Ngày 13-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Phaolô, từ một người bách hại, và một người của bạo lực, đến mẫu gương vĩ đại nhất về lòng kiên nhẫn
LM Giuse Nguyễn Cao Luật, OP
00:13 13/06/2009

Thánh Phaolô, từ một người bách hại, và một người của bạo lực, đến mẫu gương vĩ đại nhất về lòng kiên nhẫn
(Nguyên Tác: St. Paul, From “Presecutor and Man of Violence” to “Greatest Model of Patience” Francesco Gioia - Libreria Editrice Vaticana, 2004)

  • Lời Tựa
  • I. “Kẻ bắt đạo và con người bạo lực” (1Tm 1,13)
  • II. “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29)
  • III. “Một thứ ôn dịch, chuyên gây nổi loạn giữa mọi người Do Thái” (Cv 24,5)
  • IV. “Gian truân sinh nhẫn nại, nhẫn nại sinh trung kiên” (Rm 5,3).
  • V. “Hãy khiển trách, ngăm đe, khuyên nhủ,
  • với tất cả lòng kiên nhẫn và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4,2)
  • VI. “Lòng yêu mến thì nhẫn nhục” (1Cr 13,4)

Lời Tựa


Từ ngữ “kiên nhẫn-patience”, với nhiều sắc thái khác nhau [1], phần lớn vẫn được hiểu theo nghĩa thụ động, có nghĩa là sự sẵn sàng đón nhận đau khổ và bất công, hay là từ khước đấu tranh để thay đổi một tình trạng không vừa ý. Thực vậy, kiên nhẫn là sự chiến thắng của lý trí vượt lên trên cảm xúc và là lý trí được soi sáng bởi đức tin.

Thoáng nhìn về lịch sử của nhân loại, kiên nhẫn nổi bật trong mọi cuộc cách mạng đem lại nhiều lợi ích cho thế giới: Từ cuộc đánh giá lại toàn bộ những giá trị của con người do Đức Giêsu thành Nazareth đem lại, Đấng đã tuyên bố rằng người nghèo khó, người than khóc và người bị bách hại là những người được chúc phúc (Xc. Mt 5,3; Lc 6,20-23), cũng là Đấng đã rao giảng sự tha thứ cho kẻ thù, như gương mẫu Người để lại (Xc. Mt 18,21-22; Lc 23,34), cho tới chủ trương bất bạo động của Gandhi (1869 -1948), người đã dạy rằng “bất bạo động không phải là thái độ thụ động cũng không làm phát sinh từ tình trạng này, trái lại, đó là sức mạnh chủ động nhất trong thế giới[2]. Đó là luật lệ của loài người, và là luật lệ vô cùng lớn lao vượt lên trên sức mạnh tàn bạo. Đó là sức mạnh mà mọi người đều có thể vươn tới, dù là trẻ em, thiếu niên, nam cũng như nữ, giúp họ có được niềm tin sống động vào Thiên Chúa tình yêu và vì thế nuôi dưỡng một tình yêu bình đẳng đối với mọi người [3].

Kiên nhẫn là “nhân đức của những người có sức mạnh [4]” như vẫn thường được hiểu trong các thư của thánh Phaolô [5].

Thường thì đời sống bấp bênh chắc chắn đòi phải có sự tập luyện cam go và lâu dài về đức kiên nhẫn. Nếu không có sức mạnh của đức kiên nhẫn, con người sẽ không thể có được bình an nội tâm, nhất là khi gặp những hoàn cảnh khổ đau, hay hoang mang trong nỗi cô đơn, hoặc những bất công dy vị tinh thần, hay đơn giản vì “ngày đã xế và bóng chiều đã ngả” (Gr 6,4).

Những tình cảnh như thế đòi một cái gì hơn nữa, chứ không chỉ là sự nhẫn nại có khả năng vượt lên trên sự nóng giận thình lình ập đến vào lúc bất hạnh, cũng không đơn thuần chỉ là một sự tự kiềm chế giúp mỗi người có lựa chọn hợp lý, biết đáp ứng thế nào cho phù hợp trước những yếu tố không biết trước trong những thách đố của cuộc sống. Vì thế, cần phải có nhân đức kiên nhẫn.

Kiên nhẫn - patience, theo nghĩa là kiên trì, là sự bền vững, là sức mạnh, là chịu đựng, là quảng đại, nhẫn nại, là điều cần phải có trong cuộc sống của người Kitô hữu. Thánh Phêrô nhấn mạnh: anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ là thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái” (2 Pr 1,5-7).

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự liên kết giữa đức kiên nhẫn và ba nhân đức đối thần là Tin – Cậy – Mến khi khuyên các tín hữu Rôma: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12). “Chúng ta tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy”[6].

Theo Thánh Phaolô, kiên nhẫn phát xuất từ đức tin và được nâng đỡ trong đức cậy. Đó là mối dây liên kết giữa điều đang có và điều đang hình thành, từ điều đã đạt được với điều chưa hoàn thành: “nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm 8,25).

Không có đức cậy, đức tin sẽ chết; không có đức tin, đức cậy sẽ tan biến.

Thánh Giacôbê cũng khuyên nhủ: “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).

Chỉ có đức kiên nhẫn dựa trên đức tin, đức cậy và đức mến mới đem lại ý nghĩa cứu độ cho mỗi khoảnh khắc của cuộc sống. Từ viễn tượng này, mỗi biến cố được xem như việc thực hiện cách diệu kỳ chương trình của Thiên Chúa chứ không phải là kết quả rủi ro do vận mệnh mù quáng.

Như lịch sử minh chứng, nhân đức kiên nhẫn là nền tảng của thái độ lạc quan, cho phép con người tiến về phía trước với niềm xác tín rằng sự dữ sẽ phải tan biến dù rằng không ai biết khi nào và như thế nào, đồng thời cũng biết rằng mỗi tình trạng đen tối cũng sẽ có một kết thúc tốt đẹp và tương lai sẽ tốt hơn hiện tại. Bởi vì như thánh Phaolô khẳng định: “chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Chính từ nhãn quan này của thánh Phaolô mà Manzoni đã đọc câu chuyện bi thương của Renzo và Lucia, những người, lúc đầu, được coi như những nạn nhân của bất công, khi ông giải thích: “Thiên Chúa không bao giờ được vui vì con cái của Người trừ khi để chuẩn bị cho họ niềm vui chân thực và bền vững hơn” [7].

Như thế, người thực sự kiên nhẫn sẽ không bị bấn loạn vì sự công chính có thể bị trì hoãn, là người hoàn toàn nhận biết rõ ràng rằng “sự thật là biết thinh lặng khi đó là thời gian phải thinh lặng, và chính trong sự thinh lặng mà sự thật hơ vang: hy kiên nhẫn”[8]. Trong mọi lúc, người kiên nhẫn luôn vững vàng chờ đợi sự can thiệp của Thiên Chúa để tái lập tình trạng an bình đã bị gián đoạn do bất công và đau khổ.

Người nào muốn đi vào cuộc phiêu lưu trn con đường “nhân đức” của “kẻ mạnh”, phải biết quên sự mất kiên nhẫn của ngày hôm qua và bắt đầu cuộc đời mới mỗi ngày theo mẫu gương thánh Phaolô viết cho tín hữu Philíp: “Quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).

Vào lúc khởi đầu và kết thúc của tiến tình này, mỗi người chỉ có thể đạt tới đức kiên nhẫn qua một xác tín mãnh liệt rằng “người kiên nhẫn là người nhẫn nại với sự bất kiên nhẫn của mình”[9]. Với những người như thế này có thể nói một cách đúng đắn: “người được gọi là hạnh phúc chính là những người kiên định” (Gc 5,11).

Nỗ lực khó khăn để biết kiên nhẫn với chính sự bất kiên nhẫn của mình có thể được trợ giúp nhờ việc nhìn lại hành trình dài và đầy gian khổ đã biến Tông Đồ Phaolô từ một “người bách hại và bạo lực” (1Tm 1,13) thành một “mẫu gương vĩ đại nhất về đức kiên nhẫn”[10] như Đức Giáo Hoàng Clêment đã diễn tả rất đúng trong thư gửi giáo hữu Côrinthô, được viết vào khoảng năm 96.

Với những ai có ước nguyện tiến bước trong đức kiên nhẫn, thánh Phaolô dùng cùng một lời khuyên thường được nhắc lại trong các thư của thánh nhân: “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11,1; Xc. 1Cr 4,16; Pl 3,17; 1Tx 1,6; 2,14; 2Tx 3,7). Ông Timôthê là một trong những người đã cố gắng noi gương thánh Phaolô, như thánh nhân đã diễn tả rõ ràng: “phần anh, anh đã theo sát đạo lý, cách sống, dự định của tôi; anh đã thấy lòng tin, sự nhẫn nại, lòng yêu mến, sự kiên trì của tôi; anh đã biết những cơn bắt bớ, những sự đau khổ tôi đã gặp” (2Tm 3,10-11). Bí quyết của việc theo sát thánh Phaolô hệ tại xác tín rằng: “nhờ Đức Kitô anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người” (Pl 1,29).

Cuốn sách này, bao gồm nội dung từ hai tác phẩm trước đây của tôi về vị tông đồ dân ngoại[11]. Cuốn sách này có mục đích thu lượm từ các thư của thánh nhân sứ điệp về đức kiên nhẫn với hy vọng có thể gợi lên cảm hứng mỗi ngày để noi theo mẫu gương của thánh nhân là kiên nhẫn hơn với chính sự không kiên nhẫn.

Rôma ngày 10 tháng 08 năm 2004.
+ Francesco Gioia, Tổng Giám mục
Giám quản Vương Cung Thánh Đường thánh Phaolô


[1] Kiên nhẫn – to have patience. Bắt nguồn từ tiếng Latin patior nghĩa là chống đỡ, chịu đựng và thường được xử dụng trong tiếng Hy lạp bằng thành ngữ hypoméno, xuất phát từ động từ méno nghĩa là tồn tại, chờ đợi, vững vàng, không trốn chạy khi phải đối diện với một địch thù.
[2] Harijan, 24 – 12 – 1938, tr. 393, trong R. K. PRABHU – U. R. RAO (eds), Gandhi: il mio credo, il mio pensiero, Newton, Roma 1992, tr. 149; Xc. Young India, 16 – 6 – 1927, tr. 196, sđd tr. 161-162
[3] Harijan, 5 – 9 – 1936, tr. 236, sđd tr. 135.
[4] Xc. F. Gioia, forza della pazienza: il camino della pace interiore (San Paolo, Cinisenllo Balsamo, 1994) & Il Vangelo della pazienza nelle religioni del mondo (San Paolo, Cinisenllo Balsamo, 1994), 1996.
[5] Truyền thống gán cho thánh Phaolô là tác giả 14 lá thư. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy thánh nhân không viết lá thư gửi người Do Thái. Như vậy, chỉ còn lại 13, trong đấy có 7 lá thư lớn” (1Tx, 1&2Cr, Gl, Rm, Pl, Plm) không bao giờ bị đặt thành vấn đề. Một vài vị coi thư thứ 2Tx là “giả danh” – pseudo work, có nghĩa là bản văn được gán cho 1 tác giả nào đó dựa theo ý kiến quần chúng, điều thường xảy ra trong văn chương cổ thời. 2 thư gửi cho ông Timôthê và Titô được viết vào “thời hậu Phaolô – post Pauline” và như thế cũng có nghĩa là “giả danh”. Một số người khác dè dặt khi nói Phaolô là tác giả của thư Cl và Ep.
Lá thư đầu tiên của thánh Phaolô là thư gửi giáo đòan Thessalônica được viết từ Côrintô vào khỏang năm 50, muộn nhất là vào năm 51, chính là tác bản văn xưa nhất của Tân ước.
Các thư của thánh Phaolô không phải là “thư riêng”. Thật vậy, 10 lá thư được gửi cho các giáo đòan và có mục đích để đọc ở nơi công cộng như chính thánh nhân đã viết: “nhân danh Chúa, tôi yêu cầu đọc thư này cho tất cả các anh em” (1Tx 5,27; Xc. 2 Tx 2,14-15; Cl 4,16). Sau đó, thánh nhân còn viết: “nếu có ai không tuân theo lời chúng tôi nói trong thư này, anh em hãy ghi lấy tên và đừng giao du với người ấy, để họ biết xấu hổ” (2Tx 2,14-15). 4 lá thư khác của thánh Phaolô, mặc dù được gửi cho các cá nhân (1 & 2 Timôthê, Titô, Philêmon), nhưng vẫn có ý gửi cho cộng đòan, bởi vì vẫn giả thiết các thư ấy gửi cho các cộng đòan, cho thấy tính giáo huấn trong các lá thư (Xc. 1Tm 1,15; 3,1; 4,9; 2Tm 2,11; Tt 3,8). Thánh Phaolô viết các lá thư với xác tín rõ ràng tư cách tông đồ của mình, được Đức Kitô sai đi (Xc. Gl 1,1. 15-16; 5,2) với nhiệm vụ rõ ràng là công bố Tin mừng (Xc. 1 Cr 9,16), khích lệ và sửa dạy. Tiếp đến, các lá thư của thánh nhân đựơc xem như những bài diễn từ nhằm trả lời cho những hòan cảnh cụ thể. Trong ý nghĩ của thánh Phaolô, các lá thư của ngài, nhằm chuẩn bị cho các cuộc viếng thăm hay thay thế khi thánh nhân không thể hiện diện được (Xc. 1Cr 4,19)
[6] Rm 5,3-4; Ba nhân đức đối thần, mặc dù không nhất thiết đựơc bàn đến cùng lúc, nhưng vẫn được nói đến trong các thư của thánh Phaolô (1Cr 13,7. 13; Rm 5,1-5; 12,6-12; Gl 5,5-6; Cl 1,4-5; Ep 1,15; 4,2-5,1; 1Tx 1,3; 5,8; 1Tm 6,11; Tt 2,2; Dt 6,10-12; 10,22-24). Chúng ta thấy “tin và yêu” đi liềnvới nhau (Xc. 1Tx 3,6; 2Tx 1,2; Plm 5), “nhẫn nại và tin tưởng” (Xc. 2Tx 1,4), “yêu mến và nhẫn nại” (Xc. 2Tx 3,5). Trong 3 nhân đức ấy, đức mến là cao cả nhất (Xc 1Cr 13,13), vì lòng mến không bao giờ kết thúc trong trong khi đức tin và hy vọng sẽ chấm dứt khi chúng ta diện kiến Thiên Chúa (1Cr 13,8-12).
[7] A. Manzoni, The Betrothed, cap. VIII.
[8] Th. Catarina Siena “Letter to Card. Pietro De Luna.”
[9] E. Jungel – K. Rahner, La pazienza di Dio e dell’uomo, Morcelliana, Brescia 1973, p. 41.
[10] Đây là bản văn của thánh Clêment “thánh Phaolô minh chứng ngài đã đọat giải thưởng nhờ đức kiên nhẫn. Bảy lần bị cầm tù, đã bị trục xuất và bị ném đá. Thánh nhân đã rao giảng cả miền đông lẫn miền Tây. Cuối cùng đã đạt được vinh dự lớn lao nhờ lòng tin. Ngài đã giảng dạy cách đúng đắn cho tòan thế giới, đã đi đến tận cùng biên giới phía tây của đế quốc và chịu tử đạo. Vì vậy, ngài đã kết thúc vụ trần thế và chiếm được chỗ nơi thiên quốc như mẫu gương vĩ đại nhất về đức kiên nhẫn” (thư gửi người Côrintô, 5,6-7); thánh Pôlycarpô, người cùng thời với thánh Clêment, cũng gọi thánh Phaolô là mẫu gương của lòng kiên nhẫn. Xc. Thư gửi người Philípphê, 9,1)
[11] Paul of Tarsus: the Apostle Everyone Ought to Know” và “The Apostle Paul: The Testimony of Joy amidst Suffering”. Cả hai đều được ấn hành do NBX Vatican Polyglot Press (Vatican City) năm 2002 và 2004.


Chương I: Kẻ bắt đạo và con người bạo lực (1Tm 1,13)

Phần ông Sao-lô, ông tán thành việc giết ông Tê-pha-nô. Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. Có mấy người sùng đạo chôn cất ông Tê-pha-nô và khóc thương ông thảm thiết. Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục (Cv 8,1-3)

Phaolô, cũng được gọi là Saolô (Xc. Cv 13,9) không phải là người có tính khí ôn hòa để dễ dàng thực thi đức kiên nhẫn. Trước khi trở lại, ông là người “hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa” (Cv 9,1).

Thánh Luca xác định ông Saolô “tán thành việc giết ông Stêphanô” (Cv 8,1), như chính ông xác nhận khi công khai bày tỏ với những người Do Thái ở Giêrusalem: “khi máu của ông Stêphanô, chứng nhân của Chúa, đổ ra, thì chính tôi cũng có mặt, tôi tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy” (Cv 22,20; Xc. 7,58).

Sau cái chết của ông Stêphanô, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bắt bớ dữ dội”, còn ông Saolô thì “vào từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8,2-3).

Điều này được Đức Giêsu xác nhận, khi Người đặt câu hỏi với ông Saolô trên đường đến Damas: “Saun, Saun, sao ngươi bắt bớ Ta?”. Ông hỏi: “thưa Ngài, Ngài là ai?”. Người đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ!” (Cv 9,4-5).

Trong lần biện hộ đầu tiên trước những người Do Thái ở Giêrusalem, ông Phaolô khiêm nhường thú nhận: “tôi đã bắt bớ Đạo này, đến nỗi giết kẻ theo đạo, đã xiềng xích và tống ngục đàn ông cũng như đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể đoàn kỳ mục làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em, và tôi đã đi Đamat để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem trừng trị” (Cv 22,4-5; Xc. 9,1-2).

Còn ông Khanania, người được Chúa mời đi tới Damas để đặt tay trên ông Saun và làm cho ông Saun nhìn thấy được, đã ngần ngại hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con đã được nghe nhiều kẻ nói về người ấy về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem. Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa” (Cv 9,13-14).

Quá khứ của ông Saolô là trở ngại trong bước khởi đầu đi rao giảng, như chính Đức Giêsu mạc khải cho ông khi ông đang xuất thần cầu nguyện trong đền thờ: “mau lên, hãy rời khỏi Giêrusalem gấp, vì chúng sẽ không chấp nhận lời anh làm chứng về Thầy đâu… Hãy đi, vì Thầy sẽ sai anh đi xa, đến với các dân ngoại”. Và ông Phaolô hăng hái đón nhận: “Lạy Chúa, chính họ biết rõ con đây đã đến từng hội đường bắt giam và đánh đòn những kẻ tin vào Chúa. Khi máu của ông Stêphanô, chứng nhân của Chúa, đổ ra, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy” (Cv 22,18-21).

Trong lần biện hộ thứ ba trước vua Agripa, ông Phaolô xác nhận: “về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại Danh Giêsu người Nazarét. Đó là điều tôi đã làm tại Giêrusalem. Được các thượng tế ủy quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong các thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành. Nhiều lần tôi đã đi khắp các hội đường, trừng trị để cưỡng bức họ nói phạm thượng. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành ở nước ngoài mà bắt bớ họ” (Cv 26,9-11).

Mối ân hận vì đã bách hại các môn đệ Chúa Kitô luôn giày vò tâm hồn ông, như có thể đọc thấy trong thư gửi giáo đòan Côrintô: “tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9). Đồng thời, ông ôn tồn ý thức rằng “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ra ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ” (Gl 1,15).

Khi chống lại những kẻ muốn làm lung lạc đức tin của các tín hữu thành Philíp về vấn đề phép cắt bì, ông đã kể lại thái độ cực đoan của mình trong quá khứ và nói rõ ông là người “hăng say ngược đãi Hội Thánh” (Pl 3,6).

Ông cũng nhắc lại điều này với các tín hữu Galát: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do Thái; tôi đã quá hăng say bắt bớ và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa; tôi đã tiến xa trong đạo Do Thái, vượt nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi, vì quá đỗi nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Gl 1,13-14). Sau đó ông kể lại cho họ biết rằng “các Hội Thánh trong Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt ông, nhưng cũng nghe biết ông là người bắt bớ những ai tin theo Đức Kitô” (Xc. Gl 1,22-23).

Ông còn thú nhận với môn đệ Timôthê: “Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược”, và ông cũng cảm tạ Chúa bởi ông đã được Chúa “thương xót, vì tôi đã hành động vô ý thức, khi chưa có lòng tin” (1Tm 1,12-13,16).

Tất cả những ai biết ông đều lo ngại về quá khứ của ông. Thật vậy, sau cuộc trở lại khi ông công bố giữa hội đường rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, “mọi người nghe ông giảng đều sửng sốt và nói: “Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu Danh Giêsu sao? Chẳng phải ông đã đến đấy với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?” (Cv 9,21).

Để hiểu được tinh thần mà vì thế ông Phaolô bách hại Hội Thánh, cần phải nhớ rằng ông từng là thành viên của phái Pharisêu, phái “nghiêm nhặt nhất” trong Do Thái Giáo, nhóm tuyên bố rằng mình là đại diện cho Israel đích thực (xc. Cv 26,5-6). Chính ông thú nhận mình đã từng thuộc phái Pharisêu, giữ luật như người Pharisêu (Xc. Pl 3,5), quá đỗi nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Gl 1,14).

Phaolô luôn tự nhận mình là thành phần dân Israel. Ông luôn khao khát rằng “Dân của lời hứa” (xc. Rm 15,8; Cv 13,32; 26,6) có thể lãnh nhận ơn cứu độ được ban cho Israel và mọi dân khác, qua tác vụ của ông (xc. Rm 11,13-14). Nỗi khao khát ấy thiêu đốt ông đến nỗi ông mong muốn đi đến tận cùng, ước gì “bị tru diệt, xa lìa Đức Kitô vì các anh em đồng bào của tôi theo huyết thống” (Rm 9,3).

Biến cố trên đường Damas là biến cố làm đảo lộn, tác động hoàn toàn tâm trạng của Phaolô. Đó là sự thay đổi toàn diện và tức khắc: từ nhiệt thành với lề luật, ông chuyển sang lòng nhiệt thành với Đức Kitô (xc. Gl 1,15-17), làm mọi sự có thể để đáp lại lời mời của Đức Kitô (xc. Pl 3,12-14).

Chương II: Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11,29)

Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống. (Cv 9,1-9)

Ngay sau khi trở lại, ông Phaolô đã nhận được giáo huấn từ Đức Giêsu là Thầy như Người đã được mọi người nhìn nhận (xc. Ga 13,13; Mt 19,16; 22,16,36; Mc 9,5,17,38; Lc 7,40; 17,13; Ga 3,2; 11,28). Thật vậy, chỉ một mình Đức Giêsu là Thầy chân thật (xc. Mt 23,8). Ông Phaolô đã đón nhận toàn bộ tư tưởng của Thầy đến nỗi ông có thể nói lên: “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Để hiểu được toàn bộ cuộc đời của Phaolô, với những khoảnh khắc anh hùng về lòng kiên nhẫn và sứ điệp của ông về nhân đức này, cần phải nhắc lại chứng cớ và giáo huấn của Thầy Giêsu về đề tài này.

Không ai có thể sánh với Đức Giêsu trong việc thực thi đức kiên nhẫn. Do vậy, chính Người nêu lên Người là mẫu gương của sự kiên trì: “anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Rất nhiều đoạn Tin mừng[1] minh họa chân lý này[2].

Đức Giêsu trách mắng hai ông Giacôbê và Gioan vì không đủ nhẫn nại và muốn trả thù khi muốn xin lửa từ trời xuống đốt cháy ngôi làng Samaria đã không đón nhận Thầy của các ông (xc. Lc 9,51-55). Người cũng có thái độ tương tự khi ông Phêrô chém đứt tai phải của Mancô trong Vườn Cây Dầu (xc. Ga 18,10).

Đức Giêsu tỏ ra nhẫn nại vô bờ khi sống với các môn đệ, những người thường tỏ ra là kém đức tin (xc. Mt 6,30; 8,26; 14,31; 16,8; Lc 8,24-25; 12,28; Mc 4,39-40; 8,17) và tràn đầy sợ hãi (xc. Mt 8, 25-26; Mc 4,39-40; 6,49; 9,32; Lc 24,37,41; Ga 6,19). Một số người trong họ cho rằng sứ điệp của Thầy khó chấp nhận và lìa bỏ Người (xc. Ga 6,60, 66). Ông Phêrô cũng thường phản đối (xc. Mt 16,22; Ga 13,8). Hai anh em ông Giacôbê và Gioan muốn tìm chỗ nhất (xc. Mt 20,20-23; Mc 10,35-40), nhưng đến khi ở Vườn Cây Dầu, các ông không thể tỉnh thức để chia sẻ với Thầy, người đang “buồn đến chết được” (xc. Mt 26,38-40). Khi Đức Kitô chịu khổ nạn, tất cả chạy trốn, bỏ lại Người một mình (xc. Mt 26,56; Ga 16,21). Họ “chưa hiểu, chưa thấu” và “lòng chai đá” (xc. Mc 8,17-18). Giuđa phản bội Người (xc. Mt 27,47-50) còn Phêrô thì chối Thầy (xc. Mt 26,69-74). Các ông không tin câu chuyện ngôi mộ trống do Maria Macđala thuật lại (xc. Mc 16,11,14), coi đó là “chuyện vớ vẩn” (xc. Lc 24,11), vì các ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20,9; XC. Lc 24,25-27, 44-46). “Các ông hoài nghi”, khi Đấng Phục Sinh hiện ra với các ông ở Galilê (xc. Mt 28,17). Ông Tôma nhấn mạnh phải có chứng cớ về sự phục sinh (xc. Ga 20,24-25). Các môn đệ trên đường Emmaus “buồn rầu” và không chút hy vọng (xc. Lc 24,17, 21).

Tuy nhiên, Đức Giêsu “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10,38). Người đón tiếp các tội nhân với lòng thương cảm và yêu mến (xc. Mt 9,10-11; 11,19; Lc 15,12), dù rằng Người bị coi như là “dấu chỉ của sự mâu thuẫn” (xc. Lc 2,34), “vì Người mà đám đông đâm ra chia rẽ” (xc. Ga 7,43; 10,19). Người không chống lại khi người ta cáo buộc là “bị quỷ ám” (xc. Ga 10,20; 7,20; 8,48,52; Mt 12,24; Mc 3,22) hay là “tên bịp bợm” (xc. Mt 27,63), “điên khùng” (xc. Ga 10,20; Mc 3,21), “kẻ lộng ngôn” (xc. Ga 10,33; Lc 5,21; Mt 9,3; 26,65; Mc2,6), “người xách động” (xc. Lc 23,2), “là người Samari – tức là lạc giáo” (xc. Ga 8,48), “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (xc. Lc 7,34), là “người có tội” (xc. Ga 8,46).

Nhất là Đức Kitô tỏ ra kiên nhẫn cách lạ thường khi chịu khổ nạn. Trong Vườn Cây Dầu, sau khi xin với Cha cứu Người khỏi đau khổ, Người khiêm tốn đặt mình hoàn toàn tuân phục thánh ý Cha, với sự cam chịu tột cùng: “xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26,42), và “xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).

Đức Giêsu “không làm điều gì sai trái” (Lc 23,41). Thật vậy, ngay cả Philatô cũng “không tìm thấy lý do gì để kết tội Đức Giêsu” (Ga 19,6). Mặc dù Người hoàn toàn vô tội (xc. Mt 26,61; 27,12), nhưng khi bị vu cáo (xc. Mt 26,61; 27,12), bị chế nhạo, bị xỉ nhục (xc. Mt 27,39-44; Lc 22, 63-65), và bị khạc nhổ (xc. Mt 26,67-68; 27,30; Mc15,19; Lc 22,63; Ga 18,22), Người vẫn giữ “yên lặng”, như bốn sách Tin mừng đã làm chứng (xc. Mt 27,14; Mc 14,60; Lc23,10; Ga 19,8). Các Tin mừng đều lặp đi lặp lại đức kiên nhẫn của Đức Giêsu qua giáo huấn của Người.

Chương trình về kiên nhẫn do Đức Giêsu công bố, được bày tỏ trong “Tám mối phúc thật” hay còn được gọi là “Đại Hiến Chương của Kitô giáo”. Bài giảng trên núi cho thấy có những loại người được chúc phúc: đó là những người có tinh thần nghèo khó, “vì Nước Trời là của họ”; những người sầu khổ “vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”; Những người hiền lành “vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”; những người khát khao nên công chính “vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”; những ai xót thương người “vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”; những ai có tâm hồn trong sạch “vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”; những ai xây dựng hòa bình “vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”; những ai bị bách hại vì sống công chính “vì Nước Trời là của họ”. Đức Giêsu đặc biệt nói đến loại người cuối cùng này, như muốn nhấn mạnh rằng những ai muốn theo Người phải biết thực thi đức kiên nhẫn, nhất là trong khi bị bách hại: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,3-11).

Những người môn đệ Đức Kitô phải bày tỏ lòng yêu mến những kẻ bách hại mình: “anh em đã nghe luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Họ không được nuôi lòng giận dữ với anh em mình, vì “ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa”… “nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,22-24).

Kitô hữu phải biết cách kiên nhẫn đón nhận mọi điều bất công. Khía cạnh mới của sứ điệp Tin mừng trong tương quan với giáo huấn truyền thống (của người Do thi) được sng tỏ trong cách đáp trả sự ngược đãi của thù địch: “anh em đã nghe Luật dạy rằng: mắt đền mắt, răng đền răng, còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39).

Đức Giêsu cũng cho thấy những khía cạnh khác nhau của đức kiên nhẫn qua một số dụ ngôn. Trong dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giêsu muốn dạy cho các môn đệ của Người biết kiên nhẫn trước mầu nhiệm sự dữ[3]. Còn trong dụ ngôn cây vả không ra trái, Người muốn gợi lên sự nhẫn nại thông cảm[4]. Trong dụ ngôn mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể, Người muốn khuyến khích các thính giả biết kiên trì chờ đợi[5]. Câu chuyện người gieo giống tung gieo hạt giống ở mọi nơi cho thấy sự kiên trì cuối cùng sẽ được ân thưởng[6]. Đức kiên trì cũng được thể hiện nơi người mục tử và người đàn bà khi cố công tìm kiếm con chiên lạc cũng như đồng bạc bị đánh rơi (Lc 5,4-10).

Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa và sự thiếu kiên nhẫn của con người được minh họa rõ ràng trong dụ ngôn quen thuộc “người con hoang đàng”, một trong những kiệt tác về văn chương của thế giới (xc. Lc 15,11-32). Cũng vậy, dụ ngôn về tên đầy tớ không có lòng thương xót cũng làm rõ sự tương phản giữa một Thiên Chúa nhân từ kiên nhẫn với con người không có lòng xót thương[7].

Những kẻ nào không biết đợi chờ thì không thể có đức kiên trì. Trong bữa ăn tối cuối cùng với các môn đệ, Đức Giêsu nói với các ông: “anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan”, và do đó Người bảo đảm với các ông là họ xứng đáng gia nhập Vương Quốc[8]. Và để tránh mọi sự hiểu lầm, Người thêm: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”[9]

[1] Bản văn đầu tiên của Tin mừng Matthêu đựơc viết bằng tiếng Aram vào khỏang năm 64, nhưng không được lưu truyền tới chúng ta. Vào những năm từ 70-80, bản văn này được dịch ra tiếng Hylạp nhờ vào Tin mừng Maccô. Điều này giải thích tại sao có nhiều nét tương đồng giữa hai bản văn. Tin mừng Máccô,có lẽ, được viết vào khỏang 65. Tin mừng Luca xuất hiện khỏang 70-80, còn Tin mừng Gioan vào khỏang 90-50.
Cả 4 bản văn Tin mừng theo tiếng Hy lạp xử dụng tổng cộng 64. 327 từ, được phân chia như sau.
Tin mừng Luca: 19. 404 với 2. 055 từ căn bản được lập đi lập trong 24 chương.
Tin mừng Matthêu: 18. 278 với 1. 691 từ căn bản trong 28 chương.
Tin mừng Gioan: 15. 146 với 1. 011 từ căn bản trong 21 chương.
Tin mừng Maccô: 11. 229 với 1. 346 từ trong 16 chương.
[2] Tin mừng ghi lại nhiều cách diễn tả khác nhau của Đức Giêsu được xem như coi như nói về thái độ không kiên nhân (Xc. Mc 3,5; 9,19; 10,14; 15,17; Mt 16,4. 23; 21,18-19; Ga 3,36). Trong thực tế, mỗi tác giả sách Tin mừng đã đưa ra những giải thích cá nhân với ngôn ngữ của nhân loại về một số hoạt động của Thầy. Đó là vấn đề của trường hợp tương tự liên quan đến hình ảnh của Đức Chúa được nói đến trong Cựu ước, trong đó các người viết đã gán cho Thiên Chúa những cảm nghĩ của lòai người. Do vậy, chẳng hạn thánh Matthêu gán cho con người Đức Kitô sự đối lập trong các giáo hội tiên khởi và hội đường và đã thốt ra 7 nỗi khổ mà trong đó âm thanh được xem là lời nguyền rủa chống lại luật sỹ và biệt phái. Người nhiều lần gọi họ là: “những kẻ giả hình, quân dẫn đường mù quá, đồ ngu si, mồ mả tô vôi, đồ mãng xà, nòi rắn độc” (Xc. Mt 23,13-36; Lc 11,39-48. 25).
[3] Đức Giêsu ví nước trời như người gieo giống gieo hạt giống tốt trên ruộng mình, nhưng khi ông ta ngủ, kẻ thù đến gieo cỏ lùng…. (Xc. Mt 13,24-31).
[4] Thi hành đức kiên nhẫn qua việc đợi chờ và hiểu biết là thái độ của người đầy tớ khiêm tốn thưa với chủ: xin ông hoãn quyết định chặt cây vả (Xc. Lc 13,6-9).
[5] Nước trời đựơc ví với 10 cô trinh nữ cầm đèn đón chàng rể, trong đó có 5 cô khờ và cô khôn… (Xc. Mt 25,1-13; Lc 12,32-48).
Tương tự như thế, các đầy tớ trung thành chờ đợi chủ trở về được gọi là người có phúc (Xc. Lc 12,35-38; Mt 24,45-51).
[6] Minh chứng cách đặt biệt là sự kiên trì của người gieo giống, mặc dù công việc không đạt kết quả, ông vẫn tiếp tục gieo cho đến khi hạt giống rơi vào đất tốt và sinh được 100 (Xc. Lc 8,4-8; Mt 13,1-9; Mc 4,1-9).
[7] Hai tình huống trái ngược trong đó người đầy tớ đã không đủ kiên nhẫn với bạn mình, đangkhi anh ta đựơc chủ tha thứ (Xc. Mt 18,23-34).
[8] Lc 22,28-29.
[9] Lc 21,19


Chương III: Một thứ ôn dịch, chuyên gây nổi loạn giữa mọi người Do Thái (Cv 24,5)

Rồi ông ăn và khoẻ lại. Ông Sao-lô rao giảng tại Đa-mát. Ông ở lại Đa-mát với các môn đệ mấy hôm, rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giê-su trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe ông giảng đều kinh ngạc và nói: “Ông này chẳng phải là người ở Giê-ru-sa-lem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giê-su sao? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?” (Cv 9,19-21)

Một thời đã từng là người hung hăng bách hại Giáo Hội, chính Phaolô cũng bị người Do Thái, những người không tin và những người giả danh Kitô hữu truy đuổi (xc. 2Cr 11,26). Vì vậy trong các lá thư, thánh nhân cũng thường ám chỉ đến cuộc truy bắt của những người Do Thái (xc. Rm 15,31; 2Cr 11,24-26; Gl 5,11; 1Tx 2,14-16), và nói rõ đó là những thời khắc khó khăn nhất phải chịu đựng.

Khi nói về cuộc bách hại do những người Do Thái đưa ra để chống lại Giáo Hội sau khi ông Stêphanô bị giết, có lẽ thánh Luca muốn cho thấy bạo lực quần chúng có thể xảy ra trong bất cứ thể chế tôn giáo nào, khi nó cảm thấy bị đe dọa bởi một phong trào mới. Trong những tình huống như vậy, hội đường công bố các cá nhân là lạc đạo, rồi sau đó truy bắt và giết những ai không chia sẻ giáo huấn chân truyền, như trường hợp của Đức Giêsu, các ông Stêphanô và Phaolô.

Trong các lá thư, Thánh Tông Đồ liệt kê rất nhiều lý do khác nhau của những cuộc bách hại như thế.

Chắc chắn rằng, lý do đầu tiên là “loan báo Tin Mừng về đức tin mà trước đây ông muốn tiêu diệt” (Gl 1,23). Làm như thế, thánh nhân thách thức những yếu tố nền tảng của Do thái giáo, mà ông coi như “vô giá trị” so với đặc tính tuyệt vời là biết Đức Kitô (xc. Pl 3,4-8).

Yếu tố chính yếu là lời rao giảng của Phaolô khi ông tuyên bố rằng thành phần dân Thiên Chúa không đòi buộc phải chịu cắt bì (xc. Gl 3,1-5; X. 5,11; Cv 15,8-11), hay tuân giữ những quy định của lề luật về sự thanh sạch theo luật (xc. Gl 2,11-21).

Cuối cùng, ông bị tố cáo là không coi trọng các đòi hỏi luân lý, một cáo buộc mà ông bác bỏ như một lời vu khống (xc. Rm 3,7-8).

Vì những lý do trên, người Do Thái đã kể ông “như một thứ ôn dịch, chuyên gây nổi loạn giữa những người Do Thái khắp mọi nơi” (Cv 24,5; X. 16,20; 17,6). Vì thế, theo như sách Công Vụ thuật lại, họ liên tục truy đuổi ông.

Tại Damas, ngay sau khi gặp Đức Kitô và lần đầu tiên ông làm chứng Đức Giêsu là Đấng Kitô, người Do Thái giận dữ đến nỗi “cùng nhau bàn kế giết ông” (xc. Cv 9,22-23). Ngay cả ở Giêrusalem, họ cũng “tìm cách giết ông” (xc. Cv 9,29).

Trong hội đường Antiôkia ở Pisidia, khi ông Phaolô cùng với ông Banabê công bố rằng “điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện đầy đủ cho chúng ta là con cháu của các ngài khi làm cho Đức Giêsu sống lại… người Do Thái đầy lòng ghen tức, họ dùng lời phạm thượng mà phản đối những điều ông Phaolô nói… họ khích động những phụ nữ thượng lưu tôn thờ Thiên Chúa và những thân hữu trong thành, xúi giục họ bắt bớ ông Phaolô và ông Banaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Hai ông… đi tới Icônio” (Cv 13,32-33, 45,50-51).

Tại Icôniô, “những người ngoại và những người Do thái, cùng với các thủ lãnh của họ, mưu toan làm nhục và ném đá hai ông. Biết thế, hai ông lánh xa các thành miền Lycaonia là Lytra, Đecbê, và các vùng phụ cận; Tại đó, các ông tiếp tục loan báo Tin Mừng” (Cv 14,5-7).

Tại Lytra, có những người Do Thái từ Antiôkia và từ Icôniô đến, “thuyết phục được đám đông dân chúng. Họ ném đá ông Phaolô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng là ông đã chết” (Cv 14,19).

Tại Philíp, Phaolô cùng với Sila, đã trừ quỉ cho một người tớ gái, người đã làm cho các chủ của cô kiếm được nhiều lợi lộc. Khi thấy hy vọng kiếm lợi của mình đã tiêu tan, các ông chủ của cô liền bắt hai nhà truyền giáo, điệu đến trước quan tòa và tố cáo: “những người này gây xáo trộn trong thành phố chúng ta; Họ là người Do Thái và họ truyền bá những tập tục mà người Rôma chúng ta không được phép chấp nhận và tuân theo. Đám đông nổi lên chống hai ông. Các quan toà, sau khi đã cho lột áo hai ông, ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận. Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại”. Sáng ngày, khi biết các ông là công dân Rôma, và không được đánh đòn hai ông, các quan toà buộc phải xin lỗi hai ông (Cv 16,14-39).

Tại Thessalônica, người Do Thái “sinh ghen tức” vì có một số người đã tin theo và nhập đoàn với ông Phaolô và ông Xila; một số rất đông những người Hy lạp tôn thờ Thiên Chúa và một số phụ nữ quý phái cũng làm như vậy, nên họ quy tụ một số du đãng đầu đường xó chợ, họp thành đám đông gây náo loạn trong thành. Họ lôi hai nhà truyền giáo ra trước nhà chức trách thành phố, tố cáo hai ông “làm ngược các chiếu chỉ của Hoàng Đế, và công bố “một vua khác là Giêsu”. Sau khi đã nộp tiền bảo lãnh, các ông được thả ra (Cv 17,4-9; X. 1Tx 2,14). Phaolô kể lại kinh nghiệm đau buồn này trong lá thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalônica: “Như anh em đã biết, chúng tôi đã đau khổ và bị làm nhục tại Philíp; nhưng dựa vào Thiên Chúa chúng ta mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em, trong một cuộc chiến đấu gay go” (1Tx 2,2).

Tại Beroia, “khi những người Do Thái ở Thêxalonica biết là ông Phaolô cũng loan báo Lời Thiên Chúa ở Beroia nữa, thì họ lại đến khuấy động và gây xôn xao trong đám đông dân chúng”, buộc Thánh Tông Đồ phải rời đó để đi Athêna (xc. Cv 17,13-15).

Những người Do Thái ở Côrintô, khi nghe chính Thánh Tông Đồ công bố Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì đã nhất tề nổi dậy chống ông Phaolô; họ đưa ông ra tòa và nói: “tên này xúi giục người ta tôn thờ Thiên Chúa trái với Lề Luật” (Cv 18,5-6, 12-13).

Phaolô ở Êphêsô hai năm, “khiến mọi người sống ở Asia, người Do Thái cũng như người Hy Lạp đều được nghe Lời Chúa”. Nhưng một số người thợ bạc trong thành phố, sợ rằng lời giảng của Thánh Tông Đồ có thể gây ảnh hưởng xấu trong việc bán “mô hình đền thờ nữ thần Artêmi bằng bạc”, nên đã xúi giục dân chúng chống lại Thánh Tông Đồ và buộc ông phải đi đến Makêđônia (xc. Cv 19,10, 23; 20,1). Khi các kỳ mục từ Êphêsô đến gặp ông tại Milêtô, lúc ông đang trên đường đi Giêrusalem, ông thú nhận: “khi phục vụ Thiên Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã phải rơi lệ, đã gặp thử thách do những âm mưu của người Do Thái” (Cv 20,19).

Tại Giêrusalem, đám đông dân chúng bị những người Do Thái từ Asia đến khuấy động, nên “tìm cách giết ông”. Ông đã được cứu thoát nhờ sự can thiệp của toà án, qua việc “bắt và lấy xiềng còng ông lại” (Cv 21,31, 33-36). Người Do Thái, tức giận vì lời lẽ ông Phaolô kể lại ơn gọi và sự công chính do việc ông làm, đã hò hét trước toà: “hãy bứng khỏi mặt đất loại người như thế! Nó không đáng sống”.

Nhờ là công dân Rôma, ông đã thoát khỏi bị đánh đòn, nhưng buộc phải ra trước Thượng Hội Đồng. “Thượng tế Khanania ra lệnh cho các phụ tá đánh vào miệng ông. Bài diễn văn của ông đề cập đến việc sống lại gây ra tranh luận giữa người Pharisêu và nhóm Xa-Đốc. Viên chỉ huy sợ rằng “họ có thể xé xác ông Phaolô”, nên đã lôi ông và đem về đồn. Tuy nhiên, người Do Thái vẫn giữ ý định. Một nhóm trên 40 người “đã bày mưu tính kế và thề rằng sẽ không ăn uống gì cho đến khi giết được ông Phaolô” (xc. Cv 21, 22-23, 23,14).

Để giúp cho ông Phaolô thoát khỏi âm mưu những người muốn ám hại ông, viên chỉ huy đã cho người hộ tống ông đến Xêdarê; tại đó, ông bị giam tù hai năm, dù rằng ông đã được đưa ra trước tổng trấn Phêlich (xc. Cv 21,23, 23,24, 27). Vì là công dân Rôma (xc. Cv 22,25-27 16,37), ông Phaolô đã kháng cáo lên Hoàng Đế, và vì vậy ông đến Rôma (xc. Cv 25,11-12).

Qua nhiều gian nan vất vả, kể cả bị đắm tàu (xc. Cv 27,9-43), cuối cùng ông Phaolô đến Rôma (xc. Cv 28,15). Tại đây, ông bị giam giữ tại nhà riêng hai năm, có lính canh bên ngoài, và ông “rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô” (Cv 28,16, 30-31).

Dầu vậy, ngay tại Rôma, vào cuối đời ông đã phải tranh đấu với một số người Do Thái, “những kẻ rao giảng Đức Kitô vì đố kỵ và cãi cọ…, vì tranh chấp, không có lòng ngay, thường là gây gian nan cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích”. Nhưng, ông không màng chi chuyện đối kháng: “có can gì không? trừ ra điều này là Đức Kitô được rao giảng cách này hay cách khác, với ý xấu hay ý lành, thế là tôi vui mừng rồi” (Pl 1,15, 17-18).

Chương IV: Gian truân sinh nhẫn nại, nhẫn nại sinh trung kiên (Rm 5,3)

Khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ. Ông Ba-na-ba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Sao-lô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào. Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông. Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô. (Cv 9,26-30)

Đức kiên trì anh hùng của Thánh Phaolô qua nhiều cơn thử thách và nỗi khổ cực trong suốt cuộc đời đã được thánh nhân kể ra nhiều lần trong các lá thư của mình.

Chứng từ được biết đến nhiều nhất được tìm thấy trong lời bào chữa chi tiết và mãnh liệt về tính chính thống và hợp pháp trong công việc truyền giáo của ngài, và trong những lời đả kích dũng cảm và thường là quyết liệt của thánh nhân, chống lại những người đặt vấn đề về sứ vụ của thánh nhân với tư cách là một tông đồ, nhất là vì những khốn khó thánh nhân đã chịu (xc. 2Cr 4,7-15; 6,3-10; 11,23-33), tình trạng yếu đuối thể lý (xc. 2Cr 10,1,10; 1Cr 2,1-5), sự thiếu thốn về quyền uy ân sủng (xc. 2Cr 12,12; 13,3), và trách nhiệm của thánh nhân là tự do rao giảng Tin Mừng[1]. Một số các đối thủ của thánh nhân thuộc về cộng đoàn Kitô hữu ở Côrintô (xc. 2Cr 10,10; 11,4,12-15, 21-23), số khác không thuộc cộng đoàn đó (xc. 2Cr 13,5-10).

Trong phần tự biện hộ cho mình, Phaolô hoàn toàn ý thức rằng, một đàng huênh hoang về những việc làm của mình và những thành công là “điên rồ” (xc. 2Cr 11,1,16-21; 12,11), đàng khác, ngài có quyền tự hào vì vinh quang của ngài chỉ dựa trên sự yếu đuối (xc. 2Cr 11,30; 12,5; 13,9), bởi vì rõ ràng những thành công trong công tác tông đồ không phải do ông, nhưng chỉ do Đức Kitô mà thôi (xc. 2Cr 12,9; 4,7; 1Cr 1,27-31; 3,6).

Dựa trên khẳng định này, Phaolô cũng nói rõ “chúng tôi đang sống trong xác phàm, nhưng không chiến đấu theo tính xác thịt. Thật vậy, vũ khí chiến đấu của chúng tôi không thuộc về xác thịt, nhưng nhờ Thần Khí, có sức mạnh đánh đổ các đồn luỹ. chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng đưa mình lên chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng mà tuân phục Đức Kitô” (2Cr 10,3-5).

Mục đích của việc biện hộ của ông là chiếm lại những người tín hữu đã bị các đối thủ lừa gạt và đã ngã gục dưới sức mạnh của họ. Dựa trên sự hiền lành và khiêm nhường của Đức Kitô, Phaolô kêu gọi họ hoà giải trước khi ông dùng quyền uy mà can thiệp (xc. 2Cr 10,1-11). Ông tuyên bố rằng khi ông nại đến quyền uy của mình, thì “không phải chính ông truyền lệnh”, “nhưng chỉ tự hào trong Chúa”, và về điều mà chính Thiên Chúa hoàn tất qua ông như để làm chứng rằng ông là một tông đồ do chính Thiên Chúa “truyền lệnh” (xc. 2Cr 10,17-18). Ông quyết tâm chỉ hành động “theo quyền hành Chúa đã ban cho ông để xây dựng, chứ không phải để phá đổ” (2Cr 13,10).

Đoạn Kinh Thánh về phần biện hộ của ông Phaolô, khởi đầu với lời nhập đề ngắn gọn nhắc đến nguồn gốc Do Thái đích thực của ông[2], được chia thành năm phần, mỗi phần kể đến một nỗi khổ ông phải chịu với tư cách là “thừa tác viên của Đức Kitô”, hơn hẳn các đối thủ của ông.

Phần đầu tiên nói về nỗi đau khổ thể lý: “Tôi còn hơn họ nữa…, vất vả nhiều hơn, ở tù nhiều hơn, chịu đánh đập hơn gấp bội, suýt chết nhiều lần. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần chịu đánh đòn, một lần bị ném đá” (2Cr 11,23-25).

Trong phần hai, Thánh Tông Đồ kể đến những chuyến đi để loan báo Tin Mừng: “Ba lần bị đắm tàu; một ngày một đêm trôi giạt giữa biển khơi. Hành trình nhiều chuyến, nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, nguy hiểm trong sa mạc, nguy hiểm ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tại Damas, tổng đốc của vua Arêta đã cho canh gác thành để bắt tôi. Nhưng qua một cửa sổ, tôi đã được thả xuống dọc theo tường thành, và tôi đã thoát khỏi tay ông ta” (2Cr 11,25-26, 32-33).

Phần thứ ba kể đến một số vất vả do sứ vụ: “vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2Cr 11,27).

Trong phần bốn, “không kể những điều khác”, ông nói về những nỗi khổ tinh thần, phát xuất từ nhiệt tâm tông đồ: “nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh. Có ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Có ai vấp ngã mà lòng tôi không cháy bừng?” (2Cr 11,28-29).

Trong phần năm, Thánh Phaolô bày tỏ những nỗi khổ sâu xa nhất liên hệ đến “những thị kiến và mạc khải của Chúa”, và việc ông “được đưa lên tầng trời thứ ba”. Nhằm ngăn ngừa tính kiêu căng về điều này, thánh nhân xác định: “để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường ấy, tôi đã bị một cái dằm đâm vào thân xác, đó là sứ giả của Xatan để nó đánh tôi, cho tôi khỏi phải tự cao tự đại. Về điều này, đã ba lần tôi xin Chúa đưa nó xa tôi, nhưng Người nói với tôi: “ơn của Thầy đủ cho anh rồi, vì quyền năng được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,1-9).

Thánh Phaolô coi sự yếu đuối của mình như một yếu tố đặc biệt để nói lên sự trổi vượt trên các đối thủ: “nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những điều cho thấy sự yếu đuối của tôi. Thiên Chúa, Đấng được chúc tụng muôn đời, là Thân phụ Chúa Giêsu, biết rằng tôi không nói dối… Về chính tôi, tôi sẽ chỉ tự hào về những yếu đuối của mình. Tôi rất thích tự hào hơn về những yếu đuối của tôi, để quyền năng của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đuối, khi bị xỉ nhục, khốn quẫn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Quả thật, khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 11,30; 12,5,9-10). Sau cùng, ở cuối lá thư, thánh nhân nhấn mạnh: “chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu” (2Cr 13,9).

Gần cuối lá thư gửi tín hữu Côrintô, thánh nhân viết: “tôi chẳng thua kém gì các vị siêu tông đồ kia, dù tôi chẳng là gì. Các dấu chỉ của tông đồ được thực hiện giữa anh em: nào là đức kiên nhẫn hoàn hảo, nào là những dấu lạ điềm thiêng và phép lạ” (2Cr 12,11-12). Các điều ấy chứng tỏ rằng thánh nhân đích thực là người được Chúa sai đến.

Thánh nhân cũng nói với các tín hữu Côrintô: “Khi đến miền Makêđônia, thân xác chúng tôi chẳng được thảnh thơi chút nào; trái lại, ở đâu cũng gặp gian nan: bên ngoài phải chiến đấu, bên trong phải lo sợ” (2Cr 7,5). Ngay cả bệnh tật, điều vẫn là một ẩn số đối với mọi người, cũng không thể ngăn cản thánh nhân rao giảng cho người Galát (Gl 4,13-14).

Thánh nhân thực thi sứ vụ của mình qua việc “kiên trì chịu đựng khi bị gian nan, khốn quẫn, ngặt nghèo, đòn vọt, tù tội, khi gặp biến loạn, bị nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ”. Các hành động của Thánh nhân được thực thi bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa; lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục”.

Thánh Phaolô không bận tâm về điều thiên hạ nghĩ về mình, điều đáng kể là sự thật: “Bị coi như bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; như vô danh tiểu tốt, nhưng chúng tôi được mọi người biết đến; như sắp chết, nhưng chúng tôi vẫn sống; như bị trừng phạt, nhưng chúng tôi không bị giết chết; như phải buồn phiền, nhưng chúng tôi luôn vui vẻ; như nghèo túng, nhưng chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; như không có gì, nhưng chúng tôi có tất cả” (2Cr 6,4-10).

Nỗi khổ lớn nhất của Thánh Phaolô xuất phát từ sự không hiểu biết của giới cầm quyền trong đạo Kitô tại Giêrusalem (xc. Cv 21,17-21), và những người Do Thái trở lại. Những người này muốn theo ông Môsê, coi trọng Lề Luật, đền thờ, việc cắt bì, và những thực hành đạo đức khác; bằng chứng về sự kiện này có thể thấy, một cách nào đó, trong quyết định của cái được gọi là Công Đồng Giêrusalem (xc. Cv 15,23-25). Những người này nại đến uy thế của ông Giacôbê (xc. Gl 2,12) và theo dõi ông Phaolô cách sít sao nhằm ngăn cản cuộc khởi hành của ông, chống lại sứ điệp của ông và nghi ngờ về tính hợp thức trong sứ vụ tông đồ của ông (xc. 2Cr 11,5-12; 12,11).

Những thử thách gian khổ luôn đe doạ sự bình an tinh thần và nhẫn nại của thánh nhân, nhưng thánh nhân tìm được sức mạnh của mình nhờ lòng yêu mến Đức Kitô: “Tôi có sức chịu đựng được hết, nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).

Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh nhân đặt câu hỏi: “ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? chẳng lẽ là gian nan, ngặt nghèo, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo?” Từ kinh nghiệm cá nhân, thánh nhân xác định: “không, trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”. Thánh nhân xác tín mạnh mẽ: “tôi tin chắc rằng, cho dù sự chết hay sự sống, thiên sứ hay quản thần, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hoặc bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-38).

Thánh Phaolô đi từ thành phố này sang thành phố khác để loan báo Đức Kitô, đầy kiên nhẫn chịu đựng nhiều nỗi khốn khó và thái độ không thông cảm của dân chúng: “cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ, và lang thang phiêu bạt; thì chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng… Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, nên như đồ phế thải của mọi người”. Phản ứng của thánh nhân trước tất cả những điều này phát xuất trực tiếp từ Tin Mừng: “Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi” (1Cr 4,11-13). “Chúng tôi chịu đựng tất cả mọi sự để khỏi gây trở ngại cho Tin Mừng của Đức Kitô” (1Cr 9,12).

Thánh Phaolô không bao giờ chán nản, tuyệt vọng: “chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu” (2Cr 4,8-10). Vì luôn mang trên mình những dấu tích của Đức Giêsu (xc. Gl 6,17), nên Thánh nhân luôn “chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2Cr 7,4).

Thánh Phaolô hãnh diện về những khốn khó của mình: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập Giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta! Nhờ Thập Giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào Thập Giá đối với tôi và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14).

Thánh nhân so sánh mọi khốn khó của mình với cuộc rước khải hoàn của người Rôma, trong đó người thắng trận dẫn những tù nhân như là những nô lệ đến chỗ chết. Thánh nhân nhấn mạnh rằng Đức Kitô cũng xử với ông như vậy (xc. 2Cr 2,14).

Thánh nhân nói với người Côrintô rằng ông là người Thiên Chúa đã đặt “ở chỗ chót”, như Người “mang án tử” trong đấu trường của người Rôma (xc. 1Cr 4,9; X. 2Cr 1,9).

Hy vọng rằng việc kể ra những khốn khó mình đã trải qua không làm nản lòng những độc giả, thánh nhân viết: “tôi xin anh em đừng nản chí khi thấy tôi phải gian truân vì anh em”. Thánh nhân cũng cho họ biết lý do để không được chán nản: những gian truân ấy là “vinh quang của anh em” (Ep 3,13), tức là tôi được hưởng lợi vì ơn cứu độ của anh em. Thánh nhân cũng tạ ơn Chúa vì có cơ hội hiến dâng những đau khổ của mình vì ơn cứu độ người khác: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi nhân ái và là Thiên Chúa hằng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết nâng đỡ những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu. Chúng tôi lấy làm an tâm về anh em, vì biết rằng anh em thông phần thống khổ với chúng tôi thế nào, thì cũng sẽ được thông phần an ủi như vậy” (2Cr 1,3-7).

Thánh nhân cũng muốn kết hợp chính mình với những đau khổ của Đức Kitô nhân danh người khác: “giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Chính vì sự kiên nhẫn được thực thi qua bao nhiêu thử thách trong suốt thời gian thi hành tác vụ và trong khi chịu đựng muôn vàn khổ đau, Thánh Phaolô thật xứng danh là vị “Tông Đồ Vĩ Đại”, như người ta vẫn gọi, hay có thể gọi Thánh nhân là “Con Người của Đức Kiên Trì Cao Cả”.

[1] Chú tâm thực hành giáo huấn của Đức Giêsu: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy (Mt 10,8), thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng mà không nhận bất cứ đền bù nào, “không hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho”(Xc. 1Cr 9,13-18;2Cr 11,7-15; 2Cr 12,13-14). Mối bận tâm của thánh nhân là lao động bằng chính đôi tay của mình, và không muốn trở thành gánh nặng cho bất cứ ai, kể cả những người được nghe thánh nhân loan báo Tin Mừng (Xc. Cv 20,33-34; 1Cr 4,12; 2Cr 12, 13-14; 1Tx 2,9; 2Tx 3,8).
[2] Xc. 2Cr 11,22. Trong những đoạn khác nhau, Thánh Phaolô bảo vệ chính mình như là một người Do Thái thực thụ bằng cách kể lại quá khứ của mình (Xc. Rm 11,1; Gl 1,13-14; Pl 3,4-6; Cv 22,3-5; 26,4-5).


Chương V: Hãy khiển trách, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng kiên nhẫn và chủ tâm dạy dỗ (2Tm 4,2)

Được vị chỉ huy cho phép, ông Phao-lô đứng trên bậc thềm giơ tay làm hiệu cho dân. Mọi người im phăng phắc; ông Phao-lô nói với họ bằng tiếng Híp-ri: “Thưa quý vị là những bậc cha anh, xin nghe những lời biện bạch tôi nói với quý vị bây giờ đây.” Khi nghe thấy ông nói với họ bằng tiếng Híp-ri, họ càng yên lặng hơn. Ông nói tiếp: “Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị. “Khi trở về Giê-ru-sa-lem, đang lúc tôi cầu nguyện trong Đền Thờ, thì tôi xuất thần và thấy Chúa bảo tôi: ‘Mau lên, hãy rời khỏi Giê-ru-sa-lem gấp, vì chúng sẽ không nhận lời anh làm chứng về Thầy đâu.’ Tôi thưa: ‘Lạy Chúa, chính họ biết rõ con đây đã đến từng hội đường bắt giam và đánh đòn những kẻ tin Chúa. Khi người ta đổ máu ông Tê-pha-nô, chứng nhân của Chúa, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy.’ Chúa bảo tôi: ‘Hãy đi, vì Thầy sẽ sai anh đến với các dân ngoại ở phương xa.’” (Cv 21:40;22:1-5.17-21)

Mặc dù không xác định rõ ràng cá nhân mình “là thầy dạy”, trừ trong các thư gửi ông Timôthê (xc. 1Tm 2,7; 2Tm 1,11), Thánh Phaolô vẫn nhận mình là một trong những người hoàn thành tốt đẹp vai trò này, vừa cảnh báo lẫn khích lệ, vừa khen ngợi lẫn sửa bảo.

Mỗi khi thánh Phaolô tuyên dương các tín hữu trong các thư ngài gửi cho họ, ngài đều dùng những lời lẽ hăng say và chan chứa những lời nói tốt đẹp. Ngài nói với những người Thessalônica: “chúng tôi hãnh diện về anh em trước mặt các Hội Thánh của Thiên Chúa, vì lòng kiên nhẫn và lòng tin của anh em trong mọi cơn bắt bớ và gian truân anh em phải chịu” (2Tx 1,4). Rồi thánh nhân tạ ơn Thiên Chúa, khen ngợi họ “vì lòng tin, vì nỗi khó nhọc họ gánh vác, vì lòng yêu mến”, và vì “sự kiên nhẫn chịu đựng do lòng trông cậy vào Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”[1].

Về đề tài “quyên tiền giúp các thánh” (xc. 1Cr 16,1), thánh nhân cho thấy sự “khó nghèo cùng cực” của các Hội Thánh tại Makêđônia (Philíp, Thessalônica, Bêroa) đã biến họ thành những người giàu lòng quảng đại (2Cr 8,2). “Tôi xin làm chứng rằng theo khả năng của họ, và quá khả năng của họ nữa, một cách tự nguyện, họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các thánh. Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình trước tiên cho Chúa, rồi cho chúng tôi…” (2Cr 8,3-5; X. Gl 4,15; Pl 1,5; 4,14-16; 1Tx 1,8; 2Tm 1,4-5).

Thánh nhân viết cho các tín hữu Côrintô: “tôi rất tin tưởng anh em, tôi rất hãnh diện về anh em” (2Cr 7,4). Thánh nhân dành cho họ tình cảm đặc biệt: “tôi sẽ rất vui lòng tiêu những gì tôi có, và tiêu hao tất cả con người tôi vì linh hồn anh em” (2Cr 12,15). Dầu vậy, thánh nhân không ngần ngại nói rõ họ chưa phải là gương mẫu và đáng tin, mà vẫn còn là những người “sống theo xác thịt, những trẻ nhỏ trong Đức Kitô” (1Cr 3,1) giữa họ vẫn có những chia rẽ (xc. 1Cr 1,10-13; 2Cr 12,20); họ là những người kiêu ngạo (xc. 1Cr 4,18-19), sống gian dâm (xc. 1Cr 5,1), một số người khác lại kiện cáo nhau, để cho những người ngoại đạo xét xử (xc. 1Cr 6,1-7); và họ đã có những lạm dụng nghiêm trọng trong việc cử hành Thánh Thể (xc. 1Cr 10,14-30). Thoạt đầu, Thánh Tông Đồ giữ thái độ kiên nhẫn và yên lặng, tuy nhiên, thái độ ấy không đạt được mục đích mà còn kích động thêm những người gây rối loạn, họ tố cáo thánh nhân là yếu nhược. Vì thế thánh nhân đổi thái độ, xác định rằng khi đến nơi, thánh nhân sẽ chỉ cho họ thấy “ý nghĩa lời lẽ nghiêm khắc trong các thư” (xc. 1Cr 10,10). Thánh nhân cũng xác định rằng, “sẵn sàng sửa trị mọi sự bất tuân” (2Cr 10,6), và như ngài đã đe, sẽ không loại trừ việc sử dụng roi vọt (1Cr 4,21).

Dù vậy, thánh Phaolô cảm thấy cần phải bày tỏ lý do trong việc nghiêm khắc sửa trị: “tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để khuyên bảo anh em như những người con yêu quý của tôi” (1Cr 4,14). Thánh nhân còn giải thích thêm: “tôi đã phải gian nan nhiều, con tim se thắt, nước mắt chan hòa khi viết cho anh em: tôi viết không phải để làm cho anh em buồn phiền, nhưng là để cho anh em biết tôi hết lòng yêu mến anh em” (2Cr 2,4).

Thánh nhân còn viết: “tôi khuyên bảo anh em như những người con yêu quý của tôi. Thực vậy, thánh nhân xác định: “tôi đã cho anh em uống sữa” (1Cr 3,2); cho dẫu anh em có ngàn vạn giám hộ trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4,14-15).

Và như một người cha, thánh Phaolô sẵn sàng tha thứ. Lý do duy nhất đẻ ngài mạnh tay xử phạt là hy vọng làm cho các con cái của mình biết hồi tâm nghĩ lại (2Cr 3,12).

Thánh nhân không ân hận vì đã khiển trách họ: “dù trong bức thư trước tôi có làm cho anh em buồn phiền, tôi cũng không hối tiếc. Mà giả như có hối tiếc – vì thấy rằng bức thư ấy đã làm cho anh em buồn phiền, tuy chỉ trong một thời gian ngắn -, thì nay tôi lại vui mừng, không phải vì anh em đã buồn phiền, nhưng vì nỗi buồn phiền đó làm cho anh em hối cải” (2Cr 7,8-9).

Với các tín hữu Thessalônica, thánh Phaolô cư xử dịu dàng, như người mẹ hiền với các con của mình. Thánh nhân quan tâm nhiều đến họ đến nỗi sẵn sàng chia sẻ với họ không những Tin Mừng của Thiên Chúa mà cả mạng sống của mình nữa, vì họ đã trở nên những người thân yêu của ngài (xc. 1Tx 2,7-8). Thánh nhân khuyên bảo họ “như cha đối với con” (1Tx 2,1-11).

Tuy nhiên thánh nhân không nương tay với những người làm xáo trộn đời sống cộng đoàn, như được chứng tỏ trong cách sử dụng các từ ngữ: “những kẻ giả danh là anh em, những kẻ dò xét (Gl 2,4), những kẻ xuyên tạc Lời Chúa (2Cr 2,17), những tông đồ giả, thợ gian giảo, đội lốt tông đồ của Đức Kitô, đồ đệ của Satan, những kẻ đội lốt người phục vụ sự công chính” (2Cr 11,13-15).

Mặc dầu thánh Phaolô coi những người Galat như những người con bé nhỏ mà ngài phải vất vả cho đến khi “Đức Kitô hình thành nơi họ” (Gl 4,19), và mặc dù họ rất quý trọng thánh nhân, đến nỗi họ có thể móc mắt hiến cho ngài (xc. Gl 4,15), thánh nhân cũng không ngần ngại gọi họ là “những người ngu xuẩn” và “không hiểu biết” (Gl 3,1,3). Thánh nhân viết cho họ cách rõ ràng đầy kinh ngạc: “nếu có ai loan báo cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng anh em đã lãnh nhận, thì chớ gì kẻ ấy bị tru diệt” (Gl 1,9). Thánh nhân châm biếm “những kẻ gây xáo trộn” trong cộng đoàn hãy tiếp tục thực hành việc cắt bì và tự hoạn chính mình: “phải chi những kẻ làm cho anh em bị rối loạn, hãy tự thiến cho rồi!” (Gl 5,12). Thánh nhân khuyến khích mọi người thực thi đức bác ái; nhưng nếu họ không làm như vậy, thánh nhân châm biếm họ: “nếu anh em cắn xé và ăn thịt nhau, thì hãy coi chừng, kẻo anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!” (Gl 5,15).

Thánh Phaolô cũng dùng một số lời nghiêm khắc với người Philíp, cảnh báo họ đừng để bị mê hoặc bởi những người rao giảng sự cắt bì: “anh em hãy coi chừng quân chó má! hãy coi chừng bọn thợ xấu! hãy coi chừng những kẻ cắt bì giả hiệu!” (Pl 3,2).

Thánh nhân kêu mời môn đệ Timôthê noi gương ngài: “hãy rao giảng Lời Chúa, cứ lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy khiển trách, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng kiên nhẫn và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4,2). Người mục tử đích thực không để mình bị ngã gục vì những bất mãn; không được nản lòng vì những trì trệ ban đầu, nhưng phải có sức mạnh tinh thần và lòng kiên nhẫn để bắt đầu lại trong lòng tin.

Không phải lúc nào Thánh Phaolô cũng dùng những lời lẽ tâm tình như vậy; nhiều lúc thánh nhân không thể không nóng giận trước sự chống đối của những kẻ “giả danh là anh em” (xc. Gl 2,4) Tuy nhiên, trong chuyện này, thánh nhân không xử sự vì mất kiên nhẫn, nhưng chỉ vì lòng nhiệt thành khi nhìn thấy công việc loan báo Tin mừng của mình bị phá hoại một cách bất công (xc. Gl 3,1-4; Pl 3,2).

Thánh nhân còn tìm kiếm những cách khác nhau để loan báo Tin Mừng (xc. Pl 1,18), nhưng không phải là trình bày một Đức Kitô khác; cũng không phải là ông Môsê thay thế Đức Kitô (xc. 2Cr 11,4; Gl5,1-4). Mối bận tâm duy nhất của ngài là chân lý và ơn cứu độ. Vì thế, thánh nhân không thể yên lặng; nhưng trong những gì có liên quan đến ngài, ngài khiêm tốn và nhẫn nại đón nhận đau khổ và nhục nhã. “Bị nhục mạ, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi chịu đựng; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi” (1Cr 4,12-13). Thánh nhân sẵn sàng dùng “roi vọt” (dùng sức mạnh) nếu đó là vấn đề bảo vệ sự toàn vẹn của sứ điệp Kitô giáo, dầu vậy, ngài vẫn ưa thích “tình yêu và lòng hiền hòa hơn” (1Cr 4,21).

Sức mạnh tinh thần của thánh Phaolô được thể hiện qua nhiều đường lối trái ngược nhau. Khi thấy anh em không tuân theo Tin mừng, thánh nhân sẵn sàng, nếu cần, “đối đầu với Kêpha (Phêrô)”, tuỳ theo hoàn cảnh, và tố cáo ông Kêpha cũng như ông Barnabê vì thái độ giả hình (xc. Gl 2, 11-14), nhưng thánh nhân lại trở nên không quyết đoán khi phải bày tỏ quan điểm của mình…

Để không làm giảm đi cơ hội loan báo Tin Mừng (xc. Cv 22,25-29), thánh nhân né tránh để không bị đánh đòn, nhưng ngài chấp nhận yêu cầu của giám mục Giêrusalem (Giacôbê) để đi vào đền thờ và đồng hành với bốn người đồng hương, những người muốn hoàn tất ước nguyện của dân thành Nazaret (xuống tóc) mặc dù ngài cho rằng điều đó không còn cần thiết nữa (xc. Cv 21,23-24).

Thánh nhân không ngần ngại trao nộp một người anh em lầm lạc cho Xatan (xc. 1Cr 5,5), nhưng nếu đó là việc cứu với một người anh em, hay không đặt ngăn trở cho đức tin của anh ta, thì thánh nhân sẵn sàng hiến cả mạng sống của mình cách vô điều kiện: “nếu của ăn mà làm cớ cho người anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho người anh em tôi sa ngã” (1Cr 8,13).

[1] 1Tx 1,3; Người Côrintô cũng được khen ngợi vì đã “kiên trì” với Tin Mừng mà Thánh Phaolô đã rao giảng cho họ (X. Cr 15,1).

Chương VI: Lòng yêu mến thì nhẫn nhục (1Cr 13,4)

Đêm ấy Chúa đến bên ông Phao-lô và nói: “Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giê-ru-sa-lem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rô-ma nữa.” (Cv 23,11)

Các thư của thánh Phaolô áp dụng giáo huấn của Đức Kitô về đức kiên nhẫn vào những hoàn cảnh cụ thể của các cộng đoàn Kitô hữu thời sơ khai.

Thánh nhân nói cho Giáo Hội tại Côrintô biết rằng đức ái là phương tiện hữu hiệu nhất để giải quyết những chia rẽ (xc. 1Cr 1,10-12), nguồn gốc của sự đổ vỡ giữa các nhóm (xc. 1Cr 6,1-6; 11,18-22) và các cá nhân (xc. 1Cr 8,13; 10,23,29).

Trong “bài ca đức ái” thời danh, Thánh Tông Đồ kể đến đức kiên nhẫn như là đặc tính đầu tiên của đức ái Kitô giáo: “lòng yêu mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không kiêu ngạo, không làm điều khiếm nhã, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nghĩ điều xấu, không vui mừng trước sự bất chính, nhưng vui mừng vì điều chân thật. Lòng yêu mến dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7). Trong bài ca này, Thánh Phaolô họa lên hình ảnh về chính mình: “điều ngài đã học được từ chính Đức Kitô và cách hành động của Người.

Theo thánh Phaolô, đức kiên nhẫn là thành phần của cuộc sống được ghi dấu bởi tình yêu, như được nhấn mạnh qua lời khuyến khích sau đây: “lòng yêu mến không được giả dối…, hãy thương mến nhau với tình huynh đệ…, hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa… Đừng lấy ác báo ác, hãy quan tâm làm điều thiện trước mặt mọi người. Anh em hãy làm tất cả những gì có thể, để sống hoà thuận với mọi người. Anh em yêu quý, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó… Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,9-10,14,17-21). Sau cùng thánh nhân khích lệ các độc giả hãy luôn nhìn ngắm mẫu gương là Đức Kitô và khơi dậy lòng trông cậy nhờ đức kiên nhẫn (hypomoné) (xc. Rm 15,4). Thánh nhân nhắc nhở họ: “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được hiệp lòng hiệp ý với nhau, như Đức Kitô đòi hỏi” (Rm 15,5).

Thay vì cãi lý với nhau, thì điều cần thiết là “hãy chiều theo sở thích người thân cận, nhằm mục đích tốt” (Rm 15,2) và đón nhận người khác như Đức Kitô đã làm, tức là trở thành người phục vụ kẻ khác (xc. Rm 15,7-8). Lý do tối thượng của lòng kiên nhẫn là mẫu gương và giáo huấn của Đức Kitô. Chỉ trong Đức Kitô mới có được sự kiên trì (hypomoné) của các thánh (Kh 13,10; 14,12).

Thánh Tông Đồ nhắc lại rằng trước Đức Kitô, đền thờ là nơi “Thiên Chúa thể hiện lòng khoan dung (anoché) (Rm 3,26), tức làThiên Chúa hết lòng kiên nhẫn chịu đựng” (Rm 9,22) đối với mọi người để bày tỏ lòng thương xót. Sau đó thánh nhân khẳng định là muốn được cứu độ cần phải kiên trì làm điều thiện” (Rm 2,7) và cảnh báo các cộng đòan “không được khinh thường lòng nhân hậu, khoan dung, kiên nhẫn dồi dào của Thiên Chúa” (Rm 2,4) bởi vì “từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô đạo và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm sự thật” (Rm 1,18) và “của những người không vâng phục Người Con” (Ga 3,36).

Sứ điệp Kitô giáo dựa trên đức tin vào Thiên Chúa đồng thời trên đức khiêm nhường và lòng yêu mến đối với người khác. Một cuộc sống hài hoà đòi buộc phải có khả năng trao đổi với mọi người thuộc mọi nguồn gốc, mọi nền giáo dục và đào tạo khác nhau. Thật ra, sống hòa đồng với nhau không phải là chuyện dễ dàng đâu; điều này đòi phải biết chờ đợi và thông cảm. Về vấn đề này, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Thêssalônica “hãy kiên nhẫn với mọi người”, nhất là với những người vô kỷ luật, nhút nhát, yếu đuối và cả với những người (theo mạch văn) gây ra sự đau khổ (1Tx 5,14).

Với những người được coi là kẻ thù, người Kitô hữu không xử sự theo cảm tính, nhưng do tình yêu tức là lòng kiên nhẫn, sự thông cảm và tính quảng đại: “Đừng có ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (1Tx 5,15; X. Rm 12,17; 1Pr 3,9, 11,17). Sau cùng thánh nhân cầu chúc cho mọi người: “Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em yêu mến Thiên Chúa và kiên nhẫn chịu đựng như Đức Kitô” (2Tx 3,5).

Các hành động của người khác, dù sai lầm và bất chính, cũng không thể làm xáo trộn sự an bình sâu xa của người có lòng tin. Bất kể mọi sự, người Kitô hữu luôn chứng tỏ họ có niềm vui (xc. 1Tx 5,16) và luôn nỗ lực trong lời cầu nguyện và tạ ơn (xc. 1Tx 5,17-18). Ngay cả khi chứng kiến cái chết của người thân, người Kitô hữu cũng không đánh mất niềm hy vọng, hay rơi vào tình trạng bất an (xc. 1Tx 4,13). Ở phần cuối, thánh Phaolô kết luận với lời khẩn cầu: “Xin Thiên Chúa là nguồn bình an thánh hoá toàn diện con người anh em” (1Tx 5,23). Bình an là nét riêng của tâm hồn người Kitô hữu, ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất.

Thực vậy, đời sống của người tín hữu tại thành phố Thessalônica không phải là dễ dàng, nhưng đức tin và lòng mến của họ vẫn không thiếu. Họ đã được vững mạnh nhờ những bách hại và thử thách “xảy đến cho họ vì Tin Mừng” (xc. 1Tx 1,3-4). Tình hình có thể trở nên xấu và tệ hơn, nhưng người Kitô hữu không ngừng thực thi điều tốt theo lời khuyên rõ ràng của thánh Phaolô: “đừng nản chí khi làm điều thiện” (2Tx 3,13), và lời cầu nguyện: “bình an mọi lúc về mọi phương diện” (2Tx 3,16). Bình an là bằng chứng của tâm hồn tràn đầy hiền hoà, bao dung và kiên nhẫn.

Thánh Phaolô cũng nhận thấy tín hữu Galat đang cần có bình an, vì hiện có tranh luận về tương quan giữa Do thái giáo và Kitô giáo. Mối tương quan này đã nóng lên đến mức những người trong cuộc “cắn xé và ăn thịt nhau” (Gl 5,15). Thánh nhân kêu gọi họ “từ bỏ những việc do tính xác thịt”, tức là mọi thứ tật xấu (xc. Gl 5,19), và “bước đi nhờ Thần Khí”, được Thần Khí hướng dẫn, với những hoa trái là: “bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, hảo tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ” (Gl 5,18, 22,25). Chỉ trong đường lối này mà chương trình đời sống của thánh Phaolô được hoàn thành: “Anh em hãy mang lấy gánh nặng của nhau” (Gl 6,2).

Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh nhân trở lại với đề tài này và yêu cầu: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi anh em đã nhận được. Với tất cả lòng khiêm tốn, hiền hoà và kiên nhẫn, anh em hãy lấy lòng yêu mến mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí ban cho nhờ mối dây liên kết là sự bình an. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng khi anh em được kêu gọi” (Ep 4,1-4).

Để hiệp nhất, cần phải “phục tùng lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô”. Cách đặc biệt, vợ chồng hãy tùng phục lẫn nhau (xc. Ep 5,21-25), và con cái phải vâng phục cha mẹ (xc. Ep 6,1). Nô lệ cũng phải chấp nhận tình trạng của mình “với lòng đơn sơ” và cam chịu, xác tín rằng mình đang thi hành thánh ý Chúa (xc. Ep 6,5-8). Thánh Phaolô không nghi ngờ gì khi khuyên dân chúng đón nhận tình trạng hiện tại với lòng cam chịu và yêu mến, coi đó như là ý Thiên Chúa. Vì thế thánh nhân không ngần ngại trình bày và nhấn mạnh đề nghị của mình. Đang khi Thánh Phêrô nêu lên lý lẽ thần học về sự tùng phục: ngài khuyên những người nô lệ hãy kiên nhẫn với những người chủ của mình, dù rằng có “khó khăn”. Nếu vì lòng tin kính Thiên Chúa mà chấp nhận những nỗi khổ phải chịu một cách bất công thì đó là ân huệ (1Pr 2,19). Chịu đựng đau khổ như mình đáng chịu thì chẳng có công trạng hay lợi ích gì.

Còn Thánh Phaolô kêu mời dân chúng chuẩn bị sống kiên nhẫn như ơn gọi Kitô hữu đòi hỏi: “anh em hãy loại trừ mọi chua cay, gắt gỏng, giận hờn, hay la lối thoá mạ, cùng với mọi thứ gian ác. Hãy đối xử tốt với nhau, có lòng thương xót và tha thứ cho nhau, cũng như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,31-32). Rồi thánh nhân thêm: “chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Giận dữ là dấu chỉ của thái độ không kiên nhẫn.

Đức kiên nhẫn là yếu tố cần thiết để mỗi người tiếp cận với các biến cố của cuộc sống, và càng trở thành yếu tố quan trọng hơn trong cuộc sống hằng ngày của mỗi Kitô hữu nếu họ muốn được bình an và hợp nhất. Như thế, đức kiên nhẫn được nối kết với “đức hiền hòa” và “lòng khiêm hạ” nhằm xây dựng cộng đoàn (xc. Ep 4,2,12). Thánh nhân nói thêm: “hãy sống trong lòng yêu mến”, theo mẫu gương Đức Kitô để lại (Ep 5,2).

Sự dữ có thể tạo nên bất hòa. Vì vậy, phải “tỉnh thức và chuyên cần cầu xin” (Ep 6,18). Do đó, kiên nhẫn là động lực hướng dẫn sự hòa hợp trong cộng đoàn và trong đời sống trung thành với Tin Mừng. Khước từ đón nhận những biến cố và gánh nặng của cuộc sống sẽ dẫn tới bất ổn và sẽ chẳng có bác ái lẫn bình an.

Trong thư gửi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô vẫn quan tâm tới chiều hướng thần học và mục vụ. Có ai đó muốn gieo rắc sự lầm lạc trong những thành viên của cộng đoàn (xc. Cl 2,8), nên thánh nhân kêu gọi các tín hữu hãy chú ý, đồng thời nhắc lại cho họ biết điều Thiên Chúa muốn về họ. Họ được kêu mời để “biết” và “am tường” về Thánh Ý Người, và cố gắng “sống xứng đáng với Thiên Chúa”. Điều quan trọng chính là hiểu biết sâu xa về “sự thật” (Tin Mừng) (xc. Cl 1,6,9), đừng để mình đi lạc vào những lý luận triết học, mà là hành động đúng đắn, làm việc lành (xc. Cl 1,10), không mệt mỏi và không bao giờ bỏ cuộc. Hành động như thế đòi phải có sức mạnh và trên hết là “kiên trì và nhẫn nại” (xc. Cl 1,11).

Kiên nhẫn là điều thiết yếu để các hoạt động bên trong của cộng đoàn không bị hư hoại. Trước kia, con người được phân biệt tuỳ theo loại (nô lệ hay tự do, Do Thái hay Hy Lạp, người cắt bì hay không cắt bì, người man di, mọi rợ) còn điều làm cho trở thành “con người mới” là từ bỏ “nếp sống cũ và các thực hành của nó”, tức là giận dữ, phẫn nộ, độc ác, thóa mạ, ăn nói thô tục”, để mặc lấy “tâm tình thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và kiên nhẫn,… chịu đựng lẫn nhau… và tha thứ cho nhau” (Cl 3,8,12-13).

Kiên trì là nhẫn nại trong nếp sống mới này; đó là bao dung và quảng đại đối với những người trở thành bạn đồng hành mới trong cuộc sống thường ngày, những người thuộc các nguồn gốc khác nhau và chưa sống đúng với ơn gọi của họ.

Trong hai lá thư gửi cho ông Timôthê và trong lá thư gửi ông Titô, kiên nhẫn được kể đến như một đặc trưng của người chăm sóc các linh hồn. Ông Timôthê là “người của Thiên Chúa” nên không được kiêu căng, tự cao tự đại, cũng không được tranh luận bằng những lời lẽ “gây đố kỵ và bất đồng”. Ông phải theo đuổi “sự công chính, lòng đạo đức, lòng tin, lòng yêu mến, lòng kiên trì, và lòng hiền hậu” (1Tm 6,11). Trên tất cả, giám mục phải là “con người mới”, có nghĩa ông phải là “người quản lý của Thiên Chúa”, phải là người “không ngạo mạn, không nóng tính, không hiếu chiến”, mà ngược lại, phải là người “công chính và biết tự chủ” (Tt 1,7-8). Các cụ ông được khuyên nhủ cách riêng là hãy “sống tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, có lòng tin, lòng mến, và lòng kiên trì lành mạnh” (Tt 2,2).

Cách xử sự như thế là điều thiết yếu trong việc xây dựng một nếp sống Kitô hữu qui chiếu về tình yêu. Lối sống ấy sẽ không thể có được nếu không loại trừ những thái độ đê hèn, công kích, bất công và không trung thực. Loại trừ tính giận dữ và tìm kiếm cách giải quyết các tranh chấp là bằng chứng về sự can đảm chịu đựng giữa người này với người kia. Lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và người khác sẽ giúp cho mỗi người vượt qua những thử thách không thể tránh khỏi của cuộc sống thường ngày cũng như những thử thách gắn liền với ơn gọi Kitô hữu.

Một lần nữa, đó chính là bước theo chân Đức Kitô, như Thánh Tông Đồ gợi lên cho ông Timôthê: “nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,12). Lời khuyên tiếp theo phát xuất trực tiếp từ tâm hồn của thánh Phaolô: “Hãy tránh xa các đam mê tuổi trẻ”, bao gồm, dù rằng không nói ra, sự nóng giận; hãy ‘theo đuổi sự công chính, lòng tin, lòng mến, và sự bình an, cùng với những ai kêu cầu Chúa với lòng trong sạch. Còn những tranh luận điên dại và ngu dốt, anh hãy loại xa, vì biết rằng những thứ ấy sinh ra xung đột. Thế mà người tôi tớ Chúa thì không được xung đột, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. Người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối, may ra Thiên Chúa ban cho ơn hối cải để nhận biết sự thật” (2Tm 2,22-25). Thánh Phaolô nói rõ rằng chỉ trong đường lối ấy, con người mới có thể có tương giao thật sự với Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện: “Tôi muốn rằng đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay thánh thiện giơ lên, tâm hồn không giận hờn, không xung khắc” (1Tm 2,8).

Lá thư gửi tín hữu Do Thái (Hipri) được viết cho những người gốc Do Thái, trong đó có nhiều người là các tư tế của luật cũ. Đức tin của họ đang bị lung lay, vì thế cam kết của họ cần phải được củng cố. Vì thế, tác giả mời gọi họ nhớ lại nhiệt tình thưở ban đầu khi mới gia nhập Kitô giáo. Trên hết, thánh nhân nhắc nhớ họ về lòng kiên trì họ đã có vào thưở ấy: “xin anh em nhớ lại những ngày đầu, lúc vừa được ơn chiếu sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi khổ đau dồn dập. Khi thì anh em bị lăng nhục và hành hạ trước mặt mọi người, khi thì phải liên đới với những người cùng cảnh ngộ. Quả thật, anh em đã thông phần đau khổ với những người bị tù tội, và đã vui mừng chấp nhận bị tước đoạt của cải, bởi biết rằng mình có những của vừa quý giá hơn và bền vững hơn. Vậy anh em đừng đánh mất lòng tin tưởng mạnh dạn của anh em; lòng tin tưởng đó sẽ mang lại một phần thưởng lớn lao”. Rồi thánh nhân kết luận: “anh em cần phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều đã hứa” (Dt 10,32-36).

Thánh nhân cảnh báo họ về sự kém lòng tin và “thái độ uể oải”, đồng thời khuyến khích họ “noi gương những người nhờ đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa”. Có bước khởi đầu tốt đẹp chưa được kể là đã đủ, điều cần thiết là tiến tới trên con đường tốt lành, chống lại mọi cám dỗ muốn sống ngược lại. Tác giả nhắc đến mẫu gương của ông Abraham, người đã nhận được lời hứa vì đã kiên nhẫn đợi chờ” (Dt 6,12. 15). “Mặc dù không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18; X. 4,2-3; Dt 11,8,17; Gl 3,6,9; Gc 2,21). Ông hoàn toàn tin tưởng lời Thiên Chúa hứa sẽ ban cho ông một dòng dõi (xc. St 13,16; 15,5-6; 17,4-7) mặc dù ông đã già (xc. St 12,4; 16,16; 17,1,24; 18,11), và bà Sara vợ ông cũng lớn tuổi (xc. St 21,2; 17,17; Dt 11,11; Rm 4,19) và hiếm muộn (xc. St 16,2; 18,11).

Kiên trì là chờ đợi ngày mà chương trình của Thiên Chúa được tỏ hiện. Thái độ kiên trì chờ đợi như thế đã hoạt động trong đời sống các vị tổ phụ, nơi Ông Abel và những nhân vật trong suốt lịch sử Israen cho tới sau này (xc. Dt 11,2-38). Thật vậy, ông Môsê, dù phải chống lại những người đầy thế lực như Pharaô, “vẫn luôn vững vàng, không nao núng, vì như thể xem thấy Đấng vô hình” (Thiên Chúa) (Dt 11,27). Do đó, “phần chúng ta được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua đang ở phía trước chúng ta, mắt chăm chú nhìn vào Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn đức tin. Vì niềm vui đang chờ mình ở phía trước, chính Người đã chịu khổ hình thập giá” (Dt 12,1-2).

Để an ủi, thánh nhân trấn an họ: “Thiên Chúa không bất công mà quên việc anh em làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra đối với danh Người, vì anh em đã phục vụ và còn đang phục vụ các thánh” (Dt 6,10).

Kiên trì là một nhân đức đặc biệt trong đời sống Kitô hữu, bởi vì nó nâng đỡ những ai đi trên hành trình gian khổ, dù mục tiêu (đích đến) vẫn rõ ràng, nhưng không thể thấy trước được những khó khăn. Tin là tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, như ông Abraham đã làm, khi ông vâng nghe tiếng gọi mà “ra đi dù không biết mình đi đâu” (Dt,11,8).

Ông đã lìa bỏ mảnh đất của tổ tiên (Xc. St 12,1-4), và chỉ mang theo mình “lời hứa sẽ được thừa hưởng thế gian làm gia nghiệp…, hoàn toàn xác tín rằng điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4,13,21).

Lòng tin của tổ phụ Abraham đã được thử nghiệm khi Thiên Chúa yêu cầu ông sát tế người con duy nhất của ông, là Isaac (Xc. St 22,1-19), đứa con của lời hứa (Xc. Rm 9,7-9). Ông Abraham đã vâng nghe vì “ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết chỗi dậy” (Dt 11,19; X. Rm 4,17). Nhờ vậy, trước mặt Thiên Chúa, ông là cha của chúng ta trong đức tin, cha của nhiều dân tộc (Rm 4,16-18), và “được gọi là bạn hữu của Thiên Chúa (Gc 2,23).

Theo triết gia Kierkegaard, tổ phụ Abraham trở thành vĩ đại “vì biết đợi chờ”, hay nói cách khác chính là biết kiên nhẫn. Thực vậy, có người trở thành vĩ đại vì đang trông chờ điều có thể; người khác trở thành vĩ đại vì biết trông chờ điều vĩnh cửu; nhưng người vĩ đại nhất là người đã trông chờ điều không thể[1]. Tổ phụ Abraham “vì đã tin vào điều vô lý” và vì thế đã trở thành người vĩ đại nhờ sức mạnh của lòng tin, mà sức mạnh của ông chính là sự bất lực; ông vĩ đại vì sự khôn ngoan, mà điều thâm sâu của sự khôn ngoan ấy lại là sự dốt nát; ông vĩ đại bởi niềm hy vọng của mình mà cách thức của niềm hy vọng ấy thì khác thường[2].

“Đang khi dõi bước tổ phụ chúng ta là ông Abraham trên đường đức tin” (Rm 4,12), Thánh Tông Đồ dân ngọai, từ lúc trở lại theo Chúa cho đến lúc bị cầm tù và trảm quyết vì Tin Mừng, vẫn luôn trung tín với sứ mạng của mình, như một người lính trung thành với lệnh truyền đã lãnh nhận (Xc. 2Tm 2,4). Thánh nhân đã đón nhận tất cả những đau khổ trong sứ mệnh với một lòng kiên nhẫn đầy anh hùng, bởi vì, thánh nhân đã được thúc đẩy bởi một ước nguyện duy nhất là nhằm cứu độ chính các anh em của mình: “cam chịu mọi sự (hyponéno), để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn” (2Tm 2,10): đó là vinh dự của thánh nhân, đồng thời cũng là chương trình sống ông để lại cho tất cả những ai có lòng thiện chí, nhất là cho mọi người tin vào Đức Kitô Giêsu.

[1] S. Kierkegaard, Fear and Trembling, chương I.
[2] S. Kierkegaard, nt
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:37 13/06/2009
TỪ CHỐI MỚM ĂN

N2T


Một hôm, mấy chỉ thể của thân thể kháng nghị bao tử, nghi ngờ nó ăn hết những thứ có sẵn mà không làm chi cả.

Do đó, tất cả đều quyết định không mớm cho nó ăn nữa, tay không lấy thức ăn đưa vào trong miệng, răng trong miệng cũng không muốn nhai, cổ họng cũng không muốn nuốt xuống, bức bách bao tử phải tự mình vất vả tốn công.

Nhưng hậu quả là như thế này: thân thể suy nhược, mỗi chi thể đều rã rượi sắp chết đến nơi.

Cuối cùng mọi người cũng học được một bài học là khi giúp đỡ người khác, thì trên thực tế chính là mưu tìm hạnh phúc cho mình.

Suy tư:

Có những cộng đoàn nam nữ không hiệp nhất, không đoàn kết, là bởi vì trong cộng đoàn có những phần tử thích phân bì soi mói và chia bè cánh. Họ không vui khi thấy có anh chị em tài giỏi hơn mình được nhiều người ca ngợi, thế là họ tìm cách chơi xấu nhỏ to và kiện cáo; có những cộng đoàn xem ra rất to lớn, nhưng bên trong thì đầy mối mọt chia rẻ, đầy những ghen ghét theo kiểu các chi thể ghen tức với bao tử, kết quả toàn thân nhu nhược tuy là to lớn...

Bí tích Thánh Thể là sức mạnh để tăng cường sự đoàn kết của cộng đoàn, nếu trăm phần trăm thành viên đi rước lễ mà cộng đoàn vẫn cứ chia bè kết cánh, chia rẻ nhau, thì chính họ đang đóng đinh lại Chúa Giê-su lần nữa trên thập giá.

Khích lệ anh chị em khi họ được mọi người khen ngợi, động viên anh chị em khi họ bị mọi người kết án vì họ không thuộc phe nào cả trong cộng đoàn, bởi vì những hành động ấy là giúp ích cho cá nhân mình và cho cộng đoàn được hiệp nhất với nhau...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (lễ Mình và Máu Thánh Chúa)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:39 13/06/2009
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA GIÊ-SU

Tin Mừng: Mc 14, 12-16; 22-26.

“Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy.”


Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng cử hành thánh lễ Mính và Máu Thánh của Chúa Giê-su, là bí tích Yêu Thương mà Chúa Giê-su đã để lại cho Giáo Hội ở trần gian, để làm lương thực nuôi sống Giáo Hội và là dấu chỉ hiệp nhất yêu thương của Giáo Hội Chúa ở trần gian này. Trong niềm xác tín bí tích Thánh Thể chính là Mình và Máu Thánh Chúa Giê-su, tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm này:

1. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của Thiên Chúa.

Người cha nào cũng muốn để lại cho con mình một cái gì đó trước khi ông ta qua đời, chúng ta gọi là di chúc, và thông thường thì di chúc này thường để gia tài của ông lại cho con cái, chứ cha mẹ không để lại gì khác cho con cái họ ngoài gia tài vật chất. Người đời thường làm như thế.

Nhưng Chúa Giê-su không để gia tài vật chất lại cho các tông đồ và Giáo Hội của Ngài, dù rằng Ngài có tất cả vũ trụ này, bởi vì vật chất không đem lại hạnh phúc và yêu thương thật; Chúa Giê-su cũng không để lại tài năng biến hóa rất cần thiết cho các tông đồ và Giáo Hội, bởi vì tài năng biến hóa không làm cho Giáo Hội đoàn kết và khiêm tốn; Chúa Giê-su cũng không để lại cho các tông đồ tài ăn nói lợi khẩu để giảng dạy, bởi vì tài lợi khẩu không làm cho các thành viện trong Giáo Hội biết vâng phục lẫn nhau...

Nhưng, Chúa Giê-su đã để lại cho các tông đồ và Giáo Hội của Ngài chính thân thể trọn vẹn của mình, đó chính là Mình và Máu Thánh của Ngài, để làm lương thực nuôi sống Giáo Hội và các linh hồn các kẻ tin. Bởi vì bí tích Thánh Thể làm cho các tông đồ và Giáo Hội trở nên một, làm cho Giáo Hội trở thành một khối yêu thương hiệp nhất cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang.

Bí tích Thánh Thể không phải là sáng kiến của nhân loại, nhưng là sáng kiến của Đấng thượng trí là Thiên Chúa, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới nghĩ ra được phương thế tuyệt vời này để Thân Xác Con Một Ngài là Chúa Giê-su ở lại với Giáo Hội cho đến ngày chung kết của thế gian, khi Chúa Giê-su nói với các tông đồ trong bữa tiệc ly: Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy, anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

2. Từ bí tích Thánh Thể, phát sinh ra hoa quả của Chúa Thánh Thần.

Thánh Phao-lô tông đồ nhấn mạnh đến việc sẽ mắc tội với Mình Thánh Chúa khi chúng ta lên rước lễ mà đang còn trong tình trạng tội lỗi, do đó mà ngài khuyên bảo chúng ta hãy xét mình trước khi đi rước lễ (1 Cr 11, 28-32). Nhưng những ai đi rước Chúa với tâm hồn trong trắng không phạm tội, thì sẽ được nhiều ơn ích bởi Chúa Thánh Thần ban cho.

Thật vậy, bất kỳ ai thường đến bàn tiệc thánh thì người ấy sẽ được Chúa Thánh Thần ban đầy đủ hoa quả thiêng liêng của Ngài, để họ sống và làm chứng cho đến khi Chúa lại đến (1 Cr 11, 26). Bởi vì không một thân xác nào được bồi bổ bởi những chất sinh tố tốt lành mà trở nên gầy mòn, bệnh tật, cũng thế, linh hồn nào được bồi bổ Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su, thì cũng sẽ được kiên cường mạnh khỏe trong đức tin, hạnh phúc trong Đức Ái và hy vọng nơi niềm cậy trông, và tràn ngập hoa quả của Chúa Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5, 22-23).

Bạn thân mến,

Ngày lễ Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su chính là ngày mà bạn và tôi cần phải hồi tâm suy niệm đến tình yêu của Chúa Giê-su dành cho Giáo Hội của Ngài, dành cho bạn và tôi và những ai tin vào Ngài. Những suy nghĩ ấy chính là:

a/ Tôi có coi thường Mình Thánh Chúa khi không đi rước lễ ?

b/ Tôi có cầu nguyện và cảm tạ Chúa sau khi rước lễ không ?

c/ Tôi có siêng năng viếng Mình Thánh Chúa không ?

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của yêu thương, của đoàn kết hiệp nhất trong cộng đoàn, do đó mà chúng ta có thể xác tín rằng: ai đi rước Chúa mà có cuộc sống gây chia rẻ cộng đoàn, phá hoại sự hiệp nhất và luôn chỉ trích soi mói anh chị em, là người đang coi thường bí tích Thánh Thể và là phản ki-tô, bởi vì nơi họ không có Đức Ái của Chúa Giê-su Ki-tô.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:41 13/06/2009
N2T


11. Người kiêu ngạo và người điên cuồng thì tính nết giống nhau, người điên cuồng thích nói lời ngông cuồng, mà người kiêu ngạo thì cũng như thế.

(Thánh Chrysogonus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:42 13/06/2009
N2T


144. Phúc đức lớn nhất của người thế gian là nhất định có thể tha thứ người không thể tha thứ, nhẫn nhục với người không thể tha thứ.

 
Thánh Thể: Nguồn ơn cứu độ
Anmai, CSsR
04:34 13/06/2009
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ (Xh 24, 3-8; Mc 14, 12-16.22-26)

Máu: biểu hiện của sự sống ! Con người sẽ chết nếu không còn máu trong người. Vào các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Điều đầu tiên các y bác sĩ cho bệnh nhân làm đó là xét nghiệm máu. Qua các chỉ số về máu, các y bác sĩ sẽ tìm biểu đồ, tìm cách điều trị một cách tốt nhất cho bệnh nhân. Như vậy, chúng ta thấy máu đóng một vai trò mang tính “sống còn” trong đời sống con người. Nhờ có máu mà con người được sống, nếu không có máu, con người sẽ phải chết.

Là người bình thường, rất cần máu. Riêng những ai mang danh mình là Kitô hữu, không chỉ cần máu bình thường như mọi người nhưng cần và cần lắm máu cứu độ mà chính Chúa Kitô đã đổ ra để cứu những con người tội lỗi.

Dừng lại một chút để đọc lại, suy gẫm lại những trang Thánh Kinh, chúng ta thấy máu là chủ đề xuyên suốt từ đầu đến cuối. Chính nhờ máu đã mang lại sự sống, đã cứu độ con người. Cách riêng trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã nói rõ cho các môn đệ rằng máu Chúa sẽ đổ ra để nuôi sống con người. Ở Cựu Ước, Thánh Thể như là hình bóng đã được tiên báo cho Máu của Chúa Giêsu ở Tân Ước phải đổ ra để cứu chuộc con người.

Những hình bóng chính yếu về Máu của Chúa Kitô trong Cựu ước là Chiên vượt qua (Xh 24,8), và máu xá tội mà thầy thượng tế đưa vào gian cực thánh trong ngày lễ xá tội (x Lv 16, 14), Tất cả những hình bóng này không bị mất đi tầm quan trọng khi Chúa Giêsu đổ máu thật sự trên thập giá vì khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cùng gợi lại ba hình bóng trên, qua những từ ngữ được Ngài sử dụng như “tưởng nhớ” (Xh 12,14); “Máu giao ước mới” và “được tha tội”. Điều này được các hình bóng giúp mô tả, giải thích và làm nổi bật tính ưu việt tuyệt đối của bí tích Thánh Thể so với những hình bóng tiên trưng.

Trong Cựu ước, “Máu” đóng một vai trò quan trọng vì nó được coi là nguyên lý sự sống; “Sinh khí thân xác tụ trong huyết (Lv 17,11)” “Huyết, tức là sự sống” (Đnl 12, 23). Do đó ngày xưa Môsê đã lấy mà đóng ấn giao ước Đức Giavê muốn ký với dân (Xh 24, 3-8). Người ta đã sát tế những con bò mộng tơ, lấy máu rưới lên bàn thờ một phần, một phần rảy trên dân, chứng tỏ rằng Giao ước đã được thiết lập cách long trọng. Đây là hình bóng của Giao ước mới mà sau này chính Đức Kitô đã lâp Giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại bằng chính máu mình. Không phải như Môisen khi làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, đã phải nhờ đến việc sát tế các con vật. Chính Máu của Đức Kitô đổ ra trên núi Sọ, Ngài sẽ không ngừng dâng lại trong hy tế thánh lễ để không ngừng tái diễn Giao ước của Ngài.

Trong nghi lễ Do thái, bữa ăn chiên vượt qua không phải chỉ có một tầm quan trọng hàng đầu, mà nó còn có một ý nghĩa nổi bật là tưởng nhớ một biến cố lịch sử, biến cố Thiên Chúa Giavê cứu độ dân Do thái. Ngài đã ra tay giải thoát dân Ngài khỏi ách Ai cập. Vì thế bữa ăn vượt qua có một giá trị rõ ràng do sự kiện lịch sử, mà nó có nhiệm vụ gợi lại cho người ta nhớ những điều vĩ đại mà Thiên Chúa đã làm cho họ, con chiên vượt qua nhắc lại con vật mà máu nó đã gìn giữ các nhà dân Israel xưa, khi mà máu của nó được bôi trên thành cửa làm dấu để sứ Thần Chúa “Vượt Qua” mà tha cho dân. Trong khi ăn bữa này, người ta cảm tạ Chúa vì những ơn lộc vô biên của cuộc giải thoát ấy. Nên bữa ăn này là hình bóng của bữa tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong bữa tiệc ly.

Để lập phép Thánh Thể và chuẩn bị cho giao ước mà Chúa Giêsu thiết lập giữa Thiên Chúa và loài người bằng chính giá máu của Ngài khi Ngài bị người ta đóng đinh trên thập giá. Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn vượt qua, và lễ vượt qua “cuối cùng” này đã được chuẩn bị một cách chu đáo. Điều này các tin mừng đã thuật lại cho ta biết các môn đệ “đã chuẩn bị lễ vượt qua” như thế nào, theo các chỉ dẫn của Chúa Giêsu đã dạy (Mt 26, 17-19; Mc 14, 12-16; Lc 22, 7-13). Đặc biệt Thánh Luca còn nhắc lại Lời của Chúa Giêsu “Thầy ước ao ăn lễ vượt qua này với anh em trước khi Thầy chịu khổ nạn…” (Lc 22, 15). Qua đó Đức Kitô muốn cho ta hiểu Ngài chính là con chiên vượt qua thật, con chiên lấy máu mình để cứu độ nhân loại. Mặc dù, trong trình thuật về bữa tiệc ly, ta không thấy ám chỉ gì về con chiên, nhưng đối với các môn đệ thì biểu tượng ấy khá rõ vì việc truyền phép rượu đi liền sau khi ăn thịt chiên. Với việc truyền phép làm hai nhịp như thế, phép Thánh Thể đã bao gồm con chiên vượt qua vào trong đó, và nếu con chiên này không được nhắc đến cũng chỉ vì nó thuần túy là một hình bóng mà từ đây sẽ phải tự xóa mình đi trước thực tại: chỉ có một thực tại phải kể đến, đó là Mình và Máu Đức Kitô, “Máu sẽ đổ ra cho muôn người” cũng như xưa máu con chiên đã đổ ra để cứu các nhà dân Israel. Do đó Thánh Thể là thực tại thay thế cho hình bóng con chiên vượt qua, như lời Thánh Phaolô: “Đức Kitô, chiên vượt qua của chúng ta, đã chịu sát tế” (1 Cr 5, 7).

Sách xuất hành đã ghi lại những qui định của luật lệ về việc ăn lễ Vượt qua nhắc nhở giao ước Giavê đã ký kết với dân Do thái, cũng như việc chuẩn bị lễ như nghi thức, chọn chiên tế lễ phải vẹn toàn, không được đánh đập nó bể xương…(Xh 12, 5-47). Đây là hình bóng giao ước mới mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập bằng chính Máu Người. Truyền thống Kitô giáo vẫn thấy hình bóng “con chiên tinh tuyền không bị gãy xương” (Xh 12.47) là chính Chúa Giêsu, chiên tinh tuyền của Đức Chúa Cha. Vì loài người tội lỗi không thể dâng lên Thiên Chúa của lễ vô tỳ tích, nên Chúa Cha đã lập ra hy tế bằng chính Con một của Người nhập thể. Do đó, chỉ có Đức Kitô có thể dâng lên Chúa Cha một hy tế Thánh thiện, vẹn toàn, là con chiên tinh tuyền. Con chiên ấy đã gánh tội trần gian và tự hiến để hủy diệt tội lỗi cho nhân loại, và con chiên này cũng không bị người ta đập gãy xương (Ga 19, 46).

Trong các lời tiên tri của Isaia nói về người tôi tớ Đức Chúa (Is 42,1-9; 49, 1-6; 50, 4-11; 50, 113-53) là người công chính, bị đè bẹp, bị nghiền nát dưới sự đau khổ vì tội lỗi của anh em mình, và được Thiên Chúa tôn vinh, là hình bóng báo hiệu Chúa Giêsu “người tôi tớ thánh thiện” (Cv 4, 27-30; 3, 26) đã chịu nhiều đau khổ, bị bắt bớ, chịu nhục hình, cuối cùng chịu sát tế trên thập giá để thiết lập giao ước cho nhân loại khỏi tội, và Người đã được tôn vinh làm Chúa với quyền năng bởi sự phục sinh từ cõi chết (Rm 1,4)

Chính Thịt và Máu của Đức Giêsu đã làm nên Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể chính là Bí Tích mang Ơn Cứu độ cho toàn thể nhân loại chúng ta. Ơn cứu độ đó đã được Thiên Chúa Cha hứa ban ngay sau khi nguyên tổ phạm tội. Bí tích Thánh Thể là bí tích của ơn cứu độ, ơn cứu độ phổ quát. Mỗi bí tích Thánh Thể (Thánh Lễ) được cử hành, dù ở bất cứ nơi đâu, dù long trọng với sự hiện diện đông đảo của nhiều người hay chỉ âm thầm lặng lẽ của cá nhân vị linh mục, bí tích Thánh Thể vẫn được cử hành, theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới. Bí tích Thánh Thể là một mối dây nối kết trời và đất. Nó bao gồm và thấm nhập toàn thể thụ tạo. Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn lại toàn thể thụ tạo cho Đấng đã kéo nó ra từ hư vô, trong một hành động chúc tụng tuyệt vời. Chính vì thế mà Ngài, Linh mục thượng phẩm đời đời, khi bước vào cung thánh vĩnh cửu nhờ máu đổ ra trên thập giá, Ngài đã hoàn lại cho Đấng Tạo Thành và là Cha toàn thể thụ tạo được cứu chuộc. Ngài thực hiện điều đó nhờ tác vụ linh mục của Giáo Hội, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh. Chính thực đó mới là mầu nhiệm đức tin được thực hiện trong bí tích Thánh Thể: thế gian thoát thai từ tay Thiên Chúa Tạo Thành, trở về với Ngài sau khi đã được Chúa Kitô chuộc lại.

Trong Thánh Lễ, mỗi khi chúng ta rước lễ, Hy Tế Thánh Thể tự nó hướng các tín hữu tới việc hiệp nhất thâm sâu với chúa Kitô. Qua việc rước lễ, chúng ta nhận lấy chính Ngài, Đấng đã tự hiến cho chúng ta, chúng ta nhận lấy thân mình Ngài, thân mình mà Ngài đã nộp vì chúng ta trên Thập Giá, máu mà Ngài đã đổ ra là để trở thành máu của Giao Ước mới, có mục đích rất rõ ràng là để cho nhiều người được tha tội (Mt 26, 28). Việc hiệp nhất thâm sâu với Đức Kitô qua việc rước lễ ban cho chúng ta sự sống, sự sống đời đời (Ga 6,57). Thánh Thể đích thực còn là một bữa tiệc, tiệc hiệp thông, hiệp thông giữa người rước lễ với chính Đức Kitô và qua Đức Kitô, với Thiên Chúa Ba Ngôi và với anh chị em mình. Trong bữa tiệc hiệp thông đó, Chúa Kitô tự hiến làm của ăn. Đây không phải là của ăn tượng trưng nhưng “Thịt tôi là của ăn thật, và máu tôi là của uống thật” (Ga 6,55).

Nhớ đến lời dẫn nhập vào Thánh Lễ của một Cha giáo: “Anh chị em thân mến ! Mỗi một lần chúng ta tham dự Thánh Lễ là mỗi một lần chúng ta biến đổi cuộc đời chúng ta nên một như Đức Kitô. Nếu sau khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta không thay đổi cuộc đời chúng ta thì Thánh Lễ chúng ta tham dự thành ra vô ích. Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đang có mặt ở đây với Ta …”. Lời ấy, nếu nghe qua qua thì thấy chẳng có gì và nghe nhiều đôi khi người nghe sẽ nói: “biết rồi ! khổ lắm nói mãi”.

Vâng ! “Biết rồi, khổ lắm nói mãi” nhưng hình như nghe cho qua lần qua lượt chứ không để những lời ấy thấm vào cuộc đời ta. Nếu như ta ý thức thật, Chúa đã đổ máu mình ra để cứu độ ta mà ta không cảm, không nhận và không biến đổi đời ta qua máu cứu độ của Ngài thì quả thật cuộc đời ta chán thật !

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể mở lòng chúng ta để chúng ta mau mắn đến và gặp Ngài nơi Bí Tích Thánh Thể.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể là của ăn đích thực, là nguồn sống đích thực đến và ở lại trên cuộc đời mỗi người chúng ta để chúng ta có sức để tiếp tục đi theo Ngài trên con đường lữ thứ trần gian đầy gian nan và thử thách này.
 
Năm Linh Mục, học hỏi gương nhân đức vị thánh quan thầy của các linh mục
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
18:08 13/06/2009
Lời ngỏ: Nhân kỷ niệm lần thứ 150 ngày qua đời của cha thánh Gioan Maria Vianney (1786-1859), Năm thánh tại Trung Tâm Hành Hương giáo họ Ars đã được khai mạc trọng thể vào ngày 8 tháng 12 năm 2008 và sẽ kết thúc vào dịp Đại Lễ Các Thánh năm 2009. Nói đến cha Vianney là nói đến khuôn mặt của một vị thánh khiêm nhường, hãm mình, đắm mình trong cầu nguyện, và dành phần lớn thời gian nơi tòa giải tội. Ngày 19 tháng 6 tới đây, dịp lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ khai mạc Năm Linh Mục. Sẽ thật có ý nghĩa khi trở về Ars trong dịp này để chiêm ngắm và học hỏi gương sáng của vị thánh, được suy tôn là quan thầy của các linh mục Giáo Hội Pháp, và là quan thầy của các cha xứ cũng như tất cả các linh mục trên khắp Giáo Hội hoàn vũ.

Nhằm phác họa lại chân dung của cha thánh, dưới đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài: « Le message du Saint Curé d’Ars pour aujourd’hui, résumé en quelques points… » (Sứ điệp của cha thánh Gioan Maria Vianney cho ngày nay, được tóm tắt bằng một vài điểm chính yếu), xuất hiện trên trang tin điện tử của Trung Tâm Hành Hương giáo họ Ars.


Con người của cầu nguyện

Trải qua những khoảng thời gian thật dài trước nhà Tạm, một sự thân tình chân thành với Thiên Chúa, một sự từ bỏ hoàn toàn để đón nhận thánh ý, một khuôn mặt biến đổi… Ngần ấy yếu tố thôi cũng đủ đánh động những ai gặp gỡ thánh nhân và đủ nhận ra nơi ngài một đời sống cầu nguyện rất nội tâm cũng như sự kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa. Nhà Tạm là niềm vui lớn của cha thánh và là điểm hẹn thân tình với Thiên Chúa: « Lạy Thiên Chúa, con yêu mến Ngài. Con chỉ có một điều nguyện ước là được yêu mến Ngài cho đến hơn thở cuối cùng của đời con ». Một sự thân thiết mang tính hỗ tương, như hai miếng sáp tan chảy hòa tan vào nhau, ngài sánh ví như vậy, và trở nên đồng hình đồng dạng vì không còn có thể tách biệt chúng được nữa. Tương tự, tâm hồn chúng ta khi cầu nguyện với Thiên Chúa cũng như vậy.

Tâm hồn của cử hành và tôn thờ Thánh Thể

«Người đang ở đây » cha thánh vừa thốt lên vừa ngước nhìn về phía nhà Tạm. Con người của lòng yêu mến cử hành và chiêm ngắm Thánh Thể; « Không có gì cao trọng bằng Thánh Thể » ngài reo lên. Điều đánh động ngài nhất khi cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa đang hiện diện nơi đây trong nhà Tạm: «Người đang đợi chúng ta ». Ý thức được Thiên Chúa hiện diện đích thực trong Thánh Thể là một trong những ơn trọng đại nơi ngài và là một trong những niềm vui lớn nhất của ngài. Mang Thiên Chúa đến cho con người và lôi kéo con người về cho Thiên Chúa, hy tế Thánh Thể đã nhanh chóng trở nên trung tâm điểm trong từng ngày sống và trong cuộc đời mục vụ của cha thánh.

Bị mê hoặc bởi ơn cứu rỗi nhân loại

Điều đó có thể tóm tắt chuỗi thời gian suốt 41 năm hiện diện của ngài tại Ars. Bị ám ảnh về phần rỗi của mình cũng như của giáo dân, đặc biệt là của những ai đến với ngài hay là ngài có trách nhiệm. Là một cha xứ, Thiên Chúa sẽ đòi « vốn liếng và lời lãi », ngài nói như vậy. Mong ước mỗi người chúng ta được tận hưởng niềm vui vì được biết và yêu mến Thiên Chúa, cũng như vì được biết rằng Người yêu thương chúng ta…Cũng vì thế, cha thánh đã không ngừng làm việc.

Vị tử đạo nơi tòa giải tội

Từ năm 1830 hàng ngàn người đổ về Ars để xin cha thánh ban phép giải tội. Năm cuối của đời ngài, con số này đã lên tới 100 ngàn. Chiếm hẳn 17 giờ mỗi ngày gắn liền với tòa cáo giải để giao hòa con người với Thiên Chúa, và giữa họ với nhau, cha thánh Ars thực sự là vị tử đạo của tòa giải tội, Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh. Bị thu hút bởi tình yêu Thiên Chúa, và bị thán phục trước ơn gọi làm người, thánh nhân có một khát khao cháy bỏng là không muốn bị xa lìa Thiên Chúa. Ngài muốn rằng mỗi người đều được tự do nếm hưởng tình yêu Thiên Chúa.

Con người của xã hội hiện diện trong lòng giáo xứ

«Người ta không biết điều mà cha thánh Ars đã không làm như một sự nghiệp xã hội», một trong những người viết tiểu sử của ngài nhận định. Nhìn thấy Chúa hiện diện nơi mỗi tha nhân, thánh nhân đã không ngừng cứu giúp họ, nâng đỡ họ, làm dịu bớt những đau khổ và những vết thương tích, khiến họ trở nên con người tự do và hạnh phúc. Cô nhi viện, trường học, quan tâm đến người nghèo và người bệnh tật, người kiến tạo không mệt mỏi, … không hề thoái thác. Ngài đã dẫn dắt các gia đình và tìm cách che chở khỏi mọi những mối đe dọa đến từ rượu chè, bạo hành, ích kỷ…Phục vụ tại giáo xứ, ngài tìm cách bảo vệ con chiên trong mọi chiều kích từ đời sống nhân loại, xã hội cho đến đời sống tâm linh.

Quan thầy các cha xứ

Được phong chân phước năm 1904, cũng trong năm ấy, ngày 12 tháng 4, Đức Giáo Hoàng Piô X tôn phong thánh Gioan Maria Vianney là quan thầy các linh mục của Giáo Hội Pháp. Đến năm 1929, tức là sau bốn năm kể từ khi được phong hiển thánh, Đức Giáo Hoàng Piô XI suy tôn ngài là quan thầy của các cha xứ trên khắp hoàn cầu. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không nói gì khác ngoài việc nhắc lại ba điều này: «Cha sở Gioan Maria Vianney đọng lại trong tâm khảm của mọi dân nước một kiểu mẫu không thể sánh ví, đồng thời là mẫu gương về sự chu toàn thừa tác vụ; và là thừa tác viên linh mục thánh thiện ». « Linh mục thật cao trọng dường bao, thánh Gioan Maria Vianney thốt lên, bởi vì linh mục mang Thiên Chúa đến cho nhân loại và mang nhân loại về cho Chúa; linh mục còn là nhân chứng về sự ưu ái của Chúa Cha đối với mỗi người con và là nhà kiến tạo ơn cứu độ »

Vâng cha thánh Vianney là người anh cả của các linh mục. Với ngài, các linh mục trên thế giới có thể đến để gửi gắm thừa tác vụ và đời sống linh mục của mình.

Mời gọi nên thánh

«Cha sẽ chỉ cho con đường về Nước Trời», cha thánh đã nói với cậu bé mục đồng như thế, sau khi cậu bé này chỉ cho ngài đường đến ngôi làng Ars. Câu ấy được hiểu là cha sẽ giúp con trở nên thánh. « Ở nơi nào mà có dấu chân của các thánh đi qua, thì Thiên Chúa cũng đi qua nơi ấy cùng với các thánh nhân », ngài đã khẳng định như vậy ít lâu sau đó. Cuối cùng ngài mời gọi mỗi người hãy để cho Thiên Chúa thánh hóa, hãy dùng các phương thế để kết hiệp với Thiên Chúa từ bây giờ và mãi mãi.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trách nhiệm của gia đình, học đường và Giáo Hội đối với việc giáo dục giới trẻ
Linh Tiến Khải
01:07 13/06/2009
Phỏng vấn ông Giuseppe Savagnone, nhà xuất bản, đặc trách văn phòng mục vụ văn hóa tổng giáo phận Palermo, nam Italia, về trách nhiệm của gia đình, học đường và Giáo Hội đối với việc giáo dục giới trẻ

Hồi hạ tuần tháng 2 năm nay đài truyền hình Italia đưa tin về thái độ bất kính của vài học sinh trung học đệ nhất cấp của một trường nọ, đốt thánh giá trong lớp học, rồi quay phim đưa lên liên mạng Internet. Đây không phải chỉ là sự tinh nghịch của người trẻ trong một xã hội tục hóa duy đời cực đoan như xã hội Italia ngày nay, nhưng nó còn diễn tả một hiện tượng có ý nghĩa sâu rộng hơn. Nó diễn tả tình trạng vô giáo dục của giới trẻ. Thế thì ai là người có lỗi đối với tình trạng vô giáo dục của người trẻ ngày nay?

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Giuseppe Savagnone, nhà xuất bản, đặc trách văn phòng mục vụ văn hóa tổng giáo phận Palermo, trên đảo Sicilia, nam Italia, về trách nhiệm của gia đình, học đường và Giáo Hội đối với việc giáo dục giới trẻ.

Hỏi: Thưa ông, trong thời gian qua tại Italia người ta đã nói nhiều về tịnh trạng khẩn trương của giáo dục. Làm thế nào để chống lại tình trạng này thưa ông?

Đáp: Để chống lại tình trạng giáo dục đồi tệ này chỉ đưa ra các điều luật không thôi, thì không đủ. Cần phải tái chiếm lại sự đam mê giáo dục nữa. Và để làm việc này thì cần phải đặt ở hàng tiền tuyến các người lớn, các nhà giáo dục, xem ra đã đánh mất đi ý thức về sự giáo dục của họ. Tại Palermo trong giáo phận của chúng tôi, vào mùa thu năm 2006 chúng tôi đã khai sinh ra một phòng thí nghiệm sư phạm riêng, để gây ý thức cho người lớn và khiến cho họ ý thức trách nhiệm của họ đối với việc giáo dục người trẻ.

Kinh nghiệm này tôi đã kể lại trong cuốn sách viết chung với ông Alfio Briguglia tựa đề ”Sự can đảm giáo dục”, do nhà xuất bản Elledici phát hành.

Hỏi: Từ phòng thí nghiệm sư phạm đó ông nhận thấy tình hình giáo dục khẩn thiết hiện nay như thế nào?

Đap: Người ta nhận thấy sự liên lụy của người lớn đang gặp khó khăn. Người lớn đã đánh mất đi phạm trù giáo dục, và thường tỏ ra là họ không có gì để nói với các thế hệ trẻ cả. Chúng ta có các giới cha mẹ qúa bảo vệ con cái của họ, nhưng lại không hiểu biết giáo dục có nghĩa là gì. Và xem ra trường học và cộng đoàn kitô cũng ở trong cùng tình trạng này.

Hỏi: Làm sao giải thích được sự lạc lõng này của người lớn đối với việc giáo dục giới trẻ thưa ông?

Đap: Xã hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu rộng. Nhiều người lớn xem ra cũng không có được sự quân bình cho chính họ. Thế rồi các giá trị và các cơ cấu bị chính thế hệ người lớn tranh luận. Qúy vị hãy nghĩ tới cơ cấu gia đình chẳng hạn: từ bao thế kỷ qua nó đã đứng vững, mặc dù cũng đã không thiếu các phản bội, các vụ hôn nhân giàn xếp và nhiều chuyện khác nữa. Nhưng đã không có ai nghi ngờ ý tưởng gia đình. Ngày nay thì không còn như thế nữa. Nếu thế hệ người lớn là thế hệ trước hết cần tìm ra các chứng nhân đáng tin cậy và một chân trời giá trị được chia sẻ, mà còn tìm chưa ra, thì sẽ rất khó mà đề nghị các giá trị đó cho các thế hệ trẻ, như đáng lý ra họ đã phải làm.

Hỏi: Như thế có nghĩa là thế hệ người lớn ngày nay không có các yếu tố để thông truyền lại cho giới trẻ hay sao thưa ông?

Đáp: Việc giáo dục cần có các chứng nhân và các giá trị được chia sẻ. Nếu không có các chứng nhân và các giá trị được chia sẻ, thì tất cả sẽ trở thành khó khăn và phức tạp. Dĩ nhiên là có thể đưa ra các luật lệ thiết định các giá trị, nhưng nếu không được làm trong chiều sâu, nếu không tạo ra một nền văn hóa của các gía trị được chia sẻ, thì các điều lệ và các quy luật đó có nguy cơ chỉ là chữ viết chết, không có giả trị sinh động và thực tế nào.

Hỏi: Trong xã hội như xã hỘi của chúng ta ngày nay có thể có các giá trị được chia sẻ hay không thưa ông?

Đáp: Không có các liều thuốc kê sẵn, nhưng con đường chính là việc đối chiếu dựa trên các giá trị lớn. Nó là một cuộc thảo luận, trong đó người thảo luận phải để cho một con mắt của mình hướng tới khía cạnh giáo dục, vì cần phải có các giá trị có thể đào tạo các thế hệ trẻ. Tôi thích hỏi thế hệ người lớn như thế này: ”Qúy vị có thực sự muốn cho con em của qúy vị lớn lên mà không có các mục đích, không có các giá trị và không có các chỉ dẫn hay không?

Hỏi: Dĩ nhiên là câu trả lời sẽ là ”không”. Nhưng mà khi đó tại sao người lớn lại xem ra không có khả năng giáo duc thưa ông?

Đáp: Bởi vì họ không suy nghĩ. Họ không tự hỏi xem phải làm gì để cho con người lớn lên, để cho con người trưởng thành. Người ta lo lắng có các câu trả lời tức khắc, có tính cách an ủi, nhưng không giải quyết vấn đề, không đặt vấn đề giáo dục. Cả giữa các giáo chức: họ say mê môn dậy của họ, họ dậy rất hay, nhưng thường khi không đặt vấn đề làm thế nào để giúp cho các sinh viên học sinh trưởng thành một cách nhân bản.

Hỏi: Tuy nhiên cũng có nhà giáo có thể phản bác lại rằng để có thể thông truyền kỷ luật thì cần phải có đam mê, ông nghĩ sao?

Đáp: Đương nhiên rồi, nhưng mà giáo dục lại khác. Như là nhà giáo tôi phải làm cho các sứ điệp có ý nghĩa phát ra từ kỷ luật, mà tôi dậy cho các người trẻ này trong cuộc sống của họ ngày nay. Nếu không thì sẽ xảy ra là người trẻ ban sáng nhận được một nền văn hóa không có sự sống, ban chiều họ lại bước vào một con đường không có văn hóa.

Hỏi: Thưa ông Savagnone, làm thế nào để canh tân các giáo chức?

Đáp: Canh tân các giáo chức thật không phải là điều dễ dàng, bởi vì vấn đề là thúc đẩy họ suy tư về con đường nghề nghiệp của họ. Có một trận chiến văn hóa phải đánh. Các giáo chức phải tái chiếm trở lại ý nghĩa sư mệnh giáo dục của họ; tôi còn dám nói mạnh hơn nữa, là cần phải tái chiếm ý nghĩa ”ơn gọi giáo dục” của họ. Hiểu trở lại ý nghĩa của ơn gọi là ”thầy dậy”, là ”thầy giáo”. Tôi ý thức rằng các lời này sẽ bị phán đoán như là hùng biện, nhưng nếu chúng ta không tái chiếm trở lại khía cạnh này, thì sẽ không thể làm được gì nhiều trong lãnh vực giáo dục người trẻ.

Hỏi: Thế thì ông đề nghị với giới phụ huynh những gì?

Đáp: Tôi đề nghị thế hệ cha mẹ tìm lại chí hướng giáo dục, xem ra đã bị mất. Đây không phải là việc huấn luyện con cái mình, mà là giáo dục chúng. Và để giáo dục chúng thì phải cùng sống với chúng, nói chuyện với chúng và nhất là biết lắng nghe chúng nói. Một huấn luyện viên thì đưa ra các lệnh truyền, các hiểu biết, nhưng không cần lắng nghe người mà mình đang huấn luyện. Còn trong việc giáo dục thì cần phải tìm các dịp gặp gỡ người trẻ và sống với họ.

Hỏi: Chúng ta hãy bỏ qua các thế hệ người lớn để chú ý tới giới trẻ. Ông muốn nói với người trẻ ngày nay những gì?

Đáp: Với giới trẻ tôi yêu cầu họ xin người lớn sống với họ. Thường khi giữa hai thế hệ xem ra có sự phân rẽ rõ ràng. Có một vài thinh lặng của người trẻ gây lo âu, vì chúng dấu ẩn sự tuyệt vọng không được người lớn hiểu. Người trẻ cảm thấy là họ được thoát ly hơn, nhưng đó là sự trưởng thành giả tạo bề ngoài, không sâu xa. Và chúng ta thường thấy các người trẻ chịu trận, ít muốn thay đổi các sự vật. Và khi đó tôi muốn nói rằng họ là ”con cái của một sự thất vọng” hay ”con cái của một thế hệ thất vọng”.

Hỏi: Thật là một bức tranh buồn thảm. Thế không có ánh sáng nào khác hay sao thưa ông?

Đáp: Thay đổi lộ trình là điều có thể làm được lắm chứ. Và chúng ta thấy có vài dấu hiệu. Nhưng cũng có các điều kiện để có thể đi lại con đường giáo dục. Tuy nhiên cần phải làm điều đó với ý thức sâu xa hơn, bắt đầu từ chính các nhà giáo dục, là những người phải làm việc trên chính họ trước.

 
Thanh tẩy đôi mắt con tim và trí tuệ để hiểu biết ý nghĩa của Kinh Thánh
Linh Tiến Khải
01:08 13/06/2009
Phải liên tục thanh tẩy đôi mắt con tim và trí tuệ để hiểu biết ý nghĩa Kinh Thánh một cách đúng đắn. Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trước hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 10-6-2009 tại quảng trường thánh Phêrô. Trong số hàng trăm đoàn hành hương cũng có một nhóm tín hữu Việt Nam đến từ Dallas tiểu bang Texas Hoa Kỳ, một nhóm đến từ Đức và một nhóm đến từ Thụy Sĩ.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một giáo phụ khác sống vào thế kỷ thứ IX dưới thời các hoàng đế nhà Carolingi: đó là Giovanni Scoto Eriugena. Sinh tại Ailen vào khoảng năm 800, Giovanni Scoto Eriugena sang Pháp sinh sống dưới thời hoàng đế Carlo Hói Đầu, và qua đời năm 870. Đề cập tới sự hiểu biết sâu rộng của giáo phụ Đức Thánh Cha nói:

Giovanni Scoto Eriugena có một nền văn hóa giáo phụ hy lạp và latinh trực tiếp, và biết các bút tích của các Giáo Phụ Latinh và Hy lạp. Người đặc biệt biết các tác phẩm của Agostino, Ambrogio, Gregorio Cả, các Giáo Phụ lớn của Đông Phương Kitô, cũng như tư tưởng của Origene, Gregorio thành Nissa, Giovanni Crisostomo và các Giáo Phụ Kitô Đông Phương ít nổi tiếng hơn. Là người rất giỏi tiếng Hy Lạp, giáo phụ đặc biệt chú ý đến Massimo vị Tuyên giáo và nhất là Dionigi Aeropagita. Dưới tên gọi này ẩn dấu gương mặt của một tác giả Kitô sống vào thế kỷ thứ V, nhưng toàn thời Trung Cổ và cả Giovanni Scoto Eriugena lại xác tín đó là một môn đệ của thánh Phaolô, và giáo phụ kín múc lấy nguồn cảm hứng cho tư tưởng của mình. Và Giovanni Scoto đã dành trọn cuộc đời mình để đào sâu tư tưởng của Dionigi Aeropagita. Nhưng các tác phẩm thần học của người đã không gặp may mắn, vì sự tàn lụi của nhà Carolingi khiến cho chúng bị lãng quên. Ngoài ra khuynh hướng Platon triệt để của giáo phụ khiến cho giáo quyền kiểm duyệt các tác phẩm của người. Đã chỉ có một vài tác phẩm đáng ghi nhớ, chẳng hạn như khảo luận về ”Sự phân chia thiên nhiên”, và ”Các trình bầy phẩm trật thiên quốc của thánh Dionigi”.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định các suy tư của giáo phụ Giovanni Scoto cũng có thể gợi hứng cho các thần học gia ngày nay. Chẳng hạn như bổn phận phân định quyền bính đích thật, hay dấn thân tiếp tục tìm kiếm chân lý cho tới khi nào đạt kinh nghiệm trong việc thinh lặng thờ lậy Thiên Chúa.

Thí dụ giáo phụ khẳng định ”ơn cứu độ bắt đầu với lòng tin”, nghĩa là chúng ta không thể nói về Thiên Chúa đi từ các sáng chế của chúng ta, mà phải khởi hành từ những gì Thiên Chúa nói về chính Ngài trong Kinh Thánh. Quyền bính và lý trí không đối nghịch nhau. Một quyền bính không đích thật nếu không trùng hợp với sự thật được khám phá ra nhờ sức mạnh của lý trí... Chúng không đối nghịch với nhau vì cùng phát xuất từ một nguồn mạch duy nhất là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (I, PL 122. co. 511B). Đây là khẳng định can đảm về giá trị của lý trí dựa trên xác tín quyền bính đích thật biết đến lẽ phải và Thiên Chúa là lý trí sáng tạo.

Liên quan tới Kinh Thánh giáo phụ Giovanni Scoto suy diễn rằng Thiên Chúa đã ban Kinh Thánh cho con người với ý hướng sư phạm và vì nhân nhượng với con người, để cho con người có thể nhớ lại tất cả những gì đã được in dấu trong con tim ngay từ khi được tạo dựng là ”hình ảnh của Thiên Chúa”, nhưng tội nguyên tổ đã làm nó quên đi điều đó. Nhờ Kinh Thánh bản tính lý trí của chúng ta có thể được dẫn vào các bí mật của việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa một cách đích thật (II, PL 122, col. 146C). Rồi Đức Thánh Cha nói về hiệu lực của Kinh Thánh như sau:

Lời Kinh Thánh thanh tẩy lý trí của chúng ta đã từng bị mù lòa một ít, và giúp chúng ta nhớ lại điều hiện hữu trong chúng ta như là hình ảnh của Thiên Chúa, mà chúng ta mang trong con tim đã từng bị tội lỗi gây thương tích. Từ đó phát xuất ra vài hậu qủa liên quan tới việc giải thích Kinh Thánh. Chúng chỉ cho thấy con đường của việc đọc hiểu Kinh Thánh một cách đúng đắn: đó là khám phá ra ý nghĩa dấu ẩn của văn bản Kinh Thánh. Để đựơc như vậy, cần phải có ơn thánh bên trong, khiến cho lý trí rộng mở cho cho con đường dẫn tới sự thật. Sự tập tành ấy hệ tại việc thường xuyên vun trồng thái độ sẵn sàng rộng mở cho sự hoán cải. Để đạt việc nhìn thấy chiều sâu của văn bản kinh thánh, cần phải tiến triển trong việc hoán cải con tim và phân tích ý niệm của trang kinh thánh, trên bình diện vũ trụ, lịch sử và giáo lý. Chỉ qua sự thanh tẩy liên lỉ của đôi mắt con tim và đôi mắt trí tuệ con người mới có thể đạt sự hiểu biết ý nghĩa chính xác của Kinh Thánh.

Lộ trình đòi hỏi và hứng khởi này bao gồm các chinh phục và tương đối hóa sự hiểu biết của con người. Nó đưa trí tuệ con người tới bên ngưỡng cửa của Mầu Nhiệm thiên linh, nơi tất cả mọi ý niệm đều tỏ ra yếu kém và bất lực. Việc im lặng thờ lậy Mầu Nhiệm mở ra cho sự hiệp thông kết hiệp con người với Thiên Chúa, là con đường duy nhất của tương quan với chân lý. Giovanni Scoto gọi đó là việc ”thần linh hóa”. Giovanni Scoto dùng hình ảnh thép chảy thành lửa để diễn tả thực tại tuyệt diệu này: ”Giống như tất cả sắt trở thành nóng bỏng và chảy ra thành lửa nhưng các bản chất vẫn khác biệt nhau, cũng vậy chúng ta phải chấp nhận rằng sau sự tận cùng của thế giới này tất cả thiên nhiên có thân xác cũng như không có thân xác đều chỉ biểu lộ Thiên Chúa, nhưng nó vẫn nguyên vẹn đến độ Thiên Chúa có thể được hiểu mặc dù vẫn không thể hiểu biết được, và chính thụ tạo cũng được bến đổi trong Thiên Chúa với sự kỳ diệu không thể tả xiết” (V, PL 122, col. 451B).

Đức Thánh Cha nói thêm rằng toàn tư tưởng thần học của giáo phụ Giovanni Scoto là một cố gắng diễn tả Thiên Chúa không thể diễn tả nổi, chỉ dựa trên mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời làm người trong Đức Giêsu thành Nagiarét. Các hình ảnh do tác giả dùng cho thấy thực tại này là điều không thể diễn tả được, nhưng nó cho thấy sự hấp dẫn của kinh nghiệm thần bí đích thật, thỉnh thoảng có thể sờ mó được trong các bút tích của Giovanni Scoto.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau đặc biệt là các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới. Nhắc lới lễ Mình Máu Thánh Chúa ngài cầu mong Mình Máu Thánh Chúa là lương thực hằng ngày của các bạn trẻ, giúp họ tiến tới trên con đường nên thánh. Đức Thánh Cha xin Mình Máu Thánh Chúa ủi an và ban sức mạnh cho các anh chị em đau yếu đang chịu thử thách. Ngài cầu chúc các cặp vợ chồng mới cưới có Chúa Giêsu Thánh Thể đồng hành trên con đường tình yêu của họ.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha Benedictô XVI nhắn nhủ các Linh Mục nhân lễ Mình Thánh Chúa
LM Trần Đức Anh, OP
01:09 13/06/2009
ROMA - ĐTC Biển Đức 16 cảnh giác các linh mục về nguy cơ cử hành thánh lễ như những hình hình thức trống rỗng không có sự tham dự đích thực trong nội tâm, và cầu nguyện vội vã.

Ngài ra đưa lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ kính Mình Thánh Chúa lúc 7 giờ chiều ngày 11-6-2009 tại thềm Đền thờ Thánh Gioan Laterano và cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa sau đó tiến về Đền thờ Đức Bà Cả.

Tham dự thánh lễ, có đông đảo các HY và GM, cùng với các vị Giám Chức, LM và hàng chục ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, ĐTC đã giải thích về ý nghĩa hy tế Thánh Thể và nhấn mạnh rằng: ”Thánh GIá là mầu nhiệm tình thương và cứu độ, thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những công việc chết chóc, nghĩa là tội lỗi, và thánh hóa chúng ta bằng cách ghi tạc giao ước mới vào tâm hồn chúng ta; khi tái diễn hy tế thập giá, Thánh Thể làm cho chúng ta có khả năng sống trung thành sự hiệp thông với Thiên Chúa”.

Phần còn lại của bài giảng, ĐTC nói với các LM nhân dịp Năm LM sắp bắt đầu và nhắn nhủ rằng: ”Các linh mục thân mến, tôi đặc biệt ngỏ lời với anh em là những người được Chúa Kitô tuyển chọn để cùng với Chúa anh em có thể sống cuộc sống của mình như hy tế chúc tụng vì phần rỗi của thế giới. Chỉ từ sự kết hiệp với Chúa Giêsu anh em mới có thể kín lúc sự phong phú thiêng liêng mang lại hy vọng trong công tác mục vụ của anh em. Thánh Lêô Cả nhắc nhớ rằng ”sự tham phần của chúng ta vào Mình và Máu Chúa Kitô không hướng đến điều gì khác hơn là trở thành điều mà chúng ta lãnh nhận” (Sermo 12, De Passione 3,7,PL 54). Nếu điều này là đúng đối với mỗi Kitô hữu thì càng đúng đối với các linh mục chúng ta. Trở nên Thánh Thể! đó chính là ước muồn liên lỷ và quyết tâm của chúng ta, để việc dâng hiến Mình và Máu Chúa chúng ta cử hành trên bàn thờ có kèm theo sự hy sinh trong cuộc sống của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta kín múc từ Mình Máu Chúa tình yêu tự do và tinh tuyền làm cho chúng ta trở thành thừa tác viên của Chúa Kitô và thành những chứng nhân về niềm vui của Chúa.”

ĐTC nhấn mạnh rằng ”Điều mà các tín hữu mong đợi nơi linh mục là mẫu gương về lòng sùng kính chân thực đối với Thánh Thể; họ mong muốn được thấy linh mục trải qua những giờ cầu nguyện dài trong thinh lặng và thờ lạy trước Chúa Giêsu như Thánh Cha Sở họ Ars vẫn làm, vị mà chúng ta đặc biệt kỷ niệm trong năm Linh Mục sắp bắt đầu”.

ĐTC cảnh giác các linh mục về việc coi niềm tin nơi sự hiện diện thực của Chúa Kitô trong Thánh Thể là điều dĩ nhiên. Ngài nói: ”Ngày nay có nguy cơ tục hóa đang lan tràn cả trong Giáo Hội, khiến cho việc cử hành thánh lễ trở thành hình thức trống rỗng, những buổi cử hành trong đó không có sự tham dự đích thực trong nội tâm, một sự tham dự được biểu lộ qua sự tôn kính và tôn trọng phụng vụ. Luôn luôn có một cám dỗ rất mạnh đó là biến kinh nguyện thành những giờ phút hời hợt và vội vã, để cho mình bị những hoạt động và lo lắng trần tục đè bẹp”.

Sau thánh lễ, ĐTC đã chủ sự cuộc rước Mình Thánh Chúa cùng với hàng ngàn tín hữu tiến bước trên quảng đường dài hơn 1 cây số, tới Đền thờ Đức Bà Cả. Tại đây có nghi thức chầu Mình Thánh Chúa và ĐTC đã ban phép lành cho mọi người. (SD 11-6-2009)
 
Năm linh mục: linh mục ở hàng tiền đạo
Vũ Văn An
06:40 13/06/2009
Quả lắc cuối cùng đã phải quay lối khác. Từ Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo đã cố gắng giải quyết vấn đề ý nghĩa đích thực của chức linh mục chung của toàn thể Dân Chúa, dựa trên Phép Rửa. Nó tái cân bằng phần nào mối tương quan giữa các linh mục và giáo dân. Tuy nhiên, chính trong diễn trình ấy, chức linh mục thụ phong đã âm thầm kinh qua một thăng trầm hết sức đáng kể. Khiến cho việc tái khẳng định bản sắc linh mục trở thành cần thiết, vì ai cũng ý thức được rằng chức linh mục thụ phong là điều chủ yếu đối với cuộc gặp gỡ Thiên Chúa bằng lời và bằng bí tích, hai thực tại vốn là lý do sinh tồn của chính Giáo Hội.

Việc khai mạc Năm Linh Mục vào tuần tới, do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI công bố, rõ ràng không có mục đích giảm thiểu vai trò người giáo dân trong Giáo Hội. Tuy nhiên ai cũng phải nhìn nhận rằng hiện nay, nhất là tại các quốc gia phát triển của Phương Tây, chức linh mục thụ phong đang gặp nhiều vấn đề nan giải. Con số đang tiếp tục xuống thấp; nhiều linh mục đã đi trệch đường; nhiều vị còn lại đang mất tinh thần, nản chí. Gương xấu giáo sĩ lạm dụng tình dục tạo ra nhiều nạn nhân nhưng ít ai ngờ được là chính nhiều linh mục đã trở thành nạn nhân của nó. Nhiều linh mục tốt lành cảm thấy xấu hổ và bị phản bội vì những hành vi đáng trách của một số ít đồng nghiệp. Gương mù ấy tác động lên cả ngôn ngữ thân xác (body language) của các ngài, khả năng đi đứng ngoài phố không còn tự tin như trước, nhìn thẳng vào mặt thế gian cũng e dè.

Về phương diện nghề nghiệp, các linh mục hiện nay đang rơi vào trạng huống hiện sinh cảm thấy mình không chắc chắn chút nào về vai trò của mình. Nhiều giáo dân trong cộng đoàn cũng được giáo dục cao như các vị và cũng có được một kiến thức thần học đủ dùng mà trước đây 50 năm khó lòng có được. Tại hầu hết các giáo xứ, người giáo dân đã đảm nhiệm nhiều vai trò tích cực về công lý và hòa bình. Ở cấp giáo phận và quốc gia, người giáo dân cũng đang đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo. Hiện tượng ít người lui tới tòa giải tội cũng đã phần nào chuyển dịch trọng tâm mục vụ qua những khung cảnh ít long trọng hơn, một thay đổi được nhiều linh mục hoan hô nhưng không biết chắc phải xử sự như thế nào cho đẹp. Liệu các ngài có phải là các giáo dân mang cổ cồn mà công việc tốt nhất là phục vụ tại các căn bếp nấu cháo phát chẩn hay không? Hay có lẽ là những nhà cách mạng xã hội với nhiệm vụ lãnh đạo giáo dân thoát khỏi cảnh áp bức chính trị? Hoặc là có vai trò nào đó có tính đan viện và khổ tu hơn dành cho các ngài làm suối nguồn cho ơn khôn ngoan tâm linh? Trong những hoàn cảnh thích hợp, tất cả các vai trò ấy xem ra đều thích đáng cả. Không hề có một mô thức, tuy chỗ đứng chủ yếu trong đời sống thánh thể của Giáo Hội là chung cho mọi linh mục. Có lẽ vì vậy mà phần đông các tân linh mục đã quay về với dịch bản bảo thủ hơn trong vai trò của mình, ít nhất cũng trong trang phục, tác phong và phụng vụ.

Đối với nhiều linh mục, khía cạnh mục vụ là điều đầu tiên lôi cuốn họ bước vào ơn gọi: ước muốn được giúp người ta cách sâu sắc nhất bằng cách đem lại cho họ chân lý tình yêu Thiên Chúa. Giảng dạy là phần chủ yếu của việc trên, dùng lời và dùng việc làm mà chỉ ra rằng con đường thánh thiện là con đường mở ra cho mọi người. Các linh mục tốt lành là các linh mục chỉ biết chú tâm tới điều mình có thể làm được và cũng chính nhờ việc đó, các ngài được đánh giá. Năm linh mục là cơ hội để làm mới lại lòng yêu qúy và kính trọng đối với các ngài vì nhiều năm tháng các ngài dành cho việc huấn luyện và đào tạo mình cho việc phục vụ người khác, cho những hy sinh từ đó mà ra, và vì thẩm quyền các ngài tiếp nhận được từ Giáo Hội trong vai trò đại diện Chúa Kitô, cả ở bàn thờ lẫn căn bếp nấu cháo phát chẩn.

Giám mục có quyền sa thải linh mục

Trên đây là mấy dòng nhận định của tờ tuấn báo The Tablet bên Anh, số ngày 13 tháng Sáu. Tờ báo này còn nhấn mạnh đến một khía cạnh khác nhân Năm Linh Mục: các vị giám mục mới được năng quyền có thể bãi nhiệm các linh mục không thừa hành chức vụ, một năng quyền vừa được Thánh Bộ Giáo Sĩ thông báo. Các linh mục này thuộc ba loại: sống với phụ nữ, rời thừa tác vụ hoạt động trong nhiều năm hay có các hành vi gây gương mù gương xấu trầm trọng. Các trường hợp liên quan đến xì-căng-đan lạm dụng tình dục vừa qua được xử lý riêng.

Đức Hồng Y Cláudio Hummes, đứng đầu Thánh Bộ, giải thích rằng biện pháp này được đưa ra nhằm giúp đỡ các trẻ em do các linh mục nói trên sinh ra. Tuy nhiên, mục tiêu chính là để tái lập khả tín tính, lòng tin tưởng và trọng kính đối với chức linh mục độc thân nhân những vụ tai tiếng gần đây.

Theo lá thư hồi tháng Tư của Đức Hồng Y Hummes gửi cho các vị giám mục hoàn cầu, thì thay đổi quan trọng nhất là kể từ nay, các vị giám mục có thể hữu hiệu và đơn phương “lột áo chức” các linh mục đã bỏ thừa tác vụ của mình quá năm năm mà không chính thức xin hồi tục. Giáo Luật năm 1983 không có điều khoản nào dự liệu cho các vị giám mục được làm việc ấy mà không có sự hợp tác và thuận tình của các linh mục liên hệ.

Nói với Hãng Tin Công Giáo CNS, Đức HY Hummes cho hay: “Nếu đương sự không lưu ý (tới việc hợp thức hóa tình huống của mình), thì vì lợi ích của Giáo Hội và vì lợi ích của chính linh mục ấy, ông nên được sa thải để có được tình huống đúng đắn, nhất là khi ông đã có con”. Trong trường hợp có tác phong gây gương mù trầm trọng, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng các vị giám mục phải “tiến hành một cuộc điều tra cẩn thận các sự kiện” và trước nhất phải “tiến hành việc chính thức sửa trị hay khuyên răn người bị tố cáo” trước khi bắt đầu các thủ tục sa thải. Ngài cũng nhấn mạnh rằng “quyền tự bào chữa của linh mục là quyền thánh thiêng”.

Quan thầy mọi linh mục

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI sẽ chính thức khai mạc Năm Linh Mục trong một buổi lễ long trọng nhân Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha dự trù sẽ chủ tọa buổi Kinh Chiều thứ hai trước hòm thánh tích đựng trái tim Thánh Gioan Vianney. Năm nay vốn là năm thứ 150 kỷ niệm ngày sinh của vị thánh người Pháp này và Đức Thánh Cha dự định nhân dịp này sẽ công bố thánh nhân là Bổn Mạng Mọi Linh Mục.

Trong một lá thứ khác gửi các linh mục, Đức HY Hummes viết rằng: “Đây hẳn phải là một năm vừa tích cực vừa nhìn về phía trước, trong đó Giáo Hội trước nhất nói với các linh mục của mình, nhưng cũng nói với mọi giáo hữu và xã hội nói chung, qua phương tiện truyền thông, rằng mình hãnh diện vì các linh mục của mình, mình yêu thương họ, tôn trọng họ, ngưỡng phục họ và hết sức biết ơn nhìn nhận công trình mục vụ và chứng tá đời sống của họ”.

Còn Đức Tổng Giám Mục Mauro Piacenza, người đứng thứ hai tại Thánh Bộ Giáo Sĩ, trong một lá thư gửi các linh mục, thì cho rằng tái khẳng định việc linh mục độc thân là điều căn bản trong Năm Linh Mục này. Phần Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, nhân nói truyện hôm Thứ Bẩy qua với các chủng sinh và nhân viên giảng huấn của Học Viện Pháp tại Rôma, nhấn mạnh rằng: “Các thái độ mà các linh mục tương lai cần phải có thì nhiều: chín mùi về nhân bản, các phẩm tính thiêng liêng, lòng nhiệt thành tông đồ và nhiều sinh lực trí thức”.

Tìm lại cả ơn phúc lẫn bổn phận của thừa tác vụ linh mục

Trong khi đó, theo tin Zenit, nói truyện với các vị giám mục Ý ngày 28 tháng Năm trong hội nghị thường niên, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cho rằng: nhân Năm Linh Mục, các linh mục được mời gọi tái khám phá cả ơn phúc lẫn bổn phận của thừa tác vụ linh mục. Thừa tác vụ này là một phục vụ đối với Giáo Hội và Dân Kitô Giáo, một việc phục vụ đòi một nền linh đạo sâu sắc. Muốn đáp lại ơn Chúa kêu gọi, nền linh đạo này phải được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và bằng việc kết hợp bản thân đầy mật thiết với Chúa ngõ hầu có thể phụng sự Người nơi anh chị em mình bằng việc giảng dạy, cử hành bí tích, và một cuộc sống cộng đoàn có trật tự và sẵn sàng trợ giúp người nghèo.
 
Hội nghị tôn giáo chống buôn người
Nguyễn Hoàng Thương
16:58 13/06/2009
Hội nghị tôn giáo chống buôn người

Sáng hôm 13/6, tại Văn phòng Báo Chí Toà Thánh Vatican đã diễn ra cuộc họp báo về một hội nghị sắp diễn ra với chủ đề: “Nữ tu trong Mạng Lưới Chống Buôn Người”. Hội nghị do Liên Hiệp các Bề Trên Tổng Quyền (UISG) và Tổ Chức Quốc Tế về Di Dân (IOM) tổ chức, diễn ra tại Rôma từ ngày 15 đến 18 tháng Sáu, 2009.

Tham dự buổi họp báo cho Cha Eusebio Hernandez Sola O.A.R., Vụ trưởng Thánh Bộ Đời sống Thánh Hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ; Sr. Victoria Gonzales de Castejon R.S.C.J., Tổng Thư ký UISG; Carmela Godeau, Cấp Phó Tổ Chức IOM; Sr. Bernadette Sangma F.M.A., và Stefano Volpicelli thuộc Tổ Chức IOM.

Cha Hernandez Sola cho hay: “Vấn nạn buôn người miêu tả hình thức mới về nô lệ của thế kỷ 21, nó xúc phạm đến phẩm giá và tự do không những của nhiều phụ nữ và trẻ vị thành niên mà còn cả giới trẻ và đàn ông trưởng thành, hầu hết họ ở khắp các quốc gia. Những hình thức mới của nghèo khổ nhắc chúng ta rằng đời sống tôn giáo, bằng ơn gọi, được kêu gọi đóng vai trò tiên báo trong xã hội và Giáo Hội ngày nay. Quan niệm mới về bác ái phải đưa đời sống tận hiến đến với những biên giới mới của loan báo Tin Mừng, và đến với những hình thức mới của nghèo khổ, mà trong số những vấn nạn trầm trọng nhất của nó là mất đi phẩm giá con người”.

Trong phần trình bày của mình, Sr. Bernadette Sangma giải thích rằng nhận thức về hiện tượng buôn người gia tăng như quy mô của những năm gần đây “một số dòng tu… đã chấp nhập đấu tranh chống buôn người như là một phần nghị quyết dòng của họ, làm cho nó trở thành một nhiệm vụ bắt buộc đối với các thành viên trong dòng. Điều này cũng đã bao gồm trong một số dòng nam”.

“Căn cứ vào sự phức tạp của một số nhân tố liên quan đến buôn người, mạng lưới trong lĩnh vực này không phải là một lựa chọn nhưng là một sự cần thiết nếu chúng ta hy vọng tạo nên bất cứ hình thức dấn thân chiến lược nào. Các băng nhóm tội ác làm hại phụ nữ và trẻ em tổ chức và liên kết chặt chẽ thành một thành phần riêng, tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới. Chỉ thông qua một mạng lưới chiến lược, bao gồm các quốc gia xuất phát, trung chuyển và đích đến, mới có thể thực thi các biện pháp ngăn chặn những người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trở thành nạn nhân của nạn buôn người”.

Sr. Victoria Gonzales de Castejon lưu ý đối với các tu sĩ của UISG rằng sáu năm cộng tác với IOM đã mang đến “một cơ hội gây sự chú ý cho Liên hiệp mang lại hiệu quả thực sự, và làm gia tăng phạm vi trong các hoạt động của chúng ta nhằm chống lại nạn buôn người… Những gì nổi lên rõ ràng là từ công việc đã đạt được là sự phong phú và tương hỗ trong trao đổi và cộng tác giữa hai tổ chức vốn đại hiện cho các khía cạnh công khai và riêng tư – giáo dân và nữ tu – trong động cơ chung để bảo vệ đời sống của người dân, những người sống trong hoàn cảnh nghèo khó và bị loại bỏ”.
 
Đức Giám Mục Venezuela tố cáo nghị trình chính trị độc tài áp đặt của Chavez
Nguyễn Hoàng Thương
17:00 13/06/2009
Đức Giám Mục Venezuela tố cáo nghị trình chính trị độc tài áp đặt của Chavez

Caracas, Venezuela (CNA) – Đức Giám Mục Perez Morales nói rằng các tấn công mới của chính phủ chống Giáo Hội Công Giáo “bộc lộ sự không khoan nhượng của nghị trình chính trị của chính phủ”. Đáp lại cáo buộc của Bộ Trưởng Nội Vụ Tareck El Aissami cho rằng các giám mục Venezuelan trở thành một “đảng chính trị” kích động “hận thù”, Đức Giám Mục Perez Morales đã kêu than lên rằng một số người ở Venezuela “không những muốn tất cả chúng tôi mặc áo đỏ [như Chavez], mà còn có cái đầu đỏ, rằng mọi người phải suy nghĩ như tổng thống nghĩ”.

Đức Giám Mục nói rằng tuyên bố của các viên chức chính quyền nằm trong nghị trình của chính phủ, vốn là một nghị trình chuyên chế độc tài theo kiểu mẫu cộng sản của Castrol. Ngài cho hay: “Với loại nghị trình này, bất kỳ điều gì đi ngoài đường lối chính thức là bị mổ xẻ, kết án, dán nhãn là sai trái và tội lỗi. Vì lý do này, đáng tiếc là, tôi không ngạc nhiên”.

Đức Cha erez Morales bác bỏ tuyên bố cho rằng các giám mục đang kích động hận thù và nói rằng trong suốt những chuyến thăm Tòa Thánh Vatican mới đây, họ đã thảo luận về thực tế chính trị và xã hội mà Venezuela hiện phải đối mặt. Đức Cha giải thích: “Ở Rôma, họ quan tâm đến các khẩu hiệu chính thức đang được sử dụng tại Venezuela: Tổ Quốc – Chủ Nghĩa Xã Hội hay là Chết. Ở Âu Châu, nơi đã từng kinh qua chủ nghĩa độc tài, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít, họ biết đâu là cách thức của điều này: nó gần như đặt người dân vào thế hoặc là chấp nhận nghị trình đang được áp đặt lên anh, hoặc là anh sẽ bị kết án tử”.

Đức Cha Perez Morales nhắc lại rằng những cuộc tấn công bằng lời nói phô bày “chủ nghĩa quá khích của nghị trình chính trị vốn khơi lại hệ thống cai trị lỗi thời gây quá nhiều đau thương và nước mắt trong thế kỷ trước và dẫn đến tiêu diệt người dân, dẫn đến đối đầu và chiến tranh”. Ngài trách cứ: “Theo lôgic này, những tuyên bố của các viên chức chỉ là tất nhiên, nối liền và đáng tiếc. Ý Chúa, hoàn cảnh sẽ thay đổi và sẽ mở ra cho lòng khoan dung. Chúng ta sống ở thế kỷ 21 chứ không phải ở thế kỷ 16”.
 
ĐHY Arinze đặc sứ ĐTC tại Đại Hội các Giám Mục Á châu
LM Trần Đức Anh, OP
23:31 13/06/2009
VATICAN - Hôm 13-6-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm ĐHY Francis Arinze, người Nigeria, nguyên Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, làm đặc sứ của ngài tại Đại hội kỳ 9 của Liên HĐGM Á châu, sẽ tiến hành tại Manila, Phi luật Tân từ ngày 11 đến 16-8 tới đây.

Tham dự đại hội này có 120 đại biểu của các HĐGM Á châu trong đó có Việt Nam, và Đại hội có chủ đề tổng quát là ”Sống Thánh Thể tại Á châu”, và mỗi ngày có một tiểu đề riêng. Đại Hội kỳ 8 của Liên HĐGM Á châu nhóm tại thành phố Đại Điền (Daejon), Nam Hàn từ ngày 17 đến 23-8-2004. Phái đoàn HĐGM Việt Nam tham dự đại hội đó gồm 3 GM và 2 LM. Toàn thể các tham dự viên gồm 188 người gồm có 8 Hồng y, 25 TGM, 60 GM, 29 LM, 8 nữ tu, 3 tu huynh, 29 nam giáo dân và 26 nữ giáo dân.

Thành phần phái đoàn HĐGM Việt Nam gồm có cựu Chủ tịch HĐGM Việt Nam: Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, TGM Saigòn, và Đức Cha Stephano Tri Bửu Thiên, GM Phó giáo phận Cần Thơ. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, thư ký điều hành của HĐGM và Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.

Đại hội có chủ đề là ”Gia đình tại Á châu hướng tới một nền văn hóa sự sống”. (SD 13-6-2009)
 
Đức Thánh Cha cổ võ nền kinh tế bênh người nghèo
LM Trần Đức Anh, OP
23:32 13/06/2009
VATICAN - ĐTC cổ võ một nền kinh tế tân tiến tôn trọng các nhu cầu và các quyền lợi của những người yếu thế.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 13-6-2009, dành cho 130 tham dự viên khóa họp thường niên của tổ chức ”Thông điệp Năm Thứ 100 - Phò ĐGH”, nhóm tại Roma về chủ đề tìm kiếm và xác định những giá trị và qui luật giới kinh tế cần theo để thi hành một kiểu mẫu phát triển mới, chú ý hơn đến những đòi hỏi của tình liên đới và tôn trọng hơn đối với phẩm giá con người”. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có nhiều GM.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhận xét rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh đang đè nặng trên nhiều nước chứng tỏ rõ ràng cần xét lại các khuôn mẫu kinh tế tài chánh thịnh hành trong những năm gần đây. Ngài cầu chúc cho Khóa họp của Tổ chức ”Thông điệp Năm Thứ 100” đưa ra được một quan niệm mới về kinh tế hiện đại, tôn trọng các nhu cầu và quyền lợi của những người yếu thế.

ĐTC cũng nói rằng: ”Như anh chị em đã biết thông điệp mới của tôi về các vấn đề kinh tế và lao công sắp được công bố: văn kiện này sẽ làm nổi bật những đối tượng mà các tín hữu Kitô cần theo đuổi và những giá trị cần thăng tiến và bảo vệ không biết mệt mỏi, hầu thực hiện một cuộc sống chung thực sự là tự do và liên đới giữa con người với nhau”.

Tổ chức ”Thông điệp Năm Thứ 100 - Phò ĐGH” có trụ sở tại thành Vatican có mục đích phổ biến nơi giới chủ xí nghiệp và chuyên gia trong xã hội về đạo lý xã hội Công Giáo và về hoạt động của Tòa Thánh, trợ giúp các sáng kiến phát triển sự hiện diện và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo trong nhiều lãnh vực xã hội, và sau cùng là cổ võ các cuộc lạc quyên để giúp đỡ Tòa Thánh. (SD 13-6-2009)
 
Top Stories
越南侵犯宗教自由案例激增
Asia-News
15:31 13/06/2009
禁止司铎从事牧灵活动,因为他的教友们“不需要宗教”;一名司铎获得堂区教友们的忠告,“有生命危险”;一名司铎在机场无故被扣几个小时、并被警告还将受到审问

河内(亚洲新闻)—一名天主教司铎被禁止从事牧灵活动,因为,两千名教友“不需要宗教”;一名司铎获得堂区教友们的忠告,“有生命危险”;一名司铎在机场无故被扣几个小时、电脑被收缴,并被警告还将受到审问。越南不断传来令人担忧的侵犯宗教自由的消息,这一国家法律认可的基本人权似乎受到了严重威胁。

上面提到的第一个案例,受害者是一位在中部山区大叻省从事传教工作的道明会士。当地人大常委会抵制其宗教活动的理由是,“本地没有宗教机构,为此不需要宗教。信徒们……可以在家过宗教生活”。

事实上,截止到一九七五年越共统一南北越南后,上述地区仍有三所堂区。现在,有的被司法机关做为办公室了,有的已经不见踪影。鉴于地方当局的禁令,也无法重新修建。

而阮彼得神父的遭遇,也绝非偶然或者个案。多年来,他被禁止为教友们主持弥撒圣祭。

北部的另一位司铎因坚决抵制政府挑起的污蔑教会领导人的运动、积极参与保护堂区财产的努力,深受两千五百多名堂区教友的爱戴。但近来,教友们不得不提醒他注意人身安全。因为,有人阴谋陷害他。

而赎主会士黎神父是一位著名的捍卫生命、支持环保反对政府开采矿藏资源的活跃人士。六月六日,他在机场无故被扣几个小时、电脑被收缴,并被警告还将受到审问。
 
Vietnam: Lawyer arrested in an “urgent procedure”
J.B. An Dang
23:58 13/06/2009
Almost all Vietnam state media outlets on Saturday June 13, 2009 simultaneously reported police had arrested a lawyer known for his role in defending pro-democracy activists, accusing him of working with 'hostile forces' against the communist state.

The People's Public Security Newspaper, run by Vietnam police force, and most of other state media outlets reported on Saturday that lawyer Le Cong Dinh had been taken into custody in an “expedited procedure” for “colluding with domestic and foreign reactionaries to sabotage the security of Vietnamese State.”

In the Press Conference held by the Ministry of Public Security on Saturday afternoon, two hours after Dinh’s arrest, Major-General Hoang Cong Tu told journalists that Dinh had been arrested at 11.10 AM on Saturday, pursuant to Article 88 of the Criminal Code of the Socialist Republic of Vietnam which prohibits distributing information harmful to the state.

Dinh, born on October 1, 1968, works for Le Cong Dinh Law One-member Limited Liability Company at 37, Ton Duc Thang Street, District 1, Ho Chi Minh city (formerly known as Saigon).

The General accused Dinh mainly of working with “hostile forces” against Vietnam government but failed to give details on the so-called “hostile forces.” On his own account, Tu revealed that his Investigation Security Agency found on a raid at Dinh’s office a 112-page “Draft of New Vietnam Constitution” preparing for a coup d’état in 2010 when Dinh and his collaborators in “domestic and foreign reactionaries” will overthrow the communist government. To make his story of “a plot for a coup d’état in 2010” more believable, Tu stated that in March this year, Dinh travelled to Thailand to meet with some democratic activists living abroad.

Dinh during the Police's raid at his office on Saturday
Another press conference was also held simultaneously in Hanoi by another Police General. With the same rhetoric, Lieutenant- General Vu Hai Trieu stated that Vietnam police now has enough evidence to show that the lawyer has been actively working with “hostile forces” to overthrow Vietnam government. Trieu vowed to punish Dinh severely for what he called "the crimes against Vietnamese people".

Evidentially, Dinh has come under government scrutiny for defending pro-democracy activists. In 2007, Dinh defended human rights lawyers Nguyen Van Dai and Le Thi Cong Nhan when they appealed their prison sentences for spreading anti-government propaganda.

His recent articles on political pluralism in Vietnam were something that made him a marked man by Vietnam government. “Pluralism has worked well in economy over the last 20 years, now it's time to try political pluralism too,” he told BBC in an interview on February this year.

Likewise, in another article titled "Give back the 'Dien Hong spirit' to the people" in which he encouraged people to overcome their fear of the authority and voice their disapproval on many of current government's policies. His writings were warmly welcomed by readers but it also brought him to the attention of the government.

The way in which Vietnam state media outlets have simultaneously reported Dinh’s detention has been applied in Vietnam several times. It’s a tactic to terrify dissidents who dare to challenge the leadership of the Communist Party. Ironically, the same media outlet once praised him for being "an excellent young performer" now calls him "the reactionary".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ cầu nguyện Đức Cố Giám Mục Nguyễn Khắc Ngữ tại Sydney
Diệp Hải Dung
01:57 13/06/2009
SYDNEY - Tối thứ Sáu 12/06/2009 Gia Ðình Têrêsa Liên Bang Úc Châu và Giáo Dân Giáo phận Long Xuyên trong CÐCGVN tổ chức Thánh lễ tại nhà thờ St. Luke Revesby Sydney đặc biệt cầu nguyện cho Đức Cố Giám Mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Giáo phận Long Xuyên vừa mới qua đời 10/06/2009 hưởng thọ 100 tuổi.

Trước khi dâng Thánh lễ, ông Đỗ Ngọc Việt đọc sơ lược tiểu sử của Cố Đức Giám Mục Micae. Kế tiếp Cha Paul Văn Chi chia buồn với thân quyến của Đức Giám Mục, Gia đình Cựu Chủng Sinh Têrêsa Giáo Phận Long Xuyên và mọi người về Đức Cố Giám Mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ. Ngài đã thọ được đúng một Thế Kỷ (100 tuổi) và nay đã được Chúa gọi về. Chúng ta hôm nay hãy sốt sắng cầu nguyện cho Ngài và quý Cha cùng thắp nén hương kính nhớ cầu nguyện trước bàn thờ linh vị của Đức Cố Giám Mục Micae.

Sau đó quý Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Mai Đào Hiền, Cha Nguyễn Ngoc Thụ cùng hiệp dâng Thánh lễ. Thầy Phó tế Đặng Đình Nên phụ giúp Lễ. Trong bài giảng Cha Nguyễn Ngọc Thụ cũng chia sẻ với mọi người về Đức Cố Giám Mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ trong sứ vụ 75 năm Linh Mục, 50 năm Giám Mục rồi một Giám Mục về hưu với thời gian suốt 100 năm bằng 1 Thế Kỷ. Ngài đã chọn khẩu hiệu “ Chúa KiTô Trong Anh Chị Em” khẩu hiệu này Ngài không muốn riêng cho Ngài mà Ngài muốn Chúa KiTô trong Anh Chị Em. Đức tính khiêm nhường và sống đơn sơ khó nghèo của Ngài đã nêu cao tấm gương cho thế hệ mai sau. Đặc biệt Ngài quan tâm đến việc Truyền Giáo, không những người Công Giáo mà còn hài hòa với những người không Công Giáo để đem Chúa Kitô đến cho họ.

Sau cùng Cha Thụ trích lời của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt nhân dịp Lễ Tạ Ơn mừng Thọ 100 tuổi của ĐGM Micae Nguyễn Khắc Ngữ:

“ Yêu thương đến quên mình nên Ngài đã từ bỏ của cải, Ngài làm cho Giáo Phận trở nên giàu có trong khi Ngài sống đơn sơ khó nghèo. Long Xuyên là một Giáo Phận mới thành lập thiếu thốn cơ sở vật chất. Chỉ sau một thời gian Ngài đã xây dựng được ngôi Nhà Thờ Chính Tòa đẹp đẽ, các Chủng Viện khang trang, các trường Trung Học nề nếp. Thế nhưng cho đến khi nghỉ hưu, Ngài vẫn chưa có Tòa Giám Mục, phải ở nhờ nhà thờ Chính Tòa. Phòng của Ngài tương đối chật hẹp và thiếu thốn tiên nghi. Vật dụng duy nhất đáng giá là cái máy đánh chử cũ kỹ. Y phục chỉ vài ba bộ. Nghỉ ngơi trên chiếc giường sắt không chăn đệm. Giấy viết là những giấy thừa, bao thư do Ngài tự chế cũng bằng giấy phế thải. Yêu thương đến quên mình nên Ngài bỏ gia đình và rất quan tâm chăm sóc Giáo Phận. Mừng đại thọ Bách Niên của Đức Cha Cố Micae, chúng ta hãy tạ ơn Chúa thương ban cho chúng ta một người cha hết lòng quên mình vì Chúa”.

Trong phần Thánh lễ các anh em Cựu Chủng Sinh Têrêsa Giáo Phận Long Xuyên cùng với quý Cha đến trước bàn thờ và di ảnh Cố Đức Cha Micae cùng hát bài “ Con Linh Mục” của Nhạc su Tiến Dũng để tưởng nhớ đến Ngài. Sau đó Thánh lễ kết thúc.
 
Đức Tổng Giám Mục Huế đề cao giá trị ngôi thánh đường mới
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
14:46 13/06/2009
HUẾ, Việt Nam - Đức Tổng Giám Mục Huế vừa chủ sự Thánh lễ khánh thành ngôi thánh đường giáo xứ Phú Hậu Huế cùng với đức cha phụ tá và Đức Đan phụ giám tỉnh dòng Biển Đức tại Việt Nam, nhân dịp tạ ơn 50 năm thành lập giáo xứ, và làm phép nhà thờ, bàn thờ nơi có hòm xương thánh tử đạo Việt Nam.

Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể giảng trong thánh lễ tạ ơn hôm 12-6 trước 600 người tham dự, ngài đề cao giá trị tinh thần và nhu cầu cấp bách của người tín hữu trong việc xây dựng nhà thờ, ngài nói: “bao lâu người tín hữu chưa xây được nhà thờ, họ cảm thấy chưa an tâm trong công việc làm ăn”, vì con người có hồn lẫn xác.

Ngài gọi nhà thờ là nhà giáo dục vì đó là trung tâm sinh hoạt của giáo xứ để nuôi dạy những người con được khôn lớn. Điều này được thể hiện qua các lớp học giáo lý nâng cao Lời Chúa, các buổi sinh hoạt của Thiếu Nhi Thánh Thể, nhóm cha mẹ gia đình được sai đi loan báoTin Mừng.

.

Đức cha Thể, còn đề cập nhà thờ là nơi cầu nguyện, đào tạo và bày tỏ tình huynh đệ hiệp thông liên đới với Cha chung là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người.

Những hoạt động của các anh Xích lô đưa rước miễn phí người già, khuyết tật đến dự thánh lễ vào ngày Chúa nhật, hoặc chăm sóc các cụ già neo đơn vào mỗi chiều thứ sáu để họ được sạch sẽ và thơm tho trước khi đến cầu nguyện tại nhà thờ. Đó là thành quả đào tạo, giáo dục và bày tỏ tình hiệp thông của linh mục Quản xứ An tôn Nguyễn Văn Tuyến.

Phú Hậu là giáo xứ nghèo ở thành phố Huế với số giáo dân chừng 700 người, hầu hết là những người di cư từ làng Đại Phong, Quảng Bình năm 1954, và những nông dân ở vùng quê Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế bị mất an ninh đến cư ngụ từ những năm 1945.

Đời sống của giáo dân cần cù lao động đạp xích lô, trồng hoa, bán vé số, mua bán phế liệu để nuôi con ăn học nên người, Chị Agnes Nguyễn Thị Mai, 57 tuổi, bán hột vịt lộn sung sướng nói: “cả đời tôi chưa bao giờ được thấy ngôi thánh đường an khang với 3 tháp chuông như ngày hôm nay”.

Thánh đường đã bị xuống cấp do chiến tranh và bão lụt tàn phá hằng năm. Cha Tuyến, 63 tuổi, đã xin ân nhân trong và ngoài nước giúp giáo dân ngài xây mới nhà thờ. Ông Micae Trương Cao Quyền chủ tịch giáo xứ ca ngợi ngôi thánh đường xinh đẹp xứng đáng là nơi thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa.

Đức Tổng giám mục Huế tạ ơn Chúa và chia vui với cha quản xứ, ngài khuyên giáo dân ’’phải xây dựng ngôi thánh đường bản thân đẹp như ngôi thánh đường mới xây’’. Ngài nói sau khi bị trượt ngã trên nền nhà thờ còn mới.

Do tuổi cao và sức yếu, Vị đứng đầu giáo phận 74 tuổi, đã bị trượt và té ngã trong khi ngài đi quanh bàn thờ để lăn dầu thánh làm phép bàn thờ mới. Rất may Thiên Chúa Quang Phòng đã thúc đẩy một linh mục đứng chớp hình gần đó chạy nhanh đến và đỡ đầu cho ngài khỏi bị chấn thương đầu. ’’.Tất cả đều là hồng ân Chúa’’. Đức Tổng giám mục Huế mĩm cười nói.
 
Giáo phận Bà Rịa có thêm 6 tân linh mục
LM Giuse Nguyễn Hữu An
17:57 13/06/2009
BÃI DÂU, VŨNG TẦU - Ngày 11.6.2009, tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu- Vũng Tàu, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm đã phong chức linh mục cho 6 Thầy Phó Tế. Các Tân chức tốt nghiệp khoá VII Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn. Cùng đồng tế có 150 linh mục; đông đảo tu sĩ nam nữ và thân nhân ân nhân các tân chức chung lời cầu nguyện.

Bước lên Đền Thánh Bãi Dâu
- Lm Giuse Vũ Minh Đạo
- Lm Giuse Nguyễn Công Luận
- Lm Giuse Vũ Đức Thịnh
- Lm antôn Nguyễn Văn Thuần
- Lm JB Nguyễn Bá Tín
- Lm Giuse Trần Đình Túc.

Trong Thánh lễ phong chức, Đức Cha Nguyễn văn Trâm đã huấn đức như sau: Các con thân mến, các con sắp lên chức linh mục, các con sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô là Thầy chúng ta. Các con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, các con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm luật Chúa, các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy. Vậy giáo lý các con phải nên lương thực nuôi dân Thiên Chúa.

Như vậy, một trong những bổn phận quan trọng nhất của linh mục là rao giảng Lời Chúa. Linh mục thi hành nhiệm vụ đó không phải với tư cách cá nhân, nhưng với tư cách thừa tác viên của Hội Thánh.

Hội Thánh nhắn nhủ các linh mục: “Dân Thiên Chúa được quy tụ trước hết là nhờ lời Thiên Chúa hằng sống; Lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi môi miệng các linh mục… Vì thế, các linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận nơi Chúa” (LM số 1).

Vì thế, linh mục luôn đặt mình vào sứ vụ chung của Hội Thánh. Đó là sứ vụ truyền thông Lời Chúa cho con người.

Các tân linh mục giáo phận Bà Rịa
I. LỜI CON NGƯỜI

1. Lời nội tâm

Ngôn ngữ chỉ là một trong nhiều phương cách, chứ không phải là phương cách duy nhất, để con người có thể diễn đạt thế giới nội tâm của mình. Người câm điếc vẫn có thể diễn đạt nội tâm mình cho người khác, dẫu họ không nói được.
Vì thế, trước khi nói đến ngôn ngữ, phải quan tâm đến thế giới bên trong, được gọi là nội tâm. Lời ấy bao hàm cả tâm tư, tình cảm, ước muốn, nghĩ suy của con người. Lời ấy rất phong phú đến nỗi nhiều khi mọi phương cách, mọi ngôn ngữ đều bất khả diễn đạt. Chỉ còn biết thinh lặng. Thinh lặng để lắng nghe và thinh lặng cũng là hùng biện!

2. Lời được nói ra

Dẫu con người có nhiều phương cách diễn đạt thế giới nội tâm, nhưng lời được nói ra vẫn là phương cách quen thuộc nhất và tốt nhất.
Lời ấy giúp con người bày tỏ được cái tôi của mình: cái tôi suy nghĩ, phán đoán, ước muốn. Đồng thời nhờ lời, con người thiết lập tương giao với tha nhân, và chính những tương giao ấy làm cho con người nên phong phú, vì con người là một hữu thể mang tính xã hội.
Chính vì thiếu khả năng nói, người câm điếc bị giới hạn rất nhiều trong khả năng diễn đạt, ảnh hưởng đến khả năng lý luận, suy nghĩ và cả đời sống tâm lý.

3. Lời và hiệu năng

Vì lời nói thiết lập những tương giao nên cũng có thể chi phối tương giao đó theo chiều hướng tốt hay xấu tuỳ lòng người. Thánh Giacôbê ví cái lưỡi như hàm thiếc tra vào miệng ngựa, như bánh lái điều khiển con tàu, và hơn nữa như ngọn lửa của thế giới sự ác (x.Gc 3,2-6). Dân Hy Lạp có một vị thần bảo mệnh cho khoa hùng biện, với hình tượng Mercure, miệng ngậm dây xiềng bằng vàng tượng trưng sức mạnh của lời nói. Và trong lịch sử, người ta vẫn nhắc đến ba tấc lưỡi của Tô Tần, cũng như cung kính nói đến thánh Gioan Kim Khẩu. Tất cả đều nhấn mạnh vào vai trò và hiệu năng của lời nói.
Chính vì thế đã từ lâu, người ta có khoa hùng biện và có nhiều sách vở hướng dẫn nghệ thuật nói trước công chúng.

II. LỜI THIÊN CHÚA

Đức Cha Toma Trâm huấn dụ
Suy nghĩ về lời con người là cách cụ thể để tiếp cận lời Thiên Chúa.

1. Lời nội tâm

“Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa của các triết gia, nhưng là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp” (Pascal). Nghĩa là một Thiên Chúa sống động, một Thiên Chúa ngỏ lời.
Nhưng trước khi lời ấy được nói ra với và cho con người, thì Lời ấy đã là lời nội tâm, Lời Hằng Hữu:“Lúc khởi đầu đã có Lời. Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Lời ấy là tất cả thế giới nội tâm của Thiên Chúa, là chính mình Ngài và là thánh ý của Ngài (x. MK số 2).

2. Lời được nói ra

Lời nội tâm ấy, Thiên Chúa đã bày tỏ cho con người để thiết lập tương giao với con người, mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài. Bày tỏ bằng hành động như sáng tạo và những can thiệp của Ngài suốt chiều dài lịch sử cứu độ:“Nhờ Lời, vạn vật được tạo thành và không có Lời, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3).
Chính vì thế, tất cả vũ trụ vạn vật trở thành vết tích của Thiên Chúa (Vestigia Dei), thành điệu múa của vũ công, như Ấn Giáo mô tả. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã bày tỏ lời nội tâm ấy cách trọn vẹn qua Lời nói, Lời được trao bao cho các tổ phụ, các ngôn sứ và đỉnh cao là nơi Chúa Giêsu, Lời hoá thành nhục thể: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1).

Thánh Gioan Thánh Giá giải thích: “Khi Thiên Chúa đã ban tặng cho ta Con của Ngài là chính Lời của Ngài, Thiên Chúa không còn Lời nào để ban cho ta nữa. Thiên Chúa đã nói tất cả và dứt khoát nơi Lời duy nhất đó”.

3. Lời hiệu nghiệm

Nếu lời của con người còn tạo ra những hiệu quả lớn lao thì huống gì Lời Thiên Chúa: “Như mưa và tuyết rơi xuống mà không trở lại, nhưng đượm nhuần đất đai, nảy sinh hạt mầm… Cũng vậy, Lời phát sinh từ miệng Ta, chẳng trở về luống công mà chắc sẽ hoàn thành điều Ta mong muốn” (Is 55,10-11).

Có thể nhìn vào hiệu năng ấy ở nhiều mức độ:

• - Trước hết Lời Chúa có thể đọc và giải thích ngoài phụng vụ, trong phạm vi cá nhân hoặc khi làm việc đạo đức. Khi đó Lời Chúa là cơ hội ban ơn hiện sủng và hiệu năng ở đây là hiệu năng “do nhân” (ex opere operantis), nghĩa là tuỳ thuộc thái độ tâm hồn của người đọc và người nghe.

• - Thứ đến là Lời phụng vụ, tức là Lời được công bố khi cử hành phụng vụ. Đó là Lời do Chúa Giêsu hoặc Giáo Hội ấn định, được công bố nhân danh Chúa và Giáo Hội bởi thừa tác viên chính thức. Khi đó sự tự do diễn tả bị giới hạn nhiều hơn nhưng lại mang hiệu năng lớn hơn.

• - Sau cùng là Lời Bí Tích (Parole sacramentelle) mang hiệu năng “do sự” (ex opere operato). Thánh Augustinô nói về Bí Tích Thánh Tẩy: “Rút Lời đi, nước chỉ còn là nước. Đưa Lời vào yếu tố (vật chất) thình thành Bí tích. Chính Bí tích trở thành như Lời Hữu HÌnh (visibile Verbum)”.

Và Thánh Toma Aquinô diễn tả về Bí Tích Thánh Thể: “ Ngôi Lời hoá thành nhục thể, đã nói một Lời làm cho Bánh trở nên thịt mình (carnem)”.
Chính vì thế, R.Guardini gọi Thánh Thể là Lời Tác Động (Parole opérante). Lời và Bí Tích đan quyện vào nhau: Lời là Bí tích nghe được (sacramentum audibile); và Bí tích là Lời thấy được (Verbum visibile).

III. CON NGƯỜI CÔNG BỐ LỜI THIÊN CHÚA (Tác vụ Lời Chúa)

1. Lời Thiên Chúa được công bố qua con người

Lời Thiên Chúa là Lời Quyền Năng, nhưng Thiên Chúa lại trao cho con người sứ mạng công bố Lời Ngài: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1,1). Cũng một sứ mạng ấy được được tiếp nối trong Giáo Hội hôm nay: “Ngày sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,2). Hơn nữa sứ mạng đó còn là nhiệm vụ cốt yếu của các tông đồ: “Chúng tôi không thể sao nhãng Lời Thiên Chúa để lo giúp việc bàn ăn” (Cv 6,2) và Thánh Phaolô kêu lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.

Thế là con người tội lỗi được giao trách nhiệm công bố Lời thánh hoá, con người yếu đuối công bố Lời quyền năng, con ngươi giới hạn công bố Lời vĩnh cửu.

Đã hẳn khi công bố, kẻ được sai phải công bố Lời Thiên Chúa: “Ta sai ngươi đến với ai, ngươi sẽ đi. Ta truyền cho ngươi điều gì, ngươi sẽ nói” (Gr 1,7).

Tuy nhiên khi họ công bố Lời Thiên Chúa, dấu ấn con người họ vẫn có mặt, vì “Thiên Chúa dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ” để họ công bố như “những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn” (x. MK 11). Người ta có thể gặp được vẻ nóng nảy mà nồng nàn tha thiết của Giêrêmia, chiều sâu chiêm ngắm trong thinh lặng của Gioan, nhiệt tình bốc cháy của Phaolô… Nhưng tất cả đều công bố Lời Thiên Chúa.

2. Trong tác động của Thánh Thần

Trong tông huấn Evangelii Nuntiandi số 75, Đức Phaolô VI đã viết: “Những kỹ thuật nhằm phục vụ công cuộc Phúc Âm hoá là điều rất tốt, nhưng cho dẫu những kỹ thuật hoàn hảo nhất cũng không thể thay thế hoạt động thầm kín của Thánh Thần”.

Sứ vụ công bố Lời Chúa phải được thực hiện trong tác động của Thánh Thần. Đó là điều hiển nhiên. Trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, chính Thánh Thần là Đấng đã nói qua miệng các tiên tri. Và đến thời điểm đỉnh cao của lịch sử, cũng bởi quyền năng của Thánh Thần mà Lời vĩnh cửu đã mặc lấy xác phàm trong lòng Trinh nữ Maria (Lc 1,35).

Ngày nay, khi cử hành lễ tế Tạ Ơn, Hội Thánh cũng khẩn nài Thánh Thần ngự xuống thánh hoá của lễ và biến thành Mình Máu Chúa Giêsu. Cũng thế, người giảng chỉ có thể thực sự giảng Lời Chúa nhờ quyền năng và tác động của Thánh Thần. Chính Ngài tác động lên người nói cũng như người nghe, để Lời được công bố không còn là lời của người phàm nhưng là Lời Thiên Chúa. Dù ta có cố gắng đến đâu cũng không thể cải hoá lòng người vì: “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không do Thánh Thần” (1Cr 12,3) và “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thờ nề vất vả chỉ là uổng công” (Tv 127,1). Cũng vì thế, khi nói đến trường hợp bà Lydia quê ở Thyatira đã chăm chú nghe Thánh Phaolô giảng dạy, Luca lại diễn tả: “Bà nghe và Chúa mở lòng cho bà để bà chú y đến những lời ông Phaolô nói” (Cv 16,14).

Đây không chỉ là lý thuyết nhưng đã là kinh nghiệm sống của nhiều người. Cả mục sư P.Tillich và cha F.Varillon đều cùng chia sẻ một kinh nghiệm: Có những khi chuẩn bị rất kỹ và chắc chắn sẽ gặt hái thành công thì lại thất bại; có những khi gặp khó khăn và trở ngại trong việc chuẩn bị bài giảng, chỉ biết nương tựa vào tác động Thánh Thần thì lại thu hoạch kết quả không ngờ.

Thế nên người giảng phải luôn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, mới có thể chu toàn sứ vụ công bố Lời Chúa.

3. Và những đòi hỏi

Sứ mạng thật cao cả những cũng kèm theo nhiều đòi hỏi.

Trước hết phải trau dồi Lời Thiên Chúa, vì được sai đi là để công bố Lời Chúa chứ không phải lời của thế gian, cho dẫu lời ấy có khôn ngoan đến đâu chăng nữa: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái cho là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1, 22-24).

Đồng thời cũng phải trau dồi lời con người, nghĩa là khả năng nói, loan báo và rao giảng. Vì Thiên Chúa đã thương dùng môi miệng ô uế (Is 6,5) của ta mà loan báo Lời Ngài, thì phải trau dồi để có thể “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình” (1P 3,15), biết dùng lời nói ngọt ngào mà nghiền nát xương tuỷ (Cn 25,15) và chinh phục các tâm hồn. Chính vì thế, người rao giảng Tin Mừng cũng phải quan tâm trau dồi những kỹ năng diễn đạt tư tưởng, và không lạ gì khi nhiều nhà giảng thuyết cũng là những khuôn mặt sáng ngời trong lịch sử nghệ thuật hùng biện.

Như thế, công bố Lời Chúa vừa là một hồng ân vừa bao hàm một trách nhiệm. Là hồng ân vì con người tầm thường được Thiên Chúa mời gọi làm ngôn sứ. Là trách nhiệm vì phải nỗ lực để chu toàn sứ vụ.

4. Những hình thức rao giảng Lời Chúa trong Giáo Hội

Tác vụ Lời Chúa bao gồm 3 hình thức tiến triển theo 3 giai đoạn, có thể mô tả cách tổng quát như sau:

a. CÔNG BỐ TIN MỪNG (Kerygma)
• - Nội dung: Công bố Tin Mừng lần đầu về Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, cũng như những sự kiện chính của lịch sử cứu độ.
• - Đối tượng: Anh em lương dân chưa lãnh Bí tích Rửa Tội hoặc những người đã được Rửa Tội nhưng không giữ đạo, không hiểu rõ về đạo.
• - Mục tiêu: Đón nhận Đức Kitô, hoán cải đời sống và tin vào Tin Mừng.
• - Thừa tác viên: Mọi tín hữu trong Hội Thánh.

b. HUẤN GIÁO (Catéchèse)
• - Nội dung: Trình bày giáo lý có hệ thống.
• - Đối tượng: Mọi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, cần học hỏi sâu rộng hơn về mầu nhiệm Đức Kitô.
• - Mục tiêu: Nhằm huấn luyện một đức tin trưởng thành.
• - Thừa tác viên: Giáo dân cũng như linh mục.

c. GIẢNG LỄ (Homilia)
• - Nội dung: Khai triển các bản văn thánh, trong khung cảnh phụng vụ và hướng dẫn đời sống cụ thể.
• - Đối tượng: Cộng đoàn tín hữu tập họp trong các cử hành phụng vụ.
• - Mục tiêu: Để sống đức tin và đức ái trưởng thành.
• - Thừa tác viên: Linh mục, Phó tế. Giáo dân chỉ có thể tham gia theo tư cách đáp ứng, chứng từ qua kinh nghiệm bản thân.

Trong thực tế, bài giảng lễ phải tuỳ nghi bao hàm cả hình thức công bố Tin Mừng (Kerygma) và Huấn giáo (Catéchèse) thì mới đầy đủ, nhất là trong khung cảnh hiện nay khi giáo dân chỉ đến Nhà thờ vào Chúa nhật, và họ cần được bồi dưỡng trong đời sống tôn giáo.

Trách nhiệm lớn nhất của linh mục, như Hội Thánh đã dạy: “Vì Dân Thiên Chúa được quy tụ trước hết nhờ Lời của Thiên Chúa hằng sống, Lời mà người ta hoàn toàn được phép đòi hỏi nơi miệng các Linh Mục, nên các thừa tác viên thánh phải coi trọng nhiệm vụ giảng thuyết, và việc rao giảng Tin Mừng của Chúa cho mọi người phải là một trong những bổn phận chủ yếu của các ngài” (Giáo Luật 1983, điều 762).

IV. ĐỂ THI HÀNH SỨ MẠNG TRUYỀN THÔNG LỜI CHÚA

Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay truyền thông đã trở thành một ngành học được quan tâm và nghiên cứu sâu rộng. Là người có trách nhiệm thông truyền Lời Chúa, linh mục không thể quan tâm đến những nghiên cứu này, với mục đích duy nhất là để việc thông truyền Lời Chúa đạt được hiệu quả cao nhất.

Một số nét căn bản về đặc tính và yếu tố trong hoạt động truyền thông, cách riêng trong lĩnh vực truyền thông bằng lời, quen gọi là diễn thuyết.

1. Những đặc tính của truyền thông

a. Truyền thông là một tiến trình hai chiều

Đã gọi là truyền thông, giả thiết phải có người nói và người nghe. Người nghe có thể là một người, một nhóm hoặc cả một đám đông. Cả hai bên, người nói và người nghe, đều trao gửi và đón nhận một sứ điệp nào đó. Đừng tưởng người nói chỉ trao mà không nhận, và ngược lại, người nghe chỉ nhận mà không trao. Chẳng hạn, nghe một diễn giả thuyết trình, cử toạ có thể chăm chú lắng nghe, hay ngược lại, ngáp dài, ngủ gật, nói chuyện, bỏ ra về… Tất cả đều là những “sứ điệp” họ gửi đến diễn giả; và diễn giả cần nhạy bén với những “sứ điệp” đó để thích ứng kịp thời.

b. Truyền thông là một tiến trình có mục đích

Trong hoạt động truyền thông, chủ thể luôn nhắm tới một mục đích, ví dụ: thuyết phục đối tượng về một giá trị, một công việc, một món hàng nào đó. Mục đích ấy còn ở xa trong hiện thực nhưng lại có mặt ngay từ đầu trong tâm trí, và âm thầm chi phối, hướng dẫn tất cả tiến trình suy nghĩ, trình bày, nhằm đạt đến mục tiêu mình theo đuổi. Diễn giả nói, không chỉ để nói, nhưng nhằm thuyết phục cử toạ thực hiện một đề nghị nào đó.

c. Truyền thông là một tiến trình mang tính biểu tượng

Biểu tượng là một cái gì không ngưng lại nơi chính nó, nhưng muốn khơi dậy, gọi về một nội dung khác. Trong hoạt động truyền thông, người ta sử dụng những biểu tượng nhằm chuyển tải tư tưởng, tâm tình của mình cho người khác.

Trong lãnh vực diễn thuyết, diễn giả sử dụng ngôn ngữ để truyền thông tư tưởng của mình cho người nghe. Ngôn ngữ chính là một hệ thống ký hiệu và biểu tượng, nhằm khơi dậy người nghe những suy tư và cảm xúc giống như của diễn giả.

Nói đến ngôn ngữ, lập tức ta nghĩ ngay đến ngôn ngữ bằng lời, nhưng thực ra, còn có cả ngôn ngữ không lời: cử chỉ, nét mặt, dáng vẻ, giọng nói… và thứ ngôn ngữ này đóng vai trò không kém quan trọng. Diễn giả thành công là người có khả năng sử dụng nhuần nhuyễn và hài hoà cả hai ngôn ngữ này.

d. Truyền thông là một hoạt động gắn với môi trường sống

Để đạt đến mục đích mong muốn, người làm công tác truyền thông phải quan tâm và thích ứng với môi trường mình đang có mặt. Diễn thuyết không chỉ là buông ra những lời nói, nhưng còn là làm thế nào để lời nói mang lại hiệu quả. Như vậy, diễn giả không chỉ quan tâm đến việc nói cái gì và thế nào, mà còn phải quan tâm đến việc nói ở đâu và khi nào. Mối quan tâm này thúc đẩy diễn giả chuẩn bị và thích ứng cung cách quy cách trình bày của mình với môi trường cụ thể.

e. Truyền thông là hoạt động tập trung vào cử toạ

Yếu tố then chốt trong truyền thông không phải là người nói, nhưng là người nghe, người đón nhận. Vì thế, nếu trong lãnh vực tiếp thị, người ta bảo “khách hàng là thượng đế”, thì trong lãnh vực diễn thuyết, “người nghe là vua”. Diễn giả phải đặt cho mình những câu hỏi về người nghe: Họ là ai? Trình độ hiểu biết của họ đến đâu? Tâm tư nguyện vọng thế nào? Họ sẽ hiểu và đáp ứng thế nào khi nghe tôi diễn thuyết? Nói cách khác, phải đặt mình vào hoàn cảnh của người nghe và tìm cách thích ứng để đạt hiệu quả mong muốn.

f. Truyền thông là một tiến trình phức hợp

Những phân tích trên cho thấy truyền thông là cả một tiến trình phức hợp vì bao hàm nhiều yếu tố: Người nói, người nghe, sứ điệp, môi trường. Mỗi yếu tố lại mang nhiều khía cạnh đan xen lẫn nhau: thể lý, tâm lý, hiểu biết, tinh thần… Vì thế, để một hoạt động truyền thông hữu hiệu, không phải là điều dễ dàng. Ý thức này không làm nhụt chí, nhưng thúc đẩy linh mục chuẩn bị kỹ lưỡng, để việc truyền thông mang lại hiệu quả như lòng mong ước.

2. Những yếu tố trong truyền thông

a. Nguồn truyền thông

Trong lãnh vực diễn thuyết, nguồn truyền thông là diễn giả. Thông qua ngôn từ và biểu tượng, diễn giả thông truyền tư tưởng, cảm xúc của mình cho cử toạ. Diễn giả phải ý tức trách nhiệm của mình để có thái độ thích hợp. Có thể tóm tắt thái độ này là tôn trọng thính giả.

Vì tôn trọng người nghe, người nói phải chuẩn bị kỹ lưỡng bài thuyết trình của mình: nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, phân tích vấn đề… để người nghe khỏi mất thì giờ vô ích.

Vì tôn trọng người nghe, người nói phải trình bày vấn đề với lương tâm ngay thẳng: tôn trọng sự thật, không xuyên tạc thông tin, không bóp méo chân lý… nhưng biết dùng hoạt động truyền thông để phục vụ chân, thiện, mỹ.

Thái độ tôn trọng người nghe còn được thể hiện qua cung cách trình bày: không nói trên đầu người khác, không mạ sát cử toạ… nhưng kính trọng họ qua cách ăn nói, kể cả cách ăn mặc và những cử chỉ bên ngoài.

b. Phương tiện truyền thông

Mỗi ngành truyền thông lại có phương tiện khác nhau, như điện ảnh dùng ngôn ngữ ánh sáng, kịch nghệ dùng ngôn ngữ điệu bộ, cử chỉ… Trong lãnh vực diễn thuyết, phương tiện chủ yếu là ngôn ngữ (bằng lời và không lời). Người nói dùng ngôn ngữ để chuyển tải tâm tư tình cảm của mình cho người nghe. Vấn đề là làm sao cho người nghe nắm bắt được đúng những suy tư, cảm xúc của diễn giả; vì không nhất thiết cử toạ hiểu đúng những điều diễn giả muốn trình bày. Chính vì thế, diễn giả cần sử dụng ngôn ngữ sao cho sáng sủa, rõ ràng, dễ hiểu. Cần tránh những lập luận cao siêu vô ích, chỉ nhằm phô trương kiến thức, chứ không nhằm mục đích truyền thông. Cũng cần tránh những cử chỉ huênh hoang, kiêu căng, ngạo mạn… khiến người nghe hiểu sai điều ta muốn thông truyền.

c. Sứ điệp

Đã đành ngôn ngữ đóng vai trò cần thiết, đến nỗi có thể quyết định sự thành công hay thất bại của diễn giả. Tuy nhiên ngôn ngữ không thể chỉ là vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài, để che đậy sự nghèo nàn, rỗng tuếch bên trong. Vì thế, chính sứ điệp truyền thông mới quan trọng. Diễn giả phải chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung sứ điệp bằng việc suy nghĩ cho thấu đáo, lý luận vững chắc, tìm tòi tư liệu… Như thế mới mong mang lại hiệu quả lâu dài.

d. Đối tượng truyền thông

Đối tượng ở đây được hiểu là người nghe. Nhìn một sự vật hay biến cố, luôn luôn là nhìn ở góc độc nào đó. Cũng vậy, nghe một sứ điệp, luôn luôn là nghe với một trạng thái có sẵn. Trạng thái này được hình thành bởi nhiều yếu tố: tri thức, tình cảm, môi trường, kinh nghiệm… Chính vì vậy, cũng cùng một sứ điệp nhưng lại tạo nên âm vang khác nhau nơi mỗi tâm hồn. Hiểu như thế, diễn giả cần quan sát, phân tích về cử toạ, đồng thời phải nhạy bén trước những phản ứng của thính giả, để thích ứng kịp thời, với mục đích làm cho việc truyền thông đạt hiệu quả cao nhất. (x. Bàn về mục vụ giảng thuyết, Lm Nguyễn Khảm).

V. ĐỂ TRỞ NÊN NGƯỜI TRUYỀN THÔNG LỜI CHÚA

Lãnh vực truyền thông có ảnh hưởng rất lớn trong thời đại hôm nay như lời nhận xét của F.Paul A. Soukup, S.J: Trong vòng 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông trên hầu hết các khu vực của toàn thế giới. Nhờ phát minh được con chíp cực nhỏ mà các thiết bị viễn thông trở nên rẻ, nhỏ và dễ sử dụng hơn. Được sự hỗ trợ của các hệ thống truyền thông đang phát triển trên khắp thế giới, các phương tiện truyền thông này đã liên kết được với nhau, nối kết mọi người và mọi địa điểm thông qua các mạng thông tin toàn cầu (Internet), các mạng truyền thanh và các mạng truyền hình. Song song với sự phát triển cơ sở hạ tầng ấy, người ta cũng thấy việc thương mại hoá các mạng và các thiết bị tăng lên, kéo theo các cơ chế lập trình, quảng cáo và cả một nền văn hoá truyền thông đại chúng. Dựa trên những gì các nhà nghiên cứu đã khám phá về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông tương đối “cũ” như truyền hình, chúng ta có thể biết được tại sao một thế giới truyền thông đang phát triển đã tác động lên xã hội loài người nói chung và thần học nói riêng bằng cách điểm qua chín lĩnh vực này…

Với sự phân cách ngày càng tăng giữa văn hoá và tôn giáo, tôn giáo chỉ còn là một hoạt động trong nhiều hoạt động. Các linh mục hôm nay đang phải làm việc trong tình thế ấy. Họ phục vụ dân chúng sống trong nhiều nền văn hoá - trong khi họ cũng như toàn thể dân chúng đều bị tác động bởi cả khối lượng lớn lao của nền văn hoá truyền thông đại chúng. Và cứ như thế các linh mục phải trở thành người chuyên môn trong lĩnh vực đa văn hoá này…

Trên hết, linh mục là người bước theo Đức Kitô - nhà truyền thông tuyệt vời - “sẽ đồng hoá mình với những người tiếp nhận sự truyền thông và sẽ trao gửi thông điệp không chỉ bằng lời nói mà còn bằng toàn bộ cách sống của mình” (Hiệp thông và tiến bộ, số 11).

Với vai trò giảng dạy và rao giảng Tin Mừng, linh mục sẽ tận dụng mọi phương thế mình có được, từ truyền thông luôn luôn giữa người với người đến truyền thông qua các phương tiện và công nghệ kỹ thuật số. Muốn làm thế, người linh mục phải học cách diễn đạt riêng của mỗi phương thế: nghệ thuật tu từ, hình ảnh, lời nói. Vì khán thính giả ngày nay ngày càng tinh vi, nên việc truyền thông tôn giáo cũng phải tinh vi như thế, dù đó là sự tinh vi xuất phát từ sự đơn sơ. Sau cùng, linh mục còn đóng vai trò trung gian Lời Chúa và vì thế, là người “thông dịch” mạc khải. Những hình thức công bố xem ra phù hợp nhất với các vai trò này. (x. VietCatholic News 25/08/2005, "Thần Học Truyền Thông"; VietCatholic News 26/08/2005, "Giáo Hội và Internet"; VietCatholic News 27/08/2005, "Đạo Đức trong Truyền Thông" ( http://vietcatholic.net/news/ReadAll.aspx?Days=1>).

Trách nhiệm truyền thông Lời Chúa thúc đẩy linh mục phải quan tâm đặc biệt đến việc chuẩn bị bài giảng chu đáo “để cho chính mình cũng như cho các tín hữu bảo đảm có được sự chuyển đạt Tin Mừng trong tính toàn vẹn của nó, linh mục được mời gọi trau dồi nơi mình một sự nhạy cảm, một trạng thái ứng trực và một sự gắn bó đặc biệt đối với truyền thống sống động của Hội Thánh và đối với huấn quyền. Tất cả mọi điều ấy, không xa lạ đối với Lời Chúa, nhưng góp phần làm cho việc cắt nghĩa Lời Chúa được chuẩn xác hơn và bảo vệ ý nghĩa chính hiệu cho Lời Chúa” (PDV, 26). Nhờ vậy để Dân Chúa có được của ăn tinh thần phong phú và Hội Thánh được phát triển vì “ nếu đời sống Hội Thánh được tăng triển nhờ năng nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể, thì cũng thế, có thể hy vọng đời sống thiêng liêng đựoc đổi mới nhờ thêm lòng yêu mến Lời chúa, Lời hằng sống tồn tại đến muôn đời’”(MK, 26).
 
Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam Huế mừng lễ thánh Antôn Pađova linh mục
Trương Trí
18:17 13/06/2009
HUẾ - Tối thứ bảy ngày 13.6.2009,giáo xứ chính tòa Phủ Cam Huế mừng kính trọng thể lễ Thánh ANTÔN PAĐÔVA linh mục Tiến sĩ Hội Thánh, bổn mạng cha Quản xứ Antôn Dương Quỳnh, Hạt trưởng hạt Thành phố Huế,Chưởng Ấn Tòa Tổng Giám Mục.

Mặc dù thời tiết mùa hè ở Huế rất nóng nực,đong đảo mọi thành phần dân Chúa,các Ban Ngành Đoàn thể cũng đều chỉnh tề trong trang phục của mình sốt sắng tham dự thánh lễ, trong tâm tình Tạ ơn Chúa nhân ngày lễ Thánh Quan thầy của Ngài và tri ân đã hết lòng năng nổ và đầy nhiệt huyết dìu dắt giáo xứ ngày càng vững mạnh để luôn xứng đáng là giáo xứ Chính Tòa,là con cả của Giáo phận.

Trong bài giảng lễ,cha quản xứ đã nêu đôi nét về Thánh Antôn Pađôva:Ở các nước phương Tây, nhất là ở Pháp và Ý hầu như nhà thờ nào cũng trưng Ảnh Tượng Thánh Nhân,mọi người tôn sùng rất mạnh mẻ.Ngài nhập dòng Phanxicô và sống rất khiêm tốn bé mọn,Ngài làm việc tại một nhà tế bần,hàng ngày chuyên quét dọn nhà cửa.Trong một dịp lễ phong chức Linh mục ở Ý,cha giảng lễ đột xuất bị ốm,cha Giám tỉnh chỉ định Ngài lên bục giảng.Thật bất ngờ vì không chuẩn bị gì cả,nhưng bài giảng của Ngài hôm đó thu hút và gây xúc động mọi người,vì Ngài uyên thâm về Kinh Thánh lẫn Thần học.Nhận ra ơn Chúa nơi Ngài,Bề trên dòng cử Ngài đi rao giảng khắp nhiều vùng ở nước Ý và Pháp,lôi kéo được nhiều người về với Chúa.

Cuối buổi lễ,ông Nguyễn Đình Lục chủ tịch HĐGX chính tòa Phủ cam thay mặt toàn thể cộng đoàn giáo xứ tỏ lòng tri ân cha Quản xứ đã khéo léo dìu dắt từ tinh thần đạo đức đến việc kiến tạo tu sửa nhà thờ ngày một khang trang thêm.Cha đã cũng cố các cấp,các ban ngành đoàn thể và cộng đoàn giáo xứ đẻ nếp sinh hoạt ngày càng hữu hiệu,đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.Ông chủ tịch HĐGX thay mặt toàn thể mọi thành phần dân Chúa hứa sẽ một lòng đoàn kết, chung sức cùng cha quản xứ đẻ xây dựng giáo xứ chính tòa ngày càng rạng rở và vững bước đi lên.

Cha quản xứ xúc động cảm ơn toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã yêu thương,không quản ngại thời tiết nóng nực đã sốt sắng tham dự thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho Cha nhân ngày lễ Thánh quan thầy ANTÔN PAĐÔVA.Cuối cùng,đại diện cộng đoàn đã thành kính dâng lên Cha lẵng hoa tươi thắm tỏ lòng kinh yêu đối với vị mục tử nhân lành.
 
Giáo xứ Thánh Tâm-Buôn Mê Thuột- đến với Đức Mẹ Công Lý Thái Hà
Quế Sơn
18:27 13/06/2009
HÀ NỘI - Vượt muôn ngàn khó khăn vất vả đường, đoàn hành hương giáo xứ Thánh Tâm-Gp Buôn Mê Thuột đã đến giáo xứ Thái Hà vào lúc gần 12h đêm tối 12/06. Đoàn đi có 37 thành viên chủ yếu là các bà, các cô.

Xem hình ảnh

Sáng nay 13/06 vào lúc 5h30 đoàn đã cùng cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Thái Hà hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa về muôn ơn lành chúa thương ban. Sau Thánh Lễ đoàn đã cùng với bà con giáo xứ Thái Hà nguyện cầu trước Mẹ Công Lý, xin Mẹ ban cho đất nước Việt Nam được đổi mới, tôn giáo được tự do và cho các tài sản của Giáo Hội đang bị nhà cầm quyền chiếm đoạt cách bất công được mau trả về cho Giáo Hội.

Kết thúc những giây phút cầu nguyện bên Mẹ Công Lý Thái Hà, đoàn đã chụp hình chung với Cha Phê-rô Nguyễn Văn Khải, và chia sẻ với Ngài về tinh thần hiệp thông cầu nguyện của đoàn trong những thời gian mà Ngài bị nhà cầm quyền sách nhiễu. Các thành viên trong đoàn nói: Ra Thái Hà lần này cả đoàn đã sẵn sàng nếu có phải chịu Tử Đạo, điều đó cho thấy tinh thần đoàn kết, hiệp nhất noi gương Chúa Giê-su để làm chứng cho sự thật và chân lý trong Giáo Hội hiện nay vô cùng mạnh mẽ.

Đến 8h thì đoàn rời Thái Hà lên Tòa Tổng Giám Mục để thăm Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, vị Mục Tử mà họ vô cùng ngưỡng mộ vì Ngài đã giám lên tiếng để chống bất công trong một xã hội nhiễu nhương và bất công lan tràn. Đức Tổng sau khi nghe những chia sẻ của đoàn, Ngài cũng đã mời gọi mọi người trong đoàn cần ra sức cầu nguyện hơn nữa cho Giáo Hội, bởi Giáo Hội đang đứng trước những bạo quyền mà nhà cầm quyền đang tiến hành. Kết thúc buổi gặp gỡ với Đức Tổng, đoàn đã chụp chung với Đức Tổng tấm hình lưu niệm.

9h30 đoàn chào Đức Tổng để sang thăm Tòa Khâm Sứ, mảnh đất đã bị nhà cầm quyền chiếm dụng biến thành vườn hoa Hàng Trống. Các thành viên trong đoàn vô cùng xúc động vì họ đang đứng trên mảnh đất mà Đức Mẹ Sầu Bi từng ở lại với cộng đoàn Giáo Phận Hà Nội trong những ngày nguy khó, mọi người trong đoàn đã hồi tưởng lại những hình ảnh một bên là giáo dân Cầu Nguyện trong ôn hòa, còn một bên là cảnh sát với sung ống, dùi cui điện và hơi cay mà họ thấy qua Internet. Sau đó đoàn đã chụp hình lưu niệm mà tại nơi trước đây Đức Mẹ Sầu Bi đã từng ở đó.

Tiếp đến đoàn đã vào nhà Thờ Chính Tòa để viếng mộ Đức Hồng Y Phaolo-Giuse và cầu nguyện cho Ngài. Sau đó đoàn đã ra Hồ Hoàn Kiếm và trở về Thái Hà vào lúc 11h.
 
Cảm nghiệm của Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh nhân dịp 50 năm khấn dòng và 73 tuổi đời.
Ngọc Loan
19:36 13/06/2009
Sài Gòn:

Kính thưa Quý Vị thưa các bạn,

Trong những thời gian qua, Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm đã gói trọn tâm tư cống hiến nhiều bài viết trên Vietcatholic. Từ nguồn Vietcatholic, trong tờ báo Dân Chúa Úc Châu số tháng 6 này cũng đã đăng một loạt trọn 3 bài của Cha.

Nhiều người không khỏi thắc mắc Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh là ai, thật ít ai biết tới và Cha cũng không muốn ai biết tới. Nhưng xin cống hiến một giải đáp ngắn gọn và dễ nhớ, nếu mai này theo ý Chúa muốn thì gia sản rất quý báu mà Cha để lại cho Giáo Hội Việt Nam, người giáo dân Việt Nam nào cũng cần tới đó là cuốn Kinh Thánh. Khi cầm đến cuốn Kinh Thánh thì hãy nhớ tới Cha, âu cũng là đủ. Đến nay đã đúng 38 năm, hơn nửa đời nguời, Cha đã cống hiến trọn thời gian dành công việc cho Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ để xuất bản cuốn Kinh Thánh được xuất bản theo nhiều thể loại, sách Các Giờ Kinh Phục Vụ các sách Bài Đọc trong Thánh Lễ.... .

Hôm nay nhân ngày sinh nhật của Cha, rất tiếc là khó đoán được ngày nào vì Cha Nguyễn Ngọc Tỉnh có 3 ngày sinh, thật vậy khi vào Chủng Viện Phanxicô vào năm 1948, thì phải có giấy khai sinh, vì giấy khai sinh đã thất lạc nên lấy giấy rửa tội ghi ngày 11/6 và lấy ngày đó là ngày khai sinh; khi lớn lên hỏi Bà Cố thì Mẹ bảo sinh ngaỳ 20 tháng 4 âm lịch, tức là ngày 9/6, sau đó 2 ngày thì rửa tội kể là đúng; khi di cư vào Nga Trang làm lại giấy tờ, tất cả đều được trẻ lại 2 tuổi tức là sanh năm 1938 nhưng cô thư ký lại đánh sai thành 16/6/1938. Hậu quả bây giờ theo giấy ngày sinh thật là ngày 9/6/1936, giấy tờ trong nhà Dòng ghi ngày 11/6/1936, còn giấy tờ ngoài đời là ngày 16/6/1938.

Nhân dịp này nhiều người đã hỏi Cha về cảm nghiệm và ngày 5/6/2009, từ Học Viện Phanxicô Thủ Đức, Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh đã viết lại cảm nghiệm nhân dịp năm nay 2009 cũng là đúng 50 năm khấn dòng của Cha.

Sau đây là toàn văn bài viết của Cha:


1959 – 2009
50 NĂM NHÌN LẠI



Khác nào một trống canh thôi

Tôi vào Chủng viện Phan-xi-cô Vinh sau lễ Phục Sinh 1948. Lớp chúng tôi có 24 người, hiện chỉ còn có 2: anh An-rê Phương và tôi. Mùa hè 1958, đúng 10 năm sau, vừa xong tú tài I theo chương trình Pháp tại Chủng viện Phan-xi-cô Nha Trang, đang nghỉ hè với gia đình tại trại định cư Vinh Phú, Phan Thiết, thì tôi nhận được giấy cha Phụ Tỉnh Pacifique Nguyễn Bình An bảo làm đơn xin vào Nhà Tập. Tôi còn nhớ lá thư bắt đầu với câu thánh vịnh 15 bằng tiếng La-tinh “Dominus pars haereditatis meae…” “Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng…”. Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm đó 15-08-1958, 8 anh em lớp tôi vào nhà tập tại Tiểu Cần, Trà Vinh. Đến 16-08-1959, còn 6 người khấn tạm, nay còn lại một mình tôi, như thế tôi thuộc loài thú “quý” thì không dám nói, nhưng hiển nhiên là “hiếm”. Đến 16-08 tới là tròn 50 năm kể từ ngày khấn lần đầu. Đối với một anh em học viện, 50 năm là một quãng thời gian dài, nhưng với những anh em đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” như tôi thì cảm thấy vô cùng thấm thía khi đọc những câu thánh vịnh như:

“Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi…”

(Tv 78,10)

hay “Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,
Thấp thoáng trên đường tựa bóng câu”.


(Tv 38,6-7)

hay “Ngàn năm Chúa kể là gì
Tựa hôm qua đã qua đi mất rồi
Khác nào một trống canh thôi…”
(Tv 89,4)

Nhưng hôm nay tôi không có ý định đứng đây để thở ngắn than dài, hối tiếc quãng thời gian đã trôi qua, cho bằng để chia sẻ với anh em một vài cảm nghĩ, và nhất là để mời anh em cùng tôi, cùng với anh niên trưởng linh mục Augustin Phượng và 6 tân linh mục chung lời cảm tạ Thiên Chúa.

Một chút màu Phan-xi-cô

Sau khi khấn tạm, tôi và anh em cùng lớp qua Pháp học Triết và Thần Học. Năm 1966, tròn 30 tuổi, tôi chịu chức linh mục rồi trở về Việt Nam dạy học ở Thủ Đức 6 năm, trong đó có 3 năm vừa dạy học, vừa đi Đại học Văn khoa Sàigòn với các anh An-rê Phương. Mát-thêu Phúc, Bốt-cô Đình và Sa-vi-ô Chức. Năm 1972 tôi ra Nha Trang làm Giám đốc Đệ tử viện Đệ Nhị cấp (tức cấp 3). Mùa hè 1974, được sự chấp thuận của cha Giám Hạt Agnello Đình và Hội đồng Hạt Dòng, tôi trở lại Sàigòn và từ đó đến nay là 35 năm, tôi được dành trọn thời gian cho công việc của Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ (CGKPV), và đặc biệt từ năm 1999 đến nay, sau khi xây xong nhà số 58/1 (trước là số 60A) đường Phạm Ngọc Thạch, tôi được đến ở đó, nghĩa là sống ngoài cộng đoàn.

Suốt cuộc đời đi học của tôi, từ tiểu học đến hết học viện, tôi không hề là một học trò xuất sắc. Học hành chỉ thuộc loại trung bình nên cũng chẳng ai thèm để ý. Nhưng nay nhìn lại, tôi thấy hãnh diện vì đã đi bằng đôi chân của mình. Nếu tôi nhớ đúng thì cả đời đi học, tôi chỉ nhận được lời khen khi đã làm thầy Sáu. Làm xong bài giảng đầu tiên nộp cha Giám sư, cha Gabriel-Marie Porté, ngài xem rồi gật gù: “Vous savez, c’est fort, c’est même très fort” (Anh biết đấy, bài của anh hay ! Phải nói là rất hay !) Nhưng cũng chính cha Giám sư đó, khi tôi chuẩn bị khấn trọn đời, đã cho tôi biết nhận định của ngài. Ngài nói: “Anh có óc tổ chức của một ông Dòng Tên, có tính kiên trì của một ông Biển-đức, và một chút màu Phan-xi-cô !” Nguyên văn: “Vous avez l’esprit d’organisation d’un jésuite, la ténacité d’un bénédictin, et une petite coloration franciscaine !” Nói nôm na là anh có điểm tối thiểu để được ở lại. Tôi tin rằng cha giáo của tôi đã có cái nhìn sâu sắc, đúng đắn, và bản thân tôi không hề là một tu sĩ Phan Sinh gương mẫu. Tuy nhiên tôi không bao giờ quên lời Cha Thánh Phan-xi-cô khi được hỏi ai là người anh em hèn mọn tốt, là người anh em hèn mọn gương mẫu. Ngài nói: “Đó là người có lòng tin của anh Bê-na-đô, có tâm hồn đơn sơ trong trắng của anh Lê-ô, có phong cách lịch lãm của anh An-giê-lô, vừa bặt thiệp vừa phán đoán đúng như anh Ma-xê-ô, có tinh thần chiêm niệm như anh Ê-gi-đi-ô, cầu nguyện sốt sắng và kiên trì như anh Ru-phi-nô, v.v.” (Gương trọn lành số 85).

Hiển nhiên là chẳng có ai trong anh em hội đủ tất cả các đức tính đó. Điều đáng nói là Cha Thánh rán tìm trong mỗi anh em cái gì là hay là tốt, và xem đó là những nét đặc trưng của người anh em hèn mọn lý tưởng. Dĩ nhiên là muốn sống được với nhau thì tất cả mọi anh em đều phải có một cái “chung” tối thiểu, và cái “chung” đó đã được quy định, đó là Luật Dòng. Và một khi đã có cái “chung” tối thiểu đó rồi, thì Cha Thánh đề cao cái “riêng” của từng anh em, làm cho cái “chung” nên phong phú. Và đây là truyền thống 8 thế kỷ của Dòng. Lời Cha Thánh Phan-xi-cô khiến tôi tin rằng: dẫu gì thì tôi cũng còn một chỗ đứng trong Dòng Phan-xi-cô, với chút màu Phan-xi-cô theo kiểu nói của cha Giáo học viện của chúng tôi 44 năm về trước.

Tình anh em như nét đặc trưng

Cha Thánh đặt tên cho Dòng chúng ta là Dòng Anh Em Hèn Mọn. Trước khi nói đến tính “hèn mọn”, chúng ta phải là “anh em”. Trong gia đình thiêng liêng cũng như trong gia đình ruột thịt, người ta chọn bạn, không ai chọn anh em. Chúng ta không chọn nhau, nhưng Chúa chọn chúng ta. Trong truyền thống đan tu, bề trên nắm uy quyền và trách nhiệm một người cha, nên mới gọi là “viện phụ”. Còn chúng ta, để bày tỏ lòng tôn kính, chúng ta gọi Đấng sáng lập Dòng chúng ta là “Cha Thánh Phan-xi-cô”, nhưng bản thân ngài chỉ muốn là một người anh em, hay một người mẹ “ân cần dưỡng nuôi con cái mình”. Cứ nhìn cách những anh em tiên khởi sống với Cha Thánh ở Portiuncula, ta thấy một cộng đoàn anh em thương mến nhau, tôn trọng nhau, mỗi người một vẻ, thật là phong phú. Dòng chúng ta không hề có một thứ khung tạo hình để có một mẫu tu sĩ Phan-xi-cô duy nhất. Lúc nãy ta đã thấy Cha Thánh Phan-xi-cô có một cái nhìn cởi mở, phóng khoáng, linh hoạt như thế nào. Chắc chẳng có ai trong anh em phủ nhận những điều tôi vừa nói. Thế nhưng trong xã hội phong kiến Á Đông của chúng ta, khuynh hướng độc tài của người cầm quyền rất mạnh, và khi điều đó xảy ra trong đời sống cộng đoàn thì đó là một thảm hoạ: tình anh em bị tổn thương, đời sống cộng đoàn trở thành đơn điệu, mất tính đa dạng, mất vẻ phong phú.

Đức TGM Bary J Hicky, Tổng Giáo Phận Perth Úc Châu thăm nhóm Phiên Dịch CGKPV, Cha Tỉnh, Cha Nhân, Cha Thao


Bản thân tôi từ 38 năm nay làm việc và 10 năm sống ngoài cộng đoàn, tôi sống và làm việc trong một môi trường thuận lợi cho phép tôi khai thác tối đa nén bạc Chúa ban cho tôi. Môi trường đó là Nhóm Phiên Dịch CGKPV. Nguyên tắc căn bản của chúng tôi là chấp nhận nhau khác biệt để bổ túc cho nhau. Ở nhà, tôi nổi tiếng là người khó tính, điều đó không hoàn toàn sai. Nhưng trong Nhóm CGKPV, anh em gọi tôi một cách thân thương là “xếp”. Tôi nắm vai trò điều hành tổ chức kể từ khi Nhóm thành lập, nghĩa là đã 38 năm nay. Nếu tôi chỉ là một tên độc tài, hẳn nhiên là không ai để tôi giữ vai trò tôi đang giữ trong suốt một thời gian dài như vậy. Nhất là các thành viên trong Nhóm không phải là những kẻ khù khờ. Nhiều người đã và đang giữ những chức vụ quan trọng: giám học, giám sư, giám đốc, bề trên cộng đoàn, bề trên giám tỉnh, kể cả cố vấn Dòng. Tôi hãnh diện vì với chút màu Phan-xi-cô ít ỏi của tôi, tôi đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra bầu khí anh em trong Nhóm CGKPV.

Nói lời cám ơn

Đến đây, tôi không thể không lợi dụng cơ hội được ngỏ lời với anh em để nói lên một lời cám ơn vừa sâu xa, vừa chân thành. Cám ơn Dòng đã chấp nhận tôi với một vốn liếng Phan Sinh tối thiểu, đã cho tôi cơ may học tập, đặc biệt qua những năm tôi sống ở Pháp là lúc diễn ra Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Cám ơn các bề trên đã tin tưởng tôi, đặc biệt anh Agnello Đình là người đã chấp thuận cho tôi ngưng công việc trong nhà để dành thì giờ sức lực cho công việc của Nhóm CGKPV, và người thứ hai là anh Alexis Trần Đức Hải đã cho phép tôi đến ở tại căn nhà tôi xây xong năm 1999. Và cám ơn các anh em khác đã gánh vác công việc ở nhà thay tôi. Tôi tin rằng phần đông anh em trong Tỉnh Dòng chấp nhận tôi, cũng như chấp nhận công việc tôi làm trong Nhóm CGKPV. Cũng có thể có người xem tôi như kẻ “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Dĩ nhiên phê phán là quyền của mỗi người. Nhưng bản thân tôi, tôi xác tín là công việc tôi làm chí ít cũng hữu ích cho Giáo Hội Việt Nam bằng công việc của một anh em làm cha phó trong một giáo xứ hay làm quản lý cộng đoàn. Anh em thông cảm thì tôi nhờ, không thông cảm thì tôi chịu.

Tin Chúa quan phòng

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với anh em hôm nay, là nhìn lại 73 năm tuổi đời, 50 năm khấn Dòng, đó là xác tín mãnh liệt của tôi vào Thiên Chúa Quan Phòng. Trong đời người, chẳng có chi là tình cờ hết. Khi mọi việc xảy ra thuận buồm xuôi gió, khi gặp những anh em hay bạn bè tận tình thương yêu nâng đỡ mình thì chẳng nói làm gì, nhưng ngay cả khi gặp những người kém thân thiện, thậm chí chống đối hay cản trở, khi ở trong những hoàn cảnh éo le, ngặt nghèo, bây giờ nhìn lại dưới cặp mắt đức tin, mới nhận ra rằng tất cả những người hay việc vừa nói là những yếu tố Chúa dùng để hướng dẫn đời mình, cũng như tác giả sách Đệ nhị luật ngày xưa, khi nhìn lại biến cố Xuất Hành, mới nhận ra bàn tay Thiên Chúa Quan Phòng, mới cảm nghiệm sâu sắc tình yêu vô biên của Thiên Chúa, và cũng như tác giả Thánh vịnh 88 khi ôn lại lịch sử cứu độ đã thốt lên:

Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,
Qua muôn ngàn thế hệ,
Miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.

(Tv 88,2)

Đó cũng là tâm tình của tôi khi nhìn lại đời mình, nhất là chặng đường 50 năm, kể từ lúc mon men cùng Cha Thánh Phan-xi-cô đi theo Chúa.

Kết luận

Không dám dông dài thêm nữa kẻo mất thì giờ anh em. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho 6 anh em trẻ chập chững bước vào đời linh mục với tinh thần hy sinh cao cả của Vị Mục Tử Nhân Lành, cầu cho anh niên trưởng linh mục Augustin Phượng càng cao tuổi càng dày nhân đức, và cuối cùng cầu nguyện cho tôi tuy chưa già lắm nhưng cũng đang lững thững đi vào đoạn cuối cuộc đời như lời cầu xin tha thiết của tác giả Thánh vịnh:

Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa,
Con đã được Ngài thương dạy dỗ.
Tới giờ này,
con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài.
Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc,
Lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con.

(Tv 70,17-18)

Học viện Phan-xi-cô Thủ Đức, 05-06-2009
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm

********
 
Giáo phận Thanh Hóa khai mạc Năm Linh Mục
Vân Sơn
19:37 13/06/2009
THANH HÓA – Sáng nay, 13.06.2009, giáo phận Thanh Hóa đã long trọng cử hành thánh lễ khai mạc Năm Linh Mục. Theo lịch chung của giáo hội hoàn vũ, thánh lễ khai mạc Năm Linh mục sẽ diễn ra từ ngày 19.6.2009 đến ngày 19.6.2010, nhưng vì công việc mục vụ ở 2 giáo phận Phát Diệm và Thanh Hóa, nên Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã quyết định làm lễ khai mạc sớm hơn dự kiến. Địa điểm tổ chức là tại giáo xứ Bằng Phú, một giáo xứ có hơn 90% là anh em dân tộc Mường, thuộc huyện miền núi Thạch Thành, Thanh Hóa.

Xin xem hình ảnh lễ khai mạc Năm Linh Mục

Là lễ cấp giáo phận, nên ngay từ sáng sớm, mọi ngã đường trong giáo phận đều hướng về Bằng Phú tạo nên một ngày hội thật sự ở vùng núi xa xôi của giáo phận

Giáo hạt Ba Làng ở phái Nam, Giáo hạt Nga Sơn ở phía Bắc, Giáo hạt Sông Chu ở Phía Tây Nam, giáo hạt Mỹ Điện ở phía Đông, giáo hạt Thanh Hóa ở trung tâm thành phố, giáo hạt Sông Mã ở Phía Tây, tất cả đều đổ về Bằng Phú tạo nên một dòng người với đủ mầu sắc, cờ, xe nối đuôi nhau.

Kiệu Thánh Thể

Trong tiếng nhạc trầm hùng của 2 đội kèn đồng: nam Ba Làng và nữ Tam Tổng hòa lẫn trong tiếng cồng chiên của anh chị em dân tộc Mường, đúng 8g00, dưới sự chủ sự của Đức Cha Giuse, linh mục đoàn giáo phận, quý thầy phó tế, quý tu sỹ, chủng sinh cùng với bà con giáo dân trong giáo phận đã long trọng cung nghinh Thánh Thể Chúa qua các trạm được đặt xung quanh khu vục nhà thờ và khuôn viên nhà xứ. Trong phần suy niệm, Đức Cha Giuse nêu bật vai trò của linh mục gắn liền với sứ vụ truyền giáo, đặc biệt là vùng phía Tây của giáo phận, một vùng đất được các nhà thừa sai khai phá, ở đây đã có một thời đạo Chúa rất phồn thịnh, nhưng do hoàn cảnh lịch sử và sự nhiễu nhương của thời thế, nhiều xứ đạo trên vùng này đã bị xóa sổ. Hôm nay giáo phận về đây để khai mở lại con đường mà các nhà thừa sai đã khai phá, hầu đem Tin mừng đến với những anh em chưa nhận biết Chúa.

Thánh lễ khai mạc Năm Thánh Linh Mục

Đứng 9g30, đoàn đồng tế với hơn 50 linh mục cùng với Đức Cha Giuse đã tiến vào nhà thờ bắt đầu Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Linh mục.

Sau lời khai lễ, cha Giuse Trịnh Đức Ngọc, phó xứ Bằng Phú, tiến lên giảng đài đọc diễn từ của ĐGH Bênêđitô XVI về việc mở Năm Thánh Linh Mục để cộng đoàn, đặc biệt là các linh mục thấy rõ ý nghĩa cũng như sự cần thiết và tầm quan trọng của năm linh mục.

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse đã cắt nghĩa cho cộng đoàn thầy được tầm quan trọng của thiên chức linh mục. Vai trò và sứ mệnh của người linh mục luôn gắn liền với Thánh Thể Chúa, ngay đêm Chúa lập ra Bí Tích Thánh Thể, cũng đó là lúc Chúa lập ra thiên chức linh mục, bởi vậy linh mục không thể tách rời khỏi Thánh Thể Chúa Kitô. Nếu linh mục tách rời khỏi Thánh Thể Chúa, lúc đó linh mục chỉ LÀM LINH MỤC chú không còn LÀ LINH MỤC.

Ngài cũng đã nói đến tình trạng khủng hoảng ơn gọi mà một số nước đang gặp phải. Cách riêng về giáo phận Thanh Hóa còn rất triển vọng và có số lượng linh mục trẻ đông đảo. Nhưng ngài cũng cảnh báo “linh mục đông mà thôi chưa đủ, giáo hội cần những linh mục thánh thiện, cần những linh mục gắn bó với Bí Tích Thánh Thể và cần những linh mục quan tâm đến con chiên. Tôi thiết nghĩ đó chính là thông điệp mà Đức Benedicto XVI muốn gửi tới tất cả các linh mục và những ai đang muốn dẫn thân theo Đức Kitô”.

Cuối cùng, ngài nhắc nhở các linh mục nghe theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng sống Năm Linh Mục cách đạo đức, hiệu quả.

Sau bài giảng, trước khi bước vào nghi thức khai mạc Đức Giuse đã công bố đặt cha J.B Trịnh Quốc Vương, hạt trưởng Hạt Sông Chu, chánh xứ Phúc Địa làm trưởng ban Năm Linh Mục.

Tiếp đến, các linh mục tiến ra xung quanh bàn thờ với nến sáng trên tay giơ cao, cùng với Giám Mục Giáo Phận đọc kinh “xin ơn thánh hóa linh mục”. Ánh sáng và lời kinh như hòa quyện vào nhau dâng lên Chúa những ước nguyện của các linh mục. Cộng đoàn tham dự cùng đứng, hiệp ý với các linh mục, xin Chúa thánh hóa và ban ơn cho các chủ chăn của mình.

Đúng 10g20, sau khi dứt lời kinh “xin ơn thánh hóa các linh mục”, Đức Cha Giuse long trọng tuyên bố khai mạc “Năm Linh Mục”. Sau lời tuyên bố của ngài, một hồi chuông nhà thờ vang lên ròn rã cùng với tràng pháo tay chúc mừng của giáo dân dành cho các chủ chăn của mình. Các linh mục đặt nến kết thành hình trái tim bên cạnh bàn thờ như một ước nguyện mang trong mình một tình yêu trao ban trọn vẹn.

Tiếp đến, Cha Giuse Vũ Thanh Long, đọc thư mục vụ của Đức Cha Giuse gửi cộng đoàn dân Chúa nhân dịp Năm Linh Mục.

Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Phêrô Nguyễn Cao Vinh, quản xứ Bằng Phú đã thay lời cho giáo xứ cảm ơn Đức Cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ, chủng sinh và bà con giáo dân trong giáo phận đã ưu ái chọn Bằng Phú làm nơi cử hành Năm Thánh. Ngài hy vọng qua thánh lễ này, những bà giáo dân Mường sẽ có một sinh khí mới để sống đạo và làm chứng cho Chúa tốt hơn.

Đúng 11g20, thánh lễ kết thúc bằng phép lành của Tòa Thánh kèm với ơn toàn xá trong Năm Thánh Linh Mục.
 
Thánh lễ truyền chức tân Linh Mục tại nhà thờ chính tòa Giáo phận Lạng Sơn
Dominic Vũ, SJ
20:38 13/06/2009
LẠNG SƠN – Sau một năm phục vụ tại giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, sáng thứ bảy ngày 13 tháng 6 năm 2009, lúc 09:30, tại Nhà Thờ Chính Tòa giáo phận Lạng Sơn, thầy phó tế Giuse Lương Văn Long, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã được Ðức cha Giuse Đặng Đức Ngân trao tác vụ linh mục và chủ sự Thánh Lễ tạ ơn. Đây cũng là Thánh Lễ trao tác vụ linh mục đầu tay của ngài sau gần hai năm lãnh nhận sứ mạng Giám mục nơi cánh đồng truyền giáo Lạng Sơn này.

Xem hình ảnh lễ truyền chức

Tân chức Giuse Lương Văn Long đi sau LM Rước Phúc Âm
Cùng đồng tế với Đức Cha còn có cha Giám Tỉnh và các cha Dòng Chúa Cứu Thế, toàn thể linh mục đoàn giáo phận Lạng Sơn, các linh mục giáo phận quê hương Bắc Ninh của thày phó tế. Hiệp dâng Thánh Lễ còn có sự hiện diện của các tu sỹ nam nữ thuộc nhiều Dòng khác nhau đang phục vụ tại Lạng Sơn – Cao Bằng, gia đình, thân hữu và đông đảo bà con giáo dân. Tất cả đã làm nên không khí tưng bừng của ngày Lễ. Đồng thời cũng nói lên dấu chỉ của tình yêu thương hiệp nhất giữa các thành phần của Hội Thánh Việt nam.

Thánh Lễ và nghi thức trao tác vụ Linh mục diễn ra trong bâu khí trang nghiêm và sốt sắng. Nhân dịp này cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, đại diện nhà Dòng bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân đã có tình liên đới với nhà Dòng ngang qua việc đón nhận thầy phó tế Giuse Lương Văn Long về với giáo phận. Hôm nay lại chính thức được đức cha đặt tay trao tác vụ linh mục để trở thành thành viên trong linh mục đoàn của giáo phận.

Đáp lại, Đức cha Giuse cũng bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với sự quảng đại của nhà Dòng đã trao tặng một người anh em đến sống và chia sẻ sứ mạng truyền giáo tại giáo phận vùng núi này. Không do dự, ngài cũng đơn thành chia sẻ với tân chức và cộng đoàn những thách đố của người mục tử nói riêng và của tất cả những ai đang bước theo lý tưởng của người môn đệ Thầy Chí Thánh nói chung. Ví tựa cành hồng, đẹp đấy, thơm hương đấy nhưng thân mình lại mang đầy gai nhọn. Hành trình của người môn đệ Đức Giêsu cũng thế, cũng có những an ủi đỡ nâng, nhưng bên cạnh đó cũng không thiếu những cay đắng nhọc nhằn của đường thập giá. Nhưng chính cái chông chênh, nhọc nhằn kia lại làm nên ý nghĩa cao đẹp của đời dâng hiến.

Xin hiệp ý cùng tân chức Giuse Lương Văn Long tạ ơn Chúa về hồng ân linh mục. Cũng xin cầu nguyện cho cha để với ơn thánh Chúa cha đủ sức chu toàn tác vụ Chúa trao phó ngang qua lời của vị Giám mục chủ phong: “Con đã vui mưng lãnh nhận Lời Chúa, con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm Lời Chúa, con hãy chú tâm tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy.”
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Các tôn giáo phải giành lấy phương tiện loan truyền sự thật
Lê Sáng
14:36 13/06/2009
Truyền thông là truyền đi tin tức tài liệu dưới các dạng, các hình thức khác nhau (hình ảnh, âm thanh, bài viết…). Truyền thông là phương tiện, trong xã hội nào cũng xác định như vậy. Vì là phương tiện cho nên việc dùng nó thế nào là rất hệ trọng. Ví như con dao trong tay bà nội trợ – Nó là phương tiện phục vụ bữa ăn; Con dao trong tay một người lính xung trận – Nó là phương tiện bảo vệ quốc gia; Con dao trong tay kẻ cướp – Nó thành hung khí giết người.

Truyền thông, nếu rơi vào tay những kẻ bất lương, nó sẽ thành thứ vũ khí không tiếng nổ nhưng sức công phá thì vô cùng khốc liệt bởi nó cổ vũ hỗ trợ cái ác, nó làm cho cái ác tăng lên theo cấp số nhân. Khởi đầu những kẻ bất lương dùng truyền thông để loan truyền sự giả dối thay cho sự thật. Sự giả dối ban đầu người nghe có vẻ tức cười và không thèm để ý. Nhưng về lâu dài nó sẽ làm thế hệ kế tiếp mất đi phẩm giá, trở thành nô lệ, thậm chí liệt kháng nhân cách và trở thành kẻ đồng loã với tội ác… Nguy hiểm hơn nữa, ngay cả khi đã phát hiện ra và có đủ biện pháp để phục hồi nhân phẩm cho những “nạn nhân” này, cũng phải mất thời gian đến vài thế hệ người mới thực hiện được.

Trong thập kỷ 30 của thế kỷ trước, khi Hít Le cho ra đời và vận hành cỗ máy truyền thông tuyên truyền đủ điều giả dối… Cả thế giới làm thinh và khinh thường… Hậu quả là nhân loại hứng chịu cuộc chiến thế giới thứ II với 50 triệu nhân mạng bị giết… Trong khoảng nửa đầu thế kỷ 20, khi chủ thuyết cộng sản ra đời, việc đầu tiên những người cộng sản làm là tuyên truyền chủ thuyết phản nhân này dưới góc độ có vẻ rất khoa học… Thế giới văn minh, những nhà khoa học, lý luận chính trị cũng chỉ ra tính chất tự mâu thuẫn của nó, và cười khinh bỉ… Họ cũng bỏ mặc quần chúng nhân dân lao động cho bộ máy tuyên truyền cộng sản cưỡng bức tư tưởng, bơm nhiễm đủ điều dối trá gian ác… Và nhân loại nhận được hơn 100 triệu mạng người vô tội - Núi xương sông máu.

Đến tận hôm nay thế giới văn minh vẫn chưa làm hết trách nhiệm, và bộ máy tuyên truyền cộng sản vẫn hoạt động cắt xén, làm giả sự thực để loè bịp dân lành và tấn công những ai vạch ra chân tướng của nó.

Có thể nói, ở đâu cộng sản còn tồn tại, là ở đó bộ máy truyền thông tuyên truyền đặt điều, giả dối của họ còn hoạt động “hiệu quả”… Người dân trong xã hội cộng sản thiếu thốn đủ thứ, họ không có phương tiện để kiểm chứng tin tức chứ chưa nói đến phản tuyên truyền của cộng sản… Tin tức sự kiện bị cộng sản xào xáo, làm giả rồi nhồ sọ người dân… Dần dần nó ăn vào tiềm thức con người - Lộng giả thành chân, đến mức người ta rơi nước mắt khóc thương kẻ tội phạm, rước voi rầy mả tổ, mãi quốc cầu vinh, cướp đoạt tự do nhân quyền của chính họ… Khi đem vấn đề ra tranh luận, đến tận hôm nay người dân vẫn còn biện minh giùm hành vi tội phạm này là do lịch sử lúc đó phải thế. Dân tộc Việt thật đau thương!

Sự thực là một phạm trù thuộc về qui luật vật tự nó – Nó có tính khách quan. Nghĩa là nó không có tính giai cấp, chính trị, tôn giáo, dân tộc hay cảm tình gì cả… Nó tồn tại độc lập từ khi nó được sinh ra. Người ta chỉ khám phá nó chứ không thể ra lệnh, hay mua chuộc nó…

Sự thực sẽ giúp con người định hướng được hành vi, tổng kết rút kinh nghiệm tránh phạm sai lầm trong tương lại. Trong khoa học, sự thực (kết quả giảo nghiệm khoa học…) giúp con người khám phá ra các qui luật của vũ trụ rồi ứng dụng nó phục vụ lợi ích của mình… Chưa nói đến việc sự thực bị làm giả, bị che dấu, hay con người thờ ơ không khám phá, thì nguyên việc sự thực không được loan truyền đã có thể gây ra nhiều thiệt hại cho con người rồi. Ví dụ một cơn bão đang quần đảo ngoài khơi, ngư dân trên biển đã biết, nhưng không có phương tiện để báo cho đất liền… Nó sẽ gây ra thiệt hại ghê gớm khi vào bờ mà con người không chuẩn bị chống đỡ…

Sự thực tự nó không thể giải thoát con người, vì nó chỉ là hiện tượng, nó vô tri vô giác. Chỉ khi nó được người công chính giành lấy, loan đi nó mới có tác dụng giải thoát con người. Sự thực giải thoát con người bằng cách khi tiếp cận đến từng cá nhân thì đem đến cho họ nhận thức đúng. Cho nên khám phá ra được sự thật mới chỉ là bước đầu tiên để giải thoát con người. Muốn đi tiếp cho viên mãn, thì sự thực phải được loan đi… Truyền thông chính là phương tiện để loan đi sự thực.

Sự thực nếu người công chính không giành lấy, nó sẽ rơi vào tay kẻ bất lương, và hậu quả sẽ là khôn lường. Sự thực nếu người công chính đã có trong tay mà không loan đi, nó chẳng mấy tác dụng. Cho nên phải tìm kiếm sự thật và giành lấy phương tiện mà loan truyền sự thực, hai việc làm song hành làm việc nọ không được bỏ việc kia.

Nói cho thật chính xác thì người cộng sản không sợ sự thực, mà họ chỉ sợ sự thật bị tiết lộ, bị loan truyền rộng rãi mà thôi. Truyền thông là phương tiện để sự thực được tiết lộ và loan truyền… Chính vì thế mà csvn rất sợ mất kiểm soát truyền thông, rất sợ để truyền thông về tay những người công chính. Các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đang có nhiều lợi thế về việc tiếp cận sự thực, về việc giành lấy phương tiện truyền thông, cho nên có sứ mệnh lịch sử không chỉ với tín lý, luân lý tôn giáo mình mà còn có trách nhiện lịch sử với cả quốc gia, dân tộc Việt nữa.

Vậy truyền thông là phương tiện hay là mục tiêu dấn thân của các tôn giáo? mục tiêu dấn thân của tu sĩ các tôn giáo? Tôn giáo nào cũng lấy việc giải thoát con người làm mục tiêu lớn, mục tiêu cuối cùng. Các tôn giáo luôn tôn trọng sự thực, và coi sự thực như là những bậc thang của nhận thức đưa con người tiệm cận chân lý tuyệt đối. Con người sẽ được giải thoát khỏi những u mê nhờ biết đến sự thực, nhờ tổng kết sự thực mà nhận ra chân lý tuyệt đối - Nhận ra chân lý sẽ giải thoát từng con người. Mà muốn cho từng người biết đến sự thực thì phải có phương tiện loan truyền đến họ. Một trong những phương tiện đó chính là Hệ thống Truyền thông.

Truyền thông đương nhiên là phương tiện chứ không phải mục đích. Nhưng phương tiện này đang bị csvn chiếm giữ trái phép, bị ngăn cản sử dụng… Mà ai đó muốn giành lấy để phục vụ tha nhân giải thoát con người có khi phải trả giá bằng tù tội, bằng mạng sống mình. Cho nên rõ ràng trong giai đoạn hiện nay, trong tình hình quốc gia dân tộc Việt hiện nay, trong tình cảnh của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, giành lấy phương tiện truyền thông là một mục tiêu dấn thân của tu sĩ giáo dân các tôn giáo, cũng như toàn thể người dân Việt công chính chứ nó không phải là phương tiện có thì dùng không có thì thôi.
 
Luật sư Lê Công Định bị bắt khẩn cấp
BBC
15:03 13/06/2009
BBC - Tin cho hay một luật sư có tiếng ở TP Hồ Chí Minh, ông Lê Công Định, vừa bị "bắt khẩn cấp".

Bản tin trên báo Công an Nhân dân, được các báo khác đăng lại, nói: "Vào hồi 11h ngày 13/06/2009, Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Lê Công Định, sinh năm 1968, chỗ ở hiện nay: BB34, khu phố Mỹ Khang, Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, Q.7, TP HCM".

"Lê Công Định hiện đang là Trưởng Văn phòng luật sư Lawyer, số 115 đường Nguyễn Huệ, Quận 1, TP HCM."

Báo này nói ông Lê Công Định bị bắt theo Điều 88 Bộ Luật hình sự, vì "đã có những hành vi câu kết với các thế lực thù địch chống nhà nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

"Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật."

Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam quy định tội trên gồm các hành vi: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguời phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. Nếu trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Ông Lê Công Định đã hành nghề lâu năm tại TP HCM. Trước kia, với tư cách luật sư của công ty YKVN, ông đã cùng đối tác là hãng luật White & Case của Mỹ bảo vệ phía Việt Nam trong vụ kiện cá basa tại Hoa Kỳ.

Cây bút

Công an xét văn phòng và bắt Ls Định sáng nay
Những năm gần đây, ông tham gia bào chữa cho nhiều vụ việc bị cho là 'nhạy cảm', như bào chữa cho các luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân và cho blogger Điếu Cày.

Ông Định cũng là Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM khóa vừa qua.

Luật sư Định cũng được biết tới như một cây bút viết các bài bình luận thời sự, nhiều bài đã đăng trên BBCVietnamese.com.

Trong một bài viết năm 2006, ông nói về chủ nghĩa đa nguyên: "Đa nguyên không đáng ngại, mà trái lại rất cần thiết nếu biết điều tiết thích hợp".

"Đa nguyên là động lực của sự phát triển, điều đó miễn bàn cãi."

Ông cũng nói một mô hình mới của nền chính trị đa nguyên với vai trò chính trị của Đảng Cộng sản "chắc chắn sẽ tạo sức bật mạnh mẽ đưa đất nước vào cuộc tranh đua thành cường quốc kinh tế trong khu vực, chữa được quốc nạn tham nhũng và rửa được quốc nhục nghèo hèn".

Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 1989, ông Định lấy bằng thạc sỹ luật tại Đại học Tulane University, Hoa Kỳ hồi 2000. Trước đó, ông có một thời gian tu nghiệp tại Pháp.

Luật sư Lê Công Định là chồng của Hoa hậu Việt Nam 1998 Nguyễn Thị Ngọc Khánh.

(Nguồn BBC: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090613_lecongdinh_arrest.shtml)
 
Vì sao nhà nước độc tài CSVN lại bắt luật sư Lê Công Định?
Trác Tuân
22:15 13/06/2009
Hôm nay, 13/6/2009, một sự kiện được cho là nóng hổi, được các báo quốc doanh đồng loạt đang tải tin luật sự Lê Công Định, một nhà hoạt động xã hội đã có nhiều bài viết có tính cách mạng được đăng tải trên các mạng điện tử. Nhất là chúng ta được biết ông bào chữa cho LS Nguyễn Văn Đài và Lê Thi Công Nhân, trong vụ án chính trị nổi tiếng năm 2007.

Sự kiện nóng hổi này được cho là lệnh bắt khẩn cấp, khi đó chỉ là các dấu hiệu chứ chưa phải bắt quả tang, đã làm người ta đặt ra một dấu hỏi và liên hệ tới các sự kiện trong nước gần đây đang làm chấn động dư luận. Ngoài tâm điểm về vấn đề bauxit Tây nguyên đã làm thức dậy các thành phần xã hội, nhất là tầng lớp trí thức. Các nhà trí thức trong nước đã biết vận dụng sức mạnh dân chủ một cách ngoạn mục bằng những hành động cụ thể, như liên tiếp ra bản kiến nghị, rồi lấy chữ ký của đông đảo quần chúng, động thái gần đây nhất là họ đã chính thức gửi đơn lên LHQ đề nghị cộng đồng quốc tế can thiệp.

Cũng vấn đè bauxit là sự tham gia của cộng đồng giáo dân, điểm khởi phát là giáo xứ Thái Hà, với lòng kính Chúa yêu nước, với cách phản biện ôn hòa đã gây cho đảng ĐTCSVN những khó khăn nhất định, họ lúng túng chứ có biện pháp đối phó.

Thì nhất là những ngày gần đây, tranh thủ diễn đàn quốc hội, như không hẹn mà gặp những đại biểu ngoài đảng đã đăng đàn cất lên tiếng nói mạnh mẽ chưa từng có, khiến cho dự luận xã hội xôn xao, quan tâm chú ý môt cách sâu sắc

Tất cả những vấn đề đó liên tục xảy ra, chưa kể những dấu hiệu rất đáng chú ý của các nhà trí thức như hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh, Hồi ký “thằng hèn”của nhạc Sĩ Tô Hải, những websit có ngang nhiên đi lề bên trái như Đào Hiếu, Trần Nhương, vv... đã thực sự gây rúng động dư luận.

Sự kiện TQ đang ngày càng lấn át biến Đông cũng tạo lên sự lo lắng nhất định của quần chúng nhân dân, đã thực sự lấn át đi những khó khăn kinh tế đang ngày suy giảm.

Đó là những sự kiên mắt thấy tai nghe, còn những vấn đề được giữ kín sau hậu cung, những phản ứng của giới quân nhân cũng đang làm cho giới lãnh đạo chóp bu như ngồi trên chảo lửa.

Và có lẽ sự kiện nóng hổi nhất là ngày 12/6/2009 Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, một nhà hoat động xã hội có nguồn gốc danh giá, đồng thời trong quá khứ ông cũng có những bước đi táo bạo có tính đột phá, như tự ứng cử vào chức bộ trưởng bộ văn hóa thông tin, tự ứng cử làm đại biểu quốc hộivv.. đã thực sự gây sốc dư luận khi ông làm đơn kiện thủ tưởng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đã lạm dụng quyền hạn ra quyết định thực hiện dự án khai thác Bauxit tại tây nguyên, cùng một lúc vi phạm tới 3 điều luật của các luật về môi trường, luật về qui trình qui phạm văn bản luật và luật về dự án đầu tư.

Tôi cho rằng đây là đòn choáng váng nhất của bộ chính trị, tuy sự kiện chỉ có tính chất cá nhân, nhưng đã cho thấy tầm quan trọng của vấn đề, là từ trước tới nay chưa có một tiền lệ nào xảy ra. Chưa có một công dân nào dám làm cái việc tày đình đó ở một đất nước mà người dân quen cam chịu cúi đầu luồn cúi. Nhất là một người có trình độ am hiểu luật và rất khôn ngoan kín kẽ, ông đã dùng chính dư luận để bảo vệ chính mình, khi ngay sau khi nộp đơn đã lên đài RFA để trả lời phỏng vấn về sự kiện trên.

Trước những sự kiện nóng bỏng như vậy thì không còn cách gì hơn và vẫn quen thói hành xử cũ là “rung cây dọa khỉ”. Họ đã ra lệnh bắt khẩn cấp Ls Lê Công Định và lệnh cho các báo đồng loạt đưa tin với ý đồ chính là nhằm răn đe, lung lạc những người dám cả gan chống đối họ, đồng thời có ý đồ ngăn chặn những cơn địa chấn tiếp theo.

Đây là thủ đoạn vô cùng thâm độc của đảng CSVN mà họ vẫn thường xuyên thực hiện trong quá khứ.

Vì vậy các tổ chức dân chủ, nhất là các tổ chức dân chủ hải ngoại cần phải có biện pháp đối phó. Bằng cách phát động phong trào, đẩy mạnh việc đấu tranh nhằm hỗ trợ cho Phong trào Dân chủ trong nước một cách cụ thể là ủng hộ và đoàn kết với Luật sư Lê Công Định, bằng cách khẩn trơng lập lên tổ chức như UB hay hội đoan kết với Ls Lê Công Định và các nhà dân chủ khác đang bị bắt giữ. Tổ chức mít tinh biểu tình ở hải ngoại kêu gọi dự luận quốc tế, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ hãy nỗ lực ủng hộ và giúp đỡ Phong trào Dân chủ Việt Nam. Đây là thời cơ ngàn năm có một, nếu chúng ta biết vân dụng để đẩy phong trào cách mạng lên cao. Nhất là đối anh chị em, các tổ chức hải ngoại, lúc này hơn bao giờ hết hãy biết đoàn kết hướng về quốc nội để có những hành động đúng và thiết thực.

Thời cơ đã đến! Chớ nên để vuột mất.

Gửi Anh Chị Em bản tin:

Có lẽ giới luật sư ở VN sẽ vào cuộc trong vụ bắt LS Lê Công Định. Trong cái xấu có cái tốt, trong cái rủi có cái may. Bắt 1 người để cho nhiều người khác đứng lên như chuyện bắt LS Nguyễn Văn Đài & Lê Thị Công Nhân đã làm cho LS Lê Trần Luật, LS Lê Công Định và nhiều LS trẻ trong nước đã và đang dấn thân hơn nữa, phải chăng đây là những tin tốt trong tin xấu?

Mời quý vị vào nghe phỏng vấn bà Hường, Trưởng văn phòng luật sư DC Lawyer tại Hà Nội:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/06/090613_dclawyer_reax.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090613_lecongdinh_arrest.shtml


Phản đối "thông tin sai" về Lê Công Định

Hôm Thứ Bảy 13.06.2009, luật sư Lê Công Định bị bắt khẩn cấp theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.

Báo Công An Nhân Dân đưa tin "Lê Công Định hiện đang là Trưởng Văn phòng luật sư Lawyer, số 115 đường Nguyễn Huệ, Q.I, TP HCM".

Tuy nhiên, bà Đào Hường, trưởng văn phòng luật sư DC Lawyer tại Hà Nội cho BBC biết thông tin đó hoàn toàn sai lệch, vì "anh Định đã tách ra thành lập một firm riêng, địa chỉ ở toà nhà 33 tầng, đường Tôn Đức Thắng" và cho biết thêm việc ông Lê Công Định rời khỏi hãng luật của bà diễn ra đã được nhiều tháng nay.

Bà Hường cho biết hiện bà chưa biết liệu văn phòng của bà tại Thành Phố Hồ Chí Minh có bị lục soát trong vụ bắt ông Định hay không, nhưng nói nếu chuyện đó xảy ra thì "Công ty luật hợp danh DC Lawyer do ông Nguyễn Ngọc Bích làm giám đốc, tôi làm giám đốc chi nhánh ở Hà Nội. Nếu có vấn đề gì, khi vào kiểm tra thì họ phải được sự đồng ý của tôi và anh Bích."

Nói về việc báo đăng tin ông Lê Công Định "có hành vi cấu kết với các thế lực thù địch, chống nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam", bà Hường nói "Tôi nghĩ đó là thông tin sai lệch. Tôi khẳng định luật sư Lê Công Định là người giỏi. Mỗi người có một chính kiến khác nhau, anh Định có thể có những bài viết thể hiện chính kiến của mình. Còn về hoạt động của anh Định, chúng tôi nghĩ rằng anh Định không có thời gian để tham gia vào các hành vi như vậy."

Được biết DC Lawyer được thành lập hồi cuối năm 2005, mà luật sư Lê Công Định là một trong các sáng lập viên.

Gửi Anh Chị Em 1 cái tin không vui. Tin "bắt khẩn cấp" Luật sư Lê Công Định đã lan đi khắp thế giới blog, chậm hơn 1 chút có lẽ là các hãng thông tấn quốc tế như BBC, AP, Reuters, RFA, RFI...cuối cùng là trên báo chí Việt Nam vào đầu tuần tới!

Dẫu biết rằng khi LS Lê Công Định chấp nhận bào chữa cho LS Lê Thị Công Nhân trong vụ xử phúc thẩm cuối năm 2007 là anh đã biết có ngày anh cũng vào tù như LS LTCN nhưng khi nhận được cái tin này sao nghe buồn quá.

Tôi còn biết LS Định vì anh có tham gia làm cộng tác viên bên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (nhóm Lê Minh Phiếu). LS Định rất ít nói trong các đề tài thảo luận của nhóm nhưng những việc làm của LS Định đằng sau để chuẩn bị cho tương lai VN đến bây giờ nhiều người mới biết. Đây cũng là 1 mất mát lớn cho phong trào dân chủ và cho cả VN. Tên tuổi của anh sẽ được ghi vào lịch sử đấu tranh cho dân tộc VN.

Tin thêm về LS Lê Công Định mà nhiều người chưa biết: LS Định có được học bổng du học tại Pháp, sau đó học thạc sĩ luật tại Đại học Tulane ở Louisana, Hoa Kỳ. LS Định có vợ là hoa hậu Ngọc Khánh. Anh là một trong những luật sư hàng đầu VN về luật Thương mại quốc tế. Anh cũng đã từng nhận được một số giải thưởng luật sư châu Á và là người phụ trách pháp lý cho các hợp đồng mua máy bay của VN Airline với nước ngoài.

Báo CAND cũng đã loan tin này
http://www.cand.com.vn/vi-VN/phapluat/2009/6/114711.cand

Báo Tuổi Trẻ đã có bài bênh vực cho LS Lê Công Định (coi chừng Tổng Biên tập báo TT bị đổi như vụ bắt nhà báo Nguyễn Việt Chiến nữa):
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=124610&ChannelID=89

Tương lai cho VN sao u ám quá! Bọn Tàu đã vào tới trong BCT rồi thì khó còn đường sống cho dân VN. Nhưng chắc chắn không có tự do nào mà không phải trả bằng máu và nước mắt, rồi đây sẽ có thêm nhiều người nữa vào tù, sẽ còn nhiều người ngã xuống thì VN mới tốt đẹp hơn. Things are getting worse before getting better!
 
Con Kiến mà kiện Củ Khoai
Đinh Quân
22:31 13/06/2009
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau (2)
Lời xưa răn dạy ghi sâu,
Nghe ra ngậm đắng, nuốt sầu, trái tai.

“Con Kiến đòi kiện Củ Khoai” (1)
Củ Khoai “chiếm chỗ’ đứng hoài không đi.
Kiến ta bực tức lầm lì,
Vác ô đi kiện…sợ gì Củ Khoai.
Củ Khoai lẩm bẩm nghĩ hoài:

Quái sao thằng Kiến một hai lên toà ?
Rồi Toà cũng xử cho qua,
Vụ thằng Kiến cỏ khiến ta bực mình,
Tại sao không chịu làm thinh,
Yên thân cho sướng, còn ăn nói bừa,

Ta đây đâu phải tay vừa,
Cứ chờ xem đó, hết thưa với trình.
Kiến ta đâu chịu làm thinh,
“Côn đồ tụ hội” thình lình xuất chiêu (3)

“Đã không cách chưởng” thuận chiều, (4)
“Âm công đoạt mệnh” làm tiêu đòn thù (5)
Củ Khoai choáng váng, khật khừ,
Thẫn thờ, thất thểu, than thầm, tội thân:

Phải chăng ta đánh giá lầm,
Thằng Kiến tuy nhỏ “âm công” tuyệt trần!
Mình quên lời dạy cổ nhân,
Đừng nên khinh địch có lần hại thân.

Con Kiến mà kiện Củ Khoai,
Kiện lui, kiện tới, kiện hoài Cu Khoai,
Củ Khoai bất chấp kiện hoài,
Triệu Con Kiến “xực” Củ Khoai chẳng còn!

Luật sư Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng CSVN Nguyễn tấn Dũng
về vụ Bauxit Tây nguyên.


Ghi chú:
(1) Xin được vô phép gọi Ls Cù Huy Hà Vũ là Chu Kiến
còn cụ Thủ tướng CSVN Nguyễn tấn Dũng là Củ Khoai.
(2) Xin mược hai câu thơ đầu thi phẩm Lục vân Tiên của cụ Đồ Chiểu.
(3) Tượng trưng Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam.
(4 & 5) Những bí kíp võ công tuyệt chiêu của Dân tộc VN đang dần dần
được đem ra ứng dụng. Hãy coi chừng!
 
Văn Hóa
Thái... Thú
Thơ Bút Trẻ
19:46 13/06/2009
THÁI… THÚ

Những Đại Tội Đồ bán nước,
Ba Tiều: Mạnh Dũng Triết


Thái là cắt thịt Mẹ mình
Thú là… “hẩu lớ”… Triều Đình khen ngon

Thái là băm nát mảng sườn
Thú là… nướng chả Đak Nông… rước thầy

Thái là chặt khúc Biển Đông
Thú là quì gối… miếng ngon dâng Tầu

Thái cực là điểm oán hờn
Thú vật cũng chẳng ác hơn Ba Tiều

Thái quá! toàn dân đến hồi
Thú nào bằng… ĐẠI CUỘC ĐÒI GIANG SƠN.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mênh Mang Một Mình - Solitude
Nguyễn Đức Cung
06:09 13/06/2009

MÊNH MANG MỘT MÌNH - Solitude !



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Quanh co rắc rối chuyện tình

Đôi khi cứ đứng một mình lại hay !!

Rằng hay thì thật là hay

Loay hoay ngày tháng lại. . say chuyện tình !!

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền