Ngày 28-05-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa ở cùng chúng tôi
Lm Nguyễn Hữu Thy
01:12 28/05/2010
Thiên Chúa ở cùng chúng tôi

(Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi 2010)


Giới răn đầu tiên trong Thập Giới Điều của Thiên Chúa đã được ghi rõ rằng: «Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập, ra khỏi nhà nô lệ. Ngoài Ta ra, ngươi không được có thần nào khác nữa. Ngươi không được tạc tượng hay vẽ hình về Thiên Chúa và không được tượng trưng Người bằng bất cứ vật gì dù ở trên trời cao cũng như ở dưới đất thấp, hay ở trong nước phía dưới mặt đất để mà thờ!» (Xh 20,1-4).

Ở đây người ta thử hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại cấm con người không được tạc tượng hay vẽ hình ảnh để tượng trưng cho Người? Đâu là lý do?

Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng hình ảnh của một người nào đó, thì bao giờ cũng ấn định, phân biệt và giới hạn chính người ấy. Trong khi đó, người ta lại không thể ấn định, phân biệt hay giới hạn Thiên Chúa lại theo cách thức tư duy hẹp hòi và theo sự tưởng tượng thiển cận của mình được. Bởi vì Thiên Chúa muôn trùng cao cả, cao cả hơn tư duy của chúng ta, cao cả hơn sự tưởng tượng của chúng ta và cao cả hơn những hình ảnh tượng trưng do chúng ta làm ra.

Vì thế chúng ta cần phải ý thức rằng không một hình ảnh nào có thể trình bày chính xác về Thiên Chúa được, cũng như không một ý niệm nào có thể cắt nghĩa đầy đủ về Thiên Chúa được. Thiên Chúa là Đấng vô biên, là chân thiện mỹ tuyệt đối, bản thể của Người hoàn toàn vượt trên trí năng và trên mọi phạm trù suy tư của con người.

Nhưng ngày Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay lại đề cập đến điều đó. Và khi nói rằng Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất trong cùng một bản thể, thì chính tên gọi «Thiên Chúa Ba Ngôi» đã minh nhiên nói lên rằng Thiên Chúa có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Dĩ nhiên, những ý niệm này cũng chỉ tương tự phần nào như những mảnh nhỏ tý xíu của một tấm gương bể phản chiếu lại ánh sáng vô tận của mặt trời; nghĩa là chúng chỉ có thể trình bày cho chúng ta một ý niệm nào đó về mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa mà thôi.

Vậy làm thế nào để hiểu được những ý niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi?

Trước hết, khi chúng ta nói rằng: Thiên Chúa là Cha, thì đó là một kiểu nói theo phép ẩn dụ, kiểu nói bóng bảy hay là một hình ảnh tiêu biểu. Còn sự tuyên tín của Giáo Hội thì diễn tả thực tại đã được đề cập tới ở trên như sau: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Người là Đấng Tạo Hóa của mọi vật đang hiện hữu, nghĩa là Đấng đã dựng nên trời đất và toàn thể vũ trụ. Thiên Chúa là nguyên ủy của tất cả những gì đang hiện hữu, là nguyên ủy của mọi quyền lực và sức mạnh trong vũ trụ. Và qua đó, Người quả thực là Cha của chúng ta và của mọi thọ tạo.

Tiếp đến, chúng ta nói rằng: Thiên Chúa là Con, vì trong con người Đức Giêsu Na-da-rét, chúng ta đã thực sự tiếp cận và gặp gỡ được chính hình ảnh trung thực của Thiên Chúa một cách đặc biệt. Người hoàn toàn đã đến từ trời cao (x. Ga 3,13), và điều đó cũng muốn nói rằng Người được sinh ra bởi Mẹ đồng trinh. Người đã trải qua trọn vẹn mọi giai đoạn và mọi tình huống của cuộc sống con người, và điều đó cũng muốn nói rằng Người đã chịu đau khổ và sau cùng cũng đã phải chết. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không hề bị cầm hãm trong vòng hư nát và tội lụy của kiếp phàm nhân. Người đã phục sinh khải hoàn. Người vẫn sống và sống một cuộc sống bất tử của Thiên Chúa.

Đàng khác, Đức Giêsu đã sống trên trái đất này như là hình ảnh của Thiên Chúa và như là chính Thiên Chúa, bởi vì mặc dù Người đã sống hoàn toàn như một phàm nhân bình thường, nhưng Người lại mang trong mình Thiên tính; nói cách khác, Đức Giêsu là Thiên Chúa thật (x. Ga 14,8-11). Điều đó cũng muốn nói rằng, qua Đức Giêsu Na-da-rét, nhân loại đã khám phá ra được chân lý này là: Thiên Chúa quả thực là một «Thiên Chúa ở cùng chúng ta», một Thiên Chúa đã và đang cho chúng ta.

Sau cùng, một kiểu phát biểu thứ ba: Thiên Chúa là Thánh Thần. Vâng, qua chính Đức Giêsu, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta cảm nhận được rằng:

• Người cũng suy tư và cảm xúc ngay giữa thế giới này;

• và tất cả những gì đổ vỡ thất bại đã trở thành chiến thắng, sự chết đã trở thành sự sống lại hiển vinh, hoang mang và bất an đã trở nên trật tự và an bình, v.v…

Tất cả đều là do chính tác động của Thánh Thần Thiên Chúa. Vì chính Thánh Thần Thiên Chúa đã từng tác động trên nước trong thuở ban đầu khi khởi sự công trình tạo dựng vũ trụ và mọi sự còn trong tình trạng hỗn mang (x.St 1,1), thì cũng Thánh Thần đó luôn tác động trong thế giới nhân loại. Đúng thế, Thánh Thần sẽ tỏ mình ra ở đâu có:

• sự hiện diện những động lực mang tính cách thánh hóa và hoàn thiện cuộc sống con người;

• sự tha thứ loại trừ được những lo âu sợ hãi;

• con người tháo bỏ được mọi biên giới ngăn cách và tự giải thoát mình khỏi mọi tư duy ích kỷ, nhỏ nhoi hẹp hòi;

• sự lo lắng bất an vì sợ bị tiêu diệt của con người được thay thế bằng sự tin tưởng và niềm hy vọng, và còn hơn thế nữa là lòng tin chắc rằng họ sẽ được sống lại.

Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa là một Thiên Chúa ở với chúng ta và cho chúng ta. Và đó là điều chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng phó thác, vì nó là sự thật.

Hơn nữa, Thiên Chúa chẳng những là một Đấng Tạo Hóa toàn năng nhưng còn là một Người Cha nhân từ của chúng ta. Qua Đức Giêsu Na-da-rét, Thiên Chúa đã đến với phàm nhân chúng ta và đã cư ngụ giữa chúng ta. Người tác động cách thiêng liêng vô hình ở tất cả những nơi nào trong Giáo Hội khi sự thánh thiện trở nên hiện thực, nghĩa là ở tất cả bất cứ nơi nào có sự cảm thông tha thứ và sự hòa giải chân thành giữa con người với nhau, cũng như ở bất cứ nơi nào con người biết hy vọng mong đợi cuộc sống vĩnh cửu.

Như vậy, Ngày Lễ hôm nay muốn nêu rõ trọng tâm ý nghĩa danh xưng «Thiên Chúa» và làm thành một danh xưng đầy hy vọng cho cả nhân loại. Vâng, ở đâu chúng ta khởi sự hay kết thúc bất cứ hành động thiện hảo nào nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì ở đó chúng ta luôn có được niềm hy vọng chân chính và vững chắc. Dĩ nhiên, chúng ta không thể nói về điều đó một cách rõ ràng và thực tiễn, như về những chuyện cụ thể của cuộc sống thể xác. Thiên Chúa luôn là một mầu nhiệm bất khả tri đối với sự hiểu biết của trí năng con người. Nhưng đó là một mầu nhiệm cho chúng ta và cho phần cứu rỗi chúng ta; nói cách khác, điều đó muốn bày tỏ những ý niệm: Cha, Con Và Thánh Thần. Trong Bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã được tẩy rửa khỏi mọi tội lỗi trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta không chỉ được sinh ra để rồi lại chết như những sinh vật khác trong vũ trụ này, nhưng chúng ta hiện hữu với sự xác tín chắc chắn rằng Thiên Chúa vô biên - Đấng mà trí năng nhân loại của chúng ta chỉ có thể hiểu được ba mảnh vụn ý niệm nhỏ bé như ba mảnh gương bể tí xíu phản chiếu được một chút nhỏ ánh sáng mặt trời vô biên – luôn tác động trong cuộc sống chúng ta; nói cách khác, Thiên Chúa là nguyên ủy, động lực và lý do của cuộc sống chúng ta.

Vâng, Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng duy nhất của cuộc sống chúng ta. Đó là chân lý đã được công bố trong Bí tích Rửa Tội của chúng ta, đó là: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen
 
Thiên Chúa Ba Ngôi: sứ điệp của sự hiệp nhất
Lm. Jos Đinh Công Phúc
09:38 28/05/2010
Thiên Chúa Ba Ngôi: sứ điệp của sự hiệp nhất

Mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi đòi hỏi lòng cảm mến tin yêu hơn là sự hiểu biết. Chúng ta tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa mà chúng ta tin lại có Ba Ngôi. Có lẽ đã nhiều lần chúng ta được nghe câu chuyện về thánh Augustine, một trong những vĩ nhân của Giáo hội Công Giáo đã cố gắng đào sâu sự hiểu biết về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực sự thì ngài đã không cố gắng hiểu biết chính mầu nhiệm này của Thiên Chúa cho bằng đi tìm những sứ điệp của Thiên Chúa cho nhân loại qua mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Một trong những khám phá của ngài về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa (the Trinity as Divine Being-in-Love). Mầu nhiệm hiệp nhất này của Thiên Chúa nên được nhấn mạnh như là cốt lõi cũng như một sứ điệp mãnh liệt cho sự hiệp nhất của nhân loại, cách riêng cho chính chúng ta hôm nay.

Khi nói đến ba ngôi nhưng một Chúa, chúng ta liên tưởng ngay đến những mối liên hệ mật thiết của một công đoàn. Thiên Chúa không đơn độc, mặc dù chỉ có một Thiên Chúa. Ngài là một cộng đoàn – ba ngôi riêng biệt, nhưng một Chúa. Nói đến một cộng đoàn Ba Ngôi, chúng ta nghĩ ngay đến những mối liên hệ. Ba ngôi Thiên Chúa đồng bản tính, cùng uy quyền, hiệp nhất trong tình yêu (same nature, equality, unity in love). Đây là mẫu mực của một cộng đoàn hoàn hảo nhất, vì lẽ, sự hiệp nhất của Thiên Chúa được gắn kết bởi chính Ngài là tình yêu (1 Ga 4: 8); và sự bình đẳng tuyệt đối giữa Ba Ngôi – đến nỗi ba mà là một. Sự hiệp nhất này của Tình Yêu là khuôn mẫu cho bất cứ sự hiệp nhất nào của nhân loại, vì lẽ, chính vũ trụ và nhân loại là hoa trái của mầu nhiệm tình yêu là chính Thiên Chúa.

Chúng ta được sinh ra bởi hoa trái của tình yêu. Mỗi con người là hoa trái của chính tình yêu Thiên Chúa. Dĩ nhiên mỗi người cũng là hoa trái tình yêu của cha mẹ mình. Đây là giá trị cao cả nhất của sự sống và mạng sống của mỗi chúng ta. Hy vọng rằng không ai bị coi là kết quả của một sự lầm lỡ hoặc “vỡ kế hoạch.” Giả sử một ai đó trong chúng ta đây phát hiện ra rằng mình là kết quả của một sự lầm lỡ hoăc vỡ kế hoạch, bạn sẽ nghĩ gì? Nếu đó là một điều không thể chấp nhận được, bạn nghĩ gì về “nạn phá thai” trong xã hội của chúng ta hôm nay?

Cũng hy vọng rằng sẽ không ai còn bị đối xử thiếu công bằng, thiếu nhân bản, thiếu văn hóa. Quyền lợi và phẩm giá làm người được tôn trọng. Quyền công dân được đối xử đúng pháp luật. Đây là vấn nạn đang được đề cập rất nhiều trong xã hội của chúng ta hôm nay. Một xã hội được coi là văn minh, thì những quyền làm người phải được đặt lên hang đầu. Mầu nhiệm và hoa trái của Ba Ngôi kêu gọi chúng ta phải đứng thẳng và đứng vững trong lập trường của Kitô giáo về sự sống, mạng sống và quyền làm người của mỗi người. Sứ mạng đầu tiên của Kitô giáo phải là bảo vệ và dấn thân cho quyền làm người và phẩm giá của con người. Đây là cốt lõi của Tin mừng. Có lẽ pháp luật đã qui định khá rõ. Nhiệm vụ của chúng ta là đào sâu những lý do của Tin mừng để góp phần làm cho luật pháp được hoàn thiện hơn. Nhờ đó, quyền làm người và phẩm giá của con người được thực sự tôn trọng. Để thực hiện được điều này, không thể nói vu vơ, võ đoán. Cần có những những nghiên cứu và trình bày một cách nghiêm túc, rõ ràng, trong tinh thần cởi mở xây dựng. Những nghiên cứu không chỉ được đặt nền trên Tin mừng, nhưng còn phải liên hệ tới văn hóa, xã hội, hoàn cảnh sống hiện tại để có sức thuyết phục mạnh đủ, có thể cải hóa lương tâm và cách nhìn. Đây phải là công việc chung của tất cả chúng ta mà đòi hỏi là chính mầu nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Khi nói đến ba ngôi mà một Chúa, chúng ta cũng được nhắc nhở về tình yêu cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi. Ngài yêu mỗi con người một cách riêng, ngay từ khi họ được tạo dựng, và thậm chí trước cả khi vũ trụ được tạo thành (Ga 17: 24). Chính vì thế, mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi đòi buộc chúng ta phải bước qua những rào cản đang chia rẽ nhân loại và thế giới, với nhiều thủ đoạn và tham vọng, kể cả việc nhân danh tôn giáo và Thiên Chúa. Thánh Augustine đã viết: “Thiên Chúa yêu mỗi người chúng ta như chỉ có duy nhất chính bạn hoặc tôi để yêu.” Lý do đơn giản, vì mỗi người là hoa trái của tình yêu là chính Ngài. Có thể có một số người nghĩ và sống một cách ích kỷ: rằng, một sinh linh nào đó là kết quả của một sự lầm lẫn hoặc tội lỗi; rằng giá trị của con người được đánh giá bởi học thức, chức vụ, cấp bậc, tiền bạc hoặc tài sản. Nhưng, Thiên Chúa không thể lầm. Ngài luôn muốn nói một điều gì đó cho nhân loại. Ngài yêu mỗi người và từng người với tất cả tình yêu của Ngài, đơn giản như chính họ là. Nếu chúng ta tin vào một người Cha đầy yêu thương như thế, có lẽ chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta về anh em mình. Một điều chắc chắn rằng, Thiên Chúa không thiên vị ai; Ngai cũng không muốn ai bị loại trừ (Cv 10: 28, 34- 35). Mầu nhiệm Ba Ngôi một lần nữa nhở và khẳng định cho chúng ta điều này.

Mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi cần xét lại một số cách suy nghĩ. Thứ nhất, nhân loại nói chung có một mối liên hệ mật thiết không chỉ với Thiên Chúa, nhưng với nhau và với vũ trụ này. Người trong bốn bể đều là anh em là thế! Những rạn nứt và chia rẽ trong xã hội và thế giới có lẽ đã quá đủ. Cái mà chúng ta cần ngày hôm nay là tình liên đới, sự tha thứ, hòa giải, và hiệp nhất. Những khác biệt của nhân loại phải được nhìn với những lăng kính tích cực hơn. Chúng là sự phong phú và giàu có của nhân loại, hơn là những lý do cho chia rẽ, bất đồng và chiến tranh. Ngoại trừ một số những sai lầm phản đạo đức, phản văn hóa, phản lại giá trị và phẩm giá của con người, cần phải sửa đổi, còn lại đa dạng và khác biệt là chính hoa trái của tình yêu. Chúng cần được trân trọng. Chúng cần được góp phần làm giàu thêm những kinh nghiệm, tri thức cũng như phẩm giá của chúng ta. Liên đới, tha thứ, hòa giải và hiệp nhất là cần thiết.

Thứ hai, hơn lúc nào hết, Giáo hội cần lên tiếng bảo vệ sự sống và mạng sống của con người. Bất kể họ là ai, họ đều có chung một nguồn gốc là chính Thiên Chúa. Dù con người có sống thế nào và ngay cả họ chối từ Thiên Chúa, Ngài cũng không từ bỏ ý định cứu độ họ. Họ vấn ở trong tình yêu của Ngài, và có một mối liên hệ mật thiết với Ngài và với chúng ta. Vì thế, đức tin kitô giáo đòi buộc chúng ta phải lên tiếng để bảo vệ sự sống và phẩm giá của mọi người, kể cả những ai chưa được sinh ra. Sứ mạng của Giáo hội là gì, nếu không phải là để cứu độ những người tội lỗi và lạc lối? Mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi đòi buộc Giáo hội phải lên tiếng và dấn thân.

Thứ ba, hiệp nhất là mầu nhiệm của Ba Ngôi và cũng chính là mầu nhiệm cũng như mục đích của Giáo hội. Để có sự hiệp nhất đòi hỏi phải có một sự cố gắng mãnh liệt và dấn thân thực sự. Nó đòi hỏi ngay cả phải hiến dâng chính mạng sống mình, không phải để chiều theo đòi hỏi của một định chế nào, mà là đòi hỏi của phẩm giá của con người. Nếu sự dấn thân và hiến dâng chỉ là để thỏa hiệp, hoặc là để đáp ứng những nhu cầu cơ cấu hoặc giá trị trần thế, sự hiệp nhất tạm bợ này sẽ không tồn tại. Thậm chí nó có thể phản nhân loại và đi ngược lai Tin mừng. Cốt lõi của sự hiệp nhất phải là tình yêu cho phẩm giá của con người. Việc nhập thể và sự sẵn sàng bị giết chết của Đức Giêsu, đơn giản, chỉ là để làm chứng là phục hồi lại nhân phẩm của con người. Phải chăng mầu nhiệm tình yêu và hiệp thông của Ba Ngôi cũng kêu gọi Giáo hội làm chứng, dấn thân cho phẩm giá con người và sự hiệp nhất thực sự với Thiên Chúa của nhân loại?
 
Năm cách chuẩn bị tâm hồn trước thánh lễ
Lm. Phạm Yên Thịnh, SVD
09:41 28/05/2010
NĂM CÁCH CHUẨN BỊ TÂM HỒN TRƯỚC THÁNH LỄ

Chuẩn bị tâm hồn trước Thánh Lễ: Trong cuộc sống thường nhật, khi làm bất cứ việc gì chúng ta cũng đều phải có bước chuẩn bị. Khi chúng ta đi du lịch, cần chuẩn bị hành lý và xem vấn đề an toàn của chuyến đi. Khi chúng ta đi xem ca nhạc hay đi xem thể thao bóng đá, chúng ta cũng cần đến sớm để kiếm chỗ ngồi. Khi chúng ta tổ chức các buổi tiệc, ai nấy đều phải nghĩ đến phải chuẩn bị các món ăn thức uống gì.

Chuẩn bị là một bước quan trọng cho sự thành công trong công việc hằng ngày. Chuẩn bị tốt sẽ giúp chúng ta biết được điều gì sắp xảy ra và đồng thời giúp cho việc hoàn thành mục đích của chúng ta được hoàn hảo. Như thế, nó cũng giúp chúng ta cảm thấy yên tâm, tự tin và thoải mái trước mọi vấn đề. Chẳng có gì khác hơn: việc chuẩn bị tâm hồn trước khi tham dự Thánh Lễ cũng có tầm quan trọng như vậy.

Chuẩn bị tâm hồn trước Thánh Lễ: Đối với giáo dân việc chuẩn bị tâm hồn trước giờ lễ cũng là một việc hết sức quan trọng. Bởi vì, linh mục thì chuyên lo chuẩn bị bài giảng. Người đọc sách lo coi trước bài đọc. Ca trưởng lo chuẩn bị bài hát thích hợp với bài đọc, ca đoàn lo luyện hát. Các chú giúp lễ lo soạn áo lễ, bánh rượu. Ban phụng vụ phu trách kiểm tra bàn thờ, chuẩn bị hoa nến. Có người còn lo cả việc quét dọn nhà thờ nữa.

Chắc chắn ai cũng đồng ý việc chuẩn bị này rất quan trọng đối với sự thành công của nghi thức Thánh lễ. Nhưng rất ít người để ý những ai ngồi dưới tham dự thánh lễ cũng phải chuẩn bị tâm hồn trước khi tham dự Thánh Lễ nữa.

Vâng, ở đây chúng ta đề cập năm cách thức để chuẩn bị tâm hồn. Mặc dầu có chút khó khăn khi thực hiện, nhưng nó bảo đảm sẽ giúp ta đi sâu vào sự kết hiệp thân mật với Đức Kitô và với mọi người trong cộng đoàn hơn.

1. Nhận biết tại sao chúng ta có mặc ở nhà thờ

Thánh Lễ là một Nghi thức, “Nghi thức” theo nguyên nghĩa của ngôn từ Hy lạp là “Công việc của con người”. Bạn đến với Thánh Lễ không phải như là người bàng quan, nhưng là để tham dự giờ cầu nguyện chung, cùng với mọi người trong giáo xứ tạ ơn và thờ phượng Thiên Chúa. Đến với Thánh Lễ chúng ta không chỉ là một cá nhân đơn độc nhưng là một thành phần quan trọng trong thân thể mầu nhiện của Đức Kitô.

Dành ít phút mỗi tuần để suy nghĩ về địa vị của mình trong thân thể này, như vậy sẽ giúp ta hiểu rõ hơn giá trị của mình trong lòng Giáo Hội, đồng thời giúp ta thấy rõ bao nhiêu món quà quý báu mà Chúa dành cho chúng ta hằng ngày. Chúng ta cũng thấy rõ hơn tương quan của mình đối với mọi giáo dân trong cộng đoàn.

2. Phản tỉnh các bài đọc

Dành ít phút đặc biệt trong ngày để coi trước các bài đọc, Thánh Vịnh và Phúc Âm của thánh lễ. Để cho lời Chúa từ từ thâm nhập vào tâm hồn và lòng trí của chúng ta. Lời Chúa có ích gì cho chúng ta, Chúa muốn nói gì với ta qua các bài đọc này? Có lời mời gọi nào dành cho ta hay cách thức nào mà Chúa dùng để hướng dẫn ta qua các bài đọc.

Để cho việc phản tỉnh lời Chúa cách dễ dàng và có hiệu quả hơn chúng ta cũng nên tìm đọc các tạp chí hay các tờ báo đạo, mạng internet. Nếu thực hiện được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ rất dễ dàng chuyên chăm lắng nghe các bài đọc, hứng thú nghe bài giảng, đồng thời càng có sự thăng tiến về đời sống tâm linh của mình.

3. Suy nghĩ về của lễ hiến dâng của chúng ta

Khi đến nhà thờ, chúng ta mang đến trước bàn thờ Chúa với tất cả những gì chúng ta có và hiến dâng cho Ngài. Thật quý giá biết chừng nào nếu chúng ta biết lo chuẩn bị những hiến lễ này trước khi đến nhà thờ. Chẳng hạn niềm vui nào ta sẽ dâng, nỗi buồn hay gánh nặng nào chúng ta muốn xin Ngài xoá bớt cho. Tất cả mọi thứ chúng ta đề có thể chia sẽ và cầu xin cùng Thiên Chúa.

Cũng có thể nghĩ đến tình trạng của tâm hồn chúng ta. Chúng ta đã hoàn toàn hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa chưa? Chúng ta đã hoàn toàn cảm thấy tự do, hay còn oán hận một ai. Chúng ta có cần sức mạnh ơn Chúa để tha thứ cho ai hoặc xin được ai tha thứ không? Chúng ta cũng cần cầu xin Chúa tha thứ để xứng đáng tham dự Nghi Lễ Hiến Tế và Giải Hoà này.

Mọi lời cầu xin chúng ta đề có thể dâng lên, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa vì những gì Ngài ban tặng cho ta.

4. Ý thức chính mình là thành phần của cộng đoàn

Chúng ta cần đến sớm trước giờ lễ. Khi đến nếu gặp thấy những giáo dân khác thì tay bắt mặt mừng, chào đón mọi người cách thân mật, luôn ý thức rõ mình là một thành phần trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Khi vào nhà thờ cần nhúng nước phép vẽ hình thánh giá trên trán để nhắc nhớ về Bí tích Rửa tội mình đã lãnh nhận, đồng thời đây cũng là dấu chỉ khiến chúng ta trở thành một thành phần trong cộng đoàn Kitô giáo. Vào nhà thờ cần nghiêm trang bái quỳ hoặc cúi đầu phục lạy Thiên Chúa. Những hành động bên ngoài này nhằm nói lên lòng tôn kính của chúng ta đối với Thiên Chúa trong tâm hồn của mình, vì Thiên Chúa hiện diện trước mặt mọi người chúng ta.

5. Tháp nhập vào sự hiện diện của Thiên Chúa

Cần giữ yên tĩnh trong tâm hồn trước giờ lễ, giữ cho tinh thần thoải mái, để cho các lo lắng và khó nhọc ra khỏi đều óc của chúng ta.

Nên nhớ giữ chay Thánh Thể trước khi rước lễ. Hành vi này giúp ta biết khát vọng lãnh nhận Thiên Chúa vào lòng. Để cho sự khát khao này kéo dài và xin Chúa đổ đầy lương thực hằng sống cho tâm hồn chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần phán dạy chúng ta qua các bài đọc, các bài hát, bài giảng của linh mục, các lời cầu nguyện và ngay cả các giây phúc nguyện gẫm của chúng ta.

Tất cả những gì mà chúng ta làm để chuẩn bị cho Thánh lễ sẽ giúp chúng ta thâm nhập sâu hơn vào mầu nhiệm hiến tế của Thiên Chúa. Nếu chúng ta bắt đầu công việc chuẩn bị này thái độ của chúng ta đối với Thánh Lễ cũng sẽ chuyển đổi. Thánh lễ sẽ trở nên quan trọng hơn cho chúng ta. Đầu óc chúng ta sẽ khám phá nhiều tình thương của Chúa, con tim chúng ta sẽ mở rộng hơn để đón nhân tình yêu của Ngài, và linh hồn chúng ta sẽ trở nên tràn đầy lòng biết ơn và cãm tạ đối với Thiên Chúa.

(Theo tạp chí “The Priest”)
 
Sống Niềm Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
12:57 28/05/2010
Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa có thể nói được là “mầu nhiệm nguồn” của mọi mầu nhiệm. Và con người biết được mầu nhiệm Ba Ngôi là nhờ Chúa Giêsu mạc khải, chứ không phải do nổ lực suy lý của mình. Có điều Chúa Giêsu không bao giờ trình bày mầu nhiệm lớn lao này bằng khái niệm “kỷ thuật số”: “3 ngôi” - ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba…. Ngài chỉ nói Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi là mầu nhiệm lớn lao nhưng cũng là mầu nhiệm mà chúng ta tuyên xưng mỗi ngày, qua Dấu Thánh Giá, kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính…. Tuy nhiên, đó không phải là mầu nhiệm để tuyên xưng hay để hiểu mà thôi, nhưng còn là để sống. Nói cách khác, tuyên xưng niềm tin vào Mầu nhiệm Ba Ngôi thì phải sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi cụ thể là sống thế nào ?

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa trước hết là sống tâm tình cảm mến tri ân:

Cảm mến tri ân vì Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm quá đổi lớn lao này. Cảm mến tri ân vì Ba Ngôi mà lại chỉ một Chúa. Đây là nguyên lý của sự hiệp nhất và bền vững của thế giới tạo thành. Có người thắc mắc tại sao không hiểu Ba Ngôi là ba Chúa cho đơn giản mà lại dạy Ba Ngôi một Chúa cho phức tạp, khó hiểu, mệt cái đầu ? Thiết nghĩ nếu Ba Ngôi mà ba Chúa có lẽ số phận của con người và vũ trụ này sẽ bất hạnh biết chừng nào, bởi vì cứ tưởng tượng một nhà ba chủ, một nước ba vua, một giáo hội ba giáo hoàng,.. thì sẽ ra sao chúng ta biết rồi.

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa thứ đến là sống tinh thần hiệp nhất yêu thương:

Tự bản tính, Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu hiệp nhất Cha Con và Thánh thần. Chỉ trong tương quan tình yêu, chúng ta mới có thể hiểu phần nào Ba Ngôi mà lại một Chúa: “Ta và Cha Ta là một, Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta”. Nói cách khác, chỉ có tình yêu mới khả dĩ cắt nghĩa được khía cạnh ngôi hiệp trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi thế mà những người đang yêu hiểu khái niệm “ngôi hiệp” một cách dễ dàng hơn, như lời họ bộc bạch trong một bài hát: “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Tình yêu nối kết chúng ta, ta thương nhau quá nên hai hoá ra thành một”.

Tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa luôn yêu thương hiệp nhất như là bản chất của các Ngài, thì ta cũng phải sống tinh thần hiệp nhất yêu thương như các Ngài vẫn sống. Mọi hình thức chia rẽ, hận thù, ly giáo, đoạn tuyệt… đều đi ngược với niềm tin mà ta tuyên xưng vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa sau nữa còn là sống tinh thần hy sinh phục vụ:

Ba Ngôi Thiên Chúa không giữ lại tình yêu cho riêng mình mà chia sẻ tình yêu ấy cho mọi thụ tạo, đặc biệt là con người qua tình yêu tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá. Ba Ngôi Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người qua mầu nhiệm nhập thể để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho con người được sống và sống dồi dào. Do vậy không thể tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi mà lại sống ích kỷ hẹp hòi, chỉ biết đến mình, lo cho mình mà thôi.

Khi nghiên cứu vết máu trên tấm khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học đã xác định được Chúa Giêsu thuộc nhóm máu B. Là con cái của Thiên Chúa Ba Ngôi và là anh em của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là ta cùng huyết thống với Ngài, cùng nhóm máu với Ngài, nhóm máu B. “B” là bác ái, “B” là bao dung, “B” cũng là bình an. Bác ái với mọi người nhất là những người nghèo khổ bất hạnh. Bao dung với những người lầm lỗi, những người đã xúc phạm đến ta hay làm ta tổn thương. Có như thế thì ta mới có được sự bình an của Chúa Ba Ngôi nơi tâm hồn mình được.

Người ta kể rằng Christophe Colombus, người đã khám phá ra châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách rất đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi, cũng như ông luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ: “Nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh”. Trong cuộc khởi hành thứ 3 của ông năm 1498, Christophe Colombus đã thề hứa sẽ dâng Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá đầu tiên. Vì thế hòn đảo ông đặt chân đến đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là “Trinidad”, tức là Chúa Ba Ngôi.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta khi mừng lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi, hay mỗi khi tuyên xưng mầu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng biết đưa mầu nhiệm ấy vào trong cuộc hằng ngày, bằng việc hết lòng yêu mến Chúa Ba Ngôi như Christophe Colombus đã từng yêu mến. Đồng thời biết hết tình hiệp nhất yêu thương và hết mình hy sinh phục vụ anh chị đồng loại ngay trong gia đình, gia tộc và trong cộng đoàn mà mình đang sống. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 28/05/2010
ĐẦU QUẤN KHĂN XANH

N2T


Thời xuân thu, người rao bán vợ con để mong được ấm no thì được gọi là “thằng đĩ”, những người này đều dùng khăn xanh để quấn trên đầu, bày tỏ thân phận đê tiện.

Đến thời nhà Đường Lý Phong, khăn quấn đầu màu xanh tượng trưng cho tội phạm, khi Lý Phong đảm nhậm huyện lịnh huyện Diên Lăng, nếu có quan lại phạm tội thì ông ta xử phạt họ quấn khăn xanh trên đầu, ông ta chiếu theo tình tiết phạm tội nặng nhẹ mà kết tội và xử phạt theo số phận, khi hết hạn thì mới có thể lấy khăn xanh trên đầu xuống, người thời ấy cảm thấy đầu quấn khăn xanh là một sự sỉ nhục, nên khuyên bảo nhau không dám tái phạm.

Đến thời nhà Nguyên và nhà Minh, quy định người nam ở trong nhà đĩ điếm đều phải đội khăn xanh, cho nên đội khăn xanh trở thành lời châm biếm khi có vợ ngoại tình.

(Phong thị vấn kiến ký)

Suy tư:

Người thời xưa cũng có những quy định để phân biệt người tốt người xấu, đội khăn xanh là một điển hình cụ thể

Ngày nay các đoàn thể đều có đồng phục của mình, xã hội thì có đồng phục của xã hội, ngành nghề nào cũng có đồng phục ngành ghề ấy để phân biệt, cho nên người ta mới nói vì màu cờ sắc áo mà nổ lực đạt danh hiệu tiên tiến hoặc anh hùng.

Người Ki-tô hữu có một đồng phục tuyệt vời, đó là Bác Ái hay gọi là Đức Ái, chính đức ái này mà mọi người nhận ra họ là môn đệ của Chúa Giê-su Ki-tô.

Nhưng cũng có nhiều người chưa nhận ra Chúa Giê-su nơi người Ki-tô hữu, bởi vì tuy họ mặc đồng phục của mẹ gia đình Công Giáo nhưng lại chửi nhau như hàng tôm hàng cá, tuy họ mặc đồng phục của dòng tu nhưng sống như người giáo hữu tầm thường, tuy họ mang khăn quàng huynh trưởng nhưng chưa hề làm gương tốt ở ngoài xã hội, tuy vào hội này hội nọ nhưng vẫn không hề thấy họ sống Phúc Âm giữa lòng xã hội...

Quấn khăn xanh trên đầu là một dấu hiệu của kẻ tội phạm và đê tiện, nên người thời đó không ai muốn quấn khăn xanh. Mang đồng phục Bác Ái là dấu hiệu của người Ki-tô hữu có tâm hồn yêu thương và phục vụ tha nhân, cho nên mọi người đều nhận ra Chúa Giê-su trong con người của họ.

Ai thích quấn khăn xanh thì quấn, nhưng người Ki-tô hữu thì thích đồng phục là Đức Ái mà thôi.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Chúa Ba Ngôi (C))
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:23 28/05/2010
LỄ CHÚA BA NGÔI

Tin mừng: Ga 16, 12-15

“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.


Bạn thân mến,

Hôm nay là ngày lễ Chúa Ba Ngôi,

Chúa Ba Ngôi chính là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là mầu nhiệm lớn trong đạo Công Giáo, và cũng là cốt lõi đức tin của người Ki-tô hữu, trong tâm tình của ngày lễ này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy ý sau đây:

Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu.

Một tình yêu bất khả phân và viên mãn, là chủ thể của mọi tình yêu trên trời dưới đất, tình yêu này được hình thành không phải do nguyên lý của xác thịt, nhưng mọi tình yêu của loài xác thịt đều phải từ tình yêu này mà có và tồn tại.

Tình yêu này đã tạo dựng nên trời đất muôn vật, và hoàn thiện nó bởi tình yêu dâng hiến hy sinh cách trọn vẹn của Chúa Giê-su, khi Ngài chết trên thập giá và sống lại vinh quang.

Tình yêu này không dừng lại khi Chúa Giê-su hoàn tất công trình cứu chuộc ở trần gian và lên trời vinh hiển, nhưng Thánh Thần được Cha phái đến với Hội Thánh, vẫn tiếp tục hoàn thiện và đổi mới mỗi người Ki-tô hữu, cho đến ngày đạt đến viên mãn trong Nước Thiên Chúa.

Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa của Hiệp Nhất.

Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và Chúa Thánh Thần là do sự hiệp nhất yêu thương này mà có, một sự hiệp nhất như gốc cây nho với cành nho và sinh ra hoa trái để cho con người hưởng dùng. Hiệp nhất là đặc tính cốt lõi của Thiên Chúa Ba Ngôi, và cũng là nơi phát sinh ra sự hiệp nhất trong mọi cộng đoàn con cái Giáo Hội trên trần gian.

Hiệp nhất nhưng không lệ thuộc, Chúa Con không lệ thuộc vào Chúa Cha nhưng đồng bản tính và ngang hàng với Cha, Chúa Thánh Thần không lệ thuộc vào Chúa Con và Chúa Cha, nhưng là đồng bản tính với Cha và Con, và trở nên Đấng thánh hóa và đổi mới nhân loại, vũ trụ sau khi Chúa Con về trời.

Ba ngôi hiệp nhất để vạn vật biến hóa sinh tồn, để Giáo Hội được hiệp nhất và đổi mới luôn trong Thần Khí của Thiên Chúa.

Bạn thân mến,

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta biết, nhưng những bí nhiệm đời đời của mầu nhiệm này, thì trí óc con người của chúng ta không thể suy thấu, nhưng với đức tin, ân sủng của Thiên Chúa ban cho, và qua giáo huấn của Giáo Hội thì chúng ta hiểu rằng: đây là mầu nhiệm của tình yêu, mầu nhiệm của hiệp nhất.

Do đó khi mà bạn và tôi suy niệm đến tình yêu và sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, thì bạn và tôi cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho gia đình chúng ta có một tình yêu chân thật, một sự hiệp nhất gắn bó giữa cha mẹ và con cái với nhau, một tình yêu bất khả phân ly và tương trợ lẫn nhau giữa một xã hội đầy chia rẽ và vắng bóng tình yêu của Thiên Chúa và đồng loại này...

Bạn và tôi cũng nhớ đến cộng đoàn giáo xứ của mình khi suy đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi này, đó là sự đoàn kết và hiệp nhất với nhau của mỗi phần tử trong giáo xứ, để dưới sự lãnh đạo của Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta biết sống yêu thương đoàn kết và hiệp nhất với nhau hơn...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:24 28/05/2010
N2T


15. Đau khổ của thế gian bức bách chúng ta trở về với Thiên Chúa, kêu gọi chúng ta ngoài Thiên Chúa ra, thì không thể tìm được một sự khả ái nào.

(ThánhGregory giáo hoàng)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:26 28/05/2010
N2T


452. Muốn để cho tâm tình thanh thản thì phải có thói quen với những lời nói vô nói ra.

 
Thư cha già gởi cho con
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 28/05/2010
Thư cha già gởi con

Con thương yêu,

Một ngày nào đó con sẽ thấy ba già đi, thân thể cũng dần dần héo mòn, thì xin con nhẫn nại chút xíu, thử tìm hiểu ba chút xíu...

Nếu ba ăn uống dơ dáy không sạch sẽ, nếu ba không biết mặc áo...thì có chút nhẫn nại nghe con.

Con có nhớ không, có khi ba bỏ ra rất nhiều thời gian để dạy con làm một vài việc ?

Nếu, khi ba cứ nói đi nói lại một chuyện gì đó...thì đừng ngắt lời của ba, nghe ba nói...

Khi con còn nhỏ, ba đọc truyện cho con nghe, lật trang này qua trang khác đọc cho đến khi con nhắm mắt ngủ mới thôi.

Khi ba không muốn tắm rửa thì không nên hổ nhục ba, cũng đừng chửi mắng ba...

Con nhớ không, khi con còn nhỏ, ba đã nghĩ ra biết bao nhiêu là lý do để dỗ dành con đi tắm....cho nên, xin con cũng dỗ dành ba chút xíu, được không con ?

Khi con nhìn thấy ba không biết gì về khoa học tiên tiến, thì cho ba một chút thời gian, không nên cúp máy rồi nhìn ba mà cười nhạo...

Ba đã dạy con bao nhiêu là chuyện nhỉ ? Nào là phải ăn uống như thế nào, phải mặc như thế nào, phải đối mặt với cuộc sống của con như ra sao...?

Nếu trong lúc trò chuyện mà đột nhiên ba không nhớ gì cả, mất ý thức, thì hãy cho ba một thời gian để nhớ lại...

Nếu ba vẫn cứ bất lực, xin con đừng căng thẳng...

Đối với ba mà nói, thì cái quan trọng không phải là đối thoại, mà là có thể ở chung với con, và lắng nghe con...

Khi ba không muốn ăn thứ gì thì đừng nên gò ép ba, vì ba biết rất rõ lúc nào thì có thể ăn...

Khi chân của ba nó không nghe...thì phụ giúp ba một tay...

Giống như ba đã giúp con, dẫn con bước thứ nhất đi trên cuộc đời của con...

Khi một ngày nào đó ba nói với con là ba không còn muốn sống nữa...

Xin con đừng giận dữ...

Có một ngày con sẽ hiểu...

Thử tìm hiểu ba, sắp nằm gần kề miệng lỗ, những ngày sắp tới có thể đếm...

Có một ngày con sẽ phát hiện, mặc dù ba có nhiều cái sai, nhưng ba vẫn cứ muốn cho con cái tốt nhất...

Khi ba gần bên con thì đừng cảm thấy buồn rầu, bất đắc dĩ hoặc né tránh...

Con phải kề sát bên ba, như ba hồi trước giúp con triển khai nhân sinh, hiểu ba, giúp ba...

Xin để ba dựa vào con một chút, con hãy lấy yêu thương và lòng nhẫn nại giúp ba đi hết con đường nhân sinh...

Ba sẽ dùng nụ cười, sự không thay đổi của ba và tình yêu không bờ không bến, để báo đáp con...

Ba yêu con.

Ba của con.

Dịch từ tiếng Hoa
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khai lược về tác phẩm “Dẫn Vào Đức Tin Kitô Giáo” của ĐGH Bênêđictô XVI
Phạm Hương Sơn
08:41 28/05/2010
Khai lược về tác phẩm “Dẫn Vào Đức Tin Kitô Giáo”
"Introduction to Christianity" by Joseph Cardinal Ratzinger - Pope Benedict XVI

<1>Giai thoại về Chú Bé trên bãi biển… từ thời Thánh Augustinô… đến bộ Lễ Phục của ĐTC Benedictô XVI trong ngày Lễ đăng quang Giáo Hoàng: trên mũ Ngài là hình của một chiếc vỏ sò lớn, chiếm hầu hết bề mặt của chiếc mũ. Trên áo lễ của Ngài mang chi chít hình của vô số vỏ sò, viền áo là một dãy vỏ sò nối kết liên tiếp nhau...

Ngoài ý nghĩa lữ hành (pilgrimage), hình ảnh vỏ sò bao phủ bộ Lễ Phục của ĐTC trước hàng trăm triệu khán giả khắp hoàn cầu nhắc tới giai thoại về Thánh Augustinô: khi Ngài đang bách bộ trên bãi biển và suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì Ngài nhìn thấy một chú bé đang dùng chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào một lỗ cát...Khi được hỏi thì chú bé trả lời là chú muốn múc hết nước đại dương đổ vào đó. Thánh Augustinô mới thốt lên: Làm sao được!

Nhưng chú bé đáp lại ngay: việc tôi làm còn dễ hơn điều ông đang suy nghĩ trong đầu!

Từ đó, chiếc vỏ sò trở thành biểu tượng của Thánh Augustinô. Với biểu tượng này trên lễ phục, ĐTC Benedictô XVI muốn gợi ý tôn phong ảnh hưởng của Thánh Augustinô trên toàn hệ tư tưởng của vị Tân Giáo Hoàng. Luận án tiến sĩ thần học của Ngài bàn về: "Dân Chúa và Nhà Chúa" (People of God and House of God), là ý niệm khó hiểu nhất trong hệ tư tưởng của Thánh Augustinô. Bên cạnh đó, bộ lễ phục của ĐGH cũng là một lời nguyện xin, trong tâm tình "Tình yêu Chúa bao la vô tận...Tay con nhỏ bé đón sao cho vừa": Xin đổ tràn đại dương mênh mông của Tình Yêu Thiên Chúa trên toàn thân con...

Một Nỗi Tình Cờ…

Cách nay hơn ba năm, vào một buổi sáng, khi đến giúp phụ trách gian hàng thức ăn Việt Nam cho ngày Festival tại CĐGX địa phương, chúng tôi tình cờ gặp một cụ già ngồi ở gian hàng kế bên, bày bán nguyên tủ sách của ông để giúp gây quỹ cho trường học tại GX. Phần lớn các sách của ông bao gồm một số tác giả nổi tiếng như: Henry Nouwen, Scott Hahn, Richard Neuhaus, John Henry Newman… Tôi mua trọn nguyên thùng vì ông cụ bán rất rẻ, chỉ có $1 - $2 một cuốn!

Hết ngày, khi về nhà soạn sách ra thì tôi nhặt được cuốn “The Spirit of the Liturgy” của Joseph Cardinal Ratzinger.

Thú thật, bản thân chúng tôi nghe đến danh ĐHY Ratzinger đã bao năm, nhưng chưa bao giờ dám đọc một cuốn sách nào do Ngài viết cả, đơn giản vì thiển nghĩ chỉ có những bộ óc hàn lâm mới hiểu được. Tuy nhiên, khi lần dở vào các trang trong cuốn sách nói trên, chúng tôi đã khám phá những điều ngạc nhiên rất thú vị, là tác giả Ratzinger có lối giải thích rất dễ hiểu, giản lược và rất hợp lý, bắt nguồn từ Thánh Kinh và các Thánh Phụ.

Ví dụ, Ngài viết, khi bước vào bất cứ Thánh Đường nào, chúng ta cũng nhìn thấy tượng Chúa Chịu Nạn trên Thánh Giá. Bức tượng này diễn tả trọn vẹn ý nghĩa hai điều răn trọng nhất trong đạo Công Gíáo: Kính mến Chúa và Yêu thương người.

• Kính mến Chúa: Hai cánh tay vươn lên của Đức Kitô, theo các Thánh Phụ, là dấu hiệu thờ phượng Thiên Chúa, và cũng là dấu hiệu đặt ý Chúa trước ý riêng của mình, như Chúa Giêsu trong Vườn Gethsemane.

• Yêu thương người: Hai cánh tay dang rộng của Đức Kitô là dấu hiệu đón nhận mọi người, một cử chỉ thân thiện, vô bạo lực (non-violence) [John 12:32].

Cũng với lối giải thích đơn giản và logic như thế, Ngài tuần tự đi vào ý nghĩa của các cung cách phụng vụ mà chúng ta thực hành, đặc biệt trong mỗi Thánh Lễ, như động tác quỳ, động tác đứng khi chúng ta tuyên xưng Đức Tin: đứng vững để hiểu (standing to Under-standing…)

Các ấn tượng sơ khởi về ĐTC Benedictô XVI qua tác giả Peter Seewald:

• Cái nhìn soi xoáy (Ratzinger’s gaze): đây là cái nhìn bẩm sinh, ngay cả những bức hình từ thuở trẻ th? đã có. Peter Seewald tả rằng đây là cái nhìn thấu suốt từ thiên đàng đến trần thế, và khi Ngài dừng ánh mắt đó lại tại một chốn mông lung nào đó, thì chính là lúc Ngài tập trung tư tưởng nhiều nhất để luận giải một vấn đề;

• Sự khiêm cung ngoại thường;

• Cung cách đơn sơ trẻ thơ;

• Sự hiểu biết sâu xa về những hiểm họa mà thế giới sẽ và đang đối diện. Ví dụ, cách nay trên ba mươi năm, Ngài đã viết về sự xoá mờ lành răn của phái tính sẽ dẫn đến hôn nhân đồng tính. Và cách nay trên hai mươi năm Ngài đã cảnh cáo về hậu quả của thần học giải phóng: nếu tư tưởng đó bén rễ vào Hồi Giáo, nó sẽ dẫn tới bạo lực. Nay chúng ta đang chứng kiến những thực tại đó trên thế giới;

• Một trí nhớ “khủng khiếp”: bộ óc của Ngài là một bộ nhớ khổng lồ. Từ kho tàng trí nhớ này, như được biểu hiện qua ánh mắt, Ngài có thể lướt qua và chọn lựa những dẫn chứng chính xác từ Kinh Thánh cũng như lịch sử, xuyên qua các tư tưởng triết học, thần học, lịch sử... từ thời cổ đại đến hiện đại;

• Phong cách giải thích những vấn đề phức tạp dựa vào các sự kiện nguyên thủy trong Thánh Kinh và từ các Thánh Phụ và Giáo Phụ. Ví dụ vấn đề nữ quyền và truyền chức LM cho Nữ giới: Ngài giải thích, trong Bữa Tiệc Ly, tất cả các tông đồ đều là Nam giới. Hơn nữa, nếu hiểu cho đúng, thì vai trò của Đức Maria cao hơn vai trò của Thánh Phêrô. Và sau cùng, Ngài không có thẩm quyền để đổi Kinh Lạy Cha thành Kinh Lạy Mẹ!

Bối cảnh ra đời của cuốn sách:

Vào năm 1968, một GS Thần Học tại ĐH Regensburg đã viết một tập khảo luận khiêm nhường bàn về Kinh Tin Kính của Các Tông Đồ với tựa đề: “Dẫn Vào Đức Tin Kitô Giáo”. Nhưng sau khi ra đời thì tác động của tập sách này không có gì là khiêm nhường cả.

Cuốn sách này đã thu hút ĐGH Phaolô VI đến nỗi Ngài đã đặt tác giả của nó làm GM Munich và ba tháng sau đó nâng ông lên hồng y. Và chỉ vài năm sau đó, khi lên ngôi, Đức Tân GH Gioan Phaolô II đã mời vị tác giả này đến Rôma để dẫn dắt Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin.

Vị tác giả này chẳng ai khác hơn là ĐHY Ratzinger, nay là ĐGH Bênêdictô XVI.

Chẳng có mấy cuốn sách thay đổi được lịch sử, nhưng cuốn sách này hẳn nhiên đã làm điều đó, cho chính tác giả cũng như cả Giáo Hội hoàn vũ.

Điều làm cho cuốn sách trổi vượt không phải chỉ do từ việc tác giả dùng Kinh Tin Kính để giải thích về Đức Tin Kitô Giáo hoặc do từ sự phân tích cấp thiết về não trạng thế tục hiện đại và sự vô tín ngưỡng. Điều quan trọng hơn hết là sự phân tích sâu sắc về lý do tại sao tinh thần của Công Đồng Vatican II đã thất bại trong vấn đề hợp nhất Kitô-Giáo và sự thất bại trong công cuộc làm sống lại Kitô-Giáo tại Âu Châu.

Dựa theo tác giả Ratzinger, Kitô-Giáo vào thời hậu-Khai Sáng (chú thích:Enlightenment: thời kỳ trong thế kỷ 18 ở Châu Âu, một số nhà tư tưởng đã tin rằng, lý trí và khoa học, chứ không phải là tôn giáo, sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại) đã bị đánh lừa để chấp nhận một chiến lược quá chú trọng trên bề mặt và một phương pháp tiếp cận quá sợ hãi đối với những chống đối Kitô-Giáo của các luồng tư tưởng “khai sáng”.

Tác giả mở đầu cuốn sách bằng ẩn dụ của Soren Kierkegaard: một đám cháy đã khởi phát từ trong hậu trường của một rạp hát, ngay trước khi đoàn xiếc bắt đầu trình diễn. Trong tình cảnh đó, người quản lý nhờ diễn viên ra khẩn báo cho khán giả, người đó lại là một anh hề của đoàn xiếc. Anh chạy ra để cảnh cáo khán giả về đám cháy. Nhưng anh hề càng kêu gào bao nhiêu thì khán giả lại càng cười đùa diễu cợt bấy nhiêu, vì cứ tưởng chuyện này nằm trong phần diễn xuất… cho đến khi ngọn lửa thiêu rụi cả rạp hát.

Kierkegaard cho rằng đây là tình huống của Kitô-Giáo thời hiện đại, càng khoa tay múa chân nhiều với niềm tin của mình thì lại càng làm trò cười cho thế gian đầy nghi hoặc, cho đến khi ngọn lửa của chiến tranh và lòng hận thù thiêu đốt cả thế giới.

Hỏa ngục trên trần gian là tiền cảnh của hỏa ngục thực sự.

Từ các chiến lược đó, GH đã cải biến các dạng thức như sau:

• thay lễ quy Latin ra lễ quy dùng ngôn ngữ bản địa;
• cho phép các nữ tu mặc thường phục;
• cho phép đưa guitar và dân ca vào phụng vụ;
• dùng ngôn ngữ mang tính kính trọng và hy vọng;• ca ngợi các thành tựu của khoa học kỹ thuật…etc

Dù trải qua nhiều cải biến như thế, tuy nhiên, cốt lõi của niềm tin Kitô-Giáo vẫn cứ như là một điều gì vô lý đối với não trạng thế tục.

Để làm rõ nét lập luận của mình, Vị Giáo Hoàng tương lai là tác giả, đã dung một ẩn dụ ảm đạm hơn nữa trong câu chuyện dân gian:

Một góa phụ nghèo sai đứa con trai của mình vào trong làng để kiếm gì làm bữa ăn. Trên đường đi, chú bé này lại gặp được môt thỏi vàng. Quá vui mừng, chú quay trở lại để khoe với mẹ. Trên đường về, chú gặp một người lính, ông gạ chú đổi vàng để lấy con ngựa. Ông bảo, ngựa kéo cày rất tốt. Xong. Rồi chú lại gặp một nông dân, nông dân gạ chú đổi ngựa lấy bò, vì mẹ chú không ăn được thịt ngựa. Hợp lý. Chú đổi ngay. Rồi chú lại gặp một người hàng xóm đang ôm một con vịt trong tay. Ông hàng xóm bảo mẹ chú cần bữa ăn ngay hôm nay, vậy sao không lấy vịt thay cho bò. Vậy là chú lại lấy vịt. Khi về gần đến nhà, chú lại gặp một đứa bé, bảo rằng, nếu chú có cục đá mài thì sẽ mài cho dao bén luôn, để làm thịt mọi con vịt trong tương lai. Xong một lần nữa.

Khi gần về đến nhà, chú thấy cục đá mài lỉnh kỉnh và nặng nề quá, bèn quăng luôn cục đá cho nhẹ nhàng, trước khi bước vào nhà.

Thật chẳng có gì thê thảm và khờ khạo hơn.

Bất cứ một ai theo dõi hướng đi của thần học của các hệ phái Tin Lành trong hai thế kỷ vừa qua và của thần học Công Giáo trong bốn mươi năm qua đều nắm bắt được đích điểm của câu chuyện trên: Tất cả những thay đổi bên ngoài chẳng ăn nhằm gì hết, nếu người truyền đạt cứ tráo đổi kho tàng đức tin để làm cho phù hợp với tiện nghi của đại chúng và các trào lưu của thời đại (Edward Oakes, S.J.).

Văn hóa và các thế lực trần tục đang tăng trưởng trong chiều hướng đối kháng hung hãn nhất đối với Đức Tin Kitô-Giáo, qua các lãnh vực sau:

• ý niệm về mặc khải;
• vai trò độc nhất của Đức Kitô;
• thẩm quyền của Kinh Thánh;
• sự sống đời sau;
• và ngay cả tính siêu việt của Thiên Chúa.

Cuốn sách này đã khai mở một kỷ nguyên mới để thấy rõ vấn nạn của Giáo Hộ dính dấp bắt nguồn từ sự thỏa hiệp và đầu hàng trước các luồng tư tưởng “khai sáng” cũng như sức ép của quyền lực trần thế.

Rất nhiều khuynh hướng thần học hiện đại không những công khai thỏa hiệp, đầu hàng mà thậm chí còn lên tiếng ca ngợi các nguồn tư tưởng khai sáng này cũng như các luận điệu “tiến bộ” đồng hành với thế lực đương thời nữa.

Thánh Phaolô đã nói: “Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Kitô” (2 Cô-rin-tô 10:5).

Trong tư thế đối nghịch hoàn toàn với sự can đảm của Thánh Phaolô, các thần học gia hiện đại với sự nhu nhược yếu hèn của mình đã làm ngược lại, bằng cách thỏa hiệp với các tư tưởng khai sáng để bắt Phúc Âm đầu hàng quy phục chúng.

Tác phẩm này là một nỗ lực tái khẳng địng Kinh Tin Kính của Các Tông Đồ, khai mở những ý nghĩa của văn bản nền tảng này trong một ngôn ngữ mang nhiều âm hưởng hơn ngay cả chính bản văn của Kinh Tin Kính. Tác giả đã đưa vào trong tiến trình khảo luận các nhà tư tưởng như Karl Marx, Bultman, de Chardin. Tựu chung, phương thức tiếp cận trong công trình này thật đáng ngưỡng mộ.

Cũng giống như Kinh Tin Kính, tác giả đã khảo luận các tín điều về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong trình tự đó.

Tin là gì? Tác giả lập luận rằng, nan đề của niềm tin không phải là vấn đề đặc thù của tôn giáo. Đức Tin hay niềm tin là điều gì không tránh được, không trốn chạy được. (Vấn đề độc thần, đa thần và vô thần, chung quy chỉ trình bày một Thiên Chúa với những lối tiếp cận khác nhau).

Tác giả đã phát triển mô thức tư tưởng về niềm tin như là “Standing and Under-standing”: đứng vững và hiểu (có đứng vững vào mới hiểu được – trong phụng vụ, vì thế, chúng ta đứng để tuyên xưng đức tin).

Niềm tin là một phương cách đứng vào thực tại, một cách để diễn dịch kinh nghiệm, hay nói cách khác qua công thức thần học: tin là một cách để thấy.

Niềm tin là nền tảng cho sự hiểu biết nhưng không thể giảm thiểu vào kiến thức thực nghiệm, mặc dù hẳn nhiên liên quan chặt chẽ với nó. Và để cho niềm tin có sức mạnh và uy lực: niềm tin này không thể tự tạo ra được nhưng là được nhận lãnh.

Tác gỉả nhấn mạnh sự đảo ngược truyền thống tư tưởng của Descartes: Cogito ergo sum, tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu đã bị thay thế bằng tư tưởng của Baader: Cogitor ergo sum, tôi được nghĩ ra, nên tôi hiện hữu.

Từ đó vấn đề của niềm tin mở ra đến các lãnh vực lịch sử, xã hội và có khả năng dẫn đến mặc khải.

Nhưng trở thành người Kitô-hữu ngày hôm nay có ý nghĩa gì? Phải chăng là trở nên những người lập dị và vô trách nhiệm đối với trí tuệ?

Những chướng ngại vật của Đức Tin Kitô-giáo được luận bàn bao gồm sự chống đối về các tuyên bố của Giáo hội về độc quyền chân lý, hoặc những tư tưởng cho rằng đức tin Công giáo đã trở nên hết thời (out-of-date). Trong chướng ngại thứ hai này, trên mặt vỏ bên ngoài, tư tưởng này nhấn mạnh đến tính cổ đại và tính bảo thủ của niềm tin Kitô-giáo. Nhưng trong thâm sâu chân thực hơn, chướng ngại này cho rằng các tín điều Kitô giáo đã bị tụt lùi đằng sau những thăng tiến trong tri thức và đơn giản là không thể trụ vững được nữa.

Để trả lời cho những thách đố này, tác giả Ratzinger đã phác thảo một sơ đồ về lịch sử trí tuệ của Tây Phương trong quá trình hiểu biết về chân lý: từ thời cổ đại chân lý được hiểu như là hữu thể; cho đến thời tiền cận đại, chân lý là sự kiện; cho đến thời hậu cận đại chân lý như là điều gì có thể làm ra được (Marx).

Do sự hiện diện của những yếu tố siêu hình và lịch sử trong niềm tin Kitô Giáo, xem ra não trạng của con người hiện đại cảm thấy ít yên ổn hơn so với thời cổ đại.

Trong khi con người thời cổ đại tin rằng tri thức có thể xuyên thấu những hữu thể như thế, kỷ nguyên hiện đại hài lòng với kiến thức về khoa học và lịch sử và ngay cả khách thể của sự kiện cũng bị hoài nghi, do đó lãnh vực của kiến thức thực sự cũng bị thu nhỏ vào những gì ta có thể làm ra được.

Thành thử thế giới hiện đại chỉ chú trọng vào việc vươn tới trong kỹ thuật (techne).Và công việc suy tư về hữu thể, sinh hoạt cao cấp nhất của nhân loại ngày xưa, giờ đây xem ra vô dụng. Đây là luận điểm rất thú vị cần được bàn luận rộng rãi hơn.

Nay trở lại với nan đề tổng quát về tính quan yếu của niềm tin Kitô-giáo. Tác giả Ratzinger cố gắng vạch ra một định hướng tiếp cận với thực tại là yếu tính của đức tin Kitô-giáo. Ví dụ trong đức tin Kitô-giáo có những khẳng định về tính ưu việt của những điều vô hình vượt trên những điều gì hữu hình có thể kiểm nghiệm được.

Đức tin Kitô-giáo khẳng định rằng, suy tư và tất cả hoạt động trí tuệ không phải là sản phẩm phụ do ngẫu nhiên tình cờ của vật chất, [như Thánh Augustinô đã viết: Đối với Thiên Chúa không có gì là ngẫu nhiên cả, chí có bản thể và tương quan (In God, there are no accidents, only substance and relation)], nhưng tâm trí đi trước vật chất. Và thế giới này khả tri được vì đã được nghĩ ra bởi logos. Và trí óc của chúng ta có hiểu thấu được sự việc là vì trí óc của chúng ta cũng được chia sẻ vào trong lý trí căn bản của logos.

Kitô Giáo mang tính phổ quát và lịch sử. Đức tin Kitô giáo dạy rằng con người chỉ có thể hiểu được mình như là một tạo vật được liên kết với một toàn bộ. Do đó, Kitô-Giáo chống lại sự diễn dịch đời sống của con người tách rời khỏi lịch sử hoặc mang tính cá nhân cực đoan.

Diễn luận về Kinh Tin Kính của Các Tông Đồ:

Trọng tâm của sự hiện hữu của con người là một hồng ân, một món quà được lãnh nhận, chứ không phải điều gì làm ra được. Đây là những cấu tố nền tảng của Đức tin Kitô-giáo và làm cho nó hữu lý.

Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi không bắt nguồn từ triết học nhưng từ lịch sử.

Trong một nỗ lực hòa hợp một số niềm tin dường như xung khắc nhau như Thiên Chúa, trong một cách nào đó, là Đấng hiện hữu mà các triết gia bàn tới, rằng Thiên Chúa mặc khải chính Người một cách đặc thù trực tiếp qua Đức Giêsu Nazarét, và rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất.

Tác gỉa Ratzinger gợi ý rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là một loại dấu hiệu tuyên báo về sự bí nhiệm của Thiên Chúa. Một lãnh vực mà suy tư của con người không thể hoàn toàn nắm bắt được.

Tín điều về Chúa Cha phần lớn là di sản từ triết học cổ điển. Tư tưởng độc thần là cách thái từ bỏ quá trình thần thánh hóa của các uy quyền chính trị trên trần gian, hoặc của thiên nhiên, hoặc của vô số thần linh của thế giới cổ đại.

Cùng khi Thiên Chúa của các triết gia thì toàn năng và siêu việt, đức tin Kitô Giáo dạy rằng Người cũng gần gủi riêng tư. Các triết gia bảo rằng Thiên Chúa là trí óc và tư tưởng thì Giáo Hội dạy rằng Thiên Chúa cũng là Tình yêu. Các triết gia bảo rằng Thiên Chúa hiện hữu trong cõi riêng của Người trong chân lý và trọn hảo, nhưng Giáo Hội dạy rằng Thiên Chúa cố hữu cũng là tương quan.

Kinh Tin Kính gọi Chúa là Cha Phép Tắc vô cùng, và danh xưng này tóm tắt điều hiểu biết này về Thiên Chúa: Người là Đấng toàn năng nhưng cũng rất nhân hậu và đầy yêu thương. Chúa Cha cũng là Đấng dựng nên trời đất, Người đã nghĩ ra thế giới và rồi cho nó sự hiện hữu thực. Tác giả Ratzinger đã cho thấy tín điều này đã khâu mối nối kết giữa thuyết duy tâm và duy vật.

Về ngôi thứ hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, tác giả luận cứ rằng điều này không có liên hệ gì tới tư tưởng Hy lạp về thần nhân hoặc sự hạ sinh đồng trinh, nhưng nằm trong những tuyên ngôn của Chúa Giêsu trong các Phúc Âm. Sự hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ không gợi ý rằng Đức Giêsu là một loại thần nhân nào đó, nhưng Người hoàn toàn là Chúa và cũng hoàn toàn là người, cũng không gợi ý rằng Đức Giêsu là một Chúa mới – Chúa Con- vì Chúa Con đã hiện diện với Chúa Cha từ thuở muôn đời. Thay vào đó, sự sinh hạ đồng trinh quan trọng vì điều đó nhấn mạnh rằng sự cứu độ là một hồng ân. Tác giả cũng chỉ ra điều lý thú là tất cả những tuyên xưng trong Kinh Tin Kính về Đức Giêsu Kitô đều là những tuyên xưng về các sự kiện chứ không phải về các giáo huấn của Người. Điều này mặc nhiên nói lên rằng con người và giáo huấn của Đức Giêsu Kitô là một và như nhau. Kinh Tin Kính không cống hiến cho ta một giáo huấn nào của Đức Giêsu Kitô cả.

Sự hiệp nhất của con người sứ vụ nằm trọn vẹn trong danh xưng “Giêsu Kitô”.

Phần cuối cùng của Kinh Tin Kính chứa đựng tín điều về Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Chúa Thánh thần được hiểu như là Thiên Chúa trong trần thế. Tín điều về Chúa Thánh Thần liên kết các tư biện siêu hình và lịch sử. Đời sống của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội là bí tích: “Các Thánh thông công” nói về cộng đồng Thánh Thể của việc thờ phượng; “phép tha tội” nói về bí tích giải tội và sám hối. Và sự biến đổi tối hậu bởi Chúa Thánh Thần là sự sống lại và sự sống.

Cố gắng thu thập của người viết trong đoạn văn trên đây cũng tương tự như việc làm của chú bé trên bãi biển...chắt nước đại dương mênh mông để đổ vào một lỗ cát. Muốn đem tư tưởng của tác giả Ratzinger trong tác phẩm bản lề "Dẫn vào Đức Tin Kitô Giáo" để gói vào trong một vài trang giấy.

Tuy nhiên, nếu có ai trong chúng ta theo dõi tin tức thời sự thì thấy ngay, trong những ngày vừa qua, tác phẩm này lại đã làm công việc định hướng lịch sử Giáo Hội một lần nữa, qua biến cố lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hội đã thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân-Phúc Âm Hóa (Pontifical Council for New Evangilization).

Vấn nạn của Giáo Hội đã được tác giả Ratzinger nhìn thấy từ trên 40 năm trước.
 
Người thủ thư coi bộ sưu tập Kinh Thánh hiếm quý có từ 6 thế kỷ vừa qua
Phụng Nghi
09:27 28/05/2010
NEW YORK (CNS) - Liana Lupas là người nổi bật giữa New York, dù theo các tiêu chuẩn thì thành phố này vẫn tự xác định là mình có toàn những cái nhất, và có những chuyên viên thượng thặng tầm cỡ thế giới trong mọi lãnh vực. Bà tự cho mình là “người thủ thư độc nhất trên thế giới chuyên lo chỉ một cuốn sách mà thôi.”

Dĩ nhiên, cuốn sách đó là “Kinh Thánh”. Trong suốt hai thập niên phục vụ tại Liên Hiệp Thánh Kinh Hội (American Bible Society), Lupas đảm nhiệm công việc trông coi bộ sưu tập trên 45 ngàn cuốn Kinh Thánh in bằng hơn hai ngàn ngôn ngữ khác nhau.

Bà nói: “Mỗi cuốn, và tất cả, đối với tôi đều quan trọng hết, dù đó chỉ là một tập sách nhỏ mới in tháng rồi hay một ấn bản in trước năm 1500. Toàn bộ đều là thành phần của cùng một câu truyện kể và đáng được trân trọng.”

Lupas khi còn sinh sống tại quê hương là nước Romania, đã được học hành về cổ ngữ, và đậu bằng tiến sĩ về ngôn ngữ Hy lạp và La tinh. Bà làm việc tại trường Đại học Bucharest 21 năm trước khi đến đoàn tụ với chồng ở New York năm 1984.

Bà cho thông tấn xã Catholic News Service biết: “Tôi đến đây với quy chế tỵ nạn cộng sản.” Chồng bà đã bị giam cầm nhiều năm trong các trại lao động cải tạo tại Romania và Liên bang Sô viết, và cả hai quyết định muốn sống tự do với đứa con gái của họ, lúc đó hãy còn nhỏ.
Bà Liana Lupas


Có con nhỏ ở nhà, bà nhận làm chân phụ tá ở thư viện phân khoa luật trường Đại học New York, phụ trách công việc xếp đặt sách vào kệ. Bà ghi tên theo học để lấy bằng tiến sĩ khoa học thư viện tại trường Đại học Columbia. Một dự án nghiên cứu trong học trình dẫn đưa bà tới với Liên Hiệp Thánh Kinh Hội (LHTKH), một cơ sở có uy tín xưa tới 193 năm, chuyên cung cấp sách Kinh Thánh cho mỗi người bằng thứ ngôn ngữ và hình thức họ có thể hiểu được và mua sắm được.

Bà nói: “Trước đây tôi đã tới tham quan nơi này như là một người du khách và biết họ có một bộ sưu tập Kinh Thánh rất đặc biệt. Tuy tôi biết giọng nói tiếng Anh của mình chưa chuẩn, nhưng thấy rằng LHTKH là một tổ chức thuộc Kitô giáo, nên chắc họ sẽ đối xử với tôi lịch sự, và có thể tử tế nữa.”

Thế rồi, bà có được cảm nghiệm sâu xa với người lãnh đạo cơ quan lưu trữ thuộc LHTKH, đồng thời đạt được điểm “A” trong khóa học. Hai năm sau bà tốt nghiệp với cấp bằng tiến sĩ, và trở thành nhân viên làm danh mục (cataloger) tại Liên Hiệp Hội. Trong vòng một năm, bà đã trở thành người thủ thư.

Bộ sưu tập Kinh Thánh của Liên Hiệp Hội thật lớn lao và có một số sách lưu trữ hiếm quý. Bà cho biết hầu hết các sách của Hiệp hội đều là những bản dịch mới, được các nhà xuất bản biếu cho Hiệp hội để dùng làm thư viện lưu trữ. Nhờ những tiền bạc do tổ chức “Bạn của Thư viện” ủng hộ, bà có thể mua được những cuốn sách hiếm để đưa vào bộ sưu tập.

Theo bà cho biết, những cuốn Kinh Thánh được coi là “hiếm” thường nằm trong những tiêu chuẩn sau đây: những cuốn được in trước năm 1700, những bản dịch cũ nhất trong một thứ ngôn ngữ hay trong một khu vực địa lý, bất kể niên đại, và những cuốn Kinh Thánh do các nhân vật lịch sử sở hữu.

Năm 2005, Bảo tàng viện Nghệ thuật Thánh kinh được mở cửa tại khu Manhattan ở New York, trong cùng một khu nhà có trụ sở của LHTKH. Hai phòng lớn và trung tâm học hỏi của Bảo tàng này đã thu hút du khách, các nhà học giả và những cuộc tham quan do giáo hội bảo trợ. Hồi tháng giêng năm nay, Hiệp hội đã cho Bảo tàng viện mượn 2200 cuốn sách hiếm để trưng bầy cho công chúng trong thời gian 10 năm. Bà Lupas cũng được Hiệp hội cho “mượn” để làm thủ thư bộ sưu tập những cuốn Kinh thánh hiếm của viện Bảo tàng.

Cuộc triển lãm này, ngay hôm khai mạc đã có tới 4400 khách tới thăm, được đặt tên là “Hạt ngọc Giá trị Lớn lao” và bà Lupas đã lựa chọn ra 20 đề mục bà coi là bao gồm “chiều rộng và chiều sâu của bộ sưu tập”, gồm các bản dịch bằng Anh ngữ, Nhật ngữ và tiếng Bengal; sách Kinh Thánh của các nhà xuất bản nổi tiếng; các sách được khuyến mãi bằng những chiến dịch độc đáo; một số sách của những người nổi tiếng (như của Helen Keller, một người khiếm thị thời danh) hoặc những sách dành riêng cho một số độc giả (như sách in cho những người đưa thư Pony Express, các thủy thủ và phi đoàn trong thế chiến II).

Sách dành cho thủy thủ và phi đoàn vừa nói, là những cuốn Tân Ước do LHTKH cung cấp, gói trong các bọc không thấm nước, bỏ trong các túi cứu cấp (khi gặp tai nạn) đặt trên các tầu thủy và máy bay. Tổng thư ký Hiệp hội lúc đó là ông Frank H. Mann, vào năm 1943 có nói rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Hiệp hội mà khi phân phối Kinh Thánh, ông hy vọng là không ai sẽ đọc cả.

Bà Lupas cho biết bà không sở hữu một bộ sưu tập riêng về Kinh Thánh, bởi vì bà không bị hạn chế, lúc nào cũng có thể tiếp cận được với những cuốn sách mà bà gọi là bạn. Nhưng nếu có thể sở hữu được một cuốn trong bộ sách hiếm quý bà đang trông coi, thì đó phải là cuốn Complutensian Polyglot, một cuốn Kinh Thánh của Tây ban nha in năm 1514 bằng 4 ngôn ngữ: Do thái, Latinh, Hy lạp và Aram. Bà nói: “Đó là một cuốn sách đặc biệt, đỉnh điểm của học thuật Kinh thánh Công giáo.” Bà cho biết đây là một cuốn Kinh Thánh đa ngôn ngữ lớn lao đầu tiên trên thế giới.

Sinh trưởng trong một gia đình theo đạo Chính thống Hy lạp, nhưng sau khi tới định cư tại New York, bà Lupas đã hoàn thành giấc mộng ấp ủ từ lâu được trở thành người Công giáo. Hiện nay bà là giáo dân thuộc Giáo xứ Đức Mẹ Ảnh Lạ tại Ridgewood trong khu Queens của thành phố New York.

Maria Cristina, người con gái của bà Lupas, đã phần nào đi theo bước chân của mẹ. Chị theo học ngành cổ ngữ tại trường Đại học Georgetown, tốt nghiệp ưu hạng năm 2000. Cuộc lữ hành đức tin đưa chị tới với Notre Dame de Vie, là một cơ sở thế tục của Dòng Camêlô nước Pháp nhưng có thành viên tại Washington. Vào ngày 14 tháng 8 sắp tới, tại Pháp, Maria Cristina sẽ tuyên khấn trọn đời làm một nữ tu Dòng Ba Camêlô. Người mẹ của chị sẽ đến dự lễ khấn để yểm trợ chị.
 
Đức Thánh Cha trợ giúp các nạn nhân lũ lụt tại Ba Lan
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:36 28/05/2010
Đức Thánh Cha trợ giúp các nạn nhân lũ lụt tại Ba Lan

ROMA (zenit.org) - Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi viện trợ khẩn cấp để giúp đỡ những nạn nhân lũ lụt tại Ba Lan, một thông cáo của Hội Đồng Đồng Tâm Tòa Thánh cho biết.

Món quà của Đức Giáo Hoàng đã được gửi qua trung gian cơ quan này mà người đứng đầu là Đức Hồng Y Paul Josef Cordes cho Đức Cha Józef Michalik, Chủ Tịch HĐGM Ba Lan, Tổng Giám Mục giáo phận Przemysl nhằm trợ giúp « những ai phải chịu trận lũ lụt và cho các nạn nhân trong những giáo khu bị thiệt hại nặng nhất ».

« Nghĩa cử của Đức Thánh Cha, thông qua Bộ Đồng Tâm, thể hiện sự gần gũi của ngài với tất cả những ai gặp đau khổ, và khích lệ bằng tình phụ tử những thành viên thực hiện cứu trợ».

Được biết, đây là trận lụt nặng nề nhất tại Ba Lan kể từ 160 năm. Hai con sông Vistule và Oder đã bị ngập tràn do mưa như thác tại Miền Nam đất nước. Dân chúng xót xa về bản tổng kết với 16 người chết và hàng ngàn gia đình bị mất tài sản.

Nếu như những ngày vừa qua, tình hình đã được cải thiện, các đợt mưa có chiều hướng giảm, thì những trận lụt mới đã không dung tha, nhất là tại vùng giáp với Bang Brandebourg của Đức quốc, nơi có con sông Oder chảy qua.

Các nhà chức trách Ba Lan về vệ sinh y tế cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên phức tạp với sự xuất hiện của nhiều mầm bệnh như uốn ván, đường ruột do sự phân hủy của các chất thải bị cuốn vào dòng nước.
 
Bài ca chính thức cho ngày Đại Hội Giới Trẻ 2011 đã được chọn
Paul Minh Nhật
09:50 28/05/2010
Bài ca chính thức cho ngày Đại Hội Giới Trẻ 2011 đã được chọn

Madrid, Tây Ban Nha, 27 tháng 5 năm 2010 (CAN/EWTN News) - Bài ca chính thức cho ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới 2010 tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha đã được chọn gần đây. Bài hát được soạn nhạc bởi cha Enrique Castro với lời bài hát của Giám mục phụ tá Cesar Franco thuộc giáo phận Madrid, sẽ được trình diễn lần đầu vào ngày 9 tháng 11 trong ngày lễ Đức Mẹ Almudena tại thánh đường của Madrid.

Sau đó nó sẽ được phát hành trên mạng trực tuyến.

Bảy đoạn xướng (verse) của bản nhạc nói lên sự gần gũi của Đức Ki-tô với các bạn trẻ thông qua bản tính nhân loại của Ngài. Bản nhạc được soạn ra dựa trên chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2011 trích từ thư của thánh Phao-lô gửi cho tín hữu Cô-lô-xê. “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô. Hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn.”

Bài hát sẽ được dịch ra ngôn ngữ chính của ngày đại hội Giới Trẻ Thế Giới và được thu âm ra ba phiên bản khác nhau: một bản phụng vụ, một bản nhạc trình diễn bằng nhạc khí cho một đội hợp xướng lớn, và một bản tạm thời cho đàn Ghi-ta.
 
Giáo dục giúp thế hệ mới nối kết được với thế giới
Nguyễn Hoàng Thương
10:06 28/05/2010
Giáo dục giúp thế hệ mới nối kết được với thế giới

Vatican City (VIS) - Hôm 27/05/2010, tại Đại thính đường Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Vatican, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị Thường Niên Hội Đồng Giám Mục Ý Đại Lợi (CEI), nhóm họp từ ngày 24 đến 28 tháng Năm để xem xét những hướng dẫn mục vụ chung trong giai đoạn 2010-2020.

Đức Thánh Cha cho hay: "Chúa Thánh Thần soi dẫn Giáo Hội nơi trần thế và trong lịch sử. Nhờ có quà tặng này từ Đấng Phục Sinh, mà Chúa vẫn hiện diện trong các sự kiện lịch sử. Qua Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể nhận ra ý nghĩa những thăng trầm của nhân loại trong Chúa Kitô".

Ngài giải thích: "Được truyền sức mạnh bởi Chúa Thánh Thần và tiếp tục đi trên con đường được dẫn dắt bởi Công Đồng Vatican II, nhất là những hướng dẫn mục vụ của thập kỷ vừa qua, chư huynh đệ đã chọn để tiếp nhận giáo dục như là chủ đề chính cho thập kỷ kế tiếp. Nhận thức biểu thị thời gian này cân xứng với tầm quan trọng và bề rộng của những đòi hỏi về giáo dục, trong đó kêu gọi chúng ta chịu trách nhiệm về các thế hệ mới bằng một chứng tá hiệp nhất toàn vẹn, hài hòa, giúp chúng ta tư duy, đề ra và sống trong sự thật, trong vẻ đẹp và điều thiện nơi kinh nghiệm Kitô giáo".

Kế đến, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói về văn hóa hiện đại, nơi mà đôi khi "phẩm giá con người, giá trị của cuộc sống, và ý nghĩa đích thực của sự thật và điều thiện" lại bị hoài nghi, và nơi mà "không có gì ngoài cá nhân được công nhận là tối hậu". Trong hoàn cảnh này "nó trở nên cam go và khó khăn để trình bày cho các thế hệ mới bằng 'bánh' của sự thật để sống xứng đáng đời sống của con người và khi cần thiết, chấp nhận tính kỷ luật nghiêm khắc và lao nhọc dấn thân".

Đức Thánh Cha nói thêm: "Mặc dù nhận thức được sức nặng của khó khăn này, chúng ta không thể cam chịu cảnh thiếu tự tin và tuyệt vọng. Giáo dục chưa bao giờ dễ dàng, nhưng chúng ta không đầu hàng vì nếu thế chúng ta sẽ thất bại trong việc thực hiện lệnh truyền mà chính Chúa trao phó cho chúng ta khi Ngài kêu gọi chúng ta nuôi dưỡng chiên của Ngài bằng tình yêu... Giáo dục nghĩa là tạo nên một thế hệ mới trong đó có thể biết làm thế nào để tương quan với thế giới, được củng cố bằng ký ức đầy ý nghĩa, bằng di sản nội tại được chia sẻ trong kiến thức thực tế, trong khi công nhận mục tiêu siêu việt của sự sống, hướng dẫn tư duy, cảm xúc và óc phán đoán".

Đức Thánh Cha cho hay: "lòng khao khát nội tại của giới trẻ là một lời kêu gọi về ý nghĩa, về các mối tương quan đích thực của con người vốn có thể giúp họ không cảm thấy cô đơn trong việc đối diện với những thách đố của đời sống... Lời đáp trả của chúng ta là công bố Thiên Chúa, bạn hữu của con người, Đấng tiếp cận mỗi con người chúng ta nơi Chúa Giêsu. Việc truyền thụ đức tin là một phần tất yếu của việc đào tạo toàn diện con người... Cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu là chìa khóa để hiểu biết tương quan của Thiên Chúa trong đời sống thường nhật".

Đức Thánh Cha giải thích làm sao để "phẩm chất của chứng nhân nơi chúng ta vẫn là một nhân tố quyết định" trong trách nhiệm giáo dục nơi gia đình, nhà trường và các giáo xứ. Ngài cũng tiếp tục đề cập đến "sự yếu đuối và tội lỗi" nơi một số thành viên của Giáo Hội, ngài nêu bật "sự thừa nhận hèn mọn và đau đớn này không làm cho chúng ta quên đi sự phục vụ vô điều kiện và đầy nhiệt tâm của nhiều tín hữu, mà đi đầu trong họ là các linh mục. Năm đặc biệt dành cho các giáo sĩ đã tìm được cơ hội để thăng tiến việc canh tân nội tân như là một điều kiện để dấn thân vì Tin Mừng và mục vụ sâu sắc hơn". "Đối với chúng ta, những gì gây ra bê bối, cần phải trở thành một lời nhắc nhở sâu sắc về sự cần thiết tái học hỏi việc đền tội và chấp nhận thanh tẩy; mặt khác để học biết tha thứ và sự cần thiết công lý".

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khuyến khích các giám mục "đừng bao giờ mất lòng tin vào giới trẻ...". Ngài cho hay: "Thông thường trong mọi lĩnh vực của đời sống, bao gồm cả các lĩnh vực công nghệ truyền thông mới vốn tràn ngập vào văn hoá trong tất cả các biểu lộ của nó. Đó không phải là vấn đề thích nghi Tin Mừng vào trần thế, nhưng phát họa từ Tin Mừng luôn luôn tái diễn cách lạ thường, qua mọi thời đại, có thể làm cho chúng ta tìm kiếm đường hướng tốt nhất để công bố Lời Chúa vốn không sai lầm, làm phong phú và phục vụ đời sống con người. Tiếp đến, chúng ta hãy trình bày cho giới trẻ bằng các biện pháp cao quý và siêu việt của sự sống như là ơn gọi".

Đề cập đến "cuộc khủng hoảng văn hóa, tinh thần và kinh tế hiện nay", Đức Thánh Cha kết luận bằng cách nhắc lại lời kêu gọi của ngài "gửi đến các nhà lãnh đạo đời sống công cộng và các nhà kinh doanh hãy làm mọi thứ mà họ có thể làm để giảm thiểu những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng việc làm. Tôi cổ vũ mọi người hãy suy tư về tiền đề của một đời sống tốt đẹp và có ý nghĩa, vốn nằm ở nền tảng của căn cứ xác thực chỉ là giáo dục".
 
Đức TGM Gomez phân tích tương lai của người Hispanic trong Giáo hội Hoa Kỳ.
Tiền Hô chuyển ngữ
15:23 28/05/2010
Los Angeles, California, 28 tháng 5 năm 2010 (CNA) - Trên cương vị người chủ chăn sắp tới của Tổng Giáo phận lớn nhất tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez đã dành cho hãng CNA một cuộc phỏng vấn độc quyền, nói về vai trò của người Hispanic (những người nói tiếng Tây Ban Nha, đa số là người Latinô từ Trung Mỹ và Nam Mỹ Châu) tại Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ. Toàn văn đầy đủ của cuộc phỏng vấn, độc giả xem dưới đây:

CNA: Xin cho biết về đời sống riêng của Đức Tổng?

ĐTGM Gomez: Tôi lớn lên ở Monterrey, Mexico. Cha tôi là một bác sĩ y khoa ở Monterrey. Mẹ tôi thì sinh trưởng tại San Antonio, Texas, bà hoàn tất trung học ở đấy. Bà cũng đã học đại học ở Mexico City, mặc dù hoàn thành khóa học nhưng mẹ tôi lại kết hôn với cha tôi thay vì tốt nghiệp. Giáo dục luôn là điều rất quan trọng trong gia đình tôi. Tôi là một công dân Hoa Kỳ và là một người nhập cư, sinh ra và lớn lên tại Monterrey, Mexico. Kể từ năm 1805, một số tiền nhân của tôi đã đến nơi mà bây giờ gọi là Texas, (thời điểm đó, nó vẫn chịu sự cai trị của Tây Ban Nha). Tôi luôn có gia đình và bạn bè ở cả hai bên biên giới.

CNA: Một khi làm Tổng Giám mục tiếp theo của Los Angeles, Đức Tổng sẽ trở thành người gốc Hispanic nổi bật nhất trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ. Vậy cảm quan của Đức Tổng về người Công giáo toàn quốc với người gốc Hispanic là gì?

ĐTGM Gomez: Số người gốc Hispanic tự gọi mình là người Công Giáo đã giảm gần như 100% chỉ trong hai thập kỷ, trong khi con số tự coi mình là người Tin Lành đã tăng gấp đôi, và con số nói rằng họ "vô thần" cũng tăng gấp đôi. Tôi không tin nhiều về các cuộc thăm dò đức tin và thực hành tôn giáo. Nhưng trường hợp các cuộc thăm dò này lại phản ánh kinh nghiệm mục vụ có căn cứ.

CNA: Vấn đề nào mà Đức Tổng coi đó là mấu chốt cho sứ vụ của người Công giáo đối với người gốc Hispanic?

ĐTGM Gomez: Người Hispanic càng ngày càng thành công hơn, càng ngày càng hòa đồng vào người Mỹ hơn, vậy họ sẽ giữ được đức tin không? Họ sẽ vẫn theo Công giáo hay họ sẽ rời bỏ, đến các giáo phái Tin Lành, một số niềm tin mơ hồ hay là chẳng theo tôn giáo nào cả? Họ sẽ sống theo lời dạy của Giáo Hội, thúc đẩy và bảo vệ những lời dạy đó tại những nơi công cộng? Hay là đặc tính Công giáo của họ đơn giản chỉ để trở nên một loại "văn hóa", một đặc điểm cá tính, một phần của nền giáo dục trong họ để họ thể hiện quan điểm trên thế giới nhưng chẳng buộc họ phải trung thành hoặc là phải sùng kính Giáo Hội?

Sứ vụ của người Hispanic chỉ nên là một điều này, mang người Hispanic đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô trong lòng Giáo Hội.

Kế hoạch và chương trình mục vụ của tất cả chúng tôi đều là đang cố gắng phục vụ Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Nhưng chúng tôi không thể chỉ đơn giản nói về Chúa Kitô. Chúng tôi phải chắc chắn rằng chúng tôi đang tuyên xưng Ngài.

Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa nhiều lần trong ngày vì những điều tốt đẹp chúng ta đã được nhận lãnh. Nhưng chúng ta cũng cần phải tạ ơn Chúa qua các việc mục vụ, thông qua việc lành phúc đức và tình yêu thương.

CNA: Vấn đề quan trọng nhất mà người Công giáo gốc Hispanic ở Hoa Kỳ phải đối mặt là gì?

ĐTGM Gomez: Các nền văn hóa chi phối ở Hoa Kỳ, như là tham vọng, ngay cả bạo lực thế tục hóa. Đây là một chủ đề mà tiếc rằng, tôi đã không nhận được nhiều sự chú ý ở tất cả các diễn đàn về tương lai của người Hispanic. Nhưng vẫn có thời gian để chúng ta thay đổi điều đó.

Trên thực tế, "việc thực hành chủ nghĩa vô thần" đã trở thành quốc giáo ở Hoa Kỳ.

Cái giá khi chúng ta tham gia vào lĩnh vực kinh tế, chính trị và đời sống xã hội là chúng ta cơ bản chấp nhận tự mình làm tất cả nếu Thiên Chúa không tồn tại.

Ở Hoa Kỳ, tôn giáo là những gì mà chúng ta được thực hành trong ngày Chúa Nhật hoặc ở trong gia đình chúng ta, nhưng chúng ta không được phép làm bất kỳ việc gì ảnh hưởng đến các ngày còn lại trong tuần. Điều này rất là kỳ quặc trong một quốc gia mà chính nó được thành lập bởi các Kitô hữu - mà thực tế là bởi người Công giáo gốc Hispanic.

Thật vậy, ở San Antonio, Tin Mừng đã được rao giảng bằng tiếng Tây Ban Nha và Thánh lễ được cử hành bởi người Hispanic trước khi George Washington được sinh ra.

CNA: Đức Tổng có nói là các lực lượng thế tục hóa này đang gây áp lực nhiều hơn đối với người Hispanic và các nhóm người nhập cư khác. Tại sao lại như vậy ạ?

ĐTGM Gomez: Bởi vì người nhập cư phải đối mặt với nhiều đòi hỏi cao hơn để tự phù hợp, nhằm giảm bớt những khác biệt về văn hoá và tôn giáo của họ; để chứng minh rằng, họ là "thực sự" là người Mỹ nữa.

Chúng tôi có thể cảm thấy được những áp lực tinh vi trong đó, nhằm mục đích đồng hóa, hạ thấp di sản và bản sắc riêng của chúng tôi, là người Công Giáo cũng như người Hispanic.

Tôi tin rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, sự có mặt của người những người Hispanic mới sẽ làm gia tăng tinh thần đổi mới của đất nước chúng ta. Để khôi phục lại lời hứa của giới trẻ Hoa Kỳ. Trong cuộc gặp gỡ mới mẻ với đức tin và văn hóa Hispanic, tôi tin rằng Thiên Chúa muốn Hoa Kỳ tái khám phá giá trị mà nó đã đánh mất - đó là tầm quan trọng của tôn giáo, gia đình, tình thân hữu, cộng đồng và văn hóa của cuộc sống.

CNA: Những thách thức khác mà người Hispanic ở Hoa Kỳ phải đối mặt là gì ạ?

ĐTGM Gomez: Trong sứ vụ của người Hispanic chúng tôi, chúng tôi phải hiểu rằng chúng tôi đang rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Thế hệ thứ hai và thứ ba của người Hispanic được giáo dục tốt hơn, thông thạo ngôn ngữ phổ thông nhiều hơn và đang sống trong một nền kinh tế với tiêu chuẩn cuộc sống cao hơn so với thế hệ đầu tiên.

Nhưng vẫn còn khoảng một phần tư tổng số người Hispanic (chưa xác định thế hệ), đang sống dưới mức nghèo khổ. Kết hợp với việc các trường trung học đuổi học khoảng 22%, và sự gia tăng đáng kể số trẻ em Hispanic đang được nuôi dưỡng trong các gia đình cha mẹ đơn chiếc, mà tương lai cả hai sẽ trở nên nghèo đói - và tôi đang lo nghĩ rằng chúng tôi phải thành lập một trường nội trú.

Dân tộc chúng tôi có mức độ khá cao trẻ vị thành niên mang thai, phá thai và sinh con ngoài giá thú, cao hơn bất kỳ nhóm sắc tộc nào trong cả nước. Đây là những điều mà chúng tôi không thể nói hết được. Nhưng chúng tôi cũng không thể viết những vấn đề này ra đây như là "những vấn đề né tránh".

Trong tâm tưởng của tôi, đây là những vấn đề "luân lý" nghiêm trọng. Nếu chúng tôi muốn dành công lý cho các bạn giới trẻ của mình, nếu chúng tôi muốn những gì mà Thiên Chúa muốn dành cho chúng, thì chúng tôi cần phải tìm cách để dạy lại cho giới trẻ của chúng tôi đạo đức, kỷ luật tự giác và trách nhiệm cá nhân.

CNA: Đức Tổng có nói gì với các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh không ạ?

ĐTGM Gomez: Đừng đe dọa chân lý đức tin của chúng tôi. Chúng là một hồng ân của Thiên Chúa. Hãy để những sự thật chạm đến trái tim của các bạn và thay đổi cuộc sống của các bạn.

Bạn nên có bản sao chép Toát yếu Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và các Tuyển tập Học thuyết Xã hội của Giáo Hội. Nếu bạn dành vài phút mỗi ngày đọc những cuốn sách này và cũng có thể đọc từ Tin Mừng, bạn sẽ thấy một sự thay đổi. Bạn sẽ nhìn vào thế giới và cuộc sống của riêng bạn với nhãn quan mới.

Tôi nói với họ rằng, "Hãy tự hào về di sản của bạn! Hiểu sâu hơn bản sắc Hispanic, các truyền thống và phong tục tổ tiên của chúng ta!"

"Nhưng bạn cũng là người Công giáo. Và "công giáo" có nghĩa là phổ quát. Điều đó có nghĩa là bạn không thể xác định chính mình - bạn cũng không thể để cho xã hội xác định bạn - chỉ do bản sắc dân tộc của bạn mới làm được mà thôi. Bạn được mời gọi để trở thành các nhà lãnh đạo, không chỉ trong cộng đồng gốc Hispanic, nhưng trong mọi lĩnh vực của nền văn hóa và xã hội của chúng ta".

Là lãnh đạo Công giáo và là gốc Hispanic, chúng ta phải dành lại nền văn hóa này cho Thiên Chúa.

Là một nhà lãnh đạo có nghĩa là, trước hết, bạn phải chấp nhận Chúa Giêsu Kitô là người cai trị của cuộc sống của bạn. Các vị tử đạo của Mexico tất cả đều sống và chết với những lời này trên môi: “Viva Cristo Rey!” (“Vạn tuế Đức Vua Kitô!”). Để trở thành các nhà lãnh đạo thật sự thì Đấng Kitô Vạn tuế phải là vua của bạn.

CNA: Vai trò của Giáo Hội trong cuộc thảo luận chính trị về người nhập cư là gì ạ?

ĐTGM Gomez: Giáo Hội không phải là một đảng chính trị hoặc nhóm vụ lợi. Đó không phải là nhiệm vụ chính của Giáo Hội để chống lại cuộc chiến chính trị hoặc để được tham gia vào các cuộc tranh luận về các chính sách. Nhiệm vụ này thuộc về giáo dân. Mối quan tâm của Giáo Hội về người nhập cư không phải mới phát triển gần đây. Nó không phát triển trong bất kỳ chương trình nghị sự chính trị hay đảng phái. Không. Nó là một phần của bản sắc tôn giáo của chúng tôi mà ban đầu là người Công Giáo, là Kitô hữu. Chúng ta phải bảo vệ người nhập cư nếu chúng ta muốn được xứng đáng với tên gọi là người Công giáo.

Đối với các giám mục và linh mục, công việc mục vụ của chúng tôi là trợ giúp dân của chúng tôi, đặc biệt là những người làm việc trong cộng đồng doanh nghiệp và trong chính phủ. Chúng tôi cần phải thấm nhuần hơn trong chúng tôi ý thức về trách nhiệm dân sự của họ, để hành động cải cách trong một hệ thống đang chối bỏ phẩm giá con người quá nhiều.

Trong khi chúng tôi mạnh mẽ bảo vệ các quyền của người nhập cư, chúng tôi cũng phải nhắc nhở họ về nhiệm vụ của họ bằng các bài giảng xã hội Công giáo. Đứng đầu trong những nhiệm vụ, đó là họ phải có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật của quốc gia mới.

Chúng tôi cần đảm bảo rằng, những người mới nhập cư trở thành người Mỹ thực sự trong khi vẫn giữ bản sắc và văn hóa riêng biệt của họ. Trong đó, tôn giáo, gia đình, tình thân hữu, cộng đồng và các nền văn hóa của cuộc sống là các giá trị quan trọng.

Tôi không phải là chính trị gia. Tôi là một linh mục của tâm hồn. Là một linh mục, tôi tin rằng tình thế phát triển ngày nay đang có hại cho các linh hồn của người Mỹ. Có quá nhiều sự giận dữ. Quá nhiều bất công. Quá nhiều sợ hãi. Quá nhiều thù ghét. Nó ăn lên trên mọi người. Trong cuộc tranh luận hay thay đổi này, Giáo hội phải là tiếng nói của lòng bác ái, lẽ phải và nguyên tắc đạo đức.

Giáo Hội có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tha thứ và hòa giải đối với vấn đề này. Chúng tôi phải làm việc bằng công lý và lòng thương xót, không tức giận và bất bình, đó là những phản ứng phía sau chúng tôi về vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

CNA: Người Công giáo nên đối xử với người nhập cư thế nào ạ?

ĐTGM Gomez: Thật không may là việc chống đối người nhập cư và phân biệt đối xử với người Hispanic là một vấn đề của ngày hôm nay, ngay cả trong số các đồng bào Công giáo của chúng tôi. Tôi không muốn quan trọng hoá tình hình. Nhưng chúng tôi cần phải trung thực công nhận rằng, định kiến chủng tộc là một yếu tố nằm đằng sau rất nhiều cuộc đối thoại chính trị của chúng tôi về di trú.

Những năm gần đây, trong các cuộc tranh luận gay gắt, tôi đã cảnh báo sự thờ ơ của rất nhiều người Công giáo chúng tôi khi giảng dạy và tổ chức từ thiện Kitô giáo. Nó không chỉ là phân biệt chủng tộc, bài ngoại quốc. Có những dấu hiệu thực tế đáng lo ngại hơn. Nhiều người Công giáo chúng tôi không còn nhìn thấy trong những người nước ngoài tạm trú đó là anh chị em của mình. Khi nghe lời nói tại Hoa Kỳ và các nơi khác thì người di dân không phải là một con người, nhưng chỉ là một tên trộm hay một tên khủng bố hoặc thậm chí đơn giản là động vật.

Chúng tôi không bao giờ quên rằng, chính Chúa Giêsu và gia đình cũng là người di dân. Các Ngài bị buộc đến Ai Cập bởi các chính sách xấu xa của một chính phủ xấu xa. Điều này là để chỉ cho chúng ta biết sự kết hiệp của Chúa Kitô với người tị nạn, người di tản và người nhập cư trong mọi thời gian và mọi không gian.

Chúng ta đều biết những lời dạy này của Chúa Giêsu: "Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những kẻ bé nhỏ nhất là anh em Ta đây, là các ngươi làm cho chinh Ta” (Mt. 25:35, 40). Chúng ta cần phải xác nhận lại sự thật rằng, tình yêu của Thiên Chúa và tình thương của anh em bè bạn luôn là những lời giảng dạy và trong cả con người của Chúa Giêsu Kitô. Nhiều luật sư mới dành cho những người nhập cư những điều khắc nghiệt và trừng phạt. Luật pháp không được sử dụng để gieo lo sợ cho con người, để xâm chiếm nhà cửa và công việc, để phá vỡ gia đình. Tôi muốn thấy một luật lệ mới của địa phương và nhà nước. Và, như các vị giám mục Hoa Kỳ gần đây đã kêu gọi, tôi muốn thấy ngay lập tức sự kết thúc của cuộc tấn công bằng pháp luật.

Điểm mấu chốt: miễn là người lao động có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong một giờ ở Hoa Kỳ hơn là trong một ngày hoặc một tuần ở Mexico và các nơi khác ở Mỹ Latinh, thì họ sẽ tiếp tục được di trú đến đất nước này. Việc nhập cư với các quyền được chia sẻ là điều họ cần để đảm bảo sự sinh nhai của họ.

Chúng ta cần tìm đến với nhau và tìm ra một giải pháp cho kinh tế, an ninh quốc gia và các vấn đề pháp lý mà người nhập cư đưa ra.

CNA: Nhưng làm thế nào mà Đức Tổng đối thoại với những người Mỹ đang tỏ ra giận dữ với người nhập cư?

ĐTGM Gomez: Khi chúng ta nhấn mạnh các nguyên tắc đạo đức của Giáo Hội thì chúng ta cần phải nhạy cảm với nỗi sợ hãi của người dân. Những người thù ghét người nhập cư cũng là những người có đức tin. Họ e sợ và nỗi e sợ của họ là hợp lý. Thực tế là có hàng triệu người nhập cư ở đây đang vi phạm trắng trợn luật pháp Hoa Kỳ. Điều này làm cho người Mỹ thường tuân thủ luật pháp tức giận. Điều đó là cần thiết. Chúng ta có để đảm bảo rằng, luật pháp của chúng ta là hợp lý và dễ hiểu. Đồng thời, chúng ta phải nhấn mạnh rằng luật pháp chúng ta cần được tôn trọng và thi hành. Những ai vi phạm luật pháp phải bị trừng phạt.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào? Hình phạt gì là đúng và cần thiết? Tôi nghĩ rằng, từ một quan điểm đạo đức, chúng tôi buộc phải kết luận rằng, việc trục xuất người di dân vi phạm pháp luật của chúng ta là hình phạt quá nặng. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không thực thi pháp luật mà nó có nghĩa là chúng ta cần phải tìm các hình phạt phù hợp hơn. Tôi sẽ đề nghị hình thức phục vụ sâu rộng và dài hạn cho cộng đồng, có thể là giải pháp mang tính xây dựng hơn là trục xuất. Điều này sẽ xây dựng cho cộng đồng thay vì xâu xé chúng ra xa nhau ra. Và nó cũng sẽ phục vụ tốt hơn để kết hợp người nhập cư vào cơ cấu xã hội và đạo đức của Hoa Kỳ.
 
Đức Thánh Cha tố giác xu hướng duy địa phương và chia rẽ
LM Trần Đức Anh, OP
16:24 28/05/2010
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 tố giác xu hướng duy địa phương và hiện tượng vẫn còn những bức tường chia cách giữa các dân tộc. Ngài kêu gọi làm sao để các hiệp định quốc tế điều hành việc đi lại của dân chúng phải luôn nhắm bảo vệ các nhân quyền căn bản và bài trừ nạn kỳ thị, nạn bài người nước ngoài và tinh thần bất bao dung.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 28-5-2010 dành cho 70 thành viên, cố vấn và chuyên gia tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động vừa kết thúc hôm qua tại Roma, với chủ đề ”Mục vụ người lưu động ngày nay trong bối cảnh đồng trách nhiệm giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế”.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC khẳng định rằng: ”Điều đáng tiếc là chúng ta đang chứng kiến sự trổi lên của những xu hướng cục bộ duy đị phương tại một số miền trên thế giới; ngoài ra cũng có hiện tượng không muốn đảm nhận trách nhiệm chung. Thêm vào đó, nhiều người vẫn tiếp tục mong ước phá đổ những bức tường chia cách, để kiến tạo sự đồng thuận rộng rãi, kể cả qua những qui định luật pháp và các thủ tục hành chánh tạo điều kiện dễ dàng cho sự hội nhập, trao đổi với nhau và làm cho nhau được phong phú”.

ĐTC nói thêm rằng ”Tương lai của các xã hội chúng ta dựa trên cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc, trên sự đối thoại giữa các nền văn hóa trong niềm tôn trọng căn tính và những khác biệt hợp pháp. Trong khung cảnh ấy, gia đình có một vai trò cơ bản, vì thế, Giáo Hội qua việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô trong mỗi lãnh vực của cuộc sống, chu toàn sứ mạng của mình, không những để mưu ích cho cá nhân người di dân, nhưng còn cho gia đình họ, vốn là nơi chốn và nguồn mạch nền văn hóa sự sống và là yếu tố giúp hội nhập các giá trị”.

Những lời của ĐTC trên đây được dư luận để ý trong bối cảnh hội nghị các vị Bộ trưởng nội vụ của 6 nước: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Anh quốc và Hoa Kỳ, đang nhóm tại thành phố Varese, Bắc Italia, trong đó cũng bàn tới vấn đề những người di dân và nội an (SD 28-5-2010)
 
Đức Thánh Cha nói: Quyền lợi và Bổn Phận đi đôi với nhau
Bùi Hữu Thư
19:08 28/05/2010
Bầy tỏ niềm hy vọng về sự sống chung giữa các dân tộc

VATICAN, 28 tháng 5, 2010 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định rằng trong vấn đề di dân, sự thông hiểu về quyền lợi phải được đi đôi với một cuộc thảo luận về bổn phận, cả hai đều xuất phát từ bản tính tự nhiên của con người.

Đức Thánh Cha nói như vậy hôm nay trong một bài diễn từ trước phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Dân và Du Lịch, có chủ đề là “Việc mục vụ cho những người dân di động ngày nay, trong khuôn khổ của sự Đồng Trách Nhiệm giữa các Quốc Gia và các Tổ Chức Quốc Tế.”

Ngài bầy tỏ lòng tri ân về “nỗ lực của họ trong việc xây dựng một hệ thống các tiêu chuẩn chung được chia sẻ, chú ý đến quyền lợi và bổn phận của các ngoại kiều, cũng như của các cộng đồng nơi họ tá túc, trước nhất là coi trọng phẩm giá của tất cả mọi người, được tạo dựng theo giống hình ảnh của Chúa."

Đức Thánh Cha tiếp: "Việc sở hữu các quyền lợi phải đi song song với việc gánh vác các bổn phận. Thực vậy, tất cả mọi người đều thừa hưởng các quyền lợi và bổn phận không có tính cách độc đoán, vì phát xuất từ bản tính của con người.”

Ngài khẳng định rằng “các điều luật quốc gia và quốc tế cổ võ sự an vui và tôn trọng con người, khuyến khích niềm hy vọng và các nỗ lực đạt được một trật tự xã hội hoàn vũ dựa trên hoà bình, tình thân hữu và sự hợp tác của tất cả, mặc dầu các cơ quan quốc tế đang trải qua một giai đoạn khẩn trương, là đang quyết tâm giải quyết các vấn đề an ninh và phát triển, vì lợi ích chung của mọi người.”

Đức Thánh Cha công nhận "lòng ao ước của nhiều người là có thể hủy bỏ các bức tường ngăn cách và thiết lập các thỏa hiệp rộng rãi, bằng các thủ tục pháp chế và hành chánh để cổ võ cho sự kết hợp, trao đổi lẫn nhau và hỗ tương phát triển."

Ngài tiếp: "Thực vậy, viễn ảnh của sự sống chung giữa các dân tộc có thể đạt được qua những đường giây liên kết thận trọng và hoà đồng để tiếp nhận và kết hợp, qua sự thỏa thuận về các trường hợp du nhập hợp pháp, có thiện cảm đối với việc đoàn tụ gia đình, việc tị nạn chính trị và tị nạn, cùng dung hòa các biện pháp kiếm xoát cần thiết và chống lại việc buôn người đáng ghét."

Đức Thánh Cha Benedict XVI ghi nhận "Tương lai của các xã hội chúng ta nằm trong việc gặp gỡ giữa các dân tộc, trong các đối thoại giữa các nền văn hóa về căn tính và các sự khác biệt chính đáng. Trong khung cảnh này gia đình duy trì vai trò nền tảng."

Ngài nói với các thành viên của Hội Đồng “Vai trò của quý vị là chú ý đến các tổ chức tận hiến cho thế giới những người di dân và du mục về những hình thức đồng trách nhiệm.”

Đức Thánh Cha kết luận, “Lãnh vực mục vụ này được nối kết với một hiện tượng thường xuyên bành trướng, và vì vậy, vai trò của quý vị phải được diễn tả thành các giải đáp cụ thể cho sự gần gũi và yểm trợ mục vụ cho mọi người, trong khi để ý đến những tình trạng điạ phương khác nhau.”
 
Thông Điệp của Đức TGM Thomas Collins gởi Các Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố Toronto
Dominic David Trần dịch
20:49 28/05/2010
Đức Cha Thomas Collins
Tổng Giám Mục Toronto
1155 Yonge Street, Toronto Ontario M4T 1W2
Tel: (416) 934-0606 Fax: (416) 934-3452

Ngày 11 tháng Năm năm 2010

Thông Điệp của Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins gởi Các Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố Toronto

Thưa Các vị Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố Toronto;

Hội Đồng Thành phố Toronto hiện đang tranh luận về một dự thảo để cho phép giới thương mại quyền được mở cửa tất cả các cửa hàng trong Thành phố Toronto trong bất cứ ngày nào trong năm để bán hàng kể cả trong các ngày Đại Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh nhân tưởng niệm cuộc Thương Khó và Khổ Nạn của Đức Chúa Giêsu KiTô.

Tôi, Tổng Giám mục Thomas Collins của Tổng Giáo Phận Toronto mạnh mẽ chống lại dự thảo này.

Cả cộng đồng của chúng ta đã trở nên nghèo hơn khi những giờ giấc của chúng ta dâng hiến cho đạo đức thiêng liêng của con người đã bị hy sinh để cho thế gian có thể bòn rút cho được đến những đồng tiền lời lãi cuối cùng. Điều quan trọng là tất cả những ngày Đại Lễ của các tín hữu của mọi Tín ngưỡng có thể được kính mừng mà không bị bất kỳ áp lực nào đè nén lên công ăn việc làm và gia đình của họ.

Điều chắc chắn là-không phải là không hợp lẽ phải để kỳ vọng rằng Hội Đồng Dân Cử của Thành phố Toronto nên thể hiện sự tôn trọng đối với những ngày Đại Lễ Thánh Thiêng nhất của gần 67% công dân Thành phố Toronto là tín hữu của Thiên Chúa Giáo.

Tôi hoàn toàn ủng hộ bản tuyên bố của Liên Đoàn Dân Quyền Công Giáo ( Catholic Civil Rights League ), đã nêu rõ là trong khi không có thể đoán trước được là có bao nhiêu người thuận tiện cho việc mở cửa mua bán hàng bất kể ngày nào, thì nên chống lại cái " hành động đòi mở cửa cho đến hết các ngày Lễ Thánh rất thường xuyên hiện vẫn còn đang bị cấm."

Chúng ta đã và đang thấy rõ là chuyện đi mua sắm hàng trong các ngày Chúa Nhật đã chuyển thành thói quen hầu như phổ thông khắp nơi trong khi ngay lúc đầu điều này đã bị hạn chế- và thói quen này hiện nay đang quấy nhiễu các tôn giáo và thời gian của công dân dành riêng cho gia đình. "

Trong thực tế, một khi mà chính sách chung cấm mở cửa buôn bán hàng trong ngày nghỉ lễ bị hủy bỏ thì quyền chọn lựa của các doanh nghiệp cũng như công nhân viên thuộc quyền của họ rất là nhỏ bé.

Việc phải trả giá bằng cách hy sinh các giá trị thiêng liêng và về con người cũng như cả việc thánh hóa đời sống gia đình để theo đuổi các lợi thế kinh tế thì thật là điều ngu xuẩn. Điều này xói mòn chất lượng đời sống của thánh phố chúng ta.

Không những tôi thúc giục qúy Hội Đồng Nghị Viên Thành Phố bác bỏ Dự thảo Luật này mà tôi còn đề nghị rằng toàn thể Cộng đồng Thành phố của chúng ta có thể được phục vụ với nhiều tiện ích hơn nữa bằng cách là hãy kiểm soát lại xem- chúng ta phải làm gì để biến Thành phố của chúng ta trở nên lành mạnh hơn với những gia đình vững mạnh, với lối sống văn minh hơn và nhiều tình người hơn- bằng cách là tăng thêm tự do cho các công nhân viên để họ có nhiều thời gian dành cho mái ấm gia đình của họ và để họ phát triển các tiềm năng về đạo đức và nhân bản.

Trân trọng Kính chào;

+Thomas Collins,
Tổng Giám Mục Toronto
 
ĐHY Francis George tuyên bố mở án phong thánh cho vị LM tiên khởi Mỹ gốc Phi Châu
Dominic David Trần
21:00 28/05/2010
Ðức Hồng Y Francis George Tổng Giám Mục Chicago tuyên bố mở án phong thánh cho Linh Mục Augustus Tolton, giáo sĩ triều và là Linh Mục tiên khởi Mỹ gốc Phi Châu.

LM. Augustus Tolton
CHICAGO, IL ngày 27 tháng Ba 2010 theo tin Thông Tấn Xã CWN và Tổng Giáo phận Chicago, Ðức Hồng Y Francis George O.M.I, Tổng Giám Mục Chicago loan báo việc đang mở án phong thánh cho Linh Mục Augustus Tolton tại Tổng Giáo phận. Ðức Hồng Y Francis George đã bổ nhiệm Ðức Cha Joseph N. Perry, Giám Mục Phụ Tá Chicago là Cáo Thỉnh Viên Chính dự án phong thánh cho Linh Mục Tolton. Ðức Giám Mục Perry sẽ có trách nhiệm giới thiệu rộng rãi cho mọi nguời hiểu biết và khuyến khích mọi người cầu nguyện cho Linh Mục Tolton.

Trong điện thư của trang mạng hàng tuần, Ðức Hồng Y George viết; " Rấtt nhiều tín hữu Công giáo Hoa Kỳ chắc chẳng bao giờ nghe nói đến Linh Mục Augustus Tolton nhưng chắc chắn người Công giáo da den thì phải biết rõ về ngài. Linh Mục Tolton là giáo sĩ địa phận đầu tiên là người Mỹ gốc Phi Châu và là con của các người nô lệ da den tại Mỹ.

Bởi vì không có Ðại Chủng Viện nào tại Mỹ ở thời đó chấp nhận ngài, nên ngài đã đến giáo đô Rôma học. Sau khi được thụ phong Linh Mục tại giáo phận Quincy thuộc miền nam Tiểu bang Illinois, ngài đã được sai đến Chicago để mở một Giáo Xứ dành riêng cho người Công giáo da den. Ngài qua đời rất trẻ ở tuổi đời mới có 43; thế nhưng phần lớn các Linh mục trong thế kỷ thứ 19 đều chết trước tuổi đời thứ 50. Vì thăm viếng bệnh nhân hàng ngày là một nguy hiểm trong thời đại chưa tìm ra được các loại thuốc trụ sinh và kháng sinh. Rất nhiều Linh Mục đã yếu bệnh trong độ tuổi 40 và chết sau một thời kỳ mắc hoặc lây bệnh."

Linh Mục Augustus Tolton chào đời ngày 1 tháng Tư năm 1854 tại tiểu bang Missouri và sau khi được gọi về với Chúa đã được an táng tại Ðất Thánh St.Mary gần Quincy, Illinois. Ðức Hồng Y Goerge sẽ bổ nhiệm một ủy ban lịch sử để thu thập mọi sự kiện và chứng tá về các nhân đức anh hùng của Linh Mục Tolton.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền Thanh Công cộng Chicago, Đức Giám Mục Phụ Tá Joseph Perry đã nhắc nhớ lại những nỗi đau khổ về nạn kỳ thị chủng tộc mà Cha Augutus Tolton (1854-1897) vị giáo sĩ giáo phận và là người Hoa Kỳ gốc Phi châu tiên khởi được thụ phong Linh Mục.

Đức Cha Perry tiếp tục kể; "Cho dù Tolton học giỏi nhất lớp nhưng nạn kỳ thị người da đen ở thời đấy đã ngăn không cho ngài được chấp nhận vào tu học tại một Đại Chủng Viện Hoa Kỳ. Khi ngài 26 tuổi, một số các tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô đã thuyết phục được một Đại Chủng viện tại Rôma chấp nhận cho ngài vào tu học. Đó chính là nơi ngài đã đưọc trở thành một Linh Mục. Thế nhưng sau đó một vị Hồng Y tại Rôma đã gởi cha Tolton về lại Quincy năm 1886 để phục vụ một giáo xứ da đen tại đó. Lời của Đức Hồng Y thuở đó truyền như thế này; ' Đức Hồng Y nói nước Hoa Kỳ đã tự phong cho họ là nước được soi sáng và là quốc gia tiến bộ giác ngộ nhất. Nếu điều đó đã xảy ra, thì nước Hoa Kỳ nên sẵn sàng tiếp nhận một Linh Mục Da Đen."

Đức cha Perry nói tiếp; " có 1500 người trong đó 1000 là người da trắng đã tham dự Thánh Lễ mở tay của Linh Mục Tolton tại Quincy, Illinois. Thế nhưng sau khi có một Linh Mục Mỹ da trắng trở nên ghen tị với sự nổi tiếng của Linh Mục Tolton, Cha Tolton đã được chuyển đến Chicago, nơi ngài được giao trách nhiệm chăm sóc một Giáo Xứ Công Giáo người Mỹ gốc da đen."

Các chi tiết cần thiết cũng như Kinh Ơn Xin phong thánh cho Linh Mục Augutus Tolton có thể tìm tại địa chỉ trang mạng www.blackcatholicchicago.org.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục Giáo sư Kinh Thánh Giuse Trịnh Hưng Kỷ qua đời
Lm Fx Nguyễn hùng Oánh
08:11 28/05/2010
Linh mục Giáo sư Kinh Thánh Giuse Trịnh Hưng Kỷ qua đời

Cha Giuse Trịnh Hưng Kỷ sinh ngày 03 tháng 02 năm 1929 tại Hà Nam Ninh chịu chức linh mục tại Roma ngày 21-12-1957, giáo sư Kinh Thánh tại Đại Chủng viện thánh Giuse Saigon 1962-2007, nghỉ hưu tại Dòng Đồng Công Thủ đức 2007-2010, qua đời ngày 26-5-2010.

Tính tình ôn hậu, vui vẻ, hoà nhã, tại bàn cơm Đại Chủng viện, tôi chưa hề chứng kiến ngài tranh luận với linh mục nào. Trong Chủng viện, ngài nổi tiếng là người “kỹ càng nhất”. Ai cũng bảo chả trách ông bà cố đặt tên ‘KỶ’ (kỹ) cho ngài. Ra khỏi phòng, khoá phòng lần thứ nhất, giật cửa phòng xem đã khóa cửa, rồi mở ra, khoá phòng lần thứ hai, yên tâm rồi mới đi. Bài làm của các thầy, vì ngài chấm quá cẩn thận nên hết hè mới xong. Các thầy tựu trường, ngài tớí yêu cầu thầy không đủ điểm trung bình làm lại bài, Ba tháng hè, quên bài, bây giờ lo ôn bài làm lại, chẳng có ai không nhăn mặt. Sau nầy Chủng viện phải đề nghị ngài chấm nhanh để thầy nào phải thi lại, thi trong mấy ngày săp nghỉ hè.

Dịp thầy nghĩa tử của ngài sắp chịu chức linh mục, Cha Giám đốc Chủng viện nói trong bàn cơm: dạo nầy cha Giuse Kỷ bụng to ra, khó di phải không ?. Ngài trả lời: Cha Giám đốc nhìn làm sao đấy chứ, con vẫn bình thường. Vậy, thầy Thanh, nghĩa tử của Cha sắp chịu chức linh mục tức là cha phải “sinh” chứ ? ….Cười ầm !

Có lần vào nhà cơm, tôi nói với ngài: ” Nghe nói Đưc Hồng Y Trịnh Văn Căn, em họ cha, đang gấp rút hoàn thành bản dịch Cựu Ước để in. Ngài viết thư thăm Đức Hông Y và có nhắc “ Đức Hồng Y dạo này làm việc nhiều quá. Gặp ngài, ngài cười, nói với tôi: ” Mình đã nhắc Đức Hồng Y dạo này làm việc nhiều quá. Đức Hồng Y viết thư cho mình, gừi lòi thăm bác và cũng nói cho mình: ” Dạo nầy anh làm việc nhiều quá “.

Nhân dịp bộ Giáo luật mới ( 1983), tôi viết tập sách “Cử hành Phụng vụ Bí tích theo Giáo luật”, ngồi dùng cơm, tôi hỏi ngài: ” Trong Thánh lễ, cái gì mà nhiều fructus quá “. Ngài kể cho tôi một hơi: ” Fructus generalis, fructus ministerialis, fructus personalis ). Trí nhớ của ngài tuyệt hảo. Ngài thông thảo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, giỏi tiếng Latinh, Hy lạp. Trong Chủng viện có giáo sư thi tú tài cổ ngữ Hylạp nên khi đọc bản dịch nhóm nầy, người kia khoe là dịch từ tiếng Hy lạp, vị nầy thường nói: ” Mấy ông nầy vốn liếng Hy lạp không viết đầy lá mít mà cứ khoe “. Tôi nói “: Chê ngừoi ta như vậy thì đối thoại với người ta sao được ? Cha Kỷ không hề nói gì. Có lần ngài nói với tôi: ” Ra Hà nội, gặp Me Têrêsa Calcutta, ngài làm thông ngôn cho mẹ “. Ngài rất thích Dòng Mẹ Têresa. Cũng xin nói luôn, ngài vừa cười vừa nói với tôi hai lần: ” Một dì phước nói Cha Ky giỏi hơn cha … “, và ngài giải thích cho tôi: ” Cha đó học bên châu Au có 5 năm còn tôi học mươi năm thì giỏi hơn chứ “ và ngài cười.

Ngài hưu ở nhà dòng Đồng Công, Thủ đức. Trước khi vào lớp dạy học, tôi vào thăm ngài, ngài nói: Đức Hồng Y tơi thăm ngài và nói ngài ờ đây không được địa phận giúp nhiều như ở nhà Hưu Linh muc Chí hòa. Tôi thấy ngài khoẻ, trí vẫn minh mẫn, có một chân đi yếu, chẳng có bệnh gì cả.

Thứ tư ngày 19-5-2010, 9 giờ tôi vào thăm, Cha Kỷ nói nhiều chuyện về Kinh Thánh. Ngài đã nói viết thư cho từng Đức Giám mục xin đừng nhận bản dịch Kinh Thánh của Nhóm PVGK làm bản Kinh Thánh cho Giáo hội Việt nam vì có những chữ làm cho ngươì ta hiểu sai vể Đức Me, về Chúa phục sinh. Ngài hiền lành mà không nhu nhược ! Tôi nói với ngài: ”Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh nói với con khi ngài giảng tĩnh tâm ở giáo xứ Tân hoà: Chẳng có bản dịch nào vượt được bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn, Xin nhớ rằng các thầy Đại Chủng sinh ở Đại Chủng viện Saigon đều dùng bản dịch của cha Nguyễn thế Thuấn. Tự nhiên, tôi buột miệng nói sang chuyện khác: ” Con đọc trong báo Sưc Khoẻ, họ nói “ Tuổi 80 mươi, chết lúc nào không biết “ và sáng thứ tư ngày 26-5-2010, khi tôi lên Đại Chủng viện tham dự hai ngày Hội Ngộ Linh Mục khu vưc I ( Sg, Long xuyên, Cần thơ, Mỹ tho, Vĩnh long gồm 631 linh mục), nghe một linh mục nói Cha Kỷ vưa qua đời sáng nay. Sao lời nói vô tình nầy lại “ ứng nghiệm” cho ngài trong vòng một tuần trong khi ngài còn khoẻ ?? Tôi mất một người đáng bậc thầy và một bạn già.
 
Nhớ về Ơi Tài
Lê Quang Lâm
08:24 28/05/2010
Trong số những người quen biết và cùng làm việc với Ơi Tài, ngoài những anh em trong Dòng, tôi là người có duyên nợ gắn bó và gần gũi với Ơi nhiều hơn cả. Gần gũi trong cả hai nghĩa, cùng sống gần nhau và hiểu nhau. Ngày 27 tháng 5 năm 2005 Ơi Tài từ giả cỏi đời ra đi. Tiếng hát khóc kể lể uất nghẹn niềm thương tiếc của cộng đồng công giáo Jrai vùng Pleiku hòa cùng tiếng chiêng bi hùng trầm bổng như vẽ lên không gian hình bóng người cha mến yêu. Những kỷ niệm rì rầm trong lời khóc hát đan xen vào nhau như tạo thành một đoạn phim dài xuyên suốt 36 năm Ơi đã đồng hành với họ trong cuộc sống đời thường đầy khó khăn và trên đường tìm về với Thiên Chúa. Ngày ấy cộng đồng Công giáo Jrai trên Tây nguyên đã mất đi một người cha, một người ông, một Linh mục đã dành trọn đời mình làm chứng cho Tin mừng Cứu độ: Linh mục An-Tôn Vương Đình Tài.

Tôi viết những dòng này không phải để bốc thơm, ca ngợi hay thêu dệt một huyền thoại về Ơi Tài, nhưng như những lời tâm sự của một người con với người quá cố, người tôi luôn quý mến thương yêu và như một nén nhang tưởng nhớ nhân lễ giỗ lần thứ năm một con người nhẫn nại, một Linh mục đơn sơ, nhân hậu đã sống trọn cuộc đời bằng tình yêu thương và phó thác.

Tản mạn những mẩu chuyện nhỏ chung quanh cuộc sống của Ơi Tài với người Jrai.

Trong những ngày đầu tiên đến Tây Nguyên khi « lần mò » làm quen với người Jrai ở những làng lân cận, họ đã gọi vị Linh mục trẻ Dòng Chúa cứu thế 38 tuổi đời là Ơi, một danh xưng quý trọng và thân thương trong ngôn ngữ Jrai. Ơi vừa có nghĩa là ông bà (Ơi yă) vừa có nghĩa là « ngài » ( Ơi Pơtao, Ơi Tu). Từ ngày ấy danh xưng Ơi đã gắn liền với cuộc đời của vị Linh mục và theo ngài cho đến cuối đời. Danh xưng này với vị Linh mục trẻ như một dấu vết thề nguyền, như chiếc nhẫn đính hôn trong việc tự nguyện dấn thân loan báo Tin mừng cứu độ cho cộng đồng người Jrai. Với những nguời con của núi rừng, danh gọi Ơi như nói lên sự chấp nhận một người « khách » trở thành người nhà, người lạ là anh em, người ngoài tộc họ là bác cháu. Ơi Tài đã trung thành với hôn thê của mình cho đến hơi thở cuối cùng bằng tình yêu thương dành cho họ. Người Kinh quen gọi là Bác Tài.

Câu chuyện « giấy Liên xô »

Trong những năm 1985, đời sống kinh tế dân Việt nam rất khó khăn trong chế độ bao cấp. Buổi sáng để uống được một ly cà phê người ta phải xếp hàng, để có vải may áo quần, mua gạo, dầu thắp cũng phải xếp hàng. Ngày ấy Ơi Tài sống tại làng Plei Chuet trong căn nhà nhỏ tối đen thiếu ánh sáng lợp bằng tôn loang lổ nhiều chỗ lủng. Một hôm nọ Ơi gọi anh Yuan, một thanh niên Jrai đến nhờ ra phố mua hai cuộn giấy dầu dùng lợp mái nhà, người ta thường gọi là giấy Liên xô. Khoảng vài giờ sau, tôi đang nấu cơm trong bếp bổng nghe Ơi nói rất to tiếng. Tôi tò mò lên xem, trước mắt tôi là anh Yuan tội nghiệp đang cúi đầu đứng im bất động, bên cạnh là một chồng giấy báo Liên xô. Đứng bên góc nhà, Ơi lắc đầu thất vọng nói nhỏ nhẹ với Yuan: « Lần sau nếu con không hiểu điều gì phải hỏi rõ nhé ». Sau khi anh Yuan ra về Ơi Tài nói với tôi: « Con thấy đấy, sống với người Jrai không phải dễ, nhiều khi tức đến chết được nhưng phải cố gắng. Con xem, Ơi nhờ mua giấy dầu lợp lại mái nhà, anh ta đi mua báo về cho Ơi đọc ».

Câu chuyện giấy dầu sau đó không còn ai nhớ nữa tuy rằng nó đã ngốn mất một số tiền nhỏ nhưng với Ơi Tài vào lúc đó có giá trị rất lớn. Trong những ngày tháng cuối đời của Ơi, anh Yuan hằng ngày đến thăm và bóp tay chân cho Ơi đỡ mỏi, hay đúng hơn là chia xẻ cơn đau của Ơi. Anh cũng là thợ cắt tóc trung thành của Ơi trong nhiều năm. Ngoài câu chuyện với anh Yuan, còn rất nhiều chuyện Ơi phải « cố gắng » sống hòa mình cùng anh em Jrai, để hướng dẫn dạy dỗ họ tìm về với Thiên Chúa. Những « cố gắng » của Ơi Tài nếu không được tác động bằng tình yêu thương chân thành chứa chan vô vị lợi thì khó có thể bình tâm như thế với một cộng đoàn, một tộc người khác ngôn ngữ, khác văn hóa và lối sống. Vựợt qua được sự « cố gắng » trong suốt thời gian dài gần 40 năm ấy chắc Ơi đã phải trả giá bằng nhiều đêm không ngủ, nhiều giây phút yếu đuối chạnh lòng trong cô đơn trống vắng. Ơi đã tìm được ở đâu nguồn nghị lực và sự can đảm để có thể « cố gắng » như thế ? Một điều tôi biết rỏ là Ơi rất sùng kính Đức Mẹ, trong túi lúc nào cũng có xâu chuỗi nhỏ màu đen và tối nào tôi cũng thấy ngài sốt sắng lần chuỗi. Tình yêu thương của Ơi đối với anh em Jrai phải chăng là phương tiện nhanh nhất và hữu hiệu nhất, là bài giảng hùng hồn nhất để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa với con người ?

Tình yêu ấy đã được đáp trả: Ơi thanh thản ra đi về với Chúa trong sự nhớ thương của hơn 15 ngàn giáo dân Jrai và nhiều ngàn dự tòng. Vào những tháng ngày cuối đời, ban đêm nhiều anh em Jrai « lén » mò đến nơi Ơi Tài ở. Lén vì có « lệnh » cấm không được làm phiền Ơi. Nhưng lệnh ấy đâu biết rằng với người Jrai, khi người họ yêu mến bị đau bệnh nặng, theo phong tục là đến thăm và ngủ với người ấy. Cấm không được đến là một cực hình, là một nỗi đau với họ. Tôi nghe những người đã lén đến ngủ và sáng sớm lén trốn về để không ai thấy kể lại rằng khi được họ tới thăm khuôn mặt Ơi lộ rõ nét vui mừng hớn hở. Tuy Ơi không nói ra bằng lời nhưng họ đã thấy và nghe được niềm hạnh phúc của Ơi khi gần họ. Sự gắn bó và yêu thương người Jrai lớn đến nổi khi được đưa về Tòa Giám mục Kontum nghĩ ngơi để trị bệnh, nhiều lần Ơi đã lén trốn khỏi khuôn viên TGM trên đôi chân đất không dép giày, nhưng vì lý trí đã rối loạn lu mờ nên « người tù trốn trại tìm về với người yêu» không lần nào thành công.

Chiếc xe Honda mới.

Trong thời bao cấp ai có được chiếc xe Honda để đi là người khá giả. Không biết ai đó đã tặng Ơi một chiếc xe Honda nữ 50 phân khối để đi các làng. Hôm ấy là ngày Chúa Nhật, Ơi Tài hẹn với cộng đoàn làng Plei Jut sẽ đến dâng thánh lễ trong làng. Ơi cũng hẹn với tôi sẽ gặp nhau tại đó. Làng Plei Jut cách nơi Ơi ở khoảng 15km, để vào làng chỉ có hai con đường đất bazan, một băng qua đồi thông dài gần 800m, con đường kia ngắn hơn nhưng phải leo dốc khá cao. Vì đang là mùa mưa nên đường nào cũng trơn như bôi mỡ. Đã quá hẹn gần 30 phút vẫn không thấy Ơi đến, cộng đoàn vài chục người kẻ ngồi người đứng dưới tàn cây trong vườn một giáo dân, vì không có nhà nguyện nên thánh lễ sẽ cử hành ngoài trời. Một lúc sau chúng tôi thấy Ơi đến. Ai cũng trợn mắt kinh ngạc, nhiều người không kìm được phải phì cười vì thấy Ơi như mới đi làm ruộng về, mặt mũi áo quần bê bết bùn. Ơi Tài mệt mỏi lắc đầu nói đùa: « Các ông viết đơn xin nhà nước làm đường nhựa để Ơi tới dâng lễ đi. Đường đất trơn trợt nguy hiểm quá. May là chưa què chân ». Anh trưởng cộng đoàn đem đến một trái bầu khô đựng nước giúp Ơi « làm vệ sinh » ngay tại chỗ. Chỉ lau sơ qua mặt mũi và hai tay, Ơi choàng áo lễ che khuất bộ quần áo loang lổ bùn và bắt đầu dâng thánh lễ.

Hôm ấy những vết bùn đất như hào quang tô điểm thêm vào lời giảng và lời cầu nguyện của Ơi cùng với cộng đoàn làng Plei Jut, và có thể trong Thánh lễ hôm ấy những vết bùn đất ấy đã biến thành những ca khúc chúc tụng Thiên chúa dễ hiểu, dễ thấy và dễ cảm nhận với dân làng hơn là những từ ngữ văn chương trừu tượng cao xa, để từ đó cộng đoàn càng ngày càng phát triển đông thêm. Những vết bùn đất đáng yêu và xinh đẹp ! Có thể đẹp hơn chiếc áo lễ bằng vải đắc tiền và thêu dệt công phu phủ choàng che lấp chúng. Tinh thần và lòng say mê rao giảng lời Chúa của Ơi đã không ít lần đem đến cho ngài nhiều rủi ro và nguy hiểm nhưng không khi nào Ơi chùn bước, lái xe không vững nhưng góc làng nào dù hẻo lánh xa xôi ngài cũng tìm tới khi được mời, dù chỉ vài ba người muốn tìm hiểu đạo.

Với Đức cha Alexis Phạm văn Lộc.

Dòng Chúa cứu thế được Đức cha Paul Seitz trao Bài sai tại làng Plei Kly thuộc huyện Phú Nhơn ngày nay. Theo tinh thần Bài sai, nhóm các tu sĩ Dòng Chúa cứu thế phụ trách vùng người Jrai cư ngụ. Cộng đoàn các tu sĩ DCCT phân chia nhau địa bàn làm việc: Ơi Tài ở vùng Jrai chung quanh Pleiku, Cha Trần sĩ Tín và Thầy Quân ở vùng Pleikly, Cha Nguyễn văn Phán ở Ayunpa.

Sau biến cố chính trị 1975, Đức cha Paul Seitz bị trục xuất về Pháp cùng với các Cha của Hội Thừa sai Paris. Tòa thánh Vatican tấn phong Linh mục Alexis Phạm văn Lộc làm Giám mục cai quản giáo phận Kontum. Trong thời gian này Thần khí Thiên Chúa đã làm nên những sự việc kỳ diệu lạ lùng: người Jrai tìm hiểu đạo Công giáo và theo đạo càng ngày càng đông. Sự kiện này đã làm cho vị Giám mục Việt nam đầu tiên trên Tây nguyên « nghi ngờ » những gì cộng đoàn tu sĩ Dòng Chúa cứu thế đã dạy và đã làm với tân tòng Jrai. Sự lo lắng của ĐGM không phải là không có duyên cớ.

Ngược dòng lịch sử truyền giáo của giáo phận, từ năm 1840 các Linh mục Pháp cùng với Thầy Sáu Do đã đặt chân lên Tây Nguyên để rao giảng lời Chúa. Các ngài đã đến vùng đất người Bahnar cư ngụ nay là Kontum. Sau nhiều gian lao khổ cực Tin mừng được cộng đồng người Bahnar đón nhận, tuy thế thất bại của các ngài là không thể đến được với người Jrai ở phía Nam, một dân tộc cứng đầu, hiếu chiến và đông đảo, nay bổng dưng « ùa theo đạo ». Hơn nữa các Linh mục DCCT đã làm những việc « lạ lùng » với truyền thống giáo phận: các ngài đã cử hành Bí tích Thanh tẩy trong dòng suối, dìm tân tòng vào dòng nước thiên nhiên. Có thể với « truyền thống » sự kiện này thật sự chướng tai gai mắt nhưng với văn hóa người Jrai, dòng nước là biểu tượng của sự thanh tẩy, gột rửa, đổi mới. Với dòng nước họ sẽ trở thành mạnh khoẻ hơn sau khi được tẩy sạch những mầm mống của sự bệnh hay sự ô uế. Nay theo đức tin và giáo lý Công giáo, qua Bí tích Thanh tẩy trong nước họ sẽ được tái sinh trong Thần khí Thiên Chúa. Thật dễ cảm nhận.

Thời gian trôi dần cùng với sự lớn nhanh đông đúc của cộng đoàn Công giáo Jrai thúc đẩy Ơi Tài mơ ước được ĐGM đến thăm cộng đoàn hay nói đúng hơn là đến « nhận con ». Sự trông chờ quá lâu biến dần thành thất vọng. Các tu sĩ DCCT tiếp tục sứ vụ rao giảng tin mừng bằng phương cách của mình. Các ngài hòa nhập với cuộc sống đời thường của người Jrai, trân trọng những phong tục truyền thống của họ và nói với họ về Chúa. Các ngài sống với tâm hồn đơn sơ, nhỏ bé không cầu kỳ kiểu cách hay nghi thức rườm rà.

Một biến cố bất ngờ ngoài dự trù của Ơi Tài, ĐGM Alexis đồng ý đến thăm cộng đoàn Jrai và ban Bí tích Thêm sức. Nhận được tin này Ơi Tài như sống trên mây, niềm vui như hiện rõ trên khuôn mặt và ánh mắt. Những tổ chức đón tiếp Đức cha Ơi giao cho các trưởng cộng đoàn tự lo, riêng Ơi cứ loay hoay đi đi lại lại từ nơi này sang nơi khác tâm trí nôn nao lo lắng lẫn vui mừng. Ngày chờ mong của Ơi và của mọi người đã đến, ĐGM Alexis tới trong sự hân hoan mừng vui của cộng đoàn Jrai. Đây là lần đầu tiên ngài chính thức đến thăm họ. Tôi còn nhớ ĐGM đã hỏi đùa một vài người Jrai: « Biết đọc kinh Lạy cha không ? Biết đọc kinh Kính mừng không ? ». Tuy là câu nói bông đùa nhưng phảng phất đâu đó sự nghi ngờ của ĐC với phương pháp giảng dạy giáo lý của các tu sĩ DCCT vần còn in đậm nét trong tâm trí ngài khi thấy giáo dân Jrai cầu nguyện tự phát bằng lời, mắt nhắm hai tay dơ ra trước như cầu xin và nhìn nhận mình tội lỗi, thấp hèn, yếu đuối.

Khi ĐGM và Ơi Tài bước lên bàn thờ, sau đấy tôi thấy Ơi loay hoay tìm kiếm cái gì đó khắp nơi quanh bàn thờ. Vì đứng gần nên tôi thấy mồ hôi của Ơi nhỏ giọt, không biết vì nóng hay vì lo lắng nhưng Ơi thì cứ lục tìm. Tôi đến hỏi nhỏ: « Ơi tìm gì vậy ? » « Cuốn sách dâng lễ ». Tôi nói: « con thấy ở trong tủ phòng áo ». Tôi chạy lấy đem đến cho Ơi. Thế đấy, từ lâu nay Ơi chỉ dâng lễ bằng tiếng Jrai, các lời đọc được đánh máy trên một xấp giấy mỏng nên ít dùng đến cuốn sách ấy. Ơi quên rằng Đức giám mục chỉ biết đọc tiếng Bahnar và tiếng Kinh. Hú hồn !

Những năm tháng cuối đời.

Sau khi Việt nam mở cửa với thế giới, nhiều hội đoàn từ thiện phi chính phủ tìm đến Tây nguyên để chia xẻ sự thiếu thốn nghèo đói của người thiểu số. Những ngày ấy cuộc sống đơn sơ bình dị của Ơi bị xáo trộn bởi những lần viếng thăm của các hội đoàn và nhất là việc theo dõi sổ sách các dự án. Được có phương tiện giúp người nghèo Ơi rất vui nhưng phải dành rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng một sự kiện đã làm thay đổi hoàn toàn một con người, thay đổi Ơi Tài.

Hôm ấy các em bé đến nhà thờ học giáo lý, các em ở độ tuổi 10-12. Đang đùa chơi trong sân bỗng các em hô hoán la to: « xem kìa, lạ quá. Đẹp quá ». Một số em chạy vào gọi Ơi ra xem. Ơi nhìn theo tay bọn trẻ chỉ lên mặt trời nhưng chẳng thấy gì lạ cả. Ơi hỏi chúng. « Các cháu thấy gì nói cho Ơi nghe coi ». Bọn trẻ tranh nhau nói: « Mặt trời có màu đẹp lắm ». « Có chữ gì đó ở giữa cháu không biết. » « mặt trời quay tròn nhiều màu đẹp lắm ». Ơi hỏi: « chữ gì nói Ơi nghe xem ». « Chữ H, chữ S còn chữ gì đó cháu không biết, nó giống cái lưởi câu. » Em bé ngồi vẻ xuống đất cho Ơi xem: chữ J. Xem xong Ơi Tài bần thần xúc động khi nối kết ba mẫu tự lại với nhau: JHS = Jésus. Ơi Tài nói với bọn trẻ: « Phép lạ Chúa cho các con thấy đấy. Các con hãy cầu nguyện đi ». Bọn trẻ chạy vào nhà thờ cùng cầu nguyện.

Một tuần sau, sự kiện trên lại tái diễn và vị Linh mục vẫn không thấy gì cả, chỉ nghe bọn trẻ tranh nhau nói về sự lạ. Lần thứ ba, ngày 27-8-1998 Ơi tâm sự rằng đã thấy những gì bọn trẻ nói. Món quà quá lớn, phần thưởng quá vĩ đại đã biến Ơi Tài thành ít nói hơn, không quan tâm đến những dự án từ thiện và chẳng bao lâu sau Ơi Tài đề nghị ngưng bỏ tất cả. Hằng ngày Ơi im lặng nhiều hơn, trong tay luôn cầm tràng hạt. Nhóm anh em giáo phu đến học mỗi thứ Bảy hàng tuần phát hiện ra Ơi rất lạ, khác xưa rất nhiều. Những lần dâng thánh lễ Ơi cũng khác xưa, khuôn mặt đắm chìm vào một thế giới khác. Thời gian im lặng trong ngày càng ngày càng dài thêm để rồi cuối cùng Ơi như sống ở cỏi trên, ánh mắt dõi theo những hình ảnh vô hình. Tình trạng như thế kéo dài cho đến ngày Ơi ra đi vĩnh viễn. Ở đây có một điểm tương đồng khó hiểu: ngày Ơi qua đời: 27 và ngày được thấy điềm lạ cũng là ngày 27.

Ơi đã ra đi nhưng hình ảnh Ơi vẫn luôn hiện diện trong cộng đoàn Jrai. Dĩ nhiên Ơi Tài là « người đời» chứ không phải là « người trời » nên không thể không có những thiếu sót của con người. Ơi đã trung thành với sứ vụ Linh mục và đã hy sinh cả cuộc đời để nói về Chúa và đem Tin mừng cứu độ đến cho người Jrai. Ơi đã chung thủy với cuộc tình duyên Jrai cho đến hơi thở cuối cùng. Những gì Ơi Tài để lại không phải là những ý tưởng cao vợi, những vết tích hùng tráng diễm lệ nhưng là tình yêu thương chân thành xuất phát từ con tim và cũng được cất giữ mãi mãi trong tim của người Jrai.

Công việc mục vụ.

Sự dấn thân tận hiến cho công cuộc truyền giáo đã chiếm trọn tâm trí và cuộc sống đời thường của Ơi Tài. Quanh năm suốt tháng con người ấy chỉ quan hệ với một cộng đồng tộc người chậm tiến, người ấy bắt mình phải quên nhiều thứ, cả vật chất lẫn kiến thức để có thể hiểu người Jrai đang nghĩ gì về những điều mình giảng dạy. Những giáo phu đến mỗi ngày thứ Bảy để nghe Ơi giảng và trao đổi với nhau về bài kinh thánh ngày Chúa nhật hôm sau, từ đó họ về làng nhớ được bao nhiêu thì nói bấy nhiêu. Nhiều khi nói thêm nói bớt nhưng có lẽ Chúa Thánh Thần đã đưa những lời đó vào tâm hồn người nghe bằng một cách khác. Chỉ có Chúa mới biết ! Ơi có lần nói với tôi: « Thật ra Ơi chẳng làm được gì cả trong việc truyền giáo hay trong sự kiện người Jrai xin theo đạo càng ngày càng đông này đâu. Tất cả đều do Chúa Thánh thần làm, Ơi chỉ là phương tiện ngài dùng để nói về Lời Chúa còn việc đem họ đến với Tin Mừng, đến với Chúa Ơi chẳng có công lao gì đâu »

Một anh giáo phu theo lệnh Ơi đi « tuần tra » những sinh hoạt phụng vụ tại các làng về kể lại rằng tại làng nọ, anh giáo phu mới gia nhập đã thoải mái đọc lời truyền phép trước khi cho cộng đòan chịu Mình thánh Chúa, lời đọc và nghi thức không đầu không đuôi nhưng tâm hồn thì thật sự chân thành sùng kính. Cuối giờ phụng vụ anh ấy không quên ban phép lành cho cộng đoàn. Sự kiện này sau đó không tái diễn nữa nhưng tôi thầm nghĩ với bà con trong làng ấy thì có lẽ họ chỉ « thấy » Chúa và nghe lời Chúa, còn anh giáo phu kia đứng đó nhưng có lẽ họ « không thấy » nên chẳng ảnh hưởng gì đến họ với Chúa.

Từ năm 1961 đến 1969, hai năm sau ngày chịu chức Linh mục, Ơi Tài đã nhào ngay vào vùng truyền giáo cho người K’Ho ở Lâm đồng. Sau đấy với chiếc ba-lô trên vai, theo sự động viên và khuyến khích của các cha truyền giáo người Canada, vị linh mục trẻ đã lên đường tự tìm cho mình một cánh đồng để chăm sóc và vun xới. Khi đến Pleiku, Đức Cha Paul Seitz đã mời ngài ở lại với giáo phận. Tôi còn nhớ một đêm bên bờ biển Quy Hòa lộng gió, khi các em đã chui vào lều để ngủ sau một ngày vui đùa khá mệt, Ơi và tôi nằm sải chân trên nền các nói chuyện. Tôi mạnh miệng hỏi: « Ơi nè, tại sao Ơi chọn một cộng đồng tộc người xa lạ, nghèo khổ sống tít tận trên Tây nguyên để truyền giáo, ở Saigon không sướng hơn sao » Ơi bình thản trả lời: « Cháu biết không, khi Ơi còn trẻ trong người có máu phiêu lưu và mạo hiểm. Đầu tiên Ơi có biết gì về họ đâu, máu phiêu lưu đã đưa Ơi đến với họ, sau đấy thì yêu thương họ thật sự ». Thế đấy, chương trình của Thiên Chúa chỉ có Thiên Chúa mới hiểu. Sau khi đã « yêu » người Jrai, trong tâm trí vị Linh mục truyền giáo không còn chỗ cho những suy tính khác. Sự dấn thân và đồng cảm với người Jrai nhiều khi là cớ để Ơi bị chỉ trích chê bai. Khi được mời giảng hay nói về sứ vụ truyền giáo, nhiều lần Ơi như bay bổng trên mây và hình như đang nói với mình chứ không phải cho người khác. Những ấp ủ, những hoài bảo chất chứa chen chúc trong tâm hồn như được dịp thoát ra bằng một loạt những ý tưởng, những chương trình. Nhưng Ơi không thể làm được, và bị nhiều người nói « Ối, ông Tài nói ấy mà. » hay « Ông ấy nói giỏi nhưng chẳng làm được gì cả ». Những câu nói ấy đâu biết rằng để thực hiện được những mơ ước cho cộng đồng tôc người Jrai của Ơi phải cần đến 100 năm thực hiện. Tất cả chỉ nói lên tình yêu thương bao la của ngài với cộng đồng này.

Lời kết.

Ngày đầu tiên tôi tìm đến Ơi để xin làm quen và sẳn sàng làm « thằng sai vặt » cho Ơi, tôi thấy ngài đang lần chuỗi bên hông nhà nguyện. Xâu chuỗi nhỏ màu đen ấy đã in sâu vào tâm trí tôi. Lần cuối cùng gặp Ơi sau hơn hai mươi năm, ngài nằm trên ghế bố, bốn tháng trước khi ngài từ giả mọi người để về với vĩnh hằng, Ơi cũng nắm trong tay tràng hạt đen ấy. Cỗ tràng hạt đã theo Ơi suốt cuộc đời truyền giáo của ngài, đã cùng với ngài rong ruổi khắp hang cùng ngỏ hẻm, cùng chia xẻ với ngài những mệt mỏi chán chường hay những lúc vui mừng hân hoan. Cùng với ngài reo vui xúc động trong ngày khấn tạm năm 1952, sau đó chia xẻ niềm vui của ngài, của gia đình và cả nhà DCCT trong ngày chịu chức Linh mục năm 1959, và cuối cùng đã cùng đi với ngài sang thế giới bên kia. Với một con người có trái tim gan lì dũng cảm của một chiến sĩ truyền giáo, xem cái gì cũng là phù du tạm bợ, chỉ có Thiên Chúa và ơn cứu độ của ngài là kho tàng phải tìm kiếm tại sao trung thành gắn bó với cổ tràng hạt đen như thế ? Câu trả lời thể hiện trong tâm tình sùng kính Đức mẹ của Ơi. Cái gì thiếu cũng được nhưng không được thiếu Đức mẹ. Lòng tin tưởng và phó thác nơi Đức mẹ đã thúc đẩy vị Linh mục cố gắng làm một đền kính Đức mẹ trong khuôn viên nhà thờ. Thời bao cấp tìm đâu ra một pho tượng đẹp. Ơi đã lấy bức tượng Đức mẹ vô nhiễm trầy trụa sức mẻ vài nơi giao cho mấy em Jrai xây đền cho Đức mẹ. Các em đã dùng tất cả khả năng trời ban để sữa, vẽ, đắp lại khuôn mặt của Mẹ, sau đó làm một mái che bằng tôn trên bốn chân cột dưới tàng cây vú sữa. Đền Đức mẹ đã làm xong và từ ngày ấy tôi thường thấy Ơi ngồi lâu hàng giờ trước bức tượng.
 
Vĩnh biệt một người thầy
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc
09:15 28/05/2010
VĨNH BIỆT MỘT NGƯỜI THẦY

Để kính nhớ cha Giuse Trịnh Hưng Kỷ, Gs Đại chủng viện Thánh Giuse

Cuộc hội ngộ các Linh mục chưa được nữa ngày, thì cha dẫn chương trình thông báo cha Giáo Giuse đã qua đời. Bồi hồi và xúc động, hiện lên trong tâm trí những người học trò đã từng thụ giáo với Ngài là hình ảnh của một người Thầy đầy lòng nhân ái, giàu tri thức, đạo đức và mẫu gương của một linh mục, khiêm nhường và thánh thiện.

Tôi dù chỉ những lớp đàn em, sinh sau đẻ muộn. Thế nhưng cũng may mắn được là học trò của Ngài trong những năm tu học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài gòn. Học với Ngài, anh em sợ nhất là học thuộc lòng, từng câu chữ. Ngài dạy Kinh Thánh tân ước, Ngài không chỉ truyền dạy cho học trò kiến thức, mà là một kho tàng quý giá để khám phá, và gặp gỡ một Đức Giê-su đã sống và rao giảng Tin mừng cho con người. Với sự đơn sơ, hiền lành và với những hiểu biết vô cùng uyên thâm, cha Giuse đã góp phần đào tạo, không biết bao nhiêu các thế hệ linh mục, những mục tử cho Giáo hội của Chúa Ki-tô. Suốt đời gắn bó với chủng viện, với công việc giảng dạy, Ngài đã trở nên vị Thầy thật gần gũi với các thế hệ học trò của mình. Cuộc đời của Ngài thật khó nghèo, và bình dị. Nơi Ngài luôn toát lên sự bình an nội tâm, sự tín thác vào Chúa và xác tín mạnh mẽ vào Lời của Đức Giê-su.

Ngài ra đi để lại biết bao niềm thương tiếc, trong lòng những người học trò đã từng được Ngài hướng dẫn và dạy dỗ. Từ đây trong bản trường ca bất hủ của Giáo hội, sẽ thiếu đi một dấu lặng thật bình dị, nhưng vô cùng cao cả. Xin thắp cho Ngài một nén hương lòng, một lời kinh cầu vọng sâu trong đáy lòng của những người học trò luôn khắc cốt ghi tâm về một người Thầy đã ra đi.
 
Cảm nhận trong ngày hội ngộ các linh mục TGP Sàigòn
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc
09:17 28/05/2010
CẢM NHẬN TRONG NGÀY HỘI NGỘ CÁC LINH MỤC

Năm linh mục đã dần khép lại. Năm Thánh Giáo hội Việt nam với biết bao biến cố vui buồn lẫn lộn. Các vị chủ chăn đã có sáng kiến mở ra ngày hội ngộ cho các anh em linh mục, phải chăng đây là lời khẳng định sức mạnh và tác động của ân sủng Chúa Thánh Thần đang là sợi dây xuyên suốt trong Mầu nhiệm, Hiệp thông và Sứ vụ của Giáo hội Chúa Ki-tô.

Hình ảnh Đức Giê-su cùng các môn đệ trong phòng Tiệc ly xưa, giờ lại được sống lại một cách hết sức hiện sinh trong gặp gỡ, chia sẻ và cảm thông giữa các linh mục trong các Giáo phận. Thật kỳ diệu, vì với Thiên Chúa không gì là không thể. Những con người của nhiều thế hệ, môi trường và hoàn cảnh, cá tính... không thể giống nhau hết được. Thế nhưng, trong màu cờ sắc áo của Đức Giê-su, họ trở nên một, và với khao khát mãnh liệt: “ Hãy yêu như Giê-su”. Được sống trong một đại gia đình Lê-vi, được hít thở Thần Khí của ân sủng, được lắng nghe những lời chỉ bảo, giảng dạy tận tâm, tận tình và tận lực của các Đấng Bản Quyền trong các Giáo phận, thật là một hạnh phúc và một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Đây có lẽ là lần đầu tiên các linh mục được giao lưu một cách rộng rãi với nhiều anh em linh mục khác trong các Giáo phận. Chương trình dù chỉ với thời gian hai ngày, bận rộn và sôi nổi: lắng nghe thuyết trình, hội thảo nhóm, dâng Thánh lễ, cử hành các giờ kinh phụng vụ, văn nghệ...Tất cả đan quyện nhau trong tình huynh đệ như Đức Giê-su dạy các môn đệ: “ Anh em hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).

Có một câu nói của một triết gia nào đó: “ Có bạn niềm vui được nhân gấp đôi, và nỗi buồn vơi đi một nữa”. Vâng có lẽ rất tâm đắc trong nhũng ngày họp mặt của các anh em linh mục. Cuộc sống mục tử dẫu vẫn còn đó những khó khăn, chông gai và thử thách, nhưng luôn bên cạnh mình vẫn có bóng dáng của những anh em linh mục trong tình yêu rộng mở và sẵn sàng nâng đỡ nhau và cùng nhau loan báo Tin mừng của Đức Giê-su cho muôn người.
 
Hội ngộ Linh mục giáo tỉnh Saigòn tại Xuân Lộc: Hãy rửa chân cho nhau
+ GM Giuse Vũ Duy Thống
09:22 28/05/2010
HÃY RỬA CHÂN CHO NHAU (Ga 13,14)

Trong Phúc Âm thứ tư, không có trình thuật Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể, nhưng bù vào đó, lại có trình thuật Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Truyền thống chú giải vẫn coi đây là hai trình thuật tương đương. Rửa chân cho môn đệ là hành vi trao thân, được rửa chân là được thông phần vào ơn cứu độ và lời gọi “hãy rửa chân cho nhau” được hiểu trong nhãn giới phục vụ yêu thương. Chọn chủ đề “rửa chân” này cho dịp hội ngộ Linh mục, theo ý của Ban tổ chức, là muốn lặp lại rằng: trong năm Linh mục, ngoài việc đặt trọng tâm vào việc thánh hóa, còn phải khai triển về mặt yêu thương, tức là tình huynh đệ, không chỉ để cảnh giác điều Đức Gioan Phaolô II bảo “không hát solo mà phải hát trong ca đoàn”, mà còn để hướng tới: Linh mục thương nhau cũng là giúp nhau nên thánh. Linh mục không nên thánh một mình, mà trong Giáo hội là thánh: Linh mục cùng dìu nhau nên thánh, như thế ý nghĩa “hiệp thông các thánh” mới được minh họa một cách sống động.

1. Rửa chân cho nhau, yêu thương nhau: một điều cơ bản thuộc về chức Linh mục

Giới luật yêu thương là giới răn mới trong Tân ước chi phối mọi tín hữu chẳng trừ ai và cũng chẳng dành riêng cho ai: yêu người như Chúa yêu, yêu người như yêu Chúa, yêu người như mình ta vậy amen. Mến Chúa và yêu người là hai mặt của cùng một giới răn. Không thể mến Chúa mà không yêu người. Điều này mọi Linh mục đều biết rõ và còn dạy người ta cặn kẽ. Trước khi là Linh mục, Linh mục qua bí tích RT cũng là tín hữu, nên không thuộc trường hợp miễn trừ. Trái lại, xem ra Linh mục trước khi trổi trang hơn người về các lãnh vực chuyên môn, cần phải trổi trang về lãnh vực yêu thương. Nếu Giáo hội là chuyên gia về con người thì Linh mục phải là chuyên gia về tình yêu thương. Chính Chúa Giêsu đã không ngần ngại chỉ rõ: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Lịch sử Giáo hội VN: sau 5 năm truyền giáo tại Thăng Long, Gaspar d’Amaral cho biết số giáo dân là 5 ngàn, và đặc điểm nổi bật là họ thương nhau khắng khít đến nỗi người ngoại gọi họ là người theo “Đạo Yêu Nhau”.

Hơn nữa, nhờ bí tích Truyền chức thánh, Linh mục được thánh hiến để gắn kết đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu, nên là trò cùng một Thầy, là gà cùng một mẹ, là bí bầu một giàn, là thành phần trong cùng một thân thể. Nói tắt là cùng một huyết thống Kitô. Yêu thương nhau không là chuyện tự do, mà đã trở thành một đòi hỏi của bí tích. Bậc sống gia đình yêu nhau do bí tích hôn nhân; còn Linh mục yêu thương nhau do bí tích Truyền chức thánh.

Ngoài ra, nếu không thể có Linh mục lang thang trên không chằng dưới không rễ, chẳng thuộc về một Giáo phận hoặc Hội Dòng nào thì cũng không thể có Linh mục ngoài Linh mục đoàn. Chính trong tư cách là thành viên của một gia đình Giáo phận hoặc Hội Dòng mà Linh mục trải ra nhịp sống chan hòa hội nhập yêu thương đoàn kết gắn bó. Đây là đòi hỏi của Giáo luật.

Và rồi, do việc mục vụ đòi hỏi, cùng chen vai thích cánh trên cánh đồng mục vụ Giáo phận, mỗi Linh mục còn vì phần rỗi các linh hồn mà phối hợp chặt chẽ với Đấng Bản quyền cũng như với các anh em Linh mục khác trong những chương trình chung sao cho người này với người kia không là mặt trời mặt trăng khó gần nhau, mà cùng là tinh tú chiếu sáng bên nhau, yêu thương nhau.

2. Rửa chân cho nhau, yêu thương nhau: một sự quân bình trong đời Linh mục

Nếu trong căn bản của bí tích truyền chức thánh, Linh mục thể hiện lòng yêu thương nhau một cách sâu nặng và giầu ý nghĩa thì trên cơ sở nhân bản, tức là một người bình thường, Linh mục cũng cần có những kênh yêu thương mát mẻ vun bồi cho cuộc sống và dòng nước yêu thương trong lành làm đẹp cho lẽ hiến dâng.

Như mọi người vốn chẳng phải là ốc đảo tự túc tự cường nguyên tuyền sạch và xanh không cần đến người khác, Linh mục cũng cần có tình bằng hữu tự nhiên, biết cho đi và biết nhận về những tình cảm một cách hồn nhiên và phong phú. Nhưng lại khác mọi người chẳng phải vì tấm áo vốn chẳng làm nên thầy tu mà vì con đường chọn lựa một đời là con đường hẹp chẳng mấy người đi, nên khả năng chọn lựa bằng hữu xem ra cũng không thể mênh mông trôi nổi được. Cân đối giữa một đàng là thể hiện tự nhiên giống mọi người và đàng khác là định hướng không giống hết mọi người, thiết nghĩ là cả một kinh nghiệm phải thực hành và trui rèn trong đời Linh mục.

Có mấy bà mẹ công giáo ghi nhận: “sao mấy cha hay nhỉ, bình thường thì nghiêm nghị, ai nhìn thấy cũng phát khiếp, thế mà thi thoảng hễ gặp nhau, là truyện trò vui vẻ rôm rả ra phết, lại còn khéo bày chuyện chọc ghẹo nhau đáo để đấy”. Cũng đúng thôi. Không biết các cha nghĩ sao chứ tôi nghĩ đó là một nét đặc trưng của tình huynh đệ Linh mục. Hồn nhiên. Có thể là tình bạn vong niên khi một Linh mục bầu bạn với một Linh mục trọng tuổi hơn; có khi là tình đồng hương đồng khói; có khi là cùng lớp cùng khóa cùng trường, cùng địa phận cùng giáo hạt hoặc có khi cùng một lãnh vực mục vụ hoặc phục vụ… hay đơn giản chỉ vì có cái gì đó hợp nhau thôi như cùng hobby kim khí điện máy, cùng một gu thuốc hút hay thực tế hơn nữa chỉ vì đồng bệnh ví dụ cao huyết áp, tiểu đường (tường đè, tiểu lộ tiên sinh, hội chứng đường cao tốc).

Rửa chân cho nhau trong tình bằng hữu tất nhiên là cầu nguyện góp ý giúp đỡ nâng đỡ, nhưng thường khi chỉ là gặp gỡ vui vẻ vồn vã thăm hỏi, đánh cờ đánh chén. Linh mục còn gần gũi với các Linh mục bạn mình thì đó là dấu hiệu tốt cho một đời quân bình; ngược lại, Linh mục không còn lui tới với các Linh mục khác thì đó là tín hiệu của một sự bất ổn nào đó trong thể xác hoặc tinh thần. Hãy biết rửa chân cho nhau để duy trì được sự quân bình trong đời mục tử.

3. Rửa chân cho nhau, yêu thương nhau: một điều cấp bách giữa thời hiện tại

Người ta bảo nhịp sống hiện nay có vẻ hối hả so với thời đại trước, và do đó con người dù có nhiều tiện nghi cho một cuộc sống dễ thở hơn nhưng lại phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Nếu trước đây bệnh than thở là có độ rộng là 1/3 nhân loại thì hiện nay bệnh căng thẳng stress dường như lại có biên độ lớn hơn. Ai cũng có thể bị stress. Ngay cả những em học sinh tiểu học, sách nhiều cặp nặng, học ngày không đủ tranh thủ học đêm học thêm học bù. Trong nhịp sống ấy, người ta cũng bắt đầu nói đến hội chứng stress trong đời sống của các Linh mục. ĐHY Phạm Minh Mẫn trong thư gửi anh em Linh mục ngày 09 tháng 02 năm 2009 có nêu lên những nguyên nhân ngoại tại như: điều kiện thi hành sứ vụ khó khăn; bổn phận nặng nề phức tạp; những đòi hỏi thích ứng luôn đổi thay; thiếu phương tiện hoạt động; phải đối diện với thái độ chống đối. Và những nguyên nhân nội tại như: thiếu tự tin; thiếu bình tâm; rối loạn tình cảm; bất ổn xung lực. Những nguyên nhân trên có thể trở thành áp lực gây căng thẳng ngắn hạn là bào mòn sinh lực và dài hạn là gây kiệt sức (rối loạn đường tu). Nếu phương thế khắc phục stress là tái tạo thế quân bình toàn diện thì tình huynh đệ Linh mục phải được xem như một dung môi vô cùng thuận lợi, để sự cân bằng kia mau chóng được phục hồi. Có lẽ Linh mục chúng ta chưa bị stress nặng đến nỗi ngẩn ngơ phải điều trị chuyên sâu và dài lâu, nhưng dấu hiệu stress nơi đời Linh mục cũng không thiếu: tâm lý bồn chồn nóng nảy; thể lý RLTH; khó ngủ…thế nên giữ cân bằng mọi mặt trong đời sống là một điều cấp bách. Linh mục biết rửa chân cho nhau trong tình bằng hữu hy vọng sẽ tránh khỏi nguy cơ bị stress trên đường phục vụ.

Linh mục sống đời độc thân nên cảm thức về sự cô đơn không chỉ là một kiến thức trong sách vở mà xem ra đã trở thành kinh nghiệm máu thịt của từng người. Đó là hệ quả tất yếu, không có gì phải bàn. Nhưng vấn đề là phải đảm lĩnh và hóa giải sự cô đơn ấy như thế nào để một mặt cá nhân Linh mục không bị tổn thương và nẻo đường dâng hiến cũng không bị thương tổn. Nếu ghi nhận có vẻ triết lý sau đây là đúng “cô đơn không phải là không có ai bên cạnh mà là vắng bóng một sự hiện diện đích thực” như kiểu nói “cô đơn giữa đám đông”, thì phương thế hiệu nghiệm và nhẹ nhàng để giải quyết sự cô đơn chính là xây dựng tình bằng hữu. Rửa chân cho nhau ở đây là thể hiện một sự hiện diện đích thực và tích cực, nghĩa là sẵn sàng nâng đỡ tinh thần và cũng sẵn sàng giúp đỡ vật chất nữa. Bạn bè bên nhau lúc túng cực mới là bạn bè đích thực. “Friend in need, friend indeed”. “Bạn bè thân thiết biết chung vui khi thành công biết cảm thông khi thất bại; bạn bè thân ái chẳng e ngại bước xa gần, những khi cần là sẵn có; dù cho trời mưa gió, dù cho đời gian khó; tình bạn bè gắn bó, sớt chia nhau đắng cay ngọt bùi”.

Một Linh mục bỏ tiền cá nhân trang trải giúp Linh mục bạn đang lâm cảnh ngặt nghèo để khỏi bị tố tụng nơi tòa đời: đó là một cách rửa chân cho nhau. Một Linh mục đón người anh em Linh mục cùng lớp bị ngã trên đường tình về ở chung, mong có dịp hồi tâm đứng dậy: đó là một cách rửa chân cho nhau.Một Linh mục trưa thứ hai hằng tuần luôn đón các Linh mục nhiều lớp khác nhau về xứ nghỉ ngơi giải trí cỗ bànvui vẻ: đó cũng là một cách rửa chân cho nhau. Và thiết nghĩ còn nhiều cách khác nữa, các Linh mục vẫn âm thầm rửa chân ngày này qua ngày khác cho nhau. Đó là những phần đời sáng nghĩa Tin Mừng và đẹp như chuyện cổ tích. Nếu có chữ đừng nào phải chia sẻ ở đây thì đó là “đừng ngáng chân nhau” bằng ganh ghét (Linh mục ngang nhau), bằng phân bì (dòng triều), bằng tủi hờn (già trẻ), bằng chèn ép (sở phó), bằng gièm pha (trước sau).

Chúa Giêsu đã rửa chân cho ta trong bí tích Truyền chức thánh, vì thế theo gương Người và thông phần trong ơn cứu độ của Người, ta cũng khiêm tốn kiên trì rửa chân cho nhau. Và lạ lùng làm sao: rửa chân cho anh em cũng là cách ta được rửa chân hoặc ta rửa chân cho chính mình, được thông phần vào Ơn cứu độ của Chúa Kitô.
 
Hội ngộ Linh mục giáo tỉnh Saigòn tại Xuân Lộc: Hy lễ trong đời sống và tác vụ linh mục
+ GM Tôma Nguyễn Văn Trâm
09:29 28/05/2010
Anh em linh mục rất thân mến,

Trong những mối tương quan giữa bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục thừa tác, chiều nay, tôi muốn chia sẻ với anh em về chiều kích hy lễ trong đời sống và tác vụ linh mục: sacerdos in Victima.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong thư thứ Năm Tuần Thánh gửi các linh mục năm 2004: Từ phòng tiệc ly, chúng ta được sinh ra làm linh mục, chúng ta được sinh ra từ bí tích Thánh Thể. Sẽ không có bí tích Thánh Thể nếu không có chức Linh mục, cũng như không có chức Linh mục nếu không có bí tích Thánh Thể. Và ngài lập lại chân lý này trong tác phẩm “Quà Tặng và Mầu Nhiệm” nhân dịp kỷ niệm 50 năm linh mục của ngài. Không thể có Thánh Thể nếu không có chức Linh mục cũng như không thể có chức Linh mục nếu không có Thánh Thể - Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh mối tương quan mật thiết giữa bí tích Thánh Thể và chức Linh mục thừa tác, từ phòng tiệc ly hôm qua đến hiến tế tạ ơn nơi bàn thờ hôm nay, linh mục không thể tự tách mình khỏi bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu và linh mục được nối kết bằng bí tích Thánh Thể vì với tư cách của Chúa Giêsu Linh mục thượng phẩm, linh mục cử hành Thánh Thể và ban phát Thánh Thể cho các tín hữu. Đây là mầu nhiệm đức tin, bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin và chức Linh mục thừa tác cũng là một mầu nhiệm đức tin; đây là mầu nhiệm của sự thánh hóa và tình yêu, là công trình của Chúa Thánh Thần làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô nhờ tác động hữu hình của linh mục chủ tế. Nhờ các Tông đồ, các Giám mục và các linh mục, bí tích Thánh Thể được cử hành trong thời gian: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.

Nhờ việc cử hành Thánh lễ, Thánh Thể được trao ban hằng ngày cho các tín hữu để họ được sống và sống dồi dào. Ý nghĩa thực sự bí tích Thánh Thể là Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện giữa con người. Chức Linh mục thừa tác gắn kết với bí tích Thánh Thể bằng mối tương quan hữu cơ, nghĩa là hy tế thập giá và bí tích Thánh Thể không thể được hiện thực và thường tồn trong thời gian nếu không có chức Linh mục thừa tác, và chức Linh mục thừa tác không có lý do hiện hữu nếu không cử hành bí tích Thánh Thể để tưởng niệm hy tế thập giá. Nơi phòng tiệc ly, Chúa Giêsu gắn kết các linh mục với hy tế thập giá. Đời sống linh mục thông phần mầu nhiệm dâng hiến của Chúa Giêsu, thể hiện tình yêu thương của Chúa đối với Hội thánh và đỉnh cao của sự dâng hiến của Chúa Giêsu là hy tế thập giá.

Mỗi lần cử hành Thánh lễ, Hội thánh tưởng niệm hy tế thập giá của Chúa Giêsu. Đời linh mục luôn kết hiệp với hy tế thập giá, đây là một sự kết hiệp rất cơ bản, kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh là cùng với Ngài dâng hiến đời mình cho Chúa Cha và tự hiến bản thân cho nhân loại, đặc biệt cho những người nghèo vào đau khổ. Linh mục là tư tế và là của lễ, giống như Chúa Giêsu là chủ tế và lễ vật. Trong những bài hát cầu nguyện, thường người ta đề cao phẩm giá cao quí của đời linh mục nhưng lại ít nói tới hy tế, hy lễ của đời sống linh mục. Vinh quang hay lời ca tụng, nhất là trong ngày tạ ơn tân linh mục, giúp cho việc hiến dâng trở nên dễ dàng hơn, nhưng khi thời gian phủ bụi những vinh quang thì đời sống linh mục dần dần vứt bỏ cái hình thức và đi vào chiều sâu hơn của của lễ.

Những hy lễ của đời linh mục khởi đi từ những kinh nghiệm về yếu đuối, mỏng dòn, dễ vỡ, những kinh nghiệm này đến từ nhiều ngõ của tham sân si. Cuộc sống đâu phải một lần dứt bỏ là xong cho mọi lần, mỗi ngày là một hy lễ và mỗi ngày càng dứt bỏ khó hơn vì những dính báng, tham vọng và đam mê, nhưng đời linh mục là đời dứt bỏ, đời linh mục là đời hiến lễ. Thánh lễ của ngày đầu đời linh mục cử hành trong vinh quang, Thánh của những ngày cuối đời trong âm thầm lặng lẽ, Thánh lễ nào có ý nghĩa hơn, gần giống với hy lễ thập giá xưa trên đồi Núi Sọ. Linh mục thánh hóa bản thân nhờ Thánh lễ và chính Thánh lễ là nguồn hồng ân cứu độ cho linh mục.

Trong Thánh lễ linh mục cử hành mầu nhiệm thánh giá cứu độ, linh mục tiếp cận ơn sủng mầu nhiệm thánh giá Chúa và trở thành như theo kiểu nói của thánh Phaolô: “người phân phát các mầu nhiệm”. Linh mục phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, linh mục là tư tế và là của lễ giống như Chúa Giêsu, linh mục tự hiến mình cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu.

Đỉnh cao của sự thánh thiện là nên một với Chúa Giêsu và không có nơi nào mà vị linh mục được nên một với Chúa một cách triệt để như trong Thánh lễ. Vì ích lợi của dân Chúa là dân tư tế mà Chúa Giêsu muốn có sự đồng hóa huyền nhiệm giữa linh mục với Người, và dân tư tế chỉ có thể dâng Thánh lễ nhờ Thánh lễ và trong Thánh lễ mà linh mục cử hành. Linh mục vừa là tư tế và là hy lễ, đời mình là hy lễ, toàn dân Chúa cũng là hy lễ mà linh mục phải hiến dâng mỗi ngày và mọi ngày trong suốt đời sống của mình. Ơn gọi và thiên chức Linh mục, chiều kích hy lễ là chiều kích tạ ơn nghĩa là biến đổi đời sống và tác vụ linh mục của chúng ta thành hy lễ tạ ơn như Thánh lễ là hy lễ tạ ơn được dâng hằng ngày trên bàn thờ, hiện thực hóa, hiện tại hóa hy tế thập giá mà chính Người đã tự hiến trên Núi Sọ.

Nói đến hy tế tức là nói đến lễ vật dâng lên, Chúa Giêsu là lễ vật được hiến tế trên thánh giá, được dâng lên Thiên Chúa để đền thay tội lỗi cho chúng ta và ban cho chúng ta ơn tái sinh và ơn sự sống là chính Chúa Giêsu Kitô Phục sinh. Đời sống linh mục là một hiến lễ tạ ơn, quan sát bề ngoài có thể nhận xét đời sống linh mục an nhàn, vô tư, không phiền toái nhưng thực sự mỗi người linh mục chúng ta lại vác lấy thập giá phiền muộn, lao nhọc cả phần thể lý lẫn tinh thần, vì lẽ chúng ta là hiện thân của Chúa Kitô, Đấng được tung hô và bị kết án, Đấng được thán phục và bị phê bình chỉ trích. “Tôi tớ không trọng hơn thầy”, đau khổ vì thân phận khiếm tài kém đức, vì bản thân mỏng dòn yếu đuối, vì là kiếp bình sành dễ vỡ mà Chúa Kitô lại ủy thác một mầu nhiệm. Mọi nơi mọi thời đời sống linh mục không thiếu phần cay đắng, thê lương, thất bại, đó là con đường Thầy Giêsu đã đi qua mà không một linh mục chân chính nào được chỉ trước, điều quan trọng và cần thiết là biết biến đổi tất cả nên lễ vật và hiến tế tạ ơn.

Tác vụ Linh mục là hiến lễ tạ ơn, linh mục chọn đời dấn thân cho tác vụ mục tử nhiệt thành, quảng đại, mở rộng vòng tay nhân ái đến với mọi người không phân biệt giàu nghèo, trí thức hay ít học, già trẻ nam nữ, và không ít lần bị phàn nàn trách móc, khinh thị, thậm chí chửi mắng, đau khổ tinh thần, giáo dân không cảm thông, vô ơn bạc nghĩa. Chúa Giêsu đã nói trước điều này, “trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó”, và chính thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô đã nói: ngài luôn mang bên thân mình cuộc thương khó của Chúa Kitô. Đối với linh mục, ngày cũng như đêm phải sẵn sàng đáp lại tiếng mời gọi liên can đến mục vụ. Chịu đau khổ với Chúa Giêsu vừa là ơn gọi vừa là hiến lễ: “Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi, không thể làm môn đệ Tôi. Ai phục vụ Thầy hãy theo Thầy”. Chịu đau khổ với Chúa Giêsu và vì danh Chúa Giêsu là hiến lễ của linh mục, sách Công vụ Tông đồ ghi lại: “Các Tông đồ ra khỏi Hội đường (hay Thượng Hội Đồng?), lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu”.

Chịu đau khổ với Chúa Giêsu là đồng hiến tế với Chúa Giêsu để được vinh quang với Người. Xiềng xích, gian truân đang chờ đợi tôi, tôi chu toàn chức vụ lãnh nhận từ Chúa Giêsu là lo làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa, thánh Phaolô tông đồ xác định như thế. Tác vụ linh mục không phải lúc nào cũng thuận lợi, thành công hay hạnh phúc, cũng lắm cay đắng, chán nản, thất vọng và khủng hoảng nữa, “trong thế gian, anh em phải gian nan khốn khó”, Chúa Giêsu đã tiên báo. Tất cả những gian truân khổ ải ấy chỉ có giá trị khi làm nô lệ của đức ái mục tử và đức ái mục tử phát xuất trước tiên từ hy lễ tạ ơn, tất cả đều qui hướng về Thánh Thể và Thánh Thể là tạ ơn, thiếu Thánh Thể, những gian truân khổ ải chỉ là vô dụng và bất hạnh cho linh mục, trái lại, khi linh mục biến đổi tất cả trở nên lễ vật và hiến lễ tạ ơn thì đời sống và tác vụ linh mục mới là lời tạ ơn dâng lên Thiên Chúa và thông truyền cho anh chị em mình mà linh mục được mời gọi dấn thân phục vụ.

Anh em linh mục thân mến, sống như một linh mục chân chính thật là khó, vì linh mục không tìm hư danh quyền lực, phô trương hay giàu có, trái lại linh mục luôn đối diện với khinh miệt, cản trở, hiểu lầm, phản đối, chỉ trích và cả vu khống nữa. Những thử thách và cám dỗ ấy luôn có, linh mục chúng ta phải luôn thắng vượt bằng cuộc vượt qua của Thầy chí thánh, vượt qua đau khổ và cái chết bằng biến đổi đời sống và tác vụ linh mục thành lễ vật và hiến lễ tạ ơn mà linh mục hằng ngày cùng với cộng đoàn tín hữu cử hành trên bàn thờ Thánh Thể. Amen.
 
Hội ngộ Linh mục giáo tỉnh Saigòn tại Xuân Lộc: Phép Thánh Thể trong đời sống Linh mục
+ GM Đaminh Nguyễn Chu Trinh
09:31 28/05/2010
Anh em thân mến trong chức Linh mục.

Chắc lòng mỗi người chúng ta đang dạt dào những tình cảm thiêng liêng rất đặc biệt vì ít có lần chúng ta được dâng Thánh lễ như hôm nay, trong khung cảnh đông đảo anh em linh mục và nhất là chỉ có giám mục và linh mục. Trong bầu không khí linh thiêng này, tôi muốn chia sẻ đôi điều cùng chúng ta suy niệm về phép Thánh Thể trong đời sống linh mục chúng ta.

Trước hết, linh mục gắn liền với Thánh Thể. Khung cảnh và bầu không khí của Thánh lễ hôm nay gợi chúng ta nhớ khung cảnh trong nhà tiệc ly, chính nơi đó Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể và chức Linh mục. Chúng ta có thể mường tượng như thể chúng ta đang ở trong nhà tiệc ly với Chúa và đón nhận Thánh Thể từ chính Chúa như các môn đệ xưa: “Đây là Mình Thầy, các con hãy nhận lấy mà ăn. Đây là Máu Thầy, các con hãy nhận lấy mà uống”, su đó chúng ta lại được nghe lời chính từ miệng Chúa ký thác cho chúng ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu, Thầy chí thánh của chúng ta đã nối kết chức Linh mục với Thánh Thể một cách sâu nhiệm đến độ có thể nói rằng phép Thánh Thể tùy thuộc vào linh mục, mối liên hệ này là mật thiết và hiển nhiên, hiển nhiên đến nỗi mà người giáo dân rất bình thường cũng đã nhận thấy điều đó. Trong cuốn nhật ký truyền giáo của cha Piô Ngô Phúc Hậu kể lại câu chuyện như sau:

Tôi đến địa phận Hưng Hóa, đến tỉnh Phú Thọ và đến làng Ngô Xá, nơi này có chừng 6000 tín đồ mà đã 10 năm nay không có một Thánh lễ, anh em chúng tôi được mời đến một người nhà của một người bạn. Khi được nghe rằng có hai linh mục miền Nam ra thăm thì giáo dân ùn ùn kéo đến trong căn nhà ba gian, đến nỗi chúng tôi đang ngồi ăn cơm và đằng sau đầy đến nỗi chúng tôi không còn có chỗ hở để và chén cơm vào miệng. Có một người nói: “mời hai cha đứng lên để chúng con coi mặt cái ạ!”, hai chúng tôi đứng lên quay một vòng. Người khác lại nói: “mời hai cha ra ngoài để chúng con coi mặt một cái”, chúng tôi lại làm theo. Và ra ngoài, mọi người vây quanh chúng tôi, một người nói: “thấy hai cha, chúng con thèm quá!”. Cha Piô nói: “Nếu như Đức Cha cho chúng tôi về đây thì anh em có lấy không?”. Người ta trả lời: “Chúng con lấy cả”. Ngài lại nói rằng: “Nếu như Đức Cha chỉ cho một linh mục mù về đây thì anh em có lấy không?”. Họ trả lời: “Chúng con lấy. Mù cũng được, miễn là chúng con có Thánh lễ”.

Câu trả lời “mù cũng được miễn là chúng con có Thánh lễ” thật là một câu gợi lên trong anh em chúng ta hạnh phúc, chúng ta được làm thừa tác của bí tích Thánh Thể, vì dân chúng sống nhờ Thánh Thể, và nếu không có linh mục thì không có Thánh lễ và không có Thánh Thể. Câu đó thật là gợi cho chúng ta thấy ơn cao trọng mà chúng ta có được mỗi lần chúng ta cử hành Thánh lễ.

Thứ hai, Linh mục thừa tác của Thánh thể - bí tích của tình yêu. Người ta thường nói: Thánh Thể là bí tích tình yêu, tại sao có thể nói được như vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải đi sâu vào tâm lý yêu thương của loài người. Khi yêu nhau thì người ta thường tặng cho nhau những món quà, và càng yêu thương nhau nhiều thì món quà càng cao quí, càng có giá trị, nhưng nếu tình yêu trở nên tuyệt hảo và trọn vẹn thì người ta không phải chỉ cho những món quà quí giá tuyệt hảo mà người ta cho chính bản thân mình. Thầy Giêsu của chúng ta đã làm điều đó, Ngài ban cho chúng ta chính mình Ngài khi Ngài nói: “Đây là Mình Thầy, các con hãy nhận lấy. Đây là Máu Thầy, các con hãy nhận lấy”. Chúa Giêsu trao cho các môn đệ chính Ngài, tất cả con người của Ngài. Cái lẽ thường tình, trước một món quà cao quí, trọng vọng như vậy thì hẳn mọi người sẽ rất vui mừng cảm động, thế nhưng trong thực tế chúng ta thấy được rằng, món quà cao trọng tuyệt vời mà Chúa Giêsu ban tặng cho thế gian là chính Thánh Thể Ngài thì đã nhiều người không đón nhận, không có cảm tình với Chúa. Đã không có cảm tình với Chúa, người ta lại còn đủ tìm đủ cách để né tránh, để làm biếng, hoặc là người ta còn chống đối và kết án. Chính vì vậy, Chúa Giêsu cũng đã lập chức Linh mục cùng với Thánh Thể và phó thác trong tay các linh mục, để khi các linh mục làm cho Thánh Thể tiếp tục hiện diện mọi nơi mọi lúc và làm cho mọi người cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, không phải để chúng ta cử hành Thánh lễ mà thôi, nhưng làm sao để cho con người của chúng ta trở nên con người của Thánh Thể, để cho người khác nhìn vào chúng ta họ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tu luyện con người của chúng ta thành một quà tặng trọn vẹn tuyệt vời, để cho chúng ta dâng hiến và phục vụ, dung thứ dung tha cho mọi người. Hẳn là trong đời chúng ta đã không thiếu gì những lần chúng ta dâng hiến, chúng ta ban tặng, chúng ta tha thứ, nhưng chúng ta chú ý đến cuộc đời dâng hiến toàn vẹn. Dâng hiến toàn vẹn đòi hỏi chúng ta phải dâng hiến, phải tha thứ, phải phục vụ hết mình chúng ta, mọi nơi mọi lúc và cho mọi người, không phân biệt. Đòi hỏi nơi anh em linh mục chúng ta phải kiên trì trung thành tu luyện để mỗi ngày món quà chính chúng ta trở nên trọn vẹn, cuộc đời của chúng ta càng nên món quà trọn vẹn bao nhiêu thì càng phải phản chiếu được tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể bấy nhiêu. Chúng ta múc nguồn sức mạnh yêu thương từ Chúa Giêsu Thánh Thể. Làm sao có thể biến đổi được cuộc đời chúng ta thành món quà trọn vẹn và tuyệt hảo được, làm sao chúng ta có thể phản ảnh được tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể là tình yêu?

Trước khi trao cho các môn đệ sứ mạng tiếp tục mầu nhiệm tình yêu Thánh Thể: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Chúa Giêsu thông ban tình yêu của Chúa cho các môn đệ đến độ tình yêu của Chúa trở thành thức ăn thức uống nuôi dưỡng các ngài. Chúa nói với các môn đệ: “Đây là Mình Thầy, các con hãy nhận lấy mà ăn. Đây là chén Máu Thầy, các con hãy nhận lấy mà uống”, điều chúng ta cần phải chú ý là Chúa không chỉ trao chính mình cho các môn đệ mà còn truyền cho các môn đệ phải ăn, phải uống: “Các con hãy nhận lấy mà ăn. Các con hãy nhận lấy mà uống”. Khi người ta ăn và uống thực phẩm thì thực phẩm tiêu hóa thành máu để nuôi sống toàn cơ thể, thức ăn và đồ uống trở nên một với người ta. Như vậy, ăn thịt và uống máu Chúa là một động thể thể lý để diễn tả một hành động tinh thần thấm nhuần tâm tư của Chúa sống trong tình nghĩa thân mật với Chúa, như vậy thì chúng ta hiểu được lời của Chúa qua thánh Gioan: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, và Ta sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn Ta cũng sẽ nhờ Ta mà được sống như vậy”. Thánh Phaolô đã có một cảm nghiệm rất rõ ràng khi ngài nói với chúng ta: “Tôi sống không còn phải là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi”. Lời này còn là lời có thể phát xuất từ ở chính bản thân mỗi người anh em linh mục chúng ta, hôm nay chúng ta có thể nói được như vậy không? “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là chính Chúa sống trong tôi”. Chúa trở thành nguồn sinh lực, nguồn gợi hứng của cuộc đời chúng ta, các linh mục của Chúa, lúc đó tình yêu của Chúa không chỉ là phản ánh tình yêu của Chúa Thánh Thể như hai thực tại riêng rẽ, nhưng thực ra chính là tình yêu của Chúa Giêsu tỏa sáng trong con người linh mục của chúng ta. Hôm nay hơn bao giờ hết khi chúng ta cử hành Thánh lễ là khi chúng ta thực hiện lời truyền của Chúa: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, và một lần nữa tình yêu Thánh Thể của Chúa lại tuôn trào và thấm nhuần vào lòng chúng ta để qua chúng ta, đoàn dân Chúa và mọi người nhận ra được tình yêu vô biên của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Amen.
 
Phóng sự về cuộc Hội ngộ Linh Mục giáo tỉnh Sàigòn tại Xuân Lộc
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:32 28/05/2010
HỘI NGỘ LINH MỤC GIÁO TỈNH SÀI GÒN - CỤM B

Ngày 16 tháng 03 năm 2009, ĐTC. Bênêdictô XVI tuyên bố thiết lập “Năm Linh Mục”, bắt đầu từ lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày 19 tháng 06 năm 2009 đến lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày 11 tháng 06 năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars qua đời (4.8.1859).

Hình ảnh Hội ngộ linh mục tại Xuân Lộc

Mục đích của “Năm Linh Mục” là làm cho mọi người ý thức được tầm quan trọng của vai trò và sứ vụ linh mục trong Hội Thánh và xã hội hôm nay. Việc loan báo “Năm Linh Mục” đã được đón nhận hết sức nồng nhiệt, đặc biệt trong những hàng ngũ linh mục… với sự tham gia nồng nhiệt của dân công giáo, là dân không nghi ngờ vốn yêu mến các linh mục và mong ước các ngài được hạnh phúc, thánh thiện và vui tươi trong công việc tông đồ hằng ngày (ĐHY Claudio Hummer ngày 27.05.2009)

Đối với các linh mục “Năm Linh Mục” còn là dịp để các ngài tìm hiểu thêm và ý thức rõ ràng về căn tính của các ngài, để mọi người cầu nguyện cho các ngài, cộng tác giúp đỡ các ngài hoàn thành sứ mệnh được trao. Đức Hồng Y Claudio Hummer trích lời Đức Thánh Cha nói ngày 16/03 trong dịp đại hội khoáng đại thánh bộ giáo sĩ: “Năm đặc biệt này nhằm cổ võ các linh mục trong nỗ lực tiến tới trên đường trọn lành thiêng liêng, là điều hơn bất cứ cái gì khác, liên hệ mật thiết tới hiệu năng của thừa tác vụ của các ngài”. ĐHY Claudio Hummer viết tiếp: “Vì thế năm nay phải là một năm cầu nguyện của các linh mục, với các linh mục và cho các linh mục, một năm giúp canh tân linh đạo của hàng linh mục và của từng linh mục”.

Trong tinh thần của Năm Linh Mục và Năm Thánh 2010, Giáo tỉnh Sài Gòn tổ chức Hội Ngộ Linh Mục vào ngày 26, 27 tháng 5 năm 2010 chia làm hai cụm: Cụm A: tại Trung tâm Mục vụ TGPSG dành cho các linh mục thuộc 5 giáo phận: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ. Cụm B: tại TGM và Đại Chủng Viện Xuân Lộc dành cho các linh mục thuộc 5 giáo phận: Xuân Lộc, Bà Rịa, Phú Cường, Đà Lạt, Phan Thiết.

Ngày 26.5

Cuộc Hội Ngộ Linh Mục, Giáo Tỉnh Sài Gòn, cụm B với chủ đề: HÃY YÊU NHƯ GIÊSU.

TGM Xuân Lộc đã chuẩn bị mọi sự thật chu đáo. Các Cha, các Thầy Đại Chủng Sinh niềm nở đón tiếp, ân cần hướng dẫn các vị khách quý đến từng phòng. 592 linh mục tề tựu trong niềm vui gặp gỡ, tay bắt mặt mừng, hàn huyên trò chuyện.

Cuộc hội ngộ khai mạc vào lúc 11g ngày 26.5 tại hội trường TGM Xuân lộc. Gia đình Lêvi ( cách nói của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn) còn có sự hiện diện đặc biệt của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, GM Xuân lộc, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, GM Phú cường, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống,GM Phan thiết, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, GM Bà rịa, Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, GM phụ tá Xuân lộc, Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, Bề trên ĐCV Xuân lộc, Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú, TĐD GPXuân lộc, Cha Phaolô Lê Đức Huân Giám Quản GPĐà Lạt, Cha Micae Lê Văn Khâm, TĐD GPPhú cường, Cha Phaolô Nguyễn Hữu Thời TĐD GPBà rịa.

Sau cơm trưa, các tham dự viên được phân chia theo hai khu vực: Đại Chủng Viện và TGM để nghĩ ngơi.

Lúc 14g, hội trường TGM rộn ràng tiếng nhạc chào đón các tham dự viên. Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo thuyết trình đề tài: Lời Chúa trong đời sống và chức vụ linh mục. (x. file đính kèm).

Sau giờ kinh chiều chung 15g30, nghi thức sám hối với những gợi ý xét mình từ đoạn Thánh Kinh (1Tm 4, 12b – 16).

Thiết lập “Năm Linh Mục” nhân kỷ niệm 150 năm “ngày sinh” của cha thánh Gioan Maria Vianney, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI muốn năm này “góp phần vào việc xúc tiến sự dấn thân canh tân nội tâm tất cả các linh mục để làm cho chứng tá Tin Mừng của họ trên thế giới hôm nay sâu sắc và mãnh liệt hơn”. Trong ý tưởng ấy, Ngài đã nghĩ tới tất cả các linh mục trên thế giới và ghi nhận những xác điểm:

1. Làm sao mà tôi không làm nổi bật sự vất vả tông đồ của họ, sự phục vụ dẻo dai và âm thầm của họ, đức ái phổ quát của họ được?

2. Làm sao mà tôi không ca ngợi sự trung tín can đảm của biết bao linh mục mà cho dẫu phải đối diện với những khó khăn và những sự thiếu thông hiểu, vẫn trung thành với ơn gọi của mình: ơn gọi “làm bạn của Chúa Kitô”, đã lãnh nhận từ Ngài một ơn gọi đặc biệt, đã được chọn gọi và sai đi?

3. Làm sao chúng ta không nhớ đến biết bao linh mục bị nhạo báng trong phẩm giá của họ, bị ngăn cản thực hiện tác vụ của mình, thậm chí đôi khi bị bách hại cho đến độ cuối cùng làm chứng bằng máu mình?

Nghĩ tới các linh mục, Đức Thánh Cha cũng ghi nhận “còn tồn tại những hoàn cảnh, không bao giờ lấy làm tiếc đủ, mà chính Giáo Hội phải chịu vì sự bất trung của một số thừa tác viên của mình, nhưng còn là một ý thức mới mẻ và phấn khởi về sự cao cả của ân huệ Thiên Chúa, được cụ thể hóa nơi những hình ảnh sáng ngời của những mục tử quảng đại, những tu sĩ rực cháy tình yêu đối với Thiên Chúa và các linh hồn, những vị linh hướng sáng suốt và kiên nhẫn”.

Mẫu gương linh mục đã sống “ân huệ của Thiên Chúa”, “Hồng ân linh mục” chính là thánh Gioan Maria Vianney mà chúng ta chiêm ngưỡng đặc biệt trong năm linh mục này. Chính ĐTC. Bênêdictô XVI đã trình bày cho thấy “Cha sở họ đạo Ars rất khiêm tốn, nhưng với tư cách là linh mục, ngài ý thức là một ân huệ bao la cho dân của ngài, một mục tử nhân lành, một mục tử theo như lòng Chúa mong ước, đó là kho tàng lớn lao nhất mà Thiên Chúa nhân từ có thể ban cho một giáo xứ, và là một trong những ân huệ cao quý nhất của lòng thương xót của Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha cũng phác ra một số nét cho thấy thánh Gioan Maria Vianney đã sống hồng ân linh mục thế nào:

1. “Trước tiên đó là sự đồng nhất hóa hoàn toàn bản thân ngài với thừa tác vụ của ngài”

- “Ngài quyết định “ở”, về mặt vật chất, trong nhà thờ giáo xứ… chính ở đó mà phải tìm kiếm ngài nếu người đi cần đến ngài”.

- “Ngài quyết định “ở” cách chủ động trong toàn địa hạt giáo xứ của ngài…” viếng thăm cách có hệ thống các bệnh nhân và các gia đình, tổ chức các tuần đại phúc, thực hiện các công trình từ thiện… chăm lo dạy dỗ trẻ em…

Cha thánh đã thực hiện những công trình trên với sự hợp tác với giáo dân “mà cùng với họ, các linh mục hình thành dân tư tế duy nhất và các ngài ở giữa họ, vì chức linh mục thừa tác”.

2. Cha sở thánh đặc biệt dạy cho các giáo dân trong xứ bằng chứng tá đời sống của mình. Theo mẫu gương của ngài, các giáo dân của ngài đã học cầu nguyện, tự nguyện dừng lại trước nhà tạm để viếng Chúa Giêsu Thánh Thể”… việc giáo dục giáo dân trước sự hiện diện Thánh Thể và rước lễ mặc lấy một hiệu quả hoàn toàn đặc biệt, khi các giáo dân thấy ngài cử hành hy tế thánh lễ”.

3. “Sự đồng nhất bản thân với hy tế thập giá này đã đưa ngài bằng một chuyển động nội tâm duy nhất từ bàn thờ đến tòa giải tội… Qua việc ngài ở thường xuyên lâu giờ tại nhà thờ, trước nhà tạm, ngài đã truyền cảm hứng cho các tín hữu bắt chước ngài, bằng cách đến viếng Chúa Giêsu và đồng thời họ chắc chắn tìm gặp cha sở ở đó, sẵn sàng lắng nghe và tha thứ. Về sau, đoàn các hối nhân gia tăng đến từ khắp nước Pháp, giữ ngài ở tòa giải tội cho đến 16 giờ mỗi ngày”.

Theo gương cha sở thánh họ đạo Ars, chúng ta đặt bí tích Sám hối vào trung tâm của những bận tâm mục vụ. Thánh nhân còn cho thấy phương pháp cho “sự đối thoại cứu độ” mà bí tích này đòi hỏi.

- Người mong mỏi sâu xa và khiêm tốn ơn tha thứ của Thiên Chúa, “sẽ làm thấy nơi ngài sự khích lệ đắm mình vào dòng thác của lòng thương xót của Thiên Chúa”.

- “Ai sầu khổ về sự yếu đuối và tính hay thay đổi của mình, sợ có những sự tái sa ngã sắp đến, thì cha sở cho người ấy thấy bí mật của Thiên Chúa”, “Thiên Chúa nhân lành biết mọi sự… Ngài đi đến chỗ muốn quên đi tương lai để tha thứ cho chúng ta”.

- “Đối với người thú tội cách lạnh nhạt và hầu như dửng dưng, bằng nước mắt, ngài chứng minh sự đau khổ và tính nghiêm trọng mà thái độ tồi tệ này đã gây ra, ngài nói: tôi khóc cho những gì mà anh không khóc”.

- “Nếu có người đến với ao ước về một đời sống thiêng liêng sâu xa hơn và người ấy có khả năng về điều đó, thì ngài dẫn họ vào trong chiều sâu của tình yêu, cho thấy vẻ đẹp khó tả của việc có thể sống kết hợp với Thiên Chúa và trước nhan Ngài”.

Được thiêu đốt bởi đam mê tông đồ vì ơn cứu rỗi của các linh hồn, cha thánh dù thấy mình bất xứng, vẫn vâng phục ở lại nhiệm sở của mình. Hơn nữa ngài còn nêu bật sức mạnh chứng tá tông đồ bằng đời sống hy sinh nhiệm nhặt, thực thi triệt để ba lời khuyên phúc âm. Phong cách sống của ngài làm nên sức mạnh chứng tá tông đồ. “Con người hiện tại muốn nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hay nếu họ nghe các thầy dạy, đó là vì các thầy dạy đã là những chứng nhân” (ĐGH Phaolô VI).

Các linh mục thinh lặng xét mình và cử hành bí tích hòa giải. Từ nhà nguyện TGM, hội trường, các ghế đá đến nhà nguyện ĐCV, các cha xưng tội với nhau, có những cha già đầu bạc trắng nghiêng mình xưng tội với cha trẻ tóc đen mượt. Bầu khí thật thánh thiện và cảm động.

17g30 thánh lễ đồng tế. 26 cha mới lãnh nhận hồng ân linh mục hôm qua (25.5) thuộc Giáo phận Phú Cường cùng đoàn rước với các Giám Mục tiến lên bàn thánh. Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm chủ tế với gợi ý dẫn lễ: Chúng ta tụ họp nơi đây để cùng nhau dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng tạ ơn vì Chúa đã thương trao ban cho chúng ta chức Linh Mục thừa tác và cho chúng ta được cùng với Chúa loan báo Tin Mừng ơn cứu độ để qua tác vụ chúng ta. Chúa được trao ban và chính Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người, đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho nhau xin Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm và Mục Tử Nhân Lành ban những ơn cần thiết cho chúng ta để chúng ta được trở nên như những mục tử theo lòng Chúa mong muốn. Ngài giảng lễ với đề tài “Chức linh mục thừa tác và Bí Tích Thánh Thể”(x. file đính kèm).

Sau cơm tối, buổi giao lưu văn nghệ với nhiều sắc màu âm nhạc đặc sắc. Đội trống Hương Xuân của Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh mục khai mạc rộn rã. Các ca sĩ Công giáo đến từ Sài gòn như Mai Thảo, Thanh Sử, Hồ Bích Ngọc, Diệu Hiền, Hồng Ân, Tam Ca Áo Trắng làm ấm lên tình Chúa tình người qua những ca khúc trữ tình đạo đời. Nhạc sĩ Thông Vi Vu (Đức cha Giuse Vũ Duy Thống) cùng hát với Minh Tú - Minh Thư bài ca “Một chút”, làm hội trường rộn lên những tràng pháo tay nồng nhiệt. Các cha ca sĩ (GPXuân lộc) làm thành nhóm Đuốc Hồng trẻ trung với ca khúc “tình yêu mang tên Giêsu” nhận được nhiều tán thưởng chúc mừng. Ca đoàn Sao Mai với sự điều khiển của Thế Thông - Khương Huệ, đội múa các Nữ tu Dòng MTG Bắc Hải góp phần làm nên sắc màu đa dạng của đêm nhạc hội ngộ. Sau bài ca kết thúc “gieo và gặt”, Đức cha Giuse, các ca sĩ và các tham dự viên cùng hòa vang tiếng hát rộn vui, mọi người được thưởng thức hội chợ ẩm thực trái cây và chè miền đất đỏ Đồng Nai.

Dịp đặc biệt hội ngộ nên các linh mục trò chuyện, tâm sự, chia sẽ đến khuya mới đi ngũ.

Ngày 27.5

Ngày mới khởi đầu với kinh sáng chung và thánh lễ đồng tế. Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh chủ tế, gợi ý dẫn lễ.

Kính thưa các linh mục rất yêu quí của Chúa Kitô, hằng năm vào Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta đã long trọng cử hành lễ Chúa Giêsu Linh Mục qua Mình Thánh Chúa, hôm nay trong ngày hội ngộ rất quí giá này, một lần nữa chúng ta cũng nhắc lại việc Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể và chức Linh mục để rồi từ đó mỗi người chúng ta là những linh mục của Chúa cũng như các Tông đồ, chúng ta phải sống với Thánh Thể Chúa như thế nào. Cầu xin Chúa cho anh em trong chúng ta cũng như cho các linh mục trên khắp thế giới được sống tâm tình của những tông đồ nhiệt thành của Chúa Giêsu. Ngài giảng lễ với đề tài: Phép Thánh Thể trong đời sống linh mục. (x. file đính kèm).

8g30 sáng, hội trường rộn vang tiếng nhạc và vũ điệu của nhóm Đuốc Hồng. Cả hội trường nóng lên cùng hòa vào cử điệu qua các bài ca: Giêsu I love You, Nét đẹp, Nối Vòng Tay Lớn..

Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, thuyết trình đề tài: Rữa Chân Cho Nhau (Ga 13,14) với các ghi nhận: Rữa chân cho nhau, yêu thương nhau; một điều cơ bản thuộc về chức linh mục, một sự quân bình trong đời linh mục, một điều cấp bách giữa thời hiện tại.(x.file đính kèm).

Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu tiếp nối bằng những suy tư từ Sắc lệnh về đời sống linh mục, số 8. Ngài gợi lên ba điểm nhấn về tình huynh đệ linh mục.

1. Sự cảm thông:

- Vui buồn có nhau: thăm hỏi chúc mừng nhau vào những dịp lễ bổn mạng, chịu chức, có thể là một cuộc điện thoại, một tin nhắn cũng làm ấm lên tình huynh đệ, thăm viếng anh em khi bệnh tật…

- Nâng đỡ nhau trong khi gặp khủng hoảng, cô đơn, bị hiểu lầm, bị công kích…

- Nhắc bảo nhau với tất cả chân thành tế nhị và bác ái.

2. Chia sẽ cho nhau

- Những kinh nghiệm và thao thức về mục vụ, về điều hành giáo xứ về thuật lãnh đạo cộng đoàn.

- Các bài giảng lễ, các suy niệm đạo đức, những giáo trình dạy học.

- Những kinh nghiệm xây dựng: nhà thờ, nhà giáo lý, nhà mục vụ.

- Bỗng lễ, giới thiệu ân nhân.

3. Cộng tác với nhau

- Công việc mục vụ của giáo hạt, giáo phận.

- Làm việc nhóm như dịch sách, chuyên đề, bài giảng.

- Tham gia hiệp hội linh mục như Hội Prado, hiệp hội linh mục tông đồ nhỏ của Giáo phận Xuân lộc.

- Với một tinh thần chung.

Đức cha Tôma tóm kết bài chia sẽ qua ba chữ C: Cảm thông, Chia sẽ, Cộng tác. Ngài mời gọi các linh mục sống thêm chữ C thứ tư là: Cầu nguyện, đề nghị anh em dành ngày thứ Năm đầu tháng dâng lễ cầu nguyện cho nhau.

Sau khi nghe các Đức Cha thuyết trình, các tham dự viên theo nhóm để thảo luận. Có 12 nhóm được phân bổ đều cho 5 Giáo phận. Các cha thảo luận thật sôi nổi theo các đề tài vừa được nghe giảng.

Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn đến thăm và nói chuyện lúc 10g30.

Ngài gọi hàng linh mục Việt nam là Gia đình Lêvi. Nhìn lại lịch sử Giáo hội Việt nam để thấy được sự phát triển của Gia đình Lêvi qua những con số thống kê và so sánh.

-Năm 1668 có 4 linh mục người Việt nam đầu tiên. Đến nay gia đình Lêvi có 342 tuổi và phát triển không ngừng qua dòng thời gian.

-Năm 1700, tức là 32 năm sau, tăng 10 lần, từ 4 linh mục lên 43 vị.

-Năm 1800, tăng 3 lần: 119 vị

-33 năm sau tăng hơn 30 lần, 1158 linh mục.

-Từ năm 1933 -1963: các chủng viện do hàng giáo sĩ Việt nam đảm nhận, số linh mục tăng gấp đôi, 2018 vị.

-Đến nay, năm 2010, sau 50 năm kể từ khi thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, số linh mục tăng lên 5.000 vị (trong nước 3.700 vị, hải ngoại 1.300 vị).

Tạ ơn Chúa, những hoàn cảnh lịch sử đã tạo nên những Linh Mục Việt Nam làm sứ giả Tin mừng khắp thế giới. Nếu như ngày xưa các sứ giả Tin mừng đến từ Âu Châu truyền giáo cho Việt nam thì bước vào thế lỷ 21, sứ giả Tin mừng Việt nam đi khắp chân trời góc biển gieo hạt giống Phúc âm.

Đức Hồng Y cũng nói đến việc xây dựng Giáo hội, xây nhà thờ, nhà tu, nhà trường đều cần phải đặt trên nền móng là Lời Chúa và trên bốn trụ cột là chân lý, tình yêu, hòa bình và công lý.

Bữa cơm trưa đầm ấm tình huynh đệ, rôm rã câu chuyện gởi trao.

Các giờ làm việc thật khít khao. Đúng 13g15, Nhóm Đuốc Hồng khởi động bằng nhiều bài ca vui nhộn, cử điệu duyên dáng. Các Đức Cha, các cha già cùng chung chia niềm vui hân hoan, cùng hát cùng làm cử điệu rộn nhịp yêu đời.

Sau giờ kinh chiều chung, Đức Cha Tôma Nguyễn VănTrâm nói chuyện về đề tài: “Các thủ tục về tòa án hôn phối”, hướng dẫn trình tự các thủ tục của Tòa cấp I, cấp II, cấp III.

Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ tiếp nối với những hướng dẫn cụ thể về mục vụ hôn nhân như chuẩn bị hôn phối, những cần thiết trước khi cử hành hôn phối, nghi thức cử hành hôn phối, bổn phận ghi sổ, thông báo và việc giải vạ phá thai.

Theo gợi ý hướng dẫn, 12 nhóm tiếp tục thảo luận theo nội dung các đề tài đã được nghe giảng. Đến 16g, đúc kết chung. Thư ký các nhóm tổng kết những trao đổi, những thắc mắc cần giải đáp về mục vụ hôn nhân, luân lý giáo luật và nêu những đề nghị. Niềm vui vỡ òa dòn tan tiếng cười qua các đúc kết dễ thương ngộ nghĩnh. Đức cha Phêrô giải đáp một phần nhỏ vì chuẩn bị tổng kết hội ngộ, hẹn một dịp khác để trả lời các câu hỏi mục vụ từ thực tế giáo xứ.

Đức Ông Vinh Sơn,TĐD GP Xuân lộc thay mặt Ban tổ chức cám ơn quý Đức Cha, quý cha đã tham dự nhiệt thành và ước mong còn được nhiều dịp nữa để phục vụ. Ngài thống kê số lượng tham dự viên như sau:

GIÁO PHẬN ĐĂNG KÝ THAM DỰ TỶ LỆ

BÀ RỊA 83 72 86,72%

ĐÀ LẠT 119 104 87,40%

PHAN THIẾT 80 73 91,25%

PHÚ CƯỜNG 106 85 80,19%

XUÂN LỘC 290 258 88,96%

CỘNG 678 592 88,96%

Đức cha Tôma Trâm đại diện các Đức Cha cám ơn hai Đức Cha GP Xuân lộc và Ban tổ chức. Hai ngày hội ngộ đã để trong tâm trí các tham dự viên những ấn tượng rất đẹp.

Cha Phaolô Lê Đức Huân thay mặt anh em linh mục nói lên lời tạ ơn Chúa qua hai ngày tuyệt vời. Tri ân quý Đức Cha. Cám ơn Ban tổ chức đã phục vụ rất tận tình và chu đáo. Cám ơn các Đại Chủng Sinh đã nhường phòng ở cho các cha. Lần đầu tiên tham dự “Hội Ngộ Linh Mục” thuộc 5 Giáo phận, gần 600 linh mục cùng với các Giám mục dâng lễ, cầu nguyện, kinh phụng vụ, anh em đã sống tình hiệp thông bác ái huynh đệ linh mục. Đến đây anh em đều xóa bỏ giới hạn tuổi tác, chức vụ, giáo phận để làm nên một gia đình Lêvi, gia đình thánh thiện, sống tình huynh đệ linh mục chan hòa. Tương lai, xin quý Đức Cha tổ chức những cuộc hội ngộ như thế này tại Xuân lộc.

Những tràng pháo tay vang rộn, những khúc ca nhộn nhịp yêu đời kết thúc cuộc hội ngộ.

Sau bữa cơm chiều, mỗi linh mục nhận được món quà lưu niệm là tấm hình chụp chung trước tiền sảnh Đại Chủng Viện Xuân Lộc. Hai Đức Cha, các Cha, các Thầy GP Xuân Lộc niềm nở tiễn các vị khách quý ra về trong lưu luyến mến thương.

Năm Linh Mục sắp trôi qua, ĐHY Claudio Hummer bộ trưởng bộ giáo sĩ, trong thư gửi các linh mục về ngày kết thúc “Năm Linh Mục” viết ngày 12 tháng 4 năm 2010 đã nhận định: “Năm Linh Mục đã được đón nhận rất tốt, và cũng cho thấy năm linh mục đã đáp ứng khát vọng sâu xa của các linh mục cũng như toàn thể dân Thiên Chúa”.

Gần đây một chiến dịch rầm rộ của các phương tiện truyền thông đã dựa vào thực tế: “Dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi, một vài linh mục đã phạm phải tội ác nghiêm trọng và đáng ghê tởm là lạm dụng tình dục trẻ em” để công kích Giáo Hội, tấn công vào chính Đức Thánh Cha. Tuyệt đối không thể chấp nhận việc sử dụng tội ác của một số ít để nhục mạ toàn thể hàng linh mục. Tất cả những ai đang làm như thế là đang phạm bất công nghiêm trọng.

Không mặc cảm hay hốt hoảng trước những chống đối chỉ trích, nhưng ý thức thân phận của những “chiếc bình sành” dễ vỡ đang chứa đựng ân sủng lớn lao của thánh chức linh mục. Hội Ngộ là dịp để anh em Linh mục cùng nhìn lại chính mình để tín thác nơi Chúa Giêsu Kitô.

Hội Ngộ Linh Mục là một cơ hội tốt để gia tăng lòng nhiệt thành sứ vụ Linh Mục. Cuộc Hội Ngộ Linh Mục đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp về tình huynh đệ, nhiều kinh nghiệm mục vụ và nhiều dấu ấn thiêng liêng. Hy vọng và tin tưởng sẽ có những cuộc Hội Ngộ lần 2, Hội Ngộ lần 3…nữa.

Kim Ngọc 28.5.2010
 
Hội ngộ Linh mục giáo tỉnh Saigòn tại Xuân Lộc: Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ Linh mục
Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo
09:36 28/05/2010
LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC
Hội ngộ Linh Mục Xuân Lộc 26/05/2010

Để cho ý tưởng được mạch lạc, bài trình bày sẽ lần theo 4 đề mục chính:
- Dẫn vào: một thoáng nhìn thực tế để định hướng cho suy tư
- Tầm quan trọng của tư tưởng trong cuộc sống: Tư tưởng điều khiển hành động
- Đặc tính của tư tưởng trong thế giới hôm nay và sự quan trọng của Lời Chúa
- Khởi điểm: linh mục, người của Lời Chúa

I. Dẫn vào: Một thoáng nhìn vào thực tế để định hướng cho suy tư

Đề tài “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của linh mục” con có nhiệm vụ trình bày bây giờ, thú thực con thấy khó. Khó không phải vì không có gì để nói, nhưng vì không biết phải nói gì và nói thế nào để bài trình bày không phải là một bài nguyên tắc thần học cho các chủng sinh và đồng thời cũng đáp ứng được một vài băn khoăn của cuộc đời linh mục. Còn đang miên man suy nghĩ thì con nhớ tới một mẩu truyện Đức Cố Hồng Y Nguyễn văn Thuận kể hồi xưa:

Một chuyến bay liên lục địa, máy bay đang bay ngon trớn thì gặp trục trặc kỹ thuật và có nguy hiểm sẽ rớt. Hệ thống báo động loan tin và phi công trưởng ra lệnh mọi người phải mặc áo an toàn. Ai cũng sợ hãi và lo lắng. Bỗng một mục sư có mặt trên máy bay đứng lên, móc trong túi ra cuốn Thánh Kinh và lên tiếng đọc một đoạn rồi giải thích đoạn sách thánh và khích lệ hành khách phải chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng nếu Chúa gọi về. Trên máy bay cũng có một vị linh mục. Thấy máy bay sắp rớt, vị linh mục đứng lên, đi tìm một cái mũ và kêu gọi hành khách: ‘Tiền bạc bây giờ quí ông bà không cần nữa vì sắp được lên chầu Chúa rồi. Xin quí ông bà rộng tay quyên góp để tôi xây nhà thờ’.”

Câu truyện có tính cách hài hước, nhưng xem ra diễn tả một vấn đề. Đó là vấn đề vị trí hay tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của linh mục.

Qua các môn học trong chủng viện, rồi các khóa bồi dưỡng sau khi đã chịu chức Linh Mục, ai cũng biết và nói là Lời Chúa quan trọng và thiết yếu cho đời sống và sứ vụ của linh mục. Đúng là Lời Chúa quan trọng cho linh mục vì nhiều lý do:

1. Linh mục có 3 nhiệm vụ chính yếu: 1) Giảng Dạy (rao truyền và giảng giải Lời Chúa); 2) Thánh Hóa (cử hành các Bí Tích) và 3) Cai quản (điều hành và phục vụ trong Đức Ái). Như vậy, Lời Chúa là một trong 3 cột trụ chính yếu của đời sống và sứ vụ linh mục. Ba cột trụ này gắn liền và dựa vào nhau. Nếu một cột trụ bị quên lãng, không những tòa nhà sẽ lung lay, mà chính hai cột trụ còn lại cũng yếu ớt và èo oặt.

2. Trong thực tế, mỗi linh mục tiếp cận hằng ngày với Lời Chúa qua các giờ kinh phụng vụ, phần phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ, các bài giảng sau Tin Mừng và việc giảng dạy trong các giờ giáo lý hay huấn giáo và cả những lần tiếp xúc riêng tư cá nhân.

3. Trong những năm gần đây nhiều văn kiện lớn của Giáo Hội liên quan đến chức linh mục như sắc lệnh Presbyterorum Ordinis của công đồng Vaticanô II, tông huấn Pastores dabo vobis của ĐTC Gioan Phaolô II, và rất nhiều sứ điệp và bải giảng của các Đức Thánh Cha sau công đồng Vaticano II liên quan đến chức linh mục, nhất là trong những lần gặp gỡ các linh mục, tất cả đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của linh mục.

Như một nghịch lý, khi một khía cạnh của đời sống và công tác mục vụ được nói đến nhiều, thì thường có nghĩa đó là điều còn thiếu hay ít nữa chưa được thực hiện xứng đáng với tầm quan trọng của nó. Xem ra đây chính là trường hợp của Lời Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của linh mục hiện nay. Chỉ cần nghĩ đến thời gian và tâm tình, ý nghĩ và sự chú ý dành cho những giờ kinh phụng vụ, cho việc dọn bài giảng và những giờ dạy giáo lý so sánh với thời gian và sự chú ý dành cho hai nhiệm vụ khác là việc cử hành các bí tích và công tác cai quản giáo xứ, chắc chúng ta cũng có thể nhận ra điều nói trên đây không xa sự thật bao nhiêu, nếu không phải đối với tất cả, ít nữa cũng đối với nhiều anh em linh mục.

Do đó, việc đầu tiên cần phải làm là xác nhận lại tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống và trong chương trình mục vụ của mình. Dĩ nhiên, việc xác nhận ở đây không đơn giản chỉ là một lời xác quyết, nhưng là tìm ra những lý do có thể làm cho chúng ta thực sự xác tín là Lời Chúa hết sức quan trọng. Lúc đó, chúng ta mới để tâm trí, cố gắng hết sức để thực hiện và nếu cần thì tổ chức lại cuộc sống và công tác mục vụ.

II. Tầm quan trọng của tư tưởng trong cuộc sống: Tư tưởng điều khiển hành động

Quí cha làm việc tông đồ, nhất là những ai có trách nhiệm trong việc giáo huấn và đào tạo, hay chỉ cần nghĩ đến kinh nghiệm sống chung và cộng tác thực hiện một chương trình chung, chắc sẽ dễ dàng nhận thấy ngay sự khác biệt giữa việc thay đổi chương trình hay dụng cụ và việc thay đổi con người. Giữa hai công tác có một khoảng cách mênh mông. Thay đổi chương trình hay hệ thống dụng cụ, chỉ cần ít phút suy nghĩ để sắp xếp hoặc tiền bạc để đi mua làm xong. Làm cho một người thay đổi thái độ hay cách sống và cách hành động, thực là truyện vô cùng khó khắn, có thể ví như truyện leo núi hay bơi ngược dòng nước. Tại sao vậy? Thưa vì đó mới chỉ là bề nổi. Nguồn gốc của vấn đề là tư tưởng. Nếu không thay đổi tư tuởng mà muốn thay đổi thái độ và hành động thì có khác chi truyện cắt cỏ mà để rễ. Muốn khu vườn không còn cỏ thì phải nhổ cỏ và nhổ tận rễ kia, chứ cắt cỏ thì không xong truyện được.

Nhưng thay đổi được ý kiến của một người quả là truyện đội đá vá trời. Trong dân gian, có một số câu nói hay cách ví bình dân xem ra tầm thường, nhưng lại biểu lộ một sự hiểu biết sâu sắc về ảnh hưởng của tư tưởng đối với thái độ hay cách xử sự của một người. Đó là những câu ví von: “cứng đầu cứng cổ”, “rắn mặt”, “nước đổ đầu vịt”.

Các cha thừa sai đi truyền giáo, nhất là bên Phi châu thường kêu rêu thế này: “Dân Phi châu không thành thực; không có tinh thần trách nhiệm. Đã hẹn rõ ràng như vậy rồi, chúng nó vâng vâng dạ dạ liên hồi, thế mà khi đến giờ chúng biến hết ráo trọi, chẳng đứa nào vác mặt đến cả. Không tin tưởng được bọn nó”.

Nói cho trúng thì thái độ của dân chúng mà mấy cha thừa sai trách móc chưa chắc đã phải là không thành thực hay thiếu tinh thần trách nhiệm. Đàng sau thái độ này có thể có những ý tưởng (lý do) không ăn nhập gì đến vấn đề thành thực hay tinh thần trách nhiệm chi cả. Lý do có thể là điều các cha thừa sai nói họ thấy không thể thực hiện được, nhưng họ vẫn vâng vâng dạ dạ vì đối với văn hóa của họ nói “không” với bề trên là bất kính, hoặc vì nói “không” thì làm phật ý cha. Vì thế, nói “có” rồi lại “không” chưa hẳn đã phải là không thành thực hay thiếu tinh thần trách nhiệm.

Tại Roma, con gặp một vài trường hợp tạm coi là lạ đối với cách suy nghĩ chung của xã hội ngày nay, nhất là xã hội Âu Mỹ. Trung Tâm CIAM nơi con phục vụ nhiều năm, hay tổ chức những khóa bồi dưỡng cho các linh mục và mỗi khóa thường là một tháng hay một tháng rưỡi. Trong khóa như thế, anh em linh mục cũng chia nhau thành những tổ nhỏ để luôn phiên làm việc phục vụ, trong đó, có việc lau chén bát giúp các Sơ phục vụ trong nhà. Có lần khóa bồi dưỡng được tổ chức cho các cha thuộc Mỹ Châu Latinh, ở đó cũng có nhiều bộ lạc người bản xứ. Một linh mục đến phiên tổ nhỏ của ngài lau bát đĩa không bao giờ thấy ngài tới làm việc chung với anh em trong tổ. Người thì nói cha này lười, người khác nói là không có tinh thần trách nhiệm. Nhưng khi con gặp nói truyện thì thấy là không có vấn đề lười, cũng không có vấn đề trách nhiệm. Thái độ của linh mục này có nguồn gốc ở một ý tưởng văn hóa. Trong bộ lạc của ngài, đàn ông không bao giờ rửa hay lau bát. Thà ăn bát bẩn chứ không rửa bát. Đó là việc của đàn bà. Trong các văn hóa truyền thống, có sự phân chia công việc rõ ràng: việc đàn ông và việc đàn bà, chứ không như trong văn hóa hiện nay khi hầu hết các việc, đàn ông, đàn bà cùng làm như nhau..

Như vậy, căn nguyên là ý tưởng. Nên chi, để thay đổi được thái độ, cách sống và những lựa chọn, cần phải đi vào chiều sâu để hiểu được các lý do ẩn tàng sai khiến các hành động để biến hóa chúng. Nếu chúng ta không đi vào chiều sâu của tư tưởng thì đúng là “dã tràng xây cát biển đông”. Bao nhiêu lễ lạy tưng bừng, tốn công tốn sức tổ chức; bao nhiêu cố gắng thay đổi cơ cấu; bao nhiêu tiền bạc tốn phí vào việc trang bị dụng cụ tân tiến cho hợp thời hơn... nhưng rồi đâu cũng hoàn đấy; cuộc sống đức tin không tăng tiến hơn, mà có khi chính vì những thay đổi, những tổ chức lễ lạy, người ta lại khục khặc nhau nhiều hơn.

Dĩ nhiên, chúng ta không coi thường việc tổ chức lễ lạy hay tân thời hóa các cơ cấu, dụng cụ, vì đó cũng là những điều cần thiết, nhưng chúng ta chỉ muốn đi vào tận căn cơ để điểm mặt yếu tố nền tảng, mà lại hay dấu mặt. Phải chú ý lắm để tìm tòi mới nhận ra được nó và nhận diện ra nó rồi còn phải biết cách ứng sử nữa mới được. Không phải hễ bảo điều đó sai là người ta tin và chấp nhận ngay đâu, và không phải hễ người ta đồng ý chấp nhận là người ta bỏ ngay được đâu vì tư tưởng nằm trong một hệ thống hết sức phức tạp như chúng ta có thể thấy trong biểu đồ dưới đây và ví dụ tượng hình ta có thể dùng để diễn tả cách rõ ràng nhất có lẽ là hình ảnh mối bòng bong hay hình ảnh bụi rậm.



Nhìn biểu đồ trên ta thấy thánh I Nhã (Ignacio) đã hiểu rất thấu đáo cơ cấu nội tâm của con người và đã đưa ra một phương thức mục vụ Lời Chúa hiệu quả và hết sức hợp thời. Để dẫn dắt con cái trên bước đường đức tin và ơn gọi, ngài để nghị hành trình Linh Thao và trong hành trình Linh Thao, ngài hướng dẫn luyện tập theo một tiến trình tiệm tiến như sau:

1. Suy tưởng như Chúa Giêsu suy tưởng;
2. Phán đoán như Chúa Giêsu phán đoán;
3. Cảm nghiệm như Chúa Giêsu cảm nghiệm;

4. Hành động và phản ứng như Chúa Giêsu hành động và phản ứng.

Trong quá trình này, tư tưởng là nồng cốt. Tất cả tùy thuộc vào tư tưởng. Tư tưởng điều khiển hành động. Tư tưởng có một sức mạnh mãnh liệt đối với hành động của con người vì nó được hỗ trợ bởi tình cảm và ý chí. Chính vì thế, người ta nói: “Nếu Bạn muốn cho cuộc đời Bạn tươi sáng, Bạn hãy tập suy nghĩ các tích cực, hãy nuôi dưỡng trong tâm hồn những ý tưởng trong sáng. Nếu chất chứa trong lòng những ý tưởng tiêu cực, cuộc đời của Bạn sẽ sầu héo như hoa tàn.” và “Tư tưởng hướng dẫn thế giới”. Không lạ gì, ngay các công ty và xí nghiệp kinh tế lớn thường cũng có một vài tờ báo và họ còn mua nhiều cổ phần của những tờ báo lớn có ảnh hưởng nhiều trong dư luận. Để bán được hàng hóa sản xuất, cần phải thuyết phục dân chúng và tạo ra được một nếp sống đòi phải có thứ hàng hóa họ sản xuất. Khi quảng cáo món hàng, người ta không chỉ dùng mầu sắc, hình ảnh và chỉ nói là đồ tốt, đồ đẹp, nhưng đưa ra những ý nghĩa, giá trị trên bình diện nhân bản, đạo đức và thiêng liêng. Chẳng hạn: “Dùng đồ này mới xứng đáng là người văn minh”; “Dùng đồ này sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn và gia đình bạn”; “Đồ dùng sẽ làm tăng giá trị của cuộc đời”.

Hèn chi, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mệnh công khai với sứ điệp: “Thời gian đã mãn hạn, Nước Thiên Chúa đã gần. Anh em hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Dịch là "ăn năn thống hối" thì cũng trúng, nhưng không lột được tất cả ý nghĩa của nguyên tự hy lạp metanoéite nên chi không đi tới tận căn nguyên gốc rễ của vấn đề. Metanoéite là một động từ kép gồm hai từ metanóesis. Meta là vượt ra khỏi, vượt lên trên; Nóesis là cách nhận thức, cách hiểu biết theo khả năng của con người. Vì vậy, nếu muốn nói cho trúng thì phải dịch là "Thời gian đã mãn hạn, Nước Thiên Chúa đã gần kề. Vậy anh em hãy thay đổi cách nhận thức, vượt lên khỏi cách nhìn thường tình của nhân loại mà nhìn theo nhãn quan của Tin Mừng". Tại sao vậy? Thưa vì hiện đang nhìn trật nên mới làm bậy. Vì vậy, điều quan trọng là phải đổi cách nhìn. Nếu chỉ đổi cách làm mà vẫn nhìn trật thì chỉ là quyét lớp sơn bên ngoài. Hãy đổi cách nhìn ở đây có nghĩa là hãy dùng mắt Chúa mà nhìn, chứ đừng nhìn với mắt thịt của mình. Thì đây chính là ý nghĩa và lý do vì sao Chúa quở trách thánh Phêrô khi thánh Phêrô can ngăn Ngài đừng chấp nhận đau khổ. Chúa Giêsu trách mắng Ngài cách nghiêm khắc, không phải vì thánh Phêrô nói những điều ngu dại, hay bất nhân vô lý, cũng không phải vì ngài không có ý tốt hay không yêu thầy mình. Không, không thể trách thánh Phêrô về bất cứ điểm nào ở trên. Lý do làm cho Chúa khiển trách nặng nề là vì Ngài đã “không nghĩ tưởng theo cái nhìn của Chúa, mà theo tiêu chuẩn phàm trần của con người” (Mc 8,33).

III. Đặc tính của tư tưởng trong thế giới hôm nay và sự quan trọng của Lời Chúa

Về đặc tính của các luồng tư tưởng và của tâm thức trong thế giới hiện nay nhiều học giả đã và đang học hỏi và bàn cãi chung quanh hiện tượng “tân thời” (modernité) và “hậu tân thời” (post-modernité). Trong cuộc tranh cãi này, một khía cạnh quan trọng chưa được học hỏi tường tận. Đó là những tư tưởng phát xuất từ cuộc gặp gỡ giữa nền văn hóa tây phương và các nền văn hóa các nước Á-Phi. Để đơn giản hoá vấn đề, chúng ta có thể tóm lược trong mấy điểm chính yếu như sau:

a) Bắt nguồn từ trào lưu “tân thời”, người ta gán cho lý trí một giá trị tuyệt đối và một khả năng vô song, có sức hiểu biết và giải quyết mọi vấn đề của con người. Vì vậy, đâm ra hoài nghi tất cả những gì là linh thiêng, xem ra xa lạ với lý trí, hoặc lý trí không thể kiểm chứng được. Ngay cả những hình thức biểu lộ có tính cách tình cảm một chút cũng bị khinh dể, coi là ấu trĩ. Cũng chính vì chỉ coi trọng lý trí, con người trở nên khô cằn; cuộc sống và các mối liên lạc trở nên tẻ nhạt. Nói đến đây, chắc không thể bỏ qua được câu nói trứ danh của Blaise Pascal: “Con tim có cái lý mà lý trí không hiểu được”.

Ngày nay, sau những sai lầm đau thương và rùng rợn của lý trí, tâm thức chuyển sang khuynh hướng “hậu tân thời” và người ta không mấy tin tưởng vào khả năng của lý trí nữa. Từ đó, nảy ra thái độ hoài nghi và coi tất cả là tương đối. Thái độ này tiềm tàng trong dân chúng là môi trường thích hợp làm phát sinh những trào lưu triết lý bất khả tri (agnosticisme) và tương đối (rélativisme), nhất là trong lãnh vực tôn giáo và luân lý.

Dĩ nhiên, hai tâm thức này cũng có những điểm tích cực, nhưng những khó khăn chúng gây ra cho đời sống đức tin và cho công tác tông đồ mục vụ thì vô số, nhất là khi phải trình bày giáo lý về những giá trị tuyệt đối (Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất; các qui luật luân lý tuyệt đối...) hay những yếu tố linh thiêng (sự sống lại của Chúa; Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, các phép lạ, các sự kiện lịch sử...). Tâm thức và các trào lưu triết lý này đưa đến thái độ coi thường hay loại bỏ niềm tin tôn giáo, coi như điều không thể xác quyết được và trong chiều hướng đó, người ta chối bỏ mọi giáo điều và coi mọi tôn giáo như nhau.

b) Gắn liền với trào lưu “tân thời” là sự phát triển của các khoa học nhân văn và thực nghiệm. Nhờ những tiến triển của các khoa học này, người hiểu nhiều hơn về các bí mật của cuộc sống và điều kiện sống cũng được cải tiến rất nhiều. Tuy nhiên, đứng trên phương diện liên lạc người với người, đời sống đức tin và công tác tông đồ mục vụ, có bốn đặc tính hay khuynh hướng đang gây ra rất nhiều khó khăn cần được để ý:

- Đặc tính đầu tiên của tâm thức khoa học là chuyên môn, mục đích là để hiểu biết sâu sa hơn ngành của mình. Khốn nỗi tâm thức chuyên môn lại chở theo khuynh hướng chú mục và loại trừ. Chỉ biết chuyên môn của mình, ngoài ra không còn biết gì hơn nữa. Từ cái biết chuyển sang thái độ qúi trọng, nên làm ngơ, bỏ qua những gì không phải chuyên môn của mình và trong những trường hợp quá khích thì khinh thường tất cả và coi cái biết của mình như chân lý tuyệt đối. Vì vậy, kiến thức chuyên môn xem ra sâu mà lại nông vì bị cắt đứt khỏi tất cả liên hệ với toàn thể. Trên phương diện tôn giáo và luân lý thì tâm thức này gây ra những khó khăn khôn lường. Đầu óc trở thành khép kín hẹp hòi, coi cái biết phiếm diện, hạn hẹp của mình như viễn tượng của toàn thể;

- Cũng trong tâm thức khoa học thực nghiệm, cái biết của con người ngưng đọng lại ở thế giới hiện tượng và chỉ chấp nhận những gì có thể đo lường được qua phương tiện vật chất và giác quan; chạy theo chiều hướng này, nhiều nền triết lý hiện đại đã quên sứ mệnh của mình là tìm kiếm ý nghĩa và bản tính của cuộc đời.

Tình trạng này đã gây ra những hậu quả nguy hại trầm trọng cho đời sống con người hôm nay, trong lãnh vực đời sống cá nhân cũng như trong lãnh vực xã hội, ngay cả trên bình diện tâm linh và tôn giáo. Những hậu quả đó là, chẳng hạn, tâm thức thực dụng, coi thường hay chối bỏ mọi ý nghĩa và các nguyên lý tinh thần, tôn giáo và luân lý, cần thiết để hướng dẫn cuộc sống cá nhân và sự chung sống trong xã hội. Tâm thức này đưa đến những áp dụng thực tiễn trong thái độ và cách giải quyết những vấn đề của cuộc sống, lắm khi đi ngược với nguyên tắc sống của đức tin. Lấy hai tỉ dụ: Những biểu hiệu phụng vụ và những trường hợp hôn nhân gặp khó khắn.

- Các kiến thức khoa học thực nghiệm được cống hiến cách đa tạp và dồn dập. Ngày nay, người ta biết nhiều, nhưng biết nông cạn và vụn vặt, và không có khả năng phối kết các kiến thức thành một mối. Hậu quả là tâm thức của người thời đại là một mớ kiến thức hỗn độn, vàng thau lẫn lộn và gây ra bất ổn tiềm tàng trong nội tâm.

- Đi liền với tâm thức khoa học thực nghiệm, ngày nay cuộc sống con người được kỹ thuật hóa tối đa. Máy móc thay thế con người. Vì thế cuộc sống đang từ từ mất hay ít chất người. Đời sống vật chất có dễ dãi hơn, nhưng lòng con người khô cằn hơn. Dư thừa cơm ăn, nhưng đói tình người.

b) Trong những thập niên gần đây, đã có rất nhiều thay đổi trên hầu hết các lãnh vực có liên quan đến cuộc sống, như văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, luân lý, phong tục, v.v. Và những thay đổi đó đã và đang ảnh hưởng rất nhiều tới người đương thời và ngay cả đời sống đức tin của người tín hữu. Mặc dù, đối với một số tín hữu, hoàn cảnh này đã làm cho đức tin được trưởng thành và sâu đậm hơn, nhưng đối với một số rất lớn, hoàn cảnh mới của xã hội nhiều khi làm cho đức tin bị lu mờ và lung lay và cuộc sống xa cách các tiêu chuẩn của Tin Mừng.

Những thay đổi đó không những chỉ đặt ra nhiều vấn đề mới, nhưng còn thay đổi cả cách nhìn vấn đề của người đương thời. Vấn đề cũ, nhưng cách nhìn mới và cách nhìn mới không luôn phù hợp với Tin Mừng. Lấy tỉ dụ vấn đề phá thai. Đây không phải là vấn đề mới. Cái mới là cách nhìn vấn đề và do đó, thái độ trước vấn đề cũng thay đổi theo đó. Trước đây, người ta phá thai, nhưng người ta biết và nhận đó là sai, là tội. Vì vậy, người ta cố gắng tránh. Khi lỡ mà có phá thai thì mắc cở và hối hận. Ngày nay người ta phá thai, nhưng không mắc cở, không hối hận chi hết. Trái lại, còn viện ra muôn vàn lý lẽ để biện hộ việc phá thai, cho nó là việc tốt, là quyền lợi, hay ít nữa, cũng là điều có thể làm được.

Tình trạng xem ra còn trầm trọng hơn nhiều vì vấn đề không chỉ giới hạn nơi một đôi giá trị, nhưng động chạm đến tận nguồn gốc là chính Tin Mừng. Nhiều người coi sứ điệp Tin Mừng như truyện hoang đường, xa lắc xa lơ, và chính Chúa Giêsu xem ra cũng chẳng ăn nhập chi đến cuộc sống. Tình trạng này lay động tận gốc rễ của đức tin.

c) Tiềm tàng những cảm nghĩ và tâm tình thù địch với Giáo Hội. Hiện tượng và tâm thức “tân thời” được phát sinh từ những luồng tư tưởng gọi chung dưới danh từ chủ nghĩa tân thời (modernisme) chủ trương đòi hỏi cho lý trí một sự độc lập tuyệt đối trên mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực tôn giáo và phải được giải phóng khỏi mọi cơ cấu và mọi thứ quyền bính, kể cả quyền bính thần linh. Có lẽ tất cả chúng ta còn nhớ câu xác quyết của Nietzsche, triết gia của “Siêu Nhân” có thể làm lạnh người đối với chúng ta là những người tin tưởng vào Thiên Chúa. Ông nói: “Không có Thiên Chúa chi ráo trọi. Nhưng giả sử nếu có một Thiên Chúa thì chúng ta phải làm thịt ông vì sự hiện diện của Thiên Chúa cản bước tiến của con người”.

Không phải ai cũng cả gan hô toáng lên như thế, nhưng không thiếu người sống trong tâm trạng chối bỏ và có khi thù nghịch với các cơ cấu và quyền bính và trong bối cảnh của các luồng gió phát sinh từ Âu Châu tâm trạng này áp dụng cách cụ thể vào Giáo Hội và trong Giáo Hội, hàng giáo sĩ. Dĩ nhiên, đây không phải là lý do duy nhất của thái độ thù nghịch Giáo Hội. Còn những lý do khác, nhưng nếu thiếu lý do này làm nền tảng thì các lý do khác cũng mất sức mạnh.

d) Khao khát và tìm kiếm yếu tố tâm linh và tâm tình nhân loại: như một nghịch lý của những yếu tố trên, con người thời đại tỏ ra khao khát những gì là linh thiêng, xem ra có thiện cảm hơn đối với tôn giáo và tìm kiếm, quí trọng những tâm tình giữa người với người.

Khao khát thiêng liêng và thiện cảm của dân chúng đối với tôn giáo là những yếu tố rất đáng khích lệ cho đời sống đức tin và công tác tông đồ, nhưng lồng trong bối cảnh toàn diện, những tâm tình này cũng có hai đặc tính không mấy tích cực. Đặc tính đầu tiên là thái độ hướng về kinh nghiệm và chối bỏ hay không chấp nhận giáo lý và nguyên tắc; đặc tính thứ hai là thái độ nhìn tôn giáo trong phạm trù riêng tư, cá nhân nên không chấp nhận sự hiện diện của tôn giáo trong lãnh vực xã hội.

Tầm quan trọng của tư tưởng và những đặc tính của tư tưởng mà chúng ta vừa kê khai khái quát, trong thực chất, giúp chúng ta ý thức tầm quan trọng của việc rao truyền Lời Chúa và khám phá lại hai ý nghĩa nền tảng của Lời Chúa và do đó, chúng ta có thể thấy Lời Chúa đúng là lời đáp trả thích hợp nhất cho hoàn cảnh thế giới hôm nay.

1. Trước tiên, Lời Chúa là Sự Thật, “là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119,105). Những hoang mang và chao đảo của con người thời đại đứng trước những kiến thức, những lý thuyết mâu thuẫn nhau là một thách đố đối với các linh mục, có khả năng kín múc ánh sáng và sự khôn ngoan từ Lời Chúa để chiếu soi và hướng dẫn.

2. Lời Chúa là chính Chúa Kitô, là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Theo thánh Giêrônimô, khi chúng ta đọc Sách Thánh, chúng ta không chỉ tìm được giáo huấn khôn ngoan, nhưng chúng ta gặp được chính Đáng là tác giả của các giáo huấn khôn ngoan. Sứ điệp độc đáo và cao trọng nhất mà Giáo Hội được sai đi để loan truyền cho thế giới không phải là một giáo điều, một hệ thống tư tưởng cao siêu và tốt lành, nhưng là một Người có tên là Giêsu, Thiên Chúa làm người vì thương yêu nhân loại để mời gọi nhân loại đi vào hành trình tình yêu với Người. Chính đặc tính này của Lời Chúa là một đáp trả cho lòng người thời đại khô cằn, đang tìm liên hệ tình thương. “Thế giới hôm nay, mặc dù có vô số dấu hiệu khước từ Thiên Chúa, thực ra đang tìm kiếm Thiên Chúa trên những nẻo đường chúng ta không ngờ và đang đau đớn cần Chúa. Thế giới van nài những người rao giảng Tin Mừng hãy nói cho thế giới về một Thiên Chúa mà họ biết và với Ngài họ có một mối giây liên hệ thân tình như thể họ đã nhìn thấy Đấng Vô Hình” (EN 76).

Đây là những thách đố cho linh mục có trách nhiệm loan truyền Lời Chúa. Năm 1919, khi ĐTC Benedicto XV gửi Giáo Hội thông điệp truyền giáo Maximum Illud ngài yêu cầu các nhà thừa sai truyền giáo phải học biết thông thạo tiếng người bản xứ vì đó là phương tiện cần thiết để truyền đạt Tin Mừng và giáo lý là điều một nhà thừa sai đích thực không thể bỏ qua và không được khoán trắng cho người khác (MI 20). Xem ra điều ĐTC Benedictô XV nói trên đây không phải chỉ là truyện của quá khứ, nhưng vẫn còn rất hiện thực cho các linh mục hôm nay. Để hỗ trợ cho nhận xét này, chúng ta có thể trích dẫn lời khuyên của cán bộ một đảng chính trị bên Ấn Độ cho các linh mục xứ đó:

“Theo chúng tôi, các linh mục ấn độ các anh chậm tiến ít nữa là 200 năm. Các anh mù tịt về tất cả các hệ thống tân thời để quảng bá tư tưởng. Các anh dùng tiền để xây nhà cửa, còn chúng tôi thì dùng tiền để in sách và báo chí. Các anh mở trường và dạy con nít biết đọc biết viết, rồi các anh không cho chúng nó cái gì để đọc. Chúng tôi cho tất cả, từ những chữ viết trên tường tới báo chí, từ những sách lớn tới sách nhỏ thích hợp cho mỗi lứa tuổi và hoàn cảnh. Các anh có rất nhiều báo chí đạo đức, nhưng rất ít báo chí tư tưởng.

Các anh lập các nhà in, nhưng chỉ để kiếm tiền, chúng tôi lập nhà in để tuyên truyền. Các anh phân phát sữa bột cho dân nghèo, chúng tôi phân phát tư tưởng. Các anh bận tâm lo lắng nuôi cái bụng, chúng tôi nuôi tâm trí. Các anh nói là tư tưởng hướng dẫn thế giới, nhưng các anh không quảng bá tư tưởng. Trong cuộc đọ sức tư tưởng các anh đã thua trên khắp thế giới và cả trên đất Ấn Độ này.

Trên bình diện tư tưởng, các anh đã bại trận vì chúng tôi tạo được dư luận, còn các anh thì bất lực. Các anh phải tiêu hơn ít nữa trăm lần cho báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình để in sách, quảng cáo, báo chí đủ loại, để giúp những ai muốn học và những ai có khả năng tạo dư luận.

Lời khuyên của tôi đáng giá ngàn vàng. Và vì đã cho các anh lời khuyên này, tôi đáng bị loại khỏi đảng.”

Lời khuyên này được đăng trên Vidyajotim, Nguyệt San cho các Linh mục bên Ấn Độ và được đăng lại trên “Mondo e Missione”, Agosto-Settembre 1975, p. 430.

Lời khuyên trên đây rất quí báu vì nó giúp cho nhiều anh em linh mục nhìn ra được cái thiếu xót của mình. Nhưng may ra nó chỉ trúng được 1/3 vì còn 2 yếu tố vô cùng quan trọng chưa được đề cập. Yếu tố thứ nhất là cái phẩm của tư tưởng, tức là vấn đề về loại tư tưởng và tư tưởng đó có xây đắp cuộc đời và có phản ảnh Sự Thật hay không. Yếu tố thứ hai là chiều kích nhân bản và thiêng liêng của tư tưởng, tức là tình người và tình Chúa. Điều này thì lời khuyên trên đây hoàn toàn mù tịt. Các linh mục có trong tay cả hai yếu tố còn thiếu đó, nhưng lại thiếu yếu tố đầu tiên được nói trong lời khuyên. Có nghĩa là mình có mà không cho, mà có lẽ cũng không dùng nữa!

IV. Khởi điểm: linh mục, người của Lời Chúa

Vấn đề cuối cùng chúng ta muốn tìm hiểu là vấn đề khởi điểm: Để canh tân sứ vụ phục vụ Lời Chúa, có rất nhiều điểm cần phải suy nghĩ và thực hiện. Thử kể ra mấy điều hay được nói đến: Nghệ thuật giảng thuyết, thời gian của một bài giảng, cơ cấu của một bài giảng, nghệ thuật đứng lớp giáo lý, nội dung một bài giáo lý, tổ chức và điều hành chương trình giáo lý, thủ bản giáo lý, v.v. Câu hỏi đặt ra ở đây là điều nào là điều căn bản và phải bắt đầu từ đâu?

1. Linh mục, người của Lời Chúa

Khi nói về việc canh tân công tác truyền giáo, ĐTC Gioan Phaolô II, trong thông điệp Redemptoris Missio (Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế) nói như sau: “Để khơi dậy đà dấn thân mới trong việc truyền giáo cần phải có các nhà thừa sai thánh thiện. Chỉ đổi mới các phương pháp mục vụ không thôi chưa đủ; tổ chức hoặc điều hành lại các lực lượng tông đồ cũng không đủ; ngay cả nỗ lực suy tư tìm kiếm các lý do thần học, kinh thánh không cũng không đủ. Cần phải huy động một nhiệt tâm lên thánh nơi các nhà truyền giáo và trong tất cả cộng đoàn tín hữu" (RMi 90). Nói như thế là nhấn mạnh đến con người nhà thừa sai và trong con người của nhà thừa sai, điểm chính là cái hồn.

Bộ Giáo Sĩ cũng nói theo cùng một hướng khi áp dụng vào công tác giáo lý khi nói trong văn kiện Chỉ Dẫn Tổng Quát về Giáo Lý: “Bất cứ công tác mục vụ nào mà không có nhân sự được đào tạo kỹ lưỡng thì thế nào cũng thất bại. Các dụng cụ giáo lý sẽ vô hiệu nếu chúng không được dùng bởi những giáo lý viên đã được chuẩn bị thích hợp. Việc đào tạo các giáo lý viên phải là công tác ưu tiên hàng đầu đối với việc canh tân thủ bản và cơ cấu tổ chức giáo lý” (DCG 108).

Áp dụng dấu nhấn đó vào đề tài đang suy tư, chúng ta có thể nói yếu tố căn bản và cũng là khởi điểm của việc rao truyền Lời Chúa là chính con người linh mục trong tương quan với Lời Chúa.

Về mối tương quan giữa linh mục và Lời Chúa, sắc lệnh Presbyterorum Ordinis của công đồng Vaticano II nói là Lời Chúa phải ở trên môi trên miệng của linh mục (PO 4); tông huấn Pastores dabo vobis của ĐTC Gioan Phaolô II nói “linh mục được tận hiến để loan báo Tin Mừng Nước Trời” (PDV 26). Trong cuốn “Quà tặng và Mầu nhiệm” kỷ niệm 50 năm Linh Mục của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: “Linh mục là người của Lời Chúa”. Sau cùng, Đức Thánh Cha Benedictô XVI, trong thông điệp gửi các linh mục từ khắp nơi về Ars tĩnh tâm trong Năm Linh Mục cũng nói “linh mục chắc chắn phải là người của Lời Chúa”.

Xem như thế thì từ Presbyterorum Ordinis đến Đức Thánh Cha Benedictô XVI, tương quan giữa linh mục và Lời Chúa từ từ hiện ra rõ ràng: linh mục không phải chỉ là Thừa Tác Viên phục vụ Lời Chúa mà là Người của Lời Chúa. Khi nói linh mục là thừa tác viên phục vụ Lời Chúa thì Lời Chúa còn là một thực tại khách quan ở ngoài con người linh mục. Khi nói linh mục là người của Lời Chúa thì Lời Chúa là một yếu tố định nghĩa con người của linh mục, thấm nhuần vào da thịt, vào xương tủy và tim óc của linh mục. Đây là kết quả của hành trình lâu dài thực hiện qua việc suy ngắm và chiêm niệm Lời Chúa để chiếu soi và hướng dẫn cuộc sống trong mọi hoàn cảnh cụ thể.

2. Một vài mẫu gương

Thay vì tiếp tục suy tư trên nguyên tắc về hành trình suy ngắm và chiêm niệm Lời Chúa, chúng ta chiêm ngắm một vài mẫu gương.

- Thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại: “Tôi biết Đấng tôi tin tưởng” (2Tm 1,12).

- Thánh Gioan tông đồ: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.” (1 Ga 1,1-4).

- Ngôn sứ Edekiel: Cũng có những hoàn cảnh đã rơi vào tuyệt vọng, nhưng lại được Chúa cứu thoát, do đó tìm lại được niềm tin, tìm lại được hy vọng và sức sống. Đó là hoàn cảnh của dân Israel thời ngôn sứ Ezechiel: “Ngài bảo tôi: Hỡi con người, các xương đó chính là toàn thể nhà Israel. Chúng đang đi than vãn rằng: xương cốt của chúng tôi đã khô cằn, niềm hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, cuộc đời chúng tôi đã ra mây khói. Chính vì thế, ngươi hãy tuyên sấm và hãy công bố: Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta sẽ mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các người ra khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các nguơi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. Ta sẽ thở thần khí của Ta vào trong các ngươi, và các nguơơi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán và Ta sẽ làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa” (Ed 37:11-14).

Mấy lời của ngôn sứ Ezechiel đã đem lại sức sống không những cho dân Israel mà còn cho mọi tín hữu, từ thế hệ này qua thế hệ khác và cho chính chúng ta. Tại sao lời của ngôn sứ Edekiel lại có sức mạnh đó? Bí quyết chúng ta phải tìm trong chương 3 nói về cuộc đời của ngôn sứ và chúng ta có thể tóm tắt trong mấy câu sau: “Đức Chúa phán với tôi: Hỡi con người, thấy gì, cứ việc ăn. Hãy ăn cuộn sách này rồi hãy đi nói với nhà Israel. Tôi mở miệng ra và Người cho tôi ăn cuộn sách ấy. Người lại phán với tôi: Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây. Tôi đã ăn cuộn sách và nó ngọt như mật trong miệng tôi. Bấy giờ Người phán với tôi: Hỡi con người hãy đi đến với nhà Israel và nói với chúng những lời của Ta” (Ed 3:1-4; Jer 15:16).

Ăn Lời Chúa là lắng nghe trong bầu khí cầu nguyện và vâng phục để Lời Chúa trở thành sức sống nuôi dưỡng cuộc đời. Do đó, trong con người của ngôn sứ có chất Chúa và lời của ngài chở theo Lời Chúa. Có thể nói là Lời Chúa được truyền đạt qua lời của ngôn sứ. Chính đó là bí quyết vì sao lời của ngôn sứ đã có sức mạnh nâng dậy một đoàn lũ là dân Israel đã thất đảm và thất vọng.
 
Đại Hội Thiếu Nhi Hạt Chí Hòa
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc.
16:03 28/05/2010
Đại Hội Thiếu Nhi Hạt Chí Hòa

Giáo xứ Chí Hòa Sài Gòn 28.05.2010.- Hòa trong niềm vui của Giáo Hội Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, chiều nay thứ sáu vào lúc 17h00,tại Giáo xứ Chí Hòa Sài Gòn (số 149 Bành Văn Trân Phường 7 Quận Tân Bình) Ban Mục vụ Thiếu Nhi Giáo Hạt Chí Hòa tổ chức Đại Hội Thiếu Nhi Hạt Chí Hòa để Mừng Năm Thánh 2010.

Xem hình đại hội thiếu nhi Chí Hòa

Trong đêm Đại Hội của Giáo hạt, có sự hiện diện Cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh Chánh xứ An Lạc, kiêm Hạt Trưởng Chí Hòa, Cha Inhaxiô Nguyễn Quốc Bảo Phụ Tá Giáo xứ An Lạc và cũng là đặc trách Thiếu Nhi Giáo Hạt Chí Hòa, Quý Cha, Quý tu sĩ, cùng tất cả các Huynh Truởng – Giáo Lý Viên trong Giáo Hạt, cũng như hơn 1000 em Thiếu Nhi đại diện cho 17 Giáo xứ trong Giáo Hạt: Giáo xứ An Lạc, An Tôn, Chí Hòa, Khiết Tâm, Lộc Hưng, Mẫu Tâm, Nam Hòa, Nam Thái, Nghĩa Hòa, Sao Mai, Tân Dân, Tân Chí Linh, Tân Sa Châu, Thái Hòa, Vinh Sơn – Nghĩa Hòa, Vinh Sơn – Ông Tạ, Xây Dựng.
 
Giáo hội kiểu Việt Nam: Phóng viên Ba Lan gặp Cha Lý
Jacek Dziedzina (Bến Việt dịch)
20:29 28/05/2010
Phóng viên Ba Lan gặp gỡ cha Lý

Phụ san đặc biệt "Giáo hội kiểu Việt Nam" do tác giả Jacek Dziedzina viết sau chuyến công tác Việt Nam và gặp gỡ với linh mục Nguyễn Văn Lý. Đây là bản dịch cuối trong loạt bài giới thiệu phụ san của Gość Niedzielny tới bạn đọc do Bến Việt dịch

Jacek Dziedzina (24.05.2010) - 3 năm trước, cả địa cầu lan tràn hình ảnh của vị linh mục đang bị còng tay trong phiên tòa trá hình rồi bị hai viên công an bịt miệng. Chúng tôi gặp được người tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất của Việt Nam.

"15 năm trong tù"

3 năm trước, cả địa cầu lan tràn hình ảnh của vị linh mục đang bị còng tay trong phiên tòa trá hình rồi bị hai viên công an bịt miệng. Chúng tôi gặp được người tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất của Việt Nam.

Bọn họ bảo cha là "tội phạm hình sự" – Tadeo Nguyễn Văn Lý, linh mục 63 tuổi thuộc Tổng giáo phận Huế miền trung Việt Nam cười tươi gần như liên tục sau mỗi câu nói. Ông đã ngồi gần 15 năm trong các trại cải tạo và nhà tù Việt Nam. Cách đây 3 năm ông lại lãnh thêm án tù 8 năm và bản án chỉ làm giàu thêm bộ sưu tập án sự của ông. Tội danh thì vẫn nguyên xi: "tuyên truyền chống đối Nhà nước Xã hội chủ nghĩa”.

Chúng tôi đâu có ngờ mình có thể gặp được nhà phản kháng này. Tại Ba Sao, một trong những nhà tù khắc nghiệt nhất ở Bắc Việt, chỉ có người thân và một vài cha cố được đến thăm – duy nhất hai lần. Chúng tôi đã hẹn và định đi thăm người em ruột của linh mục hiện đang sống ở miền Nam. Nhưng bỗng nhiên, những người cung cấp tin cho chúng tôi biết là linh mục Lý bất ngờ được tạm tha, ra ở tại ngoại trong vòng 12 tháng. Từ lâu nay, một số cơ quan quốc tế hậu thuẫn vận động tự do cho ông. Tình trạng sức khỏe của linh mục yếu kém dần mỗi tuần, ông đã vài lần bị nhồi máu cơ tim, chân trái và tay trái hầu như đã bị tê liệt. Cần can thiệp cấp bách của bác sỹ chuyên khoa. Nhưng chính quyền vẫn không chịu đồng ý thả ông ra khỏi nhà tù. Cho đến tận tháng Ba vừa qua.

Thâm niên lâu nhất

Chỉ hai ngày trước đó, chúng tôi ở Huế mà chẳng mảy may nghĩ có chuyện gặp được cha Lý. Theo đúng kế hoặch, chúng tôi vào Sài Gòn ở tận miền Nam. Vào tới Sài Gòn, chúng tôi nhận được tin là linh mục Lý đã được thả có điều kiện và hiện đang ở nhà riêng ở … Huế, tại giáo phận quê hương của mình, mục đích là chữa bệnh. Tất nhiên, ngay lập tức, chúng tôi thay đổi kế hoạch của mình và chưa thể bay thằng từ Sài Gòn ra Hà Nội, mà lại phải quay lại miền trung Việt Nam. Chúng tôi tìm cách gặp cha Lý qua nhiều kênh khác nhau: nhờ các người bạn Việt Nam đáng tin cậy, đồng thời nhờ những người Mỹ bên kia đại dương phụ trách điều phối. Mặc dù rất cẩn trọng, nhưng chuyến viếng thăm của chúng tôi ắt được các cơ quan an ninh thẩm quyền biết tới.

Tại ngôi nhà giáo phận dành cho người hưu trí, người bạn thân cận nhất của linh mục Lý đón chờ chúng tôi. Ông dẫn chúng tôi đến một căn phòng nhỏ với cửa sổ có chấn song sắt. Sau chiếc bàn gỗ, một người đang ngồi, khá cao so với vóc dáng người Việt. Nét mặt tươi sáng hoàn toàn không tiết lộ quãng thời gian dài bị tù đày trong các trại giam. Chỉ có gò má hóp, một phần thân thể bị liệt và những bước đi cà nhắc mới tiết lộ cho ta tình trạng sức khỏe thực sự của ông. - Rất nhiều linh mục đấu tranh với chế độ độc tài. Nhiều linh mục cũng ngồi tù. Nhưng cha Lý là người duy nhất ngồi tù lâu như thế - người bạn của cha Lý nói vậy để sau đó cả hai nổ tràng cười ròn tươi. Tôi rồi cũng đã quen với kiểu kể chuyện như vậy, rất ư độc đáo của người Việt Nam khi nói về những sự kiện bi thảm nhất. - Ở đây cha có căn phòng rộng hơn chút xíu, chứ ở Ba Sao thì chỉ được có 15 mét vuông – Cha Lý vẫn tươi cười nói với chúng tôi.

600 chọi 1

Lần đầu tiên chính quyền bắt ông vào năm 1977, lúc vừa mới thụ phong linh mục đồng thời nhậm chức thư ký riêng của Tổng giám mục Huế Nguyễn Kim Điền, khi cha Lý phân phát tài liệu của giám mục của mình, người dám viết những bài phê bình cộng sản đàn áp và cấm đóan tự do tín ngưỡng. Cha Lý bị lãnh mức án tù 20 năm và bị đi đày tới trại cải tạo ở ngoại ô thành phố Huế. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông được thả tự do, nhưng mọi hoạt động tôn giáo với cương vị linh mục bị cấm đoán. Dẫu bị cấm nhưng cha Lý vẫn tiếp tục giảng dạy thánh kinh. Vào tháng Giêng năm 1983, chính quyền ra lệnh cho ông phải rời bỏ thành phố. Ông trả lời bằng một lá thư viết cho chính quyền, trong đó ông buộc tội chính quyền vi phạm tự do tín ngưỡng. Tại giáo xứ nơi ông sinh sống, nhiều con chiên tập trung phản đối quyết định nói trên của chính quyền. Cha Lý không bỏ Huế ra đi mãi tới ngày 18 tháng Năm, lực lượng an ninh tràn vào nhà ép giải vị linh mục cứng đầu ra đi. Lần này, ông lãnh bản án 10 năm tù. Ông được tha vào năm 1992, nhưng công an liên tục theo dõi ông và vẫn tiếp tục cấm không cho ông họat động tôn giáo. Một năm sau, cha Lý công bố bản tuyên ngôn, trong đó ông viết 10 điểm về những đàn áp tôn giáo ở Huế của chính quyền. Vào năm 2001, tới 600 sĩ quan công an được cử đến giáo phận Nguyệt Biều để bắt linh mục Lý. Lần này thì ông lãnh bản án 15 năm tù. Cũng như những lần trước, nhờ áp lực quốc tế, cha Lý không phải ngồi tù đến hết bản án, được thả tự do vào năm 2005. Ông vẫn liên tục trả lời phỏng vấn, kêu gọi tẩy chay chính quyền và cái gọi là "bầu cử”. - Xung quanh cha càng ngày càng đông người. Vào năm 2006 chúng tôi công bố "Bản tuyên ngôn tự do và dân chủ cho Việt Nam” – nhân vật phản kháng nói với chúng tôi như vậy bằng tiếng Anh còn kém chuẩn. Nhóm chống đối này được gọi là "Khối 8406”, lấy từ thời điểm bản tuyên ngôn được công bố: mùng 8, tháng Tư, năm 2006. Với sự ủng hộ nồng nhiệt ở trong nước và nước ngoài, tờ báo xuất bản ngầm nhan đề "Tự do” ra đời, sau đó, cùng với giới trí thức ở Hà Nội, trang web "Tự do và Dân chủ” được thành lập, và rốt cuộc, Đảng Thăng Tiến Việt Nam xuất hiện cùng Hiệp Hội Công đoàn Tự do Độc lập, rồi Ngày của Người áo trắng. Vì những họat động của Khối, linh mục lại bị bắt lần nữa. Tháng 3 năm 2007 ông lãnh bản án 10 năm tù. Hình ảnh nổi tiếng chụp vị linh mục bị còng tay trong phiên tòa khi kêu: "Tự do ngôn luận cho Việt Nam” bị hai viên cảnh sát bịt miệng đã trở thành biểu tượng dễ nhận biết trên toàn thế giới về hiện trạng đau lòng không chỉ của những người theo Thiên Chúa tại Việt Nam.

2 giờ đêm, trên thềm đá

- Mãi cho tới năm ngoái cha mới có được sách Kinh thánh trong phòng giam – ông đẩy sang cho chúng tôi một quyển sách cũ có các trang cong rách. - Cha cũng có một bộ đồ tự tạo bí mật để làm lễ mi-sa – ông vừa cười vừa nói và cho chúng tôi xem một hộp nhựa nho nhỏ, từ trong đó ông rút ra một bầu rượu vang nhỏ xíu, một chiếc khăn quàng cổ tí hon trông giống chiếc băng đeo nơ, rộng cỡ 3 cm cùng một hòn đá phẳng hình vuông để làm bàn thờ. - Những tội nhân ngồi tù trong những phòng giam bên cạnh đã giúp cha đấy - Ông giải thích. Ông tổ chức cầu nguyện trong căn phòng của mình hàng ngày vào lúc 2 giờ đêm, ít nhất là một tiếng đồng hồ. - Nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho đất nước được đổi thay - Ông cho mọi người hiều rằng mình sẽ không bao giờ dự định ngồi im, bất chấp hậu quả. - Linh mục Jerzy Popieluszko của các bạn là thần tượng của chúng tôi – cả hai người "phản cách mạng” cùng cười và nói như vậy. Chúng tôi kể cho họ biết có lẽ là vào tháng Sáu tới, lễ phong Chân phước cho vị cha đỡ đầu phong trào "Đoàn Kết” sẽ được thực hiện. Có lẽ phong thánh chứ? Hai người hỏi lại vì họ ngỡ tưởng Popieluszko đã được phong Chân phước từ lâu rồi.

Mặc dù linh mục Lý bị tù đày nhưng "Khối 8406” với cương vị bất hợp pháp vẫn hoạt động bình thường. Hiện nay đã có khoảng 15 ngàn thành viên, không chỉ người Thiên Chúa giáo. Họ có bí mật xuất bản sách vở, báo chí, 40 thành viên của Khối đã bị ngồi tù. - Chúng tôi vẫn chiến đấu, cho đến tận khi nào Việt Nam được tự do – Cha Lý cam đoan như vậy. - Tất cả thanh niên Việt Nam đều phải học lý thuyết Mác, Lênin và Hồ Chí Minh. Chính quyền ép buộc phụ nữ phải giết bỏ thai nhi, không cho sinh đẻ. Cộng sản đã chiếm đoạt các khu nhà tu viện nhà dòng và đất đai của chúng tôi. Các quyền lợi cơ bản của chúng tôi luôn bị chà đạp. Tự do tín ngưỡng thật sự không chỉ là việc cho phép lui tới nhà thờ. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là đặc ân nhà nước ban cho linh mục và giám mục. Giáo hội cũng phải được phép xây dựng trường học mọi cấp. Chúng tôi vẫn chưa có được báo chí và kênh truyền hình riêng của mình … – Linh mục Lý liệt kê một mạch nỗi niềm đau xót của người Công giáo Việt Nam. - Trong năm tới, vào tháng Ba, khi hết hạn được tự do có điều kiện 12 tháng, cha sẽ yêu cầu chính phủ Việt Nam cho phép không quay lại nhà tù nữa. Nhưng cha chỉ tin vào Chúa, cha không sợ gì hết, thậm chí nếu lại phải tiếp tục ngồi tù – Cha Lý nói một cách dứt khoát như vậy. Khi chia tay, ông đưa cho tôi một mảnh giấy, trong đó, khi ngồi trong tù, ông đã viết lời cầu nguyện rất giản đơn mà hàng ngày được ông nhắc tới: "Thưa Chúa! Xin Ngài hãy ban cho tất cả mọi người được cứu rỗi, tính can đảm và sự bình an”. Như thường lệ, cũng như gia đình ông khẳng định, ông không yêu cần xin ban cho mình được trả tự do.

(Nguồn: Benviet.org)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cộng đồng ngôn ngữ quyết định về vấn đề tôn giáo, hay: sự vô thần trong triết học?
Lm Nguyễn Hữu Thy
14:18 28/05/2010
Cộng đồng ngôn ngữ quyết định về vấn đề tôn giáo,

hay

sự vô thần trong triết học?


Triết gia người Mỹ Richard Rorty (1931-2007), một đại diện cho học thuyết thực dụng (Pragmatismus), khẳng định rằng những cảm nghiệm người ta có được về tôn giáo quá lắm chỉ có được giá trị và ý nghĩa trong lãnh vực cá nhân riêng tư mà thôi. Vì thế, trong những dòng sau đây chúng ta thử trình bày tóm lược quan điểm đó của Rorty trong tác phẩm của ông „Philosophie als Kulturpolitik“.

Ai có thể tin vào Thiên Chúa mà lại không cần đến ý thức, một khả năng giúp cho con người có thể có được những cảm nghiệm chắc chắn về tôn giáo cũng như có thể chia sẻ các cảm nghiệm ấy cho người khác?

Câu hỏi trên đây nghe có vẻ xa lạ, nhưng lại rất bình thường trong ngôn ngữ triết học Anh-Mỹ, và cả ở Đức cũng đã có được một chỗ đứng khá chắc chắn, tuy nhiên lối suy tư ấy còn cần có thời gian để trở nên phổ thông hơn.

Ai thiếu sự ý thức khả thông tri, thì người ấy khó lòng có được cảm nghiệm tốt. Những cảm nghiệm cá nhân về tôn giáo chỉ có thể được hiểu là khi tôn giáo được cảm nghiệm như thế thì chỉ có giá trị trong lãnh vực cá nhân riêng tư. Và nói một cách chính xác hơn, đó là khuynh hướng chính của một nền triết học chủ trương phủ nhận sự hiện hữu khách quan của Thiên Chúa. Đứng phía sau quan điểm này là lý thuyết của triết gia Wittgenstein(1) về vai trò của ngôn ngữ. Theo Wittgenstein, con người không có được cảm nghiệm, nếu không do ngôn ngữ làm trung gian mai mối và mang lai cho họ sự cảm nghiệm. Điều đó cũng muốn nói rằng sự sử dụng ngôn ngữ giữ vai trò quyết định về ý nghĩa sự cảm nghiệm của con người và qua đó quyết định về thế giới sự sống.

Như vậy, điều gì mà đại đa số không chấp nhận như là sự sử dụng ngôn ngữ thì vô nghĩa. Điều trước tiên cần đề cập tới phải là những phát biểu của sự hiện hữu về những gì tương quan tới tư tưởng, cảm xúc, hay ngay cả đức tin. Richard Rorty, một người theo truyền thống tư tưởng trên, cho rằng những biểu tượng của cuộc sống về vấn đề tôn giáo – những biểu tượng dĩ nhiên cũng được trung gian bởi sự ý thức tôn giáo – cần phải được minh chứng là vô nghĩa và được xếp vào hàng những vấn đề thuộc phạm vi chính trị-văn hóa tổng quát. Vì thế, Rorty cũng cho rằng người ta cần tới những bằng chứng chắc chắn và đã được xã hội chấp nhận về sự cảm nghiệm tôn giáo. Nhưng thay vì nhìn nhận sự cảm nghiệm tôn giáo và chứng từ của các tín hữu, ông lại không nhắc đến những điều này và coi đó là những vấn đề thuộc phạm vi chính trị-văn hóa mà một xã hội thường đề cập tới. Thật vậy, theo Rorty, Thiên Chúa là sản phẩm của ngôn ngữ – dị bản tân tiến của tâm lý ngoại phóng (Projektionspsychologie) cũ –, bởi vì thiếu sự cảm nghiệm chắc chắn của ý thức như toàn bộ triết học Tây phương đã khẳng định. Rorty nói: „Phần tôi, tôi muốn khẳng định rằng „ý thức“ chỉ là sản phẩm được triết học của Descartes sáng chế ra cũng như Thiên Chúa là sản phẩm của những vũ trụ luận xưa kia“.

Nhưng ở đây người ta thắc mắc tự hỏi là tại sao Rorty lại không nhận ra được rằng ý thức là một ý niệm nền tảng của triết học? Ông ta giản lược hóa vấn đề nhận thức Thiên Chúa thành vấn đề văn hóa-chính trị, nghĩa là thành một vấn đề thực dụng. Còn chính quan điểm thực dụng của ông, Rorty dựa vào quan niệm về sự đau đớn (der Schmerz, hay: la douleur) của triết gia Wittgenstein(2). Thật vậy, theo quan niệm triết học của Wittgenstein, nếu người ta bàn luận về sự đau đớn, thì người ta đang làm một chuyện vô nghĩa, đang mất công làm một chuyện vô ích, vì sự đau đớn chỉ xảy ra trong cách sử dụng ngôn ngữ tư riêng. Cũng tương tự như thế, người ta chỉ làm một việc vô ích khi nói đến cảm giác đau đớn tư riêng của mình, một điều người ta không thể đem thông tri cho những người khác được, vì họ không thể hoàn toàn kiểm chứng được điều ấy.

Một truyền thống hoàn toàn mang màu sắc triết học Wittgenstein, đó là: Chỉ con đường dẫn từ liên chủ thể tính (Intersubjektivität) tiến tới khách quan tính (Objektivität) mới là con đường hợp lý. Theo quan niệm này thì tình trạng đau đớn cũng chỉ phát xuất từ một cộng đồng ngôn ngữ, nghĩa là từ những người cùng sử dụng một ngôn ngữ chung, tức từ liên chủ thế tính (Intersubjektivität); cũng tương tự như thế, khi một đa số cùng đồng thuận về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nói cách khác, theo quan niệm này thì Thiên Chúa chỉ hiện hữu, vì cộng đồng ngôn ngữ cùng đồng thuận chấp nhận điều đó.

Rorty cũng thường xuyên dựa theo trường phái Pittsburgh(3) của tân học thuyết Hegel, được dẫn đầu bởi giáo sư triết học Robert Brandom(4), tác giả của tác phẩm „Expressive Vernunft“: Lý trí minh bạch, (nhà xuất bản Suhrkamp 2000). Theo quan điểm tân học thuyết Hegel, thì không hề hiện hữu bất cứ nguyên tắc nào khác, nếu chúng không phải là những nguyên tắc thuộc phạm vi xã hội. Còn các nguyên tắc xã hội là những nguyên tắc được sử dụng trong sự giao tiếp và trao đổi giữa con người với nhau. Tất cả chỉ có được ý nghĩa nào đó, „nếu người ta ban tặng cho chúng ý nghĩa ấy“, như xảy ra trong các cuộc thảo luận xã hội. Nếu như „Qualia(5) cần phải chứng minh cho thấy sự thể ra sao“, thì những phẩm chất nguyên thủy của ý thức bị loại trừ. Vì thế, là một điều đơn giản đối với Rorty trong việc khẳng định rằng „không hề có Thiên Chúa theo nghĩa hữu thể học, nhưng hoàn toàn chỉ theo nghĩa xã hội học khi người ta phải đứng trước tình trạng không có được những nguyên tắc để qui định sự thảo luận“.

Nơi triết gia Rorty, người ta bắt gặp một luận cứ bất bình thường, đó là ông không còn muốn đề cập tới các đối tượng – kể cả Thiên Chúa – luôn hiện hữu như chúng vẫn hiện hữu, tức các đối tượng bất biến; vì theo ông, như thế các đối tượng ấy không còn phụ thuộc vào sự tương quan xã hội, ông viết: „Brandom đề nghị triết học không nên tiếp tục đặt nghi vấn: liệu chúng ta có thực sự tương quan với những đối tượng “vô thức“, nghĩa là những đối tượng độc lập với ý thức (bewusstseinsunabhängige Gegenstände), tức với những đối tượng luôn hiện hữu như chúng vẫn hiện hữu mà chúng ta vừa nói tới, dù cho chúng ta quan niệm thế nào về chúng. Thay vì điều đó, chúng ta cần nêu nghi vấn là một ý niệm về đối tượng như thế thì phục vụ cho mục đích nào của con người. Về điều đó chúng ta nên tự hỏi: Phải chăng là một ý tưởng hay khi nói về những đối tượng như thế“.

Ở đây, đối tượng – tức điều chúng ta đặt thành chủ đề – chỉ có nghĩa trong việc thực hành xã hội mà thôi. Đối với Rorty, vấn đề trọng yếu là „việc đi từ một vũ trụ quan hữu thần tiến tới một vũ trụ quan nhân bản“. Đây là một câu nói khiến người đọc có cảm tưởng như được trích dẫn từ lời phát biểu của các người vô thần, chẳng hạn của Charles Darwin hay của những người vô thần khác. Rorty viết: „Chúng ta cần thay thế nghi vấn hữu thể học về sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng nghi vấn về sự kỳ vọng thuộc văn hóa muốn nói về Thiên Chúa, như tôi đã thường thực hiện“. Và Rorty vẫn không chút bận tâm, dù ông biết rằng viễn tượng này trước tiên mang tính chất tương đối và cuối cùng sẽ chấm dứt trong sự hoài nghi.

Khi đọc tác phẩm của Rorty người ta cũng nhận thấy được một cách quá rõ ràng sự tương quan giữa chủ nghĩa vô thần và một khoa học tự nhiên bị phương tiện hóa, ông viết: „Để có thể đưa ra được sự quyết định: Những thực hành xã hội nào cần phải loại bỏ hay được du nhập, chúng ta sẽ không nhờ vào những cảm nghiệm tôn giáo, nếu như chúng ta cùng với các triết gia Wittgenstein, Sellars hay Brandom ủng hộ ý kiến sau đây: Giữa tình trạng đã được thay đổi của hệ thống tư duy bởi sự cảm nghiệm và những xác tín suy lý của một thành viên thuộc một cộng đồng ngôn ngữ thì không có bộ phận trung gian mà người ta có thể coi như bộ phận làm cho sự cảm nghiệm trở thành sự cảm nghiệm đích thực“. Không phải là một sự ngẫu nhiên tình cờ khi Rorty nói về hệ thống tư duy, bởi vì ở Mỹ triết học thường được theo đuổi như một môn khoa học tự nhiên. Về những sinh viên người Âu châu tham dự các kỳ thi triết học, Rorty cho rằng họ không thể nói là họ không biết được, nếu người ta hỏi họ về sự tương quan giữa hai triết gia Hobbes(6) và Machiavelli, hay tại sao triết gia Nietzsche (7) có khuynh hướng thiên về Sophokles(8) hơn là thiên về Socrate: „Trong các nước sử dụng tiếng Anh sự hiểu biết ấy không nhất thiết cần phải có. Trái lại, người ta không thể không biết việc bàn cãi về những gì đang được đăng trong những tập mới nhất của những Tạp chí chuyên môn hàng đầu bằng Anh ngữ“. Việc gì sẽ xảy ra khi ở đây truyền thống tư tưởng Kitô giáo Âu châu đóng một vai trò phụ thuộc.

Thuật hùng biện thắng lướt chân lý

Triết gia người Đức Jürgen Habermas là một trong những người thần tượng hóa triết gia thực dụng Richard Rorty. Vì thế, trong năm 2008 ông đã cho xuất bản một tập sách với tựa đề: „Ach, Europa“ – „Ô kìa, Châu Âu“ (nhà xuất bản Suhrkamp), trong đó ông trình bày hai bài diễn thuyết quan trọng về triết gia Rorty. Một ít lời trong bài diễn thuyết, như „Richard Rorty và sự ngỡ ngàng về tình trạng phá sản“, cho thấy rằng Jürgen Habermas không những hoàn toàn vô cảm trong lãnh vực tôn giáo, nhưng ông cũng không còn dành nhiều tâm huyết cho triết học nữa. Chính Rorty trong chín năm cuối cùng đời ông cũng đề cao địa vị giáo sư khoa văn chương hơn là ghế giáo sư triết học, ông viết: „Chúng ta cần phải thay thế sự tìm kiếm chân lý và sự khao khát nhận thức bằng sự thực hành hùng biện, một sự thực hành nhắm tới những hiệu quả thực tế hơn là những ý tưởng trừu tượng. Một khi người ta nhìn thấy rõ được:

* sự vô dụng của sự phân biệt hữu thể học giữa bản thể (Wesen) và hiện tượng (Erscheinung),

* sự vô nghĩa của sự phân biệt tri thức luận giữa hữu thể (Sein) và sự xuất hiện (Schein),

* sự vô ích của sự phân biệt thuộc về ý nghĩa giữa cái thật và cái giả,

thì công việc triết học trong những mục đích thực tiễn mới có thể tự định hướng được như một sự tăng triển khả năng và lòng khoan dung
“.

Kết luận

Nói tóm lại, qua những dòng trình bày trên đây chúng ta thấy rằng, theo quan điểm triết học của Richard Rorty, tôn giáo hay sự hiện hữu của Thiên Chúa chỉ là một vấn đề văn hóa-chính trị, tức một sản phẩm của xã hội, được cộng đồng ngôn ngữ đề xướng lên, chứ không phải là vấn đề thuộc hữu thể học, nghĩa là Thiên Chúa chỉ hiện hữu như một ý niệm thuần túy, chứ không hiện hữu thực tiễn. Nói cách khác, Thiên Chúa chỉ là một ý niệm trừu tượng, chứ không phải là một thực thể hữu thể học. Điều đó muốn nói rằng, chính cộng đồng ngôn ngữ đã đóng vai trò quyết định về vấn đề tôn giáo. Nếu vậy, trong triết học ẩn chứa khuynh hướng vô thần.

Tuy nhiên, quan điểm triết học của Rorty đã tự phơi bày rõ ràng tính cách chủ quan một chiều của mình. Bởi vì, tuy các tôn giáo chân chính nói chung và Kitô giáo nói riêng là một đơn vị có pháp nhân trong xã hội, nhưng không hẳn là một sản phẩm của xã hội, như ngôn ngữ, ý thức hệ, chính trị, v.v… chẳng hạn. Trái lại, tôn giáo là một nhu cầu cơ bản, một thao thức, một khát vọng thẳm sâu nhất của linh hồn con người muốn vươn tới cái tuyệt đối, vươn tới chân thiện mỹ tuyệt đối, muốn tìm đạt tới cứu cánh tối hậu sự hiện hữu của mình. Trong khi đó, chính trị, văn hóa, ý thức hệ hay ngôn ngữ, chỉ dừng lại trong phạm vi sinh hoạt hiện sinh của con người trong đời sống xã hội, nghĩa là trong cuộc sống chung đụng và giao lưu giữa con người với con người. Nói cách khác, ý thức hệ, văn hóa hay chính trị, v.v.v…, là những vấn đề thuộc phạm vi sinh hoạt tinh thần của cuộc sống thể xác hiện tại của con người. Trong khi đó tôn giáo mang trong mình chiều kích siêu nhiên, là phương tiện giúp linh hồn con người đạt tới cứu cánh tối hậu, và là con đường hướng dẫn con người trong cuộc sống siêu nhiên, trong sự hiện hữu vượt lên trên biên giới sự hiện hữu thể xác hiện tại, trong tương quan với Thiên Chúa như mục đích tối hậu và là hạnh phúc vĩnh cửu, trước tiên qua sự cảm nghiệm thần linh và sau cùng là sự chiêm ngưỡng nhãn tiền.

_______________________

1. xem Lm Nguyễn Hữu Thy, Những Tuyệt Tác Tiêu biểu trong Lịch Sử Triết Tây, Trier 2010, trang 306.

2. Theo quan điểm Wittgenstein, danh từ „đau đớn“ (Schmerz) không chút liên quan gì tới cảm giác đau đớn riêng tư của tôi cả. Ví dụ: khi tôi đi tới phòng mạch bác sĩ nha khoa và nói cho ông hay là tôi bị đau răng, thì tôi không hề nói gì với ông bác sĩ về vấn đề đau răng của tôi cả. Chẳng qua: „Điều gì xảy ra trong nội tâm đều cần tới những yếu tố bên ngoài để biểu lộ mình ra“.

3. Pittsburgh là tên một thành phố thuộc tiểu bang Pennsylvania (USA) với khoảng 335.000 dân cư; có ba trường đại học; có nhiều thư viện và nhiều bảo tàng viện nổi danh và kỹ thuật thông tin thời danh; có hải cảng và phi trường. Chính ở đây phát sinh ra tân học thuyết Hegel.

4. Robert Brandom, sinh ngày 13.3.1950, là một trong những giáo sư triết học thời danh hiện nay của Hiệp Chủng Quốc Hoa Ky.

5. Số ít của từ Qualia là Quale, tiếng La-tinh là qualis và có nghĩa là sự nhận thức các ngoại cảnh theo tính cách chủ quan.

6. xem Lm Nguyễn Hữu Thy: Những Tuyệt Tác Tiêu Biểu trong Lịch Sử Triết Tây, Trier 2010, trang 141.

7. như trên, trang 242.

8. Sophokles sinh năm 497/496 trước công nguyên tại làng Kolonos gần Athen/Hy Lạp. Sophokles, Aischylos và Euripides là ba nhà thơ vĩ đại của Hy Lạp vào thời bấy giờ.

Sách tham khảo:

Richard Rorty, Philosophie als Kulturpolitik. Suhrkamp Verlag, Frankfurt a.M.2008, 350 trang.
 
Thông Báo
Văn Phòng Tòa Giám Mục Kontum kính bái Nữ tu Maria Lê Thị Huệ qua đời
VP TGM Kontum
08:06 28/05/2010
Văn Phòng Tòa Giám Mục Kontum

Kính báo

Nữ tu Maria LÊ THỊ HUỆ



Dòng MTG Quy Nhơn

Sinh ngày 17 – 4 – 1948

Tại Vĩnh Phước, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Đang phục vụ tại Cộng đoàn Đồng Tâm - Bệnh viện tỉnh Gialai

Lo cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện tỉnh Gialai

Đã từ trần lúc 5 giờ 45 sáng ngày 28.5.2010, tại Tp HCM.

Hưởng thọ 62 tuổi

Linh cửu sẽ đưa về Quy Nhơn.

Chương trình lễ an táng sẽ thông báo sau

Xin cầu nguyện cho linh hồn Maria. RIP

Vp. TGM Kontum kính báo
 
Văn Hóa
vần thơ rau muống,
Lykhách
15:53 28/05/2010
vần thơ rau muống,

Cứ bình dị như là rau muống
Mọc giữa ao hồ ai thích hái về ăn
Thơ cóc cần cao sang ý tưởng
Quá tầm tay cuộc sống bình thường

Hãy thoảng như hương đồng cỏ nội
Gió lãng du chẳng biết mỏi, trời nào
Cứ lườn lượn thấp cao chẳng vội
Hay phập phồng một mái tóc đã sao?

Nàng thơ nhé, thích nàng bình dị
Đừng phấn son ý tứ làm chi
Ai thích nàng nguyệt lầu cao tùy ý
Đừng điểm trang giữa đồng nội làm gì?

Nàng bảo điều chi thì đây viết
Bảo nhiều viết nhiều, bảo ít viết ít
Bảo thẳng viết ngay, bảo cong viết lả lướt
Bảo vui viết cười, lỡ cười buồn…cũng được?!

Gã viết nhăng chẳng cần biết trước
Cứ bảo sao, đây làm vậy lần lượt
Thỉnh thoảng lén chêm vài mơ ước
Nhẹ nhàng…chắc là được phải không?

Đây nhồi ý nàng như nhồi bột
Xanh lời thơ rau muống mọc hoang
Nhồi ý lòng pha nhân gian xấu tốt
Dòng tâm tư chẻ nhánh lan tràn

Một nhánh rẽ ngang qua ái ố
Chẳng đáng dăm dòng thơ hỉ nộ
Một nhánh rẽ về miền đất tổ
Cọng rau hoang chợt xót sông hồ!

Ai đem rau muống trồng trời Tây?
Tốt đất rau càng để càng dài
Đáng nhẽ quê mình tốt rau mới phải
Lại uột èo ngắn ngủn lỗi tại ai?

Chẳng tại em, chẳng phải tại anh
Tại cái chữ “tâm” nó chẳng lành
Tại cái chữ “nhân” nó bất hạnh
Tại chữ “cầm quyền” nó lưu manh!

Mắc chi rau tốt xấu do người
Chắc thế! chứ chẳng lẽ tại trời?
Chưa sống nhân, chưa tri thiên mệnh
Cứ bạc tình, người - rau cũng héo thôi!

Những kẻ xưa chỉ ăn rau muống
Giờ cầm quyền lại đổi thực đơn
Món “hối lộ”, “vô cảm”, “trịch thượng”…
Xét cho cùng toàn những món bất lương!
 
Chúa chữa hai người mù
Ngô xuân Tịnh
16:07 28/05/2010
Chúa chữa hai người mù
(Mt 9, 27-31)

Đức Giêsu vừa rời nơi đó
Hai người mù theo đến kêu lên
"Lạy con Davít nhân hiền
Xin Ngài thương đến phận hèn thảm thương"

Chúa Giêsu cứ đường đi tới
Về đến nhà mới hỏi hai ông:
"Tin tôi làm được hay không?"
-"Chúng tôi tin chắc", hai ông trả lời

Chạm tới mắt hai ông Người nói
Bằng nhấn mạnh sâu tới đức tin:
Các anh tin tưởng giữ gìn
Các anh toại nguyện lòng tin mong chờ

Và tức thì mắt mù được thấy.
Người nghiêm giọng răn dạy các ông
" Đừng cho ai biết nghe không"
Nhưng rồi họ nói khắp vùng người nghe

Rồi em sẽ gẫm suy cho rõ
Hai người mù sáng tỏ đức tin
Chúa chưa chữa mắt ngay liền
Đức tin dẫn lối vẫn luôn theo Người

Mắt đức tin tuyệt vời vẫn thấy
Con đường đi bắt lấy tình thương
Quyền năng của Chúa khôn lường
Đức tin kiên vững Chuá thương đáp lời


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thiền Tịnh
Nguyễn Bá Khanh
22:35 28/05/2010

THIỀN TỊNH



Ảnh của Nguyễn Bá Khanh

Ngồi thiền, kinh tụng, tâm tĩnh lặng

Chuông ngân, hồn phách, lạc đài hoa.

(nbk)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền