Ngày 04-06-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa 3/6/2018
J.B. Đặng Minh An dịch
03:45 04/06/2018
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đề cập đến Bữa Tiệc Ly, nhưng thật đáng ngạc nhiên, bài Tin Mừng tập chú vào việc chuẩn bị bữa ăn tối này nhiều hơn là chính bữa ăn đó. Chúng ta nghe lặp đi lặp lại từ “chuẩn bị”. Chẳng hạn, các môn đệ hỏi: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Mc 14:12). Chúa Giêsu sai họ đi với những chỉ dẫn rõ ràng để các ông thực hiện những chuẩn bị cần thiết và các ông sẽ tìm thấy “một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng”(câu 15). Các môn đệ ra đi để chuẩn bị, nhưng Chúa đã tự chuẩn bị trước rồi.

Một cái gì đó tương tự cũng xảy ra sau biến cố phục sinh khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ lần thứ ba. Trong khi họ đang đánh cá, Người chờ họ trên bãi biển, nơi Người đã chuẩn bị bánh và cá cho họ. Mặc dù vậy, Người nói với các môn đệ đưa đến một số cá mới bắt được, mà chính Người đã chỉ cho họ bắt như thế nào (Ga 21: 6,9-10). Chúa Giêsu đã chuẩn bị và Ngài mời gọi các môn đệ của mình hợp tác. Một lần khác, ngay trước bữa ăn Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em…để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14: 2-3). Chúa Giêsu là người chuẩn bị, nhưng trước lễ Vượt Qua của chính Người, Người cũng kêu gọi chúng ta khẩn thiết, với những lời khích lệ và với các dụ ngôn, để chuẩn bị, và luôn sẵn sàng (Mt 24:44, Lc 12:40).

Như thế, Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta và yêu cầu chúng ta sẵn sàng. Ngài chuẩn bị cho chúng ta những gì? Một nơi chốn và một bữa ăn. Một nơi đáng giá hơn “một phòng rộng rãi đã được dọn sẵn” được đề cập trong Tin Mừng. Đó là một mái nhà rộng rãi bao la dưới thế này, là Giáo Hội, nơi có chỗ và phải có chỗ, cho tất cả mọi người. Nhưng Người cũng dọn một chỗ cho chúng ta trên cao, trên thiên đàng, để chúng ta được ở với Người và với nhau mãi mãi. Bên cạnh một nơi cho chúng ta, Người còn dọn sẵn một bữa ăn, là Bánh tự hiến chính mình cho chúng ta: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14:22). Hai món quà này, một nơi chốn, và một bữa ăn là những gì chúng ta cần để sống. Đó là “phòng và bánh” tột đỉnh của chúng ta. Cả hai đều được ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể.

Chúa Giêsu chuẩn bị một nơi chốn cho chúng ta dưới thế này, vì Thánh Thể là trái tim đang đập của Giáo Hội. Thánh Thể phát sinh và tái sinh Giáo Hội; Thánh Thể tập hợp Giáo Hội lại và ban cho Giáo Hội sức mạnh. Nhưng Thánh Thể cũng chuẩn bị cho chúng ta một nơi trên cao, trong cõi đời đời, vì Thánh Thể là Bánh bởi Trời. Thánh Thể rơi xuống từ cõi trời cao - đó là chất thể duy nhất mang hương vị vĩnh cửu. Đó là Bánh của những gì sắp đến; mà ngay bây giờ, cho chúng ta nếm hưởng trước một tương lai vô hạn lớn hơn tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng hay tưởng tượng ra. Đó là bánh đáp ứng những trông đợi lớn nhất của chúng ta và thành toàn những giấc mơ đẹp nhất của chúng ta. Nói tắt một lời, đó là bảo chứng của sự sống đời đời, không chỉ là một lời hứa nhưng là một bảo chứng, một trông đợi cụ thể về những gì đang chờ đón chúng ta ở đó. Thánh Thể là “chỗ đặt trước” của chúng ta tại bàn tiệc trên trời; là chính Chúa Giêsu là lương thực của chúng ta trong hành trình hướng tới sự sống và hạnh phúc đời đời.

Trong hình bánh đã được thánh hiến, cùng với một nơi chốn, Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta một bữa ăn, là phần lương nuôi dưỡng dưỡng chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta liên tục cần phải được nuôi dưỡng không chỉ với lương thực nhưng còn với cả những dự tính và tình cảm, hy vọng và ao ước. Chúng ta đói được yêu thương. Nhưng những lời khen thú vị nhất, những món quà tốt nhất, và những công nghệ tiên tiến nhất vẫn chưa đủ; chúng không bao giờ thỏa mãn hoàn toàn chúng ta. Thánh Thể là lương thực đơn giản, như bánh mì, nhưng đó là thức ăn duy nhất thỏa mãn chúng ta vì không có gì cao trọng hơn tình yêu. Ở đó chúng ta gặp Chúa Giêsu thật sự; chúng ta chia sẻ cuộc sống với Ngài và cảm nhận được tình yêu của Ngài. Ở đó anh chị em có thể nhận ra rằng cái chết và sự phục sinh của Người là dành cho mình. Và khi anh chị em thờ phượng Chúa Giêsu trong Thánh Thể, anh chị em nhận được nơi Ngài Chúa Thánh Thần, sự bình an và niềm vui.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chọn lương thực sự sống này! Chúng ta hãy dành ưu tiên cho các thánh lễ! Chúng ta hãy tái khám phá việc tôn thờ Thánh Thể trong cộng đoàn chúng ta! Chúng ta hãy cầu xin ân sủng biết đói khát Thiên Chúa, với một mong muốn đến tột cùng là nhận được những gì Người đã chuẩn bị cho chúng ta.

Như Người đã làm với các môn đệ của mình, hôm nay chúng ta cũng hãy xin Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta. Như các môn đệ Người, chúng ta hãy hỏi Người: “Thầy muốn chúng con đi dọn ở đâu?” Ở đâu: Chúa Giêsu không thích những nơi độc quyền, có chọn lọc. Người tìm những nơi chưa được rung động bởi tình yêu, chưa được rung động bởi hy vọng. Những nơi khó chịu là những nơi Người muốn đến và yêu cầu chúng ta dọn đường. Biết bao người không có nhà cửa cho ra hồn hay lương thực để ăn! Tất cả chúng ta đều biết ai là những người cô đơn, gặp rắc rối và túng quẫn: họ là những nhà tạm bị bỏ rơi. Chúng ta, những người nhận được từ Chúa Giêsu phòng riêng và bánh, đang ở đây để chuẩn bị một nơi và lương thực cho anh chị em đang quẫn bách của chúng ta. Chúa Giêsu đã trở nên bánh bẻ ra vì chúng ta; đến lượt chúng ta, Người yêu cầu chúng ta trao ban chính mình cho người khác, không sống cho chính mình nữa nhưng sống cho nhau. Như thế, chúng ta sống “một cách thánh thể”, khi tuôn đổ ra trên thế giới tình yêu chúng ta kín múc từ nhiệm thể Chúa. Thánh Thể được diễn dịch thành cuộc sống khi chúng ta truyền bá vượt quá chính mình để đến với những người chung quanh chúng ta.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng “Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành” (câu 16). Chúa mời gọi chúng ta hôm nay chuẩn bị cho Ngài đến không phải bằng cách giữ khoảng cách nhưng tiến vào các thành phố. Điều đó bao gồm cả thành phố này, với chính cái tên là Ostia - có nghĩa là lối vào, cửa ra vào. Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con mở bao nhiêu cánh cửa cho Chúa ở đây? Có bao nhiêu cánh cổng Chúa muốn chúng con mở ra, bao nhiêu bức tường chúng con phải xô xuống? Chúa Giêsu muốn xô đổ những bức tường của sự thờ ơ, sự yên lặng đồng lõa, Người muốn bẻ gãy những thanh sắt của sự áp bức và kiêu ngạo, và những con đường phải được dọn sạch cho công lý, lễ độ và chính đáng. Bãi biển rộng lớn của thành phố này nói với chúng ta đẹp làm sao khi chúng ta mở lòng mình ra và cất bước theo những hướng mới trong cuộc đời. Nhưng điều này đòi hỏi phải nới lỏng các nút thắt đang giữ chặt chúng ta trong những bến bờ của sự sợ hãi và thối chí. Thánh Thể mời gọi chúng ta hãy để cho mình bị cuốn trôi bởi ngọn sóng là Chúa Giêsu, đừng buộc chặt vào bờ với hy vọng mong manh rồi chuyện gì đó có thể xảy ra, nhưng hãy thả lưới chỗ sâu, tự do, can đảm và hiệp nhất

Tin Mừng kết thúc bằng cách nói với chúng ta rằng “Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ô-liu”(câu 26). Vào cuối Thánh Lễ này, cả chúng ta cũng sẽ ra ngoài; chúng ta sẽ tiến bước với Chúa Giêsu, Đấng sẽ rảo quanh các đường phố của thành phố này. Chúa Giêsu muốn ở giữa anh chị em. Ngài muốn trở thành một phần của cuộc sống anh chị em, muốn vào nhà anh chị em và muốn ban cho anh chị em Lòng Thương Xót có năng lực giải thoát, cùng với phép lành và sự ủi an của Ngài. Anh chị em đã trải qua những tình huống đau đớn; Chúa muốn gần gũi anh chị em. Chúng ta hãy mở cửa cho Ngài và nói:

Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm.

Chúng con chào đón Người trong tâm hồn,

Trong gia đình và trong thành phố của chúng con.

Chúng con tạ ơn Chúa đã chuẩn bị cho chúng con thần lương sự sống và một chỗ trên Nước Trời.

Xin cho chúng con trở nên năng động trong việc dọn đường cho Chúa,

hân hoan đưa Chúa, là Đường, đến với tha nhân,

và qua đó mang tình huynh đệ, công lý và hòa bình đến các phố xá của chúng con. Amen.


Source: Libreria Editrice Vaticana HOLY MASS, PROCESSION AND EUCHARISTIC BLESSING ON THE SOLEMNITY OF THE MOST HOLY BODY AND BLOOD OF CHRIST HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Square in front of the Santa Monica parish in Ostia Sunday, 3 June 2018
 
Các công ty dầu khí thế giới về Vatican họp hội nghị
Nguyễn Long Thao
09:55 04/06/2018
VATICAN CITY (Reuters) – Tòa Thánh Vatican sẽ đứng ra tổ chức hội nghị giữa các giám đốc điều hành của các công ty dầu khí hàng đầu thế giới để bàn về vấn đề biến đổi khí hậu và thay thế nhiên liệu hoá thạch.

Hội nghị có tựa đề “Chuyển tiếp năng lượng và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta” sẽ do trường Đại Học Notre Dame điều hành và được tổ chức tại Học viện Khoa Học Giáo Hoàng trong khu vườn Vatican được gọi là Casina Pio IV

Theo dự kiến, các vị đứng đầu hoặc giám đốc điều hành các công ty dầu quốc tế như Exxon Mobil, Eni, BP, Royal Dutch Shell và Pemex sẽ tham dự hội nghị. Các công ty Exxon, BP và Equinor của Na Uy đã tuyên bố tham dự hội nghị nhưng công ty xăng dầu Shell từ chối bình luận.

Nhằm đạt mục tiêu thoả ước khí hậu Paris ký năm 2015, ngành công nghiệp dầu khí đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư, các nhà hoạt động đòi hỏi các công ty dầu khí phải giảm bớt khí thải nhà kiếng.

Và để đáp ứng mục tiêu vào cuối thế kỷ 21 toàn cầu không còn khí thải nhà kiếng, các công ty dầu khí đang cố gắng cung cấp khí đốt là nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm nhất, và ở mức độ ít hơn, các công ty cũng đang cố gắng cung cấp năng lượng tái tạo như gió, mặt trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng thế giới.

Nguyễn Long Thao
 
Trước Thềm Giải Bóng Đá Thế Giới, Vatican Phát Hành Văn Kiện Đầu Tiên Về Thể Thao
Nguyễn Kim Ngân
14:07 04/06/2018
Trước Thềm Giải Bóng Đá Thế Giới Vatican Phát Hành Văn Kiện Đầu Tiên Về Thể Thao

Theo Zenit, ngày 1 tháng 6, 2018, Văn Phòng đặc trách Giáo Dân, Gia Đình và Đời Sống vừa cho phát hành tài liệu mang tựa đề “Cống Hiến Hết Mình. Phối Cảnh Kitô Giáo về Thể Thao và Nhân Vị.” Đây là văn kiện đầu tiên của Tòa Thánh về thể thao.

Văn kiện gồm 5 chương: Chương 1: tương quan giữa Giáo Hội và thể thao; Chương 2 & 3: mô tả hiện tượng thể thao dưới nhãn quan nhân vị; Chương 4: một vài thách đố hiện nay thể thao phải đối diện; Chương 5: Giáo Hội và đường hướng tiếp cận thể thao.

Ngày 1 tháng 6, 2018 vừa qua, trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, bản văn trên đã được giới thiệu bởi Đức Hồng Y Kevin Farrell, Giám Đốc Văn Phòng; nhà nghiên cứu Antonella Stelitano, thành viên Hội Lịch Sử Thể Thao Ý; Linh Mục Dòng Tên, Patrick Kelly, Giáo Sư Thần Học tại Seattle University (Hoa Kỳ); và Santiago Perez de Camino, chuyên trách Phòng “Giáo Hội và Thể Thao.”

Đức Hồng Y (ĐHY) Farrell cho biết rằng văn kiện đã được cưu mang bởi Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ủy thác cho nhiệm vụ phối hợp các ủy hội thể thao cấp quốc tế và quốc gia cũng như truyền cảm hứng cho các giáo hội địa phương trong ý thức canh tân mục vụ về lãnh vực thể dục thể thao.

ĐHY giải thích thêm rằng văn kiện không hề có tham vọng giải đáp tất cả các vấn nạn và thách đố mà thế giới thể thao đang đặt ra hiện nay, nhưng là tìm cách “kiểm điểm” lại mối tương quan giữa thể thao và kinh nghiệm đức tin, cũng như trình bầy một viễn kiến Kitô giáo về sinh hoạt thể thao.

“Cống hiến hết mỉnh,” theo ĐHY, rõ ràng là một “cách diễn tả có thể áp dụng cả cho lãnh vực thể thao lẫn đức tin.” “Quả vậy,” ĐHY nói thêm, “một mặt, nó cho thấy nỗ lực và hy sinh mà một thể tháo gia phải trải qua trong đời để có thể vươn tới chiến thắng hoặc đạt tới mục tiêu. Về mặt đức tin cũng thế, tất cả chúng ta đều được mời gọi cố gắng hết mình để nên thánh, đó là điều Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã cho thấy trong Tông Huấn “Gaudete et exsultate,” lời mời gọi phổ quát, gửi đến tất cả mọi người, bao gồm cả các thể tháo gia.”

ĐHY ghi nhận: “Không phải là ngẫu nhiên khi ĐTC viết kèm trong văn kiện này rằng: các bộ môn thể thao có thể trở thành một công cụ để gặp gỡ, đào luyện, truyền giáo, và thánh hóa.”

“Đây không phải là một văn kiện dành cho các bậc học giả hay các nhà nghiên cứu, mà là một suy tư về thực trạng thể thao hiện nay, có kèm theo những bằng chứng và đề nghị chắc chắn rất hữu ích, không chỉ cho các Hội Đồng Giám Mục và các giáo phận trong việc khai triển một đường hướng tiếp cận với thể thao, mà còn cho các câu lạc bộ và hội đoàn không chuyên, cũng như cho từng cá nhân các lực sĩ, trong việc suy tư về cuộc sống Kitô giáo và về cách thức tập luyện thể thao.”

Theo công bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, các vị có tên sau đây đã góp công soạn thảo văn kiện: Daniele Pasquini, Trung Tâm Trưởng trung tâm thể thao CDI ở Roma; Dries Vanysacker, Giáo Sư Thần Học Đại Học Louvain (Bỉ Quốc); Alexandre Borges de Magalhaes, Phối Trí Viên Trưởng phong trào Đời Sống Kitô Giáo tại Peru; và Manoj Sunny, cựu lực sĩ Thế Vận Hội tại Ấn Độ và Sáng Lập Viên Phong Trào ‘Giới Trẻ Giêsu.”

Nguồn: The Document: https://zenit.org/articles/giving-the-best-of-yourself-the-vaticans-new-document-on-sport/

6/4/2018

Nguyễn Kim Ngân
 
Tin mới nhất: Tối Cao Pháp Viện phán quyết thuận cho người làm bánh từ chối phục vụ đám cưới đồng tính.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:51 04/06/2018
(EWTN News/CNA) Vào hôm thứ hai ngày 4 tháng Sáu, Tối Cao Pháp Viện đã ra án quyết thuận cho một người làm bánh ở Colorado từ chối làm bánh cưới cho một cặp đồng tính vào năm 2012.

Với quyết định 7-2 trong vụ kiện tiệm bánh Masterpiece Cake chống lại Ủy Ban Dân Quyền Colorado có thể là một phán quyết mang tính bước ngoặc cho các trường hợp vì tự do tôn giáo và lương tâm.

Quan điểm đa số đã được tuyên phán bởi Thẩm Phán Anthony Kennedy. Hai Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg và Sonia Sotomayor bất đồng. Thẩm Phán Clarence Thomas có cùng quan điểm với bản án.

Vụ án tiệm bánh trở lại lúc đầu vào tháng Bẩy 2012, khi chủ tiệm là Jack Phillips được hai gã đồng tính bước vào đặt mua bánh cưới cho họ.

Chủ nhân giải thích là ông không thể làm bánh cho đám cưới đồng tính, vì làm như vậy là một vi phạm đến niềm tin Kitô của ông. Phillips nói rằng ông cũng sẽ từ chối làm một số loại bánh khác, gồm bánh ngày lễ Hồn ma, tiệc độc thân, ly dị, bánh có nguyên liệu pha rượu và bánh với những lời nhắn vô thần.

Thế là cặp đồng tính này nộp đơn khiếu nạn với Ủy Ban Dân Quyền Colorado vì cho là kỳ thị.

Ủy ban này ra lệnh cho Phillips phục vụ các đám cưới đồng tính và phải tham dự buổi huấn luyện chống phân biệt đối xử. Trong phiên điều trần vào năm 2014, Viên chức của Ủy ban dân sự là Diann Rice đã so sánh việc từ chối phục vụ những đám cưới đồng tính của chủ tiệm với sự biện minh cho chế độ diệt chủng và nô lệ.

Hiệp hội Bảo Vệ Tự Do đã đưa vụ của Phillips ra tòa. Ông đã bị thua trước một chánh án chủ tọa vào năm 2013, đã phán quyết rằng tiểu bang có thể xác định quyền tự do ngôn luận của ông là bất hợp pháp khi nó vi phạm quyền những của người khác.

Thế là Phillips kháng cáo lên ủy ban nhân quyền của tiểu bang và họ ra phán quyết chống lại ông. Ông lại tiếp tục kháng cáo lên Tòa Kháng Án tiểu bang và họ cũng ra phán quyết chống lại ông. Tòa án Tối Cao Colorado không nhận xử vụ án của Phillips.

Vụ án được kháng cáo lên Tối Cáo Pháp Viện. Nó được tái sắp xếp nhiều lần qua mùa đông rồi đến mùa xuân của năm 2017 trước khi Tòa này nhận xử vụ án.

Phillips nói rằng ông bắt đầu vào nghề ở Lakewood, Colorado vào năm 1993 như là sự kết hợp hai sở thích của mình, làm bánh và nghệ thuật. Phillips đặt tên cho tiệm bánh của mình là “Masterpiece” bởi vì ông tập chú nghệ thuật vào tác phẩm của ông và cũng bởi vì niềm tin Kitô của ông. Ông lấy từ Bài Giảng Trên Núi trong Phúc Âm của Thánh Matthêu, đặc biệt là lệnh truyền “không ai có thể làm tôi hai chủ” và “con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được.”

Phillips nói về việc kinh doanh của mình trước một bồi thầm đoàn vào tháng Chín năm ngoái rằng“Tôi không mở tiệm bánh để có thể kiếm thật nhiều tiền. Tôi mở tiệm là để sáng tạo nghệ thuật, làm chiếc bánh mà tôi thích và phục vụ Thiên Chúa, Đấng tôi yêu mến.”

Phillips nói rằng trải qua bao thử thách, ông đã phải trả một giá rất mắc cho thế đứng của mình, thiệt hại 40 phần trăm lợi tức của gia đình và mất hơn một nửa nhân công.

Phillips nói rằng ông đã nhận được những cú điện thoại đe dọa ngay sau khi cặp đồng tính ra khỏi tiệm. Một cú điện thoại đe dọa chết người rất nghiêm trọng, chị và cháu gái của ông đang ở trong tiệm đã phải trốn vào phòng phía sau cho đến khi cảnh sát tới.

Những luật sư của Hiệp hội Bảo Vệ Tư Do lập luận rằng Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ quyền tự do diễn tả như một nghệ nhân của Phillips.

Nhóm luật sư nói rằng Ủy Ban Nhân Quyền không thể bắt ép tính nghệ thuật của Phillip, cả chính quyền cũng không thể đàn áp được. Hơn nữa sự xung khắc giữa quyền tự do của Phillips là một nghệ nhân và những ước muốn của khách hàng của ông nên được giải quyết bởi chính những người dân này chứ không phải bởi chính quyền.

Phán quyết này chắc sẽ kéo theo những kết quả sâu rộng khác, đặc biệt trong việc xác định mức độ bảo vê quyền tự do tôn giáo theo quyết định của Tòa Tối Cao vào năm 2013 tái định nghĩa hôn nhân bao gồm các cặp đồng tính. Người làm hoa, thợ nhiếp ảnh và những người cung cấp dịch vụ đám cưới khác sẽ phải đối mặt với những vụ kiện cáo buộc phân biệt đối xử vì từ chối các nghi lễ đồng tính.

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ và các nhóm Công Giáo khác đã trình bày quan điểm trong môt bản tóm tắt “Có trường hợp còn đi xa hơn nữa chứ không phải chỉ đơn giản là Phillips phải nướng một cái bánh. Đó là quyền tự do được sống theo niềm tin tôn giáo của mình trong cuộc sống hàng ngày, trong khi làm như vậy, thăng tiến lợi ích chung.”

Dân biểu Mike Johnson (Cộng Hòa –La) đã phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Hoa Kỳ rằng đây có thể là một trong những vụ án Tu Chính Án Thứ Nhất quan trọng hàng đầu về quyền tự do ngôn luận và tự do thực hành tôn giáo trong một thế kỷ hay dài hơn nữa và nó có thể là một biến cố lịch sự, mang tính địa chấn của luật Tu Chính Án Thứ Nhất.


Source: EWTN News Breaking: Supreme Court rules in favor of baker who declined to serve gay wedding
 
Vatian không chấp thuận cho người phối ngẫu theo đạo Tin Lành, kết hôn với người Công Giáo được rước lễ.
Nguyễn Long Thao
17:10 04/06/2018
VATICAN CITY (Reuters) - Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chính thức cho các Giám Mục Đức biết Vatian không chấp thuận cho người phối ngẫu theo đạo Tin Lành, kết hôn với người Công Giáo được rước lễ.

Vấn đề người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo có được rước lễ hay không là đề tài tranh luận ở Đức từ lâu. Ngay cả Tổng Thống Đức Frank-Walter Steinmeier, theo đạo Tin Lành, có vợ là người Công Giáo cũng đã tham gia cuộc tranh luận này.

Quyết định của ĐGH được nói rõ trong văn thư của Đức Tổng Giám Mục Luis Ladaria, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý, gửi cho Đức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức.

Cơ quan truyền thông Công Giáo Đức Kath.net cũng như Tòa Thánh Vatican đều xác nhận văn thư nói trên là trung thực.

Đa số các Giám Mục Đức đã bỏ phiếu trong năm nay đưa ra hướng dẫn để một người phối ngẫu theo đạo Tin Lành, kết hôn với người Công Giáo, được dễ dàng rước Mình và Máu Thánh Chúa.

Người Công Giáo tin rằng sau khi truyền phép mình thánh, bánh và rượu trở thành Mình Và Máu Chúa Kitô. Còn người Tin Lành thì tin là Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể.

Hiện nay Giáo Hội Công Giáo chỉ cho người Tin Lành được rước Mình và Máu Thánh Chúa Kitô trong trường hợp mạng sống bị đe dọa.

Nhiều Giám Mục Đức ủng hộ cho người Tin Lành được rước lễ thì cũng có 7 Giám Mục Đức phản đối việc này. Các Ngài nói rằng vấn đề Mình và Máu Thánh Chúa Kitô là trung tâm của đức tin Công Giáo thì vấn đề không nên được quyết định bởi các giáo hội địa phương.

Trong bức thư gửi Hội Đồng Giám Mục Đức, Đức Tổng Giám Mục Ladaria cũng nói rằng tài liệu của Giáo Hội Đức nêu lên là vấn đề liên quan đến toàn thể Giáo Hội, chứ không chỉ riêng Giáo Hội Đức.

Các giới chức Công Giáo ở các nước khác cũng lập luận rằng sự thay đổi như vậy sẽ làm loãng danh tính Công Giáo và gây nhầm lẫn cho tín hữu.

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput ở Philadelphia cho rằng đây sẽ là “giai đoạn đầu tiên trong việc mở rộng việc rước lễ cho tất cả những người Tin Lành… vì hôn nhân rốt ráo không phải là lý do duy nhất để cho người ngoài Công Giáo được rước lễ.”.

Nguyễn Long Thao
 
Hội Đồng GM Hoa Kỳ và các nhóm tự do tôn giáo ca ngợi phán quyết của Tòa án Tối cao HK
Trần Mạnh Trác
19:32 04/06/2018
Hội đồng GM Hoa Kỳ và nhiều nhóm tranh đấu cho tự do tôn giáo đã ca ngợi tỷ số thuyết phục là 7-2 cuả Tòa án Tối cao phán quyết rằng quyền cuả người làm bánh ở Colorado đã bị vi phạm khi ủy ban dân quyền cuả tiểu bang đòi hỏi ông phải làm bánh cho một đám cưới cùng giới tính.

"Quyết định ngày hôm nay xác nhận rằng người tín hữu không nên bị phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo sâu sắc của họ, nhưng nên được tôn trọng bởi các quan chức chính phủ", theo lời cuả nhiều vị lãnh đạo Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ.

“Điều này mở rộng cho các ngành nghề có tính cách sáng tạo, chẳng hạn như ông Jack Phillips, là người tìm kiếm sự phục vụ Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Trong một xã hội đa nguyên giống như cuả chúng ta, sự khoan dung thực sự cho phép những người có quan điểm khác nhau được tự do sống theo niềm tin của họ, ngay cả khi niềm tin đó không được chính phủ ưa chuộng. "

Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của giáo phận Louisville, chủ tịch ủy ban tự do tôn giáo của hội đồng giám mục, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput cuả Tổng giáo phận Philadelphia, Trưởng ban Ủy ban về Giáo Dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Thanh niên, và Giám mục James Conley của giáo phận Lincoln, chủ tịch Tiểu ban Xúc tiến và Bảo Vệ Hôn nhân, đã phát hành một tuyên bố chung hôm thứ hai để hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ kiện ‘Masterpiece Cakeshop chống Ủy ban Dân quyền Colorado.’

Tòa án tối cao đã đứng về phiá người sở hữu chủ Cakeshop Jack là ông Phillips, toà án nói rằng Ủy ban Dân quyền Colorado đã tỏ ra một sự thù địch đối với tôn giáo không thể chấp nhận được khi họ phán quyết rằng ông đã phân biệt đối xử với một cặp vợ chồng đồng tính khi cặp này đòi đặt một chiếc bánh cưới hồi năm 2012.

Ông Phillips, một Kitô hữu mộ đạo, đã nói nhiều lần trong suốt vụ việc rằng ông sẽ không có vấn đề bán cho khách hàng đồng tính những chiếc bánh khác chứ không phải là một chiếc bánh được trang trí đặc biệt cho một đám cưới cùng giới tính. Vì niềm tin tôn giáo của mình, ông cũng từ chối nhận làm bánh Halloween, hoặc các sản phẩm có rượu và bánh cho các bữa tiệc liên hoan độc thân (tiệc dành riêng cho chú rể trước ngày lễ cưới).

Tuy tòa án đã không thiết lập nên một tiền lệ lớn, và thay vào đó đã chỉ ban quyết định cho trường hợp cụ thể này thôi. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Phillips cho biết quyết định vẫn đánh dấu một chiến thắng quan trọng.

“Sự thù địch của chính phủ đối với những người có đức tin thì không còn chỗ đứng trong xã hội chúng ta, nhưng tiểu bang Colorado đã công khai chống lại niềm tin tôn giáo của ông Jack. Tòa án có lý khi lên án điều đó, ” theo lời bà Kristen Wagoner, cố vấn cao cấp của Liên minh Bảo vệ Tự do (Alliance Defending Freedom), đại diện cho ông Phillips.

“Khoan dung và tôn trọng sự khác biệt niềm tin là quan trọng trong xã hội chúng ta. Quyết định này vạch ra cách rõ ràng rằng chính phủ phải tôn trọng niềm tin của ông Jack về hôn nhân, ” bà Wagoner nói trong bản tuyên bố.

"Điều mà Tòa án giải quyết thì là hẹp," theo lời ông Brian Miller, luật sư cuả trung tâm bảo vệ các quyền cá nhân (Center for Individual Rights) , "và nhấn mạnh rằng nó có vẻ bảo vệ cả hai phiá, chống phân biệt đối xử và bảo vệ tự do tôn giáo. Nguyên tắc đó sẽ rất quan trọng mà các tiểu bang cần phải ghi nhớ về sau. "

Chủ tịch cuả luật sư đoàn Becket Law là Mark Rienzi thì mở rộng hơn nữa về điều này, nói rằng, “Tòa án đã nói với một đa số 7-2 rằng Hiến pháp yêu cầu tất cả chúng ta phải cố gắng hòa thuận với nhau. Trong xã hội của chúng ta có đủ chỗ cho một sự đa dạng về quan điểm, và điều đó bao gồm việc tôn trọng niềm tin tôn giáo. ”

Tuy nhiên giáo sư luật ở đại học Princeton là Robert George thì cảnh báo rằng các lý do đằng sau phán quyết có thể được sử dụng để chống lại tự do tôn giáo trong tương lai.

"Vẫn có một nguy cơ rằng các quan chức nhà nước sẽ giải thích rằng nếu họ không tiết lộ các lời giải thích chống lại các Kitô hữu hoặc tôn giáo trong báo cáo công khai, thì những quyết định phân biệt đối xử trong việc cấp phép vẫn không bị coi là chống lại Kitô hữu và tôn giáo ", ông cảnh báo .

Tuy nhiên, ông nói, nhờ quyết định này mà người ta đã có thể có một cái nhìn lạc quan về vị thẩm phán mới nhất của tòa án, là thẩm phán Neil Gorsuch.

Nhờ những quan điểm được viết ra bởi hai thẩm phán Neil Gorsuch và Clarence Thomas mà người ta thấy được các lý do chính cuả phán quyết, và trong khi vị thẩm phán Anthony Kennedy viết ý kiến cho đa số nhưng “tuy phù hợp nhưng lại thiếu sót” cho đến khi người ta được bổ sung nhờ những điễm chính mà thẩm phán Gorsuch thêm vào.

"Trường hợp này cho thấy rằng thẩm phán Gorsuch không chỉ là một người trung thành với quan điểm lập hiến, ông còn có tiềm năng sẽ trở thành một trong những vị thẩm phán vĩ đại nhất của lịch sử," GS George nói.
 
Đức Phanxicô với phái đoàn Chính Thống Nga: Các Giáo Hội Qui Hiệp không còn là trở ngại cho Đại Kết nữa
Vũ Văn An
19:50 04/06/2018
Ngày 2 tháng 6 vừa qua, Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã cho công bố lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với phái đoàn Chính Thống Giáo Nga, ngày 30 tháng năm, tại Đại Sảnh Phaolô VI, trước cuộc triều kiến chung ngày 30 tháng 5.



Khi chào mừng phái đoàn, ngài nói với họ rằng “phong trào qui hiệp (uniatism) như con đường hợp nhất ngày nay không còn giá trị nữa”. Chủ trương này tuy đã có từ mấy thập niên nay, nhưng được Đức Phanxicô nhấn mạnh một cách đặc biệt với phái đoàn Chính Thống Nga.

Nhân dịp này, ngài đoan hứa sẽ không can thiệp “vào các vấn đề nội bộ của Giáo Hội Chính Thống Nga cũng như các vấn đề chính trị...Và những người pha mình vào đó là không vâng lời Tòa Thánh”.

Sau đây là nguyên văn lời Đức Phanxicô nói với Phái Đoàn Chính Thống Nga:

Xin cám ơn rất nhiều chuyến viếng thăm của anh chị em, và cả cuộc gặp gỡ này nữa; nó giúp chúng ta rất nhiều trong việc sống đức tin của chúng ta trong hợp nhất và hy vọng cùng sánh bước với nhau. Tôi sung sướng được đi con đường hợp nhất với anh chị em: con đường duy nhất hứa hẹn với chúng ta một điều chắc chắn, vì con đường chia rẽ dẫn chúng ta tới chiến tranh và hủy diệt. Và trước mặt ngài, thưa hiền huynh thân mến, và trước mặt anh chị em tất cả, tôi muốn nhắc lại, một cách đặc biệt, rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ không bao giờ cho phép thái độ chia rẽ phát xuất từ người dân của mình. Chúng tôi sẽ không bao giờ tự cho phép mình làm điều đó, tôi không muốn thế. Ở Mạc Tư Khoa, ở nước Nga, chỉ có một Tòa Thượng Phụ: đó là Tòa Thượng Phụ của anh chị em. Chúng ta sẽ không có một tòa thượng phụ nào nữa. Và khi một tín hữu Công Giáo, bất luận là giáo dân, linh mục hay giám mục, phất cờ của Phong Trào Qui Hiệp, một phong trào không còn nữa, nó đã qua đi, thì điều này gây đau đớn cho tôi. Các Giáo Hội hợp nhất với Rôma phải được tôn trọng, nhưng Phong Trào Qui Hiệp như con đường hợp nhất thì ngày nay không còn giá trị nữa. Thay vào đó, tôi được an ủi khi khám phá ra điều này: những bàn tay mở rộng, những ôm hôn huynh đệ, cùng nhau suy nghĩ, và đồng hành. Đại kết được tạo ra bằng việc đồng hành. Chúng ta sánh bước. Một số người nghĩ, một cách không đúng, rằng trước hết phải có thỏa thuận về tín lý, về mọi điểm gây chia rẽ, rồi sau đó, mới đồng hành. Điều này không đúng đối với Đại Kết, vì chúng ta không biết khi nào thỏa thuận mới tới. Có lần tôi nghe một người của Giáo Hội nói, ngài đúng là người của Thiên Chúa, “Con biết ngày nào thỏa thuận về tín lý sẽ được ký kết”. Họ hỏi ngài: “Ngày nào?”, “Ngày sau khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang!” Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu thần học, làm sáng tỏ các điểm, nhưng trong khi ấy, chúng ta hãy cùng sánh bước với nhau, ta đừng đợi cho các điều này được giải quyết rồi mới sánh bước, không. Chúng ta đồng hành với nhau nhưng làm cả điều này nữa: bước đi trong yêu thương, trong cầu nguyện; như trong điển hình hài tích. Cùng nhau cầu nguyện, cho nhau, trong đối thoại. Điều này rất tốt. Cuộc gặp gỡ với Đức Kirill rất tốt đối với tôi, tôi đã tìm được một người anh em. Và nay, một cách thiêng liêng, chúng ta cùng sánh bước.

Và xin một ít lời nữa trước khi kết thúc. Một lời về lòng tôn trọng của người Công Giáo đối với anh chị em, các anh chị em Chính Thống Nga: Giáo Hội Công Giáo, các Giáo Hội Công Giáo không được can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Giáo Hội Chính Thống Nga, cả các vấn đề chính trị nữa. Đó là thái độ của tôi, và là thái độ của Tòa Thánh hiện nay. Và những người pha mình vào là không vâng lời Tòa Thánh. Điều ấy muốn nói tới chính trị. Điều thứ hai: lòng đạo đức. Điều quan trọng là chúng ta cầu nguyện cho nhau, cả trong lời cầu nguyện riêng nữa. Chúng ta biết các anh chị em mới, và rồi cũng có lời cầu nguyện riêng. Tôi muốn ngỏ với anh chị em điều này: khi tôi gặp Thượng Phụ, sau đó, ngài gửi cho tôi hài tích của Thánh Seraphim. Tôi giữ hài tích này trên giá đêm của tôi, và mỗi đêm, trước khi đi ngủ, và mỗi sáng, khi thức dậy, tôi đều tôn kính hài tích này và cầu nguyện cho sự hợp nhất của chúng ta.

Xin cám ơn anh chị em rất nhiều. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Chúng ta hãy chúc lành cho nhau. Chúng ta hãy sánh bước với nhau. Cám ơn anh chị em.

Phong Trào Qui Hiệp đi vào dĩ vãng

Việc Phong Trào Qui Hiệp đi vào dĩ vãng ít nhất đã diễn ra chính thức với công bố chung tháng 6 năm 1993 tại Trường Thần Học Balamand ở Lebanon của Ủy Ban Hỗn Hợp Đối Thoại Thần Học Quốc Tế Giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hội Chính Thống.

Công bố chung trên có tên là “Phong Trào Qui Hiệp, phương pháp hợp nhất của quá khứ, và cuộc tìm kiếm hiệp thông trọn vẹn hiện nay”.
Trong thông cáo chung, hai bên long trọng tuyên bố: “Trong tinh thần giáo hội học hiệp thông và vì sự kiện các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống nhìn nhận nhau là Các Giáo Hội Chị Em, nên đã nhận định rằng, trong cố gắng tái lập hợp nhất, điều có liên hệ là cùng nhau chu toàn ý muốn của Chúa Kitô dành cho những kẻ là môn đệ của Người và kế sách của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội của Người, bằng cách cùng nhau tìm kiếm sự thỏa thuận trọn vẹn trong đức tin. Chứ không phải là vấn đề tìm cách khiến người ta từ Giáo Hội này trở sang Giáo Hội khác. Loại hoạt động truyền giáo vừa kể, vốn được gọi là “phong trào qui hiệp”, không thể được chấp nhận cả như một phương pháp để theo lẫn một mô thức hợp nhất được các Giáo Hội chúng ta tìm kiếm.

“Ý thức sự kiện lịch sử các chia rẽ đã gây thương tích trầm trọng cho các ký ức của các Giáo Hội, người Công Giáo và người Chính Thống quyết tâm nhìn về tương lai, với việc hỗ tương nhìn nhận sự cần thiết phải tham khảo và hợp tác minh bạch ở mọi bình diện của đời sống Giáo Hội”.

Trong chính văn kiện chung, công bố cùng ngày, hai bên long trọng tuyên bố ở đoạn 2: Liên quan đến phương pháp vốn gọi là “qui hiệp”, hai bên nhắc lại tuyên bố chung tháng 6 năm 1990 tại Freising rằng “chúng tôi bác bỏ nó như một phương pháp tìm kiếm hợp nhất vì nó đi ngược lại truyền thống chung của các Giáo Hội chúng tôi”.
 
Kinh nghiệm mục vụ đau xót ở Maine: Giám mục không còn cách nào khác là rút lui khỏi một nhóm liên tôn.
Trần Mạnh Trác
20:34 04/06/2018
Liên minh với những nhóm ngoài Công Giáo khác để cổ võ cho sự thăng tiến xã hội thì có điểm lợi là tiếng nói cuả mình được phóng đại cao hơn, nhưng kinh nghiệm ở Maine cũng cho thấy có một nguy cơ là mình có thể bị tước mất quyền tự chủ, nhất là khi những người đồng hành với mình có âm mưu thúc đẩy một cương lĩnh chính trị hay xã hội nào đó.

Theo tin từ Portland, Maine, ngày 31 tháng 5 năm 2018 thì sau khi ‘Hội đồng các Giáo hội ở Maine’ thay đổi nguyên tắc ra quyết định vào đầu năm nay, vị Giám mục cuả giáo phận Portland đã bị buộc phải rút lui ra khỏi nhóm (báo Portland Press-Herald đưa tin hôm thứ ba).

Hội đồng này trước đây từng có qui định là phải đạt được sự nhất trí trước khi ủng hộ cho một vấn đề nào đó thuộc về chính sách công, nhưng vào tháng Hai đã thay đổi là chỉ cần một cuộc bỏ phiếu đa số đơn giản mà thôi. Điều này có nghĩa là nhóm có thể buộc Giáo phận Portland, với tư cách là một thành viên, phải ủng hộ các quan điểm trái ngược với giáo huấn Công Giáo.

Đức Giám Mục Robert Deeley đã viết thư cho bà Bonny Rodden, chủ tịch ‘Hội đồng các Giáo hội ở Maine’, để thông báo việc giáo phận Portland rút lui khỏi nhóm.

“Là một giám mục Giáo phận, tôi thấy điều này là không may, nhưng tôi không có cách nào khác. Sự tham gia của chúng tôi có thể dẫn đến việc tôi phải ủng hộ hai quan điểm khác nhau và thậm chí mâu thuẫn nhau, ” Đức Giám Mục Deeley viết, theo tờ Press-Herald.

“Những gì tôi ủng hộ cho không thể chỉ đơn giản được xác định bởi một đa số phiếu bầu. Sự ủng hộ của tôi phải có căn do từ trong giáo lý của Giáo Hội. Bất kỳ quan điểm nào khác sẽ trái ngược với trách nhiệm của tôi với tư cách là giám mục của Portland. ”



Vị giám mục nói thêm rằng “Như chúng tôi vẫn từng làm qua các hoạt động của các cộng đồng giáo xứ, và tất nhiên phải kể đến những lợi ích to lớn cuả các tổ chức từ thiện Công Giáo, chúng tôi sẽ tiếp tực làm việc để phục vụ nhu cầu của người nghèo, hoàn cảnh khó khăn và những người di cư, và cổ võ dân chúng phục vụ cho lợi ích chung thông qua việc chăm sóc cho nhau.”

Hội đồng các Giáo hội Maine, thành lập vào năm 1938, có tôn chỉ là “hành động như một tiếng nói để bênh vực cho những người bị bỏ rơi, bị đàn áp và bảo vệ sự sáng tạo của Thiên Chúa”, theo trang web của tổ chức.

Hội đồng các Giáo hội Maine hiện nay có bảy giáo phái: Episcopal, Unitarian Universalist, United Church of Christ, United Methodist, Presbyterian Church (Hoa Kỳ), Giáo hội Tin Lành Lutheran ở Mỹ, và Quakers.

Giáo phận Portland gia nhập hội đồng vào năm 1982, sẽ chính thức kết thúc vào ngày 30 tháng Sáu.

Bà Jane Field, giám đốc điều hành của Hội đồng các Giáo hội Maine, nói với tờ Portland Press-Herald rằng quyết định thay đổi thể thức quyết định của hội đồng được đề nghị ra sau khi có những bất đồng về các vấn đề LBGTQ. Bà Field là một mục sư của Giáo hội Tin Lành Lutheran của Mỹ.

Trong cuộc tranh luận về hôn nhân đồng giới, hội đồng đã không đưa ra một quan điểm, “để giữ tất cả mọi người ở trong nhóm,” bà nói. “Khi có một số vấn đề nhất định, cụ thể ảnh hưởng đến cộng đồng LGBTQ, thì họ (hội đồng) đã giữ im lặng”.

Trong một lá thư ngày 14 tháng 3 gửi cho báo Portland, bà Field viết, với tư cách là giám đốc điều hành của Hội đồng các Giáo hội Maine, “Định hướng tình dục và bản sắc giới tính là một món quà từ Thiên Chúa - không phải là một điều kiện cần điều trị, không phải là lựa chọn cần chuyển đổi, không phải thứ gì đó bị hỏng cần sửa chữa. ”

Bà Field cho biết là bà "buồn sâu sắc" trước quyết định rời bỏ hội đồng cuả giáo phận Portland, "nhưng đồng thời, tôi cảm thấy hội đồng vẫn có một vai trò quan trọng để làm trong tiểu bang. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ vẫn đi bên cạnh giáo phận về những vấn đề như nạn đói và nạn buôn người. ”

Giáo Hội Công Giáo là tổ chức tôn giáo lớn nhất trong tiểu bang. Năm 2010, Giáo phận Portland có 203.000 giáo dân, trong khi có chỉ có 94.000 người là tín hữu Tin Lành ở toàn tiểu bang Maine.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nội dung cuộc mạn đàm giữa phóng viên VietCatholic và Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel
Đặng Tự Do
22:57 04/06/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục sẽ đến Israel để khánh thành tượng đài Đức Mẹ La Vang vào ngày 18 tháng 10 năm 2018; và một ngày sau đó sẽ khánh thành Bia Tám Mối Phúc Thật bằng tiếng Việt trên đồi Bát Phúc ở Capernaum.

Để tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể tại Thánh Địa, chúng tôi là Thúy Nga và Cha Giuse Đinh Trọng Chính đã bay từ Perth, Australia sang Giêrusalem để thực hiện các cuộc phỏng vấn với các nhà hữu trách Giáo Hội tại Thánh Địa.

Mỗi năm vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, toàn thể Giáo Hội trên khắp thế giới tổ chức các cuộc quyên góp để trợ giúp cho các cộng đoàn Công Giáo tại Thánh Địa Giêrusalem. Việc quyên góp này thể hiện ý chí của chúng ta bằng mọi giá phải duy trì sự hiện diện của người Công Giáo tại nơi Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, đã bôn ba rao giảng Tin Mừng, đã chịu khổ hình, chịu chết và Phục sinh khải hoàn để cứu độ loài người chúng ta.

Theo thống kê vào năm 1948 khi người Do Thái bắt đầu hình thành một quốc gia độc lập, 45% dân số trong vùng là các tín hữu Kitô. Sau các cuộc chiến tranh bất tận, đặc biệt là cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967, tỷ lệ các Kitô hữu ngày nay chỉ còn khoảng 2% vì hoàn cảnh sinh sống càng lúc càng khó khăn.

Từ lâu chúng tôi đã có ý muốn thực hiện một cuộc hành hương đến Israel và Palestine như một cử chỉ liên đới cụ thể với anh chị em Kitô hữu đang sinh sống trong miền đất này. Khi được biết ý định của các Giám Mục Việt Nam muốn đặt tượng Đức Mẹ La Vang và Bia Tám Mối Phúc Thật tại Thánh Địa, chúng tôi càng thêm quyết tâm thực hiện điều đó.

Trong chuyến công tác vừa qua, chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ hành hương của mình và lại có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn với Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, Cha Tổng Thư Ký Dòng Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa, và Sơ Valerie Borj là vị coi sóc nhà thờ Hòm Bia Giao Ước Thánh đã hào hiệp cho chúng ta đặt tượng Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ.

Thật sự, đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Thánh Địa, lần đầu tiên hoạt động như các ký giả chuyên nghiệp, lần đầu tiên thực hiện một cuộc phỏng vấn nên rất là bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những tâm tình vui mừng và hy vọng trước khả năng của VietCatholic có thể dàn xếp các cuộc phỏng vấn với các chức sắc cao cấp của Giáo Hội cách xa hơn nửa vòng trái đất trong một thời gian ngắn kỷ lục. Có thể nói là thần tốc.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bên cạnh các cuộc phỏng vấn với các nhà hữu trách Giáo Hội tại Giêrusalem, chúng tôi còn có những cuộc gặp gỡ với các linh mục, nữ tu trong vùng và cả với các anh chị em người Do Thái tại Giêrusalem.

Trăm nghe không bằng một thấy. Được chứng kiến tận mắt miền đất Chúa đã xuống thế làm người, được đi lại trên chính những con đường Chúa đã đi qua lên đồi Golgotha, được thăm viếng và hôn kính mộ Chúa là những trải nghiệm hết sức cảm động.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi đã diễn ra vào lúc 4h chiều thứ Bẩy ngày 26 tháng Năm, 2018, nơi Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, với Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli.

Tòa Sứ Thần Tòa Thánh toạ lạc bên ngoài thành cổ Jêrusalem tại Núi Ô-liu, một địa danh chúng ta vừa được nghe nhắc đến trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa “Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ô-liu.” (Mc 14:26)

Người Công Giáo Việt Nam chúng ta không xa lạ với Đức Sứ thần Tòa Thánh. Đức Cha Leopoldo Girelli đã từng là Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam từ ngày 13 tháng Giêng năm 2011 cho đến ngày 13 tháng 9 năm ngoái, 2017.

Hiện nay, ngài được cử làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, Khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và Palestine; và Sứ Thần Tòa Thánh tại đảo Cyprus.

Trong video ghi lại cuộc mạn đàm của chúng tôi với Đức Sứ Thần Tòa Thánh, quý vị và anh chị em có thể nghe trong hậu cảnh tiếng người Hồi Giáo đọc kinh từ những loa phóng thanh phát ra từ đền thờ Hồi Giáo Al Aqsa trên Núi Đền. Al Aqsa được coi là đền thờ Hồi Giáo thánh thiêng thứ ba trong thế giới Hồi Giáo chỉ thua hai đền thờ Hồi Giáo tại Mecca và Medina.

Tiếng loa vang khắp cả một vùng. Nói chuyện trong nhà mà đôi khi chúng tôi phải nói lớn hơn bình thường một chút mới có thể nghe rõ được. Tiếp xúc với những người Do Thái trong khu vực Giêrusalem, chúng tôi có thể thấy được sự miễn cưỡng của nhiều tầng lớp dân chúng trong vùng. Tiếng cầu kinh bất kể giờ giấc, được phóng đại từ những chiếc loa cực lớn được mở hết công suất có lẽ không đóng góp vào cuộc sống chung và nền hòa bình mong manh trên miền đất được coi là thánh thiêng của 3 tôn giáo độc thần lớn nhất trên thế giới.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh đã đề cập đến công việc của ngài hiện nay. Ngài cho biết:

Công việc của tôi hiện nay là Sứ Thần Tòa Thánh nghĩa là đại diện về mặt ngoại giao của Vatican cạnh Israel. Đồng thời, tôi cũng có một sứ vụ khác là thay mặt cho Đức Thánh Cha trong liên hệ với cộng đoàn Công Giáo tại Palestine và Giêrusalem, về các công việc của Giáo Hội. Chúng ta có một cộng đoàn Công Giáo tại đây, nhỏ bé nhưng rất năng động. Ngoài ra tôi cũng còn có một sứ vụ khác nữa là liên hệ với chính quyền đảo Cyprus và cộng đoàn Công Giáo tại đó.

Tôi hạnh phúc được sống tại đây. Đồng thời tôi cũng có cơ hội áp dụng những kinh nghiệm tích lũy được từ Việt Nam nơi cũng có những vấn nạn và khó khăn.

Thưa Đức Cha, trong thời gian Đức Cha công tác tại Việt Nam, Đức Cha có ấn tượng như thế nào về đức tin của người Việt Nam?

Tôi có những kinh nghiệm rất độc đáo về đức tin sống động của người Việt Nam, không chỉ sống động trong đức tin mà còn là sự năng động trong các hoạt động, không chỉ trong phạm vi đời sống Giáo Hội thôi đâu mà còn trong đời sống xã hội nữa.

Tôi đã có dịp gặp gỡ với các cộng đoàn đức tin, cảm nghiệm được đức tin mạnh mẽ của nhiều người, rất nhiều người đơn sơ nhưng đức tin của họ rất mạnh mẽ. Tôi thấy được sự năng động của người Việt Nam trong chiều kích cộng đoàn, chiều kích xã hội và chiều kích gia đình.

Thưa Đức Cha, ngày nay có nhiều người Việt Nam đã hành hương đến Do Thái, đến Thánh Địa nhưng có nhiều người lo ngại về chiến tranh giữa Palestine và Do Thái, Đức Cha nghĩ thế nào?

Tôi có thể nói rằng cuộc xung đột giữa Palestine và Do Thái xảy ra ở những khu vực nhất định như ở dải Gaza, đôi khi có nhiều vấn đề về bạo lực và sự căng thẳng rất là cao độ. Nhưng bên cạnh đó, ở những khu vực khác thì vẫn có an ninh, an toàn không có vấn đề đáng phải lo ngại. Năm ngoái 2017 có xảy ra một vài vụ việc, năm nay 2018 cũng có một vài vụ lẻ tẻ nhưng tình trạng nhìn chung là an ninh. Tính từ năm 2016 đến nay, số lượng khánh hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến đây tăng lên gấp đôi.

Thưa Đức Cha, ngài có những tâm tình nào muốn nói với các độc giả Việt Nam và những người Việt Nam rất mến mộ ngài không ạ?

Tôi rất nhớ Việt Nam. Tôi thực sự rất nhớ Việt Nam. Tôi đã trải nghiệm được niềm vui và quan hệ rất tốt với các Giám Mục Việt Nam, các linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân. Tôi ngưỡng mộ lòng đạo đức và lòng sùng kính Đức Mẹ của người Việt Nam. Mỗi năm tôi thường đến các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ như La Vang và chứng kiến lòng mộ mến rất cao độ của giáo dân Việt Nam dành cho Đức Mẹ. Nhưng không chỉ ở một vài nơi, đâu đâu cũng như thế. Đương nhiên, tôi muốn nhắc đến nhà thờ chính tòa Hà Nội và các tỉnh thành phiá Bắc với những nhà thờ mà tôi từng thăm viếng, chỗ nào cũng đông chật người. Tôi cũng muốn nhắc đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà ở Sàigòn. Huế cũng là một nơi rất thú vị mà tôi đã viếng thăm. Đó là ba thành phố lớn và đâu đâu cũng thấy những biểu hiện của đức tin rất năng động, không chỉ ở những thành phố mà cả các vùng quê. Họ chứng tỏ cho thấy sức mạnh của đức tin. Tôi rất ngưỡng mộ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria và lòng sùng kính Thánh Giuse ở Việt Nam. Việt Nam là quốc gia rất sùng mộ Thánh Giuse. Bất cứ nhà thờ nào tôi viếng thăm cũng thấy có tượng Thánh Giuse và Đức Mẹ. Lòng sùng kính các thánh rất quan trọng vì nó là căn bản cho niềm tin của chúng ta. Cho nên, tôi khuyên anh chị em giữ vững và phát huy lòng sùng mộ này. Ở bên ngoài Việt Nam, tôi cũng muốn biết lòng sùng kính này có bị suy giảm hay không. Tôi đã gặp các Giám Mục ở Hoa Kỳ, các ngài nói với tôi rằng người Công Giáo Việt Nam, các cộng đoàn Việt Nam có lòng sùng kính rất mạnh mẽ và họ tham gia rất tích cực vào đời sống cộng đoàn và giáo xứ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lời cuối cùng Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh bày tỏ là ngài mong có dịp thăm lại Việt Nam. Khi nói những lời này, ngài không dấu được sự xúc động rất mạnh.

Tôi mong có dịp gặp lại Giáo Hội mà tôi rất ngưỡng mộ. Tôi có thể nói là Giáo Hội tại Việt Nam nên giữ vững niềm hy vọng nơi tương lai, bền đỗ. Dù có những khó khăn nhưng chúng ta phải tin tưởng, hy vọng và cầu nguyện luôn luôn.

Xin cũng cầu nguyện cho tôi.

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Trong chương trình tới, chúng tôi sẽ trình bày với quý vị và anh chị em cuộc phỏng vấn với cha David Grenier, tổng thư ký Đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa tại trụ sở của Đoàn Hiệp Sĩ ở Tu viện Saint Saviour Giêrusalem.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cầu Trường Tiền Huế
Tấn Đạt
07:45 04/06/2018
CẦU TRƯỜNG TIỀN HUẾ
Ảnh của Tấn Đạt
Sông Hương nước chảy êm đềm
Trường Tiền thơ mộng ru êm câu hò.
(Trích thơ của Hạnh Nguyễn)
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa tại Ostia 3/6/2018
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:21 04/06/2018
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về lễ Mình Máu Thánh Chúa do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành vào chiều Chúa Nhật 3 tháng 6 tại Ostia, một thành phố duyên hải, cách Rôma khoảng 25 km.

Đúng 50 năm trước Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục, cũng đã cử hành thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa tại thành phố Ostia này.

Thánh lễ được cử hành tại giáo xứ thánh Monica, trong một khu phố có nhiều tệ nạn xã hội trong những năm gần đây vì các hoạt động của các tổ chức bất lương mafia.

Khoảng 10 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành lúc 6 giờ chiều tại quảng trường trước nhà thờ. Trong số các tín hữu hiện diện có hàng trăm em rước lễ lần đầu và 350 em mới chịu phép thêm sức trong năm nay.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y tân cử Angelo De Donatis, giám quản Roma, Đức Cha Paolo Lojudice, Giám Mục Phụ Tá khu vực nam Roma, và các linh mục thuộc 8 giáo xứ ở thành phố Ostia.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đề cập đến Bữa Tiệc Ly, nhưng thật đáng ngạc nhiên, bài Tin Mừng tập chú vào việc chuẩn bị bữa ăn tối này nhiều hơn là chính bữa ăn đó. Chúng ta nghe lặp đi lặp lại từ “chuẩn bị”. Chẳng hạn, các môn đệ hỏi: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Mc 14:12). Chúa Giêsu sai họ đi với những chỉ dẫn rõ ràng để các ông thực hiện những chuẩn bị cần thiết và các ông sẽ tìm thấy “một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng”(câu 15). Các môn đệ ra đi để chuẩn bị, nhưng Chúa đã tự chuẩn bị trước rồi.

Một cái gì đó tương tự cũng xảy ra sau biến cố phục sinh khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ lần thứ ba. Trong khi họ đang đánh cá, Người chờ họ trên bãi biển, nơi Người đã chuẩn bị bánh và cá cho họ. Mặc dù vậy, Người nói với các môn đệ đưa đến một số cá mới bắt được, mà chính Người đã chỉ cho họ bắt như thế nào (Ga 21: 6,9-10). Chúa Giêsu đã chuẩn bị và Ngài mời gọi các môn đệ của mình hợp tác. Một lần khác, ngay trước bữa ăn Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em…để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14: 2-3). Chúa Giêsu là người chuẩn bị, nhưng trước lễ Vượt Qua của chính Người, Người cũng kêu gọi chúng ta khẩn thiết, với những lời khích lệ và với các dụ ngôn, để chuẩn bị, và luôn sẵn sàng (Mt 24:44, Lc 12:40).

Như thế, Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta và yêu cầu chúng ta sẵn sàng. Ngài chuẩn bị cho chúng ta những gì? Một nơi chốn và một bữa ăn. Một nơi đáng giá hơn “một phòng rộng rãi đã được dọn sẵn” được đề cập trong Tin Mừng. Đó là một mái nhà rộng rãi bao la dưới thế này, là Giáo Hội, nơi có chỗ và phải có chỗ, cho tất cả mọi người. Nhưng Người cũng dọn một chỗ cho chúng ta trên cao, trên thiên đàng, để chúng ta được ở với Người và với nhau mãi mãi. Bên cạnh một nơi cho chúng ta, Người còn dọn sẵn một bữa ăn, là Bánh tự hiến chính mình cho chúng ta: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14:22). Hai món quà này, một nơi chốn, và một bữa ăn là những gì chúng ta cần để sống. Đó là “phòng và bánh” tột đỉnh của chúng ta. Cả hai đều được ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể.

Chúa Giêsu chuẩn bị một nơi chốn cho chúng ta dưới thế này, vì Thánh Thể là trái tim đang đập của Giáo Hội. Thánh Thể phát sinh và tái sinh Giáo Hội; Thánh Thể tập hợp Giáo Hội lại và ban cho Giáo Hội sức mạnh. Nhưng Thánh Thể cũng chuẩn bị cho chúng ta một nơi trên cao, trong cõi đời đời, vì Thánh Thể là Bánh bởi Trời. Thánh Thể rơi xuống từ cõi trời cao - đó là chất thể duy nhất mang hương vị vĩnh cửu. Đó là Bánh của những gì sắp đến; mà ngay bây giờ, cho chúng ta nếm hưởng trước một tương lai vô hạn lớn hơn tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng hay tưởng tượng ra. Đó là bánh đáp ứng những trông đợi lớn nhất của chúng ta và thành toàn những giấc mơ đẹp nhất của chúng ta. Nói tắt một lời, đó là bảo chứng của sự sống đời đời, không chỉ là một lời hứa nhưng là một bảo chứng, một trông đợi cụ thể về những gì đang chờ đón chúng ta ở đó. Thánh Thể là “chỗ đặt trước” của chúng ta tại bàn tiệc trên trời; là chính Chúa Giêsu là lương thực của chúng ta trong hành trình hướng tới sự sống và hạnh phúc đời đời.

Trong hình bánh đã được thánh hiến, cùng với một nơi chốn, Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta một bữa ăn, là phần lương nuôi dưỡng dưỡng chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta liên tục cần phải được nuôi dưỡng không chỉ với lương thực nhưng còn với cả những dự tính và tình cảm, hy vọng và ao ước. Chúng ta đói được yêu thương. Nhưng những lời khen thú vị nhất, những món quà tốt nhất, và những công nghệ tiên tiến nhất vẫn chưa đủ; chúng không bao giờ thỏa mãn hoàn toàn chúng ta. Thánh Thể là lương thực đơn giản, như bánh mì, nhưng đó là thức ăn duy nhất thỏa mãn chúng ta vì không có gì cao trọng hơn tình yêu. Ở đó chúng ta gặp Chúa Giêsu thật sự; chúng ta chia sẻ cuộc sống với Ngài và cảm nhận được tình yêu của Ngài. Ở đó anh chị em có thể nhận ra rằng cái chết và sự phục sinh của Người là dành cho mình. Và khi anh chị em thờ phượng Chúa Giêsu trong Thánh Thể, anh chị em nhận được nơi Ngài Chúa Thánh Thần, sự bình an và niềm vui.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chọn lương thực sự sống này! Chúng ta hãy dành ưu tiên cho các thánh lễ! Chúng ta hãy tái khám phá việc tôn thờ Thánh Thể trong cộng đoàn chúng ta! Chúng ta hãy cầu xin ân sủng biết đói khát Thiên Chúa, với một mong muốn đến tột cùng là nhận được những gì Người đã chuẩn bị cho chúng ta.

Như Người đã làm với các môn đệ của mình, hôm nay chúng ta cũng hãy xin Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta. Như các môn đệ Người, chúng ta hãy hỏi Người: “Thầy muốn chúng con đi dọn ở đâu?” Ở đâu: Chúa Giêsu không thích những nơi độc quyền, có chọn lọc. Người tìm những nơi chưa được rung động bởi tình yêu, chưa được rung động bởi hy vọng. Những nơi khó chịu là những nơi Người muốn đến và yêu cầu chúng ta dọn đường. Biết bao người không có nhà cửa cho ra hồn hay lương thực để ăn! Tất cả chúng ta đều biết ai là những người cô đơn, gặp rắc rối và túng quẫn: họ là những nhà tạm bị bỏ rơi. Chúng ta, những người nhận được từ Chúa Giêsu phòng riêng và bánh, đang ở đây để chuẩn bị một nơi và lương thực cho anh chị em đang quẫn bách của chúng ta. Chúa Giêsu đã trở nên bánh bẻ ra vì chúng ta; đến lượt chúng ta, Người yêu cầu chúng ta trao ban chính mình cho người khác, không sống cho chính mình nữa nhưng sống cho nhau. Như thế, chúng ta sống “một cách thánh thể”, khi tuôn đổ ra trên thế giới tình yêu chúng ta kín múc từ nhiệm thể Chúa. Thánh Thể được diễn dịch thành cuộc sống khi chúng ta truyền bá vượt quá chính mình để đến với những người chung quanh chúng ta.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng “Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành” (câu 16). Chúa mời gọi chúng ta hôm nay chuẩn bị cho Ngài đến không phải bằng cách giữ khoảng cách nhưng tiến vào các thành phố. Điều đó bao gồm cả thành phố này, với chính cái tên là Ostia - có nghĩa là lối vào, cửa ra vào. Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con mở bao nhiêu cánh cửa cho Chúa ở đây? Có bao nhiêu cánh cổng Chúa muốn chúng con mở ra, bao nhiêu bức tường chúng con phải xô xuống? Chúa Giêsu muốn xô đổ những bức tường của sự thờ ơ, sự yên lặng đồng lõa, Người muốn bẻ gãy những thanh sắt của sự áp bức và kiêu ngạo, và những con đường phải được dọn sạch cho công lý, lễ độ và chính đáng. Bãi biển rộng lớn của thành phố này nói với chúng ta đẹp làm sao khi chúng ta mở lòng mình ra và cất bước theo những hướng mới trong cuộc đời. Nhưng điều này đòi hỏi phải nới lỏng các nút thắt đang giữ chặt chúng ta trong những bến bờ của sự sợ hãi và thối chí. Thánh Thể mời gọi chúng ta hãy để cho mình bị cuốn trôi bởi ngọn sóng là Chúa Giêsu, đừng buộc chặt vào bờ với hy vọng mong manh rồi chuyện gì đó có thể xảy ra, nhưng hãy thả lưới chỗ sâu, tự do, can đảm và hiệp nhất

Tin Mừng kết thúc bằng cách nói với chúng ta rằng “Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ô-liu”(câu 26). Vào cuối Thánh Lễ này, cả chúng ta cũng sẽ ra ngoài; chúng ta sẽ tiến bước với Chúa Giêsu, Đấng sẽ rảo quanh các đường phố của thành phố này. Chúa Giêsu muốn ở giữa anh chị em. Ngài muốn trở thành một phần của cuộc sống anh chị em, muốn vào nhà anh chị em và muốn ban cho anh chị em Lòng Thương Xót có năng lực giải thoát, cùng với phép lành và sự ủi an của Ngài. Anh chị em đã trải qua những tình huống đau đớn; Chúa muốn gần gũi anh chị em. Chúng ta hãy mở cửa cho Ngài và nói:

Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm.

Chúng con chào đón Người trong tâm hồn,

Trong gia đình và trong thành phố của chúng con.

Chúng con tạ ơn Chúa đã chuẩn bị cho chúng con thần lương sự sống và một chỗ trên Nước Trời.

Xin cho chúng con trở nên năng động trong việc dọn đường cho Chúa,

hân hoan đưa Chúa, là Đường, đến với tha nhân,

và qua đó mang tình huynh đệ, công lý và hòa bình đến các phố xá của chúng con. Amen.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chủ sự cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa đến giáo xứ Đức Mẹ ở Bonaria lân cận, thuộc khu Ostia mới. Trong số các tín hữu tham dự cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, có 850 em rước lễ lần đầu trong áo chùng màu trắng, 150 thiếu niên thường tham dự các sinh hoạt của giáo xứ và 350 bạn trẻ chịu phép thêm sức. Đức Hồng Y tân cử Angelo De Donatis, giám quản Roma, rước Mình Thánh Chúa qua các con đường, trên quãng đường dài 1,200 mét.

Trong suốt cuộc rước kiệu, các tín hữu nghe những bài thánh ca và suy niệm, đi từ chủ đề Thánh Thể, đến tình yêu Chúa, cuộc hành trình xây dựng một nền văn minh của tình yêu dưới ánh sáng Tin mừng, với các cử chỉ bác ái và lòng thương xót, cùng những lời nguyện xin: “Xin hãy giúp chúng con tìm kiếm điều thiện và từ chối sự ác, xin hãy ban cho chúng con sức mạnh và lòng can đảm để nói không với đời sống xấu xa, với ma túy, rượu chè, cờ bạc, bất chính, bóc lột khai thác người khác, tiền của bất chính, mọi hình thức tham nhũng hư hoại.”
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 05/06/2018: Câu chuyện Đức Mẹ cải tử hoàn sinh Vua thành León
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:06 04/06/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ma Quỷ đứng đằng sau mọi cuộc bách hại

Ma quỷ là căn nguyên của mọi hình thức bách hại: từ thực dân văn hóa cho đến chiến tranh, nạn đói, và nạn nô lệ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng Một tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngày nay chúng ta không chỉ chứng kiến những cuộc bách hại các Kitô hữu mà thôi nhưng bên cạnh đó còn có sự áp bức mọi người nam nữ, “từ thực dân văn hóa, chiến tranh, đói khát, và nạn nô lệ”. Nhưng Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chống lại và phục hồi hình ảnh của Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa nơi chúng ta.

Trong Bài Đọc Một, Thánh Phêrô đã đề cập cụ thể đến cách cuộc bách hại các Kitô hữu “nổ ra ... như lửa”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích tại sao những cuộc bách hại như thế là “một phần của đời sống người Kitô hữu”

Ngài nói:

“Các cuộc bách hại nhiều như ‘không khí’ mà các tín hữu Kitô hít thở ngay cả ngày nay. Bởi vì ngay cả ngày nay cũng có quá nhiều các vị tử đạo, quá nhiều người bị bách hại vì tình yêu dành cho Chúa Kitô. Có rất nhiều quốc gia nơi các tín hữu Kitô chẳng có chút quyền nào. Nếu anh chị em đeo trên cổ một cây thánh giá, anh chị em phải đi tù. Và có đông người phải vào tù như thế. Ngày nay, có những người bị kết án tử hình đơn giản chỉ vì họ là Kitô hữu. Số người mất mạng vì đức tin cao hơn con số các vị tử đạo thời tiên khởi. Cao hơn nhiều lắm! Nhưng điều này không được cho là tin tức. Các bản tin trên báo chí và truyền hình không bao gồm những chuyện này. Trong khi đó các Kitô hữu vẫn đang bị bách hại”.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng còn có một loại khủng bố khác trên thế giới ngày nay: đó là cuộc bách hại những người nam nữ vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa.

“Quỷ dữ ở đằng sau mọi cuộc đàn áp, cả cuộc bách hại các tín hữu Kitô, lẫn các cuộc bách hại tất cả mọi người. Ma quỷ cố gắng phá hủy sự hiện diện của Chúa Kitô trong các Kitô hữu, và cả hình ảnh của Thiên Chúa nơi những người nam nữ. Nó đã cố gắng làm điều này ngay từ đầu, như chúng ta đã đọc trong Sách Sáng thế ký: nó cố gắng phá hủy sự hài hòa mà Chúa tạo ra giữa người nam và người nữ, đó là sự hài hòa xuất phát từ việc được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Và nó đã thành công. Nó đã làm được điều đó bằng cách sử dụng sự dối trá, và quyến rũ ... là những vũ khí nó sử dụng. Nó luôn làm điều đó. Nhưng ngày nay có một sự tàn bạo quyết liệt hơn chống lại những người nam nữ: nếu không thì chúng ta làm sao có thể giải thích được làn sóng ngày càng tăng những huỷ diệt chống lại con người, và tất cả những điều đó lại do con người gây ra”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả nạn đói là một “bất công” đang “hủy diệt những người nam nữ bởi vì họ không có gì để ăn”, dù rằng có biết bao thực phẩm dư thừa trên thế giới. Đức Thánh Cha cũng nói về sự khai thác con người, các hình thức nô lệ khác nhau, và nhớ lại gần đây ngài mới xem một bộ phim được quay trong một nhà tù nơi những người di cư bị nhốt và tra tấn để buộc họ làm nô lệ. Đức Thánh Cha nhận xét cay đắng rằng điều này vẫn đang xảy ra, “70 năm sau Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”. Ngài cũng trình bày các suy tư về thực dân văn hóa. Đây chính xác là điều ma quỷ mong muốn, đó là “muốn tiêu diệt phẩm giá con người” - và đó là lý do tại sao chúng ta nói ma quỷ đứng đằng sau mọi hình thức khủng bố.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

“Những cuộc chiến có thể được coi là một loại khí cụ để tiêu diệt nhân loại được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng chúng cũng huỷ diệt cả những con người gây ra chiến tranh, những con người hoạch định chiến tranh để thu tóm quyền lực trên những người khác. Có những người thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí để hủy diệt nhân loại, phá hủy hình ảnh những người nam nữ, cả về mặt đạo đức lẫn văn hóa ... Ngay cả khi họ không phải là Kitô hữu, ma quỷ cũng bách hại họ bởi vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta đừng dại dột. Trên thế giới ngày nay, tất cả mọi người, chứ không chỉ các Kitô hữu đang bị bách hại, bởi vì cha của tất cả các cuộc bách hại không thể chừa ra những ai là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, nó tấn công và phá hủy những hình ảnh đó. Không dễ để hiểu điều này đâu. Chúng ta phải cầu nguyện rất nhiều nếu chúng ta muốn hiểu được điều đó”

2. Hãy từ bỏ các khuôn mẫu hành xử thế gian tước mất tự do của chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo các Kitô hữu chống lại những vướng bận với những cách suy nghĩ và hành động của thế gian trong bài giảng Thánh lễ hôm thứ Ba 29 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta

Lấy cảm hứng từ Bài Đọc Một trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô Tông Đồ trong đó thúc giục các Kitô hữu hãy thánh thiện trong mọi khía cạnh của hành vi, bài giảng của Đức Thánh Cha là những suy tư của ngài về lời kêu gọi nên thánh và tầm quan trọng của việc thoát ra khỏi lối tư duy và cách hành xử thế gian đã từng nô lệ hóa chúng ta.

“Lời kêu gọi thánh thiện, một lời kêu gọi bình thường, là lời kêu gọi chúng ta hãy sống như một Kitô hữu, và như thế nói ‘sống như một Kitô hữu’ cũng đồng nghĩa với nói ‘sống như một vị thánh’. Nhiều lần chúng ta nghĩ về sự thánh thiện như một điều gì đó phi thường, như phải được thị kiến hay phải có những lời cầu nguyện cao cả ... hoặc một số người nghĩ rằng thánh thiện có nghĩa là có một gương mặt như trong một bức điêu khắc ... không. Nên thánh là điều gì đó khác. Đó là tiến bước dọc theo con đường Chúa nói với chúng ta về sự thánh thiện. Và tiến bước dọc theo con đường thánh thiện là gì? Thánh Phêrô nói rằng: ‘Hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giêsu Kitô tỏ hiện’”

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng tiến về đàng thánh thiện có nghĩa là tiến tới ân sủng đã được Thánh Phêrô đề cập, tiến đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Nó giống như tiến về phía ánh sáng: nhiều lần chúng ta không thấy rõ con đường bởi vì ánh sáng làm lóa mắt chúng ta.

Nhưng, Đức Thánh Cha lưu ý rằng “Chúng ta đừng nhầm lẫn, đừng chỉ tin vào những nẻo đường được chiếu sáng. Khi anh chị em bước đi với ánh sáng phía sau lưng, anh chị em có thể nhìn thấy rõ con đường, nhưng trong thực tế trước mặt anh chị em chỉ có cái bóng, chứ không phải là ánh sáng.”

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng có nhiều điều nô lệ hóa chúng ta, các Kitô hữu cần phải “được tự do và cảm thấy tự do” để có thể hướng về đàng thánh thiện.

Đó là lý do khiến Thánh Phêrô thúc giục chúng ta “đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội.” Thánh Phaolô cũng nói trong Thư Thứ Nhất gởi dân thành Rôma: “Đừng tuân thủ”, nghĩa là đừng tham gia vào các khuôn mẫu hành xử thế gian.

“Đây là bản dịch chính xác của lời khuyên này – đừng chấp nhận các khuôn mẫu thế gian, - đừng chấp nhận những kiểu hành xử, những lề lối tư duy trần tục, đừng chấp nhận những cách suy nghĩ và đánh giá mà thế giới đưa ra cho anh chị em bởi vì điều đó tước mất tự do của anh chị em. Và, như Thánh Phêrô nói ở đây, khi chúng ta quay lại với lối sống của chúng ta trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô hay khi chúng ta quay lại với những kiểu hành xử thế gian đó, chúng ta mất tự do.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cảnh báo rằng khi đối mặt với những khó khăn, chúng ta thường bị cám dỗ nhìn lại với một nỗi hoài cổ như dân Chúa đã làm trong Sách Xuất Hành khi họ phàn nàn và nghĩ lại “cuộc sống tươi đẹp mà họ từng sống ở Ai Cập.”

Ngài nói: “Trong khoảnh khắc thử thách và gian truân, chúng ta luôn bị cám dỗ nhìn lại, hướng về các kiểu cách hành xử thế gian, hướng đến các khuôn mẫu chúng ta đã có trước khi cất bước trên con đường hướng tới sự cứu rỗi: là những cách hành xử không có tự do. Và không có tự do, người ta không thể là thánh. Tự do là điều kiện để tiến lên phía trước trong khi nhìn vào ánh sáng phía trước chúng ta. Không chấp nhận các kiểu hành xử thế gian, tiến về phía trước, nhìn vào ánh sáng, là lời hứa, trong hy vọng. Đây là lời hứa giống lời Chúa hứa với dân Ngài trong sa mạc: khi họ nhìn về phía trước, mọi thứ đều ổn; khi họ hoài niệm vì họ không còn có thể ăn những thứ ngon miệng trước đây, họ phạm lỗi và quên rằng thời đó họ làm gì có được tự do ở đó.”

Đức Thánh Cha nhắc nhở cử tọa của ngài rằng Chúa kêu gọi chúng ta nên thánh mỗi ngày. Và ngài nói thêm rằng có hai thông số giúp chúng ta nhận biết chúng ta đang trên con đường hướng đến sự thánh thiện hay không. Trước tiên, chúng ta phải hướng đến ánh sáng của Chúa với hy vọng tìm thấy ánh sáng ấy. Thứ hai là khi thử thách ập đến, chúng ta vẫn tiếp tục nhìn phía trước và không đánh mất tự do của chúng ta bằng cách quay lại với các khuôn mẫu hành xử thế gian, chúng “hứa hẹn với anh chị em mọi thứ nhưng chẳng mang lại điều gì”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lệnh truyền của Chúa là “Ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”.

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để hiểu chính xác con đường của sự thánh thiện là gì: đó là “con đường tự do” nhưng với “sự căng thẳng của hy vọng” dọc dài trên con đường của chúng ta hướng về Chúa Giêsu.

3. Câu chuyện Đức Mẹ cải tử hoàn sinh Vua thành León

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Quý vị và anh chị em vừa xem một cảnh tượng rước kiệu Đức Mẹ tại León /liˈɒn/ bên Tây Ban Nha.

Người dân Tây Ban Nha có một lòng sùng đạo rất đặc biệt. Nhiều thể hiện đạo đức của người Công Giáo Tây Ban Nha đã theo chân các vị thừa sai du nhập vào Việt Nam. Trong các miền ở Tây Ban Nha có một miền mà dân chúng ở đó có một lòng sùng kính Đức Mẹ cao độ và đặc biệt là họ rất siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Đó là miền León.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vương quốc León được hình thành vào năm 910 sau Chúa Giáng Sinh. Vương quốc này tồn tại như một quốc gia có chủ quyền cho đến năm 1833 thì sáp nhập vào Tây Ban Nha. Ngày nay, vương quốc này trải dài trên ba tỉnh Tây Bắc của Tây Ban Nha là León, Zamora, và Salamanca. Thủ phủ León cách Madrid 340km về hướng tây bắc.

Thánh Louis De Montfort sinh năm 1673 và qua đời năm 1716 đã giải thích về lòng sùng mộ này trong cuốn “Bí mật của Kinh Mân Côi”.

Được mẫu hậu cho biết phụ vương trước khi ra trận thường đọc Kinh Mân Côi và đã thắng nhiều trận đánh lớn nhờ lòng sùng kính Đức Mẹ, vua Alphonsus của León và Galicia muốn tất cả các bầy tôi của mình phải tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, bằng cách đọc Kinh Mân Côi.

Vì thế, ông thường đeo một cỗ tràng hạt lớn bên mình như các tu sĩ dòng Đa Minh trong các buổi triều yết với bá quan văn võ trong triều. Nhưng ông chỉ đeo làm kiểu vậy thôi. Bản thân nhà vua thì biếng nhác, ông không bao giờ tự đọc Kinh Mân Côi một mình!

Tuy thế, gương nhà vua lúc nào cũng đeo chuỗi Mân Côi nơi công cộng, cũng khuyến khích bá quan trong triều và dân chúng đọc Kinh Mân Côi rất siêng năng.

Khi về già nhà vua mắc nhiều căn bệnh ngặt nghèo. Một ngày kia, nhà vua bất tỉnh trong lúc đang thảo triều cùng với các bá quan, và mọi người đều nghĩ nhà vua đã chết!

Khi bất tỉnh như thế, nhà vua rơi vào một thị kiến, và thấy mình đứng trước tòa phán xét của Thiên Chúa. Với tất cả những tội lỗi nhà vua đã phạm, ông chắc mình thế nào cũng sa hỏa ngục!

Đột nhiên, Đức Mẹ xuất hiện và yêu cầu mang đến cho Mẹ một chiếc cân. Mẹ đặt các tội lỗi của nhà vua lên một dĩa cân. Tội nhà vua nhiều quá, dĩa cân nghiêng hẳn sang một bên. Mẹ lại đặt cỗ tràng hạt nhà vua luôn đeo bên mình sang dĩa cân bên kia. Dĩa có cỗ tràng hạt lại nặng hơn. Đúng thế, tràng chuỗi Mân Côi nặng hơn tội lỗi của nhà vua!

Đức Mẹ nói với nhà vua “Để thưởng cho con đã dành cho Ta vinh dự nhỏ bé này khi luôn đeo tràng chuỗi bên mình và khích lệ người ta đọc kinh Mân Côi, Ta đã xin được một ân sủng lớn lao cho ngươi, từ Con Ta. Thay vì sa hỏa ngục, ngươi sẽ có thể sống thêm vài năm nữa. Hãy sống những năm tháng này một cách khôn ngoan, và làm nhiều việc thiện!”

Nhà vua tỉnh giấc giữa lúc các quan chuẩn bị báo tin vua đã băng hà. Nhà vua khóc lớn:

“Phúc thay Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria Chí Thánh. Kinh Mân Côi của Mẹ đã cứu con khỏi những lửa hỏa ngục kinh khiếp!”

Sau khi nhà vua phục hồi sức khỏe của mình, ông đã dành phần còn lại của cuộc đời mình để truyền bá lòng sùng kính Kinh Mân Côi, và lần hạt mỗi ngày.

4. Niềm vui là không khí Kitô hữu hít thở

Đề cập đến một đoạn trích từ Tin Mừng theo thánh Máccô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại một chủ đề thường xuyên của ngài theo đó các tín hữu phải là những người nam nữ mang niềm vui trong lòng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 28 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Đề cập đến người thanh niên giàu có, là người đã buồn bã giã biệt Chúa Giêsu vì anh không thể từ bỏ tài sản của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các Kitô hữu không thể hành xử như vậy.

Đức Thánh Cha nói: “Niềm vui phải là không khí các Kitô hữu hít thở”. Kitô hữu phải thể hiện nơi mình niềm vui. Niềm vui không thể được mua bán hay bị bắt buộc. “Không, đó là một thành quả của Thánh Linh Thiên Chúa. Đấng gieo niềm vui trong lòng chúng ta là Chúa Thánh Thần”.

Ký ức là tảng đá vững chắc mà các Kitô hữu tìm thấy niềm vui. Khi chúng ta nhớ lại “những gì Chúa đã làm cho chúng ta… đã tái sinh chúng ta” thì ký ức đó tạo ra hy vọng cho những gì sẽ đến trong tương lai khi chúng ta gặp gỡ Con Thiên Chúa. Trí nhớ và hy vọng cho phép các Kitô hữu sống an vui; và hòa bình đạt được khi niềm vui được sống một cách hoàn hảo nhất:

Niềm vui không có nghĩa là sống với những tiếng cười. Không, nó không phải như thế đâu. Niềm vui không phải là hoan lạc. Không, nó không phải như thế đâu. Nó là cái gì khác. Niềm vui của người Kitô hữu là hòa bình, là bình an được bắt rễ sâu, bình an trong lòng, sự bình an mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta. Đây là niềm vui của Kitô hữu. Không dễ dàng để nuôi dưỡng niềm vui này.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô than vãn một thực tế ngày nay là văn hóa đương đại hài lòng với những mảnh vụn của niềm vui không bao giờ mang đến sự thỏa mãn hoàn toàn. Vì niềm vui là một ân sủng của Thánh Linh, nó rung động ngay cả “trong những khoảnh khắc hỗn loạn và trong thời điểm thử thách”.

Có một sự bồn chồn lành mạnh, và có cả sự bồn chồn không lành mạnh – đó là sự lo toan tìm kiếm sự an toàn, và hoan lạc trên tất cả mọi sự. Người đàn ông trẻ trong bài Tin Mừng sợ rằng nếu anh ta từ bỏ sự giàu có của mình, anh ta sẽ không hạnh phúc. Niềm vui đích thật, sự ủi an: là hơi thở của các Kitô hữu chúng ta.
 
Sứ thần Tòa Thánh tại Israel: Tôi ngưỡng mộ lòng đạo của người Công Giáo Việt Nam và rất nhớ miền đất này
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:51 04/06/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục sẽ đến Israel để khánh thành tượng đài Đức Mẹ La Vang vào ngày 18 tháng 10 năm 2018; và một ngày sau đó sẽ khánh thành Bia Tám Mối Phúc Thật bằng tiếng Việt trên đồi Bát Phúc ở Capernaum.

Để tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể tại Thánh Địa, chúng tôi là Thúy Nga và Cha Giuse Đinh Trọng Chính đã bay từ Perth, Australia sang Giêrusalem để thực hiện các cuộc phỏng vấn với các nhà hữu trách Giáo Hội tại Thánh Địa.

Mỗi năm vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, toàn thể Giáo Hội trên khắp thế giới tổ chức các cuộc quyên góp để trợ giúp cho các cộng đoàn Công Giáo tại Thánh Địa Giêrusalem. Việc quyên góp này thể hiện ý chí của chúng ta bằng mọi giá phải duy trì sự hiện diện của người Công Giáo tại nơi Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, đã bôn ba rao giảng Tin Mừng, đã chịu khổ hình, chịu chết và Phục sinh khải hoàn để cứu độ loài người chúng ta.

Theo thống kê vào năm 1948 khi người Do Thái bắt đầu hình thành một quốc gia độc lập, 45% dân số trong vùng là các tín hữu Kitô. Sau các cuộc chiến tranh bất tận, đặc biệt là cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967, tỷ lệ các Kitô hữu ngày nay chỉ còn khoảng 2% vì hoàn cảnh sinh sống càng lúc càng khó khăn.

Từ lâu chúng tôi đã có ý muốn thực hiện một cuộc hành hương đến Israel và Palestine như một cử chỉ liên đới cụ thể với anh chị em Kitô hữu đang sinh sống trong miền đất này. Khi được biết ý định của các Giám Mục Việt Nam muốn đặt tượng Đức Mẹ La Vang và Bia Tám Mối Phúc Thật tại Thánh Địa, chúng tôi càng thêm quyết tâm thực hiện điều đó.

Trong chuyến công tác vừa qua, chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ hành hương của mình và lại có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn với Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, Cha Tổng Thư Ký Dòng Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa, và Sơ Valerie Borj là vị coi sóc nhà thờ Hòm Bia Giao Ước Thánh đã hào hiệp cho chúng ta đặt tượng Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ.

Thật sự, đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Thánh Địa, lần đầu tiên hoạt động như các ký giả chuyên nghiệp, lần đầu tiên thực hiện một cuộc phỏng vấn nên rất là bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những tâm tình vui mừng và hy vọng trước khả năng của VietCatholic có thể dàn xếp các cuộc phỏng vấn với các chức sắc cao cấp của Giáo Hội cách xa hơn nửa vòng trái đất trong một thời gian ngắn kỷ lục. Có thể nói là thần tốc.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bên cạnh các cuộc phỏng vấn với các nhà hữu trách Giáo Hội tại Giêrusalem, chúng tôi còn có những cuộc gặp gỡ với các linh mục, nữ tu trong vùng và cả với các anh chị em người Do Thái tại Giêrusalem.

Trăm nghe không bằng một thấy. Được chứng kiến tận mắt miền đất Chúa đã xuống thế làm người, được đi lại trên chính những con đường Chúa đã đi qua lên đồi Golgotha, được thăm viếng và hôn kính mộ Chúa là những trải nghiệm hết sức cảm động.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi đã diễn ra vào lúc 4h chiều thứ Bẩy ngày 26 tháng Năm, 2018, nơi Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, với Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli.

Tòa Sứ Thần Tòa Thánh toạ lạc bên ngoài thành cổ Jêrusalem tại Núi Ô-liu, một địa danh chúng ta vừa được nghe nhắc đến trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa “Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ô-liu.” (Mc 14:26)

Người Công Giáo Việt Nam chúng ta không xa lạ với Đức Sứ thần Tòa Thánh. Đức Cha Leopoldo Girelli đã từng là Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam từ ngày 13 tháng Giêng năm 2011 cho đến ngày 13 tháng 9 năm ngoái, 2017.

Hiện nay, ngài được cử làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, Khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và Palestine; và Sứ Thần Tòa Thánh tại đảo Cyprus.

Trong video ghi lại cuộc mạn đàm của chúng tôi với Đức Sứ Thần Tòa Thánh, quý vị và anh chị em có thể nghe trong hậu cảnh tiếng người Hồi Giáo đọc kinh từ những loa phóng thanh phát ra từ đền thờ Hồi Giáo Al Aqsa trên Núi Đền. Al Aqsa được coi là đền thờ Hồi Giáo thánh thiêng thứ ba trong thế giới Hồi Giáo chỉ thua hai đền thờ Hồi Giáo tại Mecca và Medina.

Tiếng loa vang khắp cả một vùng. Nói chuyện trong nhà mà đôi khi chúng tôi phải nói lớn hơn bình thường một chút mới có thể nghe rõ được. Tiếp xúc với những người Do Thái trong khu vực Giêrusalem, chúng tôi có thể thấy được sự miễn cưỡng của nhiều tầng lớp dân chúng trong vùng. Tiếng cầu kinh bất kể giờ giấc, được phóng đại từ những chiếc loa cực lớn được mở hết công suất có lẽ không đóng góp vào cuộc sống chung và nền hòa bình mong manh trên miền đất được coi là thánh thiêng của 3 tôn giáo độc thần lớn nhất trên thế giới.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh đã đề cập đến công việc của ngài hiện nay. Ngài cho biết:

Công việc của tôi hiện nay là Sứ Thần Tòa Thánh nghĩa là đại diện về mặt ngoại giao của Vatican cạnh Israel. Đồng thời, tôi cũng có một sứ vụ khác là thay mặt cho Đức Thánh Cha trong liên hệ với cộng đoàn Công Giáo tại Palestine và Giêrusalem, về các công việc của Giáo Hội. Chúng ta có một cộng đoàn Công Giáo tại đây, nhỏ bé nhưng rất năng động. Ngoài ra tôi cũng còn có một sứ vụ khác nữa là liên hệ với chính quyền đảo Cyprus và cộng đoàn Công Giáo tại đó.

Tôi hạnh phúc được sống tại đây. Đồng thời tôi cũng có cơ hội áp dụng những kinh nghiệm tích lũy được từ Việt Nam nơi cũng có những vấn nạn và khó khăn.

Thưa Đức Cha, trong thời gian Đức Cha công tác tại Việt Nam, Đức Cha có ấn tượng như thế nào về đức tin của người Việt Nam?

Tôi có những kinh nghiệm rất độc đáo về đức tin sống động của người Việt Nam, không chỉ sống động trong đức tin mà còn là sự năng động trong các hoạt động, không chỉ trong phạm vi đời sống Giáo Hội thôi đâu mà còn trong đời sống xã hội nữa.

Tôi đã có dịp gặp gỡ với các cộng đoàn đức tin, cảm nghiệm được đức tin mạnh mẽ của nhiều người, rất nhiều người đơn sơ nhưng đức tin của họ rất mạnh mẽ. Tôi thấy được sự năng động của người Việt Nam trong chiều kích cộng đoàn, chiều kích xã hội và chiều kích gia đình.

Thưa Đức Cha, ngày nay có nhiều người Việt Nam đã hành hương đến Do Thái, đến Thánh Địa nhưng có nhiều người lo ngại về chiến tranh giữa Palestine và Do Thái, Đức Cha nghĩ thế nào?

Tôi có thể nói rằng cuộc xung đột giữa Palestine và Do Thái xảy ra ở những khu vực nhất định như ở dải Gaza, đôi khi có nhiều vấn đề về bạo lực và sự căng thẳng rất là cao độ. Nhưng bên cạnh đó, ở những khu vực khác thì vẫn có an ninh, an toàn không có vấn đề đáng phải lo ngại. Năm ngoái 2017 có xảy ra một vài vụ việc, năm nay 2018 cũng có một vài vụ lẻ tẻ nhưng tình trạng nhìn chung là an ninh. Tính từ năm 2016 đến nay, số lượng khánh hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến đây tăng lên gấp đôi.

Thưa Đức Cha, ngài có những tâm tình nào muốn nói với các độc giả Việt Nam và những người Việt Nam rất mến mộ ngài không ạ?

Tôi rất nhớ Việt Nam. Tôi thực sự rất nhớ Việt Nam. Tôi đã trải nghiệm được niềm vui và quan hệ rất tốt với các Giám Mục Việt Nam, các linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân. Tôi ngưỡng mộ lòng đạo đức và lòng sùng kính Đức Mẹ của người Việt Nam. Mỗi năm tôi thường đến các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ như La Vang và chứng kiến lòng mộ mến rất cao độ của giáo dân Việt Nam dành cho Đức Mẹ. Nhưng không chỉ ở một vài nơi, đâu đâu cũng như thế. Đương nhiên, tôi muốn nhắc đến nhà thờ chính tòa Hà Nội và các tỉnh thành phiá Bắc với những nhà thờ mà tôi từng thăm viếng, chỗ nào cũng đông chật người. Tôi cũng muốn nhắc đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà ở Sàigòn. Huế cũng là một nơi rất thú vị mà tôi đã viếng thăm. Đó là ba thành phố lớn và đâu đâu cũng thấy những biểu hiện của đức tin rất năng động, không chỉ ở những thành phố mà cả các vùng quê. Họ chứng tỏ cho thấy sức mạnh của đức tin. Tôi rất ngưỡng mộ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria và lòng sùng kính Thánh Giuse ở Việt Nam. Việt Nam là quốc gia rất sùng mộ Thánh Giuse. Bất cứ nhà thờ nào tôi viếng thăm cũng thấy có tượng Thánh Giuse và Đức Mẹ. Lòng sùng kính các thánh rất quan trọng vì nó là căn bản cho niềm tin của chúng ta. Cho nên, tôi khuyên anh chị em giữ vững và phát huy lòng sùng mộ này. Ở bên ngoài Việt Nam, tôi cũng muốn biết lòng sùng kính này có bị suy giảm hay không. Tôi đã gặp các Giám Mục ở Hoa Kỳ, các ngài nói với tôi rằng người Công Giáo Việt Nam, các cộng đoàn Việt Nam có lòng sùng kính rất mạnh mẽ và họ tham gia rất tích cực vào đời sống cộng đoàn và giáo xứ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lời cuối cùng Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh bày tỏ là ngài mong có dịp thăm lại Việt Nam. Khi nói những lời này, ngài không dấu được sự xúc động rất mạnh.

Tôi mong có dịp gặp lại Giáo Hội mà tôi rất ngưỡng mộ. Tôi có thể nói là Giáo Hội tại Việt Nam nên giữ vững niềm hy vọng nơi tương lai, bền đỗ. Dù có những khó khăn nhưng chúng ta phải tin tưởng, hy vọng và cầu nguyện luôn luôn.

Xin cũng cầu nguyện cho tôi.

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Trong chương trình tới, chúng tôi sẽ trình bày với quý vị và anh chị em cuộc phỏng vấn với cha David Grenier, tổng thư ký Đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa tại trụ sở của Đoàn Hiệp Sĩ ở Tu viện Saint Saviour Giêrusalem.