Ngày 12-05-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:46 12/05/2019
8. Người gò mình sống khổ cách chân chính, nhất định nên thánh. (Thánh Publia)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:54 12/05/2019
10. KHÔNG BIẾT BẰNG TRẮC

Một người nọ làm tiệc mời thầy giáo trường làng, ông thầy giáo này uống tràn cung mây như chưa bao giờ được uống, vợ của chủ nhà nhìn thấy liền vội vàng đứng dậy nhắn bảo người rót rượu cố ý cầm nghiêng bình rượu trước mặt khách, để ngụ ý nói cho khách biết là đã hết rượu, để ông ta biết mà không uống nữa.

Ông thầy giáo trường làng này rượu đã đến lúc cao hứng, nên không có chút gì là cảm giác, vợ của chủ nhà chịu không nổi nên vào trong phòng ngủ hét lớn:

- “Mau mời ông thầy giáo ngừng lại, ngay cả bình nghiêng (đồng âm với chữ bằng trắc) mà cũng không biết !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 10:

Ở đời có những người thấy rượu thì như mèo thấy mỡ, như kẻ si tình gặp được giai nhân, uống không biết mệt mỏi, đôi lúc làm mất đi nhân cách của mình và làm cho người khác thấy khó chịu...

Ở đời cũng có những người khi dọn tiệc mời khách thì cảm thấy đau lòng và không được vui, vì khách ăn uống quá nhiều...

Có vài người Ki-tô hữu khi vào trong nhà thờ thì đọc hết kinh này đến kinh khác, đọc từ kinh trái tim Chúa Giê-su đến kinh trái tim Đức Mẹ, đọc từ kinh thánh Giu-se đến kinh cầu cho các đẳng, từ kinh thánh An-tôn cho đến kinh Bảy Sự.v.v... họ đọc kinh mà y như là sợ Chúa nghe không hiểu nên phải đọc cho thật nhiều, đọc cho xôm trò, đúng là họ không biết “vần bằng vần trắc” trong cầu nguyện...

Đọc nhiều kinh chưa chắc Chúa đã nghe, nhưng nếu chúng ta biết dùng tâm hồn mà đọc, thì dù chỉ một kinh thôi, Thiên Chúa cũng “nghe” rất rõ và rất mau đáp lại lời của chúng ta cầu nguyện...

“Vần bằng vần trắc” trong cầu nguyện chính là “miệng đọc tâm suy”, và đó cũng là bí quyết của cầu nguyện vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

------------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha chính thức cho phép các phái đoàn hành hương về Medjugorje
Thanh Quảng sdb
19:09 12/05/2019
Đức Thánh Cha chính thức cho phép các phái đoàn hành hương về Medjugorje (Mễ Du)

Thông báo được Đức Khâm sứ Tòa Thánh Henryk Hoser công bố. Trong khi đó vị Giám đốc của Trung ương báo chí của Tòa Thánh là Gisotti cho hay: "Việc cho phép này nhằm giúp cho các chuyến Hành hương về Trung tâm Mễ du đạt được nhiều thành quả và ân thánh Chúa” chứ không có nghĩa là Tòa thánh đã xác nhận các phép lạ sự kiện Đức Mẹ hiện ra là "xác thực".
Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định cho phép tổ chức các cuộc hành hương về Medjugorje, các đoàn hành hương từ các giáo phận, giáo xứ sẽ hành hương về đây một cách chính thức chứ không tư riêng như trước đây. Thông báo này được Sứ thần Tòa Thánh là TGM Luigi Pezzuto ở Bosnia-Herzegovina và Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser, là sứ giả đặc biệt được ĐTC sai đến đây đề tìm hiểu về Mễ Du, công bố hôm nay trong Thánh lễ, tại đền thờ giáo xứ nơi đã chứng kiến hàng triệu người hành hương.
Giám đốc của Văn phòng Báo chí Tòa thánh, ông Alessandro Gisotti trả lời các câu hỏi của các ký giả về thông báo này cho hay Tòa Thánh cũng lưu tâm "việc công nhận chính thức cho phép tổ chức các cuộc hành hương về đây không có nghĩa là Tòa Thánh đã thừa nhận sự xác thực của các cuộc Đức Mẹ hiện ra cùng các thị nhân. Do đó Giáo hội vẫn tiếp tục học hỏi và điều tra!
Chú tâm vào việc mục vụ
Ông Alessandro Gisotti cho hay: Với việc thừ nhận này, ĐTC mong muốn các khách hành hương đổ về Medjugorje thâu gặt được nhiều hoa trái ân sủng dồi dào và nhiều thành quả tốt đẹp ".
Quyết định của Đức Thánh Cha được công bố sau một năm, kể từ ngày 31 tháng 5 năm 2018 khi ĐTC bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Hoser của Tổng giáo phận Warszawa-Prague Ba Lan, làm "Người viếng quan sát và thẩm tra về các sự kiện ở Medjugorje.
Trong bản bá cáo, Tòa Thánh được biết trong số sáu người cho hay họ nhận được thị kiến thấy Đức Mẹ lúc còn trẻ hoặc còn là những trang thanh niên, thì ba người quả quyết rằng họ vẫn tiếp xúc với Mẹ Maria "Nữ hoàng hòa bình" hàng ngày vào mỗi buổi chiều, bất kể họ đang ở đâu: Đó là Vicka (sống ở Medjugorje), Marija (sống ở Monza) và Ivan (sống ở Hoa Kỳ, nhưng anh thường về Mễ du). Một người thứ tư là Mirjana cho hay cô thường được Đức Mẹ hiện ra vào ngày thứ hai hàng tháng, nhưng bây giờ thì cô chỉ được thấy Đức Mẹ mỗi năm một lần.
 
Lớp Linh mục Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ năm 2019
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
20:59 12/05/2019
Trong năm 2019, 481 phó tế được thụ phong trở thành Linh mục Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ. Tuổi trung bình của linh mục của năm nay là 33, trẻ một chút so với hai nhóm linh mục trước đây. Thông tin về linh mục năm 2019: Đa sống sinh tại Hoa Kỳ, có bằng cấp đại học và làm việc toàn thời gian trước khi vào chủng viện, đa số được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo khi còn nhỏ (379 người trong số 481).

Theo viện Nghiên cứu Ứng dụng Tông đồ - Center for Applied Research in the Apostolate (CARA), khuyến khích và đồng hành là chìa khóa để cổ võ ơn gọi linh mục. Theo những trả lời của các linh mục được thụ phong linh mục năm 2019, 92 % nói rằng họ được khuyến khích suy nghĩ về ơn gọi linh mục do linh mục giáo xứ (69%), bạn hũu (43 %), giáo dân trong xứ (39%).

CARA liên lạc với 481 phó tế sẽ được thụ phong linh mục năm 2019. 379 người (79%) gửi trả lời về nghiên cứu, gồm 284 người (75%) thuộc giáo phận và 95 người (25%) thuộc Dòng tu. Sau đây là những gì được khám phá trong nghiên cứu.

1. Tuổi trung bình của linh mục thụ phong là 33, hơi trẻ hơn so với linh mục của hai lớp linh mục trước.

2. Đa sống sinh tại Hoa Kỳ (75 %). Số còn lại (25 %) là những di dân từ Mễ Tây Cơn (5%), Nigeria (3%), Colombia và Việt nam chiếm 2% trên tổng số các linh mục.

3. Hơn một nửa (55 %) tốt nghiệp đại học và 68% làm viện toàn thời gian trước khi vào chủng viện.

4. Chầu Thánh Thể (75%) Kinh Mân Côi (&3 %) là những thực hành đạo đức ảnh hưởng đến họ trước khi vào chủng viện.

5. Về sinh hoạt giáo xứ, 78% là lễ sinh, 53% là thừa tác viên đọc sách, 44% là thừa tác viên Thánh thể ngoại lệ.

6. Về chương trình ơn gọi ảnh hưởng đến họ trong hành trình phân định: 68% tham dự một chương trình về ơn gọi trước khi vào chủng viện, 52% tham dự chương trình cuối tuần “Hãy đến mà xem” - Come and See và Tĩnh tâm phân biện – Quo Vadis/Discernment Retreats (15%).

7. Về năm mục vụ cũng như những chương trình khác ngoài chủng viện: 80% năm tu đức, năm thực tập mục vụ và 30 ngày tĩnh tâm đóng góp cho việc phân định. 73% những người trả lời cho biết rằng năm tu đức đóng góp rất nhiều cho việc phân biện ơn gọi của họ.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Vẻ vang: Người Việt Nam chiếm phần lớn trong 481 vị được thụ phong linh mục trong năm nay tại Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
22:34 12/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Nhân Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã công bố một thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong các Hoạt động Tông đồ gọi tắt là CARA về các tân linh mục được thụ phong trong năm nay tại Hoa Kỳ.

75% các tân linh mục được sinh ra ở Hoa Kỳ. Trong đó có đông đảo các vị đến từ các gia đình Việt Nam đang định cư tại Mỹ. Bên cạnh đó, trong số 25% các tân chức sinh ra ở nước ngoài, người Việt Nam cũng đứng hàng thứ ba với 2% sau người Mễ Tây Cơ, chiếm 5%, rồi đến người Nigeria 3%. Người Colombia cũng chiếm 2%.

Tuổi trung bình của các tân chức là 33 tuổi, nghĩa là trẻ hơn một chút so với hai lớp linh mục trong năm 2018 và 2017. Tuyệt đại đa số các tân chức có bằng đại học và làm việc toàn thời gian trước khi quyết định gia nhập chủng viện. Hầu hết, các tân chức được rửa tội khi còn là một trẻ sơ sinh. Tuy nhiên cũng có những người theo đạo Công Giáo khi đã trưởng thành, trung bình là ở tuổi 18.

Theo CARA, việc khích lệ và đồng hành là chìa khóa để thúc đẩy ơn gọi linh mục. 92% tân chức cho biết các ngài đã được khuyến khích tìm hiểu ơn gọi linh mục bởi một người nào đó trong cuộc sống của mình. 69% cho rằng linh mục giáo xứ là một nhân vật quan trọng trong tiến trình phân định của các vị. 43% cho biết được bạn bè hỗ trợ. 39% nói các vị được anh chị em giáo dân trong giáo xứ khích lệ. Cố nhiên, các thành viên khác trong gia đình, giáo viên / giáo lý viên đã góp phần đáng kể vào sự phân định ơn gọi linh mục của họ.

Đức Hồng Y Joseph W. Tobin, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ, Đời sống thánh hiến và Ơn gọi của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã nhắc lại tầm quan trọng của việc đồng hành cá nhân trong việc phân định ơn gọi. Ngài nhắc nhớ rằng trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng “Sự nhạy cảm và lắng nghe kiên nhẫn là chìa khóa khi giúp những người trẻ nhận thức. Các linh mục, những người nam nữ tận hiến, và anh chị em giáo dân đều có thể vang vọng tiếng nói của Chúa Giêsu, Đấng kêu gọi những người nam phục vụ trong chức tư tế thánh như những mục tử tốt lành và trung tín.”


Source:USCCB
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Mother’s Day tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, Melbourne
Trần Văn Minh
04:31 12/05/2019
Melbourne, Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Bốn Mùa Phục Sinh. Cũng là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Và cũng là Mother’s Day tại Úc. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xứ Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm tổ chức lễ mừng và tặng hoa cho các bà mẹ. Thánh lễ 8 giờ 45 sáng Chúa Nhật 12/5/2019, tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm.

Các bà mẹ vui vẻ nhận hoa do con cháu tặng


Mời coi hình

Thánh lễ do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân, quản nhiệm cộng đoàn chủ tế và như thường lệ, Ca đoàn Belem phụ trách thánh ca các lễ sáng Chúa Nhật, là thánh lễ dành cho Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc Xứ Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm.

Vì là ngày đặc biệt để con cái tỏ lòng hiếu thảo đối với mẹ của mình. Trong phần chúc bình an, Linh mục Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, cũng là tuyên úy xứ đoàn đã cho phép các em tìm về chỗ mẹ các em ngồi, để ôm hôn và nói lời cảm ơn mẹ.

Sau thánh lễ, Đoàn dâng hoa do các em thiếu nhi thuộc Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Thánh Vinh Sơn Liêm, đã cùng nhau dâng lên ngai tòa Đức Mẹ được đặt trịnh trọng trước bàn thánh, những bông hoa rất tươi, rất xinh.

Các em được tuyển chọn từ các ngành khăn tím, xanh và vàng, được các huynh trưởng hướng dẫn, tập dượt đã xuất sắc trong dâng tiến hoa đèn lên ngai tòa Mẹ. Các em đã nhịp nhàng tiến lên theo lời hát, tiếng đàn, mang nhiều ý nghĩa về ngày Mẹ.

Sau khi hoa đèn đã dâng lên ngai tòa Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ loài người. Các huynh trưởng thiếu nhi đã mang những bông hồng tươi thắm lên xin cha chủ tế chúc lành, xong các em mang hoa đến từng các hàng ghế để biếu tặng các bà mẹ trần thế đang hiện diện trong ngôi Thánh đường thân thương của cộng đoàn.

Trên màn hình, một clip chiếu lại hình ảnh các bà mẹ thuộc cộng đoàn do chị Hà Đặng sưu tầm được mọi người chăm chú theo dõi, và cũng tạo niềm vui khi các bà nhìn thấy hình ảnh của minh trên đó.

Dịp này, Linh mục Quản nhiệm cũng chiếu hình ảnh và giới thiệu các dòng tu cho các em thiếu nhi, như một cách kêu gọi và khích lệ các em có ý hướng theo ơn gọi.

Cuối nhà thờ, các huynh trưởng đã trao tặng quà cho các bà mẹ nhân ngày trọng đại này. Trước khi mọi người ra về vui vẻ.
 
CĐCGVN TGP Sydney Mừng Kính Ngày Thánh Mẫu Tháng Hoa
Diệp Hải Dung.
20:42 12/05/2019
Sáng Chúa Nhật 12/05/2019 nhân ngày Mother’s Day khoảng 4000 người và có những người không Công Giáo và các tiểu bang khác đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly hành hương mừng kính Đức Mẹ với chủ đề Mẹ Nguồn Hy Vọng.

Xem Hình

Đúng 10 giờ mọi người trong tập trung trước tượng đài Đức Mẹ. Cha Paul Văn Chi chủ sự điều hợp hướng dẫn mọi nguời dâng giờ đền tạ lên Đức Mẹ, nguyện cầu xin Mẹ ban ơn cho bản thân, cho gia đình và Cộng Đồng, và nhất là các người Mẹ trong CĐCGVN. Sau đó kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Fatima về Lễ đài. Cuộc rườc kiệu rất long trọng và trang nghiêm gồm các Hội đoàn Legio Mariae, Huynh Đoàn Đaminh, Phong Trào Tôn Nữ Vương, Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Liên Đoàn Thiếu Thánh Thể, quý Sơ Dòng Trinh Vương, Thiếu Nhi Cung Thánh, đội Thánh Vũ và đoàn Phụng Vụ. Tất cả mọi người đều dâng lên Mẹ đóa Hoa Mân Côi Mùa Mừng nguyện cầu cho Cộng Đồng, cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam.

Kiệu Thánh tượng Mẹ Fatima về đến Lễ đài, các em Thiếu Nhi Thánh Vũ thuộc Giáo Đoàn Miller với vũ khúc Hoa Dâng Lên Mẹ rất là ngoạn mục và đặc sắc và Cha Paul Văn Chi thay mặt Ban Tuyên Úy giới thiệu quý Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Trần Văn Trợ, Cha Lê Hồng Mạnh, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Mai Văn Thịnh, Cha Trần Bạch Hổ, Phan Quốc Trực, Cha Cha Nguyễn Văn Huấn, Cha Trần Đức Thống và Cha Võ Thành Nhân hiện diện trong Thánh lễ hôm nay.

Trong bài giảng Thánh lễ, Cha FX Nguyễn Văn Tuyết đã kể một mẫu truyện về người mẹ rất cảm động và Cha nhắc nhở…Hôm nay là ngày nhớ ơn mẹ, chúng ta nhớ đến người mẹ còn đang sống, nhưng cũng không quên những người mẹ đã ra đi. Những đóa Hoa mà các em Thiếu Nhi vừa dậng lên Đức Mẹ đại diện cho chúng ta nói lên ý nghĩa này. Hôm nay cũng là ngày Thánh Mẫu chúng ta nhớ đến Đức Maria, Đức Maria đến với chúng ta như một người mẹ luôn hiểu thấu nhu cầu của con cái… và Mẹ chính là nơi trú ẩn và là nguồn hy vọng của chúng ta…

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ và mọi người đã đến Trung Tâm tham dự Lễ mừng kính Ngày Thánh Mẫu và chúc mừng các bà mẹ nhân ngày Mother’s Day hôm nay. Anh cũng cám ơn quý ân nhân, Hội Đồng Mục Vụ, Liên ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, các em Thiếu Nhi Thánh Vũ Giáo Đoàn Miller và qúy thiện nguyện viên bỏ công sức làm khang trang Lễ đài để mọi người cùng tham dự Thánh lễ mừng Ngày Thánh Mẫu được tốt đẹp.

Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm cũng ngỏ lời chúc mừng ngày Mother’s Day của các bà mẹ.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại thăm viếng Trung Tâm và ăn trưa nhẹ do Cộng Đồng khoản đãi.

Diệp Hải Dung
 
Hội Diễn Thánh Nhạc ‘‘Vui Đời Thánh Hiến’’ Tại Giáo Xứ Việt Nam Paris
Lê Đình Thông
20:50 12/05/2019
11 giờ 30 ngày 12/05/2019 : Thánh lễ Chúa Nhật Chúa Chiên Lành đã được cử hành trọng thể tại Giáo Xứ Việt Nam tại Paris. Linh mục Vũ Minh Sinh, Chủ tịch Liên Tu Sĩ tại Pháp cử hành Thánh lễ, với sự đồng tế của nhiều vị linh mục hiện tu học tại Đại Học Công Giáo Paris. Nguyện đường nổi bật với áo dòng đen của các nữ tu và áo lễ trắng của các linh mục.

Trong phần chia sẻ lời Chúa, cha Lê Nguyễn Hoài Vũ (giáo phận Nha Trang) đã nói lên trách nhiệm nặng nề của nam nữ tu sĩ. Bài giảng được điểm xuyết bằng nhiều câu chuyện ý nhị : Vào đêm vọng Giáng sinh nọ, trên một sân ga ở quê nhà, các hành khách vội vã lên tầu, xô ngã một em bé bán vé số, làm rơi vãi các tấm vé. Thấy vậy, một hành khách đến bên em, lượm rồi mua hết vé số. Em bé ngước nhìn vị ân nhân rồi hỏi : Ông có phải là Giêsu không ?

Vào 14 giờ cùng ngày, sân khấu hội trường Giáo Xứ diễn ra chương trình ca vũ nhạc, vọng cổ với chủ đề ‘‘Vui Đời Thánh Hiến’’do các nam nữ tu sĩ trình diễn. Nữ tu Lan Chi (dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán), tốt nghiệp Nhạc viện, là tham vấn văn nghệ.

Bích chương trên sân khấu minh họa bàn tay hai nữ tu nắm chặt nhau, một lớn tuổi đeo nhẫn khấn trọn, một trẻ, nói lên sự tiếp nối ơn gọi. Phía dưới tấm hình là một nhóm nữ tu quây quần, cùng cười nói trao đổi, nói lên tính cộng đoàn và sự linh hoạt của đời tu.

Mở đầu chương trình, cha Vũ Minh Sinh nói lên ý nghĩa của buổi hội diễn văn nghệ. Ngài nhắc lại lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 56 : ‘‘Xin Chúa giúp ta khám phá kế hoạch tình yêu của Người cho cuộc sống chúng ta, can đảm bước đi trên con đường mà ngay từ đầu, Người đã chọn cho mỗi chúng ta.’’.

Ngài nhắc lại Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi nam nữ tu sĩ trong dịp cử hành Năm của Đời sống Thánh hiến :

- ‘‘Ở đâu có các Tu sĩ, ở đó có niềm vui’’.

- ‘‘Một việc bước đi mà buồn bã, thì là một việc bước đi theo chẳng ra gì.’’

Bước đi, người Việt ta mới nói rằng ‘‘đi tu’’ : ‘‘Các con hãy đi khắp thế gian.

Với ý nghĩa này, nhiều vị linh mục đã và đang theo học tại Đại Học Công Giáo Paris, nhiều tu hội Việt Nam, nhiều linh mục, tu sĩ Hội dòng Thánh gia Long Xuyên, nhiều nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đã mở nhiều cộng đoàn trên khắp nước Pháp.

Khai mạc chương trình văn nghệ là màn vũ ‘‘Ra khơi cùng Đức Kitô’’ do các nữ tu Mến Thánh Giá Nha Trang trình diễn. Trong khoảnh khắc, các nữ tu trở thành các diễn viên thuần thục, trong màn vũ nhịp nhàng, động tác sống động theo điệu dân nhạc rap, diễn tả tâm nguyện thánh hiến. Rap, tiếng Anh, là nói với nhau. Các nữ tu mượn thể điệu này để giới thiệu đời thánh hiến với cộng đoàn.

Tiếp theo, các nữ tu Mến Thánh Giá Hà Nội trình diễn hợp ca ‘‘Chính Chúa Chọn Con’’ của nhạc sĩ Hồng Bính, viết tặng con gái là Bích Nga nhân ngày Hồng ân Vĩnh khấn (16/06/2016). Trong bản tốp ca, mỗi nữ tư trở thành một sœur Bích Nga, nói lên cuộc sống sống tu trì nhờ ơn Chúa đưa đường, dẫn lối : ‘‘Chẳng phải con đã chọn Ngài, nhưng Chính ngài chọn con trước đó’’.

Cha Lê Văn Hồng (giáo phận Huế) và cha Nguyễn Văn Quy (giáo phận Vinh) hợp ca ‘‘Dâng Chúa Đời Con’’ của Trần Huy. Hai giọng ca trầm hùng, hòa nhịp trong khúc ca dâng hiến được cử tọa nhiệt liệt tán thưởng.

Sau giáo phận Huế, một nữ tu Mến Thánh Giá Xuân Lộc đã trình diễn màn tân cổ giao duyên : ‘‘Tình Con Yêu Chúa’’. Khi làn hơi vọng cổ vừa dứt là tiếng vỗ tay vang dội của cả hội trường

Các sœurs Mến Thánh Giá Hà Nội trở lại sân khấu với vũ điệu ‘‘Đường Con Theo Chúa’’. Đó là chặng đường đầy hoa lá, với nét nhạc vui tươi, mỗi nữ tu là một nụ cười xuân sắc ‘‘Xin Vâng’’.

Trước khi trình diễn đơn ca ‘‘Vì con là Linh mục’’, linh mục Nguyễn Kim Sang, Giám đốc Giáo xứ Việt Nam Paris đã giới thiệu Hội dòng Thánh gia Long Xuyên. Hội dòng do Đức Cha Vatin Herrgott, MEP, Đại diện Tông tòa tại Phnom Penh sáng lập năm 1931 tại Banam, đã trải qua nhiều thăng trầm. Năm 1970 xẩy ra nạn Cap Yuon (cáp duồn : chặt đầu người Việt), trụ sở Hội dòng bị máy bay phá hủy, các tu sĩ phải lánh nạn sang Việt Nam và được Đức Cha Nguyễn Khắc Ngữ cho tái lập tại Long Xuyên. Sau biến cố 1975, vào năm 1984, hội dòng tại Long Xuyên bị chính quyền cộng sản tịch thu, các tu sĩ bị bắt bớ. Năm 1988, Nhà nước chỉ trả lại 4 trong số 8 cơ sở đã bị tịch thu.

Năm 1974, cha Clément Nguyễn Văn Thể (Hội Dòng Thánh Gia) sang Pháp, giúp mục vụ cho giáo xứ Montceau-les-Mines và Autun. Năm 1983, gia đình thầy Nguyễn Kim Sang sang định cư ở Pháp. Năm 1989, thầy Sang được sang Pháp. Ngài theo học Thần học tại Đại Học Công Giáo Lyon. Ngày 05/05/1996, thầy Gilbert được thu phong linh mục tại Saint-Rambert-en-Bugey (giáo phận Belley-Ars), coi xứ Ambronay và Douvres trong 3 năm, 7 xứ đạo ở La Combe du Vali (8 năm), Jassans-Riottier, Péronnas (3 năm).

Năm 2010, ngài là Tổng Tuyên Úy các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp.

Ngày 10/09/2017, ĐHY André Vingt-Trois bổ nhiệm linh mục Nguyễn Kim Sang làm giám đốc Giáo xứ Việt Nam tại Paris. Hiện nay, thầy Nguyễn Văn Châu, Hội dòng Thánh gia, tham gia ban Giám đốc Giáo xứ Paris.

Sau phần giới thiệu Hội dòng của cha Nguyễn Kim Sang, thầy Nguyễn văn Châu đã đơn ca bản ‘‘Niềm xác tín của con’’.

Các nữ tu Mến Thánh Giá Chợ Quán hợp ca ‘‘Chúa là đối tượng’’, lời kinh nhật tụng của các nam nữ tu sĩ.

Các cha sinh viên thuộc các giáo phận Long Xuyên, Huế, Vĩnh Long, Vinh, Đà Lạt, Komtum, Xuân Lộc trình diễn hợp ca ‘‘Thuộc về … (ba chấm)’’, nói lên các vị thánh hiến đều thuộc về Chúa.

Một cha dòng Xitô giới thiệu ý nghĩa của tu phục đen, trắng Xitô và ca khúc ‘‘Thầy Dòng Xitô ’’.

Các sœurs Mến Thánh Giá Nha Trang trình diễn màn múa ‘‘Đối tượng Duy nhất’’. Các sœurs Mến Thánh Giá Hà Nội với màn múa ‘‘Theo những bước chân’’.

‘‘Khúc Dân ca Dâng Chúa ’’ và ‘‘Một Đời Theo Chúa’’ là hai tiết mục đơn ca do nữ tu Mến Thánh Giá Xuân Lộc và Chợ Quán trình diễn.

Kết thúc chương trình là đồng ca ‘‘Làm Dấu’’ do các cha và các sœurs cùng trình diễn.

Hội diễn ‘‘Vui Đời Thánh Hiến’’ đã rao rắc niềm vui thánh hóa cho các tu sĩ và giáo dân tham dự, kết thúc vào lúc 17 giờ.

Lê Đình Thông

Hình ảnh : Phanxicô Nguyễn Huy
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
“Hãy Nâng Tâm Hồn Lên” Trong Phong Trào Phụng Vụ Thế Kỷ XX
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
08:20 12/05/2019

Phong trào Phụng vụ?

Phong trào Phụng vụ nảy sinh từ ước vọng muốn cho hành động phụng vụ được đích thực hơn, và từ nhu cầu lôi cuốn tín hữu tham dự một cách trực tiếp hơn vào việc cử hành phụng vụ, vì cho tới lúc bấy giờ họ thường tham dự một cách thụ động.

Nói về Phong trào Phụng vụ, trước hết phải kể đến Guéranger (1805-1875) vốn là người biên soạn tác phẩm Institutions liturgiques (gồm 3 tập - ra đời trong các năm 1840-1841-1851) nhằm khảo sát lịch sử truyền thống phụng vụ từ Israel cổ cho tới thời đại của Guéranger. Tác phẩm này đã trở thành như tiếng trống khai mào cho Phong trào Phụng vụ diễn ra mà sẽ dẫn đến việc phục hồi và thống nhất phụng vụ Rôma trong tương lai.[1]

Tuy nhiên, hầu hết các nhà lịch sử đều đồng ý rằng chính Dom Lambert Beauduin (1873-1960) mới thực thụ là cha đẻ hay người tiên phong của phong trào này. Năm 1909, Dom Lamber Beauduin đã khai sinh ra Phong trào Phụng vụ tại một hội nghị lao động Công Giáo quốc gia được tổ chức tại Malines với bài diễn văn mang tính lịch sử về chủ đề “Kinh nguyện thật sự của Giáo Hội” (La vraie prière de l’église) như đã từng đệ trình trong Tổng Tu nghị của Dòng Biển Đức 2 tháng trước đó (tức tháng 7 năm 1909). Bài này làm cho phụng vụ có một sức sống mới theo khởi hứng của Dom Guéranger. Trong cuốn sách nhỏ của mình có tựa đề là La Piété de l' Eglise, Beauduin là người đầu tiên nỗ lực phát triển thần học về sự tham dự tích cực vào phụng vụ dựa trên chức tư tế của Chúa Kitô, Giáo Hội là nhiệm thể của Ngài và tất cả mọi tín hữu đều được chia sẻ vào chức vụ tư tế đó. Sức sống mới bắt đầu từ đan viện tại Bỉ của Dom Lamber Beauduin đã lan ra dân chúng trong các giáo xứ ở khắp nơi.

Từ năm 1918, đan viện Maria Laach bên Đức đã trở thành trung tâm thúc đẩy Phong trào Phụng vụ phát tiển với việc đan sĩ J. Herrwegen (1874-1946) cho phát hành tập đầu tiên của Nguyệt san Ecclesia orans (Giáo Hội cầu nguyện), nhờ đó các tín hữu biết cầu nguyện với phụng vụ và nuôi dưỡng đời sống tâm linh của họ nhờ phụng vụ. Ba năm sau, đan viện lại chora đời một trong các ấn hành về khoa học phụng vụ có phẩm chất nhất: đó là Jahrbuch fuer Liturgiewissenschaft (Niên Tập Khoa Học Phụng Vụ), với mục đích xây dựng một nền tảng thần học cho Phong trào Phụng vụ. Trong bối cảnh đó nổi bật lên gương mặt và hoạt động của đan sĩ O. Casel.

Phong trào Phụng vụ còn có một báo cáo liên quan đến chuyển dịch Sách lễ Rôma ra tiếng địa phương, xuất bản Sách lễ dành cho giáo dân, mở các khóa học phụng vụ, xuất bản tạp chí Phụng vụ Những Vấn Nạn Phụng Vụ. Từ năm 1920, tại Pháp, Sách Lễ của Dom Lefebvre dịch những lời nguyện trong Thánh Lễ ra ngôn ngữ của dân chúng nhằm giúp họ tiện dụng trong Thánh Lễ và cho phép họ tham dự nhiều hơn vào phụng vụ. Năm 1943, Trung Tâm Mục Vụ Phụng vụ được thành lập. Trung tâm này xuất bản tạp chí La Maison - Dieu để phổ biến những sáng kiến phụng vụ, huấn luyện về mục vụ phụng vụ và tìm hiểu nguồn gốc phụng vụ. Kể từ năm 1950, dân Pháp liên kết với tạp chí La Maison - Dieu để tổ chức những Hội nghị Quốc tế về Phụng vụ trong đó các tham dự viên bàn về việc dùng tiếng địa phương, đồng tế cũng như khởi sự hình thành và lan rộng những nhóm phụng vụ tại giáo xứ. Các tuần phụng vụ tổ chức tại Mont-César khiến cho Phong trào Phụng vụ lan nhanh ở Pháp và trong các quốc gia tại Âu châu, rồi từ từ vén mở cho thấy một trong các yếu tố định đoạt nhất của việc canh tân Giáo Hội.

Những người khởi xướng Phong trào Phụng vụ muốn xoáy sâu vào việc canh tân phụng vụ thánh bằng cách xem xét lại chính các bản văn phụng vụ. Họ tin rằng nếu như thẩm tra lại những bẳn văn này, mỗi tín hữu sẽ có thể hiểu biết một cách sâu xa hơn không những mục tiêu của phụng vụ mà còn cả các phương thế để đạt đến mục tiêu ấy một cách hiệu quả nhất bao nhiêu có thể.

“Hãy nâng tâm hồn lên” trong Phong trào Phụng vụ

Sử dụng chính những lời trong cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, Hellriegel đã nỗ lực mô tả chức năng và mục đích của cuộc đối thoại này tại Tuần Phụng vụ Quốc gia được tổ chức vào năm 1951 ở Dubuquem, bang Iowa (Hoa Kỳ). Theo đó, Hellriegel chỉ ra rằng trong cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, vị tư tế và các tín hữu tham dự Thánh lễ hợp nhất với nhau hầu đi đến Hy tế Thánh Thể sắp diễn ra:

Vị chủ tế khởi sự kinh Tiền tụng lớn, đây là “Kinh nguyện Thánh Thể” cổ xưa mà chính thức khai mở Lễ quy của Thánh lễ. Trong một cách thức rất thực, nó hợp nhất chúng ta, dưới sự chủ tọa của linh mục, cùng với các thiên thần và các thánh trên trời, chung tiếng hát lên bài ca chúc tụng không cùng: “Thật là chính đáng” khi chúng ta hành động như thế, bấy giờ, chúng ta “nâng cả tâm hồn lên” nữa và đôi tay với hiến lễ thánh còn tâm trí thì luôn hướng về gia sản vinh quang của chúng ta nhờ Chúa Kitô, và hướng về vương quốc của Ngài.[2]

Mặc dầu nói đến toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể, thế nhưng Hellriegel muốn diễn tả rằng những lời của cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” trình bày một cái nhìn duy nhất về những gì sẽ diễn ra trong chính Lễ quy. Ba lần xướng đáp miêu tả sự việc chẳng bao lâu nữa sẽ diễn ra trong và qua bí tích Thánh Thể: Khi tiến dâng chính mình lên Cha trên trời, các tín hữu hợp nhất trong và qua Hy tế Thánh Thể mà trở nên một phần của hành động tiến dâng vốn dĩ tôn vinh Thiên Chúa cách trọn vẹn và đem đến hiệu quả là thánh hóa nhân loại.

Một diễn giải khác về cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” đến từ Joseph Kreuer, OSB. Vị đan sĩ này sử dụng vừa các công trình của phụng vụ thánh lẫn tác phẩm của các giáo phụ để giải thích phần đặc biệt này của Thánh lễ:

“Hãy nâng tâm hồn lên” của Thánh lễ nhắc nhớ chúng ta những lời trong bài Thánh Thư của thứ Bảy Tuần Thánh: “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.” Thánh Augustinô viết: “Chúng ta được mời gọi để nâng tâm hồn lên. Đây không phải là bổn phận của các chi thể của Chúa Kitô sao? Anh chị em đã trở thành chi thể của Chúa Kitô, vậy thì đầu của anh chị em ở đâu? Anh chị em nhắc lại những gì trong kinh Tin kính? “Và ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, Ngài lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng.” Đây là lý do tại sao Hội Thánh mời gọi anh chị em nâng tâm hồn lên với Chúa; và lời đáp của anh chị em là “Chúng con đang hướng tâm hồn mình lên Chúa.[3]

Joseph Kreuer nối kết cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” với mục tiêu thứ hai của phụng vụ, tức là thánh hóa nhân loại. Ngài tin rằng những lời trong cuộc đối thoại này tượng trưng cho hành động sắp diễn ra trong linh hồn và lòng tâm trí của các tín hữu đang hiện diện. Vì thế, ngài tiếp tục phát biểu:

Theo những lời của phụng vụ, chúng ta phải được “đổi mới cả thân xác lẫn linh hồn” (Lời Tổng nguyện thứ Bảy Tuần Thánh) và “được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ con người cũ và biến đổi thành thọ tạo mới” (Lời nguyện [sau] Hiệp lễ thứ Tư trong tuần Phục sinh). Để sản sinh ra những hoa trái này, chúng ta phải đem ra thực hành những điều Hội Thánh đã dạy trong bài thánh thư đọc hôm thứ Bảy Tuần Thánh: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới” (Col 3, 1-2).[4]

Joseph Kreuer giải thích rằng cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” là sự diễn tả ra bên ngoài một cách trọn vẹn thái độ cầu nguyện nội tâm mà tất cả các tín hữu được mời gọi đi tới. Vì tín hữu là chi thể của Thân mình Chúa Kitô, cho nên phải bắt chước gương mẫu của Ngài – không thể chỉ theo Ngài vào thiên đàng với thân xác, nhưng các tín hữu còn phải nỗ lực để đi theo Ngài với cả lòng trí của mình nữa. Điều chúng ta có thể học được từ ví dụ này là cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” không chỉ được diễn dịch như một phần lõi của chính Kinh nguyện Thánh Thể, như đã thấy ở trên, mà còn diễn tả thái độ cần thiết cho toàn bộ đời sống của người Kitô hữu nữa.

Joseph Kreuer tiếp tục thắt nối cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” với không chỉ đời sống của Kitô hữu trên trần gian, mà còn chứng tỏ cuộc đối thoại này tượng trưng cho sự toàn vẹn của đời sống Kitô hữu, cùng với các thiên thần và các thánh. Thái độ này trong kinh nguyện của người Kitô hữu là cần thiết để tôn vinh Thiên Chúa.

“Hãy nâng tâm hồn lên” là sự kết hợp của Hội Thánh trên trời với Hội Thánh dưới trần; “Hãy nâng tâm hồn lên” ghi dấu chiến thắng trên sự chết, trên sự chia rẽ. Cùng với tất cả các thiên thần, chúng ta công bố lòng thương xót và sự vĩ đại của Thiên Chúa. Do vậy, thực thi và hoạt động như những công dân nước trời, chúng ta hòa nhập tiếng nói của mình với tiếng hát của ca đoàn thiên thần mà reo lên: Thánh! Thánh!Chí Thánh! trời đất đầy vinh quang Chúa.[5]

Xem xét những gì các giáo phụ đã nói, chúng ta nhận ra rằng một số các vị khởi xướng Phong trào Phụng vụ có lẽ chỉ là lặp lại ý tưởng của giáo phụ mà thôi: cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” là sự tán đồng của các tín hữu đang quy tụ đối với những gì sắp xảy ra (Hy tế của Chúa Kitô).

Do đó, đúng như vậy, từ những ngày xa xưa nhất, vị chủ tế đã luôn luôn mời gọi cộng đoàn: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”: chúng ta hãy cùng nhau tiến dâng nghi thức tạ ơn này, Hy lễ Tạ ơn này. Và khi kinh nguyện vĩ đại - hành vi tạ ơn này hoàn tất, tất cả dân chúng phải làm chứng cho sự tham gia của mình bằng việc thưa “Amen” – điều này hẳn muốn diễn tả rằng: “Ngài đã nói và hành động thay cho chúng tôi.[6]

Chúng ta có thể nhận ra trong các nguồn tài liệu của Phong trào Phụng vụ cũng chứa đựng những chủ đề tương tự như các giáo phụ thời xưa. Theo đó, cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” là một sự biểu hiện của Nhiệm Thể Chúa Kitô; nhờ được lôi kéo vào trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, các tín hữu được tháp nhập vào trong Hy tế Thánh Thể của Ngài. Hơn nữa, đó cũng là phương thế mà các tín hữu, vừa một cách cộng thể vừa một cách đơn độc, tiến dâng hy lễ của họ lên Cha trên trời. Hậu nhiên, cuộc đối thoại này là một sự thể hiện lý tưởng của thái độ mà mọi Ki tô hữu phải có khi cầu nguyện.

LM Giuse Phạm Đình Ái, SSS

[1] Xc. Robert L. Tuzik, Leaders of the Liturgical Movement (Chicago: Liturgy Training Publications, 1990), 17-22.

[2] Martin B. Hellrigel, “A Demonstration of Low Mass”, National Liturgical Week held at Loras College, Duquque, Iowa, August 20-23, 1951 (Conception, MO: The Liturgical Conference, 1951), 10.

[3]Joseph Kreuer, OSB, “Resurrection”, Orate Fratres 5 (April 1931): 252.

[4]Joseph Kreuer, OSB, “Resurrection”, 251.

[5]Joseph Kreuer, OSB, “Resurrection”, 252.

[6] Godfrey Diekmann, OSB, “With Christ in the Mass”, National Liturgical heldin Porland, Oregon, August 18-21, 1947 (Boston, MA: The Liturgical Conference, 1948), 46.
 
Văn Hóa
Hình ảnh Hoa thắm tươi vườn hoa Gia đình dâng tiến Mẹ - Mother's Day
John Trần Công Nghị
07:55 12/05/2019
Vườn hoa dâng tiến Mẹ - Mother's Day

 
Lễ của Mẹ: Tia Sáng Ở Cuối Đường Hầm
Nữ tu Bích Trâm
07:59 12/05/2019

Cơn gió mùa xuân vừa len lén đi qua. Những cánh mai vàng nở muộn lác đác rơi như vẫn còn lưu luyến ! Thế là, ngày trở lại Hội dòng đã đến. Hành lý đã đâu vào đó và hôm nay tôi tạm biệt gia đình để lên đường…

Xe đã lăn bánh mà sao lòng cứ ở lại; tôi cứ vấn vương mình đang ở nhà với người cha thân thương, anh chị và các cháu. Lần ra đi trước thì hình bóng mẹ luôn chiếm chỗ ưu tiên. Mẹ đã đi xa rồi !

Đầu óc đang trôi dạt vật vờ về vùng kỷ niệm buồn vui trong những ngày qua thì bỗng dưng giật mình bừng tỉnh; tiếng em bé khóc đã réo tôi về với thực tại…

Trước mặt tôi là một gia đình trẻ, hai vợ chồng với một con. Chồng, một tay ẵm con, bé gái độ 2 tuổi, một tay đang giữ vợ say xe tựa vào; anh ta trông bồn chồn lo lắng, cứ loay hoay hết lo cho vợ rồi lại dỗ dành con.

Tôi thầm tạ ơn Chúa ! Giữa dòng đời tất bật, bon chen, vẫn còn những đôi vợ chồng biết quan tâm, yêu thương nhau chân thành đến thế ! Khác hẳn với hình ảnh của một gia đình khác vừa thoáng hiện trong tôi.

Vâng, đó là hình ảnh và câu chuyện cuộc sống của một gia đình tôi có dịp tiếp xúc trong dịp tết vừa qua….

Hôm đó, tôi đến nhà một chị thợ may quen từ sáng sớm. Thấy cánh cửa khép hờ, ngó vào trong không thấy ai, tôi cất tiếng gọi:

- Chị Tâm ơi !

Có tiếng trong nhà vọng ra :

- Ơi! Ai đấy?

Vừa bước ra chị đã dòn dã thân mật :

- A! Bà sơ! Chào bà sơ! Chà lâu quá không gặp; mới về hả sơ?

- Dạ! Chào chị, tết nay em được về, chị may giúp em mấy bộ đồ.

Hỏi thăm vài câu, tôi thấy chị thở dài; mặt thoáng nét buồn, chị nói:

- Tết ở đây buồn lắm em. Cánh đàn ông, từ khi kinh tế phát triển lên, có đồng ra đồng vào, là bắt đầu tụ tập ăn nhậu, bài bạc, đá gà...; tết nhất cũng chẳng thèm quan tâm đến gia đình; có gia đình, tết đến, vợ chồng con cái đùm túm trốn chui trốn nhủi để chạy nợ !

Ngạc nhiên nhưng cũng đọng lại một chút tự hào trong tôi khi được nghe chị kể chuyện đời mình. Có lẽ trong chị đang chất chứa rất nhiều tâm sự đau buồn ấm ức nên cần có người để lắng nghe, chia sẻ và nguyện cầu.

Và đây là câu chuyện “mười năm tình cũ” đầy bất hạnh của chị…

Ngày đó, cách đây hơn 10 năm, anh Viên và chị Tâm quen nhau. Ai ai cũng tán thành và cho đó là một “cặp đôi hoàn hảo”.

Qua hàng xóm bạn bè và “thông tin đại chúng”, chị chỉ biết anh là một chàng thanh niên đang chịu khó làm ăn xa, có nhiều đất đai, có xe đẹp. Anh không chịu để mình phải thua thiệt bạn bè. Khi sự nghiệp ổn định, anh chuẩn bị một số tiền lớn để về quê cưới vợ. Không biết do mai mối hay duyên số đưa đẩy, anh quen được chị Tâm là thợ may giỏi, đang mở tiệm kinh doanh. Chị vừa người, có khuôn mặt xinh, mắt to tròn, mái tóc đen dài ngang lưng óng mượt...

Và rồi họ đã nên duyên vợ chồng. Thánh lễ Hôn Phối của hai người được cử hành ấm cúng trong ngôi thánh đường giáo xứ quê nhà…

Lấy nhau xong, anh chị dắt díu nhau vào tận Đăk Nông sinh sống. Chị không quên mang theo những ước mơ đơn giản của biết bao người vợ trẻ : ngôi nhà khang trang, những đứa con xinh xắn….

Nhưng rồi mọi sự cứ trôi theo gió núi mây ngàn, nếu không nói là tan tành sụp đổ ! Vào đến nơi chị mới biết sự thật về chồng đã không như thế ! Chồng chị chỉ có một ít đất canh tác chứ chưa có nhà ở, anh ta vẫn ở nhà thuê. Cũng vì yêu nhanh cưới vội, nghe những lời nói ngon ngọt và tin tưởng anh, nên chị cũng không biết một sự thật chua chát khác của chồng : chuyên viên đá gà, cờ bạc, cá độ thuộc dạng cợm cán, và dĩ nhiên…là một hũ hèm…

Những ngày tháng êm đềm vụt qua nhanh chóng, chị bắt đầu nếm trải những ngày đau khổ, uất ức và đầy nước mắt. Anh ta chẳng thể bỏ được thói xấu mà lại thêm lún sâu hơn. Đất đai cứ bán dần bán mòn để trang trải cho các hạng mục đá gà, cờ bạc, rượu chè. Hết đất đai thổ sản, anh ta đi cầm chiếc xe Airblade đời mới để chi trả cho “dịch vụ giải trí” và “đầu tư huyễn hoặc” của mình !

Từ khi biết chuyện, chị và anh ngày nào cũng tiếng nặng tiếng nhẹ; và hầu hết, sau “màn kịch nói bất đắc dĩ” đó là những giọt nước mắt của chị bên cạnh ánh mắt đổ quạu và gương mặt lầm lì của anh. Nhiều lần anh cũng nhận sai, lại tỉ tê, xin lỗi và hứa hẹn đủ điều. Hứa “để mà hứa” thôi, chứ chưa một lần anh thực hiện. Trong khi nợ nần ngày càng chồng chất, người ta đến đòi nợ chửi bới vợ con như ăn cơm bữa.

Nợ nần vật chất chị đã khổ rồi nhưng chị càng khổ tâm hơn gấp bội vì sự vô tâm và thiếu vắng tình thương của chồng. Mấy lần chị vượt cạn thì anh đang mải chơi bời ở phương trời nào đó; gọi điện cũng tắt máy, may có mấy chị hàng xóm đưa chị đến bệnh viện. Chị chờ đợi mỏi mòn đến khi anh trở về; nhưng rồi, cũng chẳng có được một lời xin lỗi hay an ủi hỏi han.

Chị đạo theo, anh đạo dòng; nhưng hiếm khi anh đi lễ, nói chi đến chuyện kinh hạt mỗi ngày. Nhờ anh đưa đón con đi học ở trường, học giáo lý… giúp chị thì mười bữa hết chín, anh đi chơi để con cuốc bộ về nhà, mặt mũi tèm hem nước mắt…

Nghe chị tâm sự xong, tôi thấy xót xa trong lòng. Tôi làm được gì giúp chị đây? Tôi buộc miệng hỏi chị:

- Chị có hỏi han và xem nỗi lòng của anh ấy muốn gì không ?

Trong nỗi uất nghẹn dâng lên, chị đáp:

- Anh ta mà nỗi với nông gì ! Chỉ thích chơi thôi; lại còn bảo “làm lụng vất vả bao nhiêu năm rồi giờ nghỉ hưu sớm”.

Tôi không khỏi ngạc nhiên và chạnh lòng trước câu trả lời của chị; trong đầu tôi vang lên điều thắc mắc: Đàn ông chưa được 40 tuổi sao lại muốn nghỉ hưu, trong khi đó con cái thì nheo nhóc tương lai chưa biết ra sao!

Tôi nhìn quanh căn nhà, nhìn lên tấm hình cưới:

- Chị ơi! Anh nhà đi đâu rồi vậy chị?

- Không em ạ! Giờ anh ấy muốn đi cũng đâu đi được nữa.

- Sao chị nói vậy?

- Một hôm chị đang cố khâu cái áo dang dở, khuya rồi mà vẫn chưa thấy anh về. Quen với cái cảnh đi sớm về khuya của anh nên chị cũng chẳng bận tâm. Thế rồi, chị đã sững sờ khi được báo tin: anh say rượu đã tự lái xe đâm vào cột mốc ở đoạn đường cách nhà chị khoảng 200m. Anh được bà con đưa vào bệnh viện tỉnh, chị thất tha thất thưởng gom đồ chạy theo…

Thế là chấm hết! Dù thần chết không mang anh đi, nhưng tai nạn đã khiến anh gãy xương cổ, xuất huyết não, thần kinh bị tổn thương khiến cho toàn cơ thể anh mất cảm giác. Và sau đó là những ngày bất động trên xe lăn và chuyển viện.

Chị hết sức lo cho anh được đi chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện y học cổ truyền tới các bệnh viện nổi tiếng nhất. Nhưng oái ăm, chẳng có chút tiến triển gì. Anh đã nằm suốt 1 năm như thế rồi em ạ.

Dù anh nằm xuống để lại gánh nặng trên vai chị là các khoản nợ và con nhỏ, nhưng từ biến cố này, hình như chị tìm được niềm an ủi khi thấy anh nằm đó chịu đựng những cơn đau; có khi chị thấy nước mắt anh lăn dài trên má, muốn nói với chị điều gì đó mà không nói nên lời. Những lúc chị ngồi đọc kinh bên cạnh anh thì dường như khuôn mặt anh dãn ra vui tươi, tỏ dấu cùng hiệp thông với chị…

Chính những điều nhỏ nhặt đó đã làm cho chị phấn chấn tinh thần, dù loa toan vất vả, có khi mệt thở chẳng ra hơi, nhưng chị không nản lòng. Chị tin lòng thương xót của Chúa sẽ cứu anh và giúp gia đình chị. Cả tháng nay ngày nào chị cũng đọc kinh và kêu cầu lòng thương xót Chúa. Mà lạ lắm nhé, mới có một tháng mà anh cựa được một cánh tay rồi. Mấy người hàng xóm cứ tấm tắc mừng cho gia đình chị…

Tôi nóng lòng xin phép chị được vào thăm anh. Chị dẫn tôi vào trong phòng, anh nằm đó và đôi mắt khép hờ. Chị lên tiếng:

- Anh ơi! Có bà sơ đến thăm anh nè!

Anh hướng mắt nhìn về phía tôi. Tôi nhìn anh nằm đó là một anh Viên rất khác xa với lời kể của chị. Bây giờ, trông anh hiền lành chất phác. Điều gì đã khiến anh trở thành con người bỏ bê gia đình như vậy ? Vâng, chắc một điều thôi, lòng thương xót Chúa đã chạm vào anh và đã biến đổi anh.

Chị nắm chặt tay anh nhìn về phía ô cửa. Mặt trời đang rọi vào mang theo những tia nắng bình minh với gam màu thắm tươi rực sáng của niềm tín thác và hy vọng.

Tạ ơn Chúa ! cuộc đời luôn là một bài ca của thương yêu, hy vọng và lòng thương xót.

Bích Trâm- Qui Nhơn, Phục Sinh 2019 (Nữ tu Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, ngày 13/5/2019: ĐTC truyền chức cho 19 tân linh mục
VietCatholic Network
20:22 12/05/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 11/5/2019.

2- Đức Thánh Cha truyền chức 19 tân Linh mục tại Đền thờ Thánh Phêrô.

3- Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi 2019.

4- Nội dung bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các Bề trên Tổng quyền các dòng nữ.

5- Đức Thánh Cha Phanxicô gặp tham dự viên hội thảo về "Chúa Giêsu và các Pharisêu".

6- Đức Thánh Cha ủng hộ các nước vùng Balkan gia nhập liên hiệp Âu Châu.

7- Khủng bố người Thiên Chúa giáo “gần như tuyệt chủng”.

8- Chính quyền Trung Quốc sẽ phá bỏ 24 nhà thờ ở Hàm Đan.

9- Giáo phận Bùi Chu ra thông báo: Hoãn tháo dỡ nhà thờ chính tòa của giáo phận.



10- Giới thiệu Thánh Ca: Hoa Hồng Thiêng Kỳ Diệu.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết: