Ngày 30-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:47 30/05/2008
ĐOÀN KẾT SỨC MẠNH LỚN

N2T


Trên thảo nguyên lớn mênh mông, có đà điểu, ngựa vằn, linh dương là ba người bạn thân với nhau, chúng nó mỗi lần đi tìm thức ăn hoặc đi chơi, thì luôn luân phiên nhau có một người đứng canh, để đề phòng cọp beo đến lén đánh chúng nó và các anh chị em của chúng nó.

Một hôm, ba người bạn đột nhiên cùng nghĩ đến một vấn đề: cuối cùng thì ai là người có công lớn nhất ?

Chim đà điểu nói trước: “Thị lực của tớ nhìn rất tốt, có thể cấp thời nhìn thấy cọp beo, hơn hẳn hai bạn, nên công lao của tớ là lớn nhất.”

Ngựa vằn không phục, nói: “Thính giác của tớ linh mẫn nhất, có thể nghe được tiếng của cọp beo từ rất xa hơn hẳn hai bạn, thực ra công lao của tớ mới là lớn.”

Con linh dương vội vàng bác bỏ: “Khứu giác của tớ linh nhất, có thể ngửi được mùi cọp beo rình rình mò mò, hơn hẳn cái thứ khứu giác chậm trì của các cậu, cho nên tôi mới là người có công lao nhất.”

Thế là, ba đứa bạn cãi lui cãi tới, ai cũng không phục ai.

Cuối cùng, khi đến phiên đà điểu trực ban, nó chôn đầu trong cát mà ngủ; khi đến phiên ngựa vằn đứng gác, nó chỉ lo cho mình ăn cỏ non; mà khi đến phiên linh dương đứng gác, nó chỉ chú ý đến chơi đùa với hoa nhỏ, ai nấy đều không tích cực canh gác.

Thế là có một hôm, một con beo đột nhiên đến công kích chúng nó, ăn mất em trai em gái của chúng nó.

Ba người bạn bây giờ mới tỉnh ngộ, chúng nó nhớ lại giáo huấn và đoàn kết lại, khiến cho kế hoạch đánh úp của con beo lần này hết lần khác thất bại. Cuối cùng chúng nó cũng hiểu rõ ràng: đoàn kết thì sức mạnh rất lớn.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Sức lực của một người thì có hạn, có rất nhiều việc cần phải nhờ đến sự đòan kết của nhiều người mới thành công được, cho nên khi làm việc thì không nên để ý đến chyện ai là người mạnh nhất, nhưng cái quan trọng là cùng nhau nổ lực để đạt tới mục tiêu.

Có một vài em học giỏi nhưng không muốn đem cái giỏi này chỉ dạy lại cho các bạn, vì các em muốn mình là người nổi bật nhất, giỏi nhất trng nhóm, thế là các em ấy đã trở thành người không có tinh thần đoàn kết, gây trở ngài vượt lên của nhóm...

Không khoe khoang khi làm việc tập thể, và không chơi nổi khi các bạn ai cũng như nhau, bởi vì người có tinh thần đoàn kết thì sẽ sẵn sàng đem cái tài giỏi của mình “bỏ vào trong túi” và quên đi, để hòa đồng cùng với nhóm mình trong những sinh hoạt của trường lớp.

Các em thực hành:

- Nên sống có tinh thần đoàn kết với các bạn trong lớp, trong nhóm...

- Giúp đỡ và yêu thương anh chị em trong nhà cũng là bày tỏ tinh thần đoàn kết.

- Đoàn kết là sức mạnh.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:50 30/05/2008
CHỦ NHẬT IX THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 7, 21-27.

“Nhà xây trên đá và nhà xây trên cát.”

Bạn thân mến,

Xây nhà trên đá và xây nhà trên cát thì bạn và tôi đều hiểu ý nghĩa của nó, bởi vì Chúa Giê-su đã giải thích rất rõ ràng trong bài Phúc Âm hôm nay rồi. Tuy nhiên hiểu và thực hành là hai việc khác nhau: có người hiểu trọn bộ quyển sách Thánh Kinh, nhưng thực hành thì không, thế là họ giống như người xây nhà trên cát; có người không hiểu Thánh Kinh nhưng lại thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình, và đúng là họ đang xây nhà mình trên đá, vững chắc như núi.

Nhưng muốn xây nhà –dù trên đá hay trên cát- thì cũng phải có vật liệu để xây. Xây ngôi nhà tâm linh cũng như thế. Vậy vật liệu xây nhà của bạn là gì ?

Nhóm vật liệu thứ nhất là khiêm tốn: nó chính là nền tảng của mọi nhân đức, nó cũng là nền tảng để được đánh giá là người tôi trung của Thiên Chúa. Bởi vì khi không có khiêm tốn, thì dù cho bạn và tôi thuộc làu cả pho kinh thánh, thì cũng chỉ là một con số không to tướng mà thôi, bởi vì bạn và tôi đều đem sự kiêu ngạo của mình biến quyển kinh thánh thành mớ lý thuyết hảo huyền hoặc là một mớ thần thoại hoang đường, không ích lợi gì cả...

Nhóm vật liệu thứ hai là yêu thương: Ngôi nhà vững chắc là bởi vì nó được kết cấu hài hòa và hợp lý giữa các vật liệu và góc độ với nhau. Sự yêu thương của bạn và tôi chính là sự hài hòa hợp lý ấy: giữa một xã hội dùng tiền bạc vật chất để đánh giá con người thì sự yêu thương chân thành sẽ là đối tượng làm cho mọi người nhận ra được chân giá trị của mỗi con người, chính sự yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa, mà gương mẫu là Chúa Giê-su, đã níu kéo nhân loại lại với nhau bằng chính sự yêu thương chân thành.

Nhóm vật liệu thứ ba là phục vụ: Lòng ao ước phục vụ người khác như phục vụ Chúa Giê-su, chính là bày tỏ một thái độ hoàn toàn tin yêu phó thác vào Thiên Chúa. Bởi vì một trong những yêu tố tích cực để ngôi nhà Hội Thánh được tồn tại cho đến tận thế, chính là nhờ sự nổ lực phục vụ khiêm tốn của những phần tử trong gia đình Giáo Hội. Bởi vì không biết phục vụ là không biết đến nhu cầu của tha nhân, không biết phục vụ là không biết sự hy sinh cao cả của Chúa Giê-su đối với nhân loại, và chính nhờ sự phục vụ tha nhân cách vô vị lợi ấy, mà nhân loại –qua mọi thời đại- nhận ra gương mặt hiền hòa, nhân ái của Chúa Giê-su nơi Giáo Hội Công Giáo của Ngài.

Bạn thân mến,

Ba nhóm vật liệu trên là để cho bạn và tôi xây dựng ngôi nhà của mình, không phải ở đời này, nhưng ở trên thiên đàng với Chúa Giê-su.

Khiêm tốn, yêu thương và phục vụ mà bạn và tôi thực hành ngày hôm nay, dù là việc nhỏ, thì cũng được các thiên thần chuyển lên trước tòa Thiên Chúa, để Ngài xây dựng cho chúng ta một ngôi nhà vĩnh hằng, hạnh phúc trên thiên đàng, đó chính là như người khôn ngoan đem nhà mình xây trên đá vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Khôn ngoan
Lm Vũđình Tường
09:10 30/05/2008
Khôn ngoan thế gian khác khôn ngoan sự sáng. Người ta học khôn bằng cách học hỏi kiến thức thu góp của người xưa truyền đạt lại, từ đó biến điều học trong sách vở, trong dân gian, cộng với quan sát, lí luận hợp lí, chọn lựa điều hay, loại điều dở rồi tổng hợp lại thành kiến thức riêng mình.

Không thể áp dụng nguyên tắc này để tìm kiếm khôn ngoan sự sáng. Kitô hữu cách nào đó cũng học hỏi dựa vào giáo huấn của các thánh tổ phụ, của các Kitô hữu đi trước, của Kinh Thánh và giáo huấn Giáo Hội. Phần quan trọng nhất là sự linh ứng, hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Thánh Thần Chúa đồng hành với ta qua mọi biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống. Nhìn vào các biến cố trong đời người ta nhận ra sự hiện diện của Đấng Tạo Hoá. Khi bệnh tật, chiến tranh loạn lạc, tai nạn xảy ra mấy ai dám tự hào nói nhờ tài riêng vượt thắng mọi tai nạn. Quá lắm chỉ biết dùng đến hai chữ ‘may mắn’. May mắn thoát nạn, qua khỏi, may mắn sống sót. May mắn là gì mà trực tiếp can thiệp vào sự sống còn của con người. Thành tâm tìm hiểu sớm muộn gì cũng nhận biết sống sót được qua các biến cố trùng điệp trong đời không phải là may mắn suông mà có Đấng nào đó giúp đỡ. Bàn tay âm thầm nâng đỡ khỏi tan nạn, khỏi chết trong nhiều trạng huống cuộc đời chính là Thiên Chúa.

Như thế khôn ngoan sự sáng không phải tự sức, tài năng mình kiếm được mà là tinh thần khiêm nhu cộng tác với linh ứng của Thánh Thần qua cuộc sống hàng ngày. Nói cách khác khôn ngoan sự sáng có được do khiêm nhường, cởi mở và chân thành yêu mến đón nhận ơn Chúa. Thiếu các điều kiện đó sẽ không nhận được khôn ngoan sự sáng. Ơn chúa ban vì yêu ta. Tình yêu chân chính đòi hi sinh.

Hi sinh bất kể thiệt thòi, lời lỗ. Nói đến lời lỗ là nói đến thương mại. Tình yêu không thể mua bán, đổi chác. Buôn bán, đổi chác thuộc phạm vi tình dục. Xã hội thường có tệ nạn buôn bán tình dục. Không nên lầm lẫn giữa tình dục và tình yêu.

Tình yêu chân chính vô giá, không thể trao đổi, buôn bán. Tình yêu chân chính đòi hi sinh, bất kể hơn thua. Nói đến hơn thua là nói đến đấu tranh, đã là đấu tranh mấy ai chịu phần thua thiệt. Chấp nhận thua là đầu hàng làm gì còn tranh đấu.

BA GIAI ĐOẠN

Không phải hễ biết Chúa là tin Chúa. Biết và tin Chúa là hai sự kiện khác nhau. Tin và yêu mến Chúa là hai trạng thái khác nhau của tâm hồn.

Nhiều người biết Chúa, không tin Chúa. Học cho biết để nhạo báng, với mục đích lí luận, cãi lí xem ai biết về Chúa nhiều hơn mong tìm phần thắng về mình. Học biết Chúa với mục đích khoe kiến thức hơn là học để tin. Nhiều người giảng dậy Chúa cho người khác nhưng chính họ không tin. Họ coi đó như là một nghề kiếm tiền. Có người lợi dụng tiền của đến với Chúa. Trái lại có người lợi dụng Danh Chúa làm tiền thiên hạ. Biết nhiều hơn không hẳn tin nhiều hơn. Trái lại tin mãnh liệt chưa chắc đã biết nhiều.

Biết đi chung với tin là điều tuyệt hảo vì biết nhiều dẫn tới yêu nhiều. Yêu nhiều nên ham học tìm hiểu biết thêm Đấng mình yêu.

KHUÔN VÀNG

Đức Kitô đưa ra hai khuôn mẫu giúp chúng để học hỏi, bắt chước. Thứ nhất ai thi hành thánh ý Chúa Cha người đó mới thực sự yêu mến Thiên Chúa. Không ai thi hành thánh ý Chúa Cha trọn vẹn hơn Đức Kitô.

Tôi từ trời mà xuống, không phải để làm theo ý Tôi, nhưng để làm ý Đấng đã sai tôi. Gn 6,38

Thứ hai kẻ khôn ngoan sống lời Chúa. Ngoài Đức Kitô ra không ai sống lời Chúa trọn vẹn hơn Ngài.

Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm thì người Con cũng làm như vậy Gn5,19.

Đức Kitô dùng hình ảnh căn nhà đặt nền tảng trên đá để nói lên sự liên kết với Cha Ngài.

Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.

Hình ảnh trái ngược là hình ảnh tin nửa vời nông cạn, thiếu chiều sâu vừa tin lời Chúa vừa đặt hy vọng vào thế gian.

Còn ai nghe những lời Thầy nói đây mà chẳng đem ra thực hành thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành’. Mat 7,25-27.

Khuôn mẫu chúng ta cần học, bắt chước, rập khuôn chính là Đức Kitô, Đấng luôn trung thành với ý Chúa Cha và là Đấng sống và thực hành lời Chúa. Kitô hữu được mời gọi sống theo phương thức, mô hình Đức Kitô đã sống để cùng hưởng vinh quang với Ngài.

TÌM BÀI CŨ:

SUY NIỆM: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

TRUYỆN NGẮN: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

HÌNH ẢNH: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Nguồn ơn cứu chuộc
LM. Nguyễn Ngọc Long
09:18 30/05/2008

Nguồn ơn cứu chuộc



Trong đời sống đức tin đạo Công giáo có ba lễ chính mừng kính mầu nhiệm ơn cứu chuộc của Chúa: lễ Chúa Giêsu Giáng sinh làm người, lễ Chúa Giêsu Sống lại và lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Ba ngày lễ trọng này là trung tâm của mầu nhiệm đức tin, mà từ hơn hai nghìn năm nay Giáo Hội Công giáo luôn mừng kính, để nhắc người tín hữu nhớ đến nguồn đức tin chân thật, cùng làm nền tảng cho những lễ mừng kính khác trong năm phụng vụ của Giáo Hội.

Ngoài ba lễ chính mừng kính trọng thể mầu nhiệm ơn cứu chuộc của Chúa, còn có những ngày lễ trọng khác mừng kính diễn tả sức sinh động của mầu nhiệm ơn cứu chuộc nữa. Đó là các ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, lễ Chúa Kytô là vua vũ trụ, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Lễ mừng Thánh tâm Chúa Giêsu

Ngày lễ kính Thánh tâm Chúa Giêsu được thiết lập trong lịch phụng vụ của Giáo Hội dưới thời đức Giáo hoàng Piô IX.năm 1856.

Lễ kính Thánh tâm Chúa Giêsu có nền tảng nguồn gốc từ con đường linh đạo lòng sùng kính Thánh tâm Chúa Giêsu thời Trung Cổ của các Thánh như Gioan Eudes, Heinrich Seuse, nhất là của Thánh nữ Magaretta Maria Alacoque bên Pháp (1689).

Những vị Thánh này đã suy ngắm, cảm nhận ra bằng con mắt đức tin hình ảnh trái tim Chúa Giêsu bị đâm xuyên qua cạnh sườn lúc Ngài bị treo trên Thánh giá, là dấu chỉ sự hy sinh dấn thân của Chúa Giêsu cho ơn cứu chuộc con người.

Lễ mừng kính này được Giáo Hội ấn định vào ngày thứ sáu thứ ba sau lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, hay một tuần sau lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Năm nay, lễ mừng vào ngày thứ sáu 30.05.2008.

Ý nghĩa đạo đức thần học

Theo tục lệ người Do Thái, được ghi chép trong sách Đệ Nhị Luật (21,22 …): người bị kết án tử hình không được treo xác qua đêm trên mặt đất, nhưng phải chôn xác họ ngay trong ngày hôm đó.

Ngày Chúa Giêsu Kitô bị kết án đóng đinh trên thập gía là ngày thứ sáu, chiều áp lễ ngày Sabát, một ngày lễ trọng của người Do Thái. Căn cứ theo luật lệ trong xã hội và đạo giáo thời đó, họ đến xem Chúa Giêsu đã chết chưa để còn cho hạ xác xuống. Dù thấy Chúa Giêsu đã chết, nhưng để kiểm soát cho chắc chắc, một anh lính lấy đòng giáo đâm vào cạnh sườn bên trái của Chúa Giêsu. Từ vết thương mở ra đó nước và máu trong trái tim chảy tuôn xuống, một dấu hiệu chắc chắn Chúa Giêsu đã qua đời rồi.

Dòng nước và máu chảy đổ xuống tuôn ra từ trái tim Chúa xưa nay đã là nguồn cảm nhận cho những suy niệm đạo đức. Ngày từ thời Giáo Hội sơ khai lúc ban đầu, người ta đã tin tưởng nhận ra trong những dấu chỉ này hình ảnh của Bí tích Rửa tội và Mình Máu Thánh Chúa, có nguồn gốc từ sự chết của Chúa Giêsu.

Thánh Gioan Tông đồ của Chúa, người đã cùng với Đức Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh gía Chúa lúc Chúa bị đóng đinh và tắt thở, cùng hạ xác Chúa xuống, và sau này cũng là người viết Phúc âm thuật lại cảnh tượng này, đã không chỉ thuật lại sự việc nhìn xem tận mắt như nhân chứng, nhưng Ông còn muốn dẫn người đọc tìm lần đến đức tin vào Chúa: Nước và máu từ trái tim Chúa Giêsu hy sinh chịu chết diễn tả hình ảnh dấu chỉ về ơn cứu chuộc.

Nước là hình ảnh dấu chỉ của Bí tích Rửa tội. Thánh Phaolô đã viết về điều này: „Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.“ ( Roma 6,3-4)

Trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu đã làm phép biến Tấm Bánh và chén rượu thành Mình và Máu Người làm lương thực cho đức tin người tín hữu Chúa: Người hiến mạng sống thân xác mình, cùng đổ máu ra cho con người.

Từ nơi trái tim dòng máu được gạn lọc bơm chuyền đi khắp cùng thân thể mang sức sống cho mọi cơ quan bắp thịt trong con người. Máu Chúa Giêsu tuôn chảy từ trái tim nói lên đầy đủ ý nghĩa Bí tích Thánh Thể là dòng sức sống cho đức tin tâm hồn con người.

*******************

Trên Thánh gía trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã kêu lớn tiếng: Mọi sự đã hoàn tất ( Ga 19,42).

Mọi sự đã hoàn tất trong Bí tích tình thương yêu. Từ trái tim Chúa Giêsu tuôn chảy dòng nước và máu nguồn sự sống ơn cứu chuộc tình yêu thương cho linh hồn con người.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
10:54 30/05/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (37)

361. Chúa Giêsu sống đức vâng lời một cách đặc biệt

Chúa Giêsu vâng lời trước khi xuống trần gian: “Của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội không còn đẹp lòng Cha nữa. Vì thế, con xin đến để làm theo thánh ý Cha.” Sau nầy, khi ra giảng đạo, Chúa Giêsu nói rõ điểm nầy: “Tôi từ trời xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.”

Khi còn sống trong gia đình, Chúa Giêsu hết dạ vâng lời Đức Mẹ và thánh Giuse như Phúc Âm thánh Luca ghi lại: “Đoạn cậu theo cha mẹ trở về Nadarét. Cậu vâng phục cha mẹ.”

Khi ra giảng đạo, Chúa Giêsu luôn nổi bật trong sự vâng lời Đức Chúa Cha. Ngài nói Ngài không bao giờ làm theo ý riêng của mình: “Tôi không bao giờ làm theo ý riêng của tôi, nhưng tôi làm theo ý Đấng đã sai tôi.” Sợ Thầy mệt, các môn đệ giục Chúa Giêsu ăn nhưng Ngài nói đã ăn rồi: “Lương thực Thầy dùng, là thi hành ý Đấng sai Thầy và làm xong công việc Ngài giao.”

Chúa Giêsu rất hãnh diện vì đã vâng lời Cha Ngài một cách hoàn toàn: “Lạy Cha, con đã tôn vinh Cha dưới thế, con đã hoàn thành công việc Cha dạy con phải làm.”

Chúa Giêsu quyết vâng lời cho đến tận cùng dẫu khi cảm thấy rất đau khổ và trong tình huống quá buồn tủi: “Giờ đây, linh hồn Thầy xao xuyến. Nhưng biết nói làm sao? Phải chăng là: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy. Nhưng chính giờ nầy mà con đã đến.” - “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cha cho con khỏi uống chén nầy, nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi.” Và Chúa Giêsu đã phải cầu nguyện như thế đến ba lần.

Thánh Phaolô đã nói về việc Chúa Giêsu vâng lời một cách lạ lùng, và vâng lời như vậy cho đến chết:

- “Ngài hạ mình xuống vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá.”

Và cũng chính thánh Phaolô làm nổi bật một cách đặc biệt đức vâng lời lạ lùng của Chúa Giêsu trong hồi Thương Khó và Tử Nạn:

- “Vào những ngày còn trong thân xác, Ngài đã dâng lên cho Đấng có thể cứu Ngài khỏi chết những lời cầu xin khẩn nguyện với lớn tiếng kêu van cùng nước mắt, và Ngài đã được nhậm lời thoát khỏi sợ hải. Dầu là Con của Thiên Chúa, Ngài đã phải đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục.”

362. Chúa Giêsu nhấn mạnh về sự vâng lời

Chúa Giêsu dạy chúng ta phải luôn luôn cầu mong cho được vâng theo thánh ý của Chúa Cha trên trời: “Các con hãy cầu nguyện như thế nầy: lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

Ai vâng lời Ngài, Chúa Giêsu nhận họ làm môn đệ của mình: ‘Nếu các con giữ lời Thầy, các con sẽ là môn đệ của Thầy; các con sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các con.”

Ai vâng lời Ngài, Chúa Giêsu nhận họ làm bạn hữu của mình: “Các con có giữ điều Thầy truyền dạy, các con mới là bạn hữu của Thầy.”

Ai vâng lời Ngài, Chúa Giêsu xem họ là bà con của mình: “Chúa Giêsu còn đang nói với đám đông thì có mẹ và anh em Ngài đến đứng ở ngoài, muốn nói chuyện với Ngài. Có người thưa với Chúa: “Mẹ Thầy và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn nói chuyện với Thầy.” Chúa trả lời cho người đó: “Ai là Mẹ Tôi, ai là anh em tôi?” Rồi đưa tay chỉ các môn đệ,Ngài nói tiếp: “Đây là Mẹ và anh em Tôi vì hễ ai làm theo ý Cha Tôi trên trời, kẻ đó là anh chị em, là mẹ Tôi.”

Ai vâng lời Chúa Giêsu, kẻ đó mới yêu mến Ngài và được Đức Chúa Trời Ba Ngôi đến ngự trong lòng họ: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽư yêu quý người đó. Và Chúng Ta sẽ đến ngự trong lòng nó.”

Ai vâng lời Chúa Giêsu thì được hạnh phúc lớn lao: “Khi Chúa Giêsu còn đang nói, một người đàn bà ở giữa dân chúng cất lớn tiếng: “Phúc thya dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú.” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Đúng hơn là phúc cho những ai nghe và giữu Lời Chúa.”

363. Chúa phạt nặng những ai bất tuân, không vâng lời

Chúa đuổi ông Ađam và bà Eva ra khỏi vườn Diệu Quang vì tội không vâng lời.

Vì tội không vâng lời, dân Hi Bá bị Chúa phạt đi lang thang trong Rừng Vắng bốn mươi năm thay vì bốn mươi ngày, và nhiều người trong số họ bị Chúa phạt không cho vào Đất Hứa.

Ngay cả Môsê, người được Chúa khen là thánh thiện nhất trong dân của Ngài, vì sơ ý lỗi đức vâng lời một chút, vẫn bị Chúa phạt một cách đau khổ: cho nhìn thấy Đất Hứa, chứ không cho vào Đất Hứa.

Còn vua Saul thì bị Chúa truất quyền làm vua, bị Chúa cho bại trận cũng vì tội không vâng lời.

364. Chúa thưởng bội hậu những ai vâng lời

Vì vâng lời, Abraham được Chúa thưởng cho dòng dõi trường tồn và đầy hạnh phúc.

Các tông đồ bủa lưới suốt đêm nhưng không bắt được con cá nào, nhưng vì vânmg lời Chúa mà bủa lưới lại khi mặt trời đã lên cao, nên chỉ trong nháy mắt, bắt được rất nhiều cá.

365. Linh muc Renan: bất phục, mục sư Newman: vâng phục

Linh mục Renan kiêu hãnh, bất tuân, tự ý lìa bỏ chủng viện Xuân Bích và lìa bỏ cả Giáo Hội nữa. Linh mục nầy ra đi trong sự ngạo ngược và bất phục.

Trong lúc đó, mục sự Newman, danh tiếng nhất của Anh giáo lúc bấy giờ, lại xin trở về với Giáo Hội trong vâng phục. Vì vâng phục, Newman phải vào lại ngồi ghế chủng sinh ở trường Truyền Giáo Rôma để được tẩy não lại vì bị nghi ngờ đang còn lạc đạo, trong lúc những tác phẩm thần học của Newman đã hết sức danh tiếng khắp Âu châu và Mỹ châu.

Vào học lại tại trường Truyền Giáo Rôma, Newman đã dẹp bỏ lòng tự ái một bên, chỉ xin bề trên đặc ân cho mình một phòng nhỏ gần Nhà Nguyện để ngày đêm suy niệm về mầu Nhiệm Thánh Thể.

Newman thổ lộ:

- “Số phận tôi, là bị người ta không hiểu. Nhờ đó, tôi được dịp nhìn vào tôi hơn, nhìn vào tận thâm cung của hồn tôi, và như thế, tôi được kết hiệp thân thiết với Chúa hơn. Lúc ấy, tôi mới hiểu rằng chỉ có Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn an ủi độc nhất của tôi.”

366. Đây là viện trưởng của một đại hoc!

Tôi còn nhớ một thanh niên, lúc đó, gặp tôi ngoài đường và dừng lại thảo luận với tôi một vài vấn đề. Bỗng anh ta xin lỗi tôi rồi chạy ra giữa đường và chào đón một người đang đẩy xe ba gác. Anh vòng tay cung kính nói chuyện với người đó, không quan tâm gì đến những khách qua đường.

Khi về lại với tôi, anh nầy nói: “Đó là cha của em.”

Người thanh niên nầy, hiện nay, là viện trưởng của một đại học. Vị viện trưưỏng nầy thường nói về nguồn gốc tầm thường của mình. Và ông luôn luôn hãnh diện về nguồn gốc đó. (theo lời kể của một linh mục)

367. Đừng bao giờ bỏ cuộc!

Năm 1931, có một nhà thầu khoán vừa mới ra trường nhưng lại gặp nạn kinh tế khủng hoảng, nên đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối.

Đứng trước sự bạc bẽo nầy, ông tự nhủ: “Mình xin công việc không được thì mình tự tạo ra công việc mà làm.” Ông liền đi vay 500 mỹ kim và đứng ra tự mình lãnh thầu cất nhà.

Không ai chịu giao công việc cất nhà cho một người chưa có tiếng tăm gì như ông. Nhưng ông vẫn đeo đuổi quyết định của mình như con đĩa đói. Cuối cùng, ông cũng được giao một vài công việc.

Trong việc giao kèo xây cất đầu tiên của mình, ông bị lỗ 200 mỹ kim. Ông quyết gỡ lại trong những giao kèo sau vì ông quyết không bỏ cuộc.

Giai đoạn khó khăn nào rồi cũng qua. Và dần dần, ông đi từ thành công nầy đến thành công khác.

Đó chính là một nhà thầu khoán giàu có tại Honolulu: ông Paul N.Morihara, người đã chủ trương: quyết không bao giờ bỏ cuộc, quyết không bao giờ bỏ công việc mình đã quyết định và lựa chọn.

368. “Nếu vua trên trời không thể tin cậy ông, thì vua dưới đất còn có lý hơn để nghi ngờ ông.”

Hoàng đế Constance Chlore, thân phụ của Constantin Đại Đế sau nầy, muốn thử thách các sĩ quan công giáo. Ông ra lệnh cho họ phải đến dự cuộc lễ tế thần, nếu không, họ sẽ bị bãi chức.

Chỉ có một sĩ quan công giáo đến tham dự lễ tế thần, hy vọng rằng sẽ được hoàng đế ban đặc ân.

Không ngờ hoàng đế chỉ tay vào mặt ông nầy và nói: “Nếu vua trên trời không thể tin cậy ông, thì vua dưới đất còn có lý hơn để nghi ngờ ông.”

Sau đó, viên sĩ quan nầy bị hoàng đế bãi chức.

369. “Tôn giáo làm chúng ta bực bội.”

Thời Công xã Paris, cuối thế kỷ thứ mười chín, linh mục Miquel bị quân nghịch đạo bắt.

Linh mục Miquel hỏi:

- “Tôi có tội gì mà bị bắt?”

Quân nghịc đạo hầm hừ trả lời:

- “Tội gì à? Điều đó không quan trọng. Chúng ta muốn bài trừ tôn giáo. Đã 1800 năm nay, tôn giáo làm chúng ta bực bội.”

370. “Sau cùng, nó đã đẩy tôi xuống hố truỵ lạc.”

Trong ngày khai mạc tuần tĩnh tâm kia, chúng tôi có yêu cầu một vị tông đồ kiểm điểm lương tâm và tìm hiểu lý do tình trạng bi đát của ngài.

Sau đó, ngài đã nhận xét rất đúng và cho chúng tôi biết cảm tưởng riêng, mà khi vừa mới nghe, coi như không thể tin được.

Ngài nói:

- “Chính lòng nhiệt thành đã làm cho tôi hư đi như thế nầy. Tôi có tính tự nhiên thích hoạt động và sung sướng mỗi khi được thương giúp kẻ khác. Thêm vào đó, ma quỷ còn giúp cho những hoạt động của tôi có vẻ thành công rực rỡ trong vòng nhiều năm qua để đánh bẫy tôi và kích thích trong tôi sự say mê hoạt động, đến nỗi làm cho tôi đâm ra chán ngán đời nội tâm, sau cùng, nó đã đẩy tôi xuống hố truỵ lạc.” (x. Hồn Tông Đồ).
 
Đỉnh cao của tình yêu thương
LM Inhaxiô Trần Ngà
10:56 30/05/2008
LỄ THÁNH TÂM

Đỉnh cao của tình yêu thương

Một người mẹ bị chứng đau tim nặng và bác sĩ khuyến cáo rằng nếu bà không được giải phẩu thay tim ngay thì ngày sống còn lại của bà chỉ được đếm trên mấy đầu ngón tay. Thế rồi người ta đề nghị một trong các con của bà hiến tim cho mẹ để cứu lấy sinh mạng của bà.

Khi người anh cả được mời gọi hiến tim cho mẹ, thì dù rất thương mẹ, anh ta cũng lắc đầu từ chối với lý do: anh là con trai trưởng, là rường cột của gia đình, anh cần sống để chăm sóc đàn em, để trông coi nhà từ đường, để nối dõi tông đường, vân vân. Anh đề nghị đứa em gái nên hiến tim cho mẹ thì hợp lý hơn, vì theo anh nghĩ: tim người phụ nữ có lẽ thích hợp cho người phụ nữ hơn!

Đứa em gái nghe vậy giẫy nẩy lên và quyết liệt từ chối với lý do cô là con gái duy nhất trong nhà và gia đình nào cũng cần có bàn tay người phụ nữ trông nom sắp xếp mới gọn gàng trật tự. Thiếu cô thì lấy ai đi chợ nấu ăn; thiếu cô thì lấy ai quét dọn nhà cửa, giặt giũ áo quần cũng như đảm đang nhiều việc nội trợ rất quan trọng khác… Vậy cô cần phải sống. Có lẽ đứa em trai út vốn hay lêu lỏng chơi bời, là người vô tích sự, chịu hiến tim chết thay cho mẹ thì phải lẽ hơn…

Đến lượt mình, đứa em nầy cũng viện lý do là nó mới chỉ mười sáu tuổi tròn, chưa hưởng đời được bao nhiêu, lẽ nào lại từ giã cuộc đời quá sớm! Anh Hai hoặc Chị Ba đã hưởng được nhiều vui thú trên đời hơn nó cả chục năm rồi, nếu có phải giã từ đời nầy trước đứa em út, thì cũng không có gì để ân hận… Thôi, Anh Hai hoặc Chị Ba vui lòng hiến tim cho mẹ thì phải lẽ hơn.

Thế là, dù yêu thương mẹ vô vàn, nhưng không người con nào yêu đến nỗi dám hiến tặng trái tim cho người mẹ yêu quý của mình.

Thế nhưng có một Đấng vô cùng cao cả và đầy quyền năng, không những đã hiến ban Trái Tim mà còn toàn cả thân xác và mạng sống của Người để cứu độ chúng ta. Đó là Ngôi Hai Thiên Chúa. Người đã hạ mình xuống thế, mang lấy tội lỗi chúng ta và chết thay cho chúng ta.

“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (I Phêrô 2, 24)

Trước mặt Thiên Chúa toàn năng tốt lành cao cả thì loài người chúng ta chỉ là sâu bọ, chỉ là cỏ rác, cát bụi thấp hèn, thế mà Chúa Giê-su, là Chúa Tể càn khôn, là Vua của muôn vua, là Đấng quyền năng và vô cùng cao cả đã vui lòng hiến ban thân xác và mạng sống cho loài người thấp hèn tội lỗi chúng ta.

Thật là điều nhiệm mầu của tình yêu mà trí khôn loài người không hiểu thấu được.

Trên thập giá, Chúa Giê-su trao ban cho chúng ta không những Trái Tim bị đâm thủng mà còn cả sinh mạng của Người với trọn vẹn tình yêu và lòng tha thứ vô biên.

Từ đó, Thập giá Chúa Giê-su trở thành biểu tượng cao nhất của tình yêu.

Nơi đây vang lên sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Gioan 3, 16)

Nơi đây cũng vọng lên sứ điệp yêu thương của Chúa Con: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến mạng cho bạn hữu mình.” (Gioan 15, 13)

Yêu thương đến nỗi hiến thân chịu chết cho người khác quả là một tình yêu hết sức cao vời và đó là tột đỉnh của tình yêu.

Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng ta không tôn thờ hình ảnh trái tim rỉ máu của Chúa Giê-su nhưng tôn thờ Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa mà Thánh Tâm là biểu tượng.

Xin Thánh Tâm Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học yêu thương cơ bản: yêu thương không phải là chiếm đoạt nhưng là trao ban.

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một mình.” (Gioan 3, 16)

“Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến mạng cho người mình yêu.” (Gioan 15, 13)
 
Nên sống theo ý mình hay theo ý Chúa
LM Inhaxiô Trần Ngà
10:59 30/05/2008
Chúa Nhật 9 thường niên.

Nên sống theo ý mình hay theo ý Chúa (Matthêu 7, 21-27)

1. Mọi sự đều tuân theo qui luật

Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ càn khôn và Người truyền cho mọi vật phải tuân theo qui luật mà Người đã định sẵn. Nhờ đó, vạn vật được vận chuyển trong trật tự hài hoà và sự sống mới được duy trì.

Trái đất phải quay quanh mặt trời theo đúng quỹ đạo đã được qui định cho nó và cứ 365 ngày và 6 giờ thì giáp một vòng và nó đã tuân theo như thế luôn mãi không hề sai chậy một giây.

Mặt trăng phải quay quanh trái đất theo một quỹ đạo nhất định với một vận tốc không đổi và cứ 29 ngày rưỡi thì giáp một vòng và cứ thế không nhanh, chậm một giây phút nào suốt niên đại nầy sang niên đại khác.

Tất cả các ngôi sao trên trời đều di chuyển theo đúng quỹ đạo, theo đúng vận tốc đã quy định cho chúng không bao giờ sai lệch.

Chính vì các hành tinh luôn luôn vận hành theo đúng quy luật một cách tuyệt đối, nên các nhà thiên văn mới có thể xác định cách chính xác về thời gian và địa điểm các hiện tượng nhật thực hoặc nguyệt thực sẽ xảy ra trong tương lai hàng trăm năm tới.

Nói chung, mọi sự trên đời (ngoại trừ con người vì con người có tự do) đều răm rắp tuân theo các qui luật mà Thiên Chúa đã qui định cho chúng.

Nước gặp nhiệt độ cao thì phải bốc hơi, gặp lạnh thì phải đông lại; kim loại bị nung nóng thì giãn nở ra theo trị số nhất định; cây nào sinh trái đó, loài ong phải lo xây tổ, hút mật; loài kiến phải cặm cụi tha mồi; loài cá phải sống trong nước v.v...

Ngay cả ngôn ngữ của loài người cũng bị chi phối bởi qui luật, đó là ngữ pháp. Nói hay viết không theo quy luật ( tức không đúng ngữ pháp) thì sẽ gặp rối loạn trong giao tiếp. Âm nhạc cũng phải được sáng tác theo qui luật của nó, đó là nhạc lý.

2. Thuận theo quy luật thì sống, đi trái quy luật thì tiêu vong.

Nếu trái đất đi trệch ra ngoài quỹ đạo của mình, hoặc vận hành nhanh hay chậm hơn vận tốc mà Đấng Tạo Hoá đã quy định, thì lúc ấy là ngày tận thế.

Nếu các ngôi sao khác trên vòm trời “từ chối” đi theo con đường Thiên Chúa đã vạch thì đại hoạ sẽ đến với vũ trụ nầy.

Nếu máy bay, tàu biển, xe cộ không vận hành đúng quy luật hàng không, quy luật hàng hải hay quy luật giao thông đường bộ thì các phương tiện nầy sẽ ngốn nhiều nhân mạng hơn tất cả mọi cuộc chiến trên thế gian.

Thỉnh thoảng báo chí đưa tin một vài chiếc tàu lửa đi trật đường rầy nên đã gây hậu quả vô cùng thảm khốc.

Tàu lửa đi trật đường rầy gây hậu quả đau thương thế nào thì mỗi người nói riêng và loài người nói chung đi “trật đường rầy” cũng phải gánh lấy hậu quả tai hại không kém.

Chính vì thế nên Chúa Giê-su dạy: “những ai chẳng thực hành lời Thiên Chúa, được ví như người dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”

3. Đâu là ‘quỹ đạo’ của con người?

Muôn vì trăng sao, tinh tú phải đi đúng quỹ đạo của mình thì mới khỏi gây ra va chạm, đổ vỡ và diệt vong. Loài người cũng phải đi đúng ‘quỹ đạo’ của mình mới mong được sống còn và thăng tiến.

Vậy đâu là con đường mà con người phải theo để đạt tới cùng đích đời mình?

Đó là thực hành lời Chúa, tuân giữ các giới răn.

Khi có người đến gặp và hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu đáp: “Ngươi hãy giữ các giới răn” và cũng có nghĩa là thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su mạnh mẽ khẳng định rằng: chỉ có những ai đi theo con đường Thiên Chúa đã vạch, tức thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha, thì mới được cứu rỗi, mới được vào Nước Trời mà thôi: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa, lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.”

Một khi đã “đi trật đường rầy”, tức không thi hành ý Chúa, thì dù có tạo được kỳ công như nói tiên tri, xua trừ ma quỷ hay làm phép lạ cũng chỉ là không:

“Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà xua trừ ma quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều ác!”

Tuân giữ các giới răn bao gồm trong luật yêu thương là ‘quỹ đạo’ của con người, là con đường đưa chúng ta tới cùng đích của cuộc đời chúng ta.

Nếu chúng ta đi “trật đường rầy”, “ đi sai quỹ đạo”, nghĩa là làm trái điều răn của Chúa, chúng ta sẽ lãnh lấy hậu quả đau thương.
 
Nhà xây trên đá
Tuyết Mai
19:41 30/05/2008
Nhà xây trên đá

"Có ai giầu ba họ? Có ai khó ba đời?" Đây là câu thường nghe nói của dân gian để con người tìm thấy được sự an ủi và là niềm hy vọng trong cuộc sống quá thiếu thốn, quá cực khổ, không đủ ăn đủ mặc. Chứ chẳng ai dám mà nhìn lên hay so sánh với những con nhà trọc phú có nhà cao đến tận mấy tầng lầu. Đôi khi ta cứ suy nghĩ mãi mà chẳng tìm ra câu trả lời nào để thỏa mãn lòng hiếu kỳ của mình? Rằng tại sao ông Trời lại chẳng có công bình chút nào? Người thì hằng ngày không có đủ miếng ăn bỏ bụng? Còn người thì giầu có nứt vách đổ tường, sống phí phạm biết là bao nhiêu, tiền rừng bạc bể, và ác độc không thể nào mà có thể dung tha được. Thế mà ông Trời cứ để cho họ sống. Sống một cách ung dung.

Sống một cách thật thoải mái, chễm chệ, tự cao tự đại, và rất tự đắc. Sống một cách rất nghiễm nhiên như họ có thể sống được mãi đến muôn đời?

Có một điều tôi dám chắc với các bạn rằng cuộc đời của những trọc phú này không được thoải mái và hạnh phúc như chúng ta nhầm tưởng vì nhìn thấy bề ngoài của họ. Nhìn vậy là lầm chết đấy! Những con người càng giầu xụ này tâm của họ không bao giờ được nghỉ yên và không bao giờ giấc ngủ của họ được an giấc, vì họ biết họ có rất nhiều kẻ thù và thù ghét họ như có thể ăn tươi nuốt sống họ được! Thực tế là hằng ngày họ có được tẩm bổ với cao lương mỹ vỵ và có rất nhiều kẻ hầu người hạ đấy chứ, nhưng tâm của họ luôn bất an, vì họ có rất nhiều mối lo toan trong cuộc sống hằng ngày mà họ phải luôn tìm cách ứng phó và đối phó? Vì sao? Vì họ không tin tưởng một ai ngay cả người vợ hay chồng và con cái của mình. Vì họ có lòng tham lam và hay nghi ngờ nên đối xử với người làm công của mình rất là dã man, còn thua một con thú nuôi trong nhà của họ. Vì họ không có trái tim nên dưới mắt của họ tất cả chỉ là công cụ cho họ hưởng dùng.

Vì đời dậy cho họ biết rằng đâu có gì là chắc chắn đâu!? Vợ đẹp con khôn hôm nay còn là của mình chứ đâu có chắc ngày mai còn ở với mình và còn là của mình nữa đâu! Những người làm việc dưới tay mình cũng vậy hôm nay còn bẩm ông bẩm bà chứ ngày mai tìm cách giết mình như chơi. Hôm nay còn người này người kia tìm đến tấp nập để vay tiền, đầu thì cúi sát rất ư là kính cẩn, dù với số tiền lời cao cắt cổ nên biết trong lòng của những con nợ này có ưa gì mình đâu!? Nhưng nói cho cùng thì cuộc sống của những con người được sống sung sướng trong nhung lụa này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mình phải không các bạn? Có điều nhân bài Phúc Âm của tuần này Chúa nói đến việc người khôn ngoan xây nhà trên đá còn người khờ dại xây nhà mình trên cát, nên tôi cũng muốn đem họ ra để làm bài học cho thấy một trong những người khờ dại xây nhà trên cát là thành phần nào trong xã hội hôm nay hay đã thường thấy từ xưa đến giờ?

Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta hằng ngày dùng đủ, luôn được Thiên Chúa yêu thương, và che chở cho chúng ta ngày đêm. Cảm tạ Thiên Chúa cho chúng ta sống hạnh phúc với anh chị em tuy có khá nhiều khác biệt nhưng vẫn cố gắng nhường nhịn nhau. Đâu có khó khăn chi đâu phải không các bạn? Vì trong gia đình anh chị em ruột thịt còn có những sự khác biệt nhưng vì yêu thương và muốn trong gia đình được thuận hoà và êm thắm nên tất cả phải xí xóa và làm lành để cho cha mẹ được vui lòng và cho tâm của ta được bình an. Muốn được an bình thì trước tiên chính ta phải sống sao cho dĩ hòa vi quý với người chung quanh. Không nên để bụng, chín bỏ làm mười, phải tha thứ cho nhau bẩy mươi bẩy lần bẩy, thương nhau củ ấu cũng tròn, và còn nhiều nhiều nữa phải không các bạn!? Ăn thua mình muốn chọn cuộc sống của mình mỗi ngày ra sao mà thôi!

Cảm tạ Thiên Chúa ban cho chúng ta sự tự do trong tất cả mọi sự việc. Sáng sớm từ khi chúng ta mở con mắt thức dậy, ta có quyền chọn cho mình một ngày mới sống như thế nào? Tôi muốn chọn nguyên suốt cả ngày hôm nay không thèm chào hỏi ai, không cười nói với ai, không muốn ai đụng chạm gì đến mình, và trốn lánh hết thảy mọi người để tìm một nơi thinh lặng để được hưởng nếm cái buồn mênh mông của mình thì chúng ta được tự do để chọn và để làm. Cảm tạ Chúa. Còn chúng ta muốn chọn một ngày mới tràn đầy nhựa sống, sống cho Chúa, cho mình, cho người, cho đời, cho thiên nhiên, và cho tất cả với những gì đem lợi ích cho ta và cho người được hạnh phúc, giả như Chúa có gọi ta ra khỏi đời này, ngay ngày hôm nay, thì chẳng có gì cho ta hối tiếc hay nuối tiếc là phải như …. Chúa cho con sống lại hay sống thêm dù chỉ một ngày. ...

Cảm tạ Thiên Chúa cho chúng ta được nhận biết muốn được xây nhà trên đá cũng không khó lắm đâu! Miễn sao chúng ta sống hằng ngày dù làm một việc thật nhỏ mọn nhưng biết hướng và dâng tấm lòng nhỏ bé của chúng ta lên cho Chúa. Sống có trách nhiệm và bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, gia đình, và tha nhân, thì việc gì ta làm cũng được Chúa ban thêm ơn và sức mạnh để vượt lướt qua mọi khó khăn trong cuộc sống hằng ngày ta gặp phải. Có phải cuộc sống hằng ngày có gian nan, có chật vật, có khó khăn, có thiếu thốn, ta mới biết để mà thông cảm với những anh chị em bất hạnh hơn mình. Biết chia sẻ và cảm thông những nỗi thiếu thốn, khốn khổ, đau thương, và cùng cực của họ như ông Simon xưa đã được chia sẻ cùng cùng với Chúa Giêsu là vác Thánh Giá cho Chúa một quãng đường ngắn lên núi Sọ năm nào!? Để nhận biết rằng chính Chúa Giêsu là con một Thiên Chúa còn không thoát qua được những đau khổ khi làm thân phận con người vì Ngài quá yêu thương nhân loại. Vậy chúng ta cũng hãy bắt chước Chúa Giêsu sống hy sinh, can đảm, chịu nhục nhã, sỉ vả, bị lột trần, bị chống báng, bị những bất công, bị xiềng xích, vì Danh Chúa, và vì không thể nào nhắm mắt làm ngơ vì cảnh nghèo khổ của anh chị em, thì đó có phải là căn nhà được xây vững chắc trên đá mà ý của Chúa muốn ta hiểu mà làm theo Ngài hay không?

Cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những nén bạc để làm vốn mà sống trong cuộc đời trần thế ngày lại ngày này! Tuỳ theo khả năng của mỗi người mà Chúa ban tặng cho. Người thì được 10 nén bạc, người thì 5 nén, người thì 2 nén, người thì chỉ có một nén. Dù Chúa ban cho chúng ta bao nhiêu nén bạc đi chăng nữa, điều cần thiết nhất là xin cho chúng ta không có lòng ghen tỵ và ghen ghét với những người Chúa trao cho nhiều nén bạc hơn mình. Bởi Chúa càng trao cho ai nhiều nén bạc thì mai mốt Chúa lại càng đòi nhiều, vừa cả vốn lẫn lời, và người được trao cho nhiều nén, càng phải khổ sở và sợ lắm vì làm sao cho đủ số lãi gấp đôi mà trả lời cho Chúa sau này. Còn người Chúa ban cho 1 nén tùy theo khả năng và tài năng của họ có mà Chúa ban cho. Xin cho chúng con đừng vì sự ghen tỵ mà than trách với Chúa là tại sao Chúa lại nhỏ nhoi và bủn xỉn đã không ban cho chúng con thêm hay bằng với những người có nhiều nén bạc, nên ta bèn đem chôn nén bạc mà không làm gì để sinh hoa lợi và nên hữu ích với nén bạc mà Chúa trao ban.

Lậy Chúa! Hy vọng mọi người trong chúng con hiểu được rằng giầu hay nghèo dưới mắt của Chúa không quan trọng, bởi đó là vốn mà Chúa trao ban cho chúng con sống trên trần gian này. Nhưng xin Chúa luôn nhắc nhở chúng con là biết làm lời cho Chúa qua những bài học sống ở đời mà Chúa dậy chúng con bằng những bài dụ ngôn trong Phúc Âm của Chúa. Chúng con sẽ cố gắng càng làm lời cho Chúa bao nhiêu thì căn nhà tâm linh của chúng con càng được vững chắc như Lời Chúa phán: " Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn ".

Cuộc đời ba chìm bẩy nổi chín cái lênh đênh là chuyện trong đời người ai ai cũng gặp phải. Nguyện xin Chúa ban cho chúng con sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Không mong chi giầu có của cải vật chất tích lũy cho đầy vào kho và vào lẫm, chỉ để cho rỉ sét và mối mọt gặm nhấm. Mà chỉ mong sao Chúa ban cho chúng con có thật nhiều và dồi dào của cải trên Nước Thiên Đàng để chúng con được dự phần vào Bàn Tiệc của Nước Trời cùng với Thiên Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần mãi mãi muôn đời chẳng cùng. Amen.
 
Vợ chồng Công giáo người Pháp sống đạo giữa đời
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
19:44 30/05/2008
VỢ CHỒNG CÔNG GIÁO PHÁP SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI

... Hồi ấy chúng tôi mới lấy nhau. Chúng tôi cùng nhau tự hỏi làm sao để sống đạo giữa đời? Rất may, chúng tôi gặp được những vị Linh Mục có sức lôi cuốn giới trẻ. Các ngài là những Linh Mục rất thực tế, vừa hăng say hoạt động tông đồ vừa chu toàn chức vụ thánh một cách nghiêm chỉnh. Gương sống của các ngài đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của chúng tôi. Chúng tôi mong mỏi gặp một Đức Tin - không phải bình yên an nhàn - nhưng là một Đức Tin có sức mạnh gây thắc mắc, đặt câu hỏi!

Khi bắt đầu có con cái, chúng tôi quyết định dời nhà ra sống nơi ngoại ô thủ đô Paris, ở những khu vực có nhiều vấn đề của những gia đình nghèo hoặc di dân. Chúng tôi muốn tìm hiểu cảnh sống của các gia đình này, cũng như muốn cho con cái chúng tôi lớn lên giữa những người kém may mắn hơn chúng. Chúng tôi muốn giáo dục cho con cái biết thế nào là yêu thương và khoan nhượng.

Bà Sylvie nói:

- Tôi đi làm nửa ngày. Thời giờ còn lại tôi dành cho gia đình và cho những công tác thiện nguyện trong một hiệp hội giáo dân. Chúng tôi chia nhau đi thăm viếng các bệnh nhân nơi nhà thương. Tôi thích phiêu lưu mạo hiểm và tạo mối liên hệ thân tình với người không quen biết.

Ông Bruno tiếp lời vợ:

- Tôi thường tự vấn lương tâm: ”Anh là nhân viên điện toán, thử hỏi anh có sống gần gũi người nghèo không?” Cả hai vợ chồng chúng tôi đều là thành viên của Hội Truyền Giáo Pháp. Chính Hội này giúp chúng tôi hiểu rằng: ”Nếu muốn thay đổi não trạng trong phạm vi xã hội thì phải thay đổi từ trong các xí nghiệp”. Do đó, tôi tham dự vào việc thành lập một nghiệp đoàn. Chưa hết, tôi ghi danh theo học một năm huấn luyện về kinh tế tại đại học. Nhờ thế, tôi có thể góp phần vào việc khai sinh một tổ hợp thương mại chuyên việc thu góp đồ phế thải gồm quần áo cũ và các vật dụng cũ bằng kim khí. Tổ hợp hoạt động tốt đẹp và trưng dụng các người trẻ thất nghiệp trong các khu ngoại ô nghèo của thủ đô Paris.

Tuy nhiên, tôi không hài lòng với công việc này. Tôi muốn đi xa hơn trong việc tạo cơ may cho người kém may mắn, kẻ sống ngoài lề xã hội. Tôi muốn cho những người ấy có công ăn việc làm thực thụ - theo đúng nghĩa - chứ không phải những việc làm lặt vặt cỏn con, kiếm sống qua ngày! Một nền kinh tế thông thường, cần phải tạo công ăn việc cho người dân, đúng theo nhu cầu và nhân phẩm của họ.

Chúng tôi - giáo dân sống giữa đời - rất thích hình ảnh chiếc cầu: nối liền giữa kinh tế và xã hội, giữa các thành phần xã hội với nhau cũng như giữa Giáo Hội Công Giáo với những khu ngoại ô, những vùng lao động nghèo nàn. Khi người di dân không có giấy tờ hợp lệ, tranh đấu xin chính phủ Pháp cấp giấy thường trú, chúng tôi ủng hộ và nâng đỡ đòi hỏi của họ.

Trong nhiều năm trời, chúng tôi từng phụ trách Văn Phòng Tuyên Úy Công Giáo của các trường trung học. Tôi cũng tham gia việc chuẩn bị cho các em học giáo lý, lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Tuy nhiên, công tác gây nhiều hứng thú và kích thích nhiệt tâm tông đồ của chúng tôi nhất, chính là cổ võ sự gặp gỡ giữa người với người và sự giao thoa giữa các tư tưởng.

Chứng từ của bà Sylvie và ông Bruno Chaveron, tín hữu Công Giáo Pháp có 4 đứa con.

... Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi THIÊN CHÚA mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: ”Đây là nhà tạm THIÊN CHÚA ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là THIÊN CHÚA ở cùng họ. THIÊN CHÚA sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Khải Huyền 21,1-4).

(”Annales d'Issoudun”, Octobre/1999, trang 8-9)
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:51 30/05/2008
N2T


4. Bình thường phạm tội thì Thiên Chúa sẽ phạt họ trong khi suy niệm, để họ nghèo nàn khi suy niệm, nếu cam tâm vì Chúa mà chịu khổ, thì Thiên Chúa sẽ an ủi khi họ suy niệm, để ý vị suy niệm của họ thêm sâu sắc.

(Thánh Nilus the Elder)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bộ Giáo Lý đức tin phạt vạ tuyệt thông phụ nữ chịu thánh chức
LM Trần Đức Anh, OP
19:47 30/05/2008
VATICAN. Bộ giáo lý đức tin phạt vạ tuyệt thông tức khắc phụ nữ nào chịu chức thánh và cả người truyền chức cho phụ nữ. Chỉ Tòa Thánh mới có quyền giải những vạ này.

Sắc luật công bố trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, số đề ngày 30-5-2008, khẳng định rằng:

”Bộ giáo lý đức tin, để bảo vệ bản chất và giá trị của bí tích truyền chức thánh, do năng quyền đặc biệt được quyền bính tối cao của Giáo Hội ban (cf GL 30), trong khóa họp thường lễ ngày 19-12-2007, truyền rằng:

”Giữ nguyên qui định của khoản giáo luật số 1378, người truyền chức thánh cho một phụ nữ cũng như phụ nữ chịu chức thánh, đều bị vạ tuyệt không tức khắc, chỉ Tòa Thánh mới có quyền giải.”

Bộ cho biết Qui luật trên đây cũng được áp dụng cho những người thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương. Sắc luật này có hiệu lực tức khắc từ lúc được đăng trên báo Quan sát viên Roma.

Sắc luật mang chữ ký của ĐHY Tổng trưởng William Levada và vị Tổng thư ký là Đức TGM Angelo Amato SDB.

Từ vài năm nay, có những nhóm phụ nữ được truyền chức Linh mục. Họ tổ chức truyền chức trên một con tàu: Bắt đầu ở sông Danuble ngoài khơi tại thành phố Linz bên Áo, rồi tới sông Laurent bên Canada, sau đó tại một số nơi khác. Thoạt đầu nhóm này mời một Giám mục Công Giáo cũ đã ly khai với Giáo Hội Công Giáo để truyền chức. Sau đó đến lượt các nữ Linh mục ấy được chịu chức Giám mục rồi truyền chức Linh mục cho các phụ nữ khác.

Giáo quyền địa phương thường lên tiếng phủ nhận giá trị của các vụ truyền chức này và tuyên phạt vạ tuyệt thông cho những người can dự. Nay Bộ giáo lý đức tin ban hành luật phạt vạ tuyệt thông tức khắc dành quyền giải cho Tòa Thánh. Đây là hình phạt nặng nhất trong Giáo Hội Công Giáo. (SD 30-5-2008)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Miến Điện (Myanmar)
LM Trần Đức Anh, OP
19:49 30/05/2008
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 ca ngợi các hoạt động cứu trợ của Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar đồng thời cầu mong có sự cởi mở của mọi người để công trình cứu trợ và tái thiết đất nước này được tiến hành dễ dàng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 30-5-2008, dành cho các GM thuộc 14 giáo phận tại Myanmar nhân dịp các vị về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói: ”Giáo Hội tại Myanmar được biết đến và ngưỡng mộ vì tình liên đới với những người nghèo túng. Điều này đặc biệt hiển nhiên qua mối quan tâm của anh em đối với các nạn nhân cuồng phong Nargis... Tôi hy vọng rằng sau thỏa hiệp mới đây về việc cứu trợ của cộng đồng quốc tế, tất cả những ai sẵn sàng trợ giúp sẽ có thể thực hiện các công trình ấy và được thực sự lui tới những nơi cần nhất. Xin Chúa mở lòng mọi người để cùng nhau cố gắng phối hợp sự hăng sau cứu trợ những người đau khổ và tái thiết hạ tầng cơ sở cho đất nước Myanmar”.

Đề cập đến tình trạng Giáo Hội tại Myanmar, ĐTC cảm tạ Chúa vì ơn gọi tu sĩ và LM gia tăng tại đây. Ngài khích lệ các GM tiếp tục đẩy mạnh việc huấn luyện cho các ứng sinh tu sĩ và chủng sinh, cũng như các giáo dân dấn thân truyền giáo. ĐTC nói: ”Tôi khuyến khích anh em hãy nhắc nhở cho những người thuộc quyền liên tục tìm kiếm sự nuôi dưỡng của Thánh Thể nhờ tham gia phụng vụ và chiêm niệm trong thinh lặng. Các chương trình truyền giáo và huấn giáo cũng đòi phải có kế hoạch rõ ràng và có tổ chức hầu đạt được mục tiêu mong muốn là giảng dạy chân lý Kitô và thu hút con người vào tình yêu của Chúa”.

Sau cùng, ĐTC không quên khuyến khích Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar đối thoại với Phật giáo.

Myanmar rộng gấp đôi Việt Nam, với 678 ngàn cây số vuông, với dân số được ước lượng vào khoảng gần 50 triệu dân, trong đó gần 90% theo Phật giáo nguyên thủy Theravada. Phần dân còn lại theo Hồi giáo, Ấn giáo, đạo thờ vật linh và Kitô giáo. Riêng các tín hữu Công Giáo có 635 ngàn người, tương đương với 1,3% dân số toàn quốc. Tin Lành Baptiste chiếm 3% dân số Myanmar.

Công giáo tại Myanmar có 3 tổng giáo phận và 11 giáo phận với 365 linh mục và hơn một ngàn tu sĩ nam nữ. (SD 30-5-2008)
 
Thuật diệt trừ Ma Quỷ tái xuất hiện ở Châu Âu
Anthony Lê
08:48 30/05/2008
Thuật Diệt Trừ Ma Quỷ Tái Xuất Hiện Ở Châu Âu

Trước Những Cơn Bệnh Mới Lạ Kỳ Của Thời Đại, Hàng Trăm Linh Mục Được Huấn Luyện Để Diệt Trừ Ma Quỷ

Trong số ra ngày 10 tháng 2 năm 2008 trên tờ báo Bưu Điện Washington (The Washington Post), hai ký giả Craig Whitlock và Sarah Delaney đã cho ra bài viết nguyên bản tiếng Anh có nhan đề "Exorcisms makes a comeback in Europe" mà nay xin được phép tóm lược lại như sau:

POCZERNIN, Ba Lan - Một ngôi làng với gió thổi lồng lộng ở Ba Lan đang phải gánh chịu sự xâm nhập của ma quỷ và các loài yêu tinh ma quái, nhờ một vị Linh Mục vốn tin rằng Cha có thể đánh bại ma quỷ.

Cha Andrzej Trojanowski
Cha Andrzej Trojanowski, một người Ba Lan ăn nói nhỏ nhẹ, đang dự định xây nên một "ốc đảo tâm linh" (spiritual oasis) vốn sẽ phục vụ như là một trung tâm duy nhất chuyên việc diệt trừ ma quỷ lẫn các loại tà ma có một không hai tại riêng lục địa Âu Châu này.

Với sự cho phép của Đức Tổng Giám Mục bản quyền và sự hổ trợ về mặt thần học từ Tòa Thánh Vatican, trung tâm này sẽ hổ trợ cho rất nhiều người Ba Lan hiện đang phải gánh chịu sự ám hại và xâm nhập của ma quỷ hay các loại tà ma, phù phép khác - vốn ngày càng gia tăng lên tại quốc gia nhiều người Công Giáo này.

Cha Trojanowski - người đã từng làm việc trong tư cách là một chuyên gia trừ quỷ suốt hơn bốn năm nay cho biết:

"Đây là công việc của tôi, và đây cũng là mục đích của tôi - vì tôi muốn giúp đỡ cho những người bị ma ám quỷ nhập. Có rất nhiều nhóm người đã bị ma quỷ ám mà không thể thoát ra được sau khi phải trải qua rất nhiều cách chữa trị khác nhau, và giờ đây họ đang cần có sự yên bình."

Nghệ thuật trừ quỷ - một thứ nghi thức mà Giáo Hội dùng để khai trừ các loại ma quỷ, hay các loài ác khí vốn tra tấn các linh hồn - đang xuất hiện trở lại nơi những vùng có dân số Công Giáo đông ở Châu Âu. Vào Tháng 7/2007 vừa qua, đã có hơn gần 300 thuật viên trừ quỷ tham dự Đại Hội Quốc Tế của Các Chuyên Gia Trừ Quỷ (International Congress of Exorcists) lầnt hứ 4 tại thành phố Czestochowa ở Ba Lan.

Hiện tại ở đất nước Ba Lan đang có gần 70 Linh Mục chuyên huấn luyện cho những học viên về các cách diệt trừ ma quỷ lẫn các tà ma phù phép khác, và con số này đã gia tăng lên gấp đôi so với 5 năm về trước. Theo ước tính, hiện có khoảng 300 chuyên gia trừ quỷ ở Ý Quốc.

Nổi tiếng nhất trong số họ vẫn là Cha Gabriele Amorth [mà người viết tôi lần trước có đề cập đến rất nhiều lần - ND], thuộc Dòng Phaolô, 82 tuổi, người thực hiện việc trừ quỷ hằng ngày tại Rôma, và cũng là vị Khoa Trưởng của Hiệp Đoàn Các Linh Mục Trừ Quỷ ở Châu Âu.

Cha Amorth cho biết:

"Giờ đây người ta đã không còn cầu nguyện nữa, họ không còn đến Nhà Thờ nữa, và họ đã không còn tìm đến tòa giải tội nữa, chính vì thế mà ma quỷ rất dễ dàng xâm nhập vào họ, khiến cho họ phải tôn thờ vào ma quỷ, thích thú vào những gì thuộc về ma quỷ và phù phép, và từ đó mất đi niềm tin vào Chúa Giêsu."

Cha Amorth cùng các Linh Mục khác cho biết sở dĩ có sự phục hồi của nghệ thuật trừ ma quỷ là do sự khích lệ của Vaticăn, vốn vào năm 1999 đã chính thức tu chính và tán thành nghệ thuật trừ quỷ này lần đầu tiên trong suốt gần hơn 400 năm nay.

Thánh Francis Borgia Đang Diệt Trừ Ma Quỷ
Mặc dầu Vaticăn chính thức từ chối các bản báo cáo vào Tháng 12/2007 vừa qua có liên quan đến chiến dịch huấn luyện ra thêm nhiều chuyên gia trừ quỷ nữa, thì những người ủng hộ cho biết rằng những nổ lực bán chính thức đã được khởi sự dưới thời của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, vì chính bản thân Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị - chính Ngài cũng là một chuyên gia diệt trừ ma quỷ, và giờ đây xu hướng đó được gia tăng hơn nữa dưới thời của Đức đương kim Giáo Hoàng - Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16. Một trường Đại Học Công Giáo ở Rôma đã chính thức có những khóa dạy về nghệ thuật diệt trừ ma quỷ, lẫn các loại tà ma yếm khí vào năm 2005, và đã thu hút rất nhiều sinh viên trên khắp cả thế giới.

Một trong những chuyên gia tuyển lựa các học viên mới vào nghề diệt trừ ma thuật đó là Cha Wieslaw Jankowski - người có bằng Tiến Sĩ về Thần Học Tâm Linh (Spiritual Theology) và cũng là một Linh Mục thuộc Học Viện Nghiên Cứu về Gia Đình (Institute for Studies on the Family) - một trung tâm tư vấn bên ngoài Warsaw.

Cha nói:

"Các Linh Mục tại Học Viện ý thức được rằng các ngài phải cần có một chuyên gia trừ quỷ trong số các nhân viên của Học Viện, sau khi diện đối với việc có rất nhiều người bị quỷ nhập, ma ám đến học ở Học Viện. Những trường hợp điển hình gồm có những loại người, vốn đã quay mặt đi với Giáo Hội Công Giáo, để điên cuồng lao theo các cách chữa trị của Nhóm Giáo Phái Thời Đại Mới (New Age), hay những tôn giáo khác, hoặc thứ tôn giáo dùng đến các câu thần chú, kêu ma gọi hồn, hay những người nghiện ngập Internet, và những người bị lôi cuốn vào môn Yoga [mà người viết tôi đã từng có lần đề cập đến - ND] - thì những loại người này chính là những đối tượng rất nguy hiểm cho sự xâm nhập và khống chế của ma quỷ lẫn các loại tà ma ghê rợn khác."

Cha cho biết thêm:

"Thì đâu chính là một thứ dịch vụ vốn rất được cần đến. Con số người cần đến sự giúp đỡ ngày càng gia tăng lên ở tốc độ chóng mặt."

Cha Jankowski đã trích dẫn lại trường hợp của một người đàn bà yêu cầu đòi phải ly dị chồng của bà cho bằng được chỉ vài ngày sau khi cả hai cùng lập lại lời khấn hứa trong kỷ niệm lần thứ 40 Lễ Cưới của hai người.

Theo Cha cho biết:

"Điều đáng ngạc nhiên và nghi ngờ nhất vẫn là việc bà đã đột ngột bất thần có sự căm ghét chồng bà đến cực độ khác thường, người mà vài ngày trước kia bà nói rằng: bà yêu thương da diết và say đắm. Theo cách mà Cha đón nhận sự việc thì ma quỷ đã và đang hiện diện nơi bà, và nó đang ra tay hành động một cách lộ liễu lạ thường. Làm thế nào mà các bạn có thể giải thích được, khi chỉ trong khoảng cách có vài tuần, thì tự dưng bà lại phát sinh ra sự căm ghét chồng của bà đến cực độ như vậy, khi ông chồng của bà ta lại là một người rất tốt và mẩu mực?"

Cha Jankowski cho biết Đức Tổng Giám Mục đã cho phép Cha thực hiện thuật trừ ma quỷ nơi bà này từ hồi Tháng 10/2007 vừa qua, và Cha đã bận rộn kể từ thời gian đó cho đến giờ

Các chuyên viên diệt trừ ma quỷ cho biết họ đã giúp đỡ rất nhiều người và mỗi người có mật độ bị ma ám quỷ nhập rất khác nhau. Chỉ có một số nhỏ là hoàn toàn bị xâm chiếm bởi ma quỷ và thần phép, vốn có thể khiến cho họ thực hiện hay trổ tài ra sức mạnh phi thường khác người, hay có thể nói ra các thứ ngôn gữ lạ kỳ, hoặc nói tiếng dội ra trước sự hiện diện của các vật linh thiêng, hay có thể khuất phục hoặc chế ngự những người khác bằng một mùi hôi thối rất khó chịu và ngạt thở.

Trong những trường hợp này thì các chuyên gia diệt trừ ma quỷ phải đương đầu trực tiếp với ma quỷ, bằng cách dùng đến sức mạnh cho phép của Giáo Hội để khai trừ nó ra khỏi sự xâm nhập vào cơ thể con người. Hoặc đối với những trường hợp nhẹ hơn, thì các vị Linh Mục thực hiện việc trừ quỷ bằng việc dùng đến "lối diệt trừ ma quỷ nhẹ nhàng hơn" đó là lời cầu nguyện để đem người đó ra khỏi sự ảnh hưởng và xâm chiếm của ma quỷ trong cuộc đời của họ.

Các chuyên gia trừ quỷ cho biết họ rất cẩn thận khi phải tìm cách tránh chữa trị cho những người bị bệnh tâm thần, và họ thường xuyên tham vấn với các chuyên gia tâm lý học và các bác sĩ. Trong khi đó thì cách chữa trị theo phương pháp y học thông dụng thì lại bỏ qua hay xem nhẹ đến hình thức chữa trị bằng tâm linh.

Cha Trojanowski cho biết:

"Cách chữa trị của tôi là được dựa trên nền tảng của tâm linh, vốn không thể nào có thể thay thế được bởi bất kỳ các cách chữa trị về mặt y dược học nào. Tôi không dừng lại ở mức độ chỉ chú ý đến các triệu chứng không mà thôi, mà tôi còn quan tâm rất sâu sắc đến tâm hồn của bệnh nhân nữa. Trong tư cách là một vị Linh Mục, tôi cứ hỏi đi hỏi lại những câu hỏi mà một bác sĩ bình thường sẽ không bao giờ hỏi bệnh nhân."

Cha Trojanowski là Linh Mục ở thành phố cảng Szczecin ở Ba Lan. Cha cho biết mỗi tuần Cha chữa trị cho khoảng 20 người - những người thuộc loại quỷ ám rất nặng, do đó Cha cần có thêm chổ rộng thoáng hơn để chữa trị họ một cách đúng đắn và đến nơi đến chốn. Tại trung tâm diệt trừ ma quỷ của Cha, mọi người đều có thể đăng ký vào và ngày và nhận được sự chữa trị ngay lập tức.

Các kế hoạch xây dựng nên Trung Tâm Diệt Trừ Ma Quỷ đã được công bố vào Tháng 12/2007 vừa qua sau khi Đức Tổng Giám Mục đã cho phép xây dựng trung tâm đó ngay trên vùng đất của Giáo Hội ở Poczernin - một ngôi làng được bao quanh bởi các cánh đồng bắp khoảng 20 dặm bên ngoài thành phố cảng Szczecin ở Ba Lan.
 
Quyền lực không thể đạt được bằng bạo lực
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:26 30/05/2008
BOGOTA, Colombia (ZENIT) - Giáo Hội Colombia mời gọi quân du kích FARC hãy để cho hòa bình có cơ hội lặp lại khi mà các nhà sáng lập và nhà lãnh đạo của lực lượng này đều đã thiệt mạng.

Đức Giám Mục Fabián Marulanda, Tổng thư ký của Hội đồng Giám Mục Colombia nó rằng cái chết của nhà sáng lập FARC Manuel Marulanda có thể là một cơ hội để các du kích quân nhận thức rằng quyền lực không thể đạt được bằng con đường bạo lực.

Marulanda có lẽ đã qua đời hồi tháng Ba. FARC (Lực lượng Vũ trang Cách Mạng Colombia) xác nhận hôm Chúa Nhật rằng vị lãnh đạo 80 tuổi này đã qua đời vì bệnh tật, mọi chi tiết khác không được tiết lộ. Ông thành lập FARC hơn 40 năm trước và đã được đồn đoán thiệt mạng ít nhất là 17 lần.

Đức Giám Mục Fabián Marulanda cho báo chí hay rằng cái chết của vị lãnh đạo này “có thể là cơ hội để FARC nhận thức được những khó khăn mà họ đang phải gánh chịu nhằm duy trì vị thế và duy trì lý tưởng giành lấy chính quyền bằng quân sự”. Tuy nhiên Đức Giám Mục cũng yêu cầu Tổng Thống Columbia thận trọng đối với thông cáo của FARC: “Niềm vui chiến thắng cần phải được chế ngự với sự thận trọng hơn nữa đối với những người bị đánh bại, vì người bị đánh bại hay bị thương tổn có thể phản ứng bằng cách thế bất ngờ. Những người cầm đầu lực lượng du kích chắc chắc sẽ đau buồn vì cái chết của người vốn là biểu tượng của họ, thần tượng tối cao của họ”.
 
Tổng thống Iran ước muốn triều yết Đức Giáo Hoàng
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
10:45 30/05/2008
Roma - Tổng thống Iran, ông Mahmud Ahmadinedschad đang làm cho các nhà ngoại giao Ý và Toà Thánh rối beng lên: Mahmud Ahmadinedschad một người đã phủ nhận tội ác Đức quốc xã, cho đó là một chuyện thần thoại và luôn tuyên truyền sự hận thù với dân tộc Do Thái, ông đang xin được triều yết Đức Giáo Hoàng.

Mahmud Ahmadinedschad, người thù ghét Do Thái sẽ đến Roma họp thượng đỉnh về dinh dưỡng thức ăn vào ngày 3-6 đến 5-6-2008.

Giới báo chí Ý đã cho chạy tít lớn vào sáng nay: „Tất cả đang chạy trốn Mahmud Ahmadinedschad“ (báo La Republica) và cho biết lý do tế nhị vì trùng các hẹn trước nên tân thủ tướng Silvio Berlusconi tránh né được cuộc tiếp đón trưc tiếp với Mahmud Ahmadinedschad. Hầu như giới ngoại giao Ý đang tìm nhiều lý do để không phải tiếp đón ông ta.

Còn Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, báo chí đang đoán mò là Ngài có muốn đón tiếp một kẻ luôn muốn diệt trừ Do Thái không?

Chưa có một tin tức chính thức xác nhận từ Tòa Thánh và cũng chưa có tin xác đáng là Mahmud Ahmadinedschad sẽ đến Roma. Nếu cuộc gặp gỡ này xảy ra thì đúng là một cơn động đất về ngoại giao thế giới, vì Ahmadinedschad đang xem thế giới tự do là đầu mối đe dọa cho Iran và Hồi giáo.

Trong quá khứ đã có những cuộc gặp gỡ lạ thường của Tòa Thánh như vào năm 1999 ĐGH Gioan Phaolô II đã đón tiếp tổng thống Iran Mohammed Chatami.
 
Phúc âm hóa và việc giáo dục thế hệ mới
Phaolô Phạm Xuân Khôi
10:47 30/05/2008
PHÚC ÂM HÓA VÀ VIỆC GIÁO DỤC THẾ HỆ MỚI

VATICAN, Ngày 29 tháng 5, năm 2008 (theo VIS và Asia News). Trưa hôm nay, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến thành viên của Hội Đồng Giám Mục Ý Đại Lợi đang dự buổi họp thưởng niên tại Vatican. Đề tài chính của cuộc thảo luận của các ngài là việc Phúc Âm hóa và giáo dục những thế hệ mới.

ĐTC mở đầu bài nói chuyện với các ngài bằng cách nhấn mạnh rằng “Tình trạng khẩn trương của việc giáo dục” mà ngài đã đề cập đến trong nhiều dịp trước đây “có một hình thức rất đặc biệt: là hình thức truyền thụ đức tin cho các thế hệ mới”. Trong việc này “chúng ta phải thắng vượt những chướng ngại được đặt trên đường chúng ta bởi thuyết tương đối, bởi một nền văn hóa gạt Thiên Chúa ra ngoài và làm nản lòng tất cả những người thật sự quyết tâm cho những chọn lựa, nhất là những chọn lựa dứt khoát, thay vì ban đặc quyền trong một vài lãnh vực nhận thức cá nhân và thoả mãn cấp thời.”

Để đương đầu với những khó khăn này ĐTC nói, các giám mục có sẵn “nhiều đặc sủng và tiềm năng Phúc Âm hóa dưới nhiều hình thức khác nhau” mà các ngài phải “lãnh nhận với niềm vui”, ĐTC nói tiếp rằng những điều quan trọng nhất là “các liên hệ cá nhân, đặc biệt là trong việc giải tội và việc linh hướng. Mỗi giây phút ấy là một dịp Chúa ban cho chúng ta để giúp những người trẻ thấy dung nhan Thiên Chúa, Đấng là người bạn đích thực của nhân loại”.

Điều mà Hội Thánh phải làm là ngoài các sinh hoạt trong giáo xứ, trong các nguyện đường và trường học cũng như những liên hệ cá nhân, cần “đưa ra nhiều chương trình Phúc Âm hoá cho những buổi họp mặt và những dịp để gặp gỡ và hiện diện khi chúng ta còn có được”. Đối với ĐTC các biến cố trong Đại Hội Giới Trẻ ở Sydney là “những cách trình bày tập thể, công cộng, và vui mừng kỳ vọng, tình yêu và niềm tin tưởng vào Đức Kitô và Hội Thánh, là những điều vẫn nằm sâu trong tâm trí của người trẻ”.

“Ngay cả trong phạm vi xã hội rộng lớn hơn, tình trạng khẩn trương về giáo dục hiện nay đưa đến một vấn đề là giáo dục cần phải thật sự xứng đáng với danh xưng của nó. Nghĩa là các nhà giáo phải biết làm thế nào để trở thành những nhân chứng đáng tin cậy của các thực tại và giá trị mà trên đó người ta có thể xây dựng đời mình và chia sẻ các chương trình của đời sống”. Giáo dục phải “tái thiết lập một cuộc đào luyện toàn diện và trọn vẹn con người như là trọng tâm và tiêu điểm của nền giáo dục này…. Thực sự, công bình mà hỏi rằng phẩm chất của việc dạy học có thể được cải tiến hay không qua việc so sánh trong giả thuyết giữa những trung tâm giáo dục sẵn có bởi những nhóm phổ thông quan tâm đến việc giải thích những chọn lựa về giáo dục của từng gia đình – trong khi tôn trọng những chương trình giáo huấn có giá trị vững chắc phổ quát ”.

ĐTC Bêneđictô XVI ám chỉ rằng Nước Ý “cần phải vượt qua giai đoạn khó khăn mà trong đó những động lực kinh tế và xã hội xem ra đang bị yếu kém, niềm tin vào tương lai bị thu hẹp, và sự nghèo túng của nhiều gia đình đưa đến việc tăng thêm cảm giác bất toàn”. Trong hoàn cảnh này, ngài nhận thấy “những dấu hiệu của một môi trường mới” gây ra bởi “một liên hệ bình thản hơn giữa những động lực chính trị và các cơ chế” đã được thúc đẩy bởi “một cảm giác bén nhạy hơn về việc cùng nhau chịu trách nhiệm về tương lai của dân tộc. … Thực ra đang có một ước ao rộng rãi để tiếp tục cuộc hành trình, để ít ra là để giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, để mở ra một mùa phát triển kinh tế mới (nhưng cũng phát triển về công dân giáo dục và luân lý)”.

ĐTC nói tiếp, “Là các giám mục, chúng ta không thể không góp phần của mình cách đặc biệt để cho nước Ý có thể thấy một giai đoạn tiến bộ và hoà hợp. Để đạt được mục tiêu này, trước hết chúng ta phải làm chứng cách thẳng thắn cho một sự thật là… vấn đề căn bản của nhân loại ngày nay vẫn là vấn đề Thiên Chúa. Nếu không đưa Thiên Chúa trở lại trung tâm của đời sống chúng ta thì không một vấn đế nhân loại và xã hội nào có thể thật sự giải quyết được “.

ĐTC nói, “Là những người công bố Tin Mừng và hướng dẫn cộng đoàn Công Giáo, quý huynh được mời gọi để trao đổi tư tưởng trong phạm vi hoạt động công cộng ngõ hầu giúp đỡ vào việc hình thành những thái độ văn hoá đúng đắn. Trong khuôn khổ của việc phân biệt giữa tôn giáo và quốc gia cách lành mạnh và được hiểu cách rõ ràng, điều quan trọng là phải tuyệt đối chống lại những khuynh hướng coi tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, như là một vấn đề thuần túy cá nhân. Thay vì thế, các quan điểm phát xuất từ đức tin của chúng ta có thể cung cấp cho chúng ta một đóng góp căn bản để giải thích và giải quyết những vấn đề xã hội và luân lý quan trọng”.

ĐTC đặc biệt nhấn mạnh đến quan tâm của các giám mục về “gia đình được xây dựng trên hôn nhân, … để đẩy mạnh một nền văn yêu chuộng chứ không thù nghịch với gia đình cùng đời sống gia đình, và đòi hỏi các cơ chế công cộng có những chính sách rõ ràng công nhận vai trò nòng cốt của gia đình trong xã hội, nhất là trong việc sinh sản và giáo dục con cái”. ĐTC nói thêm, “Hơn nữa, quyết tâm của chúng ta trong việc tôn trọng phẩm giá và bảo vệ sự sống con người trong mọi giây phút và mọi hoàn cảnh phải luôn mạnh mẽ và kiên định”.

“Chúng ta không thể nhắm mắt và im lặng trước nạn nghèo đói, thiếu tiện nghi, cùng bất công xã hội đang làm tổn thương một phần lớn nhân loại như thế, và điều đó đòi hỏi sự dấn thân rộng lượng của mọi người…. Đương nhiên là việc chúng ta sẵn sàng giúp đỡ phải xảy ra trong sự tôn trọng luật lệ là điều đảm bảo một tiến bộ có trật tự của đời sống xã hội, đối với cả những người đang ở trong quốc gia cũng như những người đến từ nước ngoài”.
 
Vai trò của Linh mục trong các việc công cộng
Phaolô Phạm Xuân Khôi
11:06 30/05/2008
Vai trò của Linh mục trong các việc công cộng

(Bài viết của Đức TGM Charles J. Chaput, O.F.M. Cap, TGM Denver, đây là bài thuyết trình tại Providence, Rhode Island, ngày 21 tháng 4, 2008)

Công việc lãnh đạo Công Giáo trong trong phạm vi trần thế là công việc của giáo dân, chứ không phải của các giáo sĩ hay tu sĩ. Vai trò của linh mục thường thì rất phụ thuộc trong các việc công cộng, nếu hiểu là các việc chính trị.

Thật là nguy hiểm cho Hội Thánh khi gắn liền với một đảng chính trị. Tôi không có quyền bảo dân chúng phải bầu cho John McCain hay Hillary Clinton hoặc Barack Obama. Dù trước kia tôi đã hoạt động cho việc tranh cử của Jimmy Carter khi tôi còn trẻ, tôi không nghĩ là có người Công Giáo nào ngày nay cảm thấy dễ chịu với cả hai đảng chính trị - Dân Chủ hoặc Công Hòa.

Nhưng điều đó không gỡ chúng ta khỏi lưỡi câu, có đúng không? Vấn đề là Hội Thánh dạy chân lý về luân lý, và chân lý có trách nhiệm về cách cư xử của con người - kể cả cách cư xử về xã hội, kinh tế, và chính trị. Hội Thánh không bao giờ chính thức là một tổ chức chính trị, nhưng việc Hội Thánh làm chứng cho chân lý luôn luôn đưa đến những hậu quả chính trị. Thí dụ, việc giết các trẻ em chưa sinh ra là một hình thức giết người. Nó là một xâm phạm nặng nề đến phẩm giá con người, bởi vì tất cả các quyền khác đều lệ thuộc vào quyền sống. Nó không phải chỉ là một vấn đế quan trọng duy nhất mà quốc gia chúng ta phải đương đầu với. Nhưng nó là vấn đề căn bản trong lịch sử dân tộc chúng ta lúc này. Chúng ta không thể phớt lờ nó. Hợp tác với việc phá thai hoặc ngấm nhầm thả dung túng nó là một tội ác trầm trọng. Chúng ta có thể từ từ tìm cách giới hạn và loại trừ nạn phá thai, nhưng chúng ta không bao giờ được phép chấp nhận nó như là một điều mà người ta gọi là quyền lợi. Và nếu chân lý này làm cho một vài chính trị gia cảm thấy bất bình, thì đó là vấn đề của họ. Đó không phải lỗi của Hội Thánh.

Người tín hữu giáo dân Công Giáo có nhiệm vụ thay đổi lối suy tư của đảng phái và các nhà lãnh đạo chính trị của họ bằng những khí cụ Đức Tin Công Giáo của mình. Nhưng các linh mục có nhiệm vụ cung cấp những khí cụ ấy cho dân chúng - để đào luyện các tín hữu giáo dân Công Giáo ngõ hầu họ có thể suy nghĩ và hành động như những môn đệ của Đức Kitô, theo một đường lối được hướng dẫn bởi giáo huấn của Hội Thánh. Cũng như các tín hữu giáo dân phải trở nên men của Đức Chúa Giêsu Kitô nơi công cộng thế nào, thì các linh mục cũng phải trở nên men của Người trong đời sống dân chúng như thế.

Là các linh mục, chúng ta biết rằng trong Mùa Phục Sinh, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm về Sách Tông Đồ Công Vụ một cách đặc biệt. Nên nhớ rằng tên của cuốn sách là Tông Đồ Công Vụ - không phải là Ý Tốt, hay Các Chương Trình Tuyệt Diệu, hoặc Các Bằng Chứng Khiếm Diện Hợp Lý của Các Tông Đồ, nhưng là Công Vụ (hành động) của các ngài. Các lời nói quan trọng. Các việc làm còn quan trọng hơn nhiều. Đức Kitô đã nói rằng Người yêu chúng ta. Rồi Người đã chết để chứng minh tình yêu ấy. Người nói rằng Người phải sống lại để cho chúng ta sự sống mới. Rồi Người đã thật sự làm điều ấy. Và khi những Tông Đồ đầu tiên nói rằng các ngài tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô, các ngài đã hành động như các đã nói, và vì các ngài đã làm thế - cho nên sau đó các ngài đã chứng minh điều ấy bằng cách lật ngược thế giới bằng Tin Mừng.

Chỉ một dúm người đơn giản và bất toàn đã làm một cuộc cách mạng lớn lao nhất trong lịch sử - một cuộc cách mạng thế giới bằng tình yêu của Thiên Chúa. Và Đức Kitô, qua Hội Thánh đã truyền chức cho các bạn và tôi để đi theo bước chân của các ngài cùng làm giống hệt như các ngài. Vì thế mà bài đọc từ Sách Tông Đồ Công Vụ luôn là bài đọc thứ nhất của mỗi ngày trong Mùa Phục Sinh – là mùa của đời sống mới.

Trọng tâm của những bài đọc này thường là các bài giảng của Thánh Phêrô, và Thánh Phêrô luôn giảng về việc Chúa Phục Sinh. Nhưng Phục Sinh không phải chỉ là nội dung của giáo huấn của Thánh Phêro; mà còn là phương tiện hay năng lượng của các giáo huấn của ngài và toàn thể mục vụ của ngài. Clarence Jordan, một mục sư Tin Lành đã nói, “Bằng chứng cao cả nhất rằng Chúa Giêsu vẫn còn sống không phải là ngôi mộ trống mà là nhóm anh em đầy Thánh Thần; không phải là tảng đá được lăn ra, mà là một Hội Thánh bị [Thần Khí] lôi cuốn.”

Dĩ nhiên là chúng ta biết rằng Đức Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết về thể lý, và ngôi mộ thực sự trống. Nhưng ông Jordan đã vạch ra một điểm quan trọng. Điều làm cho Đức Tin Kitô giáo có sức thuyết phục ngày nay là “một Hội Thánh bị [Thần Khí] lôi cuốn,” điều này đúng về Hội Thánh, mà cũng đúng về chức linh mục - nếu không có điều đó thì không có Bí Tích Thánh Thể, và nếu không có Bí Tích Thánh Thể thì không có Hội Thánh. Sức khỏe của Hội Thánh trực tiếp tùy thuộc vào tinh thần của các linh mục. Cho nên các linh mục không những cần thành thật, chăm chỉ và trung tín, mà còn cần phải được lôi cuốn bởi tình yêu Thiên Chúa, tình yêu Hội Thánh, và tình yêu đối với Đức Tin Công Giáo.

Một đặc điểm mà nhiều linh mục thời nay đang sống là thái độ đối với Hội Thánh có thể được gọi là “tuyệt vọng về mục vụ.” Theo một nghĩa nào đó, bị cám dỗ thất vọng, hay ít ra nản lòng về Hội Thánh là điều tốt, bởi vì đó là dấu hiệu cho thấy lòng chúng ta bất ổn và đang mong muốn một cái gì tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta không thất vọng một cách nào đó về mình và về Hội Thánh, về cách người Công Giáo sống đạo, thì có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang thỏa mãn với hoàn cảnh hiện tại. Và điều này không bao giờ tốt cả.

Tuy nhiên bởi vì trong Mùa Phục Sinh, chúng ta không được phép thất vọng thật sự. Gần đây tôi được dự lễ truyền chức của Đức Cha Gerald Dino của Toà Thượng Phụ Van Nuys theo nghi thức Byzantine. Trong lễ truyền chức Giám Mục của ngài, có nhiều lúc cộng đoàn hát, “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết! Qua cái chết Người đã chà đạp tử thần; và ban sự sống cho những kẻ trong mồ!” Thật là một cách tuyệt diệu để tóm tắt tinh thần Mùa Phục Sinh. Nhưng chúng ta cũng phải đau buồn cho Hội Thánh là dấu chỉ tình yêu của chúng ta. Như Thánh Phaolô đã nói, “chúng ta không đau buồn như những người không có hy vọng.” Chúng ta đã học từ câu truyện Phục Sinh trong Thánh Kinh rằng chúng ta không được tìm Chúa Phục Sinh giữa những kẻ chết nhưng giữa những người đang sống.

Chúng ta hy vọng vì Chính Đức Kitô Phục Sinh đã muốn Hội Thánh là hình thức sự hiện diện hữu hình chính của Người trên thế gian. Chúng ta biết một cách chính xác rằng trong Hội Thánh, Thiên Chúa – cũng như trong Đức Kitô – đang hòa giải thế gian với Chính Ngài. Chúng ta cần nhớ điều này bởi vì đôi khi các linh mục trở thành hoài nghi. Chúng ta quá biết mình. Đôi khi chúng ta không tin rằng Thiên Chúa có thể đổi mới bất cứ điều gì trong chúng ta. Chúng ta thích nghi với tội lỗi, thất bại và sự chết. Nhưng Mùa Phục Sinh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải xua đuổi khòi lòng chúng ta bất cứ một thất vọng hay chán nản nào mà chúng ta có bởi vì “Chúa Giêsu đã chà đạp tử thần, và ban sự sống cho những kẻ trong mồ.”

Chúng ta đã nói về việc “tân Phúc Âm hóa” hơn hai chục năm qua trong Hội Thánh, như là một loại lời nói tầm thường có ma lực. Bây giờ chúng ta hiểu nó có nghĩa gí. Và các dữ kiện của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew thật là lộn xộn – nhưng cũng rất có giá trị. Chúng cho chúng ta thấy chính xác “Cái Căn Tính Công Giáo của Người Mỹ” đã trở nên hay thay đổi, yếu ớt, và không đáng tin cậy như thế nào. Thế đứng của Hội Thánh Công Giáo trong nước Hoa Kỳ còn bấp bênh hơn chúng ta hoài vọng, và một số lớn những người tự nhận là Công Giáo trên toàn quốc đang lầm lạc cách trầm trọng. Thực ra, chúng ta, tôi có ý nói đặc biệt là những nhà lãnh đạo Công Giáo ở thế hệ của tôi, đã không làm tròn bổn phận của chúng ta trong việc đào luyện và gìn giữ dân của mình. Chúng ta đã quá ngây thơ về sự tương đắc của nền văn hóa Hoa Kỳ về Đức Tin Công Giáo. Nói cách chung, việc thực hành bí tích và tham dự Thánh Lễ bị xuống dốc, các người trẻ không bước lên để nhận vai trò lãnh đạo trong Hội Thánh như cha mẹ và ông bà họ đã làm. Có rất nhiều trường hợp ngoại lệ, nhưng hình ảnh toàn bộ thì không mấy tốt đẹp.

Khuynh hướng bị mềm yếu này có thể được áp dụng đặc biệt cho những nơi như Colorado và các tiểu bang miền tây khác, là nơi mà Hội Thánh còn trẻ và môi trường rất thế tục. Nhưng cũng xảy ra ở đây, tại Rhode Island, và khắp mọi nơi. Ngày nay các quốc hội tiểu bang có vẻ thù nghịch nhiều với Hội Thánh Công Giáo hơn trong tám năm qua, và gương mù lạm dụng tình dục của các giáo sĩ chỉ là một lý do, nhưng thường không phải lý do quan trọng nhất. Ngay cả việc gia tăng sô người Mỹ La Tinh cũng không tự động canh tân hay chống đỡ được Hội Thánh. Các dữ kiện cho thấy mức độ những người Mỹ La Tinh ở Hoa Kỳ bỏ Công Giáo cũng tương đương như các nhóm dân khác. Ảnh hưởng việc thế tục hóa của nền chính trị và văn hóa tiêu thụ của người Mỹ cùng với ảnh hưởng của việc chọn lựa tôn giáo như trong nhà hàng làm yếu đi gốc Công Giáo của người Mỹ La Tinh.

Điều đó có nghĩa là chúng ta phải coi Hội Thánh ở nước Mỹ như một xứ truyền giáo, và mỗi linh mục chúng ta phải là linh mục truyền giáo. Có lẽ chúng ta đã biết điều này từ lâu rồi, nhưng bây giờ nó là một sự khẩn trương tức thì và thực tế. Nhân chủng Công Giáo đang thay đổi. Và môi trường chính trị cũng thay đổi. Thêm vào đó, chúng ta không thể tiếp tục tin tưởng vào tình trạng tài chánh của Hội Thánh trong nước chúng ta nếu số người Công Giáo sống đạo nòng cốt bị giảm thiểu trong thế hệ tới – là điều rất có thể và đang xảy ra.

Đương nhiên là chúng ta cần phải cân bằng những ưu tư ấy với những ưu điểm của chúng ta. So với các Hội Thánh ở những nơi khác trên thế giới, các linh mục, các giáo xứ, các chương trình của các giáo phận, các cộng đoàn canh tân, tài chánh, và các mô thức thực hành tôn giáo còn khá mạnh. Hội Thánh ở đây khỏe mạnh hơn, có nhiều sinh lực hơn và lãnh đạo tốt hơn trên nhiều cấp, hơn hầu hết khắp nơi trên thế giới. Cho nên chúng ta được tự do để làm một việc gì ngõ hầu giải quyết những khó khăn của chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải thực tế. Những xung đột mà Hội Thánh Hoa Kỳ phải đương đầu trong thập niên qua, cả bên trong lẫn bên ngoài - từ vấn đề phá thai đến di dân, chiến tranh và hòa bình, gia đình và đời sống gia đình - sẽ còn tiếp tục trong tương lai gần. Các cuộc đấu tranh này đòi hỏi một gương lãnh đạo để nuôi dưỡng dân của chúng ta và lôi kéo những người khác đến cùng Hội Thánh. Và gương ấy phải bắt đầu từ các linh mục.

Chúng ta phải “làm” Hội Thánh một cách khác trong hai mươi lăm năm tới. Chúng ta phải làm sao để xây dựng một căn tính Công Giáo thật sự bao gồm cả La Tinh-Anglô? Chúng ta phải làm thế nào để vun trồng nhiều ơn gọi linh mục? Chúng ta phải xây dựng các thánh đường mới ra sao? Ai sẽ thay thế các cộng đồng tu sĩ đang dãy chết? Đó là những câu hỏi chiến thuật vĩ đại đang đè nặng trên chúng ta ngay bây giờ - hôm nay. Và những người được trang bị tốt nhất để suy nghĩ về những vấn đề này và dẫn đưa người khác đến việc suy nghĩ và hành động cho những điều ấy lại cũng là các linh mục của chúng ta.

Như kết quả của những điều nói trên, tôi thiết nghĩ các linh mục ngày nay cần ba điều. Điều thứ nhất là họ cần được giúp đỡ để hiểu và khai triển tài lãnh đạo cần thiết mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Một điều khôi hài trong chức linh mục là Thiên Chúa mời gọi chúng ta để lãnh đạo dân Ngài – và thường thì không có ai trong Hội Thánh thực sự dạy chúng ta làm điều ấy. Đó là lý do tại sao ít là trong kinh nghiệm của chúng tôi ở Colorado, Viện Lãnh Đạo Công Giáo “Good Leaders, Good Shepherd – Các Nhà Lãnh Đạo Tốt, Các Mục Tử Tốt” đóng vai trò thật quan trọng, và đó cũng là lý do mà tôi thôi thúc tất cả các linh mục theo học ở đó tại Tổng Giáo Phận Denver. Những người của chúng ta đã đi qua chương trình này đánh giá nó rất cao. Văn phòng chính của viện này ở Pennsylvania, và với sự chúc lành của Đức Cha Tobin, tôi khuyến khích các bạn ghi danh ở đó hay tìm viện nào tương tự.

Thứ hai, các linh mục cần tình huynh đệ thật sự - một tinh thần bằng hữu và nâng đỡ nhau chính đáng, thân mật và huynh đệ, điều giống như đời sống trong các dòng tu có phẩm chất cao nhất nhưng được thích ứng với đời sống ngoài đời. Trong những năm sắp tới, các linh mục “một mình” - loại người mà tất cả chúng ta đều biết, những người tìm thấy chỗ an toàn trong những phạm vi và thói quen lập dị mà họ xây chung quanh chức linh mục của họ như một đồn lũy - sẽ không thể đứng vững được. Thế gian sẽ trở nên quá nặng nề cho họ. Đương nhiên, tất cả chúng ta đều nói đến việc nâng đỡ nhau. Tất cả chúng ta đều bán nước miếng về tình huynh đệ. Nhưng khi chúng ta ra về hôm nay, chúng ta phải tự hỏi mình, chúng ta thật sự đã làm gì trong tháng qua để chứng minh điều đó cho anh em mình?

Thứ ba, chúng ta cần thanh luyện. Đời linh mục, cũng như đời sống hôn nhân, là một sự lựa chọn dứt khoát - tất cả hoặc không có gì hết. Nhưng tất cả chúng ta đều có khuynh hướng thu thập những đồ phế thải của một cuộc sống thoải mái, thói quen hưởng thú vui làm lụt mục đích mà chúng ta tự mình cam quyết theo đuổi trong ngày chúng ta chịu chức. Nếu chúng ta muốn dân chúng sống Đức Chúa Giêsu Kitô cách mãnh liệt và can đảm, tại sao họ phải làm thế nếu họ không thấy điều ấy và thán phục điều ấy nơi các linh mục của Hội Thánh?

Nhu cầu khẩn thiết nhất của Hội Thánh trong thời đại chúng ta là một cuộc tái sanh Đức Tin và tinh thần truyền giáo trong dân của chúng ta. Nhưng điều ấy sẽ không bao giờ xảy ra, và không thể xảy ra, cho đến khi chính chúng ta có một cuộc canh tân đời sống linh mục. Các linh mục phải là những người mà Đức Kitô mời gọi họ trở nên – các bằng hữu và môn đệ của Người – và cần kêu gọi chúng ta là các giám mục cũng trở nên như thế. Nếu chúng ta có thể cùng nhau hoàn thành việc canh tân đời sống linh mục, với ân sủng của Đức Chúa Giêsu Kitô, rồi Thiên Chúa sẽ làm được bất cứ việc gì qua chúng ta. Thiên Chúa đã một lần làm thế. Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây hôm nay.

Tôi xin kết luận bằng vài lời về bốn cột trụ của việc đào luyện linh mục – các diện nhân bản, linh đạo, trí tuệ, và mục vụ. Trong khi tôi cử hành Thánh Lễ tuần lễ sau Phục Sinh, tôi nhận thấy những bình diện này của việc đào luyện chẳng khác gì phẩm chất của Hội Thánh Sơ Khai được diễn tả trong Sách Tông Đồ Công Vụ. TĐCV kể cho chúng ta rằng các môn đệ tiên khởi “đã chuyên cần tuân giữ các giáo huấn của các Tông Ðồ, và tham gia đời sống cộng đồng, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện.”

Chữ chuyên cần tuân giữ có nghĩa là dâng hiến tâm hồn, trí khôn, và toàn thể con người chúng ta. Trong khi chịu chức, chúng ta đã hiến dâng cuộc đời chúng ta cho các giáo huấn của các tông đồ. Đời sống trí thức của Hội Thánh khộng phải dành riêng hay ưu tiên cho các nhà thần học. Đời sống trí thức Công Giáo phải là một tình yêu mà mỗi linh mục chia sẻ.

Đời sống cộng đồng – đây là nơi chúng ta lãnh nhận việc đào luyện liên tục về nhân bản như thế nào - đối với chúng ta là sự liên hệ của chúng ta với các huynh đệ của chúng ta trong đời linh mục. Chúng ta cũng cảm nghiệm được sự liên hệ này với những người trong các giáo xứ, và qua những liên hệ này chúng ta học để trở nên nhân bản hơn.

Chúng ta tìm thấy cách đào luyện mục vụ của chúng ta trong “việc bẻ bánh.” Bí tích Thánh Thể nằm ở tâm điểm của công tác mục vụ của chúng ta, và trong việc cử hành Thánh Lễ, cũng như trong việc suy niệm chung với nhau, mà chúng ta học để trở nên những mục tử tốt hơn khi chúng ta giảng, khi chúng ta cử hành bí tích hòa giải, khi chúng ta sức dầu bệnh nhân, và khi chúng ta chuẩn bị dân của chúng ta để họ lãnh nhận bí tích hôn phối và rửa tội.

Và sau cùng, tôi không thể nhấn mạnh cho đủ: Chúng ta phải chuyên cần cầu nguyện suốt đời. Đời sống linh thiêng của chúng ta là một động cơ điều động toàn thể đời sống chúng ta. Nếu chúng ta không cầu nguyện, thì chúng ta không thể tự nhận rằng mình có liên hệ thật sự với Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết. Cầu nguyện là một dấu chỉ Đức Tin của chúng ta, rằng Chúa Giêsu chưa từ giã chúng ta nhưng vẫn còn ở với chúng ta.

Đức Hồng Y John Henry Newman đã viết về những cách lãnh đạo khác nhau trong Hội Thánh. Ngài đã nói về lãnh đạo trí tuệ, lãnh đạo cầu nguyện, và lãnh đạo chính trị. Tôi mong ước các linh mục của nước Hoa Kỳ có những đặc tính lãnh đạo Công Giáo chân chính ấy. Thật là sống còn cho chúng ta phải trở nên những nhà lãnh đạo về trí tuệ, biết về Đức Tin của chúng ta, hiểu về văn hóa của chúng ta, và nhờ đó, trở thành những hướng dẫn viên cho việc mở mang kiến thức của các Kitô hữu của chúng ta. Các thánh là hiện thân của đời sống cầu nguyện của Hội Thánh, nhưng điều quan trọng cho mỗi người chúng ta là nhớ rằng mỗi cá nhân cũng được mời gọi nên thánh. Sự thánh thiện phải hình thành việc lãnh đạo của chúng ta trong mọi điều chúng ta nói hay làm. Và các linh mục cũng được mời gọi để lãnh đạo chính trị. Chúng ta chịu trách nhiệm về việc cai quản Hội Thánh – trong các giáo xứ của chúng ta, mà cả trong các giáo phận của chúng ta. Chúng ta phải cai quản như một mục tử nhân lành và một người cha nhân hậu, bằng cách thương yêu dân của chúng ta, và cung cấp cho họ một sự lãnh đạo rõ ràng và can đảm khi cần đến, dù ngay cả lúc không được quần chúng ủng hộ.

Tôi xin dùng điểm cuối cùng về lãnh đạo để kết luận bởi vì tuần rồi tôi đã ở Washington và bị đánh động bởi sức mạnh, sự đơn giản, và tốt lành của ĐứC Thánh Cha Bênêđictô XVI như là một mục tử. Nhiều năm qua tôi đã kính phục [Đức Hồng Y] Joseph Ratzinger như là một tư tưởng gia, nhưng tôi đã không mong mỏi được đánh động bởi chuyến tông du của ngài. Ngài có một ơn gọi là xác quyết chính thống. Điều này nghe có vẻ phức tạp - bởi vì chung cuộc ngài là một thần học gia – nhưng thật sự không phải thế.

ĐTC Bênêđictô có tài là rất thẳng thắn về tội lỗi và kêu gọi mọi người trở lại chung thủy. Nhưng đồng thời ngài làm sáng tỏ sự chung thủy ấy với nhiệt tình bằng cách tỏ ra vẻ đẹp của nó và làm cho những người nghe ngài không cưỡng lại được. Lời cảnh cáo của ngài về “việc phản đạo âm thầm” của nhiều giáo dân Công Giáo và ngay cả một số giáo sĩ vẫn còn ở bên tai tôi vì ngài nói điều đó với một tinh thần yêu thương, chứ không khiển trách. Phản đạo (apostasy) là một từ hay. Nó đến từ động từ apostanai của Hy Lạp – có nghĩa là làm loạn hoặc đào ngũ, nghĩa đen là “đứng tránh thật xa.” Đối với ĐTC Bênêđictô, dân của chúng ta hay các giáo sĩ không cần công khai chối đạo để trở thành phản đạo. Họ chỉ cần thinh lặng khi bí tích Thánh Tẩy của họ đòi họ phải nói, hèn nhát khi Chúa Giêsu cần họ và xin họ có can đảm.

ĐTC Bênêđictô đã diễn tả cộng đồng Công Giáo Hoa Kỳ cách hoa mỹ như là to lớn và có ảnh hưởng – nhưng quan trọng hơn hế là có nguồn gốc đa dạng, có sáng kiến, quảng đại, và đầy nhiệt tình tôn giáo. Ngài đã nhắc nhở chúng ta rằng Người Công Giáo Mỹ cần dùng số đông, ảnh hưởng, sáng kiến, đại lượng và nhiệt tình tôn giáo của mình để bước vào nơi công cộng trong một cách sống hy sinh, linh hoạt, trung tín và ban phát sự sống. Ngài mời gọi chúng ta đem niềm hy vọng Kitô giáo vào những cuộc tranh luận công cộng, rõ ràng và đoàn kết trong sự hiện diện của Công Giáo ở trong xã hội, và trở nên men trong đơì sống công cộng của dân tộc chúng ta. Công việc này cần phải bắt đầu ở đây, hôm nay, và ngay bây giờ.
 
Tòa Thánh công bố chương trình chuyến tông du Úc Châu của ĐTC Biển Đức XVI
Đức Long
13:05 30/05/2008
Vatican- Thứ Sáu, ngày 30 tháng 05/08, Tòa Thánh công bố chương trình chi tiết chuyến tông du Úc của ĐTC nhân dịp mừng Ngày Thế Giới Trẻ, ngài sẽ bắt đầu đại hội này bằng vài ngày nghỉ ở Úc

ĐTC, 81 tuổi sẽ đến Darwin nằm ở miền bắc nước Úc vào Chúa Nhật ngày 13 tháng 07, nhưng ngài chỉ bằt đầu chuyến tông du chính thức của ngài vào thứ 5 ngày 17 tháng 07/08.

Sau chuyến tông du sáu ngày Hoa Kỳ cuối tháng 04 vừa rồi, các phóng viên theo ngài đưa tin nhận thấy những dấu hiệu mệt mỏi nơi ngài.

Tuy nhiên Tòa Thánh nhấn mạnh rằng trong chuyến tông du đó « dài và mệt », ĐTC đã thực hiện một cách xuất sắc mọi lời hứa « không thay đổi, hoặc giảm nhẹ chương trình của ngài, dù một chút cũng không », ngài đã chấm dứt những tin đồn trước đó về tình trạng sức khỏe của ngài ».

ĐTC sẽ gặp thủ tướng Úc Kevin Rud vào thứ năm ngày 17 tháng 07 tại thành phố Sydney trước khi các bạn trẻ tiếp đón ngài trong ngày lễ chào đón.

Thứ sáu, ngày 18, ĐTC sẽ gặp gỡ các vị chưc sắc các tôn giáo tại vương cung thánh đường Ste Mary thành phố Sydney, tiếp theo sau là ngài dùng cơm trưa với giới trẻ.

Buổi chiều, ngài sẽ đi đường thánh giá chặng thứ nhất trước khi nghi thức tiếp tục được quay lên truyền hình, và trước khi gặp gỡ các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ bảy sau thánh lễ cùng với các giám mục Úc, ĐTC sẽ tham dự buổi canh thức với các bạn trẻ. Thời gian lớn trong chuyến tông du này sẽ là ngày Chúa Nhật bằng thánh lễ mừng Ngày Thế Giới Trẻ lần thứ 23 tại sân vận động đua ngựa ở thành phố Sydney trước khi ngài rời Úc trở về Roma ngày 21 tháng 07/08.

Các nhà tổ chức thông báo có khoảng 125.000 bạn trẻ đến từ các nước.

Sau khi chuyên tông du Úc, ĐTC sẽ đến Pháp từ ngay 12 đến 15 tháng 09 vào dịp mừng 150 năm Đức Trinh Nữ hiện ra ở Lộ Đức.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Thái Bình tổ chức Lễ đại trào kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Giuse Phạm Thanh Quang CSsR
21:43 30/05/2008
THÁI BÌNH - Trong thư chung gửi toàn Giáo Phận, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Giáo Phận Thái Bình đã khẳng định: “Thánh Tâm Chúa Giêsu là suối nguồn ban ơn phúc”. Chúa Giêsu Thánh Tâm cũng là quan thầy và bảo trợ cho Giáo Phận Thái Bình. Chính vì vậy, ngài đã khuyến khích con cái năng chạy đến với Thánh Tâm Chúa, yêu mến cách đặc biệt để sống trọn vẹn cho Chúa, kín múc ân sủng cho bản thân, cho gia đình và cho Giáo Phận; đồng thời tổ chức lễ đại trào, trọng thể kính Thánh Tâm Chúa.

Để chuẩn bị cho đại lễ này, Đức cha P.X Sang đa viết thư chung hướng dẫn cách thức cũng như tinh thần để chuẩn bị tham dự sao cho sốt sắng và hiệu quả. Ngài khuyên mọi người hãy liên lỉ cầu nguyện cho Giáo Phận, đặc biệt ở Trung Tâm Chầu Thánh Thể của Giáo Phận tại Đền Thánh Tử Đạo xứ Đông Phú (Chầu, cầu nguyện suốt ngày đêm).

Từ 7 giờ chiều thứ năm của ngày trước đại lễ, đã có rất nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân tập trung về Tòa Giám Mục để chầu Thánh Thể suốt đêm đến 7 giờ sáng hôm sau (thứ sáu 30.5.08). Mọi người chầu cách sốt sắng. Chắc chắn ơn Chúa từ Thánh Tâm của Người sẽ tuôn đổ trên Giáo Phận. Đây quả là một việc thánh thiện, hữu ích và đầy ý nghĩa và làm rung chuyển lòng người. Chắc chắn Chúa thấu hiểu tấm lòng đơn thành của đoàn con cái Giáo Phận Thái Bình và ấp ủ vào lòng với trọn tình Phụ Tử, tình Mẫu Tử.

Trước giờ lễ, mọi người đã tề tựu đông đủ, với tinh thần vui tươi, háo hức dưới cái nắng nóng chói chang của xứ Bắc. Màu cờ, sắc áo hòa với tiếng nhạc thánh ca du dương tạo nên một bầu khí thánh thiện, phấn khích, ấm áp tựa mùa xuân của ân sủng đang nở rộ, báo hiệu một tương lai tươi sáng.

Đúng 9 giờ sáng thứ sáu 30.5.2008, thánh lễ đại trào được cử hành cách trọng thể bởi Đức Giám Mục Giáo Phận P.X Nguyễn Văn Sang cùng với khoảng 60 linh mục, đông đảo tu sĩ và giáo dân. Đây quả là một nghĩa cử cao quý, đẹp đẽ mà đoàn con cái Thái Bình dâng lên Thiên Chúa, đồng thời kéo ơn Chúa xuống cho Giáo Phận và cho Hội Thánh. Vì Thánh Tâm Chúa chính là nguồn ơn trào dâng mà Giáo Phận đang kín múc! Thánh Tâm Chúa cũng đang chờ đợi những ai thành tâm hãy mau chạy đến với Người.

Trong bài giảng, Đức cha Sang cũng nhấn mạnh, khi đã đón nhận ân sủng từ Thánh Tâm Chúa trào dâng, cũng hãy biết đem chia sẻ cho anh chị em khác, nhất là những anh chị em đau khổ và những anh chị em chưa biết Chúa. Ngài cũng nhấn mạnh đến vai trò truyền giáo của anh chị em tín hữu trong thế giới ngày hôm nay là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Sau thánh lễ, mọi người quây quần bên Thánh Thể Chúa, cùng với Đức Giám Mục Giáo Phận chiêm ngắm và chầu một giờ trong trang nghiêm sốt sắng và thánh thiện. Một cử chỉ đẹp trước nhan Thiên Chúa! Thánh Tâm Chúa đã, đang và sẽ khỏa lấp tất cả những tâm hồn khao khát bằng thánh ân của Người. Đúng vậy đấy, vì Chúa đã nói: “Hỡi những ai đang mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29).

Đại lễ hôm nay đã để lại trong lòng mọi người ý nghĩa lớn lao, sự thúc đẩy, ấn tượng sâu sắc khó quên. Đồng thời cũng nhắc nhở mọi người hãy năng chạy đến với Thánh tâm Chúa để cầu nguyện, tìm sự nâng đỡ, ủi an. Thánh Tâm Chúa là nguồn ơn trào dâng. Đến với Người, chắc chắn ra về trong hân hoan khấp khởi mừng với ân sủng của Người, để rồi cất bước lên đường đến muôn phương gieo rắc tình thương của Chúa cho mọi người trong cuộc lữ hành trần gian.

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa luôn cùng đồng hành với Giáo Phận Thái Bình và tuôn đổ ân sủng của Người để mọi người cảm nếm được sự ngọt ngào, êm ái, dịu dàng của Chúa.
 
Thông tin về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXIII từ 15-20/7/2008
LM Văn Chi
00:50 30/05/2008
THÔNG TIN VỀ ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ XXIII
TẠI SYDNEY TỪ NGÀY 15/7/2008 TỚI NGÀY 20/7/2008.


Trong phiên họp quan trọng ngày 29.5.2008 của Tổng Giáo Phận Sydney và các Giáo Phận kế cận về tổng kết Đại Hội Giới Trẻ WYD 2008, một số những thông tin cần thiết cho Giới Trẻ thế giới về WYD 2008.

Cho tới hôm nay, một số những thông tin chính thức của Ban Tổ Chức Trung Ương như sau:

1. GHI DANH.

Ghi danh đã đạt được con số 245,000 bạn trẻ, trong đó có 88,000 bạn trẻ từ Sydney và nhiều bạn trẻ từ 28 Giáo Phận của Úc Châu, với những chi tiết như sau:

• Ghi Danh: 245,000 bạn trẻ.
• Nhóm: 9233 các nhóm khác nhau ghi danh tham dự.
• Quốc Gia: có tới 193 Quốc Gia tham dự.
• Ghi Danh cá nhân: khoảng 110,321 cá nhân ghi danh tham dự.

Để chuẩn bị cho WYD 2008, Ban Tổ Chức đang sửa soạn cho 6 triệu bữa ăn trong tuần lễ Đại Hội.

2. THIỆN NGUYỆN VIÊN (Volunteers):

WYD 2008 cần tới 8000 volunteers giúp đỡ Đại Hội Giới Trẻ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100 Thiện Nguyện viên tình nguyện ghi danh làm Thiện Nguyện Viên-volunteers giúp đỡ WYD 2008. Ban Tổ Chức vẫn còn cần thêm Thiện Nguyện Viên phục vụ cho Đại Hội Giới Trẻ năm 2008 theo kinh nghiệm quý giá của lần tổ chức Olympic năm 2000 tại Sydney.

3. TRUYỀN THÔNG.

Truyền thông được đặc biệt chú trọng để quảng bá WYD 2008. Từ những ngày Úc Châu đón Thánh Giá và Biểu Tượng Giới Trẻ, hầu hết các đài Truyền Hình Truyền Thanh đều nói tới và cổ võ. Truyền thông của Ban Tổ Chức Trung Ương đã chuyển 60 lần để quảng bá cho WYD 2008 và đã phổ biến đến các cơ quan truyền thông trên toàn thế giới. Mới đây, thông tín viên Ray Martin, thông tín viên truyền hình nổi tiếng của Úc Châu đã nhận lời chính thức để tường trình những sinh hoạt của WYD 2008 cho các đài truyền hình. Ban Tổ Chức thực hiện 1 trung tâm truyền thông quốc tế tại hội trường số 2 của Sydney Convention Centre với khoảng 3000 thông tín viên toàn cầu. Đài Truyền Hình Sắc Tộc SBS sẽ trực tiếp truyền hình những biến cố và sinh hoạt trong những ngày Đại Hội. Ngoài ra các Đài truyền hình Sky News, Pay TV cũng sẽ thông tin những tin tức của Đại Hội. Riêng web site của WYD 2008, đã có 113 triệu lượt người vào tìm hiểu.

Truyền Thông Công Giáo Việt Nam:

Riêng về Truyền thông Công giáo Việt Nam VietCatholic Network cũng đã ghi danh với Ban Tổ Chức và một số phóng viên chính thức của VietCatholic đã được cấp phát thẻ ID phóng viên báo chí và quay phim chụp ảnh của Đại Hội. Do đó trong thời gian Đại Hội sẽ thường xuyên có những bài phóng sự và hình ảnh được cung cấp đầy đủ cho qúi độc giả.

Cũng trong dịp này Liên Hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam sẽ có họp Đại Hội tại Sydney vào ngày 16/7/2008 từ 12.30 trưa tới 4 chiều tại số 2 Sappho St. Canley Heights NSW 2166. Mục đích cuộc họp để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và đề ra những định hướng hợp tác cụ thể. Buổi họp được LM Nguyễn Hữu Quảng, LM Văn Chi và Kỹ sư Đặng Minh An phối trí. (Chương trình chi tiết sẽ được thông báo đầy đủ).

4. THỰC PHẨM.

Trong tất cả địa điểm các Giáo Xứ thuộc Tổng Giáo Phận Sydney, đang chuẩn bị những kho thực phẩm để cung cấp cho các bạn trẻ tham dự Đại Hội. Các bữa điểm tâm ban sáng sẽ được cung cấp tại các hội trường nhà thờ và hội trường trường học. Các phần ăn trưa sẽ được di chuyển đến cho các bạn trẻ tham dự Đại Hội cư trú tại các trường học, nhà xứ, hay tại các gia đình. Các phần ăn tối cho các bạn trẻ tham dự cũng được phân phối tương tự.

Điểm tâm sẽ được các địa điểm phục vụ từ 6 giờ sáng đến 8 giờ sáng, sau đó, các bạn trẻ sẽ đi tham dự các sinh hoạt của Đại Hội. Trong túi-pack Đại Hội, các bạn trẻ sẽ có những phiếu đồ ăn cho từng ngày. Để thực hiện công việc phục vụ cho các bạn trẻ hành hương tham dự Đại Hội, Ban lương thực đang chuẩn bị trên dưới khoảng 6 triệu phần ăn và chi tiết hoá như sau:

- 3,500,000 bữa ăn chính.
- 2,000,000 bánh mì.
- 2,500,000 chai nước.
- 2,700,000 bánh ngọt.
- 3,000,000 trái cây.

Ngoài ra, tại các địa điểm Giáo Xứ và trường học, các Giáo Xứ cũng cung cấp thêm các thực phẩm và thức uống cho các bạn trẻ tham dự.

Ban Tổ Chức sẽ cùng các địa điểm tổ chức một bữa barbecue BBQ tiêu biểu đặc biệt của Úc Châu để đãi ngộ các bạn trẻ hành hương tham dự Đại Hội từ khắp nơi trên thế giới. Bữa barbecue BBQ này sẽ được tổ chức sau Thánh Lễ Thứ Tư ngày 16/7/2008, để các bạn trẻ nhớ mãi sự hiếu khách của Dân Tộc Úc Châu.

5. HƯỚNG DẪN GIÁO LÝ VÀ THÁNH LỄ.

Ban Tổ Chức chuẩn bị cho từ 250 tới 300 địa điểm Giáo Lý cho các ngôn ngữ và là nơi dâng Thánh Lễ cho Đại Hội WYD 2008. Các địa điểm này được chọn trong khu vực chính của Thành Phố và vùng ngoại ô Sydney. Trong các địa điểm Giáo Lý, giờ hướng dẫn Giáo Lý thường bắt đầu khoảng 9 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ sáng, để tiếp nối là Thánh Lễ trong 3 ngày chính thức của Đại Hội: Thứ Tư 16/7, Thứ Năm 17/7, và Thứ Sáu 18/7. Ban Tổ Chức mời gọi giáo dân các Giáo Xứ tham dự các Thánh Lễ này. Quý Giám Mục Hướng Dẫn Giáo Lý sẽ được Hội Đồng Giáo Hoàng Phụ Trách về Giáo Dân mời để dạy Giáo Lý tại các địa điểm Giáo Lý.

Những Chủ Đề của các ngày Hội Thảo Giáo Lý được khai triển và trình bày trong các buổi sinh hoạt Giáo Lý. Các điạ điểm Giáo Lý cũng được trang trí phù hợp với những Chủ Đề này:

- Thứ Tư ngày 16/7:

ĐƯỢC MỜI GỌI SỐNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN.
CALLED TO LIVE IN THE HOLY SPIRIT

- Thứ Năm ngày 17/7:

CHÚA THÁNH THẦN, LINH HỒN CỦA GIÁO HỘI.
THE HOLY SPIRIT, SOUL OF THE CHURCH.

- Thứ Sáu ngày 18/7:

CHÚNG TA ĐƯỢC SAI ĐI VÀO THẾ GIỚI: CHÚA THÁNH THẦN, TÁC ĐỘNG CHÍNH YẾU CỦA SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO.
SENT OUT INTO THE WORLD: THE HOLY SPIRIT, THE PRINCIPAL AGENT OF MISSION.

6. NHỮNG NƠI TẠM TRÚ CHO GIỚI TRẺ TRONG TUẦN LỄ ĐẠI HỘI.

Ban Tổ Chức đang chuẩn bị chổ ở tạm trú cho 165,000 các bạn trẻ từ 193 quốc gia tới tham dự Đại Hội, với những phương tiện cần thiết cho các bạn trẻ như nhà tắm, toilets, các dụng cụ cần thiết...Hoạch định phân phối các địa điểm tạm trú như sau:

- 100,000 tạm trú trong các trường học.
- 25,000 tạm trú tại các hotel và trường nội trú...
- 40,000 tạm trú tại các gia đình tiếp đón.

Trong các nơi tạm trú của những ngày Đại Hội, các nơi tạm trú sẽ được mở để chào đón các bạn trẻ từ Thứ Hai ngày 14/7/2008 đến Thứ Hai tuần sau ngày 21/7/2008.

Các địa điểm tạm trú sẽ có giờ đóng cửa và mở cửa. Thông thường sau khi các bạn trẻ ăn sáng và đi sinh hoạt, các địa điểm sẽ đóng cửa lúc 9 giờ sáng. Ban chiều, sẽ mở cửa cho các bạn trẻ sinh hoạt về, sau đó, sẽ đóng cửa lúc 11 giờ đêm. Những nhóm cần thiết có lịch trình lâu giờ hơn sẽ liên lạc với Hướng Dẫn Viên nơi tạm trú. Ban Tổ Chức sẽ cung cấp những số điện thoại cần thiết cho các bạn trẻ khi cần liên lạc với những cơ quan liên hệ...

Khi có bạn trẻ nào đau yếu, sẽ có những giúp đỡ cần thiết tại ngay chỗ tạm trú cho các bạn. Về vấn đề an ninh trong các nơi tạm trú, Ban Tổ Chức sẽ hợp tác với các cơ quan chính quyền và cảnh sát địa phương sẽ thực hiện những điều tốt nhất cho các bạn trẻ.

7. DI CHUYỂN CÔNG CỘNG VÀ AN NINH.

7.1. Di chuyển công cộng trong những ngày Đại Hội Giới Trẻ WYD 2008 sẽ do cơ quan WYDCA do chính quyền tổ chức với kinh nghiệm đã tổ chức Olympic năm 2000 tại Sydney. Mỗi bạn trẻ ghi danh tham dự sẽ có thẻ Di Chuyển Miễn phí được gọi là Passport trong những ngày Đại Hội. Thẻ này được kèm trong túi-pack Đại Hội khi ghi danh tại địa điểm tạm trú hay tại nơi ấn định. Tham dự viên có thẻ này được sử dụng phương tiện công cộng miễn phí như Xe lửa (Rail), xe bus...Sẽ có những bản đồ hướng dẫn chi tiết về di chuyển, lịch trình, cách thức di chuyển...trong các túi-pack Đại Hội, hoặc được phát miễn phí tại các trạm xe lửa. Các thiện nguyện viên-volunteers sẽ có mặt đều hết các ngả đường, để giúp đỡ các bạn trẻ khi cần. Theo ước tính của Ban Di Chuyển Đại Hội, xe lửa sẽ phục vụ khoảng 75% vấn đề di chuyển. Những phái đoàn đã booked xe bus cho riêng nhóm mình, nên ghi danh-registered trước để có chỗ đậu xe. Có thể ghi danh theo email: coachbooking@wydca.nsw.gov.au.

7.2. Vần đề an ninh được chính quyền Úc Châu tiếp tay tích cự với khoảng trên 4000 cảnh sát giúp đỡ trực tiếp trong các nơi sinh hoạt chung, và các cơ quan cảnh sát địa phương cũn được hướng dẫn để giúp đỡ tích cực cho Đại Hội trong những khi cần thiết. Nói chung, về an ninh được duy trì theo phương thức tốt nhất.

8. LỄ HỘI GIỚI TRẺ VÀ NHỮNG SINH HOẠT CHÍNH YẾU QUAN TRỌNG.

Sau các buổi Hội Thảo Giáo Lý và Thánh Lễ, các bạn trẻ sẽ di chuyển về thành phố Sydney bằng các phương tiện di chuyển công cộng, để tham dự các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, gặp gỡ vui tươi của tuổi trẻ. Đặc biệt những sư kiện nổi bật như: Thánh Lễ Khai Mạc và buổi Hoà Nhạc chào đón vào Thứ Ba, Lễ Hội Giới Trẻ với 550 nhóm văn nghệ quốc tế trình diễn, Hành Hương, chào đón Đức Giáo Hoàng vào chiều Thứ Năm, Chặng Đàng Thánh Giá vào chiều Thứ Sáu, và Đêm Canh Thức đặc biệt vào đêm Thứ Bảy. Kết thúc với Thánh Lễ Bế Mạc vào sáng Chúa Nhật ngày 20/7/2008.

8.1. Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội WYD 2008 tại Barangaroo trong Thành Phố Sydney và chiều Thứ Ba ngày 16/7/2008.

8.2. Buổi Hoà Nhạc chào đón và chiều Thứ Ba ngày 16/7/2008 và các sinh hoạt văn hoá văn nghệ.

8.3. Chầu Thánh Thể và Giải Tội được tổ chức trong nhiều nơi, kể cả trong những địa điểm Giáo Lý. Đặc biệt được tổ chức long trọng tại Sydney Convention Centre và Hyde Park Sydney.

8.4. Vocation Expo sẽ được tổ chức để giới thiệu các Dòng Tu và các Ơn Gọi khác nhau, để các bạn trẻ tìm hiểu ơn gọi của mình. Vocation Expo sẽ tổ chức tại Darling Harbour với 90 lều trưng bày của các Dòng Tu khác nhau.

8.5. Hành Hương Nhà Thờ Chính Toà Sydney được khuyến khích cho các bạn trẻ tham dự, để dâng hiến cho Mẹ Maria trước Mẫu Ảnh Our Lady of Southern Cross, Help of Christians. Các đoàn Hành Hương sẽ bắt đầu từ Hyde Park được trang trí với những đoạn Thánh Kinh nói về Mẹ Maria và Chúa Thánh Thần. Trong Nhà Thờ Chính Toà St Mary’s Sydney, sẽ trưng bày Xác Thánh của Chân Phước Pier Giorgio Frasatti, một trong các Đấng Bảo Trợ WYD 2008. Cũng sẽ có trưng bày về Chân Phước Mary McKillop và các Icons của Nga Xô.

8.6. Hành Hương kính viếng Nhà Nguyện của Thánh Mary McKillop tại bên North Sydney.

8.7. Chặng Đàng Thánh Giá trọng thể vào chiều Thứ Sáu ngày 18/7/2008 trong Thành Phố Sydney.

8.8. Thánh lễ Đại Trào cung hiến Bàn Thờ của Nhà Thờ Chính Toà Sydney vào buổi sáng Thứ Bảy ngày 19/7/2008 do Đức Giáo Hoàng Chủ Tế.

8.9. Đêm Canh Thức đặc biệt với cuộc Hành Hương đi bộ vĩ đại từ khắp các nẻo đường Thành Phố Sydney tiến về Randwick để tham dự Đêm Canh Thức và ngủ dưới các vì sao tại khung trời Sydney.

8.10. Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ WYD 2008 vào buổi sáng Chúa Nhật ngày 20/7/2008 tại Randwick, nơi quy tụ khoảng 500,000 người.

9. NHỮNG DIỄN BIẾN CHÍNH YẾU TRONG 4 NGÀY ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ WYD 2008.

Thứ Ba ngày 15.7.2008

Ngày chào đón chính thức các bạn trẻ từ 193 quốc gia về tham dự Đại Hội:

- Thánh Lễ chào đón các bạn trẻ Việt Nam tại Nhà Thờ Sacred Heart’s Cabramatta cùng Quý Hồng Y, Giám Mục, các bạn trẻ Việt Nam từ 9.30 sáng tới 11.30 sáng.

- Thánh Lễ Khai Mạc WYD 2008 thế giới với khoảng 250,000 người tham dự vào lúc 4.30 chiều, tại Barangaroo trong Thành Phố Sydney. Sau đó, Youth Festival và đặc biệt buổi Hoà Nhạc-Welcome Concert sẽ tiếp tục trong buổi tối. Buổi hoà nhạc này sẽ diễn tả về lịch sử, địa dư, dân tộc, và các nơi trên thế giới, đặc biệt giới thiệu về Úc Châu, Châu Đại Dương, và Giới Trẻ. Những sinh hoạt văn hoá văn nghệ này kéo dài tới 10 giờ tối.

- Lễ Hội Giới Trẻ-Youth Festival với 550 các chương trình văn nghệ, văn hoá, và gặp gỡ của giới trẻ khắp nơi trên toàn thế giới với các sinh hoạt hoà nhạc-concert, kịch nghệ-theatre, visual arts, forums, workshops, art exhibition, điện ảnh, gặp gỡ vui tươi....Thêm vào đó, song song với những sinh hoạt văn hoá văn nghệ, những trung tâm về linh đạo, cầu nguyện, chầu Thánh Thể, Giải Tội, và nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau...cũng được tổ chức song hành, để các bạn trẻ tự do chọn lựa và tham dự theo sở thích của mình.

Thứ Tư ngày 16.7.2008

Hội Thảo Giáo Lý cho giới trẻ bằng ngôn ngữ riêng tại các địa điểm Giáo Lý vào buổi sáng từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Sau phần Giáo Lý sẽ có cử hành Thánh Lễ bằng ngôn ngữ riêng của từng địa điểm. Ban chiều trong thành phố Sydney, Youth Festival với những chương trình hoà nhạc, sinh hoạt văn hoá, movies… tại nhiều nơi, đặc biệt tại Darling Harbour và Hide Park. Giải Tội được quý Cha giúp đỡ cho các bạn trẻ tham dự vào những giờ ban chiều và tối trong các ngày thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm và Thứ Sáu.

Thứ Năm ngày 17.7.2008

Ban sáng Hội Thảo Giáo Lý trong 250 đến 300 địa điểm Giáo Lý bằng ngôn ngữ riêng cho các bạn trẻ thuộc 193 quốc gia tham dự. Sau phần Giáo Lý sẽ có cử hành Thánh Lễ bằng ngôn ngữ riêng của từng địa điểm. Ban chiều khoảng 400,000 bạn trẻ và dân chúng thế giới sẽ chào đón Đức Giào Hoàng đến với WYD 2008 với 3 phần chính như sau:

- Chào đón Đức Giáo Hoàng với cuộc rước thuyền trong khu vực Sydney Harbour.
- Nghi Thức Chào Đón tại Barangaroo khoảng lúc 3.30 chiều.
- Đoàn xe của Đức Giáo Hoàng diễn hành qua các đường phố Sydney, và kết thúc khoảng vào lúc 5.30 chiều.

Mọi người trong khu vực Sydney được mời gọi tham dự cuộc chào đón này.

Thứ Sáu ngày 18.7.2008

Ban sáng Hội Thảo Giáo Lý trong 250 đến 300 địa điểm Giáo Lý bằng ngôn ngữ riêng cho các bạn trẻ thuộc 193 quốc gia tham dự. Sau phần Giáo Lý sẽ có cử hành Thánh Lễ bằng ngôn ngữ riêng của từng địa điểm. Ban chiều, các bạn trẻ sẽ tham dự Chặng Đàng Thánh Giá trải rộng trong Thành Phố Sydney vào lúc 3 giờ chiều. Chặng thứ nhất tại Nhà Thờ Chính Toà St Mary’s Sydney, sau đó, sẽ di chuyển đến Art Gallery của NSW, đến Domain, Opera House, Cockle Bay, và Barangaroo. Các bạn trẻ và mọi người Hành Hương sẽ tham dự và chọn một chặng thích hợp để tham dự tích cực. Các chặng khác sẽ được chiếu trên các màn ảnh lớn tại nhiều địa điểm. Chặng Đàng Thánh Giá-Via Crucis được trích ra từ Tân Ước do Giáo Sư Peter Steel SJ biên soạn. Thành phần diễn viên xuất sắc đã được chọn và tập dượt để trình diễn Chặng Đàng Thánh Giá rất đặc biệt này kết hợp hài hoà và rất nghệ thuật với âm nhạc, các bi cảnh của Chặng Đàng Thánh Giá. Nghi Thức Giải Tội cũng song song tiến hành cho các bạn trẻ cần gặp gỡ và hoà giải với Chúa. Đây là một biến cố vĩ đại và đặc biệt trong Đại Hội Giới Trẻ WYD 2008. Mọi người được mời gọi tham dự. Chặng Đàng Thánh Giá sẽ kết thúc vào khoảng 6 giờ chiều.

Thứ Bảy ngày 19.7.2008

cuộc hành hương của giới trẻ về Randwick từ khắp các nẻo đường Thành Phố Sydney. Trong khi Hành Hương bằng đi bộ, một số các bạn trẻ từ phía North Sydney sẽ đi ngang qua cầu Sydney nhắc nhở Bí Tích Rửa Tội bằng nước và trưởng thành qua Bí Tích Thêm Sức. Trong khi Hành Hương đi bộ, các bạn trẻ sẽ làm chứng nhân cho Chúa qua kinh nguyện, suy niệm, sinh hoạt...ngay trên các đường phố Sydney. Qua phía cầu Anzac, Ban Tổ Chức sẽ thực hiện 7 Trạm Thần Lực-Seven Power Stations, dọc theo Anzac Parade, diễn tả 7 Hồng Ân Chúa Thánh Thần. Mục đích 7 Trạm Thần Lực này chuẩn bị cho các bạn trẻ nhận lãnh Sức Mạnh Chúa Thánh Thần khi tham dự Đêm Canh Thức và Thánh Lễ Bế Mạc. Đêm Canh Thức-Vigil sẽ được tổ chức tại Randwick, nơi gặp gỡ cho các bạn trẻ hoàn cầu. Trước khi đến với Đêm Canh Thức, các bạn trẻ sẽ nhận những túi thực phẩm cho Đêm Canh Thức. Khoảng đất Southern Cross chung quanh Randwick, được diễn tả như hình ảnh của Phòng Tiệc Ly-Upper Room, nơi Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể, nơi Ngài ban Thánh Thần cho các Tông Đồ (Jn. 20:22). Đây cũng là nơi các Tông Đồ cầu nguyện và Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các Ngài (Act. 1). Trong Đêm Canh Thức này, đây là dịp gặp gỡ của các bạn trẻ thế giới cùng với các sinh hoạt Thánh Ca, chia sẻ Đức Tin bằng những chứng từ, cầu nguyện, trình diễn…Đêm Canh Thức khai mạc khoảng 7 giờ tối Thứ Bảy ngày 19/7/2008. Chương trình Đêm Canh Thức chia làm 3 phần chính:

- Nghi Lễ mong chờ Chúa Thánh Thần Hiện đến với nghi thức Ánh Sáng và Nghi Thức diễn tả Bảy Ơn Chúa Thánh Thần qua các chứng từ của Giới Trẻ.

- Diễn từ của Đức Giáo Hoàng cùng với phần kinh nguyện và Nghi Thức Cầu Khẩn Chúa Thánh Thần do Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục cử hành. Tiếp theo là Chầu Thánh Thể.

- Sau giờ Chầu Thánh Thể, Đức Giáo Hoàng sẽ ra về, và Giới Trẻ sẽ cầu nguyện, canh thức, ngủ nghỉ dưới các vì sao tại khung trời Sydney...Chầu Thánh Thể và Giải Tội vẫn tiến hành cho các bạn trẻ nào cần đến...

9.6. Chúa Nhật ngày 20.7.2008, Thánh Lễ bế mạc tại Randwick Race Course vào hồi 10 sáng. Sau điểm tâm khoảng 8 giờ sáng tại đây, Ban Tổ Chức giúp các bạn trẻ chuẩn bị tâm hồn dâng Thánh Lễ Bế Mạc. Ban Tổ Chức ước lượng chừng 500,000 người tham dự Thánh Lễ Bế Mạc với Đức Giáo Hoàng, với khoảng 400-500 Giám Mục, và 3000 Linh Mục cùng Đồng tế trong Thánh Lễ Bế Mạc này.

10. ĐẶC BIỆT CHO GIỚI TRẺ VIỆT NAM.

Ngoài những chương trình theo tổ chức của Ban Tổ Chức Trung Ương, Ban Tổ Chức WYD4VN sẽ có thêm những sinh hoạt đặc biệt cho Giới Trẻ Việt Nam toàn cầu gặp gỡ. Trong các Thánh Lễ và Hội Thảo Giáo Lý tại địa điểm Giáo Lý dành cho Giới Trẻ Việt Nam, các bạn trẻ Việt Nam từ khắp 5 Châu về hội ngộ, sẽ cùng cộng tác với nhau trong các công việc về phụng vụ Thánh Lễ và Sinh Hoạt, để mang lại những sắc thái đặc biệt của từng Châu lục địa phương. Tiêu Biểu của Giới Trẻ Việt Nam qua những sinh hoạt đặc biệt như sau:

10.1. Thánh Lễ Hội Ngộ trong Chúa Thánh Thần để Chào Đón Quý Hồng Y, Giám Mục, Giới Trẻ Việt Nam từ 5 Châu Lục, và khách hành hương từ 9.30 sáng tới 11.30 sáng thứ 3 ngày 15/7/2008 tại Nhà Thờ Sacred Heart’s Cabramatta. Địa chỉ: Sacred Heart’s Church. 13 Park Road, Cabramatta NSW 2166.

10.2 Đại Hội Liên Hiệp Truyền thông Công giáo Việt Nam được tổ chức ở Sydney vào ngày 16/7/2008 từ 12.30 trưa tới 4 giờ chiều tại số 2 Sappho St. Canley Heights NSW 2166.

10.3. Đại Nhạc Hội “Trở Về Nguồn” tại Liverpool Whitlam Centre. Địa chỉ: Liverpool Whitlam Centre. 90A Memorial Avenue, Liverpool NSW 2170. Khai mạc lúc 6 chiều Thứ 4 ngày 16/7/2008.

10.4. Họp mặt của Thiếu Nhi Thánh Thể toàn thế giới sau WYD 2008, sẽ được tổ chức vào Thứ Ba ngày 22.7.2008. Trong cuộc họp mặt này sẽ nói về quá khứ, hiện tại, và tương lai của Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam.

10.5. Ban Tổ Chức WYD4VN sẽ tổ chức một đêm Du Thuyền trên Vịnh Sydney - Sydney Harbour Cruise vào Thứ Hai ngày 21/7/2008, từ 5.30 tối đến 9 giờ tối, để các bạn trẻ Việt Nam trên 5 Châu Lục cám ơn và chia tay nhau. Ưu tiên cho các bạn trẻ từ xa tới.

Sau đó, chương trình Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới WYD 2008 sẽ chấm dứt. Nhưng ngọn lửa của Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hướng dẫn và soi sáng các bạn trẻ Việt Nam nói riêng và các bạn trẻ thế giới nói chung, để sống chứng nhân giữa thời đại hôm nay theo lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô trong Chủ Đề Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXIII tại Sydney: “Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con; và các con sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1:8).

Xin đón chào các bạn trẻ Việt Nam đến với Đại Hội.

Xin toàn thể quý vị cầu nguyện và cộng tác với Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới WYD 2008.

Sydney, ngày 30.5.2008
 
Lược sử Giáo phận Bắc Ninh
LM Cosma Hoàng Văn Đạt
13:03 30/05/2008
LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN BẮC NINH 29.5.2008

Cách đây đúng 125 năm, ngày 29.5.1883, Tòa Thánh cho thành lập giáo phận Bắc Ninh. Hôm nay, trong ngày lễ ấm cúng tại nhà thờ Chính Tòa Bắc Ninh, chúng ta vừa nghe lời Chúa mời gọi ca ngợi và tạ ơn về những gì Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Tôi rất hân hạnh và vui mừng được cùng với cả cộng đoàn ôn lại những năm tháng đã qua để nhận ra trái tim và bàn tay của Thiên Chúa dành cho giáo phận, và hướng nhìn đến những năm tháng sắp tới để tin tưởng nhìn vào tương lai. Tôi là một đứa con lưu lạc của giáo phận, nên không có tham vọng nói được hết mọi điều cần, chỉ xin chia sẻ một vài tâm tình đơn sơ.

1. Năm 1627, khi hai thừa sai Dòng Tên lần đầu tiên là cha Pedro Marques và cha Alexandre de Rhodes (quen gọi là cha Đắc Lộ) đặt chân đến Cửa Bạng Thanh Hoá rồi đến Hà Nội, chắc chắn lúc ấy trên phần đất giáo phận Bắc Ninh hiện nay chưa có một người công giáo nào. 32 năm sau, khi Tòa Thánh thiết lập 2 giáo phận đầu tiên của Việt Nam là Đàng Trong và Đáng Ngoài, sử sách ghi nhận đã có một số giáo dân ở Kẻ Mốt (xứ Đức Trai), Kẻ Nê (xứ Tử Nê) và Kẻ Roi (xứ Xuân Hòa). 20 năm sau nữa, khi giáo phận Đàng Ngoài được chia thành hai là giáo phận Đông (Hải Phòng) và giáo phận Tây (Hà Nội), thì trên phần đất của giáo phận Bắc Ninh hiện nay đã có 3317 giáo dân và 32 nhà thờ, do các cha Dòng Tên coi sóc. Vào ngày giáo phận được thiết lập, có 35 ngàn giáo dân trong 11 xứ và 28 họ, 22 linh mục, 50 thầy giảng và 8 nữ tu Mến Thánh Giá. Hiện nay, giáo phận có 125 ngàn giáo dân trong hơn 50 xứ, hơn 300 họ, do 42 linh mục và một phó tế coi sóc. Theo cách nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, thì đó là một hạt cải nhỏ đã nảy mầm và lớn lên thành một cây to.

2. Trước khi giáo phận được thiết lập, hai trận siêu bão trong thế kỷ XIX mang tên Minh Mạng và Tự Đức tường chừng đã tiêu diệt được cây non ấy từ trong trứng nước, nhưng trái với điều loài người tính toán, Thiên Chúa đã biến sự dữ thành sự lành, đã hội nhập ác tâm của con người vào trong kế hoạch yêu thương.

Năm 1838, ngày lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, quan quân triều đình bao vây xứ Kẻ Mốt, bắt cha Phêrô Nguyễn Văn Tự, Dòng Đaminh, 42 tuổi cùng với thầy giảng Đaminh Bùi Văn Úy, 26 tuổi, và 3 giáo dân trẻ. Đó là 3 thanh niên nghèo quê ở Thái Bình đến Kẻ Mốt làm thuê. Anh Tôma Nguyễn Văn Đệ 27 tuổi là thợ may, sinh ra và lớn lên trong gia đình công giáo. Chính anh dìu dắt 2 bạn đồng hương đến với Chúa. Anh Augustinô Nguyễn Văn Mới, 32 tuổi, là nông dân, sinh ra và lớn lên trong gia đình lương dân, đã theo đạo tại Kẻ Mốt. Anh Têphanô Nguyễn Văn Vinh, 25 tuổi, cùng là nông dân, sinh ra và lớn lên trong gia đình lương dân, thường đi đọc kinh dự lễ nhưng chưa được rửa tội. Cả 5 cha con bị giam tại Lương Tài. Thầy giảng Phanxicô Xavier Hà Trọng Mậu, 38 tuổi, ở họ Nội xứ Kẻ Mốt, đến Lương Tài để dò hỏi tin tức 5 cha con thì bị bắt. Cả 6 cha con bị đưa lên Bắc Ninh giam chung với cụ trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh. Năm ấy cụ 75 tuổi, quê ở làng Vân tỉnh Bắc Giang, suốt đời làm lương y, bị bắt tại bến đò Thổ Hà vào đầu tháng 7. chính trong nhà giam, cha Tự đã rửa tội cho anh Vinh. Vì cả 7 cha con không chịu bước qua Thánh Giá, nên bị kết án tử hình. Ngày 5.9.1838, cha Tự và cụ Cảnh bị xứ trảm. Ngày 19.12.1839, năm chứng nhân còn lại bị xử giảo. Cả 7 chứng nhân đã được tôn phong hiển thánh.

Cuối năm 1859, tức là 20 năm sau, thừa lệnh vua Tự Đức, quan tổng trấn Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên) triệu tập các đầu mục, tức là những giáo dân đứng đầu các họ đạo trong khu vực đến Bắc Ninh, và truyền lệnh của vua phải xuất giáo. Các ngài từ chối, nên bị đánh đập dã man rồi cho biết sẽ bị giam và đánh đập cho tới khi xuất giáo. Trong hơn 2 năm, nhiều vị “thứ mục”, tức là những người giúp việc các họ đạo, cũng bị bắt giam. Do bị tra tấn dã man, một số đã xuất giáo. Có 3 chứng nhân đã chết trong thời gian bị giam giữ và tra tấn. Ngày 4.4.1862, quan tổng trấn Nguyễn Văn Phong ra lệnh chém đúng 100 chứng nhân còn lại, rồi chôn trong hai hố tập thể ở cổng thành. Tiểu đội trưởng Aát, người lương dân, thuộc thành phần đội thi hành án hôm ấy khai: “Quan án sát truyền lệnh cho tôi phải chôn các đầu mục. Khi tới miệng hố mới được đào trước đó không lâu để chôn họ, lính lập tức dùng gươm giáo đâm chém chừng 30 người, nhưng chỉ có 5 hay 6 người bị chém lìa đầu. Lúc ấy viên chánh án ngồi trên cao nói lớn: Đây là phép nước. Phải truy lùng, trừng trị, tiêu diệt chúng. Đẩy chúng xuống hố.” Đại đội trưởng Mẫu, cũng người lương dân, cầm đầu cuộc thi hành án hôm ấy cho biết: “Tôi chỉ huy việc chôn họ. Tôi thấy các đầu mục bị trói, nhưng rất hớn hở đến nơi thụ hình. Họ sốt sắng đọc kinh, nhưng tôi không hiểu họ đọc gì, chỉ nhớ họ đọc lớn tiếng và liên tục. Tôi biết rõ việc họ tới nơi thụ hình. Hôm sau, các hố chôn bị voi giày cho bằng, để nếu ai còn sống sẽ chết mau hơn,” 100 đầu mục tử đạo là một biến cố lịch sử đông tây kim cổ chưa từng có.

Chúng ta cũng đừng quên cha thánh Phêrô Almato Bình, Dòng Đaminh, người Tây Ban Nha, từng coi sóc xứ Thiết Nham rồi Tử Nê và Thọ Ninh, cuối cùng đã hy sinh tại Hải Dương cùng với hai thánh giám mục Giêrônimô Liêm và Valentino Vinh tại Hải Dương năm 1861.

Tưởng chừng những biện pháp ghê rợn sẽ làm nhụt chí các tín hữu, nhưng máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh đức tin: giáo phận qua cơn thử thách quyết liệt đã vươn vai lớn mạnh như chú bé huyền thoại làng Phù Đổng.

3. Gần chúng ta hơn, sau khi giáo phận được thiết lập khoảng 70 năm, một thử thách khác không kém gay go mà các bậc cha anh trực tiếp của chúng ta đã trải qua và vượt qua. Năm 1954, giáo phận có 68 ngàn giáo dân, 62 xứ, 413 nhà thờ, 80 linh mục và 28 đại chủng sinh. Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, gần 40 ngàn giáo dân cùng với đại đa số các linh mục và tất cả chủng sinh di cư vào nam. Ở lại giáo phận chỉ còn khoảng 30 ngàn giáo dân, 14 linh mục hầu hết già yếu, 12 thầy giảng và 11 nữ tu Đaminh. Trong tình trạng chiến tranh, và thời bao cấp, hoạt động của các linh mục bị hạn chế tối đa. Đã vậy các chủng viện lại bị đóng cửa. Có lúc giáo phận chỉ còn 1 hay 2 linh mục. Trong gần 30 năm, Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, nay là Hồng Y, không thể đi thăm các xứ họ, đã dâng lễ trong một phòng diện tích chưa đầy 8 m2. Tại đây, ngài đã âm thầm truyền chức cho một số linh mục trong và ngoài giáo phận, và cả đến phong chức giám mục cho đức cha Đaminh Quảng của Bắc Ninh và đức cha Vinhsơn Dụ của giáo phận Lạng Sơn.. Thiếu linh mục, ngài đào tạo giáo dân lãnh đạo các xứ họ, kêu gọi các cô tận hiến (nay là Tu Hội Hiệp Nhất) tiếp sức. Ngài soạn các kinh và giáo lý Kinh Thánh bằng văn vần để giáo dân dễ nhớ và trẻ em dễ học. Chính đức cố giám mục Giuse Maria trong một thời gian phải hằng ngày đạp xe rời làng trước khi trời sáng, đi 30 km đến toà giám mục để học, rồi lại đạp xe về khi trời đã tối. Mọi sinh hoạt được tập trung tại Tòa Giám Mục. Có những giáo dân nhiều khi phải đi tàu lửa đến ga Yên Viên rồi đi bộ 20 km đến Bắc Ninh dự lễ. Có những người phải đạp xe hàng trăm cây số để được xưng tội hay làm phép cưới. Có những giáo dân phải dùng xe cải tiến đi 70 km chở củi trong đêm tối đến giúp Tòa Giám Mục có chất đốt. Năm 1993, khi tôi đến thăm một họ ở huyện Sóc Sơn, ông trùm đã khóc và cho biết: “Từ tạo thiên lập địa đến nay mới có một cha đặt chân đến đây!” Cũng vào thời điểm ấy, tôi hỏi một nhóm thanh niên nam nữ ở một họ trong tỉnh Bắc Ninh: họ không biết truyện người con hoang đàng hay truyện người Samari nhân hậu Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng. Đã có nhiều người do nhu cầu kinh tế hay vì yếu đuối đã xa nhà thờ, đã rối hôn nhân, đã không dám giữ đạo công khai. Chỉ Thiên Chúa mới biết hết được bao nhiêu cố gắng và hi sinh đến mức anh hùng của hàng ngàn hàng vạn tín hữu, giáo dân cũng như giáo sĩ và tu sĩ để giáo phận vững bước và tiến lên trong những năm tháng khó khăn ấy.

Đứng về mặt tự nhiên, tình trạng thật bi đát. Nhưng một cây trụi lá như vậy, với quyền năng của Thiên Chúa, vẫn có thể hồi sinh. Và cây ấy đã thực sự hồi sinh. Đó là một cây được trồng bên bờ suối, nên trổ sinh hoa trái đúng mùa.

4. Chín triệu dân sống trên khu vực gần 25 ngàn km2, đó là tình hình giáo phận Bắc Ninh hiện nay. Công cuộc truyền giáo đã có những kết quả nhất định, nhưng cánh đồng truyền giáo vẫn còn mênh mông. Theo tiêu chuẩn quốc tế bình thường, giáo phận còn thiếu 80 linh mục. Có thể 10 năm nữa giáo phận mới đạt tới tình trạng bình thường là xứ nào cũng có cha coi sóc. Ngoài ra, giáo phận còn thiếu những chuyên gia về Kinh Thánh, về Giáo Luật, về Phụng Vụ, về Thần Học… Bao giờ tất cả các nhà thờ hư hỏng được sửa chữa? Bao giờ thì giáo họ nào cũng có một ngôi nhà thờ để họp nhau cầu nguyện? Bao giờ thì tuần nào cũng có thánh lễ trong tất cả các nhà thờ của giáo phận? Bao giờ thì các cha được nghỉ cuối tuần và nghỉ hè? Bao giờ giáo phận có những cơ sở nuôi dưỡng những người bất hạnh? Bao giờ tỉ lệ tín hữu hiện nay là 1,38 % được nâng lên thành 2%? Những câu hỏi như vậy tuy thật khiêm tốn nhưng vẫn còn khá xa vời.. Phaolô trồng cây, Apollo tưới cây, Thiên Chúa cho mọc lên: tạ ơn Thiên Chúa. Vững tin vào ơn Chúa trong quá khứ, chúng ta hãy can đảm thả lưới theo lệnh Chúa, phần còn lại là làm cho lưới đầy cá nằm ngoài tầm tay của chúng ta, nhưng chính Chúa sẽ bảo đảm. Năm sự vui rồi năm sự sáng, năm sự thương rồi năm sự mừng: đó là qui luật của lịch sử thánh.Giáo phận Bắc Ninh nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Đấng Bảo Trợ hẳn là nắm vững điều ấy. Ngay trong những lúc gay go nhất, giáo phận đã từng cống hiến những người con ưu tú như thánh linh mục Anrê Dũng Lạc cho giáo phận Hà Nội, thánh linh mục Đaminh Cẩm cho Dòng Đaminh. Ngoài ra, giáo phận còn là nơi nương náu cho thánh Giám Mục Giêrônimô Liêm của giáo phận Đông ở Kẻ Mốt, cho thánh giám mục Valentino Vinh của giáo phận Trung ở Hương La. Chúng ta không chỉ có Thánh Gióng, nhưng còn có Chúa Giêsu, không chỉ có Hai Bà Trưng, nhưng còn có Mẹ Maria, không chỉ có Bà Chúa Kho, mà còn có Mẹ Hội Thánh. Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các thánh tử đạo Bắc Ninh là những điểm tựa vững chắc cho toàn thể giáo phận.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng con ngợi khen và tạ ơn Chúa về tất cả những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện cho giáo phận chúng con. Lạy Mẹ Maria, xin giúp giáo phận chúng con vững bước trên con đường của Chúa Giêsu như Mẹ. Lạy thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các thánh tử đạo Bắc Ninh, xin cầu nguyện cho cây đức tin Bắc Ninh mà các ngài đã tưới bằng máu, được lớn lên không ngừng. Cùng với cả giáo phận, chúng con xin thốt lên từ đáy lòng: Tên chúng con đã được ghi trên trời, muôn đời chúng con xin ca ngợi và tạ ơn Chúa. Amen.

Bắc Ninh ngày 29.5.2008
 
Kinh nghiệm truyền giáo cho các sắc tộc thiều số vùng Tây Bắc Việt Nam
Nguyễn Tiến Hiệp
13:12 30/05/2008
YÊN BÁI, Việt Nam - interview - Mặc dù môi trường Truyền giáo tại miền Tây Bắc giáo phận Hưng Hoá rộng lớn nhất Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có một linh mục trong gần 5 năm qua đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ trong việc truyền giáo cho các sắc tộc thiểu số trong vùng và thiết lập được nhiều giáo điểm Truyền giáo mới mới nhờ biết tôn trong tín ngưỡng, phong tục tập quán và nền văn hoá truyền thống của các sắc tộc thiểu số bản địa.

Linh mục Micae Lê Văn Hồng, sinh ngày 19-10-1960, mãn trường Đại Chủng viện Hà Nội khóa 1988-1995, lãnh chức linh mục ngày 21 tháng 3 năm 2002, vào tháng 8 năm 2003. Cha được bổ nhiệm coi sóc giáo xứ Vĩnh Quang và kiêm nhiệm 3 giáo xứ khác trong vùng, cả 4 xứ này đã không có linh mục xứ coi sóc kể từ năm 1964. Kể từ đó Cha bắt đầu công việc mục vụ và ưu tiên Truyền giáo cho người sắc tộc thiểu số, đặc biệt là người Thái. Đầu năm nay Cha chuyển tới coi sóc giáo xứ Nghĩa Lộ cách Vĩnh Quang 5 km và vẫn tiếp tục công cuộc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số trong một miền rộng lớn phía tây bắc Việt Nam, cụ thể thuộc địa bàn các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải và thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh miền núi Yên Bái, trụ sở của cha tại xứ Nhĩa Lộ, cách Hà Nội 270 km về phía tây bắc.

Trong tổng số 10.200 người Công giáo trong vùng này, Cha Hồng coi sóc khoảng 4.500 giáo dân người H’mông, 220 người Thái, 25 người Dao, 60 người Tày và 1500 người Kinh. Số Công giáo người Kinh còn lại thuộc quyền coi sóc của hai linh mục khác.

Sau gần 5 năm Truyền giáo cho miền này, Cha đã chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc Truyền giáo đặc biệt của mình cho các dân tộc thiểu số. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Xin Cha cho biết trong gần 5 năm qua Cha đã gặt hái được những hoa trái gì trong công cuộc Truyền giáo cho các sắc tộc thiểu số miền tây bắc Tây Bắc giáo phận Hưng Hoá rộng lớn?

Cha Hồng: Trong gần 5 năm coi sóc mục vụ trong vùng đa sắc tộc chung sống này, công cuôc truyền giáo do tôi khởi xướng mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng đã có những khởi sắc sau gần nửa thế kỷ được coi là vùng đất “nằm ngủ yên và bị lãng quên về công tác Truyền giáo”. Tính đến nay đã có khoảng 500 người Thái, 70 người Dao, 150 người H’mông được Rửa tội gia nhập đạo Công giáo vào các dịp lễ lớn rải rác trong các năm vừa qua. Đặc biệt những tân tong người Thái và Dao nói trên họ là những người dân tộc thiểu số đầu tiên trong cộng đồng của họ gia nhập đạo Công giáo do nỗ lực truyền giáo của chúng tôi trên miền đất được coi là đã ngủ yên và bị lãng quên sau gần nửa thế kỷ kể từ năm 1964 là năm mà cả vùng không còn linh mục nào coi sóc. Bên cạnh đó tôi cũng đã cho thiết lập được 10 giáo điểm truyền giáo mới nằm rải rác trong các bản làng dân tộc.

PV: Đâu là những tiêu chí quan trọng và ưu tiên của Cha khi truyền giáo cho người dân tộc thiểu số ở đây?

Cha Hồng: Tôi luôn xác định tiêu chí quan trọng trong khi truyền giáo cho họ là tôn trọng nền văn hoá, phong tục tập quán và cả tín ngưỡng dân gian của họ, và lợi dụng moị hoàn cảnh có thề để tiếp cận làm quen với họ, trở thành bạn thân với họ thì càng tốt.

PV: Xin cha chia sẻ một vài kinh nghiệm cũng như phương cách tiếp cận để Truyền giáo cho họ củ thể như thế nào?

Cha Hồng: Tôi cũng đã từng là một người lính nên tôi biết Truyền giáo cũng giống như một trận đánh lớn vậy, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng,” nên tôi phải chủ động như mỗi khi định đi tới tiếp cận một nơi nào đó, tôi không bao giờ nói về Chúa và việc truyền giáo trước, nhưng thay vào đó là tìm cách làm quen trước như hỏi chuyện họ về sức khoẻ về cách làm ăn, làm nông, lâm nghiệp, thời tiết, mùa màng ra sao có được mùa hay không.. Đôi khi để lấy được lòng bà con dân tộc, tôi cùng xuống ruộng để cày cấy, gặt lúa hay cùng trồng cây với họ, ăn những món ăn truyền thống dân tộc mà họ thích như côn trùng ếch, nhái, ngoé, chão chuộc, dế, chuột nấu, những thứ này thường nấu với rau và măng rừng, thịt sấy khô uống rượu bằng ống nứa, sừng bò, những món ăn này từng làm nhiều người khiếp sợ và chính bản than tôi lúc đầu cũng sợ, nhưng ăn vài lần rồi quen và không muốn làm mất long dân làng, vì vậy họ tỏ ra thích thú vì thấy tôi trở nên giống họ.

Sau khi đã quen biết rồi, tôi thường mời họ trực tiếp tham dự và trình diễn văn nghệ dân tộc của họ như các điệu múa xoè quạt, xoè ô, đội gốm, múa khèn, múa sạp là những nét văn hoá đặc trưng của người Thái, H’mông cho dù bước đầu họ chưa gia nhập Công giáo vào các dịp lễ quan trọng của người Công giáo như lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, dịp Tết Nguyên Đán, khánh thành nhà thờ, kỷ niệm 100 thành lập giáo xứ, dịp tấn phong Giám mục, thụ phong linh mục.

Tôi thường tới thăm nhà họ, chia vui se buồn với họ trong các dịp đám tang, đám hiếu, một điều không thể thiếu là tôi học tiếng dân tộc Thái, tiếng H’mông, Dao để giao tiếp với họ, và tổ chức cử hành các thánh lễ bằng tiếng dân tộc bất cứ nơi nào có thể như tại các giáo điểm, nhà tư, trên bãi đất trống hay ven sườn đồi núi giữa các bản làng, thậm chí còn cả ở các khu chợ nữa. bên cạnh đó còn bốc thuốc nam gia truyền để chữa bệnh cho đồng bào, trong đó miễn phí cho những người nghèo.

Một điều không thể thiếu khi đi truyền giáo ở vùng này là phải biết uống rượu, thậm chí cũng phải uống say họ mới vui, mặc dù điều này làm tôi không thích và có hại cho sức khoẻ, nhưng đối với bà con dân tộc, họ lấy “rượu làm đầu câu chuyện”, mọi thứ có thể giải quyết một cách dễ dàng được nhờ giao lưu với nhau qua chén rượu cần, rượu sâu chít, rượu uống bằng ngà trâu, sừng bò hay ống nứa, nếu họ mời mình uống rượu mà mình không uống họ sẽ cho mình là “khinh dể không tôn trọng nền văn hoá và tập tục bản địa của ho.

PV: Thế còn về vấn đề tín ngưỡng, tôn kính tổ tiên theo truyền thống của họ cha tiếp cận thế naò?

Cha Hồng: Tôi luôn tôn trọng tập tục văn hoá, tôn kính tổ tiên, tục cúng bái của người Thái, người Dao, vì đó cũng là cách tiếp cận quan trọng làm cho họ quí mến và có cảm tình với linh mục bước đầu, sau đó tôi giải thích về đạo Công giáo cũng tôn kính tổ tiên nhưng chỉ khác nhau cách làm mà thôi, qua đó hướng dẫn họ nên bỏ những gì là mê tín dị đoan và giữ lại những gì là tinh hoa của truyền thống dân tộc mình. Theo phong tục tập quán lâu đời của Người Thái họ thờ cúng “Ma Nhà”có nghĩa là thờ cúng Tổ Tiên được đặt ở một gian buồng chỉ có chủ nhà và thầy cúng, thầy mo mới được phép vào, còn những người khác kể cả con dâu cũng không được vào, nơi này vào ngày lễ Tết hay ngày giỗ người ta thắp hương, làm mâm xôi thịt và con gà luộc dâng cúng tổ tiên và mời thầy cúng về cúng. Còn “Ma Xó”, có nghĩa là những hồn ma lang thang, mồ côi đói ăn, hay quấy rầy dân làng và gia chủ. Khi vừa tới nhà nào, tôi cũng xin phép gia chủ để vào vái hương Ma Nhà để tỏ lòng tôn kính tổ tiên của họ. Tuy nhiên sau khi đã quen biết và trở nên thân thiện, tôi đã giải thích với họ là nên dâng mâm hoa quả và hương cho tổ tiên thay vì mâm xôi thịt, vì như vậy đỡ mất vệ sinh hơn, việc này đã được những nơi chúng tôi đến họ đón nhận một cách vui vẻ.

PV: Đến nay cha đã lập được những giáo điểm nào?

Cha Hồng: Trong 5 năm qua tôi đã thiết lập được các giáo điểm Truyền giáo mới như Gia Hội, Tú Lệ, Nậm Búng, Nậm Lành, Nậm Tộc, Tà Lành, km16, An Lương, Trạm Tấu, và thị trấn Mù Căng Chải, là giáo điểm xa nhất và cũng là giáo điểm đầu tiên của huyện này kể từ hàng trăm năm qua, cách Hà Nội 400 km về hướng Tây Bắc và cách giáo xứ Nghĩa Lộ 130 km. Những nơi này tôi đã cử những giáo lý viên tới dạy giáo lý cho họ, rồi tổ chức thường xuyên những chuyến đi đến thăm và dâng lễ cho họ.

PV: Cha có gặp khó khăn hay thuận lợi gì khi truyền giáo và lập giáo điểm?

Cha Hồng: Từ khi mở các giáo điểm truyền giáo cho người dân tộc, tôi không gặp khó khăn hay trở ngại gì lớn trong công việc của mình, nhìn chung mở các giáo điểm diễn ra khá thuận lợi trong thời gian ngắn khoảng 1 tháng là đã có thể lập được giáo điểm và có thể Rửa tội được cho một số dự tòng ở đó, được người dân ủng hộ và tin theo thậm chí có nơi cả phía chính quyền địa phương cũng không ngăn cản mà còn thuc giục linh mục sớm đến với bà con. Nhưng nay tôi không vội vàng rửa tội cho họ nhưng có thời gian chuẩn bị học hỏi giáo lý và thử thách khoảng 6 tháng. Tuy nhiên cũng có nơi chính quyền địa phương gây khó khăn cho các dự tòng, tân tòng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là vấn để kinh phí, hầu như cha con phải tự xoay sở về tiền bạc để lo cho công việc truyền giáo, như chi phí xe cộ đi lại cho những dự tòng, cho họ ăn cơm, và cả chi phí cho bản thân chúng tôi nữa. Vì thế chúng tôi chưa dám qui tụ họ lại thành những nhóm dự tòng để học giáo lý tại nhà xứ vì như vậy kinh phí rất lớn trong khi mình không có tiền nên “lực bất tòng tâm”, mặc dù chúng tôi rất muốn tổ chức những lớp học ngắn hạn khoảng một tháng như vậy cho tất cả các giáo điểm đã lập được, đến nay mới đào tạo được duy nhất có một khoá.

PV: Cha thường đi truyền giáo một mình?

Cha Hồng: Không, lợi thế là tôi không làm việc truyền giáo một mình mà luôn mời gọi một nhóm khoảng 20 người là giáo dân, ứng sinh hỗn hợp cả người dân tộc thiểu số và người Kinh, họ luôn sẵn sàng đồng hành lên đường truyền giáo với tôi bất cứ khi nào cần, nhờ những tác viên trruyền giáo dân tộc này lại truyền giáo cho chính dân tộc của họ nên lợi thế về tiếng nói, hiểu biết về phong tục tập quán dân tộc, giúp bà con cả về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, vì đa số bà con dân bản sinh sống bằng nghề nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi săn bắn và haí măng, đốn cuỉ. Bên cạnh đó tôi đã phải cố gắng tranh thủ moị lúc để học tiếng dân tộc Thái, Hmông và Dao, giờ đây tôi thể nói được các thứ tiếng naỳ mỗi khi có dịp gặp bà con dân tộc hay khi cử hành thánh lễ, làm các bí tích, tiếng H’mông tôi nói được khoảng 70%, còn tiếng Thái và Dao thì ít hơn, hiện tôi vẫn đang tích cực học.

PV: Người Công giáo trong vùng thấy gì qua công cuộc truyền giáo của cha?

Cha Hồng: Tôi nghĩ rằng mọi sự do Chúa Thánh Thần làm và thúc đẩy, có thể coi thời điểm này là “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” là thời giờ của Chúa đã đến, khi thấy người dân tộc trong vùng gia nhập đạo một cách nhanh chóng, nhiều người Công giáo đã theo đạo nhiều năm tỏ ra vui mừng xen lẫn lo lắng, có người còn vin vào câu Kinh Thánh: “Con đông con tây và ăn tiệc Ta, còn con cái trong nhà thì loại ra”, con đông, con tây ở đây theo họ, là chỉ người dân tộc thiểu số, còn con cái trong nhà chính là những người đạo gốc lâu năm.

Còn tôi càm thấy rất vui vì khơi dậy được tinh thần truyền giáo nơi giáo dân, để chính họ cũng tích cực tham gia vào công tác truyền giáo với linh mục, thứ đến là xoá đi mặc cảm, tự ti của người Công giáo xưa nay ở đây chỉ biết giữ đạo mà không hề truyền giáo, nhưng nay mọi sự đã thay đổi họ sống đạo và truyền giáo làm ưu tiên, gây mối thiện cảm lương giáo trong vùng.

PV: Có phải bây giờ người dân tộc thiểu số trong vùng mới theo đạo?

Cha Hồng: Không phải vậy, người Thái theo đạo trở lại sau gần 40 năm vắng bóng linh mục, kể từ năm 1964, vị linh mục cuối cùng trong vùng bị chính quyền bắt đi cải tạo, đó là cố linh mục Phêrô Dư Kim Khoa. Giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, nhờ công lao truyền giáo của các Giám mục, linh mục Thừa sai Paris và người Việt Nam, các dân tộc Thái, Mường, Tày và H’mông theo đạo rất đông, nhưng sau gần nửa thế kỷ do chiến tranh, khó khăn xã hội, lại không có linh mục ở tại chỗ coi sóc mục vụ và truyền giáo thì các dân tộc Thái, Tày, Mường bỏ đạo dần và không có thêm người theo đạo nữa, sau gần nửa thế kỷ chi còn lại vài người.

PV: Nhờ đâu mà cha có những nỗ lực truyền giáo mau chóng như vậy?

Cha Hồng: Không phải học tập đâu xa, mà tôi học được kinh nghiệm truyền giáo và phương pháp tiếp cận cuả chính Chúa Giêsu, cuả Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô ii và đặc biệt từ các vị thừa sai ngoại quốc đã từng đến sống và phục vụ trong vùng này từ nửa đầu thế kỷ trước, trong đó nhiều vị đã sống và chết tại vùng đất này cho công việc truyền giáo, các ngài đã trở nên hoà đồng ba cùng với dân tộc thiểu số như cùng ăn những món ăn dân tộc, giao tiếp và giảng đạo bằng tiếng dân tộc và sống cùng với các bản làng dân tộc.

PV: Xin cha cho biết hiện nay cha có linh mục nào phụ giúp nữa không?

Cha Hồng: Hiện nay trong vùng có thêm hai linh mục nữa mới được bổ nhiệm đến coi sóc mục vụ các giáo xứ, vì thế tôi càng rảnh tay hơn và chuyên tâm lo cho công tác Truyền giáo và mở mang các giáo điểm cho người dân tộc.

PV: Xin Cha cho biết vùng này có bao nhiêu dân tộc thiểu số?

Cha Hồng: Vùng này chính xác có 12 dân tộc thiểu số sinh sống gồm Người Thái, H’mông, Dao, Mường, Mán, Nùng, Tày, Thổ, Xá Cẩu, Hà Nhì, Sán Dìu, Giáy, kể cả người Kinh là 13.

PV: Ngoài ra Cha còn tổ chức những gì để hấp dẫn người dân tộc?

Cha Hồng: Trong các dịp Tết, tôi cho tổ chức ngày hội “Những trò chơi dân gian dân tộc phi vật thể” dành cho thanh thiếu niên và thiếu nhi để tạo cho các em có ý thức vui chơi lành mạnh trong dịp tết, tránh cờ bạc rượu chè, đó là các trò chơi có thưởng như leo cột mỡ, đi cầu dây, đi xe đạp trên tường gạch, ném còn, kéo co, bơi thuyền. Xây dựng nhà sàn kiểu dân tộc.

Vào các ngày đầu Năm mới, tôi tổ chức phát động toàn giáo dân lao động công ích một ngày gồm vệ sinh môi trường sống như khai thông cống rãnh, thu gom rác thải, phân gia súc, đào đắp đường giao thông, có năm thì tổ chức Tết Trồng cây. Bê tông hoá đường làng.

PV: Công tác chuẩn bị và huấn luyện nhân sự Truyền ra sao? có gặp khó khăn gì?

Vào mùa hè năm ngoái, tôi đã tổ chức hai khoá đào tạo nhân sự truyền giáo cho các dân tộc thiểu số, mỗi khóa 60 người học trong một tháng, nâng cấp giáo lý cho giáo lý viên, còn tại giáo xứ Nghĩa Lộ sẽ tiến hành xây dựng nhà Văn hoá giáo xứ theo mô hình nhà sàn của dân tộc Thái. Một điều ao ước mà tôi đang ấp ủ và tâm đắc nhất trong tương lai gần đó là làm sao có kinh phí để xây dựng được một xưởng đào tạo nghề điêu khắc tượng gỗ Công giáo cho thanh thiếu niên cai nghiện ma tuý và có việc làm ổn định ngay tại giáo xứ Vĩnh Quang. Tuy nhiên mọi sự vì thiếu thốn kinh phí nên cũng chưa thể huấn luyện thường xuyên cho họ được.

PV: Xin Cha giải thích về một vài phong tục tôn kính tổ tiên của các dân tộc thiểu số?

Cha Hồng: Tôi đã tìm hiểu kỹ về những chữ Hán cổ của người Dao được viết vào những tờ giấy bản màu vàng khổ nhỏ chỉ bằng nửa tờ giấy khổ A4 và được dán quanh bàn thờ của họ có ý nghĩa là “Thờ Thần Núi”, vì ở giữa bàn thờ người Dao họ đặt một hòn đá tròn hình quả núi để thờ, hòn đá tượng trưng cho Thần Núi và cũng mang ý nghĩa là tổ tiên của người Dao, vì theo phong tục lâu đời của họ là chôn người chết ở sâu trong vách núi.

Còn về bàn thờ Ma Nhà, tức bàn thờ Tổ Tiên của người Thái tôi quan sát thấy họ đóng bằng gỗ thành một hình vuông có mái nhọn, phía trước có rèm che nhiều tua rua xanh đỏ tím vàng, bên trong có hình ảnh ông bà tổ tiên, cha mẹ và người thân đã qua đời, phía trước đặt bát hương và những chén nhỏ đựng rượu, hai bên hông bàn thờ đặt hai cây mía tượng trưng là cầu thang nhà sàn để tổ tiên lên xuống. Bàn thờ tổ tiên của họ được đặt về phía đầu bên trái gian chính của nhà sàn.

PV: Sau những thành quả Truyền giáo đã đạt được trong một thời gian ngắn, Cha rút ra được những gì?

Cha Hồng: Sau thời gian Truyền giáo trong vùng đa sắc tộc này, tôi học được nhiều điều về truyền giáo như muốn truyền giáo thành công thì người tông đồ truyền giáo bất kể là linh mục, tu sĩ hay giáo dân trước khi Rao giảng Chúa cho họ thì bản thân mình phải hoán chuyển chính mình, biết thích nghi, hội nhập để làm sao giữa người truyền giáo và người dân tộc thiểu số phải trở thành “anh em thật với nhau, cùng đồng cảm, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống”, điều này có nghĩa rất quan trọng vì bản tính người dân tộc thiểu số ở đây rất ngay thẳng trọng tình nghĩa, tình cảm nên họ “chỉ tin” những lời nói và việc làm thật sự của mình khi mình đã trở thành anh em với họ.

Thứ hai là tôn trọng bản sắc văn hoá, tập tục, phong tục tập quán và tôn giáo, tín ngưỡng riêng của từng dân tộc thiểu số, sau đó mới tính đến việc Kitô hoá những vấn đề này cho phù hợp.

PV: Cha nhìn thấy tương lai gì cho vùng này?

Cha Hồng: Tôi nhìn thấy trong tương lai, Vùng tây bắc này là “Vùng Tôn giáo đa bản sắc dân tộc, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp cho giáo phận”, là một trung tâm Truyền giáo tốt nhất và có nhiều tiềm năng nhất trong giáo phận Hưng Hoá về lợi thế có đông dân tộc thiểu số sinh sống, con người thì hiếu khách và có những nét văn hoá truyền thống dân tộc vẫn còn được họ tôn trọng bào tồn, đất đai thì phì nhiêu, núi rừng thì bao la rộng lớn, từ đây có thể vươn tới các tỉnh khác như Sơn Lai, Lai Châu, Điện Biên.

Và một điều cuối cùng không thể bỏ qua là chúng ta nên nhớ rằng khắp vùng tây bắc rộng lớn này đã từng in dấu chân của nhiều nhà truyền giáo thuộc hội Thừa sai Paris trong cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, chính nhờ vậy nên hoa quả truyền giáo đã từng nở rộ ở vùng này và tồn tại hơn 1 thế kỷ qua, chúng tôi chỉ là những người hậu sinh, tiếp bước các Ngài để gây dựng lại những gì đã mất mà làm cho chúng phát triển phong phú hơn mà thôi.

PV: Xin chân thành cảm ơn Cha và nguyện xin Chúa chúc lành cho công cuộc Truyền giáo của Cha ngày càng phát triển.
 
Giáo xứ Xuân Phong vui mừng khánh thành nhà thờ mới
Thái Hà
19:22 30/05/2008
BÙI CHU - Hôm nay ngày 30.05.2008, lễ Thánh Tâm, giáo họ Xuân Phong thuộc giáo xứ Xuân Hoá, Bùi Chu khánh thành ngôi thánh đường đồ sộ, nổi lên giữa cánh đồng lúa mênh mông và bên dòng sông thơ mộng.

Chủ sự thánh lễ khánh thành là Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Giáo phận Bùi Chu. Có 15 cha đồng tế với ngài. Khoảng 1000 giáo dân xa gần đã đến tham dự thánh lễ.

Cha Vinh Sơn Ngô Viết Lục Chính xứ Xuân Hoá cho biết Xuân Phong là giáo họ đạo lớn nhất giáo xứ, số tín hữu của giáo họ chiếm khoảng 1000/1300 nhân danh của toàn giáo xứ.

Giáo họ Xuân Phong được thành lập từ năm 1916, nằm trên địa bàn xã Hải Hoà, huyện Hải Hậu, cách bãi biển Hải Thịnh khoảng 8 km về hướng Bắc.

Theo dòng thời gian, ngôi nhà thờ cũ đã hư hại nặng nề đến nỗi không thể sử dụng, cho nên năm thánh 2000 giáo họ đã quyết tâm xây dựng ngôi thánh đường mới. Công trình kéo dài mãi đến nay vì thiếu kinh phí.

Ông Trùm chánh cho biết ngôi thánh đường khang trang này là kết quả phấn đấu giáo họ trong suốt 8 năm qua dưới sự dẫn dắt của hai cha nguyên chính xứ cha Đa Minh Trần Đức Tâm và cha An Tôn Đinh Văn Đang và của cha chính xứ đương nhiệm Vinh Sơn Ngô Viết Lục.

Ông Trùm chánh cũng cho biết ngôi thánh đường được xây dựng nhờ lời cầu nguyện, và sự đóng góp nhân lực và vật lực của nhiều người trong ngoài nước, đặc biệt là của giáo dân trong giáo họ. Hai bảng vàng ghi danh ân nhân cho thấy nội số giáo dân trong giáo họ chiếm tới ¾ tổng số người đóng góp. Đây là sự hy sinh vì Chúa rất cảm động vì giáo dân trong xứ thuộc diện vùng sâu vùng xa của Nam Định, kinh tế thuần nông, đời sống vật chất rất nghèo nàn.

Kinh phí xây dựng thánh đường rẻ ngoài mức tưởng tượng. Chỉ hết 2,2 tỷ VNĐ, vì hầu hết công thợ đều do giáo dân trong giáo họ tự làm lấy.

Hy vọng từ đây giáo dân Xuân Phong có điều kiện thuận lợi hơn trong việc thờ phượng Chúa và ngôi thánh đường cũng là niềm tự hào của giáo họ Xuân Phong, góp phần làm phong phú và tươi đẹp giáo phận Bùi Chu.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hôn Nhân Đức Tin và Tình Yêu (7)
Vũ Văn An
04:05 30/05/2008
Hôn Nhân, Đức Tin Và Tình Yêu (7)

CHƯƠNG SÁU: TĂNG TRƯỞNG TRONG HÔN NHÂN

Một trong những phẩm bình thường được lặp lại nhiều nhất về hôn nhân hiện đại là thời gian kéo dài của nó. Các thời đại trước, thời gian ấy ngắn hơn nhiều và cha mẹ thường qua đời khi các con đến tuổi lập gia đình. Thành ra chu kỳ hôn nhân bao gồm các giai đoạn sau đây: lấy nhau, nuôi nấng con cái, con cái lập gia đình, cha mẹ qua đời. Mục đích chính của hôn nhân và tính dục, do đó, là để bảo tòan phúc lợi của thế hệ kế tiếp.

Ngày nay, chu kỳ hôn nhân dài hơn thế. Cuộc sống lứa đôi kéo dài từ bốn đến năm mươi năm là chuyện thường. Cho nên, mới có lời bình phẩm về hình thức hôn nhân cổ truyền cho rằng hai con người không thể sống với nhau suốt trong quãng thời gian dài đằng đẵng ấy mà lại không chán chường nhau được. Ðã đành con cái vẫn còn là mối dây liên kết cha mẹ lại với nhau, nhưng khi chúng rời mái ấm, cha mẹ còn đến cả hai ba mươi năm, trong đó, họ phải trở lại sống cái mối liên hệ tay đôi như trước. Lời bình phẩm trên coi việc đó không phải là phương trình cho hạnh phúc mà là cho án tù. Họ chủ trương nên tạo ra những cuộc hôn nhân theo chu kỳ cuộc sống (serial marriages), những khế ước ngắn hạn từng năm năm một. Vì khả năng của hai vợ chồng trong việc nâng đỡ nhau và chữa lành nhau chỉ có hạn, không thể kéo dài đến bốn mươi hoặc năm mươi năm được. Các tôn giáo vốn bênh vực sự bền vững của hôn nhân bị người ta thách thức phải chứng tỏ làm cách nào các cặp vợ chồng có thể chung sống với nhau trong khoảng thời gian dài như thế mà vẫn thể hiện được đầy đủ các tiềm năng của họ. Xét chung, truyền thống Do thái - Kitô giáo đã từng tỏ ra lúng túng trong câu trả lời cho thách đố trên. Truyền thống ấy nhấn mạnh đến sự bền vững trong hôn nhân, nhưng ít nói đến phương thức thực hiện sự bền vững ấy. Tuy nhiên, người ta thấy rất rõ: vợ chồng sẽ có thể sống với nhau lâu dài nếu các nhu cầu nhân bản và thiêng liêng của họ đi đôi với những cơ may giúp họ thể hiện được bản thân (1,2).

Khi đề cập đến việc tự thể hiện bản thân hoặc tự thực tại hoá bản thân, có người cho rằng như thế là ích kỷ, là đi tìm hướng về chính mình, điều cần được hạn chế hơn là khích lệ. Nhiều người cho rằng nhiệm vụ chính của vợ chồng là làm cha mẹ, chứ hôn nhân không phải là một định chế giúp thể hiện các tiềm năng của bản thân con người. Họ cho rằng người ta đã đòi hỏi nhiều thứ quá từ hôn nhân hiện đại, cần phải dẹp bỏ mọi cái thứ khác, và chỉ nên đặt cái tôi phục vụ cho con cái.

Con cái quả là những thụ tạo hay đòi hỏi và cha mẹ cần phải hy sinh vì chúng. Nhưng xét cho cùng, việc thành công trong thiên chức làm cha mẹ lại tùy thuộc phẩm tính của nhân cách và nếu sự toàn vẹn của cha mẹ càng hoàn hảo thì con cái càng nhận được nhiều phúc lợi hơn từ sự chín mùi của các ngài. Thành ra, tự thể hiện bản thân không phải là một mục tiêu ích kỷ; con cái sẽ được lợi nhờ sự phong phú trong tiềm năng của cha mẹ. Việc tự thể hiện hóa bản thân này sẽ được thực hiện qua diễn trình tăng trưởng về phương diện thể lý, tri thức, xúc cảm, tình cảm và tâm linh.

TĂNG TRƯỞNG THỂ LÝ

Ðỉnh cao của sự tăng trưởng thể lý xảy ra vào khoảng cuối thập niên thứ hai hoặc đầu thập niên thứ ba (3), khi cơ thể thể hiện được cái phác thể thể lý (physical configuration) sau chót của nó. Từ đó trở đi, diễn trình thoái hóa bắt đầu, nhưng không rõ rệt lắm. Các thay đổi rất nhỏ, ít khi nhận ra được.

Tóm lại, tuyệt đỉnh của tiềm năng thể lý có vào khoảng cuối tuổi mười mấy đầu tuổi hai mươi. Tiềm năng có thể xuất hiện dưới thân hình lực sĩ hoặc dưới kỹ năng của một thể tháo gia thực hiện được những thành tích phi thường như các kỹ năng không thị của người chơi cù (golf). Những kỹ năng này đòi hỏi lao tập và kỷ luật khắt khe và đôi khi người phối ngẫu phải hy sinh dành thì giờ cho người bạn đời đạt được và duy trì được những tiêu chuẩn ấy. Sự tăng trưởng thể lý này không phải là việc cộng thêm những thành tố vật lý cho cơ thể cho bằng thể hiện các tiềm năng trong khả năng vận động của nó. Cái năng lực thô và chưa dị biệt hóa được biến đổi thành các thành tích của nhà lực sĩ.

Tuy nhiên cơ thể không chỉ phát triển về phương diện các tiềm năng tuyệt đối của nó mà thôi. Bàn tay, mắt và tai cũng có thể phối hợp với các tiềm năng thẩm mỹ để phát triển các kỹ năng nghệ sĩ trong hội họa, đồ hình và âm nhạc, cũng như thêu thùa, may mặc, nghề mẫu và những tài khéo léo khác.

Cuối cùng, thể xác trở thành thực tại tính dục. Thực tại tính dục này dị biệt hóa nhân loại và cặp vợ chồng. Thực vậy thân xác tính dục là phương thế hai vợ chồng bổ túc cho nhau, và sự thông đạt tính dục của vợ chồng tùy thuộc ở cách thân xác ấy được ăn mặc, được sử dụng và được săn sóc ra sao.

Như thế, việc tăng trưởng thể lý bao gồm những thay đổi từ thuần vận động qua lực sĩ tính, từ thuần miêu tả qua nghệ sĩ tính, và từ thuần phái tính qua thông đạt tính dục sống động. Tất cả các hình thức tăng trưởng ấy đều cần tới ý chí thúc đẩy của người phối ngẫu và sự nâng đỡ khẳng nhận của người bạn đời. Thân xác tăng trưởng, ổn định một thời gian rồi suy thoái. Sự tăng trưởng của nó chính là sự ý thức hơn về các tiềm năng của nó, và cái ý thức này được duy trì như một phần trong hình ảnh về con người của ta, ngay cả ở tuổi già. Vì tuổi già là thời gian khi sự tăng trưởng của con người đã đạt được một mức độ chín mùi nào đó để có thể trả lại dần dần ơn phúc thân xác cho đấng Hóa Công. Việc thoái hóa dần dần ấy không phải là sự mất mát nhưng là một chuẩn bị để ta ý thức về ta trong tương quan với Thiên Chúa ở cõi đời đời. Tuổi già không phải là một chuỗi hủy diệt nhưng là một cho đi từ từ cái tôi đã được cảm nghiệm như thành phần thường hằng của thế giới bên trong, để một khi tôi cho đi cái phần bên ngoài của cái tôi, tôi vẫn còn lại nguyên tuyền cái ý thức bên trong. Chính cái ý thức này là cái trải dài trong nhiều thập niên và vẫn hiện diện trong tương quan vợ chồng ở tuổi già, trong tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa trong mầu nhiệm đời đời trước khi toàn vũ trụ phục sinh.

TĂNG TRƯỞNG TRI THỨC

Giống như việc tăng trưởng thể lý, sự tăng trưởng tri thức, xét theo trí hiểu, cũng đạt đến đỉnh cao vào cùng một thời gian, trong đó, nổi hơn cả là khả năng trừu tượng hóa hoặc suy tư thuần lý (4).

Trí hiểu giúp ta đo lường chiều cao, sức nặng, kích thước, mầu sắc, khỏang cách, giá trị số học, các sắp xếp không thị (visual-spatial), chú ý từng phần và toàn thể, ngôn ngữ và thông đạt, suy nghĩ, cả về cụ thể lẫn trừu tượng, suy luận và phân giải, lượng gía và hội nhập. Chúng ta không ngừng nhận được những tín hiệu thuộc cảm giác và trừu tượng, và qua trung gian của não bộ, vốn trách nhiệm về khả năng ý thức của ta, ta phải giải thích tất cả những cái xảy đến từ bên ngoài và từ bên trong ta để rồi hành động.

Biến tất cả những kiến thức trên thành túi khôn là một tìm kiếm liên tục của mỗi người, và làm thành túi khôn tập thể của xã hội. Cái khôn không đồng nghĩa với trí hiểu tuyệt đối. Truyền thống Tây phương vốn đặt hào quang cho trí hiểu và duy lý tính, các văn hóa khác lại coi những chuẩn đích như trực giác, thần bí học, các trạng thái thuộc cảm giới như là những giá trị trổi vượt. Lý trí và cảm quan, khách quan và chủ quan, cụ thể và trừu tượng, nội tại và siêu việt đã tranh nhau trở thành những biểu lộ chủ yếu của túi khôn. Tâm lý học của Jung, vốn biểu lộ sự gần gũi với hai luồng tư tưởng Ðông Tây, đã cố gắng tổng hợp những yếu tố tiêu biểu của cả hai luồng tư tưởng ấy trong diễn trình ông gọi là cá nhân hóa (individuation) (5). "Ðể thực hiện được sự toàn vẹn nơi con người cũng như nơi thần thánh, những cái tương phản phải triệt tiêu lẫn nhau; sự thiện và sự ác, ý thức và vô thức, nam và nữ, bóng tối và ánh sáng sẽ được nâng lên một tổng hợp được gọi một cách tượng trưng là giao thể của các tương phản (conjunctio oppositorum)". Thành ra đối với Jung, túi khôn là cái giao thể của những phần tách biệt của bản thân ta.

Theo nghĩa thông thường, từ khôn ngoan ám chỉ việc trí hiểu lượng giá những điều có trước mặt, một lượng gía được tinh lọc bởi văn hóa và cảm quan. Túi khôn tập thể của một nền văn hóa là tiêu chuẩn qua đó các phán định (predicaments) của cá nhân sẽ được phê phán. Một phần của túi khôn là đánh giá cái đã nhận được từ gia đình, từ văn hóa và từ tôn giáo và không ngừng đánh giá lại dựa trên ánh sáng các kinh nghiệm bản thân. Các trào lưu tư tưởng đã thành hình khi cái nhận được đã không được tiếp nhận một cách mù quáng, nhưng đã được phê phán dựa theo các đòi hỏi hiện đại. Thành rạ sự căng thẳng giữa cái nhận được và cái cải tân không phải chỉ có ở ngoài xã hội mà còn ở trong mỗi cuộc hôn nhân nữa.

Vợ chồng là người thừa kế cái túi khôn tập thể của xã hội, của văn hóa và của gia đình họ. Họ đem đến cho nhau trí hiểu và những niềm tin cũng như những huyền thoại chưa bị thách thức của họ. Rất có thể một bên sẽ cố gắng áp đặt quan điểm của mình lên người kia vì nghĩ rằng không thể khoan nhượng một chủ trương khác được. Những con người cứng ngắc và quá kiêu căng đó có thể công kích các niềm tin của người phối ngẫu và làm tổn thương các xác tín chân tình nhất của họ. Các xác tín này có thể bị chế nhạo liên tục, bị bài bác hoặc bị đặt thành trò cười, chỉ còn lại quan điểm của người kiêu căng kia là có giá trị. Sự khuất phục bắt người khác phải chấp nhận quan điểm của mình về cuộc đời có thể tiếp diễn trong một thời gian dài cho đến khi người phối ngẫu bị khuất phục kia lấy lại được tự tin, đủ để thách thức và nổi lên chống lại cái thành trì bóp nghẹt tâm trí ấy.

Tuy nhiên, sự cưỡng chế như vậy ít khi xảy ra. Phần lớn hai vợ chồng đồng ý về sự bất đồng ý kiến của mình đối với một số vấn đề mà họ không thể dung hoà được. Ðôi lúc khác, họ hành động như những bà đỡ đối với nhau. Một ý nghĩ, một tư tưởng, một quan điểm được nghiền ngẫm bên trong mà không được giải thích rõ rệt. Họ có thể nói điều ấy cho người phối ngẫu trong cái trạng thái hỗn tạp không rõ rệt như vậy và người phối ngẫu có thể giúp làm cho nó trở nên thứ tự rõ ràng. Khả năng của vợ chồng trong việc khám phá ra cái khoảng sâu vốn chưa được nhìn nhận từ trước đến nay tùy thuộc việc càng ngày càng ý thức được cái thế giới nội tâm của nhau, tương cảm đối với nội dung của thế giới ấy và khả năng rút tỉa được cái nguồn tài nguyên tiềm ẩn của nhau. Ðiều này khác hẳn với hiện tượng hạ thấp nhau có hệ thống, trong đó, bất cứ ý tưởng mới nào dù nhỏ nhặt đến đâu cũng bị coi là kỳ cục, hoặc là cuộc tranh lý, trong đó hai con người tự cho mình thông minh tìm cách hạ ván nhau bằng cách bới ra những thiếu sót trong luận chứng của nhau. Ðiều này không có nghĩa là sự phê bình chỉ trích có tính xây dựng là điều không cần thiết. Tuy nhiên, điều thực sự cần là phải tiếp nhận trong hoan nghênh và khẳng nhận.

Trong việc hỗ tương phát triển tri thức, có thể có sự kiện một bên sử dụng suy luận, còn bên kia sử dụng trực giác và cảm quan. Người thì nói bằng lý trí, kẻ lại nói bằng trái tim. Diễn trình ấy có thể đưa đến va chạm; nhưng cũng có thể là một hành trình bổ túc dẫn đến tăng trưởng chung. Người sống bằng cảm quan sẽ gọt bớt góc cạnh các ý tưởng chủ yếu đến từ suy luận, còn người mạnh về suy luận sẽ đem trật tự vào thế giới cảm quan và rút ra những hệ luận hợp lý. Sự phối hợp giữa lý trí và cảm quan là một hành trình sinh tử đối với quá trình trưởng thành hóa trong đó hai vợ chồng có thể giúp đỡ lẫn nhau nếu các khả năng của họ cần đến sự bổ túc của nhau.

Sự khôn ngoan được phát triển từ từ qua dò thử và hễ sai thì làm lại (trial and error). Sự hiểu biết về cách thế sự vật và con người hành động thường được khai triển từ kết quả của việc sử dụng nhiều phương thức khác nhau. Vợ chồng có thể giúp nhau giảm thiểu các lầm lẫn bằng cách chia sẻ các tài năng và kinh nghiệm. Ðiều này tất nhiên đòi thái độ coi trọng và kính trọng nhau, tránh ganh tỵ, cạnh tranh qua đó sự thủ đắc khôn ngoan được sử dụng chỉ để phơi bày cái thiếu sót của người kia.

Khôn ngoan cũng được biểu lộ qua việc càng ngày càng dự đóan và giải thích chính xác các hoàn cảnh cũng như các con người. Chấp nhận rủi ro, nói những điều đúng lúc, phán đoán chính xác các phản ứng, lượng gía chính xác các hoài mong của mình vào cuộc đời và vào người khác, không trông mong thái quá (lạc quan tếu) cũng không hoài nghi quá độ (bi quan vô cớ), và trên hết, ngày một tin tưởng hơn vào tiềm năng đã được đánh gía một cách thực tiễn của mình - tất cả đều là các yếu tố của khôn ngoan. Cái khôn này sẽ không ngừng được thử nghiệm trong khung cảnh gia đình, nơi lầm lỗi có thể xảy ra nhưng hậu quả chắc chắn không thảm bại.

Như thế, các yếu tố như cách thế qua đó, bản thân ta cũng như người khác được cảm nhận, kiến thức đựơc sử dụng, những chờ mong nơi các hành động, đà học hỏi nhanh hay chậm, đức can đảm trong việc thử nghiệm những suy tư mới và chính xác về chính bản thân ta, tất cả đều góp phần vào diễn trình soi dẫn lẫn nhau. Diễn trình này đương nhiên không chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, nhưng rõ ràng gia đình là nơi nó tiếp nhận những tăng cường liên tục và mạnh mẽ nhất. Các trình bày từ trước đến nay ám chỉ sự tăng trưởng trong việc sử dụng các tài nguyên sẵn có. Càng ngày, người ta càng nhận ra rằng họ có thể thu lượm kiến thức mới ở một giai đoạn muộn hơn giai đoạn học tập cổ truyền. Ðàn ông cũng như đàn bà, đặc biệt khi được người phối ngẫu giúp đỡ, có thể theo học những khóa học lần đầu tiên khi đã ngoài ba mươi. Nhiều bà vợ lần đầu tiên đi học đại học khi các con đã lớn khôn. Những sinh viên lớn tuổi này giáp mặt với các môn họ chọn một cách khá khôn ngoan thực tiễn và họ phối hợp được cái học khoa bảng với những kiến thức thực tiễn của cuộc đời làm cho họ trở thành những sinh viên khá thành công.

Cuối cùng, giống nhu việc chữa lành các vết thương, cái khôn có thể là sản phẩm của một sự thông tuệ bất thần đến như tia chớp trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong giấc ngủ, trong chiêm bao hoặc trong một buổi suy niệm thâm trầm nào đó. Sự thông tuệ này không phải chỉ vợ chồng mới có, nhưng vợ chồng có cái thuận lợi là chia sẻ trực tiếp và trắc nghiệm nội dung những thông tuệ đó với người bạn đời của mình.

TĂNG TRƯỞNG XÚC CẢM

Những thay đổi chính trong nhân cách có ảnh hưởng đáng kể đối với liên hệ hôn nhân chính là những thay đổi từ lệ thuộc qua tự lập, từ việc mơ hồ về bản sắc qua việc dị biệt hóa được bản sắc ấy, và từ việc tự ruồng bỏ mình qua việc tự qúy trọng mình.

LỆ THUỘC

Ðứa trẻ đang lớn lên, các thiếu niên và thanh niên, một khi đã thực hiện được đầy đủ sự tăng trưởng về thể lý và tri thức, là đã gia nhập vào thế giới người lớn. Nhưng sự phát triển của họ về xúc cảm thực ra vẫn chưa đầy đủ. Sự lệ thuộc là một trong những nét chính của tuổi thơ. Lúc đó, đứa trẻ lệ thuộc về thể lý, xã hội, tri thức, xúc cảm và tâm linh. Lệ thuộc về thể lý và tri thức sẽ thoái lui khi các tài nguyên thể lý và tri thức ở mức trưởng thành đã đủ để con người có thể lo liệu được đời họ. Các tài nguyên xã hội và xúc cảm, trái lại, không hẳn đi cùng nhịp với các lãnh vực phát triển ấy. Những người trẻ sẽ phải rời bỏ gia đình và đặt mình vào môi trường xã hội mới và làm quen với nó. Sau khi kinh qua một số khung cảnh xã hội mới, các kĩ năng xã hội mới được phát triển đầy đủ tại nơi làm việc, với bè bạn và trong lúc vui chơi để xử lý được các đòi hỏi trên.

Sự tăng trưởng về xúc cảm xẩy ra theo mức độ nhanh chậm khác nhau nhưng thường là khá sau những phát triển khác. Sự phát triển từ lệ thuộc qua tự lập thường xẩy ra ở thập niên đầu của hôn nhân với những hệ lụy rất rõ nét đối với liên hệ vợ chồng. Căn bản, ta thấy một hoặc cả hai người phối ngẫu cứ tiếp tục cảm nhận người kia như khuôn hình cha mẹ. Chồng nhìn lên vợ như một người mẹ, hoặc vợ nhìn lên chồng như một người cha. Ðôi khi cha mẹ thật không thân thiết hoặc gần gũi, nên họ đã tôn người phối ngẫu thành hình ảnh lý tưởng hóa đầy yêu thương thân thiết thay thế cha mẹ mình.

Sự lệ thuộc có nghĩa người phối ngẫu ấy sử dụng người bạn đời như một thứ gậy đỡ hay một thứ nạng chống. Họ để cho bạn quyết định, không bao giờ đưa sáng kiến mà chưa được phép, ý nghĩ nào, hành vi nào, tư tưởng nào cũng phải được chấp thuận, và những điều này đều phải rập khuôn theo người kia. Phần lớn đời sống của người lệ thuộc đều phải được chỉ bảo hướng dẫn bởi người bạn đời là người điều hành những chuyện thiết thân cho cả hai. Sự lệ thuộc như thế thường cho thấy vợ chồng rất gần gũi nhau. Một sự gần gũi được những nhà chuyên môn gọi là liên hệ cộng sinh. Hai người sống như thể chỉ là một và cái một ấy phần lớn là chính nhân cách của người trổi vượt kia.

Nhưng với thời gian, sự lệ thuộc sẽ giảm đi. Sự chín chắn bắt đầu xuất hiện và người lệ thuộc dần dần tỏ ra ít lệ thuộc hơn vào người phối ngẫu. Giờ đây họ sẵn sàng suy nghĩ, cảm nhận, xem sét, hành động, chấp nhận may rủi theo quan điểm riêng của mình. Bước quan trọng là họ không còn thấy sợ khi thấy mình sai và có khả năng rút tỉa được điều hay từ những lầm lỗi của chính mình. Nỗi lo âu khi thấy mình sai không còn choáng ngợp nữa. Dần dà, cảm thức tự do khởi sự thấm sâu vào nhân cách và hậu quả là người lệ thuộc ngưng không còn lý tưởng hóa và răm rắp đi theo người bạn đời, trái lại họ bắt đầu biết phân định ranh giới, phát triển lòng can đảm và sức mạnh để đứng vững trên chính hai chân mình và biết sử dụng đến chính các tài nguyên sẵn có của mình. Những thay đổi này sẽ tác động mạnh đến liên hệ hôn nhân, một là tăng cường nó hai là bẻ gẫy nó. Người phối ngẫu xưa nay vẫn cư xử như cha mẹ giờ đây cần phải thích ứng theo liên hệ bình đẳng giá trị. Phần lớn các cặp vợ chồng có thể làm được điều ấy, nhưng không ít người thấy mình khó từ bỏ được cái tư cách đứng đầu và cái cơ cấu quyền hành cũ, cho nên những tranh chấp nghiêm trọng có thể xẩy ra.

MƠ HỒ VỀ BẢN SẮC

Sở dĩ sự lệ thuộc xúc cảm còn được duy trì lý do một phần là vì vợ hoặc chồng vẫn chưa ý thức rõ rệt về chính bản sắc của mình. Họ chưa ý thức rõ về các tài nguyên và tiềm năng làm việc, về nữ tính hoặc nam tính, về các ưu tiên liên quan đến việc kiếm sống hoặc hưởng đời, về các giá trị tâm linh, các cam kết đối với cha mẹ, bằng hữu, đồng nghiệp, và, trên hết, về ý nghĩa cuộc đời. Nhiều người trẻ sẽ đối đầu và thách thức: "Cho tôi hay tại sao tôi phải tiếp tục sống?" (6)"Tất cả những điều ấy có nghĩa lý gì không?" Một trong những nguy hiểm là trong tình huống mù mờ vế bản sắc ấy, một số người đi lấy vợ lấy chồng với hy vọng rằng chiếc nhẫn cưới trên ngón tay sẽ đem đến cho họ một bản sắc xã hội của những người đã lập gia đình, và bản sắc này, ít ra, cũng đảm bảo cho họ một chỗ đứng trong cộng đoàn.

Dần dần, sự mơ hồ này sẽ bắt đầu được soi sáng. Sau một số thử nghiệm từ những việc làm khác nhau, một cái gì đó bắt đầu có ý nghĩa và ăn khớp với các đặc điểm của nhân cách. Từng chút từng chút, họ có thể chấp nhận dục tính của mình và hân hoan về sự hiện diện của nó. Có thể họ đã bước vào hôn nhân trên căn bản may mắn tìm được người chịu lấy mình, giờ đây họ nhận ra một số giá trị của riêng mình và cảm thấy họ đáng được một nhân cách phong phú hơn làm người bạn đường. Các giá trị tâm linh của họ liên quan đến các theo đuổi vật chất đối nghịch với các đeo đuổi thẩm mỹ, khả năng giữ lòng thủy chung với bằng hữu, biết trân qúy họ, biết quan tâm đến phúc lợi của họ, tất cả giờ đây trở thành rõ ràng hơn. Từng bước từng bước, ý nghĩa và giá trị cuộc đời bắt đầu mặc lấy một trật tự nào đó, với cảm thức về cõi nội tại (immanent), về cái ở đây và bây giờ, và cõi siêu việt cũng bắt đầu đóng một vai tuồng quan trọng trong cuộc sống của cá nhân.

Diễn trình dị biệt hóa trên đây, xẩy ra bên trong bản ngã nhằm sắp xếp và chấp nhận ý nghĩa của thân xác và phái tính tính dục, trí hiểu với các tiềm năng của nó, các mối liên hệ với những mức độ cam kết khác nhau và việc trồi lên ý nghĩa cuộc đời như một cái gì bản ngã mình sở hữu được, chính là diễn trình tăng trưởng từ tình trạng mù mờ về bản sắc qua tình trạng tự chiếm hữu được bản thân mình. Diễn trình dị biệt hóa này hiển nhiên mang ý nghĩa cuộc hôn nhân có thể bị bác khước như là nguồn duy nhất đem lại ý nghĩa. Nó là một phát triển đòi hỏi gắt gao nơi vợ chồng nhiều khả năng để thích ứng với nhau, vì trong quá trình phát triển này, nhân cách thay đổi rất nhiều và ở một vài trường hợp nhân cách của những người kết hôn thay đổi một cách toàn diện sau khi lấy nhau. Cho nên vợ chồng cần phải thích ứng đối với những biến đổi theo ngày tháng của nhau và chả có gì đáng ngạc nhiên khi những thay đổi lớn lao ấy không còn thuận lợi cho việc tiếp tục cuộc hôn nhân nữa.

TỰ QUÍ TRỌNG MÌNH

Việc lệ thuộc người khác, đi đôi với hiện tượng mù mờ về ý nghĩa cuộc đời, đôi bên cộng lại thành ra cảm thức tự ti mặc cảm. Những người như thế thấy mình trống rỗng và hoang mang và thế giới bên trong của họ không ngừng phát ra những tín hiệu bất ổn. Khi một con người bắt đầu dứt ra khỏi ảnh hưởng của lệ thuộc và khởi sự chiếm hữu được bản thân, lòng tự quí trọng mình sẽ lớn lên. Giờ đây, họ cảm nhận rõ những biên giới giữa họ và người khác và không còn sợ bị cuốn hút vào quĩ đạo của mẹ cha, chồng con hay bạn bè lướt thắng. Lòng quí trọng này có nghĩa là mỗi lúc họ một ý thức được hơn các tài nguyên riêng của mình và có thể khởi đầu diễn trình hiến đi một phần bản thân mình, trong và qua tình yêu người khác. Và họ cũng bắt đầu tiếp nhận các tín thư yêu thương từ người khác.

Diễn trình thay đổi từ lệ thuộc qua tự lập, từ mơ hồ qua nhận rõ bản sắc, từ tự từ khước mình qua tự chấp nhận mình có thể tiếp diễn từ tuổi hai mươi, xuyên suốt qua tuổi bốn mươi và đôi khi cả tuổi năm mươi nữa. Ðây là những thay đổi có tác động sâu xa đối với cuộc hôn nhân, vì liên hệ vợ chồng phải thay đổi nếu nó muốn có chỗ cho việc trồi lên của bản ngã người phối ngẫu. Những thay đổi ấy được chấp nhận và thích ứng trong suốt cuộc sống vợ chồng là cuộc sống sẽ được thăng tiến nhờ cuộc hội ngộ của những người bình đẳng, những người giờ đây biết đối thoại với nhau trên căn bản ngang hàng nhau trong yêu thương. Như nhiều người chờ mong, và như sẽ được bàn rộng ở chương 11, những thay đổi này vì có có khả năng biến đổi cuộc hôn nhân thì cũng có khả năng tiêu diệt nó, nếu một trong hai người phối ngẫu thấy không thể thay đổi và không thể chấp nhận được sự thay đổi nơi người bạn đời của mình.

TĂNG TRƯỞNG VỀ TÌNH CẢM

Phần chủ yếu trong đời sống tình cảm là khả năng của hai vợ chồng biết nhận ra, cần đến và đánh giá lẫn nhau. Sự kiện ấy đã được nhắc đến trên đây. Ðó là một trong những tầng sâu nhất của tình yêu, nó đòi có kỷ luật, cố gắng và hy sinh mới đạt tới được. Nhưng làm thế nào để diễn trình thâm hậu hóa tình yêu này xẩy ra? Có một vài khía cạnh trong thuật thông đạt tình cảm có thể làm gia tăng khả năng yêu thương. Ðó là các diễn trình lắng nghe, đáp trả, giảm thiểu chỉ trích, gia tăng khẳng nhận, và tha thứ bằng hàn gắn thích hợp.

LẮNG NGHE

Lắng nghe cẩn trọng là một n
 
Thông Báo
Thiệp Mời tham dự Lễ Kỷ Niệm 100 năm thành lập GX Nam Lỗ thuộc GP Thái Bình
Jos. Vĩnh
19:52 30/05/2008
Kính Mời

Qúi Khách và Quí Đồng Hương Nam Lỗ

Khắp Mọi Nơi trên toàn Thế Giới, bớt chút thời giờ về thăm cố hương và tham dự

Tuần Đại Phúc Kỷ Niệm Bách Chu Niên thành lập Giáo Xứ Nam Lỗ, Giáo Phận Thái Bình, Miền Bắc, Việt Nam

Giáo Xứ Nam Lỗ

Huyện Đông Hưng

Tỉnh Thái Bình

Trân Trọng Kính Mời

Lm. Đa Minh Nguyễn Văn Quát

Quản xứ Nam Lỗ


Thiệp Mời Tham Dự BácH Chu Niên Thành Lập GX Nam Lỗ, GP Thái Bình VN


 
Văn Hóa
Thiên tai chiến tranh (thơ)
Lê Dân Việt
11:38 30/05/2008
THIÊN TAI CHIẾN TRANH

Thế giới tôi, sao bỗng quá xôn xao
Thiên tai giáng, cả nhân loại lao đao
Chiến tranh đến, không còn yên nơi nào
Bão, gió xoáy, gây ra bao tang tóc

Động đất lớn, bao con người chết chóc
Cảnh tan hoang, chỉ xảy ra thoáng chốc
Mà con người, ngàn ngàn xác dập vùi
Cả trường học, học sinh đều vùi lấp

Cả thế giới, nhìn tai họa ngậm ngùi
Bao con người, thân thể ra tàn tạ
Đã vậy rồi, còn lại bị chiến tranh
Kẻ gian ác, tàn sát những dân lành

Tâm tàn ác, chúng thi nhau hành hạ
Người dân khổ, đau thương cứ thế đeo
Đày dân lành, như là chó, là heo
Làm người dân, tan rữa như bọt bèo

Tâm ngông cuồng, đâu còn chỗ lương thiện
Cùng tâm ác, mưu chước chúng thực hiện
Muốn làm chủ, toàn đất nước của ta
Muốn bá chủ, cả thế giới chúng ta

Giết con người, già, trẻ, bé không tha
Đày dân mình, dân người đến cực độ
Lũ gian ác, toàn là lũ cán bộ
Sống xoe xua, giàu có như ông hoàng

Đè dân khổ, cho tàn sức kiệt la
Lấy của dân, chúng cùng nhau chia chác
Coi dân oan, như là rơm với rác
Đẩy ra đường, cứ thế mà ngất ngư

Dân lê lết, thân thể cứ nát nhừ
Những người dân, lêu bêu nơi xó chợ
Lãnh đạo ác, toàn tâm quân quỉ dữ
Đày con người, cho tất cả đảo điên

Ngày tháng qua, đày đọa cứ liên miên
Đời người dân, như sống trong bóng đêm
Những bàn tay, đau khổ đã giơ lên
Miệng gào thét, vang vọng trong không khí

Con chết đi, mẹ đau khổ chết dí
Người vợ nằm, bụng chửa đã tan hoang
Lũ con thơ, nhìn mẹ chết ngỡ ngàng
Sao thế gian, bỗng mịt mùng tăm tối

Để thương tiếc, những linh hồn vô tội
Vì chiến tranh, nên đau khổ phải mang
Cứ chờ đợi, quỉ vương đến tàn sát
Bởi vô tâm, cứ ra tay tàn ác

Xã hội này, tình người bỗng rối tung
Dòng máu ác, cứ theo đời hòa loang
Đẩy loài người, theo nhau xuống huyệt lộ
Loài người chết, đến hằng hà vô số

Tim ngưng đập, linh hồn sẽ siêu thăng
Chết la liệt, chất đầy cả hằng hằng
Thảm sầu buồn, cả loài người đau khổ
Cả nhân loại, thân thể cứ rã rời

Xin Chúa thương, nhân loại kiếp làm người
Đừng để người, đời tụt dốc xuống hố
Đừng để ác, giết người chúng thi thố
Giết loài người, chúng cứ thế hung hăng

Đày dân oan, cho tất cả nhăng răng
Chúa ban ơn, loài người sống yêu thương
Giúp đỡ nhau, trong những cảnh cùng đường
Không còn ác, đày đọa khổ dân nữa.
 
Thượng Nghị Sĩ Lou Correa Mời Tiếp Tân và Triển Lãm Bút Họa Việt Nam Tại Quốc Hội California
Người Việt
17:18 30/05/2008
SACRAMENTO - Nhân dịp tháng 5 được dành riêng là Tháng Vinh Danh Truyền Thống Văn Hóa Người Á Châu Thái Binh Dương, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã cộng tác với tổ chức Asian Pacific Islander Capitol Association và Dân Biểu Tiểu Bang Michael Eng để tổ chức một buổi tiếp tân vào ngày 27 tháng 5 năm 2008 tại Quốc Hội Tiểu Bang California.

Bút họa Mẹ Yêu của hoạ sĩ Châu Thụy
Theo tin nhận được từ văn phòng Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, Châu Thụy, một họa sĩ gốc Việt sẽ được vinh danh và những bức tranh “Bút Họa Việt Nam” sẽ được giới thiệu và triển lãm. Theo Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, mục đích ông giới thiệu những tác phẩm của họa sĩ Châu Thụy nhằm góp phần vào sự bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam. Ðây là lần đầu tiên Quốc Hội Tiểu Bang California có một cuộc triển lãm về văn hóa và truyền thống Việt Nam.

Trong những dịp Hội Chợ Tết Sinh Viên, Tưởng Niệm 30 Tháng Tư và những sinh hoạt đấu tranh cho Việt Nam, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã được biết đến nghệ thuật Bút Họa Việt Nam của họa sĩ Châu Thụy. Ðặc biệt có hai tác phẩm Thượng Nghị Sĩ Lou Correa rất tâm đắc: một bút họa có chữ “Việt” thành ba sọc đỏ ở giữa hình tròn trên nền vàng. Hiện này, bút họa chữ “Việt” này được trình lãm chính thức tại phòng Quốc Hội Thượng Viện Tiểu Bang California. Tác phẩm thứ nhì là một bút họa với khoảng một trăm tên của các anh hùng trong lịch sử Việt Nam như Trần Quốc Toản, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thái Học, Bà Triệu, và Bùi Thị Xuân viết ra thành hình dạng nước Việt Nam.

Nghệ thuật Bút Họa vẫn còn mới lạ đối với cộng đồng Việt Nam cũng như Hoa Kỳ nhưng đây là một cơ hội để giới thiệu một nghệ thuật mới của người Việt Nam và lôi cuốn người tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Theo Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, “Tôi đã được cái vinh dự tham gia mật thiết trong nhiều sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam trong hơn mười năm qua. Là người dân cử đại diện cho cộng đồng Việt Nam tại khu Little Saigon, tôi luôn sẵn sàng tạo cơ hội phát huy văn hóa Việt Nam cho con em chúng ta cũng như các cộng đồng bản xứ.” Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã vận động tổ chức Asian Pacific Islander Capitol Associaiton (APICA) tổ chức buổi tiếp tân với chương trình triển lãm nghệ thuật Bút Họa Việt Nam cũng như mời họa sĩ Châu Thụy có mặt tại Sacramento.

Tên thật của họa sĩ Châu Thụy là Ðoàn Nam Sơn sinh ra tại Lâm Ðồng, Việt Nam. Sau năm 1975, anh Nam Sơn cùng gia đình đã đi vượt biên năm 1981 và định cư tại Hoa Kỳ. Trong lúc đi học đại học tại University of Louisiana, anh Nam Sơn khám phá ra sự say mê nghệ thuật và với bút hiệu Châu Thụy anh đã thực hiện nhiều bài viết, bức phác họa. Những bài viết này và những bức bút họa của Châu Thụy có thể được xem trên trang nhà www.chauthuy.com. Châu Thụy cùng các đồng nghiệp đã thành lập một Nhóm Bút Họa trong mục tiêu bảo tồn và phát huy ngôn ngữ qua nghệ thuật viết chữ đẹp tại hải ngoại với mục đích làm giàu thêm tiếng Việt, để từ đó, người Việt Nam có thể hãnh diện thêm về sự phong phú trong tiếng mẹ đẻ.

Nhiều dân cử tiểu bang California và nhân viên lập pháp sẽ tham dự buổi tiếp tân Tháng Vinh Danh Truyền Thống Văn Hóa Người Á Châu Thái Bình Dương và chương trình cũng được mở rộng cho cộng đồng tham dự. Một phái đoàn từ Nam California sẽ tham dự cũng như những thân hữu của họa sĩ Châu Thụy. Ðược biết đây là lần đầu tiên một họa sĩ gốc Việt Nam được mời vào Quốc Hội Tiểu Bang California triển lãm.

Thượng Nghị Sĩ Lou Correa cùng họa sĩ Châu Thụy hy vọng qua những lần triển lãm, sự đóng góp về nghệ thuật Bút Họa Việt Nam sẽ mang đến một luồng gió mới góp phần vào văn hóa đặc thù Việt Nam, hội nhập vào văn hóa xứ người.

Thượng Nghị Sĩ Lou Correa luôn ủng hộ các sinh hoạt của đồng người Việt và tạo những cơ hội phát huy văn hóa Việt Nam. Buổi tiếp tân Tháng Vinh Danh Truyền Thống Văn Hóa Người Á Châu Thái Bình Dương sắp tới tại Sacaramento là một hình thức đóng góp của Thượng Nghị Sĩ Lou Correa để giúp phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam, cũng như tiếp tục sát cánh với cộng đồng trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại quê nhà.

Buổi tiếp tân Tháng Vinh Danh Truyền Thống Văn Hóa Người Á Châu Thái Bình Dương sẽ diễn ra vào Thứ Ba ngày 27 tháng 5 năm 2008, từ 5 giờ 30 đến 7 giờ 30 chiều tại Quốc Hội Tiểu Bang California, phòng 317.

Ðể biết thêm chi tiết hay tham dự, xin quý vị vui lòng liên lạc văn phòng Thượng Nghị Sĩ Lou Correa tại số điện thoại (714) 558-4400 hoặc (916) 651-4034.

Về Nghệ Thuật Bút Họa Việt

Ðối với Việt Nam, chúng ta có một lịch lịch sử oai hùng ngàn năm chống ngoại xâm, nhưng tiếc là chúng ta không có một văn tự riêng biệt cho dân tộc mình. Tuy nhiên, cha ông chúng ta vẫn đã tạo lập được một kho tàng văn chương phong phú và đa dạng, ảnh hưởng tới đời sống tinh thần dân tộc. Dù là văn tự chữ Hán, chữ Nôm, hay chữ Quốc Ngữ, chúng ta vẫn tận dụng để phát triển và lưu truyền một nền văn hóa quý giá, để hôm nay chúng ta hãnh diện với nền văn hóa đó. Nhằm mục đích tri ân tiền nhân đã đóng góp trong dòng văn hóa Việt, chúng tôi nguyện cố gắng gìn giữ và phát huy những gì mà tổ tiên đã để lại.

Nhóm Bút Họa chúng tôi xin góp phần vào nền văn học qua nghệ thuật viết chữ đẹp và hân hạnh giới thiệu đến quý vị một trường phái mới, một trường phái đang hình thành và được đón nhận để góp phần vào sự bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam. Chúng tôi đặt tên là Bút Họa Việt. Chúng tôi muốn mở rộng hơn là dùng nghệ thuật ấy vào chữ Quốc Ngữ để nói lên tính cách đặc thù của ngôn ngữ Việt.

Chưa bao giờ bốn chữ “rồng bay phượng múa” lột tả hết cái hồn, vì đường cong của rồng bay, nét uyển chuyển của phượng múa. Chỉ có chữ Quốc Ngữ thể hiện được cái không gian và thời gian và nghệ thuật Bút Họa mới thích hợp để diễn tả sự ví von đó.

Bằng nghệ thuật Bút họa, người họa sỹ dùng nhiều đường nét khác nhau, có nét thì sắc mạnh như cuồng phong bão tố, có nét thì uyển chuyển, mong manh như tơ lụa, nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay. Tất cả để tạo nên cái âm hưởng, chuyển cái Hồn của chữ và Ý của câu để xúc tác tâm hồn người thưởng lãm, thấm sâu vào lòng người. Bút Họa cô đọng từng nét chữ tinh túy nói lên sự thinh lặng ảo huyền, nhưng trong thinh lặng lại chứa đựng những cơn sóng ngầm chực chờ cuốn hút người thưởng lãm vào trong cảm xúc ngút ngàn dâng tràn vô biên. Người thưởng lãm bất chợt như thấy tâm hồn mình quyện vào hồn thơ; ý đạo, để trở về với chính mình và hòa đồng cùng tha nhân và vũ trụ.

Bút Họa là một nghệ thuật sáng tạo cần được trau luyện lâu dài, đòi hỏi người họa sỹ tính đam mê và nhạy bén. Nét phóng bút chỉ đến trong một khoảnh khắc, nó lướt qua như cánh vạc bay, như một giải lụa xé, không tô vẽ, không sửa đổi như những môn nghệ thuật khác. Ðó là đặc tính thiêng liêng của Bút Họa! Người họa sỹ phóng bút, mở ra cho mình một cõi riêng tư, cho tâm hồn mình thăng hoa thoát tục; để hồn chữ nhập vào tâm rồi biến hóa qua nét cọ như đường gươm của người tráng sỹ. Bút Họa là nghệ thuật chỉ đến trong khoảnh khắc nhưng tồn tại lâu dài.

Chữ không chỉ là ký hiệu để diễn tả tư tưởng, nhưng trong chữ tự nó có linh hồn. Linh hồn là ý thơ và nét mực là máu chảy, nhưng qua nét tài tình của Bút Họa, linh hồn chữ đã được sống lại để người thưởng lãm đi vào thế giới nghệ thuật. Sự rung động sẽ tác động vào đời sống tâm linh, thay đổi cái tư duy, đạo lý, và lẽ sống hàng ngày. Mỗi lần nhìn ngắm bức Bút Họa, người ta có thể cảm nhận cái hồn của chữ vẫn cứ vang vọng như tiếng đập của nhịp tim và dòng cảm xúc chan hòa vẫn tuôn trào trong tâm tưởng.

Nhóm Bút Họa chúng tôi muốn làm bước tiên phong trong công việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ qua nghệ thuật viết chữ đẹp tại hải ngoại, khởi xướng lên với mục đích làm giàu thêm tiếng Việt, để từ đó, chúng ta hãnh diện về sự phong phú trong tiếng mẹ đẻ. Hy vọng qua những lần triển lãm, sự đóng góp về nghệ thuật Bút Họa sẽ mang đến một luồng gió mới góp phần vào văn hóa đặc thù Việt Nam, hội nhập vào văn hóa xứ người.

Ngày nào chúng ta vẫn còn hướng về quê mẹ bên kia bờ Thái Bình Dương, ngày nào tiếng Việt vẫn là lời hàn huyên, tâm sự, thì ngày đó tâm tư quý vị vẫn còn thổn thức. Còn chúng tôi vẫn miệt mài ngày đêm bên nghiên cọ, trải lòng trên trang giấy những nét Bút Họa chan chứa hồn thơ ý đạo, với bao tình tự quê hương.

(Trích từ www.chauthuy.com)

Châu Thụy (Little Saigon Tháng Chín, 2006)

Thuyết giảng trong “Chiều Nhịp Cầu Thi Ca”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tình lỡ
Diệp Hải Dung
00:09 30/05/2008

TÌNH LỠ



Ảnh của Diệp Hải Dung – Australia. ( Hình chụp tại Port Kembla – Wollongong)

Lá rụng rơi còn tiếc nhánh cành gầy

Sao tình lỡ quay lưng không nuối tiếc !

(Diệp Hải Dung)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền