Ngày 11-06-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 12/06: Con đường dẫn tới hạnh phúc – Lm. Antôn Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
00:20 11/06/2023


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người lên tiếng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành,vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa

cho thoả lòng.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng đã bị người ta bách hại như thế.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:28 11/06/2023

15. Để được tất cả, thì trước tiên phải từ bỏ tất cả.

(Thánh John of Cross)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:30 11/06/2023
73. MỘT MẢNH GỖ VỤN

Một buổi tối mùa đông, một ông chủ tiệm mang rất nhiều tiền đi trên phố, đột nhiên trong bóng tối nhảy ra một tên cướp, cướp lấy túi tiền của ông ta, lại còn đâm trên người ông ta nhiều nhát dao và ông ta đã bất hạnh gục chết trong tuyết.

Sáng sớm hôm sau, ông thị trưởng vội vàng đi đến hiện trường. Bởi vì trời chưa sáng tỏ nên ông ta cần phải dùng đèn pin để có thể nhìn thấy đường đi. Khi đến gần bên tử thi đột nhiên ông ta phát hiện một mảnh gỗ vụn rất đặc biệt, ông ta nhặt lên và bỏ vào túi, không để bất kỳ ai hay biết.

Khi ông ta đến chỗ làm việc thì nhìn thấy cây gậy của người gác cửa đặt ngay cửa, ông ta thuận tay lấy đi, và chú ý thấy phía trên có một mảnh gỗ vụn rơi xuống, ông ta lấy mảnh gỗ vụn trong túi ra so sánh chút xíu thì thật giống nhau. Thế là ông ta ra lệnh bắt ngay người gác cửa và tống giam trước, sau đó lấy tội danh mưu sát để tố cáo hắn ta.

Người gác cửa mới đầu không thừa nhận và không ngừng kêu oan. Nhưng mảnh gỗ vụn là chứng cớ mạnh nhất, cuối cùng hắn ta cững thừa nhận tội. Hắn ta khai cung rằng đã biết trước người chết đem theo rất nhiều tiền đi qua chỗ ấy, sức cám dỗ của đồng tiền khiến hắn ta u mê làm một việc ngu xuẩn là giết người.

Hắn ta đem túi tiền cướp được giấu trong rừng cây, vì số tiền ấy mà phạm tội, thì ngay cả một chút cơ hội cũng không có. Trước mặt mọi người hắn ta bị án tử hình.

Mọi người lấy làm thắc mắc, bởi vì chỉ một mảnh gỗ vụn đã khiến cho một vụ án thần kỳ nhanh chóng bị phá án.

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 73:

Nếu mục đích làm việc của chúng ta chỉ là ăn chơi hưởng thụ, thì việc ăn chơi hưởng thụ đó mặc dù đạt đạt được thì cũng sẽ trở thành hư không.

Hãy vì mục đích cao đẹp hơn mà làm việc: mục đích cao đẹp đó là làm đẹp xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc và giúp đỡ tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Có Đức Kitô Cùng Thở Với Mình
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:09 11/06/2023
Có Đức Kitô Cùng Thở Với Mình

(Mình và Máu Thánh Chúa Kitô – Năm A 2023)

Theo định nghĩa của Thánh Gioan Tông đồ, Đức Kitô chính là “Quà Tặng Tình Yêu” của Thiên Chúa dành cho thế gian: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Người “Con Một” đó từ nguyên thủy đã là Lời Toàn Năng của Thiên Chúa (Ga 1,1); và khi tới hồi viên mãn, “Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14). Là “Quà tặng tình yêu”, là “Lời toàn năng hóa thành nhục thể” được Thiên Chúa ban cho thế gian, Đức Kitô tới phiên mình, lại trở thành một “Quà Tặng” cụ thể, sống động và thiết thân dành cho con người qua “Tấm Bánh là xác thân, qua Chén rượu là Máu thánh” mà ngôn ngữ Phụng vụ gọi là Bí Tích Thánh Thể: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em… Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới” (1 Cr 11,23-27).

Vì thế, không hề sai khi định nghĩa rằng: Thánh Thể chính “Quà tặng tình yêu của Thiên Chúa hiện thực trong Lời Hy Tế là chính Đức Kitô tử nạn Phục sinh”; và Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Thông điệp về Thánh Thể đã xác nhận ý nghĩa nầy: “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ...” (Ecclesia de Eucharistia 11).

Thế nhưng, cho dù “Quà Tặng cao cả” đó đã được ban xuống cho thế gian hơn hai ngàn năm rồi; nhất là, chính thức được “bẻ ra” để ban tặng cho loài người khi Đức Kitô chính thức thiết lập Bí tích Thánh Thể vào bữa Tiệc Ly và hoàn tất trên thập giá vào chiều thứ sau Khổ nạn, nhưng xem ra loài người, cả những người mang danh Kitô hữu, vẫn rẻ rúng xem thường, như Thánh Carlo Acutis (1991-2006), vị thánh trẻ đã say mê Thánh Thể từ nhỏ, đã nhận xét rằng: “tại sao có rất đông người xếp hàng dài cả dặm để xem những buổi nhạc rock hay một bộ phim, nhưng không bao giờ có những hàng người như thế trước Chúa Kitô Thánh Thể…

Chúa Nhật hôm nay, một lần nữa, Giáo Hội long trọng cử hành lễ Mình Máu Chúa. Phải chăng đây là dịp để Dân Chúa thêm một lần củng cố niềm tin và sống Mầu Nhiệm Thánh Thể cách trọn hảo. Để giúp cộng đoàn chúng ta thực hiện điều nầy, toàn bộ sứ điệp Lời Chúa được công bố sẽ lần lượt rọi sáng cho chúng ta.

Trước hết, để cảm nhận thế nào là sự cao trọng và cần thiết của Thánh Thể, Lời Chúa muốn đưa chúng ta trở về với kinh nghiệm của dân tộc Israel, Dân Chúa chọn, thời xuất hành trong hoang mạc. Đúng vậy, qua trích đoạn sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê đã long trọng nhắc lại cho dân Ít-ra-en “đoạn đường gian nan thử thách” mà ở đó họ được Thiên Chúa dưỡng nuôi bằng một thứ lương thực từ trời: MANNA và “LỜI”: “Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.…” (Đnl 8,2-3.14b-16a).

Phải chăng, qua những lời trên, Môsê muốn thuyết minh cho dân Ít-ra-en điều nầy: nếu giá trị và sự thiết yếu của cuộc sống nầy chỉ là “tấm bánh nhét cho đầy bụng” thì đâu cần gì phải “xuất hành về Đất hứa”, đâu cần gì phải “lang thang trong hoang mạc với cái giá của thương đau khổ lụy…? Cứ “ở lì trong kiếp nô lệ Ai Cập” cũng có “nồi thịt với củ hành củ tỏi” mà ! Thế nhưng, Thiên Chúa đầy lòng xót thương lại muốn rằng: “Dân Thiên Chúa”, “Dân thánh”, “Dân ưu tuyển”… thì không thể bằng lòng với một thứ lương thực vật chất tầm thường. Ngài muốn ban tặng cho họ một thứ lương thực khác, một thứ “Manna” và “Lời” để nuôi sống hiện tại, hướng tới tương lai và thuộc trọn về Ngài trong Giao ước Cứu độ. Mà để có được thứ “lương thực trường sinh” nầy, họ phải kinh qua “nẻo đường hoang mạc”; phải chấp nhận đói khát lầm than; phải quyết định xa rời kiếp nô lệ hoàn toàn đặt niềm tin vào “mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.

Thế nhưng, câu chuyện “Manna” và “Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” của một thuở “Xuất Hành hoang mạc” lại chỉ là một “hình ảnh tiên trưng” cho một câu chuyện khác cũng liên quan đến nội dung nầy, câu chuyện ‘cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang mạc: Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!”. Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,1-4).

Chúng ta thấy đó, như một cảnh “xuất hành” tái hiện, với đầy đủ các yếu tố: “hoang mạc”, “40 ngày chay”, “đói”, “bánh” và “mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”…; và câu chuyện “cám dỗ hoang mạc” trên lại liên quan đến sự kiện Phép lạ “bánh” và “Lời” xảy ra sau đó: Chúa Giêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám dân vào nơi hoang vắng nghe lời người giảng dạy, mà theo thần học của thánh Gioan Tông đồ, sau phép lạ mang “dấu chỉ tiên báo, dọn đường” nầy, Chúa Giêsu đã minh định một chân lý lạ lùng, một “mầu nhiệm cao cả”, một “Quà tặng tình yêu đích thực” cho muôn thế hệ con người: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống….Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,49-56).

Khi tuyên bố những lời đó, quả thật chẳng ai hiểu “mô tê” gì; phải chờ đến “Ngày Thứ Năm trước khi bước vào cuộc khổ nạn”; và cũng chỉ có nhóm “Mười Hai Tông Đồ”, và Thánh Phaolô, kẻ được Chúa mạc khải riêng, mới tường tận thế nào là “Bánh” trở thành “Thân Mình” và “rượu” trở thành “Máu Giao Ước”, khi các ông cùng với Thầy mình chung chia “Bữa Tiệc Vượt Qua” sớm: “… trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; … Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."… (1 Cr 11,23-27).

Chúng ta thấy đó, mầu nhiệm Mình và Máu Chúa Kitô mà Hội Thánh cử hành long trọng hôm nay đã được Thiên Chúa chuẩn bị dài lâu như thế: từ một thứ “Manna” của một thuở xuất hành hoang mạc cùng với “Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” đã cô đọng thành một “Bánh Hằng Sống” chính là Đấng “Emmanuel” từ trời hoá thân nhập thể, rồi sẵn sàng hy sinh thân mình làm “Tấm Bánh” bẻ ra trong mầu nhiệm Khổ nạn, để từ đó trở thành “Lương thực trường sinh nuôi sống loài người”.

Như vậy, để hiểu, để cảm và nhất là, để sống Mầu Nhiệm Thánh Thể, hay nói theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, để “thông hiệp vào Máu Chúa Kitô…thông hiệp vào Mình Chúa Kitô” (Communion au sang du Christ…Communion au corps du Christ) (1 Cr 10,16-17), chúng ta cần phải “trải nghiệm hoang mạc”, phải “xuất hành” khỏi sự thèm khát “tấm bánh mì của sa tan” hay nồi thịt” của một thời nô lệ Ai Cập”… mà biểu hiện rõ nét của hôm nay chính là “đam mê dục vọng, tìm kiếm và thoả mãn thú vui hạ cấp thế tục; là những bận tâm thái quá dành cho những nhu cầu cơm áo gạo tiền, vinh hoa thế tục…

May mắn thay, ở giữa lòng thế giới hôm nay, giữa một trào lưu đang quay lưng lại với những thực tại thần linh, những giá trị tinh thần và đạo đức, những truyền thống linh đạo vĩ đại…, thì vẫn còn những con người, những “vị thánh ở sát bên nhà chúng ta”, như vị Thánh trẻ Carlo Acutis. Vâng, vị thánh thiếu niên và giỏi tin học nầy luôn đặt Bí tích Thánh Thể ở trung tâm cuộc đời mình, và gọi đó là “đường cao tốc của tôi đến thiên đàng”. Cậu luôn cố gằng chầu Thánh Thể và tin rằng “bằng cách đứng trước Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta trở nên thánh thiện”.

Không chỉ “đứng trước” mà chút nữa đây chúng ta được “hiệp lễ”, được mang lấy Chúa Kitô Thánh Thể vào cuộc sống mình, cuộc đời mình…; để Ngài đồng hành với chúng ta trên muôn nẻo đường cuộc sống. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tong huấn “Niềm vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium), thì sống Thánh Thể đó chính là “có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình…” (EG 266). Amen.

Trương Đình Hiền
 
Chuyện 8 Người
Lm Nguyễn Trung Tây
16:19 11/06/2023
Lm Nguyễn Trung Tây
Chuyện 8 Người


Ở một xã hội mà người nghèo bị coi thường,
người hiền lành bị mọi người đạp đầu, đạp sâu xuống bùn đen bên đường
người khóc, và giọt nước mắt là biểu hiệu của nét yếu đuối,
người giữa ban ngày vẫn cứ ngủ mơ, mơ ước công bằng và bác ái, bởi họ là kẻ bị trị,
người có lòng thương xót, bởi bản thân họ là người bị đàn áp,
người lòng trong sạch, bởi họ cũng chẳng có gì khác hơn ngoài trái tim để ban tặng,
người mơ ước bồ câu hòa bình ngậm cành ôliu non, bởi thôn làng của họ liên tục bị tấn công bởi người ngoại cư,
người bị lùng bắt bởi khác chính kiến, khác niềm tin, khác giới tính,
người bị lăng nhục vừa thể lý vừa tinh thần,

Nói ngắn gọn, họ chính là những người không có tiếng nói trong xã hội,
họ là những kẻ công dân hạng hai,
những người sống vật vờ vùng ngoại biên, một nơi ổ rác khổng lồ chất cao có ngọn.

Cả ngàn năm nay rồi, định kiến trong xã hội đánh giá con người như thế, người thành công và người thất bại, người chiếu trên và người chiếu dưới.
Những người hiền lành, khóc, mơ ước công bằng, có lòng thương xót, lòng trong sạch, mơ ước hòa bình, bị lùng bắt, bị lăng nhục, 8 loại người này là kẻ thất bại, kẻ yếu, những con cá lòng tong, những miếng mồi thơm cho những con cá ở tầng lầu trên.

Thế đấy!
Đức Giêsu bước lên bục giảng, và Ngài giảng ngược lại, thật ra Ngài đưa ra một chuẩn mực mới.
Những con cá lòng tong, 8 loại cá chỉ chuyên làm mồi cho cá lớn
là những con cá được chúc phúc, tràn đầy phúc lộc, ân sủng thiên đàng từ Thiên Chúa đổ xuống những con cá lòng tong tràn lan, lênh láng. Họ đi tới đâu, hương hoa thiên đàng tỏa ngát nơi đó, bởi họ chính là con Thiên Chúa.
(Matt 5:1-12)

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin cho con làm cá lòng tong để con trở thành con Thiên Chúa!
https://www.youtube.com/@nguyentrungtay
 
Thánh Tâm là nguồn mạch lòng thương xót
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
18:08 11/06/2023
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Ðnl 7,6-11; 1 Ga 4,7-16; Mt 11,25-30

THÁNH TÂM CHÚA LÀ NGUỒN MẠCH LÒNG THƯƠNG XÓT

Hôm nay mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta suy niệm về chủ đề: “Thánh Tâm là nguồn mạch lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Thánh Gioan định nghĩa:

“Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8).

Tình yêu đó đã trở thành thương xót khi Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ loài người. Xuyên qua lịch sử, Thiên Chúa mạc khải Người là vị Thiên Chúa thương xót qua danh thánh Giavê, qua danh thánh Giêsu và qua Giáo Hội.

1. Thiên Chúa thương xót

Cựu Ước đã nhiều lần ghi lại kinh nghiệm gặp gỡ với vị Thiên Chúa thương xót, đặc biệt là kinh nghiệm của Môsê gặp gỡ vị Thiên Chúa tại núi Sinai. Sách Xuất Hành kể lại cuộc đàm đạo giữa Môsê với Thiên Chúa mà ông chưa biết tên. Ông hỏi tên Người là gì và Thiên Chúa mạc khải cho ông biết tên Người là Giavê, Đấng Tự Hiện Hữu, là

“Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em,

Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác,

Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3,1).

Trong tiếng Do Thái, Thiên Chúa là Đấng sống động và hiện diện bên cạnh con người để giải phóng họ; đó là Thiên Chúa gần gũi và sẵn sàng đáp cứu con người gặp cảnh khó khăn. Khi Thiên Chúa mạc khải tên chính là lúc mạc khải bản tính Người. Đó là vị “Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).

Lịch sử cứu độ là lịch sử của lòng thương xót mà Thiên Chúa thể hiện đối với con người, hơn là lịch sử của một vị Thiên Chúa nghiêm khắc, thích phạt và hủy diệt loài người.

Vì Thiên Chúa thương xót nên Người luôn sẵn sàng tha thứ mọi sự xúc phạm và tội lỗi của loài người. Thánh Vịnh gia nói:

“Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,

thương chữa lành các bệnh tật ngươi.

Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,

bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà”

(Tv 103,3-4).

Như thế, trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình là Đấng giàu lòng thương xót. Đó chính là dung mạo đích thực của Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta.

2. “Thánh Tâm Chúa Giêsu,” nguồn mạch lòng thương xót

Với mầu nhiệm nhập thể làm người, lòng thương xót của Thiên Chúa có một dung mạo cụ thể và rõ ràng qua dung mạo của Đức Kitô.

Bởi thế, bắt đầu Tông Chiếu Misericordiae Vultus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có những lời rất ý nghĩa:

“Chúa Giêsu Kitô chính là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Mầu nhiệm Kitô giáo được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Lòng thương xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Ðức Giêsu thành Nadarét, và đạt đến đỉnh cao nơi Người. Chúa Cha, Đấng ‘giàu lòng thương xót’ (Ep 2,4)… đã sai Người Con duy nhất đến thế gian… để mạc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Người. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (Ga 14,9). Đức Giêsu Nadarét đã mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người” (Misericordiae Vultus, số 1).

Trong suốt cuộc đời tại thế, Đức Giêsu xuất hiện như là sứ giả lòng thương xót của Chúa Cha: Khi thấy đám đông dân chúng bơ vơ không người chăn dắt, Người chạnh lòng thương họ cách sâu xa (x. Mt 9,36); khi thấy những người đau yếu, bệnh hoạn, tật nguyền, bị quỷ ám, Người chữa lành cho họ (x. Mt 14,14 tt; Mc 5,19); khi thấy những người tội lỗi cần hoán cải, Người chủ động đến gặp gỡ và giúp họ trở về như trường hợp của Mátthêu, của Giakêu hay của Mađalêna v.v…

Tuy nhiên, nghĩa cử thương xót ấy đạt tới viên mãn nơi biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Tại đây, Con Thiên Chúa đã tự hạ mình cho đến cùng, trở thành người Tôi Tớ đau khổ, chịu chết trên thập giá, đổ máu đào để cứu độ loài người. Nơi thập giá, Người mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa một cách tuyệt vời nhất: Thiên Chúa cùng chịu đau khổ với chúng ta. Thiên Chúa chịu chết thay cho chúng ta để chúng ta được sống dồi dào. Và sự phục sinh của Đức Kitô là chiến thắng của lòng thương xót của Chúa trên tội lỗi và oán thù.

Như thế, Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là nguồn mạch lòng thương xót của Thiên Chúa. Người đến không để hủy diệt nhưng để cứu chữa và tìm lại những gì đã mất.

3. Điều kiện để đón nhận lòng thương xót

Điều kiện 1: Nhận biết mình có tội và cần đến lòng thương xót:

Để đón nhận ơn tha thứ và thương xót, chúng ta phải thực sự có lòng sám hối, nhìn nhận mình có tội và xin Chúa tha thứ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên:

“Phải mở lòng với lòng thương xót, mở tâm hồn và bản thân ra, để Chúa Giêsu đến với mình bằng cách đi xưng tội trong đức tin.”

Tất cả chúng ta đều là tội nhân cần đến lòng thương xót của Chúa, chúng hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13). Chỉ cần chúng ta hoán cải, Thiên Chúa sẽ sẵn sàng tha thứ cho chúng ta.

Điều kiện 2: Hoán cải và thay đổi đời sống:

Thiên Chúa hay thương xót nhưng không vì thế mà chúng ta muốn làm gì thì làm, sống thế nào thì sống. Để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải sám hối và hoán cải đời sống mình.

Nếu thiếu hoán cải đời sống, chúng ta biến ân sủng quý giá của Thiên Chúa thành một thứ ân sủng “rẻ tiền.” Như Đức Hồng Y Kasper cảnh báo:

“Sự nguy hiểm của những việc như thế là biến ơn thánh quý báu của Thiên Chúa, vốn phải mua bằng giá máu của Người trên thập giá, thành thứ ơn phúc rẻ tiền, biến ơn thánh thành món hàng bán rẻ ở tầng hầm.”

4. Nơi để đón nhận lòng thương xót

Nơi 1: Bí tích Hòa Giải là tòa của lòng thương xót. Chúng ta hãy đến đó và xưng tội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đi xưng tội một cách công khai dù ngài là giáo hoàng. Ngài làm gương cho chúng ta.

Nơi 2: Thánh Thể, nguồn mạch của lòng Chúa thương xót. Tại đây, Đức Giêsu trở thành lương thực cho chúng ta. Chúa ban sự sống thần linh cho chúng ta. Hãy đến tham dự Thánh Lễ hằng ngày và hằng tuần. Nơi đó, chúng ta sẽ gặp lòng thương xót của Chúa.

5. Kitô hữu có lòng thương xót

Chúa Giêsu nói:

“Anh em hãy có lòng thương xót như Chúa Cha” (Lc 6,36).

Hay nơi khác, Chúa mời gọi:

“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).

Chúng ta được mời gọi noi gương Thánh Tâm Chúa, để có một trái tim hiền lành và khiêm nhường. Nếu Thánh Tâm Chúa là Thương Xót thì trái tim của chúng ta cũng phải phản ánh lòng thương xót của Chúa. Chúng ta được mời gọi hãy sống và thực thi lòng thương xót của Chúa trong môi trường sống của mình. Noi gương Đức Giêsu, chúng ta thực thi lòng thương xót đối với tha nhân bằng thái độ tôn trọng, cảm thương, bao dung và chia sẻ đối với những người xung quanh. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Vẽ chân dung
Lm. Minh Anh
19:44 11/06/2023

VẼ CHÂN DUNG
“Hãy nếm thử và hãy nhìn coi!”.

Đến Âu Châu, du khách ấn tượng bởi các nghệ sĩ đường phố; những con người tài hoa này biễu diễn các loại nhạc cụ khác nhau; bên cạnh đó, phải kể đến các hoạ sĩ. Họ vẽ trên vải, trên giấy, trên cát và thậm chí, trên mặt đường. Ấn tượng nhất, là các hoạ sĩ ‘vẽ chân dung!’; chỉ trong mươi phút, một tuyệt phẩm ra đời. Họ làm nên một nét văn hoá đường phố!

Kính thưa Anh Chị em,

Cũng thế, sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay được đọc dưới cái nhìn thán phục, ngưỡng mộ của một người ‘thưởng lãm’ đang chôn chân trước một hoạ sĩ ‘vẽ chân dung’, hoạ sĩ Giêsu!

Trong Tin Mừng hôm nay, khi công bố Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu khác nào một nghệ sĩ đang ‘vẽ chân dung’ của chính Ngài. Ở đây, với bạn và tôi, ‘thưởng lãm’ mang ý nghĩa ‘chiêm ngắm!’. Ngài vẽ ‘nét nghèo khó’, “Con Người không chỗ gối đầu!”; Ngài vẽ ‘nét hiền lành’, “Hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng!”; Ngài vẽ ‘nét buồn đau’, “Tâm hồn Thầy u buồn đến chết!”; Ngài vẽ ‘nét đói khát điều công chính’, “Giá mà các người biết Tôi là ai!”; Ngài vẽ ‘nét xót thương’, “Thầy thương xót dân này”; Ngài vẽ ‘nét trong sạch’, “Nào ai bắt Tôi được điều gì!”; Ngài vẽ ‘nét kiến tạo hòa bình’, “Bỏ họ, Ngài qua bờ bên kia!”. Và Ngài vẽ ‘nét chịu bách hại vì lẽ công chính’, “Mọi sự đã hoàn tất!”.

Vẽ chân dung chính mình, Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài mỗi ngày, vẽ chân dung chính họ! Họ phải vẽ làm sao để chân dung họ y hệt chân dung Ngài, đến độ người đời có thể nhầm lẫn khi ‘không biết đâu là họ, chẳng biết đâu là Ngài!’. Thật ý vị khi Thánh Vịnh đáp ca mời gọi, “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao!”.

Khởi đầu thư Côrintô hôm nay, thật tuyệt vời, Phaolô chia sẻ trải nghiệm “nếm thử” và “nhìn coi” chân dung Giêsu của ngài. Phaolô thèm thuồng chiêm ngắm các mối phúc Chúa Cha ban cho Thầy mình; nhờ đó, vị tông đồ dân ngoại vẽ được chân dung đời mình giống tạc chân dung Thầy. Thư Côrintô viết, “Cũng như các nỗi đau khổ của Đức Kitô chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Đức Kitô, chúng tôi cũng được an ủi chứa chan thể ấy!”.

Anh Chị em,

“Hãy nếm thử và hãy nhìn coi!”. Không chỉ muốn chúng ta “nếm thử” và “nhìn coi”, Chúa Giêsu muốn bạn và tôi tạc, hoạ, ‘vẽ chân dung’ đời mình sao cho giống chân dung chính Ngài! Ai trong chúng ta cũng muốn ‘vẽ mình’ thật nhanh, nhanh hơn các hoạ sĩ đường phố. Vậy mà điều này có thể dẫn đến bất ổn, vì như thế, chúng ta sẽ giống một ai đó chứ không giống Ngài. Ngài muốn chúng ta vẽ thật chậm, vẽ từng nét mỗi ngày: nét cầu nguyện, nét yêu thương, nét bỏ mình, nét tha thứ, nét chết cho tội lỗi để sống cho Thiên Chúa. Muốn được vậy, như Phaolô, bạn và tôi hãy cho phép Chúa Kitô chạm vào cuộc sống mình; ‘chạm vào’ có nghĩa là ‘biến đổi’. Nhờ đó, chúng ta sẽ nên giống Ngài, ‘một Kitô khác’, đó là một cuộc sống hướng đến sự thánh thiện, không chỉ cho riêng mình mà còn trở nên nguồn cảm hứng cho người khác ước ao nên thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ngày nào con cũng ‘vẽ con’; nhưng càng vẽ, con càng không nhận ra mình. Giúp con biết bắt đầu từ đâu, hầu thế giới có thêm một chân dung giống với chân dung Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhật Ký Trừ Tà số 243: Ma Quỷ Chia rẽ Gia Đình
VietCatholic Media
05:06 11/06/2023


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #243: Demons Divide Families”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 243: Ma Quỷ Chia rẽ Gia Đình”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“N” có một lịch sử lâu dài sử dụng ma túy nặng. Điều này không phải là ngẫu nhiên: mẹ cô, một mụ phù thủy, thừa nhận đã bỏ cocain vào sữa bột của cô. Ngoài ra, N còn bị ma quỷ dày vò. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên: mẹ cô cũng đã dâng cô cho Satan khi sinh ra.

Mẹ cô chết rất trẻ vì dùng ma túy quá liều. Cha mẹ nuôi của cô, những người Công Giáo nhiệt thành, đã can đảm giúp N khỏi cả ma túy và ma quỷ. Cô ấy đã cai nghiện được hơn một năm và họ đã cùng cô tham gia nhiều buổi trừ tà trong nhiều tháng. Cô ấy đã tiến bộ rất nhiều và ma quỷ đã gần như biến mất khỏi cô ấy.

Những con quỷ đang nổi giận. Họ đặc biệt ghét mối quan hệ của cô với cha mẹ nuôi. Mối quan hệ này là chìa khóa giúp cô ấy hồi phục và phá vỡ mối liên hệ với ma quỷ của mình. Vì vậy, lũ quỷ đang làm mọi cách để tiêu diệt gia đình này.

Một trong những chiến thuật chính của họ là phá vỡ lòng tin giữa N và cha mẹ mới của cô. Trong khi N phủ nhận việc sử dụng ma túy nữa, thì cha mẹ cô ấy hàng ngày nhận được tin nhắn nói rằng cô ấy đang sử dụng ma túy. Chẳng hạn như:

“Cô ấy đang làm cocaine trên chiếc bàn phía sau cạnh rèm cửa.”

“Bây giờ cô ấy là của tao. Nếu bạn có một người cha quan tâm đến bạn, bạn sẽ không dùng ma túy như bây giờ.”

“Chỉ cần tìm một cây kim và một cái muỗng, em yêu và cơn đau sẽ chấm dứt.”

“Thật tuyệt vời phải không? Tất cả số thuốc đó cô ấy đắp lên mũi à? Và cô ấy vẫn chưa chết.”

Cha mẹ và cô con gái hàng ngày nhận được những email khó chịu như vậy và tệ hơn nữa, nói bóng gió rằng cô ấy đang sử dụng hoặc sắp sử dụng và dụ dỗ N tái nghiện.

Để hiểu cách ma quỷ hoạt động, một nguyên tắc cơ bản là đảo ngược ma quỷ. * Ma quỷ đảo ngược sự thật. Chúng cố gắng biến những lời nói dối của mình thành sự thật và chúng cố gắng khiến mọi người tin rằng sự thật thực sự chỉ là một lời nói dối. Tương tự như vậy, chúng trình bày điều ác là điều tốt và cố gắng làm cho mọi người tin rằng điều tốt thực sự là điều xấu. Chúng ta ngày càng thấy điều này trong toàn xã hội của chúng tôi.

Trong trường hợp của N, ma quỷ đang muốn tách cha mẹ nuôi ra khỏi N và chúng gieo rắc những lời dối trá của ma quỷ hàng ngày. Ban đầu, cha mẹ N bị lừa bởi những lời nói dối này và họ tin rằng N thực sự tái nghiện ma túy. Điều này đã tạo ra sự bất hòa và đe dọa đến sự tin tưởng giữa N và cha mẹ cô. Bây giờ, họ nhận ra sự thật và họ đoàn kết với con gái của họ chống lại những chiến thuật ma quỷ này. Và nếu cô ấy tái nghiện, họ sẽ nhanh chóng tha thứ và hỗ trợ cô ấy quay trở lại con đường hồi phục.

Tôi nghi ngờ rằng chúng ta đã đánh giá thấp mức độ thường xuyên gieo rắc những lời dối trá tương tự giữa các thành viên trong gia đình ngày nay, cũng như trong Giáo hội, cố gắng phá hủy sự hài hòa và đoàn kết của Giáo hội. Chúa Thánh Thần là mối dây hiệp nhất trong Giáo hội và trong gia đình chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần đến làm cho chúng ta nên một trong tình yêu.


Source:Catholic News Agency
 
Joseph Ratzinger và tầm nhìn sáng tạo về người từ Makêđônia trong Công vụ Tông đồ
Vũ Văn An
17:59 11/06/2023

Ai cũng biết đoạn Công vụ Tông đồ 16:6-10, trong đó, có nhắc đến thị kiến của Thánh Phaolô về “một người từ Makêđônia”: “Các ông đi qua miền Phyghia và Galát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Axia. Khi tới sát ranh giới Myxia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Myxia mà xuống Trôa. Ban đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến: Một người miền Makêđônia đứng đó, mời ông rằng: “Xin ông sang Makêđônia giúp chúng tôi!” Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Makêđônia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ”.



Tiến sĩ Jennifer Roback Morse, sáng lập viên và chủ tịch của Viện Ruth, chuyên giúp các nạn nhân của cuộc Cách mạng Tình dục phục hồi từ trải nghiệm của họ và trở thành những người cổ vũ các thay đổi tích cực, vẫn suy nghĩ nhiều về đoạn văn trên. Bà nhớ đã gặp nó lần đầu tiên khi đọc các trước tác của thần học gia Joseph Ratzinger và từ đó, lần nào đọc nó, bà cũng đầy một cảm thức bái phục. Mời bạn đọc đọc tiếp những gì bà vừa viết trên trang mạng National Catholic Register:

Xem ra nó không giống như một đoạn văn có tầm quan trọng về thần học. Nó cũng chẳng có vẻ gì đặc biệt về triết học. Vậy thì Joseph Ratzinger đã chỉ ra điều gì về đoạn văn đó trong Công vụ Tông đồ để biến một câu chuyện du hành xem ra ngắn gọn và vô tình trong Kinh thánh thành một điều gì đó rất giàu ý nghĩa đối với các triết gia Công Giáo?

Trong đoạn văn này, việc Giáo hội đến Hy Lạp dường như được Thiên Chúa sắp xếp. Đầu tiên, Chúa Thánh Thần ngăn cản Thánh Phaolô đến Axia và giữ ngài cùng những người bạn đồng hành của ngài ở lại vùng đất của người Hy Lạp. Sau đó, trong câu 7, họ cố gắng đi đến Bithynia, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thần Khí của Chúa Giêsu ngăn cản họ.

Trong khi họ ở Myxia và Trôa, cũng ở Tiểu Á, họ vẫn chưa hiểu rõ vấn đề. Vì vậy, Chúa Cha gửi cho Thánh Phaolô một thị kiến trong một giấc mơ mà ngài không thể bỏ qua. Người đàn ông đến từ Makêđônia đặc biệt nói với họ, “Hãy đến Makêđônia và giúp chúng tôi.” Như để nhấn mạnh điểm này, câu 10 nói rằng thánh Phaolô kết luận rằng Thiên Chúa kêu gọi ngài và những người bạn đồng hành của ngài “rao giảng Tin Mừng cho họ”. Nghĩa là người Makêđônia. Nghĩa là người Hy Lạp.

Thánh Phaolô và những người bạn đồng hành của ngài tin rằng họ đang giúp đỡ những người mà họ rao giảng. Và quả họ đã làm như vậy. Họ ít biết được người Hy Lạp cuối cùng sẽ giúp đỡ Giáo hội xiết bao! Kitô giáo hóa người dân Hy Lạp có nghĩa là Kitô giáo sẽ gặp gỡ nền triết học Hy Lạp.

Cuộc gặp gỡ này có nghĩa là Giáo hội đã “chiếm hữu” các khía cạnh của Platông và Aristốt, trong khi ít nhiều làm ngơ Epicurus và các nhà Khắc kỷ. Chủ nghĩa Tân Platông của Thánh Augustinô được nhiều người biết đến, cũng như chủ nghĩa Aristốt của Thánh Tôma Aquinô. Đây chắc chắn là một câu chuyện phức tạp. Nhưng Kitô giáo, đặc biệt là ở phương Tây, đã chấp nhận các công cụ triết học Hy Lạp, chẳng hạn như luận lý học, luật không mâu thuẫn, sự hiểu biết phức tạp về quan hệ nhân quả và nhiều hơn nữa.

Đạo Công Giáo đã sử dụng tốt các thuật ngữ có ý nghĩa triết học chính xác, bao gồm mô thức, chất thể, bản thể, tiềm năng, hiện thể và nhiều thuật ngữ khác. Tất cả những điều này là do Thiên Chúa Ba Ngôi đã ngăn cản Thánh Phaolô đến Axia!

Có lần tôi đến thăm một chủng viện Công Giáo và hỏi các thanh niên xem họ đang học gì. Tất nhiên, họ đang học triết học, theo thông lệ đối với các chủng sinh Công Giáo khi bắt đầu việc đào tạo của họ. Một trong số họ nói với tôi rằng giáo sư của họ đã nói với họ: “Bạn không cần phải là người theo học thuyết Tôma hay Aristốt. Nhưng nếu bạn không phải là một người theo chủ nghĩa hiện thực triết học thuộc một loại nào đó, bạn sẽ không thể vượt qua được giai đoạn chủng viện.”

Là một nhà kinh tế học, cá nhân tôi không được đào tạo chính thức về triết học. Nhưng thực ra, điều đó không hoàn toàn đúng. Tôi thuộc lòng Sách Giáo Lý Baltimore vào năm lớp bốn, để chuẩn bị cho lễ Thêm Sức. Chỉ nhiều năm sau, tôi mới nhận ra rằng Sách Giáo lý Baltimore là Tổng luận Thần học của Thánh Tôma, được điều chỉnh cho trẻ em. Vì vậy, sẽ đúng hơn nếu nói rằng quá trình đào tạo triết học chính thức của tôi kết thúc vào năm lớp bốn.

Mặc dù nghiên cứu một ngành khoa học duy vật như kinh tế học, nhưng tôi đã ghi nhớ trong đầu mình một tập hợp khá phức tạp các phạm trù triết học. Tôi biết ơn các sơ đã dạy tôi cuốn giáo lý đó. Họ đã giúp tôi không rơi vào bất cứ quá trình suy nghĩ điên rồ nào mà thế giới của chúng ta đầy rẫy.

Tất cả “những người đàn ông da trắng đã chết” đó đã cho chúng tôi những công cụ giúp chúng tôi suy nghĩ cẩn thận và chính xác. Bây giờ chúng ta giả thiết phải tấn công và loại bỏ những đóng góp của những người đàn ông này, những người đã làm cho nền văn minh tiên tiến của chúng ta trở nên khả hữu. Nhưng xin lưu ý: Những người đang yêu cầu chúng ta lên án “những người đàn ông da trắng đã chết” không có gì có giá trị tương đương để thay thế ý tưởng của họ. Những người này đang yêu cầu chúng ta chấp nhận những điều phi luận lý, vô lý và một loạt niềm tin mâu thuẫn lẫn nhau.

Linh mục Dòng Tên Frederick Copleston, một trong những học giả vĩ đại của thế kỷ 20, đã viết một bộ Lịch sử Triết học đồ sộ. Tập 1 dĩ nhiên bao trùm Hy Lạp và La Mã. Dòng kết thúc của Cha Copleston trong tập sách đó đã nắm bắt được tầm quan trọng trong cuộc gặp gỡ của Kitô giáo với Hy Lạp:

“Tất nhiên, Kitô giáo không phải là kết quả của triết học cổ thời theo bất cứ nghĩa nào, cũng không thể gọi nó là một hệ thống triết học, vì nó là tôn giáo mạc khải và tiền thân lịch sử của nó được tìm thấy trong Do Thái giáo; nhưng khi những người theo Kitô giáo bắt đầu làm triết học, họ đã tìm thấy sẵn trong tay một nguồn tài liệu phong phú, một kho công cụ biện chứng cũng như các khái niệm và thuật ngữ siêu hình, và những người tin rằng Sự quan phòng thần thiêng đang hoạt động trong lịch sử sẽ khó có thể cho rằng việc cung cấp tài liệu đó và sự soạn thảo của nó qua nhiều thế kỷ chỉ đơn giản và duy nhất là một tình cờ.”

Tôi chắc chắn không tin rằng đây là một tình cờ theo bất cứ nghĩa nào. Và tôi, cùng với Joseph Ratzinger, căn cứ vào Công vụ 16 để xác nhận niềm tin đó.
 
Đức Thánh Cha tiếp tục hồi phục trong bệnh viện, Ngài ăn trưa với nhân viên bệnh viện.
Thanh Quảng sdb
18:49 11/06/2023
Đức Thánh Cha tiếp tục hồi phục trong bệnh viện, Ngài ăn trưa với nhân viên bệnh viện.

Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục hồi phục tốt sau ca phẫu thuật, ngài đã đọc kinh Truyền tin với các nhân viên bệnh viện trước khi cùng với họ dùng bữa trưa.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục dưỡng bệnh tại bệnh viện Gemelli ở Rôma, sau ca phẫu thuật, Văn phòng Báo chí Tòa thánh hôm Chúa nhật cho hay:

“Các nhân viên y tế đã cho hay quá trình phục hồi sau phẫu thuật của Đức Thánh Cha Phanxicô được tiến triển bình thường.

Đức Thánh Cha tiếp tục hạ sốt và huyết mạch ổn định (không sốt, nhịp tim và huyết áp ổn định); ngài đã trải qua vật lý trị liệu hô hấp và tiếp tục tập di chuyển.

Vào buổi sáng Chúa nhật, ĐTC theo dõi Thánh lễ trực tiếp trên truyền hình và rước Mình Thánh Chúa. Sau đó, ngài đến nhà nguyện trong căn hộ riêng của mình, nơi ấy Ngài đọc Kinh Truyền Tin với một số nhân viên.

Sau đó, ngài ăn trưa với những người đã và đang săn sóc cho ngài (bác sĩ, trợ lý y tế, y tá, nhân viên và nhân viên của Lực lượng hiến binh) trong những ngày ngài dưỡng bệnh tại căn hộ riêng.
 
VietCatholic TV
Zelenskiy: Tổng phản công đã bắt đầu. Quân Nga thương vong cao, hàng dài xe đông lạnh ở Zaporizhzhia
VietCatholic Media
03:10 11/06/2023


1. Các chiến đấu cơ Ukraine tiến hành 17 cuộc tấn công vào các vị trí của đối phương

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 11 tháng Sáu, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết lực lượng không quân Ukraine đã tiến hành 15 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung quân và 2 cuộc tấn công vào các hệ thống hỏa tiễn phòng không của đối phương.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã đánh trúng hai sở chỉ huy, năm khu vực tập trung quân nhân, vũ khí và thiết bị, một đơn vị pháo binh trong tư thế khai hỏa và bốn mục tiêu quan trọng khác của quân xâm lược.

Trong 24 giờ qua, Nga đã tấn công Ukraine bằng 8 hỏa tiễn, trong đó có 4 hỏa tiễn Iskander và 35 máy bay không người lái tấn công Shahed. Ngoài ra, người Nga đã thực hiện 66 cuộc không kích và 39 cuộc tấn công sử dụng nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng.

Các cuộc tấn công của đối phương khiến thường dân chết và bị thương. Đối phương đã phá hủy và làm hư hại nhà dân và các cơ sở hạ tầng hành chính và dân sự khác.

Hơn 20 khu định cư ở vùng Donetsk, Zaporizhzhia, và Kherson đều bị đối phương tấn công bằng hỏa lực pháo binh.

Đại Tá Yurii Ihnat cho biết quân đội Nga tiếp tục chịu tổn thất nặng nề mà họ cố gắng che giấu. Tại thành phố Berdiansk, vùng Zaporizhzhia bị tạm chiếm, những kẻ xâm lược đã đóng cửa một nhà xác ở phía tây thành phố không cho dân thường tiếp cận. Một hàng dài các xe tải đông lạnh đã được nhìn thấy trên lãnh thổ của nhà xác.

Các bloggers quân sự Nga cho biết trong vùng Zaporizhzhia, quân Nga đang phải hứng chịu hỏa lực cực mạnh từ pháo binh và không quân Ukraine. Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh còn cho biết một nguyên nhân đến đến các thương vong kinh hoàng của quân Nga.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh viết: “Khả năng phản ứng của Nga không đồng đều: một số đơn vị có khả năng tiến hành các hoạt động phòng thủ cơ động đáng tin cậy trong khi những đơn vị khác đã rút lui trong tình trạng hoảng loạn, trong bối cảnh có các báo cáo về thương vong của Nga ngày càng tăng khi họ rút lui qua các bãi mìn của chính họ.”

2. Zelenskiy đưa ra dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy cuộc phản công của Ukraine đang được tiến hành

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra dấu hiệu rõ ràng nhất rằng cuộc tổng phản công đã được chờ đợi từ lâu đang được tiến hành, nói rằng “các hành động phòng thủ phản công có liên quan đang diễn ra ở Ukraine.”

Phát biểu tại Kyiv hôm thứ Bảy, nhà lãnh đạo Ukraine đã được yêu cầu trả lời những bình luận của tổng thống Vladimir Putin, là người đã tuyên bố hôm thứ Sáu rằng cuộc phản công của Ukraine chắc chắn đã bắt đầu - và không đạt được thành công.

Zelenskiy phớt lờ những gợi ý của Putin rằng lực lượng vũ trang Ukraine đang gặp khó khăn và tìm cách gây áp lực tâm lý cho Ukraine.

“Thật thú vị khi Putin nói về cuộc phản công của chúng tôi,” Zelenskiy đáp lại. “Điều quan trọng là Nga cảm thấy cuộc phản công, cảm thấy rằng họ không còn nhiều thời gian”.

Zelenskiy cho biết “các hành động phòng thủ phản công có liên quan đang diễn ra ở Ukraine,” nhưng cho biết ông “sẽ không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về giai đoạn hiện tại.”

Sau khi dành phần lớn mùa đông để chiến đấu quanh thành phố Bakhmut phía đông, cũng như huấn luyện binh lính và chờ viện trợ quân sự phương Tây đến, như xe tăng và vũ khí tấn công tầm xa, vài tuần qua đã chứng kiến Ukraine rõ ràng đẩy mạnh các hoạt động quân sự.

Chúng bao gồm các hoạt động định hình – tấn công vào các mục tiêu ở xa phía sau chiến tuyến, như kho nhiên liệu và doanh trại của binh lính. Và gần đây hơn, quân đội Ukraine đã tiến hành các hoạt động thăm dò, được thiết kế để kiểm tra các điểm yếu của đối phương cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu của chúng.

Hôm thứ Bẩy, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho rằng các hoạt động tấn công của Ukraine đang diễn ra dọc theo tiền tuyến ở phía nam và phía đông của Zaporizhzhia. Các binh sĩ từ lữ đoàn Vostok ngay lập tức ở phía đông nam của thị trấn tiền tuyến Orikhiv đã đẩy lùi hai nỗ lực tiến công của các đơn vị xe tăng Ukraine.

Tuy nhiên, các blogger quân sự Nga đã phản bác các báo cáo lạc quan của Konashenkov. Alexander Sladkov cho biết lữ đoàn Vostok đã bỏ chạy khỏi các làng Novodanilovka và Mala Tamkachka. Các vị trí gần con đường phía nam Orikhiv hướng tới Tokmak đang tiếp tục báo cáo về hỏa lực pháo binh cực mạnh của Ukraine. Tình hình khủng khiếp đến mức quân Nga hốt hoảng chạy vào cả các bãi mìn của chính họ. Thương vong do đạp mìn của chính mình thậm chí còn cao hơn thương vong do pháo binh Ukraine gây ra.

3. NATO chuẩn bị tập trận phòng không lớn nhất lịch sử

Bắt đầu từ thứ Hai, NATO sẽ tổ chức một cuộc tập trận phòng không chưa từng có ở Âu Châu trong hành động được coi là phô trương lực lượng với Nga.

Khoảng 10.000 thành viên hàng không đang tập trung tại Đức để mô phỏng phản ứng của NATO đối với một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên liên minh.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh các quốc gia NATO trong nhóm Bucharest Nine thỉnh cầu NATO đưa ra quyết định mà Kyiv đã yêu cầu từ lâu – đó là đóng cửa không phận đối với Ukraine. Trong trường hợp này, Nga sẽ không thể phóng hỏa tiễn vào Ukraine và máy bay của họ sẽ không thể bay tới đó.

Nếu Nga tiếp tục không kích vào Ukraine, NATO phải bảo đảm an ninh cho không phận Ukraine bằng cách “gửi lực lượng không quân của mình tới Ukraine để bảo vệ bầu trời Ukraine”. Các quốc gia này khẳng định liên minh có khả năng bảo đảm điều này.

Nga thường xuyên hù dọa tấn công hạt nhân. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với thông tấn xã UkrInform của Ukraine, Waldemar Skrzyczak, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Ba Lan, cho rằng Putin không dám làm điều đó. Ngay cả việc tấn công vào các quốc gia cung cấp các căn cứ không quân cho phương Tây đưa viện trợ quân sự đến Ukraine, Nga còn không dám làm, nói chi đến vũ khí hạt nhân.

Tướng Skrzyczak cũng nhấn mạnh rằng quan điểm của Ba Lan, Rumani và các quốc gia vùng Baltic là Ukraine không thể thua, và Nga không thể thắng trong cuộc xâm lược hiện nay. Nếu Nga thắng, Putin không dừng lại ở Ukraine. Ba Lan, Rumani và các quốc gia vùng Baltic rơi vào một tình thế hết sức nguy hiểm. Không chỉ có thế, cả các quốc gia khác ở nhiều nơi trên thế giới cũng sẽ là mồi ngon cho những bọn xâm lược khác. Đài Loan là một ví dụ.

Việc đưa không quân NATO vào Ukraine, theo ông, không làm leo thang chiến tranh nhưng là một minh chứng cho người Nga thấy quyết tâm của NATO, và điều đó sẽ buộc Nga ngồi xuống đàm phán chấm dứt chiến tranh và bồi thường cho Ukraine.

4. Thủ tướng Canada tuyên bố nước ông sẽ tham gia đào tạo phi công chiến đấu cho Ukraine

Thủ tướng Justin Trudeau gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Kyiv, Ukraine, vào hôm Thứ Bảy, ngày 10 tháng Sáu, trong một chuyến viếng thăm đột ngột để thể hiện tình đoàn kết sau vụ nổ đập Nova Kakhovka.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tuyên bố trong chuyến thăm Kyiv hôm thứ Bảy rằng Canada sẽ tham gia vào các nỗ lực đa quốc gia nhằm đào tạo các phi công chiến đấu của Ukraine.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Thủ tướng Trudeau cho biết nước này sẽ giúp “duy trì và hỗ trợ chương trình chiến đấu cơ của Ukraine, tận dụng chuyên môn của Canada trong các lĩnh vực này”.

Thủ tướng Trudeau cũng thông báo rằng Canada sẽ đóng góp vào sáng kiến bảo trì xe tăng chiến đấu Leopard mà các đồng minh của Ukraine đã cung cấp cho Kyiv.

“ Chúng tôi sẽ cung cấp thêm 287 hỏa tiễn AIM-7, hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực bảo vệ bầu trời Ukraine,” ông nói thêm, đề cập đến một loại hỏa tiễn không đối không tầm trung. Và từ các quỹ hiện có, chúng tôi sẽ cung cấp 10.000 viên đạn 105 ly cho lực lượng an ninh Ukraine.”

Thủ tướng Trudeau cho biết thêm 500 triệu đô la đang được phân bổ dưới dạng tài trợ quân sự.

Thủ tướng Canada cũng bình luận về trận lũ lụt thảm khốc sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraine. Ông nói: “Chúng tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì rằng việc phá hủy con đập là hậu quả trực tiếp của quyết định xâm lược một nước láng giềng hòa bình của Nga.

“Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã tàn phá cơ sở hạ tầng, phá hủy nhiều gia đình và cướp đi sinh mạng, đồng thời gây ra tình trạng thiếu hụt kinh tế, lương thực và năng lượng trên toàn thế giới. Nga phải chịu trách nhiệm và sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Trudeau nói.

Ông cũng tuyên bố cung cấp 10 triệu đô la Canada (khoảng 7,46 triệu đô la Mỹ) để giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt.

Trong cuộc gặp tại Kyiv vào thứ Bảy, hai nhà lãnh đạo cũng đã thông qua một tuyên bố trong đó Canada ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO ngay khi hoàn cảnh cho phép.

“Canada ủng hộ Ukraine trở thành thành viên NATO ngay khi điều kiện cho phép. Ukraine và Canada mong muốn giải quyết những vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7 năm 2023”

Zelenskiy trước đây đã nói rằng ông hiểu đất nước của mình không thể trở thành thành viên của NATO khi vẫn còn chiến tranh.

5. Canada tuyên bố sẽ trao máy bay Nga bị tịch thu cho Ukraine

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm thứ Bảy hứa sẽ bàn giao chiếc máy bay chở hàng An-124 của Nga bị tịch thu cho Ukraine.

“Hôm nay, với đạo luật mà chúng tôi đã thông qua, chúng tôi đang tịch thu chiếc máy bay thuộc sở hữu của Nga này và chúng tôi đang bắt đầu quá trình chuyển giao tài sản này cho Ukraine để nó sẽ không bao giờ được Nga sử dụng để hỗ trợ chiến tranh nữa,” Trudeau nói trong cuộc họp báo. chuyến thăm của ông tới Kyiv.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, chiếc máy bay vận tải thuộc một hãng hàng không Nga, đã đến Toronto vào ngày 27/2 năm ngoái mang theo lô hàng xét nghiệm Covid từ Trung Quốc. Chiếc máy bay do chính phủ Canada thuê đã đến hai giờ trước khi chính quyền quốc gia Bắc Mỹ đóng cửa bầu trời với các chuyến bay của Nga vì tình hình ở Ukraine.

Chiếc máy bay vẫn ở Canada, và bây giờ sẽ đến quốc gia mà Mạc Tư Khoa đã tiến hành cuộc chiến hơn một năm kể từ đó.

Oleg Stepanov, Đại sứ Nga tại Canada, đã gọi quyết định của nước này giao chiếc máy bay bị tịch thu cho Ukraine là “bất hợp pháp” và “trộm cắp vặt” trong một cuộc phỏng vấn với TASS hôm thứ Bảy.

Trong chuyến thăm của mình, Thủ tướng Trudeau cũng công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với một số cá nhân và công ty góp phần vào việc Nga xâm lược Ukraine.

Thủ tướng Canada cho biết: “Cho đến nay, Canada đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hơn 2.500 tổ chức và cá nhân. “Và hôm nay chúng tôi công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 24 cá nhân và 17 tổ chức như một phần của các biện pháp kinh tế đặc biệt đối với Ukraine.”

6. Nhà máy chế tạo máy bay không người lái mà Nga đang xây dựng với sự giúp đỡ của Iran có thể hoạt động đầy đủ vào đầu năm 2024

Hoa Kỳ tin rằng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái tấn công mà Nga đang xây dựng với sự giúp đỡ của Iran có thể hoạt động đầy đủ vào đầu năm tới, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết như trên.

Các quan chức Mỹ tin rằng Iran đang vận chuyển thiết bị cho nhà máy, cũng như máy bay không người lái được chế tạo hoàn chỉnh, tới Nga qua Biển Caspi. Nga đã mua hàng trăm máy bay không người lái từ Iran kể từ mùa hè năm ngoái và đang sử dụng chúng rộng rãi trong cuộc chiến ở Ukraine.

Tướng Kirby cho biết Iran đang sử dụng tuyến đường Biển Caspi để di chuyển máy bay không người lái, đạn và đạn súng cối tới Nga, thường sử dụng các tàu “tối”, tức là, những tầu đã tắt dữ liệu theo dõi của họ để ngụy trang các chuyển động của chúng.

Hoa Kỳ đã công bố một bản đồ vào thứ Sáu cho thấy tuyến đường mà Iran dường như đang sử dụng để vận chuyển thiết bị từ Amirabad, Iran đến Makhachkala, Nga.

“Nga đã sử dụng máy bay không người lái của Iran trong những tuần gần đây để tấn công Kyiv và khủng bố người dân Ukraine, đồng thời quan hệ đối tác quân sự Nga-Iran đang ngày càng sâu sắc,” Kirby cho biết trong một tuyên bố.

CNN đã yêu cầu đại sứ quán Nga ở Washington và phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc đưa ra bình luận.

Kirby cho biết: “Sự hỗ trợ đang chảy theo cả hai hướng: từ Iran đến Nga và từ Nga đến Iran.

Một số thông tin cơ bản: Iran dường như đang sửa đổi các máy bay không người lái tấn công mà họ đã cung cấp cho Nga để các đầu đạn nổ có thể gây thiệt hại tối đa cho các mục tiêu cơ sở hạ tầng bên trong Ukraine, theo một báo cáo điều tra độc quyền của CNN vào tháng Hai.

Iran đã cung cấp cho Nga hàng trăm máy bay không người lái để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, nhiều trong số đó đã nhắm vào lưới điện và các cơ sở năng lượng của Ukraine để gây hậu quả tàn khốc.

Doanh số bán máy bay không người lái đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Iran với Nga, vốn đã được củng cố khi hai nước ngày càng bị khóa khỏi hệ thống tài chính và thương mại quốc tế.

7. Zelenskiy nói rằng “rất nhiều vấn đề” vẫn tồn tại khi hoạt động cấp cứu tiếp tục sau vụ vỡ đập

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu cho biết “có rất nhiều vấn đề” khi các hoạt động cấp cứu ở vùng Kherson và Mykolaiv vẫn tiếp tục sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka.

“Nhưng chúng tôi đang nỗ lực để vượt qua chúng ở mọi cấp độ có thể,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình. Ông không nói chi tiết về các vấn đề.

Giữa các báo cáo về giao tranh gia tăng ở miền nam đất nước, Zelenskiy nói: “Đối với những người lính của chúng ta, đối với tất cả những người đang trong những trận chiến đặc biệt khó khăn trong những ngày này, chúng tôi thấy chủ nghĩa anh hùng của các bạn và chúng tôi biết ơn các bạn.”

Tổng thống cũng cảm ơn Hoa Kỳ về gói hỗ trợ an ninh mới trị giá hơn 2 tỷ USD. Ông cho biết gói này sẽ bảo đảm “các hỏa tiễn cho Patriot và các hệ thống phòng không khác, củng cố khả năng phòng thủ của chúng ta trên mặt đất, củng cố sức mạnh của tất cả các binh sĩ của chúng ta”.

8. Iceland đã thông báo rằng từ ngày 1 tháng 8, họ sẽ đình chỉ tất cả hoạt động của đại sứ quán tại Mạc Tư Khoa.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Iceland Thórdís Kolbrún Reykfjörd Gylfadóttir cho biết nước này sẽ đình chỉ tất cả hoạt động của đại sứ quán tại Mạc Tư Khoa.

Ông nói: “Đây không phải là một quyết định dễ dàng vì Iceland đã có mối quan hệ phong phú với người dân Nga kể từ khi chúng tôi giành được độc lập vào năm 1944. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đơn giản là không thể khiến cơ quan ngoại giao nhỏ bé của Iceland điều hành một đại sứ quán ở Nga. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó các điều kiện sẽ cho phép chúng tôi có quan hệ bình thường và hiệu quả với Nga, nhưng điều đó phụ thuộc vào các quyết định của Điện Cẩm Linh.”

Iceland cho biết họ đã yêu cầu Nga hạ cấp đại diện ngoại giao tại đại sứ quán của nước này ở Reykjavík.

Động thái này đã được Ukraine hoan nghênh. Bộ trưởng ngoại giao Dmytro Kuleba, đã tweet để nói:

Nga phải thấy rằng sự man rợ dẫn đến sự cô lập hoàn toàn. Tôi khuyến khích các quốc gia khác noi gương Iceland.

9. Các vấn đề tưới tiêu cho nông nghiệp miền nam Ukraine có thể kéo dài trong nhiều năm sau khi đập bị vỡ

Sau sự việc vỡ đập Nova Kakhovka của Ukraine vào đầu tuần này, thủy lợi sẽ trở thành một trong những vấn đề lớn nhất đối với nông nghiệp ở miền nam Ukraine, theo một bộ trưởng chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Chính sách Nông nghiệp và Thực phẩm Mykola Solskyi cho biết, kênh đào Kakhovka đã cung cấp nước cho hơn nửa triệu hécta.

“Những vùng đất không có hệ thống thủy lợi cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì nông dân sẽ không còn gì để canh tác. Họ nhận được thu nhập chính và ổn định từ vụ thu hoạch từ những cánh đồng có hệ thống tưới tiêu,” ông nói trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.

Bộ trưởng cho biết nếu không có hệ thống tưới tiêu, sẽ có tới 1,5 triệu hécta đất sẽ không được sử dụng hết và có thể mất tới 7 năm để khôi phục hệ thống tưới tiêu.

“Hồ chứa nước Kakhovka là nguồn của hai hệ thống tưới tiêu và cung cấp nước: Hệ thống Kakhovka và Kênh Bắc Crimea. Các hệ thống này được xây dựng có tính đến mực nước để giảm thiểu việc sử dụng điện cho máy bơm. Bây giờ mực nước đã giảm xuống, vì vậy nước đơn giản là không đến được các hệ thống. Để nâng nó lên, chúng ta cần xây dựng lại con đập. Vì vậy, đây là một vấn đề trong nhiều năm,” ông nói thêm.

Tại một cuộc họp báo vào thứ Sáu, Phó Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Ukraine Denys Marchuk cho biết Ukraine có thể bị thiệt hại hơn 1,5 tỷ đô la chỉ riêng về ngũ cốc và hạt có dầu vì sự phá hủy này.

Marchuk cho biết ngành sữa có thể phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng, đồng thời cho biết thêm sẽ có những vấn đề trong việc trồng rau vì chúng cần một lượng nước vừa đủ.

“Kể từ khi bị tạm chiếm, chúng tôi đã mất một lượng lớn sản phẩm từ Kherson và Zaporizhzhia. Khi chúng tôi lấy lại những lãnh thổ này, sẽ rất khó để quay lại trồng loại cây này. Thực tế, nông dân nói rằng nếu không xây dựng nhà máy thủy điện mới và không có nơi lấy nước, họ sẽ không thể tiếp tục kinh doanh”, ông nói.

Trong khi đó, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ dự đoán giá lương thực trên thế giới sẽ tăng một cách chóng mặt trong tương lai gần vì vụ phá hủy đập Nova Kakhovka.

10. Theo các tổ chức bác ái, người dân Ukraine đang dựa vào nguồn nước được phân phát ở những vùng bị ngập lụt

Tổ chức phi chính phủ World Central Kitchen nói với CNN hôm thứ Sáu rằng những người Ukraine sống trong các khu vực bị ngập lụt do sự việc vỡ đập Nova Kakhovka “hoàn toàn phụ thuộc” vào các khoản tài trợ để có nước uống sạch.

Yuliya Konovalova, điều phối viên của World Central Kitchen cho biết: “Các con đường và cây cầu đã bị ngập lụt và vì vậy thực phẩm không thể di chuyển vào khu vực. Đây thực sự là một thảm họa kinh hoàng. Dân chúng không có nguồn nước và vì vậy mọi người hiện đang hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước do chúng tôi và những người khác cung cấp.”

Sự việc vỡ đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraine đã làm ngập lụt toàn bộ các ngôi làng, phá hủy nhà cửa và khiến hàng chục nghìn người không có điện hoặc nước sạch.

Phil Oldham, điều phối viên thực địa của tổ chức nhân đạo Hành động chống nạn đói trong khu vực, nói với CNN rằng việc thiếu nước uống sạch trong khu vực có thể có nghĩa là ngay cả những người có nhà không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt cũng sẽ phải rời đi.

Oldham nói: “Chúng ta có thể thấy khả năng sẽ có một sự di dời lớn hơn nhiều do thiếu nước uống. “Bây giờ, ngay cả một số giếng ở khu vực phía trên khu vực bị ngập bởi con đập cũng đang cạn kiệt.... Điều đó có thể tạo ra các đợt di cư nội địa bổ sung vượt xa mức mà chúng ta đang thấy trực tiếp từ vùng lũ lụt hiện nay.”

Oldham nói rằng những người phải di dời có thể sẽ phải rời khỏi nhà của họ trong nhiều tháng, ngay cả khi nước đã rút.

Konovalova nói với CNN rằng những người khác trong khu vực sẽ cố gắng ở trong nhà của họ bằng mọi giá. Cô nói: “Nhiều người đã phản đối việc di tản vì họ không muốn rời khỏi nhà của mình trong một cuộc chiến vì sự không chắc chắn của các địa điểm di tản và tái định cư.

Giám đốc phản ứng Ukraine của Christian Aid Iryna Dobrohorska nói với CNN rằng khả năng các bệnh do nước gây ra cũng tồn tại.

Dobrohorska cho biết: “Ô nhiễm nước từ xác động vật chết và nước thải có khả năng tác động đến sự gia tăng các mối nguy hiểm đối với sức khỏe, dịch tả là một trong những rủi ro chính ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Đối với những người đã chọn ở lại, Dobrohorska cho biết cần có sự trợ giúp y tế khẩn cấp – và không chỉ là sự trợ giúp về thể chất.

Cô nói: “Những người dân bị ảnh hưởng đều cần được hỗ trợ tâm lý xã hội ngay lập tức. “... Cùng với căng thẳng và sốc do lũ lụt, người dân cần được chăm sóc y tế chặt chẽ.”

Konovalova nói: “Những người chúng tôi đang nhìn thấy là người già và người nghèo - đó là nỗi kinh hoàng của tiền tuyến. Mọi người đang sợ hãi, mọi người đã mất tất cả, mọi người đang bấu víu vào những gì họ còn lại. Chúng ta đang thực sự phải đối phó với một bọn người tàn bạo, mất hết nhân tính.”

11. Phái đoàn Liên Hiệp Quốc thăm các khu vực Kherson do Ukraine kiểm soát để cung cấp hỗ trợ lũ lụt

Một đoàn xe của Liên Hiệp Quốc đã gặp chính quyền Ukraine ở Kherson để thảo luận về việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo hơn nữa, các quan chức cho biết hôm thứ Sáu, khi khu vực phía nam quay cuồng với lũ lụt tàn khốc do sự việc vỡ đập Nova Kakhovka hồi đầu tuần này.

“Nước uống, gói thực phẩm, vật liệu sửa chữa nhà ở và thuốc men đang được gửi đến cộng đồng Bilozerka và thành phố Kherson,” chính quyền quân sự khu vực Kherson đăng trên Telegram.

“Phái đoàn đã gặp Oleksandr Prokudin, Cục trưởng Cục Quản lý Quân sự Khu vực Kherson, và đại diện của chính quyền quân sự. Họ đã thảo luận về nhu cầu của khu vực và các chuyến hàng viện trợ tiếp theo.”

Phát biểu tại Bilozerka, trên bờ tây sông Dnipro do Ukraine kiểm soát và là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc về Ukraine Denise Brown cảnh báo số người đau khổ sẽ tiếp tục tăng vượt qua ước tính ban đầu là 17.000 người ở Ukraine- đó là chỉ riêng các khu vực do Ukraine kiểm soát.

“Thảm họa cũng đã ảnh hưởng đến người dân ở các khu vực do Nga kiểm soát, nhưng Liên Hiệp Quốc hiện không thể tiếp cận khu vực này của đất nước”, thông cáo cho biết thêm.

12. Zelenskiy kêu gọi quốc tế hỗ trợ giải cứu nạn nhân vụ vỡ đập ở khu vực Nga xâm lược

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế hỗ trợ giải cứu nạn nhân vụ vỡ đập Nova Kakhovka tại các khu vực do Nga xâm lược ở Ukraine.

Trong bài phát biểu hàng đêm vào thứ Bảy, Zelenskiy tuyên bố “Nga không cung cấp bất kỳ sự trợ giúp thực sự nào cho người dân ở các khu vực bị lũ lụt” nằm dưới sự kiểm soát của họ.

“Trong lãnh thổ bị tạm chiếm, chỉ có thể giúp đỡ người dân ở một số khu vực – những kẻ khủng bố Nga đang làm mọi cách để có càng nhiều nạn nhân của thảm họa càng tốt. Các cuộc pháo kích của Nga vẫn tiếp tục – ngay cả tại các điểm di tản”, Zelenskiy nói.

“Chúng tôi đang gây sức ép và khuyến khích các tổ chức quốc tế và hỗ trợ quốc tế đến khu vực Kherson nơi quân xâm lược Nga hiện đang ở,” Zelenskiy nói thêm.

Ukraine kiểm soát bờ tây sông Dnipro và thành phố Kherson sau cuộc phản công vào năm ngoái, trong khi quân đội Nga vẫn ở bờ đông trong vùng Kherson rộng lớn hơn.

Theo Zelenskiy, hơn 3.000 người hiện đã được di tản tại các khu vực do Ukraine kiểm soát ở vùng Kherson và Mykolaiv.

Tổng thống Ukraine cũng chỉ trích một số quốc gia và tổ chức quốc tế không phản ứng nhanh chóng và hỗ trợ.

“Khi các tổ chức quốc tế được cho là bảo vệ sự sống trên phạm vi toàn cầu không có thời gian để tổ chức và gửi một nhiệm vụ giải cứu đến lãnh thổ bị tạm chiếm ngay cả trong một tuần khi một số tác nhân thế giới không dám ra mặt ngay cả với những tuyên bố rõ ràng và mạnh mẽ rằng sẽ lên án tội ác chiến tranh mới này của Nga, những kẻ khủng bố chỉ đơn giản là được thúc đẩy bởi sự yếu kém này của thế giới, sự thờ ơ này – điều đó khuyến khích chúng,” ông nói.

13. Phái đoàn Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đến vùng Kherson

Công tố viên Ukraine Andriy Kostin tại Kherson đã tổ chức một cuộc họp với đại diện của các cơ quan thực thi pháp luật liên quan đến cuộc điều tra vụ phá hủy nhà máy thủy điện Kakhovka.

Ông nói:”Tôi đã tổ chức một cuộc họp với lãnh đạo các phòng chuyên môn của Văn phòng Tổng Công tố, các văn phòng công tố khu vực, lãnh đạo văn phòng trung ương và các ban giám đốc khu vực của Cơ quan An ninh Ukraine. Chúng tôi đã xác định các ưu tiên: điều tra tội ác chiến tranh — đó là tấn công vào một đối tượng được bảo vệ bởi Công ước Geneva — và tội diệt chủng,” Kostin nói.

Theo ông, một phái đoàn từ Tòa án Hình sự Quốc tế cũng đã đến vùng Kherson.

“Các đồng nghiệp của chúng tôi đã đến vùng Kherson để chuẩn bị cho các hoạt động điều tra liên quan đến vụ nổ nhà máy thủy điện Kakhovka. Họ sẽ tận mắt chứng kiến mọi thứ và tự rút ra kết luận. Thế giới nên biết toàn bộ sự thật về những tội ác khủng khiếp mà Nga đang phạm phải ở Ukraine”, Kostin nói.

Ông nói thêm rằng mức độ phạm tội của Liên bang Nga là rất thảm khốc. Chỉ riêng ở bờ đông sông Dnipro do Ukraine kiểm soát, 58.000 thường dân đã nằm trong vùng lũ. Tình hình còn tồi tệ hơn ở bờ tây sông Dnipro, nơi đang bị tạm chiếm.

Kostin cũng đề cập đến vụ pháo kích ngày hôm nay vào địa điểm di tản ở Kherson, trong đó hai tình nguyện viên bị thương.

“Khủng bố những người yêu hòa bình là chiến lược của kẻ xâm lược. Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga phải chịu trách nhiệm về thảm họa tại nhà máy thủy điện Kakhovka. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế để điều tra và xét xử minh bạch nhất,” ông nói.

Rạng sáng ngày 6 tháng 6, quân đội Nga cho nổ đập Nova Kakhovka. Tại khu vực Kherson, việc di tản dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm đã bắt đầu.

Do lực lượng Nga phá hủy nhà máy thủy điện Kakhovka, các quan chức thực thi pháp luật Ukraine đã mở một cuộc điều tra về tội ác “diệt chủng sinh thái”.

Ukrhydroenergo, công ty sản xuất thủy điện của Ukraine, cho biết đập thủy điện Kakhovska đã bị phá hủy hoàn toàn và không thể phục hồi.
 
Chuyện gì xảy ra khi một vị Giáo Hoàng hôn mê? Ta hãy cầu nguyện cho ĐGH. Ma Quỷ Chia rẽ Gia Đình
VietCatholic Media
05:04 11/06/2023


1. Hàng ngàn nhà thờ của Giáo hội Giám lý Liên hiệp ly khai vì bất đồng

Giáo hội Giám lý Liên hiệp, gọi tắt là UMC, đang rung chuyển bởi sự bất đồng về các vấn đề LGBTQ+. Hơn 4.000 giáo đoàn đã chính thức tách khỏi giáo phái trong năm nay.

Nhiều nhà thờ đã tham gia vào cuộc ly giáo ngày càng tăng vào cuối tuần này với 60 nhà thờ ra đi ở Michigan vào ngày Thứ Bảy và 250 nhà thờ ở Kentucky chính thức tách khỏi UMC vào ngày Chúa Nhật.

Jay Therrell, chủ tịch Hiệp hội Giao ước Wesleyan và là người lãnh đạo phong trào “bất hòa”, nói với CNA rằng “thẩm quyền của Kinh thánh và uy quyền của Chúa Kitô” đã “suy giảm trong nhiều năm trong Giáo hội Giám lý Liên hiệp.”

Ngày nay, Therrell nói, vấn đề đó “đang diễn ra trong vấn đề tình dục của con người.”

Therrell cho biết tính đến chiều thứ Ba, 4.876 nhà thờ Giám lý trong năm nay đã chính thức hoàn tất quá trình tách khỏi UMC.

Theo Therrell, nhiều nhà thờ trong số đó đã tiếp tục gia nhập Nhà thờ Giám lý Toàn cầu bảo thủ hơn về mặt thần học, được thành lập vào năm 2022 với sự giúp đỡ của Hiệp hội Giao ước Wesleyan và hiện có khoảng 2.500 hội thánh.

Therrell nói: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Giáo hội Giám lý Thống nhất đang ngày càng cấp tiến. Chúng tôi có các giám mục trên khắp thế giới hoàn toàn vi phạm Sách Kỷ luật, là cuốn sách giáo lý chính của Giám lý, tương tự như sách giáo lý Công Giáo. Họ đang cho phép mọi thứ xảy ra vi phạm nhiều đoạn khác nhau, phần lớn liên quan đến tình dục của con người.”

Xung đột nổ ra toàn diện vào năm 2019 sau một phiên họp đặc biệt của Đại hội toàn thể UMC tranh luận về việc có nên áp dụng các quy tắc mới thúc đẩy đồng tính luyến ái trong Giáo Hội hay không. Các đề xuất cuối cùng đã bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu từ 53% đến 46% chấp thuận “Kế hoạch Truyền thống” tái khẳng định lập trường của UMC về hôn nhân và tình dục truyền thống.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019, UMC đã hướng nhà thờ về phía cánh tả trong các vấn đề xã hội quan trọng như hệ ý thức hệ LGBTQ+.

Mặc dù phủ nhận việc phong chức cho những người đồng tính luyến ái, trang web chính thức của UMC tuyên bố rằng “mọi người đều được chào đón để thờ phượng và tích cực tham gia vào đời sống của các nhà thờ của chúng tôi” và rằng “những người không có tôn giáo có thể trở thành thành viên và sống đức tin của họ thông qua nhà thờ địa phương của họ mà không cần quan tâm đến vấn đề tình dục, định hướng hoặc thực hành.”

Trang web của UMC thừa nhận thêm rằng giáo huấn của giáo phái về đồng tính luyến ái có thể được thay đổi trong tương lai. “Khi Đại hội tiếp theo triệu tập (tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 2024), nó sẽ giải quyết nhiều đề xuất lập pháp nhằm thay đổi các chính sách hiện có của Giáo Hội về tình dục con người và chia rẽ hoặc tái cấu trúc giáo phái do sự khác biệt về những vấn đề này và các vấn đề khác”

Tại Hoa Kỳ, UMC được chia thành năm “khu vực tài phán”. Mỗi khu vực pháp lý này đã thông qua các biện pháp tương tự vào năm 2022, tuyên bố rằng “những người LGBTQIA + sẽ được bảo vệ, khẳng định và trao quyền” trong nhà thờ, theo AP.

Trong số 46 giám mục đang hoạt động của UMC, hai giám mục là người đồng tính công khai, mặc dù chính sách chính thức của UMC phủ nhận việc phong chức cho những người LGBTQ+.

Trong khi đó, ảnh hưởng của các nhóm ủng hộ LGBTQ+ đang gia tăng trong UMC.

Các vụ ly khai đang tăng theo cấp số nhân. Theo UM News, cơ quan thu thập tin tức chính thức của UMC, trong năm nay đã có 4.645 nhà thờ chính thức tách khỏi UMC. Con số này nhiều hơn gấp đôi số nhà thờ đã ly khai trong năm trước là 2.003 và gần gấp 10 lần con số vào năm 2021 là 486.

Trông người mà nghĩ đến ta. Giáo Hội Công Giáo cũng sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng này khi một số Giám Mục quyết liệt đòi thay đổi tín lý để chúc lành cho các kết hiệp đồng giới. Trong một lá thư thật đau lòng, các tín hữu Công Giáo Đức đã xin cho họ vẫn được là người Công Giáo thay vì trở thành Tin Lành dưới sức ép của các Giám Mục.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha điện đàm với Tổng thống Brazil

Hôm 31 tháng Năm vừa qua, Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil và Đức Thánh Cha Phanxicô đã điện đàm với nhau, đặc biệt về vấn đề hòa bình tại Ukraine.

Tổng thống Lula năm nay 77 tuổi và lần thứ ba được bầu làm Tổng thống Brazil. Trang mạng của Phủ Tổng thống cho biết, ông đã cám ơn Đức Thánh Cha vì đặc biệt quan tâm đến Brazil cũng như bảo vệ miền Amazon, chống lại những thế lực muốn làm thương tổn miền này, là buồng phổi của trái đất.

Phần lớn cuộc nói chuyện xoay quanh vấn đề tìm một giải pháp hòa bình cho chiến tranh tại Ukraine. Mới đây, Tổng thống Lula đã tái đề nghị thành lập một nhóm quốc gia, trong đó có Brazil để góp phần vào mục đích này, đồng thời ông cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì những hoạt động của ngài cho Ukraine đau thương. Cả Đức Thánh Cha cũng nói với Tổng thống Lula về những cuộc trao đổi của ngài với các vị lãnh đạo khác để tìm kiếm hòa bình cho Ukraine, đồng thời ngài lấy làm tiếc vì chiến tranh tiếp tục leo thang tại nước này.

Tổng thống Lula đã mời Đức Thánh Cha trở lại viếng thăm Brazil. Theo một số nguồn tin, Đức Thánh Cha cứu xét dự án viếng thăm nước này lần thứ hai. Lần đầu ngài đến Rio de Janeiro hồi tháng Bảy năm 2013, tức là bốn tháng sau khi được bầu làm Giáo hoàng, nhân dịp Ngày Quốc tế Giới trẻ tại đây.

Ngoài ra, cũng có dự án của Tổng thống Lula viếng thăm Đức Thánh Cha vào tháng Sáu hoặc tháng Bảy năm nay. Đây không phải là lần đầu tiên, vì Tổng thống đã đến Vatican hồi tháng Ba năm 2009, dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và hồi tháng Hai năm 2020.

3. Nhật Ký Trừ Tà số 243: Ma Quỷ Chia rẽ Gia Đình

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #243: Demons Divide Families”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 243: Ma Quỷ Chia rẽ Gia Đình”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“N” có một lịch sử lâu dài sử dụng ma túy nặng. Điều này không phải là ngẫu nhiên: mẹ cô, một mụ phù thủy, thừa nhận đã bỏ cocain vào sữa bột của cô. Ngoài ra, N còn bị ma quỷ dày vò. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên: mẹ cô cũng đã dâng cô cho Satan khi sinh ra.

Mẹ cô chết rất trẻ vì dùng ma túy quá liều. Cha mẹ nuôi của cô, những người Công Giáo nhiệt thành, đã can đảm giúp N khỏi cả ma túy và ma quỷ. Cô ấy đã cai nghiện được hơn một năm và họ đã cùng cô tham gia nhiều buổi trừ tà trong nhiều tháng. Cô ấy đã tiến bộ rất nhiều và ma quỷ đã gần như biến mất khỏi cô ấy.

Những con quỷ đang nổi giận. Họ đặc biệt ghét mối quan hệ của cô với cha mẹ nuôi. Mối quan hệ này là chìa khóa giúp cô ấy hồi phục và phá vỡ mối liên hệ với ma quỷ của mình. Vì vậy, lũ quỷ đang làm mọi cách để tiêu diệt gia đình này.

Một trong những chiến thuật chính của họ là phá vỡ lòng tin giữa N và cha mẹ mới của cô. Trong khi N phủ nhận việc sử dụng ma túy nữa, thì cha mẹ cô ấy hàng ngày nhận được tin nhắn nói rằng cô ấy đang sử dụng ma túy. Chẳng hạn như:

“Cô ấy đang làm cocaine trên chiếc bàn phía sau cạnh rèm cửa.”

“Bây giờ cô ấy là của tao. Nếu bạn có một người cha quan tâm đến bạn, bạn sẽ không dùng ma túy như bây giờ.”

“Chỉ cần tìm một cây kim và một cái muỗng, em yêu và cơn đau sẽ chấm dứt.”

“Thật tuyệt vời phải không? Tất cả số thuốc đó cô ấy đắp lên mũi à? Và cô ấy vẫn chưa chết.”

Cha mẹ và cô con gái hàng ngày nhận được những email khó chịu như vậy và tệ hơn nữa, nói bóng gió rằng cô ấy đang sử dụng hoặc sắp sử dụng và dụ dỗ N tái nghiện.

Để hiểu cách ma quỷ hoạt động, một nguyên tắc cơ bản là đảo ngược ma quỷ. * Ma quỷ đảo ngược sự thật. Chúng cố gắng biến những lời nói dối của mình thành sự thật và chúng cố gắng khiến mọi người tin rằng sự thật thực sự chỉ là một lời nói dối. Tương tự như vậy, chúng trình bày điều ác là điều tốt và cố gắng làm cho mọi người tin rằng điều tốt thực sự là điều xấu. Chúng ta ngày càng thấy điều này trong toàn xã hội của chúng tôi.

Trong trường hợp của N, ma quỷ đang muốn tách cha mẹ nuôi ra khỏi N và chúng gieo rắc những lời dối trá của ma quỷ hàng ngày. Ban đầu, cha mẹ N bị lừa bởi những lời nói dối này và họ tin rằng N thực sự tái nghiện ma túy. Điều này đã tạo ra sự bất hòa và đe dọa đến sự tin tưởng giữa N và cha mẹ cô. Bây giờ, họ nhận ra sự thật và họ đoàn kết với con gái của họ chống lại những chiến thuật ma quỷ này. Và nếu cô ấy tái nghiện, họ sẽ nhanh chóng tha thứ và hỗ trợ cô ấy quay trở lại con đường hồi phục.

Tôi nghi ngờ rằng chúng ta đã đánh giá thấp mức độ thường xuyên gieo rắc những lời dối trá tương tự giữa các thành viên trong gia đình ngày nay, cũng như trong Giáo hội, cố gắng phá hủy sự hài hòa và đoàn kết của Giáo hội. Chúa Thánh Thần là mối dây hiệp nhất trong Giáo hội và trong gia đình chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần đến làm cho chúng ta nên một trong tình yêu.


Source:Catholic News Agency
 
Đường cùng, Putin âm mưu gây ra thảm họa nguy hơn Chernobyl để tránh bị bắt. ISW: Chính Nga nổ đập
VietCatholic Media
16:41 11/06/2023


1. Quân Ukraine phá vỡ kế hoạch tiếp tế của quân Nga cho thành phố Bakhmut 17 xe tăng, 24 xe thiết giáp và 19 hệ thống pháo của Nga bị phá hủy

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 11 tháng Sáu, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine cho biết trong ngày qua, Lữ Đoàn Vệ Binh Quốc Gia Hetman Bohdan Khmelnytskyi đã phá hủy một nỗ lực tiếp tế đạn dược cho quân Nga tại thành phố Bakhmut.

Như chúng tôi đã đưa tin, hôm thứ Năm, một kho đạn pháo dã chiến của quân Nga đã bị Lữ Đoàn 45 pháo binh bắn trúng, nổ liên tiếp trong nhiều giờ. Quân Nga phải lui về phòng thủ vì không đủ đạn dược tấn công.

Hôm sau, một đoàn xe Nga 7 chiếc chở đầy đạn dược được 3 xe tăng, 4 xe thiết giáp và có cả các chiến đấu cơ SU-25 hộ tống đã bị Lữ Đoàn 45 pháo binh ở Bakhmut và Lữ Đoàn 44 pháo binh từ thành phố Vuhledar bắn tới tấp. Tất cả 7 xe tải, 3 xe tăng và 4 xe thiết giáp trong đoàn xe Nga bị phá hủy.

Nỗ lực tiếp tế mới nhất diễn ra hôm thứ Bẩy 10 Tháng Sáu. Tuy nhiên, Đại Tá Serhiy Cherevatyi cho biết, tiểu đoàn 4 của Lữ Đoàn Vệ Binh Quốc Gia Hetman Bohdan Khmelnytskyi đã phá hỏng kế hoạch này bằng các bằng hệ thống hỏa tiễn chống tăng Stugna do Ukraine sản xuất. Stugna có nghĩa là “dòng sông địa phương”.

Sau khi chiếc xe thiết giáp đi đầu bị bắn cháy, đoàn xe trở đầu bỏ chạy. Hầu hết chạy thoát chỉ trừ 2 chiếc đi đầu không chạy kịp đã nổ tung cùng với chiếc xe thiết giáp.

Cũng trong cuộc họp báo này, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết không quân Ukraine tiến hành 18 cuộc không kích vào các vị trí của quân xâm lược trong đó có 16 cuộc tấn công vào các cụm nhân lực của Nga, và hai cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống hỏa tiễn phòng không của đối phương.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết

“Ngoài ra, quân phòng thủ của chúng tôi đã phá hủy 4 máy bay không người lái trinh sát các loại của Nga. Trong 24 giờ qua, các đơn vị của lực lượng hỏa tiễn và pháo binh đã đánh trúng 2 sở chỉ huy, 5 cụm nhân lực, vũ khí và khí tài chiến tranh, 1 đơn vị pháo binh đang trong tư thế khai hỏa và 4 mục tiêu quan trọng khác của quân xâm lược đã bị phá hủy”.

Quân xâm lược Nga Nga đã tiến hành một cuộc tấn công khác vào Ukraine, sử dụng 8 hỏa tiễn, bao gồm 4 hỏa tiễn hành trình trên đất liền Iskander và 35 máy bay không người lái tấn công loại Shahed do Iran sản xuất nhằm vào các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy 2 hỏa tiễn hành trình và 20 máy bay không người lái tấn công.

Quân Nga đã tiến hành 92 cuộc không kích và thực hiện 45 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của quân đội Ukraine và các khu vực đông dân cư. Thật không may, có những thường dân chết và bị thương, những ngôi nhà dân bị phá hủy và hư hại.

Khả năng tiếp tục xảy ra các cuộc tấn công hỏa tiễn và không kích trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine vẫn còn rất cao.

Trong 24 giờ qua, 980 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 17 xe tăng, 24 xe thiết giáp, 19 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 37 máy bay không người lái, và 33 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 1 Tháng Sáu, khoảng 215.640 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.926 xe tăng, 7.631 xe thiết giáp, 3.736 hệ thống pháo, 601 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 362 hệ thống phòng không, 314 máy bay, 299 máy bay trực thăng, 3.300 máy bay không người lái, 1.183 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.461 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 509 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, được công bố vào chiều Chúa Nhật 11 Tháng Sáu, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đề cập đến những hậu quả của vụ nổ đập Nova Kakhovka đối với bán đảo Crimea. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Sự sụp đổ của Đập Kakhovka vào ngày 06 tháng 6 vừa qua gần như chắc chắn đã làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn nước ngọt chính của Bán đảo Crimea bị tạm chiếm, là Kênh Bắc Crimea.

Kênh Bắc Crimea lấy nước từ Hồ chứa Kakhovka, từ một con lạch cao hơn đáy hồ chứa. Mực nước trong hồ chứa có khả năng giảm xuống dưới độ cao của con lạch vào ngày 09 tháng 6 và nước sẽ sớm ngừng chảy đến Crimea.

Điều này sẽ làm giảm khả năng cung cấp nước ngọt ở miền nam tỉnh Kherson và miền bắc Crimea.

Tuy nhiên, chính quyền Nga có thể sẽ đáp ứng nhu cầu nước ngay lập tức của người dân bằng cách sử dụng các hồ chứa, phân phối nước, khoan giếng mới và cung cấp nước đóng chai từ Nga.

Đồng thời, các cộng đồng ở cả phía Dnipro do Nga và phía do Ukraine kiểm soát đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng vệ sinh với khả năng tiếp cận hạn chế với nước an toàn và tăng nguy cơ mắc các bệnh do nước gây ra.

3. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ khẳng định người Nga cố tình phá hủy đập Kakhovka

Một số nguồn tin độc lập đưa ra bằng chứng bổ sung cho thấy một vụ nổ bên trong có khả năng đã phá hủy đập Nhà máy Thủy điện Kakhovka vào ngày 6/6. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, đã cho biết như trên.

Trung tâm giám sát địa chấn Na Uy NORSAR đã báo cáo rằng dữ liệu địa chấn cho thấy một vụ nổ xảy ra vào ngày 6 tháng 6 lúc 2:54 sáng giờ địa phương, cùng thời điểm xảy ra sự việc vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka.

Nhà địa chấn học NORSAR Volker Oye tuyên bố rằng dữ liệu địa chấn cho thấy một xung năng lượng “điển hình của một vụ nổ”.

Tờ New York Times đưa tin, một quan chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng các vệ tinh do thám của Mỹ được trang bị cảm biến hồng ngoại đã phát hiện một vụ nổ tại đập đập thủy điện Nova Kakhovka trước khi nó sụp đổ.

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng nhiều kỹ sư và chuyên gia vũ khí đã đánh giá rằng một vụ nổ có khả năng phát nổ tại một điểm cụ thể hoặc nhiều điểm yếu đã phá hủy đập đập thủy điện Nova Kakhovka.

Báo cáo viết: “Có nhiều bằng chứng cho thấy một vụ nổ có chủ ý đã làm hỏng đập đập thủy điện Nova Kakhovka”.

ISW kết luận rằng “ISW đánh giá rằng có sự cân bằng giữa các bằng chứng, và lập luận; và những điều đó cho thấy rằng người Nga đã cố tình làm hư hại con đập”.

4. Để tránh bị bắt Putin âm mưu gây ra một thảm họa tồi tệ hơn Chernobyl

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Plotting 'Worse Than Chernobyl' Disaster at Chemical Plant: Official”, nghĩa là “Một quan chức cho biết Nga âm mưu gây ra một thảm họa 'tồi tệ hơn Chernobyl' tại nhà máy hóa chất.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Các kỹ sư quân đội Nga đã gài chất nổ vào một nhà máy hóa chất công nghiệp ở Crimea, bên cạnh nơi được mô tả là hồ chứa axit độc hại, các hãng tin Ukraine đưa tin.

Oleksandr Prokudin, thống đốc khu vực Kherson do Ukraine bổ nhiệm, gần đây đã cảnh báo rằng việc kích nổ chất nổ sẽ dẫn đến một thảm họa tồi tệ hơn so với vụ tai nạn năm 1986 của Liên Xô tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Kyiv Post cho biết hôm thứ Sáu.

Nga bị cáo buộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine trong suốt hơn 15 tháng chiến tranh mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Tuần này, Ukraine đổ lỗi cho Mạc Tư Khoa phá hủy một con đập thời Liên Xô ở Nova Kakhovka, một thành phố ở miền nam Ukraine. Kherson, nơi đã gây ra lũ lụt lớn và buộc hàng nghìn thường dân phải di tản.

Theo Kyiv Post, nhà phân tích quân sự Ukraine Roman Svitan đã nói về nhà máy Crimea Titan, trong một lần xuất hiện hôm thứ Năm trên kênh tin tức Apostrophe TV. Ông được cho là đã nói rằng người Nga có thể kích hoạt chất nổ tại nhà máy — ở thành phố Armiansk do Nga xâm lược — nếu họ sợ lực lượng Ukraine chuẩn bị tấn công.

Tồi tệ hơn Chernobyl

“Nhà máy đã được gài mìn hoàn toàn, bao gồm các thùng chứa axit, clo và thuốc thử,” Svitan cho biết.

“Gần đây, họ bắt đầu lắp đặt chất nổ ở đó, vì họ thấy Lực lượng Vũ trang Ukraine có thể vượt qua sông Dnipro và tấn công Armiansk.... Việc thổi bay Crimean Titan sẽ có lợi ích quân sự cho người Nga, vì khí thải hóa học có thể làm chậm các bước tiến của quân Ukraine.”

Trong một video được đăng vào ngày 2 tháng 6 trên Telegram, Prokudin cảnh báo rằng chất độc phát ra từ Crimea Titan sẽ “giải phóng hàng nghìn tấn chất độc hại vào khí quyển” và gây ra sự việc “tồi tệ hơn cả Chernobyl”.

“Cư dân của bán đảo Crimea và ít nhất bảy khu vực khác của Ukraine sẽ bị ảnh hưởng, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ bên kia Hắc Hải và chính quốc gia gây hấn. Tuy nhiên, vụ phá đập thủy điện Nova Kakhovka cho thấy Putin dám làm bất cứ điều gì để tránh thất bại trong chiến tranh, dẫn đến nguy cơ bị bắt giữ,” ông nói.

Crimea Titan được cho là đã từng là một trong những nhà sản xuất sắc tố titan dioxide lớn nhất Đông Âu, một hóa chất được sử dụng trong sơn, kem chống nắng, thuốc và màu thực phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng titanium dioxide đã bị Liên minh Âu Châu cấm vào năm ngoái để sử dụng làm phụ gia thực phẩm vì lo ngại chất này có thể gây ung thư.

Kyiv Post cho biết khả năng gây hại cho môi trường của nhà máy “đã được ghi nhận rõ ràng”. Tờ New York Times đưa tin vào năm 2018 rằng chính quyền trong khu vực đã di tản 4.000 trẻ em khỏi các thị trấn và làng mạc gần nhà máy vì khí độc sulfur dioxide thổi ra từ hồ chứa độc hại.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

5. Nhật cam kết hỗ trợ 5 triệu USD cho Ukraine sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka

Nhật Bản sẽ hỗ trợ 5 triệu USD cho Ukraine sau vụ Nga cho nổ đập thủy điện Nova Kakhovka gây thiệt hại nặng nề cho quốc gia này.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút, trong đó ông Kishida một lần nữa bày tỏ sự cảm thông và đoàn kết với người dân Ukraine liên quan đến hậu quả của việc phá hủy đập thủy điện Kakhovka.

Con đập bị lực lượng Nga phá hủy có ý nghĩa quan trọng đối với Ukraine vì nó cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của nước này - lớn nhất ở Âu Châu. Việc không làm mát nhiên liệu hạt nhân có thể dẫn đến một tai nạn nghiêm trọng như sự việc tan chảy lõi. Cả hai cơ sở đều nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

6. Vương quốc Anh báo cáo rằng lực lượng Ukraine đã chọc thủng phòng tuyến Nga ở một số khu vực

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's Forces Have Penetrated Russian Front Lines in Some Areas: U.K.”, nghĩa là “Vương quốc Anh báo cáo rằng lực lượng Ukraine đã chọc thủng phòng tuyến Nga ở một số khu vực”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết các hoạt động quân sự “đáng kể” của Ukraine đã diễn ra ở miền đông và nam Ukraine, trong bối cảnh có báo cáo rằng cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Kyiv đã bắt đầu.

Trong bản cập nhật hàng ngày, Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Ukraine “có thể đã đạt được tiến bộ tốt” và tìm cách xuyên thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga ở một số khu vực, mặc dù ở các khu vực khác, bước tiến của Kyiv có phần “chậm hơn”.

Trong khi đó, phản ứng của Nga là “không đồng đều” và trong khi một số đơn vị có khả năng tiến hành các hoạt động phòng thủ cơ động đáng tin cậy, các đơn vị khác đã rút lui “hỗn loạn”.

Cũng có nhiều báo cáo về thương vong của Nga “khi họ rút lui qua các bãi mìn của chính họ”. Bản cập nhật hôm thứ Bảy cũng cho biết lực lượng không quân Nga đã “hoạt động bất thường” ở phía nam Ukraine, nơi Mạc Tư Khoa có thể sử dụng không phận dễ dàng hơn so với các vùng khác của đất nước.

“Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các cuộc không kích chiến thuật có hiệu quả hay không”

Một đánh giá riêng của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết hôm thứ Sáu rằng các lực lượng của Kyiv đang tiếp tục các hoạt động phản công ở ít nhất bốn khu vực của mặt trận.

Chúng bao gồm “những lợi ích chiến thuật” ở phía tây Donetsk gần biên giới Donetsk-Zaporizhzhia và các cuộc tấn công trên bộ ở phía tây Zaporizhzhia, trong đó một nguồn tin của Nga cho rằng các lực lượng Ukraine đã đạt được “những lợi ích gia tăng”.

Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục luận điệu cho rằng các lực lượng của họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công trên bộ hạn chế và cục bộ của Ukraine ở khu vực Kreminna.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc phản công của Ukraine đã diễn ra trong 5 ngày nhưng “không đạt được mục tiêu của họ trong bất kỳ khu vực chiến đấu nào” sau khi đã tung ra các lực lượng “dự trữ chiến lược”.

Putin cho biết các lực lượng Ukraine đã chịu tổn thất đáng kể mà ông cho rằng do các thiết bị quân sự và nhân sự vượt trội của Nga. ISW cho biết: “Cuộc thảo luận của Putin về cuộc phản công của Ukraine là một sự khởi đầu đáng chú ý so với đường lối xa cách trước đây của ông ấy trong việc thảo luận về thực tế chiến trường”.

Điều này có thể cho thấy rằng Điện Cẩm Linh “đang học hỏi từ đường lối thất bại trước đây vào năm 2022 của mình, và ngày nay đang ra sức hạ thấp các cuộc phản công thành công của Ukraine”

Cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh Philip Ingram nói rằng các lực lượng Ukraine đã mở cuộc phản công trên nhiều trục trên chiến tuyến với một cuộc tấn công đáng kể xung quanh Bakhmut với mục đích giữ quân Nga cố định ở đó.

Ông nói với Newsweek rằng có khả năng sẽ có một nỗ lực chính xa hơn về phía nam trong khu vực Zaporizhzhia, “có thể hướng tới Orikhiv và sau đó có thể là Tomak khi họ cố gắng cắt đứt cây cầu trên bộ giữa Crimea và Donbas”.

Ông nói: “Ở một số khu vực, hệ thống phòng thủ của Nga đã sụp đổ nhưng dọc theo con đường nỗ lực chính, rõ ràng là hệ thống phòng thủ của Nga đã được chuẩn bị kỹ lưỡng — tổn thất của Ukraine được báo cáo trên các kênh của Nga là nhẹ so với những gì tôi mong đợi”.

Ông tin rằng nếu các báo cáo chưa được xác nhận về việc người Nga phải cử lực lượng dự bị là sự thật thì “thì người Ukraine đang chọc thủng đáng kể vào hệ thống phòng thủ của Nga”.

Tuy nhiên, Ingram nói thêm rằng việc tấn công hệ thống phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng của Nga sẽ “rất khó khăn và rất tốn kém về nhân lực cũng như trang thiết bị. Vẫn còn quá sớm để đánh giá thực tế đang diễn ra như thế nào, đặc biệt là với rất ít thông tin có thể kiểm chứng được.”

7. Cựu Tư lệnh Nga so sánh Putin với xác ướp: 'Có Putin thiệt không?'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Compared to Mummy by Russian Ex-Commander: 'Is There Putin at All?'“, nghĩa là “Cựu Tư Lệnh Nga so sánh Putin với xác ướp và nêu câu hỏi nói cho cùng có Putin hay không?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Blogger quân sự Igor Girkin đã đề cập đến các xác ướp Ai Cập cổ đại trong bài chỉ trích mới nhất của ông về Vladimir Putin, lên án tổng thống Nga là một nhà lãnh đạo thời chiến thụ động và so sánh ông với một xác ướp.

Girkin, còn được gọi là Strelkov, là cựu chỉ huy của lực lượng ly khai ở vùng Donbas của Ukraine, người đã nổi lên sau năm 2014. Trên kênh Telegram của mình, anh ta liên tục lên án giới lãnh đạo quân sự Nga, đặc biệt là Putin, về cách họ tiến hành cuộc xâm lược quy mô vào Ukraine.

Trong cơn bộc phát mới nhất của mình, được thực hiện trong một video do cố vấn các vấn đề nội bộ của Ukraine, Anton Gerashchenko, đăng trên Twitter, Girkin dường như đọc to một câu hỏi về việc liệu Tổng thống Nga có thể “thất hứa không giết tổng thống Volodymyr Zelenskiy hay không”.

Vào tháng 2, cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett, người có thời gian ngắn đóng vai trò trung gian hòa giải khi Nga bắt đầu cuộc chiến với Ukraine, cho biết ông đã nhận được lời hứa từ Putin sẽ không giết tổng thống Ukraine.

Mỉm cười, Girkin bắt đầu câu trả lời của mình bằng cách nói, “dựa trên hành vi của Putin, câu hỏi mà tôi đặt ra là liệu có Putin hay không?”

“Làm sao lại có thể có một tổng tư lệnh tối cao lại rút lui không tham chiến?” Girkin nói. “Những người từ vòng thân cận của ông ta đang công khai đấu tranh với nhau và phá hoại sự ổn định của mặt trận bằng hành động của họ, nhưng ông ta không phản ứng bằng bất kỳ cách nào.”

“Và rốt cuộc thì ông ta ở đâu?” Girkin hỏi, và nói rằng phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov luôn khẳng định “rằng có điều gì đó đang được báo cáo cho ông ấy”. Girkin tiếp tục, “tốt, bạn cũng có thể báo cáo với các xác ướp.”

Khi đào sâu về điều mà ông cho là đường lối kém tích cực đối với cuộc chiến của Putin, Girkin nói rằng Putin là “một xác ướp nói dối” và “xác ướp im lặng”, kết luận rằng “kết quả đã rõ ràng”.

Ông nói: “Đây là hành vi của tổng tư lệnh tối cao ở đất nước chúng ta.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để xin bình luận.

Hôm thứ Sáu, ông Putin nói rằng cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine đã bắt đầu nhưng Kyiv “đã không đạt được mục tiêu của họ trong bất kỳ lĩnh vực chiến đấu nào”.

Putin cũng nói rằng các lực lượng Ukraine đã chịu tổn thất đáng kể trong những tiết lộ mà Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ nói là “một sự khác biệt đáng chú ý” so với đường lối trước đây của Putin là không thảo luận về thực tế chiến trường.

Các lực lượng của Ukraine hôm thứ Bảy cho biết họ đã đạt được tiến bộ trên các phần của tiền tuyến gần Bakhmut.

Tổng thống Nga không phải là người duy nhất mà Girkin chỉ trích trong cuộc chiến. Tuần trước ông đã cáo buộc người đứng đầu Tập đoàn lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, âm mưu tổ chức một cuộc binh biến chống lại chính phủ Nga.

8. Kyiv cho biết Nga 'nhanh chóng' mất quyền kiểm soát các lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia 'Rapidly' Losing Control of Occupied Ukraine: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga 'nhanh chóng' mất quyền kiểm soát các lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ

Lực lượng vũ trang Ukraine nói rằng quân đội Nga đang nhanh chóng mất quyền kiểm soát các khu vực bị tạm chiếm, khi các đơn vị của Kyiv phát động một cuộc tấn công lớn được chờ đợi từ lâu với sự trợ giúp của các hệ thống vũ khí mới của NATO bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực.

Tuần này đã chứng kiến sự khởi đầu của chiến dịch đã được lên kế hoạch từ lâu của Kyiv. Các lực lượng Nga đang báo cáo về việc tăng cường các hành động chiến đấu và tấn công bằng các hàng xe cơ giới tại nhiều điểm dọc theo chiến tuyến dài 800 dặm. Điều này bao gồm xung quanh thành phố Bakhmut của Donetsk và dọc theo giới tuyến phía nam ở tỉnh Zaporizhzhia.

Hanna Maliar, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết ảnh hưởng của Nga đối với các khu vực bị tạm chiếm đang giảm dần. Các lực lượng của Mạc Tư Khoa đã sử dụng các phương pháp trừng phạt hơn để kiểm soát người dân địa phương.

Cô nói: “Ảnh hưởng của chính quyền xâm lược của Nga tại vùng lãnh thổ bị tạm chiếm tạm thời của Ukraine đang giảm đi nhanh chóng do họ không thể duy trì các điều kiện sống thích hợp cho người dân địa phương.

Quân đội Nga tại các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia bị Ukraine xâm lược một phần trong nhiều tháng đã chuẩn bị cho một cuộc phản công từ Ukraine. Các lực lượng của Mạc Tư Khoa cũng đang phải đối mặt với các cuộc tấn công sâu vào phía sau phòng tuyến, các hoạt động phá hoại của các đảng phái và các hành động của lực lượng đặc biệt Ukraine.

Maliar nói rằng tình hình đang trở nên khó khăn hơn đối với quân xâm lược Nga khi Ukraine chuyển sang các hoạt động tấn công. Cô nói thêm rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa đang áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để loại bỏ quân du kích Ukraine.

“Đặc biệt, tuần trước, làng Kyrylivka thuộc lãnh thổ tạm thời bị tạm chiếm của vùng Zaporizhzhia đã bị quân đội Nga bao vây trong vài ngày, trong đó người dân địa phương bị bắt giữ toàn bộ, các cuộc đột kích vào cơ sở hạ tầng địa phương và nhà của công dân đã được thực hiện”

“Các đại diện của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã kiểm tra đặc biệt kỹ lưỡng những công dân được báo cáo là có quan điểm thân Ukraine, bao gồm cả những người bị tố cáo bởi các điềm chỉ viên.” Maliar cho biết một số người bị bắt đi để thẩm vấn thêm đã không quay trở lại.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Các quan chức Nga cho đến nay vẫn lạc quan về cuộc tấn công đang diễn ra của Ukraine. Họ nói rằng lực lượng của họ đã đánh bại một số xe thiết giáp của Ukraine đồng thời gây tổn thất nặng nề cho những kẻ tấn công. Tuy nhiên, lịch sử thông tin sai lệch và che giấu thông tin của Mạc Tư Khoa khiến các báo cáo quân sự của nước này đáng tin tưởng.

Ukraine, trong khi đó, phần lớn đang duy trì sự im lặng trong hoạt động đối với cuộc tấn công mới. Maliar đầu tuần này cho biết sẽ không có thông báo về thời điểm bắt đầu cuộc tổng phản công.

Tuy nhiên, Maliar đã nói thêm rằng các đơn vị Ukraine ở một số khu vực đã chuyển sang các hoạt động tấn công; và vào hôm thứ Sáu, cô đã báo cáo các cuộc tấn công dữ dội vào quân Nga ở khu vực Donetsk - mà Maliar cho biết vẫn là “tâm điểm” của cuộc giao tranh. Cô cũng đề cập đến các hoạt động của Ukraine ở Zaporizhzhia.

9. Kadyrov chế nhạo những thất bại ở Bakhmut của Prigozhin khi mối thù cay đắng tái bùng phát

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kadyrov Mocks Prigozhin's Bakhmut Failures as Bitter Feud Reignites”, nghĩa là “Kadyrov chế nhạo những thất bại ở Bakhmut của Prigozhin khi mối thù cay đắng tái bùng phát”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov đã chế giễu những thành tích chiến trường của người đứng đầu Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, khi tranh chấp giữa hai nhân vật chủ chốt trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga tiếp tục gia tăng.

Sự coi thường của hai con người này đối với cách Nga tiến hành chiến tranh có lẽ là điều duy nhất họ đồng ý. Nhưng Prigozhin dường như đã chọc tức Kadyrov khi ông đề nghị vào tháng trước rằng các đơn vị Chechnya dưới sự chỉ huy của Kadyrov không thể kiểm soát toàn bộ Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng ở Ukraine.

Một đồng minh của Kadyrov, Adam Delimkhanov, đã phản ứng lại sự khinh thường bằng cách đặt câu hỏi về thiện chí quân sự của Prigozhin, và miệt thị anh ta chỉ là “một blogger la hét và la hét với thế giới.”

Nhưng Prigozhin nói rằng hai người đã hòa dịu sau khi anh ta nhận được một cuộc điện thoại từ Kadyrov. Người sáng lập Wagner cũng gợi ý rằng một nhóm trong Điện Cẩm Linh có thể đã châm ngòi cho cuộc xung đột giữa các lực lượng của họ.

Tuy nhiên, Kadyrov đã chứng minh rằng mối thù vẫn còn âm ỉ trong một bài đăng dài trên Telegram vào thứ Sáu, trong đó anh ta bảo vệ Tổng thống Vladimir Putin, người mà anh ta hết sức trung thành, và lên án Prigozhin vì đã chỉ trích quân đội Akhmat của anh ta.

“Trong điều kiện khó khăn của chiến tranh khi phương Tây bám sát từng lời nói của chúng ta, tôi coi những cuộc biểu tình công khai và chỉ trích giới lãnh đạo như vậy là sai trái.”

Kadyrov nói rằng trong khi ông chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga về hành vi của họ trong chiến tranh, “Tôi hiểu một điều đơn giản - bạn có thể nhìn rõ hơn từ quan điểm của tổng tư lệnh tối cao. Nếu các quyết định và biện pháp phù hợp với ông ấy, thì chúng sẽ đúng với nước Nga”.

Nhà lãnh đạo Chechnya sau đó nói rằng bất chấp cuộc điện đàm, Prigozhin lại đưa ra “tuyên bố mỉa mai” rằng các chiến binh Chechnya chỉ có thể giải phóng một số khu định cư chứ không phải toàn bộ Cộng hòa Nhân Dân Donetsk.

Nhưng Kadyrov cho biết quân đội của ông đã “giải phóng” 36 khu định cư, bao gồm Severodonetsk và Lysychansk, và trung tâm thành phố Popasna ở Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng.

Ông cũng nói rằng Mariupol, thành phố mà Nga đã chiếm giữ sau một cuộc bao vây kéo dài, đã bị chiếm với ít quân hơn nhiều và trong thời gian ngắn hơn nhiều so với Bakhmut, là nơi mà Prigozhin đã tuyên bố rằng anh ta có quyền khoe khoang về việc chiếm được. “Những đơn vị nào có thể được coi là hiệu quả hơn?” Kadyrov nói rằng, “câu trả lời là hiển nhiên.”

“Cũng xin lưu ý rằng chúng tôi chưa bao giờ cho phép và không cho phép những lời buộc tội mỉa mai hoặc che đậy chống lại những chiến binh Wagner,” Kadyrov nói.

Các lực lượng của Prigozhin đã chịu thương vong nặng nề trong cuộc vây hãm Bakhmut kéo dài 224 ngày trước khi ông tuyên bố vào tháng 5 rằng thành phố Donetsk đã bị chiếm, mặc dù Ukraine khẳng định rằng họ vẫn đang chiến đấu ở vùng ngoại ô.

Nhóm chuyên gia tư vấn của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết vào ngày 3 tháng 6 rằng cuộc điện thoại được báo cáo giữa hai người này cho thấy Prigozhin “lo ngại” về việc có một nhân vật nổi tiếng như Kadyrov liên kết chống lại ông ta. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.
 
Sau ca đại phẫu thuật, ĐTC phải bỏ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. Tình hình GH Slovakia
VietCatholic Media
16:46 11/06/2023


1. Slovakia có 42 tân linh mục trong năm nay

Năm 2023 này, Giáo Hội Công Giáo tại Cộng hòa Slovakia có thêm 42 linh mục mới và 24 phó tế. Tuổi trung bình của các tân linh mục là 30. Trong số các tân chức, có 6 linh mục dòng.

Báo Công Giáo “Katolicke Novivy” cho biết như trên, trong số ra ngày 10 tháng Sáu vừa qua. Năm ngoái, chỉ có 15 tân linh mục và 5 phó tế. Tuy nhiên, người ta ghi nhận sự gia tăng này một phần cũng vì tình trạng đại dịch dồn lại. So với thời kỳ 1995 đến 2005, Giáo Hội Công Giáo tại nước này mỗi năm có khoảng 100 tân linh mục.

So với số tín hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, tuy ít ỏi, nhưng Giáo hội này có tỷ lệ tân linh mục cao hơn Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh. Tại miền đông Slovakia, cả hai Giáo hội đều có đông tín hữu.

Trong số năm triệu rưỡi dân, Slovakia có ba phần tư, tức là gần bốn triệu tín hữu Công Giáo thuộc 12 giáo phận. Trong số các tín hữu này, có 4% thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô nghe theo lời khuyên của các bác sĩ không chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật khi ngài hồi phục sau ca đại phẫu

Đức Thánh Cha Phanxicô, đã “khôn ngoan” làm theo lời khuyên của các bác sĩ, và sẽ bỏ qua buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật theo thông lệ để cho phép ngài hồi phục tốt hơn sau ca phẫu thuật bụng hồi đầu tuần này, bác sĩ phẫu thuật của ngài nói với các phóng viên.

Sergio Alfieri, người đã phẫu thuật cho Đức Giáo Hoàng, cũng nói với các phóng viên hôm thứ Bảy tại Phòng khám Đa khoa Gemelli ở Rome rằng các xét nghiệm máu và hình ảnh cho thấy sự hồi phục của vị giáo hoàng 86 tuổi đang diễn ra theo cách “hoàn toàn bình thường”.

Trong ca phẫu thuật kéo dài ba giờ vào hôm thứ Tư, sử dụng thuốc gây mê toàn thân, các bác sĩ đã loại bỏ vết sẹo ngày càng đau đớn do các ca phẫu thuật bụng trước đó cũng như sửa chữa thoát vị ở thành bụng bằng cách chèn một tấm lưới hỗ trợ giả.

Alfieri cho biết mặc dù sự phục hồi của Đức Phanxicô không có gì bất ổn về mặt y tế, nhưng bất kỳ nỗ lực thể chất nào khác, chẳng hạn như đứng dậy khỏi giường để di chuyển đến một chiếc ghế bành để đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật truyền thống và bình luận cho công chúng qua một liên kết video, có thể gặp rủi ro vào thời điểm này.

Trong khi Vatican cho biết hồi đầu tuần rằng Đức Phanxicô thỉnh thoảng ngồi trên ghế để đọc báo, và có thể chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật bao gồm một bài huấn đức trong khoảng 15 phút và ban phép lành.

Lời khuyên của các bác sĩ và y tá Vatican đáng tin cậy của Đức Giáo Hoàng về việc bỏ qua buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật là nhằm giảm tối đa “sự căng thẳng trên thành bụng để cho phép tấm lưới cấy ghép và cơ bắp được sửa chữa lành lại một cách tối ưu,” Alfieri nói.

“Trong vài ngày tới, nếu ngài không cẩn thận trong việc chữa lành, tấm lưới có thể bị rách và ngài sẽ phải quay lại phòng mổ,” bác sĩ phẫu thuật nói.

Ông nhấn mạnh rằng: “Nếu ngài hồi phục cẩn thận, ngài sẽ khoẻ hơn” so với trước đây. “Đó là sự thận trọng mà chúng tôi đề nghị và ngài đã chấp nhận một cách khôn ngoan.”

Theo các nhân viên y tế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuyển từ chế độ ăn lỏng sang các thức ăn đặc hơn và không bị sốt.

Tình trạng tim mạch và hô hấp của ngài cũng ổn, Alfieri cho biết trong cuộc họp báo y tế đầu tiên về tình trạng của giáo hoàng kể từ cuộc họp báo hôm thứ Tư ngay sau khi Đức Giáo Hoàng tỉnh lại sau khi được gây mê.

“Ở tuổi 86, ngài không mắc bệnh lý nào” liên quan đến tim hay hệ hô hấp, Alfieri nói khi trả lời câu hỏi của các phóng viên.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đọc riêng buổi cầu nguyện trưa Chúa nhật theo truyền thống trong phòng bệnh của ngài, và các tín hữu được khuyến khích tham gia buổi cầu nguyện, Bruni nói.

Trong khi cầu nguyện riêng, Đức Phanxicô sẽ hiệp nhất “tinh thần, với tình cảm và lòng biết ơn, với các tín hữu muốn đồng hành với ngài, bất kể họ ở đâu” trong lời cầu nguyện, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản riêng.

Trong khi đó, hàng nghìn người đã đến quảng trường Thánh Phêrô để tụ họp nhằm đề cao giá trị của tình huynh đệ - một phẩm chất mà Đức Phanxicô yêu quý đến mức ngài đã viết một thông điệp về tầm quan trọng của nó vào năm 2020.

Nhưng vì Đức Phanxicô không thể nói chuyện với họ, nên một Hồng Y đã đọc bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng thừa nhận sự vắng mặt của ngài.

“Mặc dù tôi không thể trực tiếp chào đón các bạn, nhưng tôi xin chân thành chào đón và cảm ơn các bạn đã đến,” bài phát biểu được chuẩn bị sẵn bắt đầu. Những người đang lắng nghe đã nghe lời nhắc nhở từ Đức Phanxicô rằng “có khả năng trở thành anh chị em ngay cả khi chúng ta không thân thiết”

Đức Phanxicô hiện đang dưỡng bệnh trong căn hộ trên tầng 10 dành cho giáo hoàng tại Phòng khám đa khoa Gemelli.

Không có ngày nào được công bố cho việc xuất viện của ngài.

“Chúng tôi hy vọng sẽ thuyết phục được Đức Thánh Cha ở lại ít nhất trong suốt tuần tới,” Alfieri nói hôm thứ Bảy.

Alfieri cho biết bằng cách chọn dành nhiều thời gian dưỡng bệnh hơn trong bệnh viện thay vì rời đi sau một vài ngày, Đức Giáo Hoàng có thể trở lại “với công việc của mình với nhiều sức mạnh và sự an toàn hơn”.

Alfieri cũng nhắc lại lời nhận xét của mình, vài giờ sau cuộc phẫu thuật, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không gặp phải biến chứng nào trong quá trình phẫu thuật hoặc do gây mê toàn thân.

Trong quá trình phẫu thuật, nhóm phẫu thuật đã loại bỏ chất kết dính, một loại sẹo bên trong không hiếm gặp sau cuộc phẫu thuật trước đó. Hai năm trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cắt bỏ một phần ruột già sau khi một đoạn ruột bị thu hẹp. Thoát vị đã được sửa chữa đã hình thành trên một vết sẹo trước đó.

Alfieri cũng đã thực hiện ca phẫu thuật ruột vào năm 2021. Khi Đức Thánh Cha phẫu thuật lần này, “Tôi đã tìm thấy những vết sẹo giống như những vết sẹo mà tôi đã tìm thấy hai năm trước,” bác sĩ phẫu thuật cho biết hôm thứ Bảy. “Khi đó, chúng không gây ra các triệu chứng.” Nhưng theo thời gian, các vết dính ngày càng gây đau đớn.

Alfieri cho biết sau ca phẫu thuật, Đức Phanxicô “không thấy đau nhiều”, đồng thời cho biết thêm rằng Đức Giáo Hoàng đang dùng thuốc giảm đau “nhẹ nhàng” “để ngài có thể thở tốt.”

Đức Thánh Cha Phanxicô có hai chuyến công du nước ngoài vào tháng 8, chuyến đầu tiên đến Bồ Đào Nha, cho một đại hội giới trẻ Công Giáo, và sau đó, vào cuối tháng đó, đến Mông Cổ, chuyến hành hương đầu tiên của một vị giáo hoàng đến quốc gia Á Châu đó.

Khi được hỏi về triển vọng của những chuyến đi vất vả đó sau cuộc phẫu thuật của mình, Alfieri cho biết Đức Thánh Cha “đã tính toán những điều này” khi quyết định tiến hành cuộc phẫu thuật vào ngày 7 tháng 6, một dấu hiệu cho thấy Đức Phanxicô cảm thấy rằng thời gian của cuộc phẫu thuật sẽ cho phép ngài theo kịp kế hoạch du lịch của mình.


Source:AP

3. Điều gì xảy ra liên quan đến quyền bính Giáo Hoàng khi một vị giáo hoàng bất tỉnh?

Ca phẫu thuật kéo dài ba tiếng đồng hồ của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Tư đã đặt ra câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra với quyền bính Giáo Hoàng khi một vị giáo hoàng bất tỉnh hoặc mất năng lực và không thể lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo.

Câu trả lời: không có gì cả.

Trong khi nhiều quốc gia quy định việc chuyển giao quyền lực khi một nguyên thủ quốc gia mất năng lực và Vatican có các quy tắc quản trị khi một giáo hoàng từ chức hoặc qua đời, thì không có quy định nào áp dụng cho một giáo hoàng bị ốm, bất tỉnh hoặc nhập viện.

Nói cách khác, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn là giáo hoàng, hoàn toàn chịu trách nhiệm điều hành Vatican và Giáo Hội Công Giáo vững mạnh với 1,3 tỷ người, ngay cả khi đang được gây mê toàn thân và trải qua cuộc phẫu thuật để sửa chữa chứng thoát vị ở thành bụng. Vatican cho biết không có biến chứng nào và ngài dự kiến sẽ phải nằm bệnh viện trong suốt tuần tới

Hồng Y Nhiếp Chính không tiếp quản công việc của Đức Giáo Hoàng. Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng không.

Geraldina Boni, giáo sư giáo luật tại Đại học Bologna và là cố vấn cho văn phòng pháp lý của Vatican cho biết: “Một thời gian ngắn trở ngại không tạo ra bất kỳ vấn đề gì. Bộ máy giáo triều tiến hành bình thường với sự quản lý bình thường.”

Quốc vụ khanh Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã ra ngoài vào hôm thứ Tư, chủ trì lễ khánh thành một trung tâm thông tin dành cho những người hành hương đến Rôma trong Năm Thánh 2025. Ngay sau khi Đức Phanxicô được đưa vào bệnh viện, bản tin buổi trưa hàng ngày của Vatican xuất hiện với việc bổ nhiệm giám mục mới của Đức Phanxicô.

Linh mục Filippo Di Giacomo, một chuyên gia và nhà bình luận về giáo luật cho biết: “Giáo hoàng tiếp tục hành động, ngay cả khi đang ở trong bệnh viện. Ngay cả khi ngài phải đối mặt với những khoảnh khắc đau đớn như thế này, sức mạnh của ngài vẫn hoạt động trong những người nhận được sức mạnh gián tiếp từ ngài.”

Giáo luật có các điều khoản về trường hợp một giám mục bị ốm và không thể điều hành giáo phận của mình, nhưng không có điều khoản nào dành cho Đức Giáo Hoàng. Điều 412 nói rằng một giáo phận có thể bị tuyên bố là “bị ngăn trở” nếu giám mục của giáo phận đó — do “bị giam cầm, trục xuất, lưu đày hoặc mất năng lực” — không thể hoàn thành các chức năng mục vụ của mình. Trong những trường hợp như vậy, công việc điều hành hàng ngày của giáo phận chuyển sang cho một Giám Mục Phụ Tá, một cha tổng đại diện hoặc một người nào khác.

Mặc dù Đức Phanxicô là giám mục của Rôma, nhưng không có điều khoản rõ ràng nào dành cho Đức Giáo Hoàng nếu ngài bị “cản trở” tương tự. Giáo luật 335 tuyên bố một cách đơn giản rằng khi Tòa Thánh trống tòa hoặc bị hoàn toàn cản trở, thì không được thay đổi gì trong sự quản trị Giáo Hội phổ quát; nhưng phải tuân hành những luật lệ đặc biệt đã dự liệu cho những hoàn cảnh ấy. Nhưng điều 335 không nói rõ ý nghĩa của việc Tòa thánh bị “cản trở hoàn toàn” hoặc những điều khoản nào có thể có hiệu lực nếu điều đó xảy ra.

Gần đây, một nhóm luật sư đã đề xuất các quy tắc để lấp đầy khoảng trống lập pháp đó. Họ muốn xây dựng các quy định mới liên quan đến một giáo hoàng đã nghỉ hưu cũng như các quy tắc áp dụng khi một giáo hoàng không thể cai quản, tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Boni, một trong những người tổ chức sáng kiến, cho biết: “Nếu tình trạng của một giáo hoàng hoàn toàn mất năng lực diễn ra trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, thì rõ ràng điều này sẽ gây ra tác hại lớn cho Giáo Hội và lợi ích của các linh hồn. Chúng ta cần các quy tắc xác định rõ ràng để giải quyết các vấn đề không thể trì hoãn lâu dài.”

Bộ quy tắc đề xuất dài 8 trang giải thích rằng với những tiến bộ y tế, hoàn toàn có khả năng đến một lúc nào đó, một giáo hoàng sẽ còn sống nhưng không thể cai trị. Những người chủ trương lập luận rằng Giáo Hội phải đưa ra tuyên bố về một “sự nhìn thấy hoàn toàn bị cản trở” và việc chuyển giao quyền lực vì lợi ích của Giáo Hội.

Theo các quy tắc được đề xuất, việc quản trị Giáo Hội phổ quát sẽ được chuyển cho Hồng Y đoàn. Trong trường hợp có trở ngại tạm thời, họ sẽ thành lập một ủy ban để điều hành, với các cuộc kiểm tra y tế định kỳ sáu tháng một lần để xác định tình trạng của Đức Giáo Hoàng.

“Nếu, với tất cả các bảo đảm và thủ tục có thể được xác định, người ta xác minh được rằng Tòa thánh bị cản trở bởi một tình trạng mất năng lực nhất định, vĩnh viễn và không thể chữa khỏi của một Giáo Hoàng, thì cần phải tiến hành bầu chọn người kế vị ông ấy,” Boni nói.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Đức Phanxicô đang tiến hành các đề xuất nhằm lấp đầy lỗ hổng lập pháp như Tu chính án thứ 25 đã lấp đầy ở Hoa Kỳ - liên quan đến việc giám sát chuyển giao quyền lực trong trường hợp một tổng thống qua đời hoặc mất khả năng lao động.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã tiết lộ rằng ngài đã viết một lá thư từ chức nếu ngài trở nên mất khả năng vì lý do y tế. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 với tờ ABC của Tây Ban Nha, Đức Phanxicô cho biết từ rất sớm trong triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã trao bức thư cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone khi đó là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhưng không biết chuyện gì đã xảy ra sau đó.

Hiện tại, trừ khi lá thư của ngài đáp ứng các yêu cầu pháp lý, quyền bính của Đức Giáo Hoàng sẽ chỉ đổi chủ nếu ngài qua đời hoặc từ chức. Vào thời điểm đó, một loạt các nghi thức bắt đầu diễn ra để điều chỉnh “thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng” – là khoảng thời gian giữa sự kết thúc của một triều đại giáo hoàng và cuộc bầu chọn giáo hoàng mới.

Trong thời kỳ đó, được gọi là “sedevace,” hay “trống tòa”, Đức Hồng Y Nhiếp Chính, điều hành công việc hành chính và tài chính của Tòa thánh. Vị trí này hiện do Đức Hồng Y Kevin Farrell, người đứng đầu Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống của Vatican, nắm giữ. Nhưng ngài không có vai trò hoặc nhiệm vụ nào nếu Đức Giáo Hoàng chỉ bị ốm hoặc mất khả năng.

Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết thư cho niên trưởng Hồng Y đoàn đưa ra giả thuyết rằng nếu ngài bị ốm nặng, niên trưởng và các Hồng Y khác nên chấp nhận đơn từ chức của ông.

Trong một lá thư được công bố năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục nêu ra trường hợp một căn bệnh “được cho là không thể chữa khỏi hoặc phải chữa trong một thời gian dài và khiến chúng tôi không thể thi hành đầy đủ các chức năng của thánh chức tông đồ”.

Bức thư không bao giờ được viện dẫn, vì Thánh Phaolô đã sống thêm 13 năm nữa và qua đời trong khi tại vị.

Nhưng các chuyên gia nói rằng bức thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục dường như chưa từng được sử dụng vì giáo luật hiện hành yêu cầu việc từ chức của giáo hoàng phải được “biểu thị một cách tự do và hợp lệ” - như trường hợp khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tuyên bố thoái vị vào năm 2013.


Source:AP
 
Thánh Ca
TV 102
Lm. Thái Nguyên
17:31 11/06/2023

 
Nguồn tin yêu
Lm. Thái Nguyên
17:32 11/06/2023

 
Tình yêu Thánh Tâm Chúa:
Lm. Thái Nguyên
17:33 11/06/2023

 
Cho một tình yêu
Lm. Thái Nguyên
17:34 11/06/2023

 
TV 99
Lm. Thái Nguyên
17:35 11/06/2023

 
Thế giới hôm nay
Lm. Thái Nguyên
17:36 11/06/2023