Ngày 01-06-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Giêsu làm cho thanh niên sống lại
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
01:42 01/06/2016
Chúa Nhật X THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 7, 11-17

CHÚA GIÊSU LÀM CHO THANH NIÊN SỐNG LẠI.

Xuyên suốt Tin Mừng của Đức Kitô nhằm nói lên con người nhân hậu, đầy lòng thương xót của Người. Chúa đến với mọi thành phần xã hội : Ngài đến với người nghèo, những người bị xã hội bỏ rơi, những người bị quỷ ám Ngài xua trừ ma quỷ ra khỏi tâm hồn của họ, Ngài chữa bệnh hoạn tật nguyền, Ngài đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi, Ngài yêu mến trẻ em, đặc biệt Ngài làm cho người chết sống lại như hôm nay Ngài đã làm cho con bà góa thành Naim, đã chết đang khiêng đi chôn, được sống lại khi mẹ của thanh niên này và mọi người đều đã tuyệt vọng.

Cảnh u buồn, ảm đạm của đám tang đã khiến nhiều người tuyệt vọng. Thật tình mà nói, bà góa thành Naim đã rơi vào tình trạng đau khổ tuyệt đối và hoàn toàn lẻ loi, cô độc. Bởi vì đối với người Do Thái thời đó, góa bụa đã là một sự đáng khinh,vì bị liệt vào hạng đàn bà cằn cỗi, không thể sinh nở. Do đó, tất cả hy vọng của bà đều đổ dồn vào đứa con trai duy nhất, mà giờ này bà đã hoàn toàn tuyệt vọng vì con bà đã chết. Bà theo quan tài đứa con trai yêu duy nhất ra nơi huyệt mộ, lòng của bà hầu như tan nát vì bà không còn hy vọng gì nữa. Chúng ta không thể nào tưởng tượng được sự u buồn, nặng nề của đám tang con trai của bà góa thành Naim. Và rồi Chúa Giêsu trông thấy bà, Ngài cảm động, Ngài thông cảm với nỗi đau của bà. Nhưng nơi Chúa Giêsu, sự cảm thông của Ngài mang đầy hy vọng, Ngài sẽ đem lại cho bà sự an bình, niềm hy vọng thật sự. Chúa bảo bà : “ Đừng khóc nữa “. Lời nói của Ngài không chỉ là lời động viên, an ủi cho qua lệ nhưng đây là lời đem lại cho bà niềm vui, sự hy vọng vì Chúa sẽ làm cho con bà sống lại. Qua lời nói của Chúa Giêsu, Ngài muốn nói với bà góa bà còn hữu ích cho Giáo Hội, cho Xã hội, con của bà sẽ sống lại, Chúa sẽ đem lại niềm hy vọng lớn lao cho bà. Và rồi, Chúa chạnh lòng thương xót, Ngài đã làm cho cậu thanh niên sống lại trước sự kinh ngạc và hết sức thán phục của mọi người. Bà góa, những người thân thương trong họ hàng hai bên, và nhiều người có mặt trong đám tang hôm đó, đã tìm lại được niềm hy vọng : họ hiểu và cảm nghiệm chỉ có tình yêu của Thiên Chúa là mạnh hơn, vượt lên tất cả mọi sự.

Cái chết của con bà góa thành Naim nhắc nhở mọi người, nhắc nhở chúng ta:” Ai cũng phải chết “. Cuộc đời của con người có ba điều quan trọng : sinh, sống và chết.Sinh ra thì con người cũng không biết lúc nào.Chết càng không biết giờ nào. Sống ở trần gian thì gặp muôn vàn đau khổ. Con ngươi khổ đủ điều : khổ vì nghèo, vì túng thiếu, khổ vì bệnh hoạn, tật nguyền, khổ vì già yếu. Chết lại càng khổ hơn. Chúa tạo dựng nên con người, Ngài luôn quan tâm đến những vấn đề của con người như sinh, lão, bệnh, tử. Thực tế, con bà góa thành Naim đã được sinh ra, đã đau ốm và đã chết. Đứng trước vấn đề rất thực tế của con người. Trước sự đau khổ cao độ của con người, của bà góa, Chúa Giêsu đã can thiệp vào những vấn đề hết sức cụ thể của con người để minh chứng Ngài có quyền trên sự sống và cả sự chết của con người.

Chúa Giêsu không phải chỉ là một vị ngôn sứ quyền năng, nhưng Ngài là Đấng cứu độ. Ngài đã toàn thắng sự chết : Ngài đã đẩy xa, xóa tan nọc độc của tội.Ngài đã từ cõi chết sống lại và ban cho chúng ta được sống lại với Người…

Lạy Chúa Giêsu, cái chết làm cho con người âu lo, sợ hãi.Tuy nhiên, chính Chúa cũng đã chấp nhận cái chết để cứu rỗi loài người và Chúa đã chiến thắng sự chết khi từ trong sự chết, Chúa đã phục sinh khải hoàn.Chúa đã cho chúng con niềm tin và cho chúng con hy vọng được sống lại với Chúa.Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con xác tín sâu xa vào sự sống lại của Chúa vì tin tưởng chúng con cũng sẽ được sống lại với Chúa.Xin Chúa giúp chúng con đừng bao giờ thất vọng, nhất là đừng bao giờ tuyệt vọng nhưng luôn tin tưởng tuyệt đối và luôn bám chặt vào Chúa. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Đối với người Do Thái son sẻ là gì ?
2.Người Do Thái trọng nam khinh nữ nghĩa là sao ?
3.Bà góa thành Naim có tuyệt vọng khi con trai duy nhất của bà chết không?
4.Chúa đã mang lại cho bà góa điều gì ?
5.Tại sao con người khi gặp gian nan mới cần tới Chúa ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:50 01/06/2016
56. CÂY PHỤC LINH LÀ THẾ SAO.
Một hôm lá lách của Liễu Tôn Nguyên phát sinh mãn tính sưng to, thầy thuốc đã kê cho ông ta một toa thuốc bằng cây phục linh.
Liễu Tôn Nguyên đến tiệm thuốc bốc thang thuốc ấy và sắc uống, qua mấy ngày bệnh càng nặng thêm, ông ta cho rằng thầy thuốc cho không đúng thuốc bèn đi trách mắng ông ta. Thầy thuốc vội vàng đi kiểm nghiệm mẫu thuốc, vừa nhìn thấy thì biết ngay là thuốc đã bị bào chế nhuộm thành màu sậm như củ khoai lang khô.
(Liễu Hà Đông tập)

Suy tư 56:
Có rất nhiều trường hợp vì không uống thuốc theo toa của bác sĩ mà chết, và cũng có nhiều trường hợp bệnh nặng mà không đến bác sĩ để chữa trị kịp thời thì cũng toi mạng !
Trong đời sống tâm linh của ngưới Ki-tô hữu cũng thế, có rất nhiều giáo hữu thường “than thở” với bạn bè rằng “mình không thích đi xưng tội, bởi vì lần nào cha giải tội cũng nói câu ấy, cũng việc đền tội ấy, mà không giúp mình cách để sửa đổi cuộc sống”, và thế là họ không đi xưng tội mùa phục sinh hoặc là mùa giáng sinh do cha sở tổ chức, và người ta cũng không lạ gì khi người ấy có đời sống tâm linh “không nóng không lạnh”.
Bệnh bên trong thân thể khi đã phát thì rất khó chữa trị, bệnh trong tâm hồn càng khó chữa trị hơn, bởi vì nó khó chữa trị cho nên cần đến bác sĩ chuyên khoa, mà bác sĩ khoa tâm hồn không phải là các linh mục thì là ai nữa ?
Một bác sĩ giỏi thì luôn tìm tòi nghiên cứu để chuyên môn của mình ngày càng tinh thông hơn, một linh mục có lực hấp dẫn được nhiều giáo hữu, không phải là ngài có tài ăn nói hoặc giảng hay, nhưng chính là vì ngài chú tâm vào đời sống nội tâm, cầu nguyện, và niềm hứng thú của các ngài chính là Kinh Thánh, vì nơi nguồn phong phú vô tận ấy, các ngài đã tìm ra được những phương thuốc nhiệm mầu để chữa trị cho các bệnh nhân tâm linh cần đến ngài.
Nếu mỗi một “bác sĩ tâm linh” biết nhu cầu của con bệnh mà kê toa thuốc đặc trị, thì sẽ không còn giáo hữu “không nóng không lạnh” trong đời sống thiêng liêng của họ nữa; nếu mỗi một linh mục mỗi ngày để dành cho việc cầu nguyện nhiều hơn nữa, thì nhất định sẽ chữa trị cho nhiều con chiên “bệnh hoạn” trong giáo xứ của mình, thánh Gioan Maria Vianney là một điển hình cho chúng ta –linh mục- những bác sĩ tâm linh của mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:51 01/06/2016

7. Có nhiều tài sản của thế tục là rườm rà cho linh hồn, cản trở nó bay thẳng lên thiên đàng.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Suy niệm Chúa Nhật X thường niên C
Lm. Anthony Trung Thành
21:34 01/06/2016
Suy Niệm Chúa Nhật X THƯỜNG NIÊN C

Bài đọc I và bài Tin mừng hôm nay kể lại hai câu chuyện khá giống nhau. Câu chuyện con trai của bà goá ở Sarepta chết được Êlia cứu sống ở bài đọc thứ nhất và trong bài Tin mừng kể lại câu chuyện con trai của bà goá thành Naim chết được Chúa Giêsu cứu sống. Chúng ta lần lượt tìm hiểu và rút ra bài học cho chúng ta hôm nay.

1. Câu chuyện con trai bà goá thành Sarepta

Tác giả không cho biết nguyên nhân rõ ràng về cái chết của đứa trẻ. Nhưng nó chết vào lúc Êlia đang trú ngụ tại gia đình này. Bà chủ nhà cho rằng, tại vì Êlia mà con bà phải chết. Bà nói: "Thưa người của Thiên Chúa, giữa tôi với ông có liên can gì? Ông đến nhà tôi để khơi lại những tội của tôi và giết chết con tôi sao?" (1V 17,18).

Mặc dầu biết mình không phải là người gây ra nguyên nhân cái chết đó, nhưng ông Êlia không hề tức tối hay giận dữ. Trái lại, ông đã ấp mình ba lần trên đứa trẻ và sốt sắng cầu nguyện cùng Thiên Chúa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con xin Chúa cho linh hồn đứa trẻ này trở về trong nó" (1V 17,21). Và Chúa đã nhận lời ông Êlia, cho đứa trẻ được sống lại (x. 1V 17, 22).

Khi đứa trẻ được trao lại cho người đàn bà. Bà ta thưa lại với ông Êlia rằng: "Bây giờ nhờ việc này, tôi biết rõ ông là người của Thiên Chúa, và lời của Chúa nơi miệng ông là lời chân thật" (x. 1V 17, 24).

Phép lạ này nhắc nhở cho những người Do thái rằng: chết chưa phải là hết, nếu người ta biết cầu xin Thiên Chúa thì Người có thể cho kẻ chết được sống lại. Phép lạ này cũng giúp ông Êlia thoát khỏi tình cảnh oan ức, đồng thời tăng thêm uy tín cho nhà Tiên tri đối với mọi người.

Người đàn bà goá đã nhận ra ông Êlia là « người của Thiên Chúa » vì hiệu quả của lời cầu nguyện ông cầu xin. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta luôn phải cố gắng sống làm sao để người khác nhận ra Chúa ở nơi chúng ta. Người ta có thể nhận ra chúng ta qua đời sống cầu nguyện, qua niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, qua đời sống công bằng, bác ái yêu thương. Chính Chúa Giêsu đã từng nói: « Cứ dấu này mà người ta nhận ra các con là môn đệ của Thầy đó là các con yêu thương nhau » (x. Ga 13,35). Yêu thương có nhiều cách thế: có thể bằng một nụ cười, một cái bắt tay, một lời hỏi thăm, một lời động viên, một sự thăm viếng, một sự hy sinh giúp đỡ trong công việc khi tha nhân cần, một chút quà tặng cho người thiếu thốn...Đặc biệt, chúng ta hãy thể hiện tình thương bằng lời cầu nguyện: cầu nguyện cho người còn sống cũng như kẻ đã qua đời. Làm được như vậy, người khác mới nhận ra chúng ta là « người của Thiên Chúa » như ông Êlia ngày xưa.

2. Câu chuyện con trai bà goá thành Naim

Cũng như câu chuyện thứ nhất trong bài đọc I, chúng ta cũng không biết được nguyên nhân cái chết của con trai bà goá thành Naim. Thánh Luca chỉ kể lại việc người ta đang đưa đi chôn xác con trai của bà goá. Chính vào thời điểm này, Chúa Giêsu và các Tông đồ cùng đám đông cũng đến đó. Hai bên gặp nhau. Thái độ của Chúa Giêsu được Thánh Luca tường thuật lại rất rõ ràng:

Chúa Giêsu « Trông thấy » đám tang. Ngài trông thấy bà goá. Vào thời điểm đó, có rất nhiều người cũng trông thấy đám tang, trông thấy bà goá. Trong cuộc sống, có lẽ nhiều khi chúng ta cũng trông thấy những trường hợp tương tự như thế. Nhưng chúng ta cũng như những người đi cùng Chúa Giêsu, chỉ dừng lại ở việc « trông thấy » thôi. Còn Chúa Giêsu thì thế nào?

Ngài “Chạnh lòng thương :” chạnh lòng thương là cụm từ chỉ dùng cho Thiên Chúa khi Người muốn biểu lộ tình thương đối với dân Người. Chúng ta cũng đã bắt gặp cụm từ này trong phép lạ hoá bánh ra nhiều. Khi thấy đám đông không người chăn dắt, Chúa Giêsu "Chạnh lòng thương" (x. Mc 6,34). Còn đối với con người, trong những trường hợp tương tự, người ta có thể dùng cụm từ "động lòng trắc ẩn." Nhưng sống trong xã hội vô cảm như ngày hôm nay, hiếm khi con người "Động lòng trắc ẩn" trước nỗi khổ của anh chị em mình. Hằng ngày, người ta vẫn thấy rất nhiều biến cố đau thương xảy ra trước mắt nhưng người ta vẫn thờ ơ, lãnh đạm. Mới đây, trên mạng xã hội có loan truyền câu chuyện với hàng tít: “Bao nhiêu người vô cảm lướt qua em bé bị chiếc xe Camry đâm.” Em bé bị tai nạn giao thông như vậy. Bao nhiêu người « Trông thấy » nhưng họ đã đi qua. Thậm chí, có những người được mời gọi giúp đỡ, nhưng họ vẫn không nhận lời. Họ không có lòng trắc ẩn. Còn Chúa, thấy người đàn bà goá, Chúa "Chạnh lòng thương." Vì "Chạnh lòng thương" cho nên Ngài mới nói với người đàn bà:

“Đừng khóc nữa.” Thông thường khi dỗ dành một em bé “đừng khóc nữa” thì cha mẹ phải hứa với em bé điều gì đó. Chẳng hạn: "Đừng khóc nữa, cha mẹ sẽ cho con đi chơi" hay "Đừng khóc nữa, cha mẹ sẽ mua quần áo mới cho con ..." Với Chúa Giêsu, Ngài nói “đừng khóc nữa” vì Ngài biết việc Ngài sắp làm là gì để yên ủi bà, giúp bà thoát khỏi cảnh khổ sở đau thương đó.

Thật vậy, “Ngài tiến lại gần, đụng đến quan tài.” Hành động « tiến lại gần » ở đây là một bước nhảy vọt của lòng thương xót. Vì thương xót nên Ngài mới tiến lại gần. Rồi, Ngài « đụng đến quan tài », tức là đụng đến thân xác người chết. Đó lại là một cử chỉ thể hiện lòng thương xót. Chúa Giêsu thương xót người đàn bà. Ngài thương xót con trai của bà đã chết. Vì thương xót nên Ngài muốn làm gì đó để giúp đỡ họ. Thế rồi, Ngài làm một việc quá sức tưởng tượng của con người.

Ngài nói: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy." « Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. » Đây là một phép lạ lớn lao. Khi chứng kiến phép lạ này, mọi người đều kinh sợ. Họ kinh sợ, vì theo Tin Mừng của Thánh Luca, đây là lần đầu tiên, Chúa Giêsu làm phép lạ cho kẻ chết sống lại. Đi liền với sự kinh hãi là tâm tình ca ngợi Thiên Chúa. Vì họ xác tín rằng, chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện được sự lạ lùng ấy.

Phép lạ này cho chúng ta thấy quyền năng của Chúa Giêsu. Đồng thời, phép lạ này cũng nói lên lòng thương xót của Ngài đối với con người, cụ thể ở đây là người đàn bà goá. Ngoài ra, phép lạ này là một dấu hiệu về sự phục sinh kẻ chết. Sau này, Chúa Giêsu đã tự Ngài sống lại. Đồng thời, Ngài là có thể làm cho mọi người được sống lại trong vinh quang.

Thông thường các phép lạ xảy ra do lòng tin của bản thân ai đó hoặc của tha nhân. Nhưng nơi phép lạ này, Chúa Giêsu chủ động mọi sự, Ngài không hề đòi hỏi bất cứ điều kiện nào, bởi vì Ngài “chạnh lòng thương.” Đây là bài học cho mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta luôn đối diện với những trường hợp tương tự, noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết động lòng trắc ẩn, biết quan tâm giúp đỡ. Sự quan tâm giúp đỡ có đôi lúc phải vô điều kiện, nhất là những khi tha nhân gặp sự khốn khó mà chính bản thân họ không có điều kiện để đền đáp cho ta. Chúa Giêsu đã từng nói: “Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa?” (x. Lc 6,33). Chính Thánh Phaolô cũng đã từng « Đem Tin Mừng biếu không » (x. 1Cr 9,18). Trong bài đọc II hôm nay, sau khi cho biết, Tin mừng Ngài rao giảng không phải phát xuất từ con người mà do mạc khải từ Thiên Chúa, thánh Phaolô khẳng định: « Rao giảng Tin mừng là trách nhiệm của Ngài đối với dân ngoại » (x Gl 1,16). Ước gì mỗi chúng ta cũng có được tâm tình như Thánh Phaolô, coi việc loan báo Tin mừng là trách nhiệm và nhiệt tâm chu toàn công việc đó một cách vô vị lợi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi chúng con sống làm sao để người khác thấy Chúa qua chúng con. Xin cho chúng con noi gương Chúa biết động lòng trắc ẩn đối với những người xung quanh, nhất là những người cần đến sự quan tâm, giúp đỡ của chúng con. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein về “giáo hoàng hoạt động và giáo hoàng chiêm niệm”
Vũ Văn An
02:53 01/06/2016
Trong lịch sử Giáo Hội, đã có thời (1378-1417) có tới 2 hay 3 giáo hoàng, rồi bẵng đi tới 6 thế kỷ, tức tới ngày 13 tháng 3 năm 2013, hiện tượng ấy mới lại tái diễn. Tuy nhiên, có sự khác nhau lớn. Hai, ba vị giáo hoàng thời 1378-1417 đều cho rằng mình đang cai trị toàn bộ “Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”, còn hai vị giáo hoàng từ năm 2013 không như thế: chỉ có một vị coi mình là cai trị toàn thể Giáo Hội, còn vị kia chính thức coi mình rút lui khỏi thừa tác vụ hoạt động để lui vào thừa tác vụ cầu nguyện và đồng khổ (compassion). Trong ngôn ngữ chính thức thì một vị là Giáo Hoàng, vị kia là Giáo Hoàng Hưu Trí. Cả hai vị đều ăn vận hầu như nhau và cùng cư ngụ bên trong Vatican, chỉ khác một điều: một vị ở tông điện (chính thức, nhưng thực tế sống ở Nhà Khách Santa Marta), vị kia ở một đan viện đã chỉnh trang.

Liên hệ giữa hai vị là một liên hệ tuyệt diệu, được chính vị Giáo Hoàng hoạt động, thay mặt con cái tín hữu của mình mô tả là liên hệ “ông cháu trong gia đình”, do đó là cha con giữa hai vị mà đi đâu và làm gì cũng đến vấn an nhau. Cho đến nay, liên hệ ấy vẫn rất đậm đà. Và mùi đậm đà ấy, người tín hữu nào cũng cảm nhận được. Thành thử, không ít người “cau mày” khi nghe Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký của Giáo Hoàng Hưu Trí và là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng hiện nay của Giáo Hoàng Hoạt Động nói rằng: chúng ta đang sống với hai vị thừa nhiệm Thánh Phêrô và cả hai vị này đều đang tham dự vào Thừa Tác Vụ Phêrô (munus petrinum), một thừa tác vụ đã được Giáo Hoàng Hưu Trí mở rộng lần đầu tiên trong lịch sử.

Để hiểu được nhận định của một người thân tín với cả hai vị giáo hoàng hiện nay, tức Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, ta nên đọc toàn văn bài phát biểu của ngài ngày 20 tháng Năm, 2016, nhân dịp ra mắt cuốn sách của Linh Mục Giáo Sư Roberto Regoli tại Đại Học Gregoriana, Beyond the Crisis of the Church – The Pontificate of Benedict XVI (Bên kia Cuộc Khủng Hoảng của Giáo Hội: Triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô XVI), viết về Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI.

Đại cương, theo bài phát biểu trên, không hề có hai vị giáo hoàng, “nhưng trên thực tế, có một thừa tác vụ mở rộng, với một thành viên hoạt động và một thành viên chiêm niệm”.

Điều gây ngạc nhiên là nhận định tiếp theo: “đó là lý do khiến Đức Bênêđíctô XVI không từ bỏ cả danh hiệu lẫn áo dài trắng. Đó là lý do khiến danh hiệu chính xác để xưng hô với ngài cả ngày nay nữa là ‘Thưa Đức Thánh Cha’ (Your Holiness) và đó cũng là lý do ngài không lui về một đan viện hẻo lánh, nhưng sống ngay trong Vatican, như thể ngài chỉ bước qua một bên để nhường chỗ cho vị kế nhiệm của mình và cho một giai đoạn mới của lịch sử ngôi vị giáo hoàng mà chính ngài, bằng biện pháp trên, đã phong phú hóa với ‘trạm phát điện’ của lời cầu nguyện và sự đồng khổ đặt tại Vườn Vatican”.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu dựa theo bản tiếng Anh của tạp chí Aleteia:

Kính thưa các đức Hồng Y, các Đức Cha, qúy tu sĩ, qúy bà và qúy ông!

Trong cuộc nói truyện cuối cùng mà người viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng, Ông Peter Seewald ở Munich, có được với Đức Bênêđíctô XVI, khi chào tạm biệt, ông hỏi ngài “Đức Thánh Cha là kết thúc của điều cũ hay là khởi đầu của điều mới?” Câu trả lời của Đức Giáo Hoàng rất vắn nhưng chắc nịch: “cả hai”, ngài nói thế. Máy ghi âm lúc ấy đã tắt; nên câu trao đổi cuối cùng này đã không thấy trong bất cứ cuốn phỏng vấn nào của Peter Seewald, cả cuốn thời danh là Ánh Sáng Thế Gian. Nó chỉ xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của tờ Corriere della Sera sau khi Đức Bênêđíctô XVI tuyên bố từ chức, trong đó, người viết tiểu sử nhắc lại các lời then chốt ấy, các lời, phần nào, đã trở thành châm ngôn cho cuốn sách của Cha Roberto Regoli mà chúng tôi đang ra mắt hôm nay tại Đại Học Gregoriana.

Thực vậy, tôi phải nhìn nhận rằng có lẽ không thể tóm tắt triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI một cách xúc tích hơn được. Và người nói điều này, trong nhiều năm qua, từng có đặc ân được cảm nghiệm vị giáo hoàng này một cách gần gũi như một “homo historicus” (con người lịch sử), con người Tây Phương par excellence (tuyệt vời) từng là hiện thân của truyền thống phong phú Công Giáo hơn bất cứ người nào khác; và, đồng thời, là con người mạnh dạn đủ để mở ra cả một giai đoạn mới, cả một khúc quanh lịch sử mà không ai 5 năm trước dám tưởng nghĩ. Kể từ đó, ta sống trong một kỷ nguyên lịch sử chưa từng có trong suốt 2000 năm lịch sử Giáo Hội.

Thời Thánh Phêrô cũng như thời nay, Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền liên tiếp chỉ có một vị giáo hoàng hợp pháp. Nhưng ngày nay, chúng ta đang sống với hai vị kế nhiệm Thánh Phêrô vẫn còn sống giữa chúng ta: các vị không sống trong một mối liên hệ tranh chấp nhau, nhưng cả hai vị đều hiện diện cách phi thường! Chúng ta dám nói thêm rằng tinh thần của Joseph Ratzinger đã ghi một dấu ấn dứt khoát lên triều giáo hoàng lâu dài của Thánh Gioan Phaolô II, người mà ngài đã trung thành phục vụ gần 1 phần tư thế kỷ trong tư cách Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Cả ngày nay, nhiều người vẫn tiếp tục coi tình thế mới này như một loại trạng thái phi thường của thừa tác vụ Phêrô do Thiên Chúa thiết lập.

Nhưng đã đến lúc lượng giá triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI chưa? Nói một cách tổng quát, trong lịch sử Giáo Hội, các vị giáo hoàng chỉ có thể được phán đoán và xếp loại một cách chính xác sau khi đã rời nhiệm sở (ex post). Và để chứng minh cho điểm này, chính Cha Regoli đã nhắc đến trường hợp Đức Grêgôriô VII, vị giáo hoàng cải tổ vĩ đại thời Trung Cổ, một vị giáo hoàng, về cuối đời, đã chết lưu đầy ở Salermo, bị người đương thời coi như thất bại. Ấy thế nhưng, dù giữa nhiều tranh cãi ở thời ngài, Đức Grêgôriô VII vẫn là vị giáo hoàng đã dứt khoát lên khuôn cho bộ mặt của Giáo Hội trong nhiều thế hệ sau đó. Thế cho nên, Giáo Sư Regoli quả là người can đảm khi cố gắng đánh giá triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, dù ngài vẫn còn sống.

Số lượng chất liệu có phê phán được ngài duyệt xét và phân tích cho mục đích trên rất bao la và gây ấn tượng. Thực vậy, Đức Bênêđíctô XVI cũng hiện điện và vẫn còn hiện diện cách phi thường trong các trước tác của ngài: cả các trước tác khi làm giáo hoàng (ba cuốn nói về Chúa Giêsu thành Nadarét và 16 cuốn “Giảng Dậy” suốt trong triều giáo hoàng của ngài), lẫn các trước tác khi làm Giáo Sư Ratzinger hay Hồng Y Ratzinger, các trước tác có thể chứa đầy một thư viện nhỏ.

Do đó, công trình của Giáo Sư Regoli không thiếu các ghi chú, mà số lượng cũng nhiều như các kỷ niệm chúng đánh thức nơi tôi. Vì tôi có mặt khi Đức Bênêđíctô XVI tháo chiếc nhẫn Ngư Phủ ra lúc chấm dứt sứ vụ của ngài, như thói quen sau cái chết của một vị giáo hoàng, dù trong trường hợp này, ngài vẵn còn sống! Đàng khác, tôi có mặt khi ngài quyết định không bỏ danh hiệu ngài đã chọn, như Đức Giáo Hoàng Celestinô V đã làm khi, ngày 13 tháng Mười Hai, năm 1295, chỉ mấy tháng sau khi bắt đầu thừa tác vụ của mình, ngài bắt đầu trở thành Pietro dal Morrone.

Từ tháng Hai năm 2013, thừa tác vụ giáo hoàng, do đó, đã không còn như trước nữa. Nó là và vẫn là nền tảng của Giáo Hội Công Giáo; ấy thế nhưng là một nền tảng đã được Đức Bênêđíctô XVI biến đổi một cách sâu xa và vĩnh viễn trong triều giáo hoàng phi thường của ngài, một việc mà Đức Hồng Y Sodano, trong một phản ứng đơn sơ và trực tiếp ngay sau việc từ chức đầy ngạc nhiên này, đầy xúc động và gần như ngỡ ngàng, đã lớn tiếng nói rằng tin trên giáng xuống các vị Hồng Y đang tụ họp “như một cú sét đánh giữa trời quang mây tạnh”.

Việc ấy xẩy ra buổi sáng thì buổi tối cùng ngày lằn sét với tiếng động kinh hồn đã đánh trúng đỉnh vòm Nhà Thờ Thánh Phêrô, toạ lạc ngay trên mộ của Thủ Lãnh Các Tông Đồ. Thật họa hiếm vũ trụ mới đồng hành với một khúc quanh lịch sử cách cảm kích đến thế. Nhưng buổi sáng ngày 11 tháng Hai năm ấy, niên trưởng Hồng Y Đoàn, Angelo Sodano, đã kết thúc bài diễn văn đáp lại lời tuyên bố của Đức Bênêđíctô XVI bằng một sự lượng giá cũng có tính vũ trụ như thế về triều giáo hoàng của ngài, khi kết luận rằng: “Chắc chắn, các vì sao trên bầu trời sẽ luôn luôn chiếu sáng thế nào, thì ngôi sao của triều giáo hoàng của ngài cũng luôn chiếu sáng như thế giữa chúng ta”.

Việc trình bầy thấu suốt và đầy đủ tài liệu của Cha Regoli về các giai đoạn khác nhau của triều giáo hoàng này cũng xuất sắc và đầy tính soi sáng không kém. Nhất là việc bắt đầu của nó tại mật nghị hội bầu giáo hoàng tháng Tư năm 2005; từ mật nghị hội này, [Đức Hồng Y] Joseph Ratzinger đã được bầu, sau một trong những cuộc đầu phiếu ngắn nhất của lịch sử Giáo Hội, vì chỉ gồm 4 lần đầu phiếu, sau một cuộc đua tranh khá cảm kích giữa nhóm gọi là “Muối Đất” qui tụ quanh các vị Hồng Y López Trujíllo, Ruini, Herranz, Rouco Varela và Medina và nhóm gọi là “Thánh Gallen” gồm các vị Hồng Y Danneels, Martini, Silvestrini và Murphy-O’Connor, nhóm mà gần đây Đức Hồng Y Danneels của Brussels gọi đùa là “một thứ câu lạc bộ Mafia”. Cuộc bầu cử chắc chắn cũng còn là kết quả một cuộc xung đột mà chìa khóa để hiểu nó đã được chính Đức Hồng Y Ratzinger, trong tư cách niên trưởng Hồng Y đoàn, đã cung cấp trong bài giảng lịch sử ngày 18 tháng Tư năm 2005 tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô; nói chính xác hơn, trong bài giảng đó, ngài đã tương phản “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối không thừa nhận bất cứ điều gì là nhất định và mục đích tối hậu của chủ nghĩa này nằm ở cái tôi và dục vọng của riêng nó mà thôi” với một thước đo khác: “Con Thiên Chúa, và là con người đích thực” chính là “thước đo của chủ nghĩa nhân bản thực sự”. Hôm nay, chúng ta đọc phần này trong cuộc phân tích thông minh của Cha Regoli gần như một tiểu thuyết trinh thám mới đầy hồi hộp về những gì mới xẩy ra không bao lâu; dù “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối” đã tự phát biểu nó ra từ lâu qua nhiều kênh của tin tức truyền thông, nhưng năm 2005, ít người tưởng nghĩ tới nó.

Tên mà vị tân giáo hoàng lấy ngay sau khi được bầu, do đó, đã nói lên một kế hoạch. [Đức Hồng Y] Joseph Ratzinger đã không trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô III, như nhiều người mong muốn. Thay vào đó, ngài trở lui tới Đức Bênêđíctô XV, vị giáo hoàng vĩ đại ít được chú ý và kém may mắn của hòa bình trong các năm chiến tranh khủng khiếp của Thế Chiến I, và tới Thánh Bênêđíctô thành Norcia, tổ phụ của phong trào đơn tu và là bổn mạng Âu Châu. Tôi giống như một nhân chứng hàng đầu để có thể chứng thực rằng trong mấy năm trước đó, Đức Hồng Y Ratzinger không hề vận động để leo lên chức vụ cao cấp nhất trong Giáo Hội Công Giáo.

Thay vào đó, ngài chỉ mơ ước có được điều kiện để viết nốt một vài cuốn sách cuối cùng trong bình an và yên tĩnh. Mọi người đều biết sự việc đã đi theo hướng khác. Thành thử, tại Nhà Nguyện Sistine, trong cuộc bầu cử, tôi là nhân chứng tận mắt, thấy rõ ngài coi cuộc bầu cử như một “cú sốc thực sự”, khá “bật ngửa” và ngài cảm thấy “choáng váng” ngay khi hiểu ra rằng “ chiếc rìu” bầu cử đã đánh trúng ngài. Không phải tôi tiết lộ điều gì bí mật ở đây, vì chính Đức Bênêđíctô XVI đã thú nhận tất cả các chi tiết ấy một cách công khai nhân dịp tiếp kiến lần đầu tiên các khách hành hương từ Đức qua Vatican. Và không lạ gì, ngay sau khi được bầu, Đức Bênêđíctô XVI đã yêu cầu tín hữu cầu nguyện cho ngài, như cuốn sách này đã nhắc nhớ chúng ta.

Cha Regoli đã mô tả các năm thừa tác vụ khác nhau một cách hấp dẫn và cảm kích, nhắc lại kỹ năng và niềm tự tin trong cách thức Đức Bênêđíctô XVI thừa hành sứ vụ của ngài. Kết quả là: chỉ mấy tháng sau khi được bầu, ngài đã dám mời tới nói chuyện riêng cả địch thủ đáng sợ cũ là Hans Küng lẫn Oriana Fallaci, vốn là một mệnh phụ bất khả tri và hay tranh đấu gốc Do Thái, đang làm việc cho giới truyền thông thế tục Ý; ngài còn dám cử Werner Arber, một người Tin Lành Thụy Sĩ và lãnh giải Nobel làm Chủ Tịch không Công Giáo đầu tiên của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội. Cha Regoli không che đậy lời tố cáo về việc không hiểu biết đủ về người đời mà người ta thtường đưa ra chống lại nhà thần học sáng chói nay đang mang giầy Ngư Phủ này; một người có khả năng đánh giá các bản văn và các cuốn sách khó hiểu một cách thực sự sâu sắc, ấy thế nhưng năm 2010, đã thành thực thổ lộ với Peter Seewald rằng thật khó đưa ra quyết định đối với người ta vì “không ai đọc được lòng một người khác”. Câu ấy đúng xiết bao!

Cha Regoli chính xác gọi năm 2010 là “năm đen tối” đối với Đức Giáo Hoàng, chính là vì liên quan tới tai nạn thảm khốc, gây tử thương cho Manuela Camagni, một trong bốn Memores Domini (Người Tưởng Nhớ Chúa) thuộc “gia đình nhỏ của Đức Giáo Hoàng”. Tôi chắc chắn có thể làm chứng cho điều này. So với sự không may này, các chấn động gay cấn do truyền thông tải đi về những năm tháng này, từ vụ giám mục duy truyền thống Williamson tới hàng loạt các vụ tấn kích càng ngày càng ma mãnh chống lại Đức Giáo Hoàng, dù khá hữu hiệu, vẫn không khiến trái tim ngài đau đớn bằng cái chết của Manuela, một người bỗng bị lấy đi đột ngột khỏi chúng tôi. Đức Bênêđíctô XVI không phải là vị “giáo hoàng kịch sĩ”, càng không phải là vị “giáo hoàng người máy”; dù ngồi trên ngai toà Phêrô, ngài vẫn là và mãi là một con người; hoặc, như Conrad Ferdinand Meyer thường nói, ngài không phải là một “cuốn sách khéo léo”, mà là “một con người với những mâu thuẫn của ngài”. Và đó là cách chính tôi hàng ngày có khả năng nhận ra và đánh giá ngài. Và cho đến nay, ngài vẫn như thế.

Tuy nhiên, Cha Regoli nhận xét rằng sau thông điệp cuối cùng, tức Caritas in veritate ngày 4 tháng Mười Hai, năm 2009, triều giáo hoàng canh tân với ý lực mạnh mẽ về phụng vụ, đại kết và giáo luật này bỗng nhiên “chậm hẳn lại”, bị cản trở, mắc cạn. Dù quả thực các ngọn gió ngược có gia tăng trong các năm sau đó, nhưng tôi không thể xác nhận phán đoán này. Các cuộc tông du của Đức Bênêđíctô XVI tới Anh (2010), tới Đức và Erfurt, thành phố của Luther (2011), hay tới Trung Đông, tới với các Kitô Hữu được quan tâm tại Lebanon (2012), tất cả đều là những mốc lịch sử có tính đại kết trong mấy năm gần đây. Các cố gắng cương quyết của ngài nhằm giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục là và vẫn là những chỉ dẫn dứt khoát đối với việc giải quyết vấn đề. Vả lại, trước ngài, đã có vị giáo hoàng nào, dù với một trách nhiệm nặng nề như trách nhiệm của ngài, đã viết được các cuốn sách về Chúa Giêsu thành Nadarét, những cuốn sách cũng đã được coi như di sản quan trọng nhất của ngài chưa?

Ở đây, cũng không cần tôi phải lưu lại lâu ở việc ngài, vốn đã khốn đốn với cái chết đột ngột của Manuela Camagni, sau đó còn khốn đốn vì sự phản bội của Paolo Gabriele, người cũng thuộc “gia đình nhỏ của Đức Giáo Hoàng”. Nhưng đây là dịp tốt để tôi nói lần chót và một cách rõ ràng rằng Đức Bênêđíctô, xét cho cùng, không từ chức vì người phụ tá quản gia đáng thương và lầm lẫn này, hay vì những “mẩu tin vụn vặt” từ căn hộ của ông ta, những mẩu tin, trong vụ gọi là “rì rỏ Vatican”, được truyền bá như thứ vàng dổm ở Rôma nhưng được trao đổi như thứ vàng nén thật sự ở các nơi khác trên thế giới. Không người phản bội hay “con quạ” nào (tiếng lóng của báo chí Ý chỉ nguồn gây ra Vatileaks) hay nhà báo nào có khả năng đẩy ngài tới quyết định đó. Tai tiếng đó quá nhỏ không thể gây ra một việc như thế được, và cái bước được đắn đo suy nghĩ chín chắn mang ý nghĩa thiên niên lịch sử của Đức Bênêđíctô XVI lớn hơn thế nhiều.

Việc trình bầy của Cha Regoli về các biến cố này cũng đáng được xem xét vì Cha đã không đẩy mạnh chủ trương mà Cha thăm dò và giải thích về biện pháp sau cùng và khá lạ lùng này, bằng cách không làm phong phú rất nhiều truyền thuyết với các giả thuyết không liên quan gì tới thực tại. Cả tôi nữa, trong tư cách người mục kích biện pháp hết sức đáng lưu ý và bất ngờ của Đức Bênêđíctô XVI, tôi phải nhìn nhận rằng điều tôi luôn nghĩ tới là câu châm ngôn nổi tiếng và sáng chói được John Duns Scotus, ở Thời Trung Cổ, dùng để biện minh cho sắc chỉ của Thiên Chúa muốn Mẹ Thánh của Người được vô nhiễm thai:

“Decuit, potuit, fecit”

Nghĩa là: điều ấy thích đáng, vì nó hữu lý. Và vì Thiên Chúa có thể làm điều ấy, nên Người đã làm nó. Tôi xin áp dụng châm ngôn trên vào quyết định từ chức như sau: điều ấy thích đáng, vì Đức Bênêđíctô XVI biết rõ ngài thiếu sức khỏe cần thiết để tiếp tục thi hành chức vụ cực kỳ nặng nhọc ấy. Ngài có thể làm điều ấy vì ngài đã suy nghĩ thấu đáo khả thể có các vị giáo hoàng hưu trí trong tương lai, theo quan điểm thần học. Nên ngài đã làm điều ấy.

Việc từ chức hết sức quan trọng của vị giáo hoàng thần học gia nói lên một bước tiến, chủ yếu do sự kiện này: ngày 11 tháng Hai năm 2013, nói bằng tiếng Latinh trước các vị Hồng Y đầy ngạc nhiên, ngài đưa vào Giáo Hội Công Giáo một định chế mới, đó là định chế “giáo hoàng hưu trí”, khi nói rằng sức khỏe của ngài không còn đầy đủ nữa “để thi hành thừa tác vụ Phêrô”. Chữ then chốt trong lời tuyên bố vừa rồi là chữ munus petrinum, một chữ quen được dịch là “thừa tác vụ Phêrô”. Nhưng thực ra, trong tiếng Latinh, “munus” có khá nhiều nghĩa khác nhau: nó có thể có nghĩa phục vụ, bổn phận, hướng dẫn hay hồng ân, cả kỳ diệu nữa. Trước và sau khi từ chức, Đức Bênêđíctô hiểu và vẫn hiểu nhiệm vụ của ngài là tham dự vào “thừa tác vụ Phêrô” như thế. Ngài rời khỏi ngai giáo hoàng, thế nhưng, với biện pháp ngày 11 tháng Hai, năm 2013, ngài không hề bỏ rơi thừa tác vụ này. Thay vào đó, ngài đã bổ túc chức vụ có tính bản vị (personal office) này bằng một chiều kích hợp đoàn và công đồng đoàn, như một thừa tác vụ gần như chia sẻ (tiếng Anh: a quasi shared ministry, tiếng Đức: als einen quasi gemeinsamen Dienst); như thể, qua biện pháp này, ngài muốn lặp lại một lần nữa lời mời vẫn chứa đựng trong khẩu hiệu ngài từng chọn lúc làm Tổng Giám Mục Munich và Freising và dĩ nhiên ngài lưu giữ lúc lên làm Giám Mục Rôma: “cooperatores veritatis” có nghĩa: “những người cùng làm công trong sự thật”. Quả thực, khẩu hiệu này không ở số ít mà là ở số nhiều; nó được rút ra từ câu thứ 8 trong Thư Thứ Ba của Thánh Gioan: “Chúng ta phải nâng đỡ những người như thế, để chúng ta trở nên những người cùng làm công trong sự thật”.

Cho nên, từ ngày vị kế nhiệm ngài là Phanxicô được bầu vào ngày 13 tháng Ba, năm 2013, không phải đang có hai vị giáo hoàng, nhưng trên thực tế, là một thừa tác vụ mở rộng, với một thành viên hoạt động và một thành viên chiêm niệm. Chính vì thế, Đức Bênêđíctô XVI đã không từ bỏ cả danh hiệu lẫn chiếc áo dài trắng. Chính vì thế, danh xưng đúng đắn để ngỏ với ngài cho đến nay vẫn là “thưa Đức Thánh Cha” (Your Holiness); và cũng chính vì thế ngài không lui về một đan viện hẻo lánh, nhưng ngay bên trong Vatican, như thể ngài chỉ bước qua một bên nhường chỗ cho vị kế nhiệm mình và cho một giai đoạn mới trong lịch sử ngôi vị giáo hoàng, một ngôi vị, với biện pháp này, ngài đã phong phú hóa bằng một “trạm điện” gồm các lời cầu nguyện và đồng khổ (compassion) của ngài tọa lạc trong Vườn Vatican.

Cha Regoli viết về điều trên rằng đấy quả là “một biện pháp bất ngờ trong Đạo Công Giáo hiện nay”, ấy thế nhưng đây là một khả thể mà Đức Hồng Y Ratzinger từng công khai xem xét vào ngày 10 tháng Tám, năm 1978 tại Munich, trong một bài giảng nhân dịp Đức Phaolô VI qua đời. Ba mươi lăm năm sau, ngài vẫn chưa bỏ rơi Thừa Tác Vụ Phêrô, một điều hoàn toàn bất khả hữu đối với ngài sau khi ngài đã chấp nhận chức vụ một cách bất phản hồi vào tháng Tư, năm 2005. Thay vào đó, bằng một hành vi can đảm phi thường, ngài đã đổi mới thừa tác vụ này (ngược với cả ý kiến của nhiều cố vấn rất thiện chí và rất có khả năng). Và với cố gắng sau cùng, ngài đã làm thừa tác vụ này vững mạnh (tôi hy vọng thế). Dĩ nhiên, chỉ có lịch sử mới chứng minh được điều vừa nói. Nhưng trong lịch sử Giáo Hội, điều vẫn đúng là trong năm 2013, nhà thần học thời danh trên tòa Phêrô đã trở thành vị “giáo hoàng hưu trí” đầu tiên trong lịch sử. Kể từ đó, xin cho tôi được phép nhắc lại một lần nữa, vai trò của ngài hoàn toàn khác với vai trò của Đức Giáo Hoàng Celestinô thứ V chẳng hạn, vị giáo hoàng, sau khi từ chức năm 1294, những muốn lui về làm một nhà ẩn sĩ, nhưng thay vào đó, đã trở thành tù nhân của vị kế nhiệm, Bônifaxiô VIII (vị giáo hoàng đã thiết lập việc mở năm thánh). Thực thế, cho đến nay, chưa có biện pháp nào như biện pháp Đức Bênêđíctô XVI đã đưa ra. Thành thử không ngạc nhiên gì khi nó được một số người coi là cách mạng, hay ngược lại hoàn toàn nhất quán với Tin Mừng; trong khi đó, nhiều người khác coi ngôi vị giáo hoàng như thế đã bị thế tục hóa như chưa bao giờ có trước đó, và do đó, có tính hợp đoàn và thiết thực hơn, thậm chí nhân bản hơn và ít thánh thiêng hơn. Lại có những người có ý kiến cho rằng Đức Bênêđíctô XVI, với biện pháp này, gần như đã phi huyền thoại hóa ngôi vị giáo hoàng, nếu nói theo ngôn ngữ thần học và phê bình lịch sử.

Trong cuộc tổng duyệt triều giáo hoàng (của Đức Bênêđíctô XVI) này, Cha Regoli rõ ràng đã đề cập đến đủ mọi khía cạnh như chưa từng có trước đây. Có lẽ phần cảm kích nhất đáng đọc đối với tôi là chỗ, với đoạn trích dẫn dài, Cha đã nhắc đến buổi yết kiến chung lần chót của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vào ngày 27 tháng Hai, năm 2013, khi, dưới bầu trời hết sức trong sáng, ngay trước khi từ chức hẳn, ngài đã tóm tắt triều giáo hoàng của mình như sau:

“Trong cuộc hành trình của Giáo Hội, đã có những thời điểm hết sức hân hoan và đầy ánh sáng, nhưng cũng có những khoảnh khắc không dễ dàng gì; tôi từng cảm nhận như Thánh Phêrô với các Tông Đồ trong con thuyền trên Biển Galilê: Chúa đã ban cho chúng ta nhiều ngày nắng ráo gió nhẹ, những ngày bắt được nhiều cá; cũng có những ngày nước nổi sóng và gío thổi ngược, giống như suốt lịch sử Giáo Hội, và Chúa xem ra như đang thiếp ngủ. Nhưng tôi luôn biết rằng Chúa đang ở trong thuyền ấy, và tôi luôn biết rằng con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, cũng không phải của chúng ta, mà là của Người. Chúa cũng không thể để nó chìm; chính Người hướng dẫn nó, chắc chắn cũng nhờ những con người mà Người đã chọn, vì Người muốn như thế. Điều ấy đã là và hiện vẫn là một điều chắc chắn mà không điều gì có thể che mờ được”.

Tôi phải thừa nhận rằng: đọc lại các lời lẽ trên vẫn còn làm tôi chẩy nước mắt, có khi còn chẩy nước mắt hơn nữa vì tôi đích thân và rất gần gũi thấy Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, vì chính ngài và vì thừa tác vụ của ngài, đã trung thành một cách vô điều kiện biết chừng nào đối với lời lẽ của Thánh Bênêđíctô rằng “không được đặt bất cứ điều gì trước tình yêu Chúa Kitô”, nihil amori Christi praeponere, một câu đã được xác định thành luật và được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả truyền lại cho ta. Tôi là nhân chứng của điều đó, nhưng tôi vẫn còn bị lôi cuốn nhiều trước sự chính xác của lời phân tích cuối cùng tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, nghe thật thơ mộng nhưng không kém phần tiên tri. Thực thế, đó là những lời lẽ mà cả ngày nay, Đức Phanxicô chắc chắn cũng chấp nhận ngay lập tức. Không thuộc các vị giáo hoàng mà là thuộc Chúa Kitô, thuộc về chính Chúa chứ không thuộc một ai khác là con thuyền Phêrô, một con thuyền bị sóng biển trong giông bão xô đẩy khiến ta luôn sợ rằng Chúa thiếp ngủ, các nhu cầu của ta không quan trọng đối với Người, trong khi, thực ra chỉ cần một lời nói của Người cũng đủ dẹp tan mọi giông bão; hơn cả sóng to gió lớn, chính sự thiếu lòng tin của ta, chính đức tin nhỏ nhoi của ta và sự thiếu kiên nhẫn của ta mới làm ta liên tục rơi vào hốt hoảng.

Như thế, cuốn sách này một lần nữa đã đưa ra một cái nhìn đầy an ủi về đức điềm tĩnh và sự thanh thản của Đức Bênêđíctô XVI trong cương vị lèo lái con thuyền Phêrô trong các năm đầy cảm kích từ 2005 tới 2013. Tuy nhiên, cùng một lúc, qua trình thuật đầy soi sáng của mình, Cha Regoli cũng đang dự phần vào munus Petri mà tôi đã đề cập trên đây. Giống Peter Seewald và nhiều người khác trước ngài, Roberto Regoli, trong tư cách một linh mục, một giáo sư và một học giả, cũng đang bước vào thừa tác vụ Phêrô mở rộng quanh các vị kế nhiệm Thánh Tông Đồ Phêrô; và vì thế, hôm nay tôi xin hết lòng cám ơn ngài.
 
Đức Thánh Cha ngợi khen những phụ nữ can đảm của Giáo Hội
Bùi Hữu Thư
06:41 01/06/2016
Vatican, Ngày 31/5/2016

Gương Mẹ Maria ra đi và vui vẻ phục vụ là điều tất cả mọi Kitô hữu cần noi theo nếu muốn là những tín hữu đích thực. Đức Thánh Cha Phanxicô nói như vậy trong Thánh Lễ sáng nay tại nhà nguyện Thánh Mác Ta.

Theo Radio Vatican, Đức Thánh Cha trích dẫn từ bài đọc hôm nay trong Lễ Thăm Viếng để tuyên dương thái độ phục vụ của Mẹ Maria khiến cho Mẹ đã ra đi viếng thăm bà Êlizabét. Ngài ngợi khen các thế hệ phụ nữ trong Giáo Hội đã noi theo gương sáng của Mẹ Maria.

Ngài nói: “Các Kitô hữu mặt nhăn nhó hay tỏ vẻ bất mãn, các Kitô đáng buồn là điều rất xấu xí. Thật hết sức xấu xí. Tuy nhiên, họ không hoàn toàn là Kitô hữu. Họp tưởng mình là Kitô hữu nhưng không hẳn được như vậy. Đây là sứ điệp Kitô. Và trong bầu khí vui tươi hôm nay, phụng vụ ban cho chúng ta một quà tặng, tôi muốn nhấn mạnh hai điều: thứ nhất là một thái độ, và thứ hai là một dữ kiện. Thái độ là phục vụ và giúp đỡ kẻ khác.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng Phúc Âm mô tả Mẹ Maria tức thì ra đi không do dự để thăm bà chị họ, mặc dù đang có thai và dọc đường nhiều nguy hiểm. Ngài nói, thiếu nữ 16 hay 17 tuổi này đã bầy tỏ lòng can đảm khi tức thì trỗi giậy lên đường.

Ngài nói: “Lòng can đảm của các phụ nữ. Những phụ nữ can đảm hiện diện trong Giáo Hội: họ giống như Mẹ Maria. Các phụ nữ này nuôi dưỡng gia đình, các phụ nữ có trách nhiệm nuôi nấng đàn con, phải đối phó với biết bao khó khăn, đau đớn, những phụ nữ phài chăm sóc người bệnh tật… Rất can đảm, họ trỗi giậy để giúp đỡ tha nhân. Phục vụ cho kẻ khác là dấu chỉ của các Kitô. Ai không sống để phục vụ kẻ khác, thì không phục vụ để sống. Phục vụ kẻ khác và tràn đầy niềm vui là thái độ tôi muốn nhấn mạnh hôm nay. Có niềm vui trong việc phục vụ tha nhân.”

Đức Thánh Cha nói rằng Mẹ Maria đã có thể chăm sóc cho bà Êlizabét vì Mẹ đã ra đi đến thăm bà.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: nếu chúng ta có thể học hỏi hai điều này là phục vụ tha nhân và đến với họ thì thế giới này sẽ thay đổi nhiều lắm.
“Đến với người khác cũng là một dấu chỉ khác của người Kitô. Những người tự cho mình là Kitô hữu mà không đến với kẻ khác và gặp gỡ họ thì không hoàn toàn là Kitô hữu. Phục vụ và đến với tha nhân, cả hai điều này đòi hỏi phải từ bỏ mình: ra đi gặp gỡ kẻ khác, vòng tay ôm lấy họ. Qua việc phục vụ của Mẹ Maia cho kẻ khác, qua sự gặp gỡ này, lời hứa của Chúa được đổi mới và được tái lập ngay bây giờ, như đã xẩy ra lúc đó. Và đó chính là Đức Chúa – như chúng ta đã được nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay: “Đức Chúa là Chúa chúng ta, đang ở giữa anh em’ – Đức Chúa là việc giúp đỡ tha nhân, Đức Chúa là việc gặp gỡ kẻ khác.”
 
Phục vụ và gặp gỡ
Vũ Đức Anh Phương SJ
10:10 01/06/2016
VATICAN. Nếu chúng ta biết học cách phục vụ và biết đi đến gặp gỡ tha nhân, thế giới của chúng ta sẽ được biến đổi. Đây là nhận định của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài kết thúc bài giảng trong thánh lễ sáng thứ Ba, 31.05, tại nguyện đường Thánh Marta. Bởi vì hôm nay là ngày cuối cùng trong tháng kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đã chia sẻ những suy tư của ngài về Mẹ Maria.

Mẹ là một phụ nữ can đảm, có khả năng đến với người khác, đôi tay lúc nào cũng rộng mở để giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc. Và trên hết, Mẹ là một người của niềm vui, niềm vui tràn gập tâm hồn, mang lại cho cuộc đời một ý nghĩa và một hướng đi mới.

Niềm vui và gương mặt nhăn nhó

Tất cả những điểm chia sẻ trong bài giảng đều được Đức Thánh Cha rút ra từ đoạn Phúc Âm, thuật lại cuộc thăm viếng của Mẹ Maria dành cho bà Ê-li-sa-bét. Đức Thánh Cha nói: “Bài Phúc Âm cùng với bài đọc một trích sách Xô-phô-ni-a và bài đọc hai trích thư Roma đã tạo nên một buổi phụng vụ chan chứa niềm vui mừng, ùa đến như một làn gió mới mẻ tràn ngập cuộc đời chúng ta.

Nhưng sẽ chẳng có gì xấu bằng những Kitô hữu với gương mặt nhăn nhó, buồn phiền. Thật là xấu lắm! Họ không phải là những Kitô hữu đúng nghĩa. Họ tưởng mình là Kitô hữu nhưng thật sự không phải là một Kitô hữu tròn đầy. Đây là một thông điệp cho chúng ta. Và trong bầu không khí vui mừng mà phụng vụ ngày hôm nay trao cho chúng ta như một món quà, tôi muốn nhấn mạnh đến hai điểm. Điểm thứ nhất là thái độ và điểm thứ hai là hành động. Thái độ chính là thái độ phục vụ.

Những phụ nữ can trường trong Giáo Hội

Mẹ Maria sẵn sàng phục vụ mà không có chút do dự. Thật vậy, Tin Mừng thuật lại rằng Mẹ đã lên đường, vội vã đi đến miền núi cho dù Mẹ đang mang thai, và trên hành trình ấy có khả năng sẽ bị rơi vào tay bọn cướp. Lúc ấy, Mẹ mới chỉ là cô gái 16, 17 tuổi đầu chứ không hơn, nhưng Mẹ lại hết sức can trường. Mẹ lên đường và vội vã đi không hề chần chừ hay biện lý do.

Lòng can đảm của người phụ nữ. Trong Giáo Hội, có những phụ nữ can trường giống như Mẹ Maria. Những người nữ này đã làm cho gia đình mình triển trở, đã giáo dục con cái thật tốt, đã sẵn sàng đương đầu với bao khó khăn, thử thách; đã chăm sóc biết bao bệnh nhân… Họ can đảm đứng dậy và phục vụ. Phục vụ là một dấu chỉ Kitô giáo. Ai không sống để phục vụ sẽ không phục vụ để mà sống. Phục vụ trong vui tươi chính là thái độ hay cung cách sống mà tôi muốn nhấn mạnh với anh chị em ngày hôm nay. Có niềm vui và cũng có phục vụ. Luôn luôn phục vụ.

Sự gặp gỡ là một dấu chỉ Kitô giáo

Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ là sự gặp gỡ giữa Mẹ Maria và người chị họ. Hai người phụ nữ này gặp gỡ nhau và họ đã gặp nhau trong niềm vui. Thời khắc đó chính là thời khắc vui mừng của ngày lễ hội. Nếu chúng ta biết học lấy điều này: phục vụ và đến gặp gỡ tha nhân; thế giới của chúng ta sẽ được biến đổi.

Sự gặp gỡ chính là một dấu chỉ khác của người Kitô hữu. Ai nói mình là Kitô hữu nhưng lại không có khả năng ra đi gặp gỡ tha nhân thì hoàn toàn không phải là Kitô hữu. Cả việc phục vụ lẫn sự gặp gỡ đều đòi hỏi người ta phải đi ra khỏi chính mình: đi ra để phục vụ và đi ra để gặp gỡ, để ôm chầm lấy tha nhân. Ngang qua sự phục vụ của Mẹ Maria và cuộc gặp gỡ giữa Mẹ với người chị họ, Thiên Chúa đã làm mới lại lời đoan hứa của mình. Lời đoan hứa ấy đang xảy ra, và xảy ra ngay trong những giây phút hiện tại này. Như chúng ta đã nghe trong bài đọc một: ‘Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đang ngự giữa ngươi’. Đức Chúa đang ngự giữa chúng ta trong sự phục vụ và trong những cuộc gặp gỡ.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Phong Cốc, hạt Tây Ninh dâng hoa kính Đức Mẹ
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
10:48 01/06/2016
GIÁO XỨ PHONG CỐC BẾ MẠC THÁNG HOA DÂNG KÍNH ĐỨC MẸ MARIA

Trong niềm vui hân hoan của những ngày cuối tháng Năm – Tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ, vào lúc 18g30 ngày 28.5.2016 Cộng đoàn Giáo xứ hong Cốc – Giáo hạt Tây Ninh đã hân hoan rước hoa và dâng hoa đồng tiến kính Đức Mẹ và bế mạc Tháng hoa cách trọng thể.

Xem Hình

Tất cả các thành viên trong đội hoa hợp với nhau hướng về ngôi thánh đường cùng nhau tôn vinh Đức Mẹ qua cuộc rước và dâng hoa đồng tiến cách trọng thể và sốt sắng cùng với những tâm tình tri ân cảm tạ biết bao hồng ân mà Thiên Chúa và Đức Mẹ đã ban xuống trên cộng đoàn Giáo xứ Phong Cốc trong suốt một tháng qua. Tháng hoa tuy đang dần khép lại nhưng niềm vui và ơn Chúa vẫn còn tràn đầy trên Cộng đoàn giáo xứ trong suốt Năm Thánh của Lòng Chúa Thương Xót. Sau đó là thánh lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa Ki Tô do Cha Chánh xứ Dom Lương Đức Toàn chủ tế.

Được biết trong Tháng Hoa vừa qua các Giáo khu trong Giáo xứ lần lượt tiến dâng lên Mẹ Maria những tràng hoa tươi thắm, những nén hương thơm ngào ngạt qua từng điệu múa duyên dáng nhịp nhàng theo giai điệu trầm bổng của bài Thánh ca hát mừng Mẹ vào chiều các ngày thứ 3-5-6-7- Chúa Nhật trước mỗi Thánh lễ và qua những chùm hoa đầy màu sắc cùng uyển chuyển theo điệu múa trên bàn tay của các em được dâng lên Mẹ, đã thay cho toàn thể con cái Mẹ dâng những bó hoa thiêng liêng, những làn hương ngào ngạt để bày tỏ lòng yêu kính lên Mẹ hiền.

Cuối lễ, Cha chánh xứ cũng đã có đôi lời cám ơn Quý Dì; Quý bà; Quý em thiếu nhi trong các Đội dâng hoa đã hy sinh thời gian tập luyện ngày đêm để Giáo xứ có được các buổi dâng hoa một sốt sắng, phục vụ thánh lễ cũng như các cuộc rước và dâng hoa kính Đức Mẹ trong thời gian qua. Ngài cũng cảm ơn các Ân nhân; Nhà hàng Anh Điệp đã tài trợ vật chất cho các Đội hoa của các Giáo khu trong Giáo xứ; nhất là tiệc liên hoan dành cho các thành viên đã hy sinh cho Giáo xứ trong suốt tháng Hoa vừa qua.

Cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài đã ban cho chúng con qua những lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Tạ ơn Mẹ, xin Mẹ ban tràn đầy ơn phước xuống trên Giáo xứ chúng con và giúp cho mỗi người chúng con luôn biết noi gương Mẹ để sống đẹp lòng Thiên Chúa trong từng giây phút của cuộc sống trần thế này.

Tháng Hoa đã khép lại nhưng có lẽ trong tâm trí của mọi người còn đang luyến tiếc những buổi tiến hoa dâng Mẹ, thật rộn ràng với những âm vang của những khúc ca trìu mến dâng lên Mẹ. Và trên hết, mọi người ai nấy đều thấy hạnh phúc. Nhờ có Tháng Hoa, những điều tưởng chừng không thể nói với ai trong cuộc sống đời thường, về với Mẹ, tất cả được Mẹ lắng nghe, an ủi và nâng đỡ.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc
 
Nhớ về vị ân nhân : Tiến Sĩ Rupert Neudeck
Liên Đoàn CGVN tại Đức
09:10 01/06/2016
 
Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ mừng 19 Nữ Tu Tiên Khấn
Hồng Hương
09:55 01/06/2016
NHA TRANG - Trong niềm vui tạ ơn, Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang hân hoan mừng 19 nữ tu lớp Thùy của dòng Khấn Lần Đầu. Thánh lễ tuyên khấn do Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục GP Nha Trang chủ sự diễn ra tại Thánh đường Giáo xứ Bình Cang sáng ngày 31.05.2016.

Xem hình

“Lòng Nhân Hậu và Tình Thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời …” (TV 23,22)

Là câu châm ngôn sống như nói hết tâm tình tín thác và quyết tâm theo Chúa Giêsu của 19 ứng sinh tuyên khấn hôm nay. Với nến sáng trong tay, các chị tiến vào thánh đường trong tiếng hát vang bài ca ngợi tình yêu thánh hiến của cả cộng đoàn. Hôm nay, giữa tình thân của gia đình thiêng liêng Hội Dòng và gia đình ruột thịt, trước cộng đoàn, các chị sẽ nói lên lời thề giao ước của mình với Thiên Chúa. Hiện diện trong thánh lễ có quý cha trong và ngoài giáo phận, nam nữ tu sĩ, cùng với ân - thân nhân của các Tân khấn sinh và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Bình Cang.

Với bài Tin Mừng Luca 1,39-56 trong ngày Lễ Đức Mẹ đi viếng bà Isave, Đức Cha Giuse chia sẻ với cộng đoàn, cách đặc biệt nhắn gởi đến 19 ứng sinh tuyên khấn hôm nay hai hình ảnh tuyệt vời của Đức Mẹ. Trước tiên là hình ảnh Mẹ Maria “vội vã” mang niềm vui là Chúa Giêsu đến cho gia đình người chị họ Isave của mình. Cũng vậy, mỗi người Kitô hữu và cách riêng các nữ tu phải là sứ giả của niềm vui Tin mừng, là người mang Chúa Giêsu đến cho mọi người mình gặp, thánh hóa các môi trường mình được sai đến. Tiếp đến là sống tâm tình của Mẹ Maria khi hiệp thông với Mẹ thốt lên lời ca ngợi “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa”. Thật tuyệt vời vì chúng ta đang sống giữa Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa và tâm tình Năm Thánh mừng 60 Năm Thành Lập và Phát Triển của GP. Nha Trang”. Hãy có lòng nhân từ và thương xót như Thiên Chúa bởi chính mỗi người chúng ta đều cảm nghiệm sâu xa tình yêu và lòng thương xót Chúa đổ tràn trên cuộc đời mình. Khi tuyên khấn “bước theo sát dấu chân của Chúa Giêsu, sống đức ái hoàn hảo” người tu sĩ trở nên khí cụ và hiện thân của lòng thương xót Chúa đối với tất cả anh chị em của mình. Hơn ai hết, là con cái của Đức Mẹ Khiết Tâm, thật dễ dàng để các chị em học theo gương sống Mẹ của mình.

Đức Cha có lời chúc mừng các chị hôm nay tuyên khấn, đến Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ và ân – thân nhân các chị. Khấn Lần Đầu chính là khởi đầu trên quãng đường dài của đời thánh hiến, các chị sẽ phải khẩn nài xin bền đỗ theo Chúa từng ngày để sau 6 năm được tiếp tục huấn luyện, các chị có thể hoan hỉ tuyên khấn trọn đời trong nhà Chúa. Tất cả thân nhân cùng cộng đoàn hãy đồng hành với chị bằng mọi cách để ơn Chúa triển nở tốt đẹp trong các nữ tu của Chúa.

Tiếp sau bài giảng là nghi thức khấn lần đầu. Các chị đọc lời cam kết khấn giữ 1 năm 3 tháng các lời khuyên Phúc Âm: Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục trong Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ. Đức Cha Giuse đọc lời nguyện thánh hiến rồi sau đó làm phép và trao lúp dòng, huy hiệu dòng và Hiếp Pháp Dòng cho các chị khấn tạm như dấu chỉ từ nay các chị thuộc hoàn toàn về Chúa. Kết thúc thánh lễ, chị Tân Tổng phụ trách Maria Hoài Ân dâng lời tri ân Đức Cha Giuse, Quý Cha, Quý Ân – Thân nhân và cộng đoàn. Đại diện phụ huynh của 19 chị tuyên khấn thay mặt gia đình cám ơn Đức Cha, Quý cha, Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ và sau cùng là lời nhắn gởi đến các Tân Khấn Sinh.

Nhiệt thành sống chứng tá ơn gọi phục vụ và rao giảng Tin Mừng, các nữ tu Khiết tâm Đức Mẹ sẵn sàng và mau mắn đến phục vụ tại các nơi Hội thánh địa phường có nhu cầu cho dù là vùng sâu vùng xa như Tầm Ngân, Phú Phong, Bà Râu. ..và sắp tới là Cà Ná. Là con cái của Mẹ Khiết Tâm, chị em quyết tâm sống họa ảnh của chính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria:

- Một trái tim trong sạch, luôn sống trong ân sủng (Lc 1,28 )
- Một trái tim nghèo khó luôn sống phó thác( Lc 1,48.53 )
- Một trái tim tuân phục,luôn lắng nghe và thực hành Ý Chúa(Lc1,38 )
- Một trái tim khôn ngoan, luôn sẵn sàng đối thoại (Lc 1,34 )
- Một trái tim ca ngợi, luôn cảm tạ hồng ân Thiên Chúa (Lc 1,46 –55)
- Một trái tim quảng đại, luôn hăm hở phục vụ (Lc 1,39-56 )
- Một trái tim tông đồà nhiệt thành giới thiệu Đấng Cứu Thế ( Mt 2,11)
- Một trái tim tế nhị, cảm thông chuyển cầu cho tha nhân ( Ga 2,3 )
- Một trái tim trung thành và dũng cảm, biết sống hy sinh (Ga 19,25 )

Vì vậy, Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria đưa chị em vào chiều kích Thiên Chúa và chiều kích con người trong Mầu Nhiệm Cứu Độ của Đức Kitô.(x. ĐCCCN 97 ). Cùng với Đức Mẹ Khiết Tâm, chị em sống Thánh Ý Cứu Độ của Chúa Cha: sẵn sàng chịu đau khổ vì tình yêu, để hiệp thông sâu xa với Hy tế Thập Giá. biết sống hy sinh vì Đức Kitô và Anh Chị Em đồng loại. (x. Hiến Pháp Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ).
 
Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu 2016
Toma Trương Văn Ân
09:59 01/06/2016
Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu 2016, kỷ niệm 131 năm Đức Mẹ hiện ra (1885- 2016), với chủ đề: “Đức Maria, mẹ của Lòng Thương Xót Chúa” và lời trích dẫn Tin Mừng “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc1,50) được Cha Phao lô Maria Trần Quốc Việt- Tổng Đại diện chủ sự Nghi thức làm phép Linh đài lúc 16 giờ 30 ngày 30 / 5 / 2016, tại Linh đài Đức Mẹ Trà Kiệu ( đỉnh đồi Bửu Châu). Đến 17 giờ, Cha Tổng Chủ sự Thánh lễ khai mạc tại lễ đài chính nhà thờ núi. Đồng tế với Ngài có Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng (Quản xứ), Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Lê Đông Nhật (Phó xứ) và các Cha đến hành hương. Trong Lễ khai mạc, ngoài cộng đoàn Giáo xứ Trà Kiệu, còn có nhiều đoàn hành hương từ Giáo phận Sài Gòn, Ban Mê Thuột, Qui Nhơn và anh em Dân tộc ít người từ Giáo phận Kontum.

Hình ảnh

Sau Thánh lễ khai mạc, lúc 19 giờ30, Cha Bonaventura Mai Thái đã chủ sự cuộc Kiệu Thánh Thể từ Đền Đức Mẹ Tri Ân (Thạnh Quang), quanh sân me, lên Linh đài.. Với nến sáng trong tay và cùng cung nghinh Chúa Thánh Thể, cộng đoàn qua việc tôn vinh Mẹ, noi gương mẹ luôn đặt tin tưởng vào Lòng Chúa xót thương, làm tăng thêm niềm xác tín vào Chúa để làm mới tinh thần, làm mới nhiệt huyết, làm mới cách thế đem Tin Mừng Chúa, cảm nhận lòng thương xót Chúa, và là chứng nhân của lòng thương xót Chúa, và đem lòng thương xót Chúa đến cho anh em nơi mình đang sống và làm việc. Sau giờ kiệu, cộng đoàn hành hương đã luân phiên Chầu Chúa đến 24 giờ cùng ngày.

Hôm sau (31 5. 2016 ), ngày chính thức của Đại Hội, từ sáng sớm tại nhà thờ trên đỉnh đồi Bửu Châu của Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, 5 Giáo hạt của Giáo phận Đà Nẵng luân phiên chầu Thánh Thể từ 7 giờ 30 đến 12 giờ 30 trưa với chủ đề chung: cùng Mẹ Maria, mẹ của Lòng thương xót Chúa, khẩn cầu Chúa Giê-su cho mỗi người Tín hữu ý thức được rằng: trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, cảm nhận được lòng thương xót Chúa thật vô bờ, và biết chia sẻ, thưc thi lòng thương xót với anh chị em xung quanh. Trong thời gian này, khắp nơi trong khuôn viên hành hương, và trong nhà thờ Giáo xứ Trà Kiệu, Quý Cha miệt mài cử hành bí tích hòa giải cho hối nhân, để tất cả mọi người tham dự trọn vẹn và lãnh nhận nhiều ơn lành trong ngày hành hương tạ ơn Lòng thương xót Chúa và tôn vinh Mẹ.

Buổi chiều, lúc 14 giờ tại sân nhà thờ Giáo xứ Trà kiệu, sau lời tuyên bố khai mạc của Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng ( Quản xứ ) và lời nguyện khai mạc của Đức Giám Mục Giáo phận, đội dâng hoa của Giáo xứ Tam Tòa tung muôn ngàn hoa ca khen tôn vinh mẹ của Lòng thương xót. Những giai điệu, những vũ khúc lúc trầm, lúc bổng, lúc nhẹ nhàng, lúc dồn dập cao trào, giúp Tín hữu hiện diện can dự vào lòng thương xót Chúa, cảm nhận sâu sắc “ Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”

Tiếp đó, đoàn rước kiệu Tượng Thánh Mẹ từ nhà thờ đến Lễ đài trung tâm hành hương. Hương đèn, sách Tin Mừng và Thánh Giá đi đầu, Mỗi Giáo xứ có 10 người Đại diện ( 5 nam và 5 nữ) đi trong đoàn rước và một lẵng hoa dâng kính Mẹ. cuối đoàn rước là đội dâng hoa, đội kèn, quý Tu sĩ nam nữ, quý Cha, Đức Giám Mục Giáo phận và tượng Thánh Mẹ.

Tại lễ đài trung tâm, cộng đoàn Giáo dân hân hoan đón đoàn kiệu, khi Mẹ đến, những cánh tay của cộng đoàn tham dự đều vươn cao, cầm mũ, quạt tung hô Mẹ.

Đức Giám Mục ( ĐGM) chủ sự Thánh lễ đồng tế bế mạc Đại hội, cùng đồng tế với Ngài có quý Cha Giáo phận Đà Nẵng, quý Cha của Đại Chủng Viện, quý Cha các giáo phận khác đến hành hương.

Trong bài chia sẻ đoạn Tin Mừng thuật lại Đức Maria đi thăm viếng và giúp đỡ bà Elisabet chị họ, trong bối cảnh Đức Maria vừa được Thiên Thần Truyền tin làm mẹ Đấng Cứu thế. ĐGM mời gọi mỗi người sống tin thần trung tín phó thác, xin vâng trong khiêm hạ, không giữ niềm vui nhưng đem chia sẻ niềm vui…. Như Đức Mẹ. Nhắc lại biến cố lịch sử Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu và những định kiến xã hội áp đặt lên người Tín hữu, thậm chí giết hại người có Đạo, ĐGM khẳng định: Mẹ luôn đồng hành bảo bọc chở che trong mọi biến cố, hoàn cảnh của cuộc đời. Ngày nay việc bắt bớ tù đày những Tín hữu theo Chúa chỉ còn một vài nơi, nhưng hành trình sống đạo, nói thật, sống thật, trao ban tình yêu… không phải dễ. Xin Mẹ cho mỗi người biết nói không với ích kỷ, biết sống nhân ái… yêu nhau như Chúa yêu thương mỗi người, cảm nhận được lòng Chúa xót thương và đem lòng xót thương đến với anh chị em xung quanh bằng chính đời sống yêu thương nhân ái với mọi người.

Cuối Thánh lễ, Cha Quản xứ TTTM Trà Kiệu cám ơn Đức Cha, lần đầu tiên trên cương vị Giám mục Giáo phận chủ sự Thánh lễ bế mạc Đại hội; cám ơn Cha Tổng, Quý Cha, Chị Giám Tỉnh dòng Thánh Phao-lô, Quý Dòng, Tu sĩ nam nữ, Chính Quyền; cám ơn các Giáo xứ: Tam Tòa ( dâng hoa), Hội An ( ca đoàn), Chính Tòa ( dâng lễ vật); cám ơn Đoàn Hướng Đạo, ĐoànThiếu nhi Thánh Thể, Đoàn Hùng tâm Dũng Chí, Ân nhân, công ty âm thanh, các Y Bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho khách hành hương, Ban Truyền thông Giáo phận, các Ban ngành đoàn thể của Giáo xứ Trà Kiệu, các đoàn hành hương từ các giáo phận khác và tất cả những người đã góp công- của- trí lực cho ngày Đại hội thập tốt đẹp.

Tiếp đó, Đức Cha chia sẻ tâm tình với cộng đoàn. Ngài đã chiếm trọn trái tim người tín hữu và nhiều tràng vỗ tay vang lên, khi Ngài nói những tâm tình khiêm hạ vui vẻ, “ Em sinh ra tại Hà Nội, làm Giám mục miền núi (Gp Lạng Sơn – Cao Bằng), Hội Thánh đưa em làm Giám mục vùng biển (Gp Đà Nẵng), lần đầu tiên trước sự hiện diện đông đảo Giáo dân, em cảm động lắm” Đức Cha chia sẻ. Đức Cha đã nghe nói nhiều về Đại hội Đức Mẹ Trà Kiệu, về cái nắng oi bức thiêu đốt, Ngài muốn cảm nhận tất cả, vì thế từ 9 giờ sáng, Ngài đã đến Trung tâm Hành hương, đến mọi nơi như một người Giáo dân để cảm nhận những giọt mồ hôi của Đức Tin, những hạt ngọc của Đức mến, là giá trị tình yêu rất lớn…. đến với Mẹ, qua Mẹ đến với Thiên Chúa giàu lòng xót thương, để tâm hồn yêu thương, dám sống cho anh em ….lan tỏa đến mọi người.

Đức Cha với tâm hồn tôn kính Đức Mẹ, Ngài đã thông báo: từ nay, 17 giờ chiều thứ bảy đầu tháng, Ngài sẽ chủ sự Thánh lễ về Đức Mẹ tại Trung tâm Hành hương này. Nếu Ngài bận công việc Mục vụ không thể đến được, Cha Tổng sẽ thay Ngài chủ sự Thánh lễ.

Trong dịp này, Đức Giám Mục và cộng đoàn mừng 50 năm Thụ phong Linh mục (31.5.1966-2016) của Cha GB Nguyễn Duy Lượng và Cha Phê-rô Vũ Văn Khóa; Mừng 62 năm Linh mục ( 31.5.1954-2016) Cha Simon Đinh Hưng Lợi; Mừng 8 năm Linh Mục (31.5.2008-2016) của 4 Cha: An Tôn Nguyễn Thanh Vũ, GB Trần Ngọc Tuyến, Phao-lô Trần Ngọc Hoàng và Giuse Bùi Ngọc Nam.

Trước lúc kết thúc Thánh lễ, đội vũ dâng hoa giáo xứ Tam Tòa một lần nữa dâng hoa, dâng tâm tình đoàn con Giáo phận lên Mẹ.

Tiếp đó hoạt diễn: Đức maria, Mẹ của Lòng thương xót. do các Tập sinh Dòng Thánh Phao-lô diễn lại biến cố Đức Mẹ và Chúa Giê-su đi dự tiệc cưới tại Cana, với lời thoại, cảnh diễn thật sinh động, thu hút và đánh động lòng người. Mẹ luôn nhạy bén với những khó khăn của mỗi người, Mẹ thể hiện lòng thương xót gia đình khi thiếu rượu. Vở diễn chuyển tải thông điệp: trong cuộc đời mỗi người chúng ta có lúc thiếu rượu tình yêu, lòng kiên nhẫn, sức khỏe, công việc, niềm vui gia đình, sự cảm thông, thuận hòa, hiểu nhau, bình an… hãy đến với Mẹ, qua Mẹ, Thiên Chúa sẽ đỗ đầy rượu ân sủng, tình yêu hạnh phúc của Ngài.

Hoạt diễn tiếp theo thuật lại việc mẹ đồng công cứu chuộc nhân loại, khi đứng dưới chân Thập Giá trong cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Chúa. Từ Thập giá nguồn nước và Máu cứu độ nhân loại, lòng thương xót Chúa chan hòa khắp thế nhân.

Để kết thúc phần diễn nguyện, những cử điệu của bài vũ đồng diễn mà tất cả cộng đoàn cùng làm theo và loạt pháo sáng kèm theo rất nhiều bong bóng bay, như lời mời gọi mỗi người ra đi đem lòng thương xót Chúa đến với anh chị em xung quanh trong môi trường mình đang sống, đang làm việc.

Sau hoạt diễn, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Giáo phận đã ban Phép lành trọng thể với Ơn Toàn xá, kết thúc 2 ngày Đại hội nhiều ơn Thánh Chúa thật tốt đẹp.

Được biết:

+ Linh đài Mẹ được xây sửa lại từ tháng 2.2016 và nay được khánh thành, nhằm sửa chữa mái lâu năm bị mưa thấm dột; xây thêm đỉnh tháp, hoàn chỉnh thiết kế do Cha Phê-rô Lê Như Hảo xây từ năm 1963 và đáp ứng tốt hơn cho việc hành hương của người Giáo dân.

+ Thành công của Đai hội có sự cố gắng của Ban truyền thông, đã trang bị thêm nhiều dụng cụ chuyên dụng cho việc thu phát hình ảnh; bố trí màn ảnh lớn ở những nơi xa lễ đài để cộng đoàn tham dự phụng vụ theo dõi trọn vẹn những diễn tiến của Thánh lễ bế mạc Đại hội và thu phát hình ảnh trực tiếp lên mạng Internet, trên trang trakieu.net và trang giaophandanang.org, để những ai không có điều kiện đi dự Đại Hội vẫn hiệp thông tham dự Đại hội qua mạng internet.

+ Ban trật tự và các đoàn Hướng Đạo- Hùng Dũng - Thiếu Nhi Thánh Thể, hoạt động hỗ trợ rất tốt

+ Đoàn Bác Sỹ và Y tá hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho khách hành hương rất tận tâm.

+ Vấn đề vệ sinh môi trường, nước uống miễn phí, tiếp đón hướng dẫn… thật tốt

+ Ca đoàn Hội An hát lễ hay và sốt sắng.
 
Hội Đồng Hương xứ Kẻ Chuôn làng Chuôn Thượng tại Sàigòn mừng lễ Quan Thầy
Vinh sơn Nguyễn Văn Hanh, CSC.
10:15 01/06/2016
Hội Đồng Hương xứ Kẻ Chuôn làng Chuôn Thượng tại Sàigòn mừng lễ Quan Thầy

Sáng ngày 1.6.2016, tại nhà thờ Fatima Bình Triệu, Tổng Giáo phận Sài Gòn, hội đồng hương xứ Kẻ Chuôn, làng Chuôn Thượng (nay thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) hân hoan mừng lễ Quan Thầy.

Xem Hình

Được biết, Bổn Mạng của Hội là thánh Giuse thợ 1-5, nhưng do đặc thù của công việc của các thành viên trong hội, và nhất là dịp đầu tháng 6, học sinh các trường bắt đầu nghỉ hè, cho nên hội đồng hương xứ Kẻ Chuôn thống nhất xin dời ngày lễ vào hôm nay.

Thành viên trong hội đồng hương xứ Kẻ Chuôn khoảng hơn 500 thành viên chính thức, thuộc 130 hộ gia đình hiện đang định cư ở Sài Gòn. Con số trên chưa kể những người lao động bán cư trú, những thương nhân và học sinh, sinh viên…

Làng Chuân Thượng trước đây thuộc tỉnh Hà Tây, cách thành phố Hà Nội chừng 40km về hướng Tây Nam. Dân làng Chuôn Thượng nổi tiếng với rất nhiều ngành nghề như: chạm khắc gỗ, khảm xà cừ, và xập gụ tủ chè cũng là mặt hàng được biết đến từ trước tới nay tại đây. Phần lớn số người trong làng theo đạo Công Giáo. Khoảng hơn 30 năm về trước, dân làng Chuôn di cư vào Sài Gòn sinh sống, họ mang theo ngành nghề của cha ông để lập nghiệp nơi “hòn ngọc viễn đông” này. Họ đã gặt hái được rất nhiều thành công, mặt hàng của họ được đón nhận nồng nhiệt tại vùng đất Sài Thành, hay cả trên thị trường quốc tế.

Năm 1993, người dân xứ Kẻ Chuôn tập hợp lại, lưu ý nhau mỗi khi lễ kính thánh Giuse thợ về, để cùng hướng về quê hương trong tâm tình mừng Lễ. Dần dần, hội đồng hương bắt đầu hình thành và tạo được cơ cấu, họ quy định lễ họp định kỳ, và đã mang lại tiếng vang lớn cho Giáo Hội và Xã Hội.

Cụ thể, Hội đã lạc quyên xây dựng nhiều cơ sở: hai nhà Giáo Lý khang trang cho xứ Kẻ Chuôn; tạo lập mái nhà AnTôn tại Sài Gòn, để những sinh viên theo đuổi ơn gọi tu trì của giáo phận Hà Nội, có thể cư trú khi đến học tại đây; hỗ trợ trung tâm trẻ mồ côi và khuyết tật; cũng như giúp xây dựng hội kèn đồng cho xứ Kẻ Chuôn..và nhiều thiện nguyện xã hội khác.

Anh Giuse Nguyễn Văn Tiến cho biết: do được Chúa ban xuống cho dân làng nghề Cẩn trai ốc từ lâu đời, cho nên dân làng luôn được khấm khá và họ cũng luôn sống trong tâm tình tạ ơn Chúa qua thánh Giuse.

Thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ 30 phút sáng, do cha xứ Kẻ Chuôn Giuse Đỗ Văn Trung chủ tế, cha Antôn quê hương phụ tế và giảng lễ. Người ta nhận thấy, việc cử hành phụng vụ được thành viên hội tham gia rất chủ động và tích cực. Riêng ca đoàn, họ hát và đệm đàn chuyên nghiệp không kém các xứ đạo.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa với cộng đoàn, cha Antôn nhắc nhở họ về gương Gia Đình thánh, trong đó thánh Giuse vừa là: cha, chủ, chồng, quản gia gương mẫu. Thánh nhân làm nghề như Quý vị, và đó là nghệ thợ mộc chân chính.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, anh Giuse Phạm Văn Xuân, hội trưởng đồng hương Chuôn Thượng xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì bao ơn lành Chúa đã ban xuống trên Hội. Anh đại diện cho tất cả hơn 500 thành viên của Hội đang hiện diện, dâng lời cám ơn cha xứ Giuse, Ngài đã từ xứ Kẻ Chuôn- Hà Nội vào để chủ tế Thánh Lễ. Anh cảm ơn cha Quê hương, cảm ơn Quý tusĩ nam nữ đã đồng hành với hội trong năm qua.

Vinhsơn Nguyễn Văn Hanh, CSC.
 
Giáo Hội Việt Nam có thêm một Giám Mục Chính Tòa tại Hải Ngoại
Đặng Tự Do
23:04 01/06/2016
Ngày 1 tháng 6 năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha David Monroe J.J., Giám mục Kamloops, và bổ nhiệm người kế vị là cha Giuse Nguyễn Thế Phương, hiện là cha Tổng đại diện của Tổng Giáo Phận Vancouver.

Đức Cha Monroe đã lãnh đạo Giáo phận Kamloops suốt 14 năm qua. Ngài đã nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha khi đến tuổi 75, theo Giáo Luật, 401 triệt §1.

Đức tân Giám mục sinh ngày 25 tháng 3 năm 1957 tại Việt Nam. Năm 1974, ngài học ở tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh, Ban Mê Thuột. Đi tù hai lần vì đức tin Công Giáo trước khi vượt biên tị nạn cộng sản tại Palawan, Phi Luật Tân.

Nhờ một chương trình đỡ đầu, ngài đến Canada vào năm 1987. Tại đây, ngài phải làm việc như thợ sơn nhà để kiếm tiền học Anh ngữ trước khi vào chủng viện Chúa Kitô Vua tại Colombie-Britannique. Sau thời gian học triết học, và thần học tại chủng viện thánh Phêrô ở thành phố Luân Đôn, bang Ontanrio, Canada; ngài được Đức Tổng Giám Mục Adam Exner, O.M.I., Tổng Giám Mục Vancouver phong chức linh mục tại Tổng Giáo phận Vancouver ngày 30 tháng 5 năm 1992.

Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương đã làm mục vụ tại nhiều giáo xứ trong tổng giáo phận trước khi được cử làm Giám Đốc Văn phòng Đặc trách Ơn gọi vào năm 2010 và Tổng Đại Diện cũng như điều hợp viên linh mục đoàn tổng giáo phận vào năm 2013.

Theo Niên giám 2016 của Hội đồng giám mục Canada, Giáo Phận Kamloops có 67 giáo xứ và các giáo điểm, với 51,435 người Công Giáo được coi sóc bởi 16 linh mục triều và 4 linh mục dòng, 2 phó tế vĩnh viễn và 10 tu sĩ nam nữ.
 
Vị cứu giúp con người trong cơn khủng hoảng
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
16:41 01/06/2016
Vị cứu giúp con người trong cơn khủng hoảng

Trước thảm cảnh người tỵ nạn vượt biên bằng tầu thuyền trên biển Đông phải đối diện với những nguy hiểm đe dọa mạng sống, sóng gió bão táp, nạn cướp bóc hãm hiếp của hải tặc…năm 1979 Ông Neudeck đã cổ động người dân nước Đức thành lập hội „ Một con tầu cho Việt Nam“ để cứu giúp vớt những con thuyền nhỏ bé mong manh chứa chất đầy ắp người đang trôi dạt lênh đênh trên biển cả.

Hội đã nhận được sự ủng hộ quảng đại rộng rãi của người dân nước Đức từ nhiều thành phần về tinh thần cũng như vật chất. Và từ đó Hội đã thuê bao con tầu Cap Anamur ngày đêm từ 1979 đến 1986 chạy ngang dọc trên vùng biển Đông phía Vịnh Thái Lan tìm kiếm cứu vớt những người tỵ nạn tầu thuyền, mà lúc đó gọi bằng tên „ Boat people".

Từ đó người ta không gọi là hội „ Một con tầu cho Việt Nam“ , nhưng gọi là Hội Cap Anamur .

Tên Cap Anamur và tên Ông Neudeck trở thành thân thương quen thuộc gắn bó với người tỵ nạn Việt Nam không chỉ ở nước Đức, mà còn trên nhiều nước khác nữa.

Chiến dịch bác ái tình người Cap Anamur do Ông và những vị ân nhân khác cùng sáng lập đã cứu vớt hơn 11.000 người tỵ nạn Việt Nam, mà phần rất lớn đã tìm được nơi chốn định cư sinh sống trên đất nước Cộng Hoà liên bang Đức.

Ông Neudeck không chỉ dấn thân giải quyết cứu giúp trong cơn khủng hoảng thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam, nhưng Ông còn dấn thân làm công việc bác ái cứu giúp những người gặp hoàn cảnh khốn khó vì chiến tranh, trong bệnh tật nghèo đói, ở các nước vùng khác trên thế giới như bên Phi Châu, bên vùng Trung Đông, bên Kosovo, bên Syria, bên Afganistan…

Đời sống việc làm dấn thân bác ái của Ông cho con người không chỉ nói lên chiều kích trái tim rộng mở quảng đại, tài trí cùng lòng can đảm to lớn của một người có khả năng ý chí kiên cường đối diện giải quyết khủng hoảng, nhưng còn chiếu tỏa một nền tảng đạo đức thâm sâu của tâm hồn Ông, như trong phúc Chúa Giêsu nói:

„ Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống;38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc?39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? "40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.."( Mt. 25, 35-40)

Sau hàng chục năm không mệt mỏi hy sinh quên mình dấn thân phục vụ làm việc bác ái giúp con người trong những khi họ gặp hoàn cảnh khủng hoảng, Ông Rupert Neudeck đã được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã sinh thành nuôi dưỡng đời Ông, gọi trở về đời sau ngày 31.05.2016 hưởng thọ 77 tuổi.

Đời sống bác ái của Ông Ruoert Neudeck phản ảnh gương sống người Samarita nhân lành trong Phúc âm Chúa Giêsu. ( Lc 10, 25-37).

Với lòng thành kính xin chân thành chia buồn cùng vợ con gia đình Ông Neudeck.

Với lòng biết ơn chúng ta cám ơn Ông, và cùng dâng lời kinh cầu nguyện cho Ông.

Nhớ tới Ông, chúng ta muốn noi gương sống làm việc bác ái Ông đã sống để lại.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long.
 
Tổng Gíao Phận Melbourne Tạm Biệt Đức Cha Vincent Long
Trần Bá Nguyệt hình ảnh Trần Văn Minh
20:20 01/06/2016
(Melbourne – 1/6/2016)
Đức Tổng Giám Mục Denis Hart TGP Melbourne đã chủ toạ Thánh Lễ Tạm Biệt Đức Cha Vincent Long tại Thánh Đường Chính Toà St Patrick’s Cathedral nằm tại trung tâm thành phố với sự chủ tế của Đức Cha Vincent long.

Mời xem hình

Trong cái lạnh mùa Đông Melbourne, ngôi thánh đường cổ kính lúc 7 giờ chiều thứ Tư đã đón tiếp Đức TGM, năm Đức Giám Mục (trong đó có Đức Cha Mark Stuart Edwards là người sẽ thay thế Đức Cha Vincent Long trông coi vùng Phía Tây Melbourne), 71 linh mục và một phó tế. Đặc biệt ca đoàn hát thánh ca hôm nay là Liên Ca đoàn Các Thánh Tử Đạo VN với các ca viên nữ trong áo dài màu đỏ lộng lẫy, và các nam ca viên trong Âu phục màu đậm. Giáo dân hôm nay phần đông là người Úc.

Sau khi đoàn đồng tế tiến lên bàn thánh và tại vị, Đức Cha chủ tế đã chào mừng Đức TGM, các giám mục và linh mục đồng tế cũng như cộng đoàn dân Chúa mặc dù trời khá lạnh đã tập trung đến trong Thánh Đường Chính Toà của Tổng Gíao Phận để tham dự Thánh Lễ Farewell hôm nay.

Trong bài giảng, sau phần Lời Chúa nói về “muối mặn cho đời và đèn phải để lên cao để chiếu sáng cho mọi người”, Đức Cha Vincent đã ngỏ lời cám ơn Đức Tổng, các Đức Cha, đông đảo các linh mục đồng tế, và giáo dân nhiều sắc tộc hiện diện. Ngài nhắc đến những lo lắng cho nhiệm vụ trước mặt và lời cám ơn từ sâu thẳm của thâm tâm khi phải rời xa Melbourne nói chung với sự nâng đỡ của Đức TGM, của rất nhiều người trong nhiều lãnh vực mà Đức Cha đã gặp phải khi thực hiện nhiệm vụ phụ trách Vùng Phía Tây thành phố. Ngài cũng nhắc đến sứ mệnh của mình như lờì mời gọi mà Tổ Phụ Abraham xưa kia đã được Thiên Chúa giao cho nhiệm vụ đưa dân Người vào đất hứa. Ngài tâm sự về vai trò của Ngài như một thành phần Dân Chúa sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ với những hy vọng và ước muốn vì lợi ích của dân Người trong niềm tin tưởng hoàn toàn vào ơn Chúa trong việc thi hành trách vụ của một giám mục. Ngài xin mọi người, mà Ngài gọi là bạn hữu, cầu nguyện nhiều cho vai trò mới của Ngài.

Thánh lễ tiếp tục với tiếng hát trầm ấm du dương của “Ca Khúc Trầm Hương”, nhắn gửi lời cầu xin Thiên Chúa đổ đầy tràn ơn của Người xuống cho Đức Cha và chấm dứt thánh lễ với lời ca nhạc khúc “Jesus Christ, You Are My Life”. Xin Thiên Chúa đến và ngự luôn mãi trong tâm hồn Đức Cha và mọi người bởi vì “Người là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống của con”.

Đức Tổng Giám Mục Denis Hart trong lời nói tạm biệt Đức Cha Vincent đã nhắc đến “người thuyền nhân” đã đến Úc bằng con thuyền mỏng manh trong giông bão, đã trở thành một con người – đúng ra là một vị Giám Mục – được Thiên Chúa giao cho nắm giữ một vị thế mà không phải ai cũng làm được. Đức Tổng Denis đã nhắc đến những việc làm mà ĐC Vincent đã chia sẻ với Ngài trong cương vị phụ tá. Ngài nói ĐC Vincent là một con người đầy khiêm tốn và nhất là đầy Ơn Chúa từ lúc Ngài còn là Cha chính xứ tại Springvale. Ngài cũng cám ơn ĐC Vincent và thân mẫu cùng gia đình Đức Cha có mặt trong thánh lễ hôm nay, cũng như cộng đoàn người Công Giáo Việt Nam đã từng sát cánh với ĐC Vincent trong những năm qua. Hôm nay ĐC ra đi nhậm nhiệm vụ mới nhưng Ngài vẫn để lại một phần những đóng góp của Ngài cho TGP Melbourne.

Trong phần đáp từ, ĐC Vincent đã cám ơn những lời chúc rất tốt đẹp của Đức TGM. Ngài cám ơn các chức vị trong giáo quyền, các linh mục, các tu sĩ và anh chị em giáo dân, nhất là anh chị em trong Hội Đồng Mục Vụ và Liên ca đoàn Các Thánh Tử Đạo VN đã cùng cộng tác với Ngài trong những năm vừa qua. Ngài nói “Trái tim tôi để lại Melbourne” bởi vì thân mẫu, gia đình và những người thân yêu của Ngài đang ở thành phố này. Ngài xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho Ngài trong cương vị mới.

Thánh lễ chấm dứt trong lưu luyến với liên ca đoàn và rất nhiều gia đình, nhiều người mong lưu lại những bức hình vô cùng cảm động của giây phút tạm biệt Ngài trong không khí đầm ấm của tình người và của ngôi thánh đường chính toà của TGP Melbourne.
Trần Bá Nguyệt – DCUC
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Lịch sử các nữ phó tế
Nguyễn Trọng Đa
09:24 01/06/2016
Giải đáp phụng vụ: Lịch sử các nữ phó tế

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Cha có thể vui lòng giải thích lý do tại sao trong lịch sử, Giáo Hội đã từng chấp nhận phụ nữ làm phó tế, và kể từ thế kỷ thứ II chức này đã được dừng lại? Giáo Hội Anh giáo cho phép phụ nữ làm linh mục, và số lượng các giáo sĩ của Giáo Hội này đã gần như tăng gấp đôi trong năm năm. Xét rằng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cho phép người đàn ông đã lập gia đình vào chức linh mục Công Giáo để mở cửa cho Anh giáo, liệu điều này có thể không được xem là một chìa khóa cho quy tắc phương Tây về đời sống độc thân được nới lỏng trong tương lai chăng? - T. B., Salford, Vương Quốc Anh.


Đáp: Bạn thân mến, có nhiều vấn đề trong một câu hỏi đây. Các quyết định của Giáo Hội Anh giáo về vấn đề này không liên quan gì đến Giáo Hội Công Giáo. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực sự khép lại cuộc tranh luận này, với một tuyên bố rằng Giáo Hội không có quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ.

Quyết định của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho phép giáo sĩ Anh giáo đã lập gia đình được truyền chức linh mục Công Giáo (mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho phép một cách thức nhiều hạn chế) không cho thấy sự nới lỏng về các quy tắc sống độc thân, vì các qui định hiện nay nói trước rằng các tân linh mục của các giáo hạt tòng nhân, gồm người từ Anh giáo chuyển qua, sẽ sống độc thân.

Có lẽ câu hỏi chủ yếu liên quan đến các nữ phó tế trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý với một đề xuất thành lập một ủy ban để nghiên cứu vấn đề này. Vấn đề này đã được đề cập đến trong năm 2002 trong một văn bản của Ủy ban Thần học Quốc tế: "Từ diakonia của Chúa Kitô đến diakonia của các Tông Đồ". Toàn bộ tài liệu có sẵn trên trang web của Vatican, và là đáng đọc vì có bản văn đầy đủ về phần liên quan đến các nữ phó tế, mà chúng tôi xin trích ra dưới đây:

"Trong thời đại tông đồ, các hình thức khác nhau của sự trợ giúp của phó tế, được cung cấp cho các Tông Đồ và các cộng đoàn bởi nhiều phụ nữ, dường như đã là định chế. Do đó, thánh Phaolô gửi gắm cho cộng đoàn ở Rôma 'chị Phê-bê (Phoebe), người chị em của chúng tôi, là nữ trợ tá [he dikonos] Hội Thánh Ken-khơ-rê (Cenchreae)’ (xem Rm 16: 1-4). Mặc dù dạng giống đực của diakonos được sử dụng ở đây, nhưng không vì đó mà kết luận rằng từ ngữ đang được sử dụng để chỉ định chức năng cụ thể của một "phó tế"; trước hết, là bởi vì trong văn mạch này chữ diakonos vẫn có nghĩa là người trợ tá trong nghĩa chung chung, và thứ hai, bởi vì từ ngữ "người phục vụ" không đưa ra một hậu tố giống cái, nhưng trước đó có một mạo từ giống cái. Điều rõ ràng là rằng Phê-bê (Phoebe) thực hiện một việc phục vụ được nhìn nhận trong cộng đoàn Ken-khơ-rê, phụ thuộc vào thừa tác của các Tông Đồ. Ở những nơi khác trong các thư của thánh Phaolô, chính quyền là người thừa hành (diakonos) của Thiên Chúa (Rm 13: 4), và trong 2 Cr 11: 14-15, ngài nói “Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ (diakonoi) nó đội lốt người phục vụ sự công chính”.

"Các nhà chú giải chia rẽ nhau về chủ ngữ của câu 1 Tm 3:11. Việc đề cập đến 'các bà' sau khi nhắc đến các phó tế có thể gợi ý là nữ phó tế (do qui chiếu song song), hoặc vợ của phó tế vừa được đề cập trước đó. Trong thư này, các chức năng của phó tế không được mô tả, nhưng chỉ có các điều kiện để tiếp nhận họ. Người ta nói rằng phụ nữ không được phép giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng (1 Tm 2: 8-15). Nhưng các chức năng quản trị và giảng dạy là trong bất kỳ trường hợp nào đều dành cho Giám mục (1 Tm 3: 5) và cho các linh mục (1 Tm 5:17), chứ không dành cho phó tế. Các bà góa thành lập một nhóm được công nhận trong cộng đoàn, và họ nhận được hỗ trợ của cộng đoàn để đổi lấy cam kết của họ là sống khiết tịnh và cầu nguyện. 1 Tm 5: 3-16 nhấn mạnh các điều kiện để họ có thể được ghi vào danh sách các góa phụ nhận được cứu trợ từ cộng đoàn, và không nói gì thêm về bất kỳ chức năng nào mà họ có thể có. Sau đó, họ đã chính thức 'được thiết lập' nhưng 'không truyền chức’; họ tạo thành một 'dòng' trong Giáo Hội, và sẽ không bao giờ có bất cứ nhiệm vụ nào khác ngoài gương tốt và cầu nguyện.

"Vào đầu thế kỷ thứ II, một lá thư của Pliny the Younger, thống đốc của Bithynia, đề cập đến hai phụ nữ được mô tả bởi các Kitô hữu như là ministrae, rất có thể là từ tương đương của từ ngữ Hi Lạp diakonoi (10, 96-97). Mãi cho đến thế kỷ thứ III, các từ ngữ Công Giáo diaconissa hoặc diaconal xuất hiện.

"Từ cuối thế kỷ thứ III trở đi, ở một số vùng của Giáo Hội (chứ không phải tất cả), một thừa tác Giáo Hội đặc biệt được chứng thực trên một phần của giới phụ nữ, được gọi là nữ phó tế. Điều này diễn ra ở Đông Syria và Constantinople. Khoảng năm 240, đã xuất hiện một bộ sưu tập phụng vụ-giáo luật đặc biệt, gọi là Didascalia Apostolorum (DA, Giáo huấn các Tông đồ), vốn không là chính thức trong tính cách. Sách này gán cho Giám mục các đặc tính của một thượng phụ Kinh Thánh toàn năng (xem DA 2, 33-35, 3). Ngài là đầu của một cộng đoàn nhỏ, mà ngài cai trị chủ yếu với sự giúp đỡ của các phó tế và nữ phó tế. Đây là lần đầu tiên, các nữ phó tế xuất hiện trong một tài liệu của Giáo Hội. Trong một loại hình được vay mượn từ thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Giám mục giữ vị trí của Chúa Cha, phó tế giữ vị trí của Chúa Con, và nữ phó tế giữ vị trí của Chúa Thánh Thần (chữ ‘ThánhThần' là giống cái trong các ngôn ngữ Semitic), trong khi linh mục (những người ít được đề cập) đại diện cho các Tông đồ, và các quả phụ đại diện cho bàn thờ (DA 2, 26, 4-7). Không có tài liệu nhắc đến việc truyền chức cho các thừa tác viên này.

"Sách Didascalia đã nhấn mạnh đến vai trò từ thiện của phó tế và nữ phó tế. Thừa tác phó tế xuất hiện như là "một hồn trong hai xác”. Mô hình của nó là diakonia của Chúa Kitô, Đấng rửa chân cho các môn đệ (DA 3, 13, 1-7). Tuy nhiên, không có sự song song chặt chẽ giữa hai nhánh của chức phó tế, liên quan đến các chức năng mà họ thực hiện. Các phó tế đã được lựa chọn bởi Giám mục 'để lo toan về nhiều cái cần thiết’, và chỉ có nữ phó tế 'phục vụ người nữ' (DA 3, 12, 1). Niềm hy vọng được bày tỏ rằng ‘số lượng các phó tế có thể tương ứng với số lượng của cộng đoàn dân Giáo Hội' (DA 3, 13, l). Các phó tế quản lý tài sản của cộng đoàn nhân danh Giám mục. Cũng giống như Giám mục, họ đã được nâng đỡ về vật chất cần thiết. Các phó tế được gọi là tai và miệng của Giám mục (DA 2, 44, 3-4). Đàn ông trong cộng đoàn nên gặp phó tế trước khi đến với Giám mục, còn phụ nữ nên đi gặp nữ phó tế (DA 3, 12, 1-4). Một phó tế giám sát các nơi Giám mục đến gặp gỡ, trong khi một vị khác giúp Gíám mục cử hành Thánh lễ (DA 2, 57, 6).

"Các nữ phó tế nên thực hiện việc xức dầu cho phụ nữ trong nghi thức rửa tội, dạy các phụ nữ tân tòng, và thăm viếng các nữ giáo hữu, đặc biệt là bệnh nhân, tại nhà họ. Họ bị cấm tự ý rửa tội, hay giữ vai trò nào trong việc cử hành Thánh lễ (DA 3, 12, 1-4). Các nữ phó tế đã thay thế các quả phụ. Giám mục vẫn có thể thiết lập nhóm các góa phụ, nhưng họ không được dạy giáo lý hoặc tiến hành rửa tội (cho phụ nữ), nhưng chỉ cầu nguyện mà thôi (DA 3, 5, 1-3, 6, 2).

"Cuốn Constitutiones Apostolorum, xuất hiện tại Syria khoảng năm 380, sử dụng và suy diễn sách Didascalia, sách Didache và Traditio Apostolica (Truyền thống Tông đồ). Cuốn Constitutiones đã có một ảnh hưởng lâu dài trên kỷ luật truyền chức ở phương Đông, mặc dù nó chưa bao giờ được coi là một bộ sưu tập kinh điển chính thức. Bộ sưu tập dự kiến việc đặt tay với kinh khẩn cầu Thánh Linh, không chỉ cho các Giám mục, linh mục và phó tế, mà còn cho các nữ phó tế, phụ phó tế và người đọc sách nữa (x CA 8, 16-23). Khái niệm kleros được mở rộng cho tất cả những người thực hiện một chức vụ phụng vụ, họ được hỗ trợ bởi Giáo Hội, và được hưởng lợi từ những đặc quyền trong luật dân sự của Đế quốc dành cho giáo sĩ, nên các nữ phó tế được tính là thuộc hàng giáo sĩ, trong khi các góa phụ đã được loại ra. Giám mục và các linh mục là như thầy cả thượng phẩm và các tư tế trong Cựu Ước, trong khi người Lê-vi là như tất cả các thừa tác viên khác và bậc sống khác: 'phó tế, thầy đọc sách, ca viên, người giữ cửa, nữ phó tế, góa phụ, trinh nữ và trẻ mồ côi' (CA 2, 26, 3; CA 8, 1, 21). Phó tế được đặt 'làm phục vụ Giám mục và các linh mục’ và không đụng chạm đến các chức năng của linh mục. Phó tế có thể loan báo Tin Mừng và dẫn dắt việc cầu nguyện của cộng đoàn (CA 2, 57, 18), nhưng chỉ có Giám mục và các linh mục thuyết giảng (CA 2, 57, 7). Các nữ phó tế giữ các chức vụ của mình qua một epithesis cheirôn hay việc đặt tay, vốn ban Thánh Thần, như các thầy đọc sách làm (CA 8, 20, 22). Giám mục đọc lời nguyện sau đây: "Lạy Chúa Cha vĩnh cửu, Cha của Chúa Giêsu Kitô chúng con, Đấng tạo dựng người nam người nữ, Cha ban đầy Thánh Thần cho Myriam, Deborah, Anna và Hulda; Cha không thấy là không xứng đáng cho Con của Cha, Người con Độc nhất, được sinh ra bởi một người phụ nữ; Cha ở trong lều của nhân chứng và trong đền thờ đã lập nên phụ nữ làm người gác cửa đền thánh của Cha, xin hãy đoái nhìn tôi tớ của Cha qùy trước Cha đây, được đề cử cho chức phó tế: Xin ban Thánh Thần cho người này và thanh tẩy người này khỏi mọi phiền não của xác thịt và tinh thần, để người này nên xứng đáng với phận vụ được giao phó, cho vinh quang của Cha và ca tụng Chúa Kitô, nhờ Người mọi vinh quang và sự tôn thờ đến với Cha, trong Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen".

"Các nữ phó tế được xướng tên trước các phụ phó tế, và đến lượt mình, phụ phó tế nhận một cheirotonia như thầy phó tế (CA 8, 21), trong khi các trinh nữ và quả phụ không được 'truyền chức' (8, 24-25). Sách Constitutiones nhấn mạnh rằng các nữ phó tế không có chức năng phụng vụ (3, 9, 1-2), nhưng họ dành cho chức năng của họ trong cộng đồng là "phục vụ cho các phụ nữ' (CA 3, 16, 1) và như là người trung gian giữa các phụ nữ và Giám mục. Người ta nói rằng họ đại diện cho Chúa Thánh Thần, nhưng họ ‘không làm gì mà không có phó tế’ (CA 2, 26, 6). Họ nên đứng ở lối vào của phụ nữ trong các tập họp (2, 57, 10). Chức năng của họ được tóm tắt như sau: ‘Nữ phó tế không ban phép lành, không làm phép, và không thực hiện bất cứ điều gì mà linh mục và phó tế làm, nhưng nữ phó tế trông coi cửa và tham dự với linh mục trong lễ rửa tội của phụ nữ, vì sự đoan chính' (CA 8, 28, 6).

"Điều này được lặp lại bởi sự nhận xét cùng thời của Epiphanius thành Salamis trong cuốn Panarion của ngài, khoảng năm 375: "Chắc chắn trong Giáo Hội có phẩm trật của nữ phó tế, nhưng nó không tồn tại để thực hiện các chức năng của một linh mục, họ cũng không có bất kỳ cam kết nào với họ, nhưng vì sự đoan trang của giới nữ lúc họ chịu rửa tội’. Một luật của Theodosius ngày 21-6-390, được thu hồi ngày 23-8 cùng năm, ấn định tuổi để nhận vào thừa tác nữ phó tế là 60 tuổi. Công đồng Chalcedon (điều luật 15) giảm tuổi xuống còn 40 tuổi, và cấm họ kết hôn sau này.

"Ngay cả trong thế kỷ thứ IV, lối sống của nữ phó tế là rất giống với lối sống của các nữ tu. Tại thời điểm đó, người phụ nữ phụ trách một cộng đoàn tu viện nữ được gọi là một nữ phó tế, như được làm chứng bởi thánh Grêgôrio thành Nyssa và nhiều người khác. Là nữ đan viện trưởng được tấn phong của tu viện nữ tu, nữ phó tế mặc maforion, hoặc tấm màn hoàn hảo. Cho đến thế kỷ thứ VI, họ vẫn giúp đỡ các phụ nữ ở giếng rửa tội và xức dầu. Mặc dù họ không phục vụ tại bàn thờ, họ có thể cho phụ nữ nằm bệnh rước lễ. Khi việc thực hành xức dầu toàn thân tại lễ rửa tội đã bị xóa bỏ, các nữ phó tế chỉ đơn giản là trinh nữ hiến thánh với lời khấn trinh khiết. Họ sống hoặc trong các tu viện hay ở nhà. Điều kiện được chọn là trinh nữ hay người góa chồng, và hoạt động của họ là giúp đỡ từ thiện và sức khỏe cho phụ nữ.

"Ở Constantinople, nữ phó tế nổi tiếng nhất trong thế kỷ thứ IV là Olympias, bề trên của một tu viện nữ tu, một người được che chở bởi Thánh Gioan Kim Khẩu và đã đưa tài sản của mình để phục vụ Giáo Hội. Bà đã được 'truyền chức' (cheirotonein) nữ phó tế cùng với ba bạn đồng hành của mình bởi thượng phụ. Điều 15 của Công đồng Chalcedon (451) dường như xác nhận sự việc rằng nữ phó tế thực sự được 'truyền chức' bởi việc đặt tay (cheirotonia). Thừa tác của họ được gọi là leitourgia, và sau khi được truyền chức, họ không được phép kết hôn nữa.

"Ở Byzantium thế kỷ thứ VIII, Giám mục vẫn còn đặt tay lên đầu một nữ phó tế, trao cho cô một orarion hay dây các phép (cả hai đầu của nó được đeo ở phía trước, cái này trên cái kia); ngài trao cho cô chén thánh, mà cô đặt trên bàn thờ và không cho ai rước lễ cả. Các nữ phó tế được truyền chức trong một cử hành Phụng vụ Thánh Thể, trong cung thánh, như các phó tế vậy. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa các nghi thức truyền chức, các nữ phó tế không có quyền đến bàn thờ hay làm bất kỳ thừa tác phụng vụ nào. Các việc truyền chức này được nhắm chủ yếu cho các bề trên của tu viện nữ tu.

"Cần nói lên rằng ở phương Tây không có dấu vết của bất kỳ nữ phó tế nào trong năm thế kỷ đầu tiên. Sách Statuta Ecclesiae Antiqua (Qui chế xưa của Giáo Hội) nói rằng việc dạy giáo lý cho phụ nữ dự tòng và chuẩn bị cho họ rửa tội đã được giao phó cho các quả phụ và các nữ tu 'được chọn cho việc giúp rửa tội các phụ nữ’ ( ad ministerium baptizandarum mulierum). Một số Công đồng của các thế kỷ thứ IV và V từ chối mọi thừa tác nữ giới (feminae ministerium) và cấm việc truyền chức nữ phó tế. Theo cuốn Ambrosiaster (sáng tác tại Rôma vào cuối thế kỷ thứ IV), chức phó tế phụ nữ là một sự bổ sung của lạc giáo Montanist ('Cataphrygian'). Trong thế kỷ thứ VI, phụ nữ được nhận vào nhóm các góa phụ, đôi khi được xem như là nữ phó tế. Để ngăn chặn bất kỳ sự nhầm lẫn nào, Công đồng Epaone cấm 'các việc truyền chức cho các bà góa tự gọi mình là nữ phó tế’. Công đồng Orleans II (533) đã quyết định loại trừ khỏi sự hiệp thông các phụ nữ 'đã nhận được phúc lành cho chức phó tế bất chấp các điều luật cấm việc này, và những người đã tái hôn'. Các nữ đan viện trưởng, hoặc người vợ của phó tế, cũng được gọi là diaconissae, tương tự với presbyterissae, hoặc thậm chí với episcopissae.

"Tổng quan lịch sử hiện nay cho thấy rằng một thừa tác nữ phó tế đã thực sự tồn tại, và nó được phát triển không đồng đều ở các phần khác nhau của Giáo Hội. Rõ ràng rằng thứa tác này không được coi là đơn giản tương đương với chức nam phó tế. Ít nhất, đó là một chức năng Giáo Hội, thực hiện bởi phụ nữ, đôi khi được đề cập cùng với chức phụ phó tế trong danh sách các thừa tác Giáo Hội. Liệu thừa tác này được ban bởi việc đặt tay có thể sánh với việc Giám mục đặt tay trên các linh mục và nam phó tế không? Văn bản của cuốn Constitutiones Apostolorum dường như cho thấy điều này, nhưng nó là thật sự nhân chứng duy nhất, và sự giải thích đúng đắn của nó là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Liệu việc đặt tay trên các nữ phó tế được coi là tương tự như việc đặt tay trên các nam phó tế không, hoặc ít là nó tương tự như việc đặt tay trên các phụ phó tế và thầy đọc sách không? Thật là khó để giải quyết các câu hỏi trên cơ sở dữ liệu lịch sử mà thôi. Trong các chương tiếp theo, một số yếu tố sẽ được làm rõ, và một số câu hỏi sẽ vẫn mở ngỏ. Đặc biệt, một chương sẽ được dành cho việc xem xét chặt chẽ hơn làm thế nào Giáo Hội thông qua thần học và Huấn Quyền đã trở nên ý thức hơn, về thực tại bí tích của bí tích Truyền Chức Thánh và ba phẩm trật của nó. Nhưng trước tiên thật là thích hợp để xem xét các nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của chức phó tế vĩnh viễn trong đời sống của Giáo Hội".

Các tài liệu ở giai đoạn sau mô tả sự biến mất của các nữ phó tế:

"Sau thế kỷ thứ X, các nữ phó tế chỉ được gọi tên trong sự kết nối với các tổ chức từ thiện. Một tác giả phái Jacobite của thời kỳ này ghi nhận: "Trong thời cổ đại, các nữ phó tế đã được truyền chức. Chức năng của họ là chăm sóc phụ nữ để họ không cần phải bộc lộ bản thân trước mặt Giám mục. Nhưng khi tôn giáo lan truyền rộng rãi hơn và Giáo Hội quyết định cử hành lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh, thì chức năng này đã bị bãi bỏ". Chúng tôi tìm thấy câu tương tự trong cuốn Pontifical (Sách Nhi thức) của Thượng phụ Michael thành Antiôkia (1166-1199). Khi nhận xét về luật số 15 của Công đồng Chalcedon, Theodore Balsamon, vào cuối thế kỷ thứ XII, nhận xét rằng ‘chủ đề của điều luật này đã hoàn toàn rơi vào không sử dụng. Vì ngày nay nữ phó tế không còn được truyền chức, mặc dù tên của các nữ phó tế được đưa ra một cách sai lầm cho những người thuộc về cộng đoàn khổ tu’. Các nữ phó tế đã trở thành nữ tu. Họ sống trong các tu viện, không còn thực hành công việc của diakonia, trừ trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc y tế, hoặc phục vụ giáo xứ.

"Sự hiện diện của các nữ phó tế vẫn được chứng thực ở Rôma vào cuối thế kỷ thứ VIII. Trong khi các nghi lễ Rôma không nhắc đến các nữ phó tế trước đó, Sách bí tích Hadrianum, được Đức Giáo Hoàng gửi cho Hoàng đế Charlemagne, và nhờ ông sách phổ biến khắp thế giới Frankish, bao gồm một Oratio ad diaconam faciendum (lời nguyện phong phó tế). Thực sự đó là lời chúc lành, được đặt như là một phụ lục trong các nghi thức khác của việc thiết định đầu tiên. Các văn bản Carolingian thường kết hợp nữ phó tế và nữ đan viện trưởng. Công đồng Paris năm 829 đưa ra lệnh cấm chung cho phụ nữ là không thực hiện bất cứ chức năng phụng vụ nào. Các giáo lệnh tập của Pseudo-Isidore không đề cập đến các nữ phó tế; và cuốn Bavarian Pontifical ở tiền bán thế kỷ thứ IX cũng không hề nhắc đến nữ phó tế. Một thế kỷ sau, trong cuốn Pontifical Romano-Germanique (Sách nghi thức Rôma-Đức) ở Mainz, lời nguyện Ad diaconam faciendum được tìm thấy sau phần ordinatio abbatissae (tấn phong nữ đan viện trưởng), giữa consecratio virginum (tận hiến các trinh nữ) và consecratio viduarum (tận hiến các góa phụ). Một lần nữa, đây chỉ là lời chúc lành, kèm theo việc Giám mục đặt dây các phép và mạng che cho người ấy, cũng như chiếc nhẫn cưới và vương miện. Giống như các góa phụ, nữ phó tế hứa sống khiết tịnh. Đây là lần nhắc cuối cùng đến 'các nữ phó tế' được tìm thấy trong các nghi lễ Latinh. Thật ra, cuốn Pontifical của Guillaume Durand vào cuối thế kỷ thứ XIII nói về các nữ phó tế chỉ với tham chiếu đến quá khứ mà thôi.

"Trong thời Trung cổ, các dòng nữ tu điều dưỡng và giáo dục thực thi thật sự các chức năng của diakonia mà không được truyền chức cho thừa tác ấy. Danh hiệu, không có thừa tác phù hợp, được trao cho các người phụ nữ đã được thiết định là góa phụ hoặc nữ đan viện trưởng. Đúng là cho đến thế kỷ XIII, các nữ đan viện trưởng đôi khi được gọi là nữ phó tế".

Cuối cùng, sau khi phân tích thần học của các mức độ khác nhau của bí tích truyền chức thánh, tài liệu đi đến kết luận sau đây:

"Đối với việc truyền chức phó tế cho phụ nữ, cần lưu ý rằng có hai dấu hiệu quan trọng nổi lên từ những gì đã được nói đến thời điểm này:

"1. Các nữ phó tế được đề cập trong truyền thống của Giáo Hội cổ xưa - như bằng chứng bởi nghi thức thiết định và chức năng mà họ thực hiện - là không hoàn toàn đơn giản và tương đương với các nam phó tế;

"2. Sự thống nhất của bí tích Truyền Chức Thánh, trong sự phân biệt rõ ràng giữa các thừa tác của vị Giám mục và các linh mục một bên, và thừa tác phó tế một bên, được nhấn mạnh mạnh mẽ bởi truyền thống Giáo Hội, đặc biệt là trong giáo huấn của Huấn Quyền.

"Trong ánh sáng của các yếu tố này, vốn đã được đặt ra trong tài liệu nghiên cứu lịch sử-thần học hiện nay, nó gắn liền với thừa tác phân định, mà Chúa thiết lập trong Giáo Hội của Ngài để tuyên bố một cách uy quyền về vấn đề nảy".

Các tài liệu của Ủy ban thần học quốc tế là có thẩm quyền, nhưng không phải là huấn quyền. Bất kỳ ủy ban tương lai nào chắc chắn sẽ phải quan tâm nhiều đến việc nghiên cứu và xem xét kết luận của mình. (Zenit.org 31-5-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tin Đáng Chú Ý
Khánh Thành Con Đường Hầm Xe Lửa Dài Nhất Tại Thụy Sĩ
Thanh Quảng sdb
06:04 01/06/2016
Khánh Thành Con Đường Hầm Xe Lửa Dài Nhất Tại Thụy Sĩ
Thanh Quảng sdb

Theo tin đài Phát thanh Vatican ngày 1/6/2016 thì sau gần hai thập niên xây dựng, Thụy Sĩ sẽ chính thức khai trương con đường hầm xe lửa dài nhất thế giới được xuyên qua trung tâm của dãy núi Alps ở Thụy Sĩ.

Bà Ann Schneible cho hay: Dự án đã hoàn tất sau 17 năm với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng Thụy sĩ. Đoạn đường dài 57 km mang tên Gotthard là con đường hầm xuyên qua dãy núi Alps của Thụy Sĩ sẽ hứa hẹn giúp cho việc liên lạc Bắc Nam Âu châu được dễ dàng hơn.

Sau khi đường hầm tạm được mở vào tháng 12 năm ngoái cho các dịch vụ thương mại bằng các chuyến xe để đánh giá và đảm bảo sự an toàn của tuyến đường. Hàng ngày có tới 260 chuyến tàu chở hàng và 65 chuyến tàu chở khách đi qua đường hầm...

Mọi người hy vọng rằng đường hầm này sẽ làm giảm thiểu các giao thông đường bộ, đang gây lên nhiều lo ngại ô nhiễm cho hệ sinh thái địa phương…

Một nghi lễ chính thức khai trương tuyến đường sắt mới này sẽ được diễn ra vào ngày mai, thứ Tư với sự hiện diện của Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel; Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande và Thủ tướng Ý, ông Matteo Renzi tham dự cùng với các quan chức nhà nước Thụy Sĩ để đánh dấu cho biến cố quan trọng này.
(Nguồn Radio Vatican)
 
Văn Hóa
Chuyện Bác Chuyện Em: Thằng Mõ-Bà Góa
Nguyễn Trung Tây
01:41 01/06/2016
□ Nguyễn Trung Tây
Chuyện Bác Chuyện Em: Thằng Mõ-Bà Góa

Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.


Gặp em, Bác mặt nhăn nhăn như khỉ ăn nhầm phải mắm tôm,
— Kinh Thánh có nhiều đoạn đến là khó hiểu. Gặp tớ chậm lụt, đi lễ nghe đọc bài Phúc Âm mà cứ ù ù cạc cạc y như vịt nghe sấm. Tỷ như cái đoạn nói về cái bà góa với 2 đồng xu tiền đó (Mark 12:41-44, Luke 21:1-4). Cũng thấy đến là lạ, tự nhiên bà ấy quẳng vào hòm tiền cúng có hai đồng xu chả mua được cốc nước vối quán bà Cả Nha, thế mà Chúa mở miệng khen bà ấy không tiếc nhời.
Em táo tợn, uống mật gấu, mở miệng cự nự,
— Quan bác ăn nói chữ nghĩa đến là táo tợn. Dâng cúng thì lại nói là quẳng vào. Sáng đã làm một điếu thuốc lào chửa mà ăn nói vớ vẩn đến thế?
Bác chép miệng,
— Rồi! Sáng dậy một cái là tung chăn mền nhào xuống rít liền một hơi thuốc Cái Sắn từ trong Nam gửi ra. Lúc nãy buồn chân đi ngang qua quán nước của bà Cả, lại ghé vào bắn thêm mấy phát nữa, nhưng thấy miệng nó vẫn cứ nhàn nhạt sao đấy.
Em nhìn bác,
— Khổ! Trời rét tợn mà quan bác cứ áo sống phong phanh như thằng mõ thế kia, hỏi sao mà miệng không nhàn nhạt. Không khéo quan bác lại ốm rồi. Có cần cạo gió hay không? Ghé vào quán bà Cả Nha mượn cái đồng tiền xu Khải Định để em cạo cho…
Bác mắng em mấy mắng,
— Ông rõ là cám lợn dở hơi, cứ vớ vẩn như thằng mõ. Đang nói chuyện này thì lại vẹo sang chuyện khác.
Em cười cầu hòa,
— Em mới nói đùa chơi có mấy câu mà quan bác đã lại cau có gắt gỏng mắm tôm rồi. Thì thôi, yên, bác đang nói về cái vụ bà góa…
Bác quay lại chuyện cũ,
— Đúng rồi, đang nói dở cái chuyện bà góa...
Em góp ý,
— Cái bà góa ở trong Kinh Thánh thì cũng không giống như bà góa ở làng mình đâu. Cái bà Cả Nha ở trong làng dù có là gái góa, nhưng vẫn có quán nước đầu làng để cho quan viên trăm họ ghé vào mua cốc nước vối bắn vài nỏ thuốc lào. Chứ cái bà góa ở trong Kinh Thánh có mà được như thế. Đã là gái góa ở nước Do Thái thuả xưa thì chỉ còn có nước cầm cái mõ mà đi rao khắp làng…
Bác nhăn mặt,
— Sao lại nói người ta nặng nhời như thế…
Em thanh minh,
— Gượm hẵng quan bác. Em đã nói xong đâu mà quan bác đã mắng em sa sả như thế. Thì bác cứ nom đi, ở cái làng mình, nguyên cả huyện rồi kéo theo mấy tổng, người có danh có phận vẫn là cụ bá Tiên nhà có mấy mẫu ruộng thượng đẳng điền. Chứ ai như cái nhà anh Thìn, một miếng đất, em xin lỗi, chó ỉa cũng không có mà cắm sào, cho nên trong làng người ta mới coi khinh, bắt làm thằng mõ.
Bác gật đầu,
— Thì chuyện, chẳng thế mà vua chúa thời xưa, khi phong thưởng cho công thần, họ cũng cứ thưởng toàn là đạc điền ruộng nương.
Em ra vẻ hiểu biết,
— Ấy, cái người ở bên Do Thái cũng thế. Ai mà không có cơ ngơi điền thổ là cầm chắc cái phận thằng mõ trong thôn, tha hồ mà bị người làng coi thường ăn hiếp. Mà cái người Do Thái họ cũng lạ lắm. Đất đai là chỉ truyền từ đời cha sang đời con trai, rồi là sang đời cháu trai, chắt, chít, cũng tinh là con trai. Cho nên gặp ngay cái nhà nào mà ông bố chết sớm để lại có một cái giống, mà lỡ cái giống đó vắn số, là cái bà góa đó đi đời nhà ma. Vừa mất chồng, vừa mất con, lại vừa mất ruộng. Ruộng mà mất rồi thì tự nhiên hóa ra cùng đinh khố chuối như thằng mõ ở trong làng ta mà thôi.
Bác tròn mắt,
— Hãi nhỉ!
Em gật đầu,
— Ấy, cho nên quan bác mới thấy cái bà góa thành Nain hồi đó thiệt tình là mệt. Đã mất chồng, giờ lại mất thằng con trai, mà lại là cái thằng con trai duy nhất. Rõ là khổ! Cho nên người trong thành mới đi theo đông như kiến để mà khóc thương cho cái phận mất ruộng hóa ra thằng mõ của bà ấy đấy (Luke 7:11-17).
Bác như vỡ nhẽ,
— À! Thì ra là thế.
Em như hứng chí,
— Mà em nói cho quan bác nghe. Nói tới cái chữ thằng mõ-bà góa ai mà chẳng hiểu người đó là người cùng rốt trong thôn. Thế mà Chúa còn nhấn mạnh thêm một cái chữ nghèo trước chữ bà góa (Luke 21:3, Mark 12:43). Vậy thì quan bác đủ hiểu là cái bà góa này nghèo gấp đôi, nghèo hơn những bà góa thường, nghèo hết nước nói. Ấy thế mà người ta vẫn dám dâng tặng hết tất tật số tiền bé con con. Đàn bà dễ có mấy tay!
Bác như đã hiểu chuyện,
— Hèn chi Chúa cất tiếng khen không tiếc nhời.
Em kết luận,
— Ấy, giờ là đã ba năm rõ mười rồi nhé. Mà này, em nhớ hồi xưa khi còn nhỏ bu em cứ hay kể là làng ta thời mới xây nhà thờ, cha xứ sai ông trùm lên tới tận kinh đô thỉnh ông thợ bạc về đúc một cái chuông bằng đồng. Nhiều người trong làng kéo tới dâng tặng cho Chúa bạc vàng để đúc chuông lắm, có cả cái bà góa trong làng cũng ghé vào dâng hai đồng trinh. Bu em nói hai đồng trinh thời đó thì cũng chẳng bõ dính răng, may ra thì mua được cây kẹo bé bằng cái mắt muỗi. Bởi thế, ông trùm chép miệng khánh vàng còn chưa ăn nổi ai, tiện tay quẳng bỏ. Có thế thôi mà đúc mãi nhưng chuông vẫn không thành. Chuông gõ mà tiếng nghe nó cứ chõm chọe như tiếng phèng la. Mãi sau người ta mới chợt nhớ, quay lại chỗ hòm tiền tìm kiếm hai đồng xu. May phúc cho ông trùm là hai đồng trinh còn nằm tênh hênh ở ngay góc cột. Lúc đó việc đúc chuông mới thành đấy, chuông gõ nghe tiếng boong boong đi xa tới tận mấy tổng lận.


Lời Chúa
11 Sau đó Ngài đến thăm một thành gọi là Naim. Có môn đồ và dân chúng đông đảo cùng đi với Ngài. 12 Khi Ngài đến gần cửa thành, thì này người ta đang khiêng đi chôn một người chết, đứa con ruột của mẹ nó, và là một bà góa; và có đông dân chúng trong thành đi với bà. 13 Thấy bà ấy, Chúa chạnh lòng thương và nói với bà: "Ðừng khóc nữa!" 14 Tiến lại. Rồi Ngài nói: "Thanh niên! Ta bảo ngươi: hãy chỗi dạy!" 15 Và người chết ngồi chồm dậy và lên tiếng nói. Và Ngài trao lại cho mẹ nó, 16 Mọi người phát kinh hãi, và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả đã chỗi dậy giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân của Người!" 17 Và tiếng đồn ấy đã lan ra về Ngài trong toàn cõi Yuđê, và khắp cả vùng lân cận (Luca 7:11-17).

Đường về âm phủ lối bạt ngàn.
Lá vàng rơi phủ đậy áo quan,
Mộ khúc bi ca sầu ly biệt,
Một cõi trời buồn trắng khăn tang.

Khói trắng nhang thơm hay khói sương?
Bạch lạp nến cháy ảo thiên đường?
Khói cay mắt mẹ hay mẹ khóc?
Lệ nào thương mẹ? Lệ khóc con?

Sỏi đá hai bên lệ hai hàng,
Sỏi buồn sỏi khóc ướt khăn tang,
Đá buồn đá khóc khô nước mắt,
Trời đông nhỏ lệ buồn mênh mang.

Góa phụ khăn tang sầu tuổi xanh,
Lá vàng héo úa buồn lá xanh,
Sầu tủi duyên mẹ, duyên góa phụ.
Buồn thương phận mẹ, phận độc hành.

Cõi tang ma,
Góa phụ khóc,
Người người khóc,
Sỏi đá khóc,
Lệ che tối
Bóng một người!
Đang bước tới.

Tiếng chân Chúa bước đất rộn ràng.
Trời xanh nín thở gió ngừng ngang,
Thiên đàng đất thấp yên lặng ngắm,
Giây phút tay Trời đụng áo quan.

Dế mèn rũ cánh ngưng sầu ca,
Cỏ úa kinh ngạc mở mắt ra,
Trời xanh thầm thì vào tai gió,
"Sao lại ngạc nhiên? Đó, Chúa ta”.

"Chúa đã chết!” (1), nếu Chúa đã chết,
Trần gian đen đặc tối tang ma.
Trời đông tái xám màu ly biệt.
Nếu không có Chúa, đời mộ ca!

Bước chân Chúa tới,
trần gian đổi mới,
màu trắng tang ma hóa màu hồng,
Mùa Xuân tươi!

Bàn tay Chúa chạm,
Xác chết thôi xám,
Khóc ngưng thôi khóc, hạt lệ khô.
Cõi thiên đàng!

(1). Nietzsche

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Mấy Ai ...
Lm Phêrô Hồng Phúc
08:47 01/06/2016
LTS. Trong năm “Phúc Âm hóa đời sống xã hội”. HĐGMVN kêu gọi mỗi tín hữu quan tâm tới đời sống xã hội nhiều hơn. Nhân dịp ngày TẾT thiếu nhi quốc tế, xin gửi tặng các bạn thiếu nhi bài thơ Mấy ai…Mong bạn đọc xa gần có dịp thơ trẻ tâm hồn lại cùng với các em.

MẤY AI ...

Mấy ai ngắm kỹ đồng tiền
Tiền dùng mua bán: Đồng chuyền đúng hơn
Chỉ duy có bé dễ thương
Đồng tiền trên má, mẹ thơm - bé cười !
Mấy ai vắt nước thay trời
Nắng mưa đâu việc loài người lo toan.
Chỉ duy có chính bé ngoan
Phun mưa trên miệng - rõ ràng mưa ngay !
Mấy ai chơi được cả ngày “
Tay quai miệng trễ - xưa rầy vẫn khuyên.
Chỉ duy có bé ưu tiên
Càng chơi càng tốt, càng thêm ngoan hiền!
Mấy ai có đủ được tiền
Ô-tô, xe máy, còn thêm cả tầu.
Chỉ duy có bé đứng đầu
Cả kho đồ nhựa, còn lâu mới mòn !
Mấy ai vừa khóc nỉ non
Lại quay ra ngủ được ngon tức thì?
Chỉ duy có bé ly kỳ
Khóc xong lại ngủ - việc gì mà lo!
Mấy ai lúc nhỏ lúc to
Lúc dài, lúc ngắn, lúc bò, lúc đi?
Chỉ duy có bé diệu kỳ
Lúc mèo, lúc thỏ, lúc thì gà con!
Mấy ai hạnh phúc vẹn tròn
Da mồi, tóc bạc vẫn còn xuân hoa?
Mấy ai thơ trẻ đến già
Mấy ai như¬ thế, hỏi là mấy ai ?

Lm Phêrô Hồng Phúc
 
Linh Mục : Một dấu chỉ của lòng thương xót
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:08 01/06/2016
LINH MỤC: MỘT DẤU CHỈ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Chiều 31-5-2016 các linh mục giáo phận Ban Mê Thuột cùng với quý linh mục các Hội Dòng đang làm mục vụ trên địa bàn giáo phận quy tụ tại Tòa Giám Mục. Cùng với vị chủ chăn giáo phận, các ngài sống Năm Thánh Lòng Thương Xót cách đặc biệt với giờ Chầu Thánh Thể và Thánh Lễ đồng tế lúc 8g00 sáng hôm sau tại Nhà Thờ Chính Tòa.

Xin không nói đến các Nghi Thức Phụng Vụ, chỉ xin ghi lại đôi điều nhắn nhủ của vị chủ chăn giáo phận với anh em linh mục. Ngài nhấn mạnh: “Linh mục phải là một dấu chỉ về lòng thương xót của Thiên Chúa”. Bản thân ngẫm nghĩ rằng dấu chỉ này không được dừng lại ở phạm trù khả niệm theo luận lý thần học mà phải khả tín là đáng tin và hữu hiệu, nghĩa là hữu Kitô, bà con lương dân, anh chị em khác đạo không ngại ngần đến với linh mục và khi đến với các ngài thì nhận được chút bình an cách nào đó, để rồi can đảm vươn lên.

Ngài khẳng định linh mục không phải là người quản lý mà là mục tử đầy từ tâm, vì nếu không có lòng thương xót thì ai tin linh mục là những người tự nguyện hy sinh, hiến dâng đời mình vì lý tưởng Tin Mừng. Dĩ nhiên tôi hiểu hai từ quản lý ở đây theo nghĩa các viên chức hành chánh và tôi lại liên tưởng đến lời cảnh báo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng đừng biến mình trở thành những viên thuế quan của ân sủng Chúa.

Đức Giám Mục còn nhắn nhủ nhiều điều nhưng điều tôi giật mình đó là linh mục hãy tạo điều kiện thuận lợi hết sức có thể để tín hữu đón nhận ân sủng và lòng xót thương của Thiên Chúa. Hãy can đảm cắt bỏ những lề lối hay truyền thống đã trở thành rào cản tín hữu đến với Đấng đầy lòng thương xót. Ngài tin rằng nếu vì lý do nào đó vì phần lỗi của Giáo Hội cơ cấu mà người nghèo khổ, người cô thế, kém may mắn và cả người tội lỗi bị đối xử bất công hay bị loại trừ thì Thiên Chúa sẽ đứng về phía họ mà bỏ “Giáo Hội cơ cấu”.

Trong giờ Chầu Thánh Thể, ba anh em linh mục đã chân thành cầu nguyện và qua đó có một vài tâm tình gợi ý chúng tôi xét mình. Trong đó có một tâm tình tự vấn khiến tôi giật mình. Được bao nhiêu lần tôi đã như người cha nhân hậu vui vẻ, ân cần đón tiếp các hối nhân muốn xin lãnh nhận bí tích hòa giải ?

Để cách nào đó xứng là dấu chỉ của Lòng Thương Xót thì còn đó nhiều điều phải bỏ, phải chừa và nhiều sự cần nỗ lực thực thi. Xin cầu nguyện nhiều cho linh mục chúng tôi, cách riêng trong ngày xin ơn thánh hóa linh mục hằng năm là ngày Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu mà năm nay là ngày 03-6.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bông Sứ
Richard Drysdale
18:24 01/06/2016
BÔNG SỨ
Ảnh của Richard Drysdale
Những đêm trăng lá vàng rơi xào xạc
Hương đậm đà hoa sứ ngát trong sân
Tôi lặng nhìn, lòng chợt thấy bâng khuâng
Bên song cửa tóc em cài hoa sứ.
(Trích thơ của Lưu Vĩnh Ha)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 26– 01/06/2016: Câu Chuyện: Bằng Lòng Với Cuộc Sống
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:09 01/06/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Bốn yếu tố cần thiết để nên thánh

Bước đi trước tôn nhan Chúa mà không thấy lòng hổ thẹn. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ để làm sao chúng ta có thể bước đi trong cuộc hành trình nên thánh. Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 3, 24.05, tại nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha nói rằng để hành trình này đạt đến thành công, các Kitô hữu phải có khả năng vững lòng trông cậy với sự can đảm, biết mở lòng ra để thảo luận, và tự do đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.

Sự thánh thiện không thể mua được, cũng không thể đạt được bằng sức mạnh con người. Sự thánh thiện đơn sơ của mọi Kitô hữu chỉ có thể đạt được nhờ sự giúp đỡ của bốn yếu tố cần thiết sau đây: lòng can đảm, niềm hy vọng, ân sủng và sự hoán cải.

Đường lối can đảm

Khởi đi từ bài đọc một trích thư thứ nhất của Thánh Phê-rô Tông đồ, thuật lại luận thuyết nhỏ của thánh nhân về sự thánh thiện, Đức Thánh Cha nói rằng: “Thánh thiện là bước khi trước sự hiện diện của Chúa mà lòng không cảm thấy hổ thẹn.”

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Thánh thiện là một hành trình. Sự thánh thiện không thể được mua bán, cũng không thể cho được. Sự thánh thiện là một hành trình bước đi trong sự hiện diện của Chúa mà chính mỗi người chúng ta phải thực hiện. Không ai có thể làm thay cho chúng ta được. Chúng ta có thể cầu nguyện cho một người được nên thánh thiện, nhưng chính người đó phải bước đi, phải tự mình thực hiện chứ không phải chúng ta. Bước đi trong sự hiện diện của Chúa với một cách thức hoàn hảo không tì vết.

Sự thánh thiện trong cuộc sống hằng ngày cũng có thể là ‘vô danh’. Và yếu tố đầu tiên cần thiết để đạt được sự thánh thiện chính là lòng can đảm. Con đường nên thánh cần có can đảm.

Hy vọng và ân sủng

Vương quốc của Đức Giêsu chỉ dành cho những ai dám bước đi với lòng can đảm và lòng can đảm lại xuất phát từ niềm hy vọng. Đó cũng là yếu tố thứ hai trong hành trình nên thánh. Lòng can đảm có được nhờ hy vọng vào cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu.

Yếu tố thứ ba trong hành trình nên thánh xuất hiện trong những lời của Thánh Phê-rô: ‘Hãy hoàn toàn đặt niềm trong cậy vào ân sủng.’ Chúng ta không thể đạt được sự thánh thiện nhờ sức riêng của mình. Nhưng đó là một ân sủng. Trở nên tốt lành, nên thánh thiện, mỗi ngày mỗi tiến lên những bước nho nhỏ trong đời sống Kitô hữu là ân sủng của Thiên Chúa và chúng ta phải cầu xin ơn này. Lòng can đảm, một cuộc hành trình; một cuộc hành trình mà người ta cần phải có lòng can đảm để bước đi với niềm hy vọng và tấm lòng luôn sẵn sàng rộng mở để đón nhận ân sủng này.

Tôi mời gọi anh chị em hãy đọc một chương rất đẹp, đó là chương 11 trong thư gởi tín hữu Do Thái, thuật lại cuộc hành trình của các tổ phụ. Họ là những người đầu tiên được Thiên Chúa mời gọi. Tổ phụ Áp-ra-ham đã lên đường bước theo lời mời gọi của Chúa trong khi chưa biết mình phải đi đâu. Nhưng ngài vẫn một lòng hy vọng.

Hoán cải mỗi ngày

Trong thư của thánh Phê-rô, chúng ta cũng nhận thấy tầm quan trọng của yếu tố thứ tư: hoán cải là một nỗ lực liên tục để tẩy sạch con tim. Hoán cải mỗi ngày không có nghĩa là chúng ta phải đánh mình, phạt xác khi phạm tội. Nhưng chúng ta hãy làm những hoán cải nho nhỏ thôi. Chẳng hạn như: cố gắng giữ gìn miệng lưỡi để không nói xấu người khác, cố gắng bước đi trên con đường ngay chính để nên thánh.

Không nói xấu người khác có phải là một chuyện dễ dàng không? Không hề dễ chút nào. Khi ta muốn chỉ trích người hàng xóm, người đồng nghiệp, chúng ta hãy cẩn thận miệng lưỡi của mình, nếu được hãy cắn lưỡi một cái thật đau. Có thể lưỡi sẽ xưng lên, nhưng tinh thần của chúng ta sẽ được thánh thiện hơn. Đừng chỉ thích làm những hãm mình, khổ chế to lớn nhưng hãy làm những gì nhỏ bé đơn sơ thôi. Con đường nên thánh thì đơn sơ. Đừng bao giờ lùi lại, hãy luôn tiến về phía trước với lòng can đảm.”

2. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy

Trong thánh lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành trước tiền đình Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô chiều thứ Năm 26 tháng 5, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa của việc bẻ bánh theo lệnh truyền của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly.

Ngài nói:

“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24-25)

Hai lần Tông Đồ Phaolô, khi viết cho cộng đoàn ở Côrintô, đã nhắc lại lệnh truyền này của Chúa Giêsu trong trình thuật thiết lập Thánh Thể. Đây là chứng từ xưa nhất mà chúng ta có về những lời của Đức Kitô tại Bữa Tiệc Ly.

“Hãy làm việc này”. Đó là, cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và bẻ ra; cầm lấy chén, dâng lời chúc tụng, và chia sẻ. Chúa Giêsu đưa ra lệnh truyền hãy lặp lại hành động mà qua đó Ngài thiết lập việc tưởng niệm Cuộc Vượt Qua của chính Ngài, và làm thế để trao ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài. Hành động này truyền đến chúng ta hôm nay: đó là “việc thực hiện” Thánh Thể trong đó luôn có Chúa Giêsu làm chủ thể, nhưng được biến thành hiện thực qua đôi bàn tay nghèo nàn được Chúa Thánh Thần xức dầu của chúng ta.

“Hãy làm việc này”. Chúa Giêsu trong một dịp trước đó đã kêu gọi các môn đệ của Ngài “hãy làm” điều vốn dĩ là quá rõ ràng đối với Ngài, trong sự vâng phục thánh ý của Chúa Cha. Trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước mặt một đám đông mỏi mệt và đói khát: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9:13). Thật ra, chính Chúa Giêsu là Đấng đã chúc phúc và bẻ bánh ra và cung cấp nguồn lương thực đủ để làm no thoả đám đông, nhưng các môn đệ là những người đã mang đến năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa Giêsu đã muốn như thế, nghĩa là, thay vì giải tán đám đông, các môn đệ lại đặt vào tay Ngài chút ít mà họ có. Và có một cử chỉ khác: các mẩu bánh, đã được bẻ ra bởi đôi bàn tay thánh thiện và đáng kính của Chúa chúng ta, chuyển sang cho bàn tay nghèo nàn của các môn đệ, là những người phân phát những mẩu bánh này cho trong đám đông. Đây cũng chính là điều các môn đệ “thực hiện” cùng với Chúa Giêsu; với Ngài họ có thể “cho đám đông cái gì đó để ăn”. Rõ ràng phép lạ này không có ý chỉ nhằm làm no thoả cơn đói trong một ngày, mà thực ra phép lạ ấy tiên báo điều mà Đức Kitô muốn chu toàn vì ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, là trao ban chính mình và máu của Ngài (x. Ga 6:48-58). Và điều này luôn phải diễn ra ngang qua hai hành động nhỏ này: dâng lên vài miếng bánh và cá mà chúng ta có; sau đó lãnh nhận bánh đã bẻ ra bởi đôi bàn tay của Chúa Giêsu và trao ban nó cho hết mọi người.

Bẻ ra: Đây là một từ khác giải thích ý nghĩa của những lời này “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu đã bị bẻ ra; Ngài bị bẻ ra vì chúng ta. Và Ngài mời gọi chúng ta hãy biết cho đi bản thân mình, bản thân chúng ta thế nào hãy cho tha nhân như thế. “Việc bẻ bánh” này trở thành một biểu tượng, một dấu chỉ cho việc nhận ra Chúa Giêsu và các Kitô Hữu. Chúng ta hãy nghĩ đến các môn đệ trên đường Emmau: họ nhận ra Ngài “nơi việc bẻ bánh” (Lc 24:35). Chúng ta hãy hồi tưởng lại cộng đoàn đầu tiên ở Giêrusalem: “Các tín hữu... siêng năng tham dự lễ bẻ bánh” (Cv 2:42). Từ bối cảnh này, chính Thánh Thể trở thành trung tâm và khuôn mẫu của đời sống của Giáo Hội. Nhưng chúng ta cũng nghĩ đến các thánh nổi tiếng hay vô danh – những người đã “bẻ” chính bản thân mình ra, bẻ ra cuộc đời của các Ngài, để cho anh chị em của các Ngài “một cái gì đó để ăn”. Biết bao nhiêu người mẹ, biết bao người cha, cùng với những lát bánh mà họ cung cấp mỗi ngày trên bàn ăn của gia đình, đã bẻ trái tim họ ra để cho con cái họ lớn lên, và lớn lên cách tốt đẹp! Biết bao nhiêu Kitô Hữu, như là những công dân có trách nhiệm, đã bẻ cuộc đời của họ ra để bảo vệ phẩm giá của tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo nhất, người bị gạt ra bên lề và những người bị phân biệt đối xử! Họ tìm kiếm sức mạnh ở đâu để thực hiện điều này? Đó chính là trong Thánh Thể: trong sức mạnh của tình yêu của Chúa Phục Sinh, Đấng mà hôm nay cũng đang bẻ bánh ra vì chúng ta và lặp lại: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Xin cho hành động cung nghinh Thánh Thể, mà tôi sẽ thực hiện lát nữa đây, đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu. Một hành động để tưởng nhớ đến Ngài; một hành động mang lại lương thực cho đám đông của ngày hôm nay; một hành động bẻ ra niềm tin và cuộc sống của chúng ta như là một dấu chỉ của tình yêu của Đức Kitô cho thành phố này và cho toàn thế giới.

3. Câu Chuyện: Bằng Lòng Với Cuộc Sống

Sau một thời gian cần cù và chắt chiu, một người đàn ông nọ đã trở thành người giàu có nhất trong ngôi làng nhỏ bé của mình. Anh mua một con lừa, rồi làm một chuyến đi xa cho biết đó biết đây. Anh đến một ngôi làng khác lớn hơn ngôi làng của anh. Một ngôi nhà thật đẹp và sang trọng đập vào đôi mắt của anh. Sau khi dò hỏi, anh biết được đó là ngôi nhà của người giàu có nhất trong làng.

Anh bèn trở về ngôi làng nhỏ bé của mình và quyết trí làm ăn, dành dụm để có thể may ra xây được một ngôi nhà đẹp hơn ngôi nhà mà anh vừa trông thấy ở ngôi làng bên cạnh. Không mấy chốc, tiền bạc dư dả, không những anh đã xây được một ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ hơn mà còn mua được cả đàn ngựa và xe nữa.

Lần này, anh vượt qua các ngôi làng nhỏ để đến một đô thị lớn. Tại đây, đâu đâu anh cũng thấy những ngôi nhà đẹp và ngôi nhà nào cũng đẹp hơn ngôi nhà của anh. Anh nghĩ bụng: cho dẫu có lao nhọc cả quãng đời còn lại, anh cũng không tài nào có thể xây được một ngôi nhà đẹp như thế.

Anh bèn tiu nghỉu đánh xe quay lại ngôi làng cũ của mình. Nhưng rủi thay, xe gặp tai nạn, anh đành phải bỏ chiếc xe để leo lên lưng ngựa cố gắng chạy về ngôi làng cũ của mình. Nhưng dọc đường, vì mệt mỏi và đói lả, ngựa cũng lăn ra chết. Người đàn ông chỉ còn biết lủi thủi đi bộ về nhà.

Ðêm đến, giữa sa mạc, anh nhìn thấy một ánh lửa bập bùng từ xa. Anh nấn ná tìm đến và khám phá ra túp lều của một vị ẩn sĩ. Vào trong túp lều, người đàn ông mới nhận ra rằng có lẽ trong đời anh, chưa bao giờ anh thấy có cảnh nghèo nàn cùng cực hơn.

Anh ái ngại nhìn nhà tu hành rồi thắc mắc: “Thưa ông, làm sao ông có thể sống được trong cảnh cùng cực như thế này?”.

Nhà ẩn sĩ mỉm cười đáp: “Tôi bằng lòng với cuộc sống... Thế còn ông, xem chừng như ông không được thỏa mãn về cuộc sống của ông cho lắm”. Người đàn ông ngạc nhiên hỏi: “Sao ông biết tôi không được thỏa mãn?”. Nhà ẩn sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối diện rồi thong thả nói: “Tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của ông. Ðôi mắt của ông cứ chạy theo giàu sang, nhưng sự giàu sang không bao giờ đến với ông... Ông hãy nhìn cảnh hoàng hôn. Ông có thấy những ánh sáng yếu ớt đang chiếu rọi trên cánh đồng không? Chúng tưởng mình đang soi sáng cả vũ trụ. Nhưng không mấy chốc, các ngôi sao mọc lên, và những tia sáng hoàng hôn biến mất. Những ánh sao đó tưởng chúng đang soi sáng cả bầu trời, nhưng khi mặt trăng vừa ló rạng, thì những ánh sao ấy cũng bắt đầu tắt ngụm. Vầng trăng sáng kia tưởng mình soi sáng cả trái đất, nhưng không mấy chốc, mặt trời mọc lên và mọi thứ ánh sáng của đêm đen đều biến mất. Nếu những thứ ánh sáng trên đây đều biết suy nghĩ về những điều ấy, thì có lẽ chúng sẽ tìm thấy những nụ cười đã đánh mất”.

Nghe câu chuyện ví von của nhà hiền triết, người đàn ông mở miệng mỉm cười, nhưng nỗi buồn vẫn còn thoáng trên gương mặt ông.

Vị ẩn sĩ tiếp tục câu chuyện: “Ông có biết rằng sánh với tôi, ông là vua không?”. Người đàn ông tự nhiên so sánh căn nhà của mình với túp lều của vị ẩn sĩ. Nhưng đó không phải là điều mà vị ẩn sĩ muốn nói đến... Ông cầm chiếc đèn đưa lên cao và mời người đàn ông đến gần bên mình.

Dưới ánh đèn, người đàn ông mới nhận ra rằng vị ẩn sĩ là người không còn ngay cả đôi chân để có thể di chuyển một cách bình thường.

4. Kitô hữu sống trong tình yêu của Thiên Chúa với niềm vui mừng và sự ngạc nhiên

Không tồn tại một Kitô hữu buồn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai, 23.05, tại nguyện đường thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng, ngay cả trong những lúc đau khổ của cuộc sống, Kitô hữu phải biết tín thác vào Đức Giêsu và sống với niềm hy vọng. Bên cạnh đó, Đức Giêsu mời gọi các tín hữu đừng để bả vinh hoa giàu có chế ngự, vì cuối cùng, chúng chỉ mang lại đau khổ mà thôi.

Kitô hữu sống trong niềm vui và trong sự ngỡ ngàng sửng sốt nhờ sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Khởi đi từ bài đọc một trích Thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô Tông đồ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngay cả khi phải chịu ưu phiền giữa trăm chiều thử thách, chúng ta cũng không bị tước mất đi niềm hân hoan vui mừng về những gì mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Thiên Chúa đã tái sinh ta trong Đức Kitô và ban cho ta một niềm hy vọng sống động.

Thẻ căn cước của Kitô hữu là niềm vui Phúc Âm

“Chúng ta có thể chạm tới niềm hy vọng mà các Kitô hữu thời sơ khai đã mô tả. Niềm hy vọng ấy giống như một mỏ neo để tiến về Nước Trời. Chúng ta hãy bám lấy cọng dây và tiến về nơi đó, để đạt được niềm hy vọng sống động, một niềm hy vọng sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Kitô hữu là một người của niềm vui, một người có niềm vui trong tim. Không tồn tại Kitô hữu không có niềm vui. Nhưng có người nói rằng: ‘Ôi cha ơi, con thấy những Kitô hữu không biết vui đầy kia kìa.’ – ‘Đó không phải là Kitô hữu. Họ nhận mình là Kitô hữu thôi, nhưng thật chất không phải. Nơi họ thiếu thiếu một điều gì đó.’ Thẻ căn cước của Kitô hữu là niềm vui, niềm vui của Tin Mừng, niềm vui được Đức Giêsu tuyển chọn, được Đức Giêsu cứu chuộc, được Đức Giêsu tái sinh; sự vui mừng hân hoan của niềm hy vọng Đức Giêsu đang chờ đợi chúng ta, niềm vui – ngay cả khi giữa những thánh giá và giữa những đau khổ của cuộc sống – cũng được diễn tả trong một cách thức khác, đó là sự bình an trong niềm xác tín Đức Giêsu vẫn đang đồng hành với chúng ta và ở với chúng ta.

Kitô hữu làm cho niềm vui mừng này lớn mạnh lên với sự tín thác nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn nhớ lời Ngài đã giao ước. Đến lược mình, các Kitô hữu cũng phải biết rằng Thiên Chúa luôn nhớ đến họ, luôn yêu thương họ, luôn đồng hành với họ và đang chờ đợi họ. Đó chính là niềm vui mừng

Sự giàu có mang lại buồn đau

Bài Tin Mừng ngày hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và anh thanh niên giàu có. Anh có thiện chí nhưng lại không có khả năng để mở rộng tâm hồn mình ra trước niềm vui mừng hoan hỷ. Anh đã chọn lựa sự buồn rầu, vì anh có nhiều của cải.

Anh đã để lòng mình quá gắn bó với của cải. Đức Giêsu đã nói với chúng ta rằng không thể làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được. Tiền bạc, của cải, tự bản chất, chẳng có gì xấu nhưng làm tôi tớ cho tiền của thì lại xấu vô cùng. Chàng thanh niên tội nghiệp ấy đã sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi.

Trong các xứ đạo, cộng đoàn và tổ chức, chúng ta nghe thấy nhiều người nhận mình là Kitô hữu hay muốn trở thành Kitô hữu nhưng họ lại buồn rầu, sầu muộn. Như vậy, có điều gì đó không đúng lắm khi họ nói mình là Kitô hữu. Chúng ta phải giúp họ tìm thấy Đức Giêsu, giúp họ quẳng nỗi muộn phiền ấy đi, để họ có thể hân hoan sung sướng trong niềm vui Tin Mừng.

Sự vui mừng và ngỡ ngàng là tâm tình của người Kitô hữu khi được tiếp chạm vào sự mặc khải và tình yêu của Thiên Chúa, và những cảm xúc ấy được khuấy động tràn dâng lên bởi Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu có phần thất vọng khi thấy chàng thanh niên không thể hy sinh, từ bỏ mà bước theo Ngài, vì anh đã quá gắn bó với giàu sang, tiền của. Khi các Tông đồ hỏi Chúa: ‘Như vậy thì ai có thể được cứu?’, Đức Giêsu trả lời: ‘Đối với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.’

Niềm vui Kitô giáo và khả thể được cứu khỏi những dính bén thế trần chỉ có thể được thực hiện ngang qua quyền năng của Thiên Chúa, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng biết ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước sự hiện diện của Ngài, trước sự hiện diện của rất nhiều những kho tàng thiêng liêng mà Ngài đã ban cho chúng ta. Và với sự ngạc nhiên này, xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui mừng, niềm vui trong đời sống thường ngày, trong con tim đong đầy sự bình an mặc dù đang ở giữa trăm chiều thử thách.

Xin Chúa cũng bảo vệ chúng ta khỏi ham muốn đi tìm kiếm hạnh phúc nơi những sự vật mà cuối cùng chỉ mang lại khổ đau: chúng hứa hẹn nhiều, nhưng thật chất, chẳng mang lại cho ta được gì cả. Anh chị em hãy nhớ rằng: Kitô hữu là một người của niềm vui, niềm vui trong Thiên Chúa; và Kitô hữu cũng là một người biết ngỡ ngàng ngạc nhiên nữa.”

5. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Sáu

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 6 là:

Ý chung: Cầu cho những người già cả, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người sống lẻ loi, ngay cả trong các thành phố lớn, có được những cơ hội để gặp gỡ và liên đới.

Ý truyền giáo: Cầu cho các chủng sinh và các tập sinh, gặp được những nhà đào tạo sống niềm vui Tin Mừng và chuẩn bị cách khôn ngoan cho sứ mạng của họ.
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26 – 01/06/2016: Armenia trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:21 01/06/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ Tài Trợ Cho Giáo Hội Trung Quốc

Nhân ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc 24-5 tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ cho biết trong các năm 2010-2015 tổ chức đã tài trợ cho Giáo Hội tại Trung Quốc gần 5 triệu Euros.

Thật ra, sự trợ giúp đã bắt đầu từ năm 1961, khi tổ chức lo lắng cho các người tỵ nạn chạy trốn khỏi Hoa lục. Từ ngày đó đến nay tổ chức đã không bao giờ thôi trợ giúp các kitô hữu Trung hoa duy trì sinh động niềm tin, mặc dầu nhà nước Bắc Kinh đưa ra rất nhiều hạn chế. Các nhà thờ, thánh giá bị tàn phá bình địa, các giám mục mất tích hay bị quản thúc tại gia, các linh mục và giáo dân bị cầm tù. Nhưng dù gặp bách hại và muôn vàn khó khăn Kitô giáo Hoa Lục vẫn phát triển. Nhà nước cho biết chỉ có khoảng 30 triệu tín hữu Kitô, nhưng các nghiên cứu mới đây cho biết số kitô hữu ít nhất là 68 triệu.

Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ phát hành một nguyệt san đặc biệt là “Tiếng vọng tình thương”, kêu gọi trợ giúp Giáo Hội tại Hoa Lục. Ông Alessandro Monteduro, giám đốc phân bộ Italia, cho biết tình hình tế nhị của các kitô hữu Trung quốc không cho phép công bố các bản tường trình chi tiết, nhưng công tác trợ giúp bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau: từ việc xây các nhà thờ, tu viện, đến việc nâng đỡ các linh mục với các ý lễ.

Một phần quan trọng liên quan tới việc cấp các học bổng cho các linh mục tu sĩ. Bà Irene Eschman, đặc trách quốc tế trợ giúp Giáo Hội tại Trung quốc, cho biết đây là dịp tạo gặp gỡ và khích lệ các liên lạc giữa các giáo phận, và khiến cho Giáo Hội công khai và Giáo Hội thầm lặng tại Hoa Lục xích lại gần nhau.

Ngoài ra tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ cũng tài trợ việc in ấn Thánh Kinh và các tài liệu thần học, trong đó có cuốn Thánh Kinh cho trẻ em đã được in bằng 178 thứ tiếng khác nhau và Tổng luận thần học của thánh Toma Aquino. Bên cạnh việc trợ giúp tổ chức cũng tiếp tục tố cáo các cuộc bách hại và các hạn chế mà kitô hữu hoa lục phải gánh chịu.

Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ đã do linh mục Werenfried van Straaten thành lập năm 1947 nhằm trợ giúp các Giáo Hội bị bách hại trên thế giới. Trong Năm 2015 tổ chức đã quyên được 123 triệu Euros tại 21 nước, và đã tài trợ cho 6.209 dự án tại 148 quốc gia

2. Đức Thánh Cha kêu gọi các chuyên viên y khoa quy chiếu các giá trị nhân bản và kitô trong các sinh hoạt của mình.

Ngài đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp, do Đức Hồng Y Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký gửi Đức Cha Claudio Giuliodori, tổng tuyên uý đại học Thánh Tâm Roma và các tham dự viên đại hội về đề tài “Giữ gìn sự sống: dưỡng nhi viện trước và sau khi sinh. Một câu trả lời khoa học, luân lý đạo đức và nhân bản cho việc nhận ra bệnh thời kỳ tiền sinh ra”. Đại hội được tổ chức tại đại học bách khoa Gemelli bởi Hiệp hội bảo vệ sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em, Trường chuyên môn về sản khoa và sinh sản, Trung tâm bảo vệ sự sống, và Tổ chức “Trái tim trong một giọt nước” nhân Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha cầu mong các giới chức chuyên môn luôn đạt được các tiến bộ mới trong việc phục vụ con người và trong tiến bộ y khoa, cũng như luôn luôn quy chiếu các giá trị nhân bản, luân lý đạo đức và kitô ngàn đời, bằng cách đáp ứng tình trạng của các trẻ em bị các bệnh tật trầm trọng với thật nhiều tình yêu thương, và phổ biến một ý niệm khoa học phục vụ chứ không lựa lọc. Ngài cũng bầy tỏ hài lòng vì những gì mà các chuyên viên nhà thương bách khoa Gemelli đã đạt được, và mời gọi họ dấn thân thực hiện dự án của Thiên Chúa đối với cuộc sống, bằng cách che chở nó với lòng can đảm và tình yêu thương, gần gũi, tránh xa nền văn hóa gạt bỏ chỉ đề nghị các lộ trình dẫn đưa tới cái chết, vì nghĩ rằng có thể loại bỏ khổ đau bằng cách huỷ diệt người đau khổ. Đức Thánh Cha ưu ái ban phép lành Tòa Thánh cho ban tổ chức và các tham dự viên.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ tín hữu Công Giáo Đức sống kết hiệp với Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ tín hữu Công Giáo Đức dành nhiều giờ hơn cho việc chiêm niệm, cầu nguyện, và sống thân tình với Chúa, để tái chiếm lại sự hài hoà an bình với thế giới, với thụ tạo và với Đấng Tạo Hóa.

Ngài đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp Video gửi các tham dự viên Đại hội Công Giáo toàn quốc Đức lần thứ 100, nhóm tạị Leipzig trong các ngày 25 tới 29 tháng 5 với khẩu hiệu “Này là người”.

Đức Thánh Cha nói: “Khẩu hiệu của đại hội rất hay đẹp, vì cho thấy điều thực sự quan trọng. Không phải những gì chúng ta làm được, hay sự thành công bề ngoài quan trọng, nhưng là khả năng dừng lại, ghé mắt nhìn, chú ý tới tha nhân, và cống hiến cho họ những gì họ thực sự thiếu thốn. Ai trong chúng ta cũng ước mong hiệp thông và hoà bình, và cần sự sống chung hoà bình. Nhưng điều này chỉ có thể được, khi chúng ta xây dựng hoà bình nội tâm trong con tim. Nhiều người thường xuyên sống trong vội vã, và kiểu sống này ảnh hưởng trên tất cả những gì ở chung quanh, kể cả việc đối xử với môi sinh. Cần dành nhiều thời giở hơn cho cuộc sống nội tâm trong chiêm niệm và cầu nguyện, để đạt tới sự thân tình với Thiên Chúa là Cha, Đấng ước muốn thiện ích cho con cái Ngài, và thấy chúng ta sống trong hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và thanh bình. Sự thân tình này với Chúa linh hoạt lòng thương xót của chúng ta khiến cho chúng ta cũng biết thương xót nhau như Chúa thương xót chúng ta.”

Đức Thánh Cha nói thêm:

Trong xã hội có biết bao lần chúng ta gặp thấy con người bị đối xử tàn tệ. Chúng ta thấy các người khác phán xử giá trị cuộc sống của họ và thúc giục họ mau chết đi trong tuổi già và trong bệnh tật. Chúng ta thấy các người giàn xếp và vật vờ qua lại, không có phẩm giá, bởi vì họ không có công ăn việc làm hay là các người tỵ nạn. Chúng ta trông thấy Chúa Giêsu khổ đau và bị tử đạo hướng cái nhìn trên sự gian ác và tàn bạo trong tất cả mọi chiếu kích của chúng, mà con người phải gánh chịu hay khiến cho người khác phải gánh chịu.

Đức Thánh Cha gửi lời chào thăm và ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả các tham dự viên và tín hữu Công Giáo toàn nước Đức. Ngài cầu mong họ luôn dành nhiều chỗ hơn cho tiếng nói của người nghèo và các người bị áp bức, cũng như nâng đỡ nhau trong việc chia sẻ các kinh nghiệm, tư tưởng và kiểu loan báo Tin Mừng, và là các chứng nhân can đảm của niềm hy vọng kitô.

Đại hội Công Giáo toàn quốc Đức nhóm họp hai năm một lần với sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu. Chương trình đại hội gồm các buổi cử hành phụng vụ, diễn thuyết, thảo luận bàn tròn, sinh hoạt văn nghệ, triển lãm, chia sẻ kinh nghiệm và chứng từ sống đạo vv… Đại hội lần trước năm 2014 đã được triệu tập tại Regensburg về đề tài “Cùng Chúa Kitô xây dựng các cây cầu”, và đã tập trung vào các đề tài luân lý gia đình và các viễn tượng gia đình kitô nhăm chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng.

4. Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu “làm Thánh Thể” và “tự bẻ mình ra” cho tha nhân

Đức Thánh Cha mời tín hữu thực thi lời Chúa truyền “làm Thánh Thể” và “tự bẻ mình ra” để trở thành lương thực cho tha nhân, đặc biệt cho những người nghèo, những người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội và bị kỳ thị nhất.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, cử hành tại thềm đền thờ thánh Gioan Laterano lúc 19 giờ chiều thứ năm 26-5. Quảng diễn các bài đọc Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta lập lại cử chỉ Ngài làm để thành lập việc tưởng niệm sự Vượt Qua của Ngài, qua đó Chúa ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài. Cử chỉ đó là “làm Thánh Thể” có Chúa Giêsu là chủ thể, nhưng hiện thực qua các bàn tay nghèo nàn được xức dầu thánh hiến của Chúa Thánh Thần. “Hãy làm việc này”, nghĩa là hãy cầm lấy bánh, tạ ơn và bẻ ra; hãy cầm lấy chén, tạ ơn và chia ra. Trước đó Chúa đã truyền cho các môn đệ làm điều Ngài có rõ ràng trong tâm trí, trong sự vâng phục Thiên Chúa Cha. Trước đám đông mệt mỏi và đói Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ cho họ ăn. Ngài đã chúc lành và bẻ bánh cho dân chúng ăn no nê, nhưng 5 chiếc bánh và 2 con cá là do các môn đệ dâng lên. Điều Chúa Giêsu muốn đó là thay vì giải tán đám đông, thì chính các môn đệ cống hiến cái ít ỏi họ có. Các mảnh bánh do đôi tay thánh thiện và đáng kính của Chúa bẻ ra được chuyền qua các đôi tay nghèo nàn của các môn đệ, và các vị phân chia cho dân chúng. Cả điều này nữa cũng là “làm” với Chúa Giêsu, “cho dân chúng ăn” cùng với Ngài. Dĩ nhiên, đây là dấu chỉ điều Chúa Giêsu muốn làm cho ơn cứu độ của toàn nhân loại bằng cách trao ban thịt và máu Ngài, nhưng luôn luôn qua hai cử chỉ nhỏ nhặt: cống hiến ít chiếc bánh và cá chúng ta có, nhận bánh từ tay Chúa Giêsu và phân phát cho mọi người.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng:

“Bẻ ra” là từ khác nữa giải thích ý nghĩa việc « hãy làm điều này để nhớ tới Thầy ». Chúa Giêsu đã tự bẻ mình ra, tự bẻ ra cho chúng ta. Và Ngài xin chúng ta tự trao ban mình, tự bẻ mình ra cho tha nhân. Chính “việc bẻ bánh” này đã trở thành hình ảnh giúp nhận biết Chúa Kitô và kitô hữu. Hai môn đệ trên đường về làng Emmaus nhận ra Chúa trong việc bẻ bánh (Lc 24,35). Cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi “kiên trì trong việc bẻ bánh” (Cv 2,42). Ngay từ đầu Thánh Thể trở thành trung tâm và hình thái cuộc sống của Giáo Hội. Nhưng chúng ta cũng nghĩ tới tất cả các thánh là những người đã bẻ chính mình, bẻ cuộc sống của mình để cho các anh em khác ăn. Có biết bao nhiêu người mẹ, người cha, cùng với bánh ăn hàng ngày, đã bẻ trái tim mình ra để nuôi con cái, và làm cho chúng lớn lên một cách tốt lành! Có biết bao kitô hữu, như các công dân có trách nhiệm, đã bẻ chính cuộc sống của họ để bênh vực phẩm giá của tất cả mọi người, đặc biệt là các anh chị em nghèo túng, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội và bị kỳ thị nhất! Họ tìm ra sức mạnh ở đâu để làm tất cả những điều đó? Chính là trong Thánh Thể, trong quyền năng tình yêu của Chúa phục sinh, cả ngày nay cũng bẻ bánh cho chúng ta và lập lại: “Hãy làm việc này để nhớ tới Thầy”. Ước chi cử chỉ này của cuộc rước kiệu thánh thể, mà chúng ta sẽ làm trong chốc lát nữa đây, có thể đáp lại lệnh truyền này của Chúa Giêsu. Một cử chỉ để tưởng niệm Ngài; một cử chỉ để cho đám đông ngày nay ăn; một cử chỉ để bẻ đức tin và cuộc sống của chúng ta ra như dấu chỉ tình yêu của Chúa Kitô đối với thành phố này và toàn thế giới.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha đã có hàng chục Hồng Y, Giám Mục và hàng trăm Linh Mục, với sự tham dự của mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong đó cũng có hàng trăm tín hữu Việt Nam.

5. Việc giải quyết các xung đột trên thế giới bị nhiều thế lực ngăn cản

Đức Thánh Cha tố giác nhiều quyền lợi đang ngăn cản việc giải quyết các xung đột trên thế giới và ngài kêu gọi canh tân nỗ lực bảo vệ phẩm giá và các quyền con người.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Hội nghị Thượng Đỉnh về nhân đạo do Liên Hiệp Quốc triệu tập tại Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày 23 và 24-5-2016.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chúng ta không thể phủ nhận ngày nay nhiều quyền lợi đang ngăn cản việc giải quyết các cuộc xung đột, và nhiều chiến lược quân sự, kinh tế và chính trị địa lý đang làm cho các cá nhân và các dân tộc phải tản cư, và nó áp đặt thần tiền bạc, thần quyền lực. Đồng thời các nỗ lực nhân đạo thường bị những hạn chế về thương mại và ý thức hệ. Vì thế, Đức Thánh Cha viết, điều đang cần ngày nay là tái quyết tâm bảo vệ mỗi người trong đời sống thường nhật và bảo vệ phẩm giá cũng như các nhân quyền, an ninh và những nhu cầu toàn diện của họ. Đồng thời cũng cần bảo tồn tự do và căn tính xã hội, văn hóa của các dân tộc; điều này không đưa tới sự cô lập, trái lại nó tạo điều kiện cho sự cộng tác, đối thoại và nhất là hòa bình”.

Trong ý hướng trên đây, Đức Thánh Cha cổ võ sự quyết tâm, trước tiên là những cố gắng bản thân, rồi cùng nhau, phối hợp sức mạnh và các sáng kiến để không có gia đình nào mà không có gia cư, không người tị nạn nào mà không được tiếp đón, không ai phải sống mà không có phẩm giá, không có người bị thương nào mà không được săn sóc, không trẻ em nào bị mất tuổi thơ, không người trẻ nam nữ nào mà không có tương lai, không người cao niên nào mà không được một tuổi già đáng trọng”.

Đức Thánh Cha cầu mong hội nghị thượng đỉnh ở Istanbul này cũng là một cơ hội nhìn nhận công việc của những người đang phục vụ những người thân cận, và góp phần an ủi những đau khổ của các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, những người phải tản cư và tị nạn, những người săn sóc xã hội, đặc biệt là qua những chọn lựa can đảm để bênh vực hòa bình, sự tôn trọng, chữa lành và thư thứ. Đó là cách thức các sinh mạng con người được cứu vớt”.

6. Đức Hồng Y Parolin tái khẳng định lập trường của Tòa Thánh: đặt con người lên hàng đầu

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, tái nhấn mạnh sự cấp thiết phải để con người vào chỗ nhất trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội và giáo dục.

Đức Hồng Y đã nói như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhân đạo tại Istanbul về hôm 24 tháng 5 vừa qua. Đức Hồng Y cho biết hội nghị đã đề cập tới hiện tượng di cư tỵ nạn, bạo lực, xung đột, các tai ương thiên nhiên, các cuộc bách hại và các thay đổi khí hậu. Điều mọi người đều lo sợ đó là các chính quyền tham dự không thực hành những ý hướng đã tuyên bố tại hội nghị qua các sáng kiến cụ thể đáp ứng các nhu cầu của biết bao triệu người khổ đau trên thế giới. Toà Thánh ủng hộ hội nghị và mọi sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề trầm trọng hiện nay. Và Toà Thánh cũng cầu mong có sự phối hợp chặt chẽ hữu hiệu hơn giữa các tổ chức phi chính quyền và các tổ chức bác ái quốc tế.

Như sứ điệp của Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh: cần phải để con người vào trung tâm mọi hoạt động thuộc mọi bình diện và vượt qúa mọi lập trường, mọi khác biệt và chống đối chính trị, để đưa ra các giải pháp nhân đạo và liên đới cho các nhu cầu của các anh chị em đang phải đau khổ.

Đức Hồng Y cho biết phái đoàn Toà Thánh cũng đã tham dự ba cuộc hội thảo bàn tròn về việc cấp thiết chấm dứt các xung khắc qua việc phòng ngừa chiến tranh; tuân hành các luật lệ quốc tế; và giáo dục văn hóa hoà bình

7. Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, khích lệ chấm dứt bạo lực, tha thứ hòa giải và xây dựng một nền văn minh hoà bình.

Đức Hồng Y đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ chủ sự tại nhà thờ chính toà Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Giáo quản tông toà Guapi ngày 23 tháng 5 vừa qua. Ngài nói: Sau bao nhiêu năm khổ đau vì các tệ nạn bạo lực và gian tham hối lộ, đây là lúc nhổ tận gốc rễ mọi tệ nạn, tha thứ cho nhau, bằng cách tái lập một nền văn hóa hoà bình làm nảy sinh ra các năng động hoà giải cá nhân, gia đình và cộng đoàn. Đức Hồng Y ghi nhận rằng Guapi là một Giáo Hội đang lớn lên và cần có các cơ cấu, nhất là hàng giáo sĩ địa phương.

Đức Hồng Y kêu gọi sự cộng tác của mọi người trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực kinh tế và vật chất. Cần phát triển một ý thức truyền giáo của Giáo Hội địa phương. Cả trong nghèo túng người ta cũng có thể đương đầu với các đòi buộc của Tin Mừng và của Giáo Hội. Đức Hồng Y không quên khích lệ giới trẻ sống trung thực với các nguyên lý của Tin Mừng, để thành lập các gia đình thực sự kitô, dựa trên bí tích Hôn Phối trung thành và bất khả phân ly, như Chúa Giêsu đã muốn. Lời Chúa cần được lắng nghe, suy gẫm và sống mỗi ngày tại khắp mọi nơi. Khi tìm được chỗ trong chúng ta, Lời Chúa giúp chúng ta tránh không rơi vào một cuộc sống phản tinh thần kitô, nô lệ rượu chè, ma tuý, cờ bạc và chủ thuyết duy vật.

Trước thánh lễ Đức Hồng Y đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhóm tông đồ trong đại thính đường Trường San Josè, và đề cập tới một số vấn đề mục vụ lớn cần đương đầu như hoà bình, khước từ xung đột vũ trang, dấn thân tạo dựng công bằng xã hội, phát triển và chống lại nạn nghèo đói. Ngài mời gọi họ dấn thân làm việc mục vụ, và đặc biệt chú ý tới người nghèo và người tàn tật.

Tiếp đến Đức Hồng Y đã gặp gỡ các giới chức dân sự và quân đội, cùng với các vị hữu trách các tổ chức của chính quyền. Trong những ngày này Đức Hồng Y Filoni đang viếng thăm Colombia.

8. Bộ Giáo dục Israel không thực thi thỏa thuận đã hứa với các trường Ki-tô giáo

Bộ Giáo dục Israel đã không trung thành với thỏa thuận và đã không chi trả 50 triệu sekel (đơn vị tiền tệ Israel, khoảng 12 triệu Euro), số tiền được đồng ý chu cấp cho các nhu cầu cần thiết của các trường Ki-tô giáo ở Đất Thánh. Ngân sách dành cho các trường công lập của chính phủ Israel là 11,5 tỉ Euro.

Đức Cha Giacinto-Boulos Marcuzzo, Đại diện Đức Thượng phụ của Jerusalem đã bày tỏ sự thất vọng của mình khi xác định với hãng tin Á châu về việc chính quyền Israel đã từ khước sự tài trợ cần thiết cho sự sống còn của các trường Công Giáo. Bộ giáo dục Israel đã thỏa thuận tài trợ 50 triệu sekel cho các trường Ki-tô giáo: một nửa sẽ được giao trong 3 tháng đầu và số còn lại được giao trong thời gian tiếp theo. Nhưng cho đến nay, đã gần cuối năm học nhưng các trường vẫn không nhận được gì.

Thỏa thuận này được đưa ra sau một cuộc tranh đấu căng thẳng vào tháng 9 năm ngoái . Các trường Ki-tô giáo đã hoãn việc khai giảng năm học 4 tuần, để chống lại những cắt giảm tài trợ của Bộ giáo dục Israel cho các trường Ki-tô giáo và việc Israel đơn phương quyết định quốc gia hóa các học viện. Các giáo viên và sinh viên cho biết họ bị phân biệt đối xử trong việc chính quyền giảm trợ cấp, chỉ chi trả 29% chi phí; đồng thời, họ đặt một giới hạn cho học phí mà nhà trường có thể thu từ các gia đình. Giáo Hội ở Đất Thánh cũng như các Giám mục châu Âu ủng hộ cuộc tranh đấu của các phụ huynh và học sinh.

Thỏa thuận cũng có việc lập một ủy ban song phương để điều tra và giải quyết các vấn đề nổi bật giữa các trường và Bộ Giáo dục. Nhưng mà, sau nhiều tháng làm việc và dù cho nhiều đề nghị được đưa ra, vấn không có giải pháp, không có bước tiến nào.

Đức Cha Marcuzzo cho biết chính quyền Israel kiên quyết muốn các trường Ki-tô giáo đi vào hệ thống trường công lập. Đức Cha nói: “Điều này không có vấn đề đối với chúng tôi, miễn là chúng tôi không mất đi căn tính và đặc tính của các trường, nếu không thì việc tồn tại của các trường Ki-tô giáo sẽ mất đi ý nghĩa của nó”. Được biết, 47 trường Ki-tô giáo ở Israel đảm nhân việc giáo dục của 33 ngàn học sinh Ki-tô hữu, Hồi giáo, Druze và Do thái trên khắp nước Israel. Trong khi các trường Ki-tô giáo bị cắt giảm ngân sách thì các trường Do thái Chính thống cực đoan, cùng tình trạng như các trường Công Giáo, lại được tài trợ đầy đủ và hoàn toàn tự trị.

Đức Cha cho biết vấn đề cắt giảm ngân sách dành cho các trường Ki-tô giáo đã được thông báo tới các tòa Đại sứ ở Israel, phủ Quốc vụ khanh ở Vatican, vì họ muốn Israel giải thích về việc thiếu hụt ngân sách được thỏa thuận này. Vì các giới lãnh đạo Israel đã không trả lời cho vấn đề này nên Đức Cha muốn tạo cho dư luận ý thức về tình trạng này. Đức Cha hy vọng các người Công Giáo và các tổ chức ở Hoa kỳ sẽ gây sức ép trên chính quyền Israel. Dù vậy, các trường Ki-tô giáo và các học sinh tiếp tục bị đau khổ và có nguy cơ bị đóng cửa.

9. Đại Hội Gia đình Công Giáo thế giới kỳ 9 tại Dublin

Đại hội các gia đình Công Giáo thế giới kỳ 9 sẽ tiến hành tại Dublin từ ngày 22 đến 26-8-2016 về chủ đề: “Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới”.

Đề tài này đã được giới thiệu trong cuộc họp báo sáng ngày 24-5-2016 tại Phòng báo chí Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của hai vị TGM: Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, và Diarmuid Martin, TGM giáo phận Dublin, thủ đô Ái Nhĩ Lan.

Đức TGM Paglia cho biết đây là Đại hội đầu tiên sau Thượng HĐGM về gia đình, với Tông Huấn Amoris laetitia (Niềm vui Yêu thương). Văn kiện này trở thành hiến chương cho toàn thể Đại hội này, trong tiến trình chuẩn bị cũng như cử hành.

Tông huấn này của Đức Thánh Cha Phanxicô không phải chỉ đòi một sự canh tân việc mục vụ gia đình, nhưng hơn nữa, đây là một cách thức mới để sống Giáo Hội, cách thức mới để thể hiện tình yêu làm cho đời sống dân Chúa, các gia đình và chính xã hội được vui tươi.

Về phần Đức TGM Martin, ngài cho biết trong tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đại hội các gia đình thế giới ở Dublin không phải là một biến cố riêng rẽ, nhưng đó là thành phần của một tiến trình phân định và khích lệ, tháp tùng và linh hoạt các gia đình.. Đại hội này tiến hành ở Dublin năm 2018 nhưng là một biến cố của toàn thể Giáo Hội, với hy vọng đây sẽ là một giai đoạn quyết định đối với việc áp dụng những thành quả của tiến trình Thượng HĐGM và Tông Huấn Amoris Laetitia.

Đức TGM Martin cũng khẳng định rằng Đại Hội ở Dublin cũng là một biến cố ý nghĩa đối với Giáo Hội tại Ai Len và các gia đình tại nước này. Ái Nhĩ Lan có một nền văn hóa vững mạnh về gia đình. Đây là một quốc gia trẻ trung: 21,6% dân số dưới 15 tuổi và 16,9% trên 60 tuổi, trong khi tại Italia, số người trên 60 tuổi nhiều gấp đôi những người dưới 15 tuổi.

Ái Nhĩ Lan có tỷ số hôn nhân cao hơn Italia và số vụ ly dị ít hơn nhiều. Tỷ lệ sinh con tại Ái Nhĩ Lan là 2% trong khi ở Italia chỉ có 1,4% tức là ở dưới mức cần thiết để có thể thay thế dân số.

Đức TGM Martin cũng cho biết các gia đình ở Ái Nhĩ Lan đang đau khổ vì gánh nặng tình hình kinh tế bấp bênh. Đang có cuộc khủng hoảng về bất động sản. Các chương trình huấn giáo của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình đang cần được biến đổi hoàn toàn, phù hợp với đường hướng của Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương.

Việc chuẩn bị cho Đại hội ở Dublin sẽ dựa trên tiến trình huấn giáo với căn bản là Tông Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô và sẽ diễn ra trong trọn năm 2017, với hy vọng tiến trình huấn giáo này cũng được chia sẻ với các Giáo Hội khác trên thế giới, đặc biệt là tại Âu châu.

10. Đức Thánh Cha Chia Buồn Về Cái Chết Của Đức Hồng Y Capovilla

Nghe tin Đức Hồng Y Loris Capovilla qua đời tại Bergamo ngày 26 tháng 5 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi diện tín chia buồn với Đức Cha Francesco Beschi, Giám Mục Bergamo và toàn giáo phận, đặc biệt các thân nhân bạn bè và các nữ tu Nghèo Ca Maitino in sotto il monte đã yêu thương săn Đức cố Hồng Y.

Đức Thánh Cha nghĩ tới người anh em đã có cuộc sống tươi vui làm chứng cho Tin Mừng và ngoan ngoãn phục vụ Giáo Hội trong giáo phận Venezia, rồi như là bí thư của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Sau đó như là Giám Mục Chieti Vasto, và đặc sứ tông toà tại đền thánh Đức Bà Loreto ngài đã là một chủ chăn luôn luôn tận tụy với các linh mục và tín hữu, trung thành với tinh thần của Công Đồng Chung Vaticăng II. Đức Thánh Cha xin Thiên Chúa từ nhân đón nhận nguời tôi trung vào niềm vui an bình vĩnh cửu qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria và thánh sử Marco.

Với 100 tuổi Đức Hồng Y là Giám mục cao niên nhất Italia, và thứ tư trên thế giới. Ngài sinh ngày 14 tháng 10 năm 1915, thụ phong linh mục năm 1940, làm tuyên uý nhà tù của trẻ vị thành niên và làm giám đốc chủng viện. Trong các năm 1953-1963 cha Capovilla đã là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Năm 1967 Đức Giáo Hoàng Phaolo Đệ Lục chỉ định cha làm Tổng Giám Mục Chieti. Năm 1971 ngài đươc chỉ định làm dặc sứ tông toà đền thánh Đức Bà Loreto. Ngài về hưu năm 1988 và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô vinh thăng Hồng Y ngày 12 tháng giêng năm 2014.

Với sự qua đi của Đức Hồng Y Capovilla Hồng Y đoàn còn lại 213 vị trong đó có 114 vị còn quyền bầu Giáo Hoàng và 99 vị không có quyền bầu Giáo Hoàng.

11. Tình hình Armenia trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Giáo Hội Armenia chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô như thế nào? Tình hình của quốc gia này hiện tại ra sao? Trước cuộc viếng thăm Armenia của Đức Thánh Cha Phanxicô, cha Krikor Badichac, phó giám đốc của Học viện Giáo hoàng Armenia đã cung cấp vài thông tin để giúp hiểu về Armenia và có thể theo dõi tốt hơn cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tại đây từ ngày 24-26/6/2016.

Cho đến cuối năm 1992, cộng đoàn Công Giáo Armenia được nhìn nhận ở Armenia với những luật lệ căn bản về nhân quyền; rồi từ năm 2000 Giáo Hội Công Giáo Armenia được nhìn nhận và từ đó họ có thể bắt đầu vai trò xã hội của họ. Cha Badichac nhận xét là từ góc độ xã hội, Giáo Hội Công Giáo Armenia là một thực thể sinh động, hoạt động chính yếu qua các công việc hỗ trợ của 3 tổ chức: Hội bác ái Armenia, bịnh viện Gioan Phaolô II – bịnh viện do Thánh Giáo Hoàng tặng cho nước này và các nữ tu do Mẹ Têrêsa sáng lập năm 1989 - sau khi cuộc động đất khủng khiếp tàn phá Armenia. Cha cho biết vai trò quan trọng của các nữ tu: các chị chăm sóc các trẻ em sơ sinh bị bịnh nặng; những trẻ em này đang chờ chết và các chị chăm sóc các em trong nhà tương trợ của các chị.

Cha còn kể về một hội dòng quan trọng khác, đó là dòng các nữ tu Đức Mẹ vô nhiễm Armenia. Được thành lập năm 1846 ở Costantinopoli với mục đích chăm lo giáo dục, hội dòng dấn thân đặc biệt cho các trẻ em nữ nghèo Armenia. Các chi đã giúp các em trong kỳ diệt chủng Armenia, an ủi và trợ giúp các gia đình gặp khó khăn và gửi 400 bé gái mồ cội đến dinh thự Giáo hoàng Pio XII ở Castel Gandolfo. Với việc Armenia được độc lập vào năm 1991, giấc mơ của các nữ tu Armenia được thực hiện và mở ra một lãnh vực rộng lớn cho các nữ tu theo đuổi hoạt động của mình trong nhiều công việc: mỗi năm các chị tổ chức 1 trại hè với mục đích là giúp tạo một bầu khí hiểu biết và mang lại niềm vui cho 800 trẻ em mồ côi từ 8-14 tuổi đến từ khắp Armenia; trại hè này cũng dạy giáo lý, chơi thể thao, xây dựng tình huynh đệ để cố gẵng làm giảm bớt những ảnh hưởng nặng nề của sự nghèo khổ trong cuộc sống của các em. Các nữ tu cũng có một trung tâm giáo dục, một trung tâm giáo dục xã hội mà chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có vài phút viếng thăm.

Cha Badichah khẳng định là đức tin vẫn còn sống động ở Armenia, các người già kể lại trong nước mắt các kỷ ức kinh khủng của quá khứ nhưng họ cám ơn Chúa vì những ân huệ mà Giáo Hội nhận lãnh, với niềm tin vào tương lai của con cháu họ.

Về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, cha Badichah nghĩ đó là một cuộc hành hương về nguồn cội đức tin vì dân tộc Armenia là dân tộc đầu tiên đón nhận Ki-tô giáo như quốc giáo vào năm 301. Do đó, đây là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến quốc gia Ki-tô giáo đàu tiên và là một cuộc viếng thăm có tính chất đại kết.