Ngày 26-05-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 6 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:46 26/05/2019
Chúa Nhật 6 PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 14, 23-29.

“Thánh Thần sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.

Bạn thân mến,

Chúa Nhật này tôi xin chia sẻ với bạn hai câu chuyện sau đây, có liên quan đến đời sống tín ngưỡng của chúng ta.

1. Âm thanh quen thuộc

Một hôm, có một người Mỹ In-di-an (người Mỹ da đỏ) rời khu bảo lưu nơi anh trú ngụ, đi đến thành phố thăm một người bạn da trắng của anh. Xe to xe nhỏ, người đi bộ tới tới lui lui, tiếng ồn ào, tất tất bật bật, làm cho người In-di-an nầy cảm thấy trong lòng không an tâm.

Lúc hai người đi bộ trên một đường phố lớn, đột nhiên người In-di-an dừng bước, đập nhè nhẹ trên vai người bạn, nói nho nhỏ: “Khoan bước tới trước, đứng đây một chút, anh có nghe âm thanh mà tôi đã nghe được không?”

Người da trắng quay người lại, nhìn người bạn In-di-an của mình, cười nói: “Tôi chỉ nghe tiếng xe hơi, tiếng còi và rất nhiều tiếng bước chân của người đi bộ, anh nghe được tiếng gì vậy?”

- Tôi nghe tiếng gáy của một con dế ở gần đây”.

Người da trắng cũng dừng chân nghe ngóng tỉ mỉ, nhưng anh ta lắc đầu nói: “Xem ra anh nói đùa tôi đấy, ở đây làm gì có dế mèn chứ, ừ, thì cho có đi, nhưng làm sao anh có thể nghe được âm thanh của nó giữa phố xá đông người ồn ào như thế này, anh lại còn cho rằng anh có thể nghe được tiếng gáy của con dế ?”

-“Thật mà, tôi có nghe thật đấy”, người In-di-an nói tiếp: “Chắc chắn có một con dế ở bên cạnh chúng ta đây”.

Người In-di-an đi về phía trước đến một bậc thềm, sau đó đứng bên cạnh bức tường của một căn nhà, căn nhà nầy có một giàn hoa trường sinh bò trên tường, người In-di-an vén bỏ cây trường sinh, bên trong quả nhiên có một con dế mèn đang cất cao giọng gáy.

Bấy giờ người da trắng mới nhìn thấy, anh ta cũng nhận ra sự biến đổi nguồn gốc của âm thanh. Trên đuờng đi người da trắng nói với bạn của mình: “Đương nhiên anh có thể nghe được tiếng gáy của con dế, bởi vì thính lực của người In-di-an của các anh hơn hẳn chúng tôi”.

Người Indian phá lên cười nói: “Cách nói nầy của anh tôi không đồng ý, thính lực của nguời In-di-an hoàn toàn không hơn người da trắng, bây giờ tôi có thể chứng minh cho anh thấy”.

Người In-di-an lấy trong túi ra năm xu, sau đó quăng nó xuống đường dành cho người đi bộ, tiếng kim thuộc của đồng tiền cứng rơi trên đường nhựa, khiến cho rất nhiều người quay lại nhìn về hướng đó, người In-di-an nhặt đồng tiền lên, và bỏ vào trong túi, hai người tiếp tục đi đường.

- “Anh nên biết”, người In-di-an nói với người da trắng, “Âm thanh của đồng năm hào có phải lớn hơn tiếng gáy của con dế không, không, nhưng có rất nhiều người nghe được, hơn nữa họ còn quay đầu lại nhìn. Trái lại, người nghe được tiếng con dế gáy, thì chỉ có một mình tôi, nguyên nhân nầy, không phải thính giác của người In-di-an tốt hơn của người da trắng, mà là con người của chúng ta vẫn nghe được sự vật mà mình quan tâm quen biết”.

2. Lắng nghe bằng tâm.

Tôi thường đi dâng thánh lễ tại viện dưỡng lão, có khoảng hơn hai mươi cụ già tham dự, các cụ đi đứng khó khăn, mắt mờ tai kém, nhưng các cụ rất sốt sắng tham dự thánh lễ, thành tâm nghe giảng và rất tích cực hát lễ dù là hát được câu trước thì mất câu sau. Những con người mà thể xác đã đến lúc mòn mỏi tàn tạ và cuộc đời chẳng còn là bao, các cụ đã dùng tâm mình để nghe tiếng Thiên Chúa, dùng tâm của mình để hát ca chúc tụng Thiên Chúa, dùng tâm của mình để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa.

Sau thánh lễ tôi có thói quen trò chuyện với các cụ vài phút trước khi đưa Mình Thánh Chúa cho một vài cụ đi đứng bất tiện, tôi hỏi: “Các cụ già rồi đi lễ có nghe được con giảng gì không ?”. Các cụ cười và trả lời: “Thì nghe tiếng được tiếng mất, nhưng phải cố gắng mà nghe cha giảng Lời Chúa, nếu nghe không được thì cầu nguyện với Chúa vậy...”

Bạn thân mến,

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta rằng, ai yêu mến Ngài thì tuân giữ lời Ngài, người Mỹ da đỏ nghe được tiếng kêu của con dế ngay tại thành phố, người Mỹ da trắng và những người đi đường đều nghe được tiếng âm thanh của đồng bạc giữa muôn vàn âm thanh hỗn độn, bởi vì tiếng kêu của con dế quá quen thuộc với người Mỹ da đỏ, và âm thanh của đồng bạc rơi quá quen thuộc với người Mỹ da trắng.

Lời Chúa quá quen thuộc với bạn và tôi, và chắc chắn chúng ta không thể quên được Lời Chúa trong cuộc sống, chỉ có những cám dỗ vật chất, chỉ có những thói quen xấu, chỉ có những kiêu ngạo ích kỷ mới làm chúng ta phớt lờ Lời Chúa kêu gọi chúng ta mà thôi.

Thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa là lắng nghe và tuân giữ lời của Ngài, là thực hành lời của Ngài qua cuộc sống của mình, là đem hết tâm hồn yêu mến Ngài qua thánh lễ và các bí tích thánh, như các cụ già trong viện dưỡng lão đã tham dự cách đơn sơ, chân thành yêu mến.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:49 26/05/2019
20. Thiên Chúa yêu thương người nổ lực hoàn thiện tu đức hơn ngàn vạn người khác có thánh sủng, mà linh hồn lãnh đạm không muốn nên thánh. (Thánh nữ Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:52 26/05/2019
23. THẦN NÚI ĐỘI NỒI

Có một ông thầy địa lý, tìm giùm cho nhà giàu nọ một chỗ đất để mai táng, ông ta nói dối với nhà giàu:

- “Ngày nọ tháng nọ đào huyệt, nếu hôm ấy thấy có người đội cái nồi sắt đi đến chỗ đào huyệt, thì chính là tôi đã chọn miếng đất quý ấy cho ông vậy”.

Sau chuyện này, ông thầy địa lý ngấm ngầm giao kèo với một người khác và dặn rằng, vào ngày nọ tháng nọ thì đội cái nồi sắt đi đến nơi chỗ đất ấy.

Ngày ấy đã đến, nên người nọ đội trên đầu cái nồi sắt đi đến nơi huyệt mả, người đang đào huyệt mả nói:

- “Mấy ngày trước, thầy địa lý dặn dò chúng tôi là hôm nay sẽ có người đội nồi sắt đi đến, nhưng không biết nồi sắt sẽ cất ở đâu đây ?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 23:

Đội nồi trên đầu để lừa người khác là chuyện của ma quỷ, vì chỉ có ma quỷ mới làm như vậy.

Có một vài người thời nay không đội nồi trên đầu để đánh lừa người khác, nhưng lại đem cái mã địa vị hào nhoáng bên ngoài “đội” trên đầu để áp bức người vô tội; có người đem cái hiểu biết của mình “đội” trên đầu để lòe bịp anh em và làm chuyện bất chính; lại có người đem cả những hành vi bất hảo của mình “đội” trên đầu như một thành tích, để hù dọa cười nhạo những việc tốt lành mà người khác đã làm cho tha nhân...

Quân dữ đã đội trên đầu Đức Chúa Giê-su một vòng gai nhọn đâm thâu vào đầu để bày tỏ sự nhạo báng, nhưng vòng gai này đã trở nên mũ triều thiên cho những người vì tin vào Ngài mà chịu sỉ nhục...

Mùa chay là mùa mà tôi phải đem cái đẹp đẽ hào nhoáng của thế gian như kiêu ngạo, hống hách, tham quyền cố vị, phóng đãng.v.v...mà tôi đang đội trên đầu xuống, để đội lên triều thiên hy sinh, triều thiên bác ái, triều thiên phục vụ của Chúa Ki-tô...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Điểm cốt lõi của Đạo Tin Mừng
LM Trương Đình Hiền
10:04 26/05/2019
ĐIỂM CỐT LÕI CỦA ĐẠO TIN MỪNG
(Chúa Nhật 6 PHỤC SINH - Năm C 2019)

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng :

Ngày kia, có một thiên thần rảo qua các con đường trong một thành phố nọ, một tay cầm ngọn đuốc, một tay xách thùng nước. Người ta mới hỏi thiên thần : “Ngọn đuốc và thùng nước đó để làm gì ?”. Thiên thần liền trả lời : “Ta dùng ngọn đuốc để đốt hết các toà nhà, các công trình đẹp đẽ trên thiên đàng để thiên đàng chỉ còn hoang vu tro bụi. Còn thùng nước để dập tắt hết mọi ngọn lửa đang bừng cháy trong hoả ngục để hoả ngục cũng chỉ là một cõi hoang vu như thiên đàng”. Người ta mới hỏi : “Ngài làm như thế để làm gì ?”. Thiên thần vội trả lời : “Để Thiên Chúa nhận rõ ai là người giữ đạo vì yêu mến Ngài thật sự, chứ không phải giữ đạo để được lên thiên đàng hay vì sợ hoả ngục.” !

Câu chuyện ngụ ngôn đó muốn nhắc nhở chúng ta chính lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay : “Ai yêu mến ta thì hãy giữ lời ta”.

Một mệnh đề chỉ vỏn vẹn có 9 chữ đó nhưng lại bao gồm tất cả nội dung của đức tin và việc thực hành đức tin Kitô giáo.

Trước hết, “Yêu mến ta”, phải chăng đó chính là trọng tâm và tiêu đích của niềm tin Kitô giáo, niềm tin đặt nền tảng và quy hướng về một Ngôi Vị, một con người, Đức Giêsu-Kitô. Và qua Đức Kitô, chúng ta đến với Chúa Cha và thuộc về Chúa Thánh Thần. Hành trình đến và gặp gỡ Thiên Chúa là hành trình của tình yêu, từ trái tim đến với trái tim.

Thiên Chúa không phải là một vị thần xa lạ để chúng ta chỉ biết “kính nhi viễn chi”, đứng xa xa mà chiêm ngắm trong một mối tương quan xa lạ, cách biệt. Thứ tôn giáo đó, niềm tin vào một Thượng Đế lạnh lùng xa cách đó thế nào cũng sẽ dẫn tới hoặc là một thái độ lãnh đạm, thờ ơ để rồi đi tới chỗ vô tín, vô thần; hoặc là một thái độ cực đoan sẵn sàng nhân danh thượng Đế để thoả mãn mọi khát vọng trần tục của chính mình bằng đủ thứ hành động gian ác.

Nếu trước giờ khổ nạn, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh mối tương quan tình yêu nầy : “Ai yêu mến ta thì hãy giữ lời ta”, thì Ngài long trọng nhấn mạnh chính nội dung đó khi vừa từ cõi chết sống lại, qua câu hỏi trắc nghiệm dành Phêrô : “Con có yêu mến thầy không ?”.

Ngày hôm nay, mệnh lệnh và lời chất vấn đó cũng được dành cho mỗi người chúng ta : “Ai yêu mến ta thì hãy giữ lời ta”, “Con có yêu mến ta không?”.

Thứ đến, “Hãy giữ lời ta” : Đây chính là dấu chỉ cơ bản, là hiện thực hoá lòng yêu mến Chúa cách sâu xa và đúng đắn nhất. Dĩ nhiên, việc thường xuyên kinh nguyện, dâng lễ rước lễ hằng ngày, bố thí cho người nghèo liên tục, đọc thuộc từng câu từng đoạn trong sách Phúc âm…, nếu làm được như thế thì còn gì bằng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chẳng khác nào câu chuyện chàng thanh niên giàu có đến chất vấn Chúa Giêsu để Ngài chỉ cho con đường nên trọn lành : “Tôi đã giữ trọn tất cả những điều đó ngay từ thuở nhỏ”. Cho tới khi khi được Đức Kitô đề nghị “hãy về bán hết của cải, bố thí cho người nghèo, rồi hãy đến theo ta”, anh ta đã xịu mặt bỏ đi vì anh có nhiều của cải.

Phải chăng, chàng thanh niên đạo đức nầy muốn được lên thiên đàng cùng với tất cả của cải của anh để hưởng thụ chứ không phải vì yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Đức Kitô để sẵn sàng thực thi lời mời gọi của Ngài.

Hình như trong cuộc sống đời thường của chúng ta hôm nay còn có quá nhiều lần chúng ta đã ứng xử như thế đối với Thiên Chúa. Chúng ta giữ đạo, giữ luật, không phải vì động lực của tình yêu mà chỉ vì muốn chiếm một chỗ trên thiên đàng để an dưỡng, hoặc ít ra khỏi phải nếm trải cực hình nơi hoả ngục.

Có một hình ảnh, một thực tại khá oái ăm biểu hiện thái độ sống đức tin hời hợt của người Kitô hữu hôm nay : bên trong cánh cửa cổng nhà thờ là một cộng đoàn nghiêm trang, lễ nghi sốt sắng, kinh nguyện rập ràng…Nhưng bên ngoài cánh cửa đó, biết đâu đang diễn ra những cuộc chụp giựt, tranh dành, đấu đá, mạnh được yếu thua, may nhờ rủi chịu... Người ta sẵn sàng đâm chém nhau, loại trừ nhau, chỉ vì một miếng cơm, một manh áo…

Phải chăng, Đức Kitô, vì sợ cái tôn giáo mà Ngài muốn canh tân và thiết lập đặt trên nền tảng của tình yêu sẽ bị biến chất trở thành một thứ tôn giáo của lề luật vụ hình thức mà trước khi về với Chúa Cha, bàn giao sứ mệnh loan truyền ơn cứu độ cho Hội Thánh, cho các Tông Đồ, Ngài muốn nhấn mạnh cái cốt lõi của chân lý Tin Mừng mà Ngài đã dày công vun xới : đó chính là cuộc trở về hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi : “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.

Và để xác quyết việc thể hiện niềm tin như thế là khả thi, không phải tự sức con người, nhưng nhờ sức mạnh đến từ Thiên Chúa, Ngài đã mặc khải về vai trò của Chúa Thánh Thần :

“Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy dỗ anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.

Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai đã nhất loạt làm chứng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Sách TĐCV trong BĐ 1 hôm nay đã nêu bật vai trò của Chúa Thánh Thần trong các hướng dẫn của các Tông Đồ về việc định hướng mục vụ cho cộng đoàn tiên khởi : “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”

Trong một thế giới mà chiều kích trần tục đang muốn chiếm lĩnh mọi cơ cấu xã hội, kể cả cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, thì niềm tin của người Kitô hữu phải luôn được thanh lọc để hết sức tỉnh táo mà nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa và sức tác động của Chúa Thánh Thần.

Như thế, cuộc họp mừng hôm nay chính là cơ hội để chúng ta được Thiên Chúa viếng thăm và ban sức mạnh của Thánh Thần, là nguồn mạch của sự bình an đích thực. Chúng ta làm nên một cộng đoàn hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi, qui tụ chung quanh Đức Kitô, để thể hiện tình yêu dành cho Thiên Chúa qua sức tác động của Chúa Thánh Thần. Để rồi từ đây, chúng ta ra đi, làm chứng về một Giáo Hội mà mọi thành phần đều “yêu mến Chúa Kitô và giữ Lời Ngài”, một Giáo Hội luôn mặc lấy sự bình an của yêu thương và hiệp nhất, một Giáo Hội đang cưu mang niềm hy vọng mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng mà sách Khải huyền trong BĐ 2 hôm nay đã diễn tả như một “Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa…”. Amen.
 
Rượu mới - Bình mới
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:05 26/05/2019
RƯỢU MỚI – BÌNH MỚI

Là Kitô hữu trưởng thành hẳn chúng ta cách nào đó hiểu lời dạy của Chúa Giêsu về chủ đề rượu mới – bình mới. Bước vào thời Tân Ước chúng ta được Người mạc khải Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ là Cha toàn năng chí ái. Vì thế tâm tình chính đáng và phải đạo cần có đó là tâm tình hiếu nghĩa của người con. Chúa Giêsu làm nổi rõ chân lý này qua lời kinh duy nhất Người truyền dạy là “Kinh Lạy Cha”. Rượu mới thì bình chứa phải mới. Tâm tình đức tin mới thì hình thức, cung cách sống đạo phải đổi mới là chuyện đương nhiên.

Thế nhưng để canh tân cung cách sống đạo cho phù hợp với niềm tin thì không hẳn dễ dàng hay là chuyện một sớm một chiều. Xin đan cử hai trường hợp liên quan đến hai vị Tông đồ trụ cột của Giáo hội đó là Phêrô và Phaolô.

Thánh Phêrô:

Được Chúa mạc khải qua thị kiến ba lần thấy từ trời sa xuống tấm khăn trong đó có nhiều giống vật như rắn rít…mà theo luật Do Thái giáo là vật nhơ uế không được dùng, bỗng có tiếng từ trời phán chúng là thanh sạch thì Phêrô nhận ra thánh ý Thiên Chúa rằng anh em lương dân cũng đáng hưởng nhận tình thương của Thiên Chúa như người Do Thái. Vì thế khi Cornêliô, một viên đại đội trưởng người Rôma, một anh em lương dân sai các gia nhân đến gặp Phêrô và xin ngài đến rao giảng Tin mừng cho họ thì Phêrô đã đi với họ. Ngài không chỉ rao giảng Tin Mừng mà còn lui tới và đồng bàn với anh em lương dân (x.Cv 10).

Thế nhưng sau đó khi một số Kitô hữu gốc Do Thái là người của ông Giacôbê từ Giêrusalem đến thì Phêrô đã ngại ngần tiếp xúc với anh em gốc dân ngoại vì sợ những người được cắt bì phê phán theo luật sạch nhơ. Thánh Phaolô đã thẳng thắn phê bình trước mặt thánh Phêrô cho rằng đó là sự giả hình và là cớ cho cả Barnaba và nhiều người Do Thái khác sống giả hình theo (x.Gl 2,11-13).

Thánh Phaolô:

Ngài và Barnaba đi rao giảng Tin Mừng cho anh em lương dân và có rất nhiều người đón nhận Tin Mừng. Có nhiều Kitô hữu gốc Do Thái, là người thuộc phái Pharisiêu từ Giuđêa đến Antiôkia yêu cầu anh em gốc dân ngoại muốn trở thành Kitô hữu thì phải chịu phép cắt bì và giữ luật Môsê. Thế là đã có những cuộc tranh luận xảy ra. Phaolô và Barnaba lên Giêrusalem trình bày với các tông đồ những sự việc lạ lùng mà Chúa đã thi ân cho anh em dân ngoại. Các tông đồ bèn họp Công đồng đầu tiên tại Giêrusalem. Sau khi họp các ngài ra văn thư là anh em lương dân trở lại đạo không phải chịu phép cắt bì và một số luật Môsê nữa vì đó là gánh ách nặng nề mà cha ông họ, người gốc Do Thái không thể gánh nổi (x. Cv 15).

Thánh Phaolô là một trong những người mạnh mẽ khẳng định rằng anh em lương dân vào đạo thánh Chúa Kitô thì không cần phải chịu phép cắt bì. Thế mà ít lâu sau đó, tại Lytra, khi chọn môn đệ Timôtê, có người mẹ Do Thái đã tin Chúa và bố là người Hy lạp, một lương dân thì chính Phaolô lại đem Timôtê đi làm phép cắt bì, vì ngài nễ sợ những người Do Thái ở đó (x.Cv 16,1-3).

Sử dụng bình mới là cách thức sống đức tin mới cho phù hợp với rượu mới là Giao Ước mới quả thật không mấy dễ dàng. Giáo hội luôn mãi canh tân cách sống đạo của mình. Nỗ lực cải tổ và canh tân Giáo hội của các Đức Thánh Cha gần đây đặc biệt là Đức Phanxicô là một minh chứng. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều lực cản từ những người không phải từ chối rượu mới nhưng lại thích sử dụng bình cũ. Hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô mà còn gặp khó khăn huống là các đấng kế vị. Sau những lần tiếp kiến đoàn tín hữu thì Đức Phanxicô thường xin cầu nguyện cho Ngài. Lạy Chúa xin tuôn đổ đầy tràn Thần Khí Chúa trên Đấng kế vị thánh Phêrô, Đấng thay mặt Chúa Kitô đang dẫn dắt Giáo hội của Người.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chúa Thánh Thần hướng dẫn và linh hoạt Giáo hội
Thanh Quảng sdb
18:51 26/05/2019
Chúa Thánh Thần hướng dẫn và linh hoạt Giáo hội

Trong giờ kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” (Regina Coeli) vào Chúa Nhật cừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về cách Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta và Giáo hội để chúng ta sống chứng tá cho Chúa Kitô Phục sinh.
Suy tư về Lời Chúa trong Tin mừng Chúa Nhật thứ 6 Phục sinh (Phúc âm thánh Gioan 14: 23-29), Đức Thánh Cha Phanxicô xác quyết rằng Chúa Giêsu không bao giờ để các Tông đồ mồ côi, khi Ngài đối diện với Cuộc Khổ Nạn và Thập Giá.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh lời Ngài bảo đảm Chúa Thánh Thần mà Cha Ngài sẽ sai đến đến nhân danh Ngài - Ngài sẽ nhắc nhở cho các Tông đồ nhớ lại tất cả những gì Ngài đã giảng dậy.
Danh từ “Chúa Thánh Linh” (Paraclete) - trong tiếng Hy Lạp - có nghĩa là một người song hành bên cạnh người khác, để hỗ trợ và nhắc nhở... "

Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta về lời dạy của Chúa Giêsu
Theo cách này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, Chúa Giêsu tiếp tục hướng dẫn và tác động các tông đồ của mình qua sự linh hoạt của Chúa Thánh thần (Paraclete), Đấng giúp chúng ta thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới.
Chúa Thánh Linh không giảng dậy và mặc khải thêm điều gì, vì Chúa Giêsu đã truyền dậy tất cả những gì Ngài muốn ủy thác cho các Tông đồ.
Nói cách khác, nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần là nhắc nhớ hay nói cách khác là Ngài làm cho các tông đồ thấu hiểu đầy đủ những lời giảng dạy của Chúa Giêsu và thúc đẩy họ đem ra thực hành một cách cụ thể.

Chúa Thánh Linh (Paraclete) hướng dẫn Giáo hội
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết sứ mệnh của Giáo hội, được Chúa Thánh Linh thúc đẩy thực hiện thông qua một lối sống đích thực...
Nếp sống đó được đặc trưng sống theo sự thúc đẩy linh hoạt của Chúa Thánh Thần, sống theo niềm tin vào Chúa và tuân giữ Lời Ngài; sống sự sống của Chúa Phục sinh được thể hiện trong hoàn cảnh hiện tại; thể hiện sự bình an của Chúa Phục sinh hứa ban và làm nhân chứng cho Chúa qua thái độ rộng mở và gặp gỡ tha nhân...

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Giáo hội không thể giẫm chân tại chỗ mà phải được linh hoạt qua những dấn thân tham gia tích cực của mỗi người đã được thanh tẩy.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay chúng ta được kêu gọi, để giải thoát bản thân chúng ta khỏi những quan điểm, thủ đoạn và mục tiêu tầm thường làm cản bước tiến của niềm tin và tâm lòng rộng mở vâng theo sự linh hoạt của Chúa Thánh thần, để sống theo Lời Chúa, hầu làm cho diện mạo đích thực của Giáo hội được trở nên xinh đẹp và tỏa sáng theo ý muốn của Chúa Kitô.

Noi gương Đức Maria
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu mời các tín hữu hãy chạy tới Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ bảo vệ Giáo hội và cầu bàu cho toàn thể nhân loại, nhất là trong tháng Năm này, tháng mà chúng ta dành tôn kính Đức Mẹ một cách đặc biệt.
Đức Maria, người nữ của niềm tin yêu khiêm hạ và can cường đã rộng mở tâm lòng trọn vẹn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong việc đón nhận Con Thiên Chúa nhập thể, sẽ giúp chúng ta sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (Paraclete) hầu chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa và sống chứng tá cho Chúa trong cuộc sống của chính chúng ta.
 
Linh mục cầu nguyện cho chính mình
Vũ Văn An
23:18 26/05/2019
Tại Hoa Kỳ, vào dịp này trong năm, thường có các buổi phong chức cho các tân linh mục. Và do đó, là dịp nhiều linh mục mừng kỷ niệm ngày mình được phong chức, một ơn phúc thật vĩ đại và là một thừa tác hệ trọng. Vào dịp này, Sách Lễ Rôma dự liệu việc các ngài được đọc thêm các lời nguyện cầu cho chính mình (Pro seipso sacerdote).



Theo Cha John Zuhlsdorf, Sách Lễ Rôma năm 2002 có ba công thức Pro seipso sacerdote trong khi Sách Lễ Rôma 1962, chỉ có một công thức. Ai cũng biết Sách Lễ Rôma 1962 hiện nay vẫn được phép sử dụng dưới hình thức Đức Bênêđíctô 16 gọi là ngoại thường. Cha John Zuhlsdorf thích sử dụng công thức năm 1962.

Lời nguyện đầu lễ

Omnípotens et miséricors Deus, humilitátis meae preces benígnus inténde: et me fámulum tuum, quem, nullis suffragántibus méritis, sed imménsa cleméntiae tuae largitáte, caeléstibus mystériis servíre tribuísti, dignum sacris altáribus fac minístrum; ut, quod mea voce deprómitur, tua sanctificatióne firmétur.

Tạm dịch:

Lạy Thiên Chúa toàn năng và hay thương xót, xin Chúa nhân từ lắng nghe các lời cầu xin khiêm cung của con: và xin Chúa cho con, đầy tớ Chúa, kẻ, chẳng có công lao chi từ chính con, mà chỉ nhờ lòng khoan nhân độ lượng vô vàn của Chúa, được ơn phục vụ các mầu nhiệm trên trời, được trở nên thừa tác viên xứng đáng phục vụ bàn thờ thánh thiêng;để những gì miệng con thốt ra đều được bảo đảm bằng ơn thánh hóa của Chúa.

Lời cầu nguyện của vị linh mục tập chú vào ý thức thấp hèn của mình. Tất cả những gì ngài là và làm đều phụ thuộc ơn thánh Thiên Chúa, không phụ thuộc ngài.

Lời cầu nguyện ấy cũng nhấn mạnh đến liên hệ của vị linh mục với bàn thờ, nghĩa là dây liên kết ngài với Thánh Lễ. Linh mục được tấn phong để dâng lễ hy sinh.Không có linh mục, không có hy lễ, Không có Thánh Lễ, không có Thánh Thể.

Trong hình thức Thánh Lễ cũ, sau khi truyền phép theo Lễ Qui Rôma, lúc đọc Suppplices te rogamus (chúng con khẩn cầu Chúa) … linh mục cúi xuống bàn thờ. Ngài đặt hai tay lên bàn thờ. Chính chúng, đôi tay ngài và bàn thờ, đều được xức dầu thánh hiến. Ngài hôn bàn thờ. Rồi làm dấu thánh giá trên Bánh Đã Truyền Phép đặt trên khăn thánh, trên Máu Thánh trong chén thánh, và trên ngài.

Chúa Kitô là Của Lễ. Chúa Kitô là Linh Mục. Linh mục cũng là của lễ và linh mục.

Khoảnh khắc ấy trong Thánh Lễ cho thấy dây liên kết mầu nhiệm của vị linh mục với bàn thờ, nơi ngài dâng của lễ. Của lễ hiến tế và linh mục hiến lễ là một. Tại bàn thờ, ngài là alter Christus, một Chúa Kitô khác, vừa hiến tế vừa được hiến tế.

Về Dầu Thánh và việc phong chức linh mục, gần đây ta có lời khuyên cảm kích của Đức cố Giám Mục Robert C. Morlino của giáo phận Madison, Hoa Kỳ. Ngài nói rằng trong những thời khắc cheo leo, các linh mục nên rót một giọt dầu thánh lên tay rồi xoa tay, để nhắc nhở mình là ai.

Ở đây, thiết tưởng cũng nên lưu ý việc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trao việc xét xử các giáo sĩ phạm tội ấu dâm không cho bộ giáo sĩ mà là cho Bộ Giáo Lý Đức Tin. Vì, theo giải thích mới đây của Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI, đây là tội phạm đến đức tin. Đúng vậy, nó phạm thánh, bàn tay ấy được xức dầu thánh, làm dơ nó là làm dơ sự thánh. Đức Cha Morlino quả là thâm thúy!

Cha Zuhlsdorf cũng nhắc lại nhận định của Thánh Augustinô khi ngài nói tới người nói Lời Chúa và Lời được nói ra, và sứ điệp cùng thực tại Lời Chúa và Tiếng nói ra lời ấy.

Tiếng nói của linh mục và chính vị linh mục chỉ là phương thế Thiên Chúa sử dụng trong hành động thánh, tức các mầu nhiệm bí tích ở bàn thờ, để làm lại ở lúc ấy điều Người đã làm.

Sau cùng, tất cả nhờ lòng thương xót. Các chữ misericors (thương xót), clementia (khoan nhân), largitas (độ lượng), benignus (nhân từ) tất cả đều chỉ về lòng Thương xót của Thiên Chúa.

Linh mục nói và Thiên Chúa làm cho điều ngài nói thành thực tại.

Người tiếp nhận lời lỏng lẻo vô thực chất (unsubstantial) của linh mục và biến nó thành chắc chắn và có thực chất.

Người tiếp nhận những con người bất xứng là các linh mục và ban cho họ quyền năng của chính Người.

Linh mục phải tự tránh đường khi ở bàn thờ, nơi Người Hành Động Thực Sự đang hành động, là Chúa Kitô, Linh Mục Đời Đời và Thượng Tế.

Cha Zuhlsdorf cho rằng đó là lý do việc thờ phượng ad orientem (quay mặt về hướng đông) là điều rất quan trọng. Nó phải là một thành tố của Tân Phúc Âm Hóa.


Lời cầu nguyện trên của lễ:

Huius, Dómine, virtúte sacraménti, peccatórum meórum máculas abstérge: et praesta; ut ad exsequéndum injúncti offícii ministérium, me tua grátia dignum effíciat.

Tạm dịch:

Lạy Chúa, nhờ sức mạnh của bí tích này, Xin Chúa tẩy rửa mọi vết nhơ tội lỗi con: và ban ơn; để nó có thể khiến con, nhờ ơn thánh Chúa, được xứng đáng thi hành thừa tác vụ của chức vụ vốn đặt để trên con này.

Linh mục cũng là những người tội lỗi cần một Đấng Cứu Rỗi y hệt mọi người khác. Các ngài cũng xưng tội và lãnh nhận ơn tha tội từ một linh mục giống y hệt mọi người khác.

Các ngài cũng phải làm việc đền tội vì các tội đã phạm giống y hệt mọi người khác.

Dù tiến tới bàn thờ như alter Christus (Chúa Kitô khác), linh mục cũng tiến tới nó như kẻ có tội. Chỉ có duy nhất một Đấng toàn thiện mà thôi.

Trong Hình Thức Ngoại Thường của Thánh Lễ, linh mục luôn được nhắc nhở mình là ai và mình không là ai. Còn hình thức mới? Không nhiều như thế.

Trong lời nguyện trên của lễ trên đây, linh mục cầu xin cho được điều chỉ có Thiên Chúa mới ban được: tẩy rửa các vết nhơ tội lỗi khỏi linh hồn mình.

Lời cầu nguyện cũng nhắc linh mục nhớ đến sự nặng nề của cái ách chức linh mục, được tượng trưng bởi lễ phục tư tế, áo lễ (chasuble). Bất cứ mang dáng dấp nào, áo lễ vẫn là dấu chỉ sự mang ách (subjugation) của linh mục.

Khi linh mục mặc phần lễ phục hiển thị nhất, theo truyền thống, ngài thường đọc lời nguyện sau đây: “Lạy Chúa, Đấng từng phán rằng: ách của Ta dễ mang và gánh của ta nhẹ nhàng: xin ban ơn để con có thể mang nó cách tốt đẹp và bước chân theo Chúa một cách biết ơn. Amen”. Cái ách ngày xưa vốn là dấu chỉ sự tùng phục. Người Rôma xưa buộc những kẻ chiến bại phải bước qua một cái ách, iugum.

Thái độ này của linh mục ở bàn thờ, tạo thành nhờ lời cầu nguyện và lễ phục ngài mặc, có thể dạy chúng ta khá nhiều điều về bản chất và kế sách của mọi điều chúng ta vốn dùng để cử hành Thánh Lễ.

Lời nguyện sau khi Rước Lễ:

Omnípotens sempitérne Deus, qui me peccatórem sacris altáribus astáre voluísti, et sancti nóminis tui laudáre poténtiam: concéde propítius, per hujus sacraménti mystérium, meórum mihi véniam peccatórum; ut tuae majestáti digne mérear famulári.

Tạm dịch:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Đấng đã muốn con, một kẻ tội lỗi, đứng ở bàn thờ thánh, và ca ngợi quyền năng của Thánh Danh Chúa: xin khứng ban, nhờ mầu nhiệm bí tích này, ơn tha thứ mọi tội lỗi cho con; để con xứng đáng được hầu cận Uy Danh Chúa”.

Vào ngày thụ phong, vị linh mục nằm sấp trên sàn nhà thờ. Lúc ấy, ngài trở thành một phần của sàn nhà. Ngài là người thấp hèn nhất trong Giáo Hội.

Cha Zuhlsdorf cho rằng trong lời nguyện trên, có hai tương phản rất đáng lưu ý. Thứ nhất, là sự tương phản giữa phận hèn tôi tớ tội lỗi và uy danh Thiên Chúa. Thứ hai là sự tương phản giữa giây phút hiện tại và tương lai sắp tới.

Uy danh (majestas) giống như gloria (vinh quang), tiếng Do Thái là kabod còn tiếng Hy Lạp là doxa, một đặc tính của Thiên Chúa mà, một ngày kia, chúng ta có thể gặp thấy ở trên trời một cách khiến chúng ta được nó biến đổi mãi mãi. Khi Môsê gặp Thiên Chúa trong đám mây ở trên núi và ở trong lều, ông trở ra với khuôn mặt rực sáng đến nỗi phải mang mặt nạ. Đây là hình bóng báo trước sức mạnh biến đổi của uy danh Thiên Chúa, sức mạnh được Người chia sẻ với các thánh ở trên trời.

Linh mục hầu cận uy danh Thiên Chúa. Ngài hầu cận uy danh, theo nghĩa ngài chờ mong nó... Ngài phục vụ nó, như một người bồi chờ phục vụ... Ngài cũng mong ước nó cho chính tương lai của ngài. Nhưng lúc này đây, ngài hầu cận nó như một đầy tớ. Ngài là người hầu cận, hiểu theo mọi ý nghĩa...



Kinh cầu cho các linh mục hàng ngày

Trên đây có nhắc đến cố Giám Mục Robert C. Morlino của giáo phận Madison, Hoa Kỳ. Ngài có lời kinh rất hay để hàng ngày cầu nguyện cho các linh mục:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin Chúa nhìn gương mặt của Đấng Kitô của Chúa, và vì tình yêu đối với Người, Đấng vốn là Linh Mục Thượng Tế Vĩnh Viễn, xin Chúa thương xót các linh mục của Chúa. Lạy Thiên Chúa hết lòng xót thương, Xin Chúa nhớ rằng các ngài chỉ là những con người yếu đuối và mỏng dòn. Xin khơi động trong các ngài ơn kêu gọi của ngài, một ơn vốn hiện diện nơi các ngài nhờ việc đặt tay của giám mục. Xin Chúa giữ các ngài thật gần với Chúa, kẻo Kẻ Thù thắng lướt các ngài, để các ngài không bao giờ làm bất cứ điều gì bất xứng với ơn gọi cao cả của các ngài, dù là vi phạm nhỏ nhoi nhất.

Lạy Chúa Giêsu, con cầu xin Chúa cho các linh mục trung thành và sốt sắng của Chúa; cho các linh mục bất trung và tẻ lạnh của Chúa; cho các linh mục của Chúa đang lao nhọc tại quê hương hay ở ngoại quốc tại các xứ truyền giáo xa xôi; cho các linh mục của Chúa đang bị cám dỗ; cho các linh mục của Chúa đang cô đơn hiu quạnh; cho các linh mục trẻ của Chúa; cho các linh mục già của Chúa; cho các linh mục ốm đau của Chúa, cho các linh mục đang hấp hối của Chúa; cho linh hồn các linh mục của Chúa đang ở trong luyện ngục.

Nhưng trên hết, con xin phó thác cho Chúa các linh mục thân thiết nhất của con; linh mục đã rửa tội cho con; linh mục đã giải tội cho con; linh mục con từng giúp lễ cho và từng cho con rước Mình và Máu Thánh Chúa; linh mục đã dạy dỗ và huấn giáo con, hoặc đã giúp đỡ và khuyến khích con; mọi linh mục con mang ơn cách này hay cách khác, nhất là Cha... Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giữ các ngài gần trái tim Chúa, và chúc phúc cho các ngài cách tràn đầy ở đời này cũng như đời đời mai sau. Amen.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn CGVN tại HongKong dâng Hoa bế mạc Tháng Hoa
Thanh Nguyễn
11:46 26/05/2019
HỒNG HÔNG - Chúa Nhật thứ 6 mùa Phục Sinh (26/05/2019), CĐCGVN tại Hongkong đã cung nghinh tượng Mẹ Maria và dâng hoa bế mạc tháng Hoa. Bắt đầu từ 12 giờ, mặc dù trời mưa, nhưng đoàn con cái Mẹ Maria tại Hongkong đã tề tựu tại Giáo xứ Thánh Giuse để cùng hiệp ý với nhau và với cha chủ tế dâng lên Đức Trinh Nữ Maria tâm tình yêu mến.

Xem hình ảnh

Đúng 12 giờ 30 phút, đoàn rước bắt đầu tiến về cung thánh trong tâm tình trang nghiêm và cung kính. Mặc dù thời thời tiết xấu và quãng đường cung nghinh kiệu hoa ngắn hơn so với ngày khai mạc nhưng ai nấy đều thể hiện nét tươi vui, phấn khởi. Vừa rước kiệu hoa cung nghinh Mẹ, cộng đoàn vừa đồng thanh cất cao lời bài hát: “Nữ Vương Mân Côi”. Bài ca là tâm tình chung của cả cộng đoàn dâng lên Mẹ để thể hiện lòng tôn kính cũng như tâm tình tạ ơn vì muôn ơn lành Mẹ đã thông ban trong suốt một mùa Hoa và suốt cuộc đời mỗi người.

Kết thúc cung nghinh kiệu Hoa, cộng đoàn cùng nhau quy tụ bên tượng Mẹ và đội đồng tiến đại diện cho cộng đoàn cùng dâng lên mẹ những đóa hoa tươi tượng trưng cho tấm lòng thành của đoàn con cái Việt nơi đất Hương Cảng. Kết thúc chương trình vãn hoa, mọi người cùng ổn định chỗ ngồi và chuẩn bị tâm hồn cùng cha chủ tế hiệp dâng thánh lễ tạ ơn. Trong và sau thánh lễ, cha Đa Minh Nguyễn Tuấn Anh (Giáo phận Hongkong) đã thay mặt cộng đoàn cảm ơn đội Đồng tiến hoa và đội Dâng hương đã hy sinh nhiều thời gian, công sức chuẩn bị các điệu múa, điệu dâng để thay mặt cộng đoàn dâng lên Đức Maria hương hoa của lòng mến trong suốt một tháng Hoa vừa qua. Cha Đa Minh cũng đã thay mặt cộng đoàn cảm ơn những cá nhân và đoàn thể đã không ngừng góp công góp của để xây dựng cộng đoàn. Mượn tâm tình của bài Tin Mừng hôm nay, cha mời gọi mọi người hãy noi gương Mẹ Maria “luôn luôn lắng nghe, tuân giữ, suy đi gẫm lại và thực hành lời Chúa” trong cuộc sống hằng ngày. Tháng Hoa đang dần khép lại nhưng vẫn còn đó thời gian của cuộc đời tín hữu. Trong thâm tâm ai nấy đều tự nhủ rằng hãy luôn cố gắng sống tốt để trở thành đóa hoa thiêng đẹp nhất dâng lên Mẹ Maria.
 
Giới Trẻ Giáo hạt Hội An và Giáo hạt Đà Nẵng gặp gỡ giao lưu
Tôma Trương Văn Ân
15:20 26/05/2019
Lúc 14 giờ chiều Chúa Nhật 26 / 5 / 2019 , tại khuôn viên nhà thờ Giáo xứ Sơn Trà , đường Nguyễn Phan Vinh , phường Thọ Quang , quận Sơn Trà , thành phố Đà Nẵng. Cha Giuse Nguyễn Thanh Tùng , đặc trách giới trẻ Giáo hạt Hội An , và Cha Gabriel Nguyễn Ngọc Tuấn , Quản xứ Sơn Trà đã phối hợp với Ban điều hành Giới trẻ Giáo phận và Hai giáo hạt Hội An và Đà Nẵng , tổ chức ngày Giao lưu gặp gỡ các bạn trẻ của Hai Giáo hạt.

Xem hình ảnh

Đây là dịp tạo sân chơi cho các bạn trẻ giao lưu học hỏi các kỷ năng , kiến thức sinh hoạt cộng đồng, qua các trò chơi phối hợp nhịp nhàng các thành viên đồng đội, tạo tình thân ái gặp gỡ…. Trong dịp này, Cha Gabriel thuyết giảng một phần của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội về Người trẻ , và Giáo huấn của Đức Thánh Cha ( ĐTC) huấn dụ Giới trẻ tại Polemo ( nước Ý) . ĐTC đã thổi hơi sức sống của Giáo Hội với giới trẻ, giúp Giới trẻ phân định tiếng Chúa gọi và vấn đề văn hóa gặp gỡ, qua 4 vấn đề chính : 1. Sự ra đi , lên đường đến với anh chị em; 2. Tìm kiếm Chúa trong Lời cầu nguyện và nơi anh chị em ; 3. Dám ước mơ và nuôi hy vọng cho những việc tốt lành ; và 4. Phục vụ người khác , làm cho hương vị cuộc đời thêm phong phú đa dạng.

Một số câu hỏi các bạn trẻ băn khoăn lo lắng về Hôn nhân gia đình ; những chuẩn bị cần thiết cho Hôn nhân khác Đạo; về Hôn nhân đồng tính …… được Cha Thuyết giảng giải đáp một cách thỏa đáng , theo Dân luật và theo Giáo huấn của Giáo Hội .

Lúc 17 giờ cùng ngày , Các Bạn trẻ đã cùng với Giáo xứ Sơn Trà cung nghinh , dâng hoa và hiệp dâng Thánh lễ tôn vinh Đức Maria trong dịp bế mạc Tháng hoa ( tháng 5 ) của Giáo xứ. Những đóa hoa , những lời ca tôn vinh chúc tụng , những vũ điệu Thánh nhẹ nhàng uyển chuyển…. dâng lên Đức Mẹ , với tâm tình con thảo nương náu vào tình lân ái của Mẹ , qua Mẹ đến với Chúa.

Sau Thánh lễ , Đức Cha Giuse - Giám mục Giáo phận , Cha Px Nguyễn Văn Thịnh - Hạt Trưởng hạt Hội An và Cha Phao-lô Phạm Thanh Thảo – Chánh văn phòng Tòa giám mục , đã đến chung chia niềm vui với giới trẻ, các gian hàng ẩm thực của các bạn trẻ được đón nhiều Vị Khách quý.

Một chương trình Thánh ca với Chủ đề về Mẹ : “ Mẹ Suối Nguồn “ với 15 tiết mục đa dạng về nghệ thuật, ca ngợi hình ảnh và tấm lòng bao dung , yêu thương hy sinh cho con …. Của những Người Mẹ , và sự hiếu thảo đạo làm con của những Người Con. Hình ảnh và những nhân đức , những đặc ân Thiên Chúa ban cho Đức Maria , là mẹ Thiên Chúa , mẹ của Giáo Hội và mẹ của mỗi người , Mẹ yêu thương từ ái với mỗi người…. Đức Cha Giuse đã huấn dụ cộng đoàn hiện diện , cách riêng các Bạn trẻ trong lời khai mạc Chương Trình Thánh Ca : Đức Cha nói về niềm vui của sự gặp gỡ Mẹ Suối Nguồn , tâm tình tôn vinh Đức Mẹ trong dịp bế mạc tháng hoa , dâng lên nhành hoa của nguyện cầu , của hy sinh , của Đức tin của phục vụ , của khiêm hạ, qua Mẹ đến với Chúa Giê-su Ki-tô . các bạn trẻ được Đức Thánh Cha mời gọi là “ hiện tại của xã hội” .

Anh Phao-lô Quyến – Trưởng Giới trẻ Giáo hạt Hội An cho biết : “ các khoản thu từ Ân nhân giúp đỡ ủng hộ và chương trình ẩm thực, được trích 20 % làm việc bác ái từ thiện , và 80 % góp vào công trình xây dựng Nhà Hưu Dưỡng các Linh mục của Giáo phận đang thi công xây dựng “ .

Xin Chúa cho mỗi người , cho các ban trẻ là chứng từ sống động của Thiên Chúa , chứng từ của niềm hy vọng giữa những thách đố cuộc đời. Chúng từ của yêu thương, của sự hiệp nhất trong đa dạng, của niềm vui , của ân sủng…. kiến tạo gia đình của mình thành ngôi nhà của yêu thương , của lời cầu nguyện, của phục vụ cho sự sống của con người.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Maria gương mẫu cho cuộc sống Đức Tin
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Diệu Hiền
10:02 26/05/2019
ĐỨC MARIA GƯƠNG MẪU CHO CUỘC SỐNG ĐỨC TIN

LTS : Để thêm tư liệu học hỏi, suy tư và cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, xin giới thiệu phần III trong tác phẩm “LUC, L’ ÉVANGILE DE LA JOIE” của tác giả Pierre Dumoulin, được nữ tu
(MTG.QN) chuyển ngữ.


Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."

Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "

Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Luca 1,26-38)

Trải qua mọi thời đại, Đức Trinh Nữ Maria luôn luôn là kiểu mẫu tuyệt vời nhất về đức tin. Tin mừng thánh Luca đã viết về cuộc đời Mẹ như một tuyệt tác : từ khởi đầu của Tin Mừng Luca, tiếng tán tụng của Elisabeth “Phúc cho Mẹ là Đấng đã tin” đã gợi đến những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Chân phước Hồng Y Newman xác tín rằng :

“Mẹ Maria là kiểu mẫu của chúng ta về việc đón nhận đức tin cũng như về việc sống đức tin. Mẹ không chỉ đón nhận những mầu nhiệm đức tin mà Mẹ còn chiêm niệm các mầu nhiệm ấy. Mẹ không chỉ ghi nhớ các mầu nhiệm đức tin mà Mẹ còn đưa nó vào cuộc sống ; Mẹ đón nhận và Mẹ làm cho đức tin lớn lên, Mẹ vận dụng lý trí để hiểu, nhưng Mẹ tin. Không như Zacharia, trước tiên là suy luận rồi mới tin, còn Mẹ, trước tiên là tin và nhờ tình yêu và sự tôn thờ Thiên Chúa, Mẹ suy luận điều Mẹ tin.

Như thế Mẹ là kiểu mẫu của đức tin của chúng ta : Từ những người bình dân cho đến các tiến sĩ Hội Thánh là những người đã tìm kiếm cân nhắc, phân định để tin vào Tin Mừng, để phân biệt sự thật và lạc thuyết, để thấy trước các sai trái của các lý lẽ lầm lạc, để chống lại những gì làm phương hại đến đức tin là sự kiêu ngạo, cuồng tín, và cũng để chống lại những người ngụy biện và cải cách. Thật ra đó là một đề tài lớn có thể viết thành cả một cuốn sách… Và khi nói về đức tin, chúng ta không thể không nói đến Đức Maria”.

1. Biến cố truyền tin (1, 26-38): tin trước hết là thưa “vâng”

a. Ba lời đối thoại của Sứ thần

Luca kể về cách mà sứ thần Gabriel nói chuyện với Đức Maria và xin sự ưng thuận của Mẹ đối với chương trình của Chúa nơi Mẹ. Bản văn này trước tiên không phải là một trình thuật lịch sử mà là một bài học đức tin cho các môn đệ của mọi thời đại, những người muốn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ có Đức Maria có thể làm chứng cho cuộc đối thoại được linh ứng này, Mẹ đã làm điều ấy để mời gọi chúng ta bước vào huyền nhiệm của đời sống nội tâm của mình. Do đó, chúng ta có thể đọc lại văn bản này bằng cách để cho sứ thần nói với chúng ta, để cho sứ thần chào chúng ta nhân danh Thiên Chúa qua 3 lần mà sứ thần ngõ lời với Đức Maria. Nhờ thế, chúng ta sẽ khám phá ra hành trình đức tin, hành trình này sẽ được mở ra cho tất cả những ai cố gắng để cho mình được soi sáng bởi sự hiện diện của Thiên Chúa, và chú tâm đến Lời của Ngài.

- Mở lòng ra cho niềm vui của Thiên Chúa : “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà”

Khi Thiên Chúa đến viếng thăm là Ngài luôn trao ban một niềm vui trào dâng chan chứa. Vâng, chúng ta được đầy ân sủng trong Đức Kitô, và Thiên Chúa ở với chúng ta. “Trong Đức Kitô, tự cõi trời Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.” (Ep 1,3). Chúng ta hãy để cho lòng mình lắng đọng và lắng nghe những lời chào này của sứ thần ngay lúc khởi đầu của giờ cầu nguyện, để trái tim của chúng ta được mở ra cho tình yêu vô vàn của Thiên Chúa, Đấng luôn nhìn các con cái của Ngài với lòng nhân hậu, vì chính trong sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta sẽ không ngừng tiến bước trong đức tin.

- Đừng sợ gì cả : “Đừng sợ, vì bạn được nghĩa cùng Thiên Chúa”.

Chính sự hiện diện của Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi sợ hãi, khỏi những lo âu vì chúng ta biết rằng chúng ta được yêu thương. Thiên Chúa đã tặng ban Con Một của Ngài cho chúng ta. Nếu Ngài đã yêu chúng ta đến thế, làm sao chúng ta có thể còn có chút nghi ngờ về tình yêu của Ngài dành cho chúng ta là những kẻ tội lỗi “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô” (Rm 8,35)

- Xin ơn Chúa Thánh Thần : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà”.

Chính trong ân huệ của Chúa Thánh Thần mà chúng ta sẽ tìm thấy giải pháp cho mọi nỗi lo âu, tìm thấy câu trả lời cho mọi vấn nạn: Chính Ngài làm cho mọi điều dường như không thể trở nên có thể “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Luca 1, 37). Trước tiên Chúa Thánh Thần sẽ thay đổi cái nhìn của chúng ta, Ngài thay đổi nhận thức của chúng ta về các tình huống, nếu chúng ta tín thác cho Ngài Ngài sẽ lo lắng cho chúng ta theo ý định yêu thương của Chúa Cha. Do đó, tất cả mọi lời cầu nguyện có thể được đọng lại trong một tiếng van xin “Xin ban cho con Thánh Thần của Ngài”. Thật vậy, chính Ngài làm cho mọi hoạt động của con người được triển nở, chính Ngài thánh hiến mọi sự. Ba giai thoại của giây phút truyền tin này chính là nền tảng cho mọi lời cầu nguyện, cho việc lắng nghe Thiên Chúa và cho tất cả mọi cuộc đối thoại với Ngài.

b. Ba phản ứng của Đức Maria

Câu trả lời của Mẹ là trường học đích thực cho đời sống nội tâm.

- Bối rối, thắc mắc, sợ hãi : Mẹ cảm thấy hoang mang.

Sự hoang mang của Mẹ là dấu chỉ của một sự khiêm hạ thật sự : Thái độ của Mẹ chứng tỏ Mẹ có khả năng để cho mình tự vấn bởi các sự kiện, Mẹ biết đặt lại vấn đề trong cả những điều bé nhỏ, để nhận ra sự vĩ đại của Thiên Chúa và sự bất xứng của Mẹ đối với Ngài. Đức tin được phát sinh bởi sự khiêm hạ trước sự hiện diện của Thiên Chúa, bởi sự ngưỡng mộ trước một kỳ công vượt quá trí hiểu của chúng ta.

- Nhận thức bằng niềm tin sẽ làm nảy sinh các câu hỏi : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, … vì …?”

Da-ca-ri-a đã nghi ngờ lời của Sứ thần và đã xin một dấu chỉ “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ?”, Mẹ không giống với Da-ca-ri-a, Mẹ đã không chút nghi ngờ, nhưng trí khôn Mẹ tự vấn để có thể thích nghi với hoàn cảnh và từng bước hoàn thành ý định của Thiên Chúa : “Làm sao để sống thánh ý Ngài hôm nay ?” Câu hỏi của Mẹ thể hiện quyết định mạnh mẽ của Mẹ để luôn luôn yêu mến Thiên Chúa bằng tình yêu tinh tuyền. Mẹ không né tránh lời loan báo của sứ thần, nhưng Mẹ phải đối mặt với một vấn đề nan giải: làm thế nào để dung hòa giữa việc làm mẹ và sự trinh tiết? Thiên Chúa không yêu cầu Mẹ từ bỏ sự lựa chọn trinh tiết của mình, và đối với những chọn lựa của chúng ta cũng vậy, vì quyết định hiến dâng chính mình thuộc về chúng ta, nhưng Thiên Chúa sẽ dùng chúng ta theo cách thức của Ngài. Đức tin đòi hỏi một sự sẵn lòng lớn lao để mỗi ngày chấp nhận "cách thức" của Thiên Chúa. Chính trong thánh ý Chúa mà Mẹ tự đọc lại đời mình. Mẹ đã hiến mạng sống của mình cho Chúa, Mẹ không nghĩ rằng lại có lúc phải đặt lại vấn đề về quyết định căn bản của Mẹ, vì vậy câu hỏi của Mẹ là làm thế nào để dung hòa cam kết của Mẹ với những gì Sứ thần yêu cầu. Sống Đức tin là chấp nhận một cuộc sống không an toàn, một cuộc sống mạo hiểm, một cuộc chiến giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của chúng ta khi chúng ta thực sự nhận ra đâu là thánh ý Ngài. Đó là việc thực sự đón nhận ý Chúa chứ không phải chỉ đón nhận trong ý tưởng hoặc bị ép buộc. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể biến cuộc sống của chúng ta thành kỳ công của Thiên Chúa khi chúng ta cố gắng thực hiện những chương trình của Thiên Chúa dành riêng cho chúng ta.

- Thưa tiếng “xin vâng” : “Xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần truyền.”

Mẹ đã nói “hãy làm cho tôi”. Không chỉ là “trên tôi” hay là “qua tôi” : đức tin là trao tặng chính bản thân mình. Điều mà Thiên Chúa yêu cầu, điều mà Ngài muốn làm việc, cắt tỉa, nhào nặn, điêu khắc, đó chính là cuộc sống của chúng ta, là linh hồn, là ý muốn, là lòng ước ao, là suy nghĩ, là ý tưởng, là cảm xúc của chúng ta...

Chúng ta không chỉ là công cụ Chúa dùng để làm ích cho người khác : trái tim của chúng ta còn là chất liệu mà Thiên Chúa làm việc và Ngài tiếp tục tạo dựng chúng ta, bằng cách tôn trọng tự do của chúng ta. Chính tâm hồn chúng ta cần được huấn luyện, điều chúng ta là thì quan trọng hơn điều chúng ta làm. Sự vâng phục của đức tin trước hết là việc lắng nghe và yêu mến Lời toàn năng của Thiên Chúa. Ngài thì thầm trong nơi sâu thẳm của linh hồn, chúng ta cần phải không ngừng chú tâm để lắng nghe tiếng Ngài. Tất cả mọi sự kháng cự đối với thánh ý Ngài đều mang lại thất bại và đau khổ.

Để cho Chúa hoạt động không có nghĩa là hoàn toàn thụ động, ngược lại, điều đó đòi hỏi một nổ lực lớn lao để quên đi chính mình và hoàn toàn sẵn sàng cho tác động của Ngài, hoàn toàn phó mình trong tay Đấng Tạo Hóa, Đấng “điều khiển cuộc đời chúng ta trong tình yêu của Ngài”. Thái độ này được gọi là “tận hiến” trong đức tin.

Mặt khác, thuật ngữ Hy lạp sử dụng thức động từ “optatif” để diễn tả niềm mong muốn của Đức Maria. Kiểu từ ngữ này nhằm bày tỏ một ước muốn chứ không phải một sự chấp nhận thụ động : “Tôi thật sự ước mong điều ấy được thực hiện nơi tôi theo lời sứ thần !”

c. Tiếng thưa “xin vâng” của chúng ta

Thiên Chúa nói với chúng ta và chúng ta có thể lắng nghe Ngài nói với chúng ta qua lời của sứ thần và thực hiện lời đó trong cuộc sống chúng ta.

Đức Maria mời gọi chúng ta đáp trả lời Thiên Chúa bằng tiếng thưa “xin vâng trọn vẹn, tuyệt đối, không đổi thay”. Chúng ta cần thường xuyên lập lại và nói lời này cùng với Mẹ “Con thật sự ước mong điều ấy được thực hiện nơi con theo lời sứ thần”. Lạy Chúa, trong sâu thẳm linh hồn con, với tất cả bầu nhiệt huyết con ước ao được biến đổi nhờ ân sủng của Ngài. Đối với Đức Maria, tiếng “xin vâng” đối với thánh ý Thiên Chúa, tiếng “Amen” này, không chỉ đơn thuần là sự bằng lòng mà nó còn là tiếng nói của trái tim, là một đáp trả của tình yêu. Chúng ta có thể hiệp thông sự tận hiến chính mình với sự tận hiến tuyệt đẹp của sơ Lucia ở Fatima :

“Lạy Mẹ con xin trao phó chính mình con cho sự chở che của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, con xin tận hiến đời con cho Mẹ và nhờ Mẹ con tận hiến mình cho Thiên Chúa với cùng những lời của Mẹ « Xin Ngài hãy thực hiện nơi con theo lời của Ngài, ước muốn của Ngài và vinh quang của Ngài ».

Cùng với Đức Maria, chúng ta được mời gọi đáp trả lại ơn cứu độ mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, khi chúng ta biết lắng nghe Ngài, khi chúng ta biết dâng hiến cho Ngài những gì chúng ta là trong hiện tại, những gì chúng ta có trong quá khứ và những gì chúng ta sẽ trở nên trong tương lai. Chúng ta cũng có thể thực hiện sự dâng hiến này với những lời nguyện của thánh Pio Năm Dấu :

“Lạy Chúa, con xin trao quá khứ của con cho lòng thương xót của Ngài ; Con xin trao tương lai của con cho sự quan phòng của Chúa. Và con xin dâng hiến hiên tại của con cho tình yêu của Ngài”.

Và khi chúng ta có những âu lo, chúng ta hãy đọc lại lời của sứ thần Gabriel : các lời của sứ thần cũng được nói với mỗi chúng ta vì Đức Maria là Mẹ chúng ta. Chính khi chúng ta chia sẻ niềm vui của Mẹ cũng chính là cách chúng ta có thể thay đổi hoàn toàn cách đọc kinh « Kính mừng Maria ». Từ đó tự đáy lòng chúng ta sẽ vang vọng lời nguyện của Thánh Ignatio như gồm tóm tất cả sự đáp trả của Đức Maria

“Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen”.

2. Viếng thăm (1, 39-56) : Trao ban niềm vui bằng đời sống đức tin

“Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.”

Trong cuộc viếng thăm, Đức Maria vội vã đến với bà Êlisabét để chia sẻ với bà sự hiện diện của Đấng đang ở nơi Mẹ. Mẹ không đến chỉ để trò chuyện, nhưng Mẹ đến để phục vụ. Niềm tin thúc đẩy Mẹ phục vụ người khác. Nhưng trong chốc lát, hay có thể nói việc phục vụ này đồng thời trở nên một cuộc chia sẻ những điều sâu kín trong đời sống tâm linh, một mối tình chung giữa hai tâm hồn với Thiên Chúa. Sự trao đổi ấy được thể hiện trong cùng một lời khen ngợi với hai cung giọng : hai người nữ đã để cho lòng mình tràn ngập lòng biết ơn và niềm vui, họ ngợi khen Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của một cuộc sống đức tin, Thánh Ignatiô đã nói : “Con người được dựng nên để ca ngợi Thiên Chúa, tôn thờ Ngài và phục vụ Ngài”. Từ thế kỷ XII thánh Hildegarde đã viết “Con người, thụ tạo của Thiên Chúa, cần phải luôn luôn ca tụng Ngài, bởi vì linh hồn họ được tạo dựng để sống trong sự ca ngợi, giống như các thiên thần”. Chính thánh nhân cũng nói thêm rằng : “Khi chọn duy một mình Chúa là tiêu đích, con người tiến gần hơn tới cuộc tạo thành ánh sáng”.

a. Trở về nguồn

Đức Maria đã đón nhận lời loan báo của sứ thần. Từ đây Mẹ mang lấy nơi Mẹ Ngôi Lời, Lời Thiên Chúa. Không chần chờ, Mẹ đã lên đường. Tin Mừng Luca kể lại : Mẹ ra đi “vội vã”. Không phải là Mẹ ra đi để kiểm tra dấu chỉ đã được loan báo cho Mẹ nhưng Mẹ vâng phục không do dự lời mời gọi đầy tế nhị của Sứ Thần đã nói với Mẹ :

“Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai…”. Mẹ đã hiểu ý nghĩa của những lời này : Mẹ biết rằng chỉ có một người duy nhất trên thế gian có thể chia sẻ niềm vui của Mẹ, Mẹ biết rằng chỉ có một trái tim có khả năng đón nhận niềm vui ấy. Mẹ cần phải loan báo cho Eelisabét Tin Vui : Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Mẹ mang Thiên Chúa trong lòng, Mẹ làm lan tỏa niềm vui và bởi vì niềm vui nơi Mẹ ngập tràn, Mẹ trở nên một nhà truyền giáo, Mẹ là nhà rao giảng Tin Mừng đầu tiên.

Mẹ “chỗi dậy”, Mẹ lên đường “đến miền núi vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa”. Tất cả mọi chi tiết trong trình thuật thánh này đều quan trọng. Mẹ “chỗi dậy”, từ ngữ này được thánh sử Luca sử dụng là từ ngữ mà chúng ta có thể dịch là “phục sinh”, một sự sống mới đang ở nơi Đức Trinh Nữ, một sự thay đổi trọn vẹn đã được thực hiện nơi Mẹ. Mẹ ra đi “vội vã” bởi như thánh Phaolô đã nói “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14). Được thúc đẩy bởi tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, Mẹ phải ra đi. Một năng lực mạnh mẽ thôi thúc Mẹ, Mẹ vội vã lên miền núi cao, đến những nơi cô tịch, nơi mà Thiên Chúa trở nên gần gũi. Cuộc đi lên này không phải chỉ mang tính không gian bên ngoài. Như Môisen đã nói chuyện với Thiên Chúa trên núi Sinai, như Elia gặp gỡ Thiên Chúa trên núi Horeb, như Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, Mẹ bắt đầu lên đường thực hiện một cuộc hành hương qua các con đường của miền núi cao, con đường mà trước đây các tổ phụ Áp-ra-ham, Isaac và Jacob, đã đi qua để vào Đất Thánh, từ miền Bắc miền Nam (Itraen). Con đường của các đền thờ lớn và những nơi mà Itraen đã chiến thắng : Sichem, Bêthel, Silô, Gilgal, Gabaon, Giêrusalem. Và đặc biệt ngoài cuộc hành hương mang tính biểu tượng đậm nét lịch sử của dân Chúa, Mẹ hướng về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa là tâm điểm của linh hồn Mẹ. Thánh sử Luca đã ghi rõ rằng khi đi đến một thành thuộc chi tộc Giuđa Mẹ phải đi ngang qua con đường của những miền cao. Theo Truyền thống nguyên thủy, Giuđa là nơi thiết lập ngai vua Melkisêđê thời Abraham, sau đó là vua Đavit, và cho đến thời của Thánh Giuse.

Như thế, Mẹ đã đi lên miền núi thánh để trở về nguồn của Truyền thống được mạc khải. Chính nơi đó, Mẹ đã gặp Eelisabét, dòng dõi Aaron, tư tế của Giao ước được ký kết trên núi Sinaï. Do đó, không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi nơi chốn của cuộc gặp gỡ cho đến hôm nay vẫn được gọi là “Ain Karim”, "cội nguồn của vườn nho" ..., vì trong Kinh thánh vườn nho tượng trưng cho Israel.

b. Cuộc gặp gỡ giữa Cựu ước và Tân ước

Mẹ Maria đã đến nơi, Êlisabét đã tiếp đón Mẹ. Mẹ là Đức Trinh Nữ sẽ sinh con; Êlisabét, người nữ son sẻ sẽ sinh con. Cả hai người nữ trở nên những người mẹ nhờ ân sủng Thiên Chúa nhưng mỗi người mỗi cách khác nhau. Ngang qua họ hai thế giới được gặp nhau: Thế hệ của Giao ước cũ mà người ta thường cho là son sẻ, vì không còn ngôn sứ nào trong Itraen từ hàng trăm năm nay, đã gặp gỡ thế hệ Giao ước mới là Thiếu nữ và Trinh Nữ. Ngôn sứ Isaia đã loan báo tình mẫu tử này trong một đoạn Kinh thánh nổi tiếng :

“Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en....” (Is 7, 14)

Và trước niềm vui sướng của Êlisabét, làm sao có thể không đề cập đến một văn bản khác của ngôn sứ Isaia đã bảo với dân Itraen ? “Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con; hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ,...” (Is 54, 1) ?

Trước tiên là những người con trong bụng của hai người mẹ đã nhận ra nhau. Và Luca đã viết về cha mẹ của Gioan Tẩy Giả là Dacaria và Êlisabét rằng “cả hai đều là những người công chính”. Do đó, Gioan Tẩy Giả là biểu tượng cho hoa quả của sự công chính của Israel, Gioan đã nhận ra và chào đón Đấng Cứu thế, Thiên Chúa Tình yêu, Hoàng tử Hòa bình ... Ngày đó, trên sườn núi của Giu-đa, “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên.”, như trong lời ca của thánh vịnh (Ps 85, 11), vì công lý phải đi tiền phong cho Đấng cứu độ : “và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người.” (Ps 85, 14). Ngay từ trong bụng mẹ, vị ngôn sứ cuối cùng đã reo lên vui sướng vì gặp Đấng Messia mà các tiền nhân từng mong đợi.

Chúng ta cũng nhận ra rằng chính tên gọi của các nhân vật này gợi lên sự nhiệm mầu của cuộc gặp gỡ ấy. Êlisabét (nghĩa là “Thiên Chúa đã thề hứa”) và Dacaria (nghĩa là “Thiên Chúa đã nhớ đến”) đã sinh ra Gioan (nghĩa là “Thiên Chúa xót thương”). Thật vậy, chính khi Thiên Chúa nhớ đến lời thề hứa của mình là lúc Ngài tỏ lòng thương xót dân Ngài. Như vậy tất cả Cựu ước có thể được gồm tóm trong ba điều : “Thề hứa’, “Nhớ lại”, và “Xót thương”.

Còn đối với tên gọi Maria, không ai có thể dịch được tên ấy một cách chính xác : tên gọi ấy có thể mang ý nghĩa “Thiên Chúa vinh quang”, hoặc “người nữ tán dương”, hoặc cũng có thể “người nữ được nhìn đến, người đáng thán phục”, hay có thể chỉ đơn giản là “Người phụ nữ”. Tên gọi Giuse, hôn phu của Đức Maria nghĩa là “Thiên Chúa đã cho thêm”, loan báo ân sủng tràn đầy mà Thiên Chúa ban cho dân Người. Người con được sinh ra từ Đức Maria được gọi là Giêsu (nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”), như Giosuê, đã chinh phục Đất Hứa, hoặc như Isaia, vị ngôn sứ lớn mà đôi khi chúng ta gọi là Tin mừng thứ năm vì sứ điệp của sách ngôn sứ này gần gũi với sứ điệp của Tân ước. Như thế chẳng phải là nhờ Chúa Giêsu mà lời hứa được thực hiện sao ? và chẳng phải chính Ngài đã mở ra cho dân Chúa một con đường để dẫn đến quê hương đích thật là Thiên Đàng sao ?

c. Để ngụp lặn trong niềm vui:

Đức Maria đã thốt lên với Êlisabét lời chào mà chính Mẹ đã nghe nơi sứ thần : “Mừng vui lên!”, và lời Sứ thần thêm vào: Bởi vì “Thiên Chúa ở cùng bà”. Từ đây chính Đấng hiện diện nơi Mẹ đồng hành với Mẹ ở khắp mọi nơi và trở nên nguồn mạch của niềm vui cho những ai nhận biết Ngài: Sự hiện diện của Thiên Chúa đã làm cho Gioan Tẩy Giả nhảy lên trong bụng mẹ vì vui sướng như Đavit trước đây đã nhảy mừng trước Hòm Bia Giao Ước khi tiến vào thành Giêrusalem (2 Sam 6,14.21)…. Đức Maria là Hòm Bia của Giao Ước mới, đã tiến vào thành Giuđa, và “số sót lại của Itraen”, được viếng thăm, nhảy mừng hoan hỷ.

Huyền nhiệm của cuộc gặp gỡ ấy vẫn được lặp lại nơi tất cả những ai đi vào con đường của cầu nguyện. Ai đợi chờ Thiên Chúa với tất cả tâm hồn và nỗ lực sống công chính sẽ tạo nên một “vị tiền hô”, với một trực giác tâm linh có khả năng nhận ra những cuộc viếng thăm của Thiên Chúa và lòng sẽ trào tràn niềm vui vì sự hiện diện của Ngài. “Chúa đang đến!”. Chúa đến cho tất cả “những kẻ tìm kiếm Ngài”, vượt ra khỏi sự cằn cỗi của quá khứ già nua, vượt ra khỏi sự vô sinh của quá khứ cũ của mình. Đi vào trong cầu nguyện nghĩa là hướng mọi chú tâm về với Đấng đang ở trong cõi thâm sâu lòng mình, nhận ra sự hiện diện của Ngài, lắng nghe lời chào của Ngài, lời chào của một vị Thiên Chúa gần gũi với con người.

Như thế, hôm nay và mãi mãi, Giáo Hội tinh tuyền luôn mang Chúa Kitô đến cho con người: Nhờ Giáo Hội, Ngài đến và Ngài nói với những ai lắng nghe Ngài. Ai sẽ nghe được tin vui này để cho “người Con” nhảy mừng trong lòng họ? Ai có thể để cho tim mình rung nhịp hòa cùng với điệu nhảy của sự ca ngợi nội tâm để rồi được đầy Thánh Thần và thốt lên “Chị thật có phúc!”? Như Đức Maria và Êlisabét, sống đức tin là để cho lòng mình được tràn ngập niềm vui nhờ sự hiện diện của Đấng đến viếng thăm linh hồn. Ai cũng bất xứng trước ân sủng của Thiên Chúa nhưng những ân huệ kỳ diệu của Ngài sẽ lại được trao ban cho những tâm hồn khiêm hạ rộng mở để đón chờ hồng ân. Với Êlisabét, bà ngỡ ngàng tự hỏi “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”

Êlisabét không lấy mình làm trung tâm, bà không kiêu căng vì mình đã nhận ra Chúa, nhưng bà tuyên xưng đức tin của Đức Maria “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Thiên Chúa đến với chúng ta bởi niềm tin của người khác. Ngay cả trong những lúc cầu nguyện thầm kín nhất, người tín hữu không nên quên rằng “tất cả các tiền nhân của chúng ta đã để lại cho chúng ta những dấu tích đức tin”. Tin Mừng luôn luôn được truyền lại cho chúng ta qua Giáo Hội, Giáo Hội trên trời và Giáo Hội trần thế: được gọi là sự hiệp thông của “Các Thánh cùng thông công”. Sự hiệp thông này không chỉ có ở nước trời mai sau mà còn ở trần gian này, đó là sự hiệp thông giữa những người con cái Chúa.

Khi một ai đó nhắm mắt lại, tưởng như họ đang đơn độc một mình, nhưng nếu họ để cho tâm trí lùi về trong quá khứ, và họ sẽ khám phá ra trong sâu thẳm của con người họ là một niềm vui bừng cháy trước sự hiện diện vô biên của Thiên Chúa ở nơi tâm hồn mình và trong lòng thế giới. Còn chúng ta, làm sao ngày hôm nay chúng ta có đủ ơn Chúa để cầu nguyện ? Bởi vì một ngày nào đó, Giáo Hội sẽ đến thăm ta ngang qua một khuôn mặt, một tiếng nói, Giáo Hội mang cho ta Đấng Cứu Độ, chuyển đến ta lời chào của niềm vui của Phúc Âm : “Mừng vui lên !”

d. Đức Maria dạy cho chúng ta ba lời cầu nguyện nền tảng

Qua thái độ và lời nói của Đức Maria Mẹ dạy cho con người ba lời cầu nguyện nền tảng đời sống kitô hữu. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã cầu nguyện, nhưng chính Đức Maria sẽ gợi cho chúng ta những sự phong phú của cầu nguyện.

Đó là lời cầu nguyện của trái tim. Đức Maria đã không ngừng hướng lòng mình về sự hiện diện của Chúa Giê-su Đấng đang sống trong Mẹ, Mẹ đi lên những miền núi cao. Với tất cả vui mừng và năng động, niềm tin của Mẹ đã làm Mẹ trở nên người mang lấy Chúa Kitô cho những người khác : Mẹ làm lan tỏa hồng ân của Đấng đang sống trong Mẹ cho những tâm hồn sẵn sàng đón nhận hồng ân, Mẹ làm lan tỏa cho họ hồng ân của Đấng mà Mẹ chiêm ngắm mỗi phút giây. Như một người mẹ luôn quan tâm đến con cái, Mẹ đã không ngừng nói với con cái Mẹ về một sự thông hiệp tuyệt vời được mở ra cho những ai biết cầu nguyện bằng trái tim. Người tín hữu sống trong Thiên Chúa và để cho Thiên Chúa sống trong họ thì cái nhìn của họ, sự hiện diện của họ, lời cầu nguyện của họ sẽ chiếu tỏa sự hiện diện của Thiên Chúa, và nhờ họ tâm hồn người khác sẽ cải hóa dẫu họ không ý thức được điều đó. Đức tin được truyền đi bởi sự lây lan, sự tỏa sáng. Mẹ đã chia sẻ niềm vui của mình với bà Êlisabét, Mẹ truyền cho bà niềm vui ơn cứu độ mà Mẹ đã nhận được nơi sứ thần : người ta không thể cho niềm vui nào khác ngoài niềm vui nhận được từ Thiên Chúa. Lời cầu nguyện, sự lắng nghe sẽ làm nảy sinh đức tin trong tâm hồn và đức tin ấy sẽ trở nên tình mến trong cuộc gặp gỡ với tha nhân. Đức tin luôn luôn tỏa lan, đức tin không thể che dấu được…

Lời kinh “Kính mừng” : một lời tuyên xưng đức tin :

Chúng ta khám phá ra rằng lời kinh « Kính mừng» vừa đồng thời là một lời nguyện từ Kinh thánh vừa là một lời nguyện hướng đến Ba Ngôi. Phần đầu tiên của Kinh Kính mừng lập lại lời chào của Sứ Thần, là sứ giả của Thiên Chúa, là người nói nhân danh Thiên Chúa nên lời của Sứ Thần chính là lời của Thiên Chúa Cha : “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Câu tiếp theo là lời của Êlisabét thưa với Mẹ khi Bà được đầy ơn Thánh Thần, thế thì lời của Êlisabét lại chính là lời của Chúa Thánh Thần : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”; chúng ta đã thêm vào lời này tên gọi của Đấng Cứu thế “Giêsu”, và chúng ta tuyên xưng với toàn thể Giáo hội rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và người thật, không có thể tách rời nhau trong sự duy nhất của ngôi vị Thiên Chúa, do đó, Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa theo như lời tuyên tín của công đồng Êphêxô năm 431. Đối với chúng ta là những kẻ tội lỗi, Mẹ là cánh cửa dẫn vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta tín thác hoàn toàn cho Mẹ những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta : “bây giờ” và “trong giờ lâm tử”.

Magnificat : một lời cầu nguyện ngợi khen.

Đó là một lời nguyện dài của Đức Maria. Những lời ngợi ca này không chỉ là của Mẹ vì thánh ca Tin Mừng này được linh ứng cho cả các thế hệ tương lai và có thể là Đức Maria đã lấy lại từ một lời nguyện cổ và làm cho hòa hợp. Như thế, kinh Magnificat là một trường học cầu nguyện cho Giáo Hội nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần mà chúng ta cần phân tích từng câu một. Đó là một Thánh Thi tuyệt vời nhất trong lịch sử : Nếu sự thinh lặng của trái tim là nguồn gốc của đức tin thì sự khen ngợi chính là lời diễn tả đức tin. Lời khen ngợi là nghĩa cử của sự khiêm hạ, là bổn phận của các loài thụ tạo đối với Đấng Tạo Hóa, nó được tuôn tràn từ những tâm hồn đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Từ khởi đầu của Tin Mừng chúng ta đã nghe vang lên trên môi miệng của Mẹ lời ngợi ca mang tính ngôn sứ, loan báo ơn cứu độ : đó là lời ca ngợi trước hồng ân cứu độ… Như thế Mẹ chính là người đầu tiên không thấy mà tin.

e. Còn chúng ta ?

Khi Luca kể cho chúng ta về Biến cố Truyền Tin, Thăm Viếng và Lời ngợi ca Magnificat, thánh sử giới thiệu cho chúng ta Đức Maria như một kiểu mẫu đầu tiên cho các tín hữu. Đức tin trước tiên là lắng nghe sự hiện diện của Thiên Chúa. Sẵn lòng với các lời mời gọi của Ngài cách vui tươi và đầy nhiệt huyết. Đức tin cũng chính là một sự thay đổi, một cuộc ra đi, một sự từ bỏ chính mình, một cuộc lên đường. Và đồng thời đức tin đòi hỏi ta nhận ra ở nơi thẳm sâu linh hồn mình một chiếc neo để bám víu : chiếc neo đó chính là sự hiện diện thường hằng và rực sáng của Thiên Chúa trong ta. Đức tin làm bật ra nơi ta câu hỏi để thưa với Đấng đang hiện diện trong ta “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?”

Tự bản chất, đức tin vô hình, nhưng nó lại được thể hiện qua hai cách thức : một cách nào đó để nói chuyện với người khác, để chào hỏi họ, để Thần khí hoạt động nơi họ đồng thời để thực hiện một nghĩa cử yêu thương mà không cần phải khoe khoang. Điều đó đòi hỏi ta có một tương quan với Thiên Chúa, Đấng sẽ làm cho người khác nếm cảm được sự hiện diện của Ngài nơi chúng ta như lời cha sở họ Ars “ở đâu có các thánh đi qua, ở đó có Thiên Chúa”. Và Mẹ Calcutta cũng đã viết :

‘Hoa trái của thinh lặng là CẦU NGUYỆN .
Hoa trái của cầu nguyện là ĐỨC TIN .
Hoa trái của Đức tin là TÌNH YÊU .
Hoa trái của tình yêu là PHỤC VỤ .
Hoa trái của phục vụ là BÌNH AN”
(Mẹ Têrêxa Calcutta)

3. Tin là trở nên người môn đệ

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa …

Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." (Luca 2, 22-28.33-35)
“Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!". Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?". Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Luca 2,41-50)

“Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông.20 Người ta báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.”. Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Luca 8,19-21)

“Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!". Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Luca 11, 27-28)

Các câu trả lời này đã nói với chúng ta về sự vĩ đại thật sự của Đức Maria trước tiên không phải vì tước vị làm mẹ nhưng vì Mẹ sống tâm tình của người môn đệ ngay cả trước lúc Truyền Tin và dọc theo suốt chiều dài cuộc sống của Mẹ. Thánh Luca ghi nhận ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời Mẹ và cho đến khi kết thúc cuộc đời trần thế, với sự khiêm hạ, Mẹ luôn ghi khắc Lời trong lòng Mẹ để rồi Mẹ sinh ra Lời. Mẹ đã thi hành thánh ý của Cha: cuộc đời Mẹ chỉ là một tiếng "Fiat" theo lựa chọn của Chúa, để ý Ngài được biết đến và được đón nhận. Đức tin dẫn vào những con đường bất ngờ, không thể tưởng tượng được theo suy nghĩ của con người, nó dẫn đến những cuộc vượt qua bất ngờ, để tìm kiếm một ý muốn mà đôi khi không phải là ý của chúng ta, nhưng chúng ta muốn đưa ý muốn ấy vào cuộc đời chúng ta.

a. Những chi tiết về một cuộc sống giản dị

Những mục đồng đã vội vàng đến thăm máng cỏ Bêlem. Vào thời Chúa Giêsu những người này bị một số dân thành thị loại trừ. Tuy nhiên việc họ hiện diện ở Bêlem gợi nhớ cho chúng ta về thời niên thiếu của vua Đavit, trước khi được ngôn sứ Samuel xức dầu, Đavit đã chăn giữ đoàn vật (1 Sam 16). Nghề nghiệp chăn chiên thường được xem như một dấu chỉ của việc Thiên Chúa dẫn dắt dân Người, Ngài là « Mục Tử Itraen » (x.Tv 80(81) và 22(23). Lúc này, khi mà các mục đồng đến thờ phượng Chúa Giêsu, chẳng có gì khác lạ xảy ra nên Maria không thể hiểu hết được tất cả những điều ấy, nhưng đến mãi sau này Mẹ mới có thể hiểu được khi Mẹ suy gẫm Lời Thiên Chúa. Dấu chỉ mà sứ thần loan báo cho các mục đồng cũng như cho Đức Maria thật đơn giản dẫu nó mang đầy tính biểu tượng : một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. Điều đó cho thấy Thiên Chúa đã làm người trong sự nghèo khó, không quyền oai, Ngài chỉ như một trẻ thơ cần được chăm sóc, hơn nữa Ngài còn được bọc trong khăn và đặt vào trong máng cỏ là máng ăn của các súc vật ở Bêlem, mà tên gọi có nghĩa là “nhà bánh mì”. Trong cái giản dị của cuộc sống thường nhật, qua chứng nhân của các mục đồng, Mẹ chiêm ngắm lời Kinh thánh được ứng nghiệm, Mẹ học được bài học tuyệt vời về Thiên Chúa qua cái thường nhật của cuộc sống đã được thắm đẫm hồng ân. Như Đức Maria chạy đến giúp đỡ cho Êlisabét, các mục đồng với tâm hồn rộng mở đã vội vã chạy đến Bêlem để chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa nơi gương mặt trẻ sơ sinh mà chính cha và mẹ của hài nhi đang tôn thờ.

Theo thánh Luca, khi họ đến nơi, trước tiên họ gặp Đức Maria, Thánh Giuse, rồi mới đến Hài Nhi. Thứ tự này chẳng phải là một sự tình cờ : vì chính nhờ bởi Đức Maria mà họ khám phá ra sự hiện diện của Chúa chí Thánh…
Tám ngày sau, Thánh Gia cử hành lễ cắt bì cho Hài Nhi như người ta vẫn thường làm cho mọi con trai đầu lòng. Đức Maria và Thánh Giuse đã hoàn tất theo luật định. Như thế dấu chỉ thuộc về dân tộc Do thái đã được ghi khắc trong thân thể Chúa Giêsu, Ngài thừa hưởng lời hứa dành cho Abraham và cho dòng dõi của ông. Và hơn thế nữa ngày hôm đó, ngày 1 tháng 1, đối với thế hệ tương lai, cũng trở thành ngày lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Cũng vậy 40 ngày sau, dịp dâng con trong Đền thờ cũng là dịp “thanh tẩy” Đức Maria đã hoàn toàn trinh khiết, Cha và Mẹ Hài nhi mang lễ vật của mình đến để chuộc lại Người con đầu lòng để tưởng nhớ những đứa trẻ được cứu thoát ở đất Ai cập trong đêm Vượt Qua. Một cách khiêm tốn, các ngài đã chấp nhận sự nghèo hèn của mình bằng việc chỉ hiến dâng “hai con chim bồ câu nhỏ”, là lễ vật được ấn định đối với những người thiếu thốn nhất.

Do đó liệu các thế hệ tương lai, có hiểu được cái nghèo khó của gia đình Nagiarét, liệu chúng ta có biết được sự trung thành của các ngài đối với lề luật, có thấy được sự khiêm nhường của đức Nữ trinh Vô Nhiễm đã chấp nhận để cho mình cũng giống như tất cả các bà mẹ khác được coi là « không thanh sạch » sau khi sinh Con trẻ ? Nhưng ngang qua những điều đơn giản ấy mà phụng vụ kitô giáo đã cử hành những ngày lễ trọng đại : Lễ Giáng Sinh,

Lễ Mẹ Thiên Chúa (Đầu năm mới), lễ Dâng Hiến… Chính sự trung thành trong những việc nhỏ đã làm nên sự vĩ đại của Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse. Không huy hoàng, không chiến thắng, các ngài đã trung trung thành hoàn tất cách khiêm tốn các bổn phận của cuộc sống hằng ngày, ngay cả trong những suy nghĩ nhỏ nhất, những ham muốn nhỏ bé nhất và những cử chỉ đơn sơ nhất, các ngài đã sống vì tình yêu của Thiên Chúa.

b. Cuộc sống hằng ngày của Đức Maria

Trong sách “thời thơ ấu của Chúa Giêsu” của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô, ngài đã nhìn nhận rằng cuộc sống thường nhật mà Mẹ Maria đã trải qua là một cuộc sống không có những phép lạ (“non-signe”).

Vì những dấu chỉ duy nhất được trao cho Mẹ cũng như cho chúng ta chính là cuộc sống thường nhật : một chuyến đi, một trẻ chào đời, các khăn tả, một gia đình trẻ, có gì khác hơn cái thường nhật đâu ? Thật thế, các mục đồng chỉ biết có một điều : “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người”. Đối với kẻ có niềm tin, tất cả mọi sự đều trở nên những dấu chỉ mà không cần đi tìm những biến cố lạ thường, còn đối với những ai thiếu niềm tin, họ đòi sự lý giải, ngay cả trong những phép lạ xảy ra. Những người chăn chiên đến viếng thăm Chúa Giêsu, ông Siméon bồng ẳm Hài Nhi : Đó là những sự kiện nói nên lời (tiếng pháp : événements-paroles ; tiếng hy lạp : Rema) mà Đức Maria đã mang lấy nó và suy ngẫm trong lòng. Và lúc Chúa Giêsu 12 tuổi, việc Ngài ở lại trong Đền thờ như một sự kiện mang tính ngôn sứ tiên báo về cái chết và sự Phục sinh của Đấng Cứu Độ : vì 21 năm sau Chúa Giêsu sẽ phải chết đi, và cho đến ngày thứ ba Ngài sẽ trở về nhà của Cha Ngài. Như thế cuộc sống thường nhật cũng thật bình thường và hơn nữa chính thái độ khó hiểu của chàng Thiếu niên (Giêsu) cũng giống như bao đứa trẻ khác. Chẳng phải điều đó cũng thường xảy ra trong các gia đình sao ? Và thánh sử kết luận rằng : “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói”.

Khi người thiếu niên thành Nadareth đến tuổi trưởng thành, Ngài tách xa gia đình, Ngài dường như không theo đường lối của Mẹ và Cha Ngài. Ngài không cho cha mẹ ngài bất cứ một ưu tiên nào khác, Ngài từ chối đón nhận cha mẹ : Ngài ngồi giữa các môn đệ nhưng dường như lúc này chỉ có các môn đệ là đáng kể. Đức Maria đón nhận tất cả những điều đó từ người Con mà Mẹ thương mến. Mẹ bị quên lãng trong suốt cuộc sống công khai, nhưng Mẹ lại đứng dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu, trung thành với Ngài dẫu Mẹ không hiểu cách cư xử của người Con và sự lãng quên của mọi người. Chính những điều đó đã làm cho Đức Maria lớn lên trong đức tin và trở nên Mẹ Giáo Hội ! Vì ngay cả khi Mẹ không hiểu, Mẹ vẫn yêu, Mẹ tin tưởng, Mẹ bước theo….

Nếu cuộc đời của Mẹ không có những đặc quyền, không có những phép lạ thì chính điều đó sẽ giúp chúng ta, dẫu chúng ta là ai đi chăng nữa, dẫu chúng ta không là những nhà huyền bí, chúng ta có thể đi vào trong tương quan với Chúa Giêsu nếu chúng ta dám trở nên người môn đệ của Ngài như Đức Maria. Khi nhìn ngắm Đức Maria, tất cả mọi người có thể trở thành những kẻ nghe lời Thiên Chúa và giữ lời Ngài…, để sinh ra Ngài. Thánh Têrêxa ngưỡng mộ cuộc sống đơn giản ấy của Đức Maria và trong bài thơ cuối cùng (bài thơ 54) chị đã viết “Mẹ ơi, tại sao con mến Mẹ” :

Mẹ ơi khi ngắm nhìn đời Mẹ trong từng trang Kinh thánh,
Con dám ngước trông Mẹ và ước đến gần Mẹ
Làm con Mẹ dường chẳng mấy khó khăn
Vì Mẹ cũng chết như con và đau khổ giống con…

Nơi Na-da-rét Mẹ tràn đầy ân sủng
Nhưng Mẹ từng qua cuộc sống thật khiêm nghèo
Không xuất thần, không phép lạ kèm theo,
Mẹ dọi sáng cuộc đời nơi dương thế.

Ở trần gian bao tâm hồn thơ trẻ
Ngước lên Mẹ không sợ hãi lao lung
Bởi có Mẹ Đấng khôn sánh, khâm sùng
Dẫn đoàn con về vùng Trời bất diệt

Dẫu biển trần triền miên muôn triệu sóng
Nhưng với Mẹ con vững mái tay chèo
Theo chân Mẹ con muốn sống khiêm nghèo
Theo lối nhỏ về Trời với Mẹ yêu.

c. Tâm hồn Đức Maria

Luca đã lập đi lập lại hai lần ở chương 2 câu 19 và câu 51 “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Nếu như các biến cố của thời thơ ấu của Chúa Giêsu chỉ có thể được Đức Maria kể lại vì Mẹ là nhân tố chính trong mầu nhiệm cứu độ, ai có thể là chứng nhân về những điều đó ? Đối với Mẹ các biến cố này trở nên Lời Thiên Chúa để Mẹ lắng nghe, để Mẹ ghi nhớ, để Mẹ dần dần đón nhận như là thánh ý Thiên Chúa và chia sẻ cho các môn đệ. Cho đến dưới chân Thập Giá và ngay cả cho đến lúc Mẹ về trời, Mẹ đã sống trong niềm tin mà không hiểu những gì đã xảy ra mặc dù Mẹ đã hiến dâng trọn vẹn, từng ngày để hiểu biết và nhận ra chân lý. Mẹ không giải thích, Mẹ chỉ ghi nhớ, Mẹ không ngừng sinh ra Ngôi Lời Thiên Chúa trong Mẹ. Đó chẳng phải là thái độ của người môn đệ sao ? Để cho tâm hồn được Thiên Chúa tôi luyện nhờ việc chiêm niệm các biến cố và để cho các biến cố này trở nên Lời của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta. Để làm theo Ý muốn ấy, chúng ta cần điều chỉnh ước muốn của chúng ta, chúng ta cần tôn trọng Ý muốn ấy và không bao giờ diễn giải theo ý chúng ta hoặc theo ý người khác. Như Đức Maria, chúng ta cần học lắng nghe Thiên Chúa bằng ba phương thế : Thiên Chúa nói với chúng ta trong tâm hồn, nơi người khác và qua các sự kiện… Chính vì vậy lòng sùng kính Kitô giáo đã tôn kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, Trái tim đầy ân sủng, Trái tim để cho Thiên Chúa thực hiện điều Ngài muốn, Trái Tim hoàn toàn nên một với Trái Tim Con của Người. Thật vậy, chính khi suy niệm về những câu cuối cùng của trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng mà thánh Gioan Eudes đã được thúc đẩy để sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vì thánh Luca nói với chúng ta về trái tim của Đức Mẹ là để hướng lòng chúng ta về với trái tim Chúa Giêsu, Đấng “Hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 29).
“Nếu chỉ có một người Mẹ của Đức Ki-tô sinh ra Ngài trong con người bằng xương bằng thịt, thì tất cả mọi người được mời gọi sinh ra Đức Ki-tô trong đức tin. Vì tất cả mọi linh hồn được đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa khi linh hồn ấy không có gì đáng chê trách và sống trong sạch”. (Thánh Ambroise).

Chuyển ngữ : Nt. Maria Diệu Hiền (MTG. Qui Nhơn)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chốn Vĩnh Hằng
Tấn Đạt
20:21 26/05/2019
CHỐN VĨNH HẰNG
Ảnh của Tấn Đạt

Hãy tưởng nhớ và cầu nguyện
cho các chiến sĩ trận vong Hoa Kỳ.
 
VietCatholic TV
Linh địa Đức Mẹ thật lạ lùng của cả Rumani và Hung Gia Lợi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:29 26/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh những người hành hương Rumani và Hung Gia Lợi đổ xô đến một linh địa Đức Mẹ rất đặc biệt đã nuôi dưỡng đức tin của cả hai dân tộc Rumani và Hung Gia Lợi trong suốt những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử, nhất là dưới thời cộng sản.

Cả hai dân tộc Rumani và Hung Gia Lợi đều nhận đây là linh địa Đức Mẹ của mình. Người Rumani gọi là linh địa Đức Mẹ Şumuleu Ciuc, trong khi người Hung Gia Lợi gọi là Csíksomlyó.

Linh địa này nằm ở phía chính Bắc thủ đô Bucarest của Rumani, cách đó 280km. Biên giới gần nhất của Hung Gia Lợi cách đó 200km về phía Tây.

Theo chương trình, lúc 9g30 sáng thứ Bẩy, mùng 1 tháng 6, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến phi trường Bacau. Từ đó, Đức Thánh Cha sẽ dùng trực thăng để bay đến vận động trường Şumuleu Ciuc, và di chuyển bằng xe hơi đến đền thánh Ðức Mẹ Şumuleu Ciuc để cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo vào lúc 11g30.

Từ khi Kitô Giáo được đón nhận chính thức tại Hung Gia Lợi, vùng này là một vùng toàn tòng Công Giáo. Đến nay, dân số Công Giáo vẫn là đa số trong vùng với 76.8% dân số.

Năm 1567, vua Hung Gia Lợi John II Sigismund Zápolya kéo quân chinh phạt vùng này để buộc họ chuyển sang đạo Tin lành. Một trận chiến ác liệt đã diễn ra trên một cánh đồng quý vị và anh chị em đang thấy đây.

Quân số của nhà vua đông gấp 20 lần người Công Giáo trong vùng. Tuy nhiên, vào ngày thứ Bẩy trước Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, đại quân của nhà vua bị đánh bại không còn manh giáp. Quân binh của nhà vua sợ hãi đến mức không còn dám quay lại tấn công lần thứ hai để trả thù.

Các tín hữu cho rằng Đức Mẹ đã cứu họ trong cơn thử thách kinh hoàng này. Do đó, họ đã dựng nên một nhà thờ kính Đức Mẹ tại cánh đồng này.

Sau khi nhà thờ xây dựng xong, từ năm 1569 cho đến nay là liên tục 450 năm, cứ vào ngày thứ Bẩy trước Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là hàng chục ngàn có khi hàng trăm ngàn người đổ xô hành hương về đây, ngay cả trong thời kỳ cộng sản. Tượng Đức Mẹ được sùng kính trong nhà thờ này được truyền tụng là làm nhiều phép lạ từ đó cho đến nay.

Bọn cầm quyền cộng sản Rumani đã giết hại đến hơn 2 triệu người, tức là hơn 15% dân số, để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chính trong chuyến tông du này, Đức Thánh Cha sẽ tuyên phong Chân Phước cho một vị Hồng Y và 6 Đức Giám Mục đã hiên ngang làm chứng cho đức tin đến độ đổ máu để làm chứng cho Đức Kitô và Giáo Hội của Người.

Như thế, tại sao cộng sản lại để mặc cho những đoàn hành hương đến vùng này trong suốt thời gian cai trị của chúng?

Với con mắt đức tin chúng ta tin nơi ơn quan phòng của Chúa và Đức Mẹ. Còn các nhà nghiên cứu thì cho rằng hoàn cảnh lịch sử đã khiến cho việc hành hương như thế có thể thực hiện được ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất của lịch sử.

Năm 1920, Şumuleu Ciuc, giống như phần còn lại của Transylvania, được chính thức chuyển giao từ Hung Gia Lợi sang Rumani bằng Hiệp ước Trianon. Đến năm 1940, khu vực này lại được trả về cho Hung Gia Lợi qua Hiệp ước Belvedere. Sau Thế chiến II, cộng sản Liên Sô lại ép Hung Gia Lợi nhường cho Rumani và trở thành một phần của Rumani vào năm 1947.

Lãnh thổ này, với đa số dân là người Hung Gia Lợi, đã luôn là một lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước. Vì thế, cộng sản Rumani không dám làm mạnh tay với người Hung Gia Lợi trong vùng. Thật thế, từ năm 1952 đến 1960, cộng sản Rumani chấp nhận một quy chế tự trị cho vùng này và gọi là tỉnh tự trị Mureş-Hungary cho đến khi cộng sản Rumani cảm thấy đủ mạnh để bãi bỏ quy chế này vào năm 1968.

Có hai biến cố có thể giúp giải thích tại sao cộng sản không dám làm khó dễ những cuộc hành hương thường niên này.

Tháng Hai, 1968, một cán binh cộng sản dùng lưỡi lê đâm vào tượng Đức Mẹ ở đền thánh Şumuleu Ciuc để phá tượng này. Anh ta bị chết đứng tại chỗ.

Ngày 30 tháng Năm 1968, tức là hai ngày trước cuộc hành hương thường niên của các tín hữu, Nicolae Ceaușescu cho công binh đặt bom ngay bên dưới bệ tượng Đức Mẹ. Quả bom làm sập tan tành nhà thờ kính Đức Mẹ. Cho nên, những hình ảnh chúng ta đang thấy đây chỉ là một nhà thờ dã chiến, trống trước, trống sau chứ không phải là ngôi nhà thờ nguyên thủy ban đầu. Hai ngày sau, ngày thứ Bẩy 1 tháng Sáu, 1968, khi các tín hữu hành hương đến nơi họ đau buồn thấy ngôi nhà thờ đã bị bom sập tan tành. Tuy nhiên, thật lạ lùng, khi đào bới trong đống đổ nát, họ thấy tượng Đức Mẹ vẫn còn y nguyên.

Các tín hữu đã long trọng rước tượng Đức Mẹ về nhà thờ của các cha dòng Phanxicô ở gần đó. Từ đó, cộng sản thôi không dám làm khó dễ cuộc hành hương truyền thống này.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ kính viếng Đức Mẹ tại ngôi nhà thờ này.

Ngôi nhà thờ của các cha dòng Phanxicô như hiện nay được bắt đầu xây dựng vào năm 1802 và quá trình xây dựng kéo dài 72 năm. Nhà thờ có hai tòa tháp cao 12 mét, nơi lưu giữ những bức tranh tuyệt đẹp của các họa sĩ người Ý và Hung Gia Lợi, và bức tượng điêu khắc bằng gỗ của Đức Trinh Nữ Maria, thường được gọi là tượng Đức Mẹ khóc. Nhà thờ có những chiếc chuông nặng đến 1,133 kg.