Ngày 06-06-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Năm Thánh cho các linh mục – Bài giảng của ĐTC tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô
VietCatholic Network
04:57 06/06/2016
Bản dịch của Vũ Văn An

Nhân dịp Năm Thánh Thương Xót dành cho các linh mục và chủng sinh, kéo dài 3 ngày từ ngày 1 tới ngày 3 tháng Sáu, với chủ đề “Người Chăn Chiên Nhân Lành: Linh Mục trong tư các Thừa Tác Viên của Thương Xót và Cảm Thương, Gần Gũi Dân Mình và Tôi Tớ Mọi Người”, Đức Thánh Cha đã đích thân lần lượt giảng cho các linh mục và chủng sinh ba bài giảng trong cùng ngày 2 tháng Sáu. Bài đầu tiên tại Vương Cung Thánh Đường Gioan Latêranô vào buổi sáng, bài thứ hai tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả vào buổi trưa, và bài thứ ba tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành vào lúc 4 giờ chiều.

Bài thứ nhất: Từ ghẻ lạnh tới cử hành mừng vui

Như chúng ta vốn nói, nếu Tin Mừng trình bầy lòng thương xót như một sự dư tràn tình yêu Thiên Chúa, thì điều đầu tiên chúng ta phải làm là xem xem ở đâu trên thế giới ngày nay, và mọi người trong đó, cần đến thứ dư tràn tình yêu này nhất. Ta cần tự hỏi: lòng thương xót như thế phải được tiếp nhận ra sao. Dòng lũ con nước hằng sống này phải vọt lên trên mảnh đất cằn cỗi và nứt nẻ nào? Đâu là các vết thương cần thứ dầu qúy giá này? Cảm thức bị bỏ rơi nào đang van nài được yêu thương chăm sóc? Cảm thức ghẻ lạnh nào khao khát được ôm ấp và gặp gỡ?

Dụ ngôn mà bây giờ tôi sẽ đề nghị để anh em suy niệm là dụ ngôn về Người Cha đầy lòng thương xót (xem Lc 15: 11-31). Chúng ta thấy bản thân mình đứng trước mầu nhiệm của Người Cha. Tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu với thời điểm khi người con trai hoang đàng đứng ở giữa chuồng heo, trong cái địa ngục của sự ích kỷ nơi, sau khi đã thực hiện tất cả mọi thứ anh ta muốn thực hiện, giờ đây, thay vì được tự do, anh ta cảm thấy mình trở thành nô lệ. Anh ta nhìn vào những con heo đang ăn bã vỏ của chúng ... và anh ta ganh tị với chúng. Anh ta cảm thấy nhớ nhà. Anh ta mong mẩu bánh mới nướng mà đầy tớ trong nhà anh, nhà của cha anh, thường ăn vào bữa ăn sáng. Nhớ nhà ..., hoài hương. Hoài hương là một cảm xúc mạnh mẽ. Giống như lòng thương xót, nó mở rộng tâm hồn. Nó làm chúng ta nghĩ đến trải nghiệm đầu tiên của chúng ta về sự tốt lành - quê hương từ đó chúng ta phát xuất - và nó đánh thức trong chúng ta hy vọng quay trở lại đó. Trước chân trời nhớ nhung bao la này, chàng tuổi trẻ - như Tin Mừng cho chúng ta biết - bỗng trở về với cảm thức của mình và nhận ra rằng anh quả đáng thương.

Không lưu lại ở niềm đáng thương của anh ta, chúng ta hãy chuyển sang thời điểm khác, lúc cha anh ôm lấy anh và hôn anh. Anh vẫn thấy mình còn bẩn thỉu, dù đã mặc quần áo dự tiệc. Anh xỏ vào ngón tay chiếc nhẫn anh đã được ban cho, giống như chiếc nhẫn của cha mình. Anh mang giầy mới ở đôi chân. Anh ngồi giữa buổi tiệc, giữa một đám đông người. Hơi giống chúng ta, nếu có bao giờ chúng ta đi xưng tội trước Thánh Lễ và rỗi bỗng thấy mình được mặc áo và ở giữa một nghi lễ.

Một phẩm giá ngượng ngùng

Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về “phẩm giá ngượng ngùng” của người con trai hoang đàng nhưng được yêu thương này. Nếu chúng ta có thể bình thản giữ cho trái tim của chúng ta được cân bằng giữa hai thái cực - phẩm giá và ngượng ngùng - mà không bỏ điều nào cả, có lẽ chúng ta sẽ cảm nhận được trái tim Người Cha của chúng ta sẽ rộn rã đập nhịp yêu thương như thế nào đối với chúng ta. Chúng ta có thể tưởng tượng: lòng thương xót trào dâng trong nó giống như máu trào dâng. Người đi ra để tìm kiếm chúng ta, những kẻ tội lỗi. Người kéo chúng ta vào lòng Người, thanh tẩy chúng ta và sai chúng ta đi, mới mẻ và đổi mới, tới mọi vùng ngoại vi, để mang lòng thương xót tới cho mọi người. Máu đó là máu của Chúa Kitô, máu của giao ước thương xót mới và vĩnh cửu, đổ ra cho chúng ta và cho tất cả, để được tha tội. Chúng ta suy ngắm máu ấy bằng cách ra vào trái tim Người và trái tim Chúa Cha. Đó là kho báu duy nhất của chúng ta, điều duy nhất chúng ta phải cung cấp cho thế giới: máu thanh tẩy và mang bình an tới cho mọi thực tại và mọi người. Máu của Chúa vốn tha thứ tội lỗi. Máu vốn là của uống thật, vì nó đánh thức và làm sống lại những gì đã chết vì tội lỗi.

Trong lời cầu nguyện thanh thản của chúng ta, lời cầu nguyện chập chờn giữa ngượng ngùng và phẩm giá, giữa phẩm giá và ngượng ngùng, chúng ta hãy xin cho được ơn biết cảm nhận lòng thương xót như đem lại ý nghĩa cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta, ơn biết cảm thấy trái tim Chúa Cha cùng đập như một với trái tim ta ra sao. Nghĩ đến ơn này như một điều Thiên Chúa thỉnh thoảng mới ban cho chúng ta khi Người tha thứ một vài tội lỗi lớn lao của chúng ta, còn sau đó, những phần còn lại, chúng ta có thể phải tự làm lấy một mình.

Thánh Inhaxiô cho chúng ta một hình ảnh rút ra từ nền văn hóa cung đình của thời ngài, nhưng vì lòng trung thành giữa bạn bè là một giá trị trường cửu, nên nó cũng có thể giúp ích chúng ta. Ngài nói rằng, để cảm thấy “ngượng ngùng và xấu hổ” vì tội lỗi của mình (nhưng không quên lòng thương xót của Thiên Chúa), chúng ta có thể sử dụng ví dụ về “một hiệp sĩ đứng trước nhà vua và toàn bộ triều đình của vua, xấu hổ và ngượng ngùng vì đã làm sai cách nặng nề đối với nhà vua, sau khi đã nhận được từ ngài rất nhiều ơn phúc và ơn huệ” (Linh Thao, 74). Nhưng, giống như người con trai hoang đàng, thấy mình ở giữa bàn tiệc, chàng hiệp sĩ này, người nên cảm thấy xấu hổ trước mặt mọi người, đột nhiên thấy nhà vua nắm lấy tay chàng và phục hồi phẩm giá của chàng. Quả thật, không những nhà vua yêu cầu chàng theo ngài lâm trận, ngài còn đặt chàng đứng đầu các đồng nghiệp của chàng nữa. Chàng hiệp sĩ này sẽ phục vụ ngài với môt lòng khiêm cung và trung thành từ đó trở về sau xiết bao!

Bất kể chúng ta coi mình như người con trai hoang đàng ở giữa bàn tiệc, hay chàng hiệp sĩ trung thành được phục hồi và thăng thưởng, điều quan trọng là mỗi người chúng ta cảm nhận được sự căng thẳng có hiệu quả phát sinh từ lòng thương xót của Chúa: chúng ta cùng một lúc là những kẻ tội lỗi được ân xá và những kẻ tội lỗi được phục hồi phẩm giá.

Simon Phêrô đại diện khía cạnh thừa tác của sự căng thẳng lành mạnh này. Tại mỗi bước trên đường đi, Chúa đều huấn luyện ngài trở thành cả Simon lẫn Phêrô. Simon, người đàn ông bình thường với tất cả những lỗi lầm và bất nhất của mình, và Phêrô, người mang chìa khóa dẫn đầu những người khác. Khi Anrê đem Simon, mới từ lưới cá lên, tới với Chúa Kitô, Chúa ban cho ông tên Phêrô, nghĩa là Đá. Tuy nhiên, ngay sau khi ca ngợi lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, một lời tuyên xưng vốn xuất phát từ Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nghiêm khắc khiển trách ông vì đã bị cám dỗ nghe lời ma quỷ mà nói với Người chạy trốn khỏi thập giá. Chúa Giêsu sau đó, đã mời Phêrô đi trên nước; Người sẽ để ông chìm trong sợ hãi chỉ để sau đó dơ thẳng tay ra và kéo ông lên. Ngay sau khi Phêrô xưng thú rằng mình là một kẻ tội lỗi, Chúa đã biến ông thành một người đánh cá người. Người sẽ tra vấn Phêrô nhiều về tình yêu của ông, cố ý thấm nhiễm nơi ông niềm hối hận và xấu hổ vì sự bất trung thành và lòng hèn nhát của mình, nhưng Người cũng sẽ ba lần giao phó cho ông chăm sóc đoàn chiên của Người.

Đó là cách chúng ta phải thấy mình: thăng bằng giữa xấu hổ hoàn toàn và phẩm giá tuyệt vời của chúng ta. Dơ bẩn, không trong sạch, tầm thường và ích kỷ, nhưng đồng thời, với bàn chân đã rửa sạch, được gọi và được chọn để phân phối các ổ bánh hóa nhiều của Chúa, được chúc phúc bởi dân của chúng ta, được yêu thương và chăm sóc. Chỉ có lòng thương xót mới làm ta chịu đựng được tình thế đó. Không có nó, hoặc chúng ta tin vào sự công chính của chúng ta như những người Biệt Phái, hoặc chúng ta co rúm lại như những người cảm thấy bất xứng. Trong cả hai trường hợp, trái tim chúng ta đều trở nên chai đá.

Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn một chút vào điều này, và hỏi tại sao sự căng thẳng này lại có hiệu quả như thế. Vì, theo tôi, nó là kết quả của một quyết định tự do. Chúa hành động chủ yếu thông qua tự do của chúng ta, mặc dù sự giúp đỡ của Người không bao giờ rời xa chúng ta. Lòng thương xót là một vấn đề tự do. Như một cảm xúc, nó phát sinh một cách tự phát. Khi chúng ta nói rằng nó có tính bản năng, xem ra nó đồng nghĩa với “thú tính”. Nhưng thú vật không cảm nghiệm lòng thương xót “tinh thần”, mặc dù một số trong chúng có thể cảm nghiệm được một điều gì đó giống như lòng cảm thương, như con chó trung thành canh giữ bên cạnh người chủ ốm yếu của mình. Lòng thương xót là một cảm xúc theo bản năng nhưng nó cũng có thể là kết quả của một cái nhìn sâu sắc trí tuệ tinh tường – làm sửng sốt như một tia sét nhưng không kém phần phức tạp vì tính đơn giản của nó. Chúng ta trực giác được nhiều điều khi cảm nhận được lòng thương xót. Thí dụ như hiểu được rằng một người nào khác đang sa vào một tình trạng tuyệt vọng, một tình huống có giới hạn; một điều gì đó đang xảy ra lớn hơn tội lỗi và thiếu sót của mình. Chúng ta cũng nhận ra rằng người khác đó là người đồng trang đồng lứa với chúng ta, rằng chúng ta có thể đứng trong đôi giày của họ. Hoặc sự ác là một điều to lớn và nặng nề đến nỗi không thể chỉ đơn giản được được giải quyết bằng công lý mà thôi... Tận đáy lòng, chúng ta nhận ra rằng điều cần là một lòng thương xót vô hạn, giống như lòng thương xót của trái tim Chúa Kitô, mới sửa chữa được mọi điều ác và đau khổ chúng ta thấy trong cuộc sống của con người ... Bất cứ điều gì ít hơn thế đều không đủ. Chúng ta có thể hiểu rất nhiều điều chỉ bằng cách đơn giản nhìn thấy một người đi chân đất trên đường phố vào một buổi sáng lạnh lẽo, hoặc bằng cách suy ngắm Chúa bị đóng đinh trên thập giá - vì tôi!

Hơn nữa, lòng thương xót có thể được tự do chấp nhận và nuôi dưỡng, hoặc tự do từ chối. Nếu chúng ta chấp nhận nó, điều này sẽ dẫn đến điều kia. Nếu chúng ta chọn bỏ qua nó, trái tim của chúng ta sẽ trở nên lạnh lùng. Lòng thương xót làm chúng ta cảm nghiệm được sự tự do của chúng ta, và do đó, sự tự do của chính Thiên Chúa, Đấng, như Người đã nói với Môsê, “thương xót với những ai Người thương xót” (xem Đnl 5:10). Qua lòng thương xót của Người, Chúa đã nói lên tự do của Người. Và chúng ta, chúng ta nói lên tự do của chúng ta.

Chúng ta có thể “bất cần” lòng thương xót của Chúa trong một thời gian dài. Nói cách khác, chúng ta có thể sống trên đời mà không hề suy nghĩ về nó một cách có ý thức hay minh nhiên yêu cầu có nó. Rồi một ngày nào đó, chúng ta bỗng nhận ra “tất cả là lòng thương xót” và chúng ta khóc lóc thảm thiết vì đã không biết đến nó sớm hơn, khi chúng ta cần nó nhất!

Cảm giác trên là một loại khốn cùng tinh thần. Nó là một nhận thức hoàn toàn có tính bản thân khi hiểu ra rằng ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống của tôi, tôi đã quyết định đi một mình: Tôi đã thực hiện sự lựa chọn của tôi và tôi đã chọn nó một cách tệ hại. Đó là những vực thẳm mà chúng ta cần với tới để cảm thấy đau đớn vì tội lỗi chúng ta và sự ăn năn thật. Nếu không, chúng ta sẽ thiếu tự do để thấy rằng tội lỗi quả đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không nhận ra sự khốn cùng của chúng ta, và do đó chúng ta bỏ lỡ cơ hội thương xót, một cơ hội chỉ hành động với điều kiện đó. Người ta không tới một dược phòng và hỏi mua một viên aspirin để chữa lòng thương xót. Muốn chữa lòng thương xót, chúng ta phải mua morphine, cho người bị bệnh ở giai đoạn chót và đang bị hành hạ hết sức đau đớn.

Trái tim mà Thiên Chúa muốn nối kết với nỗi khốn cùng tinh thần này của chúng ta là trái tim của Chúa Kitô, Con yêu dấu của Người, một trái tim đập như một với trái tim của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đó là một trái tim đã chọn lộ trình nhanh nhất và đã đi lộ trình này. Lòng thương xót đã làm bàn tay mình ra vấy bẩn. Nó đụng chạm, nó can dự, nó cấu kết với những người khác, nó trở thành bản vị. Nó không tiếp cận “các trường hợp”, nhưng tiếp cận những con người và nỗi đau của họ. Lòng thương xót vượt quá công lý; nó mang lại kiến thức và lòng cảm thương; nó dẫn đến việc tham gia. Qua phẩm giá nó mang lại, lòng thương xót đã nâng người khác lên, người được người ta cúi xuống giúp đỡ. Người biểu lộ lòng thương xót và người được lòng thương xót biểu lộ trở thành bình đẳng.

Đó là lý do tại sao ta cần có Người Cha để cử hành, để mọi sự được phục hồi cùng một lúc, và để người con trai của ông có thể lấy lại phẩm giá đã mất của mình. Việc hiểu ra này làm ta có thể nhìn về tương lai theo một cách khác. Không phải lòng thương xót bỏ qua sự thiệt hại khách quan do điều ác mang lại. Đúng hơn, nó lấy đi sức mạnh của tà ác đối với tương lai. Nó lấy đi sức mạnh của tà ác đối với đời sống, một đời sống sau đó vẫn tiếp tục diễn tiến. Lòng thương xót là biểu thức chính hiệu của cuộc sống sẵn sàng chống lại sự chết, vốn là kết quả cay đắng của tội lỗi. Với tính cách ấy, nó hoàn toàn sáng suốt và không hề ngây thơ. Nó không hề bị mù đối với điều ác; đúng hơn, nó thấy cuộc sống vắn vỏi xiết bao và mọi điều tốt vẫn còn cần được thực hiện như thế nào. Đó là lý do tại sao điều rất quan trọng là tha thứ hoàn toàn, để nhiều người khác có thể nhìn về tương lai mà không lãng phí thời gian vào việc tự kết tội mình và tự thương hại vì các lỗi lầm quá khứ của mình. Khi bắt đầu biết quan tâm tới những người khác, chúng ta sẽ xét lương tâm của chúng ta, và theo mức độ giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ đền bù các sai sót chính chúng ta đã làm. Lòng thương xót luôn nhuốm màu hy vọng.

Để chúng ta được trái tim đang đập của Chúa Cha lôi cuốn và sai đi là tiếp tục ở lại trong sự căng thẳng lành mạnh giữa ngượng ngùng và phẩm gía này. Để chúng ta được lôi cuốn vào trái tim của Người, như máu đã vị vấy bẩn trên đường trao ban sự sống cho tứ chi, ngõ hầu Chúa có thể làm sạch chúng và rửa chân chúng ta. Để chúng ta được sai đi, đầy đủ lượng oxy của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu làm sống lại toàn bộ cơ thể, đặc biệt là những chi thể ở xa nhất, yếu đuối và bị tổn thương.

Một linh mục đã từng nói với tôi về một người ở đường phố, kết cục phải sống trong một nhà tế bần. Ông đã bị tiêu hao bởi sự cay đắng và không tương tác với những người khác. Ông là một người có học vấn, như sau này họ phát hiện ra. Đôi khi sau đó, người đàn ông này đã phải nhập viện vì một căn bệnh đã đến hồi cuối cùng. Ông nói với vị linh mục rằng trong khi ông ở đó, cảm thấy trống rỗng và vỡ mộng, người đàn ông ở giường bên cạnh yêu cầu ông di chuyển chiếc bình cạnh giường của mình và đổ nó đi. Lời yêu cầu từ một người thực sự có nhu cầu này, một người đã trở nên tồi tệ hơn ông, đã mở mắt và trái tim ông đón nhận một cảm giác mạnh mẽ về tình người, một mong muốn được giúp đỡ một người khác và để chính mình được Thiên Chúa giúp đỡ. Một hành vi thương xót đơn giản đã đưa ông tới chỗ tiếp giáp với lòng thương xót vô hạn. Nó đã dẫn ông đến việc giúp đỡ người khác, và khi làm như vậy, chính ông đã được giúp đỡ. Ông qua đời sau khi xưng tội, và qua đời trong bình an.

Vì vậy, tôi để anh em ở lại với bài dụ ngôn về Người Cha thương xót, bây giờ là lúc chúng ta, chúng ta đã bước vào tình thế trong đó người con trai cảm thấy bẩn thỉu dù đã được mặc quần áo, một tội nhân có phẩm giá, xấu hổ vì mình, nhưng tự hào về cha mình. Dấu chỉ ta vừa bước vào là chính chúng ta muốn trở nên thương xót đối với mọi người. Đây là ngọn lửa Chúa Giêsu đã xuống thế để đem đến cho trần gian, một ngọn lửa thắp cháy mọi ngọn lửa khác. Nếu tia lửa không bắt, thì chính bởi vì một trong những tim đèn không bắt liên lạc. Hoặc vì quá xấu hổ, mà không chịu bóc trần dây điện và, thay vì tự do thú nhận: “Tôi đã làm điều này hay điều nọ”, vẫn cứ trùm bọc; hoặc vì quá trọng phẩm giá, nên chạm vào thứ gì cũng cần găng tay.

Dư tràn lòng thương xót

Cách duy nhất để chúng ta “dư tràn” trong việc đáp ứng lòng thương xót quá mức của Thiên Chúa là hoàn toàn mở lòng ra để tiếp nhận nó và chia sẻ nó với những người khác. Tin Mừng cho chúng ta nhiều ví dụ cảm động về những người đã đi đến dư tràn ngõ hầu nhận được lòng thương xót của Người. Người bại liệt chẳng hạn đã được bạn bè đưa anh từ mái nhà xuống chỗ Chúa đang rao giảng. Hoặc người phung cùi bỏ chín đồng bạn của mình để trở lại tôn vinh và lớn tiếng tạ ơn Thiên Chúa, bằng cách qùy mọp dưới chân Chúa. Hoặc người mù lòa Bartimêô mà tiếng kêu van kịch liệt đã làm Chúa Giêsu dừng lại trước mặt anh. Hoặc người phụ nữ bị xuất huyết, rụt rè đến gần Chúa và chạm vào áo choàng của Người; như Tin Mừng cho chúng ta biết, Chúa Giêsu cảm thấy một sức mạnh-một thứ dynamis (nhân điện?)- “xuất ra” khỏi Người ... Tất cả đều là những ví dụ về sự tiếp xúc có thể đốt sáng các ngọn lửa và giải phóng sức mạnh tích cực của lòng thương xót. Rồi chúng ta cũng có thể nghĩ đến người đàn bà tội lỗi, từng rửa chân Chúa bằng nước mắt và lau khô chúng bằng mái tóc của nàng; Chúa Giêsu nhìn thấy việc biểu lộ tình yêu dư tràn của nàng như một dấu chỉ cho thấy nàng đã nhận được một lòng thương xót lớn lao. Những người bình thường - những người tội lỗi, những người ốm yếu và những người bị quỷ ám- đều được Chúa nâng dậy ngay lập tức. Người làm họ từ loại trừ bước qua bao gồm trọn vẹn, từ ghẻ lạnh bước qua ôm ấp. Đó là cách nói lên rằng: lòng thương xót làm chúng ta bước “từ ghẻ lạnh qua cử hành mừng vui”. Và nó chỉ có thể hiểu được bằng chìa khóa hy vọng, bằng chìa khoá tông đồ, bằng chìa khóa nhận biết lòng thương xót và sau đó biểu lộ lòng thương xót.

Chúng ta hãy kết luận bằng cách đọc Kinh Ngợi Khen Lòng Thương Xót, tức Thánh Vịnh 51 của Vua Đavít, một Thánh Vịnh ta đọc mỗi Thứ Sáu vào giờ Kinh Ban Sáng. Đây là Kinh Ngợi Khen của “một trái tim khiêm nhường và thống hối” có khả năng thú nhận tội lỗi của mình trước Thiên Chúa, Đấng, trong lòng trung tín của Người, vốn lớn hơn bất cứ tội lỗi nào của chúng ta. Nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của người con trai hoang đàng, vào lúc, thay vì bị Cha quở trách, anh phát hiện Cha anh đang tổ chức một tiệc vui, chúng ta có thể tưởng tượng chắc hẳn anh ta sẽ đọc Thánh Vịnh 51. Chúng ta có thể đọc Thánh Vịnh này kiểu đáp ca với anh. Ta có thể nghe thấy anh đọc: “Xin thương xót con, ôi lạy Thiên Chúa, trong lòng nhân từ của Ngài; trong lòng cảm thương của Ngài, xin xóa hết hành vi tội lỗi của con “... Và chúng ta tiếp theo: “Các hành vi tội lỗi của con, con thật sự biết rõ chúng; tội lỗi của con luôn ở trước mặt con “. Và cùng thân thưa: “Lạy Cha, con đã phạm tội chống lại Cha, chống lại Cha, chỉ một mình Cha”.

Ước chi lời cầu nguyện của chúng ta nổi lên từ sự căng thẳng nội tâm vốn gợi lên lòng thương xót, sự căng thẳng giữa sự xấu hổ biết thân thưa: “Xin Ngài ngoảnh mặt khỏi tội lỗi của con, và xóa hết mọi tội lỗi của con”, và sự tự tin biết nói: “Ôi, xin thanh tẩy con, thì con sẽ được sạch sẽ; Ôi, xin rửa con, tì con sẽ được trắng hơn tuyết”. Một sự tự tin biết trở thành tông đồ: “Một lần nữa, hãy ban cho con niềm vui được Ngài giúp đỡ; hãy nâng đỡ con bằng tinh thần nhiệt thành, để con dạy cho kẻ phạm tội biết đường lối của Ngài, và những kẻ tội lỗi biết trở về với Ngài”.
 
Mùi thơm của Chúa Kitô và ánh sáng lòng thương xót của Người, bài giảng thứ ba của Đức Phanxicô cho các linh mục nhân dịp Năm Thánh Thương Xót
Vũ Văn An
16:35 06/06/2016


Trong buổi gặp gỡ thứ ba của chúng ta này, tôi đề nghị chúng ta suy niệm về các việc thương xót, bằng cách tiếp nhận bất cứ việc nào ta cảm thấy có liên hệ mật thiết nhất với đặc sủng của chúng ta, và bằng cách nhìn vào các việc này như một toàn thể. Chúng ta có thể chiêm ngắm chúng qua con mắt thương xót của Đức Mẹ, đấng giúp ta tìm ra "rượu đang thiếu" và khuyến khích chúng ta "làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu nói với chúng ta" (Ga 2: 1-12), ngõ hầu lòng thương xót của Người có thể làm các phép lạ mà người của chúng ta cần.

Các việc thương xót được liên kết chặt chẽ với các "giác quan tâm linh". Trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta xin ơn biết "cảm nhận và thưởng thức" Tin Mừng đến nỗi nó có thể làm chúng ta "nhạy cảm" hơn trong cuộc sống của chúng ta. Được Chúa Thánh Thần đánh động và được Chúa Giêsu dẫn dắt, chúng ta có thể, bằng con mắt của lòng thương xót, nhìn thấy từ xa những người gục ngã dọc bên đường. Chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của Bartimêô và cùng với Chúa Giêsu, cảm thấy cái đụng tay nhút nhát nhưng cương quyết của người phụ nữ bị băng huyết, khi bà nắm lấy áo choàng của Người. Chúng ta có thể xin ơn cùng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh biết nếm mật đắng của tất cả những người đang chia sẻ thập giá của Người, và ngửi thấy mùi hôi của khốn khổ - trong các bệnh viện dã chiến, trong xe lửa và trong các tàu thuyền chật ních người. Dầu của lòng thương xót không che đây được mùi hôi này. Đúng hơn, khi xức dầu này, nó nức lên niềm hy vọng mới.

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, khi thảo luận về các việc thương xót, cho chúng ta biết rằng "khi mẹ ngài trách cứ ngài đã chăm sóc người nghèo và người bệnh tại nhà, Thánh Rose thành Lima nói với bà rằng: ‘Khi chúng ta phục vụ người nghèo và người bệnh, chúng ta là mùi thơm của Chúa Kitô’"(số 2449, Latinh). Mùi thơm của Chúa Kitô đó - tức việc chăm sóc người nghèo - vốn là, và luôn luôn đã là, dấu ấn của Giáo Hội. Thánh Phaolô đã làm cho nó trở thành trọng tâm của cuộc họp giữa ngài với các Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, vốn là "các cột trụ" của Giáo Hội. Ngài nói với chúng ta rằng các ngài "chỉ xin một điều, đó là chúng ta nhớ đến người nghèo" (Gl 2:10). Sách Giáo Lý nói tiếp một cách đáng kể rằng "những người bị áp bức bởi nghèo khó là đối tượng của một tình yêu ưu tiên đối với Giáo Hội, một tình yêu mà từ những ngày đầu của Giáo Hội, và bất chấp các thiếu sót của nhiều chi thể của Giáo Hội, vẫn không ngừng làm việc để cứu trợ, bảo vệ và giải phóng họ"(số 2448).

Trong Giáo Hội, chúng ta phạm, và đã luôn luôn phạm, nhiều tội lỗi và thiếu sót. Nhưng khi nói đến việc phục vụ người nghèo bằng các việc thương xót, trong tư cách một Giáo Hội, chúng ta đã luôn luôn đi theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Các thánh của chúng ta đã làm điều này theo những cách khá sáng tạo và hữu hiệu. Tình yêu đối với người nghèo đã là dấu hiệu, là ánh sáng thu hút mọi người để làm vinh danh Chúa Cha. Giáo dân ta đánh giá cao điều này nơi một linh mục biết quan tâm tới người nghèo và người bệnh, tới những người có tội được ngài tha thứ và tới những người được ngài kiên nhẫn dạy dỗ và sửa chữa. .. Giáo dân ta tha thứ cho các linh mục chúng ta nhiều sai phạm, ngoại trừ sai phạm quá dính bén với tiền bạc. Điều này không liên quan nhiều tới chính tiền bạc cho bằng sự kiện này: tiền bạc làm chúng ta quên lãng kho tàng của lòng thương xót. Giáo dân ta có thể đánh hơi được tội lỗi nào thực sự nghiêm trọng đối với một linh mục, những tội nào giết chết thừa tác vụ của ngài vì chúng biến ngài thành một quan chức hoặc còn tệ hơn nữa, thành một kẻ làm thuê. Họ cũng có thể nhận ra những tội lỗi nào, tôi sẽ không nói là phụ thuộc, nhưng là thứ tội cần được mang giống như một thánh giá, cho đến khi, cuối cùng, Chúa sẽ đốt chúng đi như đốt trấu. Nhưng sự thất bại của một linh mục có lòng thương xót là một mâu thuẫn trắng trợn. Nó đánh ngay vào tâm điểm của ơn cứu rỗi, chống lại chính Chúa Kitô, Đấng "đã trở thành nghèo để nhờ cái nghèo của Người, chúng ta có thể trở nên giàu có" (xem 2Cr 8: 9). Vì lòng thương xót chữa lành "nhờ mất đi một điều gì tự nó". Chúng ta cảm thấy nhói đau hối tiếc và chúng ta mất đi một phần cuộc sống của chúng ta, bởi vì, thay vì làm những gì chúng ta muốn làm, chúng ta đã vươn tay ra với một người nào khác.

Như thế, đây không phải là việc Thiên Chúa tỏ cho tôi thấy lòng thương xót đối với tội này hay tội nọ, như thể tôi là người tự túc, hoặc là việc chúng ta thực hiện một số hành vi thương xót đối với người này hoặc người nọ có nhu cầu. Ân sủng chúng ta tìm kiếm trong lời cầu nguyện này là để cho mình được Thiên Chúa tỏ lòng thương xót trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta và đến lượt ta, ta tỏ lòng thương xót với nhiều người khác trong mọi việc chúng ta làm. Là linh mục và giám mục, chúng ta làm các bí tích, rửa tội, giải tội, cử hành Thánh Lễ. .. Lòng thương xót là cách chúng ta biến toàn bộ cuộc sống của dân Chúa thành một bí tích. Có lòng thương xót không những là "một lối sống", mà là "lối sống" duy nhất. Không có cách nào khác để làm một linh mục. Cha Brochero, sẽ được phong thánh nay mai, đã nói điều này: "linh mục nào ít có lòng thương xót đối với các tội nhân thì chỉ là linh mục một nửa. Những lễ phục tôi mặc không làm tôi thành một linh mục; nếu tôi không có lòng bác ái trong tâm hồn, tôi không là ngay cả một Kitô hữu".

Nhìn thấy nhu cầu và cứu trợ ngay lập tức, và còn hơn thế nữa, dự đoán các nhu cầu đó: đấy chính là dấu chỉ cái nhìn của một người cha. Ánh mắt linh mục này – một ánh mắt chiếm vị trí của người cha giữa lòng Mẹ Giáo Hội - làm chúng ta nhìn người ta bằng con mắt của lòng thương xót. Nó cần được học ngay từ trong chủng viện, và nó phải làm giàu cho tất cả các kế hoạch và dự án mục vụ của chúng ta. Chúng ta mong muốn, và chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta, một cái nhìn có khả năng biện phân được các dấu chỉ thời đại, biết "những việc thương xót nào dân chúng của ta ngày hôm nay cần đến" ngõ hầu cảm nhận được và thưởng thức được vị Thiên Chúa của lịch sử, Đấng đang đồng hành với họ. Vì, như Văn Kiện Aparecida đã nói, qua câu trích dẫn Thánh Alberto Hurtado: "Trong các việc làm của chúng ta, người dân chúng ta biết rằng chúng ta hiểu được nỗi khổ của họ" (số 386). Trong các việc làm của chúng ta. ..

Bằng chứng mà chúng ta hiểu là các việc thương xót của ta được Chúa chúc lành và gặp được sự giúp đỡ và hợp tác của người dân chúng ta. Một số kế hoạch và dự án không diễn tiến tốt, mà không ai hiểu lý do tại sao bao giờ. Họ nặn óc, cố gắng moi ra một kế hoạch mục vụ, khi một ai đó chỉ biết nói: "Nó không tiến hành được đâu vì thiếu lòng thương xót", không cần cố gắng thêm làm gì. Nếu nó không được chúc phúc, thì là vì nó thiếu lòng thương xót. Thiếu lòng thương xót vẫn thấy nơi một bệnh viện dã chiến, chứ không phải nơi một bệnh xá đắt tiền; thiếu lòng thương xót vốn trân quí lòng tốt và mở cửa cho cuộc cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, chứ không phải làm một ai đó phải quay gót trước những lời chỉ trích gay gắt. ..

Tôi đề nghị một lời cầu nguyện dựa trên việc người phụ nữ được tha thứ tội lỗi (Ga 8: 3-11), để xin ơn thương xót nơi tòa giải tội, và một lời cầu nguyện khác dựa trên chiều kích xã hội của các việc thương xót.

Tôi luôn luôn bỡ ngỡ bởi đoạn văn nói về cuộc gặp gỡ của Chúa với người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình, và, khi từ chối lên án nàng, Người "đã vi phạm" Lề Luật ra sao. Để trả lời câu họ hỏi dùng để thử thách Người - "có nên ném đá cô ta hay không?" - Người đã không ra luật, Người đã không áp dụng lề luật. Người giả bộ câm, và rồi quay sang một điều khác. Nhờ thế, Người đã khởi diễn một quá trình trong trái tim người phụ nữ đang cần được nghe những lời này: "tôi cũng không kết tội chị". Người vươn tay ra và giúp nàng đứng dậy, cho nàng nhìn thấy ánh mắt dịu dàng làm thay đổi trái tim nàng.

Đôi khi tôi cảm thấy một chút buồn và khó chịu khi người ta đi thẳng tới những lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với người phụ nữ này: "Hãy đi và đừng phạm tội nữa". Họ sử dụng những chữ này để "bênh vực" Chúa Giêsu khỏi tội bỏ qua luật pháp. Tôi tin những lời của Chúa Kitô liền mảnh làm một với hành động của Người. Người cúi xuống viết trên mặt đất như một khúc dạo đầu cho những gì Người muốn nói với những người muốn ném đá người phụ nữ, và Người làm như vậy một lần nữa trước khi nói với nàng. Điều này cho chúng ta biết một điều gì đó về "thời gian" Chúa sẽ dùng để phán xử và tha thứ.

Thời gian Người cho mỗi người để họ nhìn vào trái tim của mình và rồi bước đi. Khi nói với người phụ nữ, Chúa đã mở ra nhiều không gian khác: một là không gian không kết án. Tin Mừng nêu rõ không gian rộng mở này. Nó làm chúng ta nhìn sự việc qua đôi mắt của Chúa Giêsu, Đấng nói với chúng ta: "Tôi không thấy ai khác, ngoài người phụ nữ này".

Rồi, Chúa Giêsu làm cho người phụ nữ nhìn quanh. Người hỏi nàng: "những người lên án chị đâu cả rồi?" (chữ "lên án" tự nó rất quan trọng, vì nó nói tới điều ta thấy không thể chấp nhận được liên quan tới những người phán xét hay biếm họa chúng ta. ..). Sau khi đã mở ra trước mắt nàng cái không gian không có sự phán xét người khác này, Người nói với nàng rằng Người cũng sẽ không ném một hòn đá nào ở đó: "Tôi cũng không lên án chị". Rồi Người mở ra một không gian tự do nữa trước mắt nàng: "Hãy đi và đừng phạm tội nữa". Mệnh lệnh của Người có liên quan với tương lai, để giúp nàng thực hiện một khởi đầu mới và "bước đi trong tình yêu". Sự nhạy cảm của lòng thương xót là đây: nó cảm thương ngoái nhìn dĩ vãng và đưa ra lời khích lệ tương lai.

Những lời "Hãy đi và đừng phạm tội nữa" không dễ dàng. Chúa nói chúng ra "với nàng". Người giúp nàng đặt thành lời những gì chính bản thân nàng đã cảm nhận, một chữ "không" đầy tự do đối với tội lỗi giống chữ "vâng" của Đức Maria đối với ân sủng. Chữ "không" này cần được nói cho thứ tội lỗi bắt rễ sâu vốn hiện diện trong tất cả mọi người. Nơi người đàn bà này, nó là một tội xã hội; người ta đến gần nàng, hoặc để ngủ với nàng hoặc để ném đá nàng. Đó là lý do tại sao Chúa không những khai quang đường đi trước mặt nàng, Người còn đặt nàng lên con đường này, để nàng có thể chặn đứng việc trở thành "đối tượng" cho người khác nhìn và thay vào đó nhận lấy quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Những lời "đừng phạm tội nữa" không những ám chỉ luân lý tính, nhưng, tôi tin, còn ám chỉ thứ tội vốn cản ngăn nàng sống cuộc sống của nàng. Chúa Giêsu cũng nói với người bại liệt ở Bethzatha đừng phạm tội nữa (Ga 5:14). Nhưng người đàn ông đó đã tự biện minh bằng tất cả những điều đáng buồn đã "xảy ra với anh"; anh ta bị chứng mặc cảm nạn nhân. Do đó, Chúa Giêsu đã thách thức anh ta cách khá nhẹ nhàng chưa từng có bằng cách nói: "... kẻo một điều gì đó tệ hơn có thể xảy đến với ngươi". Chúa đã tận dụng lối suy nghĩ của anh ta, nỗi sợ của anh ta, để kéo anh ta ra khỏi cảnh tê liệt của mình. Tôi dám nói, Người đã đem tới cho anh ta một chút e sợ. Trọng điểm là mỗi người chúng ta phải nghe những lời "đừng phạm tội nữa" theo phương thức sâu sắc của chính bản thân mình.

Hình ảnh về Chúa, Đấng đặt người ta lên đường đi của họ, là hình ảnh hết sức đặc trưng. Người là Đấng Thiên Chúa bước đi bên cạnh dân của Người, Đấng dẫn họ về phía trước, Người đồng hành với lịch sử của chúng ta. Do đó, đối tượng của lòng thương xót của Người khá rõ ràng: nó là tất cả mọi điều giữ cho một người đàn ông hoặc một người đàn bà tiếp tục bước trên nẻo đường chính, cùng với dân của họ, theo tốc độ của riêng họ, tới nơi Thiên Chúa yêu cầu họ tới. Điều làm Người lo phiền là người ta đi lạc, hoặc rơi lại phía sau, hoặc cố gắng theo lối riêng của họ. Là kết cục sẽ không đi tới đâu. Là họ không ở đó chờ Chúa, sẵn sàng đi tới bất cứ nơi nào Người muốn sai họ tới. Là họ không đi một cách khiêm nhường trước mặt Người (xem Mk 6: 8), là họ không bước đi trong tình yêu (xem Ep 5: 2).

Không gian của tòa giải tội, nơi sự thật làm chúng ta tự do

Nói tới không gian, chúng ta hãy đi đến tòa giải tội. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo trình bày tòa giải tội như là nơi sự thật làm chúng ta được tự do để gặp gỡ. "Khi cử hành bí tích giải tội, linh mục hoàn thành thừa tác vụ của Đấng Chăn Chiên Lành trên đường tìm con chiên lạc, của người Samaria Nhân Hậu đang băng bó các vết thương, của Người Cha đang chờ đợi đứa con trai hoang đàng và chào đón anh trên đường trở về, và của Thẩm Phán công minh và vô tư phán xử vừa công chính vừa thương xót. Linh mục là dấu chỉ và khí cụ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân "(số 1465). Sách Giáo Lý cũng nhắc nhở chúng ta rằng "cha giải tội không phải làm chủ sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng làm tôi tớ của nó. Thừa tác viên của bí tích này nên kết hợp với ý định và đức ái của Chúa Kitô "(số 1466).

Các dấu chỉ và công cụ của gặp gỡ. Đó là những gì chúng ta là. Một lời mời hấp dẫn để gặp gỡ. Là các dấu chỉ, chúng ta phải có thái độ chào đón, đưa ra một thông điệp có thể thu hút sự chú ý của người ta. Các dấu chỉ này cần phải nhất quán và rõ ràng, nhưng trên hết phải dễ hiểu. Một số dấu hiệu chỉ rõ ràng dễ hiểu đối với các chuyên gia. Dấu chỉ và các công cụ. Công cụ phải hữu hiệu, có sẵn đó, chính xác và phù hợp với công việc. Chúng ta là những công cụ nếu mọi người có được cuộc gặp gỡ chân chính với Thiên Chúa của lòng thương xót. Nhiệm vụ của chúng ta là "làm cho cuộc gặp gỡ này khả hữu", mặt đối mặt. Những gì người ta làm sau đó là việc của họ. Có đứa con trai hoang đàng giữa bầy heo và người cha mỗi chiều ra ngoài để xem xem liệu anh ta có trở về nhà hay không. Có con chiên lạc và một mục tử ra đi để tìm kiếm nó. Có người bị thương bị bỏ lại bên đường và người Samaria nhân hậu. Thừa tác vụ của chúng ta là gì? Là làm dấu chỉ và dụng cụ giúp cuộc gặp gỡ này thành khả hữu. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng chúng ta không phải là người cha, người chăn chiên hoặc Samaria. Đúng hơn, bao lâu còn là các tội nhân, chúng ta vẫn chỉ đang ở phía bên kia của ba vị này. Thừa tác vụ của chúng ta phải là dấu chỉ và khí cụ của cuộc gặp gỡ này. Chúng ta là thành phần của mầu nhiệm Chúa Thánh Thần, Đấng tạo ra Giáo Hội, xây dựng sự hiệp nhất, và không ngừng mời ta vào cuộc gặp gỡ.

Một đặc điểm khác của dấu chỉ và khí cụ là nó không qui chiếu về chính mình. Nói đơn giản hơn, nó không phải là một cùng đích trong chính nó. Không ai dính kết với một dấu hiệu, khi đã hiểu rõ thực tại của nó. Không ai tiếp tục nhìn vào cái tuốc nơ vít hay cái búa, nhưng nhìn vào bức tranh treo ngay ngắn. Chúng ta là những đầy tớ vô dụng. Là dụng cụ và dấu hiệu giúp hai con người kết hợp với nhau trong một cái ôm, giống như người cha và đứa con trai của ông.

Đặc điểm thứ ba của dấu chỉ và khí cụ là sự sẵn sàng có đó. Dụng cụ cần phải sẵn sàng có đó để được sử dụng; dấu hiệu phải được nhìn thấy. Làm một dấu chỉ và khí cụ là làm một người trung gian. Có lẽ đây là chìa khóa thực sự dẫn vào sứ vụ của chúng ta trong cuộc gặp gỡ đầy lòng thương xót của Thiên Chúa và con người. Thậm chí, chúng ta còn có thể diễn tả nó bằng những từ ngữ tiêu cực. Thánh Inhaxiô nói tới việc "không vào được đường". Người trung gian tốt làm cho mọi thứ ra dễ dàng, chứ không thiết lập ra chướng ngại vật. Ở nước tôi, có một cha giải tội nổi tiếng, Cha Cullen. Ngài ngồi ở tòa giải tội và làm một trong hai việc: ngài sửa những trái banh túc cầu đã mòn cho những đứa trẻ địa phương, hoặc dùng ngón tay cái lật một cuốn từ điển lớn tiếng Trung Quốc. Ngài thường nói rằng khi người ta thấy ngài làm những việc hoàn toàn vô dụng như sửa trái banh cũ hoặc cố gắng thông thạo tiếng Trung Quốc như thế, họ thường nghĩ: "Tôi phải tới và nói chuyện với vị linh mục này mới được, vì ngài rõ ràng không có mấy việc để làm!" Ngài sẵn sàng có đó cho những gì thiết yếu. Ngài đã phá bỏ các trở ngại là luôn luôn coi có vẻ bận rộn và nghiêm trọng.

Mọi người đều đã biết các cha giải tội tốt lành. Chúng ta phải học hỏi từ các cha giải tội tốt lành của chúng ta, những vị được mọi người tìm kiếm, những vị không làm cho họ sợ mà còn giúp họ nói chuyện thành thực, như Chúa Giêsu đã làm với Nicôđêmô. Nếu có người nào đến xưng tội thì họ chính là hối nhân; sự ăn năn đã hiển hiện. Họ đến xưng tội vì họ muốn thay đổi. Hoặc ít nhất họ muốn được muốn thay đổi, nếu họ nghĩ rằng tình huống của họ không thể thay đổi. Ad impossibilia nemo tenetur, như câu châm ngôn cũ vốn nói: không ai bị buộc phải làm những điều không thể làm được.

Chúng ta phải học hỏi từ các cha giải tội tốt, những cha dịu dàng với người tội lỗi, những cha sau một vài lời, đã hiểu mọi sự, như Chúa Giêsu đã hiểu với người phụ nữ bị xuất huyết, và ngay lập tức, sức mạnh tha thứ đã từ các ngài tuôn ra. Sự toàn vẹn của phép xưng tội không phải là một vấn đề toán học. Đôi khi người ta cảm thấy ít xấu hổ khi xưng thú một tội hơn là phải nêu rõ số lần họ vi phạm tội đó. Chúng ta phải để mình được đánh động bởi tình huống của người ta, một tình huống có khi hỗn tạp, gồm cả việc làm riêng của họ, lẫn sự yếu đuối của con người, tội lỗi và những giới hạn không thể nào vượt qua được. Chúng ta phải giống như Chúa Giêsu, Đấng đã xúc động sâu xa khi thấy người ta và các vấn đề của họ, và cứ liên tục chữa bệnh cho họ, cả khi họ "không yêu cầu thích đáng", như người phung cùi kia, hoặc xem ra đang nói loanh quanh, như người phụ nữ Samaria. Người phụ nữ này giống như con chim chúng tôi có ở Nam Mỹ: nó quác quác ở một nơi nhưng tổ của nó thì ở nơi khác.

Chúng ta phải học hỏi từ các cha giải tội biết giúp các hối nhân cảm nhận được việc sửa đổi bằng cách bước những bước tiến nhỏ, như Chúa Giêsu, Đấng đã đưa ra một việc đền tội thích đáng và biết đánh giá cao người phung cùi trở lại cảm ơn Người, một người được Chúa ban nhiều hơn. Chúa Giêsu đã không tính toán với người bại liệt, nhưng Người đã làm cho người đàn ông mù và người phụ nữ Syro-Phoenician phải kêu xin. Đối với Người, không thành vấn đề nếu họ không lưu ý đến Người, giống như người bại liệt tại hồ bơi Bethzatha, hoặc nói với người khác những gì Người ra lệnh cho họ đừng nói, kết quả chính Người trở thành người phong cùi, vì Người không thể vào các thị trấn hay vì kẻ thù của Người tìm lý do để kết án Người. Người chữa lành người ta, tha thứ tội lỗi của họ, xoa dịu nỗi đau của họ, cho họ nghỉ ngơi và làm họ cảm nhận được hơi thở an ủi của Thần Khí.

Ở Buenos Aires, tôi biết một tu sĩ dòng Capuchin. Ngài nhỏ tuổi hơn tôi và là một cha giải tội vĩ đại. Luôn luôn có một hàng nối đuôi dài trước tòa giải tội của ngài, nhiều người xưng tội suốt ngày. Ngài thực sự tốt lành trong việc tha thứ. Ngài tha thứ, nhưng thỉnh thoảng có lần sinh ra bối rối về việc tha thứ dễ dàng như thế. Có lần, trong khi trò chuyện, ngài nói với tôi: "Đôi khi con bối rối quá". Do đó, tôi hỏi ngài: "cha làm gì khi cha bối rối như thế?" Ngài trả lời: "con đến trước nhà tạm, con nhìn Chúa chúng ta và con thưa với Người ‘Lạy Chúa, xin tha tội cho con, hôm nay con đã tha thứ rất nhiều. Nhưng chúng ta hãy làm rõ việc này, tất cả đều là lỗi của Chúa, vì Chúa đã làm gương xấu cho con!’” Ngài đã thêm lòng thương xót vào lòng thương xót.

Cuối cùng, liên quan tới việc xưng tội, tôi có hai lời khuyên nhỏ. Thứ nhất, không bao giờ hành động giống như một viên chức hay một quan tòa, một người chỉ thấy các "trường hợp" phải xử lý. Lòng thương xót giải phóng chúng ta khỏi thứ linh mục này, thứ linh mục quen thuộc với việc phán xử các "trường hợp" đến nỗi hết nhạy cảm với những con người, với những khuôn mặt. Quy tắc của Chúa Giêsu là "đừng phán xét để khỏi bị phán xét". Đây là chìa khóa để chúng ta phán xử: chúng ta phải đối xử với những người khác một cách xứng đáng, chúng ta không được hạ giá hoặc ngược đãi họ, chúng ta giúp nâng họ dậy, và chúng ta đừng bao giờ quên rằng Chúa sử dụng chúng ta, dù chúng ta yếu đuối, làm khí cụ của Người. Không nhất thiết vì phán xử của chúng ta "tốt nhất", nhưng vì nó chân thành và có thể xây dựng được một mối quan hệ tốt.

Mẩu lời khuyên nữa của tôi là không nên tò mò ở trong tòa giải tội. Thánh Therese cho chúng ta biết: khi các đệ tử của bà tâm sự với bà, bà rất cẩn thận không hỏi sự việc kết quả ra sao. Bà không xoi mói linh hồn người ta (Xem Truyện Một Linh Hồn, thủ bản C, gửi Mẹ Gonzaga, c. XII, 32r.). Đặc điểm của lòng thương xót là che tội lỗi bằng chiếc áo choàng của nó, để không làm tổn thương phẩm giá của người ta. Giống như hai con trai của Nôê, đã dùng chiếc áo choàng che sự trần truồng của cha mình khi ông say rượu (xem St 9:23).

Chiều kích xã hội của các việc thương xót

Vào cuối cuốn Linh Thao, Thánh Inhaxiô viết bài "chiêm niệm để đạt được tình yêu", một bài nối kết điều cảm nghiệm được trong lời cầu nguyện với cuộc sống hàng ngày. Ngài làm chúng ta suy niệm về việc phải đặt tình yêu vào việc làm nhiều hơn vào lời nói. Những việc làm này là các việc thương xót mà Chúa Cha "đã chuẩn bị từ trước làm cách sống của chúng ta" (Ep 2:10), những việc mà Chúa Thánh Thần linh hứng nơi mỗi người vì lợi ích chung (xem 1Cr12: 7). Trong lúc cảm tạ Chúa vì tất cả những hồng phúc chúng ta nhận được từ lòng rộng rãi của Người, chúng ta xin ơn biết mang đến cho tất cả nhân loại lòng thương xót vốn đã cứu rỗi chúng ta.

Tôi đề nghị chúng ta suy niệm về một trong những đoạn văn cuối cùng của Tin Mừng. Ở đấy, chính Chúa nối kết giữa điều chúng ta nhận được và điều chúng ta được kêu gọi cho đi. Chúng ta có thể đọc những kết luận này với chìa khóa "các việc thương xót", những việc từng cụ thể hóa thời của Giáo Hội, thời trong đó Chúa Giêsu phục sinh sống, hướng dẫn, sai đi và kêu gọi sự tự do của chúng ta, một sự tự do tim thấy nơi Người sự thể hiện cụ thể hàng ngày.

Thánh Mátthêu nói với chúng ta rằng Chúa gửi các Tông Đồ của Người ra đi để làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ bằng cách "dạy họ giữ hết mọi điều Thầy đã truyền dạy" (28:20). Việc "mở dạy kẻ mê muội" này chính là một trong các việc thương xót. Nó tỏa lan như ánh sáng đối với các việc khác: những việc được liệt kê trong Tin Mừng Mátthêu chương 25, tức các việc liên quan nhiều hơn với những điều gọi là "các việc thương người về phần xác", và với mọi điều răn và lời khuyên Phúc Âm, như "tha thứ", "anh em sửa chữa cho nhau", an ủi người buồn sầu, và chịu đựng sự bách hại...

Tin Mừng Maccô kết thúc với hình ảnh về Chúa, Đấng "hợp tác" với các Tông Đồ và "xác nhận lời nói bằng những dấu lạ kèm theo". Những "dấu chỉ" này rất giống với các việc thương xót. Trong số nhiều điều khác, Thánh Maccô nói đến việc chữa lành người bệnh và xua đuổi ma quỉ (xem 16: 17-18).

Thánh Luca tiếp tục Tin Mừng của ngài bằng cuốn "Công Vụ" - tức các thực hành - của Các Tông Đồ, thuật lại lịch sử các ngài hành động ra sao và các việc các ngài làm, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh.

Tin Mừng Thánh Gioan kết thúc bằng cách đề cập đến "nhiều việc khác" (21:25) hay "các dấu lạ" (20:30) mà Chúa Giêsu đã làm. Các hành động của Chúa, các việc Người làm, không phải chỉ là những việc làm mà đều là những dấu lạ qua đó, bằng một cách hoàn toàn có tính bản thân, Người tỏ bầy tình yêu và lòng thương xót của Người cho mỗi người.

Chúng ta có thể chiêm ngắm Chúa, Đấng sai chúng ta đi thi hành sứ vụ này, bằng cách dùng hình ảnh Chúa Giêsu hay thương xót như đã được tiết lộ với Nữ Tu Faustina. Trong hình ảnh này, chúng ta có thể nhìn thấy lòng thương xót như một tia sáng duy nhất phát xuất từ thẳm sâu Thiên Chúa, băng qua trái tim Chúa Kitô, và xuất hiện thành nhiều màu sắc đa dạng, mỗi mầu đại diện cho một việc thương xót.

Các việc thương xót thì vô tận, nhưng mỗi việc mang dấu ấn của một khuôn mặt đặc thù, một lịch sử bản thân. Chúng không phải chỉ là những bản danh sách liệt kê bảy việc phần xác và bảy việc phần hồn của lòng thương xót. Các danh sách này giống như các nguyên vật liệu - vật liệu của chính cuộc sống – sau khi được nhào nặn bởi bàn tay thương xót, biến thành một sáng tạo nghệ thuật cá nhân. Mỗi việc sẽ được hóa nhiều giống như bánh mì trong các giỏ; mỗi việc đem lại sự phát triển phong phú như hạt cải. Vì lòng thương xót vốn sinh hoa trái và có tính bao gồm.

Chúng ta thường nghĩ đến những việc thương xót một cách cá thể và trong tương quan với một sáng kiến chuyên biệt: bệnh viện cho người nghèo, nhà bếp nấu cháo cho người đói ăn, nơi tạm trú cho người vô gia cư, trường học cho những người cần được giáo dục, hướng dẫn xưng tội và linh đạo cho những người cần huấn đạo và tha thứ. .. Nhưng nếu nhìn vào các việc thương xót như một toàn thể, chúng ta sẽ thấy rằng đối tượng của thương xót là chính sự sống của con người và tất cả mọi thứ nó bao trùm. Chính sự sống, vì là một "xác thịt", nên biết đói biết khát; nó cần phải được mặc quần áo, cung cấp chỗ ở và được viếng thăm, ấy là chưa nói tới việc được chôn cất tươm tất, một điều không một ai trong chúng ta, dù giầu có bao nhiêu, có thể tự làm cho chính mình. Ngay cả những người giàu có nhất, trong cái chết, cũng trở thành kẻ khốn cùng; không hề có xe dọn đồ trong đoàn xe tang. Chính sự sống, vì là một "tinh thần", nên cần được giáo dục, sửa trị, khuyến khích và an ủi. Chúng ta cần người khác để huấn đạo chúng ta, tha thứ cho chúng ta, chịu đựng chúng ta và cầu nguyện cho chúng ta. Gia đình là nơi những việc thương xót này được thực hành một cách bình thường và khiêm tốn đến nỗi chúng ta thậm chí không nhận ra. Ấy thế nhưng, một khi một gia đình có trẻ nhỏ mất đi người mẹ, mọi sự bắt đầu tan rã. Hình thức nghèo nàn độc ác nhất và tàn nhẫn nhất là hình thức các trẻ em đường phố, không cha mẹ và làm mồi cho đủ thứ kền kền.

Chúng ta đã xin được ơn trở nên dấu chỉ và dụng cụ. Bây giờ chúng ta phải "hành động", không chỉ bằng những cử chỉ, nhưng còn bằng các dự án và cơ cấu, bằng cách tạo ra một nền văn hóa thương xót. Một khi đã bắt đầu, chúng ta sẽ cảm nhận được ngay lập tức rằng Thần Khí lên sinh lực và nâng đỡ các việc này. Thần Khí làm việc này bằng cách sử dụng các dấu chỉ và dụng cụ Người muốn, ngay cả đôi khi các dấu chỉ và dụng cụ này xem ra không phải là những dấu chỉ và dụng cụ thích đáng nhất. Thậm chí, người ta còn có thể nói được rằng, để thực hiện các việc thương xót, Thần Khí có xu hướng lựa chọn những dụng cụ nghèo nàn nhất, khiêm tốn nhất và vô nghĩa nhất, những dụng cụ chính chúng cũng cần các tia thương xót đầu tiên của Thiên Chúa hơn cả. Chúng là những dụng cụ có thể được lên khuôn và chuẩn bị tốt nhất để phục vụ hữu hiệu và tốt đẹp nhất. Niềm vui khi nhận ra rằng chúng ta là "đầy tớ vô dụng" được Chúa chúc phúc với tính sinh hoa trái của của ân sủng Người, được Người cho ngồi tại bàn ăn của Người và dọn Thánh Thể cho chúng ta, là một xác nhận rằng chúng ta đang tham gia vào các việc thương xót của Người.

Các tín hữu của chúng ta rất vui được tụ tập quanh các việc thương xót. Trong các cuộc cử hành sám hối và lễ hội, và trong các hoạt động giáo dục và từ thiện, tín hữu của chúng ta tự nguyện đến với nhau và để được chăn dắt theo những cách không luôn được nhìn nhận hoặc đánh giá cao, trong khi rất nhiều kế hoạch mục vụ trừu tượng và có tính học thuật hơn của chúng ta không tiến hành được. Sự hiện diện lớn lao của tín hữu chúng ta trong các đền thánh và các cuộc hành hương là một sự hiện diện ẩn danh, nhưng chỉ ẩn danh vì nó bao gồm rất nhiều khuôn mặt và trong một mong muốn đơn giản chỉ để được Chúa Giêsu và Đức Mẹ nhìn một cách thương xót. Cũng có thể nói tương tự như thế về rất nhiều những cách, trong đó tín hữu giáo dân ta tham gia vào rất nhiều sáng kiến liên đới; điều này cũng cần được chúng ta nhìn nhận, đánh giá cao và cổ vũ.

Là linh mục, chúng ta xin hai ân sủng của Đấng Chăn Chiên Lành, là để ta được hướng dẫn bởi cảm thức đức tin (fidei sensus) của tín hữu giáo dân chúng ta, và được hướng dẫn bởi "cảm thức người nghèo" của họ. Cả hai "cảm thức" này phải liên hệ với cảm thức Chúa Kitô (sensus Christi), với tình yêu Chúa Kitô và đức tin vào Người của các tín hữu giáo dân chúng ta.

Chúng ta hãy kết luận bằng cách đọc kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô (Anima Christi), lời cầu nguyện đẹp đẽ này vốn nài xin lòng thương xót của Chúa, Đấng đã đến giữa chúng ta bằng xác thịt và nhân từ nuôi dưỡng chúng ta bằng mình và máu của Người. Chúng ta xin Người tỏ lòng thương xót đối với chúng ta và đối với dân của Người. Chúng ta xin linh hồn của Người "thánh hóa chúng con", thịt Người "cứu vớt chúng con", máu của Người làm "say sưa chúng con" và loại khỏi ta mọi cơn khát khác không phải là khát Người. Chúng ta xin nước chảy ra từ cạnh sườn Người "rửa sạch chúng con", sự thống khổ của Người "củng cố chúng con". Lạy Chúa chịu đóng đinh, xin Chúa an ủi dân của Chúa! Xin các vết thương của Chúa "che chở chúng con". .. Lạy Chúa, xin ban ơn cho dân Chúa, để họ không bao giờ bị lìa xa Chúa. Xin đừng để điều nào và người nào có thể tách chúng ta ra khỏi lòng thương xót của Chúa, một lòng thương xót bảo vệ chúng ta khỏi các cạm bẫy của kẻ thù độc ác. Nhờ đó, lạy Chúa, chúng con sẽ hát ca những sự thương xót của Chúa, cùng với mọi vị thánh của Chúa khi Chúa mời gọi chúng con đến với Chúa.

[Đọc Kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô]

Thỉnh thoảng tôi nghe nhận định của các linh mục nói rằng: "Đức Giáo Hoàng này luôn la rầy chúng ta, luôn luôn la mắng chúng ta". Quả có đôi chút thật. Nhưng tôi phải nói rằng tôi đã được xây dựng bởi một số linh mục tốt lành! Bởi những vị - và tôi đã biết họ - thời trước khi có máy trả lời, ngủ với máy điện thoại trên chiếc bàn ban đêm của các ngài. Không ai chết mà không được chịu bí tích; khi điện thoại reo vào bất cứ giờ nào, các ngài cũng đều đứng dậy và ra đi. Các linh mục tốt lành! Và tôi cảm ơn Chúa vì ơn phúc này. Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, nhưng chúng ta có thể nói rằng có rất nhiều linh mục tốt lành và thánh thiện, những vị hoạt động âm thầm và không ai thấy. Đôi khi có vụ tai tiếng xẩy ra, nhưng, như chúng ta đã biết, một cây khi nó đổ gây nhiều ồn ào hơn cả một cánh rừng đang mọc.

Hôm qua tôi nhận được một lá thư. Tôi để nó trên bàn của tôi với các thư từ cá nhân. Tôi mở nó hôm nay, ngay trước khi đến đây và tôi tin rằng Chúa muốn tôi làm việc này. Nó đến từ một linh mục ở Ý, một mục tử của ba thị trấn nhỏ. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên lắng nghe chứng từ này từ một trong những người anh em của chúng ta.

Nó được viết vào ngày 29 tháng 5, chỉ vài ngày trước đây thôi.

"Xin lỗi con đã làm phiền Đức Thánh Cha. Con lợi dụng một người bạn linh mục đang tới Rome để dự Năm Thánh của các linh mục để đơn giản gửi tới Đức Thanh Cha, trong tư cách một linh mục bình thường phụ trách ba giáo xứ nhỏ miền núi, một vài suy nghĩ về việc mục vụ của riêng con. Chúng được gợi ra bởi một số điều Đức Thánh Cha đã nói, vốn thách thức con hàng ngày phải hồi tâm, và vì điều này con xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Con biết con không nói với Đức Thánh Cha bất cứ điều gì mới; chắc chắn đây là những điều Đức Thánh Cha đã nghe trước cả rồi. Nhưng con cảm thấy tự con phải nói ra.

Con thường bỡ ngỡ bởi lời kêu gọi của Đức Thánh Cha muốn các chủ chăn chúng con có mùi của chiên. Con đang ở trên vùng núi, vì vậy con biết rất rõ điều đó có nghĩa gì. Chúng con trở thành linh mục để biết mùi đó, mùi thực sự là nước hoa của đoàn chiên. Sẽ là điều tuyệt vời nếu việc tiếp xúc hàng ngày và các cuộc viếng thăm đoàn chiên của chúng ta, vốn là lý do đích thực cho ơn gọi của chúng ta, không bị thay thế bởi các trách nhiệm hành chính và bàn giấy tại các giáo xứ, trường học và vv. Con may mắn có được những giáo dân tốt và có khả năng đảm nhiệm những điều này. Nhưng là người đại diện hợp pháp duy nhất của giáo xứ, với tất cả mọi trách nhiệm của mình, vị mục tử luôn kết cục phải chạy đôn chạy đáo, đôi khi phải cho các cuộc viếng thăm người bệnh và các gia đình xuống dưới chót. Con nói điều này về bản thân con. Đôi khi, quả ngã lòng khi thấy trong đời sống linh mục của con, con đã bị liên lụy vào các vấn đề hành chính và bàn giấy, mà giáo dân của con, mà đoàn chiên nhỏ đã được ủy thác cho con chăm sóc, hầu như phải tự lo liệu lấy cho bản thân họ. Thưa Đức Thánh Cha, xin Đức Thánh Cha tin con khi con nói rằng việc ấy làm cho con đến phát khóc. Chúng con cố gắng tổ chức sự việc, nhưng cuối cùng, chỉ gặp những cơn lốc trong công việc hàng ngày.

Một điều khác Đức Thánh Cha đã nói đến là thiếu tình cha con. Người ta bảo xã hội ngày nay thiếu những người cha và người mẹ. Điều làm con ngỡ ngàng là cả chúng con cũng có thể đã từ bỏ tư cách làm cha tinh thần, tự để cho mình bị giản lược thành những ông bàn giấy thánh thiêng, với kết quả đáng buồn là chúng con cảm thấy bị bỏ rơi và cô độc. Như thế, khó khăn của chúng con trong việc làm cha có những vang dội không thể tránh khỏi đối với các bề trên của chúng con, những vị có các trách nhiệm và những vấn đề riêng của các ngài. Mối liên hệ của các ngài với chúng con cũng có thể có nguy cơ trở thành hoàn toàn có tính hình thức trang trọng, liên quan đến việc quản trị cộng đồng, chứ không liên quan gì đến cuộc sống của chúng con như những con người, những tín hữu và những linh mục.

Tất cả điều này - và ở đây con xin kết luận – không lấy mất điều gì khỏi niềm vui và sự phấn khích của con được làm một linh mục cho mọi người và với mọi người. Nếu có những lúc, trong tư cách một mục tử, con không có mùi chiên, con vẫn cảm động khi nhận ra rằng đoàn chiên của con không mất mùi của vị mục tử của mình! Thưa Đức Thánh Cha, quả là một điều tuyệt vời khi nhận ra rằng đoàn chiên không bỏ chúng con cô độc. Họ có thể đo lường mức độ chúng con có đó cho họ, và nếu không may vị mục tử lạc xa đường và mất hướng đi, họ sẽ đi tìm ngài và lấy tay nắm lấy ngài. Con luôn cảm ơn Chúa vì Người luôn cứu chúng con qua bầy chiên, bầy chiên được trao phó cho chúng con, tất cả những con người tốt lành, tầm thường, khiêm tốn và thanh thản, đoàn chiên là phước lành thật sự của mọi người chăn chiên.

Con muốn gửi cho Đức Thánh Cha những suy nghĩ đơn giản nhỏ mọn này vì Đức Thánh Cha gần gũi với đoàn chiên. Đức Thánh Cha có thể hiểu chúng con và có thể tiếp tục giúp đỡ và nâng đỡ chúng con. Con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và con cảm ơn Đức Thánh Cha, về việc thỉnh thoảng "trách mắng" mà con cảm thấy cần thiết cho cuộc hành trình của con. Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, xin Đức Giáo Hoàng chúc lành cho con và cầu nguyện cho con và cho giáo xứ của con. "

Ngài đã ký bức thư rồi, cuối cùng, viết thêm, như mọi mục tử tốt lành: "con để lại cho Đức Thánh Cha một tặng phẩm nhỏ. Xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho cộng đồng của con, đặc biệt cho các người bệnh nặng và một vài gia đình có khó khăn tài chính, và không chỉ khó khăn tài chánh. Cảm ơn Đức Thánh Cha!"

Đây là một trong những người anh em của chúng ta. Có rất nhiều người khác như vị này! Hiển nhiên nhiều vị đang ở đây giữa chúng ta. Nhiều lắm. Ngài chỉ đường cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy tiến lên phía trước! Đừng quên cầu nguyện. Hãy cầu nguyện bao nhiêu có thể, và nếu anh em ngủ gục trước nhà tạm, thì cứ ngủ đi. Nhưng hãy cầu nguyện! Đừng bao giờ để mất việc này. Đừng bao giờ quên để mình được Đức Mẹ ngắm nhìn, và luôn giữ lấy ngài làm Mẹ của anh em. Đừng bao giờ mất lòng nhiệt thành của anh em, cả sự gần gũi và sẵn sàng có đó cho giáo dân của anh em. Và điều này nữa, tôi xin phép nói: Đừng bao giờ mất cảm thức hài hước. .. Vì vậy, hãy tiến lên phía trước!
 
Uganda cử hành Ngày các Thánh Tử Đạo đầy màu sắc
Lã Thụ Nhân
14:51 06/06/2016
Uganda cử hành Ngày các Thánh Tử Đạo đầy màu sắc

Uganda (Vatican Radio) - Hôm thứ Sáu ngày 03/6/2016, khoảng một triệu người Uganda đã quy tụ tại Đền Namugongo, Uganda để cử hành Ngày các Thánh Tử Đạo.

Do tầm quan trọng to lớn trong việc cử hành Thánh lễ trọng kính các Thánh Tử Đạo Uganda, Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Tòa Thánh Vatican đã cho Giáo Hội Uganda dời Lễ Trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu từ ngày 03/6/2016 sang ngày 10/6/2016.

Nhật báo New Vision của Uganda cho hay vị chủ tế Thánh lễ, Đức Giám Mục Joseph Anthony Ziwa của Giáo phận Kiyinda Mityana mời gọi các tín hữu noi theo các Thánh Tử Đạo Uganda bằng cách bám vào sự thật. Ngài nói rằng chỉ có sự thật mới gìn giữ xã hội khỏi các tội lỗi ngày nay đang chứng kiến.

Đức Cha Ziwa đưa ra lời kêu gọi trong bài giảng cho các khách hành hương tại Đền Namugongo: "Chúng ta biết rằng sự vắng bóng sự thật dẫn con người phàm vào những tội lỗi xã hội, nhưng chúng ta không thể làm chứng tá cho Chúa Kitô trong thế gian khi mà lời nói của chúng ta bị đóng khung trong sự giả dối". Ngài cũng cảnh báo các Kitô hữu chống lại lói sống 'đời sống hai mặt.'

Đức Cha Ziwa nói thêm: "Một số người là Kitô hữu vào ban ngày và khi đêm đến thì hành xử như người ngoại. Chúng ta hãy trung thực, và sự thật sẽ làm cho chúng ta tự do, chúng ta được canh tân nhờ cuộc hành hương đến Namugongo này và quyết tâm làm chứng cho sự thật".

Trích dẫn từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Giám Mục Ziwa nói rằng sức mạnh của cộng đoàn Kitô hữu Uganda phụ thuộc vào các vị tử đạo, những người làm chứng rằng sự thật sẽ làm cho con người tự do.

Trong ánh sáng của sứ điệp này và trong tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương xót, chủ đề Ngày các Thánh Tử Đạo năm nay là: "Sự thật giải thoát anh em". Đức Giám Mục Ziwa giải thích rằng Chúa Giêsu đã dùng sứ điệp này rao giảng cho các môn đệ, những người phải đối mặt với sự phản đối từ những người Pharisêu và kinh sư.

Theo Đức Giám Mục Ziwa, các Kitô hữu phải được nhận diện bởi việc làm chứng cho sự thật như các Thánh Tử Đạo đã làm nhiều năm trước đây.

Ngày các Thánh Tử Đạo rơi vào 03 tháng 6 hàng năm, kỷ niệm đức tin anh dũng của 45 vị tử vì đạo, cả Công Giáo và Anh giáo, những người đã bị thiêu cho đến chết theo lệnh của Kabaka Mwanga II, người sau đó trở thành vua Buganda từ năm 1885 đến 1887. Hai mươi hai vị tử đạo Công Giáo đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV tuyên chân phước vào ngày 06/6/1920, và được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên hiển thánh vào ngày 18/10/1964.

Lã Thụ Nhân
 
Gia đình Hội dòng Đức Maria ở Bờ Biển Ngà kỷ niệm 200 năm lập dòng
Lã Thụ Nhân
14:48 06/06/2016
Gia đình Hội dòng Đức Maria ở Bờ Biển Ngà kỷ niệm 200 năm lập dòng

Ivory Coast (Vatican Radio) - Các tu sĩ Hội dòng Đức Maria ở Bờ Biển Ngà vừa mới kỷ niệm 200 năm thành lập với Thánh Lễ và các lễ hội tại Đền Đức Mẹ Quốc gia Abidjan, Attécoubé.

Các tu sĩ Hội dòng Đức Maria là một gia đình toàn cầu gồm các nữ tu, linh mục, tu huynh và giáo dân tận hiến. Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và cộng đoàn giáo dân Đức Maria được Mẹ Adela de Batz de Trenquelléon thành lập tại Pháp vào năm 1816, trong khi Thánh William Joseph Chaminade thành lập Hội dòng Đức Maria dành cho linh mục và các tu huynh vào năm 1817.

Tại Bờ Biển Ngà, Cha Georges Gbézé chủ trì lễ kỷ niệm bằng một Thánh lễ đầy màu sắc với sự tham dự của nhiều thành viên trong gia đình Hội dòng Đức Maria to lớn này.

Tại Thánh lễ kỷ niệm, các nữ tu, linh mục và giáo dân Bờ Biển Ngà tuyên hứa sử dụng dịp này để tái dấn thân. Họ lưu ý rằng việc kỷ niệm hai trăm năm là một dấu mốc quan trọng đánh dấu một khởi đầu mới trong sứ vụ được Chúa Kitô trao phó cho họ qua các vị sáng lập viên.

Lã Thụ Nhân
 
Đức Hồng y của Myanmar đánh dấu Năm Thánh Linh Mục bằng lời mời gọi thể hiện lòng thương xót
Lã Thụ Nhân
14:45 06/06/2016
Đức Hồng Y của Myanmar đánh dấu Năm Thánh Linh Mục bằng lời mời gọi thể hiện lòng thương xót

Myanmar (Vatican Radio) - Như là một phần của việc cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót, hôm thứ Tư 01/6/2016, Đức Hồng Y Charles Bo của Myanmar đã chủ trì một sứ vụ đặc biệt ở Nhà thờ Chánh tòa của Yangon, cho các linh mục từ các giáo phận khác nhau của đất nước Myanmar, thúc giục họ bắt đầu "cuộc cách mạng của lòng thương xót" bởi Chúa Kitô. "Hãy trở thành bánh của lòng thương xót, bẻ ra và chia cho tất cả anh em chúng ta", Đức Hồng Y nói với các linh mục trong một thánh lễ tại Nhà thờ Chánh tòa Thánh Maria. Đức Hồng Y đầu tiên của đất nước Myanmar nói trong bài giảng rằng thế giới ngày nay cần một cuộc cách mạng đạo đức. "Năm của lòng thương xót là một năm của cuộc cách mạng đạo đức và vị lãnh đạo của cuộc cách mạng này là Chúa Giêsu Kitô".

Đức Tổng Giám mục của Yangon lưu ý rằng những câu chuyện của nhân loại phần lớn được đánh dấu bằng máu và bạo lực. Năm trang đầu của Kinh Thánh chúng ta tìm thấy dấu vết của máu trong câu chuyện của Cain và Able, và "hơn 5.000 năm lịch sử loài người được ghi lại, chúng ta chỉ có 120 năm không có chiến tranh". Chống lại bối cảnh tội ác ghê tởm này, thông điệp của Chúa Kitô vang vọng rõ ràng - "Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót. Hãy cầu nguyện cho những người ghen ghét anh em và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ anh em. Hãy tha thứ bảy mươi lần bảy".

Nêu mẫu gương của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Bo cho biết, "Sự gắn bó của ngài với người nghèo, người bị biến dạng, chuyến thăm của ngài đến các nhà tù, sự chào đón người tị nạn, giao hảo với người tội lỗi và những người đang ở lề: ngài thực sự là tiên tri của lòng thương xót và một lần nữa thế giới bị thu hút bởi thông điệp của lòng thương xót". Đức Hồng Y cho hay: "Là linh mục chúng ta được mời gọi để tha thứ. Trong mùa này, chúng ta cần phải sử dụng tòa giải tội như là các bệnh viện dã chiến như Đức Thánh Cha nói, của những người bị thương tích bởi tội lỗi".

Đức Hồng Y Bo bày tỏ sự kính trọng đặc biệt đối với các tu sĩ, dấn thân với những người nghèo, người bệnh, các nạn nhân HIV, các vùng nông thôn và thành thị nghèo khó. "Anh em đã thấy nghèo khó lan nhanh trong nền dân chủ. Anh em đã thấy giới trẻ của chúng ta bị buôn bán. Anh em đã thấy hàng ngàn con em chúng ta bị bắt trở thành lao động trẻ em một cách vô nhân đạo", Đức Hồng Y thúc giục họ hiện diện ỡ giữa họ.

Đức Hồng Y Bo cũng kêu gọi các gia đình trở thành trung tâm của lòng thương xót. "Có một gia đình vào thời điểm này là một thách đố lớn. Nhưng gia đình cần lòng thương xót hơn bao giờ hết". Ngài thúc giục những người hãy thương xót vợ mình, trân trọng sự cần cù chịu khó của họ và đừng phóng đại những sai sót nhỏ của họ. Đức Hồng Y đặc biệt kêu gọi lòng thương xót đối với người nghèo, những người sống trong khu ổ chuột, người bệnh, người vô gia cư, những người bị buôn bán và người trẻ.

Lã Thụ Nhân
 
Các Bề trên Tổng quyền Dòng Capuchin Đông Phi họp mặt ở Lusaka
Lã Thụ Nhân
14:32 06/06/2016
Các Bề trên Tổng quyền Dòng Capuchin Đông Phi họp mặt ở Lusaka

Zambia (Vatican Radio) - Các Bề trên Tổng quyền Dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin của Hội đồng Capuchin Đông Phi (EACC) đã có cuộc họp thường niên tại Lusaka.

Trong khi đó Bề trên tỉnh dòng Zambia, Cha Thomas Zulu, OFM Cap., đã bày tỏ vui mừng khi nhiều người trẻ đã thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập dòng.

"Chúng tôi nhìn thấy sự gia tăng trong giới trẻ gia nhập Dòng. Tại Đại học Thánh Bonaventure ở Lusaka, chúng tôi có 50 tu huynh trong năm nay và năm tới, chúng tôi sẽ có 70 tu huynh". Cha Zulu nói điều này trong một cuộc phỏng vấn tại Nhà Kapingila của Hội đồng Giám mục Zambia, nơi hội nghị thường niên diễn ra.

Cha Zulu tiết lộ rằng một trong những vấn đề được các Bề trên Dòng Capuchin thảo luận là cuộc khủng hoảng tài chính các tỉnh dòng đang phải đối mặt trong khu vực.

Ngài lưu ý: "Chúng tôi phụ thuộc vào tỉnh dòng mẹ về tài chính, nhưng ngân quỹ ở Âu châu đang giảm dần, vì vậy hội nghị của chúng tôi đang cố gắng xem xét làm thế nào để duy trì chính mình".

Dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin của Hội đồng Capuchin Đông Phi (EACC) bao gồm Eritrea, Ethiopia, Sudan, Nam Phi, Malawi, Kenya và Madagascar. Những nước khác là Zimbabwe, Namibia, Zambia và Mozambique.

Lã Thụ Nhân
 
Thánh Lễ Phong Hiển Thánh Ngày 5 Tháng 6, 2016
VietCatholic Network
17:02 06/06/2016
Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết. Chúa Giêsu xin cho Ngài cái chết của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nó, và trao ban sự sống trở lại cho chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giàng thánh lễ phong hiển thánh cho chân phước linh mục Stanislao Chúa Giêsu Maria Papczynski, người Ba Lan, và nữ Chân phước Maria Elisabetta Hesselblad, người Thụy Điển, cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 5 tháng 6, 2016 trước thềm đền thờ thánh Phêrô.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có 470 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có ca đoàn hướng dẫn, ca đoàn giáo phận Concorida Podenone, ca đoàn Goteborg và ca đoàn Bro Chamber.

Tham dự thánh lễ cũng có giới chức đạo đời của hai nước Ba Lan và Thụy Điển, gồm tổng thống Ba Lan, Bộ trưởng văn hóa và tôn giáo và đại sứ của hai nước, cũng như hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương, trong đó cũng có một số linh mục tu sĩ Việt Nam đang tu học tại Roma, và vài vị đến từ Thụy Điển.

Sau lời chào đầu lễ cộng đoàn đã hát kinh xin Chúa Thánh Thần đến. Tiếp đến Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trường Bộ Phong Thánh, xin Đức Thánh Cha tôn phong hai chân phước lên hàng hiển thánh và ngài đọc tiểu sử của hai vị.

Chân phước Stanislao Giêsu Maria Papczynski sinh năm 1631 tại Podegrodzie, trong tổng giáo phận Cracovia, bên Ba Lan. Sau thời gian huấn luyện, Stanislao gia nhập dòng các cha Scolopi, rồi được thụ phong Linh Mục. Cha nổi tiếng là bậc thầy của khoa hùng biện và giảng thuyết, cũng như là cha giải tội, đặc biệt là của Đức Sứ Thần Toà Thánh Antonio Pignatelli, sau này sẽ là Đức Giáo Hoàng Innocenzo XII, và của vua Gioan III Sobieski. Cha viết cuốn Templum Dei Misticum Đền thờ thần bí của Thiên Chúa, trong đó cha trình bầy chương trình cuộc sống thiêng liêng, nhất là cho giáo dân, vì cha xác tin rằng họ cũng được mời gọi nên thánh.

Năm 1670 cha Papczynski ra khỏi dòng Scolopi với phép chuẩn, và thành lập một dòng mới với tên gọi là “Tu sĩ thánh mẫu của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, với đặc sủng phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, đặc biệt cho các nạn nhân chiến tranh và dịch hạch, và trợ giúp mục vụ cho các cha sở.

Với phép của ĐC Stefano Wierzbowski, Giám Mục Poznan, cha lui về tịch liêu Korabiew, xây nhà đầu tiên của dòng và viết Hiến pháp. Tiếp đến cha sống tại một nhà thờ nhỏ gọi là “Nhà tiệc ly của Chúa tại Giêsusalem mới, nay là Gora Kalwaria, cùng với các anh em cùng dòng hoạt động tông đồ và bác ái, trợ giúp dân nghèo vùng quê.

Cha Stanislao đã về Roma để xin Toà Thánh chấp nhận dòng và dòng đã được Toà Thánh chấp nhận năm 1699. Giai đoạn cuối cùng cuộc đời cha bị ghi dấu bởi bệnh tật. Và cha đã qua đời trong hương thơm thánh thiện ngày 17 tháng 9 năm 1701 và được an táng trong nhà thờ Tiệc Ly tai Gora Kalwaria. Cha đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI phong Chân phước ngày 16 tháng 9 năm 2007.

Chị Maria Elisabetta Hesselblad sinh tại Faglavik bên Thuỵ Điển ngày mùng 4 tháng 6 năm 1870. Ngày từ ngày còn bé, khi nghe lời Chúa liên quan tới một chuồng chiên và một mục tử duy nhất, cô đã bắt đầu tuy tư về sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Năm lên 18 tuổi để giúp gia đình chị Maria Elisabetta di cư sang Mỹ tìm việc làm. Chính trong môi trường mới này chị tiếp xúc với các tín hữu Công Giáo, và bắt đầu con đường tiến tới gần Giáo Hội và lãnh nhận bí tích Rửa Tội năm 1902. Vì một tật bệnh đã có từ hồi còn nhỏ nay trở lại, chị hầu như gần chết, và ước mong qua đời tại Nhà thánh nữ Brigida ở Roma. Vì thế chị sang Roma và chính tại đây chị đã cảm nhận được ơn gọi sống đời tu trì, xin gia nhập và khấn trong dòng Brigida. Tại Roma chị Maria Elisabetta nhận 3 ứng sinh người Anh và cùng với các chị này bắt đầu thành lập một dòng mới lấy tên là dòng Chúa Cứu Thế Rất Thánh của thánh nữ Brigida. Được linh hứng bởi một tinh thần truyền giáo mãnh liệt và nồng nhiệt đối với sự hiệp nhất của các tín hữu kitô, chị quảng đại phục vụ và trợ giúp dân nghèo trong thời Đệ Nhị Thế Chiến và đã được các chính quyền và dân chúng ghi ơn. Chị qua đời tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1957. Trong Năm Thánh 2000 chị đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước. Mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong Thánh công bố các sắc lệnh nhìn nhận các phép lạ nhờ lời bầu cử của hai chân phước. Hồi tháng 3 năm nay Đức Thánh Cha đã họp công nghị các Hông Y và quyết định tôn hai vị lên hàng hiển thánh.

Sau lời nguyện của Đức Thánh Cha cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc công thức ghi tên hai chân phước vào trong sổ bộ các thánh. Thánh tích của hai vị đã được rước lên đặt trên bệ cao bên trái bàn thờ, và được Phó tế xông hương. Đức Hồng Y Amato đã cám ơn Đức Thánh Cha tôn phong hai chân phước lên hàng hiển thánh.

Thánh lễ đã tiếp tục với kinh Vinh danh và phần phụng Lời Chúa. Bài đọc thứ nhất bằng tiếng Anh, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, bài đọc hai bằng tiếng Ba Lan. Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc Chúa Nhật thứ 10 thường niên năm C kể lại phép lạ ngôn sứ Elia đã làm để cho con bà goá thành Sarepta hồi sinh, và phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho anh con trai bà goá thành Naim sống lại. Ngài nói: Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe tuyên đọc dẫn chúng ta tới biến cố chính của đức tin: đó là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết. Đó là Tin Mừng của hy vọng vọt lên từ Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, giãi toả từ gương mặt Ngài, vén mở Thiên Chúa Cha Đấng an ủi của người sầu khổ. Lời ấy mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, để quyền năng sự phục sinh của Ngài được tỏ hiện nơi chúng ta. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Thật vậy, trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô có câu trả lời của Thiên Chúa cho tiếng kêu âu lo và đôi khi giận dữ, mà kinh nghiệm của khổ đau và cái chết dấy lên trong chúng ta. Đây không phải là trốn chạy Thập giá, nhưng ở lại đó, như Trinh Nữ Mẹ đã làm, Mẹ là Đấng, khi cùng chịu khổ đau với Chúa Giêsu, đã nhận được ơn hy vọng chống lại mọi hy vọng (x. Rm 4,18).

Đây cũng đã là kinh nghiệm của hai chân phước Stanislao Giêsu Maria và Maria Elisabetta Hesselblad, mà hôm nay chúng ta tôn phong lên hàng hiển thánh: hai vị đã kết hiệp mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và nơi các vị đã tỏ lộ quyền năng sự phục sinh của Ngài.

Bài đọc thứ nhất và Phúc Âm của của Chúa Nhật hôm nay giới thiệu với chúng ta hai dấu chỉ lạ lùng của sự sống lại, dấu chỉ thứ nhất do ngôn sứ Elia làm, dấu chỉ thứ hai do Chúa Giêsu làm. Trong cả hai trường hợp, người chết là hai con trai rất trẻ của hai bà goá được hồi sinh và trả lại cho mẹ họ.

Người đàn bà Sarepta, là phụ nữ không do thái, nhưng đã tiếp đón ngôn sứ Elia vào nhà; bà nổi giận với ngôn sứ và với Thiên Chúa, bởi vì chính trong lúc ngôn sứ là khách trọ nhà bà, thì đứa con trai của bà bị đau và tắt thở trên tay bà. Khi đó ngôn sứ Elia nói với bà: “Hãy đưa con bà cho tôi” (1 V 17,19). Đây là từ chià khóa: nó diễn tả thái độ của Thiên Chúa trước cái chết của chúng ta, trong mọi hình thái của nó; ngôn sứ không nói: “Hãy giữ lấy nó và tự liệu lấy” nhưng nói: “Hãy đưa nó cho tôi”. Thật vậy ngôn sứ đã bế đứa bé, đưa nó lên phòng bên trên, và ở đó một mình “chiến đấu với Thiên Chúa” trong lời cầu nguyện, bằng cách đặt để Thiên Chúa trước sự vô lý của cái chết. Và Chúa đã lắng nghe lời cầu của ngôn sứ Elia, bởi vì chính Ngài là Thiên Chúa nói và hành động qua ông. Chính Ngài, qua miệng ngôn sứ, đã nói với người đàn bà: “Đưa con bà cho tôi”. Và bây giờ chính ngôn sứ trả lại đứa con sống cho bà mẹ.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: Sự dịu hiền của Thiên Chúa được mạc khải tràn đầy nơi Chúa Giêsu. Chúng ta đã nghe trong Tin Mừng (Lc 7,11-17) Chúa Giêsu cho thấy Ngài rất cảm thương bà góa thành Naim ở Galilêa, đang đi theo đứa con trai duy nhất còn thanh xuân ra mộ. Nhưng Chúa Giêsu tới gần, đụng vào cáng, chặn đoàn người đưa đám lại, và chắc chắn đã vuốt ve gương mặt đầy nước mắt của bà mẹ đáng thương ấy. Ngài nói với bà: “Đừng khóc” (Lc 7,13) như thể nói với bà: “Hãy cho tôi con bà”. Chúa Giêsu xin cho Ngài cái chết của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nó, và trao ban sự sống trở lại cho chúng ta Thật thế, thanh niên ấy tỉnh dậy như thể từ một giấc ngủ sâu, và bắt đầu nói. Và Chúa Giêsu trả cậu lại cho mẹ cậu” (c.15). Ngài không phải là một nhà ảo thuật! Ngài là sự dịu hiền của Thiên Chúa nhập thể, nơi Ngài hoạt động sự cảm thương vô biên của Thiên Chúa Cha.

Cũng là một loại phục sinh sự sống lại của tông đồ Phaolô, từ kẻ thù nghịch và bách hại tàn bạo các kitô hữu đã trở thành chứng nhân và người loan báo Tin Mừng (x. Gl 1,13-17). Sự thay đổi triệt để này đã không phải là công trình của thánh nhân, mà là ơn lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng đã chọn thánh nhân và kêu gọi thánh nhân với ơn của Chúa, và muốn mạc khải trong thánh nhân Con của Ngài, để thánh nhân loan báo Chúa giữa muôn dân (cc. 15-16). Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa Cha đã hài lòng mạc khải Con của Ngài, không phải chỉ cho thánh nhân, nghĩa là hầu như in trong con người, thịt xác và tinh thần của thánh nhân, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Như thế, tông đồ sẽ không chỉ là một sứ giả, mà trước hết là một chứng nhân. Áp dụng vào cuộc sống chúng ta Đức Thánh Cha nói:

Và cả với những người tội lỗi, từng người một, Chúa Giêsu không ngừng làm rạng ngời lên chiến thắng của ơn thánh trao ban sự sống. Ngài nói với Mẹ Giáo Hội: “Hãy cho ta các con ngươi”, là chúng ta tất cả. Ngài nhận lấy trên Ngài các tội lỗi của chúng ta, Ngài cất chúng đi và trao ban chúng ta sống cho chính Giáo Hội. Và điều này xảy ra trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

Ngày hôm nay Giáo Hội cho chúng ta thấy hai người con là chứng nhân gương mẫu của mầu nhiệm phục sinh này. Cả hai đều có thể ca hát đời đời, với các lời của tác giả Thánh vịnh: “Ngài đã thay đổi tiếng than van của con thành vũ điệu. Ôi Chúa, lậy Thiên Chúa của con, con sẽ tạ ơn Ngài luôn mãi” (Tv 30,12). Và chúng ta tất cả hãy hiệp tiếng nói rằng: “Con sẽ chúc tụng Chúa, vì Ngài đã nâng con dậy”.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc trong các thứ tiếng: Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bồ Đào Nhà, Ý và Hoa. Các lễ vật đã được một gia đình 5 gồm cha mẹ với 3 con và 3 nữ tu dâng lên Đức Thánh Cha.

Hàng chục linh mục đã giứp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước lễ.

Trước khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người Đức Thánh Cha đã ngỏ lời chào và đăc biệt cám ơn các phái đoàn chính thức của hai nưóc đã đến tham dự thánh lễ tôn phong hiển thánh cho hai người con Ba Lan và Thụy Điển. Ngài Xin Chúa chúc lành cho hai quốc gia nhờ lời bầu cử của các vị. Đức Thánh Cha cũng chào và cám ơn các nhóm hành hương Italia và các nước khác cũng như tín hữu đến từ Estonia, giáo phận Bologna và các ban nhạc.

Ngài mời mọi người hướng tới Đức Trinh Nữ Maria và xin Mẹ luôn hưóng dẫn trên con đường nên thánh và xây dựng công lý và hòa bình mỗi ngày.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Dầu Tiếng, GP Phú Cường mừng lễ bổn mạng Thánh Tâm Chúa Giêsu
Giáo xứ Dầu Tiếng
09:16 06/06/2016
GIÁO XỨ DẦU TIẾNG GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG MỪNG LỄ BỔN MẠNG: THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Chúa Nhật, 05.6.2016: cử hành trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Bổn Mạng giáo phận Phú Cường. Trong bầu khí vui mừng đó, giáo xứ Dầu Tiếng cùng mừng lễ Bổn Mạng và là ngày Chầu Lượt của giáo xứ.

Xem Hình

Sau những ngày chuẩn bị và khi đến thời điểm ấn định, trong khuôn viên nhà thờ Dầu Tiếng đã tề tựu đông đảo giáo dân, trong đó có rất nhiều người dù đang sinh sống nơi xa, nay cũng trở về để tham dự ngày trọng đại của “giáo xứ quê hương”.

Đúng 06g00 cùng ngày, tiếng trống khai mạc của Hội Hiền Mẫu vang lên cách trang trọng chào mừng cộng đoàn phụng vụ, tiếp theo là Ca Nhập Lễ đưa đoàn rước gồm đại diện các thành phần trong giáo xứ, do cha Matthêu Thanh Yên chủ tế tiến vào cung thánh của nhà thờ tạm.

Trước khi cử hành thánh lễ, ông Giuse Trần Thái Nhàn – Trưởng Ban Thường Vụ Hội Đồng Giáo Xứ - phát biểu chào mừng, tri ân và tưởng nhớ đến những người đã qua đời của giáo xứ.

Tiếp đến, cha chủ tế đọc thư chúc mừng Bổn Mạng giáo xứ của cha chánh xứ vì công vụ, đang ở xa cách nửa vòng trái đất, với nội dung sâu sắc ân tình làm cho bầu khí thêm cảm động và ấm áp tình gia đình của giáo xứ Dầu Tiếng.

Sau đó, cha chủ tế và cộng đoàn phụng vụ hướng về ngôi nhà thờ đang được xây dựng bằng nghi thức tri ân, cùng cầu nguyện cho cha chánh xứ, các ân nhân và thân nhân còn sống cũng như đã qua đời và phó dâng công trình xây dựng này cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thánh lễ được diễn ra trong bầu khí hiệp nhất, thánh thiêng và đặc biệt, cùng với tâm tình chia sẻ của cha chủ tế: Tình yêu của Thiên Chúa trao ban cho con người đã được Chúa Giêsu diễn tả trong Tin Mừng qua dụ ngôn Con chiên lạc (Lc 15,3-7); đồng thời, qua đó cha nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi Kitô hữu hôm nay là “Hãy mở kho tàng Tình Yêu”: mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta cùng cảm tạ, vì Chúa đã trao cho địa chỉ “Kho Tàng Tình Yêu” (Mt 11, 28-29). Chìa khóa mở Kho Tàng chính là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Với những tâm tình ấy đã giúp ích cho cộng đoàn phụng vụ ý thức được rằng, mỗi tín hữu là một cây nến sáng của Thánh Tâm Chúa Giêsu và phải chấp nhận sự tiêu hao để ánh sáng Tình Yêu Thiên Chúa luôn được chiếu tỏa trong giây phút hiện tại của đời sống hằng ngày.

Sau lời nguyện Hiệp Lễ là khai mạc ngày Chầu Lượt. Các phiên Chầu Lượt được tiếp diễn với sự tham dự của từng thành phần của giáo xứ, và điều làm cho các giờ Chầu trở nên sinh động và thánh thiêng hơn, bởi có sự tham dự của các giáo xứ bạn cùng với sự đồng hành của các linh mục chánh xứ như: Cây Trường, Minh Hòa, Minh Thạnh, Rạch Kiến và Long Hòa cùng với hàng trăm tín hữu tham dự.

13g00 cùng ngày, kết thúc giờ Chầu, toàn thể cộng đoàn được phục vụ bữa ăn trưa trong tình thân ái, hiệp thông và ấn tượng nhất là được sự cỗ vũ và chấp thuận của quí cha chánh xứ đang hiện diện, các Hội Đồng Giáo Xứ tham dự phiên chầu bế mạc đã thống nhất một việc, mà lần đầu tiên thực hiện: đó là dự kiến cùng nhau tổ chức một chuyến hành hương chung vào ngày 17.6.2016, gồm 3 đơn vị: Dầu Tiếng, Rạch Kiến và Long Hòa.

Ngày mừng lễ và ngày Chầu Lượt của giáo xứ Dầu Tiếng đã khép lại với dấu ấn yêu thương và dấn thân theo tinh thần sống Năm Thánh của giáo phận Phú Cường: “Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể và Loan Báo Lòng Chúa Thương Xót”.

Xin Chúa cho ngọn lửa vẫn thiêu đốt Thánh Tâm Người cũng thiêu đốt lòng chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ nên giống Người hơn nữa, và đáng hưởng hạnh phúc muôn đời trong Thánh Tâm Chúa Giêsu.

GIÁO XỨ DẦU TIẾNG
 
Gx Khiết Tâm Sài gòn mừng lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ
Quang Huấn
09:27 06/06/2016
Mừng Bổn Mạng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ 2016 - Gx Khiết Tâm, tân bình - Sài gòn

Chiều ngày 05.06.2016, cộng đoàn Giáo xứ Khiết Tâm, tân bình - Sài gòn long trọng mừng bổn mạng Lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Đầu giờ lễ cộng đoàn Giáo xứ cùng Cha Phó dâng tiến hoa tôn vinh Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ Maria, mọi người đều sốt sắng trang nghiêm với những bài hát về Đức Mẹ và những bài nhạc trầm hùng của đội kèn Tây.

Xem Hình

Trong Thánh lễ Cha Chánh Xứ Gioan Kim Khẩu Tri Công Vị đã nhắc lại ý nghĩa lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, suy gẫm về trái tim của Đức Mẹ hay nói cụ thể hơn là tình yêu của Đức Maria như thế nào? Trái Tim Vẹn Sạch Đức Maria cũng giống trái tim chúng ta vô cùng. Có những lúc chúng ta hân hoan, vui tươi khi chúng ta gặp may mắn. Có những lúc chúng ta u sầu, hoang mang vì những biến cố, hay con cái chúng ta gây ra cho chúng ta. Nhưng có những lúc trái tim của chúng ta đầy ắp những sự hằn học bởi tội lỗi của chúng ta. Bởi vậy chúng ta hãy xin với Đức Maria hướng dẫn tâm tình và tình cảm, cũng như con tim của chúng ta, biết suy nghĩ lại trong lòng những gì Chúa đã làm cho Giáo Hội, đã làm cho Giáo xứ này, đã làm cho mỗi người chúng ta để chúng ta biết vâng theo Thánh ý Chúa ra sao.

Và hôm nay đây, trong tâm tình cảm tạ, tri ân Thiên Chúa và Mẹ Maria. Cộng đoàn dân Chúa giáo xứ chúng con hân hoan mừng kính trọng thể lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, bổn mạng của giáo xứ. Đây cũng là dịp để chúng con ôn lại những bước thăng trầm, trộn lẫn niềm tự hào của một Giáo Xứ, và cũng để khơi dậy tinh thần tông đồ trong cộng đoàn giáo xứ: biết làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường được sai đến, biết quên mình nghĩ đến việc chung và dám sống cho người khác.

Ước gì việc tôn sùng, việc kỷ niệm này sẽ tác động tình yêu của Thiên Chúa và Trái Tim vẹn sạch của Đức Maria, để xin Ngài tiếp tục nâng đỡ, dìu dắt giáo xứ chúng ta trong những ngày sắp tới. Xin Chúa ban bình yên, cũng như cho mọi công việc chúng ta đang làm được nhiều kết quả.

Chúng con xin cảm ơn Cha chánh xứ đã dâng Thánh lễ, hiệp ý cùng cộng đoàn chúng con, dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria lòng biết ơn sâu xa của chúng con trước hồng ân cao cả mà Thiên Chúa và Mẹ đã thương ban cho giáo xứ trong những năm qua.

Chúng con cũng không quên công ơn của quý Cha chánh xứ đã tiếp nối sứ vụ rao giảng Tin Mừng, hao tâm tổn lức, dày công xây dựng giáo xứ được trường tồn và phát triển như hôm nay. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria ban muôn hồng ân cho cha Chánh Xứ, để cha chu toàn sứ vụ mà Thiên Chúa và Giáo Hội đã giao phó.

Kết thúc Thánh lễ, cộng đoàn Giáo Xứ được mời gọi biết chia sẻ bác ái đến mọi người trong và ngoài Giáo Xứ trong ngày Mừng lễ bổn mạng Giáo xứ.

Xin Đức Mẹ là Mẹ phù hộ các giáo hữu tiếp tục cầu bầu và nâng đỡ cho Giáo xứ chúng con luôn mãi.

Quang Huân / Thanh Hoàng
 
Đại hội giới trẻ giáo phận Xuân Lộc
Hoàng Bá Qúy
22:38 06/06/2016
Lúc 8g30 sáng Chúa Nhật ngày 05/06/2016, gần 2500 bạn trẻ của 12 giáo hạt đến từ khắp nơi trong toàn giáo phận Xuân Lộc đã tề tựu về Nhà thờ Thanh Hoá, giáo hạt Hoà Thanh để cùng với người Cha chung giáo phận, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và mừng lễ bổn mạng Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh, một người con quê hương của Giáo xứ Tân Triều.

Xem Hình

"Giới Trẻ - Những sứ giả của lòng thương xót". Đây cũng chính là chủ đề đã được Ban mục vụ Giới Trẻ chọn đặc biệt riêng cho ngày gặp gỡ nhất là trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngoài ra, về tham dự "Ngày Giới Trẻ Giáo Phận" năm nay, các bạn trẻ còn vinh dự được đón tiếp quý Cha quản hạt, Cha quản hạt Hoà Thanh, Cha đặc trách Giới trẻ giáo phận Đaminh Nguyễn Thành Tiến, Cha Chính xứ giáo xứ Thanh Hoá, quý Cha trong Ban mục vụ Giới trẻ giáo phận và giáo hạt, quý Tu sĩ nam nữ, và quý Ban hành giáo cùng đồng hành.

Mở đầu ngày họp mặt là phần chia sẻ sâu sắc của Cha Giuse Vũ Đức Hiệp, Chính xứ Tân Triều về "Cuộc đời của Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh, một chứng nhân của lòng thương xót". Qua gương tiểu sử của thánh nhân, các bạn trẻ đã được cảm nghiệm lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho mỗi người, cách riêng là Thánh Phaolô Hạnh - một kết quả của Lòng Chúa thương xót, một bông hoa đức tin anh dũng bên vệ đường nhưng sau cùng đã toả mùi hương cách lạ lùng để trở thành vị thánh của Giáo Hội và của Giới trẻ giáo phận Xuân Lộc. Học tập gương nhân đức của Ngài, các bạn trẻ đã mạnh dạn đến với Bí tích Hoà Giải để được Chúa xót thương, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực hơn, sẵn sàng trở thành Sứ giả của Ngài và mang tình yêu ấy đến cho tha nhân. Cũng trong tâm tình tạ ơn, các bạn trẻ đã cùng nhau ca vang bài hát: "Tôi là Kitô hữu" để tạ ơn Chúa vì hồng ân mà Chúa đã ban cho Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh, một giang hồ Kitô.

Liên hệ đến các bạn trẻ, Cha Giuse, Ngài đề cập tới chứng bệnh vô cảm, lối sống thử và thích hưởng thụ đang lan tràn trong xã hội ngày nay, vốn là hậu quả của việc "chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa". Theo đó, những giá trị sống như lòng yêu thương, sự trung thực, tình bao dung, cũng như tinh thần trách nhiệm rất nhạt nhòa và hời hợt nơi các bạn trẻ. Ngài phân tích và gợi ý chữa lành bằng lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: "hãy mở lòng mình ra với Lòng thương xót của Chúa, mở tâm hồn và bản thân ra để Chúa Giêsu có thể ngự đến" bằng cách đi xưng tội và có lòng thương xót với tha nhân. Đây là cách rõ ràng và dứt khoát mời gọi Giới trẻ giáo phận Xuân Lộc.

Đến chia sẻ niềm vui với Giới trẻ giáo phận, quý Sơ Dòng Phan Sinh Đức Mẹ Thừa Sai đã đưa các em khiếm thị "Mái ấm tình thương Hữu Nghĩa" đến trình bày ba bản nhạc thật đặc sắc và ý nghĩa với giai điệu thật xúc động, đã đánh động tâm hồn nhiều người trẻ nhưng đồng thời cũng truyền tải một thông điệp tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngay sau các tiết mục xen kẽ, Đức Cha Giuse đã gặp gỡ, giảng cho các bạn trẻ giáo phận với bài chia sẻ định hướng và đặt rất nhiều kỳ vọng nơi Giới trẻ. Ngài đề cập tới những người đang đau khổ trong xã hội, những người đang rất cần đến tình thương yêu và sự quan tâm của cộng đồng. Riêng với Giới trẻ giáo phận, Đức Cha Giuse kỳ vọng người trẻ hôm nay sẽ là bàn tay nối dài của giáo xứ, sẵn sàng đem lòng thương xót của Chúa đến với những người nghèo khổ, đến các gia đình tăm tối, đến học đường và những người trẻ khác đang mất phương hướng. Ngài ước ao và mời gọi các bạn trẻ hãy lên đường, đồng thời ký thác sứ mệnh Lòng Thương Xót "ra đi" và "khơi lên" trong giáo phận bầu khí yêu thương và ngọt ngào mang đậm "chất thương xót" để từ đó mỗi người đều là những Sứ giả của Chúa, là chim én lớn nhỏ của ông hoàng Giêsu, đem tình yêu của Ngài đến khắp muôn nơi.

Để chúc lành cho sứ mệnh cao cả này, trong dịp này, Đức Cha Giuse đã tặng cho mỗi người trẻ một cuốn sách có tựa "Danh Ngài Là Thương Xót" của Đức Thánh Cha Phanxicô để làm hành trang cho các bạn trẻ, bởi "thương xót" cũng chính là Sứ điệp mà Đức Thánh Cha mong muốn toàn thể Giáo Hội Công Giáo thế giới thực hiện.

Ngày vui chung của Giới trẻ giáo phận càng thêm phần long trọng khi thánh lễ có phần kiệu rước Thánh Tử đạo Phaolô Trần Văn Hạnh, Ngài đã được các bạn trẻ chọn làm quan thầy và cung nghinh từ Giáo xứ Tân Triều, giáo hạt Biên Hoà về giáo xứ Thanh Hoá cho thánh lễ sáng nay.

Với đức tin của lòng cậy trông và yêu mến, thánh lễ được khởi đầu bằng đoàn rước đồng tế cung nghinh Ngài. Bầu khí phụng vụ nổi bật hoà cùng tiếng hát khen, ngập tràn hy vọng và hiệp thông với phần phúc Tử đạo của Ngài.

Trước Tượng của thánh nhân, Đức Cha Giuse và các bạn trẻ tham dự đã sốt mến dâng nén hương lòng kính trọng thể Ngài, lắng nghe "Văn Tế Kính Nhớ Thánh Phaolo Hạnh" với một ước mong được giống Ngài, sống chứng nhân lòng thương xót và can đảm tuyên xưng niềm tin "Tôi là Kitô hữu".

Chia sẻ Tin mừng Chúa Nhật tuần 10 thường niên. Từ hình ảnh Chúa "chạnh lòng thương" bà goá đau khổ có con trai mất đi, Đức Cha đã liên hệ đến nhu cầu lớn lao của nhân loại đó là "tìm được sự sống" và "gặp được lòng thương xót". Người trẻ cũng được mời gọi không bao giờ tuyệt vọng nhưng luôn hy vọng vào Chúa, diễn tả lòng thương xót với những đau khổ và bất công chung quanh. Một câu nói tích cực hay một nụ cười có thể mang lại niềm hạnh phúc cho tha nhân. Vì thế, xin thánh Phaolo Trần Văn Hạnh cầu bầu cho tất cả Giới trẻ Giáo phận hãy là những bàn tay nối dài của Chúa Giêsu, chạnh lòng thương đối với những người đau khổ và với những người lỡ lầm.

Diễn tả tâm tình mừng vui cuối lễ, một bạn trẻ đại diện cảm ơn Đức Cha, Đức ông, quý Cha, và các Ban ngành đã yêu thương về tham dự lễ bổn mạng của Giới trẻ giáo phận. Theo đó, hứa ghi vào lòng những giáo huấn của Đức Cha để mỗi ngày cảm nhận sâu sắc hơn Lòng Chúa xót thương ngõ hầu trở nên những chứng nhân về tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Đáp từ, Đức Cha Giuse nói lên niềm hy vọng của giáo phận nơi người trẻ. Ngài nhìn thấy tương lai của giáo phận và xin Chúa, Đức Mẹ, đặc biệt là thánh bổn mạng Phaolo Hạnh đồng hành mãi với giới trẻ trong suốt hành trình cuộc đời.

Đại hội Giới trẻ giáo phận Xuân Lộc kết thúc tốt đẹp trong tâm tình tình tạ ơn Thiên Chúa của mỗi bạn trẻ với những hy vọng, niềm vui, hạnh phúc, và những khát khao yêu thương theo họ lên đường.

Truyền Thông hạt Hố Nai
 
Phỏng vấn tại đại hội giới trẻ Xuân Lộc
Nhóm Ephata
22:41 06/06/2016
PHỎNG VẤN TẠI ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

Với Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

PV: Kính thưa Đức Cha, về tham dự ngày Đại hội Giới trẻ giáo phận năm nay, Đức Cha có cảm nhận gì về bầu khí và tinh thần tham dự của các bạn Giới trẻ giáo phận?

Đức Cha: Cha đã nói với các con trong bài gặp gỡ chia sẻ rồi. Nhưng Cha chỉ mong ước Giới trẻ được hun đúc tinh thần tông đồ, sẵn sàng trở thành sứ giả cho lòng thương xót của Chúa.

PV: Nhân dịp Giới trẻ chúng con tề tựu về đây trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa, với cương vị là Tân Giám mục Chính toà, Đức Cha có nhắn nhủ gì với chúng con trong buổi gặp gỡ đầu tiên này?

Đức Cha: Hôm nay mới chỉ là bước đầu, từ từ sẽ có những cuộc gặp gỡ đông đảo hơn. Cha mong ước tất cả Giới trẻ giáo phận sẽ là một kinh nghiệm quý báu, mang sức sống mới đến cho đời sống của giáo phận. Ngoài Giới trẻ có Giới Gia trưởng và Hiền mẫu sẽ là những người ươm mầm đức tin cho Thiếu nhi giáo phận. Hôm nay, toàn thể Giới trẻ giáo phận đúng là nguồn vui và là niềm hy vọng tương lai cho giáo phận.

Với Cha Đaminh Ngô Công Sứ, Trưởng Ban Truyền Thông Giáo phận Xuân Lộc

PV: Đến với Đại hội Giới trẻ giáo phận Xuân Lộc hôm nay, với cương vị là Cha đặc trách Truyền thông của giáo phận, Cha có thể đóng góp ý để chúng con có thể cải thiện chương trình tốt hơn cho năm sau?

Cha Đaminh: "Chúa nói hãy đi loan báo Tin mừng khắp nơi". Đến đây hôm nay, nhìn thấy các bạn trẻ làm công tác truyền thông trong Chúa thì tôi rất vui, bằng chứng là bạn nào cũng có một cái điện thoại thông minh, nhắn tin, và gửi trong tíc tắc. Quả thật, trong giáo phận có rất nhiều các bạn trẻ làm công tác truyền thông.

Ban truyền thông được hình thành từ giáo phận, đến các giáo hạt, giáo xứ và từng nhóm. Hôm nay, tôi thấy các bạn trẻ hoạt động rất tốt. Tôi mong rằng trong bất cứ sự kiện nào của địa phận, sẽ có đông những người trẻ tham gia công tác truyền thông. Đại hội Giới trẻ giáo phận mừng thánh quan thầy Phaolô Hạnh năm nay có một điểm đặc biệt là được chính Đức Giám Mục giáo phận kêu gọi vào ngày 31-05-2016 vừa qua. Như là một cuộc hẹn, Đức Giám Mục hẹn các bạn đến đây, rồi chúng ta truyền tai nhau, nói với nhau qua trang mạng của địa phận rằng là vị chủ chăn đang đợi chúng ta. Chính cái hẹn đó đã làm cho các bạn trẻ phấn khởi và đến đại hội đông hơn. Đây chính là truyền thông. Vì thế chúng ta hãy tiếp tục loan truyền tin vui đó đến cho các bạn trẻ.

Tôi thấy không chỉ có Giới trẻ về tham dự mà còn có cả giáo lý viên, sinh viên, công nhân, kỹ sư. Đây là một cuộc sum họp của Giới trẻ giáo phận Xuân Lộc nhưng lại mang ý nghĩa khá đặc biệt cho giáo phận. Từ hôm nay bắt đầu mở ra cho chúng ta một hướng đi tông đồ mới, và người làm công tác truyền thông sẽ góp phần cho thành công của Ban truyền thông.

Với bạn Maria Nguyễn Thị Bích Thảo, Giáo lý viên giáo xứ Tân Bình, giáo hạt Phú Thịnh

PV: Đây là năm thứ mấy bạn tham gia Đại hội Giới trẻ giáo phận Xuân Lộc được không. Cảm tưởng của bạn là gì?

Maria N.T.B.T: Đây là lần đầu tiên em được tham gia một đại hội lớn trong vai trò là Giáo lý viên. Em nhận thấy tinh thần các bạn trẻ rất sôi nổi và hăng say. Ví dụ như lúc cúp điện chẳng hạn, nhưng tinh thần của các bạn trẻ vẫn không bao giờ chìm. Đến tham dự đại hội, được nghe bài chia sẻ của Đức Cha em rất thích, đã rút ra cho đời sống mình những ý nghĩa cũng như bài học quý giá. Thánh lễ diễn ra trang nghiêm và long trọng.

Thực hiện: NHÓM EPHATA
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nỗi sầu đất nước
Đường Thẳng
22:54 06/06/2016
NỖI SẦU ĐẤT NƯỚC

Họa theo bài thơ: Đất Nước Mình ngộ quá phải không anh? của cô giáo Trần Thị Lam (Hà Tĩnh).

1. Tôi muốn làm bài thơ về đất nước,
Vọng hồn thiêng sông núi bốn nghìn năm,
Chợt bỗng nghe tiếng hỏi chốn xa xăm, (1)
Lòng bừng tỉnh thấy tim mình quặn nhói!

2. Tôi sẽ kể cho em nghe tất cả,
Chuyện đau buồn trên đất nước tang thương,
Sau bao năm ngưng khói lửa chiến trường,
Những hình ảnh làm đau lòng Đất Mẹ!!!

3. Đất nước mình tội lắm phải không em?
Hết chiến tranh ngỡ hòa bình vui sống,
Nhưng lòng người sao hoài không nhất thống,
Chửi nhau rền tranh chấp chuyện thắng thua?

4. Đất nước mình nhảm lắm phải không em?
Một người Việt chấp mấy thằng Tây, Nhật.
Làm một mình kiểu gì cũng là nhất,
Nhưng hợp lại chỉ cãi lộn đánh nhau!

5. Đất nước mình ngạo lắm phải không em?
Ỷ sức người cày cơm từ sỏi đá,
Ỷ có đôi tay sẽ làm được tất cả, (2)
Chẳng trí tuệ nhưng thích nói “ai kiu” (IQ-3)!!

6. Đất nước mình nổ lắm phải không em?
Đi dép lốp mà bay vào vũ trụ,
Quơ máy bay bằng bồ cào răng cụ,
Gậy tầm vông đâm lủng bánh xe tăng!!

7. Đất nước mình sạo lắm phải không em?
Có thằng bé tự đốt thân mình thành ngọn lửa,
Như siêu nhân bay vù qua bao hàng rào cánh cửa,
Thành huyền thoại đầu độc tuổi học sinh. (4)
40. Đất nước mình ngố lắm phải không em?
Nước ngoài dụ mua nào râu ngô, rễ quế
Móng trâu, ốc, đỉa, hoa trái non phá hoại kinh tế,
Tài nguyên Bô-xít đào bán rẻ như cho!!!

41. Đất nước mình điếm lắm phải không em?
Sản xuất hàng giao lần đầu rất chất lượng,
Những lần sau hàng đểu hàng gian thật phát ngượng,
Làm ăn chi rứa, bạn hàng đành dứt bỏ sang ngang!!!

42. Đất nước mình ngựa lắm phải không em?
Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi bới,
Làm trò cười với những kỷ lục cho là mới, (9)
Nghĩ thật buồn cho thế hệ hôm nay!!!

43. Đất nước mình mốt lắm phải không em?
Ai cũng thích chạy đua theo thời thượng,
Trang điểm hàng hiệu xài giống như thần tượng,
Truyền thống dân mình còn gì nữa, em ơi?!!

44. Đất nước mình dối lắm phải không em?
Dân chủ ta gấp ngàn lần tư bản,
Tự do ngôn luận biểu tình không ai cấm cản,
Vừa há miệng bị đập nát cả hàm răng!!!

45. Đất nước mình đểu lắm phải không em?
Láu cá ranh ma nói một đằng làm một nẻo,
Vừa nói xong miệng cười chối leo lẻo,
Bụng tự khen mình: lừa thế nó cũng tin!!?

46. Đất nước mình xấu lắm phải không em?
Xếp hàng thứ tự bị cho là điên mát,
Của rơi ra, cả ngàn người tranh giật xô xát, (10)
Người tử tế, lịch thiệp nay sao thật hiếm hoi!!!

47. Đất nước mình chậm lắm phải không em?
Mấy chục năm chỉ làm được con ốc vít,
Bắt chước nước ngoài có thêm vài thứ đồ chơi con nít,
Bởi người tài loại bỏ hết, còn đâu?!!
32. Đất nước mình mị lắm phải không em?
Sau bao năm chưa hàn gắn được thương tích,
Bởi lũ kiêu binh mang tầm nhìn cũ rích,
Giữa đêm trường vẫn mộng tưởng mác-lê!!!

33. Đất nước mình tã lắm phải không em?
Những con thuyền bị tàu lạ đánh cướp,
Người ngư dân rách tơi như sơ mướp.
Ngồi trên bờ nhìn biển đảo mất dần, hỡi ai!!!

34. Đất nước mình loạn lắm phải không em?
Loạn giao thông mỗi năm cả ngàn người chết,
Kinh tế loạn rớt giá cây con chặt hủy hết,
Xã hội luật rừng khốn khổ lũ dân đen!!!

35. Đất nước mình bợm lắm phải không em?
Thành thị thôn quê đâu cũng tràn bia rượu,
Miệng: dzô, dzô… rồi gọi xe cấp cứu,
Nhất nhì thế giới trên ba tỷ lít mỗi năm!!!

36. Đất nước mình rách lắm phải không em?
Vùng sâu vùng xa bao người đói rét,
Thiếu áo cơm bệnh xanh gầy tái mét
Phố chợ nhiều người còn lê lết xin ăn!!!

37. Đất nước mình cực lắm phải không em?
Nông dân công nhân vẫn trăm chiều vất vả,
Cảnh đói no thất học chạy ngược xuôi tất tả,
Bởi cái nghèo chưa thoát kiếp lầm than!!!

38. Đất nước mình tệ lắm phải không em?
Bởi bất công giàu nghèo quá cách biệt,
Người thứ dân bị cường hào khinh miệt,
Kẻ yếu thế gặp nạn chẳng được ai bênh!!!

39. Đất nước mình tủi lắm phải không em?
Ai cũng muốn làm giàu “bằng mọi giá”,
Nghèo mà thanh sạch bi khinh như chó má,
So bạc tiền, phẩm giá con người có thá chi!!!

8. Đất nước mình sĩ lắm phải không em?
Nghèo mà cứ khoe ta là số một,
Mượn đôla mua siêu xe, xây tháp chạy theo mốt, (5)
Nhưng lại chẳng đủ tiền mua thịt sữa em ăn!

9. Đất nước mình chảnh lắm phải không em?
Muốn chơi với Mỹ nhưng miệng la “em chả!!!”
Sợ anh Tàu khựa “bốn tốt” không dám nhả,
Liếc ôm kiểu này đĩ ngựa cũng chào thua!

10. Đất nước mình chán lắm phải không em?
Dân lên tiếng họa xâm lăng và môi trường đang chết,
Chính quyền vu thế lực thù địch cho bắt hết,
Đánh vùi dập dân mình, vui lòng thầy ngoại bang!!!

11. Đất nước mình rởm lắm phải không em?
Cứ mỗi năm ra lò cả hàng ngàn tiến sĩ,
Trên thế giới ta chỉ sau nước Mỹ,
Nhưng cá chết tràn biển lại chẳng biết tại đâu!!?

12. Đất nước mình dại lắm phải không em?
Đâu còn cảnh biển bạc và rừng vàng bát ngát,
Bởi thói gian tham và lũ xâm lăng gian ác,
Sự sống thiên nhiên đang dần mất, hỡi em!

13. Đất nước mình tếu lắm phải không em?
Người chủ làm gì nói gì đi đâu cũng khép nép,
Lũ đầy tớ quen giơ tay dọa nạt la hét:
Nếu muốn sống, phải “câm miệng”, biết không?

14. Đất nước mình bẩn lắm phải không em?
Đến chỗ mô cũng tràn ngập những đống rác,
Rác ngoài đường, trên cầu, dưới kênh, cạnh dòng thác,
Khách Tây móc dọn lại bị lên án bêu dương! (6)

15. Đất nước mình bịp lắm phải không em?
Chưa bỏ phiếu mà kết quả đã biết,
Bởi Đảng cử dân bầu đành giơ tay chịu thiệt,
Chùm tay đảng như vòi tuộc siết toàn dân.
16. Đất nước mình ngán lắm phải không em?
Muốn nói gì làm gì cũng phải theo ý đảng,
Nói theo lương tâm cũng bị chụp cho là phản,
Lũ theo đóm ăn tàn cứ sống phẻ phây phây.

17. Đất nước mình nhọ lắm phải không em?
Bao em gái bỏ quê đua nhau lấy chồng ngoại,
Trai Việt Nam chê ít tiền bị loại,
Nghĩ mà đau cho nòi giống rồng tiên!

18. Đất nước mình lọ lắm phải không em?
Đâm chém nhau vì cái nhìn cho là đểu,
Từ chối ly rượu cũng bị cho là láo lếu
Chẳng trách chi tình nghĩa cứ vụt bay!

19. Đất nước mình ớn lắm phải không em?
Móc đồ, cướp giật, chôm chỉa… nhanh như gió,
Người rất đông nhưng chỉ toàn đứng ngó,
Ai cũng thủ thân mình mặc kệ nó, đi thôi!

20. Đất nước mình rẻ lắm phải không em?
Chỉ ngàn đô mang về một cô vợ,
Khoáng sản, đất rừng rao thuê bán như ngoài chợ,
Hoàng – Trường sa bãi chim ỉa bỏ cho không! (7)

21. Đất nước mình khổ lắm phải không em?
Học trò đu dây qua sông tìm con chữ,
Thất nghiệp nhiều, lương rẻ rúng sống lắt lay cầm cự,
Lâm túng quẫn, lắm kẻ làm liều mất cả danh thân!

22. Đất nước mình nhục lắm phải không em?
Ra nước ngoài đều bị người soi xét,
Nghi ăn cắp, buôn lậu, đĩ điếm đi vơ vét,
Thật ê chề tấm hộ chiếu Việt Nam! (8)

23. Đất nước mình quái lắm phải không em?
Một người làm quan cả họ vinh hưởng,
Lũ dân đen mất đất, nằm đường vất vưởng.
Sao ông bảo: quan là đầy tớ, gốc là dân?
24. Đất nước mình bạc lắm phải không em?
Hoàng sa, Gạc-ma, Tây Bắc bao lớp người ngã xuống,
Biên giới Tây nam, ngàn TNXP chết trên đồng ruộng,
Sao không thấy ngày nào tưởng nhớ mỗi năm?!!

25. Đất nước mình khiếp quá phải không em?
Thực phẩm, đồ dùng mọi thứ đều nhiễm độc,
Cả nguồn nước, bầu trời, đất đai như than khóc,
Khóc thương cho đất nước sắp tiêu vong!

26. Đất nước mình lấm lắm phải không em?
Bởi hoen ố đã lem vào khắp chốn,
Cả giáo dục, y tế mọi ngành theo nhau đổ đốn,
Người hiền tài đạo đức biết tìm đâu?

27. Đất nước mình thảm lắm phải không em?
Người ra đi mang căm hờn oán giận,
Kẻ ở lại gánh nỗi sầu bất tận,
Đứa ngồi trên chỗm chệ tưởng mình oai!!!

28. Đất nước mình sợ lắm phải không em?
Lũ ăn cắp, bất lương tự cho là chính nghĩa,
Mở miệng dạy đạo đức bằng giọng đáng khinh mỉa,
Người lương thiện co cụm bởi thế cô!

29. Đất nước mình hãi lắm phải không em?
Bất kỳ ai cũng có thể là tội phạm,
Vu khống cáo gian việc gì mà chẳng dám,
Bắt lầm không bỏ sót vốn luật lệ xưa nay!

30. Đất nước mỉnh rối lắm phải không em?
Tham nhũng tràn lan bởi thượng bất chính,
Hạ tắc loạn, sinh bao thủ đoạn toan tính,
Chẳng trách gì trên bảo dưới không nghe!!!

31. Đất nước mỉnh cuội lắm phải không em?
Thành tích kỳ này trổi cao so kỳ trước,
Đất đá sắt thép cây con cái gì cũng vượt,
Nhưng sao vẫn nghèo, mãi cứ phải ăn xin!??

48. Đất nước mình ngược lắm phải không em?
Nghe chúng bảo: hiền tài là nguyên khí.
Nhưng chẳng thấy đâu việc chiêu hiền đãi sĩ,
Chỉ cần ngoan ngoãn vâng chỉ đạo là xong!!!

49. Đất nước mình đắng lắm phải không em?
Nướng dân đen vì sự nghiệp chống Mỹ
Nay hết thời nhận ra điều nghịch lý,
Uổng mạng bao người vì một thuở ngu si!!!

50. Đất nước mình dị lắm phải không em?
Người xưa dạy: sống trung thực, ai cũng biết.
Nhưng thật thà thẳng thắn thường thua thiệt,
Kẻ lươn lẹo lắt léo lại lên lương!

51. Đất nước mình còn trải lắm đau thương!
Bởi chúng ta chưa biết cùng nhau vượt qua hèn nhát,
Còn run sợ trước hy sinh mất mát,.
Lẽ nào lưu mãi nỗi sầu nhục quê hương?

52. Có nước nào như nước mình không em?
Giầu tài nguyên, biển rừng, đồng ruộng, tiết thời thuận lợi,
Dân cần cù thông minh sáng tạo, cùng mơ ngày “ta đi tới”, (11)
Nhưng đi mãi đi hoài… chẳng thấy bóng tương lai!!!

Chúa Nhật 22. 05. 2016. (ngày bầu cử QH k.14!)

Đường Thẳng.

Chú Thích:
(1): Câu hỏi trong bài thơ Đất nước mình…? Của cô giáo Lam.
(2); (11): thơ của nô bút tố hữu (?)
(3): chuyện sạo lê văn tám.
(4): một đại biểu QH tuyên bố: dự án tàu cao tốc = IQ cao ??
(5): nhà nước cộng sản định xây tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Hà Nội (?)
(6): chuyện có thật tại phố Nguyễn Khang (Q. Cầu Giấy, HN)
(7): tuyên bố của “ba náo”, bí thư phường … (Sài Gòn)
(8): phát biểu của Đức Tổng Kiệt (nguyên TGM Hà Nội)
(9): kỷ lục bánh chưng thối, bánh dày mốc!
(10): xe chở bia bị lật tại vòng xoay Tam Hiệp (Đồng Nai)








 
Văn Hóa
Ánh sáng tình yêu
Đinh Văn Tiến Hùng
18:15 06/06/2016
Ánh Sáng Tình Yêu

“ Ta là Ánh Sáng thế gian, để bất cứ ai tin vào Ta, thì không ở lại trong bóng tối. “
( Gioan. 12 : 46 )

Có bóng tối Ánh Sáng sẽ bừng lên rực rỡ,
Hang Be-lem xưa kia một thôn xóm nghèo hèn,
Những mục đồng đơn thật say giấc cùng bầy chiên,
Thiên Sứ báo chỗi dậy thấy đất trời tỏa sáng.

Ôi Yê-ru-sa-lem mỏi mòn bao năm tháng,
Đây Hài Nhi được dâng tiến giữa đền thờ,
Mở đầu kỷ nguyên mới dân Chúa hằng mong chờ,
Trái tim Sê-mê-on và An-na thổn thức.

Chúa gọi ‘Hãy theo Ta!’ Mát-thêu đang thu thuế,
Bỏ tất cả theo Chúa không luyến tiếc chần chờ,
Vì lòng tin ấy đang chỗi dậy một giấc mơ,
Đi theo Thày Giê-su cuộc đời sẽ đổi mới.

Ông Phê-rô sợ hãi nên ba lần từ chối,
Không dám nhận mình là môn đệ của Giê-su,
Nhưng Chúa nhìn thương yêu đầy tha thứ nhân từ,
Chợt gà gáy Phê-rô đã ăn năn xám hối.

Người trộm lành treo trên thập giá Chúa biến đổi,
Giữa cơn địa chấn mây mù sấm chớp kinh hoàng,
Tình yêu Chúa soi rọi kẻ tội lỗi lầm đàng,
Biết thống hối được nhận lãnh Thiên đàng vĩnh phúc.

Mẹ Tê-rê-sa cuộc đời nêu cao nhân đức,
Săn sóc người nghèo khổ bệnh tật với tình thương,
Kẻ bị xã hội ruồng bỏ vất vưởng ngoài đường,
Vì chính họ là hiện thân Tình yêu Thiên Chúa.

Con luôn vững tâm tin theo như lời Chúa hứa,
Lời Hằng Sống con thật diễm phúc Chúa ơi !
Chúa đem Ánh Sáng Hồng Ân Cứu Độ từ trời,
Giải thoát tâm hồn con ngập chìm trong bóng tối.

“Lạy Chúa từ nhân !
Xin cho con biết mến yêu
Và phụng sự Chúa trong mọi người.
………………………………..
Để con rọi Ánh Sáng vào nơi tối tăm,
Đem nguồn vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con !
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. (*)
………………………………………

Đinh văn Tiến Hùng

(*) Trích dẫn ‘Kinh Hòa Bình’ của Thánh Phanxicô Assisi.


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Một Góc Hànội Rất Xưa
Nguyễn Ngọc Liên
18:02 06/06/2016
MỘT GÓC HÀNỘI RẤT XƯA
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Đêm nay Hà Nội nhớ Thăng Long
Biết Vua thời Lý cũng đau lòng
Người đi dưới ánh sao Khuê đó
Vững tin nơi Hồn Thiêng Núi Sông.
(Trích thơ của Nguyên Hoàng Bảo Việt)