Ngày 09-06-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống yêu thương noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi
Lm Đan Vinh
03:20 09/06/2017
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi A

Chúa Nhật 10 Thường Niên

Xh 34,4b-6.8-9; 2 Cr 13,11-13; Ga 3,16-18

Sống yêu thương noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi

I. Học Lời Chúa

1. Tin Mừng: Ga 3,16-18

(16) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con Một của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ. (18) Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án, nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.

2. Ý chính:



Tin Mừng lễ Chúa Ba Ngôi trích trong cuộc đàm thoại ban đêm giữa Đức Giê-su với Ni-cô-đê-mô về ơn tái sinh. Sau khi cho ông biết điều kiện để được cứu độ là phải tái sinh bởi nước và Thánh Thần, Đức Giê-su đã mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã cứu độ thế gian bằng cách sai Con Một của Người xuống trần để chịu chết đền tội thay cho thế gian (14-16). Ai tin vào Người Con ấy mới được ơn cứu độ (17-18).

3. Chú thích:

- C 16: + Thiên Chúa đã yêu: Đây là một chân lý mặc khải mới mẻ, vì truyền thống Do thái trước đó chỉ nói đến Thiên Chúa yêu thương Ít-ra-en là con dân của Người, chứ không nói đến việc Người còn yêu cả thế gian, không phân biệt chủng tộc, quốc gia, màu da hay tiếng nói nữa. + Thế gian: chỉ chung toàn thể vũ trụ mà nhân loại là thành phần quan trọng nhất. Thế gian trong câu này ám chỉ đối tượng được Thiên Chúa yêu thương (x. Ga 3,16), nhưng ở câu khác lại ám chỉ bọn đầu mục dân Do thái là những kẻ luôn thù ghét Đức Giê-su (x. Ga 12,31; 1 Ga 2,16-17). + Con Một của Người: Trong kinh tin kính, Giáo Hội dạy các tín hữu tuyên xưng đức tin “tôi tin kính Đức Giê-su Ki-tô là Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha (x. 2 Sm 7,12-16; Mt 3,13-17). Như vậy Đức Giê-su có hai bản tính: Một là tính Thiên Chúa và hai là tính loài người, nhưng Người chỉ có một Ngôi Vị là Ngôi Con hay Ngôi Lời. Việc ban Con Một để cứu độ thế gian là dấu chứng rõ ràng nhất biểu lộ tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa đối với thế gian (x. 1 Ga 4,9-10). + Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết: Niềm tin vào Ngôi Con là điều kiện cần để được hưởng ơn cứu độ và được sống muôn đời.

- C 17: + Không phải để lên án thế gian: Sứ mệnh của Con Thiên Chúa đến thế gian không phải để kết án nhưng để cứu chuộc thế gian (x. 1 Ga 4,14). + Tại sao nơi khác Đức Giê-su lại phán: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử, cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39) ?: Thực ra điều Thiên Chúa muốn là sai Con Một đến để ban ơn cứu độ cho thế gian. Nhưng thế gian có nhận được ơn cứu độ đó hay không tùy theo thái độ đáp trả của họ là tin nhận hay từ chối Người. Chính sự lựa chọn này làm nên việc xét xử: Tin nhận Chúa Giê-su thì được cứu, nghĩa là được ơn tha tội, được giao hòa với Chúa Cha và được sống muôn đời, giống như: người mù dù không nhìn thấy, thì giờ đây lại được xem thấy. Còn nếu từ chối Chúa Giê-su là đã tự lên án chính mình, tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ của Chúa Giê-su, như các đầu mục Do thái, tuy sáng mắt nhưng vì cứng lòng không tin Đấng Thiên Sai, nên đã tự hóa nên mù tối.

- C 18: + Ai tin vào Con của Người thì không bị kết án: Tin ở đây không phải chỉ bằng lời nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa !”, nhưng bằng việc làm theo thánh ý Chúa, biểu lộ qua sự thực hành lời Chúa dạy” (x. Mt 7,21.24). Thánh Phao-lô cũng nói: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính, có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ… Vì tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (x. Rm 10,9-10.13). + Nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi: Sứ mệnh của Đức Giê-su là ban sự sống, ban ơn cứu độ cho những ai tin Người. Ai cố tình không chấp nhận Ngôi Lời Nhập Thể, tức là không tin vào Danh Con Một Thiên Chúa (x Ga 6,64), là đã tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ, đồng nghĩa với việc tự kết án chính mình. + Vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa: Danh Con Một Thiên Chúa là chính Chúa Giê-su (x. Ga 2,23; 1 Ga 3,23). Tin vào danh của Con Một Thiên Chúa tức là liên kết với Chúa Giê-su, nhìn nhận và kêu cầu quyền năng của Người. Chỉ nhờ Danh Chúa Giê-su, loài người chúng ta mới được ơn cứu độ (x. Pl 2,9-11; Cv 10,43). Trái lại, những kẻ không tin vào Danh Người thì sẽ không được hưởng ơn cứu độ ấy.

4. Hỏi đáp:

- Hỏi 1) Chúa Giê-su đã dạy thế nào về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?

Đáp:

Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su đã nói nhiều về mối liên hệ mật thiết giữa Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần sau bữa tiệc ly Vượt Qua (x. Ga 14.15.16.17). Tin Mừng Mát-thêu ghi lại lời Đức Giê-su mặc khải rõ nhất về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (x. Mt 28,19). Tin Mừng Mát-thêu cũng ghi lại cuộc thần hiện tại sông Gio-đan như sau: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Tiếng phán, Đức Giê-su và chim bồ câu là biểu tượng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Phao-lô cũng dạy về mầu nhiệm Ba Ngôi trong lời nguyện chúc: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2 Cr 13,13). Tin Mừng Lu-ca và sách Công Vụ Tông Đồ lại trình bày lịch sử cứu độ theo chiều kích Ba Ngôi như sau: Thời Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời cứu thế rao giảng Tin Mừng là kỷ nguyên của Chúa Con, và thời Giáo Hội khai sinh phát triển đến Rô-ma, hay đến “tận cùng thế giới” là kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần.

- Hỏi 2) Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi được Thánh Kinh trình bày như mầu nhiệm Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa ra sao?

Đáp:

- Chúa Cha luôn hiện hữu và sinh ra Chúa Con từ trước khi có thời gian (x. Tv 2,7).

- Chúa Cha yêu mến Chúa Con và ban cho Chúa Con mọi quyền xét xử (x. Ga 5,20.22).

- Chúa Con chính là hình ảnh của Chúa Cha (x. Ga 14,9-10).

- “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11).

- “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).

- Chúa Giê-su luôn vâng phục và làm theo thánh ý Chúa Cha (x. Ga 5,19).

- Tình yêu hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con xuất phát ra Chúa Thánh Thần (x. Ga 15,26).

- Hỏi 3) Ta có thể dùng một số hình ảnh nào để minh họa về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi ?:

Đáp:

- Nhà thần học PHĂNG-SÍT (Frank Sheed) đã dùng hình ảnh mưa rơi để giúp người ta hiểu phần nào về mầu nhiệm đơn nhất và đa dạng của Chúa Ba Ngôi khi nói rằng: “Nước đang mưa đây đích thực là nước, nhưng có thể xuất hiện bằng ba dạng khác nhau là: dạng hơi nước, dạng băng đá và dạng nước thường như ta thấy”.

- Thánh I-nha-xi-ô một lần kia trong lúc cầu nguyện bỗng nhận ra “ba nốt nhạc có thể làm thành một hợp âm duy nhất” cũng giống như Ba Ngôi hiệp nhất trong một bản thể duy nhất.

- Thánh Pa-tríck thường dùng hình ảnh lá cây tam diệp thảo do ba lá nhỏ ghép lại thành một lá lớn.

- Có người lại dùng một hình tam giác đều có ba cạnh ba góc bằng nhau để diễn tả mầu nhiệm này.

- Ngòai ra chúng ta cũng có thể dùng hình ảnh sau đây để minh họa phần nào về mầu nhiệm này như sau: Một người đàn ông khi lập gia đình có con thì tuy anh ta chỉ là một người, nhưng đóng ba vai trò khác nhau: Vai trò làm “cha” nên được con gọi “Cha ơi”; Vai trò làm “con” nên được bố anh ta gọi “Con ơi”; Vai trò làm “chồng” nên được vợ gọi “Mình ơi”.

- Hỏi 4) Ba Ngôi Thiên Chúa làm gì cho chúng ta ?

Đáp:

- Thiên Chúa Cha (Ngôi thứ Nhất) đã sáng tạo nên vũ trụ vạn vật. Đặc biệt loài người đã được Thiên Chúa tạo thành theo hình ảnh của Người là có linh hồn thiêng liêng bất tử và có tình yêu thương (x. St 1,37).

- Khi nguyên tổ loài người nghe theo ma quỷ cám dỗ mà phạm tội bất phục tùng phải mang án chết, thì Thiên Chúa Cha lại hứa ban Chúa Con (Ngôi thứ Hai) xuống thế để cứu chuộc loài người là Chúa Giê-su. Sứ mệnh của Chúa Giê-su là cứu độ loài người bằng việc mở ra con đường về trời là đạo Công giáo. Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời trong thời gian 3 năm để nhân loại nhận biết tôn thờ và sống hiếu thảo với Thiên Chúa Cha. Vào lúc cuối đời, Người đã sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha để đi con đường "Qua đau khổ vào vinh quang", sẵn sàng chịu chết trên thập giá để đền tội thay loài người và sống lại để cứu độ loài người.

- Sau khi sống lại, Chúa Giê-su Phục Sinh đã thổi hơn ban Chúa Thánh Thần (Ngôi thứ Ba) cho các Tông đồ. Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác, là Thần Chân Lý, do Chúa Cha sai đến để thay Chúa Giê-su tiếp tục dạy dỗ các môn đệ (x. Ga 14,16). Trong thời Cựu Ước, Thánh Thần đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy loài người. Đến thời Tân Ước, Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Đức Giê-su khi Người chịu phép Rửa tại sông Gio-đan để tấn phong Người làm Đấng Thiên Sai (x Mt 3,16-17). Sau đó, Thánh Thần hướng dẫn Đức Giê-su vào sa mạc để chịu ma quỷ thử thách cám dỗ (x Mt 4,1-11), và đi khắp nơi rao giảng Tin mừng Nước Trời (x Mt 4,17). Thánh Thần cũng làm cho Đức Giê-su từ cõi chết sống lại. Vào buổi chiều ngày phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra sai các Tông đồ tiếp tục sứ mạng của Người và đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông kèm theo quyền tha tội (x Ga 20,20-23). Vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần lại hiện xuống trên Hội Thánh Sơ Khai dưới dạng một cơn gió mạnh ào vào nhà nơi các Tông đồ đang cầu nguyện và làm xuất hiện trên đầu mỗi vị một hình lưỡi lửa (x Cv 2,1-4). Từ đây Thánh Thần luôn hiện diện trong Hội Thánh để thánh hóa các tín hữu qua các phép bí tích, giúp các vị Mục Tử chu toàn sứ mệnh là thay Chúa Giê-su chăm sóc đoàn chiên Hội Thánh và làm chứng nhân cho Người đến tận cùng thế giới (x. Ga 15,26).

II. Sống Lời Chúa

1. Lời Chúa : “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,7-8).

2. Câu chuyện:

1) Thế nào là tình yêu tột đỉnh ?

Thánh MÁC-XI-MI-LI-EN KON-BÊ thụ phong linh mục năm 1918. Cha đã bị Đức Quốc Xã bắt ngày 17.2.1941 và bị giam trong một trại tập trung là Auschwitz.

Đây là một nhà tù hãi hùng nhất vì gồm đủ mọi hình phạt và kỷ luật dã man dành cho các tù nhân. Tù nhân không được mang tên mình mà mang một con số. Cha Maximilien Kolbe mang số tù là 16.670. Tại nhà tù này, Đức quốc xã đưa ra một quy định hết sức bất công: Nếu một tù nhân trốn trại, thì mười tù nhân khác sẽ bị chết thay.

Vào một đêm tháng 8.1941, một tù nhân đã vượt ngục thành công. Thế là mười người khác được chỉ định chết thay. Trong số mười người này có một người tù tên là GAJOWNICZEK. Khi bị chỉ định, anh liền khóc lóc thảm thiết cho biết mình còn mẹ già, vợ dại, con thơ không ai nuôi dưỡng. Trước cảnh tượng đó, do đức bác ái thôi thúc, Cha Kolbe đã tình nguyện xin được thế chỗ chết thay cho người tù kia. Được chấp nhận, cha cùng đoàn tử tù bước vào phòng hơi ngạt số 14. Hôm sau, người ta mở cửa phòng để lôi xác ra ngoài, nhưng Cha Maximilien Kolbe vẫn còn thoi thóp, người ta chích cho ngài một mũi thuốc ân huệ. Cha tắt thở đúng vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 14.8.1941.

Trong lễ phong thánh cho chân phước Kolbe do Đức Thánh Cha Phao-lô VI cử hành, một cụ già trong đoàn người dâng lễ vật hôm ấy đã được Đức Thánh Cha ôm hôn. Đó chính là người tù đã được cha thánh Kolbe chết thay. Trong giây phút trang trọng ấy, toàn thể cộng đoàn sốt sắng hát bài thánh ca: “không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì người mình yêu”. Đây là một chứng tích tình yêu cao cả khiến mọi người hiện diện đều phải xúc động và rơi lệ.

2) Câu chuyện “Anh phải sống”:

Trong tác phẩm “Anh phải sống”, nhà văn Nhất Linh đã kể lại một câu chuyện cảm động, nói lên tình nghĩa phu thê và tình mẫu tử bao la như sau: Có hai vợ chồng tiều phu nghèo khó, sống bên một dòng sông. Hằng ngày, ngay từ sáng sớm, hai vợ chồng đã phải thức dậy cùng nhau bơi thuyền vào rừng, chặt củi cột thành từng bó, rồi chất lên thuyền mang ra chợ bán lấy tiền về nuôi hai đứa con thơ dại. Rồi một ngày nọ, đang lúc chèo thuyền từ rừng về thì trời nổi cơn giông bão, chiếc ghe đầy củi của họ không thể chịu nổi sóng to gió lớn đã bị lật úp ngay giữa dòng sông nước đang chảy siết hung dữ. Cũng may là họ đã ôm được một khúc cây to và dìu nhau bơi vào bờ. Nhưng khi gặp chỗ nước sóay, cả hai bị nước cuốn trôi mất khúc cây. Bấy giờ anh chồng một tay ôm vợ, tay kia tiếp tục bơi. Thấy chồng dần dần kiệt sức và cả hai sắp bị chết chìm, chị vợ nghĩ đến hai đứa con thơ nên đã nói với chồng: “Anh hãy cố sống mà nuôi con anh nhé !”, rồi chị âm thầm buông tay chồng chịu chết để anh đủ sức bơi vào bờ. Chị đã sẵn sàng chết để chồng con được sống.

3) Tình thương thể hiện qua lòng Thương xót:

Một người cha hứa cho đứa con gái 12 tuổi một số tiền nếu cô bé xén sạch đám cỏ trước nhà. Cô bé vui vẻ mang máy cắt cỏ ra làm việc. Đến chiều, cả đám cỏ đã được cắt xén gọn gang – ngoại trừ một mảng có tí tẹo còn sót trong góc sân. Sau đó ông bố không trả số tiền đã hứa vì đám cỏ chưa được cắt xong. Cô bé cho biết cô sẵn sàng chịu mất số tiền đó và cô nhất định không cắt nốt mảng cỏ còn sót lại kia. Tò mò muốn biết lý do tại sao, ông bố kiểm tra chỗ cỏ chừa lại. Hóa ra, ở giữa chòm cỏ ấy, một chú cóc đang ung dung ngồi ngắm cảnh hoàng hôn! Cô bé quá thương con cóc, đã không đành đưa lưỡi dao của máy cắt vào chòm cỏ ấy.

Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8). Người không nỡ hủy diệt, lại sai con Một là Đức Giêsu Kitô xuống thế để cứu chuộc con người. Người lại gởi Thánh Thần đến để thánh hóa cho nên tạo vật mới, dẫn đưa họ về hưởng vinh quang Nước Trời. Đó là mầu nhiệm Tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã thương dành cho con người. Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi cũng là lễ của tình yêu.

4) Hãy trao cho người khác tình yêu của con:

Tại một ngôi làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi em ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em. Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo đã xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi em. Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: "Phong hủi! Phong hủi!"

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:

- Tại sao ông lại lo lắng cho con?

Nhà truyền giáo đáp:

- Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em.

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:

- Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?

Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:

- Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.

Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau rằng:

- "Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!"

Vâng, “con hãy trao tặng cho người khác tình yêu của con” phải chăng cũng là sứ điệp mà lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta? Hãy sống cho tha nhân. Hãy trao tặng cho nhau một nụ cười cảm thông. Một cái bắt tay thân mật. Một nghĩa cử bác ái đầy tình người. Hãy sống cho anh em của mình một cách quảng đại. Hãy là chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa một thế giới mà con người đang xa dần nhau vì quyền lợi bản thân, vì bon chen và hưởng thụ. Hãy giới thiệu cho nhân thế một tình yêu tinh ròng không bị hoen ố bởi những toan tính ích kỷ, tầm thường. Hãy giới thiệu cho thế giới một tình yêu hy sinh đến quên cả chính mình cho người mình yêu được hạnh phúc.

5) Cái chết của tình mẫu tử:

Ngày 20.06.1980, chị Brown, một người mẹ trẻ vừa từ trần vì chứng bệnh ung thư khi mới 25 tuổi. Các bác sĩ đề nghị chữa trị bằng quang tuyến X, nhưng vì chị muốn cho bào thai đang mang trong bụng không bị nhiễm chất phóng xạ, nên chị từ chối. Chị thà chết hơn là để bác sĩ chữa ung thư bằng quang tuyến X, ảnh hưởng nặng đến đứa con trong bụng sắp ra đời.

Cuối cùng, chỉ 5 giờ trước khi chết, chị đã sinh được một cháu trai mạnh khỏe, kháu khỉnh. Bản tin của hãng AP nói rằng: ”Vào mấy ngày cuối cuộc đời, dù biết mình sắp bị tử thần đánh bại, nhưng chị vẫn tin tưởng thế nào chị cũng sinh được một đứa con không bị nhiễm phóng xạ”. Bác sĩ Ronald Lapin gọi cái chết của chị Brown là “Cái chết của tình mẫu tử, dám hy sinh mạng sống cho đứa con chưa một lần thấy mặt”.

6) Phục vụ vô vụ lợi để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa:

Một bà kia không biết đến sự yêu thương của đồng lọai. Bà là một người không tin Chúa, sống trong cảnh nghèo khổ bị bỏ rơi ngược đãi, bị đối xử bất công trong một thời gian dài đến nỗi bà thù ghét tất cả mọi người mà mọi người cũng ghét bỏ bà. Một lần kia, cha sở đến gặp bà để nói về tình yêu thương của Thiên Chúa, nhưng bà bảo:

- Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi và tôi cũng không hiểu yêu thương là gì nữa.

Cha sở về lại nhà xứ và cầu nguyện liền mấy ngày rồi chợt nảy ra một ý, ngài cho mời nhóm Tông đồ trong xứ kể cho họ nghe câu chuyện này. Rồi ngài đề nghị mọi người giúp cho bà ấy biết được thế nào là tình yêu của Chúa, bằng cách mỗi người thay nhau đến thăm và phục vụ bà, để cho thấy vẫn có nhiều người yêu thương, thăm viếng, an ủi và giúp đỡ cho bà.

Mấy tháng trôi qua, một ngày kia, khi cha sở lại thăm, bà xúc động đến rướm nước mắt:

- Thưa cha, bây giờ thì con đã hiểu yêu thương là gì rồi, và bây giờ con có thể xin cha cho con được đón nhận tình yêu của Thiên Chúa hay không?

3. Suy niệm :

1) Thiên Chúa là Tình yêu:

- Tình yêu trong Ba Ngôi: Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa không đơn độc mà là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.

- Tình yêu của Chúa Cha: Chúa Cha ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có: “Mọi sự của Cha đều là của Con”, nên Chúa Con là hình ảnh của Chúa Cha như Chúa Giê-su nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”.

- Tình yêu của Chúa Con: Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh qua thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục hoàn toàn: “Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá và đã hy sinh cả mạng sống của mình để đền tội thay cho chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”.

- Tình yêu rộng mở: không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đi khắp vũ trụ đến tất cả mọi sinh linh vạn vật.

2) Sống yêu thương noi gương Thiên Chúa:

Cụ thể là sống tình mến Chúa yêu người như sau:

a- Năng cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi: Một phương cách dễ dàng thực hành là mỗi ngày dành ra ba phút cầu nguyện trước khi đi ngủ theo nội dung sau:

+ Phút thứ nhất: Suy nghĩ tìm ra những việc tốt đẹp đã làm được trong ngày qua, như đã giữ được bình tĩnh khi bị người khác đặt điều vu khống, rồi dâng một lời cầu để tạ ơn Chúa Cha.

+ Phút thứ hai: Tìm ra những điều sai lỗi trong ngày, như đã có thái độ dửng dưng khi thấy kẻ khác gặp nạn, rồi dâng một lời cầu xin Chúa Giê-su tha tội cho mình.

+ Phút thứ ba: Nhớ đến những sự khó khăn đang gặp phải và dâng lời cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan và can đảm để vâng theo thánh ý Thiên Chúa.

Việc cầu nguyện này bao gồm cả ba phương diện là tạ ơn, ăn năn sám hối và xin ơn lành hồn xác. Việc cầu nguyện như thế sẽ giúp ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong cách suy nghĩ nói năng và hành động. Ngòai ra ta cũng có thể làm dấu thánh giá để tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

b- Thể hiện tình yêu tha nhân như Chúa đã yêu chúng ta: Tin Mừng hôm nay cho biết Tình yêu thực sự phải có các đặc tính của tình yêu của Thiên Chúa như sau:

+ Tình yêu dâng hiến: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người đến trần gian để hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 3,16a; 10,11). Chúa Giê-su đã dạy: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Vậy tình yêu của bạn dành cho tha nhân thế nào ? Bạn có dám hy sinh chịu thiệt vì người mình yêu không ?

+ Tình yêu vị tha: tình yêu chân thực đòi năng nghĩ đến người mình yêu để mong cho họ được hạnh phúc như lời Chúa Giê-su: “Mục tử tốt lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Tình yêu chân chính luôn tìm làm cho người yêu vui lòng và được may lành hạnh phúc noi gương Chúa Giê-su: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Bạn có yêu cha mẹ và những người thân của bạn như vậy không ?

+ Một tình yêu cao cả: Thánh Gio-an viết: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Thiên Chúa yêu chúng ta không phải vì chúng ta đáng yêu, nhưng “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội nhân” (Rm 5,8). Cũng vậy, chúng ta phải yêu hết mọi người, nhất là những người tàn tật, cô đơn, tội lỗi, và yêu cả những kẻ đang thù ghét bách hại mình (x. Lc 6,27-42). Tình yêu của bạn có cao cả như thế không ?

+ Một tình yêu tôn trọng: Tình yêu của Thiên Chúa không chiếm hữu hay cầm tù người yêu và luôn tôn trọng tự do của con cái lòai người: “Ai tin thì được sống đời đời. Còn kẻ không tin thì đã bị kết án”. Tình yêu của bạn dành cho người khác có tự nguyện không ? Bạn có ghen tuông cấm người yêu gặp gỡ tiếp xúc với người khác không ? Bạn có tin tưởng và tôn trọng người yêu không ? Thánh Phao-lô cũng viết: “Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).

c- Thực hành yêu thương cụ thể theo kinh Thương Người có 14 Mối:

+ Thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn; Cho kẻ khát uống, Cho kẻ rách rưới ăn mặc; Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; Cho khách đỗ nhà; Chuộc kẻ làm tôi; Chôn xác kẻ chết.

+ Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành mà khuyên người; Mở dậy kẻ mê muội; Yên ủi kẻ âu lo; Răn bảo kẻ có tội; Tha kẻ dể ta; Nhịn kẻ mất lòng ta; Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Tóm lại: chúng ta sẽ xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta xa lạ với tình yêu thực sự như thánh Gio-an đã viết: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Ước gì cuộc đời chúng ta sẽ thấm đượm tình yêu, để mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn từ tình yêu và qui hướng về tình yêu, khi chúng ta biết luôn nghĩ đến tha nhân, sẵn sàng chia sẻ và khiêm nhường phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh và đang bị bỏ rơi.

4.Thảo luận:

1) Những hình ảnh nào thường được dùng để diễn tả mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, bạn thích hình ảnh nào nhất ? Tại sao ?

2) Noi gương Tình yêu của Chúa Ba Ngôi, bạn sẽ làm gì để sống kết hiệp với Chúa Ba Ngôi và luôn yêu thương phục vụ mọi người ?

5. Cầu nguyện :

- Lạy Chúa Ba Ngôi là Tình yêu, Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi lộc vật chất, xin dạy con biết phục vụ trong khiêm tốn và vô vụ lợi. Giữa một thế giới muốn thống trị và ham hưởng thụ, xin dạy con yêu thương cách quảng đại và khiêm nhường tự hiến. Giữa một thế giới có nhiều phe phái chia rẽ nhau, xin dạy con luôn sống hiệp thông và có tinh thần trách nhiệm. Giữa một thế giới đầy thành kiến và kỳ thị giai cấp, màu da, phái tính… xin dạy con biết nhìn mọi người đều là anh em và chân thành yêu thương họ.

- Lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh, Chúa là mẫu gương của một tình yêu hoàn hảo. Xin hãy biến đổi trái tim sơ cứng như đá của chúng con thành trái tim bằng thịt biết yêu thương. Xin dạy chúng con yêu thương mọi người, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Xin cho chúng con luôn thấy Chúa Giê-su đang hiện diện trong chúng con và trong mọi người. Nhờ tình yêu Chúa thôi thúc, chúng con hy vọng sẽ trở nên con hiếu thảo của Chúa Cha và nên anh chị em của mọi người.

X) Hiệp cùng Mẹ Maria.- Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
 
Hãy Yêu Đi Rồi Sẽ Biết Sự Thật
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
11:25 09/06/2017
Hãy Yêu Đi Rồi Sẽ Biết Sự Thật

( LỄ CHÚA BA NGÔI )

Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16,13). Nhờ lời mạc khải của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi riêng biệt là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ một Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi. Tuy Ba Ngôi riêng biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Một mầu nhiệm vượt quá trí suy của nhân loại.

Vì sao Ba Ngôi mà chỉ là một Thiên Chúa hay vì sao chỉ một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi? Xin được trả lời cách thành thật rằng bản thân không biết. Vì tin vào Đức Kitô, Đấng có lời quyền năng và yêu thương tôi cho đến cùng, cho đến chết trên thập giá, nên tôi tin vào lời của Người. Chính Chúa Kitô đã phải trả giá rất đắt, là cái chết thập giá, cho sự mạc khải này trong bối cảnh Do Thái giáo chỉ tin có một Thiên Chúa duy nhất và độc nhất. Chúng ta đừng quên một trong những lý do khiến đám đông dân chúng và nhiều người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã từng lấy đã ném Chúa Giêsu và lên án tử hình cho Người, vì Người tự cho mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x.Ga 10,31-33; Mt 26,62-66).

Thánh Kinh, đặc biệt Chúa Kitô không cho biết vì sao một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi, nhưng đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như thế nào. Đó là mầu nhiệm tình yêu liên đới, hiệp thông trọn hảo, đầy năng động và sáng tạo. Và chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình, ngay trong kiếp lữ thứ này, có thể cảm nghiệm phần nào đó mầu nhiệm ấy, khi sống trong Thánh Thần, Đấng là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa con và Chúa Cha.

“Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Cha sai đến” (Ga 17,3). Làm sao để nhận biết sự thật này nếu không được Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa tác động. Chúng ta đã được nhận làm con trong Đức Giêsu. “Vì là con, nên Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta và kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6). “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy (x.1Cor 12,3). Thánh Thần chính là nguồn tình yêu. Vì thế chỉ những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu biết sự thật. Và khi hiểu biết sự thật thì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống đời đời.

Làm sao ta có thể biết nghĩa phu thê là gì khi ta chưa sống hết tình với người phối ngẫu? Làm sao ta có thể biết được thế nào là quê hương khi ta chưa hết lòng hết tâm với vận mệnh quốc gia dân tộc? Làm sao ta có thể biết được giá trị của con người trong cõi nhân sinh này khi ta chưa trải rộng con tim với người đồng loại, với người anh chị em cận kề, nhất là với những người cô thế cô thân? …

Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết nhiều lẽ huyền nhiệm của sự trao ban và đón nhận. Hãy hiệp thông cách thực sự thì bạn sẽ biết thế nào là tình liên đới. Đây là một cái lẽ biết theo nghĩa Thánh Kinh, tức là không chỉ nhìn thấy thực tại, thấy vấn đề bằng trí khôn, mà còn gắn bó thiết thân, chung lưng đấu cật, khi u buồn lẫn khi hoan lạc, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, gian truân.

Ngay trong cuộc sống này, có nhiều điều mà lý trí phải chào thua. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại ở trí óc, nhưng là ở trái tim. Có thể có trường hợp người ta đâm ra mù quáng vì yêu. Nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vị kỷ, nghiêng chiều đam mê vụ lợi hoặc bất chính. Khi đã biết yêu với tình yêu trong sáng, quảng đại quên mình, với một tình yêu bắt nguồn từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì không một ai là không ở trong ánh sáng. Và chính ánh sáng sẽ soi dẫn chúng ta đến cùng chân lý.

Là kitô hữu, không gì hơn là biết quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi để rồi biết yêu thương nhau bằng:

1. Một tình yêu thúc đẩy ta không chỉ muốn mà còn biết chủ động, tích cực làm cho người mình yêu phát triển và nên hoàn thiện.

2. Một tình yêu thúc đẩy ta tìm mọi cách để cho người mình yêu nên đáng yêu và được nhiều người yêu mến.

3. Một tình yêu thúc đẩy ta nỗ lực hết mình làm cho người mình yêu có đủ khả năng và sự nhiệt tình để yêu mến kẻ khác.

Khi ta sống được chút tâm tình yêu mến này, thiết tưởng rằng chúng ta sẽ chẳng còn băn khoăn với câu hỏi tại sao Ba Ngôi mà chỉ một Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì biết cội nguồn của mình chính là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:29 09/06/2017
58. ĐÀN CỔ QUÝ BÁU
Công Chi Kiều dùng gỗ cây ngô đồng làm một cái đàn dài, và tự cho rằng nó là nhạc khí tốt nhất trên thế gian, bèn cầm đi dâng cúng cho triều đình, nhưng viên quan coi về nhạc nói nó không phải là cây đàn cổ nên trả lại cho chủ nhân.
Công Chi Kiều không chịu, bèn kêu người đến vẽ một vài hoa văn kiểu phong cách cổ xưa trên cây đàn, lại còn viết thêm vài chữ cổ và làm cái tráp bỏ đàn bên trong rồi đem chôn dưới đất.
Một năm sau, đào cái đàn lên và ôm đến chợ để bán, có một quan lớn mua với giá một trăm lượng vàng và đem về dâng cho triều đình. Đến cửa nhà quan coi nhạc thì từng người từng người chuyền nhau coi cái đàn, tất cả đều tán tụng cái đàn là loại tuyệt hảo hết ý:
- “Tuyệt, tuyệt, đây đúng là cái đàn quý báu có một không hai trên thế gian !”
(Úc Ly tử)

Suy tư 58:
Có một lần, nhà dòng nữ nọ có thánh lễ và nghi thức vào Nhà Tập của các tuyển sinh, tôi phụ trách chụp hình, khi rửa hình thì có hình xấu và có hình đẹp, tôi bèn đem các hình xấu đưa cho các Sơ coi trước để coi họ phản ứng như thế nào ? Và họ đã chê hơn cả tôi dự đoán, chê không còn gì để chê, chê hết lời và còn bỉu môi nữa là khác, hai tuần sau tôi gởi đến cho họ những tấm hình đẹp, họ khen cũng hết lời và tâng bốc tôi lên tận...mây xanh...
Con người là như thế, cái gì không có lợi cho mình thì tất cả đều là xấu, cái gì có lợi cho cá nhân mình thì đều tốt, dù người đó là các nữ tu đã từ chối sắc đẹp hồng trần, khước từ những thỏi son phấn để khoát lên mình bộ tu phục thánh thiện dễ thương, cũng không thoát khỏi cái sân si của người đời.
Cũng cái đàn vô giá trị ấy, bây giờ chỉ làm cho nó cũ đi và viết vài chữ cổ vô nghĩa trên thân đàn mà giá trị tăng lên gấp cả trăm lần, đúng là tâm tánh của con người.
Đừng để tâm hồn của mình tốt xấu theo vật chất, nhưng bắt vật chất tốt xấu theo tâm hồn của mình, tức là với một tâm hồn lương thiện hiền hoà, thì dù cho mấy tấm hình có xấu cũng sẽ thành đẹp, vì chúng ta không nhìn đẹp xấu nơi tấm hình mà là nơi tâm hồn của người đã hết lòng vì chúng ta mà chụp hình.
“Chân lý” này ai cũng biết, nhưng ít người thấu đáo lẽ hơn thiệt của nó, bởi vì cái tôi của chúng ta vẫn còn quá lớn, lớn hơn cả đức ái của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:32 09/06/2017
CHỦA NHẬT
LỄ Thiên Chúa BA NGÔI


Tin mừng: Ga 3, 16-18.
“Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”


Bạn thân mến,
Mở đầu một ngày bạn và tôi đều làm Dấu Thánh Giá nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, để cám ơn Thiên Chúa Ba Ngôi đã gìn giữ chúng ta qua một đêm ngủ bằng an, rồi sau đó là xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc lành cho chúng ta một ngày vui vẻ, hạnh phúc và tràn đầy ơn Chúa. Khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá chính là lúc chúng ra tuyên xưng mầu nhiệm cao cả nhất của đạo Công Giáo là mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi: Ngôi thứ nhất là Đức Chúa Cha, ngôi thứ hai là Đức Chúa Con –Giê-su Ki-tô- và ngôi thứ ba là Đức Chúa Thánh Thần...
Như vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn hằng luôn ở với chúng ta, vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày với chúng ta, mà biểu hiện cụ thể nhất là tình yêu.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta biết yêu thương nhau, bởi vì ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa hiện diện, mà trước hết gia đình không phải là nơi bạn và tôi thể hiện yêu thương sao ?
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta biết phục vụ nhau, mà nơi chúng ta phục vụ không phải là những anh chị em trong cộng đoàn của chúng ta đó sao ? Bởi vì Đức Chúa Giê-su đã đến trần gian là để phục vụ và hiến mạng sống mình cho nhân loại.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta biết chia sẻ cho nhau, mà nơi chúng ta chia sẻ không phải là tha nhân, là những người bất hạnh đang cần đến lòng thông cảm và yêu thương của chúng ta đó sao ? Họ là những người đang cần chúng ta chia sẻ những gì chúng ta có mà họ không có, đó chính là hạnh phúc và sự thông cảm giữa người với nhau.

Bạn thân mến,
Chỉ cần bạn hồi tâm suy tư một chút thì bạn sẽ thấy chung quanh bạn, có rất nhiều dấu chỉ hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi:
- Khi bạn nhìn thấy hai người bạn đang vui vẻ trò chuyện, bạn thấy ngay tình yêu của Chúa ở nơi họ.
- Khi bạn nhìn thấy một gia đình cha mẹ và con cái đi dạo mát trên đường phố hay trong công viên, thì bạn sẽ thấy tình yêu của Thiên Chúa đang ở giữa họ.
- Khi bạn nhìn thấy một người cúi xuống bỏ một vài trăm đồng vào trong cái lon trước mặt của người ăn xin, thì bạn sẽ thấy tình yêu của Thiên Chúa đang hiện diện giữa trần gian.v.v...
Điều quan trọng nhất mà bạn và tôi cần phải biết đó là tâm hồn chúng ta chính là nơi mà Thiên Chúa rất thích ngự trị, do đó mà chúng ta phải luôn giữ gìn tâm hồn chúng ta cho sạch sẽ và đẹp bằng các bí tích, nhất là bí tích hòa giải và bí tích Thánh Thể, để các việc của làm chúng ta đều biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:35 09/06/2017

30. Không cầu nguyện thì không thể được cứu, càng không thể đạt tới mức độ đầy đủ của thánh đức.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Gia đình là cộng đồng tình yêu phản chiếu tình yêu Ba Ngôi
Lm GB Nguyễn Minh Hùng
22:52 09/06/2017
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi

Gia đình là cộng đồng tình yêu phản chiếu tình yêu Ba Ngôi

Trong lịch sử, người ta thường dùng những hình ảnh khác nhau để trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn hình ảnh của một ngọn lửa. Trong lửa luôn luôn có ba yếu tố: lửa - ánh sáng - sức nóng. Ba yếu tố đó không lẫn lộn vào nhau: ánh sáng là ánh sáng, lửa là lửa, sức nóng là sức nóng. Ba yếu tố phân biệt rõ ràng, nhưng cũng không bao giờ tách biệt khỏi nhau, ngược lại gắn chặt vào nhau. Có lửa là có ánh sáng, có sức nóng.

Từ hình ảnh ngọn lửa, người ta áp dụng để giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa ba Ngôi. Ba Ngôi chỉ là một Chúa duy nhất, nhưng phân biệt rõ ràng: Chúa Cha - Chúa Con - Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng cũng chỉ là một. Và một Thiên Chúa nhưng vẫn cứ là Ba Ngôi. Cũng như không thể lấy đi ánh sáng khỏi lửa và bảo rằng lửa cứ cháy mà không cần ánh sáng được. Cũng vậy, vì ba Ngôi vẫn chỉ là một Thiên Chúa, nên mọi hoạt động nơi Thiên Chúa đều quy về Ba Ngôi…

Dẫu sao mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi vẫn chỉ là một huyền nhiệm lớn lao đối với con người. Đi tìm câu trả lời cho huyền nhiệm ấy, con người làm một sự cố gắng vượt trên sức hiểu biết của mình. Bởi thế, những hình ảnh mà con người cố gắng suy nghĩ để giải thích, dù có hay đến mấy, vẫn chỉ là một cố gắng còn khiếm diện và bất toàn mà thôi.

Điều hay nhất chúng ta cần làm có lẽ không phải là khám phá tới cùng mầu nhiệm Thiên Chúa cho bằng quay về với chính mình để sống làm sao cho xứng đáng với tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Bởi vậy, tôi muốn mời bạn cùng tôi suy nghĩ về gia đình, vì gia đình là một cộng đồng tình yêu, phản chiếu tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Từ xưa, trong Hội Thánh đã có thói quen áp dụng hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa Ba ngôi là kiểu mẫu của tình yêu cha - mẹ - con cái. Ngay từ trong cung lòng mình, tình yêu Thiên Chúa đã là một tình yêu trao ban, tình yêu mở ra, vì thế một mà lại là ba: Trao ban giữa Cha, Con, Thánh Thần.

Nếu Ba Ngôi là kiểu mẫu của gia đình thì mọi thành viên trong gia đình cũng phải yêu nhau bằng tình yêu trao ban, tình yêu hiến thân, tình yêu mở ra đối với người mà mình yêu.

Tình yêu gia đình đòi hỏi có nhau, cho nhau và vì nhau. Nếu một thành viên nào trong gia đình chỉ biết có bản thân, yêu nhưng chỉ yêu chính mình, tình yêu đó đang phản lại kiểu mẫu của tình yêu Ba Ngôi.

Không thể chấp nhận được một người chồng, một người cha quên trách nhiệm của mình, chỉ biết có say sỉn, còn vợ con có khổ, có đói không đoái hoài tới.

Cũng không ai có thể chấp nhận được một người vợ, một người mẹ tệ cho đến mức quên hết vai trò của mình, chỉ biết bài bạc, có khi thức thâu đêm suốt sáng chỉ để thỏa đam mê thấp kém này.

Chúng ta cũng không thể chấp nhận hình ảnh một đứa con trả treo với cha mẹ. Có khi bất chấp cha mẹ có khả năng hay không, nó đòi cho bằng được điều mà nó muốn có.

Tất cả những hình ảnh trên đều đi ngược lại tình yêu Ba Ngôi. Vì đó chỉ là một thứ ích kỷ, vụ lợi cho bản thân. Trên hết mọi sự, hãy bắt chước tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: Yêu là cho đi, là rộng ban, là mở ra.

Hãy sống làm sao để gia đình trở thành cộng đồng tình yêu, phản chiếu tình yêu Ba Ngôi.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phi Luật Tân bắt được tên lãnh đạo tinh thần bọn khủng bố Hồi Giáo IS, tịch thu hàng triệu Mỹ Kim
Đặng Tự Do
07:01 09/06/2017
Tên lãnh đạo tinh thần bọn khủng bố Hồi Giáo IS: Cayamora Maute
Trong cuộc họp báo tại Davao vào sáng thứ Năm 8 tháng 6, Chuẩn Tướng Gapay Gilbert, phát ngôn nhân quân sự đã trình diện trước giới báo chí tên Cayamora Maute, 67 tuổi, cha ruột của hai tên cầm đầu bọn IS đang chiếm giữ thành phố Marawi.

Cayamora Maute từng là lãnh đạo của bọn khủng bố trong Mặt Trận Hồi Giáo Moro. Y cho hai người con là Omar and Abdullah Maute sang Trung Đông du học về thần học Hồi Giáo. Omar theo học tại Ai Cập trong khi Abdullah học tại Jordan. Khi về nước hai tên này thành lập chi nhánh của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Phi Luật Tân; và Cayamora được lãnh tụ khủng bố Hồi Giáo IS Abu Bakr al-Baghdadi phong cho làm Đại Imam, lãnh đạo tinh thần bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Phi.

Trung tá Nestor Mondia, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Davao, cho biết quân đội và cảnh sát tại trạm kiểm soát Sirawan Toril trên đường từ thành phố Cotabato đến thành phố Davao, đã bắt được Cayamora Maute trong một hoàn cảnh hết sức tình cờ.

Cayamora Maute, ngồi trên một chiếc xe Toyota, đeo mặt nạ phẫu thuật với dây dẫn nước biển chằng chịt trên người, và quấn một chiếc chăn trùm kín người. Khi các binh sĩ và các nhân viên cảnh sát yêu cầu kéo cái chăn xuống, y quyết liệt từ chối. Sinh nghi, họ yêu cầu tất cả xuống xe và kinh ngạc nhận ra Cayamora Maute, một trong những kẻ đang bị truy nã gắt gao.

Khám xe quân đội và cảnh sát thu được một số súng lục và lựu đạn cầm tay, hàng loạt căn cước giả và 363,000 Peso tiền mặt, tức là khoảng 7,200 Mỹ Kim.

Cùng bị bắt với Cayamora còn có bà Kongan, là người vợ thứ hai của Cayamora, con gái y và con rể. Khám nhà những người bị bắt, quân đội Phi tìm thấy 52.2 triệu Peso tiền mặt, tức khoảng 1,054,500 Mỹ Kim.

Trong cuộc họp báo Cayamora không trả lời bất cứ câu hỏi nào, chỉ đưa hai tay làm hình chữ V, ý chỉ chiến thắng.
 
Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn
Lm. Trần Đức Anh OP
08:59 09/06/2017
VATICAN. ĐTC đề cao vai trò của phụ nữ trong việc giáo dục về tình huynh đệ đại đồng và ngài kêu gọi gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong các khía cạnh của đời sống xã hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-6-2017, dành cho 40 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn về cùng chủ đề, với sự tham dự của các HY, GM và các thành viên khác cũng như các chuyên gia và dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Jean Louis Tauran.

ĐTC nói: ”Thật là một tiến trình lợi ích khi gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị trên bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế, cũng như trong đời sống xã hội. Phụ nữ có trọn quyền được hội nhập tích cực vào mọi lãnh vực, và quyền này của họ phải được khẳng định và bảo vệ qua những phương tiện luật pháp nếu cần. Vấn đề ở đây là mở rộng không gian của sự hiện diện có tính chất quyết định hơn của nữ giới”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Phụ nữ cũng có thể gia nhập với trọn danh nghĩa vào những cuộc trao đổi trên bình diện kinh nghiệm tôn giáo cũng như trong những trao đổi trên bình diện thần học. Nhiều phụ nữ đã được chuẩn bị tốt đẹp để thực hiện những cuộc gặp gỡ đối thoại liên tôn ở cấp cao nhất và không phải từ phía Công Giáo mà thôi. Điều này có nghĩa là sự đóng góp của phụ nữ không phải chỉ giới hạn vào những vấn đề nữ giới hoặc trong các cuộc gặp gỡ giữa cac phụ nữ mà thôi. Đối thoại là con đường mà nam giới và nữ giới phải cùng thực hiện”

Khóa họp của Hội đồng kéo dài 3 ngày, từ 7 đến 10-6-2017 và với sự tham dự của các thành viên cũng như các cố vấn của Hội đồng.

Có 4 bài thuyết trình gợi ý do 4 giáo sư chuyên gia đảm trách, ví dụ bà Nuria Calduch-Benages, giáo sư tại Đại Học giáo hoàng Gregoriana, trình bày đề tài ”Phụ nữ giáo dục về tình huynh đệ đại đồng: suy tư từ kinh thánh và văn chương khôn ngoan”, tiếp đến là nữ tu Raffaella Petrini, giáo sư xã hội học tại Đại học Giáo Hoàng Angelicum, nói về các đức tính của phụ nữ chống lại mô thức kỹ thuật: quan điểm xã hội Công Giáo về sự đóng góp của phụ nữ cho tình huynh đệ”..

Trong khóa họp có những lúc suy tư và trao đổi thông tin về đối thoại liên tôn giữa các thành viên của Hội đồng, tình trạng đối thoại tại các nơi trên thế giới. (SD 9-6-2017)
 
Đức Thánh Cha Phanxicô lên án vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại thủ đô Tehran của Iran
Đặng Tự Do
22:06 09/06/2017
Hôm thứ Sáu 9 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố diễn ra vào hôm thứ Tư ở Tehran, Iran. Ngài than thở về hành động bạo lực vô nghĩa và nghiêm trọng này.

Cùng với lời chia buồn chân thành của ngài với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công dã man ở Tehran, Đức Thánh Cha phó dâng linh hồn của những người quá cố cho lòng thương xót của Thiên Chúa Toàn Năng.

Ngài cũng hứa cầu nguyện cho người dân Iran và cho hòa bình của quốc gia này.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thay mặt cho Đức Thánh Cha, đã gởi điện văn đến tổng thống Hassan Rouhani. Toàn văn bức điện tín của Đức Thánh Cha như sau:

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn chân thành đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công dã man ở Tehran và than thở về hành động bạo lực vô nghĩa và nghiêm trọng này. Khi bày tỏ nỗi buồn với các nạn nhân và gia đình của mình, Đức Thánh Cha phó dâng linh hồn của những người quá cố cho lòng thương xót của Thiên Chúa Toàn Năng, và ngài bảo đảm với người dân Iran những lời cầu nguyện của ngài cho hòa bình.

Hồng Y Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh


Tưởng cũng nên nhắc lại là tổng thống Iran Hassan Rouhani đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến hôm 26 tháng Giêng năm ngoái 2016.
 
Khủng bố Hồi Giáo IS tấn công thủ đô Iran
Đặng Tự Do
17:34 09/06/2017
Từ cửa sổ của tầng bốn tòa nhà Quốc Hội, bọn khủng bố bắn xối xả xuống đường phố
Hôm thứ Tư mùng 7 tháng 6, bẩy tên khủng bố Hồi Giáo IS đã mở hai cuộc tấn công khủng bố cùng lúc tại tòa nhà Quốc hội Iran và tại Lăng của Ruhollah Khomeini, cả hai địa điểm đều nằm trong thủ đô Tehran, khiến 17 thường dân thiệt mạng và 43 người bị thương. Đây là vụ tấn công khủng bố đầu tiên ở Tehran trong hơn một thập kỷ qua, và là cuộc tấn công khủng bố đầu tiên ở đất nước này kể từ sau vụ đánh bom Zahedan năm 2010.

Lúc 11:09 sáng, bốn tên khủng bố, tất cả là nam giới, nhưng ăn mặc như phụ nữ, đã lọt được vào tòa nhà Quốc Hội Iran trong khi các dân biểu và nghị sĩ đang có một phiên họp. Chúng bắt một số con tin và bắn bừa bãi vào những ai đứng trong hành lang dẫn đến phòng họp. Lực lượng bảo vệ chống cự quyết liệt để bảo vệ các thành viên Quốc Hội.

Trong khi cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố này; và coi đó như một hành động trả thù cho việc Iran giúp Iraq và Syria chống lại bọn chúng.

Sau gần hai giờ giao tranh mà không tiến được vào phòng họp của Quốc Hội, một tên khủng bố nổ bom tự sát mở đường cho đồng bọn tiến lên tầng bốn của tòa nhà Quốc Hội.

Từ một cửa sổ của tầng bốn tòa nhà Quốc Hội, bọn khủng bố bắn xối xả xuống đường phố.

Gần 2 giờ chiều, Lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran đột kích được vào bên trong và di tản an toàn các thành viên Quốc Hội ra ngoài. Lúc 2:14 chiều, tất cả những tên khủng bố đều bị bắn chết.

Trong khi đó, lúc 10:40, tại lăng mộ của Khomeini, ba tên khủng bố gồm hai nam và một nữ mở cuộc tấn công tại đây. Ba nhân viên an ninh bị chúng bắn bị thương. Bọn khủng bố bắn bừa bãi vào đám đông du khách đang thăm viếng địa điểm này nhưng may mắn không có ai bị thiệt mạng. Sau 30 phút giao tranh với lực lượng an ninh, một tên khủng bố nổ bom tự sát khiến một người làm vườn bị thiệt mạng và hai người khác bị thương.

Lực lượng an ninh cũng đã kịp thời bắn chết một tên khủng bố khác khi y toan cho nổ bom phá hủy khu vực lăng tẩm. Lúc 11:25, tên khủng bố là nữ giới buông súng đầu hàng.

Ruhollah Khomeini, thường được thế giới Tây phương gọi là Ayatollah Khomeini, sinh ngày 24 tháng 9 năm 1902 và qua đời ngày 3 tháng Sáu năm 1989 là giáo sĩ Hồi Giáo Shiite. Năm 1979, Khomeini lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ vương triều Pahlavi và thành lập nên nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.
 
Căng thẳng ngoại giao chung quanh vụ tấn công khủng bố tại Iran
Đặng Tự Do
18:21 09/06/2017
Bộ trưởng Ngoại giao Iran
Báo chí tại Tehran đã tỏ ra tức giận về lời chia buồn của tổng thống Donald Trump về vụ tấn công kinh hoàng hôm thứ Tư 7 tháng 6 khiến 17 người chết và 43 người khác bị thương. Trong một phản ứng chính thức, Bộ trưởng Ngoại giao Iran, là Mohammad Javad Zarif, nói rằng những lời chia buồn của tổng thống Hoa Kỳ là “phản cảm”.

Trong lời chia buồn của mình trên Tweeter, ông Trump nói rằng Hoa Kỳ cảm thấy đau buồn và sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân. Tuy nhiên, vị tổng thống Hoa Kỳ nói thêm rằng: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng các quốc gia nào tài trợ cho bọn khủng bố sẽ có nguy cơ trở thành nạn nhân của cái ác do chính họ quảng bá.”

Bộ trưởng Ngoại giao Iran nói “Chúng tôi phản đối tuyên bố của Tòa Bạch Ốc. Thực ra, Iran đang chống lại những cuộc khủng bố do chính các khách hàng của Hoa Kỳ hậu thuẫn.” Đây là một ám chỉ rõ ràng liên quan đến Arab Saudi là nước vừa ký với Mỹ một thỏa thuận mua vũ khí của Mỹ trị giá 110 tỷ Mỹ Kim, và đây chỉ là một phần của một thỏa thuận mua vũ khí trị giá tới 400 tỷ Mỹ Kim.

Iran là nước có đa số dân theo Hồi Giáo Shiite, và xem Hồi Giáo Shiite là quốc giáo. Tuy nhiên, trong tổng số 82,801,000 dân, quốc gia này cũng có một tỷ lệ dân số lên đến 10% theo Hồi Giáo Sunni. Họ sống tập trung dọc theo biên giới với Iraq và Pakistan. Iran thường xuyên tố cáo Arab Saudi thao túng số dân này.

Lực lượng Cách mạng Iran cáo buộc Riyadh và Washington “dính líu” vào các vụ tấn công hôm thứ Tư, và coi cuộc tấn công này là kết quả của chuyến thăm gần đây của ông Trump tại Arab Saudi.

Tổng thống Hoa Kỳ từ lâu cáo buộc Iran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân đã đạt được vào năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc.

Một số thượng nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Thượng viện Mỹ hoãn lại cuộc thảo luận nhằm đưa ra những đạo luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Một trong những lý do của dự luật này là Iran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo. Tuy nhiên, cuộc thảo luận đã diễn ra như dự trù. Với tỷ số áp đảo 92-7, Thượng viện Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran chỉ vài giờ sau vụ tấn công tại Tehran.
 
Báo Anh và Tây Ban Nha ca ngợi những người Công Giáo anh hùng đã chết trong vụ tấn công khủng bố tại Luân Đôn
Đặng Tự Do
20:18 09/06/2017
Anh Ignacio Echeverria
Báo chí tại Anh và Tây Ban Nha đã lên tiếng ca ngợi anh Ignacio Echeverria, 39 tuổi, bị đâm chết tại khu chợ Borough khi cố gắng giúp một phụ nữ đang bị tấn công bởi những kẻ khủng bố. Thay vì bỏ chạy như những người khác, Ignacio Echeverria dùng một miếng ván trượt làm vũ khí chống trả lại ba tên khủng bố đang đâm túi bụi vào một người phụ nữ.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói anh Ignacio Echeverria sẽ được mọi người nhớ về “hành vi anh hùng và gương mẫu” của mình và cho biết chính phủ Tây Ban Nha sẽ trao tặng anh Huân Chương Công Dân Anh Hùng của Tây Ban Nha.

Báo El Mundo của Tây Ban Nha cho biết anh Ignacio Echeverria không bao giờ bỏ một Thánh Lễ Chúa Nhật nào. Một người bạn nói với một tờ báo rằng trước khi sang Anh làm việc Ignacio thuộc về một nhóm thanh niên Công Giáo gặp nhau hàng tuần ở Madrid cho các công tác xã hội.

Tờ El Mundo cũng lưu ý độc giả rằng chú của Ignacio từng là một giám mục truyền giáo lâu năm ở Peru. Đó là Đức Giám Mục Antonio Hornedo của giáo phận Chachapoyas, một tu sĩ dòng Tên, đã qua đời vào năm 2006.

Tại Luân Đôn, Echeverria làm việc cho nhóm chống rửa tiền của HSBC.

Một người Công Giáo khác cũng bị tử nạn trong vụ tấn công tại Luân Đôn là một cô gái người Canada, tên là Christine Archibald, 30 tuổi.

Archibald, là giáo dân của giáo xứ Rita ở Castlegar, British Columbia. Cô tốt nghiệp Đại học Mount Royal ở Calgary, Alberta, và đã làm việc cho Alpha House ở Calgary trong hai năm trước khi cô chuyển đến Hà Lan với vị hôn thê của mình. Alpha House là một tổ chức phi lợi nhuận Công Giáo nhằm cung cấp các chương trình trợ giúp cho những người nghiện ma túy và nghiện rượu.

Archibald đã sang Anh trong một dự án xây dựng nơi tạm trú cho những người vô gia cư. Gia đình Archibald xin những ai nhớ đến cô hãy giúp một tay vào dự án mà cô đã phải bỏ dở dang. Archibald đang ở trên cầu Luân Đôn cùng với vị hôn phu thì bị chiếc xe tải của bọn khủng bố tông chết.

Một người Công Giáo khác cũng bị chết thảm trong vụ tấn công khủng bố tại cầu Luân Đôn là anh Xavier Thomas, 45 tuổi, quốc tịch Pháp. Anh Xavier cư trú tại Paris đã sang Anh du lịch. Anh đang đi dạo trên cầu cùng người bạn gái là Christine Delcros, thì bị chiếc xe tải của bọn khủng bố tông vào. Anh bị hất văng xuống sông Thames, trong khi người bạn gái bị thương trầm trọng.

Cảnh sát Anh đã vớt được xác anh Xavier vào lúc 7:44 tối thứ Ba 6 tháng Sáu.

Christine Archibald
 
Giáo Hội Công Giáo tại Iran lo âu trước nguy cơ chiến tranh
Đặng Tự Do
21:21 09/06/2017
Cha Hormoz Aslani Babroudi, giám đốc quốc gia các Hội Giáo hoàng Truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo Iran, lên án cuộc tấn công khủng bố của bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào quốc hội Iran và ngôi mộ của Ayatollah Khomeini, xảy ra hôm 7 tháng Sáu khiến 17 người chết và 43 người bị thương.

Ngài nói với thông tấn xã Fides rằng: “Tôi cảm thấy buồn vì những hành động vô nhân đạo như vậy, nhất là khi những hành vi tội ác dã man này được thực hiện bởi những kẻ tự xưng là trung thành với Thiên Chúa và Hồi giáo. Hành động của họ đã lan truyền một hình ảnh sai lạc về đức tin và tôn giáo.”

Trong tổng số 82,801,000 dân, người Công Giáo nghi lễ Latinh chỉ có 21,380 tín hữu. Họ là một cộng đoàn nhỏ bé rất dễ bị thương tổn trước các xáo trộn xã hội.

Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh tại Iran có một tổng giáo phận duy nhất là tổng giáo phận Isfahan, bao trùm cả nước, với 333 linh mục, 6 nam sĩ và 6 nữ tu. Bênh cạnh đó, Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê có 5 giáo phận với số giáo dân khoảng 200,000.

Iran và Arab Saudi từ lâu đã cáo buộc lẫn nhau đã sinh ra và nuôi dưỡng bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Đối với người Iran, bọn khủng bố Hồi Giáo IS là sản phẩm phụ của hệ tư tưởng Saudi Wahhabist và bọn này được sự tài trợ của Arab Saudi.

Đối với Saudis, bọn khủng bố Hồi Giáo IS là sản phẩm phụ phát sinh từ sự trợ giúp của Iran đối với tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và các nhóm dân quân Shiite ở Iraq để giết hại người Hồi Giáo Sunni.

Bên cạnh đó, từ lâu hai dân tộc Ba Tư và Arab Saudi đã có một mối thâm thù truyền kiếp.

Lực lượng Cách mạng Iran cho biết trong 7 tên khủng bố tấn công vào thủ đô Tehran, ít nhất 5 tên là người Iran theo Hồi Giáo Sunni được Arab Saudi tài trợ.

Cha Hormoz âu lo rằng nếu chiến tranh xảy ra, cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ tại quốc gia Hồi Giáo này có lẽ sẽ biến mất.
 
Top Stories
Corée du Sud: Quel rôle pour le pape François dans la réconciliation coréenne ?
Eglises d'Asie
09:12 09/06/2017
Lors des élections présidentielles du 9 mai dernier, les Sud-Coréens ont porté au pouvoir Moon Jae-in, dont le programme porte une politique de dialogue et de réconciliation avec Pyongyang, en rupture avec son prédécesseur, Park Geun-hye, destituée en décembre dernier suite à une retentissante affaire de corruption, et dont le procès a débuté ce 23 mai à Séoul. Alors que la Corée du Nord multiplie les provocations, le président Moon a missionné un émissaire spécial auprès du Saint-Siège pour demander au pape François de soutenir le processus de réconciliation dans la péninsule.

Mgr Hyginus Kim Hee-jong, 70 ans, archevêque de Gwangju et président de la Conférence des évêques catholiques de Corée (CBCK), s’est entretenu avec le cardinal Pietro Parolin, secrétaire d’Etat du Saint-Siège, le 23 mai, et avec le Saint-Père, le 26 mai, à l’issue de la messe du matin célébrée à la maison Sainte-Marthe, au Vatican.

Interrogé par l’agence CNA, Mgr Kim a déclaré « [avoir] été envoyé par le président [Moon] pour demander le soutien du Saint-Père dans le processus de réconciliation entre les deux Corées ». « J’espère que le Vatican va pour agir comme médiateur », a-t-il ajouté, rappelant le rôle joué par le Saint-Siège dans le cadre du rapprochement entre Cuba et les Etats-Unis d’Amérique.

Le pape François, contacté par le président Moon pour « [soutenir] la réconciliation »

Pour le président de la CBCK, « le dialogue constitue la seule option. Pyongyang est en train de montrer sa puissance militaire, mais nous devons poursuivre le dialogue. Si la Corée du Nord devient ouverte au dialogue, les tensions dans la péninsule coréenne diminueront ».

Mgr Kim faisait partie de la délégation de cinq évêques catholiques sud-coréens qui s’était rendue en Corée du Nord en décembre 2015, sous l’égide du « Comité spécial des évêques pour la réconciliation coréenne ». Si ce n’était pas la première fois que des évêques se rendaient en Corée du Nord, le porte-parole de la CBCK, le P. Lee Lee Young-seok, avait alors expliqué que ce déplacement revêtait une importance particulière car les évêques « [avaient été] invités personnellement par Kang Ji-young, le président de l’Association catholique de Corée [organe officiel du régime nord-coréen]. Jusqu’à récemment, les seules relations que nous avions avec la Corée du Nord passaient par le biais de programmes humanitaires ».

Le début de la semaine dernière avait été marqué par une polémique car, selon un article du Joongang Ilbo, un des plus grands journaux sud-coréens, publié le 23 mai, Mgr Kim aurait déclaré qu’il « [allait] remettre au pape François une lettre du président Moon, dans laquelle le président demande au Saint-Père de l’aider à organiser un sommet bilatéral » entre les chefs d’Etat des deux Corées.

Le pape François, sollicité par le président Moon pour faciliter l’organisation d’un sommet bilatéral ?

Un tel sommet constituerait un événement historique et témoignerait de manière éclatante de la relance de la politique dite du « rayon de soleil » (« sunshine policy ») menée dans les années 2000 afin de développer les échanges intercoréens. En 2000 et 2007, les présidents sud-coréens Kim Dae-jung et Roh Moo-hyun avaient alors rencontré le leader nord-coréen Kim Jong-il. Depuis le décès de ce dernier à l’âge de 69 ans, une telle rencontre n’a pas été organisée avec Kim Jong-un, son fils, au pouvoir depuis 2011, d’autant que les administrations des deux précédents présidents sud-coréens, Lee Myung-bak (2008-2013) et Park Geun-hye (2013-2017) y étaient opposées. Aujourd’hui, en dépit de l’élection du président Moon, un tel événement paraît compliqué à organiser, dans la mesure où les tensions sont particulièrement élevées dans la péninsule coréenne : la Corée du Nord multiplie les tirs de missiles balistiques et revendique être en capacité de procéder à un sixième test nucléaire. Au point que le 30 mai dernier, le président Moon, lors d’un entretien téléphonique avec le Premier ministre japonais, a indiqué que ce n’était pas le moment « de dialoguer avec la Corée du Nord mais celui d’accroitre les sanctions et les pressions ».

Quelques heures après la publication de l’article du Joongang Ilbo, Park Soo-hyun, porte-parole de la Maison Bleue, le palais présidentiel à Séoul, a déclaré que le président Moon avait effectivement chargé Mgr Kim de remettre au pape François une lettre manuscrite. Dans celle-ci, le président de la République de Corée remerciait le Saint-Père d’avoir effectué un voyage apostolique en Corée du Sud en août 2014, placé sous le signe de la paix et de la réconciliation, et lui demandait de « prier pour la paix et la réconciliation entre les deux Corées ». Pour autant, la Maison Bleue a indiqué que « dans cette lettre, le président ne [demandait] pas au pape de faciliter l’organisation d’un sommet bilatéral ». Une telle demande n’aurait pas non plus été formulée à l’oral, a précisé le porte-parole présidentiel.

Le président Moon multiplie les initiatives auprès des chrétiens

Tout au long de sa campagne, le candidat Moon a répété qu’il utiliserait tous les moyens à sa disposition pour ramener la paix dans la péninsule coréenne. Le 30 mai, le président Moon a ainsi rencontré une délégation du Conseil œcuménique des Eglises (COE, World Council of Churches), pour discuter du rôle des Eglises dans l’établissement d’un « régime de paix » dans la péninsule. Fondé en 1948, le Conseil regroupe 348 Eglises protestantes, orthodoxes, anglicanes et autres représentant plus de 550 millions de chrétiens dans plus de 120 pays et indique travailler en collaboration avec l’Eglise catholique, en faveur de l’unité des chrétiens et au service d’un monde juste et pacifique.

Dans un communiqué publié le 1er juin, le Conseil œcuménique des Eglises a indiqué que le président Moon « [avait] exprimé sa reconnaissance pour le travail effectué par le COE et le mouvement œcuménique en faveur de la démocratie, des droits de l’homme, de la paix et de la réconciliation en Corée depuis plus de quarante-cinq ans », rappelant que « l’instauration d’un ‘régime de paix’ et la dénucléarisation de la péninsule coréenne constituaient deux des priorités de son administration ».

En Corée du Sud, les chrétiens, les catholiques en particulier, ces derniers étant particulièrement investis dans la vie politique de leur pays, ont multiplié ces dernières années les initiatives en faveur de la paix et de la réconciliation. (eda/pm)

(Source: Eglises d'Asie, le 2 juin 2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họp mặt chủng sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ lần thứ nhất.
Trần Hùng – Cao Hưng
21:47 09/06/2017
HỌP MẶT CHỦNG SINH VIỆT NAM Ở HOA KỲ LẦN THỨ NHẤT

New York, 26 – 30/05/2017. Giáo phận Albany, New York, là điểm hẹn tuyệt vời cho lần họp mặt đầu tiên của nhóm chủng sinh gốc Việt Nam tu học cho một số giáo phận Mỹ. Cuộc gặp mặt lần này quy tụ 18 thầy thuộc Hội Linh mục – Tu sĩ – Chủng sinh Việt Nam du học tại Hoa Kỳ (Formation Support For Vietnam), đang tu học cho nhiều giáo phận khác nhau ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ như Boston (Massachusetts), Burlington (Vermont), Portland (Maine), Manchester (New Hampshire), Albany và Brooklyn (New York), một thầy thuộc Giáo phận Vinh, cùng một số quý thầy đang học tại Chủng viện Holy Apostles. Đồng hành với quý thầy trong dịp họp mặt năm là quý cha Giám đốc Ơn gọi của hai Giáo phận Burlington và Albany, cùng quý cha: Phêrô Nguyễn Quốc Bảo, Raymond Trần Thái Sơn, và Phêrô Võ Quý.

Qua lời huấn từ trong thánh lễ khai mạc và buổi nói chuyện sau đó, Đức Cha Edward B. Scharfenberger, giám mục giáo phận Albany, New York, đã có nhưng chia sẻ rất sâu sắc và hữu ích về ơn gọi và đời sống linh mục, giúp cho quý thầy thêm hiểu biết và có những định hướng rõ ràng hơn, nhất là những thầy còn rất trẻ đến từ Việt Nam. Sự quan tâm sâu sắc và cổ võ mạnh mẽ cho ơn gọi linh mục của Đức Cha được minh chứng qua những lời chia sẽ rất bình dị, gần gũi, và sát thực với đời sống của quý thầy trong những bước chân đầu tiên trong hành trình tận hiến tại một đất nước văn minh với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thử thách, nhất là sự bất đồng về ngôn ngữ, khác biệt về truyền thống văn hóa, và xu hướng tục hóa. Câu chuyện cuộc đời tận hiến quanh co, khúc khuỷu của Đức Cha như một mối giao tình mà Chúa Thánh Thần muốn dùng để gợi hứng và soi dẫn quý thầy trên hành trình theo đuổi ơn gọi nơi đất khách quê người.

Nhấn mạnh tâm tình cốt yếu mà một mục tử tốt lành cần có, Đức Cha nhắc lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ Dầu vào ngày thứ Năm Tuần thánh năm 2013 tại Đền thờ thánh Phêrô, “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang mùi con chiên của mình.” Đức Cha đã chia sẽ với quý thầy những kinh nghiệm bước đầu đáp lại lời mời gọi của Chúa cũng như thời gian tu học tại Rôma về sự phó thác vào sự hướng dẫn và quan phòng của Thiên Chúa. Những chia sẻ đầy tình cha-con và huynh- đệ của Đức Cha đã tiếp thêm sức mạnh và giúp trấn an cho quý Thầy trong bước ngoặt mới của hành trình hiến dâng.

Nhiều hoạt động và sinh hoạt khác nhau như hành hương, dã ngoại, giao lưu thể thao, Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, và chia sẻ trong ba họp mặt đã lưu lại trong quý thầy nhiều dấu ấn tuyệt vời trong những thời gian đầu tại Hoa Kỳ. Trong ngày đầu tiên là Thánh Lễ khai mạc với sự chủ tế và đồng tế của quý cha Giám đốc ơn gọi cùng quý cha đồng hành, sau đó là buổi tọa đàm và nói chuyện giữa chủng sinh với các ngài, góp phần tăng thêm sự hiểu biết về hiện tình Giáo Hội Hoa Kỳ, cũng như tạo nên sự đồng cảm sâu sắc hơn đối với những chủng sinh trẻ từ Việt Nam tu học trên xứ sở văn minh, Hoa Kỳ. Những ngày còn lại của dịp họp mặt là thời gian tham quan và hành hương những địa danh nổi tiếng, giao lưu bóng đá, viếng thăm và gặp gỡ với một số gia đình Việt Nam lân cận. cũng như những chia sẻ tâm tình trong nội bộ nhóm qua giờ chầu Thánh Thể và chia sẻ thức ăn Việt Nam do cha Võ Qúy và anh em tự tay chuẩn bị. Những khoảnh khắc quý giá này góp phần gắn kết anh em hơn trong tình đồng hương và đời tu.

Điểm nhấn của cuộc gặp mặt năm nay là thánh lễ với sự chủ tế của Đức Cha Edward B. Scharfenberger, Giám mục Giáo phận Albany, cùng quý cha đồng tế, tại đền thánh tử đạo Our Lady of Martyrs Shrine, thuộc giáo phận Albany, New York. Đây là nơi mà ba vị thánh tử đạo thuộc dòng Tên đã đổ máu đào vì đức tin từ những thời kỳ đầu đạo Công Giáo được truyền vào đất nước Hoa Kỳ, năm 1642 và 1646. Đức tin và lòng can đảm của ba vị thánh này là động lực cho quý thầy noi gương, với ước mong và quyết tâm trở thành những nhà truyền giáo nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo mênh mông của đât nước Hoa Kỳ ngày nay.

Trần Hùng – Cao Hưng
 
Thánh Lễ Cung Hiến Nhà Thờ Văn Thánh Gp Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:02 09/06/2017
Thánh Lễ Cung Hiến Nhà Thờ Văn Thánh

Sáng nay ngày 9.6.2017, Giáo xứ Văn Thánh hân hoan đón chào quí khách từ khắp nơi về dự lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ mới. Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Phan Thiết chủ sự. Có trên 50 Linh Mục trong ngoài Giáo phận cùng đồng tế và đông đảo tu sĩ nam nữ, chủng sinh, quan khách, ân thân nhân xa gần và cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Xem Hình

Đúng 9giờ đoàn rước tiến lên tiền sảnh trong tiếng ca hân hoan. Đức Cha Tôma, cha TĐD Giuse Hồ Sĩ Hữu, cha Quản nhiệm Phêrô Nguyễn Đình Sáng cắt băng khánh thành. Đức Cha trao chìa khóa Nhà thờ cho cha Phêrô để ngài mở rộng cửa, cộng đoàn tiến vào trong lời ca nhập lễ “Hân hoan bước vào nhà Chúa”.

Ông phó chủ tịch giáo xứ Văn Thánh trình bày quá trình xây dựng Nhà thờ.

Kính thưa Đức Cha Tôma, Cha Tống đại diện, Quý Cha hạt trưởng, Quý Cha , Quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh, quý ân nhân, cộng đoàn dân Chúa xa gần đã về hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn, cung hiến nhà thờ Văn Thánh. Đây là niền hạnh phúc vô bờ bến mà hồng ân Thiên Chúa ban cho cộng đoàn bé nhỏ của chúng con.

Kính thưa Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ cùng quý vị.

Văn Thánh trước kia là vùng đất nông nghiệp. Từ năm 1997, Thành phố Phan Thiết đã thực hiện di dời các hộ dân ven sông Cà Ty, khu Cồn Chà, Bãi Cháy và Văn Thánh được chọn làm nơi tái định cư cho dân di dời. Qua ba đợt tái định cư và các năm 1997, 2004 và 2006, đồng thời hình thành ba cụm dân cư Văn Thánh 1, Văn Thánh 2 và Văn Thánh 3, được gọi chung là khu dân cư Văn Thánh.

Song song đó, Cộng đoàn được thành lập vào năm 2002, do Cha Giacôbê Lê Đức Trung với 26 gia đình giáo dân mang tên giáo họ Văn Thánh. Qua các đợt di dân tiếp theo, đến năm 2010, Cha Antôn Vũ Ngọc Đăng đổi tên thành giáo họ Phanxicô Xavie với khoảng 100 gia đình giáo dân thuộc phường Phú Tài và xã Phong Nam, thành phố Phan Thiết.

Lại cùng theo thời gian, chúng con tiếp tục đón tiếp các giáo dân di dân tự do, và các đợt di dời nhỏ lẻ của chính quyền; đến bây giờ Cộng đoàn chúng con có khoảng 200 gia đình với trên 700 giáo dân. Đồng thời đón tiếp hai cộng đoàn Nữ tu là Mến Thánh Giá Nha Trang và Tu đoàn Bác ái Xã hội về cư ngụ trên địa bàn.

Nhờ ơn Chúa thương, nhờ sự chăn dắt, nâng đỡ của các cha quản xứ: Giacôbê Lê Đức Trung, Cha Antôn Vũ Ngọc Đăng, Cha Phaolô Nguyễn Bá Huân, đặc biệt là Cha Quản lý Giáo phận Phêrô Nguyễn Đình Sáng mà sau 20 năm hình thành phát triển và mong chờ, chúng con có được như hôm nay.

Đến ngày 8/3/2016, cộng đoàn chúng con hân hạnh được Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đến cử hành Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà Thờ Văn Thánh trên mảnh đất này. Nhà thờ là công trình của Lòng Chúa Thương Xót, với 700 giáo dân và sứ vụ mục vụ cho các bệnh nhân, người khuyết tật, người già, người neo đơn...và đem Lòng Chúa Thương Xót đến các cư dân vùng ven, vùng ngoại biên.

Ngày 31/5/2016, công trình được khởi công trên diện tích 2.596 m2; xây dựng các hạng mục như: Nhà Thờ 720m2, nhà Đa năng 540m2; đài Đức Mẹ và các công trình phụ khác. Các nhà thầu: Công ty Kiến trúc Đoàn Anh Quốc, Công ty Tư vấn Xây dựng Vinh Hưng, Công ty Xây lắp Rạng Đông cùng các nhà thầu xây các công trình phụ.

Đến ngày 31/5/2017, Nhà thờ đã hoàn tất; trong suốt thời gian xây dựng từ ngày khởi công đến ngày hoàn thành, công trình xây dựng luôn suôn sẻ trong sự bình an, yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa.

Và hôm nay, ngày 9/6/2017, chúng con hân hạnh đón tiếp Đức Cha Tôma, cùng quý Cha, quý Tu sĩ, cùng quý ân nhân và cộng đoàn dân Chúa xa gần về đây hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn cung hiến nhà thờ Văn Thánh.

Con xin đại diện cộng đoàn giáo xứ, kính gửi đến Đức Cha, Cha Tổng đại diện, quý Cha Hạt trưởng, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý ân nhân cùng cộng đoàn dân Chúa lời cám ơn, lời chúc trân trọng nhất.

Sau nghi thức làm phép nước và rãy nước phép trên cộng đoàn và tường Nhà thờ là phần phụng vụ Lời Chúa.

Đức Cha Tôma giảng lễ, suy niệm câu chuyện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem. Ngài mời gọi mỗi người xây dựng đền thờ tâm hồn của mình.

Xây dựng Nhà thờ là cả một khoảng thời gian dài, là sự hòa quyện của ơn thánh Chúa và bàn tay cũng như tấm lòng con người. Từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Lòng nhiệt thành lo cho nhà Chúa từ cha quản nhiệm đến mọi giáo dân. Đây là công trình tổng hợp: công ơn Chúa, công sức con người, công đức tấm lòng quảng đại của quý ân nhân. Đức Cha cùng với quan khách chung lời mừng với cha Phêrô và cộng đoàn. Ngài cầu xin Chúa xuống ơn phúc cho những ai góp công góp sức góp của để làm nên ngôi Nhà Thờ nhiều ý nghĩa này.

Tiếp theo là kinh cầu các Thánh. Phần chính yếu của nghi thức cung hiến là lời nguyện cung hiến và xức dầu. Bàn thờ và Nhà thờ mới trở nên nơi Thánh. Sau nghi thức xông hương và thắp sáng nến bàn thờ, cộng đoàn hiệp thông sốt mến trong phụng vụ Thánh Thể.

Cuối thánh lễ, ông chủ tịch HĐGX dâng lời tri ân lên Đức Cha quý cha và cộng đoàn. Những lẵng hoa hồng tươi thắm dâng lên Đức Cha, cha Tổng và cha Quản nhiệm như những tâm tình hiếu thảo của đoàn con cái.

Để có niềm vui tạ ơn hôm nay, giáo xứ Văn Thánh hết lòng tri ân Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, quản lý Giáo phận. Trong 3 năm đã xây dựng cho giáo xứ 2 nhà thờ mới: Cù Mi và Mân Côi. Sau đó ngài về làm quản lý địa phận rồi xây mới Nhà thờ đảo Phú quý. Nay lại xây thêm ngôi thánh đường mới nữa, cugn2 với Nhà đa năng và nhiều công trình khác. Thật đáng trân trọng lòng nhiệt thành xây dựng Nhà Chúa của vị linh mục đã bước qua tuổi 60.

Ngày 8.3.2016, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã chủ sự lễ đặt viên đá đầu tiên. Ngày 31.5.2016, công trình bắt đầu thi công và đến ngày 1.6.2017 hoàn thành. Như vậy chỉ sau 12 tháng xây dựng, Giáo xứ đã được rất nhiều người từ muôn phương yêu thương giúp đỡ bằng nhiều cách, nên nay đã có ngôi Nhà thờ mới khang trang bề thế.Đó là một món quà do Lòng Thương Xót Chúa ban tặng qua sự rộng lượng giúp đỡ của Quí Ân Nhân xa gần.

Hôm nay là ngày hân hoan đối với toàn thể cộng đoàn Giáo xứ Văn Thánh.Ngôi Nhà thờ chính là công khó của muôn người, những ân nhân và thân nhân đã nỗ lực đóng góp kiến tạo ngôi nhà thiêng liêng cho Chúa ngự. Đây chính là dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa thương ban cho cộng đoàn Giáo xứ và cũng chính là Của Lễ Tình Yêu mà Giáo xứ dâng lên Thiên Chúa. Của Lễ qua những ngày tháng lao công vất vả được kết tinh bởi những lời cầu nguyện, những giọt mồ hôi, được vun trồng qua đời sống đức tin và hiệp thông trong Tình Yêu của Chúa Kitô. Của Lễ qua những nỗ lực đóng góp trước tiên của từng cá nhân cũng như tập thể các gia đình anh chị em trong Giáo xứ.Nhà thờ là nơi mà mỗi ngày dân Chúa họp nhau, được gặp gỡ Chúa, được cử hành Thánh lễ tạ ơn, để dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi, phó thác cho Ngài những trăn trở cuộc sống. Nơi đây nuôi dưỡng Đức Tin của mỗi tín hữu, mỗi người được nghe tiếng Chúa mời gọi hãy xây dựng chính Đền thờ tâm hồn của mình cho xứng đáng để Chúa ngự trị.

Ngày lễ khánh thành và cung hiến Nhà thờ mới là ngày trọng đại nhất và đáng ghi nhớ đối với một Giáo xứ. Hiệp ý tạ ơn với cộng đoàn Giáo Xứ Văn Thánh và nguyện xin Thiên Chúa giàu tình thương ban phúc lành cho mọi người gần xa đã góp công góp của, góp cảm tình và mọi thứ giúp đỡ khác vào việc xây dựng những công trình phục vụ lợi ích chung, nhất là những công trình nhằm phát triển chiều kích thiêng liêng.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 
Mừng Lễ Kim Khánh Linh Mục Và Thượng Thọ Cha Giuse Vũ Dần
Tôma Trương văn Ân
11:22 09/06/2017
Mừng Lễ Kim Khánh Linh Mục Và Thượng Thọ Cha Giuse Vũ Dần

“ Lạy Chúa , Chúa là phần Gia nghiệp tuyệt hảo của con “ (Tv 15,5-6). Câu Thánh vịnh mà Cha Giuse Vũ Dần – Quản xứ Cồn Dầu – Linh mục đoàn Giáo phận Đà Nẵng đã chọn làm ý lực sống cho suốt cả cuộc đời. Chúa là nơi nương thân mà Cha Giuse đã chọn , đã cam kết trung tín trong bình an, dù cuộc đời lắm phen gian truân trong Dòng đời lịch sử bao thăng trầm , thời cuộc bao đổi thay.

Xem Hình

Từ nhiều nguồn tư liệu , Tôi được biết…..

1. Những ngày thơ ấu :

Cha Giuse Vũ Dần sinh ngày 3 / 5 / 1938 tại Cồn Thoi, huyện Kim Sơn , tỉnh Ninh Bình.
1950 ( 12 tuổi) : vào tu học Trường Thử tại Trì Chính – Phát Diệm (1)
1953 ( 15 tuổi) : mất Cha
1954 ( 16 tuổi) : mất Mẹ.

2. Tận hiến cho Chúa và Giáo Hội , phục vụ tha nhân ….:

Cùng năm 1954 này , Chú Giuse Vũ Dần theo Chủng viện vào miền nam Việt Nam, học tại các Chủng viện : Sài Gòn , Qui Nhơn và Huế.
Sau 17 năm tu học, ngày 11 / 6 / 1967 , Đức Cha Phê-rô Maria Phạm Ngọc Chi- Giám mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng, đã trao tác vụ Linh Mục cho Cha Giuse Vũ Dần tại Giáo xứ Lạc Quang – Tổng Giáo phận Sài Gòn.

1967 : Phó xứ Giáo xứ Hội An
1968 : Quản xứ Giáo xứ Phước Xuân (2)
1972 : Quản xứ Phú Thượng
1970 đến 1975 : Linh mục Tuyên Úy quân đội (3)
1975 đến 1988 : “ Học tập” tại Tiên Lãnh , Tiên Phước , Quảng Nam (4)
1991 : Quản xứ Ngọc Quang
1994 : Kiêm Quản xứ Thanh Bình
1998 : Quản xứ Hòa Khánh
2005 : Quản nhiệm Giáo họ Cẩm Lệ , nay là Giáo xứ Cẩm Lệ.
2007 : Quản xứ Thanh Bình (lần 2 )
3 / 10 / 2012 đến nay : Quản xứ Cồn Dầu
3. Thánh lễ Mừng Kim Khánh Linh Mục và Mừng Thượng Thọ Cha Giuse :
Lúc 9 giờ 30 ngày 8 / 6 / 2017, tại Giáo xứ Cồn Dầu-Giáo phận Đà Nẵng. Cộng đoàn Giáo phận, Giáo xứ, Bà con Linh tông , Huyết tộc , Quý Khách , bạn bè thân thuộc, cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn do Cha Giuse Vũ Dần-Quản xứ Cồn Dầu, Chủ tế – Mừng 50 năm thụ phong Linh mục (11/6/1967-2017) , và Mừng thượng thọ Bát tuần (03/5/1938-2017) của Cha Giuse .

Hồng ân 50 năm Linh mục, Thiên Chúa đã chọn Cha Giuse và Thượng thọ bát tuần , là hành trình mà Cha cảm nghiệm Thiên Chúa yêu thương và sự bình an tràn ngập tâm hồn Cha qua mỗi mốc sự kiện cuộc đời.

Có những ngã rẽ, mà dưới con mắt người đời cảm thấy cay đắng ( thời gian đi “học tập” tại Tiên Lãnh) Cha vẫn vui vẻ đón nhận trong bình an phó thác vào Thiên Chúa là Cha , là gia nghiệp. Đến nỗi, người bạn tù nói : “ làm như ông thích ở đây lắm nhỉ ?” ( trích lời tự thuật của Cha Giuse) . Sự hiểu nhầm dẫn đến một số Giáo dân kêu trách Cha , khi giai đoạn Giáo xứ Cồn Dầu biến động di dời giải tỏa. Thời cuộc bao thăng trầm thay đổi, làm suy nghĩ và “ cái nhìn” con người thay đổi, nay thời gian đã có câu trả lời, khi Vị Đại diện Giáo xứ nói lời Tri ân Cha Giuse , kèm cả một lời xin Cha thông cảm bỏ qua “…vì một số ít Giáo dân làm mất lòng Cha , làm Cha phải bận tâm suy nghĩ……. Cha phải cầu nguyện trải lòng với Chúa , xin Chúa cho Cha biết việc phải làm để không tổn hại đến đời sống người dân…” ( trích trong lời mừng Kim Khánh Linh mục của ông Trưởng Ban thường vụ Hội đồng mục vụ Giáo xứ Fx Thái Văn Liên- Đại diện Giáo xứ) .

Nhưng dù gì đi nữa, Linh mục của Chúa vẫn suốt cuộc đời trung tín với lời cam kết ban đầu khi nhận tác vụ Linh mục, chú tâm vào việc: tin điều đã đọc , dạy điều đã tin và thi hành điều giảng dạy.( sống và Giảng dạy Lời Chúa và trung thành ban phát các Bí tích)

Với 50 năm Linh mục , Cha được sai đến chăm lo phục vụ 8 Giáo xứ. Với bao khó khăn thăng trầm đã qua , bao hoa trái Ơn Thánh đoàn con 8 cộng đoàn Giáo xứ nhận được từ Cha và nhờ Cha. Cộng đoàn Giáo phận Đà Nẵng nói chung , và cộng đoàn 8 Giáo xứ Cha đã phục vụ nói riêng, cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa với Cha Giuse, vì muôn ơn Thiên Chúa ban cho cha trong hành trình tác vụ Linh mục và bát tuần thượng thọ.

Trong bài Giảng, Cha Giuse Nguyễn Quốc Quang ( con Linh tông của Cha Giuse Vũ Dần- Cha Bố ) trích dẫn những sự kiện, những dấu ấn trong cuộc đời Cha Bố. Ngài luôn luôn an bình trong Chúa, trong cầu nguyện , trong việc sống các Bí tích kết hợp mật thiết với Chúa trong Bí tích Thánh thể và bàn tiệc Lời Chúa. Lời Chúa là hướng đi cuộc đời, Lời Chúa phát sinh hoa trái bác ái , hiền hòa , nhẫn nhục , trung tín …... “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại. Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2). Nhờ bình an mà Cha dấn thân quyết liệt dù ở đâu…. “ Sự bình an mà chính Chúa đã đem lại trong đêm Chúa Giáng Sinh, Vinh danh Thiên Chúa trên trời , bình an dưới thế cho người thiện tâm……. Hay như sau khi Chúa phục sinh , Chúa hiện ra với các Môn đệ ban bình an cho các ông “ ( trích Bài giảng Lễ). Cha Giảng lễ đưa đến kết luận và khẳng định : “… Linh mục là dấu chỉ Đức tin sống động, dấu chỉ của yêu thương…. Linh mục tín thác vào Chúa để cảm nhận bình an của Thiên Chúa… Chúa là chủ thể của bình an… bất cứ nơi nào chúng ta cũng đong đầy bình an của Chúa” Cha Giuse Vũ Dần , quả đúng như vậy !

Cuối Thánh lễ, Ông Trưởng Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ , Đại diện Giáo xứ có lời tri ân Cha Quản xứ, các ban ngành Đoàn thể trong Giáo xứ , Bà con Linh tông , Bà con huyết tộc, các Linh mục Đại diện Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri – Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, và nhiều người thân quen …. Đã có lời cầu nguyện , chúc mùng, tặng hoa và tặng quà cho Cha Giuse trong dịp mừng Kim khánh Linh mục và mừng thương thọ.

Đáp từ , Cha Giuse hết lòng cám ơn Đức Cha Giuse – Giám mục Gp Đà Nẵng, Đức Cha Giuse Giám mục Gp Lạng Sơn – Cao Bằng, Quý Cha , Quý nam nữ tu sĩ , Chính Quyền, các Ban ngành trong giáo xứ , Quý khách , Bà con thân quen…. Đã thăm , tặng hoa quà , đã giúp cho Thánh lễ và các tổ chức sự kiện hỗ trợ được tốt đẹp.

Trong dịp này, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân- Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã đến tham dự.
Đức Cha ban huấn từ . Ngài cảm thông chia sẻ những khó khăn của Cha Giuse, trong những giai đoạn khó khăn nhất định của Lịch sử….”cuộc đời Linh mục trải qua thử thách , cuộc đời Linh mục lấy Giáo xứ làm gia đình, phục vụ trong yêu thương”. Ngài Cầu nguyện cho Cha Giuse được bình an trong Chúa …. Đức Cha mừng Cha gói gọn chữ TÌNH , Tình Chúa và tình người… và những cầu chúc tốt đẹp nhất đến với Cha Giuse.

Sau Thánh lễ , một tiệc mừng với nhiều tiết mục văn nghệ “ cây nhà lá vườn” thật hay, nhiều người thân quen với Cha Giuse cố gắng chụp chung với Cha vài tấm hình lưu niệm trong mốc dấu ấn cuộc đời.

Toma Trương Văn Ân


Chú thích:
(1) tại Trường Thử , Dự tu được học trong một đến hai năm và nếu bề trên thấy khả năng học hành khá, tính tình tốt, Dự tu được chuyển lên Tràng La Tinh- còn gọi là Trường La tinh ở Phúc Nhạc, gọi là Tiểu Chủng Viện. Tại Tiểu chủng viện, được học tiếng La tinh , Giáo lý và Kinh Thánh trong vòng 5 đến 7 năm, nếu không “bị loại”, một đặc ngữ Công Giáo, Chủng Sinh được lên Trường Lý Đoán đặt tại Thượng Kiệm-Kim Sơn – Ninh Bình. Trường Lý Đoán là một danh từ nhà đạo, sau này được gọi là Đại Chủng Viện .
(2) Giáo xứ Phước Xuân, thuộc địa bàn Giáo xứ Hòa Khánh ngày nay. Đa số giáo dân thuộc giáo xứ Xuân Thạnh (Bà Rén) nên có tên là Phước Xuân. Cha quản xứ đầu tiên là Cha Giuse Nguyễn Thanh Châu, nguyên phó xứ Trà Kiệu, sau đó là cha Giuse Vũ Dần. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Duy Lượng tiếp quản Phước Xuân sau khi Cha Dần được chuyển lên Phú Thượng. Và cha Đaminh Nguyễn Thanh Liêm là vị quản xứ cuối cùng của Phước Xuân cho đến 1975, sau 1975 sát nhập vào Giáo xứ Hòa Khánh. Số giáo dân : 2421 người (năm 1969) ( theo lược sử Giáo xứ Hòa Khánh)
(3) Linh Mục Tuyên Úy Quân đội : Người chăm lo các nhu cầu Tôn giáo, nhu cầu Tâm linh cho các Quân nhân Công Giáo trong Quân đội ( hầu hết Quân đội các Nước Phương tây đền có Linh Mục Tuyên úy )
(4) “Học tập”, vì bị cho rằng : là Quân nhân của Quân đội đang tại ngũ, phải cải tạo.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cử Tri Pháp Bầu Dân Biểu Quốc Hội Năm 2017
Hà Minh Thảo
11:27 09/06/2017
Cử Tri Pháp Bầu Dân Biểu Quốc Hội Năm 2017

Nghị định của Bộ Nội vụ, được đăng vào Công báo ngày 25.04.2017, mời gọi 47.582.183 cử tri Pháp được mời tham gia đầu phiếu tuyển cử Dân biểu Quốc hội ngày 11.06.2017 và, nếu không ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối (50% cộng 1) số phiếu bầu hợp lệ, vòng hai sẽ được tổ chức vào ngày 18.06.2017.

Quốc hội (Assemblée nationale), một trong hai Viện Lập Pháp của nước Pháp, gồm 577 dân biểu (députés) được bầu chọn theo thể thức đầu phiếu trực tiếp và kín. Hiện nay, PS (Parti socialiste, đảng Xã hội) đang chiếm đa số tại Quốc hội nhiệm kỳ XIV sẽ chấm dứt lúc 24 giờ ngày 20.06.2017 (Điều 121 Luật Bầu cử ngày 15.05.2001 quy định : ngày thứ 3 thứ ba tháng sáu năm thứ năm sau khi đắc cử). Các dân biểu tân cử năm nay bắt đầu nhiệm kỳ XV từ 0 giờ ngày thứ tư 21.06.2017.

I.- GHI DANH ỨNG CỬ DÂN BIỂU QUỐC HỘI.

A. Ðiều kiện để ứng cử.

Để nhận cho nộp đơn ứng cử dân biểu, công dân Pháp phải đủ 18 tuổi (thay vì 23 như trước do quy định của Luật tổ chức số 2011-410 ngày 14.04.2011). Ứng cử viên không bắt buộc phải cư ngụ nơi mình ứng cử vì khi đắc cử dân biểu, họ biểu quyết luật cho quốc gia. Ứng cử viên ‘nhảy dù’ (parachutage) là người được Trung ương Ðảng bộ ở Paris gởi xuống vì là một đảng viên ‘cấp to’ và bảo vị dân biểu xuất nhiệm nhường chổ cho vị ‘được thả dù’ này. Nếu không vâng lời, đương sự xuất nhiệm bị coi là ly khai (dissident), bị khai trừ khỏi đảng và hai người cùng tranh cử để cử tri phán quyết.

B. Thể thức Ðầu Phiếu.

Đơn danh, đa số, hai vòng đã được quy định lần đầu thời Ðệ Ngũ Cộng hòa bởi Sắc luật ngày 13.10.1958 và được nhắc lại tại Điều 123-L126 Luật Bầu cử:

1.- Vòng một.

Để được tuyên bố đắc cử, ứng cử viên phải đạt được đa số tuyệt đối tổng số những phiếu bầu hợp lệ và số phiếu phải bằng một phần tư số cử tri ghi danh. Nếu không ai đắc cử, vòng nhì được tổ chức.

2.- Vòng nhì.

Không như bầu cử Tổng thống, chỉ hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất được vào vòng nhì. Ðể bầu dân biểu, các ứng cử viên đạt được nhiều hơn hay bằng 12,50% số cử tri ghi danh đều có thể tham dự vòng này. Nếu chỉ một ứng cử viên đạt được điều kiện này, người về thứ hai cũng được giữ lại. Chỉ cần đa số tương đối, ứng cử viên về đầu được tuyên bố đắc cử. Trong trường hợp hai ứng cử viên có số phiếu bằng nhau, ứng cử viên cao tuổi hơn được tuyên bố đắc cử.

C. Thể thức bầu cử đã có lần thay đổi.

Từ thời Ðệ Ngũ Cộng hoà, những Tổng thống vừa đắc cử đều muốn có một đa số, càng nhiều dân biểu càng tốt, để thông qua và thi hành các chương trình đã trình bày trong thời gian tranh cử. Ngoài ra, trước kia, nhiệm kỳ Tổng thống là 7 năm trong khi thời gian dân biểu tại chức chỉ là 5 năm và Quốc hội có thể bị Tổng thống giải tán, sau khi hội kiến với hai Chủ tịch Thượng nghị viện và Quốc hội.

Do đó, năm 1981, khi ông Francois Mitterrand (PS) thắng cử Tổng thống nhiệm kỳ 1981-1988 với phiếu ủng hộ của Ðảng Cộng sản Pháp (PCF, Parti Communiste Français). Sau khi nhậm chức, ông đã giải tán Quốc hội đương nhiệâm để bầu Quốc hội mới, nhiệm kỳ 1981-1986. Trong những năm đầu của nhiệm kỳ, Tổng thống được Quốc hội ủng hộ ‘hết mình’ đã đưa nền kinh tế xuống dốc. Nhằm giảm bớt sự xuống dốc của đa số Quốc hội, Tổng thống với sự đồng ý của đa số này, Luật ngày 10.07.1985 cho phép bầu cử dân biểu theo đa số tỷ lệ giữa những liên danh cấp tỉnh (Département) có số phiếu từ 5% trở lên. Thâm ý của họ không được cử tri đáp ứng, tuy có chận đứng sự thất bại hoàn toàn vì kết quả đã là : Tập họp vì Nền Cộng hòa (RPR, Rassemblement Pour la République), hữu phái thu 40,97% số phiếu hợp lệ và chiếm 287 ghế ; PS 31,02% với 212 ghế ; PCF 9,78% với 35 ghế và Mặt trận Quốc gia (FN, Front National) 9,65% với 35 ghế (lần đầu tiên có mặt tại Quốc hội).

Từ kết quả tuyển cử Quốc hội đó, Tổng thống Mitterrand phải mời vị Ðứng đầu khối đa số tại Quốc hội là ông Jacques Chirac, Thủ lãnh RPR, làm Thủ tướng và, cùng ông, thành lập Chánh phủ. Từ đó, có danh từ Sống chung chánh trị (Cohabitation politique). Trong đó, Tổng thống chỉ còn là ‘Président chỉ để Chủ tọa (présider) Hội đồng Nội các’ và ‘Chính phủ (Gouvernement) mới Ðiều hành chính sự (gouverner). Bởi thế, Tổng thống mới rảnh rỗi để nghĩ cách lấy lại đa số tại Quốc hội, nhất là khi suy đoán mình sẽ được tái cử Tổng thống năm 1988. Do đó, với sự đồng thuận của đa số hữu phái, Luật ngày 11.07.1986 được ban hành để trở lại thể thức bầu cử dân biểu với ‘đa số hai vòng’ khiến, gián tiếp, FN không còn dân biểu tại Quốc hội cho đến năm 2012.

Kết quả, sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mitterrand đã giải tán Quốc hội để bầu lại ngày 05 và 12.06.1988. Nhưng không may cho ông, PS và các đảng liên minh không đạt được đa số tuyệt đối vì PCF từ chối tham gia Chính phủ. Do đó, PS cần sự giúp đở, khi của PCF, lúc từ Liên hiệp Trung phái (UDC, Union du Centre với 41 dân biểu). Trong nhiệm kỳ hai 7 năm, ông đã cử 4 Thủ tướng (Rocard, Cresson và Bérégovoy PS) ; với Balladur (RPR) trở thành Cohabitation lần thứ 2.

D. Vài đặc điểm về các ứng cử viên dân biểu năm 2017.

Ngày 23.05.2017, Bộ Nội vụ công bố danh sách 7.882 vị. Xin nhắc lại các kỳ bầu Quốc hội gần đây : 6.603 (cho năm 2012), 7.600 (2007) và 8.400 (2002). Tại sao đông đảo cử tri như vậy, xin mời xem tiếp phần ‘B.- Nguồn trợ cấp từ Ngân sách’.

225 trong 577 dân biểu xuất nhiệm đã không tái ứng cử, tức 39,50%. Con số thật cao so với hai nhiệm kỳ trước : xuất nhiệm năm 2007 chỉ có 98/577 dân biểu không tái cử, tức 17% ; năm 2012, 105/577, tức 18%. Sở dĩ, năm nay có nhiều vị không tái cử vì Luật mới không cho dân biểu kiêm nhiệm các chức Thị trưởng, Chủ tịch các Hội đồng Vùng và các Hội đồng Tỉnh…, không ít các dân biểu thuộc phe đa số xuất nhiệm và những lý do khác. Số còn lại 352 tái ứng cử, chiếm 4,46% tổng số ứng cử viên năm nay.

Với con số 7.882 ứng cử viên cho năm nay, tức trung bình tại mỗi đơn vị bầu cử (circonscription) có gần 14 ứng cử viên tranh nhau một ghế dân biểu. Trong khi Ðơn vị bầu cử ‘Người Pháp ở ngoại quốc thứ 9’ (9e des Francais de l’étranger), thì tại đơn vị Wallis-et-Futuna, chỉ có 3 ứng cử viên ghi danh.

Về tuổi tác, tuổi trung bình của các ứng cử viên là 48,5 năm, so với 50 cho năm 2012 và 51 cho năm 2007. Ứng cử viên trẻ nhất là cô Morgane Guerreau 18 tuổi, ứng cử tại đơn vị Val de Marne-4 và lớn nhất là bà Odette Simonet 89 tuổi, ghi danh tại Ðơn vị bầu cử ‘Người Pháp ở ngoại quốc thứ 9’. Tuổi trung bình của các ứng cử viên thuộc Cộng hòa Tiến Bước (La République En Marche, LREM) là 46 năm, Mặt trận Quốc gia (Front National, FN) là 47, PS là 50 và Những Người Cộng hòa (Les Républicains, LR) là 51.

Về vấn đề giới tính (parité, các đảng bị buộc phải đề cử số ứng cử viên nam và nữ phải ngang nhau). Ðảng Cấp tiến tả phái (PRG, Parti Radical de Gauche và LREM đã giới thiệu số ứng cử viên nữ nhiều hơn số người nam. FN và Phong trào Dân chủ (MoDem, Mouvement Démocratique) tôn trọng nguyên tắc này. Nước Pháp bất khuất (FI, France insoumise) chỉ với 48% ứng cử viên nữ. PS chỉ 44% và LR 38%. Vi phạm nguyên tắc này, các đảng bị phạt bằng giảm trợ cấp tài chính hàng năm.

II. TÀI CHÁNH CHO SINH HOẠT CHÍNH TRỊ.

Để cân bằng ngân quỹ, các chánh đảng có hai nguồn thu chính :

A.- Nguồn thu tư nhân.

Như các Hiêp hội, các chánh đảng được quyền nhận niên liễm của các đảng viên. Tuy nhiên số tiền thu nầy không đáng kể nên các chánh đảng yên cầu những đảng viên giữ một (hay nhiều) chức vụ dân cử đóng một số tiền đáng kể hơn.

Những cá nhân có thể ủng hộ tài chính cho các cuộc tranh cử của một ứng cử viên. Tuy nhiên, một người không thể tặng quá 4.600 euros trong cùng một kỳ bầu cử. Những số tiền tặng trên 150 euros phải trả bằng ngân phiếu (chèque), chuyển trương (virement) hay thẻ tín dụng (carte bancaire).

Các chánh đảng chỉ được phép nhận tiền biếu từ các thể nhân, nhưng cấm từ những pháp nhân (điều 16 luật ngày 19.01.1995. Các số tiền biếu cũng như niên liễm có thể được trừ thuế 66% những số tiền này trong giới hạn 20% lợi tức tính thuế với điều kiện số tiền phải trả qua trương mục ngân hàng, tức bằng chi phiếu, chuyển trương,…

B.- Nguồn trợ cấp từ Ngân sách.

Lá phiếu bầu Dân biểu có giá trị để tính trợ cấp cho đảng chánh trị trong suốt nhiệm kỳ lập pháp và việc hoàn trả chi phí vận động bầu cử dân biểu.

1./ Hoàn trả chi phí vận động và bầu cử Quốc hội.

a. Mức trần chi tiêu được phép.

Mỗi ứng cử viên được quyền chi tối đa với :

- mức cố định : 38.000 euros cho mỗi ứng cử viên ;

- mức tỷ lệ theo dân số trong đơn vị bầu cử (circonscription) được INSEE (Institut national de la statistique et des études économiques, Viện Thống kê) công bố ngày : 0,15 euros cho mỗi cư dân. Sau khi cộng hai mức lại, không trường hợp nào cao hơn 76.000 euro.

Trong trường hợp vượt mức chi tiêu này, ngân sách tranh cử sẽ bị bác bỏ, do đó, sẽ không có bồi hoàn. Ngoài ra, đương sự còn có thể bị cấm ứng cử tối đa là ba năm.

b. Điều kiện.

Ứng cử viên đạt được ít nhất hay bằng 5% số phiếu hợp lệ được hoàn trả 47,50% mức trần chi tiêu được phép nói trên.

2./ Trợ cấp tài chính cho các đảng chánh trị.

Nghị định số 2016-111 ngày 04.02.2016 thực hiện việc áp dụng các Điều 9 và 9-1 của Luật số 88-227 ngày 11.03.1988 đã được sửa đổi, về minh bạch tài chính về đời sống chính trị. Theo đó, số tiền trợ cấp gồm hai phần :

a. Kết quả bầu cử Quốc hội cho những đảng có ứng cử viên tranh cử tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử (circonscriptions) theo luật ngày 20.02.1993. Theo đó, ngân sách quốc gia cấp theo số phiếu mà các tập thể chánh trị (đảng, nhóm…) đã giới thiệu ứng cử viên tham gia tuyển cử Quốc hội thu được ít nhất 1% số phiếu hợp lệ và hiện diện tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử, nhận được 1,42 euros cho mỗi lá phiếu hàng năm trong trong suốt nhiệm kỳ (thường là 5 năm, nếu Quốc hội không bị giải tán). Trái lại, các đảng không tuân theo luật ngày 06.06.2002 về số ứng cử viên nam nữ phải bằng nhau, số tiền trợ giúp công sẽ bị trừ bớt.

Các đảng nhỏ ở các phần đất ở hải ngoại (outre-mer) chỉ cần đạt được ít nhất 1% số phiếu hợp lệ trong tất cả các đơn vị bầu cử mà đảng có ứng cử viên tham gia tranh cử.

b. Tỉ lệ theo số dân biểu và nghị sĩ thuộc từng chính đảng. Ngoài ra, ngân sách quốc gia cũng chi trả 37.290 euros/năm/người để tài trợ việc đào tạo các chính trị gia mới theo số Dân biểu và Nghị sĩ mang đảng tịch những chính đảng hiện diện tại Quốc hội và Thượng nghị viện.

III. KHẢO SÁT DÂN Ý (SONDAGE).

Theo Viện Thống kê Ipsos/Sopras/Steria cho France Télévisions va Radio France công bố hôm 30.05.2017 thì LREM và MODEM về đầu với 29,50% số người được phỏng vấn cho vòng một ngày 11.06.2017. Tiếp đến, LR-UDI được 22%, FN 18%, FI 11,5%, PS-RDG 9%, Âu châu Môi trường Ðảng Xanh (EELV, Europe Ecologie les Verts) 3%, Ðứng dậy nước Pháp (Debout la France) 2,5%, PCF 2%,… Cho tới ngày 11.06.2017, những tỷ số này có thể thay đổi vì 34% số người được hỏi cho biết có thể đổi ý.

(Cuộc khảo sát dân ý được thực hiện trong thời gian từ 26 đến 28.05.2017 với 2.138 người có ghi tên trên danh sách cử tri. Trong đó, 1.127 chắc chắn sẽ đi bầu và bầu hợp lệ cho một ứng cử viên).

Về số ghế, Viện Ipsos ước lượng LREM có thể đạt được từ 395 đến 425 ghế tại Quốc hội : một đa số áp đảo. Kết quả đó giải thích sự cách biệt quan trọng về số phiếu toàn quốc giữa đảng của Tổng thống và LR-UDI. Liên đảng LR-UDI, theo giới quan sát, nếu chiếm được trên 150 ghế thì tốt ; nếu từ 100 đến 149 thì vừa phải ; nếu ít hơn 100 ghế thì thất bại.

Cũng trong cuộc khảo sát này, 45% số người được phỏng vấn cho biết không muốn thấy ông Emmanuel Macron có đa số tuyệt đối (289 dân biểu) tại Quốc hội và 28% muốn thấy điều ấy.

Tại 10 trên 11 đơn vị bầu cử Người Pháp ở ngoại quốc, nơi các ứng cử viên LREM đã về đầu ở vòng một được tổ chức ngày Chúa Nhật 04.06.2017. Trừ tại đơn vị 9 (Ý, Chypre, Hy lạp và Thổ nhĩ kỳ), ứng cử viên F. Drory (PS) với 35,50% số phiếu hợp lệ trước dân biểu xuất nhiệm M. Habib (LR-UDI) với 35,30%.

Các Tổng, Bộ trưởng: Richard Ferrand, Bruno Le Maire, Annick Girardin, Marielle de Sarnez, Christophe Castaner, Mounir Mahjoubi tham gia tuyển cử để hy vọng chiếm một ghế tại Quốc hội. Trong phiên họp Hội đồng Nội các đầu tiên ngày 18.05.2017, mọi thành viên dự họp đều đồng ý ủng hộ các ứng cử viên LREM (đảng của Tổng thống) và ai trong họ ứng cử dân biểu, nếu thất cử thì phải từ chức Tổng, Bộ trưởng. Như vậy, thật đúng là ‘được ăn cả, ngã về không’. Nếu thắng cử, thật hạnh phúc, viên chức Hành pháp này có thêm một ghế ở Viện Lập pháp mà vị này sẽ nhường ghế này cho người dự khuyết (suppléant) vì Tổng hay Bộ trưởng có nhiều quyền hơn (nhiều quyền cũng có nghĩa là nhiều tiền) và, nhờ đó, tạo thêm một việc làm cho người quen… cho đến khi mất chức Tổng hay Bộ trưởng sẽ nhận lại chiếc ghế dân biểu này. Nếu thất cử kỳ bầu Quốc hội này thì vừa mất chức ở Hành pháp vừa không chiếm được ghế tại Viện Lập pháp.

Số cử tri vắng mặt cũng được dự trù ở mức 45% cho vòng một ngày 11.06.2017.

Hà Minh Thảo

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nụ Cười Hồn Nhiên
Nguyễn Đức Cung
19:46 09/06/2017
NỤ CƯỜI HỒN NHIÊN
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Tìm đâu thấy cửa thiên đường
Nhìn trong đáy mắt nụ cười trẻ thơ.
(nđc phỏng theo lời Chúa MC10,13,16)