Ngày 13-06-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trao trọn trái tim
Linh mục Phêrô Hồng Phúc
08:59 13/06/2010
TRAO TRỌN TRÁI TIM

Trong quan niệm đời thường, trái tim của con người để chỉ tấm lòng, chỉ tình yêu, ở nơi trái tim chứa đựng mọi tình cảm của con người. Nhưng trái tim còn một chức năng quan trọng, đó là biểu hiện của sự sống. Khi trái tim còn đập, là sự sống còn tràn trào. Khi trái tim ngừng đập, đó là sự chết. Ở nơi Chúa Giêsu, sự sống và tình yêu là một. Nói như Chúa Giêsu tuyên bố “Ta là sự sống”(Ga 14,6) hay nói như thánh Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,8) đều chính xác.

Tình yêu là sự sống của Chúa hay sự sống của Chúa Giêsu là tình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu hiến tế. Mạng sống của Chúa Giêsu cũng là mạng sống hiến tế. Chúa Giêsu trên Thập Giá là của lễ hiến tế trọn hảo dâng Chúa Cha. Sự sống của Chúa Giêsu được trao ban cho đến hơi thở cuối cùng thì trái tim tình yêu nơi Chúa Giêsu cũng trao ban đến giọt máu cuối cùng. Lưỡi đòng đã đâm xuyên qua cạnh sườn Người, từ đó máu cùng nước chảy ra (Mt 19,34). Xét theo nghĩa nhân loại thì máu và nước chảy ra khi Chúa Giêsu đã chết. Vậy phải chăng, trái tim tình yêu của Chúa, máu và nước nơi trái tim Chúa không còn ý nghĩa gì nữa vì Chúa Giêsu đã chết. Không! Lời Kinh tiền tụng mà Giáo Hội đọc trong lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta thấy:

Từ cạnh sườn bị đâm thủng,
Người đã để máu và nước chảy ra
hầu khơi nguồn các bí tích của Hội Thánh

Máu và nước chảy ra từ Trái Tim bị đâm thâu làm phát sinh các bí tích của Hội Thánh, bởi vì Chúa Giêsu đã chết và phục sinh, là một bản án tố cáo tội lỗi của con người, khốc hại đến nỗi Ngài phải chết, nhưng Ca Tiếp liên của đêm Phục Sinh đã vang lên:

“Tướng lãnh sự sống đã chết đi
nhưng vẫn sống mà cai trị.”

Máu và nước chảy ra từ Trái Tim bị đâm thâu sau khi Chúa Giêsu tắt thở vẫn phát sinh các Bí tích vì đó là sự sống của Chúa Giêsu Kitô, đã hòa nhập trong máu.

Ngày nay, Thập Giá còn đó, nhưng sự sống của Chúa Giêsu không còn thể hiện như khi Chúa Giêsu hiện diện trên đồi Calvaire vào thứ Sáu khổ nạn thời các Tông đồ đã chứng kiến. Song hiến tế ấy vẫn còn, đó chính là Bí tích Thánh Thể mà chúng ta dâng thánh lễ mỗi ngày, tôn thờ Chúa mỗi ngày qua Bí tích Thánh Thể. Trong Thánh Thể của Chúa Giêsu, tình yêu và sự sống hiến trao là một, vẫn tiếp tục được trao ban cho chúng ta. Chúng ta không còn nhìn thấy sự đổ máu như là trên Thập Giá ngày xưa. Phải chăng máu của Chúa Giêsu đã đổ hết ra rồi (!). Và ngày nay, Mình và Máu Chúa hiện diện một cách hữu hình trong Bí tích Thánh Thể nhưng chúng ta không còn thấy máu nữa, chúng ta không còn nhìn thấy hình dáng cụ thể nữa vì ba mươi ba năm cứu độ trong cuộc đời nhập thể làm người của Đức Giêsu đã hết. Còn bây giờ là thời gian của tình yêu nối dài qua thừa tác vụ của Giáo Hội: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24-25). Chúa Giêsu hiện diện qua sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, để Thánh Thần Tình Yêu liên kết Giáo Hội, giảng hòa mâu thuẫn, trao ban sức sống, canh tân thế giới và qui tụ con cái đang tản mát khắp nơi. Chúng ta nhìn thấy tình yêu và sự sống trong Bí tích Thánh Thể, trong sức hoạt động của Chúa Thánh Thần, và vì vậy, Trái Tim mục tử của Chúa Giêsu đang tiếp tục thực thi lòng thương xót qua đôi tay của các thừa tác viên của Giáo Hội và tình yêu của Chúa trong Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động, liên kết mọi thành phần trong Giáo Hội. Trái Tim mục tử của Chúa Giêsu vẫn đang sống và được trao ban. Tại sao chúng ta không nhận được? Bởi vì tình yêu phải đáp đền bằng tình yêu. Muốn lãnh nhận được lòng thương xót và tình yêu của Chúa Giêsu thì chúng ta phải có một tình yêu đích thật. Thế nào là tình yêu đích thật? Tình yêu đích thật là tình yêu nên giống Thánh Tâm Chúa Giêsu, là một tình yêu không phôi phai, là một tình yêu chân thành:

-Nhiễm một chút giả dối, người ta không cảm nhận thấy tình yêu;
-Lẫn một chút gian giảo, người ta không nhận thấy tình yêu;
-Pha trộn những đam mê trong đời thường, người ta không cảm nhận thấy tình yêu.

Chúa Giêsu đã nói rất rõ điều này: “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa”(Mt 5,8). Điều mà Chúa Giêsu nói không chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ nam nữ là những người khấn đức trong sạch mới được nhìn xem Thiên Chúa. Sự trong sạch này thể hiện một cõi lòng thanh trong và là dành cho tất cả mọi thành phần dân Chúa: độc thân, gia đình,. .. tất cả mọi thành phần đều có thể sống đời trong sạch trong bậc sống của mình để với một quả tim trong sạch là quả tim chỉ chất chứa sự thật như Chúa Giêsu Kitô, không phôi phai, không có những đam mê ích kỷ của con người, không nhúng chàm trong bóng đêm của sự tội, những trái tim được đập nhịp trong phục vụ, trong yêu thương, trong trao ban ngay chính trong gia đình mình, ngay chính những người thân của mình, ngay trong môi trường mà mình đang được phục vụ. Đó chính là tình yêu đích thật sẽ cảm nhận được tình yêu.

Chúa Giêsu còn tuyên bố: “Ta là mục tử tốt lành. Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”(Ga 10,14). Chúa biết ta như thế nào? “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù người mẹ có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Một tình yêu tràn đầy lòng thương xót và tín trung là đặc tính tình yêu của Chúa. Còn chúng ta thì sao? Nếu chúng ta cũng tín trung, cũng hiến thân thì chúng ta sẽ thực hiện được điều Chúa phán “các chiên Ta biết Ta”. Chính vì vậy:

“Dân nghèo lao động khổ đau,
Vui nghe lời Chúa kêu cầu Chúa thương”

Những người bé mọn, những người đơn sơ, những người nghèo hèn nhưng họ có một quả tim trong sạch, họ lắng nghe được tiếng Chúa, họ nhận ra lòng thương xót của Chúa. Những người thành tâm, cho dù là viên đại đội trưởng đã hành hình Chúa Giêsu theo lệnh, nhưng khi thấy tất cả những sự kiện xảy ra sau khi Chúa Giêsu chết, ông ấy cũng phải thốt lên “ Đúng người này là Con Thiên Chúa”; người trộm bị án tử hình trên Thập giá cũng đã mắng tên đồng phạm với mình rằng “Chúng ta bị như thế này là đích đáng, xứng với tội chúng ta đã làm. Còn ông này, ông có tội gì đâu mà tại sao mi lại lên án”, rồi anh ta tin tưởng vào Chúa và thưa với Chúa “Lạy ông Giêsu, khi nào về Nước Trời xin nhớ đến tôi”(Lc 23,40). Anh ta cũng đang thực hiện một lòng thanh sạch sau khi đã nhúng chàm và chính lòng thanh sạch đó, anh ta đã được Chúa Giêsu hứa: “Thật, Ta bảo thật ông, hôm nay Ta cho ngươi ở nơi vui vẻ cùng Ta”(Lc 23,43). Trái tim đầy lòng thương xót của Chúa đã cho anh ta thấy tình yêu của Chúa vì anh ta có lòng thanh sạch, mặc dầu anh ta đang bị mang tội tử hình đến mức phải chết ô nhục trên thập giá, vì anh đã hoán cải, vì anh tin tưởng vào Chúa Giêsu, anh quyết rũ bỏ cuộc đời mình và ngước nhìn lên Chúa Giêsu là ánh sáng. Bởi vậy, giây phút cuối cùng anh đã có được lòng thanh sạch, anh xứng đáng được nhận lời Chúa Giêsu hứa là cho được nhìn xem Thiên Chúa trong Nước Trời.

Ngày lễ kính Trái Tim Chúa Giêsu hôm nay cũng chính là một lời mời gọi.

Trái tim của Chúa mở ra là một lời mời gọi.
Cánh tay của Chúa giang ra là một lời mời gọi.
Thập Giá Chúa giương cao là một lời mời gọi: “Khi nào Ta bị giương lên cao, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12,32)

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu,
Trái Tim Chúa tràn đầy lòng thương xót.
Cuộc sống của chúng con quá vất vả
Một nắng hai sương,
Ba chìm bảy nổi
khiến chúng con cứ lún sâu mãi vào những lắng lo của trần thế
Chúa không bóc lột thời giờ của chúng con,
Chúa không bóc lột sức khỏe của chúng con,
Nhưng Chúa muốn chúng con nhìn lên Chúa
trong những giây phút vất vả,
trong những thử thách trong cuộc sống
để chúng con nhận ra rằng:
Trái Tim Chúa còn đau khổ hơn chúng con.
Cái chết của Chúa còn ô nhục hơn
cuộc đời bi thương của chúng con.
Nhưng Trái Tim Chúa chính là nơi cho chúng con
tin tưởng chạy đến với Chúa
lúc vất vả gian lao,
lúc khó khăn thử thách,
và nhất là trong những thách đố của cuộc đời
khi chúng con phải đứng trước cái chết.
Xin cho chúng con nhận được
lòng thương xót vô biên nơi Trái Tim Chúa.
Xin cho chúng con sống trong ánh sáng,
Xin cho chúng con sống trong tình yêu
vì chính lòng thương xót của Chúa,
trong trái tim tình yêu của Chúa
là sự sống mới cho chúng con,
là sự sống đời đời cho chúng con,
và là phần thưởng cho những cõi lòng thanh sạch
được nhìn xem thấy lòng thương xót Chúa. Amen.


Linh mục Phêrô Hồng Phúc
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:35 13/06/2010
THÁI SƠN

N2T


Một năm nọ, Đường Minh Hoàng cừ hành đại nghi lễ phong thiện (một nghi thức tế trời của đế vương thời cổ đại) tại đông nhạc Thái Sơn. Trương Thuyết đảm nhiệm chức quan phong thiện. Con rể của Trương Thuyết là Trịnh Dật nguyên là quan cửu phẩm, chiếu theo thói lệ của thời trước, sau lễ phong thiện thì các quan sứ từ tam công trở xuống đều có thể thăng quan một cấp, nhưng Trịnh Dật vì có quan hệ với Trương Thuyết, nên từ quan cửu phẩm đùng một cái được thăng đến ngũ phẩm.

Đường Huyền Tông cảm thấy kỳ lạ bèn hỏi Trịnh Dật nguyên nhân, Trịnh Dật mắc cở không trả lời được, Hoàng Phan Trác ngồi bên cạnh giải thích, nói:

- “Đây hoàn toàn là do sức mạnh của “thái sơn !”

Chữ thái sơn này một câu hai nghĩa, một là chỉ đông nhạc, cũng là chỉ nhạc phụ. Thế là thái sơn bèn trở thành tên gọi của nhạc phụ.

(Thích thường đàm, quyển một)

Suy tư:

Cậy vào quyền thế của người khác thì thời nào cũng có: con làm quan cậy nhờ chức quyền của bố mẹ; người có tiền làm quan cũng cậy nhờ sự đỡ đầu của kẻ có chức quyền; cháu chắt được giữ chức vụ này chức vụ nọ, cũng có khi cậy nhờ vào sự quyền thế của gia tộc, nên mới có câu nói là “con ông cháu cha”.

Những kẻ không thi cử mà đỗ đạt, những kẻ cậy nhờ người khác (hoặc mua chức tước) để làm quan,thì thường có tự ti mặc cảm, cho nên khi có quyền hành thì thường bày tỏ ta đây có quyền, thế là hách dịch, kiêu căng và luôn làm vẻ ta đây với mọi người.

Thái sơn là ngọn núi cao hùng vĩ, nên người đời đem công cha mà ví “như núi Thái Sơn” thì thật là đúng, nhưng đem Thái Sơn mà ví với những kẻ ỷ vào chức quyền mà làm việc thất đức, tán tận lương tâm thì không đúng chút nào cả.

Người Ki-tô hữu xác tín rằng: Thiên Chúa chỉ ban ơn cho những người nổ lực học hỏi, chí thú làm ăn chân chính và biết kính sợ Ngài mà thôi.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:36 13/06/2010
N2T


27. Chúng ta nên chịu nhẫn nhục bất cứ hoạn nạn khổ đau nào, bởi vì Thiên Chúa đã vì chúng ta mà chịu khổ nạn trước.

(Thánh Tirannio)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 13/06/2010
N2T


464. Để cho tâm hồn giữ lại chút không gian thì sẽ dung nạp được những thứ tốt đẹp.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trang mạng xã hội về Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới với 16 ngôn ngữ được các bạn trẻ hâm mộ
Paul Minh Nhật
06:48 13/06/2010
Madrid, Tây Ban Nha ngày 8 tháng 6 năm 2010 - Một trong những cống hiến tốt nhất của sự nhiệt tình trên toàn thế giới về Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day - WYD) tại Madrid là thành công của nó trên các trang mạng xã hội, kênh thông tin liên lạc yêu thích giữa các bạn trẻ ngày nay. Tuần này, người hâm mộ trên trang Facebook chính thức của WYD đã vượt qua con số 100.000 người; do đó, bây giờ đã có hơn 100.000 người từ khắp nơi trên thế giới theo dõi sự tiến triển của Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới từ khi nó mở ra. Các bạn trẻ có thể nhận được những thông tin về Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới trong 16 ngôn ngữ

Hadz Tok là một trong những người mới gần đây nhất; thực ra, nếu anh ấy không phải là người thứ 100.000, anh ấy cũng đã hết sức gần gũi. Hadz mới chỉ bắt đầu theo dõi WYD từ thành phố Surabaya, Indonesia, và anh ấy rất háo hức về những sự kiện sẽ xảy ra tại Madrid: "Bạn tôi đã giới thiệu trang này cho tôi. Tôi hy vọng rằng nó sẽ cung cấp cho tôi thông tin về những sự chuẩn bị và các hoạt động của ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế giới."

Tin tức về ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới thậm chí đã lan truyền tới Baghdad, nơi chúng tôi thấy có Ihab Kamal Jabbouri. Ihab được biết đến trong một cộng đồng tín hữu nhỏ bé tại I-rắc như là một người có khiếu đánh đàn Organ.

Anh ấy hy vọng sẽ có thể "đến Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Madrid và gặp gỡ với các Ki-tô hữu trẻ khác từ khắp nơi trên thế giới."

Chỉ 9 tháng trước, Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên đã thiết lập trang đại diện trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Từ đó, với chỉ gần hai năm tồn tại trước sự kiện chính thức tại Madrid, người hâm mộ Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã tham gia vào quá trình hoạch định kế hoạch một cách năng động. Làm thế nào để họ cộng tác? Từ rất sớm, họ đã đưa ra các ý kiến và lời khuyên của họ liên quan đến những khía cạnh khác nhau của quá trình chuẩn bị cho ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid năm 2011.

Vài tháng trước chúng tôi đã đưa ra một câu hỏi mà đã đưa tới một sự náo nhiệt giữa các bạn hâm mộ: Bạn thích tìm thấy cái gì trong ba lô của người hành hương? Các câu trả lời đã có ngay lập tức như: nến cho đêm canh thức, Sách hướng dẫn của Madrid, kem chống nắng, sách kinh, vv. Và mặc dù sự kiện sẽ được diễn ra vào tháng tám, một số người hâm mộ đã yêu cầu được có các khăn quàng … cho mục đích trang trí của kì đại hội. Những người theo dõi trên mạng trực tuyến cũng đã có lên tiếng ý kiến về các món hàng của Ngày Đại Hội Giới Trẻ và tên của một chương trình truyền hình.

Tất cả được thực hiện bởi sự hỗ trợ vô cùng lớn lao của 70 nhà quản trị từ các quốc gia khác nhau những người đã dành thời gian cách vô vị lợi để trả lời cho những câu hỏi của những người hâm mộ, chú ý những vấn đề tiềm ẩn của những người hành hương quan tâm, và khuyến khích các bạn trẻ trên toàn thế giới đến Madrid. 24 giờ một ngày, không bất kì vấn đề nào về thời gian, trang mạng luôn luôn có ít nhất là một quản trị viện còn tỉnh táo và sẵn sàng trợ giúp bạn.

Tất cả các thông điệp được phân phối trong 16 ngôn ngữ. Từ cộng đồng đông đảo Anh Quốc, Tây Ban Nha hoặc Pháp cho đến những hồ sơ "khiêm tốn" từ Slovenia hay Malta, Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được truyền đạt bằng tiếng mẹ đẻ của hơn 2,6 triệu người ở khắp thế giới. Hơn 46.000 fan hâm mộ theo dõi các cập nhật bằng tiếng Tây Ban Nha, 16.000 bằng tiếng Anh, và khoảng 6.600 bằng tiếng Pháp… tất cả trong tất cả khoảng hơn 100.000 fan hâm mộ theo dõi World Youth Day trong 16 thứ tiếng.

Vẫn còn 14 tháng cho đến ngày các bạn trẻ trên toàn thế giới tụ họp về Madrid. Sẽ có bao nhiêu người theo dõi WYD nữa? Chỉ có thời gian và các bạn trẻ sẽ trả lời câu hỏi đó.

(Nguồn: http://en.madrid11.com/JMJ2011ING/REVISTA/articulos/GestionNoticias_332_ESP.asp)
 
Diễn văn ra trường: Thiên Chúa không hề chết, Ngài cũng chẳng mỏi mệt
Nguyễn Kim Ngân
09:04 13/06/2010
Thiên Chúa không hề chết
Ngài cũng chẳng mỏi mệt

www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?recnum=9325)

Đây là bản lược dịch bài diễn văn Tiến Sĩ Charles E. Rice đọc nhân lễ ra trường trường tại Christendom College, Front Royal, Virginia, vào ngày 15.5.2010 vừa qua. Bài diễn văn được coi là nói thẳng và nói thật. Trong thời đại mà nền văn minh tục hóa, trào lưu duy tương đối và chủ nghĩa cá nhân tự do phóng túng đang ở trên chóp đỉnh phát triển tràn lan, bài diễn văn đậm chất Công giáo như thế này phải được coi là hiếm qúy, vì đã nói lên sự thật, cho dù một sự thật đớn đau. Dẫu sao chăng nữa, điều cần nói thì cứ phải nói, và cứ phải lập lại, bởi vì chỉ sự thật mới giải thoát chúng ta, và ân sủng đi kèm với sự thật mới đem lại ơn cứu độ.

Tiến Sĩ Rice là giáo sư danh dự của Trường Luật Notre Dame, chuyên về ngành luật hiến pháp. Ông hiện đang giảng dậy môn “Luật và Luân lý.” Ông viết khá nhiều sách, trong số đó phải kể đến: 50 Questions on the Natural Law; Freedom of Association; The Supreme Court and Public Prayer; The Vanishing Right to Live; Authority and Rebellion; Beyond Abortion: The Theory and Practice of the Secular State; No Exception: A Pro-life Imperative; The Winning Side: Questions on Living the Culture of Life. Tác phẩm mới nhất của ông “Where Did I Come From? Where Am I Going? How Do I Get There?” được viết chung với Tiến Sĩ Theresa Farnan.


***

Anh chị em sinh viên tân khoa thân mến:

Đây là thời gian khủng hoảng. Kinh tế là một đống nhão nhét, văn hóa cũng là một đống nhầy nhụa, chính phủ thì mất kiểm soát. Chỉ trong vòng ba năm vừa qua, Notre Dame đã để thua 21 trận bóng cả thẩy. Nhưng hôm nay, việc chúng ta hiện diện nơi đây lại là một điều hay, nhất là đối với quý anh chị em tốt nghiệp tại trường Đại Học Công Giáo thời danh này. Được như vậy là bởi vì phương thuốc chữa trị cho những đổ vỡ hôm nay chỉ tìm được nơi Chúa Kitô và nơi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Vậy ta hãy nhìn thẳng vào hiện trạng hôm nay để xem mình có thể làm được gì chăng.

Chúng ta đang trải qua một sự thay da đổi thịt của chính quyền liên bang. Lãnh tụ của một chính thể độc đảng đã được bầu phiếu với 54 phần trăm cử tri Công Giáo ủng hộ, điều này khiến cho nền kinh tế tự do và chính quyền hữu hạn được thay thế bằng một hệ thống lãnh đạo tập trung đầy quyền lực và quyền tài phán vô hạn. Cho dù đi ngược lại ý dân, cuộc cải tổ y tế không chỉ tài trợ cho việc phá thai, mà còn làm phương hại đền giới cao niên và các quyền của lương tâm. Cuộc cải tổ này được khởi động bất chấp tiến trình của luật pháp và mang đậm toan tính hối lộ, cưỡng chế và lọc lừa một cách công nhiên như chưa bao giờ như thế.

Để có một tỉ dụ về vấn đề tập quyền nơi một chế độ được thiết lập hợp pháp, ta phải trở về thời gian của năm 1933. Adolf Hitler được đề cử làm Quốc Trưởng ngày 30 tháng Giêng. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, ông đã củng cố quyền lực của mình. Biến cố quyết định là việc Đảng Quốc Xã chấp thuận Đạo Luật Khai Thông cho phép Hitler nắm toàn quyền bất khả thâu hồi. Đó là thời điểm không còn trở ngược được nữa. Đạo Luật Khai Thông nhận được hai phần ba số phiếu cần thiết chỉ bởi vì nó được đảng Công Giáo, tức là Đảng Trung Tâm, ủng hộ. Đạo luật “Cải tổ Y tế” nhờ được sự ủng hộ nhiệt liệt của các thành viên Công Giáo trong lưỡng viện, cũng có thể được coi như một thứ Đạo Luật Khai Thông hiện đại theo ý nghĩa là nó nhượng cho chính quyền cái tối thượng quyền trên đời sống của nhân dân. Nó bao gồm cả việc chính phủ liên bang đảm nhiệm luôn cả việc tài trợ sinh viên học sinh. Những món nợ của sinh viên thì liên quan gì đến cải tổ y tế? Mẫu số chung chính là quyền kiểm soát. Không sinh viên nào có thể mượn được nợ đi học do chính phủ liên bang bảo đảm nếu không được sự chấp thuận theo hệ thống bàn giấy của liên bang. Điều này mở đường cho việc đem sự trung thành chính trị ra làm bài toán trắc nghiệm cho việc thăng tiến giáo dục, như đã xẩy ra tại Đức thời Quốc Xã và tại Liên Bang Sô Viết. Điều này củng cố sự khôn ngoan của Viện Đại Học Công Giáo chúng ta khi quyết định đi trước mọi tài trợ liên bang.

Không giống như Đức Quốc vào năm 1933, chúng ta có các phương tiện hợp pháp để điều chỉnh lại. Tôi hãnh diện để nói rằng tôi là một người trong giới Đảng Trà (Tea Party). Vào tháng 11 tới đây, phản ứng có thể bẻ quặt cánh tay lưỡng viện của giới cầm quyền. Tuy nhiên, phản ứng này chỉ có tính cách tạm bợ trừ khi chúng ta đi đến tận ngọn nguồn tội ác. Vấn đế căn rễ không phải là chính trị hay kinh tế, mà là tôn giáo. Và đó chính là vùng trời anh chị em đang bước vào. Linh Mục (LM) Thomas Euteneuer nói: “Khủng hoảng xã hội xẩy đến khi chúng ta bầu chọn những kẻ vô luân để cầm quyền trên chúng ta…Những kẻ không có một căn bản đạo đức lại bầu chọn những chính khách vô luân để lên cầm quyền…Đúng là lối sống vô luân đã sản sinh ra các cấp lãnh đạo vô luân.” Nói khác đi, thay vì chọn người đạo đức, chúng ta lại chọn kẻ vô luân, chính bởi vì chúng ta đã mất đi khả năng, hoặc ước vọng, nói lên sự khác biệt. Theo cha Euteneuer thì câu trả lời chính là “quay về với Chúa …Hoán cải tâm hồn chính là điều chúng ta cần làm.”

Chúng ta đã đúng khi cổ võ lòng trung thành với Hiến Pháp. Thế nhưng, không một hiến chương nào có thể tồn tại nếu luân lý tính vốn sản sinh ra nó bị tan biến mất. Năm 2001, 13 ngày sau biến cố 9/11, tại Kazakhstan, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Gioan Phaolô II đã khuyến cáo các nhà lãnh đạo của cộng hòa Hồi Giáo về một “cuộc tuân giáo mù quáng” đối với nền văn hóa Tây phương vốn đang bị kẹt cứng bên trong một “thứ nghèo mạt ngày càng sâu đậm hơn về mặt nhân bản, tinh thần và luân lý” gây ra bởi cái “sai lầm nghiêm trọng là muốn bảo đảm sự thiện hảo của nhân loại bằng cách loại bỏ Thiên Chúa là nguồn Thiện Hảo Tối Cao.”

Là các sinh viên tốt nghiệp, các bạn sẽ đi vào một nền văn hóa trong đó việc sát hại trẻ thơ vô tội có chủ đích lại được toàn thể mọi người xem như một thứ kỹ thuật tự chọn để giải quyết vấn đề. Vụ bắn giết tại trường Columbine đã đưa ra một tiền lệ. Nếu bạn thấy khó chịu với bạn học, với chủ nhân hay với nhân viên thuế vụ, thì câu trả lời là cho tụi nó “đi tầu suốt.” Việc phá thai được hợp pháp hóa chính là thí dụ đầu tiên dùng việc sát nhân như là một cách giải quyết vấn đề. Còn việc xử tử một người như Terri Schiavo xẩy ra hàng ngày như cơm bữa, chẳng ai hay biết, khi gia đình và chăm sóc viên đồng ý cắt đứt phần ăn thức uống, bởi vì đã đến giờ để cho bệnh nhân được “an tử đầy nhân phẩm.” Việc tách biệt luân lý ra khỏi việc sát nhân tương ứng sít sao với việc tách biệt luân lý ra khỏi kinh tế, cũng như phái tính và các quyết định cá nhân nói chung.

Chẳng có gì là khó hiểu trong vấn đề này. Chúng ta đang trải qua thời kỳ mà LM Francis Canavan, dòng Tên, gọi là “khúc đầu thừa đuôi thẹo của thời đại Ánh Sáng,” khi mọi nỗ lực của các triết gia và chính trị gia, trong hơn ba thế kỷ vừa qua, đã hoàn toàn thất bại vì muốn xây dựng một xã hội như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu. Thứ văn hóa thời Ánh Sáng đó được xây dựng trên ba kiểu láo khoét này là: chủ nghĩa tục hóa, duy tương đối và duy cá nhân. Đó là những thành tố tạo nên cái mà ĐGH Bênêđíctô XVI gọi là “sự độc tài của chủ nghĩa tương đối…vốn không nhìn nhận một điều gì là tuyệt đối, để chỉ coi cái “tôi” và những chứng kỳ quái của nó là thước đo tối hậu. Ba kiểu láo khoét này được sử dụng triệt để như là võ khí trong tay kẻ thù chúng ta là Satan, tổ sư láo khoét. Công việc mà anh chị em sinh viên đã được huấn luyện kỹ lưỡng để thực hành chính là dùng sự thật đối đầu với lời nói láo. Khi nói sự thật, anh chị em sẽ gây được ảnh hưởng vượt quá tầm hiểu biết của anh chị em. Đây là lời đàm đạo với ĐGH Gioan Phaolô được ĐHY Edouard Gagnon ghi lại như sau: “ĐGH nói với tôi rằng sở dĩ sai lạc có đường thao túng là bởi vì sự thật không được giảng dậy. Chúng ta phải giảng dậy sự thật,,,chứ không chỉ tấn công những kẻ giảng dậy điều sai lạc bởi vì như thế sẽ chẳng đi đến đâu cả--bởi những kẻ ấy nhiều vô số kể. Chúng ta chỉ còn có cách là giảng dậy sự thật. Sự thật kéo theo ân sủng với nó. Khi ta nói sự thật thì một nguồn ân sủng của Chúa sẽ đi kèm với sự thật ấy. Có thể sự thật sẽ không đi ngay vào trong tâm trí của người đối diện, nhưng ân sủng của Chúa thì luôn có đó, và khi nào họ cần đến, thì Thiên Chúa sẽ mở lòng trí họ để rồi họ sẽ chấp nhận sự thật. Sai lạc thì không bao giờ có ân sủng đi kèm theo cả.”

Cần ghi nhớ rằng Sự Thật (viết hoa) chính là một nhân vật, Chúa Giêsu Kitô. Ngài không phải là một luật sư, Giám Đốc Điều Hành (CEO) hay nhà tổ chức cộng đồng. Ngài là Thiên Chúa. Đức Hồng Y (ĐHY) Avery Dulles đã mô tả ba nguyên lý nền tảng như sau: “Có Thiên Chúa, Ngài đã mạc khải chính mình một cách trọn vẹn và tối hậu trong Đức Giêsu Kitô, và Giáo Hội Công Giáo được ủy nhiệm làm người canh giữ và dậy dỗ nguồn chân lý mạc khải này.” Đức tin Công giáo không hề là một mớ học thuyết, mà là sự gặp gỡ sống động với Chúa Kitô, Đấng đang sống trong Giáo Hội và giảng dậy qua Giáo Hội.

Huấn quyền của Giáo Hội chính là một món quà vô giá, không chỉ riêng cho người Công Giáo, mà còn cho tất cả những người thành tâm thiện chí sống theo lương tâm “trên căn bản lý trí và luật tự nhiên.” Quyền lực sự ác lúc nào cũng nhắm thẳng vào vị Đại Diện Chúa Kitô là đấng có thẩm quyền giải thích luật luân lý. Ta phải đáp trả bằng việc trung thành bảo vệ Ngài và bênh vực Giáo Hội. Nói theo Cha Euteneuer thì chúng ta không phải là Giáo Hội Bất Lực, mà là thành phần của Giáo Hội Chiến Đấu. Chúng ta có nhiệm vụ chiến đấu cho sự thật. Đừng để những kẻ láo khoét lừa gạt chúng ta.

1) Kiểu láo khoét thứ nhất là chủ nghĩa tục hóa: Không có Thiên Chúa, hoặc Thiên Chúa là Đấng không thể biết đến được. Họ bảo đó là ý nghĩa của Tu Chính Án Thứ Nhất. Nhưng đó cũng là một lời láo khoét. Ngày 24-25 tháng 9 năm 1789, Quốc Hội Đệ Nhất đã chấp thuận Tu Chính Án Thứ Nhất, đồng thời yêu cầu Tổng Thống (TT) công bố một ngày để “tạ ơn và cầu nguyện hầu nhìn nhận muôn vàn hồng ân mà Chúa Toàn Năng ban xuống.” TT Washington đã công bố ngày cầu nguyện đó. Tu Chính Án Thứ Nhất đòi buộc chính quyền liên bang phải có thái độ trung lập về các vấn đề tôn giáo trong khi nhìn nhận việc chính quyền tiểu bang lẫn liên bang có quyền xác nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tối Cao Pháp Viện nay đã áp đặt trên tất cả mọi chính quyền một nghĩa vụ là duy trì tính trung lập bất khả hữu giữa chủ nghĩa duy thần và phi thần. Những từ ngữ “under God” (dưới ánh mắt của Chúa)—mà theo Thẩm Phán William Brennan vẫn còn là một mô tả chính xác về lề lối làm việc của tòa án—có thể tồn tại trong bản “Pledge of Allegiance” (Tuyên Thệ Trung Thành) chỉ bởi vì chúng “không còn mang một mục tiêu hoặc ý nghĩa tôn giáo nào nữa.” Trái lại, cùng lắm, những từ ngữ đó chỉ “thừa nhận cái sự kiện lịch sử là Tổ Quốc chúng ta đã được xây dựng ‘dưới ánh mắt của Chúa.’”

Ở mọi cấp bậc trong chính quyền, việc đình chỉ phán đoán về việc Thiên Chúa hiện hữu đã biến thành công trình xây dựng chủ nghĩa tục hóa. Ngày nay, việc xác nhận có Thiên Chúa được coi là ngoại lý, và thường bị loại trừ ra khỏi lãnh vực công cộng vốn được uốn nắn bằng quyền lực và tư lợi hơn là bằng điều đúng hay sai.

Việc Thiên Chúa hiện hữu chẳng phải là một điều hiển nhiên. Thế nhưng, thật là phi lý, thậm chí ngu đần, nếu không tin vào Thiên Chúa, một hữu thể vĩnh cửu, vô thủy vô chung, và luôn luôn hiện hữu. Cứ tưởng tượng xem, đã có một lúc tuyệt nhiên không hề có một cái gì cả. Nhưng nói thế thì thật vô nghĩa. Thánh Tôma dậy: “Nếu có một lúc nào đó không hề có một cái gì cả, thì không thể nào một vật gì có thể bắt đầu hiện hữu được; và như thế, cho đến nay không thể có một cái gì hiện hữu cả -điều này thật phi lý.” Trong phim “The Sound of Music,” Julie Andrews đã hát thế này: “Nothing comes from nothing. Nothing ever could.” (Không gì đến được từ hư vô. Không gì bao giờ có thể có được).

Nền tảng duy nhất của các quyền lợi siêu việt đối lại với Nhà Nước chính là cuộc tạo dựng nhân vị bất tử theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Bất kỳ một nhà nước nào đã hiện diện và sẽ còn hiện diện, đều đã hoặc sẽ bị dẹp tiệm. Mọi hữu thể con người đã được đầu thai thì sẽ sống đời đời. Đó là lý do các bạn sinh viên có được các quyền lợi siêu việt đối lại với Nhà Nước. Nhân vị không hiện hữu cho Nhà Nước. Nhà Nước hiện hữu là vì con người. Và vì cả gia đình nữa.

2) Kiểu láo khoét thứ hai của Satan chính là chủ nghĩa tương đối. Thật là phi lý khi bảo rằng tất cả mọi sự đều tương đối, bởi lẽ chính lời tuyên bố này cũng chỉ tương đối. Chủ nghĩa tương đối thực ra chỉ là một hình thức của chủ nghĩa duy nghiệm pháp lý vốn chủ trương rằng không có một quy luật cao hơn nào có thể giới hạn được quy luật con người có thể làm được. Muốn hợp lệ, một quy luật phải tuân thủ theo phương thức quy định và phải hữu hiệu. Hans Kelsen, nhà duy nghiệm lừng danh của thế kỷ 20, đã tuyên bố rằng Auschwitz và những trại khổ sai Gulags của Liên Sô chính là quy luật hợp lệ. Ông không thể phê phán chúng là bất công, bởi vì, theo ông, công bằng là “một lý tưởng ngoại lý.” Kelsen cho rằng chủ nghĩa tương đối chính là triết lý của nền dân chủ. ĐGH Gioan Phaolô II lại cho rằng chủ nghĩa tương đối sẽ dẫn đến chuyên chế cực quyền. “Ai không thừa nhận sự thật siêu việt thì cực quyền sẽ trấn áp, và rồi mỗi người sẽ áp đặt tư lợi của mình bất chấp quyền lợi của người khác.”

Trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp, các bạn hẳn sẽ bị áp lực trở thành một người đi theo chủ nghĩa tương đối, để nói láo, lừa dối, hoặc biển thủ. Như ĐGH Gioan Phaolô II đã từng nói, “những cấm đoán tiêu cực của Mười Điều Răn, vốn là một thể hiện của luật tự nhiên, không hề cho phép một khoản luật trừ nào.” Nhưng các bạn sẽ phải trả một cái giá cho sự trung thành của mình.

Đây là một câu chuyện có thật: Hải Quân Đại Úy James Mulligan đã trải qua ròng rã bẩy năm rưỡi trời biệt giam trong nhà tù Hanoi Hilton sau khi phi cơ phản lực của ông bị bắn rơi vào năm 1966. Trong một thời gian, ông là bạn cùng phòng với Jeremiah Denton, sau này trở thành Thượng Nghị Sĩ. Cũng như đồng đội của mình, ông từng bị tra tấn nhiều lần và thường xuyên, mục đích là phản lại đồng đội và tổ quốc mình. Đại Úy Mulligan đã hoàn toàn trông cậy vào lời cầu nguyện, nhất là chuỗi Mân Côi. Trong cơn cực hình, ông đã tự đặt ra lời kinh mà thiết tưởng mỗi người cần đọc cho chính mình: “Lậy Chúa, xin cho con sức mạnh và lòng kiên quyết nhìn thấu suốt sự việc này cho đến cùng, cách này hay cách khác. Chẳng có ai hay biết ngoài một mình con với Chúa, nhưng chỉ cần như vậy mà thôi. Chúa đã chịu khổ hình vì niềm tin của Chúa, còn con đây cũng đang chịu khổ nhục vì niềm tin của con. Đúng vẫn là đúng cho dù không ai đúng cả; còn sai vẫn là sai cho dù mọi người đều sai hết.” Đó là câu trả lời cho chủ nghĩa duy tương đối.

3) Kiểu láo khoét thứ ba chính là chủ nghĩa cá nhân. Các lý thuyết về khế ước xã hội đã phủ nhận bản chất xã hội của con người. Theo đó, mỗi người chỉ là một cá nhân tự lập, đơn lẻ, chẳng có tương quan gì đến người khác, ngoại trừ khi nó đồng thuận. Đó là nguồn gốc của lập trường phò-chọn lựa như ta thấy ngày nay. Phong trào Kế hoạch hoá gia đình không hề xét lại lý thuyết đó. Người mẹ chẳng có liên hệ gì với đứa con chưa được sinh ra ngoại trừ khi bà chấp nhận điều đó. Vợ chồng cũng chẳng có mối liên hệ gì liên tục ngoại trừ khi cả hai tiếp tục đồng thuận. Và vân vân. Cá nhân tự lập trở thành thiên chúa của chính mình. Lương tâm không phải là một phán đoán về sự đúng hay sai một cách khách quan của một hành vi. Nó là quyết định không bị kiềm chế của cá nhân về điều mình muốn làm. Điều nó chọn cho mình tất nhiên phải là điều đúng. Như thế mới là tự do. Thế nhưng sự “tự do chân chính” không thể tách biệt với sự thật được.”

Bạn có hoàn toàn tự do để bỏ cát vào thùng xăng của xe bạn. Nhưng sau đó bạn sẽ không còn tự do để lái chiếc xe này nữa bởi vì bạn đã vi phạm sự thật về bản chất chiếc xe ấy. Bạn có “tự do” để làm điều dối trá, bậy bạ, vân vân, nhưng bạn sẽ tự hạ giảm con người mình bởi vì bạn đã vi phạm sự thật về chính bản chất mình. Bạn đã chọn một sự việc mang tính luân lý tương đương với việc bỏ cát vào thùng xăng xe. Và có một điều mà cá nhân tự lập của huyền thoại phóng túng không bao giờ làm được. Đó là không thể đưa mình ra khỏi hiện hữu. Nó sẽ sống mãi, và sẽ hưởng sự vĩnh cửu ở một nơi nào đó. Nơi đó ở đâu, thì còn tùy ở nó.

Đã đến lúc ta phải lột trần mặc cảm tự ti của ta. Coi chừng bị lừa gạt khi ta nghĩ rằng những kẻ thông minh là những người có học nhưng quan niệm rằng từ hư vô vẫn có thể rút ra được một cái gì đó; những kẻ đó đoan chắc rằng mình không thể quyết đoán về bất cứ điều gì; họ còn nghĩ rằng tự do là phải không giới hạn, phải có toàn quyền, toàn lực, để làm bất kỳ điều gì mình muốn. Một nền văn hóa như thế không chỉ đánh mất đi niềm tin mà còn đánh mất cả tâm trí nữa. Họ phải biết lắng nghe sự thật, nhất là về quyền sống.

Nhưng ngay ở điểm này chúng ta lại gặp vấn đề. Những nỗ lực phò-sinh của chúng ta đã bị hóa giải bởi sự hèn nhát của chính chúng ta trong việc ngừa thai. Hội Nghị Anh Giáo Lambeth năm 1930 là lần đầu tiên một giáo phái Kitô nói lên lập trường là ngừa thai không bao giờ đúng một cách khách quan cả. Huấn Quyền thì giảng dậy sự thật này là: ngừa thai là hoàn toàn sai. (1) Trước hết là vì nó chủ tâm tách lìa hai khía cạnh bất khả ly của phái tính: hợp nhất và sinh sản; (2) thứ đến, khi biến đổi bản chất của hành vi vợ chồng như thế, người nam và người nữ đã tiếm quyền của Thiên Chúa, tự đặt mình làm người quyết định việc cho hay không cho một mầm sống được khởi sự, và nếu cho thì khi nào; (3) sau cùng, ngừa thai phá hủy hoàn toàn sự tự hiến hỗ tương và toàn vẹn vốn là nét đặc trưng của hành vi vợ chồng. Khi con người tự đặt mình làm kẻ quyết định việc cho hay không cho một mầm sống được khởi sự hoặc khi nào thì cho khởi sự, thì nó cũng sẽ tự đặt mình làm kẻ quyết định khi nào thì sự sống phải chấm dứt, tỉ như trong phá thai và trợ tử. ĐGH Gioan Phaolô II đã mô tả ngừa thai và phá thai như “hoa quả của cùng một cây.” Nếu con người là kẻ quyết định xem phái tính có dính dáng gì đến sinh sản hay không, thì hà cớ gì Freddy và Harry lại không có quyền có hôn thú? Năm 2004, Donald Sensing, Mục sư của Giáo Phái Ba Ngôi Thống Nhất tại Franklin, TN, viết rằng các quý vị nào chống hôn nhân đồng tính, thì rất tiếc, “đã đi chậm một nước cờ. Bức tường hôn nhân truyền thống đã gẫy sập vào khoảng 40 năm trước đây” khi ai nấy đều công nhận viên thuốc ngừa thai.

Thiên Chúa muốn dùng con người để cộng tác với Ngài trong việc tạo dựng các công dân mới của nước trời. Vợ chồng nào ngừa thai là đã làm biến đổi hành vi vợ chồng nhằm ngăn ngừa công cuộc tạo dựng. Họ như đang nói thế này với Chúa: “Lậy Chúa, chúng con biết rằng có thể ý Chúa là muốn cho một nhân vị mới được nẩy sinh từ hành vi ấy của chúng con, để rồi sẽ tiếp tục sống muôn đời. Chúng con biết đó là ý Chúa. Nhưng chúng con sẽ không để cho Chúa làm như thế.” Thật là quá sức tưởng tượng! ĐGH Gioan Phaolô II nói: “Ngừa thai là một điều phạm luật sâu xa tới độ sẽ không bao giờ và không thể vì bất kỳ lý do nào có thể biện minh được. Nghĩ khác đi, và nói khác đi thì cũng y như bảo rằng: trong đời sống con người, sẽ có những tình huống nẩy sinh khiến cho ta nghĩ rằng việc không chấp nhận Chúa là Chúa thì vẫn hợp luật như thường.”

Người Công Giáo thực hiện việc ngừa thai cũng đều đều y như bất kỳ ai. Có một lý do: là họ đã không được thông báo và giải thích đầy đủ. Nhiều nhà thờ và trường Công Giáo đã đóng cửa hay bị sát nhập do thiếu giáo dân và học sinh. Câu trả lời công bằng có thể là: “Kính thưa Đức Cha (hoặc Cha), sẽ không xẩy ra như thế đâu nếu Đức Cha/Cha cũng như các vị tiền nhiệm biết làm đúng chức năng của mình, suốt từ 40 năm qua cho đến hôm nay, trong việc giáo dục bổn đạo về sự ác của ngừa thai và về toàn thể giáo huấn tích cực của Giáo Hội liên quan đến hôn nhân và quà tặng của sự sống.” Anh chị em sinh viên Công giáo tốt nghiệp hẳn biết rõ điều này. Anh chị em đừng sợ việc sống đạo. Nhưng hãy giảng dậy việc sống đạo, bằng lời nói cũng như bằng gương sáng.

Quả thật là có mối tương quan rõ ràng giữa các tiền đề của thời đại Ánh Sáng với việc ngừa thai và những điều tác hại như sách báo tranh ảnh khiêu dâm, việc chồng chung vợ chạ, ly dị, thụ thai trong ống nghiệm, tạo sinh vô tính, vân vân. Tháng qua, các khoa học gia tại Viện Đại Học Newcastle, Anh Quốc, đã loan báo rằng họ đã tạo ra được một “phôi thai tạo mẫu” với DNA của một người nam và hai người nữ, cho ra đời một đứa trẻ có hai bà mẹ. Các khoa học gia Hoa Kỳ sẽ không đứng xa đằng sau.

ĐHY Joseph Ratzinger—nay là ĐGH Bênêđictô XVI—đã nói đến điểm này vào năm 2002. Ngài bình luận về chương 3 sách Sáng Thế Ký mô tả việc các thiên thần mang gươm lửa canh giữ vùng phía Đông vườn Điạ Đàng hầu không cho con người, sau cuộc sa ngã, được ăn trái từ Cây Sự Sống. Sau khi sa ngã, con người bị cấm ăn trái cây bất tử, “bởi vì trong điều kiện sa ngã thế này mà trở thành bất tử thì chính là bị…trầm luân đời đời.” Ratzinger nói: “Hiện nay người ta đang hái trái từ cây sự sống và tự tạo cho mình trở thành chủ nhân của sự sống, người ta đang tái lập sự sống…Điều con người lẽ ra phải thận trọng đừng bao giờ làm thì nay lại đang xẩy ra; con người đang nhấp chân bước qua phần biên giới cuối cùng…Con người đang biến người khác trở thành sản phẩm của chính mình. Con người không còn được khai sáng trong mầu nhiệm của tình yêu nữa, qua thụ thai và hạ sinh…mà qua con đường thành phẩm của kỹ nghệ, giống y như các sản phẩm khác…Chúng ta có thể đoan chắc điều này: Thiên Chúa sẽ phải hành động để ngăn chận tội ác tối hậu, một hành vi tự hủy tối hậu của con người. Ngài sẽ phải hành động chống lại nỗ lực giảm hạ con người qua việc chế tạo ra những hữu thể-nô lệ. Hẳn nhiên là phải có lằn mức mà con người không thể vượt qua…”

Vấn đề thật nghiêm trọng. Thành phố Ninivê đã ăn năn, đã cầu nguyện và đã được tha thứ. Trong khi đó Sođôma và Gômôra thì không ăn năn, cũng chẳng cầu nguyện, và chuyện gì phải xẩy đến đã đến. Nếu muốn, số phận ấy cũng sẽ dành cho chúng ta.

Nhìn những sự kiện này với cặp mắt nhân loại, ta sẽ chỉ thấy vô vọng. Nhưng chúng ta không hề cậy dựa vào sức mình. Chúng ta cũng chẳng biết tất cả mọi sự. Đừng thất vọng khi những điều không hay xẩy đến. Thánh Maximilian Kolbe nói: “Thiên Chúa cho phép mọi việc xẩy ra để nhắm đến một phúc lành lớn hơn.” Hãy tin tưởng nơi Chúa. Cha Walter Ciszek, dòng Tên, người đã trải qua 25 năm trường trong các trại tù Liên Sô, đã nói rằng điều Chúa muốn, nhất là trong những lúc oan trái hoặc hiểm nguy, chính là “một hành vi tín thác trọn vẹn,” vốn đòi hỏi nơi ta một “niềm tin tuyệt đối: tin vào sự hiện hữu của Chúa, tin vào sự quan phòng của Ngài, tin vào sự ân cần săn sóc của Ngài cho đến tận những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong đời ta, tin vào quyền năng của Ngài luôn nâng đỡ ta, và tin vào tình yêu của Ngài luôn che chở ta.”

Hãy tín thác vào Chúa! Hãy cầu xin, nhất là với Đức Mẹ, là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta. Năm 1571, tại Lepanto, số phận các chiến đoàn Kitô giáo hẩm hiu đến độ, nếu như bây giờ thì Las Vegas sẽ đánh cá ngay lập tức. Thế nhưng những lời cầu nguyện dâng lên Mẹ Maria Mân Côi đã đem lại chiến thắng. Mẹ cũng có thể lo cho các vấn đề hôm nay của ta. Hôm nay có mặt nơi đây thật là một dịp trọng đại. Ta biết rằng mình đang ở bên phe chiến thắng. THIÊN CHÚA KHÔNG HỀ CHẾT. NGÀI CŨNG CHẲNG MỎI MỆT.

Xin cảm ơn vì đã cho tôi đặc ân được ở đây với anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, cho gia đình anh chị em và cho Viện Đại Học Công Giáo thân thương của chúng ta. Xin Chúa chúc lành cho đất nước Hoa Kỳ của chúng ta.
 
Đức Thánh Cha nhắc đến một mẫu gương của các ký giả
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
12:03 13/06/2010
VATICAN (zenit.org) - Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã giới thiệu hôm nay, Chúa Nhật 13 tháng Sáu 2010, Manuel Lozano Garrido với tên gọi quen thuộc Lolo và đã được phong chân hôm qua như là mẫu gương của các ký giả.

Ngay chính tại nơi Manuel Lozano Garrido (1920-1971) đã sinh ra và qua đời, thành phố Linares, thuộc giáo phận Andalousie, đã được chọn để cử hành nghi thức phong á thánh, hôm qua, thứ Bẩy, ngày 12 tháng Sáu. Đức Cha, Angelo Amato s.d.b., Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, thay mặt Đức Thánh Cha, đã chủ sự thánh lễ này.

Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến vị khuôn mặt vị tân á thánh như một « giáo hữu biết lan tỏa tình yêu Thiên Chúa qua mẫu gương và bài viết của mình, ngay chính trong lúc bệnh tật mà ngài đã phải gắn bó với chiếc xe lăn trong suốt ngần 28 năm trường ».

« Cuối đời, ngài bị mù lòa hoàn toàn, tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục mang được những trái tim về cho Đức Kitô thông qua niềm vui sống bình an và đức tin không hề lay chuyển của mình », Đức Thánh Cha nói tiếp.

« Các ký giả có thể tìm thấy nơi ngài một nhân chứng của sự thiện mà người ta có thể thực hành khi ngòi bút phản ảnh sự cao trọng của linh hồn và biết phục vụ sự thật cũng như các mục đích cao đẹp », Đức Giáo Hoàng thổ lộ.

Tưởng cũng nhắc lại, Lolo đã đối diện với chứng liệt tiệm tiến ở độ tuổi 22 và trong suốt 9 năm về cuối đời đã bị mù lòa. Mặc dù bị đau bệnh nguyền, ngài đã hành nghề của một ký giả cho nhiều tờ báo khác nhau, như: « Ya », các tạp chí « Telva » và « Vida nuava », hãng tin «Prensa asociada ». Ngoài ra, ông cũng viết rất nhiều sách và đã sáng lập tạp chí « Sinaï » dành cho các bệnh nhân. Lolo đã đạt được những thừa nhận quan trọng trong nghề báo chí, như giải thưởng « Hoan Hô ». Vị Tân Chân Phước ký giả giáo dân cũng từng là thành viên Công Giáo Tiến Hành.
 
Đức Thánh Cha nói linh mục là món quà từ Trái Tim Đức Kitô
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
13:33 13/06/2010
ROMA (Zenit.org) - “Linh mục là một món quà từ Trái Tim Đức Kitô: một món quà cho Giáo Hội và cho thế giới”, Đức Thánh Cha đã khẳng định trước giờ Kinh Truyền Tin hôm nay, Chúa Nhật 13/06/2010, trước sự hiện diện của hàng ngàn khách hành hương tập trung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

“Từ Trái Tim của Con Thiên Chúa, tràn ngập lượng lân ái, tất cả kho tàng của Giáo Hội tuôn trào, và đặc biệt là từ đây vốn là nguồn gốc lôi kéo ơn gọi của những người nam này, bị chiếm lãnh bởi người Thầy Giêsu, từ bỏ tất cả để thánh hiện trọn vẹn trong việc phục vụ Dân Chúa, theo gương Vị Mục Tử nhân lành”, Đức Thánh Cha triển khai tiếp.

“Linh mục được tác tạo bởi tình yêu của chính Đức Kitô, tình yêu này thúc đẩy linh mục trao ban cuộc đời mình cho các bạn hữu và cũng tha thứ cho kẻ thù của mình. Vì lẽ đó, các linh mục là những người thợ của nền văn minh tình thương”, ngài nói thêm.

Đức Thánh Cha cũng đã nêu hai mẫu gương của những người thợ cho nền văn minh tình thương này: Thánh Gioan Maria Vianney, Cha Sở giáo họ Ars mà sự cầu bầu của ngài “cần phải đồng hành hơn nhiều với chúng kể từ bây giờ”, và Cha Jerzy Popieluszko, linh mục tử đạo, được phong chân phước hôm Chúa Nhật tuần trước tại Vacxava, Ba Lan. “Tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu đã dẫn dắt ngài thí mạng sống mình, và lời chứng này đã trở nên hạt giống cho một mùa xuân mới trong Giáo Hội và trong xã hội”, Đức Thánh Cha chia sẻ.

Đức Giáo Hoàng cũng nhắc đến biến cố bế mạc Năm Linh Mục, với buổi canh thức hôm thứ năm vừa rồi và thánh lễ trọng thể của thứ sáu, ngày tiếp theo, tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Đối với ngài, “đây là những ngày không thể quên, trước sự hiện diện của hơn 15.000 linh mục của tất cả các miền trên thế giới”.

“Năm Linh Mục được khép lại với ngày lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, là ngày truyền thống “thánh hóa các linh mục”, và dịp lễ này năm nay đã mang chiều kích hết sức đặc biệt”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

“Do vậy, hôm nay tôi muốn tạ ơn Thiên Chúa về những điều tốt đẹp mà Năm Linh Mục đã mang lại cho Giáo Hội hoàn vũ. Không ai có thể lượng giá hết những điều ấy, tuy nhiên, một điều không thể chối cãi là người ta thấy ở đó và sẽ còn thấy nhiều hoa trái”, Đức Giáo Hoàng lý giải.
 
Một hình thức bách hại tôn giáo? nhà trường ra luật đeo tràng hạt Mân Côi là phạm tội băng đảng
Trần Mạnh Trác
13:50 13/06/2010
Schenectady, New York: Ngày thứ tư 9-6 vừa qua, Một tòa án liên bang vừa gia hạn cho phép một cậu bé 13 tuổi có thể đi học lại mà vẫn có thể đeo cỗ tràng hạt cho đến ngày 10 tháng 9. Cậu bé đã bị đuổi học tại trường Oneida Middle School vì lý do đeo chuỗi hạt. Em đã đeo tràng hạt Mân Côi từ lúc bảy tuổi sau khi có người anh bị đụng chết trong một tai nạn xe hơi.

Raymond Hosier là một học sinh lớp bảy tại trường Oneida ở Schenectady, New York, đã bị đuổi 1 ngày, thứ Hai ngày 17 tháng Năm vì đeo tràng hạt trên cổ. Nhà trường tuyên bố rằng tràng hạt Mân Côi là dấu hiệu cuả băng đảng và do đó em đã vi phạm luật trang phục, đó là luật nghiêm cấm học sinh mặc bất cứ thứ gì có vẻ liên quan đến "băng đảng."

Luật của nhà trường không đặc biệt đề cập đến chuỗi hạt Mân Côi. Tuy nhiên, luật có viết: "Cách thức một học sinh ăn mặc, chải chuốt và xử sự bao gồm những việc như làm tóc, đeo nữ trang, đánh phấn và đánh móng tay, thì phải:. .. Không gợi nên, không đại diện cho những dấu hiệu băng đảng, đó bao gồm nhưng không giới hạn những vật sau đây: khăn quấn tóc, màu sắc, cờ quạt hoặc chuỗi hạt. "

Luật nói thêm, "Các học sinh vi phạm trang phục sẽ được yêu cầu phải sửa đổi bằng cách che phủ hoặc loại bỏ các dấu hiệu vi phạm trên, và nếu cần thiết hoặc có thể, phải thay thế nó với một vật khác có thể chấp nhận được. Bất cứ học sinh nào từ chối làm điều đó thì phải chịu kỷ luật. "

Vào thứ Ba ngày 18 tháng 5, em Raymond trở lại trường học vẫn đeo tràng hạt và không bị phát hiện. Tuy nhiên vào thứ Tư ngày 19 tháng Năm, em đã bị đuổi học một tuần.

Em quay trở lại trường vào thứ Hai ngày 24 tháng Năm, vẫn đeo tràng hạt. Vào lúc đó, em bị nhà trường đuổi vô thời hạn.

Em đã không đi học cho đến khi một tòa án ban hành một lệnh tạm thời bắt nhà trường phải tự chế vào ngày 01 tháng 6, cho phép em Raymond có thể đeo tràng hạt của mình đến trường.

Ngày thứ Tư vừa qua, Thẩm phán liên bang Lawerence E. Kahn đã gia hạn lệnh tự chế tạm thời đó cho đến ngày 10 tháng 9, tức là tới hết niên học.

Theo một thông cáo từ American Center for Law and Justice (ACLJ: Trung tâm Luật pháp và công lý HK), là nhóm bảo thủ đại diện cho Raymond, thì việc gia hạn lệnh tự chế đó có nghĩa là "các viên chức nhà trường bị cấm đoán không được ngăn chặn Raymond đeo tràng hạt bên ngoài quần áo của mình khi đi học. "

Theo Jay Sekulow, giám đốc tư vấn của ACLJ, thì sự việc nhà trường đã vi phạm nhân quyền cuả em Raymond vẫn tiếp tục bị kiện.

"Điều quan trọng là Raymond được phép hoàn tất năm học này với cỗ tràng hạt. Lệnh gia hạn là giúp cho khu học chánh có một cơ hội chỉnh đốn lề luật lại cho hợp với lý lẽ lương tri. Chúng tôi sẵn sàng giải quyết vấn đề - hoặc là từ bên trong hay tại tòa án - để đảm bảo rằng nhân quyền cuả em Raymond được bảo vệ vĩnh viễn. "

Ed White, cố vấn cao cấp cuả ACLJ, cho biết luật trang phục của khu học chính là vi hiến từ căn bản.

"Vấn đề trang phục này là vi hiến bởi vì nó không xác định những liên quan băng đảng là gì," White nói. "Bất cứ điều gì mà họ không thích thì là có liên quan băng đảng, ngay cả chuỗi tràng hạt Mân Côi mà cậu bé rõ ràng đã đeo vì lý do tôn giáo."

Nhưng em Raymond không chỉ đeo cỗ tràng hạt vì lý do tôn giáo mà thôi.

Theo White, từ khi lên bảy tuổi thì em đã chứng kiến cái chết của anh trai mình bị một chiếc SUV đụng phải.

"Gia đình em đã mua nhiều chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho người anh trong những giờ hấp hộí tại bệnh viện, đó cũng là một cỗ tràng hạt mà Raymond đang đeo,"

Ngoài ra, một người cậu cuả Raymond, một cựu Marine, đã qua đời ba tuần trước vì ung thư não cũng đã dạy Raymond về việc lần hạt.

"Cho nên em Raymond đã đeo sâu chuỗi cho người anh và người cậu và vì lý do tôn giáo của mình," White nói. "Cậu cuả Raymond đã dạy em rằng ‘Cháu phải chiến đấu cho những gì cháu tin tưởng’ Đó là lý do lớn lao mà Raymond không luì bước tranh đấu cho quyền của mình. "
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lớp học hè tại giáo điểm nghèo Cần Giờ
Thanh Tâm
06:38 13/06/2010
SAIGÒN - Bảo là gần Sài Thành phồn hoa đô thị thì cũng chẳng gọi là gần, bảo là xa thì cũng chẳng phải là xa cho mấy ! Ấy vậy mà hình như là xa lắm bởi cách trở tự con sông. Muốn qua được mảnh đất Cần Giờ yêu quý phải đợi mãi mới có một chuyến đò. Vì ngăn sông cách trở ấy nên rồi người dân Cần Giờ nói chung và An Thới Đông nói riêng phải chịu biết bao thiệt thòi.

Hình ảnh Lớp Học Hè

Cái thiệt thòi to nhất với cái vùng biển mặn này có lẽ là con chữ. Vốn với cái nghĩ bình dân tự bao đời rằng “học để làm chi mai này cũng mò cua bắt ốc” và “học để làm gì để mai ngày cũng bắt ốc mò cua” để rồi chuyện học bị xem nhẹ. Thật ra mà nói có không muốn xem nhẹ đi chăng nữa thì cũng đành khoanh tay khép gối nhìn con chữ. Để đi tìm được con chữ những người dân nghèo An Thới Đông thật lao đao vất vả. Với cấp III, các em phải dậy từ tờ mờ sáng cơm đùm cơm nắm “trèo” lên xe buýt ra mãi tận bến phà. Các em cấp II cũng chẳng khá hơn, cũng lò mò bò dậy khi trời còn nhem nhuốc để kịp chuyến xe để vào lớp.

Cùng đồng hành với cái nghèo của người dân vùng biển mặn, thao thức đưa con chữ đến với những người nghèo chẳng phải là nhiệm vụ của riêng ai. Cùng với dòng chảy và thao thức ấy, linh mục đặc trách giáo điểm đã tạo mọi điều kiện cho các em có thể đến trường. Thường niên thì giáo điểm cưu mang nhưng em xa nhà xa xứ đến trọ tại khuôn viên của giáo điểm để được tiếp tục cắp sách đến trường. Mùa hè năm nay, càng thao thức khi con chữ nó làm sao ấy với các em nên giáo điểm đã tổ chức khoá hè 2 tháng cho các em.

Mùa hè năm nay, với dụng ý lớp hè như vậy, trước là để cho các em bớt thời gian lui tới các tụ điểm game online cũng như những trò chơi vô bổ, kế đó là gửi đến tay các em một vài con chữ để cho các em kịp với chương trình học. Chuyện quan trọng không kém giáo điểm nhằm đến vẫn là nhân bản, lời ăn tiếng nói cũng như cách cư xử với nhau.

Vì nhằm chủ đích chuyện nhân bản, sáng ngày khai giảng khoá hè, Cha đặc trách giáo điểm Phanxicô Átxidi Hoàng Minh Đức (DCCT) đã nhắn nhủ các em về mục này. Bên cạnh đó, Cha đặc trách còn nhắn nhủ các em vào đây để học và phải vâng lời thầy cô giáo, không được tham của người khác, không được chửi thề, đánh lộn … và cũng nhớ khi ăn bánh ăn kẹo thì xả rác vào các giỏ đặt xung quanh khuôn viên Nhà Thờ. ..

Còn nhiều và nhiều khó khăn phía trước nhưng tin vào ơn Thánh Chúa, giáo điểm cố gắng hết sức mình để lo cho các em có cơ hội đến trường.

Chỉ cách một con sông, chỉ cách một bến phà ấy vậy mà sao cuộc đời của các em lao đao khổ cực quá ! Muốn kiếm một vài con chữ để nên người hơn sao mà nao lòng quá ! Chỉ biết xin ơn Thánh Chúa qua sự trợ giúp của Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp cho giáo điểm nghèo này được nhiều tấm lòng thơm thảo trợ giúp cho những mảnh đời bơ vơ vất vả hơn mà thôi.
 
Đức Cha Lạng Sơn đi thăm mục vụ giáo dân miền Hà Giang
GP Lạng Sơn
06:43 13/06/2010
LẠNG SƠN - Trong các ngày 8-10 tháng 6 năm 2010, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, đã có chuyến viếng thăm mục vụ tới giáo họ Thánh Tâm, thuộc thị xã Hà Giang, nằm trong phần diện tích của giáo phận. Với tấm lòng mục tử luôn thao thức vì đoàn chiên, Đức Cha Giuse đã vượt qua hơn 450km đường đồi núi quanh co nguy hiểm để đến với đoàn chiên xa xôi này.

Hình ảnh chuyến thăm mục vụ

Chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Cha Giuse được thực hiện nhân lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu – bổn mạng của cộng đồng dân Chúa giáo họ Thánh Tâm tại Hà Giang.

Vài nét về giáo họ Thánh Tâm tại Hà Giang

Hà Giang là mảnh đất địa đầu cực Bắc của Việt Nam, nơi có dãy núi đá cao và nhiều sông suối. Phía bắc tỉnh Hà Giang giáp với Trung Quốc (đường biên là 274km). Theo địa chính ranh giới các giáo phận, Hà Giang được chia dọc theo con sông Lô. Phía diện tích đông tả ngạn sông Lô thuộc Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng. Phía tây hữu ngạn sông thuộc giáo phận Hưng Hoá. Cư dân bao gồm người H1Mông, Tày, Dao, Kinh, Sán Dìu, Hoa… Đời sống kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là tình hình chung của nhiều Kitô hữu tại vùng núi Đông Bắc này.

Sau thời gian dài âm thầm sống và giữ vững đức tin, cùng với sự nâng đỡ của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên Giám mục Lạng Sơn, cách đây 3 năm, sự hiện của Cộng Đoàn Kitô giáo đã được chính quyền tỉnh Hà Giang công nhận và chính thức công khai hoạt động, một thời gian ngắn, Giáo Họ Thánh Tâm tại thị xã Hà Giang đã được thành lập.

Hiện nay, cả tỉnh Hà Giang chưa có ngôi nhà thờ nào. Có khoảng trên dưới 300 tín hữu Công giáo, sống rải rác ở các huyện như Đồng Văn, Mèo Vạc, Quảng Bạ, Yên Minh, Bắc Mê…

Năm 2007, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân được bổ nhiệm làm Giám mục coi sóc giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, tiếp nối thao thức mục vụ và nhiệt tâm truyền giáo của vị tiền nhiệm, ngài đã chăm lo cho cộng đồng dân Chúa tại Hà Giang có một ngôi nhà thờ để làm nơi cộng đoàn họp nhau cử hành các nghi lễ phụng vụ và cầu nguyện. Ngài đã mua lại một thuở đất ở ngoại ô thị xã để chuẩn bị cho việc xây dựng ngôi nhà thờ. Đồng thời, ngài đã đặt cha Phaolô Nguyễn Văn Thảo hiện đang là quản lý giáo phận kiêm chính xứ Đồng Đăng, phụ trách mục vụ Hà Giang. Hiện nay Cha đang xây dựng nhà thờ Đồng Đăng. Công việc khá nhiều nên Ngài chỉ hiện diện với cộng đoàn vào những dịp lễ lớn mà thôi.

Hiện nay, mọi sinh hoạt phụng vụ, cầu nguyện hay hội họp trong giáo họ đều được diễn ra tại SÂN nhà ông trùm Thực – một tín hữu đạo đức và nhiệt thành. Nơi đây được gọi một cách thân thương là Sân nguyện.

Ngôi nhà thờ là niềm mong mỏi, ao ước từ lâu của bà con giáo dân Hà Giang. Với sự tín thác vào lòng yêu thương quan phòng của Thánh Tâm Chúa, sự quan tâm của bề trên giáo phận và sự cố gắng của mọi thành phần dân Chúa nơi đây, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng hy vọng, ngôi nhà thờ sẽ sớm trở thành hiện thực. Đó không chỉ là dấu chỉ sự hiện diện của giáo hội Chúa nơi vùng sơn cước xa xôi này, nhưng còn là dấu chỉ của sự hiệp thông huynh đệ giữa mọi thành phần dân Chúa khắp nơi, dấu chỉ của ánh sáng truyền giáo và nhiệt huyết tông đồ.

Chuyến viếng thăm mục vụ của vị mục tử “Đến với muôn dân”

Ngày 8 tháng 10

Vào lúc 5h00 sáng, Đức Cha Giuse rời Tòa Giám mục để bắt đầu hành trình 450km đường núi đồi đến với giáo dân Hà Giang. Tháp tùng ngài có cha Giuse Nguyễn Bình Trọng (SDB) và một số người trong Tòa Giám mục. Sau 8 tiếng đồng hồ dong duỗi trên những con đường quanh co gập ghềnh, ngang qua Bắc Sơn - Thái Nguyên – Tuyên Quang … đến 4giờ chiều cùng ngày, xe đã đến cửa ngõ thị xã Hà Giang. Tại đây, cha Giuse Trần Văn Hưng (CSSR) đã cùng bà con giáo dân Hà Giang hân hoan chào đón vị chủ chăn giáo phận, mọi người đã đợi ở đây từ hơn hai giờ trước đó. Cộng đoàn cùng đoàn tụ tại nhà ông trùm Thực. Nơi sân nhà ông sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ và cũng là nơi dâng Thánh lễ Tạ ơn.

Sau đó, đoàn giáo dân từ Cao Bằng do Cha Giuse Nguyễn Văn Chung – quản hạt Cao Bằng cũng tới đây. Đoạn đường từ Cao Bằng tới Hà Giang gần 300km đường đồi - một hành trình dài để đến hiệp thông và dâng thánh lễ, chia vui với giáo họ Thánh Tâm.

Khoảng 7g00 tối, mọi công việc và sinh hoạt đời sống đã tạm gác lại, bà con giáo dân mỗi lúc mỗi kéo đến thật đông tại Sân-nguyện để mong gặp gỡ Đức Giám mục- vị Cha chung mến yêu của họ mà vì địa lý cách trở nên khó có dịp hội ngộ như trong ngày vui hôm nay.

Vào lúc 8g00 tối, Đức Cha Giuse và quý Cha đã long trọng cử hành thánh lễ trong sự tham dự sốt sắng của bà con giáo dân Hà Giang.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Giuse dâng tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về chuyến dài được đi bình an, dâng đoàn con giáo họ Thánh Tâm - Hà Giang cho sự quan phòng vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha liên hệ hình ảnh bà goá nghèo tốt bụng và cộng đoàn Thánh Tâm nghèo, cả hai đều có chung niềm tin vào Thiên Chúa, có chung tấm lòng đạo đức nhiệt thành. “Với tấm lòng thành, niềm tin thì cái nghèo về thể chất của bà goá và cộng doàn Thánh Tâm này sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và tuôn đổ muôn hồng ân”.

Sau Thánh lễ, dưới sự hướng dẫn của thầy Gregôriô Vũ Văn Thu (chủng sinh giáo phận, đang giúp mục vụ mùa hè tại Hà giang), các em thiếu nhi đã đem đến cho Đức Cha - quí Cha và cộng đoàn những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, đơn sơ nhưng ấm tình con thảo, ngọt ngào và giản dị trong cách thể hiện bài hát và vũ điệu, tất cả rộn lên tâm tình sum họp gia đình yêu thương, đầy ấm, đầy ắp tiếng cười.

Cùng hòa mình vào chương trình văn nghệ, cha Giuse Nguyễn Bình Trọng đã tung hứng với những vũ điệu gây phấn khởi cho cả cộng đồng. Niềm vui ấy khiến cho Đức Cha Giuse cảm động, Ngài nhiệt tình hoà mình vào những vũ khúc với đàn con yêu dấu của mình.

Trời đã về khuya, Đức Cha Giuse Ban Phép Lành cuối ngày cho bà con và hẹn gặp nhau tại cuộc Lễ Tạ Ơn vào ngày mai.

Ngày 9 tháng 10

Theo chương trình, vào lúc 8g30 sáng, ca đoàn thiếu nhi đã rộn ràng trong những bộ quần áo dân tộc truyền thống. Cùng với Đức cha thân yêu, giáo họ Thánh tâm đón chào quý khách đến chúc mừng ngày lễ quan thầy.

Cha Gioakim Đinh Văn Hợp chính xứ Tân Quang – thuộc Tuyên Quang, Giáo phận Hưng Hoá đến chào thăm Đức Cha Giuse và chúc mừng bà con giáo dân giáo họ Thánh Tâm. Cha Gioankim là người rất thân thiết với bà con giáo dân nơi đây, nơi Cha phục vụ chỉ cách Giáo họ Thánh Tâm 45 km, theo lời mời của Đức Cha Giuse, Cha đến giáo họ Thánh Tâm để cử hành các bí tích khi cần thiết.

Phái đoàn đại diện chính quyền tỉnh Hà Giang, phường Ngọc Hà và Quang Trung đến chào thăm và tặng hoa chúc mừng nhân dịp lễ Quan thầy giáo họ, đồng thời có cuộc gặp gỡ trò chuyện thân mật với Đức Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng trong tinh thần vui tươi cởi mở.

Ngoài ra còn có một số bà con lương giáo xóm giềng cũng tới chung chia niềm vui với giáo họ.

Một vài tiết mục văn nghệ của các em thiếu nhi theo phong cách Hà Giang được gởi tặng cho quí khách tham dự.

Đúng 9g30, Thánh lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu - bổn mạng giáo họ Thánh Tâm tại Hà Giang được long trọng cử hành.

Bước vào thánh lễ, Đức Cha Giuse ngỏ lời tâm tình đến cộng đoàn hiện diện “Sự có mặt của các thành phần dân Chúa tại sân nhà nguyện này nói lên một sức sống mãnh liệt của Đức tin Kitô giáo, dù nơi đây chưa có nhà thờ, chưa có sự hiện diện của linh mục. Tuy cách xa ngôi nhà mẹ là Toà Giám Mục hơn 450km nhưng giáo họ Thánh Tâm vẫn luôn được nhớ đến với tư cách của một Giáo xứ. Một Giáo xứ thân thương của trái tim người mục tử.”

Trong bài giảng lễ, Đức Cha nói lên ý nghĩa tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu: “ Với đức tin Kitô giáo; Thánh Tâm Chúa Giêsu là một tình yêu bất tận vô bờ bến. Vì yêu chúng ta, Thiên Chúa đã “sáng kiến” một phương thức thật độc đáo để cứu độ con người. Thiên Chúa không phải chỉ phán một lời nhưng chính sáng kiến tình yêu đã biến Con Thiên Chúa biến thành Nhục Thể; chấp nhận thân phận loài người như chúng ta nhưng chỉ trừ tội lỗi. Điều đó để nói lên một tình yêu đến tận cùng của Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ đã dịnh nghĩa về Thiên Chúa:“ Thiên Chúa là tình yêu”. Tình yêu là sự bỏ mình, là sự khiêm tốn và quảng đại, sẻ chia và những tính chất của tình yêu đó đem lại cho con người những giá trị căn bản để sống với nhau, chấp nhận nhau. Khi người lính đã lấy mũi giáo đâm vào cạnh Nương long Chúa, lập tức Máu và Nước chảy ra phát sinh dòng nước rửa tội, phát sinh cứu độ cho con người và cũng mở ra cho con người một sự thay đổi mới. Chính lúc này các môn đệ mới hiểu được giá trị tận cùng của tình yêu Chúa. Không có tình yêu nào quí hơn tình yêu hiến mạng sống cho bạn hữu mình. Chính tình yêu Đức Kitô đã làm nên đức tin và sự can đảm nơi các kitô hữu… Tình yêu là điều dễ nói nhất, tình yêu xoá bỏ mọi ranh giới, mọi mặc cảm, mọi phân ly mà đem lại cho chúng ta sự cảm thông yêu mến. Tình yêu giúp cho chúng ta sống hài hoà hơn trong thế giới hôm nay. Thánh phao lô đã dạy – cứ yêu đi là bạn đã thực hiện lề luật của Thiên Chúa. Chính sáng kiến của tình yêu là những phép lạ vĩ đại trong đời. Chúng ta cũng đang là những phép lạ của Thiên Chúa của hành trình sống đạo tại giáo họ Thánh Tâm Hà Giang, từ những khó khăn và thử thách ấy Chúa đã cảm thương và đã chuẩn bị cho giáo họ này một mảnh đất khiêm tốn để chúng ta có thể xây dựng môt ngôi nhà thờ. Mang tên Thánh Tâm của Chúa, ước gì giáo họ cũng được uốn lòng mỗi người theo Thánh Tâm Chúa để có thể làm chứng nhân yêu thương – phục vụ anh em với nhau”.

Trước khi ban Phép Lành Toàn Xá cho bà con nơi đây, Đức Cha Giuse lại một lần nữa cảm ơn sự hiện diện của các thành phần dân Chúa, cũng như các cấp chính quyền tại Hà Giang. Phép lành trọng thể của Đức Cha kết thúc Thánh lễ.

Sau Thánh lễ bà con và qúi khách đã dùng bữa cơm thân mật sẻ chia niềm vui trong ngày mừng quan thầy giáo họ Thánh Tâm.

Vào buổi chiều, Đức Cha Giuse đã đi thăm một số gia đình giáo dân tại Hà Giang.

Lúc 8h00 tối, Đức Cha Giuse cùng cộng đoàn chầu trọng thể Thánh Tâm Chúa Chúa Giêsu tại sân –nguyện. Bao tâm tình, trăn trở trước những khó khăn trong cánh đồng truyền giáo của giáo phận, đặc biệt tại giáo họ Thánh Tâm, Đức Cha phó dâng và tín thác trong tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Một ngày kết thúc trong ơn nghĩa thánh của phép lành Thánh Thể.

Ngày 10 tháng 6

Bình minh vừa ló rạng, Đức Cha Giuse và quý Cha cùng cộng đoàn hiệp thông trong thánh lễ đầu ngày mới. Sau đó Ngài tạ từ bà con trở về Toà Giám mục Lạng Sơn. Ai nấy đều lưu luyến vị Cha chung mến yêu.

Kết thúc ba ngày viếng thăm mục vụ của Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân đến với đoàn chiên xa xôi nhất của giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng. Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng mọi người và đem lại nhiều hoa trái thánh thiện tốt lành. Với lòng nhiệt thành đạo đức, với đức tin kiên trung, bà con giáo dân giáo họ Thánh Tâm tại Hà Giang luôn sống tâm tình tín thác vào sự quan phòng của Thánh Tâm Chúa qua bề trên giáo phận, đồng thời cố gắng nỗ lực mọi mặt để góp phần xây dựng giáo họ, làm sáng danh Chúa nơi vùng sơn cước xa xôi này.

Với tình hiệp thông trong giáo hội, xin mọi thành phần dân Chúa xa gần cùng chung tay giúp đỡ giáo họ nhỏ bé, xa xôi của giáo phận truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng, nhất là cộng tác để ngôi nhà thờ mong ước của giáo dân Hà Giang sớm trở thành hiện thực.
 
Thánh lễ Thêm Sức tại giáo xứ Tân Dân Sài Gòn
Maria Vũ Loan
10:14 13/06/2010
SAIGÒN - Sáng ngày thứ bảy, 12/6/2010, giáo xứ Tân Dân hạt Chí Hòa có một ngày vui như ngày hội vì có gần 100 em thiếu nhi rước lễ lần đầu và lãnh nhận bí tích Thêm sức.

Hình ảnh lễ Thâm Sức

Thánh lễ ban phép Thêm sức

Đã nhiều năm qua, mùa hè là thời điểm thuận lợi cho việc các cháu thiếu nhi lãnh nhận các bí tích. Nhưng giáo xứ Tân Dân là một cộng đoàn nhỏ bé, âm thầm với số giáo dân là 2.000 người, các cháu thiếu nhi là 200 kể cả những cháu còn đang bế trên tay mẹ; thế nên hai năm nay mới có một ngày hội vui khi Đức giám mục Pet. Nguyễn Văn Khảm đến chủ sự thánh lễ hôm nay.

Sân nhà thờ Tân Dân thường ngày thanh vắng với bóng cây cảnh chạy dài hai bên sân. Nhà xứ và các phòng học giáo lý bên cánh phải nhà thờ cũng ít bóng người nếu không phải đó là ngày Chúa nhật. Nhưng hôm nay, cả người lớn và trẻ em đều đứng làm hàng chào với vẻ mặt hón hở của những giáo dân trong một cộng đoàn giáo xứ ít khi tổ chức những thánh lễ đặc biệt.

Cha chánh xứ Tôma Hoàng Ngọc Công còn trẻ, năng động, tiến ra đón Đức giám mục một cách điềm đạm, giống hệt như phong cách hằng ngày của cha trên bục giảng. Đoàn rước tiến vào thánh đường trang nghiêm trong tiếng hát của ca đoàn mà các thành viên khá hùng hậu.

Một Đức giám phụ tá nếu phải dâng thánh lễ ban phép bí tích Thêm sức một tuần đến ba, bốn lần thì bài giảng về Chúa Thánh Thần còn mang đến nhiều sinh động cho trẻ em và có giảm bớt cảm xúc cho người giảng hay không? Hẳn là không vì những câu hỏi ngắn gọn của Đức Cha Phêrô vẫn làm cho các cháu vui, dễ hiểu và dễ trả lời và việc lãnh nhận bí tích này xảy ra trong đời các cháu một lần nên cảm xúc của mỗi cháu vẫn là vô tận. Hơn nữa, một sự việc dù được lập lại nhiều lần thì không có chuyện nhàm chán, tất cả những gì xuất phát từ Chúa Thánh Thần bao giờ cũng là mới đối với con người.

Thánh lễ kết thúc. Các em và cha mẹ đỡ đầu vui vẻ chụp hình. Món quà mà giáo xứ trao tặng mỗi em chắc chắn không mang giá trị vật chất mà như một quà tặng chúc mừng ngày vui.

Nhìn ngôi nhà thờ thầm lặng giữa khu vực dân cư, có ai biết rằng quá trình hình thành giáo xứ là cả một chặng đường dài gian khổ với nhiều hồng ân.

Giới thiệu lược sử giáo xứ Tân Dân

Giáo họ Đức Mẹ Fatima của Liên Khu Thương Phế Binh Bảy Hiền được thành lập vào năm 1971 với 700 giáo dân. Sau đó gọi là giáo xứ Thương Binh (1972) và nay là giáo xứ Tân Dân. Giáo xứ luôn góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển Hội Thánh Chúa, đã vượt qua những chặng đường đầy gian khó, nhờ ơn Chúa soi sáng phù trì, sự đoàn kết nhiệt thành của giáo dân, những tấm lòng sốt sắng của quý vị ân nhân xa gần, đã hình thành nên một xứ đạo trên vùng đất đã từng bị hoang phế là khu Trung tâm chăn nuôi – với nhiều con chiên kém may mắn, với những giai đoạn sau:

Giai đoạn hình thành:

Khu đất Trung tâm chăn nuôi nằm ở hướng tây nam thành phố Sài Gòn. Là khu đất đẹp cao ráo mát mẻ với nhiều cây cối, có kinh rạch chảy qua, thuận lợi về giao thông gần phi trường Tân Sơn Nhất, có ngã tư Bảy Hiền … Có lẽ vì thế nên trước đây người Pháp đã chọn làm nơi để thực nghiệm chăn nuôi các loại động vật trong ngành canh nông như heo, bò, ngựa, gà … cho cả toàn khu vực các nước thuộc địa Đông Nam Á. Sau năm 1954, Trung tâm này di dời về Thủ đức, chỉ còn lại đơn vị chủng ngừa và kho thuốc thú y. Từ đó vắng người nên khu đất trở nên hoang sơ, lau sậy cỏ dại mọc um tùm …

Khoảng tháng 4/1970, theo phong trào “ người cày có ruộng, phế binh có nhà” một số thương phế binh, cô nhi quả phụ, hoàn cảnh khó khăn … từ các nơi khác chạy về đây cắm cọc chiếm đất cắm dùi, sang nhượng nền nhà hình thành khu dân cư. Trong số này, người công giáo không phải là ít. Lúc đó, tuỳ theo sự thuận tiện, họ đi dự lễ tại các nhà thờ gần đó như Mẫu Tâm, Đắc Lộ, Chí Hoà, Thái Hòa … Dần dần, mọi người nhận nhau là tín hữu, cùng nhau tổ chức các cuộc thăm viếng, đọc kinh Tôn Vương từng gia đình, cùng nhau liên kết thành Liên Khu Thương Phế Binh Bảy Hiền. Liên khu gồm 5 khu hợp lại là: Khu Bảy hiền A, Khu Bảy hiền B, Khu chăn nuôi A, Khu chăn nuôi B và khu Phạm Hồng Thái.

Sau một thời gian, mọi người cảm thấy không thể sinh hoạt riêng lẻ, đơn độc về mặt tâm linh, tất cả đều mong ước có một ngôi nhà nguyện, có linh mục về dâng lễ …

Qua các tiếp xúc chuyện trò của các giáo dân các khu, nội dung bàn về việc xúc tiến xây dựng nhà nguyện. Kết quả mọi người đều đồng tâm nhất trí xây dựng họ đạo có thánh đường và trường học.

Một Uỷ ban vận động xây dựng thánh đường được thành lập, sản nghiệp là hai bàn tay trắng với một khối giáo hữu nghèo nàn, “chín người mười làng” từ các nơi đổ về chưa hiều nhau lắm, lại không có tiếng nói của linh mục, giáo quyền nhưng vẫn cương quyết bắt tay tìm địa điểm lập nhà thờ, lập dự án kinh phí, đặt kế hoạch kiếm tiền, vận động các cha ủng hộ tinh thần, ý kiến xin được Đức giám mục giúp đỡ và gặp gỡ chính quyền… để xây dựng một nhà thờ.

Sau nhiều nỗ lực, ngày chúa nhật 13-09-1971 được chọn làm ngày khởi công dựng ngôi Thánh đường. Cha chánh xứ nhà thờ Thái Hoà là Vũ Gia Đệ đã đến dâng lễ đầu tiên tại ngôi Thánh đường này. Tiếp đến Ủy ban xây dựng thánh đường lên Toà Giám Mục xin linh mục về coi sóc họ đạo. Việc này rất khó giải quyết vì điều kiện về tình trạng đất đai chưa hợp lệ. Kiên trì đến xin lần thứ ba, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đồng ý cử cha GB. Trần Học Hiệu coi sóc đoàn chiên tại đây bằng việc đến dâng lễ ngày Chúa nhật và thứ năm.

Ngày 23/01/1972, là NGÀY KHÁNH HẠ THÁNH ĐƯỜNG XỨ THƯƠNG BINH, tức ngày thánh đường hoàn thành, dâng kính Đức Mẹ Fatima. Có hơn 1000 giáo hữu thương binh cùng hân hoan quy tụ về ngôi thánh đường mới với một thánh lễ tạ ơn do cha quản hạt Chí Hòa chủ sự.

Cha sở tiên khởi Gioan B. Trần Học Hiệu hiện diện cùng giáo dân và làm tất cả những việc như thành lập các ban ngành đoàn thể, các giáo khu… để hình thành nên một cộng đoàn giáo xứ với một ngôi nhà thờ mới

Trong ký ức của người giáo dân ở đây, rõ ràng là ân huệ Chúa ban vì từ một cộng đồng nghèo nàn tại khu đất hoang phế nay đã có một ngôi Thánh đường để quy tụ giáo dân dâng lễ, đọc kinh cầu nguyện thờ phượng Chúa, một nhà xứ để cha sở làm việc, nghỉ ngơi; một ngôi trường học để giáo dục con em chúng ta, một khu đất rộng rãi quang đãng, lý tưởng để kiến thiết sau này.

Giai đoạn phát triển:

Đầu năm 1973, cha sở J.B Trần Học Hiệu cho triệu tập toàn thể giáo dân tại khuôn viên nhà thờ để bầu Hội đồng giáo xứ. Các hoạt động tông đồ giáo dân được cha xứ quan tâm và thành lập thêm hội Các Bà Mẹ Công giáo, Legio Mariae, Dòng ba Đa Minh, hội Thánh giá gỗ….và nhiều hoạt động đáng chú ý khác.

Năm 1975, do biến động thời cuộc, cha sở GB. Trần Học Hiệu rời khỏi giáo xứ và mất năm 1979. Hội đồng Giáo xứ cũng tan rã. Việc duy trì các nghi thức phụng vụ, điều hành các công việc do thầy Giuse Nguyễn Thái Hòa, dòng Tận Hiến giúp cùng một ít quý chức còn ở lại đảm nhận. Không có linh mục làm lễ, hằng ngày thầy Hòa đến nhà thờ Mẫu Tâm hoặc Chí Hòa nhận Mình Thánh Chúa về nhà thờ, cử hành nghi thức phụng vụ Lời Chúa và trao Mình Thánh cho giáo dân tham dự. Chỉ còn 1 hội đoàn duy nhất còn hoạt động lúc đó là Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Gabriel.

Năm 1976, Cha Lêô Nguyễn Văn Hiền trở thành linh mục chánh xứ sau một thời gian trợ giúp. Tên gọi giáo xứ Thương binh được đổi thành giáo xứ Tân Dân.

Khoảng thời gian sau, do đời sống khó khăn nên một số giáo dân đi kinh tế mới, một số vượt biên ra nước ngoài, các đoàn thể hoạt động cầm chừng …hoặc tan rã. Sau đó, nhờ sự cố gắng cha xứ và một số người, mọi sinh hoạt dần đi vào ổn định và bộ mặt giáo xứ thay đổi nhiều. Năm 2005 cha Lêô Nguyễn Văn Hiền về nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Chí Hoà và cha Giuse Nguyễn Đức Vũ được cử về làm cha sở xứ Tân Dân. Cha sở Giuse rất quan tâm đến giới trẻ và thiếu nhi.

Tháng 12/2006 cha Tôma Aquino Hoàng Ngọc Công về làm cha sở giáo xứ Tân Dân. Cha tái lập lại đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, cha ủng hộ, nâng đỡ, khuyến khích các ca đoàn đồng thời chăm lo bằng cách mở những lớp huấn luyện, bồi dưỡng về thanh nhạc, nhạc lý, cử anh em đi dự những khoá thánh nhạc trong phụng vụ tại giáo phận, lớp đệm đàn nhà thờ cũng được khai giảng từ mùa hè năm 2008 đến nay. Nhìn chung, các đoàn thể công giáo trong xứ cũng được cha quan tâm cách riêng hầu cho giáo xứ trở thành một gia đình.

Thời gian đang trôi qua, bàn tay Thiên Chúa vẫn đang chở che, dẫn dắt giáo xứ nhỏ bé này thông qua cha xứ Toma Aquino Hoàng Ngọc Công hiện nay, cụ thể qua ngày hội vui hôm nay.
 
Học hỏi Năm Thánh 2010: Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp
Trần Văn Cảnh
11:19 13/06/2010
Giáo Xứ Paris học hỏi và cử hành Năm Thánh 2010

Bài 6: Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp
khám phá dấu chỉ thời đại, 1977-2007


Paris. Chúa nhật 13/06/2010. Trước thánh lễ 11g30, GXVN Paris đã dành 10 phút để học hỏi về Năm Thánh 2010 (1). Theo đề nghị của BGĐ-GX, GS Trần Văn Cảnh giới thiệu với Cộng Đoàn về « Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp khám phá dấu chỉ thời đại, 1977-2007 » (2). Bài giới thiệu được chia làm hai phần: phần trình bày và phần hỏi thưa.

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Với một số người nhập cư vào Pháp đông chưa từng có, từ 1975 đến 1985, người Việt Nam được người Pháp đón tiếp một cách nồng hậu, với nhiều ưu ái và giúp đỡ rất quý. Người Công Giáo Việt Nam lại được Giáo Hội Pháp tạo cho một quy chế tổ chức xứng đáng hơn. Đó là tổ chức Tuyên Úy Đoàn, với một Tổng Tuyên Úy được gọi là « Đại diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ bên cạnh các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp », bổ nhiệm từ năm 1977. Ba mươi năm sau, các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam đã họp Đại Hội Quốc Gia tại Lộ Đức để khám phá và nhận diện thực tại, vào năm 2006. Người Việt Nam và đặc biệt là người Việt Nam Công Giáo đã làm được gì ? Đã khám phá được những dấu chỉ nào của thời đại ? Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào những dữ kiện lịch sử !

1. Tiếp đón người tỵ nạn việt nam tại pháp (1975-1976)

Sự hiện diện của người Việt Nam trên đất Pháp bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ XVIII. Sang đến thế kỷ XX, nhiều biến cố chính trị, quân sự như hai cuộc đại chiến thế giới, 1914-1918 và 1939-1945, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước năm 1954, cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diêm 1963, việc thống nhất đất nước năm 1975,... đã gây nên nhiều đợt di dân đến Pháp.

Số người Việt Nam tỵ nạn tại Pháp ngày càng gia tăng từ sau tháng 4-1975. Những trung tâm tạm cư mọc lên như nấm. Các Linh mục, tu sĩ tùy theo khả năng của mỗi người mà đáp ứng các nhu cầu của đồng bào mới sang định cư. Thông dịch, tìm nhà, kiếm việc làm, xin giấy tờ, thăm viếng, ủy lạo, dậy tiếng pháp,... các công tác xã hội này đã đưa tuyên úy đến gần với nhau và với người đồng hương hơn.

Từ mùa hè 1977, theo quyết định của Hội Đồng Giám Mục Pháp, việc mục vụ cho người công giáo Việt Nam được trao phó cho Tuyên Úy Đoàn do cha Trương Đình Hoè làm Đại Diện. Thực ra, danh từ Tuyên Úy Đoàn chưa được dùng đến trong những năm 1975-1978. Tháng 11- 1979, khi nói về các cuộc họp tại Orsay, Cha Trương Đình Hoè, lần đầu tiên, trong tờ báo Hiện Diện số 21 dùng chữ Đoàn Tuyên Úy. Và phải đợi đến năm 1990, trong kỳ họp thứ 13 tại Paray-le-Monial, từ ngữ Tuyên Úy Đoàn mới bắt đầu xuất hiện. Từ đó đến nay chưa có sự thay đổi nào khác. Thực ra, nếu xét về nghĩa ngữ thì các cụm từ trên cũng không khác biệt nhau bao nhiêu. Điểm quan trọng là những yếu tố cấu tạo nên một Tuyên Úy Đoàn, đồng trách nhiệm, cùng một hướng đi, hiệp thông với Giáo hội tiếp cư, chung lưng gánh vác sứ mệnh truyền giáo cho người Việt Nam.

2. Thành lập Tuyên Úy Đoàn và Đại Diện vào năm 1977

Sau hai năm nhận diện môi trường mục vụ và trao đổi với các vị hữu trách, ngày 9-6-1977, Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ đặt Cha Samuel Trương Đình Hoè làm Đại Diện của Ủy Ban bên cạnh các tuyên úy Việt Nam tại Pháp. Ba tháng sau, ngày 13/09/1977, Cha Hoè được Đức Hồng Y Marty, Giám Mục địa phận Paris, bổ nhiệm là Linh mục đảm nhiệm Giáo Xứ Việt Nam Paris, thay thế Cha Nguyễn Quang Toán.Tuy hai trách nhiệm mục vụ này không tùy thuộc lẫn nhau nhưng bổ túc cho nhau. Và sau đó, ngày 16-6-1977, Ủy Ban Thường Vụ của Hội Đồng Giám Mục Pháp lại cử Cha Jean Baptiste Etcharren làm phó thư ký cho Ủy Ban Ngoại Kiều Vụ, đặc trách người tỵ nạn Đông Nam Á Châu (Việt, Miên, Lào).

Sự bổ nhiệm Cha Samuel Trương Đình Hoè đánh dấu một thay đổi lớn trong việc phân bổ trách nhiệm mục vụ. Kể từ đây, các cộng đoàn Công giáo được Giáo hội Pháp chính thức công nhận. Tiếng nói của người Công Giáo Việt Nam là Tuyên Úy Đoàn. Giáo xứ Việt Nam Paris cũng như những cộng đoàn khác tùy thuộc Giám mục địa phương. Vai trò chính yếu của vị Đại Diện là phối hợp các công tác mục vụ toàn quốc, trong đó có sự duy trì và phát huy văn hoá dân tộc. Các tuyên úy được mời gọi hợp tác tích cực với ngài trong sứ mệnh này. Thư bổ nhiệm đặc biệt lưu tâm đến sự liên đới giữa người Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, chính kiến.

Năm 1977 có 17 Cộng Đoàn CGVN tại Pháp. Báo Hiện Diện, số ra mắt tháng 10-1997, trang 2, trong Sơ đồ tổ chức điều hành có ghi nhận 17 Cộng Đoàn gồm Lille, Metz, Strasbourg, Rennes, Nantes-Brest, Orléan, Paris, (không ghi Sarcelles, Ermont), Lyon, Grenoble, Bordeaux, Toulouse, Montpellier, Avignons, Marseille, Toulon, Cannes và Nice (Không ghi Aix).

Lên 20 Cộng Đoàn vào năm 1980. Được bổ nhiệm làm đại diện các tuyên úy Việt Nam, cha Samuel Trương Đình Hoè đã viết thư mời các vị Linh mục và tu sĩ nam nữ đang giúp đỡ kiều bào trong các Missions Catholiques Vietnamiennes và các trung tâm tiếp cư, về họp mặt tại Nhà Ánh Quang Thiên Chúa (La Clarté Dieu), 95 rue de Paris, 91402 Orsay, từ ngày 27 đến 30.11.1978, để thảo luận về đề tài: ‘Hiện tình Mục vụ Việt kiều tại Pháp và Vị trí Mục vụ Việt kiều trong Giáo hội Pháp’.

Lúc nầy, các địa điểm mục vụ đã chính thức hoạt động, dưới danh xưng cộng đoàn (trừ Giáo Xứ Paris). Đứng đầu mỗi địa điểm là một Linh mục, hoặc một sư huynh hay một nữ tu. Báo Hiện Diện số 30 tháng 11 năm 1980, do phòng Đại diện ủy ban Giám mục Ngoại kiều vụ phát hành, đã đăng danh sách 20 Cộng Đoàn sau đây: Lille, Strasbourg Metz, Nancy, Nantes, Brest, Bourges, Vannes, Luçon, Corbeil Essonnes, St. Germain en Laye, Giáo Xứ Paris, Villiers le Bel, Orléans, Lyon, St Etienne, Dijon, Montpellier, Bonnville, Grenoble, Bordeaux Gironde, Aix en Provence, Toulon, Marseille, Cannes, Nice.

Để đi đến 46 Cộng Đoàn vào năm 2006. Trong tập Kỷ Yếu 30 năm hành trình đức tin của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1976-2006), từ trang 30 đến 103, Ban Tuyên Úy đã giới thiệu 46 Cộng Đoàn.

Song song với việc phát triển về lượng, Tuyên Úy Đoàn đả cải tiến về phẩm bằng cách đưa ra một tổ chức hữu hiệu hơn. Việc này đã được thực hiện vào năm 1990 dưới nhiệm kỳ Tổng Tuyên Úy của cha Mai Đức Vinh. Ngài kể rằng: « Ngày 25.06.1990, Đức Cha Pierre Joatton, Giám Mục Giáo phận Saint Eùtienne, chủ tịch Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều gửi thư bổ nhiệm tôi làm Đại Diện Quốc Gia cho Tuyên Úy Đoàn Việt Nam tại Pháp và là người có trách nhiệm phối hợp về mục vụ cho người Việt Nam (Délégué National pour les Aumôniers Vietnamiens en France et responsable de la coordination de la Pastorale des Vietnamiens), thay thế Cha Phêrô Nguyễn Văn Tự mãn nhiệm kỳ. Ba tháng sau, tức kỳ Đại Hội XIII của Tuyên Úy Đoàn, từ 24-28.09.1990, tại Maison du Sacré Coeur, Paray le Monial, tôi trình bày với các Tuyên Úy về chương trình sinh hoạt mục vụ tổng quát gồm bốn điểm chính:

Mời các Tuyên Úy cộng tác sinh hoạt, mọi người kể từ Linh Mục Đại Diện đều làm việc có tính cách tự nguyện.

Tiền 80.000f (1/2 lương hàng năm của một Linh mục) do Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều trợ cấp sẽ trở thành quỹ chung của Tuyên Úy Đoàn. Thêm vào đó, mỗi cộng đoàn dành một ngày tiền quyên trong Thánh Lễ góp vào quỹ chung.

Thành lập Ban Mục Vụ Trưởng Thành, đặc biệt tổ chức các khóa huấn luyện cho các thành viên của các Ban Đại Diện Cộng Đoàn Việt Nam tại Pháp.

Thành lập Ban Mục Vụ Giới Trẻ, đặc biệt tổ chức các Đại Hội Giới Trẻ.

Sau nhiều giờ trao đổi, có lúc thật sôi nổi, chương trình bốn điểm đã được Tuyên Úy Đoàn chấp nhận. Ban Mục Vụ Trưởng Thành được thành hình từ đó ». (Lm Mai đúc Vinh, Ban Mục Vụ trương thành, trong: Kỷ Yếu 30 năm hành trình đức tin của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1976-2006), tr. 17-19)

Ngày nay, Tuyên Úy Đoàn gồm tất cả những tuyên úy của tất cả những Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Hằng năm các Tuyên Úy họp Đại Hội để gặp mặt chung, cầu nguyện chung, trao đổi chung và kiểm điểm chương trình đã thực hiện, đưa ra chương trình sẽ thực hiện. (Bên cạnh Tuyên Úy Đoàn, không chính thức, nhưng có Hội Liên Tu Sỹ Việt Nam tại Pháp, là điểm tựa tích cực và hữu hiệu).

Tuyên Úy Đoàn gồm ba cơ quan chính:

+ Ban Điều hành Trung ương: Linh mục đại diện, các cố vấn, thủ quỹ và thư ký.

+ Ban Mục vụ Giới Trưởng thành: Gồm 5 vị tuyên úy và 5 vị đại diện giáo dân thuộc 5 vùng điện thoại.

+ Ban Mục Vụ Giới Trẻ: Gồm Linh mục trưởng ban, 5 tuyên úy trẻ và 5 đại diện bạn trẻ thuộc 5 vùng điện thoại.

+ Linh mục đại diện Cha Samuel Trương Đình Hoè, (1978-1981, 1981-1984). Cha Pierre Nguyễn Văn Tự, (1984-1987, 1987-1990). Đức ông Joseph Mai Đức Vinh, (1990-1993, 1993-1996). Cha Clément Nguyễn Văn Thể, (1996-1999, 1999-2002). Cha Lucas Hà Quang Minh, (2003-2006, 2006-2009). Cha Nguyễn Văn Sang (2009-)

Dưới sự chỉ đạo của cha Đại Diện Quốc Gia của Tuyên Úy Đoàn Việt Nam tại Pháp, mà ngôn ngữ thân mật hằng ngày gọi là Cha Tổng Tuyên Úy, Ban Điều Hành Trung Uơng, đã làm việc và đã tổ chức được nhiều cuộc họp. Tính đến năm 2010, tất cả đã có 32 cuộc họp đã được tổ chức. Mỗi cuộc họp là mỗi cơ hội các tuyên úy ngồi lại với nhau, cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ những hoạt động mục vụ điạ phương, cùng trao đổi để tìm một hướng đi v.v... Trong các đề tài được chọn cho các lần họp, chúng ta có thể chia làm hai thứ loại:

Thứ nhất, các chủ đề có tính cách nhận diện, tìm hiểu, chọn hướng đi mục vụ. Ví dụ: Kiểm điểm mục vụ 14 năm qua: a/ Diễn tình và hiện tình của Tuyên Úy Đoàn; b/ Mấy nhận định về hiện tình các cộng đoàn Việt nam tại Pháp (Paray le Monial 1990). Hay « Tổ chức một Đại Hội Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt nam tại Pháp trong năm 2010, để Hiệp thông Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam », quyết định trong đại hội thứ 31 năm 2008 tại Toulon và trong tuần họp thứ 32 tại thành phố Troyes từ 5 đến 9/10/2009.

Thứ hai, các vấn đề thuộc phạm vi luân lý, xã hội: Người phụ nữ Việt Nam trong Giáo Hội, (Poitiers - 1996). Thánh Kinh: Di dân: khía cạnh Thánh Kinh và thần học, (Lille - 1993). Mục vụ: Tìm hiểu Công Nghị địa phận tại Pháp và sự tham dự của Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam ( Grans/ 1992 ). Các đề tài được đưa ra và biểu quyết tập thể theo tinh thần dân chủ.

Trong hơn ba ngày họp (bắt đầu từ chiều thứ hai và kết thúc sáng thứ sáu), một ngày là Pháp ngữ, có Đức Cha địa phận và Ban Mục Vụ Ngoại Kiều địa phương tham dự, và hai ngày Việt ngữ. Trưa thứ ba, Thánh Lễ đồng tế có các giáo dân tham dự. Và bữa ăn trưa ngày hôm đó do cộng đoàn khoản đãi. Hình ảnh một Giáo Hội Đại Đồng, đa ngôn ngữ, đa chủng tộc được minh chứng một cách sống động nhất trong ngày thứ ba này.

Ngoài ra Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành và Ban Mục Vụ Giới trẻ cũng tổ chức những cuộc hội học và trao đổi về những vấn đề mục vụ chuyên biệt của mình.

3. Thành lập Cộng đoàn « Giáo Xứ Việt Nam Paris », năm 1977

Năm 1977, cùng với việc Hội Đồng Giám Mục Pháp thành lập Tuyên Úy Đoàn Việt Nam tại Pháp, Tòa Tổng Giám Mục Paris đã bổ nhiệm cha Trương Đình Hòe đảm nhiệm Giáo Xứ Việt Nam, nâng địa điểm Paris lên hàng giáo xứ; linh mục giám đốc được bổ nhiệm với tước hiệu « cha sở » (curé); cha sở, các cha phó và các tu sỹ trong ban giám đốc được trả lương và có bảo hiểm xã hội.

Nhiệm kỳ của cha Samuel Trương Ðình Hoè, 1997-1979. Sau khi đã gởi thơ bổ nhiệm cho cha Trương Ðình Hoè, ngày 29.09.1997, Ðức Cha Pérézil gởi thơ báo tin này cho cha Toán và cám ơn cha nồng nhiệt về những việc cha đã làm cho Giáo Xứ trong những năm qua.

Ngày 13.10.1977 là ngày bàn giao công vụ giữa cha Nguyễn Quang Toán và cha Trương Ðình Hoè, với sự chứng kiến của cha J.B. Etcharren, cha Bernard le Franc và cha Robert Gilbert.

Lãnh thổ hoạt động của Giáo Xứ từ nay hạn hẹp vào lãnh thổ của 8 giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Paris, trừ những nơi mà Giáo Quyền địa phương đã bổ nhiệm một tuyên úy Việt Nam khác.

Cha Trương đình Hoè đã qui tụ được một nhóm linh mục khá hùng hậu cộng tác: cha Hoàng Quang Lượng lo phó giám đốc, cha Ngô Duy Linh lo phụng Vụ, cha Lương Tấn Hoàng và nữ tu Huỳnh Thị Na lo xã hội, cha Mai Ðức Vinh lo giáo lý, cha Ðinh Ðồng Thượng Sách và nữ tu Sophie Nguyễn thị Phú lo giới trẻ.

Cha Giám Ðốc Trương Ðình Hoè đã làm được hai việc quan trọng sau đây: chỉnh trang lại cơ sở giáo xứ cho ngăn nắp, sạch sẽ và khang trang hơn và nhất là đã vận động với Toà Tổng Giám Mục để những linh mục hay tu sĩ làm việc cho Giáo Xứ đều được bổ nhiệm trên giấy tờ, được trả lương và bảo hiểm xã hội.

Nhiệm kỳ của cha Denis Lương Tấn Hoàng, 1979-1980. Năm 1979, Cha Trương đình Hoè từ chức vì dòng Phanxicô cần đến ngài để lo các công tác văn hoá và huấn luyện của dòng. Cha Lương Tấn Hoàng lên thay. Trong tờ báo Giáo Xứ Việt Nam, số 122, tuần lễ 02-09.11.1980 có thông báo rằng « Vì lý do sức khoẻ, từ tháng 07, Cha Denis Hoàng đã đệ đơn xin từ chức Giám Ðốc Giáo Xứ. Nay Ðức Giám Mục chấp nhận đơn của Cha và đồng thời bổ nhiệm cha Giuse Mai Ðức Vinh thay thế. Vậy hôm nay, chủ nhật 02.11.1980, cha Bernard le Franc, thay mặt Ðức Cha Daniel Pérézil, đến đồng tế và chính thức công bố sự thay đổi này ».

Nhiệm kỳ của cha Giuse Mai Đức Vinh, 1980-Hôm nay (2010). Qua văn thư ngày 28.11.1980, cha Giuse Mai Ðức Vinh được Toà Tổng Giám Mục Paris bổ nhiệm làm cha sở Giáo Xứ. Nhân viên Ban Giám Đốc ít hơn, nhưng cha Tân Giám Đốc đã quy tụ được một nhóm tu sỹ và giáo dân có khả năng, cộng tác đắc lực. Nhiều chính sách và chương trình hoạt động mục vụ trong các lãnh vực khác nhau đã được các linh mục trong ban giám đốc và các giáo dân trong hội đồng mục vụ liên tiếp thực hiện, dưới sự lãnh đạo của cha giám đốc Giuse Mai Đức Vinh.

Từ 1980 đến 2007, năm chương trình mục vụ đã được thực hiện với kết quả cao:

• 1980-1983: xây dựng cơ cấu tổ chức: 1980 thành lập Nhóm Thần Học Giáo Dân để học hỏi các vấn đề thần học, đưa ra các kế hoạch và chương trình mục vu. Sau 3 năm làm việc, vào năm 1983, ba việc quan trọng đã được Ban Giám Đốc và Nhóm Thần Học Giáo Dân thực hiện: thành lập ban đại diện các địa điểm mục vụ: Paris, Sarcelles-Garges, Villiers-Le-Bel, Noisy-Le-Grand; thành lập các nhóm công giáo tiến hành và bầu ban đại diện; Và ngày 30.10.1983, từ các Ban Đại Diện trên, thành lập Hội Ðồng Mục Vụ tiên khởi cho giáo xứ.

• 1984-1989: phát triển văn hoá giáo dục: 1984: Phát hành Báo Giáo Xứ, bộ mới. 1986: Cải tiến việc giáo dục giáo lý và văn hoá Việt Nam cho Ấu Thiếu Nhi và lập Ðoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. 1986: Chương trình tu bổ cơ sở, lập sổ vàng và vận động xin một nhà nguyện rộng lớn hơn. 1986: Phát huy lễ hội văn hoá, khởi xướng bữa tiệc xuân giáo xứ. 1987: Ðào tạo nhân sự giáo sĩ, đề nghị phong chức phó tế vĩnh viễn cho thầy Girard Xavier thuộc cộng đoàn Sarcelles. 1989: Lập « Hội yểm trợ ơn gọi tận hiến ».

• 1990-1996: Phát triển Ðời sống thiêng liêng: 1990: Thư Viện Giáo xứ chính thức khai trương. 1993: Khai trương phong trào CURSILLO. 1995: Thành lập Ban Mục Vụ Gia Ðình

• 1997-2001: Phát triển đời sống văn hoá, cơ sở vật chất và liên đới xã hội: 1997: lập Ban Tu thư tập thể, viết sách chung. Nhận cơ sở mới, 38 rue des Epinettes, và dâng thánh lễ đầu tiên tại cơ sở mới vào ngày lễ Đức Mẹ lên trời, 15.08.1998 và chuyển giao cơ sở Boissonade cho cộng đoàn công giáo Triều Tiên ngày 31.08.1998. 2000: Thành lập Liên đới nghề nghiệp trong 5 ngành có nhiều người việt nam: Chuyên Gia, Thân Hữu Taxi, Doanh Thương, Dịch Vụ, Xây Dựng.

• 2002-2007: Phát triển và tự lập tài chánh: 2002: Mạng lưới đầu tiên của Giáo Xứ chào đời với tên gọi www.giaoxuvnparis.org trong Đại hội liên đới nghề nghiệp lần thứ 3, ngày 01.05.2002. 2003: Lập nhóm đặc trách ‘Tiền giúp Giáo Hộĩ’, Giáo xứ hoàn toàn tự lập về tài chánh. Qua lá thơ đề ngày 29.06.2005, Ðức Ông Giám Ðốc Mai Ðức Vinh đã chính thức loan báo với cộng Ðoàn việc thành lập điạ điểm mục vụ mới ở Antony.

Qua tóm tắt yếu lược ba sự kiện tổ chức chính trên đây, với những hoạt động đã thực hiện được trong 30 năm, 1977-2007, ý thức rõ rệt hay còn mơ hồ mường tượng, người Việt Nam Công Giáo tại Pháp đang khám phá ra những dấu chỉ thời đại, mà Thiên Chúa từ nhân đã dần dà hé mở cho họ.

Dấu chỉ thứ nhất mà họ đã khám phá ra là thực tế và nhu cầu cần thiết trở thành một cộng đoàn hiệp thông. Họ hiệp thông với nhau, với các cộng đoàn việt nam khác tại các địa điểm mục vụ khác tại Pháp và với các vùng hải ngoại khác trên hoàn cầu. Họ hiệp thông với các cộng đoàn công giáo địa phương Pháp, với Giáo Hội Pháp và Giáo Hội Hoàn Vũ. Họ hiệp thông với Giáo Hội Mẹ Việt Nam.

Dấu chỉ thứ hai là hướng đi mà Tuyên Úy Đoàn đã phác ra cho các cộng đoàn là sống như một gia đình, phát huy sự tham gia của giáo dân vào các hoạt động tông đồ, xây dựng tương lai giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

Sau phần trình bày của GS Trần Văn Cảnh, Ông Nguyễn Văn Thơm, Ủy Viên Xây Dựng, HĐMV đã đặt ra với GS Cảnh năm câu hỏi.

1- H. Vì ý gì mà Chúa Giêsu đã kêu gọi và tuyển chọn các Tông Đồ?

T. Chúa Giêsu đã kêu gọi và tuyển chọn các tông đồ để giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn Giáo Hội. Nhờ vậy, các tín hữu hiệp thông trong niềm tin và hy vọng. Chúa đã đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh các Tông Đồ, làm “nguyên lý cùng nền tảng cho sự hiệp nhất và hiệp thông đức tin” trong Giáo Hội. Việc các tín hữu lắng nghe giáo huấn các Tông đồ diễn tả họ gắn bó với Thiên Chúa cũng như với nhau.

Các giáo dân gắn bó với các tuyên úy; Các tuyên úy gắn bó với các giám mục. Các giám mục gắn bó với Tòa Thánh. Đó là sự hiệp thông của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp.

2- H. Công Đồng Vaticanô II nói thế nào về sự bình đẳng giữa các Kitô hữu?

T. Theo Công Đồng Vaticanô II, “mọi chi thể đều có chung một phẩm giá được tái sinh trong Chúa Kitô, một ân huệ được làm con, một ơn gọi nên trọn lành; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia” (GH 32). Giáo Hội xác quyết giáo dân là người đồng trách nhiệm với các giáo sĩ và tu sĩ, dựa vào phẩm giá chung của các Kitô hữu.

Điều này, dường như các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp đã thực hiện được trong các cộng đoàn của mình.

3. H. Công Đồng Vaticanô II nhận định thế nào về sự cần thiết của tông đồ giáo dân trong giáo xứ?

T. Theo Công Đồng, hoạt động tông đồ giáo dân cần thiết đến nỗi nếu không có nó, chính hoạt động tông đồ của các chủ chăn thường không thể đạt được kết quả đầy đủ. Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, việc giáo dân tham gia vào sinh hoạt giáo xứ hết sức cần thiết, vì dưới ánh sáng của mầu nhiệm Giáo Hội-Hiệp Thông, các thừa tác vụ và các đoàn sủng vốn khác biệt và bổ túc cho nhau, đều cần thiết cho sự tăng trưởng của Giáo Hội.

Các giáo dân việt nam tại Pháp đã rõ rệt ý thức điều này khi cùng nhau lập « Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp vào năm 1946, và được Giáo Quyền công nhận vào năm 1947. Truyền thống ấy vẫn còn được duy trì qua các hội đoàn công giáo tiến hành, được thành lập trong các cộng đioàn, đặc biệt là ở Giáo Xứ Việt Nam Paris.

4- H. Phải chăng ơn gọi nên thánh là ơn gọi dành riêng cho giáo sĩ và tu sĩ?

T. Mọi người trong Giáo Hội đều được tham dự vào ơn gọi chung là nên thánh. Do đó, giáo dân đương nhiên được mời gọi và có bổn phận nên thánh theo bậc sống của mình. Ơn gọi nên thánh đòi hỏi chúng ta phải sống xứng đáng là các thánh của Chúa, nghĩa là phải nối gót và noi gương Đức Giêsu-Kitô, qua việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, tham dự cách có ý thức và chủ động vào đời sống phụng vụ và bí tích của Giáo Hội, chuyên chăm việc cầu nguyện cá nhân, gia đình và cộng đồng, thực hành giới luật yêu thương trong mọi hoàn cảnh đời sống và trong việc phục vụ anh chị em, đặc biệt những người hèn kém, nghèo khó và đau khổ.

5- H. Trong bối cảnh của một thế giới mà cảm thức tôn giáo đang bị lu mờ, theo Bộ Giáo Sĩ, huấn giáo phải có những đặc tính nào?

T. Huấn giáo phải là công cuộc huấn luyện toàn diện và toàn bộ đời sống Kitô hữu; phải cổ võ cho sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô và gắn bó với đời sống của Giáo Hội, phải toàn vẹn về nội dung và thích ứng với bối cảnh văn hoá của các dân tộc, phải liên kết mật thiết với phụng vụ và bí tích cũng như hướng đến việc tông đồ và truyền giáo.

Chương trình mục vụ của Các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp luôn luôn nhấn mạnh đến khía cạnh xã hội và văn hóa, để bảo vệ và phát triển đức tin, hầu thực hiện sứ mệnh tông đồ truyền giáo. Năm 2008 suy nghĩ và trao đổi về các thách đố hôm nay, trong gia đình, cộng đoàn giáo hội. Năm 2009 học hỏi về Đức Ái, tìm về Chân, Thiện, Mỹ. Năm 2000, hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam, cử hành Nam Thánh 2010, xây dựng tương lai giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.

Paris, ngày 13 tháng 06 năm 2010

Trần Văn Cảnh

(Viết theo Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh

http://www.hdgmvietnam.org/tai-lieu-hoc-hoi-trong-nam-thanh-toan-tap/1719.83.6.aspx)

Chú thích:

(1). Để sống Năm Thánh 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị một phương thức hai điểm: 1- « Có những cử hành chung cho cả nước và có những cử hành riêng cho địa phương ». 2- « Cử hành năm Thánh 2010 là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh Giáo Hội như lòng Chúa mong ước. Đây cũng là cơ hội cho ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt đức tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây còn là thời điểm thúc đẩy chúng ta nhìn tới tương lai với quyết tâm xây dựng một Giáo Hội như gia đình của Chúa, như cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, và là cộng đoàn loan báo Tin Mừng Chúa Kitô nhằm phục vụ sự sống và phẩm giá của mọi người, nhất là những người nghèo khổ ».

Theo phương thức trên, Ban Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris đã đưa ra một chương trình « Học hỏi về Năm Thánh 2010 » thực hiện trong 8 tuần lễ. Mỗi chúa nhật, trước thánh lễ 11 giờ 30, Ban Giám Đốc đã mời Giáo Sư Trần Văn Cảnh hướng dẫn Cộng đoàn học hỏi về lịch sử Giáo Hội Việt Nam và lịch sử Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Paris.

1. 09/05: Dẫn nhập: Tìm hiểu Năm Thánh 2010

2. 16/05: GHVN hình thành, 1533-1659

3. 23/05: GHVN phát triển, 1659-1960

4. 30/05, GHVN trưởng thành, 1960-hôm nay

5. 06/06: trở về nguồn CGVN tại Pháp, 1784-1977

6. 13/06: Xem dấu chỉ hiện tại CGVN tại Pháp, 1977-2007

7. 20/06: Hướng tương lai CGVN tại Pháp, 2007-2010

8. 27/06: Hướng tương lai cho GHVN

9. Và lần thứ 9, GXVN Paris sẽ theo Tuyên Úy Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và toàn thể các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, để tổ chức Đại Hội Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam, trong hai ngày 03-04/07/2010 tại Paris với sự tham dự của Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp và Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

(2). Xin xem thêm:

Về Các CĐCGVN tại Pháp

http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=36433

• 30 Năm hành trình đức tin của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1976-2006) (bài 3) /GS.Trần Văn Cảnh (05-Aug-2006 00:19)
• 30 năm hành trình đức tin của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1976-2006) (bài 2) /GS.Trần Văn Cảnh (04-Aug-2006 01:01)
• 30 Năm hành trình đức tin của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1976-2006) (bài I) /GS.Trần Văn Cảnh (03-Aug-2006 01:13)

http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHHanhTrinhDucTinCongGiaoVNTaiPhap01.htm

Về GXVN Paris:

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=chapter&id=13&ib=40&ict=516
http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailbook&id=53&ib=306
http://www.giaoxuvnparis.org/htm/vanhoagiaoxu/cambut/tranvcanh/gxvnparis/12.htm
 
Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể giáo phận Phan Thiết
Sr Hồng Hương
21:36 13/06/2010
PHAN THIẾT - Sáng Chúa Nhật 13.6.2010, 4000 bạn thiếu nhi đại diện thiều nhi trên khắp Giáo phận đã quy tụ về Trung tâm Thánh Mẫu Tapao tham dự Giáo Phận Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Phan Thiết. Đây là dịp để các bạn gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi và cùng biểu lộ tinh thần hiệp thông với nhau cũng như tuyên xưng niềm tin của người tín hữu Công giáo với chủ đề “Hiệp Thông và Yêu Thương”.

Hình ảnh Đại hội Thiếu Nhi

Nắng. Nóng. Bụi. Khí hậu mùa hè khắc nghiệt của vùng đất Tapao như bị lãng quên trong bầu khí tưng bừng náo nhiệt với tất cả sự háo hức của 4000 bạn thiếu nhi đại diện cho 33.000 thiếu nhi trên toàn giáo phận Phan thiết về dự Đại Hội. Có những giáo xứ cách xa 200 km đã phải khởi hành lúc 1g sáng. Các huynh trưởng đã có mặt từ ngày hôm trước để chuẩn bị cho Đại Hội. Nhỏ nhất Đại Hội là các em ngành Ấu. Những bạn hiện diện nơi đây đều có những thành tích đáng ghi nhận trong việc học Giáo lý, học văn hoá và nhất là hạnh kiểm tốt. Năm giáo hạt trong Giáo phận là Đức Tánh, Phan Thiết, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam và Bắc Tuy đều về tham dự.

Sau phần giới thiệu làm quen và ổn định vị trí một cách nhanh chóng. Tất cả các cờ Liên đoàn, cờ các giáo xứ được rước về tập họp trước lễ đài. Trong bầu khí trang trọng, quý cha, quý khách, quý Trưởng trong ban nghiên huấn cùng với tất cả thiếu nhi tham dự nghi thức chào cờ Đại Hội chính thức khai mạc với nghi thức chào cờ. Linh mục FX. Nguyễn Quang Minh, Tổng tuyên uý Phong trào TNTT Giáo Phận đã nói về ý nghĩa chủ đề Đại Hội: Tất cả TNTT phải ý thức sống tâm tình Hiệp Thông với Giáo hội hoàn cầu, với Giáo phận và với Giáo xứ của mình trong sự hiệp thông mầu nhiệm Thánh Thể của Chúa. Sự hiệp thông đó được biểu hiện rõ nét qua sự thể hiện tình yêu thương với gia đình, bạn bè, những người xung quanh và những ngừơi đau khổ bất hạnh theo gương sống yêu thương của Chúa Giêsu.

Cả không gian như nổ tung trong tiếng reo hò của các bạn để chào đón Đức Cha kính yêu Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục GP Phan Thiết. Đức Cha cùng tham dự nghi thức khấn Đức Mẹ với Đại Hội. Cùng với những ý nguyện của những đại diện dâng lên Thiên Chúa và Đức Mẹ, mỗi bạn thiếu nhi cũng dâng lời tạ ơn và cầu xin theo ý riêng của mình. Tiếp ngay sau là Thánh lễ trong thể do Đức Cha Giuse chủ toạ, cùng đồng tế có Đức Cha khả kính Nicôla Huỳnh Văn Nghi, quý cha đặc trách TNTT các giáo hạt và quý cha. Đức Cha chào mừng các bạn về tham dự Đại Hội bằng nghi thức chào của TNTT. Trong bài giảng, từ hình ảnh chị Maria Mađalêna do bởi lòng sám hối tội lỗi và yêu mến Chúa Giêsu thể hiện qua việc khóc và rửa chân cho Chúa bằng nước mắt và dầu thơm, Đức Cha Giuse nhắn gởi đến các bạn là những TNTT phải luôn biết sống yêu mến và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Và nhất là phải thực thi tình yêu thương với mọi người, với chính bản thân mình như những bài học Chúa dạy trong Kinh Thánh.

Sau thánh lễ, các bạn đuợc nghỉ giải lao và tranh thủ ăn trưa. Giờ sinh hoạt chiều bắt đầu với bài nói chuyện chuyên đề “Thiếu nhi sống đức tin hôm nay” của cha Giuse Nguyễn Văn Hiên, linh mục đặc trách TNTT hạt Đức Tánh. Cha đã dùng 4 khẩu hiệu của TNTT là “Hy sinh-Rước lễ-Cầu nguyện và Làm việc tông đồ” để có những bài gợi ý thiết thực cho các bạn trong đời sống đạo và tuyên xưng đức tin của mình giữa môi trường sống.

Không khí Đại Hội tràn ngập tiếng reo vui và sôi động hẳn lên với những tiết mục văn nghệ giao lưu của các giáo hạt xen kẽ những câu hỏi Đố vui giáo lý có thưởng. Những câu Kinh Thánh quen thuộc như: Có những ai đứng dưới chân Thánh giá khi Chúa Giêsu hấp hối? Thánh Luca làm nghề gì?. v.v. với cách trả lời luân phiên từng giáo hạt. Có những bạn lớp Ấu, lớp Thiếu từ khu vực hạt của mình ù chạy lên tới khán đài để trả lời, nhưng khi tới thì …quên mất. Chương trình đang hào hứng phải dừng đột ngột vì gió mạnh nổi lên xé rách dù. Thật nhanh nhẹn, các huynh trưởng di tản các em và hạ dù xuống. Sau khi ổn định, cả Đại Hội sốt sắng tham dự giờ Chầu Thánh Thể, đỉnh cao của đời sống người TNTT. Cha Tổng tuyên uý đã rước kiệu Thánh Thể đi chung quanh quảng trường rồi về lại Bàn thờ. Cha dâng lời tạ ơn Chúa và dâng các dự tính, các nguyện ước và những lời hứa của từng bạn TNTT trong Giáo phận lên Chúa và xin Chúa chúc lành. Đại hội Bế mạc với nghi thức hạ cờ và chia tay trong sự tiếc nuối của các bạn. Sau đó mỗi đoàn theo sự sắp xếp của các huynh trưởng lên viếng Đức Mẹ trên linh đài và ra về.

Xe chuyển bánh đi xa rồi mà những bàn tay nhỏ bé còn cố vẫy chào nhau. Hẹn gặp lại vào Đại Hội năm sau. Cha Minh cho biết, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể trong GP Phan Thiết mới chính thức hoạt động từ năm 2000, nhưng đã có số lượng Thiếu Nhi và Huynh Trưởng khá đông. Với nhịp độ sinh họat theo qui chế của Phong trào khá đồng đều, từ cấp xứ đoàn (giáo xứ) đến liên đoàn (giáo hạt) và tổng liên đoàn (giáo phận). Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng phong trào này vẫn tồn tại và phát triển tốt đẹp cho đến hôm nay. Hiện Giáo phận Phan Thiết có 33.000 thiếu nhi Thánh thể và khoảng 1500 huynh trưởng.
 
Văn Hóa
Chuyện Phiếm Đạo Dời
Trần Ngọc Mười Hai
07:17 13/06/2010
“Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng”
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng.”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng- Mộng Dưới Hoa)

(Mt 21: 22)
Này hỡi, bạn và tôi. Hát câu trên, ta có thể “phán” thêm, mà rằng: vì chưa gặp, nên ta mới nói như thế. Chứ gặp rồi, ta có còn nhận định giống thế, nữa hay chăng? Trong sống Đạo giữa đời, có những tình huống cũng không khác thế là bao. Đạo, là một hành trình. Đời đi Đạo, là hành trình dọc suốt cuộc đời để kiếm tìm. Một niềm tin. Tin ai. Tin gì. Phải chăng là tin vào Đức Chúa? Tin rằng: Chúa vẫn đẹp hơn trăng. Hơn sao. Và mọi nét đẹp trên đời. Nhưng tin rồi, có lúc ta lại thôi. Không tin nữa. Cứ như thể, một rượt bắt. Rất “trốn tìm”.

Quả là, Đức Chúa của mình thật quá đẹp. Ngài đẹp, không chỉ mỗi sắc diện ngoại hình, thôi. Nhưng Ngài đẹp toàn diện. Cả bên trong. Lẫn bên ngoài. Nói chung, Ngài rất đẹp. Chưa gặp, nên mình chưa tin. Vậy thôi. Bởi thế nên, hỡi bạn và hỡi tôi, ta thử men theo người nghệ sĩ, vẫn cứ hát:

“Ta gặp nhau, yêu chẳng hạn kỳ,
Mây ngàn gió núi đọng trên mi…”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng-bđd)

Chắc hẳn gặp Ngài rồi, ta sẽ thấy mình: “yêu chẳng hạn kỳ”, thôi. Thế nhưng, đời người có nhiều “gió núi đọng trên mi”. Nên có lẽ vì thế, ta mới ngờ. Mới uý kỵ. Uý, niềm tin. Kỵ, niềm riêng. Của mình đấy. Cũng vì thế, nghệ sĩ mình cứ linh tinh những hát tiếp:

“Nếu bước chân ngà, (em) có mỏi?
Xin em dựa sát lòng anh…”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng-bđd)

Cứ ví thử, người yêu của bạn và của tôi, là con dân nhà Đạo. Sống trong đời, lại được Chúa/được Cha nhắn nhủ bằng câu ca/tiếng hát, rất ở trên. Chắc hẳn: bạn và tôi, ta cũng thấy lòng êm ái, thương rất nhiều. Cũng êm. Và rất ái. Mới có tâm sự lòng thòng cùng Đấng Bậc, mình vẫn yêu? Vẫn chiều. Và vẫn mến. Bởi vậy, sẽ hát thêm:

“Ôi, vai kề vai.
Hương ngát mái đầu!
Đêm nằm nghe bước mộng trôi mau.
Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm,
Và, nguyện muôn chiều.
Ta có nhau.”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng-bđd)

Sự thể là, đời mình/đời người, có những vấn đề được đặt ra như thế này: ngồi lại mới thấy, nhiều lúc không thể tỏ bày chuyện trắng/đen, mọi điều cho tỏ. Thế nhưng, vẫn cứ nửa nạc nửa mỡ, rất lờ mờ. Nên mới chết. Chết thật sự, nếu áp dụng vào địa hạt của một niềm, rất tin. Bởi lẽ: mới vừa “Ôi, vai kề vai” đây thôi, mà sao đã thỏ thẻ:

“Bước khẽ cho lòng (xin) nói nhỏ,
bao nhiêu mộng ước phù du…”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng-bđd)

Vào với địa hạt của niềm tin, lẽ đáng ra ta phải nhớ đến Lời của Chúa, rất như sau:

“Và mọi điều,
các ngươi lấy lòng tin mà nguyện cầu,
các ngươi sẽ được.”

(Mt 21: 22)

Vừa qua, trong một dịp có những chia và sẻ rất đích thực ở buổi lễ tại gia, đã có bè bạn vẫn vương vấn một ưu tư/san sẻ rất thân thương. Mạn đàm. Tình thân. Như sau:

“Đọc Tin Mừng đoạn Chúa chịu thử thách, rồi nhìn lại bản thân, tôi thấy đời mình/đời người bao giờ cũng có hai thử thách sánh đôi. Ảnh hưởng rất hỗ tương. Lên nhau. Thứ nhất, là thử thách về niềm tin. Tin đó, rồi lại ngờ đó. Hai, là: thử thách về Quyền lực. Tức, quyền bính/quyền hành. Thử thách này tương tác hỗ trợ thử thách kia. Là người, ta luôn ước sao cho mình có quyền. Bởi, một khi có quyền rồi, là mình có tất cả. Và khi có tất cả, mình tự thấy uy thấy lực để hành. Hành xử. Hành sự. Và, hành hạ. Lẫn nhau. Có quyền, là có cớ để hành người khác. Trước nhất, là vợ. Là con. Là, kẻ mà mình cho là thấp hèn hơn. Hoặc, tự cho mình cái quyền dạy dỗ và muốn người khác thực hiện ý của mình, thôi. Chứ tuyệt nhiên không muốn điều ngược lại. Và, khi có quyền và có lực rồi, mình sẽ không còn thời gian và cơ hội để nghĩ và nhớ đến Chúa. Huống hồ là, tin vào Chúa. Các thử thách này là những điều rất thực. Chúng đan kết với nhau, ảnh hưởng lên nhau. Luôn làm mình bận tâm. Chúng thay nhau dằn vặt mình. Dằn vặt người. Suốt đời.” (chia sẻ của bạn trẻ họ Trần, trong buổi họp mặt có thánh lễ tại gia ở Sydney 20/2/2010)

Thế đó, là chia và sẻ. Chia sẻ, theo nghĩa sẻ san cho nhau một cảm nghiệm. Về giữ Đạo. Trong đời. Chia sẻ vào buổi lễ, là để nghe ý kiến của người khác. Khác mình. Khác người. Là, kể cho nhau nghe chuyện đời mình. Đời người. Vào thời trước:

“Đúng như anh vừa nói, thử thách rất lớn trong đời sống của anh em mình, là: niềm tin. Để minh chứng cho chuyện này, tôi xin kể lại kinh nghiệm cá nhân về một thử thách lớn tôi từng gặp, là: vào thời điểm bước lên tầu thuyền để vượt biên/đi biển, tôi được tầu Na-Uy cứu. Họ cho bọn tôi ăn uống no nê, xong xuôi rồi bảo: ‘Biển hôm nay lặng như tờ, vậy xin mời bà con xuống thuyền tiếp tục mà đi. Nghe vậy, bọn tôi thay nhau làm tài công. Nhưng thật sự thì bọn tôi ai cũng có công nhưng không có tài, nên cứ thế đi hoài và đi mãi. Cuối cùng, lại trôi dạt vào bờ. Để rồi, công an cầu cảng buộc lòng phải ra tiếp. Xộ khám.

Thời gian trong tù, là thời gian tôi suy nghĩ ghê lắm. Vẫn cứ hỏi: Chúa đâu rồi? Sao Ngài cứ để tôi nằm mãi chốn giam cầm, rất đau thương. Và tăm tối? Chúa có còn thương tôi nữa không? Sao, tôi cứ phải trải qua hết đau thương này đến khổ cực khác? Đến độ, tôi đâm ra hoài nghi cả Chúa nữa. Cuối cùng, nhờ vào lời cầu nguyện, tôi được ơn lấy lại niềm tin, mình từng đánh mất.

Tóm lại, đối với tôi, thử thách lớn nhất trong đời, là: thách thức về niềm tin. Tin có Chúa giúp mình, trong mọi hoàn cảnh, của cuộc đời. Tin rằng: Ngài vẫn yêu tôi. Vẫn ra tay cứu giúp. Luôn hộ phù tôi, trong mọi lúc. Cả vào khi tôi rơi vào chốn tối tăm, của nghi ngờ. Có Ngài hộ phù, tôi mới vững tin đến bây giờ.” (thành viên họ Vũ, thêm vài ý tưởng nhỏ trong buổi lễ nói ở trên hôm 20/02/2010)

Thử thách lớn về niềm tin, là thế sao? Niềm tin, hay niềm riêng? Có là niềm yêu thương, hạnh phúc. Rất hoan Lạc. Bình dị? Niềm tin, có là niềm riêng, trong tương quan ta với Chúa? Hay, chỉ là niềm thương yêu, của chính ta? Với bạn bè, người chưa quen? Chưa thân thiết? Tin, có là niềm riêng tương quan rất cứng ngắc? Một huyền thoại? Thần thoại buồn. U tối. Biện luận. Của triết nhân?

Hỏi, là hỏi chỉ thế thôi. Có trả lời, cũng chẳng “trả” được “lời” nào. Cho mình. Và cho ai. Tốt hơn hết, có lẽ ta vẫn cứ tìm. Và cứ kiếm. Kiếm tìm/gặp gỡ, rất riêng tây. Đầy tràn. Thuyết phục. Tìm và kiếm, có đính kèm vài truyện kể. Bên lề. Để luôn vui. Kể cho nhau nghe, khi căng thẳng. Lúc nghi ngờ. Úy kỵ. Vậy thì, mình cứ kể. Dù truyện kể không thích hợp với chủ đề khúc mắc. Khó giải.

“Kể rằng:
Ngày nọ, Vua Salômôn muốn làm bẽ mặt ông Bê-na-ia, vị cận thần thân tín, nên vua bèn nói:

-Bê-na-ia à, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong lễ Sukkot này. Ta hạn cho ông sáu tháng để tìm chiếc vòng ấy.

Bê-na-ia trả lời:
-Thưa Bệ hạ, trên đời này, có bất kỳ thứ gì tồn tại thì hạ thần quyết tìm thấy mang nó về ngay dâng Bệ hạ. Duy có điều, hạ thần nghĩ: chiếc vòng ấy chắc phải có gì đặc biệt lắm, Ngài mới ra lệnh cho đi tìm.

Vua đáp:
-Chiếc vòng ấy, có sức mạnh thật diệu kỳ. Hễ kẻ nào đang vui mà nhìn vào, sẽ thấy buồn. Nếu ai đang buồn, mà nhìn vào nó sẽ thấy vui ngay.

Vua biết rằng trên đời này, làm gì có chiếc vòng như thế tồn tại. Nhưng vua muốn cho vị cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.

Mùa xuân trôi qua, mùa hạ chợt đến. Bê-na-ia vẫn chưa tìm ra phương cách hay ý tưởng nào khả dĩ giúp ông tìm được chiếc vòng diệu kỳ như thế. Vào đêm trước lễ Sukkot, ông đang lang thang tìm đến một trong những nơi nghèo nhất ở Giêrusalem để tìm kiếm. Bỗng, đi ngang qua người bán hàng rong nọ đang bày bán những món hàng bình thường trên tấm bạt tồi tàn, Bê-na-ia bèn dừng lại hỏi:

-Này ông, có bao giờ ông nghe nói về chiếc vòng kỳ diệu có khả năng làm cho mọi người được hạnh phúc, nghĩa là đeo nó vào sẽ thấy mình luôn vui sướng. Còn người đau khổ hễ đeo nó, sẽ quên đi mọi nỗi buồn, hay không?

Người bán hàng lấy từ tấm bạt đang treo, một chiếc vòng giản dị có khắc dòng chữ lạ kỳ. Bê-na-ia đọc dòng chữ trên vòng đó, khuôn mặt ông bỗng nở rộ một nụ cười.

Đêm hôm đó, trong lúc toàn thành phố hân hoan đón mừng lễ hội Sukkot, thì nhà vua gọi Bê-na-ia lại hỏi:
-Này, ông bạn của ta, ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?

Tất cả mọi cận thần đứng quanh vua, đều cười lớn. Chính vua Salômôn cũng cười.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Bê-na-ia trịnh trọng đưa chiếc vòng cho vua và nói:
-Thưa Bệ hạ, chính nó là chiếc vòng nay.

Vua Salômôn đọc dòng chữ ghi trên vòng, bỗng nụ cười vụt biến trên môi. Chiếc vòng trông chẳng có gì đặc biệt. Đặc biệt, chỉ mỗi dòng chữ:"Điều đó rồi cũng qua đi".

Vào phút ấy, vua Salômôn chợt nhận ra rằng: hết thảy mọi khôn ngoan, vương giả và quyền uy của vua chỉ là phù du thôi. Bởi, một ngày nào đó, ông chỉ là cát bụi. Rồi cũng qua đi.

Thái độ của vua Salômôn, tuy được tiếng là giỏi dang. Khôn ngoan. Nề nếp. Vẫn dễ tin. Tin rất dễ, những gì không là vật chất. Cát bụi. Bởi lẽ, mọi điều rồi cũng qua đi. Như cát bụi, đời người. Chí ít, là tin vào lời. Của ai đó. Dù, đó có là lời kinh hôm. Ban sớm. Dù, đó có là lời kinh mình thuộc lòng, lúc tuyên xưng. Ở buổi lễ. Vẫn là thế.

Niềm tin hay đức tin, là: cả tấm lòng. Là, niềm riêng. Nhiều quyết tâm. Tin, là quyết chí thực hiện cho bằng được những gì mình nhất quyết. Tin, là tuân theo. Là, thực hiện ý muốn của Đấng/của người mà mình khâm phục. Yêu thương. Trân quý.

Tin, là biến khâm phục và thuyết phục thành hiện thực. Thành, hành động. Và, niềm tin người nhà Đạo, là biến hành động mình quyết tâm, bằng cử chỉ đẹp. Có yêu thương. Giùm giúp. Hiệu quả.

Tin và yêu, không đòi chứng minh. Thị thực. Theo luật. Nhưng, thông thường vẫn ngang qua sự việc thực tế. Rất sống động. Bằng hành vi. Cử chỉ mà người đời, gọi đó là hành xử. Tức, xử sự bằng hành động. Hoặc, bằng hành vi rất năng động.

Năng động ở hành vi “tin”, là năng và động khi người người biết duy trì và chuyển tải niềm tin ấy, cho người khác. Chuyển, không có nghĩa là dụ dỗ. Thuyết phục. Nhưng, bày tỏ cho người chưa nghe/chưa biết, về một người. Một sự việc. Thế thôi.

Năng động trong niềm tin, là tự mình học và hỏi. Đào sâu. Rất xác tín. Tức, nắm phần chắc về điều mình tin. Mình học nơi sách vở. Từ người khác. Học, kinh nghiệm của chính mình. Tin, nhờ công trình tìm kếm. Rất hăng say. Kiên trì. Lặng lẽ.

Tin, là tuỳ cuộc sống và đường lối mình thực hiện. Để nói rằng: những gì mình tin, đều có thật. Những điều mình được dạy, là những điều cần diễn tả và sống thực. Sống, bằng chính cuộc sống thực tiễn. Tin và sống, luôn đi kèm/hoà hợp với tình yêu. Bởi thế nên, nhà Đạo mình vẫn gọi đó là “Tin-yêu”. Tin, là tin tưởng để thương yêu. Tin, để yêu nhiều hơn. Để, chứng tỏ mình trông cậy nhiều hơn. Tin, là tin-yêu Đức Chúa. Qua con người. Với mọi người. Tin Chúa. Tin vào Tình thương của Ngài. Tin, không bằng lời. Nhưng, bằng hành động. Như câu truyện, kể ở dưới:

“Truyện rằng:

Nhật Bản thời buổi đó, có câu chuyện rất thực, được kể cho dân nghe. Như sau:

Có cư dân nọ, muốn sửa căn nhà mình ở, cho thông thoáng. Dễ thở. Ông bèn tháo dỡ bức tường hiện có, lôi tấm gỗ giữa lớp xi-măng, xem có gì cần lắp ráp không. Khi tháo dỡ, ông phát hiện ra chú thạch sùng đang ngủ vùi, trong đó. Đuôi của chú dính chặt vào tường gỗ bằng một lỗ đinh, từ ngoài đóng xuống. Thấy cảnh đó, ông thương cho chú thạch sùng, lại tò mò muốn biết: sao thạch sùng bị dính chặt vào đó, lâu ngày dày tháng, mà vẫn sống nhiều năm, không chết? Không đói. Chẳng cần ăn?

Quan sát kỷ, cuối cùng ông phát giác ra một điều: ông thấy từ đâu đó, bò ra một chú thạch sùng khác, đực/cái không rõ. Miệng chú ngoạm miếng mồi, kiếm được từ nơi nào đó, đem về mớm cho thạch sùng đang bị nạn, ăn đỡ đói. À thì ra, thạch sùng kia sở dĩ sống hết ngày này qua tháng nọ, là nhờ vào tình thương yêu đùm bọc của đồng loại. Vẫn chăm chút.

Thế mới biết, loài thú mà còn có niềm tin-yêu thương xót, huống chi nhân sinh, người đời. Thế mới biết, chính niềm tin-yêu, đùm bọc đã giúp con người và loài thú qua được truân chuyên. Khổ ải. Của cuộc sống.”

Xác chứng sống động về niềm tin, bằng truyện kể, vẫn dễ nghe. Và dễ tin hơn lời kinh hôm sớm. Chẳng mấy thuyết phục. Xác chứng, là chứng tỏ cách xác đáng bằng sự sống. Xác chứng như thế, vẫn hơn cãi tranh. Biện luận. Thuyết giảng. Chẳng thế mà, người người mang giòng máu thi ca/âm nhạc, vẫn lan man điệu hát. Hát rằng:

“Ôi, chưa gặp nhau như đã ước thề,
Mây hồng giăng tám ngả sơn khê.
Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng,
Và, mộng em cười, như giấc mê.”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng- bđd)

Gặp rồi hay chưa, vẫn cứ tin. Bởi, tin là sức sống của mọi người. Không chỉ, là người trong mộng. Như ước thề. Tin, là xác chứng rằng mộng của em và của tôi vẫn cứ cười, như giấc mê. Bởi lẽ, cuộc sống ở đời, chỉ là giấc mê thôi. Hay giấc mộng. Nếu chẳng tin. Chuyện gì.

Trần Ngọc Mười Hai
rày đã thấy
kiếm tìm một niềm tin, không mấy khó.
Khó chăng, là duy trì và truyền tải.
Để thêm tin.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cổ Thụ Trăm Năm
Lê Ngọc Minh
22:18 13/06/2010

CỔ THỤ TRĂM NĂM



Ảnh của Lê Ngọc Minh

Gốc cây này đã bao năm

Quẩn quanh tôi đến tôi nằm tôi mơ

Ước gì làm được bài thơ

”Cây đa bến cũ” con đò còn đưa?

(Trích thơ của Bùi Giáng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền