Ngày 13-06-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sức sông của hạt cải nước trời
Lm Đan Vinh
06:54 13/06/2012
CHÚA NHẬT XI TN B (Ed 17,22-24; 2 Cr 5,6-10; Mc 4,26-34)

1.LỜI CHÚA: Mc 4,26-34:

(26) Người nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. (27) Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. (28) Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. (29) Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa." (30) Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? (31) Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. (32) Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng." (33) Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. (34) Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

2.Ý CHÍNH: Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng 2 dụ ngôn là “Hạt giống tự mọc” (Mc 4,26-29) và “Hạt cải nhỏ bé” (Mc 4, 31-32) để nói lên sức mạnh quyền năng nhiệm mầu của Nước Thiên Chúa hay Nước Trời do Người thiết lập..

3.CHÚ GIẢI:

-C 26-29: +Nước Thiên Chúa: Trong cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giê su thường dùng dụ ngôn mà rao giảng Lời Chúa. Dụ ngôn là những câu chuyện rút ra từ cuộc sống thực tế đời thường mà mọi người nghe đều biết, để trình bày về các mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa. Chẳng hạn: Nước Thiên Chúa giống như một cánh đồng lúa có cỏ lùng xen lẫn, hoặc giống như một hạt cải nhỏ bé, như nắm men được hòa lẫn trong thúng bột, như kho báu chôn giấu trong thửa ruộng, như một viên ngọc quí giá, như cái lưới chụp xuống bắt được mọi thứ cá... (x Mt 13). Qua các dụ ngôn này, Đức Giêsu cho biết Nước Thiên Chúa có thực và đang đến qua các dấu hiệu là các phép lạ Người làm như: Xua trừ ma quỷ, chữa lành các thứ bệnh tật… (x Mc 1,54). +tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất: được gieo xuống ruộng đất; dù người gieo ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống tự nảy mầm mọc lên thành cây lúa, rồi tới mùa sẽ trổ đòng đòng, và thành bông lúa nặng trĩu hạt. Nước Thiên Chúa cũng sẽ dần dần lớn lên tới chỗ viên mãn vào ngày tận thế, dú có gặp chống đối đàn áp của ma quỷ và thế quyền bách hại.

-C 31-32: +Nước Thiên Chúa giống như hạt cải: Hạt cải theo Máccô là thứ hạt nhỏ hơn hết mặc dù không hòan toàn đúng như thế. Một hạt cải nhỏ bé tầm thường. Nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó sẽ nẩy mầm và vươn lên thành cây cao. Nẩy mầm là khởi đầu một sự sống mới. Sự sống ấy tuy mong manh nhưng không gì có thể ngăn cản được. Nước Thiên Chúa khởi đầu chỉ vỏn vẹn có Nhóm 12 Tông đồ ít học và không mấy hòan thiện… nhưng nhóm nhỏ này sẽ đã ngày một phát triển trở thành một Hội Thánh to lớn với sự hiện diện của nhiều dân tộc trên trần thế.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: Nước Thiên Chúa giống như hạt cải [...] khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng (Mc 4, 31-32).

2.CÂU CHUYỆN: VỀ SỨC TĂNG TRƯỞNG CỦA HỘI THÁNH:

Theo bản nghiên cứu thường niên về "Tình trạng Truyền giáo Toàn cầu" ngày 25/11/2011 được đăng trên Vietcatholic News cho biết số lương các Kitô hữu như sau: Tổng số Kitô hữu (gồm cả Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành) hiện nay có khoảng 2,3 tỉ người và là tôn giáo có sức phát triển mạnh mẽ nhất. Cho đến đầu thế kỷ 20, Kitô giáo mới chỉ có 1.600 giáo đoàn khác nhau. Nhưng đến nay, sau một thế kỷ đã tăng lên 42.000 giáo đoàn.

Riêng Hội thánh Công giáo có khoảng 1,16 tỉ tín hữu, và mỗi ngày thêm được 34 nghìn tín hữu. Việc tăng trưởng có thể do sinh sản và giáo dục con cái theo truyền thống đức tin. Cũng có thể do cải đạo từ các đạo khác sang Kitô giáo. Mặc dù sự cải đạo này không nhiều, nhưng đã có hàng triệu người mỗi năm qua việc hôn nhân: một người thuộc tôn giáo khác quyết định đón nhận đức tin từ người bạn đời Công giáo của mình khi kêt hôn.

Niên giám cũng cho thấy, số lượng các giám mục và linh mục đã tăng theo tỷ lệ thuận với số người Công giáo trên toàn thế giới vào khỏang 1,3% trong giai đoạn từ 2008 - 2009. Trong năm 2009, đã có 5.065 giám mục và 410.593 linh mục.

3.SUY NIỆM:

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về Nước Thiên Chúa giống hạt giống được gieo xuống đất, rồi âm thầm mọc lên theo luật thiên nhiên, và như một hạt cải nhỏ bé nhưng sau đó mọc lên thành cây to lớn đến nỗi "chim trời có thể làm tổ dưới bóng".

-Nước Thiên Chúa giống như hạt giống: Các tín hữu cần biết kiên nhẫn. Ðừng đòi thấy sự tăng trưởng trước mắt, nhưng phải làm hết sức rồi chờ tới mùa gặt là ngày tận thế, Bấy giờ Thiên Chúa sẽ sai các thiên thần đi gặt hái: Lúa thóc ám chỉ các người lành thánh sẽ được hưởng hạnh phúc trong kho lẫm thiên đàng. Còn cỏ dại ám chỉ các kẻ làm điều gian ác sẽ bị thiêu cháy trong lửa hỏa ngục muôn đời. Trong thời gian chờ đợi này, mỗi người chúng ta cần chu tòan bổn phận góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa bằng việc sống giới răn yêu thương và thực thi công bình bác ái theo gương và lời Chúa Giêsu dạy.

-Nước Thiên Chúa giống như hạt cải: Các tín hữu chúng ta cần góp phần vào sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa bằng việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày, năng cầu nguyện và thực hành bác ái phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ Chúa đang hiện thân trong những người đau khổ bệnh tật và bị bỏ rơi... Những hạt giống nhỏ bé là các việc lành ấy sẽ góp phần làm tăng trưởng Hội thánh ngày một lớn mạnh theo thánh ý Chúa.

Như những hạt cải nhỏ bé, phải biết tự hủy mới mọc thành cây và lớn lên, các tín hữu cũng phải tập chết đi cho các ý riêng ích kỷ và tự mãn, cho các đam mê nhục dục thấp hèn, cho các thói hư tật xấu của mình… Mỗi khi gặp sự chống đối hay thất bại, thay vì nản lòng thóai lui, chúng ta cần xác tín rằng: Nếu chúng ta biết sống khiêm tốn nhỏ bé, âm thầm cầu nguyện và can đảm dấn thân kèm theo sự tín thác cậy trông vào ơn Chúa giúp… chắc chắn việc tông đồ của chúng ta sẽ đạt kết quả đúng theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

4.THẢO LUẬN: 1)Muốn đưa được nhiều người về làm con Chúa trong Hội thánh, ngay từ bây giờ các tín hữu chúng ta cần phải làm gì? 2) Khi làm việc tông đồ mà gặp trở lực chống đối hay thất bại, chúng ta cần làm gì theo gương Chúa Giêsu?

5.LỜI CẦU:

Lạy Chúa Cha Tòan Năng. xin cho chúng con biết tin tưởng và phó thác vào quyền năng yêu thương và quan phòng của Cha trong công cuộc tông đồ. dù chúng con chỉ làm được các việc nhỏ bé tầm thường, nhưng chúng con tin rằng: Chính Chúa sẽ làm cho các việc nhỏ bé tầm thường ấy phát sinh hiệu quả lớn lao cho Hội Thánh. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết kiên trì gieo Lời Chúa khi tiếp súc vối tha nhân dù có gặp thuận lợi hay không thuận lợi, vì tin vào quyền năng và tình thương của Chúa sẽ hòan tất những gì còn thiếu sót, như lời thánh Phaolô: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6).
 
Lúa trĩu bông
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:56 13/06/2012
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN, năm B
Mc 4, 26-34

Chúa Giêsu trong ba năm đi giảng dạy, Ngài thường dùng những dụ ngôn, những sự việc thực tế diễn ra xung quanh, xẩy ra trước mắt để dạy dỗ dân chúng. Hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, đó cũng là hai dụ ngôn về hạt giống. Chúa đã trồng hạt giống Nước Trời trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta phải vun xới, dưỡng nuôi hạt giống ấy với tâm hồn đạo đức, với lòng trung tín và nhẫn nại.

Bài Tin Mừng của thánh Máccô cho chúng ta thấy sự lạc quan, hai dụ ngôn nói về hạt giống. Dụ ngôn thứ nhất thuật lại chuyện một người nông dân gieo trồng hạt giống.Một số hạt rơi vào đất tốt.Một số hạt rơi vào đất xấu. Nhưng, hạt giống chị nẩy sinh tươi tốt khi nó rơi vào đất tốt. Còn dụ ngôn thứ hai cho hay rằng hạt giống phát triển, lớn lên mau lẹ trong đất mà người nông dân không hề hay biết. Đó là mầu nhiệm, là phép lạ đối với người nông dân này. Dụ ngôn thứ ba diễn tả hình ảnh thật tương phản giữa hạt giống bé tí teo và cái cây to, khỏe, lớn xinh đẹp mọc lên từ hạt giống bé này. Thực tế, cả ba dụ ngôn đều nói về mầu nhiệm Nước Chúa. Dụ ngôn thứ nhất mạc khải cho biết Nước Thiên Chúa chỉ triển nở và lớn lên trong những tâm hồn thành tâm thiện chí, trong những tâm hồn thánh thiện, đạo đức. Dụ ngôn thứ hai cho thấy Nước Chúa tăng trưởng trong tâm hồn mỗi người chúng ta cách mầu nhiệm lạ lùng, huyền nhiệm chúng ta không hề hay biết. Dụ ngôn thứ ba mạc khải cho chúng ta hay tuy hạt giống trong hồn chúng ta bé nhỏ nhưng rồi sẽ phát triển, tăng trưởng trong tâm hồn chúng ta thành một thực tại hoàn hảo, lạ lùng.

Ba dụ ngôn của thánh Máccô cho chúng ta xác tín mạnh mẽ về mầu nhiệm Nước Trời. Hạt giống âm thầm mọc lên trong tâm hồn chúng ta và như thế khi chúng ta tín thác vào Chúa, Ngài đã gieo trồng hạt giống trong ta, Ngài thấu hiểu những gì đang xẩy ra trong tâm hồn chúng ta dù chúng ta không hề nhận biết. Thứ đến, mỗi người chúng ta phải kiên trì, nhẫn nại bởi vì có khi chúng ta chẳng thấy hạt giống tăng trưởng gì nghĩa là chúng ta chẳng thấy mình đạo đức, thánh thiện gì hơn trước nhưng chúng ta đừng nản, đừng thất vọng. Chúng ta cứ kiên trì vun xới hạt trong tâm hồn chúng ta bằng việc hy sinh, hãm mình, cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích.

Chúng ta luôn phải tín trung và phó thác. Ông bà, Cha mẹ của chúng ta là những mẫu gương tuyệt vời giúp chúng ta noi gương bắt chước vv…Chính thái độ tín trung, kiên nhẫn phó thác trong tin yêu vào Chúa là sức mạnh, là niềm vui và là động lực giúp chúng ta nhận được ơn của Chúa, và giúp chúng ta thành công trong đời sống làm con Chúa.

Vâng, cuộc hành trình đi về Nước Trời, là cuộc lữ hành đức tin thật tuyệt vời, mạnh mẽ và sâu xa, chính đức tin giúp chúng ta nhận ra Nước Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, đang hiện diện giữa nhân loại này. Thái độ tín trung chờ đợi luôn luôn là thái độ chúng ta phải có bởi vì hạt giống nào cũng phải đòi hỏi được vùi sâu trong lòng đất. Hạt giống nào cũng đòi hỏi phải được gieo vào thửa đất tốt mới nẩy sinh bông trái tốt đẹp. Hạt giống cũng như con người phải đương đầu với những khó khăn, thử thách như thổ nhưỡng, phân bón, gió, bão vv…Do đó, chúng ta luôn phải vững bền để sống niềm tin : Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ và giang cánh tay đón chờ chúng ta…Nước Thiên Chúa luôn luôn thành tựu giữa thế gian có thuận nhưng cũng đầy nghịch cảnh. Đừng nản lòng, đừng nhụt chí, hãy luôn kiên nhẫn, phó thách, đợi chờ.

Sứ điệp các Bài đọc và Tin Mừng hôm nay nhắm tới : Chúng ta đã lãnh nhận Bí tích rửa tội. Chúa đã gieo trong tâm hồn chúng ta hạt giống Nước Trời, chúng ta phải nuôi dưỡng vun trồng nó bằng cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các Bí tích đặc biệt là Bí tích giao hòa và siêng năng, sốt sắng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Như thế, hạt lúa, hạt giống sẽ mọc lên và trĩu trái.

Ca nhập lễ, lễ Chúa nhật sáng nay viết :” Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu Chúa. Chính Ngài là Đấng phù trợ con, xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, Lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con “ ( Tv 26, 7.9 ).

Và ca hiệp lễ lại viết :” Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi. Mọi ngày trong suốt cuộc đời “ ( Tv 26, 4 ).

Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông, xin nghe lời chúng con cầu khẩn: loài người chúng con, thân phận yếu hèn, không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ; xin Chúa hằng tuôn đổ hồng ân, giúp chúng con giữ huấn lệnh Chúa truyền, để chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích ( Lời nguyện nhập lễ ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Ông bà anh chị hiểu gì về ba dụ ngôn của thánh Máccô hôm nay ?
2.Hạt giống tượng trưng cho gì ?
3.Tâm hồn của chúng ta giống cái gì ?
4.Chúng ta phải có thái độ nào khi tìm Nước Chúa ?
5.Nước Thiên Chúa có thành tựu giữa thế gian không ? Tại sao ?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:07 13/06/2012
BIỆT HIỆU CỦA SÚC SINH
N2T

Có một người mượn ngựa nên viết một tờ giấy giao kèo, trên tờ giấy viết: “Tại hạ có việc phải đi xa xin mượn một con tuấn túc của túc hạ”.
Chủ nhân đọc xong, bèn hỏi:
- “Tuấn túc là con gì ?”
Anh ta trả lời:
- “Là con ngựa”.
Chủ nhân chợt hiểu ra nói:
- “Té ra loài súc sinh cũng có biệt hiệu !”

Suy tư:
Biệt hiệu là tên riêng để dành cho những người hoạt động bí mật như các điệp viên, thám tử; biệt hiệu cũng dành cho những nhà văn, những người viết báo làm thơ; biệt hiệu cũng dành cho những người bạn bè nối khố đặt cho nhau cách thân thương. Như thế, biệt hiệu thì cũng chẳng có gì là lạ cả.
Người Ki-tô hữu cũng có một tên riêng của mình, cái lạ là tên riêng của họ khác với những biệt hiệu của các thám tử hay nhà văn hoặc tên mà bạn bè nối khố đặt cho họ. Biệt hiệu của người Ki-tô hữu là tên của một vị thánh nhân mà người Ki-tô hữu gọi là tên thánh, mà cuộc sống của vị thánh ấy rất nổi bật khi còn sống đáng để mọi người noi theo bắt chước, cho nên không lạ gì đa số những người Ki-tô hữu đều có một cuộc sống và một lý tưởng mà người đời không hiểu được, lý tưởng đó được bắt nguồn từ Đức Chúa Giê-su và các thánh nam nữ đã họa lại trong cuộc sống của mình, và giờ đây được tiếp tục qua người Ki-tô hữu khi họ mang tên thánh của vị thánh của họ.
Biệt hiệu của điệp viên thám tử hoặc nhà văn nhà thơ hoặc của loài súc sinh, thì cũng là để cho tổ chức hoặc chủ nhân gọi mà thôi. Nhưng tên thánh của người Ki-tô hữu thì sẽ được gọi ở đời này khi họ còn sống và cả sau khi họ từ giả đời tạm này thì cũng được Giáo Hội nhớ đến tên thánh của họ trong khi cầu nguyện.
---------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://blog.yahoo.com/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:11 13/06/2012
N2T

13. Nguyện xin thánh ý của Thiên Chúa thực hiên trên con người của chúng ta.

(Thánh Don Bosco)
 
Lễ Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:16 13/06/2012
LỄ THÁNH TÂM ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

Tin Mừng: Mc 19, 31-37.

“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Đức Chúa Ki-tô. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”.


Anh chị em thân mến,

Người ta nói rằng tình yêu xuất phát từ con tim, con tim bằng thịt được nuôi dưỡng bởi giòng máu đỏ tinh tuyền, nhưng thật ra quả tim chẳng ăn nhằm gì đến tình yêu cả, nó chỉ là một quả tim đập bình bịch để máu lưu thông nuôi sống thân thể mà thôi. Nhưng ý nghĩa của quả tim là chuyển máu lưu thông khắp thân thể để nuôi sống thân xác con người.

Đức Chúa Giê-su đã cho bà thánh Ma-ga-ri-ta Ma-ri-a nhìn thấy quả tim đang cháy rực lửa của Ngài, và nói: “Trái tim Ta yêu thương loài người quá đổi...” Nghĩa là quả tim của Đức Chúa Giê-su vì yêu thương sự sống linh hồn của nhân loại, nên đã tự nguyện để cho ngôn lữa yêu thương đốt cháy, tự nguyện hy sinh để sự sống thần linh của Thiên Chúa tuôn trào trong mỗi con người, để họ được sự sống đời đời.

“Tâm” là tim, và tâm cũng là tâm hồn, tâm hồn của Đức Chúa Giê-su yêu thương loài người quá đổi, đến nỗi trái tim cháy hừng hực lửa yêu mến, nghĩa là không có tình yêu nào sánh bằng tình yêu của Ngài dành cho nhân loại chúng ta: xuống thế làm người, chịu chết trên thập giá và sống lại vinh hiển để trở nên vua cả trời đất, và cuối cùng đã trở nên lương thực hằng sống nuôi sống linh hồn của chúng ta.

Tình yêu này được thể hiện qua bí tích Thánh Thể, bí tích huyền nhiệm mà chính Đức Chúa Giê-su đã lấy máu thịt của mình trao ban cho chúng ta, để linh hồn chúng ta được sự sống đời đời, tình yêu hiến dâng trọn vẹn cho sự sống đời này và đời sau của Đức Chúa Giê-su dành cho nhân loại.

Tình yêu này cũng được thể hiện qua bí tích Hòa Giải, nơi mà Đức Chúa Giê-su vẫn hằng ngày lặn lội khắp nơi để tìm kiếm, chữa lành và đưa về những con chiên lạc là chúng ta, rồi dẫn chúng ta đến bàn tiệc thánh.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang ở trong tháng Sáu –tháng Thánh Tâm- chúng ta cũng đang hạnh phúc trong tình yêu của mình: tình yêu gia đình, tình yêu cha mẹ, tình yêu nam nữ, và bạn cảm nghiệm được tình yêu của chúng ta dành cho người yêu như thế nào, thì cũng cảm nghiệm Đức Chúa Giê-su cũng đang yêu chúng ta như thế và hơn thế nữa. Ngài khắc khoải đợi chờ chúng ta, Ngài đang rộn ràng chuẩn bị quà cho chúng ta, Ngài đang yêu thương chúng ta đến cùng, Ngài đang chuẩn bị tiệc mừng vì Ngài đã tìm được chúng ta –con chiên lạc- giữa cuộc đời ô trọc này.

Chúng ta hãy ghi nhớ điều này, là chỉ có Đức Chúa Giê-su mới yêu thương chúng ta hết mình, chỉ có trái tim của Đức Chúa Giê-su mới cháy rực lửa vì yêu mến chúng ta mà thôi.

Lạy Trái Tim cực thánh Đức Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con. Amen

---------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://blog.yahoo.com/nhantai

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dùng iPad để đọc Tin Mừng trong Thánh lễ được không?
Nguyễn Trọng Đa
06:39 13/06/2012
Dùng iPad để đọc Tin Mừng trong Thánh lễ được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi muốn biết liệu tinh thần của “Qui chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma” sẽ cho phép linh mục sử dụng iPad để đọc Tin Mừng được không? Nếu được, sau khi đọc xong, linh mục hôn iPad hay hôn Sách Tin Mừng? - H.A., Lashibi, Ghana

Đáp: Cho đến nay, Giáo Hội hoàn vũ chưa có tuyên bố chính thức nào về việc sử dụng các máy tính bảng điện tử trong phụng vụ. Ít nhất một Đức Hồng Y, khi cử hành thánh lễ trong nhà thờ chính tòa của ngài, đã công khai sử dụng một máy tính bảng thay cho sách lễ, nhưng điều này không tạo ra sự phê chuẩn chính thức. Ngược lại, một tuyên bố gần đây của Hội đồng Giám mục New Zealand nói rằng máy tính bảng không được sử dụng cho Thánh Lễ và các nghi lễ công khai khác.

Do đó những gì tôi nói không có chỗ đứng chính thức nào. Tôi tự giới hạn vào điều tôi xem có liên quan đến các nguyên tắc phụng vụ mà thôi.

Mặc dù tôi sử dụng một máy tính, tôi thừa nhận rằng tôi không ái mộ công nghệ và tự quản lý để tồn tại, mà không bị ràng buộc bởi điện thoại di động hay máy tính bảng.

Liên quan đến việc sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng, tôi không thấy bất kỳ khó khăn lớn nào cho linh mục hay bất cứ ai khác, trong việc sử dụng các thiết bị này để đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nhất là khi đi đường xa hoặc du lịch.

Đối với việc sử dụng một máy tính bảng để thay thế cho sách lễ, sách bài đọc và sách Tin Mừng trong Thánh Lễ, tôi sẽ do dự nhiều hơn.

Một mặt, người ta có thể lập luận rằng các sách phụng vụ, giống như bất kỳ cuốn sách nào khác, là một phương tiện lưu giữ và truyền tải thông tin. Trong ý nghĩa này, máy tính bảng thực hiện tốt chức năng tương tự như các trang sách in, nhưng với một số lợi thế gia tăng khác. Ví dụ, máy tính bảng có thể chứa tất cả các sách nghi lễ vào một chỗ, và nó cho phép chủ tế có thể chuyển đổi bản văn từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác khi cần thiết, và điều chỉnh kích cỡ chữ để đọc cách thoải mái nhất.

Mặt khác, có một nguyên tắc, vốn trong khi không cần thiết cho phụng vụ, là nên cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng các công cụ như vậy.

Giáo hội có truyền thống dành riêng các vật dụng được sử dụng trong phụng vụ cho các chức năng thiêng liêng mà thôi. Do đó, các vật dụng này thường được làm phép, để tách rời chúng ra khỏi tất cả các sự sử dụng khác. Người ta không được dùng chén thánh cho mục đích gia dụng; linh mục cũng không được lái xe xung quanh thị trấn trong bộ áo lễ. Lý do cho điều này là không phải sự phi thực tế của hành động, nhưng bởi vì các vật dụng thánh thiêng được dành riêng cho một thời gian, một địa điểm và một chức năng đặc biệt.

Tương tự như vậy, các cuốn sách được sử dụng trong việc cử hành phụng vụ thường được làm phép và chỉ dành cho việc sử dụng linh thiêng. Chúng cũng được in và bị ràng buộc trong một định dạng, vốn nhấn mạnh mục đích thánh thiêng của chúng.

Tuy nhiên, máy tính bảng, do bản chất của nó, có khả năng đa dụng. Có một cái gì đó phi lý trong việc sử dụng một máy tính bảng như là một sách lễ hoặc sách bài đọc, và ngay sau đó nó được sử dụng nó để trả lời điện thư, lướt web, hoặc tải về máy một bộ phim.

Sách Tin Mừng là một trường hợp, mà trong đó tôi tin rằng các qui tắc hiện hành áp dụng cho vấn đề của chúng ta. “Qui chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma”, số 120D, xác định rằng chỉ có sách Tin Mừng, chứ không phải sách bài đọc, có thể được rước đi trong cuộc rước đầu lễ, đặt trên bàn thờ. Sự phân biệt này chắc chắn có nhắm tới máy tính bảng đa dụng, do đó tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng các qui tắc ấy đã loại trừ việc rước máy tính bảng, đặt nó trên bàn thờ, và xông hương cho nó.

Có thể suy đoán rằng sau này ai đó có thể phát triển một máy tính bảng để sử dụng độc quyền cho phụng vụ, với một thiết kế thích hợp và không có các chương trình khác được cài đặt kèm theo. Lúc ấy, điều đó có thể làm thay đổi cuộc tranh luận về vấn đề này.

Cho đến khi thời gian ấy xảy ra, tôi nghĩ rằng tốt nhất chúng ta nên tránh sử dụng các công cụ này, để duy trì sự nổi biệt thiêng liêng của phụng vụ khỏi sự buồn tẻ của các hoạt động thông thường.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi một linh mục đi du lịch, tự tìm thấy mình bị bắt buộc và không có sách lễ nào để sử dụng, tôi tin rằng linh mục ấy có thể sử dụng một máy tính bảng để cử hành Thánh Lễ. (Zenit.org 12-6-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Đại Hội Thánh Thể quốc tế tại Dublin
LM. Trần Đức Anh OP
07:00 13/06/2012
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các tín hữu hiệp ý với các tín hữu Công Giáo Ai Len và thế giới để cầu nguyện cho Đại Hội Thánh Thể quốc tế tại Dublin, Ailen.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương sáng 13-6-2012, ĐTC nói:

”Giờ đây tôi thân ái nghĩ đến và chào thăm chúc lành cho Giáo Hội tại Ai Len, nơi đang diễn ra, tại Dublin, Đại hội Thánh Thể quốc tế thứ 50, về đề tài ”Thánh Thể: hiệp thông với Chúa Kitô và giữa chúng ta”, trước sự hiện diện của ĐHY Marc Ouellet, Đặc Sứ của tôi. Nhiều GM, LM, những người thánh hiến và tín hữu giáo dân đến từ các đại lục khác nhau đang tham dự biến cố quan trọng này của Giáo Hội”.

”Đây là một cơ hội quí giá để tái khẳng định chỗ đứng trung tâm của Thánh Thể trong đời sống của Giáo Hội. Chúa Giêsu, thực sự hiện diện trong Bí tích Bàn Thờ, qua hy tế yêu thương tột đỉnh trên Thánh Giá, hiến mình cho chúng ta, trở nên lương thực của chúng ta để đồng hóa chúng ta với Ngài, đưa chúng ta vào trong tình hiệp thông với Ngài. Qua sự hiệp thông này, tất cả chúng ta cũng được liên kết với nhau, trở nên một trong Chúa, và là chi thể của nhau”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Tôi muốn mời gọi anh chị em hiệp ý với các tín hữu Kitô tại Ai len và trên thế giới, cầu nguyện cho công việc của Đại hội, để Thánh Thể luôn luôn là con tim sinh động của cuộc sống toàn thể Giáo Hội”.
Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50 được khai mạc tại Dublin với thánh lễ ngoài trời sáng chúa nhật 10-6-2012 với sự tham dự của 12.500 tín hữu trong đó có hàng ngàn người đến từ hơn 120 quốc gia.

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam cũng có một phái đoàn 6 người tại Đại hội, do Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, GM Phú Cường, Chủ tịch Ủy ban GM Việt Nam về phụng tự, hướng dẫn. Ngoài ra có 1 LM Việt Nam thuộc Tu Hội Xuân Bích từ Nhật Bản, 2 nữ tu Đa Minh Việt Nam từ Houston, Texas.

Sáng thứ hai, 11-6-2012, lối 50 tín hữu Việt Nam đã tham dự thánh lễ tiếng Việt tại Nhà Dòng các Nữ tu Bác ái (Sisters of Charity) ở Donnybrook, do Đức Cha Phêrô Tứ chủ tế. Trong số các tham dự viên có một số lớn thuộc Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở Ailen.

Đại hội Thánh Thể sẽ kết thúc vào chúa nhật 17-6-2012 với Thánh Lễ trọng thể do ĐHY Đặc Sứ Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, chủ tế. ĐTC sẽ gửi sứ điệp truyền hình cho các tham dự viên và trong dịp này, địa điểm cử hành Đại hội Thánh Thể quốc tế thứ 51 vào năm 2016 sẽ được loan báo (SD 13-6-2012)
 
Vatican quyết định kiểm xoát các "tên miền - doamain name" trang Web toàn cầu mang phụ chú 'catholic'
Bùi Hữu Thư
08:10 13/06/2012
VATICAN (CNS) -- Vatican đang tìm cách kiểm xoát các điạ danh (domain) của các mạng lưới toàn cầu mang phụ chú (extension) 'catholic' và xác định những ai được phép dùng phụ chú này.



Công Ty Chỉ Định các Tên và Số Hiệu (The Internet Corporation for Assigned Names and Numbers), một tổ chức vô vị lợi phụ trách việc phối trí việc chỉ định các điạ danh và điện chỉ cho các mạng lưới trên toàn cầu (Internet domain names and addresses), tuyên bố là Vatican đã chính thức ghi danh cho việc này ngày 13 tháng 6 tại Luân Đôn.

Công ty này kiểm xoát một sự bành trướng vĩ đại về con số các phụ chú cho mạng lưới ngoài các phụ chú thông thường là: ".com", ".org", ".edu" và ".gov". Các phụ chú này được coi chính thức là các địa danh có đẳng cấp cao nhất. Việc chỉ định các điạ danh cao cấp cho các quốc gia, như điạ danh riêng cho Vatican ".va", Pháp ".fr", Canada ".ca" sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.

Đức Ông Paul Tighe, thư ký của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội nói với hãng thông tấn Catholic News Service là việc Vatican ghi danh kiểm xoát việc sử dụng điạ danh cao cấp nhất ".catholic" là một sự ghi nhận về tầm quan trọng của không gian số học (digital space) đối với giáo hội.

Kiểm xoát các điạ danh đẳng cấp cao nhất "sẽ là một phương cách để minh chứng sự hiện diện của Công Giáo trên mạng." Đức Ông Tighe nói: Vatican dự trù cho phép "các cơ quan và cộng đồng đã được Tòa Thánh công nhận" được dùng phụ chú này, để cho những ai vào mạng dù là Công Giáo hay không Công Giáo cũng sẽ nhận biết mạng lưới nào chính thức là Công Giáo."

Vatican không dự trù cho các cá nhân dùng 'blog' hay các cơ quan Công Giáo tư nhân sử dụng phụ chú ".catholic," Đức Ông Tighe nói: Việc sử dụng điạ danh này sẽ chỉ giới hạn cho những tổ chức đã có sự công nhận chính thức của Tòa Thánh: giáo phận, giáo xứ và các cơ quan của giáo hội khác; các dòng tu, các cộng đồng đã được Tòa Thánh công nhận; và các trường Công Giáo và Bệnh Viện Công Giáo.

Vatican đa ghi danh bốn lần riêng rẽ cho các điạ danh mới, để tìm cách kiểm xoát điạ danh ".catholic" và các phụ chú tương tự bằng các ngôn ngữ khác dùng mẫu tự La-tinh, cũng như các từ tương đương với "Catholic" theo các mẫu tự chữ Phạn, Ả Rập và Trung Hoa.

Đức Ông Tighe nói: lệ phí ghi danh $185,000, "là một số tiền lớn, nhưng nếu chúng ta nghĩ số tiền này giúp cho việc duy trì một cấu trúc của Giáo Hội," và nhận thấy cấu trúc của sự hiện diện của Công Giáo trên mạng lưới toàn cầu rất quan trọng thì đây là một sự đầu tư tốt đẹp.

Kiểm xoát điạ danh này sẽ cổ võ cho "một sự hiện diện rõ ràng và có tổ chức" của Giáo Hội trên mạng, "để cho cấu trúc được công nhận của Giáo Hội được phản ảnh trên không gian số học."

Công ty Chỉ Định các Tên và Số Hiệu đã thiết lập một thể thức để giải quyết các tranh chấp về việc sử dụng cùng một điạ danh hay một điạ danh tương tự, mặc dầu có thể có sự đấu giá một vài điạ danh. Công ty này nói trong số 1.930 vụ đăng ký có tới 230 điạ danh với ít nhất là hai tổ chức đã ghi danh, tổng cộng lên tới 751 vụ."

Công ty cho hay không có tổ chức nào khác ngoài Vatican đòi sử dụng phụ chú ".catholic".

Khi công ty này bắt đầu thu nhận các đơn ghi danh xin các phụ chú mới, có khoảng 24 điạ danh cao cấp đã được chấp thuận trong số đó có ".info" được thêm vào năm 2000, và ".travel", được thêm vào năm 2004.

Việc gia tăng con số các địa danh cao cấp sẽ lớn lao nhất trong lịch sử mạng lưới toàn cầu, và chắc chắn sẽ bao gồm tên của các công ty lớn cũng như các đô thị và các sở thích bình dân: chẳng hạn ".nyc", ".london", và ".music" sẽ có tên trong số các điạ danh mới.
 
Thánh lễ truyền chức linh mục tại Nhà thờ Đức Bà Paris
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:29 13/06/2012
ROMA, (Zenit.org) – Mười hai thầy phó tế sẽ được ĐứcHồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris truyền chức linh mục vào lúc 9giờ 30 phút, Thứ Bảy, ngày 30 tháng Sáu 2012 tới đây, tại Nhà thờ Đức Bà Paris.

« Các ứng viên linh mục có tuổi đời từ 28 đến 47,xuất thân từ các gia đình rất khác nhau, đã theo học các chuyên khoa, và mộtvài người đã có nghề nghiệp ổn định trước khi vào chủng viện », một thôngcáo của giáo phận cho biết và nói tiếp rằng « việc truyền chức linh mụcphải hội đủ 7 năm tu học tại đại chủng viện Paris, hay Bruxelles (Bỉ). Trongthời gian đó, các chủng sinh đủ chín muồi trong quyết định dâng hiến đời mìnhcho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, kèm theo việc huấn luyện về nhân bản,thiêng liêng và mục vụ ».

Mười hai phó tế nêu trên có tên là Emmanuel Tois,Louis Bardon, Jérémy Rigaux, Tanneguy Viellard, Arnaud Mougin, Édouard Senghor,Paul-Marie de Brunhoff, Grégoire Meunier, Nicodème Ferré, Etienne Masquelier,Nicolas Potteau và Laurent Gatinois.

Mười trong số đó được truyền chức cho giáo phận Paris, và hai người còn lại chohội dòng. Thầy Nicolas Potteau thuộc dòng Mẹ Về Trời, và thầy Laurent Gatinoisthuộc Hội Thừa Sai Paris.

Thánh Lễ truyền chức sẽ được cử hành trọng thể tại Nhàthờ Đức Bà Paris và rộng mở đối với mọi người. Khu vực tiền sảnh sẽ được ban tổchức bố trí 2000 chỗ ngồi với màn hình lớn. Phần đầu thánh lễ sẽ diễn ra tạitiền sảnh và phần tiếp theo sẽ được cử hành bên trong Nhà Thờ Đức Bà Paris. Dựkiến có gần 600 linh mục đồng tế.

Vào tối hôm trước, Thứ Sáu ngày 29 tháng Sáu, lúc20h30 sẽ có buổi canh thức để cầu nguyện cách riêng cho ơn gọi linh mục do ĐứcHồng Y André Vingt -Trois chủ sự. Cũng có một số linh mục đến để làm chứng tá chocuộc đời sứ vụ của mình trước cộng đoàn Dân Chúa.
 
ĐTC: ''Thể thao là một trường học để giáo dục ý thức tôn trọng người khác''
Đồng Nhân
10:39 13/06/2012
VATICAN - Đức Giáo Hoàng nói về giải vô địch túc cầu châu Âu: "Thể thao là một trường học để giáo dục ý thức tôn trọng người khác"

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi đến Đức Tổng Giám Mục Jozef Michalik, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, nhân dịp giải vô địch túc cầu tại Ba Lan và Ucraine khai diễn từ 8-6 đến 1-7.

Đức Thánh Cha cho biết Giáo Hội không dửng dưng trước biến cố thể thao này, đặc biệt là Giáo Hội quan tâm đến các nhu cầu tinh thần của những người tham dự. Ngài cũng nhắc lại giáo huấn của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 về tầm quan trọng của thể thao như phương thế để phát triển toàn diện con người và là nhân tố rất hữu ích để xây dựng một xã hội nhân bản hơn. Ý nghĩa tình huynh đệ, lòng can đảm, lương thiện và tôn trọng thân xác, là những đức tính không thể thiếu được đối với mỗi vận động viên tốt, chúng góp phần vào việc xây dựng một xã hội dân sự trong đó ta ưa chuộng sự gặp gỡ hơn là sự đối đầu, sự đối chiếu chân thành hơn là sự đối nghịch. Hiểu như thế, thể thao không phải là mục đích nhưng là phương tiện, nó có thể trở thành phương thế truyền đạt văn minh, giải trí chân thực, kích thích con người khai triển những gì là tốt đẹp nhất nơi mình”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhận định rằng các loại thể thao có tính đồng đội, như túc cầu, là một trường quan trọng để dạy về ý nghĩa sự tôn trọng tha nhân, kể cả đối thủ thể thao, dạy về tinh thần hy sinh bản thân để nhắm tới thiện ích của toàn đội, đề cao năng khiếu của mỗi phần tử họp thành đội, tóm lại là vượt lên trên xu hướng cá nhân chủ nghĩa và tính ích kỷ thường thấy trong quan hệ giữa con người với nhau, để dành cho cho tình huynh đệ và tình thương là những yếu tố duy nhất có thể thăng tiến công ích chân thực ở mọi cấp độ”
 
ĐTC: Lời cầu nguyện là hơi thở của linh hồn và ốc đảo hòa bình
Linh Tiến Khải
11:16 13/06/2012
Lời cầu nguyện không chỉ là hơi thở của linh hồn, nhưng cũng còn là ốc đảo hòa bình, nơi chúng ta có thể kín múc nước dưỡng nuôi cuộc sống thiêng liêng và biến đổi sự hiện hữu của chúng ta. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 13-6-2012 trong đại thính đường Phaolo VI.

Mở đầu bài huấn dụ về đề tài lời cầu nguyện trong các thư của thánh Phaolô, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, cuộc gặp gỡ hàng ngày với Chúa và việc lãnh các Bí Tích cho phép rộng mở tâm trí chúng ta cho sự hiện diện, các lời nói và hành động của Chúa. Lời cầu nguyện không chỉ là hơi thở của linh hồn, nhưng để dùng một hình ảnh, nó cũng còn là ốc đảo hòa bình, nơi chúng ta có thể kín múc nước dưỡng nuôi cuộc sống thiêng liêng và biến đổi sự hiện hữu của chúng ta. Và Thiên Chúa lôi kéo chúng ta tới với Người và làm cho chúng ta leo lên núi của sự thánh thiện, để cho chúng ta luôn luôn gần gũi Người hơn, bằng cách cống hiến cho chúng ta các ánh sáng và ủi an trên đường đời. Đây đã là kinh nghiệm sống mà thánh Phaolô kể lại trong chương 12 thư thứ II gửi tín hữu Côrintô. Trước những người phản đối sự hợp pháp trong công tác tông đồ của người thánh nhân không kể tên các cộng đoàn người đã thành lập, hay các cây số người đã rong ruổi, cũng không hạn hẹp trong viêc nhắc lại các khó khăn và các chống đối người đã phải đương đầu để loan báo Tin Mừng, nhưng chỉ cho thấy tương quan của Người với Chúa, một tương quan mạnh mẽ đến mang cả đặc thái của những lúc xuất thần, chiêm ngưỡng sâu xa nữa (x. 2 Cr 12,1). Như thế thánh Phaolô không khoe khoang những điều người đã làm, sức mạnh, các hoạt động và thành công của mình, mà khoe khoang hành động, mà Thiên Chúa đã làm nơi thánh nhân và qua thánh nhân.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: thật vậy, với sự e thẹn lớn thánh Phaolô kể lại kinh nghiệm mà loài người không thể kể lại được: đó là lúc người được sống kinh nghiệm xuất thần, được đưa lên tầng trời thứ ba, bị bắt cóc vào ”vườn” của Thiên Chúa trên thiên đàng. Thánh nhân không nhớ các nội dung của sự mạc khải, nhưng nhớ ngày tháng và các khung cảnh trong đó Chúa đã nắm bắt lấy thánh nhân một cách hoàn toàn, kéo thánh nhân đến với Chúa như đã làm trên đường đến thành Damasco, khi thánh nhân được ơn hoán cải (x. Pl 3,12).

Thánh Phaolô cho biết để không kiêu ngạo về sự cao cả của các mạc khải nhận lãnh, người mang trong mình ”một cái gai” (2 Cr 12,7), một nỗi khổ đau và người khẩn nài Chúa Phục Sinh giải thoát người khỏi cái gai đau đớn trong xác thịt, khỏi tên được Kẻ Dữ sai đến ấy. Ba lần thánh nhân đã xin Chúa cho thử thách đó xa mình, nhưng chính trong tình trạng này, khi chiêm ngưỡng sâu xa Thiên Chúa, trong đó thánh nhân nghe được ”những lời không thể nói được và không được phép nói” (c. 4), thì người nhận được câu trả lời rõ ràng của Chúa Phục Sinh: ”Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ tràn đầy trong sự yếu đuối” (c. 9).

Thánh Phaolô đã hiểu là tông đồ của Tin Mừng có nghĩa là gì, vì thế người mới kêu lên: ”Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (9b-10). Nghĩa là thánh nhân không khoe khoang các hành động của mình, mà khoe khoang sinh hoạt của Chúa Kitô hành động trong sự yếu đuối của thánh nhân... Thái độ khiêm tốn và tin tưởng sâu xa ấy trước sự biểu lộ của Thiên Chúa cũng là nền tảng đối với lời cầu nguyện và cuộc sống của chúng ta, đối với tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với các yếu đuối của chúng ta.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta không biết ”cái gai” mà thánh Phaolô nói đến là gì, nhưng thái độ của thánh nhân làm cho chúng ta hiểu rằng mọi khó khăn trong việc theo Chúa Kitô và làm chứng cho Tin Mừng có thể được thắng vượt, khi tin tưởng rộng mở cho hoạt động của Chúa. Thánh Phaolô ý thức được người là một ”đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10). - không phải người đã làm các điều trọng đại mà là Chúa - một ”chiếc bình bằng đất” (2 Cr 4,7), mà Chúa đặt để trong đó sự phong phú và quyền năng Thánh Sủng của Ngài. Đề cập tới thái độ của thánh nhân biết sống mọi biến cố, nhất là sự khổ đau, khó khăn và bách hại như thế nào, Đức Thánh Cha nói:

Trong lúc sống kinh nghiệm sự yếu đuối của mình, thì quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ. Thiên Chúa không bỏ rơi, không để một mình, nhưng trở thành sự đỡ nâng và sức mạnh... Điều này cũng đúng đối với chúng ta. Chúa không giải thoát chúng ta khỏi các sự dữ, nhưng trợ giúp chúng ta trưởng thành trong các khổ đau, trong các khốn khó, trong các bách hại. Như thế đức tin nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta ở trong Thiên Chúa, ”cả khi con người bên ngoài của chúng ta có suy sụp, vì có biết bao nhiêu khó khăn, nhưng con người bên trong, trái lại, được canh tân, trưởng thành từng ngày chính trong thử thách” (c.16). Thánh tông đồ thông báo cho tín hữu Côrintô và chúng ta rằng ”gánh nặng mau qua nhẹ nhàng của khốn khó đem lại cho chúng ta biết bao nhiêu vinh quang. Thật thế, một cách nhân loại mà nói gánh nặng của các khó khăn không nhẹ nhưng vô cùng nặng nề; nhưng đối với tình yêu của Thiên Chúa, đối với sự cao cả được Chúa yêu, thì nó nhẹ nhàng, vì biết bao vinh quang được hưởng. Như thế, trong mức độ sự kết hiệp của chúng ta với Chúa gia tăng và lời cầu mạnh mẽ của chúng ta cũng đi vào điều nòng cốt và hiểu rằng không phải sức mạnh của các phương tiện, các nhân đức, các khả năng của chúng ta thực hiện Nước Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa làm những điều kỳ diệu qua sự yếu đuối, qua sự không thích hợp với nhiệm vụ của chúng ta...

Chỉ đức tin, việc tín thác nơi hành động của Thiên Chúa, nơi lòng lành của Thiên Chúa là Đấng không bỏ rơi chúng ta, là bảo đảm để chúng ta không làm việc uổng công. Như thế, Thánh Sủng của Chúa đã là sức mạnh đồng hành với thánh Phaolô trong các mệt nhọc lớn lao của việc loan báo Tin Mừng, và con tim của thánh nhân đã đi vào con tim của Chúa Kitô, và có khả năng dẫn người khác đến với Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta.

Như vậy, trong lời cầu nguyện chúng ta mở rộng tâm hồn cho Chúa để Người đến ở trong sự yếu đuối của chúng ta và biến đổi nó thành sức mạnh cho Tin Mừng. Động từ hy lạp ”episkenoo” cắm lều, mà thánh Phaolô dùng để miêu tả việc Chúa ở trong sự yếu đuối của chúng ta, có ý nghĩa rất mạnh mẽ. Chúa tiếp tục cắm lều ở trong chúng ta, ở giữa chúng ta: đó là Mầu nhiệm của sự Nhập Thể.

Đề cập tới kinh nghiệm chiêm ngưỡng Thiên Chúa của thánh Phaolô cũng như của ba môn đệ trên núi Tabor Đức Thánh Cha nói:

Chiêm ngưỡng Chúa vừa hấp dẫn vừa kinh khủng: hấp dẫn bởi vì Chúa lôi kéo chúng ta đến với Ngài, và bắt cóc con tim của chúng ta lên cao, đem nó tới nơi cao, nơi chúng ta kinh nghiệm sự bình an và vẻ đẹp của tình yêu; nhưng kinh khủng vì nó phơi trần sự yếu đuối nhân loại và sự không thích hợp của chúng ta, cái khó khăn chiến thắng Kẻ Dữ quấy phá cuộc sống chúng ta, cái gai cắm vào thịt xác chúng ta. Nhưng trong việc chiêm ngưỡng Chúa hằng ngày chúng ta nhận đựơc sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa và cảm nghiệm được lời thánh Phaolô nói với tín hữu giáo đoàn Roma: ”Tôi tin chắc rằng cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lái, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Trong một thế giới trong đó chúng ta có nguy cơ chỉ tin tưởng nơi sự hữu hiệu và sức mạnh của các phương thế nhân loại, trong thế giới này chúng ta được mời gọi tái khám phá ra và làm chứng cho quyền năng của Thiên Chúa được thông chuyền qua lời cầu nguyện; với nó chúng ta lớn lên mỗi ngày trong việc biến cuộc sống chúng ta đồng hình dạng với cuộc sống của Chúa Kitô...

Trong thế kỷ trước ông Albert Schweitzer, giải Nobel Hòa Bình, đã khẳng định rằng: ”Thánh Phaolô là một nhà thần bí và không gì khác hơn là một nhà thần bí”, nghĩa là một người si mê Chúa Kitô và kết hiệp với Chúa đến độ có thể nói rằng ”Chúa Kitô sống trong tôi”. Nhưng thánh Phaolô cũng là con người sống cuộc sống cụ thể mỗi ngày. Thần bí không làm cho thánh nhân xa rời thực tại, trái lại đã cho thánh nhân sức mạnh sống mỗi ngày cho Chúa Kitô và xây dựng Giáo Hội cho tới tận cùng của thế giới thời gian. Sự kết hiệp với Thiên Chúa không làm cho xa thế giới, nhưng trao ban cho chúng ta sức mạnh thực sự ở trong thế giới, và làm tất cả những gì phải làm cho thế giới.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Tchèques, Slovac và Ý. Đức Thánh Cha đặc biệt chào một nhóm linh mục Slovac mừng Ngân Khánh chịu chức. Ngài cũng chào một nhóm Linh Mục thuộc giáo phận Treviso và Tortona mừng 40 năm chịu chức. Đức Thánh Cha cầu chúc các vị được nhiều ơn thánh Chúa để trung thành với những cam kết ngày thụ phong.

Chào các bạn trẻ Đức Thánh Cha nói nhiều bạn trẻ đã bắt đầu nghỉ hè, các người khác còn đang phải thi cử. Ngài xin Chúa giúp họ sống thời gian này trong sự thanh thản và được Chúa chở che. Đức Thánh Cha khích lệ các anh chị em đau yếu tin tưởng vì Thiên Chúa tiếp tục công trình cứu độ của Người nhờ các khổ đau của họ. Ngài cầu chúc các cặp vợ chồng mới cưới khám phá ra mầu nhiệm của Thiên Chúa Đấng ban ơn cứu rỗi cho mọi người, để tình yêu của họ luôn ngày càng đích thực, lâu bền và tiếp đón rộng mở hơn.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas Phan thiết và dự án nhà máy nước sạch tại Đami
Hồng Hương
09:35 13/06/2012
PHAN THIẾT - Sáng Chúa Nhật 03.06.2012, Ban Caritas Phan Thiết và thầy Trần Khắc Bá, đại diện cơ quan tài trợ là Dòng Tên – Grouppo India đã chính thức bàn giao công trình nhà máy nước uống tinh khiết cho linh mục Antôn Nguyễn Bá Thiện, đặc trách Giáo họ La Dày – Gp Phan Thiết. Đây là dự án giúp cho người dân nghèo vùng núi Đami đất bị nhiễm phèn có nước sạch để uống.

Xem hình ảnh

Tôn LaDày, Đakim 1 và Đakim 2 là những điểm xa xôi nhất nằm sâu trong núi thuộc xã Đami, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cách Thành Phố Phan Thiết khoảng 150 km về hướng Tây. Dân số tính cả 3 thôn khoảng 3000 người. Chỉ một ít hộ gia đình nằm tập trung trên đường trục chính, còn hầu hết nằm cách xa nhau trên đưới các ngọn đồi trợn dốc. Phương tiện đi lại chủ yếu xe gắn máy, xe đạp và đi bộ. Đường sá gập ghềnh, núi rừng hiểm trở. Cả vùng Đami không có Bệnh Viện, chỉ có 1 trạm Y Tế, nếu đau bệnh cấp cứu phải xuống bệnh viện Bảo Lộc cách đó khoảng 50 km đi mất 2-3 tiếng đồng hồ. Ở đây không có chợ chỉ có vài quán hàng bán những nhu yếu phẩm cần thiết. Dù nằm gần khu vực đập thủy điện Đa Mi nhưng mạng lưới điện và thông tin rất thiếu thốn. Mặt bằng dân trí thấp, tỉ lệ trẻ em bỏ học cao do không có phương tiện đi học. Tại thôn có trường Tiểu học, duy nhất cả khu vực chỉ có một Trường Trung Học Cơ Sở tại Đagury (cách xa 30 km đường đồi núi) nên các em phải ở nội trú. Học lên cấp III thì phải xuống thị trấn Ma Lâm hoặc Phan Thiết.

Một trong những lý do đặc biệt mà Caritas Phan Thiết qua nhiều lần khảo sát để quyết định lập dự án lắp đặt nhà máy nước uống tinh khiết phục vụ người dân ở đây là vì nguồn nước để uống và sinh hoạt chủ yếu sử dụng nước giếng, nhưng nước ở đây bị nhiễm phèn vôi nặng dẫn đến một số người dân có thâm niên lập nghiệp ở đây bị bệnh sỏi thận. Cùng với việc nhiễm phèn thì nguồn nước bị ô nhiễm nặng do việc lạm dụng các loại thuốc trừ sâu rầy, diệt cỏ. v.v. khi canh tác cây trồng.

Dự Án lắp đặt Nhà Máy Lọc Nước tại Ladày đã tiến hành rất thuận lợi. Vì đây là điều mà người dân khao khát từ lâu, nên khi bắt đầu tiến hành dự án, mọi người đã nhiệt tình ủng hộ, kẻ góp công, người góp của, tất cả cùng chung tay với Cha Thiện để xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề đào giếng gặp nhiều khó khăn, phải đào đến cái giếng thứ tư mới có nước. Giáo họ khởi công xây nhà đặt máy vào ngày 04.4.2012. Công ty TNHH Thiên Long Phát ráp máy và chạy thử từ ngày 25- 29.4.2012. Đến nay nhà máy đã đi vào hoạt động phục vụ cho bà con rất tốt với giá hỗ trợ 5.000đ/1thùng 20 lit.

Từ khi được cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Giám đốc Caritas Phan Thiết, thông báo lên kế hoạch dự án nhà máy nước, Cha Thiện và bà con lương - giáo trong vùng rất phấn khởi. Bởi với công trình nước tinh khiết, bà con ở đây không chỉ có được lợi ích về sức khỏe và kinh tế, nhưng nhất là họ cảm nhận niềm vui tinh thần khi được sự quan tâm của cộng đồng đối với người dân vùng núi hẻo lánh. Từ đây họ yên tâm vì có nguồn nước uống sạch, góp phần đảm bảo sức khoẻ giúp họ yên tâm lao động sản xuất. Niềm vui đã đến với La Dày, nhưng làm thế nào để có thể vận chuyển nước đến cho Đa Kim 1 và Đa Kim 2 đang là nỗi băn khoăn của cha đặc trách bởi với khoảng cách 7km đường núi dốc đá, bà con rất khó khăn để chở được một bình nước về cho gia đình. Một chiếc xe tải nhỏ để chuyên chở nước cho bà con là mong ước của cha bây giờ.

Đến thăm các gia đình người dân trong khu vực La Dày, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều sử dụng nước tinh khiết để uống. “An tâm về chất lượng và đảm bảo sức khỏe” là nhận xét của nhiều người sử dụng nước uống từ nhà máy này. Caritas Phan Thiết thay lời cho Cha Đặc Trách Giáo họ và toàn thể người dân tại Ladày và Đakim xin tri ân quý Cha, quý Thầy Dòng Tên – Grouppe India đã giúp cho người dân có được Nhà Máy Lọc Nước Uống rất giá trị. Mong rằng sẽ có nhiều người dân nghèo tiếp tục được nhận được sự giúp đỡ của Quý Vị trong những dự án nước sạch trong tương lai.
 
Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể GP Phan Thiết lần thứ XII
Hồng Hương
10:59 13/06/2012
PHAN THIẾT - Sáng ngày 13.6.2012, hơn 4000 bạn thiếu nhi trên khắp Giáo phận đã quy tụ về Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao tham dự Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Phan Thiết lần thứ XII. Đây là dịp để các bạn gặp gỡ, chia sẻ và cùng biểu lộ tinh thần hiệp thông với cộng đoàn hành hương về bên Mẹ Tàpao với chủ đề “Thiếu Nhi Thánh Thể đồng hành với Chúa Kitô”.

Xem hình ảnh



Tạm gác lại những bộn bề sách vở sau một năm học, về bên Mẹ Tàpao nơi đây, đoàn con 4000 Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) hòa mình trong bầu khí tưng bừng náo nhiệt với tất cả sự háo hức đại diện cho hơn 33.000 thiếu nhi trên toàn giáo phận Phan Thiết đang hướng về ngày Đại Hội hôm nay. Có những giáo xứ cách xa 200 km đã phải khởi hành lúc 1g sáng. Các huynh trưởng đã có mặt từ ngày hôm trước để chuẩn bị cho Đại Hội. Những bạn hiện diện nơi đây đều có những thành tích đáng ghi nhận trong việc học Giáo lý, học văn hoá và nhất là hạnh kiểm tốt. Năm nay, chí có 4 giáo hạt trong Giáo phận là Đức Tánh, Phan Thiết, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam về tham dự.



Sau phần giới thiệu làm quen và ổn định vị trí một cách nhanh chóng. Tất cả các cờ Liên đoàn, cờ các giáo xứ được rước về tập họp trước lễ đài. Trong bầu khí trang trọng, Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, quý cha đặc trách TNTT các giáo hạt, quý Trưởng trong ban nghiên huấn cùng với tất cả thiếu nhi tham dự nghi thức chào cờ. Linh mục FX. Nguyễn Quang Minh, Tổng tuyên uý Phong trào TNTT Giáo Phận chào mừng Đức Cha Giuse và tất cả mọi người hiện diện tham dự ngày họp mặt. Đức Cha Giuse trong lời khai mạc Đại Hội đã nói vắn gọn về chủ đề Đại Hội: “Thiếu Nhi Thánh Thể đồng hành với Chúa Kitô” nghĩa là gắn kết đời mình với Chúa Giêsu trong từng ngày sống của mình, trong việc học hành, trong mọi sinh hoạt để trở thành người con ngoan hiền, hiếu thảo của Chúa và mọi người.



Đức Cha cùng tham dự nghi thức khấn Đức Mẹ với Đại Hội và cộng đoàn hành hương. Cùng với những ý nguyện của cộng đoàn hành hương khắp mọi miền dâng lên Thiên Chúa và Đức Mẹ, mỗi bạn thiếu nhi cũng dâng lời tạ ơn và cầu xin theo ý riêng của mình. Tiếp ngay sau, lúc 7g là Thánh lễ trọng thể kính Trái Tim Đức Mẹ do Đức Cha Giuse chủ sự, cùng đồng tế có 30 linh mục trong ngoài giáo phận, đặc biệt là 17 Tân Linh Mục GP Phan Thiết (thụ phong ngày 24/5/2012).

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse nói về trách vụ của cha mẹ nhân bài Phúc Âm “Đức Mẹ tìm được Chúa Giêsu trong đền thánh” trong thánh lễ Trái Tim Đức Mẹ hôm nay và Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ 7 ở Milanô đã kết thúc trọng thể tại công viên Bresso. Đức Cha đúc kết trách vụ ấy thật cao cả nhưng cũng thật nặng nề ấy bằng mấy chữ “lo” tiêu biểu: Lo liệu chu toàn phận vụ đức tin; Lo lắng thực thi bổn phận gia đình; Và lo toan xây dựng tương lai cho con cái. Riêng với các em, Đức Cha nhắn nhủ rằng là thiếu nhi mang danh hiệu Thánh Thể thì phải năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong nhà tạm và nhất là việc tham dự thánh lễ nhất là trong những ngày hè này. Là TNTT thì phải trở nên con ngoan của Chúa và của mọi người được biểu hiện rõ nét qua sự thể hiện tình yêu thương với gia đình, bạn bè, những người xung quanh và những người đau khổ bất hạnh theo gương sống yêu thương của Chúa Giêsu.



Sau thánh lễ, các bạn nghỉ giải lao. Lúc 9g30, sau khi ổn định, cả Đại Hội sốt sắng tham dự giờ Chầu Thánh Thể, đỉnh cao của đời sống người TNTT. Đức Cha Giuse đã kiệu Thánh Thể đi một vòng từ bàn thờ đi theo hướng đường đi lên linh đài rồi xuống lại. Tất cả TNTT đều tham gia rước kiệu và trên miệng vang lời ngợi ca Chúa. Đức Cha dâng lời tạ ơn Chúa và dâng các dự tính, các nguyện ước và những lời hứa của từng bạn TNTT trong Giáo phận lên Chúa và xin Chúa chúc lành.

Đại hội Bế mạc với nghi thức hạ cờ và chia tay trong sự tiếc nuối của các bạn. Sau đó mỗi đoàn nhận phần ăn trưa theo sự sắp xếp của các huynh trưởng lên viếng Đức Mẹ trên linh đài và ra về.



Đại Hội năm nay kết thúc sớm để các xứ đoàn có thời gian sinh hoạt và cầu nguyện riêng với Đức Mẹ hơn. Cha Tổng Tuyên Úy Phong Trào TNTT Gp. Phan Thiết cho biết, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể trong GP Phan Thiết mới chính thức hoạt động từ năm 2000, nhưng đã có số lượng Thiếu Nhi và Huynh Trưởng khá đông. Với nhịp độ sinh họat theo qui chế của Phong trào khá đồng đều, từ cấp xứ đoàn (giáo xứ) đến liên đoàn (giáo hạt) và tổng liên đoàn (giáo phận). Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng phong trào này vẫn tồn tại và phát triển tốt đẹp cho đến hôm nay. Hiện Giáo phận có hơn 33.000 thiếu nhi Thánh Thể và khoảng 1600 huynh trưởng.
 
Thông Báo
Phân Ưu: Ông Phêrô Nguyễn văn Tiến qua đời tại Ohio
LM Trần Công Nghị
10:37 13/06/2012
PHÂN ƯU:
Trong niềm tin vào Chúa Phục Sinh


Ông Phêrô Nguyễn Văn Tiến
sinh ngày 3.10.1946 tại Phát Diệm
đã được Chúa gọi về lúc 3 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 9.6.2012
Hưởng thọ 66 tuổi.

Thánh Lễ An Táng sẽ được cử hành lúc 10 sáng Thứ Bảy, ngày 16.6.2012
tại Nhà thờ La Vang, Thành phố Cincinnati, Ohio.

Họ hàng nội ngoại xin chia buồn củng cô Tiến và các cháu.
và hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn Phêrô được Chúa ban phúc trường sinh
trên Thiên quốc.

Đại diện Gia Đình Nội Ngoại
 
Văn Hóa
Gia đình
Trầm Hương Thơ
08:59 13/06/2012
Gia đình chẳng thể theo thời
Gia đình không thể tách rời phân ly (Mt 19,6)
Gia đình đổ vỡ là chi?
Gia đình ích kỷ chỉ vì bản thân

Gia đình ơi, hãy dừng chân!
Gia đình nhìn lại kẻ gần bên ta
Gia đình là một mái nhà
Gia đình dột nát bởi là do ai?

Gia đình nhân loại hôm nay
Gia đình rạn nứt lung lay khắp cùng
Gia đình mất sự thủy chung
Gia đình đổ vỡ cỏ lùng khắp nơi. (Mt,13,24-30)

Gia đình từ thuở đời đời
Gia đình Chúa tạo từ Lời Tình Yêu
Gia đình tổ ấm sớm chiều
Gia đình chia sẻ mọi điều cho nhau

Gia đình có trước có sau
Gia đình hòa thuận đẹp màu lung linh
Gia đình hiệp nguyện hương kinh
Gia đình hạnh phúc đẹp xinh nhất đời

Gia đình như thế tuyệt vời!
Gia đình Giáo Hội gọi mời hôm nay
Gia đình gương sáng lôi bày
Gia đình hòa điệu đẹp thay! cho đời

Gia đình xưa Chúa trao lời
Gia đình nhân loại Chúa Trời tạo ra
Gia đình phải sống hài hòa
Gia đình kính Chúa thật là phúc vinh

GIA ĐÌNH HÒA THUẬN HỮU TÌNH
GIA ĐÌNH THƠM NGÁT HƯƠNG KINH CHO ĐỜI
GIA ĐÌNH THÁNH THIỆN TUYỆT VỜI
GIA ĐÌNH DIỄM PHÚC CHÚA TRỜI THƯỞNG BAN

Đại Hội Quốc Tế Gia Đình diễn ra tại Milano với sự tham dự của hơn một triệu người trong thánh lễ Bế Mạc tại công viên Bresso. Điểm đặc biệt mà Lan Vy muốn trình bày ngay ở đây với quý vị và anh chị em là hình ảnh một bé gái Việt Nam trong chiếc áo dài truyền thống đã đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha trong đêm Canh Thức tối Thứ Bẩy Mùng 2 tháng Sáu. Vâng kính thưa quý vị và anh chị em, bé Cát Tiên 7 tuổi, trong chiếc áo dài màu đỏ, đầu đội mấn, cầm bó hoa đến cắm trước ảnh Thánh Gia, và em tiến đến trước Đức Thánh Cha để chào ngài và nói:

“Con kính chào Đức Thánh Cha, con là Cát Tiên, con là người Việt Nam. Năm nay con 7 tuổi và con muốn giới thiệu gia đình con với Đức Giáo Hoàng: đó là ba con tên là Đang, và mẹ con tên là Thảo, và đó là em con tên là Bình. Con rất muốn biết về gia đình Đức Giáo Hoàng và thời niên thiếu của Cha.”

Vừa nói, bé Cát Tiên vừa chỉ ba em trong chiếc áo dài màu lam và mẹ em trong chiếc áo dài màu đỏ như cô dâu và bé Bình đứng gần đó.
 
Kính thánh Antôn thành Padua
Antôn Thanh Sơn
11:14 13/06/2012
Vào năm một một chín lăm
Gia đình quyền qúy tiếng tăm Nước Bồ
An Tôn sinh giữa thủ đô
Lớn lên đạo hạnh khôi ngô hơn người

Giàu sang vương giả xinh tươi
Bao bông hoa biết nói cười ngợi khen
Tài ba lắm đám làm quen
An Tôn chẳng muốn đua chen vương quyền

Âm thầm lời Chúa chuân chuyên
Nhập dòng tu đức giáo quền chuẩn ngay
Trong dòng ngày tháng ăn chay
Mặc toàn áo nhặm hằng ngày vải thô

Nhập dòng Augustinô
Quyết tâm nối bước Phao lô tông đồ.
Tấm gương khắc kỷ nhiệm tô
Chuyển dòng Thánh Phanxicô khó nghèo

Bước chân truyền giáo quyết theo
Phi Châu đầy những kẻ nghèo muốn sang
Bề trên chấp nhận sẵn sàng
Vừa sang bệnh nhập da vàng sốt cao

Ngày càng nguy hiểm xanh xao
Lệnh truyền về gấp Bồ Đào Nha ngay
Xuống thuyền giã biệt nơi này
Hồi hương nhắm hướng chim bay về nhà

Nào ngờ bảo nổi phong ba
Đưa thuyền sang thẳng Rô ma ý trời
Quan phòng của Chúa lạ đời
Nhà dòng giữ lại cho nguời nghỉ ngơi

Khiêm nhường tuyệt đối vâng lời
Ngài xin rửa chén đồng thời nấu ăn
chăm vườn gác cổng quanh năm
Một hôm gặp lúc khó khăn bấy giờ

Các thầy cũng qúa bất ngờ
Vì chưa sửa soạn bây giờ tính sao
Thánh Thần thúc đẩy thế nào
Bề trên bỗng chỉ ngay vào An Tôn

Thầy An Tôn tính ôn tồn
Xin nhờ thầy nói tâm hồn đơn sơ
Bề trên chỉ định bất ngờ
An tôn đâu thể làm ngơ được nào

Vâng lời thầy mở lời chào
Nói lời sâu sắc thấm vào tâm linh
Uyên thâm thần học chân tình
Hội trường chăm chú lặng thinh vui mừng

Nhà dòng sửng sốt chưa từng
Một nhà thông thái Tin Mừng ẩn tu
Quét nhà rửa bát khiêm nhu
Bất ngờ qúa sức mặc dù đã lâu

Bề trên từ đó yêu cầu
Thầy ngưng rửa bát bắt đầu hôm nay
Vâng lời nhận lãnh Bài Sai
Quanh vùng rao giảng công khai Tin Mừng

Nghe tin dân chúng không ngừng
Muôn người kéo đến vui mừng quanh năm
Tìếng đồn vang mãi xa xăm
Làm cho lạc giáo hận căm rối bời

Ngài không nao núng dùng lời
Tâm ngài cao thượng tuyệt vời bao dung
Nhiều bè lạc giáo về cùng
Phục quy trở lại cùng chung giúp đời

Siêng chầu Thánh Thể Ngôi Lời
Nhờ gương đạo đức tuyệt vời! nơi đây
Chúa ban Thần Khí tràn đầy
Những lời giảng thuyết ngất ngây muôn người

Bao người tuôn đến nghe lời
Phúc Âm Lời Chúa tuyệt vời dường bao
Người xin vào đạo ào ào
Khắp vùng tuôn đến ước ao nghe lời

Bề trên cử đến khắp nơi
Sai đâu ngài cũng vâng lời ra đi
Khó khăn chẳng nao núng gì
Pa-dua ngài đến thực thi rao truyền

Bao người nghe được lời khuyên
Lời ngài đầy những uy quyền Chúa Ban
Nhiều bè lạc giáo tiêu tan
Thánh Linh đem đến hân hoan cho đời

Tại đây Ngài đã nghỉ ngơi
Hồn ngài thanh thản về nơi an lành
Pa-đua từ đó nổi danh
Thánh An Tôn mãi ở thành Pa-đua

Mười ba tháng sáu xin thưa
Kính mừng Thánh Cả ban mưa ơn lành
Chúc mừng quan thầy qúy anh
Khôn ngoan đạo đức sáng danh như Ngài.

Antôn Pađua sinh năm 1195 tại Lisbonne thủ đô nước Bồ Ðào Nha, trong một gia đình quyền quý và đạo đức. Vốn được giáo dục theo tinh
thần Phúc Âm nên ngài sớm ý thức được việc dâng mình cho Chúa.

Ngài ước ao đi tu nhập dòng thánh Augustinô và được chịu chức linh mục tại đó và rất giỏi về tài giảng thuyết.
Cảm thấy lý tưởng sống khiêm tốn và khắc kỷ hợp với mình hơn và nhất là ngài ao ước được truyền giáo cho dân ngoại và được tử đạo, nên
ngài xin gia nhập dòng Phanxicô năm 1220.

Tại đây, ngài được Bề Trên sai đi truyền giáo cho dân Sarrasins ở Phi Châu, thể theo ý nguyện của ngài.
Nhưng ý Chúa quan phòng lại định liệu cách khác. Tới Phi Châu chưa được bao lâu, ngài ngã bệnh nặng và phải trở về điều trị. Trên đường về
quê, tàu ngài bị bão táp phong ba dữ dội dạt vào đảo Sicile thuộc nước Ý và ngài ở lại nhà dòng tại Monte Paulo.

Tại đây Ngài sống rất khiêm hạ, siêng năng rửa bát, quyét nhà, làm vườn gác cổng và chuyên cần cầu nguyện.
Nhờ gương đạo đức và tài giảng thuyết vào một dịp bất ngờ, ngài được Bề Trên cử đi giảng khắp nơi và lo việc huấn luyện các tu sĩ trong
dòng. Bất cứ ở đâu, lời giảng của ngài đều có sức lôi cuốn nhiều người đến nghe Chúa còn minh xác lời ngài bằng nhiều phép lạ. Không những
tại Ý, mà tại đất Pháp, ngài làm việc không biết mệt mỏi. Và người ta đã ghép cho ngài tên "Hòn Bia giao ước" và "Cái búa của bọn lạc giáo".

Ngài trở về Pađua một năm trước khi chết. Ngài nổi tiếng vì công đức và các phép lạ đã làm. Ngày 13/6/ 1231, ngài về an nghỉ trong Chúa,
hưởng thọ 36 tuổi.

-Chỉ một năm sau Ngài được phong thánh
-Năm 1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cô Hàng Rau
Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
21:16 13/06/2012
CÔ HÀNG RAU
Ảnh của Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
Đi đâu mà chẳng biết ta,
Ta ở kẻ Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm, rau húng, rau mùi
Thì là, cải cúc, đủ mùi hành hoa…
(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền