Ngày 17-06-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Linh mục theo lòng từ bi Thiên Chúa
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
11:56 17/06/2008
LINH MỤC THEO LÒNG TỪ BI THIÊN CHÚA

Cách đây 12 năm - 1996 - đền thánh Đức Mẹ Mân Côi ở Pompei (Nam Ý) hân hạnh tiếp đón 3 Linh Mục đến thi hành thừa tác vụ thánh. Đó là quý Cha: Salvatore D'Antuono, Andrea Fontanella và Giuseppe Esposito.

Linh Mục trẻ nhất là Cha Giuseppe Esposito, 25 tuổi. Năm 1985, trong một Tuần Đại Phúc kính Đức Mẹ Mân Côi tổ chức trong giáo xứ, cậu Giuseppe lần đầu tiên nghe tiếng Chúa gọi trở thành Linh Mục của Ngài. Năm đó Giuseppe 13 tuổi. Được sự khích lệ của Cha Xứ và nhất là của gia đình - một gia đình Công Giáo thật đạo đức - Giuseppe ghi tên gia nhập tiểu chủng viện ở Castellammare.

11 năm sau - ngày 14-9-1996 - thầy Giuseppe Esposito sung sướng lãnh nhận thiên chức Linh Mục. Sau khi thụ phong, tân Linh Mục đến giúp xứ Đức Mẹ MARIA Vô Nhiễm ở Tre Ponti. Nơi đây, Cha Giuseppe giữ việc điều động các sinh hoạt của giới trẻ thanh thiếu niên. Thời gian ngắn sau đó, Cha được chỉ định đến làm việc mục vụ tại Đền Thánh Đức Mẹ ở Pompei. Đền Thánh dâng kính Đức Mẹ Mân Côi. Cha Giuseppe Esposito vô cùng cảm động và tri ân khi được vị Giám Mục bản quyền chỉ định đến phục vụ tại Đền Thánh. Cha xem đây là dấu chỉ ưu ái của Đức Mẹ MARIA. Từ đó Cha dâng hiến trọn khả năng để phổ biến lòng sùng kính Đức Mẹ, qua các hoạt động của chức thừa tác vụ thánh.

Trong khi hai tân Linh Mục Salvatore D'Antuono và Andrea Fontanella có con đường ơn gọi khác với Cha Giuseppe Esposito. Cha Salvatore năm ấy 41 tuổi và Cha Andrea 35 tuổi. Cả hai vị tìm lại Đức Tin sau thời gian dài rời xa Giáo Hội Công Giáo.

Salvatore là trai út trong một gia đình Công Giáo đạo đức có 9 người con. Lớn lên, Salvatore bắt chước bạn bè chạy theo những cuộc vui chơi phóng đãng. Nhưng càng vui chơi, Salvatore càng cảm thấy tâm hồn chán chường và trống rỗng. Cho đến một ngày, không hiểu sức thần nào thúc đẩy, chàng trai Salvatore lạc bước giang hồ đến đền thánh Đức Mẹ Mân Côi Pompei. Chàng vào nhà thờ, đến quỳ trước ảnh thánh Đức Mẹ MARIA và nức nở khóc. Vừa khóc chàng vừa van xin Đức Mẹ ra tay cứu giúp. . Sau đó, với tâm hồn bình tĩnh, Salvatore bắt đầu suy nghĩ lại chặng đường trải qua. Chàng nhất quyết từ bỏ con đường cũ, ăn năn thống hối, trở về với THIÊN CHÚA và với Giáo Hội Ngài. Rồi chàng sốt sắng tham dự Thánh Lễ.

Cùng ngày hôm ấy, một chàng trai hoang đàng khác - Andrea Fontanella - cũng bị sức thần lôi cuốn, đến kính viếng đền thánh Đức Mẹ Mân Côi Pompei. Từ lâu, chàng sống trong khủng hoảng và không tìm được an bình nội tâm. Nhưng buổi chiều hôm ấy, nơi đền thánh Đức Mẹ MARIA, sau khi tham dự Thánh Lễ, Andrea cảm thấy niềm an bình sâu xa xâm chiếm tâm hồn. Đây chính là niềm an bình từ lâu chàng vẫn mong mỏi và tìm kiếm! Chàng xét mình và vào tòa xưng tội. Khi ra khỏi đền thánh, Andrea tình cờ gặp Salvatore, đang lang thang trước đền thánh như đợi chờ người nào đó. . Hai khách lạ nói chuyện và trao đổi với nhau. Dần dần câu chuyện đưa đến chỗ thân mật. Cả hai tỏ bày cho nhau nghe kinh nghiệm đau thương và giờ đây, niềm vui tràn đầy vì tìm lại Đức Tin Công Giáo cùng niền an bình.

Sau buổi gặp gỡ hi hữu ấy, Salvatore D'Antuono và Andrea Fontanella thường xuyên liên lạc với nhau và tìm kiếm thánh ý THIÊN CHÚA trong cuộc đời mỗi người. Sau tháng ngày do dự và tìm hiểu ơn gọi và dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của Linh Mục Nicola Longobardi, hai anh Salvatore và Andrea ghi tên theo khóa thần học và chuẩn bị tiến lên chức Linh Mục.

Sau thời gian phục vụ tại xứ đạo Thánh Tâm, trong tư cách thầy phó tế, cả hai thụ phong Linh Mục ngày 8-6-1996.

Hai tân Linh Mục Salvatore D'Antuono và Andrea Fontanella được Đức Giám Mục giáo phận chỉ định phục vụ tại đền thánh Đức Mẹ Mân Côi Pompei. Nhiệm vụ chính của hai vị là ngồi tòa giải tội cho các tín hữu Công Giáo hành hương, đặc biệt là cho giới trẻ.

Với số tuổi 41 và 35, và với một số kinh nghiệm trường đời, hai Linh Mục Salvatore và Andrea thực thi thừa tác vụ thánh với con tim quảng đại bao la của chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Linh Mục Đời Đời của THIÊN CHÚA CHA.

... Bấy giờ có lời THIÊN CHÚA phán với tôi rằng: ”Ta sẽ ghé mắt nhìn để ban phúc và sẽ đưa chúng trở về đất này; Ta sẽ xây chứ không phá, sẽ trồng chứ không nhổ. Ta sẽ ban cho chúng một tâm hồn để nhận biết rằng chính Ta là THIÊN CHÚA. Chúng sẽ là dân của Ta, còn Ta, Ta sẽ là THIÊN CHÚA của chúng; bởi vì chúng sẽ hết lòng trở về với Ta” (Sách Giêrêmia 24,6-7).

(”Il Rosario e la Nuova Pompei”, Novembre/Dicembre 1996, trang 32)
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:19 17/06/2008
CON LỪA NHỎ QUA CẦU

N2T


Bên cánh rừng rậm có một con sông nhỏ, nước rất sâu, trên sông có làm một cái cầu độc mộc.

Một hôm, hai bên bờ cầu có hai con lừa nhỏ vội vàng cần qua cầu gấp, con lừa nhỏ bên bờ phía đông nói: “Tớ có chuyện gấp nhường tớ qua trước nhé.” Con lừa nhỏ bên phía tây lắc đầu nói: “Bạn đợi chút xíu, tớ qua trước đã.”

Hai con lừa nhỏ không ai chịu nhường ai nên bước lên cầu độc mộc, mặt đối mặt tranh chấp cãi nhau. Hai con lừa nhỏ đều nghĩ: mình không đi nó cũng không thể qua, coi ai đi trước ai đi sau. Thời gian qua đi từng giây từng phút, trời tối rất nhanh, chúng nó bắt đầu nôn nóng.

Con lừa nhỏ bên bờ đông nghĩ: “Nếu nhường nó đi trước thì bây giờ mình đã đi qua rồi”. Con lừa nhỏ bên bờ tây cũng bắt đầu hối hận: “Nếu nhường nó đi qua trước thì bây giờ mình đã làm xong công việc rồi”. Cuối cùng, con lừa bên bờ tây bắt đầu mở miệng nói: “Mặc dù bạn có việc gấp, bạn quá trước đi !” Con lừa bên bờ đông vừa nghe, thì vội vàng tiếp lời: “Bạn cũng có việc gấp, hay là bạn qua trước đi !”

Hai con lừa nhỏ cùng đồng thời nhường nhau, mà còn thở dài nói: “Ái dà, nếu sớm nói như thế, thì chúng ta sớm làm xong công việc và trở về nhà sớm rồi.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Khiêm nhường, đối với người khác mà nói thì hình như là chúng ta bị thiệt thòi với mình, nhưng thái độ tuân giữ lễ phép mà không tranh đoạt này lại là một đức tính rất đẹp mà mọi người quân tử đều muốn thực hiện trong cuộc đời hành hiệp của mình.

Khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức, nếu chúng ta biết khiêm tốn nhận ra mình là người bất tài, thì chúng ta sẽ thấy mình cần học hỏi thêm; nếu chúng ta có lòng khiêm nhường, thì chúng ta sẽ nhìn thấy nỗi khổ của tha nhân cũng như nỗi khổ của mình để nhường nhịn nhau; nếu chúng ta có lòng khiêm nhường, thì chắc chắn chúng ta sẽ càng ngày càng đạt tới sự trưởng thành hơn trong đường thiêng liêng của mình, cũng như trong những giao tiếp hằng ngày...

Hai con lừa nhỏ không biết nhường nhịn nhau, vì chúng nó không có sự khiêm nhường nhìn thấy người khác rất bận, mà chỉ nhìn thấy mình bận việc mà thôi, cho nên cả hai đều trể việc và cảm thấy hối hận. Cho nên, các em đừng bắt chước hai con lừa nhỏ ấy, nhưng hãy nhớ lời của Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.”(Mt 7, 12)

Chúa Giê-su dạy rất đúng phải không các em.

Các em thực hành:

- Biết nhường nhịn bạn bè khi tranh cãi, khi hội thảo họp nhóm.

- Tập đức tính khiêm nhường để được khiêm nhường.

- Thực hành Lời Chúa dạy phải sống khiêm nhường.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 17/06/2008
N2T


22. Anh sợ hãi trực đêm và lao lực; nhưng nhìn thấy lửa đời đời trong khi suy niệm, thì trực đêm và lao lực vẫn còn là thoải mái hơn nhiều.

(Thánh Bernard)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội Tam Điểm, Thuyết Vô Thần và Công Giáo
Anthony Lê
03:30 17/06/2008
Hội Tam Điểm, Thuyết Vô Thần và Công Giáo

Lược Trích Bài Phỏng Vấn tới Tác Giả của Cuốn Sách Có Nhan Đề “Âm Mưu của Hội Tam Điểm” (The Masonic Plot)

Nhằm nối tiếp chủ đề về "Lạc Giáo" hay các "Giáo Phái Mới" người viết đã có dịp giới thiệu qua mấy năm về trước, lần này xin giới thiệu tiếp bài viết này để Quý Vị độc giả tham khảo!

BURGOS, Tây Ban Nha (Zenit.org).- Đâu là sự thật và đâu không phải là sự thật về Hội Tam Điểm, thì đó chính là đề tài của một cuốn sách vừa mới được cho xuất bản ra gần đây bởi một chuyên gia chuyên về lịch sử của các tôn giáo.

Cha Manuel Guerra Gómez, tác giả của 25 cuốn sách nói về các giáo phái và các chủ đề khác, vừa mới cho xuất bản ra cuốn sách bằng tiếng Tây Ban Nha có nhan đề “Âm Mưu của Hội Tam Điểm” (La Trama Masónica hay The Masonic Plot), do nhà xuất bản Styria phát hành.

Cha hiện đang là Linh Mục của Giáo Phận Burgos, và cũng là Giáo Sư nghĩ hưu của Phân Khoa Thần Học tại trường Đại Học Burgos ở phía Bắc, Tây Ban Nha.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Zenit, Cha nói rằng: “Cách thức của Hội Tam Điểm, vốn tự bản chất là vô thần, bộc lộ ra thứ thuyết tương đối có tính lịch sử, để từ đó hướng đến thứ thuyết tương đối có tính cách văn hóa xã hội mà nó muốn cổ võ.”

Hỏi (H): Thưa Cha, có phải âm mưu nổi tiếng của Hội Tam Điểm (HTĐ) chỉ là một chuyện thần thoại, hay hoang đường mà thôi?

Cha Guerra (T): Thưa, điều cần thiết là chúng ta cần phải phân biệt cho rõ ràng giữa HTĐ và những hội viên của HTĐ. HTĐ thì không khát khao gì cả đến quyền lực, hay ít ra chỉ muốn phục vụ cho những nguyên tắc và lợi ích riêng của HTĐ mà thôi.

Còn những hội viên của HTĐ thì lại khác. Họ có mặt trong hầu hết những tổ chức quốc tế nào, vốn có quyền đưa ra những quyết định về sự hợp tác đa quốc gia, để từ đó cố tạo ra một sự ảnh hưởng nào đó về quyền lực kinh tế và chánh trị.

Thật là hợp lý khi nghĩ rằng họ cố gieo rắc và lan truyền ra những nguyên tắc mang tính ý thức hệ của họ như: thuyết tương đối, chủ nghĩa vô thần, và thuyết ngộ đạo, tại bất cứ nơi nào mà họ có mặt và tìm cách làm cho chúng được sáng tỏ và lan rộng ra ngoài phạm vi của riêng họ, càng lớn mạnh chừng nào thì càng tốt chừng nấy.

Mặt khác, tại các quốc gia nói tiếng Anh và tại các quốc gia ở phía Bắc của địa cầu, như tại Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, vấn đề không phải là họ tìm cách để đạt quyền lực, mà họ chính là quyền lực rồi.

Lấy ví dụ như tại Anh Quốc chẳng hạn, quốc chủ tối cao của Anh Quốc cũng là vị lãnh tụ tối cao của Hiệp Hội Tam Điểm Thống Nhất của Anh Quốc, và của hơn 150 ban lãnh đạo của HTĐ (grand lodges) mà mỗi quốc gia đều có một người; và riêng tại Hoa Kỳ, thì từng tiểu bang có một người lãnh đạo của HTĐ. Vào năm 1995, trong Hiệp Hội Tam Điểm Thống Nhất của Anh Quốc, đã có hơn 750,000 thành viên thuộc vào hơn 8,000 HTĐ trên khắp thế giới.

Bên cạnh đó, vì thứ luật lệ có tính bảo mật, nên không có cách nào mà chúng ta có thể biết được một cách chắc chắn là liệu họ có tích cực hoạt động hay không, và liệu tầm ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của họ lan tới tận đâu.

Chính phủ của cựu Thủ Tướng Tony Blair đã tìm cách quy định và bắt buộc những thành viên của HTĐ phải công khai tuyên bố họ là thành viên trong HTĐ, đặc biệt là nếu những người đó giữ các chức vụ cao trọng trong chính phủ, hay hiện đang làm việc trong ngành pháp lý hoặc cảnh sát. Thì việc đáp trả của 1,400 chánh án Anh Quốc - những người tự nguyện công khai hóa họ là những thành viên trong HTĐ – là một điều đáng được biểu dương. Thế nhưng, thật chất thì con số đó vẫn còn cao hơn rất nhiều nữa.

Tiếp nối các vụ xì-căng-đang của việc Tuyên Truyền Bí Mật của HTĐ Licio Gelli ở Ý, các công chức trong một số lãnh vực hành chánh công cộng tại Ý đã buộc phải công bố một cách công khai là liệu họ có phải là thành viên của HTĐ hay không, dẫu có nguy cơ là họ sẽ bị mất chất đi.

Các Thứ Bậc của Hội Tam Điểm


(H): Thưa Cha, có đúng thực rằng có đến 60% thành viên của Quốc Hội Châu Âu là những hội viên của HTĐ không?

(T) Thưa, sự khẳng định này cũng tương tự được Josep Corominas, lãnh tụ tối cao của HTĐ Tây Ban Nha, đưa ra vào tháng 3/2006 vừa qua. Và vào ngày 9 tháng 2 năm 2007, Ông đã rời khỏi chức vụ lãnh đạo của HTĐ, nhưng vẫn xác nhận là Ông sẽ tiếp tục là một hội viên của HTĐ và muốn mọi người biết được đến Ông như vậy.

Thì liệu đây có phải là một sự chia rẽ mới về một sự phục tùng mới của HTĐ hay đó chỉ là một sự sát nhập vào một HTĐ khác, vốn đã được tồn tại trước đó rồi không?

Thực chất mà nói, tất cả những đề nghị có liên quan tới các vấn đề về gia đình và đạo đức sinh học, vốn trái ngược hẳn so với những giảng dạy của Giáo Hội, và thậm chí là trái ngược ngay cả với luật lệ tự nhiên, cũng đều đã được Quốc Hội Âu Châu thông qua. Đây cũng là trường hợp mà Rocco Buttuglione của Ý bị chối từ vào chức vụ Ủy Viên bởi khối vô thần, vốn chiếm đa số trong Quốc Hội Châu Âu.

(H): Thưa Cha, tại Rôma, vừa mới kết thúc một hội nghị mà trong đó sự bất tương hợp giữa Công Giáo và HTĐ được đề cập đến. Lời gọi mời để đối thoại với những hội viên của HTĐ, về các vấn đề có liên quan đến tính văn hóa và xã hội, được đưa ra. Thì làm thế nào để điều này có thể xảy ra?

(T): Thưa, dẫu có sự bất tương xứng khách quan giữa HTĐ và Công Giáo, thì những người Công Giáo vẫn có thể đối thoại với những người thuộc HTĐ ở nhiều mức độ khác nhau, ngoại trừ những lãnh vực nguy hiểm mà Tòa Thánh thừa có khả năng để đối phó.

Trong bản tuyên bố về HTĐ, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tuyên bố rằng: “Việc đó không thuộc về thẩm quyền của giáo hội địa phương trong việc đưa ra lời nhận xét hay phán đoán về bản chất của các tổ chức thuộc HTĐ, vốn nhằm ám chỉ đến một sự xúc phạm từ những gì đã được quyết định ở trên, và điều này phù hợp với tuyên bố của Thánh Bộ được đưa ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1981."

Do đó, điều cần thiết là phải suy xét về tính hiện thực và những hệ quả về tính bí mật của HTĐ.

Làm sao bạn có thể đối thoại với một người nào, khi người đó đang đeo mặt nạ? Mặc dầu vậy, chúng ta vẫn có thể đối thoại về các vấn đề có liên quan đến tính văn hóa xã hội. Thậm chí nếu các tôn giáo và các ý thức hệ được lồng hết cả vào văn hóa, thì vẫn còn có cách để tìm ra những điểm chung.

Khác với tôn giáo hay ý thức hệ cụ thể nào đó, thì phạm vi của văn hóa vẫn còn là một lãnh vực, vốn có thể dẫn đến việc đối thoại, ít ra là về mặt lý thuyết. Thật dễ dàng để đảm nhận lấy việc đối thoại trong các lãnh vực đa văn hóa như: sự đói nghèo, môi trường, sức khỏe, sự toàn cầu hóa, vân vân …, hơn là về các vấn đề đa tôn giáo.

Tuy nhiên, thậm chí ngay cả trong lãnh vực này, thì việc đối thoại với các thành viên của HTĐ vẫn còn gặp phải những khó khăn nghiêm trọng, tới mức độ như chủ nghĩa vô thần của HTĐ chẳng hạn, cho dù hiện hay ẩn, nó đều có khuynh hướng loại bỏ ra những đặc điểm có tính riêng biệt của tôn giáo, vốn rất xa lạ so với hầu hết các tôn giáo và các quy luật về đạo đức, luân lý; và lại có khuynh hướng lồng vào những thứ như kiểu “quản thúc tại gia” vào trong chiều kích lương tâm cá nhân và sau các bức tường của nhà thờ.

Thì theo nghĩa này, HTĐ cố tìm cách loại bỏ ra những ràng buộc bên ngoài về mặt văn hóa xã hội của Kitô Giáo, vốn đã được xem như là truyền thống lâu đời của các quốc gia Kitô Giáo, chẳng hạn như những cảnh về Chúa Giáng Sinh, hay việc trưng bày ra các biểu tượng của mầu nhiệm Giáng Sinh như ngôi sao tại hang đá Bêlêm, Ba Nhà Đạo Sĩ, vân vân ….

Những Biểu Tượng của Hội Tam Điểm
(H): Thưa Cha, có phải HTĐ tự thay thế nó cho tôn giáo?

(T): Thưa, HTĐ, cùng với một trong những loại sản phẩm của nó là Thời Đại Mới (New Age), thích dùng từ “duy linh” (spirituality) hơn vì nó có một tính cộng hưởng chủ quan hơn là từ “tôn giáo” (religion).

Một số hội viên của HTĐ nói rằng họ là những người Kitô Giáo và họ từ chối cho rằng HTĐ chính là một tôn giáo. Họ nên nhìn nhận rằng họ thuộc về hai tôn giáo: Công Giáo và HTĐ.

Thế nhưng, trong thực tế, ít ra là đối với nhiều người, hầu hết những người thuộc HTĐ đều là những người theo thuyết bất khả tri (agnostics) và là những nhà thần luận (deists), và họ xem HTĐ chính là một sự thay thế cho tôn giáo. Thật chất, HTĐ được gọi là một “tôn giáo” và đôi lúc nó được đề cập đến như vậy trong các bản văn tự của những thành viên thuộc HTĐ.

(H): Thưa Cha, làm thế nào mà Cha có thể tiếp cận được quá gần với giáo phái này khi nó rất là bí mật?

(T): Thưa, tôi đã dành ra rất nhiều giờ để nghiên cứu về các hiến pháp, các quy luật và các lễ nghi của nhiều HTĐ khác nhau, đã từng nói chuyện với những hội viên của HTĐ, và những người trước kia là thành viên của HTĐ tại Tây Ban Nha và Mêhicô, và đọc những sách về HTĐ được viết bởi những hội viên của HTĐ và những người không phải là HTĐ.

Khoảng 10 năm trước đây, tôi đã dành ra hai mùa hè để nói chuyện hằng ngày với các giáo sư đại học là hội viên của HTĐ và cả những giáo sư đại học không phải là HTĐ. Tôi cũng đã dành ra các buổi chiều để đến thăm các trung tâm của nhiều giáo phái khác nhau, một số đó thuộc gốc Tam Điểm chính cống, nằm ở các vùng ngoại ô của các thành phố.

(H): Thưa Cha, thì liệu HTĐ nặng về phương cách hay nội dung?

(T): Ồ, con người, ngoài việc suy nghĩ, cũng còn phải có cả sự cảm nghiệm và sự tưởng tượng nữa chứ. Những cảm giác và trí tưởng tượng có thể cản trở và khuấy động đến tính sáng suốt của tâm trí. Ngoài những thứ này ra, thì những ý tưởng và những tín ngưỡng cũng được dùng đến để hướng con người nữa; các nguyên tắc được tạo ra và cấu thành nên các thể chế về con người, và để đạt được mục tiêu này, thì điều cần thiết là nó cần phải sử dụng đến “cách thức” đúng đắn.

Từ “odos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “cách thức,” và từ “met” có nghĩa là “mục tiêu,” thì đó là hai từ chúng ta đề cập đến. Trong HTĐ, phương cách là nhằm đạt đến tính hiệu quả cao nhất và cũng là một trong những loại cao nhất để hình thành nên một trong những “nguyên tắc,” vốn có lẽ là quan trọng và có tính nền tảng nhất trong tất cả.

Vì chính lẽ đó mà phương cách của HTĐ kết cục rồi vẫn là bất tương xứng với học thuyết Kitô Giáo.

Cách thức của HTĐ, vốn tự bản chất là vô thần, bộc lộ ra thứ thuyết tương đối có tính lịch sử, để từ đó hướng đến thứ thuyết tương đối có tính cách văn hóa xã hội mà nó muốn cổ võ.

Alain Gérard, một trong những vị giám đốc của Grand Orient của Pháp Quốc nói rằng: “HTĐ chỉ là một phương pháp mà thôi.”

Theo Ông, một hội viên của HTĐ có thể có “những ý kiến” hay những tín ngưỡng về một tôn giáo cụ thể nào đó, thế nhưng cách thức của HTĐ ràng buộc người đó “phải nghi vấn” về những ý kiến của mình và chấp nhận lấy cơ may rằng những ý kiến đó (của chính mình) sẽ được công bố là giả tạo hay bị một hệ thống lý trí cứng nhắc hơn vượt trội và với sự ủng hộ của đa số.

Ông nói: “Bạn không thể nào có được một cuộc thảo luận thật sự, nếu cho dẫu kết cục của cuộc thảo luận đó có là thế nào đi chăng nữa, thì vẫn có một số điểm mà bạn luôn lúc nào cũng tin chắc rằng bạn là đúng.”

Vì điều này mà HTĐ hoàn toàn bị dị ứng với những tín điều và với tôn giáo được mạc khải và có tính chất tín điều, đặc biệt là với Kitô Giáo.

Đây cũng là sự lý giải cho việc tại làm sao mà những hội viên của HTĐ có khuynh hướng xem nền dân chủ như là một sự thành đạt của HTĐ và của phương cách dân chủ, tức là được chấp thuận bởi việc bầu phiếu của đa số, cũng như là điều gì đó có cùng bản chất với HTĐ. Phương cách dân chủ này đã được họ lan rộng ra tới mọi hiện thực, kể cả chính sự thật của nó, vân vân. ..

Vị lãnh đạo tối cao hiện tại của HTĐ Grand Orient ở Pháp Quốc là Jean Michel Quilardet, trong một tuyên cáo gởi cho tờ báo của Tây Ban Nha là tờ La Voz de Asturias vào ngày 29 tháng 1 năm 2007 vừa qua nói rằng:

Bạn có thể suy nghĩ rằng một nền dân chủ không phải là vô thần hiện diện, và không phải là vô thần cũng có nghĩa là không phải thuộc HTĐ, thế nhưng, đối với cách mà tôi nhìn nhận các sự việc và đối với cách mà tôi suy nghĩ, thì chủ nghĩa vô thần chính là một sự thành công của nền dân chủ.”

Chính vì thế, những người theo dân chủ nào mà không phải là vô thần hay thành viên của HTĐ, nếu họ là những người dân chủ, thì họ sẽ là những người dân chủ thuộc hạng hai.

(H): Thưa Cha, có phải những hội viên của HTĐ chính là một thiểu số sáng tạo không? Và liệu những người Kitô Giáo cũng là vậy đúng không?

(T): Thưa, rõ ràng là những hội viên của HTĐ không có độc quyền về sự sáng tạo. Thậm chí nếu nó là một dạng tự nhiên khác đi chăng nữa, thì sự sáng tạo cũng thuộc về cả những người Kitô Giáo với sự trợ giúp về ân huệ và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Và sự sáng tạo Kitô Giáo không phải là một kiểu sáng tạo kém cõi hơn đâu.

Để minh chứng thì điều mà chúng ta cần nhìn vào đó là lịch sử của Giáo Hội và những khả năng thích ứng của việc rao giảng vào những hoàn cảnh văn hóa và xã hội đa dạng trong suốt hơn 2,000 năm hiện diện. Như đã nói trong Isaiah 59:1 rằng: “Cánh tay của Thiên Chúa thì không quá ngắn” ngay trong thời đại của chúng ta.

Khi mà vào vài năm trước đây, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã gọi những phong trào truyền giáo như là “mùa xuân mới của Chúa Thánh Thần,” hay “Ngũ Tuần được canh tân”, hay “một hồng ân đặc biệt mà Chúa Thánh Thần mang đến cho Giáo hội trong thời đại lịch sử của chúng ta,” thì tôi hoàn toàn nhất trí cho sự tinh tuý trổi vượt này của Ngài.

Chỉ có người tốt và thánh thiện mới có thể nhìn thấy điều tốt đẹp trong tất cả mọi sự, thì điều này cũng giống như người tham lam, vốn chỉ có thể nhìn thấy sự lợi lộc (lucre) và những người dâm dục thì chỉ có thể nhìn thấy được sự khoái cảm về tình dục mà thôi.

Làm sao mà Giáo Hội hay thế giới có thể tồn tại nếu như những phong trào giáo hội – như các dự án về việc giáo dục, về việc từ thiện, vân vân …. – bị biến mất đi, để lại một “lỗ hỏng đen” thật lớn trong dãi ngân hà có tính văn hóa xã hội và trong Giáo Hội được?
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới và giới trẻ Úc (2)
Vũ Văn An
03:36 17/06/2008
Linh đạo giới trẻ trong một xã hội đang thay đổi

Đó là tựa đề một phúc trình do ba tác giả Michael Mason, Andrew Singleton và Ruth Webber hoàn thành trong ba năm (2003-2005). Các nhà nghiên cứu này thuộc các Đại Học Công Giáo Úc, Đại Học Monash và Hiệp Hội Nghiên Cứu Kitô giáo. Cuộc nghiên cứu có tính toàn quốc của họ nhằm tìm hiểu linh đạo của giới trẻ Úc ở tuổi mười mấy, hai mươi, dựa vào cuộc điều tra toàn quốc một mẫu đại biểu cho cả nước thuộc Thế Hệ Y (sinh năm 1981-1995) so với các nhóm thuộc Thế Hệ X (sinh năm 1966-1980) và Thế Hệ “Được Mùa Con Nít” (Baby Boomers, sinh năm 1946-1965). Cuộc điều tra này sau đó được bổ túc bằng các cuộc phỏng vấn chi tiết trực diện.

Mục tiêu của dự án là thăm dò một loạt các thế giới quan và giá trị của Thế Hệ Y, cảm thức của họ về ý nghĩa và mục đích ở đời, các phương cách qua đó họ tìm được bình an và hạnh phúc, việc họ can dự vào các tôn giáo truyền thống và các nền linh đạo thay thế khác, cách họ liên hệ với xã hội chung quanh và các ảnh hưởng từng lên khuôn cái nhìn và lối sống của họ.

Các khám phá chủ yếu

Chương 12 của phúc trình tóm lược cho ta các khám phá chủ yếu của cuộc nghiên cứu này.

Linh đạo truyền thống

1. Chỉ hơn một nửa Thế Hệ Y nói họ tin Thiên Chúa (51%); 17% nói họ không tin, và 32% không chắc chắn.

2. Gần một nửa giới trẻ Úc tuổi từ 13 đến 24 không thuộc hay không nhận mình thuộc một tôn giáo hay một hệ phái nào. 46% coi mình là Kitô hữu, 17% theo đuổi các hình thức linh đạo Tân Đại (New Age), 28% Thế Tục, 6% thuộc các tôn giáo hoàn cầu có tính truyền thống khác, và 3% tin có Thiên Chúa nhưng không tự nhận thuộc bất cứ tôn giáo truyền thống nào.

3. Xét theo hầu hết các khía cạnh trong niềm tin và thực hành, các Kitô Hữu Thế Hệ Y (46% Thế Hệ Y này) không khác bao nhiêu so với các cha mẹ thuộc Thế Hệ “Được Mùa Con Nít” hiện vẫn còn là Kitô hữu của họ.

4. Nhưng có nhiều khác biệt lớn giữa hai thế hệ này về các phương diện khác; một trong các phương diện quan trọng hơn cả là các thiếu nữ hiện nay không còn “đạo hạnh” hơn các thanh niên ở một số điểm nữa.

5. Một cách tổng quát, Thế Hệ Y ít quan tâm và can dự đối với tôn giáo hay linh đạo: chỉ có khoảng 41% thực sự dấn thân vào một trong ba hình thức linh đạo chính và chỉ có 17% là dấn thân với một hình thức Kitô giáo nào đó.

6. Thế Hệ Y thuộc các giáo phái Thệ Phản bảo thủ chứng tỏ mức độ tin và thực hành tôn giáo cao hơn các đối tác Công Giáo hay Anh Giáo của họ, và cũng cao hơn so với thế hệ cha anh cùng một giáo phái của họ.

7. Đa số người thuộc các giáo phái đều đồng ý rằng “bạn có quyền lựa và lọc các niềm tin tôn giáo nào bạn muốn…”; Và đa số Thế Hệ Y đồng ý rằng ‘luân lý là chuyện tương đối, không có điều đúng điều sai dứt khoát cho mọi người’ (dù chỉ có ít hơn một nửa người Theo Kitô giáo nghĩ như vậy).

8. Giới trẻ Úc ngần ngại không muốn tuyên bố rằng chỉ có một tôn giáo chân thực: chỉ có 13% Thế Hệ Y tuyên bố như thế.

9. Thế Hệ Y đang trôi xa dần Kitô giáo một cách mạnh mẽ: một số trước đây tham dự đều đặn, nhưng nay đã ngưng không làm thế nữa; nhiều người khác trước đây tin Thiên Chúa nhưng nay không còn tin nữa; trước khi qua tuổi 25, khoảng 18% những người vốn thuộc một giáo hội Kitô Giáo nay đã thành cựu thành viên.

10. Một điều hết sức rõ rệt là cha mẹ sống đạo, tha thiết với đức tin của mình, đã gây ảnh hưởng lớn khiến con trẻ hướng tới một mức độ dấn thân cao với linh đạo Kitô giáo. Người ta không tìm thấy hiệu quả của việc học trường giáo hội, ngoại trừ trường hợp các trường ‘Kitô giáo khác’. Tuy nhiên, đa số những người tin Thiên Chúa và học trường giáo hội cho hay việc học giáo lý tại trường có ích hay rất có ích trong việc củng cố đức tin của họ. Khoảng 1/3 các học sinh dấn thân cao về phương diện tôn giáo cho biết đôi khi bị gây áp lực hay bị chế diễu tại trường vì các niềm tin và thực hành tôn giáo của mình.

Linh đạo Tân Đại

11. Khoảng một nửa Thế Hệ Y từng thăm dò các tôn giáo khác bên ngoài Kitô giáo, nhưng phần lớn ‘để tìm tòi các hiểu biết tổng quát’. Những người hay rảo quanh các tôn giáo khác nhiều hơn cả lại là những người đạo hạnh hơn hết, đặc biệt là vì họ thường là những người học trường giáo hội và lấy các môn về tôn giáo so sánh trong hai năm cuối làm môn thi tốt nghiệp trung học.

12. 31% Thế Hệ Y ‘dứt khoát’ tin có tái sinh, tức ý niệm cho rằng người ta từng có kiếp trước, 24% tin thuật chiêm tinh, nghĩa là các vì sao và tinh cầu có tác động trên số phận con người ta. Đối với phần lớn những người tin có luân hồi, thì niềm tin này không hẳn dựa vào bối cảnh các tôn giáo cổ truyền như Ấn Giáo hay Phật Giáo, cho bằng vào các niềm tin bình dân.

13. Đối với Thế Hệ Y, các thực hành của Tân Đại không quan trọng. 4 phần 5 thành viên của Thế Hệ Y không bao giờ nghiêm chỉnh tham dự các buổi yoga (dưới hình thức linh đạo), tai-chi, thiền Đông Phương hay đọc bài Tarot.

14. Trong số 17% Thế Hệ Y từng tự xếp loại thuộc linh đạo Tân Đại, thì non một nửa là ‘Những Người Tin vào Tân Đại’, nghĩa là những người theo một mớ hỗn độn các niềm tin của Tân Đại nhưng không tiếp nhận các thực hành của họ. Số còn lại là ‘Những Người Tham Dự vào Tân Đại’, nghĩa là vừa tin một mớ hỗn độn các niềm tin của Nhóm này vừa nhiêm chỉnh can dự vào một hai thực hành của Tân Đại. Đa số những người theo Tân Đại không can dự vào một tôn giáo cổ truyền, nhưng có theo một hay hai niềm tin của các tôn giáo ấy.

15. Các đặc điểm thuộc dân số và xã hội như coi truyền hình nhiều hơn, sống xa gia đình và gần những khu vực kém may mắn về phương diện kinh tế xã hội vốn được liên kết với Người Tin vào Tân Đại. Trong khi các nhân tố như già hơn và là phụ nữ thường được liên tưởng với Người Tham Dự vào Tân Đại. Nói một cách chung, nữ giới thường hay thăm dò nền linh đạo Tân Đại nhiều hơn nam giới.

Linh đạo Thế Tục

16. 17% Thế Hệ Y không tin Thiên Chúa, 19% cho rằng có rất ít sự thật trong bất cứ một tôn giáo nào và 23% không tin có sự sống đời sau.

17. Trong số 28% Thế Hệ Y theo con đường thế tục ở trên đời, thì 10% là những người Vô Tôn Giáo, chưa bao giờ tin Thiên Chúa và từ khước các niềm tin của Tân Đại, 4% là Cựu Tôn Giáo, nghĩa là có lúc đã tin Thiên Chúa nhưng nay bác bỏ cả niềm tin Cổ Truyền lẫn niềm tin Tân Đại, trong khi 14% còn lại là những người Do Dự, nghĩa là không biết chắc liệu Thiên Chúa có thực hay không, nhưng họ cũng không chấp nhận các niềm tin của Tân Đại.

18. Là phái nam hay sống ngoài gia đình thường là các đặc điểm được liên kết với người Vô Tôn Giáo và Cựu Tôn Giáo. Trong khi già chưa chắc đã là đặc điểm của cả người Vô Tôn Giáo lẫn người Cựu Tôn Giáo.

19. Thế Hệ Y là thế hệ quan tâm tới truyền thông: hơn một phần ba ngồi trước màn ảnh từ 20 tới 50 giờ một tuần, coi truyền hình, chơi trò chơi video hay truy cập liên mạng, trong khi hai phần ba kia ngồi trước màn ảnh từ 10 đến 20 giờ một tuần.

20. Dù có một ý thích phổ thông đối với các chương trình truyền hình hay các cuốn phim miêu tả các chuyện ngoại thường và bí nhiệm, nhưng các loại chương trình này phản ảnh ý thích thưởng ngoạn và tin tưởng của người xem hơn là một ảnh hưởng nhằm thuyết phục cử tọa tin vào qủy quái hay ma cà rồng.

Giá trị và quan tâm xã hội

21. Giới trẻ cho thấy họ coi trọng các mối liên hệ thân mật với bạn bè và gia đình, và việc làm thế nào để có được một cuộc sống đầy hứng thú và vui hưởng. Họ cũng muốn có được một thế giới bình yên, biết hợp tác với nhau, công chính và an toàn. Các quan tâm tôn giáo hay tâm linh thường thường được coi là không quan trọng.

22. Phần lớn người trẻ nói rằng họ có mục tiêu trong đời, dù một số có cảm tưởng đời họ không ăn có gì với một kế sách lớn hơn, họ thực sự không thuộc đâu vào đâu cả hay ‘họ đang bị thương tổn rất sâu ở bên trong’.

23. Các sinh hoạt được xếp hạng quan trọng nhất để hưởng bình an và hạnh phúc là nghe âm nhạc, làm việc hay học hành. Đa số coi việc suy niệm là không quan trọng.

24. Các em Kitô hữu tích cực, từng biết áp dụng niềm tin tôn giáo vào thực hành, là những em có thái độ công dân tích cực, chứng tỏ các mức độ cao về quan tâm xã hội và tích cực can dự vào việc phục vụ cộng đồng. Các em Kitô hữu càng có cam kết cao về tôn giáo của mình thì càng quan tâm tới người khác; rất ít các em Thế Tục có quan tâm nhân bản này.

25. Các em Thế Hệ Y thuộc các hệ phái Thệ Phản bảo thủ chứng tỏ mức độ cao hơn trong quan tâm và can dự xã hội hơn các em thuộc các hệ phái phóng khoáng hơn.

26. Các em Tân Đại, từng được nuôi dạy làm Kitô hữu trước đây, và các thiếu nữ Thế Tục (chứ không phải nam giới) từng được nuôi dạy như thế cũng chứng tỏ mức độ cao hơn trong quan tâm xã hội, nhất là trong phạm vi làm thiện nguyện viên.

27. Các Giáo Hội và tổ chức giới trẻ có thể và thực sự đã giúp giới trẻ ra khỏi ‘khu vực thoải mái’ (comfort zone) của họ để can dự vào các sinh hoạt công dân ở nhiều mức độ khác nhau. Các Giáo Hội và tổ chức ấy là những cơ sở quan yếu cung cấp cho họ cả việc huấn luyện kỹ năng lẫn cơ hội để làm thiện nguyện viên.
 
Luật cho phép giết người êm dịu
Linh Tiến Khải
08:29 17/06/2008
Luật cho phép giết người êm dịu

Một số nhận định của bà Elisabetta De Septis, giáo sư môn ”Quyền sinh học và luân lý sinh học” tại Cao học khoa học tôn giáo San Lorenzo Giustiniani, Venezia, bắc Italia, về luật giết cho phép người êm dịu.

Hạ tuần tháng 5 vừa qua chính quyền Bỉ đã đề nghị cho phép cả trẻ em vị thành niên quyền quyết định chết êm dịu. Cùng với Hòa Lan và Luxembourg Bỉ là quốc gia thứ ba trong Liên Hiệp Âu châu có luật cho phép trợ tử. Hòa Lan đã là quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận luật trợ từ ngày 28-11-2000. Nhưng từ 20 năm trước đó hàng năm vẫn có hàng ngàn người được trợ tử. Chỉ nội trong năm 1999 tại Hòa Lan đã có 2216 trưởng hợp giết người êm dịu.

Luật cho phép giết người êm dịu đã được chính quyền Bỉ chấp nhận ngày 28-5-2002. Kể từ đó tới nay cùng với Hòa Lan, Bỉ ở trên ranh giới các thế quân bình tế nhị giữa các xác tín luân lý tôn giáo và quyền của cá nhân với trách nhiệm xã hội của các bác sĩ và các nhà thương. Tuy 88% người dân Bỉ xưng mình theo Công Giáo, nhưng trong các cuộc thăm dò ý kiến có tới 72% chấp nhận việc trợ tử đối với các bệnh nhân ở trong giai đoạn chót, không thể lật ngược tình thế được nữa và chịu nhiều đau đớn thể lý và tinh thần. Trong năm 2004 đã có 259 trường hợp trợ tử: 54% tại nhà thương, 41% tại gia đình của bệnh nhân, và 5% trong nhà dưỡng lão.

Bắt đầu từ ngày 16-5-2005 hộp thuốc trợ tử do hãng ”Multipharma” sản xuất đã được bầy bán trong các tiệm thuốc tây toàn nước Bỉ. Hộp thuốc gồm 5 ống thuốc, vài kim tiêm và giấy hướng dẫn cách xử dụng giá 60 Euros, có thể mua với toa của bác sĩ, và lấy về nội trong 24 giờ đồng hồ.

Trong thời gian qua tại Bỉ người ta lại tái thảo luận về việc áp dụng luật trợ tử. Ủy Ban Công Lý và và Xã Hội đề nghị chấp nhận cả các lời tuyên bố trước ý muốn được trợ tử của những người lâm tình trạng bão bộ bị hư hại không nói và cử động được nữa. Liên quan tới các trẻ em vị thành niên Ủy ban yêu cầu thêm vào một điều khoản mới cho phép cha mẹ hay các người đại diện hợp pháp quyền xin trợ tử, trong trường hợp đứa bé không có khả năng phân định cần thiết. Theo đó các nạn nhân đầu tiên đương nhiên là các thai nhi bị bệnh nặng hay tàn tật. Những người cổ võ điều khoản mới này của luật cho phép giết người êm dịu nói rằng họ xác tín về sự cấp thiết nới rộng luật trợ tử cho các trẻ em vị thành niên. Và ngày 29-5-2008 bác sĩ Marc Cosyns của thành phố Gant, người đã trợ tự một phụ nữ và một trẻ em 10 tuổi, đã được phép phát biểu trước Quốc Hội Bỉ sự ủng hộ của ông đối với các biện pháp mới này.

Theo các kết qủa cuộc điều tra do nguyệt san ”Lancet” thực hiện, tại Bỉ trong năm 2000 hơn phân nửa các trẻ sơ sinh chết ít lâu sau khi chào đời, là do sự can thiệp của các bác sĩ chích thuốc cho các em chết. Do đó việc đưa thêm điều khoản mới vào luật trợ tử sẽ hoàn toàn hợp thức hóa việc sát hại các trẻ sơ sinh đã được thực hành rộng rãi từ lâu tại Bỉ.

Luxembourg là quốc gia thứ ba chấp nhận luật cho phép trợ tử ngày 20-2-2008. Hiện nay phong trào cho phép giết người êm dịu có khuynh hướng lan tràn sang các quốc gia khác, điển hình như Italia và Tây Ban Nha, vì các đảng phái chính trị nhiều nước muốn đề nghị quốc hội thảo luận và bỏ phiếu dự luật này.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bà Elisabetta De Septis, giáo sư môn quyền sinh học và luân lý sinh học tại Cao học khoa học tôn giáo San Lorenzo Giustiniani, Venezia, bắc Italia, về luật giết người êm dịu. Giáo sư Elisabetta De Septis mới cho phát hành cuốn sách tựa đề ”Làm cho thết êm dịu, giữa luân lý sinh học và quyền lợi”.

Hỏi: Thưa giáo sư De Septis, hồi hạ tuần tháng 5 vừa qua chính quyền Bỉ đã đưa ra đề nghị khiến cho nhiều người bị sốc mạnh: đó là cho phép trợ tử cả các trẻ em vị thành niên và những ai đã mất khả năng trí tuệ, theo 4 dự khoản luật sẽ được đảng tự do dân chủ Bỉ đề nghị quốc hội thảo luận trong thời gian tới đây. Giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Nếu các dự luật này được chấp thuận, thì chúng ta lại bước thêm một bước lo âu khác nữa: đó là biến việc trợ tử trở thành hợp pháp, mà không cần tới lời yêu cầu của bệnh nhân. Quyết định kết liễu cuộc sống một người đã không xin được chết sẽ tùy thuộc sự lượng định của các kẻ khác, rất dễ đưa tới các phán đoán về phẩm chất cuộc sống của bệnh nhân. Và nó sẽ có nguy cơ bị lạm dụng. Đây là các viễn tượng gây báo động khiến cho người ta ngao ngán, nhưng không ngạc nhiên, vì nó là hậu qủa có thể thấy trước của khuynh hướng hợp thức hóa việc giết người êm dịu ngày càng lan tràn trong xã hội ngày nay.

Đảng tự do dân chủ của Bỉ yêu sách rằng trong các nhà thương, kể cả các nhà thương tâm thần công giáo, nhiều nhất tại Bỉ, phải áp dụng luật giết người êm dịu hiện hành. Tình trạng này khiến cho người ta sợ rằng trong tương lai việc tôn trọng lương tâm sẽ gặp nguy hiểm.

Hỏi: Thế thì luật tại Bỉ hiện nay nói gì thưa giáo sư?

Đáp: Luật dự kiến cho phép làm cho chết êm dịu cả các bệnh nhân không vào giai đoạn cuối đời và các bệnh nhân không còn ý thức nữa. Trong trường hợp này cần phải có một di chúc sinh học xin được trợ tử. Chỉ trong một thời gian ngắn luật này đã đưa vào trong các tiệm bán thuốc hộp thuốc trợ tử gồm các ống thuốc và kim tiêm, có thể mua với toa của bác sĩ. Giá hiện nay của nó là 60 Euros. Nhưng có điều rất lạ là nó đã không khiến cho giới truyền thông chú ý.

Hỏi: Việc tái thảo luận về luật trợ tử là hậu qủa cái chết êm dịu của nhà văn Hugo Klaus hồi tháng 3 năm nay, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, đúng thế. Nhà văn Klaus bị bệnh lão hóa Alzheimer, chứ không ở giai đoạn cuối cùng của cuộc sống: vì bệnh tình của ông còn đang ở giai đoạn đầu. Cái chết êm dịu của ông đã là một biến cố được giới truyền thông chú ý nhiều. Các sự lựa chọn của những danh nhân có thể điều kiện hóa dư luận của người dân thường, ngưỡng mộ họ, nhưng không có các tư tưởng rõ ràng về việc làm cho chết êm dịu. Sau khi nhà văn chết, người ta ghi nhận số người xin trợ tử gia tăng.

Hỏi: Nhưng mà nước Bỉ không phải là quốc gia duy nhất có luật cho phép trợ tử. Tại các nước khác thuộc Liên Hiệp Âu châu có nhiều hiệp hội phò trợ tử được dân chúng ủng hộ thưa giáo sư.

Đáp: Và các hiệp hội này biết cách lôi kéo sự chú ý và ủng hộ của người dân. Lý do cũng là vì trong các cuôc thảo luận đã không có các tiếng nói cân bằng của phe đối nghịch muốn bảo vệ sự sống. Rất thường khi thế giới công giáo bị bỏ rơi một mình, ”đơn thương độc mã” chống lại trào lưu trợ tử. Và người ta đã không hiểu rằng việc tôn trọng sự sống là vấn đề liên quan tới tất cả mọi người, chứ không phải chỉ liên quan tới những ai tin mà thôi.

Hỏi: Thưa giáo sư De Septis, kể cả các quốc gia không xa Italia như Tây Ban Nha, xem ra người ta cũng đang cố gắng tiến tới chỗ hợp thức hóa việc giết người êm dịu, có phải thế không?

Đáp: Thật ra đây không là điều gây ngạc nhiên, vì đường lối chính trị liên quan tới các vấn đề luân lý sinh học, mà thủ tướng Zapatero đã đề ra trong các năm qua bên Tây Ban Nha, đi theo hướng đó. Một khi di chúc sinh học được thừa nhận như chính quyền Tây Ban Nha đã làm mới đây, thì việc tiến tới luật cho phép giết người êm dịu sẽ rất đơn sơ và mau chóng. Người ta giới thiệu nó như là giải pháp duy nhất nhằm bảo đảm phẩm giá cho bênh nhân và người hấp hối.

Hỏi: Nhưng mà việc giết người êm dịu đâu có phải là giải pháp duy nhất, thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, và đây chính là vấn đề. Cần phải thông tin đầy đủ một cách rộng rãi và chính xác, để cho dân chúng có một ý niệm đúng đắn liên quan tới việc giết người êm dịu. Thường khi trong các cuộc thăm dò ý kiến dân chúng trả lời là chấp nhận việc trợ tử, vì họ lẫn lộn nó với việc ngưng bám víu chữa trị bằng mọi giá, khi không còn hy vọng nào nữa. Đây là một điều khác, được phép và đáng làm. Cần phải giải thích cho họ biết rằng làm cho chết êm dịu không phải là con đường duy nhất, trái lại là đàng khác. Thật ra giải pháp: đó là biết lắng nghe các nhu cầu của người bệnh, với sự trợ giúp giá trị, với các phương thức chữa trị giúp giảm đau, và khả năng đưa ra các câu trả lời cho các đòi hỏi sâu thẳm của những người đau khổ, và bảo đảm cho người bệnh được tôn trọng như phải có. Phải thảo luận liên quan tới tất cả các vấn đề này. Nhìn xem những gì xảy ra tại các quốc gia khác liên quan tới đề tài làm cho chết êm dịu là điều hữu ích, vì nó giúp chúng ta hiểu điều không được để xảy ra trong đất nước chúng ta.

(Avvenire 29-5-2008)
 
ĐTC nói: Đặc trưng của Hôi thánh là thánh thiện và truyền giáo
Bình Hòa
08:31 17/06/2008
ĐTC nói: Đặc trưng của Hôi thánh là thánh thiện và truyền giáo

(Bài giảng tại Brindisi 15-6-2008)

Từ chiều thứ 7 vừa rồi, Đức Thánh Cha đã đi thăm viếng hai giáo phận Santa Maria di Leuca và Brindisi, ở cực nam của nước Ý (có thể so sánh như mũi Cà-mau của Việt Nam). Tại đền thờ đức Mẹ Leuca, ngài đã dâng thánh lễ, rồi vào ban tối ngài đến Brindisi, tại đây ngài đã gặp gỡ các bạn trẻ. Lúc 10 giờ sáng chúa nhựt, đức Bênêđictô XVI đã chủ sự thánh lễ cho cộng đoàn Dân Chúa, kết thúc với kinh Truyền tin kính Đức Mẹ. Vào ban chiều, ngài đã gặp các linh mục tại nhà thờ chính toà, và sau đó đã đáp máy bay về lại Rôma. Bài tường thuật hôm nay chú trọng đến bài giảng Thánh lễ và kinh Truyền tin.

Như thường lệ, bài giảng dựa trên các bài đọc Sách Thánh của chúa nhựt thứ XI mùa Thường niên. Bài đọc Một (Xh 19,2-6°) gợi lại cuộc thiết lập giao ước tại núi Sinai. Bài Tin mừng (Mt 9,36-10,8) kể lại việc 12 tông đồ được kêu gọi và sai đi. Chúng ta có thể tìm thấy “hiến pháp” của Hội thánh ở đây: các tín hữu được mời gọi hãy ý thức ơn gọi của mình và lên đường truyền giáo. Trong bài đọc Một, tác giả Sách Thánh thuật lại giao ước giữa Thiên Chúa với ông Môsê và dân Israel trên núi Sinai. Đây là một trong những chặng quan trọng của lịch sử cứu độ, khi Thiên Chúa biểu lộ kế hoạch vĩnh cửu của Ngài vượt lên trên lịch sử của Cựu ước và Tân ước. Kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa là muốn cứu độ muôn dân nhờ sự thánh hoá một dân riêng, mà Chúa đã lựa chọn giữa muôn dân. Vì thế dân đó được mang tên là “dân thánh”, không chỉ theo nghĩa luân lý nhưng nhất là vì tự bản chất họ thuộc về Thiên Chúa. Bản chất của dân ấy từ tỏ lộ dần dần từ Cựu ước sang Tân ước, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu. Đoạn Tin mừng hôm nay kể lại một chặng quyết định trong việc mặc khải đó. Thực vậy, khi kêu gọi 12 tông đồ, Chúa Giêsu muốn gợi lại 12 chi tộc Israel, ra như muốn cho thấy rằng ngài đến để hoàn tất chương trình của Chúa Cha, tuy dù phải chờ đến lê Ngũ tuần thì khuôn mặt của Hội thánh mới được trưng bày trọn vẹn, khi mà các tông đồ loan báo Tin mừng cho hết mọi dân tộc qua các ngôn ngữ của họ (Cv 2,3-4).

Đức Thánh Cha nói tiếp. Lối hành động của Chúa Giêsu thật là độc đáo, bởi vì cho thấy rằng Thiên Chúa thực hiện kế hoạch vĩ đại của ngài qcon đường nghèo khó và khiêm tốn. Quang cảnh hùng vĩ trên núi Sinai trong bài đọc Một đã nhường chỗ cho những cử chỉ đơn sơ kín đáo trong bài Tin mừng, mặc dù hàm chứa rất nhiều tiềm năng đổi mới. Đó là cái lôgic của Nước Chúa, được ví như hạt cải bé nhỏ và trở thành đại thụ (Mt 13,31-32). Việc thiết lập giao ước trên núi Sinai kèm theo những hiện tượng kinh hoàng làm cho dân Israel khiếp sợ. Còn buổi khai trương Hội thánh ở Galilê thì không có những hiện tượng đó, bởi vì nó phản ánh lòng hiền hậu thương xót của trái tim Chúa Giêsu, lòng thương xót báo trước một cuộc đấu tranh chống lại quyền lực sự dữ. Thực vậy, khi phái 12 tông đồ đi giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã trao cho các ông quyền năng bài trừ các thần dữ, chữa lành các bệnh tật (Mt 10,1). Các tông đồ phải hợp tác với Chúa Giêsu trong việc thiết lập Nước Trời, nghĩa là quyền bá chủ của Thiên Chúa, mang lại sự sống cho nhân loại. Nói khác đi, cũng giống như Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu, Hội thánh mang một sứ mạng thiết lập vương quyền của sự sống, và bài trừ quyền thống trị của sự chết, ngõ hầu sự sống của Thiên Chúa ngự trị trong thế giới.

Kế hoạch của Thiên Chúa là như thế đó: bành trướng ra khắp thế giới tình yêu phát sinh sự sống. Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn thực hiện chương trình đó trong sự tôn trọng tự do của chúng ta, bởi vì tình yêu đòi hỏi sự chấp nhận tự nguyện, chứ không thể áp đặt. Từ đó, Hội thánh trở nên nơi đón nhận và chuyển thông của Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, ta thấy rằng hai đặc tính thánh thiện và truyền giáo gắn liền với nhau. Vì là thánh thiện, nghĩa là được tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa, Hội thánh có khả năng chu toàn sứ mạng của mình. Đối lại, Thiên Chúa đã kêu gọi và thánh hoá Hội thánh là để thực hiện sứ mạng đó. Dù sao cũng nên biết rằng, các thánh tông đồ chưa phải là những người hoàn hảo; họ được lựa chọn không phải vì đời sống của họ đức độ trọn lành. Họ nhiệt thành đấy, nhưng cũng mang nhiều khiếm khuyết, đôi khi trầm trọng. Chúa Giêsu không kêu gọi những người đã thánh thiện rồi, nhưng là để làm cho họ nên thánh. Trong bài đọc Hai, thánh Phaolô viết như sau: “Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của ngài đối với chúng ta, bởi vì khi còn là tội nhân, Đức Kitô đã chét cho chúng ta” (rm 5,8). Hội thánh là cộng đoàn những tội nhân, những người tin tưởng vào tình thương của Chúa, và để cho Thiên Chúa cải biến, nhờ thế mà họ nên thánh.

Trong phần cuối của bài giảng, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu Brindisi hãy mang ra thực hiện kế hoạch mà công nghị giáo phận đã biểu quyết, đó là thực hiện “lòng trắc ẩn”, theo gương của Chúa Giêsu đã động lòng trắc ẩn đứng trước nỗi khổ của những người túng quẫn, lưu lạc. Lòng trắc ẩn không có nghĩa là mủi lòng bố thí, nhưng là liên đới chia sẻ, nuôi dưỡng niềm hy vọng.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giỡ rưỡi. Sau lời nguyện tạ lễ, Đức Bênêđictô đã đọc bài huấn dự dẫn vào kinh Truyền tin, dựa theo hình ảnh của hải cảng, nơi tàu cập bến và nơi tàu ra khơi. Ngài nói như sau:

Chỗ mà chúng ta đang đứng đây – hải cảng – mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Mỗi hải cảng nói đến sự đón tiếp, sửa chữa, trú ngụ; nói đến sự dừng chân sau thời kỳ phiêu du, dài dẵng và gian nan. Nhưng hải cảng cũng gợi lên tư tưởng lên đường, mơ uớc, tương lai. Cách riêng hải cảng Brindisi mang một tầm quan trọng trong việc thông thương hướng ra Địa Trung hải và về Mạn Đông, vì thế đã Liên hợp quốc đã đặt một căn cứ quan trọng cho các kế hoạch nhân đạo.

Từ nơi này, tôi muốn lặp lại sứ điệp Kitô giáo kêu gọi hợp tác và hoà bìinh giữa các dân tộc, cách riêng là giữa các dân tộc miền Trung đông và Cận đông. Từ mỏm đất hướng ra Địa trung hải, nằm giữa Tây phương và Đông phương, chúng ta hãy hướng đến Đức Maria,, người mẹ chỉ đường, theo như tước hiệu quen thuộc của các Giáo hội Đông Phương (Odegitria), bởi vì Mẹ đã ban cho chúng ta Đức Giêsu, là con đường dẫn đến hoà bình. Chúng ta xin Mẹ hãy trở nên hải cảng cứu độ cho mỗi người và cho toàn nhân loại, Xin Mẹ hãy che chở cho thành phố này, cho nước Italia, cho châu Âu và toàn thế giới, khỏi những cơn bão tố đang đe doạ đức tin và các giá trị chân chính; xin Mẹ hãy cho các thế hệ trẻ biết ra khơi, không ngại đương đầu với những thách đố, nhờ niềm hy vọng Kitô giáo, Lạy Mẹ Maria, là hải cảng cứu độ, xin cầu cho chúng con.

Đang khi Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền tin, thì một đoàn chim câu được tung lên trời, như biểu lộ lòng nguyện ước hòa bình.
 
Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục tăng cường đời sống cầu nguyện
LM Trần Đức Anh, OP
08:32 17/06/2008
BRINDISI, Italia - ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các LM tăng cường đời sống cầu nguyện và coi đây là điều quan trọng nhất trong đời sống LM.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi gặp gỡ hàng trăm LM, phó tế và chủng sinh lúc gần 5 giờ chiều ngày chúa nhật 15-6-2008 tại Nhà thờ chính tòa tổng giáo phận Brindisi, nam Italia. Các LM hoạt động tại 63 giáo xứ trong giáo phận.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói: ”Anh em linh mục thân mến, để cuộc sống anh em trở thành một niềm tin mạnh mẽ và đầy sức sống, như anh em đã biết, chúng ta cần nuôi dưỡng đời sống ấy bằng sự chuyên cần cầu nguyện. Vì thế, anh em hãy trở thành mẫu gương về cầu nguyện, trở thành thầy dậy cầu nguyện. Cần xếp đặt cho ngày của anh em có những giờ nguyện gẫm, trong đó, theo gương Chúa Giêsu, anh em chuyện vãn với Chúa Cha. Tôi biết rằng thật không dễ trung thành với giờ hẹn hằng ngày với Chúa, nhất là nhịp sống ồ ạt ngày nay với bao nhiêu công việc bận rộn ngày càng gia tăng. Nhưng chúng ta phải xác tín rằng giờ phút cầu nguyện là điều quan trọng nhất trong đời sống linh mục, đó là lúc ơn thánh của Chúa hoạt động hữu hiệu nhất, mang lại sự phong phú cho sứ vụ linh mục. Cầu nguyện là công tác phục vụ đầu tiên phải mang lại cho cộng đoàn và vì thế, những lúc cầu nguyện phải chiếm ưu tiên thực sự trong đời sống chúng ta. Tôi biết rằng bao nhiêu điều đang đè nặng chúng ta: đối với tôi, đó là những cuộc tiếp kiến, các hồ sơ phải nghiên cứu, các cuộc gặp gỡ, v.v.. Nhưng nếu chúng ta không kết hiệp trong nội tâm với Thiên Chúa, thì chúng ta chẳng có thể mang lại cho tha nhân điều gì. Vì vậy, Thiên Chúa là ưu tiên số một và chúng ta phải luôn dành thời gian cần thiết để hiệp thông trong kinh nguyện với Chúa chúng ta”.

Cuộc gặp gỡ của ĐTC với các LM, phó tế và chủng sinh, kết thúc cuộc viếng thăm dài hơn 24 tiếng đồng hồ của ĐTC tại hai giáo phận Ugento-Santa Maria di Leuca và Brindisi. Sáng chúa nhật, 15-6-2008, ngài đã cùng 20 GM thuộc miền Puglia cử hành thánh lễ trước sự hiện diện của 70 ngàn tín hữu tại một bến tàu ở Brindisi. (SD 16-6-2008)
 
Phiên họp của Ủy ban Liên lạc Hồi giáo–Công giáo
Phụng Nghi
09:50 17/06/2008
Vatican (VIS) – Phiên họp lần thứ 14 của Ủy Ban Liên lạc Hồi giáo–Công giáo đã được tổ chức từ ngày 11 đến 13 tháng 6 tuần trước.

Phái đoàn Công giáo, đứng đầu là Đức Hồn y Jean-Louis Tauran chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, và dẫn đầu phái đoàn Hồi giáo là Giáo sư Hamid bin Ahmad Al-Rifaie, chủ tịch Diễn đàn Đối thoại Hồi giáo Quốc tế, đến từ Jeddah, nước Saudi Arabia.

Sau đây là bản thông cáo do Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn phổ biến:

“Chủ đề của phiên họp là ‘Người Kitô giáo và Hồi giáo làm Chứng nhân cho Thượng Đế Từ Bi, Công Bằng, và Hoà bình trong một Thế giới Khổ đau vì Bạo lực’. Chủ đề này được xem xét dưới nhãn quan tôn giáo dựa trên các giáo huấn của hai truyền thống tôn giáo. Cả hai phía đồng thuận những điểm sau đây:

1- Từ phẩm giá cố hữu của mỗi con người phát sinh ra các quyền lợi và nhiệm vụ căn bản.

2- Công lý là vấn đề ưu tiên trong thế giới ta đang sống. Ngoài việc thực thi những điều luật lệ hiện có, công lý cần phải tôn trọng các nhu cầu căn bản của những cá nhân và các dân tộc bằng thái độ yêu thương, huynh đệ và đồng cảm. Không có công lý thì không thể có một nền hoà bình đích thực và lâu bền.

3- Hòa bình là một quà tặng của Thượng đế nhưng cũng cần đến sự cam kết của mọi người, đặc biệt là các tín đồ là những người được kêu gọi làm những chứng nhân tỉnh thức cho hòa bình trong một thế giới bị khổ đau vì bạo hành dưới nhiều hình thức.

4- Người Kitô giáo và người Hồi giáo tin rằng Thượng đế là Đấng từ bi và do đó coi mình có bổn phận phải bày tỏ lòng từ bi đối với mọi người, đặc biệt là những người gặp khó khăn và yếu đuối.

5- Các tôn giáo, nếu được thực thi một cách chân chính, đều góp phần hữu hiệu trong việc đề cao tình huynh đệ và hài hòa trong gia đình nhân loại.” 

Bản thông cáo kết luận với lời giải thích rằng các tham dự viên đã được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp kiến, ngài đã “khuyến khích họ tiếp tục các nỗ lực triển dương hoà bình và công lý.”
 
Phim “Con đường hy vọng: hành trình thiêng liêng của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận sẽ được chiếu tại Đại Hội Thánh Thể Quebec
Bùi Hữu Thư
10:56 17/06/2008

Phim “Con đường hy vọng: hành trình thiêng liêng của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận sẽ được chiếu tại Đại Hội Thánh Thể Quebec.



Knights of Columbus: June 2, 2008: Hệ Thồng Truyền Hình Muối và Ánh Sáng của Canada đã thực hiện một cuốn phim thời sự sẽ được chiếu tại Đại Hội Thánh Thể Thế Giới.

“Con Đường Hy Vọng: Hành Trình Thiêng Liêng Của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận” được tài trợ bởi một ngân khoản của Hiệp Sĩ Đoàn Trung Ương (The Knights of Columbus Supreme Council.)

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận (1928 -2002) được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Saigon năm 1975. Chỉ vài tháng sau khi thành phố Saigon bị chiếm đóng, ngài đã bị bắt và bị giam trong trại cải tạo trong 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam.

Cuốn phim đề cao việc Thánh Thể đã gìn giữ ngài trong thời gian bị giam cầm.

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận được trả tự do ngày 21 tháng 11, năm 1988, và bị trục xuất sang Ý. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Bộ Trưởng Thánh Bộ Công Lý và Hòa Bình, và ngài được phong chức Hồng Y ngày 21 tháng 2, năm 2001.

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận dùng những năm cuối của cuộc đời ngài để đi khắp nơi trên thế giới loan truyền sứ điệp hy vọng và tha thứ của ngài, và để soạn thảo Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội (Compendium of the Social Doctrine of the Church), một thành qủa cao nhất của đời ngài được hoàn tất sau khi ngài qua đời. Tài liệu này được Thánh Bộ Công Lý và Hòa Bình ấn hành năm 2004. Ngài qua đời vì bệnh ung thư tại một bệnh viện ở Rôma ngày 16 tháng 9, 2002.

David Naglieri và toán sản xuất phim của hệ thống truyền hình Muối và Ánh Sáng đã hợp tác chặt chẽ với Elizabeth Wong, em gái của Đức Hồng Y hiện đang sống tại Windsor, Ontario, Canada, và Đức Hồng Y Renato Martino, đương kim Bộ Trưởng Thánh Bộ Công Lý và Hòa Bình.

Toán sản xuất được phép đặc biệt để sưu tầm các bức hình của gia đình, các cuốn phim, các lá thư và các tài liệu cá nhân của ngài, kể cả bản nháp cuốn sách “Con Đường Hy Vọng” cuả ngài, và các di vật ngài dùng để dâng thánh lễ trong tù.

Cuốn phim cũng trình bầy các cuộc phỏng vấn đầy đủ chi tiết với các thân nhân trong gia đình ngài, với André Văn Châu, người viết tiểu sử ngài, với Đức Hồng Y Martinô, với các giới chức Tòa Thánh và các nhân vật thân cận đã làm việc với ngài.
 
Top Stories
Tim Russert remembered for his fondness for church, faithfulness
Catholic News Service
08:35 17/06/2008
WASHINGTON (CNS) -- NBC News Washington bureau chief and "Meet the Press" moderator Tim Russert, who died June 13 at the age of 58, was remembered for his warm lifelong ties to the Catholic Church and his support for Catholic education as well as for his career covering politics.

Russert collapsed at work, suffering a heart attack.

An active Catholic whose promise to God to never miss Sunday Mass if his son was born healthy took him to churches around the world, Russert spoke often and fondly of his Catholic school education and of the role of the church in his life.

In an interview with Catholic News Service shortly after he took the helm of "Meet the Press" in 1991, Russert said he enjoyed the somewhat unusual position in Washington public life of being a Catholic who wore his faith proudly.

In "official Washington and television news there aren't all that many practicing Catholics," he said, and when he first came to Washington people kidded him about it. They grew to accept and respect him for it, Russert said.

Some suggest that at work you have to "forget you're Catholic or forget you're Irish," he said. But "it's impossible. It's your inner self."

Cardinal Theodore E. McCarrick, retired archbishop of Washington, considered Russert a friend. In an interview with WRC-TV, the local NBC affiliate, he recalled the many times he would ask Russert for assistance with one project or another -- often some kind of fundraising. The cardinal said the newsman inevitably responded, "If I can fit it in, I will do it."

"He always had time for people," said Cardinal McCarrick. "I think that was what made him a great reporter. He always had time for people."

Cardinal McCarrick said he thinks Russert valued his success in television less as a credit to himself and more for the possibilities it opened.

"It's not that he enjoyed the fame," he said. "He enjoyed the possibility of bringing the best out in people, even those he didn't agree with."

Russert referred often and fondly to the Sisters of Mercy who taught him at St. Bonaventure School in Buffalo, N.Y., and the Jesuit priests at Canisius High School in Buffalo and John Carroll University in Cleveland.

"We used to take credit for his success in journalism," said Mercy Sister Mary Ann Walsh, media relations director for the U.S. Conference of Catholic Bishops.

As a reporter for CNS in 1992, she interviewed Russert and described two photos that graced his office.

One showed Pope John Paul II hugging then-1-year-old Luke, the only child of the newsman and his wife, Maureen Orth, a writer for Vanity Fair magazine. The child wore a shirt reading "Totus tuus," Pope John Paul's episcopal motto, meaning "Totally Yours," referencing the pontiff's devotion to Mary.

The other showed Pope John Paul with a white NBC baseball cap Russert had given him.

He told Sister Walsh that when he died he hoped that at heaven's gate there would be "a guy with a white NBC baseball cap saying 'Let him in. Come on by!'"

CNN reporter and fellow Buffalo native Wolf Blitzer recalled Russert's excitement at the two of them being invited to meet Pope Benedict XVI in a small group at The Catholic University of America in Washington this April.

Blitzer wrote in a CNN remembrance that while he was thrilled to receive the invitation, Russert was ecstatic.

"Can you believe it, two kids from Buffalo, meeting with the pope!" he reported Russert as saying.

Russert and the Mercy nuns both told how his seventh-grade teacher, Mercy Sister Mary Lucille, "founded a school newspaper and appointed me editor and changed my life," he added. Teachers in Catholic schools "taught me to read and write, but also how to tell right from wrong."

Sister Walsh said Russert's "love for the church was deeper than people realized. And he was always there to help the church whenever possible."

Jesuit Father James Shea, pastor of Holy Trinity Parish in Washington's Georgetown section, which was the Russerts' parish, called Russert "a faithful parishioner here. He loved his faith; he loved the church and he loved the Jesuits."

The priest said he knew Russert for many years, not only from the parish but also from the Saturday evening Masses Russert frequently attended at Georgetown University Hospital, where Father Shea was chaplain for 15 years.

"He was very generous with his energy to serve the church," the priest said, noting that Russert spoke at Washington Jesuit Academy, a Jesuit-run school for middle school students and gave a presentation for an adult education program at Holy Trinity. He was also involved in Boston College's "The Church in the 21st Century" program.

He described Russert as down to earth, engaging and devoted to his family.

"He was a wonderful Catholic and a great representative of the faith," said Father Shea.

In an interview on NBC's "Today" show June 16, Luke Russert said he and his mother were being bolstered in their grief by their faith and by the huge outpouring of public support they'd received.

A memorial candelight vigil June 15 at Tim Russert Park in his hometown of Buffalo drew an estimated 1,000 people.

John Carr, executive director of the USCCB Department of Justice, Peace and Human Development, told CNS that he was struck by how much the "fundamentals" of faith and work drove Russert.

"He really thought politics was a good thing and it showed," Carr said. "He wanted politics to be better."

"The bishops wrote a statement that said to take our faiths into every part of our lives," Carr said. "In his own modest way, that is what I thought Tim Russert did. He wasn't skinny, he wasn't pretty, but he excelled in a medium that often favors style over substance."

Carr said Russert's touch will especially be missed in coverage of the 2008 election. "At a time of spin, spin, spin, he tried to go with facts, facts, facts."

Russert told church workers attending the 2005 Catholic Social Ministry Gathering that, "if there's an issue that Democrats, Republicans, conservatives and liberals can agree on, it's our kids." With "15 million kids largely living off the streets" and 12 youths shot dead daily in the United States, addressing the issue is imperative, Russert said.

In dealing with his own son, Russert said that he told him, "You are always, always loved, but you are never entitled."

Hours before his death Russert had returned from a family trip to Italy to celebrate Luke's graduation from Boston College. His wife and son had stayed behind to continue traveling.

Archbishop George H. Niederauer of San Francisco, chairman of the U.S. bishops' communications committee, told CNS that Russert was valued by Americans for "his tremendous command of the political and electoral process and his commitment to discovering each aspect of the story that contributed to people having a better awareness of the issues of public life and candidates for political office."

"But those of us who shared his Catholic faith and his deep love for it appreciated his sharing of the story of his own faith and his loyalty to the life of the Catholic Church in this country and the many charities to which he contributed his time and talent," the archbishop told CNS while he was at the U.S. bishops' spring meeting in Orlando, Fla.

Russert had been scheduled to give the Catholic Common Ground Initiative's Philip J. Murnion Lecture June 27 at Catholic University.

Msgr. Francis Maniscalco, former communications secretary for the USCCB, described Russert as a formidable journalist but also "just a very good man" and "very much a down-to-earth Catholic."

"He took his religious faith seriously," said Msgr. Maniscalco, who is currently the Respect Life director and public policy adviser for the Diocese of Rockville Centre, N.Y.

The priest said Russert was a "serious Catholic" as shown in his book, "Big Russ & Me." He also recalled how Russert helped the bishops' communications department put together a group of Washington-based journalists at the time of the clergy sex abuse crisis to discuss media coverage of the issue.

He fondly remembered how Russert was "always double-checking to see if he could get an interview with Pope John Paul," and periodically reminding Msgr. Maniscalco the interview had been loosely promised by the Vatican.

"Big Russ & Me" and a subsequent book, "Wisdom of Our Fathers," were both New York Times best-sellers. His fond memoir about his father enjoyed a resurgence of popularity at word of Russert's death, two days before Father's Day.

Buffalo Bishop Edward U. Kmiec, who was at the bishops' meeting in Orlando, called Russert "a very great man in every sense of the word. I always respected him professionally and he was also a very fine human person and a good Catholic."

Jesuit Father James P. Higgins, president of Canisius High School, said: "Tim embodied the qualities of the son, brother, husband, father and uncle that made him the extraordinary human being and Catholic that he was. A faithful, loyal, committed and generous man, Mr. Russert was unquestionably our most accomplished and conspicuous alumnus in 138 years."

Among Russert's many honorary degrees and awards were an Emmy for his coverage of former President Ronald Reagan's funeral and the 2005 Gabriel Awards' Personal Achievement Award from the Catholic Academy for Communication Arts Professionals.

Russert's June 18 funeral was to be private, with a public wake scheduled in Washington June 17.
 
Cardinal Jozef Tomko: Eucharistic congress helps Catholics examine life's purpose
Catholic News Service
08:37 17/06/2008
QUEBEC CITY (CNS) -- When people pause and question the purpose of their lives, they "yearn for a spiritual answer," said Slovakian Cardinal Jozef Tomko at the opening Mass of the 49th International Eucharistic Congress.

"So many people are moving here and there -- 6.5 billion people busy working to improve their living conditions," said Cardinal Tomko, Pope Benedict XVI's representative to the congress.

Why are "we plunged on this road," he asked the crowd of more than 10,000 cardinals, bishops, priests, nuns and laypeople from around the world gathered for the June 15 Mass in Quebec City's hockey arena.

A eucharistic congress "allows us to encounter" these questions and "examine the meaning of our life and death," said the cardinal.

"What does it mean to be the gift of God" and what is the Eucharist, he asked, referring to the theme of the June 15-22 congress, "The Eucharist, Gift of God for the Life of the World."

Jesus is the gift of God, he "is the food that feeds us and fulfills us and allows us life in eternity," said Cardinal Tomko. "The Eucharist is a person, not an object, not a dead gift. Maybe we should ask not what is the Eucharist, but who is the Eucharist?"

The answer to this question, Cardinal Tomko said, is Jesus in the sacramental form of bread and wine "to indicate he wanted to become our food and sustain our life."

The cardinal also said Jesus' words at the Last Supper, "Do this in memory of me," are not only a memorial but a command to do what he has done and to use those same words at Mass.

In this way, Jesus' sacrifice is perpetuated throughout history, he said.

"The Sunday Mass is a memorial, my brothers and sisters, and we cannot lose this Sunday Mass," he said.

During the homily, Cardinal Tomko presented Quebec Cardinal Marc Ouellet with a large, ornate gold crosier as a gift from Pope Benedict. The cardinals embraced as the crowd applauded. Cardinal Tomko said Pope Benedict was with the congress "full-heartedly" in prayer.

The history of Quebec, which is celebrating the 400th anniversary of its founding this year, and the global participation of the congress were highlighted throughout the more than three-hour Mass.

More than 12,000 people are participating in the conference's weeklong conferences, lectures and liturgies. Although 75 percent of the participants are Canadians, pilgrims came from more than 70 countries.

As the cardinals and bishops processed into the arena, the crowd applauded and stood to greet them. A group of more than 50 Mexican pilgrims chanted "Mexico, Mexico" when they spotted their local bishop in the procession. Hearing their welcome, the bishop turned to them, smiled and waved.

During the presentation of the gifts, representatives from Africa, Asia, Oceania, Europe and Latin America offered rice, grains, wheat and fruit to represent their regions' cultural gifts. Several chalices were presented at the large, circular altar in the center of the arena; among them was the chalice given to the first bishop of Quebec by a French king. The silver, locally made modern chalice for the eucharistic congress also was presented.

At the end of the Mass, the Eucharist was placed in a monstrance, which was hoisted atop the youth-inspired Ark of the New Covenant -- an icon-covered chest that had been carried on foot to the more than 70 dioceses and eparchies in Canada. Four clergymen carried the ark and monstrance outside of the arena to one of the several eucharistic adoration chapels, where pilgrims can pray throughout the week.

The first International Eucharistic Congress was held in France in 1881 as a gathering of 300 Europeans. Over the years, the congresses grew into an international event of celebrations, seminars and charitable works. The last International Eucharistic Congress was in Guadalajara, Mexico, in 2004.
 
Vatican, Vietnam Set Schedule for Enhancing Relations
Zenit
08:41 17/06/2008
Vatican, Vietnam Set Schedule for Enhancing Relations

HANOI, Vietnam, JUNE 16, 2008 (Zenit.org).- A Vatican delegation led by the undersecretary for relations with states left Vietnam after gaining agreement on a timetable for enhancing bilateral relations.

Monsignor Pietro Parolin and the Holy See delegation were in Vietnam for their annual visit June 9-15. They met with Vietnam's Deputy Prime Minister and Foreign Minister Pham Gia Khiem and with Vietnamese government officials headed by Committee for Religious Affairs Chairman Nguyen The Doanh.

The delegation also met with representatives of the Vietnam bishops' council.

According to Vietnam's official news agency, VNA: "The two sides agreed to a timetable for enhancing bilateral relations and also agreed such discussions should be held in the spirit of mutual trust and respect.

"They concurred that all future negotiations would be frank, open and constructive."

Vietnam is about 7% Catholic. The Church does not have diplomatic relations with the communist nation, though in January 2007, Vietnamese Prime Minister Nguyen Tan Dung made a historic visit to Benedict XVI. The Vatican press office then described the visit as making "a new and important step toward the normalization of bilateral relations."

However, tensions in Vietnam heightened at the end of 2007 and earlier this year, when Catholics launched prayer vigils to protest the seizure of Church property by the government.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Mến Thánh Giá Huế tổ chức khấn dòng trong lễ giỗ
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
10:58 17/06/2008
Huế, Việt Nam – Dòng Mến thánh Giá Huế tổ chức Thánh lễ khấn dòng cho17 chị tiên khấn, 11 chị vĩnh khấn và 2 chị mừng ngân khánh, nhân lễ giỗ lần thứ 329 Đức cha Lambert de la Motte vị sáng lập hội dòng Mến Thánh Giá Việt Nam.

1.000 người đã tham dự Thánh lễ khấn dòng sáng 16/06/2008 gồm Đức cha phụ tá giáo phận Huế, Đan viện phụ dòng Thiên An Huế, bề trên các dòng tu nam nữ, 70 linh mục, tu sĩ nam nữ, thân nhân các nữ tu và giáo dân. Ngoài ra, còn có nhóm Hướng Thiện của anh chị em phật tử ở Huế.

Khách mời dự lễ, được mang phù hiệu màu vàng có ghi dòng chữ đỏ. “Tôi không muốn biết điều gì khác ngoài Đức Kitô Giêsu chịu đóng đinh” (1Cr 2,2). Một vị giải thích rằng vàng là màu da của Dân tộc Lạc Việt vì hội dòng Mến Thánh Giá có nguồn gốc lâu đời tại Việt Nam, đỏ là màu máu, vì có nhiều nữ tu đã góp phần xương máu của mình, để làm chứng cho Đức Tin.

Trong dịp lễ Suy tôn Thánh Giá Chúa Kitô ngày 14.09.2000, Đức Tổng giám mục Huế có nhắc tên nữ tu Maria Mađalêna Nguyễn Thị Hậu thuộc tu viện Nhu Lý, đã chịu cảnh tù đày, tra tấn vì đạo trong một năm trời, đã chết kiệt sức liền sau đó tại tu viện Phủ Cam Huế ngày 30.01.1841, lúc mới 27 tuổi”.

Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể nói rằng chứng tá đời sống thánh hiến và phục vụ của các nữ tu Mến Thánh Giá, góp phần làm tăng trưởng sức sống của giáo phận Huế.

30 nữ tu được gọi tên, lần lượt đến quỳ gối trước đức cha Phanxicô Xavie Lê văn Hồng chủ tế, thay mặt Đức tổng giám mục Huế, và chị Tổng bề trên tu hội Mến Thánh Giá Huế Anna Trần Thị Hồng Tuý, để đọc 3 lời cam kết.

Lời khấn khiết tịnh, các chị cam kết giữ tiết dục hoàn toàn trong đời sống độc thân vì nước Trời. Lời khấn nghèo khó, các chị cam kết trở nên chứng tá sống động về đức Bác Ái. Lời khấn vâng phục, các chị cam kết phục tùng các Bề trên thay mặt Chúa.

Một nữ tu cho biết, Thánh lễ khấn dòng đã giúp chị càng hăng say để đáp trả tình yêu Chúa và hoàn toàn dấn thân cho Ngài và Giáo hội. Chị Maria Goretti Võ Thị Sương giải thích: “vì Thánh lễ này đang làm mới lại Hồng ân Thánh hiến của tôi”.

Một phụ huynh nói rằng hạnh phúc của ông là được thấy con ông ở trong Nhà Chúa.

Ông Antôn Nguyễn Thiên Ân, 65 tuổi, bố nuôi của nữ tu Anna Trần Thị Thân Xuân, đến từ giáo xứ Thạch Hãn, Quảng Trị, vui mừng khi chụp hình lưu niệm với cô con gái đang cầm hoa tươi trong ngày vĩnh khấn.

"Chính hôm nay quý vị đến tham dự Thánh lễ để chứng kiến con em mình, hy sinh phục vụ Chúa, Giáo hội và Xã hội theo đúng tôn chỉ của hội dòng”, nữ tu Anna Hồng Tuý, Tổng phụ trách của hội dòng nói với những quan khách: “Cám ơn tất cả quý vị, đã đến dự lễ ngày hôm nay vì đó là sự khích lệ để các nữ tu, từng bước lớn lên trong hội dòng”.

Đức cha Lambert de la Motte qua đời ngày 15/06/1679 là vị đã Sáng lập dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam năm 1670 và Dòng Mến Thánh Giá Huế năm 1719.Dòng Mến Thánh Giá Huế hiện nay có trụ sở Nhà Mẹ ở 113 đường Trần Phú Huế, 32 cộng đoàn nhỏ trong giáo phận Huế và 3 cộng đoàn lớn tại Phủ Cam, Khâm Mạng và Dương Sơn.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bách hại tôn giáo hãy coi chừng “Trời cao có mắt” !
Alfonso Hoàng Gia Bảo
10:28 17/06/2008
Bách hại tôn giáo hãy coi chừng “Trời cao có mắt” !

Lịch sử tôn giáo tại Việt Nam đã có nhiều giai đoạn thăng trầm đáng ghi nhớ gắn liền với sự thịnh suy của đất nước. Nhìn chung thì thời nào nhà vua quan biết trọng đạo, quí trọng người tu hành, v.v… thời ấy quốc gia được thái bình, kinh tế, văn hoá đều phát triển rực rỡ như các thời vua Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tôn. Ngược lại xã hội gặp lúc nhiễu nhương, tôn giáo lẽ ra càng phải được xem trọng vì có thể góp phần cứu nhân độ thế, thì oái oăm thay sư sãi cha cố lại lâm cảnh còn khốn đốn hơn cả giáo dân, tín đồ.

Vua Lê Ngọa Long vào đầu thế kỷ XI từng dám có những hành vi bạo ngược đến mức “đặt mía trên đầu bậc tu hành là Đức tăng thống Quách Mão mà róc, rồi giả vờ sút tay dao phập vào đầu Quách Mão chảy máu ra, vua cười rầm lên“ (Wikipedia). Cùng với những việc làm thất đức trên, triều đại này còn gây nên bao cảnh khốn cùng cho dân chúng. Trời cao có mắt, Lê Ngọa Long cũng chính là ông vua cuối cùng thời Tiền Lê.

Những sự khổ đau mà 117 anh hùng tử đạo gánh chịu đã xảy ra dưới thời các Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức vào giữa thế kỷ XIX mà về tài năng đức độ thì ba ông vua này đã làm gì được cho đất nước? Nếu đem “công đức” của cả ba vị vua trên cộng lại so với chỉ mỗi Minh Trị Thiên Hoàng xứ Nhật, mới thấy thật là thảm hại!

Trong khi vua Nhật khôn ngoan mở cửa cho tự do giao thương với tàu bè phương Tây thì các vua mình bất chước nhà Thanh Trung Quốc lại “bế môn tỏa cảng” cho “chắc ăn” vì sợ bị mất ngai vàng. Và cũng bằng những suy nghĩ nông cạn ấy, để diệt trừ hậu họa họ tàn sát luôn cả đạo công giáo!

Nhưng tai hoạ cho dân tộc hơn cả là chính vì bị lạc hậu không theo kịp thiên hạ ngay từ thời kỳ này, mà ông Hồ chí Minh mới có cơ hội thuận lợi để lôi chủ thuyết cộng sản tàn ác đến với dân tộc Việt Nam. Vì đi đôi với sự nghèo đói là dốt nát, dân chúng đang đói khổ nghe lời rỉ tai về “một xã hội công bằng dân chủ không có cảnh người bóc lột người…” ai mà chẳng ngỡ mình đã gặp được đấng cứu tinh, mà họ có ngờ đâu giúp họ là đang rước “ác quỉ” vào nhà mình.

“Rau nào sâu nấy”, không biết bi kịch “chính trị - xã hội - tôn giáo” diễn ra cho dân tộc lần này dưới “triều đại” công sản là lần thứ bao nhiêu trong lịch sử bốn ngàn năm đất nước?

Cuộc chiến “nồi da xáo thịt” Bắc – Nam mà những người Cộng sản cho là chính nghĩa nhưng nay lấy gương soi nhìn lại mục đích “giải phóng quê hương” ấy thì… than ôi! Trên một triệu người chết để đuổi đưọc người Mỹ ra khỏi đây, nhưng lại cũng cái chính quyền Cộng sản ấy và nay còn kéo thêm 80 triệu dân đang phải lệ thuộc vào nước Mỹ hơn bao giờ hết. Nếu không có thị trường nước này cứu cho gần 10 tỷ USD nhập siêu từ “đàn anh” Trung Quốc hằng năm, thì không hiểu nên cái nền kinh tế thị trường “made by CH-XHCN-Việt Nam” này còn lao đao đến cỡ nào?

Vậy vì cớ gì mà hàng triệu mạng người đã phải hy sinh vô lý để phong tặng hai chữ “anh hùng” cho đảng cộng sản, để rồi họ “ngủ mê” với hai chứ ấy khiến đất nước đến nay vẫn chưa có độc lập, tự chủ thật sự?

Sau chiến tranh, cũng vì sợ dân chúng biết nhiều về tình hình dân chủ ở thế giới bên ngoài mà đảng Cộng sản Việt Nam cấm đoán, hạn chế các quyền tự do của người dân, bức bách tôn giáo và trường học được dùng làm nơi tuyên truyền bao điều giả dối cho các thế hệ trẻ y hệt thời phong kiến. Họ “có công” chẳng thua kém gì mấy ông vua trên trong việc làm nghèo nàn lạc hậu đất nước ngày trước, khiến cho đạo lý xã hội và những giá trị tinh thần cao quí bị xói mòn nghiệm trọng.

Nhìn ra thế giới bên ngoài, việc tranh giành tài sản với các tôn giáo là điều rất hiếm khi nghe xảy ra ở các nước Âu Mỹ Úc. Lãnh đạo các quốc gia này cũng chẳng bao giờ đi rêu rao với thiên hạ về tự do, dân chủ. Bởi họ hiểu đó là những quyền căn bản mà mọi người đều được hưởng đi đôi với nghĩa vụ công dân, chẳng những họ không có quyền ban phát mà còn phải lo bảo vệ nó.

Trong khi ở xứ mình thật đúng như câu nói của ông bà xưa “thùng rỗng kêu to”, mấy chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” gắn liền bên dưới tên nước trên mọi loại giấy má nghe rất là “kêu” nhưng thực chất chỉ dùng để “khoe mẽ”, chẳng những thế có khi nó còn phản tác dụng với người hiểu biết và tinh tế. Vì sao cần phải gắn chúng cạnh tên nước nếu chẳng phải lý do chúng đang sắp… “tuyệt chủng”?

Sống trong một xã hội tôn ti trật tự mọi thứ ngày càng “bát nháo”vì phải tuân theo những điều giả dối, trong nước hiện ngày càng có nhiều người tự “cứu rỗi” mình tìm về với cội nguồn tôn giáo, đảng viên cũng tỏ ra rất “sốt sắng” đi chùa trong những dịp lễ tết.

Đảng Cộng sảnViệt Nam tất nhiên biết rõ đây là dấu hiệu “bụt Hồ” đã hết thiêng, bởi vậy mới có chuyện họ bật đèn xanh cho các báo “kiếm chuyện” với những chiếc xe công mang biển số xanh xuất hiện ở chùa ầm ĩ trên các báo một dạo sau Tết vừa qua, lý do bảo là lãng phí nhưng thực ra là để “dằn mặt” những quan chức, đảng viên nào rục rịch mò đến các chùa chiền.

Nhưng “thua keo này bày keo khác”, mặc kệ cho dân chúng nhiều nơi còn nheo nhóc nền kinh tế đang có những dấu hiệu lạm phát nghiêm trọng, đảng vẫn rất rộng lượng, sẵn sàng chi tiền tỷ bảo trợ và tổ chức những lễ hội linh đình mang nhiều màu sắc tôn giáo.

Chuyện những vua Hùng ngày xưa được “tái lên ngôi” dưới triều đại XHCN này là điều trước kia khó ai nghĩ nó có thể xảy ra. Gần đây hơn, là lễ hội tái diễn tế đàn Xã Tắc - lễ hội cuối cùng trong chuỗi lễ hội tại Festival Huế 2008 mà theo một tờ báo mô tả “ lễ hội đã được tổ chức trang nghiêm và trọng thể, khi vương triều Nguyễn suy vong, việc tế tự ở đàn này bị bỏ bê, khu vực quanh đàn bị lấn chiếm v.v…“ nghe thật cảm động. Điều ly kỳ với lễ hội này cũng theo các báo là hàng trăm em ăn xin bị hốt về đồn nhốt suốt thời gian Festival diễn ra để khỏi “làm phiền” du khách, sau khi xong việc lại được thả về lại hè phố như thể thả hổ về rừng vậy.

Với cách làm mang nặng tính đối phó như vậy càng bộc lộ rõ hơn bản chất lưu manh của đảng Cộng sảnViệt Nam, chỉ xem trọng hình thức che chắn bề ngoài hơn giá trị đích thực về đạo lý.

Ban Tôn giáo Chính Phủ hay “lò tái chế” đạo?

Người Việt Nam mình có tiếng là thông minh tháo vát. Ở những nước giàu người nào việc nấy, trong công việc không có chuyện đem râu ông nọ cắm cằm bà kia, còn dân mình vì phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thiếu thốn mà trở nên giỏi ứng phó

Dưới “triều đại” XHCN lầm than thời bao cấp, đức tính cao quí ấy càng được đề cao hơn bởi những cuộc thi “phát huy sáng kiến” mặc dù hiệu quả vá víu nhưng lại được tuyên dương công trạng như những “inventors” phát minh ra các loại sản phẩm mới.

Những về chiếc vỏ Michelin xe lam 3 bánh bị khan hiếm sau 1975 được “cải lùi” bằng vỏ cao su đặc ruột, dầu thắng Lockheed xe tải nghe nói thay bằng xà phòng nước v.v… là những chuyện “cười ra nước mắt” có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có.

Thay vì lãnh đạo đất nước đi theo văn minh tiến bộ như nhiều quốc gia láng giềng, đảng Cộng sản Việt Nam đưa dân chui vào ngõ cụt, phải ráng hết sức giẫy dụa mới thoát ra khỏi, rồi lại tự khen nhau “nhiệm vụ khó khăn nào cũng hoàn thành, trở ngại nào cũng vượt qua” nghe thật nực cười! Bởi vậy dân Sàigòn khi ấy hay mỉa mai những phong trào thi đua kiểu vậy là “phát huy sáng kiến cải tiến cái khổ” (thay vì cải tiến sản phẩm) trước khổ ít, cải tiến rồi còn khổ hơn.

Trong lĩnh vực văn hoá, tôn giáo cũng vậy. Mặc dù thuộc về lĩnh vực đời sống tình cảm tinh thần, tâm linh không dễ gì kiểm soát mọi suy nghĩ của người khác, nhưng đảng cũng làm bằng mọi cách không “tư tưởng HCM” thì cũng “đạo đức cách mạng” hoặc “đậm đà bản sắc dân tộc” v.v…mà mục đích không gì hơn nhằm kềm chế quyền tự do tư tưởng để kiểm soát.

Việc pha chế trong tôn giáo đã có Ban Tôngiáo Chính phủ lo và với mỗi đạo các “thầy lang” trong ban này nghiên cứu rất kỹ từng hoàn cảnh lịch sử, tập tục thờ cúng một cách rất chi tiết và cụ thể và qua đó sẽ bào chế ra những loại thuốc “đặc trị” riêng cho từng tôn giáo. Với đạo công giáo họ đã thực hiện việc này rất công phu vì là tín ngưỡng của một tôn giáo lớn thứ hai trong nước, nếu “chế biến” không khéo làm “hư bột hỏng đường” thô thiển quá sẽ dễ bị phát hiện. Công thức ấy chính là mấy từ “công giáo và dân tộc” nghe quen quen bấy lâu.

Vài năm trước trên mạng internet có xuất hiện một số tài liệu liên quan đến đạo công giáo ở Việt Nam, theo tiết lộ thì ngay từ thập niên 50 sau khi chiếm được miền Bắc, chính phủ của ông HCM khi ấy qua đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội đã nhờ một số linh mục Ba Lan sang Việt Nam một thời gian khá dài để cố vấn cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ thời ấy về các chính sách liên quan đến giáo hội công giáo vì dân chúng Ba Lan hầu hết đều là công giáo và quốc gia này khi ấy là đồng minh của Hà Nội.

Các chi tiết của việc cố vấn này ra sao và nó có ảnh hưởng gì với giáo hội Việt Nam bấy lâu, chỉ những ai trực tiếp tham gia và Ban Tôn giáo Chính phủ mới biết rõ. Tuy nhiên trong năm 2007 vừa qua, khi tin tức về những chuyện làm nội gián cho cộng sản Ba Lan có liên quan đến một số tu sĩ nước này được báo chí công bố, rất có thể đã khiến nhà nước Việt Nam cảm thấy hơi “nhột”.

Về phần giáo hội, tin trên chắc hẳn đã khiến ai nấy đều ngỡ ngàng vì chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” Tuy nhiên từ chuyện này, khi nhìn lại giáo hội mình càng thấy có lý do để tự hỏi, chiêu bài “công giáo và dân tộc” được nói đến bấy lâu liệu sẽ giống với giáo hội Ba Lan?

Chiêu bài “dân tộc” núp bóng đạo công giáo đã đến lúc cần phải chấm dứt!

Hai chữ “dân tộc” được gắn liền với “công giáo” khiến cho mọi người thoạt nghe dễ lầm tưởng vai trò của đạo này được đảng nâng lên tầm vóc quốc gia, được quan tâm ngang hàng với những chuyện quốc gia đại sự khác. Việc ai đó đặt tên cho tờ báo công giáo quốc doanh là “công giáo và dân tộc” cũng không nằm ngoài toan tính này.

Nhưng tiếc cho “thiện ý” của họ vì dân tộc và tôn giáo là hai thế giới hoàn toàn tách biệt nhau. Cả hai tuy đều mang những ý nghĩa tinh thần hết sức cao đẹp và cùng tồn tại trong một quốc gia, nhưng không vì sự chung sống ấy mà có thể hiểu một cách mơ hồ trộn lẫn hai cái tốt lại với nhau vẫn làm nên “sản phẩm” vô hại. Về mặt logic nó chẳng còn đúng như khi ta làm toán, “cộng” đi với “cộng” luôn cho ra giá trị dương.

Bởi kết quả của một sự pha trộn như vậy không còn lệ thuộc vào bản chất tốt xấu hay tính âm dương của từng thành phần mà ý nghĩa của chúng mới là điều cần phải xem xét cẩn trọng.

“Dân tộc” được dùng để chỉ về một tập thể nhiều người có chung giống nòi, biểu hiện bằng sự tương đồng về đặc điểm màu da, vóc dáng, chung một phong tục tập quán và một lịch sử gắn liền với một vùng lãnh thổ nhất định nào đó. Vì vậy ý nghĩa của hai từ “dân tộc” chỉ có giới hạn trong phạm vi một quốc gia, đó là chưa nói đến việc trong mỗi quốc gia còn có thể có nhiều dân tộc hay sắc dân khác nhau cùng chung sống.

Ngược lại, “tôn giáo” vì không được làm nên bởi xương thịt, cũng chẳng có thói quen tập quán như con người, nên không phải mang trên mình bất cứ đặc điểm, đường nét riêng của dân tộc, quốc gia nào. Tầm vóc tôn giáo theo đà phát triển của nhân loại, nay đã vượt ra khỏi biên giới mọi quốc gia. Đạo Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo v.v… đang hiện diện ở khắp các lục địa.

Sự khác biệt rõ như ban ngày là vậy nhưng tại sao đảng Cộng sảnViệt Nam lại cứ muốn pha trộn cả hai chung lại với nhau như pha chế món cooktail để làm gì? Thưa, không gì hơn là nhằm làm giảm bớt tính bao quát và nhạt bớt chất tinh túy của các tôn giáo, biến tôn giáo trở thành một thứ đạo bé nhỏ hơn, nằm lọt trong tầm kiểm soát của chính quyền.

Họ những tưởng cái trò chơi chữ khá “lưu manh” có phần tinh tế ấy sẽ làm khó cho mọi người nhận ra cái bản chất bất lương của họ, vì thế mà cho đến nay đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn đem ra áp dụng. Bằng chứng là mỗi khi có các sự kiện lớn của giáo hội truyền thông trong nước do đảng kiểm soát cần phải đưa tin, chúng ta đều nghe rất quen điệp khúc “giáo hội đồng hành cùng dân tộc” “sống tốt đạo đẹp đời” được nhai đi nhai lại không mệt mỏi.

Mà đồng hành với dân tộc là gì? làm sao có thể đồng hành với dân tộc nếu giáo hội Việt Nam chưa ly khai khỏi tòa Thánh Vatican? “Đẹp đời” là phải tuân phục những gì đảng nói kể cả việc sai nhưng Chúa Giêsu lại bảo “một tôi không thể cùng lúc làm tớ cho hai chủ” hơn nữa đường lối của Hội Thánh cũng chẳng song song cùng chiều với những chính sách họ ít nhất là về các quan điểm tôn giáo, vậy làm sao đẹp cả hai theo ý họ muốn?

Điều này cũng còn lý giải được vì sao các nhà nước cộng sản Việt Nam, Trung Quốc cho đến nay vẫn không chấp nhận việc tòa thánh Vatican chọn và phong chức cho các giám mục mà không tham khảo họ và đây chính là một trong số những trở ngại lớn nhất trong việc thiết lập bang giao mà sau 15 lần gặp gỡ vẫn chưa đi đến đâu.

Vì vậy, con xin các đấng giáo quyền và mọi người có đạo đặc biệt lưu ý đến thâm ý của chính quyền Việt Nam mỗi khi nghe họ dùng hai từ “dân tộc” đi kèm cùng đạo công giáo chúng ta, xin đừng thờ ơ lẫn lầm tưởng đó là điều vinh dự cho giáo hội.

(Một giáo dân Sàigòn)
 
Thông Báo
Cáo phó: Linh Mục Phêrô Huỳnh Kim Lăng đã qua đời tại Qui Nhơn
Tòa GM Qui Nhơn
11:27 17/06/2008

CÁO PHÓ


Tòa Giám Mục Qui Nhơn xin thông báo:

Linh Mục Phêrô Huỳnh Kim Lăng


Đã qua đời lúc 9giờ00 sáng ngày 17/06/2008
tại nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận.
Hưởng thọ 89 tuổi

Tiểu sử Cha Phêrô Huỳnh Kim Lăng
Cha Phê rô Huỳnh Kim Lăng, sinh ngày: 30/09/1919,
Nguyên quán: Giáo xứ Nam Bình, Qui Nhơn
Con ông: Giuse Huỳnh Đại và bà: Isave Nguyễn Thị Nương
1933 – 1942: Học Tiểu Chủng Viện Làng Sông.
1942 – 1943: Giúp xứ tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông.
1943 – 1949: Học tại Đại Chủng Viện Qui Nhơn.
1949 – 1955: Giúp xứ tại Giáo xứ Gia Hựu.
17- 05- 1955: Thụ phong Linh Mục.
1955 – 1956: Giáo sư Tiểu Chủng Viện Nha Trang
1956 – 1957: Cha sở Vạn Giã, Nha Trang.
1957 – 1960: Học đại học
1960 – 1963: Giám đôc Tiểu Chủng Viện Làng Sông
1963 – 1972: Hiệu trưởng Tiểu Chủng Viện Làng Sông - Qui Nhơn.
1972 – 1975: Hiệu trưởng trường Vi Nhân.
1975 – 1995: Cha sở giáo xứ Đồng Tiến.
1995 – 17/6/2008: Hưu dưỡng tại nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận.
17- 06- 2008: Qua đời tại nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận lúc 9 giờ 00

- Nghi thức Tẩn liệm: 9 giờ 00 ngày 18/06/2008
- Nghi thức di quan: 14 giờ 00 ngày 18/06/2008
- Thánh lễ an táng: 14 giờ 30 ngày 18/06/2008 tại Nhà Thờ Chính Toà
- An táng tại Nghĩa địa các Linh mục ở Làng Sông.

Xin mọi người cầu nguyện cho linh hồn Cha Cố Phêrô được hưởng
cuọ6c sống mới vĩnh cửu trên Nước Thiên Đàng.
 
Văn Hóa
Chuyện phiếm: Hạnh Phúc Ngay Phút Này
Trà Lũ
23:42 17/06/2008

Chuyện phiếm: HẠNH PHÚC NGAY PHÚT NÀY



Trung tuần tháng Năm, Canada mừng lễ Hiền Mẫu rất trọng thể. Làng An Lạc chúng tôi cũng theo truyền thống tốt đẹp này. Phe liền ông trong làng đứng ra nấu ăn để đãi phe các bà. Vui vẻ hết sức. Trong bữa ăn, dân làng kể bao nhiêu chuyện cảm động về đề tài các bà mẹ VN. Đến lượt ông ODP, ông tặng mỗi người một tấm ảnh. Ông bảo ảnh này lấy từ VietCatholic.net. Đây là bức hình một bà mẹ đang ôm một đứa con bé tí, chung quanh là một đoàn người lớn nhỏ đủ mọi cỡ tuổi. Ông đố mọi người đây là những ai. Dân làng có người trả lời đây là một nhà giữ trẻ, có người trả lời đây là một đoàn thể thiếu nhi đến thăm một bà mẹ. Ông ODP bảo sai hết, rồi ông đi vào chi tiết: Đây là ảnh chụp gia đình bà Michelle Duggar ở tiểu bang Arkansas xứ Hoa Kỳ. Bà đang ôm đứa con 9 tháng tuổi, chung quanh bà là 17 người con, 7 gái và 10 trai. Bà đang mang bầu và sẽ đẻ đứa con thứ 18 vào cuối năm. Bà sẽ tiếp tục đẻ thêm nữa cho đến khi nào hết vốn Trời ban. Được cộng tác với Thiên Chúa để làm ra con người chẳng phải là một kỳ công, một phép lạ và một hạnh phúc sao ?

Ông H.O. quan sát tấm ảnh một lúc rồi nói: Trong lớp người vây quanh bà mẹ Michelle có cả ông chồng bà. Ông đứng lẫn với đoàn con 17 đứa. Chả thấy ông già tí nào. Cả bà vợ Michelle cũng vậy. Chồng càng sáng tác, vợ càng xuất bản, cả hai cùng trẻ ra, khoẻ ra. Thật tuyệt vời.

Ông ODP giảng tiếp: Chữ Mẹ, trong Hán văn gọi là Mẫu. Chữ Mẫu là một chữ viết theo lối tượng hình: nó vẽ hình một bà đang mang thai. Có đẻ con thì mới được gọi là Mẹ. Thiên chức của mẹ là đẻ con. Đúng qúa chứ. Bà Michelle Huggar trên đây đúng là một bà Mẹ gương mẫu. Bắc Mỹ này cần có ngày Hiền Mẫu để nhắc nhở con cái nhớ đến công ơn của mẹ. Phải nhắc, nếu không con cái sẽ bỏ quên mẹ trong nhà dưỡng lão. Phải nhắc, nếu không chúng quên ơn sinh thành.

Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
Con nuôi mẹ, con kể từng ngày...

Tới đây, cụ Chánh tiên chỉ mới lên tiếng: nhìn tấm ảnh bà Huggar với một đàn con 17 đứa vây quanh, tôi thấy bà hạnh phúc qúa. Đúng là một tổ ấm. Đúng là mẫu mực cho mọi gia đình. Đây chính là ước mơ của Chị Chiara Lubich người Ý. Chị là người sáng lập ra phong trào Focolare, một phong trào đề cao mái ấm gia đình. Các cụ biết phomg trào này chứ. Nó nổi tiếng quá chừng. Chị Lubich mới nằm xuống tháng Ba vừa qua. Trước khi chị nhắm mắt, phong trào Focolare của Chị đã lan rộng tới 182 quốc gia khắp năm châu, với hơn 4 triệu hội viên. Các hội viên thuộc đủ mọi thành phần tôn giáo và chủng tộc. Tinh thần Focolare là sống bác ái, coi mọi người là anh em ruột thịt của mình. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã mang phong trào này vào VN trước 1975. Ngài là bạn thân của Chị Lubich. Chị Lubich đã tới thăm Ngài trên giưòng bệnh tại Roma, trước khi ngài qua đời.

Cả làng trầm trồ khen Cụ Chánh có một trí nhớ tuyệt vời. Bữa nay người tỏ ra thán phục Cụ Chánh nhiều nhất là ông H.O. Việc này không lạ. Các cụ còn nhớ liên hệ giữa ông H.O. và cụ Chánh không? Chuyện này cũng ly kỳ ghê lắm. Hồi cô Huế Cao Xuân mới gia nhập làng, cô nêu thắc mắc ở Canada có chương trình H.O. sao. H.O. là diện các quân nhân VNCH bị tù CS trên 3 năm được Hoa Kỳ cho sang định cư, Canada làm gì có diện H.O. Điều thắc mắc này rất có lý. Ông H.O. trong làng tôi đúng là một vị nằm trong diện nhân đạo của Hoa Kỳ. Vì ông độc thân nên vừa tới Hoa Kỳ ít lâu là ông sang Canada tham quan, và tại Canada miền đất hạnh phúc này ông đã gặp người yêu, cô cháu của Cụ Chánh. Tiếng sét ái tình đã nổ lớn. Và ông lấy vợ ở Canada rồi ở luôn Canada không về Hoa Kỳ nữa. Ông có hiếu với vợ và nhà vợ đến thế đấy, các cụ ạ. Rồi khi gia nhập làng nhậu, ông nhìn ra ông ODP, một cấp bề trên trong binh chủng ngày xưa. Trái đất quả là nhỏ vậy thay.

Phe các bà hôm nay tự nhiên chú ý tới ông H.O. Các bà muốn ông H.O. kể chuyện trong bữa cơm mừng lễ các bà mẹ. Thấy ông còn lưỡng lự, Cụ Chánh khuyến khích: Cháu kể đi, bác biết cháu có nhiều chuyện lắm mà. Hôm nay là ngày vui, cháu kể chuyện gì vui cũng được, không cần phải chuyện liên hệ tới đề tài Mẹ.

Ông H.O. được khích lệ, bèn xin kể chuyện ‘tướng số’. Rằng hồi mới sang Mỹ, tôi nghe bạn bè kể nhiều chuyện về trại chuyển tiếp năm 1975. Rằng bữa đó bạn tôi xếp hàng lãnh cơm, đứng sát bên một bà già. Bà này tướng mạo rất đẹp. Bạn tôi gợi chuyện. Bà già bèn đem chuyện tướng số ra kể. Rằng trước 1975, bà thấy tình hình xôn xao bất ổn nên bà đi coi tướng. Thày tướng coi mặt và chỉ tay một lúc rồi nói: Bà có số đi ăn mày ! Bà kể: Lúc đó tôi giận ông thày tướng qúa vì nó chạm tự ái của tôi. Tôi có bao nhiêu nhà cho thuê, ngân hàng có bao nhiêu tiền, sao lại phải đi ăn mày ? Tôi xém đập cái tráp của ông thày. Bây giờ đang xếp hành lãnh cơm tôi mới nghiệm ra: rõ ràng là tôi đi ăn xin, rõ ràng làtôi đang đi ăn mày ! Hoá ra ông thày tướng nói đúng qúa!

Mọi người vỗ tay khen chuyện hay. Ông H.O. được hứng kể chuyện thứ hai. Rằng cũng từ chuyện xếp hàng lãnh cơm này mà một ông phải luôn luôn ăn cổ gà. Rằng có một ông xồn xồn kia đi lãnh cơm. Cứ bao giờ có thịt gà là ông phải ăn cổ gà. Không bao giờ ông được ăn đùi gà là món ông thích nhất. Ông phàn nàn với bạn bè rằng cái thằng Mỹ đứng phát thịt gà nó kỳ thị ông. Bạn bè ngạc nhiên về sự này bèn hỏi: Cậu nói gì với nó ?. Ông trả lời: Rõ ràng tôi bảo tôi muốn ăn đùi gà thế mà nó cứ cổ gà xúc cho tôi. Bạn ông hỏi: Thế cậu nói câu tiếng Anh thế nào ? Ông trả lời tỉnh bơ: Tôi bảo tôi muốn ăn ‘ néc’. Lúc đó bạn bè phá ra cười. Thì ra ông bạn tôi gốc Bắc Kỳ nặng quá, phát âm lẫn lộn chữ L với chữ N. Leg là đùi gà, còn Neck là cổ gà. Bạn tôi muốn ăn Leg nhưng đã nói ngọng, Leg nói ra Neck, ‘néc’ thay vì ‘léc’. Ông được ăn cổ gà là phải rồi.

Chuyện L/N này làm tôi nhớ cái anh quản giáo trong trại tù cải tạo. Bữa đó nhóm chúng tôi có anh quản giáo mới. Anh tự giới thiệu: Tên tôi nà Ninh, chữ en nờ cao chứ không phải chữ en nờ nùn. Các anh phải lói cho đúng, không được nẫn nộn.

Rồi như không muốn độc quyền kể chuyện, ông H.O. quay sang cô Cao Xuân: Chuyện tiếng Bắc Kỳ của tôi thì nhiều vô cùng, xin để bữa nào đẹp trời tôi sẽ kể tiếp. Xin Cô cho làng nghe chút xíu tiếng miền Trung coi. Cô Huế bị chiếu tướng bất ngờ, hai má đỏ au lên. Thấy cô chưa sẵn sàng, ông ODP liền tiếp cứu. Ông xin đọc mấy vần thơ của tác giả Tùy Anh trong bài ‘Một Đời Nhớ Huế’: ”

Khi bỏ Huế ra đi
Lòng chợt ngậm ngùi

Chao ôi

Những mô tê răng rứa
Những bên nớ, bên ni
Bây chừ nghe buồn chi lạ
. . .

Năm tháng phiêu bồng
Một đời nhớ Huế
Những mô tê răng rứa
Những bên nớ bên ni

Huế ơi

Chừ rưng rưng dòng lệ

Cô Cao Xuân nghe đoạn thơ rồi chớp mắt như muốn khóc. Sao bài thơ diễn tả cõi lòng của cô đúng qúa như vậy. Dân làng không muốn cô Huế bị xúc động thêm bèn đi sang tiếng Nam Kỳ. Cụ B.95 bèn quay ngay vào anh John.

Anh John lúc nào cũng như bồ chữ mở nắp. Anh nói ngay: Tôi thấy tiếng Nam của vợ tôi có hai điều này đáng chú ý nhất:

-Một là khi ta muốn biết tuổi của người đối diện, người Miền Nam không hỏi ‘Anh/Chị bao nhiêu tuổi? ‘ mà hỏi: Anh/Chị tuổi con gì?. Và câu trả lời thường là: Tôi tuổi con Cọp, hay tôi tuổi con Rồng... Người nghe từ đó tính ra năm sinh rồi đoán ra tuổi.

-Hai là khi ta muốn biết tên người đối thoại mà ta chưa quen, người Nam không hỏi: Tên Anh / Chị là gì, mà hỏi ‘ Anh / Chị thứ mấy trong gia đình?’ Nếu được trả lời ‘Tôi thứ ba’chẳng hạn thì lập tức người Nam chào ngay: Chào Anh Ba, Chào Chị Ba. Anh / Chị Ba mạnh giỏi ?

Nghe tới danh xưng ‘Chị Ba’, sợ anh John vui miệng kể chuyện tình riêng tư ngày xưa, Chị Ba Biên Hòa liền nẹt: Nè, coi chừng tui nha’. Anh John bèn chuyển đề ngay. Cái anh này thiệt là vô cùng thông minh và mẫn tiệp vậy thay. Anh John liền quay vào tôi: Bác ơi, bác có biết là đất Đài Loan xưa kia là đất của Việt Nam mình không ? Tôi bị tấn công bất ngờ, chưa kịp phản ứng gì cả thì anh John đã nói ngay:

Cháu mới đọc báo Saigon Canada số 688 đầu tháng Tư vừa qua, trong mục Nhận Đinh Thời Cuộc có nói tới gốc dân bản địa ngày xưa ở Đài Loan. Theo tác giả, họ là miêu duệ của dòng họ Cao Sơn thuộc nhóm Bách Việt. Họ ăn trầu và nhuộm răng. Họ cũng có chuyện cổ tích trầu cau. .. Rõ ràng họ là người VN cổ. Rõ ràng họ thuộc nhóm con cái Lạc Long Quân đã theo cha xuống biển, đi tới tận đảo Đài Loan. Tổng thống Lý Đăng Huy, Trần Thuỷ Biển là người Hán, từ Hoa Lục chạy ra đảo rồi nhận vơ đảo này thuộc Trung Quốc, chứ căn cứ vào dân bản địa thì rõ ràng đảo Đài Loan này nguyên thủy là đất VN.

Tôi đáp ngay mà trong lòng sung sướng qúa chừng: Tôi có nghe chuyện người Cao Sơn, thổ dân gốc tổ Đài loan. Đây là chuyện dài, xin để dịp khác chúng ta bàn thêm. Điều mà tôi có thể nói ngay là dân Cao Sơn có nhiều dấu vết thuộc một trong hai nền văn hóa cổ xưa nhất của nhân loại, đó là Văn Hóa Hòa Bình và Văn Hóa Đông Sơn. Điều này báo National Geographic, một nguyệt san văn học uy tín quốc tế, năm 1971 đã có một bài rất dài nói về đề tài này. Cho đến nay, chưa có ai phi bác được lập luận về văn hóa Hòa Bình và Đông Sơn ở VN của bài báo.

Phe các bà không muốn nghe thêm về các chuyện cao siêu này nên đã xin nghe chuyện thời sự. Đây là phần thường lệ của anh John. Anh da trắng này từ khi nhập làng An Lạc cũng lây cái máu tếu của chúng tôi. Anh đã mở đầu câu chuyện thời sự bằng chuyện nhiều vị thủ lãnh quốc tế bây giờ đang có khuynh hướng bỏ vợ già lấy vợ trẻ. Kìa cựu tổng thống Vladimir Putin của Nga đang chuẩn bị ly hôn để cưới người tình Alina Kabaeva trẻ hơn mình 32 tuổi Kìa cựu thủ tướng Đức Helmet Kohl 78 tuổi lấy cô Maike Richter kém mình 35 tuổi. Kià đương kim tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy 53 tuổi vừa ly hôn để cưới cô Carla Bruni kém ông 13 tuổi. Hình như vợ trẻ thì sung sức nên có khả năng đổ nhiều sinh khí vào cho chồng, phải không các cụ ?

Chuyện thời sự thứ hai: dân Canada là dân mê môn thể thao hockey vô cùng, cái môn dùng cây gậy đánh con khăng vào gôn ấy mà. Họ sáng chế ra môn khúc côn cầu này. Trong trận bán kết tại Montreal vào trung tuần tháng Tư vừa qua, đội ‘Canadiens’ đã thắng oanh liệt. Sung sướng qúa, giới trẻ Montreal đã tuốn ra đường, đã đập phá và đốt cháy 16 xe cảnh sát và một số cơ sở thương mại. Giận dữ thì đập phá đã đành, đàng này sung sướng qúa cũng đập phá. Sướng qúa thì ngứa chân ngứa tay. Nghĩ mà thấy tức cười.

Chuyện thời sự thứ ba là giếng nước Ryan. Đây là một hình ảnh biểu tượng rất trung thực lòng dạ tốt lành của người Canada. Chuyện bắt đầu cách đây 10 năm khi em bé Ryan Hreljac lên 6 tuổi ở tỉnh Kemtville thuộc bang Ontario đang học lớp mẫu giáo. Bữa đó cô giáo kể chuyện nghèo đói ở Phi Châu, dân chúng không đủ ăn đủ mặc, nước sạch cũng không có để uống. Em bé Ryan ngơ ngác. Em không thể tưởng tượng được việc không có nước để uống. Cô giáo nói thêm là ở Phi Châu muốn có nước thì phải đào giếng. Muốn đào giếng thì phải có tiền. Đào một cái giếng tốn chừng 70 đồng. Bé Ryan về nhà xin cha mẹ 70 đồng để tặng các em bé Phi châu một cái giếng. Bố mẹ em Ryan lắc đầu: Muốn có 70 đồng thì con phải làm việc để lãnh công. Đây là một nét đặc thù rất Canada. Bé Ryan đã bằng lòng ngay. Em sẽ quét nhà, sẽ lau cửa kính, sẽ giúp mẹ nhặt rau trong bếp. Sau 4 tháng thì em được trả công 70 đồng. Em mang 70 đồng tới cô giáo.

Khi cô giáo hỏi công ty đào giếng về gíá tiền thì cô té xỉu. Muốn đào một cái giếng ở Phi Châu phải tốn 2.000 đồng chứ không phải 70 đồng. Em bé Ryan không xỉu như cô giáo. Em nói em sẽ làm việc thêm 4 năm để có 2.000 đồng. Chuyện này tới tai ban giám đốc nhà trường, tới xứ đạo, tới giới truyền thông. Nó đã gây xúc động. Một em bé 6 tuổi mà đã biết thương xứ Phi Châu, mình người lớn, chẳng lẽ mình là gỗ đá sao ? Rất nhiều người đã gửi tiền cho em. Bỗng chốc em có tiền không những đào được một cái giếng mà hàng trăm cái giếng. Tên em trở thành tên một chiến dịch giúp đào giếng nước cho Phi Châu, ‘ Ryan Well Foundation’. Tính tới nay, quỹ này đã có ba triệu đồng với 320 dự án.

Và anh John kết luận: đốm lửa bé tí Ryan ngày xưa nay đã trở thành một bó đuốc lớn đang cháy hừng hực soi sáng lòng mọi người. Cậu bé Ryan 6 tuổi ngày xưa nay đã 16. Cậu vừa được mời sang xứ Uganda để thăm giếng nước ban đầu.

Kể đến đây xong thì anh John trao banh lại cho tôi. Anh xin tôi nói về các sinh hoạt trong cộng đồng VN. Làm sao tôi có thể biết hết mọi sinh hoạt của một cộng đồng to lớn ở Canada ? Tôi chỉ xin kể mấy chuyện liên quan tới cái tôi đáng ghét mà thôi.

Chuyện như thế này: Đầu tháng Năm tôi nhận đuợc 3 món quà mà tôi rất thích. Đó là 3 cuốn sách, các cụ ạ. Cuốn thứ nhất là ‘ Tiếng Hót Vành Khuyên’ của nhà văn Tiểu Thu thuộc Trung Tâm Văn Bút Quebec. Đây là tác phẩm thứ hai của nhà văn nữ gốc Nam Kỳ. Điều đặc biệt: tác giả là người Nam Kỳ rặt, còn người in sách và vẽ bià là ông chồng Bắc Kỳ đặc, và người điểm sách trong buỗi ra mắt là nhà văn Trang Châu gốc Trung Kỳ đậm. Buổi ra mắt được tổ chức tại một trung tâm văn hóa ngay giữa thành phố Montreal ngày 4.5.2008. Hôm đó gió lạnh sương mù mà có tới 300 người đến dự. Ở hải ngoại mà buổi ra mắt sách có được 100 người đã được coi là thành công. Ở đây, những 300. Phép lạ chứ. Văn của nhà văn nữ này là sự pha trộn văn Hồ Biểu Chánh và Lê Xuyên. Xưa nay tôi vẫn tự hào là người biết nhiều tiếng Nam Kỳ, ấy thế mà đọc xong sách của Tiểu Thu, tôi thấymình chưa biết tiếng Nam bao nhiêu. Tôi ở Miền Nam đã lâu mà chưa hề nghe tới Gạo Nàng Tây, gạo Nàng Rừng, hay Nàng Chô bao giờ. Tiểu Thu nói về các món ăn miền Nam như cháo đậu đỏ trứng vịt muối, cá bống trứng kho tiêu, cá rô mề kho tộ, canh chua cá lóc nấu với bạc hà... nghe mê hết sức.

Cuốn thứ hai là sách ‘ Nhật Ký Truyền Giáo’ của LM Ngô Phúc Hậu. Sách do một ông cha Công Giáo viết mà không thấy ông nói về Chúa bao nhiêu, ông toàn kể chuyện đi giúp đỡ người nghèo, đi viếng người bịnh, và làm nhà cho người bần hàn. Ông đã làm được hơn 90 căn Nhà Tình Thương, giúp bác được 100 cây cầu và giúp đào gần 200 cái giếng. Đào giếng ở Cái Răng, Cà Mau, chắc không tốn nhiều tiền như ở Phi Châu. Có điều lạ là tuy tác giả sinh ra ở Phú Thọ, một tỉnh gần địa đầu đất nước miền Bắc, thế nhưng ông sinh sống và phục vụ tha nhân ở miền Nam, tận Cái Răng, Cà Mau, miền cực nam nước Việt. Ông ghi chép các việc ông làm, việc của ông và người nghèo chung quanh. Không hề có lời bi ai, trách móc. Lời văn trong sáng dí dỏm, lạc quan, đầy tiếng cười. Ông cha gốc Bắc Kỳ đặc mà lời văn rặt chất Nam Kỳ. Qủa là hay, là hiếm, là qúy. Tác giả vẫn làm việc ở Cái Rắn, cái Nước, Cà Mau. Sách in lần đầu ở VN. Khi nó tới Hoa Kỳ, người ta mê nó qúa. Sách in đi in lại đã 6 lần. Đọc xong, ai cũng muốn tiếp tay với ông Cha có tim Chúa tim Phật này để giúp đồng bào cơ hàn ở miền cực nam quê nhà. Các cụ tính sao ? ( LM Ngô Phúc Hậu, HT 233, Cà Mau, VN )

Cuốn thứ ba là cuốn ‘Hài Hoà Trong Tình Người’ của Mục Sư Phan Thanh Bình ở Cali. Trước đây tôi mới chỉ được biết vị mục sư đạo đức và thông thái này qua lá thư giảng đạo hàng tháng, và tác phẩm ‘Tình Già’ in năm 2005. Nay thì được đọc cuốn kế tiếp. Sách có bùa mê. Tôi ngấu nghiến nửa ngày thì hết cuốn sách. Đọc xong, tôi giật mình. Ông hướng dẫn ta về những đề tài rất nóng bỏng và rất táo bạo. Sex cơ mà. Thế mà lạ thay, đọc xong ta không thấy lòng rạo rực vì máu xấu, mà thấy cõi lòng thanh thản. Đọc xong ta thấy mình được chỉ dẫn tường tận về nhưng điều mà mình cứ nghĩ là đã biết rồi. Thế mà hóa ra ta chưa biết, hoặc biết rất qua loa. Những bạn trẻ chưa lập gia đình nên đọc cuốn này để học hỏi và chuẩn bị cho đới sống lứa đôi. Những bạn đã lập gia đình rồi thì nên đọc sách này đễ hưởng cho trọn vẹn cái hạnh phúc mình đang có. Các bậc cha mẹ nên đọc sách này để lấy ý và tứ mà khuyên con cháu. ( MS Phan Thanh Bình, 660 S. Third St, El Cajon, CA 92019, USA )

Ông H.O. nghe tôi nói về sex trong cuốn sách của một mục sư thì ngạc nhiên lắm. Ông xin tôi đi vào cụ thể. Liền có ngay. Mà nhiều lắm. Chẳng hạn tác giả khuyên anh con trai yêu vợ thì phải từ từ. Đàn ông thì như ngọn đèn, bật một cái là sáng ngay. Còn đàn bà thì như cái bàn ủi, nó nóng lên từ từ, ít ra cũng phải 20 phút. Bạn nhớ kỹ nha, phần nhập đề quan trọng lắm. Bài luận mà viết theo lối trực khởi, vào đề ngay, là hỏng bét. ..

Cả làng chăm chú nghe tôi nghe tôi nói về ba cuốn sách quý. Tôi vừa dứt lời thì Anh John lên tiếng hỏi: Hồi tháng trước nghe bạn nói về chuyện Cô Bắng Nhắng của Nhà văn Tràm Cà Mau, bạn mới nói chung chung, rất tổng quát. Xin được hỏi bạn có đoạn văn nào trong tác phẩm ấy mà bạn thích nhất không ? Cái anh John này thật là thông minh và nhạy bén. Đây là kinh nghiệm đọc sách. Bạn không thể thích trọn vẹn cả 300 hay 400 trang sách được. Phải có chỗ bạn thích nhiều có chỗ bạn thích ít. Anh John đã hỏi một câu rất đúng.

Tôi trả lời ngay: Tôi thích nhất đoạn văn tả một buổi họp mặt bạn bè. Đó là một bữa ăn ở khu vườn hoa rộng sau nhà. Vào buổi tối. Có trăng thanh gió mát. Có khiêu vũ. Có ca hát. Có kể chuyện. ..Cuối cùng là màn ngâm thơ của chủ nhân. Bài thơ như thế này:

Mỗi tháng chỉ có vài ngày tròn trăng
Trăng khuya cũng sẽ khuất bên phương đoài
Chúng ta ngồi đây chỉ có mấy giờ
Dễ gì bạn bè gặp nhau mãi
Sao không vui đi !
Rượu ngọt hãy tràn ly
Nói lời tử tế cho nhau nghe
Mai đây không còn nhau, dù muốn nói cũng không còn dịp.
Kìa trăng đã đi dần về hướng tây
Xuống ngủ trong biển mênh mang
Rồi chúng ta cũng chia tay khi đêm tàn.
( Tràm Cà mau, Triết Lý Củ Khoai, trang 122)

Ông ODP nghe xong bài thơ, gật gù khen hay. Và ông thêm: Nếu phải là tôi thì tôi xin thêm hai câu này:

‘ Vậy nào, mời các bạn nâng ly
Hãy cho nhau hạnh phúc, ngay phút này’
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cánh Chim Chiều
Dominic Đức Nguyễn
11:18 17/06/2008

CÁNH CHIM CHIỀU



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Nghe tiếng chim chiều về gọi gió

Như tiếng tơ lòng người bạc phước

Nhắp chén men say còn vương bóng quê hương

Dừng bước tha hương lòng đau.

(Trích ca khúc Ngày Về của Hoàng Giác)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền