Ngày 14-06-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Con số và đời sống đức tin
LM. Nguyễn Ngọc Long
10:13 14/06/2008

Con số và đời sống đức tin



Ngay từ khi còn nhỏ lúc mới chập chững biết đi, biết nói, cha mẹ hay anh chị lớn đã tập dậy con em mình đếm số 1,2,3,4…bằng ngón tay, hay nói tuổi em bằng giơ ngón tay ra đếm.

Rồi từ khi cắp sách đến nhà trường em bé học đếm số tới hàng chục hàng trăm, hàng nghìn vạn…, học làm toán cộng trừ nhân chia.

Và trong suốt dọc cuộc sống những con số luôn gắn liền với đời sống ta. Lẽ dĩ nhiên đời sống đâu phải chỉ cần con số mới đủ, mới có ý nghĩa. Nhưng con số không thể thiếu vắng trong đời sống: con số năm tháng ngày giờ, số đo đạc, số trang sách giấy tờ, đếm số tiền, nhớ giữ số thẻ căn cước, số thẻ ngân hàng, số xe…

Đội thể thao môn ngành nào, tuy cổ võ thi đấu chơi chung tập thể, nhưng cũng có những con số giới hạn: hai đội thể thao thi đấu với nhau, mỗi đội chơi bóng chuyền trên sân chỉ có 06 cầu thủ; mỗi đội bóng đá ra sân cỏ thi đấu chỉ có 11 cầu thủ…

Ngành nghề nào cũng cần, cũng có con số, thậm chí cả đời sống niềm tin tôn giáo nữa.

Con số đóng vai trò gì trong niềm tin đạo giáo?

Ngay buổi đầu đời lúc còn thơ bé, cha mẹ, cha xứ chỉ dạy: Chúng ta tin thờ Một Thiên Chúa mà có Ba ngôi.

Lớn lên chúng ta học Giáo lý đức tin cũng chứa đựng những con số nói về sự sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa trong 07 ngày, về 10 điều răn Đức Chúa Trời, về 06 điều răn của Hội Thánh, về 07 Bí tích trong Giáo Hội, về đời sống hôn nhân Một vợ Một chồng, về 07 ân đức Chúa Thánh Thần, về Một Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu, về 12 ngôi sao trên triều thiên Đức Mẹ Maria, về 04 Chúa nhật mùa Vọng, về 40 ngày Mùa Chay, về 50 ngày sau lễ Chúa Giêsu sống lại, về 04 Thánh sử viết Phúc âm của Chúa …

Trong bốn sách Phúc âm của Chúa thuật lại ngay từ ban đầu Chúa Giêsu đã có bài giảng về 08 mối Phúc thật làm căn bản hướng dẫn đời sống đức tin làm người. Rồi sau này trong kinh đọc ngày Chúa Nhật, Giáo Hội viết thành kinh thương người có 14 mối: thương xác 07 mối, thương linh hồn 07 mối, kinh Cải tội 07 mối có 07 nhân đức.

Sách Phúc âm thuật lại sự sinh ra, đời sống và cuộc khổ nạn, sống lại và lên trời của Chúa Giêsu. Những biến cố thánh thiêng lịch sử này được đúc kết thành những suy niệm trong 05 ngắm mùa Vui, 05 ngắm mùa Thương và 05 ngắm mùa Mừng. Sau này Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị còn viết thêm 05 ngắm sự sáng về cuộc đời của Chúa Giêsu nữa. Những suy niệm 05 ngắm đuợc lồng vào khung cảnh lần chuỗi môi khôi 50 Kinh Kính Mừng Maria. Trong tập tục đời sống đức tin Công Giáo chúng ta còn có suy niệm đi viếng 14 – có những chỗ có 15, chặng đàng Thánh gía Chúa Giêsu nữa.

Dân tộc Israel được Thiên Chúa chọn đặt nền tảng trên 12 chi tộc Israel.

Chúa Giêsu khi đi rao giảng Nước Thiên Chúa đã tuyển chọn 12 Môn đệ làm nòng cốt cho việc thành lập Giáo Hội nối tiếp việc loan truyền Tin Mừng tình yêu nước Thiên Chúa ở trần gian.

Tâm trí con ngưới có giơi hạn và sống trong khung cảnh hình ảnh cùng mầu sắc cụ thể. Những con số giúp ích rất nhiều cùng cụ thể cho tầm suy hiểu của tâm trí.

Trong đời sống đức tin cũng vậy. Những con số không là nội dung giáo lý đức tin. Nhưng chúng giúp nhắc nhớ con người đến biến cố đức tin, đến cách sống thực hành đức tin cách cụ thể hơn, cho dễ hiểu cùng dễ nhớ.
 
Tài liệu về Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 tại Québec, Canada
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
11:33 14/06/2008
ĐẠI HỘI THÁNH THỂ QUỐC TẾ LẦN THỨ 49
Tại Québec, Canada
từ ngày 15-22 tháng 6 năm 2008


Chủ đề: Thánh Thể được ban tặng “cho sự sống thế gian”

Đặc sứ của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI
Đức Hồng Y Josef Tomko
Nguyên Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng
về các Đại Hội Thánh Thể Quốc tế

Tập sách: ĐẠI HỘI THÁNH THỂ QUỐC TẾ LẦN THỨ 49
Tại Québec, Canada
từ ngày 15-22 tháng 6 năm 2008
Tác giả: Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả


Mục Lục
Giới thiệu
Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế Québec
Thư Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI gửi ĐHY Đặc Sứ
Lời mời gọi của ĐHY Marc Ouellet
Văn kiện thần học nền tảng
Hình thức Thánh Thể của đời sống Tín hữu
Gương Các Thánh về lòng yêu mến Thánh Thể
Các Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế


Lời Mở Đầu

Còn mấy ngày nữa Đại Hội Thánh Thể Quốc tế tại Québec (Canada) sẽ khai mạc. Vì thế hôm nay tôi trình bày sơ lược về Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế nói chung và Đại Hội Thánh Thể tại Québec nói riêng.

Tập sách nhỏ này gồm một bài trình bày về Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 tại Québec; Lời mời gọi và giới thiệu Văn kiện thần học nền tảng cho Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 của Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Giám Mục Québec, rồi một bài viết về “Hình thức Thánh Thể của đời sống Kitô Hữu” gợi hứng từ số s. 70-71 của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới kỳ thứ XI do Đức Thánh Cha Beneđicto XVI ban hành mang tựa đề “Bí Tích Tình Yêu”; Tập sách cũng ghi lại một số các Thánh và Chân Phước có lòng sùng mộ Thánh Thể cách đặc biệt, mà Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đã nói tới trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Kỳ XI “Bí Tich Tình Yêu”. Sau cùng là bản liệt kê 48 Đại Hội Thánh Thể Quốc tế trước đây, với các chi tiết như nơi cử hành, thời gian cử hành, đời Đức Giáo Hoàng nào, Vị đặc sứ của Đức Thánh Cha và chủ đề tổng quát cho Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế. Tập sách được soạn ra với mục đích giúp tín hữu tham dự vào biến cố giáo hội có tính cách quốc tế và quan trọng này, đồng thời để giúp thêm lòng sùng mộ của họ đối với Chúa Thánh Thể, “được ban tặng cho sự sống thế gian”.

Trong suốt thời gian cử hành Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Québec, các giáo xứ, các họ đạo, các cộng đoàn Dòng Tu có thể tham dự bằng những thánh lễ ngoại lịch về Thánh Thể vào các ngày tự do, cũng như tổ chức các buổi chầu Thánh Thể cả ngày, hay một thời gian trong ngày, và những buổi cầu nguyện riêng trước Thánh Thể. Cũng nên tổ chức các lớp giáo lý đặc biệt về Mầu Nhiệm Thánh Thể. Như thế lời ước mong của Đức Hồng Y Marc Ouellet được thực hiện: “Chớ gì việc cử hành Đại Hội Thánh Thể này trong tình hiệp thông sâu xa với Đức Thánh Cha Beneđicto XVI, mang lại cho từng người, trong Giáo Hội, biết bao niềm hy vọng và một ý thức sống động hơn về ơn huệ Thiên Chúa ban tặng cho sự sống thế gian”.

Roma, 08-06-2008.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả


I. Giới thiệu

Khi nói tới Đại Hội Thánh Thể, chúng ta hiểu đây là một trong những hình thức tôn sùng Thánh Thể cách công cộng ngoài Thánh Lễ (Nghi Thức Cho Rước lễ và việc Tôn thờ Mầu nhiệm Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, số 109-112): đó là những Đại hội Thánh Thể có tính cách quốc tế hay quốc gia, hoặc nằm trong bối cảnh giáo phận. Các loại Đại Hội Thánh Thể này biểu lộ sự tham gia và trách nhiệm tổ chức bao gồm nhiều hay ít thành phần của Giáo Hội. Tháng 6 này tại Québec, Canada, Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 49 sẽ được tổ chức cách trọng thể với sự tham dự của toàn thể Giáo Hội. Năm nay, vì có những biến cố đặc biệt như Khai mạc Năm Thánh Phaolô, vào chiều ngày 28 tháng 6 năm 2008, cũng như Đại Hội Giới trẻ quốc tế tại Sydney, Australia, nên Đức Thánh Cha không đến tham dự và cử hành Thánh Lễ cao điểm của Đại hội, gọi là “Statio orbis” (x. Thư gửi Đức Hồng Y Josef Tomko dưới đây).

1. Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49 tại Québec

Lý do tại sao lại tổ chức Đại hội Thánh Thể năm nay tại Québec ? Để trả lời cho vấn nạn này, chúng ta có câu trả lời sau đây: Năm 2008, là kỷ niệm 400 trăm năm sinh nhật của thành phố Québec. Từ ý tưởng mừng theo quan điểm dân sự và hành chánh này, vào năm 2000, Đức cựu Tổng Giám mục Maurice Couture của Giáo phận Québec đã đề nghị với Hội Đồng Giám Mục Canada và ông Thị trưởng thành phố Québec làm đơn xin được phép tổ chức Đại Hội Thánh Thể tại đây. Nhân dịp này Đức Hồng Y Marc Oullet, Tổng giám mục đương nhiệm của Québec đã viết một thư mục vụ về Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49 tại Québec và một lời mời gọi tham dự Đại Hội Thánh Thể này. Các Giáo Hội địa phương tụ tập về đây để biểu lộ lòng tôn kính Thánh Thể. Đối với tín hữu Canada, thì đây cũng là dịp làm thức tỉnh họ ra khỏi tình trạng nhửng nhưng thờ ơ với đức tin, với tôn giáo. Làm sao để gây được phong trào sùng mộ Thánh Thể đang được khơi dậy và làm kiên vững, nhất là từ năm thánh 2000, khi Giáo Hội đang đón nhận thu hoạch các hoa quả công cuộc canh tân phụng vụ do Công đồng Vaticanô II khởi xướng, và do các văn kiện mới đây của các Đức Giáo Hoàng, như Thông điệp “Giáo Hội từ Thánh Thể” (2003) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; Tông huấn của Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI “Bí tích tình yêu” (2007).

Đàng khác, Canada vẫn được tiếng là “Canada Thánh Thể”, với lòng mộ mến Thánh Thể đặc biệt, nên việc tổ chức này được coi là điều hiển nhiên. Trong toàn thể lịch sử các Đại Hội Thánh Thể, thì Canada được chiếm giải quán quân hàng đầu. Năm 1910, Canada đã được vinh dự tổ chức Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần đầu tiên, ở ngoài Âu Châu, đó là Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 21 tại Montréal. Trong dịp Đại Hội Thánh Thể này, các Cha Dòng Thánh Thể đã đóng góp khá nhiều vào công việc tổ chức, như Cha Alphonse Pelletier, giữ chức Tổng thư ký, Cha Letellier, giữ nhiệm vụ thuyết trình viên chính, trình bày các hoạt dộng của Đấng đáng kính Pierre Julien Eymard (bây giờ là Thánh Julien Eymard, lễ ngày 2 tháng 8) về lòng sùng kính Thánh Thể; Cha Galtier đào sâu việc giảng giải về Thánh Thể, và đào sâu Sắc lệnh mang tựa đề “Thánh Công đồng chung Tridentinô”, Thánh Giáo Hoàng Piô X, vào năm 1905, đã áp dụng trong thực hành, cho phép và khuyến khích việc năng rước lễ cũng như việc rước lễ hằng ngày, một điều rất mới với thái độ thờ ơ của tín hữu thời đó rất ít rước lễ, cũng như việc cho tẻ em rước lễ sớm, vì trước đó người ta chỉ chuẩn bị cho trẻ em rước lễ vào khoảng lúc 13 hay 14 tuổi. Người ta cũng thấy còn có những sự kiện khác đóng góp vào lòng sùng mộ Thánh Thể tại Canada, như Hiệp hội các linh mục chầu Thánh Thể.. .

Nếu kể về các Đại Hội Thánh Thể được tổ chức tại Canada, người ta cũng nhận thấy tính cách đặc biệt của đất nước này. Cho tới năm 1965, tại Canada đã có tới 152 Đại Hội Thánh Thể, cấp quốc gia (1), cấp tỉnh (1), cấp giáo phận (30), cấp vùng (99), cấp giáo xứ (21). Ngay tại Québec đã có Đại Hội Thánh Thể quốc gia năm 1938, và 95 Đại Hội Thánh Thể khác nữa.

2. Lịch sử các Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế

Nói về lịch sử thành hình Đại Hội Thánh Thể, chúng ta có nguồn gốc vào giữa thế kỷ thứ 19 tại Pháp, do Bà Emilie Tamisier (1834-1910), với sự gợi hứng từ Cha Pierre Julien Eymard (1811-1868), cùng với sự đóng góp của một số giáo hữu, linh mục, giám mục, nhất là với sự chúc lành của Đức Thánh Cha Lêo XIII, mà Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ I được tổ cức tại Lille (Pháp). Với chủ đề: “Thánh Thể cứu rỗi thế gian”. Mục đích các Đại Hội Thánh Thể đầu tiên nhắm vào việc biểu lộ niềm tin vào Chúa Giêsu hiện diện đích thực trong Phép Thánh Thể và việc thờ lạy Thánh Thể. Về sau, từ thời Thánh Giáo Hoàng Piô X, thì Đại Hội Thánh Thể còn cổ võ việc năng rước lễ và rước lễ hằng ngày, và cho trẻ con rước lễ sớm.

Từ thời Đức Giáo Hoàng Piô XI, Vị Giáo hoàng của việc truyền giáo, thì việc tổ chức Đại Hội Thánh Thể được luôn phiên các Châu lục khác nhau, do đó Đại Hội Thánh Thể cũng mang tính cách truyền giáo. Trong Đại Hội Thánh Thể quốc tế được tổ chức năm 1937 tại Manila (Phi Luật Tân), kiểu nói “tái truyền giảng tin mừng” được xử dụng lần đầu tiên.

Vào lần Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 37 tại Munchen (Đức quốc), hình thức Statio orbis xuất hiện lần đầu tiên. Đây là kiểu nói diễn tả việc hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương, cùng với Đức Thánh Cha, hay vị Đại sứ của Ngài, để tuyên xưng đức tin, đào sâu đức tin vào Chúa Thánh Thể và thờ lạy Ngài trong Thánh Thể qua các buổi cử hành, kiệu Thánh Thể, học hỏi giáo lý về Thánh Thể, cũng như lắng nghe các chứng từ về Thánh Thể.

Các Đại Hội Thánh Thể cấp quốc gia, giáo phận, giáo xứ, các vùng... cũng dựa theo tinh thần và mục đích trên đây để tổ chức các Đại Hội Thánh Thể địa phương.

Tóm lại Đại Hội Thánh Thể nhắm “làm cho mỗi ngày gia tăng sự hiểu biết, yêu mến và phục vụ Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thể, là trung tâm của đời sống của Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội lo phần rỗi cho thế gian” (điều 2, Quy chế về Đại Hội Thánh Thể).


II. THƯ ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTÔ XVI
gửi Đức Hồng Y Đặc Sứ Josef Tomko


Chư Huynh thân mến
Hồng Y Josef Tomko
Nguyên Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng
về các Đại Hội Thánh thể Quốc tế


“Thánh Thể là ơn huệ của Chúa Giêsu Kitô trao ban chính mình Ngài, Đấng làm cho chúng ta biết tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với từng người”. Câu này Ta đã muốn viết ở đầu trong Tông Huấn của Ta “Bí Tích Tình Yêu (s. 1), trong đó Ta đã giải thích một số yếu tố và phận vụ để cổ võ với một đà tiến mới trong Giáo đối với Thánh Thể. Nhưng lúc này Ta hướng tâm hồn chuẩn bị tới biến cố thật đặc biệt, đó là hướng tới Đại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 49 sẽ được cử hành từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 6 năm 2008 tại thành phố Québec. Lễ Hội Trạm chính (Statio Orbis) cũng trùng vào dịp kỷ niệm 400 năm thành lập thành phố này và các tín hữu từ Mexico cũng kỷ niệm việc thành lập Giáo Hội tại vùng phía Bắc của quốc gia này.

Ta vui mừng tiếp nhận thư thỉnh nguyện thật thân tình của Chư Huynh khả kính Đức Hồng Y Marcô Ouellet, Tổng Giám Mục của giáo phận Québec và là Giáo Chủ của Nước Canada, sau khi tham khảo ý kiến của chính quyền dân sự và Hội Đồng Giám Mục Nước này, để mời chính Ta tham dự Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế này. Nhưng vì Ta còn nhiều công việc nên không thể tham dự được, vì thế Ta xin một vị Hồng Y khả kính thay Ta chủ sự Đại Hội này. Vậy thưa Chư Huynh đáng kính, Ta đã nghĩ tới Chư Huynh, vì ngày trước đây Chư Huynh là Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Hoàng lo về các Đại Hội Thánh Thể, vì Chư Huynh không chỉ có giáo lý vững chắc về Thánh Thể, nhưng còn có lòng yêu mến thật hiển nhiên với Thánh Thể.

Vì thế với bức thư này ta cử Chư Huynh làm Đặc sứ của Ta và xin Chư Huynh nhân danh Ta chủ sự các lễ nghi cử hành trong thành phố cao đẹp của Nước Canada này, và hướng dẫn lòng tín hữu theo với các tâm tình đạo đức khi họ tập họp đến Thành phố này. Chư Huynh trình bày Thánh Thể như là “Ơn huệ của Thiên Chúa trao ban sự sống cho thế gian”, và Chư Huynh cũng nhắn nhủ tín hữu hãy canh tân đời sống thiêng liêng của mình trong Thánh Thể, vì đó là nguồn mạch của mọi sự thánh thiện.

Thưa Chư Huynh Đáng kính, ta nhờ Chư Huynh chuyển tới các Giám mục và tín hữu đến Đại Hội này lời chào thân ái của Ta, và Ta theo dõi mọi người với lời cầu nguyện của Ta, và Ta cầu xin Thiên Chúa để do sự trợ giúp của Hiền mẫu Rất Thánh Maria, họ ân cần tuân giữ luật bác ái trong đời sống hằng ngày của mình.

Khi biết rằng Chư Huynh thi hành chức vụ lớn lao này, Ta vui lòng ban Phép lành Tông Tòa cho Chư Huynh và cũng chuyển tới mọi người tham dự Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế này.

Làm tại Điện Vatican, ngày 9 tháng 4 năm 2008,
Triều Đại Giáo hoàng thứ III của Ta.
Beneđicto XVI, Giáo Hoàng.


III. VĂN KIỆN THẦN HỌC NỀN TẢNG CỦA ĐẠI HỘI THÁNH THỂ TẠI QUÉBEC
CỦA ĐỨC HỐNG Y MARC OUELLET,
TỔNG GIÁM MỤC QUÉBEC
Tòa Giáo chủ của Canada


A. LỜI MỜI GỌI
CỦA ĐỨC HỒNG Y MARC OUELLET
Tổng Giám Mục Québec


Thánh Thể, là sự hiện diện và là ơn huệ cho thế giới, sẽ là trung tâm điểm của cuộc tập họp các Kitô hữu đến từ các Châu Lục khác nhau, vào những ngày này từ 15 đến 22 tháng 6 năm 2008, để cử hành Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49.

Với tư cách là Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Québec và là Giáo Chủ của Canada, tôi hân hạnh gửi lời chào mừng những ai sẽ tới để cùng sống với chúng tôi biến cố mang tính cách giáo hội này trong việc cầu nguyện, trong tâm tình chia sẻ và hiệp thông.

Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn Québec làm địa điểm cử hành Đại Hội Thánh Thể này. Thành Phố Québec giữ một địa vị đặc biệt trong vùng đất Bắc Mỹ Châu vì theo kế đồ tiên khởi đã đảm nhận trong việc bành trướng Chậu lục này và trong việc loan báo đầu tiên Tin Mừng cho các dân tộc bản địa. Ngày nay Québec có khoảng nửa triệu dân và mỗi năm thường đón tiếp từng ngàn vạn khách du lịch đến thăm viếng vì bị lôi kéo bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên và vì tính cách đặc trưng khởi sắc của nền kiến trúc đã làm cho thành phố này trở nên gia tài quốc tế được UNESCO bảo trợ. Năm 2008 sẽ ghi dấu 400 năm kỷ niệm ngày thành lập thành phố này.

Từ đầu thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo, Giáo Hội công giáo, ý thức về hiện tượng toàn cầu hóa, đã lưu tâm tới việc cổ võ một nền văn minh tình thương và hòa bình. Hoạt động này đã múc kín từ nguồn Thánh Thể niềm hứng khởi và năng lực thúc đẩy sự dấn thân của mọi người để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn.

Từ đây chủ đề của Đại Hội Thánh Thể đã được chọn: “Thánh Thể được Thiên Chúa ban tặng cho sự sống thế gian”. Chủ đề này được khai triển thành một văn kiện thần học nền tảng mà tôi hân hạnh giới thiệu sau khi đã đưôc Ủy ban Giáo Hoàng về Các Đại Hội Thánh Thể Quốc tế phê chuẩn.

Văn kiện này khai triển một số khía cạnh giáo lý về Thánh Thể, nhất là về việc tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô: quả thế đây là điều quan trọng là làm sống lại việc nhớ lại nguồn gốc của Kitô giáo tại Châu Lục này với mục đích thể hiện và lưu truyền các giá trị Tin Mừng và tầm quan trọng của Thánh Thể trong thế giới của chúng ta ngày nay. Cũng không được quên biến cố rửa chân và lời nói có sức thay đổi thế giới: “Các con hãy thương yêu nhau như Thày đã yêu thương chúng con”.

Tôi cám ơn nhóm các nhà thần học, các nhà chú giải Kinh thánh và các giáo lý viên đã cùng làm việc dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Pierre-André Fournier – được trợ giúp bởi Đức Ông Jean Picher, Tổng Thư Ký của Đại Hội Thánh Thể, và sự trợ giúp của Nữ Tu Doris Lamontagne, p.f.m., Thư ký phụ tá – tất cả đã cộng tác một cách quảng đại trong việc soạn thảo bản văn nền tảng này. Các bài giảng và các bài giáo lý được gợi hứng từ bản văn này sẽ giúp cho việc chuẩn bị thiêng liêng các đại biểu và sẽ linh hoạt hóa việc cầu nguyện của biết bao nhiêu người sẽ tham dự cách thiêng liêng vào Đại Hội này.

Tổng Giáo phận Québec sẽ tiếp đón cách nồng nhiệt các khách tới và các tín hữu tham dự vào biến cố trong tinh thần đại kết và trong sự kính trọng giữa các tôn giáo.

Ý thức về những yếu đuối của mình, nhưng cũng rất cương vững trong niềm trung tín với Thiên Chúa, Giáo Hội tại Québec hãnh diện trình bày cho Giáo Hội hoàn vũ lịch sử của việc thánh thiện mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cổ võ trong khi phong Chân Phước hay phong Thánh cho 14 người con ưu tú của miền đất của chúng tôi.

Chớ gì việc cử hành Đại Hội Thánh Thể này trong tình hiệp thông sâu xa với Đức Thánh cha Beneđicto XVI, mang lại cho từng người, trong Giáo Hội, biết bao niềm hy vọng và một ý thức sống động hơn về ơn huệ Thiên Chúa ban tặng cho sự sống thế gian.

Hồng Y Marc Ouellet
Tổng Giám mục Québec, Giáo chủ Canada


B. VĂN KIỆN THẦN HỌC NỀN TẢNG
CỦA ĐẠI HỘI THÁNH THỂ TẠI QUÉBEC
CỦA ĐỨC HỒNG Y MARC OUELLET,
TỔNG GIÁM MỤC QUÉBEC
Giáo chủ của Canada


Các Đại Hội Thánh Thể thường có một chủ đề để suy tư và học hỏi. Từ chủ đề này, Giáo Hội địa phương nơi tổ chức Đại Hội sẽ soạn thảo một Văn kiện thần học nền tảng cho toàn thể Đại Hội. Để giúp tín hữu tại các Giáo Hội địa phương và các tín hữu tham dự Đại Hội đào sâu giáo lý về Thánh Thể trong thời gian chuẩn bị Đại Hội và trong chính Đại Hội.

Đại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 49 tại Québec có chủ đề là: “Thánh Thể được ban tặng cho sự sống thế gian”, đã được chính Đức Thánh Cha Beneđictô XVI chấp thuận. Rồi Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Giám Mục Québec đã cho công bố bản văn thần học nền tảng cho Đại Hội này. Bản văn này dài 22 trang khổ A 4. Vì bản dịch thường do các Hội Đồng Giám mục mỗi nước thực hiện để học hỏi, nên ở đây, trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ tóm lược một vài điểm mà thôi.

1. Lược đồ và cấu trúc của bản văn thần học nền tảng
Bản văn này được chia ra các phần như sau:
Nhập đề: Việc tưởng niệm thực hiện trong hoàn cảnh thời nay.
Phần thứ I: Thánh Thể, Ơn huệ của Thiên Chúa
Phần thứ II: Thánh Thể, Giao Ước mới
Phần thứ III: “Cho sự sống thế gian”
Kết luận: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian biết bao
Lời mời gọi của Đức Hồng y Marc Ouellet.

2. Phần mở đầu
Bản văn gợi ý tới mục đích của Đại Hội Thánh Thể quốc tế như là thời gian để cầu nguyện, để suy tư hầu giúp chúng ta cử hành mầu nhiệm Thánh Thể cách xứng đáng. Đàng khác, trong khuôn khổ Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49 này, thì đây cũng là dịp thành phố Québec (Canada) mừng 400 năm thành lập thành phố. Trong phạm vi truyền giáo, thì thành phố Québec, Canada, là thành phố mà thế kỷ thứ XVI đã là khởi điểm truyền giáo cho vùng Mỹ Châu. Nhiều đoàn linh mục từ Pháp được gửi sang Canada. Canada đã có những vị thánh tử đạo đầu tiên vào thời kỳ này, như thánh Gioan de Brébeuf và Isaac Jogues, và các bạn tử đạo trong khoảng từ năm 1642-1648 (lễ các Ngài vào ngày 19 tháng 10). Chính Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte, Vị giám quản tông tòa thứ nhất của Đàng trong Việt Nam, trong dự định đầu tiên, cũng đã muốn sang truyền giáo bên Canada. Đại hội Thánh Thể đạt tới cao điểm là việc cử hành “Lễ Trạm” (Statio orbis), là cao điểm của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, trong đó Giáo Hội Québec cùng cử hành Thánh Thể với đại diện của các Giáo hội địa phương khác đến tham dự Đại Hội Thánh Thể này.

Bản văn thần học nền tảng phân tích việc “tưởng niệm” trong thời đại chúng ta, để thi hành lệnh truyền của Chúa Giêsu “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến ta”. Từ ngữ “tưởng niệm” (memoria) này trùng hợp với khẩu hiệu của thành phố Québec; “Ơn huệ của Thiên Chúa, tôi sẽ đánh giá đúng mức độ của nó”. Việc tưởng niệm này không phải chỉ nhằm vào biến cố lịch sử là việc Chúa Kitô lập phép Thánh Thể cách đây 2000 năm, nhưng là làm lại chính biến cố cứu rỗi trong bí tích Thánh Thể dưới hình bánh và hình rượu.

Bản văn cũng phân tích mnột số hoàn cảnh ngày nay trong cái nhìn chung với chủ đề của Đại Hội Thánh Thể: “Thánh Thể được ban tặng cho sự sống thế gian”. Chủ đề này thật thích hợp cho hoàn cảnh thế giới ngày nay. Vì con người của thế giới ngày nay đang khao khát một thứ tự do của tình yêu, mong đợi một điều gì đó có thể lấp cho đầy cái trống rỗng nội tâm thật sâu thẳm. Hoàn cảnh đau thương này xẩy ra là vì con người quên lãng Thiên Chúa và chỉ đóng kín vào chính mình, cũng như không muốn khép mình tùy thuộc vào ai cả, ngay cả tùy thuộc Thiên Chúa, Đấng tạo thành mình.

Trước hoàn cảnh bi đát này, Thánh Thể trở nên lời đáp ứng cho đòi hỏi nội tâm sâu xa này. Vì trong Thánh Thể, con người lãnh nhận ơn huệ cao quý Thiên Chúa ban cho con người. Họ tưởng niệm ơn huệ mang tính cứu rỗi họ qua sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Thánh Thể đem lại cho con người niềm hy vọng đến từ Tin mừng của Chúa. Và chính Thánh Thần trao ban ơn huệ này cho Giáo Hội để nhắc nhở cho Giáo Hội mọi điều Chúa Kitô đã loan báo để cho thế gian được sống.

3. Thánh Thể như là Ơn huệ
Thánh Thể được ban cho Giáo Hội như là ơn huệ cao quý duy nhất, vì trong đó, Chúa Kitô trao ban chính mình Ngài, con người của Ngài trong bản tính nhân loại nơi Ngài, cũng như trao ban công việc cứu rỗi do Ngài thực hiện và các hiệu quả của công việc cao cả này (x. Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, s. 11). Vì thế Thánh Thể được coi như là trung tâm và tột điểm của lịch sử cứu rỗi.

Đàng khác ơn huệ Thánh Thể đã được chuẩn bị từ lâu trong chương trình của Thiên Chúa và trong lịch sử cứu rỗi và qua bao nhiêu ơn huệ vô vàn đã được trao ban cho nhân loại và cho Giáo Hội. Hằng năm Dân Do Thái cử hành biến cố Vượt qua Biển Đỏ như là ơn huệ của Thiên Chúa ban cho họ. Nhưng khi Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài trao ban một ơn huệ mới, cũng như thực hiện một biến cố khác trong chính cuộc Vượt qua của Ngài là sự chết và sống lại của Ngài. Bây giờ Giáo Hội tưởng niệm lại ơn huệ này trong Thánh Thể và kéo dài mãi cho tới khi Chúa lại đến. Chính Chúa Kitô đã thiết lập việc tưởng niệm Thánh Thể này trong bữa tối sau hết và Ngài truyền cho các môn đệ hãy làm việc này mà nhớ đến Ngài. Như vậy ngày nay việc tưởng niệm nhắm vào chính Chúa Kitô đã chịu chết và sống lại vì chúng ta. Đây là ơn huệ vượt quá sự hiểu biết của chúng và mọi cách thế suy tính và hành xử của con người.

4. Thánh Thể là ơn huệ của Ba Ngôi Thiên Chúa
Chúa Giêsu đã trao ban ơn huệ cao cả tuyệt vời này cho Giáo Hội và thiết lập cách thế để làm lại cử chỉ Ngài đã làm trong bữa tiệc ly, đó là biến đổi bánh và rượu nên Mình và Máu của Ngài để nên hy tế dâng hiến Chúa Cha, để nên của nuôi chúng ta và để ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Nhưng lại chính Chúa Cha ban cho Giáo Hội ơn huệ Thánh Thể của Con của Ngài, người Con mà Ngài yêu thương tột bậc nhưng lại ban cho nhân loại làm hy tế đền tội. Nếu so sánh hành động xưa Abraham đã dâng con mình là Isaac cho Thiên Chúa để tế lễ Thiên Chúa, nhưng Isa ac đã không phải chết mà được tha chết, còn đối với Chúa Kitô, Thiên Chúa Cha đã nộp Ngài cho tử thần và Chúa Con đã chết vì chúng ta. Như vậy chúng nhận ra tình yêu thật lớn lao của Chúa Cha đối với chúng ta khi bắt Chúa Con chấp nhận sự chết. Ngày nay sự việc này vẫn còn tái diễn trong ôn huệ Thánh Thể. Vì thế khi đón nhận Thánh Thể, chúng ta đón nhận và cảm nghiệm tình yêu vô cùng lớn lao của Chúa Cha đối với chúng ta. Trong hành động trao ban on huệ này của Chúa Cha và Chúa Con trong Thánh Thể, vai trò của Chúa Thánh Thần cũng thật hiển hiên. Chính Thánh Thần được ban cho chúng ta để chứng minh đích thực tình yêu của Chúa và và hy tế của Chúa Kitô được dâng lên Chúa Cha vì phần rỗi con người. Như vậy Chúa Thánh Thần xác quyết tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, và xác đóng ấn vào tình yêu Cha – Con cho chúng ta trong Thánh Thể. On huệ Thánh Thể và Chúa Thánh Thần không thể tách rời nhau. Thánh Ephrem quả quyết thật mạnh mẽ như sau: “Chúa Kitô gọi bánh là mình Ngài và làm tràn đầy chính mình Ngài và Thánh Thần của Ngài... Ai ăn thân mình này, thì ăn Lửa và Thánh Thần... Các con hãy cầm lấy mà ăn, tất cả các con, cùng với thân mình này, các con ăn Thánh Thần. Quả thế, đó thực là mình của ta và ai ăn mình Ta sẽ được sống đời đời” (Bài giảng Tuần Thánh).

5. Thánh Thể là hy tế vượt qua
Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo (s. 1365) trình bày rất đầy đủ về điểm này: Thánh Thể là hy tế vượt qua. Hy tế Thánh Thẻ được dâng lên để cứu chuộc, để tẩy sạch các tội lỗi nhân loại, để đền bù sự bất tuân của con người, từ nguyên thủy và cho mãi tới ngày nay. Và khi chấp nhận nên hy tế đền tội, Chúa Con đã gánh chịu muôn vàn đau khổ, cho tới cái chết trên thập giá. Ngày nay Thánh Thể là chính hy tế này, và từ đó chúng ta nhận ra sự cao cả lớn lao của ơn huệ Thánh Thể trao ban cho Giáo Hội.

6. Thánh Thể là Giao Ước mới
Trong công thức truyền phép Máu Thánh, linh mục đọc như sau: “Tất cả các ocn hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thày, máu giao ước mới và vịnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày”. Từ đây chúng ta nhận ra rằng ơn huệ cao vời Thánh Thể là mầu nhiệm của Giao Ước, mầu nhiệm hôn ước giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa luôn làm nảy sinh Giáo Hội, Dân mới của Giao ước mới, Hôn thê của Chúa Kitô. Giáo hội sinh ra từ Thánh Thể, như Tôi tớ Chúa Đức Gioan Phaolô II nói trong thông điệp của Ngài. Thánh Thể và Giáo Hội không thể tách rời nhau. Từ đây Giáo Hội trở nên cộng sự viên của công việc cứu chuộc, là bí tích của ơn cứu rỗi.

Giáo Hội học nơi Mẹ Maria, người nữ Thánh Thể trong việc hiệp thông vào hy tế của Chúa Kitô và thái độ sẵn sàng dâng hiến Con mình cho Thiên Chúa qua hy tế Thánh Giá xưa. Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của Giáo Hội. Như Mẹ Maria Giáo Hội cũng làm nảy sinh nhiều con cái cho Thiên Chúa qua việc dâng hy tế cứu rỗi này, và là Mẹ của đoàn con đông đúc.

7. Thánh Thể ban cho Giáo Hội ơn huệ hiệp thông
Như là Giao Ước mới, Thánh Thể tập họp nhân loại thành một Dân mới và làm cho họ sống trong sự hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa và với nhau. Trong Kinh nguyện thánh Thể, Giáo Hội đã cầu xin ơn hiệp thông qua lời cầu Chúa Thánh Thần trước và sau khi truyền phép: cầu xin được hiệp nhất với Chúa Kitô qua việc rước lễ và hiệp nhất với nhau qua Thánh Thể, để tất cả nên một trong Chúa Kitô nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần. Từ đây Giáo Hội trở nên bí tích của sự hiệp thông và thể hiện trong không gian và thời gian sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Và để thực hiện sự hiệp thông cao cả này, vì là hiệp thông với Chúa Kitô và với ba Ngôi Thiên Chúa, Ba Lần Thánh, Giáo Hội và tín hữu phải có một sự trong trắng hết sức có thể. Do đó họ phải lãnh nhận bí tích Thống Hối và Hòa giải, phải cố gắng sống tận tình ơn bí tích rửa tội vì qua đó, họ đã rửa sạch mọi tội và vết nhơ của tội. Giáo hội cũng thực hành sự thanh luyện, không phải cho chính mình, vì Giáo Hội Chúa Kitô là thánh, nhưng là thanh luyện tội lỗi của con cái mình. Nhờ sự thanh luyện này, hình ảnh của Giáo Hội trở nên mỗi ngày trong sáng hơn và được xứng đáng hiệp thông với Chúa Thánh Thể, là Vị Hôn Phụ của mình, là Con Chiên vẹn sạch không tì ố.

8. Lời đáp trả trong chiều kích thánh thể của Giáo Hội
Trong phần này Văn kiện thần học nền tảng đã đưa ra mấy điểm cụ thể sau đây:
• Hãy tin và yêu mến Chúa Giêsu như Mẹ Maria. Đứng trước ơn huệ Thánh Thể thật cao cả này, vì đó là mầu nhiệm, thì tín hữu phải biểu lộ một thái độ xứng đáng. Nhưng với Thánh Thể là mầu nhiệm, thì thái dộ và tâm tình của chúng ta phải là thái độ tin như Mẹ Maria đã đáp lại ơn huệ của Thiên Chúa bằng đức tin vẹn sạch vô nhiễm của Mẹ. Chúa Thánh Thần đã trợ giúp Mẹ Maria để đáp lại tiếng của Thiên Chúa qua đức tin, thì cũng sẽ trợ giúp chúng ta đáp trả lại ơn huệ Thánh Thể bằng đức tin. Đàng khác Thánh Thể là mầu nhiệm tình yêu, vì Thánh Thể phát khởi do tình yêu của Chúa Kitô với nhân loại: “Ngài đã yêu thương các kẻ thuộc về mình và yêu thương họ đến tận cùng” (Ga 13, 1). Thánh Gioan không tường thuật việc Chúa Kitô lập Phép Thánh Thể, nhưng đã ghi lại tâm tình của Chúa khi lập Phép Thánh Thể trong bữa tối sau cùng của Ngài với các môn đệ. Do đó khi chúng ta chiêm ngắm thờ lạy Thánh Thể, khi chúng ta tham dự hy tế Thánh Thể, khi chúng ta đón nhận Thánh Thể, thì thái độ và đòi hỏi chúng ta phải có là phải yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta (Ga 13, 34). Chúng ta phải yêu thương nhau như thế nào, tới mức độ nào ? Chính Chúa Kitô đã nói chúng ta: Ngài đã yêu thương chúng ta đến thí mạng sống mình vì chúng ta, thì đến lượt chúng ta, cũng phải thí mạng sống mình vì anh chị em chúng ta. Thánh Augustino nói: “Anh em rất thân mến, Chúa Kitô đã định rõ chóp đỉnh của tình yêu, là mức độ chúng ta phải đạt tới khi yêu thương nhau, đó là lời xác quyết của Ngài: Không ai có tình yêu nào lớn hơn là kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu…”. Từ đó ngài rút ra câu kết luận như ngài viết trong thư như sau: Cũng bằng cách như Chúa Kitô thí mạng sống mình cho chúng ta, cũng thế, chúng ta cũng phải thí mạng sống chúng ta cho nhau, chính bằng cách chúng ta yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương chúng ta khi Ngài thí mạng sống của Ngài cho chúng ta” (Tract. In Io. 84, 1).

• Hãy để cho mình được hòa giải trong sự hiệp nhất của Giáo Hội. Việc cử hành Thánh Thể luôn mời gọi chúng ta nhớ tới trách nhiệm và nhu cầu phải hòa giải mình và trở nên tác viên của việc hòa giải. Điều này được thực hiện qua bí tích thống hối và hòa giải để thanh luyện lương tâm của mình và có thể cử hành Thánh Thể. Tín hữu cũng phải nuôi và làm tăng trưởng ý thức hòa giải giữa các nền văn hóa khác nhau và các chọn lựa cho cuộc sống khác nhau trong Giáo Hội. Họ cũng được kêu gọi để tha thứ cho nhau. Trong buổi cử hành Thánh Thể có biết bao cử chỉ lời kinh nói về hòa giải, như Kinh Lạy Cha, như cử chỉ ban bình an, như các lời cầu khẩn cho nhau. Người tín hữu cũng ý thức rằng còn có sự phân rẽ trong việc cử hành Thánh Thể, bí tích hiệp nhất, giữa các Giáo hội khác nhau. Vì thế việc hòa giải lại cành trở nên khẩn thiết hơn.

• Hãy tập họp lại với nhau trong Ngày Chúa Nhật, Ngày của Chúa. Trong thời gian Chúa Kitô sống lại, Ngài đã hiện ra với các môn đệ vào buổi chiều ngày Phục sinh, rồi 8 ngày sau đó. Như vậy sự kiện này cũng cho thấy ý nghĩa của Ngày Chúa Nhật: như là thời điểm để Chúa hiện diện, Chúa sống với môn đệ. Chúa hiện diện trong các bí tích, và một cách đặc biệt trong Thánh Thể cử hành vào Ngày Chúa Nhật. Vào thế kỷ thứ năm, Đức Giáo Hoàng Innocenzo I đã nói về việc cử hành Ngày Chúa Nhật để tưởng niệm biến cố phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và điều này đã trở nên một thói quen, một định chế được xác định vững chắc trong thế kỷ đầu. Ngày Chúa Nhật được các Giáo phụ gọi với các tước hiệu thật ý nghĩa, như là “ngày thứ nhất khởi nguyên của các ngày khác” (Thánh Basiliô), như là “ngày mang tính cách bí tích chỉ tới sự sống lại của Chúa Kitô” (Thánh Augustinô). Trong Ngày Chúa Nhật Giáo Hội nhắc nhở cho chúng ta ơn bí tích rửa tội. Vì thế khi đi tham dự Ngày Chúa Nhật, điều này không phải là để giữ một luật buộc, nhưng là đẻ làm chứng về ơn bí tích rửa tội đã lãnh nhận., và từ đó chúng ta cho mọi người biết chúng ta đã thuộc về Chúa Kitô. Ngày nay chúng ta phải rao giảng lại cho mọi người biết ý nghĩa đích thực của Ngày Chúa Nhật và nhận thấy cần phải có Ngày Chúa Nhật để sống đức tin của mình, như các tín hữu thời xưa đã nói với các người cấm đạo, khi bị cấm tụ họp vào Ngày Chúa Nhật: “Chúng tôi không thể sống mà không có Ngày Chúa Nhật”.

9. Thánh thể là ơn huệ được ban cho thế gian sống.

Chủ đề của Đại Hội Thánh Thể được tóm vào trong câu trên đây. Do đó Thánh Thể chẳng những trao ban sự sống qua Mình và Mqú Ngài, nhưng cũng làm cho tín hữu có khả năng sống như một người đã lãnh nhận ơn bí tích rửa tội. Cuộc sống của họ phải là hy tế thiêng liêng đẹp lòng Chúa, như lời Thánh Phaolô căn dặn các tín hữu (Rm 12, 1; 1Cr 10, 31; Rm 12, 3). Tín hữu chết đi cho tội và sống lại cho cuộc sống mới. Họ được mời gọi, đòi hỏi phải sống thánh thiện, khiêm nhường và phục vụ. Trong thân thể có nhiều chi thể khác nhau, và có nhiều hình thức phục vụ khác nhau. Vì thế tín hữu phải ý thức bổn phận phải phục vụ và phục vụ như ơn được ban cho mỗi người (Rm 12, 3. 4-5). Chúng đã đón nhận Thánh Thể và hiệp nhất với Ngài để rồi cũng mang một thái độ sẵn sàng như Ngài để trở nên người phục vụ kẻ khác. Thánh Augustinô nói: “Trong Thánh Thể, anh em cử hành mầu nhiệm của anh em. Trên bàn thờ đặc để mầu nhiệm của anh em. Với thực thể này, anh em thưa lên: Amen. Và thưa lên như thế, anh em lại trở nên chính mầu nhiệm đó. Linh mục nói với anh em: Mình thánh Chúa Kitô. Anh em thưa: Amen ! Và điều này có nghĩa là anh em trở nên chính Mình Chúa Kitô. Vậy anh em hãy nên chi thể đích thực của thân mình Chúa Kitô, và như vậy tiếng thưa “Amen” của anh em mới chân thành” (Augustinô, Các bài giảng, bài giảng 272, 1).


10. Việc thờ lạy đích thực

Trên Thánh Giá, Chúa Kitô đã thực hiện việc thờ lạy cao cả và quý trọng nhất qua nhân tính của Ngài, do việc Ngài sẵn sàng vâng phục Chúa Cha cho đến chết và dâng hy tế để tôn thờ Chúa Chúa. Khi tham dự Thánh Thể chúng ta cũng được hòa nhập vào cùng việc thờ lạy này. Đó là việc thờ lạy Thiên Chúa trong chân lý và trong sự thật.

Nhưng hành động thờ lạy này không ngừng và chấm dứt ngoài buổi cử hành Thánh Thể, mà còn kéo dài qua việc thờ lạy, chầu Thánh Thể. Qua việc thờ lạy này Giáo Hội mời gọi các tín hữu hãy ở gần bên cạnh Chúa Giêsu hiện diện đích thực trong Thánh Thể, như Marta đã nói với Maria: “Thày ở đó và đang gọi em” (Ga 11, 28). Khi chầu Thánh Thể, tín hữu xác tín sự hiện đích thực của Chúa Giêsu trong Thánh Thể và hợp với Chúa Giêsu trong tác động hiến dâng hy tế. Khi chầu Thánh Thể, mọi hành động cầu nguyện, tạ ơn, khẩn nguyện của họ hiệp nhất với Chúa Kitô để dâng lên Thiên Chúa Cha. Tôi tớ Chúa Đức Gioan Phaolô II nói tới việc thờ lạy và chầu Thánh Thể này như là một “nghệ thuật cầu nguyện” của người tín hữu, làm cho họ khác biệt với những người khác (x. Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, s. 25). Số 79 của Nghi thức cho Rước lễ và tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể ngoài Thánh lễ diễn tả như sau: “ Những ai gần gũi Chúa Kitô, thì được hưởng sự thân mật của Người, và giãi bày tâm hồn trước mặt Người, cầu cho mình và cho mọi người thân thuộc, đồng thời cầu xin cho thế giới được hòa bình và được ơn cứu độ. Cùng với Chúa Kitô họ dâng tất cả cuộc đời cho Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và và sự giao hiệp lạ lùng đó, họ múc thêm được sự tăng trưởng đức tin đức cậy và đức mến”. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói thêm như sau: “Thật là cao đẹp khi ở với Chúa Kitô, và dựa mình vào ngực Chúa như môn đệ yêu dấu (Ga 13, 25). Khi tín hữu được đụng tới do tình yêu vô bờ bến của trái tim Chúa. Nếu tín hữu Kitô phải làm cho mình khác biệt với người khác, trong thời đại chúng ta, nhất là trong “nghệ thuật cầu nguyện”, làm sao lại không cảm thấy nhu cầu mới phải ở lâu giờ, để trò truyện thân tình, để thờ lạy trong thinh lặng, để yêu mến, ở trước Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể ?” (Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, s. 25). Tập tục chầu Thánh Thể làm cho mạnh mẽ ý thức thánh thiêng về việc cử hành Thánh Thể nơi tín hữu. Việc chầu Thánh Thể cũng giúp tín hữu sống đức tin cách sâu xa hơn, vì họ chiêm ngắm Chúa Kitô Thánh Thể là hy tế và là tình yêu, họ sẽ sẵn sàng dấn thân trong cuộc sống đức tin.

11. Các thừa tác viên của Thánh Thể

Trong cộng đoàn Thánh Thể, có nhiều tác vụ khác nhau. Tất cả đều gắn bó với nhau và gắn bó với các cộng đoàn khác của Giáo Hội hoàn vụ. Giáo Hội này được trao phó cho Phêrô và các người kế vị Thánh Tông đồ Phêrô, thi hành tác vụ nhân danh Chúa Kitô trong cộng đoàn có Chúa Kitô phục sinh hiện diện và chủ sự. Rồi phải kể tới vị giám mục và các linh mục. Các ngài được ban cho ơn huệ lớn lao của chức thánh và từ đó có mối liên hệ gần gũi nhất với Thánh Thể. Từ đây, các Ngài được kêu gọi để quảng đại sống độc thân, trong Giáo Hội Latin, như là một lời đáp trả với ơn huệ chức thánh và ơn huệ Thánh Thể và để nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu Kitô, lả Đầu và là Hôn Phu của Giáo Hội. Tông Huấn “Ta sẽ ban cho các ngươi các vị mục tử” nói: “Giáo Hội, như là Hôn Thê của Chúa Giêsu Kitô, muốn rằng mình được các linh mục yêu thương với cách thế trọn vẹn và loại trừ tất cả một đối tượng nào khác của tình yêu của các ngài, như Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương Giáo Hội của Người. Vì thế việc sống độc thân của linh mục là việc trao ban chính mình, trong và cùng với Chúa Kitô, cho Giáo Hội và diễn tả sự phục vụ của linh mục đối với Giáo Hội, trong và cùng với Chúa Kitô” (s. 25). Vì thế cho dù văn hóa ngày nay có những hiểu lầm thế nào đi nữa về bậc độc thần, thì việc sống độc thân của linh mục vẫn là một ơn huệ vô giá của Thiên Chúa ban cho và là một động lực để thể hiện “đức ái mục tử” (x. Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, số 16). Đó là dấu chỉ của việc tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa và vào sự phong phú của Giáo Hội. Khi hoàn toàn ăn rễ sâu vào Thánh Thể, chứng tá vui mừng của các linh mục sống hạnh phúc trong khi thi hành chức vụ của mình là nguồn mạch thứ nhất làm nảy sinh các ơn gọi mới.

12. Thánh Thể và truyền giáo

Hai môn đệ đi làng Emmaus đã nhận ra Chúa sống lại, đã được đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô, và nhận ra đó là hồng ân ban cho họ. Nhưng họ không thể giữ cho mình ơn huệ cao cả đó, mà trở về Giêrusalem ngay để loan báo cho người khác biết về ơn huệ này. Ngày nay cũng thế, qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Thánh Thể, Giáo Hội không thể ngồi đó mà hưởng thụ riêng cho mình, nhưng đã mau mắn đi loan báo Tin Mừng cho mọi người. Tất cả đều cảm thấy sự việc thật cấp bách phải làm (x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Xin ở lại với chúng con, s. 22). Việc truyền giáo này được thể hiện qua tác động:

• Rao giảng Tin Mừng để biến đổi thế giới.
Công đồng Vaticanô II nói trong Hiến chế mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người thời nay nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ của Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (s.1). Vì thế khi Giáo Hội cử hành việc tưởng niệm sự chết và sống lại của Chúa Kitô, Giáo Hội không ngừng xin Thiên Chúa: Lạy Chúa xin nhớ tới những người mà Chúa Kitô đã đến để ban sự sống cho họ. Việc này được thực hiện qua công tác truyền giảng Tin Mừng, công việc chuyển trao đức tin vào Chúa Kitô và qua đó thế giới sẽ được biến đổi trong Chúa Kitô. Tin mừng sẽ được mang đến cho mọi tầng lớp, từng hạng người, và Tin mừng này sẽ như men trong bột làm dậy cả thúng bột, nghĩa là thay đổi não trạng, cách suy nghĩ, cách hành xử, cách giao tiếp với người khác, theo tin thần của Phúc âm. Thánh Thể đã tập họp tín hữu lại thành cộng đoàn và giúp họ sống thực sự như Chúa Kitô dạy và từ đó người khác sẽ cảm phục tiếp nhận và trở về với Chúa Kitô và tham gia vào cùng một cộng đoàn thánh thể này.

• Xây dựng hòa bình trong công lý và bác ái.
Khi tham dự Thánh Thể, tín hữu tự hỏi mình, Giáo Hội cũng sẽ hỏi họ, Chúa Kitô Thánh Thể cũng hỏi họ: “Tôi làm gì cho người anh em ?”. Người anh em đó đồng hóa với Chúa Kitô Thánh Thể, và đang đói, đang khát, đang là khách lạ, mang thân trần truồng, bệnh tật, đang bị cầm tù.. . “ (x. Mt 25, 31-46), và ngày nay còn dưới nhiều hình thức thiếu thốn, đau khổ khác nữa, nhất là những đói khát hòa bình, đói khát tự do, đói khát công chính, đói khát được tôn trọng đúng nhân phẩm con người.. . Đứng trước tình trạng này, Thánh Thể kêu mời người tín hữu hãy tham dự vào công việc canh tân, đổi mới, thăng tiến điều kiện sống của các quốc gia, các cá nhân. Mỗi người tham dự vào công tác này theo khả năng, hoàn cảnh, cách thức của mình. Họ không thể những nhưng với các công ttác này, nếu họ thực sự sống hồng ân Thánh Thể trao ban cho họ.

13. Trở nên chứng tá cho Thánh Thể giữa lòng đời

Mỗi tín hữu lãnh nhận bí tích rửa tội và rồi bí tích Thánh Thể, được kêu gọi để sống trọn vẹn ơn thánh đã được đặt để nơi họ và cần được nuôi dưỡng để lớn lên: đó là ơn gọi nên thánh giữa đời.

Với người tín hữu giáo dân, với tư cách “đời” của họ, họ có cơ hội và khả năng để phát triển ơn gọi nên thánh này một cách thật hữu hiệu. Họ thể hiện mầu nhiệm nhập thể rõ ràng nhất, vì đem cái thánh thiêng vào trong cái đời của thế gian.

Các thừa tác viên có chức thánh, họ thể hiện ơn gọi nên thánh như là những người lãnh đạo dân Chúa và đem dân tới đỉnh sự thánh thiện là cuộc hiệp thông với Chúa Ba Ngôi.

Còn các tu sĩ có tư cách làm sao cho người khác nhân ra đích cuối cùng của con người phải nhắm tới là Chúa Kitô, và làm cho thế giới nhận ra vẻ đẹp tuyệt với của con đường đi theo Chúa.

Trong phạm vi gia đình, Thánh Thể mời gọi tín hữu sống bậc vợ chồng như là một Giáo hội tại thế nhỏ hẹp, nhưng lại mang sứ mạng chiếu tỏa nền văn minh tình thương. Thánh Thể là nguồn suối của hôn nhân kitô giáo. Đây là hy tế của giao ước mới, trong đó giao ước hôn nhân có được sự trọn vẹn hình ảnh và ý nghĩa. Chúa Kitô đã chấp nhận nên hy tế vì yêu thương con người, Nên Thánh Thể là nguồn của mọi tình yêu hôn nhân giữa vợ chồng. Do đó Kitô hữu sống đời hôn nhân cần múc lấy từ Thánh Thể ơn sức mạnh, sự can đảm để sống đời hôn nhân như là chứng tá của tinh yêu Chúa Kitô đối với Giáo Hội.

Sứ mệnh chính yếu của gia đình là đem tình yêu vào trong xã hội và để phục vụ xã hội.

Ngày nay vợ chồng Kitô giáo sống đời hôn nhân với biết bao thử thách, với biết bao thánh giá hằng ngày và đi trên con đường đi ngược chiều của xã hội ngày nay: như những lối sống hôn nhân thiếu trung tín, như khi con cái sống xa đức tin, xa các giá trị Kitô giáo, như khi chung quanh xã hội cho phép ly dị, phá thai.. . và cả những khi một số bậc vợ chồng nào đó tái hợp sau những đổ vỡ đạu thương. Trong những hoàn cảnh này, Thánh Thể sẽ trở nên nguồn sức mạnh cho gia đình và những người sống trong đó. Các vị mục tử phải ân cần nâng đỡ các hoàn cảnh này, cả khi người tín hữu không được rước lễ vì hoàn cảnh đặc biệt của họ.
Với đời sống tu trì thánh hiến, Văn kiện thần học nền tảng của Đại Hội Thánh Thể Québec nhắc lại lời của Tôi tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Đời sống thánh hiến: “Thánh Thể tự bản tính là trung tâm điểm của đời sống thánh hiến, với từng cá nhân hay với cộng đoàn. Thánh Thể là thần lương hằng ngày và là nguồn suối của nền tu đức cho từng cá nhân và cho các Hội Dòng. Trong Thánh Thể, mỗi người thánh hiến được kêu gọi để sống mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, khi họ kết hiệp cùng với Ngài trong chính việc dâng hiến đời sống của họ cho Chúa Cha qua trung gian của Chúa Thánh Thần. Việc chầu Thánh Thể cách trung thành và kéo dài trước Chúa Thánh Thể bằng cách nào đó làm cho họ làm sống lại cảm nghiệm Chúa Kitô biến hình trên núi xưa “Ở đây thì tốt quá !”. Khi cử hành mầu nhiệm Mình và Máu Chúa Kitô, họ làm kiên vững sự thăng tiến tình hiệp nhất và đức ái của tất cả những người đã dâng hiến cho Thiên Chúa cuộc đời của họ” (Tông huấn Đời sống thánh hiến, s. 25).

Kết luận

Tóm lại, Văn kiện thần học nền tảng của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 đã trình bày – để giúp suy tư và đào sâu - một số khía cạnh khác nhau về Thánh Thể, như khía cạnh Ba Ngôi, khía cạnh giao ước hôn nhân, khía cạnh truyền giáo, và mồi liện hệ giữa Thánh Thể và các bậc sống khác nhau trong Giáo Hội: Giám mục, linh mục, người thánh hiến, tín hữu giáo dân. Trình bày này dựa trên một số trích dẫn từ các văn kiện của Công đồng chung Vaticanô II.
Văn kiện đã khẳng định về Thánh Thể, khi trích dẫn Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, như sau: “Trong Thánh Thể gồm chứa mọi ơn huệ siêu nhiên của Giáo Hội, nghĩa là chính Chúa Kitô, vượt qua của chúng ta, bánh hằng sống và bánh ban sự sống đời dời cho chúng ta, qua thân xác của Ngài được làm cho sống nhờ Chúa Thánh Thần và thân xác đó cùng lại làm cho con người được sống, và tất cả mọi người được mời gọi và được thúc đẩy để dâng hiến cùng với Ngài, dâng hiến chính mình ta, việc làm của ta và tất cả tạo vật” (Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, s. 5).


Lời Kinh:

Lạy Chúa Giêsu là mục tử tốt lành,
là bánh thực, xin Người thương xót
chăn nuôi và bảo vệ chúng con,
xin Người ban cho chúng con
nhìn thấy những điều thiện hảo
trong cõi nhân sinh.
Chúa là Đấng thông biết
và có thể làm nên mọi sự,
Chúa nuôi dưỡng chúng con
trong đời sống tạm gửi này,
trên cõi cao xanh,
xin cho chúng con được trở nên
khách đồng bàn của Chúa,
đồng thừa kế và đồng thông phần
với những công dân thánh của Nước Trời.
Amen. Alleluia.

(Ca Tiếp liên Lauda Sion, Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

IV. Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám Mục Kỳ XI
“BÍ TÍCH TÌNH YÊU”
HÌNH THỨC THÁNH THỂ CỦA ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU
(s. 70-71)


Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng thế giới kỳ thứ XI mang tựa đề Bí Tích Tình Yêu đề cập tới Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, Thánh Thể là mầu nhiệm được cử hành và sau cùng Thánh Thể là mầu nhiệm để sống. Giáo Hội đón nhận hồng ân Thánh Thể, thờ lạy Thánh Thể, loan truyền Thánh Thể, sống từ Thánh Thể (s. 8.14). Vậy việc sống mầu nhiệm Thánh Thể được Tông Huấn nói thế nào ?

1. Nền tảng thần học (s. 70)

Cũng như trong các phần khác, trước khi đưa ra những hướng dẫn, những lời nhắn nhủ hoặc các điều phải làm, Tông Huấn đã trình bày lý do thần học hay phụng vụ làm căn bản cho những điều này.
Tông Huấn đã dựa vào lời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu tại Rôma như sau: “Anh em thân mến, tôi khuyên nhủ anh em, do sự dịu hiền của Thiên Chúa, anh em hãy dâng hiến thân xác anh em thành hy tế thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa: đó là việc phụng tự thiêng liêng mà anh em phải thực hiện” ((Rm 12,1) (s. 70). Trong lời khuyên này Thánh Tông đồ Dân ngoại đã nói tới một việc quan trọng, đó là hiệp nhất đức tin và đời sống, và làm cho đời sống trở thành hy tế dâng lên và đẹp lòng Thiên Chúa.
Nhưng hy tế này không phải tự con người tín hữu mà có, nhưng là phát sinh từ việc cử hành Thánh Thể (s. 70). Vì Thánh Thể là nguồn suối và tột đỉnh của sự hiện hữu của người Kitô hữu (s. 70). Trong Thánh Thể, người Kitô hữu nhận ra điều Chúa Kitô đã nói: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời”(s. 70). Đây là ơn huệ của sự sống Chúa Kitô ban cho tín hữu. Bánh sự sống đây là chính Chúa Kitô trong Thánh Thể. Từ đây, người tín hữu có một sức sống mới và có một cách thế mới để sống theo như của ăn Thánh Thể đã thông truyền cho họ. Vì thế Tông Huấn đã nói tới việc sống mầu nhiệm Thánh Thể, như một “hình thức Thánh Thể của đời sống người Kitô hữu” (s. 70). Tông Huấn sẽ khai triển điều này trong phần thứ ba của bản văn dưới nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng lại rất thiết thực và gắn liền với đời sống hằng ngày. Từ hình thức Thánh Thể này, đời sống tín hữu trở thành việc phụng tự thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa (logiké latreia).

2. Hình thức Thánh Thể của đời sống Kitô hữu

Tông Huấn nói tới đời sống hằng ngày của tín hữu với nhiều kiểu nói khác nhau:
• đời sống người Kitô hữu (s. 70)
• hình thức của sự hiện hữu Kitô hữu (s. 70. 71); hoặc sự hiện hữu (s. 71)
• thực tại con người (s. 70. 71); thực tại của mỗi nhân vị (s. 71)
• bản tính con người (s. 71)
• cái cụ thể của cuộc sống hằng ngày (s. 71)
• cái riêng của con người (s. 71)
• mọi hoàn cảnh của sự hiện hữu của con người (s. 71)
• mọi hành động của người Kitô hữu (s. 71).

Các kiểu nói này được dùng trong các phần trình bày tiếp theo và chúng cho thấy chính đời sống con người dưới mọi khía cạnh, tinh thần, thể xác, lý trí, tình cảm, khát vọng, đau khổ, vui mừng, hy vọng, đời sống riêng tư, đời sống công cộng, chức nghiệp, địa vị trong xã hội, các mối dây liên hệ trong xã hội, từ cụ thể và diễn tiến hằng ngày, và trong lịch sử với chiều kích không gian và thời gian cụ thể. Thánh Phaolô đã nói trong thư gửi giáo đoàn Corintô như sau: ”Tất cả những gì anh em làm: ăn uống, hay bất cứ điều gì khác, hãy làm vì danh Thiên Chúa (1Cr 10, 34). Trong lời khuyên của Thánh Phaolô, bản văn nhấn mạnh tới “thân xác” của tín hữu. Điều này cho thấy cuộc sống siêu nhiên của tín hữu không phải là một thực thể thân xác, mà ở trong chính thân xác với xương với thịt này.

Tất cả những thực tại của đời sống con người này sẽ được Thánh Thể biến đổi hoàn toàn để nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (s. 71) và làm cho chúng mang “hình thức Thánh Thể” rõ rệt. Tông Huấn lấy lại lời Thánh Augustinô để diễn tả sự thay đổi này: “Ta là bánh của các vĩ nhân. Hãy lớn lên, con sẽ ăn chính Ta, con sẽ không biến đổi Ta trong con, như là của ăn biến đổi thành thịt máu của con người, nhưng là chính Ta biến đổi con”(Confessions, VII, 10, 16; Tông Huấn, s. 71). Như vậy tiến trình biến đổi có khác trong phạm vi tự nhiên. Từ sự biến đối này, Kitô hữu trở thành “người Thánh Thể” (une personne eucharistique” (s. 96). Trong thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Giáo Hội từ Thánh Thể”, chúng ta kiểu nói “Người Nữ Thánh Thể” (s. 96). Bây giờ trong Tông Huấn này, chúng ta có kiểu nói “người Thánh Thể”. Kiểu nói này diễn tả thật đầy đủ sự biến đổi do Thánh Thể thực hiện nơi người tín hữu.
Sự biến đổi do Thánh Thể nơi tín hữu là gì vậy ? Tông Huấn đã từ từ giải thích về điểm này. Trước tiên là tín hữu có được một nguyên lý làm phát sinh đời sống thiêng liêng của mình (s. 70). Sự biến đổi này thực hiện chỉ trong một thân xác là Chúa Kitô, và Giáo Hội, cho dù có nhiều người. Vì thế thân xác này hằng ngày được canh tân, đổi mới (s. 70). Sự biến đổi do Thánh Thể làm cho thân xác tín hữu nên một hy tế – nghĩa là nên một thực tại thánh thiện và phải tan biến đi để nên của lễ – điều này cho thấy một sức năng động biến hóa mạnh mẽ và thay đổi toàn vẹn sự hiện hữu của con người (s. 70. 71). Tông Huấn nói cách thật mạnh mẽ như sau: “Không có gì đích thực là của con người – suy tư và tình cảm, lời nói và hành động – mà không tìm thấy nơi Thánh Thể nét vẻ trọn vẹn của mình” (s. 71. 73. 77). Tín hữu như có một hạnh kiểm mới (s. 72). Sự biến đổi do Thánh Thể sẽ tạo ra cho tín hữu một cách thức sống mới hoàn toàn theo như Chúa Kitô (s. 71). Như vậy Thánh Thể đem đến cho tín hữu một sự thay đổi mới, thay đổi tận căn, (s. 71), tất cả đều có cung cách Thánh Thể (tonalité eucharistique, s. 4), một cái mới hoàn toàn (s. 9. 10. 29. 71. 72. 79. 85. 95 = une nouveauté radicale; novum radical: s. 4; con người mới, s. 42. 64). Hằng ngày họ sống cái mới kitô giáo này (s. 79); có được năng lực mới (s. 85); sự can đảm và sức mạnh mới (s. 90). Vì thế người tín hữu tập trung tất cả vào Thánh Thể (s. 12).

Hình thức Thánh Thể của đời sống người tín hữu sẽ ảnh hưởng và đem áp dụng vào mọi khía cạnh, ngóc ngách của đời sống người tín hữu, tới từng thành phần của tín hữu. Tông Huấn « Bí Tích Tình Yêu » sẽ trình bày trong các phần kế tiếp.

V. GƯƠNG CÁC THÁNH
VỀ LÒNG YÊU MẾN THÁNH THỂ


Để giúp các tín hữu thêm xác tín về tu đức Thánh Thể và thêm lòng yêu mến Thánh Thể, cách đặc biệt, vì Thánh Thể là trung tâm, là nguồn suối và tột đỉnh đời sống của mình, Tông Huấn đã nói tới gương một số vị thánh và chân phước có lòng yêu mến Thánh Thể cách đặc biệt. Đây cũng là nét vẻ riêng biệt của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI. Ngay từ khi làm Giáo Hoàng, Ngài đã bắt đầu các bài huấn dụ của Ngài ngày thứ tư hằng tuần bắng việc trình bày đời sống các thánh tông đồ, các thánh tiếp theo đó. Tông Huấn « Bí Tích Tình Yêu » kết thúc với các lời sau đây: « Anh chị em thân mến, Thánh Thể là nguồn mạch của mọi hình thức thánh thiện và mỗi người chúng ta được mời gọi để trở nên toàn thiện trong sức sống của Chúa Thánh Thần. Biết bao vị thánh đã làm cho đời sống của họ trở thành chính thực nhờ lòng đạo đức Thánh Thể của mình.. . ở đây chỉ kể một số vị trong số rất đông các danh sách, đối với các ngài sự thánh thiện luôn tìm được trung tâm điểm trong bí tích Thánh Thể» (s. 94).

Vậy Tông Huấn đã nói tới các vị Thánh và chân phước Thánh Thể nào ?

5 vị Chân phước được phong hiển thánh trong buổi lễ bế mạc Năm Thánh Thể (s. 4)

• Giám mục Josef Bilczewski: qua đời năm 1923, lễ nhớ 23-3
• Linh mục Gaetano Catanoso: qua đời năm 1953, lễ nhớ 44-4
• Linh mục Zygmunt Gorazdowski: qua đời năm 1920, lễ nhớ: 1-1
• Linh mục Alberto Hutardo Cruchaga: qua đời 1952, lễ nhớ: 18-8
• Tu sĩ Felice da Nicosia, O.F.M.: qua đời năm 1787, lệ nhớ: 31-5.

Các thánh và các chân phước khác được kể trong số 94 của Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”:

• Thánh Giám mục Inhaxiô thành Antiochia: qua đời khoảng năm 107, lễ nhớ (m): 17-10
• Thánh Giám mục Augustino; qua đời năm 430, lễ nhớ (m): 28-8
• Thánh Antôn, viện phụ, qua đời khoảng năm 430, lễ nhớ (m) 14-2
• Thánh Beneđicto, viện phụ, qua đời năm 821, lễ nhớ (m): 12-2
• Thánh Phanxicô thành Assisi, qua đời năm 1126, lễ nhớ (m), 4-10
• Thánh Tôma tiến sĩ, qua đời năm 1274, lễ nhớ (m), 28-1
• Thánh nữ Clara thành Assisi, qua đời năm 1253, lễ nhớ (m): 11-8
• Thánh nữ tiến sĩ Catarina thành Siena, qua đời năm 1380, lễ nhớ (m), 29-4
• Thánh Pascal Baylon, qua đời năm 1592, lễ nhớ (m) 17-5
• Thánh Pierre-Julien Eymard, qua đời năm 1868, lễ nhớ (m), 2-8
• Thánh Alphonsô de Liguori, qua đời năm 1787, lễ nhớ (m), 1-8
• Thánh Gioan Vianney, qua đời năm 1859, lễ nhớ, 4-8
• Thánh nữ tiến sĩ Têrêsa Hài đồng Giêsu qua đời năm 1897, lễ nhớ (m)
• Thánh Pio de Pietralcina, linh mục, qua đời năm 1968, lễ nhớ (m) 23-9
• Chân phước Charles de Foucauld, lễ nhớ: 1-10
• Chân phước Piergiorgio Frassati, qua đời năm 1925, lễ nhớ, 4-7
• Chân phước Têrêsa Calcutta, (Teresa (Agnès) Ghonhxa Bojaxhiu) qua đời năm 1997, lễ nhớ 5-9
• Chân phước Ivan Mertz, qua đời năm 1928, lễ nhớ 10-5.

Vậy Thánh Thể là nguồn mạch của mọi nền tu đức Kitô giáo và là sức nuôi dưỡng và tăng cường các nền tu đức này. /.

Cùng một tác giả
Đã phát hành ad instar manuscripti

Phụng vụ
Tập Mùa Vọng và Giáng Sinh (2004)
Tập Mùa Chay (2004)
Tập Tìan Thánh và Tam Nhật Thánh (2004)
Tập Mùa Phục Sinh (2004)
Tập Mùa Thường Niện 01 (2003)
Tập Mùa Thường Niên 02 (Chúa Nhật) (2004)
Thánh Lễ và Đời sống Thánh Hiến (2006)
Lời Chúa trong Phụng vụ (2006)
Phụng vụ Việt Nam (2006)

Tu đức
Đi tìm Thiên Chúa Đấng Tuyệt Đối (2004)
Khởi đầu lại từ Chúa Kitô (2004)
ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
qua những lời tự thuật (2004)
365 Ngày chiêm ngắm Thánh Giá Chúa Kitô (2007) (I)
365 Ngày chiêm ngắm Thánh Giá Chúa Kitô (2008) (II)
Thông điệpThiên Chúa là Tình Yêu (2007)
Tông Huấn Bí Tích Tình Yêu(2008)

Văn hóa
Il Vocabolario Italiano – Vietnamita
(in specie nella matera teologica)
(Bộ Ngữ Vựng Ý Việt, nhất là trong bộ môn thần học) (Roma 1999).
 
“Nhóm Mười Hai” nối dài
LM. Giuse Trương Đình Hiền
12:58 14/06/2008
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIEN A

“Nhóm Mười Hai” nối dài



1. Tông đồ: Người loan báo tình thương cứu độ

Ngày xưa, khi chọn lựa Mô-sê làm lãnh tụ đưa dân ít-ra-en ra khỏi kiếp nô lệ lầm than để lên đường tiến về Hứa Địa, Gia-Vê Thiên Chúa đã tuyên bố lý do rằng: “Ta đã thấy nổi khổ của Dân ta bên Ai Cập…, và Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập và đem chúng vào vùng đất tốt tươi… Bây giờ ngươi hãy đi !Ta sai ngươi đến với vua Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập” (Xh 3, 7-8).

Môsê đã vâng lệnh ra đi thi hành thánh vụ. Cho dù ông luôn cảm nhận sự yếu đuối và giới hạn của bản thân.

Hơn ngàn năm sau đó, cũng tại quê hương nầy, có một Mô-sê mới lại ngậm ngùi xúc động: “Ta thương xót đám dân nầy, vì họ bơ vơ vất vưởng như đàn chiên không mục tử…” (Mt 9,36); và Ngài đã sai các môn sinh phân phát những tấm bánh và con cá để sẻ chia tình yêu của Ngài (Mt 14, 13-16); và nhất là sau khi chết, sống lại, về trời để cụ thể hóa tình thương cứu độ của Thiên Chúa, Ngài đã long trọng ban hành sứ mệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15).

Như thế, cả lý do xuất phát và tiêu đích hướng về của sứ vụ Tông đồ cũng chỉ là một nội dung duy nhất: Tình Thương cứu độ của Thiên Chúa, hay theo ngữ cảnh của Lời Chúa được công bố hôm nay thì đó chính là sự “rung động đầy lòng xót thương” của Thiên Chúa.

Và chúng ta cũng biết được rằng: ở trung tâm của sự “rung động đầy lòng xót thương” đó chính là một Giao Ước. Giao Ước Si-Nai là trọng tâm của tình thương giải thoát Ít-ra-en khỏi kiếp nô lệ Ai Cập. Giao ước nầy chính là hình bóng của Giao Ước mới bằng Máu của Đức Kitô, Giao ước Núi Sọ, Giao ước của tình thương cứu độ vĩnh viễn, là “sự cụ thể hóa tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho Dân Ngài, là sự bảo đảm tuyệt đối cho sự trung thành của Trái tim Thiên Chúa bất chấp sự bội phản vong ân của trái tim con người. Và đó chính là sự thật, một sự thật mà thánh Phaolô trong BĐ 2 hôm nay đã cố gắng thuyên giải: khi chúng ta còn là tội nhân Thiên Chúa đã trao ban Con Một hy sinh chịu chết để tái lập sự hòa giải và ban ơn cứu độ…

Trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể định nghĩa thêm: “ơn gọi Tông đồ” chính là sự gặp gỡ của tình yêu. Đúng hơn, đó chính là tia nhìn yêu thương của Thiên Chúa chiếu trên thân phận khổn khổ lạc loài của tất cả loài người chúng ta. Làm Tông đồ phải chăng là đi loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa, là đoan chứng rằng: Thiên Chúa đã thấy nổi khổ của chúng ta, Thiên Chúa đã thấy nổi bơ vơ lạc loài của chúng ta, Thiên Chúa đã xót thương chúng ta và Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta bằng chính tình yêu tự hiến của Ngài.

Lịch sử cứu độ phải chăng là một bản trường ca của những lời loan báo và làm chứng như thế. Kể từ Môsê đến dân Ít-ra-en, đến các ngôn sứ, rồi từ Đức Kitô đến các Tông đồ và Dân Chúa của hai ngàn năm lịch sử...không bao giờ vắng những bước chân Tông Đồ, những bước chân đi loan truyền tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

Đẹp thay những bước chân như thế !

2. Căn tính của “Nhóm Mười hai”.

Nhưng những ai là người xứng đáng với ơn gọi và sứ mệnh cao quý nầy ?

Những bậc công hầu khanh tướng ? Những kẻ tài ba ? Những nhà trí thức ?

Không nhất thiết. Thiên Chúa đã từng nói với tiên tri Samuel: “Con người đánh giá theo cái nhìn bên ngoài, nhưng Thiên Chúa lại nhìn thấy tận cõi lòng”. Và theo tiêu chí đó, thay vì các bào huynh to con lớn xác, chàng Đa-vít út ít, nhỏ con nhưng “có đôi mắt xanh có gương mặt đẹp” đã được xức dầu tấn phong làm vua của Ít-ra-en để ông ta lên đường đưa Dân Chúa sang một bước ngoặc mới của chuơng trình cứu rỗi.

Cũng y chang cung cách đó, Đức Kitô đã tuyển lựa các dân chài xứ Ga-li-lê để kế tục sự nghiệp Ngài trên trần gian và làm cho công trình tình yêu bằng cái chết và sự sống lại của Ngài được tồn tại và phát triển trên mọi miền thế giới. Thiên Chúa chọn gọi và huấn luyện theo cung cách của riêng Ngài, miễn sao khi đã trở thành Tông Đồ, những người ấy trung thành với thân phận “được sai đi” và với sứ mệnh “loan báo Tin Mừng”. Người ta minh họa ý nghĩa trên bằng câu chuyện ngụ ngôn sau:

Sau những đêm dài cầu nguyện, Chúa Giêsu rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào để thiết lập nhóm Tông Đồ. Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện Ngài cũng không chọn được ai.

Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng, cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng thế.

Chán nản vì mất giờ vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường thả bộ ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy một đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hồn vào công việc. Ngài nghĩ thầm họ là những người có quả tim yêu thương. Và thế là Ngài chọn họ làm tông đồ của Ngài…

Tông đồ, trước hết, phải là người có trái tim yêu thương.

Đó là trái tim biết cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa: Thiên Chúa yêu thương tôi và đang gọi mời tôi cùng lên đường cho dù tôi chỉ là kẻ tội lỗi, bất xứng.

Đó là trái tim biết khiêm hạ đáp trả và ngoan ngùy vâng phục tiếng gọi mời của Thiên Chúa.

Chúng ta đừng quên khi đọc lại lịch sử thánh: nếu cả một đoàn dân ô hợp, ngựa chứng, hay bất trung bội phản như dân Ít-ra-en mà Thiên Chúa vẫn bao dung chịu đựng, tận tình chăm sóc dìu đưa…thì Hội Thánh hôm nay nào có khác gì: Một tập hợp lộn xộn hổ lốn, không bỏ sót một thành phần nào: lương thiện hay bất hảo, tốt lành thánh thiện hay ác độc dã man….tất cả đều có chỗ của mình để được chăm sóc và yêu thương, khoan dung và tha thứ. Bởi vì “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng là kẻ tội lỗi”.

Tuy nhiên, cộng đoàn Tông Đồ hay như ngôn ngữ của Tin Mừng, “Nhóm Mười Hai” cũng đồng nghĩa với nhóm của hiệp nhất, yêu thương, cảm thông và phục vụ. Cho dù tai tiếng, gian ác, bán nước chạy theo ngoại bang như Mathêô thu thuế hay, cuồng nhiệt đối kháng cách mạng như Si-mon nhiệt thành, yếu đuối, bốc đồng, bất nhất chối Thầy như Phêrô, hay cứng lòng, duy lý như Tôma...tất cả khi “trở thành Nhóm Mười Hai” thì cái tôi kiêu căng hợm hĩnh, ích kỷ, ghét ghen... phải nhường chỗ cho khó nghèo, khiêm hạ, yêu thương và hiệp nhất. Phải chăng đó chính là căn tính của người Tông đồ, của ơn gọi Tông đồ muôn nơi và muôn thuở, mà nếu không giữ được, hay quay lưng chối từ căn tính đó, cũng đồng nghĩa với sự phản bội, đào ngũ mà hình tượng Giuđa ít-ca-ri-ốt được nhắc tới trong Tin Mừng hôm nay luôn là một điển hình đậm nét.

Với dòng nước của bí tích Thánh Tẩy, mọi Kitô hữu đều được gọi mời gia nhập “Nhóm Mười hai”. Như thế, chúng ta hãy xem lại căn cước Kitô hữu của chính mình có còn giữ được chút nào cái chất “Nhóm Mười Hai”, hay đã biến chất và trở thành nhóm của Giuđa Ít-ca-ri-ốt!

3. Còn cần thiết không những bước chân Tông đồ ?

Ngày xưa, “Chúa Giêsu gọi 12 môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trước các thần ô uế, để các ông trừ khử chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1)

Vào thời đó, người ta quan niệm người bị tật nguyền là người tội lỗi vì đã làm điều ô uế. Nhưng theo Chúa Giêsu, những người đó được sinh ra để làm sáng danh Chúa, và chính Ngài đã từng chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền thể xác: mù thấy, què đi, câm nói, điếc nghe, phung cùi lành sạch, loạn huyết, quỷ nhập trở lại an lành...Và nhiều người khác được chữa khỏi những căn bệnh tâm hồn. Mai-đệ-liên cô gái làng chơi trở nên thiếu nữ tốt lành, Gia-Kê quan thuế tham lam, gian ác, trở nên công chính, quảng đại...

Ngày nay, thế giới vẫn là mảnh đất của sự tranh chấp giữa bóng tối và ánh sáng, giữa những thế lực của ma quỷ, tội ác và của vương quốc yêu thương, công bình thánh thiện. Chính trong bối cảnh phức tạp đó, sự ô uế đang hiện diện gần như ở khắp hang cùng ngỏ hẻm của cuộc sống: dối trá, tham lam, trộm cắp, ăn chơi sa đoạ, giết người, ngoại tình, ly dị, phá thai…. Cánh cửa của sự ô uế vẫn luôn mở và tồn tại song song với cánh cửa Nước Trời.

Tuy nhiên, cũng như ngày xưa, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã ban cho các Tông Đồ ra đi công bố Tin Mừng với hành trang là những đặc ân: trừ khử mọi ô uế và chữa lành mọi bệnh tật. Thì hôm nay, đặc ân ấy cũng được trao ban cho mọi tín hữu khi mỗi người nhờ hồng ân của các Nhiệm tích, lãnh nhận nhiệm vụ trừ khử ô uế nơi chính mình và giúp anh em thoát khỏi mọi điều ô uế mà theo ngôn từ của Đức Cố Giáo Hoàng G.P. II đó chính là công cuộc xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống để xua tan nền văn minh sự chết.

Thế giới vẫn còn may mắn vì hằng ngày, trong cái chợ đời xô bồ, huyên náo vẫn không thiếu những vị Tông đồ rao giảng tình thương cứu độ của Thiên Chúa bằng chính những hành vi, những cách ứng xử thấm đẩm tình yêu thương như câu chuyện cảm động sau đây:

Lúc ấy, vào khoảng giữa khuya, cô đang lơ mơ ngủ chợt cảm thấy hình như có người lẻn vào nhà. Chắc chắn không phải chồng cô rồi, vì tối nay anh trực đêm mà. Vậy thì ai nhỉ? Cô điếng người lo sợ. Kẻ ấy chắc nghĩ chủ nhà đã ngủ say nên đi đứng có phần bất cẩn, không biết cô đang bị chứng mất ngủ hành hạ cả tuần nay rồi, chỉ cần một tiến động nhẹ là tỉnh ngay.

Nín thở theo dõi, cô thấy bóng người tay cầm dao đang lục tung mọi thứ. Trong khoảnh khắc đó, cô mở to mắt nhìn trừng trừng, lòng bình tĩnh lạ thường. Trong tình thế này, tuyệt đối không được la lên, nếu không, mạng sống của cô và con trai ở phòng bên sẽ gặp nguy hiểm. Cô lặng lẽ quan sát trong bóng tối, thấy tên trộm kia thò tay lấy hộp trang sức, bên trong có đôi lắc là của hồi môn bà ngoại để lại cho mẹ, đến khi cô lấy chồng thì mẹ chuyển giao cho cô. Đó là đôi lắc gia bảo, có gắn đá quí rất đắc tiền. Nhưng cô vẫn nằm nín lặng, chờ đến khi tên trộm bỏ đi.

Tên trộm đi rồi, cô lập tức chạy vội vào phòng con trai, nhìn thấy con đang ngủ yên lành, cô rưng rưng nước mắt, biết rằng trên đời này đối với cô không có gì quí giá hơn con trai cưng cả. Vàng bạc châu báu có nghĩa lý gì so với tính mạng con mình.

Song, chuyện bất ngờ đã xảy ra.

Tên trộm kia bị dân phòng tóm cổ lúc đang trèo tường định tẩu thoát. Hai anh dân phòng trói gô hắn lại, dẫn độ vào nhà cô.

Dưới ánh đèn, lúc này cô mới nhìn rõ tên trộm, một gương mặt còn non choẹt, chừng 15-16 tuổi là cùng. Đôi mắt đứa trẻ phản ánh tâm trạng lo sợ thất thần.

Một anh dân phòng chìa tang vật ra hỏi khổ chủ: “Đây có phải là đôi lắc của chị không?”

Cô đáp nhẹ: “Vâng”

“Tên trộm này đã lấy cắp nó trong nhà chị rồi trèo tường định trốn đấy.” Anh hăng hái tường thuật.

Cô biết chứ. Chính cô đã chứng kiến từ đầu tới cuối quá trình phạm tội của nó mà. Cô quay qua nhìn tên trộm và bỗng sững sờ, ánh mắt đứa trẻ như đang khẩn cầu, van xin một cách tuyệt vọng.

Trong phút chốc, tự nhiên cô thấy mềm lòng, không nỡ tố cáo thằng bé. Một ý nghĩ lướt qua cô bất ngờ quyết định: “Các anh thả nó đi đi, nó không lấy trộm đâu, đôi lắc này lá tự tôi đưa nó đấy.”

Hai anh dân phòng há hốc mồm, đứa trẻ tội đồ cũng tròn mắt lên, ngạc nhiên không kém.

“Là tôi đưa nó đấy!” Cô nhắc lại.

Lúc này thì đứa trẻ kia mắt đã đẫm lệ.

Hai anh dân phòng vừa đi khỏi, cậu bé liền quì xuống, vừa khóc vừa nói: “Cô ơi, sao cô lại cứu cháu?”

Cô ân cần đỡ nó dậy, khẽ nói: “Bởi vì tuổi thanh xuân của cháu còn quí giá hơn nhiều so với hai chiếc lắc kia. Cô muốn dùng đôi lắc để cứu rỗi linh hồn lạc hướng của cháu.”

Cô cười hiền từ, đoạn nói tiếp: “Cháu chỉ bằng tuổi con trai cô thôi, cháu ạ. Lúc nãy tay cháu đang cầm dao, cô sợ nguy hiểm đến con trai nên đã không la lên đấy chứ!”

Cuối cùng, cô nói nho nhỏ, như lời an ủi: “Lần này cô giúp cháu, để không còn lần sau nào như thế nữa cháu nhé!”

Đứa trẻ kia nước mắt ròng ròng, vô cùng hối lỗi và biết ơn người phụ nữ có tấm lòng vàng.

Thưa ông bà anh chị em,

Khoan dung tha thứ để mở lối cho một con người hoán cải, trở về nẻo chính đường ngay, cho dù phải thiệt thòi, mất mát về mình, đó phải chăng là hành vi Tông Đồ, là việc thực hành sứ mệnh loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa, mà nhân loại hôm nay đang rất cần để xã hội tốt hơn, để con người sống ngay lành đạo đức hơn.
 
Linh mục theo lòng từ bi Thiên Chúa
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
17:17 14/06/2008
LINH MỤC THEO LÒNG TỪ BI THIÊN CHÚA

Cách đây 12 năm - 1996 - đền thánh Đức Mẹ Mân Côi ở Pompei (Nam Ý) hân hạnh tiếp đón 3 Linh Mục đến thi hành thừa tác vụ thánh. Đó là quý Cha: Salvatore D'Antuono, Andrea Fontanella và Giuseppe Esposito.

Linh Mục trẻ nhất là Cha Giuseppe Esposito, 25 tuổi. Năm 1985, trong một Tuần Đại Phúc kính Đức Mẹ Mân Côi tổ chức trong giáo xứ, cậu Giuseppe lần đầu tiên nghe tiếng Chúa gọi trở thành Linh Mục của Ngài. Năm đó Giuseppe 13 tuổi. Được sự khích lệ của Cha Xứ và nhất là của gia đình - một gia đình Công Giáo thật đạo đức - Giuseppe ghi tên gia nhập tiểu chủng viện ở Castellammare.

11 năm sau - ngày 14-9-1996 - thầy Giuseppe Esposito sung sướng lãnh nhận thiên chức Linh Mục. Sau khi thụ phong, tân Linh Mục đến giúp xứ Đức Mẹ MARIA Vô Nhiễm ở Tre Ponti. Nơi đây, Cha Giuseppe giữ việc điều động các sinh hoạt của giới trẻ thanh thiếu niên. Thời gian ngắn sau đó, Cha được chỉ định đến làm việc mục vụ tại Đền Thánh Đức Mẹ ở Pompei. Đền Thánh dâng kính Đức Mẹ Mân Côi. Cha Giuseppe Esposito vô cùng cảm động và tri ân khi được vị Giám Mục bản quyền chỉ định đến phục vụ tại Đền Thánh. Cha xem đây là dấu chỉ ưu ái của Đức Mẹ MARIA. Từ đó Cha dâng hiến trọn khả năng để phổ biến lòng sùng kính Đức Mẹ, qua các hoạt động của chức thừa tác vụ thánh.

Trong khi hai tân Linh Mục Salvatore D'Antuono và Andrea Fontanella có con đường ơn gọi khác với Cha Giuseppe Esposito. Cha Salvatore năm ấy 41 tuổi và Cha Andrea 35 tuổi. Cả hai vị tìm lại Đức Tin sau thời gian dài rời xa Giáo Hội Công Giáo.

Salvatore là trai út trong một gia đình Công Giáo đạo đức có 9 người con. Lớn lên, Salvatore bắt chước bạn bè chạy theo những cuộc vui chơi phóng đãng. Nhưng càng vui chơi, Salvatore càng cảm thấy tâm hồn chán chường và trống rỗng. Cho đến một ngày, không hiểu sức thần nào thúc đẩy, chàng trai Salvatore lạc bước giang hồ đến đền thánh Đức Mẹ Mân Côi Pompei. Chàng vào nhà thờ, đến quỳ trước ảnh thánh Đức Mẹ MARIA và nức nở khóc. Vừa khóc chàng vừa van xin Đức Mẹ ra tay cứu giúp. . Sau đó, với tâm hồn bình tĩnh, Salvatore bắt đầu suy nghĩ lại chặng đường trải qua. Chàng nhất quyết từ bỏ con đường cũ, ăn năn thống hối, trở về với THIÊN CHÚA và với Giáo Hội Ngài. Rồi chàng sốt sắng tham dự Thánh Lễ.

Cùng ngày hôm ấy, một chàng trai hoang đàng khác - Andrea Fontanella - cũng bị sức thần lôi cuốn, đến kính viếng đền thánh Đức Mẹ Mân Côi Pompei. Từ lâu, chàng sống trong khủng hoảng và không tìm được an bình nội tâm. Nhưng buổi chiều hôm ấy, nơi đền thánh Đức Mẹ MARIA, sau khi tham dự Thánh Lễ, Andrea cảm thấy niềm an bình sâu xa xâm chiếm tâm hồn. Đây chính là niềm an bình từ lâu chàng vẫn mong mỏi và tìm kiếm! Chàng xét mình và vào tòa xưng tội. Khi ra khỏi đền thánh, Andrea tình cờ gặp Salvatore, đang lang thang trước đền thánh như đợi chờ người nào đó. . Hai khách lạ nói chuyện và trao đổi với nhau. Dần dần câu chuyện đưa đến chỗ thân mật. Cả hai tỏ bày cho nhau nghe kinh nghiệm đau thương và giờ đây, niềm vui tràn đầy vì tìm lại Đức Tin Công Giáo cùng niền an bình.

Sau buổi gặp gỡ hi hữu ấy, Salvatore D'Antuono và Andrea Fontanella thường xuyên liên lạc với nhau và tìm kiếm thánh ý THIÊN CHÚA trong cuộc đời mỗi người. Sau tháng ngày do dự và tìm hiểu ơn gọi và dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của Linh Mục Nicola Longobardi, hai anh Salvatore và Andrea ghi tên theo khóa thần học và chuẩn bị tiến lên chức Linh Mục.

Sau thời gian phục vụ tại xứ đạo Thánh Tâm, trong tư cách thầy phó tế, cả hai thụ phong Linh Mục ngày 8-6-1996.

Hai tân Linh Mục Salvatore D'Antuono và Andrea Fontanella được Đức Giám Mục giáo phận chỉ định phục vụ tại đền thánh Đức Mẹ Mân Côi Pompei. Nhiệm vụ chính của hai vị là ngồi tòa giải tội cho các tín hữu Công Giáo hành hương, đặc biệt là cho giới trẻ.

Với số tuổi 41 và 35, và với một số kinh nghiệm trường đời, hai Linh Mục Salvatore và Andrea thực thi thừa tác vụ thánh với con tim quảng đại bao la của chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Linh Mục Đời Đời của THIÊN CHÚA CHA.

... Bấy giờ có lời THIÊN CHÚA phán với tôi rằng: ”Ta sẽ ghé mắt nhìn để ban phúc và sẽ đưa chúng trở về đất này; Ta sẽ xây chứ không phá, sẽ trồng chứ không nhổ. Ta sẽ ban cho chúng một tâm hồn để nhận biết rằng chính Ta là THIÊN CHÚA. Chúng sẽ là dân của Ta, còn Ta, Ta sẽ là THIÊN CHÚA của chúng; bởi vì chúng sẽ hết lòng trở về với Ta” (Sách Giêrêmia 24,6-7).

(”Il Rosario e la Nuova Pompei”, Novembre/Dicembre 1996, trang 32)
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:06 14/06/2008
CON SÓI CÂU CÁ

N2T


Có một con sói già, mỗi ngày đều thấy con mèo mướp câu cá ăn, trong lòng rất lấy làm ngưỡng mộ.

Một hôm, sói già nói với mèo mướp: “Mèo tiểu đệ, mỗi ngày em câu cá ăn nhất định là thơm ngon ? Anh đây cũng muốn ăn cá, em có thể dạy anh cách câu cá chứ ?”

Mèo mướp nói: “Được chứ, bây giờ anh moi trên mặt băng một cái lỗ, sau đó đem cái đuôi bỏ vào trong nước, cá sẽ đến cắn cái đuôi của anh, đợi khi anh đem cái đuôi lên thì cá sẽ theo đó mà lên theo,” con sói già nghe xong thì rất phấn khởi, trong lòng nghĩ câu cá sao mà dễ dàng quá vậy !

Sáng sớm ngày hôm sau, sói già lấy cục đá moi một cái lỗ trên tảng băng, và bỏ cái đuôi vào rất nhanh, qua một lúc sau, nó cảm thấy cái đuôi hình như bị con gì cắn, thế là nó kéo cái đuôi lên, quả nhiên câu được một con cá, nó lại tiếp tục bỏ cái đuôi vào trong nước, trong bụng nghĩ: lần này mình phải câu nhiều một chút.

Qua một lúc sau, nó cảm thấy hình như lại có con gi cắn cái đuôi của nó, nhưng sói già không chịu kéo cái đuôi lên, mà là im lặng đợi cho nhiều cá đến. Không lâu sau đó, lại có con gì đến cắn cái đuôi của nó, lần này lão sói cũng không kéo cái đuôi lên, nó muốn câu nhiều cá một chút, lão sói tính toán trong bụng: “Nếu được nhiều cá mà ăn không hết thì ướp lạnh để sau này ăn.” Cho nên nó ngồi ở đó không dám động đậy, thời gian qua mau từng phút từng phút, cái đuôi của lão sói dần dần bị băng kết đông lại, nhưng nó lại không có một chút cảnh giác.

Sau cùng, khi lão sói muốn kéo cái đuôi lên, nhưng sao lại kéo không lên được ? Nó chỉ còn cách là dùng hết sức toàn thân liều mạng giãy giụa, sau đó chỉ nghe một âm thanh “bựt”, cái đuôi của sói già bị kéo mạnh nên đứt đôi, vì nó tham lam nên cuối cùng chỉ được một con cá, nhưng vĩnh viễn mất đi cái cái đuôi dài của mình.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Làm người không thể có cái tâm quá tham lam, chỉ cần có thể tích lủy một chút, trân trọng từng cái thu hoạch nhỏ, thì cuối cùng có thể đạt được cái mà mình muốn.

Có những em tham ăn dù ăn đã no rồi, nên đau bụng làm hại bản thân và cha mẹ lo lắng; có em ham chơi nên không chịu học hành, kết quả là học hành không tiến bộ thua kém chúng bạn; có em quá ham học mà không có giờ giải trí, không thích tập thể dục thể thao, kết quả là mang bệnh làm cho thân thể suy yếu.v.v...

Đừng thái quá và cũng đừng bất cập quá, người lớn họ hay nói như thế, có nghĩa là đừng có ham ăn quá mà cũng đừng có không thèm ăn gì, nhưng luôn biết phải ăn uống cho có điều độ là hợp phép vệ sinh, thế là thân thể khỏe mạnh tinh thần vui tươi.

Con sói già vì tham lam muốn được nhiều cá, mà quên mất băng giá sẽ đông lại dính luôn cái đuôi đẹp của mình, kết quả cái đuôi bị đứt. Cũng vậy, nếu các em quá ham chơi quên học hành, quá tham ăn khi đã no bụng, quá ham học mà quên hết mọi chuyện chung quanh, thì cuộc sống của các em sẽ không còn thú vị nữa, bởi vì các em không phải là người máy chỉ biết hoạt động theo sự lập chương trình của các nhà khoa học, nhưng các em là các thiên thần nhỏ của Chúa, của cha mẹ và của người lớn.

Các em thực hành:

- Biết phân chia thời khóa biểu hợp lý trong ngày, và quyết tâm thực hiện thời khóa biểu ấy.

- Biết chế ngự tính bốc đồng ham chơi của mình.

- Điều mà các em nên thực hành luôn mãi chính là cầu nguyện với Chúa Giê-su.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:08 14/06/2008
N2T


19. Người nhiệt tâm suy nghĩ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, việc làm của Chúa Giê-su, thì có thể được các loại ân sủng thần thiêng.

(Thánh Bonaventura)
 
Tâm sự của một người Cha
Bùi Minh
20:17 14/06/2008
TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI CHA

Chiều nay cô con gái cưng của ông đã đi xa rồi, ông đọc được trên gương mặt nó sự hãnh diện, vui sướng, nhưng không che dấu được sự căng thẳng tâm hồn khi bước vào tương lai. Cả tháng nay, ông thấy con bé hay tâm sự với ông hàng xóm, nó nói với ông: nó coi ông hàng xóm như Bố nuôi để ông giúp đỡ hoàn cảnh túng nghèo của gia đình ông. Ông buồn héo hắt, nhưng số phận buộc ông phải thinh lặng.

Cả tuần nay nó nhận điện thoại của người hàng xóm liên tục. Nhiều lúc từ trong nhà ông nghe nó nói: < i>Con đang chuẩn bị đi xa nhà, Bố con nghèo lắm không lo được cho con, Bố con cũng hời hợt lắm lúc nào cũng lặng thinh, chuyện lớn của của cuộc đời con mà Bố nuôi…

Rồi chiều chiều nó nhận được gói quà của Bố nuôi gởi, khi thì đôi giày kiểu mới nhất, lúc thì chiếc áo, lúc khác lại cái vali… ông thấy nó chờ đợi điều đó hơn là mỗi buổi chiều về ôm cổ Bố tâm sự những chuyện vui buồn như trước đây. Ông nhớ lại ngày trước, khi mẹ nó mất, ông đã cực nhọc cảnh gà trống nuôi con cho đến hôm nay… Người ta nói ông bỏ nó vào co nhi viện để ông thoải mái tự do, nhưng ông đã không làm thế. Ông đã cõng nó đi qua bao nhiêu gian khó vất vả của cuộc đời.

Những ngày qua ông trằn trọc khó ngủ, những cái thở dài của ông giờ này nó không còn nghe thấy nữa, ông không biết diễn tả làm sao tấm lòng của ông cho nó hiểu.



Còn hai ngày nữa con đi rồi, bữa cơm chiều thật lặng lẽ, cuối bữa cơm ông mới nói: “Con sắp đi rồi…” Cô con gái nhanh nhảu trả lời: “Bố đừng lo, con tự lo cho mình được…” Ông khẽ rút trong túi ra 50 đôla, đưa cho con… “Mai con đi rồi con cầm để phòng thân” .

Cô cầm tiền của Bố cho và dấu đi tiếng thở dài, kèm theo lời cám ơn không mấy hài lòng. Tối hôm đó, từ phòng của con ông nghe lanh lảnh, “Bố nuôi ơi, Bố già của con cho con có 50 đôla à, Bố con chẳng quan tâm đến việc con đi xa nhà” … rồi cô gọi cho bạn, cho bác, cho anh hai… ai ai cô cũng than thở về chuyện chỉ có 50 đôla.

Giọt nước mắt của ông lăn dài, buốt cứng, cô con gái của ông không hiểu rằng 50 đôla ấy là tài sản duy nhất ông có để phòng thân, nó tựa hai đồng xu của bà góa nghèo, nó là tất cả cuộc sống của ông khi con ông đã đi xa rồi…

Ông không muốn làm tiền cái kiểu của các ông lớn thường làm là tham nhũng, hối lộ… ông liêm khiết để dạy con bài học liêm khiết. Nhưng con ông lại muốn làm tiền bằng tình cảm. Tình cảm của một ông hàng xóm không có con cần có đứa con nuôi. Ông buồn vì giá trị cuộc sống đã bị đánh mất. Ông buồn vì giữa danh vọng, giàu sang con ông đã quên đi sự giảm dị của tình nghĩa cha con.

Mai con ông đi mà lòng ông trĩu nặng, con ông có vinh hoa, có tương lai, nhưng tương lai đó đặt trên giá trị của tiền bạc… Ông nhờ tôi viết bài này lên mạng, gởi cho con ông ở xa, để con ông có thể nghe thấy tiếng ông.

Con gái ạ, ngày mai ngày của cha, cầu mong con được hạnh phúc, cả đời cha chỉ ước ao con được hạnh phúc và bình an.

Cha gởi cho con câu ca dao này, con nhớ mà sống ở đời và gởi cho bạn bè của con nhé:

“Dạy con đọc sách thánh hiền,

Còn hơn là để bạc tiền đầy kho”
.
 
Tôn Vinh Thiên Chúa Cha
Tuyết Mai
20:23 14/06/2008
Tôn Vinh Thiên Chúa Cha

Lậy Đức Chúa Cha đang Ngự Trên Trời!
Quyền Năng, Sáng Láng, Trị Vì khắp cõi, khắp nơi.
Trên muôn khắp tầng trời.
Trên muôn khắp vũ trụ.
Trên muôn khắp vạn vật.
Trên trời, dưới đất, và tận đáy lòng đại dương.

Nhân Loại chúng con trên khắp cùng địa cầu,
Cúi mình Kính Lậy Đức Thiên Vương.
Danh Ngài Lẫy Lừng khắp bờ cõi.
Cả Triều Thần trên Thiên Quốc.
Cả Nhân loại và sinh linh dưới Đất.
Cả thảy Chúc Tụng, Ngợi Khen, và Tôn Vinh Thiên Chúa Cha.

Chúc Thiên Chúa Cha ngày Lễ Hiền Phụ,
Tình Yêu hoài chứa chan, an khang hoan lạc.
Tình yêu đổ xuống như mưa tuôn,
Thành Hồng Ân ban phát cho dân Chúa dưới Trần.
Bình An, Hạnh Phúc, luôn Yêu Thương
Đó là Niềm Vui và nguồn An Ủi cho con cái Chúa.

Cảm tạ lòng Sủng Ái và Hồng Ân,
Ban cho chúng con Tình Yêu,
Vô Biên Hải Hà và Độ Lượng của Ngài.
Cùng với tất cả mọi sự, mọi điều, và mọi cái.
Tất cả những gì Mắt chúng con có thể Thấy,
Và Trái Tim chúng con có thể biết Cảm Nhận.

Nhân loại chúng con luôn cần cảm tạ Chúa Cha mỗi ngày.
Cho những thứ chúng con Cần nhưng không Thấy,
Không sờ được và cũng không hay chưa cảm nhận được.
Những thứ Mắt chúng con có thể chưa được Thấy?
Và Tai chúng con có thể chưa từng được Nghe?

Nhưng chúng con hẳn hiểu biết rằng:
Những điều Mắt chẳng được Thấy,
Tai chẳng được Nghe,
Lại là những điều chúng con cần được biết,
Được dậy dỗ và được bảo ban.

Nhân Loại chúng con là loài sinh vật,
Luôn yếu đuối và bất lực.
Trước những phù hoa và thứ chóng qua.
Mê muội và luôn sống trong tội lỗi.
Vô ơn và chóng bội bạc.
Bất nhân và luôn gian ác.

Lậy Đức Chúa Cha Nhân Từ và Khả Ái!
Tự bao đời Ngài đã Yêu Thương và Nhẫn Nại.
Phạt chúng con rồi lại bồi đắp Yêu Thương.
Phạt rồi lại thấy thương cảm rồi lại Thưởng.
Từ Đời Cha Ông chúng con,
Và còn tiếp tục đến mãi đời sau,
Đến thế hệ của con cháu chúng con sau này.

Lậy Thiên Chúa Cha Đấng Muôn Đời,
Toàn Năng và Hằng Hữu!
Chúng con Cúi Lậy và Nguyện Xin,
Ban cho chúng con lòng trí khôn ngoan,
Trí khôn thông suốt như loài rắn,
Nhưng mang tấm lòng đơn sơ,
Trong trắng tinh tuyền của loài chim bồ câu.

Chúng con nguyện xin với Đức Chúa Cha!
Vì lòng Từ Bi và hằng Thương Xót.
Ban cho tất cả chúng con luôn biết sống:
Cảm Tạ, Tri Ân, và Biết Ơn
Hằng ngày, hằng Giờ, và hằng Phút
Trôi qua trong cuộc sống Tạm Bợ trần gian này.

Để mai sau cuộc sống Hạnh Phúc, Vĩnh Cửu, Muôn Đời
Mới là Mãi Mãi, là Thật, là Thiên Đàng, là Nơi Chốn
Cho tất cả chúng con Khao Khát Tìm Về Chúa Ơi!

(Dâng Kính Thiên Chúa Cha - Ngày nào cũng là ngày Lễ Hiền Phụ)
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
20:35 14/06/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (39)

381. Đi theo Chúa Giêsu để truyền giáo

Ngày xưa, Chúa Giêsu đi khắp miền Giuđêa và Galilêa, kêu gọi nhiều người theo Ngài.

Mặc dầu Chúa Giêsu đưa ra lời kêu gọi một cách nhẹ nhàng: “Hãy theo tôi!”, nhưng những điều kiện Ngài kèm theo, thật là quyết liệt: hãy đi theo ngay lập tức, không được trở về chôn cất cha mình, không được trở về từ giả gia đình; nếu có trở về lại gia đình, là để bán hết tất cả gia tài sự nghiệp để rãnh rang mà đi theo; mà khi đi theo, không phải chỉ từ bỏ những gì bên ngoài, nhưng còn phải từ bỏ ngay chính bản thân mình bên trong, ngay chính cả mạng sống mình nữa.

Thật quá lạ lùng!

Đã hai ngàn năm rồi, Con Người bị chết treo tất tưởi trên hai miếng gỗ lạnh lùng, vẫn luôn luôn đưa ra lời kêu gọi: “Hãy theo tôi!”, và rất nhiều người ở khắp nơi, trên bất cứ lục địa nào, trong bất cứ dân tộc nào, vào bất cứ thời nào, vui vẻ nghe theo tiếng gọi của Ngài để đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, muôn nước.

382. Gia đình công giáo truyền giáo

Một linh mục quản xứ kia chia sẻ kinh nghiệm về gia đình công giáo truyền giáo như sau.

Trong giáo xứ của tôi, có những gia đình công giáo, gồm thành phần vợ chồng, hoặc cha mẹ, con cái và anh chị em, được tôi luôn khuyên bảo sống đời truyền giáo.

Trước hết, đời sống của những gia đình công giáo nầy cần phải là gương mẫu trong đời sống kitô-hữu.

Với đời sống gương mẫu như vậy, các thành phần trong gia đình công giáo nầy được khuyến khích sốt sắng cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Các gia đình công giáo nầy cần phải để ý cầu nguyện ngày đêm cho ba gia đình ngoài công giáo đang ở gần họ để những gia đình nầy được biết Chúa.

Với sự để ý cầu nguyện nầy, họ hãy tìm đủ cách để năng lui tới với ba gia đình đó trong tình thân hữu, nhưng với mục đích tìm cách đem Chúa đến cho họ.

Đó là những gia đình công giáo truyền giáo. Và có những gia đình truyền giáo như vậy trong giáo xứ của tôi.

383. Truyền giáo bằng phát triển

Tin Mừng được rao giảng cho thế giới, nhưng trên thế giới nầy, nhiều nơi chưa được phát triển đầy đủ, nhiều dân tộc đang còn quá nghèo khổ, lạc hậu. Trong những nơi nầy, sự phát triển là yếu tố cần thiết để Tin Mừng được loan báo. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đưa ra một khẩu hiệu truyền giáo về mặt phát triển: “Sự phát triển là danh hiệu mới của hoà bình.”

384. Chúa dùng kẻ cầu nguyện nhiều để mở mang nước Chúa

Ai cầu nguyện nhiều thì họ được Chúa dùng một cách đắc lực để mở mang nước Chúa.

Marie de Valence là một nữ tu Dòng Kín. Chị được Chúa cho biết rằng: chị phải hy sinh cầu nguyện để làm cho năm vạn người có tội được trở lại, ba vạn người ăn năn hối cải được ơn chừa cải cho vững, một vạn người công chính và một ộan hai ngàn người thánh thiện được bền đổ trong sự trọn lành.

385. Trong việc truyền giáo, sự cầu nguyện là quan trọng nhất

Trong khi tuyên bố thánh nữ Têrêxa Hài Đồng là quan thầy các xứ truyền giáo, Giáo Hội muốn chúng ta noi gương vị thánh trẻ nầy để chinh phục toàn thể nhân loại cho Chúa bằng quả tim yêu Chúa, bằng cuộc sống hy sinh, và nhất là bằng sự cầu nguyện đêm ngày cho Nước Chúa trị đến.

386. Tương lai truyền giáo rạng rỡ nhờ sự cầu nguyện

Trong Hội nghị Truyền giáo tại Lisieux năm 1929, Đức Cha De Guébrian, bề trên Dòng Paris Thừa Sai, quả quyết rằng: ‘Nếu được chọn giữa một vạn người tân tòng trở lại và việc thiết lập một dòng tu cầu nguyện, thì tôi chọn ngay việc thiết lập một dòng tu cầu nguyện vì như vậy, tương lai sau nầy mới rạng rỡ.”

387. Cầu nguyện trước, ra tay hoạt động sau

Trước khi bước lên toà giảng, linh mục Lacordaire đã cầu nguyện trong âm thầm. Khi giảng xong, ngài trở về phòng riêng, đánh tội phạt xác.

Trước khi bước chân lên toà giảng trong Nhà Thờ Đức bà Paris, linh mục Monsabré quỳ gối đọc hết một tràng kinh Mân Côi. Một người bạn hỏi ngài về thái độ đó, ngài trả lời cách khôi hài rằng: “Tôi có ý uống nước trước khi giảng.”

Cả hai linh mục đó đã sống theo nguyên tắc của thánh Bônaventura: “Bí quyết việc tông đồ phong phú phát sinh bởi Cây Thánh Giá hơn là bởi tài đức của vị tông đồ.”

Thánh Bênađô nói: “Có ba điểm nầy: lời giảng, gương sáng và cầu nguyện, nhưng cầu nguyện là hơn cả.”

Câu nói nầy cho ta nhận thấy lý do sự quyết định của những vị tông đồ biết hoãn lại hoạt động bên ngoài để có đủ thời giờ cầu nguyện: tiên vàn phải cầu nguyện, rồi mới ra tay hoạt động. (x, Hồn Tông Đồ)

388. Điều độ, bình tĩnh và vui vẻ làm ta thoát khỏi bệnh

Tác phẩm “Gulive phiêu lưu ký” là một cuốn sách rất nổi tiếng trong văn chương Anh. Tác giả của cuốn sách nầy là ông Swift. Ông nầy lại có tính rất bi quan. Ông thường mặc đồ đen để nói lên sự buồn phiền đen tối trong cuộc sống. Khi đến lễ sinh nhật của mình, ông nhất định nhịn đói chứ không tổ chức ăn uống vui vẻ.

Thế mà về sau, ông Swift bi quan nầy phải thú nhận rằng liều thuốc bỗ nhất cho sức khoẻ của con người là tính tình vui vẻ và sự vui sống, và khi ông quả quyết: “Những bác sĩ hay nhất thế giới, đó là sự điều độ, sự bình tĩnh và sự vui vẻ.”

399. Khi bị chỉ trích, ta hãy cám ơn người chỉ trích ta và ta hãy tìm cách sửa mình

Công ty Ford xin các người làm công hãy cứ chỉ trích Công ty vì Công ty rất muốn biết những gì Công ty sơ sót và lỗi lầm để tìm cách hoàn thiện.

Những người chỉ trích ta, nếu họ thành tâm, là những ân nhân rất quý giá của ta. Họ là những vị thầy dạy ta biết rất nhiều điều, nhưng đó là những vị thầy mà ta không tốn tiền để trả.

400. Gia tài của người cha trối lại

Cô Elsa Maxwell kể chuyện khi chết, cha cô trối lại gia tài cho cô như sau: thứ nhất, đừng bao giờ sợ tiếng “thiên hạ” nhưng hãy hiên ngang sống trong lập trường chính đáng của mình; thư hai, đừng lo thu góp những đồ vật vô tri là những vật làm nô lệ đời ta; thứ ba, hãy luôn tự cười mình trước: “Con hãy cười chê con trước tiên, và con sẽ thấy rằng con không bao giờ dám cười chê kẻ khác, trừ phi con mang một bộ mã giáp bằng vàng.”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Liệu người Công Giáo nào bỏ phiếu cho Obama có thể được phép lên Rước Lễ không?
Anthony Lê
11:23 14/06/2008
Liệu người Công Giáo nào bỏ phiếu cho Obama có thể được phép lên Rước Lễ không?

Cha Frank Pavone với Các Trẻ Em Sơ Sinh
WASHINGTON, D.C. (LifeSiteNews.com) - Với cuộc bầu cử đang đến gần, lần này sẽ có rất nhiều cử tri Công Giáo đi bầu, vấn đề đặt ra chính là dựa vào nền tảng đạo đức luân lý nào mà những người Công Giáo cần phải chú ý và quan tâm đến khi họ tiến vào phòng bỏ phiếu.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 trước khi được bầu chọn làm Giáo Hoàng, Ngài đã đề cập tới vấn đề này trong một ghi chú có liên quan đến học thuyết Công Giáo gởi cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Đức cựu Hồng Y Joseph Ratzinger lúc đó, trong vai trò Tổng Trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã can thiệp vào cuộc thảo luận giữa các vị Giám Mục Hoa Kỳ về vấn đề từ chối cho các chính trị gia phò phá thai được rước lễ vào năm 2004 vừa qua.

Nói một cách hết sức vắn tắt và đơn giản, trong lá thư của Ngài có nhan đề "Xứng Đáng để lên Rước Lễ" (Worthiness to Receive Holy Communion), Đức cựu Hồng Y Ratzinger ra chỉ thị rằng những chính trị gia Công Giáo nào quyết giữ vững lập trường phá thai, sau khi được Đức Giám Mục bản quyền của họ: khuyên bảo, cảnh cáo, và chỉ dẫn về cách hành động đúng đắn theo đúng với lương tâm Công Giáo và những giảng dạy của Giáo Hội có liên quan tới vấn đề sự sống, thì họ sẽ không được phép lên Rước Lễ và vị Linh Mục chủ tế phải từ chối việc cho họ Rước Lễ.

Thì cũng cùng văn kiện được viết ra bởi Vị giờ đây đã trở thành Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã đề nghị trong lời chú dẫn ở phần kết luận của văn kiện rằng, những công dân Công Giáo nào, vốn bỏ phiếu cho các chính trị gia phò phá thai, thì tự họ cũng biến họ trở thành những người không còn xứng đáng để lên Rước Lễ nữa.

Nói rõ hơn, Ngài đã viết như thế này:

"Một người Công Giáo sẽ chính thức phạm tội vì hợp tác với ma quỷ, và do đó không còn xứng đáng trong việc chuẩn bị chính mình để Rước Lễ, nếu như người đó chủ ý bỏ phiếu cho một ứng cử viên vốn rõ ràng giữ vững quan điểm về phá thai và vấn đề trợ tử."

(A Catholic would be guilty of formal cooperation in evil, and so unworthy to present himself for Holy Communion, if he were to deliberately vote for a candidate precisely because of the candidate's permissive stand on abortion and/or euthanasia).

Đức cựu Hồng Y Ratzinger lúc đó cũng thêm vào một đoạn nói rằng:

"Khi một người Công Giáo không có cùng quan điểm với ứng viên nào đó, vốn ủng hộ việc phá thai hay trợ tử, nhưng lại bỏ phiếu cho ứng viên đó vì những lý do nào khác, thì người đó được xem như là đã hợp tác về mặt hữu hình với ứng viên đó từ xa rồi, vốn có thể được cho phép trừ phi trình bày ra được những lý do xác đáng."

(When a Catholic does not share a candidate's stand in favour of abortion and/or euthanasia, but votes for that candidate for other reasons, it is considered remote material cooperation, which can be permitted in the presence of proportionate reasons).

Vấn đề cốt lõi ở đây chính là: bỏ phiếu cho một chính trị gia phò phá thai, mà vẫn còn giữ được một thế đứng đúng đắn với Thiên Chúa của chúng ta hòng có thể xứng đáng để đón nhận Ngài trong Phép Thánh Thể, thì người đó bắt buộc phải có hay trình bày ra được "những lý do xác đáng nhất."

Thế những lý do nào có thể được cho là xác đáng nhất?

Có phải chăng, như những người khác vẫn thường nói rằng: vì ứng viên A hổ trợ cho việc phá thai, trong khi đó thì ứng viên B lại chống đối chuyện phá thai, nhưng lại ủng hộ cho một nổ lực chiến tranh, hay chuyện tử hình, chẳng hạn, thì liệu đó có đúng là một "lý do xác đáng nhất" không để lý giải cho việc tôi bỏ phiếu cho ứng viên phò phà thai, tức ứng viên A - thay vì với ứng viên B, tức ứng viên chống đối lại chuyện phá thai?

Đức cựu Hồng Y Ratzinger trả lời câu hỏi đó trong văn kiện của Ngài như thế này:

"Không phải tất cả những vấn đề đạo đức luân lý nào cũng đều có cùng sức nặng về tính đạo đức hay luân lý như chuyện phá thai và trợ tử cả. Lấy ví dụ, nếu một người Công Giáo không đồng tình với Đức Thánh Cha về án tử hình, hay về quyết định dấy lên cuộc chiến tranh, thì người ấy không phải vì lý do đó mà tự coi mình bất xứng với chuyện lên Rước Lễ. Trong khi Giáo Hội cổ võ các vị lãnh đạo trần tục tìm kiếm hòa bình, chứ không phải chiến tranh, và nên hành động với sự thận trọng và lòng nhân từ trong việc áp đặt sự trừng phạt nơi các phạm nhân, thì chuyện chống đối lại kẻ gây hấn hay kêu gọi bãi bỏ án tử hình vẫn có thể chấp nhận được. Có sự khác biệt chính đáng rất lớn về ý kiến thậm chí giữa những người Công Giáo với nhau về việc dấy lên chiến tranh, và việc áp dụng án tử hình, thế nhưng chuyện đó lại hoàn toàn khác hẳn so việc chuyện phá thai và trợ tử."

(Not all moral issues have the same moral weight as abortion and euthanasia. For example, if a Catholic were to be at odds with the Holy Father on the application of capital punishment or on the decision to wage war, he would not for that reason be considered unworthy to present himself to receive Holy Communion. While the Church exhorts civil authorities to seek peace, not war, and to exercise discretion and mercy in imposing punishment on criminals, it may still be permissible to take up arms to repel an aggressor or to have recourse to capital punishment. There may be a legitimate diversity of opinion even among Catholics about waging war and applying the death penalty, but not however with regard to abortion and euthanasia).

Hay nói tóm lại, theo cách hiểu bình thường, bất kỳ người Công Giáo nào bỏ phiếu cho ứng viên ủng hộ việc phá thai, hay việc trợ tử, hoặc cả hai, thì người Công Giáo đó tự mình đã không còn xứng đáng nữa trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội để lên Rước Lễ vì mình đã hợp tác với ma quỷ rồi.

Một đề nghị khác được đưa ra khi một người Công Giáo bỏ phiếu cho một ứng viên ủng hộ việc phá thai trong những trường hợp rất hạn chế mà thôi (đó là trong trường hợp bị hiếp dâm hay tội loạn luân), nếu như tất cả các ứng viên còn lại, ai nầy cũng đều hổ trợ cho việc phá thai trong bất kỳ và mọi trường hợp nào đi chăng nữa. Trong trường hợp này, suy cho cùng, thú thật, nếu Quý Vị cảm thấy lương tâm Công Giáo của mình bị áy náy hay ray rứt, thì tốt hơn, không phải bỏ phiếu cho bất kỳ ai, hay tự đề tên mình vào, và tự bỏ phiếu cho chính mình.

Như chính Đức Giám Mục Rene Henry Gracida của Giáo Phận Corpus Christi (Mình Thánh Chúa) ở Texas đã giải thích trong lá thư mục vụ năm 2004 của ngài với giáo dân rằng:

"Chẳng hạn nếu rơi vào trường hợp một người Công Giáo phải bỏ phiếu lựa chọn giữa 3 ứng viên: Kerry - người hoàn toàn ủng hộ cho việc phá thai; Bush-người ủng hộ cho việc phá thai chỉ trong những trường hợp rất giới hạn khi bị hiếp dâm hay bị tội loạn luân mà thôi; và Peroutka - người hoàn toàn chống đối lại chuyện phá thai, thế nhưng được cả thế giới nhìn nhận là Ông ta rất khó mà có thể được bầu chọn (unelectable).

Thì người Công Giáo có thể bỏ phiếu cho Ông Peroutka, thế nhưng hành động này lại chỉ có thể giúp bảo đảm cho Kerry có thể được bầu chọn mà thôi.

Do đó, người cử tri Công Giáo có một lý do xác đáng để bỏ phiếu cho Ông Bush, vì việc bỏ phiếu cho Ông này sẽ đảm bảo cho việc đánh bại Ông Kerry, và kết quả sẽ là có hàng trăm ngàn mạng sống vô tội được cứu sống."

Thế lý luận theo kiểu của Đức Giám Mục Gracida là xuất phá từ đâu?

Như chính Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Nhị đã từng giải thích trong Thông Điệp "Evangelium Vitae" nói về Phúc Âm Sự Sống của Ngài như sau:

"... ... một khi không thể đảo ngược hay hoàn toàn bãi bỏ luật lệ về phá thai, một viên chức được bầu chọn, vốn xét về mặt cá nhân là mình hoàn toàn chống đối lại chuyện phá thai, cũng có thể ủng hộ những lời đề nghị hợp pháp nhắm vào việc làm hạn chế đi sự nguy hiểm gây ra bởi thứ luật lệ phá thai man rợ và làm giảm đi những hệ quả tiêu cực ở cấp độ có liên quan đến ý kiến của quần chúng và tính đạo đức luân lý. Điều này không có nghĩa là hợp tác một cách trái phép với một thứ luật lệ bất công, mà đúng hơn đó là một nổ lực chính đáng và đúng đắn nhất để giới hạn tầm ảnh hưởng tội lỗi của thứ luật lệ bất công đó."

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Tổng Giáo Phận Denver đã đưa ra định nghĩa về thế nào là một lý do xác đáng nhất một khi nó có liên quan tới chuyện phá thai, trong bài viết vào Tháng 1/2008 của Ngài như sau:

"Đó chính là kiểu lý luận mà chúng ta có thể giải thích được, bằng một trái tim trong sáng, cho những nạn nhân của việc phá thai khi chúng ta diện đối với các em mặt đối mặt ở vào sự sống đời sau - mà chắc chắn tất cả chúng ta sẽ phải làm chuyện đó. Nếu chúng ta tin tưởng rằng những nạn nhân này sẽ chấp nhận những động cơ của chúng ta như là điều gì đó còn hơn cả một cớ để cáo lỗi, thì chúng ta có thể cứ thế mà tiến hành."

(What is a 'proportionate' reason when it comes to the abortion issue? It's the kind of reason we will be able to explain, with a clean heart, to the victims of abortion when we meet them face to face in the next life - which we most certainly will. If we're confident that these victims will accept our motives as something more than an alibi, then we can proceed).

T.B.: Trong các bài viết tới, người viết hy vọng sẽ có dịp giới thiệu về nội dung của Cuốn Cẩm Nang Hướng Dẫn về việc Bầu Cử và Bỏ Phiếu của Hội Các Linh Mục Bảo Vệ Sự Sống (Priests for Life) do Cha Frank Pavone, M.E.V., lãnh đạo có nhan đề "Bỏ phiếu với một Lương Tâm Trong Sáng" (Voting with a Clear Conscience) - với 2 phiên bản dành cho những người Công Giáo nói riêng và những người Kitô Giáo hay có lương tâm đúng đắn nói chung, để chúng ta dễ tham khảo trước ngày diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.
 
Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống Bush bàn về nạn khủng hoảng thực phẩm trên thế giới.
Bùi Hữu Thư
11:44 14/06/2008

Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống Bush bàn về nạn khủng hoảng thực phẩm trên thế giới.



Thủ tục đón tiếp của Đức Giáo Hoàng phản ảnh cử chỉ chưa từng có vào tháng Tư.

VATICAN 13, tháng 6, 2008
– Nạn khủng hoảng thực phẩm hoàn vũ và việc bảo vệ các giá trị căn bản là hai chủ đề được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush đem ra thảo luận.

Hôm nay Tổng Thống Bush thăm viếng Đức Giáo Hoàng tại Vatican trong chương trình công du Âu Châu. Để đáp lại sự đón tiếp chưa từng có của Tổng Thống Bush tại Hoa Kỳ tháng Tư vừa qua, cuộc viếng thăm hôm nay có một “thủ tục độc đáo”, theo một bản tin của văn phòng truyền thông Vatican.

Bản tin này cho hay, "Để đáp trả sự đón tiếp thân mật Tổng Thống Hoa Kỳ đã dành cho Đức Giáo Hoàng trong cuộc viếng thăm nước Mỹ vừa qua, Đức Thánh Cha đã cho áp dụng một nghi thức đặc biệt. Đức Giáo Hoàng chào đón Tổng Thống Bush, phu nhân Laura và đại sứ Tòa Thánh Mary Ann Glendon, tại cổng của Tháp Thánh Gioan trong Công Viên Vatican."

Đức Giáo Hoàng thường tiếp đãi các vị quốc trưởng tại tư thất.

Sau khi chào hỏi, hai vị lãnh tụ đã hội kiến riêng trong 30 phút trong phòng làm việc ở tầng trên của Tháp Thánh Gioan.

Sau đó ông Bush đã ghi nhận sự đón tiếp đặc biệt và nói, “Thật là một vinh dự, thật là một vinh dự.”

Bản tin của Vatican cho hay: “trong cuộc đàm thoại thân mật, Đức Giáo Hoàng trên hết bầy tỏ lại lòng tri ân tổng thống về sự đón tiếp nồng hậu và đặc biệt tại Hoa Kỳ và Tòa Bạch Ốc trong cuộc viếng thăm cuả ngài tháng Tư vừa qua, và về sự cam kết bảo vệ các giá trị căn bản.

"Sau đó họ bàn về các vấn đề chính liên quan đến chính trị quốc tế: mối tương quan giữa Hoa Kỳ và Âu Châu, Trung Đông và sự cam kết hòa bình tại Đất Thánh, toàn cầu hóa, nạn khủng hoảng thực phẩm trên thế giới, doanh thương quốc tế, và việc theo đuổi các mục tiêu Phát Tiển trong Thiên Niên Kỷ này."

Trong khi trao đổi qùa tặng, ông Bush biếu Đức Giáo Hoàng một tấm hình có chữ ký của ông và bà Bush, cũng như một cuốn album về cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Tòa Bạch Ốc, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 81 của ngài.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cũng tặng lại cho ông Bush một tấm hình có chữ ký của ngài chụp chung với tổng thống và phu nhân trong buổi cầu nguyện tại Tòa Bạch Ốc. Ngài cũng tặng ông một bộ bốn cuốn album về Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng và ông Bush đi dạo trong Công Viên Vatican sau cuộc hội kiến, cho đến lúc họ tới Hang Đức Mẹ Lộ Đức kế bên. Tại đây ca đoàn của Nhà Nguyện Sistine trình diễn hai ca khúc cho họ.

Đức Giáo Hoàng và Tổng Thông Bush tại Công Viên Vatican
 
Đức Thánh Cha viếng thăm 2 giáo phận miền nam Italia
LM Trần Đức Anh, OP
13:41 14/06/2008
VATICAN - Chiều 14-6-2008, ĐTC đã đến viếng thăm mục vụ tại giáo phận Santa Maria Leuca và tổng giáo phận Brindisi ở miền nam Italia cho đến chiều chúa nhật 15-6.

Đây là chuyến viếng thăm thứ 10 ngài thực hiện tại Italia.

ĐTC đáp máy bay Airbus A319 của không quân Italia từ phi trường Ciampino ở Roma lúc 3 giờ rưỡi đến phi trường quân sự Galatina sau một giờ bay. Từ đây ngài lại dùng trực thăng bay thêm 20 phút nữa tới Đền thánh Đức Mẹ Leuca ở mạn cực nam bán đảo Italia.

Đây là lần đầu tiên từ 17 thế kỷ, một vị Giáo Hoàng đến kính viếng Đền thánh Đức Mẹ Leuca, quen được gọi là ”nơi tận cùng trái đất”. Theo lưu truyền được sử gia Dionigi di Corinto thuật lại, thánh Phêrô đã cập bến tại mũi Leuca năm 43 và tiến về Roma. Đền Thánh Đức Mẹ Leuca đã trải qua nhiều thăng trầm, bị phá hủy và tái thiết 5 lần, lần cuối cùng cách đây 288 năm (1720) và hiện nay mỗi năm có hơn 1 triệu tín hữu đến kính viếng.

Đền thánh Leuca là ”con tim” của giáo phận Ugento-Santa Maria di Leuca, một địa phận có 125 ngàn tín hữu Công Giáo, với hàng giáo sĩ trẻ trung, nhưng dân chúng già nua, vì người trẻ tại miền này không tìm được công ăn việc làm, phải di cư đi nơi khác. Nhiều hãng xưởng đóng cửa và được dời sang các nước Đông Âu vì nhân công rẻ hơn.

Khi đến nơi vào lúc quá 5 giờ 20 chiều, ĐTC đã được Đức GM sở tại, cùng với Ông Raffaele Fitto, Bộ trưởng về các miền, đại diện chính phủ Italia, cùng với nhiều chức sắc đạo đời tiếp đón. Ngài dùng xe bọc kính đi thêm 2 cây số dọc theo bờ biển đến Đền Thánh Đức Mẹ Leuca. Tại đây, ngài đặc biệt chào thăm anh chị em bệnh nhân trước khi vào Đền Thánh viếng Mình Thánh Chúa và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Leuca với Chúa Hài Đồng.

Trước Đền Thánh 45 ngàn tín hữu đã tụ tập và chờ đợi hàng giờ trước đó dưới bầu trời nắng đẹp để tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành với chủ đề về Đức Mẹ. Đồng tế thánh lễ có 60 linh mục giáo phận và vùng phụ cận.

Trong bài giảng, ĐTC đặc biệt quảng diễn về vai trò của Mẹ Maria và thánh Phêrô Tông Đồ, cả hai Đấng đều giúp chúng ta tái khởi hành từ Chúa Kitô, canh tân đức tin để đáp ứng những đòi hỏi của thời nay. Ngài nói: ”Mẹ Maria dạy anh chị em luôn lắng nghe Lời Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện, quảng đại sẵn sàng đón nhận Lời Chúa với ước muốn hiến thân cho Thiên Chúa, hiến dâng cuộc sống cụ thể của mình để Ngôi Lời vĩnh cửu có thể 'tái nhập thể' trong lịch sử chúng ta ngày nay.. Tiếp đến Thánh Phêrô dạy anh chị em cảm và tin với Giáo Hội, kiên cường trong đức tin Công Giáo”.

ĐTC cũng nhắc đến nghĩa vụ của các tín hữu làm chứng nhân trong cuộc sống thường nhật; hiệu năng của chứng tá này tương ứng với cường độ của tình yêu. Ngài nói: ”Đi tới tận bờ cõi trái đất chẳng ích gì nếu trước tiên tả không yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau ngay giữa lòng cộng đồng Kitô.. Trong bối cảnh xã hội có xu hướng làm gia tăng cá nhân chủ nghĩa, công tác đầu tiên của Giáo Hội là giáo dục về tinh thần xã hội, quan tâm đến tha nhân, giáo dục về tình liên đới và chia sẻ”.

Đi vào hoàn cảnh xã hội cụ thể của miền nam Italia có những tổ chức bất lương, ĐTC nhận định rằng cộng đồng Giáo Hội là những nơi mà người trẻ có thể học về niềm hy vọng, không phải như một ảo tượng, nhưng như một sự tín thác nơi sự mạnh của sự thiện. Sự thiện chiến thắng, tuy rằng nhiều khi sự thiện có vẻ bị chiến bại vì cường quyền và sự gian xảo. Trong thực tế, sự thiện vẫn tiếp tục hoạt động trong âm thầm và kín đáo, mang lại những hoa trái về lâu về dài. Đó chính là sự canh tân xã hội Kitô, dựa trên sự biến đổi lương tâm, huấn luyện luân lý, và trên lời cầu nguyện; đúng vậy, lời cầu nguyện mang lại sức mạnh để tin tưởng và chiến đấu cho sự thiện, cả khi, nói theo quan niệm của loài người, chúng ta bị cám dỗ nản chí và muốn rút lui.

Trong phần dâng lễ, đại diện các tín hữu đã trao cho ĐTC số tiền 30 ngàn Euro họ đã quyên góp được để ngài giúp thiết lập tại Thánh Địa một cơ cấu trong đó người trẻ Kitô và Hồi giáo học cách sống chung đoàn kết với nhau.

Sau thánh lễ vào lúc 7 giờ rưỡi, ĐTC đã dùng trực thăng để bay đến thành phố cảng Brindisi, gặp gỡ hàng chục ngàn người, đặc biệt là giới trẻ, vào lúc 8 giờ rưỡi tối tại Quảng trường Lenio Flacco.

Tổng giáo phận Brindisi hiện có hơn 285 ngàn tín hữu Công Giáo và vị Giáo Hoàng cuối đến thăm và thánh hiến nhà thờ chính tòa giáo phận này là Đức Urbano II hồi năm 1089, tức là cách đây gần 920 năm. Miền Brindisi cũng chịu tỷ lệ thất nghiệp cao độ và bị tổ chức mafia ”Sacra corona unita” hoành hành. Với công nghị giáo phận đang tiến hành, Brindisi đang cố gắng bắt đầu một giai đoạn mới cho tương lai của Giáo Phận.

Sáng chúa nhật 15-6-2008, ĐTC gặp gỡ các nữ tu chiêm niệm thuộc dòng Biển Đức và Camêlô tại nhà nguyện tòa TGM Brindisi. Tiếp đến ngài cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại bến tàu thánh Apollinare. Ban tổ chức dự kiến có 100 ngàn tín hữu đến tham dự thánh lễ.

Ban trưa ĐTC gặp gỡ và dùng bữa với các GM thuộc miền Puglia, và lúc gần 5 giờ chiều, ngài gặp gỡ các linh mục tại Nhà thờ chính tòa địa phương, trước khi ra phi trường đáp máy bay trở về Roma. (SD 14-6-2008)
 
Xứng Đáng Để Rước Thánh Thể
ĐHY Ratzinger (ĐTC Bênêđictô XVI)
19:06 14/06/2008

Xứng Đáng Để Rước Thánh Thể



[Ghi chú: Đây là văn thư ĐHY Ratzinger gửi ĐYH McCarrick và được công bố tuần lễ thứ nhất của tháng 7, 2004]

Những Nguyên Tắc Tổng Quát

ĐHY Giuse Ratzinger

1. Quyết định lên Rước Lễ phải là một quyết định có ý thức, dựa vào một phán đoán hợp lý về tình trạng xứng đáng của mình để được làm như thế, theo những tiêu chuẩn khách quan của Hội Thánh, bằng cách tự hỏi mình những câu hỏi như: “Tôi có hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh không? Tôi có đang mắc tội trọng không? Tôi có đang bị vạ (như tuyệt thông, bị cấm) để tôi không được Rước Lễ không? Tôi có sửa soạn bằng cách ăn chay 1 tiếng đồng hồ không?” Việc lên Rước Lễ bừa bãi, như là kết quả của sự hiện diện trong Thánh Lễ, là một lạm dụng cần phải sửa lại (x. Chỉ dẫn “Redemptoris Sacramentum,” số 81, 83).

2. Hội Thánh dạy rằng phá thai và giết chết êm dịu là tội trọng. Thông Điệp Evangelium Vitae, khi nói về những quyết định luật pháp hay luật dân sự cho phép hoặc ủng hộ phá thai và giết chết êm dịu, nói rằng có một “nhiệm vụ trầm trọng và rõ ràng phải chống lại chúng bằng sự phản đối theo lương tâm. […] Trong trường hợp những luật lệ tự bản chất là bất công, như những luật cho phép phá thai và giết người êm dịu, đương nhiên là không bao giờ đúng luật phải tuân hành, hay “tham gia vào một cuộc vận động ủng hộ những luật như thế hoặc bỏ phiếu cho những luật như thế” (số 37). Các Kitô hữu có “trách nhiệm nặng nề về lương tâm không được chính thức cộng tác và việc thực hành những điều trái với luật của Thiên Chúa dù pháp luật dân dự cho phép. Thực sự, theo quan điểm luân lý, không khi nào hợp luật khi hợp tác với thần dữ cách chính thức. […] Sự hợp tác này không thể nào biện minh được dù là lấy cớ tôn trọng sự tự do của người khác hay dựa vào việc luật dân sự cho phép hoặc đòi hỏi phải làm việc ấy” (số 74).

3. Không phải tất cả những vấn đề luân lý có cùng một sự trầm trọng về luân lý như phá thai và giết chết êm dịu. Thí dụ, nếu một người Công Giáo không đồng ý với ĐTC về việc sử dụng án tử hình hay quyết định tiến hành chiến tranh, thì lý do đó không làm cho người ấy không xứng đáng để Rước Lễ. Trong khi Hội Thánh khuyên các nhà chức trách dân sự tìm kiếm hòa bình, chứ không phải chiến tranh, và thận trọng cùng nhân đạo trong việc áp dụng hình phạt cho các tội nhân, người ta vẫn được phép vũ trang để chống lại một kẻ tấn công hay cậy nhờ vào án tử hình. Có thể có nhiều ý kiến khác nhau trong số những người Công Giáo về việc tiến hành chiến tranh và áp dụng án tử hình, nhưng tuy nhiên không có chuyện đó đối với phá thai và giết chết êm diụ.

4. Ngoài phán đoán của cá nhân về việc mình có xứng đáng Rước Lễ hay không, thừa tác viên Thánh Thể có thể rơi vào tình trạng phải từ chối không cho một người Rước Lễ, như những trường hợp một người bị tuyên bố là truất phép thông công, bị cấm, hay cố chấp tiếp tục tỏ lộ những tội nặng (x. gl 915).

5. Về trọng tội phá thai và giết chết êm dịu, khi việc chính thức hợp tác của một người trở nên tỏ tường (được hiểu, trong trường hợp một chính trị gia Công Giáo, khi người đó luôn luôn cổ động và bỏ phiếu cho chấp thuận cho các luật phá thai hoặc giết chết êm dịu), Mục tử của người ấy nên gặp người ấy, chỉ dạy người ấy về giáo huấn của Hội Thánh, cho người ấy biết rằng người ấy không được lên Rước Lễ cho đến khi chấm dứt tình trạng cố tình phạm tội ấy, và cảnh cáo người ấy rằng nếu không người ấy sẽ không được Rước Lễ.

6. Khi “những biện pháp đề phòng này không có hiệu quả hay trường hợp không thể được,” và nhân vật được đề cập đến, tiếp tục cố chấp, vẫn lên Rước Lễ, “thừa tác viên Thánh Thể phải từ chối trao Mình Thánh cho người ấy” (x. Tuyên Ngôn của Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Bản Văn Luật Pháp “Rước Lễ và Những người Công Giáo Ly Dị, Tái Hôn tại Tòa Đời” [2002], số 3-4). Nói đúng ra, quyết định này, không phải là sự thừa nhận hay hình phạt. Thừa tác viên Thánh Thể cũng không phán đoán về tội chủ quan của ngườ ấy, nhưng là một phản ứng về tình trạng bất xứng công khai của người ấy trong việc Rước Lễ vì một tình trạng tội lỗi khách quan.

[Ghi chú. Một người Công Giáo có thể phạm tội hợp tác với thần dữ, và không xứng đáng lên Rước Lễ, nếu người ấy cố tình bỏ phiếu cho một ứng cử viên chính vì lập trường ủng hộ của ứng cử viên ấy với việc phá thai và/hay giết chết êm dịu. Khi một người Công Giáo không đồng quan điểm với ứng cử viên về vấn đề phá thai và/hay giết chết êm dịu, nhưng bầu cho ứng cử viên ấy vì những lý do khác, điều này được coi là gián tiếp cộng tác, điều này có thể được phép nếu có những lý do tương xứng.]

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
 
Top Stories
Vatican Statement on Bush Meeting
Zenit
10:55 14/06/2008
Vatican Statement on Bush Meeting

"The Holy Father Renewed His Gratitude for the Welcome in the US"

VATICAN CITY, JUNE 13, 2008 (Zenit.org).- Here is a translation of the communiqué released today by the Vatican press office after U.S. President George Bush's visit to Benedict XVI.

This morning, the president of the United States, George W. Bush, was received in audience by Benedict XVI.

To respond to the cordiality of the welcome offered the Pontiff during his recent visit to the United States of America, the audience was carried out according to a unique protocol. The Holy Father welcomed the president, accompanied by his wife, Laura, and the ambassador to the Holy See, Mary Ann Glendon, in the entrance of St. John's Tower in the Vatican Gardens.

Later, His Holiness and the president of the United States went up to the study on the upper level for a private meeting; meanwhile Laura and Ambassador Glendon waited with Archbishop James Michael Harvey, prefect of the pontifical household. Afterward, the cardinal secretary of state, Tarcisio Bertone, arrived.

During the cordial dialogue, the Holy Father above all renewed to the president his gratitude for the warm and special welcome received in the United States and the White House during his visit last April, and for the commitment in defense of fundamental values. Then they spoke of principal topics of international politics: relations between the United States and Europe, the Middle East and the commitment for peace in the Holy Land, globalization, the food crisis and international commerce, and the application of the Millennium Development Goals.

At the end of the meeting, after an interchange of gifts, Benedict XVI and President Bush took a brief walk through Vatican Gardens until reaching the grotto of Our Lady of Lourdes, where the president's wife and entourage joined them. The choir of the Sistine Chapel interpreted two motets.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Diễn văn chào mừng của Đức Cha Lê Văn Hồng, dịp Phái Đoàn Toà Thánh đến Huế
+ GM Lê Văn Hồng
06:31 14/06/2008
Diễn văn chào mừng của Đức Cha Lê Văn Hồng, dịp Phái Đoàn Toà Thánh đến Huế
Ngày 12 - 06 - 2008

Trọng kính Đức Ông PIETRO PAROLIN, Thứ trưởng ngoại giao của Toà thánh,
Trọng kính Đức Ông barnabê NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, Vụ trưởng Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc.
Trọng kính Đức Ông LUIS MARIANO MONTAMAYOR, tham biện Toà Sứ Thần tại Phủ Quốc Vụ Khanh.

Con xin thay mặt cho Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể, TGM Giáo Phận Huế, hôm nay vắng mặt vì bận công tác ở nước ngoài;

Đức Cha Hồng đọc diễn văn chào mừng
Chúng con xin đại diện cho các anh em linh mục, tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa của toàn thể Giáo Phận, xin dâng lời nồng nhiệt chào mừng Phái đoàn Toà Thánh đến thăm Giáo phận Huế chúng con.

Kính thưa Đức Ông trưởng đoàn và quí Đức Ông,
Thật là vui mừng hôm nay Giáo Phận Huế chúng con được diễm phúc đón phái đoàn Toà Thánh đến viếng thăm. Đây là một nghĩa cử yêu thương, một bằng chứng hùng hồn nói lên lòng ưu ái và mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội Mẹ đối với Giáo phận Huế nhỏ bé của chúng con.

Chúng con được biết mục đích chính của đoàn là đến làm việc với Chính Quyền Việt Nam về những vấn đề quan trọng liên quan đến Giáo Hội Việt Nam, nhưng đoàn đã vui lòng dành một thời gian quí báu để đến giữa chúng con hôm nay. Chúng con xin ghi nhận sự ưu ái đặc biệt nầy và hết lòng tri ân sâu xa đối với phái đoàn.

Chúng con cũng xin quí Đức Ông kính dâng lên Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho các dân tộc, tâm tình kính mến, tuân phục và lòng biết ơn sâu xa của chúng con.

Kính thưa Quí Đức Ông,

Giáo phận Huế được chính thức thành lập từ năm 1850, được nâng lên Tổng Giáo Phận năm 1960, lãnh thổ kéo dài từ phía bắc đèo Hải Vân đến phía nam sông Gianh, gồm các tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Trị và một phần phía nam tỉnh Quảng Bình.

Diện tích Tổng Giáo Phận Huế hơn 16.000km2. Dân số khoảng 2.255.000 người. Số người công giáo là 67.780 giáo dân, 101 linh mục triều, 23 linh mục dòng, 37 chủng sinh, 85 nam tu sĩ và 689 nữ tu.

Ngày 14-5-2006, với sự thoả thuận của Giám Mục địa phận Vinh, và sự đồng ý của Chính Quyền tỉnh Quảng Bình, phần đất phía nam sông Gianh, tỉnh Quảng Bình, thuộc Tổng Giáo Phận Huế, vì những khó khăn hành chánh, đã được tạm thời nhờ địa phận Vinh chăm sóc mục vụ.

Toà Tổng Giám Mục, Toà Khâm sứ cũ, Nhà thờ chính tòa, Đại chủng viện, nằm trong tỉnh Thừa Thiên Huế, còn Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang thì thuộc tỉnh Quảng Trị, cách Huế khoảng 60 km về phía bắc mà chúng ta sẽ đến kính viếng và dâng Thánh lễ sáng mai.

Kính thưa quí Đức Ông,

Chúng con tin chắc rằng cuộc thăm viếng hôm nay của đoàn sẽ để lại trong chúng con niềm vui lớn lao và khích lệ mạnh mẽ cho một sự hiệp thông của Giáo Hội hoàn vũ, trong tình yêu của Chúa Kitô.

Trong bầu khí thân tình của một gia đình, chúng con xin chân thành cám ơn Đức Ông trưởng đoàn và quí Đức Ông về cuộc viếng thăm nầy.
Giờ đây, chúng con rất vui mừng và ước mong được lắng nghe những lời chia sẻ của Đức Ông.
Một lần nữa, chúng con xin hân hoan chào đón Phái đoàn và xin hết lòng tri ân quí Đức Ông.

Bản tiếng Pháp của ĐỨC CHA HỒNG

Discours de bienvenu à la Délégation du Saint Siège
en visite pastorale à l’Archidiocèse de Hue, le 12 Juin 2008.

Révérend Monseigneur Pietro Parolin, Sous-Secrétaire de la relation des États, Chef de la Délégation,
Révérend Monseigneur Barnabas Nguyen Van Phuong,
Révérend Monseigneur Luis Mariano Montemayor.

Đức ông Parolin đáp từ
Au nom de Son Excellence Étienne Nguyen nhu The, Archevêque de Hué, aujourd’hui absent et au nom de tous les prêtres, les séminaristes, les religieux et religieuses, au nom de la communauté ecclésiale à Hué, je voudrais vous offrir notre salut chaleureux et la bienvenue à l’Archidiocèse de Hué.

Révérend Monseigneur, chef de la Délégation
Révérends Messeigneurs

C’est une grande joie pour notre Archidiocèse d’avoir aujourd’hui le bonheur de recevoir la Délégation du Saint Siège en visite pastorale. C’est un geste de bienveillance et un témoignage éloquent de la sollicitude affectueuse de l’Église Mère envers notre petit Archidiocèse de Hué.

Nous savons bien que le premier but de la visite officielle de la Délégation du Saint Siège cette fois au Viet Nam est de traiter avec les Autorités gouvernementales des problèmes importants concernant l’Église catholique au Vietnam, mais la Délégation a bien voulu réserver un temps précieux pour venir parmi nous aujourd’hui. Nous vous remercions de tout coeur de ce privilège.

Nous vous prions de bien vouloir offrir de notre part au Saint Père Benoît XVI, à Son Éminence le Cardinal Préfet du Secrétariat d’État du Vatican, à Son Éminence le Cardinal Préfet de la Congrégation pour l’Évangélisation des Peuples, nos sentiments profonds de respect, d’obéissance et de reconnaissance.

Révérends Messeigneurs,

Le diocèse de Hué a été établi canoniquement en 1850, érigé en Archidiocèse Métropolitain en 1960. Le territoire diocésain comprend le province de Thua Thien Hue, celle de Quang Tri et une partie Sud de Quang Binh. En Mai 2006, avec le consentement de l' Évêque du diocèse de Vinh et de l' Autorité provinciale de Quang Binh, la partie sud de la province de Quang Binh, territoire ecclésial de l’Archidiocèse de Hue, par des difficultés insurmontables, est provisoirement confiée aux soins pastoraux du diocèse de Vinh,

L’Archidiocèse de Hue est large de 16.000km2. La population est de 2.255.000 habitants dont 67.780 sont catholiques, 101 prêtres diocésains, 23 prêtres religieux, 37 séminaristes, 85 religieux et 689 religieuses.
L’Archevêché, l’ancienne Résidence du Délégué Apostolique, la Cathédrale, le Grand Séminaire se trouvent dans la province de Thua Thien Hue, tandis que le Centre Marial National de La Vang se trouve dans la province de Quang Tri, à 60 km au Nord de Hue. La Délégation s’y rendra demain pour la messe concélebrée.

Révérends Messeigneurs

Nous croyons avec fermeté que la visite d’aujourd’hui de la Délégation du Saint Sège nous apporte une grande joie et un très fort encouragement pour la communion de l’Église universelle dans l’amour de Notre Seigneur Jésus Christ.
Dans cet atmosphère si cordial comme dans une même famille, nous voudrions vous remercier très sincèrement pour cette visite.
Maintenant, nous serons très joyeux que Révérend Monseigneur, chef de la Délégation, prenne la parole.
Encore une fois, très grand merci à la Délégation du Saint Siège.

Monseigneur François Xavier Le Van Hong,
Évêque Auxiliaire de Hue
 
Chúc mừng các Tân Linh Mục Việt Nam ở Đài Loan
LM Nguyễn Tiến Đức
11:05 14/06/2008
ĐÀI LOAN - Với lòng tri ân và ngơị khen Thiên Chúa, Hội dòng Tiểu Đệ thánh Gioan Tẩy Giả ở Đài Loan hân hoan đón nhận những tân linh mục và phó tế Việt Nam, qua sự đặt tay của Đức cha Martin Tô Diệu Văn, giám mục giáo phận Đài Trung vào lúc 10 giờ sáng ngày 07/06/2008.

(Tân Phó tế Thái Hiền, hai cha mới là Quốc Hùng và Dũng Lạc)
Vào hôm trước, các tân chức đều thao thức vì biến cố trọng đại này. Thầy Phó tế Giuse Thái Hiền không còn muốn ăn uống gì vì cảm giác đói bị lấp đầy bằng tình yêu Thiên Chúa! Cha Giuse Dũng Lạc cũng trăn trở với một đêm trắng, đêm không ngủ trong tâm tình cảm mến và tri ân hồng ân Thiên Chúa quá bao la! Cha tâm niệm với khẩu hiệu cho đời linh mục của mình trích từ lời thánh Phao-lô: ‘Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng ’ (1Cor 9,16b). Cha Ambrôsiô Khổng Quốc Hùng ngất ngây trong biển tình yêu của Thiên Chúa! Từ muôn kiếp trước cha đã được Chúa yêu thương và chọn gọi rồi, dù cho sông cạn, núi mòn cũng không thể nào lay chuyển được!

Trong tâm tình đó, các tân chức này được tấn phong tại Đài Loan, để phục vụ Giáo Hội và cộng đồng người Hoa. Được hỏi điều gì là khó khăn cho các tân chức khi sang truyền giáo tại Đài Loan, các tân chức Việt đáp: “Khác biệt ngôn ngữ là một rào cản lớn cho công cuộc rao giảng Tin Mừng ở đây!”

Được biết hội dòng hiện có 13 linh mục và 2 phó tế Việt Nam. Các tu sĩ Việt đã hiện diện tại Đài Loan từ năm 1993 cho tới nay. Hiện hội dòng đang dấn thân trong các lãnh vực như giáo dục và mục vụ giáo xứ cho người Hoa. Là một hội dòng trẻ, được thành lập cách nay 80 năm, hội dòng có 120 tu sĩ đang có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, hội dòng hiện có khoảng 30 thành viên. Ngoài ra, hội dòng còn có thêm chi nhánh là dòng thánh Têrêxa, chị em với dòng Gioan Tẩy giả. Hiện tại trong hội dòng nữ này ở Đài Loan cũng có 18 nữ tu người Việt.

Trong thánh lễ truyền chức linh mục và phó tế cho các tu si Việt Nam của hội dòng, có sự hiện diện của 3 vị giám mục, 60 linh mục với số linh mục Việt Nam chiếm hơn một nửa và đông đảo anh chị em giáo dân người Đài Loan cũng như Việt Nam đến từ nước ngoài cũng như các anh chị em công nhân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đó.

Giáo hội Đài Loan hiện có khoảng 200.000 tín hữu Công giáo trên tổng số 23 triệu dân. Giáo hội Đài Loan có 7 giáo phận, 14 giám mục và 1 hồng y, 300 linh mục và trong đó số linh mục Việt Nam có khoảng 60 cha.

Chúng ta hân hoan chúc mừng các tân chức Việt Nam với sứ vụ truyền giáo trên nước bạn! Họ cũng đang được bổ sung vào những thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo rộng lớn của Giáo hội Đài Loan.
 
Đêm Thánh Ca ''Về đây tôn vinh Mẹ'' khánh thành nhà thờ Đông Kho dâng kính Mẹ Tapao
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
12:02 14/06/2008
ĐÊM THÁNH CA “VỀ ĐÂY TÔN VINH MẸ”
KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ ĐỒNG KHO
DÂNG KÍNH ĐỨC MẸ TÀPAO.


Mỗi ngày 13 trong tháng, đông đảo khách hành hương thập phương đến với Đức Mẹ Tàpao. Ngày 13.6.2008 năm nay là dịp đặc biệt: Đức Giám Mục Giáo Phận dâng lễ Cung hiến Nhà thờ Đồng kho, dâng kính Đức Mẹ Tàpao. Bởi vậy, từ khắp mọi miền, hàng chục ngàn người đổ về Tàpao hành hương để bày tỏ lòng yêu mến thảo hiếu với Đức Mẹ và dự đêm thánh ca tôn vinh Mẹ, cùng chung lời tạ ơn Chúa với Giáo xứ Đồng Kho.

Từ chiều 12.6, hai ngã đường xuôi về Tàpao là Bắc ruộng và Tánh linh đã đông nghẹt xe và người. Khách hành hương phải đi bộ hơn hai cây số từ các điểm giữ xe bên ngoài để đến chân núi.Trời âm u, mây đen che phủ mặt trời, đã mấy ngày mưa dầm nên đường xá sũng nước. Ai cũng lo âu và cầu nguyện với Đức Mẹ.

6 giờ tối, tượng Đức Mẹ Tàpao được cung nghinh từ Núi Tàpao về Nhà thờ Đồng Kho. Các đội trống đội kèn mở đường tấu vang những khúc ca ngợi khen, vợ chồng hiệp sĩ đại thánh giá JB Lê Đức Thịnh, các em thiếu nhi, đoàn lễ nghi đi trước xe hoa đặt tượng Đức Mẹ, dân chúng theo sau tôn vinh bằng những bài ca chúc tụng.

7g30 tối, tượng Đức Mẹ về đến Nhà thờ, nghi thức xông hương, dâng hoa kính Mẹ khai mạc đêm thánh ca tôn vinh Đức Trinh Nữ. Hàng chục ngàn người đứng tràn ra mọi góc đường, mọi vườn tược. Mọi người náo nức tham dự vì đêm thánh ca có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng, nhiều ca đoàn tên tuổi từ Sài gòn, Xuân lộc về trình diễn. Cha Tiến Lộc, DCCT, MC dẫn chương trình thật tuyệt vời. Đêm thánh ca tôn vinh Mẹ trải dài gần 3 giờ với 12 tiết mục hấp dẫn đã đưa tâm hồn khán giả lên với Mẹ dịu hiền. Sau những ngày mưa dầm, chiều và tối nay trời thật mát dịu. Như Cha Kim Long đã nói: nếu Đức Mẹ muốn thì trời không mưa.

Sau lời khai mạc của Cha Tôma Nguyễn Ngọc Hảo, quản xứ Đồng kho, Cha Kim Long, nhạc sư điều khiến 3 ca đoàn Vượt qua, Sao mai, Gx Phú Trung mở đầu chương trình với bài hợp xướng “Kính chào Đức Mẹ Tàpao” (Kim Long).
Lần lượt khán giả thưởng các tiết mục đặc sắc ngợi khen Đức Mẹ.


Ngàn lần yêu (Lm Tiến Dũng), ca sĩ Trung Đông.
Ave Maria (Huyền Linh),ca đoàn Giáo xứ Phú Trung- Sài gòn.
Ave Maria (Gounod, lời Việt: Trung Chính), ca sĩ Diệu Hiền.
Linh Hồn Tôi và Mẹ Triển Dương (Vinh Hạnh), ca đoàn tổng hợp Giáo phận Phan thiết, Cha Hoàng Kim Tốt điều khiển.
Chút tình con thơ (Nguyễn Duy),ca sĩ Mai thảo.
Kìa Bà Nào (Hoàng Diệp), ca đoàn Sao mai Giáo xứ Phát hải - Xuân lộc, ca trưởng Khương Huệ điều khiển.
Ave Maria (Schubert, lời Việt: Kim Long), ca sĩ Trần Ngọc.
Kinh Kinh Mừng, ca đoàn Vượt Qua – Chính toà Sài gòn, ca trưởng Đức Toàn điều khiển.
Về bên Mẹ, Hội Dòng Đaminh Rosa de Lima – Thủ Đức biễu diễn liên khúc múa - hoạt cảnh: Trong hân hoan – Tiệc cưới Cana – Lời ru trước ngàn năm mới – Một trời hoa – Linh hồn tôi.
Dâng lời cảm tạ - trường ca Ave Maria – đoạn II (Thơ Hàn Mặc Tử, nhạc Hải linh), ca đoàn Sao mai.

Kết thúc đêm thánh ca, Cha Augustinô Nguyễn Văn Lạc, Quản Hạt Bắc tuy, thay mặt ban tổ chức nói lời cám ơn. Năm 2005, Giáo Phận Phan Thiết kỷ niệm 30 năm thành lập (30/1/1975-30/1/2005), ngày 5/4/2005, Đức Giám Mục Phó - Phaolô Nguyễn Thanh Hoan đảm nhận cương vị Giám mục Chính toà thay thế ĐGM Nicolas Huỳnh Văn Nghi được Toà Thánh chấp thuận cho nghĩ hưu. Một trong những dấu ấn đầu tiên của ĐGM Phaolô đối với Giáo Phận là thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng Thánh đường Đồng Kho dâng kính Đức Mẹ Tàpao vào ngày 13/5/2005. Trong thánh lễ ĐGM đã xin mọi người cầu nguyện thật nhiều với Đức Mẹ để xin ơn lành cho công trình tốt đẹp này. Ngày mai 13/6/2008, sau 3 năm làm việc nhiệt thành, lễ cung hiến nhà thờ sẽ diễn ra cách long trọng và hoành tráng. Đức Mẹ chỉ muốn chúng ta đến đây để cầu nguyện. Từ lâu nay, mọi thành phần Dân Chúa đi hành hương đều cảm nhận được lòng từ ái của Đức Mẹ, bao nhiêu là ơn lành Đức Mẹ đã ban tặng. Cuộc tụ họp cung nghinh Mẹ thật đông đảo nói lên lòng biết ơn của mọi người. Chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta họp nhau đêm nay trong tin yêu và vui mừng. Đêm diễn nguyện với tất cả tâm tình tri ân cảm tạ. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Tàpao, xin Thiên Chúa chúc lành và ban nhiều ân phúc cho mọi người.

Đêm thánh ca tôn vinh Mẹ để lại nhiều tâm tư, gia tăng thêm lòng mến trong tâm hồn mỗi người. Có lẽ đêm nay, nhiều người thức trắng vì từng đoàn hành hương lại tiếp tục leo núi Tàpao để đọc kinh lần hạt cầu nguyện bên Mẹ. Đêm rừng núi Tàpao không còn âm u tăm tối nhưng rực sáng niềm tin, ấm áp tình yêu giữa Mẹ hiền và đoàn con cái.

9g30 sáng ngày 13/6, ĐGM Phaolô Nguyễn Thanh Hoan chủ tế thánh lễ cung hiến Nhà thờ Đồng kho. Cùng đồng tế có khoảng 50 linh mục trong và ngoài Giáo phận, đông đảo tu sĩ và hàng chục ngàn khách hành hương hiệp lời tạ ơn.

Từ xưa tới nay, Nhà thờ là nơi cộng đoàn Kitô hữu tụ họp để lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, lãnh các bí tích và cử hành Thánh Thể. Cũng vì được xây dựng để mãi mãi chỉ dùng vào việc tập họp và cử hành các mầu nhiệm thánh, nên nhà thờ đã trở thành nhà của Thiên Chúa; nơi đó, Thiên Chúa chúc phúc cho con người cách đặt biệc, còn con người thì chúc tụng, ca ngợi, tôn vinh Thiên Chúa.Bởi vậy, theo truyền thống của Giáo Hội, cần phải cung hiến nhà thờ mới cho Thiên Chúa bằng một nghi thức long trọng, để dâng toàn thể công trình cho Thiên Chúa, cũng như xin Ngài chúc lành, thánh hóa và hiện diện luôn mãi trong ngôi Nhà thờ như dấu chỉ của tình thương Thiên Chúa đối với nhân loại.

Nhà thờ Đồng kho, dâng kính Đức Mẹ Tàpao được xây dựng theo mô hình Nhà thờ Đức Bà, Sài gòn. Việc Chúa làm thật kỳ diệu. Từ mấy năm trước, nơi đây chỉ là vườn cây đìu hiu vằng dân cư, thưa nhà cửa, phía sau sát chân núi, phía trước ruộng lúa ngút ngàn. Nay với ngôi Nhà thờ bề thế, nhà xứ, sân bãi rộng rãi, giáo xứ đã có một khuôn mặt mới rạng rỡ xinh tươi. Nhiều nhà cửa của dân vừa được xây lên, quán xá mọc thêm nhiều mỗi ngày để phục vụ khách hành hương. Bắt đầu từ ngày 13/7 tới đây, ĐGM Phan thiết sẽ đến Nhà thờ Đồng kho dâng thánh lễ vào lúc 10 giờ sáng cho khách hành hương kính viếng Đức Mẹ.

Từ hơn 5 năm qua, khách hành hương đến với Đức Mẹ Tàpao ngày một đông thêm. Điều đó chứng tỏ đã có biết bao người, lương cũng như giáo, trong nước cũng như ngoài nước được Đức Mẹ Tàpao nhậm lời và cầu bàu cho ơn phần hồn phần xác. Nhiều chứng từ đã đựơc kể lại, những lời khấn, những lời tạ ơn, là lời chân thành được viết trên những trang giấy đơn sơ mộc mạc gởi vào các thùng xin khấn. Nhiều bảng tạ ơn đã dán kín quanh tượng đài Mẹ.

Tạ ơn Đức Mẹ đã ban tặng một điểm hành hương thánh thiêng tuyệt vời. Tàpao không phải là địa điểm do con người tạo ra. Tàpao là nơi Đức Mẹ chọn để mọi người từ muôn phương đến được Mẹ bồi dưỡng bằng ơn lành hồn xác. Một khi đã đón nhận những ân ban, người ta được Mẹ mời gọi cải thiện đời sống, sống theo Tin mừng.

Đến với Đức Mẹ Tàpao, hãy tin tưởng và noi gương Mẹ, sống bác ái yêu thương. Đến với Đức Mẹ Tàpao, hãy siêng năng lần hạt như Mẹ dạy, mọi người sẽ được đầy hồng ân, hạnh phúc. Thật như lời thánh Bênađô quả quyết: không ai chạy đến với Mẹ mà phải ra về tay không.
 
Đêm hội ngộ Giới Trẻ tại Chí Hòa, Saigòn
Maria Vũ Loan
23:25 14/06/2008
SAIGÒN - Tối thứ bảy, ngày 14/6/2008, giới trẻ giáo hạt Chí Hòa đã có một Đêm Hội Ngộ với chủ đề Con Đường Tình Yêu để mừng bổn mạng, một cơ hội lớn để các bạn trẻ giao lưu, gặp gỡ và suy nghĩ về con đường – sự thật – sự sống.

Chưa đến 19 giờ mà nhiều bạn trẻ trong khu vực đã lũ lượt đổ về khuôn viên nhà thờ Chí Hòa để tham dự vì chương trình được thông báo rất sớm đến các giáo xứ trong hạt và các poster được dán ở các nhà thờ.

Trông các bạn trẻ thật là háo hức, vì ngoài nội dung chương trình thật ý nghĩa, đặc biệt mỗi bạn trẻ khi đến tham dự được tặng một tuýp sữa rửa mặt nhãn hiệu nổi tiếng, một phần ăn tối và nước uống. Hấp dẫn nhất là phần rút số trúng nhiều giải thưởng có giá trị từ 7 usd đến 200 usd.

Mở đầu, MC Minh Quân tặng mọi người một bài hát, sau đó cùng một MC khác nói lên ý nghĩa của chương trình. Đêm Hội Ngộ này đáp ứng được hơn 3.000 bạn trẻ, có mức độ qui mô vì được khá nhiều đơn vị tài trợ như California Wow Experiences, công ty Tơ Vàng, Resort Hồ Tràm, Thu Hằng Beauty Salon….Vì thế linh mục trẻ Cao Thăng, đặc trách giới trẻ của hạt, đã lên trao Kỷ Niệm Chương cho quí vị ân nhân ngay trên khán đài.

Cha hạt trưởng Đoàn Văn Thịnh đã ngỏ lời chào mọi người và giải thích về việc chọn thánh quan thầy là Giuse Trần Văn Tuấn, là một trong những vị thánh trẻ trong các thánh tử đạo Việt Nam; và Giáo Hội mừng kính Ngài vào thượng tuần tháng 6, thuận tiện cho việc qui tụ các bạn trẻ.

Đoàn rước cung nghinh thánh bổn mạng lên lễ đài một cách trang trọng trước khi phần văn nghệ được bắt đầu.

Các nghệ sĩ Công giáo quen thuộc đã đến phục vụ chương trình như Xuân Trường, Phi Nguyễn, Trần Ngọc, nhóm Y2K, nhóm Nhật Nguyệt …và cả nhóm múa nhà thờ Nam Hòa nữa. Ban Điều hành giới trẻ giáo hạt cũng được ra mắt trong dịp này.

Phần giữa chương trình có chú ý nhấn mạnh đến việc bảo vệ sự sống. Một video Clip dài khoảng bốn phút đã thực sự gây sock cho nhiều người khi trưng ra những hình ảnh cụ thể việc phá thai, những thai nhi tím ngắt, đầy máu me, thiếu tay mất chân… được gói trong tấm giấy trắng để được đưa đi thiêu.

Phong trào bảo vệ sự sống, chống phá thai đã bắt đầu từ năm 1992 tại Huế, sau đó lan dần ra Đà nẵng, Nha Trang, Đồng Nai, Sài Gòn. Một linh mục khác phát biểu: “Hiện nay, trước vấn đề này, các bạn trẻ có hai hướng: một số sống buông thả, bị cuốn hút theo dòng chảy của xã hội, một xã hội thực dụng, thiếu lương tâm và trách nhiệm; một số khác biết cộng tác trong việc giáo dục giới trẻ như phát tờ bướm ở các phòng trọ, tham gia với các nhóm bảo vệ sự sống.”

Tối hôm nay, rất nhiều tờ bướm quảng bá cho việc bảo vệ sự sống được phát cho các bạn trẻ. Hai MC phỏng vấn một người trẻ và một người có độ tuổi U 50 qua hai câu hỏi: “Nếu lỡ có thai khi chưa tiến đến hôn nhân bạn làm gì?” Cô gái trẻ trả lời rằng sẽ cầu nguyện và sẵng sàng chịu mọi rắc rối, phiền toái để cháu bé được ra đời an toàn. “Khi có một đứa con gái lỡ có thai, chị sẽ làm gì với tình huống đó?” còn chị lớn tuổi trả lời rằng vì… sống độc thân nên không biết tình huống đó, làm cho bầu khí vui hẳn lên vì tiếng cười.

Vui nhộn nhất là phần rút số trúng thưởng. Ba mươi phần quà có giá trị đã được trao cho những người có số in trên giấy mời trùng với số mà Ban Tổ Chức đã thu cho vào thùng đựng phiếu thủy tinh. Với số phiếu nhiều như thế, ai trúng thưởng thì đúng là “Chúa chọn!”.

Chương trình phải dừng lại khi còn một số ca sĩ chưa lên trình diễn vì vấn đề thời gian.

Một đêm giao lưu rất ý nghĩa, qui tụ nhiều nhân sự, phần âm thanh ánh sáng tốt… đã thu hút hơn ba ngàn bạn trẻ và nhiều người trong khu vực đã rất thành công, giúp các bạn trẻ hiểu thêm về Con Đường Tình Yêu của Chúa Giêsu khi chính NGÀI LÀ ĐƯỜNG LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hôn nhân, Đức tin và Tình yêu (11)
Vũ Văn An
04:44 14/06/2008
Hôn nhân, Đức tin và Tình yêu

PHẦN III: CHU KỲ CUỘC SỐNG HÔN NHÂN

CHƯƠNG CHÍN: GIAI ÐỌAN HẸN HÒ

Phần II sách này gồm các chương từ 4 đến 8 đã thăm dò những hình thức có thể có trong mối liên hệ nhân bản phát sinh từ bản chất của hôn nhân hiện đại. Trong Phần III này, gồm bốn chương kế tiếp, ta sẽ xem sét một vài thực tại phức tạp mà các cặp hôn nhân phải giáp mặt trong những thời kỳ khác nhau của chu kỳ cuộc sống.

Hôn nhân thường được miêu tả như một định chế có đặc tính tĩnh. Nhưng thực ra, hai vợ chồng và con cái họ không thấy điều chi tĩnh trong suốt diễn trình ấy cả. Họ sống qua thời kỳ hẹn hò tán tỉnh nhau (courtship), rồi trở thành vợ chồng, có con, rồi con cái lớn lên trong khoảng hai mươi năm, và khi chúng rời bỏ gia đình, hai vợ chồng lại trở lại với mối liên hệ tay đôi như trước. Mỗi giai đoạn trên đây đều có những đặc điểm riêng và các nhà khoa học xã hội đã cố gắng rất nhiều trong việc khám phá ra các yếu tố cấu thành của từng giai đoạn này.

Theo lối phân loại cổ điển của Duvall tại Mỹ (1), ta thấy có tám giai đoạn. Giai đoạn một cho thấy vợ chồng chưa có con; giai đoạn hai từ lúc đứa con đầu ra đời đến ba mươi tháng; giai đoạn ba kéo dài đến năm thứ sáu; giai đoạn bốn, các con đi học, đứa đầu tuổi giữa 6 và 13; giai đoạn năm, đứa con đầu từ 13 đến 20 tuổi; giai đoạn sáu, các con đã trưởng thành; giai đoạn bẩy, vợ chồng đến tuổi nửa đời người (từ lúc 'tổ vắng' đến lúc về hưu) và giai đọan tám, từ lúc về hưu đến lúc một trong hai vợ chồng qua đời.

Trong sách này, chúng tôi xin đề nghị một chu kỳ ngắn hơn (2). Ðó là chu kỳ ba giai đoạn, mỗi giai đoạn được khảo sát dựa trên các yếu tố nổi bật về xã hội, thể lý, xúc cảm, tri thức và tâm linh. Ba giai đoạn đó là:

Giai đoạn 1: năm năm đầu từ tuổi trung bình kết hôn (25.1 đối với đàn ông và 22.8 đối với đàn bà) đến cuối năm 20 đầu năm 30;

Giai đoạn 2: từ 30 đến 50 tuổi;

Giai đoạn 3: từ 50 đến lúc một trong hai người qua đời.

Trong chương này, chúng tôi xin bàn về giai đoạn hẹn hò tán tỉnh nhau.

CÁC ÐẶC TÍNH XÃ HỘI CỦA VIỆC HẸN HÒ

Về việc hẹn hò tán tỉnh ngày nay, một trong các yếu tố được tài liệu chứng minh đàng hoàng là việc người ta được tự do chọn lựa, không còn chịu áp lực của gia đình và xã hội nữa. Trong lý thuyết, việc trà trộn chung đụng giữa hai phái tính đã cho phép người ta được chọn lựa rộng rãi hơn. Chúng tôi thêm chữ 'trong lý thuyết', là bởi vì, mặc dù bề ngoài sự lựa chọn này xem ra như không có giới hạn, thực sự người ta lại thường chỉ chọn bạn bè trong khu vực họ sinh sống. Các nghiên cứu sâu rộng tại Mỹ cũng như tại Anh đều cho thấy các cặp vợ chồng tương lai không những là những người từng sống gần nhau mà họ còn có đặc điểm tương tự nhau. Khuynh hướng khiến đàn ông đàn bà chọn lựa người bạn đời vì những đặc điểm tương tự như những đặc điểm của chính mình được gọi là 'sự kén đôi đồng lựa' (assortative mating) (3).

SỰ GẦN GŨI VỀ ÐỊA DƯ

Nếu sự tương đồng về xã hội là yếu tố chủ chốt trong việc chọn lựa, thì thường người ta hay hò hẹn và lấy nhau vì cùng cư ngụ ở một khu vực. Các nghiên cứu tại Mỹ về nơi cư ngụ của những cặp đính hôn và lấy nhau cho thấy gần 50% những đôi gặp nhau, hẹn hò nhau và cuối cùng cưới nhau đã từng sống trong khoảng đường kính 30 khu phố hoặc ít hơn (4). Sự gần gũi về địa dư cũng đã được ghi nhận tại Anh (5).

Phát hiện trên không có chi đáng ngạc nhiên. Vì mặc dù đàn ông đàn bà làm việc xa nơi cư ngụ và thường gặp nhau nơi sở làm, nhưng sau giờ làm, họ trở về với cái cộng đoàn nơi họ cư ngụ. Chính tại cộng đoàn này, họ sống phần lớn những thì giờ nhàn rỗi, nhờ thế có sự chung đụng về xã hội và do đó tình bạn nẩy nở. Thành ra, chính nơi cư trú gần nhau đã tạo nên một đường ranh trong đó nhiều cuộc chọn lựa bạn trăm năm đã diễn ra.

TUỔI TÁC

Nhiều cuộc hẹn hò chỉ là tiếp nối tình bạn vốn đã có từ thuở thiếu thời. Tuy nhiên, phần lớn bắt đầu ở cuối tuổi mười mấy qua đầu tuổi hai mươi. Nếu chỉ kể hẹn hò mà thôi thì có thể đã bắt đầu sớm hơn, nhưng người ta thực sự chỉ si mê nhau ở cỡ tuổi trên. Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy tuổi giữa những người kết hôn thường tuơng đối khá giống nhau, đến độ, cách tuổi nhau quá là một chuyện hiếm khi xẩy ra. Thực thế, năm 1977 tại Anh và Wales, tuổi trung bình kết hôn (6) đối với đàn ông là 25.1 và đối với đàn bà là 22.9. Vì những cuộc kết hôn dưới tuổi 20 rất dễ bị đổ vỡ, nên điều quan trọng là phải biết hiện có bao nhiêu đàn ông đàn bà kết hôn ở tuổi ấy. Cùng năm trên, 9.4% đàn ông và 30.3% đàn bà đã kết hôn lúc chưa đầy 20 tuổi. Tuy so với các năm trước có sút giảm, nhưng tỉ lệ ấy vẫn còn quá cao đối với phụ nữ. Như chương 6 đã đề cập, sự tăng trưởng về xúc cảm vẫn còn tiếp tục xẩy ra ở tuổi 20 và 30, nên nếu tuổi kết hôn càng nhỏ thì sự tăng trưởng kia càng có nguy cơ xẩy ra trễ hơn, khiến cho cuộc hôn nhân luôn căng thẳng.

GIAI CẤP XÃ HỘI

Song song với sự tương đồng về tuổi, ta thấy có sự tương đồng về giai cấp xã hội. Tuy nhiên trong những năm gần đây, sự tương đồng này có khuynh hướng mờ nhạt đi (7). Bên trong cách phân loại giai cấp xã hội, ta thấy sự tương đồng ấy mạnh nhất ở Giai cấp Xã hội loại I, giảm xuống ở Giai cấp Xã hội loại II và III rồi lại gia tăng ở Giai cấp Xã hội loại IV và V (8). Cũng giống như các yếu tố khác, sự ổn định trong tương lai của hôn nhân được nối kết với sự tương đồng về giai cấp xã hội. Các lý do khá hiển nhiên. Vì sự tương đồng về giai cấp có khuynh hướng đem lại cho người ta một cái nhìn giống nhau về cuộc đời. Người ta dễ chia sẻ những vấn đề thuộc sở thích và có quan hệ chung, và giảm thiểu các nguy cơ kình chống nhau. Trong một cuộc nghiên cứu 4,858 cuộc hôn nhân tại Anh, bao gồm các giai cấp xã hội, chỉ có 315 trường hợp trong đó, đàn ông cưới người đàn bà thuộc giai cấp xã hội và trình độ giáo dục thấp hơn, và 134 đàn bà lấy người đàn ông có vị thế xã hội thấp hơn mình (9). Các cuộc hôn nhân ấy có nguy cơ dễ tan vỡ, là điều cũng xẩy ra cho các cuộc hôn nhân khác đạo.

TÔN GIÁO

Tôn giáo là sức mạnh rất lớn nối kết con người lại với nhau. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy khuynh hướng chung là các cuộc hôn nhân thường xẩy ra giữa những người cùng một tín ngưỡng (10). Tỷ lệ các cuộc hôn nhân cùng một đức tin như nhau (intra faith=giữa những Kitô hữu cùng hệ phái) dĩ nhiên tùy thuộc sự sẵn sàng có những người đồng đạo. Các cuộc hôn nhân liên phái (mixed marriages=hôn nhân giữa Kitô hữu với nhau nhưng khác hệ phái) đã được chứng tỏ là dễ đổ vỡ hơn (11). Tuy nhiên, cũng như với giai cấp xã hội, những cuộc hôn nhân cùng hệ phái càng ngày càng ít đi (12). Việc giảm thiểu các cuộc đồng hôn (endogamy) do giai cấp xã hội hay tôn giáo là một phần trong khuynh hướng đã đề cập trên đây về việc càng ngày các tiêu chuẩn từng được chấp nhận trong quá khứ càng bị thu nhỏ lại và càng ngày người ta càng khích lệ sự gắn bó tình cảm dù phải hy sinh sự gắn bó về xã hội. Khuynh hướng trên đem lại nhiều hệ lụy quan trọng cho các giáo hội đang phải đương đầu với các cuộc hôn nhân khác đạo và phải chăm sóc mục vụ cho các gia đình Kitô hữu gồm nhiều niềm tin khác nhau. Hôn nhân luôn thánh thiêng và thánh thiện đối với cả hai vợ chồng và với tư cách là biểu tượng của mối liên hệ giữa Thiên Chúa với Dân Ngài, nó phải là nguyên tắc hợp nhất hai vợ chồng lại với nhau.

HOÀN TẤT VIỆC HỌC

Sau tuổi kết hôn là tuổi hoàn tất việc học, nó cho thấy mức độ cao trong việc kết thân đi lại giữa hai vợ chồng và là yếu tố rất mạnh quyết định việc lựa chọn tình bạn khắng khít đưa đến hôn nhân sau này (13). Coleman đã đi đến kết luận sau đây trong bài nghiên cứu của ông:

"Sự giống nhau về tuổi lúc chấm dứt việc học mà không giống nhau về giai cấp xã hội là yếu tố có tính cách trực tiếp quyết định việc lựa chọn bạn trăm năm hơn là sự giống nhau về giai cấp xã hội mà không giống nhau về tuổi lúc chấm dứt việc học. Hoặc nói cách khác, sự giống nhau trong việc hoàn tất giáo dục làm người ta dễ kết hôn với nhau bên ngoài ranh giới xã hội hơn là sự giống nhau về giai cấp mà bất tương xứng về giáo dục" (14).

TÓM LẠI

Về các đặc điểm xã hội trong thời gian hẹn hò, ta thấy có nhiều chứng cớ cho thấy sự tương đồng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định ra ai là những người đáng được kết thân. Dĩ nhiên có những trường hợp ngoại lệ và điều này cần được chú ý. Nếu những ngoại lệ này có nhiều và đi ngược lại khuynh hướng chung, thì thường không hy vọng gì được xã hội chấp nhận và do đó sẽ dễ bị thương tổn khi gặp căng thẳng trong hôn nhân. Như thế, đối với những cuộc hôn nhân vượt ra ngoài các tiêu chuẩn đã có dấu ấn rõ ràng của quá khứ, ta thấy hậu quả khá bấp bênh. Nhưng mặt khác, nếu các ngoại lệ kia là một phần của một khuynh hướng lớn hơn, thí dụ lấy một người khác tín ngưỡng hoặc khác giai cấp xã hội, thì sự khác biệt ít bị xã hội công kích và nhờ thế vợ chồng sẽ tránh được cái nguy cơ nói trên.

Những thay đổi có tính xã hội trong việc hẹn hò này cũng giống như những thay đổi đã diễn tả liên quan đến các vai trò trong hôn nhân. Giống như các vai trò ấy hiện đang trở nên ít cứng ngắc hơn và đang được thay thế bằng việc tham dự của các tầng sâu nhân cách, hôn nhân dựa trên các yếu tố giống nhau (endogamy) dường như cũng đang lùi bước nhường chỗ cho những tiêu chuẩn khác trong việc lựa chọn người để hẹn hò; các tiêu chuẩn này chủ yếu dựa vào tuổi và trình độ giáo dục hơn là dựa vào giai cấp xã hội hoặc tôn giáo. Nếu phong trào này gặp được sức đẩy thích hợp (momentum), thì hôn nhân sẽ được nâng đỡ hơn bao giờ hết nhờ các tài nguyên bên trong và sự gắn bó của vợ chồng hơn là nhờ các nâng đỡ bên ngoài của xã hội. Nếu không, có lẽ xã hội nên thẩm định lại các nhu cầu của người kết hôn và nâng đỡ họ theo các tiêu chuẩn mới phát sinh từ các năng động lực bên trong của chính cuộc hôn nhân.

CÁC YẾU TỐ TÂM LÝ HỌC CỦA VIỆC HẸN HÒ

Các biến tố xã hội trên đây xác định ra nhóm người để ta có thể chọn lựa sau cùng. Các yếu tố có ảnh hưởng quyết định đối với việc chọn lựa sau cùng này là điều chưa rõ rệt. Sự lôi cuốn thể lý, sự thoả mãn các nhu cầu tình cảm, và nhiều yếu tố vô danh khác đều góp phần làm con đường hẹp lại dẫn tới một con người để ta hẹn hò tán tỉnh nhằm tiến tới cam kết độc chiếm là hôn nhân.

SỰ TƯƠNG ÐỒNG VÀ BỔ TÚC NHAU VỀ TÂM LÝ

Trên căn bản tương đồng xã hội, các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy sự tương đồng tâm lý, tức là việc hai vợ chồng được lôi cuốn vào nhau bởi những nét tâm lý giống nhau và người ta đã trưng được bằng cớ để chứng minh quan điểm này (15). Những nhu cầu bản thân được hai vợ chồng tìm kiếm trong hôn nhân chính là tình yêu và tình âu yếm, sự tin cậy, thiện cảm, hiểu nhau, lệ thuộc nhau, khích lệ nhau, nâng niu thân mật và an toàn xúc cảm (16).

Có điểm quan trọng cần nói ở đây là sự kén đôi đồng lựa không những có khả năng đưa các nhân cách ổn định là những nhân cách đã vượt qua được các nhược điểm lại với nhau nhưng cũng có khả năng ngược lại. Ðiều này sẽ được đề cập cách đầy đủ hơn ở Chương 13 khi bàn về các nguyên nhân đổ vỡ của hôn nhân. Tuy thế, lý thuyết về tương đồng tâm lý vẫn là lý thuyết trổi vượt.

Một lý thuyết khác là lý thuyết về tính bổ túc (complementarity). Winch, tác giả đưa ra quan điểm này, đã chủ trương rằng mặc dầu sự tương đồng về xã hội xác định ra con số những người có thể được ta chọn kết thân, nhưng sự lựa chọn cuối cùng lại do tính bổ túc quyết định, nói cách khác những cái đối nghịch nhau thường lại lôi cuốn lẫn nhau (17). Thí dụ, người ưa thống trị thích lấy một người không thích thống trị, người ưa săn sóc bị người thích được nâng niu lôi cuốn, người ưa tạo thành tích lấy người ưa ẩn mình trong bóng tối. Lý thuyết về tính bổ túc là một lý thuyết hấp dẫn, nhưng cho đến nay, nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ủng hộ lý thuyết này một cách hạn chế, tuy trên thực tế, người ta chứng kiến được nhiều hiện tượng do lý thuyết này mô tả.

Từ trước đến nay, sự lôi cuốn đã được xem sét dựa trên tính tương đồng và tính bổ túc. Nhưng một quan điểm thứ ba (18) lại cho rằng bên cạnh các động lực hữu thức, các động lực vô thức cũng giữ một vai trò, rằng hai cá nhân có thể chọn nhau vì các tâm tư và xúc cảm vô thức của họ thấy như hợp với nhau. Như thế, một người hay chê trách mình có thể lấy một người hay thích chỉ trích, và người thiếu thốn tình cảm có thể lấy một người lạnh lùng không thích biểu lộ tình cảm; nói cách khác, người ta chọn nhau để đáp ứng cái thế giới nội tâm còn đang phát triển chưa hoàn tất hoặc đang bị thương tổn, và người bạn được chọn một cách vô thức vì họ tỏ ra rất thích hợp với hệ thống vô thức của cảm xúc đang phát triển. Những mối liên hệ và những cuộc hôn nhân này có khuynh hướng không vững ổn vì chẳng chóng thì chầy những nhu cầu thực sự của hai vợ chồng sẽ trồi lên. Lúc đó mới thấy rằng chẳng người nào có đủ tài nguyên để đáp ứng các nhu cầu chung ấy.

Tóm lại, sự chọn lựa bản thân có thể được thực hiện trên căn bản giống nhau, bổ túc nhau, những yếu tố vô thức hoặc bất cứ sự phối hợp nào giữa các yếu tố này. Vẫn còn nhiều chỗ để nghiên cứu thêm về sự chọn vợ chọn chồng hầu có thể định nghĩa nó một cách chính xác hơn.

TRÍ HIỂU

Một yếu tố khác dường như cũng cho thấy sự tương đồng, đó là trí hiểu của những người hẹn hò nhau và của các cặp vợ chồng. Bằng chứng về bản chất của trí hiểu thì khá mạnh mặc dù nó quan trọng hơn đối với các giai cấp xã hội I và II hơn là với các giai cấp xã hội III, IV và V (19).

THỜI GIAN KÉO DÀI CỦA HẸN HÒ

Những cuộc đi lại hẹn hò càng ngắn thì nguy cơ bất ổn cũng như tan vỡ hôn nhân càng nhiều. Một cuộc nghiên cứu sâu rộng về 520 cặp ly dị và 570 cặp vợ chồng liên tục sống chung với nhau cho thấy sự khác biệt và những hậu quả giữa các thời kỳ hẹn hò nhau như sau (20):

BẢNG 1

Ly dị (520): 6% ít hơn 6 tháng; 14% ít hơn 12 tháng; 39% ít hơn 2 năm; 41% sau 2 năm;
Liên tục sống chung (520): 1% ít hơn 6 tháng; 7% ít hơn 12 tháng; 34% ít hơn 2 năm; 57% sau 2 năm
.

Dù không bao giờ có được một thời gian hẹn hò chính xác có thể thích hợp cho mọi người, nhưng rõ ràng là những cuộc hôn nhân vội vã dễ đưa đến ly dị hơn. Ðiều này không có chi đáng ngạc nhiên cả. Vì việc theo đuổi một cam kết kéo dài trọn cuộc sống hôn nhân đòi hỏi phải hiểu biết và lượng giá tận tường xem người phối ngẫu tương lai của mình là loại người nào và điều này đòi thời gian.

SÓNG GIÓ

Trong khi nghiên cứu về thời gian hẹ hò, một trong các điểm làm người ta chú ý là đặc tính báo trước sự vững ổn về hôn nhân của nó. Những cuộc hẹn hò đầy sóng gió với những cãi cọ và hay chia tay một cách trầm trọng là dấu chỉ cho thấy cũng một khuynh hướng như thế sẽ tiếp diễn trong cuộc sống vợ chồng sau này. Cũng trong cuộc nghiên cứu trên đây, người ta thấy rằng những cặp sau này ly dị lúc còn đang hẹn hò nhau đã chia tay nhau nhiều hơn những cặp vẫn tiếp tục sống bên nhau (21). Ðiều ấy cũng đúng đối với những vụ hủy đính ước.

Một điểm có ý nghĩa nữa là việc cha mẹ chống đối cuộc hôn nhân sắp diễn ra. Dường như những cặp ly dị gặp nhiều chống đối của cha mẹ đối với con dâu hoặc con rể tương lai hơn. Nếu những chống đối này cứ dai dẳng mãi, chắc chắn chúng sẽ gây thêm căng thẳng cho những người đang hẹn hò, và người phối ngẫu liên hệ có thể phải khởi sự cuộc hôn nhân mình mà thiếu mất một nguồn nâng đỡ quan trọng. Con cái bao giờ cũng muốn bảo vệ danh thơm của cha mẹ, dù cha mẹ có vụng về bao nhiêu đi nữa. Ðiều ấy sẽ dẫn đôi trẻ đến chỗ có thể tranh luận với nhau, và sau này trong cuộc sống hôn nhân, vấn đề bên chồng bên vợ có thể trở thành vấn đề nổi bật.

GIAO HỢP VÀ SỐNG CHUNG TRƯỚC HÔN NHÂN

Ít ai còn hoài nghi là ngày nay việc giao hợp trước hôn nhân xẩy ra rất nhiều và càng ngày càng trở nên thông thường hơn đối với những người đang hẹn hò nhau đến mức đã cùng ngầm hiểu là họ sẽ cưới nhau hoặc sống bên nhau. Bảng 2, dựa trên một cuộc thăm dò toàn quốc về những người đàn bà có chồng, cho thấy sự gia tăng đáng kể các vụ giao hợp trước hôn nhân với người chồng tương lai của họ (22)

BẢNG 2

Tỷ lệ những người đàn bà thuộc đủ lớp tuổi kết hôn lần đầu trong các năm khác nhau cho biết họ đã giao hợp với người chồng tương lai trước khi lấy nhau:

Năm kết hôn: 1959-60, 35% giao hợp trước khi lấy nhau; 1961-1965, 47% giao hợp trước khi lấy nhau;
1966-1970, 61% giao hợp trước khi lấy nhau; 1971-1975, 74% giao hợp trước khi lấy nhau.


Bảng 2 chứng tỏ quả có sự gia tăng các vụ giao hợp tiền hôn nhân tại Anh trong 20 năm qua. Hiện tượng ấy cũng xẩy ra tại nhiều vùng khác thuộc các xã hội phương tây.

Cùng với đà gia tăng ấy, ta thấy việc sống chung với người chồng tương lai (trước khi kết hôn) cũng có gia tăng. Tỷ lệ này tăng từ 1% lên 9% giữa các năm 1956 và 1975. Trong số những người nhìn nhận có sống chung, 26% báo cáo là họ sống chung ít hơn 3 tháng, 15% từ 3 dến 5 tháng, 24% từ 6 tháng đến 1 năm, cho thấy 2/3 những người sống chung đã sống chung như thế dưới 1 năm. 20% báo cáo là họ sống chung từ 1 đến 2 năm và 15% còn lại báo cáo đã sống chung với nhau từ 2 năm trở lên (24).

Khuynh hướng gia tăng các vụ giao hợp và sống chung trước hôn nhân là mối ưu tư đối với các truyền thống Do thái và Kitô giáo. Mối ưu tư này không hoàn toàn là vấn đề giới hạn việc giao hợp trong hôn nhân mà thôi. Vì thực ra nhiều cặp sống chung đả chỉ lấy nhau cho có tên. Những cặp này thường đặt câu hỏi là cái mảnh hôn thú kia thêm được gì vào mối tình họ đã dành cho nhau?

Sự thật là xã hội đòi hỏi phải có sự rõ ràng trong các mối liên hệ của con người. Thực vậy, xã hội cần biết rõ ai có quan hệ với ai, ai nhận trách nhiệm chăm sóc con cái, ai sở hữu của cải và ai cam kết sống lâu dài với nhau để không còn được coi là người độc thân nữa. Hôn nhân có chiều kích tư mà cũng có chiều kích công, nên thiếu chiều kích công không những gây lẫn lộn và đe dọa xã hội mà còn làm cho vợ chồng mất đi sự trợ giúp họ có quyền đòi hỏi với tư cách người kết hôn.

Một nguy hiểm nữa trong cái gọi là các cuộc hôn nhân thử là vì thiếu sự công bố cho mọi người biết, nên hai người có thể có cơ hội rẫy bỏ nhau dễ dàng hơn. Nói cho ngay, đó không phải là hôn nhân chút nào, vì hai người tự ý dành cho nhau một ngõ thoát khi mối liên hệ gặp trục trặc. Sự cam kết công khai tăng thêm sức mạnh để khích lệ hai người phải ráng hơn nữa trong việc duy trì mối liên hệ.

Ðiểm cuối cùng về việc giao hợp trước hôn nhân, một điểm có giá trị căn bản là việc giao hợp không phải là phương thế thích hợp nhất để thăm dò xem mối liên hệ có cân xứng hay không. Chính phẩm chất của hành động hỗ tương giữa hai con người mới là chủ yếu làm cho hôn nhân vững ổn. Giao hợp tính dục là phương thế đóng ấn nhìn nhận việc khám phá ra mối tương quan thích hợp chứ không phải là phương thế khám phá ra chính mối tương quan ấy. Giao hợp do đó là căn bản quá hẹp không cho phép người ta có cái nhìn sáng suốt để thấy ra sự hoà hợp trong tương lai. Vậy sống chung thì sao? Xét bề ngoài, phương thức này có vẻ rất hấp dẫn, tuy nhiên vì sống thử, hai người có lý do thúc đẩy họ lúc nào cũng phải tỏ ra là người tốt để gây ấn tượng cho nhau. Nên khó có thể thành thực với nhau được, vì cứ ám ảnh sợ bị rạn nứt. Hôn nhân với thề nguyền long trọng có tính cách bản thân và công khai sẽ đem lại một hạ tầng cơ sở vững mạnh hơn nhiều để vợ chồng có thể hành động như những con người đích thực.

Cũng có thể là những người ca ngợi việc sống chung cũng chính là những người tự bản thân không thấy việc gần gũi và vững bền là việc dễ dàng. Họ thấy sự cam kết như là cảm nghiệm bị chết ngạt, như một nhà tù, nên họ thích sống chung hơn, vì điều ấy cho phép họ lợi dụng những lợi điểm của hôn nhân mà không phải chịu những xao xuyến âu lo của mối cam kết vĩnh viễn ấy. Họ ca ngợi tính tự do của một cam kết tư riêng vì họ không chịu được cảm quan bị mắc bẫy. Cho nên điều quan trọng là phải khảo sát các lý do xã hội và tâm lý khi người ta đưa phương thế sống chung ra như câu trả lời thích đáng đối với các vấn nạn của hôn nhân hiện đại.

CÓ THAI TRƯỚC KHI KẾT HÔN

Việc có thai trước hôn nhân càng làm gia tăng nguy cơ ly dị. Ðây là một khám phá đã được kiểm chứng nhiều lần (24, 25, 26). Tại Anh và Wales, kể từ năm 1967 đang có sự suy giảm, trong một thời gian dài, hiện tượng cô dâu mang bầu (pregnant brides), đặc biệt đối với những cô trong cỡ tuổi từ 18 đến 22. Có điều hiện tượng này đi song song với hiện tượng gia tăng phá thai (27).

Theo quan điểm Kitô giáo, việc giảm thiểu các vụ có bầu trước hôn nhân là điều đáng ước mong như biện pháp phòng ngừa cho hôn nhân khỏi tan vỡ, nhưng không được vì thế mà gia tăng phá thai. Vì chẳng còn gì để mà nói nữa khi đã tự ý phá thai.

TÓM LƯỢC

Hẹn hò tán tỉnh là thời kỳ phức hợp và chủ yếu, đưa lại nhiều cơ hội để giáo dục và nâng đỡ các cặp hôn nhân tương lai. Rất nhiều điều chưa được biết đến, nhưng nhiều điều cũng đã được biết đến mà ta có thể sử dụng ở đây và bây giờ để ngăn ngừa những đổ vỡ trong tương lai. Như thế, tuổi, giáo dục, giai cấp xã hội, có bầu trước hôn nhân, thời gian kéo dài và đặc điểm của giai đoạn hò hẹn đều được thống kê coi như có liên hệ đến việc đổ vỡ ấy. Những yếu tố này có thứ cần được loại trừ, có thứ cần được chăm sóc, thì hôn nhân mới được củng cố thêm.

Tài Liệu Tham khảo:

1. Duvall, E.E., Marriage and Family Development. Lippincott, Philadelphia, 1977.

2. Dominian, J., 'Marital Therapy' in Introduction to the Psychotherapies (ed. S. Bloch). Oxford University Press, 1979.

3. Coleman, D.A.,in Equalities anf Inequalities in Family Life (ed. R. Chester and J. Peel). Academic Press, 1977.

4. Clark, A.C., in American Sociological Review (1952) 17, p.17.

5. Coleman, p.30

6. Population Trends, No.16: Mean Age at Marriage. Office of Population Censuses and Surveys, HMSO, 1979.

7. Coleman, p.34.

8. Giai cấp Xã hội - Ðịnh nghĩa của Thống Kê Dân số (Census): Năm loại giai cấp xã hội sau đây được phân loại căn cứ vào cách phân loại theo nghề nghiệp:

Giai cấp I: Chuyên nghiệp và những nghề tương tự

Giai cấp II: Những chức nghiệp trung cấp

Giai cấp III: Những nghề có kỹ năng (skilled)

Giai cấp IV: Những nghề bán kỹ năng (semi skilled)

Giai cấo V: Những nghề không có kỹ năng (unskilled).

9. Glass, D.V., (ed.) Social Mobility in Britain. Routledge and Kegan Paul, 1954.

10. Coleman, p.35.

11. Landis, J.T., 'Marriages of Mixed and Non-mixed Religious Faith' in Selected Studies in Marriage and the Family. Holt, Rinehart and Winston, 1962.

12. Coleman, p.37

13. Ibid., p. 38

14. Ibid., p. 44

15. Burgess, E.W., and Wallin, P., Engagement and Marriage. Lippincott, New York, 1953.

16. Ibid., p.199

17. Winch, R.F., Mate Selection, a Study of Complementary Needs. Harper, New York 1959.

18. Dicks, H.V.,Marital Tensions. Routledge and Kega Paul, 1967.

19. Coleman, p.28

20. Thornes, B. And Collard, J., Who Divorces? Routledge and Kegan Paul, 1979.

21. Ibid., P.65

22. Dunnell, K., Family Formation 1976. HMSO, 1979.

23. Ibid.

24. Christiansen, H.T., 'Time of the First Pregnancy as a Factor in Divorce' Eugenic Review, 1963: 100, 119.

25. Population Trends, No. 3. Office of Population Censuses and Surveys, HMSO, 1976.

26. Thornes and Collars, p.77

27. Thompson, J., 'Fertility and Abortion, Inside and Outside Marriage', Population Trends nos.5, Office of Population Censuses and Surveys, MHSO.
 
Thông Báo
Phân Ưu: Bà Cố thân mẫu LM Dominic Nguyễn Hùng đã tạ thế tại San Diego
Liên Đoàn CGVNHK
07:12 14/06/2008

PHÂN ƯU


Được tin Thân Mẫu của LM Dominic Nguyễn Hùng, dòng Tên, là:

Bà Cố Têresa Nguyễn Hiền


(Nhũ danh Têresa Nguyễn Thị Chi)
Sanh ngày 05 tháng 10 năm 1933 tại Hưng Yên, Việt Nam.
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 7:20 giờ sáng thứ Tư ngày 11 tháng 6 năm 2008
tại thành phố San Diego, California, Hoa Kỳ;
Hưởng thọ 75 tuổi.

Sau đây là Chương trình Nghi Lễ An Táng:
  • Thứ Bảy: 14 tháng 06, 2008 - 6:00 P.M. ĐỌC KINH: tư gia
  • Thứ Hai: 16 tháng 06, 2008 - 6:00 P.M. ĐỌC KINH: tư gia
  • Thứ Ba: 17 tháng 06, 2008 - 6:00 P.M. ĐỌC KINH: tư gia
  • Thứ Tư: 18 tháng 06, 2008 - 6:00 P.M. THÁNH LỄ PHÁT TANG: nha` thờ Chúa Thánh Linh
  • Thứ Năm: 19 tháng 06, 2008 -6:00 P.M. – 8:00 P.M. CẦU NGUYỆN và THĂM VIẾNG: nhà quàn
  • Thứ Sáu: 20 tháng 06, 2008 - 6:00 P.M. – 8:00 P.M. CẦU NGUYỆN và THĂM VIẾNG: nhà quàn
  • Thứ Bảy: 21 tháng 06, 2008 -10:00 A.M. THÁNH LỄ AN TÁNG: nhà thờ Chúa Thánh Linh
ĐỊA ĐIỂM: 1) NHÀ THỜ CHÚA THÁNH LINH, 2755 - 55th St., San Diego, CA 92105
2) NHÀ QUÀN GOODBODY, 5027 El Cajon Blvd. San Diego, CA 92115 (619) 582-1700
3)TƯ GIA ÔNG CỐ HIỀN, 2534 55th. St., San Diego, CA 92105, (619) 255-5424

Liên Đoàn CôngGiáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
thành kính phân ưu cùng Ông Cố Hiền, Cha Hùng và toàn thể tang quyến.
Nguyện xin Chúa là Cha nhân từ đón nhận Linh hồn Têrêsa vào Thiên Đàng.

Thành Kính,
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
Chủ tịch LĐCGVNHK
 
Văn Hóa
10 Câu Bố Nói Nhiều Nhất -Top 10 Things Dad Says
Nguyễn Duy An
00:36 14/06/2008

Top 10 Things Dad Says

10 Câu Bố Nói Nhiều Nhất



Ngày lễ Father’s Day năm trước, mấy đứa nhỏ con tôi tặng bố một chiếc áo T-Shirt in sẵn “10 câu bố nói nhiều nhất” (top 10 things dad says). Tôi không biết đây là loại áo sản xuất hàng loạt hay làm theo đơn đặt hàng kiểu “custom made” để khách hàng có thể chọn những câu thích hợp trước khi in vào áo, nhưng quả thật cái “top 10” này rất đúng với trường hợp của cá nhân tôi. Mỗi lần mặc hay nhìn thấy chiếc áo, tôi lại suy nghĩ thật nhiều về những lời dạy bảo của cha tôi ngày trước...

Tháng Sáu về, ngày lễ Father’s Day sắp tới. Tôi nhớ thương cha tôi nhiều lắm. Đã 10 năm qua rồi kể từ khi cha tôi từ giã cõi đời vào một buổi chiều cuối tháng 5, năm 1998. Tôi vẫn thường xuyên ôn lại những “lời cha dạy” vì đó là niềm tin, là lý tưởng, là ý chí và nghị lực giúp tôi vững bước trên đường đời. Hôm nay tôi lần theo thứ tự cái “top 10” được in trên áo T-Shirt để tự vấn lương tâm và so sánh hai kiểu làm cha của bố con tôi.

1. Go ask your mother: Tôi phải thú nhận ngay rằng tôi đã nói câu này với các con nhiều quá! Mỗi khi có đứa nào xin phép đi chơi đâu đó hay mời bạn bè tới nhà, muốn tổ chức tiệc sinh nhật hay bất cứ điều gì trong gia đình, câu nói “đầu môi chóp lưỡi” của tôi thường là “con hỏi mẹ xem sao” hoặc “con đã xin phép mẹ chưa?” Ngồi nghĩ lại chuyện ngày trước, mỗi lần tôi xin cha việc gì, thường thường cha tôi trả lời ngay là được hay không với lời giải thích rõ ràng; thỉnh thoảng cũng có lúc cha tôi nói “để cha bàn lại với mẹ rồi trả lời cho con sau” chứ không phải “bán cái phủi tay” như tôi bây giờ. Con gái đầu lòng của tôi đã 18 tuổi, và cháu út cũng đã lên 10 nhưng tôi chưa biết làm cha và cũng chưa học được cách thức trả lời và giảng giải rõ ràng cho các con như cha tôi ngày trước!

2. Wait until I get home: Điều này thường xảy ra lúc các con gọi điện thoại hỏi ý kiến hoặc xin phép sử dụng máy móc khi tôi vắng nhà. Ngày xưa cha tôi cũng đã từng đi làm xa gia đình, rồi từ khi lên lớp 6, tôi đi học xa nhà, và cũng đã hơn một lần tôi viết thư xin phép làm việc này, điều kia... Thời đó không có điện thoại hay email như bây giờ, nhưng bao giờ cha tôi cũng viết mấy chữ ngắn gọn trả lời hay gợi ý cho tôi suy nghĩ và bàn hỏi thêm với mẹ hay các bác, các chú chứ nếu cha tôi cũng trả lời theo kiểu của tôi bây giờ là “đợi tới lúc cha về nhà” mới quyết định có lẽ tôi đã chẳng làm được gì và không bao giờ trưởng thành để tự lực mưu sinh cho tới giờ này. Từ lúc có trí khôn cho tới ngày cha tôi mất đi, tôi chỉ sống gần cha được khoảng 5 năm. Nếu tôi cứ phải đợi cho tới lúc hai cha con cùng “ở nhà” thì không biết phải đợi cho tới bao giờ!

3. Did you do your homework? Câu nói đầu tiền khi bước vào nhà, gặp bất cứ đứa con nào tôi cũng hỏi xem nó đã làm xong bài vở chưa, kể cả mùa hè. Đã hơn một lần tôi bị cháu út “mè nheo” là tại sao lúc nào bố cũng chỉ biết “homework” mà không hỏi xem hôm đó đội bóng rổ của nó thắng hay thua... Ngày xưa cha tôi không bao giờ hỏi tôi đã làm bài hay chưa, ông chỉ thỉnh thoảng khuyên tôi hãy cố gắng học hành; rồi những lúc thấy tôi vui vẻ đàn hát vui chơi với bạn bè trong những đám tiệc tùng cưới xin, về nhà cha tôi thường nhắc nhở đừng lợi dụng tài vặt để làm khổ “con gái người ta” nhưng hãy chú tâm “học hành cho tới đầu tới đũa” để tạo dựng tương lai vì “thời nào người có học cũng hơn...”

4. This hurts me more than it hurts you! Mỗi lần con tôi phạm lỗi, tôi thường bắt quỳ trước bàn thờ để “sám hối”, và nếu là lỗi nặng, tôi vẫn áp dụng kiểu “thương cho roi cho vọt” bằng cách bắt con nằm sấp xuống sàn nhà, quất cho một roi vào mông rồi ngồi “lải nhải” cho nó nghe tại sao tôi đánh nó, và hầu như lần nào cũng kết thúc bằng câu “bố đánh con đau nhưng lòng bố còn đau hơn, con có biết không?” Đấy là tôi sợ bị ghép vào tội “child abuse” theo luật lệ của Mỹ chứ nếu ở Việt Nam có lẽ tôi đánh con nhiều lắm! Cha tôi chưa bao giờ xuất ngoại và cũng chẳng biết “child abuse” là gì nhưng tôi chưa bao giờ bị ông đánh roi nào. Một trong những “lý do chính đáng” là thời gian tôi ở gần cha trong gia đình không được bao nhiêu! Hồi nhỏ tuần nào tôi cũng bị mẹ đánh ít là một tuần một lần vì tội nghịch ngợp, phá phách, hái trộm cậy trái người ta và nhất là đánh lộn với đám bạn chăn bò ở quê. Có một lần cha tôi đi xa về, bắt gặp mẹ đang đánh tôi, ông chỉ nói là bà phải giải thích cho nó hiểu tội của nó và chỉ cho nó làm sao để đừng tái phạm chứ quất roi liên tục như vậy thì tôi cũng đau lắm đấy!

5. Go to your room! Nhà tôi khách khứa cũng tương đối nhiều, và trẻ con bên này thường không biết “kính trên nhường dưới” theo truyền thống Việt Nam... Phải nhắc chúng nó mới biết vòng tay chào ông, chào bà... và để tránh những chuyện không hay xảy ra, mỗi khi có khách tôi thường bảo chúng nó về phòng hoặc xuống “basement” chơi cho người lớn nói chuyện. Riết rồi chúng nó cũng quen nên hễ có ai tới nhà, sau khi chào hỏi là tự động rút lui. Ngày xưa ở Việt Nam cha tôi không bao giờ nói “go to your room” vì ở nhà quê đâu có phòng riêng. Cả căn nhà chỉ có một phòng!

6. If your friends jump off the bridge, would you? Con cái bên này, nhất là những đứa đang ở tuổi “teen”, chúng nó nghe và làm theo bạn bè nhiều hơn cha mẹ! Mỗi khi có đứa nào nhắc tới việc bạn nó mới có đồ chơi này, mặc quần áo kiểu kia... tôi vẫn thường bảo các con rằng không phải bạn bè có cái gì mình cũng phải làm theo. Nếu chúng nó nhảy cầu tự tử con cũng nhảy theo hay sao? Ngày xưa còn bé tôi cũng theo bạn bè phá làng phá xóm, nhưng cha tôi chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở “con nên chọn bạn mà chơi” vì “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chứ không “đao to búa lớn” như tôi nói với các con bây giờ! Điều quan trọng là hướng dẫn con cái biết theo bạn tốt thay vì bạn xấu chứ làm sao tôi cấm cản hay cô lập chúng nó khỏi ảnh hưởng của bè bạn được. Tôi học hành nhiều hơn cha tôi, đọc sách, đọc báo, xem TV và cũng được đi qua nhiều nước trên thế giới nhưng tầm nhìn của tôi còn thấp hơn một ông lão nhà quê chỉ biết “cày sâu cuốc bẫm” là cha tôi!

7. I told you so: Mỗi khi có dịp nói chuyện với các con, tôi thường nhắc lại những lỗi lầm của chúng, và nhất là cứ “càm ràm” tại sao chúng nó không chịu ghi nhớ “lời bố dạy” và lúc nào cũng nhắc lại điệp khúc “bố đã bảo mà...” Cha tôi thì ngược lại: Nếu tôi làm sai, ông chỉ cái sai và khẽ nhắc “cha nói ít, con hiểu nhiều!” Phải thú thật là nhiều lúc tôi chẳng hiểu ý cha tôi, nhưng vì câu “nói ít hiểu nhiều” của ông, tôi cứ phải suy đi nghĩ lại cho tới lúc những lời dạy bảo của cha thấm dần vào tim óc, theo tôi trưởng thành theo thời gian và tôi không bao giờ quên nữa!

8. What do I look like? A bank? Trẻ con bên này cứ theo chúng bạn đua đòi đủ thứ. Hôm nay xin tiền mua đồ chơi này, mai cần đôi giày chơi banh, ngày kia cuốn sách mới... Mấy đứa con tôi thường chỉ xin mẹ vì chúng nó biết bố sẽ trả lời “bố đâu phải ngân hàng, tiền đâu mà mua!” Ngày xưa cha tôi hầu như không bao giờ giữ tiền trong túi. Mỗi lúc ra khỏi nhà, mẹ tôi thường phải dúi tiền vào túi cho ông. Nhưng mỗi lần dẫn tôi đi đâu, lúc nào ông cũng hỏi xem tôi có cần gì không, đặc biệt là những thứ cần thiết cho việc học chẳng hạn cây thước đo độ để học toán, vài cây bút chì hay cuốn tập mới... chứ ông không đợi tới lúc tôi phải xin; và gặp lúc không sẵn tiền trong túi để mua, lúc về nhà thế nào cha tôi cũng nói mẹ mua cho tôi những thứ tôi cần. Tôi không có được cái nhìn tinh tế về nhu cầu của các con như cha tôi ngày trước, và nếu có đứa nào xin mua gì đó, nếu không than rằng mình không có tiền, tôi lại bảo chúng nó “về nhà xin mẹ!”

9. When I was your age... Tôi vẫn thường kể với các con “ngày xưa lúc bằng tuổi con, bố phải vừa đi học vừa đi chăn bò...” hoặc những điệp khúc tương tự để nhờ chúng nó phụ giúp việc nhà, nhất là những việc “nặng nhọc” như cắt cỏ, làm vườn, rửa xe... Mùa hè năm nay con gái lớn của tôi chuẩn bị lên đại học nên phải đi làm để kiếm thêm tiền chi tiêu vì bố mẹ chỉ có khả năng trả tiền học phí mà thôi. Tôi tìm dịp định nói vài lời khích lệ vì sợ cháu phân bì so đo với bạn bè cùng trang lứa, nhưng chưa kịp mở lời, cháu đã nói “con hiểu mà, ngày xưa bố vừa đi học đại học vừa đi quét nhà, lau cầu tiêu buổi tối...” Ngày xưa cha tôi không bao giờ nói với tôi “ngày xưa lúc bằng tuổi con” vì cái “ngày xưa” của cha tôi gian nan vất vả không bút mực nào tả xiết. Ông nội tôi mất sớm nên mới 15 tuổi đầu cha tôi đã phải “cày sâu cuốc bẫm” để nuôi 3 người em còn nhỏ dại! Khi tôi 15 tuổi, cha tôi không nói chuyện “ngày xưa”, ông chỉ dùng những đồng tiền vất vả kiếm được bằng mồ hồi nước mắt để lo cho anh em chúng tôi “học hành cho tới đầu tới đũa!”

10. I love you, son / princess! Sống ở Mỹ, hầu như ai cũng học được thói quen bộc lộ tình cảm bằng lời nói một cách thoải mái, mặc dầu nhiều khi “miệng nói một đàng trong lòng nghĩ một nẻo!” Do đó, việc bố mẹ nói “thương con” là chuyện bình thường ở Mỹ. Ngược lại, ở Việt Nam, nhất là người miền quê như gia đình tôi, người ta làm nhiều hơn nói. Nếu tôi nhớ không lầm thì cha tôi chưa bao giờ mở miệng nói “cha thương con” nhưng tôi biết chắc chắn rằng cha tôi thương tôi nhiều lắm. Tình yêu của cha tôi không diễn tả bằng lời nói nhưng bằng việc làm và gương sống suốt đời của ông.

* * *

Cha tôi không còn nữa! Các con tôi đang lớn và bắt đầu chập chững vào đời... Ngày xưa cha tôi “nói ít con hiểu nhiều” nhưng mấy chục năm sau tôi vẫn khắc ghi “lời cha” trong tâm khảm. Ngày nay tôi nói với các con nhiều tới nỗi chưa mở miệng chúng nó đã có thể “lặp lại” như con vẹt những gì tôi định nói. Con tôi có hiểu và ghi nhớ lời tôi nói hay không lại là chuyện khác! Tôi phải hồi tâm suy nghĩ để thay đổi cách “đối thoại” với các con.

Nguyễn Duy-An

Father’s Day 2008
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cha, Con
Josephhoa Phạm
00:10 14/06/2008

CHA,CON



Ảnh của Josephhoa Phạm.

Người là quà tặng của Trời

Lâng lâng tôi gọi tên Người: Cha tôi!

"The greatest gift I ever had

Came from God, and I call him Dad!"

- Anonymous

(nđc phóng ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền