Ngày 29-05-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm lễ Đức Mẹ thăm viếng
Lm. Anthony Trung Thành
09:01 29/05/2017
Suy Niệm LỄ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG 2017

Ngày 31 tháng 05

Lịch sử cứu độ là lịch sử của những cuộc viếng thăm. Đó là những cuộc viếng thăm giữa Thiên Chúa và dân Người. Thật vậy, sau khi hoàn tất công trình tạo dựng, Thiên Chúa không bỏ rơi con người nhưng luôn viếng thăm để ban ơn và có khi để khiển trách, trừng phạt con người. Khi Adong Evà phạm tội, Ngài viếng thăm để ra hình phạt đồng thời để hứa ban Đấng Cứu Độ (x. St 3,1-24). Rồi, Ngài viếng thăm dân Ngài qua các ngôn sứ và các vị lãnh đạo dân Do Thái: Ngài viếng thăm và thi ân giáng phúc cho ông Ab-ra-ham và hứa sẽ làm cho dòng dõi ông nên đông đúc như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển (x. St 22,17); Ngài viếng thăm Mô-sê qua bụi gai bốc cháy để truyền lệnh cho ông giải thoát dân Is-ra-el ra khỏi đất Ai-cập (x. Xh 3, 1-12); Ngài ở với ngôn sứ Giê-rê-mi-a để cứu sống và giải thoát (x. Gr 15,20) và Ngài luôn đồng hành với các ngôn sứ để truyền cho họ nói Lời của Ngài cho dân chúng; Cuối cùng, chính Ngài đã viếng thăm nhân loại qua chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Qua đoạn Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã viếng thăm gia đình ông Gia-ca-ri-a qua trung gian Đức Maria. Cuộc viếng thăm này có hai chiều kích đặc biệt: chiều kích thứ nhất là chiều kích chia sẻ. Mẹ Maria mang Chúa đến để chia sẻ với bà chị họ. Nhờ đó, Thánh Gioan Tẩy Giả được khỏi Tội Nguyên Tổ ngay từ trong lòng Bà Ê-li-sa-bét. Chính bà Ê-li-sa-bét đã vui mừng thốt lên rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 43-45). Chiều kích thứ hai là chiếu kích phục vụ. Tin mừng cho biết, Mẹ Maria“ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà” (Lc 1,56). Khi Mẹ đến thăm thì bà Ê-li-sa-bét thì bà đã cưu mang Gioan được sáu tháng. Mẹ ở lại đó ba tháng, tức là những tháng cuối cùng trước khi bà Ê-li-sa-bét hạ sinh. Đây là những ngày tháng khó nhọc vất vả nhất của người phụ nữ mang thai. Mẹ biết được như vậy, nên Mẹ đã tự nguyện ở lại đó để chăm sóc, phục vụ, giúp đỡ bà chị họ. Điều đó thể hiện tinh thần thăm viếng mang chiều kích phục vụ của Mẹ.

Về phần Đức Giêsu, sau thời gian sống ẩn dật tại làng quê Na-za-rét, Ngài bắt đầu hành trình truyền giáo là bắt đầu những cuộc viếng thăm: Ngài đi khắp mọi nơi và gặp gỡ mọi người để biến đổi và chữa lành họ; Ngài viếng thăm ông Gia-kêu khi ông đang ngồi trên cây sung; Ngài viếng thăm ông Lê-vi tại bàn thu thuế; Ngài viếng thăm gia đình La-za-rô và cho ông đã chết Bốn ngày được sống lại; Ngài viếng thăm và chữa lành cho mẹ vợ của ông Phê-rô…Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma qủi kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người (x. Cv 10, 36-38). Tin mừng còn cho biết: Nhờ Ngài mà kẻ què đi được, kẻ điếc được nghe, kẻ mù được xem thấy, kẻ câm nói được, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo khó được nghe Tin mừng. Chắc chắn Mẹ Maria cũng đồng hành với Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường truyền giáo để thăm viếng, an ủi tất cả mọi hạng người trong xã hội. Đặc biệt, Mẹ có mặt tại tiệc cưới Cana để khẩn cầu Đức Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon giúp cho gia chủ trong lúc bế tắc. Mẹ hiện diện dưới chân Thánh giá để lãnh nhận sứ mạng làm Mẹ loài người. Sau khi về trời, Mẹ còn thăm viếng loài người bằng những lần hiện ra nơi này nơi khác như ở Lộc Đức, ở Fatima, ở Lavang…Còn Đức Giêsu, sau khi Phục Sinh, Ngài còn hiện ra nhiều lần nhiều nơi để viếng thăm và cũng cố đức tin cho các Tông đồ và các Kitô hữu đầu tiên. Có thể nói, những cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, của Đức Giêsu và của Đức Maria là mẫu mực cho các cuộc viếng thăm giữa con người với nhau qua mọi thời đại. Đó là những cuộc viếng thăm đem lại niềm vui, tình thương và ơn cứu độ.

Các Tông đồ lãnh nhận sứ mạng Đức Giêsu trao phó, tiếp tục ra đi đến với muôn dân. Sách Công vụ Tông đồ kể lại các sinh hoạt của Giáo Hội sơ khai cho chúng ta thấy điều đó. Các Ngài ra đi khắp mọi nơi để thăm viếng, rao giảng và làm chứng cho Đức Giêsu đã chết và sống lại. Riêng Thánh Phaolô, sau khi trở lại, Ngài đã thực hiện nhiều cuộc hành trình truyền giáo đến với dân ngoại. Nhờ đó, nhiều cộng đoàn Kitô hữu được thiết lập. Từ đó tới nay, Giáo Hội không ngừng ra đi để thăm viếng muôn dân: Đó chính là sự “ra đi” của các nhà truyền giáo, các giám mục, linh mục, tu sỹ và giáo dân. Đặc biệt, từ thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho tới nay, các Đức Giáo Hoàng thường thực hiện những cuộc thăm viếng mang tính quốc tế: Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã có 129 cuộc viếng thăm ngoài thành Rôma. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến viếng thăm một ngôi đền Hồi giáo ở Syria; viếng thăm vùng Thánh Địa Giêrusalem... Các cuộc viếng thăm của Ngài ảnh hưởng đến việc hòa giải các dân tộc và tôn giáo. Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục ra đi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường quan tâm đặc biệt đến các vùng ngoại vi. Ngài đã đến với những người tị nạn tại đảo Lampedusa, trại tù Casal del Marmo…Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy “ra đi” để đem Tin mừng đến với với những người bần cùng nhất, những người sầu khổ, những người còn trong bóng tối tội lỗi. Chính vì thế, các cuộc viếng thăm của Ngài không những đem lại sự hòa hợp các dân tộc mà còn đem lại niềm vui và sự an ủi cho những người thấp cổ bé miệng trong xã hội.

Viếng thăm cũng là bổn phận của mỗi người chúng ta hôm nay: Viếng thăm để thực hiện bổn phận truyền giáo; Viếng thăm để thực hiện bổn phận liên đới giữa chúng ta với các mối tương quan như ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn hữu. Chúng ta hãy bắt chước gương viếng thăm của Thiên Chúa, của Đức Giêsu và Đức Maria. Hãy có những cuộc viếng thăm tha nhân một cách vô vị lợi. Hãy viếng thăm tha nhân khi vui cũng như lúc buồn như lời Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Hãy viếng thăm tha nhân trong sự thành thật không giả hình, viếng thăm trong tình yêu thương huynh đệ: “Đức ái không được giả hình: Hãy chê ghét điều ác và trìu mến điều lành. Hãy thương yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ. Hãy nhân nhượng tôn kính nhau” (Rm 12, 9-11); “Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà” (Rm 12, 13). Đặc biệt, chúng ta hãy siêng năng viếng thăm những người nghèo đói, bệnh tật, cô thế cô thân, những kè tù đày... để đem niềm vui và hạnh phúc đến cho họ. Vì khi chúng ta thăm viếng họ là chúng ta đang thăm viếng Chúa. Tin mừng theo Thánh Mathêu, chương 25, Đức Giêsu đã đồng hóa Ngài với những kẻ bé mọn: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Ngài nói thêm: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

Ước mong rằng, ngày lễ Mẹ Thăm Viếng hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta luôn biết ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, đem niềm vui có Chúa và tinh thần phục vụ cho họ như gương mẫu của Đức Maria. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Chúa Thánh Thần Hiiện xống
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
17:47 29/05/2017
Lễ Chúa Thánh Thần Hiiện xống
Ga 20, 19-23

Chúa Thánh Thần Hiiện xống

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống nhắc nhở cho chúng ta về biến cố ngày Chúa Thánh Thần đến thay đổi lòng trí các Tông đồ, bởi vì trước đó các Ngài vẫn luôn đóng kín cửa nhà vì sợ người Do Thái. Thần trí bình an chưa đậu lại trên các Ngài, do đó, các Ngài còn sợ sệt, lo âu, hoang mang, bối rối… Tuy nhiên, ngày Lễ Ngũ Tuần đã biến đổi hoàn toàn các Tông đồ : “ từ tình trạng nhút nhát, sợ sệt, các Ông đã trở nên can đảm cách phi thường “.

Lễ Ngũ Tuần là một trong những lễ lớn của người Do Thai. Nên, nhiều người Do Thái đang cư ngụ ở nước ngoài cũng về Giêrusalem để dự lễ này. Mười một môn đệ, cùng mấy phụ nữ đạo đức, thân tín của Nhóm Mười Hai, trong đó có Đức Mẹ đang cầu nguyện sốt sắng trên một phòng của căn lầu trong thành. Mẹ Maria, các phụ nữ đạo đức, nhiệt thành và Mười Một môn đệ đã khẩn khoản cầu xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến như lời Đấng Phục Sinh vừa về trời loan báo và hứa. Và chính trong bầu khí cầu nguyện của một Cộng đoàn yêu thương, hiệp thông thì Chúa Thánh Thần đã đến với họ. Thánh Thần mà Chúa Cha hứa ban chẳng có một hình dáng, khuôn mặt rõ ràng để con người có thể chiêm ngắm, tuy nhiên con người hay các môn đệ đã nhận ra Thánh Thần nhờ dấu chỉ khả giác : một tiếng gió, một làn hơi thở, ở đây từ trời ập đến như tiếng gió thổi dữ dội, những lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người. Thình lình, Thánh Thần Chúa tràn ngập mọi người đang có mặt tại đó. Một luồng gió mạnh như bão táp mở tung mọi cánh cửa đang đóng kín. Có một cái gì đó hoàn toàn tự do, hoàn toàn bay bổng, nổ tung sự im lặng, phá tan nỗi sợ bao trùm các môn đệ của Chúa. Các Ngài không còn khiếp sợ, không còn đóng kín cửa nhà nữa, phải ra khỏi căn phòng, phải loan truyền những kỳ công tuyệt vời mà Đức Kitô Phục Sinh đã làm cho nhân loại, đã làm cho thế giới, đã làm cho con người.

Quang cảnh buổi lễ thật sinh động, thật hân hoan. Mọi người có mặt ngày Lễ Ngũ Tuần thuộc nhiều nước, nhiều miền. Tất cả đều phấn khởi, hồ hỡi vì họ nghe được tiếng nước mình, tiếng địa phương, tiếng vùng miền của mình.Sách Công vụ 2, 1-11 viết :” Chúng ta đây, có người là dân Pacthia, Mêđia, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Capađôkia, Pontô và Axia, có người là dân Phygia, Pamphilia, Ai cập và những vùng Lybia giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do Thái cũng như người đạo theo; nào là người dân Kêta hay người A rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa “ (Cv 2,9-11 ). Các môn đệ đã nói được nhiều thứ tiếng, đó là ơn huệ của Chúa Thánh Thần. Bởi vì, có hiểu được ngôn ngữ của mình, dân chúng mới nhận ra những kỳ công tuyệt diệu mà Thiên Chúa đã làm cho nhân loại, cho con người, cho mỗi dân tộc vv…Thánh Thần liên kết mọi người, hiệp nhất mọi người làm cho mọi người gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn, nhờ đó Hội Thánh trở thành Hội Thánh của mọi dân tộc. Hình ảnh này trái ngược với tháp Babel, khi con người có tham vọng xây một thang bác lên trời, họ nghĩ ra thiết kế nhưng vì không hiểu nhau, ngôn ngữ dị biệt, nên họ đã không thành công tham vọng xây tháp Babel…

Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã đến. Thánh Thần của sự bình an, can đảm đã mở tung cõi lòng của những ai tin Chúa và như thế, lệnh truyền giáo của Chúa Phục Sinh là sứ mạng của tất cả mọi người Công Giáo. Hội Thánh của Chúa phải mở tung cánh cửa, hăng hái, can đảm, vững mạnh loan báo Tin Mừng cho khắp nhân loại. Thánh Thần của Chúa Phục Sinh là Thánh Thần của sự bình an, hiệp nhất, yêu thương.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhở chúng ta về Thần khí của Chúa Phục Sinh. Thần khí sẽ mở tung cánh cửa tâm hồn chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Thần khí của Chúa sẽ biến đổi chúng ta như đã biến đổi các môn đệ, các tông đồ khi xưa. Thật thế, Chúa Giêsu đã sinh ra tại Châu Á từ 2017 năm. Lục địa Châu Á quá mênh mông này với nhiều ngôn ngữ, nhiều tôn giáo khác nhau. Làm sao chúng ta có thể rao giảng Tin Mừng cho lục địa Châu Á với ngôn ngữ, tôn giáo, truyền thống, tập tục, luân lý vv…khác nhau ? Sứ mạng truyền giáo của mỗi người thật thúc bách và khẩn trương.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban Thần khí cho chúng con để chúng con có sức mạnh, lòng can đảm, nhiệt thành để loan báo Tin Mừng cứu độ cho nhiều người. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Lễ Ngũ Tuần là lễ gì ?
2.Thần khí mà Chúa Phục Sinh ban là Thần khí nào ?
3.Tại sao các môn đệ lại hiên ngang, can đảm làm chứng cho Chúa Phục Sinh ?

 
Lễ Thăm Viếng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
17:52 29/05/2017
Lễ Ngũ Tuần Đầu Tiên

Lễ Thăm Viếng

Trong dịp hành hương Đất Thánh vừa qua, chúng tôi có đến Ein Kerem. Ẩn mình giữa những ngọn đồi bao quanh Giêrusalem, Ein Kerem hiện đại là một vùng lân cận xinh đẹp của Giêrusalem được chúc phúc với bầu không khí đồng quê du mục.

Ở trung tâm làng là cái giếng, theo tương truyền, nơi đó Đức Maria gặp bà Êlisabeth. Các ngôi nhà trong làng được xây bằng đá rải rác giữa các căn nhà là những gác chuông Nhà thờ làm tăng vẻ đẹp vùng trời Ein Kerem.

Có một số cộng đoàn Tu sĩ ở trong làng Ein Kerem hiện đại, đó là Tu viện Thánh Gioan Tẩy Giả, Nhà thờ Chính thống giáo Liên xô (Russian Orthodox Church) và Dòng Đức Bà Sion với những nhà trọ rất đẹp. Ngôi Nhà thờ này nằm ở con đường phía trên Nhà thờ Thăm Viếng, có những mái vòm hình củ hành mạ vàng giống như Nhà thờ Maria Magdala của Liên Xô ở Cổ thành Giêrusalem.

Chúng tôi thăm Nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả. Đây là Nhà thờ của các cha dòng Phanxicô được xây dựng trên điểm linh thánh, nơi thánh Gioan Tẩy Giả ra đời.

Mỗi người lần lượt hôn kính nơi Gioan được sinh ra, phía dưới bàn thờ bên phải cung thánh. Sân trong Nhà thờ trưng bày những bảng ghi chép bằng nhiều thứ tiếng lời tiên tri của ông Giacaria. Ông đã thốt ra lời tiên tri này vào ngày lễ cắt bì cho con trẻ và đặt tên cho con mình là Gioan (Lc 1, 67-79); theo truyền thống Giáo Hội đây là lời kinh “Benedictus”.

Đi lên ngọn đồi với nhiều bậc cấp, chúng tôi thăm và dâng lễ tại Nhà thờ Thăm viếng. Đây là Nhà thờ của các cha dòng Phanxicô tôn kính dịp Đức Maria viếng thăm gia đình bà Êlisabeth.

Một bức tranh khảm đá (mosaic) tuyệt đẹp diễn tả việc Đức Maria vào ngày rời Nazarét đến Giêrusalem đã tô điểm phần bên ngoài Nhà thờ.

Những bảng ở sân trong Nhà thờ ghi lại lời kinh Magnificat của Đức Maria bằng nhiều thứ tiếng (Lc 1, 46-55).

Chúng tôi dâng lễ tại Nhà nguyện tầng trên, cùng suy niệm cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ hạnh phúc: người mẹ già và người mẹ trẻ.

1. Lễ Ngũ Tuần đầu tiên

Tin mừng ngày Lễ Thăm Viếng cho thấy chân dung của hai người mẹ diễm phúc nhất trần gian: Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế và Êlisabeth, mẹ Gioan Tiền Hô.

Một cuộc gặp gỡ chan chứa niềm vui, diễn ra trong bầu khí của Thánh Thần. Thánh Thần tác động trên Maria. Thánh Thần tràn đầy bà Êlisabeth. Thánh Thần đã hoạt động nơi thai nhi Gioan (Lc 1,15). Đó là một Lễ Ngũ Tuần đầu tiên mà bà Êlisabeth nói dưới tác động của Thánh Thần. Đức Maria đã tiếp đón một cách đơn sơ sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính cung lòng Mẹ. Cuộc gặp gỡ ngoại hạng này cũng như sáng ngày Phục Sinh, bí mật này của Thiên Chúa được giao phó cho phụ nữ trong niềm hân hoan vui sướng chỉ có thể đến từ Chúa Thánh Thần.

Thánh Luca thích nói rằng Thánh Thần sẽ “được đổ tràn đầy trên mọi xác thịt”, khi trích dẫn những lời của tiên tri Gioel. Bà Êlisabeth trở thành nữ tiên tri. Bà kêu lên, bằng giọng của lời tung hô phụng vụ : “Maria, em thật có phúc giữa tất cả phụ nữ và hoa trái lòng em được chúc phúc”.

2. Cuộc viếng thăm của tình yêu

Suy niệm về cuộc gặp gỡ kỳ diệu của hai bà mẹ cho chúng ta những bài học bổ ích.

Đức Maria đã đi thăm người chị họ Êlisabeth. Dù đường sá xa xôi, vất vả, qua miền đồi núi, Đức Maria vẫn lên đường viếng thăm vì yêu thương. Chính tình thương đã thúc đẩy bước chân Mẹ. “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7). Như thế, hình ảnh Đức Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế, băng ngàn để loan báo tin vui cũng chính là hình ảnh Isaia đã loan báo.

Cuộc viếng thăm là sự gặp gỡ giữa hai người mẹ, hai người con đang được cưu mang và giữa hai giao ước cũ và mới.

- Giữa hai người mẹ: Đức Maria thăm viếng là đem niềm vui có Chúa cho gia đình người chị họ. Ở lại phục vụ người chị trong thời gian mang thai sinh con. Êlisabeth được ơn Thánh Thần đã xưng tụng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và đã ca tụng đức tin của Đức Mẹ.
- Giữa hai người con: Nghe lời chào của người mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, con trẻ Gioan trong lòng mẹ Êlisabeth nhảy mừng vui sướng.
- Giữa hai giao ước: Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ là cuộc gặp gỡ giữa hai giao ước. Thời đại mới mở ra giao ước mới. Con Thiên Chúa làm người khai mở giao ước của thời đại ân sủng và tình yêu.

Cuộc viếng thăm của Đức Maria là cuộc viếng thăm của tình yêu.Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động không phải là một tình yêu đích thực. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ, hy sinh cho người thân, làm cho người thân trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn.Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui buồn. Đức Phật nói: “Yêu nhau mà không được ở gần nhau, mà phải xa cách nhau thì sẽ đau khổ”. Ngài gọi cái khổ ấy là “ái biệt ly khổ”. Tục ngữ có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!” (một ngày không gặp nhau thì dài như ba năm). Do đó, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau.

3. Đến với nhau bằng tình thương

Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời. Năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Những người bệnh tật, già cả, những người nghèo hèn, đau khổ, những người khô khan thờ ơ, những gia đình rối rắm bất hoà… Họ rất cần được thăm viếng. Đến thăm nhau là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của đạo Chúa.

Khi đến thăm bà Êlisabeth, Mẹ đem Chúa đến cho người thân của mình. Nhờ Mẹ mang Chúa đến nên không chỉ bà Êlisabeth vui mừng mà hài nhi trong lòng bà cũng vui theo mà “nhảy lên” hân hoan. Nhảy mừng diễn tả niềm vui. Đây là niềm vui ơn cứu độ. Sự hiện diện của Đức Maria mang đến niềm vui và còn có sự biến đổi khiến hai mẹ con bà Êlisabeth được tràn đầy Thánh Thần, và nhờ đó nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Mẹ. Gia đình Bà Êlisabeth là gia đình đầu tiên được Chúa Cứu Thế viếng thăm. Đây là gia đình diễm phúc đón nhận niềm vui ơn cứu độ.

Đến thăm nhau không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến, niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự hiện diện của Chúa do ta mang đến. Chính Thánh Thần của Chúa trong ta sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện hơn.

Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Đức Maria có nói gì về Chúa với bà Êlisabeth đâu! Chúa là tình thương, ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân, khi chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực. Đến với nhau bằng tình thương, bằng niềm vui là sự gặp gỡ có Chúa hiện diện rồi. Khi người ta mang hận thù oán ghét, ý nghĩ đen tối đến với nhau thì nảy sinh bất hoà chiến tranh và đau khổ. Ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân khi ta đến với ý muốn làm hiện thân của Chúa đối với họ, và coi họ cũng là hiện thân của Chúa đối với mình.

Thiên Chúa yêu thương nhân loại nên đã ban tặng Con yêu dấu là Đức Giêsu. Người đến với trần gian trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Người đem ơn cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Khi còn tại thế, Đức Giêsu đã đến thăm nhiều người, nhiều gia đình. Người quan tâm chăm sóc chữa lành những bệnh nhân. Người giảng dạy và ân cần với những người nghèo. Người cải hóa nhiều tội nhân. Người biểu lộ tình yêu thương cho mọi người.Đức Giêsu muốn chúng ta tiếp nối công việc của Người.
Đức Maria viếng thăm, phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà Êlisabeth. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo Mẹ. Dành thời giờ quý báu để thăm nhau. Chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa cho tha nhân luôn là sứ vụ của con cái Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con noi gương Mẹ, biết quan tâm đến niềm vui, nổi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh chúng con. Xin giúp chúng con biết hy sinh thời giờ cho dù rất quí báu để năng đến gặp gỡ, thăm viếng nhau, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của anh chị em. Xin giúp chúng con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để giúp đỡ những nhu cầu chính đáng của họ. Amen.




 
Sức mạnh nâng đỡ đức tin trong ý thức truyền giáo
Lm GB Nguyễn Minh Hùng
23:05 29/05/2017















Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Ai mà không ít là một lần thấm thía nỗi đau, sự bất hạnh? Bạn và tôi, khi sống trong cuộc đời này, lại không có những lần đức tin bị thử thách?
Chẳng hạn khi ta phải bước đi trong lầm lũi, đi trong thất bại và chán nản: Đó có thể là cái chết bất ngờ của một người thân, một cơn bạo bệnh, một tình yêu bị phụ bạc... Đó cũng có thể là cái nghèo, cái dốt, là đứa con chưa ngoan, vợ chồng thiếu tin tưởng nhau... Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, đức tin bị chùn bước chăng?
Suy nghĩ về tính bấp bênh của thân phận, ta sẽ nhận ra ơn Chúa Thánh Thần là một mãnh lực lớn biết bao nhiêu giúp ta vượt qua và tin vững vàng.
Nhất là những lúc ta phải sống chứng nhân cho Tin mừng của Chúa Kitô, dẫu là đang trong hạnh phúc hay khi rơi vào nỗi ô nhục, chán chường.
Bởi thế, ta có thể nói mạnh rằng: CHÚA THÁNH THẦN LÀ SỨC MẠNH NÂNG ĐỠ ĐỨC TIN TRONG CHÍNH Ý THỨC TRUYỀN GIÁO NƠI MỖI NGƯỜI.

Ngày xưa, các thánh tông đồ cũng thế. Chúa Thánh thần đã nâng đỡ đức tin các thánh tông đồ nhiều lắm. Người đã từng hiện diện với các ông trong từng bước chân truyền giáo. Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho kết quả của ơn gọi truyền giáo mà các thánh tông đồ nói riêng, các môn đệ Chúa Kitô nói chung, thực hiện trở thành một kết quả lớn lao, không phải chỉ một nơi chốn hay một khoảnh khắc nào, nhưng lan tỏa khắp thế giới, qua mọi thời, mọi thế hệ…

Vì tính người mỏng dòn, nên đức tin cần được tôi luyện. Các thánh tông đồ đã được tôi luyện như thế: Chúa Giêsu, người mà thánh Phêrô đã từng đại diện anh em mình tuyên xưng là Con Thiên Chúa; người đã từng hiển dung trước mặt Phêrô, Gioan, Giacôbê; người đã từng làm phép lạ như “Đấng có uy quyền” trước mặt các ngài, bây giờ chỉ là một người bị đánh bại thê thảm. Có ai có thể tưởng tượng nổi một Giêsu mà mình muốn đặt hết hy vọng vào đó như một cứu chúa, một nhà giải phóng để đưa dân tộc Do thái thoát khỏi bàn tay đô hộ của đế quốc La mã, bây giờ lại bị chính quyền kết án, bị các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái treo lên thập giá, phơi thây giữa trời giữa đất, xuống không nổi. Trong hoàn cảnh đó niềm hy vọng của các tông đồ như một tim đèn chực tắt. Đức tin đang lụn dần. Có lẽ trong lòng các môn đệ của Chúa Giêsu lúc đó chỉ còn có thể réo lên ba tiếng “Mất tất cả!”.

Bài Tin Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay chứng minh điều đó. Thánh Gioan kể lại: Một buổi chiều Chúa Nhật, các thánh tông đồ tụ họp và “đóng kín” cửa lại – tôi xin nhấn mạnh động từ “đóng kín”. Vì các thánh tông đồ không “đóng kín” để tránh sự ồn ào, không “đóng kín” để tạm quyên đi những lo toan đời thường, không “đóng kín” để gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng “đóng kín” vì “sợ người Do thái”. Và bởi “sợ”, nên dù “đóng kín”, các ngài vẫn ở trong tâm trạng rối bời.

Nhưng khi Chúa Thánh Thần đến, đức tin của các thánh tông đồ trở nên mạnh mẽ. Chính Chúa Thánh Thần đã phá vỡ tâm trạng rối bời này. Ý thức truyền giáo phát triển từ con số không, bỗng vượt quá sức người bé bỏng của các ngài, và tỷ lệ thuận với lòng can đảm phát xuất từ một đức tin dũng mãnh: Tin vào Đấng phục sinh. Từ đây, chính nhờ Chúa Thánh Thần tác động, làm cho các ngài mạnh dạn loan báo Lời Chúa, dám sống, dám chết cho đức tin dũng mãng ấy. Như vậy Người không chỉ nâng đỡ cách nhất thời, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào mà các ngài gặp phải như: bị chống đối, bị sỉ nhục, bị tù đày, nhất là bị sát hại.

Lẽ nào, sau khi nhận ra thái độ truyền giáo của các tông đồ, chúng ta lại trở về với cuộc sống đời thường mà không có gì thay đổi? Ngay từ bây giờ, ta hãy sắm cho mình một ý thức truyền giáo bằng chính trách nhiệm hằng ngày của ta: đó là trách nhiệm của một linh mục, một người buôn bán, một người dạy học, một công nhân, một học sinh... Ta cũng có thể thể hiện tinh thần truyền giáo trong những việc làm hết sức nhỏ bé như: tha thứ cho một người mất lòng ta, chào hỏi những người ta quen biết...
Nếu ta có một ý thức truyền giáo trong trách nhiệm và trong những việc làm từ ngày này qua ngày khác như thế, không những đức tin không bị lung lạc giữa các môi trường ta sống, mà còn vững mạnh và có sức thu hút nữa. Bởi vì Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi ta, làm cho nó trở thành khí cụ đưa công việc truyền giáo thầm lặng của mọi người đạt hiệu quả.

Tôi muốn dừng lại ở đây bằng chính lời của Đấng Phục sinh nói với chúng ta: “Bình an cho anh em”. Nguyện xin Chúa Kitô ban ơn bình an ấy cho ta. Nhưng Chúa Thánh Thần chính là Nguồn Bình an. Bởi thế, xin Chúa Kitô ban ơn bình cũng có nghĩa là xin Người ban Chúa Thánh Thần cho ta.

Ơn bình an rất cần cho những người sống đời truyền giáo, ơn bình an cũng rất cần cho những biến động, những thăng trầm của cuộc đời. Xin dâng tất cả lên Chúa Thánh Thần, Đấng là sức mạnh nâng đỡ đức tin, và là Nguồn Bình an vô giá.














 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo phận Rouen bắt đâu thu thập tài liệu phong chân phước cho cha Hamel
Hồng Thủy
09:37 29/05/2017
Hôm thứ 7, 20/5 vừa qua, tại Giáo phận Rouen đã diễn ra buổi trình bày chứng từ đầu tiên trong tiến trình thu thập tài liệu cho án phong chân phước của cha Jacques Hamel, linh mục Giáo phận Rouen, bị hai người Hồi giáo cắt cổ, sát hại dã man, tại nhà thờ giáo xứ của cha ở Saint-Etienne-du-Rouvray vào ngày 26/7/2016 khi đang dâng Thánh lễ.

Theo tin của Giáo phận Rouen, trong những tháng tới đây, 69 nhân chứng sẽ trình bày các điều liên quan đến cha Jacques Hamel.

Vị thỉnh nguyện viên của án phong chân phước, cha Paul Vigouroux đã nói với Đức tổng giám mục Dominique Lebrun về “danh tiếng của vị tử đạo” - Tôi tớ Chúa Jacques Hamel - được Pháp và thế giới yêu mến. Từ khi cha bị giết, đã có nhiều thư được những người vô danh, các chính quyền, các Giám mục Công Giáo Pháp và khắp thế giới, lãnh đạo của các Giáo Hội Kitô khác, những người Do thái và Hồi giáo, gửi về.

Danh tiếng về sự thánh thiện của cha Hamel cũng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảm nhận. Ngài đã nói trong Thánh lễ vinh danh cha Hamel tại nhà nguyện thánh Marta ngày 14/09/2016: “Cha ấy là một vị tử đạo. Và các vị tử đạo được chúc phúc, chúng ta phải cầu nguyện với cha.”

Vị thỉnh nguyện viên nói tiếp: “Cha Jacques Hamel đã sống đời sống linh mục một cách đơn giản nhất có thể, luôn luôn ở vùng ngoại biên, cả ở vùng ngoại ô phát triển của thành phố Rouen và vùng ngoại ô nơi có rất nhiều các người đồng thời với chúng ta. Tại một đô thị có nhiều người nước ngoài sinh sống, cha đã có mối quan hệ tốt với cộng đồng Hồi giáo.”

Và vì danh tiếng của cha – người của đức tin, phục vụ toàn dân, vượt trên những liên hệ tôn giáo” – cộng đồng Saint-Etienne-du-Rouvray đã quyết định dựng một tác phẩm điêu khắc ở trung tâm thành phố để vinh danh cha.

Đức Cha Lebrun đã giải thích rằng giai đoạn một của tiến trình phong thánh sẽ được thực hiện ở cấp giáo phận ở Rouen, Sau đó, giai đoạn hai sẽ được chuyển sang Roma cho Bộ Phong thánh. Quyết định cuối cùng sẽ do Đức Giáo Hoàng. Đức Cha cũng nhắc là trong giai đoạn một, không được cầu kêu cầu danh cha Hamel trong các lời nguyện chính thức như một chân phước hay một vị thánh. (SIR 25/07/2017)
 
Khoảng 56 triệu người qua đời trong năm 2015
Mai Anh
16:12 29/05/2017
Ngày 17.05 vừa qua, tổ chức Sức Khỏe thế giới gọi tắt là OMS đã công bố thống kê về sức khỏe thế giới trong năm 2015, theo đó, có khoảng 56 triệu người qua đời trong năm 2015.

Vẫn theo thống kê của OMS mới công bố, tỷ số trẻ em chết yểu trong năm 2015 và con số người chết vì bệnh Aids hay còn gọi là liệt kháng giảm sút, nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm trong lãnh vực chống trả những rắc rối trong lúc sinh sản hay trong lãnh vực chủng ngừa.

Trong năm 2015, mỗi ngày có 860 phụ nữ chết vì sinh sản, tức với tỷ lệ 216 người trên 100 ngàn, còn quá xa so với mục tiêu 70 phụ nữ chết vì sinh sản mỗi 100 ngàn người đã được OMS đề ra trong vòng năm 2030 tới đây. Về phương diện trẻ em chết yểu, thì trong năm 2015 tỷ lệ trẻ em chết dưới 5 tuổi là 43 trên 1000 em tức là giảm 44% so với năm 2000. Cuộc chiến chống bệnh Aids và sốt rét cũng đang đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, song song với sự giảm hạ số người chết vì các chứng bệnh không truyền nhiễm như ung thư hay tiểu đường.

Thống kê của OMS cũng đề cao việc các phương tiện vệ sinh được phổ biến hơn và các chiến dịch chủng ngừa cũng được phát động sâu rộng hơn, chặn đứng nhiều loại bệnh khác.

Một yếu tố được thống kê của tổ chức Sức Khỏe thế giới chú ý nhiều đó là con số người chết vì tai nạn lưu thông và vì các thiên tai.

Vẫn theo thống kê nói trên, con số người trẻ chết mỗi ngày trên toàn thế giới là 3000 người, đại đa số chết vì những nguyên nhân có thể tránh được, đứng hàng đầu là các tai nạn lưu thông.

Quả thật, tai nạn lưu thông là nguyên do chính gây ra cái chết cho các trẻ em trong lớp tuổi từ 10 đến 19. Con số người chết vì tai nạn lưu thông là 1,2 triệu trên khắp thế giới, đa số tại các nước đang trên đường phát triển. Kế đến là các loại bệnh viêm đường hô hấp, hơn 72 ngàn, và tự tử 67 ngàn.

Bà bác sĩ Flavia Bustreo, phó tổng giám đốc OMS nói: Nhiều thái độ sống của người trẻ hiện nay có thể để lại nhiều hậu quả xấu cho tương lai như quan hệ tính dục liều lĩnh, hiện tượng lười hoạt động thể thao thể dục hay chạy theo những kiểu kiêng cữ sai lạc.

Trong mấy thập niên gần đây, người ta không mấy chú ý đến việc giáo dục người trẻ để phòng ngừa sai lầm về sức khỏe. Cần phải đầu tư nhiều hơn vào việc hướng dẫn người trẻ giữ gìn sức khỏe để họ có thể trở thành những con người trưởng thành và đủ ý thức đóng góp vào việc thăng tiến cộng đoàn xã hội và hướng dẫn các thế hệ tương lai.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Thủ Tướng Justin Trudeau của Canada
Bùi Hữu Thư
17:38 29/05/2017
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Thủ Tướng Justin Trudeau của Canada

Sáng nay, 29/5/2017 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Thủ Tướng Justin Trudeau, Canada.

Theo thống cáo của Văn Phòng Truyền Thông, cuộc mạn đàm rất thân mật và nhấn mạnh về sự đóng góp tích cực của Giáo Hội Công Giáo Vào đời sống xã hội tại Canada.

“Hai vị sau đó đã chú trọng đến các đề tại về việc hội nhập và hòa giải, cũng như tự do tôn giáo và các vấn đề đạo đức hiện hành.”

“Cuối cùng, dưới ánh sáng của kết quả của Đại Hiội Thượng Đỉnh G7, hai vị đã chú tâm đến các vấn đề có tính cách hoàn vũ, đặc biệt là Trung Đông và các khu vực có chiến tranh.”

Sau cuộc yết kiến Đức Thánh Cha, Thủ Tướng cũng đã gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Tổng Trưởng Ngọai Giao Vatican và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ Trưởng Liên Lạc với các Quốc Gia.
 
TV Thời sự Giáo hội và Thế giới ngày nay 28/5/2017
VietCatholic Network
19:05 29/05/2017
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1. Kinh Lạy Nữ Vương với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 28 tháng 5.
2. Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân giám quản giáo phận Rôma.
3. Đức Thánh Cha gặp gỡ các giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh.
4. Đức Thánh Cha gặp gỡ 3.500 công nhân tại Genova.
5. Đức Thánh Cha tiếp Dòng Tiểu Muội thừa sai bác ái.
6. Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga cám ơn Đức Thánh Cha đã cho phép đưa một phần hài cốt thánh Nicola sang Nga.
7. Dư luận Công Giáo về chuyến viếng thăm của tổng thống Hoa Kỳ tại Vatican và Arab Saudi
8. Tòa Thánh bênh vực thường dân trong chiến tranh.
9. Nguyên Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem: Tòa Thánh có thể hòa giữa Do Thái và Palestine.
10. Nam Hàn xin Đức Thánh Cha làm trung gian hòa giải và thống nhất Triều tiên.
11. 26 tín hữu Kitô Ai Cập bị thảm sát trên đường hành hương.
12. Một linh mục và hàng chục giáo dân bị bắt làm con tin và bị hăm dọa chặt đầu.
13. Chủ tịch Hội đồng GMVN cảm ơn ân nhân cứu trợ nạn nhân trận lũ lụt miền Trung Việt Nam.
14. Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục Tại Tổng Giáo Phận Huế.
15. Giới thiệu Thánh Ca Tháng Hoa Đức Mẹ: Hạt Kinh Dâng Mẹ.

Sau đây là phần tin chi tiết:
 
Top Stories
Vietnam: Catechist of Vinh Diocese detained and beaten
Joseph Nguyen
21:47 29/05/2017
Nghe An province: The Vietnamese Catholic Youth in Vinh diocese had just alerted that on Sunday May 28, Quynh Luu (Nghe A province) authorities had conducted a military exercise in which paramilitary groups along with hired hooligans were deployed by the local government to surround Song Ngoc church in Vinh diocese. The paramilitary group were armed with guns and grenades while the other brought iron bars and rocks to their exercise. Parishioners reported though they do not know whether guns were fired or not, but shell casings were found around the church.

Meanwhile, catechist Teresa Nguyen Thi Tra of Phu Yen parish on the same day, had been kidnapped, assaulted, and brought to the police station for interrogation, being stripped searched, and coerced into denouncing the two activists priests, Fr. JB Nguyen Dinh Thuc and Anthony Dang Huu Nam who have been advocating tirelessly for the victims of the worst environment disaster in Vietnam history caused by Formosa Steel Co. which brought detrimental effect to the majority of their parishioners along the central coastline of Vietnam.

Ms. Tra's family and fellow parishioners had quickly come to her rescue, demanding her release at the office of the People's Committee. Though many rescuers suffered serious injuries at the hands of police and contracted hooligans, but the catechist was eventually released to the determined group of fellow Catholics who would risk their lives and kept fighting on until one of their own gets to go home.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ Chúa Thăng Thiên
Văn Minh
08:59 29/05/2017
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ Chúa Thăng Thiên

“Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang”(Tv 46).

Câu Lời Chúa trên đã được anh em trong đội kèn đồng của giáo xứ Vĩnh Hòa chọn làm kim chỉ nam cho hướng đi phục vụ của đội mình.

Thánh lễ trọng thể mừng Chúa Giêsu Lên Trời – bổn mạng Ban kèn đồng giáo xứ Vĩnh Hòa (kỷ niệm 14 năm thành lâp) diễn ra lúc 17g30, Chúa Nhật ngày 28.05.2017, do cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha Inhaxiô Nguyễn Văn Đăng SCJ, Dòng linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu, cùng đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ hiệp dâng.

Xem hình

Trước Thánh lễ, quý cha, các em thiếu nhi trong các lớp giáo lý, cùng đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ kiệu tượng Chúa Giêsu xung quanh thánh đường hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã qua bài hát “Khải hoàn ca”.

Đầu lễ, cha Gioakim mời gọi mỗi người hãy chuẩn bị cho riêng mình những hành trang cần thiết trong cuộc lữ hành trên trần gian này, để một mai cùng nhau tiến bước về quê Trời, đó là quê hương đích thực của người Kitô hữu chúng ta. Đồng thời, ngài mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cách riêng cho anh em trong Ban kèn đồng giáo xứ được nhiều hồng ân Thiên Chúa, lòng hăng say phục vụ qua tiếng kèn để cùng nhau làm sáng Danh Chúa.

Bài giảng trong Thánh lễ, cha Inhaxiô Nguyễn Văn Đăng đã chia sẻ cho cộng đoàn ba ý sau: Thứ nhất, mừng Chúa Giêsu Lên trời, vì Ngài đã hoàn thành sứ mệnh nơi dương gian, thứ hai, khi về Trời, Ngài trao quyền cho các môn đệ, anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, thứ ba, Ngài truyền dạy cho anh em là phải biết quý trọng thân xác của mình, vì thân xác là đền thờ cho Chúa Thánh Thần ngự trị. Vì vậy, chúng ta hãy ý thức được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của chúng ta, để chúng ta luôn yêu thương, tôn trọng thân xác của mình và thân xác của người khác.

Cha Inhaxiô nói tiếp: Mừng lễ Chúa Lên Trời hôm nay, cộng đoàn chúng ta, cách riêng, đối với Ban kèn đồng trong giáo xứ hãy thực hành Lời Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Không phải chỉ bằng lời nói, mà phải dấn thân hy sinh phục vụ, và cùng nhau làm sáng Danh Chúa trong tình yêu thương, hiệp nhất. Có như vậy, mai nầy chúng ta mới được hưởng niềm vui trên Thiên Quốc cùng Ngài.

Sau bài giảng, vị đại diện trong Ban kèn đồng lên đọc lời nguyện tín hữu và dâng những của lễ cùng cha chủ tế lên Thiên Chúa với tấm lòng thành kính.

Sau phần hiệp lễ, vị đại diện Ban kèn đồng thay mặt lên cảm ơn quý cha, quý vị trong HĐMVGX, quý vị trong các hội đoàn, quý vị ân nhân, thân nhân, và mọi thành phần dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Để tỏ lòng tri ân, vị đại diện dâng lên quý cha bó hoa tươi thắm trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Đáp từ, cha xứ thay mặt cộng đoàn chúc mừng Ban kèn đồng và gia đình anh em được nhiều hồng ân của Chúa, tinh thần đoàn kết, yêu thương, và mỗi ngày một thăng tiến hơn nữa trong sứ vụ của mình.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Sau Thánh lễ, quý cha cùng anh em trong Ban kèn đồng cùng nhau chụp chung tấm hình kỷ niệm.

Được biết hiện nay, Ban kèn đồng trong giáo xứ có 12 anh em, luyện tập vào lúc 19g30 tối thứ Hai tại hội trường giáo xứ, và lúc 19g30 tối thứ Năm tại tư gia hằng tuần, để cùng nhau ca tụng Chúa qua tiếng kèn âm vang trong các Thánh lễ trọng, cùng các ngày lễ bổn mạng của các giáo họ và các hội đoàn, cũng như trong giáo xứ, khi có người qua đời, anh em đến đọc kinh cầu nguyện dâng lên Chúa qua giai điệu ngân vang từ tiếng kèn của mình. Được biết, anh Gioan Baotixita Lê Hoàng Tiến, Trưởng Ban kèn đồng, tuy không phải là giáo dân trong giáo xứ Vĩnh Hòa, nhưng với lòng nhiệt tình hăng say phục vụ anh không quản ngại thời gian công sức của mình ra phục vụ cho Ban kèn đồng của giáo xứ và đưa Ban kèn ngày một phát triển về mọi mặt từ nhiều năm nay.
 
Niềm vui ngày cắm trại tại giáo xứ Thiết An Cần Thơ
Hồ Tiêu
15:00 29/05/2017
Giáo Xứ Thiết An- Niềm Vui Ngày Trại…!!

Lâu lắm rồi các em thiếu nhi Giáo Xứ Thiết An giáo phận Cần Thơ mới có được một ngày vui chơi hết mình. Từ sáng sớm, các em đã có mặt đông đủ để dự ngày trại kết thúc khóa học Giáo Lý sau một năm dài.

Cha sở rất quan tâm đến việc học giáo lý cũng như phong trào Thiếu Nhi Thánh thể. Ngài đã cho phép các Thầy giúp hàng tuần tổ chức ngày trại.

Xem Hình

Để chuẩn bị cho các em được một ngày vui chơi trọn vẹn, các Thầy và anh, chị giáo lý viên đã tận tâm tận lực từ cả tuần trước, chuẩn bị chương trình, vận động mời gọi sự chung tay đóng góp của mạnh thường quân trong họ đạo.

Nhận thức được, thiếu nhi là mầm non của giáo xứ, là cây con của Giáo Hội trong thời buổi rừng già bị tàn phá ê chề, nhiều người chung tay góp phần của thơm của thảo, tiền mua quà, rau củ quả, thịt gà, người lăn xả vào bếp núc… để các cháu vừa được chơi vừa được ăn uống no đủ. Trân trọng những tấm lòng!

Đúng 8h sáng Chúa Nhật, cờ Thiếu Nhi Thành Thể bay phất phới trong không khí trang nghiêm, tất cả các đoàn viên hát vang bài “ Thiếu Nhi Tân Hành Ca” Lời quyết tâm son sắc của những đạo binh nhí của Đức Ki-tô đã làm cho bầu khí nhà Chúa trở sôi động.

Sau lời khai mạc của Cha sở bài múa chủ để “ Ra khơi cùng Đức Ki-tô” được các đoàn viên hòa vào rất ư là sinh động khởi đầu cho một ngày giăng buồm lướt sóng ra khơi cùng Đức Ki-tô qua việc tham gia thi đua học hỏi cũng như vui chơi ôn lại những gì đã học suốt một năm qua.

Gần cả trăm đoàn viên được chia thành 4 tổ, sau khi sinh hoạt vòng tròn để khởi động, các em được tham gia các trò chơi dân gian, có nhiều trò để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đoàn viên, hoặc là bài học về sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Có trò chơi gợi lại những câu chuyện kinh thánh như” Mão gai Chúa Giê-su”…

Qua mỗi trò chơi các em được giáo dục từ việc giữ gìn vệ sinh môi trường, đến việc phải thi đua trong Đức Ki-tô, phải đặt tinh thần chân lý của Đức Ki-tô tỏa sáng cho nhau. Tinh thần ấy luôn luôn được thể hiện từ lúc chơi cho đến lúc ăn. Các em được dùng các phiếu mà các em đã tích tụ suốt năm qua mua thức ăn thức uống. Em có nhiều mang san sẻ cho các Thầy, các bạn, họ biết sống trong tinh thần tương trợ lẫn nhau và chia sớt cho nhau, các em lớn phục vụ các em nhỏ trong lúc ăn uống, giúp đỡ hỗ trợ khi vui chơi.

Game show kinh thánh là giây phút hào hứng sôi động nhất, các đội hầu như trả lời được hầu hết câu hỏi của chương trình, phần quà lớn nhất mà các em nhận được đó là niềm tin Ki-tô hữu đang lên mướt xanh trong lòng. Tôi đứng nhìn và cảm nghiệm, Chúa quả nhiệm mầu khi Ngài vẫn còn ở mãi và sống động trong đời sống con người hôm nay trẻ hôm nay.

Trò chơi lớn là tâm điểm của ngày vui. Trời trút cơn mưa rất to, nhưng các em vẫn cứ cuộn tròn vào trò chơi, niềm vui vẫn kéo dài như không muốn dứt. Tôi thấy quí trọng cách mà các em vào cuộc chơi như những kẻ đói khát những trò chơi nuôi dưỡng tinh thần, đói khát những hoạt động cùng chung vui với nhau.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn, những ánh mắt nuối tiếc không muốn rời xa, những cái ôm xiết, cái bắt tay không muốn đứt rời, phần quà bánh mang chia trong không khí thân tình, lời cảm ơn chia tay ngậm ngùi các Thầy sau một năm dài vui học bên nhau tất cả như hành trang khắc đậm lại trong ký ức tuổi thơ. Như tôi đây, có lúc bỗng cười tươi giữa giấc ngủ khi nhớ về một lần vui trại xa xôi nào đó từ ký ức ùa về, nó đẹp và đáng nhớ…

Chúng tôi luôn muốn tạo cho các em một sân chơi và khoảng ký ức lành mạnh khi nhớ về tuổi thơ. Xin cảm ơn mọi người đã chung tay làm nên điều đó!

Tiểu Hổ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Con Người Và Thiên Nhiên
Tấn Đạt
18:24 29/05/2017
CON NGƯỜI VÀ THIÊN NHIÊN
Ảnh của Tấn Đạt
Dù cho tài sức vẹn toàn
Cũng là hạt cát dưới tòa thiên nhiên.
(bt)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 23 - 29/05/2017: Câu chuyện Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:02 29/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Kitô hữu chân đứng trên mặt đất, mắt hướng về Trời cao

Người Kitô hữu sống trong trần gian để tuyên xưng Chúa Giêsu, nhưng mắt luôn hướng về Trời cao để liên kết mật thiết với Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 26 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Có ba điểm để tham chiếu về hành trình người Kitô. Thứ nhất là ký ức. Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Galilê là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Để trở thành Kitô hữu, mỗi người phải có ký ức về lần đầu tiên ấy, lần đầu tiên gặp gỡ Chúa. Trong ký ức, không chỉ có lần đầu tiên, mà cuộc gặp gỡ vẫn tiếp diễn nhiều lần sau đó.

Điểm tham chiếu thứ hai là cầu nguyện. Khi Chúa lên trời, Chúa xa cách chúng ta về thể lý, nhưng Người luôn gần gũi chúng ta và luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Người tỏ cho chúng ta thấy Chúa Cha, Người cũng cho chúng ta thấy cái giá Người phải trả để cứu độ chúng ta. Thế nên, chúng ta cần nguyện xin ân sủng để chiêm ngưỡng Thiên Đàng, để trong cầu nguyện, chúng ta thấy Chúa đang lắng nghe chúng ta và ở cùng chúng ta.

Điều thứ ba là thế giới. Trong bài Tin Mừng ngày Lễ Chúa Lên Trời, trước khi Chúa rời xa các môn đệ, Chúa nói: Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Hãy đi: nơi chốn của người Kitô hữu là khắp thế gian để loan báo Lời Chúa, để tuyên xưng rằng chúng ta được cứu độ, rằng Chúa đã đến để ban ơn cho chúng ta, và để đưa chúng ta về với Chúa Cha.

Tương ứng với ba nơi chốn: Galilê, Thiên Đàng và thế giới, là ba điều quan trọng: ký ức, cầu nguyện và sứ mạng. Một Kitô hữu phải tiến bước trong ba chiều kích ấy.

Xin ơn về ký ức: đó là đừng quên giây phút tôi được chọn, đừng quên giây phút tôi gặp gỡ Chúa. Tiếp đến là cầu nguyện, là mắt hướng về Trời, vì ở nơi đó Chúa đang chuyển cầu cho chúng ta. Thứ ba là ra đi thực thi sứ mạng. Chúng ta phải ra đi để sống và làm chứng cho Tin Mừng và làm cho mọi người nhận biết Chúa Giêsu. Nếu không thực thi những điều Chúa nói, thì chúng ta sống đâu khác gì người ngoại đạo.

Nếu chúng ta sống trong ký ức, cầu nguyện và thực thi sứ mạng, cuộc sống chúng ta sẽ tốt đẹp và tràn đầy niềm vui. Đây là câu cuối mà Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay: ngày đó các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con sẽ không ai lấy mất được, ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa. Không ai có thể lấy mất niềm vui của chúng ta, vì chúng ta khắc ghi cuộc gặp gỡ với Chúa, bởi vì chúng ta chắc chắn rằng Chúa Giêsu ở trên Thiên Đàng đang chuyển cầu cho chúng ta, và trong cầu nguyện, tôi can đảm nói rằng: tôi có thể ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, để bằng chính cuộc sống của tôi mà làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại và vẫn đang sống.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban ân sủng để chúng ta hiểu được những điều ấy trong đời sống người Kitô, để đời sống chúng ta tươi vui, tràn ngập niềm vui, và không ai có thể lấy mất khỏi chúng ta niềm vui ấy.

2. Câu chuyện Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người dân Italia có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt dưới tước hiệu “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu”. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cuộc rước rất lớn diễn ra tại thành phố Turinô do Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia dẫn đầu.

Cuộc rước tuy diễn ra vào ngày thứ Tư 24 tháng 5, là một ngày làm việc, cũng đã lôi cuốn hàng trăm ngàn người.

Tại các giáo phận khác của Italia cũng có các cuộc rước mừng lễ “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu”. Nhưng cuộc rước tại Turinô là lớn hơn cả vì nơi đây thánh Gioan Don Bosco đã xây dựng một Vương Cung Thánh Đường dành riêng kính “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lòng tôn kính Đức Maria dưới tước hiệu “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu” đã có từ lâu trong Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội chính thức thiết lập lễ kính Đức Mẹ Phù hộ trong phụng vụ vào ngày 24 tháng Năm, bắt đầu từ năm 1816, tức là 201 năm trước đây.

Vào những năm đầu của thế kỷ 19, Hoàng đế Napoleon Bonaparte đã bắt giam Đức Thánh Cha Piô VI và quản thúc Ngài trong tù. Ngài đã chết ở đó. Sau đó, Đức Thánh Cha Piô VII lên kế vị và Ngài cũng bị Napoleon tống giam. Từ năm 1809 đến năm 1812, tức trong suốt 5 năm trời, Ngài bị giam lỏng ở thành phố Savona nước Ý. Đức Thánh Cha liên tục khấn xin Đức Mẹ ‘Đấng Phù hộ các giáo hữu’ che chở và giải cứu Ngài. Tại thành phố này, Ngài đến đặt một triều thiên trên tượng ‘Đức Mẹ của lòng Thương xót’ và xin Mẹ giúp Ngài được giải thoát.

Đến năm 1812, Ngài bị đưa sang Paris nước Pháp và tiếp tục bị giam giữ tại Fontainbleau. Trong trại giam, Đức Thánh Cha bị hoàng đế Napoleon đối xử rất tồi tệ và vị tướng quân cao ngạo này đã dùng nhiều hình thức để lăng nhục Ngài. Ngài không thất vọng, nhưng vẫn tiếp tục tin tưởng vào sự phù trợ của Đức Maria.

Chúa quan phòng đã an bài thật nhiệm mầu. Đến năm 1814, quân đội của Napoleon liên tục bị thất trận và quyền lực của ông bắt đầu suy yếu. Dưới áp lực của dân chúng, Napoleon bắt buộc phải phóng thích Đức Thánh Cha để Ngài trở về Rôma.

Trên con đường trở về điện Vatican, Ngài dừng chân tại Ancona và đến trước tượng “Nữ vương các thánh”, dâng lên Mẹ một cây phủ việt bằng vàng để tôn vinh quyền lực của Đức Maria, đồng thời diễn bày lòng tri ân Mẹ vì đã giải cứu Ngài. Vì thế, chúng ta thấy trên tượng Đức Mẹ Phù hộ có mũ triều thiên và một phủ việt cầm trên tay.

Dân chúng rất vui mừng đón chào Đức Thánh Cha trở về Rôma. Đi đến đâu, Ngài luôn được cả đám đông khổng lồ vây kín, diễn bày tâm tình hoan vui cũng như lòng biết ơn đối với Đức Mẹ. Ngày 24 tháng Năm năm đó, Ngài chính thức tiến vào Vatican trong sự nô nức cuồng nhiệt của đông đảo dân chúng.

Để tri ân Người đã giải cứu mình, Đức Thánh Cha Piô VII chính thức thiết lập phụng vụ mừng kính Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu vào ngày 24 tháng 05 hằng năm, đồng thời cũng ghi nhớ ngày Ngài được Đức Mẹ giải thoát và trở về Rôma.

Ngày nay, lòng sùng kính Đức Mẹ với tước hiệu ‘Phù hộ các giáo hữu’ đã lan tỏa khắp nơi trong Giáo Hội Công Giáo. Ngay ở Việt Nam, tại La vang hay tại Trà kiệu, Đức Mẹ cũng đã ra tay can thiệp để che chở giáo dân, và khi hiện ra tại những nơi này, Đức Mẹ cũng mang hình dáng của “Đấng Phù trợ các tín hữu”. Xin Mẹ bảo toàn đức tin nơi mỗi người chúng ta.

Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành. Cầu cho chúng con.

Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu. Cầu cho chúng con.

3. Hãy can đảm nói sự thật dù bị bách hại

Nhiều người bị bách hại vì dám lên tiếng chống lại thế gian. Còn thần dữ thì luôn muốn một Giáo Hội không có rủi ro, một Giáo Hội an toàn êm ấm. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 23 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta

Đức Thánh Cha nhắc đến tấm gương sáng ngời của Đức Cha Oscar Romero Tổng Giám Mục San Salvador. Ngài bị chế độ bắn chết vì Ngài dám lên tiếng tố cáo bạo lực và bảo vệ người nghèo.

Điều này được lặp lại nhiều lần trong lịch sử cứu độ: có khi dân Chúa bình yên hoặc không bị đe dọa nhưng lại đầy tinh thần thế gian và thờ ngẫu tượng. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân, và các ngài thường bị bách hại. Trong bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay, Phaolô và Sila nói sự thật và các ông bị bách hại, bị đánh nhừ tử, bị tống giam.

Tôi nhớ tại rất nhiều nơi, có nhiều người, rất nhiều người nam nữ, những người rất tốt, họ bị đuổi đi, họ bị bắt bớ. Chúng ta hãy nghĩ đến Chân Phước Romero? Điều gì xảy ra khi ta nói sự thật? Trong số những người bị bắt bớ ấy trong lịch sử Giáo Hội, có rất nhiều người ngay cả tại Châu Âu. Tại sao? Bởi vì thần dữ luôn thích một Giáo Hội yên ắng không chút rủi ro, một Giáo Hội giống kiểu doanh nghiệp với đầy sự thoải mái ấm êm.

Chương 16 của sách Tông Đồ Công Vụ kể về câu chuyện thánh Phaolô trừ quỷ cho người đầy tớ gái. Trước đó, cô này bị quỷ nhập và hành nghề bói toán. Chính nghề của cô đem lại nhiều nguồn lợi cho các người chủ của cô. Nhưng sau khi cô được trừ quỷ, các chủ của cô thấy hy vọng kiếm lợi tiêu tan, nên đành túm lấy ông Phaolô và Sila mà đi tố cáo. Thế đó, thần dữ luôn xuất phát từ túi tham. Và khi Giáo Hội trở thành một tổ chức yên phận yên thân êm ấm, thì hãy nhìn mà xem những chuyện kinh doanh buôn bán diễn ra.

Khi nói sự thật, Phaolô và Sila bị ngược đãi, nhưng các ông luôn có niềm vui của Chúa. Khi các ông bị giam trong ngục, Chúa đã sai thiên thần đến giải thoát các ông. Nửa đêm thấy mọi cửa đều mở toang, nghĩ là các tù nhân đã trốn thoát, viên cai ngục định tự tử, nhưng Phaolô trấn an ông: chúng tôi vẫn còn đây mà. Sau đó viên cai ngục và tất cả mọi người trong nhà của ông đều nhận phép rửa với lòng tràn ngập mừng vui. Đó là hành trình hoán cải hằng ngày của chúng ta: chuyển từ đời sống trần tục an nhàn, sang đời sống tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô. Chuyển từ một thứ tôn giáo kiểu trục lợi, sang con đường đức tin tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa.

Đây là phép lạ mà Chúa Thánh Thần thực hiện. Chúng ta hãy đọc chương 16 của sách Tông Đồ Công Vụ để thấy những gì Chúa đã làm với các vị tử đạo của Người. Chính khi ấy mà Hội Thánh tiếp tục tiến về phía trước. Một Giáo Hội mà vắng bóng các vị tử đạo, là Giáo Hội không đáng tin. Giáo Hội ấy, kiểu Giáo Hội không có các vị tử đạo, là một Giáo Hội sợ tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, sợ xua trừ ma quỷ, và Giáo Hội ấy không phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu.

Trong cầu nguyện, chúng ta hãy nài xin ân sủng và tạ ơn Chúa vì Người đã đổi mới chúng ta. Chúng ta cũng nài xin ơn sủng để Người gìn giữ sự đổi mới ấy. Tất cả chúng ta hãy nguyện xin ơn này: đó là ơn đổi mới, để biến đổi từ lối sống chỉ biết đi tìm sự yên ấm, sang đời sống công bố niềm vui của Chúa Giêsu Kitô.

4. Khi trái tim khép kín, Chúa Thánh Thần không thể ngự vào

Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dạy cho chúng ta tuyên xưng rằng: Đức Giêsu là Chúa. Chúng ta cần mở lòng cho Chúa Thánh Thần, để có thể sống cuộc đời làm chứng cho Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 22 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dạy cho chúng ta ca khen rằng: Đức Giêsu là Chúa. Nếu không có Thánh Thần, chẳng ai có thể nói điều ấy, chẳng ai có thể cảm nhận điều ấy, chẳng ai có thể sống điều ấy. Có lần Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần rằng: Ngài sẽ dẫn anh em tới Sự Thật toàn vẹn, và Ngài sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em, Ngài sẽ dạy anh em mọi điều. Thế đó, Chúa Thánh Thần là người bạn đồng hành của mỗi người tín hữu Kitô, Ngài cũng là bạn đồng hành của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần chính là quà tặng quý giá mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Chúa Thánh Thần là món quà tuyệt vời Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta. Nhưng mà Chúa Thánh Thần ở đâu? Trong bài đọc thứ nhất trích sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta gặp hình ảnh của người phụ nữ tên là Lydia. Bà là một trong những người biết làm thế nào để cho Chúa có thể mở rộng tâm hồn mình, để đón nhận Lời Chúa.

Chúa đã mở rộng tâm hồn bà, Chúa Thánh Thần ngự vào, và biến đổi bà trở thành người môn đệ. Nơi tất cả cõi lòng mình, là nơi chúng ta mang lấy Chúa Thánh Thần. Chính vì thế mà Giáo Hội gọi Chúa Thánh Thần là vị khách ngọt ngào của tâm hồn. Nhưng nếu trái tim ấy khép kín, thì Chúa Thánh Thần không thể ngự vào. À, ở đâu bạn có thể mua chìa khóa để mở cửa tâm hồn? Không. Đó là một món quà, là quà tặng từ Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin mở cửa tâm hồn con, để Chúa Thánh Thần có thể ngự vào và giúp con hiểu được rằng: Đức Giêsu là Chúa. Có lời cầu nguyện mà chúng ta phải nhẩm đi nhắc lại trong những ngày này là: Lạy Chúa, xin mở rộng cõi lòng con để con có thể hiểu được điều Người đang dạy con, để con có thể khắc ghi Lời Người, để con có thể sống theo Lời Người, và để con có thể tiến gần đến sự thật toàn vẹn.

Chúng ta cần mở rộng tâm hồn, khi đó Chúa Thánh Thần sẽ ngự vào và chúng ta lắng nghe tiếng nói của Ngài. Có hai câu hỏi mỗi người trong chúng ta có thể tự hỏi lòng mình. Trước hết, tôi có nài xin ân sủng của Chúa để trái tim tôi có thể rộng mở hay không? Thứ hai, tôi có cố gắng lắng nghe Chúa Thánh Thần, lắng nghe những gợi ý của Ngài, lắng nghe những gì Ngài nói trong trái tim tôi, lắng nghe để tôi có thể tiến bước trong cuộc sống người Kitô, lắng nghe để tôi có thể sống chứng nhân cho Chúa Giêsu?

Hãy suy nghĩ về hai điều ấy trong ngày hôm nay. Tâm hồn tôi đang rộng mở hay khép kín? Tôi có cố gắng lắng nghe điều Chúa Thánh Thần đang ngỏ lời trong lòng tôi hay không? Và khi làm như thế, khi mở rộng tâm hồn và lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ tiến bước hướng về phía trước trong đời sống người Kitô hữu, để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.