Ngày 15-06-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:32 15/06/2021

9. Lúc nào ma quỷ cám dỗ con, muốn nói chuyện với con, thì con phải ngoảnh mặt đi mà nói chuyện với Thiên Chúa.

(Chân phước Avira)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:36 15/06/2021
76. THỰC PHẨM BẰNG GỖ

Phú ông mời khách ăn cơm, trên bàn bày rất nhiều thức ăn và trái cây. Nhưng, tất cả thức ăn đều làm bằng gỗ, mặt trên bôi nhiều màu sắc sặc sỡ.

Khách nói:

- “Mấy thức ăn này mặc dù nhìn rất đẹp, nhưng không thể giải quyết cơn đói.”

Phú ông đáp:

- “Chỉ cần bên ngoài nhìn đẹp, thì nhìn cũng no rồi vậy!!!”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 76:

Thực tế là cũng có nhiều người nói “nhìn cũng thấy no rồi”, nhưng cái nhìn và cái no của họ khác rất nhiều cái nhìn và cái no của phú ông.

Có người nhìn công trình do mình làm ra rất đẹp, họ nhìn cũng thấy no; có người nhìn thấy người yêu của mình rất khả ái dịu dàng, nên nhìn cũng no rồi; có người nhìn thấy con cái nhà mình rất dễ thương, biết nghe lời cha mẹ, học hành ngoan ngoãn thì họ cũng không cảm thấy đói ăn…

Có một vài phú ông Ki-tô hữu bỏ tiền ra giúp cha sở sửa chữa nhà thờ, rồi nói với mọi người rằng, làm việc lành giúp nhà thờ cũng “no” ơn của Chúa rồi khỏi đi dâng lễ cũng được, thế là họ dương dương tự đắc chê người này đi lễ làm gì mà không bỏ tiền ra giúp nhà thờ, chê người nọ đi lễ cho nhiều mà vẫn cứ nghèo không có tiền giúp cho nhà thờ.

Phú ông nói: nhìn con cá gỗ sơn màu sặc sỡ cũng no rồi, là phú ông cho người ta thấy ông ta có một tâm hồn ích kỷ, bần tiện và keo kiết.

Dù cho có làm nhiều việc lành phúc đức to tát như trời như biển được cả thế giới khen hay khen đẹp, mà coi thường thánh lễ thì không thể nói là “no” ân sủng của Thiên Chúa, bởi vì tất cả mọi ân phúc của Thiên Chúa đều từ nơi thánh lễ mà tuôn ra cho nhân loại.

Chỉ thích làm việc thiện mà không thích tham dự hoặc coi thường thánh lễ, thì càng làm việc thiện thì tâm hồn càng đói meo, bởi vì việc thiện việc lành ấy chỉ là trống rỗng vô duyên khi không có Chúa ở với mình…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đấng quyền năng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:38 15/06/2021
CHÚA NHẬT XII B
ĐẤNG QUYỀN NĂNG

Sau một ngày giảng dạy dân chúng, Chúa Giêsu bảo các môn đệ chèo thuyền đưa Ngài sang bên kia Biển Hồ. Biển Galilê dài 21km, rộng 12km, xung quanh có những rặng núi bao bọc. Nhiệt độ ở Galilê thuộc miền Bắc Israel và ở Biển Chết thuộc miền Nam chênh lệch nhau, thỉnh thoảng tạo ra những cơn gió mạnh. Biển Galilê nổi sóng dữ dội vì hình thể lòng chảo với núi non bao quanh. Vì thế, người xưa quan niệm rằng, biển là biểu hiện cho những gì nguy hiểm, tối tăm và sợ hãi. Biển động sóng gào biểu trưng cho một thế giới hỗn loạn và phường tội lỗi (x. Is 57, 20). Ý định băng qua bên kia Biển hồ lúc trời đã về chiều quả là một ý định táo bạo, liều lĩnh, bất chấp hiểm nguy.

Tuy vậy, Chúa Giêsu quyết định ra đi và thực hiện phép lạ trên biển với mục đích củng cố đức tin cho các môn đệ, đồng thời biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa vượt trên mọi thế lực sự dữ.

Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và có một số thuyền khác vượt biển giữa trời đêm. Thuyền lướt sóng ra khơi giữa màn đêm. Bão tố cuồng phong bỗng dưng ập đến. Các môn đệ, dù nhiều trải nghiệm về biển cả vẫn hốt hoảng lo lắng hoang mang. Chỉ mình Chúa Giêsu vẫn an nhiên tự tại, vẫn ngủ như không có gì xảy đến.

Đêm nay các môn đệ được một kinh nghiệm về Thầy của mình là Đấng quyền năng: “Cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”. Sau một ngày dài vừa giảng cho đám đông, vừa “phụ đạo” cho “vòng trong”, hẳn là Người phải “ngủ như chết”! Đây là lần duy nhất Tin Mừng kể Đức Giêsu ngủ! “Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Ngủ say đến như thế thì còn biết gì mà lo! Nhưng họ được chứng kiến một điều vượt sức tưởng tượng. “Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Hiệu quả tức khắc cũng như khi Người truyền cho thần ô uế: “Câm đi! hãy xuất khỏi người này!”: “Gió liền tắt, và biển lặng như tờ”. Quát nạt sóng gió xong thì Người nhẹ nhàng trách các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”. Chưa hoàn hồn vì “chết đến nơi”, các ông lại “hoảng sợ” vì chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu. “Các ông hoảng sợ và nói với nhau: Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”. Đức Giêsu có thể mỉm cười nhìn các môn đệ. Người gieo giống ngủ hay thức, hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên. Ngài thử ngủ một giấc, hạt giống đã “nứt nanh” qua câu hỏi các môn đệ nói với nhau về “người này”: rõ ràng là một con người, mệt, ngủ say như chết, thế mà vừa thức dậy lên tiếng nạt gió, đe biển thì gió yên biển lặng tức thì! Hỏi như thế là đã trả lời rồi, vì ai có quyền ra lệnh cho sóng gió ngoài Đấng đã “lập địa cầu trên nền vững, khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời! Áo vực thẳm choàng lên trái đất, khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao. Nghe tiếng Ngài dọa nạt, chúng đồng loạt chạy dài; sấm Ngài mới rền vang, chúng kinh hoàng trốn thoát, băng qua núi qua đồi, chảy xuôi ra dồng nội về nơi Chúa đặt cho. Ngài vạch đường ranh giới ngăn cản nước vuợt qua, không còn cho trở lại dâng lên ngập địa cầu” (Tv 104/103,5-9). Ai có thể “đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm bỗng đâu im tiếng, họ vui sướng vì trời yên biển lặng, và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ” (Tv 107/106,29-30).(x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).

“Ngài là ai mà cả đến gió và biển cũng phải vâng lệnh?”. Đặt câu hỏi như thế cũng có nghĩa là các môn đệ đã nhận ra Thầy của các ông là Đấng quyền năng trên mọi sức mạnh thiên nhiên, Ngài chỉ cần ra lệnh là sóng yên biển lặng. Thầy của các ông còn là Đấng quyền năng trên mọi sự dữ. Người Do thái cho rằng, biển không chỉ là nơi có sóng gió tự nhiên, mà còn là nơi cư ngụ của thủy thần, của ma quỷ và thần dữ, là kẻ chuyên làm hại con người qua những trận cuồng phong. Vậy mà hôm nay, đứng trước phong ba dữ dội, Chúa Giêsu chỉ cần ra lệnh “Im đi ! Câm đi !” là nó phải im lặng. Điều này có nghĩa: Chúa Giêsu là Đấng có quyền năng trên ma quỷ và các thứ thủy thần, Ngài buộc nó im là nó phải im; Ngài ra lệnh câm miệng là nó phải vâng theo, không còn dám há miệng để nuốt chửng con người nữa. Uy quyền ấy chỉ có nơi Thiên Chúa mà thôi, như thế, Thầy phải là một vị Thiên Chúa.

Khi con người đối diện với những gian nan khốn khó với những mãnh lực ác thần, họ thấy sức người quá hèn yếu, quá nhỏ bé. Bài đọc 1 cho thấy con người yếu đuối tìm đâu được một chỗ dựa vững vàng ngoài niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng: “Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau: Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân?” (G 38,1.8-9). Đứng trước số phận ngàn cân treo sợi tóc, họ mới thấy cần biết bao quyền năng Thiên Chúa trợ giúp. Thiên Chúa sẽ ra tay đúng lúc để đáp ứng tiếng van nài của họ. Giông bão bắt người ta phải tin, nhưng niềm tin lại cần đến thử thách của giông bão, vì niềm tin cần được thử thách để lớn lên. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp mỗi người biết mình hơn, biết yêu mến cậy trông vào Chúa hơn và giúp đức tin vững mạnh hơn. Chúa phán với ông Gióp trong gió bão, dạy dỗ ông những lẽ khôn ngoan. Ông Gióp đã luôn vững tin vào Chúa, không phàn nàn, không kêu trách; và Chúa đã làm cho sóng gió cuộc đời ông chấm dứt, ban lại cho ông một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các Tông đồ cũng gặp bão táp trên biển cả. Chúa dùng lời quyền năng dẹp yên giông bão. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn, từ nay các ngài không còn cuống quít sợ hãi mỗi khi gặp gian nan nữa. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng hơn. Đời sống không thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương con người, để rèn luyện họ nên người. Hơn nữa Chúa vẫn luôn ở kề bên. Vì thế, hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thánh Phaolô nhắc nhở trong bài đọc 2, vì thương yêu “Chúa Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài đã sống lại!” đem đến cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào tình thương của Thiên Chúa.

Con thuyền có Chúa Giêsu và các môn đệ còn là hình ảnh của Giáo Hội. Các môn đệ là người chèo chống, những cơn sóng dữ là khó khăn bách hại. Các ông phải đương đầu với những cách thức tấn công mới của ma quỷ. Các môn đệ nhiều khi cũng rơi vào sợ hãi, các ông cảm thấy bất lực trước những sóng gió. Câu chuyện muốn nhấn mạnh: những lúc khó khăn như thế, không có nghĩa là Chúa Giêsu vắng mặt, trái lại, Ngài vẫn hiện diện cùng với Giáo Hội, chỉ có điều Ngài đang nghỉ ngơi phía đàng lái của con thuyền. Dù có khó khăn thử thách thì chính Chúa Giêsu vẫn là người đang lái con thuyền Giáo Hội, chỉ cần các môn đệ tin tưởng chạy đến đánh thức Chúa dậy, kêu cứu với Ngài: Chúa ơi, xin cứu chúng con ! Chúa sẽ chỗi dậy dùng quyền năng của Ngài để đem lại cho con thuyền Giáo Hội sự bình an. Con thuyền sang bờ bên kia là hình ảnh Giáo Hội lữ thứ vượt biển trần gian. Cuộc hành trình vượt biển này đầy cam go và thử thách. Nhưng có Chúa hiện diện thì Giáo Hội sẽ được bảo đảm và vượt thắng mọi gian nguy.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa quyền năng luôn bảo vệ con thuyền mỗi gia đình. Ngài đang ở đàng lái để điều khiển con thuyền gia đình chúng ta. Đời người ít nhiều đều có lúc phải đối diện những cơn sóng dữ: bệnh tật, tai ương, dịch bệnh, thất nghiệp, đói khát, u mê, tham vọng, mất mát, nghi nan, tuyệt vọng, thù oán…Những khi gặp sóng gió bão bùng, hãy vững tin vào sự hiện diện quyền năng của Chúa, đừng ngại cầu cứu: Chúa ơi ! Cứu con và gia đình con với ! Chúa sẽ ra tay để bảo vệ chúng ta. Tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, Đấng có quyền năng và cầu xin Ngài ra tay cứu giúp thì lúc đó thuyền đời mới được bình an, bởi lẽ “Không có Thầy thì các con không thể làm gì được!” (Ga 15,5).

Tin mừng hôm nay giúp chúng ta luôn sống an tâm. An tâm, bởi con thuyền cuộc đời chúng ta ra khơi, giữa phong ba bão táp, giữa những thử thách gian truân, vẫn luôn có Chúa là thuyền trưởng hướng dẫn thuyền vượt sóng. An tâm, bởi Chúa luôn xuất hiện đúng lúc đúng thời để ra tay nâng đỡ chúng ta trước những khó khăn. An tâm, bởi chúng ta biết chúng ta tin vào Đấng chiến thắng mọi thế lực ác thần và sự chết. An tâm, bởi từ nay, cuộc đời chúng ta đã trao vào tay Chúa, tín thác mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì như thánh Phaolô, “tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12).

Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta vững tin vào sự hiện diện của Chúa quyền năng, để trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chúng ta luôn có Chúa ở vị trí hoa tiêu hướng dẫn và can thiệp kịp thời, giúp chúng ta đến bến bờ bình an.
 
Tín thác vào tình thương và quyền năng của Chúa
Lm Đan Vinh
19:44 15/06/2021
CHÚA NHẬT 12 TN B
G 38,1.8-11; 2 Cr 5,14-17; Mc 4,35-41
TÍN THÁC VÀO TÌNH THƯƠNG VÀ QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG : Mc 4,35-41

(c 35) Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : Chúng ta sang bờ bên kia đi !” (36) Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền. Có những thuyền khác cũng theo Người. (37) Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền đến nỗi thuyền đầy nước. (38) Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo gì sao?” (39) Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Im đi ! Câm đi !” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. (40) Rồi Người bảo các ông :”Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? (41) Các Ong hoảng sợ và nói với nhau :”Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

2.Ý CHÍNH :

Đức Giê-su chứng tỏ quyền năng trên gió bão biển khơi, tượng trưng cho thế lực của ma quỉ chống lại Thiên Chúa. Người đã dùng lời quyền năng dẹp yên sóng gió để củng cố đức tin yếu kém của các môn đệ. Đồng thời cũng giúp các ông kiên vững niềm tin khi gặp thử thách bách hại sau này.

3.CHÚ THÍCH :

-C 35-36 : +Chúng ta sang bờ bên kia đi" : Biển hồ ở đây là hồ Ga-li-lê, cũng có tên Giê-nê-sa-rét hay Ti-nê-ri-a. Đây là một các hồ lớn nằm bên trong đất liền xứ Ga-li-lê, dài 21 km và rộng 13 Km. Hồ thấp hơn mặt biển 210 mét nên khí hậu ấm áp dễ chịu, nhưng cũng thương hay có những trận cuồng phong. Biển hồ theo nghĩa của Thánh Kinh là một thế lực gian ác chống lại Thiên Chúa và loài người. Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ tại vùng biển hồ này. Chẳng hạn: Hóa bánh ra nhiều (x Mt 14,14-31); Đi trên mặt nước (x Mt 14,25); Chữa nhiều bệnh nhân (x Mt 15,29-31); Hiện ra sau khi sống lại (x Ga 21,1); Mẻ cá lạ lùng (x Ga 21,4-8).
-C 37-38 : +Và một cơn cuồng phong nổi lên : Cơn cuồng phong đe doạ sẽ nhấn chìm thuyền của các tông đồ xuống lòng biển, tiên báo những nguy hiểm thử thách mà Hội Thánh sẽ phải trải qua sau này. +Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ : Trong khi chiếc thuyền và những người trên thuyền lâm nguy vì bị bão tố trù dập thì Đức Giê-su vẫn nằm ngủ để thử thách đức tin của các môn đệ. Giấc ngủ còn ám chỉ về sự chết của Người (x Tv 13, 4; Ep 5, 14).. +Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo gì sao?” : Đánh thức là hành động của các môn đệ kêu cầu Đức Giệ-su cứu giúp trong lúc nguy nan. Điều này cho thấy lòng tin yếu kém của các ông vì nghi ngờ quyền năng và tình thương của Thầy. +Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo gì sao?” : Các môn đệ hốt hoảng khi thấy thuyền của các ông sắp bị chìm đắm giữa biển
khơi mà xem ra thầy các ông không hay biết hay không quan tâm.
-C 39-41 : +Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Im đi ! Câm đi !” : Đức Giê-su bày tỏ uy quyền trên gió bão và biển khơi. Ra lệnh cho ai chứng tỏ có quyền trên người đó. Khi truyền cho sóng gió yên lặng, Đức Giê-su chứng tỏ quyền năng trấn áp các thế lực gian ác của Người. +Lập tức gió ngưng biển lặng : cho thấy sự dữ đã phải tùng phục uy quyền của Con Thiên Chúa. +”Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?: Đức Giê-su quở trách sự hèn tin của các môn đệ như nhiều lần Người đã từng trách các ông chậm tin: “Hỡi những kẻ ngu muội và trí lòng chậm tin”(Lc 24, 25); “Người quở mắng sự cứng tin chai đá của họ, bởi họ không tin những kẻ đã thấy Người sống lại” (Mc 16,14). +Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? : Các môn đệ ngạc nhiên và đầy lòng thán phục Đức Giê-su, khi họ chứng kiến hiệu lực của lời truyền của Người trên gió bão biển khơi.

4.CÂU HỎI :

1-Biển hồ Ga-li-lê còn có những tên gọi nào? Dài rộng bao nhiêu?
2-Đức Giê-su đã làm các phép lạ nào tại vùng biển hồ này?
3-Cơn cuồng phong tượng trưng cho điều gì? 4-Đức Giê-su ngủ ở đàng lái trong khi cuồng phong nổi lên nhằm mục đích gì?
5-hành động đánh thức Đức Giê-su nói lên điều gì về đức tin của các môn đệ?
6-Đức Giê-su bày tỏ quyền năng Con Thiên Chúa qua lời nói và hành động nào?
7-Ngoài lần này, Đức Giê-su còn trách sự hèn tin của các môn đệ trong hoàn cảnh nào khác nữa không?
8-Các môn đệ đã thể hiện đức tin thế nào khi chứng kiến phép lạ Đức Giê-su thực hiện trên thiên nhiên?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA : Môn đệ liền nói :”Người là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?”(Mc 4,41).

2.CÂU CHUYỆN :

1) EM BÉ TÍN CẬY VÀO TÀI NĂNG CỦA CHA MÌNH:

Trong một chuyến du hành vượt Đại Tây Dương, nhiều du khách đang đứng trên boong ngắm cảnh hoàng hôn mặt trời đang dần lặn xuống biển. Bỗng mây đen ùn ùn kéo tới, chẳng mấy lúc làm tối sầm cả vùng trời. Rồi sấm chớp đổ xuống liên hồi, trên mặt biển giông tố cuồn cuộn nổi lên, gió càng lúc càng thét gào dữ dội. Mọi người trên boong chen lấn nhau đi về phòng mình, duy chỉ một bé trai là tiếp tục chơi trên boong khi trận cuồng phong chuẩn bị đổ xuống.
Khi có người hỏi « Em không thấy sợ khi cơn giông tố đang ập đến sao? » Em thản nhiên đáp lại: «Em không sợ, vì ba em đang cầm lái con tàu này mà ! ».
Giống như cậu bé đã tin tưởng ở cha mình đang cầm lái con tàu, mỗi người chúng ta cũng hãy vững tin Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu và quyền năng. Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta bước theo đường lối của Ngài để tới bến bình an.

2) QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA BIỂU LỘ QUA MỘT SINH VẬT TẦM THƯỜNG:

Ngày kia khi tôi đang ngồi ăn trong phòng thì một con ruồi từ bên ngoài bay vào. Nó bay mấy vòng trên bàn rồi nhẹ nhàng hạ cánh xuống miếng chuối ăn dở trên bàn.... Con ruồi đã có thể làm bất cứ điều gì nó thích và bay đến bất cứ nơi nào nó muốn.
Từ con ruồi, tôi miên man suy nghĩ về quyền năng của Thiên Chúa: Con ruồi chỉ là một sinh vật nhỏ bé và không chút giá trị, thế nhưng hoạt động của nó lại trổi vượt hơn hẳn một chiếc máy bay tinh xảo đắt tiền.... Ruồi cất cánh mà không cần lấy đà như máy bay thông thường. Đang bay nhưng nó vẫn có thể đáp xuống ngay. Ruồi không bị rơi, không va chạm vào vật nào khác và cũng không bị tai nạn như máy bay. Nó không cần phải học bay và động cơ cũng không bao giờ bị trục trặc hay gặp sự cố. Và cuối cùng nó có khả năng sản xuất ra hàng ngàn vạn con ruồi tương tự mà không phải tốn bao nhiêu công sức.
Con ruồi cho chúng ta thấy quyền năng vô biên của Thiên Chúa trong thiên nhiên.

3) CÓ ĐỨC TIN KHI CHỨNG KIẾN PHÉP LẠ TẠI LỘ ĐỨC :

Một sinh viên y khoa người Tây Ban Nha đi viếng trung tâm hành hương Đức Mẹ tại Lộ Đức bên Pháp. Ở đại học Madrid, chàng sinh viên này đã nghe các giáo sư vô tín ngưỡng nói về Lộ Đức như là nơi sản xuất các điều mê tín trong tôn giáo. Nên trong thời gian ba tháng này, anh sinh viên muốn điều tra thực hư về các phép lạ ở đây. Cũng tại nơi này anh đã được tận mắt chứng kiến một phép lạ như anh thuật lại:
"Hôm đó tôi đang ở sân Vương cung Thánh đường Lộ Đức cùng với các bà chị của tôi chờ Kiệu Mình Thánh Chúa sắp đi qua. Bấy giờ một bà tuổi trung tuần đang đẩy một chiếc xe lăn đi tới ngay trước mắt chúng tôi. Bà chị tôi chỉ chiếc xe lăn nói : "Kìa hãy coi cậu con trai đáng thương của bà ta !" Đó là một anh chàng khoảng 20 tuổi bị bại liệt và toàn thân biến dạng. Mẹ của anh ta đang lần chuỗi to tiếng, kèm theo lời cầu nguyện "Lạy Đức Nữ Đồng Trinh, xin hãy giúp đỡ chúng con !".
 Khi Đức Giám Mục ban phép lành Mình Thánh cho chàng thanh niên bại liệt, đang lúc anh ta nhìn vào mặt nhật có đựng Mình Thánh Chúa. Đột nhiên chàng thanh niên bại liệt trỗi dậy, từ từ bước ra khỏi chiếc xe lăn và đã hoàn toàn bình phục! Dân chúng thấy vậy liền hô to trong niềm vui hân hoan: "Phép lạ ! Phép lạ !"
Sau đó nhờ có giấy phép, nên tôi được xem các bằng chứng xác minh phép lạ này. Tôi không thể diễn tả hết những điều tôi cảm nhận và về tâm trạng của tôi lúc đó. Tôi đến từ trường Y Khoa Đại Học Madrid, nơi có nhiều giáo sư vô tín nổi tiếng và nhiều sinh viên bạn học của tôi luôn miệng nhạo báng các phép lạ. Thế mà giờ đây, tôi đã được chứng kiến tỏ tường một phép lạ do Chúa Giê-su Thánh Thể thực hiện. Khi ấy tôi đã cảm nhận được sức mạnh vô song của Chúa và thế giới chung quanh thật nhỏ bé. Tôi đã trở về Madrid và ba tháng sau tôi chính thức gia nhập vào Tập Viện Dòng Tên».

4) SỨC MẠNH VÔ SONG CỦA MỘT LỜI CẦU NGUYỆN TÍN THÁC CẬY TRÔNG:

XÁC INH-LÍT (Charles Inglis), một nhà truyền giáo nổi tiếng thánh thiện đã kể lại câu chuyện như sau: trên một chuyến đi biển kia có một nhà truyền giáo tên là GIOÓC-DƠ MU-LƠ ở BỚ-RAI-TƠN, dự định sẽ đến nhà thờ lớn ở QUÊ-BÉC giảng đạo vào chiều thứ Bảy cuối tuần. Nhưng do bị sương mù quá dầy khiến vị thuyên trưởng phải cho tàu chạy chậm và như thế khiến nhà truyền giáo sẽ bị trễ hẹn. Bấy giờ nhà truyền giáo mới nói với thuyền trưởng là mình có cách làm sớm tan làn sương mù kia đi. Thuyền trưởng nghĩ ông này bị mát dây thần kinh nên không thèm để ý. Bấy giờ nhà truyền giáo liền yêu cầu thuyền trưởng cùng cầu nguyện với mình. Rồi ông một mình quỳ gối xuống dâng một lời cầu nguyện sốt sắng, đang khi viên thuyền trưởng vẫn đứng nhìn với thái độ không mấy tin tưởng. Chờ cho nhà truyền giáo cầu nguyện xong, vị thuyền trưởng mới nói : “Ngài có biết độ dày của sương mù kia đến cỡ nào không?”. Nhà truyền giáo trả lời :”Không biết! Nhưng tôi không nhìn vào sương mù. Tôi chỉ nhìn vào Đấng dựng nên sương mù mà thôi”. Bấy giờ viên thuyền trưởng định quỳ gối xuống cầu nguyện thì nhà truyền giáo ngăn lại và nói : “Nếu lòng ông không tin thì cầu nguyện nào có ích gì? Hơn nữa, tôi tin chắc Chúa đã nhận lời cầu của tôi rồi nên ông chẳng cần phải cầu thêm làm chi! Tôi đã nhận biết Chúa được 57 năm rồi, và trong suốt thời gian đó không ngày nào mà tôi không thưa chuyện với Người. Bây giờ ông hãy mở cửa ra mà xem công việc Chúa làm”. Quả nhiên khi mở cửa sổ ra thì viên thuyền trưởng thấy làn sương mù dày đặc trước đó đã tan biến hết, con tàu lại tiếp tục tăng tốc và cuối cùng đã cập bến đúng thời gian như lịch trình đã định.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy đức tin mạnh mẽ của nhà truyền giáo. Chính Chúa Giê-su đã luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha và hoàn toàn tín thác cậy trông nơi Cha. Ngày nay, vì thiếu lòng tin nên người ta coi thường việc cầu nguyện. Mỗi khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn hay gặp gian nan thử thách, người ta thường chỉ biết dựa vào sức riêng mình, đang khi lẽ ra vừa phải cầu xin Chúa soi sáng để tìm ra giải pháp tốt nhất, lại vừa phải cố gắng giải quyết các khó khăn trở lực ấy.

3.SUY NIỆM :

Tin Mừng kể lại cảnh tượng xảy ra trên biển hồ Ga-li-lê: Đức Giê-su đang ngủ. Ngài ngủ vì mệt mỏi sau khi ngồi trên thuyền như giảng đài để dạy dỗ dân chúng trên bờ hồ. Các môn đệ đều là các ngư phủ chuyên nghiệp, và vùng biển này là điạ bàn hoạt động quen thuộc của các ông, thế mà trong cơn bão táp hiện tại các ông lại bị hoảng loạn.

1. Chúa ngủ trong khoang thuyền giữa cơn gió bão: Theo Chúa không phải lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió hay luôn được hưởng thái bình thịnh vượng. Ngay cả những lúc chúng ta không có tội hay đang trong tâm trạng nghi ngờ, thì giông tố vẫn có thể xảy ra. Chúa không hứa ban cho chúng ta được thư thái an nhàn giữa trần gian, nhưng đòi ta phải sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người… để sẽ được cùng Người vào trong vinh quang phục sinh.

2. Phản ứng của các môn đệ trước cơn phong ba: Câu nói biểu lộ sự kinh hãi tột độ và ngụ ý trách móc Thầy Giê-su đã không quan tâm đến môn đệ trong lúc nguy nan. Ngày nay một bộ phận tín hữu chúng ta cũng thường hay suy nghĩ như vậy mỗi khi ta bị cơn bão cuộc đời vùi dập. Chúng ta thường nghĩ rằng mình tin Chúa thì đương nhiên sẽ được Chúa che chở cứu giúp vượt qua lúc nguy nan, vì đó là trách nhiệm mà Chúa phải chu toàn, đang khi lẽ ra ta phải vừa xin Chúa ban ơn soi sáng, lại vừa phải cố gắng vượt qua các cơn nguy nan thử thách gặp phải.

3. Vậy chúng ta phải làm gì? :
-Khi sự sầu muộn đến như nó phải đến : Ta tin rằng Chúa sẽ biến đổi bóng tối của sự chết thành ánh sáng phục sinh vĩnh cửu. Người sẽ giúp chúng ta tin cậy vào tình yêu vô biên của Ngài. Chằng hạn khi ta bị mất một người thân, thì nên biết rằng: Chết không phải là hết, nhưng là bước vào một cuộc sống mới vĩnh hằng và mai ngày chúng ta sẽ được gặp lại người thân trên Thiên đàng.
-Khi chúng ta gặp phải một hoàn cảnh nan giải: Khi ta không biết phải làm gì, phải giải quyết thế nào mới đúng, chúng ta hãy thưa với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, nếu Chúa ở trong hoàn cảnh của con bây giờ thì Chúa sẽ làm gì?” hoặc: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Bấy giờ Chúa sẽ nói trong lương tâm để giúp chúng ta tìm ra con đường phải đi và ta sẽ mạnh dạn thưa với Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã thưa với Chúa Cha: ” Lạy Cha. Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7).
-Khi gặp cơn lo âu bối rối: Khi ta phải lo về một tương lai bất định, lo cho con cái … Chúng ta hãy ý thức về lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa để trông cậy phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Người sẽ giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc đời này và đời sau. Bấy giờ tâm hồn chúng ta sẽ được bình an, như lời Chúa Giê-su phán: ”Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

4.THẢO LUẬN :
1) Một người có đức tin vững mạnh có bị thất bại hay gặp những sự gian nan khốn khó trong cuộc đời không?
2) Một người chỉ biết khoanh tay cầu xin mà không cố gắng giải quyết những khó khăn gặp phải thì có đức tin mạnh không? Tại sao?
3) Khi gặp gian nan thử thách, người tín hữu cần làm gì để chứng tỏ đức tin vững mạnh?

5.CẦU NGUYỆN :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con luôn tin vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Cho chúng con biết xử dụng những tài năng Chúa ban để giải quyết những trở ngại gặp phải trong cuộc sống. Mỗi khi gặp điều trái ý, xin cho chúng con cố gắng giải quyết và nếu gặp bất lợi sẽ dâng lời cầu nguyện như Chúa khi xưa: “Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho con khòi uống chén này. Nhưng đừng theo ý riêng con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26,39). Xin cho chúng con ý thức Chúa luôn ở với con để con vững tâm tiến bước như lời bài hát: “Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn sợ chi. Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn thiếu gì”. Xin cho con năng dâng lời ngợi khen cảm tạ ơn Chúa về muôn ơn lành Ngài đã thương ban, cho con biết noi gương Mẹ Ma-ri-a dâng lời ngợi khen cảm tạ tình thương bao la của Thiên Chúa, vì Ngài đã làm cho Mẹ biết bao điều lớn lao kỳ diệu (x Lc 1,46-55).- AMEN.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
BREAKING NEWS: Cuộc triều yết Đức Thánh Cha của ông Joe Biden đã không xảy ra
Đặng Tự Do
16:10 15/06/2021
Những lo ngại vào đầu tuần này của các nhà hoạt động phò sinh, và của nhiều Giám Mục Hoa Kỳ, cũng như nhiều người Công Giáo khác đã kết thúc rất “có hậu”.

Đầu tuần này, tin tức ông Joe Biden sẽ tham dự thánh lễ buổi sáng tại Santa Marta do Đức Thánh Cha cử hành. Viễn tượng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cho ông Joe Biden rước lễ thực sự gây nao núng cho nhiều người. Nó vượt xa tâm lý có thể chịu đựng nổi của hầu hết những người Công Giáo.

Sáng sớm ngày 15 tháng 6, một nguồn tin đáng tin cậy của Vatican nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng yêu cầu tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại nhà nguyện Santa Marta của Tổng thống Joe Biden đã bị loại khỏi kế hoạch trong cuộc gặp gỡ tại Vatican.

Sau đó, các nguồn tin của Vatican đã cho biết đã không có cả cuộc gặp gỡ này.

Theo thông tấn xã CNA, ban đầu, Ông Joe Biden, người đang ở Âu Châu để tham dự một số cuộc họp cấp cao, dự kiến sẽ cất cánh vào sáng ngày 15 tháng 6 để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ. Ban đầu, đoàn tùy tùng của Tổng thống đã yêu cầu Tòa Thánh cho ông Biden tham dự Thánh lễ với Đức Giáo Hoàng vào sáng sớm, nhưng đề xuất này đã bị Vatican từ chối sau khi xem xét tác động của việc Đức Giáo Hoàng cho Tổng thống Biden rước lễ sẽ ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận mà Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB đang lên kế hoạch. Trong cuộc họp của các ngài bắt đầu từ Thứ Tư, ngày 16 tháng 6. Các giám mục Hoa Kỳ dự kiến sẽ bỏ phiếu về việc thành lập một ủy ban soạn thảo một tài liệu về tính nhất quán của Thánh Thể.

Ông Joe Biden dự kiến sẽ đi từ Brussels, nơi ông tham dự cuộc họp G7 đến Vatican, và sẽ bay ngược trở lại Geneva để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/6.

Ông Joe Biden, khi còn là phó tổng thống, đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2015, khi Đức Giáo Hoàng đến thăm Hoa Kỳ để tham dự cuộc họp Thế giới của các Gia đình ở Philadelphia.

Năm sau, vào ngày 29 tháng 4 năm 2016, Ông Biden đã đến Vatican để tham dự hội nghị thượng đỉnh về y học tái tạo, nơi ông đã ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô và ủng hộ việc thúc đẩy toàn cầu việc chữa bệnh ung thư.

Ông Biden đã mở đầu bài phát biểu của mình tại Vatican bằng cách nhớ lại khi đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã an ủi ông như thế nào sau sự ra đi của con trai cả của ông là Beau, người đã qua đời vào mùa hè trước đó ở tuổi 46 vì ung thư não.
Source:Catholic News Agency
 
Con trai của nữ tu dòng kín có 10 người con và 28 người cháu kể câu chuyện về cuộc đời kỳ lạ của bà
Đặng Tự Do
16:20 15/06/2021


Người dùng Twitter Mark R. Miller đã đăng một câu chuyện đáng kinh ngạc và gây xôn xao về một nữ tu dòng Carmêlô vừa quá cố có 10 người con và 28 người cháu.

Miller giải thích rằng nữ tu ấy chính là mẹ ruột của anh, là người mà anh chỉ nhìn thấy hai lần trong 33 năm. Anh đăng một số bức ảnh về cuộc sống tươi đẹp của mẹ mình.

Bài đăng cuối cùng của anh ấy trong chuỗi 13 tweet đã tạo ra gần 50,000 cái like và hơn 1,000 lượt retweet.

Đây là câu chuyện của anh:

Một nữ tu 92 tuổi đã qua đời hôm nay trong một Tu viện Carmêlô ở Illinois. Bà là loại một nữ tu khác thường. Bà hát không hay lắm. Bà thường xuyên trễ nãi trong các nhiệm vụ của mình xung quanh tu viện. Bà ấy cũng là mẹ tôi.

Tôi chỉ gặp bà hai lần trong 33 năm qua kể từ khi bà gia nhập tu viện - một phần vì Dòng Cát Minh là một dòng tu chiêm niệm. Họ không dạy ở trường, không làm việc trong bệnh viện, không rời khỏi tòa nhà mà họ đang sống. Họ cầu nguyện. Họ sống trong im lặng 23 tiếng rưỡi một ngày.

Khi bạn đến thăm, bạn không thể ôm hoặc chạm vào. Bạn được ngăn cách bởi một cặp lưới kim loại kép.

Tôi không phải là người con duy nhất của bà. Tôi là con thứ chín trong số mười người con của bà. Bà có 28 đứa cháu, một số cháu chưa từng có cơ hội gặp gỡ bà. Bà cũng có hơn một chục đưá chắt.

Bạn có thể đoán rằng bà không phải lúc nào cũng là một nữ tu. Bà lớn lên ở San Francisco và Oregon và đi học ở California và New York. Bà đã có bạn trai.

Bà kết hôn năm 20 tuổi.

Đến 27 tuổi, bà đã có 5 đứa con. Và sau đó bà có thêm năm đứa nữa. Một đội bóng rổ của mỗi giới tính. Bà có một triệu lẻ một người bạn. Bà hút thuốc, uống rượu, chơi bài. Bà đã mang thai hơn 400 tuần trong cuộc đời mình.

Bà đã từ bỏ thuốc lá, rượu trong cùng một ngày.

Chồng bà mất năm 1984. Năm năm sau, bà đã cho đi tất cả những gì mình sở hữu trên đời. Vào sinh nhật lần thứ 61, bà đã có một bữa tiệc chia tay với 800 khách tại một khách sạn ở San Francisco và bay đến Chicago vào ngày hôm sau.

Bà vào tu viện ở Des Plaines, Illinois: Quê hương của cửa hàng McDonalds đầu tiên.

Miller sau đó đăng một bức ảnh của mẹ anh khi còn nhỏ, cùng với họ tên khai sinh và tên thánh của bà.

Ann Russell Miller (Nữ tu Maria Giuse của Chúa Ba Ngôi), sinh 1928 qua đời 2021. Xin mẹ gởi lời chào của con với bố.
Source:ChurchPOP
 
Người Mỹ đầu tiên đứng đầu một đại học Giáo Hoàng ở Rôma
Đặng Tự Do
16:21 15/06/2021


Cha Thomas Joseph White, linh mục dòng Đa Minh vừa được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của Đại Học Angelicum ở Rôma.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một linh mục người Mỹ đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Angelicum.

Cha Thomas Joseph White không phải là người đạo gốc. Ngài theo đạo Công Giáo khi còn học đại học và hiện là một nhà thần học nổi tiếng, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas, thường được gọi là Đại Học Angelicum, do Dòng các anh em thuyết giáo điều hành. Việc bổ nhiệm của ngài có hiệu lực từ ngày 14 tháng 9.

Vị linh mục sinh ra ở Atlanta, năm nay 50 tuổi, hiện là giáo sư thần học tại Angelicum. Ngài là giám đốc sáng lập của Viện Thomistic ở Washington DC, một tổ chức truyền bá Tin Mừng với mục đích chính là phúc âm hóa giới trí thức tại các trường đại học thế tục. Viện này hiện có mặt trên 60 cơ sở trên khắp Hoa Kỳ và Âu Châu.

Cha Thomas Joseph White cũng là một trong những thành viên sáng lập của ban nhạc The Hillbilly Thomists chuyên về nhạc dân gian và bluegrass. Ngài chơi được hai loại đàn là banjo và dulcimer. Nhóm nhạc này có trụ sở tại Hoa Kỳ, bao gồm các tu sĩ dòng Đa Minh, đã phát hành hai album kể từ năm 2017.

Cha Thomas Joseph White đã học tiến sĩ tại Đại học Oxford, và có sở thích nghiên cứu về siêu hình học, Kitô học, thần học Chúa Ba ngôi và thần học về ân sủng. Ngài là đồng biên tập của tạp chí học thuật Nova et Vetera và năm 2011 được bổ nhiệm làm thành viên bình thường của Học viện Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas. Năm 2019 Cha White được vinh danh là Học giả Xuất sắc của Quỹ McDonald Agape.

Từ năm 2008 đến năm 2018, ngài là giám đốc Viện Thomistic và Trợ lý Giáo sư Thần học Hệ thống tại Trung tâm Nghiên cứu của dòng Đa Minh, ở Washington, DC. Trước đó, ngài giảng dạy thần học tại Đại Học Providence ở Rhode Island.

Được thụ phong linh mục năm 2008, ngài là thành viên của Tỉnh Dòng Đa Minh Thánh Giuse có trụ sở tại New York.

Trong một tuyên bố do Dòng Đa Minh đưa ra, cha White nhận xét rằng “Angelicum là một trường đại học đặc biệt dành riêng cho sứ mệnh phổ quát của Giáo hội. Dựa trên truyền thống của dòng Đa Minh về sự hài hòa giữa đức tin và lý trí tự nhiên, trường đại học này tìm cách trau dồi sự hiểu biết sâu sắc hơn về Kitô Giáo, và đời sống giáo lý của Giáo hội, trong cuộc đối thoại liên tục với các truyền thống triết học, luật pháp và học thuyết xã hội. Thánh Thomas Aquinas là tấm gương nền tảng của chúng tôi trong nỗ lực này”.

Trường đại học hiện có khoảng 1,000 sinh viên đến từ gần 100 quốc gia, bao gồm các chủng sinh, linh mục, tu sĩ và giáo dân.

“Angelicum là một trường học của những nhà truyền giáo tương lai, nơi sinh viên có thể học thần học để phục vụ cho một Giáo hội truyền giáo”, Cha White nói. “Sự tăng trưởng trong sự hiểu biết về mầu nhiệm của Chúa Kitô có nghĩa là dẫn đến sự trưởng thành trong tình yêu, và cả hai cùng nhau tạo thành một nhân chứng toàn vẹn cho đức tin Công Giáo. Mục đích này cộng hưởng sâu sắc với những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết gần đây trong một lá thư gửi tới Dòng Đa Minh nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày mất của Thánh Đa Minh, 'Trong thời đại của chúng ta, đặc trưng bởi những thay đổi mang tính lịch sử và những thách thức mới đối với việc truyền giáo của Giáo hội. Dòng Đaminh có thể đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho tất cả những người đã được rửa tội, những người được kêu gọi, với tư cách là các môn đệ truyền giáo, đến với mọi vùng 'ngoại vi' của thế giới chúng ta mang theo ánh sáng Tin Mừng và tình yêu thương xót của Chúa Kitô”.

Vị Tân Hiệu trưởng sẽ kế nhiệm Cha Michał Paluch, là người có sáng kiến hình thành hay cải thiện Viện Nghiên cứu Đại kết của trường đại học, Viện Văn hóa Thánh Gioan Phaolô II và Viện Thomistic, đồng thời tạo ra các dòng học bổng mới, tuyển dụng các giáo sư mới và cải tạo cơ sở hạ tầng của trường đại học.
Source:Aleteia

 
Xã luận của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh: Tai tiếng lạm dụng và việc cải tổ Giáo hội
Vũ Văn An
18:27 15/06/2021

Theo Vatican News, Giám đốc xã luận của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh, Andrea Tornielli, khi nhắc lại lời lẽ của Đức Phanxicô trong lá thư bác bỏ đơn từ chức của Đức Hồng Y Marx rằng “Việc cải cách trong Giáo Hội vốn được thực hiện bởi những con người nam nữ không sợ hãi bước vào cuộc khủng hoảng và để mình được Chúa cải cách. Đó là cách duy nhất, nếu không chúng ta sẽ chẳng khác gì những ‘nhà ý thức hệ cải cách’, những người không đặt chính bản thân họ lên tuyến đầu”, đã nhận định:

Bản văn của Đức Giáo Hoàng chứa đầy những chỉ dẫn có giá trị, vượt ra ngoài trường hợp đặc thù để tập trung một lần nữa vào điều cốt yếu, cho thấy quan điểm và thái độ của Kitô hữu đối với thực tại. Quan điểm và thái độ này thường bị lãng quên khi - ngay trong cộng đồng giáo hội - có nguy cơ gán giá trị cứu rỗi cho các cơ cấu, cho quyền lực định chế, cho các quy tắc lập pháp cần thiết và ngày càng chi tiết và nghiêm ngặt, cho “các thực hành tốt nhất” của tập đoàn, cho luận lý đại diện chính trị được mang trồng vào các con đường đồng nghị, cho các chiến lược tiếp thị áp dụng vào sứ mệnh, cho lòng tự yêu mình thái quá muốn truyền đi các hiệu quả đặc biệt.



Khẳng định, như Đức Giáo Hoàng vốn khẳng định, khi đối đầu với tai tiếng lạm dụng, “chúng ta sẽ không được cứu rỗi bởi những tìm tòi cũng như sức mạnh định chế. Chúng ta sẽ không được cứu rỗi bởi tiếng tăm lẫy lừng của Giáo hội, một điều vốn có xu hướng che giấu tội lỗi của mình: cũng như chúng ta sẽ không được cứu rỗi bởi sức mạnh của tiền bạc hay ý kiến của giới truyền thông (chúng ta thường quá phụ thuộc vào họ)” một lần nữa có nghĩa là chỉ ra con đường Kitô giáo duy nhất. Bởi vì, như Đức Giáo Hoàng viết cho Đức Hồng Y Marx, "Chúng ta sẽ được cứu rỗi bởi cánh cửa của Đấng duy nhất có thể làm điều đó, và bằng cách thú nhận sự trần trụi của chúng ta: 'Tôi đã phạm tội', 'chúng tôi đã phạm tội'... Chính nhờ cách yếu đuối này mà Giáo hội tìm thấy sức mạnh, khi không tin tưởng vào chính mình và không cảm thấy mình như người chủ đạo, nhưng cầu xin sự tha thứ và khẩn cầu ơn cứu rỗi từ Đấng duy nhất có thể ban phát nó".

Những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết trong bức thư gửi cho Đức Hồng Y của Munich và Freising, đối với một số người, có thể “không phải là câu trả lời”. Vì nó không gỡ chúng ta khỏi vỉ nướng, nó không khâu lại vết thương, nó không cho phép chúng ta chỉ tay buộc tội người khác. Thay vào đó, nó kêu gọi mỗi chúng ta “bước vào cuộc khủng hoảng,” và thú nhận sự bất lực của chính mình, sự yếu đuối của chính mình, sự nhỏ bé của chính chúng ta khi đối diện với cái ác và tội lỗi, bất kể đó là việc lạm dụng tình dục các vị thành niên hay việc nghĩ rằng chúng ta có thể cứu được Giáo hội nhờ các ý tưởng của chúng ta, chiến lược của chúng ta, những công trình xây dựng nhân bản của chính chúng ta.

Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI, trong các ghi chú chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tháng 2 năm 2019 về việc bảo vệ các vị thành niên (và sau đó được công bố), khi tự hỏi đâu là câu trả lời thích hợp cho tai họa lạm dụng, đã viết, “Thuốc giải độc cho cái ác đang đe dọa chúng ta và toàn thể thế giới, cuối cùng chỉ có thể hệ ở việc phó thác chúng ta”cho tình yêu Thiên Chúa. “Nếu chúng ta suy gẫm về việc phải làm gì, thì điều rõ ràng là chúng ta không cần một Giáo hội khác do chính chúng ta phát minh ra” Ngày nay, “Giáo hội được nhiều người coi chỉ là một loại bộ máy chính trị nào đó,” và cuộc khủng hoảng do nhiều trường hợp lạm dụng bởi bàn tay các linh mục gây ra, đã thúc đẩy chúng ta coi Giáo hội như một cơ chế thất bại, mà bây giờ bàn tay chúng ta phải cương quyết nắm lấy và cải tạo nó một cách mới mẻ. Nhưng một Giáo hội tự mình tạo lập không thể đem lại hy vọng”.

Vào năm 2010, giữa cơn bão do vụ tai tiếng lạm dụng ở Ái Nhĩ Lan, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh đến con đường sám hối như là nẻo đường khả thi duy nhất; ngài nói ngài tin chắc rằng cuộc tấn công lớn nhất vào Giáo hội, không phải từ các kẻ thù bên ngoài, mà là từ các kẻ thù bên trong. Ngày nay, người kế vị của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, với một cái nhìn nhất quán và nhấn mạnh, nhắc nhở chúng ta rằng cải cách, trong nguyên tắc Ecclesia semper reformanda (Giáo Hội luôn phải cải cách), không được thực hiện bởi các chiến lược chính trị, mà là bởi những con người nam nữ tự để cho mình được “Chúa cải cách”.
 
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nhà lãnh đạo chính trị: Hãy biến cái chết thành sự sống, vũ khí thành thực phẩm
Thanh Quảng sdb
20:28 15/06/2021
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nhà lãnh đạo chính trị: 'Hãy biến cái chết thành sự sống, vũ khí thành thực phẩm'

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp video tới những tham dự viên Đại Hội lần thứ 16 của Diễn đàn GLOBSEC Bratislava, trong Đại hội này các nhà lãnh đạo chính trị và các bộ trưởng đang thảo luận về việc xây dựng lại thế giới sau đại dịch.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Chủ đề của Diễn đàn GLOBSEC Bratislava 2021 là “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn”. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý ngay từ khởi đầu thông điệp video của mình, bằng cung cấp một nền tảng cho “cuộc tranh luận quan trọng về việc xây dựng lại thế giới của chúng ta sau cơn đại dịch, buộc chúng ta phải đối diện với một số vấn đề xã hội nghiêm trọng và liên quan đến các vấn đề: kinh tế, sinh thái và chính trị.”

Đại hội GLOBSEC, diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 6, nhằm mục đích cung cấp khả năng thiết lập một nền tảng cho việc đổi mới và xây dựng lại lòng tin vào nền dân chủ và thể chế, tăng trưởng và phục hồi kinh tế, quản trị công nghệ và an ninh cho thế kỷ 21 và khả năng phục hồi sức khỏe.

Đức Thánh Cha đã đưa ra một số hiểu biết sâu sắc, "qua cảm hứng từ một phương pháp tam thức là: nhìn xem - phán đoán - hành động."

Nhìn xem

Để phân tích nghiêm túc và trung thực quá khứ, bao gồm việc thừa nhận “những thất bại mang tính hệ thống, những sai lầm mắc phải và thiếu trách nhiệm đối với Đấng Tạo hóa, người lân cận và sự sáng tạo,” Đức Thánh Cha mời các nhà hoạch định chính sách phát triển phục hồi nhằm mục đích "xây dựng lại", nhưng cũng để "sửa sai những gì không sinh động đúng ngay cả trước khi bị Coronavirus và điều đó đã góp phần vào việc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng."

Kêu gọi trách nhiệm giải trình, Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại cái mà ngài gọi là “cảm giác an toàn ảo tưởng dựa trên nỗi khát vọng lợi nhuận” và ĐTC phân tích những gì ngài “nhìn thấy”: “Tôi thấy một mô hình đời sống kinh tế và xã hội, có quá nhiều sự bất bình đẳng và ích kỷ, trong đó một thiểu số trên thế giới sở hữu phần lớn tài nguyên, đã không ngần ngại khai thác con người và tài nguyên”.

“Tôi thấy một lối sống không quan tâm đến môi trường. Chúng ta đã quen với việc tiêu thụ và phá hủy không kiềm chế những gì thuộc về thế giới và cần được quan tâm chăm sóc một cách tôn trọng, đã tạo ra một “món nợ sinh thái” mà người nghèo và các thế hệ tương lai phải gánh chịu”.

Phán đoán

Bước thứ hai, Đức Thánh Cha tiếp, là đánh giá những gì chúng ta đã thấy và thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng đã mở ra những khả năng mới và đưa ra thách thức “biến thời gian thử thách thành thời điểm lựa chọn”.

ĐTC chỉ ra rằng mọi người không thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng như nhau: “một trong hai đường là trở nên tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Nhưng không bao giờ giống nhau”.

Vì vậy, khi mời những tham dự viên đại hội cải thiện những gì chúng ta đã thấy và trải nghiệm, ĐTC mời tất cả hãy tiến về phía trước với một tâm thức “không ai có thể tự cứu mình” và “cuộc khủng hoảng mở ra con đường cho một tương lai công nhận sự bình đẳng thực sự của mỗi người: không phải là thứ bình đẳng trừu tượng, mà là một thực tại bình đẳng cụ thể, mang lại cho mọi người và mọi dân tộc những cơ hội phát triển thực sự và công bằng.

Hành động

Cuối cùng, Đức Thánh Cha lưu ý "Nếu chúng ta không hành động, chúng ta sẽ lãng phí những cơ hội mà cơn khủng hoảng mang lại." Trích dẫn thông điệp của mình gửi cho giám đốc UNESCO vào đầu năm nay, ĐTC kêu gọi một mô hình phát triển đặt "mọi người và toàn thể con người" làm trung tâm "làm cột trụ căn bản cần được tôn trọng và bảo vệ, áp dụng một phương pháp luận bao gồm đạo đức học, đoàn kết và 'từ thiện chính trị'."

Nhấn mạnh về thực tại mọi hành động cần có một tầm nhìn để hành động vì một sự phát triển chính đáng thì cần phải có một công cuộc chuyển đổi, và ĐTC nhấn mạnh rằng phải đề ra môt quyết định biến cái chết thành sự sống, vũ khí thành lương thực!"

ĐTC kết luận, tất cả chúng ta cần thực hiện việc chuyển đổi hệ sinh thái vì “cái nhìn tổng thể bao gồm quan điểm kiến tạo “ngôi nhà chung” và khẩn cấp hành động để bảo vệ nó”.

Tham gia trực tiếp tại Diễn đàn Bratislava có các Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng và Thứ trưởng của khoảng 100 quốc gia khác nhau.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Phong chức phó tế tại Hà Nội
Giáo Hội Năm Châu
01:06 15/06/2021


1. Tin Giáo Phận Hà Nội: 15 chủng sinh lãnh nhận thánh chức Phó tế trong hoàn cảnh đại dịch COVID

Sáng thứ Hai ngày 31/5/2021, tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên đã long trọng truyền chức Phó tế cho 15 thầy chủng sinh thuộc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. Thánh lễ được diễn ra trong bầu khí thật linh thiêng và sốt sắng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Thánh lễ truyền chức phó tế hôm nay diễn ra trong bối cảnh thật đặc biệt. Hoàn toàn khác với mọi năm, ngày lễ truyền chức không tiếng kèn trống linh đình, không người thân tham dự, không khách mời gần xa. Tất cả mọi người chỉ hiệp thông tham dự Thánh lễ qua hệ thống trực tuyến. Ba chiếc máy quay được đặt ở các góc đã truyền tải Thánh lễ và nghi thức truyền chức cho toàn thể cộng đoàn.

Đồng tế với Đức TGM Giuse trong Thánh lễ hôm nay có sự hiện diện của Đức cha Lôrenxô, Cha Tổng đại diện Antôn, Cha giám đốc Đại chủng viện, quý Cha tại Tòa Tổng Giám mục cùng một vài anh chị em ca viên phục vụ Thánh lễ.

Ngay sau bài đọc Tin Mừng là nghi thức truyền chức Phó tế. Mở đầu là nghi thức tuyển chọn. Cha Đặc trách Ơn gọi Toma Aq. Nguyễn Xuân Thủy đã xướng tên các ứng viên chuẩn bị lãnh nhận tác vụ Phó tế và xác nhận sự xứng đáng của các tiến chức. Các thầy được xướng danh và giới thiệu với Đấng Bản Quyền gồm có:

1. Thầy Gioan Phạm Văn Đát

2. Thầy Giuse Vũ Duy Giáp

3. Thầy Phêrô Nguyễn Văn Hải

4. Thầy Giuse Trần Văn Hùng

5. Thầy Phêrô Trần Duy Hương

6. Thầy Luca Loan Phạm Xuân Hướng

7. Thầy Giuse Đặng Văn Khoa

8. Thầy Giuse Đinh Văn Long

9. Thầy Phaolô Trần Văn Minh

10. Thầy Antôn Lê Văn Quyết

11. Thầy Antôn Nguyễn Chúc Sinh

12. Thầy Giuse Vũ Văn Thoan

13. Thầy Gioan Baotixita Mai Văn Trường

14. Thầy Phêrô Trần Văn Vũ

15. Thầy Gioan Tạ Đức Vượng

Trong bài chia sẻ, khởi đi từ phụng vụ Lời Chúa ngày lễ Đức Maria thăm viếng bà Elisabet, Đức TGM Giuse nhấn mạnh đến tinh thần sẵn sàng của Đức Maria, của tổ phụ Apraham. Tất cả những lời tuyên thệ của các tiến chức trong Thánh lễ này đều nói lên tư thế sẵn sàng. Tuy nhiên, cho đến hôm nay tinh thần sẵn sàng ấy mới chỉ là công thức, mới chỉ là lý thuyết, mới chỉ là ngôn từ. Tinh thần ấy sẽ được chứng minh trong thực tế đời sống của người phó tế. Từ đó, Đức TGM Giuse mời gọi cộng đoàn thêm lời cầu nguyện cho các tiến chức luôn tuân giữ những gì đã thề hứa và mau mắn nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Sau bài giảng, các ứng viên tiến đến trước mặt Đức TGM Giuse để được ngài thẩm vấn về nhiệm vụ mà các thầy sắp được trao phó, và tự nguyện bày tỏ ý định giữ luật độc thân. Đồng thời các tiến chức cũng diễn tả lòng kính trọng và vâng phục Đấng bản quyền qua nghi thức đặt tay.

Sau khi thẩm vấn các ứng viên về lời hứa vâng phục, Đức TGM Giuse mời gọi cộng đoàn tha thiết cầu nguyện xin Thiên Chúa là Cha toàn năng, gia tăng ơn thiêng trên các tiến chức qua kinh cầu các thánh.

Kết thúc Kinh cầu các thánh là nghi thức chính yếu của việc phong chức. Mỗi tiến chức lên quỳ trước mặt Đức TGM Giuse, ngài thinh lặng đặt tay trên đầu từng ứng viên, cử chỉ này nói lên việc thông ban Thánh Thần. Kế đó, Đức Tổng Giuse long trọng đọc lời nguyện phong chức.

Sau lời nguyện, các tiến chức lãnh nhận dây Stola và phẩm phục phó tế. Hai nghi thức diễn nghĩa (trao Phúc Âm và hôn chúc bình an) được cử hành ngay sau đó để các tiến chức ý thức cách sâu sắc rằng từ nay “Con hãy nhận lấy Phúc Âm Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con hãy biết là phải tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”.

Khép lại nghi thức phong chức, Thánh lễ được tiếp diễn với phần Phụng vụ Lời Chúa thật trang nghiêm và sốt sắng. Hai tân Phó tế đã chính thức tiến lên thực hiện vai trò phục vụ của mình trong việc chuẩn bị lễ vật cùng một số tác vụ phục vụ bàn thờ bên cạnh Vị Chủ tế.

Như Đức Maria đã mau mắn lên đường giới thiệu Chúa đến với mọi người, ước mong sau ngày lãnh nhận tác vụ phó tế hôm nay, quý thầy cũng sẽ mau mắn lên đường rao truyền Tin Mừng tình yêu của Chúa đến cho mọi người, luôn hăng say nhiệt thành trong sứ vụ mới để có thể xứng đáng tiến tới thánh chức linh mục trong tương lai.

2. Chủ tịch HĐGMVN: Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch

Huế, ngày 02/06/2021

THƯ KÊU GỌI

TINH THẦN LIÊN ĐỚI VÀ TƯƠNG THÂN ĐỂ PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH

KÍNH GỬI CỘNG ĐỒNG dân Chúa VIỆT NAM

Anh chị em thân mến,

Đại dịch Covid-19 làm thế giới điên đảo và đang tái phát hung hãn tại Việt nam cũng như một số nước trong khu vực. Làm thế nào để đối phó hiệu quả đối với đợt tấn công mới này?

Liên hiệp quốc, Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (WHO), lãnh đạo các quốc gia và tôn giáo đều cho rằng bí quyết hiệu quả nhất là tình liên đới. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định : “Có thể khắc phục được đại dịch... Nhưng chúng ta chỉ có thể thành công nếu chúng ta đoàn kết với nhau” (Gặp gỡ trực tuyến với Hội đồng Giám mục Brasil ngày 12-16/04/2021). Thủ Tướng Anh, Boris Johnson, ngày 31/05/2021, cũng tuyên bố rằng để loại trừ Covid-19, cần phải huy động toàn lực để chích ngừa toàn cầu trong năm 2022.

Trong tinh thần đó, nhân danh quý Đức Hồng Y và quý Đức Cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi kêu gọi giáo sỹ, tu sỹ, giáo dân, trong nước cũng như hải ngoại, hãy mau mắn vào cuộc, chung tay góp sức, san sẻ công việc với mọi thành phần xã hội và Giáo hội trong công cuộc phòng chống đại dịch.

Trước hết, hãy xem trận đại dịch này như một cơ hội để yêu thương. Theo lời Chúa dạy, Kitô hữu phải nhìn nhận tất cả nạn nhân Covid-19 là “người lân cận” (Lc 10,28-29), sẵn lòng “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15) dù họ là ai. Tứ hải giai huynh đệ. Tất cả mọi người đều là đồng bào, là thành viên của đại gia đình dân tộc và nhân loại. Người Công Giáo không được phép loại trừ, kỳ thị, “điểm mặt” hoặc kết án bất kỳ ai đã hoặc chưa bị lây nhiễm.

Hãy vận dụng hết trí sáng tạo để hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng, thông cảm và tiếp sức cho các y bác sỹ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, tử vong và những người đang lâm cơn túng quẫn kinh tế.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành đùm lá rách; Nhiễu điều phủ lấy giá gương! Hơn bao giờ hết, bao nhiêu người khó khăn đang trông chờ anh chị em thực thi giáo huấn của Chúa: “Ai đón tiếp anh em mình là đón tiếp chính Ta… Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ một bát nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Ta, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 40-42).

Nghèo như Việt Nam mà không biết tập trung sức mạnh để ngăn chặn thì chắc chắn đại dịch sẽ trở thành thảm hoạ vô phương cứu chữa. Không đủ tài chánh để lo cho mỗi người một suất Vaccine chích ngừa, làm sao và đến bao giờ ta mới ngăn chặn được đà lây lan của Covid-19?

Thủ Tướng Chính Phủ, ngày 26/05/2021, đã quyết định thành lập Quỹ Vaccine và kêu gọi mọi thành phần xã hội tham gia đóng góp (http://https//thutuong.chinhphu.vn/chi-dao/thanh-lap-quy-vaccine-phong-covid19-20165.html). Đây là một chủ trương hợp tình hợp lý và đúng lúc, rất xứng đáng để mọi người hưởng ứng, vận động và ủng hộ với hết khả năng.

Tính đến hôm nay, 02/06/2021, có đến 22 tỉnh, 68 quận huyện đã bị lây nhiễm. Theo các chuyên gia, con số có thể gia tăng nhanh trong những ngày tới đây, nhất là khi các nước lân bang như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào… đang lâm nguy mất kiểm soát. Nguy cơ vỡ trận có thể đe doạ Việt Nam, nếu chúng ta không huy động toàn lực và toàn dân để ngăn chặn.

Điều sơ đẳng nhất cần phải làm ngay là tuân thủ triệt để châm ngôn 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo) và quy định phòng chống của các cơ quan chức năng xã hội (Ban Chỉ đạo Quốc Gia phòng chống Covid-19, Bộ Y Tế, chính quyền các cấp).

Theo thông báo của Ban Tôn Giáo Chính phủ (công văn 657/TGCP-CG, ký ngày 31/05/2021, V/v tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19), tất cả các giáo phận Công Giáo, dù có ca lây nhiễm cộng đồng hay chưa, đều phải “tạm dừng mọi hoạt động và sinh hoạt tôn giáo”. Tình hình mỗi nơi mỗi khác, cần có sự hướng dẫn cụ thể phù hợp. Xin anh chị em theo dõi để thực hiện chỉ thị của các đấng bản quyền giáo phận.

Anh chị em thân mến,

Để tôn vinh Thánh Cả Giuse trong năm 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Trái Tim Người Cha” : “Thánh Giuse được kêu cầu như đấng che chở cho người bất hạnh, túng thiếu, lưu đày, đau khổ và hấp hối”. Đó là bí quyết cuộc đời của vị Thánh vĩ đại này : “Tìm thấy hạnh phúc không chỉ ở sự hy sinh bản thân mà ở sự tự hiến”. Đó cũng chính là niềm hy vọng và phần thưởng dành cho chúng ta trong cuộc chiến loại trừ virut quái ác ra khỏi thế giới. Anh chị em hãy tin rằng Thánh Cả Giuse sẽ phù hộ cho chúng ta.

Thân ái trong Chúa Kitô,

Đã ký

+ Giuse Nguyễn chí Linh

Tổng Giám mục Huế

Chủ tịch Hội đồng Giám mục

3. Hội đồng Giám mục Việt Nam ủng hộ quỹ Vắc-xin phòng Covid-19

Trong Thư gửi dân Chúa ngày 02-6-2021, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam – đã kêu gọi mọi tín hữu “chung tay góp sức, san sẻ công việc với mọi thành phần xã hội và Giáo hội trong công cuộc phòng chống đại dịch”, đồng thời nhắc đến quyết định “thành lập Quỹ vắc-xin” của chính phủ. Đức cha Chủ tịch HĐGMVN đã nhận định về Quỹ vắc-xin: “Đây là một chủ trương hợp tình hợp lý và đúng lúc, rất xứng đáng để mọi người hưởng ứng, vận động và ủng hộ với hết khả năng.”

Với tinh thần đó, trong ‘Lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng Covid-19’ được Chính phủ tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào lúc 20g10 ngày 05-6-2021, Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên đã đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam ủng hộ 3 tỷ đồng vào Quỹ này. Được biết, khoản tiền này trích từ quỹ Caritas Việt Nam và quỹ dự phòng của Hội đồng Giám mục Việt Nam, được quý Đức cha Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục thuận duyệt.

Hành động này là một nghĩa cử cụ thể theo đề nghị của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN: “vận dụng hết trí sáng tạo để hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng, thông cảm và tiếp sức cho các y bác sĩ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, tử vong và những người đang lâm cơn túng quẫn kinh tế…” (Thư gửi dân Chúa, ngày 02-6-2021)

4. Tin Giáo Phận Vinh: Lễ khởi công xây dựng Trung tâm Mục vụ – Nhà Chung Giáo phận Vinh.

GPVO (3.6.2021) – Vào lúc 6g30’ ngày 03/06/2021, Đức Giám Mục Giáo phận Anphong Nguyễn Hữu Long đã chủ sự nghi thức làm phép và đặt viên đá góc xây dựng Trung tâm Mục vụ (TTMV) – Nhà Chung của Giáo phận.

Cùng tham dự nghi thức có cha Tổng Đại diện Phêrô Nguyễn Văn Vinh, quý cha giáo Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê và Tiền Chủng viện Xã Đoài, quý cha trong Ban Xây dựng Giáo phận, quý cha Tòa Giám mục, cha quản xứ và cha phó giáo xứ Chính tòa Xã Đoài, quý nữ tu đại diện dòng Mến Thánh Giá Vinh và Hiệp hội Thừa sai Bác ái Vinh, quý vị trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ Chính tòa cũng như quý cộng đoàn trong và ngoài giáo phận đang hiệp thông theo dõi qua các kênh trực tuyến mạng xã hội.

TTVM Giáo phận là một cơ sở không thể thiếu cho các sinh hoạt cấp giáo phận, giáo hạt và liên giáo hạt, từ việc tĩnh tâm, hội thảo, học tập dành cho hàng linh mục, tu sĩ, các ban ngành giáo phận, các hội đoàn, các giới, đến việc đón tiếp các nhóm, đoàn từ các nơi về tham quan hay hành hương dừng tại đây. Gọi là “Trung Tâm” để nói lên tính chất quy tụ, tập trung về nơi đây; hoặc gọi là “Nhà Chung” ngụ ý đây là nhà của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận.

Bên cạnh việc sử dụng cho các sinh hoạt của giáo phận, TTMV có thể phục vụ sinh hoạt của các tổ chức ở tầm mức rộng lớn hơn, như Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) hoặc các Ủy ban trực thuộc HĐGMVN hay Giáo tỉnh, v.v… Dự kiến công trình TTMV sẽ hoàn thành vào tháng 10/2022.

Đức cha Anphong bày tỏ rằng vì là ngôi Nhà Chung của giáo phận, nên ngài đã gửi thư kêu gọi mọi thành phần dân Chúa trong ngoài giáo phận quảng đại góp tay xây dựng để TTMV được sớm hoàn thành như dự kiến.

Đức cha nhắn nhủ thêm: “Chúng ta tin đây là công trình của Chúa thì Chúa sẽ giúp chúng ta: ‘Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công’ (Tv 127,1). Vậy chúng ta hãy phó dâng cho Chúa công trình này ngay từ lúc khởi đầu hôm nay, xin Người chúc phúc, che chở, ban bình an cho đến lúc hoàn thành, như lời kinh Sáng soi chúng ta thường đọc: ‘Từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.”
 
VietCatholic TV
Hiệp nhất trong tình yêu, chúng ta, những người Kitô hữu có thể làm thay đổi thế giới
Giáo Hội Năm Châu
02:02 15/06/2021
 
Phép lạ Thánh Thể ngoạn mục ở Salzano. Tòa Thánh bác bỏ yêu cầu dự lễ ở Santa Marta của Biden
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:05 15/06/2021


1. Tòa Thánh bác bỏ khả năng ông Joe Biden tham dự thánh lễ buổi sáng với Đức Thánh Cha tại Santa Marta

Một nguồn tin đáng tin cậy của Vatican cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, biết việc ông Joe Biden tham dự thánh lễ ban sáng với Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị loại khỏi kế hoạch của cuộc gặp gỡ vào ngày 15 tháng 6 của cả hai nhà lãnh đạo.

Ông Joe Biden, người đang ở Âu Châu để tham dự một số cuộc họp cấp cao, sẽ cất cánh vào sáng ngày 15 tháng 6 để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ. Ban đầu, đoàn tùy tùng của Tổng thống đã yêu cầu Tòa Thánh cho ông Biden tham dự Thánh lễ với Đức Giáo Hoàng vào sáng sớm, nhưng đề xuất này đã bị Vatican từ chối sau khi xem xét tác động của việc Đức Giáo Hoàng cho Tổng thống Biden rước lễ sẽ ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận mà Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB đang lên kế hoạch. Trong cuộc họp của các ngài bắt đầu từ Thứ Tư, ngày 16 tháng 6. Các giám mục Hoa Kỳ dự kiến sẽ bỏ phiếu về việc thành lập một ủy ban soạn thảo một tài liệu về tính nhất quán của Thánh Thể.

Ông Joe Biden sẽ đi từ Brussels, nơi ông tham dự cuộc họp G7 đến Vatican, và sẽ bay ngược trở lại Geneva để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/6.

Ông Joe Biden, khi còn là phó tổng thống, đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2015, khi Đức Giáo Hoàng đến thăm Hoa Kỳ để tham dự cuộc họp Thế giới của các Gia đình ở Philadelphia.

Năm sau, vào ngày 29 tháng 4 năm 2016, Ông Biden đã đến Vatican để tham dự hội nghị thượng đỉnh về y học tái tạo, nơi ông đã ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô và ủng hộ việc thúc đẩy toàn cầu việc chữa bệnh ung thư.

Ông Biden đã mở đầu bài phát biểu của mình tại Vatican bằng cách nhớ lại khi đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã an ủi ông như thế nào sau sự ra đi của con trai cả của ông là Beau, người đã qua đời vào mùa hè trước đó ở tuổi 46 vì ung thư não.
Source:Catholic News Agency

2. Ông Joe Biden tham dự Thánh lễ Chúa Nhật tại một thị trấn duyên hải của Anh giữa hội nghị thượng đỉnh G7

Người Công Giáo ở thị trấn ven biển St. Ives, Cornwall của Anh, đã rất ngạc nhiên vào ngày Chúa nhật khi thấy Tổng thống Hoa Kỳ trong Thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ của họ.

Ông Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden đã tham dự Thánh lễ 9 giờ sáng ngày 13 tháng 6 tại Nhà thờ Thánh Tâm và Thánh Ia, tây nam nước Anh, vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G7 tại Vịnh Carbis.

Ông Biden, Tổng thống Công Giáo thứ hai của Mỹ sau John F. Kennedy, và vợ đã dành khoảng 30 phút tại nhà thờ trong bối cảnh an ninh nghiêm nhặt khi nước Anh chìm trong đợt nắng nóng.

Cha chủ tế Philip Dyson nói với hãng tin PA rằng sự hiện diện bất ngờ của hai vợ chồng khiến ngài cảm thấy hơi lo lắng.

“Đó là Tổng thống Hoa Kỳ. Đó là một dịp tuyệt vời để chào đón ông ấy tại giáo xứ của chúng tôi, vào nhà thờ, và thật tuyệt khi biết ông ấy đã dành thời gian trong lịch trình bận rộn của mình để đến tham dự Thánh lễ”.

Cha Dyson nói với PA rằng ngài đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Biden.

“Tôi chào mừng ông ấy đến Cornwall và ông ấy nói rằng mình đang tận hưởng thời gian ở đây và có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng mà họ đang thảo luận và chỉ hy vọng những điều ấy sẽ thành hiện thực”, Cha Dyson nói.

Vị linh mục nói thêm rằng các bài đọc Kinh thánh trong ngày rất phù hợp vì chúng liên quan đến “tạo vật và khí hậu, và mọi thứ đang phát triển”.

Các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí tăng cường nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu và gia hạn lời hứa huy động 100 tỷ Mỹ Kim mỗi năm để giúp các quốc gia đang phát triển cắt giảm khí thải.

Cha Dyson nhấn mạnh rằng các bài đọc trong ngày không được chọn “tùy hứng”.

“Nó luôn luôn là như vậy. Lời Chúa luôn luôn phù hợp,” ngài nói.

Cha Dyson là Cha sở của giáo xứ Thánh Gia, bao gồm bốn nhà thờ Công Giáo địa phương trong Giáo phận Plymouth, bao gồm nhà thờ Thánh Tâm và nhà thờ Thánh Ia.

Thánh Ia là một nhà truyền giáo đến từ Ái Nhĩ Lan, là người đã tử vì đạo ở Cornwall vào thế kỷ thứ năm hoặc thứ sáu.

Một giáo dân nói với hãng tin AP rằng cô đã bị “sửng sốt” khi nhìn thấy gia đình Biden trong Thánh lễ ở thị trấn với dân số khoảng 12,000 người.

“Thật là đáng kinh ngạc, khi chúng tôi vào nhà thờ, họ hỏi tên tuổi, địa chỉ các thông tin chi tiết cá nhân và tôi nghĩ điều này hơi bất thường,” Annie Fitzpatrick nói.

“Khoảng 10 phút sau khi thánh lễ bắt đầu, cửa nhà thờ mở ra và Tổng thống Biden và Phu nhân Jill Biden bước vào và ngồi ở vị trí đối diện với tôi”.

Các báo cáo không đề cập đến việc Biden có rước lễ hay không - một chủ đề gây tranh cãi đáng kể do lập trường của ông về việc phá thai.

Theo bản tin của giáo xứ, ý chỉ trong thánh lễ dành cho hội nghị thượng đỉnh G7.

Bản tin bao gồm lời kêu gọi anh chị em giáo dân liên hệ với các dân biểu địa phương của họ để thúc giục chính phủ Vương quốc Anh thu hồi một biện pháp tạm thời cho phép phụ nữ mang thai đến 10 tuần được uống cả hai viên thuốc phá thai tại nhà. Biện pháp này được đưa ra khi bắt đầu đại dịch coronavirus.

Giáo dân khác nói với AP rằng Biden dường như đã “đóng góp rất hào phóng” trước khi ra về.

Khi ra khỏi nhà thờ, Ông Biden mô tả ngôi nhà thờ là rất “đẹp”.
Source:Catholic News Agency3. Phép lạ Thánh Thể ngoạn mục tại Salzano.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là buổi cử hành long trọng kính nhớ Phép lạ Thánh Thể ngoạn mục tại Salzano. Cử hành này diễn ra hàng năm vào ngày Chúa Nhật sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu để nhắc nhớ mọi người về sự hiện diện đích thật của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Salzano là một thị trấn và là một quận ở thành phố đô thị Venice, trong vùng Veneto, miền bắc nước Ý, nằm cách trung tâm thành phố Venice 15 km.

Khu vực Salzano vốn đã có người ở từ thời La Mã, nhưng những tài liệu đầu tiên còn giữ lại được chứng minh sự tồn tại của nó là vào năm 1283, vào thời Trung cổ.

Ngôi nhà thờ lớn nhất tại quận Salzano, nơi diễn ra phép lạ Thánh Thể mà chúng tôi muốn trình bày với quý vị và anh chị em là nhà thờ Thánh Bácthôlômêô Tông Đồ, nơi Đức Giáo Hoàng Piô thứ 10 từng là Cha Sở từ năm 1867 đến năm 1875.

Ngôi nhà thờ này có tháp chuông cao nhất của vùng Veneto chỉ sau tháp chuông của Vương cung thánh đường Thánh Máccô ở Venice và tháp Trebaseleghe. Tháp chuông có hẳn một bảo tàng viện nhỏ về lịch sử của ngôi thánh đường này.

Bảo tàng viện nhỏ này ghi lại câu chuyện về một sự kiện bất thường đã xảy ra ở Salzano vào năm 1517. Sau thánh lễ Chúa Nhật, một gia đình đến xin cha sở đưa Viaticum, tiếng Việt gọi là “của ăn đàng”, nói đơn giản hơn là đưa Mình Thánh Chúa đến cho một người đang trên bờ vực của cái chết.

Ngày nay, vì lý do thuận tiện, anh chị em giáo dân là các thừa tác viên bí tích Thánh Thể có thể đựng Mình Thánh Chúa trong một hộp nhỏ đưa đến cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, vào thời xảy ra biến cố này, đích thân một linh mục phải đưa Mình Thánh Chúa đến và nếu được phải long trọng rước Mình Thánh Chúa trong một đoàn rước trọng thể.

Trời đang mưa, không thích hợp để tiến hành một cuộc rước như thế, và vì vậy vị linh mục phải bằng lòng ra đi vội vã với một cậu bé giúp lễ. Khi hai người đến đồng cỏ xung quanh sông Muson, một số con lừa đang gặm cỏ quay mặt về hướng hai người và sau khi đến gần vị linh mục, chúng quỳ gối xuống và sau đó đi theo Bí tích Cực thánh suốt con đường đến nhà bệnh nhân; và sau đó, cùng với vị linh mục, chúng trở lại đồng cỏ của mình, tiếp tục gặm cỏ.

Cho mãi đến ngày nay, hàng năm nhà thờ Thánh Bácthôlômêô Tông Đồ luôn cử hành một buổi lễ để kính nhớ biến cố này.
Source:Catholic News Agency
 
Người phụ nữ giầu có ở California cho hết tài sản, vào dòng kín để lại 10 người con và 28 người cháu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:17 15/06/2021


1. Con trai của nữ tu dòng kín có 10 người con và 28 người cháu kể câu chuyện về cuộc đời kỳ lạ của bà

Người dùng Twitter Mark R. Miller đã đăng một câu chuyện đáng kinh ngạc và gây xôn xao về một nữ tu dòng Carmêlô vừa quá cố có 10 người con và 28 người cháu.

Miller giải thích rằng nữ tu ấy chính là mẹ ruột của anh, là người mà anh chỉ nhìn thấy hai lần trong 33 năm. Anh đăng một số bức ảnh về cuộc sống tươi đẹp của mẹ mình.

Bài đăng cuối cùng của anh ấy trong chuỗi 13 tweet đã tạo ra gần 50,000 cái like và hơn 1,000 lượt retweet.

Đây là câu chuyện của anh:

Một nữ tu 92 tuổi đã qua đời hôm nay trong một Tu viện Carmêlô ở Illinois. Bà là loại một nữ tu khác thường. Bà hát không hay lắm. Bà thường xuyên trễ nãi trong các nhiệm vụ của mình xung quanh tu viện. Bà ấy cũng là mẹ tôi.

Tôi chỉ gặp bà hai lần trong 33 năm qua kể từ khi bà gia nhập tu viện - một phần vì Dòng Cát Minh là một dòng tu chiêm niệm. Họ không dạy ở trường, không làm việc trong bệnh viện, không rời khỏi tòa nhà mà họ đang sống. Họ cầu nguyện. Họ sống trong im lặng 23 tiếng rưỡi một ngày.

Khi bạn đến thăm, bạn không thể ôm hoặc chạm vào. Bạn được ngăn cách bởi một cặp lưới kim loại kép.

Tôi không phải là người con duy nhất của bà. Tôi là con thứ chín trong số mười người con của bà. Bà có 28 đứa cháu, một số cháu chưa từng có cơ hội gặp gỡ bà. Bà cũng có hơn một chục đưá chắt.

Bạn có thể đoán rằng bà không phải lúc nào cũng là một nữ tu. Bà lớn lên ở San Francisco và Oregon và đi học ở California và New York. Bà đã có bạn trai.

Bà kết hôn năm 20 tuổi.

Đến 27 tuổi, bà đã có 5 đứa con. Và sau đó bà có thêm năm đứa nữa. Một đội bóng rổ của mỗi giới tính. Bà có một triệu lẻ một người bạn. Bà hút thuốc, uống rượu, chơi bài. Bà đã mang thai hơn 400 tuần trong cuộc đời mình.

Bà đã từ bỏ thuốc lá, rượu trong cùng một ngày.

Chồng bà mất năm 1984. Năm năm sau, bà đã cho đi tất cả những gì mình sở hữu trên đời. Vào sinh nhật lần thứ 61, bà đã có một bữa tiệc chia tay với 800 khách tại một khách sạn ở San Francisco và bay đến Chicago vào ngày hôm sau.

Bà vào tu viện ở Des Plaines, Illinois: Quê hương của cửa hàng McDonalds đầu tiên.

Miller sau đó đăng một bức ảnh của mẹ anh khi còn nhỏ, cùng với họ tên khai sinh và tên thánh của bà.

Ann Russell Miller (Nữ tu Maria Giuse của Chúa Ba Ngôi), sinh 1928 qua đời 2021. Xin mẹ gởi lời chào của con với bố.
Source:ChurchPOP

2. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên các Giám mục và linh mục đừng khắt khe quá

Ngỏ lời với cộng đoàn chủng viện Pio XI của Miền Marchigiano trong cuộc gặp gỡ sáng thứ Năm 10 tháng Sáu, Đức Thánh Cha mời gọi các vị giám đốc và chủng sinh sống tinh thần của gia đình Nazareth, trong đó giám mục và các vị đào tạo là người cha gương mẫu, các chủng sinh là những người con học từ gương sáng của người cha và ngoan ngoãn theo sự giáo dục của người cha.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong Năm Thánh Giuse, do đó Đức Thánh Cha muốn chia sẻ một số tư tưởng về ơn gọi được cảm hứng từ thánh Giuse.

Trước hết ngài so sánh chủng viện như gia đình Nazareth, trong đó “Chúa Giêsu được đón tiếp, chăm sóc và day dỗ theo đường hướng của sứ vụ được Chúa Cha trao phó.”

Ngỏ lời với các Giám mục, những người đầu tiên có trách nhiệm trong việc đào tạo những người trẻ, các linh hướng và các nhà đào tạo, Đức Thánh Cha nói: “đối với các chủng sinh, anh em hãy như thánh Giuse đối với Chúa Giêsu.” “Các chủng sinh hiểu biết hơn nhờ cuộc sống chứ không phải nhờ lời nói của anh em… Họ học vâng lời từ sự vâng lời của anh em, sự cần cù từ sự dấn thân của anh em; lòng quảng đại đối với người nghèo từ chứng tá về sự tiết độ và sẵn sàng của anh em; tình phụ tử nhờ tình cảm sống động và trong sáng của anh em.”

Ngỏ lời với các chủng sinh, Đức Thánh Cha mời gọi họ theo gương Chúa Giêsu; Người đã ngoan ngoãn nhận sự giáo dục từ thánh Giuse: trải qua những vất vả trong hành trình sống, đặt câu hỏi quan trọng về cuộc sống, học đảm nhận trách nhiệm và quyết định của mình.

Đức Thánh Cha cũng nhắc các chủng sinh rằng chủng viện đối với họ cũng như ngôi nhà Nazareth, nơi Con Thiên Chúa đã học từ cha mẹ Người về nhân loại và sự gần gũi. Ngài nhắc họ: “Đừng hài lòng với việc có kỹ năng sử dụng mạng xã hội và phương tiện truyền thông để giao tiếp. Chỉ khi được biến đổi bởi Lời của Thiên Chúa, các con mới có thể truyền đạt những lời sự sống. Thế giới khao khát những linh mục có thể thông truyền sự tốt lành của Chúa cho những người đã kinh nghiệm về tội lỗi và thất bại, những linh mục là chuyên gia về nhân loại, những mục tử sẵn sàng chia sẻ niềm vui và công việc của anh em họ, những người để mình được đánh dấu bằng tiếng kêu của những người đau khổ.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đề nghị với các chủng sinh những điểm liên quan đến bốn chiều kích của đào tạo: nhân bản, thiêng liêng, trí tuệ và mục vụ. Trên hết, đừng tách rời khỏi cộng đồng nhân loại, nuôi dưỡng những tương quan lành mạnh, vui tươi và tự do.


Source:Vatican News

3. Người Mỹ đầu tiên đứng đầu một đại học Giáo Hoàng ở Rôma

Cha Thomas Joseph White, linh mục dòng Đa Minh vừa được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của Đại Học Angelicum ở Rôma.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một linh mục người Mỹ đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Angelicum.

Cha Thomas Joseph White không phải là người đạo gốc. Ngài theo đạo Công Giáo khi còn học đại học và hiện là một nhà thần học nổi tiếng, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas, thường được gọi là Đại Học Angelicum, do Dòng các anh em thuyết giáo điều hành. Việc bổ nhiệm của ngài có hiệu lực từ ngày 14 tháng 9.

Vị linh mục sinh ra ở Atlanta, năm nay 50 tuổi, hiện là giáo sư thần học tại Angelicum. Ngài là giám đốc sáng lập của Viện Thomistic ở Washington DC, một tổ chức truyền bá Tin Mừng với mục đích chính là phúc âm hóa giới trí thức tại các trường đại học thế tục. Viện này hiện có mặt trên 60 cơ sở trên khắp Hoa Kỳ và Âu Châu.

Cha Thomas Joseph White cũng là một trong những thành viên sáng lập của ban nhạc The Hillbilly Thomists chuyên về nhạc dân gian và bluegrass. Ngài chơi được hai loại đàn là banjo và dulcimer. Nhóm nhạc này có trụ sở tại Hoa Kỳ, bao gồm các tu sĩ dòng Đa Minh, đã phát hành hai album kể từ năm 2017.

Cha Thomas Joseph White đã học tiến sĩ tại Đại học Oxford, và có sở thích nghiên cứu về siêu hình học, Kitô học, thần học Chúa Ba ngôi và thần học về ân sủng. Ngài là đồng biên tập của tạp chí học thuật Nova et Vetera và năm 2011 được bổ nhiệm làm thành viên bình thường của Học viện Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas. Năm 2019 Cha White được vinh danh là Học giả Xuất sắc của Quỹ McDonald Agape.

Từ năm 2008 đến năm 2018, ngài là giám đốc Viện Thomistic và Trợ lý Giáo sư Thần học Hệ thống tại Trung tâm Nghiên cứu của dòng Đa Minh, ở Washington, DC. Trước đó, ngài giảng dạy thần học tại Đại Học Providence ở Rhode Island.

Được thụ phong linh mục năm 2008, ngài là thành viên của Tỉnh Dòng Đa Minh Thánh Giuse có trụ sở tại New York.

Trong một tuyên bố do Dòng Đa Minh đưa ra, cha White nhận xét rằng “Angelicum là một trường đại học đặc biệt dành riêng cho sứ mệnh phổ quát của Giáo hội. Dựa trên truyền thống của dòng Đa Minh về sự hài hòa giữa đức tin và lý trí tự nhiên, trường đại học này tìm cách trau dồi sự hiểu biết sâu sắc hơn về Kitô Giáo, và đời sống giáo lý của Giáo hội, trong cuộc đối thoại liên tục với các truyền thống triết học, luật pháp và học thuyết xã hội. Thánh Thomas Aquinas là tấm gương nền tảng của chúng tôi trong nỗ lực này”.

Trường đại học hiện có khoảng 1,000 sinh viên đến từ gần 100 quốc gia, bao gồm các chủng sinh, linh mục, tu sĩ và giáo dân.

“Angelicum là một trường học của những nhà truyền giáo tương lai, nơi sinh viên có thể học thần học để phục vụ cho một Giáo hội truyền giáo”, Cha White nói. “Sự tăng trưởng trong sự hiểu biết về mầu nhiệm của Chúa Kitô có nghĩa là dẫn đến sự trưởng thành trong tình yêu, và cả hai cùng nhau tạo thành một nhân chứng toàn vẹn cho đức tin Công Giáo. Mục đích này cộng hưởng sâu sắc với những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết gần đây trong một lá thư gửi tới Dòng Đa Minh nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày mất của Thánh Đa Minh, 'Trong thời đại của chúng ta, đặc trưng bởi những thay đổi mang tính lịch sử và những thách thức mới đối với việc truyền giáo của Giáo hội. Dòng Đaminh có thể đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho tất cả những người đã được rửa tội, những người được kêu gọi, với tư cách là các môn đệ truyền giáo, đến với mọi vùng 'ngoại vi' của thế giới chúng ta mang theo ánh sáng Tin Mừng và tình yêu thương xót của Chúa Kitô”.

Vị Tân Hiệu trưởng sẽ kế nhiệm Cha Michał Paluch, là người có sáng kiến hình thành hay cải thiện Viện Nghiên cứu Đại kết của trường đại học, Viện Văn hóa Thánh Gioan Phaolô II và Viện Thomistic, đồng thời tạo ra các dòng học bổng mới, tuyển dụng các giáo sư mới và cải tạo cơ sở hạ tầng của trường đại học.
Source:Aleteia