng nỗi lo buồn của Môn đệ Chúa Kitô. Không thể nói là nhân bản, khi những ưu tư này không bén rễ tận trong tâm hồn, và không gây được âm hưởng nơi tâm hồn ngưòi đối diện. Cộng đồng dân Chúa được thành hình do con người cùng liên kết với nhau trong đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, vào Chúa Thánh Thần và họ đang cùng nhau trên đường về quê hương trên trời nơi Thiên Chúa Cha ngự trị…“ ( Constitutio Pastoralis de Ecclesia in mundo huius temporis – prooemium Nr.1)

Cuộc sống linh mục lẽ tất nhiên phải hướng lên trời cao, nhưng không được quên mình đang còn sống trên đường lữ hành với mọi người. Trước mặt Chúa, linh mục cũng là con số không với hai bàn tay trắng, và còn đang sống sinh hoạt trong khung cảnh văn hóa, phong tục tập quán của con người thời đại.

Cuộc sống mục vụ mà thiếu chiều kích nhân bản tình người, thiết tưởng không những không làm nhân chứng loan truyền Tin Mừng của Chúa có hiệu qủa tốt cho con người, mà còn gây ra những hiểu lầm gây thiệt hại nữa.

Đời sống linh mục mà chỉ dựa trên cảm tính, như được kính trọng, được xưng hô là người quan trọng có quyền hành, là người nghĩ rằng một mình làm được hết mọi chuyện, và cho đó là căn bản yếu tính của linh mục, thiết tưởng không mang lại lợi ích tinh thần giúp xây dựng đức tin gì cho con người.

Có câu chuyện ngụ ngôn kể lại: “ Vào một ngày trong tháng năm, trên bầu trời trong xanh yên gió, chim chóc tung cánh bay lượn ca hót líu lo. Thình lình xưất hiện một con chim đại bàng bay chao đi chao lại giữa không trung. Chú chim đại bàng lật trở mình nằm ngửa giơ hai chân lên trời, hai cánh dương ra để giữ thăng bằng giữa khoảng không gian lơ lửng…

Chú cò bay ngang thấy vậy, lấy làm lạ dừng lại ngắm nhìn và lên tiếng nói: Này lão tiền bối! Ngài đang giở thế võ công gì vậy kỳ lạ qúa. Tôi chưa thấy sự này bao giờ. Lão tiền bối còn sống hay đã chết mà sao nằm ngữa lơ lửng giữa trời như vậy?

Chú chim đại bàng mắt lim dim trong tư thế nằm ngửa ngó lên trời cao lên tiếng đáp lại: Ta đâu có chết mà nhà người phải lo, phải hỏi như thế!

Chú cò hỏi lại: Thế sao lão tiền bối lại nằm ngửa giơ chân cẳng vó ngựa lên trời vậy?

Chú chim đại bàng huênh hoang đối lại: Nhà người không nhìn thấy ta đang làm gì đó sao. Ta đang trong tư thế giương hai chân ra chống đỡ bầu trời. Vì nếu ta không làm như thế, bầu trời sẽ xập xuống và chúng ta cùng mọi loài sẽ chết toi!

Vừa nói xong những lời tự cao tự đại, bỗng dưng cơn dông gío to từ đàng tây kéo tới. Cây cối uốn mình theo chiều gió nghiêng ngả tứ phía bật gốc rễ, cành lá bay rơi rụng khắp nơi… Thế là chú đại bằng hoảng hốt co cụp đôi chân lại, lật xấp trở mình theo tư thế bình thường, và vụt đôi cánh bay biến mất đáp xuống lùm bụi cây bụi rậm gần đó để ẩn thân…

Chú đại bàng bay đi mất dạng không còn ai chống đỡ bầu trời như chú nghĩ tưởng. Nhưng bầu trời vẫn đứng vững bao che vạn vật từ thuở tạo thiên lập địa, dù có phải trải qua bao cơn giông bão gió lớn…”

Nếu Tin Mừng của Chúa là niềm hy vọng cho con ngưòi, thì linh mục người loan báo tin mừng đó phải là chứng nhân sống niềm vui, niềm hy vọng cho người khác.

***

Linh mục trong Giáo Hội Công giáo Roma theo nghi lễ Latinh buộc giữ đời sống theo luật độc thân không lập gia đình. Xưa nay hầu như luôn có tranh cãi, phải chăng luật độc thân linh mục cũng thuộc về ăn cước tính của linh mục, nên linh mục phải sống như thế?

Điều này không là như thế. Luật linh mục sống độc thân đã có một truyền thống lâu dài trong Giáo Hội. Luật này do Giáo Hội Công Giáo đặt ra ngay từ thời thế kỷ thứ tư và từ thế kỷ thứ 11. dưới thời các Đức giáo hoàng Leo thứ 9, đức giáo hoàng Victor thứ hai và đức giáo hoàng Gregor thứ bảy đã luôn khẳng định lại nhiều lần, cùng ra những chỉ thị chặt chẽ về luật buộc này với tất cả mọi giáo sỹ trong Giáo Hội Công Giáo Roma.

Luật linh mục sống giữ độc thân, tuy không là bản chất của chức Linh mục, nhưng vừa là kỷ luật của Giáo Hội, vừa là nếp sống tu đức cùng mục vụ đời sống Linh mục.

Nếp sống nào cũng cần phải có kỷ luật, cần phải có hướng sống dấn thân hy sinh. Bậc sống Linh mục rao giảng làm nhân chứng cho nước trời, cùng làm việc mục vụ hướng dẫn tinh thần đạo gíao ban các phép Bí tích, cần nếp sống tu đức hy sinh ngay từ nơi bản thân của linh mục là điều cần thiết. Điều này mang lại hiệu qủa thiêng liêng cho chính bản thân linh mục và uy tín với người tín hữu trong Giáo Hội.

Sống độc thân là một từ bỏ hy sinh trong đời sống của một con người. Nhưng Linh mục chấp nhận và sống trung thành với kỷ luật độc thân đời linh mục là góp phần gìn giữ căn cước tính đời linh mục, cùng nói lên tình yêu mến gắn bó với Ơn kêu Gọi của Chúa cùng Giáo Hội của người ở trần gian.

Điều này thuộc lãnh vực tinh thần thiêng liêng như lạ thường khó hiểu với tâm trí con người chúng ta. Nhưng David Ben Gurion có suy tư: « Người nào không tin vào điều lạ thường, họ không biết đến thực tại. »

Năm Linh Mục 2009-2010
 
Đức Chúa Giêsu dẹp yên bão tố
LM PM Vũ Phan Long, OFM
23:53 18/06/2009
ĐỨC GIÊSU DẸP YÊN BÃO TỐ

(Máccô 4,35-41 – CN XII TN - B)

1.- Ngữ cảnh

Tin Mừng Máccô theo một cái khung quen thuộc để kể truyện này: một trở ngại phải vượt qua (một trận cuồng phong trên biển), hành động quyền năng của Đức Giêsu (lệnh truyền im lặng), và sự xác nhận (sự yên lặng hoàn toàn và nỗi sợ hãi của các môn đệ). Bối cảnh của câu truyện này rất có thể là quan niệm cổ xưa của Cận Đông về biển: đây là biểu tượng của những quyền lực của hỗn mang và sự dữ đấu tranh chống lại Thiên Chúa. Các độc giả đầu tiên của Mc nắm được ý nghĩa của biểu tượng này đến mức nào, thì khó mà biết. Nhưng chắc chắn câu hỏi của các môn đệ (“người này là ai ?”) cho thấy là tác giả muốn nhấn mạnh trên chân tính của Đức Giêsu. Câu hỏi ấy trở thành một lời tung hô mặc nhiên mang tính Kitô học nhìn nhận bản tính thần linh của Đức Giêsu, bởi vì Người làm được những việc Thiên Chúa làm.

Ở đầu bản văn, rõ ràng Mc bận tâm tạo ra một móc nối với những phần đi trước. Ngày sắp tàn là ngày đã có bài giảng dài trên hồ (x. 4,1). Chiếc thuyền Đức Giêsu dùng để qua hồ vẫn là chiếc thuyền Người đã dùng làm bệ giảng trên hồ (x. hình ảnh con thuyền trong Mc: 5,1.21; 6,45; 8,31). Bỏ đám đông ở đầu c. 36 cũng là một điểm móc nối. Riêng với chiếc thuyền: Chuyến vượt hồ bằng thuyền tương ứng với việc dừng lại nơi một ngôi nhà; và cũng như có những giáo huấn đặc biệt Đức Giêsu ban cho các môn đệ được nối kết với lần dừng lại nơi một ngôi nhà (x. 7,17-23; 9,28t; 9,33-50; 10,10-12), thì cũng có những hành vi quyền lực đặc biệt được liên kết với chuyến vượt hồ bằng thuyền. Chiếc thuyền là nơi để Đức Giêsu mạc khải đặc biệt cho các môn đệ (4,35-41; 6,45-52) và là nơi Người chờ đợi các ông tỏ ra hiểu biết các hành vi quyền lực của Người (8,17-21). Chiếc thuyền là nơi có sự hiệp thông đặc biệt chặt chẽ giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Và chính là trong sự hiệp thông rất chặt chẽ này và không thiếu hiểm nguy, mà các hành vi cứu độ và mạc khải quan trọng của Đức Giêsu được thực hiện.

2.- Bố cục

Sau khi đã giản lược một số chi tiết, chúng ta có thể xác định bố cục như sau:

1) Đức Giêsu và các môn đệ trước khi gặp sóng gió (4,35-37);

2) Đức Giêsu và các môn đệ trong sóng gió (4,38-39);

3) Đức Giêsu và các môn đệ sau sóng gió (4,40-41).

3.- Vài điểm chú giải

- Hôm ấy, khi chiều đến (35): Tác giả quen dùng hai thành ngữ đi liền nhau để chỉ thời gian, trong đó vế thứ hai xác định vế thứ nhất (x. 1,32.35).

- sang bờ bên kia: nghĩa là sang bờ phía đông của Hồ Galilê. Tại sao Đức Giêsu muốn sang đó: để tránh sự chống đối? để tìm một vùng đất mới mà rao giảng? Ta không được rõ.

- ngủ (38): Giữa trận cuồng phong dữ dội, Đức Giêsu vẫn có thể ngủ, có lẽ vì Người quá mệt, nhưng cũng chắc chắn vì Người vừa hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa (x. Tv 4,9; 3,24-26) vừa chứng tỏ Người luôn làm chủ mọi tình huống.

- Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? (38) Câu hỏi này của các môn đệ đã được làm nhẹ đi rất nhiều trong Mt 8,25 (“Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”) và Lc 8,24 (“Thầy ơi! Chúng ta chết mất!”).

- truyền cho biển (39): x. 1,25. Đức Giêsu có thể kiểm soát biển, đây là mặc nhiên khẳng định rằng Đức Giêsu có quyền năng của Thiên Chúa, bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể điều khiển biển (x. Tv 73/74,13-14; 88/89,10-12).

- Câm đi! x. 1,25: động từ phimoo. Cơn bão được coi như một thú dữ. Động từ này cho hiểu rằng Đức Giêsu đang chứng tỏ Người có thể kiểm soát các mãnh lực của tà thần.

- Gió liền tắt và biển lặng như tờ: Nhận định này cho thấy Đức Giêsu hoàn toàn kiểm soát được biển.

- nhát (Hl. deiloi, 40): Nhiều lần các tác giả Tân Ước đã cảnh giác về deilia (“sự nhát đảm”). Ở Kh 21,8, những người nhát đảm được kể ra cùng với những người không tin (x. 2 Tm 1,7; Ga 14,1).

- Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? Lời trách này rất nặng, do nhắm thẳng vào các môn đệ (x. 8,14-21). Phải chăng họ đã mất niềm tin vào Thiên Chúa hoặc vào Đức Giêsu? Nếu họ đã mất niềm tin vào Thiên Chúa, chính là vì họ đã không chịu noi theo Đức Giêsu đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa (4,38). Nếu họ đã mất niềm tin vào Đức Giêsu, chính là họ vì họ đã không cậy dựa vào quyền lực của Đức Giêsu.

- Vậy người này là ai? (41): Bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể chế ngự gió và biển, câu hỏi này của các môn đệ hàm chứa một lời tuyên xưng mặc nhiên rằng Người làm được những việc mà truyền thống Cựu Ước thường trình bày là chỉ Thiên Chúa mới làm được.

4.- Ý nghĩa của bản văn

Bản văn vừa cho thấy tương quan mật thiết giữa Đức Giêsu và các môn đệ vừa diễn tả lộ trình các môn đệ khám phá ra mầu nhiệm Đức Giêsu: họ bước theo Người, họ chứng kiến các biến cố trong đó Người can thiệp, họ khám phá ra mầu nhiệm bản thân Người. Chi tiết “có những thuyền khác cùng theo” chỉ được nêu ra ở câu đầu, rồi sau đó cho đến cuối, không xuất hiện nữa.

* Đức Giêsu và các môn đệ trước khi gặp sóng gió (35-37)

Sáng kiến vượt hồ là sáng kiến của Đức Giêsu. Các môn đệ luôn thinh lặng bước theo Người và tận tình thực hiện những việc Người đề nghị. Đức Giêsu luôn tỏ ra là chủ, nắm vững mọi hướng đi.

* Đức Giêsu và các môn đệ trong sóng gió (38-39)

Nguy hiểm được mô tả bằng các chi tiết về sóng to gió lớn. Nhưng Đức Giêsu vẫn tỏ ra là chúa tể, làm chủ tình hình: Người ngủ. Bình thường các môn đệ chờ đợi Đức Giêsu phản ứng và dạy bảo rồi mới làm theo; nhưng ở đây, thấy bão táp quá nguy hiểm, các ông bị chao đảo trong đức tin, các ông đã phản ứng trước Thầy, các ông thúc bách Thầy bằng giọng hốt hoảng và trách móc. Người đã trỗi dậy, dẹp yên sóng gió. Ở đây, bão và biển được truyền lệnh như những sinh vật; chúng được yêu cầu “im đi!”, “câm mõm lại!”. Quả thật, từ vựng của bản văn là từ vựng của một truyện trừ quỷ.

* Đức Giêsu và các môn đệ sau sóng gió (40-41)

Dù sao chúng ta thấy phản ứng của các môn đệ (hoảng sợ và đánh thức Thầy) là chuyện hợp lý. Khó hiểu hơn, đó là những câu hỏi của Đức Giêsu: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (c. 40). Làm sao có thể cấm các môn đệ sợ hãi khi gặp nguy hiểm chết người? Đức tin này là loại đức tin nào, mà ngay trong nguy hiểm cùng cực vẫn loại trừ được nỗi sợ hãi? Đức Giêsu trách các môn đệ là chỉ nhìn đến nguy hiểm và những sức mạnh đe dọa của thiên nhiên chứ không hiểu biết ai là người đang cùng ở trên thuyền với họ.

Chỉ sau khi đã thực hiện phép lạ, Đức Giêsu mới ngỏ lời với các môn đệ; lúc này, họ lại trở về đúng vị trí là những người bước theo, đón nhận giáo huấn. Câu nói: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” chứng tỏ các môn đệ đã được sống với Đức Giêsu khá lâu rồi. Câu hỏi “Vậy người này là ai…?” vừa nhìn nhận quyền lực của Đức Giêsu vừa như muốn tìm ra câu trả lời nơi những người nghe kể lại sự cố. Ta sẽ gặp câu trả lời được đề nghị trên môi Phêrô ở 8,29.

+ Kết luận

Đoạn văn nêu bật sự cần thiết của đức tin trong đời sống người môn đệ. Nếu chúng ta hiểu rộng ra rằng trận bão trên biển ấy là một hình ảnh báo trước cuộc Khổ Nạn mà Đức Giêsu sẽ đi vào, thì bước theo Đức Giêsu, dù ngày hôm qua hay ngày hôm nay, luôn luôn là bước theo Người xuyên qua Khổ Nạn. Và như thế, cần phải có đức tin. Chỉ với giá ấy, người môn đệ mới được tham dự vào cuộc Phục Sinh vinh quang với sự an bình thẳm sâu được.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Hình ảnh con thuyền trong đó các môn đệ sống chung với Đức Giêsu là biểu tượng cho cộng đoàn gồm những môn đệ hôm nay vẫn đang muốn bước theo Người. Đó chính là một cuộc “cộng đồng sinh mệnh”, sống chết có nhau.

2. Sai lầm của các môn đệ là chỉ nghĩ đến mình chứ không sẵn sàng chia sẻ nguy hiểm với nhau và với Đức Giêsu. Hoàn cảnh này sẽ được lặp lại khi họ chạy trốn trong đêm Đức Giêsu bị bắt và bị đưa đi đóng đinh.

3. Phản ứng của các môn đệ trong biến cố này là một tấm gương và một lời nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô hữu là đừng rơi vào một thái độ không tin như thế. Nếu chúng ta gắn bó với Đức Giêsu, thì không có hoàn cảnh nào có thể tiêu diệt chúng ta, bởi vì không có hoàn cảnh nào mà Người không chế ngự được.

4. Lời Đức Giêsu trách các môn đệ: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” rất đúng cho chúng ta là những người đã biết Đức Giêsu từ lâu, đã sống với Người, đã được chứng kiến biết bao nhiêu việc kỳ diệu Người làm trong đời sống chúng ta, mà vẫn không biết phản ứng hay lấy những quyết định tương hợp với kinh nghiệm ấy. Nhận biết đúng đắn chân tính của Đức Giêsu thì sẽ có một thái độ đúng đắn đối với bản thân Người.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Việc bách hại Kitô Giáo tại Ấn Độ
Vũ Văn An
09:39 18/06/2009
Theo tin Zenit ngày 16 tháng Sáu, nhân tham dự đại hội Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo tại Nam Hàn, Đức Hồng Y Telesphore Toppo, Tổng GM Ranchi và đương kim chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, có dành cho hãng tin này một cuộc phỏng vấn về dân số Kitô Giáo tại Ấn và các thách đố mà Ấn hiện đang phải đối phó.

Đức Hồng y quả quyết rằng dù Ấn là nơi xẩy ra các vụ bách hại nhằm vào Kitô Giáo, nhưng Kitô hữu tại Ấn vẫn hết sức cam kết một cách đặc biệt với đức tin. Theo ngài, Ấn Độ là một quốc gia có tinh thần tôn giáo rất cao. Tại đây, Kitô giáo cũng đã lâu đời như chính Kitô Giáo vậy. Ngài cho rằng, việc làm của phong trào Canh Tân Đặc Sủng đã giúp các tín hữu yêu mến Lời Thiên Chúa, một việc mà trước đây người Công Giáo ít biết đánh giá. Đức Hồng Y giải thích rằng đức tin ở Ấn đã có từ thời Thánh Tông Đồ Tôma, nhưng khó mà đếm được con số tín hữu vào lúc này.

Ngài cho biết: “tại tiểu bang của tôi, khi nhà truyền giáo người Bỉ tên là Constant Lievens tới đây năm 1885, chỉ có 50 người Công Giáo tất cả. Bẩy năm sau, khi Lievens buộc phải ra đi vì lý do sức khỏe, ngài đã để lại 80,000 người Công Giáo đã rửa tội và hơn 20,000 dự tòng. Đó là một cuộc bùng nổ đức tin kỳ diệu được mệnh danh là “phép lạ Chotanagpur".

Chống ung thư

Được hỏi về kết quả cuộc bầu cử tháng Năm vừa qua, trong đó Đảng Quốc Đại chiếm được đại đa số đầy ngạc nhiên, Đức Hồng Y cho rằng đó là một thành công vẻ vang đánh dấu sự thất bại của phe cực đoan.

Ngài nhận định rằng tân chính phủ nay gồm những người biết tuân theo các nguyên tắc của Mahatma Gandhi. Họ là những thành phần ưu tuyển của Ấn Giáo. “Nếu Ấn Độ ngày nay có thể tự hào là một trong những nền dân chủ lớn nhất của thế giới, thì chẳng qua là vì tinh thần tôn giáo của dân chúng Ấn: một dân số hết sức đa dạng nhưng các thành phần đa dạng ấy lại có chung một niềm tin vào Thiên Chúa và vào anh em nhân bản đồng loại”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y tỏ ra không lạc quan lắm về viễn ảnh chấm dứt tức khắc nạn bách hại Kitô hữu hiện nay. Ngài bảo: “Bách hại là việc khó mà kìm hãm được. Nó như một thứ ung thư”.

Chiến đấu cho tự do

Cơn bách hại hiện đang nhằm vào các Kitô hữu một cách đặc biệt, vì nếu các nhóm bộ lạc trở lại Kitô Giáo, họ có thể tạo ra một giai cấp trung lưu to lớn. Đức Hồng Y giải thích: “dưới con mắt người cực đoan, thì người Hồi Giáo cũng là kẻ thù của Ấn nhưng vì người Hồi Giáo chống trả lại nên nhóm cực đoan kia phải để họ yên. Họ quay qua coi Kitô hữu như một đe dọa cần phải trừ khử. Họ đặc biệt chú mục vào người thuộc các bộ lạc, vì con số trở lại cao nhất là người thuộc các nhóm này, cũng như người dalit hay đẳng cấp bị coi là mạt hạng (untouchable). Mặc dù suốt trong lịch sử, phải kinh qua không biết bao nhiêu bách hại, các nhóm bộ lạc này vẫn duy trì được ngôn ngữ và hệ thống xã hội riêng của họ. Nên nếu trở lại đạo, họ có thể tạo thành một giai cấp trung lưu, làm chất xúc tác giữa đẳng cấp dalit và các đẳng cấp thượng lưu. Hiển nhiên, nếu một trăm triệu người dalit và 70 triệu người bộ lạc trở lại đạo, thì điều ấy sẽ tạo nên một cuộc thay đổi hết sức lớn lao về chính trị và xã hội”.

Đức Hồng Y Toppo nói rằng phe cực đoan Ấn chỉ là thiểu số, chiếm khoảng 11% tổng số dân và tư tưởng của họ ít có ăn có với truyền thống tôn giáo vốn chuộng khoan dung và hoà bình. Ngài tự hỏi: “Có thể có hòa bình với hệ thống đẳng cấp không? Có thể có hòa bình khi bạn không chịu nhìn nhận người anh em là người bình đẳng với bạn không? Mahatma Gandhi từng giải phóng Ấn Độ khỏi chủ nghĩa đế quốc Anh, nhưng việc giải phóng ấy chưa hoàn tất. Gandhi biểu tượng cho tính phổ quát, một ý niệm tuyệt đối có tính Kitô Giáo. Nếu sống lâu hơn, có lẽ ông đã dẹp bỏ được đẳng cấp, nạn tảo hôn, hệ thống của hồi môn, nạn đốt cô dâu… Ấn Độ cần tự giải phóng mình khỏi những tội ác ấy cũng như các nhóm cực đoan”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh: “Người cực đoan chỉ là phần rất nhỏ của dân số […] nhưng họ cũng có cùng những ý niệm như Hitler và Mussolini. Việc bách hại cần được nhìn trong ngữ cảnh ấy. Nó xuất hiện trong lãnh vực đấu tranh cho tự do: tự do lương tâm. Đường của chúng tôi còn dài; cuộc đấu tranh cho tự do, được Gandhi dẫn khởi, phải tiếp tục”.

Một con người đấu tranh cho người nghèo, cho đồng thuận

Ai cũng biết: Đức Hồng Y Toppo vốn là người bộ lạc Ấn Độ đầu tiên được phong làm Hồng Y trong Giáo Hội Công Giáo. Ngài vốn xuất thân từ một gia đình 10 người con, thuộc bộ lạc Adivasi. Tranh đấu cho quyền lợi của các dân tộc bộ lạc tại bang tân lập Jharkhand vì thế là tâm huyết của ngài.

Tổng Giáo Phận Ranchi nằm trong bang này là một tổng giáo phận hết sức tích cực trong việc tranh đấu dành trợ giúp của chính phủ cho người nghèo nông thôn. Ranchi vốn là thủ đô của bang Jharkhand, một bang mới được thành lập năm 2000 để thăng tiến về xã hội và kinh tế cho người bộ lạc. Những người này là mục tiêu của Đạo Luật Bảo Đảm Nhân Dụng Nông Thôn Toàn Quốc, được Quốc Hội thông qua hồi tháng Chín năm 2005, nhằm bảo đảm công ăn việc làm trong 100 ngày cho một gia đình và cung cấp tài nguyên cho việc cải thiện hạ tầng cơ sở trong làng. Chính phủ Ấn Độ rầm rộ phát động chiến dịch trợ giúp này tại 200 quận kém mở mang, trong đó, tất cả 21 quận của Jharkhand đều tham dự.

Nhưng khi mang ra áp dụng trên thực tế, kế hoạch giúp đỡ này đã không đến tay người dân. Nên cơ quan bác ái của tổng giáo phận phải huy động để buộc các nhà hữu trách phải làm việc đúng đắn hơn.

Theo nguyên tắc, ngân khoản trợ giúp của chính phủ được trao cho hội đồng làng. Nhưng các bộ lạc tại bang Jharkhand không có hội đồng làng, nên ngân khoản ấy được tổ chức thành từng khối, nghĩa là ở cấp lớn hơn hội đồng làng. Nhưng các viên chức khối tỏ ra không tha thiết gì với việc thực thi kế hoạch, cộng vào đó, còn có chuyện tham nhũng nữa.

Giáo hội tại Ranchi bèn huấn luyện các cán bộ riêng để can thiệp. Bốn mươi tám vận động viên giáo dân được huấn luyện kỹ càng cộng với 50 người khác có sẵn tại 24 giáo xứ đã tích cực nối kết người dân với với các văn phòng khối một cách hữu hiệu, cố gắng loại bỏ những anh cò mối háu đói và trực tiếp giúp đỡ người dân trong mọi giai đoạn, đến khi họ nhận được trợ giúp mới thôi. Ngoài ra, các cán bộ này còn giúp người có công ăn việc làm nhận được đầy đủ tiền công xứng đáng và được bảo hiểm chống mọi bất trắc khi làm việc.

Đức Hồng Y cũng đấu tranh kịch liệt cho mọi tôn giáo thuộc phe thiểu số ở Ấn Độ. Nhân ngày kỷ niệm 60 năm nền độc lập Ấn, Đức HY Toppo nhấn mạnh tới nỗi âu lo của của các nhóm thiểu số tôn giáo này. Vì “họ liên tiếp bị tấn công bởi một số tổ chức xã hội và chính trị muốn tuyên dương luật của chủ nghĩa đa số”. Theo ngài, điều ấy đi ngược lại “gia tài thánh tiêng” của nền văn hóa tổng hợp tại Ấn. Nước này có thể đóng vai trò hàng đầu trong thế giới hiện đại để tranh đấu cho việc đạt được một triết lý sống đa văn hóa và đa tôn giáo. Ngài nói: “Ấn Độ luôn là một xã hội bao hàm với nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo và triết lý khác nhau nhưng cùng hiện hữu bên nhau, để kiến tạo một hòa nhập cả tâm lẫn trí, cả giá trị lẫn truyền thống. Duy trì bằng được cái gia tài vô song này phải là bổn phận cao cả của mỗi người chúng ta, công dân của nước Ấn Độc Lập”

Vẫn bị tấn công

Ấy thế mà tin UCAN ngày 25 tháng Chín năm ngoái cho hay một nhóm người bộ lạc lại biểu tình đốt hình ngài, ngay trước nhà ngài, để phản đối điều họ cho là nhục mạ tôn giáo của họ.

Số là năm 2000, Hội Thánh Kinh Ấn, một tổ chức Thệ Phản, có xuất bản một bản dịch Thánh Kinh sang thổ ngữ Kurukh của bộ lạc Oraon, trong đó chữ “cây” của sách Đệ Nhị Luật đã được dịch là “sarna” trong tiếng Kurukh. Đoạn ấy như sau: “Ngươi phải hoàn toàn triệt hạ mọi địa điểm nơi các dân tộc mà ngươi chiếm được từng dùng để phụng sự các thần của chúng, dù là ở trên núi cao, trên đồi thấp, hay dưới bất cứ cây xoè cành nào; ngươi phải phá đổ các bàn thờ của chúng, đập bể các tảng đá thánh của chúng, đốt hết các xào cột thánh của chúng, đập nát từng mảnh các tượng thần của chúng và loại hết tên chúng khỏi nơi đó”.

Đại diện bộ lạc này cho hay Sarna mô tả việc thờ phượng của họ thường xẩy ra dưới một thân cây. Từ ngữ này cũng được dùng để mô tả cộng đồng bộ lạc thờ phượng theo lối này. Cho nên bản dịch trên là một bản dịch bôi lọ vì “sarna là nơi thánh của chúng tôi” và do đó “đã xúc phạm một cách không thể chịu đựng được toàn bộ cộng đồng bộ lạc chúng tôi”. Họ cho rằng bản dịch này là để hỗ trợ cho chiến dịch của các nhà truyền đạo Kitô Giáo nhằm “đặt tôn giáo của chúng tôi dưới một ánh sáng xấu xa” để “dễ bề lôi kéo người khác cải đạo”.

Thế là ngày 22 tháng Chín, họ rầm rộ xuống đường, hô vang khẩu hiệu chống lại vị giáo chủ đầu tiên người bộ lạc của Ấn, cho rằng ngài phải chịu trách nhiệm đối với bản dịch tai hại ấy. Dù trước đó một ngày, tức ngày 21 tháng Chín, Đức Hồng Y đã chính thức minh xác hai điều: thứ nhất, vì Kurukh cũng là ngôn ngữ của ngài, nên ngài công nhận bản dịch trên sai; thứ hai: Giáo Hội Công Giáo không phải là hội viên của Hội Thánh Kinh, nên không chịu trách nhiệm về bản dịch đó.

Hành động của nhóm trên vì thế thuộc một âm mưu xấu xa. Người ta từng biết nhóm ấy vốn được các nhóm Ấn Giáo trong vùng hỗ trợ. Được hỏi tại sao bản dịch kia đã xuất hiện cả tám năm rồi, nay mới được họ nhắc tới để phản đối, họ đã im lặng không trả lời. Điều ấy càng làm rõ ý đồ muốn chống đối Kitô Giáo của các phần tử cực đoan. Họ đã áp dụng chiến thuật từng được chính Chúa Giêsu tiên đoán: đánh người chăn, đoàn chiên sẽ tan tác, dù người chăn này chẳng có tội tình chi.
 
Nếu không có sự hy sinh như Đức Kitô trên Thập Giá, Đời Linh Mục sẽ thành Giáo Sĩ Trị vô hồn
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
13:57 18/06/2009
Thư Mục Vụ của ĐTGM Mark Coleridge ngày 9 tháng 6, 2009.


Thân gửi Dân Chúa ở TGP Canberra và Goulburn.

Anh chị em thân mến,

Nguyện chúc anh chị em ân sủng và bình an nhân danh Chúa Giêsu, “vị tư tế tối cao cai quản gia đạo Thiên Chúa” (DT 10:21). Từ ngày 19 tháng sáu năm nay, Lễ Thánh Tâm cho đến ngày 19 tháng 6 năm tới, ĐTC Bênêđictô đã mời toàn thể Hội Thánh mừng Năm Linh Mục. Đối với tất cả chúng ta đây sẽ là thời gian để chú tâm vào mầu nhiệm linh mục thừa tác và hồng ân trọng đại nằm ở trung tâm Hội Thánh.

Chúng ta bắt đầu hiểu mầu nhiệm khi chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu như vị linh mục duy nhất. Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, toàn thể Hội Thánh được lôi kéo vào mầu nhiệm linh mục của Đức Kitô, và từ trong Hội Thánh, có một số người nam được Đức Kitô mời gọi để thông phần vào mầu nhiệm ấy như những linh mục có chức thánh. Nhưng khi nói rằng Chúa Giêsu là một linh mục chúng ta hiểu thế nào? Trong các tôn giáo có chức tư tế (linh mục), nhiệm vụ chính của các tư tế là dâng của hy lễ. Hy lễ này có nhiều hình thức, nhưng nơi Chúa Giêsu thì đặc biệt. Người hiến tế Chính Mình trên Thánh Giá. Người vừa là tư tế vừa là của lễ. Trên Núi Sọ, chúng ta thấy một tình yêu hy sinh hoàn hảo, một tình yêu từ muôn đời là trọng tâm của Thiên Chúa Ba Ngôi và như thế là trọng tâm của mọi sự. Giữa Chúa Cha và Chúa Con có một tình yêu tự hiến sống động hoàn hảo được tràn sang các tạo vật và đổ vào tâm hồn con người như Chúa Thánh Thần là Đấng kéo mọi sự vào động lực muôn đời này. Trên Thánh Giá, tình yêu tự hiến muôn thủa đi vào thời gian;và từ thời này sang thời khác, Hội Thánh cũng được lôi kéo vào cùng một tình yêu này như một dân tư tế. Nhưng có một số người nam được mời gọi vào tình yêu ấy cách đặc biệt để xây dựng dân tư tế. Khi Chúa Giêsu mời gọi một người vào mầu nhiệm tự hiến này như một linh mục, thì trên hết Người mời gọi người ấy sống mầu nhiệm Thập Giá. Như vị Giám Mục nói trong Nghi Lễ Truyền Chức: “[Hãy] rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thánh Giá Chúa”. (Trong lễ truyền chức của Giáo Hội Việt Nam, khi trao chén có pha rượu, vị giám mục đọc lời khuyên sau đây: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thánh Giá Chúa"). Nếu điều này không xảy ra, nếu đời linh mục không phải là một kinh nghiệm của tình yêu tự hiến, thì nó không tránh khỏi trở thành một thứ giáo sĩ trị vô tâm, để ý nhiều đến quyền lực và tiếng tăm hơn là thiên chức linh mục của Chúa Chịu Đóng Đinh.

Trên bàn thờ, là trọng điểm của đời linh mục, một linh mục không nói lên lời của mình. Ngài hiến thân thể mình để nói lên Lời của Đức Kitô: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.” Bánh trở thành Thân Thể bị nát tan để thế gian được sống. “Này là chén Máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con”: Rượu trở nên Máu đổ ra cho thế gian được sống. Đức Kitô không những chỉ mời gọi các linh mục nói những lời ấy là Lời của Người, nhưng còn mời các ngài sống mầu nhiệm Mình và Máu Người là sống sự tự hiến của Chính Người. Một lần nữa, như vị Giám Mục nói trong Nghi Thức Truyền Chức Thánh: “[Hãy] noi theo điều con thực hiện”.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu là hoàn toàn, như cái chết của Người trên Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người từ cõi chết. Lời mời gọi của Người chiếm hữu trí khôn, tâm hồn, linh hồn và thân xác của một người nam – đó là lý do tại sao chức linh mục thừa tác còn hơn một nghề nhiều. Làm linh mục là việc làm khó nhọc, nhưng không phải chỉ là một nghề. Đó là nghề nghiệp và hôn nhân hợp lại làm một với một điều gì đó phụ trội hơn. Điều phụ trội ấy là ơn gọi nên thánh cách đặc biệt. Trong Thánh Kinh, nên thánh “như Ta là Chúa Thiên Chúa các ngươi là Đấng Thánh” (Lv 19:2) có nghĩa là được tách biệt ra để phục vụ - chứ không phải chỉ tách biệt ra để ở riêng, nhưng tách biệt ra để phục vụ. Một lần nữa, nếu không có phục vụ, thì thiên chức linh mục sẽ bị thoái hoá thành giáo sĩ trị.

Linh mục phục vụ trước hết qua việc sống mầu nhiệm Thập Giá của Chúa, hy sinh chính mình trong tình yêu để xây dựng Hội Thánh. Trong suốt năm nay chúng ta sẽ mừng và suy niệm về thiên chức linh mục thừa tác. Chúng ta sẽ cầu nguyện cho các linh mục mà chúng ta đang có và cảm tạ Chúa vì việc phục vụ không biết mệt của các ngài, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đo lường trọn vẹn được. Chúng ta cũng xin Chúa gửi đến cho chúng ta nhiều linh mục là những người có thể làm cho Vinh Danh Đức Kitô được tràn ngập Hội Thánh bằng cách trút bỏ chính mình vì Danh Người. Mỗi giáo xứ hãy nghĩ đến cách mừng Năm Linh Mục, và sẽ có một ủy ban nghiên cứu việc cử hành Năm Linh Mục trong Tổng Giáo Phận. Nguyện xin hồng ân của Năm dẫn đưa tất cả chúng ta đến việc hiểu biết và yêu mến cách sâu xa hơn mầu nhiệm Linh Mục của Chúa Giêsu là đấng “đã xuất hiện chỉ một lần... để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính Mình” (DT 9:26).

+TGM Mark Coleridge
 
Tòa Thánh khẳng định việc phong chức của Huynh đoàn Thánh Piô X vẫn là bất hợp pháp
Nguyễn Hoàng Thương
15:39 18/06/2009
Vatican (VIS) - Hôm 17/6, Văn phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican đã đưa ra thông cáo báo chí về Huynh đoàn Thánh Piô X:

“Để trả lời các câu hỏi thường được đặt ra trong những ngày gần đây liên quan đến các vụ phong chức linh mục bởi Huynh đoàn Thánh Piô X, theo dự định sẽ diễn ra vào cuối tháng Sáu, chỉ cần nói rằng phải quy vào những điều Đức Thánh Cha đã viết trong Bức Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội Công Giáo hôm 10 tháng Ba năm nay: “Bao lâu Huynh đoàn (Thánh Piô X) chưa có một tình trạng hợp giáo luật trong Giáo Hội, thì các thừa tác viên của huynh đoàn không được thi hành thừa tác vụ đúng luật trong Giáo Hội… Cho đến khi những vấn đề giáo lý được làm rõ, Huynh đoàn chưa có tình trạng hợp giáo luật trong Giáo Hội và các thừa tác viên của huynh đoàn không được thi hành bất kỳ thừa tác vụ nào trong Giáo Hội”.

Thông cáo cho biết thêm: “Trong cùng Bức Thư, Đức Thánh Cha cũng loan báo ý định của ngài thay đổi tình trạng của Ủy Ban 'Ecclesia Dei', sát nhập Ủy ban trở thành một bộ phận của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin. Đó là lý do để tin rằng sự xác định tình trạng mới này sắp xảy ra. Cơ quan này tiếp tục tiền đề để đưa ra đối thoại với các vị lãnh đạo Huynh đoàn Thánh Piô X, với quan điểm làm rõ các vấn đề thuộc về giáo lý, và vì vậy các vấn đề về kỷ luật vẫn chưa được giải quyết”.
 
Toàn thể Giáo Hội chào đón Năm Thánh Các Linh Mục
Lm. Gioan Trần Công Nghị
17:15 18/06/2009
Thánh Phanxicô Assisi đã từng nói: "Nếu tôi gặp trên đường một linh mục và một thiên thần, trước tiên tôi sẽ bái chào linh mục, sau đó mới chào thiên thần. Tại sao? Bởi vì linh mục là người ban phát cho chúng ta Đức Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể.”

Thưa quý cha và anh chị em,

Chức linh mục được Đức Giêsu Kitô thiết lập trong bữa Tiệc ly. Khi Ngài nói: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy,” Ngài ban cho các tông đồ lệnh truyền và đồng thời quyền năng để làm điều đó, làm cùng một điều mà Đức Giêsu đã làm trong bữa Tiệc ly. Và các Tông đồ đến lượt mình đã truyền lại thừa tác vụ và quyền năng thần thiêng này cho những con người là giám mục và linh mục.

Thiên chức linh mục thật là một điều kỳ diệu vì qua đó Chúa Kitô hiện diện nơi chúng ta, nơi Hội Thánh của Ngài.

Sáng kiến Năm Linh Mục của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI xảy ra trong một thời điểm mà nền văn hóa mới lan rộng: ngày hôm nay một nền văn hóa hậu cận đại, với chủ thuyết tương đối, phát triển tại thành thị, chủ trương đa nguyên, trần tục hóa, tầm thường hóa vai trò của các linh mục đang chiếm ưu thế. Trong nền văn hóa đó các linh mục phải sống ơn gọi và sứ vụ của mình.

Qua Năm Linh Mục Hội Thánh muốn nói với các linh mục rằng chúng ta hãnh diện vì họ, họ là những con người của Thiên Chúa và chúng ta muốn trợ giúp họ và nhìn nhận tất cả những gì họ làm là chứng tá đời sống.

Đây cũng là một thời cơ để tăng cường và đi sâu vào vấn đề là các linh mục phải nên như thế nào trong thế giới đang thay đổi mà Chúa đã đặt chúng ta đối diện để cứu độ.

Trong chiều hướng đó, chúng tôi mở ra cuộc hội luận về những khía cạnh khác nhau của thiên chức linh mục, và công việc mục vụ của các ngài.
 
Năm Thánh Các Linh Mục - Đời sống các linh mục tại Úc
Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng
19:57 18/06/2009
VietCatholic: Hiện diện với chúng tôi hôm nay qua đường dây viễn liên là cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng, phó Giám Đốc VietCatholic, chủ nhiệm báo Dân Chúa Úc Châu. Ngài đã từng giữ những chức vụ khác nhau trong Hội dòng Salesian như là một người đào tạo các linh mục, quản lý lâu năm của nhiều cơ sở dòng cũng là bề trên nhà dòng Don Bosco tại Brunswick, Melbourne thuộc tiểu bang Victoria và hiện nay là cha xứ tại Brunswick.

Xin cha có thể chia sẻ điều kiện sống và làm việc mục vụ của các linh mục dòng tại Úc Châu hiện nay như thế nào?

Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng: Năm Linh Mục, sẽ được Đức Thánh Cha khai mạc trong buổi hát kinh chiều trọng thể ngay ngày 19 tháng 6 và nhân dịp kỷ niệm 150 năm sinh nhật thánh Gioan Vianney, Cha Sở họ Ars, một vị linh mục đã diễn tả gương mặt của Chúa Chiên Lành trong một xã hội phàm tục và trong một cảnh sống nghèo chật vật... Ngày nay, cuộc sống vật chất khá hơn và văn minh kỹ thuật tân tiến đang phục vụ con người và cung ứng cho con người một cuộc sống tiện nghi tối đa… Vẫn biết tại một số quốc gia nghèo chưa đạt được lý tuởng đó…

Dù con người đương đại được thừa hưởng vật chất dư gỉa thế, nhưng chưa bao giờ trong đáy thẳm tâm hồn con người có một khát vọng tâm linh cần được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện, bằng sự thinh lặng suy tư, bằng việc đọc Kinh Thánh và thần lương ân điển như Thánh Thể Chúa. Qua năm linh mục, Đức Thánh Cha muốn nhắc nhở cho các linh mục biết rằng: ‘mỗi một linh mục phải ý thức mình mang một người khác, tức là mang chính Chúa đến cho thế giới. Thiên Chúa là sự giầu có duy nhất mà con người ước mong tìm thấy nơi và quacon người linh mục’.

- Truyền thống sống đạo tại Việt nam, người giáo dân rất trọng vọng người tu trì, đặc biệt các linh mục, giám mục… Xóm làng, gia đình và giáo xứ là những pháo đài bảo vệ, gìn giữ linh mục tu sĩ và nâng đỡ các ngài. Ngược lại trong một xã hội tục hóa như tại Úc, linh mục được coi là một nghề, tiền lương ít mà lại nhiều challenge, thách đố. Cùng một công việc ví dụ như hiệu trưởng hay giáo sư tại trường,, người giáo dân thường lãnh lương mấy chục ngàn trong lúc đó người tu sĩ chỉ có tiền lương quy định mưới mấy hai chục ngàn. Chỉ được một điều là không bị đánh thuế và được đảm bảo về y tế nhà cửa. Phần đa các giáo xứ chỉ có một linh mục nên cuộc sống linh mục bị đối diện cuộc sống cô đơn lắm. Linh mục trong một tu hội thì đỡ hơn vì ít ra cũng còn có hội viên chung sống nâng đỡ nhau… Tựu chung linh mục tu sĩ với lãnh vực làm việc, tự lo cho mình….

- Đường hướng, lối đào luyện khác biệt vì phải thích nghi với hoàn cảnh sống… nhưng tiên quyết vẫn là đào tạo một tâm hồn, một diện mạo là Đức Kitô mục tử, căn tính của đời linh mục. Chiều sâu tâm linh tu đức, lòng đạo đức và nhiệt tâm tông đồ vẫn là những mục tiêu mà các vị đào luyện lưu tâm tới và các ứng viên cần hấp thụ và thăng tiến.

- Còn cuộc sống thì tôi nghĩ ở Việt Nam hầu hết các linh mục có người phục vụ cơm nước, nhà cửa vườn tược có người làm, các hội đoàn trong giáo xứ phân công lo việc giáo đường. Còn xứ Úc thì sau các giờ phụng tự và sau công tác mục vụ hầu hết các linh mục tự mình lo ăn uống, quyét dọn nhà cửa, ngoại trừ giáo xứ dư gỉa thì mướn người giúp việc, nhưng cũng chỉ vài giờ trong một ngày và hai ba ngày trong một tuần mà thôi! Nhà thờ tại Việt Nam có các ông từ và nhiều người công tác phụ giúp; trái ngược lại ở Úc phần đa, sau khi dâng lễ tay bắt mặt mừng, chính các linh mục lại âm thầm đóng cửa nhà thờ, dọn dẹp…

- Nhìn lại linh mục rất đại loại như trăm ngàn cuộc sống khác, như Đức Kitô linh mục không phải là một chủ nhân ông, hay một ông vua nhỏ một cõi hay một thánh nhân… Trong thân phận con người, như Thánh Phaolô nói: ‘Linh mục là người được tuyển chọn thay cho dân, tế lễ đền tội cho mình và cho dân’ vậy linh mục chỉ khác người thường vì thiên chức linh mục, một hồng ân không do loài người ban tặng mà là hồng ân do Thiên Chúa tặng ban!’
 
Top Stories
PRESS RELEASE: Release immediately human rights lawyer Le Cong Dinh
The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media
14:40 18/06/2009
The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media

92 The River Rd - Revesby NSW 2212
Tel: (02) 9773 0933
Fax: (02) 9773 3998
paulvanchi@yahoo.com
PRESS RELEASE

FOR IMMEDIATE RELEASE

Contact: Fr. Paul Van Chi Chu
Tel: (02) 9773 0933
Mob: 0410 552 650


Sydney, May 18.The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media would like to voice our deep concern on the arrest of Le Cong Dinh, a Catholic attorney who's well known for his role in defending pro-democracy and human rights activists and a concerned citizen on a number of national issues.

The announcement of Le Cong Dinh's arrest on June 13, 2009 has been a shock to many at home and abroad. According to what Vietnam police had said on state media, Le, a Vietnam's leading attorney and a former vice president of the Ho Chi Minh City Bar Association, was accused of violating Article 88 of Vietnam's criminal code, which prohibits conducting propaganda against the government, a crime which carries up to 20 years in prison if convicted.

The Communist Party newspaper Nhan Dan said Dinh used the trial to "take advantage" of his work as a defense lawyer and "propagandize against the regime and distort Vietnam's constitution and laws."
Authorities also accused Dinh of exploiting a national debate over an expansion of bauxite mining in Vietnam's Central Highlands to "incite people against the Communist Party and the government," according to the official Vietnam News Agency.
The fact of the matter is Le Cong Dinh has committed no crime as the police and state media has portrayed him as. In fact, not long ago he was praised by the state-owned Tuoi Tre magazine as top-notched lawyer on International Commercial law who had won numerous awards for representing his Vietnamese clients’ high profile clients such as Vietnam Airlines or Vietnamese catfish farmers in a trade dispute with U.S. fishermen.

Le also chose to represent two prominent prisoners of conscience Nguyen Van Dai and Le Thi Cong Nhan- for allegedly distributing anti-government documents- at their court of appeal, arguing that Article 88, under which the two were charged, is unconstitutional and contravenes international human rights treaties that Viet Nam has ratified, such as the International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR), and should therefore be reviewed. He also represented Nguyen Hoang Hai, a blogger known as Dieu Cay, who was tried in September 2008 on politically motivated criminal charges for writing critical articles and calling for human rights.
Le Cong Dinh has also been an outspoken critic of recent bauxite-exploitation plan in the Central Highlands which had been publicly challenged by a majority of Vietnamese intellectuals, former high ranking officials as well as concerned domestic overseas Vietnamese.
Due to widespread discussion on how the plan would be posing serious dangers to both environment and national security, more people are searching for an answer as why the government would keep something even the Prime Minister categorized as "major national policy" as this one a top-secret for years without presenting it to the Congress!

Last but not least, Le also called for political pluralism in Vietnam.

We as many others strongly believe that Le Cong Dinh has been under arrest for peacefully exercising freedom of speech and freedom to represent pro democracy and human rights clients.

We therefore would like to join the chorus of freedom lovers and human rights activists in express our support for Le Cong Dinh and his family during this difficult time. We also call for Vietnam government to release and dismiss all charges against him. Only by doing so, this government can show its citizens and the world community how committed it would be in upholding the calling on the authorities to uphold the rights to freedom of expression and association, in line with human rights treaties Viet Nam has ratified.

Contact:
Fr. Paul Van Chi Chu
Tel: (02) 9773 0933
Mob: 0410 552 650

Mons. Peter Tai Van Nguyen
Director of Radio Veritas Asia
Buick St. North Fairview,
Quezon City, Philippines
P.O. Box 2642
Email: rvaprogram@rveritas-asia.org

Fr. John Nghi Tran
Director of VietCatholic News Agency
435 Berkeley Ave
Claremont, CA 91711, USA
Tel (909) 581-8888
Email: conggiao@gmail.com

Fr. Joachim Viet-Chau Nguyen Duc
Director of People Of God Magazine in America
PO Box 1419 Gretna,
LA 70053-5440, USA.
Email: danchuausa@yahoo.com

Fr. Anthony Quang Huu Nguyen
Director of People Of God Magazine in Australia
715 Sydney Rd. Brunswick Vic 3056
Australia
Email: danchuaucchau@gmail.com

Fr. Stephen Luu Thuong Bui
Director of People Of God Magazine in Europe
Magazine Catholique
Katholische Monatszeitschrift
Monthly Catholic Magazine
Email: info@danchua.de

Fr. Paul Van-Chi Chu
Vice Director of VietCatholic News Agency
92 The River Rd - Revesby
NSW 2212
Australia
Email: paulvanchi@yahoo.com
 
Après l’arrestation de l’avocat Lê Công Dinh, les réactions de réprobation, à l’intérieur et à l’extérieur du pays, sont quasi unanimes
Eglises d'Asie
16:14 18/06/2009
Après l’arrestation de l’avocat Lê Công Dinh, les réactions de réprobation, à l’intérieur et à l’extérieur du pays, sont quasi unanimes

Le 13 juin 2009, la Sécurité vietnamienne a arrêté l’un des plus célèbres avocats du Vietnam, Me Lê Công Dinh, pour diffusion de propagande antigouvernementale et collusion avec des groupes étrangers. Dans la presse nationale aussi bien qu’étrangère, sur les blogs et les sites de la diaspora, les articles se sont multipliés à son sujet. Certaines informations ont fait état de détails de la vie privée de l’avocat: son mariage avec Miss Vietnam, son appartenance religieuse – il est en effet de religion catholique et porte le nom de Dominique. On a aussi mentionné qu’il faisait parti de cette génération d’avocats formés au Vietnam depuis la fin des années 1980 après que l’enseignement du droit, supprimé des universités pendant quelques années après la mise en place du nouveau régime, eut été rétabli. Ce sont eux qui, aujourd’hui, forment, le gros de la troupe des militants pro-démocratiques du pays. Lui-même a poursuivi ses études de droit en France et aux Etats-Unis.

Si la presse officielle s’est contentée de reprendre et de commenter l’acte officiel d’accusation contre l’avocat et de recueillir des témoignages apparemment « scandalisés » de citoyens vietnamiens (1), la presse, les sites Internet, les organisations humanitaires installées à l’étranger lui ont largement accordé leur soutien. Des communiqués de protestation ont été publiés par les principales organisations internationales des droits de l’homme comme Human Rights Watch, Amnesty International, Reporters sans frontières, etc. Le 16 juin, un communiqué des Affaires étrangères américaines demandait la libération immédiate et sans condition de Me Lê Công Dinh. Le poids de ces réactions internationales a été tel que le porte-parole des Affaires étrangères vietnamiennes, dans une déclaration à la presse internationale, le 17 juin, s’est vu obligé de justifier publiquement l’intervention gouvernementale: « L’arrestation de Lê Công Dinh s’est déroulée selon les dispositions de la loi vietnamienne, a-t-il dit. L’avocat a enfreint la loi vietnamienne et s’est associé à un certain nombre d’éléments étrangers pour agir contre l’Etat vietnamien. »

L’avocat a été arrêté, le samedi 13 juin 2009, chez lui, dans le quartier de My Khang, VIIème arrondissement de Saigon. Les journaux vietnamiens, qui ont annoncé la nouvelle le jour même et l’ont commenté le jour suivant, ont précisé qu’il était coupable de propagande déformant la législation du pays et d’association avec des forces réactionnaires résidant à l’étranger (Công An Nhân Dân). Le ministère de la Sécurité a précisé que si l’avocat avait été arrêté « en urgence », c’est à cause de ses rapports étroits avec de nombreuses organisations et éléments complotant depuis l’étranger pour faire éclater des troubles à l’intérieur du pays et renverser le pouvoir populaire. Des fonctionnaires de la Sécurité gouvernementale ont même donné avec précision un certain nombre de noms d’organisations et de personnalités avec lesquelles l’avocat aurait été en relation. C’est à travers tout ce réseau, que, selon le Saigon Giai Phong, l’avocat aurait fait circuler des documents calomnieux et mensongers à l’égard du gouvernement. Il a diffusé des circulaires portant sur des questions sensibles, comme l’exploitation de la bauxite, ou encore la souveraineté vietnamienne sur les archipels contestés des Spratly et des Paracel. Il aurait ainsi acquis un très grand renom à l’étranger où il a été invité plusieurs fois à des cessions de formation à l’action non violente. L’édition du 17 juin du Saigon Giai Phong prévoit que, pour toutes ces infractions, le ministère public pourrait requérir contre l’avocat une peine allant de trois à vingt ans de prison.

A l’étranger, les articles de presse favorable à l’avocat ont fait valoir sans peine la faiblesse des raisons invoquées pour justifier l’arrestation de Me Lê Công Dinh. On a en particulier souligné que celui-ci, en tant qu’avocat, avait parfaitement le droit d’exprimer publiquement ses conceptions et ses prises de position. Par ailleurs, au même titre, il ne pouvait être sanctionné pour avoir défendu et soutenu des clients, même dissidents, venus recourir à ses services.

(1) Voir par exemple le Saigon Giai Phong du 14 juin 2009.
 
Madhya Pradesh: les aborigènes bhil accueillent le premier évêque issu de leur ethnie
Eglises d'Asie
16:15 18/06/2009
Madhya Pradesh: les aborigènes bhil accueillent le premier évêque issu de leur ethnie

Le 16 juin dernier, Mgr Devaprasad Ganawa, premier évêque aborigène bhil, une ethnie très présente au Madhya Pradesh, Etat du centre de l’Inde, a été ordonné à la tête du diocèse de Jhabua, par Mgr Leo Cornélio, archevêque de Bhopal, en présence de onze prélats, 300 prêtres, 500 religieuses et des milliers de fidèles.

Le diocèse de Jhabua, au Madhya Pradesh, comprend une population très majoritairement aborigène. Erigé en 2002, il était en attente d’un nouvel évêque depuis octobre 2008, date où son premier prélat, Mgr Chacko Thottumarickal, a été transféré dans le diocèse voisin d’Indore. Une foule de près de 10 000 personnes, essentiellement des catholiques bhil, assistaient à l’événement, participant à la cérémonie par des danses traditionnelles en costume d’apparat, au son des tambours. Mgr Devaprasad Ganawa a déclaré vouloir faire revivre sa communauté sur tous les plans, « social, économique et politique ». Il a également souligné la nécessité de protéger les dialectes autochtones, la culture et les traditions, tout en luttant contre l’influence grandissante de la drogue et de l’alcool dans la vie des aborigènes.

Cette volonté de développement de leur communauté est partagée par l’ensemble des fidèles présents à l’ordination. Vijay Martin Meda, catholique bhil, a ainsi confié à l’agence Ucanews (1): « Désormais, notre peuple peut aller trouver directement l’évêque et lui parler de ses problèmes. Il sent qu’il sera compris parce que l’évêque connaît bien notre communauté. » Il a poursuivi en disant que les Bhil attendent de leur nouveau prélat qu’il développe l’accès à l’éducation, aux soins de santé et aux services d’Eglise « dans les coins les plus reculés du diocèse, même pour ceux qui ne sont pas catholiques ».

Quant à Manuel Ganawa, neveu du nouvel évêque et catéchiste au service du diocèse, il se réjouit: « Maintenant, nous avons surmonté le principal obstacle: le manque de communication. » Bien que l’ancien évêque et les missionnaires aient « fait un bon travail », bon nombre d’entre eux ont négligé l’importance des traditions locales et des coutumes parce qu’ils « ne venaient pas de la communauté », explique-t-il.

Le P. Casimir, membre lui aussi de l’ethnie bhil, confirme: « C’est un rêve devenu réalité pour notre peuple. » Mgr Thottumarickal, qui a prêché durant la cérémonie, a souligné que le fait qu’une personne issue d’une ethnie aborigène devienne évêque était « le signe d’une réelle reconnaissance des aspirations de tout un peuple ».

Le nouveau prélat, âgé de 58 ans, prend la tête d’un diocèse de plus 32 000 catholiques, lesquels cohabitent avec quatre millions de personnes majoritairement hindoues (2). Le christianisme s’est implanté dans la région il y a plus de cent ans, avec la première paroisse créée en 1896 dans le village de Thandla. L’Eglise catholique a érigé le diocèse de Jhabua à partir des diocèses d’Indore et d’Udaipur, afin de correspondre davantage aux besoins de la communauté catholique bhil grandissante. Actuellement, 14 prêtres sur les 61 qui desservent le diocèse appartiennent à l’ethnie bhil (3).

Jhabua est considéré comme un district défavorisé en Inde, avec peu d’infrastructures de santé et 77 % d’analphabètes. Il a fait les titres de l’actualité en 1998, après le viol de trois religieuses catholiques par des membres présumés de groupes extrémistes hindous. Depuis, l’Eglise locale a subi de nombreuses attaques, les hindouistes l’accusant de convertir des aborigènes crédules, sous couvert d’activités sociales comme l’éducation et les soins de santé.

(1) Ucanews, 18 juin 2009.

(2) Statistiques Catholic Hierarchy, 2006.

(3) Chiffres de l’agence Ucanews, 18 juin 2009.
 
Les responsables religieux joignent leurs voix aux manifestations anti-gouvernementales
Eglises d'Asie
17:14 18/06/2009
Les responsables religieux joignent leurs voix aux manifestations anti-gouvernementales

Dans un contexte marqué par une crise économique sévère et des tensions récurrentes avec le voisin nord-coréen, le président Lee Myung-back, issu d’une majorité conservatrice et au pouvoir depuis février 2008, ne cesse de cristalliser les mécontentements. Tandis que les manifestants descendent en nombre dans les rues, les responsables religieux, catholiques, protestants et bouddhistes, joignent leurs voix aux critiques du gouvernement et demandent le respect des règles démocratiques.

Le 12 juin, le Comité ‘Justice et Paix’ de la Conférence des évêques catholiques de Corée, en lien avec le Comité ‘Justice et Paix’ de l’archidiocèse de Séoul, a organisé un colloque sur le thème: « Bien commun et pouvoir étatique ». Le P. Francis Oh Kyeng-hwan, professeur à l’Université catholique d’Incheon, y a expliqué que le pouvoir politique ne pouvait s’exercer que dans les limites fixées par la moralité et être au service du bien commun. Si ce n’est plus le cas, a-t-il continué, les citoyens doivent suivre leur conscience et ne sont plus tenus d’obéir. « Le gouvernement doit présenter des excuses », a-t-il ajouté, à propos d’un incident survenu en janvier dernier. A Yongsan, un quartier de Séoul, l’expulsion de locataires d’un immeuble promis à la destruction a mal tourné; un incendie s’est déclaré, cinq occupants de l’immeuble et un policier sont morts; depuis, des manifestations ont lieu régulièrement, donnant lieu à d’importants déploiements de forces de police anti-émeute.

Le 15 juin, quelque 1 200 moines de l’Ordre Jogye, la plus importante dénomination bouddhique du pays, ont signé une pétition demandant au président Lee Myung-bak de respecter la démocratie. « Les décisions politiques unilatérales du président Lee indiquent que notre démocratie a déraillé », peut-on lire dans ce texte.

Le lendemain, 1 221 pasteurs de l’Eglise presbytérienne ont publié une lettre ouverte à Lee Myung-bak dans les colonnes de deux grands quotidiens nationaux. Ils demandaient au président de ne pas abuser de son pouvoir et de promouvoir la démocratie en défendant les libertés d’expression et de réunion.

Finalement, dans la soirée du 17 juin, 20 000 personnes se sont retrouvées sur la place de l’hôtel de ville de Séoul, à Seoul Plaza, pour célébrer le 22ème anniversaire des premières élections démocratiques du pays, en juin 1987. La manifestation avait dans un premier temps été interdite par le pouvoir avant d’être autorisée; elle s’est déroulée en présence de très importantes forces de l’ordre, 12 000 policiers selon la presse coréenne.

Pour les responsables religieux comme pour les manifestants, la politique menée par le président Lee, au plus bas dans les sondages, marque un « recul de la démocratie ». Parmi les éléments qui sont reprochés à l’exécutif, on trouve pêle-mêle la montée des tensions avec la Corée du Nord, la poursuite d’un projet controversé de voie d’eau entre Séoul et Pusan, l’écart grandissant entre les riches et les pauvres, ou bien encore la gestion catastrophique du dossier de l’importation de viande bovine américaine. Le suicide, le 23 mai dernier, de l’ancien président Roh Moo-hyun, au pouvoir entre 2003 et 2008, a ajouté aux critiques anti-gouvernementales. En effet, une partie de l’opinion accuse le gouvernement d’avoir acculé l’ancien président au suicide par le zèle dont a fait preuve le parquet dans son enquête sur un scandale financier auquel était mêlée sa famille. Le 29 mai, jour des funérailles, un million de personnes étaient rassemblées dans le centre de Séoul pour rendre hommage à Roh Moo-hyun, artisan d’une politique d’ouverture (« sunshine policy ») envers Pyongyang à laquelle Lee Myung-bak a mis fin.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tâm Tình Đại Hội Giáo Lý lần 10
Nguyễn Diễm Trang
07:12 18/06/2009
Tâm Tình Đại Hội Giáo Lý lần 10

“Thánh Phaolô Tông Đồ, mẫu gương của Giáo Lý Viên” là chủ để của Đại Hội Giáo Lý (ĐHGL) lần thứ 10 được tổ chức tại Baton Rouge – Louisiana từ ngày 12 đến ngày 14/06/2009.

Sáng sớm tinh sương ngày thứ sáu, khi thành phố và vạn vật còn đang say ngủ, xe của đoàn giáo lý viên (GLV) Fort Worth, Texas chúng tôi bắt đầu lăn bánh. Sau khi đọc kinh sáng và dâng ngày cho Chúa, 12 anh chị em chúng tôi bắt đầu câu chuyện râm ran… Lòng chúng tôi rộn lên một niềm vui khôn tả như những đứa con đi xa, nay lại có dịp trở về họp mặt nhau, cùng học hỏi, cùng chia sẻ tâm tình buồn vui trong đời GLV.

Chẳng mấy chốc, con đường trước mắt dường như ngắn lại hơn, chúng tôi đến nơi vừa kịp ghi danh và tham dự nghi thức cầu nguyện khai mạc đại hội. Chúng tôi có dịp ôn lại chủ đề của các đại hội trước… thắm thoát đã 20 năm trôi qua … một chặng đường không ngắn để thấy sự nỗ lực rất lớn của Ủy Ban Giáo Lý đã tổ chức thành công các đại hội, để cứ hai năm, chúng tôi có dịp tập họp nhau lại, nhằm hâm nóng lòng nhiệt thành dấn thân của đội ngũ GLV chúng tôi.

ĐHGL lần thứ 10 diễn ra trong năm Thánh Phaolô, nên chúng tôi có dịp được học hỏi và suy tư về cuộc đời Thánh Phaolô. Mục đích của ĐHGL lần này là trình bày dung mạo và những nét đặc trưng của Thánh Phaolô, người GLV tiền phong và là đại sư của mọi GLV trong Giáo Hội.

Thuyết trình viên chính của đại hội là Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo từ Roma đến. Qua hai bài chia sẻ, Ngài đã làm sống lại tinh thần truyền giáo của Thánh Phaolô từ 2000 năm trước. Bí quyết của lòng hăng say dấn thân của nhà truyền giáo vĩ đại này là sức mạnh nội tâm, kín múc từ bốn nguồn mạch là:

1. Lòng say mến Chúa Giêsu “Đối với tôi, sống chính là Chúa Kitô” (Pl 1, 21).

2. Sự nhạy cảm và vâng lời tuyệt đối các tác động của Chúa Thánh Thần “Giờ đây được Chúa Thánh Thần thuyết phục và thúc đẩy, tôi lên Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó…” (Cv 20, 22).

3. Tâm tình yêu mến giáo hội “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Nguời là Hội Thánh” (Col 1, 24).

4. Tình yêu sâu đậm đối với tha nhân “Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi, tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Giêsu Kitô” (Phil 1, 8).

Đức Ông nêu cao vai trò từng GLV trong công cuộc loan báo Tin Mừng bằng việc so sánh hình ảnh ngọn đèn pha chiếu thật sáng trên mái nhà và vai trò những bóng đèn nho nhỏ nhiều cỡ nhiều loại trong các căn phòng, dưới tầng hầm, trong nhà kho... Thật vậy, Giáo Hội luôn cần những ngọn đèn pha cực mạnh như Thánh Phaolô, nhưng không thể không cần đến vai trò của những bóng đèn nhỏ dưới hầm hay trong bóng tối của nhà kho.

Tôi là bóng đèn nào trong căn nhà Giáo Hội? Đèn của tôi có còn đủ sáng không?

Đức Ông liên hệ hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô và con đường các GLV chúng ta đang đi hiện nay, chắc chắn đó không phải là con đường bằng phẳng và thênh thang! Không ai không gặp khó khăn trong cuộc sống và trong nhiệm vụ dạy giáo lý! Đôi lúc tâm tình chán nản, bất mãn, và ý nghĩ rút lui lại xuất hiện trong đầu óc. Những lúc đó, ước gì các GLV biết noi gương Thánh Phaolô, biến đau khổ thành lời chúc tụng và biến khó khăn thành cơ hội mới để loan báo Tin Mừng “Chúng tôi có phải chịu gian nan là để anh em được an ủi và cứu độ” (2 Cor 1, 5)

Theo gương Thánh Phaolô, nhiệm vụ dạy giáo lý không chỉ đòi hỏi GLV hiểu biết giáo lý mà thôi, nhưng còn đòi chúng ta phải có khả năng yêu thương, yêu những người mình có bổn phận dạy dỗ, yêu Giáo Hội, yêu cả những người không cùng tôn giáo hay chủng tộc. Có như thế thì việc rao giảng của chúng ta mới mang lại hiệu quả đích thực là loan truyền Chúa tình thương và đạo Chúa là đạo của tình thương.

Ngoài hai bài chia sẻ của Đức Ông, các GLV còn đuợc tham dự 3 vòng hội thảo xoay quanh 3 chủ đề về chuyên môn và 6 chủ đề vê Thánh Phaolô:

1. Phương pháp soạn bài và đứng lớp (anh Đinh Văn Dương và chị Đoan Trang): Nhằm giúp các GLV xác tín sự cần thiết phải soạn bài và cách soạn một bài dạy giáo lý mang lại hiệu quả cao.

2. Sinh hoạt trong lớp giáo lý (Cha Trần Ngọc Xưa): Soạn bài chưa đủ, GLV còn phải biết làm cho lớp giáo lý sinh động và hấp dẫn qua các sinh hoạt múa, hát, trò chơi…

3. Tĩnh tâm Ephata (Cha Việt Hưng và anh Nguyễn Nhật): Để đáp ứng nhu cầu tĩnh tâm ngày càng cao cho lớp chuẩn bị Thêm Sức. Hội thảo này trình bày mô hình tĩnh tâm Ephata cho các em, nhằm giúp các em chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón nhận Ơn Chúa Thánh Thần và thực hiện một cuộc biến đổi nội tâm sâu xa.

4. Hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô bằng những phương tiện hiện đại (Anh Phạm Xuân Khôi và anh Đàm Hữu Thư): Hành trình truyền giáo của thánh Phao-lô được kể lại qua những slide show có lồng tiếng nói và âm nhạc, phim ngắn … giúp học sinh tiếp nhận và học hỏi một cách thích thú và hào hứng. Buổi hội thảo đưa ra một vài powerpoint và video clip mẫu để gợi ý cho tham dự viên có thể về thực hiện những “sản phẩm” tương tự.

5. Thánh Phaolô và việc hội nhập văn hóa trong sứ mệnh truyền giáo (Gs Quyên Di): Tinh thần hội nhập văn hoá của thánh Phao-lô gợi nhớ hành trình truyền giáo của các vị thừa sai trên đất nước Việt Nam. Tinh thần ấy cũng giúp chúng ta nghĩ đến việc hội nhập văn hoá của người Công giáo Việt Nam khi sống tại các nước khác, đặc biệt tại Hoa Kỳ.

6. Thánh Phaolô và vai trò phụ nữ trong việc loan báo Tin Mừng (Cha Nguyễn Thảo, chị Mộng Hằng và chị Thanh Hà): Cuộc hội thảo giúp tham dự viên tìm hiểu quan niệm và lập trường của thánh Phao-lô về vai trò phụ nữ trong việc xây dựng cộng đoàn.

7. Thánh Phaolô, một giáo lý viên gương mẫu (Sr. Kim Khương và Cha Nguyễn Mạnh Hùng): Buổi hội thảo vừa nhắm tới phương pháp sư phạm của thánh Phao-lô vừa nhắm tới những đức tính cần thiết của một giáo lý viên, qua mẫu gương của thánh Phao-lô.

8. Thánh Phaolô – Bí Tích Thánh Thể và Cộng Đoàn (Cha Vũ Xuân Minh): Buổi hội thảo này giúp tham dự viên cách hướng dẫn học sinh hiểu và sống bí tích Thánh Thể, qua mẫu gương là thánh Phao-lô.

9. Đọc và hiểu các thư Thánh Phaolô (Cha Dominic Hùng & TS Lê Xuân Hy): Có nhiều cách đọc để hiểu thư của thánh Phao-lô. Cuộc hội thảo này đưa ra một số phương pháp, đồng thời giúp tham dự viên cách hướng dẫn học sinh áp dụng những phương pháp này để hiểu và sống các giáo huấn trong các thư của Ngài.

Bên cạnh việc học hỏi là chính yếu, chúng tôi còn được ngồi lại theo nhóm để chia sẻ những cảm nhận, những khó khăn gặp phải trong hành trình truyền giáo, trong việc dạy giáo lý của mình. Việc học hỏi lẫn nhau từ kinh nghiệm thực tế thật vô cùng bổ ích cho chúng tôi.

Đến với ĐHGL, không chỉ để học tập và làm việc, chúng tôi còn được tham dự Thánh Lễ, lãnh bí tích hòa giải, có giờ chầu Thánh Thể để trầm mình và lắng đọng tâm hồn trước Thánh Thể Chúa. “Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức được sứ mạng Chúa trao cho chúng con trong việc dạy dỗ các em. Dù công việc có khó khăn, vất vả, đòi hỏi nhiều hy sinh và thánh giá, xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ chúng con luôn luôn”.

Đến với ĐHGL, chúng tôi còn được tham gia các sinh hoạt, hát, múa, trò chơi, được thưởng thức chương trình diễn nguyện về “Ngày Phán Xét” do cha Xưa phụ trách và phần ca nguyện vào đời do nhóm các bạn trẻ từ Houston đến. Đến với ĐHGL để thấy lòng nhiệt thành hăng say làm việc của mọi người và sức sống căng tràn nơi các bạn trẻ, để hâm nóng lòng nhiệt thành truyền giáo trong mỗi người.

Đến với ĐHGL, ngoài những của ăn tinh thần, chúng tôi còn được chia sẻ những món ăn đầy hương vị và ngọt ngào lòng hiếu khách của gia đình tận hiến cùng quý ông quý bà của gx Antôn & Lê Văn Phụng do Cha Hải Minh phụ trách. Cha và quý ông bà rất vất vả trong công việc phục vu 250 tham dự viên về dự ĐHGL nhưng nụ cuời luôn nở trên môi và tiếng chào mời chúng con đến để lấy thức ăn và nước uống. Chúng con có cảm tưởng mình như những đứa con làm ăn ở xa, trở về trong một mái ấm gia đình, để được Cha và quý ông bà cưng yêu, vỗ về, tẩm bổ cho lại sức… để rồi lại tung chân ra đi… Chúng con không biết nói lời gì hơn để cám ơn Cha và hết mọi người đã lo lắng cho chúng con trong mấy ngày Đại Hội. Chúng con chỉ biết xin Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho Cha cũng như quý ông bà đã vất vả lo cho chúng con.

Chúng con cũng xin chân thành cám ơn Đức Cha Mai Thanh Lương đã từ Cali bay về để hòa chung niềm vui với Đại Hội. Sự hiện diện của Đức Cha là niềm khích lệ lớn lao cho chúng con. Chúng con cũng xin cám ơn sự hiện diện và công sức của Đức Ông, toàn thể quý Cha, quý soeurs, các thành viên trong ủy ban giáo lý, và đặc biệt là cha Việt Hưng đáng kính của chúng con. Cha ơi! Cha là tấm gương sáng ngời cho GLV chúng con noi theo. Cha và ủy ban giáo lý đã tốn biết bao công sức từ nhiều ngày tháng để chuẩn bị chu đáo mọi việc cho đại hội được thành công tốt đẹp. Cha đã một đời hy sinh cho giáo lý và công cuộc loan báo Tin Mừng. Cha là ngọn đèn pha sáng chói cho chúng con noi theo. Xin Chúa ban cho Cha nhiều sức khỏe để Cha tiếp tục dẫn dắt chúng con trên hành trình truyền giáo theo gương Đức Kitô và Thánh Phaolô tông đồ vĩ đại.

Thế rồi, ba ngày đại hội cũng vụt qua mau, dù không muốn thì giờ chia tay cũng đã đến.

Thánh Lễ kính Mình Máu Chúa do ĐGM Mai Thanh Lương chủ sự đã kết thúc đại hội trong tâm tình yêu mến dạt dào của đoàn con thơ bé đã tìm gặp được Đức Kitô và đang náo nức chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người. “Ôi đẹp thay những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới, loan tình thương tình thương Chúa Trời, loan niềm vui niềm vui cứu đời, cho mọi người và mọi nơi…”

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đồng hành cùng Giêsu - Con Mẹ trên đường Thánh Giá. Xin Mẹ luôn nâng đỡ những GLV chúng con trong cuộc hành trình truyền giáo, làm chứng cho Tin Mừng. Để “cùng Mẹ con đi trên đường đời đầy bao gian nguy… tình Mẹ đưa con đi vào hành trình hiến dâng, cho cuộc đời thôi khóc than, cho đẹp thời gian Chúa ban” như trong lời hát kết lễ chúng con dâng lên Mẹ.

Đại hội kết thúc nhưng trong lòng tôi luôn vang dội bài hát sinh hoạt “Alleluyah… hãy nên như muối mặn cho đời, biến nát tan, biến trong đời mới. Ướp cho thêm, ướp cho mặn đời, thật khiêm nhu với những nụ cười…” Xin cho mỗi GLV chúng con xứng đáng là muối mặn để Chúa dùng mà ướp trần gian hôm nay.

Xin hẹn gặp lại tất cả các bạn ở Đại Hội Giáo Lý lần thứ 11 năm 2011.

Nguyễn Diễm Trang (gx Chúa Kitô Vua – Fort Worth – Texas)
 
ĐHY Phạm Minh Mẫn nói về những hệ lụy của phát triển kinh tế và mong muốn có phần đóng góp của người Công Giáo cho xã hội
Nguyễn Hoàng Thương
15:37 18/06/2009
ĐHY Phạm Minh Mẫn nói về những hệ lụy của phát triển kinh tế và mong muốn có phần đóng góp của người Công Giáo cho xã hội

Sài Gòn (AsianNews) - Chính sách của chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn các tôn giáo đóng vai trò trong “chính sách xã hội” và giáo dục. Đây là trường hợp của Bắc Việt từ năm 1945 và ở miền Nam từ năm 1975, sau khi miền Nam Việt Nam bị các lực lượng Cộng Sản giày xéo. Ngoại trừ trường mẫu giáo, các tổ chức tôn giáo không thể làm gì khác. Mặc dù những hạn chế như thế, các gia đình và các giáo xứ cũng đã truyền cho giới trẻ những giá trị và tư tưởng tích cực về cuộc sống trong mối tương quan với công lý, nhân bản và những gì tốt đẹp và sự thật.

Ở một nơi như Sài Gòn, các tổ chức xã hội có nguồn gốc tôn giáo có thể lập ra “các lớp học tình thương” với những học bổng cho các học sinh nghèo. Họ cũng có thể giúp trẻ tàn tật và trẻ sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Các thiện nguyện viên trẻ từ các giáo xứ dạy giáo lý trong khi nhiều người Công Giáo trở nên liên quan đến các hoạt động xã hội và mục vụ. Trong việc hợp tác với các giáo xứ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế, nhiều đề án mang tính xã hội đã được sự ủng hộ của giáo dân Công Giáo.

Đường lối dễ thấy của họ là đóng góp vào sứ mạng của tình yêu và phục vụ xã hội. Hoạt động mục vụ và giáo dục của họ và các giáo xứ có thể làm giảm bớt bạo lực trong gia đình. Điều này có nghĩa là các tín hữu có quyền và có trách nhiệm tham dự vào công cuộc xây dựng gia đình, cộng đoàn và đất nước.

Hiện thời, sự phát triển kinh tế tích cực cũng phải hứng chịu những hậu quả xã hội tiêu cực. Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn cho hay: “Kể từ năm 1975, Việt Nam đã tìm cách vượt qua những hậu quả của những năm dài chiến tranh, không chỉ trên bình diện vật chất mà còn cả trên bình diện con người: hơn 1 triệu thương binh, 2 triệu trẻ mồ côi, hơn 5 triệu người tàn tật và 2 triệu người góa bụa. Đồng thời, Việt Nam đã phá vỡ tình trạng bị cô lập để hội nhập vào thế giới toàn cầu và tăng tốc tiến trình hội nhập này”.

Ngài cho biết thêm: “Trong thập kỷ vừa qua, với việc quá độ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, đời sống kinh tế đã phát triển đáng kể. Tuy nhiên, sự phát triển này đã rơi vào thiếu bình đẳng, thiếu chính trực và thiếu bền vững. Sự phát triển như thế - cộng với chế độ chuyên quyền vốn ngạo mạn và thiếu kinh nghiệm và thiếu sự chẩn bị cần thiết – đã đem lại nhiều tác động tiêu cực cho xã hội: di dân nội địa trên quy mô lớn của hàng triệu gia đình và người trẻ, khoảng cách giàu nghèo phát triển nhanh chóng, sự sụp đổ rõ rệt về mặt đạo đức trong việc cổ súy lối sống theo chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, và đủ mọi thảm họa xã hội như lừa dối, tham nhũng, bạo lực, phá thai, ly dị, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, nghiện ma túy và bệnh HIV/AIDS. Tất cả những hậu quả tiêu cực này đã làm xói mòn các giá trị căn bản vốn duy trì đời sống gia đình và truyền thống đạo đức của nó, cũng như truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng thời, chúng góp phần cho nền văn hóa sự chết chống lại nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, vốn là con đường đích thực hướng chúng ta đến một đời sống hạnh phúc dồi dào và viên mãn”.

Đức Hồng y nói đến quan hệ giữa chính quyền và tôn giáo: “Vì những lý do lịch sử và ý thức hệ, giới cầm quyền Việt Nam trong vài thập kỷ qua đã có thái độ tiêu cực đối với tôn giáo nói chung. Điều này giải thích cho những khó khăn và hạn chế bị áp đặt trong các hoạt động tôn giáo. Sau khi chúng ta bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường, tình hình đã cải thiện. Giáo Hội Công Giáo không còn bị xem như là lực lượng chống đối chính quyền Cộng Sản, nhưng đúng hơn được xem như là người đối thoại với những người xây dựng và phát triển đất nước. Cuộc gặp vào ngày 25/01/2007 giữa Thủ Tướng Việt Nam và Đức Thánh Cha là dấu hiệu loan báo sự tốt đẹp bày tỏ sự sự sẵn lòng của người Công Giáo phục vụ người dân Việt Nam, dân Chúa ở Việt Nam và bảo vệ phẩm giá của họ. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số hạn chế, nhất là liên quan đến sự dính dấp của Giáo Hội trong các lĩnh vực xã hội như giáo dục và chăm sóc y tế”.

Ngài cũng nói đến giáo huấn của giáo hội: “Bản Tóm lược Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã Hội nêu bật các giá trị vốn đưa ra nền tảng cho một cộng đoàn nhân loại vững chắc; đó là sự thật và công lý, huynh đệ và liên đới, bác ái và hòa bình trong giáo hội địa phương chúng ta”; “Những giá trị đó trở thành tiêu chuẩn cho một nền giáo dục toàn diện nhắm đến người dân trong mọi lĩnh vực của đời sống: gia đình, nhà trường, xã hội. Thiếu vắng nền giáo dục toàn diện như thế thì lương tâm đạo đức có thể trở thành cái gì đó lầm lạc”.

Đức Hồng y đi đến kết luận: “Nếu con người, những người được phú cho các quyền căn bản và phẩm giá, không nằm ở trung tâm của sự phát triển cân bằng, họ có thể trở thành những công cụ sản xuất vật chất và những tham vọng ích kỷ về quyền lực và của cải trong xã hội”.
 
Các linh mục giáo phận Vinh thuộc khóa I của Đại chủng viện Vinh Thanh mừng kỷ niệm 15 năm linh mục
Anthony Hoàng
15:52 18/06/2009
Các linh mục giáo phận Vinh thuộc khóa I của Đại chủng viện Vinh Thanh mừng kỷ niệm 15 năm linh mục

Sáng ngày 17/06/2009, tại giáo xứ Hướng Phương, hạt Bình Chính, 17 trong số 27 linh mục của giáo phận Vinh thuộc khóa đầu tiên của Đại chủng viện (ĐCV) Vinh Thanh đã mừng kỷ niệm 15 năm linh mục của mình.

Sau năm 1954, ĐCV Phanxicô hay còn gọi là ĐCV Xã Đoài dường như đóng cửa. Mãi đến năm 1988, sau bao nỗ lực của Đức cố giám mục Phêrô Trần Xuân Hạp, giám mục giáo phận Vinh và Đức cố giám mục Phêrô Phạm Tần, giám mục Thanh Hóa, ĐCV Phanxicô xưa với tên gọi mới là ĐCV Vinh Thanh đã mở cửa trở lại để đào tạo linh mục cho hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa. Trong khóa học 1988-1994, giáo phận Vinh có 27 chủng sinh được tiến chức linh mục.

Thực ra, trong khóa đầu tiên đó, giáo phận Vinh chỉ được nhận vào 18 chủng sinh. Nhưng với thời gian ít năm sau đó, một số chủng sinh đã chờ đợi mấy chục năm nay, trong đó có những chủng sinh trở về từ trại giam chỉ trước ngày khóa đầu tiên mãn học một vài năm, và vì thế, Đức cố giám mục Phêrô Trần Xuân Hạp đã nhập các chủng sinh đó vào khóa I. Ngày 31.05.1994, ngày lễ Đức Mẹ Đi Thăm Viếng Bà Elisabeth, 25 chủng sinh của giáo phận Vinh thuộc khóa I được tiến chức linh mục và ít tháng sau hai chủng sinh còn lại cũng lãnh nhận tác vụ linh mục. Cũng từ ngày đó, khóa I ĐCV Vinh Thanh đã nhận Đức Mẹ Thăm Viếng làm Bổn Mạng, và ngày 31.05 hằng năm là ngày họp mặt của các ngài.

Nhưng năm nay, vì ngày 31.05 nhiều giáo xứ tổ chức mừng 15 năm linh mục cho các linh mục tại mỗi giáo xứ mà các ngài đang quản nhiệm, nên hôm nay, ngày 17.06.2009, các linh mục khóa I mới họp mặt được. Các ngài chọn giáo xứ Hướng Phương, sở hạt Bình Chính, một giáo điểm được nói đến từ thời cha Đắc Lộ, và cũng là nơi đã từng được các thừa sai người Pháp đặt Chủng viện vào năm 1803, như để nhắc nhở sứ mạng truyền giáo của mình và hướng đến việc tích cực hơn nữa trong việc góp phần đào tạo ơn gọi cho Giáo Hội.

Vì là cuộc gặp gỡ trong một thời điểm đặc biệt, và cũng là sắp đến ngày khai mạc Năm Thánh Linh Mục (19.06.2009), nên cộng đoàn giáo xứ Hướng Phương đã tổ chức chào đón và Thánh lễ tạ ơn - mừng 15 năm linh mục cho các ngài, trong đó có linh mục quản hạt và là quản xứ Hướng Phương – cha Giuse Hoàng Thái Lân, rất long trọng. Trong lời đón chào và chúc mừng của Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ Hướng Phương, có đoạn nói: “Mười lăm năm không phải là một chặng đường dài so với đời người, nhưng lại không phải quá ngắn đối với cuộc đời của một linh mục. Quý cha bây giờ đã là những cây cổ thụ trong giáo phận, che mưa che nắng cũng như nuôi sống chúng con bằng nguồn ơn thánh mà quý cha đã kín múc sâu xa từ Thánh Tâm của Chúa Giêsu.”

Nếu như 15 năm không phải là quảng thời gian quá ngắn đối với các linh mục nói chung, thì càng không quá ngắn đối với một số linh mục trong khóa I này vốn đã chờ đợi quá lâu. Thật vậy, có những vị trong các ngài lúc chịu chức đã ngoài năm mươi tuổi. Và các ngài bây giờ quả đã là những cây cổ thụ trong giáo phận. Trong 25 linh mục khóa I thì hiện tại một cha đang làm Phó chủ tịch Hội Đồng linh mục giáo phận, hai vị làm giáo sư ĐCV Vinh Thanh và có đến 10 vị đang làm Quản hạt cùng với hai cha quản hạt khác đã qua đời.

Các linh mục khóa I không chỉ đến Hướng Phương để gặp gỡ nhau và dâng lễ tạ ơn, mà tối ngày 16.06.2009, các ngài còn có một buổi giao lưu với cộng đoàn nơi đây. Trong đêm giao lưu, qua những câu hỏi mà các bạn trẻ đặt ra, nhiều tín hữu đã cảm động rơi lệ khi một số cha kể lại những nổi gian nan của những năm dài chờ đợi trong mịt mù và những tháng ngày bị tù đày, giam cầm.

Là những người đã cảm nghiệm những nổi gian khổ, và cũng là thể hiện đức ái mục tử, sau buổi gặp gỡ riêng của lớp, các ngài đã đi thăm và tặng quà cho Mái Am Hy Vọng Vincente của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hướng Phương.

Chúng ta cùng chia sẻ niềm vui và chung lời tạ ơn Chúa với các linh mục giáo phận Vinh khóa I của ĐCV Vinh Thanh trong ngày kỷ niệm hồng phúc này, và cùng cầu chúc cho các ngài được dồi dào sức khỏe, thành đạt trong mục vụ, để làm vinh danh Thiên Chúa và mang lại hạnh phúc cho con người.

 
Tây Nguyên giáo lý ký sự
Gioan Lê Quang Vinh
16:23 18/06/2009
TÂY NGUYÊN GIÁO LÝ KÝ SỰ

Tôi khăn gói lên Tây nguyên những ngày mưa mùa hè còn ẩm ướt khó chịu. Tôi cứ tò mò với anh “già làng” có tên gọi Cường Ski mến khách và những anh em nồng nhiệt, niềm nở. Tôi cũng háo hức muốn biết những khu Toà Giám Mục Tây Nguyên nổi tiếng đậm sắc thái văn hoá, uy nghi và trầm lắng. Và lòng cũng bồi hồi với “phố núi cao, phố núi đầy sương”, nơi tôi chỉ mới biết qua thi ca và âm nhạc, nơi có bụi đỏ mịt mù trong truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn, và sắp tới đây sẽ là nơi tôi được trao đổi và lắng nghe các soeurs Phaolô về giáo lý.

Chuyến xe tốc hành xé màn mưa, xuyên qua những khu rừng và chen vào trong bụi đường mù mịt. Ngoại trừ vài khu thị tứ sầm uất, còn lại suốt cả ngày xe chạy qua những đoạn đường vắng vẻ, gồ ghề khúc khuỷu. Quế Phương mệt mỏi trên cả quãng đường dài xe dằn lắc nên không còn hơi sức nhìn ngắm quang cảnh chung quanh. Còn tôi thì cố ngắm và thu vào trong tâm trí những cảnh vật mà mình có thể thấy được. Dọc đường là những ngôi nhà nhỏ, lặng lẽ, có những nơi nhà là những chòi lá sơ sài. Đời sống đa số người dân dường như chịu đựng nhiều hơn hưởng thụ và trong cái hoang tàn ấy, dường như con người chưa có cơ hội thể hiện siêu việt tính của mình, siêu việt tính mà Đấng Tạo Hoá phú vào cho họ cùng với công trình sáng tạo và cứu chuộc nhiệm mầu. Ngắm những ngôi nhà lá hoang tàn giống như vô chủ lấp ló trong các khóm cây cùng những bóng người chậm chạp lầm lũi bước đi, tôi thầm nghĩ không biết ánh sáng Tin Mừng đã chiếu đến với họ hay chưa, và nếu Tin Mừng đã gieo vào lòng đất ấy, liệu có cơ may nẩy mầm và mọc lên tươi tốt? Gai và chông quá nhiều.

Một địa danh bất ngờ đập vào mắt tôi khi xe đang lên cao nguyên: Nhân Cơ. Nghe nhiều về địa danh này với bao ưu tư của người thời đại, tôi cố đưa mắt nhìn thật kỹ chung quanh. Vẫn là đất đỏ mênh mông. Không biết mai này đất có còn màu mỡ, cây có còn xanh tươi và nguồn nước có còn ngọt mát. Nhà thờ Nhân Cơ khiêm tốn ven đường. Tôi nhoài người nhìn cho rõ. Chỉ là có mái nhà và những hàng cột với những dãy ghế đơn sơ. Gần đến ngày của Chúa, khi dân Chúa họp mặt nguyện cầu, họ chẳng có được chỗ ngồi dễ chịu, chẳng có vách kín khi trời mưa gió. Chợt nghĩ đến những ngôi thánh đường còn đẹp và chắc chắn nơi thành phố Sàigòn. Những ngôi nhà thờ đẹp và chắc chắn ấy dần dần được phá đi để xây dựng lại, có thể cũng cần thiết đấy, nhưng liệu có cần bằng những ngôi nhà thờ như ở Nhân cơ hay các nhà thờ tạm bợ trên suốt quãng đường lên cao nguyên này?

Già làng hỏi tôi có thích đi bản Đôn chơi không. Tôi lại thích đến một giáo điểm nào đó, nhưng nghe nói xa quá nên thôi. Anh em lại hẹn nhau vào chào Đấng bản quyền của giáo phận. Phong thái cởi mở và nhanh nhẹn, nhiệt tình và quả quyết, nhất là lòng đạo thể hiện qua cách nói của ngài: quì bên Chúa Giêsu Thánh Thể, hãy sẵn sàng đi bước trước… khiến chúng tôi vui mừng và hy vọng Giáo Hội sẽ bước đi nhanh hơn nhờ Thánh Thần thúc đẩy.

Soeur Marie Xuân Lan đón tôi buổi chiều trong veo và lành lạnh trên phố núi. Và tiếp theo đó là ba ngày cùng các chị em khấn sinh khám phá những chiều kích mới mẻ và thực tiễn trong khoa huấn giáo, một khoa cực kỳ quan trọng và cần nhiều canh tân, vì đó là nhiệm vụ cấp bách thuộc bản chất của Hội Thánh. Huấn quyền của Hội Thánh và những hoạt động sư phạm cần thiết cho việc giảng dạy được mổ xẻ cùng với sự đóng góp chân tình, sôi nổi và đầy lòng mến của các soeurs vốn đã có kinh nghiệm giáo lý từ nhiều miền, nhiều xứ khác nhau đã cho tôi lắng nghe và học hỏi thêm nhiều ngoài những kinh nghiệm ít ỏi mình có để chia sẻ. Từ công việc giảng dạy giáo lý trong cuộc đời mình, người ta ngày càng cảm nghiệm tình yêu mà Đức Kytô dành cho những tâm hồn trẻ thơ, mầm non của Hội Thánh. Từ chia sẻ của các anh em mình gặp trên đường đi, tôi nhận ra sức sống mạnh mẽ của Hội Thánh trong chính thao thức của các giáo dân, những người giáo dân năng động nhiệt thành mà lắm khi các vị mục tử chưa có cơ hội tìm cách cộng tác. Và từ sự hăng hái, trẻ trung và lòng yêu mến Giáo Hội của các soeurs khấn sinh, tôi học thêm bài học mà Thánh Phaolô dạy: “Phaolô trồng, Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên” (1 Cr 3,6).

Xin Mẹ Lavang là Thầy dạy của chúng con, giúp chúng con cảm nhận ngày càng sâu sắc tình yêu của Con Mẹ dành cho chúng con, để chúng con nhiệt thành chia sẻ với các em tình yêu của Chúa mà không ngại ngùng hay mệt mỏi, dù cho có những lúc chúng con không tìm thấy sự nâng đỡ bên ngoài trong công tác tông đồ thầm lặng ấy. Xin Mẹ mãi mãi là sự nâng đỡ mạnh mẽ cho chúng con.
 
Hành Hương Mẹ La Vang 2009
Bùi Hữu Thư
16:25 18/06/2009

Hành Hương Mẹ La Vang 2009



Hoa Thịnh Đốn, ngày 18, tháng 6, 2009: Hành Hương Mẹ La Vang năm 2009 đã khởi sự với hai chuyến du ngoạn được tổ chức cho khách hành hương khắp nơi về thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Ngày thứ ba 16/6/2009, một chuyến xe đã đưa một nhóm người đi thăm Hang Động đá vôi tại Luray, Virginia, một kỳ quan của Thiên Chúa. Nhờ thời tiết tốt đẹp, không mưa chuyến đi rất bình an. Khách hành hương đã được thấy hồ phản chiếu, các cột stalactites dinh liền với stalacmites cao khoảng 50 thước. Một sảnh đường rộng lớn và cao chứa được cả trăm người với đàn organ điện, và các búa gõ vào thạch nhũ, tạo nên những âm thanh huyền bí. Được biết đã có hàng ngàn đám cưới được tổ chức tại đây. Ngoài ra có hòn đá trông và rờ vào như một lòng đỏ trứng gà. Những thạch nhũ có lân tinh mầu xanh lá cây tuyệt đẹp…. Cuối cuộc thăm viếng, mọi người có thể thăm một bào tàng viện trưng bầy các xe hơi cổ nhất thế giới nếu muốn.

Các cột thạch nhũ vĩ đại cao tới 50 thước
Một hang rất rộng lớn
Cây Đàn organ kỳ diệu nơi tổ chức đám cưới
Mầu xanh rêu của thạch nhũ


Ngày thứ tư, một xe buýt 52 chỗ đã chở khách hành hương du ngoạn thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Cô Như La là người sắp xếp tổ chức và cũng là hướng dẫn viên cho chuyến du ngoạn này. Cô đã liên lạc, giữ chỗ và lo liệu mọi chi tiết về an ninh cho mọi người. Trước hết họ được vào quốc hội, được nghe giảng giải về lịch sử của tòa nhà vĩ đại và cổ kính. Họ chụp hình dưới chân tượng Tổng Thống Abraham Lincoln. Bữa ăn trưa tại Hạ viện rất vui vẻ và nhộn nhịp.

Tại GX/CTTĐ trước khi lên xe
Trên xe buýt
Trước Capitol
Trong Quốc Hội
Tại Cafeteria
Đang nghe hướng dẫn về lịch sử
Tại Hạ Viện
Cô Như La, hướng dẫn viên
Bãi đậu xe Ngũ Giác Đài


Sau Quốc Hội là Ngũ Giác Đài, Bộ Tư Lệng Quân Lực Hoa Kỳ. Rất tiếc không được chụp hình bên trong nên chỉ có những tấm hình bên ngoài. Vì vấn đề an ninh, khách hành hương phải gửi trước tên tuổi, ngày sanh, nơi sanh và phải xuất trình thẻ căn cước khi vào cửa. Đây là nơi mặt phía tây bị một phi cơ quân khủng bố cướp và đâm vào vách tường ở đây làm nhiều người bị thương vong. Ngay bên ngoài đã được thiết lập một đải kỷ niệm những nạn nhân của cuộc khủng bố này.

Các ngày thứ năm18/6, thứ sáu 17/6, và thứ bẩy 18/6/2009 chương trình Hành Hương như sau:

Thứ Năm, 18/6/09

  • Buổi sáng: Tự Do, thăm viếng DC - Ăn chiều tự do.
  • 6:00pm: Thánh Lễ Khai Mạc - Kính CTTĐVN. Chủ tế: LM Nguyễn Đức Vượng, Phó CT Liên Đoàn
  • Giảng thuyết: LM Nguyễn Thanh Châu, CT Miền Đông Nam.
  • 7:30pm: Hội Thảo Chung/Giảng Thuyết, (Crypt Church). Đề tài: Thánh Phaolô và dân ngoại: LM Nguyễn Khắc Hy.
  • 8:30pm: Chầu Thánh Thể, Hoà Giải, Rước Nến và Kiệu Thánh Thể quanh VCTĐ, Hôn Kính Xương Các Thánh. Chủ tế: LM. Đinh Ngọc Quế, CT Miền Tây Nam.
Thứ Sáu, 19/6/09

  • 10:00am -12:00pm: Gặp gỡ & Chia Sẻ với Đức Khâm Sứ Tòa Thánh, TGM Pierre Nguyễn Văn Tốt. Điều hợp viên: LM Trần Công Nghị: Vietcatholic
  • 12:00pm - 3:30 pm: Ăn Trưa, nghỉ tự do
  • 3:30pm - 5:45pm: Hội Thảo & Chia sẻ các giới: Chủ Đề: Thánh Phaolô và Gia Đình
  • - Phụ Huynh: LM Vũ Thế Toàn, SJ
  • - Thanh Niên (18-35): LM Hoàng Tất Thắng & Nguyễn Thanh Bình, DCCT
  • - Giới Trẻ (dưới 17 tuổi): Sơ Phương Nhi, O.P.
  • 6:00pm: Thánh lễ, Chủ Tế và Giảng thuyết: LM Nguyễn Thanh Liêm, CT Liên Đoàn.
  • 7:15pm: Xe di chuyển đến nhà hàng Harvestmoon
  • 8:00pm: Dạ Tiệc Liên Đoàn
Thứ Bảy, 20/6/09

  • 11:30am: Tập trung
  • 12:30pm: Thánh lễ Đại Trào - Đức Mẹ La Vang
  • Chủ Tế & Giảng Thuyết: Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt, Khâm Sứ Tòa Thánh
  • 14:30pm: Phép Lành Tòa Thánh và Bế Mạc.
 
Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt Viếng Thăm Cộng Đồng Công giáo Việt Nam tại Seattle
Nguyễn An Quý
17:06 18/06/2009
Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt Viếng Thăm Cộng Đồng Công giáo Việt Nam tại Seattle

Seattle. Chuyến viếng thăm Ad limina hằng năm và triều yết Đức Giáo Hoàng của các vị Giám mục Việt Nam tại Roma sẽ được diển ra vào đầu hạ tuần tháng 6 năm 2009. Đức Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt vị chủ chăn của Giáo phận Bắc Ninh, trước khi sang Roma, ngài đã dành một ít thời gian để ghé thăm một số Cộng Đồng Công giáo Việt nam tại Hoa Kỳ, đặc biệt các giáo dân gốc Bắc Ninh đang cư ngụ tại các tiểu bang nước Mỹ, trong đó ngài đã đến thăm các vùng Tây Bắc Hoa Kỳ như California, Denver, Oregon và Seattle Washington State.

Ngôi Thánh Đường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Seattle là nhà thờ của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam thuộc TGP Seattle vào sáng Chúa nhựt ngày 14 tháng 6 năm 2009 trở nên nhộn nhịp hơn mọi khi, đó là cảnh giáo dân chuẩn bị cho Thánh lễ mà Đức Giám mục Hoàng Văn Đạt sẽ Chủ tế vào lúc 9 giờ 30 sáng. Trong niềm hân hoan chào đón vị chủ chăn từ Giáo phận quê nhà đến thăm con cái nơi xứ lạ quê người, những người giáo dân gốc Bắc Ninh đã tỏ ra ân cần, nhiệt tình và nhất là hân hạnh được đảm nhận việc tổ chức đón tiếp vị chủ chăn của mình. Đúng 9 giờ 30, một số giáo dân đại diện cho Chi Họ Bắc Ninh bang Washington đã chỉnh tề trong bộ quốc phục và cùng với đoàn Chủ tế tham dự cuộc Cung nghinh Thánh Giá để tiến lên Bàn Thánh cử hành Thánh Lễ. Đoàn Đồng tế Thánh Lễ gồm có linh mục tổng quản Hoàng Phượng, linh mục phụ tá Nguyễn Sơn Miên, linh mục Lê Văn Tuấn đến từ Texas, linh mục Nguyễn An Ninh gốc Bắc Ninh hiện là linh mục tại Hoa Kỳ, tân linh mục Trần Minh Quân và thầy Phó tế Nguyễn Đức Mậu. Mở đầu Thánh lễ Cha Hoàng Phượng đã giới thiệu Đức Giám Mục Hơàng Văn Đạt với Cộng đồng dân Chúa, Cha Phượng ngỏ lời: “con xin cám ơn Đức Cha đã dành thì giờ quý báu đến thăm Cộng đồng chúng con, đồng thời dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cộng Đồng chúng con” qua lời giới thiệu của cha Hoàng Phượng, toàn thể giáo dân đã nhiệt liệt chào đón Đức Cha bằng tràng pháo tay dài và khá dài. Đức Cha cũng đã đáp lời cám ơn và mở đầu Thánh lễ bằng lời chào mừng dân Chúa hiện diện trong Thánh lễ, ngài nói:” hôm nay cùng với Giáo hội mừng lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa, tôi được hân hạnh đến đây để dâng Thánh lễ cùng anh chị em, chúng ta cùng cầu nguyện cho Cộng Đồng, cho giáo hội quê nhà và cho quê hương Việt nam”...

Trong bài chia sẻ tin mừng, tôi xin tóm gọn về 2 mẫu chuyện nho nhỏ mà Đức Cha đã kể: “ chuyện thứ nhất là có lần Đức Cha đi thăm một họ đạo khá xa, khi đến nơi, Đức cha vào Thánh đường thì thấy một số các em nhỏ trong độ tuổi thiếu nhi, các em đang chầu Mình Thánh Chúa rất sốt sắng, Đức cha nhìn quanh thì không thấy có người lớn nào cả - Câu chuyện thứ hai, cũng có lần Đức Cha đến một giáo xứ lẻ, ngài nói tôi hay đi thăm các giáo xứ bất thần, có khi không báo trước gì cả, ngài nói lần này lại đúng vào giờ Thánh lễ mà cha sở ở đó lại cho Đức Cha biết là: hôm nay có các em rước lễ lần đầu. Khi đến giờ rước Mình Thánh Chúa, Đức Cha nhìn quanh chẳng biết ai là kẻ rước lễ lần đầu, Đức Cha hỏi cha sở, cha sở nói: có nhiều em rước lễ lần đầu đó mà, đó các em đang đi đấy...Ngài nói: tôi thấy mọi giáo dân đi lên rước lễ đều chẳng phân biệt được ai là người rước lễ lần đầu, và ngài than thở: “ngay cả việc rước lễ lần đầu cũng không được tổ chức chu đáo, và cả việc chầu Mình Thánh Chúa của các em cũng không có người lớn hướng dẫn”, ngài kết luận: ao ước của tôi là muốn khơi dậy phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Kết thúc bài giảng ngài mời gọi mọi người hãy năng đến chầu Mình Thánh Chúa, và siêng năng đón nhận bí tích Thánh Thể.

Lời chia sẻ của Đức Cha đơn giản, ngắn gọn đã gợi cho nhiều giáo dân những băn khoăn suy nghĩ về sự khó khăn tại quê nhà, nơi giáo phận Bắc Ninh. Đức Cha cũng có nhắc khi mở đầu bài giảng: “Bắc Ninh chỉ cách Hà Nội một con sông đó là sông Hồng”. Trước khi kết thúc Thánh Lễ, linh mục Nguyễn Sơn Miên đã hát tặng Đức Giám Mục bài hát có tựa đề: “Con có một Tô quốc” lời của Cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận do linh mục Đỗ Bá Công phổ nhạc. Linh mục Nguyễn Sơn Miên là cha phụ tá của Cộng Đồng Công giáo Việt nam tại Seattle, cựu linh mục tuyên uý QLVNCH, đã bóc mười mấy quyển lịch trong các trại tù cộng sản tại miền Bắc, ngài là ca sĩ già gân của Cộng Đồng vì hễ khi nào Cộng Đồng có dịp vui, là ngài thường cất cao giọng hát nghe thật ngậm ngùi, bài hát ” Tôi có một Tổ Quốc…Nước Việt nam “đã ăn sâu vào tâm hồn của ngài. Thánh lễ kết thúc lúc 10 giờ 45 phút.

Tưởng cũng nên biết qua một chút về giáo phận Bắc Ninh. Giáo phận Bắc Ninh được thành lập từ năm 1883 do Đức Cha Colomer Lễ coi sóc, rồi đến các Đức Cha Valasco Khâm, Đức Cha Gordaliza Phúc, Đức Cha Artaras Chỉnh, Đức Cha Hoàng Văn Đoàn là vị Giám mục Việt nam đầu tiên, chủ chăn Giáo phận Bắc ninh, kế đến là Đức Cha Khuất Văn Tạo, Đức Cha Phạm Đình Tụng sau al2 Hồng y, Đức Cha Nguyễn Quang Tuyến và đương kim Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt. Đức Cha Hoàng Văn Đạt được tấn phong Giám mục ngày 7 tháng 10 năm 2008. Giáo phận Bắc Ninh vào năm 1954 khi đ1ât nước chia đôi, có đến 47 linh mục của Giáo phận và tất cả chủng sinh cùng gần 40 ngàn giáo dân đã di cư vào Nam để trốn cộng sản. Giáo phận đã trải qua nhiều thời kỳ trống toà và với những khó khăn hiện nay dưới thời cộng sản. Đức Cha Đạt khi còn là linh mục, ngài thường gắn bó với những người phong cùi. Bắc Ninh lại có trại phong cùi: Quả Cảm Bắc Ninh. Ngài đã từng khẳng định:” Trên cương vị Giám mục, ngài sẽ là bàn tay trợ giúp những những tấm lòng đến với người phong”

Buổi tiếp đón Đức Cha đầy thân tình do Chi Họ Bắc Ninh tại Seattle tổ chức được tiếp nối với buổi Dạ Tiệc tại nhà hàng Jumbo vào chiều Chúa Nhựt cùng ngày. Trời Seattle vào tháng 6 thì tuyệt đẹp, bầu trời trong xanh đầy thơ mộng của thành phố biền, khiến nhiều người hưng phấn tham dự Dạ Tiệc đống đảo. Mới chưa đầy 6 giờ, khách tham dự buổi tiệc đã có mặt đầy kín cả nhà hàng. Trên 600 thực khách gồm bà con giáo dân gốc Bắc Ninh cùng các thân hữu. Hiện diện trong buổi tiệc còn có sự tham dự của các Hội Ái Hữu Bùi Chu, Hội Ái Hữu Phát Diệm., Hội Ái Hữu Tổng Giáo phận Huế...

Buổi Dạ tiệc được khai mạc lúc 7 giờ 05 phút, mở đầu là nghi thức lễ chào cờ và phút mặc niệm được cử hành long trọng. Ban tổ chức đã dành trọn tất cả thời gian của buổi Dạ Tiệc cho một chương trình văn nghệ phong phú do ca nhạc sĩ linh mục Tiến Linh và ca sĩ Triều Thanh đảm nhận. Linh mục Tiến Linh đã khuấy động buổi Dạ Tiệc khá hấp dẫn và đầy sinh động với giọng ca đầm ấm, ngọt ngào, vui nhộn. Hầu như suốt cả buổi Dạ tiệc LM Tiến Linh kiêm luôn vai MC mặc dù đã có MC nổi tiếng của Seattle đảm nhận có tên là Long tóc dài. Linh mục Tiến Linh đã tạo được một bầu khí vui nhộn khi làm MC nên đã cuốn hút lòng người, khiến cho các bạn trẻ hăng say ủng hộ các chương trình mà Đức Cha Hoàng Văn Đạt đang ấp ủ trong lòng, đó là việc trợ giúp cho những người phong cùi. Đức Cha cũng tiết lộ với ao ước làm sao xây dựng được một số nhà nguyện nho nhỏ cho những vùng hẻo lánh xa xôi, nhất là cho các trại phong cùi để họ có được nơi thờ phụng. Nhiều giáo dân đã rời quê cha đất tổ từ năm 1954 để vào Nam lánh nạn cộng sản, thế nhưng màn đêm của ngày 30-4-1975 đã đổ xuống bao trùm cả miền Nam, nên họ lại phải chạy dài đến xứ Tây Bắc Hoa Kỳ, và hôm nay lại có dịp gặp được vị Chủ chăn từ quê cha đất tổ đến đây thăm gặp họ. Tình người và tình quê hương như gợi lại trong lòng mọi người, nên từ già đến trẻ, những giáo dân gốc Bắc Ninh mà có thể có người chưa một lần biết đến Bắc Ninh, nhưng tất cả đều nhiệt tình chia sẻ, đóng góp, ủng hộ cho quê nhà qua lời mời gọi của ca nhạc sĩ Tiến Linh. Kết quả nghe đâu cũng rất khả quan.

Đìểm đặc biệt và cảm động nhất mà người viết được biết là khi Đức Cha đến Seattle, ngài đã dành thì giờ để ghé thăm một số giáo dân đang ở trại dưỡng lão, thật vô cùng quý hoá, đúng là vị mục tử đáng kính. Buổi Dạ Tiệc chấm dứt vào khoảng hơn 11 giờ.



 
Giáo hạt chính tòa Thanh Hóa với ''Men Phục Sinh'' 2009
Nhóm Men Phục Sinh Thanh Hóa
17:19 18/06/2009
GIÁO HẠT CHÍNH TÒA THANH HÓA VỚI “MEN PHỤC SINH” 2009

Như thông lệ, hàng năm cứ mỗi dịp hè về, giáo dân Giáo Phận Thanh Hóa nói chung, cách riêng là các Giáo Lý Viên, lại vui mừng hân hoan, cùng nhau tham gia chiến dịch “Men Phục Sinh”. Đây là một hoạt động mang đậm tính giáo dục đức tin do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Giáo Phận Thanh Hóa, khởi xướng từ bốn năm nay. Mục đích của Men Phục Sinh là nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ Giáo Lý Viên trong giáo phận. Tiếp nối những thành quả tốt đẹp đã đạt được trong thời gian qua, ngày hôm nay, chiến dịch Men Phục Sinh hè 2009 đã chính thức bắt đầu sau hơn một tuần tập huấn của chủng sinh Thanh Hóa, quý Souers Dòng Mến Thánh Giá, và các Ứng Sinh Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh.

Tham gia vào chiến dịch Men Phục Sinh năm nay có 102 thành viên trong ban giảng huấn, trong đó có 46 thầy, 38 chú ứng sinh và Souers Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa. Các thành viên được chia làm sáu nhóm theo địa bàn của giáo phận, bao gồm các giáo hạt: Chính Tòa, Mỹ Điện, Sông Chu, Sông Mã, Nga Sơn, và Ba Làng. Để chuẩn bị cho chiến dịch gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, từ ngày 04/06 đến 10/06/2009, các thành viên trong Ban Giảng Huấn quy tụ về Tòa Giám Mục để học tập, chia sẻ và trau dồi thêm kiến thức về giáo lý và thánh nhạc, đồng thời cùng nhau chia sẻ và học hỏi với nhau, về những kinh nghiệm quý giá mà các thành viên đã học được từ những mùa Men trước. Sau hơn một tuần học hỏi và chia sẻ, lễ ra quân của chiến dịch Men Phục Sinh năm nay được khởi đầu bằng Thánh Lễ Sai Đi tại nhà thờ Chinh Tòa Thanh Hóa do Đức Giám Mục giáo phận chủ sự. Trong Thánh Lễ, ngài đã đề cập đến lịch sử truyền giáo của giáo phận qua biến cố năm 1627, là năm mà Cha Đắc Lộ đã đặt chân tới Cửa Bạng Ba Làng, cái nôi của hạt giống Tin Mừng cho người dân Việt. Qua gần 400 năm, cánh đồng truyền giáo của giáo phận vẫn còn bát ngát bao la; tỉ lệ các tín hữu còn rất ít so với tổng số dân trong địa bàn của giáo phận. Qua đó, Đức Cha muốn nhắn nhủ đến vai trò truyền giáo của mỗi thành viên trong giáo phận, đặc biệt với từng thành viên tham gia vào chiến dịch Men Phục Sinh: “…các con là những chứng nhân cụ thể và sống động, tiếp nối công việc rao giảng của Cha Đắc Lộ xưa qua việc dạy giáo lý và thánh nhạc cho giáo lý viên tại các giáo hạt và giáo xứ trên toàn lãnh thổ của giáo phận.”

Đúng 8h15 sáng ngày 11/06, các nhóm đồng loạt lên đường tiến về các địa điểm đã được phân chia. Nhóm chúng tôi, sau khi đã tiễn chân các anh chị em lên đường, cũng tiến về giáo xứ Chính Tòa, một trong những địa điểm tổ chức của Mùa Men năm nay. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của người môn đệ Chúa Kitô, 18 thành viên trong nhóm chúng tôi, bao gồm 8 Đại Chủng Sinh, 7 Ứng Sinh thuộc Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh, và 3 Souers Dòng MTG Thanh Hóa, bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng sẽ diễn ra vào lúc 4h 00 chiều cùng ngày tại Hội Trường Giáo Xứ.

Sau khi đã hoàn tất công tác chuẩn bị, buổi Lễ Khai Giảng được tiến hành theo chương trình đã định. Buổi lễ có sự tham gia của: Cha Tổng Đại Diện cũng là Cha hạt trưởng giáo hạt Chính Tòa Phêrô Vũ Tiến Phúc, Cha Thường Vụ giáo xứ Chính Tòa Giuse Phạm Văn Quế, Cha Trưởng Ban Giáo Lý của Giáo Hạt Giuse Phạm Văn Định, Cha Tôma Lê Xuân Khấn đến từ giáo xứ Đa Minh, Cha Phêrô Đinh Văn Nghĩa phó xứ Hà Nhuận, Quý Thầy trong Ban Điều Hành, Ban Hành Giáo giáo xứ Chính Tòa, các thành viên trong Ban Giảng Huấn, và 153 bạn Giáo Lý Viên đến từ tám giáo xứ của giáo hạt. Cái nóng oi bức của trưa hè tháng Sáu bị át đi bởi những tiếng cười, những tràng pháo tay nồng nhiệt và những cử điệu sinh hoạt hóm hỉnh của tất cả các thành phần tham dự. Sau lời kinh sốt sắng xin ơn của Chúa Thánh Thần là lời tuyên bố khai giảng khóa huấn luyện giáo lý viên và ca trưởng hè 2009 của Cha Tổng Đại Diện. Tiếng trống trường vang lên dòn giã như muốn thúc dục tinh thần hăng say học tập; như tiếng gọi phục vụ của Giáo Hội; và như tinh thần quảng đại đáp trả của người môn đệ Chúa Kitô. Để khích lệ tinh thần học tập của các học viên, Cha Tổng Đại Diện dặn dò: “… mặc dù có những bạn đã tham gia Men Phuc Sinh được nhiều khóa, cũng có nhiều bạn mới tham gia lần đầu, song mang sẵn trong mình truyền thống hiếu học của người dân Việt, cùng với niềm thao thức, trăn trở cho sự thăng tiến về đời sống Đức Tin của quê hương, cha tin chắc rằng các con sẽ thu lượm được nhiều điều bổ ích cho chính đức tin của bản thân và công việc phục vụ của chúng con sau này.”

Cũng trong dòng thao thức đó, quý cha trong giáo hạt cũng có những phát biểu nhằm khích lệ tinh thần làm việc của Ban Giảng Huấn cũng như các học viên.

Bạn Maria Nguyễn Thị Nga, thay mặt cho tất cả các học viên, nói lên lời quyết tâm của mình trước khi bước vào khóa học rằng: “Ý thức được vai trò và sứ mạng cao cả của người giáo lý viên, là những người làm việc cho Chúa Kitô và Hội Thánh, chúng con xin hứa sẽ nỗ lực học tập, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu mà Cha Tổng, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Souers, các chú Ứng Sinh đã, đang, và sẽ chia sẻ và chỉ bảo, hầu mai ngày khi trở về giáo xứ, chúng con biết vận dụng những bài học đó để chia sẻ và phục vụ giáo xứ một cách đắc lực hơn.”

Sau buổi Lễ Khai Giảng, Cha Tổng, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Souers, các chú Ứng Sinh, và các bạn học viên đã gặp gỡ trao đổi, và chia sẻ để hiểu một cách cụ thể hơn về niềm thao thức thức phục vụ của người mục tử Chúa Kitô.

Buổi Lễ Khai Giảng Men Phục Sinh 2009 kết thúc trong niềm vui và sự khát khao học tập, chia sẻ, và tràn trề hy vọng của cả giáo lý viên, Ban Giảng Huấn, và các vị chủ chăn bởi vì tất cả vẫn canh cánh bên lòng lời mời gọi truyền giáo của Thầy Chí Thánh, “… anh em hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân…

Phần chúng tôi, những thành viên của nhóm, khép lại những lo toan bộn bề của cuộc sống, vượt qua những giới hạn của bản thân, hưởng ứng nhiệt tình lời mời gọi phục vụ để tình yêu và ơn cứu độ của Đức Kitô được lan truyền suốt dòng thời gian. Xin Chúa cho lời đoan nguyện, “vì con muốn làm men, muốn làm muối ướp cho mặn đời; vì con đám liều thân, đem Tin Mừng đi khắp nơi,” luôn là động lực và là kim chỉ nam cho mỗi bước đường phục vụ của chung con.

Nhóm MPS I – Giáo hạt Chính Tòa
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lời kêu gọi phản kháng nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ luật sư Lê Công Định của Amnesty International
Amnesty International
03:52 18/06/2009
Luật sư [tranh đấu cho] nhân quyền Lê Công Định đã bị công an bắt giữ trong văn phòng làm việc của ông tại thành phố HCM hôm 13 vừa qua. Ông bị cáo buộc với tội danh "tuyên truyền chống lại nhà nước" chiếu theo điều 88 của bộ hình luật. Nếu bị kết án, ông có thể chịu từ 3-20 năm tù.

Ông là một tù nhân lương tâm, bị giam giữ chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận của ông một cách ôn hòa.

Cơ quan điều tra của Bộ Công An cho biết trong cuộc họp báo vào ngày 13/6 rằng ông Lê Công Định bị bắt vì đã "cấu kết với những thành phần phản động hải ngoại trong việc phát hành những tài liệu xuyên tạc chính sách về kinh tế xã hội của nhà nước". Quan chức Việt Nam còn tố cáo ông đã liên lạc với báo chí quốc tế, gồm cả BBC và RFA, và lưu hành những thông tin " đã bị bóp méo" về luật lệ của Việt Nam trong khi làm công việc bào chữa cho thân chủ của mình.

Lê Công Định là một luật sư có tiếng tăm, đã từng là phó chủ tịch luật sư đoàn TP HCM. Ông cũng có văn phòng hành nghề riêng của mình tại TP HCM. Vào năm 2007 ông đã đại diện cho hai luật sư nhân quyền là Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, cũng là hai tù nhân lương tâm tại tòa phúc thẩm khi họ kháng án. Trong phiên tòa, ông và những luật sư khác đã tranh cãi rằng điều 88 khi được áp dụng để cáo buộc hai luật sư này là bất hợp hiến và mâu thuẫn với những thỏa ước về quốc tế nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn, thí dụ như Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự cũng như chính trị (ICCPR) vì thế cần phải được xét lại.

Ông cũng đại diện cho Nguyễn Hoàng Hải một blogger có tên gọi là Điếu Cày, người bị đưa ra xét xử hồi tháng 9 năm 2008 về tội liên quan đến chính trị vì ông Hải đã viết những bài báo chỉ trích [nhà nước] và kêu gọi [tôn trọng] nhân quyền.

Lê Công Định cũng là một người chỉ trích công khai chính sách khai thác bô- xít mới đây ở vùng Cao Nguyên, cũng như kêu gọi đổi mới về mặt chính trị tại VN.

THÔNG TIN NỀN TẢNG:

Kể từ 2006, nhằm mục đích ngăn chận tự do ngôn luận cũng như hội họp của người dân, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết án tù dài hạn ít nhất là 30 nhà đối kháng, gồm cả một số luật sư. Đa số là những người ủng hộ cho phong trào cổ súy dân chủ trên internet, Khối 8406, hay những tổ chức không được phép hoạt động nhằm kêu gọi [tôn trọng] nhân quyền và dân chủ. Đại đa số những [bị cáo] này chịu án tù chiếu theo điều khoản về an ninh quốc phòng của bộ hình luật 1999, với những án phụ lên đến 5 năm quản thúc tại gia sau khi ra tù. Một số nhà đối kháng không rõ bao nhiêu người hiện đang bị giam giữ chờ ngày xét xử.

ĐỀ NGHỊ CÓ NHỮNG BIỆN PHÁP NHƯ SAU:

Những điều khoản trong bộ hình luật đã được áp dụng để kết tội những nhà đối kháng ôn hòa gồm có Điều 80 [gián điệp], 87 [phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc], và 88 [tuyên truyền chống phá nước CHXHCNVN]

Vào tháng 5 200, hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã duyệt xét lại [tình hình] tại Việt Nam theo thủ tục UPR. Việt Nam đã khước từ những đề nghị của các nước khác về việc cho phép nới rộng thêm tự do ngôn luận và sửa đổi luật an ninh quốc phòng nhằm giới hạn quyền tự do ngôn luận cũng như những điều khoản khác.

Xin gởi thơ phản đối của quý vị sớm chừng nào tốt chừng nấy bằng tiếng Anh, Việt, Pháp hay bất cứ ngôn ngữ nào quý vị đang xử dụng nhằm:

-Biểu lộ sự quan tâm của quý vị về việc luật sư và nhà hoạt động cho nhân quyền Lê Công Định đã bị bắt chiếu theo điều luật 88 của bộ luật hình sự dựa trên sự kiện ông đã thực thi quyền [công dân] để tự do ngôn luận của mình, vì thế ông là một tù nhân lương tâm

-Kêu gọi nhà cầm quyền trả tự do cho ông ngay tức khắc một cách vô điều kiện và xóa bỏ những tội danh chống lại ông

-Kêu gọi [nhà cầm quyền] cho phép ông được gặp luật sư do ông và gia đình chọn lựa, và được chăm sóc sức khỏe nếu cần.

-Kêu gọi nhà cầm quyền rút lại hoặc tu chỉnh những điều khoản trong bộ luật hình sự 1999 về việc kết tội những nhà đối kháng ôn hòa.

-Kêu gọi nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do ngôn luận và hội họp của người dân, theo như những thỏa ước về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn.

APPEALS TO: Xin gởi thơ phản đối của quý vị cho

Le Hong Anh

Minister of Public Security (Bộ trưởng công an)

Ministry of Public Security

44 Yet Kieu Street

Ha Noi

VIET NAM

Fax: +8443 942 0223

Salutation: Dear Minister

Pham Gia Khiem

Minister of Foreign Affairs (Bộ trưởng ngọai vụ)

Ministry of Foreign Affairs

1 Ton That Dam Street

Ba Dinh District

Ha Noi

VIET NAM

Fax: +8443 823 1872

Email: bc.mfa@mofa.gov.vn

Salutation: Dear Minister

COPIES TO: diplomatic representatives of Viet Nam accredited to your country. (GỞI COPY CHO những đại diện ngoại giao của VN tại quốc gia của quý vị)

PLEASE SEND APPEALS IMMEDIATELY. Check with the International Secretariat, or your section office, if sending appeals after 29 July 2009.

Janice Beanland

Southeast Asia Team (phụ trách vùng Đông Nam Á)

Amnesty International (Ủy hội Nhân Quyền Quốc tế)

International Secretariat (Chủ tịch tổng hội)

London - UK

Tel: + 44 (0) 20 7413 5660
 
Nỗi buồn của đất
Hai Tôm Cần Giờ
07:24 18/06/2009
NỖI BUỒN CỦA ĐẤT

Người ta vẫn thường dùng hình ảnh của Đất để nói về những người lành tính: “Hiền như cục Đất”. Vâng ! Thật sự thì cục Đất hiền thật. Từ ngàn xưa, Đất được tạo dựng để phục vụ con người. Lẽ ra phải mang ơn với Đất nhưng đàng này, con người đã đối xử quá tệ với Đất. Cũng chỉ vì Đất quá hiền để rồi con người cứ ngày đêm “giày xéo” trên Đất.

Đất không hề thay đổi nhưng lòng người đã đổi thay.

Ngày xưa, Đất còn rộng, người thì ít nên chẳng mấy người quan tâm đến Đất. Bỗng một hôm, vì thay đổi thời cuộc, vì con người tăng trưởng, vì hòa nhập cuộc sống Đất trở thành đề tài nóng bỏng của con người, lại trở thành vấn đề cho mọi người. Cũng vì Đất mà tình nghĩa trong gia đình tan vỡ, cũng vì Đất mà tình làng nghĩa xóm cũng vỡ tan, cũng vì Đất mà Công Lý và Sự Thật bị bóp méo !

Mới đây, buổi sáng, bước chân ra cửa Nhà Thờ thì thấy người ta hì hà hì hục đổ đất làm nhà, Cha đặc trách thấy làm lạ bèn gọi những vị đại diện cho giáo dân trong Giáo điểm đến xem. Những người này bảo là đất này Nhà Thờ mua bề ngang 6m tính từ mép cầu vào Nhà Thờ trở ra nhưng trong tay người làm nhà đã có tờ “Giấy đỏ”. Hóa ra là những người đại diện của Giáo điểm mua mà không chịu đóng cọc, xây tường. Họ tưởng chừng đất của Nhà Thờ không ai dám đụng đến thế nhưng họ đã đụng đến thật.

Cha đặc trách và Cha phụ tá buồn rười rượi khi thấy người đang xây xòe ra tờ “Giấy đỏ”. Tính ra là người ta đã “phù phép” tờ “Giấy đỏ” ấy từ trong xã. Chuyện bi hài nhất là muốn ra 1 tờ giấy đỏ cho 1 mảnh đất thì phải có sự đồng ý của chủ phần đất giáp ranh với mình. Hai Cha cũng như các vị đại diện Giáo điểm hoàn toàn không đồng ý cũng như không ký vào biên bản hồ sơ lưu đất đai ở xã, vậy mà người ta đã có “Giấy đỏ” cầm tay. Ai đã làm ra tờ “Giấy đỏ” này thì chỉ có ông Trời mới biết mà thôi. Qua tờ “Giấy đỏ” mảnh đất của Nhà Thờ này ta mới biết được đâu là Sự Thật và đâu là Công Lý. Rõ như ban ngày là đất của Nhà Thờ bị người ta chiếm đoạt.

Mảnh đất thiêng của Nhà Thờ nay lại rơi vào tay người khác. Dù đất của ai đi chăng nữa mà bị chiếm đoạt thì người chiếm đoạt rất là buồn. Đất Thánh, Đất Nhà Thờ bị chiếm đoạt cũng rất buồn nhưng buồn hơn khi Công Lý và Sự Thật bị đánh cắp.

Mảnh đất ở cái giáo điểm truyền giáo này chẳng là gì so với những mảnh đất của Tòa Khâm Sứ, của Linh Địa Đức Bà - Giáo xứ Thái Hà (Dòng Chúa Cứu Thế), …

Với Dòng Chúa Cứu Thế thì còn nhiều và nhiều nữa: Tu viện DCCT Thái Hà nay Bệnh viện Đống Đa, Hồ Ba Giang (nằm không xa Linh Địa Đức Bà là bao), Tu viện DCCT Nha Trang nay là khách sạn Hải Yến, Tu viện DCCT Đà Lạt nay là Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân, Tu viện DCCT Thủ Đức nay là bệnh viện Thủ Đức, một phần Tu Viện DCCT Thế Sài Gòn nay thành Hồ Bơi Kỳ Đồng.. . Nhiều quá, đếm hơi bị mệt !!!

Mỗi lần có dịp đi ngang con đường Phổ Quang quận Tân Bình cảm thấy làm sao ấy ! Sừng sững một ngôi nhà thờ có Thánh Giá hẳn hoi ấy mà nay trở thành Doanh Trại Quân Đội !

Một lần nọ, một em giáo lý viên thấy ngạc nhiên khi nhìn vào ngoài bảng là trường Đại Học Luật thành phố nhưng bên trong lại là một ngôi Nhà Thờ có tháp chuông hẳn hoi.

Mới đây, ra Hà Nội, người quen chỉ cho thấy còn tượng Thánh Phaolô sừng sững đứng trong khuôn viên của bệnh viện Xanh-pôn.

Nhiều và còn nhiều nữa, chỉ đơn cử đất của Dòng Chúa Cứu Thế chứ chưa nói gì đến các Dòng tu khác cũng như của Giáo Hội đã đủ cho ta thấy được Sự Thật và Công Lý như thế nào.

Thật lạ mắt khi thấy nhóm người khá đông từ Tiền Giang, từ Cà Mau, từ Vĩnh Long dắt díu nhau ra tận Hà Nội để đòi đất. Thử hỏi một người nghèo mà khăn gói ra tận ngoài Bắc thì vất vả như thế nào. Họ không phải là những người bất thường mà họ là những người bình thường và hết sức bình thường. Vì sao họ phải chịu đựng cảnh khổ cực màn trời chiếu đất ngoài Hà Nội thì chắc có lẽ mọi người hiểu nỗi lòng của họ. Chỉ vì Đất mà họ phải khổ sở như vậy.

Vài ngày qua, chuyện bi hài đã xảy đến ở mảnh đất thiêng Thủ Thiêm. Ngày 5 tháng 6 năm 2009 các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được mời lên phường để “tiếp xúc hiệp thương việc di dời cơ sở tôn giáo”. Kế đến, ngày 11 tháng 6, cha G.B Lê Đăng Niêm cũng nhận được giấy mời tương tự. Nhà thờ Thủ Thiêm cũng như Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm chắc cũng không cần phải nói nhiều, ai ai cũng biết tính thánh thiêng cũng như lịch sử của Nhà Thờ và Tu viện này. Một con người hết sức bình thường dù không theo đạo Công Giáo đi chăng nữa cũng đều biết điều này ấy vậy mà người ta lại toan tính với nhau chuyện di dời.

Thử hỏi, nếu như gia đình anh, dòng tộc anh có một mảnh đất nho nhỏ và trong mảnh đất ấy có cái nhà thờ con con để thờ tự ông bà tổ tiên, ai đến bảo anh di dời đi chỗ khác thì anh sẽ nghĩ ra sao ? Với mảnh đất của dòng tộc còn chịu không được cái chuyện này huống hồ gì đến cái Nhà Thờ, cái Tu Viện. Nhà Thờ là nơi giáo dân đến để thờ phượng và phụng sự Chúa, thử hỏi người ta giải tỏa thì giáo dân sẽ làm gì ? Tu Viện là nơi những người dâng hiến đời mình cùng sống, cùng cầu nguyện cho đất nước, cho con người, thử hỏi người ta giải tỏa thì cộng đồng kitô hữu phải làm chi đây ?

Làm gì thì làm chứ đụng đến những nơi Thánh Thiêng, những mảnh đất Thánh thì cuộc đời sẽ chán lắm ! Cuộc đời sẽ bất an lắm khi đoạt của Thánh ! Thiên Chúa sẽ có cách của Ngài trên những kẻ bạo tàn và ngang ngược, bất công.

Thử hỏi khi con người hành xử với nhau như thế Đất có buồn không ? Đất cũng buồn lắm khi con người đã lạm dụng mình. Đất mãi mãi vẫn hiền lành và lặng lẽ

Vì thời thế của cuộc đời, Đất mang lại nguồn lợi bất tận cho con người để rồi con người đã lạm dụng Đất một cách quá đáng. Cho dẫu Đất hiền Đất chẳng ai oán gì con người nhưng còn tiếng nói của Lương Tâm, còn tiếng nói của Sự Thật. Những ai đã tán tận Lương Tâm trong lòng mình và bẽ gãy Sự Thật sẵn có trong mình sẽ chẳng bình an. Cho dẫu bề ngoài, có những người bằng mọi cách họ có chiếm được, họ có đạt được thật nhiều đất đi chăng nữa nhưng thật sự trong tâm của họ nào có bình an.

Có điều lạ nơi Đất đó là mãi muôn đời, Đất vẫn hiền từ, bao dung và tha thứ. Đất vẫn luôn giang rộng đôi tay để ôm ấp những con người đã từ “bụi đất” mà ra. “Bụi tro sẽ trở về với tro vụi”. Cho dẫu những người khi sinh thời có dùng mưu ma chước quỷ đi chăng nữa để chiếm đoạt đất đai của đồng loại đi chăng nữa thì khi nằm xuống Đất vẫn giang rộng đôi tay đón những con người ấy. Có chăng là con người, làm người để rồi khi nằm xuống có mỉm cười thanh thản ra đi hay không mà thôi. Hay là tất cả những cái gì mà người ta giành giật cuối cùng nằm sâu trong lòng đất.

Tất cả cuối cùng đều nằm sâu dưới lòng Đất, được lòng Đất, được lòng Đất vỗ về ấp ủ mà tại sao lại xử tệ với Đất như vậy ?
 
Văn Hóa
Lời kinh đêm Chủ nhật của một linh mục
Phụng Nghi
22:07 18/06/2009
Người ta thường đòi hỏi nhiều nơi vị linh mục của họ, và đó là điều nên làm. Nhưng họ cũng nên hiểu rằng chẳng dễ gì khi làm một linh mục. Tuy đã cống hiến hết cả niềm hăng say của tuổi trẻ, thế nhưng ông vẫn còn là một con người, và mỗi ngày con người trong vị đó cố gắng lấy lại những gì ông ta đã từ bỏ. Đó là một cuộc đấu tranh liên tục để duy trì cho mình hoàn toàn phục vụ Chúa Kitô và những người khác.

Một linh mục chẳng cần lời khen ngợi hoặc những quà tặng làm họ ngại ngần, điều vị đó cần là những người được trao phó cho ông phục vụ, nên chứng tỏ cho ông thấy rằng ông đã không hy sinh cuộc đời một cách vô ích, bằng tình yêu thương mỗi ngày một nhiều hơn những bằng hữu đồng đạo. Và khi ông vẫn còn là con người, lâu lâu ông cũng cần đến một cử chỉ tế nhị của tình bằng hữu vị tha…vào một đêm Chủ nhật nào đó khi ông thui thủi cô đơn.

****

"Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." (Marcô 1:17)

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” (Gioan 15:16)

“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.” (Philiphê 3:13-14)

****

Chúa ơi, đêm nay con thui thủi cô đơn

Âm thanh từng chút một lịm tắt cuối phía giáo đường,

Người ta bước dần xa

Và con đi về nhà,

Cô độc.

*

Bước con đi qua những người đang tản bộ trở về.

Bước con đi ngang qua rạp chiếu bóng đang nhả ra cả một đám đông.

Bước con đi ngay cạnh hàng hiên bán cà phê, nơi những người dạo chơi mỏi mệt đang cố kéo dài thêm niềm vui của một ngày Chủ nhật được nghỉ ngơi.

Con đụng phải bày trẻ thơ đang chơi đùa trên vỉa hè đường phố,

Những đứa trẻ thơ, lạy Chúa,

Con của những người khác, sẽ chẳng bao giờ là của con.

*

Chúa ơi, này con đây

Cô đơn.

Niềm im lặng làm con bối rối

Nỗi cô độc hành hạ thân con.

….

Lạy Chúa, con 35 tuổi

Một thân xác giống như người khác,

Đôi cánh tay sẵn sàng làm việc,

Một trái tim dành để yêu thương,

Nhưng tất cả con đã hiến dâng cho Chúa.

Đúng thật, dĩ nhiên là Chúa cần đến nó,

Con đã cho Chúa hết cả, nhưng mà thật khó Chúa ơi,

Thật khó khi cho đi tấm thân này; nó muốn trao nó cho người khác.

Thật khó khi yêu thương mọi người mà không đòi hỏi được ai.

Thật khó khi nắm bắt một bàn tay mà không muốn giữ lại làm của riêng mình.

Thật khó khi gợi hứng yêu thương, chỉ để hiến dâng yêu thương lên cho Chúa.

Thật khó khi trở thành chẳng là gì hết cho chính bản thân mình để trở thành hết mọi sự cho những người khác.

Thật khó khi giống như người khác, ở giữa người khác, trở thành người khác.

Thật khó khi luôn luôn cho đi mà không cố nhận lại.

Thật khó khi kiếm tìm người khác, còn chính mình thì lại quên đi.

Thật khó khi khổ đau vì tội lỗi người khác, mà lại bó buộc phải nghe phải gánh lấy những tội lỗi này.

Thật khó khi được nghe kể những chuyện kín nhiệm mà lại không được chia sẻ cho ai.

Thật khó khi cưu mang những người khác mà không bao giờ, dù trong phút chốc, mong được cưu mang.

Thật khó khi nâng đỡ những người yếu đuối mà không bao giờ có thể tựa vào kẻ mạnh.

Thật khó khi sống cô đơn,

Cô đơn trước mọi người,

Cô đơn trước thế giới,

Cô đơn trước nỗi khổ đau,

cái chết,

và tội lỗi.

****

Này con, con chẳng cô độc đâu,

Cha ở với con;

Cha là con đó.

Vì Cha cần một dụng cụ khác là con người để tiếp tục cuộc Nhập thể và Cứu độ của Cha.

Từ thuở vĩnh hằng, Cha đã chọn con,

Cha cần con đó.

*

Cha cần đôi bàn tay con để tiếp tục chúc phúc,

Cha cần đôi môi con để tiếp tục nói,

Cha cần thân xác con để tiếp tục khổ đau,

Cha cần trái tim con để tiếp tục yêu thương,

Cha cần con để tiếp tục cứu độ.

Này con, hãy ở cùng Cha.

****

Này con đây, lạy Chúa;

Này đây thân xác của con,

Này đây trái tim con,

Này đây linh hồn con.

Xin cho con cao lớn đủ để vươn cùng thế giới,

Mạnh mẽ đủ để mang được cả trần gian,

Thanh khiết đủ để ẵm bồng thế giới mà không muốn giữ lấy cho mình.

Xin cho con trở thành nơi gặp gỡ, nhưng chỉ tạm thời,

Thành một con đường nhưng không có ngõ cụt, bởi vì mọi sự đều quy tụ nơi đây, mọi sự thuộc về con người đều dẫn đưa tới Chúa.

*

Lạy Chúa, đêm nay, khi vạn vật đều lặng lẽ và con cảm thấy nỗi niềm cô độc như một ngòi đốt sắc bén,

Khi người ta nuốt lấy hồn con mà con cảm thấy không thể thỏa mãn nỗi đói khát của chúng,

Khi cả thế giới đè nặng trên hai vai con bằng hết cả sức nặng của khốn khổ và tội lỗi,

Con lặp lại với Chúa tiếng nói “xin vâng” của con – không phải trong tràng cười nở rộ, nhưng chậm rãi, rõ ràng, khiêm hạ,

Cô đơn, Chúa ơi, trước mặt Chúa,

Trong an bình của buổi chiều hôm.

Nguồn: Prayers/Michel Quoist