Ngày 14-06-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 15/06: Ba cấp độ để phá hủy để phá hủy một mối tương quan – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:18 14/06/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

Đó là lời Chúa
 
Lúa chín đầy đồng
Lm. Thái Nguyên
02:26 14/06/2023



LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG
Chúa Nhật 11 Thường Niên : Mt 9,36-10,8

Suy niệm

Mở đầu bài Phúc Âm, thánh Matthêu cho biết “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương”. “Chạnh lòng thương” là từ mạnh nhất của tiếng Hy Lạp (Splagchnistheis), diễn tả về lòng trắc ẩn hay thương xót. Các sách Phúc Âm dùng từ này cho Đức Giêsu rất nhiều lần. Ngài động lòng trắc ẩn đối với người bệnh (Mt 14,14), người mù (Mt 20,34), người bị quỉ hành hạ (Mc 9,22), trước cảnh tang tóc của bà hóa Naim (Lc 7, 13),v.v… Ở đây, Đức Giêsu chạnh lòng thương, vì thấy dân chúng “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.

Ðạo Do Thái đã đào tạo nên biết bao tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu, họ là những người hướng dẫn tinh thần, lãnh đạo tôn giáo. Sao lại có tình trạng như thế? Thế nhưng có cũng như không. Điều làm cho Đức Giêsu thổn thức trong lúc này là dân chúng đang tha thiết trông mong Thiên Chúa, nhưng những cột trụ của Do Thái giáo đã bị tha hóa, xuống cấp trầm trọng. Họ chỉ biết hành quyền, làm tiền, sống hưởng thụ và gian trá. Đức Giêsu đã từng công kích nhiều lần: "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình” (Mt 5, 23-29). Những kẻ lãnh đạo chỉ lo sống cho mình, không màng gì đến những tình cảnh khốn khó của dân Chúa, mà trái lại, còn làm cho cuộc sống dân ra nặng nề, do việc giải thích làm cho luật lệ trở nên ngặt nghèo.

Trong tình cảnh vất vưởng của dân Chúa như thế, trước tiên Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt ra gặt lúa về”. Cầu nguyện là cách dấn thân đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ. Đó là một lời báo động và cũng là một lời kêu gọi khẩn thiết. Mùa màng sẽ không thể thu hoạch nếu không có thợ gặt. Để khơi mào cho một cuộc cách mạng tôn giáo và mở rộng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai và đào luyện họ trở thành những người nòng cốt để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về những bước khởi đầu của việc thiết lập Giáo Hội, mà tất cả chúng ta có bổn phận góp phần vào.

Không chỉ chọn gọi và sai đi, mà Đức Giêsu còn ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, có quyền năng chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, chính là phát triển đời sống tự nhiên và siêu nhiên. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành. Chức vụ đi đôi với sứ vụ, không ai có quyền ngồi đó để hưởng thụ, mà phải ra đi đến với mọi người để phục vụ và làm chứng cho Chúa.

Cách thức chọn lựa người tông đồ của Đức Giêsu cũng thật lạ. Ngài không chọn những thành phần ưu tú và trí thức trong xã hội thời đó, mà chọn những người dân lao động, đa số là dân thuyền chài, nghĩa là những người rất thường tình, không có gì đáng nói. Thế mà cuối cùng đã trở nên những con người có khả năng thay đổi thế giới. Đó là điều kỳ diệu mà Chúa đã làm nên từ những con người bé nhỏ nhưng dám quảng đại đáp lại tiếng gọi linh thiêng. Ðiều này khiến chúng ta phải thay đổi quan niệm của mình về cách nhìn người hay dùng người trong Giáo Hội, nhất là cách Chúa dùng chúng ta trong công việc của Ngài.

Nhìn vào cánh đồng truyền giáo rộng bao la bát ngát, Giáo hội hôm nay vẫn luôn có một ưu tư lớn lao làm sao để có nhiều thợ gặt? Nhưng điều cần không phải là số lượng mà là phẩm chất. Nếu chỉ là số lượng thôi thì tình trạng của Giáo Hội cũng giống như thời Đức Giêsu: không thiếu gì các tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu, nhưng tình trạng tôn giáo vẫn thụt lùi và cứng đọng, dân chúng cũng vẫn “như bầy chiên không người chăn dắt”. Có thể có nhiều giám mục, linh mục và tu sĩ, nhưng vẫn thiếu tông đồ, thiếu những mục tử đích thực để chăm lo cho đời sống dân Chúa. Có thể mọi hoạt động tôn giáo vẫn rầm rộ bên ngoài nhưng đời sống dân Chúa vẫn lầm than vất vưởng và đói khát. Không có những mục tử dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên, thì cũng là những kẻ “chăn thuê” hay những người làm “công chức” cho đền thờ, chẳng ăn nhập gì đến sứ mạng cao cả mà họ đã được trao ban.

Là Kitô hữu dù ở bậc sống nào, chúng ta cũng đã là người tông đồ của Chúa, có sứ mạng loan báo Tin Mừng, là đem Chúa đến với mọi người, là viên đá sống động để Chúa xây dựng Hội Thánh Ngài ở trần gian này. Như các Tông đồ, nhờ Thánh Thần, chúng ta phải trở nên những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo. Và cũng như các Tông đồ, chúng ta “đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được Chúa gọi mời vào sứ vụ,
là được nên nhân chứng Đức Ki-tô
đem đến cho con người ơn cứu độ.
Nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn còn đang mong đợi.
Có những khi con sống như người đời,
ham địa vị và tranh quyền đoạt lợi,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
làm tông đồ mà khoe khoang tự mãn.
Có khi con sống đạo rất mơ màng,
chỉ cần được lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi nhiệt tình với sứ vụ,
con cứ lo phòng thủ với biện minh,
để mình sống an nhàn khỏi hy sinh,
mà vẫn thấy đời mình là chân chính.
Con muốn bắt đầu lại từ hôm nay,
vượt qua một lối sống không hay,
đáp trả tình yêu Chúa quá cao dầy,
vẫn đong đầy từng ngày sống của con,
con không biết phải sống sao cho trọn,
nhưng lòng con chỉ chọn Chúa mà thôi.
Xin cho con sống sứ vụ hết mình,
như lệnh truyền khi Chúa đã phục sinh,
là đem đến Tin Mừng cho thiên hạ,
để mỗi ngày nhân loại thêm biết Cha,
đời chúng con đã được Chúa cho không,
chúng con cũng phải cho không như vậy. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:25 14/06/2023

18. Các con phải nên không tiếc nuối gì khi dâng mình cho Thiên Chúa.

(Thánh Vincent of Saragossa)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:28 14/06/2023
76. AN LỆ HIỂU VIỆC

Một phụ nữ quý phái trú ngụ ở nông thôn, không có con cái, nên rất muốn kiếm một em bé gái làm con nuôi, bà ta hy vọng từ trong bà con thân thuộc ở thành phố kiếm một đứa con gái lịch sự có chí tiến thủ. Cho nên một hôm bà ta đi lên thành phố. Sau khi tin này phát đi thì rất nhiều thiếu nữ giả mạo làm người thân thuộc của bà ta, đi đến tìm bà.

- “Hôm nay vừa đúng có buổi họp chợ, ta đưa cho các con mỗi người một ít tiền để các con đi chợ, mua một ít đồ mà các con ưa thích và cho rằng nó là món có giá trị nhất, sau đó đem về cho ta xem.”

Các thiếu nữ cầm tiền vui vẻ phấn khởi đi chợ.

Không lâu sau, các cô gái rất vui vẻ đem những đồ mà mình mua trở về đưa cho bà quý phái xem. Hình như các cô gái đều mua vải vóc sặc sỡ, dây chuyền bằng đá quý và các loại kẹp tóc như nhau.

Chỉ có một cô gái nhà nghèo – An Lệ- nó không mua những thứ đó mà mua một quyển sách cầu nguyện và một ít kim chỉ. Bà quý phái rất thích nó mua hai thứ đó, bà ta cầm lấy tay An Lệ và nói:

- “Ta rất vui vẻ, con gái tốt, con rất nhỏ mà đã biết cầu nguyện và làm việc là quan trọng. Các bạn đó mua những thứ không có ý nghĩa gì cả, chỉ bày tỏ các bạn ấy thích thời thượng, mộ mến hư vinh nhưng không thích làm việc. Từ bây giờ con chính là con gái của ta ! Hy vọng con mãi mãi là người con gái tốt, thành thật, cố gắng, Thiên Chúa sẽ mãi mãi ở bên con, bất luận là con đi nơi đâu, Ngài vẫn luôn chúc lành cho con.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 76:

Người hiểu được như thế nào là cuộc sống thì rất là vui vẻ lạc quan, anh ta có thể đi tìm kiếm Thiên Chúa và học tập phải dâng hiến như thế nào.

Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và Ngài luôn tỏ hiện cho chúng ta thấy Ngài qua cuộc sống, chỉ cần chúng ta biết mở rộng tâm hồn để đón Ngài mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Càng tự do, càng toả rạng
Lm. Minh Anh
15:09 14/06/2023
CÀNG TỰ DO, CÀNG TOẢ RẠNG

“Ở đâu có Thần Linh Chúa, ở đó có tự do!”.

Charles H. Spurgeon viết, “Khi nói về thiên đàng, bạn hãy để khuôn mặt mình sáng lên cho nó phản chiếu ánh mặt trời; hãy để đôi mắt bạn long lanh cho nó phản chiếu vinh quang Chúa. Còn khi nói về địa ngục, bạn không cần làm gì cả! Khuôn mặt bạn tự làm được điều đó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ “khuôn mặt” và “ánh mắt” vốn phải sáng, nhưng cả cuộc sống! Kitô hữu phải sáng thật, sáng ánh thiên đàng chứ không phải ‘vờ’ sáng hoặc ‘ráng’ sáng! Lời Chúa hôm nay cho thấy, trong Chúa Giêsu, Kitô hữu ‘càng tự do, càng toả rạng’ vinh quang Thiên Chúa.

Phaolô hiểu rất rõ sự toả rạng này! Thư Côrintô hôm nay tiết lộ, sự toả rạng phát xuất từ sự tự do bên trong của con cái Chúa. Ngài viết, “Ở đâu có Thần Linh Chúa, ở đó có tự do!”. Người tự do thực sự là người sống trong ân sủng của Thánh Thần. Họ được Thánh Thần dẫn dắt, uốn nắn, để đơm hoa kết trái. Đó là một cuộc sống như Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu; trong Ngài, họ sống tình yêu tự hiến toả rạng vinh quang Chúa Cha và tình yêu đối với các linh hồn. Tắt một lời, người tự do thực sự là người luôn tìm vinh quang Thiên Chúa qua việc yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu. Và càng yêu thương, họ ‘càng tự do, càng toả rạng!’.

Phaolô gọi tiến trình này là ‘công việc của Chúa Thánh Thần’. Nó không hoàn thành trong cuộc đời này; chỉ ở đời sau, chúng ta mới hoàn tất nó. Tuy nhiên, Thánh Thần không ngừng hoạt động để chúng ta hướng tới sự toàn hảo, “Ngài chiếu sáng chúng ta, hầu làm sáng tỏ sự hiểu biết vinh quang Ngài trên tôn nhan của Đức Giêsu Kitô”. Thánh Vịnh đáp ca cũng nói đến vinh quang chúng ta hướng đến, “Vinh quang của Chúa hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nêu lên ý nghĩa việc phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa khi Kitô hữu dám sống các mối phúc; cụ thể, đó là yêu thương, tha thứ. Điều này không chỉ thể hiện ở những cố gắng bên ngoài nhưng là một nhân đức được nuôi dưỡng bên trong; Thánh Thần là người hình thành sự sâu sắc ở cấp độ cao hơn này. Vì thế, không chỉ cấm giết người, Ngài còn nghiêm khắc đối với những cảm xúc tức giận khi ai đó nộp rủa anh em mình là “đồ khùng”, “đồ ngốc”, vốn có thể dẫn đến “giết người”. Hiểu được như thế, câu nói, “Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!” không còn là một cảnh báo đáng sợ, nhưng là một nhắc nhở thiết thực đòi buộc của tình yêu, hoa trái của tự do.

Anh Chị em,

“Ở đâu có Thần Linh Chúa, ở đó có tự do!”. Lời Chúa mời gọi chúng ta xét xem điều gì đang kìm hãm trái tim khiến bạn và tôi mất tự do để không có khả năng sống theo sự thúc đẩy bên trong của Thánh Thần. Nói cách khác, điều gì đang làm chúng ta cay đắng, bất an khiến chúng ta không toả rạng được sự hồn nhiên của niềm vui sống đời làm con cái Chúa? Ước gì không chỉ “khuôn mặt” và “ánh mắt”, nhưng “cả cuộc sống” của chúng ta rạng sáng thật ánh quang thiên đàng, phản chiếu vinh quang Thiên Chúa như Chúa Giêsu, cụ thể qua việc yêu thương anh chị em mình. Để được vậy, bạn và tôi hãy chìm sâu trong cầu nguyện, mải mê chiêm ngắm Chúa Giêsu và cầu xin sự biến đổi từng ngày của Thánh Thần, Đấng biến đổi chúng ta ngày ‘càng tự do, càng toả rạng’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì, ai nhìn khuôn mặt con, người ấy có thể ‘ngắm trước’ thiên đàng! Để được vậy, cho con biết buông mình cho Đấng Biến Đổi, Chúa Thánh Thần!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Hiến dâng Thánh Tâm trong Hy tế Chúa Giêsu
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
15:14 14/06/2023

HIẾN DÂNG THÁNH TÂM TRONG HY TẾ CHÚA GIÊSU
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Nếu hiểu khổ đau là thập giá, thì Chúa Giêsu đã đóng đinh chính mình vào thập giá cả một đời trần thế. Thập giá treo Chúa trên đồi Canvê chỉ là điểm đích, là đỉnh cao, là tiếng nói chung cuộc, là đoạn kết cần phải tiến tới của cả một đời Chúa đóng đinh thập giá.

Chính nơi thập giá mà Chúa đóng đinh đời mình – kể từ:

- Nhập thể làm người;
- Bị thánh Giuse hiểu lầm;
- Giáng sinh hèn hạ;
- Bị truy tìm giết hại;
- Phải sống phiêu bạc nơi đất khách;
- Ẩn dật nghèo khó và chìm khuất giữa làng quê Nagiareth;
- Lạc mất trong đền thờ;
- Những năm công khai chịu không ít gièm pha, dè biểu, căm ghét, chống đối, bị coi là điên dại…;
- Những giờ phút cuối đời lại bị chính môn đệ phản bội, chối bỏ và xa lánh;
- Bị đám đông bội ơn đồng lòng đòi giết chết;
- Bị xử án bất công;
- Bị tra tấn;
- Lê bước lên đồi Tử Nạn, chẳng thể nhận được một chút trắc ẩn nào nơi đám người hung tợn vây quanh;
- Đến cái chết mà thân xác đã đớn đau tột cùng, lại phải đón nhận sỉ nhục, nỗi cô đơn, nỗi đau tinh thần còn lớn hơn, còn chua xót hơn nỗi đau thân xác;
- Đến lúc dang tay gục đầu tắt thở, Thánh Tâm bị xé rách để tuôn chảy đến giọt máu cuối cùng…

Đã biến hy tế thập giá của Chúa thành hy tế của cả một đời hiến dâng.

Thánh Tâm bị xé rách ở giây phút cuối cùng của cuộc hiến dâng trọn vẹn ấy, là bằng chứng cho một tình yêu mà suốt đời Thánh Tâm đã hiến dâng.

Nói cách khác, một đời đau khổ của Chúa là một đời hiến dâng Thánh Tâm.

Tế hiến hoàn hảo cả một đời là tế hiến Thánh Tâm mỗi giây phút của cả một đời ấy.

Bởi vậy, Thánh Tâm tế hiến đã đẹp, giây phút kết thúc hành trình hiến dâng ấy, Thánh Tâm lại bị xé rách, là một hình ảnh hiến dâng không còn gì sánh bằng, không còn gì đẹp hơn.

Hình ảnh Thánh Tâm cả một đời dâng hiến, bây giờ lại kết thúc bằng thương tích, bằng sự bị xé rách, đã thành dáng đứng đời đời của tình yêu Thiên Chúa. Một dáng đứng của lòng yêu thương đẹp vô cùng, không thể nói hết, không thể diễn tả, chỉ có thể cảm nghiệm mà thôi.

Tin Mừng nhiều lần nói đến cuộc hiến dâng của Chúa Giêsu. Chẳng hạn:
- Khi hiến mình thành tấm bánh cho chúng ta, Chúa Giêsu khẳng định: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì các con” (Lc 22, 20).
- Khi diễn tả cái chết hy sinh để mang ơn cứu độ, Chúa Giêsu khẳng định: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
- Trong bữa tiệc ly, khi từ giả các môn đệ để đi vào cuộc tử nạn, Chúa Giêsu khẳng định: “Đã đến giờ Con Người được vinh quang” (Ga 12, 23).
- Cũng trong giờ ly biệt, Chúa Giêsu khẳng định cái chết trên thập giá là cái chết đưa loài người quy về một mối của ơn cứu độ: “Khi Thầy chịu treo lên khỏi mặt đất, Thầy sẽ kéo mọi người lên với Thầy” (Ga 12, 32).
- Ngay trong cơn hấp hối để đón nhận quyết định hiến dâng trọn vẹn đời mình, Chúa Giêsu đã thổn thức cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho Con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36).

Rất nhiều những lời diễn tả sự hiến dâng của Chúa Giêsu cho trần gian. Tất cả đều cho thấy bằng chứng hùng hồn của cả một đời hiến dâng Thánh Tâm.

Cuộc hiến dâng nào cũng đòi tình yêu. Không có tình yêu, người ta không can đảm hiến dâng, không thể hiến dâng.

Thánh Tâm cũng chính là một Bầu Tim yêu thương. Thánh Tâm là trung tâm tình yêu. Hiến dâng tình yêu, cũng là hiến dâng một Bầu Tim yêu thương, là hiến dâng trung tâm tình yêu mang tên Thánh Tâm.

Lòng yêu thương lớn đến nỗi, Thánh Tâm đã hiến dâng là hiến dâng đến cùng, đến không còn gì cho riêng mình.

Bởi thế, ta có thể mạnh dạn bộc bạch rằng: Mọi lời Thánh Kinh diễn tả cuộc hiến dâng trong hy tế Chúa Giêsu, đều diễn tả trọn vẹn cuộc hiến dâng Thánh Tâm trong hy tế ấy.

Hiến dâng Thánh Tâm là hiến dâng tốt lành nhất, là của lễ hoàn hảo nhất, là bàn thờ cao quý nhất. Bởi thế, Chúa Giêsu đã không ngần ngại chỉ vào Trái Tim mình mà đòi: “Hãy học cùng Ta…Hãy đến với Ta…” (Mt 11, 28-29).

Đặc biệt, để diễn tả cách cao độ lòng yêu thương, sự hy sinh dâng hiến vượt quá sức của mọi sự hiến dâng, trong những lần hiện ra, Chúa Giêsu không ngần ngại diễn tả bằng hình ảnh một Trái Tim không còn bình thường nép trong lồng ngực, nhưng lộ ra khỏi lồng ngực, phía bên ngoài lồng ngực. Chúa đã để Trái Tim ở phía trước ngực mình.

Không chỉ thế, đó còn là một Trái Tim bị thương tích.

Đó cũng là một Trái Tim thổn thức đến độ phải được diễn tả bằng sức nóng, sức sáng, sức cháy của lửa cháy rừng rực.

Đó còn là một Trái Tim bị vòng gai quấn quanh, đâm thấu.

Đó cũng là một Trái Tim rướm máu và đang đổ máu.

Đó còn là một Trái Tim đang lúc diễn tả sức mạnh cùng cực ấy, lại vươn lên hình ảnh Thánh Giá sáng ngời giữa lửa.

Đúng là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu quá đỗi. Để rồi qua tất cả những diễn tả sự hiến dâng Thánh Tâm thật cao cả, thật ngoạn mục ấy, ta thực sự hiểu rằng: “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU” (1Ga 4, 8).
 
Mời Gọi Muôn Thuở
Lm Vũđình Tường
20:44 14/06/2023
Giáo Hội nơi các quốc gia kĩ nghệ trước đây gởi nhiều tu sĩ đi truyền giáo khắp năm châu. Ngày nay họ thiếu ơn gọi trầm trọng, và cần nhiều tu sĩ truyền giáo từ khắp nơi đến giúp dân bản xứ. Công cuộc truyền giáo đổi ngược chiều. Thay vì gởi người đi, giờ nhận lại sứ giả Tin Mừng. Điểm này cho biết công cuộc truyền giáo không phải chỉ cần thiết ở những nơi chưa biết Chúa, mà cần thiết ở ngay cả vùng đất từng sai người đi rao giảng Tin Mừng. Việc truyền giáo cần liên tục, không được đứt đoạn, bởi lơ là, bứt đoạn, việc truyền giáo tại địa phương sẽ biến vùng đất đó thành vùng truyền giáo trong tương lai.

Điều răn quan trọng nhất trong các giới răn Chúa truyền là: 'Mến Chúa và yêu tha nhân'. Tình yêu này được thể hiện qua hành động rõ ràng, mạch lạc như là nâng đỡ tha nhân khi cần thiết, hỗ trợ về tài chánh cho các hội giúp đỡ từ thiện trong Giáo Hội, hoặc chia sẻ tài năng Chúa ban bằng cách gia nhập, tình nguyện phục vụ, giúp các hội đoàn. Chính Đức Kitô đưa ra giáo huấn kêu gọi sống giúp đỡ, thực hiện bác ái, nâng đỡ, bảo trợ cuộc sống tha nhân. Ngài nói với môn đệ hãy cầu nguyện cho ơn gọi.

'Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, anh em hãy xin chủ ruộng ban cho nhiều thợ gặt Mat 9,37'.

Giáo huấn ngắn gọn trên đây mang nhiều í nghĩa. Thứ nhất, là hai hình ảnh trái nghịch giữa giầu mùa gặt, và nghèo thợ. Thứ hai, Lời kêu gọi phục vụ, cùng lúc mang hai í nghĩa: cũ và mới. Cũ bởi lời kêu gọi từ thời Đức Kitô; mới bởi nó phục vụ hoàn cảnh thời đại địa phương. Bởi thiếu người phục vụ, Đức Kitô đưa ra cách giải quyết vấn đề thiếu thợ bằng cách xin thêm thợ qua cầu nguyện. Thứ ba, mùa gặt đây chính là những người từ chối sống theo đường lối Chúa dậy.

Thứ nhất, mùa gặt dù trúng mùa, hay thất thu đều có khó khăn riêng của nó. Thất thu sẽ gặp tình trạng dói khổ, không đủ tiền trả tiền phân bón, thuốc sâu rầy, tiền công thợ và ngay cả mua lúa giống dự trữ cho vụ tới. Trúng mùa, bội thu, cần thêm thợ, cần kho lẫm tích trữ lúa bội thu. Mùa gặt Đức Kitô nói đến trong trường hợp này chính là số người từ chối đón nhận Tin Mừng, hoặc đón nhận nhưng không sống theo đường lối Chúa. Càng nhiều người từ chối tin vào Đức Kitô, thì nhu cầu tìm gặp, mang họ trở về càng lớn, càng phức tạp, càng cần nhiều công nhân. Đường lối Chúa là đường tốt lành, trọn hảo. Đường lối con người, không ít thì nhiều, đều không hoàn thiện và đôi khi còn là đường lối bất lương, mang lại bất an, thất vọng và chia rẽ. Bởi con người dù thành tâm đến đâu cũng khó tránh khỏi tham vọng, chiều theo sở thích riêng, và lạm dụng quyền hành.
Thứ hai, lời kêu gọi phục vụ là lời kêu gọi cổ xưa. Lời này xảy ra từ thời Đức Kitô, chính Ngài đưa ra lời kêu gọi trên. Dù là lời kêu gọi cũ xưa nhưng khi áp dụng vào thực tế lời kêu gọi phục vụ lại trở thành mới mẻ, thực tiễn. Bởi lời kêu gọi đó đáp lại nhu cầu, hoàn cảnh hiện tại địa phương, nơi người đó đang cư ngụ. Đây cũng là lời kêu gọi đáp lại như cầu của thế hệ hiện tại. Lời kêu gọi phục vụ cho ba thế hệ. Thế hệ thứ nhất là thế hệ già hơn họ, đó là thế hệ cha mẹ sinh ra họ. Thế hệ thứ hai là thế hệ hiện tại của chính cá nhân đó. Thế hệ thứ ba là thế hệ trẻ hơn họ, thế hệ con cái họ. Mỗi thế hệ đều có vấn đề riêng của thế hệ đó, vì thế vấn đề mới mẻ đang xảy đến biến lời kêu gọi phục vụ trở nên mới mẻ bởi nó đáp lại nhu đang xảy ra trong cuộc sống hiện tại. Lời kêu gọi hiểu là cũ bởi khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, hạt giống phục vụ được gieo trồng trong tâm hồn cá nhân đó. Hạt giống đó được bí thích Thêm Sức tăng sức mạnh và sau này hạt giống phục vụ đó đáp lại nhu cầu thời đại.

Thứ ba, không có trường huấn luyện nào có thể giải quyết cùng lúc ba thế hệ khác nhau. Đức Kitô kêu gọi người có lòng rộng lượng, có tâm hồn trong sạch phục vụ trong vườn nho Chúa. Khi tâm người phục vụ gặp và đáp trả tâm hồn đang khao khát đón nhận phục vụ. Cả hai con tim cùng vui. Chính lúc đó việc phục vụ trở nên trọn hảo.

Cuối cùng và quan trọng hơn cả là vấn đề cầu nguyện. Cầu nguyện phục vụ ba mục đích. Thứ nhất cầu nguyện cho có thêm ơn gọi. Thứ hai, cầu nguyện giúp thay đổi tâm hồn. Thứ ba, cầu nguyện đổi mới kinh nghiệm. Ơn gọi phục vụ đây không phải chỉ nhắm vào những người đang tận tâm phục vụ, mà có lẽ chính là nhắm vào số người mới nhận ơn tái sinh, hoặc ơn trở về cùng Chúa. Họ mang về kinh nghiệm bản thân từng sống dưới ách tệ đoan xã hội. Thoát li khỏi ách đó, họ chia xẻ kinh nghiệm đó cho người khác; Kinh nghiệm quí báu này giúp người khác học và nhận biết trở lại cùng Chúa. Cầu nguyện liên kết Kitô hữu với Đức Kitô và mối liên kết này giúp họ nhận biết không có Đức Kitô họ không làm được gì tốt lành. Như thế việc họ phục vụ chính là Đức Kitô thực hiện việc tốt lành qua con người họ. Cầu nguyện còn giúp họ cởi mở tâm hồn đón nhận thêm ân sủng Chúa. Chính việc đón nhận ân sủng này đổi mới con người họ, giúp họ dáp ứng được nhu cầu đòi hỏi mới của xã hội họ đang sống. Như thế kinh nghiệm mới đến từ cầu nguyện, phát sinh do cầu nguyện. Điều đổi mới này cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng.

Chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa, và nhờ ơn Chúa giúp mang tình yêu Chúa đến cho tha nhân, giảm gánh nặng cuộc sống.

TiengChuong.org

Everlasting Call

The Church in developed country is experiencing a labour shortage to work for the Lord's vineyard. They used to send missionaries to work overseas; they now look for overseas missionaries to fill the gap. This trend is now in reverse.

The heart of Jesus' teaching is to love God and love our neighbours. This love is translated into concrete actions, such as lending a helping hand, giving financial support, and sharing gifts and talents. The call to work in the Lord's vineyard happened at the time of Jesus; when he told his disciples to pray for more vocation.

'The harvest is rich but the labourers are few, so ask the Lord of the harvest to send labourers to his harvest'.

This short sentence is rich in its meaning. First, the rich harvest is in contrast to a poor labourer. Second, Jesus' teaching gives a solution to solve the labourer shortage. The solution is 'Ask the Lord of the harvest'. Third, the harvest is for people who refuse to follow God's way.

First, whether a harvest is rich or poor, it always has problems. Having a poor harvest, farmers worry about the cost to pay for the expenses; having a rich harvest, it requires to have a bigger storeroom and more labourers needed. The harvest Jesus talks about is people. Because the harvest is rich; he means people lack faith in Him. This makes the call to serve in the Lord's vineyard even more urgent. The harvest is rich because the needs of God's people are increasing. The more people turn away from God; the greater the need is, and the 'richer' the harvest is. God's way is perfect. All human ways, more or less, have deficiencies; because they are driven by human ambition; and that creates social division, injustice and violence.

Second, the call to serve is the old one. It happened at the time of Jesus, but its implication is always new and fresh. It is also a new call for each generation. When the present generation is getting on in age, a young generation replaced it; and new services are required. The call to serve is for not just one; but for all three generations. They are to serve one's own generation; and a generation who were born before them, who are their parents; and the generation who were born after them, who are their own children. The call is always new because each generation has its own problem, and the call is responding to emerging social problems. The call is old in the sense that its seed was implanted at the baptism ceremony. It is renewed at the sacrament of confirmation; and is renowned for the need of the local faith community.

Third, Jesus didn't ask for skilled labour because no skill is good enough to serve all three generations. Jesus calls for people who have a good, and generous heart to serve in God's vineyard. When the heart of a person provides the service, which meets the heart of the person who receives the service; both hearts are happy and the job is done.

Last, but not least, is the power of prayers. Prayer serves three purposes. First, it provides workers. Second, it has the power for the conversion of the heart. Third, it is the process of improving skills. Prayer provides workers. New workers probably are not from the believers who have already committed to the mission. They are from the people who just return to God. They bring with them their personal experience to overcome the current social problems. This personal conversion of the heart experience is considered as a new skill which is valuable to control new social problems. Prayer unites Jesus' disciples with him. They recognize that without him they are nothing. They unite to him and open themselves to receive God's grace, and that guides them on their mission field. This new skill is born out of prayers. It is God's gift given to those who follow his way.
We are called to bring God's love and to ease the heavy burden of life.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Thế giới khát tình huynh đệ, chúng ta phải nói không với chiến tranh
Thanh Quảng sdb
19:17 14/06/2023
ĐTC: “Thế giới khát tình huynh đệ”, chúng ta phải nói “không” với chiến tranh

Đức Tổng Giám Mục Gallagher đọc diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tại New York. Đức Thánh Cha nhấn mạnh “hòa bình có thể thực hiện được nếu nó thực sự được mong muốn,” và “hòa bình là giấc mơ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.” ĐTC cảnh báo chống lại "chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến và thù hận" và khuyến khích việc áp dụng Hiến chương Liên Hợp Quốc với "sự minh bạch và chân thành."

(Tin Vatican - Salvatore Cernuzio)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp tới cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại New York để nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực, xung đột và chế tạo vũ khí, ĐTC viết những lời mời gọi đó phản ánh “sự đói khát tình huynh đệ” của thế giới ngày nay. ĐTC nói, "đã đến lúc phải nói "không" một cách dứt khoát với chiến tranh, hãy nhìn nhận chiến tranh không phải là công bằng, mà chỉ có hòa bình mới là công bằng." Và "hòa bình có thể nếu nó thực sự được mong muốn."

Thông điệp này Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Chủ tịch Thánh Bộ Quan hệ của Vatican với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế, ngài đã đọc thông điệp của Đức Thánh Cha, khi ĐTC đang nghỉ dưỡng sau ca phẫu thuật tại bệnh viện Gemelli của Rôma ngày 7 tháng 6 vừa qua.

Thế chiến thứ ba từng phần

Bài diễn văn của Đức Thánh Cha mở đầu bằng một phân tích về “thời điểm quan trọng” mà nhân loại đang trải qua, “trong đó hòa bình dường như nhường chỗ cho chiến tranh” và có vẻ như “chúng ta đang đi ngược dòng lịch sử, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa thiển cận, cực đoan, chủ nghĩa dân tộc hung hãn và hung hăng đã châm ngòi cho những xung đột không chỉ lỗi thời và lạc hậu mà còn bạo lực hơn"

ĐTC lưu ý rằng xung đột đang gia tăng và sự ổn định ngày càng gặp rủi ro, đồng thời chúng ta đang sống trong một cuộc thế chiến thứ ba từng phần, điều đó đang mở rộng theo thời gian.

“Không” với ý thức hệ và lợi ích bè phái

Đức Thánh Cha nhận xét: Bản thân Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với nhiệm vụ giám sát an ninh và hòa bình trên thế giới, “dường như đang bất lực và vô hiệu! Tuy nhiên, công việc của các bạn, được Tòa Thánh đánh giá cao, là điều cần thiết để thúc đẩy hòa bình.” ĐTC tiếp tục: “chính vì lý do này, tôi muốn gửi đến các bạn lời mời gọi chân thành khi các bạn đối diện với các vấn đề chung của thế giới, hãy bỏ qua một bên ý thức hệ và tầm nhìn hạn hẹp, ý tưởng và lợi ích đảng phái."

Minh bạch thực hiện Hiến chương LHQ

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, một mục đích duy nhất phải thúc đẩy tất cả nỗ lực này, đó là phấn đấu vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Ngài viết, "Hội đồng này được kỳ vọng sẽ tôn trọng và áp dụng" Hiến chương Liên hợp quốc một cách minh bạch và chân thành, không có động cơ nào khác bí mật, như một điểm quy chiếu bắt buộc của công lý chứ không phải một phương tiện che đậy những ý định bí mật".

ĐTC chỉ ra rằng trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, tất cả chúng ta đều gần gũi nhau hơn, nhưng chúng ta không còn là anh em nữa. Và ngược lại, “chúng ta đang phải gánh chịu nạn đói tình huynh đệ, một tình trạng phát sinh từ nhiều tình trạng bất công, nghèo đói và bất bình đẳng, cũng như từ việc thiếu một nền văn hóa liên đới”.

Bước thụt lùi

Trích dẫn Thông điệp của Ngài cho Ngày Hòa bình Thế giới 2023: "Các hệ tư tưởng mới, được đặc trưng bởi chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa tiêu dùng vật chất đang lan rộng, làm suy yếu các mối liên kết xã hội, thúc đẩy tâm lý 'vứt bỏ', dẫn đến sự khinh miệt và bỏ rơi, những người yếu thế và bị coi là 'vô dụng'. Theo cách này, sự chung sống của con người ngày càng có xu hướng giống như một đơn vị đơn thuần vừa thực dụng vừa ích kỷ"

ĐTC lưu ý rằng tác động tồi tệ nhất của nạn đói tình huynh đệ này là "xung đột vũ trang và chiến tranh", "khiến không chỉ các cá nhân mà cả toàn thể dân tộc trở thành kẻ thù của nhau, và hậu quả tiêu cực của chúng sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ." ĐTC lưu ý, điều này đánh dấu một bước lùi của nhân loại so với thời đại sau hai cuộc thế chiến "khủng khiếp", đưa tới việc thành lập Liên hợp quốc. Và đó là tầm quan trọng của việc hướng tới "một nền hòa bình ổn định hơn, để cuối cùng trở thành một đại gia đình giữa các quốc gia."

Lợi nhuận dễ dàng từ việc bán vũ khí

Là một "con người của đức tin", Đức Thánh Cha đảm bảo rằng hòa bình là "ước mơ của Chúa cho nhân loại." Nhưng không thể không ghi nhận một sự tiếc nuối rằng “vì chiến tranh mà giấc mơ tuyệt vời này đang biến thành cơn ác mộng”. Gốc rễ của vấn đề là vấn đề kinh tế, Đức Thánh Cha thừa nhận: “chiến tranh thường hấp dẫn hơn hòa bình, vì nó đem lại lợi nhuận, nhưng chỉ cho một số ít mà gây tổn hại đến phúc lợi của toàn bộ dân chúng. Tiền kiếm được từ việc bán vũ khí như vậy là tiền vấy máu của những người vô tội."

ĐTC nói cần "can đảm", để "từ bỏ lợi nhuận dễ dàng vì mục đích gìn giữ hòa bình hơn là bán vũ khí tinh vi và bạo lực hơn. Cần nhiều can đảm hơn để tìm kiếm hòa bình hơn là gây chiến. Cần nhiều can đảm hơn để thúc đẩy gặp gỡ hơn là đối đầu, ngồi vào bàn đàm phán hơn là tiếp tục chiến tranh."

Sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân

Để xây dựng hòa bình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “chúng ta phải tránh xa sự lý luận của tính hợp pháp về chiến tranh,” nhất là bởi vì trong khi các cuộc xung đột vũ trang trong quá khứ đã vượt quá phạm vi, thì ngày nay “với vũ khí hạt nhân và những thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt, chiến trường thực tế đã trở nên không giới hạn, và những tác động có thể gây ra thảm họa."

“Đã đến lúc phải nói “không” một cách dứt khoát với chiến tranh, nhận định rằng chiến tranh không công bằng, mà chỉ có hòa bình mới sự công bằng: một nền hòa bình ổn định và lâu dài, không được xây dựng trên sự cân bằng bấp bênh của sự răn đe, mà trên tình huynh đệ đoàn kết chúng ta."

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Chúng ta thực sự đang hành trình trên cùng một trái đất, là cư dân của một ngôi nhà chung duy nhất, và chúng ta không thể “làm tối bầu trời nơi chúng ta đang sống với những đám mây chủ nghĩa dân tộc”.

Kiên nhẫn, nhìn xa trông rộng, kiên trì, đối thoại và lắng nghe

ĐTC tự hỏi: "Chúng ta sẽ kết thúc ở đâu nếu mọi người chỉ nghĩ đến bản thân? Những người nỗ lực xây dựng hòa bình phải cổ súy tình huynh đệ”. Đây là một “nghề” đòi hỏi “sự đam mê và kiên nhẫn, kinh nghiệm và tầm nhìn xa, sự bền bỉ dấn thân, đối thoại và ngoại giao”. Và nó cũng đòi hỏi phải “lắng nghe” cách đặc biệt tiếng kêu của những người đau khổ vì những xung đột, đặc biệt là trẻ em.

“Đôi mắt đẫm lệ của họ đang phán xét chúng ta: tương lai mà chúng ta chuẩn bị cho họ sẽ là tòa án cho những lựa chọn hiện tại của chúng ta.”

ĐTC nhấn mạnh "vẫn còn thời gian để viết một trang sử hòa bình mới cho lịch sử", và ĐTC kết luận "chúng ta có thể làm được vì chiến tranh thuộc về quá khứ chứ chiến tranh không phải là tương lai." Điều then chốt là: xây dựng "tình huynh đệ".

“Tình huynh đệ không thể là một ý tưởng trừu tượng, mà nó phải trở thành một điểm xuất phát thực sự.”
 
Tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong cách hiểu Công Giáo và Chính thống giáo 3
Vũ Văn An
19:36 14/06/2023

2. Từ Cải Cách đến Thế Kỷ 18

2.1 Hai bước phát triển mới quan trọng đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong các thế kỷ 16-18: Cuộc Cải cách Thệ phản, và những cuộc hợp nhất được thành lập giữa Rôma và các Giáo hội đông phương khác nhau. Sự trỗi dậy của phong trào Thệ phản đã dẫn đến những liên hệ với phương Đông và thậm chí niềm hy vọng về sự hợp nhất, ít nhất là trong giai đoạn đầu của cuộc gặp gỡ của họ, mặc dù điều đó càng chia rẽ phương Tây. Tính đồng nghị vẫn được thực hiện ở phương Đông trong thời kỳ khó khăn này, và các quyết định của một số công đồng được tổ chức vào thời điểm đó cho thấy đâu là vấn đề thần học ngăn cách Công Giáo Rôma, Chính thống giáo và Thệ phản. Hiện tượng kết hợp được Chính thống giáo coi là một vết thương và một mối đe dọa, vì đã gây ra sự chia rẽ thêm ở phương Đông, và như một hình thức cải đạo.



2.2 Sự phản đối của những người Cải cách đã được Công đồng Trent (1545-1563) tiếp nhận, nhưng công đồng không đưa ra định nghĩa về tính tối thượng quyền. Một đồng thuận về ý nghĩa của tính tối thượng quyền và các quyền của giáo chủ không thể đạt được; khuynh hướng chống đối của các giám mục tỏ ra quá mạnh mẽ, nhất là ở Pháp. Trong khi ở một số nơi của Giáo hội Latinh, việc bầu chọn giám mục bởi các hội kinh sĩ của nhà thờ chính tòa tiếp tục được thực hành, người ta quy định rằng các thượng hội đồng giáo tỉnh phải được thành lập và phải gửi danh sách ba tên đến Rôma, để giáo hoàng có thể chọn và bổ nhiệm các giám mục (phiên XXIV; Decretum de Reformatione [sắc lệnh về Cải cách], can.1). Sau Công Đồng Trent, giáo hoàng đã đi đầu trong các cuộc cải cách theo tinh thần của công đồng này và Giáo Hội Công Giáo Rôma ngày càng trở nên tập trung vào tín lý, phụng vụ và hoạt động truyền giáo. Ngôi vị giáo hoàng là tập chú quan trọng trong cuộc tranh cãi với phong trào Thệ phản về đức tin đích thực, và về lâu dài, thẩm quyền giáo hoàng đã được củng cố trong thời kỳ hậu công đồng Trent. Ngôi vị giáo hoàng và cam kết với nó đã trở thành một dấu hiệu của bản sắc tuyên tín của Công Giáo Rôma chống lại phong trào Thệ phản. Những nỗ lực của cả các dòng tu cũ và mới (thí dụ: Dòng Tên) đối với cuộc cải cách của công đồng Trent và trong cuộc phản cải cách trong giáo dục nhân bản và sứ mệnh đã làm tăng thêm thẩm quyền của giáo hoàng.

2.3 Các thượng hội đồng cấp tỉnh, nhằm thực hiện các cải cách theo tinh thần Trent, đã diễn ra ở Ý (thí dụ: Milan, 1566), ở Đế quốc Đức (thí dụ: Salzburg, 1569), ở Pháp (từ 1581) và ở Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva (Piotrków, 1589). Dưới áp lực chính trị, các giám mục Công Giáo Rôma của nhiều vương quốc đã tìm kiếm quyền tự chủ lớn hơn đối với quyền tối thượng của giáo hoàng. Những khuynh hướng duy giám mục [episcopalist] này (thí dụ: chủ nghĩa Gallican ở Pháp, chủ nghĩa Febroniô ở Đức) tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa duy công đồng. Cách mạng Pháp cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của Chế độ Cũ và sự hủy diệt của Giáo hội nhà nước, điều này cuối cùng đã củng cố mối quan hệ giữa Giáo hội ở Pháp và Rôma, vì sau sự sụp đổ của trật tự cũ, chỉ có ngôi vị giáo hoàng mới có thẩm quyền tổ chức lại Giáo hội (xem Hòa ước với Pháp năm 1801 và Đại hội Vienna năm 1814-1815).

2.4 Hệ thống pháp lý Millet đã giao tất cả những người Chính thống giáo sống trong Đế quốc Ottoman, bất kể những cân nhắc về sắc tộc, cho Rum-Millet (Quốc gia Rôma: tên đặt cho cộng đồng Kitô hữu trong đế quốc Ottoman), phụ thuộc vào Tòa thượng phụ đại kết Constantinốp trong các vấn đề giáo hội và dân sự. Điều này nhấn mạnh vị trí trung tâm của nó trong Giáo hội Chính thống, vốn đã được biết đến từ trật tự giáo luật, và nâng cao tầm quan trọng của nó so với các tòa thượng phụ cổ xưa khác. Bất chấp hoàn cảnh mới này, tinh thần đồng nghị vẫn được bảo tồn. Các công đồng do thượng phụ đại kết triệu tập để giải quyết các vấn đề theo cách đồng nghị, chẳng hạn như Công đồng Constantinốp (1593), để xác nhận tước hiệu thượng phụ đã được cấp trước đó cho Giám Mục đô thị Moscow; Công đồng Iasi (1642), để xét xử lời tuyên xưng đức tin của Giám Mục đô thị Kyiv, Peter Mohyla; và hai Công đồng lớn Constantinốp (1638, 1642). Các công đồng khác đã được triệu tập ở Constantinốp (1672, 1691), và bởi Thượng phụ Dositheus ở Giêrusalem (1672), đã lên án việc Tuyên xưng Đức tin được quy cho Thượng phụ đại kết, Cyril Loukaris.

2.5 Bắt đầu từ cuối thế kỷ 16, các tác phẩm luận chiến đã xuất hiện bởi cả các tác giả phương Đông lẫn phương Tây, đặc biệt là về chủ đề tối thượng quyền của Giáo hoàng. Sau đó, câu hỏi về tính tối thượng quyền của giáo hoàng đã được giải quyết một cách luận chiến hoặc biện hộ trong các quyết định của công đồng Đông phương, các lời tuyên xưng đức tin và các bài bình luận giáo luật.

2.6 Nhiều cuộc hợp nhất khác nhau giữa các Giáo hội Đông phương và Rôma đã được thiết lập giữa thế kỷ 16 và 18. Động cơ cho các cuộc hợp nhất này luôn luôn bị tranh cãi. Không thể không xem xét mong muốn chân chính đối với sự hợp nhất của Giáo hội. Các yếu tố tôn giáo và chính trị thường xuyên đan kết với nhau. Các cuộc hợp nhất thường xuất hiện như những nỗ lực tránh các tình huống không may ở địa phương. Một số người Ruthênô [Giáo Hội Ruthênô, hay Công Giáo gốc Slav thuộc lễ điển Đông phương, nhất là ở Bạch Nga, Slôvakia và Ukraine), vào thời Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva, đã gia nhập Rôma tại Thượng hội đồng Brest (1596). Các cuộc hợp nhất khác đã xảy ra ở Croatia (1611), Uzhorod (1646), Transylvania (1700-1701) và Serbia (1777). Chính thống giáo nói tiếng Albani đã chạy trốn vào cuối thế kỷ 15 đến miền nam nước Ý sau cuộc chinh phục của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đã hiệp thông với Rôma. Năm 1724, vào thời điểm trống tòa thượng phụ Antiôkia, cộng đồng ở Đamát đã bầu ra một thượng phụ thân Công Giáo, ngài lấy tên là Cyrilô VI và được giáo hoàng công nhận vào năm 1729, do đó thành lập Giáo Hội Công Giáo Melkite. Các cuộc hợp nhất cũng được thực hiện với các Giáo hội khác.

2.7 Vào đầu thế kỷ 18, Nga hoàng Peter I (1689-1725) đã đưa ra những cải cách ở Nga nói chung và trong Giáo hội. Tòa thượng phụ bị bãi bỏ (cho đến năm 1917), và một Thánh Thượng hội đồng dưới sự lãnh đạo của một viên chức nhà nước, Oberprokuror, điều hành Giáo hội. Trong việc tái cơ cấu nền hành chánh của Giáo hội, Peter đã theo các mô hình Thệ phản. Các cấu trúc đồng nghị chiếm ưu thế, nhưng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà nước.

3. Các khai triển trong thế kỷ 19

3.1 Sau cuộc Cách mạng Pháp và các cuộc chiến tranh của Napoléon, tình hình của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Châu Âu rất bấp bênh. Các chế độ chính trị mới, ngay cả các chế độ quân chủ được khôi phục, là các quốc gia thế tục tuyên bố duy trì quyền kiểm soát đối với Giáo hội, giống như các chế độ trước đây đã làm. Một thí dụ là công ước của Pháp năm 1801. Sau đó, để tránh sự can thiệp của nhà nước vào các công việc của giáo hội, giáo hoàng đã thông qua học thuyết về Giáo hội như một 'xã hội hoàn hảo', nghĩa là Giáo hội là một xã hội độc lập, tự trị và có chủ quyền trong lĩnh vực thẩm quyền của riêng mình, giống như nhà nước có chủ quyền trong các vấn đề trần thế. Giáo Hội đòi có một hệ thống pháp luật riêng, nghĩa là không bắt nguồn từ hoặc ban tặng bởi nhà nước.

3.2 Thông điệp của Giáo hoàng Piô IX, In Suprema Petri Apostoli Sede [Trong Tòa Tối cao của Tông đồ Phêrô] (1848), nhấn mạnh rằng ‘thẩm quyền tối cao của các Giám mục Rôma’ luôn được công nhận ở Đông phương và kêu gọi Chính thống giáo trở lại hiệp thông với Tòa Phêrô. Các thượng phụ Chính thống giáo của Constantinốp, Alexandria, Antiôkia và Giêrusalem đã phản ứng và ban hành thông điệp thượng phụ và đồng nghị năm 1848, trong đó, cùng với các vấn đề khác, họ lập luận chống lại quyền tối cao của giáo hoàng.

3.3 Năm 1868, Giáo hoàng Piô IX ban hành một lá thư mời tất cả các giám mục Chính thống giáo tham dự Công đồng Vatican I, một lời mời đã bị từ chối. Đức Thượng phụ Đại kết Grêgôriô VI nói với phái đoàn giáo hoàng đến trao bức thư rằng sự tham dự của các giám mục Chính thống giáo tại Công đồng ‘có nghĩa là làm mới lại các tranh chấp thần học cũ vốn sẽ làm nổi bật sự bất đồng và khơi lại những vết thương cũ’. Đối với Thượng phụ Grêgôriô, nguồn bất đồng chính là bản chất thẩm quyền của giáo hoàng.

3.4 Vào thế kỷ 19, Giáo hội Chính thống phải đối mặt với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, và thậm chí với ý định tích hợp chủ nghĩa này vào cơ cấu tổ chức của Giáo hội. Đại Công đồng được tổ chức tại Constantinốp năm 1872 đã lên án chủ nghĩa Giáo Hội và quốc gia là một [ethnophyletism], nhân dịp xảy ra cuộc ly giáo ở Bảo Gia Lợi. Khi Đế chế Ottoman tan rã, các phong trào giải phóng dân tộc đã dẫn đến sự hình thành các quốc gia dân tộc ở Balkan. Để bày tỏ và thúc đẩy sự hiệp nhất Thánh Thể của Giáo hội trong hoàn cảnh mới này, Tòa Thượng phụ Đại kết đã cấp văn kiện tự chủ cho các Giáo hội Hy Lạp (1850), Serbia (1879) và Lỗ Ma Ni (1885), theo truyền thống giáo luật, và những Giáo Hội này đã được đưa vào tranh bộ đôi (triptych).

3.5 Công đồng Vatican I được tổ chức vào năm 1869-1870 và đưa ra hai văn kiện: Pastor Aeternus [Mục tử Đời đời] (1870) về Giáo hội, xác định tính tối thượng và tính không thể sai lầm của Giáo hoàng, và Dei Filius [Con Thiên Chúa] (1870) về đức tin Công Giáo. Nhiều căng thẳng đã nảy sinh giữa Công Giáo Rôma và Chính thống giáo liên quan đến giáo huấn của công đồng về ngôi vị giáo hoàng. Cần lưu ý hai điểm: thứ nhất, Vatican I đã gọi Pastor Aeternus là hiến chế tín lý 'đầu tiên' của mình về Giáo hội của Chúa Kitô, bởi vì hiến chế này được dự định sẽ được theo sau bởi một hiến chế khác, Tametsi Deus [mặc dù Thiên Chúa], xử lý đầy đủ hơn với các giám mục và với Giáo hội nói chung. Tuy nhiên, công đồng đã bị hoãn lại vì chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ và bản thảo của văn kiện thứ hai đó không bao giờ được thảo luận. Do đó, công đồng đã để giáo hội học của mình ở thế mất cân bằng; giáo huấn tín điều của nó về ngôi vị giáo hoàng không được bổ sung bằng giáo huấn về hàng giám mục cũng như không được bối cảnh hóa bằng giáo huấn rộng hơn về Giáo hội. Thứ hai, giáo huấn của Pastor Aeternus bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hoàn cảnh của Giáo hội ở Tây Âu thế kỷ 18 và 19, nơi đã có sự trỗi dậy của thuyết duy công đồng dưới hình thức Chủ nghĩa Gallican và Chủ nghĩa Febroniô (xem ở trên, 2.3), một thuyết đã cổ vũ quyền tự chủ của các Giáo hội quốc gia, và xu hướng kèm theo của các quốc gia là đặt Giáo hội dưới quyền của họ. Giáo huấn của công đồng về tối thượng quyền và quyền tài phán phổ quát của giáo hoàng là một phản ứng đối với mối đe dọa được tri nhận đến sự hợp nhất và độc lập của Giáo hội.

3.6 Mặc dù Pastor Aeternus dạy rằng giáo hoàng có thẩm quyền tài phán giám mục thông thường và trực tiếp đối với toàn thể Giáo hội nói chung, tuy nhiên, nó nhấn mạnh rằng quyền lực của mỗi giám mục được giáo hoàng 'khẳng định, xác nhận và chứng thực', đồng thời khẳng định rằng 'mối dây hiệp nhất’ của Giáo hội là mối dây ‘hiệp thông và tuyên xưng cùng một đức tin' (DS 3060-3061). Hơn nữa, tuyên bố sau đó của các giám mục Đức vào năm 1875, được Đức Giáo Hoàng Piô IX long trọng phê chuẩn, đã nhấn mạnh rằng ngôi vị giáo hoàng và hàng giám mục đều thuộc ‘định chế thần linh’ (DS 3115), chống lại một số cách giải thích về giáo huấn của công đồng.

3.7 Liên quan đến tính không thể sai lầm, công đồng đã định nghĩa không phải tính không thể sai lầm của cá nhân giáo hoàng, mà là khả năng của ngài trong những điều kiện nhất định để tuyên bố đức tin một cách không thể sai lầm của Giáo hội (DS 3074), và khi nói rằng các định tín ex cathedra [từ ngai tòa] như vậy là 'tự chúng, không thể sửa đổi được', không phải vì sự thuận ý của Giáo hội [ex sese, non autem ex consensu ecclesiae]', nó không tách giáo hoàng ra khỏi sự hiệp thông và đức tin của Giáo hội nhưng tuyên bố rằng những định nghĩa như vậy không cần sự phê chuẩn thêm nữa. Đó là một phản ứng chuyên biệt đối với mục thứ 4 của phái Gallicanô năm 1682, là mục tuyên bố rằng phán quyết của giáo hoàng 'không phải là không thể sửa đổi, ít nhất là chờ sự thuận ý của Giáo hội'.

3.8 Công đồng Vatican I đã củng cố xu hướng phổ biến trong giáo hội học phương Tây sau Công Đồng Lateranô IV, một Công Đồng cho rằng Giáo hội phổ quát có ưu tiên hơn các Giáo hội địa phương và sở hữu cấu trúc riêng của mình trên các Giáo hội địa phương. Giáo hoàng không chỉ đơn giản là giám mục của Giáo hội địa phương Rôma, mà còn là mục tử của toàn thể Giáo hội. Giáo hoàng có thẩm quyền đối với toàn thể Giáo hội, trong khi các giám mục có thẩm quyền đối với đoàn chiên đặc thù của họ.

3.9 Giáo huấn của Công đồng Vatican I về tối thượng quyền, về quyền tài phán và tính không thể sai lầm của Giáo hoàng đã bị một số người Công Giáo Rôma bác bỏ, những người sau đó đã thành lập Giáo Hội Công Giáo Cổ. Việc giảng dạy cũng gây ra một số phản ứng từ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, mặc dù cuối cùng họ đã chấp nhận nó.

3.10 Giáo huấn của Công đồng Vatican I về quyền tài phán tối cao của giáo hoàng đối với toàn thể Giáo hội và tính không thể sai lầm của giáo hoàng đã bị Giáo hội Chính thống coi là không thể chấp nhận được. Đối với Chính thống giáo, một giáo hội học như vậy là một sự khác biệt nghiêm trọng so với truyền thống giáo luật của các Giáo phụ và các công đồng đại kết, bởi vì nó che khuất tính Công Giáo của mỗi Giáo hội địa phương. Sau Công đồng Vatican I, các lập luận được Chính thống giáo triển khai bao gồm, trong số những lập luận khác: rằng người đứng đầu toàn thể Giáo hội không phải là một con người tội lỗi, phàm trần, mà là Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người vô tội và bất tử; bản thân Thánh Phêrô không phải là một vị quân chủ cũng không phải là người quyền năng, nhưng là người thứ nhất trong số các tông đồ; quyền tài phán của mỗi thượng phụ được xác định về mặt địa lý bởi các điều luật thánh thiêng và không ai có quyền tài phán đối với toàn bộ Giáo hội. Về vấn đề chuyên biệt của tính không thể sai lầm, Giáo hội Chính thống cũng cho rằng tính không thể sai lầm thuộc về toàn thể Giáo hội, như được các công đồng phát biểu và được toàn thể dân Chúa tiếp nhận. Phải thừa nhận rằng những lập luận này thường được viện dẫn theo cách luận chiến chứ không phải theo cách phê bình lịch sử.

3.11 Tông thư Orientalium Dignitas [phẩm giá các Giáo Hội Đông phương] (1894) của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã công nhận các quyền riêng biệt của tất cả các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và cho thấy một cách tiếp cận tôn trọng các truyền thống Đông phương. Bức thông điệp Praeclara Gratulationis [Các chứng từ tuyệt vời của niềm hân hoan công cộng] (1895) của ngài đã mời tất cả những người Chính thống giáo hợp nhất với Giáo hội Rôma với điều kiện họ phải công nhận quyền tài phán tối cao của Giáo hoàng. Thượng phụ đại kết Anthimus VII và thượng hội đồng tập hợp xung quanh ngài đã viết một lá thư nhân danh các thượng phụ và thượng hội đồng vào năm 1895 để bày tỏ quan điểm cực kỳ phủ nhận chủ nghĩa duy hợp nhất [uniatism] như một phương pháp cải đạo các Kitô hữu Chính thống. Họ cũng bác bỏ lời mời của Giáo hoàng Lêô.

4. Thế kỷ 20 và 21: Trở về nguồn và xích lại gần nhau

4.1 Trong thế kỷ 20, các phong trào Kinh Thánh, giáo phụ và phụng vụ dẫn đến việc người ta chú ý nhiều hơn đến giáo huấn Kinh Thánh và các Giáo Phụ, cũng như phụng vụ. Các mối quan hệ giữa Công Giáo và Chính thống giáo Rôma đã được hưởng lợi từ sự trở về nguồn (resourcement) chung này.

4.2 Khái niệm sobornost được khai triển ở Nga vào thế kỷ 19 bởi một nhóm các nhà tư tưởng Chính thống giáo được gọi là những người yêu nòi giống Slav như một phản ứng đối với Thánh Thượng hội đồng do nhà nước kiểm soát được Nga hoàng Peter I thành lập năm 1721 (xem 2.7, ở trên). Thuật ngữ này bắt nguồn từ chữ sobor, trong ngôn ngữ Slav dùng trong Giáo hội có nghĩa là một 'cuộc tụ họp' hoặc 'hội nghị' hoặc 'thượng hội đồng' của giáo hội. Trong biểu tượng của đức tin, hạn từ tiếng Hy Lạp katholikèn được dịch qua ngôn ngữ Slav dùng trong Giáo Hội là sobornuyu. Những người yêu nòi giống Slav coi sobornost như một phẩm chất nội tại của toàn thể Giáo hội: tính Công Giáo của nó và sự tham gia của mọi người đã được rửa tội vào đời sống của Giáo hội. Ý niệm sobornost thể hiện rõ ràng trong các diễn trình chuẩn bị, cấu thành, và ra quyết định của Công đồng Moscow (1917-1918), liên quan đến tất cả các thành phần của Giáo hội. Mặc dù bị chỉ trích, đặc biệt là vì quá chịu ảnh hưởng của một lý tưởng duy tập thể và không thừa nhận thích đáng phẩm trật của Giáo hội, sobornost đã có một ảnh hưởng quan trọng đối với giáo hội học, cả Chính thống giáo lẫn Công Giáo Rôma, vì cách hiểu của nó về Giáo hội như hiệp thông (xem Ravenna, 5).

4.3 Vào thế kỷ 19 ở phương Tây, trường phái Tübingen đã cổ vũ khái niệm Giáo hội như hiệp thông (communio) thông qua việc lấy lại truyền thống giáo phụ. Ý tưởng này diễn tả niềm xác tín rằng đời sống của Giáo hội phát xuất từ trên cao, và Giáo hội là biểu tượng của Chúa Ba Ngôi (ecclesia de Trinitate), nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là cơ sở cho việc đổi mới suy tư giáo hội học, nhất là trong thế kỷ 20. Theo cách hiểu như vậy về Giáo hội, có cả sự hợp nhất lẫn sự đa dạng, như trong Chúa Ba Ngôi, và điều này áp dụng cho Giáo hội theo nhiều cách khác nhau. Toàn thể Giáo hội là nhiệm thể Chúa Kitô, trong đó mỗi chi thể đều được Chúa Thánh Thần ban ơn hưởng ích lợi của nhiệm thể và tất cả được liên kết với nhau bằng mối dây yêu thương (x. 1Cr 12-13). Sự hiệp thông của các thánh (sancti) xảy ra nhờ sự hiệp thông trong các ơn phúc thánh (sancta) (x. 1Cr 10:16-17). Ngoài ra, Giáo hội duy nhất mang hình thức hiệp thông của các Giáo hội địa phương, trong đó mỗi Giáo hội đều hiện diện một Giáo hội phổ quát duy nhất, đến nỗi có sự cư ngụ hỗ tương giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ và giữa chính các Giáo hội địa phương với nhau.

4.4 Một trong những kết quả quan trọng nhất của việc trở về nguồn trong thế kỷ 20 là 'giáo hội học thánh thể', một giáo hội học coi Giáo hội địa phương quy tụ xung quanh giám mục của mình để cử hành Thánh Thể như một biểu hiện của toàn thể Giáo hội (x. Ignatius, Smyrn. 8), và như là điểm khởi đầu và tập chú chính của suy tư giáo hội học. Công đồng Vatican II (1962-1965) đã dạy rằng một cuộc tụ họp như vậy là 'biểu hiện chính của Giáo hội' (Sacrosanctum Concilium, 41), và hy tế Thánh Thể là 'nguồn gốc và đỉnh cao của toàn bộ đời sống Kitô hữu' (Lumen Gentium, 11; x. Sacrosanctum Concilium, 10). Nó nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của Giáo hội địa phương khi nói rằng 'một giám mục có ấn tín của bí tích Truyền chức, là "người quản lý ân sủng của chức linh mục tối cao", đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể, mà ngài dâng hoặc làm cho được dâng hiến, và nhờ đó Giáo hội liên tục sống và phát triển' (Lumen Gentium, 26). Đại Thánh Công đồng của Giáo hội Chính thống ở Crete (2016) tuyên bố rằng 'truyền thống của các Tông đồ và Giáo phụ' luôn nhấn mạnh 'mối quan hệ bất khả phân ly giữa toàn bộ mầu nhiệm của Nhiệm cục thần linh trong Chúa Kitô và mầu nhiệm của Giáo hội, và cả giữa mầu nhiệm Giáo Hội và mầu nhiệm Thánh Thể, tức mầu nhiệm được liên tục củng cố trong đời sống bí tích của Giáo Hội nhờ tác động của Chúa Thánh Thần' (Thông điệp I, 2). Tương tự như vậy, nó tuyên bố rằng ‘mỗi Giáo hội địa phương khi dâng Thánh Thể là sự hiện diện và biểu hiện tại địa phương của Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công Giáo và Tông truyền’ (Thông điệp, 1). Hai công đồng lớn này cần được xem xét chặt chẽ.

4.5 Vào đầu thế kỷ 20, Giáo hội Chính thống phải đối diện với nhiều thách thức — chẳng hạn, liên quan đến mối quan hệ với các Kitô hữu khác, chủ nghĩa cải đạo, thế tục hóa và chủ nghĩa Giáo Hội và quốc gia là một (ethnophyletism) — từng khiến Tòa Thượng phụ Đại kết phải tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Giáo hội Chính thống tự trị. Vào năm 1902, Thượng phụ Đại kết Joachim III đã gửi một thông điệp thượng phụ và đồng nghị tới các Giáo hội Chính thống tự trị để hỏi ý kiến của họ về nhiều chủ đề khác nhau, nhằm tìm cách thúc đẩy sự hợp nhất toàn chính thống. Các Giáo Hội đã hưởng ứng một cách tích cực. Năm 1920, Thánh Công đồng của Tòa Thượng phụ Đại kết đã ban hành một thông điệp có tựa đề 'Gửi các Giáo hội của Chúa Kitô ở mọi nơi', kêu gọi sự liên lạc và cộng tác chặt chẽ hơn giữa các Kitô hữu. Tòa Thượng phụ Đại kết cũng đã triệu tập một hội nghị toàn chính thống ở Constantinốp vào năm 1923, và sau đó đã tổ chức một cuộc họp toàn chính thống tại tu viện Vatopedi trên Núi Athos (1930); cuộc họp này đã liệt kê các chủ đề sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Đại Thánh Công đồng. Những nỗ lực này đã bị gián đoạn chủ yếu bởi Chiến tranh thế giới thứ hai.

4.6 Thượng phụ Đại kết Athenagoras đã triệu tập các hội nghị toàn chính thống (Rhodes 1961, 1963 và 1964; Chambésy, Geneva 1968) để thiết lập chương trình nghị sự của Đại Thánh Công đồng. Một loạt các hội nghị tiền công đồng đã được tổ chức tại Chambésy để chuẩn bị các tài liệu liên quan. Trong bối cảnh này, bốn Cộng đồng phụng tự [Synaxes] của các giáo chủ các Giáo hội Chính thống tự trị (Constantinốp 2008 và 2014, Chambésy 2016, và Crete 2016) đã dẫn đến việc triệu tập Đại Thánh Công đồng bởi Thượng phụ Đại kết Bartholomew với sự đồng ý nhất trí của các giáo chủ của Các Giáo hội Chính thống ở Crete từ ngày 19 đến ngày 27 tháng 6 năm 2016. Việc triệu tập Đại Thánh Công đồng cho thấy rằng 'Giáo hội Chính thống phát biểu sự hợp nhất và tính Công Giáo của mình “trong Công đồng”. Tính Công đồng [tức tính đồng nghị] thấm nhiễm tổ chức của Giáo Hội, cách thức đưa ra các quyết định và ấn định đường đi của Giáo Hội’ (Thông điệp, 1).

4.7 Trong số các vấn đề giáo hội học khác, Công đồng Vatican II đã bàn đến câu hỏi về cách hiểu chức giám mục và chức này có liên quan như thế nào với thừa tác vụ của giáo hoàng, vốn còn bỏ ngỏ ở Công đồng Vatican I. Công đồng Vatican II đã tích hợp và hoàn thiện giáo huấn của Công đồng Vatican I, tức giáo huấn dạy rằng giáo hoàng có quyền tối cao và đầy đủ đối với Giáo hội và trong một số trường hợp nào đó, ngài có thể tuyên bố đức tin của Giáo hội một cách không thể sai lầm bằng cách nói rằng giám mục đoàn ('hợp đoàn giám mục') hợp nhất với người đứng đầu là giáo hoàng, cũng thi hành cả hai đặc quyền này (Lumen Gentium, 22, 25, lần lượt). Do đó, một sự cân bằng lớn hơn đã được thiết lập giữa các giám mục và giáo hoàng. Công đồng tái khẳng định trách nhiệm của các giám mục không chỉ đối với các Giáo hội địa phương của họ mà còn đối với toàn thể Giáo hội (Lumen Gentium, 23), và công đồng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của một công đồng đại kết, khi các giám mục hành động cùng với giáo hoàng như 'thầy dạy' và ‘thẩm phán’ về đức tin và luân lý cho Giáo hội hoàn vũ' (Lumen Gentium, 25). Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục như 'Hội Đồng Giám Mục thường trực của Giáo Hội hoàn vũ', đại diện cho 'toàn thể hàng giám mục Công Giáo', sẽ hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong khả năng cố vấn và tham vấn (Tông Thư, Apostolica Sollicitudo ).

4.8 Vào tháng Giêng năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras đã gặp nhau trên Núi Ôliu ở Giêrusalem. Vào ngày 7 tháng 12 năm 1965, ngày áp chót của Công đồng Vatican II, các ngài đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông lẫn nhau năm 1054 trong một buổi lễ đồng thời tại Vatican và Phanar. Trong các cuộc trao đổi của các ngài vào thập niên 1960, Thượng phụ Athenagoras và Giáo hoàng Phaolô VI bắt đầu sử dụng thuật ngữ “các Giáo hội chị em” đối với Giáo hội Rôma và Giáo hội Constantinốp. Công đồng Vatican II công nhận rằng các Giáo hội Đông phương 'sở hữu các bí tích đích thực, nhất là nhờ quyền kế tục tông đồ, chức linh mục và Bí tích Thánh Thể' (Unitatis Redintegratio, 15), và thúc giục đối thoại với các Giáo hội này, chú ý đến các mối quan hệ hiện có giữa họ và tòa Rôma 'trước khi phân cách' (Unitatis Redintegratio, 14).

4.9 Vào năm 1995, Đức Gioan Phaolô II đã nói: ‘Nếu những người muốn đứng đầu được kêu gọi trở thành người phục vụ mọi người, thì tính tối thượng quyền của tình yêu sẽ được phát triển từ lòng can đảm của đức ái này. Tôi cầu xin Chúa khơi dậy, trước hết nơi bản thân tôi, và nơi các giám mục của Giáo Hội Công Giáo, những hành động cụ thể để làm chứng cho sự chắc chắn bên trong này’ (Orientale Lumen, 19). Ngài cũng bày tỏ sự sẵn sàng 'tìm cách thực hiện quyền tối thượng, trong khi không từ bỏ những gì thiết yếu đối với sứ mệnh của mình, nhưng vẫn cởi mở đối với một tình huống mới', và ngài đề xuất một cuộc thảo luận, đặc biệt là giữa các giám mục và các nhà thần học Công Giáo Rôma và Chính thống giáo, về việc thực thi quyền tối thượng 'để chúng ta có thể tìm kiếm, tất nhiên cùng nhau, những hình thức trong đó thừa tác vụ này có thể hoàn thành việc phục vụ tình yêu được tất cả những người có liên quan công nhận' (Ut Unum Sint, 95). Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thường xuyên lặp lại lời mời này, và cả hai thường viện dẫn lời mô tả của Thánh Inhaxiô thành Antiôkia về Giáo hội Rôma là ‘chủ tọa trong tình yêu [agape]’ (Ad Romanos, Proemium).

4.10 Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh rằng tính đồng nghị là ‘một yếu tố cấu thành Giáo hội’. Mong muốn của ngài về ‘một Giáo hội hoàn toàn đồng nghị’ (Diễn văn Kỷ niệm 50 năm Thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015) khuyến khích mạnh mẽ việc tìm kiếm một tính đồng nghị hữu hiệu hơn trong Giáo Hội Công Giáo Rôma. Ngài đã nói rằng, ‘trong cuộc đối thoại với các anh chị em Chính thống giáo của chúng ta, những người Công Giáo chúng ta có cơ hội học hỏi thêm về ý nghĩa của tính hợp đoàn giám mục và kinh nghiệm của họ về tính đồng nghị’ (Thông điệp Evangelii Gaudium, 2013, 246).

Kết luận

5.1 Các vấn đề chính làm phức tạp sự hiểu biết đích thực về tính đồng nghị và Tính tối thượng quyền trong Giáo hội. Giáo hội không được hiểu một cách đúng đắn như một kim tự tháp, với một giáo chủ cai quản từ trên xuống, nhưng cũng không được hiểu một cách đúng đắn như một liên đoàn các Giáo hội tự cung tự cấp. Nghiên cứu lịch sử của chúng ta về tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong thiên niên kỷ thứ hai đã cho thấy sự bất cập của cả hai quan điểm này. Tương tự như vậy, rõ ràng là đối với người Công Giáo Rôma, tính đồng nghị không chỉ đơn thuần là tư vấn, và đối với Chính thống giáo, tính tối thượng quyền không chỉ đơn thuần là danh dự. Năm 1979, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Thượng phụ Đại kết Dimitrios đã nói: 'Cuộc đối thoại về đức ái... đã mở ra con đường để hiểu rõ hơn về các quan điểm thần học tương ứng của chúng ta và từ đó dẫn đến những cách tiếp cận mới đối với công việc thần học, và một thái độ mới đối với quá khứ chung của Giáo Hội chúng ta. Việc thanh lọc ký ức tập thể của các Giáo hội chúng ta là kết quả quan trọng của cuộc đối thoại bác ái và là điều kiện không thể thiếu cho sự tiến bộ trong tương lai’ (Tuyên bố chung, 30 tháng 11 năm 1979). Người Công Giáo Rôma và Chính thống giáo cần tiếp tục đi theo con đường đó để nắm lấy một sự hiểu biết đích thực về tính đồng nghị và tính tối thượng quyền dưới ánh sáng 'các nguyên tắc thần học, các điều khoản giáo luật và các thực hành phụng vụ’ (Chieti, 21) của Giáo hội không chia rẽ của thiên niên kỷ thứ nhất.

5.2 Công đồng Vatican II đã mở ra những viễn cảnh mới bằng cách giải thích một cách nền tảng mầu nhiệm Giáo hội như mầu nhiệm hiệp thông. Ngày nay, có một nỗ lực ngày càng tăng nhằm cổ vũ tính đồng nghị ở tất cả các bình diện trong Giáo Hội Công Giáo Rôma. Cũng có sự sẵn lòng phân biệt điều có thể gọi là thừa tác vụ thượng phụ của giáo hoàng trong Giáo hội Tây phương hoặc Latinh với việc ngài phục vụ như giáo chủ liên quan đến sự hiệp thông của tất cả các Giáo hội, mang lại những cơ hội mới cho tương lai. Trong Giáo Hội Chính thống, tính đồng nghị và tính tối thượng quyền được thực hành ở bình diện toàn chính thống, theo truyền thống giáo luật, bằng cách tổ chức các đại thánh công đồng.

5.3 Tính đồng nghị và tính tối thượng quyền cần phải được xem như ‘những thực tại liên hệ với nhau, bổ sung và không thể tách rời’ (Chieti, 5) theo quan điểm thần học (Chieti, 4, 17). Các cuộc thảo luận lịch sử thuần túy là không đủ. Giáo hội cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, và giáo hội học thánh thể về sự hiệp thông là chìa khóa để phát biểu một nền thần học vững chắc về tính đồng nghị và tính tối thượng quyền.

5.4 Sự liên thuộc qua lại của tính đồng nghị và tính tối thượng là một nguyên tắc căn bản trong đời sống của Giáo hội. Nó liên quan một cách nội tại đến việc phục vụ sự hiệp nhất của Giáo hội ở các bình diện địa phương, khu vực và hoàn vũ. Tuy nhiên, các nguyên tắc phải được áp dụng trong bối cảnh lịch sử chuyên biệt và thiên niên kỷ đầu tiên đưa ra hướng dẫn có giá trị cho việc áp dụng nguyên tắc vừa được đề cập (Chieti, 21). Điều cần thiết trong những hoàn cảnh mới là một ứng dụng mới và đúng đắn của cùng một nguyên tắc quản trị.

5.5 Chúa chúng ta đã cầu xin cho các môn đệ của Người ‘xin cho tất cả nên một’ (Ga 17:21). Nguyên tắc đồng nghị-tối thượng quyền trong việc phục vụ sự hiệp nhất nên được viện dẫn để đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi của Giáo hội trong thời đại chúng ta. Chính thống giáo và Công Giáo Rôma cam kết tìm cách vượt qua sự xa lánh và chia rẽ đã xảy ra trong thiên niên kỷ thứ hai.

5.6 Sau khi cùng nhau suy nghĩ về lịch sử của thiên niên kỷ thứ hai, chúng ta thừa nhận rằng việc đọc chung các nguồn có thể truyền cảm hứng cho việc thực hành tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong tương lai. Tuân theo mệnh lệnh của Chúa chúng ta là yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (Ga 13:34), bổn phận Kitô hữu của chúng ta là phấn đấu cho sự hiệp nhất trong đức tin và đời sống.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Thiếu Nhi Thánh Thể Và Ơn Gọi Năm 2023 Tại Thái Bình
BTT Giáo phận
16:49 14/06/2023
Đại Hội Thiếu Nhi Thánh Thể Và Ơn Gọi Năm 2023 Tại Thái Bình

Ngày 11 tháng 6 năm 2023, Chúa Nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giu-se Nguyễn Duy Khang- Giáo phận Thái Bình, đã tổ chức ngày Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể “Về đất hứa – lần thứ VII” và ơn gọi năm 2023, mừng kỉ niệm 10 năm tái thành lập TNTT, với chủ đề “HÃY ĐẾN MÀ XEM” (x. Ga 1,35-42). Đại hội được tổ chức tại khuôn viên TGM Thái Bình, với sự quy tụ của gần 7000 em thiếu nhi đến từ các xứ đoàn, hiệp đoàn trong toàn giáo phận.

http://www.flickr.com/photos/137123395@N05/sets/72177720309058111/'>Xem Hình

Đại hội thiếu nhi Thánh Thể, là hoạt động thường niên của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo phận Thái Bình; và năm nay – lần thứ 7 tổ chức, hưởng ứng lời mời gọi của Đức cha Đa-minh Đặng Văn Cầu – Giám mục Giáo phận Thái Bình, cha tuyên uý liên đoàn Giu-se Nguyễn Văn Tuyên cùng với quý cha tuyên uý hiệp đoàn, xứ đoàn đã tổ chức đại hội, nhằm mục đích cổ võ ơn Thiên Triệu cho giáo phận, và tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em thiếu nhi trong kỳ nghỉ hè. Hơn nữa, các hoạt động trong đại hội là một dịp thuận lợi, để giúp đào luyện các em về đời sống đức tin, các đức tính nhân bản và khơi dậy ước muốn dấn thân phục vụ trong ơn gọi thánh hiến và tu trì. Do đó, Chúa Nhật kính Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô là một dịp đặc biệt để quy tụ các em thiếu nhi, đồng thời cũng là ngày lễ nói lên ý nghĩa căn cốt của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể nói chung và của Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể tại giáo phận Thái Bình nói riêng.

Có thể nói, sợi chỉ xuyên suốt, từ chương trình khởi động cho đến những giây phút kết thúc ngày đại hội là một lời vang vọng và mời gọi các tham dự viên hãy sống, thực hành tôn chỉ của Thiêu nhi Thánh Thể: Cầu nguyện, Rước lễ, Hy sinh và Làm việc tông đồ. Cùng với đó, ý lực từ Lời Chúa được trích từ chính bản văn Tin mừng ngày lễ kính Mình Máu, Đức cha Đa-minh trong phần khai mạc đã giúp cho các em thiếu nhi hiểu và ý thức được trọng tâm của ngày đại hội qua chủ đề “HÃY ĐẾN MÀ XEM” (x. Ga 1,35-42). Ngài đã mời gọi các em “HÃY ĐẾN MÀ XEM”, qua trung gian là sự gặp gỡ, sự nối kết, sự yêu thương, sự gắn bó,… để được gặp gỡ Chúa trong các hoạt động của ngày đại hội, nhưng trên hết là gặp gỡ Chúa trong chính những công việc bổn phận hàng ngày, đó là: tham dự thánh lễ, rước lễ, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trong lời nói và việc làm.

Chương trình ngày đại hội được bắt đầu với nghi thức khai mạc gồm có: nghi thức thượng cờ, giới thiệu các hoạt động của các hiệp đoàn thuộc 8 giáo hạt trong giáo phận, Đức cha Đa-minh chào đón các tham dự viên và giúp cho các em thiếu nhi hiểu được ý nghĩa trọng tâm chủ đề đại hội. Sau đó, các hoạt động như: vui chơi hội chợ với hơn 50 gian hàng trò chơi, các vũ khúc, các bài cử điệu nối kết yêu thương, thi đua trong phần đố vui giáo lý, giới thiệu và đặt các câu hỏi liên quan đến ơn thiên triệu với sự hướng dẫn của quý cha đặc trách và các hội dòng đang hoạt động tại giáo phận Thái Bình,…

Một điểm nhấn trong thời gian diễn ra chương trình của đại hội năm nay, đó là cơn mưa của hồng ân, Chúa đã tuôn đổ ân phúc của Ngài trên các bạn trẻ và ban tổ chức chương trình, ngay trước phần thi đố vui giáo lý. Hồng ân Chúa như một phép lạ hữu hình không chỉ để xua đi bầu không khí oi bức, nắng nóng của mùa hè, mà còn thúc đẩy tinh thần hiệp nhất, tinh thần tông đồ và sự khát khao, yêu mến, nỗ lực tìm hiểu chân lý đức tin trong phần thi giáo lý đầy sôi động với sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ trong các giáo hạt.

Đỉnh cao của ngày đại hội, chính là thánh lễ được cử hành trọng thể vào lúc 16g30, với sự chủ tế của Đức cha Đa-minh, Giám mục Giáo phận Thái Bình; cùng đồng tế với ngài có quý cha trong ban đào tạo ĐCV, quý cha TGM, quý cha bề trên các dòng tu, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và gần 7000 các bạn thiếu nhi trong toàn giáo phận.

Trong bài giảng, Đức cha Đa-minh đã quảng diễn Lời Chúa được trích trong Tin mừng Chúa Nhật lễ Kính Mình và Máu Chúa Ki-tô, và như thường lệ, Đức cha đã đặt những câu hỏi để giúp các em nhớ lại Lời Chúa nói và ý nghĩa của Lời Chúa dạy trong ngày lễ hôm nay.

Thông qua những câu hỏi, Đức cha giúp cho các em hướng đến việc thực hành Lời Chúa, đây cũng chính là sống căn tính, tôn chỉ của phong trào thiếu nhi Thánh Thể, nghĩa là đi sâu vào sống Bí tích Thánh Thể, sống tình yêu, sống tình hiệp nhất, …

Trước khi kết thúc bài chia sẻ, những lời nhắn nhủ của Đức cha cho các bạn em thiếu nhi được gói gọn trong lời bài hát “Của lễ con dâng” của nhạc sĩ Phạm Quang.

Sau phép lành cuối lễ, một bạn trẻ thay lời cho các bạn thiếu nhi thánh thể trong giáo phận, dâng lên Chúa lời tạ ơn, tri ân Đức cha, quý cha và tất cả mọi người đã góp công sức cho ngày đại hội được thành công tốt đẹp.

Ngày đại hội đã khép lại, nhưng tâm tình tạ ơn vẫn còn vang vọng nơi các tham dự viên, chắc chắn những gì lưu lại nơi các em sẽ là động lực thúc đẩy để giúp cho các em sống tinh thần hy sinh, tinh thần bác ái, tinh thần tông đồ, được thể hiện qua tình yêu mến Chúa và đem Chúa đến với những người mình sẽ gặp gỡ trong môi trường của gia đình, học đường và xã hội hôm nay.

Trước khi ra về, ban tổ chức đã có những phần quà nhỏ cho mỗi tham dự viên và đồng thời, mời gọi các bạn hướng tới các hoạt động của Liên đoàn TNTT trong mùa hè năm nay, đó là hành trình sa mạc – huấn luyện huynh trưởng, các lớp giáo lý, ….

Xem thêm hình ảnh
 
VietCatholic TV
Putin dồn dập tin buồn: 8 sĩ quan cấp tá tử trận. Nhà máy lọc dầu nổ tung. NATO chúc mừng Ukraine
VietCatholic Media
03:06 14/06/2023


1. Máy bay không người lái Ukraine tấn công nhà máy lọc dầu chỉ cách cung điện của Putin có 80 dặm.

Ký giả Chris Jewers và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “Ukraine drone strike hits oil refinery just 80 miles from Putin's palace: Major explosion on tyrant's doorstep as Russia also loses another general amid surging Kyiv counteroffensive”, nghĩa là “Máy bay không người lái Ukraine tấn công nhà máy lọc dầu chỉ cách cung điện của Putin có 80 dặm. Vụ nổ lớn ngay trước ngưỡng cửa của bạo chúa khi Nga vừa mất một vị tướng khác trong bối cảnh cuộc phản công của Kyiv gia tăng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Video xuất hiện sáng nay cho thấy nhà máy lọc dầu ở Krasnodar, với khói dày đặc và ngọn lửa bốc lên trên địa điểm chỉ 80 dặm từ cung điện Hắc Hải của Putin

Vụ tấn công xảy ra khi Thiếu tướng Sergey Goryachev, 52 tuổi, thiệt mạng trong một vụ nổ hỏa tiễn Storm Shadow.

Nga đã hứng chịu một vụ nổ lớn tại một nhà máy lọc dầu trong một cuộc tấn công bị nghi ngờ là máy bay không người lái hoặc do phá hoại, chỉ cách cung điện Hắc Hải của Vladimir Putin 80 dặm.

Vụ nổ xảy ra khi một tướng Nga khác thiệt mạng trong cuộc chiến đang diễn ra của Mạc Tư Khoa chống lại Ukraine, lần này là trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn.

Đòn kép dành cho Putin xảy ra khi Ukraine tăng cường phản công, với lực lượng của Kyiv tuyên bố họ đã giải phóng ít nhất 7 làng mạc và thị trấn tiền tuyến - trong bối cảnh có báo cáo rằng quân đội Nga đang bị giết khi chạy trốn qua các bãi mìn của chính họ.

Trong khi đó, đêm qua, Nga đã phát động một cuộc tấn công 'hỏa tiễn lớn' vào thành phố Kryvyi Rih, miền trung Ukraine, giết chết ít nhất 10 người và làm hư hại cơ sở hạ tầng dân sự.

Video xuất hiện sáng nay về nhà máy lọc dầu ở Krasnodar, cho thấy ngọn lửa và khói đen độc hại dày đặc bốc ra từ cơ sở sau vụ tấn công.

Thành phố Krasnodar là thủ phủ của một khu vực cùng tên được liên kết với Crimea sáp nhập qua eo biển Kerch.

Kuban News cho biết vụ cháy xảy ra tại Nhà máy lọc dầu Krasnodar, trong một cơ sở chế biến dầu diesel. Hơn 130 lính cứu hỏa đã được gọi đến hiện trường.

Các cuộc tấn công bên trong biên giới Nga đã trở nên thường xuyên hơn trong những tháng gần đây. Người ta tin rằng Ukraine, hoặc các nhóm người Nga thân Ukraine, đang sử dụng máy bay không người lái để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà máy lọc dầu hoặc căn cứ quân sự.

Không có tuyên bố ban đầu về trách nhiệm cho vụ tấn công Krasnodar. Thành phố cách tiền tuyến ở Ukraine khoảng 200 dặm.

Vùng Krasnodar cũng bị một Quân Đoàn Tự Do cho Nga tấn công bằng điện tặc trong tuần này.

Họ phát trên làn sóng các đài phát thanh của chính phủ Nga thông điệp đe dọa tiêu diệt 'tội phạm chiến tranh' Putin và các tòng phạm ở Crimea nhưng sẽ không gây ra mối đe dọa cho dân thường.

Vụ tấn công xảy ra khi Thiếu tướng Sergey Goryachev, 52 tuổi, thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn ở vùng Zaporizhzhia - làm tăng thêm những tổn thất chiến tranh của Putin.

Ông là Tướng Tư Lệnh Tập Đoàn Quân vũ trang liên hợp thứ 35 của Nga và là một trong ít nhất 12 tướng được cho là đã chết trong chiến tranh và là vị Tướng đầu tiên tử trận trong năm nay.

Blogger chiến tranh nổi tiếng của Nga với 1,1 triệu người theo dõi Anatoliy Shariy nói rằng Goryachev đã bị trúng hỏa tiễn Storm Shadow do Anh-Pháp cung cấp.

“Một lời chào khác từ người Anh và người Pháp. Anh ấy không chết một mình. 'Không có thông tin từ các nguồn của Nga, vì vậy rất có thể chúng ta sẽ xem chi tiết từ các cáo phó.”

'Cùng với anh ta, ít nhất tám sĩ quan tham mưu đã chết, và một số người bị thương.'

Anatoliy Shariy cho biết Gorbachev đã chết trên Vremievsky Ledge ở vùng Zaproizhzhia.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đang mở cuộc điều tra về vụ tấn công hỏa tiễn Storm Shadow giết chết Gorbachev vì nghi có mật báo.

Trước đó, các lực lượng Ukraine đã tấn công quân xâm lược Nga trên mũi Arabat ở vùng Kherson của Ukraine vào sáng thứ Bẩy 10 Tháng Sáu, sau khi có tin tình báo cho biết bộ chỉ huy Lữ Đoàn 205 Súng Trường Cơ Giới đang đóng tại đây. Phó chủ tịch Hội đồng khu vực Kherson Serhii Khlan cho biết như trên.

“Vùng Kherson. Từ 5 đến 6 giờ sáng, một số cuộc tấn công từ Lực lượng Vũ trang Ukraine đã diễn ra; và các tòa nhà của 'khu phố chính phủ' của những kẻ xâm lược trên mũi Arabat đều tan thành mây khói”.

Trong vụ tấn công này, Phó Thủ tướng Nga Denis Manturov, 54 tuổi, chỉ mới rời đi vài phút trước cuộc tấn công.

“Một quả hỏa tiễn Storm Shadow đã bắn trúng vài phút sau khi anh ấy rời đi,” Anatoliy Shariy cho biết.

2. Putin cho rằng không cần thiết quân luật ở Nga

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Ba nói rằng Nga cần chiến đấu với các điệp viên của đối phương và cải thiện khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ của mình, nhưng nói rằng không cần phải noi gương Ukraine và tuyên bố thiết quân luật.

“Không có lý do gì để đưa ra một số loại chế độ đặc biệt hoặc thiết quân luật trong nước,” Putin nói trong một cuộc họp trên truyền hình với các phóng viên chiến trường Nga và các blogger quân sự. “Hôm nay không cần phải như vậy.”

Ông Putin cho biết cuộc phản công quy mô lớn của Ukraine bắt đầu vào ngày 4/6 và không thành công ở bất kỳ khu vực nào, đồng thời cho biết thêm rằng thiệt hại về người của Ukraine lớn gấp 10 lần so với Nga.

Ông cho biết Ukraine đã mất hơn 160 xe tăng và 25% -30% phương tiện được cung cấp từ nước ngoài, trong khi Nga mất 54 xe tăng, Reuters đưa tin.

Putin cũng cho biết Ukraine đã cố tình tấn công đập Kakhovka bằng hỏa tiễn HIMARS do Mỹ cung cấp, một bước đi mà ông cho rằng cũng đã cản trở nỗ lực phản công của Kyiv.

Igor Girkin, một cựu chiến binh tình báo và chỉ huy quân đội, người từng là Bộ Trưởng và từng là trung tâm trong việc chiếm Crimea và các phần của vùng Donbas vào năm 2014, nhận định rằng các con số thống kê do Putin đưa ra cho thấy ông ta không nắm được tình hình.

3. Tám sĩ quan cấp tá tử trận cùng với Thiếu Tướng Sergei Goryachev

Vladimir Rogov, một quan chức do Nga cài đặt tại một phần của khu vực phía nam Zaporizhzhia do Mạc Tư Khoa kiểm soát, cho biết Thiếu tướng Sergei Goryachev, Tư Lệnh Tập Đoàn Quân Vũ Trang Liên Hợp số 35, đã thiệt mạng trên mặt trận Zaporizhzhia hôm thứ Hai, nơi các lực lượng Ukraine đã chiếm lại một số lãnh thổ.

Rogov cho biết:

Quân đội đã mất đi một trong những chỉ huy quân sự sáng suốt và hiệu quả nhất, người đã kết hợp tính chuyên nghiệp cao nhất với lòng dũng cảm cá nhân.

Xin gửi lời chia buồn sâu sắc và chân thành nhất tới gia đình và bạn bè của những người đã khuất!

Goryachev, 52 tuổi, là một sĩ quan được trao tặng nhiều huân chương.

Theo Rogov, vào khoảng 10 giờ tối thứ Hai 12 Tháng Sáu, bộ chỉ huy Tập Đoàn Quân Vũ Trang Liên Hợp số 35 đã trúng hỏa tiễn Storm Shadow khi đang đóng quân tại thị trấn Vremievsky Ledge trong vùng Zaproizhzhia.

Blogger chiến tranh nổi tiếng của Nga với 1,1 triệu người theo dõi Anatoliy Shariy nói rằng Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đang mở cuộc điều tra một số sĩ quan gốc người Ukraine là những người đã lặng lẽ rời khỏi bộ chỉ huy ngay trước khi hỏa tiễn Ukraine đánh tới. Địa điểm đóng quân của bộ chỉ huy được giữ bí mật; và Ukraine chỉ phóng hỏa tiễn Storm Shadow vào những vị trí có giá trị chiến lược cao. Bộ chỉ huy Tập Đoàn Quân được bảo vệ bởi một hệ thống phòng không dày đặc. Tuy nhiên, hỏa tiễn Storm Shadow đi quá nhanh đến mức không hệ thống nào kịp khai hoả đánh chặn. Con số người chết và bị thương trong vụ này lên đến hàng trăm người.

4. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine đang có những bước tiến ngay trong giai đoạn tấn công thăm dò

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine đang có những bước tiến và giành được các vị trí chiến thuật trong cuộc phản công của mình, mặc dù vẫn còn đang trong giai đoạn thăm dò của cuộc tổng phản công.

Trong bài phát biểu ngắn trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Stoltenberg cho biết liên minh đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo ở thủ đô Vilnius của Lithuania, nơi dự kiến sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius trong hai ngày 11 và 12/7, Ukraine muốn nhận được sự bảo đảm an ninh rõ ràng từ các đồng minh và quan điểm thành viên rõ ràng.

Waldemar Skrzyczak, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Ba Lan cũng nhấn mạnh rằng tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới, Ba Lan, Rumani và các quốc gia vùng Baltic sẽ nhấn mạnh quan điểm của họ, theo đó Ukraine không thể thua, và Nga không thể thắng trong cuộc xâm lược hiện nay. Nếu Nga thắng, Putin không dừng lại ở Ukraine. Ba Lan, Rumani và các quốc gia vùng Baltic rơi vào một tình thế hết sức nguy hiểm. Không chỉ có thế, cả các quốc gia khác ở nhiều nơi trên thế giới cũng sẽ là mồi ngon cho những bọn xâm lược khác. Đài Loan là một ví dụ.

5. Thông tấn xã TASS của Nga loan tin về các vụ nổ dữ dội tại thành phố Luhansk

Thông tấn xã TASS của nhà nước Nga cho biết ít nhất 8 vụ nổ dữ dội đã được ghi nhận vào hôm thứ Ba 13 Tháng Sáu, tại thành phố Luhansk bị tạm chiếm. Các căn cứ quân sự Nga, đặc biệt là các kho đạn đã phát nổ trong nhiều giờ. Diễn biến này xảy ra trong khi Ukraine đang tấn công dữ dội tại hai khu vực Donetsk và Zaporizhzhia, khiến nhiều người cho rằng Ukraine đang áp dụng chiến thuật giương đông kích tây. Mục tiêu chính của họ là tấn công vào Luhansk nơi không có các chiến hào và bãi mìn chằng chịt như Zaporizhzhia; và không có một lực lượng lớn tập trung các đơn vị tinh nhuệ của Nga như tại khu vực Donetsk.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, lại có các báo cáo về các vụ nổ ở Tokmak, thuộc khu vực bị tạm chiếm của vùng Zaporizhzhia. Vladimir Rogov, một nhà lãnh đạo địa phương thân Nga ở đó, cho biết: “Đức Quốc xã đã nã pháo vào thành phố Tokmak. Có lẽ hỏa lực đã được bắn ra từ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt Himars. Ít nhất sáu lượt tấn công đã được ghi nhận.”

Khoảng 15 phút trước đó, Ivan Fedorov, thị trưởng lưu vong của Melitopol của Ukraine, đã báo cáo rằng ở Mykhailivka, cách Tokmak 45 km về phía đông, các vụ nổ rất lớn đánh vào các căn cứ Nga đã được ghi nhận.

6. Số người thiệt mạng vì lũ lụt ở hai thị trấn do Nga kiểm soát ở miền nam Ukraine đã tăng lên 17 người

Số người chết vì lũ lụt ở hai thị trấn do Nga kiểm soát ở miền nam Ukraine đã tăng lên 17 người một tuần sau khi một con đập lớn ngăn một hồ chứa nước bị phá vỡ, một quan chức do Nga bổ nhiệm cho biết hôm thứ Ba.

Andrei Alekseyenko, chủ tịch chính quyền do Nga cài đặt ở vùng Kherson, cho biết 12 người được xác nhận đã chết ở Hola Prystan và 5 người ở Oeshky, hai thị trấn nhỏ ở hạ lưu đập Kakhovka.

Reuters không thể xác minh độc lập các số liệu. Hàng trăm người đã được cứu bằng thuyền từ những mái nhà bị ngập lụt sau thảm họa, nhưng các tình nguyện viên nói với hãng truyền thông độc lập iStories của Nga vào tuần trước rằng họ ước tính số người chết lên đến hàng trăm người vì không có một nỗ lực tiếp cứu nào được thực hiện trong các vùng bị Nga tạm chiếm.

Nga kiểm soát bờ Đông sông Dnipro ở vùng Kherson, trong khi Ukraine nắm giữ thành phố Kherson ở bờ đối diện, cũng như vùng Mykolaiv xa hơn về phía bắc.

7. Nhà độc tài Belarus tuyên bố sẵn sàng nổ hạt nhân nếu thấy cần thiết

Nhà lãnh đạo Belarus, Alexander Lukashenko, cho biết hôm thứ Ba rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus sẽ đóng vai trò ngăn chặn kẻ xâm lược tiềm năng và không nên do dự sử dụng chúng nếu cần.

Reuters báo cáo rằng bình luận của ông đã được thực hiện bởi hãng tin Belta.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu cho biết Nga sẽ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trong hai ngày 7-8 tháng 7 sau khi các cơ sở lưu trữ đặc biệt đã sẵn sàng.

Đây sẽ là lần đầu tiên vũ khí hạt nhân của Nga được bố trí bên ngoài biên giới đất nước kể từ khi vũ khí trên lãnh thổ Belarus, Ukraine và Kazakhstan được trả lại cho Nga sau khi Liên Xô tan rã. Mỹ có vũ khí hạt nhân chiến thuật tại 6 căn cứ ở 5 quốc gia thành viên NATO: Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

8. Cơ quan an ninh FSB của Nga hôm thứ Ba cho biết họ đã bắt giữ một nhóm cựu công nhân ngành công nghiệp quốc phòng mà họ nghi ngờ cung cấp cho Ukraine thông tin quân sự nhạy cảm và lên kế hoạch tấn công phá hoại.

Reuters đưa tin Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, cáo buộc các cựu công nhân làm gián điệp cho tình báo quân đội Ukraine và chuyển giao các tài liệu kỹ thuật và mô hình được sử dụng để sản xuất các hệ thống vũ khí và thiết bị cho lực lượng không quân Nga.

FSB nói trong một tuyên bố rằng nhóm này cũng tham gia vào các kế hoạch cho nổ tung cơ sở hạ tầng giao thông như các tuyến đường sắt được sử dụng để cung cấp cho các lực lượng Nga đang chiến đấu ở Ukraine.

9. Trùm Wagner tuyên bố “Tiềm năng tấn công của Ukraine còn lâu mới cạn kiệt”

Người đứng đầu Wagner Yevgeny Prigozhin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Đan Mạch hôm thứ Ba rằng Ukraine còn lâu mới cạn kiệt khả năng chống lại Nga.

“Bất kỳ cuộc tấn công nào cũng phải được đánh giá, cũng như kết quả của nó, xem tiềm năng tấn công của đối phương đã cạn kiệt hay chưa. Theo như tôi hiểu, tiềm năng tấn công của Ukraine còn lâu mới cạn kiệt”, ông nói.

Ông chủ của công ty quân sự tư nhân Nga cũng cho biết ông không biết liệu lực lượng của mình có ở lại Ukraine hay không trong bối cảnh tranh chấp với Bộ Quốc phòng Nga về các hợp đồng.

Prigozhin đưa ra lập trường trên sau khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm thứ Bảy rằng “các đơn vị tình nguyện” và các nhóm quân sự tư nhân sẽ được yêu cầu ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga, hợp đồng này sẽ “cung cấp cho các đơn vị tình nguyện địa vị pháp lý cần thiết” và tạo ra “các đường lối thống nhất” đối với công việc.

Lệnh không nêu tên nhóm Wagner, nhưng động thái này được coi là một cách để kiểm soát lực lượng quân sự có ảnh hưởng. Prigozhin - người đã công khai thù hận với các nhà lãnh đạo quốc phòng - cho biết động thái này không áp dụng cho Wagner.

10. Nga phóng 14 hỏa tiễn hành trình vào Ukraine trong đêm

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 14 tháng Sáu, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 10 trong số 14 hỏa tiễn hành trình do Nga bắn trong các cuộc không kích chết người trong đêm.

Các lực lượng phòng không cũng chặn một trong bốn máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất do Nga phóng, các quan chức cho biết.

Tại thành phố miền trung Kryvyi Rih, quê hương của Tổng thống Zelenskiy, ít nhất 11 người đã thiệt mạng, hàng chục người bị thương và các đội cấp cứu đang nỗ lực giải cứu những người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.

“Một khu chung cư, một nhà kho chứa lương thực. Hiện chúng tôi đang tiến hành tháo dỡ đống đổ nát và dập lửa. Nhiều người bị mất nhà cửa.”

Ở những nơi khác, các cuộc pháo kích của Nga đã tấn công các khu vực Sumy và Kharkiv phía đông bắc Ukraine.

11. Liên minh các nước Âu Châu công bố gói phòng không mới trị giá 116 triệu USD cho Ukraine

Một liên minh quốc phòng do Anh dẫn đầu gồm một số nước Âu Châu đã công bố gói năng lực phòng không mới trị giá 116 triệu đô la cho Ukraine.

Các bộ trưởng quốc phòng của Lực lượng viễn chinh chung – bao gồm Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Vương quốc Anh – đã đưa ra quyết định vào hôm thứ Ba sau một cuộc họp.

“Các thiết bị trị giá 92 triệu bảng Anh hay 116 triệu USD, sẽ được mua trong những tháng tới thông qua Quỹ Quốc tế cho Ukraine để tăng cường khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng, dân thường và các binh sĩ ở tiền tuyến,” Chính phủ Vương quốc Anh cho biết trong một tuyên bố.

Gói này “sẽ cung cấp các radar để giúp bảo vệ khỏi các cuộc tấn công bừa bãi của Nga cũng như súng và một lượng đáng kể đạn dược”

Cũng vào hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã công bố một khoản hỗ trợ an ninh mới trị giá 325 triệu đô la cho Ukraine.

12. Số người thiệt mạng trong cuộc tấn công Kryvyi Rih tăng lên 11 khi chiến dịch giải cứu kết thúc

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 14 tháng Sáu, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết, người thứ 11 đã thiệt mạng sau vụ tấn công bằng hỏa tiễn trong đêm của Nga vào một tòa nhà chung cư ở thành phố Kryvyi Rih, miền trung Ukraine.

Các quan chức cho biết một thi thể đã được lực lượng cấp cứu kéo ra khỏi đống đổ nát.

“Hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đã hoàn tất, và việc tháo dỡ các công trình đang được tiến hành,” cô nói.

Xa hơn về phía nam, ở vùng Kherson: Các cuộc không kích của Nga đã đánh vào khuôn viên của một nhà thờ, giết chết một linh mục 72 tuổi. Một phụ nữ 76 tuổi cũng bị thương trong vụ tấn công tương tự.

“Các cuộc không kích của Nga đã làm hư hại 4 tòa nhà dân cư, bưu điện, tòa nhà hành chính, quảng trường trung tâm và các cơ sở hạ tầng quan trọng” ở làng Bilozerka, cô nói thêm.

Ở những nơi khác: Các cuộc pháo kích của Nga đã tấn công các khu vực Sumy và Kharkiv phía đông bắc Ukraine.

Ở khu vực phía nam Zaporizhzhia, ba quả bom đã đánh trúng thị trấn Orikhiv, giết chết một thường dân và phá hủy nhiều ngôi nhà.

Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 10 trong số 14 hỏa tiễn hành trình do Nga bắn trong các cuộc không kích chết người trong đêm.

13. Blinken nói: Ukraine có thể buộc Putin ngồi vào bàn đàm phán nếu phản công thành công

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Kyiv có thể buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Ukraine nếu cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga thành công.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington hôm thứ Hai cùng với Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani, Blinken nói với các phóng viên rằng “Thành công của Ukraine trong cuộc phản công sẽ làm được hai điều”.

“Nó sẽ củng cố vị thế của Ukraine tại bất kỳ bàn đàm phán nào nếu có, và nó cũng có thể có tác dụng thực sự khiến Putin cuối cùng tập trung vào việc đàm phán chấm dứt cuộc chiến mà ông ta đã khơi mào.”

“Theo nghĩa đó, nó thực sự có thể mang hòa bình đến gần hơn, chứ không phải đẩy nó ra xa hơn,” Blinken nói.

Ukraine đã nhiều lần nói rằng điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga là Mạc Tư Khoa phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, một yêu cầu được phương Tây ủng hộ.

Kyiv đã đạt được một số lợi ích trên chiến trường trong những ngày gần đây khi cuộc phản công của họ được tiến hành, theo các quan chức Ukraine và cả các nguồn tin của Nga.

14. Ngoại trưởng Mỹ công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã công bố khoản hỗ trợ an ninh mới trị giá 325 triệu đô la cho Ukraine vào hôm thứ ba.

Gói mới nhất — là lần rút tiền thứ 40 của tổng thống — bao gồm “các khả năng phòng không quan trọng, đạn dược bổ sung cho Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, đạn pháo, vũ khí chống tăng, xe bọc thép và các thiết bị khác cần thiết để tăng cường lực lượng của Ukraine trên chiến trường,” Blinken nói.

Tuyên bố nêu rõ: “Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi sẽ đoàn kết với Ukraine cho đến chừng nào còn cần thiết”.

15. Quân đội Ukraine đã đạt được một số thành tựu trong cuộc tấn công, người đứng đầu lực lượng vũ trang nói

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Valerii Zaluzhnyi, cho biết hôm thứ Ba rằng quân đội đã nhận thấy “những thành tựu nhất định” trong cuộc tấn công của mình và đang “tiến lên phía trước”.

Ông cho biết ông đã thông báo cho Tướng hàng đầu của Hoa Kỳ Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, về tình hình dọc theo tiền tuyến trong một cuộc điện thoại.

“Các cuộc giao tranh khốc liệt cả phòng thủ và tấn công đang diễn ra ở phía Đông và phía Nam của đất nước chúng ta.” Đại Tướng Zaluzhnyi nói.

16. Các binh sĩ Ukraine đang chiến đấu để đẩy lùi các lực lượng Nga ở khu vực Donetsk và Zaporizhzhia, chỉ huy nói

Một chỉ huy quân sự Ukraine cho biết hôm thứ Ba rằng các binh sĩ đang chiến đấu quyết liệt để đẩy lùi các lực lượng Nga dọc biên giới của khu vực Donetsk và Zaporizhzhia.

Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi, Tư lệnh Nhóm Lực lượng Tác chiến và Chiến lược Tavria, đang chỉ huy cuộc phản công tái chiếm các khu vực trong vùng Zaporizhzhia và vùng Donetsk giáp ranh, cho biết:

“Tại khu vực Tavria, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đang tiêu diệt nhân lực và thiết bị của Nga một cách có hệ thống”.

Ông nói: “Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của lực lượng phòng thủ Ukraine ở khu vực Tavria đã thực hiện 1.504 nhiệm vụ bắn trong ngày qua,” đồng thời cho biết thêm rằng “một số kho đạn dược của đối phương cũng đã bị phá hủy”.

17. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Ba rằng Nga đang cân nhắc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải, đồng thời lưu ý rằng Nga tham gia vào thỏa thuận này để duy trì mối quan hệ với các quốc gia “thân thiện”.

“Chúng tôi hiện đang nghĩ đến việc rút khỏi cái gọi là thỏa thuận ngũ cốc này. Hơn nữa, những hành lang mà các con tàu đi dọc theo đó thường xuyên được sử dụng để phóng các máy bay không người lái của hải quân,” Putin nói trong một cuộc họp trên truyền hình với các nhà báo ủng hộ Điện Cẩm Linh.

Putin nói rằng Nga tham gia thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải để giúp đỡ các nước “thân thiện” ở Phi Châu và Mỹ Châu Latinh và duy trì mối quan hệ tốt đẹp.

“Chúng tôi không làm điều này cho Ukraine, chúng tôi đang làm điều này cho các quốc gia thân thiện của chúng tôi ở Phi Châu và Mỹ Châu Latinh. Bởi vì ngũ cốc nên được ưu tiên… đến các nước nghèo nhất trên thế giới,” ông Putin nói.

“ Người ta đã hứa rằng ngũ cốc của chúng tôi sẽ không bị hạn chế xuất khẩu. Nhưng thật không may, chúng tôi lại một lần nữa bị lừa dối. Không có gì được thực hiện trong việc tự do hóa việc cung cấp ngũ cốc của chúng tôi cho thị trường nước ngoài.”

Putin tuyên bố Âu Châu là nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất của Ukraine và đây “dường như là nguồn thu ngoại tệ chính cho Ukraine”.

Một số bối cảnh khác: Vào ngày 17 tháng 5, một thỏa thuận đã đạt được để gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine ở Hắc Hải, theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết thỏa thuận giữa Ukraine và Nga, do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian, sẽ được gia hạn thêm hai tháng. Thỏa thuận ban đầu được ký kết vào năm ngoái và kể từ đó đã được gia hạn.

Sau khi xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Nga đã phong tỏa hoạt động xuất khẩu ngũ cốc quan trọng từ các cảng Hắc Hải quan trọng của Ukraine, bao gồm Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi, điều đó có nghĩa là hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine không được xuất khẩu sang nhiều quốc gia phụ thuộc vào nước này.

Tác động của chiến tranh đối với thị trường lương thực toàn cầu là ngay lập tức và vô cùng đau đớn, vì Ukraine chiếm 10% thị trường lúa mì thế giới, 15% thị trường ngô và 13% thị trường lúa mạch.
 
Bí ẩn: Tư Lệnh Vệ Binh Quốc Gia Nga mất tích trong chiến đấu. Mỹ giao đạn Uranium nghèo cho Ukraine
VietCatholic Media
16:39 14/06/2023


1. Tư Lệnh Vệ Binh Quốc Gia Nga nhánh Chechnya mất tích trong chiến đấu, có thể đã bị thương hay tử trận

Sáng thứ Tư, các cơ quan truyền thông Ukraine loan tin rằng một Tư Lệnh Vệ Binh Quốc Gia Nga, Adam Delimkhanov đã bị quân Ukraine loại khỏi vòng chiến ở khu vực Zaporizhzhia. Diễn biến này xảy ra ngay sau cái chết của Thiếu tướng Sergey Goryachev, 52 tuổi, Tư Lệnh Tập Đoàn Quân vũ trang liên hợp thứ 35 của Nga, thiệt mạng trong một vụ nổ hỏa tiễn Storm Shadow.

Adam Delimkhanov là bà con và là đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov. Ông ta cũng đồng thời là một nhà lập pháp Nga từ Chechnya.

Kênh truyền hình Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga đã phản bác các báo cáo của Ukraine, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào. Kênh này cho rằng Adam Delimkhanov “còn sống, nhưng ông ấy đã bị thương”.

Tuy nhiên, hung thần Ramzan Kadyrov nói rằng anh ta không thể liên lạc với Delimkhanov.

“Tôi yêu cầu tình báo Ukraine cung cấp thông tin chính xác địa điểm và vị trí nào bị tấn công để tôi vẫn có thể tìm thấy người anh trai thân yêu của mình,” Kadyrov nói, hứa hẹn một “phần thưởng hậu hĩnh” cho thông tin này.

Phát ngôn nhân Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin nói rằng Delimkhanov “còn sống” nhưng ông ta cũng không cung cấp thông tin chi tiết về vết thương và vị trí hiện nay của Delimkhanov,

Các báo cáo chưa được xác nhận trước đó lan truyền trên các phương tiện truyền thông Ukraine cho biết Delimkhanov đã bị giết ở vùng Zaporizhzhia của Ukraine, nơi bị lực lượng Nga tạm chiếm một phần.

Delimkhanov, 53 tuổi, năm ngoái được phong Anh hùng Liên bang Nga vì vai trò của ông trong cuộc chiến ở thành phố Mariupol bị bao vây của Ukraine vào mùa xuân năm ngoái.

Delimkhanov trong tháng này đã công khai chỉ trích nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga, cáo buộc lãnh đạo của nhóm này là Yevgeny Prigozhin trở thành một “blogger la hét và hét lên với toàn thế giới về tất cả các vấn đề” vì đã nêu bật các vấn đề trong quân đội Nga.

Ban đầu, ông có kinh nghiệm quân sự khi chiến đấu chống lại Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến tranh ly khai Chechnya những năm 1990. Ông ta và Kadyrov đổi phe trong Chiến tranh Chechnya lần thứ hai để liên kết với Nga.

Trong những năm kể từ đó, Delimkhanov đã trở thành một trong những chính trị gia hàng đầu của Chechnya. Ông là đại biểu của Hạ viện Nga từ năm 2007.

Delimkhanov đang chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu.

2. Trong một ngày quân Nga mất 8 xe tăng, 11 xe thiết giáp và 11 hệ thống pháo

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 14 tháng Sáu, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua, giao tranh tập trung ở hướng Đông Nam của khu vực Zaporizhzhia. Có những hướng quân Ukraine chỉ tiến được 200m do mìn bẫy, hào chống tăng hay do sự kháng cự quyết liệt của quân Nga. Tuy nhiên, có những hướng quân Ukraine có thể tiến được đến 1,4km. Tính chung, trong ngày qua, quân Ukraine đã có thể giải phóng được 3km vuông.

Hệ thống quân giai của Nga là một hệ thống trung ương tập quyền. Các sĩ quan cấp dưới thường chỉ là những người thừa hành các quyết định do cấp trên đưa xuống. Họ không tự mình đưa ra quyết định, và cũng không có khả năng đưa ra quyết định. Thiếu tướng Sergey Goryachev, Tư Lệnh Tập Đoàn Quân vũ trang liên hợp thứ 35 của Nga tử trận là một đòn mạnh đánh vào khả năng phòng thủ của quân Nga. Các Lữ Đoàn Súng Trường Cơ Giới 37 và 60 được tường trình đã tuỳ nghi di tản vì không có ai bảo họ tiếp tục cầm cự, chờ quân tiếp viện. Họ bỏ lại cả chục hệ thống pháo.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết tại thị trấn Svatove ở vùng Luhansk, quân Ukraine đã phát hiện một căn cứ máy bay không người lái bao gồm một sân phóng máy bay và một trung tâm điều khiển. Tối thứ Ba rạng sáng ngày thứ Tư, căn cứ này đã bị biệt kích của Lữ Đoàn 92 Cơ Giới Biệt Lập làm mù vệ tinh liên lạc trước khi tấn công và phá hủy.

Vào đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư 14 Tháng Sáu, lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy 3 trong số 4 hỏa tiễn hành trình Kalibr của đối phương được phóng Hắc Hải, cũng như 9 trong số 10 máy bay không người lái Shahed-136 và Shahed 131 được phóng từ bờ biển phía đông của Biển Azov.

Trong 24 giờ qua, 680 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 8 xe tăng, 11 xe thiết giáp, 17 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 1 hệ thống phòng không, và 9 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 14 Tháng Sáu, khoảng 217.330 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.943 xe tăng, 7.653 xe thiết giáp, 3.783 hệ thống pháo, 603 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 364 hệ thống phòng không, 314 chiến đấu cơ, 300 máy bay trực thăng, 3.324 máy bay không người lái, 1.193 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.482 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 516 thiết bị chuyên dụng.

3. Xe tăng mạnh nhất của Nga cũng không thể đối đầu nổi với vũ khí mới của Ukraine

Một báo cáo độc quyền của tờ Wall Street Journal được công bố hôm thứ Hai 12 Tháng Sáu, cho rằng Mỹ sẽ nhanh chóng cung cấp đạn chống tăng uranium nghèo, gọi tắt là DU. Đáp lại, tuyên truyền viên trên TV Vladimir Solovyov tuyên bố rằng nếu điều đó xảy ra, một vụ tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ là không thể tránh khỏi. Thực ra, chính Putin cũng từng tuyên bố như thế khi Vương Quốc Anh cung cấp đạn đạn chống tăng uranium nghèo cho Ukraine. Nhưng chẳng có gì xảy ra.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Strongest Tanks Are No Match for Ukraine's New Weapons”, nghĩa là “Xe tăng mạnh nhất của Nga cũng không thể đối đầu nổi với vũ khí mới của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Xe tăng của Nga ở Ukraine sẽ dễ bị tổn thương từ mọi vị trí, “ngay cả ở nơi có lớp giáp dày nhất”, Newsweek đã đưa tin, vì các báo cáo mới cho thấy Mỹ có thể chuẩn bị cung cấp cho Kyiv đạn chống tăng uranium nghèo, gọi tắt là DU.

Các quan chức Hoa Kỳ giấu tên nói với The Wall Street Journal hôm thứ Hai rằng Washington chuẩn bị gửi đạn DU tới Ukraine, loại đạn này sẽ được bắn từ xe tăng Abrams do Hoa Kỳ cung cấp. Hoa Kỳ đã cam kết gửi 31 xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams, và chúng dự kiến sẽ đến đất nước bị chiến tranh tàn phá vào mùa thu.

Một quan chức chính quyền cấp cao nói với Wall Street Journal rằng không có trở ngại đáng kể nào đối với việc Mỹ gửi đạn DU.

Đạn DU thường được sử dụng bởi nhiều lực lượng vũ trang, bao gồm cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Đạn này đậm đặc hơn chì và chúng tự mài sắc khi tác động vào mục tiêu. Chúng là đạn động học, không phát nổ nhưng xuyên qua lớp giáp của xe tăng khi bắn ở tốc độ cao và có thể được sử dụng để giao chiến với đối phương ở khoảng cách xa hơn. Các chuyên gia cho biết chúng sẽ không được bắn từ xe tăng thời Liên Xô của Ukraine và có khả năng chỉ phù hợp với các phương tiện quân sự do phương Tây sản xuất.

Tuy nhiên, chúng vẫn còn gây tranh cãi vì các nghiên cứu mâu thuẫn nhau về tác động liên quan đến sức khỏe của bom, và đạn DU. Chuyên gia công nghệ quân sự David Hambling trước đây đã nói với Newsweek: “Mối nguy hiểm đối với sức khỏe do DU gây ra tiếp tục là vấn đề tranh luận sôi nổi.”

Theo cựu Đại tá quân đội Anh Hamish de Bretton-Gordon, người trước đây chỉ huy các lực lượng phòng thủ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân của Vương quốc Anh và NATO, đạn DU là “loại đạn chống xe tăng mạnh nhất hiện có”.

Đạn DU “có sức công phá lớn hơn nhiều so với đạn xe tăng truyền thống,” de Bretton-Gordon nói với Newsweek, đồng thời cho biết thêm: “Xét về khả năng tiêu diệt xe tăng Nga, nó cực kỳ hiệu quả”.

De Bretton-Gordon lập luận: “Điều quan trọng là uranium cạn kiệt có nghĩa là bạn có thể hạ gục xe tăng Nga từ bất kỳ vị trí nào, ngay cả ở nơi có lớp giáp dày nhất.

Vương quốc Anh đã xác nhận vào tháng 3 rằng họ đã gửi đạn DU cho xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2, hiện đã đến Ukraine.

Bộ trưởng về Phòng Thủ của Vương Quốc Anh Annabel Goldie cho biết đạn DU “có hiệu quả cao trong việc đánh bại xe tăng và xe bọc thép hiện đại”.

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi điều này xảy ra với Abrams,” Đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Mark Cancian nói với Newsweek.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào tháng 3 rằng các lực lượng vũ trang của Vương quốc Anh đã “sử dụng uranium nghèo trong đạn xuyên giáp của mình trong nhiều thập kỷ” và nó là một “thành phần tiêu chuẩn”.

Tuy nhiên, động thái này đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tức giận, người cho rằng có yếu tố “hạt nhân” trong động thái này.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Đó là một thành phần tiêu chuẩn và không liên quan gì đến khả năng hay vũ khí hạt nhân. “Nga biết điều này, nhưng đang cố tình làm sai lệch thông tin.”

Ông de Bretton-Gordon cho biết các xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây sản xuất như Abrams, Challenger 2 hoặc Leopard - được Mỹ, Đức, Anh và các đồng minh quốc tế khác tài trợ - có nhiều khả năng được bảo vệ khỏi đạn DU. Ông nói thêm: “Thiết giáp của xe tăng Nga không tốt và mạnh như thiết giáp của phương Tây.

Các chuyên gia cho biết, xe tăng phương Tây lựa chọn sử dụng súng mạnh và áo giáp hạng nặng trên xe tăng chiến đấu chủ lực của họ, thường có nhiều thành viên tổ lái hơn và kho đạn cách xa tháp pháo. Họ nhấn mạnh vào khả năng kiểm soát hỏa lực, nhưng xe tăng Nga lại ưu tiên thiết kế nhỏ hơn với ít thành viên kíp lái hơn, được bao quanh bởi ít lớp giáp bảo vệ hơn, nhưng có thiết kế nạp đạn tự động. Tuy nhiên, Cancian lập luận rằng không chỉ các viên đạn DU giúp xe tăng phương Tây hiệu quả hơn, mà việc bổ sung các tính năng như kiểm soát hỏa lực tốt hơn cũng đóng một vai trò quan trọng.

Các lực lượng của Mạc Tư Khoa “thích có một chiếc xe tăng cơ động hơn là một chiếc xe tăng bọc thép nhiều hơn,” de Bretton-Gordon nói thêm.

Newsweek đã liên hệ với Ngũ Giác Đài và Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận qua email.

4. Ukraine được tăng cường sức mạnh trong trận chiến ngăn chặn hỏa tiễn siêu thanh của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Gets Huge Boost in Battle To Stop Russia's Hypersonic Missiles”, nghĩa là “Ukraine được tăng cường sức mạnh trong trận chiến ngăn chặn hỏa tiễn siêu thanh của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Hoa Kỳ sẽ sản xuất thêm các hệ thống phòng không Patriot mà Ukraine đã dùng để đánh chặn các hỏa tiễn siêu thanh đáng gờm của Nga, và sẽ bàn giao thêm 5 hệ thống cho Kyiv vào cuối năm 2024.

Raytheon Technologies, nhà thầu quốc phòng của Hoa Kỳ dẫn đầu việc sản xuất các hệ thống phòng không Patriot, cũng sẽ tăng sản lượng hàng năm lên 12 chiếc Patriot, giám đốc điều hành của công ty, Greg Hayes, nói với The Wall Street Journal trong các bình luận đăng hôm Chúa Nhật.

“Chúng tôi đã rất ngạc nhiên về hiệu quả của nó,” Hayes nói với Wall Street Journal, khi đề cập đến hệ thống Patriot. Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp một khẩu đội Patriot và đạn dược cho Ukraine, và Kyiv vận hành hai trong số các hệ thống phòng không tinh vi. Hệ thống còn lại do Đức và Hà Lan cung cấp.

Các hệ thống Patriot đã tỏ ra rất quan trọng đối với hệ thống phòng không của Ukraine trước các hỏa tiễn của Nga. Hệ thống hỏa tiễn đất đối không di động Patriots tạo thành một phần lá chắn của đất nước chống lại các mối đe dọa trên không khác nhau, hoạt động cùng với các hệ thống khác mà Ukraine sử dụng để bảo vệ bầu trời của mình.

Hayes cho biết Ukraine đã thay đổi nhu liệu của hệ thống để có thể đánh chặn các hỏa tiễn siêu thanh của Mạc Tư Khoa, vốn di chuyển với tốc độ cao hơn các hỏa tiễn khác do lực lượng của Điện Cẩm Linh phóng đi. Raytheon đã sản xuất hơn 240 đơn vị Patriot, theo nhà sản xuất, và hệ thống có tuổi đời hàng chục năm này đã được nâng cấp liên tục trong những năm qua.

Vào đầu tháng 5, lực lượng không quân Ukraine cho biết Kyiv đã “hạ gục thành công 'Con dao găm vô song',” ám chỉ hỏa tiễn Kinzhal. Một phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine sau đó cho biết Ukraine đã sử dụng hệ thống Patriot để hạ gục hỏa tiễn siêu thanh.

Ngũ Giác Đài xác nhận rằng Kyiv “đã bắn hạ một hỏa tiễn của Nga bằng cách sử dụng hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot”, sau đó nói rằng đó là một hỏa tiễn Kinzhal. Điều này đã bị Nga phủ nhận.

Tuy nhiên, có những câu hỏi về việc liệu hỏa tiễn Kinzhal có phải là vũ khí siêu thanh thực sự hay không. Newsweek trước đây đã nói rằng “tất cả các dấu hiệu cho thấy Kinzhal chỉ đơn giản là một hỏa tiễn đạn đạo phóng từ trên không”, mặc dù nó vẫn có thể gây ra mối đe dọa đáng kể cho Ukraine.

Kyiv đã ca ngợi màn trình diễn của Patriots, mà Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết đã đến đất nước bị chiến tranh tàn phá vào tháng Tư.

“Bầu trời Ukraine xinh đẹp của chúng ta trở nên an toàn hơn nhờ các hệ thống phòng không Patriot đã đến Ukraine,” Reznikov viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

“Patriot là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới và nó sẽ mang lại cho Ukraine khả năng tầm xa quan trọng để bảo vệ không phận của mình”, một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết vào tháng 12 khi Mỹ thông báo sẽ gửi hệ thống này lần đầu tiên.”

Tuy nhiên, một hệ thống Patriot có khả năng bị hư hại trong một cuộc tấn công của Nga, các quan chức Mỹ cho biết hồi tháng Năm. Ukraine phủ nhận điều này, nhưng Mỹ nhanh chóng cho biết hệ thống này đã bị “thiệt hại nhẹ” và hiện “đã trực tuyến và hoạt động trở lại hoàn toàn”.

Đáp lại yêu cầu bình luận của Newsweek, Ngũ Giác Đài dẫn dữ liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào ngày 9/6, nêu rõ rằng Mỹ đã giao một tổ hợp phòng không Patriot và đạn dược cho Ukraine. Mỹ cũng đã gửi thiết bị để tích hợp các hệ thống phòng không của phương Tây vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, cũng như thiết bị để duy trì khả năng phòng không hiện có của Kyiv, theo tờ thông tin được công bố vào tuần trước.

Newsweek cũng đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để bình luận qua email.

5. Người đứng đầu NATO nói rằng Ukraine đang giành được chỗ đứng trong cuộc tấn công của mình

Tổng thư ký NATO nói rằng Ukraine đang giành được chỗ đứng trong cuộc tấn công của mình, một thực tế mà ông nói đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ của phương Tây.

“Người Ukraine đã phát động một cuộc tấn công. Vẫn còn trong giai đoạn thăm dò, nhưng họ đang thực hiện rất thành công. Họ đang giành được các vị trí chiến thuật. Người Ukraine càng giành được nhiều lợi thế thì họ sẽ càng có thế mạnh hơn trên bàn đàm phán,” Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Ba tại Tòa Bạch Ốc sau cuộc hội đàm với Tổng thống Biden.

Người đứng đầu NATO cho biết, với những thắng lợi của Ukraine trên chiến trường, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ nhận ra rằng ông không thể thắng trong cuộc chiến.

Trọng tâm chính của các cuộc đàm phán tại Phòng Bầu dục là hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tại Lithuania, bao gồm nhu cầu các thành viên của liên minh tái cam kết về mức chi tiêu quốc phòng.

6. Putin thừa nhận không chuẩn bị cho các cuộc tấn công vào Belgorod

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Admits Being Unprepared for Belgorod Attacks”, nghĩa là “Putin thừa nhận không chuẩn bị cho các cuộc tấn công vào Belgorod.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba thừa nhận rằng Mạc Tư Khoa đã không chuẩn bị đầy đủ để đáp trả các cuộc tấn công vào các khu vực biên giới như Belgorod.

Bình luận của Putin về các cuộc tấn công vào các khu vực biên giới của Nga được đưa ra trong cuộc gặp với các blogger quân sự ủng hộ Cẩm Linh, theo tờ Mạc Tư Khoa Thời Báo.

Vào tháng 5, một loạt vụ tấn công đã xảy ra ở các khu vực của Nga giáp với Ukraine, đáng chú ý nhất là ở Belgorod. Điện Cẩm Linh đổ lỗi cho lực lượng Ukraine về các cuộc tấn công, nhưng Kyiv phủ nhận trách nhiệm. Trong khi đó, hai nhóm chống Điện Cẩm Linh - là Quân đoàn tình nguyện Nga và Quân đoàn Nga Tự do—tuyên bố đứng sau các vụ tấn công.

Tờ Mạc Tư Khoa Thời Báo cho biết Putin nói rằng: “Tất nhiên, không có gì tốt trong việc này. Nhưng về nguyên tắc, người ta có thể cho rằng đối phương sẽ hành xử theo cách này, và người ta có thể đã chuẩn bị tốt hơn.”

Trong cuộc gặp, nhà lãnh đạo Nga cũng được cho là đã nói rằng các hệ thống phòng không của nước ông có thể sử dụng những cải tiến.

“Đây là một vấn đề có thể giải quyết được,” Putin nói về hệ thống phòng thủ. “Sẽ tốt hơn nếu việc này được thực hiện kịp thời và ở mức độ phù hợp, tuy nhiên công việc này vẫn đang được thực hiện.”

Hãng thông tấn Tass do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn đưa tin rằng ông Putin đã nói chuyện với các phóng viên chiến trường hôm thứ Ba về việc tạo ra một “khu vực vệ sinh” bên trong Ukraine gần biên giới Nga để ngăn chặn các cuộc tấn công ở các khu vực như Belgorod.

Putin được tường trình đã nói rằng việc tạo ra “một số loại khu vực vệ sinh trên lãnh thổ Ukraine ở khoảng cách xa đến mức không thể tiếp cận lãnh thổ của chúng ta” có thể mang lại sự bảo vệ cho các khu vực biên giới.

Putin cũng cho biết quân đội của ông không được cung cấp đủ nhiều loại vũ khí khác nhau.

Ông nói: “Trong quá trình thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, rõ ràng là còn thiếu nhiều thứ. Đạn dược với độ chính xác cao, thiết bị liên lạc, máy bay không người lái, v.v... chúng ta có những thứ ấy, nhưng tiếc là không đủ.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

Ít nhất đây là lần thứ hai, Putin đưa ra nhận xét về việc thiếu vũ khí trong những ngày gần đây.

Trong cuộc họp báo ngày 9 tháng 6 ở Sochi, ông ta đã thảo luận về điều mà ông nói là sự khởi đầu của một cuộc phản công của quân đội của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Putin lưu ý trong các bình luận của mình rằng ông không tin lực lượng của mình hiện có đủ số lượng vũ khí hiện đại.

Ông “thừa nhận rằng quân đội Mạc Tư Khoa đang đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí hiện đại và bày tỏ hy vọng rằng ngành công nghiệp quân sự của đất nước sẽ sớm có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng”, theo tường thuật về cuộc họp báo của Putin ở Sochi từ hãng truyền thông nhà nước Nga RT.

Khi được hỏi về việc Putin thừa nhận thiếu vũ khí ở Sochi, Guy McCardle, biên tập viên quản lý của Báo cáo Lực lượng Hoạt động Đặc biệt, nói với Newsweek rằng ông tin rằng Nga đang cạn kiệt một số loại vũ khí nhất định” nhưng nói thêm rằng “việc Putin thừa nhận điều đó là trái với tính cách bình thường của ông ta”.

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Trong hai tuần qua, đã có một sự gia tăng trong các cuộc xuất kích chiến thuật của không quân Nga, đặc biệt là ở miền nam Ukraine.

Điều này gần như chắc chắn là để đáp lại các báo cáo về các hoạt động tấn công gia tăng của Ukraine, khi Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cố gắng hỗ trợ bộ binh bằng các cuộc không kích.

Bất chấp sự gia tăng, tỷ lệ xuất kích hàng ngày của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất lên tới 300 phi vụ hàng ngày vào đầu cuộc chiến.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, các hoạt động trên không của Nga ở miền Nam Ukraine có thể được tiến hành dễ dàng hơn so với các khu vực khác của mặt trận.

Trong năm ngoái, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã tăng cường sử dụng vũ khí không đối đất, chẳng hạn như bom lượn, cho phép máy bay tấn công cách xa mục tiêu.

8. Lính Dù Ukraine gia nhập Thủy Quân Lục Chiến tiến vũ bão về phía nam dọc theo sông Mokri Yaly

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Paratroopers Join The Marines Thundering South Along The Mokri Yaly River”, nghĩa là “Lính Dù Ukraine gia nhập Thủy Quân Lục Chiến tiến vũ bão về phía nam dọc theo sông Mokri Yaly.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Một trong những lữ đoàn lâu đời nhất của lực lượng Dù Ukraine đã bất ngờ xuất hiện tại thị trấn Neskuchne hôm thứ Ba, gia nhập một quân đoàn Ukraine đang phát triển rầm rộ về phía nam từ Velyka Novosilka.

Một bức ảnh mà nhà báo Oleksandr Ratushniak của Reuters chụp hôm thứ Ba mô tả những người lính dù từ Lữ đoàn Dù số 25 tiến qua Neskuchne trên một tăng pháo 2S17 hiếm có.

Lữ đoàn Dù số 25, được thành lập vào năm 1993, lần cuối cùng được phát hiện chiến đấu trong các khu rừng xung quanh Kremmina ở miền đông Ukraine. Việc lữ đoàn đã chuyển hướng về phía nam và tham gia cuộc tấn công của Ukraine dọc theo sông Mokri Yaly có thể cho thấy rằng Kyiv đang bắt đầu đưa thêm lực lượng vào cuộc phản công ở phía nam.

Các lực lượng Ukraine kể từ đầu tuần trước đã tấn công dọc theo ba hoặc bốn trục ở Zaporizhzhia và Donetsk miền nam Ukraine. Không phải tất cả các cuộc tấn công đều thành công. Nỗ lực của Lữ đoàn cơ giới hóa số 33 và Lữ đoàn tấn công số 47 của quân đội Ukraine nhằm vượt qua một bãi mìn của Nga ngay phía nam Mala Tokmachka, cách Neskuchne 40 dặm về phía tây, đã kết thúc trong thảm họa hôm thứ Năm tuần trước.

Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine không cần mọi cuộc tấn công đều thành công. Mục tiêu của Kyiv là tạo ra một khoảng trống - bất kỳ khoảng trống nào - ở đâu đó dọc theo chiến tuyến của Nga trải dài qua Zaporizhzhia và Donetsk để quân tiếp viện có thể khai thác khoảng trống đó và chạy đua về phía Biển Azov, nhằm giải phóng các thành phố bị tạm chiếm và cắt giảm một nửa lực lượng Nga ở Ukraine.

Trục chạy dọc theo sông Mokri Yaly có thể mang lại hiệu quả nhất cho người Ukraine. Trong một vài ngày sôi nổi, một lực lượng gồm nhiều lữ đoàn do Lữ đoàn 35 Thủy Quân Lục Chiến dẫn đầu đã giải phóng một chuỗi các làng cách xa về phía nam từ Velyka Novosilka cũng như Makarivka, cách đó 10 dặm.

Đơn vị đầu tiên chụp ảnh ở Neskuchne, vào Chúa Nhật, là Lữ đoàn 129 Địa Phương Quân. Không rõ liệu Lữ đoàn Dù số 25 đã ở đó khi quân Ukraine giải phóng Neskuchne hay đến sau đó.

Trong mọi trường hợp, những người lính Dù hiện là một phần của quân đoàn bao gồm ít nhất bốn lữ đoàn ngoài lữ đoàn của họ: Lữ đoàn 35 Thủy Quân Lục Chiến, Lữ đoàn 68 Jaeger và hai Lữ đoàn Địa Phương Quân 128 và 129.

Đó là một lực lượng mạnh, nhưng lại nhẹ—rất nhiều xe tải bọc thép, xe chiến đấu bộ binh và súng cối cơ động, nhưng chỉ có một vài xe tăng. Quân đoàn do Thủy Quân Lục Chiến dẫn đầu đang cố gắng di chuyển nhanh dọc theo sông Mokri Yaly, tận dụng sự vô tổ chức rõ ràng của lực lượng đồn trú địa phương của Nga, bao gồm các đơn vị của Lữ đoàn súng trường cơ giới 60, Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ 37, Trung đoàn 394 súng trường cơ giới và Lữ đoàn 336 Cận vệ Thủy Quân Lục Chiến.

Các lữ đoàn nhanh nhẹn của Ukraine có thể đè bẹp và gây sốc cho các lực lượng địa phương của Nga và mở tung khu vực này của mặt trận. Tuy nhiên, việc khai thác sâu hơn trục Mokri Yaly—một trục có tiềm năng vươn tới Mariupol đã bị Nga tạm chiếm trên Biển Azov, cách đó 50 dặm về phía nam—có thể cần đến các lữ đoàn nặng hơn.

Khi điều đó xảy ra, Lữ đoàn xe tăng số 3 của quân đội Ukraine với 100 xe tăng T-84 và T-72 được cho là ẩn nấp bên trong phòng tuyến của Ukraine chỉ cách Velyka Novosilka vài dặm về phía bắc.