Ngày 07-06-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng nhân
Lm Vũđình Tường
08:04 07/06/2008
Nói đến lòng nhân là nói đến tấm lòng, đến quan niệm sống, cách sống, cách đối xử với người khác.

Người có lòng nhân quí mến anh chị em và tôn trọng bản thân mình. Họ luôn đối xử tốt lành với mọi người vì cách đối xử đến từ lòng nhân từ, bác ái và yêu thương.

Lòng nhân xuất phát từ trong tâm hồn, do một nội tâm tốt lành, phát xuất từ trong trái tim. Vì đến từ trái tim, đến từ tâm hồn nên người có lòng nhân là người tốt, độ lượng và khoan dung.

Người có lòng nhân không phán đoán anh chị em khắc nghiệt bởi vì lòng nhân không cho phép làm điều đó. Nếu cần phải phán đoán vì trách nhiệm, người có lòng nhân phán đoán trong tâm tình độ lượng khoan dung. Không hà khắc, khó khăn với người vì trong tâm họ luôn dạt dào tình yêu mến.

Người có lòng nhân không phân biệt giai cấp, giầu nghèo nhưng coi trọng con người vì giầu nghèo không đến từ của cải, vật chất nhưng đến từ giầu lòng bác ái, vị tha, từ bi nhân hậu.

Vô số người nghèo của cải, vật chất, tiền tài, danh vọng nhưng trong họ giầu lòng từ bi, bác ái, độ lượng và thứ tha.

Giầu có bề ngoài và giầu có tâm hồn không bắt buộc đi đôi với nhau. Có nhiều trường hợp cả hai đi chung với nhau vừa giầu của vừa giầu lòng bác ái, vị tha. Đây là điều tốt lành Giáo Hội ước mong. Thực tế cho thấy cuộc sống không luôn vậy. Không thể dùng của cải vật chất bên ngoài để đo tấm lòng bên trong.

Người có lòng nhân nhìn thấy ít điều xấu của người nhưng nhìn thấy nhiều điều tốt. Trong con mắt và trong tâm họ chứa nhiều điều tốt hơn điều xấu vì thế điều tốt nổi bật, điều xấu lu mờ. Điều tốt hướng dẫn hành động và lời nói của họ mỗi khi đối xử với anh chị em khác. Người có lòng nhân sống hoà thuận, thương yêu và hoà đồng với mọi người vì tất cả đều là anh em. Họ không phân biệt giầu nghèo, sang hèn.

Quà tặng

Người có lòng nhân không phán đoán người khác dựa vào nghề nghiệp hay địa vị trong xã hội vì tài năng không phải tự ta kiếm được. Tài năng là quà tặng Chúa ban để ta quản lí, phát triển, làm sinh lợi cho xã hội, cho Giáo Hội. Ta không làm chủ tài năng mà quản lí tài năng. Chôn vùi tài năng hay lạm dụng ơn Chúa để thoả mãn ý riêng làm trái ý Chúa. Dụ ngôn nén vàng xác định rõ nếu không dùng và phát triển tài năng thì những gì có cũng sẽ bị lấy đi. Biết rõ ta chỉ quản lí những gì Chúa trao ban nên người có lòng nhân luôn sống khiêm nhường, tin tưởng, phó thác. Luôn sống tâm tình tạ ơn vì Chúa đã tin tưởng trao phó trách nhiệm trong tay để sống làm đẹp lòng Chúa. Cố gắng hết sức phát triển tài năng Chúa ban và làm giầu cuộc sống cho mọi người.

Nhờ đức tin

Kitô hữu không tự mình biến thành nhân từ mà chính là nhận ơn Chúa biến đổi họ thành nhân từ. Kitô hữu trở nên công chính hoá không phải do việc lành phúc đức, việc bác ái tự sức riêng thâu đạt được mà chính là biết đón nhận ơn Chúa giúp trở nên trọn lành.

Kitô hữu chưa thực sự trọn lành, chưa thực sự thánh thiện. Nhờ ơn Chúa giúp họ đang đi trên đường tiến tới trọn lành, trên đường tiến tới thánh thiện.

Sự sống

Để nhận ơn công chính trở thành người có lòng nhân cần đức tin. Đức tin do Chúa ban. Nhận ơn công chính là nhận đức tin, nhận sự sống.

Phần thưởng dành cho người sống công chính là sự sống thật và bình an cho tâm hồn. Như thế sống đức tin là sống công chính và sống công chính sẽ nhận được đức tin. Đức tin biến đổi tâm hồn ta từ tình trạng tội lỗi sang đời sống ân sủng. Không phải do công đức hay do việc lành phúc đức ta thâu lượm mang lại mà chính là do ơn Chúa ban. Nhận được thiên ân này nhờ tin vào Đức Kitô Đấng qua cuộc tử nạn và phục sinh ban ơn công chính cho những ai tin vào Ngài.

Người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Jêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế Roma 3,22

Đức Kitô là Đấng công chính. Ngài đổ máu mình ra vì chúng ta giúp chúng ta nên công chính. Máu của Người đổ ra làm hy lễ cứu chuộc, giúp chúng ta trở nên con cái sự sáng. Thánh Phaolô khẳng định chúng ta được trở nên công chính do lòng tin chứ không phải vì làm trọn lề luật, giữ tốt điều răn. Rom. 3,28.

Điều này không có nghĩa là chúng ta coi thường luật Chúa. Thực ra luật Chúa trở nên trọn hảo hơn, thấu suốt tinh thần luật hơn vì luật Chúa là luật yêu thương. Những ai sống yêu thương, bác ái, vị tha. Những ai đối xử với nhau bằng tình yêu giữ luật trọn hảo hơn. Làm cho lề luật được nên trọn.

Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là hãy yêu thương nhau.

Công chính hoá chính là quà Chúa ban nên không có gì để tự hào, hãnh diện về việc đã làm, điều đã nói. Trái lại chọn sống trong tâm tình phó thác, tạ ơn với lòng tri ân, cảm mến. Trong sạch đến từ tâm hồn. Nơi đâu có công chính thánh thiện nơi đó có Chúa ở cùng. Ai cảm thấy cần và tìm kiếm ơn Chúa Ngài sẽ ban cho và nhờ ơn Chúa ban người đó trên đường trở nên trọn lành.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Đến thăm nhau
LM. Nguyễn Ngọc Long
09:21 07/06/2008

Đến thăm nhau



Khi đến gặp gỡ thăm nhau điều quan trọng là dành thời giờ cho nhau, lắng nghe nhau cùng nói chuyện với nhau. Nhưng cách sống gặp gỡ đó đã có nhiều thay đổi vớì thời gian.

Trong nhiều xã hội ở những đất nước chưa có tiến triển mở mang về kỹ thuật công nghiệp nhà máy xưởng thợ, khi đến thăm nhau người ta không cần phải hẹn hò thỏa thuận gì với nhau trứơc đó.

Một đời sống đơn giản, tự nhiên không cần gì phải sửa soạn thời giờ, không phải dọn nhà cửa hay cỗ bàn thức ăn nước uống gì phức tạp cả.

Nhưng trong xã hội Tây phương văn minh phát triển ngày nay khi đến thăm nhau thường chúng ta phải gọi điện thoại hẹn nhau trước thỏa thuận ngày giờ. Hầu như tất cả phải xếp đặt thời giờ, sửa soạn nhà cửa, quần áo, bàn ăn nước uống. Nếu không có hẹn nhau trước, chủ nhà một là không có nhà, hai là bận rộn làm việc khác, ba là chẳng có sửa soạn bàn ăn nước uống gì hết.

Một đời sống có ngăn nắp thứ tự, nhưng lại bị gò bó trong cái khung cứng nhắc đó, đôi khi làm mất tự nhiên đi nhiều!

Dẫu vậy trong đời sống, dù là còn cuộc sống đơn giản hay cuộc sống có nhiều bận rộn đóng trong khung vỏ, hầu như ai cũng mong thích điều gì tự nhiên, điều mang bất ngờ vui mừng thích thú. Một trong những điều đó là gặp gỡ thăm nhau.

Matheus và cuộc gặp gỡ bất ngờ

Trong xã hội ngày xưa của Chúa Giêsu bên đất nước Do Thái cách đây hơn hai nghìn năm cũng không có việc hẹn trước ngày giờ đến thăm nhau.

Bản thân Ông Mattheus là người làm công việc thu thuế, một nghề bị người khác sợ chứ không kính, có khi còn bị khinh ghét là đàng khác. Hầu như chẳng có mấy người thích đến với Ông, có chăng chỉ là để thanh toán nợ nần đóng thuế thôi.

Nhưng bỗng Ông được đón một vị khách hết sức bất ngờ đến thăm: Chúa Giêsu. Người mà Ông cũng đã nghe nói đến nhiều về những điều tốt lành.

Chúa Giêsu đến thăm Ông không phải để đóng thuế, nhưng kêu gọi ông „ Hãy theo Thầy!“ ( Mt 9,9).

Chúa Giêsu đến với Ông cũng chẳng phải do Ông mời, nhưng tự nhiên Ngài đến nói chuyện với Ông, rồi cùng bàn ăn uống với Ông nữa, có sao ông đãi vậy, có sao Chúa Giêsu ăn vậy.

Chúa Giêsu đến với Ông cũng chẳng phải vì quen biết hay thấy Ông là người đạo đức hay lui tới Đền Thờ đọc kinh cầu nguyện, nhưng Ông thường bị cho là người có đời sống không công chính ngay thẳng lường gạt người khác.

Dưới mắt Chúa Giêsu, Matheus là người có „bệnh“ tâm hồn qua cung cách lối sống không công chính lương thiện. Vì thế Ngài muốn đến thăm Ông ban ân phúc chữa lành cho tâm hồn Ông, kêu gọi Ông bỏ đường sự xấu quay trở về với con đường tình yêu Thiên Chúa và con người.

Tín hiệu cuộc thăm viếng

Cuộc thăm viếng Ông Matheus bất ngờ của Chúa Giêsu cách đây hơn hai nghìn năm, nhưng qua đó Chúa muốn truyền đi tín hiệu cho cả chúng ta nữa, những người tin theo Chúa:

„Không chỉ riêng Mattheus, mà Thầy còn muốn đến thăm viếng anh em nữa. Thầy đã đến trong ngôi nhà tâm hồn đời sống anh em từ ngày anh em nhận lãnh làn nước Bí tích Rửa tội.

Thầy và anh em, chúng ta hằng liên kết với nhau trong Tấm Bánh Thánh Thể tình yêu Chúa, mỗi khi anh em đọc lời Kinh Lạy Cha, mỗi lần anh em kêu khấn xin chúc lành ơn phù trợ cho đời sống, mỗi khi anh em quây quần cử hành sự sống cuộc hy sinh của Thầy nơi Bàn Thờ.

Thầy gặp gỡ anhem không chỉ khi anh em đến Thánh Đường đọc kinh cầu nguyện, nhưng ở mọi nơi mọi lúc trong đời sống ở nhà riêng cũng như lúc đi dọc đường, lúc một mình cũng như lúc cùng chung sống làm việc với mọi người chung quanh cùng chung sống, nhất là khi anh em làm việc bác ái tình yêu thương nhau.“

Trong mỗi Thánh lễ, trứơc khi tiếp nhận Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu, chúng ta nói lên tâm tình: „Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thi linh hồn con liền đã!“.

Và như thế, chúng ta có thể suy hiểu được: Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta, Thầy muốn đi vào trong ngôi nhà tâm hồn của anh em. Thầy muốn là khách đến thăm viếng nhà anh em!
 
Vợ Chồng Tùng Phục Nhau và Tự Hiến Cho Nhau Nhìn trong Ánh Sáng Mầu Nhiệm Tam Vị (4)
Nguyễn Kim Ngân
09:46 07/06/2008

Vợ Chồng Tùng Phục Nhau và Tự Hiến Cho Nhau Nhìn trong Ánh Sáng Mầu Nhiệm Tam Vị (4)



Dẫn Nhập

Cô cháu gái nói với tôi nhân lúc sửa soạn bài đọc lễ cưới: “Cậu chọn bài đọc nào cũng được, nhưng nhớ đừng lấy cái bài có câu Thánh Phaolô bảo rằng ‘Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Thiên Chúa.’” Tôi hỏi: “Tại sao vậy?” “Cậu không thấy như vậy là tiếp tay cho lối sống ‘chồng chúa, vợ tôi’ sao? Thời giải phóng phụ nữ mà ăn nói kiểu ấy thì làm sao nghe được?” Tôi chống chế theo kiểu con nhà có đạo gốc: “Tại cháu chưa hiểu đó thôi, đến như Chúa Giêsu mà cũng còn phục tùng Chúa Cha nữa cơ mà.”

Bẵng đi một thời gian, tình cờ đọc được bài viết của John S. Grabowski Ph.D., giáo sư thần học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ (CUA) mang tựa đề ‘Mutual Submission and Trinitarian Self-Giving’ tôi mới thấy rõ được câu trả lời chính xác cho thắc mắc của cô cháu gái, và có lẽ cũng là của nhiều người có quan điểm tương tự.

(tiếp theo và hết)


Hàm Ý Thực Tiễn

Cho dù định thức “tùng phục lẫn nhau” xem chừng khá triệt để cả trong hàm ý lẫn trong cách hình thành, nhưng nó không phải hoàn toàn xa lạ với nhiều tương quan hiện thực giữa các đôi vợ chồng Kitô giáo. Bởi lẽ, trong bất kỳ một hôn nhân thành công dài lâu nào nói chung cũng có thể thấy ít nhiều yếu tố trong nguyên tắc vừa nói được ứng dụng. Khi đôi vợ chồng thực sự yêu thương nhau, họ sẽ cố gắng đối thoại với nhau, lắng nghe nhau, quy hướng về nhau. Nếu đúng là tình yêu hỗ tương, thì hẳn không phải lúc nào cũng chỉ có một phía, mà là cả hai cùng hành động.

Cuộc đối thoại liên tục trong tình yêu sẽ xẩy ra, không phải ở đâu xa, mà là ngay trong chính các phẩm tính riêng biệt của đôi vợ chồng, xét như người nữ và ngưòi nam, cũng như trong tính khí và ân tặng cá nhân mỗi người. Không giống như trường hợp chủ nghĩa cá nhân tự do kiểu mới, ở đây, không nhất thiết phải y hệt như nhau thì mới bình đẳng với nhau được. Về khía cạnh này, điều quan trọng là phân biệt, một bên là các phẩm tính biệt loại của phái tính, mà theo nền nhân học Tam Vị của Đức Gioan Phaolô II, được phân định rõ rệt nhờ “từ trên cao,” với bên kia là các vai trò biệt loại của phái tính vốn uyển chuyển và chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi tính khí cá nhân cũng như bởi nền văn hoá. Hạn từ “ơn kêu gọi” mà Đức Gioan Phaolô II sử dụng xem chừng như gần gũi với nhóm trước hơn là với nhóm sau, bởi lẽ chúng là sự nối dài duy nhất của tính nguyên thủy nơi người nam và người nữ. Sau khi phân biệt như vậy, ta có thể nói rằng các vai trò biệt loại của phái tính trong hôn nhân (tỉ như trong đôi vợ chồng, thì ai sẽ làm việc trong nhà, và ai làm việc ngoài nhà) đều có thể thương thảo được, thế nhưng các ơn kêu gọi căn bản của họ (tỉ như làm vợ hay làm chồng, làm cha hay làm mẹ) thì không phải như thế, bởi vì nó bén rễ trong chính nhân vị xét như căn tính của mình.

Các ơn kêu gọi này tương ứng với—và trong một mức độ nào đó—còn cưu mang những phẩm tính phân định nơi mỗi phái tính. Thí dụ như nghiên cứu cho thấy rằng hiện tượng xem ra phổ quát là: người nam có tính hay gây hấn, và có nhiều cách biểu lộ văn hóa khác nhau trong nghi lễ, nhiệm vụ, vai trò và thể chế. Điều này phần nào lý giải cho sự kiện là người đàn ông thường nắm nhiệm vụ quyết định hay giải quyết các vấn đề mà gia đình hay xã hội phải đối đầu. Tuy nhiên, mô thức Tam Vị nói trên cho thấy hai điểm quan trọng sau đây: (1) trong ánh sáng mạc khải và qua tác động của ân sủng, người đàn ông Kitô hữu được kêu mời uốn nắn tính gây hấn và khả năng có nhiều sáng kiến của mình sao cho hoà hợp với ưu quyền quảng đại bao dung của Chúa Cha và được mạc khải trọn vẹn qua Chúa Kitô. Nếu không làm như thế, các thể chế độc tài tàn ác thống trị tất sẽ nẩy sinh, như lịch sử tội lỗi của con người đã minh chứng hùng hồn; (2) sáng kiến này chỉ hoàn tất và trở thành chân chính khi được chu toàn trong sự “tùng phục” người phối ngẫu của mình bằng cách cùng nhau đối thoại yêu thương. Còn người phối ngẫu, đến lượt nàng, cũng sẽ đáp trả lại bằng tình yêu dựa trên khuynh hướng căn bản của mình là nuôi dưỡng và nâng đỡ sự hiệp thông mà cả hai cùng chia sẻ.

Như vậy, rõ ràng là khái niệm ‘tùng phục hỗ tương’ đã giả định và không thể hoạt động được nếu không có sự thông đạt liên tục. Các nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng ở đâu cũng có những dị biệt phái tính thật đáng kể. Thế nhưng các dị biệt này tự chúng đã trở thành một mời gọi niềm thông cảm yêu thương sâu đậm hơn trong đời sống và sự quyết định của đôi lứa.

Chỉ cần lấy thí dụ về trường hợp đôi vợ chồng sử dụng phương pháp Kế Hoạch Hóa Gia Đình Tự Nhiên như là phương tiện điều hoà nhân số trong gia đình. Họ phải thông đạt với nhau để tiến tới quyết định chung về kế hoạch sinh sản. Khi đã chọn phương tiện này thì tất nhiên phải loại trừ các quyết định hàm hồ khác. Nhưng việc thông đạt này chứa chất toàn thể các dị biệt sinh học giữa dục tính và sự sinh sản của nam và nữ, giữa lối cấu tạo khác biệt về tâm lý và hoài vọng của mỗi bên về cách thức thân mật, cũng như giữa các phẩm tính cơ bản biệt loại phái tính vốn tạo nên người nam và người nữ. Nếu sáng kiến về tương quan vợ chồng thường xuất phát từ người chồng do bởi lối cấu tạo tâm lý-phái tính của chàng, thì rồi sẽ đến lúc được người vợ điều chỉnh lại, nhờ sự thông đạt tâm trạng của nàng, hầu tiến đến thoả thuận giữa hai bên là nên có thai hay không trong một thời điểm nào đó. Kiểu cách cùng thông đạt và quyết định sau khi đối thoại này, xét về nhiều phương diện, chính là đang ứng dụng thiết thực sự tùng phục hỗ tương trong từng ngày sống của đôi vợ chồng.

Nói thế không có nghĩa là hết mọi quyết định của vợ hay chồng cũng đều cần phải được sự thoả thuận của bên kia, nhưng những quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến đời sống chung của đôi lứa thì chắc chắn cần phải có sự thoả thuận. Do bởi tính khí hoặc ân tặng cá nhân, vợ hay chồng có thể nhường trách nhiệm cho người kia quyết định mà không cần tham khảo. Thế nhưng, có những điều quá quan trọng trong đời sống vợ chồng không thể nhường cho riêng ai, cho dù mỗi bên có sự góp phần khác nhau.

Đó là trường hợp trách nhiệm làm cha mẹ. Trong khi nhìn nhận trách nhiệm làm cha mẹ là một thực tại được chia sẻ, Đức Gioan Phaolô II chủ trương rằng, xét về nhiều mặt, mẫu tính xem ra có phần đòi hỏi nhiều cố gắng hơn (MD số 18). Vai trò duy nhất của phụ nữ trong sự cấu thành một nhân vị mới không chỉ giới hạn ở việc mang thai hay ở thời kỳ sau khi sinh con, nhưng còn tiếp diễn suốt cuộc đời làm mẹ. Hơn hẳn người chồng, phụ nữ là những cô giáo đầu tiên và quan trọng nhất của con cái mình và thực hiện được nhiều sáng kiến trong việc đào tạo nhân cách của chúng. Có vẻ như đứng ngoài lề, các ông chồng, theo một nghĩa nào đó, phải học nơi vợ mình cách thức để làm người cha (MD số 18). Tuy nhiên, sự đóng góp tích cực của các ông để giúp con cái phát triển là điều thiết yếu cho cả gia đình lẫn xã hội. Hợp tác hỗ tương cho dù vẫn có những dị biệt cá nhân chính là một nguyên tắc không chỉ áp dụng cho hiệp thông vợ chồng mà còn cho cả cộng đồng tình yêu rộng lớn hơn trong gia đình.

KẾT LUẬN

Cuộc nghiên cứu này nhằm chứng tỏ rằng: cách thức Đức Gioan Phaolô II xác định tương quan giữa vợ chồng Kitô giáo dưới tiêu đề “tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô” chính là một bước khai triển chính thống học thuyết công giáo về hôn nhân. Giáo huấn này có nền tảng thánh kinh vững chắc và được đánh giá chính xác, không phải như một đối nghịch với các định thức chính thức trước đây, mà là đặt nó trong một bối cảnh thần học bao quát hơn và đầy đủ hơn. Trọng tâm của bối cảnh này là khi nói về nhân vị con người, dù nam hay nữ, thì đều quy hướng về Tam Vị một cách hiển nhiên. Với sự đồng hiện hữu của các dị biệt cá nhân trong duy nhất tính của nhân tính chung và trong cách thức “tính nguyên thủy” của họ, xét như nhân vị, bằng cách loại suy, phản ảnh được một số các phẩm tính của Ngôi Vị thần linh, ta thấy rõ ràng một căn bản thần học dẫn đến việc thấu hiểu người nam và người nữ đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa như thế nào.

Nhưng chính trong tương quan hôn nhân còn có thêm một chiều kích khác nữa—đó là chiều kích mà lối nói “tùng phục hỗ tương” đã tập chú vào. Sự thống nhất ý chí trong hiệp thông tình yêu vĩnh cửu giữa các Ngôi Vị thần linh và việc các Ngài tôn vinh lẫn nhau trong nhiệm cục cứu độ chính là mẫu mực cho vợ chồng trong sự quy hướng về nhau. Chính cùng một tình yêu này, tình yêu đã được Đức Kitô mang lại qua việc tự hiến trên thập giá và tuôn trào qua Chúa Thánh Thần, đã khiến cho vợ chồng kết hợp lại trong bí tích hôn phối hầu vinh danh, quy hướng và hy sinh đời sống cho nhau. Chính sự hiện diện của cùng một tình yêu mãnh liệt vô biên và ban sự sống này đã làm cho cả Tam Vị lẫn hôn nhân (vốn là phản ảnh của Tam Vị) trở nên một hiệp thông ngôi vị--communio personarum.

Cho dù ý thức sâu xa những dấu tàn phá mà tội lỗi đã ghi hằn trên người nam và người nữ, nhưng nhãn quan của Đức Gioan Phaolô II về tương quan nam nữ vẫn mang đậm nét hy vọng lạc quan. Với ngài, tự căn rễ, người nam và người nữ không được tạo dựng để làm đối thủ tranh chấp của nhau mà là để hợp tác với nhau. Cả hai phái chỉ thành toàn khi tự hiến bản thân mình, cho dù mang những hình thái khác biệt nhau. Những dị biệt nam nữ không phải để chia cắt họ mà là để thâu tóm họ lại trong hiệp thông tình yêu. Trong một nền văn hóa chất ngất chủ nghĩa cá nhân và bị xâu xé bởi các ý thức hệ lúc nào cũng chờ chực để chơi nước cờ đem hai phái tính ra đối chọi nhau, thì nhãn quan mà Đức Gioan Phaolô II đã cống hiến thực sự xuất hiện như là một tin mừng đích thực.

(Nguyên tác: John S. Grabowski, Ph.D. ‘Mutual Submission and Trinitarian Self-Giving’ đăng trong: www.salvationhistory.com)
 
Thiên Chúa muốn lòng nhân từ chứ không phải lễ hy sinh
Raniero Cantalamessa, OFM Cap
10:19 07/06/2008
THIÊN CHÚA MUỐN LÒNG NHÂN TỪ, CHỨ KHÔNG PHẢI LỄ HY SINH

Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật X Mùa Thường Niên của Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap

RÔMA, ngày 6 tháng 6, năm 2008 (Zenit.org). – Có một điều gì cảm động về Tin Mừng hôm nay. Thánh Matthêu đã chẳng kể cho chúng ta điều Chúa Giêsu đã nói hay việc Người đã làm một ngày kia cho một ai đó, nhưng điều Chúa Giêsu đã nói và đã làm cho chính cá nhân ngài.

Đây là một câu tự thuật, câu chuyện về cuộc gặp gỡ Đức Kitô, là cuộc gặp gỡ đã thay đổi đời ngài. “Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: ‘Hãy theo Ta.’ Ông ấy đứng dậy đi theo Người” (Matthêu 9:9).

Nhưng cảnh này không được tường thuật ở các sách Tin Mừng khác vì tầm quan trọng riêng của nó đối với Thánh Matthêu. Điều thích thú trong đoạn này liên quan đến việc xảy ra sau giây phút được gọi. Thánh Matthêu muốn đãi “một tiệc ở nhà mình” để từ biệt các đồng nghiệp, là “những người thu thuế và tội lỗi.” Phản ứng tiêu cực của những người Biệt Phái là điều đương nhiên. Chúa Giêsu trả lời họ: “Những người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, nhưng người ốm cần. Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: 'Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ'” (Matthêu 9:12-13).

Câu mà Chúa Giêsu trích từ ngôn sứ Hôsêa có nghĩa gì? Phải chăng nó có nghĩa là tất cả hy lễ và hãm mình đều vô dụng và chúng ta chỉ cần yêu là tất cả mọi sự đều được chỉnh đốn không? Từ câu này có một số người sẽ kết luận rằng chúng ta phải loại đi toàn thể thái độ khổ hạnh của Kitô giáo như tàng tích của não trạng nghiêm khắc hay Manichê mà ngày nay chúng ta phải bỏ lại đằng sau lưng.

Trước hết cần phải ghi nhận sự thay đổi sâu xa trong viễn cảnh của câu này từ ngôn sứ Hôsêa đến Chúa Giêsu. Trong Hôsêa, các lời này nói về loài người, về điều mà Thiên Chúa muốn từ con người. Thiên Chúa muốn lòng yêu mến và nhận thức của con người, chứ không phải những hy lễ bề ngoài và loài vật làm của lễ toàn thiêu.

Khi được Chúa Giêsu nói, những lời này lại nói về Thiên Chúa. Tình yêu mà Người đề cập đến không phải là tình yêu mà Thiên Chúa mong muốn ở nhân loại, mà tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ hy sinh” có nghĩa là Ta muốn thương xót chứ không kết án. Là điều tương tự trong Thánh Kinh được tìm thấy ở Êdêkiel: “Ta không muốn người có tội phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống.” Thiên Chúa không muốn “hiến tế” tạo vật của Mình, nhưng muốn cứu độ nó.

Với tiêu chuẩn này, tốt nhất là chúng ta hiểu câu nói trong Hôsêa cách rõ ràng hơn. Thiên Chúa không muốn hy sinh “bằng mọi giá,” giống như Ngài vui mừng khi thấy chúng ta đau khổ; Ngài cũng không muốn các hy sinh nhằm mục đích đặt quyền lợi và công trạng của chúng ta trước Ngài, hay là điều đó là hậu quả của một hiểu lầm về trách nhiệm. Ngược lại Ngài muốn sự hy sinh được đòi hỏi bởi tình yêu Ngài và bằng việc tuân giữ các giới luật.

Trong sách “Gương Đức Kitô” có nói “một người không sống trong tình yêu mà không có đau khổ,” và điều ấy được kinh nghiệm hằng ngày chứng thực. Không có tình yêu nào mà không có hy sinh. Theo nghĩa này, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta biến toàn thể đời sống chúng ta thành “một hy lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.” (Rom 12:1).

Cả hy sinh và lòng nhân từ đều là những điều tốt, nhưng chúng có thể trở thành xấu nếu áp dụng sai. Chúng là những điều tốt nếu – như Đức Kitô đã làm – chúng ta chọn hy sinh chính mình và nhân từ đối với tha nhân; ngược lại, chúng trở thành những điều xấu nếu chúng ta chọn nhân từ đối với chính mình và hy sinh người khác, nghĩa là, nếu chúng ta nuông chiều mình và khó khăn với người khác, sẵn sàng để bào chữa cho mình, nhưng mau mắn kết án người khác. Về vấn đề này, chúng ta có thật sự không có gì để suy nghĩ trong cách hành xử của chúng ta không?

Chúng ta không thể kết luận bài giải thích này về ơn gọi của Thánh Matthêu mà không trừu mến nghĩ về và nhớ ơn vị thánh sử này là đấng sẽ đồng hành với chúng ta trong năm phụng vụ này. Thưa Thánh Matthêu cũng được gọi là Lêvi, chúng con cám ơn ngài. Nếu không có ngài, thì sự hiểu biết của chúng con về Đức Kitô sẽ nghèo nàn đến thế nào!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển dịch
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
10:25 07/06/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (35)

341. Vấn đề “Tội” là vấn đề rất quan trọng

Nếu chúng ta không tin có tội, chúng ta sẽ phạm tội dễ dàng.

Nếu chúng ta không tin có tội, chúng ta cũng không tin có Chúa.

Đối với kẻ không tin có tội, đời sống đạo đức thánh thiện, ăn ngay ở lành không có ý nghĩa gì, vì thế, họ tha hồ bê tha, tham nhũng, sa đọa, lún sâu, đê tiện, …

342. Trước mặt Chúa, ai cũng phải nhìn nhận mình là kẻ có tội

Thánh Gioan Tông Đồ quả quyết: “Nếu ta nói rằng ta không có tội thì ta lầm lạc, và sự thật không ở trong ta.”

Thánh Phaolô cũng quả quyết: “Mọi người đều đã phạm tội và đã làm mất vinh quang của Thiên Chúa ban.” Và ngài kể ra kinh nghiệm cá nhân của mình: “Cả khi lương tâm tôi không kêu trách tôi điều gì, tôi cũng không vì đó mà lành thánh.”

Giáo Hội ý thức điều nầy rất rõ ràng trong con cái mình, nên để cầu nguyện với Đức Mẹ Chúa Trời, Giáo Hội không thấy từ nào ám hạp cho tất cả mọi người, cho bằng từ “có tội”: “Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nầy và trong giờ lâm tử.”

Vì thế, mỗi người công giáo chúng ta hãy luôn luôn cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội.”

343. Cội rễ của tội lỗi nằm ở đâu?

Cội rễ của tội lỗi nằm tận trong đáy sâu của lòng chúng ta, chỉ chờ dịp chúng ta lơ đễnh, lo ra hoặc đồng ý, là trồi lên, nổi lên.

Lòng mỗi người chúng ta như một bãi bùn lầy ô uế, nằm yên dưới một lớp đất mỏng: chỉ cần lớp đất mỏng nầy bị xáo trộn một chút, bị lay động một chút, sẽ xông lên đủ mọi mùi thúi tha tội lỗi.

344. Cội rễ của tội kiêu ngạo nằm trong đáy lòng chúng ta

Mặc dầu biết mình không hoàn toàn, không thánh thiện, mỗi người chúng ta vẫn cho mình hơn kẻ khác, vẫn muốn ai cũng biết đến mình, khen ngợi tâng bốc mình.

345. Cội rễ của tội hà tiện nằm trong đáy lòng chúng ta

Lòng chúng ta quá yêu chuộng của cải vật chất ở đời nầy, nên trong thực tế, chúng ta ít để ý giúp đỡ kẻ khác, chúng ta dành nhiều thời giờ để lo kiếm tiền bạc, còn những việc cầu nguyện, những việc lành phước đức thì chúng ta ít quan tâm tới.

346. Cội rễ của tội dâm dục nằm trong đáy lòng chúng ta

Những nghiêng chiều về xác thịt luôn có sẵn trong con người chúng ta, chỉ chờ một chút sơ hở, một chút lơ đễnh, một chút thiếu tĩnh thức cầu nguyện là bùng lên ngay.

347. Cội rễ của tội ghen ghét nằm trong đáy lòng chúng ta

Tự trong đáy lòng mình, mỗi người trong chúng ta không muốn ai hơn mình, không muốn ai được việc, và hễ có dịp thì chúng ta mở miệng phê bình và chỉ trích kẻ khác không tiếc lời.

348. Cội rễ của tội tham ăn mê uống nằm trong đáy lòng chúng ta

Lòng chúng ta dễ hướng về sự ăn uống vô độ, nên khi có dịp thì chúng ta dễ say sưa quá chén, khó cầm mình được.

349. Cội rễ của tội nóng giận nằm trong đáy lòng chúng ta

Lòng chúng ta cứ chôn sâu những cơn giận ngầm, không chịu bỏ qua và tha thứ dứt khoát, nên dẫu bên ngoài có nói lời tha thứ cực chẳng đã, nhưng bên trong vẫn cứ ngấm ngầm giận mãi.

350. Cội rễ của tội biếng nhác nằm trong đáy lòng chúng ta

Lòng chúng ta ưng dễ dãi, ưng khoẻ khoắn, không ưng cố gắng, nhất là không ưng cố gắng làm các việc lành phước đức.
 
Ai Là Anh Chị Em Của Ta?
Tuyết Mai
10:27 07/06/2008
Ai Là Anh Chị Em Của Ta?

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: 'Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ'. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi" Mt 9, 9-13.

Ở thời đại nào đi chăng nữa, có phải những con người có máu mặt, có tiếng tăm, có danh vọng, và có chức phận ở đời, thường thì không bao giờ muốn giao du hoặc tiếp xúc với những con người nghèo khổ, tật nguyền, thấp kém, ngu dốt, tội lỗi, và nhất là thành phần sống về nghề đi thu thuế của thiên hạ. Dân thu thuế ở bất cứ thời đại nào quốc gia nào cũng bị dân chúng ghét cay ghét đắng, bởi họ chỉ sống trên đồng tiền gom góp của thiên hạ bằng mồ hôi nước mắt mà không phải tra tay làm lụng vất vả một giây phút nào. Trong khi Chúa Giêsu được tiếng là con người nhân từ, công chính, thông giỏi diễn giải Kinh Thánh, và có tài chữa bệnh, được rất nhiều người nể trọng thế mà dám ngồi ăn uống chung với phường thu thuế tội lỗi.

Quả thật lối sống của Chúa thời xưa và cả thời nay không ai có thể hiểu được tại sao Chúa lại ngồi đồng bàn với dân thu thuế như vậy!? Bởi dân thu thuế này thì ai cũng ghét cả! Người giầu có thì ghét theo người giầu có, còn người nghèo khổ thì ghét theo người nghèo khổ. Sự có mặt của Chúa cùng ăn chung bàn với họ thì thật Chúa Giêsu đã làm cho nhiều người đi theo Chúa cũng cảm thấy khó chịu tuy không dám tỏ ra ngoài mặt. Người dân không cảm thấy khó chịu sao được khi dân thu thuế là kẻ thù hàng đầu của hầu hết tất cả mọi người và của mọi tầng lớp trong xã hội? Chúa lại làm cái cớ cho dân Biệt Phái có dịp tạo sự chia rẽ và tạo thêm sự nghi ngờ cho những người đang muốn tìm hiểu và đi theo Chúa?

Lậy Thiên Chúa Vô Cùng Nhân Hậu!

Thưa Lậy Chúa! Thế thì anh chị em của chúng con họ là ai? Có phải họ là những khuôn mặt mà con gặp hằng ngày? Những khuôn mặt dễ thương và những khuôn mặt thương không dễ? Để chứng minh điều mà Chúa mong mỏi thật đúng là điều không phải dễ làm là yêu người như mình ta vậy. Làm sao có thể nhận họ là anh chị em và thương yêu được, khi họ luôn sống tham lam, ích kỷ, tranh dành, chèn ép, lợi dụng, vắt chanh bỏ vỏ, và dành phần lợi hay thu góp về lẫm cho họ?

Tình yêu thương của Chúa thật bao la và độ lượng quá! Quả thật chúng con chả sao mà bắt chước và theo Chúa được? Theo thói đời thường của chúng con thì hay theo phe phái và bè đảng, nếu như chúng con muốn có được một cuộc sống an phận ngày lại ngày này? Như vậy có nghĩa là. ... nếu chúng con muốn có một cuộc sống bình an không ai đụng chạm gì đến mình và công việc của mình cũng không sợ ai tranh dành hay lấy mất thì phải theo phe theo nhóm mà nhất là phải biết tìm đến với phe mạnh.

Theo tôi được nghe và được biết thì tình trạng này được thấy xảy ra rất nhiều trong các hãng xưởng. Rất thường tình đến độ đau lòng và xót xa cho cái bao tử. Thường tình đến độ mà có một vài người cấp trên có những lời thông báo rất ư là trắng trợn như ngăm đe và hăm dọa với cấp dưới nếu không cung cấp đầy đủ với sự đòi hỏi ( thường thì quà cáp $ mấy ngày lễ trong năm hay sinh nhật của xếp ) thì trong tương lai đương sự có thể bị gặp rất nhiều khó khăn như: giao thêm việc cho làm nhiều hơn, làm những việc thấp kém dơ dáy không ai chịu làm, bị đì nhiều và thường là những lời nhiếc mắng thậm tệ và nhục nhã, không cho làm thêm giờ, và có cơ nguy sẽ bị cho nghỉ việc trong danh sách tiên phong nếu trong tương lai hãng xưởng có làm ăn thất bại, v.v....

Đằng này Chúa lại khác người đến độ không muốn được làm người có chức phận, có quyền hành, có danh vọng, và có nhà cao cửa rộng mà lại chỉ thích được sống quanh quẩn với những người nghèo đói, bệnh tật, và phường tội lỗi.

Lậy Chúa! Thông thường ở đời có phải hễ những ai dễ thương biết điều đối với mình thì mình sẽ đối xử lại đàng hoàng tử tế lịch sự? Còn những ai mà đối xử hàm hồ, lố bịch, và không ra gì với mình thì mình sẽ đối xử lại với họ ra sao? Có phải mắt đền mắt, răng đền răng? Hoặc sẽ chơi nhau, hại nhau đến thân bại danh liệt, mới thấy hả hê và tự ái mới được xoa dịu? Nếu thế thì lấy hoặc mang danh nghĩa là một Kitô hữu mà làm gì khi tâm địa có khác chi những nguời sống chủ nghĩa vô thần đâu! Nhất là nói hành nói xấu người vắng mặt thật là một điều tối kỵ. Miệng lưỡi dân gian là đầu mối của muôn vàn tội lỗi. Đặt điều nói xấu, có nói không, không nói có? Trở thành một con người hèn hạ, thiếu sự hiểu biết, và thiếu lòng bác ái. Trong khi người mà mình đi nói xấu và kết án lại chẳng hề ghét hoặc có ý gì để làm hại mình?

Một người đi nói xấu người khác thường sẽ bị thiên hạ chê cười vì ai cũng biết nhận định đâu là lời nói đúng và đâu là lời nói vu khống và thêm bớt. Nên tốt nhất không nên nói xấu người vắng mặt. Làm một con người cho là mình thông minh sáng suốt phải tự biết đặt câu hỏi. Ai là thù, ai là bạn? Ai tín cẩn được, ai không? Hoặc hãy để thời giờ mà xem xét lại mình và việc mình làm thử xem? Có phải nguyên do chính là tại mình hay không? Đừng ráng biện hộ hay cố tình che đậy cho việc mình làm mà đổ thừa cho người khác.

Con người biết điều là biết sống thương yêu, biết kính sợ Chúa, luôn phải biết xét mình trước rồi hãy xét người. Thật ra luật chung lịch sự ở đời là không nên đánh giá hay xét người, bởi đó là việc của Chúa, chớ có nên dành. Đã là con người thì luôn luôn ai cũng có khuynh hướng yếu hèn, nhát đảm, và luôn phạm tội. Thời Chúa Giêsu, có chuyện một người đàn bà tội lỗi nhưng chẳng ai dám cầm đá mà ném bà ta cả! Tại sao? Bởi vì do câu Chúa hỏi: "Ai trong các ngươi không phạm tội, hãy ném đá chị ta trước đi?" Thế tôi và bạn là hạng người nào? Dám ném đá người ư? Hoặc câu Chúa Giêsu nói với những người biệt phái và pharisêu đã lên án tại sao Chúa lại đồng bàn và ngồi ăn chung với những người thu thuế và tội lỗi, rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu!". Thế tôi và bạn là những người biệt phái hay pharisêu ư? Dám lên án Chúa ư?

Lậy Chúa Giêsu muôn đời dấu ái! Xin cho chúng con học được đức tánh tốt của Chúa là không bao giờ xét đoán, kết án, hay kết tội anh chị em của chúng con mà hãy tự kiểm điểm chính mình. Nhân vô thập toàn phải không thưa Chúa? Xin cho chúng con mỗi ngày một nên giống Chúa là có trái tim yêu thương để biết nhìn tất cả anh chị em qua lăng kính yêu thương của Chúa để mai sau chúng con còn biết trả lời với Chúa ở ngày sau hết.

Lậy Chúa điều Chúa dậy chúng con để hướng lên và tìm về Quê Trời thật đơn giản là hãy yêu tất cả như yêu chính mình? Quả là khó khăn và còn xa tít mù khơi lắm! Nếu như tâm địa của chúng con còn hận thù, ghét ghen, và tìm cách trả thù? Bao lâu chúng con còn hỏi câu hỏi, Ai là Anh Chị Em Của Ta? Thì đường về Quê Trời chỉ còn là một giấc mơ mà thôi!

Lậy Chúa! ước gì toàn thể nhân loại anh chị em chúng con biết thương yêu, giúp đỡ, và tha thứ cho nhau. Người giầu thì giúp đỡ người nghèo, người nghèo thì đùm bọc kẻ tả tơi. Để tâm hồn chúng con luôn được bình an. Luôn tín thác và phó dâng cuộc đời cùng xác hồn chúng con trong tay Chúa. Ngày đêm chỉ biết Thờ Phượng, Chúc Tụng, Tôn Vinh, và Ca Khen một Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng muôn đời Vinh Hiển. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:33 07/06/2008
CÁ CHÉP MẸ ĐI TÌM CON

N2T


Cá chép mẹ và cá chép con cùng sống trong một con sông lớn. Một hôm, cá chép mẹ phát hiện thấy một con cá chép con không có râu dài như mình, nên trong lòng cảm thấy kỳ cục: “Cá chép chúng ta trời sinh là có râu dài, tại sao thằng nhỏ này lại không có râu dài nhỉ ? Có phải nó bị bệnh không ?” Thế là cá chép mẹ cho cá chép con uống một chút thuốc, nhưng đã qua mấy ngày rồi, mà vẫn không thấy râu dài nơi cá chép con mọc ra, cá chép mẹ bèn quyết định đem con đi bệnh viện.

Đi được nửa đường, chúng nó gặp hai mẹ con cá diếc, cá diếc mẹ cũng dẫn con đi bệnh viện. Cá chép mẹ hỏi cá diếc mẹ về con của bà làm sao thế, cá diếc mẹ trả lời: “Trên miệng của nó mọc ra sợi râu dài.”

Cá chép mẹ buồn bực hỏi: “Có râu dài không phải là chuyện bình thường sao ?”

Cá diếc mẹ nói: “Nhưng cá diếc chúng tôi thì không có râu dài mà.” Lúc ấy, cá chép mẹ hình như hiểu rõ, nó bơi đến bên cá diếc con, hết nhìn bên trái rồi nhìn bên phải cá diếc con, thì phát hiện nó chính là con của mình.

- “A, con của tôi !” cá diếc mẹ cũng đồng thời phát hiện cá con mà cá chép mẹ dẫn đi đó chính là con của mình.

Hóa ra hai con cá con đã nhận lầm mẹ mình, thế là cá chép mẹ và cá diếc mẹ đổi nhau con của mình. Mọi người vui vẻ sung sướng và ai nấy về nhà mình.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Khi cùng với cha mẹ đi chơi bên ngoài, chẳng hạn như đi xem hội chợ hao xuân ngày tết, đi chơi ở công viêc Đầm Sen, hoặc đi chơi ở công viên Suối Tiên, hay bất cứ nơi nào co đông người, thì nhất định phải bám theo cha mẹ, đồng thời lúc nào cũng phải nhìn người lớn bên cạnh mình có phải là cha mẹ của mình không, bằng không thì sẽ bị đi lầm theo người khác đấy, nguy hiểm lắm.

Các em biết, ngoài xã hội bây giờ không được an toàn cho lắm, người xấu rất nhiều lợi dụng trẻ em đi lạc cha mẹ để bắc cóc tống tiền cha mẹ, để đem bán cho người khác làm nô lệ.v.v...và thế là cha mẹ đau khổ vì con mình bị mất, và các em bị bắt cóc cũng sẽ bị khổ cực suốt đời.

Hay nhất là các em không đi một mình ra ngoài đường hoặc những nơi đông người, tan trường thì lập tức về nhà ngay, bạn bè rủ rê đi chơi thì cũng không nên đi, bởi vì tất cả mọi người ở nhà đang đợi các em đấy.

Chỉ có một nơi an toàn nhất mà các em nên đến, đó chính là nhà thờ của giáo xứ, ở đó các em sẽ gặp dược tất cả bạn tốt, gặp được những người lớn có trách nhiệm và yêu thương các em, như: cha sở, các dì phước, các anh chị huynh trưởng, và nhất là các em sẽ gặp và trò chuyện với Chúa Giê-su của chúng ta đang đợ chunh1 ta trong nhà tạm bên trong nhà thờ.

Các em thực hành:

- Khi ra ngoài đường không nhẹ dạ nghe lời của người lạ mặt dụ dỗ.

- Phải nhớ số điện thoại của gia đình, cua cha mẹ hay của người quen nào đó, để khi bị nạn thì gọi cho họ biết.

- Không nghe lời bạn bè đi chơi, nhưng nghe theo lời dạy của cha mẹ.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:35 07/06/2008
N2T


12. Phàm là người không thường luôn suy niệm, thì thiếu sót sợi dây liên hệ giữa linh hồn và Thiên Chúa.

(Thánh nữ Paula)
 
Tình Yêu Thiên Chúa không loại trừ ai
Peter Hoàng Nguyên, O.Carm
21:24 07/06/2008
Tình Yêu Thiên Chúa không loại trừ ai

Thời Cựu Ước, con người được cứu độ dựa trên sự công chính và gìn giữ Luật của Chúa ban qua Mô sê. Abraham được xem là tổ phụ các dân và là người công chính vì ông tin vào lời hứa của Chúa. Kết quả ông là người cha của muôn nước và người vợ Sa ra của ông sinh ra người con Isaac. Abraham trở nên khuôn mẫu người công chính cho mọi thế hệ noi theo.

Thánh Phao lô đã dùng hình ảnh của Abraham như một khuôn mẫu người công chính để làm nổi bật vai trò cứu chuộc mang tính hoàn vũ của Chúa Giê su Kitô. Công trình cứu độ của Chúa Giê su được rộng mở đến tất cả mọi người không phân biệt giới tính, màu da hoặc ngôn ngữ. Thiên Chúa tạo dựng thế giới, vạn vận… Ngài muốn ôm trọn lấy tất cả tạo vật về mình. Chính vì thế, Thiên Chúa đã diễn tả tình yêu của Ngài nơi Chúa Giê Su Kitô qua Chúa Thánh Linh, để nhờ Chúa Giê su Kitô mà tạo vật được trở về với Chúa Cha. Qua cuộc sống làm người, sự khổ nạn và phục sinh của Chúa Giê su Ky Tô, tất cả tạo vật được cứu cuộc. Chúa Giê su chỉ chết một lần và chỉ một lần là đủ để đem con người và tạo vật về với Chúa Cha.

Những người Pha ri sêu không thể hiểu nổi công trình cứu chuộc của con Thiên Chúa làm người. Họ tự cứu mình bằng cách đặt ra đủ mọi thứ luật nghiêm ngặt để hy sinh và làm hài lòng Thiên Chúa. Nhưng họ không hiểu bản chất của luật lệ của Thiên Chúa là để bảo vệ con người và tình thương cũng như lòng bao dung. Vì giữ luật nên họ đã cắt đứt mọi mối quan hệ với những ai họ xem là tội lỗi, thu thuế và ô uế. Vì quá nhiệt thành với luật nhưng không tin vào Đức Giê su Kitô và ơn tác động của Chúa Thánh Linh, họ đã loại trừ những người anh em của mình, những kẻ tội lỗi, kém may mắn, v.v… Điều họ làm đã bị ngôn sứ Hô sê lên án một cách thẳng thắn. Của lễ chiên bò, hy tế, hy sinh Chúa không thích chi cho bằng tình thương và lòng thành tín.

Chúa Giê su đã yêu cầu những người Pha ri sêu giải thích lại lời của ngôn sứ Hô sê. Qua ngôn sứ Hô sê, Chúa Giê su đã dạy họ một bài học như thế nào là yêu thương, là làm người và trở thành con người trọn vẹn đẹp lòng Thiên Chúa. Con người chỉ nên người trọn vẹn khi hoàn thành sứ vụ làm người của mình nơi thế gian trong tình thương và lòng trắc ẩn, sự rộng lượng và bao dung đối với nhau vì con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

Như thế công trình cứu chuộc của Thiên Chúa nơi Chúa Giê su Kitô có trở nên trọn vẹn hay không còn tùy vào sự hợp tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người phải đáp trả lại tình yêu và công trình cứu chuộc của Thiên Chúa qua Đức Giê su Kitô bằng tình yêu và tấm lòng thương xót nơi anh em mình.

Thánh lễ là cuộc tưởng niệm con Thiên Chúa chịu khổ nạn, chịu chết và phục sinh. Hy tế của Người đẹp lòng Chúa Cha và đem lại ơn cứu rỗi cho chúng ta. Tình yêu của Người là một tình yêu tròn đầy mời gọi chúng ta tham dự vào bữa tiệc tình yêu. Nguyện cho mỗi người chúng ta ý thức được tình yêu Chúa trao ban cho mình và đáp trả lại bằng tấm lòng nhân ái, yêu thương và bao dung. Nguyện cho tình yêu Chúa giê su thức tỉnh tình người trong chúng con.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kinh doanh Công Giáo?
Vũ Văn An
00:30 07/06/2008
Kinh doanh Công Giáo?

Bên trong Giáo Hội, người ta vẫn nghi ngờ chuyện kiếm lời và đâu đó vẫn còn duy trì thứ thiên kiến cố hữu chống lại mấy anh chủ tiệm và mấy anh cho vay tiền. Tất cả những chuyện đó khiến người ta có có cảm tưởng như Đạo Công Giáo và việc thương mại giống như dầu với nước.

Ấy thế nhưng hiện nay, đại đa số các cao đẳng và đại học Công Giáo tại Hoa Kỳ đều có các chương trình cử nhân lấy kinh doanh làm môn chính,, và nhiều trường còn có cả chương trình cao học về kinh doanh dẫn tới những cấp bằng chuyên nghiệp. Thành thử ra, hiện đang có cả một cơ phận bác học đang phát triển dành cho việc lên công thức cho sứ mệnh độc đáo của một trường kinh doanh Công Giáo.

Michael Naughton vốn đứng hàng đầu trong phong trào này. Naughton hiện Nắm ghế Moss Endowed Chair về Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo và là giám đốc Viện John A. Ryan nghiên cứu Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo tại Đại Học St Thomas ở St Paul.

Viện Ryan của Naughton đang đồng bảo trợ cuộc hội nghị từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Sáu tại Đại Học Notre-Dame tựa là “Vai Trò Của Các Trường Kinh Doanh Có Sứ Mệnh” để thăm dò các vấn đề trên trong chi tiết.

Ngày 2 tháng Sáu vừa qua, Naughton dành cho Annamarie Adkins của Zenit một cuộc phỏng vấn, trong đó ông trình bày một số chủ đề của cuộc hội nghị và thảo luận các thách đố của một trường kinh doanh Công Giáo.

Được hỏi ông nghĩ sao về điều người ta bảo một trường kinh doanh không thể có chỗ đứng trong một đại học Công Giáo vì kinh doanh chỉ cổ vũ các mục tiêu vị kỷ, Naughton cho rằng đó chỉ là một thiên kiến, nhất là trong một số giới thuộc phân khoa nghệ thuật tự do. Thường những giới ấy chịu ảnh hưởng khuynh hướng của Pla-tông và A-rít-tốt luôn chống lại việc thương mại, vì họ chỉ hiểu kinh doanh theo các chiều kích kinh tế và công cụ của nó. Có lần người ta nghe một nhà thần học khoe rằng ông đã thành công thuyết phục được một số sinh viên tránh không chọn môn kinh doanh, vì ông thấy rất ít giá trị cứu rỗi trong thứ công việc ấy.

Tuy nhiên, nếu ta đọc một số những tư tưởng gia lớn của Công Giáo về giáo dục, như Đức Hồng Y John Henry Newman, Jacques Maritain, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II v.v… ta đều thấy các vị nhìn nhận vai trò dành cho giáo dục chuyên nghiệp trong các đại học, vì các ngài thẩy đều bênh vực tầm quan trọng của phẩm giá việc làm.

Ngày nay, kinh doanh là một trong các hình thức làm việc chính đối với các sinh viên của chúng ta; một đại học Công Giáo, trong tư cách một định chế giáo dục, đóng một vài trò quan trọng trong việc đào tạo sinh viên để họ thấy loại công việc này nên như thế nào.

Các nguyên tắc xã hội Công Giáo

Nhưng làm thế nào để các nguyên tắc và cột trụ trong giáo huấn xã hội Công Giáo như phụ đới, liên đới, tôn trọng nhân phẩm và ích chung cũng như ưu tiên chọn người nghèo có thể lên khuôn cho chương trình học và nền văn hóa của một trường kinh doanh Công Giáo? Liệu các trường kinh doanh Công Giáo hiện nay có sống đúng các nguyên tắc ấy không?

Theo Naughton, cần phải nhớ rằng mọi nền giáo dục kinh doanh đều bao hàm một nền giáo dục về nguyên tắc. Vấn đề là ta nên đào tạo các sinh viên của ta về những nguyên tắc nào, các nguyên tắc của Machiavel, các nguyên tắc kinh tế, hay các nguyên tắc xã hội Công Giáo? Tại Đại Học St Thomas, chủ trương của trường kinh doanh là “đào tạo các nhà lãnh đạo kinh doanh hoàn cầu có nguyên tắc cao”. Naughton coi đó là cái nhìn hữu ích vì nó mở ra một con đường để phân khoa của trường có cơ hội thảo luận một cách trung thực các nguyên tắc của nhiều truyền thống luân lý khác nhau.

Còn về phương diện văn hóa, có đến bốn phạm vi để chọn các nguyên tắc nào có thể lên khuôn cho bản sắc một trường kinh doanh Công giáo.

Phạm vi thứ nhất là mướn nhân viên. Khi các trường kinh doanh Công Giáo mướn nhân viên, họ nên yêu cầu các ứng viên đọc một khảo luận nào đó về các nguyên tắc xã hội Công Giáo và yêu cầu họ cho biết họ áp dụng các nguyên tắc ấy ra sao trong các môn họ giảng dạy. Điều ấy sẽ cho họ một cảm thức rất tốt về sứ mệnh thích hợp của một nhân viên mới.

Phát triển nhân viên là phạm vi thứ hai. Một trường kinh doanh Công Giáo muốn coi trọng sứ mệnh của mình, hẳn phải dành thì giờ để (huấn luyện) nhân viên cam kết với truyền thống xã hội Công Giáo.

Phạm vi thứ ba là nghiên cứu. Cha Ted Hesburgh, cựu chủ tịch Đại Học Notre-Dame, có lần nói rằng đại học Công Giáo là nơi Giáo Hội thực hiện việc suy nghĩ của mình. Trong một trường kinh doanh Công Giáo, một số công việc suy nghĩ có liên quan đến các nguyên tắc xã hội của Giáo Hội ấy phải lồng các vấn nạn vào bên trong tài chánh, tiếp thị, tài nguyên nhân sự, doanh nghiệp…

Phạm vi cuối cùng là khóa trình. Phải có những giảng khóa chuyên biệt về tư tưởng xã hội và kinh doanh Công Giáo trong đó các nguyên tắc xã hội Công Giáo và lý thuyết cũng như thực hành kinh doanh phải được đưa vào một cách chuyên biệt.

Nhưng xuyên suốt các giảng khóa kinh doanh của họ, các sinh viên cần giáp mặt với các vấn nạn đạo đức và tâm linh khi họ bàn tới hàng loạt các vấn đề như mục đích của xí nghiệp và tài chánh, lương bổng chính đáng và các tài nguyên nhân bản, hoạch định việc làm hợp nhân đạo và các nghiệp vụ, nói sự thật và tiếp thị, phân phối của cải và kinh tế học, sở hữu và chiến lược tư bản, v.v…

Trường kinh doanh Công Giáo nào nghiêm chỉnh xem sét bốn phạm vi trên đều sẽ sống đúng tầm nhìn của họ. Theo Naughton, hầu hết các trường kinh doanh của Công Giáo đều vẫn còn chỗ để cải tiến trong bốn phạm vi này.

Ex Corde Ecclesiae

Được hỏi, thông điệp “Ex Corde Ecclesiae” của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói gì về các trường kinh doanh của Công Giáo, Naughton cho hay: Thông Điệp này thực ra không chuyên biệt nói nhiều lắm về về các trường kinh doanh của Công Giáo, nhưng tầm nhìn của tài liệu này thì lại hết sức liên hệ tới các trường này. Vì trong tài liệu ấy, Đức Gioan Phaolô II đã liệt kê bốn đặc tính của nền giáo dục Công Giáo: (a) tìm kiếm tổng hợp nhận thức, (b) đối thoại giữa đức tin và lý trí, (c) quan tâm đạo đức và (d) viễn tượng thần học.

Bốn tiêu chuẩn ấy đang được cần tới một cách khẩn trương trong ngành giáo dục kinh doanh hiện nay. Warren Bennis và James O’Toole, trong một bài báo có tính phê phán cao về ngành giáo dục kinh doanh tựa là “Các Trường Kinh Doanh Đã Đánh Mất Đường Lối Của Họ Ra Sao” trong Tạp Chí Kinh Doanh Harvard, đã biện luận rằng các trường kinh doanh đang mỗi ngày một trở nên chuyên môn hóa hơn và ít liên khóa trình (interdisciplinary) hơn, và họ đang tiếp nhận mô thức khoa học hơn là mô thức chuyên nghiệp cho nền giáo dục kinh doanh. Naughton nghĩ rằng nếu các trường kinh doanh của Công Giáo chịu học hỏi quan điểm của “Ex Corde Ecclesiae” thì họ có cơ may dẫn đầu trong việc tránh được các lời chỉ trích trên của Bennis và O’Toole.

Đạo đức học kinh doanh

Nhưng còn giảng khóa “Đạo Đức Học Kinh Doanh” thì sao? Phần lớn các trường kinh doanh đều có giảng khóa này, liệu các trường kinh doanh Công Giáo có dạy giảng khóa đó cách khác đi hay không? Naughton trả lời rằng trong quá khứ, các đại học Công Giáo có khuynh hướng coi trọng đạo đức học kinh doanh hơn các đại học khác; tuy nhiên, trong đạo đức học kinh doanh, hiện đang có một cám dỗ muốn cùng nhau đưa cuộc thảo luận xuống những mẫu số chung thấp nhất.

Cái kiểu tiếp cận đạo đức học này mau chóng dẫn người ta một là tới quan điểm duy luật, nghĩa là chủ trương cho rằng điều hợp đạo đức là điều hợp luật lệ. Hai là tới quan điểm cho rằng đạo đức học có lợi, nghĩa là đạo đức học tốt là kinh doanh tốt. Điều phương thức này tránh né là khi đưa ra các quyết định đạo đức, người ta phải nói năng ra sao từ trái tim họ và nhất là từ đức tin họ. Theo Naughton, các khóa giảng về đạo đức học kinh doanh tại các đại học Công Giáo nên mở cho sinh viên một tầm nhìn khỏe khoắn về việc lãnh đạo trong kinh doanh, coi nó vừa như một chuyên nghề vừa như một ơn gọi. Phương thức đạo đức học kinh doanh tại một đại học Công Giáo vốn có một kho lẫm tri thức hết sức độc đáo so với hầu hết các đại học khác.

Tùy theo các đòi hỏi thần học và triết học, một giảng khóa về đạo đức học kinh doanh có thể và phải đòi hỏi các sinh viên tổng hợp cách cao độ cả hai nền đạo đức thần học và triết học ấy. Viễn tượng này phải được rút tỉa từ truyền thống đạo đức của luật tự nhiên, các nhân đức, các nguyên tắc xã hội Công Giáo, quyền lợi và bổn phận v.v… là những điều vừa giảng dạy vừa đào luyện sinh viên về tầm quan trọng của kinh doanh cả về luân lý lẫn tâm linh.

Cách tiếp cận đạo đức học kinh doanh ấy có thể giúp sinh viên giải quyết được các phức tạp của sinh hoạt kinh doanh mà không mất cả “linh hồn” lẫn phá sản. Điều ấy chắc chắn là quá lớn, nhưng nó nằm ngay tại tâm điểm của điều làm cho nền giáo dục kinh doanh tại một đại học Công Giáo ra khác biệt trong bản sắc của nó.

Mối liên hệ với Chúa Giêsu Kitô

Mới đây, trong cuộc tông du ở Mỹ, Đức Bênêđíctô XVI nói rằng các đại học và cao đẳng Công Giáo phải giúp các sinh viên thâm hậu hóa mối liên hệ của họ với Chúa Giêsu Kitô. Một chương trình giáo dục kinh doanh làm sao thực thi được điều đó? Naughton cho hay: John Henry Newman từng viết “nghề nào có cái nguy hiểm của nghề ấy”, nên kinh doanh cũng thế thôi. Việc mưu cầu và ước muốn thái quá về tiền bạc và quyền lực, việc suy luận lạnh lùng quá thực tiễn và coi mọi người như dụng cụ, coi nhân viên chỉ như phương tiện hơn là mục đích, việc tự cao tự đại hiểu kinh doanh chỉ như một nghề nghiệp v.v… chính là những yếu tố dẫn người ta tới một số mệnh trong đó Thiên Chúa bị loại trừ.

Tài liệu “Vui mừng và hy vọng” của Công đồng Vatican II cảnh cáo chúng ta rằng sự phân xẻ cuộc sống nghề nghiệp của người ta ra khỏi các cam kết tôn giáo của họ là một lầm lỗi nguy hiểm ở thời đại ta. Cuộc sống bị phân xẻ ấy, nhất là đối với các Kitô hữu làm kinh doanh, làm thui chột cách nghiêm trọng mối liên hệ của họ với Chúa Kitô.

Một đại học Công Giáo, nếu biết coi trọng sứ mệnh của mình, cần phải giúp các sinh viên kinh doanh của mình cam kết với các ý niệm về ơn gọi, đức tin và lý trí, linh đạo của việc làm, các nguyên tắc trong truyền thống xã hội Công Giáo, các nhân đức chính và các nhân đức đối thần, trách nhiệm đối với người nghèo và người bị cho ra ngoài lề. Tất cả những điều ấy sẽ dẫn sinh viên tới sự hiểu biết và mối liên hệ phong phú hơn với Thiên Chúa.

Hiệu năng kinh doanh

Mục tiêu chính của kinh doanh là thành công trong việc tạo ra, tìm thị trường và bán một sản phẩm hay một dịch vụ để kiếm lời. Làm thế nào một trường kinh doanh Công Giáo có thể lèo lái giữa áp lực phải dạy sinh viên mình thành các doanh gia có hiệu năng và việc phải làm nản các thực hành vụ lợi chuyên bóc lột người tiêu thụ?

Về câu hỏi này, Naughton cho hay nền giáo dục kinh doanh Công Giáo nhằm đào tạo “đức khôn ngoan thực tiễn”, một nền giáo dục dạy sinh viên cam kết vận dụng các phương tiện có hiệu năng cao để phục vụ các mục tiêu tốt về phương diện luân lý. Đó là một nền giáo dục nhấn mạnh đến cả khía cạnh “how” (làm cách nào) lẫn khía cạnh “why” (tại sao làm) của kinh doanh. Nếu các sinh viên không có hiệu năng trong khía cạnh “how”, họ sẽ phá sản; nhưng nếu họ không lưu tâm đến khía cạnh “why”, họ sẽ trở thành hủ hóa. Một trong những cái nhìn thông sáng mạnh mẽ nhất trong giáo huấn xã hội Công Giáo là của Đức Gioan Phaolô II trong thộng điệp năm 1981 của Ngài về lao động tựa là “Laborem Excercens”. Ngài giải thích rằng lao động không phải chỉ là các thay đổi có hiệu năng đối với các sản phẩm và dịch vụ, nhưng sâu xa hơn nữa còn là sự thay đổi đối với con người. Như John Ruskin đã viết: “Phần thưởng (hay hình phạt) lớn nhất đối với lao công của con người không phải là điều họ nhận được từ nó, nhưng là điều nhờ nó họ trở nên”
 
Bốn bước để biến Giáo xứ thành Giáo xứ Truyền giáo
Phaolô Phạm Xuân Khôi
10:17 07/06/2008
RÔMA, ngày 30 tháng 1, năm 2008 (Zenit.org) - Một nhân viên Toà Thánh Vatican trong khi đề ra bốn bước để biến một giáo xứ thành một trung tâm truyền giáo đã nói rằng nếu một giáo xứ không truyền giáo, thì nó cũng chẳng khác gì một biệt thự.

Đức Tổng Giáo Mục Malcom Ranjith, thư ký Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích, hôm nay đã quả quyết trong một hội nghị về “Giao Xứ và Tân Phúc Âm Hóa” đang diễn ra tại Rôma. Hội nghị này đã được Cộng Đoàn Emmanuel và Giáo Hoàng Học Viện Redemptor Hominis (Đấng Cứu Độ Nhân Loại) tổ chức và kết thúc vào Thứ Sáu.

ĐTGM Ranjith hỏi: “Tại sao một giáo xứ phải là giáo xứ truyền giáo?”

Ngài giải thích rằng lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa đòi hỏi các Kitô hữu phải có tính truyền giáo: “Chúa Giêsu đã yêu thương các anh chị em đến nỗi Người đã hoàn toàn dấn thân cho việc cứu độ -- đây là nền tảng của việc truyền giáo.”

ĐTGM Ranjeith đã lãnh đạo Giáo Phận Ratnapura, ở Tích Lan, trước khi được bổ nhiệm vào Giáo Triều Rôma. Ngài gọi truyền giáo là “một dấu hiệu trưởng thành về đức tin của chúng ta.”

Ngài nói, “Hội Thánh chỉ hiện hữu nếu nó truyền giáo, điều này cũng đúng cho giáo xứ. Nếu một giáo xứ không truyền giáo, nó chỉ là một biệt thự. Truyền giáo không là một việc tự do chọn lựa, mà là một đòi hỏi của đức tin, là một cách diễn tả đức ái hoàn hảo nhất.”

Đặt Trọng Tâm và Thánh Thể

ĐTGM Ranjith nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí Tích Thánh Thể trong một giáo xứ chú tâm vào việc truyền giáo.

Ngài đưa ra gương của một giáo phận Ái Nhĩ Lan đã tổ chức “Chầu Thánh Thể trong tất cà các giáo xứ. Kết quả là ơn gọi bây giờ gia tăng. Thánh Thể hấp dẫn – Chúa hấp dẫn người ta.”

ĐTGM quả quyết, “Bí Tích Thánh Thể là trọng tâm của việc truyền giáo. Bí Tích Thánh Thể phải phát sinh ra đức tin. Ở một số giáo xứ, Bí Tích Thánh Thể được cử hành một cách không nảy sinh ra đức tin.”

Vị giám mục 60 tuổi cũng chú tâm vào các linh mục coi xứ. Ngài nói rằng các linh mục phải hiểu vai trò của mình bằng cách tự nhủ, “’Tự mình thì tôi vô dụng, nhưng trong tay Người thì tôi hữu dụng.’”

ĐTGM Ranjith cũng cho rằng các giáo xứ không được chỉ chú tâm đến cộng đồng của mình mà thôi, nhưng “phải quyết tâm vươn tới những chiên lạc.”

Các Đề Nghị

Ngài đề nghị một số “bước thực tiễn” để làm cho giáo xứ có tính chất truyền giáo.

ĐTGM nói, “Cộng đồng giáo xứ phải chuyển từ kiểu bảo trì sang kiểu truyền giáo -- nếu chúng ta chỉ làm một việc là sửa chữa nhà cửa, thì điều này sẽ giết chết chúng ta về tâm linh.”

Ngài tiếp tục rằng điều thứ hai mà các giáo xứ cần là “tránh xa tinh thần bi quan để chuyển sang tinh thần lạc quan.” Và ngài đã ghi nhận nguy cơ trở thành “người đầy tớ lười biếng” trong thí dụ của Tin Mừng.

Bước thực tiễn thứ ba liên quan đến vai trò của giáo dân. ĐTGM Ranjith khuyến khích những linh mục nào vẫn còn nghĩ rằng “việc truyền giáo chỉ là nhiệm vụ của giáo sĩ,” rằng “các linh mục phải tự mình quyết định mọi sự” hãy “chia sẻ với giáo dân.”

Ngài quả quyết rằng, “mỗi tín hữu giáo dân là một nhà truyền giáo có tiềm năng.”

Bước thứ tư liên hệ đến bước thứ ba. ĐTGM khuyến khích nên có càng nhiều người tham gia càng tốt: “các hội đoàn, các nhóm, đàn ông, phụ nữ, giới trẻ và ngay cả trẻ em – và hãy can đảm đi vào những lãnh vực chưa ai đến, tìm những phương pháp và phương tiện mới.”

Tại sao không phải là tôi?

Sau bài thuyết trình của ngài, ĐTGM Ranjith đã trả lời những câu hỏi của các tham dự viên của hội nghị.

Một linh mục ở Hà Lan trình bày nước ông như là “một nước bị thế tục hóa nhất trên thế giới,” đã xin khích lệ “bởi vì chúng con bị loại ra lề -- chúng con cố gắng tìm đủ mọi phương tiện, như là truyền thông, để chứng tỏ sự hiện diện của chúng con.”

ĐTGM Ranjith đã trả lời, “Thật là tốt khi dùng mọi phương tiện sẵn có và nghĩ rằng đôi khi ‘mơ ước trở thành sự thật;” nhưng “điều quan trọng nhất là cảm thấy mạnh mẽ và tín thác vào Thiên Chúa … cùng cầu nguyện.”

Ngài đưa ra thí dụ về giáo phận của ngài ở Tích Lan, ngài giải thích, là một giáo phận mà đa số dân chúng ngoài Kitô giáo. Giáo dân Công Giáo đi thăm viếng các gia đình Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo, và “họ uống trà cùng thảo luận về tôn giáo với nhau.”

ĐTGM quả quyết, “Điều đáng buồn là bông xuôi. Hãy mạnh mẽ, can trường, các bạn sẽ thành công.”

Một linh mục từ Bỉ hỏi rằng việc đóng cửa các giáo xứ có là phản ảnh của sự thiếu đức tin không. ĐTGM Ranjith đưa ra thí dụ về việc hợp tác tinh thần giữa một giáo phận ở Tích Lan và một giáo phận ở nước Đức. Khi một linh mục ở Đức từ trần, Tích Lan đã tình nguyện: “Tôi sẽ gửi đến cho bạn linh mục tốt nhất mà tôi có.” Giáo phận ở Đức suy nghĩ về đề nghị này nhưng sau đó lại đóng cửa giáo xứ. ĐTGM Ranjith than phiền điều này là “’chúng tôi điều hành bằng cách riêng của chúng tôi là đóng cửa nhà thờ.”

Sau bài thuyết trình, ĐTGM đã nói với Zenit rằng lòng nhiệt thành và tình yêu của các linh mục coi xứ là điều chính yếu. Ngài đưa ra thí dụ về Thánh Gioan Vianney, quan thầy các Linh Mục, làm mẫu gương. Ngài cũng đề nghị Á Thánh Têrêxa thành Calcutta và Thánh Phanxicô Xaviê như những gương mẫu. ngài nói, nếu Thánh Phaxicô có thể đi đến bên kia bờ lục địa để rao giảng về Đức Kitô dù không biết ngôn ngữ, vậy “nếu thánh nhân đã có thể làm được điều ấy, thì tại sao tôi lại không làm được?”
 
Nghiên cứu mới cho thấy càng có thêm nhiều bạn trẻ quyết định giữ gìn tiết hạnh
Anthony Lê
10:55 07/06/2008
Nghiên cứu mới cho thấy càng có thêm nhiều bạn trẻ quyết định giữ gìn tiết hạnh

ATLANTA, Georgia (LifeSiteNews.com) - Theo một bản báo cáo do Trung Tâm Phòng và Chữa Bệnh (Centers for Disease Control and Prevention hay CDC) Hoa Kỳ vừa mới công bố ra vào ngày hôm qua cho thấy:

"Các em ở độ tuổi còn cắp sách đến trường ngày hôm nay đã biết ý thức hơn bao giờ hết về những vấn nạn, cũng như những căn bệnh gây ra do thiếu ý thức và sự liều lĩnh của tuổi - vốn hãy còn suy nghĩ rất nông cạn - qua những vấn đề có liên quan đến tình dục trước tuổi trưởng thành, cũng như việc ăn cơm trước kẻng."

Cuộc nghiên cứu được thực hiện cứ mỗi 2 năm 1 lần nơi 14,000 các em học sinh Trung Học trên khắp cả nước Hoa Kỳ về cử chỉ cũng như thái độ hay khuynh hướng về dục tính, về việc sử dụng ma túy, rượu bia, cũng như về các hoạt động có sự hủy hoại lớn nơi lứa tuổi của các em.

So với kết quả thâu thập được từ cuộc nghiên cứu của năm 1990, thì cuộc nghiên cứu lần này tiết lộ cho thấy: thế hệ trẻ thời nay ít có hoạt động tình dục hơn, ít hút thuốc nhiều hơn, và ít dùng ma túy hay bất kỳ các chất kích thích nào hơn.

Khoảng 46% trong tổng số các em ở lứa tuổi trung học vào năm 1991 cho biết rằng: các em chưa hề quan hệ tình dục với bất kỳ ai. Cuộc nghiên cứu vào năm 2007 cho biết rằng, con số đó giờ đã lên tới 52%.

19% cho biết trong cuộc nghiên cứu của năm 1991 rằng: các em có ít nhất là 4 người bạn tình, để quan hệ tình dục với nhau. Thế nhưng, trong năm 2007 con số đó đã giảm xuống chỉ còn có 15% mà thôi.

Còn việc sử dụng ma túy, rượu, bia và các chất kích thích khác cũng đã giảm xuống kể từ những năm của thập niên 1990. Trong năm 1991, 42% các em cho biết là đã từng uống ít nhất là một chai rượu trong vòng 1 tháng, thì trong cuộc nghiên cứu của năm 2007 này cho thấy giờ chỉ còn có 35% mà thôi.

Riêng đặc biệt về việc sử dụng ma túy, cùng các chất như methaphetamine, côcain, herôin, và ecstasy giờ đây chỉ còn có 4% so với 10% trong năm 2001, và 20% đến 27% trong năm 1999.

Việc sử dụng thuốc lá cũng đã giảm xuống đáng kể vì có hơn 50% các em học sinh được chọn để thống kê cho biết là các em chưa từng hút thuốc bao guồ, so với 70% đã từng hút thuốc trong cuộc nghiên cứu của năm 1995.

Điều đó cho thấy những ảnh hưởng tích cực của nền văn hóa sự sống đang dần dà tìm chổ len lõi vào trong xã hội và học đường, để từ đó giúp cho các em biết ứng xử một cách khôn ngoan hơn, cũng như biết gìn giữ tiết hạnh của riêng các em theo đúng với những giảng dạy đúng đắn về mặt đạo đức và luân lý của Giáo Hội Công Giáo nói riêng, và của Đạo Kitô Giáo nói chung.
 
ĐTC bổ nhiệm ĐHY Antonelli làm bộ trưởng về gia đình
Đức Long
12:46 07/06/2008
Vatican- Hôm nay thứ bảy, ngày tháng 06-08, Toà Thánh thông báo: ĐTC bổ nhiệm ĐHY người Ý Ennio Antonelli làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về gia đình để kế nhiệm ĐHY người Colombia Alfonso Lopez Trujillo qua đời hôm 20 tháng tư vừa qua.

ĐHY Ennio Antonelli
ĐHY Antoneli, 71 tuổi, ngài làm Tổng Giám mục Giáo phận Flrorence nơi ngài nổi tiếng là vị Hồng Y bảo thủ ôn hòa. Ngài sát cánh với Focolari, là một phong trào giáo dân công giáo sống đời sống cộng đoàn và dấn thân cho các hoạt động bác ái và đối thoại liên tôn.

ĐHY Antoneli kế nhiệm « chức bộ trưởng về gia đình » của Tòa Thánh thay cho ĐHY Lopez, nhân vật quan trọng đã qua đời ở tuổi 72. Ngài nổi tiếng về những lập trường mạnh mẽ chống phá thai hoặc hôn nhân đồng tính, là hành động mà Giáo Hội công giáo lên án.

Hội đồng Giáo hoàng về gia đình được giao trọng trách sắp đặt các hoạt động của Giáo Hội và đào sâu Giáo lý trong lĩnh vực gia đình. Giáo lý dựa trên khái niệm gia đình, gia đình được hình thành từ hôn nhân không thể chia lìa giữa người nam và người nữ, không dùng các phương pháp ngừa thai khác ngoài phương pháp « tự nhiên »,tức là kiêng cử.
 
Đức Giáo Hoàng nói Thiên Chúa Giáo không phải là một đạo ngoại bang được nhập cảng
Bùi Hữu Thư
18:49 07/06/2008

Đức Giáo Hoàng nói Thiên Chúa Giáo không phải là một đạo ngoại bang được nhập cảng



Đức Giáo Hoàng khuyến khích các giám mục Đông Nam Á truyền giảng Phúc Âm sâu rộng.

VATICAN: ngày 6 tháng 6, 2008
- Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói, Đạo Thiên Chúa không phải là một đạo ngoại bang được nhập cảng và xa lạ đối với văn hóa Á Đông, nhưng chính là một chân lý vang dội với những luật lệ được viết vào tận cùng trong trái tim nhân loại.

Đức Giáo Hoàng nói như vậy hôm nay khi tiếp kiến các giám mục Mã Lai, Tân Gia Ba và Brunei, tại Rôma trong dịp chầu kiến mỗi năm năm của họ.

Đức Giáo Hoàng trích dẫn tông thư “Giáo Hội Á Châu”: “Đức tin của Giáo Hội vào Chúa Giêsu là một ân sủng và là một quà tặng cần được chia sẻ; đó là món quà Giáo Hội có thể ban tặng cho Á Châu.”

Ngài tiếp: “Chúng ta hân hoan, vì các dân nước Á Châu luôn luôn bầy tỏ một lòng khao khát Thượng Đế mạnh mẽ. Khi chuyển đến cho họ sứ điệp quý Đức cha đã nhận được, quý Đức Cha đang gieo hạt giống Phúc Âm trên thửa đất phì nhiêu.”

"Tuy nhiên, nếu muốn cho được triển nở, đức tin cần bắt rễ sâu trên đất Á Châu, nếu không sẽ bị coi là một tôn giáo ngoại bang, được nhập cảng."

Đức Giáo Hoàng tiếp, "Quý Đức Cha được mời gọi để trình bầy đức tin Kitô thế nào để làm vang dội ‘ý thức thiêng liêng và luân lý khôn ngoan của linh hồn Á Châu.’’’

"Đặc biệt, quý Đức Cha cần bảo đảm rằng Phúc Âm Kitô không được làm cho họ bị hiêủ nhầm là những nguyên lý thế tục.”

"Trái lại, khi ‘nói về chân lý của tình yêu’ quý Đức cha có thể giúp cho người dân của mình biết phân biệt hạt lúa của Phúc Âm với vỏ thóc của chủ nghĩa duy vật và thuyết tương đối.

"Bằng cách nhấn mạnh đặc tính hoàn vũ của nhân quyền, dựa trên phẩm giá của con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, quý Đức cha có thể thi hành trọng trách Phúc Âm hoá lớn lao, vì lối giảng dậy này là một sắc thái thiết yếu của Phúc Âm."

Ngài tiếp, "Làm như vậy quý Đức cha đang theo chân Thánh Phaolô, người biết cách diễn tả những yếu tố cần thiết của đức tin và thực hành Kitô giáo cách nào để làm cho các cộng đồng dân ngoại có thể tiếp nhận.”

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cũng khuyến khích các giám mục Đông nam Á tiếp tục “gìn giữ cam kết của họ đối với đối thoại liên tôn.”
 
Top Stories
The outline for the days of WYD in Sydney July 2008
VietCatholic
01:20 07/06/2008
The outline for the days of WYD in Sydney July 2008

Tuesday 15 July 2008
Opening Mass celebrated by Cardinal George Pell: 4.30-6.30pm at Barangaroo
Youth Festival events: 2 - 10pm (except during Opening Mass) at Sydney CBD locations.

Wednesday 16 - Friday 18 July 2008
Catechesis (teaching) sessions: 9.00am-12.00pm OR 10.00am-1.00pm at over 250 locations across Sydney
Youth Festival events: 2-10pm at Sydney CBD locations.

Thursday 17 July 2008
Catechesis (teaching) sessions: 9.00am-12.00pm OR 10.00am-1.00pm at over 250 locations across Sydney
Papal Arrival via Boat-a-cade and welcome of the Pope on Sydney Harbour. Commences at 2.45pm on Sydney Harbour and at Barangaroo
Youth Festival events: 2 - 10pm (except during Papal Arrival) at Sydney CBD locations.

Friday 18 July 2008
Catechesis (teaching) sessions: 9.00am-12.00pm OR 10.00am-1.00pm at over 250 locations across Sydney
Stations of the Cross: a re-enactment of the last moments of Jesus' life: 3-6pm at St Mary?s Cathedral, Barangaroo, Darling Harbour, Sydney Opera House Forecourt, Domain
Youth Festival events: 2 - 10pm (except during Stations of the Cross) at Sydney CBD locations.

Saturday 19 July 2008
Pilgrimage walk across the Sydney Harbour Bridge to Randwick Racecourse: 5.30am starting at Sydney Harbour Bridge through city to Southern Cross Precinct
Evening Vigil with the Pope and sleep out 'under the stars': 7.00pm-9.00pm at Randwick Racecourse

Sunday 20 July 2008
Papal motorcade commencing in Centennial Park at 9am.
Final Mass celebrated by the Pope: 10am at Southern Cross Precinct, Randwick Racecourse and Centennial Park
Announcement of next host city: 12.15pm
Youth Festival events: 12.30-5pm at Southern Cross Precinct, Randwick Racecourse and Centennial Park
 
Vatican ordains Czech Republic’s first married Roman Catholic priest
Radio Prague
10:40 07/06/2008
Radio Prague - The Vatican has just ordained father of four Jan Kofroň into the Roman Catholic priesthood. This makes Mr Kofroň the Czech Republic’s first ever married Roman Catholic (Western Rite) priest. But this is not the first time that Father Kofroň has been ordained. He was originally made a priest in 1970s communist Czechoslovakia, where he subsequently worked illegally in the country’s underground church. Following the revolution, the Vatican declared his ordination invalid, but in recent weeks, it has reversed its decision. I met Father Kofroň to ask him how it was that, as an already married man, he became involved in the priesthood:

A friend of mine who was a Salesian priest, and window cleaner on Wenceslas Square in Prague, discovered a link with a very illegal, very hidden form of the church.I was asked if I was open to the idea of priesthood, even though I was married. It was surprising, of course, to me, but nonetheless I was told that the way was open, and that permission had been granted by Pope John Paul VI.

“But after the Velvet Revolution, Rome started to have some doubts about the validity of these married priests and their ordinations
.”

I heard that after the revolution, priests who were married and who found themselves in your situation were able to practice Eastern Rite Catholicism, but not Western Rite Catholicism. Why were you so adamant about practicing Western Rite Catholicism?

It became a question of my conscience. It was strange – just imagine the situation, there are several thousand Ukrainians here who also need, of course, priests performing Greek Catholic services – but after 1998, when 18 of my colleagues accepted ordination into the Greek Catholic Church – there was an overflow of Eastern Rite priests.”

Do you think that there is an inconsistency in the Vatican’s stance on married priests? If you are an Anglican vicar who becomes a Catholic priest, you are allowed to be married, and be ordained a Catholic priest. Do you think that it is slightly unfair that for people like yourself, there are many difficulties that an Anglican vicar just wouldn’t have?

I think it is understandable that the Catholic Church has a sort of fear of its priests not being celibate. But I think that the time for married people being ordained priests is coming. I don’t think the time for it is just yet, but it is coming. I am convinced about that.”

(Source: Rosie Johnston / Radio Prague)
 
Italian PM expresses 'shared views' with Vatican
AP
10:44 07/06/2008
VATICAN CITY (AP) — Premier Silvio Berlusconi assured Pope Benedict XVI during talks Friday that his government is committed to protecting human life and the family, the Italian leader's office said.

Silvio Berlusconi và phu nhân gặp viên chức Tòa Thánh
Berlusconi's office said in a statement that there were "shared views" between Italy and the Holy See. The Vatican said the talks were "cordial" and that the two sides expressed their desire to "continue their constructive collaboration" both in their bilateral relations and within the international community.

The 40-minute talks touched upon the political situation in Italy, the prospects of spiritual and social development in Europe and international hotspots such as the Middle East and China, the statements said. The talks also covered the crisis brought about soaring food prices, which was the focus of a global summit in Rome this week.

Berlusconi, paying a courtesy visit that is customary in Italy for new heads of government, kissed the pope's ring as the two met in the pope's library. The pope smiled at Berlusconi and shook his hand.

Benedict has recently welcomed what he called a "new climate" in Italian politics, following Berlusconi's election victory and signs that the new premier is open to dialogue with the opposition on major reforms. Church leaders have expressed concerns, however, about the Cabinet's plans to make it a crime to enter the country illegally.

The proposal, which must be approved by parliament, has drawn criticism and accusations that it might foment racism. Immigration is a major issue in Italy, as elsewhere in Europe, and problems of crime linked to immigrants was an issue in the election campaign in Italy.

Berlusconi, at the helm of a conservative government, has tried to smooth over any contrast with the Church.

The Italian leader's statement said that Berlusconi confirmed to the pope that "the sacredness of the human person and of the family" is a priority of his government.

Shortly before his visit, Berlusconi also defended the Roman Catholic Church from frequent accusations that it interferes in domestic Italian affairs, saying it has a right to express its opinions.

The church has always rejected any accusation of interference, saying it has a duty to intervene on ethical matters even though it does not take political sides before elections.

Berlusconi also called for dialogue with the Vatican, saying before the visit: "We are on the side of the church and we believe in the values of our Christian tradition."

The two had previously met at the Vatican in November 2005, months after Benedict's election to the pontificate.

Berlusconi, who was then premier, lost power in a 2006 election but returned to office earlier this year. His new coalition no longer includes the Christian Democratic Party that is very close to the Vatican, but Berlusconi's right-hand man, Gianni Letta, has strong ties to the church. He accompanied the premier on the visit.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Người trẻ Công giáo Việt Nam trên đường làm Chứng nhân tại WYD 2008
Youth 117
01:52 07/06/2008
Người trẻ Công Giáo Việt Nam
trên đường làm chứng nhân –
Tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới,
Sydney- Úc Châu


“Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời, lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng…” tiếng hát nhịp nhàng được hòa vang của các huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể miền Tây Bắc Hoa Kỳ trong ngày gây quỹ cho Đại hội Giới Trẻ Thế Thế giới tại Úc châu. Họ đã hát vang và chuyền một ngọn lửa đang cháy sáng cho hơn 400 quan khách hiện diện để cảm ơn sự khuyến khích họ là sẽ lên đường tham dự Đại hội Giới trẻ Thế Thế giới 2008. Những người trẻ đã lắng nghe và đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Benêdictô XVI tại thánh lễ bế mạc tại Đại Hội Giới Trẻ Thế giới tại Đức quốc, mùa hè 2005.

Lời mời gọi và hẹn gặp tại Đại hội Giới Trẻ Thế giới, Sydney-Úc Châu mùa hè 2008 của người cha già kính yêu. Đáp lại lời mời gọi ấy, người trẻ trong Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã miệt mài chuẩn bị một cuộc “Hành Trình tràn Niềm Tin và Hy Vọng”, họ tin rằng sức sống ngọn lửa Thánh Linh sẽ khơi dậy nung đốt ngọn lửa đức Tin và đức Mến trong tâm khảm của họ. Khoảng cách từ Hoa Kỳ đến Úc Châu hơn nửa vòng địa cầu và kinh phí cho cuộc “Hành Trình Niềm Tin và Hy Vọng” này rất tốn kém. Chi phí của cuộc hành trình là điều khiến tất cả những trưởng nhóm lo lắng và ngại ngùng. Một vài địa phận tại Hoa Kỳ không tìm được nguồn tài trợ để tổ chức cho người trẻ trong địa phận của họ Nhiều địa phận không dám tổ chức và nhiều người đã bỏ cuộc nhưng hứa đồng hành trong lời cầu nguyện.

Nhưng với tâm tình và suy tư của các bậc phụ huynh, các huynh trưởng TNTT và các linh mục-tuyên úy của các cộng đồng, các nhóm trẻ xa gần. Làm sao nuôi ngọn Lửa và thật sự đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha. Từ miền Nam Cali - những người Sinh Viên Công Giáo Việt Nam đã âm thầm chuẩn bị cho chuyến đi này. Cha Bill Cao và chị Dương Hồng sẽ đưa 14 người trẻ trên đường đi Úc châu; sẽ ghé qua Việt Nam thăm một vài thánh địa; cùng tham gia với Bút Nhóm Lửa Việt trong những chuyến công tác từ thiện tại Cần Thơ, Đà Lạt và Hàm Tân... Mỗi thành viên trong phái đoàn cũng sẽ đóng góp thêm một ngân khoản là $50 cho những chương trình từ thiện tại quê hương. Tổng số tiền chi phí cho những nhóm sẽ ghé Việt Nam và Úc hay chỉ đi Úc châu thôi, từ $3,550 đến $5,187.

Cũng tại miền Nam Cali này, Đức Giám mục Mai Thanh Lương sẽ cùng những người trẻ Hoa Kỳ trong địa phận Orange trên đường đi Úc Châu ghé qua Việt Nam. Lên đến miền thung lũng San Jose, chúng ta sẽ thấy một đạo quân hơn 100 người trẻ Lasan, do Frere An Phong hướng dẫn, họ sẽ đi xuôi đồng bằng sông Cửu Long. Họ sẽ vượt dãy Trường Sơn và lên tận miền Sapa. Người trẻ Lasan sẽ thăm viếng, hoà đồng với người người nghèo và người dân tộc trong suốt cuộc hành trình trước khi đến đến Úc Châu.

Mang tiếng Sleeping Seattle, nhưng trong những ngày tháng qua - các huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể của miền Tây Bắc và những anh chị em trong nhóm Vietnamese Young Aldult Group (http://wydseattle.org) đã mời gọi và hy sinh thật nhiều để nhiều người trẻ tham. Thật là một sự ngưỡng mộ và cảm phục đến quý linh mục quản nhiệm, tuyên úy, phụ huynh và những người trẻ của miền Tây Bắc, với 27 huynh trưởng TNTT và 37 anh chị em trong VYAG sẽ có mặt ở đất Đại hội.

Tại thành phố hoa hồng, Portland-Oregon, 10 bạn trẻ của Nhóm Trẻ Chúa Ba Ngôi thuộc Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, do Linh mục Hải Đăng, SDD và nữ tu Thanh Nga, MTG hướng dẫn. Sau những cố gắng gây quỹ cho chương trình đi tham dự WYD 2008 và chương trình “Hello-Bonjour Vietnam” nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam sinh trưởng ở Hoa Kỳ có dịp về Việt Nam chia sẻ tình yêu thương với những người kém may mắn, đồng thời tìm hiểu về văn hóa và nguồn gốc của mình. Các bạn trẻ đã được sự ủng hộ nhiệt tình của Đức Ông Chánh Xứ Giacôbê Phạm Văn Ninh, Cha Hoàng Phúc, CSsR và quý vị ân nhân, sẽ cất bước lên đường hòa nhịp với bạn trẻ bốn phương tiến về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, và sau đó sẽ trở lại Việt Nam để xây nhà giúp người nghèo ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Rời miền Tây Bắc chúng ta sẽ nghe tiếng nhạc lời ca của những bạn trẻ mang tên là Jam Fest Ministries (www.jamfestministries.com) Tiếng hát và tinh thần của họ làm thành phố Houston, TX nóng hơn nhiều; cha Nguyễn Lãm và 20 bạn trẻ của JFM sẽ có mặt World Youth Day và niềm hãnh diện hơn cho người trẻ Việt Nam – JFM trong ngày 18 tháng 7, sẽ vang tiếng hát để giúp người trẻ lắng nghe và bước vào cuộc hành trình của Chúa Giêsu những Chặng Đàng Thánh Giá tại St Peters Surry Hills. Thêm vào đó các nữ tu dòng Đaminh sẽ cùng hát vang với JFM và đồng hành với giới trẻ Việt Nam.

Các linh mục linh hướng của Nhóm Trẻ 117 như: Đồng Minh Quang, Trần Công Danh,SDB; Nguyễn Hoài Chương,SDB; Vũ Hải Đăng,SDD đã cố gắng, đã hò hét, kêu gọi và động viên người trẻ “Lên đường về nhà Chúa đi” . Vâng giá máy bay rất đắt nhưng cuộc hành trình rất giá trị. Trên đoạn đường về Úc Châu, 25 người trẻ từ Hoa Kỳ sẽ về Việt Nam để được đồng hành với 30 sinh viên Việt Nam đã nhận học bổng Dấn Thân Nguyễn Văn Thuận của Bút Nhóm Lửa Việt, họ sẽ tham gia những “Ngày Tình Thương” tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đơn Dương, Lâm Đồng, Hàm Tân, Tam Kỳ và Đà Nẵng với các em cô nhi, các em bệnh Sida trong những ngày công tác y tế tại Việt Nam. Đầu tháng 7 các linh mục Nguyễn đình Truyền, Ngô Thông,CssR, Ðồng Minh Quang, Trần Quang Trí, và các nữ tu dòng Đaminh, Dòng Salesian Sister, Tu Hội Tận Hiến sẽ đồng hành với gần 80 anh chị em trẻ từ Hoa Kỳ đi Úc châu. Cũng không quên những anh em như Thầy Al Vũ của Dòng Salesian Don Bosco sẽ hướng dẫn các học sinh và tu sĩ Salesian lên đường. Linh Mục Phạm Tuấn sẽ tháp tùng với Đức Giám Mục Todd Brown ghé Việt Nam trên đường đi Úc Châu.

"Chúng con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, và chúng con sẽ là chứng nhân của Thầy" (CV 1:8). Một niềm hãnh diện cho Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng, khi nhiều nơi đang lơ đãng hay không tin tưởng điều có thể làm được. Thì người trẻ trong Cộng đồng chúng ta sẽ có mặt cùng với trăm ngàn người trẻ thế giới: với sự hiện diện của gần 250 bầu nhiệt huyết; gồm có 1 giám mục; 12 linh mục; 8 nữ tu, 2 sư huynh, 40 huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể và gần 200 sinh viên và người trẻ từ nhiều tiểu bang. Với những hy sinh của riêng họ và gia đình. Cùng với sự chăm sóc và cố gắng của những tuyên úy và bậc phụ huynh; tất cả sẽ quỳ xuống giữa đất Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới để nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần và hát vang: “Hành trang con mang theo mọi khát vọng tìm chân lý. Hành trang con mang theo mọi xây dựng tìm công bằng. Về đây xin dâng Cha trong lo âu. Đưa hai tay quyết chung xây thế giới mới.

Youth 117
6400 E. Chelsea Street, Tampa, FL 33610-5628
www.Vietmartyrs.org Email: wydviet@gmail.com
 
Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Hàm Tân, Phan Thiết
LM Giuse Bạch Kim Tri
10:14 07/06/2008
PHAN THIẾT – Cùng với các Hạt trong Giáo Phận, ngày 1 tháng 6 vừa qua, hơn 15000 Thiếu nhi Huynh trưởng khắp 25 đơn vị Xứ đoàn Hạt hàm tân tựu về Giáo xứ Tân Lý dự ngày Đại Hội mừng lễ bổn mạng (Mình Máu Thánh Chúa). 1 tháng 6 cũng là ngày Tết nhi đồng thế giới và bắt đầu cho kỳ nghỉ hè của các em học sinh, nên việc tổ chức có tính qui mô hơn mọi năm.

Các sự chuẩn bị đã từ hơn 2 tháng trước, rất biết ơn Cha xứ, HĐMV, quí Mẹ công giáo, Gia trưởng và và những tấm lòng nhiệt thành của nhiều anh em thuộc Giáo xứ Tân lý, nhóm khánh tiết xứ Thanh Xuân. Từ trong Nhà thờ đến ngoài sân bãi, mọi khâu tiêm tất và chu đáo. Projector thay cho giấy hát. Sân khấu, băng rôn, cờ giăng rực rỡ.

Từ 7giờ 30 các xứ đoàn đã có mặt đông đủ, diễu hành quanh nhà thờ dưới tiếng nhạc, trống hoành tráng. Cha Hạt Trưởng Phêrô Phạm Tiến Hành cùng nhiều khách mời thuộc cấp hạt long trọng khai mạc Đại Hội.

Sau Thánh Lễ đồng tế, Cha đặc trách TNTT Giáo phận có bài nói chuyện tâm tình với các em.

13giờ các em hồ hởi học tập qua các phần thi đua giữa bốn cụm: Giáo lý, Kinh Thánh, Phong trào, đặc biệt là Thư mục vụ HĐGM Việt Nam về năm giáo dục. Dù rất mệt nhọc bởi các lễ lớn liên tục, nhưng Đức Cha Giáo phận ưu ái đến thăm Đại hội. Ngài say mê suốt 20 phút huấn từ cho các em. Ngài dạy thếu nhi hãy tìm Chúa Giêsu trong Thánh Thể và nơi người nghèo.

Sau một giờ sinh hoạt chung ngoài trời, tất cả bước vào giờ thánh thật trang nghiêm. Cha chính xứ Phêrô Nguyễn Huy Hồng chủ toạ giờ chầu - cung nghinh rước kiệu Thánh Thể quanh nhà thờ trên chiếc xe hoa rực hoa màu. Hai đội trống trên 60 em của hai xứ Tân Lý và Bình An hoà tấu nhảy múa, xen lẫn những bài ca khen tình yêu Thiên Chúa và các đoạn suy niệm Thánh Thể, làm cho cuộc rước thêm sốt sắng và sống động. Thật ấn tượng cảnh hơn 1500 thiếu nhi quỳ gối trước sân nhà thờ cùng chiêm bái và nhận phép lành Mình Thánh Chúa.

Sau điểm tâm chiều, cả sân bãi đầy ắp người cùng thưởng thức một chương trình văn nghệ chọn lọc góp về từ các cụm xứ, nghe liên tục những tràng pháo tay ủng hộ và khích lệ.

Cao điểm của ngày Đại Hội, mọi người với nến sáng trong tay, hướng về nến Phục Sinh trên sân khấu. Trong cảnh bóng tối phủ vây, họ cùng tấu lên những bài ca: Giêsu ánh sáng, nổi lửa lên. ., và hãy thắp sáng... Nhìn một rừng đèn sáng trên những đôi tay nhỏ bé, gói bao quyết tâm nối lửa cho đời. Nhìn một thế hệ trẻ bay cao vươn rộng, ngập tràn ánh hy vọng về những ngày mai.

Hàm Tân, ngày 7 tháng 6 năm 2008-06-07
 
Thiếu Nhi hạt Thủ Đức, giáo phận Saigòn, cấm trại Hè
Fx. Đức Thịnh, SBD
15:04 07/06/2008
Thủ Đức - 07.06.2008 – Khi những tiếng ve ngân vang rộn ràng báo hiệu mùa hè đã về, các bạn trẻ sinh viên, học sinh lại có những ngày hè nghỉ ngơi sau một năm học miệt mài với đèn sách. Hôm nay Thứ Bảy 07.06.2008 vừa qua, Ban Mục Vụ Giới Trẻ Hạt Thủ Đức phối hợp với Ban Mục Vụ Thiếu Nhi của Hạt đã tổ chức một ngày trại hè 2008 cho Thiếu Nhi của 12 Giáo Xứ trong Hạt Thủ Đức thuộc Giáo Phận Sài Gòn, với các Giáo Xứ: Bình Chiểu, Bình Thọ, Châu Bình, Fatima Bình Triệu, Hiển Linh, Khiết Tâm, Thánh Nguyễn Duy Khang, Tam Hà, Tam Hải, Thủ Đức, Từ Đức, Xuân Hiệp.

Vì đây là lần đầu tiên tổ chức, nên Ban Tổ chức chỉ giới hạn mỗi Giáo Xứ với 30 thiếu nhi từ 10 đến 14 tuổi và 3 Anh Chị Giáo Lý Viên, riêng các Giáo Xứ Hiển Linh, Bình Thọ, Bình Chiểu và Xuân Hiệp chỉ có đại diện 20 người. Tổng số thành viên Ban Tổ Chức và các em Thiếu Nhi lên tới 380 người. Ngày trại được tổ chức tại khuôn viên trụ sở Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Xuân Hiệp – Thủ Đức. Ngay từ sáng sớm với niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt, các em thiếu nhi đã hiện diện đông đảo tại khuôn viên của ngày trại. Ngay sau khi tập trung, các em đã được các Anh Chị Giáo Lý Viên điểm danh và căn dặn những nội quy của ngày trại, tiếp đến là phần ôn lại Bài hát chủ đề và những bài hát sinh hoạt chung. Được biết chủ đề của ngày trại năm nay thật ý nghĩa: “Nhờ Mẹ Maria, em đến với Thầy Giêsu”.

Sau khi điểm danh và ổn định, cha Fx. Trần Văn Cường, chánh xứ Xuân Hiệp, đã đại diện Cha Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Don Bosco và Cha Giám Đốc Cộng Thể Học Viện Thần Học Philip Rinaldi nơi tổ chức ngày trại, có đôi lời chào đón Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ và các Anh Chị Giáo Lý Viên trong Ban Tổ chức cùng các em Thiếu Nhi của Hạt Thủ Đức đã chọn địa điểm Trụ Sở Nhà Dòng để tổ chức ngày trại. Với tinh thần yêu thương và phục vụ giới trẻ, Cộng Đoàn Học Viện Philip Rinaldi đã sẵn sàng đón tiếp và tích cực hỗ trợ cho ngày trại này.

Sau vài lời phát biểu, cha Fx. Trần Văn Cường đã kêu gọi mọi người và các em Thiếu Nhi tham dự cùng cất lên kinh Lạy Cha và 3 kinh Kính Mừng dâng kính Đức Mẹ để khai mạc ngày trại, và ngài cũng đã ban Phép Lành cho tất cả mọi người cùng cầu chúc mọi người có một ngày trại thật vui tươi và bổ ích. Tiếp đến, đội múa lân rất hoành tráng của Giáo Xứ Thánh Nguyễn Duy Khang đã biểu diễn bài múa lân để khai mạc ngày trại hè 2008 Thiếu Nhi Hạt Thủ Đức.

Sau đó, các Em thiếu nhi được hướng dẫn về các lều trại của Giáo Xứ mình để trang trí cho lều trại. Từ 9giờ đến 11giờ 15 tất cả các em đã cùng tham dự trò chơi “Rung Chuông Vàng” theo tài liệu học hỏi về Đức Trinh Nữ Maria, nhằm khích lệ và cổ võ nơi các em lòng yêu mến Đức Mẹ nhiều hơn. Sau cuộc thi “rung chuông vàng”, thì từ 11giờ 30 đến 12giờ 45, các em đã theo từng đội để dùng cơm trưa. Mỗi thành viên cùng các em thiếu nhi đã nhận được những phần ăn trưa rồi trở về lêu trại của mình để cùng chia sẻ với nhau những món ăn ngon miệng và vui tươi trong tình huynh đệ – yêu thương đoàn kết.

Sau giờ cơm trưa, các em đã có khoảng 20 phút để nghỉ ngơi đôi chút nhằm chuẩn bị cho giờ sinh hoạt vào buổi chiều. Từ 13giờ đến 14giờ 30 tất cả các em đã tập họp trong hành lang trước sân khấu của Học Viện Rinaldi để tham dự phần văn nghệ, mỗi Giáo Xứ đều đóng góp 1 tiết mục văn nghệ ngắn gọn.

Bằng những bài ca và những hoạt cảnh chủ đề ca ngợi và cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ Maria, các em thật vui tươi, năng động và phấn khởi trong giờ văn nghệ này. Sau giờ văn nghệ các em đã có hơn một tiếng đồng hồ với những trò chơi vận động tại sân bóng của Học Viện.

Trước khi kết thúc ngày trại các em đã có 30 phút tham dự giờ Chầu Thánh Thể tại Nguyện Đường của Giáo Xứ Xuân Hiệp để tạ ơn Chúa và Mẹ Maria sau một ngày sinh hoạt vui chơi trong ơn nghĩa Chúa và trong tình huynh đệ ỵêu thương.

Sau giờ Chầu Thánh Thể các em nhổ trại và tập trung tại sân chơi nhà đa năng để tham dự phần Phát Thưởng Thi đua và bế mạc ngày trại hè 2008. Một em đã diện tất cả các Bạn Thiếu Nhi của Hạt Thủ Đức ngỏ lời cám ơn Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ và Các Anh Chị trong Ban Tổ Chức của Hạt, đồng thời cũng cám ơn Cộng Đoàn Don Bosco Xuân Hiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong ngày hội trại thật vui tươi và bổ ích.đ

Cuối cùng, lúc 17giờ 30 chiều, các em đã cùng nhau hát vang “Bài Ca chia tay và Lên Đường” mang theo nơi mình những tâm tình và niềm vui của ngày trại hè 2008. Các em đã trở về giáo xứ của mình với quyết tâm sống thật tốt như những Thiếu Nhi ngoan hiền của Chúa Giêsu và Mẹ Maria theo gương Thánh Trẻ Đaminh Savio: “Bạn của tôi là Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria”.
 
Thiếu Nhi Thánh Thể giáo phận Phan Thiết mừng lễ bổn mạng
Thanh Bình
17:35 07/06/2008
PHAN THIẾT - Hằng năm, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể giáo phận Phan Thiết đều mừng lễ bổn mạng vào ngày lễ Kính Trọng Thể MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ. Năm nay, một số đông Huynh Trưởng ( GLV) và Thiếu Nhi trong giáo phận cũng được Cha FX. Nguyễn Quang Minh, Tổng Tuyên Uý Phong Trào TNTT giáo phận, Quí Cha Tuyên Uý Phêrô Võ Tấn Luật, hạt Bắc Tuy, Cha Micae Cù Đức Trí, hạt Phan Thiết, Cha Augustino Nguyễn Đức Lợi, hạt Hàm Thuận Nam, Cha Giuse Bạch Kim Tri, hạt Hàm Tân, Cha Giuse Nguyễn Hữu An, hạt Đức Tánh và các Huynh Trưởng tổ chức theo từng Giáo Hạt.

Số Huynh Trưởng và Thiếu Nhi thuộc 5 giáo Hạt tham dự là 7.200 người trong tổng số 34.000 Thiếu Nhi và 1.500 Huynh Trưởng trong giáo phận. Hạt Phan Thiết và Đức Tánh tổ chức ngày 25.5; Hạt Bắc Tuy, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân tổ chức ngày 1.6.2008.

Với hình thức sinh hoạt, học hỏi, trao đổi, thi đua Giáo Lý, Kinh Thánh, Phong Trào, tham dự Thánh Lễ, Kiệu và Chầu Mình Thánh Chúa. Thời gian trong một ngày.

Cha Tổng Tuyên Úy đã xin và Đức Giám Mục giáo phận đã thương trợ giúp mỗi em 12.000$. Số còn lại các Cha phụ trách Phong Trào TNTT. Giáo phận, giáo Hạt và Qúi Cha Hạt trưởng, Cha Xứ hỗ trợ, nhờ đó các em có phương tiện đi lại, có các buổi ăn sáng, trưa, chiều, và đó cũng là dịp để phần nào nói lên sự quan tâm, tình yêu thương đối với các chủ nhân tương lai của Giáo Hội và xã hội.

Đặc biệt trong năm Giáo Dục Kitô Giáo, các chủ đề đều hướng các Huynh Trưởng và Thiếu Nhi đến Chúa Giêsu, là vị Thầy tối cao, quyền phép, thánh thiện nhưng rất khoan dung và giàu lòng yêu thương với hết mọi người, nhất là với các em thiếu nhi ( Mt 19, 13-15). Có thể nói, Thánh Thể là trường học tuyệt vời để dạy người ta những bài học: Yêu Thương, Hi Sinh, Khiêm Nhường cụ thể nhất. Vì Thầy Giêsu luôn mời gọi: “ Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. . . Hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường” ( Mt. 12, 28-29).

Cứ sau mỗi dịp gặp gỡ này, các em Thiếu Nhi lại như được lớn thêm lên trong ân sủng của Chúa, của Giáo Hội, và của các bạn bè trong Phong Trào ở các giáo xứ khác. Nhờ đó, ngày càng biết sống đẹp, có ích cho mình và cho mọi người.

Và như thế, các bài học mang tính nhân bản này lại tiếp tục được thực hành và nhân rộng trong mọi mối tương quan, cách riêng với các bạn bè cùng lứa tuổi thiếu nhi.

Sau khi cùng mừng bổn mạng với các em Thiếu Nhi, thì ngày 17.6.2008 tới đây, 1.200 Huynh Trưởng, đại diện cho 1.500 Huynh Trưởng trong Giáo Phận sẽ tham dự Ngày Họp Mặt HIỆP NHẤT IV tổ chức tại Phan Thiết, với chủ đề: TRAU DỒI ĐỨC TIN KITÔ GIÁO.

Xin Tình Yêu Chúa tiếp tục sưởi ấm những ơn gọi Huynh Trưổng (GLV) và các Thiếu Nhi.
 
Tin Đáng Chú Ý
Hai công đoàn nước Úc tranh đấu giúp công nhân Việt ở Mã Lai
Người Việt
10:23 07/06/2008
SYDNEY 6-6 (NV) - Hai tổ chức công đoàn tại nước Úc vừa tham gia đấu tranh giúp các nhân công Việc Nam lao động tại Mã Lai chống lại sự bóc lột của giới tư bản và trong sự quay mặt đi chỗ khác của nhà cầm quyền Hà Nội.

Công nhân Việt tại công ty Esquel ở Malaysia (Hình BPSOS)
“Công Ðoàn May Mặc (Textile, Clothing, Footwear Union of Australia - TCFUA) và Công Ðoàn Vận Tải (Transport Workers Union - TWU) ở Úc vừa ra nghị quyết chính thức để làm một số hành động hầu bênh vực cho công nhân Việt ở Malaysia bị ngược đãi và bóc lột.” Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam cho hay hôm Thứ Sáu 6 Tháng Sáu 2008.

Theo nguồn tin này, hai tổ chức trên đã “Viết thư đến chính quyền Mã Lai yêu cầu giải quyết, bay qua Kuala Lumpur để gặp Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Mã Lai, viết thư đến ngoại trưởng Úc bày tỏ sự quan tâm, và yêu cầu Tổ Chức Lao Ðộng Thế Giới (ILO) điều tra.”

Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam là một tổ chức thiện nguyện của người Việt đa quốc gia đã từng tới Mã Lai điều tra và giúp đỡ cho công nhân của một hãng thu nhận nhiều công nhân người Việt Nam ở nước này chống lại sự bóc lột lao động và ngược đã làm mất phẩm giá con người. Ủy ban cũng can thiệp để chính phủ Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế can thiệp cho hơn 200 công nhân Việt Nam ở Jordan, Trung Ðông, chống lại sự bạo hành và gian lận lương bổng của chủ nhân.

Các vụ việc nói trên đều được báo chí ở Việt Nam đưa tin nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã lờ đi hoặc chỉ nói mồm mà không có hành động cụ thể để bảo vệ người lao động đã do họ “xuất cảng” để kiếm lời.

Ðể tìm cơ hội thoát đói khổ, nhiều người đã phải cầm cố nhà cửa, vay mượn ngân hàng để đóng các khoản lệ phí nhiều ngàn đô la, hầu có cơ hội đi lao động ở nước ngoài. Trái với những gì được cam kết, hầu hết các người “xuất khẩu lao động” đều đã bị lừa. Tiền lương thường chỉ bằng phân nửa hoặc ít hơn những gì họ được cho biết khi còn ở Việt Nam. Tới nơi thì hộ chiếu bị chủ nhân thu giữ và trở thành những kẻ nô lệ lao động bất đắc dĩ và mặc tình cho chủ bóc lột, hành hạ, làm nhục. Bản tin Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam cho hay TCFUA là công đoàn duy nhất ở Úc của những người làm trong kỹ nghệ may mặc, kể cả may tại nhà. TWU là công đoàn duy nhất của những người lái xe vận tải, xe buýt, và nhiều ngành nghề khác. Số thành viên tổng cộng của họ là hơn 80 ngàn người. Hiện nay TCFUA và TWU có nhiều trăm người Việt là thành viên, và con số này đang tăng lên vì nhiều người biết rằng có gia nhập công đoàn thì mới bảo vệ được quyền lợi của mình.

Theo bản tin của ủy ban trên “Trong Tháng Năm, TCFUA và TWU đã có các đại hội thường niên của họ và, sau đó, mỗi đại hội đã thông qua 1 nghị quyết với đa số tuyệt đối. Các nghị quyết đã được đưa ra sau khi trong các tháng qua, đại diện của UBBV đã đến trình bày bằng chứng về việc công nhân Việt tại Mã Lai bị bóc lột, kể cả lá thư cầu cứu mà nhiều công nhân đã trao UBBVLÐVN khi UBBVLÐVN thăm viếng Malaysia hồi Tháng Ba để nhờ phổ biến. Lâu nay, TCFUA và TWU đã tiếp tay UBBVLÐVN trong nhiều công tác. Với 2 nghị quyết này, TCFUA và TWU chính thức nhập cuộc, sát cánh cùng cộng đồng Việt tranh đấu cho người lao động Việt Nam đang bị bóc lột và áp bức.”

Sau đây là nguyên văn các nghị quyết nói trên, do UBBVLÐVN dịch từ tiếng Anh, như sau:

- TWU: “Ðại hội của TWU vô cùng quan tâm trước những trường hợp bóc lột công nhân Việt làm việc tại Malaysia trong kỹ nghệ may mặc. Ðại hội yêu cầu chủ tịch liên bang và tổng thư ký liên bang của TWU viết thư đến đại sứ Malaysia tại Úc và ngoại trưởng Malaysia yêu cầu cho hay chính quyền Mã Lai đã làm gì để chặn đứng sự bóc lột này. Ngoài ra, đại hội cũng yêu cầu văn phòng toàn quốc của TWU viết thư đến ngoại trưởng Úc bày tỏ sự quan tâm và nêu lên nhu cầu cần phải có một cuộc điều tra bởi International Labour Organisation”.

- TCFUA: “TCFUA quan tâm về vấn đề bóc lột công nhân Việt Nam làm việc tại Malaysia trong những xưởng máy sản xuất sản phẩm cho các hãng lớn quốc tế, như UBBVLÐVN đã thông báo cho đại hội đồng của TCFUA. Ðại hội yêu cầu tổng thư ký TCFUA viết thư đến tổng trưởng nhân dụng Malaysia kêu gọi điều tra về tình hình người lao động Việt tại đây. Ngoài ra, TCFUA cũng sẽ xét đến lời yêu cầu của UBBVLÐVN để gởi đại diện TCFUA bay qua Malaysia gặp Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Malaysia (MTUC - Malaysian Trade Union Congress).

Khoảng 120,000 người Việt Nam đang bán sức lao động và bị bóc lột cùng tận tại Mã Lai Á. Ðã có hơn 400 người Việt Nam chết khi đi lao động ở nước này phần nhiều có nguyên nhân mờ ám nhưng không hề được nhà cầm quyền địa phương điều tra. Nhà cầm quyền CSVN cũng không để ý.

“Nó coi mình giống như một kẻ nô lệ cho nó chứ không có một quyền lợi nào cả. Cho nên em rất mong muốn là mình có thể đòi được quyền lợi cho mình và cho tất cả mọi người.” Bà Nguyễn Thị Thanh, một công nhân Việt Nam đang lao động tại Malaysia kể như vậy về tình hình đối xử của chủ nhân đối với lao động Việt Nam nơi bà làm việc trong một cuộc phỏng vấn của một tờ báo điện tử phổ biến trên Internet. “Em sang đất nước Mã Lai này thì mức lương của công nhân mình không bằng lương của công nhân dọn vệ sinh của đất nước họ. Ðiều đó em cũng chẳng biết hỏi ai và cũng chẳng biết tại sao như thế. Những người môi giới Việt Nam tại sao lại chấp nhận điều kiện như thế để đưa người Việt Nam mình sang đây lao động? Ðiều đó rất là bất công. Em cũng hi vọng trong thời gian tới có người nào đó quan tâm đến vấn đề này để bớt thiệt thòi cho những người dân lao động như bọn em.” Một phụ nữ khác tên Phan Thị Bé phát biểu.

Không những không tranh đấu cho công nhân của mình, nhà cầm quyền CSVN còn đả kích hoạt động của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam là “chính trị hóa” vấn đề lao động.

(Nguồn: Người Việt, Friday, June 06, 2008)
 
Văn Hóa
Tủ Sách Công Giáo Tháng 6/2008
Anthony Lê
10:18 07/06/2008
Tủ Sách Công Giáo Tháng 6/2008

Đôi dòng khai mở.......Nhằm mục đích giới thiệu những cuốn sách hay và đáng đọc trong từng tháng, người dịch xin giới thiệu bài viết này, vốn hoàn toàn được trích từ Catholic Digest số ra tháng 6/2008 ở trang 91 để Quý vị tiện theo dõi.

Yours, Jack: Spiritual Direction From C.S. Lewis
Sách 1: Phúc Âm Ngày Xửa Ngày Xưa: Những Bài Giảng Sống Động và Những Suy Niệm Sâu Sắc (Once Upon A Gospel: Inspiring Homilies And Insightful Reflections). Tác giả: Linh Mục William J. Bausch. Sách được xuất bản bởi Nhà Sách Twenty-Third.

Cha Bausch là người thắng giải thưởng Walter J. Burghardt, SJ, trong năm nay dành cho Những Vị Linh Mục Giảng Hay Nhất, và trong cuốn sách này chính là một tuyển tập gồm các bài giảng hay nhất của Ngài. Là một người tự thuật sống động và nhiệt huyết, Cha liên kết Thánh Kinh và Giáo Hội vào trong những thách đố, và bi kịch trong đời sống hằng ngày của chúng ta một cách rất dí dõm, thông mình và hài hước. Đây chính là cuốn sách đáng được mỗi người Công Giáo đọc qua.

Sách 2: Những Cuộc Đối Thoại Của Thú Vật: Những Cuộc Đọ Sức Bất Ngờ Nơi Hoang Dã (The Animal Dialogues: Uncommon Encounters In The Wild). Tác giả: Craig Childs. Sách được xuất bản bởi Nhà Sách Little, Brown&Company.

Nhà tự nhiên học và cũng là tác giả Childs chia sẽ về những nghiên cứu rất gần của Ông với các loài thú chưa được thuần hóa. Từ việc gặp mặt-đối-mặt với một con gấu đen mà Ông cố chụp hình cho được khi nó mới có 12 tuổi, cho đến việc đụng chạm mủi với mủi với một con bọ ngựa đang rình mồi ngay trên cùi khuỷu tay của Ông, những câu chuyện ngắn của Childs rất là sâu sắc, có ý nghĩa và có tính thưởng thức cao.

Sách 3: Của Bạn Đó Jack: Hướng Dẫn Về Tâm Linh Từ C.S. Lewis (Yours, Jack: Spiritual Direction From C.S. Lewis). Tác Giả: C.S. Lewis. Sách được xuất bản bởi Nhà Sách HarperOne.

Đây chính là tuyển tập gồm các lá thư trong đó có những phần hướng dẩn về mặt tâm linh của Lewis (với bút ký là Jack), kể lại cuộc hành trình từ lúc Ông còn trai trẻ khi phải vật lộn với đức tin với một nhà cố vấn uyên bác tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần.

Sách 4: Xây Dựng Nên Những Gia Đình Tốt Đẹp Hơn: Cẩm Nang Hướng Dẫn Cách Nuôi Dạy Nên Những Người Con Tuyệt Vời (Building Better Families: A Practical Guide To Raising Amazing Children). Tác giả: Matthew Kelly. Sách được xuất bản bởi Nhà Sách Ballantine.

Bằng việc “tự trở nên tốt đẹp hơn nơi mỗi người chúng ta,” thì đó cũng là cách mà chúng ta dạy dổ lại cho con cái, khi hướng chúng đến một đời sống lành mạnh và trọn vẹn hơn về mặt thể lý, tâm linh, và xã hội. Tác giả đưa ra những lời khuyên thực tế và những mẩu gương mà các bậc cha-mẹ có thể đem ra áp dụng vào trong đời sống hằng ngày.

Đó chính là những cuốn sách hay và đáng đọc trong tháng 6/2008. Hẹn gặp lại Quý vị vào tháng 07/2008.
 
Làm thế nào tiết kiệm dầu xăng khi chạy môtô? (Cười một tí!)
Vô danh
10:31 07/06/2008
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Giọt Sầu
Nguyễn Đăng Khoa
00:18 07/06/2008

GIỌT SẦU



Ảnh của Nguyễn Đăng Khoa Giáo phận Vinh Việt Nam.

Bao năm tình mãi chẳng gần

Nên hoài mơ mãi một ngày bên nhau

Còn đâu kỷ niệm ban đầu !

Tình vương nỗi nhớ lệ sầu khóc ai?

(Trích thơ của Nguyễn Vạn Thắng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền