Ngày 28-05-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Chúa Thăng Thiên : Về Quê Trới
Lm. Vinh Sơn scj
08:35 28/05/2017
Lễ Chúa Thăng Thiên A : VỀ QUÊ TRỜI

Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20

Một tù trưởng đã khéo léo lãnh đạo bộ lạc trong nhiều năm. Cuối cùng, ông chuẩn bị cái chết của mình cách rất bình thản.

Người ta hỏi: "Sao ông bình thản vậy ? Đau khổ và cái chết có gì vui đâu ?".

Ông đáp: "Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ này, rồi xuôi dòng Missisipi, nhưng mùa xuân về, nó lại về đây như là về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa đông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa”.

Ông nhấn mạnh: “Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn ? Vì Thánh Linh đã đặt vào lòng chúng con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về. Tôi đang chuẩn bị cho đường về của tôi. Vậy làm sao tôi lại không vui chứ ?" (Sợi chỉ đỏ)…

Người tù trưởng vui vì về quê Trời…

trần gian chẳng phải là nhà,

đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.

(Ca dao)

Về Trời là về quê, trở về cội nguồn …

“Sông có cội, suối có nguồn, con người có tổ có tiên…”

“Trở về cội về nguồn”, tức là tìm về, trở về nơi mảnh đất, với tinh thần của tổ tiên… Đó là tâm tình riêng của người Việt… Cội nguồn đó xuất phát từ Trời.

Tâm tình chung của nhân loại, tìm về cội nguồn của chính mình- quê Trời. Theo Minh Triết Tam Tài của triết học Đông Phương và trong Thần Học Thiên Chúa Giáo, mọi sự mọi vật trong do con người, đều do Một Nguyên Lý, Một “Ông Trời” mà ra. Con người là thụ tạo đặc biệt, được dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, Sáng Thế ký của Kitô Giáo và Do Thái Giáo, nói con người được tạo dựng bởi bàn tay của Thiên Chúa, và được sinh khí Trời nuôi sống (x. St 1, 26-30).

Con người hiện hữu là do bởi Trời, Đấng theo cái nhìn của dân gian là ở trên bầu trời cao xanh. Như thế con người có cội nguồn tổ tiên là từ Trời. Nước Trời chỉ là cách diễn đạt về nơi Thiên Chúa ngự, Chúa Giêsu khi giảng về nước Trời nói về tình trạng viên mãn, dồi dào trong tâm hồn. Chưa ai lên Trời cảm nghiệm Thiên giới, ngoại trừ Ngôi Lời từ Trời xuống (x. Ga 3, 13), cho nên chỉ biết Trời thế nào khi chúng ta sống ở trong.

Tin Mừng thứ ba (Lc 24,46-53) và Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 1,1-11) mà tác giả là thánh sử Luca, thuật lại các Tông Đồ chiêm ngưỡng vinh quang đường về Trời của Thầy. Đức Giêsu lên trời không phải là một cuộc hành trình về ở trên cao như bầu trời xanh, hay ra ngoài không gian, nhưng là một cuộc hành trình về nhà, về quê hương đích thực, nơi chốn vinh quang của Thiên Chúa. Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta như Ngài đã nói trước: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3).

Người ngự giá trên mây trời lộng lẫy

Gieo niềm tin cho tín hữu chắc rằng :

Cửa thiên quốc, tội A-đam đóng lại,

Nhờ ơn Người, nay mở rộng thênh thang.

(Thánh thi kinh sáng lễ Thăng Thiên)

Cho nên Chúa về Trời luôn gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Ngài, về Trời như các Tông Đồ “đăm đăm nhìn lên trời” (Cv 1,10) khi Chúa Thăng Thiên.

Vì thế, thánh Phaolô khẳng định : “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20). Vâng, trời là quê hương đích thực của tất cả mỗi người dù sống trong mọi nền văn hóa khác nhau như Thánh Cộng Đồng đã dạy: “… Dân duy nhất của Thiên Chúa hiện diện nơi mọi dân nước trần gian. Tuy dân của Nước Ngài là công dân của các nước, song thực ra, đặc tính của Nước ấy không thuộc về thế gian nhưng thuộc về Trời… (LG II,13).

Vâng, về Trời là trở về cội nguồn. Để được về với quê hương Trời, chúng ta phải đi trên con đường mà Đức Kitô đã chỉ, đã truyền cho các môn đệ trước khi về Trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền”. Tuân giữ điều Thầy truyền là sống theo Tin Mừng, sống trong phép rửa, tức là sống theo Thánh ý Trời, vì đó là Lời Chúa dạy qua chính Thiên Chúa làm người. Lời đó còn gắn chắc trong lương tâm được soi dẫn Lời Chúa. Lương tâm thúc đẩy làm những việc lành cụ thể. Dân gian ngay từ xa xưa đã xác tín :

“Ở xởi lởi Trời cởi ra cho,

Ở so đo Trời co ro lại”



"Ở hiền thì lại gặp lành,

Những người nhân đức trời dành phước cho”

(Ca dao)

Ban phước cho cuộc sống lữ hành về quê Trời và chung cuộc chính là có chỗ trong quê Trời. Từ hôm nay, sống hướng về Trời là tìm kiếm đường về Trời, nhưng Trái đất –thế gian đầy phù hoa có sức thu hút ghê gớm khiến ta muốn lưu lai mãi như là quê hương vĩnh hằng, và quên rằng quê hương thật – Trời cao. Chúng ta hãy nghe lời Thánh Phaolô dạy: “…hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).

Ước vọng về Trời, ngước lên Trời

"Đèn trời trời sáng bốn phương,

đèn tôi tôi sáng đầu giường nhà tôi”

(Ca dao).

Vâng, tôi như người tỉnh thức cầm đèn sáng trong tay đợi chủ về, (x. Mt 24, 36 -44 ; Mc 13,33-37), Chủ đưa tôi về quê Trời…

Ngày nao tới cõi thiên đường

Chúng con được thấy tỏ tường Thánh Nhan.

(Thánh thi kinh chiều lễ Thăng Thiên)

Lm. Vinh Sơn scj
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hồi Giáo cực đoan đốn ngã cây thánh giá trên mộ tướng De Gaulle
Lê Đình Thông
13:29 28/05/2017
Thành Phần Hồi Giáo Cực Đoan Đốn Ngã Cây Thánh Giá Trên Mộ Tướng De Gaulle

17 giờ 14 ngày 27/05, cây thánh giá trên mộ tướng De Gaulle đã bị thành phần hồi giáo cực đoan đốn ngã tại Đất Thánh Colombey-les-Deux-Eglises (Haute-Marne). Ngôi mộ sơn trắng, được hình thành sau khi tướng De Gaulle que đời vào năm 1970.

Hình ảnh ghi lại cho thấy một tên hồi giáo cực đoan đứng trên nấm mộ, dùng chân đạp đổ cây thánh giá. Sở Hiến binh Chaumont cho biết cây thánh giá cao 1 mét rưỡi, ngự trị nơi an nghỉ ngàn thu của tướng De Gaulle.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa Sàigòn: Kết thúc tháng Hoa
Văn Minh
20:21 28/05/2017
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Kết thúc tháng Hoa

“Trong bầu khí của những ngày kết thúc tháng Hoa, một tháng sống trong tâm tình của những người con dâng lên Mẹ những bông hoa tươi xinh, bông hoa của niềm vui, bông hoa của cuộc đời, và siêng năng lần hạt kinh Mân Côi mỗi ngày”.

Xem Hình

Đó là lời chia sẻ của cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, trong Thánh lễ Vọng mừng Chúa Giêsu lên Trời diễn ra lúc 17g30 thứ Bảy, ngày 27.05.2017, 20 em thiếu nhi đại diện cho giáo xứ dâng lên Mẹ những bông hoa tươi năm sắc mầu, và hát vang bài “Đây tháng Hoa”.

Kết thúc phần dâng Hoa, cộng đoàn xếp thành hai hàng và mỗi người cầm một bông hoa tiến lên cung thánh để dâng lên Đức Mẹ.

Đúng 17g45, cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, đã chủ sự dâng Thánh lễ Vọng mừng Chúa Giêsu lên Trời. Đông thời, ngài cũng mời gọi các em thiếu nhi hãy cầu nguyện cho gia đình các em luôn được bình an, cho giáo xứ luôn sống trong tình thần hiệp nhất và yêu thương.

Bài giảng trong Thánh lễ, cha Gioakim chia sẻ: Hôm nay, Giáo Hội chúng ta mừng Chúa Giêsu lên Trời, từ đây, đã mở ra cho chúng ta một niềm tin, một hy vọng. Đồng thời, Ngài cũng để lại cho chúng ta năm món quà thật vô giá, đó là; Chúa Thánh Thần, Thánh lễ, Thánh Thể, Thánh Mẫu, và Hội Thánh. Thánh Mẫu, là Mẹ của Chúa Giêsu, cũng là Mẹ của Hội Thánh, Mẹ là trung gian trong chương trình cứu độ nhân loại.

Nhân ngày kết thúc tháng Hoa, cha xứ Gioakim mời gọi mỗi người hãy dâng lên cho Mẹ những bông hoa tươi xinh, bông hoa của niềm vui, bông hoa của cuộc đời, và siêng năng lần hạt kinh Mân Côi mỗi ngày. Có như vậy, chúng ta mới được Mẹ ban ơn và được chung hưởng cùng Mẹ trên quê Trời mai sau.

Thánh lễ tiếp nối với phần phụng vụ Thánh Thể, và kết thúc lúc 18g45, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an từ cha chủ tế và ra đi làm chứng nhân cho Tin Mừng. Trước khi ra về, các anh chị huynh trưởng trao cho các em dâng hoa mỗi em một phần quà nhân ngày kết thúc tháng Hoa.

 
Văn Hóa
Tâm tình nhân ngày lễ truyền chức linh mục tại Huế
Người con xứ Huế
08:52 28/05/2017
TÂM TÌNH NHÂN NGÀY LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC

Bầu trời Huế hôm nay trở nên tươi sáng, nắng lên nhưng dễ chịu chứ không quá gay gắt, tiết trời lúc nầy vương nhẹ hơi nóng đến nỗi tôi không còn thấy chiếc áo khoắc trên từng người như những ngày nắng khô khốc trước, điều này như báo hiệu một niềm vui rộn rã đang về!

Khuôn viên nhà thờ Chính tòa Phủ Cam sáng nay trở nên khác lạ so với nhiều lần tôi đến dự lễ. Hôm nay đông nghẹt người, những tiếng cười rôm rã, tiếng chào hỏi và những câu chuyện giữa những người thân quen cũng như những người mới gặp nhau lần đầu làm cho bầu khí buổi sáng vỡ oà niềm vui và hạnh phúc. Từ cha mẹ, anh chị em, thân nhân và anh chị em trong giáo xứ của các tân Linh mục mà chốc nữa đây sẽ được truyền chức rất hân hoan - phấn chấn, ai cũng biểu lộ niềm vui trên khuôn mặt của mình; bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người đi dự lễ với tinh thần hiệp thông, cùng chung niềm vui của Giáo phận nhà, nhưng cũng có một số người đến đây để muốn biết được Thánh lễ Truyền chức như thế nào. Thế rồi, niềm vui như muốn bao trùm tất cả. Đúng là niềm vui của những người đồng đạo, cùng chia sẻ niềm tin, cùng thao thức với Giáo Hội, người Mẹ hiền luôn canh cánh với đàn con, dù trong hoàn cảnh nào, thuận lợi hay nghịch, bởi vì, hôm nay Giáo phận có thêm 12 Tân linh mục trong cánh đồng truyền giáo, khiến cho bầu khí trở nên thân thương, gần gũi, đầy ắp tiếng cười!

Là một sinh viên, một người con trong Giáo phận với tinh thần hiệp thông, bên cạnh sự tò mò của bản thân muốn biết về một thánh lễ Truyền chức Linh mục, nên tôi vẫn chưa thấy lòng mình có một điều gì nỗi trội. Nhưng từ khi vào khuôn viên nhà thờ, tôi đã thấy lòng rạo rực lên, đặc biệt từ lúc bắt đầu Thánh lễ với các nghi thức Phụng vụ rất trang nghiêm và trọng thể, trái tim tôi đã thổn thức và xúc động. Một không gian đầy kín người, mặc dù giờ đây bên ngoài trời nắng nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm áp, ấm nhờ tình yêu thương của Thiên Chúa đang ôm chặt mỗi người chúng ta trong cánh tay của Ngài.

Thánh lễ Truyền chức hôm nay có nhiều điều làm tôi đánh động, trước hết là bài giảng của Đức Cha Giuse, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, Ngài đã nói một cách dí dỏm và thực tế về đời sống của người dân Huế. Đức tổng đã nhắc đến tên hai giáo xứ Linh Thuỷ và Thành Công, nơi mà ngài vừa ghé thăm. Qua những lời ngài nói, có lẽ rằng ngài đã rất ưu tư cho giáo phận, cho con cái của ngài, vì có quá nhiều khó khăn và còn nhiều cái nghèo mà con dân đang mang lấy. Tôi nhớ ngài nói: “ Tôi thấy xót xa khi nhìn thấy còn nhiều cảnh nghèo nàn, nói ra không phải để khoe mình hay cho mình là nhân đức, nhưng cảm được điều đó không phải ai cũng có, mà đó là một ơn riêng đặc biệt từ Thiên Chúa. Làm thế nào để các Linh mục khám phá được niềm vui và sức hấp dẫn của cánh đồng Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị”; rồi, một câu khác ngài nói với các Tân Linh Mục: “Các con là những người đầu tiên được cha Truyền chức Linh mục, Cha ước ao Thánh lễ Truyền Chức này sẽ là một kỷ niệm không bao giờ phai trong tâm khảm của Cha”. Hai câu nói này còn vang dội mãi trong tôi cho đến giờ phút này. Tôi nghe sao mà gần gũi, từng lời nói như rót nhẹ vào tim, chân thành và chan chứa tình thương, như lời của một người bố đang nói với con mình, đang cảm thấy đau khi thấy con thiếu thốn, đang rất lo lắng và trăn trở phải làm gì cho con được tốt hơn. Cách riêng, đối với các tiến chức, lời nói ấy bộc lộ hình ảnh hạnh phúc của một người bố, như một “người bố nông dân” đang chứng kiến ngày con mình đỗ vào một trường Đại Học lớn! Tạ ơn Chúa đã cho tôi có cảm nhận đó từ ngài, khoảng cách thiêng liêng giữa tôi và ngài trở nên ngắn hơn, tôi đã cảm nhận được gần ngài hơn qua tình Chúa. Hạnh phúc lắm! Hạnh phúc vô cùng! Vì tôi đã cảm nhận được Chúa qua ngài, cảm được tình cha qua Mẹ hiền Giáo phận, cảm được tình hiệp nhất trong lòng Hội Thánh. Xin Chúa cho ngài luôn được khoẻ mạnh và đầy ơn Chúa! Ước mong sao đó cũng là niềm hạnh phúc của các con chiên trong Giáo xứ khi nói về người cha của mình!

Thứ đến là hình ảnh của các thầy Phó tế nằm sấp mặt trước Bàn thờ khi hát kinh cầu các thánh, khiến lòng tôi trở nên ngậm ngùi. Vì với tôi, Linh mục là người dâng Thánh lễ, giảng dạy Lời Chúa, cử hành các Bí tích, là con người được Thiên Chúa tuyển chọn và hiến thánh, sống xa mọi tham sân si của cuộc đời, là con người cao quý. Nhưng, giờ đây trước mắt tôi là những con người mỏng giòn, mong manh, yếu đuối đang kêu cầu Thiên Chúa, kêu cầu các Thánh phù giúp độ trì. Ôi, ngậm ngùi - xúc động cũng đúng thôi! Vì trước sự thánh thiện của Thiên chức và con người bọt bèo - dễ vỡ, có ai cho mình là xứng đáng! Ngay lúc đó, tôi đã chắp tay cầu nguyện cho từng người một, từng tiến chức, xin Chúa giữ gìn và ban ơn thêm, để rồi đây, các Tân Linh mục có một đời sống đạo đức và kết hiệp mật thiết với Chúa. Tôi khao khát các Tân Linh mục của Chúa, rồi đây sẽ làm thăng tiến người khác, làm cho đoàn chiên được giao phó cho mình được tốt hơn qua chính đời sống của các ngài. Sau đó là hình ảnh đặt tay của Đức tổng Giuse, của các cha trên từng tiến chức đã làm cho tôi cảm nhận một niềm vui thiêng liêng, vì những gì mà Chúa đang làm: Chính tình thương của Thiên Chúa gắn kết con của Ngài lại với nhau, tình anh em con của cùng một Cha trên trời. Phải chăng đây cũng là khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc đời của các tiến chức.

Và, một hình ảnh đẹp nữa nhưng rất ít người để ý đến. Đó là hình ảnh của hai Linh mục đang lúc đưa Mình Thánh Chúa ở trên “tầng đàn” của Nhà thờ Chính tòa thì đã có “hai thiên thần” quạt để cho các ngài bớt đi cái nóng như muốn tắm ngài qua những giọt mồ hôi. Có lẽ hai thiên thần đó trộm nghĩ: cha chắc đang nóng lắm, mình một chiếc áo mà vẫn còn cảm thấy, huống hồ gì cha! Hai thiên thần đó cũng chỉ là con người thôi, là hai giáo dân đơn sơ và đầy lòng yêu mến. Tôi cứ đăm đăm nhìn và cảm thấy một niềm vui cứ lớn dần trong tim. Tôi như tự hỏi: phải chăng Giáo Hội Chúa được đứng vững từ những hy sinh âm thầm nhỏ bé của những tâm hồn “đơn sơ, hèn mọn”! Viên đá người thợ xây loại bỏ lại trở nên viên đá góc tường. Viên đá góc chắc hẳn rất cần phải không bạn? Thế nhưng có ai biết, có ai thấy bao giờ! Biết đâu với cử chỉ chân tình của hai thiên thần kia đã làm cho hai tâm hồn tội lỗi được trở về với Chúa?! Có chăng Giáo Hội đang rất cần những hành động như thế của người tín hữu và cách riêng, những con người sống đời tận hiến?!

Đến đây, qua cử chỉ của hai bạn trẻ vừa nói, tôi thêm một chút suy tư: Ai nói con người thời nay vô tâm? Hình ảnh trên không thể nói được như thế, hình ảnh ấy cho thấy người Kitô hữu vẫn còn rất nhạy bén, và có lòng thương cảm. Trong thực tế, tôi vẫn thấy phần đông người Kitô rất tốt, với tôi, tôi rất tự hào là một Kitô hữu, bởi vì khi gần gũi Chúa, Ngài cho chúng ta luôn có một lương tâm nhạy cảm và hay thương xót. Hơn nữa, họ là những người được giáo dục trong các môi trường tốt, trong các lớp giáo lý, trong các đoàn thể, để giờ đây có thể trở thành những công dân tốt cho đời, cho Đất Mẹ thân yêu.

Thánh lễ Truyền chức được cử hành thật trang trọng và sốt sắng, tràn ngập bầu khí đạo đức và linh thánh. Ca Đoàn đã kết thúc với bài hát tạ lễ “Đẹp thay” như một lời mời gọi hãy ra đi, ra đi mang theo “niềm vui Tin Mừng”, ra đi gieo mầm, đến với những mảnh đất trống, đến với những con người nghèo, những người đau khổ, bất hạnh đang cần đến những chứng nhân của Chúa. Điều đó không chỉ dành riêng cho các Tân Linh mục mà cho cả mỗi người chúng ta, những người Kitô hữu.

Tạ ơn Chúa vì tôi thật may mắn, nếu như Chúa không gửi một người nhắc tôi, và tạo cho tôi một sự tò mò thì tôi đã không tham dự được Thánh lễ Truyền Chức Linh Mục đầy ý nghĩa này. Thánh lễ đã cho tôi trải nghiệm tình thương của Thiên Chúa, đặc biệt, tôi được hiểu về Thiên chức linh mục cao quý dường nào! Ước mong các Tân Linh mục mãi giữ được những cảm nghiện đầu đời Linh mục này, hầu có thể dùng chính đời sống của mình làm thăng tiến, biến đổi con người và thế gian.

Người con xứ Huế
 
Cảm nhận cuối tháng hoa : Mẹ và những chiều tháng 5
Sơn Ca Linh
08:55 28/05/2017
Một chút cảm nhận cuối tháng hoa.

MẸ VÀ NHỮNG CHIỀU THÁNG 5

(Một chút hoài niệm những chiều dâng hoa tháng 5)

Tháng 5 mỗi độ trôi về,
Hoàng hôn tòa Mẹ bốn bề đầy hoa !
Lời kinh hòa lẫn tiếng ca,
Khói hương trầm mặc bao la đất trời.
A-ve dịu vợi vang lời,
Kính mừng Đức Mẹ trọn đời đồng trinh.
Mỗi trái tim, một khối tình,
Mang lời kinh nhỏ thiên đình bay cao.
Trần gian trút hết xuyến xao,
Hoàng hôn bên Mẹ trời cao bổng gần.
Ngàn hoa đượm sắc Thiên ân,
Hương kinh tỏa khắp xa gần trời mây.
Tháng năm còn lại chút nầy,
Lung linh thân nến vơi đầy xin vâng !

Sơn Ca Linh (Tháng 5/2017)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ
Nguyễn Đức Cung
18:01 28/05/2017
TƯỞNG NIỆM CHIẾN SĨ VIỆT MỸ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Vinh Danh và Tưởng Niệm
các chiến sĩ Việt Mỹ
đã chiến đấu cho Tự Do .
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 23-29/05/2017: Các cuộc diễn hành phò sinh trên thế giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:45 28/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Phiên họp khoáng đại Hội Đồng Giám Mục Italia

Sáng thứ Hai 22 tháng 5, các Giám Mục Italia thuộc 62 tổng giáo phận và 163 giáo phận đã tham dự phiên họp khoáng đại tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới của Vatican.

Trong những lời nhận xét ngắn gọn với các giám mục trong phiên khai mạc vào sáng 22 tháng 5, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các Giám Mục thảo luận một cách tự do và cởi mở, vì “khi cuộc đối thoại bị dập tắt, tin đồn sẽ được gieo rắc.” Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát biểu thẳng thắn những ý kiến khác nhau.

Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Hồng Y Bagnasco vì sự phục vụ của ngài trong tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia trong 10 năm qua. Ngài nói đùa rằng công việc của Đức Hồng Y đã rất khó khăn vì “không dễ dàng làm việc với Đức Giáo Hoàng này”.

Trong bài diễn văn sau cùng của mình với tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, Đức Hồng Y Bagnasco đã nói về tầm quan trọng của phúc âm hóa những người trẻ tuổi tại Ý.

2. Các cuộc tuần hành phò sinh tại Canada

Hôm 11/05, trong cuộc Tuần hành quốc gia vì Sự sống lần thứ 20, Đức Hồng Y Thomas Collins của Toronto đã nói với hàng ngàn người ủng hộ sự sống rằng eutanasia (làm chết êm dịu) và sự chà đạp quyền lương tâm “làm cho quốc gia chúng ta xấu hổ”.

Đức Hồng Y nói: Chúng ta ở đây thật là quan trọng. Chúng ta không sở hữu sự sống. Chúng ta thật sự được ủy thác món qua đó từ giây phút thụ thai cho đến cái chết tự nhiên.”

Ngài nói rằng các nhà lập pháp và các quan tòa đã quay lưng lại với sự thánh thiêng của sự sống, khi để việc bảo vệ các trẻ chưa được sinh ra và những người đang đối diện với cái chết tự nhiên cho người khác bảo vệ.

Đức Hồng Y mời gọi mọi người dùng đôi tay của họ để phục vụ những ai cần tình yêu và sự chăm sóc để đưa họ ra xa khỏi eutanasia. Dân chúng có thể dùng trái tim của họ, đặc biệt trong thinh lặng của cầu nguyện, để xin Thiên Chúa hướng dẫn cách thức chiến đấu cho sự sống cách có hiệu quả và có thể dùng đầu của họ để lượng định điều họ đang làm và hỏi ‘Nó có hiệu quả không?’

Bên cạnh cuộc tuần hành vì sự sống ở thủ đô Canada với khoảng 15 ngàn người, các cuộc tuần hành nhỏ cũng diễn ra tại Regina, Saskatchewan; Edmonton, Alberta; và Victoria, British Columbia.

8 Giám mục Công Giáo và hai Giám mục Anh giáo cũng hiện diện ở đồi Quốc hội. Đức Tổng giám mục Terrence Prendergast của Ottawa giải thích rằng các Giám mục Quebec đang đi “ad limina” ở Roma và đã gửi những lời chúc tốt nhất đến những người tham dự cuộc tuần hành.

3. Cuộc diễn hành vì sự sống tại Birmingham

Hôm thứ Bẩy 20 tháng Năm, bất chấp mưa và những đe dọa của các nhóm phò phá thai, hàng ngàn người đã tham dự cuộc tuần hành vì sự sống tại quảng trường Victoria của thành phố Birmingham, là thành phố lớn thứ hai tại Anh, chỉ sau thủ đô Luân Đôn.

Nhiều người biểu tình đã không thể vào được quảng trường Victoria vì các nhóm phò phá thai chặn các con đường vào quảng trường này. Cảnh sát đã hướng dẫn những người biểu tình đi vòng qua nhà thờ chánh tòa Anh Giáo Thánh Philiphê. Nhưng lại một lần nữa họ bị các nhóm phò phá thai chặn lại.

Cảnh sát đã phải chặn những người biểu tình lại để tránh xô xát với đám đông các nhóm phò phá thai đang ồn ào đe dọa dùng bạo lực. Trong khi chờ đợi cảnh sát tăng viện, những người biểu tình đã ngồi xuống các bãi cỏ hay ngay trên đường để đọc kinh Mân Côi.

Một lực lượng lớn cảnh sát đã được tăng viện và đưa được những người biểu tình phò sinh vào trong quảng trường Victoria.

Trong các diễn từ được nói lên tại cuộc biểu tình có cả diễn từ của một cựu bác sĩ phá thai là Catherine Adair. Cô nói: “Không có vấn đề nào của tôi đã được giải quyết bằng việc giết con tôi. Những người làm việc trong các phòng khám phá thai có thể là những người tốt, nhưng họ bị lừa dối. Xin cầu nguyện cho họ.”

4. Cuộc diễn hành vì sự sống tại Rôma

Cuộc diễn hành phò sinh lớn nhất tại Italia đã được tổ chức hôm 20 tháng 5 như là một sự kiện quốc gia của phong trào Phò Sinh để đề caao tính chất bất khả xâm phạm của cuộc sống con người từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên.

Các hiệp hội, gia đình, phong trào, đến từ khắp nơi trên đất Ý, và có cả những đại diện từ khắp nơi trên thế giới, nhằm tái khẳng định sự thánh thiêng của cuộc sống con người, phản đối các cuộc tấn công chống lại gia đình và định chế hôn nhân truyền thống, và chống lại việc gieo rắc ý thức hệ giới tính trong các trường học.

20 quốc gia đã có những đại diện của khoảng 100 tổ chức phò sinh tham dự trong biến cố này là Bỉ, Croatia, Pháp, Đức, Ireland, Ba Lan, Tây Ban Nha, Cộng hòa Tiệp, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Á Căn Đình, Canada, Nigeria, St Lucia, Malta, Nam Phi, Venezuela, và New Zealand.

5. Công nghị tấn phong Hồng Y ngày 28 tháng 6

Trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 21 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố với các tín hữu rằng ngài sẽ triệu tập Công Nghị Tấn Phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 6 để tấn phong 5 vị tân Hồng Y.

Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, tôi muốn thông báo với anh chị em rằng vào ngày Thứ Tư, 28 Tháng Sáu, tôi sẽ triệu tập một Công Nghị để tấn phong 5 Hồng Y mới”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “xuất xứ của các vị là từ những nơi khác nhau trên thế giới thể hiện tính Công Giáo của Giáo Hội, lan rộng trên khắp trái đất “.

Một ngày sau ngày đó, vào ngày 29 tháng 6 Lễ Trọng Kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, các tân Hồng Y sẽ đồng tế Thánh Lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với các vị tổng giám mục được bổ nhiệm trong vòng một năm qua, là những vị được nhận dây pallium từ Đức Thánh Cha trong buổi lễ đó.

Năm vị tân Hồng Y là: Đức Tổng Giám Mục Jean Zerbo, của tổng giáo phận Bamako, Mali; Đức Tổng Giám mục Juan José Omella của Barcelona, Tây Ban Nha; Đức Giám Mục Anders Arborelius của Stockholm, Thụy Điển; Đức Giám Mục José Gregorio Rosa Chávez, là giám mục phụ tá của San Salvador, El Salvador và Đức Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, Đại Diện Tông Tòa của Pakse, Lào và Giám Quản Tông Tòa của Viêng Chăn.

Trong danh sách các vị được tấn phong, điều đáng kinh ngạc là ngài đã chọn Đức Cha José Gregorio Rosa Chávez (75 tuổi), là giám mục phụ tá của tổng giáo phận San Salvador thay vì chọn Đức Tổng Giám Mục Jose Luis Escobar Alas (58 tuổi). Tổng giáo phận San Salvador đã được Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero chăn dắt cho đến khi ngài bị bắn chết vào ngày 24 tháng Ba năm 1980, khi đang cử hành thánh lễ. Đức Cha José Gregorio Rosa Chávez, lúc ấy là một linh mục, được xem là một cộng sự viên đắc lực của Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.

6. Chân dung vị tân Hồng Y Gregorio Rosa Chavez

Đức Cha Gregorio Rosa Chavez, 75 tuổi, là giám mục phụ tá tổng giáo phận San Salvador, của El Salvador, vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo vinh thăng Hồng Y trong một trường hợp gây kinh ngạc cho nhiều người trên thế giới.

Vào ngày 28 tháng Sáu tới đây, Đức Cha Gregorio Rosa Chavez, sẽ là vị Hồng Y tiên khởi của El Salvador trong một trường hợp gây lúng túng không ít cho hàng giáo phẩm quốc gia này.

Đức Thánh Cha đã không chọn Đức Tổng Giám Mục Jose Luis Escobar Alas, năm nay mới 58 tuổi để vinh thăng Hồng Y; nhưng đã chọn một Giám Mục Phụ Tá. Hơn thế nữa vị Giám Mục Phụ Tá này trên thực tế chỉ là một cha sở ở một họ đạo ven đô của thủ đô San Salvador.

Vị Hồng Y tân cử là con của một nông dân nghèo. Nghèo đến mức, trong thời niên thiếu, cậu Rosa Chavez chưa từng bao giờ dám mơ ước trở thành một linh mục. Nhưng khi được 14 tuổi, cha cậu đã nhờ một người bạn đưa cậu vào một chủng viện.

Cậu Rosa Chavez có một sự thích thú đặc biệt với radio. Mở mắt dậy là cậu nghe radio; và luôn kết thúc một ngày với chiếc radio bên tai khi đang chìm dần vào giấc ngủ.

Biết ngài có hứng thú đặc biệt với công việc phát thanh; năm 1977, khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục San Salvador; Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero đã bổ nhiệm cha Rosa Chavez làm chánh văn phòng truyền thông của Ngài. Cha Rosa Chavez thành lập một đài phát thanh; và cùng nhau hai vị đối diện với những khoảnh khắc khó khăn nhất của Giáo Hội trong thời kỳ nội chiến tại nước này.

Chính đài phát thanh này đã phát ra những lời nổi tiếng của Đức Tổng Giám Mục Óscar Romero:

“Trước lệnh giết người do ai đó ban ra, luật pháp của Thiên Chúa theo đó ‘Ngươi chớ giết người!’ phải thắng thế. Không một người lính nào có nghĩa vụ phải tuân theo một lệnh lạc chống lại luật pháp của Thiên Chúa... nhân danh dân tộc đau khổ này, dân tộc mà tiếng kêu than của họ bay tới trời cao càng ngày càng thống thiết hơn, tôi van xin anh em, tôi khẩn cầu anh em, và tôi ra lệnh cho anh em nhân danh Thiên Chúa, ngưng ngay tức khắc sự đàn áp này”.

Một ngày sau diễn từ nẩy lửa này, hôm 24 tháng Ba, năm 1980, Đức Tổng Giám Mục Óscar Romero bị bắn chết.

Sau khi Đức Tổng Giám Mục Fernando Sáenz Lacalle là người kế vị Đức Tổng Giám Mục Romero qua đời vào năm 1994, nhiều người tin rằng cha Rosa Chavez sẽ lên thay, nhưng điều đó không bao giờ xảy ra.

Cha Rosa Chavez đã rất thẳng thắn trong cuộc chiến chống lại sự lạm dụng quyền hành của chính phủ, công khai chỉ trích chính phủ đã giết hại sáu linh mục Dòng Tên vào năm 1989. Chính phủ El Salvador chụp mũ ngài là “cộng sản” và ngài nhiều lần bị dọa giết.

Tuy nhiên, trong lòng các tín hữu, Đức Cha Phụ Tá Rosa Chavez nổi danh là một người bình dân, hiền hoà, chậm bất bình và nhanh chóng mỉm cười.

7. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc nói: chiến tranh tại Mosul sắp kết thúc – 16,000 quân thánh chiến Hồi Giáo tử trận

Hôm thứ Hai 22 tháng 5, trong cuộc điều trần tại Hội đồng Bảo an, ông Jan Kubis vừa trở về từ Iraq nói cuộc chiến giải phóng Mosul sắp chấm dứt và ngày tàn của cái gọi là “Nhà nước Hồi Giáo” đang đếm từng ngày.

Tuy nhiên, vị đặc sứ của Liên Hiệp Quốc tại Iraq nói nói cuộc chiến vẫn còn là “một thách đố to lớn” về nhân đạo, vì các chiến binh thánh chiến đang ráo riết sử dụng thường dân làm lá chắn sống trong “một nỗ lực cuối cùng trình bày trước thế giới sự tàn bạo vô nhân đạo vốn có của những kẻ khủng bố”.

Ông Kubis đã lên tiếng ca ngợi các lực lượng an ninh Iraq và liên quân trước các cố gắng nhằm hạn chế tác động tiêu cực của các hoạt động quân sự trên thường dân “thậm chí nếu điều đó đi kèm với giá phải trả là chiến dịch này phải kéo dài và thương vong cao của quân đội”.

Chiến dịch giải phóng Mosul đã được khởi sự từ đêm 16 rạng 17 tháng 10, năm ngoái 2016 và đã kéo dài hơn 7 tháng.

Theo báo cáo của Bộ Quốc Phòng Iraq, tính đến ngày 16 tháng 5, phía Iraq có 774 binh sĩ bị thiệt mạng và hơn 4,600 người bị thương. Quân Kurd thiệt mất 30 binh sĩ và khoảng 100 người bị thương. Hoa Kỳ có 2 quân nhân bị thiệt mạng trong khi Iran có 2 người bị giết.

Khoảng 5,000 dân thường bị thiệt mạng và 3,000 người khác bị thương. Theo ước lượng của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, hơn 630,000 người phải tị nạn chiến cuộc.

Theo ước lượng của Bộ Quốc Phòng Iraq, 16,000 quân thánh chiến Hồi Giáo đã tử trận trong 7 tuần qua. Số quân thánh chiến Hồi Giáo còn lại khoảng 600 người vẫn kiểm soát được khoảng 5% diện tích Mosul và vẫn dùng dân thường làm bia đỡ đạn, chiến đấu cho đến chết chứ không đầu hàng.

8. Tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo Ả Rập chống lại việc giết hại các tín hữu Kitô

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo Ả Rập diễn ra tại Riyadh, tổng thống Donald Trump nói về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cuộc bách hại người Do Thái và các Kitô hữu.

Ông nói:

“Đây không phải là một trận chiến giữa các tôn giáo khác nhau, các giáo phái khác nhau, hoặc các nền văn minh khác nhau. Đây là một trận chiến chống lại những tên tội phạm dã man là những kẻ tìm cách tiêu diệt đời sống con người, nhân danh tôn giáo.”

“Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Điều đó có nghĩa là đối diện một cách trung thực với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và các hình thái khủng bố Hồi giáo. Chúng ta phải dừng lại những gì họ đang làm để kích động, vì họ không linh hứng điều gì khác hơn là giết người.”

Tổng thống Trump nói thêm:

“Và nó có nghĩa là đứng chung với nhau chống lại việc giết người những người Hồi giáo vô tội, áp bức phụ nữ, đàn áp người Do Thái, và tàn sát các Kitô hữu. Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải hoàn toàn rõ ràng về điều này – sự man rợ sẽ chẳng mang lại cho các bạn chút vinh quang nào”.