Ngày 04-06-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ơn Đạo Đức
Phaolô Phạm Xuân Khôi
18:01 04/06/2014
“Ơn đạo đức đồng nghĩa với tinh thần đạo đức đích thực, với niềm tin tưởng của con thảo đối với Thiên Chúa, với khả năng cầu nguyện cùng Ngài bằng tình yêu và sự đơn thành đặc trưng của những người khiêm nhường trong lòng.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 4 tháng 6 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về Ơn Đạo Đức.

* * *


Anh chị em thân mến, Chào anh chị em.

Hôm nay chúng ta muốn suy niệm về một ơn Chúa Thánh Thần thường bị hiểu lầm hoặc bị người ta nghĩ đến một cách hời hợt, và đáng lẽ nó chạm vào trung tâm của căn tính chúng ta và đời sống Kitô hữu của chúng ta: đó là ơn đạo đức.

Cần phải nói rõ rằng ơn này không phải là có lòng từ bi đối với một người nào đó, có lòng thương xót người khác, nhưng nó chứng tỏ rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa và cho thấy mối liên hệ sâu xa của chúng ta với Thiên Chúa, một mối liên hệ mang lại ý nghĩa cho toàn thể cuộc đời chúng ta và giữ cho chúng ta được vững mạnh và hiệp thông với Ngài, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất.

1. Mối liên hệ này với Chúa không chủ ý là một nhiệm vụ hay một sự áp đặt. Nó là một mối liên hệ phát xuất từ bên trong. Đó là một mối liên hệ được sống bằng con tim: đó là tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa, được Chúa Giêsu ban cho chúng ta, một tình bằng hữu thay đổi đời sống chúng ta cùng đổ đầy nhiệt tình và niềm vui trên chúng ta. Do đó, ơn đạo đức trước hết đánh thức trong chúng ta lòng biết ơn và chúc tụng. Thực ra, điều này là động cơ và ý nghĩa đích thực nhất của việc phụng tự và tôn thờ của chúng ta. Khi Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa và tất cả tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, Ngài sưởi ấm tâm hồn chúng ta và thúc đẩy chúng ta một cách hầu như hoàn toàn tự nhiên để cầu nguyện và cử hành. Cho nên ơn đạo đức đồng nghĩa với tinh thần đạo đức đích thực, với niềm tin tưởng của con thảo đối với Thiên Chúa, với khả năng cầu nguyện cùng Ngài bằng tình yêu và sự đơn thành đặc trưng của những người khiêm nhường trong lòng.

2. Nếu ơn đạo đức làm cho chúng ta lớn lên trong mối liên hệ và hiệp thông với Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến việc sống như những con cái của Ngài, thì đồng thời cũng giúp chúng ta đổ tình yêu này trên những người khác và nhận ra họ là anh em. Và sau đó, vâng, chúng ta sẽ được thúc đẩy bởi những tình cảm đạo đức – chứ không phải chủ nghĩa đạo đức! - trong việc đối xử với những người chung quanh chúng ta và những người chúng ta gặp hằng ngày. Tại sao tôi nói không phải chủ nghĩa đạo đức? Tại vì có một số người nghĩ rằng đạo đức là nhắm mắt lại, làm cho một khuôn mặt giống như hình một thánh nhân, giả vờ là một vị thánh. Ở Piedmont chúng tôi nói là: làm một “mugna quacia.” Đó không phải là ơn đạo đức. Ơn đạo đức thực sự có nghĩa là có thể vui với người vui, khóc với người khóc, gần gũi những người cô đơn hoặc lo lắng, sửa sai những người lầm lạc, an ủi những người đau khổ, chào đón và giúp đỡ những người thiếu thốn. Có một liên hệ rất chặt chẽ giữa ơn đạo đức và sự hiền lành. Ơn đạo đức mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta làm cho chúng ta trở nên hiền lành, làm cho chúng ta trở nên bình tĩnh, kiên nhẫn, trong bình an với Thiên Chúa và phục vụ người khác với sự hiền lành.

Các bạn thân mến, trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Tông Đồ Phaolô nói: “Vì tất cả những ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì anh em đã không nhận được thần khí nô lệ làm cho anh em lại phải sợ hãi, nhưng anh em đã nhận Thần Khí làm nghĩa tử, bởi đó cho chúng ta kêu lên, ‘Abba! Cha ơi!’” (Rom 8:14-15). Chúng ta hãy cầu xin Chúa để ơn của Chúa Thánh Thần có thể chinh phục sự sợ hãi của chúng ta, sự thiếu chắc chắn của chúng ta, kể cả tinh thần bồn chồn và thiếu kiên nhẫn của chúng ta, cùng có thể làm cho chúng ta vui mừng làm chứng cho Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, thờ phượng Chúa trong chân l‎ý và cũng phục vụ tha nhân trong sự hiền lành và luôn luôn với một nụ cười mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trong niềm vui. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng ta ơn đạo đức.

http://giaoly.org/vn/
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết, 55 Nữ Tu Khấn Dòng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:02 04/06/2014
Tháng Thánh Tâm, tháng của mùa dâng hiến. Bên nguyện đường Nhà Dòng cây phượng nở đỏ rực, thật ấn tượng! Hè về cho hoa phượng nở. Nhưng phượng nở đối với Nhà Dòng nhắc nhớ về mùa dâng hiến, về lễ khấn. Nhìn hoa đỏ thắm ai cũng nghĩ về các tân khấn sinh với trái tim luôn rực hồng, và cầu chúc cho mỗi Nữ tu được sắt son với lời tuyên khấn.

Hình ảnh

Sáng ngày 4-6-2014, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Phan Thiết đã chủ sự lễ Khấn Dòng cho 33 Nữ Tu Tiên Khấn, và 22 Nữ tu Vĩnh Khấn. Cùng đồng tế có Đức Viện Phụ Đan Viện Châu Thuỷ, quý Cha Hạt Trưởng, quý Cha Giáo Sư và gần 100 Linh mục trong và ngoài Giáo phận, lời cầu nguyện sốt mến của các Tu sĩ nam nữ và đông đảo thân nhân ân nhân các tân khấn sinh.

Sự hiện diện của cộng đoàn cùng quý Linh mục bên cạnh Giám mục làm rạng ngời mầu nhiệm hiệp thông của Dân Thánh Chúa đã mang lại vô vàn ơn thánh cho Hội Dòng.

Đức Cha Giuse giảng lễ, suy niệm Tin Mừng Ga 17, 4-12

Lễ khấn hôm nay là một niềm vui rộn ràng. Trong lịch sử của HDMTG PT. Có lẽ đây là lễ khấn đông nhất. Tất cả 55 khấn sinh: 33 tiên khấn và 22 vĩnh khấn. Cùng với mọi người, xin chung vui với Hội dòng.

Trong bài PÂ hôm nay, Chúa Giêsu đã bộc lộ niềm vui, có điều niềm vui của Ngài thật sâu lắng, để thông qua đó ta hiểu được niềm vui đích thực của đời dâng hiến.

Niềm vui nào vậy?

1. Được xem là quà tặng Chúa Cha ban

Những người theo Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng ban đầu được các sách PÂ gọi là “môn đệ” và tình cảm Chúa Giêsu giành cho họ không khác gì hơn tình thầy trò, nhưng khi cận kề đường thương khó, Người đã ưu ái nâng lên hàng “bạn hữu” và được xem là “quà tặng Chúa Cha trao ban”.

Qua trình tự nâng cấp này, môn đệ ý thức mình được tuyển chọn để hoàn toàn gắn bó với Đấng mình tin theo, cũng là Đấng chọn gọi mình trong tình yêu cứu độ. Đây không hề là công lênh tự lực, mà là do hồng ân. Đâu phải vì thiện chí bền bỉ hay khả năng vượt trội, cũng đâu phải vì lý lịch sáng trong hay gia đình danh giá mà người ta được khấn trở thành nữ tu, mà là do tình thương của Chúa. “Thân cỏ phận rơm” nhưng được Chúa chạm vào là trở nên “lá ngọc cành vàng”.

2. Được gìn giữ trong danh Chúa Cha

Vẫn biết “gọi nhiều chọn ít” là một định luật ở thuở đầu, nhưng đối với người đi tu, đứt gánh giữa đường là một chuyện đáng ngại, không phải vì đổi đường, mà vì chuyển hướng gây lỡ làng dở dang “xôi hỏng bỏng không” thôi, nên được lời kinh Chúa Giêsu bao bọc chở che, được gìn giữ trong danh Chúa Cha để khỏi bị hư mất, đó là điều tuyệt diệu mang lại niềm vui lớn.

Tất nhiên được gìn giữ không có nghĩa không cần đến sự cố gắng, mà đúng ra chỉ cần một chút thiện chí như nước lã, Chúa sẽ biến hóa cho trở thành rượu ngon. Đối với các khấn sinh lần đầu, nghi thức hôm nay là nghi thức ghi dấu ấn hồng ân, được Danh Cha giữ gìn để tiến tới. Còn đối với các khấn sinh trọn đời, thì đây là bước quyết định, xin được gìn giữ để trung thành. Muốn được ơn Chúa gìn giữ, trước hết hãy nỗ lực giữ mình. Đó là bí quyết “giữ vàng giữ ngọc” trong đời dâng hiến.

3. Được thánh hiến trong sự thật

Sự thật Chúa Giêsu nói đến không thuộc lãnh vực luận lý đúng sai, cũng không thuộc phạm vi luân lý tốt xấu, mà thuộc lãnh vực đức tin. Đây là chân lý đem lại ơn cứu độ, tin là tin Chúa Giêsu là Con TC và đón nhận ơn giải cứu do Ngài đề nghị.

Nghi thức hôm nay cũng gọi là nghi thức “thánh hiến trinh nữ”. Các chị em tùy theo cấp độ tiên khánh hay vĩnh khấn, nhất là đối với HDMTG khi chọn Chúa Giêsu chịu đóng đinh là “đối tượng duy nhất của long trí”, đều được thánh hiến trong sự thật là nguồn ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu.

Sẽ rất vinh dự khi gọi các chị em là người yêu hay bạn trăm năm của Chúa Giêsu, vì được thánh hiến trong chân lý, nhưng cũng rất thực tế khi hiểu rằng ai yêu Chúa thì phải chấp nhận hy sinh. Chúa yêu kẻ đóng đinh Chúa, còn Chúa lại đành hanh thích đóng đinh những kẻ yêu mến Ngài.

Chia sẽ như thế trong lễ khấn không chủ ý tô hồng bong dáng Nữ tu, mà chỉ muốn dựa trên PÂ nêu lên đôi nét của niềm vui đích thực, để chung lời với các khấn sinh cảm tạ vì hồng ân được tuyển chọn, và nguyện xin Chúa thương gìn giũ để đời Nữ tu mãi đẹp lễ hiến dâng. Cầu cho đời dâng hiến luôn bền bỉ cảm nhận được niềm vui sau lắng này, không ngừng sống yêu thương phục vụ để trở nên niềm vui thánh thiện cho ch ính m ình, cho mọi người. Cảm ơn các gia đình đã quảng đại đóng góp thành viên y êu dấu trong gia đình cho Dòng MTGPT, đồng thời cũng là sự đóng góp cho Giáo Hội địa phương.

Và nếu hôm nay được xem là ngày hạnh phúc nhất trong đời thánh hiến, như đám cưới thì cùng với quý cha đồng tế, quý khách và mọi người hiện diện, chúc chị em “ trăm năm hạnh phúc”.

Cuối thánh lễ, đại diện gia đình các tân khấn sinh.

Đại diện Hội Dòng dâng lời cảm tạ: “Trong niềm hân hoan vui mừng, hôm nay hội dòng chúng con vừa có thêm 55 chị em tuyên khấn: 22 chị vĩnh khấn, trở nên thành viên chính thức của hội dòng và 33 chị tiên khấn để khởi đầu hành trình của việc tuyên giữ "ba lời khuyên Phúc âm”. Mùa dâng hiến năm nay trùng vào những ngày khởi đầu của tháng Thánh tâm Chúa Giêsu,tháng của tình yêu thương vô bờ bến.

Tình yêu chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu:

Khúc tình ca dệt lời tri ân mãi.
Dâng hiến đời con đáp trả ân tình Ngài.
Và lạy Chúa này đây con xin đến.
Theo bước chân Ngài dâng hiến cả đời con.

Lời đáp trả tự nguyện hôm nay của 55 chị em dệt thành khúc tình ca dâng hiến, luôn vui tươi thanh thoát để hiến dâng, đó là hồng ân cao quý mà Chúa ban cho từng khấn sinh và toàn Hội dòng chúng con.

“ Hồng ân Thiên Chúa bao la
Muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người”.

Vâng, tất cả là hồng ân. Chúa đã mời gọi mỗi một chị em chúng con trong môi trường, hoàn cảnh khác nhau, cùng nhau sống chung trong một cộng đoàn, một Hội dòng để tiếp nối sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá trong lòng Hội Thánh. Tạ ơn Chúa vì mỗi năm hội dòng chúng con vẫn có nhiều tâm hồn thiện chí đáp lại lời mời gọi để đi theo sát dấu chân Đức Giêsu trên đường Thánh Giá..

Xin tri ân Giáo Hội đã cho chúng con có điều kiện tận hiến đời mình cho Chúa qua lời khấn dòng.

Cám ơn cộng đoàn phụng vụ đã sốt sắng hiệp dâng lời kinh tiếng hát tôn thờ Thiên Chúa với hội dòng chúng con trong thánh lễ hôm nay. Sự hiện diện đông đảo của quý Cha, quý thân nhân, ân nhân quanh Đức Cha bên bàn tiệc thánh làm nổi bật lên mầu nhiệm hiệp thông và mang lại cho hội dòng chúng con chan hòa ơn thánh.

Trọng kính Đức Cha.

Với tình thương của người mục tử nhân hiền, người Cha khả kính của Giáo phận, hôm nay Đức Cha đã đến chủ tế thánh lễ, sự hiện diện của Đức Cha luôn đem lại an vui, hạnh phúc, và khích lệ cho chúng con, chúng con xin hết lòng tri ân Đức Cha. Khắc ghi lời giáo huấn của Đức Cha, đặc biệt lời nhắn nhủ riêng ngày 24- 05 qua bài: “ Nữ Tu Hát” cho lớp khấn năm nay: HẠNH PHÚC- HỒN NHIÊN- HÒA NHẬP và HY SINH, chúng con sẽ cố gắng sống tốt đời tận hiến mỗi ngày, với ước mong đem lại nhiều hoa trái cho việc tông đồ truyền giáo của giáo phận.

Chúng con xin chân thành cám ơn Cha Cựu Giám tỉnh Dòng Tên, quý Cha Hạt trưởng, Cha Giám đốc, quý Cha đồng tế, quý Tu sĩ nam nữ vì tình thương mến đã không quản ngại thời gian và sức khỏe, đến để dâng lễ cầu nguyện cho chúng con.

Chúng con xin được tri ân sâu xa đến dòng Châu thủy, quý Cha cựu tuyên úy, quý Cha giáo, Cha quản xứ Tân Tạo, quý Cha giúp tĩnh tâm linh thao… Xin nhận nơi chúng con lòng biết ơn chân thành.

Chúng tôi xin chung vui với quý phụ huynh, thân nhân các chị em khấn lần đầu và khấn trọn đời hôm nay, xin trân trọng và biết ơn sự hy sinh của gia đình khi dâng hiến người con ưu tú của mình cho Thiên Chúa trong hội dòng chúng tôi, xin tiếp tục nâng đỡ, cầu nguyện cho chị em đươc luôn trung thành với lời cam kết.

Nhân cơ hội này, Chúng tôi cũng xin được nói lên lời tri ân đến với quý vị ân nhân xa gần, đã quảng đại giúp đỡ chúng tôi trong việc xây dựng và phát triển Hội Dòng. Sự hiện diện của quý vị hôm nay nói lên lòng ưu ái đối với Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì nguyện đường nhỏ bé, chật hẹp, nên việc tiếp đón của chúng tôi không được như lòng mong ước. Kính xin Quý vị thông cảm bỏ qua.

Tất cả là hồng ân, chúng con tạ ơn Chúa, nguyện xin Thánh tâm Chúa luôn gìn giữ tất cả chúng con trong tình yêu của Ngài. Cùng xin Chúa trả công bội hậu cho Đức Cha, Đan Viện phụ, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý thân nhân, ân nhân và toàn thể quý khách. Xin tiếp tục yêu thương và cầu nguyện cho hội dòng chúng con.

Trước khi dứt lời, kính xin miễn thứ cho những thiếu sót của chúng con. Chúng con xin chân thành tri ân.

Sau thánh lễ các linh mục đồng tế, các tu sĩ nam nữ và các thân nhân khấn sinh điểm tâm sáng chia vui với Hội dòng.

Đời tu là một bài ca tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn vì đời sống thánh hiến được ban cho Giáo Hội. Hồng ân Thiên Chúa chiếu rực trong cuộc đời của người tu sĩ để rồi người tu sĩ được biến đổi để đem Chúa Kitô cho cuộc đời.

Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, mùa khấn dòng và phong chức khắp các giáo phận và các hội dòng. Xin chung lời cầu nguyện cho 55 bông hoa tiến dâng cho Trái Tim Nhân Từ của Chúa Giêsu. Hôm nay đã tươi đẹp, trong suốt quãng đời tương lai được mãi tươi, mãi đẹp, mãi tỏa hương nhân đức khoe sắc yêu thương.
 
Thánh lễ Thêm Sức tại giáo xứ Mẹ Thiên Chúa
Ignatiô Phan Đình Long
10:41 04/06/2014
HÀM TÂN - Phải nói rằng: Ngày 1/6/2014 vừa qua là một ngày thật vui đối với giáo xứ Mẹ Thiên Chúa, niềm vui ấy được khởi đi từ việc cùng với Giáo Hội toàn cầu hân hoan mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời. Niềm vui ấy được nhân lên bội phần, khi Đức Giám Mục giáo phận đã đến thăm mục vụ và trao ban Bí Tích Thêm Sức cho 113 con em thanh thiếu niên trong Giáo xứ. Đây là ngày trọng đại trong cuộc đời của các con em, và là ngày vui của tất cả các gia đình trong Giáo xứ.

Hình ảnh

Cùng đồng tế với Đức Cha có Quý Cha: Hạt trưởng hạt Hàm Tân, Cha Quản lý Toà Giám Mục, Cha trưởng ban Truyền thông Giáo phận, và Quý Cha thân quen khác.

Trong bài Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Đức Cha Giuse chia sẻ: Mọi người cần đặt niềm tin vào Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời vinh hiển. Mầu nhiệm Chúa Giêsu về trời, mặc dù khác biệt về thể lý, về không gian, nhưng tâm hồn của mỗi Kitô hữu luôn kết hợp với Chúa và hướng lòng về trời. Mọi người phải thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân và làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Mọi người hãy trở nên nhân chứng Tin Mừng cho thời đại hôm nay.

Sau phần Hiệp lễ ông Tân Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ Mẹ Thiên Chúa thay mặt phụ huynh và các con em Thêm Sức, tỏ lòng tri ân Đức Cha, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Soeurs. Sau đó, Cha sở Mẹ Thiên Chúa ân cần giới thiệu Tân Hội đồng Mục vụ Giáo xứ với Đức Cha. Với lực lượng 86 thành viên của Hội đồng Mục Vụ, Đức Cha ngỡ ngàng, Ngài cho biết hiếm có Giáo xứ nào mà Hội Đồng Mục Vụ lại đông như thế này. Đức Cha cầu chúc cho Tân Hội Đồng Mục Vụ sống đời sống gương mẫu, đầy nhiệt huyết để đáp ứng lại sự trăn trở, thao thức của Cha sở và niềm tin của Giáo dân gửi gắm. Đức Cha cũng cầu chúc cho Giáo xứ Mẹ Thiên Chúa mỗi ngày một vững mạnh tiến bước, đồng hành cùng các Giáo xứ trong toàn Giáo phận.

Cuối cùng Đức Cha ban Phép lành cho cộng đoàn dân Chúa, và chụp hình lưu niệm với Tân Hội đồng Mục vụ và các em lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Chuyện anh Ba và chuyện thịt gà
Trà Lũ
09:52 04/06/2014
Lá thư Canada: CHUYỆN ANH BA và CHUYỆN THỊT GÀ

Chưa bao giờ nhóm già chúng tôi nổi máu chống CS lên cao và mạnh mẽ như tháng Sáu này. Nhóm già đây là làng An Lạc của tôi ấy mà. Bữa nay gặp nhau một cái là nói ngay chuyện dàn khoan HD.981, là hỏi nhau ngay Tứ trụ VC Trọng-Dũng-Sang-Hùng đã dám mở miệng nói gì chưa hay vẫn tiếp tục cúi mặt xuống đất. Người tỏ ra quan tâm nhất là Cụ B.95. Cụ chỉ ao ước trước khi về với tổ tiên cụ được thấy quê hương VN hết bóng CS. Cụ Chánh tiên chỉ cười hì hì: VC đang thi hành các lời đã hứa với TC, là dâng đất cho Tàu. Hồ Chí Minh và Phạm Van Đồng ngày xưa đã hứa với Mao Trạch Đông như vậy cho nên Tàu mới viện trợ tối đa cho VC trong cuộc chiến vừa qua. Một chứng cớ hiển nhiên nhất về sự thần phục này là suốt đời Hồ Chí Minh ăn mặc theo lối Tàu, áo già Hồ mặc giống y như áo già Mao. Cả đời họ Hồ chưa hề mặc quốc phục, đội khăn và áo dài bao giờ. Còn cái anh Ba Tàu phương bắc này thì khỏi nói. Cái máu Hán tộc ngàn xưa vẫn là đi xâm lăng cướp đất. Đọc kỹ lại những trang sử cận đại, ai cũng giật mình vì cái đường lưỡi bò ở Biển Đông đã có từ thời Tưởng Giới Thạch. Hóa ra máu xâm lăng của anh Tàu Quốc Gia và anh Tàu CS giống y nhau. Các cụ đã đọc cuốn sách “Death by China” nổi tiếng của Peter Navarro Chưa? Có bản dịch tiếng Việt ‘ Chết Dưới Tay Trung Quốc’ của Tiến Sĩ Lê Minh Thịnh 2013. Nếu chưa, xin tìm đọc ngay nha.

Nghe đến đây thì anh John lên tiếng: Nhân nói tới đường lưỡi bò, tôi chợt nhớ tới món quà mà bà Thủ tướng Angela Merkel nuớc Đức đã tặng ông chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 28 tháng Ba vừa qua. Các bạn có nhớ cuộc gặp mặt lịch sử này không? Tôi xin nhắc lại nha. Rằng ngày đó ông Vua Tàu sang thăm nước Đức, bà thủ tước Đức đã tặng Vua Tàu một tấm bản đồ Trung Quốc in năm 1735. Trên bản đồ này biên giới của Tàu chỉ tới đảo Hải Nam, không hề có Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ và Mãn Châu và nhất là không hề có Hoàng sa Trường Sa ! Đây là tấm bản đồ do các Linh mục Dòng Tên đi truyền giáo ở Phương Đông nghiên cứu, và trình về Nhà Dòng mẹ ở Âu Châu, nhà bản đồ học Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville hoàn chỉnh, rồi in và xuất bản ở bên Đức. Các viện bảo tàng của Roma và quốc gia của Đức còn lưu trữ tấm bản đồ lịch sử này. Báo chí tây phương khi thuật lại việc trao quà lưu niệm này cùng cho rằng đây là một cái tát vào mặt anh Tàu của bà thủ tướng nước Đức.

Báo chí Tây phương thì thuật như thế, còn báo chí của Tàu thì khác. Các báo Tàu đăng tin tặng quà này nhưng đã gian dối thay bản đồ 1735 trên đây bằng một bản đồ khác và nói láo rằng đây là bản đồ của bà thủ tướng Đức tặng. Họ được lệnh tráo bản đồ 1735 bằng một bản đồ khác in năm 1844 của nhà bản đồ học tên là John Dower. Trong bản đồ đánh tráo này có tên 4 miền Tạng Cương Mông Mãn, nhưng không hề có Trường Sa và Hoàng Sa.

Báo chí Tàu hí hửng đăng tin có bản đồ quý báu, nhưng vẫn lòi đuôi gian dối. Hoàng sa và Trường Sa, trên cả 2 bản đồ cổ 1735 và 1844 vẫn không hề là của Tàu. Chuyện bản đồ dài lắm, chúng ta sẽ bàn tiếp về sau.

Xin được nói tiếp về dàn khoan HD 981 hiện vẫn còn là điểm nóng hổi. Đây là một âm mưu đã tính toán từ lâu của TC. Chúng mang dàn khoan này đến đúng lúc VC cô đơn nhất. Tổng thống Mỹ Obama sang Á Châu thăm Đại Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân và kết nghĩa chiến lược. Bây giờ ai cũng biết Tàu Cộng mà đụng tới 3 nước này thì Mỹ đánh ngay. Hải quân của Hoa Kỳ vẫn là vô địch. Ông Obama không hề ghé hay nói tới VN trong chuyến đi Á Châu này. VC muốn được Mỹ cứu ư? Dễ lắm. Đúng như nhà đối kháng Cù Huy Hà Vũ nói trên đài RFA trung tuần tháng Năm vừa qua. Mỹ có thể cứu VN với điểu kiện: các anh hãy thả hết những tù nhân lương tâm ra và hãy bỏ điều 4 Hiến Pháp… Tin giờ chót: ngày 27.5, 2014, TC rời dàn khoan HQ 981 di chỗ khác và dang dàn quân ở biên giới. Cái gì sẽ xảy ra tiếp theo thưa bà con?

Anh John cho biết anh vừa được người bạn chuyển cho một đoạn phim rất đáng chú ý, nghe rất thật, không có bóng dáng bịa đặt. Đó là một clip về đài phát thanh của Tàu, ‘Đài Tiếng Nói Nhân Dân Trung Hoa’ phát thanh bằng 3 thứ tiếng Anh Hoa và Việt. Theo bản tin tiếng Việt, lời cô xướng ngôn viên rất bình thản và lịch sự, cô cho biết Trung Quốc rất ngạc nhiên về các việc chống họ ở VN. Họ mang dàn khoan HD 981 đến lãnh hải của họ mà, lãnh hải này Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký công hàm ngày 7.6.1958 dâng biển dâng đảo cho Trung quốc. Trung quốc chỉ ngạc nhiên là phía CS Hà Nội đã dấu nhẹm công hàm này, đã không công bố cho toàn dân VN biết. Theo công hàm thì VN dâng đất dâng biển đổi lấy khí giới để vào chiếm Miền Nam. Ông ODP cho biết ông nghe xong đoạn tin này mà giật mình. Thât vậy sao? Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đã dâng đất dâng biển thật sao? Giá mà Trung Quốc công bố hụych toẹt cái công hàm bán nước này cho cả thế giới biết thì hay quá. Chắc phải có gì gay cấn ở bên trong nên Tàu chưa công bố mà thôi, và tứ trụ Trọng-Dũng-Sang-Hùng vẫn ngậm miệng cúi mặt. Nếu đây là sự thực thì Chúa Phật ơi, bọn CS Hà Nội còn đáng tội hơn Lê Chiêu Thống và Trần Ích Tắc một triệu lần ! Dâng đất dân biển để lấy súng đạn vào giết anh em Miền Nam. Chúng nói dối đồng bào Miền Bắc là vào giải nguy Miền Nam vì đồng bào ở đây đang bị bọn Mỹ Ngụy cùm kẹp…

Ông ODP lên tiếng: Sở dĩ Tàu và VC đều ngậm miệng trong việc này là vì năm 1958 Phạm Văn Đồng ký giấy dâng đất Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng hai đất này lúc đó không thuộc lãnh thổ của họ mà thuộc lãnh thổ của VNCH. VC không phải là chủ nhân thì lấy tư cách gì mà dâng.

Nghe đến đây thì cả làng tôi im lặng như tờ, mọi người bị sét đánh. Thât vậy sao?

Thấy ai cũng im lặng, anh H.O. phá cái bầu không khí căng thẳng này, anh vừa cười vừa kể: Tôi cũng có nghe phong phanh một nguồn tin giống như vậy, đó là nguồn Wikileaks; Hồ Chí Minh ngày xưa đã hứa dâng đất nước cho Tàu, và cái hạn sát nhập vào đất Tàu là năm 2020. Tàu đang thi hành những điều Hồ Chí Minh và bè lũ đã hứa. VC chỉ cần Đảng, VC chủ trương thà mất nước còn hơn mất đảng. Các bạn để ý mà coi, cứ mở miệng là bọn chúng nói tới Đảng, không hề nhắc tới non song tổ quốc. Bác ODP nóí đúng, bọn tứ trụ Trọng-Dũng-Sang-Hùng vẫn cúi mặt xuống đất không hề dám nói một lời.

Nghe đến đây thì Cụ B.95 nghẹn ngào: Ối quân đội nhân dân ơi, súng các anh cầm trong tay không phải đề giết đồng bào nha, mà để bảo vệ bờ cõi nha. Sao mặt mũi anh em cứ ngây ra như tượng gỗ vậy?

Các cụ thấy chưa, hôm nay làng tôi đã miên man bàn các chuyện quốc sự, chuyện dàn khoan 981, chuyện biểu tình, chuyện những cái hèn hạ và đê nhục của bè lũ VC. Để chấm dứt cái miên man nhức nhối này Cụ. B.95 lại lên tiếng. Cụ xin đổi đề tài, đổi không khí, nếu không thì đêm nay cụ sẽ mất ngủ rồi sẽ sinh bệnh. Cả làng bèn gật đầu đồng ý. Ừ thôi, để lần sau ta vạch tội chúng tiếp.

Các cụ có biết chúng tôi tỗ chức buổi họp làng quan trọng này vào ngày nào không? Thưa vào ngày Victoria Day, thứ Hai,19.5.2014. Các cụ phương xa chắc chả biết nhiều về ngày lễ nghỉ này của Canada. Tôi xin đôi điều trình các cụ rõ nha. Victoria là tên một nữ hoàng bên Anh rất nổi tiếng vào thế kỷ 19. Triều đại của bà kéo dài hơn 64 năm, được coi là một thời hoàng kim về kinh tế và lãnh thổ, đế quốc Anh lúc đó bao trùm thế giới, mặt trời không bao giờ lặn. Bà lên ngôi lúc 18 tuổi. Tên đầy đủ của Bà là Alexandrinna Victoria, 1819-1901. Theo sách vở thì đời của Bà có 4 điều đặc biệt: Bà mồ côi cha khi mới 1 tuổi. Bà được mẹ nuôi dạy cho tới khi lấy chồng. Chồng bà là người con ông bác ruột, tức là con chú con bác, first cousin. Bà chỉ cao có 5 feet. Bà đã bị mưu sát 6 lần nhưng đều thoát chết. Chắc có cụ ở phương xa sẽ hỏi: một bà nữ hoàng bên Anh thì có liên hệ gì tới Canada, phải không cơ? Thưa có ạ, vì ngày xưa, trước khi Canada thành hình thì đất này là một thuộc địa của Anh. Vua bên mẫu quốc cũng là vua bên thuộc địa. Dân Anh rất tôn kính nữ hoàng Victoria và đã chọn một ngày thứ Hai cuối tháng Năm làm ngày vinh danh Bà. Dân nói tiếng Pháp ở miền Quebec dĩ nhiên là không yêu bà nữ hoàng này, nhưng vì ngày nghỉ có tính cách liên bang nên dân Quebec gọi là ngày kính nữ hoàng, Jour de la Reine’, nói trống vậy thôi, chứ không nói rõ tên.

Nhân nói tới dân Quebec, xin cho tôi miên man chút xíu nữa nha.Tại Canada có 2 sắc dân da trắng tiên khời là dân Pháp và dân Anh. Dân Pháp tới trước, dân Anh tới sau, hai bên đánh nhau vì tranh đất. Pháp thua và bị Anh cai trị, điều này tôi đâ kể nhiêu lần và chắc các cụ còn nhớ lịch sử. Tuy nhiên có chuyện này tuy nhỏ nhưng bây giờ đang trở thành lớn và khó xử cho Canada. Đó là chuyện 2 đảo nhỏ xíu ngay sát bờ biển Canada về phía đông. Tên hai đảo này là Saint-Pierre rộng 25 cây số vuông, và Miquelon diện tích 110 cây số vuông. Hai đảo thuộc nước Pháp, dân số chừng 6 ngàn. Ngày xưa quân Anh chiếm miền Quebec của Pháp, chỉ chiếm có lãnh thổ Quebec chứ không chiếm hai đảo nhỏ xíu này, thành ra từ đó đến nay hai đảo này vẫn là đất Pháp. Bây giờ miền biển này thuộc khu vực 5 quốc gia đang tranh chấp chủ quyền vì nó liên hệ tới lộ trình hải hành quốc tế và ở dưới có nhiều mỏ dầu. Bây giờ thì ông Pháp đang đắc chí cười hà hà, còn ông Canada thì đấm ngục trách mình tại sao ngày xưa mình quên khuấy hai cái đảo nhỏ này, tại sao đã không đem nhập vào lãnh thổ Canada.

Phía bắc của Canada là Bắc Băng Dương, bây giờ băng đá và tuyết đang tan làm lộ ra một hải trình quốc tế quan trọng, vì hải trình ngắn gấp đôi nếu muốn đi từ đông sang tây hay ngược lại, và ở dưới lại đầy mỏ dầu. Năm quốc gia đang tuyên bố mình có chủ quyền là Canada, Đan Mạch, Nga, Na Uy, và Pháp. Ông Pháp cho mình có chủ quyền vì hai hòn đảo nhỏ xíu trên đây. Hoa Kỳ và Trung Quốc không đòi chủ quyền nhưng đòi lộ trình này thuộc hải trình quốc tế, mọi nước phải được tự do đi lại. Nhiều nước muốn đem chuyện này ra bàn tại Liên Hiệp Quốc, chưa biết rồi sẽ ra sao.

Tôi đang nói về hải trình phía bắc này thì cô Cao Xuân giơ tay xin phát biểu. Mọi người đều ồ lên một tiếng ngạc nhiên. Xưa nay trong các ngày họp làng, cô Cao Xuân gốc Huế này ít nói nhất, chỉ có vỗ tay và cười là nhiều. Sao hôm nay cóc lại mở miệng thế này. Cô Huế lên tiếng: Tôi xin được trở về chuyện nói ban đầu. Lúc nãy dân làng chửi Tàu ghê quá làm tôi có cảm tưởng rằng anh Tàu nào cũng xấu. Tôi không nghĩ thế. Riêng tôi, tôi thấy một anh Tàu không hề xấu, anh này tốt bụng vô cùng, các bạn có biết là ai không? Cả làng hầu như ai cũng lắc đầu, làm sao mà biết được cái Cô Cao Xuân ít nói này. Chị Ba Biên Hòa thì bảo chắc đây là người yêu của cô. Cô lắc đầu bảo không phải là người yêu nhưng là thần tượng của cô. Để cho cả làng khỏi sốt ruột, cô nói ngay: Đó là tài tử điện ảnh Hong Kong Châu Nhuận Phát ! Và cô giải thích: xưa nay tôi vẫn mê anh tài tử đẹp trai và cao lớn này. Gần đây tôi còn mê hơn nữa vì anh có một hành động đẹp mắt và đáng ca ngợi vô cùng: Anh đem 99% tài sản của mình, tương đương 130 triệu mỹ kim, cho người nghèo ! Tôi tìm đọc về cuộc đời của anh và thấy đây là một tấm gương sáng. Anh sinh ra trong một gia đình rất nghèo khổ ở Hong Kong, phải bỏ học để giúp mẹ bán hàng ở chợ, lớn lên đi làm nghề gác khách sạn, rồi lái taxi. Năm lên 17, nhân đọc báo thấy tin hãng phim TVB mở cuộc thi tuyển tài tử. Anh đi thi và được nhận ngay vì anh cao lớn, đẹp trai và tỏ ra có tài đóng kịch. Đời anh bước vào khúc rẽ ngoạn mục từ đây. Từ phim nhỏ anh bước lên những phim lớn như Lệnh Hồ Xung, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Ngọa Hổ Tàng Long, và gần đây nhất, Đại Náo Thiên Cung trong đó anh đóng vai Ngọc Hoàng Đại Đế. Anh đã bước sang Hollywood với cái mộng sẽ là một Lý Tiểu Long thứ hai. Anh sinh năm 1959, năm nay anh đã 55 tuổi. Anh có hai đời vợ. Vì không có con, và bà vợ hiện nay không hề đua đòi, nên hai vợ chồng vẫn sống một cuộc đời rất bình dân, không ở nhà sang, không đi xe đắt tiền. Anh cho biết anh gốc nhà nghèo từ bé nên anh biết giá trị đồng tiền. Anh đã tíết kiệm từng đồng, ngày này qua ngày khác. Anh tuyên bố: Số tiền 130 triệu này, 99% cơ nghiệp hiện nay, không phải là tiền của tôi, mà là tiền Thượng Đế đưa tôi giữ giùm, nay tôi thấy người nghèo quanh tôi đông quá nên tôi xin trao lại cho người nghèo. Tiền bạc là vật ngoại thân…

Kể đến đây rồi cô Cao Xuân xin hết. Cả làng vỗ tay râm ran. Cô bạn Tôn Nữ cho biết: Tôi biết nó mê xem phim bộ, cũng tưởng nó mê tài tử Đại Hàn, ai ngờ nó mê tài tử Hong Kong. Rồi cô Tôn Nữ nhìn mọi người, vừa cười vừa kết luận: Ông tài từ Tàu này được qúa chứ, có thấy ông có máu xâm lăng chỗ nào đâu. Cả làng tôi đều cười xòa. Các cụ đã thấy hai cô Huế của làng tôi đáng yêu chưa.

Việc ông tài tử Châu Nhuận Phát đem hết tài sản cho người nghèo làm tôi chợt nhớ tới lá thư của ông cha già Ngô Phúc Hậu mà tôi nhận được tuần qua. Chắc tôi sẽ gợi ý để Cha Hậu liên lạc với ông tài tử có tấm lòng vàng này mới được. Các cụ có biết Cha Hậu chuyên làm cầu và làm đường ở Cà Mau không? Hình như có lần tôi đã kể rồi mà. Chuyện này đã cũ. Hồi 10 năm trước đây, ông cha này coi một xứ đạo rất nghèo. Ông nhìn quanh ai cũng nghèo, cha mẹ thì không kiếm ra tiền và con nít thì không đi học, tất cả vì một lý do chính là bị kênh rạch ngăn cách, muốn giao thông nhưng không có tiền đi đò. Ông cha bèn đi gõ cữa khắp nơi. Ông xin được bao nhiêu tiền thì bỏ ra làm cầu nối các khu với nhau, và nối các con đường cụt. Thoắt rồi việc giao thông bớt bế tắc. Thoắt rồi trẻ con có đường có cầu đến trường và đến nhà thờ, thoắt rồi người lớn hết bị cô lập bắt đầu buôn bán và trao đổi. Việc làm bác ái này đã làm động lòng bao nhiêu người. Ngoài việc làm cầu làm đường, ông cha còn xin khắp nơi giúp tiền làm ‘mái nhà tình thương’. Lúc đó một căn nhà rộng chừng 30 thước vuông, tường bằng gạch xi măng, mái lợp tôn, tốn chừng 500 mỹ kim. Ai cho 500 là giúp một mái ấm cho một gia đìng nghèo khó. Nhiều người cho lắm. Tôi cũng vận động bạn bè giúp được ít căn. Khi ông cha ngoài 70 tuổi thì có một ông cha trẻ về giúp sức. Khi thấy ông cha trẻ đã đủ khả năng và kinh nghiệm làm cầu làm đường và làm mái nhà tình thương, thì ngài về hưu và xin được quy cố hương. Nơi ngài đang làm việc là Cà Mau, miền cực nam đất Việt. Nay ngài xin rời lên miền cực bắc địa đầu đất nước, tức là miền Sơn Tây ở Hưng Hóa, vì nơi đây chính là sinh quán của ngài. Tôi được quen biết ngài qua việc viết sách. Cha Ngô Phúc Hậu này cũng là một nhà văn. Ngài viết rất hay, văn chương dí dỏm, đầy tình Chúa đầy tình người. Tuần qua ngài viết cho tôi một bức thư dài, trong đó ngài kể chuyện đi thăm các đồng bào vừa kinh vừa thượng ở miền thượng du giáp đất Tàu. Từ đầu thư đến cuối thư toàn là chữ nghèo. Tôi xin trích một đoạn để chia sẻ với các cụ:

… Tôi bỏ ra ba ngày đi thăm đồng bào phía cực bắc, về tới nhà ở Sơn Tây này thì mệt phờ, nhắc không nổi cái chân. Nhưng cái mệt không làm tôi buồn bằng cái nghèo của đồng bào miền Tây-bắc. Vừa buồn vừa tức. Tức vì người nghèo vẫn cứ mãi mãi chiếm 3 phần 4 dân số thế giới, và chỉ được hưởng 18% tài nguyên trái đất. Nói một cách cụ thể theo sách vở thì cứ 100 người, thì hiện có:

- 75 người nghèo chia nhau ăn 18 bát cơm. Ăn hết cơm mà bụng vẫn còn đói meo!

- 25 người giầu được ăn tới 82 bát cơm, vừa ăn vừa đổ đi, ăn no cành bụng mà cơm vẫn còn thừa mứa một đống !

Tại sao người nghèo lại đông đảo và cực khổ đến thế? Giáo Hội đã cùng với ngàn vạn người thiện chí quyết tâm chấm dứt tình trạng nghèo trên thế giới vì nghèo xúc phạm đến nhân phẩm. Nhưng tình trạng nghèo đói vẫn còn đó. Mẹ thánh Teresa Calcutta đã dốc toàn lực của cả một đời để cứu vớt người nghèo, nhưng bà đã than thở rằng đó chi là ‘muối bỏ biển’. Tôi chợt nhớ tới cụ Victor Hugo, tác giả cuốn ‘ Những Kẻ Khốn Cùng/ Les Miserables’. Ngày xưa tôi đã đọc sách này say mê. Hình như cụ đã đập bàn khi tuyên bố câu này: ‘ NGHÈO và DỐT là một cặp vợ chồng đẻ ra những quái thai’. Tôi cũng giận dữ y như cụ Victor Hugo. Tôi cũng đã chỉ mặt chúng mà la lên rằng ‘ NGHÈO và DỐT là một cặp vợ chồng vô cùng gian ác’.

- Thưa Cụ Victor Hugo, Năm 1862 cụ khiển trách nặng lời cặp vợ chồng Nghèo-Dốt. Chúng nó làm bộ điếc không thèm nghe, lại còn ra vẻ vênh váo. Năm 1885 Cụ nhắm mắt lìa đời, còn chúng nó thì cứ sống phây phây. Chúng nó vẫn khống chể 3/4 thế giới ! Kể từ ngày cụ về bên kia thế giới tính đến nay đã 129 năm rồi, NGHÈO-DỐT vẫn còn đó, vẫn cứ phây phây và vênh váo…

Ông Trà Lũ ạ, thất vọng qúa, tôi tìm một nơi thanh vắng để tránh mặt chúng nó, vừa để cầu nguyện vừa để ngẫm nghĩ, và ông ơi, tôi chợt nghĩ ra một kế, đó là kế ‘ Diệt dốt để dốt diệt nghèo’. Ta sẽ vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng cho các em học sinh nghèo, mỗi học bổng là một ‘phao cứu nghèo’. Đây sẽ là một niềm phấn khởi cho các cha mẹ nghèo. Các cha mẹ nghèo oằn vai gánh nặng, nay bỗng thấy nhẹ hẳn đi khi thấy con được cắp sách tới trường. Khi được học hành, các em sẽ hết dốt. Khi đã hết dốt các em sẽ biết phải làm gì để hết nghèo. Nghe được không, thưa ông Trà Lũ ?

- Được quá chứ, thưa Cha.

Thư của linh mục già Ngô Phúc Hậu còn dài lắm, nhưng đại ý vẫn là làm sao diệt cái dốt, cái dốt sẽ diệt cái nghèo. Các cụ khắp nơi có thể tiếp sức với ông cha già 80 tuổi này không? Giúp bao nhiêu cũng được ( Địa chỉ: 70 Lê Lợi, Sơn Tây, Hà Nội, VN )

Sau phần tôi kể chuyện xin giúp người nghèo của Cha Hậu thì dân làng được chủ nhà là cụ Chánh đãi bánh Ít với nước trà xanh. À, tôi quên chưa trình các cụ rằng bữa nay nhân ngày nghỉ lễ Victoria, lại nhân biến cố Anh Ba Tàu lộng hành ở Biển Đông, chúng tôi bèn họp nhau trao đổi chuyện quốc sự rất sớm. Chúng tôi kéo đến nhà cụ Chánh tiên chỉ ngay sau bữa trưa, bụng ai cũng còn no. nên bây giờ cụ đãi bánh ít là món ăn chơi.

Tên bánh là ít nhưng cụ mang ra rất nhiều. Ít mà là nhiều. Hay ghê vậy đó. Trong khi mọi người ăn bánh ít thì cụ Chánh đố mọi người: Tại sao đồng bánh này có tên là ‘Ít’ ?. Chị Ba Biên Hòa đâu, bánh này của Miền Nam, chị là người miền Nam, xin cho chúng tôi biết tại sao người Nam lại gọi nó là bánh Ít? Chị Ba đỏ mặt, lắc đầu không biết. Để cho làng bàn tán một chập rồi cụ Chánh mới nói: Tôi vừa đọc cuốn Hồi ký của Cụ Huỳnh Văn Lang, thấy Cụ giải thích như vầy: tên gốc của đồng bánh là ‘Ếch’, vì đồng bánh trông giống con ếch đang ngồi. Rồi tiếng Ếch nói hoài theo giọng người Nam thì biến ra Ít. Nghe có lý phải không cơ. Cụ Huỳnh Văn Lang, nay đã ngoài 90, thọ vào hàng cha chú, là người Miền Nam học thức, như cụ Vương Hồng Sển, nên ta phải tin chứ.

Ông ODP xin góp thêm ý: Nhân ăn bánh ít và bánh ú, tôi có nhận xét này Các bánh Việt Nam như bánh ít, bánh ú, bánh chưng, bánh tét, bánh gai, tất cả đều nấu trong nồi nước, còn các bánh của phương tây, như bánh bông lan, bánh men, bánh biscuit, tất cả đều bỏ lò nướng. Rõ ràng bếp bên Đông và bếp bên Tây khác nhau, phải không cơ?

Nghe có lý quá, phải không các cụ?

Cụ bà B.95 nghe chuyện bếp Đông bếp Tây thì có vẻ bằng lòng lắm. Cụ bảo: Nãy giờ các bạn đã nói nhiều vể Tàu Cộng và Việt Cộng, toàn chuyện nhức đầu. Hôm nay nói như vậy là đủ rồi. Từ lúc này trở đi, xin làng nói các chuyện vui cười nha, để cái đầu ai cũng được nhẹ nhàng, tối nay ai về cũng ngủ ngon. Rồi như thông lệ, cụ xin thần tượng của Cụ kể chuyện cười. Mỗi lần họp làng anh John đều được mọi người xin kể chuyện cười vì anh chịu khó đọc sách sưu tầm, và anh có tài nhìn ra chuyện cười ngay trong đời sống hàng ngày. Khi nào anh tìm được chuyện cười có tính chất văn chương thì anh thích lắm, bao giờ anh cũng đem ra khoe ngay. Bữa nay anh khoe anh gặp câu đối bình dân này:

Giai nhân tái đắc giai nhân tử

Anh hùng khai đống anh hùng tiêu


Rồi anh đố hai câu này nói về cái gì. Ai cũng nghĩ. Rồi cô Tôn Nữ lên tiếng:

Tôi chỉ hiểu nghĩa được một nửa, này nha, giai nhân là người đẹp, ‘giai nhân tử’ là người đẹp chết, anh hùng ở câu hai dùng để đối với giai nhân ở câu một, chắc để chỉ anh con trai, ‘anh hùng tiêu’ chỉ anh hùng chết. Cái khúc mắc ở hai câu đối này là chữ Hán ‘ tái đắc’ và ‘khai đống’. Hiểu được 2 tiếng Hán này là xong ngay. Ai cũng đưa mắt nhìn bồ chữ ODP. Ông này ngậm môi suy nghĩ một chút rồi phá ra cười:

- Ha ha, tôi hiểu ra rồi, bốn chữ mà Cô Tôn Nữ gọi là chữ Hán, nó mang cái áo chữ Hán chứ thực ra nó là câu nói lái tiếng Việt. ‘Tái đắc’ là tắc đái, ‘Khai đống’ là không đái. Bây giờ thì nghĩa rõ rang rồi nha bà con:

Người đẹp mà ‘tắc đái’ là chết

Người hùng mà ‘không đái’ cũng chết luôn

Cả làng phá ra cười. Hay quá và đúng quá. Cụ Chánh vừa cười vừa gật gù: Đây là một sự thực. Nhịn ăn nhịn uống thì còn chịu được, chứ nhịn đái thì chết ngay. Chuyện này đã xảy ra ngoài Bắc quê của lão. Rằng trong một tiệc cưới kia, sau khi tiệc tan, cô dâu vừa vào tới phòng ngủ thì lăn ra chết. Đưa đi bệnh viện thì bác sĩ bảo cô chết là vì vỡ bọng đái. Cô đã nín đái nhiều quá và lâu qúa. Dân làng tìm hiểu thì mới suy ra rằng ngày xưa cô dâu là cái đinh của ngày lễ, cô phải giữ ý giữ tứ trong mọi hành vi. Cô đã mót đái mà vì mắc cở không dám đi giải tỏa nên đã sinh ra thảm cảnh này.

Mọi người vỗ tay khen câu chuyện của anh John hay qúa và lời phụ đề của Cụ Chánh đúng qúa. Mọi người xin anh kể tiếp, nhưng anh xin hết. Anh John liền cầu cứu anh bạn H.O.. Anh này hôm nay cũng cao hứng lắm, anh cũng xin kể chuyện chữ nghĩa.

- Tôi xin kể chuyện có thật vì tôi đã chứng kiến. Rằng hồi di tản 1975, trong đoàn người di tản ở trong trại tiếp cư Pendleton ở California, mọi người ngủ lều và hằng ngày xếp hàng 3 lần đi lãnh thức ăn. Có một anh bạn tôi gốc miền biển Bắc Kỳ di cư, anh không bao giờ phát âm được chữ L. Anh luôn luôn phát âm L ra N. Có bữa anh ta phàn nàn với tôi rằng cái anh lính Mỹ nhà bếp nó luôn luôn chơi xỏ anh. Hôm nào có món thịt gà thì tao xin nó đùi gà, thế mà bao giờ hắn cũng múc cổ gà cho tao. Tôi mới hỏi ‘Cậu nói tiếng Anh làm sao?’ Anh ta trả lời: Tao bảo ‘Givơ mi néc’. Tôi bò ra cười: Nó cho cậu cổ gà là đúng rồi. Đùi gà là lec (leg) còn cổ gà là néc ( neck). Nếu cậu nói ‘Gi vơ mi lec’ thì nó đã múc cho cậu đùi gà rồi.

Cả làng vỗ tay khen chuyện hay. Nói ‘Léc’ thì Mỹ mới cho ăn đùi gà. Nghe đến đây thì Chị Ba Biên Hòa giơ tay xin góp chuyện:

Tôi xin nói việc ăn thịt gà. Theo đa số người VN thì trong con gà, cái đùi gà là ngon nhất, nhưng đối với cái miệng người da trắng, phần ngon nhất trong con gà là cái ức của con gà. Đúng như bác ODP đã nói lúc nãy: bếp Đông và bếp Tây khác nhau, cái miệng bên Đông cũng khác cái miệng bên Tây.

Cụ Chánh nghe xong chuyện này liền hỏi anh John: Bây giờ ăn thịt gà, anh chọn đùi gà hay ức gà?

- Con chọn đùi gà vì vợ con đã dạy con như thế ạ.

Các cụ phương xa đã thấy cái tài dạy chồng của Chị Ba Biên Hoà chưa?

TRÀ LŨ

LTS: Tác gỉả Trà Lũ vừa xuất bản 2 tác phẩm mới: Đât Quê Hương 2 và 600 Chuyện Cười, và tái bản 3 cuốn chuyện cười cũ. Độc giả muốn mua những sách này, xin liên lạc trực tiếp với tác giả: petertralu@gmail.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Việt Nam
Diệp Hải Dung Australia
21:22 04/06/2014
MẸ VIỆT NAM
Ảnh của Diệp Hải Dung (Australia)
Nước Việt Nam, xin phó thác nơi Mẹ
Chúng con quỳ, với muôn lòng tiến dâng
Quê hương Việt, với đủ mọi thành phần
Xin Mẹ giúp, dân Việt bớt khổ đau
(Trích thơ của Nguyễn Dzân Thương)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 30/05 - 04/06/2014 - Câu chuyện về Nhà Tiệc Ly
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:32 04/06/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 4 tháng Sáu

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 4 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về bảy ơn của Chúa Thánh Thần, tập trung vào ơn ĐẠO ĐỨC. Đó là ơn giúp ta yêu mến những sự thuộc về Chúa và đức tin. Ơn sủng này của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta yêu mến Chúa, là Đấng yêu thương chúng ta tột bậc và thờ phượng Ngài; đồng thời cũng giúp chúng ta yêu mến anh em mình vì chúng ta có cùng một Cha trên trời.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến: Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về bảy ơn của Chúa Thánh Thần, giờ đây chúng ta chuyển sang ơn có lòng đạo đức. Nhờ ơn sủng siêu nhiên này, chúng ta có thể cảm nghiệm rõ ràng hơn bao giờ niềm vui và lòng tri ân trước mối quan hệ yêu thương với Chúa Cha mà chúng ta đã nhận được thông qua Chúa Giêsu Con Ngài. Chính mối quan hệ yêu thương này đặt cơ sở cho sự thờ phượng Thiên Chúa và làm cho sự phượng thờ ấy được hoàn thiện. Tình yêu đổ vào con tim chúng ta bởi Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta tới khả năng cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Chúa trong cuộc sống của chúng ta , và khiến cho chúng ta đáp ứng lại trong hân hoan, trong lời cầu nguyện và trong việc thờ lạy Ngài. Đạo đức không phải chỉ là sự thể hiện ra bên ngoài niềm tin tôn giáo của chúng ta; nó là tinh thần tôn giáo chân chính khiến chúng ta có thể hướng về Chúa Cha trong tình phụ tử và phát triển trong con tim chúng ta tình yêu đối với tha nhân, coi họ như anh chị em của mình, như các thành viên trong đại gia đình con cái Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ân sủng này, và cho chúng ta luôn luôn sẵn sàng chià một bàn tay ra giúp đỡ những người khác, trong khi hân hoan ý thức về tình liên đới nảy sinh từ sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa trong sự hiệp nhất của nhiệm thể Chúa Kitô, là Giáo Hội.

2. Buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 1 tháng Sáu

Chúa Nhật 1 tháng Sáu là ngày Lễ Chúa Thăng Thiên, hàng trăm ngàn tín hữu đã tề tụ về quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh cùng Đức Thánh Cha.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến,

Hôm nay, ở Ý và ở nhiều nước khác, Giáo Hội mừng lễ Chúa Thăng Thiên, là biến cố xảy ra bốn mươi ngày sau Lễ Phục Sinh khi Chúa Giêsu xa rời các môn đệ và thế giới (X. Cv 1,2.9). Tin Mừng theo thánh Matthêu tường thuật lại lệnh truyền của Đức Giêsu dành cho các môn đệ, đó là lời mời gọi hãy ra đi, hãy lên đường để loan báo cho muôn dân biết thông điệp cứu độ (x. Mt 28,16-20). "Ra đi", hay đúng hơn là "lên đường" trở thành từ ngữ then chốt của ngày lễ hôm nay: Đức Giêsu khởi hành tiến về với Cha và ra lệnh cho các môn đệ khởi hành tiến về thế giới.

Đức Giêsu lên đường, thăng thiên, nghĩa là trở về với Cha, Đấng đã sai Ngài xuống thế. Ngài đã hoàn thành việc của mình và bây giờ Ngài trở về cùng Cha. Nhưng ở đây không gợi lên cho chúng ta sự xa cách, vì Ngài vẫn luôn ở cùng chúng ta, theo một dạng thức khác. Với sự thăng thiên của mình, Chúa Phục Sinh đã thu hút cái nhìn của các tông đồ - và của cả chúng ta nữa - về tầm cao của Thiên Đàng để cho chúng ta thấy rằng cùng đích của cuộc hành trình của chúng ta chính là Chúa Cha.

Chính Chúa Giêsu đã từng nói rằng Ngài sẽ ra đi để dọn chỗ cho chúng ta trên Thiên Đàng. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn hiện diện ở đây và hoạt động nơi những biến cố của lịch sử con người với quyền năng và ân sủng của Thánh Thần; Ngài ở cạnh mỗi người chúng ta, dù chúng ta không thể thấy tỏ tường bằng mắt mình, nhưng có Ngài ở đó! Ngài đồng hành với chúng ta, hướng dẫn chúng ta, cầm tay chúng ta và nâng chúng ta dậy mỗi khi chúng ta vấp ngã. Đức Giêsu phục sinh ở kề bên những Kitô hữu bị bắt bớ và bị phân biệt đối xử; Ngài ở gần tất cả chúng ta, hôm nay, Ngài hiện diện ở đây, nơi quảng trường này; Thiên Chúa luôn ở với chúng ta! Anh chị em có tin điều này không? Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau nói lớn lên: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Khi trở về Trời, Đức Giêsu mang đến với Chúa Cha một món quà. Món quà nào vậy? Những thương tích của Ngài. Thân thể của Ngài hết sức tuyệt đẹp, không có những vết thâm tím, không có những đau vết đau từ đòn roi, nhưng còn lại những thương tích. Khi ngài về với Chúa Cha, Ngài sẽ chỉ cho Chúa Cha thấy những thương tích ấy và Ngài nói với Chúa Cha rằng: "Cha ơi, Cha nhìn này, đây là giá phải trả cho ơn tha thứ mà Cha đã ban". Khi Chúa Cha nhìn thấy những thương tích của Đức Giêsu, Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta, không phải vì chúng ta tốt lành, nhưng vì Đức Giêsu đã đền tội thay cho chúng ta. Nhìn đến những thương tích của Đức Giêsu, Chúa Cha sẽ động lòng thương yêu. Đây là điều mà Đức Giêsu làm trên Thiên Đàng hôm nay: cho Chúa Cha thấy giá phải trả cho ơn tha thứ, đó chính là những thương tích của Ngài. Chúa Cha luôn luôn tha thứ, vì Người nhìn thấy những thương tích của Đức Giêsu, Người nhìn thấy tội lỗi chúng ta và Người tha thứ tất cả.

Nhưng Đức Giêsu vẫn hiện diện với chúng ta qua Giáo Hội mà Ngài đã sai đi để nới rộng sứ mạng. Lời cuối cùng Đức Giêsu nói với các môn đệ là lệnh truyền hãy ra đi: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy" (Mt 28,19). Đây chính xác là một lệnh truyền, không phải là một chọn lựa! Cộng đoàn Kitô giáo là một cộng đoàn "ra đi", "lên đường". Giáo Hội được khai sinh để ra đi. Anh chị em có thể hỏi tôi: thế thì những cộng đoàn trong đan viện thì sao? Vâng, những cộng đoàn này "ra đi" bằng lời cầu nguyện, bằng con tim mở ra với thế giới, với những chân trời của Thiên Chúa. Thế còn những người già, người bệnh thì sao? Họ cũng vậy, họ ra đi bằng lời cầu nguyện và kết hiệp với những thương tích của Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã nói với các môn đệ được sai đi rằng: "Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (v.20). Không có Đức Giêsu, tự sức chúng ta, chúng ta không thể làm gì được! Trong hoạt động tông đồ, sức mạnh của chúng ta, nguồn lực của chúng ta, cơ cấu của chúng ta không đủ, dù là rất cần thiết. Không có sự hiện diện của Thiên Chúa và sức mạnh của Thánh Thần Ngài, công việc của chúng ta, dù được tổ chức tốt, cũng sẽ không thể sinh hiệu quả. Vì thế, chúng ta hãy ra đi để nói cho mọi người biết Đức Giêsu là ai.

Cùng với Đức Giêsu, Đức Maria, là Mẹ chúng ta, cũng luôn đồng hành với chúng ta. Bây giờ, Mẹ đã ở trong nhà Cha, Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng, và chúng ta hãy khẩn cầu cùng Mẹ trong lúc này; như Đức Giêsu luôn ở cùng chúng ta, Mẹ Maria, Mẹ của niềm hy vọng, cũng đồng hành với chúng ta.”

3. Niềm vui trong hy vọng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu bài giảng tại nhà nguyện Santa Marta hôm thứ Sáu 30 tháng 5 dựa trên quan sát rằng Thánh Phaolô "đã rất dũng cảm " , "bởi vì ngài có sức mạnh nơi Chúa". Nhưng Đức Thánh Cha lưu ý rằng đôi khi vị Tông Đồ Dân Ngoại dũng cảm này cũng cảm thấy sợ. Đức Thánh Cha ghi nhận rằng "Sợ hãi là điều xảy ra với tất cả các chúng ta trong cuộc sống.". Vì vậy, nhiều khi người ta bị cám dỗ để che dấu bớt căn tính Kitô của mình và tìm cách thỏa hiệp với thế giới.

Thánh Phaolô biết là nhiều người, cả Do Thái, lẫn dân ngoại đều không thích những gì ngài đã và đang làm, nhưng điều này không ngăn chặn được ngài; và cuối cùng ngài phải gánh chịu những khó khăn và khủng bố. Gương của thánh nhân nên làm cho chúng ta suy nghĩ lại về những lo lắng của chúng ta. Ngay cả Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu cũng cảm thấy sợ hãi và đau khổ và trong lời từ biệt của Ngài với các môn đệ, Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng "thế gian sẽ nhảy mừng trước những đau khổ của họ”, và điều đó thực sự đã xảy ra với các vị tử đạo tiên khởi tại hí trường Côlôsê.

"Chúng ta phải nói sự thật! Đời sống Kitô hữu không phải là một đại yến tiệc đâu. Không. Chẳng phải đâu. Trái lại, tất cả chúng ta đều phải than khóc, và than khóc rất nhiều lần khi chúng ta bệnh hoạn, khi chúng ta có những vấn đề với con cái trong gia đình, với người phối ngẫu của mình; khi chúng ta thấy tiền lương chúng ta không còn được đến cuối tháng; khi con cái đau yếu, khi chúng ta thấy rằng chúng ta không thể trả tiền mượn nhà băng để mua nhà và chúng ta phải bằng cách nào đó mà tồn tại. Nhiều vấn đề lắm. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta : . . ' Đừng sợ ' ' Vâng, anh chị em sẽ buồn, sẽ than khóc và thậm chí còn thấy những người không ưa mình đang nhảy mừng hân hoan vì những đau khổ của anh chị em" .

Nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng có một nỗi buồn còn sâu xa hơn ập đến với tất cả chúng ta khi chúng ta lầm đường lạc lối. Nói cho đơn giản là khi chúng ta cố gắng mua cho được hạnh phúc và niềm vui của cái thế giới này, của tội lỗi, để rồi chung cuộc lại chỉ thấy một nỗi buồn và một khoảng trống mênh mông trong chúng ta . Đó là nỗi buồn gặp phải những thứ hạnh phúc sai trái. Niềm vui Kitô giáo, ngược lại, là một niềm vui trong hy vọng về một điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, trong những lúc gian truân và thử thách, chúng ta không thấy điều này: đó là niềm vui của chúng ta được tinh luyện qua gian nan, qua những thử thách hàng ngày của chúng ta. ‘Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt giữa hân hoan’. Nhưng thật khó để đi nói với một người bệnh đang đau khổ rất nhiều rằng ‘Vui lên, ngày mai bạn sẽ hân hoan’ Không, anh chị em không thể nói như thế nhưng chúng ta phải giúp họ cảm thấy những gì Chúa Giêsu đã thực hiện nơi chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy được niềm vui đó. Khi chúng ta ở trong bóng tối, chúng ta không thấy bất cứ điều gì nhưng chúng ta thưa, 'Lạy Chúa, con biết nỗi buồn này sẽ chuyển thành niềm vui. Con không biết điều đó sẽ xảy đến cách nào, nhưng con biết điều đó chắc chắn sẽ xảy ra!' Đó là một hành vi đức tin nơi Chúa Một tác động của đức tin!

Để giúp chúng ta hiểu được nỗi buồn chuyển thành niềm vui như thế nào Chúa Giêsu lấy ví dụ một người phụ nữ sắp sinh con: "Sự thật là người phụ nữ đau đớn rất nhiều khi sinh con - nhưng sau đó khi ôm đứa bé trong tay, bà quên đi mọi chuyện". Điều cuối cùng còn lại trong chúng ta là niềm vui của Chúa Giêsu , một niềm vui tinh khiết. Đó là một niềm vui còn mãi. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng niềm vui này đôi khi bị ‘lu mờ trong những khoảnh khắc của cuộc sống, chúng ta không cảm thấy nó trong những lúc gian nan, nhưng nó hiện ra sau đó: một niềm vui trong niềm hy vọng’. Điều này chính là thông điệp vang lên trong Giáo Hội hôm nay: Đừng sợ! .

Hãy can đảm trong đau khổ và hãy nhớ rằng cuối cùng Chúa sẽ đến, cuối cùng niềm vui sẽ ngự trị, sau bóng đêm là ánh mặt trời. Nguyện xin Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm vui trong hy vọng này. Và dấu chỉ cho thấy là chúng ta đang có niềm vui trong hy vọng này là sự an bình nội tâm. Biết bao những bệnh nhân, những người đang ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, trong đau đớn, vẫn có được sự bình an của tâm hồn ... Đây là hạt giống của niềm vui, niềm vui của hy vọng và an bình. Anh chị em có an bình trong tâm hồn giữa những thời khắc đen tối, giữa những lúc khó khăn, giữa thời bách hại, khi những người khác nhảy mừng trước những đau khổ của anh chị em không? Anh chị em có thấy an bình không? Nếu anh chị em cảm thấy an bình, anh chị em đang có hạt giống của niềm hân hoan chắc chắn sẽ đến . Xin Chúa giúp chúng ta hiểu những điều này.

4. Hôn nhân phải thể hiện tình yêu sinh hoa trái mà Chúa dành cho Giáo Hội

Sáng thứ Hai 2 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ với 15 cặp vợ chồng nhân dịp họ kỷ niệm Kim Khánh và Ngân Khánh hôn nhân.

Bài giảng của Đức Thánh Cha, dựa trên bài đọc trong ngày đã đặt trọng tâm vào lòng trung thành, sự kiên trì, và việc trổ sinh hoa trái của tình yêu như Chúa Kitô đối với hiền thê của Ngài là Giáo Hội. Ba đặc tính đó cũng là trung tâm của hôn nhân Kitô giáo.

Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Kitô là thước đo của các gia đình. Ngài đặc biệt nhắc đến “ba tình yêu của Chúa Giêsu” đó là: tình yêu đối với Chúa Cha, với Mẹ Maria, và với Giáo Hội.”

Đức Thánh Cha nói:

Thật tuyệt vời khi đề cập đến tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội là hiền thê của Ngài với tất cả đặc tính của một Giáo Hội lữ hành: “xinh đẹp, thánh thiện, và cả tội lỗi”. Trong bất cứ trạng huống nào Chúa Giêsu vẫn yêu thương Giáo Hội.

Đó là một tình yêu trung thành, một tình yêu kiên trì. Ngài không bao giờ mệt mỏi vì yêu thương Giáo Hội. Đó là một tình yêu tuyệt vời. Chúa Giêsu là Đấng trung thành. Trung thành là bản chất tình yêu của Chúa Giêsu. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội của Ngài là lòng trung thành. Lòng trung thành này giống như một ánh sáng soi chiếu cho đời sống hôn nhân. Trung thành trong tình yêu. Ước gì anh chị em luôn luôn được như vậy! “

Luôn luôn trung thành, và đừng mỏi để mệt duy trì sự kiên trì này – giống như tình yêu của Chúa Giêsu dành cho hiền thê của Ngài.

Đời sống hôn nhân không có sự kiên trì thì tình yêu không được nuôi dưỡng. Sự kiên trì trong mọi lúc và mọi thời điểm, ngay những lúc khó khăn, khi có những vấn đề trong cuộc sống như: con cái, kinh tế. Trong những khó khăn đó cần phải kiên trì thì tình yêu mới được nuôi dưỡng. Mỗi sáng khi thức dậy, vợ chồng phải luôn nhắc nhở nhau về sự kiên trì này, nhờ đó gia đình mới được nuôi dưỡng và đi tiếp về phía trước.

Sau đó, Đức Thánh Cha nói về đặc tính thứ ba: sinh hoa kết trái. Tình yêu của Chúa Giêsu “làm cho Giáo Hội trổ sinh hoa trái,” mang đến cho Giáo Hội “những tín hữu được sinh ra” qua Bí Tích Rửa Tội, và Giáo Hội phát triển nhờ sự sinh hoa kết quả này.

Trong hôn nhân, khi các cặp vợ chồng vô sinh vì lý do gì đó hoặc do bệnh tật. Trong những lúc khủng hoảng, thử thách như vậy, các cặp vợ chồng nên tìm đến với Chúa Giêsu và cậy dựa vào sức mạnh của Ngài.

Ngoại trừ việc không thể sinh con vì lý do trên, những lý do khác Chúa đều không muốn. Như việc có các cặp vợ chồng chọn lựa không sinh con vì họ “không thích có con” hay “muốn sống đời hôn nhân mà không cần con cái.”

Khoảng 10 năm trở lại đây, có một thứ văn hóa muốn chứng minh cho chúng ta thấy rằng, hôn nhân sẽ hạnh phúc hơn khi không vướng bận con cái: Họ lý luận rằng, sẽ tốt hơn trong đời sống hôn nhân khi không có con. Vì như thế các cặp vợ chồng có thể đi du lịch khắp nơi trên thế giới, đi nghỉ mát, sẽ có một biệt thự miền quê để tĩnh dưỡng, được chăm sóc y tế miễn phí …sống thoải mái, tiện nghi hơn . Chỉ cần một con chó, hai con mèo là đủ vui rồi, và bạn có thể nuôi dưỡng và chăm sóc chúng như con cái vậy. Nhưng sự thật là gì, có phải như vậy không? Chúng ta sẽ thấy gì nơi những cuộc hôn nhân như vậy? Cuối cùng nơi những cuộc hôn nhân này là tuổi già ập đến trong cô đơn, buồn chán, trống vắng. Họ gậm nhấm sự cô độc. Đó là cuộc hôn nhân không trổ sinh hoa trái.

Đời sống hôn nhân của tín hữu Chúa Kitô phải như Chúa Giêsu kết hôn với Giáo Hội là Hiền Thê của Ngài: Ngài làm cho Giáo Hội trổ sinh hoa trái.

5. Bài giảng tại Phòng Tiệc Ly

Sinh hoạt cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong 3 ngày viếng thăm Thánh Địa là thánh lễ đồng tế với các Hồng Y, Thượng Phụ và Giám Mục trong Phòng Tiệc Ly lúc 17 giờ 20 chiều thứ Hai 26 tháng.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Anh em thân mến, thật là một ơn lớn lao Chúa ban cho chúng ta là được tụ họp với nhau nơi đây trong Phòng Tiệc Ly này để cử hành Bí tích Thánh Thể. Nơi đây Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Ly vào buổi chiều sau cùng với các Tông Đồ; nơi ngài đã hiện ra giữa các vị sau khi sống lại; nơi Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với quyền lực trên Mẹ Maria và các môn đệ. Đây là nơi Giáo Hội sinh ra và ra đi. Từ đây Giáo Hội đã khởi hành với Bánh được bẻ ra giữa các bàn tay, với các vết thương của Chúa Giêsu trong đôi mắt, và Chúa Thánh Thần tình yêu trong con tim. Chúa Giêsu phục sinh được Chúa Cha gửi đến trong Phòng Tiệc Ly thông truyền cho các Tông Đồ Thần Khí của Người, và với sức mạnh này Ngài gửi các vị ra đi canh tân gương mặt của trái đất (x. Tv 104,30).

Đi ra, khởi hành không có nghĩa là quên lãng. Giáo Hội đi ra giữ gìn ký ức những điều đã xảy ra; Chúa Thánh Thần nhắc cho Giáo Hội nhớ từng lời nói, từng cử chỉ của Chúa Giêsu và vén mở ý nghĩa của chúng. Phòng Tiệc Ly nhắc cho chúng ta biết việc phục vụ và rửa chân mà Chúa Giêsu đã thành toàn, như mẫu gương cho các môn đệ Người. Rửa chân cho nhau có nghĩa là tiếp đón nhau, chấp nhận nhau, yêu thương nhau, phục vụ lẫn nhau. Có nghĩa là phục vụ người nghèo, người đau yếu, người bị loại trừ. Với Thánh Thể, Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới hy lễ. Trong mỗi buổi cử hành Thánh Thể Chúa Giêsu tự hiến cho Thiên Chúa Cha vì chúng ta, để chúng ta cũng có thể hiệp nhất với Người, dâng cuộc sống, công việc làm, các vui buồn khổ đau của chúng ta cho Thiên Chúa, dâng mọi sự như hy lễ thiêng liêng.

Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới tình bạn. Chúa Giêsu nói với nhóm Mười Hai: “Thầy không gọi các con là tôi tớ... nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15). Chúa làm cho chúng ta trở thành bạn của Người, ký thác cho chúng ta ý muốn của Thiên Chúa Cha và ban chính Người cho chúng ta. Kinh nghiệm đẹp nhất của kitô hữu, và một cách đặc biệt của linh mục là được trở thành bạn của Chúa Giêsu.

Phòng Tiệc Ly nhắc nhớ cuộc từ biệt và lời hứa gặp lại các bạn của Người: “Khi Thầy đi rồi.... Thầy sẽ lại đến và đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,3). Chúa Giêsu không rời chúng ta, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người đi trước chúng ta về nhà của Chúa Cha và Người muốn đem chúng ta tới đó.

Tuy nhiên Phòng Tiệc Ly cũng nhắc nhớ tới điều tiêu cực, Đức Thánh Cha nói:

Phòng Tiệc Ly cũng nhắc nhớ tới sự phản bội, sự nhỏ nhen, và tính tò mò xem “ai là người phản bội?”. Và mọi người trong chúng ta, chứ không luôn luôn phải là người khác đâu, cũng có thể sống lại các thái độ này, khi chúng ta nhìn người anh em với sự tự mãn, khi chúng ta phán xét họ, khi chúng ta phản hội Chúa Giêsu với các tội lỗi của chúng ta.

Phòng Tiệc Ly nhắc nhở sự chia sẻ, tình huynh đệ, sự hòa hợp, sự bình an giữa chúng ta. Đã có biết bao nhiêu tình yêu thương, biết bao nhiêu điều thiện đã nảy sinh từ Phòng Tiệc Ly! Biết bao nhiêu bác ái đã xuất phát từ đây, như một dòng sông chảy từ nguồn, ban đầu chỉ là một con suối nhỏ rồi lan rộng và trở thành con sông lớn... Tất cả các Thánh đã kín múc từ đây; dòng sông lớn sự thánh thiên của Giáo Hội luôn luôn bắt nguồn từ đây, luôn luôn mới mẻ, từ Trái Tim Chúa Kitô, từ Thánh Thể, từ Thần Khí Thánh của Người.

Sau cùng Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới sự khai sinh của gia đình mới, là Giáo Hội, do Chúa Giêsu phục sinh thành lập. Một gia đình có một Bà Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria. Các gia đình kitô thuộc đại gia đình này, và tìm thấy trong đó ánh sáng và sức mạnh để bước đi và canh tân, qua các nhọc mệt và thử thách của cuộc sống. Tất cả mọi con cái Thiên Chúa thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ đều được mời gọi thuộc gia đình này, tất cả là anh em và là con cái của một Cha duy nhất ở trên trời. Đó là chân trời của Phòng Tiệc Ly: chân trời của Chúa phục sinh và của Giáo Hội.

Từ đây Giáo Hội ra đi, được linh hoạt bởi Thần Khí. Tụ tập cầu nguyện với Mẹ Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn sống trở lại sự chờ đợi Thánh Thần được tuôn đổ xuống một lần nữa: Lậy Chúa, xin Thần Khí Chúa xuống và canh tân mặt đất (c. Tv 104,30).

6. Câu chuyện về Nhà Tiệc Ly


Quý vị và anh chị em vừa theo dõi bài giảng của Đức Thánh Cha tại Nhà Tiệc Ly nơi được coi là địa điểm khai sinh của Giáo Hội Công Giáo. Dưới đây là những mẩu chuyện chung quanh địa điểm này.

Nhà Tiệc Ly là một điạ điểm thánh thiêng với người Công Giáo vì nơi đây đã diễn ra những biến cố quan trọng đã được tường thuật trong Tân Ước: đó là nơi Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, là nơi Chúa Giêsu đã dùng bữa cuối cùng với các môn đệ trước cuộc thương khó của Ngài, là nơi Chúa hiện ra với các tông đồ sau khi từ kẻ chết sống lại, là nơi các tông đồ tụ họp sau khi Chúa lên trời, là nơi Thánh Matthias đã được chọn làm tông đồ thay cho Giuđa Itcariốt, và là nơi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các thánh tông đồ.

Vì gắn bó với nhiều biến cố quan trọng như thế, điạ điểm được coi là nơi khai sinh ra Giáo Hội Công Giáo này đã là nơi hành hương của các tín hữu Kitô từ những thế kỷ đầu tiên. Ngày nay người ta còn giữ lại được những tác phẩm của nhà văn nữ là Egeria hay có khi còn gọi là Aetheria là một phụ nữ miền Gallaeci của Tây Ban Nha đã ghi lại những chuyến hành hương của bà đến vùng này trong khoảng thời gian từ năm 381 đến năm 384.

Nhà thờ được ghi lại trong những tác phẩm của nhà văn nữ Egeria đã bị quân Hồi Giáo phá hủy vào năm 614 khi người Hồi Giáo xâm lăng Thánh Địa. Nó được tái thiết rồi lại bị người Hồi phá hủy. Khi Đạo Binh Thập Tự tới Thánh Địa, nhà thờ ở trong tình trạng đổ nát, chỉ trừ nhà nguyện nguyện hai tầng của Phòng Tiệc Ly. Đạo Binh Thập Tự Kitô đã xây một vương cung thánh đường ba gian dọc gồm Phòng bên trên, tức Nhà nguyện Tiệc Ly, nơi Đức Maria ngủ, và một nhà nguyện bên dưới kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ.

Nhà nguyện như chúng ta thấy hiện nay được tái thiết vào thế kỷ thứ 14 sau những thương thuyết khó khăn và tốn kém giữa vua thành Napoli và quốc vương Ai Cập. Nhà nguyện Tiệc Ly bên trên dài 15,3 mét rộng 9,4 mét được xây theo kiểu Gôtích hồi thế kỷ XIV, có một cầu thang nối liền tầng dưới với tầng trên gồm 8 bậc dẫn lên nhà nguyện kỷ niệm biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Người Hồi Giáo cho rằng địa điểm này năm trên khu hầm mộ của Vua Đavít nên trong thời kỳ đế quốc Ottoman cai trị Giêrusalem, thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853 đã ngăn cản người Công Giáo cử hành thánh lễ tại đây.

Những người Do Thái theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan cũng coi đây là khu vực bất khả nhượng cho bất cứ tôn giáo nào vì có hầm mộ của Vua Đavít. Những kẻ bài Kitô Giáo tại Giêrusalem tung ra tin đồn đầy ác ý rằng Giáo Hội Công Giáo muốn được nhà nước Israel nhường lại Nhà Tiệc Ly để kích động làn sóng chống Công Giáo tại đây.

Hôm thứ Năm 22 tháng 5, hàng ngàn người Do Thái cực đoan đã biểu tình tại khu vực này vì lo ngại trong chuyến viếng thăm Thánh Địa, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ vận động với chính quyền Do Thái nhường lại khu vực này cho người Công Giáo.

Tuy nhiên, cha David Neuhaus, là người Do Thái và là linh mục Dòng Phanxicô cho biết Giáo Hội Công Giáo chỉ muốn được thường xuyên cử hành thánh lễ tại đây.

Tháng 5 năm 2013, những người Do Thái cực đoan đã vẽ bậy lên những bức tường tại nhà nguyện với những khẩu hiệu bài Kitô Giáo. Trước khi Đức Thánh Cha sang thăm Giêrusalem, ít nhất 10 người Do Thái Giáo cực đoan đã nhận được lệnh của cảnh sát không được bén mãng tới khu vực này.

Trong chặng cuối cùng của chuyến tông du Thánh Địa, Đức Thánh Cha đã đồng tế với các Hồng Y, Thượng Phụ và Giám Mục trong Phòng Tiệc Ly lúc 17 giờ 20 chiều thứ Hai 26 tháng. Đây cũng là Sinh hoạt cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày thứ ba viếng thăm Thánh Địa.

Vài giờ sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ tại nhà Tiệc Ly trên núi Sion, căn nhà đã bị cố ý phóng hỏa nhưng may mắn chỉ bị hư hại nhẹ.

Thầy Nikodemus Schnabel trong đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ cho phóng viên AFP biết là một kẻ lạ mặt hành động đơn độc đã lẻn vào Nhà Tiệc Ly ở khu vực “Nơi Đức Mẹ ngủ” vào đêm thứ Hai 26 tháng 5. Kẻ phóng hỏa đã lẻn xuống nhà nguyện bên dưới kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, lấy một số sách những người hành hương dùng để hát và những thánh giá nhỏ bằng gỗ chụm lại đốt bên cạnh một đàn phong cầm.