Ngày 06-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh tâm Chúa Giêsu
Lm Giacôbê Tạ Chúc
01:12 06/06/2009
Trong suốt tháng sáu-tháng Thánh Tâm, Giáo hội mời gọi mỗi người hướng lòng trí mình lên cùng Trái Tim dịu hiền của Chúa Giêsu, nguồn mạch mọi phúc lành của Thiên Chúa.

Nói đến trái tim là nói đến tình yêu, mà nói đến tình yêu là nói tới con người. Vì chỉ con người mới biết yêu thương. Nhưng tình yêu không tự nhiên mà có, nguồn cội của nó do bởi Đấng Tạo thành. Thánh Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 7tt). Gần đây, có người tìm được tấm ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu, phần dưới trái tim Chúa đang chảy máu, người này xin Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn cho phép phổ biến tấm ảnh ấy. Đức Hồng y cho phép với điều kiện in thêm câu này trên ảnh: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả”.

Cuối tháng 3-2007, Đức Hồng Y đi thăm Nhật và biết được câu truyện các Thánh tử đạo Nhật. Truyện kể hai ông quan chịu trách nhiệm bắt giam những người Công Giáo cuối thế kỷ 16, khi tịch biên tài sản của họ, phát hiện trong đó có ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Một trong hai ông quan đặt tấm ảnh Thánh Tâm Chúa trên bàn làm việc và suy nghĩ suốt đêm: Tại sao người trong ảnh có trái tim ở ngoài ? Hôm sau ông có kết luận và viết: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả” (Người có trái tim ở bên ngoài, bên trong lại không có tim: ám chỉ người chỉ lo và yêu thương người khác mà không lo cho chính mình). Đó chính là đặc tính của Thánh Tâm Chúa.

Chúng ta hãy tìm hiểu hai chữ “Thánh Tâm”.

Nghĩa chữ Thánh Tâm:

2.1. Thánh: chữ Hán có hai chữ [1]. Trong từ Thánh Tâm, thánh là chữ tâm. Chữ thánh có nhiều nghĩa. Liên quan đến từ Thánh Tâm thì là những nghĩa sau: Thánh, chỉ những gì thuộc về Đức Chúa và các đấng thiêng liêng, ví dụ: Thánh giáo, Thánh ý. Thánh cũng có nghĩa mầu nhiệm, tốt đẹp hoàn toàn, vd.: Thánh đức.

2.2. Tâm: có hai chữ Hán là ?và?, ở đây là chữ?, chữ tâm?là chữ tượng hình, kiểu viết tiểu triện có hình trái tim:, còn kiểu viết khải thư ? thì ở trên có ba dấu tượng trưng ba cái cuống, ở dưới là túi chứa máu.

Chữ tâm có rất nhiều nghĩa: (dt) (1) Trái tim, cơ quan tuần hoàn của con người và động vật có lưng, vd. tâm tạng; (2) Trái với vật, ý thức của con người; (3) Ý chí; (4) Lòng yên tĩnh, vd. tâm bình khí hoà; (5) Căn nguyên của đạo[1]; (6) Chính giữa, vd. viên tâm; trọng tâm; (7) Một trong hai mươi tám tinh tú; (8) Danh từ Phật giáo, trái với sắc, Phật giáo coi những vật thể có hình dáng mà con người cảm giác được, gọi là sắc, những gì thuộc lĩnh vực tinh thần, gọi là tâm[1]; (9) Tư tưởng, bộ não, người xưa ngộ nhận tâm là cơ quan tư duy, nên cơ quan tư tưởng, các tình trạng tư tưởng và tình cảm đều gọi là tâm, vd. tâm cảnh, tâm địa; (10) Phần giữa của thực vật, vd. hoa tâm; (11) Bản tính; (12) Lương tâm, vd. tâm tính; (13) Cái gai; (14) Hình trái tim(?), tượng trưng cho tình yêu. (đt) (15) Tính toán trong lòng, vd. tâm tính; (16) Quyết đấu trong lòng, vd. tâm chiến.

2.3. Thánh Tâm (??) còn gọi là "Rất Thánh Trái Tim" nghĩa là trái tim thuộc về Đức Chúa (hoặc Đấng thiêng liêng).

Nơi nhiều dân tộc, tâm (hay trái tim) vừa để chỉ trái tim bằng thịt nhưng cũng nói lên một điều gì gồm tóm cả con người, cho dù chỉ dưới một khía cạnh nào đó (cũng như những danh từ khác, chẳng hạn: đầu, bụng, lòng dạ, tay mặt...). Chẳng hạn, với người Á đông, trái tim diển tả tình cảm và tư tưởng của con người, mà tình cảm của con người có thất tình lục dục. Thất tình (bảy thứ tình cảm) của con người theo Nho giáo là: hỷ (vui), nộ (giận), ai (buồn sầu), cụ (sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (ước muốn); theo Phật giáo là: hỷ, nộ, ưu (lo nghĩ), cụ, ái, tăng (ghét), dục. Thất tình của Nho giáo và Phật giáo tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều có ái. Ái là tình yêu thương. Trái tim có nghĩa là trung tâm thật sự và sâu kín nhất của con người (nội tâm), nó gồm tóm cá tính cụ thể của con người hướng dẫn mọi hành động ý thức hay vô thức của con người, là yếu tính đồng nhất cách tự nhiên và tượng trưng cho mọi tập quán khác nhau của con người, nhờ đó chúng có một ý nghĩa tối hậu.

Như thế trái tim tượng trưng cho toàn thể con người như là nguồn mạch tạo nên cuộc sống của mình. Lời kêu xin: "Hỡi con, hãy cho Cha trái tim của con" (Cn 23,26) có nghĩa là: "Hãy cho Cha cả con người của con".

Vậy, khi nói về Thánh Tâm Chúa Giêsu là chúng ta luôn luôn hiểu ngầm cả con người Chúa Kitô. Hơn nữa, chúng ta cốt yếu để ý đến chính con người, vì trái tim có nghĩa là phương tiện hoặc là trung tâm điểm của con người. Đây là lý do tại sao Hội Thánh không muốn trưng bày công khai trái tim như thể của Chúa Kitô bằng ảnh tượng mà không có cả con người Chúa Kitô (Trong việc thờ kính riêng tư có thể được phép trưng bày như thế nếu không bất tiện).

Trái tim không nhất thiết là tình yêu, vì trong trường hợp người gian ác, thâm tâm họ đâu có thể là tình thương. Nhưng nếu một người đầy tình yêu đối với tha nhân và đối với Thiên Chúa thì thâm tâm người ấy được gọi rất đúng là tình yêu như trong trường hợp về Chúa Giêsu.

Trái tim bằng thịt không phải là hình ảnh (image) nhưng là tượng trưng (symbol) của "trái tim" theo nghĩa vừa nói ở trên. Không phải là hình ảnh, vì "trái tim" là thâm tâm của con người, nó bao hàm tất cả tính tình của con người, nhất là thuộc lãnh vực tâm linh và vì thế không thể trình bày cách đúng đắn bằng hình ảnh được. Đó là biểu tượng tự nhiên (không phải theo ý riêng hay tập quán), vì tất cả tính tình của con người có ảnh hưởng một cách nào đó đều được cảm thấy và được sống nơi trái tim vật lý của con người. Vì trái tim bằng thịt chỉ là tượng trưng, chứ không phải là hình ảnh, nên không cần phải trình bày thật đúng vật lý một cách tỉ mỉ, nhưng ta có thể thêm bớt (chẳng hạn thêm mão gai có thánh giá ở trên, có lửa bừng cháy...), và cũng có thể đặt nó ngay giữa lồng ngực.

Việc tôn thờ Thánh Tâm

Khi tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa, Hội Thánh tôn thờ cả thiên tính lẫn nhân tính của Người, và mọi phần thân thể của Chúa Kitô cũng đáng phượng thờ như nhân tính Người vậy. Tuy nhiên, trong thực hành, Hội Thánh chỉ cho phép tôn thờ cách minh định một phần chi thể nào nếu nó có vẻ cao đẹp đặc biệt hay có lý do đặc biệt để tôn kính cách minh định. Vì thế, Hội Thánh tôn thờ cách minh định Bửu Huyết Chúa Kitô, Thánh Tâm Chúa Giêsu; nhưng kết án một ít việc tôn thờ (thí dụ: tôn thờ linh hồn, hai cánh tay, đầu Chúa Kitô) hoặc chỉ làm thinh cho tôn thờ thôi (chẳng hạn đối với Thánh Nhan Chúa Kitô)...Việc tôn thờ Thánh Tâm là nòng cốt của Công giáo như các ĐGH Piô XI và Piô XII đã nói: "Tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu là điểm cốt yếu của đạo chúng ta " (summa religionis nostrae). Thực vậy, trong việc tôn thờ này đức tin Kitô giáo vẫn nguyên tuyền vì nó đưa con người tới Chúa Ba Ngôi nhờ sự hợp nhất với Chúa Kitô, Đấng Trung Gian.Việc tôn thờ này có thể nhằm tình yêu cứu chuộc như đối tượng chính, nhưng nó không loại bỏ tình yêu mà Chúa Kitô vinh hiển đã tỏ ra và còn tỏ ra mãi mãi, vì tình yêu này là phần bổ túc thiết yếu của tình yêu cứu chuộc. Đồng thời chúng ta cũng phải để ý: tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô và với Thiên Chúa phải cốt yếu là tình yêu bị đóng đinh của Chúa Kitô được biểu tượng bằng trái tim Người thì thật hợp lý. Tình yêu bị đóng đinh ấy trước hết được kích động nơi cá nhân nhưng nó không có tính cách "cá nhân chủ nghĩa", vì tình yêu được kích động trong việc tôn thờ này cũng có tính cách tông đồ (được sai đi) như tình yêu của Chúa Kitô, Đấng mà việc tôn thờ Thánh Tâm hướng đến. Hơn nữa, việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu kêu mời chúng ta bắt chước Người.

Việc hoàn toàn tận hiến cho trái tim Chúa Giêsu có hiệu lực mạnh nhất để thúc đẩy ta yêu mến Chúa Kitô. Vì thế, thánh nữ Magarita và chân phúc Claudio đã tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. ĐGH Lêo XIII đã dâng hiến toàn thể nhân loại cho Thánh Tâm Chúa và hàng năm việc hiến dâng đó được lặp lại vào ngày Lễ Chúa Kitô Vua. Hiến dâng cho Thánh Tâm Chúa vì trong Thánh Tâm Chúa chúng ta tìm được tình yêu thúc đẩy chúng ta yêu mến Chúa và tận hiến hoàn toàn cho tha nhân.

Nên dùng từ Thánh Tâm để diễn tả tình yêu của Chúa là rất hay, và câu nói của ông quan người Nhật cũng rất đúng:

“Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả”.

Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, một hình ảnh đầy thương tâm nhưng cũng rất ý nghĩa thể hiện trọn vẹn tình yêu Của Chúa Giêsu khi người lính lấy giáo đâm vào trái tim Chúa: “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì Máu cùng nước chảy ra”( Ga 19, 34). Máu và Nước chảy ra, nguồn mạch tình yêu cũng bắt đầu được khai sinh. Giáo Lý Hội Thánh số 478 dạy: “Trong suốt cuộc đời, cả khi hấp hối và chịu khổ nạn, Đức Giê-su biết và yêu mến mọi người và từng người chúng ta. Người đã hiến mạng cho mỗi người chúng ta. "Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gl 2,20). Người đã yêu chúng ta bằng con tim nhân loại. Do đó Thánh Tâm Chúa Giê-su, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta (x. Ga l9,34), "được coi là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà Đấng Cứu Thế không ngừng dâng lên Chúa Cha hằng hữu và dành cho mọi người không trừ ai" (. Pi-ô XII, Thông điệp "Haurietis aquas": DS. 3924; x.DS.38l2).

Nguyện chúc mội tín hữu, khi chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu và suy niệm về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, được tràn đầy ân sủng của Người, hầu trở nên khí cụ tình yêu của Chúa.
 
Sống, Yêu, và Hiệp nhất như Ba Ngôi
Anmai, CSsR
01:27 06/06/2009
LỄ CHÚA BA NGÔI (Mt 28, 16-20)

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao


Câu ca dao mộc mạc của người Việt Nam tự bao đời nay để lại bài học quý báu cho con người về sự hiệp nhất, sự cộng tác với nhau. Một vườn hoa mà chỉ có một cây hoa và một cây hoa mà chỉ có một bông hoa nhìn vào thấy lẻ loi, đơn độc. Một cây hoa có nhiều bông hoa, một vườn hoa có nhiều cây hoa nhìn vào nó khác hẳn.

Hình ảnh đơn giản nhất trong cuộc sống của chúng ta, người ta vẫn thường dùng một cụm từ đơn giản « vững như kiềng 3 chân » để nói lên một cái gì đó nếu đặt trên một cái kiềng mà có 3 chân thì sẽ vững chãi.

Hình ảnh vững chãi ấy làm ta có thể liên tưởng đến một Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật là mầu nhiệm khi nói một Thiên Chúa mà lại có Ba Ngôi và từng Ngôi một trong Ba Ngôi ấy lại bằng nhau, không hơn không kém. Với trí hiểu của con người thì quả thật đó là điều quá khó hiểu, điều mà con người không thể dùng lý trí của mình để lý giải nhưng chỉ có thể lý giải được với và trong lòng tin.

Câu chuyện Thánh Augustinô suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được kể lại bằng câu chuyện hết sức đơn sơ mà khi đi học giáo lý thường được các cha, các thầy, các anh chị giáo lý viên kể lại. Thánh Augustinô bận tâm với mầu nhiệm Ba Ngôi, Ngài đi dọc bãi biển và suy tư. Chuyện kể lại là khi ấy có một em bé đang ngồi ở bãi biển Ngài đang đi tới đi lui ấy đang múc nước đổ vào vỏ sò. Với cái suy nghĩ hết sức tự nhiên, với cái lý trí bình thường của con người, Thánh nhân đã nói với em bé rằng em bé làm cái chuyện mà không thể nào làm được vì làm sao mà cái vỏ sò ấy lại chứa được nước của đại dương mênh mông như công việc em đang làm ! Ngược lại, em bé lại nhìn Thánh nhân và nói cho Thánh nhân điều mà Ngài đang suy nghĩ cũng chẳng thể nào mà giải thích được theo cái nghĩ của con người, theo sự hiểu biết của con người.

Ba Ngôi vẫn là mầu nhiệm để rồi mầu nhiệm ấy mời gọi lòng tin của con người.

Đơn giản, qua các trình thuật của Thánh Kinh cũng như Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, chúng ta biết được Ba Ngôi là gì, nhiệm vụ của từng Ngôi là gì ? Chuyện quan trọng mà chúng ta cần suy nghĩ, cần chiêm ngắm đó chính là Tình yêu trong Ba Ngôi cũng như từng Ngôi một dành cho hai Ngôi còn lại. Cần chiêm ngắm nữa đó là sự hiệp nhất của từng Ngôi một với nhau để làm thành Ba Ngôi vững chãi.

Qua Thánh Kinh, chúng ta thấy được Thiên Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, người con duy nhất của Ngài xuống trần gian này để cứu đi cái nhân loại hư mất. Tình yêu giữa Cha và Con thắm thiết đến nỗi đã phát sinh Thánh Thần và Thánh Thần chính là nguồn Tình yêu của Ba Ngôi, của nhân loại.

Nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu, làm bất cứ việc gì, Chúa Giêsu hướng về Cha và cầu nguyện cùng Cha. Và Cha cũng thế, lúc nào Cha cũng hướng về Con để ban quyền năng trên Con.

Ngay từ biến cố Nhập Thể, chúng ta thấy đó, Thiên Chúa yêu thế gian, yêu con người đã ban Chúa Giêsu nhập thể nơi cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu chịu Phép Rửa ở sông Giođan. Thiên Chúa Cha thì phán rằng: « Đây là Con Ta Yêu Dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng ». Còn Thánh Thần thì sao ? Thánh Thần thì ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu. Thế đấy ! Cha, Con và Thánh Thần liên kết với nhau trong từng giây từng phút của cuộc đời Chúa Giêsu.

Trong các hoạt động loan báo Tin mừng cũng vậy, Chúa Giêsu luôn luôn kết hợp với Cha và với Thánh Thần.

Đặc biệt, trong vườn Giêtsêmani, Chúa Giêsu đã đau khổ đến chết được để thân thưa, để thỏ thẻ với Cha mình chén đắng mà mình phải chịu. Tin mừng lúc ấy tuy không nói, không nhắc đến Chúa Thánh Thần nhưng chúng ta thấy đó, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã thưa với Cha rằng: « Lạy Cha, xin đừng theo ý con nhưng là theo ý của Cha mọi đàng ». Chúa Giêsu can đảm bước chân lên Bàn Thờ Thập Tự là nhờ ơn Chúa Thánh Thần để rồi trong giây phút cuối trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu lại phó thác trong tay Cha nhờ Thần Khí.

Chỉ điểm lại một chút về cuộc đời, hoạt động của Chúa Giêsu, chúng ta thấy tương quan giữa Ba Ngôi là như thế nào.

Hôm nay, mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi, không phải chỉ là tưởng nhớ lại, hồi tưởng lại, hồi ức lại hay là kính nhớ một biểu tượng của Tình Yêu, của Hiệp Nhất nhưng chúng ta kiểm điểm lại cuộc đời chúng ta. Là con cái của Chúa, là môn đệ của Chúa, chúng ta có sống Tình Yêu, Hiệp Nhất mà Ba Ngôi đã sống, đã dành cho nhau không ?

Gia đình Ba Ngôi luôn hướng về nhau, chung chia với nhau niềm vui, nỗi buồn, nỗi âu lo và hạnh phúc trong cuộc sống. Gia đình của chúng ta thì sao ? Gia đình của chúng ta có yêu thương, có hiệp nhất như gia đình của Ba Ngôi hay không ?

Là Cha, là mẹ, là con cái trong gia đình, chúng ta còn dành cho nhau được bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu thời gian ? Chúng ta vẫn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho cuộc đời rằng bận rộn quá sức. Cha bận rộn theo kiểu của cha, mẹ bận rộn theo kiểu của mẹ, con cái thì vùi đầu vào công việc học hành. Đành biết là cuộc sống này ai cũng phải lao động, học tập tùy theo khả năng, tùy hoàn cảnh của mình nhất là khi phải đương đầu với xã hội hiện đại này. Biết bao nhiêu khó khăn vất vả đến với gia đình mà mỗi thành viên trong gia đình phải đương đầu và gánh vác. Thế nhưng, không được lấy những khó khăn vất vả của cuộc sống để biện hộ cho tình yêu, cho sự hiệp nhất trong gia đình.

Chúng ta vẫn thừa biết một gia đình giàu có, một gia đình sung túc đi chăng nữa nhưng thiếu tình yêu, thiếu sự hiệp nhất thì gia đình ấy là một mái lạnh chứ không còn là mái ấm như người ta vẫn thường nói nữa. Và chúng ta thừa biết, nếu gia đình yêu thương và hiệp nhất sẽ sinh ra những hoa quả tốt đẹp trong cuộc đời.

Chúng ta vẫn đứng trước những thách đố của đời sống gia đình, chúng ta vẫn đứng trước sự lựa chọn của tình yêu và hiệp nhất. Mỗi thành viên trong gia đình là Hội Thánh thu nhỏ ấy phải trả lời trước lương tâm, trước mặt Thiên Chúa về lối sống, sự cộng tác của mỗi thành viên trong gia đình.

Trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta hết sức ngắn gọn, trang Tin mừng ấy mời gọi mỗi người chúng ta lên đường loan báo Tin mừng tình thương nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Muốn thực hiện trọn vẹn lời mời gọi ấy của Chúa Giêsu, muốn thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu không có con đường nào khác là phải sống theo con đường yêu thương và hiệp nhất mà từng ngôi trong gia đình Ba Ngôi đã sống, đã yêu thương. Và gần gụi nhất chính là gia đình của mỗi người chúng ta đang sống, muốn loan báo Tin mừng Tình thương mà Chúa mời gọi chúng ta phải làm cho chính gia đình chúng ta đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng cười. Khi và chỉ khi ta sống và ta yêu như Ba Ngôi Thiên Chúa đã sống, đã yêu, đã hiệp nhất thì khi ấy chúng ta mới góp phần loan báo Tin mừng, thực thi lệnh truyền của Chúa thật.

Nguyện xin Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch của Tình Yêu, nguồn mạch của sự Hiệp Nhất đến và ở lại với mỗi người chúng ta. Xin Ba Ngôi ban thêm tình yêu, hiệp nhất xuống trên từng người trong gia đình, trong cộng đoàn để gia đình, cộng đoàn chúng ta luôn đầy ắp niềm vui, luôn đầy ắp tiếng cười.

Đừng nói gì đến Thiên Đàng mai sau, ngay cái cái cõi tạm này, nếu chúng ta biết sống yêu thương và hiệp nhất, chúng ta sẽ nếm thử được hạnh phúc Nước Trời vì lẽ Nước Trời là nơi mà mỗi thành viên đều sống sung mãn tình yêu và sự hiệp nhất xung quanh Tình yêu, Hiệp Nhất của Ba Ngôi Tuyệt Diệu.
 
Sống Niềm Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
01:28 06/06/2009
Chúa nhật Chúa Ba Ngôi

Mầu nhiệm Ba Ngôi là “mầu nhiệm nguồn” của mọi mầu nhiệm. Con người biết được mầu nhiệm Ba Ngôi là nhờ Chúa Giêsu mạc khải, chứ không phải do nổ lực suy lý của mình. (Xin được mở ngoặc một chút ở đây là Chúa Giêsu không bao giờ trình bày mầu nhiệm lớn lao này bằng khái niệm “kỷ thuật số”: 3 ngôi. Ngài chỉ nói Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần). Mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi là mầu nhiệm lớn lao nhưng cũng là mầu nhiệm mà chúng ta tuyên xưng mỗi ngày, qua Dấu Thánh Giá, kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính…. Tuy nhiên, đó không phải là mầu nhiệm để tuyên xưng hay để hiểu mà thôi, nhưng còn là để sống. Nói cách khác, tuyên xưng niềm tin vào Mầu nhiệm Ba Ngôi thì phải sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Cụ thể sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là sống thế nào ?

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa trước hết là sống tâm tình cảm mến tri ân:

Cảm mến tri ân vì Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm quá đổi lớn lao này. Cảm mến tri ân vì Ba Ngôi mà lại chỉ một Chúa. Đây là nguyên lý của sự hiệp nhất và bền vững của thế giới tạo thành. Có người thắc mắc tại sao không hiểu Ba Ngôi là ba Chúa cho đơn giản mà lại dạy Ba Ngôi một Chúa cho phức tạp, khó hiểu, mệt cái đầu ? Thiết nghĩ nếu Ba Ngôi mà ba Chúa có lẽ số phận của con người và vũ trụ này sẽ bất hạnh biết chừng nào, bởi vì cứ tưởng tượng một nhà ba chủ, một nước ba vua, một giáo hội ba giáo hoàng,.. thì sẽ ra sao chúng ta biết rồi.

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa còn là sống hiệp nhất yêu thương:

Tự bản tính, Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu hiệp nhất Cha Con và Thánh thần. Chỉ trong tương quan tình yêu, chúng ta mới có thể hiểu phần nào Ba Ngôi mà lại một Chúa: “Ta và Cha Ta là một, Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta”.

Mọi hình thức chia rẽ, hận thù, ly giáo, đoạn tuyệt… đều đi ngược với thánh ý Thiên Chúa, đi ngược với niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa sau nữa còn là sống phục vụ hy sinh:

Ba Ngôi Thiên Chúa không giữ lại tình yêu cho riêng mình mà chia sẻ tình yêu ấy cho mọi thụ tạo, đặc biệt là con người qua tình yêu tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá. Ba Ngôi Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người qua mầu nhiệm nhập thể để phục vụ và hiến dâng mạng sống để con người được sống và sống dồi dào. Do vậy không thể tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi mà lại sống ích kỷ hẹp hòi, chỉ biết đến mình, lo cho mình mà thôi.

Người ta kể rằng Christophe Colomb, người đã khám phá ra châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách rất đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi, cũng như ông luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ: “Nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh”. Trong cuộc khởi hành thứ 3 của ông năm 1498, Christophe Colomb đã thề hứa sẽ dâng cho Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá đầu tiên. Vì thế hòn đảo ông đặt chân đến đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là “Trinidad”, tức là Chúa Ba Ngôi.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta khi mừng lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi, hay mỗi khi tuyên xưng mầu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng biết đưa mầu nhiệm ấy vào trong cuộc hằng ngày, bằng việc hết lòng yêu mến Chúa Ba Ngôi như Christophe Colomb đã từng yêu mến. Đồng thời biết hết tình hiệp nhất yêu thương và hết mình hy sinh phục vụ anh chị mình ngay trong gia đình mình, cộng đoàn mình theo mẫu gương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.
 
Lễ Chúa Ba Ngôi
Hương Giang
01:31 06/06/2009
Lễ Chúa Ba Ngôi

“Kitô hữu là người được diễm phúc mang Chúa Ba Ngôi trong cung lòng nhỏ bé của mình”.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi chúng ta chiêm ngắm sự hiện diện của Ba Ngôi ở trong ta. Tin mừng của thánh Gioan: “Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” hoặc là: “Thánh Thần sẽ ở lại bên cạnh anh em và sẽ ở trong anh em”. Đó là Tin Mừng quá đỗi lớn lao: Thiên Chúa siêu việt xa thẳm lại ở rất gần ta, chỉ cần quay vào nội tâm là ta gặp được Ngài. Kitô hữu là người mang trời cao, mang thiên quốc trong mãnh đời yếu đuối của mình.

Mỗi ngày chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần, chúng ta nhắc đến Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần.

Chúng ta muốn ghi dấu của Ba Ngôi trên thân thể, và trên mọi hoạt động của ta, hay đúng hơn chính Ba Ngôi đã không ngừng ghi dấu trên cuộc đời ta và trong suốt dòng lịch sử mầu nhiệm một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi vị là mầu nhiệm được Chúa Giêsu mặc khải cho ta, nếu không trí khôn trăm lần hạn hẹp của loài người không bao giờ có thể nghĩ đến. Chúa Giêsu tỏ bày nên con người chúng ta mới nghe nói đến việc lạ lùng như sau: Đức Chúa Cha là Đấng yêu thương Đức Chúa Con và hằng sinh ra Đức Chúa Con. Đức Chúa Con là người được yêu và được Cha sai vào thế giới. Đức Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con.

Như vậy, Thiên Chúa của kitô giáo không phải là một ngôi vị đơn độc, nhưng là Ba Ngôi hiệp thông chặt chẽ với nhau. Ba Ngôi chia sẽ cho nhau mọi sự mình có: “Mọi sự Cha có đều là của Thầy”.

Ba Ngôi cùng nhau hành động trong sự hoà hợp. Thánh Thần không tự mình mà nói nhưng chỉ nhắc lại và đào sâu lời Đức Giêsu, giống như Đức Giêsu đã chẳng tự mình mà nói nhưng chỉ nói những gì mình nghe được từ Cha. Thánh Thần sẽ tôn vinh Đức Giêsu như Đức Giêsu đã suốt cuộc đời tôn vinh Cha.

Nếu sống là sống với, sống cho, sống nhờ thì ta có thể gặp được mẫu mực sống tuyệt vời nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Mỗi ngôi đều không tìm gì cho mình mà chỉ sống cho ngôi khác và từ đó tạo ra khuôn mặt riêng của mình.

Hội Thánh cũng vừa duy nhất nhưng cũng vừa đa dạng. Mười hai tông đồ, bốn sách Tin Mừng…Để sự duy nhất không trở thành độc khối nghèo nàn, để sự đa dạng không trở thành cớ chia rẽ thì cần có sự hiệp thông sâu xa trong Hội Thánh. Đời sống của Ba Ngôi là mẫu mực cho mọi tổ chức của con người trên trần thế. Hiểu được như thế, chúng ta mới quả quyết Ba Ngôi Thiên Chúa là gương mẫu để chúng ta đoàn kết yêu thương nhau.

Quả thực, mỗi người chúng ta khác nhau về giới tính nam-nữ; già-trẻ; về trình độ học vấn cao-thấp; về điều kiện kinh tế giàu-nghèo;về chọn lựa, ước mơ, cá tính…Tuy nhiên, nhiều người quá chú tâm về sự khác biệt đó để ghen tỵ, buồn chán, để hận mình và thù người. Họ cứ hỏi: sao mình không đẹp như người khác, tài giỏi như người này người nọ, giàu sang như người kia…Họ tốn bao nhiêu thời giờ sức lực để suy nghĩ về những cái có của người khác, mà quên đi cái có của mình. Họ quên rằng họ luôn là một con người độc đáo, không ai giống ai trong hơn 6,5 tỷ người đang sống trên mặt đất. Nếu họ khám phá ra ơn Chúa và tình yêu Chúa dành cho họ cách độc đáo thì họ sẽ phát huy ân sủng đó cách kỳ diệu để trở thành con người phi thường trước mặt Thiên Chúa cũng như trong xã hội loài người. Ba Ngôi Thiên Chúa trở thành gương mẫu cho ta vì dù Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng luôn kết hợp với nhau và cùng hành động để mang lại hạnh phúc cho muôn loài, như thánh Phaolô đã diễn tả trong bài đọc 2 hôm nay: “ Anh em đã lãnh nhân tinh thần nghĩa-tử; trong tinh thần ấy chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha”.

Đối với người Việt nam, chúng ta cần học ở Ba Ngôi Thiên Chúa bài học này vì bản sắc của người Việt Nam đã mang một số nét đặc biệt do hoàn cảnh lịch sử và văn hoá để lại. Chúng ta thuộc dòng tộc Bách việt với hàng trăm bộ lạc khác nhau nhưng đã biết đoàn kết để dựng nên đất nước dưới đời các Vua Hùng “ Các vua Hùng có công dựng nước, Bác-Cháu ta có công giữ nước). Với truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra trăm con…Nhưng từ năm 111 TCN đến năm 938 trong suốt gần một nghìn năm đất nước ta bị người Trung Hoa đô hộ thì họ luôn tìm cách chia rẽ gieo nghi ngờ giữa bộ tộc này với bộ tộc khác, giữa cá nhân này với các nhân khác để chúng ta không thể nào đoàn kết để lật đổ ách thống trị của họ.

Vì thế, người Việt Nam chỉ thích sống một mình, làm việc một mình vì sợ ai cũng có thể tố cáo mình với kẻ thù. Sống mãi trong tình trạng đơn độc, lo sợ như vậy từ thế hệ này sang thế hệ khác đến nỗi nó đã trở thành một bản sắc tâm lý xã hội của người Việt Nam. Người Việt Nam làm cái gì một mình cũng giỏi, học cái gì một mình cũng hơn người nhưng có 2,3 người Việt Nam họp lại là họ nghi ngờ ngại ngùng với nhau và rất khó cộng tác với nhau. Các nhà khoa học xã hội Mỹ nghiên cứu thấy rằng: “Một người Việt Nam thì giỏi, 3 người Việt Nam thì có xung đột, 7 người Việt Nam thì hỏng việc”. Điều nhận xét này không biết có quá đáng hay không ? Có lẽ điều đó quý vị có kinh nghiệm hơn tôi.

Từ năm 938 khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng cho đến nay lịch sử Việt Nam đã được ghi nhận là người Việt đã biết đoàn kết để tạo sức mạnh chống ngoại xâm. Nhưng mỗi đời vua, sau khi chiến thắng rồi chỉ biết đến dòng họ của mình, chỉ bảo vệ quyền lợi của tổ tiên mình và phá huỷ vết tích của các dòng họ khác. Họ chỉ tin tưởng những người cùng dòng họ với mình nên mới có câu: “Một người làm quan cả họ được cậy”. Thậm chí người phụ nữ lấy chồng cũng phải theo con đường bảo vệ dòng họ đó: “Lấy chồng thì phải theo chồng. Lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”. Kể cả ngay trong Giáo Hội họ cũng chỉ thân cận với người cùng giáo họ, giáo xứ, giáo phận chứ ít khi mở rộng tấm lòng để lo cho công việc chung của cả dân tộc.

Dịp này, dư luận xôn xao về dự án Bauxit Tây Nguyên. Theo tin mà tôi được biết đã có trên dươí 2000 (hai ngàn) nhà khoa học trong và ngoài nước đã lên tiếng cảnh báo về dự án này, thư kêu gọi của Lm Quang Uy và nhiều giáo xứ đã lên tiếng, đồng thời đại tướng Võ Nguyên Giáp (trong vòng 6 tháng 05/01/09 đến 20/05/09) cũng đã gửi 3 thư đến các nhà lãnh đạo về vấn đề khai thác Bauxit, hầu như đều có nội dung kiến nghị với các nhà lãnh đạo cho dừng khai thác dự án này, kể cả các dự án thí điểm. Vì theo phân tích, nhận định của các nhà khoa học dự án này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, sinh thái cũng như vấn đề về an ninh quốc phòng, và lúc này cũng đang được Quốc hội đưa ra bàn thảo (Không biết QH kết luận như thế nào, thôi thì: Hồi sau sẽ rõ).

Song song với kiến nghị của các nhà khoa học trong và ngoài nước, của đại tướng Võ Nguyễn Giáp, của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (đất của người Việt Nam thì để người Việt Nam làm không đưa người nước ngoài vào). Và mới đây(31.05.09) Đức Hồng Y Tổng Giám Mục GB Nguyễn Minh Mẫn cũng đã ra Lá Thư Mục Tử kêu gọi các kitô hữu phải gìn giữ, bảo vệ và chăm sóc môi trường thiên nhiên. Ngài nói: “Môi trường thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hoá và là tài nguyên dành cho hết mọi người, không ai trong chúng ta tạo dựng nên môi trường thiên nhiên. Khi ta sinh ra môi trường đã có đó rồi. Và đời sống con người gắn liền với thiên nhiên, nhờ đó ta sống và lớn lên. Quà tặng và tài nguyên này được dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một ai hoặc một thiểu số nào, cũng không chỉ dành riêng cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai. Do đó, mọi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình và cũng là của mọi người trong cộng đồng dân tộc và cùng với thế giới hôm nay”. Và Ngài nhấn mạnh đối với người kitô hữu thì đây: “Không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo.

Chúng ta nghĩ sao về hiện tình ở trên…Thư Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980 nói “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”. Kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà hằng ngày chúng ta đọc: “Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương” Cho chúng con đủ sức vâng theo ý Chúa… ý Chúa ở đây là gì vậy?!

Bài học về Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay mời gọi chúng ta giữ gìn tình đồng hương, quý trọng sự khác biệt, nhưng lại phải luôn biết mở rộng tâm hồn cho đại sự, cho chính nghĩa, giám hy sinh ý riêng mình cho đại nghĩa được tôn trọng và cho đại sự được hình thành tốt đẹp. Amen.

HươnGiang.
 
Thiên Chúa bí ẩn mầu nhiệm
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
01:37 06/06/2009
"Tôi sẽ từ chối tin vào một Thiên Chúa, mà tôi có thể hiểu biết được". ( Nhà văn Graham Greene)

Chúng ta tin Thiên Chúa. Nhưng với tâm trí con người, trước sau Ngài vẫn là một Thiên Chúa bí ẩn mầu nhiệm. Đức tin vào Một Thiên Chúa có Ba ngôi vị là một mầu nhiệm to lớn vượt khỏi tầm suy hiểu giới hạn của trí khôn con người.

Tin mà không hiểu biết điều mình tin là một thiếu xót, và thắc mắc cứ mãi xoay vần quanh đó. Nhưng hiểu biết được điều mình tin, không chỉ khó mà còn vô tình muốn biến điều tin thành vật thể tầm thường!

Lòng tin trong tôn giáo vào Thiên Chúa không nảy sinh từ trí óc suy tưởng hay chứng minh bằng công thức toán học. Nhưng từ trái tim lòng yêu mến. Và dần dần trong đời sống tâm trí có thể khám phá cảm nhận ra hương vị của đức tin lòng yêu mến thế nào cho đời sống qua những biến chuyển giai đoạn cuộc đời.

Ngay từ thuở bam đầu lúc mới mở mắt chào đời, ông bà cha mẹ đã cầm bàn tay bé nhỏ của con em mình làm dấu Thánh Gía nhân danh Cha và Con và Thánh Thần trên khuôn mặt thân thể em.

Ngày em bé lãnh nhận làn Nước Bí tích rửa tội, không chỉ trong làn nước em được tắm gội rửa tội, nhưng trong Ba ngôi Thiên Chúa: là Cha và Con và Thánh Thần.

Rồi hằng ngày mỗi khi làm dấu Thánh gía lúc đi ngủ, khi thức dậy, lúc dùng bữa ăn, khi cầu nguyện, khi đọc kinh Tin Kính, lúc đọc kinh Sáng danh, lúc Đức Gíao Hòang, đức Gíam mục. Linh mục ban phép lành… đều đọc công thức thành tiếng thành lời nói lên đức tin xây dựng trên nền tảng Một Thiên Chúa có Ba ngôi vị: là Cha và Con và Thánh Thần.

Vậy bằng cách nào chúng ta có thể tìm ra chút ánh sáng về điều mầu nhiệm bí ẩn này đối với tâm trí con người?

Nếu nêu câu hỏi, người ta có thể mường tượng ra Thiên Chúa như thế nào, chắc chắn họ sẽ trả lời: Thiên Chúa phải là Đấng to lớn cao cả. Ngài phải có dư đầy quyền uy sức mạnh mới có thể giang tay bao bọc che chở cả hoàn vũ. Trứơc một Thiên Chúa to lớn cao cả không sao diễn tả nổi được như thế, con người chúng tôi chỉ còn biết qùy gối xuống bái phục tôn kính thờ lạy, cùng đặt hết niềm tin tưởng vào thôi. Ngài là đấng ban cho đời sống con người nơi chốn nương tựa và sự an toàn.

Nhưng Thiên Chúa như thế ở qúa xa con người. Chúng tôi mong muốn cho mình một Thiên Chúa, Đấng ở giữa con người như con người chúng ta. Với Ngài chúng ta có thể nói chuyện được. Trước mặt ngài chúng ta được phép cười hay khóc lóc than thở được. Chúng ta mong muốn một Thiên Chúa gần gũi với con người, quan tâm chú ý đến đời sống người nghèo khổ, người bệnh tật, người bị bỏ rơi khinh miệt.

Một Thiên Chúa ở xa bên kia cuộc đời, qúa xa vời với chúng ta. Một Thiên Chúa ở ngay bờ bên này đời sống nhìn thấy cùng chia sẻ số phận đời sống với con người chúng tôi. “ Và Ngôi Lời đã thành người” ( Ga 1,14). Đức Chúa Cha đã sai Con một của người xuống trần gian như nhịp cầu bắc nối lại khoảng cách giữa trời và đất. Nhờ thế con người có một Thiên Chúa nối liền hai bên bờ bên kia với bờ bên này, bờ bên này với bờ bên kia lại với nhau. Ngài không chỉ cao cả uy quyền trên đời sống con người, trên vũ trụ, nhưng Ngài sát gần với đời sống con người.

Chúa Giêsu xuống trần gian làm người không phải là một giai đoạn chuyển tiếp như giữa hai màn kịch. Nếu điều này xảy ra, con người chúng ta bị chìm đắm trong khoảng không gian tâm lý bị bỏ rơi. Chính vì thế, Chúa Giêsu trước khi trở về trời nói cùng các Môn đệ và mọi người: Thầy đi về cùng Thiên Chúa Cha trên trời, nhưng không bỏ các con mồ côi một mình” ( Ga 14,18)

Sự gần gũi của Thiên Chúa phải được duy trì có luôn mãi; công việc của Chúa Giêsu phải được tiếp tục thực hiện; con người cần cần sự bao bọc an ủi của tình yêu người mẹ; vũ trụ cần người ban phát sự sống. Đấng đó là đức Chúa Thánh Thần.

Đức Chúa Thánh Thần – theo nguyên ngữ Do Thái là Ruach. Từ ngữ chỉ về Đức Chúa Thánh Thần ( Ruach) được nhắc viết trong Kinh Thánh cựu ước tới 400 lần, mang tính giống cái, cùng có ý nghĩa là làn gió, cơn giông bão, sức mạnh sự sống, hơi thở của Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần ( Ruach) như một con chim mẹ to lớn bao che sức sống thế giới và gìn giữ đời sống cho có trật tự.

Thần linh giống cái này là mẹ sinh sản ra sức mạnh. Không có sức mạnh này, vũ trụ cùng con người không có thể sống đứng vững được.

Dẫu vậy, phải chân nhận rằng, tất cả những suy tư cắt nghĩa về Thiên Chúa Ba Ngôi như trên đây, cũng chỉ là những mảnh vụn thử tìm cách diễn tả cắt nghĩa về Thiên Chúa to lớn gấp bao nhiều lần trí khôn của con người. Con người chỉ có thể nhận ra Ngài bằng trái tim tình yêu.

Một Thiên Chúa mà con người có thể lý giải diễn tả cắt nghĩa được bằng công thức chữ nghĩa, đó không phải là Thiên Chúa.
 
Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô: không còn xa lạ
Jos. Tú Nạc, NMS
01:39 06/06/2009
Nhiều học giả Kinh thánh đã được phân tích về sự thật thư Tân Ước gửi tín hữu Êphêsô: Thánh Phaolô hay người khác đã viết thư này? Một số người vẫn thừa nhận xuất xứ của nó thuộc về Thánh Phaolô. Một số khác cho đó là tác phẩm thuộc về một môn đệ của Thánh Phaolô. Tất cả đều xác nhận có sự khác nhau về văn phong với những là thư khác của Phaolô.

Nếu nó là của Phaolô, những tín hữu Êphêsô phải có từ thời ông bị giam ở La Mã vào đầu thập niên 60. Nếu nó được soạn bởi môn đệ của Phaolô (có thể là bản tóm tắt về thần học của ông kèm theo tuyển tâp những bài viết của ông), thì thư Tân Ước này giống như được viết ở Tiểu Á vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất.

Những phúc lành với tín hữu Êphêsô bắt đầu phục vụ như khúc dạo đầu đối với toàn bộ văn bản. Trong đó, bí ẩn về kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được diễn đạt bằng những thuật ngữ của quá khứ (trước lúc hoặc sự sáng tạo tồn tại), Ki-tô giáo hiện tại (gồm những gì đã được bộc lộ trong và bởi Đức Ki-tô) và tương lai (lời cam kết đối với Ki-tô hữu về việc thừa hưởng sự cứu chuộc của Thiên Chúa):

“Trước khi tạo dựng thế gian, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trong Đức Ki-tô để được thánh hóa và tránh khỏi lỗi lầm với Người trong tình yêu.”

Sự sáng tạo và cứu rỗi cùng đến trong Đức Ki-tô. Cũng chính trong tay Người, các tông đồ trở nên con cái được lựa chọn (adopted children) của Thiên Chúa.

Sự bí ẩn Thánh Phaolô được biết là những người đã được lựa chọn trong Chúa Ki-tô trở nên một. Hơn thế nữa, tất cả mọi điều tìm thấy “cương vị thủ trưởng” của họ (nguyên tắc hiệp nhất) trong Chúa Ki-tô. Điều này bao gồm, Phaolô nói, những thứ bâc thiên sứ cũng như loài người (“mọi việc trên thiên đàng cũng như dưới thế”).

Sự biểu hiện dễ thấy nhất của Thiên Chúa nằm giữa hai cộng đoàn những người Do Thái (“chúng ta cũng đã tìm kiếm được một sự kế thừa”) và những người quí tộc giàu có (“các bạn cũng … đã được nghe những lời của chân lý, tin mừng của sự cứu rỗi”), được tìm thấy trong một ngữ tĩnh từ bao quát “sự cứu rỗi (chung) của chúng ta.”

Những lá thư của Thánh Phaolô và những bài viết Tân Ước sau này nắm vững những điển hình từ những khiá cạnh của đời sống và xã hội loài người để giúp đỡ những Ki-tô hữu hiểu hành động cứu chuộc của Chúa Ki-tô.

Với cách diễn đạt “hài hòa” việc giảng tín hữu Êphêsô nhấn mạnh một tư tưởng mạnh mẽ từ lãnh vực xã hội hoặc chính trị. Nhựng từ khác nhau dùng để diễn đạt hành động hòa giải của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô bị đóng đinh trên thập giá và sống lại nói về “sự thay đổi trong những mối quan hệ”: từ sự giận dữ, thù địch và xa lánh dẫn đến yêu thương, bằng hữu và thân thiện (cf. 2 Corinthians 5: 19).

Trước giai đoạn đó, những người quí tộc giàu có và dân Do Thái xung khắc nhau bởi “bức tường ngăn cách.” Cuộc tử nạn của Chúa Ki-tô đã đập tan nó để Người “có thể hào hợp cả hai nhóm trước Thiên Chúa qua một thân thể trên thập giá.” Qua hành động “chuộc tội” của Người, Chúa Ki-tô đã trở nên “sự hòa bình của chúng ta,” sự sáng tạo trong “việc chuộc tội” tự bản thân Người, đó là, “một bản chất con người mới.”

Theo tín hữu Êphêsô, sự chú ý Thần Khí thực hiện trong đời sống con người không phải xảy ra một lần cho tất cả, mà là một sự thử thách đang diễn biến: “Đừng làm đau lòng Chúa Thánh Thần với cái mà bạn đã được lưu ý bằng một dấu chỉ cho ngày cứu rỗi.”

Môn đồ Ki-tô giáo có khuynh hướng phân đôi. Đặt sang một bên là những lối sống không phù hợp với Chúa Giêsu đi theo (“đau khổ, trừng phạt, giận dữ, tranh cãi, vu khống và bách hại”) và khắng khít với những ai tuân giữ nó (“sống tử tế với nhau, trái tim rung động, tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa trong Đức Ki-tô đã tha thứ cho các bạn”).

Mối quan hệ giao ước của hầu hết Ki-tô hữu là lời cam kết yêu thương với những đối tác hôn nhân của họ. Lời khuyên của Thánh Phaolô đến tín hữu Êphêsô có thể đụng chạm một số Ki-tô hữu vì lỗi thời hoặc thậm chí rắc rối. Thât vậy, lời hô hào của Thánh Phaolô (“vợ, phục tùng chồng mình … chồng, yêu thương vợ mình”) đã được dùng để biện hộ trước sự lạm dụng hôn phối và những thương tổn gia đình.

Những hướng dẫn này, tuy nhiên là sự phát triển đầy ý nghĩa trong sự công khai của họ cvà có tiềm năng để trở thành điều dẫn đến hạnh phúc hôm nay. Lá thư Tân Ước Thánh Phaolô và những là thư sau này gửi tìn hữu Êphêsô và Côlôsê phát triển một cách phong phú văn hóa của họ về “gia qui” (hướng dẫn vợ chống, con cái và cha mẹ, chủ tớ) bằng cách hỗ trợ cho họ những động cơ Ki-tô giáo (vì họ ở cùng Chúa”… “ngay khi Chúa giêsu yêu giáo hội và từ bỏ Bản Thân Người).

Một số người ở thế kỷ thứ nhất nhìn xuống trên thân xác và tình dục thấp hèn. Nhưng sự chung thủy một vợ, một chồng quả là đẹp đẽ và đáng yêu, Phaolô nói, và mỗi thành viên nên trân trọng, yêu thương thân xác người khác như chính thân xác mình (“không ai ghét thân xác mình bao giờ, mà ông nuôi dưỡng và chăm sóc nó một cách trìu mến, như chính Chúa Ki-tô đã thực hiện cho giáo hội”).

Đó là một thông điệp thử thách cho những ai ngày nay đánh giá thấp tình dục, hôn nhân và lòng chung thủy – bách niên giai lão. Vì nguyên tắc cai quản của Thánh Phaolô thực hiện cho cả hai đối với những người chồng và những người vợ, “phải tuân phục lẫn nhau và hết lòng tôn kính Chúa Ki-tô.”

Nguồn: The Catholic Register
 
Sự kiện Damas và thánh Phaolô
LM Phêrô Hồng Phúc
01:44 06/06/2009
Giáo hội mừng lễ thánh Phaolô Tông đồ trở lại đạo. Một biến cố quan trọng trong lịch sử cá nhân của thánh Phaolô nhưng cũng là biến cố quan trọng của toàn thể Giáo hội. Bởi vì từ đây, Phaolo chính thức trở thành Tông đồ dân ngoại. Ngài không ngần ngại nói với Timothy rằng: “Ta đã được Thiên Chúa chọn để làm thầy dạy dân ngoại”.

Đối với thánh Phaolô thì sứ mệnh của ngài đã được Thiên Chúa dành cách rất trọn vẹn. Không chỉ là vì lời của Thiên Chúa báo cho Annanias rằng “người này đã được Ta tuyển chọn làm khí cụ mang danh của Ta đến các dân ngoại, mà vì chính Phaolô đã cảm nghiệm thấy rất rõ sứ mệnh đó. Ngài đã xác tín sâu sắc trong suốt cả cuộc đời của ngài. Những gì mà chúng ta thấy ở nơi thánh Phaolô xứng đáng là cột trụ của Giáo hội. Một tòa nhà đứng vững được nhờ nền móng chắc chắn và những cột chịu lực, thì Phêrô là nền tảng của Giáo hội, Phaolô là cột trụ của Giáo hội. Chúng ta nhìn vào đời sống của thánh Phaolo: Một con người chia làm hai mảnh đời rất rõ rệt, một mảnh đời hiên ngang hùng dũng và khí chất khi đem ngựa truy nã các Kitô hữu, đạo mạo trên yên ngựa, tay cầm gươm sáng và hăng hái đi khắp các Kitô hữu; còn mảnh đời thứ hai là một vị Tông đồ nhiệt thành, loan truyền chính Đấng của mình đi khắp nơi. Giữa hai mảnh đời đó, được chia ra bằng sự kiện Damas hôm nay. Từ khi Phaolô ngã ngựa, nhận ra Đấng mà mình tôn thờ trong ánh sáng chói lòa chiếu đến, Phaolô xin cho mình khi bị ngã:

- Lạy Ngài, Ngài muốn con làm gì?

Từ câu hỏi đó, Phaolô thực sự đã nhận ra sứ mệnh của mình. Khi mà Annanias đặt tay, chữa cho Phaolô khỏi bị tối suốt ba ngày. Ngài cảm thấy như một cái vảy bong rơi ra mắt, cái vảy đó là sự mù quáng đã che mắt Phaolô không nhận ra chân lý; cái vảy đó khiến cho Phaolô đi tìm theo công danh sự nghiệp như bắt bớ, tra tấn Đấng là Chân lý, là Đường. Cho nên sau khi vảy bong rơi, Phaolô sáng mắt để nhận ra chân lý, nhận ra đường, nhận ra Thầy của mình thì ngài đã xác tín tới mức như chúng ta thấy hành trình của ngài là hành trình thập giá. Chính ngài đã tỏ bày sự thật:

... Năm lần đánh rất đớn đau
Bởi mưu Do Thái hiểm sâu
Mỗi lần ba chín roi hầu thịt tan


Ba lần bị ngoại bang đáng đập (ngoại bang thì có luật là không đánh quá 40 roi, Phaolo bị đánh không biết bao nhiêu roi)

... Bị đắm tàu nguy ngập ba lần

Một lần ném đá toàn thân (chúng thấy chết rồi chúng mới bỏ đi nhưng ban đêm Phaolo tiếp tục tỉnh lại và ngày hôm sau lại rao giảng Tin Mừng).

Ngài xác tín trong lời tuyên bố: Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng và dặn các Giám mục – con thiêng liêng của ngài: “Dù có thuận lợi hay không thuận lợi, cứ xúc tiến, cứ loan báo Tin Mừng”. Rồi bị dạt phong trần biển khơi, rồi chúng ta thấy lại xảy ra vất vả trên đường của ngài

... Bao nguy hiểm vì nơi sông nước
Vì lương dân trộm cướp đồng bào
Trên rừng dưới biển và bao
Anh em phản bội ba đào hiểm nguy
Tôi còn phải thức khuya dạy sớm
Chịu đói ăn khát uống mình trần
Bên ngoài đã vậy tinh thần
Ngày đêm lo lắng giáo dân khắp miền.


Chúng ta đọc thấy ở nơi ngài cả một sứ mệnh bao trùm cuộc đời của một vị thánh không kể ngày đêm, không kể đường bộ hay đường biển; không kể sự sống hay sự chết; không kể bất cứ chướng ngại nào của cuộc đời. Cuộc đời thánh Phaolô là diễn giảng thực sự trọn vẹn cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, vì chính ngài đã nói lên điều đó: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi”.

Hành trình của Phaolô cũng là hành trình lịch sử, không phải hành trình lịch sử văn hóa xã hội mà là hành trình của lịch sử cứu độ. Dấu chân của ngài in vết trên hoang mạc hay trên chốn đường rừng, hầu hết là đi bộ, đi thuyền. Người ta đi vào thành phố Hồ Chí Minh 1650 cây số, kể ra ngài đã đi vòng đi vòng lại tới ba lần như thế mà hầu hết là bằng phương tiện thô sơ. Để làm gì? Để những bước chân truyền giáo đó thấm đẫm ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, để đem đến cho các dân ngoại và để loan báo Tin Mừng của Đức Kitô cho mọi người.

Đối với thánh Phaolô, sống là Đức Kitô, chết là mối lợi, tức là được về trời. Ngài rao giảng Thập giá Đức Kitô là một cớ vấp phạm cho người Do Thái, là một sự điên rồ đối với dân ngoại. Chúng ta không thể nào ca khen hết công trạng của thánh Phao lô, nhưng chúng ta nhìn vào thánh Phao lô để học gương ngài, để đi theo dấu chân của ngài, bởi lẽ dấu chân của ngài khác dấu chân của Đức Kitô. Ngài xưng mình là tông đồ út nhất trong tất cả các tông đồ. Thế nhưng, tất cả các tông đồ làm nền móng của Giáo hội, còn một mình ngài là cột trụ của Giáo hội để chúng ta thấy được những dấu chân truyền giáo của Phaolô cho dân ngoại quan trọng như thế nào. Một sứ mệnh mà phổ câp ơn cứu độ đến cho toàn thể thế giớ nhờ sứ mệnh của một vị xưng mình là thầy dạy của các dân ngoại.

Hôm nay, chúng ta cùng nhau đi theo các dấu chân của Phaolô bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong đời sống của chúng ta giữa thời đại mới. Người ta đặt câu hỏi rằng: Nếu thánh Phaolô sống giữa thế hệ của chúng ta hôm nay thì ngài có lấy làm xấu hổ vì ngày xưa ngài loan báo Tin Mừng bằng phương tiện thô sơ không? Ngài có lung túng với phương tiện ngày nay như Internet, rồi đi máy bay, phát sóng v.v… Nhưng câu trả lời bất ngờ cho chúng ta rằng: Nếu thánh Phaolô ở giữa thời đại của chúng ta, ngài đã là anh cả của tất cả những phương tiện hiện đại ấy. Đó là phương châm một mà ngài đã tinh chất lại: Do Thái cho người Do Thái, Hy Lạp cho người Hy Lạp, vậy thì điện tử cho thời đại điện tử và như thế tinh thần của thánh Phaolô không bao giờ lạc hậu. Ngài là tông đồ của mọi thời đại. Ở thời đại nào chúng ta cũng thấy tinh thần của thánh Phaolô là thích hợp. Ngài là mẫu gương xác tín về lòng tin và lòng mến.

Với các bạn trẻ, lời khuyên đơn giản nhất, ngắn gọn nhất đến với các bạn trẻ là tinh thần của thánh Phaolô: Dù thời thế thuận lợi hay không thuận lợi, cứ xúc tiến, cứ rao giảng Tin Mừng. Anh chị em là những người đang sống giữa thời đại mà có rất nhiều những thông tin bùng nổ và sự kiện bóp nghẹt hạt giống Tin Mừng nhưng hãy xúc tiến và loan báo Tin Mừng – không phải những người chỉ đi mở sách cho người khác nghe nhưng là Tin Mừng được cụ thể hóa trong đời sống của mỗi anh chị em: Một Tin Mừng loan báo cho người nghèo; Một Tin Mừng loan báo chân lý; Một Tin Mừng về sự sống, Tin Mừng về ơn Cứu Độ được biến thể bằng đức công bằng, bằng đức ái và bằng một lối nhìn thực tế chấp nhận những đau khổ thập giá của Đức Kitô, thánh hóa nó để biến thập giá đau thương ấy trở nên chìa khóa nước trời. Chúc anh chị em trở nên giống thánh Phaolô, một tinh thần của mọi thời đại để loan truyền chân lý cho nhân loại một thời đại mới của chúng ta.

Xin cho mỗi người trong chúng ta trong năm kính thánh Phaolô càng thêm yêu mến thánh Phaolô, chúng ta càng nên giống Đức Kitô hơn. Bởi lẽ, thánh Phaolô đã kêu gọi: “Anh em hãy bắt chước tôi vì tôi bắt chước Chúa Kitô”.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:55 06/06/2009
CHỮ QUÁ NGUỆCH NGOẠC

N2T


Học sinh nhao nhao hỏi thầy giáo:

- “Thưa thầy, xin lỗi, em nhìn không rõ trên bản báo cáo của em thầy viết những gì ?”

Thầy giáo hùng hồn nói đầy lý lẽ:

- “Thầy muốn chữ của em viết nắn nót chút xíu, đừng quá nguệch ngoạc.”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Thật là ngược đời khi thầy giáo muốn nhắc nhở học trò viết chữ đừng nguệch, nhưng chữ của thầy giáo thì nguệch ngoạc hơn cả học trò, đến nổi học trò đọc không hiểu thầy viết gì cả. Phản giáo dục.

Có một vài linh mục lên tòa giảng, giảng rất hùng hồn về sự tác hại của việc uống rượu và hút thuốc, nào là uống rượu có hại cho sức khỏe, uống rượu sẽ mất trí nhớ, uống rượu thì sinh ra nhiều gương xấu và tội ác; nào là hút thuốc thì có hại cho hô hấp, cho phổi.v.v...thế nhưng chính bản thân ngài thì không bỏ rượu và bò hút thuốc được, hể giáo dân “gợi ý” với ngài thì được ngài biện luận: uống đâu có say, uống với bạn thân mà, có gì dâu, hoặc hút ít thôi, hút để làm việc kẻo buồn cái miệng.v.v...

Nhà thờ chứ không phải phòng riêng, tòa giảng chứ không phải bàn làm việc, cho nên đừng giảng về rượu khi mình uống rượu như uống nước lạnh, hoặc khi thấy mình không thể làm gương được cho giáo dân, bởi vì nhà thờ là nơi đông đảo người đến đi lễ, và tòa giảng là nơi nói với cả hàng trăm người nghe, rất dễ có tác dụng ngược lại...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (lễ Chúa Ba Ngôi (B))
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:58 06/06/2009
CHỦ NHẬT

LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI


Tin Mừng: Mt 28, 16-20.

“Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”


Bạn thân mến,

Hôm nay là lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta luôn nhớ đến tình yêu cao cả mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, và mời gọi tất cả con cái mình đem hết tâm hồn, trí óc, ý chí, sức lực để tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi vì nơi Thiên Chúa Ba Ngôi không có một loại thụ tạo nào chen vào, và không một nguyên tố vật chất nào cấu tạo thành Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa là Đấng tự hữu hằng có đời đời. Trong niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, tôi chia sẻ với bạn hai điểm này:

1. Thiên Chúa Ba Ngôi, một khối tình yêu.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: ngôi thứ nhất là Chúa Cha, ngôi thứ hai là Chúa Con và ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất thánh thiện, toàn năng, không phân biệt lớn nhỏ, nhưng như nhau, không tách biệt nhưng mỗi ngôi vị là một hữu thể thông ban ơn cứu độ cho nhân loại: Chúa Cha tạo dựng nên vũ trụ, Chúa Con (Chúa Giê-su) xuống thế chuộc tội nhân loại, Chúa Thánh Thần thánh hóa nhân loại, như lời của thánh A-tha-na-xi-ô giám mục dạy: “Các ơn mà Chúa Thánh Thần phân phát cho từng người, đều do Chúa Cha ban cho qua Ngôi Lời, vì mọi sự của Chúa Cha cũng là của Chúa Con, và như vậy các ơn được Chúa Con ban trong Chúa Thánh Thần cũng thật là các ơn của Chúa Cha.”

Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và tình yêu này phát sinh ra Chúa Thánh Thần, tình yêu Ba Ngôi là một khối không tách lìa, nhưng thông ban cho nhân loại từng người một; không ứ đọng, nhưng tuôn chảy tràn lan trong vũ trụ, từ những côn trùng nhỏ xíu dưới đất đến những tinh tú khổng lồ trên trời cao, và những loài sinh sống trong biển cả; không giữ lại nhưng cho đi và làm cho mọi loài ngày càng tốt đẹp hơn...

2. Tình yêu nhân loại phải phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Thiên Chúa là tình yêu”, thánh Gioan tông đồ đã khẳng định như thế, và ngài mời gọi chúng ta hãy sống thật với tình yêu của mình, ngài nói: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 1, 8) Chúng ta có thể hiểu câu nói của ngài như thế này:

- Trong tình yêu giữa vợ chồng với nhau mà không có tình yêu của Thiên Chúa, thì tình yêu ấy sẽ không tìm thấy hạnh phúc.

- Trong tình yêu bạn hữu với nhau mà không có tình yêu của Chúa, thì đó là sự lợi dụng nhau và sẽ đi đến phản bội nhau khi không còn lợi dụng nhau được nữa.

- Trong tình yêu nam nữ, nếu không thấy được tình yêu của Chúa qua người mình yêu, thì đó là tình yêu hoàn toàn để thỏa mãn xác thịt, và những ham muốn khác.

- Khi phục vụ tha nhân mà không có tình yêu Chúa, thì sự phục vụ ấy chỉ là khoe khoang đánh bóng bản thân mình mà thôi, và khi người khác phê bình chỉ trích thì nóng giận và không thèm phục vụ nữa...

Bạn thân mến,

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn nhât trong đạo Công Giáo chúng ta, lớn lao vì nó vượt quá trí hiểu của con người, lớn lao là vì nó chính là căn nguyên của vạn vật vũ trụ, cho nên như thánh Augustino dạy chúng ta hãy lấy đức tin mà tin và thờ lạy, mọi việc sẽ sáng tỏ khi chúng ta diện kiến với Thiên Chúa trên thiên đàng.

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi tuy là cao cả lớn lao, nhưng rất gần gủi với bạn và tôi trong cuộc sống, nơi đâu trong vũ trụ này, ngay bên cạnh bạn và tôi, chúng ta đều thấy được mầu nhiệm này, đó là chính là Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho nhân loại, cho bạn và cho tôi.

Và tôi nhắc lại với bạn: để yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi lần bạn làm Dấu Thánh Giá thì nên khoan thai, cung kính và yêu mến mà làm dấu, vì đó chính là lúc bạn tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Và cứ dấu ấy mà người ta nhận biết bạn và tôi là người Ki-tô hữu, là con của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc lành cho chúng ta.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

http://vn.myblog.yahoo.com/jmatiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:59 06/06/2009
N2T


4. Con người ta dù có rất nhiều sự thiện, nhưng khi kiêu ngạo chen vào thì tất cả những điều thiện đều mất.

(Thánh Augustinus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:01 06/06/2009
N2T


137. Đối với nhân loại thì chỉ có tình yêu là mãnh liệt nhất, mới có thể kích thích một loại sức mạnh cần thiết để tìm tòi và lãnh hội ý nghĩa của cuộc sống.

 
Bữa điểm tâm đang chờ sẵn: Bài giảng thánh lễ Tạ Ơn mừng Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản tại Mằng Lăng
LM. Trương Đình Hiền
15:53 06/06/2009
BỮA ĐIỂM TÂM ĐANG CHỜ SẴN: Thánh lễ Tạ ơn mừng Đức Cha Vinh Sơn tại Mằng Lăng

(Theo Lời Chúa Chúa Nhật III Phục Sinh năm C)

Giảng Lời Chúa:

Trong cái phút giây thiêng liêng trang trọng nầy, có lẻ mọi ngôn ngữ của trần tục phải im tiếng đi để nghe Chúa Thánh Thần dạy bảo, giống như cái cảm nhận sâu lắng ngày nào của chàng thi sĩ Công giáo tài danh Hàn mặc Tử trong tác phẩm Đà Lạt Trăng mờ:

Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để nghe trời cắt nghĩa yêu…

Phải chăng, trong chính giây phút nầy, cộng đoàn chúng ta cũng đang được “Trời giải nghĩa yêu” qua chính các trích đoạn Lời Chúa vừa đươc công bố.

Thế nhưng Lời Chúa đã nói gì với chúng ta đây ?

Bài đọc 1, sách Công Vụ Tông đồ vừa cho thấy: một Hội Thánh luôn can đảm “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” để tiếp tục “xin làm chứng, cùng với Thánh Thần” về một con người mang tên “Giêsu, Đấng đã bị giết chết trên thập giá nhưng đã được Thiên Chúa phục sinh”.

Đoạn Kinh Thánh nầy sao mà diễn tả quá sít sao chính cái sứ mệnh, sự thách đố và căn tính của Hội Thánh: Hội Thánh muôn nơi và muôn thuở luôn mang lấy thân phận của bách hại, bị cấm đoán, bị đặt ngoài vòng pháp luật: “Chúng tôi nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập tràn giáo lý của các ông…”; nhưng đó cũng chính là Hội Thánh luôn can đảm “nói có” với Thiên Chúa và “nối không” với trần tục, cho dù người đại diện của trần tục đó có là một quốc vương Hêrôđê tàn ác và bạo ngược, có là một hoàng đế Nêrô hùng mạnh và gian hùng, hay một tên bạo chúa nào đó sẵn sàng thỏa mãn những mộng ước điên khùng bằng máu xương của những người vô tội…Đó là chưa kể những tên bạo chúa nhan nhản giữa đời thường hôm nay: tiền bạc, sắc đẹp, sự giàu sang, hưởng thụ… Nếu có lần nào chúng ta đã khiếp nhược chào thua trước những thứ quyền lực trần tục đó, thì hôm nay hãy can đảm đứng lên theo gương các thánh Tông Đồ: “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” để tiếp tục “xin làm chứng, cùng với Thánh Thần”.

Và Lời Chúa lại nói gì với chúng ta nữa đây ?

Trích đoạn sách Khải huyền của Thánh Gioan lại là một bài vinh tụng ca Đấng Cứu Thế qua hình ảnh Con Chiên: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc”

Lại là một chân lý cốt yếu của niềm tin Kitô: Đức Kitô, Đấng Cứu thế, phải đi qua con đường khổ nạn của thập giá mới đến cõi vinh quang phục sinh. Chân lý nầy nào có phải là một ý niệm thần học trên mây trên gió, nhưng chính là sự cắt nghĩa và định hướng cho mọi cuộc đời, mọi ơn gọi, mọi giá trị của cuộc sống.

Thật vậy, chân lý nầy đang hiện thực rõ nét qua người anh em của chúng ta đây: Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, oai nghi trong chức vụ cao cả của bậc Tông Đồ. Thế nhưng anh chị em, nhất là thế hệ giáo dân Mằng lăng trung niên trở lên, ai còn lạ gì ông thầy Bản, thầy Hiền thầy Đệ…Mà tiến trình theo đuổi ơn gọi là những tháng ngày vất vả, những gánh lúa nặng trên vai, những vết chân rướm máu vì đỉa cắn, những bữa cơm bằng cháo trắng với rau ngỗ nhỗ ngoài sông, những bước chân lặng lẽ giữa khuya đi bộ từ Đồng Cháy về Mằng lăng hay lội ruộng bắt ếch bên Hội Phú... Để đến được với ngai tòa Giám Mục hôm nay, phải chăng Đức Cha Vinh Sơn đã phải hụt hơi đẩy chiếc cộ lúa trải qua con đường lầy lội trơn trợt từ Đồng Cháy về Mằng Lăng, đã phải mệt rã người trên chiếc xe đạp cũ kỷ đạp từ Kỳ Lộ về đến Tuy Hòa rồi lại từ Tuy Hòa trở lên Kỳ lộ cũng bằng chiếc xe đạp ọp ẹp đó….34 năm về trước, ở nơi đây, trên chính quê hương nầy, Đức Cha Vinh Sơn đã đi qua bao nhiêu cuộc hành trình gian lao vất vả như thế…

Thiết nghĩ, không có những chặng đường vất vả nhọc mệt đó chắc sẽ không có con đường lên ngai tòa giám mục Banmêthuột hôm nay. (Thưa Đức Cha, con nói như thế có đúng không Đức Cha ?...Nếu đúng cộng đoàn chúng ta cho một tràng pháo tay…).

Và Lời Chúa hôm nay lại nói gì nữa đây ?

Bài Tin mừng Gioan thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô Phục sinh và các môn sinh trên bờ biển hồ Tibêriat với “bữa điểm tâm đơn giản nhưng ấm áp tình thân của hiện diên và gặp gỡ” (TM). Đó chính là niềm tin muôn nơi và muôn thuở của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu, là ý nghĩa đích thực của cuộc họp mừng phục sinh, là nội dung cốt yếu của Tin Mừng phải được sẻ chia và làm chứng.

Làm chứng rằng: cho dù “suốt đêm không bắt được con cá nào, mõi mệt, bụng đói meo… thì vẫn không hề thất vọng vì tin rằng: “Vừa tảng sáng Chúa đã đứng trên bãi biển”.

Vâng, Chúa đã đứng đó từ lâu, Chúa đã thấy rõ bao nhiêu giọt mồ hôi và nước mắt, bao nhiêu lắng lo mệt nhọc của những người môn sinh nghèo hèn bé nhỏ, của những học trò vụng dại ngu ngơ. Chúa đã đứng đó, đã chứng kiến bao vất vả nhọc nhằn, bao xót xa day dứt, bao tăm tối khổ sầu…của bao thân phận con người, bao gia đình nhân thế. Và thấy rồi, không phải Chúa cứ ngoãnh mặt quay đi và bỏ lại chúng ta bên bờ tuyệt vọng, như bao vị hiền nhân, như bao nhà chính khách, như bao lãnh tụ xưa nay. Không, Chúa đã đến, Chúa đã hiện diện, đã dọn sẵn cho chúng ta, cho nhân loại, “bữa điểm tâm tuyệt vời, đúng lúc và đầy thân thương tế nhị”. Những tấm bánh thơm, những con cá nhỏ trên ngọn lửa hồng bên bờ hồ Tibêriát, hay Bánh Thánh Thể hôm nay, các Nhiệm tích hôm nay ở giữa con thuyền Giáo Hội nào có khác chi đâu ! Bởi vì, tất cả đều đong đầy một ý nghĩa nhiệm mầu duy nhất: Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Vâng, chính sự hiện diện của Chúa đã đem lại nguồn hy vọng, niềm vui, lẽ sống, sự bình an, như cách diễn tả của thánh vịnh 29 mà cộng đoàn chúng ta vừa hát lên trong phần đáp vịnh ca: “Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu. Lạy chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (ĐC).

Và như thế, thế giới không còn phải lo “Chúa có đến không ?”, con người khỏi phải ưu tư lo lắng “Chúa có trở về không ? Có ở đó không ?”. Điều còn lại làm sao chúng ta có được “đôi mắt sáng” của Thánh Gioan để mau mắn nhận ra “Chúa đó”, có thái độ nhiệt thành, cương quyết nhưng cũng đầy kính trọng thân thương của Phêrô “vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển…” bơi thẳng về phía Đấng Phục Sinh…

Phải chăng ngày hôm nay ở giữa biển đời cuộc sống, hay ở giữa con thuyền Giáo Hội, hai tiếng “Chúa Đó“ cũng đang vọng về, vang lên qua Phụng Vụ, qua các Bí tích, qua những cuộc họp mừng của cộng đoàn Giáo Hội, qua những anh chị em bé nhỏ khó nghèo, qua những lời réo gọi của yêu cầu chứng nhân và truyền giáo nơi những vùng sâu vùng xa hay nơi những môi trường đang quay mặt với Thiên Chúa và những giá trị của Phúc Âm để quay cuồng trong cơn lốc của nền “văn hưởng thụ, văn minh sự chết…”

Và hôm nay, trong thánh lễ tạ ơn nầy của Đức Cha Vinh Sơn, phải chăng một lần nữa Chúa nhắc bảo chúng ta: “Chúa đó”. Bởi chưng, cuộc đời và ơn gọi của Đức Cha chính là là một chứng từ rõ nét cho chân lý giản đơn nầy: “Chúa đó”. Chính vì Đức Cha đã kịp nhận ra sự hiện diện ắp đầy của Chúa để thỏ thẻ bằng lời đáp thấn thương: “Lạy Thầy, Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” cho nên, hôm nay, Chúa đã nói với Đức Cha: “Con hãy chăn đàn chiên cho Thầy”.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Cha mãi mãi “bước theo Thần Khí” để chu toàn sứ vụ Giám Mục; và nếu có thời gian nào “buông câu bũa lưới” mà suốt đêm không được con cá nào thì hãy vững niềm tin: trên bờ kia đang có bữa điểm tâm của Đấng phục sinh đang chờ sẵn
 
Để Thánh Thần dẫn bước: Thánh lễ Tạ Ơn của ĐGM Nguyễn Văn Bản tại nhà thờ chónh tòa Quy Nhơn
LM. Matthêu Nguyễn Văn Khôi
15:58 06/06/2009
ĐỂ THÁNH THẦN DẪN BƯỚC

(THÁNH LỄ TẠ ƠN CỦA ĐỨC CHA VINH SƠN NGUYỄN VĂN BẢN

Tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn ngày 02-6-2009)

Kính thưa quí ông bà và anh chị em rất thân mến,

Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai bằng nghi thức chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan và được Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên Người (x. Lc 3,21-22). Tiếp đến, Người được Thánh Thần đưa vào hoang địa chay tịnh bốn mươi đêm ngày và chịu ma quỉ cám dỗ (x. Lc 4,1-13). Sau đó, được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy, Chúa Giêsu trở về Galilê bắt đầu giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh (x. Lc 4,14-15). Rồi người trở về Nadarét là nơi Người đã sinh sống và lớn lên để rao giảng Tin Mừng cho quê hương của mình, như chúng ta đã nghe thánh Luca thuật lại trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Điều thánh Luca đã lặp đi lặp lại trong những thuật trình ngắn ngủi này là Chúa Giêsu luôn luôn bước đi dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Là một vị Thiên Chúa cao cả vượt không gian và thời gian, nhưng vì yêu thương nhân loại, Ngôi Hai Thiên Chúa đã sinh xuống làm người trong không gian và thời gian. Vì thế Người đã có một quê hương dưới đất mà Người thiết tha yêu mến như bất cứ người trần thế nào. Quê hương của Người cũng đầy dẫy những người nghèo khó, bệnh tật, bị áp bức và tù đày. Họ cần được Người công bố Tin Mừng giải thoát và người thực hiện cuộc giải thoát ấy không phải ai khác mà là chính Chúa Giêsu, người anh em của họ, đã từng chia sẻ cuộc sống lầm than lam lũ của họ.

Cơ hội gặp gỡ để công bố Tin Mừng cho người đồng hương là buổi cầu nguyện hàng tuần vào ngày sabát tại hội đường Nadaret. Trước đây đã bao nhiêu lần Người đến đây tham dự buổi cầu nguyện và học hỏi Thánh Kinh với mọi người đồng hương, như thánh Luca đã cẩn thận ghi nhận: “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát” (Lc 4,16). Nhưng hôm nay Người đã đến đây với tư cách khác, tư cách của một Đấng Cứu Thế đến để thực hiện ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa. Phụng vụ là khung cảnh tuyệt vời nhất để con người có thể dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa và nhận được ơn cứu độ của Người.

Người ta trao cho Người sách ngôn sứ Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dần tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Đây là đoạn sách chúng ta đã nghe trong bài đọc I (Is 61,1-3a.6a.8b-9) với đôi chút thay đổi. Chắc hẳn đây không phải là một sự tình cờ, nhưng đã được Thiên Chúa sắp xếp. Vì thế Chúa Giêsu đã tuyên bố với cử tọa: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe” (Lc 4,21). “Hôm nay” là một thuật ngữ Thánh Kinh nói lên tính hiện thực của ơn cứu độ. Với Đức Kitô, khoảng cách giữa lời hứa và việc thực hiện ơn cứu độ đã được triệt tiêu: không những Chúa nói và làm, nhưng còn hơn thế nữa: Chúa nói là làm. Nơi Thiên Chúa, lời nói và hành động là một. Với lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu đã chính thức khai mạc triều đại thiên sai của Người và khai mở điều mà các nhà chú giải Thánh Kinh gọi là “mùa xuân Galilê”.

Kính thưa quí ông bà và anh chị em,

Theo chân Chúa Giêsu, Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa, cách đây 3 tuần, vào ngày 12 tháng 5, Đức Cha Vinh Sơn, người con yêu dấu và ưu tú của giáo phận, đã được Thánh Thần xức dầu tấn phong làm Giám mục chính tòa giáo phận Banmêthuột. Khẩu hiệu giám mục của ngài là Spiritu ambulate, có nghĩa là hãy bước đi trong Thánh Thần, trích từ thư thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Galata 5, 16, mà chúng ta đã nghe trong bài đọc II. Khi chọn câu Thánh Kinh này làm khẩu hiệu cho cuộc đời giám mục của mình, Đức Cha cũng muốn bắt chước Chúa Kitô, Thầy Chí Thánh, chu toàn sứ mạng của mình bằng cách luôn hành động theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Huy hiệu giám mục của ngài là hai dấu chân người trên con đường dưới bóng chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Con đường ấy do Thánh Thần vạch ra và dẫn dắt xuyên qua những vùng đất có lúc êm ả bình yên, xanh rì ngọn cỏ, có khi gặp núi đá cheo leo, ngổn ngang dặm bước. Thế nhưng bên trên tất cả là khung trời rộng mở thênh thang, xanh ngát một màu thiên thanh, nơi Thánh Thần sẽ dẫn đưa vào để hoàn thành mọi chương trình mà vị mục tử đang ôm ấp.

Với tuổi trẻ, tài cao, học rộng, và đầy nhiệt huyết mục vụ, chắc hẳn ngài sẽ đem lại cho giáo phận Banmêthuột một mùa xuân mới, khiến cho giáo phận Banmêthuột không còn phải mang tên “Buồn muôn thuở”, nhưng thực sự trở thành giáo phận “Bao mến thương”, như lời Cha Tổng Đại Diện giáo phận Banmêthuột Đaminh Hà Duy Khâm đã nói trong thánh lễ tấn phong giám mục của ngài tại nhà thờ Chính tòa Banmêthuột hôm 12 tháng 5 vừa qua.

Cũng như Đức Giêsu đối với thành Nadaret, Đức Cha Vinh Sơn đã là một người giữa chúng ta, đã từng sinh ra, lớn lên, được đào tạo và hoạt động cho Nước Trời trên quê hương thân yêu là giáo phận Qui Nhơn này. Hôm nay, vì lòng yêu mến quê hương đã cưu mang ngài và cũng để bày tỏ lòng biết ơn đối với giáo phận và cộng đồng dân Chúa trong giáo phận, ngài đã trở về đây để cùng với cộng đoàn dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho giáo phận. Chúng ta đón chào ngài không những với tư cách người con của giáo phận, mà còn với tư cách một vị chủ chăn của một Giáo Hội địa phương là giáo phận Banmêthuột, một giáo phận mà phần lớn lãnh thổ được tách ra từ giáo phận Kontum là con đẻ của giáo phận Qui Nhơn, và do đó giáo phận Banmêthuột có thể được coi là giáo phận cháu của giáo phận Qui Nhơn chúng ta.

Giáo phận Banmêthuột mà ngài có nhiệm vụ cai quản là một vùng đất rộng lớn bao gồm tỉnh Đăklăk, Đăk Nông và một phần tỉnh Bình Phước với diện tích là 21.723km2. Số giáo dân hiện có là 361.126 người, trong đó có 67.408 người thuộc các sắc tộc thiểu số, trên tổng số dân của 3 tỉnh là 2.719.267 người, chiếm tỉ lệ 13,28%. Chúng ta hãy thử làm một phép tính: nếu một năm có 365 ngày thì với số giáo dân 361.126 người, trung bình mỗi ngày Đức Cha phải chăm sóc gần 1.000 người. Một bó lúa quá nặng so với đôi vai của bất kỳ một người thợ gặt nào. Đó là chưa kể trên 2.300.000 người lương dân mà ngài có nhiệm vụ phải rao giảng Tin Mừng và dẫn đưa về đàn chiên của Chúa.

Hơn nữa, mặc dù được Đức Thánh Cha Bênêđictô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa giáo phận Banmêthuột, nhưng theo Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus của công đồng Vaticanô II, số 4, với bí tích truyền chức thánh, Đức Cha Vinh Sơn đã chính thức gia nhập giám mục đoàn thế giới kế nhiệm các tông đồ, để cùng với Đức Thánh Cha và các giám mục khác dự phần vào quyền bính trọn vẹn và tối cao trên Hội Thánh toàn cầu và gánh vác công việc của toàn thể Hội Thánh.

Đứng trước một trách nhiệm lớn lao và nặng nề như thế, chắc chắn Đức Cha Vinh Sơn sẽ không còn thời giờ để nghỉ ngơi. Thật vậy, Đức Cha đã hoàn toàn hiến thân cho Nước Trời, đã quyết tâm để cho Thánh Thần chiếm trọn cuộc đời, thì sẽ không còn thời giờ để nghỉ ngơi. Hết việc này đến việc khác sẽ cuốn hút và xô đẩy ngài tới tấp. Ngài phải trở thành chân tay cho những người què cụt, thành đôi mắt cho những kẻ đui mù, thành đôi tai cho những người bị điếc, thành miệng lưỡi cho người không nói được, thành tiếng kêu cho những kẻ chịu bất công. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ngài được dồi dào sức khỏe, tràn đầy nghị lực và đầy đủ ơn Chúa Thánh Thần, để có sức gánh vác trách nhiệm chăn dắt đàn chiên Chúa đã giao phó và làm cho những lời Thánh Kinh Chúa Giêsu đã đọc tại hội đường Nadaret năm xưa tiếp tục được thể hiện hôm nay.
 
Bước đi trong Thánh Thần
LM. Trăng Thập Tự
16:09 06/06/2009
BƯỚC ĐI TRONG THÁNH THẦN

(Ge 3,1-5; Gl 5,16-25; Ga 14,12-17)

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Chúa Nhật vừa qua, chúng ta đã mừng lễ Chúa Thánh Thần. Chiều nay chúng ta lại được nghe lời hứa đầy an ủi của Chúa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Ga 14,16-17).

Chúa Thánh Thần vẫn ở trong chúng ta và ở giữa chúng ta mà chúng ta không để tâm đến, cho nên không đón nhận được những ân sủng vô tận của Ngài. Nhân loại khốn khổ và đời sống nhiều người trong chúng ta lâm vào bế tắc vì chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Lễ tạ ơn mừng Đức Cha Vinh Sơn thân yêu của chúng ta chính là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại sự cần thiết của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống và hăm hở bước đi theo Ngài.

Trong hội diễn đêm qua, nhà thơ nhạc sĩ Cao Huy Hoàng có nêu một nhận xét rằng Đức Tân Giám Mục đang đem lại một mùa xuân, mùa xuân của Thánh Thần. Quả có vậy, khẩu hiệu giám mục của Đức Cha Vinh Sơn, “hãy bước theo Thánh Thần”, đã gợi hứng cho hàng chục bài thơ và bản nhạc mới, với những suy niệm sâu sắc về Chúa Thánh Thần, có sức lôi cuốn nhiều người vào một đà sống mới. Đêm qua, chúng ta đã được thưởng thức một vài trong những tác phẩm ấy. Vở diễn “Nẻo đường ơn gọi” cũng nhắc chúng ta nhớ quyền năng kỳ diệu của Chúa Thánh Thần nơi cuộc đời một người được Ngài tuyển chọn và đào tạo.

Buổi diễn đêm qua chắc hẳn đã làm dậy lên trong lòng nhiều bạn trẻ trước mắt tôi đây/ ước vọng dâng mình phụng sự Thiên Chúa. Lắm bạn có lẽ đã hình thành một quyết định dứt khoát theo Chúa. Nhiều bạn khác có thể đang thấy có phần phân vân. Tôi muốn nói riêng với các bạn nhóm sau này một lời: Các bạn đừng sợ. Hãy quả cảm mở lòng với ơn Chúa/ rồi chính Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện mọi chuyện cho các bạn/ cách kỳ diệu mà các bạn không ngờ. Cậu bé Nguyễn Văn Bản khi nộp đơn thi vào Tiểu Chủng Viện/ nào đã hiểu gì mấy về ơn gọi. Thế nhưng cậu đã mở lòng cho Chúa. Thầy Bản bị đỉa cắn trên cánh đồng Mằng Lăng lúc ấy đâu có ngờ rằng Chúa Thánh Thần đang dùng chính những chuyện vặt vãnh thường ngày để đào tạo lòng quảng đại cho kẻ Ngài chọn. Thầy chỉ biết mở lòng cho Chúa và Chúa đã làm tất cả.

Các bạn ngập ngừng vì không biết sẽ phải đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn nào? Đừng sợ, chính Thánh Thần Sức Mạnh sẽ làm thay các bạn. Các bạn thấy mình bất xứng vì yếu hèn tội lỗi chăng? Đừng sợ! Chính Thánh Thần là Lửa cháy và là Nước thanh trong/ sẽ thanh tẩy các bạn/ như Ngài đã thanh tẩy Đức Cha Vinh Sơn và đã thanh tẩy tôi. Vâng, các linh mục chúng tôi và cả các giám mục/ cũng như các thánh Tông Đồ ngày xưa, đều đầy yếu đuối, khuyết điểm và tội lỗi. Thế nhưng Chúa Thánh Thần đã đổ xuống ơn đức tin, đức cậy và đức mến/ để chúng tôi dần dần vượt từ bóng tối vào ánh sáng/ và từng ngày sung sướng bước theo dấu chân Chúa Cứu Thế Giêsu/ trong hạnh phúc vô tận. Nào, cả các bạn nữa, hãy bước đi trong Thánh Thần, và các bạn sẽ không còn gì phải sợ.

Tiếc thay, cũng có lắm bạn trẻ muốn theo Chúa mà cha mẹ không đồng ý. Thế nhưng, thưa quý Phụ Huynh, tại sao quý vị lại tiếc không dám sớm dâng con mình cho Chúa? Tại sao quý vị ngăn cản con cái khi chúng ngỏ lời muốn noi gương bắt chước chính Chúa Cứu Thế? Nếu quý vị thật sự yêu thương con cái, thì tại sao không để cho chúng/ được Thiên Chúa biến thành những con người hữu ích nhất/ cho Quê Hương, Dân Tộc, cho Hội Thánh và Thiên Chúa?

Quý vị hãy nhìn xem: cánh đồng Thiên Chúa mênh mông bất tận! Quý vị hãy nhìn xem: không đâu xa, ngay bên cạnh chúng ta/ biết bao linh hồn đang bước trong tối tăm lầm lạc và có nguy cơ đánh mất hạnh phúc đời đời! Quý vị hãy nhìn xem: Máu Thánh Chúa Kitô đang trở nên vô ích cho biết bao nhiêu người? Như thế, tại sao lại tiếc những đứa con của quý vị mà không hiến dâng cho Chúa?

Thưa Anh Chị Em,

Thiên Chúa thấu suốt nỗi lòng Anh Chị Em. Thiên Chúa biết Anh Chị Em cần giữ con cái bên mình như một nguồn an ủi. Thế nhưng Anh Chị Em nghĩ sao/ nếu rồi đứa con sẽ thành mối khổ tâm dằn vặt cả đời cho cha mẹ? Tôi xin chia sẻ với Anh Chị Em, nếu tôi đã lập gia đình thì liệu giờ phút này tôi có thể đem lại được một phần mười hay một phần trăm/ những an ủi hiện tôi đang/ đem lại cho gia đình và gia tộc của mình chăng? Tôi e rằng không. Thưa Anh Chị Em, xin hãy can đảm dâng con cái mình cho Chúa. Thiên Chúa không bao giờ chịu thua sự quảng đại của Anh Chị Em. Khi các cháu lên đường theo Chúa Giêsu, chính Ngài sẽ thế chỗ các cháu trong gia đình Anh Chị Em và Ngài sẽ là nguồn an ủi vô cùng vô tận cho Anh Chị Em.

Thưa Anh Chị Em,

Cũng có thể Anh Chị Em đang lo âu phiền muộn/ về biết bao nhiêu chuyện trong cuộc sống/ nên chẳng còn lòng dạ nào để nghĩ tới/ việc dâng con cái mình cho Chúa. Xin Anh Chị Em đừng sợ. Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính Ngài, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho Anh Chị Em. Anh Chị Em hãy nhớ đến khẩu hiệu/ của vị giám mục trẻ thân yêu của chúng ta. Hãy để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt và Anh Chị Em sẽ vượt qua mọi bế tắc của cuộc sống.

Anh Chị Em đang gặp khó khăn trong tình nghĩa vợ chồng chăng? Anh Chị Em đang làm ăn thua lỗ chăng? Anh Chị Em đang mệt mỏi với việc giáo dục con cái chăng? Anh Chị Em đang có những điều khó xử với sui gia, láng giềng hoặc bạn hữu chăng? Anh Chị Em đang gần như quỵ ngã dưới sức nặng của bệnh tật chăng? Hãy chạy đến với Chúa Thánh Thần và hy vọng sẽ bừng sáng. Ngài sẽ mở lối cho Anh Chị Em qua những ngõ ngách bất ngờ nhất.

Vâng, không phải vô cớ mà Chúa Thánh Thần/ tự sánh ví Ngài với những biểu tượng hết sức linh động: Nước, Lửa, Khí, Gió và Dầu. Tất cả năm nguồn lực này có chung một khả năng là có thể tìm ra những khe hở nhỏ nhất để lách qua, để thấm sâu vào và biến đổi mọi vật thể. Mỗi khi cuộc sống bế tắc, Anh Chị Em hãy đến với Nước, Lửa, Khí, Gió và Dầu thiêng liêng là Thánh Thần. Ngài sẽ đưa Anh Chị Em vượt thoát qua những ngõ ngách hết sức bất ngờ.

Ngay cả khi mọi sự đều êm xuôi trôi chảy, Anh Chị Em cũng hãy đến với Chúa Thánh Thần để Ngài giúp cất cánh bay cao.

Ước gì kỷ niệm về đêm hội diễn/ cũng như về thánh lễ tạ ơn lần này/ mãi mãi nhắc Anh Chị Em nhớ: “Hãy bước đi trong Thánh Thần”. Ước gì dù sáng sớm, chiều hôm, lúc sắp đi ngủ, nửa đêm thức giấc hay giữa trưa mồ hôi nhễ nhại, Anh Chị Em luôn nhớ đến Chúa Thánh Thần và phó thác cuộc sống cho Ngài.

Sau cùng, thưa Anh Chị Em, chúng ta hãy chia mừng với Đức Cha thân yêu của chúng ta đây/ vì Ngài đã tìm được chiếc chìa khóa thần diệu cho sứ vụ mới. Ngài chưa một ngày làm tổng đại diện, quản hạt hay quản xứ, thế mà giờ đây phải gánh vác trách nhiệm về giáo phận đông giáo dân hàng thứ tư tại Việt Nam, chỉ nguyên số tín hữu các sắc tộc ít người cũng đã bằng giáo dân giáo phận Qui Nhơn, và nếu tính cả người Kinh thì đông hơn gấp năm lần giáo dân giáo phận Qui Nhơn. Biết bao khó khăn đang chờ đợi. Thế nhưng Ngài quảng đại dấn thân vì tin tưởng có Chúa Thánh Thần dẫn dắt từng ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Cha luôn trung thành với khẩu hiệu của ngài từng ngày một.

Kính thưa Đức Cha,

Tất cả anh chị em chúng con đây hứa noi gương Đức Cha và chạy đua với Đức Cha trên đường bước theo Thánh Thần. Chúng con sẽ đồng hành với Đức Cha trong kinh nguyện và thánh lễ của chúng con.

Xin chúc mừng Đức Cha đã có một chọn lựa hết sức đúng/ là phó thác sứ vụ và bản thân mình/ cho Thánh Thần của Đức Kitô. Nhờ đó, Đức Cha có thể lặp lại/ lời vị thánh Tông Đồ Đức Cha rất yêu kính/ là thánh Phaolô: “Tôi biết tôi đã tin vào ai và tôi xác tín rằng: Ngài có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày sau cùng” (2Tm 1,12).

Lm TRĂNG THẬP TỰ
 
''Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”
LM. Gioan Võ Đình Đệ
16:14 06/06/2009
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”

BÀI GIẢNG LỄ ĐỨC CHA VINH SƠN NGUYỄN VĂN BẢN TẠ ƠN TẠI CHỦNG VIỆN QUI NHƠN

02-06-2009

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Vừa mới chưa tròn hai ngày, Chúa nhật vừa qua, Phụng vụ của Giáo hội mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống ban muôn ơn cho các Tông đồ, hôm nay chúng ta họp nhau đây cùng với Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, một người con của Chủng viện Qui Nhơn nầy, để cùng tạ ơn Chúa vì hồng ân đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa và thánh hiến làm Giám mục, kế thừa sứ vụ các thánh Tông Đồ.

Kính thưa Đức cha Vinh Sơn,

Trong bầu khí huynh đệ này, cho phép con được nhắc đến tên riêng của Đức cha mà anh em thường gọi là “Bản đen” trong những ngày xưa thân ái tại Chủng viện Qui Nhơn nầy. Với chất giọng Bình Định ‘nậu tụi’ thì “Bản” có “g” hay không có “g” cũng như nhau. “Bản đen” là cái bảng đen, một dụng cụ thiết yếu trong các lớp học, là một không gian cố định dành cho những viên phấn trắng được tung tăng uốn lượn nhảy múa trong tay nhuần nhuyễn thành thạo của thầy cô giáo hay nguệch ngoạc, ngỡ ngàng, e thẹn của học trò. Cái bảng đen của thời đi học hay cái bảng đen ghi lịch làm việc của cả đời người là những vệt phấn trắng thời gian, là những kỷ niệm, là những chữ và nghĩa chất chồng, là những khoảnh khắc bôi và xóa, là những ký ức, là bao chuyện đời…

Cái “Bản đen Vinh Sơn” đã được Thiên Chúa viết lên hai chữ Giám Mục. Trước khi được Thiên Chúa viết, “Bản đen” này đã được Thiên Chúa trao phó cho nhiều bàn tay con người qua nhiều thế hệ nâng niu, viết vẽ, tô xóa. Riêng tại Chủng viện Qui Nhơn, từ năm 1968 đến năm 1975, “Bản đen” này đã được nâng niu, viết vẽ, tô xóa từ những bậc trí thức khôn ngoan với những văn bằng tiến sĩ, cử nhân cho đến những Ma Xơ hiền lành yêu thương như mẹ, cho đến một ông già bập bẹ vài tiếng bồi Tây nên được gọi là ông “Mê Xừ” với chỉ một công việc sắp dĩa muỗng nĩa ra bàn ăn ngày ba bữa sáng trưa chiều, thậm chí đến một anh Săn, đi ngắt ngẻo, rặn một chữ a không ra mà chỉ ra ngọng ngịu và cà lăm lắp bắp, tối ngày chỉ một việc hốt trấu đổ vào lò, đứng canh, châm trấu cho lửa lò cháy đều, cho canh sôi, cho cơm chín, cho cá thấm gia vị.

Quả vậy, sự sống, sự nghiệp của mỗi người là một kết tinh của bao tấm lòng, là một kết hợp những hy sinh, những hao mòn của bao sự sống khác. Và, cho dẫu một sự sống èo uột, thiểu năng thể lý vẫn có cái gì để đóng góp, có cái gì để cho đi. Đáng trân trọng thay. Đáng quý thay.

Cám ơn cái cối cái chày.

Đêm khuya giã gạo có mày có tao

Quả vậy, lòng biết ơn là một nhận thức và nỗ lực. Nhận thức một Thiên Chúa quan phòng đang chăm sóc mỗi người chúng ta trong tình yêu phong phú của Ngài. Ít hay nhiều, một phần thân xác, sự sống của Đức cha Vinh Sơn, của anh chị em cựu chủng sinh chúng ta đây đã được nuôi dưỡng từ mồ hôi, nước mắt, công khó của bao người, trong đó có các Hội Hữu Phaolô Châu còn sống và đã qua đời.

Hội Phaolo Châu được Đức Cha Damien Grangeon Mẫn, vị Giám mục thứ 14 cai quản Giáo Phận Qui Nhơn, thành lập năm 1921, nhằm gây quỹ tài trợ cho việc đào tạo linh mục trong Giáo Phận. Phaolô Châu là một linh mục nguyên quán Gò Thị, làm Giám Đốc chủng viện thời thánh Giám mục Têphanô Thể. Cha Phaolô Châu đã mở cánh cửa lòng ra đón nhận cái chết vì đạo tại Gò Chàm, Bình Định vào tháng 05/1862. Các Hội Hữu Phaolô Châu là những con người đã quảng đại mở cánh cửa lòng ra cho Chúa và Giáo Hội. Thời gian ở Chủng viện là thời chúng ta cùng được ‘cưng như trứng, được hứng như hoa’ từ những tấm lòng quảng đại của các Hội Hữu Phaolô Châu.

Lòng biết ơn là một nhận thức và nỗ lực. Nỗ lực bày tỏ lòng biết ơn của mình qua những quảng đại xin vâng trước thánh ý của Thiên Chúa trong đời sống. Đó là một lối nỗ lực bày tỏ đức tin của chúng ta.

Mười người phung cùi được chữa lành nhưng chỉ có một người trở lại tạ ơn Thiên Chúa. Mười người phong cùi được chữa lành nhưng duy nhất chỉ có một người nhận ra ơn, biết ơn mới được tuyên bố là được ơn cứu độ. Việc quay trở lại tạ ơn Thiên Chúa đã diễn tả một niềm tin trọn vẹn, niềm tin nầy cao quý hơn niềm tin đã thúc đẩy cả mười người đi trình diện với các tư tế trước khi được chữa lành. Bởi lẽ niềm tin trọn vẹn nầy dẫn tới sự sống đời đời là điều cao quý hơn việc được chữa lành thể xác nay còn mai mất.

“Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ

Em thương một người có mẹ không cha

Bánh xèo bánh đúc có hành hoa

Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn.

Quả vậy, chín người được chữa lành không quay trở lại tạ ơn giống như “Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn”. Bởi lẽ, việc chữa lành bệnh là một hồng ân, nhưng hồng ân nầy chỉ là buớc khai mở đưa đường dẫn lối đến đức tin trọn vẹn. Người phung cùi được chữa lành quay trở lại tạ ơn, nhờ đó anh đã nhận ra Đấng ban ơn, nhận ra sáng kiến của Thiên Chúa, để sẳn sàng đáp lại hầu được đón nhận ơn cứu độ.

Về phía Thiên Chúa, Giám mục là một sáng kiến, là một hồng ân của Thánh Thần cho dân Chúa trên đường lữ hành. Về phía con người đó là sự nỗ lực đáp trả của đức tin trước sáng kiến của Thiên Chúa. Nhận lãnh chức vị Giám mục là nhận lấy sứ mạng rất cao quý. Cái gì, sự gì càng cao quý thì càng cheo leo. Như hạt ngọc trai, con trai phải tiết ra càng nhiều nước mắt, nước mắt càng trong trẻo tinh khiết, thì hạt ngọc trai càng to, càng sáng.

Cách thường gọi trong đạo, Giám mục là Đức cha nghe rất thân thương, rất trân trọng nhưng rất đầy trách nhiệm. Trong Phúc âm thánh Matthêu 23,8-12 Chúa Giêsu dạy rằng: “phần anh em, đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cùng đừng gọi ai dưới đất là cha vì anh em chỉ có một Cha trên trời”. Hẳn nhiên khi dạy các môn đệ mình như thế, Chúa Giêsu không có ý chối bỏ cách xưng hô tình nghĩa của một người học trò đối với thầy giáo, của một người con đối với đấng sinh thành dưỡng dục, của một người đồ đệ đối với sư phụ kính yêu của mình như Elisa đã gọi Elia Cha ơi! Cha ơi. Khi Elia lên trời trong cơn lốc lửa (2V 2, 12) hoặc như ông Gióp thể hiện tấm lòng của mình đối với những kẻ nghèo khó, ông xem đó như là bổn phận của ông, ông tự đặt mình là cha của những kẻ nghèo túng (Job 29,16).

Về điểm này, Claude Tassin có chú giải: “Dù sao ở đây tác giả Phúc âm muốn nhắc lại một tiêu chuẩn bao trùm và vượt ra ngoài vấn đề danh xưng: đó là chức vụ trong Kitô giáo phải được xem như một công cụ để phục vụ. Vâng! Một công cụ để phục vụ. Sau khi đầy Thánh Thần, các thánh Tông đồ đã hiểu thấu đáo và thực hành triệt để giáo huấn của Thầy chí thánh. Trong yêu thương và trách nhiệm, các thánh Tông đồ đã gọi nhiều người là con của các Ngài,

- Như Thánh Phêrô gọi Marcô trong thứ 1Pr 5,13 “và con tôi là Marcô gởi lời chào anh em.”

- Như thánh Gioan trong các thư gởi các giáo đoàn: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi.”

- Như thánh Phaolô đã thường gọi Timôthê, Titô, Philemon và Onesimo là con của ngài và đặc biệt trong thư 1 gởi giáo đoàn Côrintô với lời lẽ đầy yêu thương và tinh thần trách nhiệm: “Tôi viết những lời này không phải để làm cho anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em, những người con yêu quý của tôi, nhờ Tin mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4,14).

Bởi đó, giống như người cha tự nhiên theo huyết thống, Giám mục được Thiên Chúa ủy thác lưu truyền sự sống, một sự sống tuôn trào từ nơi Thiên Chúa, làm cho con người được sống dồi dào và được sống đời đời.

Giống như người cha tự nhiên, Giám mục được Thiên Chúa ủy thác làm cho con cái mình nhận biết chân lý của sự sống là Đức Giêsu Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa Cha.

Giống như người cha tự nhiên, Giám mục được Thiên Chúa ủy thác nhiệm vụ qui tụ, trở nên điểm hiệp nhất, tạo nên một gia đình huynh đệ của Thiên Chúa.

Nếu tình cha con tự nhiên đòi hỏi mồ hôi, công khó, tình thương, lòng quảng đại. Thì tình cha con thiêng liêng đồng thời là sứ mạng của Giám mục cũng không thoát khỏi nhưng đòi hỏi ấy.

Như thánh Phaolô đã bộc bạch trong thư gởi giáo đoàn Galata: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô Giêsu được hình thành nơi anh em” (Gal 4,19).

Và chính Đức Kitô cũng đã được thư Do thái diễn tả: “Chính Người trong cuộc sống trần thế đã đọc kinh cầu khẩn than van khóc lóc với Đấng có thể cứu Người khỏi chết, và tinh thần vâng phục của Người, Người đã được nhận lời” (Dt 5,7).

Kính thưa……

Đứng trước sứ mạng của Giám mục rất cao quý, nhưng cũng rất nhiều đòi hỏi. Chắc hẳn trong thận phận yếu đuối con người khi được trao gởi sứ mạng ấy, Đức cha Vinh Sơn đã cảm thấy Chúa chọn con như chọn sét giữa cây tầm thường. Cũng như thánh Phaolô đã từng ví mình “như cái bình sành dễ vỡ”. Nhưng rồi Phaolô cũng cảm nghiệm được: “ơn Ta đủ cho con”.

Một cái nhìn thuộc linh như thế, để cùng với Đức cha Vinh Sơn xác tín rằng: “không phải con đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn con” (Ga 15,16) và xác tín như Giêrêmia: “Trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ Ta đã thánh hoá ngươi. Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Và đứng trước sứ mạng nặng nề vẫn tin tưởng như Isaia: “ Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi” (Is 49,5). Trong những xác tín đó, hôm nay cùng với Đức cha Vinh Sơn hát lời Thánh Vịnh: “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” và mạnh dạn “bước đi trong Thánh Thần (Gal 5,16). Amen.
 
Mầu Nhiệm Ba Ngôi
Hai Tê Miệt Vườn
18:09 06/06/2009
MẦU NHIỆM BA NGÔI

Gẫm suy Mầu nhiệm Ba Ngôi,
Lòng con cảm nhận Chúa Trời tình thương.
Ngài là mạch suối đổ tuôn,
Xuống trên vạn vật ngàn muôn phúc lành.
Chính nhờ công cuộc tạo thành,
Muôn loài hiện hữu tốt lành đẹp xinh.
Loài người hưởng trọn mối tình,
Thông chia sự sống thần linh Chúa Trời.
Được mang hình ảnh Ngôi Lời,
Chính là trưởng tử muôn người anh em.
Thế nhân khỏi cảnh tối đen,
Chẳng còn tội ác ghét ghen giận hờn.
Cuối đời gặp Đấng Chí Tôn
Chính là Thiên Chúa cội nguồn tình yêu.

“Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 7 – 8).

NĂNG LỰC TÌNH YÊU

Tình yêu năng lực làm nên,
Bao điều tốt đẹp ở trên đường đời.
Giúp cho nhân thế thành người,
Đúng như bản chất Chúa Trời dựng nên.
Tình yêu chất liệu gắn liền,
Mọi người nên một vững bền muôn năm.
Thế nhân thoát khỏi tối tăm,
Đâu còn đố kỵ bao năm giận hờn.
Từ nay nhận được muôn ơn,
Từ nơi Thiên Chúa đổ tuôn dồi dào.
Mọi người sẽ sống thanh cao,
Trở thành ánh sáng trăng sao cho người.
Dắt nhau thẳng tiến về trời,
Sau khi sống trọn cuộc đời yêu thương.

Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả,
chịu đựng tất cả, đức mến không bao giờ mất được
” (1 Cr 13, 7-8)
 
Tôi tin Thiên Chúa Ba Ngôi
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
20:56 06/06/2009
Tôi tin Thiên Chúa Ba ngôi

Hằng ngày mỗi khi làm dấu Thánh Gía người Công giáo đều tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chú có ba ngôi: là Cha và Con và Thánh Thần.

Khi đọc kinh Tin Kính, chúng ta cũng nói lên đức tin vào Thiên Ba ngôi chi tiết hơn: Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần.

Tin trong tâm hồn và nói ra bằng ngôn ngữ lời nói nơi môi miệng. Nhưng đâu là nội dung ý nghĩa nền tảng của đức tin vào Một Chúa có ba ngôi vị?

Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa ngôi thứ nhất là Cha, Đấng tạo dựng nên trời và đất cùng mọi loài sinh sống trong vũ trụ.

Như trong Kinh Thánh tường thuật lại ( St 1,1-15), Ngài dựng nên cây cỏ, thú vật không phải chỉ cho một lần rồi thôi. Nhưng ngài cho chúng khả năng phát sinh nòi giống từ thế hệ này nối tiếp qua thế hệ khác. Ngài dựng nên chúng có bản năng, tên tuổi hình hài, mầu sắc với đặc tính riêng biệt của từng giống loại, không loài nào lẫn lộn với loài khác. Mỗi loài có nhu cầu cùng môi trường sinh sống khác nhau.

Khi tạo dựng nên con người, Ngài dựng nên họ giống hình ảnh Ngài ( St 1,26-31). Con người được Thiên Chúa Cha tạo dựng nên thân xác với những cơ quan như một bộ máy tinh vi có những chi tiết cùng phận sự sinh động kỳ diệu lạ lùng. Không chỉ với bộ máy thân xác hình hài kỳ diệu, nhưng con người còn có tinh thần với trí khôn hiểu biết suy nghĩ sáng tạo, tình cảm thay đổi lên xuống, cùng ngũ quan với cảm gíac tiếp nhận cùng phát tỏa lan ra ngoài.

Và nơi mỗi con người còn tiềm tàng khả năng truyền sinh mầm giống sự sống tiếp cho thế hệ nối tiếp.

Cho dù con người được tạo dựng có cùng mẫu số chung như thế, nhưng mỗi người là một bản chính( original) có một không hai. Và không ai giống ai từ thân xác tới tính tình cùng khả năng tinh thần.

Thiên Chúa Cha, ngôi thứ nhất, là Đấng tạo dựng vũ trụ, sự sống cây cỏ, súc vật và con người luôn sống mãi trong công trình sáng tạo thiên nhiên hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Chúng ta tuyên xưng Ngôi thứ hai, Chúa Giêsu Kitô, Đấng là con Thiên Chúa từ trời xuống làm người trên gian. Ngài là con đường, là sự thật và sự sống dẫn đưa con người về với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu là nhịp cầu nối kết giữa trời và đất, giữa con người lại với Thiên Chúa đã bị gián đoạn từ ngày tội nguyên tổ xâm nhập sinh ra.

Đời sống hy sinh khiêm nhường của Ngài cùng sứ điệp Ngài loan truyền cho con người là tình yêu thương tha thứ làm hòa và ơn cứ chuộc cho linh hồn con người được sống lại sau cuộc sống trên trần gian.

Chúa Giêsu, ngôi thứ hai Thiên Chúa, đến trong trần gian sửa chữa lại những gì là tội lỗi sai trái do con người gây ra trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa Cha.

Chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống. Khi tạo dựng vũ trụ và mọi loài trong đó, Thiên Chúa ban cho sự sống. Nhưng để sự sống được phát triển và con người có khả năng sống đầy đủ sự sống của mình, đức Chúa Thánh Thần là Đấng như làn gió dòng nước tươi mát, thúc đẩy cho con người có khả năng đó.

Đức Chúa Thánh Thần là Đấng gìn giữ duy trì sao cho công trình sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa được đổi mới tươi trẻ luôn mãi hướng về tương lai ngày mai.

Trên lá cờ EU – Liên hiệp Âu Châu – hình chữ nhật, nền mầu xanh da trời có vòng tròn với 12 ngôi sao mầu vàng.

Đem 12 ngôi sao mầu vàng đó chia đều cho bốn phương hưóng nền trời Đông Tây Nam Bắc ở bốn góc của cờ hình chữ nhật mầu xanh da trời, mỗi góc phương hướng sẽ có ba ngôi sao.

Điều này nói lên, ở khắp bốn phương hướng trời đất, đều có Thiên Chúa Ba ngôi hiện diện.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tư cách thành viên của Giáo Hội và việc đồng trách nhiệm mục vụ
Vũ Văn An
08:45 06/06/2009
Giáo phận Rôma đã tổ chức đại hội mục vụ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêrô vào ngày 26 tháng Năm vừa qua. Chủ đề của đại hội là “Tư cách thành viên Giáo Hội và việc đồng trách nhiệm mục vụ”. Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng, trong tư cách Giám Mục Rôma, đã đọc một bài diễn văn, nhấn mạnh tới vai trò của người giáo dân.

Sau khi nhắc lại các chủ đề của các đại hội trước đây (về gia đình, dạy đức tin cho các thế hệ tương lai, giáo dục đức cậy..), Đức Thánh Cha tỏ sự hài lòng về chủ đề mục vụ của năm nay.

Theo Đức Thánh Cha, Công Đồng Vatican II đã mang lại một định nghĩa được xem sét sâu sắc hơn về Giáo Hội, làm nổi bật trước nhất bản chất thần bí của Giáo Hội, nghĩa là như “một thực tại thấm nhuần sự hiện diện thần linh, do đó, luôn có khả năng được thăm dò mới mẻ và sâu sắc hơn” (Phaolô VI, Diễn Văn Khai Mạc Khóa Hai Công Đồng Vatican II, 29 tháng Chín, năm 1963).

Thực vậy, vì bắt nguồn nơi Chúa Ba Ngôi, nên Giáo Hội là một màu nhiệm hiệp thông. Và vì là một hiệp thông, nên Giáo Hội không phải chỉ là một thực tại tghiêng liêng mà còn sống trong lịch sử, bằng thịt và bằng máu, có thể nói như thế. Công Đồng Vatican II mô tả Giáo Hội trong bản chất bí tích như “một dấu chỉ và một dụng cụ cho việc hiệp thông với Chúa và việc hợp nhất giữa mọi người” (Lumen Gentium, số 1).

Mà yếu tính của bí tích hệ ở chỗ này: điều vô hình đã trở thành rờ mó được trong điều hữu hình, và điều hữu hình rờ mó được kia đã mở được cánh cửa đưa ta tới Thiên Chúa. Giáo Hội là một hiệp thông, một hiệp thông của những con người, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, đã lập thành Dân Chúa, đồng thời cũng là Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Ý niệm Dân Chúa

Đức Giáo Hoàng khuyên mọi người suy niệm đôi chút hai thuật ngữ chủ yếu nói trên. Ý niệm “Dân Chúa” đã xuất hiện và đã được khai triển ngay trong Cựu Ước: để bước vào thực tại lịch sử nhân bản, Thiên Chúa đã chọn một dân đặc thù, tức Dân Tộc Do Thái, làm Dân của Người. Mục đích của việc chọn lựa này là nhờ một số ít người mà vươn tới nhiều người, và nhờ những người này mà vươn tới mọi người. Nói cách khác, mục đích việc chọn lựa đặc thù này của Thiên Chúa chính là tính phổ quát. Nhờ Dân Tộc này, Thiên Chúa đã bước vào thực tại lịch sử.

Việc mở cửa đi vào phổ quát tính này đã được hoàn tất nơi Thánh Giá và cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói rằng: Nơi Thánh Giá, Chúa Kitô đập nát bức tường phân cách. Qua việc ban Mình của Người cho ta, Người tái kết hợp chúng ta trong Thân Xác của Người để làm chúng ta nên một. Khi rước Mình Thánh Chúa Kitô, tất cả chúng ta nên một dân tộc, Dân của Chúa, trong đó, vẫn theo lời Thánh Phaolô, tất cả chỉ còn là một, không còn phân biệt hay dị biệt giữa người Hy Lạp và người Do Thái, người cắt bì và người không cắt bì, người ‘mọi rợ’, người Scythians, người nô lệ, nhưng Chúa Kitô là tất cả trong tất cả. Người đã đạp đổ bức tường phân biệt các dân tộc, các sắc dân và các nền văn hóa: tất cả chúng ta đều nên một trong Chúa Kitô.

Như thế, hai ý niệm “Dân Chúa” và “Nhiệm Thể Chúa Kitô” bổ túc cho nhau và cùng nhau tạo nên ý niệm của Tân Ước về Giáo Hội. Nhưng, trong khi “Dân Chúa” nói lên liên tục tính của lịch sử Giáo Hội, thì “Nhiệm Thể Chúa Kitô” nói lên phổ quát tính đã khai mào nơi Thánh Giá và nơi cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Cho nên, đối với Kitô hữu chúng ta, “Nhiệm Thể Chúa Kitô” không phải chỉ là một hình ảnh, nhưng là một ý niệm thực sự, vì Chúa Kitô đã ban cho chúng ta chính Thân Xác đích thực của mình, chứ không phải chỉ là hình ảnh của Thân Xác ấy.

Chúa Kitô Phục Sinh đã kết hợp tất cả chúng ta trong Bí Tích để biến chúng ta thành một Nhiệm Thể. Như thế, ý niệm “Dân Chúa” và ý niệm “Nhiệm Thể Chúa Kitô” hoàn toàn bổ túc cho nhau: nơi Chúa Kitô, chúng ta thực sự trở thành Dân Thiên Chúa. Cho nên, “Dân Chúa” nghĩa là “mọi người”, từ Đức Giáo Hoàng tới em bé vừa mới rửa tội nhất đây thôi. Lời Nguyện Thánh Thể thứ nhất, tức “Lễ Qui Rôma” viết từ thế kỷ thứ tư, đã phân biệt giữa tôi tớ, “chúng con là tôi tớ Chúa” và “plebs tua sancta” (và toàn thể dân thánh Chúa); cho nên, nếu muốn có phân biệt, thì chỉ nên nói tới tôi tớ và dân thánh mà thôi, chứ hạn từ “Dân Chúa” chỉ nói về toàn thể Giáo Hội hiệp nhất trong một hữu thể duy nhất.

Sau Công Đồng, học lý về giáo hội học này đã được tiếp nhận trên một qui mô rộng lớn và nhờ ơn Chúa, nhiều hoa trái tốt lành đã được khai triển trong cộng đồng Kitô Giáo. Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha, ta cũng phải nhớ rằng việc tích nhập học lý trên vào các thủ tục và việc sau đó thấm nhập nó vào cấu trúc ý thức giáo hội đã không luôn luôn xẩy ra, đồng bộ khắp nơi, mà không gặp khó khăn cũng như tránh được những giải thích không đúng.

Các quan niệm không đúng

Đức Thánh Cha nhắc lại bài diễn văn ngày 22 tháng Mười Hai năm 2005 trước Giáo Triều, trong đó ngài đề cập tới một khuynh hướng giải thích, dù cho là mình dựa vào “tinh thần của Công Đồng” nhưng lại tìm cách đặt để ra một bất liên tục tính để phân biệt hẳn một Giáo Hội trước Công Đồng và một Giáo Hội sau Công Đồng, đôi khi còn vượt quá cả các biên giới vẫn hiện diện một cách khách quan giữa thừa tác vụ phẩm trật và các trách nhiệm của hàng ngũ tín hữu giáo dân trong Giáo Hội.

Đặc biệt, ý niệm “Dân Chúa” đã được một số người giải thích hoàn toàn theo quan điểm xã hội học, với một xu hướng gần như thiên hẳn về chiều ngang, loại bỏ hẳn chiếu dọc dẫn lên Thiên Chúa. Chủ trương ấy trực tiếp đi ngược lại ngôn từ và tinh thần của Công Đồng, vốn không mong muốn một đứt đoạn, một Giáo Hội khác, mà đúng hơn, mong muốn một canh tân chân thật và sâu sắc trong tính liên tục của một chủ thể Giáo Hội duy nhất, một Giáo Hội lớn lên và phát triển trong thời gian nhưng luôn đồng nhất, một chủ thể Dân Chúa duy nhất trên đường lữ thứ.

Điểm thứ hai, theo Đức Thánh Cha, là phải nhìn nhận rằng việc tái đánh thức các năng lực tâm linh và mục vụ đang xẩy ra trong mấy năm gần đây không luôn luôn đem lại sự lớn mạnh và phát triển mong muốn. Thực thế, cần phải chú ý điều này: trong một số cộng đồng giáo hội, thời kỳ sốt sắng và nhiều sáng kiến đã nhường bước cho một thời kỳ có những cam kết yếu dần, một tình huống mỏi mệt, đôi lúc gần như tê liệt, có khi còn đối kháng và mâu thuẫn giữa học lý của Công Đồng và một số quan niệm được đưa ra nhân danh Công Đồng ấy, mà thực tế, đã chống lại chính tinh thần và hướng dẫn của nó.

Đức Thánh Cha cho hay: chính vì lý do đó, Phiên Thường Lệ của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1987 đã được dành cho chủ đề ơn gọi và sứ mệnh người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới. Sự kiện này cho ta thấy: những trang đầy soi sáng mà Công Đồng dành cho hàng giáo dân đã không được thích ứng hay gây ấn tượng một cách đầy đủ lên tâm trí người Công Giáo hay lên các thủ tục mục vụ. Một đàng, vẫn còn khuynh hướng đồng hóa Giáo Hội một cách một chiều với hàng giáo phẩm, mà quên mất trách nhiệm chung, sứ mệnh chung của Dân Thiên Chúa, mà tất cả chúng ta đều cùng nhau chia sẻ trong Chúa Kitô. Đàng khác, vẫn còn dai dẳng cái khuynh hướng một chiều muốn đồng hóa Dân Chúa theo quan điểm hoàn toàn có tính xã hội hay chính trị, mà quên khuấy tính mới mẻ và tính đặc thù của dân ấy, một dân chỉ trở thành dân hoàn toàn nhờ sự hiệp thông với Chúa Kitô.

Các cố gắng của giáo phận Rôma

Đức Thánh Cha tự hỏi Giáo Phận của ngài đã tiến bao xa đối với việc thừa nhận và khuyến khích nền mục vụ đồng trách nhiệm nơi mọi người, nhất là hàng ngũ giáo dân. Ngài cho hay: trong nhiều thế kỷ qua, nhờ lòng quảng đại của nhiều tín hữu, đã dành thì giờ giáo dục đức tin cho các thế hệ tương lai, chữa lành người bệnh và giúp đỡ người nghèo, nên Cộng đồng Kitô Giáo đã công bố Phúc Âm cho cư dân Rôma. Tình thế ngày nay, theo Đức Thánh Cha, đã ra khác xưa: nhiều tín hữu nay đã đi trệch ra ngoài đường lối Giáo Hội, số đông Kitô hữu không còn quen thuộc chi với vẻ đẹp của đức tin nữa.

Ngài nhận định rằng: Công Đồng Giáo Phận do Đức Gioan Phaolô II triệu tập trước đây từng tiếp nhận học lý của Công Đồng Vatican II; và Sách Công Đồng đã cam kết sẽ làm cho Giáo Phận càng ngày càng trở nên một giáo hội sống động và tích cực hơn giữa lòng Thành Phố, bằng cách huy động mọi cư dân hành động một cách có phối hợp và có trách nhiệm.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới kế hoạch Truyền Giáo Cho Kinh Thành được đưa ra sau đó để chuẩn bị cho việc mừng Năm Thánh 2000. Kế hoạch này giúp cộng đồng giáo hội ý thức rằng lệnh truyền phúc âm hóa không phải chỉ liên quan tới một số ít tín hữu, mà là mọi người đã rửa tội.

Kinh nghiệm bổ ích trên đã giúp khai triển nơi các giáo xứ, các cộng đoàn, các hiệp hội và phong trào trong giáo phận một ý thức mình thuộc về một Dân Chúa mà, theo lời Tông Đồ Phêrô, Thiên Chúa đã nhận làm dân riêng: “để anh em tuyên xưng những kỳ công của Người” (1Pr 2:9).

Đường còn xa

Đức Thánh Cha tạ ơn Chúa về những bước tiến trên. Tuy nhiên, theo ngài, còn nhiều việc cần làm. Quá nhiều người rửa tội không tự cảm nhận mình là một thành phần của cộng đồng Giáo Hội, nên vẫn sống bên lề, chỉ tới với giáo xứ trong một vài dịp đặc biệt để tiếp nhận các dịch vụ tôn giáo. So sánh với con số cư dân trong từng giáo xứ, các tín hữu giáo dân sẵn sàng phục vụ trong một số lãnh vực tông đồ vẫn còn quá ít.

Lẽ dĩ nhiên, theo Đức Thánh Cha, các khó khăn về xã hội và văn hóa thì rất nhiều, nhưng trung thành với lệnh truyền của Chúa Kitô, ta không thể bằng lòng với việc chấp nhận duy trì tình trạng hiện nay. Trông cậy vào ơn Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô từng đoan hứa với chúng ta, ta phải tiếp tục con đường canh tân với những năng lực đổi mới. Nhưng ngài tự hỏi: phải theo những nẻo đường nào?

Giáo dân là người đồng trách nhiệm

Trước hết, theo Đức Thánh Cha, ta phải canh tân các cố gắng của ta về huấn luyện, lưu ý hơn và tập chú hơn vào cách nhìn Giáo Hội, cách nhìn vừa được Đức Thánh Cha nói tới, và việc ấy phải là việc đối với cả các linh mục, tu sĩ và giáo dân, để ai cũng hiểu mỗi ngày một hơn rằng Giáo Hội này chính là Dân Thiên Chúa trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Đồng thời, ta cũng cần phải cải thiện các cấu trúc mục vụ một cách sao đó để việc đồng trách nhiệm của mọi thành phần trong Dân Thiên Chúa, trong tính toàn diện của nó, dần dần được cổ vũ, giúp họ biết tôn trọng ơn gọi và vai trò liên hệ của người tận hiến và người giáo dân.

Điều trên đòi phải có sự thay đổi não trạng, nhất là liên quan tới giáo dân. Không được coi họ như “người cộng tác” của hàng giáo sĩ nữa mà phải thực sự nhìn nhận họ là “người đồng trách nhiệm”, đối với chủ thể và hành động của Giáo Hội, nhờ thế mới có thể cổ vũ được việc củng cố một hàng ngũ giáo dân trưởng thành và đầy dấn thân.

Ý thức chung được là một Giáo Hội của toàn thể những người được rửa tội này không hề làm giảm trách nhiệm của các cha xứ. Đức Thánh Cha cho các linh mục chánh xứ biết rằng trách nhiệm của các ngài là chăm dưỡng sự lớn lên về tâm linh và tinh thần tông đồ nơi những người từng đã dấn thân làm việc tận lực trong giáo xứ. Họ tạo thành cốt lõi của cộng đoàn, một cộng đoàn vốn có chức năng lên men cho người khác.

Lectio divina

Dù các cộng đoàn ấy đôi khi rất nhỏ, nhưng để tránh cho họ khỏi mất căn tính và sức sống, phải dạy cho họ biết lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện qua thói quen Đọc Lời Chúa (lectio divina), như Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây đã nồng nhiệt khuyến cáo. Chúng ta hãy thực sự rút tỉa chất dinh dưỡng qua việc lắng nghe, suy niệm lời Chúa. Các cộng đoàn của chúng ta không nên quên rằng chúng ta là “Giáo Hội”, vì Chúa Kitô, Ngôi Lời đời đời của Chúa Cha, đã triệu tập họ và biến họ thành Dân của Người. Thực thế, một đàng, đức tin là mối liên hệ có tính bản thân sâu sắc với Thiên Chúa, nhưng đàng khác, đức tin lại có yếu tố cộng đoàn hết sức chủ yếu nữa và hai chiều kích này không thể tách biệt khỏi nhau.

Đức Thánh Cha cho rằng giới trẻ hiện bị phơi bày cho chủ nghĩa cá nhân của nền văn hóa đương thời. Hậu quả không tránh được là các mối liên hệ liên bản ngã của họ mỗi ngày một thêm yếu đi, cả ý thức muốn thuộc về cũng vậy, cũng yếu đi, không còn biết thưởng thức nét đẹp và niềm vui được là Giáo Hội và thấy mình là Giáo Hội nữa.

Nhờ đức tin vào Chúa, ta được kết hợp trong Nhiệm Thể Chúa Kitô và tất cả chúng ta trở nên một trong cùng một Nhiệm Thể ấy. Như thế, chính nhờ biết tin sâu sắc, ta mới có thể hoàn tất được sự hiệp thông giữa chúng ta và thoát ra ngoài sự cô độc của chủ nghĩa cá nhân.

Thánh Thể làm ta nên một

Nhưng nếu Lời tụ tập được cộng đồng, thì chính Thánh Thể mới làm nó trở nên một thân xác: “vì có một bánh, chúng ta tuy nhiều mà chỉ là một thân xác, vì chúng ta được dự phần vào một tấm bánh mà thôi” (1 Cor 10: 17). Cho nên, Giáo Hội không phải là kết quả của một sự ô hợp (aggregation) các cá nhân mà là một hiệp nhất tất cả những ai được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Bánh Sự Sống duy nhất.

Sự hiệp thông và sự hiệp nhất của Giáo Hội, được sinh ra từ Phép Thánh Thể, là một thực tại mà ta phải ý thức mỗi ngày một hơn, và khi ta rước Lễ, ta càng cần phải ý thức hơn rằng ta đang bước vào sự hiệp nhất với Chúa Kitô và do đó, trở nên một với nhau.

Ta phải càng ngày càng học cách mới mẻ để duy trì và bảo vệ cho bằng được sự hiệp nhất này, tránh mọi thù nghịch, tranh cãi, và ghen tương có thể khơi dậy trong và giữa các cộng đoàn giáo hội của ta. Một cách đặc biệt, Đức Thánh Cha kêu gọi các phong trào và cộng đoàn từng ra đời sau Công Đồng Vatican II, những phong trào và cộng đoàn được ngài coi là các ơn phúc qúy giá, hãy đảm bảo để các diễn trình huấn luyện của họ dẫn đưa các thành viên của mình biết khai triển cảm thức chân thật muốn thuộc về cộng đồng giáo xứ.

Ngài nói rằng Phép Thánh Thể là trung tâm sinh hoạt của giáo xứ, nhất là của việc cử hành ngày Chúa Nhật. Vì sự hợp nhất của Giáo Hội vốn do cuộc gặo gỡ với Chúa Kitô sinh ra, nên ta phải hết sức quan tâm để ý đến việc tôn thờ và cử hành Phép Thánh Thể, giúp người tham dự cảm nghiệm được vẻ đẹp trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Điều ấy cũng quan trọng không kém.

Xét vì cái đẹp của phụng vụ “không phải chỉ là chuyện thẩm mỹ, mà là cách cụ thể qua đó chân lý tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Kitô gặp được chúng ta, lôi cuốn chúng ta và làm chúng ta vui thích” (Sacramentum Caritatis, số 35), nên điều quan trọng là qua các dấu chỉ bí tích, việc cử hành Thánh Thể phải biểu lộ và thông truyền được sự sống Thiên Chúa, và mạc khải cho con người của Kinh Thành này khuôn mặt đích thực của Giáo Hội.

Các thực hành mục vụ thực tiễn

Sự lớn mạnh về tâm linh và tinh thần tông đồ của cộng đoàn lúc đó sẽ dẫn tới việc phát triển cộng đoàn nhờ các hành động truyền giáo đầy dấn thân. Cho nên, vào lúc Truyền Giáo Cho Kinh Thành, mỗi giáo xứ phải cố gắng khôi phục sự sống cho các nhóm nhỏ hay các trung tâm huấn đạo cho các tín hữu đang công bố Chúa Kitô và lời của Người, những nơi người ta có thể cảm nghiệm được đức tin, thực thi được đức ái và tổ chức được đức cậy.

Việc cấu trúc hóa các giáo xứ lớn trong Kinh Thành bằng cách nhân thừa các cộng đoàn nhỏ cho phép việc truyền giáo có được những không gian lớn hơn để sinh hoạt mà vẫn chú trọng tới mật độ dân số cũng như các đặc tính về xã hội và văn hóa đôi khi hết sức đa dạng.

Đức Thánh Cha nhận định rằng: nếu muốn đem phương pháp mục vụ này áp dụng một cách hữu hiệu vào các nơi làm việc, thì điều quan trọng là phải phúc âm hóa những nơi này bằng một thừa tác vụ mục vụ có suy xét kỹ và được thích ứng. Vì tính chuyển dịch cao về xã hội, con người thời nay dành nhiều thời gian trong ngày cho những nơi như thế.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cho rằng không nên quên chứng tá đức ái, một chứng tá vốn kết hợp các tâm hồn và mở rộng các tâm hồn ấy đón nhận việc thuộc về Giáo Hội. Các sử gia, khi trả lời câu hỏi làm thế nào giải thích được sự thành công của Kitô Giáo trong các thế kỷ đầu tiên, từ một tổ chức bị coi như một giáo phái của Do Thái Giáo trở thành tôn giáo chính thức của Đế Quốc, đã nói rằng chính cảm nghiệm về đức ái Kitô Giáo đã đặc biệt thuyết phục được thế giới. Sống đức ái là hình thức đệ nhất đẳng của hành động truyền giáo. Lời một khi được công bố và đem ra sống sẽ trở nên khả tín nếu nó được nhập thân trong một tác phong tỏ bày được tình liên đới và chia sẻ, trong các việc làm trình bày được Diện Mạo Chúa Kitô như Bạn đích thực của con người.

Đức Thánh Cha cầu mong rằng: chứng tá thầm lặng và hằng ngày của đức ái, được các giáo xứ cổ vũ nhờ sự dấn thân của số đông các tín hữu giáo dân sẽ tiếp tục phát triển mỗi ngày một hơn, để những ai sống trong đau khổ cảm nhận được sự gần gũi của Giáo Hội, và cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Cha, Đấng hết sức giầu có về lòng xót thương. Ngài khuyến khích họ trở thành những người Samaritanô nhân hậu, sẵn sàng biết chữa trị các vết thương vật chất và tinh thần của anh em mình.

Ngài đặc biệt kêu mời các phó tế, từng nhờ Phép Truyền Chức mà nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô như người Phục Dịch, hãy thực thi các thừa tác vụ hữu ích bằng cách cổ vũ việc quan tâm mới mẻ đối với mọi hình thức nghèo đói cũ và mới. Đức Thánh Cha cũng đặc biệt nghĩ tới giới trẻ, kêu gọi họ dùng sự hăng say và tinh thần sáng tạo của họ mà phục vụ Chúa Kitô và Phúc Âm, trở thành tông đồ giữa bạn bè cùng trang cùng lứa, sẵn sàng quảng đại đáp lại tiếng Chúa nếu được Người kêu gọi bước chân theo Người một cách gần gũi hơn trong chức linh mục hay trong cuộc sống tận hiến.
 
Đức Giáo Hoàng ca ngợi sự nâng đỡ của Nam Phi cho Lục Địa Phi Châu
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
10:19 06/06/2009
Đức Thánh Cha khích lệ quốc gia này giữ vững bươc tiến.

VATICAN (Zenit,org).-Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói Nam Phi, sau “sự chuyển sang mau lẹ và hoà bình” của mó tới dân chủ, có một cơ hội độc đáo nâng đỡ lục địa châu Phi.

Đức Giáo Hoàng đã khẳng định điều này hôm thứ Sáu 29/5 trong một phát ngôn viết tay ngài trao cho tân Đại sứ Nam Phi, George Johannes. Đức Thánh Cha đã tiếp kiến và ngõ lời với tám tân đại sứ, sau đó trao cho mỗi vị một bản tuyên bô viết tay. Các vị hiện diện đại diện Mongolia, Ấn Độ, Benin, New Zealand, Nam Phi, Burkina Faso, Namibia và Na Uy.

Đức Thánh Cha đã ghi nhận rằng “việc chuyển sang luật dân chủ mau lẹ và hoà bình của Nam Phi đã được hoan nghênh rộng rải” và ngài khẳng định rằng” Toà Thánh đã theo dõi với sự chú ý và khích lệ giai đoạn lịch sử thay đổi này,”

Ngài đã công nhận vai trò của vị nguyên tổng thổng Nelson Mandela trong cuộc phát triển đã thực hiện, và xin đại sứ chuyển tới Mandela “những cầu chúc tốt đẹp cá nhân của ngài cho sức khỏe và hạnh phúc của ông”.

Tôi cũng muốn công nhận sự đóng góp của tất cả những người này trong số đó có nhiều người nam và nữ bình thường mà sự liêm chính, phản ảnh trong cách tiếp xúc lương thiện với lao động, cũng đã giúp đặt những nền tảng cho một tương lai hoà bình và thịnh vượng cho mọi người,” ngài nói thêm.

Đức Giám Mục thành Rome đã ghi chú kích thước, dân cư và những tài nguyên kinh tế của Nam Phi, và nói những yếu tố này làm cho Nam Phi thành một trong những nước có thê lực nhất châu Phi.

Ngài nói tiếp:” Điều này cho châu Phi một cơ hội độc nhất nâng đỡ các xứ African khác trong những cố gắng của họ hoàn thành sự vững bền và sự tiến triển kinh tế. Đã chiến thắng sự cô lập liên kết với thời kỳ phân biệt chủng tộc, tuy lôi kéo theo kinh nghiệm đau buồn của nó, quốc gia của ngài đã thực hiện những cố gắng đáng khen để đem sự hoà giải trong những phần đất khác nhờ những lực lượng giữ hoà bình và những sáng kiến ngoại giao. […]

“Tôi khích lệ Nam Phi tăng cường sự dấn thân của mình cho nhiệm vự cao thượng là giúp các nước khác theo con đường hòa bình và hoà giải và, cách riêng trong những thời buổi kinh tế khó khăn này, tiếp tục sử dụng những tài nguyuên nhân bản và vật chất to tát của mình trong những phương cách cho phép quản trị tốt và nền thịnh vượng của những quốc gia láng giềng.

Khi qui chiếu tới lời phát biểu của Johannes trong đó vị đại sứ đã ghi nhận những vấn đề của Nam Phi phài chiến thắng nạn nghèo, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định rằng “cảnh khốn khổ và sự tấn công gây nên bởi cảnh nghèo, thất nghiệp và gia đình đỗ nát càng làm cho những cố gắng của chính phủ xử lý những khó khăn này thêm khẩn cấp hơn.”

Ngài tiếp tục bày tỏ niềm tin vào những công dân quốc gia: “Dân chúng Nam Phi đã chứng tỏ một sự can đảm tinh thần lớn lao và sự khôn ngoan để đối mặt những bất công đã qua. Tôi tin tưởng rằng trong trận chiến hiện nay chống cảnh nghèo và nạn tham nhũng, sự can đảm và khôn ngoan sẽ lại thắng.”

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng Giáo Hội tin tưởng vào sự đóng góp của mình trong việc giáo dục, những chương trình xã hội và sự chăm sóc sức khỏe “có một ảnh hưởng tích cực trong đời sống của quốc gia.

Ngài lưu ý cách riêng những cố gắng của Giáo Hội liên quan HIV/AIDS: “Giáo hội nghiêm chỉnh đảm nhiệm phần mình trong chiến dịch chống sự lan tràn của HIV/AIDS bằng cách đề cao sự trung thành bên trong hôn nhân và sự kiên cử ngoài hôn nhân. Đồng thời Giáo Hội đã cống hiến nhiều sự trợ giúp trên một mức độ thực tế cho dân chúng đang chịu đau khổ bởi cơn bịnh này trong lục địa của đại sứ và trong khắp thế giới.”
 
Đức Giáo Hoàng khuyến khích học hỏi với Đức Maria để theo Thánh Thân
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
10:29 06/06/2009
Đức Thánh Cha đề cao sự chăm chú cầu nguyện của Đức Trinh Nữ Chí Thánh.

VATICAN (Zenit,org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khuyến khích các người Công Giáo học từ Đức Trinh Nữ Chí Thánh cách theo Chúa Thánh Thần với lòng dễ dạy và công nhận tiếng nói của Người trong sự sống hằng ngày.

Đức Giáo Hoàng đã nói sự này chiều thứ Bảy 30/5 trong vườn Vatican trong một buổi cử hành truyến thống kính Đức Maria để kết thúc tháng Năm. Sau khi kiệu và đọc kinh Mân Côi, những người hành hương tập họp tại Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức để nghe huấn từ của Đức Thánh Cha.

Ngài đã khẳng định rằng đêm canh thức truyền thống năm nay “đã mang một giá trị rất đặc biệt bởi vì nó nhằm ngày áp Lễ Hiện Xuống.”

Đức Thánh Cha khẳng định“Ngày Lễ Trọng Hiện Xuống mời chúng ta suy gẫm về mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và và Đức Maria, một tương quan rất gần gũi, đặc biệt, vững chắc”.

Ngài nói thêm, “Đức Trinh Nữ thành Nazareth được chọn trước để trở thành Mẹ Đấng Cưu Thế do công trình của Chúa thánh Thần: trong sự khiêm tốn của ngài, Đức Trinh Nữ đầy ân sủng trong con mắt của Chúa.”

Đức Thánh Cha đã ghi chú rằng “toàn diện biến cố sự sinh của Chúa Giêsu và tuổi thơ ấu của Người được hướng dẫn một cách hầu như thấy được bởi Chúa Thánh Thần, mặc dầu Người không được nhắc tới luôn luôn.”

Hai con tim

Ngài nói tiếp: “ Con tim của Đức Maria, hoà hợp hoàn toàn với ngưới Con thần linh, là đền thờ của Thánh Thần chân lý, nơi mọi lời nói và mọi biến cố được giữ trong đức tin, hy vọng và đức ái.”

“Như vậy chúng ta có thể chắc,” Đưc Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã giải thích, “Thánh Tấm Chí Thánh của Chúa Giêsu, trong toàn diện sự sống ẩn dật của Người tại Nazareth, mãi mãi gặp được một ‘tổ ấm’ luôn luôn cháy nóng với kinh nguyện và sự chăm chú kiên trì tới Chúa Thánh Thần trong Trái Tim Khiết Tịnh của Đức Maria.”

Ngài khẳng định rằng “tiệc cưới thành Cana là một bằng chứng cho sự hài hoà giữa Mẹ và Con trong sự tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa.”

Bấy giờ, trên núi Calvariô, Đức Maria chứng kiến những lời nói cuối cùng” của Chúa Giêsu “và hơi thở cuối cùng của Người, trong hơi thở này Người bắt đầu trút Thấn Khí” và “sự kêu thinh lặng từ Máu Người, đổ ra hoàn toàn vì chúng ta”.

Ngài nói thêm rằng Đức Maria “ biết máu từ đâu tới: máu đó được hình thành trong Mẹ bởi tác động của Chúa Thánh Thần, và Mẹ biết cũng quyền năng sáng tạo này sẽ cho Chúa Giêsu trổi dậy, như Người đã hứa.”

Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng trong “trường học của Đức Maria chúng ta cũng học biết sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong sự sống chúng ta, nghe những linh hứng của Mgưởi và theo những linh hứng đó cách dễ dạy.”

Ngài đã bày tỏ hy vọng rằng các người Công Giáo sẽ “đi với Đức Maria theo Chúa Thánh Thần”.
 
Đức Giáo Hoàng kết hợp với lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc cho trẻ em.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
10:45 06/06/2009
VATICAN: (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khích lệ cộng đồng quốc tế ban điều tốt nhất của mình cho trẻ em trong ngày Liên Hiệp Quốc phát động tiếng Kêu Thế giới cho tuổi Thơ Ấu.

Đài Phát Thanh Vatican đã tường thuật Đức Giáo Hoàng đã gởi một sứ điệp cho việc khai trương chính thức, diễn tiến hôm Thứ Năm 4/6 tại Geneva. Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ Khanh Vatican, đã gởi sứ điệp nhân danh Đức Thánh Cha, sứ điệp đó xin ”niềm hy vọng và phẩm giá cho mỗi em nhỏ”.

Đức Giáo Hoàng bảo đảm những người tổ chức chiến dịch về những lời cầu nguyện và sự ủng hộ của ngài cho tiếng kêu thế giới, được phát động trong ngày kỷ niệm thứ 20 của Hiệp Ước Liên Hiệp Quốc. về những Quyền của Trẻ Em.

Tiếng kêu khẳng định “Trẻ Em phải được xem như những con người hoàn toàn, là những kẻ nắm-quyền thật, có quyền hưởng những nhân quyền một cách bất khả chuyển nhượng và không kỳ thị.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã bày tỏ hy vọng sáng kiến sẻ kêu gọi sự chú ý đến“hiệp ước quan trọng này và nhu cầu khẩn cấp hoàn thành nó.”

Đức Thánh Cha đã viết một sứ điệp đặc biệt về nhu cầu phải “tôn trọng phẩm giá bất khả chuyển nhượng của những quyền trẻ em, của sự công nhận sứ vụ cơ bản của gia đình trong việc giáo dục, và của sự cần thiết một môi trường xã hội vững bền có thể ủng hộ sự phát triển tâm lý, văn hoá và luân lý của mỗi em.”
 
Đức Giáo Hoàng khuyến khích Na Uy cổ võ tự do tôn giáo
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
10:59 06/06/2009
Đức Thánh Cha ca ngợi Na Uy có những cố gắng xây dựng hòa bình quốc tế.

VATICAN: ( Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định những giá trị đạo đức, nhờ đó Na Uy hành động trong chính trường quốc tế và ngài cũng khích lệ những chính sách theo những nguyên tắc trong việc cổ võ tự do tôn giáo tại Na Uy.

Đức Giáo Hoàng đã nói điều này ngày thứ Sáu 5/6 trong một tuyên bố viết tay ngài đã trao cho tân đại sứ bên cạnh Tòa Thánh đến trình ủy nhiệm thư là ông Rolf Trolle Andersen. Ngày hôm đó Đức Thánh Cha đã tiếp kiến và ngõ lời với tám tân đại sứ, trao cho mỗi tân đại sứ một tuyên bố viết tay sau đó. Các phái viên đại diện Mongolia, Ấn Độ, Benin, New Zealand, Nam Phi, Burkina Faso, Namibia và Na Uy.

Đức Thánh Cha ghi nhận “thành tích danh tiếng của Na Uy trong sự giúp đỡ những quốc gia khác kém may mắn hơn mình.”

“Theo sau sự rối loạn tài chánh của những tháng vừa qua,” ngài khẳng định, xứ sở “đã mau lẹ cung cấp sự trợ giúp chuyên gia cho những quốc gia khác để giúp họ vượt qua cơn bão, mặc dầu phải gánh chịu những khó khăn kinh tế hậu quả của cuộc khủng hoảng.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã ghi nhận bản tánh “quảng đại và hiếu khách” của quốc gia trong việc mở cửa cho ”những con số có ý nghĩa đến những người tị nạn và di dân.”

Sự tiếp nhận này đã đem vào sự “đa dạng văn hoá và chủng tộc lớn hơn, điều này đã khuyến khích sự suy nghĩ sâu sắc hơn về những giả thuyết và những giá trị quản trị sự sống tại Na Uy ngày nay và chỗ đứng của nó trong thế giới hiện thời.”

Đức Giáo Hoàng đã công nhận “sự dấn thân của Na Uy cho việc kiến tạo hoà bình” dựa trên một nền văn hóa “được hình thành mạnh bởi lịch sử Kitô hữu ngàn năm của nó.”

Ngài nói tiếp: “Toà Thánh đánh giá rất nhiều sự đóng góp của quốc gia ngài cho sự giải quyết xung đột trong một số những lãnh địa rối ren nhất thế giới.”

Từ Sri Lanka tới Afganistan, từ Sudan tới Somalia, từ Chad tới Cộng Hoà Dân Chủ Congo, Na Uy đã đóng vai trong phần của mình, hoặc là trong những cuộc thương thuyết hoà bình, trong sư kêu gọi các bên tuân giữ luật quốc tế, trong sự trợ giúp nhân đạo, trong sự giúp tái kiến thiết và gìn giữ hoà bình, họăc là trong sự cổ võ dân chủ và cung cấp lời khuyên chuyên gia trong sự xây dựng những hạ tầng xã hội.

“Vừa mới trở về từ chuyến viếng thăm tông toà của tôi tại Đất Thánh, tôi đặc biệt ý thức về công trình quan trọng mà xứ sở ngài đã làm trong việc môi giới cho những thỏa thuận hoà bình giữa Thẩm Quyền Israel và Palestine.”

Đức Thánh Cha đã tỏ bày hy vọng cho”tinh thần hoà giải và sự tìm kiếm hoà bình đã phát sinh những Hiệp Ước Oslo sẽ trỗi vượt và cuối cùng mang lại hoà bình cho những dân chúng trong vùng bị dày vò này.”

Viễn ảnh được chia sẻ

“Quốc gia của ngài, Đức Giáo hoàng khẳng định, “được thúc đẩy bởi những giá trị đạo đức cơ bản” là những giá trị “đã ăn rễ trong nền văn hóa Kitô Hữu Na Uy, và do đó những giá trị này là trung tâm cho những viễn ảnh và những mục tiêu nó chia sẻ với Toà thánh,”

Đức Thánh Cha tỏ bày sự ao ước làm việc chung” với ý định cổ võ quan điểm đạo đức mà chúng ta chia sẻ hầu xây dựng môt thế giới nhân bản và công bằng hơn.”

Ngài đề cao “sự đóng góp có giá trị” mà cộng đồng Công giáo tại Na Uy phải cung cấp.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định: “Cũng như nhiều nước châu Âu ngày nay, Na Uy càng ngày càng được kêu gọi phải khảo sát sự hàm ý của quyền tự do tôn giáo trong bối cảnh một xã hội tự do và đa dạng.

“Tôi tin tưởng rằng những nguyên tắc đạo đức cao và sự quảng đại rất đặc biệt thuộc sinh hoạt của Na Uy trên sân khấu quốc tế cũng sẽ thịnh hành tại nhà, nên tất cả mọi công dân của xứ sở ngài sẽ được tư do thực hành tôn giáo của mình và tất cả những cộng đồng tôn giáo khác nhau sẽ được tự do sắp xếp công việc của họ theo những niềm tin và những hệ thống pháp lý của họ, bằng cách này họ thực hiện sự đóng góp riêng của họ cho công ích.”
 
Đức Giáo Hoàng Biển Đức nói với các em nhỏ: hãy học hỏi việc tha thứ
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
11:17 06/06/2009
Đức Thánh Cha chia sẻ những kinh nghiệm nhà trường và sự rước lễ lần đầu.

VATICAN:(Zenit.org).- Đưc Giáo Hoàng Biển Đức Xvi bảo đảm với trẻ em rằng có thể chung sống hoà bình với những người thuộc những bối cảnh khác, cách riêng bằng việc thực hiện sự hoà giải và tha thứ.

Đức Giáo Hoàng đã khẳng định điều này hôm thứ Bảy 30/5 trong một buổi vấn đáp tự nguyện với 7,000 trẻ em của Hội Giáo Hoàng Thiếu Nhi Truyền Giáo trong một cuộc tiếp kiến tại Sảnh Đường Phaolô VI.

Đức Thánh Cha đã trả lời những câu hỏi từ ba em, câu hởi thứ nhất từ một em gái, em này hỏi ý kiến của Đức Giáo Hoàng về sự các khác biệt văn hóa có thể sống chung mà không có xung đột chăng.

Đức Thánh Cha đã trả lời bằng một truyện kinh nghiệm tuổi thơ của ngài tại một trường tiểu học, truyện “phản chiếu những tình huống xã hội rất đa dạng.”

Đức Thánh Cha kể lại “Có sự hiệp thông giữa chúng tôi”.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói tiếp: “Chúng tôi cộng tác tốt với nhau và, Cha phải nói, tự nhiên chúng tôi đôi khi tranh cãi. Nhưng sau đó chúng tôi vui vẻ và quên điều gì đã xảy ra. Cha nghĩ điều này là quan trọng.”

“Thỉnh thoảng trong đời sống con người xem ra không thể tránh được việc chúng ta tranh cãi,” ngài công nhận, “nhưng điều vẫn quan trọng là nghệ thuật hoà giải, tha thứ, bắt đầu trở lại và không để sự cay đắng lưu lại trong các tâm hồn chúng ta.”

Giáo dục Kitô hữu

Đức Giáo Hoàng đã giải thích rằng trong trường học, chung với những kẻ khác từ những từng lớp xã hội khác, ngài đã học “biết Kinh Thánh, từ lúc sáng tạo cho tới sự hy sinh của Chúa Giêsu trên thánh giá, và sau đó những bước đầu của Giáo Hội.”

Ngài nói tiếp: “Cùng nhau chúng tôi đã học giáo lý; cùng nhau chúng tôi học cầu nguyện; cùng nhau chúng tôi chuẩn bị xưng tội và Rước lễ lần đầu: Đó là một ngày huy hoàng.

“Chúng tôi hiểu rằng chính Chúa Giêsu đến với chúng tôi, Người không phải là một Thiên Chúa xa cách. Người đi vào trong đời sống của cha, vào trong con tim của cha.”

Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng việc Rước Lễ này, như là “một cuộc gặp gỡ hiển nhiên với Chúa Giêsu” Đấng “đến với tất cả chúng ta,” góp phần làm thành một cộng đồng.

Tại trường học, ngài nói, “chúng tôi đã khám phá khả năng sống chung và làm bạn,” và cho dầu “cha không trở lại làng này từ năm 1937, chúng tôi vẫn là bạn hữu.”

“Như vậy, “Đức Thánh Cha đã khẳng định, “chúng tôi học chấp nhận nhau và gánh vác những gánh nặng của nhau.”

Ngài nói thêm, “Mặc dầu sự yếu kém của chúng ta chúng ta phải chấp nhận nhau và, với Chúa Giêsu Kitô, với Giáo Hội, chung nhau chúng ta khám phá con đường tới hoà bình và học sống tốt.”

Ơn gọi Giáo Hoàng

Một đứa trẻ khác hỏi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI có bao giờ ngài nghĩ rằng ngài sẽ làm Giáo Hoàng không.

Đức Thánh Cha đã trả lời, “Nói thật, Cha không bao giờ nghĩ Cha sẽ làm Giáo Hoàng bởi vì, như Cha đã nói, cha là một đứa bé ngây thơ trong một làng nhỏ cách xa những trung tâm đông dân cư.”

Ngài giải thích, “ Dĩ nhiên chúng tôi biết, cung kính và yêu mến Đức Giáo Hoàng--Đức Giáo Hoàng Piô XI—nhưng đối với chúng tôi ngài xem ra đứng trên một nơi cao không thể với tới được, hầu như một thế giới khác; một người cha cho chúng tôi nhưng lại xa trên chúng tôi.”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Và cha phải nói rằng cả bây giờ cha thấy khó hiểu tại sao Chúa đã nghĩ tới cha, cất nhắc cha lên thừa tác vụ này."

“Nhưng cha chấp nhận điều này từ tay Người, mặc dầu điếu đó làm kinh ngạc và cha cảm thấy điếu đó vượt xa những năng lực của cha. Nhưng, Chúa giúp cha.”

Một em nhỏ thứ ba hỏi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, “Làm sao chúng con có thể giúp Đức Thánh Cha rao giảng Tin Mừng?”

Đức Giáo Hoàng nói rằng những thành viên của công trình Giáo hoàng này đã là “thành phần của một đại gia đình mang Tin Mừng đi vào thế giới.”

Việc rao giảng Tin Mừng

Ngài đề cao mục tiêu của chúng là “nghe, cầu nguyện, biết, chia sẻ và chứng tỏ tình liên đới.”

“Cầu nguyện là rất quan trọng,” Đức Thánh Cha đã khẳng định, “bởi vì sự cầu nguyện làm cho quyến phép của Chúa hiện diện.”

Ngài nói tiếp: “Nghe tức là học điều Chúa Giêsu nói, là biết Kinh Thánh, Sách Thánh. Trong truyện của Chúa Giêsu, chúng ta học biết gương mặt của Thiên Chúa.”

“Chia sẻ,” Đức Thánh Cha giải thích, “là muốn những sự việc không chỉ cho mình, nhưng cho mọi người, chia sẻ những sự việc với những kẻ khác.”

Như vậy, ngài nói, “chúng ta cùng nhau trở nên một gia đình nơi người này tôn trọng người khác, và chấp nhận những kẻ khác tuy rằng khác biệt.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói “Tất cả sự này đơn giản có nghĩa là sống trong đại gia đình này là Giáo Hội, trong đại gia đình truyền giáo này“..

“Sống những phần thiết yếu,” ngài kết thúc, “như chia sẻ, biết Chúa Giêsu, cầu nguyện, nghe nhau và có tình liên đới với nhau, là thành phần công việc truyền giáo, bởi vì nó giúp bảo đảm rằng Tin Mừng trở thành một thực tại trong thế giới chúng ta.”

Được khởi động trong năm 1843, Hội Giáo Hoàng Thiếu Nhi Truyền giáo, hay là Hội Thiêu Nhi Thánh, qui tụ các trẻ em trong giáo xứ hay các nhóm học đường khắp thế giới hầu huấn luyện chúng có một bộ não truyền giáo, và tổ chức những phương thế cho chúng cộng tác trong nhiệm vụ truyền giáo của Giáo Hội.
 
Thế giới cần nghe tiếng Châu Phi.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
11:23 06/06/2009
Đức Giáo Hoàng khuyến khích Namibia góp phần vào sự phát triển.

VATICAN:(zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định hững nhu cầu của Châu Phi phải được trình bày trong sân khấu quốc tế từ viễn ảnh châu Phi,.

Đức Giáo Hoàng đã nói sự này hôm thứ Sáu 29/5 trong một bài phát biểu viết tay trao cho tân đại sứ Namibia bên cạnh Toà thánh, Neville Melvin Gertze. Ngày này Đức Thánh Cha đã tiếp kiến và ngõ lời với tám tân đại sứ, trao cho họ một tuyên bố viết tay sau đó. Các phái viên này đại diện Mongolia, Ấn Độ, Benen, New Zealand, Nam Phi, Burkina faso, Namibia và Na Uy.

Đức Thánh Cha đã ghi nhận “châu Phi biểu lộ một toàn cảnh đa dạng của những thực tại chính trị, xã hội và kinh tế. Một số những thực tại này là những truyện thành công, những thực tại khác chưa đáp ứng những chờ đợi của các dân tộc mà các sáng kiến đó có ý phục vụ.”

Trong bối cảnh này, Namibia có “một lịch sử tương đối ngắn như là một thành viên của gia đình các nước độc lập,” ngài nhắc lại. Namibia được độc lập trong năm 1990.

“Vì quí vị tiếp tục cố gắng tiến tới một sự phân phát quân bình về của cải sẽ cung cấp những khả năng cải thiện lớn hơn cho những kẻ kém may mắn, Tôi khuyến khích quốc gia qúi vị tiếp tục con đường tăng cường công ích bằng cách củng cố những thể chế và những thực hành dân chủ và tìm kiếm sự công bình cho mọi người”.

Ngài tiếp tục khẳng định sự tin tưởng của Toà Thánh là nước Tây Nam Phi Châu có thể “đóng góp cho những phát triển tích cực” trên lục địa và trong cộng đông quốc tế.

Đức Giáo Hoàng đã giải thích: “Bởi vì lịch sử về sự độc lập và sự hội nhập hoà bình của nó, vì sự hiệp nhất trong sự khác biệt của nó, và vì sự quản lý có trách nhiệm của nó về những tài nguyên thiên nhiên, Namibia có thể cống hiến một gương sáng cho sự phát triển cho những quốc gia khác. Hơn nữa điều quan trọng là tiếng nói của Namibia phải được diễn tả trong những cuộc họp quốc tế, vì những nhu cầu và những nguyện vọng hiện nay của dân chúng lục địa qúi vị phải được trình bày cách khách quan và từ một viễn ảnh Phi Châu, và không chỉ phù hợp với những lơi ích của những kẻ khác.”

Đức Thánh Cha cũng đã ngợi khen rằng tại Namibia, Giáo Hội “được may mắn thi hành sứ vụ của mình trong một bàu khí tư do tôn giáo.”

Và ngài lưu ý rằng một trong những ưu tiên của quốc gia là chăm sóc những kẻ mắc bệnh Siđ

“Trong lãnh vực này Giáo Hội sẽ tiếp tục cống hiến sự trợ giúp cách vui lòng,” Đức Thánh Cha khẳng định.” Giáo Hội xác tín rằng chỉ một chiến lược dựa trên sự giáo dục về trách nhiệm cá nhân trong khung một quan điểm luân lý thuộc tính dục nhân bản, cách riêng qua sự trung tín vợ chồng, có thể có một ảnh hưởng thật cho việc phòng chống bệnh này. Giáo hội vui mừng cọng tác trong nhiệm vụ này cách riêng trong phạm vi giáo dục nơi các thế hệ mới giới trẻ được đào luyện thành những thành viên xã hội có tính chủ động và trách nhiệm.”
 
Một cuộc hẹn giữa các linh mục trên toàn thế giới với Đức Thánh Cha
Lm. Giuse Thiện Tĩnh
15:09 06/06/2009
KHAI MẠC NĂM LINH MỤC

VATICAN - thứ sáu ngày 5 tháng 6 năm 2009, theo Zenit. Đức tổng Giám mục Mauro Piacenza thư ký Bộ Giáo Sĩ Tòa Thánh, công bố phần tiếp theo của lá thư gửi toàn thể các linh mục trên toàn thế giới, trong đó ngài giải thích về ngày khai mạc Năm Linh Mục và những lý do mà Đức Thánh Cha đã loan báo về biến cố này.

Các linh mục thân mến !

Trong vòng hai tuần nữa, vào ngày thứ sáu 19 tháng sáu, ngày mừng trọng thể “Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu”, với đời sống đức tin mãnh liệt, trong sự hiệp thông khăng khít giữa chúng ta với Đức Thánh Cha, tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô sẽ cử hành giờ kinh chiều để khai mạc Năm Linh Mục.

Mọi ngày chúng ta được mời gọi canh tân hoán cải đời sống của mình, nhưng trong Năm Này điều ấy được thể hiện một cách hết sức khẩn thiết, với những cách thức đặc biệt, trong niềm hiệp thông, cảm tạ khi lãnh nhận hồng ân trong ngày thụ phong Linh Mục. Canh tân hoán cải đời sống linh mục là gì? Đó là việc trở về với căn tính giáo hội của thừa tác vụ linh mục. Kết quả của việc hoán cải sẽ giúp chúng ta ý thức toàn diện về sự hiện diện của mình trong sự đổi mới và niềm vui được xác định bằng hành động hay sự hiến thân như Đức Kitô Vị Mục Mục tử Nhân Lành sống trong chúng ta và hành động xuyên qua chúng ta.

Linh đạo Linh mục của chúng ta không thể là cái gì khác ngoài sự phản chiếu đường lối linh đạo của Đức Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm duy nhất của Giao ước mới.

Trong Năm này, Đức Thánh Cha trong sự quan phòng đã nỗ lực trình bày tới tất cả chúng ta về tính duy nhất của Đức Giêsu Con Thiên Chúa trong sự hiệp thông mật thiết với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ngài đã trở nên “Người Phàm” trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, để thực hiện sứ mệnh mạc khải về Chúa Cha và thi hành kế hoạch cứu độ tuyệt vời của Ngài. Sứ mệnh này của Đức Giêsu một lần nữa mời gọi chúng ta tiếp tục cộng tác để xây dựng Giáo Hội như mục tử tốt lành (Ga 19, 1-21) đã hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên (Eph 5, 25).

Sự đổi mới, hoán cải tự mình và mỗi ngày, để cho lối sống và phong thái ứng xử của Đức Giêsu ngày càng hiển hiện rõ trong đời sống mỗi linh mục chúng ta.

Chúng ta, những linh mục được hiện diện và phải hiện diện là vì nhân loại, phải cố gắng đem lại một đời sống hiệp thông thánh thiện trong tình yêu Thiên Chúa đối với con người, một tình yêu dâng hiến liên lỉ chính mạng sống mình (đó cũng là sự tự nguyện đón nhận sự phong phú của đời sống độc thân thánh thiêng linh mục), nó đòi buộc tới sự liên đới xác thực với những hy sinh và khó nghèo.

Chúng ta phải hiện diện là để tiến hành xây dựng một Giáo Hội duy nhất trong Đức Kitô, do đó chúng ta phải sống và thúc đẩy tình hiệp thông với Đức Thánh Cha, với các Đức Giám mục, với anh em linh mục và với các tín hữu. Phải sống tình hiệp thông ấy liên tục theo đường hướng của Giáo Hội, với sự liên kết sâu xa trong một Thân Thể mầu nhiệm.

Chúng ta sẽ phải chạy đua một cách chú tâm như trong cuộc thi đấu trên thao trường trong Năm Này. Hãy mở rộng việc trao đổi, liên lạc nhằm thăng tiến ơn gọi của mình để đạt tới mức và có thể nói rằng: “tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

Sự thánh thiện của các linh mục sẽ đem lại lợi ích cho toàn thể Giáo Hội, do đó đức tin của người có chức thánh cũng như các chủng sinh, tu sĩ nam nữ và giáo dân tất cả có thể gặp gỡ nhau tại Đại Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô trong giờ kinh chiều mà Đức Thánh Cha sẽ chủ tọa sau khi đón nhận di tích của cha thánh Gioan Maria Vianey một mẫu gương sáng chói về lòng yêu thương.

16g00: vào Vương cung thánh đường.
17g30: đón di tích thánh và sau đó là cử hành giờ Kinh Chiều.
Các linh mục và tu sĩ nam nữ tham dự mặc đúng y phục hay tu phục của mình.

Năm Linh Mục sẽ kết thúc với hội nghị quốc tế tại Urbe vào những ngày 9-11/6/2010.
 
Đức TGM quá cố Paulos Faraj Rahho, Iraq được vinh danh giải thưởng Path to Peace
Peter Nguyễn Minh Trung
18:05 06/06/2009
NEW YORK (CNA) - Đức Tổng Giám Mục đã quá cố nghi thức Chadean của TGP Mosul, Paulos Faraj Rahho, sẽ được vinh danh nhận giải thưởng Path to Peace 2009 (Đường Đến Hòa Bình), tổ chức này cho biết như vậy.

Đức TGM Rahho bị bắt cóc bởi các tay súng Iraq ngày 29-02-2008 ngay bên ngoài Nhà thờ của ngài ở Mosul khi ngài đang trên xe trở về Tòa Giám Mục sau buổi cầu kinh. Xác của ngài được tìm thấy hai tuần sau đó, cận vệ và tài xế của Đức TGM Rahho bị sát ngại ngay khi chúng đang bắt cóc ngài. Đức TGM Rahho sinh năm 1942 tại Mosul, ngài được thụ phong linh mục tháng 06-1965 và trở thành chánh xứ Nhà thờ St. Isaiah, Mosul. Sau đó ngài đã thành lập Giáo xứ Trái Tim Rất Thánh tại Tel Keppe, một huyện lị mới của Mosul.

Đức TGM Rahho lúc sinh thời đã mở một trại trẻ mồ côi dành cho các em khuyết tật.

Ngài trở thành Tổng Giám Mục Chaldean của Mosul vào ngày 16-02-2001 với việc chăm sóc cho 20.000 tín hữu Công giáo trong 10 giáo xứ. Mosul có dân số Công giáo thuộc hàng già nhất thế giới.

Giải thưởng Path to Peace sẽ được trao tại Đêm Gala ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York vào ngày 09-06-2009.
 
Đức Hồng Y James Francis Stafford, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao nghỉ hưu
Peter Nguyễn Minh Trung
18:06 06/06/2009
VATICAN (CNA) - Vatican vừa loan báo hôm 02-06 rằng Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận đơn xin từ nhiệm của Đức Hồng Y James Francis Stafford, nguyên Tổng Giám Mục TGP Denver, hiện là Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao tại Giáo triều Rôma. Đức TGM Fortunato Baldelli, Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp sẽ thay thế vị Hồng y 77 tuổi nghỉ hưu.

Trong cương vị Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, ĐHY Stafford đã kinh qua nhiều vấn đề về tội lỗi và tha thứ. Tòa Ân Giải là một trong 3 Tòa án của Tòa Thánh cũng như Giáo hội, và theo Bách khoa toàn thư Công giáo, Tòa Ân Giải được chia thành hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất giải quyết các vấn đề liên quan đến các ơn Đại xá, trong khi bộ phận thứ hai giải quyết việc xưng tội của Đức Giáo Hoàng và những vấn đề lương tâm khác.

Vị Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao có trách nhiệm cùng với Đức Giáo Hoàng có mặt trong các buổi lễ của các năm Đại xá, và vị này còn có trách nhiệm trong các nghi thức cầu kinh từ lúc Đức Giáo Hoàng hấp hối cho tới khi băng hà.

Những ơn Đại xá gần đây được Tòa Ân Giải Tối Cao phê chuẩn là cho các sự kiện Đại hội Giới trẻ Thế giới Sydney 2008, Năm Thánh Phaolô, Năm Linh Mục.

ĐHY Stafford đã từng phát biểu quan điểm thẳng thắn của mình sau khi Thượng nghị sĩ Barack Obama được bầu chọn làm tổng thống Mỹ.

Trong bài diễn văn ĐHY Stafford phát biểu tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, ngài mô tả Obama là "xông xáo, năng nổ nhưng hung hãn" và không tôn trọng sự sống con người, không tôn trọng các giá trị Công giáo truyền thống về hôn nhân và phẩm giá.

ĐHY James Francis Stafford giữ chức Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao từ năm 2003. Trước đó, ngài là Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Giáo dân từ năm 1996 đến 2003 và Tổng Giám Mục Denver từ 1986 đến 1996. Trong thời gian này làm TGM Denver, ngài đã đã đón tiếp Đức Thánh Cha John Paul II khi Denver được chọn để tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 8 vào năm 1993.

Vị Tân Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, Đức TGM Baldelli sinh tại Valfabbrica, Italia. Thụ phong linh mục tại giáo phận Assisi Nocera Umbra Gualdo Tadino năm 1961. Ngài tham gia sứ vụ ngoại giao của Tòa thánh từ năm 1966, Đức TGM Baldelli đã làm việc tại Cuba và Ai Cập. Sau một thời gian làm việc tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Hội đồng Công vụ, ngài được bổ nhiệm làm đặc sứ bên cạnh Ủy ban Châu Âu tại Strasbourg với nhiệm vụ quan sát viên thường trực. Đức TGM Baldelli lần lượt là Khâm sứ Tòa Thánh tại Angola (1983 - 1985), Quyền Sứ thần Tòa Thánh tại São Tomé và Principe, Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dominican (1991 - 1994), Peru (1994 - 1999) và Pháp (từ 1999 - 2009).
 
Vatican công bố kỳ nghỉ hè của Đức Giáo Hoàng mà không xác nhận chuyến thăm của Tổng thống Obama
Peter Nguyễn Minh Trung
18:06 06/06/2009
VATICAN (CNA) - Văn phòng Báo chí Tòa Thánh hôm qua vừa công bố rằng Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ rời Vatican để nghỉ hè ở Bắc Italia từ ngày 13 đến ngày 29 tháng 07. Không có bất kỳ xác nhận nào cho thấy việc Tổng thống Mỹ Barack Obama sau cuộc họp thượng đỉnh của G8 tại Italia sẽ có cuộc hội kiến chính thức với Đức Giáo Hoàng.

Bắt đầu từ thứ 2 ngày 13-07 đến thứ 4 ngày 29-07, Đức Giáo Hoàng sẽ trải qua kỳ nghỉ tại Les Combes di Introd, tỉnh Valle d'Aosta vùng Tây Bắc Italia.

Ngày 19-07, Đức Thánh Cha sẽ thăm thị trấn Romano Canavese ở Giáo phận Ivrea. Chúa nhật 26-07, ĐTC sẽ tiếp tục thăm thị trấn Les Combes. Ngài sẽ chủ tọa buổi đọc Kinh Truyền Tin khi đến viếng thăm hai nơi này.

Sẽ không có các buổi triều yết chung thứ tư hàng tuần vào ngày 15, 22, 29 tháng 07-2009.

Tổng thống Obama sẽ đến Italia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 ở thành phố L'Aquila vào ngày 8 đến 10 tháng 07. Ông sẽ ngụ tại Đại sứ quán Mỹ tại Rome. Cả Vatican và Nhà Trắng đều chưa có động thái nào cho thấy Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và Tổng thống Obama sẽ gặp nhau.
 
Ba Lan dựng Thánh Giá vĩ đại vinh danh đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Nguyễn Long Thao
20:54 06/06/2009
WARSAW, Ba Lan -Theo tin của AP, trong ngày thứ Bảy 06/06/09 dân chúng và chính quyền Ba Lan đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở về quê hương lần đầu tiên sau khi lên ngôi Giáo Hoàng và kỷ niệm 20 năm ngày Ba Lan thoát ách cộng sản.

Lính Ba Lan chào Thánh Giá kỉ niệm 30 năm lần đầu tiên ĐTC JPII thăm Ba Lan
Buổi lễ được đánh dấu bằng việc khánh thành đài kỷ niệm là một cây Thánh Giá vĩ đại cao 9 mét bằng đá cẩm thạch trắng đặt ở trung tâm thủ đô Warsaw của Ba Lan. Chính địa điểm này cách đây 30 năm,vào năm 1979, ĐGH đã cử hành thánh lễ và giảng một bài giảng lịch sử, cổ vũ cho các nhóm dân chủ mới khai sinh, từ đó thành hình Công Đoàn Đoàn Kết góp phần vào việc lật đổ chế độ cộng sản tại Ba Lan vào năm 1989.

Thị trưởng thành phố Warsaw là ông Hanna Gronkiewicz-Waltz tuyên bố với hàng ngàn người tham dự buổi lễ rằng: “Người Ba Lan chúng ta biết rằng, việc lật đổ chết độ cộng sản không phải bắt đầu từ năm 1989 mà trước đó 10 năm, tại chính công trường này ĐGH Gioan Phaolô II đã tuyên bố những lời lẽ cổ vũ cho dân chủ. Và từ nay trở đi, giữa lòng thủ đô Warsaw cây Thánh Giá là biểu tượng cho đức tin, cho tinh thần kiên cường và hy vọng của dân tộc Ba Lan.”.

Đức Tổng Giám Mục thủ đô Warsaw là Kazimierz Nycz đã làm phép cây Thánh Giá và sau đó cử hành thánh lễ tại quảng trường.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hồng ân của ngày trở lại: Đức Giám Mục Ban Mê Thuột về dâng lễ tạ ơn tại Tuy Hòa, Quy Nhơn
Matta M. H
06:43 06/06/2009
HỒNG ÂN CỦA NGÀY TRỞ LẠI (Đức Giám Mục Banmêthuột về tạ ơn tại Tuy Hòa)

Hôm nay Giáo xứ Tuy Hòa tưng bừng nhộn nhịp, chuẩn bị chào đón Tân Giám mục – người con của giáo xứ vinh quy bái tổ. Cũng như Tân khoa Trạng nguyên về làng, chỉ khác ở chỗ:

Đón tiếp ngài không cờ, lọng, trống, chiên… mà chỉ nổi lên khúc nhạc quốc ca Vatican hùng tráng.

Đón tiếp ngài không trải chiếu hoa, thảm đỏ nhưng là con đường nhựa bằng phẳng còn thơm mùi dầu mới.

Đón tiếp ngài không phải là trăm bô lão chỉnh tề trong áo thụng khăn xanh mà là tất cả giáo dân Tuy Hòa thân yêu nói chung và những ai đã từng một lần phục vụ tại Giáo xứ cũng đã hiện diện để cùng chia sẻ niềm vui, những nụ cười, những tràng pháo tay không ngớt.

Đón tiếp ngài không có võng khiêng, kiệu rước, chỉ bước bằng đôi chân dọc theo Đền Thánh Tâm đến Hang đá Đức Mẹ, ghé đến Đài Thánh Giuse như muốn nói với ba Đấng rằng: con đã về.

Đón tiếp Ngài không vang dội những lời hoan hô, cổ động ngoài môi mép, nhưng vang vọng tâm tình sâu lắng của những bài thánh ca mà nội dung chuyên chở chính là quyền năng và tình yêu của Chúa Thánh Linh đang rợp bóng trên hết thảy mọi người.

Đón tiếp Ngài cũng không có những lời tâng bốc, khoa trương, nhưng lại là những lời mời gọi của Lời Chúa được quảng diễn sống động qua bài chia sẻ của linh mục thi sĩ Trăng Thâp Tự, để các em thiếu nhi, các bạn trẻ, các gia đình ý thức sâu sắc và tích cực hơn trong việc dấn thân vào ơn gọi tu trì.

Trong khi đó, bài diễn từ cuối lễ của ông Chủ tịch Hội Đồng Giáo xứ, người đại diện cho cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ Tuy Hòa, cũng chẳng có nhưng danh từ rườm rà mang tính lễ nghi hay ngoại giao theo thông lệ, mà một sẻ chia tâm tình của những người thân dành cho nhau thấm đẩm tình huynh đệ hiệp thông trong mái nhà Hội Thánh…

Và trước đó một ngày, đêm 3.6…

Món quà đặc biệt của Giáo xứ dành cho Tân giám mục là một chương trình văn nghệ với nội dung thật ý nghĩa, thật sâu sắc liên quan đến cuộc đời của ngài: Đẹp thay nẻo đường ơn gọi.

Hình ảnh một chú Bản mới học xong lớp nhất ao ước được đi tu, cái ngày mà cha phó thông báo danh sách đậu vào tiểu chủng viện thì thầy mẹ của cậu mới giật mình, vừa mừng, vừa lo chỉ biết cầu nguyện phó thác con cho Chúa. Phần chú Bản đã nhận ra: “Thật ngọt ngào và êm ái khi con vui sống trong tình Ngài, còn tình Ngài như nắng mai, soi vào cuộc đời con nỗi buồn, được gần Ngài con thảnh thơi, an bình lòng con ca hát mà thôi…”

Và rồi giai đoạn làm thầy Bản cũng thật khó khăn, đầy thách đố, đầy cam go, tưởng chừng như bỏ cuộc. Chính trong mồ hôi nước mắt, trong lao nhọc vất vả cũng có biết bao kỷ niệm êm đềm nhưng không thiếu những ngày truân chuyên gian khổ, sương gió giá lạnh, nắng hè oi bức, bệnh tật thiếu thốn đã làm nên một linh mục Vinh sơn Bản: “Một ngày nào trong nắng mới, con nghe như tiếng ai gọi mời, Ngài gọi mời con bước lên, đáp trả tình Ngài luôn thiết tha, tình nhiệm mầu muôn ánh sao, muôn đời rực sáng trên đỉnh đầu”…

Thế rồi, bước ngoặc mới đã đến: “Vì người, Ta sai ngươi đi thế thì ngươi cứ đi. Hãy cứ đi, cứ ra đi chớ băn khoăn sẽ nói gì, sẽ làm gì vì Thánh Linh ở trên ngươi sẽ nói thay sẽ đong đầy ngươi lo chi…”ngài đã được tấn phong Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột.

Tiểu phẩm trường ca ơn gọi đưa Tân giám mục quay về với quá khứ, với tuổi thơ, với những người bạn đã đồng cam cộng khổ, những người đã nâng đỡ trong ơn gọi, nhất là những lời khuyên răn của thầy: Nếu con đi tu thì tốt lắm, nhớ cầu nguyện nhiều nghe con, đi tu không phải dễ đâu, phải cầu xin ơn Chúa nhiều lắm đấy, nào là phải biết hãm mình, ép xác này, còn phải chăm chỉ học hành nhất là phải biết vâng lời bề trên nhé và hy sinh mọi thứ nữa đấy con à!” và những nỗi lo toan của mẹ: “Không biết phải chuẩn bị gì cho chú ngày nhập học, chỉ biết cầu xin Chúa nhận nó”… mà giờ đây họ đã yên nghỉ bên Chúa.

Đức cha Vinh sơn Nguyễn Văn Bản là giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột, còn đối với giáo xứ Tuy Hòa, ngài là đứa con của giáo xứ, là người bạn của thiếu nhi, bạn của giới trẻ, bạn của những người già đau yếu, là thầy giúp xứ, là cha phó của giáo xứ Tuy Hòa. Những niềm vui, những nỗi buồn của anh chị em chính là vui buồn của cha, cuộc sống của anh chị em chính là cuộc sống của cha bởi vì tất cả những con người được Chúa gởi đến cho cha đều mang ý nghĩa đặc biệt.

Trong ngày vui trọng đại, Tân giám mục hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, cầu nguyện cho song thân đã khuất và cảm ơn giáo xứ Tuy hòa đã sinh ra ngài, đã đồng hành với ngài trong ơn gọi dấn thân. Cho dù ở phương trời xa thẳm thì trái tim của ngài vẫn luôn hướng về giáo xứ Tuy Hòa và giáo xứ vẫn còn yêu mến ngài mãi mãi.

Nếu Bàn Tiệc Thánh Thể, cao điểm chót vót của lời tạ ơn hồng ân Giám Mục mà niềm hân hoan của Thánh Thần như ngập tràn trong mối trái tim, trên mỗi gương mặt; thì cuộc liên hoan dạ tiệc kế tiếp lại là một sự biểu trưng hùng hồn và rõ nét về mối giây yêu thương và hiệp nhất của gia đình giáo xứ xung quanh người con ưu tú trong tước vị Tông Đồ, khi tất cả mọi gia đình đều hiện diện trong bữa cơm tối có một không hai đó…

Quả thật, cuộc “vinh quy bái tổ” của Tân giám mục Vinh sơn không chỉ là niềm vinh dự cho bản thân, cho gia đình, cho dòng họ mà còn là niềm vinh hạnh cho cả Giáo xứ, Giáo Hạt, Giáo Phận.

Ước mong qua sự kiện này, giáo xứ Tuy Hòa sinh thêm nhiều tấm lòng quảng đại, biết hiến dâng cuộc đời theo Chúa.
 
Cùng với GM Ban Mê Thuột, các Giám mục lên đường!
Gioan Lê Quang Vinh
18:03 06/06/2009
Việt nam có nhiều cái nhất mà thế giới chưa bao giờ ngờ tới và sẽ không bao giờ bắt kịp. Một trong những cái nhất ấy là “tam vô” của giao thông: kinh khủng nhất với nạn kẹt xe vô lý (xe ít xe nhiều đều kẹt), đường sá lộn xộn vô cùng và tai nạn thì vô cớ. Trong một đất nước mà sự đi lại rùng rợn đến như thế, lời Chúa Giêsu phán bảo “hãy lên đường” dường như làm con người sợ hãi và lo âu. Thế nhưng, khẩu hiệu của Đức tân Giám mục Ban Mê Thuột một lần nữa được giương cao trong Thánh Lễ tạ ơn chiều thứ bảy áp lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi hôm nay, tại nhà thờ Tân Phước, Sàigòn: “Hãy bước đi trong Thần Khí” (Gal.5, 16). Lời thánh Phaolô lặp lại lời mời gọi “lên đường” của Đức Giêsu lại có sức thôi thúc mạnh mẽ vì mục tử và dân thánh không được thúc đẩy bước đi trong cô độc, mà bước đi trong Thần Khí, không bước đi trên những con đường nhiều bất trắc, mà bước đi trên chính con đường Giêsu, Đấng đã tự xưng mình “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn văn Bản chuyên về thần học Thánh Phaolô, và khi ngài chọn khẩu hiệu cho cuộc đời Giám mục của ngài “Hãy bước đi trong Thần Khí” chắc chắn ngài đặt lời ấy trong toàn bộ thần học Phaolô, mà chương 5 thánh thư Galata có thể tóm lại các lời khuyên dạy của vị thánh Tông đồ dân ngoại: “Bước đi trong Thần Khí là bước đi trong tự do và bác ái”. Thánh Phaolô so sánh giữa lối sống theo Thần Khí và lối sống trái ngược với Thần Khí rất rõ ràng:

“Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gal. 5, 19-21). Nói cách khác, đó là sự gian ác của thế gian.

“Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.” (Gal. 5,22-24). Vậy hoa quả ấy chính là công lý và hoà bình.

Trước giờ Thánh Lễ, Đức Cha tâm sự: “Bước đi trong Thần Khí chính là bước theo Đức Giêsu Kytô”. Ngài còn tiết lộ ngài là Giám Mục Việt nam thứ 99 (một con số rất “đẹp”) và là Giám mục đầu tiên tại Việt nam chọn khẩu hiệu về Chúa Thánh Thần.

Quả là thời đại của Chúa Thánh Thần đã bắt đầu mạnh mẽ khi một số mục tử của Hội Thánh dưới tác động của Ngài đã bắt đầu xác định nơi khởi đầu và nơi phải đến của dân thánh Chúa. Thánh Phaolô xác định rõ các thế lực thù nghịch với Thần Khí là những thế lực gian tà gây ra tội lỗi và tăm tối. Chúng đã và đang tung ra những đòn hiểm ác như Thánh Vịnh 37 diễn tả: “Có người bày mưu lập kế, để hại kẻ khó nghèo”.

Khi vị tân giám mục cùng với giám mục đoàn xác quyết “bước đi trong Thần Khí”, là các ngài chọn bác ái, bình an, nhân hậu. Mà hoa quả của Thần Khí ấy chỉ có thể đến được khi dân thánh một lòng nghe lời Thầy Giêsu mà nói với các thế lực gian tà: “Hãy xéo đi, Satan”. Hình ảnh những mục tử chân chính biết đi theo Thần Khí đã xuất hiện, mà có lẽ đi đầu là Đức Tổng Kiệt kính yêu, sau những tháng năm dân thánh đau khổ vì có những “kẻ chăn chiên thuê”, cúi đầu quị luỵ quyền lực, bất chấp bao đau khổ giáng xuống trên đàn chiên. Những chỗ êm ấm, những tiện nghi đầy đủ cùng những lời hứa hẹn hão huyền phải nhường chỗ cho Lửa Thần Khí đốt cháy và sưởi ấm.

Giảng trong Thánh Lễ, Đức Tân Giám Mục nhấn mạnh sự phó thác hoàn toàn cho sự đưa dẫn của Thần Khí. Ngài khiêm tốn nói rằng tất cả đối với ngài là mới mẻ, xa lạ, và chính Thần Khí Chúa dẫn đưa ngài đi. Ngài nói “nhờ Thánh Thần, chúng ta bước theo Chúa Giêsu về với Chúa Cha”.

Nhiều người thấy vui mừng vì khi công khai tuyên bố “bước theo Thần Khí” là các mục tử đã tỏ rõ thái độ của mình trước con người và xã hội, trước bất công và oan ức còn tràn lan. Thái độ của các ngài cũng phù hợp với lời Đức Thánh Cha kêu gọi khi ngài viếng thăm Trung đông: “Lòng trung thành với cội nguồn đức tin Kitô giáo, lòng trung thành với sứ mạng của Giáo hội (…) đòi hỏi anh chị em một thứ can đảm đặc biệt”.

“Bước đi trong Thần Khí” là bước đi dũng cảm, mạnh mẽ và yêu thương. Vì dũng cảm, từ nay các mục tử sẽ không im lặng và cũng sẽ không để Mẹ Giáo Hội của mình mặc áo màu gì cũng được nữa, sẽ không để những lời cầu nguyện cho công lý hoà bình vang lên lạc lõng, sẽ không để những con người bị xử án oan sai phải ngậm ngùi. Thần Khí Chúa ngự xuống trên các ngài mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thúc đẩy các ngài bước đi trong can đảm và yêu thương. Mà một khi đã chấp nhận sống chết cho yêu thương, thì chắc chắn các ngài cũng sẽ sống chết cho công lý và hoà bình để đem lại cho dân Chúa “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm” là hoa quả của Thần Khí.

Tham dự Thánh Lễ tạ ơn của Đức Cha Vinh sơn Nguyễn văn Bản, chúng ta rạo rực một niềm tin mãnh liệt vào giai đoạn mới của Hội Thánh Việt Nam, một giáo đoàn vừa trưởng thành đã không ít đau xót vì thời cuộc, vì những điều do “xác thịt và thế gian” gây ra quá khủng khiếp. Bây giờ Thần Khí Chúa hoạt động mạnh mẽ, thúc đẩy các mục tử hăng hái đứng lên “bước theo Thần Khí”, thì chắc chắn dân thánh Chúa cũng sẽ nhờ các mục tử can đảm mà cảnh báo cho các thế lực tối tăm hiểu rằng “Ánh sáng đã chiếu soi vào nơi tăm tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga. 1,5). Trong niềm cậy trông, cùng với Mẹ Maria Nữ Vương Hoà Bình, chúng ta thân thưa với Chúa như lời thánh ca quen thuộc: “Xin ban xuống cho chúng con Thần Khí tác tạo của Chúa, để Ngài đổi mới tâm can, đổi mới muôn lòng”.
 
Việt Nam: Ô nhiễm khắp nơi, làm sao đây?
Gioan Lê Quang Vinh
18:04 06/06/2009
Mùa hè, nắng Sàigòn nóng như lửa đổ. Rồi mưa. Những cơn mưa bất ngờ làm dịu bầu không khí và làm tan đi đám bụi mịt mờ. Mưa làm những người vô gia cư phải nhọc nhằn nhưng chính họ cũng phần nào thấy dễ chịu hơn. Sống nơi ô nhiễm, người ta quen với bầu khí khói bụi mịt mù, nhưng những cơn mưa vẫn cần thiết biết bao. Sống trong xã hội mà lừa lọc, gian xảo, tàn nhẫn và che đậy đã thành nếp thì người ta cũng chai đi từ từ, nhưng cái đẹp và sự thật vẫn được tôn vinh, vì Đấng Sáng Tạo là nguồn của Sự Thật, Cái Tốt và Cái Đẹp.

Người ta vẫn nói giáo dục Việt nam có quá nhiều khuyết điểm. Thật ra chỉ có một khuyết điểm chính mà ai cũng dễ nhận ra. Đó là sự giả trá. Ngay từ lớp mầm chồi ở nhà trẻ, học sinh đã tiếp cận với cái giả dối khi các cô giáo phải đối phó với kiểm soát, thanh tra. Từ tiểu học lên trung học và vào đại học, kể cả sau đại học, chuyện quay cóp, gian xảo là hiển nhiên đến nỗi không ai còn tin là có người đi học mà không quay bài. Thầy cô đi học cao học cũng ăn gian. Khi tôi kể với sinh viên ngày trước tôi học trong chủng viện, ai quay bài là bị đuổi học, sinh viên cười lên chẳng tin. Thật dễ sợ vì người ta được dạy để không còn tin có sự trung thực trên thế gian này.

Có lần trong bài viết về giáo dục, tôi trích lời của một tiến sĩ sử học trường Đại Học Sư Phạm và một anh giáo viên là cựu chủng sinh: “Một lần nọ, đang giờ học buổi tối, anh đi ngang qua phòng học của chúng tôi, gọi ra và nói nhỏ: “Vinh này, tôi buồn quá. Chiều nay có một đồng nghiệp dạy khoa khác, gặp tôi nói thẳng rằng tôi nói dối suốt ngày, vậy sao tôi chịu được? Nhưng tôi hỏi Vinh, nếu tôi không nói dối thì làm sao tôi kiếm được chén cơm?” Mới đây trong kỷ yếu của cựu chủng sinh Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan Đà nẵng, có anh đang dạy một môn nọ ở Sài gòn, cũng tỏ ra mặc cảm và bảo: gặp tôi ai cũng hỏi tôi còn dạy môn ấy không”.

Làm sao có thể sống trung thực trong xã hội gian dối như thế? Đã từ lâu tôi không đọc báo trong nước vì thấy chẳng có bài nào viết thật. Nhưng không đọc thì sao? Mỗi tháng tiết kiệm được ít chục ngàn. Vấn đề là bạn bè bà con mình cũng đọc, người tin người không. Một anh bán tạp hoá ở gần nhà thờ Tân phú bảo: “Biết là nó nói dối nhưng mỗi ngày cũng mua một tờ mà đọc, buôn bán cả ngày mệt mỏi, muốn thư giãn vậy thôi”.

Trong lãnh vực giáo dục, người ta nói theo sách riết rồi cũng quen nói dối. Có giáo viên bảo: “Tôi nói theo sách chứ có nói theo ý tôi đâu”. Một năm, hai năm rồi năm bảy năm lặp đi lặp lại hoài họ cũng nói như thật. Thậm chí mới đây trên một diễn đàn, có anh viết bài suy niệm mà cũng hằn học với các cố Tây. Có thể anh vẫn yêu mến và biết ơn các nhà truyền giáo, nhưng biết sao được, trên bục giảng vẫn “ta tốt ta đỉnh cao, Tây xấu, Mỹ nghèo đói, Úc bất công!”. Đi dạy mà nói thật ư, có thể thất nghiệp như cô Bích Hạnh trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Quảng nam. (Nguyễn Bỉnh Khiêm nơi chín suối chắc chắn đau lòng lắm về chuyện này)

Tôi gửi bài cho một website nọ ở Việt nam, tưởng rằng ông cha phụ trách truyền thông phải can đảm, ngờ đâu khi gặp mấy từ “linh mục quốc doanh” ông cắt mất, thay vào đó là ba chấm… lạnh lùng. Tìm hiểu thêm tôi mới được một linh mục khả kính cho biết ông về hưu, đã từng viết bài lên án nhiều linh mục, nhưng lại sợ nhiều thứ khác.

Chưa hết, một anh cựu tu, chạy đôn chạy đáo tổ chức nhóm gia đình này gia đình nọ, bắt chước gia đình Khôi Bình hay Gia đình CTC, nhưng anh này thất bại vì dần dần các thành viên, kể cả gia đình các cựu chủng sinh, chán nản bỏ hết vì anh ta không thật và hám danh. Có một chị thành viên vốn là tân tòng nói với tôi: “Mấy ông tu ra mà cũng vậy. Nhưng không hiểu sao mấy ông cha còn tin anh ta được”. Khổ một nỗi là các cha ở nhà xứ có giờ đâu mà làm cái khảo sát để biết giáo dân tội lỗi nghĩ gì.

Nhìn đâu cũng thấy gian, đi đến đâu cũng thấy lọc lừa, những người thiện chí muốn buông xuôi, kệ nó, ô nhiễm mà, tránh sao được. Mình cứ lo đi lễ rồi về, thế là được. Nhưng không được, chấp nhận những tàn độc lạnh lẽo chung quanh thì mình trước sau gì cũng bị ảnh hưởng. Ngay cả mới đây ở T., người Công giáo mở trung tâm dạy ngoại ngữ cũng theo tiêu chí “mục đích biện minh cho phương tiện” để quảng cáo và hành xử không đúng đắn. Vậy thà học trường không Công giáo còn hơn, để sau đỡ thất vọng.

Làm sao đây? Câu trả lời phải từ nơi các vị hữu trách. Các mục tử cần đưa ngay Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (HTXHCG) vào dạy cho dân Chúa. Ở đó có tất cả các câu trả lời cho mọi vấn nạn nhân sinh. Thật buồn cho đến hôm nay rất nhiều người có đạo chưa hề nghe đến HTXHCG. Lửa có rồi, xin hãy góp phần thổi bùng lên. “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt nam”.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
CSVN: Đất của dân thì cướp, miền biển lại để ngoại lai xâm phạm
Hà Long
02:02 06/06/2009
Nhìn chung quanh các quốc gia khác dù lớn dù nhỏ, ai cũng hãnh diện bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình một cách kỷ cương và ngược lại mọi người cũng mong họ kính trọng lãnh thổ của người khác. Thí dụ nước Brazil, nơi vừa xảy ra chiếc máy bay Airbus 447 của hãng hàng không Air-France bị mất tích trong vùng biển của nước này, trước khi các đoàn máy bay quân đội và đoàn tầu với phương tiện kỹ thuật tối tân của Pháp được điều động đến địa điểm tìm kiếm tung tích của chiếc Airbus một cách khẩn cấp thì nước Pháp phải xin phép chính quyền Brazil cho lệnh được bước vào hải phận của nước này, thì lúc đó các phương tiện hàng không và đường biển của pháp mới được nhập nội Brazil. Đó là sự tôn trọng tuyệt đối chủ quyền quốc gia được thế giới công nhận nhằm gìn giữ hòa bình cho láng giềng chung quanh.

Chính quyền csVN đang tỏ thế rất mạnh, có thể nói độc quyền về mọi mặt đối với người dân trong nước, ngay cả đến việc cướp đất đai của các cá nhân, hội đoàn và tôn giáo. Chẳng có nơi đâu là không có cảnh cướp bóc từ thôn quê cho đến thành thị và vào đến tận rừng sâu lên đến Tây Nguyên. Cứ nơi nào có bước chân đi là csVN tiến vào hôi của. Tất cả đều được lý luận theo kẻ cướp ban ngày và còn được luật pháp bảo vệ kỹ càng cho kẻ cướp.

Chỉ có một tử huyệt csVN không dám đến gần để cướp đó là một hải phận trù phú và xinh đẹp hơn 3.000 km đường dài. Có lẽ csVN như con mèo sợ nước! Chẳng vậy báo chí trong thời gian qua đưa tin ta thán ngập trời của ngư phủ VN được đăng tải tràn đầy trên các tờ báo của đảng: đại loại như là "đứa nào bước xuống biển Đông ‚tầu lạ’ bắn bỏ mạng!" Đã thế ông Lê Dũng - phát ngôn Bộ Ngoại giao VN - vẫn thường vênh vang tuyên bố luyên thuyên, nay im lặng 'bỏ chèo’ chạy lấy mạng mất rồi! Ông này được người dân tặng cho danh hiệu "Dũng xạo" chỉ nói qua loa vài câu về biển Đông vào ngày 16/5/2009 và sau đó là im hơi tắt tiếng.

Lạ thay! Các ngư phủ VN đi đánh cá trong hải phận quê hương mình nhưng vẫn 'đổ mồ hôi’ vì lo sợ tàu lạ. Hàng trăm ghe thuyền VN các tỉnh từ Quảng Ngãi, Bình Định đến Đà Nẵng phải nấp né dọc bên bờ sông Hàn, mặc dù ngư dân đang vào mùa vụ bắt cá từ tháng 3 đến tháng 7, vì cộng sản Tàu đã ra thông báo trên báo chí VN rằng "từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8/2009, cs Tàu cấm tất cả các ghe thuyền vào đánh cá trong vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc (tương đương từ Cam Ranh, Khánh Hòa) lên đến đường giới hạn vùng biển giao nhau giữa Quảng Đông và Phúc Kiến và vùng biển phía Đông đường phân định trong vịnh Bắc bộ".

Thông báo cướp biển này đều được đăng tải nơi báo chí 'theo lề phải’ của VN như Tuổi trẻ, Lao Động, SGTT, Tiền Phong, Vietnamnet… Các cơ quan ngôn luận của VN đang nối giáo cho giặc chăng?

Thế là ngư phủ Tàu cộng được đà tiến lên cướp đoạt hết hải sản trong mùa cá 2009 từ tay ngư phủ VN.

Sự hèn nhát của csVN đã làm cho ngư dân của mình phải buông tay chèo vì "sợ tàu lạ hơn sợ bão“ như Vietnamnet tường trình. Chưa bao giờ giới ngư dân VN bị giặc Tàu cướp trắng tay như trong mùa cá 2009 này. Họ bị nhà nước VN bỏ rơi một mình. Điều tệ hại hơn, nó lại xảy ra trong lãnh thổ VN.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Rạng sáng 3-6, tàu QNg 8793 do ông Đặng Cận (Đức Phổ, Quảng Ngãi) là chủ tàu đã cập bến cá Thọ Quang (Đà Nẵng) an toàn. Trên boong tàu, ông Cận cùng các bạn thảng thốt nhớ lại cảnh tượng bị tàu lạ uy hiếp, cướp đi mất mấy tạ cá. “Mới hơn 9g sáng của ngày đầu tháng 5, khi chúng tôi đang ngủ say sau một đêm đánh cá vất vả thì bất ngờ bị một tàu lạ mang số hiệu 44183 ép sát, hụ còi liên tục. Ngay lập tức, một tốp người mặc sắc phục nhảy lên tàu rồi dồn tất cả mọi người vào một góc, sau đó họ tự nhiên xuống hầm lấy đi mấy tạ cá vừa mới đánh được rồi bỏ đi”. Ông Đặng Cận vẫn còn bàng hoàng nói tiếp: “Ngư dân chúng tôi thấy tàu lạ cũng ớn lắm, nhưng không đánh bắt cá ở đó thì biết đánh ở đâu!"

Báo Lao Động hớ hênh tiết lộ "bí mật quốc gia", diễn tả nỗi đớn đau nhục nhã của ngư phủ do giặc ngoại xâm hoành hành ngay trên lãnh thổ VN từ nhiều năm qua: Chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu ĐNa-66456 - ông Nguyễn Văn Hoà, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng - than rằng: "Ngay chính vụ cá mà nhiều tàu chúng tôi buộc phải nằm bờ thế này thì chết mất…"

Theo ông Hoà, thực ra tàu cá Việt Nam đã bị "tàu nước ngoài" đẩy đuổi ngay trên vùng biển Việt Nam từ nhiều năm nay. Nhiều tàu cá bị đâm chìm, bị bắt phạt hành chính. Nhưng chúng tôi có tiền đâu mà nộp phạt. Chúng tôi ngậm đắng nuốt cay chấp nhận, bởi nếu không thì bị dẫn độ về nước họ (cộng sản Tàu) thì tốn kém nhiều hơn. Thường khi bị bắt, họ chỉ cho 1 tàu còn dầu để chúng tôi lai dắt nhau vào bờ.

Tuy nhiên báo Lao Động cố tình không cho biết "tàu nước ngoài" là ai? Có thể là Indonesia, Mã Lai hoặc chính tông là bọn giặc Tàu ngàn năm? Theo logic suy diễn về lệnh cấm của bọn Tàu nêu trên thì chính bọn chúng ta đang đè đầu cưỡi cổ ngư phủ VN trong vùng đất lãnh thổ của mình.

Của cải đất nước VN đang bỏ ra nuôi hàng triệu bộ đội trong các doanh trại quân đội nhân dân - được tự xưng là những anh hùng vượt Trường Sơn giải phóng dân tộc - nhưng họ đang làm gì ngoài trách nhiệm phải gìn giữ bờ cõi đất nước? Thay vì các ngư dân VN phải được chở che trong lãnh thổ thì bọn bộ đội này làm ngơ, không biết sự gì hoặc đang đầu hàng giặc Tàu rồi!

Không còn điều nhục nhã nào hơn khi sở NNPTNT TP. Đà Nẵng tổ chức họp báo vào ngày 3/6/2009 và ông giám đốc sở Trần Văn Hào tuyên bố: "Có nhiều lý do để tàu cá không ra khơi và việc nằm bờ của hàng trăm tàu cá như vậy là không có gì bất thường."

Tới mùa cá lớn trong năm mà ngư dân phải nằm bờ và được xem "không có gì bất thường" thì đúng là chính quyền csVN đang bán nước cho ngoại bang và còn thôi thúc người dân đừng ra khơi. Chính sự nhu nhược tột cùng của chính quyền csVN đã làm cho hàng trăm ngư dân không còn đủ nhuệ khí nổ máy đưa tàu ra khơi ngoài xa mà chỉ còn cách co cụm lại đánh bắt gần bờ để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình.

Một vị sĩ quan bộ đội cũng đồng bộ dạng nhu nhược, trung tá Nguyễn Nhơn, chính trị viên đồn Biên phòng 248, quản lý hầu hết các phương tiện trên biển của ngư dân tại quận Thanh Khê, hèn nhát hiến kế thêm cho ngư dân tìm đường thoát thân như Nhóm PV miền Trung của báo SGTT đưa tin: “Ngư dân mình đương nhiên đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, cách tốt nhất là ứng xử thật mềm dẻo và khôn khéo để tránh các trường hợp va chạm và đụng độ không đáng có với tàu nước ngoài, để tránh thiệt hại về người và của". Thay vì trách nhiệm thiêng liêng gìn giữ tổ quốc và bảo vệ người dân sống trong lãnh thổ như chính danh xưng Đội Biên Phòng của một vị chỉ huy bộ đội, thì cách nói của tên sĩ quan hèn nhát này chẳng khác chi xua dân lành bỏ của chạy lấy người!

Cũng trong ngày 3/6/2009 báo Dân Trí cho biết 2 tàu lạ tấn công 9 ngư phủ VN trên vùng biển thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An. Hai tàu lạ truy đuổi tàu VN đoạn đường hơn 2 hải lý rồi tông mạnh vào tàu của ông Trần Văn Hùng có số hiệu: NA-4425-TS. Con tàu bị nghiêng, hư hỏng nặng, anh Hùng bị thương nhẹ. Sau đó 2 tàu lạ thản nhiên bỏ đi. Các sự kiện ngang ngược ấy xảy ra hàng ngày trên hải phận VN và có nguy cơ đến tính mạng con người nhưng chính quyền csVN vẫn rụt cổ im hơi lặng tiếng. Cho dù với những liên lạc hiện đại qua điện thoại cầm tay, bộ đàm liên lạc với đồn biên phòng nhưng các thuyền lạ luôn hiện diện hà hiếp ngư phủ trong lãnh thổ VN. Lúc này, ai đứng ra bảo đảm tính mạng của ngư phủ cũng như gìn giữ nguồn lợi thủy sản quốc gia, ngoài trách nhiệm của chính quyền VN.

Từ việc xâm chiếm Trường Sa và Hoàng Sa cho đến việc cướp đoạt hết tài nguyên dầu hỏa, hải sản trong vùng biển Đông và tiến lên đến tận rừng cao Tây Nguyên cho thấy những bước chân xâm lược của ngoại bang không muốn dừng ở ngoài ngõ nữa mà họ đang tư tung tự tác ngay trong ngôi nhà linh thiêng của tổ quốc VN.

Nếu gọi năm 1979 là cuộc xâm lược của bọn bành trướng Bắc Kinh đánh chiếm biên giới VN bằng quân sự thì năm 2009 chính sách phong tỏa biển Đông đối với ngư dân VN chẳng khác gì cuộc xâm lược chủ quyền lần hai của cộng sản Bắc Kinh. Có khác là lần này csVN đã hoàn toàn mất sức đối kháng với virus bành trướng Bắc Kinh.

Tổ quốc VN ơi! Đâu rồi niềm hào khí Hội Nghị Diên Hồng, đâu rồi Bạch Đằng Giang với Ngô Quyền, đâu rồi Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đâu rồi tuyên ngôn Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, đâu rồi Cờ Lau Tập Trận của Đinh Bộ Lĩnh, đâu rồi dũng khí của Trần Quốc Toản…

Ôi Mẹ VN ơi! Đất Mẹ đã mất chủ quyền! Chưa bao giờ tổ quốc VN nhục nhã như ngày hôm nay dưới sự cầm quyền của csVN vì họ đang tự biến thành những tên đầy tớ suốt đời cho giặc Tàu ngàn năm.
 
Đánh lận con đen từ chính trị đến tôn giáo
Lê Sáng
15:05 06/06/2009
ĐÁNH LẬN CON ĐEN TỪ CHÍNH TRỊ ĐẾN TÔN GIÁO

1) Đánh lận con đen ở lĩnh vực chính trị:

Trong lần trả lời phỏng vấn cách đây vài ngày, Trần Văn Truyền - Tổng thanh tra chính phủ của bộ máy nhà nước cộng sản Việt Nam lại lần nữa đánh lận con đen – Xin trích nguyên văn:

Ông có kiến nghị gì về cơ chế kiểm soát, xử lý liên quan đến hoa hồng?

Trần Văn Truyền - Tổng thanh tra chính phủ: Phải nói là giữa hoa hồng và hối lộ có ranh giới chưa rõ ràng. Người ta thì nói đó là hoa hồng còn mình thì nói là hối lộ. Hoa hồng thì người ta coi là bình thường còn hối lộ là phạm tội. Cái nào là hoa hồng, cái nào là hối lộ cũng cần rõ ràng trong cơ chế quản lý. Việc này cần bàn kỹ với các cơ quan chức năng.

Ví dụ ở Mỹ, từ nhân viên khách sạn đến các nhà hàng họ đều đòi tiền boa và coi đó là bình thường nhưng ở ta nếu một nhân viên đòi hay nhận tiền boa, tiền hoa hồng thì sẽ bị lên án ngay
– (Hết trích).

Chỉ cần một người có kiến thức sơ đẳng về luật pháp cũng thấy cái mà Trần Văn Truyền gọi là “chưa có ranh giới rõ ràng” thì ngay cả luật pháp ngụy quyền lực nhân dân của csvn cũng đã qui định rõ ràng rồi. Ở góc độ lập pháp, vấn đề phân định rõ ràng giữa “tiền hoa hồng” và “tiền hối lộ” là rất dễ, dễ đến mức một sinh viên luật từ năm thứ tư trở đi đã có thể làm được.

Cái khó không phải ở chỗ phân định khái niệm, mà là ở góc độ quản lý, ngăn ngừa kẻ gian, đấu tranh chứng minh tội phạm nhận hối lộ. Kẻ nhận hối lộ đương nhiên bất hợp tác với cơ quan điều tra. Kẻ đưa hối lộ cũng thường bất hợp tác với cơ quan điều tra. Do đó cả hai thường ngụy tạo việc đưa - nhận hối lộ dưới hình thức “tiền hoa hồng”.

Trần Văn Truyền cố tình đánh lận trách nhiệm xây dựng khái niệm trong các văn bản luật của cơ quan lập pháp - Với trách nhiệm quản lý, trách nhiệm điều tra của cơ quan hành pháp. (Xin chú giải thêm: Trong bộ máy nhà nước cộng sản, cơ quan điều tra nằm trong hệ thống cơ quan hành pháp).

Cơ quan lập pháp ở Việt Nam là quốc hội bù nhìn, toàn những kẻ không chuyên nghiệp, chẳng có hiểu biết gì về kỹ năng xây dựng pháp luật cả… Mỗi lần hội họp cãi nhau om tỏi, chỉ vì không hiểu các thuật ngữ pháp lý… Những người có chuyên môn thấy rất nực cười.

Như thế làm sao qui trách nhiệm cho các đại biểu quốc hội? Nói gì đến truy cứu trách nhiệm họ??? Đổ tội lỗi lên đầu mấy ông “bình vôi” là hoà cả làng, chẳng ai việc gì, chẳng ai phản ứng… Quốc hội làm luật không rõ “tiền hoa hồng” với “tiền hối lộ” thì chính phủ làm sao mà ngăn chặn tham nhũng được? Lỗi này không thuộc cơ quan hành pháp.

Đánh lận đến thế mà Trần Văn Truyền vẫn chưa yên tâm, ông ta còn cố vớt vát thêm bằng việc so sánh cái gọi là tiền “boa” ở bên Mỹ và ở ta (Việt Nam) với ngụ ý xã hội Mỹ đâu đâu cũng đòi tiền boa, còn ở ta không có chuyện đó, nếu ai đòi hỏi thì bị lên án ngay… Thật là bôi bác. Một người có hiểu biết, có đầu óc phân tích, dùng ngay câu chữ trong lời văn của Trần Văn Truyền cũng lý giải được âm mưu đánh lận con đen này:

Đúng là ở Mỹ nhân viên khách sạn, nhà hàng sau khi phục vụ thêm theo yêu cầu của khách, họ xin tiền boa cho cá nhân họ thật. Nhưng đó là các việc làm trên mức nhiệm vụ của họ và có yêu cầu của khách. Xin lưu ý là chỉ có nhân viên nhà hàng khách sạn thôi, chứ không phải cả nhân viên nhà nước Mỹ đâu nhé - Nhưng cách phát biểu của Trần Văn Truyền làm cho người ta cảm giác là ở Mỹ mọi nơi, mọi chỗ, mọi nhân viên đều đòi tiền boa.

Còn ở ta, thì sao? Thực tế các khách sạn nhân viên vẫn được tiền boa, vẫn xin tiền boa từ khách nếu giúp họ khuân vác đồ lúc đến lúc đi… Còn trong các nhà hàng, nếu ai đó nhờ nhân viên chạy đi mua bao thuốc lá mà trong nhà hàng không có… họ cũng vẫn cho nhân viên đó tiền boa… Những việc này ở ta (Việt Nam) chẳng khác gì ở Mỹ. Làm gì có ai lên án nhân viên nhà hàng khách sạn ở ta xin tiền boa như vậy đâu? Cũng chẳng có ai keo kiệt không trả tiền boa trong trường hợp này cả.

Những việc này ở Mỹ, hay ở ta đều bình thường chứ không phải như Trần Văn Truyền nói, chỉ có ở Mỹ mới bình thường, còn ở ta là không bình thường. Vấn đề là ở chỗ tư cách người đòi tiền boa, tiền hoa hồng – Nhân viên nào? Nhân viên nhà hàng khách sạn hay nhân viên nhà nước? Họ có phải làm những việc ngoài nghĩa vụ của họ hay không ?

Vậy âm mưu đánh lận con đen của Trần Văn Truyền ở đây là gì? Đó là ông ta ví nhân viên khách sạn nhà hàng bên Mỹ với Nhân viên nhà nước ở Việt Nam. Nếu nhân viên nhà nước mà đòi tiền boa, thì không chỉ ở Việt Nam, mà bất cứ nơi nào trên thế giới cũng đều là bất hợp pháp đều bị lên án cả. Nhưng cách ăn nói ví von này của Trần Văn Truyền làm cho người nghe thấy rằng ở ta đạo đức xã hội ngặt hơn, nghiêm hơn, trong sạch hơn, nặng hơn ở Mỹ…

Như thế Trần Văn Truyền đánh lận nhiều lần, giữa 2 tư cách, 2 sự việc, 2 bản chất xã hội với nhau:

• Đánh lận trách nhiệm của cơ quan lập pháp - với trách nhiệm của cơ quan hành pháp.

• Đánh lận tư cách giữa nhân viên khách sạn nhà hàng - với nhân viên nhà nước.

• Đánh lận hành vi đòi tiền boa, với hành vi đòi tiền hối lộ.

• Đánh lận bản chất xã hội Mỹ với bản chất xã hội Việt Nam.

Đánh lận con đen để giảm tải, giảm áp lực dư luận xã hội lên bộ máy nhà nước, lên cán bộ đảng viên cộng sản đang tham nhũng tràn lan, trộm cướp tiền bạc sống trên xương máu của nhân dân…

Đánh lận con đen như là “tài năng” của người cộng sản. Ngay cả những hành vi, những việc làm đã mịt mùng trong thời gian, khi cần cũng vẫn được cộng sản lôi ra “xào xáo” rồi phao lên những “giá trị” rất mới, rất hợp thời … Như vụ việc Hồ Chí Minh tiếp xúc với một viên phi công Mỹ, bị Nhật bắn rơi trên không phận chiến khu của Việt Minh năm 1945 - Vụ việc chỉ có thế, rồi ông Hồ ra lệnh cho thuộc cấp thả viên phi công Mỹ này về Hà Nội để hồi hương. Vậy mà đến nay, bộ máy tuyên truyền của việt gian cộng sản úp mở kể lại chuyện cũ với hàm ý, Hồ Chí Minh khi xưa đã muốn theo Mỹ… Nhưng người Mỹ đã bỏ lỡ một cơ hội hợp tác với Việt Nam. Nay csvn theo Mỹ cũng là một việc làm không nằm ngoài những dự tính của Hồ. Giọng điệu của những kẻ chuyên nghề đánh lận con đen!

2) Đánh lận con đen trong lĩnh vực tôn giáo:

Trong chính sách đối với các tôn giáo ở Việt Nam, khởi đầu của việc đánh lận con đen, là người cộng sản triệt để khai thác các yếu tố khác biệt của tôn giáo với truyền thống văn hoá dân tộc. Triệt để khai thác sự khác biệt giữa các tôn giáo với nhau… Để đẩy tôn giáo vào thế đối lập với nhân dân, mâu thuẫn với nhau. Rồi chính quyền cộng sản tìm cách đồng hoá mình với giá trị cao đẹp của các tôn giáo – Họ lôi kéo người dân theo như theo một tôn giáo thay thế… Như thế chưa đủ - Nhà nước cộng sản tiếp tục đánh lận các lễ nghi có hình thức bên ngoài, với sự giáo dục về giáo lý, về lương tâm bên trong của các tôn giáo. Họ cho các lễ nghi hình thức được thoải mái hơn trong khi cấm đoán nền giáo dục của tôn giáo đó. Rồi họ phát ngôn rằng đó là tự do tôn giáo. Ai cũng biết, và csvn cũng thừa hiểu làm như thế, các tôn giáo sẽ ngày càng mờ nhạt, và chỉ là các tổ chức mang tính hình thức.

Tự dân tộc Việt Nam của chúng ta, từ xưa đến nay không khởi phát được một tôn giáo nào. Các tôn giáo lớn như Đạo Phật, Đạo Công Giáo, Đạo Hồi… Đều được truyền từ những nơi khác, bởi các giáo sĩ khác huyết thống với chúng ta mang đến… Đạo Phật khi truyền vào nước ta cũng phải trải qua thăng trầm, cũng có lúc bị nhà nước phong kiến sơ khai của cha ông chúng ta cấm đoán, thậm chí giết chóc… Nhưng cũng có lúc Đạo Phật trở thành quốc giáo, các hoà thượng được trọng vọng… Đạo Công Giáo thì lịch sử đã ghi nhận rất đầy đủ, thậm chí đến cả ngày giờ, danh tánh giáo dân tu sĩ tử đạo… Và sử sách của chính cộng sản hôm nay cũng phải vinh danh những giáo sĩ Công Giáo đã giúp dân tộc ta bộ chữ quốc ngữ, xây dựng nền văn minh mới, có phương tiện nắm bắt rất nhanh chóng, thuận tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến của nhân loại…

Nhưng csvn lại úp mở phân định ra đạo này thì gần dân tộc Việt hơn, đạo kia thì theo Tây… Và bắt đầu đánh lận giữa vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc. Giữa cách mạng giải phóng dân tộc với cuộc bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Trong cuộc cách mạng vô sản đẫm máu của người cộng sản, những gì tốt đẹp đều được cộng sản giành lấy. Những gì là sai lầm hậu quả… Họ đều tìm cách đổ lên đầu những nhóm người khác… Và giáo dân tu sĩ các tôn giáo luôn được họ “ưu tiên”… Họ lợi dụng các tu sĩ nhẹ dạ cả tin cho các mưu đồ chính trị. Nhưng xong việc họ thẳng tay phế bỏ, thậm chí thủ tiêu…

Khi lên cầm quyền chính thức vào năm 1945 cộng sản coi tôn giáo như một thế lực thù địch. Nhưng csvn cũng biết rằng nếu để lộ chân tướng vô đạo, giết người không gớm tay… Sẽ không thể lừa bịp được người dân Việt vốn có truyền thống coi trọng đạo nghĩa, khinh bỉ những kẻ vô đạo, vô luân. Cho nên csvn áp dụng triệt để thủ đoạn đánh lận con đen, để tự đặt họ vào vị thế như là một tôn giáo, như một đạo pháp.

Khởi đầu, Hồ Chí Minh gặp gỡ các giáo sĩ Công Giáo, chụp hình thân mật, rồi ông ta phát biểu rằng: Chúng tôi với các cụ đều giống nhau. Các cụ thì thì lo cho dân cuộc sống ngày sau trên thiên đàng. Còn chúng tôi lo cho dân cuộc sống ngày nay như thiên đàng. - Bởi Hồ biết rằng cộng sản quá mỏng trong lòng con người khi so với một tôn giáo hàng ngàn năm… Nên ông ta đánh lận việc làm của ông ta với việc làm của các tu sĩ Công Giáo… Thật là trơ trẽn, một tên cộng sản lưu manh mà lại giống một tu sĩ ư ???

Đối với Phật Giáo, csvn có vẻ mềm mỏng hơn, nhưng thực chất thì rất thâm hiểm và cũng chẳng nương tay nếu các tăng ni phật tử làm trái ý… Ngày nay csvn đang tìm cách đưa Phật Giáo Quốc Doanh lên hàng Quốc Giáo với việc cất chùa, đúc tượng, mở lễ hội, trưng bày tượng… Y như mở lễ hội hoa anh đào, hay trưng bày kỹ nghệ tin học mới vậy.

Csvn can thiệp thô bạo vào các hoạt động mở lớp tu học phật pháp. Kiểm soát chặt chẽ việc mở lớp dậy giáo lý cho Phật tử… Đến cuốn Phật Quang Đại Tự Điển của Hoà Thượng Thích Quảng Độ biên dịch trong tù, khi Ngài mãn hạn, giám thị trại giam không trả gây khó khăn và làm mất công sức mấy năm trời của Ngài. Đến nay csvn vẫn không cho xuất bản, cuốn sách phải xuất bản tại hải ngoại Trong khi đó chính luật pháp ngụy quyền cộng sản cũng không liệt cuốn sách vào danh mục cấm xuất bản, cấm phổ biến.

Csvn đánh lận việc xây chùa, đúc tượng với việc dạy giáo lý nhà Phật – Nhưng giáo lý nhà Phật dậy rằng Phật Giáo hoàn hoan mỹ khi không còn chùa không còn tượng - Tức là lúc Đạo Phật đã ăn vào tâm khảm con người - Phật tử dần chuyển thành Phật… Thiếu giáo dục, thiếu tu luyện giáo lý, thì xây bao nhiêu cái chùa, đúc bao nhiêu pho tượng để một người phá được u minh ngộ được đạo Phật đây?

Từ chính sách của csvn, hình thành lớp người trong xã hội cộng sản tự cho là mình theo Đạo Phật nhưng không nắm bắt được giáo lý nhà Phật, họ lập luận đơn sơ rằng: Chỉ cần thành tâm khấn vái là Phật sẽ phù hộ. Ngay như câu tụng cửa miệng: Nam mô Adi Đà Phật - Họ cũng không hiểu được ý nghĩa của nó. Thậm chí, có nơi, có người còn hiểu theo “khảo cứu” của các “nhà văn hoá”, của các giáo sư tiến sĩ XHCN với nghĩa là: Nam vô Adi Đà Phật - Tức nước Nam không có đạo Phật. Sau 1986, csvn cưỡng bức tất cả các tăng ni Phật Giáo vào một “hợp tác xã Phật Giáo” với cái tên rất kêu là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam – Nhưng lại là thành viên của mặt trận tổ quốc.

Cùng với các tăng sĩ quốc doanh csvn chế ra đủ thứ khẩu hiệu nhằm đánh lận con đen, lừa bịp Phật Tử, điển hình là câu khẩu hiệu: “ĐẠO PHÁP – DÂN TỘC - CHỦ NGHĨA XÃ HỘI” . Dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì họ đã đánh lận với nhau từ trước rồi. Nay thêm vào ĐẠO PHÁP nữa là xong. Họ để đạo pháp lên đầu cho có vẻ quan trọng. Nhưng cơ chế một xã hội luôn là nền móng của mọi thiết chế, kể cả tôn giáo. Trong cơ chế XHCN thì đạo pháp ở đầu hay ở cuối cũng chẳng có nghĩa gì… Nhưng làm như thế, họ đã đạt được mục đích đánh lận con đen trong câu từ tuyên truyền lừa dối nhân dân, những người thiếu thốn đủ thứ không có phương tiện kiểm chứng chứ chưa nói đến phương tiện phản bác các vấn đề cộng sản áp đặt…

Với Công Giáo, csvn khó “chế tạo” tu sĩ, khó làm giả giáo dân hơn, thì họ tìm cách đánh lận chính sách tiêu diệt Công Giáo của đảng cộng sản với cái gọi là quần chúng tự phát “Bức xúc của người dân về một tôn giáo phản động”. Đến tận khi đang viết bài này, người viết còn nhận được tin tức về việc công an cộng sản Hà Nội xua đám quần chúng nhân dân xông vào nhà thờ Thái Hà lớn tiếng đe doạ linh mục tu sĩ, cấm không cho thổi kèn đánh trống, hát lễ… kể cả trong khuôn viên nhà thờ vì làm điếc tai chúng… Đây là kế xúi nguyên dục bị, mượn tay giết người - Một kiểu đánh lận con đen đểu cáng nhất trong giới lưu manh.

Với Phật Giáo Hoà Hảo, và với Đạo Cao Đài. Csvn dựng lên những tu sĩ do họ bổ nhiệm, trao các cơ sở thờ tự cho những tu sĩ này quản lý và chỉ cho nhưng tu sĩ này hành lễ… Rồi họ quay phim chụp hình những buổi “hội - lễ” đó, và biện minh rằng đó là tự do tôn giáo. Ngay như xương cốt Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Đạo Cao Đài, được Ngài di chiếu trước khi chết tại Camphuchia là chỉ khi nào Việt Nam là thể chế trung lập mới được đưa Ngài về. Nhưng năm 2007, Nhà nước csvn làm mọi áp lực với Camphuchia và cho đám tu sĩ tay sai đưa cốt Ngài về với trống dong cơ mở… và sự có mặt của cả chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết… Thật là quá lố. Các tu sĩ và giáo dân Cao Đài trung thành với tín lý nguyên tổ của đạo thì bị bỏ tù, bị giam lỏng, bị sách nhiễu… Chẳng thể phản đối được cách hữu hiệu…

Sẽ không bao giờ có thể liệt kê cho đủ những thủ đoạn đánh lận con đen của đảng cộng sản, của người cộng sản, của nhà nước cộng sản trong suốt quá trình họ cầm quyền ở Việt Nam…

3) Sự thực và lương tâm tôn giáo sẽ làm phá sản mọi âm mưu đánh lận con đen để giải thoát người dân Việt:

Cộng sản Việt Nam đánh lận con đen trong lĩnh vực chính trị, rồi lấy kinh nghiệm này để áp dụng sang lĩnh vực tôn giáo. Nhưng thật khốn nạn cho âm mưu đen tối của họ. Tôn giáo, lương tâm tôn giáo là lĩnh vực chưa có thế lực vật chất nào có thể lý giải cho đủ, chứ chưa nói đến việc có thể cưỡng bức được… Csvn sống nhờ vào đủ thứ giả dối nên rất sợ sự thực. Lương tâm tôn giáo thì diễn biến khôn lường cho cộng sản và chẳng run sợ khi cộng sản mang cái chết ra đe doạ…

Sách nhà Phật đã viết: Giặc đến Bồ Đề giặc tự tan. Phúc Âm Thiên Chúa Giáo cũng ghi: Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi những lời do Chúa phán ra. - Cộng sản Việt Nam kiểm soát lời nói của Chúa bằng cách nào? Vậy mà họ đang hung hăng tiến đến Bồ Đề…

Đánh lận con đen là một thủ đoạn lừa dối tinh vi. Nó chỉ vô hiệu khi chính những người bị lừa dối nhận ra. Muốn họ nhận ra, xin những ai đã biết, đừng chỉ trích, đừng nói nặng lời với những người dân lành còn mê muội trong xã hội cộng sản… Như thế chỉ càng làm họ xa lánh nguồn tin sự thực mà thôi…

Hãy bằng mọi cách có thể, loan đi sự thực, đem tin tức sự thực đến với người dân Việt trong nước. Sự thực sẽ làm con người tỉnh ngộ. Khi họ tỉnh ngộ, họ sẽ giải thoát chính họ, và giải thoát xã hội, giải thoát dân tộc… Hãy loan truyền sự thực một cách không ngừng không nghỉ đó chính là yêu nước và cứu dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
 
Tin về linh mục Lê Quang Uy bị tạm giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất
CTV CSsR
15:28 06/06/2009
SAIGÒN - Sáng nay, lúc 11 giờ, 06/6/2009, linh mục Lê Quang Uy, người soạn bức thư kêu gọi “Hãy cứu lấy Tây Nguyên khỏi thảm họa Bauxite đỏ”, đã về tới Sài Gòn sau một thời gian đi giúp mục vụ ở hải ngoại. Khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, ngài đã bị bộ phận An Ninh Hải Quan câu lưu tại sân bay lâu giờ. Các hành lý của ngài đã bị lục soát rất kỹ. Sau cùng, chiếc máy tính xách tay của ngài đã bị tịch biên.

Sau khi tịch biên máy tính xách tay của linh mục Lê Quang Uy, bộ phận An ninh yêu cầu ngài lên bộ phận Kiểm Tra Văn Hóa để giải quyết vào sáng thứ Hai, ngày 08/6/2009.

Chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tác giả của lời kêu gọi “Hãy cứu lấy Tây Nguyên khỏi thảm họa Bauxite đỏ” trong thời gian sắp tới…

Về vụ LM Lê Quang Uy bị làm khó dễ, tác giả Thiên Bình đã có nhận định như sau:

Điều gì sẽ xảy ra với linh mục Lê Quang Uy?

Chiều tối nay, những người bấy lâu quan tâm đến chuyện bauxite Tây Nguyên đã nháo nhào gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn báo cho nhau biết tin nóng bỏng liên quan đến tác giả của lời kêu gọi “Hãy cứu lấy Tây Nguyên khỏi thảm hoạ bauxite đỏ” bị tạm giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Động thái của nhà cầm quyền ra lệnh cho thuộc hạ của mình câu lưu và lục soát hành lý của linh mục Lê Quang Uy rõ ràng là nằm trong chiến dịch đã được nhà cầm quyền vạch ra nhằm trấn át tất cả những tiếng nói bất đồng đối với cái chủ trương, dự án lớn của Đảng tại Tây Nguyên.

Sau khi cho phép một vài đại biểu Quốc hội gọi là có vài tiếng nói bất đồng phản đối cái “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” để cho có vẻ là cũng có chút dân chủ trong Quốc hội và cũng là để trấn an dư luận, thì xem chừng Đảng đang bắt đầu thực hiện một chiến dịch đánh tỉa, đánh du kích những người nhiệt thành nhất trong phong trào chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Xem ra những dự đoán của những người trong cuộc như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bắt đầu thành hiện thực. Những người nhiệt tình cổ võ cho phong trào chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên như linh mục Lê Quang Uy và các nhà trí thức trong thời gian sắp tới sẽ là đối tượng được nhà cầm quyền quan tâm đặc biệt. Tình thế cụ thể nơi diễn đàn Quốc hội mấy ngày nay lại càng cho thấy những dự đoán của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi là hoàn toàn có căn cứ. Những tiếng nói bất đồng trong Quốc hội cho đến giờ này dường như đã im bặt hẳn, và cái dự án bauxite Tây Nguyên dường như cũng đã bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự của Quốc Hội. Nói đúng hơn, Đảng và Chính phủ đã chơi trò “cù nhầy”. “cò cưa kéo cưa” để bắt đầu tiến hành chiến dịch bịt miệng những người bất đồng chính kiến.

Trở lại sự kiện linh mục Lê Quang Uy bị tạm giữ và bị khám xét tại sân bay Tân Sơn Nhất, xem ra người ta khó có thể đoán trước những động thái của nhà cầm quyền trong những ngày sắp tới đối với linh mục Lê Quang Uy. Từ trước tới nay, người ta vẫn nhắc nhớ nhau rằng ở cái đất nước này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Kể cả sự thật tỏ tường cũng vẫn bị những cái đầu “đỉnh cao trí tuệ” biến thành sự nghi ngờ, đố kỵ. Thậm chí những người ngay chính, yêu quê hương, dân tộc thực sự lại bị bôi nhọ, bị chụp mũ, bị biến thành kẻ phản động, chống đối, phá hoại đất nước.

Được biết chiếc máy vi tính xách tay của linh mục Lê Quang Uy đã bị nhà cầm quyền giữ giùm. Chưa biết là nhà cầm quyền sẽ dùng chiêu bài gì với cái máy tính này để tìm cớ bắt tội một con người ngay thẳng, trung thực, hết lòng vì nhân dân, vì dân tộc như linh mục Lê Quang Uy. Hơn lúc nào hết, những người trung thực và tận tình vì quê hương, dân tộc như linh mục Lê Quang Uy cần được mọi người bảo vệ để đất nước này ngày càng tiến tới độc lập, tự do, dân chủ thực sự, chứ không phải làm nô lệ cho bất cứ thứ thiên triều nào hay bất cứ đảng phái nào.
 
Hiền như Cô Tấm?
Hoàng Cúc
17:54 06/06/2009
Thủa cắp sách tới trường, tôi từng được dạy rằng người Việt mình bản chất hiền lành vị tha, cần cù hiếu học… Một thời, tôi từng đinh ninh rằng đó là chân lí bất di bất dịch. Thế nhưng, những chất vấn bâng quơ trong những cuộc chuyện phiếm đôi khi buộc tôi phải đặt lại vấn đề về những điều tưởng chừng như là những sự thật hết sức giản đơn chẳng cần bàn cãi. Những chuyến đi đây đó, mắt thấy tai nghe nhiều chuyện vui buồn cũng khiến tôi phải suy nghĩ nhiều về những khuyết tật của dân tộc mình. Trong bài viết này tôi xin nói tới sự hiền lành của người Việt.

Từ một chuyện cổ tích

Lúc ấu thơ, quấn quýt bên chân ông bà cha mẹ, lũ nhóc được nghe biết bao nhiêu chuyện cổ tích. Những chuyện đó thường rất hấp dẫn, vì nó mở ra cho trẻ nhỏ một thế giới tưởng tượng phong phú, một chân trời kì thú đầy ắp mộng mơ, đồng thời hàm chứa những bài học bổ ích. Chuyện Tấm Cám là một trong những câu chuyện như thế. Trẻ nhỏ người Việt ít ai chưa từng được nghe kể câu chuyện này.

Trong trí óc của tôi, hình ảnh Cô Tấm thật chăm chỉ hiền lành. Có lẽ chẳng riêng gì tôi lưu giữ trong trí nhớ hình ảnh đó. Lời ví von đẹp như Cô Tấm, hiền như Cô Tấm, chăm chỉ như Cô Tấm … dường như xuất hiện khá nhiều không chỉ trong ngôn ngữ đời thường mà trong cả văn chương nghệ thuật. Tôi vẫn còn nhớ lõm bõm lời một bài hát ca ngợi những cô gái quê hương quan họ rằng “những Cô Tấm ngày xưa như vẫn còn (í) đây trong (i) mùa trẩy (ì) hội” .

Nhưng rồi một hôm, khi ngồi nói chuyện với nhau về việc giáo dục con cái, một cô bạn đã buột miệng nói với tôi rằng: Tớ nói với các cậu nhé, người Việt mình dạy con cái những điều ác đến khủng khiếp. Ai đời bọn trẻ ngây thơ như thế, mình lại đi kể cho chúng câu chuyện lừa giết em bằng cách giội nước xôi, rồi xả thịt ra làm mắm gửi cho dì ghẻ. Dù đó là kẻ thù từng lập mưu giết mình đi chăng nữa, nhưng người làm chuyện cực ác như thế mà vẫn được nêu lên như là tấm gương hiền lành thì tớ chỉ có thể nói được là quái gở và quái ác!

Tôi giật mình nhận ra rằng lời cô bạn quả là đơn giản và chính xác. Dù cho câu chuyện nhắm đến bài học chính là làm ác sẽ bị trừng phạt, nhưng một dân tộc chấp nhận một chuyện cổ tích có những chi tiết như thế làm bài học về đạo lí ở đời dành cho đám trẻ thơ ngây thì quả là có điều gì không ổn thật.

Và một thần tượng khác

Chuyện cổ tích Tấm Cám với góc nhìn do cô bạn nêu ra khiến tôi liên tưởng tới một nhân vật khác. Con người này được nhiều người tôn xưng là “vĩ đại” . Mặc dù là một trong những nhân vật chính trong những cuộc chiến nướng quân khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, là người từng sụt sùi xin lỗi đồng bào vì trót đổ oan cho vài trăm vạn và giết nhầm chừng vài chục vạn đồng bào, là đồng tác giả của cuộc nồi da nấu thịt kéo dài trên 20 năm thiêu sống khoảng vài triệu thanh niên, người đó vẫn được rất nhiều người Việt coi như đóa sen tinh khiết, vô tì tích, kể như vô can trong mọi biến thiên chính trị xã hội đầy máu và nước mắt của đất nước. Con người đó chỉ là biểu tượng cho những điều tốt đẹp, chứ không chịu chút trách nhiệm nào về cả một hệ thống phi nhân tàn bạo do ông ta gây dựng, một hệ thống đã làm tan nát đất nước cũng như những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam!

Tôi thiển nghĩ việc ca ngợi ông ta là một người tài ba xuất chúng, là một nhà chính trị thông minh lỗi lạc, là một nhà ngoại giao bặt thiệp, hay ngay cả với cái danh hão của một nhà văn hóa thế giới đi nữa, dẫu sao vẫn còn có thể tạm chấp nhận được. Nhưng sau từng đó những biến động chết chóc, những cuộc thảm sát rùng rợn, những thảm trạng không ngừng tiếp tục gieo họa do chính ông ta gây ra cho đất nước và con người Việt Nam, việc vẫn cố ca ngợi ông ta như là nhân phẩm, là lương tri, là biểu tượng đạo đức của thời đại, rồi còn biết bao điều cao cả chỉ có ở bậc thần thánh cũng cố gắng gán nốt cho ông ta, việc đó chỉ nên gọi là quái gở và quái ác.

Thật ra, những chuyện “đổi mới” mà giới lãnh đạo Việt Nam tiến hành từ vài chục năm nay đã và đang khẳng định triệt để sai lầm khủng khiếp trong đường lối của vị “lãnh tụ vĩ đại” , khi đưa cả dân tộc lao vào ngõ cụt bế tắc.

Tôi thấy dường như có một nét tương đồng nào đó giữa việc nêu gương Cô Tấm hiền lành và chuyện ca ngợi tấm gương đạo đức của ông ta. Dù sao đó vẫn chỉ là một lối so sánh khập khiễng vì thực ra, so sánh có bao giờ không khập khiễng!

Đến hiện trạng tụt dốc thê thảm về đạo lí

Tôi tự hỏi mình rằng việc dạy trẻ thơ bằng bài học Tấm Cám, rồi nhồi vào đầu chúng tấm gương của con người “vĩ đại” nọ liệu có liên quan gì tới thực trạng xã hội thê thảm hiện nay hay không. Phải chăng đó là những căn nguyên của tâm thức hai mặt, nói một đàng phải hiểu một nẻo, nói hiền nhưng làm ác, một kiểu dối trá ác độc được ngụy trang khéo léo bằng vỏ bọc hiền hòa khả ái? Khủng khiếp thay, điều này lại nằm cả trong đường lối giáo dục theo truyền thống dân gian lẫn hệ thống giáo dục chính thống hiện nay!

Là một người Việt, tôi cảm thấy tủi hổ và đau đớn khi ngày nào cũng đọc trên báo những vụ làm nhục quốc thể diễn ra nhan nhản, những vụ giết người cướp của, dùng súng dùng dao thanh toán nhau một cách man rợ. Thời gian gần đây những vụ giết người không gớm tay dường như xuất hiện ngày càng nhiều, với mức độ ngày càng ghê gớm hơn. Mạng người, sự sống ở Việt Nam mình mới rẻ rúng một cách khủng khiếp, thật quái gở và quái ác!

Nguyên nhân chính của tình trạng này là hệ thống giáo dục học đường đã trở nên nhếch nhác, tương quan thầy trò mất chất giữa bối cảnh tổng quát của một hệ thống chưa bao giờ thôi dối trá và lừa lọc. Nhưng không thể phủ nhận một nguyên nhân khác không ít quan trọng là các bậc phụ huynh chỉ thích đưa con em vào những ngôi trường danh tiếng, nhưng thực ra lại đào tạo theo kiểu luyện gà nòi, lơ là trong việc dạy dỗ con em những điều đơn giản để thành người lương thiện.

Nhìn lại, tôi thấy dường như xứ sở chúng ta rất thiếu những câu chuyện đơn giản, xúc tích và gần gũi với đời sống người Việt Nam, như kiểu cuốn ‘Tâm hồn cao thượng’ đối với trẻ nhỏ người Ý được Edmond de Amicis viết ra.

Người Việt mình có thật sự hiền lành và hiếu hòa hay không? Xem lại chuyện Tấm Cám, nhìn vào một thần tượng “vĩ đại” , đọc những thông tin về sinh hoạt và đời sống hằng ngày, tôi không dám đáp lại bằng một câu trả lời khẳng định. Nên chăng, chúng ta cần xem lại một cách có hệ thống việc giáo dục con em chúng ta, khởi đi từ lòng can đảm dám xô đổ những thần tượng hay bóng ma quái ác và quái gở để kiến tạo một tương lai tươi sáng, bền vững và cao quí hơn?
 
Dòng Thánh Gia Long Xuyên đang bị chính quyền An Giang đập phá để phi tang!
Dòng Thánh Gia
18:45 06/06/2009
LONG XUYÊN - Từ 25 năm qua (1984-2009) Dòng Thánh Gia, tọa lạc tại Phường Bình Đức, Tp Long Xuyên – An Giang đã bị chính quyền nhà nước CS An Giang chiếm giữ cách bất công.

Trong suốt thời gian đó, các Linh mục, tu sĩ Dòng đã gởi đơn khiếu nại lên Văn Phòng Chính Phủ, Ban Tôn giáo Trung Ương, Chủ tịch nước CHXHCNVN và đã được các cơ quan nói trên trả lời bằng văn bản là: giao cho UBND tỉng giải quyết !

Tháng 12/2008 UBND tỉng đã giải quyến bằng cách “cấp lại” cho Dòng Thánh Gia 7.600m2 (nhưng mới chỉ trên giấy tờ!). Còn nhà chính Tu Viện với hơn 20.000m2 đất, thì không nói gì tới, hơn nữa một ngôi nhà mang tên Trường Khuyến Nông của NN cũng đã mọc lên từ năm 2003, trên chính đất của Tu Viện do UBND tỉnh lấy cấp cho để xây dựng,

Nay, họ bắt đầu đập phá dãy nhà chính của Tu Viện mà họ chiếm giữ từ năm 1987, có lẽ nhằm phi tang để những gì nhà Dòng xin lại không còn chứng cớ nữa.

Rõ ràng là dân chủ ở đây không có, tự do tu hành, một phần của quyền tự do tôn giáo mà Hiến pháp NN có ghi rõ, cũng không luôn, NN hành động như thế chỉ mang tính áp bức, chỉ những gì nhà nước ban cho thì mới được! cụ thể:

• Nếu như người dân chúng tôi đến tranh giành một miếng đất nhỏ của dân thôi, không nói đến nhà cửa, cơ quan của nhà nước, thì thử hỏi chúng tôi có được yên thân không ? chắc chắn vô nhà đá ngồi dài ngày.

• Khi nhà nước đập phá Tu Viện như vậy, thì ai là người dám kết tội họ là vi phạm, phá hoại tài sản tôn giáo ? những người phá hoại đó có bị tù không? Trong khi ở Thái Hà (Hà Nội), giáo dân bức xúc vì đất nhà chung bị một công ty chiếm dụng trái phép, nên đã đập phá vài mét của 1 bức tường cũ trên mảnh đất này thì 8 người đã bị xử án tù treo! Còn ở đây họ vẫn bình yên đập phá cả một Tu Viện đã được xây dựng hợp pháp trên đất của mình từ năm 1971.

• Pháp luật nhà nước có quy định điều này không? “phá hoại tài sản người khác” thì xử như thế nào trong khi chính nhà nước cho người phá Tu Viện ?!

• Nhân quyền, tư do, dân chủ, công bằng xã hội có được thực sự tôn trọng không khi mà chính quyền An Giang nói một đường làm một nẻo ?!

• Chúng tôi chỉ cầu viện tiếng nói quốc tế hỗ trợ và giúp chúng tôi làm sáng tỏ điều này. Bản thân các tu sĩ và LM dòng Thánh Gia chúng tôi cũng rất mong cho chủ quyền của mình được tôn trọng, được tự do tu hành và được đối xử công bằng, hợp pháp, nhưng trong hoàn cảnh thực tế hiện nay ở địa phương này, chúng tôi đành phải bó tay để tránh những hậu quả tệ hại hơn, vì “lý kẻ mạnh bao giờ cũng đúng” !

• Những bức xúc còn rất nhiều, qúy vị năm Châu hãy đến mà xem, và làm sao cho những người CS thấy được họ làm như vậy là sai, và cần phải sửa sai. Có như vậy người dân mới thực sự an tâm và phấn khởi khi thấy mình thực sự đang sống “Độc lập, Tự do và Hạnh phúc”.

• Mong sao qúy vị có tiếng nói và giúp Dòng Thánh Gia chúng tôi tìm lại được những gì đã mất, cả về vật chất lẫn tinh thần. Xin chân thành tri ân.
 
Giáo xứ An Bằng kiên trì đấu tranh bảo vệ Công lý!
Nhóm PV FNA
20:16 06/06/2009
Đấu tranh cho Tự do Tôn giáo tại Huế

I- Ký sự của Linh mục Quản xứ Nguyễn Hữu Giải

• 27-02-2009: 18g, tôi nhận được văn thư thông báo của xã Vinh An, đề ngày 27-02-2009, số 15/TB-UBND, do ông chủ tịch Phạm Bình Tịnh ký. Thông báo cho chúng tôi biết xã đã khảo sát và chọn 5 vị trí đất và yêu cầu chúng tôi chọn một trong năm vị trí đó để dựng đài lễ giáp An Bắc. Khi chọn xong, chúng tôi sẽ đến xã để được hướng dẫn lập hồ sơ, chậm nhất vào ngày 02-03-2009. Các vị trí đất là của các ông đang trồng dương liễu, keo, tràm hoa vàng: ông Lê Bền, ông Lê Chế, ông Lê Đạt, ông Lê Liễn, ông Văn Công Chính.

Trước đó, ngày 20-02-2009, các ông trong HĐGX An Bằng được mời vào xã “làm việc”. Các ông đã trình với xã là không dám chọn vị trí nào vì sợ hậu họa giữa giáo xứ và con cháu người đang sử dụng đất, dù xã nói đất xã quản lý.

• 02-03-2009: Giáo xứ gởi UBND xã thư phúc đáp đề ngày 01-03-2009. Giáo xứ không nhận vị trí nào vì muốn tránh hậu quả tranh chấp sau này và muốn xây dựng đài lễ trên thửa đất Giáp đã thờ phượng Chúa lâu nay

Nhiều lần Giáp và Giáo xứ đã trình bày với xã huyện rằng đất của Giáp có từ 1961 và đã liên tục sum họp thờ phượng Chúa cho tới nay. Vì chiến tranh và chưa thuận tiện nên mãi đến năm 2007, Giáp mới có kế hoạch xây dựng đài lễ cố định và đã làm đơn xin phép xây dựng một Thánh Giá, một bàn thờ và một tượng Thánh Tâm. Bỗng nhiên xã huyện buộc tội chiếm đất thuộc rừng phòng hộ biển! Đất chúng tôi thuộc diện xã quản lý trong thời điểm nào?

• 04-03-2009: Ông Văn Đình Trung, ông Lê Lượng, ông Nguyễn Thanh thuộc HĐGX An Bằng bị mời vào xã “làm việc” về quyết định chọn vị trí đất.

Các ông là những vị cựu trào của địa phương, biết rõ chủ những thửa đất này trước đây có làm nhà ở hoặc canh tác, về sau vì hoàn cảnh đi sinh sống nơi khác nhưng cũng ở trong làng và trồng cây lưu niên trước 1975.

Các ông trình bày: chúng tôi thấy có rất nhiều nhà ở, hồ nuôi tôm, công trình phường khóm nằm sát biểm hơn đài lễ giáp An Bắc. Suốt vùng cát duyên hải từ đèo Ải Vân đến Thuận An, nhiều làng ở sát biển. Nếu những làng mạc, cơ sở, công trình ấy thật sự thuộc rừng phòng hộ biển thì chắc chắn phải di dời hết. Đó là chưa kể bao nhiêu rừng dương liễu nằm giữa An Bằng và Thuận An đã bị nhà cầm quyền tỉnh -từ hơn 10 năm nay- cho các “công ty khai thác titan” chặt phá, bứng gốc để đào cát lấy thứ quặng này !?!

• 12-03-2009: Theo giấy mời của UBND huyện Phú Vang, tôi đến tại văn phòng UBND huyện làm việc về thủ tục cấp đất làm đài lễ giáp An Bắc. Ông chủ tịch UBND huyện Phan Văn Quang xác nhận đất Động Bồ huyện định giao cho Giáo xứ làm đài lễ bị trở ngại vì làng An Bằng có kiến nghị không bằng lòng, hơn nữa giáp An Bắc không chịu nhận. Nay huyện đề nghị 5 vị trí đất khác, yêu cầu tôi chọn 1 trong 5.

Tôi trình bày: giáo xứ không thể chọn vị trí nào vì những thửa đất này đã có chủ sử dụng. Ông chủ tịch kết tội tôi cố tình nêu lên những lý do vu vơ để không chịu tháo dỡ Thánh Giá, bàn thờ ở đài lễ khỏi đất thuộc rừng phòng hộ biển do xã quản lý.

Một cán bộ khác cũng phụ họa, nêu đủ thứ lý do để kết án tôi vi phạm luật pháp, thậm chí chống lại Chúa vì “đi ngược lại ý dân” là đi ngược ý Chúa !?!

Ông chủ tịch ra lệnh cho ông chủ tịch xã Vinh An Phạm Bình Tịnh và cho tôi phải tìm một vị trí đất nào không thuộc tư nhân để trình lại cho huyện, hạn chót là 20-03-2009.

Trong biên bản làm việc, tôi ghi lại nguyện vọng của giáo dân là tiếp tục làm đài lễ tại thửa đất hiện chúng tôi đang thờ phượng Chúa, dù rộng hẹp.

Buổi làm việc kéo dài từ 9g đến 10g30.

• 20-03-2009: Chúng tôi nhận được văn thư của UBND huyện Phú Vang số 183/UBND-ĐĐ đề ngày 19-03-2009 do ông phó chủ tịch Dương Văn Ngọc ký.

Huyện vẫn cho rằng diện tích đất chúng tôi làm đài lễ là đất chiếm lấy từ rừng phòng hộ biển do xã Vinh An quản lý và “yêu cầu Hội đồng Giáo xứ An Bằng, giáp An Bắc tháo dỡ toàn bộ vật kiến trúc đã xây dựng trái phép theo công văn của UBND xã Vinh An”.

Giáo dân tiếp tục sum họp đều đặn mỗi ngày trước Thánh Giá đài lễ giáp An Bắc, nhất là trong Mùa Chay này để sốt sắng cầu nguyện cho công lý, sự thật và tình thương, cho quyền tư hữu đất đai và tự do tôn giáo.

• 28-03-2009: Nhà nước điều động kiểm lâm tỉnh và huyện dùng xe vận tải và xe trâu chuyên chở vật dụng xây dựng nhà ở lên đài lễ giáp An Bắc.

Lúc 21g30, anh Phạm Xuân Tuấn nghe tiếng máy cưa ở đài lễ. Khác mọi đêm, điện chiếu sáng ở các trại gác đài lễ tắt ngúm. Anh Tuấn chạy tới dồn dập hỏi to: “Ai cưa trộm dương?”. Im lặng! Anh la to hơn. Một giọng trong bóng tối đáp lại: “Cán bộ đây!”. Anh Tuấn tức giận: “Cán bộ cưa trộm dương! Ôi chao! Hết nói! Bó tay!”.

• 29-03-2009: Thánh lễ sáng Chúa Nhật, cộng đoàn giáo xứ An Bằng cầu nguyện xin ơn bình an và can đảm đấu tranh cho công lý, sự thật trước kế hoạch mới của nhà nước.

Cán bộ tháo dỡ lều bạt, chuyển sang đào móng nhà cạnh thửa đất đài lễ. Ông Lê Thanh, một ngư dân, tới hỏi cán bộ: “Ai cưa dương cưa tràm của tôi?” Không ai trả lời. Ông đưa chân hất tung mấy ụ lá dương khô, lộ ra mấy gốc cây mới bị cưa. Ông lớn tiếng tra hỏi: “Ai cưa trộm? Ai cưa?” Một ông cán bộ đáp: “Mấy thợ làm nhà cưa!” - “Các ông lấy quyền chi mà cưa cây của tôi? Mấy cây đã cưa giấu đâu rồi? Trả lại đây cho tôi! Tôi sẽ kiện!”.

Họ đã phi tang bằng cách kéo mấy thân cây xuống khe trũng ở đàng xa. Được biết ngôi nhà này do kiểm lâm tỉnh và huyện làm, gọi là “để bảo vệ rừng xã Vinh An”.

• 30-03-2009: Cán bộ huyện xã tập trung đông đảo làm lễ cúng dựng nhà. Nhà làm bằng gỗ, đã được chuẩn bị sẵn. Chỉ việc lắp ráp vào.

Dân chúng xôn xao. Dọc theo bờ cát vùng duyên hải chẳng có trạm bảo vệ rừng nào. Hình như ở Thuận An chỉ có một chòi canh. Hơn nữa bãi biển An Bằng ít khách du lịch tắm biển. Đã có một đồn lính biên phòng không xa đài lễ Thánh giá bao nhiêu. Rừng dương, tràm do dân biển trồng. Xã chỉ thị người dân nào muốn cưa cây phải làm đơn xin xã cho phép vì xã quản lý.

• 04-04-2009: Như thường lệ, giáo dân họp nhau đọc kinh hát thánh ca trước đài lễ Thánh giá. Cán bộ canh gác mở máy thật to, gây bức xúc cho giáo dân.

Sau buổi cầu nguyện, mệ Tãi Ngoãn, có nhà gần khu vực đài lễ, trách cán bộ không biết tôn trọng người dân. Mệ còn lớn tiếng: “Hết chỗ làm nhà hay sao mà chọn chỗ giữa đài Thánh giá và am phường mà làm? Phải có mắt mà nhìn. Ăn coi nồi ngồi coi hướng!”.

Được biết ngày xưa chính ông Lê Khinh cúng đất cho phường dựng am thờ theo tập tục ngư dân vùng duyên hải. Suốt năm nay, cán bộ đóng hai trại cạnh am để theo dõi đài Thánh giá.

• 06-04-2009: Giáo xứ gởi văn thư đề ngày 05-04-2009 cho UBND huyện Phú Vang. Giáo xứ nhắc lại: giáo dân giáp An Bắc đã có cuộc họp giáp theo yêu cầu của huyện ngày 19-12-2008 và đã gởi biên bản cuộc họp giáp cho huyện, trong đó ghi rõ giáo dân không đồng ý nhận đất của làng hoặc của người dân đang sử dụng. Đất làm đài lễ là của giáp từ năm 1961, có nguồn gốc là đất ông Lê Khinh đã cúng, con cháu và dòng tộc đã chứng minh.

Giáo dân trong giáp cũng như giáo xứ đã thường xuyên và liên tục sum họp thờ phượng Chúa suốt bao năm qua. “Chúng tôi mong được an tâm thờ phượng Thiên Chúa tại nơi truyền thống lâu đời của chúng tôi”.

• 10-04-2009: Ngôi nhà đã hoàn thành, đã treo cờ, đã mang bảng hiệu “Hạt kiểm lâm huyện Phú Vang. Trạm bảo vệ rừng Vinh An”. Một khẳng định của bạo quyền!

Từ 10g đến 12g, giáo dân giáp An Bắc đi Đàng Thánh giá tại đài Thánh Giá. Hôm nay là Thứ Sáu Tuần Thánh. Dù nắng nóng, mọi người vẫn suy ngắm và đọc kinh cầu nguyện sốt sắng.

“Ôi Thập tự! Phước lành thế giới,

Nguồn cậy trông cứu rỗi tràn lan,

Xưa nên hình khổ nhục nhằn,

Nay thành ngưỡng cửa Thiên đàng quang vinh.

Này Tế Phẩm trên mình ngươi đó

Đã giang tay quy tụ người trần,

Mặc cho thủ lĩnh thế gian

Tấn công cũng chẳng được phần lợi chi!

Giêsu hỡi! Con quỳ tạ Chúa,

Và Thánh Thần, Thánh Phụ cao tôn,

Giúp con chiến đấu chẳng sờn,

Theo cờ thập tự, thiên môn khải hoàn”.

(Thánh thi trưa Thứ Sáu Tuần Thánh).


Kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người đứng vòng quanh đài Thánh giá phấn khởi đọc kinh “A Rất Thánh Giá”.

Tiếng mõ tưởng niệm ngày Chúa Cứu thế chịu chết đánh chầm chậm đúng 12 giờ trưa, theo truyền thống, thay tiếng chuông, từ nhà thờ xứ đạo rơi nhẹ vào lòng tín hữu: một CON NGƯỜI bị kết án, bị tử hình, bị chôn vào lòng đất vì những quyền lực chà đạp công lý, sự thật, tình thương.

• 20-04-2009: Cha Lê Văn Nghiêm, hai tu sĩ dòng Tên, một ông tân tòng, đến viếng Đài Thánh giá, cầu bình an cho giáo xứ. Cha Nghiêm làm quản xứ An Bằng từ năm 1977 đến 2004. Ngài nói to cho mọi người có mặt nghe rõ: “Rừng dương trước đây cũng như sau này, chính chúng tôi trồng, gánh nước tưới, chăm bón mới được như ngày nay. Sao lại nói rừng của Nhà nước? Dối trá! Bất công!”.

Trong thời gian qua, nhiều giáo dân giáo xứ bạn viếng đài, hiệp thông cầu nguyện. Đặc biệt một số linh mục và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nhiều lần đến thăm giáo xứ và chia sẻ số phận bị bách hại của cộng đoàn An Bằng. Các ngài đã tổ chức cầu nguyện cho An Bằng trong các thánh lễ và các buổi đốt nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình.

• 27-04-2009: Hội đồng giáo xứ nhận được văn thư của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế số 1746/UBND-NĐ đề ngày 23-04-2009, do phó chủ tịch Nguyễn Thị Thúy Hòa ký.

UBND tỉnh “đồng ý chủ trương giao thửa đất có số hiệu 38.2 thuộc tờ bản đồ địa chính số 05, tọa lạc tại khu vực Bắc Thượng, thôn An Bằng, xã Vinh An hiện do UBND xã Vinh An đang quản lý cho Hội đồng giáo xứ An Bằng để xây dựng khu hành lễ của giáo dân giáp An Bắc”.

Đây là lần đầu tiên giáo xứ nhận một văn thư cấp tỉnh. Nhưng khi hỏi UBND xã về vị trí thửa đất có số hiệu trên, xã trả lời không biết!

Văn thư của UBND tỉnh TT-H (23-04-09) - Giấy mời của UBND huyện Phú Vang (18-05-09)

• 02-05-2009: Từ sáng sớm, giáo dân giáp An Bắc chuẩn bị dâng hoa mừng Mẹ Maria dịp đầu tháng Mẹ tại Đài Thánh giá của giáp. Bỗng đâu lúc 9g, đông đảo cán bộ huyện xã tập trung tới, khoảng 30 người. Có cả chủ tịch UBND huyện, bí thư và chủ tịch UBND xã.

Ông chủ tịch huyện Phan Văn Quang mời ông giáp trưởng An Bắc Nguyễn Đức Mân vào “trạm bảo vệ rừng” bên cạnh Đài lễ để làm việc. Ông chủ tịch cấm đóng trại, cấm mở loa. Ông giáp trưởng trả lời:

- Chúng tôi đem mấy tấm bạt lên đây để trải trên cát cho các em dâng hoa khai mạc tháng mừng Mẹ Maria, chứ không đóng trại! Chúng tôi phải mở máy mở loa để các em tổng dượt và chiều nay dâng hoa cho đúng nhịp điệu.

- Chỉ được dùng máy cassette!

- Dân đây xài đầu máy dĩa cả. Hơn nữa, hiện giờ chúng tôi không có băng nhạc cassette!

Anh Phạm Xuân Tuấn, nhà gần đài, cũng bị mời làm việc vì nhà anh mở nhạc đạo sáng nay:

- Không được dùng loa cực mạnh!

- Loa chúng tôi thuộc loại rẻ tiền, chẳng giống loa của xã treo ở các trụ điện, không dây, cực mạnh!

- Phải chấp hành luật phòng hát karaoke!

- Chẳng tôi chỉ mở nhạc trong nhà chúng tôi!

Cán bộ, công an, biên phòng, kiểm lâm và các ban ngành khác thuộc huyện xã vẫn canh gác đến hơn 12g trưa.

Chiều, giáp vẫn tổ chức dâng hoa sốt sắng: sống có Mẹ, chết có Mẹ, Mẹ ơi! Nhóm người theo dõi vẫn còn đó, dù con số ít hơn.

• 11-05-2009: Cán bộ thu dọn hai trại đã đóng hơn một năm nay. Chỉ còn lại ngôi nhà gọi là trạm bảo vệ rừng và năm sáu cán bộ.

• 19-05-2009: Hội đồng giáo xứ nhận được giấy mời của UBND huyện Phú Vang, phòng Tài nguyên Môi trường, số 162/GM-TNMT đề ngày 18-05-2009 do ông Phó trưởng phòng Nguyễn Văn Chính ký.

Văn thư mời ông Văn Đình Trung, chủ tịch HĐGX và ông Nguyễn Đức Mân, giáp trưởng giáp An Bắc, đến hội trường UBND xã Vinh An ngày 21-05-2009, để làm việc giao đất.

• 21-05-2009: Tại hội trường xã lúc 8g30, ông chủ tịch xã Phạm Bình Tịnh chủ tọa buổi làm việc. Cán bộ ban tôn giáo tỉnh, UBND huyện và xã có mặt. Ông chủ tọa xác định thửa đất có số hiệu 38.2 thuộc tờ bản đồ địa chính số 05 là đất hiện giờ ông Lê Đạt đang trồng cây.

Ông giáp trưởng Nguyễn Đức Mân lặp lại ý muốn của toàn thể giáo dân giáp An Bắc là không nhận bất cứ lô đất nào hiện giờ làng hoặc tư nhân đang sử dụng và muốn tiếp tục thờ phượng Chúa tại phần đất truyền thống của giáp từ bấy lâu nay. Cán bộ tôn giáo tỉnh ghi nhận nguyện vọng và hứa nghiên cứu giải quyết.

Tối cùng ngày, lúc 18g30, giáo dân giáp đang sum họp đọc kinh ca hát tôn vinh Mẹ Maria tại đài Thánh giá như thường lệ mọi ngày.

19g30, mọi người ra về. Một anh công an huyện cấp sĩ quan từ trong trạm bảo vệ rừng đi ra tiểu tiện ở gần Đài Thánh giá. Ông giáp trưởng chạy đến yêu cầu đừng làm ô nhiễm nơi tôn nghiêm đồng người tụ họp.

- Tôi đái đấy, anh làm chi tôi!

- Phải tôn trọng vệ sinh chung!

Một anh công an khác nhào tới bên ông giáp trưởng, giọng hống hách:

- Anh muốn chi?

- Tôi muốn làm người lịch sự!

Một anh kiểm lâm đến xoa dịu ông giáp trưởng:

- Thôi, nó đang say!

• 29-05-2009: Sáng nay cán bộ tăng cường lực lượng quanh Đài Thánh giá. Một số gặp các ông trong HĐGX hỏi giáo dân sắp làm gì tại đài.

Thực ra, hôm nay là ngày các giáp trong giáo xứ tạ (ơn) Mẹ cuối tháng. Ngày mai cả giáo xứ tạ Mẹ long trọng. Giáo dân giáp An Bắc làm vệ sinh môi trường tại đài. Không biết cán bộ tại chỗ thông tin sao đó khiến lực lượng cán bộ công an huyện xã kéo tới canh phòng khoảng 20 người.

Lúc 17g, ông giáp trưởng Nguyễn Đức Mân lại bị mời làm việc. Trời sắp mưa, một số bô lão muốn căng mấy tấm bạt đứng đọc kinh. Để tránh phiền phức với cán bộ, tất cả quyết định đứng giữa trời mưa mà tạ Mẹ.

18g, cộng đoàn kiệu tượng Mẹ quanh Đài. Các em nhi đồng múa dâng hoa năm sắc lên Mẹ. Trời mưa to. Mọi người sốt sắng dưới mưa. Cán bộ an toàn trong ngôi nhà bảo vệ rừng.

19g bế mạc. Các em chia sẻ quà tặng. Vui vẻ dù ướt lạnh. Không quên những phần quà cho người nghèo xa gần. Tạ ơn Mẹ.

II- Nhận định

Giáo xứ An Bằng, với mảnh đất nhỏ bé của mình ở giáp An Bắc, tiếp tục bị nhà cầm quyền CSVN -từ cấp xã đến cấp huyện lên cấp tỉnh- sách nhiễu đàn áp, với đủ trò vừa vô lý vừa vô luật, trong mục đích thực thi và duy trì quyền lực độc đoán của mình: quyền sở hữu mọi đất đai dưới trời Nam, quyền sai khiến mọi thần dân trên đất Việt, quyền theo dõi mọi hoạt động, quyền quấy nhiễu mọi cuộc sống, quyền lũng đoạn mọi tập thể.

Trong bản tin hôm nay, sự vô lý (lý thông thường) và vô luật (luật chính đáng) biểu lộ ở chỗ nhà cầm quyền tiếp tục mưu đồ đẩy giáo xứ và các cá nhân hay tập thể xung đột với nhau vì tranh giành đất đai. Thế nhưng giáo xứ vẫn kiên trì bảo vệ lập trường: không lấy đất đang sử dụng của ai đó, dù nhà cầm quyền có cấp đi nữa, một giữ chặt mảnh đất truyền thống của mình, và như thế là mặc nhiên lên án cái “quyền công hữu đất đai” hết sức bất công và khốn nạn của CS.

Sự vô lý và vô luật tiếp đến biểu lộ qua việc cán bộ bắt lâm tặc trở thành cán bộ lâm tặc và trạm kiểm lâm lại dựng ở chỗ rừng dương đã có sở hữu chủ là dân làng! Dân trồng cây, dân bảo vệ cây mình trồng. Ở làng An Bằng từ xưa đến rày lại không có chuyện ăn trộm cây người khác. Nay lần đầu tiên cán bộ vừa lén lút cưa trộm cây của dân vừa ngang nhiên dựng “trạm bảo vệ rừng” trên đất của dân, không một lời thương lượng, không một tiếng xin phép. Thế thì bảo vệ rừng làm gì? Tốn công giữ, phí nhân sự! Không đúng nơi, chẳng hợp hoàn cảnh. Trong lúc rừng cả nước bị tàn phá với tốc độ chóng mặt! Ai phá thì mọi người đã rõ? Thật ra cái gọi là “trạm bảo vệ rừng Vinh An” chỉ là trạm theo dõi, quấy nhiễu mọi hoạt động tôn giáo tại đài lễ, và khi cần thì có thể xóa sạch đài lễ này.

Sự vô lý và vô luật còn biểu lộ qua việc nhà nước quá thừa giờ, thừa người và thừa tiền, để nghe phong thanh một chuyện nào đó tại đài lễ giáp An Bắc (hay giáo xứ An Bằng) là huy động vô số nhân lực, vật lực đến, để chỉ làm mỗi một việc là sách nhiễu, áp bức cuộc sống dân lành, là quấy rối -thậm chí lăng mạ bằng cử chỉ côn đồ vô học- những sinh hoạt tôn giáo của tín hữu. Người dân không bao giờ được yên trong chuyện sinh sống và chuyện giữ đạo, lại còn phải nai lưng nộp thuế để dung dưỡng, duy trì cái bộ máy chính quyền ăn hại suốt bao năm trường.

Chuyện An Bằng phản ảnh chuyện nhiều nơi trong 26 giáo phận tại Việt Nam, chuyện nhiều nơi trong 64 tỉnh và thành phố khắp cả nước. Phản ảnh thói lộng hành của cái đảng tự xưng là đại diện cho giái cấp vô sản, nhưng thật là một đảng cướp tham lam vô độ. “Cái Đảng vô sản này khởi đầu không có một tấc đất nào, sau khi cướp được chính quyền bỗng ban hành cái Luật Đất đai để trong nháy mắt chiếm giữ toàn bộ đất đai, lãnh thổ của dân tộc, rồi “ra ơn” ban phát cho dân được “mượn” và khi cần cướp lại thì dùng từ “thu hồi” (Luật gia Đỗ Thuý Hường). Nó và cái luật của nó đang gây điêu đứng cho cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam và hàng ngàn tập thể dân sự lẫn tôn giáo cả nước. Chỉ có xóa sổ cái chế độ bất công này thì mọi tài sản tinh thần (mọi thứ tự do, nhân quyền) và mọi tài sản vật chất (đất đai nhà cửa) mới được trả lại cho nhân dân.
 
Chuyện Bích Hạnh! Chuyện của tôi!
Trần Xã Đoài
20:46 06/06/2009
Tôi sinh ra giữa lòng đất mẹ Miền Trung, miền đất cằn cỗi với gió Lào và cát trắng. Sự gian khổ của quê hương được biết đến từ thời xa xưa, một đặc trưng nổi tiếng khi nhắc đến vùng đất quê tôi là câu chuyện những ông đồ Nghệ đi khắp nơi mở lớp "gõ đầu trẻ" kiếm sống. Thiên nhiên khắc nghiệt bao trùm cuộc sống của người dân nơi mảnh đất này. Câu chuyện "con cá gỗ" là một câu chuyện rất hay về người xứ Nghệ và nó thường được dân các địa phương khác châm chọc khi nói về người Nghệ. Âu đó cũng là một câu chuyện nói lên cái tính cần kiệm, hiếu học của xứ Nghệ quê tôi. Theo dòng đời đẩy đưa, người Nghệ ra đi, hình ảnh ông đồ hiện đại đang bôn tẩu khắp mọi miền của đất nước hình chữ S.

Một năm trước, tôi cũng là ông đồ Nghệ với bao ước mơ, khát vọng dâng hiến cho lớp trẻ, cho đời.Tốt nghiệp Cử nhân Sư phạm bằng khá tại một trường Đại học danh giá nhất nhì nước về kinh nghiệm đào tạo giáo viên, tôi trở về quê trong tâm trạng khấp khởi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã hoàn thành một quá trình gian nan, mừng vì đã từ đây bố mẹ đỡ nặng gánh lo và mình có thể đỡ đần được bố mẹ phần nào. Nhưng! nỗi mừng chưa kéo dài được bao lâu.

Ra trường, quan trọng nhất là phải tìm cho mình một công việc cụ thể. Với bản tính năng động, tôi đã đi khắp nơi trong tỉnh gõ cửa tìm việc. Từ lâu, tôi đã nghe nói về một sự đau lòng và những hôm giong ruổi đó, tôi mới chứng kiến tận mắt.

Những nơi còn chỉ tiêu nhận người nhưng khi nạp hồ sơ thì chỉ nước chất đống trong kho vì “suất vào trường” đã được dành cho những “con ông cháu cha” hay là những người có “đạn”. Bằng giỏi, bằng khá đâu bằng đồng tiền, phong bì trong đó có những tờ xanh đỏ trở thành thứ “đạn” tối ưu nhất bắn thủng lòng tự trọng của những ông, những bà hiệu trưởng oai vệ, bề ngoài lúc nào cũng nghiêm trang, gương mẫu trước muôn vàn con mắt. Đến xin việc một nơi, ông Hiệu trưởng nọ hỏi ngay “cậu đã chuẩn bị được bao nhiêu rồi”. Hết nói!

Thôi, thì thành thật thưa chưa có. Tôi nhận được cái lắc đầu và cái đuổi khéo ra khỏi nhà. Chắc ông cũng nghĩ có thằng này điên điên, chập chập mới đi xin việc kiểu đem bằng loại ưu ra mà khoe như thế. Một người bạn vừa xin được suất đi dạy học cấp THCS (cấp 2) ở Thanh Hóa bảo phải gom góp vay mượn mãi mới được chừng 40 triệu “cống nạp” cho Hiệu trưởng mới được chiếu cố vào trường. Bậc THPT (cấp 3) ở huyện miền núi cao hơn cấp 3 chừng 20 triệu, ở đồng bằng tùy trường nhưng không dưới 60 triệu. Đó là một sự thật nhiều người biết, cơ quan chức năng như thanh tra, cơ quan kiểm tra Đảng biết sờ sờ nhưng cũng đành chịu trận bởi họ cũng “ăn” như ai.

Tiền không, tôi đành đâm đơn xin đi dạy ở một trường dân lập nọ. Trường dân lập cơ sở vật chất thiếu thốn mà học trò phần lớn ngỗ ngược, việc dạy không có nhiều thuận lợi. Một giáo viên dạy học môn xã hội, ngày ngày đập vào mắt mình bao nhiêu vấn đề lịch sử - chính trị - xã hội. Tôi dạy học sinh với tất cả tâm tình của một người thầy, người anh đi trước hướng dẫn các em nhận thức sự thật lịch sử đã xảy ra. (Ở Đại học các giảng viên cũng dạy cho sinh viên biết những sự thật này). Tôi cố gắng trình bày cho học sinh một cái nhìn mới mẻ, cung cấp cho các em những điều mới mẻ mà tôi biết đó là sự thật, kiểu những chuyện như Lê Văn Tám là hư cấu, những câu chuyện Tô Vĩnh Diện chèn pháo là một tai nạn, những chuyện đảo Hoàng Sa bị bọn phương Bắc xâm chiếm như thế nào và to gan hơn là kể mối tình của Hồ Chí Minh. ...

Câu chuyện đến tai của Ban giám hiệu, tôi bị gọi lên bắt làm bản kiểm điểm. Không cảm thấy gì sai và không có gì áy náy, tôi kháng cự lại lệnh đó. Tôi đấu khẩu với ông Hiệu trưởng và Bí thư đảng ủy của Trường, tôi gửi cho họ cả những dẫn chứng chứng minh, đập lại những việc làm của họ. Kết cục của tôi như thế nào thì ai cũng hiểu. Câu chuyện của tôi ở một trường Dân lập nên cũng không có gì to tát lắm, rồi dần nó cũng qua đi.

Bây giờ làm việc ổn định tại Hà Nội trong một điều kiện mới, tiếp xúc hoạt động với anh em Công giáo nhiều hơn, được nuôi dưỡng trong tâm hồn đại gia đình Giáo hội, tôi cảm thấy mình được an ủi rất nhiều. Có lẽ Chúa đã an bài đời tôi chăng. Và tôi cũng tự nhủ rằng: việc mình can đảm nói lên sự thật mặc dù mình có thể nhận bất công về mình là việc làm đúng đắn.

Đó cũng là con đường nhiều giáo viên, nhất là có niềm tin Kitô khi đứng trên bục giảng phải nói cho những chủ nhân tương lai biết, đừng vì chính trị mà bóp méo sự thật khách quan của lịch sử; đừng vì một thế lực nào đó hay đôi lúc quá coi trọng miếng cơm manh áo mà đánh mất tự trọng nghề giáo của mình.

Tôi cảm thấy khâm phục một số thầy giáo cũ của tôi hiện đang giảng dạy ở Đại học Vinh, có những vị đã can đảm nói lên sự thật cho biết mình sẽ bị đấu tố ở những cuộc họp của Đảng bộ Khoa, Đảng bộ Trường. Họ đã truyền cho lớp giáo viên chúng tôi một niềm tin yêu, tôn trọng sự thật và biết nói lên sự thật.

Hôm nay, qua thông tin trên Internet, tôi lại chứng kiến một việc làm áp đặt sai trái của Ban Tuyên giáo, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam lên bạn Nguyễn Thị Bích Hạnh.

Xem vụ: Cô Giáo bị buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin trên Internet, Đài RFA

Với Bích Hạnh!

Tôi là người Nghệ An, tôi là đồng hương với bạn.

Tôi là người Công giáo, tôi là đồng đạo với bạn.

Tôi từng là một giáo viên dạy cấp 3, tôi là đồng nghiệp với bạn.

Một người chưa bao giờ quen biết hay chưa có dịp gặp mặt, tôi cảm thấy tự hào, tôi cảm phục những việc làm của Hạnh. Tôi cũng cảm phục mảnh đất Vĩnh Hòa nơi đã làm vun đắp nên những con người như Bạn, như ông bố Nguyễn Quốc Anh, Luật sư Lê Quốc Quân và những người vô danh khác. Hạnh đừng băn khoăn vì chọn lựa đứng về sự thật của mình. Chúa sẽ luôn dẫn bước Bạn đi trong tình yêu của Ngài. Mọi người sẽ luôn đứng bên bạn.

Xin chúc Hạnh giành lại được công lý cho mình và vững bước trong cuộc sống, trong nghề nghiệp.
 
Thông Báo
Giáo phận Kontum thông báo về Tuyển Sinh
LM Tôma Nguyễn Văn Thượng
01:36 06/06/2009


Kontum ngày 02 tháng 06 năm 2009

Kính gửi: - Quý Cha, Quý Tu sĩ,
Cùng cộng đồng dân Chúa.

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu sĩ, cùng Cộng Đồng Dân Chúa trong Giáo Phận, chúng tôi xin thông báo việc tuyển sinh cho Chủng viện Thừa Sai Kontum năm nay sẽ được tổ chức như sau:

1. Thời gian: từ 15 giờ ngày 03/08/2009 đến ngày 10/08/2009
2. Địa điểm: Nhà Thờ Đức An, 20 đường Wừu, Tp. Pleiku.
3. Đối tượng tuyển sinh: là những học sinh nam đã tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuổi từ 18 đến 25.
4. Nội dung: Đánh giá về các mặt đạo đức, văn hóa và tri thức.
5. Hồ sơ gồm có:

  • Đơn xin dự khóa tuyển sinh, viết tay, có ý kiến và chữ ký của cha mẹ cùng với lời giới thiệu và chữ ký của cha sở.
  • Các chứng chỉ: Rửa tội, Thêm sức và Chứng thư hôn phối của cha mẹ.
  • Học bạ và Bằng tốt nghiệp phổ thông (hoặc giấy chứng nhận Tốt nghiệp).
  • Sơ yếu lý lịch có xác nhận của xã / phường.
  • Bản sao Chứng minh nhân dân, có công chứng.
  • 3 tấm ảnh 4 x 6
Nộp hồ sơ: - Hạn chót ngày 20/07/2009.
- Địa điểm nộp hồ sơ: * Hạt Kontum: Nộp cho chị Briu, VP TGM.

* Hạt Pleiku: Nộp cho cha Giuse Nguyễn Duy Tài, Nhà thờ Đức An, Tp Pleiku.
Khi đến dự khóa tuyển sinh, các thí sinh đem theo đồ dùng cá nhân.
Xin cám ơn sự hợp tác của quý cha và quý vị.

T/M Ban Tuyển Sinh
 
Thông báo: Các thí sinh dự thi Đại Học năm 2009 thuộc GP Kontum được ở trọ tại TGM Quy Nhơn
LM Phêrô Nguyễn Văn Đông
20:31 06/06/2009
Tòa Giám mục Kontum.
56 Trần Hưng Đạo – Kontum.


THÔNG BÁO
V/v: CÁC THÍ SINH THI ĐẠI HỌC NĂM 2009 - NỘI TRÚ TẠI TÒA GIÁM MỤC QUY NHƠN.


Kính gởi: Quý Cha Sở trong Giáo Phận Kontum.

Đức Cha Địa Phận Quy Nhơn đã chấp thuận đề nghị của Đức Cha Địa Phận Kontum, cho phép các thí sinh dự thi Đại Học năm 2009 thuộc Giáo Phận Kontum được ở trọ tại Tòa Giám Mục Quy Nhơn – 120 Trần Hưng Đạo – Tp Quy Nhơn. Ban Tổ Chức chúng con xin quý cha thông báo cho các phụ huynh cùng các thí sinh muốn đăng ký chỗ ở tại Tòa Giám Mục Quy Nhơn một số điểm như sau:

1. Chúng con nhận đăng ký của các thí sinh Công giáo và ngoài Công giáo (Thí sinh ngoài Công giáo phải có sự bảo lãnh của một phụ huynh Công giáo, hoặc một Linh mục, một Tu Sĩ Công Giáo).
2. Các thí sinh nội trú tại Tòa Giám Mục Quy Nhơn phải tuyệt đối chấp hành nội quy của Ban Tổ Chức. Ai vi phạm sẽ bị sa thải khỏi khu nội trú (cho dù thi chưa xong).
3. Các em phải mang theo chăn màn, đồ dùng cá nhân.
4. Đăng ký phần ăn và đóng tiền ăn khi đến Tòa Giám Mục Quy Nhơn. Chi phí phần ăn dự trù là 60.000 $/1 người/1 ngày (3 bữa).
5. Chi phí quản lý - Điều hành - Y tế - Phục vụ 100.000 đồng/1 em (Giấy tờ văn phòng, điện, nước, thuốc men v.v.. ). Đóng tiền khi đến Tòa Giám Mục Quy Nhơn.
6. Các em Công giáo và ngoài Công giáo (có bảo lãnh) xin đơn và nộp đơn nơi cha sở của mình.
  • Khu vực Kontum xin các cha sở nộp đơn lại cho Cha Đaminh Trương Bảo Tâm – Giáo Xứ Phương Nghĩa – 36 Lý Tự Trọng – Kontum. (ĐT: 060.3864 283). Cha Tâm lo liệu và quyết định phương tiện đi thi và về cho các em.
  • Khu vực Ayun Pa – Krông Pa – IaPa xin các cha sở nộp đơn lại cho Cha F.X Lê Tiên – Giáo Xứ Phú Bổn (059.3852 828). Cha Tiên lo liệu và quyết định phương tiện đi thi và về cho các em.
  • Khu vực An Khê xin các cha sở nộp đơn lại cho Cha Giuse Phạm Minh Công – Nhà Thờ An Khê (ĐT: 059.3832 399). Cha Công lo liệu và quyết định phương tiện đi thi và về cho các em.
  • Khu vực Thành phố Pleiku và các Huyện gần thành phố, xin các cha sở nộp đơn lại cho Cha Phêrô Nguyễn Vân Đông – Giáo Xứ Thăng Thiên (059.3824 713). Khu vực Pleiku - cha Đông phụ trách, tạm thu tiền xe 1 vòng (đi và về) là 120.000.000 đồng/ người. Thí sinh nào đăng ký đi xe của Ban Tổ Chức, nộp tiền xe cho cha sở của mình kèm theo đơn đăng ký.


Đi xe của Ban Tổ Chức: - Đợt 1 tập trung lúc 7 giờ ngày 02. 7. 2009 tại nhà thờ Thăng Thiên.
- Đợt 2 tập trung lúc 7 giờ ngày 07. 7. 2009 tại nhà thờ Thăng Thiên.

Xin các cha phụ trách các khu vực nộp đơn đăng ký chỗ ở của các em về cho cha Đông trước ngày Thứ Ba, 23. 6. 2009, để chúng con tiện việc làm sổ sách. Chúng con chân thành cảm ơn.

NỘI QUY
(Dành cho các thí sinh nội trú tại Tòa Giám Mục Quy Nhơn)

1. Ra vào cổng phải xuất trình thẻ nội trú.
2. Tuyệt đối không được uống rượu, bia trong thời gian nội trú.
3. Tuyệt đối không được chơi cờ bạc.
4. Tuyệt đối không được tắm biển.
5. Không được tự ý đổi chỗ ngủ.
6. Không được tự ý xê dịch giường.
7. Không được hút thuốc trong khuôn viên nội trú.
8. Không tiếp khách trong phòng ngủ.
9. Không được ngồi trên lan can và cửa sổ.
10. Bảo vệ tài sản chung và gìn giữ vệ sinh chung.
11. Tư trang, tiền bạc thí sinh phải tự giữ lấy (hoặc gởi cho BTC)
12. Về Y tế, giấy tờ, ẩm thực, hay bất cứ việc gì cần thiết, xin liên hệ sớm nhất với Ban Tổ Chức.

Ai vi phạm một trong các điều trên, sẽ bị sa thải khỏi nơi nội trú. (Cho dù chưa thi xong)

Kontum, ngày 05 tháng 6 năm 2009

TL. Đức Giám Mục
Trưởng Ban Tổ Chức
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Nắng
Thérésa Nguyễn
06:09 06/06/2009

HOA NẮNG



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Hoa nắng lung linh hé nụ cười

Cợt đùa theo gió tóc buông lơí

Áo xưa trắng quá nguồn thương nhớ

Hạ đến rồi sao bỗng nhớ người.

(Trích thơ của Hương Xuân)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền