Ngày 27-05-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bữa tiệc thánh yêu thương
Lm. Đan Vinh
07:46 27/05/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 9 THƯỜNG NIÊN C

LỄ MÌNH MÁU CHÚA

St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17

BỮA TIỆC THÁNH YÊU THƯƠNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Lc 9,11b-17

(11b) Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng về Nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được chữa. (12) Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng”. (13) Đức Giêsu bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá. Trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này”. (14) Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngả mình thành từng nhóm khỏang năm mươi người một”. (15) Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngả mình xuống. (16) Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, để các ông dọn ra cho đám đông. (17) Mọi người đều ăn và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

2. Ý CHÍNH:

Thánh Luca thuật lại phép lạ Đức Giêsu nhân bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Trước nhu cầu của đám đông, thay vì giải tán đám đông để mỗi người tự lo liệu việc ăn nghỉ cho mình như đề nghị của các môn đệ, Đức Giêsu lại truyền cho các ông: “Anh em hãy liệu cho họ ăn đi”. Sau đó, dù các ông chỉ có năm cái bánh và hai con cá, nhưng Đức Giêsu đã sử dụng số lượng ít oi này để nhân ra nhiều gấp bội mà cho đám đông dân chúng được ăn no. Số bánh dư thu lại được mười hai thúng. Số người ăn hôm ấy khoảng chừng 5000 đàn ông.

3. CHÚ THÍCH:

- C 11b-12: + Đức Giêsu nói với dân chúng về Nước Thiên Chúa: Nước Thiên Chúa hay Nước Trời là trọng tâm các bài giảng của Đức Giêsu. Luca cho thấy Đức Giêsu đã giảng trước khi làm phép lạ nhân bánh. Đây cũng là khuôn mẫu của thánh lễ sẽ được Hội thánh cử hành sau này. Thánh lễ cũng gồm hai phần chính là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. + Chữa lành những kẻ cần được chữa: Lời giảng luôn được kèm theo phép lạ chữa bệnh. Đó là đặc điểm về cách thức truyền giảng Tin mừng của Đức Giêsu và là khuôn mẫu cho việc truyền giáo sau này. + Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn: Câu nói của các môn đệ cho thấy: Tuy có quan tâm đến nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ của dân chúng, nhưng các ông lại không ý thức mình phải phục vụ để đáp ứng các nhu cầu này của họ.

- C 13-14: + “Chính anh em hãy cho họ ăn”: Đức Giêsu trao trách nhiệm cho các môn đệ phải lo phục vụ dân chúng không những về tinh thần mà cả về thể xác nữa. Trong kinh “Thương người có mười bốn mối” của Hội Thánh cũng đề cập đến các việc bác ái cụ thể mà người tín hữu có bổn phận phải chu tòan như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. + “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”: Bánh và cá là thức ăn thường ngày của dân chúng miền biển Galilê. Năm chiếc bánh và hai con cá ở đây là của một bé trai (x. Ga 6,9). Tuy nhiên số thức ăn này chẳng thấm vào đâu so với đám đông dân chúng. Điều này nói lên khả năng hữu hạn của các môn đệ. Nhưng Đức Giêsu lại muốn các ông cộng tác bằng việc góp phần nhỏ bé ấy vào phép lạ lớn lao mà Người sắp thực hiện. + Anh em hãy bảo họ ngả mình: Thời xưa người miền Cận Đông thường ăn tiệc trong tư thế nằm nghiêng trên giường. + thành từng nhóm khoảng 50 người một: Họp thành từng nhóm gợi lại việc ông Môsê tổ chức dân Do-thái thành từng nhóm trong sa mạc thời Xuất hành, là cách tổ chức lý tưởng của dân Chúa (x, Xh 18,21.25). Đức Giêsu muốn các môn đệ tổ chức đám đông ô hợp thành từng cộng đoàn. Các ông trở nên những “Thừa tác viên” phục vụ cho cộng đoàn ấy.

- C 15-17: + Các môn đệ làm y như vậy: Các môn đệ mau mắn làm theo Lời Đức Giêsu dạy, dù lúc ấy các ông chưa biết Người sắp làm gì. + Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá...: theo phong tục của người Do thái thì trước bữa ăn, gia trưởng thường đọc một kinh cảm tạ Thiên Chúa. Ở đây Đức Giêsu cũng cầu nguyện bằng một nghi thức có tính phung vụ như Luca viết: “cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ”. Những cử chỉ này giống như khi Người lập bí tích Thánh Thể ngày thứ Năm tuần thánh tại nhà Tiệc ly (x. Lc 22,19), và trong bữa ăn tối với hai môn đệ tại làng Emmau (x.Lc 24,30). + Trao cho các môn đệ, để các ông dọn ra cho đám đông: Đức Giêsu không trực tiếp trao bánh, nhưng Người trao qua trung gian là các môn đệ. Ngày nay vai trò của các linh mục và phó tế cũng giống như vậy trong các cộng đoàn và các xứ đạo. + Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê... Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng: no nê và dư thừa nói lên đồ ăn dồi dào. Điều này đã ứng nghiệm về bữa tiệc Thiên Sai mà Isai-a đã báo trước: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon” (Is 25,6), 12 thúng đầy tương ứng với 12 môn đệ phục vụ dân chúng hôm ấy. Việc các môn đệ thu nhặt lại số bánh và cá dư cho thấy bữa ăn này sẽ còn tiếp tục kéo dài để đón thêm những thực khách đông đảo trong thánh lễ sau này.

4. CÂU HỎI:

1) Thánh lễ gồm có hai phần chính là những phần nào ? 2) Câu nào cho thấy Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người phải góp phần phục vụ dân chúng cả về phương diện thể xác nữa ? 3) Tại sao Đức Giêsu lại bảo môn đệ cho dân chúng ngả mình nằm thành từng nhóm 50 người ? 4) Tại sao Đức Giêsu lại sử dụng 5 chiếc bánh và hai con cá do môn đệ góp để nhân ra nhiều ? 5) Ngày nay những cử chỉ của Đức Giêsu làm trong phép lạ nhân bánh ra nhiều được Hội thánh lặp lại trong lễ nghi nào ? 6) Trong Thánh lễ khi nào bánh rượu trở thành Mình Máu Thánh Chúa ? 7) Trường hợp bánh rượu đã được truyền phép bị hư hỏng không ăn uống được, thì bấy giờ có còn là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu nữa không ? 8) Ta phải có thái độ nào đối với những mụn Bánh Thánh đã được truyền phép rơi xuống đất ? 9) Mỗi ngày các tín hữu được rước lễ mấy lần? 10-Tại sao các tín hữu nên năng rước lễ mỗi ngày ?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9,16).

2. CÂU CHUYỆN:

1) LỊCH SỬ LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA:

Vào năm 1263, có một linh mục người Đức đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ thánh Christiana, tới lúc bẻ bánh trước khi rước lễ, vị linh mục này đã trông thấy tấm bánh mới truyền phép đã biến thành Thân mình Chúa Giêsu đang chịu tử nạn. Trên thân xác Chúa, máu đang rịn ra qua các vết thương bị đóng đinh ở hai bàn tay bàn chân và vết lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn Người. Máu chảy ra làm ướt tấm khăn thánh và mấy lớp khăn phủ trên bàn thờ. Vị linh mục vội gấp các tấm khăn kia lại. Nhưng gấp tới đâu thì máu lại thấm ra tới đó. Cuối cùng máu thấm qua 25 lần vải khăn. Vừa cảm động lại vừa sợ hãi, vị linh mục không thể tiếp tục dâng hết Thánh lễ được. Sau đó, vị linh mục này đã đến xin vào chầu Đức Giáo Hoàng Urbanô và tường trình sự kiện lạ lùng ấy. Đức Giáo Hoàng liền sai một phái đoàn, đứng đầu là một vị Giám mục đến điều tra thực hư. Sau khi xác định sự việc đó thực là phép lạ, vị Giám mục đã cho rước Mình Thánh Chúa về Rôma và đặt tại một nhà thờ dâng kính phép Thánh Thể, và mời giáo dân đến chầu Mình Thánh Chúa liên tục. Sau đó, vào ngày mồng 8 tháng 9 năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urbanô đã ra sắc dụ truyền thiết lập lễ kính Mình Máu thánh Chúa Giêsu và truyền mừng lễ trong toàn thể Hội thánh.

2) “MÌNH THÁNH Ở TRONG LÒNG TÔI”:

Thời kỳ cách mạng Pháp, có một cha xứ miền Bờtanhờ (Bretagne) đưa Mình Thánh Chúa đến cho một gia đình. Theo giúp Cha là một cậu bé tên là Bengiamanh (Benjamin). Bấy giờ cha xứ bị bọn lính phát hiện và đuổi theo gấp. Ngài vội dúi vào tay cậu bé chiếc hộp nhỏ có đựng Mình Thánh Chúa trước khi chạy trốn. Ssau đó cha đã bị bắt và bị giết chết. Bấy giờ cậu bé Bengiamanh vừa chạy vừa mở hộp lấy Mình Thánh Chúa bỏ vào miệng mà nuốt đi. Sau đó cậu bé cũng bị bắt và bị tra hỏi về nơi đã cất giấu Mình Thánh Chúa. Cậu hiên ngang chỉ tay vào người mình và nói rằng: “Mình Thánh Chúa đang ở trong người tôi đây này! Các ông hãy mổ ra mà lấy”. Bọn lính điên tiết đã đâm chết cậu bé rồi chôn vùi xác chết của hai cha con dưới một gốc cây sồi ở đầu làng. Một thời gian sau thì cuộc cách mạng đã dần dần lụi tàn và cuối cùng bị thất bại. Một hôm một cơn bão lốc xóay rất mạnh đã đốn ngã cây sồi cổ thụ kia, để lộ ra hai xác chết của cha xứ và cậu bé giúp lễ. Người ta đã phát hiện ra Mình Thánh Chúa vẫn đang còn ngự trong người cậu khi thấy thân xác cậu vẫn ngời sáng ánh hào quang.

3) PHÉP LẠ MÌNH THÁNH CHÚA DO THÁNH ANTÔN THỰC HIỆN:

Một phép lạ khác xảy ra với thánh Antôn Pađua. Có một người Do thái, tên là Bônvilô, không tin và thường nhạo báng Phép Thánh Thể. Thánh Antôn nói thế nào ông ta vẫn cứ thế. Một hôm, ngài nói với ông ta như là một cuộc thách thức: “Nếu con lừa ông cưỡi mà quì xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình trong hình bánh thì ông có tin không?”Ông ta cho là một câu nói chơi và nhận lời thách thức. Hai ngày liền, ông ta không cho lừa ăn, rồi dẫn tới chợ để có đông người chứng kiến. Giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua. Con lừa quên đói, không ngó ngàng gì đến lúa mạch, quay sang thánh Antôn quì xuống gật gật đầu thờ lạy Chúa cho đến khi thánh Antôn kiệu Mình Thánh đi. Mọi người quì xuống thờ lạy Chúa và hoan hô thánh Antôn.

4) ĐỨC GIÊSU HIỆN THÂN NƠI NGƯỜI NGHÈO ĐANG CHỜ ĐƯỢC PHỤC VỤ:

Đức Hồng Y Hellder Camara khi về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối đấm ngực than khóc như vừa gặp đại hoạ. Thì ra đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, thì kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm các bình đựng Mình Thánh. Chúng đổ Mình Thánh ra ngoài vườn, lấy đi những bình mạ vàng mà chúng tưởng bằng vàng thật. Đây thật là tội phạm thánh nặng nề.

Thế nhưng trong bài giảng lễ hôm ấy, Đức Hồng Y Camara đã làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu vẫn bị nhục mạ, hành hạ, chà đạp, bị giết chết nơi những người nghèo khổ, vô gia cư, trẻ mồ côi … Sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những người nghèo ấy chính là hiện thân của Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa giữa đời thường đang cần được chúng ta chăm sóc.

Nói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình Thánh Chúa. Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta về một khía cạnh hay bị quên lãng khi cử hành bí tích Thánh Thể. Đó chúng ta cần cử hành bí tích Thánh Thể không những trong nhà thờ mà còn cả ngoài xã hội nữa.

3. THẢO LUẬN:

1) Khi tham dự thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta cần ăn mặc thế nào? Có nên đi trễ về sớm không? Cần vào bên trong ghế hay đứng ngoài nhà thờ hút thuốc nói chuyện? 2) Chúng ta có cần dọn mình trước khi lên rước lễ và cám ơn sau đó không?

4. SUY NIỆM:

1) Phép lạ nhân bánh hôm nay là hình ảnh của bí tích Thánh Thể sau này:

Bài Tin mừng đã thuật lại phép lạ Đức Giêsu làm trong sa mạc là nhân 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá ra nhiều, để nuôi đám đông dân chúng gồm năm ngàn người đàn ông không kể đàn bà con trẻ, mà sau đó còn thu lại được 12 thúng đầy bánh vụn.

Phép lạ này nhắc lại việc Đức Chúa đã làm trong thời kỳ Xuất Hành của dân Ítraen do Môsê lãnh đạo: Khi ấy Đức Chúa đã ban cho con cháu Giacóp bánh “manna” trong suốt thời gian 40 năm lưu lạc trong sa mạc. Con số 12 thúng bánh vụn tượng trưng cho 12 chi tộc dân Ítraen.

Phép lạ nhân bánh ra nhiều còn tiên báo về bí tích Thánh Thể Đức Giêsu sẽ thực hiện trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua sau này: Khi ấy Người cũng làm những cử chỉ giống như đã làm khi nhân bánh ra nhiều hôm nay: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19).

2) Bí Tích Thánh Thể: bữa tiệc huynh đệ hiệp thông của cộng đoàn tín hữu:

Thời Hội Thánh sơ khai, các tín hữu có thói quen cử hành "bữa tiệc Thánh Thể" trong khung cảnh một "bữa ăn huynh đệ" (Agape). Mỗi khi họp nhau để cử hành Thánh Thể, các tín hữu đem theo đồ ăn thức uống góp chung lại, rồi để ra một phần chia sẻ cho những anh em nghèo túng, phần còn lại sẽ chia nhau ăn chung để thể hiện sự hiệp thông huynh đệ.

Nhưng ở cộng đoàn Côrintô đã không làm như thế: những người giàu mang theo nhiều đồ ăn ngon hẹn nhau đến sớm để ngồi chung bàn ăn uống trước, mà không chờ đợi những người nghèo đến cùng ăn chung. Như vậy bữa tiệc huynh đệ bị phân hóa thành hai lớp người giàu nghèo: Kẻ nghèo bị đói bụng đang khi nhiều người giàu khác lại no say! Để sửa tệ nạn ấy, Thánh Phaolô nhắc lại truyền thống bữa Tiệc ly của Chúa. Ngài trích dẫn một bản văn phụng vụ về việc Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể (cc 23-27). Sau đó (cc 28-34) ngài khuyến khích giáo đoàn Corinthô cử hành Thánh Thể sao cho xứng đáng và đúng với mục đích bữa ăn chia sẻ huynh đệ yêu thương. Người ta sẽ tham dự bữa tiệc Thánh Thể cách bất xứng khi họ không quan tâm chia sẻ cơm bánh cho người nghèo, không ý thức Hội Thánh chính là Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô cần phải được hiệp thông chia sẻ và phục vụ lẫn cho nhau.

3) Bí Tích Thánh Thể tái diễn lễ hy sinh thánh giá của Đức Giêsu:

Khi thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em... Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19.20). Do đó khi lên rước lễ là chúng ta đón nhận chính Thân Mình Máu Huyết của Đức Giêsu và nhờ đó chúng ta sẽ được hiệp thông với Đấng đã chịu chết để đền tội thay cho chúng ta và đã sống lại để phục hồi sự sống siêu nhiên cho chúng ta.

Khi tham dự thánh lễ, các tín hữu chúng ta cần hiệp dâng các vất vả lao công và những đau khổ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày làm lễ vật khiêm hạ, kết hiệp với lễ vật cao quý vô cùng là bánh rượu đã được biến hóa nên Thân Mình và Máu Huyết Chúa Giêsu sau khi truyền phép, dâng lên Chúa Cha để đền tội thay và giao hòa nhân loại với Chúa Cha.

4) Tầm quan trọng của giờ chầu Chúa trong Bí Tích Thánh Thể:

Thánh Têrêsa Calcutta đã xác tín thâm sâu về tầm quan trọng của việc Chầu Thánh Thể trong cuộc sống Kitô hữu như sau:

-Tôi biết, tôi sẽ không thể làm việc một tuần, nếu tôi không được liên tục tăng sức từ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, qua việc làm Giờ Thánh hàng ngày.

-Chầu Giờ Thánh là thời gian tốt nhất mà bạn sử dụng trên trái đất.

-Giờ Thánh sẽ làm cho linh hồn bạn mãi mãi vinh quang và đẹp đẽ trên thiên đàng.

-Chúng ta không được để đời mình xa lìa Thánh Thể. Làm như thế ta sẽ suy nhược, không còn tìm đâu ra sức mạnh và niềm vui để phục vụ.

-Trên thập giá, Chúa Giêsu nói: “Tôi khát”. Từ Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nói với ta: “Cha khát”. Ngài khát tình yêu cá nhân của mỗi người, sự thân mật của mỗi người, cộng đoàn của chúng ta với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể.

-Mỗi Giờ Thánh chúng ta chầu đều làm vui lòng Trái Tim Chúa Giêsu. Điều đó sẽ được ghi lại trên thiên đàng và kể lại trong cõi đời đời.

-Để cho một mình ở với Chúa Giêsu, thờ phượng và thân mật với Ngài là quà tặng vĩ đại nhất của tình yêu, là tình yêu dịu dàng của Chúa Cha chúng ta trên Trời.

-Hãy dành thời giờ có thể, càng nhiều càng tốt, ở trước Bí Tích Cực Thánh. Ngài sẽ đổ đầy cho bạn sức mạnh và quyền năng của Ngài.

5) Cuộc đời chúng ta phải là thánh lễ nối dài sự hiệp thông và chia sẻ:

Mỗi phút giây qua đi, có biết bao tấm bánh vật chất được bẻ ra để nuôi sống thân xác con người. Trong mỗi tấm bánh ấy cũng có bóng dáng của bánh Thánh Thể của Chúa Giêsu. Nếu ta siêng năng đến nhà thờ lãnh nhận Mình Thánh Chúa, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng chia sẻ tấm bánh vật chất cho tha nhân giữa đời thường. Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta cần nhớ lời thánh Phaolô: “Mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Thánh Chúa” (1 Cr 11,26-27). Ngoài ra, trong Thánh lễ, Hội thánh luôn cầu nguyện cho sự hiệp thông như sau: ”Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô” (Kinh Tạ ơn II).

Trong bí tích Thánh Thể, ta không chỉ nên một với Chúa Giêsu mà thôi, nhưng còn liên kết với anh chị em của mình nữa. Vì khi cùng chia sẻ một tấm bánh là Thân Mình Chúa Giêsu, tất cả mọi người sẽ nên chi thể của Người như thánh Phaolô đã viết: ”Tất cả chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh, vì thế chúng ta làm nên một thân mình. Thân mình mầu nhiệm này sẽ được sống nhờ sức sống của Chúa Kitô là chính Thánh Thần của Chúa Kitô mà Người ban cho ta”.

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ. Chúa đã tự hiến để trở thành của ăn của uống thiêng liêng nuôi dưỡng đức tin của chúng con. Mỗi lần lên rước Chúa trong phần hiệp lễ, có những lúc chúng con cảm nhận Chúa thật ngọt ngào và êm ái biết bao! Thế nhưng cũng có những lúc tâm hồn chúng con lại bị khô khan nguội lạnh. Xin giúp chúng con siêng năng rước lễ cách sốt sắng, nhờ đó chúng con sẽ được Chúa bổ sức và sẽ tìm được sự bình an trong tâm hồn.

- LẠY CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ. Chúa muốn chúng con kết hiệp mật thiết để được nên một với Chúa. Đòi hỏi đó làm cho chúng con cảm thấy lúng túng, vì cho tới nay chúng con vẫn chưa dứt bỏ được những thói hư tật xấu cùng những đam mê tội lỗi. Xin cho chúng con sẵn sàng nói không với những gì gian ác xấu xa thuộc về ma quỷ và năng đón rước Chúa mỗi ngày, để chúng con được sống và sống dồi dào trong ơn nghĩa Chúa, và sau này cùng được sống hạnh phúc mãi mãi với Chúa trên quê trời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:53 27/05/2016
54. BÁT THÁC TƯỚNG QUÂN.
Lúc Lý Nguyên Anh làm thích sứ ở Giáng Châu thì có nhiều hành vi kiêu ngạo quá mức, tham quân Bùi Luật nhiều lần khuyên bảo, Lý Nguyên Anh giận dữ vô cùng và ra lệnh cho thuộc hạ dùng cây trúc cứng đánh Bùi Luật. Về sau Bùi Luật về kinh đô tường trình công việc, đem tất cả sự việc báo cáo với hoàng đế.
Hoàng đế hỏi Bùi Luật:
- “Nhà người bị đánh mấy hèo ?”
Bùi nói:
- “Trước sau cộng lại là tám ạ !”
Hoàng đế lập tức ra lệnh cho Bùi Luật chuyển thăng lên tám bậc làm đệ lục phẩm.
Sau khi Bùi Luật trở về Giáng Châu, thở dài nói:
- “Mạng sống của ta thật nhẹ, nếu như nói thêm một roi thì không phải là thăng lên ngũ phẩm hay sao ?”
Có người nghe được liền cười lớn, chế nhạo Bùi Luật là “Bát thác tướng quân”.
(Triều Dã Thiểm Tải)

Suy tư 54:
Thiên Chúa không hỏi các thánh tử đạo: “Con bị người ta đánh mấy roi, mấy hèo, đâm mấy nhát dao, hoặc là bị xẻo mấy miếng thịt...” để mà thưởng công cho các ngài, bởi vì Thiên Chúa biết rất rõ các ngài vì trung thành với giáo huấn của Ngài mà hy sinh mạng sống của mình, chứ không phải như tên viên quan kia bị đánh và mang một nỗi căm hờn trong lòng...
Có một vài tín hữu mỗi lần trong nhà xứ có việc gì đó mà cha sở nhờ giúp một tay thì la bai bãi, nào là con quá bận việc, nào là con phải về quê trong ngày đó.v.v... hoặc là ra điều kiện với cha sở: con giúp cũng được thôi, nhưng dứt khoát là không làm chung với thằng cha đó, không quét nhà thờ chung với con mẹ đó, con ghét cay ghét đắng với mấy cái bản mặt đó lắm, vân vân và vân vân. Nhưng đến khi trong giáo xứ có dịp lễ lớn như Đức Giám Mục đến nhà thờ ban phép Thêm Sức cho trẻ em, thì dù cha sở không nhờ họ cũng đến làm, chạy lăng xăng, la chỗ này hét chỗ nọ ra vẻ ta đây cũng có phần...chỉ huy trong giáo xứ !
Họ làm việc nhà Chúa với một tâm tình khoe khoang, họ làm việc nhà Chúa mà đòi gạt bỏ anh em chị em ra khỏi cộng đoàn vì ích kỷ cá nhân, để rồi đổ tội cho người khác là làm cản trở công việc phục vụ của họ nơi giáo xứ. Rồi như người Pha-ri-siêu cầu nguyện trong đền thờ, họ nói thẳng với Chúa: “Lạy Chúa, con rất muốn phục vụ nhà Chúa, nhưng cái thằng cha X... ấy cứ chỉ trích con này nọ, và cái con mẹ N...nọ cứ nhìn con xoi mói, nếu Chúa cho họ đừng đến nhà thờ để con phục vụ Chúa cách thoải mái hơn thì tốt biết bao !”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:58 27/05/2016
5. Thanh bần là một con đường lớn bằng phẳng đi đến Thiên Chúa. (Thánh John Climacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lễ Mình Máu thánh Chúa Ki-tô
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:00 27/05/2016
LỄ MÌNH MÁU THÁNH ĐỨC CHÚA KI-TÔ

Tin mừng : Lc 9, 11b-17.
“Mọi người đều ăn, và được no nê.”


Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ kính Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, đây là một sự tôn vinh chúc tụng ngợi khen và cám tạ hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại chúng ta, để khi chúng ta ăn và uống Máu Thịt Thánh này thì được sự sống đời đời. Trong tâm tình cảm tạ sâu sắc hồng ân này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy điểm sau đây:

1. Lao động là cơm bánh nuôi thân xác.
Khoa học ngày càng phát triển, con người ngày càng hưởng thụ, và khi thân xác được no nê đầy đủ thì linh hồn lại thiếu thốn, đó là “quy luật” của xã hội thời hiện đại. Con người ta sống ở đời không ăn không uống thì thân xác chết dần mòn, do đó mà mọi người cần phải nổ lực làm việc để có cơm bánh nuôi sống thân mình và gia đình. Khoa học càng phát triển thì con người càng khó tìm việc làm cho mình, bởi vì khoa học đã thay thế rất nhiều công việc trong các lãnh vực, tuy nhiên lao động vẫn là nhân tố chính để khoa học tiến bộ.

Mồ hôi đổ xuống trên ruộng đồng của bác nông phu để những mảnh đất trở thành hạt lúa thơm ngon nuôi sống con người; mồ hôi đổ xuống trên những nhà máy của các anh chị công nhân đã làm cho khoa học trở nên cơm bánh nuôi sống mọi người; mồ hôi đổ xuống trên bục giảng với hơi thở bay màu bụi phấn của các thầy cô giáo, được biến thành cơm bánh nuôi sống họ và gia đình...

Lao động là để có cơm ăn áo mặc, lao động là để có của cải giúp người nghèo khó đó là ý muốn của Thiên Chúa khi Ngài nói với nguyên tổ chúng ta: “Hãy cai quản vũ trụ...” Đó cũng là điều mà Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy: “Ai không làm thì đừng ăn”.

2. Hy sinh tận hiến làm nên Thánh Thể
Trước khi lìa thế gian để về ngự bên hữu Thiên Chúa, Đức Chúa Giê-su đã làm một cử chỉ yêu thương đầy khiêm tốn là rửa chân cho các môn đệ của mình, hành vi khiêm tốn này lột tả được tất cả yêu thương và hy sinh của Ngài với việc làm tiếp theo sau là lập bí tích Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể là bí tích Yêu Thương, là bí tích của Hy Sinh và Tận Hiến: Hy sinh thân xác mình làm giá cứu chuộc tội nhân là nhân loại chúng ta, Tận Hiến cho Đức Chúa Cha với tất cả sự phục tùng tín thác, để thân xác hy sinh ấy trở nên tấm bánh thiêng liêng nuôi sống linh hồn người tín hữu khi Đức Chúa Giê-su nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” . Và thật rõ ràng khi Đức Chúa Giê-su dạy các môn đệ: hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương các ông.

Yêu thương nhau tức là hy sinh và tận hiến cho nhau, mà cao đỉnh của tình yêu hy sinh tận hiến chính là chết cho người mình yêu, cũng có nghĩa là trở nên tấm bánh cho người yêu hưởng dùng, đó chính là ý nghĩa đích thực của ngày lễ Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su hôm nay.

Anh chị em thân mến,
Mỗi lần chúng ta đi tham dự thánh lễ là chúng ta phải có tâm tình xác tín rằng: bánh miến và rượu nho trên bàn thờ ấy, cũng có những công lao vất vả mồ hôi của chúng ta góp vào, với tất cả những tâm tình hy sinh và yêu mến, nó sẽ trở nên Máu Thịt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nuôi sống linh hồn và thân xác của chúng ta ở trần gian này. Do đó mà mỗi người trong chúng ta phải hết sức kính trọng, yêu mến và khiêm cung khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su nơi tay của linh mục trao ban.

Trong tâm tình ngày lễ hôm nay, tôi xin bạn hai điều :
- Với sản phẩm thành quả của lao động mà chúng ta đã làm ra, trước hết là để nuôi sống bản thân và gia đình, sau là xin anh chị em thay mặt Đức Chúa Giê-su vươn cánh tay nối dài của Ngài nơi chúng ta đến với những người nghèo khổ, đến các viện mồ côi, viện dưỡng lão.v.v.v... để giúp đỡ họ.
- Mỗi lần đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, xin anh chị em ý thức rằng: mình đang về nhà Cha để cùng với các anh chị em tín hữu khác tham dự tiệc Nước Trời, do đó tôi xin anh chị em đem theo mình nụ cười tươi vui, cái bắt tay thân thiện và lời hỏi thăm quan tâm nồng nhiệt đến với mọi người mà chúng ta gặp trên đường đi, hoặc là tại nhà thờ nơi mà chúng ta đang tham dự thánh lễ ...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Bí tích tình yêu
Lm. Huệ Minh
19:52 27/05/2016
Chúa Nhật 9 TN

LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ.

BÍ TÍCH TÌNH YÊU

St 14, 18-20; 1 Cr 11, 23-26; Lc 9, 11b-17

Yêu ! Xem ra quá mầu nhiệm bởi lẽ chẳng ai định nghĩa được yêu là gì. Chỉ khi nào người ta yêu nhau người ta mới cảm về nhau, cảm tình yêu họ dành cho nhau như thế nào. Và, rất giản đơn khi ta thấy ai nào đó thương yêu nhau thì người ta sẽ làm mọi cách để biểu lộ tình thương và sự quan tâm của mình và đặc biệt muốn hiện diện, muốn ở mãi bên cạnh người mình yêu.

Trong thực tế, ta thấy những dịp kỷ niệm, người ta thường trao cho nhau những món quà, những cuộc điện thoại hay những tin nhắn qua điện thoại ... Cử chỉ trao nhẫn cho nhau trong nghi thức của Bí tích Hôn phối cũng nói lên dấu chỉ tình yêu giữa hai người phối ngẫu. Dấu chỉ ấy nói lên từ giây phút đó họ sẽ thuộc trọn về nhau cả xác lẫn hồn.

Đặc biệt, với Thiên Chúa, Thiên Chúa là Tình Yêu và chính Thiên Chúa trong cung cách của Ngài, Thiên Chúa đã tỏ ra hàng trăm ngàn dấu chỉ để biểu lộ tình thương của Người dành cho con người. Một trong những cách biểu lộ rõ nét nhất đó chính là dấu chỉ quý báu củaBí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể chính là Bí tích quan trọng nhất trong 7 Bí tích. Vì qua Bí tích này chúng ta đón nhận được chính Chúa Giêsu là nguồn mọi ơn phúc, nguồi mạch của sự sống và đặc biệt nguồn mạch của tình yêu.

Trước khi chịu khổ hình Chúa Giêsu biết mình sẽ không còn hiện diện hữu hình ở trần gian này nữa nên Người đã lập Bí tích Thánh Thể. Ðể rồi qua Bí tích này Người sẽ còn tiếp tục hiện diện với con người. Quan trọng hơn là Người ban cho con người chính bản thân mình qua hình Bánh và hình Rượu.

Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm Mình Thánh Chúa Kitô qua hai biểu hiện. Một là qua Bí tích Thánh Thể, hai là qua Giáo Hội – thân thể mầu nghiệm của Người.

Ngày nay, trong Bí tích Thánh Thể, chính là việc Thiên Chúa tiếp nhận chúng ta vào bàn ăn của Người, và việc Người đón tiếp thì rất cụ thể: trong khung cảnh một bữa ăn để ta có cái ăn.

“Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19). Chúa Kitô đã thiết lập Bí tích cực trọng này để hiện tại hóa mầu nhiệm tử nạn của Người. Người ước ao vô cùng chúng ta lãnh nhận Người. Người mong muốn cháy bỏng trao ban chính mình Người cho chúng ta. Người khát khao nồng cháy kết hiệp thân tình với chúng ta. Tất cả điều đó chỉ vì tình yêu vô bờ bến mà Ngài dành cho chúng ta.

Vì vậy, Người đã không những trao ban chính mạng sống Người để cứu chuộc chúng ta, mà còn trao ban chính mình Người làm của dưỡng nuôi linh hồn chúng ta. Bởi vì tình yêu của Người là một tình yêu “cho đến cùng” (Ga 13,1). Mình và Máu Thánh Chúa chính là bảo chứng cho tình yêu đó. Vì yêu chúng ta, Người đã đổ tràn tình yêu của Người trên chúng ta cùng sự thiện hảo vô biên của Người.

Cả cuộc đời Đức Giêsu là thức ăn cho ta : Ngài hiện hữu không phải vì bản thân Ngài, mà hoàn toàn vì Thiên Chúa và vì con người. Ngài đã chết để con người được sống, đã tự hủy để con người được tồn tại, đã đau khổ để con người hạnh phúc, đã tự hạ để con người được nâng lên, đã chấp nhận bị đối xử như người tội lỗi để làm cho con người trở nên thánh thiện, v.v...

Ngài hiện hữu, Ngài làm mọi sự đều vì người khác, chẳng vì mình một chút nào. Và Ngài đã biểu hiện tính chất “là của ăn” một cách cụ thể và tuyệt vời khi lập bí tích Thánh Thể. Chúng ta ăn Ngài, nhưng chúng ta đừng quên bắt chước Ngài trong tính chất ấy. Ngài đã yêu cầu chúng ta: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy”. Tưởng nhớ ở đây không gì tốt hơn và ý nghĩa hơn là bắt chước Ngài trong tính chất ấy: Hãy trở nên đồ ăn cho những người chung quanh mình, nhất là những người sống gần mình nhất.

Bí tích Thánh Thể chính là việc Thiên Chúa muốn quy tụ, mời gọi và đón nhận mỗi người chúng ta vào dự Tiệc với Người. Bữa tiệc đó rất cụ thể, rất sinh động và sinh muôn ơn ích. Bàn tiệc mà chúng ta tham dự không đơn thuần là một bữa tiệc thông thường, mà là một bữa Tiệc Sự Sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến kín múc nơi bàn tiệc Thánh Thể để toàn thể con người chúng ta qua việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta được hiệp thông cách trọn vẹn với Thiên Chúa, được sống chính đời sống Thần linh của Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể còn là một lời mời gọi chúng ta can đảm lên đường, đến với thế giới đang chia rẽ, đến với đồng loại đang đói nghèo, đau khổ, bệnh hoạn tù đày để liên kết, an ủi, nâng đỡ và cưu mang họ.

Thánh Lễ là nơi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Thánh Lễ là một hy tế lặp lại hy tế Núi Sọ. Theo Công Đồng Vaticanô II, hy tế này là "nguồn cội và là chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô hữu" (LG 11). Là nguồi cội, vì tất cả đời sống Kitô hữu phát sinh từ đó; là chóp đỉnh, vì tất cả đời sống Kitô hữu phải qui về đó. Ấy thế mà một số giáo dân coi việc tham dự Thánh Lễ như chuyện miễn cưỡng phải giữ. Nhiều giáo dân cảm thấy thánh lễ không có liên quan gì đến cuộc sống của họ ngoài đời, không có ảnh hưởng gì trên đời thường của họ. Rốt cuộc thánh lễ bị họ bỏ rơi, nhà thờ ngày Chúa Nhật cũng vắng người. Đó đã là chuyện của các nước Tây phương, nhưng cũng sẽ là chuyện của chúng ta.

Xin Chúa thánh hoá và biến đổi chúng ta hầu cuộc đời chúng ta mãi mãi là Thánh lễ nối dài giữa lòng nhân loại.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa
J.B. Đặng Minh An dịch
08:06 27/05/2016
Trong thánh lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành trước tiền đình Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô chiều thứ Năm 26 tháng 5, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa của việc bẻ bánh theo lệnh truyền của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly.

Ngài nói:

“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24-25)

Hai lần Tông Đồ Phaolô, khi viết cho cộng đoàn ở Côrintô, đã nhắc lại lệnh truyền này của Chúa Giêsu trong trình thuật thiết lập Thánh Thể. Đây là chứng từ xưa nhất mà chúng ta có về những lời của Đức Kitô tại Bữa Tiệc Ly.

“Hãy làm việc này”. Đó là, cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và bẻ ra; cầm lấy chén, dâng lời chúc tụng, và chia sẻ. Chúa Giêsu đưa ra lệnh truyền hãy lặp lại hành động mà qua đó Ngài thiết lập việc tưởng niệm Cuộc Vượt Qua của chính Ngài, và làm thế để trao ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài. Hành động này truyền đến chúng ta hôm nay: đó là “việc thực hiện” Thánh Thể trong đó luôn có Chúa Giêsu làm chủ thể, nhưng được biến thành hiện thực qua đôi bàn tay nghèo nàn được Chúa Thánh Thần xức dầu của chúng ta.

“Hãy làm việc này”. Chúa Giêsu trong một dịp trước đó đã kêu gọi các môn đệ của Ngài “hãy làm” điều vốn dĩ là quá rõ ràng đối với Ngài, trong sự vâng phục thánh ý của Chúa Cha. Trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước mặt một đám đông mỏi mệt và đói khát: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9:13). Thật ra, chính Chúa Giêsu là Đấng đã chúc phúc và bẻ bánh ra và cung cấp nguồn lương thực đủ để làm no thoả đám đông, nhưng các môn đệ là những người đã mang đến năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa Giêsu đã muốn như thế, nghĩa là, thay vì giải tán đám đông, các môn đệ lại đặt vào tay Ngài chút ít mà họ có. Và có một cử chỉ khác: các mẩu bánh, đã được bẻ ra bởi đôi bàn tay thánh thiện và đáng kính của Chúa chúng ta, chuyển sang cho bàn tay nghèo nàn của các môn đệ, là những người phân phát những mẩu bánh này cho trong đám đông. Đây cũng chính là điều các môn đệ “thực hiện” cùng với Chúa Giêsu; với Ngài họ có thể “cho đám đông cái gì đó để ăn”. Rõ ràng phép lạ này không có ý chỉ nhằm làm no thoả cơn đói trong một ngày, mà thực ra phép lạ ấy tiên báo điều mà Đức Kitô muốn chu toàn vì ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, là trao ban chính mình và máu của Ngài (x. Ga 6:48-58). Và điều này luôn phải diễn ra ngang qua hai hành động nhỏ này: dâng lên vài miếng bánh và cá mà chúng ta có; sau đó lãnh nhận bánh đã bẻ ra bởi đôi bàn tay của Chúa Giêsu và trao ban nó cho hết mọi người.

Bẻ ra: Đây là một từ khác giải thích ý nghĩa của những lời này “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu đã bị bẻ ra; Ngài bị bẻ ra vì chúng ta. Và Ngài mời gọi chúng ta hãy biết cho đi bản thân mình, bản thân chúng ta thế nào hãy cho tha nhân như thế. “Việc bẻ bánh” này trở thành một biểu tượng, một dấu chỉ cho việc nhận ra Chúa Giêsu và các Kitô Hữu. Chúng ta hãy nghĩ đến các môn đệ trên đường Emmau: họ nhận ra Ngài “nơi việc bẻ bánh” (Lc 24:35). Chúng ta hãy hồi tưởng lại cộng đoàn đầu tiên ở Giêrusalem: “Các tín hữu... siêng năng tham dự lễ bẻ bánh” (Cv 2:42). Từ bối cảnh này, chính Thánh Thể trở thành trung tâm và khuôn mẫu của đời sống của Giáo Hội. Nhưng chúng ta cũng nghĩ đến các thánh nổi tiếng hay vô danh – những người đã “bẻ” chính bản thân mình ra, bẻ ra cuộc đời của các Ngài, để cho anh chị em của các Ngài “một cái gì đó để ăn”. Biết bao nhiêu người mẹ, biết bao người cha, cùng với những lát bánh mà họ cung cấp mỗi ngày trên bàn ăn của gia đình, đã bẻ trái tim họ ra để cho con cái họ lớn lên, và lớn lên cách tốt đẹp! Biết bao nhiêu Kitô Hữu, như là những công dân có trách nhiệm, đã bẻ cuộc đời của họ ra để bảo vệ phẩm giá của tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo nhất, người bị gạt ra bên lề và những người bị phân biệt đối xử! Họ tìm kiếm sức mạnh ở đâu để thực hiện điều này? Đó chính là trong Thánh Thể: trong sức mạnh của tình yêu của Chúa Phục Sinh, Đấng mà hôm nay cũng đang bẻ bánh ra vì chúng ta và lặp lại: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Xin cho hành động cung nghinh Thánh Thể, mà tôi sẽ thực hiện lát nữa đây, đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu. Một hành động để tưởng nhớ đến Ngài; một hành động mang lại lương thực cho đám đông của ngày hôm nay; một hành động bẻ ra niềm tin và cuộc sống của chúng ta như là một dấu chỉ của tình yêu của Đức Kitô cho thành phố này và cho toàn thế giới.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ khánh thành nhà thờ Mỹ Hóa, Bến Tre
Người La Mã
07:54 27/05/2016
LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ MỸ HÓA BẾN TRE

Sau nhiều năm, nhiều tháng và nhiều ngày mong đợi, ngày hôm nay 27 tháng 5 năm 2016 là ngày vui của họ đạo Mỹ Hóa, của giáo hạt Bến Tre và của Giáo Phận Vĩnh Long nữa. Niềm vui lớn đó là hôm nay, họ đạo Mỹ Hóa khánh thành ngôi Thánh Đường mơ ước của cả họ.

Xem Hình

Được biết Họ Đạo Mỹ Hóa là họ nhánh của Bến Tre, nằm cách trung tâm thành phố Bến Tre 3 km, thuộc ấp 5, xã Bình Phú, Thành Phố Bến Tre.

Nơi đây khởi đầu là ngôi trường Phước Thiện (Ecole Chapelle) vừa dạy học vừa đọc kinh. Thỉnh thoảng Cha sở Bến Tre đến cử hành Thánh lễ.

Nhà nguyện buổi đầu do Cha Phaolô Lê Quang Hiến xây dựng năm 1950. Vì lý do chiến tranh nhà nguyện đã một thời vắng người không kinh lễ một thời gian khoảng 5 năm (1950 - 1955). Sau đó có người trong Họ đạo đứng ra quy tụ trẻ em dạy tư, dần dần gây cảm tình với địa phương, có Cha cố Phêrô Tri hỗ trợ và dâng Thánh lễ mỗi tháng một lần.

Năm 1957 ngôi thánh đường được dựng nên do cha cố Phêrô Tri. Năm 1966 cha Phêrô Tri cho tu sửa lần thứ I. Đến đầu năm 1988 nhà thờ được tu sửa lần thứ hai do cha Phêrô Nguyễn Văn Hiến.

Với thời ngôi thánh đường đã xuống cấp trầm trọng. Những cơn gió lớn làm tường lung lay, những vết nứt của bức tường ngày càng hở ra nhiều hơn. Hiện nay ngôi nhà thờ cũ rơi vào khu quy hoạch, do đó ngôi nhà thờ mới được cất dời ra phía sau.

Ngày 04.1.2012, cố Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân đã làm lễ Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường, với chiều rộng 10m, chiều dài 30m, tháp chuông cao 27m. Bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng quý cha phụ trách và giáo dân vẫn nhiệt tình trong việc xây dựng nhà Chúa.

Sáng hôm nay, hồng ân Chúa gửi đến Mỹ Hóa với thời tiết rất đẹp dù chiều hôm qua thành phố Bến Tre chìm trong bầu trời xám xịt.

9 g 30, đoàn đồng tế khởi bước từ ngôi nhà xứ thân yêu để bước vào Thánh Đường. Cuối đoàn đồng tế và dĩ nhiên chủ tế Thánh Lễ khánh thành nhà thờ hôm nay là vị cha chung của Giáo Phận Vĩnh Long: Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai.

Niềm vui hôm nay bắt đầu từ nghi thức làm phép chuông,

Trong bài chia sẻ (kính mời cộng đoàn xem: https://youtu.be/gEZcoGPATuw) Đức Cha mời gọi cộng đoàn nhìn lại việc Chúa Giêsu lật đổ những người buôn bán trong Đền Thờ Giêrusalem cho chúng ta suy nghĩ về việc Chúa Giêsu rất quý trọng Đền Thờ cũng như thái độ của chúng ta với Đền Thờ …. Chúng ta đến nhà thờ để lãnh nhận ơn ích của các Bí Tích được cử hành ở nhà thờ. Nhà thờ hôm nay chúng ta có, chúng ta kính trọng mỗi khi đi ngang qua cúi đầu tôn kính, mỗi lần chúng ta vào bái quỳ nghiêm trang. Đặc biệt là chúng ta không được làm ô uế nhà thờ. Có thế chúng ta mới không chọc giận Thiên Chúa để Ngài đuổi chúng ta ra khỏi nhà thờ.

Qua những suy nghĩ trên, chúng ta kính trọng nhà thờ. Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta nhà thờ để tôn thờ Chúa. Chúng ta gìn giữ đền thờ bên ngoài mà còn thờ Chúa trong nội tâm được phát triển và có hiệu quả. Xin Chúa chúc lành cho nhà thờ này, xin Chúa chúc lành cho họ đạo Mỹ Hóa và toàn thể anh chị em.

Trước khi nhận phép lành cuối Lễ từ Đức Giám Mục Giáo Phận, Cha Đaminh Bùi Văn Đằng – chánh xứ Bến Tre cũng là Quản Hạt Bến Tre – quản nhiệm họ Mỹ Hóa ngỏ đôi lời tâm tình cảm ơn Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, ân nhân và cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ Bến Tre. Thay cho tất cả tâm tình, Cha Đaminh gởi đến Đức Cha lẵng hoa nhỏ bé.

Thánh Lễ khánh thành nhà thờ Mỹ Hóa được kết thúc trong bầu khí trang nghiêm và vui mừng.

Sau Lễ, mọi người cùng nhau dùng bữa cơm đạm bạc với nhau, cùng nhau chia sẻ tình huynh đệ.

Nguyện xin Chúa như lời cầu chúc của Đức Cha Phêrô tuôn đổ muôn ơn lành trên Cha Sở cũng như họ đạo Mỹ Hóa. Xin cho ngôi nhà thờ mới này là nơi quy tụ dân Chúa và nơi này là nơi mà họ đạo đến để tôn thờ Chúa và kín múc nhiều ơn lành từ các bí tích và xin cho nhà thờ này là dấu chỉ sự hiệp thông của mọi người trong họ đạo.

Người La Mã
 
''Mẹ ơi mùa hoa về' với bệnh nhân trại phong Ba Sao Hà Nam'
Jos. Văn Nhất
18:46 27/05/2016
Trại Phong Ba Sao Hà Nam: "Mẹ ơi mùa hoa về"

Thứ 4 ngày 25 tháng 5 vừa qua, một đội dâng hoa thuộc giáo xứ nam định và các bạn thiếu nhi giáo họ Đinh Đồng dưới sự hướng dẫn của cha Phanxico Xavie Trần Truyền Giáo đã đến trại phong để cùng với các cụ trong gia đình phong Ba Sao dâng hoa kính Đức Mẹ.

Xem Hình

Khởi đầu giờ dâng hoa, cha Phanxico mới goi cộng đoàn quy tụ và nói lên niêm vui của ngày gặp gỡ "... Vì chúng ta có chung một mái nhà, một người Cha trên trời là Thiên Chúa, nên đội dâng hoa thiếu nhi giáo họ Đinh đồng và đội dâng hoa Nam Định chúng con trở về đây với các cụ trong gia đình phong Ba Sao như là những người con cháu, như là một gia đình.... Cám ơn Chúa đã quy tụ chúng ta về đây..." và ngài cất kinh Chúa Thánh Thần mở đầu cho giờ dâng hoa. Đầu tiên là các em thiếu nhi giáo họ Đinh Đồng, sau đó là đội dâng hoa thuộc giáo xứ Nam Định và cuối cùng là tất cả các cụ trong gia đình phong cùng dâng hoa.

Mẹ ơi mùa hoa về, lòng con vui thật lạ. Nhớ ngày nào còn bé, dâng Mẹ muôn sắc hoa. Đó là tâm tình của các cụ: "Thưa cha, như vậy là gần 40 năm nay chúng con mới được xem dâng hoa, được dâng hoa" Chính vì thế mà cụ nào cũng phấn khởi, sốt sáng, tha thiết dâng thật cao nhứng bó hoa như muốn chạm tới Chúa, chạm tới Mẹ.

Cao điểm của ngày gặp gỡ là thánh lễ cầu nguyện cho các cụ, cho gia đình phong Ba Sao. Trước khi thánh lễ, cha Phanxico đã ban Bí tích hòa giải cho một các cụ. Mặc dù cao tuổi nhưng trong thánh lễ cụ nào cũng hát nhiệt tình, cầu nguyện với Chúa: " Con dâng Chúa đội tay này, từng vất vả làm cho tê tái. Con dâng Chúa đôi bờ vai, gánh gồng nặng trĩu bao ngày. Con dâng Chúa đôi chân này, đi tìm hạnh phúc miệt mài..." Một cụ cho biêt: "tuần nào chúng con cũng dự lễ...dự lễ qua nghe đài..."

Được biết là bắt đầu từ tháng tư và cho đến nay đã được hai tháng, theo mong muốn, khao khát của các cụ có thánh lễ và các Bí Tích nên cha Phanxico đã hứa với các cụ mỗi tháng sẽ hai lần đến dâng lễ cho gia đình phong Ba Sao.

Kết thúc thánh lễ, phái đoàn đã chia sẻ quà cho các cụ và đến thăm những cụ không đến dự lễ được. Kết thúc buổi gặp gỡ, mọi người ra về ai cũng phấn khởi vì như được gặp gỡ chính Chúa nơi những con người cùng khổ này.

Jos. Văn Nhất
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhân quyền hai mặt của Obama tại Việt Nam
Vũ Văn An
20:25 27/05/2016
Về chuyến viếng thăm Viêt Nam mới đây của Tổng Thống Obama, tờ Daily Mail cho hay: vấn đề nhân quyền đã vây quanh cuộc viếng thăm Việt Nam của ông, nơi được coi là có thành tích rất tồi tệ. Sáng Thứ Ba, ông nói chuyện với các nhà tranh đấu cho người khuyết tật, các nhóm thiểu số và một mục sư, và cổ vũ cho tự do phát biểu, tự do báo chí và liên mạng.

Ông cho rằng “Việt Nam đã thực hiện được nhiều cố gắng đáng kể về nhiều mặt” nhưng “vẫn còn những lãnh vực khiến người ta khá quan tâm”.

Tờ này cho hay Việt Nam hiện giam giữ 100 tù nhân chính trị và đã có thêm nhiều vụ bắt giam trong năm nay, cả trong tuần lễ trước, nhưng Hà Nội vẫn một mực cho rằng chỉ những người phạm luật mới bị trừng trị mà thôi.

Trong bài diễn văn tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia ở Hà Nội, ông Obama tìm cách trấn an cử tọa khi nói rằng Hoa Thịnh Đốn không muốn áp đặt việc cải thiện nhân quyền lên Việt Nam. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng: các quốc gia sẽ thành công nhiều hơn khi người dân được tự do phát biểu tư tưởng của họ, tự do hội họp mà không bị xách nhiễu và tự do vào liên mạng cũng như mạng lưới truyền thông xã hội.

Ông nói: “Duy trì các quyền này không hề đe dọa ổn định mà thực sự tăng cường ổn định và là nền tảng của tiến bộ”.

“Việt Nam sẽ thực hiện việc đó khác với Hoa Kỳ… Nhưng có những nguyên tắc căn bản mà tôi nghĩ tất cả chúng ta phải cố gắng thực hiện và cải thiện”.

Cố gắng đáng kể nhưng…

Ai cũng biết, trước chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Obama, nhà cầm quyền Việt Nam đã có cử chỉ “cố gắng đáng kể” là trả tự do cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý, một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng tại Việt Nam liên tiếp trong nhiều thập niên qua. Thế nhưng, cùng một lúc, họ đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm “bịt miệng” những người như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, một việc chính họ đã ngang nhiên làm với ngài giữa thanh thiên bạch nhật trước đây. Đó là triệt hạ Facebook suốt trong chuyến viếng thăm của Tổng Thống Hoa Kỳ.
Tin trên được chính Reuters đăng tải ngày 26 tháng Năm, 2016, căn cứ vào nguồn tin của hai nhà tranh đấu Việt Nam. Hãng tin này nói rằng: động thái trên nhằm ngăn cản các người chỉ trích chính phủ dùng mạng lưới xã hội để tổ chức các cuộc phản đối. Việc này song song diễn ra với việc Ông Obama không được nói chuyện với những người chuyên chỉ trích chính phủ.

Hãng tin trên cũng cho hay: Việt Nam và nhiều nước khác vốn sử dụng Facebook và Twitter như một vũ khí. Khổ một nỗi, người dân cũng dùng hai phương tiện đó để kêu gọi biểu tình phản đối chính phủ.

Việc Obama không được nói chuyện với một số nhà chỉ trích chính phủ đã được chính ông xác nhận trong cuộc gặp gỡ với các nhóm công dân. Theo Arlette Saenz, khi gặp các nhóm này, ông Obama nói rằng: “Có một số nhà tranh đấu khác vốn được mời nhưng đã bị ngăn cản không tới được. Có một số người thấy rất khó có thể tụ họp và tổ chức một cách hoà bình quanh các vấn đề họ quan tâm sâu sắc”.

Matt Spetalnick thì cho hay một trong các nhà trí thức nổi tiếng, Ông Nguyễn Quang A, nói với Reuters rằng khoảng 10 cảnh sát viên đã tới nhà ông lúc 6 giờ 30 sáng, đẩy ông vào một chiếc xe rồi chạy ra khỏi thủ đô cho tới khi Ông Obama rời khỏi.

Một luật sư hay lên tiếng, Ông Hà Huy Sơn, cho biết ông cũng bị ngăn cản không được gặp Obama. Cơ quan Human Rights Watch xác nhận một nhà báo đã được mời nhưng bị bắt vào hôm Thứ Hai.

Nên biết Ông Quang A, một nhà kinh doanh IT trước đây, là một trong hơn 100 người cố gắng ra tranh cử trong tư cách ứng viên độc lập vào quốc hội tuần trước, nhưng đã bị loại. Trước khi bị bắt giữ, Ông có đăng trên Facebook một bức hình của chính ông với lời nhắn: “Trước khi đi. Có thể bị chặn, bị bắt. Loan tin để dân chúng biết”.

Những sự kiện trên chắc chắn ám ảnh Ông Obama đến nỗi ông mượn cả dịp chia sẻ một vài đường lả lướt với ca sĩ nhạc “rap” Suboi (?) ở Sài Gòn để nhắn nhe với nhà cầm quyền Việt Nam về quyền tự do phát biểu. Theo ông, nhạc “rap” vốn xuất phát từ người Mỹ gốc Phi Châu nghèo nàn nay trở thành hiện tượng hoàn cầu, đâu đâu cũng có. Nhưng “các bạn hãy tưởng tượng mà xem, vào lúc nó khởi diễn, nếu chính phủ của chúng tôi nói ‘Không. Vì một số điều các anh hát có tính xúc phạm’ hay ‘một số lời ca khiếm nhã’ hoặc ‘các anh chửi rủa nhiều quá’” thì kết quả sẽ ra sao. Nên “các bạn phải để cho người dân tự phát biểu. Đó là thành phần làm nên nền văn hóa hiện đại của thế kỷ 21”.

Nhân quyền hai mặt

Nhiều nhà bình luận coi các tấn công nhân quyền của Ông Obama tại Việt Nam là hai mặt. Trong số này, đáng lưu ý là Michelle Kosinski của CNN. Cô này cho rằng “Tổng Thống Barack Obama tìm cách vượt qua một con đường khó khăn ở Việt Nam trong bài diễn văn hôm Thứ Ba, bằng cách cân bằng lời chỉ trích (vi phạm) nhân quyền với lời khen đạt tiến bộ. Nhưng khi làm thế, xem ra ông đã cấp cho xứ Cộng Sản này một điểm đậu hơn hẳn các quốc gia khác có những vi phạm tương tự”.

Thực vậy, trái với cách ăn nói với các quốc gia khác như Kenya và Ethiopia, Obama đã chỉ đề cập tới nhân quyền vào cuối bài diễn văn của Ông với chính phủ và nhân dân Việt Nam. Khởi đầu bài diễn văn này, ông đã xoa dịu người Cộng Sản Việt Nam bằng cách kể ra hàng loạt các thiếu sót của chính nước ông: chia rẽ sắc tộc, phụ nữ đấu tranh giành lương bổng ngang với nam giới! Để kết luận rằng: không quốc gia nào hoàn hảo cả.

Ông cũng khá đại khái trong các nhận định của mình, tránh không nêu ra bất cứ chi tiết chuyên biệt nào trong các nan đề của Việt Nam. Ông nói: “Hiệp Chúng Quốc không tìm cách áp đặt hình thức cai trị của chúng tôi lên Việt Nam. Các quyền mà tôi nói tới không phải là các giá trị Hoa Kỳ, chúng là các giá trị phổ quát được viết vào bản tuyên ngôn chung về nhân quyền. Chúng được viết vào Hiến Pháp Việt Nam là hiến pháp quả quyết rằng các công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền truy cập thông tin, quyền hội họp, quyền lập hội và quyền biểu tình. Điều ấy có trong Hiến Pháp Việt Nam”.

Ta hãy so sánh những lời trên với những lời bạo dạn và trực tiếp hơn nhiều khi ông lên tiếng ở Phi Châu: các bài diễn văn khích động người Kenya và Ethiopia, mùa hè năm ngoái, khiến người ta há hốc miệng quay qua nhìn nhau và sảng khoái nói “anh có tin là ông ta nói thế không?” ngay trước mặt các nhà lãnh đạo của họ.

Ông bảo: “tham nhũng được khoan dung vì đó là cách sự việc luôn được tiến hành. Người ta chỉ nghĩ rằng đó là loại hiện tình thông thường của sư việc. Nay là lúc phải thay đổi các thói quen và cương quyết phá vỡ cái vòng (luẩn quẩn) đó. Vì tham nhũng kìm hãm mọi khía cạnh của sinh hoạt kinh tế và công dân. Nó là chiếc mỏ neo ghì các bạn xuống và ngăn không cho các bạn thực hiện điều các bạn có khả năng. Nếu các bạn cần phải đưa hối lộ và thuê người anh em của một ai đó, một người không tốt lắm và không chịu đi làm, để khởi đầu một doanh nghiệp, thì, thì điều đó sẽ tạo ra ít công ăn việc làm cho mọi người hơn”.

Tại Ethiopia, người ta còn khoái chí hơn nữa với các lời lẽ sau đây: “tiến bộ dân chủ tại Phi Châu cũng gặp nguy cơ khi các nhà lãnh đạo không chịu đứng qua một bên lúc mãn nhiệm kỳ… Nếu các nhà báo bị hạn chế hay các nhóm đối lập hợp pháp không được tham dự vào diễn trình tranh cử”.

Reuters nhận định rằng: điều tệ hại là Việt Nam không hề cố gắng che đậy việc họ liên tiếp kiểm soát xã hội, ngay trong cuộc viếng thăm lịch sử này, một cuộc viếng thăm có hàng ngàn người xếp hàng dọc các phố xá để hoan nghinh Tổng Thống Hoa Kỳ.

Có lúc, chính phủ Việt Nam còn ra lệnh cho Đài BBC ngưng tường trình. Các buổi phát hình tin tức trực tiếp của ngoại quốc vẫn chỉ được phát đi 10 phút sau, để các nhà kiểm duyệt của chính phủ đủ thì giờ kiểm soát trước. Chưa kể con số tù nhân chính trị và các nhà tranh đấu bị cấm không được gặp Obama như trên đã nói, dù bị Nhà Trắng và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phản đối.

Điều oái oăm là các viên chức Nhà Trắng lại bênh vực chiến lược của Obama. Họ cho rằng thực tại đáng lưu ý, vô tiền khoáng hậu là truyền hình nhà nước Việt Nam đã trực tiếp phát đi bài diễn văn của Tổng Thống. Dĩ nhiên đây là một tiến bộ so với 20 năm trước, khi Hà Nội tránh nói chuyện với bất cứ người ngoại quốc nào.

Nhà Trắng làm như thế vì cần phải ký nhiều thỏa hiệp và hy vọng Việt Nam sẽ gia tăng những điều như sự trong sáng và nhiều quyền hơn cho dân chúng. Những điều vừa nói, theo ngoại trưởng Kerry, cần nhiều thời gian. Ông nói: “các bạn cũng nên thừa nhận: cần có thì giờ mới có sự biến đổi về văn hóa, biến đổi về thế hệ, người dân mới có khả năng học cách quản trị và thi hành các quyền và một số tự do của họ”.

Chẳng qua, người Hoa Kỳ tùy cơ mà ứng biến để phục vụ chính quyền lợi của họ thì đúng hơn.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Con
Nguyễn Đức Cung
18:21 27/05/2016
MẸ CON
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Bên con từ phút chào đời
Dậy-đi-dậy-đứng-dậy-ngồi-dậy-chơi
Chăm lo chẳng lúc nào ngơi…
(nđc)