Ngày 26-05-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa về trời
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:12 26/05/2014
Chúa Nhật VII PHỤC SINH ( LỄ CHÚA THĂNG THIÊN ),năm A
Mt 28, 16-20

CHÚA VỀ TRỜI

Chúa về trời có lẽ đã là một việc quá quen thuộc với những môn đệ của Chúa. Cụm từ Chúa Thăng Thiên hay về với Thiên Chúa Cha, vẫn là cụm từ người Công Giáo học thuộc lòng khi học giáo lý. Trời có vẻ xa lạ với con người, với chúng ta và đất dường như gần gũi chúng ta hơn bởi lẽ chúng ta đang sống trên trái đất, đang sống trong thế giới này.Tuy nhiên, Chúa về trời để dọn chỗ cho các môn đệ, dọn chỗ cho chúng ta để Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đó với Ngài.

Tin Mừng của Thánh Matthêu trong trích đoạn ngày hôm nay, đoan kết câu 20 ( Mt 28, 20 ) có viết :” …Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế “. Đúng là một lời đầy an ủi, đầy tin tưởng cho các môn đệ, cho chúng ta, cho nhân loại vì rằng Chúa về với Chúa Cha nhưng Ngài vẫn hiện diện với nhân loại mọi ngày cho đến tận thế. Ngài về trời, nhưng Ngài xin Chúa Cha sai Thánh Thần, để Thánh Thần ở với Giáo Hội, ở với mỗi người, bảo vệ, hướng dẫn Giáo Hội và mọi người. Chúa Phục Sinh đã về với Chúa Cha, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn hiện ra nhiều la62mn với các môn đệ, với những người thân thương để minh chứng Ngài đã sống lại thật và hôm nay ngày thứ 40, Chúa Phục Sinh lại hiện ra với các môn đệ, nhắn nhủ, dặn dò, khích lệ họ nhiều điều, rồi Ngài Thăng Thiên trước mặt các môn đệ. Đây là lần chót Chúa sống lại hiện ra với các môn đệ, các môn đệ sẽ không còn thấy Ngài hiện diện như các lần trước nữa cho đến ngày tận thế. Tuy nhiên, hôm nay Giáo Hội muốn nhân loại, con người, chúng ta nhớ tới ý nghĩa mầu nhiệm Thăng Thiên hơn là nhớ tới ngày giờ mầu nhiệm Chúa lên trời xẩy ra.

Mầu nhiệm Chúa về trời nhắc nhở chúng ta hai điều quan trọng là Chúa về trời nhưng Chúa vẫn hiện diện với chúng ta mọi ngày cho tới tận thế. Bởi vì về trời có nghĩa là Chúa Phục Sinh chuyển đổi từ sự có mặt hữu hình đến việc có mặt một cách thiêng liêng. Chúa Phục sinh từ đây không cón hiện diện cách như xưa khiến giác quan hay nói một cách khác con mắt thể xác không còn nhận ra Ngài như trước kia Ngài có mặt. Dấu hiệu để các môn đệ nhận ra Chúa Phục sinh là Ngài ban Thánh Thần xuống trên các tông đồ. Chúa Phục sinh hiện diện nơi các tông đồ, môn đệ, nơi chúng ta, trong chúng ta qua Chúa Thánh Thần. Đúng như lời nói ! Đấng Phù Trợ đến từ nơi Chúa Cha và Ngài khẳng định với các tông đồ :” Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế “.

Điều khác nữa, Chúa Thiên, nhắc nhớ chúng ta phải luôn hướng về trời. Hướng về trời, có nghĩa là chúng ta những lữ hành đang đi trong cuộc hành trình đức tin tiến về trời. Chúng ta phải phấn đấu, quảng đại, hy sinh để kiên cường tiến về nước trời. Cuộc đời hôm nay nhiều vất vả, nhiều thử thách khó khăn, nhưng với niềm tin chúng ta có một sức thu hút, thúc đẩy chúng ta đạt tới quê hương vĩnh cửu, quê hương hạnh phúc là Nước Thiên Chúa.

Chúng ta đang sống nơi trần gian, trên thế giới. Gian trần hay thế giới chỉ là quê hương tạm bợ, quê hương mau qua vv…Đích điểm cuối cùng chúng ta là quê trời. Do đó, chúng ta ý thức và sống tốt lành với những ngày tạm bợ ở trần gian để chúng ta tiến về Nước Thiên Đàng, Nước Thiên Chúa.

Chúa Giêsu khi nói với các môn đệ ở Galilê trên một ngọn núi :” Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh THần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em…”. Chúa truyền lệnh cho các môn đệ tiếp nối sứ mạng của Người đi truyền giáo, loan báo Nước Trời, nhưng điều quan trọng và hết sức an ủi, củng cố niềm tin, đó là Chúa hứa ở cùng các môn đệ luôn mãi.

Các tông đồ vững tin, không còn lo âu sợ hãi vì Chúa phục sinh luôn ở với các Ngài, luôn ở trong các Ngài. Đặc biệt Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên các tông đồ để các Ngài có sức mạnh, can đảm làm chứng cho Chúa Phục sinh.

Đoạn Sách Công Vụ Tông Đồ 1, 11 viết :” Sao các Ông cứ đứng mải miết nhìn trời ? “. Các Tông Đồ đang nuối tiếc Thầy mình.Tuy vậy, các Ngài ý thức sứ mạng cao cả :” Loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Chúa Phục Sinh” còn đang chờ đợi các Ngài. Các Ngài đã xuống núi, trở về với đời thường và làm sứ mạng Chúa Phục sinh trao phó. Chúng ta đang sống ở trần gian, chúng ta cũng đang có sứ mạng lớn lao là rao giảng Tin Mừng. Làm tròn sứ mạng làm chứng cho Chúa Phục Sinh và loan báo Tin mừng cho Chúa nhưng đồng thời cũng luôn hướng về trời để quyết tâm về trời với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rõ Thiên Đàng là mục đích cuối cùng chúng con đang vươn tới.Xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con hiểu rằng trần gian là tạm bợ, Nước trời là Quê hương thật, Quê hương vĩnh cửu chúng con phải vươn tới. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Phục Sinh về trời trước mặt 11 môn đệ ở đâu ?
2.Chúa nói gì với các tông đồ ?
3.Chúa hứa sẽ xin Chúa Cha điều gì ?
4.Quê hương của chúng ta ở đâu ?
5.Trần gian là gì ?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:29 26/05/2014
ẨN TRỐN

N2T


Cú mèo, vì để tìm tòi bản chất của sinh mệnh và các định vị trong vũ trụ, bèn quyết định đóng cửa một năm, nó triệu tập hội nghị ký giả và chiêu đãi đặc biệt, rồi nói rõ lý do bế quan [của mình], và yêu cầu mọi người không nên quấy rầy tâm trạng của nó.

Không hẹn mà gặp, cò trắng cũng đúng lúc vì để điều chỉnh quan hệ của mình với Đấng tạo hóa và theo đuổi sự yên lặng cho tâm hồn, nên nghĩ rằng cần phải lui đến một tu viện thật thanh vắng để tĩnh tâm. Trước khi đi, nó kính nhờ mỗi một bạn hữu dù quen hay không quen cầu nguyện cho nó: “Lần này tôi phải nhịn ăn bảy ngày, nhất định các anh phải cầu nguyện cho tôi”.

Con thỏ không hiểu nói:

- “Kỳ cục, có phải chúng nó ẩn trốn không, làm cái gì mà chúng nó náo loạn cả lên, thiên hạ đều biết thế !”

(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:

Có người khi ăn chay thì la toáng lên: “Tôi đang ăn chay”; có người khi làm được việc gì cho anh chị em thì “khiêm tốn” kể cách vô tư cho người khác nghe.

Ăn chay không phải là ăn ít đi, nhưng là ăn những cái mà ngày thường mình không thích, đó chính là hy sinh.

Có những người đến ngày ăn chay thì không đi làm việc, vì đang ăn chay sợ đói đi làm không nổi; có người thích kể cho người khác nghe chuyện ăn chay của mình, tiên tri Giô-na đã nói: “Hãy xé lòng, đừng xé áo”.

Có những người trước khi đi tĩnh tâm cấm phòng thì la lớn lên cho mọi người biết là mình đi tĩnh tâm, cho nên đừng phone đừng chát và đừng gì cả kẻo làm rộn mình. Nếu tâm hồn để ngoài thì dù có leo lên núi, dù có tắt điện thoại, dù cúp dây mạng thì vẫn cứ lo ra, vẫn cứ rộn ràng như thường, mà có khi lo ra và rộn ràng hơn cả trước khi tĩnh tâm cấm phòng nữa...

Và có người đâu có lòng nữa để mà xé, bởi vì mọi thứ họ có thì họ đều để cả bên ngoài bộ mặt rồi. Như vậy có phải là họ không có tấm lòng không chứ ?

Cấm phòng tĩnh tâm, ăn chay sám hối thì ở tại tâm hồn mình, chứ không ở tại cái Ipod, cái HTC hay tại cái computer, hay ở tại cái Ipad máy tính bảng...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch và viết suy tư


-------------

http://nhantai.info

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com

http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 26/05/2014
N2T

16. Mặc dù tôi u mê yếu đuối, nhưng tôi quyết không thất vọng khi đem linh hồn của tôi ẩn núp vào trong các vết thương của Đức Chúa Giê-su, xin Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su rữa sạch tội lỗi của tôi.

(Thánh Catharina Senensis)
----------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố chung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômêô I
Vũ Văn An
01:16 26/05/2014
“Cuộc gặp gỡ anh em của chúng tôi hôm nay là một bước mới mẻ và cần thiết trên hành trình tiến tới hợp nhất là điều chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dẫn chúng tôi tới được, sự hợp nhất của hiệp thông trong tính đa dạng hợp pháp”

Sau đây là tuyên bố chung do Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômêô I đưa ra, khi các ngài gặp nhau hôm nay (25 tháng 5, 2014) tại Đất Thánh, để đánh dấu 50 năm cuộc gặp gỡ của các vị tiền nhiệm các ngài, là Đức Phaolô VI và Đức Athenagoras.

1. Giống như các vị tiền nhiệm đáng kính của chúng tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Đại Kết Athenagoras, những vị đã gặp gỡ nhau tại đây, tại Giêrusalem này, 50 năm trước đây, chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômêô, cũng cương quyết gặp nhau tại Đất Thánh “nơi Đấng Cứu Chuộc chung của chúng tôi, là Chúa Kitô, đã sống, đã giảng dạy, đã chết, đã sống lại, và đã lên trời, mà từ đó, Người đã sai Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội non trẻ” (Thông Cáo Chung của Đức GH Phaolô VI và Đức TH Athenagoras, công bố sau cuộc gặp gỡ ngày 6 tháng Giêng năm 1964). Cuộc hội ngộ của chúng tôi, một cuộc gặp gỡ khác của các Giám Mục Các Giáo Hội Rôma và Constantinople, được lần lượt thành lập bởi hai Tông Đồ Anh Em Phêrô và Anrê, là một nguồn vui thiêng liêng sâu sắc đối với chúng tôi. Nó đem lại một cơ hội đầy tính quan phòng để suy niệm về chiều sâu và chiều chân thực trong các dây nối kết hiện có giữa chúng tôi; các dây nối kết này quả là hoa trái của cuộc hành trình đầy ơn thánh mà trên đó Chúa từng hướng dẫn chúng tôi kể từ ngày diễm phúc cách nay 50 năm.

2. Cuộc gặp gỡ anh em của chúng tôi hôm nay là một bước mới mẻ và cần thiết trên hành trình tiến tới hợp nhất là điều chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dẫn chúng tôi tới được, sự hợp nhất của hiệp thông trong tính đa dạng hợp pháp. Với lòng biết ơn sâu xa, chúng tôi nhớ lại các bước tiến mà Chúa đã giúp chúng tôi thực hiện được. Cái ôm hôn được trao đổi giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras tại Giêrusalem này, sau nhiều thế kỷ lặng thinh, đã dọn đường cho một cử chỉ quan trọng, đó là việc cất bỏ khỏi ký ức và khỏi tâm trí Giáo Hội các hành vi tuyệt thông hỗ tương năm 1054. Tiếp theo việc này là việc trao đổi thăm viếng giữa các Tòa Rôma và Tòa Constantinople, là việc thư từ thường xuyên và sau đó, là quyết định do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thượng Phụ Dimitrios, cả hai đều được tôn kính tưởng nhớ, công bố nhằm khởi diễn cuộc đối thoại chân lý giữa người Công Giáo và người Chính Thống Giáo. Trong những năm tháng này, Thiên Chúa, nguồn mạch mọi bình an và yêu thương, vốn dạy chúng ta coi nhau như thành viên của cùng một gia đình Kitô Giáo, dưới cùng một Chúa và Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô, và yêu thương nhau, ngõ hầu chúng ta có thể tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào cùng một Tin Mừng của Chúa Kitô, như các Tông Đồ đã tiếp nhận, và được các Công Đồng Chung và các Giáo Phụ phát biểu và lưu truyền cho chúng ta. Dù ý thức trọn vẹn được việc chưa đạt tới mục tiêu hiệp thông hoàn toàn, hôm nay chúng tôi vẫn xác nhận sự cam kết của chúng tôi trong việc tiếp tục tiến bước với nhau hướng về sự hợp nhất mà Chúa Kitô, Chúa chúng ta, từng cầu với Chúa Cha để “chúng nên một” (Ga 17:21).

3. Vì ý thức rõ rằng hợp nhất được bày tỏ trong tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, nên chúng tôi hết sức trông mong tới ngày trong đó cuối cùng chúng tôi được cùng nhau tham dự chung bàn tiệc Thánh Thể. Theo giáo huấn của Thánh Irênê thành Lyon (Chống Các Lạc Giáo, IV,18,5, PG 7,1028), là Kitô hữu, chúng tôi được mời gọi chuẩn bị tiếp nhận hồng phúc hiệp thông Thánh Thể bằng cách tuyên xưng cùng một đức tin, chuyên chăm cầu nguyện, hồi hướng nội tâm, canh tân đời sống và đối thoại huynh đệ. Nhờ thực hiện được mục tiêu hằng hy vọng này, chúng tôi sẽ bày tỏ cho thế giới thấy tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu mà nhờ nó, chúng tôi được thừa nhận là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô (Xem Ga 13:35).

4. Để đạt được mục đích trên, cuộc đối thoại thần học do Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế đảm nhiệm đã mang lại một đóng góp nền tảng cho việc mưu cầu sự hiệp thông trọn vẹn giữa người Công Giáo và người Chính Thống Giáo. Suốt các thời kỳ sau đó của các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, và của Đức Thượng Phụ Dimitrios, tiến độ trong các cuộc gặp gỡ thần học của chúng ta hết sức có chất lượng. Ngày nay, tự đáy lòng, chúng tôi xin nói lên sự đánh giá cao của chúng tôi đối với các thành tựu từ trước tới nay, cũng như đối với các cố gắng hiện thời. Đây không phải chỉ đơn thuần là một thao tác lý thuyết, mà là một thao tác trong sự thật và tình yêu, một thao tác đòi phải hiểu biết sâu sắc các truyền thống của nhau ngõ hầu hiểu được chúng và học hỏi được từ chúng. Do đó, chúng tôi xin quả quyết một lần nữa rằng cuộc đối thoại thần học không đi tìm một mẫu số chung thần học thấp nhất để dựa vào đó mà đạt thỏa hiệp, mà đúng hơn là việc thâm hậu hóa việc ta nắm được toàn bộ sự thật mà Chúa Kitô vốn đã ban cho Giáo Hội của Người, một sự thật mà chúng tôi chưa bao giờ ngưng để hiểu tốt hơn nhờ tuân theo các thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Từ đó, chúng tôi cùng quả quyết với nhau rằng lòng trung thành của chúng tôi với Chúa đòi chúng tôi phải gặp nhau trong tình anh em và đối thoại chân thực. Cuộc theo đuổi chung như thế này không dẫn chúng tôi ra xa sự thật; đúng hơn, nhờ trao đổi các hồng ân, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, nó sẽ dẫn chúng tôi vào mọi sự thật (xem Ga 16:13).

5. Ấy thế nhưng, ngay khi thực hiện cuộc hành trình hướng tới hiệp thông trọn vẹn, chúng tôi vốn đã có bổn phận phải đưa ra chứng tá chung cho tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người bằng cách cùng nhau làm việc để phục vụ nhân loại, nhất là để bênh vực phẩm giá của con người nhân bản ở mọi giai đoạn của đời người và tính thánh thiêng của gia đình đặt căn bản trên hôn nhân, cổ vũ hòa bình và ích chung, và đáp ứng các đau đớn đang tiếp tục làm khổ thế giới chúng ta. Chúng tôi nhìn nhận rằng đói kém, nghèo khổ, mù chữ, phân phối bất công các tài nguyên cần phải được thường xuyên giải quyết. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm cách cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái trong đó không ai cảm thấy bị loại trừ hay bị đẩy ra bên lề.

6. Xác tín sâu xa của chúng tôi là tương lai của gia đình nhân loại cũng tùy thuộc cách ta bảo vệ hồng ân tạo dựng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho ta, bảo vệ một cách vừa khôn ngoan vừa cảm thông, với công lý và ngay thẳng. Do đó, trong thống hối, chúng tôi thừa nhận việc đối xử sai lầm với hành tinh của mình, một việc ngang với việc phạm tội trước mặt Thiên Chúa. Chúng tôi xin tái khẳng định trách nhiệm và bổn phận của chúng tôi phải phát huy cảm thức khiêm tốn và chừng mực để mọi người cảm nhận được nhu cầu tôn trọng sáng thế và bảo vệ nó cách cẩn mật. Chúng tôi cùng nhau đưa ra cam kết sẽ nâng cao ý thức về việc quản lý sáng thế; chúng tôi kêu gọi mọi người thiện chí cân nhắc các phương cách sống bớt phí phạm đi và nhiều thanh đạm hơn, chứng tỏ mình ít tham lam đi và nhiều đại lượng hơn để bảo vệ thế giới của Thiên Chúa và gây ích lợi cho dân của Người.

7. Hiện cũng đang có nhu cầu cấp thiết cần phải có sự hợp tác hữu hiệu và đầy dấn thân của các Kitô hữu ngõ hầu bảo vệ ở khắp nơi quyền được phát biểu công khai niềm tin của mình và được đối xử công bằng khi cổ vũ điều được Kitô Giáo tiếp tục cung hiến cho xã hội và nền văn hóa đương đại. Về phương diện này, chúng tôi mời gọi mọi Kitô hữu cổ vũ cuộc đối thoại chân chính với Do Thái Giáo, Hồi Giáo và các truyền thống tôn giáo khác. Dửng dưng và u mê hỗ tương chỉ có thể dẫn tới việc không tin tưởng nhau và chẳng may còn cả tranh chấp nữa.

8. Từ thành thánh Giêrusalem này, chúng tôi xin bày tỏ quan tâm sâu xa của chúng tôi đối với tình hình của các Kitô hữu tại Trung Đông và đối với quyền của họ được là những công dân đầy đủ trên chính quê hương của họ. Với tâm tình tín thác, chúng tôi hướng lên Thiên Chúa toàn năng và hay thương xót trong lời cầu nguyện cho hòa bình tại Đất Thánh và tại Trung Đông nói chung. Đặc biệt, chúng tôi xin cầu nguyện cho các Giáo Hội ở Ai Cập, Syria, và Iraq, là các Giáo Hội đang hết sức đau khổ do các biến cố gần đây gây ra. Chúng tôi khuyến khích mọi phía, bất kể xác tín tôn giáo, tiếp tục hành động cho hòa giải và cho việc thừa nhận chính đáng các quyền của người ta. Chúng tôi tin chắc rằng không phải vũ khí mà là đối thoại, tha thứ và hoà giải mới là các phương thế khả hữu đạt được hòa bình.

9. Trong bối cảnh lịch sử đánh dấu bằng bạo lực, dửng dưng và vị kỷ, nhiều người nam nữ ngày nay cảm thấy họ đã mất hết phương hướng. Chính nhờ chứng tá chung của chúng tôi đối với tin mừng Phúc Âm mà chúng tôi có khả năng giúp được người của thời ta tái khám phá ra con đường dẫn tới chân lý, công lý và hòa bình. Hợp nhất trong các ý định của mình, và nhớ lại gương sáng, cách nay đã 50 năm, của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và của Đức Thượng Phụ Athenagoras, chúng tôi kêu gọi mọi Kitô hữu, cùng với các tín hữu của mọi truyền thống tôn giáo và mọi người thiện chí, nhìn nhận tính khẩn trương của thời điểm này khiến ta buộc phải đi tìm sự hòa giải và hợp nhất cho gia đình nhân loại, trong khi vẫn tôn trọng trọn vẹn các dị biệt hợp pháp, vì lợi ích của mọi con người và của các thế hệ tương lai.

10. Khi thực hiện chuyến hành hương chung này tới địa điểm nơi cùng một Chúa chúng tôi là Chúa Giêsu Kitô đã bị đóng đinh, được chôn cất và đã sống lại, chúng tôi khiêm cung phó thác cho sự bầu cử của Đức Maria chí thánh trọn đời đồng trinh các bước đi trong tương lai của chúng tôi trên đường hướng tới sự hợp nhất viên mãn, phó thác toàn thể gia đình nhân loại cho tình yêu vô tận của Thiên Chúa.

“Xin Chúa để khuôn mặt Người chiếu rọi lên anh em, và tỏ lòng nhân từ đối với anh em! Chúa nhìn anh em cách nhân từ và ban hòa bình cho anh em!” (Dân Số 6:25-26).

Giêrusalem, ngày 25 tháng 5 năm 2014
 
Cử chỉ mạnh mẽ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại bức tường ngăn cách
Đặng Tự Do
04:19 26/05/2014
Hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô cúi đầu cầu nguyện, ép lòng bàn tay của mình chống lại bức tường bê tông, và cụng đầu như muốn xô đổ "bức tường ngăn cách" của Israel được nhanh chóng truyền đi khắp thế giới như một cử chỉ phản kháng mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Công Giáo trước một biểu tượng của sự chia rẽ và xung đột trong một thế giới với quá nhiều những dàn xếp lắt léo mà cuối cùng phần thiệt đè nặng trên vai những người dân nghèo vô tội.

Được xây dựng bởi Israel như một hàng rào an ninh để bảo vệ công dân của mình khỏi bị tấn công sau phong trào intifada lần thứ hai, bức tường dài 438 km này bò như một con rắn chia cách khu vực Tây Ngạn, xuyên qua những dải lãnh thổ Palestine, chia cách các cộng đồng cư dân Palestine. Bên cạnh những thiệt hại kinh tế trầm trọng, nó đã trở thành một biểu tượng của sự chiếm đóng của Israel.

Cử chỉ mạnh mẽ đã được thực hiện ít phút sau khi Đức Thánh Cha thỉnh cầu cả hai bên Palestine và Israel hãy kết thúc một cuộc xung đột mà ngài nói là "càng ngày càng gia tăng đến mức không thể chấp nhận được".

Trong một vùng đất đầy những thù hận, nơi binh sĩ Do Thái lúc nào cũng lăm le súng ống trong tay sẵn sàng bắn chết bất cứ ai có những biểu hiện đáng ngờ, nơi không thiếu những người Palestine ôm bom tự sát, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối di chuyển trên xe có kính chống đạn. Trước đó vài ngày, nhà cầm quyền Do Thái đã ra lệnh quản thúc tại gia hàng chục những người Do Thái cực đoan là những người đe doạ sẽ phá hỏng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha. Nhà chức trách Israel đã áp đặt các biện pháp an ninh chặt chẽ trong chuyến thăm, triển khai thêm 8.000 nhân viên cảnh sát. Hạn chế di chuyển trong thành phố đã khiến một số Kitô hữu phàn nàn rằng họ hầu như không có cơ hội nhìn thấy Đức Thánh Cha. Cũng trước đó vài ngày, Đức Thượng Phụ Fouad Twal phải lên tiếng phàn nàn về những vụ ném đá của người Hồi Giáo Palestine vào những cơ sở Công Giáo.

Đức Thánh Cha đã di chuyển trên chiếc pope mobile lộ thiên, và giữa một rừng người tại quảng trường Máng Cỏ ở Bethlehem mà lực lượng an ninh khó lòng bảo đảm an ninh được, Đức Thánh Cha đã cho xe dừng lại và ngài bước xuống xe đứng im lặng cầu nguyện trước bức tường ngăn cách bên dưới một tháp canh của lính Do Thái, và bên cạnh một bé gái đang cầm trên tay lá cờ Palestine.

Cử chỉ này cùng với lời mời của ngài gởi đến với Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, và Tổng thống Israel , Shimon Peres, cùng tham gia với ngài trong một buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Rôma được xem là một sự can thiệp chưa từng có của một vị Giáo Hoàng trong tiến trình hòa bình luôn bị đình trệ tại vùng đất này .

Mặc dù Tòa Thánh luôn khẳng định chuyến tông du này chỉ thuần túy mang tính chất tôn giáo. Trong vùng đất rất nhạy cảm này từng cử chỉ của ngài đều được soi rọi dưới những lăng kính chính trị.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Palestine qua ngã Jordan chứ không phải qua ngã Do Thái như các vị tiền nhiệm của ngài. Năm 2012, Vatican đã chọc giận Do Thái sau khi thúc đẩy Liên Hiệp Quốc công nhận tư cách quốc gia của Palestine. Dưới ánh sáng của hành động này, việc Đức Thánh Cha quyết định bay thẳng từ Amman vào Bethlehem được giới quan sát coi là một biểu hiện tế nhị trong việc công nhận “quốc gia Palestine”.

Đức Thánh Cha cũng đã trìu mến ôm tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, và trong diễn văn với những từ ngữ được cẩn thận cân nhắc, Đức Thánh Cha đã dùng từ “quốc gia Palestine” và gọi ông Mahmoud Abbas là “người của hòa bình, người xây dựng hòa bình”.

Đức Thánh Cha và toàn bộ đoàn tùy tùng của ngài bao gồm Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Kurt Koch, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran .. đã bỏ thời gian thăm và lắng nghe các trẻ em đến từ các trại tị nạn Deheisheh, Aida và Beit Jibrin tại trung tâm sinh hoạt của trại tị nạn Deheisheh.

Hai em bé mặc sắc phục A rập tặng qùa cho Đức Thánh Cha trong đó có một bức tranh và một cánh tay bị cột bởi dây xích.

Ngỏ lời với các em Đức Thánh Cha nói ngài hiểu các ước vọng sâu xa của các em. Nhưng ngài chỉ xin nói với các em một điều: không được dùng bạo lực để đáp trả lại bạo lực. Trái lại cần dùng sự thiện, hòa bình và việc làm kiên trì để trả lời bạo lực.

Những cử chỉ của Đức Thánh Cha tại Thánh Địa chắc chắn sẽ có những hệ quả trong tiến trình hòa bình tại Thánh Địa, và trong quan hệ giữa người Palestine Hồi Giáo và người Palestine Kitô Giáo.
 
Buổi cầu nguyện đại kết tại Đền Thờ Mộ Thánh
LM. Trần Đức Anh OP
10:26 26/05/2014
JERUSALEM. Lần đầu tiên trong lịch sử, ĐTC Phanxicô và các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác đã cầu nguyện chung tại Đền Thờ Mộ Thánh ở Jerusalem chiều Chúa Nhật 25-5-2014.

Trong cuộc viếng thăm 3 ngày tại Thánh Địa, chiều ngày 25-5-2014 ĐTC đã từ Bethlehem bay đến Tel Aviv. Tại đây sau nghi thức tiếp đón với sự hiện diện của tổng thống Shimon Peres và thủ tướng Netanyahu, ĐTC đã đáp trực thăng về Jerusalem. Nơi đây, ngài đã gặp và hội kiến riêng với Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, tại tòa Khâm Sứ Tòa Thánh, giống như vị tiền nhiệm của ngài là Đức Phaolô 6 đã gặp Đức Thượng Phụ Athenagoras 50 năm về trước. Trong cuộc gặp gỡ này, hai vị đã ký vào một tuyên ngôn chung bày tỏ quyết tâm tiếp tục hành trình tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn, tiếp tục công việc của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống.

Tiếp đến, vào lúc 7 giờ tối, hai vị đến Đền Thờ Mộ Thánh để cử hành buổi cử hành đại kết với sự tham dự của các đại diện Công Giáo, Chính Thống, Amérni, Tin Lành và Anh giáo, các vị Tổng lãnh sự của 5 nước bảo đảm qui luật statu quo của Thánh Địa là Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp, cùng với đông đảo khách mời. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một buổi cầu nguyện đại kết được cử hành tại nơi an táng Chúa Cứu Thế.

Sau khi tiến vào Đền thờ Mộ Thánh từ hai cửa khác nhau, ĐTC và Đức Thượng Phụ ôm chào nhau rồi hai vị cùng tiến vào nơi cử hành buổi cầu nguyện giữa tiếng hát của ca đoàn Hy Lạp.

Sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp của thành Jerusalem, mọi người đã nghe đọc hai đoạn Tin Mừng phục sinh bằng tiếng Hy Lạp (Ga 20,1-9) và La Tinh (Mt 28,1-10), và bài ngỏ lời của Đức Thượng Phụ Bartolomaios, đến lượt ĐTC lên tiếng.

Diễn văn của ĐTC

Ngài nhắc đến cuộc gặp gỡ lịch sử cách đây 50 năm giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Athenagoras, đồng thời chào thăm và cám ơn các vị lãnh đạo Kitô hiện diện. ĐTC nói đến điểm nòng cốt chung của tất cả các tín hữu Kitô, và khích lệ mọi cố gắng tìm về hiệp nhất:

”Thật là một ân phúc đặc biệt được họp nhau cầu nguyện nơi đây. Ngôi mộ trống, ngôi mộ mới ở trong vườn nơi mà Ông Giuse d'Arimatea đã kính cẩn an táng xác Chúa Giêsu, là nơi từ đó đã xuất phát lời loan báo Phục Sinh: ”Các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu chịu đóng đanh. Ngài không ở đây. Ngài đã sống lại như đã nói trước. Vậy các bà hãy đến, hãy nhìn nơi Ngài đã được an táng. Mau lên hãy đi nói với các môn đệ: ”Ngài đã sống lại từ cõi chết” (Mt 28,5-7).

”Lời loan báo này, được củng cố nhờ chứng tá của những người được Chúa Phục Sinh hiện ra, chính là trọng tâm sứ điệp Kitô, được trung thành truyền lại từ đời này sang đời khác, như ngay từ đầu thánh Phaolô Tông Đồ làm chứng (..1 Cr 15,3-4)... Đó là nền tảng đức tin liên kết chúng ta, nhờ đó chúng ta cùng nhau tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô, Con duy nhất của Chúa Cha và là Chúa duy nhất của chúng ta, ”đã chịu khổ nạn dưới thời Quan Phongxiô Philato, chịu đóng đanh, chịu chết và mai táng; xuống ngục tổ tông; ngày thứ ba Người sống lại từ cõi chết” (Kinh Tin Kính). Mỗi người chúng ta, mỗi tín hữu đã chịu phép rửa trong Chúa Kitô, đều sống lại một cách thiêng liêng từ ngôi mộ này, vì trong phép rửa, tất cả chúng ta thực sự được tháp nhập vào Vị Trưởng Tử của toàn thể công trình sáng tạo, được mai táng với Ngài, để cùng Ngài được sống lại và có thể bước đi trong một đời sống mới (Xc Rm 6,4).

”Chúng ta hãy đón nhận ân phúc đặc biệt trong lúc này. Chúng ta hãy sốt sắng mặc niệm cạnh ngôi mộ trống, để tái khám phá ơn gọi Kitô cao cả của chúng ta: chúng ta là những người của sự phục sinh, chứ không phải của sự chết. Từ nơi này, chúng ta hãy học sống cuộc sống của chúng ta, những cơ cực của các Giáo Hội chúng ta và toàn thế giới dưới ánh sáng buổi sáng Phục Sinh. Mỗi vết thương, mỗi đau khổ, mỗi đớn đau, đều được chất trên vai của vị Mục Tử Nhân Lành, Ngài đã hiến mạng sống mình và qua hy sinh của Ngài, Ngài đã mở đường dẫn đến đời sống vĩnh cửu. Những vết thương mở rộng là những cánh cửa qua đó dòng từ bi của Chúa đổ tràn trên thế giới. Chúng ta đừng để nền tảng niềm hy vọng của chúng ta bị cướp mất! Chúng ta đừng để thế giới bị thiếu Tin Mừng Phục Sinh! Và chúng ta đừng điếc trước tiếng gọi mạnh mẽ hiệp nhất vang dội chính từ nơi này, qua những lời của Đấng Phục Sinh đã gọi tất cả chúng ta là anh em của Ngài” (Xc Mt 28,10; Ga 20,17).

ĐTC nhận xét rằng ”Chắc chắn là chúng ta không thể phủ nhận những chia rẽ vẫn còn giữa chúng ta, là những môn đệ của Chúa Giêsu: nơi thánh này càng làm cho chúng ta đau đớn cảm thấy thảm trạng đó. Tuy nhiên, 50 năm sau vòng tay ôm của hai Người Cha đáng kính của chúng ta, với lòng biết ơn và kinh ngạc, chúng ta hãy nhìn nhận rằng do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể thực hiện những bước tiến thật quan trọng tiến về hiệp nhất. Chúng ta ý thức rằng còn phải tiến trên những con đường khác để đạt tới sự hiệp thông trọn vẹn, sự hiệp thông có thể được biểu lộ qua sự chia sẻ cùng bàn tiệc Thánh Thể mà chúng ta nồng nhiệt ao ước; nhưng những khác biệt không được làm cho chúng ta khiếp sợ hoặc làm tê liệt hành trình của chúng ta. Chúng ta phải tin rằng cũng như có thể lật ngược tảng đá chắn mộ, thì cũng có thể loại bỏ mọi chướng ngại vẫn còn ngăn cản sự hiệp nhất trọn vẹn giữa chúng ta. Thật là một ân thánh phục sinh mà chúng ta có thể nếm hưởng trước. Mỗi lần chúng ta xin lỗi nhau vì những tội đã phạm đối với các tín hữu Kitô khác và mỗi lần chúng ta có can đảm trao ban và nhận sự tha thứ ấy, chúng ta cảm nghiệm sự phục sinh! Mỗi lần chúng ta khắc phục những thành kiến cũ, và có can đảm thăng tiến những quan hệ huynh đệ mới, chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Kitô thực sự sống lại! Mỗi lần chúng ta suy nghĩ tương lai của Giáo Hội từ ơn gọi hiệp nhất của Hội Thánh, thì ánh sáng của ban mai Phục Sinh bừng sáng! Về điểm này tôi muốn lập lại mong ước đã được các vị tiền nhiệm của tôi bày tỏ, đó là duy trì một cuộc đối thoại với tất cả mọi anh em trong Chúa Kitô để tìm ra một hình thức thực thi sứ vụ của Giám Mục Roma, phù hợp với sứ mạng của mình, mở ra một tình trạng mới và có thể trong bối cảnh hiện nay làmột sự phục vụ yêu thương và hiệp thông được tất cả mọi người công nhận (Xc Gioan Phaolô 2, Thông điệp Ut unum sint, 95-96).

Tiếp tục bài diễn văn tại buổi cầu nguyện đại kết ở Đền Thờ Mộ Thánh, ĐTC Phanxicô nói:

”Trong khi chúng ta dừng lại tại nơi thánh này như những người hành hương, chúng ta cũng nhớ đến trong kinh nguyện đến toàn vùng Trung Đông, vẫn còn bị bạo lực và xung đột. Và trong kinh nguyện, chúng ta không quên bao nhiêu người nam nữ, tại các nơi khác trên thế giới, đang chịu đau khổ vì chiến tranh, nghèo đói; cũng như nhiều tín hữu Kitô bị bách hại vì đức tin nơi Chúa Phục Sinh. Khi các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau cùng chịu đau khổ, cạnh nhau, và trợ giúp nhau trong tình bác ái huynh đệ, thì một phong trào đại kết đau khổ, đại kết bằng máu được thực hiện và có hiệu năng đặc biệt không những trong bối cảnh các cuộc bách hại ấy xảy ra, nhưng do sức mạnh của sự thông công giữa các thánh, cho toàn thể Giáo Hội nữa.

”Kính thưa Đức Thượng Phụ, người anh em yêu quí, toàn thể anh chị em quí mến, chúng ta hãy bỏ qua một bên những do dự mà chúng ta thừa hưởng từ quá khứ, và cởi mở tâm hồn cho Thánh Linh tác động, Thánh Thần Tình Thương (Xc Rm 5,5) và Chân Lý (Xc Ga 16,13) để cùng nhau mau lẹ tiến bước hướng về ngày hồng phúc là sự hiệp thông trọn vẹn được tái lập. Trong hành trình đó chúng ta được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện mà chính Chúa Giêsu, tại thành này, hôm áp ngày chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại, dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ và chúng ta không ngừng khiêm tốn nhắc lại như kinh nguyện của chúng ta: ”Xin cho chúng được nên một.. để thế gian tin” (Ga 17,21).
 
Hoạt động của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Jerusalem sáng ngày 26-5-2015
LM. Trần Đức Anh OP
10:49 26/05/2014
JERUSALEM. ĐTC Phanxicô đã dành sáng thứ hai 26-5-2014, ngày cuối trong 3 ngày viếng thăm của ĐTC tại Thánh Địa, để gặp gỡ các chức sắc Hồi giáo và Do thái giáo, viếng viện Yad Vashem tưởng niệm cuộc diệt chủng và gặp gỡ chính quyền Israel.

Gặp gỡ thủ lãnh Hồi Giáo

Lúc 8 giờ sáng, ĐTC giã từ tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Jerusalem nơi ngài qua đêm, để đến viếng thăm vị Đại Giáo Trưởng Hồi giáo tại thành này, cạnh Đền thờ Hồi giáo cách đó 4 cây số. Đền thờ tọa lạc trên một sân hình thang dài gần 500 mét và rộng khoảng 300 mét, chiếm 1 phần 6 diện tích của Cổ Thành Jerusalem. Đây là nơi thánh đối với cả 3 tôn giáo độc thần: người Do thái coi đây là nơi Abraham sát tế con là Isaac và là địa điểm Đền thờ vua Salomon đã xây cất; người Hồi giáo coi đây là nơi thánh thứ 3 của đạo này, sau La Mecca và Medina bên Arập Sauđi, còn đối với các Kitô hữu, đây là nơi Chúa Giêsu đã tiên báo về sự phá hủy Đền thờ Jerusalem.

Trên sân rộng này có 2 Đền Thờ lớn của Hồi giáo được kiến thiết: Thứ I là Đền thờ Mái Vòm đá tảng là đền Hồi giáo cổ kính nhất tại Thánh Địa, lần đầu tiên được xây hồi năm 640 và 47 năm sau đó được thay thế bằng Đền thờ như hiện nay, có hình bát giác, 8 phía đều được trang điểm bằng ngọc quí, và phần dưới bằng cẩm thạch đa sắc. Vật liệu xây cất Đền thờ này lấy từ các thánh đường và đền đài trước đó thời Bizantine và Roma. Thứ II là Đền thờ Al-Aqsa được kiến thiết hồi thế kỷ thứ 8 và đã trải qua nhiều lần tái thiết.

Đến nơi, ĐTC đã viếng thăm Đại Mufti thành Jerusalem và toàn Palestine là Sheik Muhamad Agmad Hussein, và vị Tổng giáo đốc Hội đồng bảo trì các gia sản Hồi giáo, đón tiếp và hướng dẫn viếng thăm.

Vị Đại Mufti nói với ĐTC rằng: ”Hòa bình chỉ có thể khi chấm dứt mọi cuộc chiếm đóng của Israel và khi dân tộc Palestine được tự do và mọi quyền của mình”.

Trong lời chào vị Đại Mufti Hồi giáo, ĐTC cho biết ngài đến viếng thăm các nơi đã ghi dấu vết sự hiện diện trần thế của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cuộc hành hương sẽ không trọn vẹn nếu không gặp gỡ những người và cộng đoàn sống tại phần đất này.

Nhắc đến tổ phụ Abraham vốn được cả người Hồi giáo, Kitô và Do thái nhìn nhận, tổ phụ đã sống tại đất này như người lữ hành, bỏ dân chúng, nhà cửa để thực hiện cuộc phiêu lưu tinh thần mà Chúa gọi Người thực hiện. ĐTC nói:

”Lối sống của Abraham cũng phải là thái độ tinh thần của chúng ta. Không bao giờ chúng ta có thể tự mãn, coi mình là chủ tể cuộc sống của chúng ta; chúng ta không thể giới hạn vào mình, khép kín, chắc chắn trong những xác tín của chúng ta. Đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy mình phải luôn sẵn sàng ra khỏi chính mình, ngoan ngoãn đối với tiếng gọi mà Thiên Chúa gửi đến chúng ta, cởi mở đối với tương lai mà Chúa muốn xây dựng cho chúng ta”.

Sau cùng ĐTC tha thiết kêu gọi những con người và cộng đoàn nhìn nhận mình là con cháu Abraham: ”Chúng ta hãy tôn trọng và yêu thương nhau như anh chị em! Chúng ta hãy học hiểu đau khổ của người khác! Ước gì không người nào lạm dụng danh Thiên Chúa để thi hành bạo lực! Chúng ta hãy cùng nhau làm việc cho công lý và hòa bình!”.

Viếng Bức Tường Than Khóc

Giã từ các vị lãnh đạo Hồi giáo vào lúc 9 giờ sáng, ĐTC và đoàn tùy tùng tiến sang bức tường Phía Tây quen gọi là Bức tường than khóc, chỉ cách đó 1 cây số. Đây là di tích còn lại của bức tường phía tây của Sân Đền thờ Jerusalem. Khi vua Hêrôđê cho tu bổ Đền thờ này, ông cho nới rộng khu vực chung quanh và trong dịp đó ông canh tân bức tường nâng đỡ Sân. Tường cao 15 mét và được tu bổ trong những thời kỳ kế tiếp. Về mặt tinh thần, Bức tường phía tây này là nơi thờ phượng trung tâm của Do thái giáo, vì những lý do lịch sử và tôn giáo, với nhiều phong tục, như thói quen nhét những mảnh giấy trên đó có viết những ước vọng và kinh nguyện vào các kẽ hở giữa các viên đá của tường.

Đến khu vực Bức tường phía tây, ĐTC đã được vị Rabbi Trưởng và ông Chủ tịch của Hội đồng quản trị nơi thánh, đón tiếp và tháp tùng đến gần Bức tường. Tại đây ngài dừng lại cầu nguyện nồng nhiệt trong thinh lặng, tay phải ngài đặt trên tường. Rồi ngài đọc kinh Lạy Cha ngài tự tay viết bằng tiếng Tây Ban Nha, trước khi nhét vào khe trong tường.

Hai người bạn tháp tùng ĐTC từ Argentina là Rabbi Do thái Abraham Skorka và giáo sư Hồi giáo Omar Abboud, cũng đi gần ngài tại bức tường. Họ tiến đến ôm ĐTC thật là cảm động.

Trước khi rời khu vực Bức Tường Than Khóc, ĐTC đã ghi vào sổ vàng lưu niệm câu ”Tôi đến để cầu nguyện và tôi xin Chúa ban ơn hòa bình”.

Đặt vòng hoa tại Mộ Theodore Herzl

Liền đó, ngài dùng xe lên núi Herzl cách đó 4 cây số để đặt vòng hoa tưởng niệm, theo nghi thức ngoại giao của Nhà Nước Israel, theo đó mỗi vị Quốc trưởng nước khác đến viếng thăm, đều được mời đặt vòng hoa tại mộ của ông Theodor Herzl, người sáng lập Phong trào Sion tại Hội nghị ở Basel Thụy Sĩ năm 1897, cổ võ dân Do thái hồi cư lập quốc.

Đến nghĩa trang, ĐTC đã được tổng thống và thủ tướng đón tiếp và tháp tùng lên tới lăng của Ông Herzl. Tại đây, hai thiếu niên đã giúp ĐTC đặt vòng hoa tại mộ.

Khi thấy ĐTC đặt tay cầu nguyện tại bức tường ngăn cách mà Israel dựng lên tại Bethlehem, thủ tướng Netanyahu đã xin ngài cũng viếng bia tưởng niệm các nạn nhân của nạn khủng bố gần đó mộ ông Herl và ngài đã nhận lời thực hiện cử chỉ này.

Viếng viện Yad Vashem

ĐTC đến Viện bảo tàng Yad Vashem tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái, chỉ cách mộ ông Herzl khoẳng 800 mét.

Đến nơi ĐTC đã được vị giám đốc trung tâm tiếp đón và hướng dẫn vào phòng tưởng niệm, trên nền có ghi tên 21 trại tập trung thời Đức quốc xã. Tại đây cũng có tổng thống, thủ tướng Israel và Rabbi chủ tịch Hội đồng viện Yad Vashem.

ĐTC đã thắp lên ngọn lửa và được hai thiếu niên Công Giáo giúp đặt vòng hoa tưởng niệm, trước khi nghe một đoạn sách Cựu Ước.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đã trình bày một suy tư thật cảm động, vì ngài rất nhạy cảm đối với sức mạnh của sự ác vô nhân đạo, trách nhiệm của con người và những cơ chế tội lỗi - như Đức Gioan Phaolô 2 đã nói - chúng chống lại phẩm giá con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của ngài. Chúng dựa trên sự tôn thờ con người, từ chối Thiên Chúa. Theo nghĩa đó, Viện tưởng niệm này là ký ức về hành trình mà con người thực hiện.

Và ĐTC kết luận với lời nguyện: ”Công lý thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự ô nhục ở trên khuôn mặt chúng con (Xc Bar 1,15). Xin Chúa cứu chúng con khỏi tội ác kinh khủng này. Xin nhớ đến chúng con trong lượng từ bi Chúa. Xin ban cho chúng con ơn xấu hổ về những gì chúng con có thể làm như là con người, ơn xấu hổ vì sự tôn thờ thần tượng kinh khủng này, vì đã coi rẻ và tàn phá thân xác chúng con, thân xác mà Chúa đã dựng nên từ bùn, và ban cho hơi thở sinh động. Lạy Chúa, không bao giờ nữa!”

ĐTC đã chào thăm một số người sống sót và ký vào sổ lưu niệm.

Viếng thăm hai vị Đại Rabbi Do thái

Tiếp tục các cuộc gặp gỡ và viếng thăm sáng ngày 26-5-2014, ĐTC đã đến Trung Tâm Heichal Schlomo cách viện Yad Vashem 7 cây số để chào thăm 2 vị Đại Rabbi của Do thái giáo. Trung tâm này tọa lạc cạnh Đại Hội đồng Do thái Jerusalem.

Đại Rabbi Askenazi Yona Metzger năm nay 61 tuổi và Đại Rabbi Sefardita là Shlom Amar năm nay 66 tuổi. Trong dịp gặp gỡ, ĐTC cho biết ”Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn nhìn nhận các căn cội Do thái trong đức tin của mình và tôi tin tưởng rằng với sự trợ giúp của quí vị, từ phía Do thái, không những có sự duy trì nhưng còn gia tăng ước muốn, đặc biệt nơi các thế hệ trẻ, tìm hiểu thêm về Kitô giáo, ngay cả tại phần đất được chúc phúc này, trong đó Kitô giáo nhìn nhận căn cội của mình. Sự hiểu biết gia sản tinh thần của mình, quí chuộng những gì chúng ta có chung với nhau và tôn trọng những gì khác biệt giữa chúng ta, có thể là yếu tố hướng dẫn để phát triển thêm các quan hệ giữa chúng ta”.

Thăm Tổng Thống Shimon Peres

Kế đến ĐTC đến dinh Tổng thống Israel để viếng thăm Tổng thống Shimon Peres. Khi vào dinh, ngài được tổng thống giới thiệu một số trẻ em bị ung thư ở giai đoạn cuối đời vì các em ước muốn được gặp ĐGH trước khi qua đời.

Hai vị đã hội kiến riêng trước khi tiến ra vườn bên ngoài. Tại đây ngài đã trồng một cây ôliu kỷ niệm, rồi viếng thăm vườn và ra trước ra lễ đài đơn sơ, với phần trao đổi diễn văn, trước sự hiện diện của một ca đoàn nữ sinh và nhiều quan khách khác.

Trong diễn văn nồng nhiệt trước tổng thống Israel, ĐTC bày tỏ lòng quí chuộng đối với thái độ và những nỗ lực của ông trong việc bệnh vực hòa bình. Ngài cũng nhắc đến tầm quan trọng của thành Jerusalem đối với 3 tôn giáo độc thần. Ngài cũng nói rằng: ”Các nơi thánh không phải là những viện bảo tàng hoặc dinh thự cho các du khách, nhưng là nơi mà các cộng đồng tín hữu sống đức tin, sống văn hóa của mình và thực thi những sáng kiến bác ái. Cần phải bảo tồn tính chất thánh thiêng của các nơi ấy, không phải chỉ bảo vệ gia sản quá khứ, nhưng cả những con người viếng thăm các nơi ấy nữa.

Và ĐTC mạnh mẽ khẳng định rằng: ”Về vấn đề này tôi lập lại mong ước làm sao để mọi người tránh những sáng kiến và những hành vi trái ngược với ý chí đã được bày tỏ để đạt tới một hiệp định thực sự và không ngừng quyết tâm theo đuổi hòa bình phù hợp với những điều tuyên bố. Cần quyết liệt loại bỏ tất cả những gì đi ngược sự theo đuổi hòa bình và sự sống chung trong niềm tôn trọng nhau giữa các tín hữu Do thái, Kitô, và Hồi giáo; việc sử dụng bạo lực và khủng bố, bất kỳ loại kỳ thị nào vì lý do chủng tộc hoặc tôn giáo, chủ trương áp đặt quan điểm của mình gây thiệt hại cho các quyền của người khác, chủ trương bài do thái dưới tất cả mọi hình thức, cũng như bạo lực hoặc những biểu thị bất bao dung chống lại con người và các nơi thờ phượng của Do thái, Kitô và Hồi giáo”.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến sự kiện tại quốc gia Israel có nhiều cộng đoàn Kitô sinh sống. Họ là thành phần trọn vẹn của xã hội và tham gia với đầy đủ danh nghĩa vào các sinh hoạt xã hội, chính trị và văn hóa. ”Các tín hữu Kitô mong muốn đóng góp cho công ích từ căn tính của mình, và xây dựng hòa bình, như những công dân với đầy đủ danh nghĩa, họ loại bỏ mọi thái độ cực đoan, và họ dấn thân thực thi hòa giải và hòa hợp. Sự hiện diện của họ và sự tôn trọng các quyền của họ là bảo đảm một sự đa nguyên lành mạnh và là bằng chứng về sức sinh động của các giá trị dân chủ, sự ăn rễ sâu của các giá trị nạn trong đời sống cụ thể của quốc gia”.

Giã từ tổng thống Shimon Peres của Israel, ĐTC Đến Trung Tâm Đức Bà của Tòa Thánh. Nhà này nguyên thủy do các cha Dòng Đức Bà lên trời người Pháp thành lập hồi năm 1884 trên khu đất rộng 4 ngàn mét vuông để làm nơi tiếp đón các tín hữu hành hương người Pháp đến Thánh Địa. Tại đây đó 144 phòng và 2 phòng hội lớn, một thính đường 500 chỗ.

Năm 1973, vì các cha dòng Đức Bà Lên Trời bán trung tâm này, nên Tòa Thánh đã thủ đắc và biến thành một trung tâm quốc tế. Đức Gioan Phaolô 2 đổi tên thành Trung Tâm Đức Bà ở Jerusalem. Và năm 2004, Ngài ủy thác cho các cha dòng Đạo Binh Chúa Kitô đảm trách.

Tại Trung Tâm, vào lúc gần 1 giờ rưa, ĐTC đã tiếp kiến riêng và hội kiến với thủ tướng Israel, Ông Netanyahu, trước khi dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng.
 
Đức Phanxicô và Đức Barthôlômêô tại buổi cầu nguyện đại kết
Vũ Văn An
19:30 26/05/2014
Trong một buổi cử hành đầy tính biểu tượng tại Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh vào Chúa Nhật vừa qua, Đức GH Phanxicô và Đức TP Barthôlômêô I nói tới quyết tâm chung của các ngài trong việc làm cho lời cầu nguyện hợp nhất của Chúa Kitô được đáp ứng.

Theo tin Zenit, trước buổi cử hành đại kết, hai vị đã ký một tuyên bố chung. Và chính trong buổi cử hành chung này, TP Barthôlômêô đã giảng lễ và sau đó, Đức Phanxicô đã có bài phát biểu đáp lễ. Sau đó, các vị đã tiến vào Mộ Thánh để tôn kính ngôi mộ trống, rồi bước lên Vương Cung Thánh Đường để chúc lành cho dân chúng. Sau đó, các vị tiếp tục lên Đồi Calvariô, với sự tháp tùng của hai thượng phụ Hy Lạp và Ácmêni cũng như vị Trông Coi Đất Thánh, để tôn kính nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết.

Các Vị Bản Quyền tại Đất Thánh, Tổng GM Mục Syria, Tổng GM Êtiôpia, Giám Mục Anh Giáo, Giám Mục Luthêrô, và nhiều vị khác cùng tham dự buổi cử hành. Cũng có sự hiện diện của năm vị tổng lãnh sự năm nước bảo đảm “nguyên trạng” của Vương Cung Thánh Đường là Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp, cũng như các vị lãnh sự của “Corpus separatum” dành cho Jerusalem là Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương Quốc Thống Nhất (Anh).

Theo tương truyền, Mộ Thánh là nơi chôn cất, nơi chịu đóng đinh và sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Sau việc dẹp tan cuộc nổi dậy của người Do Thái vào năm 135, Giêrusalem kinh qua một thay đổi căn để: người Do Thái, người Samaria và người Kitô hữu gốc Do Thái đều bị tống xuất và bị cấm hồi hương. Với ý định triệt hạ mọi vết tích tôn giáo từng khích động hai cuộc tạo loạn, Hadrian đã cho phá hủy mọi nơi thờ phượng, và Mộ Thánh cũng cùng chịu chung một số phận: nó bị san bằng và một đền thờ dâng kính nữ thần Venus-Ishtar được xây lên trên đó. Thời Công Đồng Chung Nixêa thứ nhất, giám mục Giêrusalem là Macarius, đã kêu mời Hoàng Đế Constantinô trùng tu lại Mộ Thánh mà kỳ diệu thay vẫn còn nguyên vẹn dưới đống gạch vụn. Vương Cung Thánh Đường Phục Sinh đã được xây tại đó theo yêu cầu của Hoàng Hậu Helena, mẹ Constantinô, và sau đó kinh qua một lịch sử đầy sóng gió của nhiều thế kỷ về sau. Viên đá che cửa mộ bị đập bể trong cuộc xâm lăng của người Ba Tư vào năm 614 và sau đó chịu nhiều thiệt hại hơn nữa cho tới năm 1099 khi các Thập Tự Quân quyết định bao gồm mọi đền đài dâng kính cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô vào một tòa nhà duy nhất; tòa nhà này vẫn còn nguyên vẹn cho tới tận cuối thế kỷ 19. Sau đó, nó bị nhiều hư hại do trận động đất năm 1927 và cuộc chiến tranh Ả Rập – Do Thái đầu tiên năm 1948.

Vương Cung Thánh Đường tiếp tục được quản trị theo “nguyên trạng” và là tài sản của ba cộng đồng: La Tinh (đại diện bởi Dòng Phanxicô), Chính Thống Hy Lạp và Chính Thống Ácmêni; các Giáo Hội Chính Thống Coptic, Syria và Êtiôpia có thể cử hành tại Vương Cung Thánh Đường. Tại phòng lớn ngay cửa ra vào, có Phiến Đá Xức Dầu, tương truyền là nơi Chúa Giêsu, khi được tháo từ trên thánh giá xuống, được xức dầu tại đó.

Đức GH Phanxicô và TP Barthôlômêô được tiếp đón bởi ba vị bề trên của ba cộng đồng “nguyên trạng” tức Chính Thống Hy Lạp, Dòng Phanxicô và Tông Truyền Ácmêni. TP Chính Thống Hy Lạp của Giêrusalem là Theophilos III và Vị Trông Coi Đất Thánh là Cha Pierbattista Pizzaballa, Dòng Phanxicô, và TP Tông Truyền Ácmêni là TGM Nourhan Manougian, tôn kính Phiến Đá Xức Dầu, tiếp theo đó là Đức GH và TP Đại Kết.

Theo hãng tin Catholic News Service, Đức Phanxicô và Đức Barthôlômêô tới công trường Nhà Thờ Mộ Thánh lúc gần 8 giờ tối ngày 25 tháng 5. Các vị tới từ hai phía đối nghịch và gặp nhau taị giữa công trường, nơi hai vị ôm hôn nhau trước khi bước vào Nhà Thờ.

Ở bên trong Nhà Thờ, các vị tham dự buổi cầu nguyện chung với đại diện của ba cộng đồng “nguyên trạng” là các cộng đồng cùng quản lý tòa nhà. Biến cố này hết sức ngoại thường vì ba cộng đồng thường giữ khoảng phân cách rất ngặt nghèo khi cầu nguyện trong nhà thờ. Cũng có nhiều đại diện các Giáo Hội khác tham dự buổi cử hành đại kết này.

Thoạt đầu buổi cầu nguyện, với các bài thánh ca và bài đọc bằng tiếng Hy Lạp và La Tinh, Đức GH và Đức TP qùy gối và cùng nhau cầu nguyện trước Phiến Đá Xức Dầu. Cả hai vị đều đọc một bài nói ngắn. Đức Barthôlômêô giảng lễ trước bằng tiếng Anh. Đức Phanxicô đọc diễn văn bằng tiếng Ý.

Sau đó, hai vị mới tiến vào chính Mộ Thánh. Các vị quỳ gối và hôn kính Mộ Thánh. Ra khỏi Mộ Thánh, các ngài leo lên Đồi Calvariô để thắp nến tại nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Hai vị đã dành cho nhau hơn một tiếng đồng hồ, gấp đôi thời gian đã dự định.

Điều ấy cũng dễ hiểu vì Tòa Thánh vốn nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ giữa Đức GH và TP Đại Kết là lý do chính của cuộc viếng thăm 3 ngày tại Đất Thánh của ngài. Hai nhà lãnh đạo dự trù gặp nhau tất cả bốn lần trong suốt chuyến viếng thăm. Huy hiệu chính thức của cuộc viếng thăm là con thuyền với hai Thánh Tông Đồ Anh Em là Phêrô và Anrê ôm nhau trên đó. Thánh Phêrô sáng lập ra Giáo Hội Rôma. Thánh Anrê sáng lập ra Giáo Hội Constantinople.

Hôm qua, 25 tháng 5, chúng tôi đã cho đăng Tuyên Bố Chung của hai vị. Hôm nay, xin đăng tải hai bài nói của hai vị tại Buổi Cầu Nguyện Chung.

Diễn văn của Đức Phanxicô tại buổi cầu nguyện chung với Thượng Phụ Barthôlômêô



Thưa Đức Thượng Phụ
Các hiền huynh giám mục
Anh chị em thân mến

Trong Vương Cung Thánh Đường này, vương cung thánh đường mà mọi Kitô hữu đều hết lòng tôn kính, cuộc hành hương của tôi với sự đồng hành của người anh em quí yêu trong Chúa Kitô là Đức Thượng Phụ Barthôlômêô, đã đạt tới đỉnh cao của nó. Chúng tôi thực hiện cuộc hành hương này theo vết chân các vị tiền nhiệm đáng kính của chúng tôi, là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras, những vị, với lòng can đảm và vâng phục Chúa Thánh Thần, 50 năm trước đây, đã làm thành khả hữu tại thành thánh Giêrusalem này, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Giám Mục Rôma và Thượng Phụ Constantinople. Tôi xin thân ái kính chào tất cả quí vị đang hiện diện nơi đây. Một cách đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tận đáy lòng tôi với những ai đã làm cho giây phút này thành khả hữu: Đức Cha Theophilos, người đã chào mừng chúng tôi một cách ân cần đến thế, Đức Cha Nourhan Manoogian và Cha Pierbattista Pizzaballa.

Thật là một ơn phúc ngoại thường được tụ họp ở đây để cầu nguyện. Ngôi mộ trống, ngôi mộ mới trong vườn nơi Giuse thành Arimatêa đã cung kính đặt xác Chúa Giêsu vào, là nơi từ đó lời công bố phục sinh đã bắt đầu: “Đừng sợ; tôi biết các bà đang kiếm Chúa Giêsu bị đóng đinh. Người không ở đây, vì Người đã sống lại, như chính Người đã nói. Hãy đến mà xem nơi Người đã nằm. Rồi hãy đi mau để nói cho các môn đệ Người hay ‘Người đã sống lại từ cõi chết’” (Mt 28:5-7). Lời công bố này, được xác nhận bởi chứng từ của những người được Chúa hiện ra, là tâm điểm của sứ điệp Kitô Giáo, được trung thành chuyển giao hết thế hệ này sang thế hệ nọ, như Tông Đồ Phaolô, ngay từ những ngày đầu, đã làm chứng: “Tôi chuyển giao cho anh em như một điều có tầm quan trọng hàng đầu điều mà chính tôi đã tiếp nhận: đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như Thánh Kinh đã nói, và Người đã được chôn cất và đã sống lại vào ngày thứ ba, đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cor 15:3-4). Đây là căn bản của đức tin vốn liên kết chúng ta, qua đó, chúng ta cùng nhau tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô, Con Một Chúa Cha và là Chúa duy nhất của chúng ta, “đã chịu nạn thời quan Phôngxiô Philatô, chịu đóng đinh, chịu chết và chịu táng xác; xuống ngục tổ tông; đến ngày thứ ba sống lại” (Kinh Tin Kính). Mỗi người chúng ta, mọi người đã được rửa tội trong Chúa Kitô, đều đã sống lại cách thiêng liêng từ ngôi mộ này, vì trong phép rửa, tất cả chúng ta thực sự đã trở thành chi thể của thân xác Đấng vốn Sinh Ra trước hết trong tạo dựng; chúng ta đã được mai táng cùng với Người, để cũng được trỗi dậy với Người và bước đi trong nét mới mẻ của sự sống (xem Rm 6:4).

Chúng ta hãy để mình tiếp nhận ơn thánh đặc biệt của giây phút này. Chúng ta im lặng cung kính trước ngôi mộ trống này để tái khám phá ra sự cao cả trong ơn gọi làm Kitô hữu của mình: chúng ta là những con người nam nữ của phục sinh, chứ không phải của chết chóc. Từ nơi này, chúng ta học cách biết sống cuộc sống của mình, các thử thách của các Giáo Hội chúng ta và của toàn thế giới, dưới ánh sáng buổi sáng Phục Sinh. Mọi thương tích, mọi vết thương đau đớn và sầu khổ của chúng ta, đã được đôi vai vị Mục Tử Nhân Lành gánh lấy, Đấng dã tự hiến dâng làm lễ hy sinh và nhờ đó đã mở đường cho ta vào sự sống đời đời. Các vết thương mở toang của Người là khe mở qua đó dòng suối xót thương của Người tuôn chẩy ra khắp thế giới. Chúng ta đừng tự để mình bị cướp đi căn bản hy vọng của mình! Chúng ta đừng làm cho thế giới mất hết sứ điệp hân hoan của phục sinh! Và ta đừng để mình ra điếc đối với lời kêu gọi mạnh mẽ phải hợp nhất, một lời kêu gọi đang vang lên từ chính nơi này, bằng chính lời lẽ của Đấng, khi sống lại từ cõi chết, từng gọi chúng ta là “anh em của Thầy” (xem Mt 28:10; Ga 20:17).

Rõ ràng chúng ta không thể chối bỏ các chia rẽ vẫn còn tiếp tục hiện hữu giữa chúng ta, các môn đệ của Chúa Giêsu: nơi thánh thiêng này làm chúng ta càng ý thức một cách đau đớn hơn nữa các chia rẽ ấy gây thảm kịch như thế nào. Ấy thế nhưng, 50 năm sau cái ôm hôn của hai bậc Cha đáng kính trên, chúng ta biết ơn và bỡ ngỡ hiểu ra cách, với ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, làm thế nào để có thể dấn những bước có ý nghĩa tiến tới hợp nhất. Chúng ta biết rằng vẫn còn cần phải đi thật xa nữa chúng ta mới đạt tới sự hiệp thông viên mãn, một sự hiệp thông cũng có thể được diễn tả qua việc chia sẻ cùng một bàn Thánh Thể, một điều chúng ta hết sức thèm muốn; ấy thế nhưng, các bất đồng của chúng ta không nên làm chúng ta khiếp đảm và làm các tiến bộ của chúng ta ra tê liệt. Chúng ta cần tin rằng, như viên đá trước mộ đã được lăn ra thế nào, thì mọi trở ngại cho việc hiệp thông trọn vẹn của chúng ta cũng sẽ bị loại bỏ như thế. Đây sẽ là một ơn phúc của phục sinh, một ơn mà ngay cả hôm nay chúng ta cũng có thể đã được nếm thử. Mỗi lần chúng ta xin tha thứ cho nhau vì tội lỗi chống lại các Kitô hữu khác và mỗi lần chúng ta tìm được can đảm để ban và để nhận sự tha thứ ấy, chúng ta đều cảm nhận được sự phục sinh! Mỗi lần chúng ta để lại sau lưng các thiên kiến lâu đời và tìm được can đảm để xây dựng các liên hệ anh em mới, ta đều tuyên xưng rằng Chúa Kitô quả đã sống lại! Mỗi lần chúng ta suy nghĩ về tương lai Giáo Hội dưới ánh sáng lời kêu gọi hợp nhất, hừng đông của Phục Sinh cũng đều bừng sáng! Ở đây, tôi xin nhắc lại niềm hy vọng từng đã được các vị tiền nhiệm của tôi phát biểu về cuộc đối thoại liên tục với mọi anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô, nhằm tìm ra phương thế để thi hành thừa tác vụ đặc biệt của Giám Mục Rôma, một thừa tác vụ, dù trung thành với sứ mệnh của ngài, vẫn có thể cởi mở đối với tình thế mới và, trong bối cảnh hiện nay, vẫn có thể là một việc phục vụ của tình yêu và của hiệp thông được mọi người thừa nhận (xem Gioan Phaolô II, Ut Unum Sint, 95-96).

Đứng tại các nơi thánh này như những người hành hương, trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta cũng nhớ tới toàn thể Trung Đông, thường xuyên và một cách đáng trách được đánh dấu bằng các hành vi bạo lực và tranh chấp. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho nhiều người nam nữ khác tại các phần khác nhau trên thế giới đang khốn khổ vì chiến tranh, nghèo nàn và đói khát, cũng như nhiều Kitô hữu đang bị bách hại vì đức tin vào Chúa phục sinh của họ. Khi Kitô hữu thuộc các tuyên tín khác nhau cùng chịu đau khổ với nhau, bên cạnh nhau, và giúp đỡ nhau bằng tình bác ái huynh đệ, ở đấy phát sinh ra đại kết đau khổ, một đại kết máu, chứng tỏ hết sức mạnh mẽ không những đối với các hoàn cảnh trong đó nó diễn ra, mà nhờ hiệp thông các thánh, còn đối với toàn thể Giáo Hội nữa.

Thưa Thượng Phụ, người anh em qúi yêu, thưa tất cả anh chị em, chúng ta hãy để qua một bên các nghi ngại chúng ta thùa hưởng từ quá khứ và hãy mở rộng cõi lòng ta cho hành động của Chúa Thánh Thần, Thần Khí của yêu thương (xem Rm 5:5) và của sự thật (xem Ga 16:13), để cùng nhau vội tiến về ngày diễm phúc khi sự hiệp thông trọn vẹn được tái lập. Khi thực hiện cuộc hành trình này, chúng ta cảm thấy được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện mà chính Chúa Giêsu, ngay tại thành phố này, trước ngày Người chịu thống khổ, chịu chết và phục sinh, đã dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ của Người. Lời cầu nguyện này là lời cầu nguyện mà chúng ta, trong khiêm tốn, không bao giờ mệt mỏi biến thành của riêng mình: “để chúng nên một… để thế giới tin” (Ga 17:21)

Bài giảng của Thượng Phụ Barthôlômêô trong buổi cầu nguyện chung



Thưa Đức Thánh Cha và là người anh em qúi yêu trong Chúa Kitô,
Thưa Đức Thượng Phụ của Thành Thánh Giêrusalem, và là người anh em và người đồng tế rất yêu thương trong Chúa,
Thưa quí Hồng Y, quí giám mục, và các đại diện rất đáng kính của các Giáo Hội và tuyên tín Kitô Giáo,
Anh chị em quí mến,

Quả thật kính sợ, xúc động và tôn kính khi chúng ta đứng trước “nơi Chúa nằm”, ngôi mộ ban sự sống mà từ đó sự sống đã trào dâng. Và chúng ta xin dâng vinh quang lên Thiên Chúa rất từ nhân, Đấng đã làm cho chúng ta, các tôi tớ bất xứng của Người, thành xứng đáng được hưởng ơn phúc trọng đại trở thành người hành hương tại nơi mà mầu nhiệm cứu rỗi thế giới đã diễn ra. “Nơi này kính sợ xiết bao! Đây không phải là gì khác mà chính là nhà Thiên Chúa, và đây là cổng thiên đàng” (St 28:17).

Chúng ta đã tới như những người đàn bà mang mộc dược, vào ngày thứ nhất trong tuần, “để thăm ngôi mộ” (Mt 28:1), và giống như họ, cả chúng ta nữa cũng nghe thấy lời khuyên của thiên thần “đừng sợ”. Hãy loại bỏ khỏi trái tim các bạn mọi sợ sệt; đừng do dự; đừng thất vọng. Ngôi mộ này tỏa ra các sứ điệp can đảm, hy vọng và sự sống.

Sứ điệp trước nhất và lớn nhất từ Ngôi Mộ trống này là sự chết, “kẻ thù cuối cùng” của chúng ta (xem 1Cor 15:26), nguồn gốc của mọi sợ sệt và thống khổ, đã bị đánh bại; nó không còn giữ được lời cuối cùng trong cuộc sống chúng ta. Nó đã bị vượt thắng bởi tình yêu, bởi Đấng đã tự ý chấp nhận cái chết vì người khác. Mọi cái chết vì tình yêu, vì một ai khác, đều biến thành sự sống, sự sống thực. “Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, nhờ cái chết đã đè bẹp cái chết, và với những người trong mồ Người đã ban cho sự sống”.

Như thế, đừng sợ sự chết; nhưng cũng đừng sợ sự dữ, bất kể nó mang hình thức nào trong đời sống chúng ta. Thánh Giá Chúa Kitô đã thu hết mọi mũi tên của sự dữ: hận thù, bạo lực, bất công, đau đớn, sỉ nhục, tất cả mọi sự người nghèo, người yếu thế, người bị áp bức, người bị bóc lột, người bị đẩy ra bên lề và người thất sủng trong thế giới chúng ta phải chịu. Tuy nhiên, hãy an tâm tin tưởng, tất cả các bạn đang bị hành khổ ở đời này, rằng, y hệt như trường hợp Chúa Kitô, Phục Sinh sẽ tới sau thánh giá; hận thù, bạo lực và bất công không có triển vọng; và tương lai thuộc về công lý, tình yêu và sự sống. Cho nên, các bạn nên cố gắng hướng tới đích nhắm này bằng mọi tài nguyên mà các bạn vốn có trong tình yêu, trong đức tin và trong nhẫn nại.

Dù sao, còn có một sứ điệp nữa phát sinh từ Ngôi Mộ đáng kính này mà chúng ta đang đứng ở phía trước vào lúc này. Sứ điệp này nói rằng lịch sử không thể nào bị thảo chương; lời tối hậu trong lịch sử không thuộc con người, mà thuộc Thiên Chúa. Những tên lính canh của quyền lực thế tục canh chừng Ngôi Mộ này cách vô ích. Chẳng ích chi khi họ đặt tảng đá lớn ở cửa Mộ mong cho không có ai lăn được nó. Vô ích thay các chiến lược dài hạn của những người quyền thế trên thế gian, mọi sự nhiên hậu đều tùy thuộc sự phán xét và thánh ý Thiên Chúa. Mọi cố gắng của nhân loại hiện thời nhằm tự mình lên khuôn tương lai của mình không cần tới Thiên Chúa đều chỉ tạo nên tính cao ngạo vô ích.

Sau cùng, Ngôi Mộ thánh thiêng này mời gọi chúng ta bỏ đi một nỗi sợ khác nữa, một nỗi sợ có lẽ thịnh hành nhất trong thời hiện đại của chúng ta: đó là nỗi sợ người khác, sợ người khác với mình, sợ người tin theo một đức tin khác, một tôn giáo khác hay một tuyên tín khác. Kỳ thị sắc tộc hay mọi hình thức kỳ thị khác vẫn còn đang phổ biến trong nhiều xã hội đương thời của chúng ta; tệ hơn nữa, chúng còn thẩm thấu vào đời sống tôn giáo của người ta nữa. Chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo vốn đang đe dọa nhiều vùng trên thế giới, nơi mà cả chính hồng phúc sự sống cũng bị hy sinh trên bàn thờ của hận thù tôn giáo. Đứng trước những điều kiện như thế, sứ điệp của Ngôi Mộ đem lại sự sống này quả là cấp thiết và rõ ràng: yêu người khác, cái người khác khác với bạn, những tín hữu của các niềm tin khác và các tuyên tín khác. Yêu họ như anh chị em bạn. Hận thù dẫn tới chết chóc, trong khi yêu thương “loại trừ sợ sệt” (1 Ga 4:18) và dẫn tới sự sống.

Thưa Đức Thánh Cha,
Anh chị em thân mến,

Năm mươi năm trước đây, hai nhà lãnh đạo Giáo Hội vĩ đại, là Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Cố Thượng Phụ Đại Kết Athenagoras, đã loại trừ sợ sệt; các ngài đã loại trừ khỏi chính các ngài niềm sợ hãi vốn thịnh hành cả một thiên niên kỷ, một nỗi sợ hãi đã cầm giữ hai Giáo Hội cổ xưa, là Giáo Hội Tây Phương và Giáo Hội Đông Phương, ở một khoảng phân cách nhau thật xa, đôi lúc còn đặt hai Giáo Hội này ở thế chống đối nhau nữa. Thay vào đó, khi đứng trước khoảng không gian thánh thiêng này, các ngài đã trao sợ sệt để đổi lấy yêu thương. Và thế là ở đây, chúng tôi với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, như những người kế nhiệm các ngài, đang theo vết chân các ngài và đang tôn kính sáng kiến lịch sử của các ngài. Chúng tôi đã trao đổi cho nhau cái ôm hôn của tình yêu, dù vẫn còn đang tiếp tục con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn với nhau trong yêu thương và chân lý (Eph. 4.15) ngõ hầu “thế gian tin” (Ga 17:21), không có đường nào khác dẫn tới sự sống ngoài đường yêu thương, hòa giải, hòa bình đích thực và trung thành với Sự Thật.

Đó là con đường mà mọi Kitô hữu đều được mời gọi bước theo trong các liên hệ của họ với nhau, bất kể họ thuộc Giáo Hội nào hay tuyên tín nào, nhờ thế, cung hiến được một điển hình cho mọi người khác trên thế giới. Con đường này có thể dài và gay go; thực thế, đối với một số người, đôi lúc xem ra nó là một ngõ cụt. Tuy nhiên, nó là con đường duy nhất dẫn tới việc thành tòan thánh ý Chúa rằng “[các môn đệ của Người] nên một” (Ga 17:21). Chính thánh ý Thiên Chúa này đã mở đường cho nhà lãnh đạo đức tin của chúng ta bước đi, đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại tại nơi thánh thiêng này. Vinh quang và quyền năng thuộc về Người, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn đời. Amen.

“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau; vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4:7).
 
Từng biểu tượng của ĐGH Phanxicô được chú ý
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
21:19 26/05/2014
Từng biểu tượng của ĐGH Phanxicô được chú ý

Vào sáng thứ hai, 26.5.2014 sự việc xảy ra tại thành phố cổ Giêrusalem cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô như trong một giấc mơ là được ôm chầm lấy người bạn đến từ Buenos Aires là thày Rabbi Do Thái Abraham Skorka ngay phía trước mặt của bức tường than khóc, đồng thời ĐGH cũng đưa tay phải đón nhận người bạn khác là vị giáo sĩ Hồi Giáo Omar Abboud đến từ Argentina, người tháp tùng ĐGH đến Đất Thánh. Một cử chỉ, một hình ảnh kết hợp tôn giáo trong sự tôn trọng lẫn nhau thay cho cả ngàn lời nói.

Gió thổi mạnh hất áo choàng trắng của ĐGH lên cao và phủ lên đầu của Ngài như là một biểu tượng được chở che từ trên trời cao. Ba tôn giáo lớn hội tụ ngay nơi Đất Thánh, đã từng là một nơi được xây dựng thành Đền Thờ Giêrusalem. Không còn gì hoàn hảo hơn về hình ảnh biểu tượng hiếm có này.

Tại bức tường than khóc của người Do Thái ĐGH Phanxicô đã cầm một phong thơ ghi lời cầu nguyện và nhét vào khe tường, như cách làm truyền thống của mỗi người Do Thái. Câu kinh trong Kinh Lạy Cha đã được ĐGH tự viết tay và bằng tiếng Tây Ban Nha, lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu. Cách thế cầu nguyện trước bức tường, ĐGH lúc trên đường đến Bethlehem hôm Chúa Nhật thì Ngài yêu cầu cho dừng xe Papamobile trước bức tường cao 8 mét ngăn cách giữa Do Thái và Palestina – điều này không được ghi trong nghị trình ngoại giao, trước dòng chữ Bethlehem Ngài đặt tay phải lên bức tường, áp đầu vào và thầm lặng cầu nguyện. Nhìn cử chỉ thuần túy tôn giáo này trong một hoàn cảnh xung đột phức tạp tại Trung Đông được mệnh danh là một bãi mìn nguy hiểm, thì ĐGH đã sử dụng viêc cầu nguyện cho sự hòa bình giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo một cách khôn khéo.

Tiến xa hơn sau đó, bằng một lời mời gọi chân thành ngay tại Bêlem - nơi Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ - làm cho hai nhà lãnh đạo Do Thái Tổng thống Shimon Peres và Tổng thống Palestina Mahmoud Abbas không thể nào từ chối ngoài việc ưng thuận ngay đến tham dự buổi cầu nguyện cho hòa bình với ĐGH Phanxicô tại Tòa Thánh Vatican được tổ chức vào tháng 6 năm nay. Một ý tưởng không ai dám nghĩ ra và dám làm trong hoàn cảnh luôn căng thẳng và bạo động tại vùng Trung Đông. ĐGH xác tín việc "cầu nguyện cho ơn bình an đến từ Thiên Chúa". Sự hiện diện của Tổng thống Peres và Tổng thống Abbas sẽ mang một biểu tượng rất tốt cho vùng Trung Đông.

Tại bức Tường Than Khóc Giêrusalem, ĐGH Phanxicô đã khiêm tốn ghi dòng chữ trong sổ vàng lưu niệm "Tôi đến để cầu nguyện và tôi xin Thiên Chúa ban ơn hòa bình". Đó là sứ mạng chính yếu của ĐGH đến vùng Trung Đông trong ba ngày ngắn ngủi.

Với sự chân thành ĐGH Phanxicô cố gắng làm toại nguyện những kỳ vọng ngoại giao của Do Thái lẫn Palestina, nhất là từ phía tổng thống Shimon Peres và Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Việc đặt vòng hoa từ tay ĐGH Phanxicô nơi lăng mộ ông Theodor Herzl, một nhà khởi xướng thành lập quốc gia Do Thái qua Phong trào Sion từ năm 1897 được đánh giá cao trong cuộc viếng thăm Do Thái vì đây là vị Giáo Hoàng đầu tiên thực hiện việc này.

Từ chỗ lăng mộ ông Theodor Herzl không xa, theo ghi nhận của giới ngoại giao thì ĐGH Phanxicô muốn đền bù lại việc đặt tay cầu nguyện tại bức tường Bethlehem hôm Chúa Nhật, Ngài dừng lại nơi bia tưởng niệm của các nạn nhân đã chết vì sự khủng bố Palestina, chỗ này Ngài cũng đặt tay cầu nguyện. Đến đây không phải là ý tưởng của ĐGH, nhưng là điều mong muốn của thủ tướng Netanyahu, ông cho đó là một cử chỉ liên đới đáp lại điều mà ĐGH đã làm ở Bethlehem.

Sau đó tại dinh tổng thống, ĐGH Phanxicô cùng với Tổng thống Shimon Peres trồng cây Ôliu ngoài vườn, một biểu tượng chung tay xây dựng hòa bình, như trước đây ĐGH Bênêđictô XVI đã từng làm vào tháng 5.2009.

Tổng thống Do Thái Shimon Peres nói rằng ông hy vọng rất nhiều từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô: "Tôi tin rằng chuyến thăm và kêu gọi hòa bình (của ĐGH) sẽ tìm thấy được một tiếng vang trong khu vực và giúp làm sống lại các nỗ lực cho tiến trình hòa bình giữa chúng tôi và người Palestina".

Tổng thống Palestina Mahmoud Abbas cảm ơn người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo cho những nỗ lực kêu gọi hòa bình, ông nói: "Tôi gửi một thông điệp tới nước láng giềng Israel của chúng tôi, một thông điệp hòa bình: Chúng ta hãy thiết lập hòa bình".

Nếu được như thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chứng minh trong chuyến Tông Du của Ngài tới Israel và phần đất của Palestina một cảm giác không thể nhầm lẫn của biểu tượng mang đầy ý nghĩa đã được thực hiện. Ngay cả lòng tốt chân thành của mình về kiến tạo hòa bình Ngài cũng muốn cho cả hai bên nhận ra cả về tôn giáo lẫn chính trị.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
 
Top Stories
Pope Francis to Muslims: we must confront common challenges
Vatican Radio
16:11 26/05/2014
2014-05-26 Vatican - Meeting on Monday morning with the Grand Mufti of Jerusalem, Muhammed Hussein, Pope Francis pointed to the fraternal dialogue and exchange between Christians and Muslims which, he said "offers new strength to confront the common challenges before us".

Please find below the full text of the Pope's discourse:

Address of His Holiness Pope Francis
Visit to the Grand Mufti of Jerusalem
Jerusalem, 26 May 2014

Your Excellency,
Dear Muslim Faithful, Dear Friends,

I am grateful for the opportunity to meet with you in this sacred place. I thank you for the courteous invitation you have extended to me and, in particular, I wish to thank the Grand Mufti and the President of the Supreme Muslim Council.
Following in the footsteps of my predecessors, and in particular the historic visit of Pope Paul VI fifty years ago, the first visit of a Pope to the Holy Land, I have greatly desired to come as a pilgrim to the places which witnessed the earthly presence of Jesus Christ. But my pilgrimage would not be complete if it did not also include a meeting with the people and the communities who live in this Land. I am particularly happy, therefore, to be with you, dear Muslim faithful, brothers.

At this moment I think of Abraham, who lived as a pilgrim in these lands. Muslims, Christians and Jews see in him, albeit in different ways, a father in faith and a great example to be imitated. He became a pilgrim, leaving his own people and his own house in order to embark on that spiritual adventure to which God called him.

A pilgrim is a person who makes himself poor and sets forth on a journey. Pilgrims set out intently toward a great and longed-for destination, and they live in the hope of a promise received (cf. Heb 11:8-19). This was how Abraham lived, and this should be our spiritual attitude. We can never think ourselves self-sufficient, masters of our own lives. We cannot be content with remaining withdrawn, secure in our convictions. Before the mystery of God we are all poor. We realize that we must constantly be prepared to go out from ourselves, docile to God’s call and open to the future that he wishes to create for us.

In our earthly pilgrimage we are not alone. We cross paths with other faithful; at times we share with them a stretch of the road and at other times we experience with them a moment of rest which refreshes us. Such is our meeting today, for which I am particularly grateful. It is a welcome and shared moment of rest, made possible by your hospitality, on the pilgrimage of our life and that of our communities. We are experiencing a fraternal dialogue and exchange which are able to restore us and offer us new strength to confront the common challenges before us.

Nor can we forget that the pilgrimage of Abraham was also a summons to righteousness: God wanted him to witness his way of acting and to imitate him. We too wish to witness to God’s working in the world, and so, precisely in this meeting, we hear deep within us his summons to work for peace and justice, to implore these gifts in prayer and to learn from on high mercy, magnanimity and compassion.

Dear brothers, dear friends, from this holy place I make a heartfelt plea to all people and to all communities who look to Abraham: may we respect and love one another as brothers and sisters! May we learn to understand the sufferings of others! May no one abuse the name of God through violence! May we work together for justice and peace! Salaam!
 
Pope to Rabbis: together we can contribute to the cause of peace
Vatican Radio
16:12 26/05/2014
2014-05-26 Vatican - Pope Francis on Monday told the two Chief Rabbis of Israel that Christians and Jews together "can make a great contribution to the cause of peace and firmly oppose every form of anti-Semitism and all other forms of discrimination".

During his meeting with leaders of the Chief Rabbinate of Israel which consists of two Chief Rabbis - the Ashkenazi rabbi, David Lau, and the Sephardi rabbi, Shlomo Amar - the Pope reflected on the significance of the Jewish roots the Christian faith and on the spiritual bonds that unite Jews and Christians, and he called for a common committment to work together for peace and understanding "in a rapidly changing world".

Please find below the full text of the Pope's discourse:

Address of His Holiness Pope Francis
To the Two Chief Rabbis of Israel Jerusalem, 26 May 2014

Distinguished Chief Rabbis of Israel,

I am particularly pleased to be here with you today. I am grateful for your warm reception and your kind words of welcome.
As you know, from the time I was Archbishop of Buenos Aires, I have counted many Jews among my friends. Together we organized rewarding occasions of encounter and dialogue; with them I also experienced significant moments of sharing on a spiritual level. In the first months of my pontificate, I was able to receive various organizations and representatives from the Jewish community worldwide. As was the case with my predecessors, there have been many requests for such meetings. Together with the numerous initiatives taking place on national and local levels, these testify to our mutual desire to know one another better, to listen to each other and to build bonds of true fraternity.

This journey of friendship represents one of the fruits of the Second Vatican Council, and particularly of the Declaration Nostra Aetate, which proved so influential and whose fiftieth anniversary we will celebrate next year. I am convinced that the progress which has been made in recent decades in the relationship between Jews and Catholics has been a genuine gift of God, one of those great works for which we are called to bless his holy name: “Give thanks to the Lord of lords, for his love endures forever; who alone has wrought marvellous works, for his love endures forever” (Ps 135/136:3-4).

A gift of God, yes, but one which would not have come about without the efforts of so many courageous and generous people, Jews and Christians alike. Here I would like to mention in particular the growing importance of the dialogue between the Chief Rabbinate of Israel and the Holy See’s Commission for Religious Relations with the Jews. Inspired by the visit of Pope John Paul II to the Holy Land, this dialogue was inaugurated in 2002 and is already in its twelfth year. I would like to think that, in terms of the Jewish tradition of the Bar Mitzvah, it is just coming of age. I am confident that it will continue and have a bright future in years to come.

We need to do more than simply establish reciprocal and respectful relations on a human level: we are also called, as Christians and Jews, to reflect deeply on the spiritual significance of the bond existing between us. It is a bond whose origins are from on high, one which transcends our own plans and projects, and one which remains intact despite all the difficulties which, sadly, have marked our relationship in the past.

On the part of Catholics, there is a clear intention to reflect deeply on the significance of the Jewish roots of our own faith. I trust that, with your help, on the part of Jews too, there will be a continued and even growing interest in knowledge of Christianity, also in this holy land to which Christians trace their origins. This is especially to be hoped for among young people.

Mutual understanding of our spiritual heritage, appreciation for what we have in common and respect in matters on which we disagree: all these can help to guide us to a closer relationship, an intention which we put in God’s hands. Together, we can make a great contribution to the cause of peace; together, we can bear witness, in this rapidly changing world, to the perennial importance of the divine plan of creation; together, we can firmly oppose every form of anti-Semitism and all other forms of discrimination. May the Lord help us to walk with confidence and strength in his ways. Shalom!
 
Pope Francis at the Western Wall
ViS
16:13 26/05/2014
Vatican City, 25 May 2014 (VIS) – At 8 a.m. the Pope transferred from Temple Mount to the Western Wall, or “Wailing Wall”. Fifteen metres high, this wall is a place of worship for the Jews for historical and religious reasons, and is linked to numerous traditions such as that of leaving prayers written on small pieces of paper between the blocks of the wall. Francis was received by the Chief Rabbi, who accompanied him to the wall. The Pope prayed in silence before the wall and, like his predecessors, left a piece of paper on which he had written the Lord's Prayer; he said, “I have written it in Spanish because it is the language I learned from my mother”.

He then proceeded to Monte Herzl where, in accordance with protocol on official visits and assisted by a Christian boy and girl, he left a wreath of flowers in the Israel national cemetery at the tomb of Theodore Herzl, founder of the Zionist movement. The Holy Father also strayed slightly from his itinerary to pray at a tomb for the victims of terrorism in Israel.

He then travelled by car to the Yad Vashem Memorial, a monument built in 1953 by the State of Israel to commemorate the six million Jewish victims of the Holocaust. Along with the president and director of the Centre, the Pope walked around the perimeter of the Mausoleum before entering the Remembrance Hall, where he was awaited by the president, the prime minister, and the Rabbi president of the Council of Yad Vashem. Inside the Hall there is a monument with an eternal flame positioned in front of the crypt, which contains several urns with the ashes of victims of various concentration camps. The Pope lit the flame, placed a yellow and white floral wreath in the Mausoleum and, before his address, read from the Old Testament. He then spoke briefly about strength and the pain of man's inhuman evil and on the “structures of sin” that oppose the dignity of the human person, created in the image and semblance of God.

“'Adam, where are you?'. Where are you, o man? What have you come to? In this place, this memorial of the Shoah, we hear God’s question echo once more: 'Adam, where are you?' This question is charged with all the sorrow of a Father who has lost his child. The Father knew the risk of freedom; he knew that his children could be lost… yet perhaps not even the Father could imagine so great a fall, so profound an abyss! Here, before the boundless tragedy of the Holocaust, that cry – “Where are you?” – echoes like a faint voice in an unfathomable abyss…

“Adam, who are you? I no longer recognise you. Who are you, o man? What have you become? Of what horror have you been capable? What made you fall to such depths? Certainly it is not the dust of the earth from which you were made. The dust of the earth is something good, the work of my hands. Certainly it is not the breath of life which I breathed into you. That breath comes from me, and it is something good.

“No, this abyss is not merely the work of your own hands, your own heart… Who corrupted you? Who disfigured you? Who led you to presume that you are the master of good and evil? Who convinced you that you were god? Not only did you torture and kill your brothers and sisters, but you sacrificed them to yourself, because you made yourself a god.

“Today, in this place, we hear once more the voice of God: “Adam, where are you?”

“From the ground there rises up a soft cry: 'Have mercy on us, O Lord!' To you, O Lord our God, belongs righteousness; but to us confusion of face and shame.

“A great evil has befallen us, such as never happened under the heavens. Now, Lord, hear our prayer, hear our plea, save us in your mercy. Save us from this horror.

“Almighty Lord, a soul in anguish cries out to you. Hear, Lord, and have mercy! We have sinned against you. You reign for ever. Remember us in your mercy. Grant us the grace to be ashamed of what we men have done, to be ashamed of this massive idolatry, of having despised and destroyed our own flesh which you formed from the earth, to which you gave life with your own breath of life. Never again, Lord, never again!

“'Adam, where are you?' Here we are, Lord, shamed by what man, created in your own image and likeness, was capable of doing. Remember us in your mercy”.

The Holy Father concluded his visit by speaking with some Holocaust survivors and signed the Yad Vashem Book of Honour, where he wrote: “With shame for what man, created in the image and likeness of God, was able to do. With shame that man become the patron of evil; with the shame for what man, believing himself to be god, sacrificed his brothers to himself. Never again! Never again!"

He bid farewell to the chorus and the authorities who had greeted him upon arrival, and left by car for the Heichal Shlomo Centre.
 
Pope Francis: discourse to priests, religious, seminarians in Holy Land
ViS
16:15 26/05/2014
2014-05-26 Vatican - Pope Francis met with the priests, religious men and women, and seminarians of the Holy Land on Monday afternoon, in the church of Gethsemane, which is built around a slab of bedrock on which tradition says that Our Lord knelt and prayed in the Garden of Gethsemane before He was arrested. Below, please find the full English text of the Holy Father's remarks.

Address of His Holiness Pope Francis

Meeting with Priests, Religious and Seminarians
Church of the Nations, Garden of Gethsemane

Jerusalem, 26 May 2014

“He came out and went… to the Mount of Olives; and the disciples followed him” (Lk 22:39).

At the hour which God had appointed to save humanity from its enslavement to sin, Jesus came here, to Gethsemane, to the foot of the Mount of Olives. We now find ourselves in this holy place, a place sanctified by the prayer of Jesus, by his agony, by his sweating of blood, and above all by his “yes” to the loving will of the Father. We dread in some sense to approach what Jesus went through at that hour; we tread softly as we enter that inner space where the destiny of the world was decided.

In that hour, Jesus felt the need to pray and to have with him his disciples, his friends, those who had followed him and shared most closely in his mission. But here, at Gethsemane, following him became difficult and uncertain; they were overcome by doubt, weariness and fright. As the events of Jesus’ passion rapidly unfolded, the disciples would adopt different attitudes before the Master: attitudes of closeness, distance, hesitation.

Here, in this place, each of us – bishops, priests, consecrated persons, and seminarians – might do well to ask: Who am I, before the sufferings of my Lord?

Am I among those who, when Jesus asks them to keep watch with him, fall asleep instead, and rather than praying, seek to escape, refusing to face reality?

Or do I see myself in those who fled out of fear, who abandoned the Master at the most tragic hour in his earthly life?

Is there perhaps duplicity in me, like that of the one who sold our Lord for thirty pieces of silver, who was once called Jesus’ “friend”, and yet ended up by betraying him?

Do I see myself in those who drew back and denied him, like Peter? Shortly before, he had promised Jesus that he would follow him even unto death (cf. Lk 22:33); but then, put to the test and assailed by fear, he swore he did not know him.

Am I like those who began planning to go about their lives without him, like the two disciples on the road to Emmaus, foolish and slow of heart to believe the words of the prophets (cf. Lk 24:25)?

Or, thanks be to God, do I find myself among those who remained faithful to the end, like the Virgin Mary and the Apostle John? On Golgotha, when everything seemed bleak and all hope seemed pointless, only love proved stronger than death. The love of the Mother and the beloved disciple made them stay at the foot of the Cross, sharing in the pain of Jesus, to the very end.

Do I recognize myself in those who imitated their Master to the point of martyrdom, testifying that he was everything to them, the incomparable strength sustaining their mission and the ultimate horizon of their lives?

Jesus’ friendship with us, his faithfulness and his mercy, are a priceless gift which encourages us to follow him trustingly, notwithstanding our failures, our mistakes, also our betrayals.

But the Lord’s goodness does not dispense us from the need for vigilance before the Tempter, before sin, before the evil and the betrayal which can enter even into the religious and priestly life. We are all exposed to sin, to evil, to betrayal. We are fully conscious of the disproportion between the grandeur of God’s call and of own littleness, between the sublimity of the mission and the reality of our human weakness. Yet the Lord in his great goodness and his infinite mercy always takes us by the hand lest we drown in the sea of our fears and anxieties. He is ever at our side, he never abandons us. And so, let us not be overwhelmed by fear or disheartened, but with courage and confidence let us press forward in our journey and in our mission.

You, dear brothers and sisters, are called to follow the Lord with joy in this holy land! It is a gift and also a responsibility. Your presence here is extremely important; the whole Church is grateful to you and she sustains you by her prayers. From this holy place, I wish to extend my heartfelt greetings to all Christians in Jerusalem: I would like to assure them that I remember them affectionately and that I pray for them, being well aware of the difficulties they experience in this city. I urge them to be courageous witnesses of the passion of the Lord but also of his resurrection, with joy and hope.

Let us imitate the Virgin Mary and Saint John, and stand by all those crosses where Jesus continues to be crucified. This is how the Lord calls us to follow him: this is the path, there is no other!

“Whoever serves me must follow me, and where I am, there will my servant be also” (Jn 12:26).
 
Pope Francis: homily in the Upper Room
Vatican Radio
16:17 26/05/2014
2014-05-26 Vatican - Pope Francis celebrated Mass in the Upper Room - the cenacle - in Jerusalem on Monday afternoon, on the final day of the three-day pilgrimage to the Holy Land. Below, please find the full text of the Holy Father's homily.

Address of His Holiness Pope Francis
Meeting with Ordinaries of the Holy Land
Upper Room, Jerusalem, 26 May 2014

Dear Brothers,

It is a great gift that the Lord has given us by bringing us together here in the Upper Room for the celebration of the Eucharist. Here, where Jesus shared the Last Supper with the apostles; where, after his resurrection, he appeared in their midst; where the Holy Spirit descended with power upon Mary and the disciples. Here the Church was born, and was born to go forth. From here she set out, with the broken bread in her hands, the wounds of Christ before her eyes, and the Spirit of love in her heart.

In the Upper Room, the risen Jesus, sent by the Father, bestowed upon the apostles his own Spirit and with this power he sent them forth to renew the face of the earth (cf. Ps 104:30).

To go forth, to set out, does not mean to forget. The Church, in her going forth, preserves the memory of what took place here; the Spirit, the Paraclete, reminds her of every word and every action, and reveals their true meaning.

The Upper Room speaks to us of service, of Jesus giving the disciples an example by washing their feet. Washing one another’s feet signifies welcoming, accepting, loving and serving one another. It means serving the poor, the sick and the outcast.

The Upper Room reminds us, through the Eucharist, of sacrifice. In every Eucharistic celebration Jesus offers himself for us to the Father, so that we too can be united with him, offering to God our lives, our work, our joys and our sorrows… offering everything as a spiritual sacrifice.

The Upper Room reminds us of friendship. “No longer do I call you servants – Jesus said to the Twelve – but I have called you friends” (Jn 15:15). The Lord makes us his friends, he reveals God’s will to us and he gives us his very self. This is the most beautiful part of being a Christian and, especially, of being a priest: becoming a friend of the Lord Jesus.

The Upper Room reminds us of the Teacher’s farewell and his promise to return to his friends: “When I go… I will come again and will take you to myself, that where I am you may be also” (Jn 14:3). Jesus does not leave us, nor does he ever abandon us; he precedes us to the house of the Father, where he desires to bring us as well.

The Upper Room, however, also reminds us of pettiness, of curiosity – “Who is the traitor?” – and of betrayal. We ourselves, and not just others, can reawaken those attitudes whenever we look at our brother or sister with contempt, whenever we judge them, whenever by our sins we betray Jesus.

The Upper Room reminds us of sharing, fraternity, harmony and peace among ourselves. How much love and goodness has flowed from the Upper Room! How much charity has gone forth from here, like a river from its source, beginning as a stream and then expanding and becoming a great torrent. All the saints drew from this source; and hence the great river of the Church’s holiness continues to flow: from the Heart of Christ, from the Eucharist and from the Holy Spirit.

Lastly, the Upper Room reminds us of the birth of the new family, the Church, established by the risen Jesus; a family that has a Mother, the Virgin Mary. Christian families belong to this great family, and in it they find the light and strength to press on and be renewed, amid the challenges and difficulties of life. All God’s children, of every people and language, are invited and called to be part of this great family, as brothers and sisters and sons and daughters of the one Father in heaven.

These horizons are opened up by the Upper Room, the horizons of the Risen Lord and his Church.

From here the Church goes forth, impelled by the life-giving breath of the Spirit. Gathered in prayer with the Mother of Jesus, the Church lives in constant expectation of a renewed outpouring of the Holy Spirit. Send forth your Spirit, Lord, and renew the face of the earth (cf. Ps 104:30)!
 
Pope Francis: his legacy of ecumenical and interfaith hope in the Holy Land
Vatican Radio
16:17 26/05/2014
2014-05-26 Vatican - As the three day Apostolic journey of Pope Francis to the Holy Land which took him to Jordan, Palestine and Israel comes to an end Philippa Hitchen brings us an overall picture of this visit in which she focuses on ecumenical and interfaith hope.

The stated reason for Pope Francis’ visit to Jordan, Israel and Palestine was to commemorate the 50th anniversary of Pope Paul VI’s pilgrimage to the region and his revolutionary gesture of reconciliation with the leader of the Orthodox world, Ecumenical Patriarch Athenagoras of Constantinople. And the meeting in the Church of the Holy Sepulchre of the current successors of St Peter and St Andrew, their signing of a joint statement, their warm embrace and their shared prayers with leaders of all the other Christian churches are an encouraging sign that, maybe, ecumenical dreamers like me are actually on the right track. No-one’s talking here about Christian unity overnight, and maybe not even in my lifetime. But seeing these age-old enemies forging new friendships and worshipping together at the place where the Church began will, I’m sure, sow many seeds of progress for the years to come.

But wasn’t all that ecumenical stuff somewhat overshadowed by the stunning political twists and turns that have made news headlines over the last 3 days? Won’t this journey be remembered more for the Pope’s unscheduled stop at the grim, graffiti-covered separation barrier en route to Bethlehem for Mass in Manger Square? Or his surprise invitation to the Palestinian and Israeli presidents to come to his “home in the Vatican” to pray for peace in the region? Or even his off-the-cuff remarks in Amman, close to the banks of the River Jordan, where he appealed for a conversion of hearts of those “criminals” who make and sell weapons that continue to fuel conflicts in Syria and Iraq?

Not at all, says Kurt Koch, the cardinal who heads the Vatican’s Council for Christian Unity and its Commission for Religious Relations with Jews. The pope has brought with him to Jerusalem a courageous vision of peace which is indeed centred on reconciliation with the Orthodox world. But the achievement of that unity, the cardinal continues, especially the unity we seek around the table of the Lord, is intimately connected with the broader interreligious context. Since reconciliation is the message of the Eucharist at the heart of our Christian faith, it logically follows that this has a knock-on effect into the realm of politics as well.

I firmly believe the master stroke ahead of this trip was Pope Francis’ idea of bringing his friends from Argentina, Jewish Rabbi Abraham Skorka and Muslim Professor Omar Abboud with him to better understand the complex political and religious problems the region. And as the papal plane takes off again this evening, the lasting image I’m taking away from Jerusalem is the sight of the pope and his two friends with tears in their eyes, arms clutched around each other’s shoulders, daring to hope that peace really is possible, even in this troubled Holy Land.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Mẹ La Vang Thánh du thăm viếng Giáo xứ St Margaret Mary Brunswick
VietCatholic Network
14:19 26/05/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Yêu Thầy thì nắm giữ Lời Thầy

Yêu là một từ ngữ được xử dụng nhiều nhất, nhưng lại là một từ ngữ mang nhiều ý nghĩa và khía cạnh khác nhau. Người ta hiểu từ ngữ này theo nhiều cách khác nhau: Có người hiểu yêu là những quan hệ thân lý. Có người hiểu yêu là chiếm hữu, là quản lý chặt chẽ… Có người hiểu yêu thuộc lĩnh vực cảm tính hay linh cảm... Khi truyền cho ta yêu thương, Đức Giêsu đã đưa ra một khuôn mẫu là: yêu như Thầy đã yêu.

Yêu ai thì giữ lời người ấy và làm đẹp lòng người ấy.

Là Kitô hữu nếu chúng ta yêu Chúa, thì không có gì minh chứng tình yêu ấy bằng cách tuân giữ những lời Chúa truyền dậy.

Chúa Giêsu có lần đã nói với các môn đệ Ngài: “Người ta sẽ cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau” (Gioan 13:35). Hôm nay, Chúa lại chỉ cho các môn đệ biết rõ hơn về sự liên kết mật thiết với Ngài như thế nào, khi Ngài bảo họ: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy” (Gioan 14:15). Yêu thương là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Giữ lời Chúa dậy được coi là dấu chỉ của người môn đệ chân chính. Vì nếu không tuân giữ lời Thầy, làm sao gọi là yêu mến Thầy. Và một khi đã yêu mến Thầy, tuân giữ lời Thầy, tất nhiên phải thương yêu lẫn nhau, vì Thầy đã dậy là phải thương yêu nhau.

Chúng ta yêu Chúa thì có và thích yêu Chúa, nhưng thực hành điều kiện tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi là vâng giữ lời Chúa, thì chúng ta nhiều khi không muốn, hoặc không thực thi được đầy đủ!

Giữ lời Thầy như người Samaritanô cứu chữa kẻ bị cướp chấn lột dọc đường. Như bà góa dâng cúng chỉ một xu, nhưng là tất cả sức sống và sự sống của bà cho tình yêu mến Chúa. Hoặc như Giakêu sẵn sàng hối lỗi, đền trả, và mở rộng cõi lòng với người nghèo túng. Đấy là những thí dụ thực tế cho những ai muốn “giữ lời Thầy”, và những ai muốn chứng minh rằng mình “yêu Thầy”.

Yêu mến Chúa, giữ lời Chúa. Người Kitô hữu để thực hiện lời này, cũng cần “phải được khởi hứng do lòng sốt mến thánh thiện của Đức Kitô”. Phải dấn thân vào những góc cạnh của đời sống để minh chứng tình yêu bằng những hành động thiết thực. Ngoài những việc làm cụ thể ấy, chúng ta rất khó để chứng minh với Chúa Giêsu rằng, chúng ta thật sự yêu mến Ngài và yêu mến lời Ngài. Không ai đã thực thi được những điều trên cách trọn hảo cho bằng Đức Maria. Hôm nay Đức Mẹ thánh du Lavang tới thăm giáo xứ… Đây là một trong 6 tượng Mẹ Lavang mà Tôi tớ Chúa Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã đặt và xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ban phép lành rồi tặng cho các cộng đoàn VN khắp năm châu…

Đức Mẹ La Vang là tên gọi mà giáo dân Công Giáo Việt Nam đề cập đến sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra trong một thời kỳ mà đạo Công Giáo bị bắt bớ tại Việt Nam. La Vang ngày nay là một thánh địa và là nơi hành hương quan trọng của người Công Giáo Việt Nam, nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế. Các tín hữu tin rằng, Đức Mẹ Maria hiển linh ở khu vực này vào năm 1798. Một nhà thờ đã được xây dựng gần ba cây đa, nơi họ tin là Đức Mẹ đã hiện ra và được Tòa Thánh tôn phong là Tiểu Vương Cung Thánh đường La Vang từ năm 1961.

Theo một thuyết, dưới thời vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn có chính sách chống đạo Công Giáo. Cho nên để tránh sự trừng phạt của nhà Tây Sơn, nhiều giáo dân ở vùng Quảng Trị đã chạy lên vùng đất này. Đây là khu vực đồi núi hẻo lánh nên để liên lạc với nhau được thì họ phải "la" lớn, mà "la" lớn thì "vang". Cái tên La Vang ra đời.

Một giả thuyết tương tự về tiếng "la vang" đã từ đặc tính của âm thanh chuyển thành danh từ riêng, nói rằng nơi chốn rừng rú này xưa kia có nhiều cọp beo hại người. Do đó, những người đi rừng nếu ở lại đêm thì thường chia nhau thức canh, thấy động thì "la vang" lên để mọi người đến tiếp cứu.[2]

Một cách giải thích khác là khi giáo dân chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh, lúc bấy giờ Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ dẫn cho họ đi tìm một loại lá gọi là lá vằng – uống vào sẽ chữa khỏi bệnh. Viết "lá vằng" không dấu thành La Vang.

Đức Mẹ hiển linh

Theo Tư liệu Tòa Tổng Giám mục Huế - 1998, dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.

Một hôm đang khi cùng nhau lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay là Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.

Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.

Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi, và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Đức Mẹ. Đức Mẹ La Vang thường được biểu tượng bằng một phụ nữ mặc áo dài Việt Nam bế con cũng mặc trang phục truyền thống Việt Nam.

Nhà thờ La Vang

Lịch sử Đức Mẹ hiện ra và lập nhà thờ không rõ ràng vì đã quá lâu và không được biên chép từ thời đó, hầu hết chỉ có lời truyền khẩu và nhiều giả thuyết khác nhau. Có giả thuyết là nhà thờ La Vang vốn được xây trên nền của một mái chùa Phật giáo hoặc là một miếu thờ Bà (có thể là Phật Bà Quan Âm hoặc bà chúa Liễu Hạnh) cho người đi rừng, nguyên là một mái nhà tranh dưới gốc cây đa và rào sơ bốn mặt, sau biến cố Mẹ Maria hiện ra năm 1789 được nhường cho giáo dân để xây một nơi tôn kính Mẹ Maria. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng La Vang trước đó chỉ là một vùng hoang vắng, vùng rừng núi hẻo lánh.

Theo Giám mục Hồ Ngọc Cẩn kể lại lời truyền khẩu là năm 1885 nhà thờ bị đốt, và một nhóm giáo dân La Vang dựng lại nhà thờ Đức Mẹ trên nền cũ [7]. Linh mục quản hạt Quảng Trị Patinier Kinh trong báo cáo năm 1894 có viết: "Năm 1885 ngôi nhà thờ ở đây cũng như những nhà thờ khác trong hạt, không thoát khỏi thảm họa... Khi hòa bình vừa vãn hồi, con đã cấp tốc dựng lại ngôi nhà thờ nhỏ bé, tạm bợ để chờ nguồn kinh phí cũng như để chờ cho tình hình bớt nhiễu nhương" [6]. Năm 1886 (có bản ghi là năm 1894), Giám mục Caspar (Lộc) cho xây lại nơi đây đền thờ bằng ngói, vì xây trên một vùng núi vận chuyển vật liệu khó khăn nên 15 năm mới hoàn thành. Năm 1901, đại hội La Vang đầu tiên được tổ chức vào ngày 08 tháng 08 để mừng khánh thành nhà thờ.[3]

Năm 1924, nhận thấy ngôi nhà thờ ngói quá chật hẹp, lại đã xuống cấp cho nên một đền thánh La Vang theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier được dựng lên thay thế và được khánh thành vào ngày 20 tháng 08 năm 1928, nhân dịp Đại hội La Vang 9. Thánh đường này được trùng tu năm 1959. Trong phiên họp ngày 13 tháng 04 năm 1961, Hội Đồng Giám mục Việt Nam (Miền Nam) đã đồng thanh quyết định La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc. Trong chiến cuộc Mùa Hè 1972, bom đạn đã làm sập đổ hoàn toàn Vương Cung Thánh Đường, chỉ còn lại di tích tháp chuông loang lở. Từ năm 1995, tháp chuông và những công trình liên hệ như Nhà nguyện Đức Mẹ (một mái nhà tôn sau tháp cổ), Nhà nguyện Thánh Thể (xây từ năm 2002), Công trường Mân Côi, Lễ đài, Nhà hành hương (xây từ năm 2004), 3 cây đa (nơi Đức Mẹ hiện ra)... được tu sửa hay dựng mới.

Năm 2008, Thánh địa được chính quyền tỉnh Quảng Trị cấp thêm 21 ha đất để phục vụ hoạt động tín ngưỡng của giáo dân. Theo linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền (quản nhiệm Trung tâm Thánh mẫu La Vang), đây là đất xưa từng thuộc về nhà thờ (trước 1975 là 23 ha) nay được giao trả lại.

Ngày 15 tháng 8 năm 2012 đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung Thánh đường mới. Ngôi thánh đường đang trong quá trình xây dựng, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Á Đông truyền thống Việt Nam, có sức chứa 5,000 người.

Lễ hội hành hương

Theo truyền khẩu, bắt đầu từ 1864, đã có 30 giáo dân Cổ Vưu tổ chức hành hương La Vang và những cuộc hành hương như thế diễn ra hằng năm với số giáo dân tham dự càng lúc càng đông biến cuộc hành hương La Vang cấp giáo xứ (Cổ Vưu) thành giáo hạt (Dinh Cát).

Từ khi nhà thờ ngói được dựng, hàng năm vào ngày 15 tháng 8 tại La Vang thường tổ chức lễ hội hành hương, gọi là "Kiệu" (cứ 3 năm lại có một "Kiệu" lớn, gọi là "Đại hội La Vang"). Người hành hương về nơi này có thể mua được lá cây vằng, một loại lá thường dùng sắc thuốc hoặc uống mát, lành và có khả năng kháng khuẩn, rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh nở. Không những thế, khách thập phương đến đây là để hành hương và cầu xin những ơn lành mà người Công Giáo tin rằng Đức Bà sẽ ban ơn như ý.

Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 1990, chính quyền địa phương đã cho phép hành lễ tại đây trở lại. La Vang đã trở thành thánh địa hành hương quan trọng nhất của người Công Giáo Việt Nam, hàng năm có hơn nửa triệu người về hành hương, như năm 2008. Đại hội La Vang 30 sẽ vào năm 2014 (cứ sau 2 năm hành hương có 1 Đại hội).

Bên cạnh đó, người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Úc và Âu châu vẫn tổ chức các Đại hội Thánh Mẫu để tôn kính Đức Mẹ La Vang.

Kinh cầu Đức Mẹ La Vang

Sau đây là kinh cầu Đức Mẹ La Vang được phổ biến từ Năm Toàn Xá Ðức Mẹ La Vang (1998-1999) tại LaVang ngày 8 tháng 12 năm 1997, do Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám quản tông tòa Huế:

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang đầy muôn ơn phước, ngời chói hào quang, muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng. Đức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ, tinh tuyền thánh thiện, sinh Đấng Cứu Độ muôn loài.Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp phù hộ tổ tiên chúng con lương giáo, giữa thời kỳ ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề. Từ ấy, gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng, ơn phần hồn, ơn phần xác người bệnh tật, kẻ ưu phiền, nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhận lời.Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang. Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời, cũng là Thánh Mẫu loài người chúng con. Cúi xin Mẹ ban phước hải hà, đoái thương con cái thiết tha van nài. Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Xin Mẹ phù hộ chúng con, luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông, Và sau cuộc đời nầy,xin cho chúng con được về sống bên Mẹ,hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Từ điển Việt Bồ La giúp hiểu rõ ý nghiã Kinh Cầu Trái Tim Chúa Giêsu
Sr. Minh Thùy
21:09 26/05/2014
TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA GIÚP HIỂU RÕ Ý NGHĨA KINH CẦU TRÁI TIM CHÚA GIÊSU

Kinh Cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu\

Xin Chúa thương xót chúng con. *(Thưa: lặp lại)
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con. *(Thưa: lặp lại)
Xin Chúa thương xót chúng con. *(Thưa: lặp lại)
Chúa Kitô nghe cho chúng con.
* Thưa : Chúa Kitô nhận lời chúng con.
Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.
* Thưa : Thương Xót Chúng Con (câu nào cũng thưa như vậy)
Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.
Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.
Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.
Trái Tim Đức Chúa Giêsu (TTĐCGS) con Đức Chúa Cha hằng có đời đời.
TTĐCGS bởi phép Đức Chúa Thánh Thần đã dựng nên trong lòng Rất Thánh Đức Mẹ Đồng Trinh.
TTĐCGS hợp làm một cùng Ngôi Thứ Hai cho trọn.
TTĐCGS oai vọng vô cùng.
TTĐCGS là đền thánh Chúa Trời.
TTĐCGS là toà Đấng cực cao cực trọng.
TTĐCGS là đền đài Chúa Trời cùng là cửa thiên đàng.
TTĐCGS là lò lửa mến hằng cháy.
TTĐCGS gồm sự công chính và sự thương yêu.
TTĐCGS đầy sự nhân lành cùng sự yêu dấu.
TTĐCGS là vực đầy mọi nhân đức.
TTĐCGS rất đáng ngợi khen mọi đàng.
TTĐCGS là Vua lòng mọi người cùng là chốn phải hướng về thay thảy.
TTĐCGS là kho mọi sự khôn ngoan thông thái.
TTĐCGS là nơi trót tính Đức Chúa Trời ngự.
TTĐCGS là chốn Đức Chúa Cha lấy làm ưa ý mọi đàng.
TTĐCGS là mạch đầy dẫy hằng chảy ơn lành cho hết mọi người chúng con.
TTĐCGS các thánh trên trời khao khát.
TTĐCGS hay nhịn hay thương vô cùng.
TTĐCGS hay ở rộng rãi cùng những kẻ nguyện xin.
TTĐCGS là cội rễ cho chúng con được nên lành nên thánh.
TTĐCGS là của lễ đền tội chúng con.
TTĐCGS đã chịu xấu hổ nhuốc nha bội phần.
TTĐCGS đã phải tan nát vì tội chúng con.
TTĐCGS đã vâng lời cho đến chết.
TTĐCGS đã phải lưỡi đòng thâu qua.
TTĐCGS là nguồn mọi sự an ủi.
TTĐCGS là sự sống cùng là sự sống lại chúng con.
TTĐCGS ban cho chúng con được bằng yên và làm lành cùng Đức Chúa Trời.
TTĐCGS dâng mình chịu phạt cho kẻ có tội.
TTĐCGS hay cứu chữa kẻ trông cậy.
TTĐCGS hay làm cho kẻ mong sinh thì được cậy trông.
TTĐCGS hay làm cho các thánh được vui mừng.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
* Thưa : Chúa Giêsu tha tội chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
* Thưa : Chúa Giêsu nhận lời nghe cho chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
* Thưa : Chúa Giêsu thương xót chúng con.
LỜI NGUYỆN
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng hằng có đời đời, chúng con xin Chúa trông đến Trái Tim con rất yêu dấu Chúa, cùng những lời ngợi khen và những việc lành Người dâng thay cho kẻ có tội, mà nguôi cơn giận và tha thứ cho những kẻ ăn năn kêu van vì một Đức Chúa Giêsu Kitô con Chúa, là Đấng hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. AMEN

‒ Trong Kinh này chúng ta gặp từ “dựng nên”: trong từ điển tiếng Việt hiện đại không có mục từ này, có từ “dựng” nhưng nghĩa của từ “dựng” không phù hợp câu kinh. Từ điển Việt - Bồ - La có mục từ “dựng” nghĩa là tạo dựng, “nên” là làm nên, làm thành; “dựng nên” là một từ ghép đẳng lập, hội nghĩa để làm gia tăng nét nghĩa “tạo dựng làm nên”. Câu kinh “Trái tim Đức Chúa Giêsu bởi phép Đức Chúa Thánh Thần đã dựng nên trong lòng Rất Thánh Đức Mẹ Đồng Trinh” giúp cho chúng ta suy niệm và chiêm ngắm biến cố Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ, Đức Mẹ Đồng Trinh đã cưu mang Chúa Giêsu do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.

‒ “Trái tim Đức Chúa Giêsu oai vọng vô cùng”: trong từ “oai vọng”, “oai” nghĩa là “oai nghiêm, cao sang”, “vọng” nghĩa là “có cái để người khác chiêm ngưỡng”, nhưng ghép hai từ này thành “oai vọng” thì cả Từ điển Việt - Bồ - La và Tự Vị Annam Latinh đều không có. Phải dò mãi đến “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” của Hùinh Tịnh Của mới có từ “oai vọng” nghĩa là “danh tiếng lớn”. Trái tim Đức Chúa Giêsu oai vọng vô cùng nghĩa là Trái tim Đức Chúa Giêsu rất oai nghiêm cao sang rất đáng cho mọi người cung kính chiêm ngưỡng.

‒ “Trái tim Đức Chúa Giêsu là Vua lòng mọi người cùng là chốn phải hướng về thay thảy”. Từ “thay thảy” nghĩa là “tất cả không trừ một ai”. Câu kinh có nghĩa là tất cả mọi người không trừ ai, tất cả đều phải hướng về trái tim Chúa Giêsu là Vua lòng mọi người.

‒ “Trái tim Đức Chúa Giêsu là nơi trót tính Đức Chúa Trời ngự”. Trong từ điển tiếng Việt hiện đại từ “trót” có hai nghĩa, nghĩa 1 không phù hợp với lời kinh, nghĩa 2: làm việc gì trọn vẹn cả quá trình, cả thời gian. Như vậy, ở tiếng Việt hiện đại nghĩa này của từ “trót” chỉ về sự trọn vẹn thời gian. Trong câu kinh nghĩa của từ “trót” (blót) theo Từ điển Việt - Bồ - La nghĩa là nguyên vẹn, trọn vẹn, “trót ngày” nghĩa là một ngày nguyên vẹn, “nói trót lời” nghĩa là nói nguyên câu chuyện cho đến hết. Trong “Phép giảng tám ngày” cha Đắc Lộ sử dụng 6 lần từ “trót”: 3 lần nói đến “trót tính Đức Chúa Trời”, 1 lần nói “trót đêm”, 1 lần nói “trót lời”, 1 lần nói “trót mày” (trót cả con người mày). Tự Vị Annam Latinh có mục từ “còn trót” nghĩa là tới nay còn trọn vẹn, “để trót” nghĩa là giữ nguyên vẹn, “trót năm” nghĩa là đủ cả năm, “trót đống” nghĩa là tất cả đống... Như vậy, ở tiếng Việt Trung Đại từ “trót” có nghĩa là “nguyên vẹn, trọn vẹn” nghĩa ấy không chỉ nói đến sự trọn vẹn về thời gian, nhưng còn chỉ đến vật thể và nói cả đến đối tượng tinh thần. Câu kinh “Trái tim Đức Chúa Giêsu là nơi trót tính Đức Chúa Trời ngự”: ý nói đến hai bản tính của Chúa Giêsu. Trong Chúa Giêsu có trọn vẹn Thiên tính và nhân tính, Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật.

‒ “Trái tim Đức Chúa Giêsu là mạch đầy dẫy hằng chảy ơn lành cho hết mọi người chúng con”. Trong tiếng Việt hiện đại, từ “đầy rẫy” (cũ “đẫy dẫy”) nghĩa là: “có nhiều đến mức gây cảm giác chỗ nào cũng thấy có (thường nói về cái tiêu cực)”, nghĩa này hoàn toàn không hợp với lời kinh. Trong Từ điển Việt – Bồ - La “đầy dẫy” nghĩa là đầy, Tự Vị Annam Latinh “đầy dẫy” cũng có nghĩa là “đầy”. Trong ngữ cảnh câu kinh này, từ “đầy dẫy” không có nét nghĩa tiêu cực như trong tiếng Việt hiện đại, mà nó mang nét nghĩa tích cực. Từ tiếng Việt Trung Đại đến tiếng Việt Hiện Đại đã có nhiều từ có những nét nghĩa được chuyển đổi từ tích cực sang tiêu cực hoặc ngược lại những nét nghĩa bị chuyển đổi không còn sử dụng nữa gọi là nét nghĩa cổ.

‒ “Trái tim Đức Chúa Giêsu hay nhịn hay thương vô cùng”: Từ điển tiếng Việt hiện đại, từ “hay” có bốn nét nghĩa, nét nghĩa thứ ba mà ứng với câu kinh nghĩa là “thường thường” ví dụ “ông khách hay đến chơi” (ông khách có đến nhưng cũng có lúc không đến, mức độ định lượng tùy theo người nói, ví dụ một tháng vài ba lần cũng cho là “hay đến”, có khi ở xa một năm vài ba lần cũng cho là “hay đến” tùy cảm nhận của người nói). Từ điển Việt – Bồ - La có mục từ “hay” với nghĩa là “luôn luôn”, không ngưng phút nào, không lúc nào dừng. Tiếng Việt thế kỉ 17 động từ nào ghép với từ “hay” thì được hiểu là hoạt động ấy diễn ra liên tục không lúc nào ngừng. Kinh này 5 lần từ “hay” xuất hiện: hay nhịn, hay thương, hay ở rộng rãi, hay cứu chữa, hay làm cho, các hoạt động này phải được hiểu là luôn luôn diễn ra, Chúa Giêsu luôn tha thứ, luôn yêu thương, luôn rộng rãi, luôn cứu chữa, luôn làm cho tất cả những ai cậy trông Ngài đều không phải thất vọng.

Từ “nhịn” đã giải thích trong “Kinh Mười Bốn Mối” các bài trước. Nghĩa của từ “nhịn” là: chịu đựng cách kiên trì, nhẫn nại, dung thứ (rộng lượng tha thứ).
‒ “Trái tim Đức Chúa Giêsu là cội rễ cho chúng con được nên lành nên thánh”: Từ “cội rễ” có nghĩa là “khởi thủy, là nguyên lý và nguồn gốc”, nói một cách nôm na nghĩa là từ nơi Trái tim Chúa Giêsu phát sinh mọi sự lành thánh, có sức cuốn hút để cho chúng ta cũng được trở nên tốt lành thánh thiện như Ngài.

‒ “Trái tim Đức Chúa Giêsu đã chịu xấu hổ nhuốc nha bội phần”: Từ điển tiếng Việt hiện đại không có từ “nhuốc nha”, trong Từ điển Việt – Bồ - La từ “nhuốc nha” nghĩa là “xấu hổ, nhục nhã”. Từ “bội” trong tiếng Việt xưa nay đều có nghĩa là “được nhân lên nhiều lần, hơn nhiều so với mức nhất định”. Trong tiếng Việt hiện nay từ này là một từ được ghi chú là kết hợp hạn chế; trong tiếng Việt thế kỉ 17 từ này được sử dụng thường xuyên. Sau hơn ba thế kỉ từ “nhiều” và từ “bội” phân bố nghĩa cho nhau. Từ “nhiều” chịu ảnh hưởng phương Tây từ hai trở lên là số nhiều, và số lượng để dùng từ “nhiều” có thể không nhiều so với mức độ nào đó; nhưng từ “bội” thì luôn luôn ám chỉ đến số lượng rất rất nhiều “gấp bội, bội số, bội phần”.

‒ “Trái tim Đức Chúa Giêsu hay làm cho kẻ mong sinh thì được cậy trông”: Câu kinh này chúng ta có từ “sinh thì” là một từ đã được các nhà khoa học nghiên cứu nhiều, có người viết thành cả một bài dài mấy chục trang. Ở đây chúng ta chỉ bàn đến nghĩa đơn giản giúp hiểu câu kinh. Ở Từ điển Việt - Bồ - La có hai mục từ “sinh thì”: mục từ thứ nhất ghi nhận “sinh thì” nghĩa là “chết”, “dọn sinh thì” nghĩa là “sắp chết”; mục từ thứ hai cha Đắc Lộ giải thích “sinh thì” nghĩa là “Chúa đưa ai về cùng người, về nghỉ trong Chúa”. Cả hai nghĩa của hai mục từ này làm cho chúng ta vui và vững lòng cậy trông. Trọn vẹn câu kinh có nghĩa là “Trái tim Đức Chúa Giêsu luôn luôn làm cho người mong được Chúa đưa về an nghỉ trong Chúa, được cậy trông”.

‒ Ba câu xướng và thưa cuối cùng của Kinh Cầu này, có các bản in khác nhau: có bản thì câu thưa lặp lại từ “Chúa Giêsu” như sau:

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
* Thưa : Chúa Giêsu tha tội chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
* Thưa : Chúa Giêsu nhận lời chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
* Thưa : Chúa Giêsu thương xót chúng con.
có bản thì bỏ từ “Chúa Giêsu”, ba câu cuối như sau:
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
* Thưa : tha tội chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
* Thưa : nghe cho chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
* Thưa : thương xót chúng con.

Theo tôi nên giữ lại từ “Chúa Giêsu” trong các câu thưa ít là vì hai lí do: thứ nhất về sự đối xứng giữa xướng và đáp nghe thuận tai hơn; thứ hai câu có đầy đủ chủ từ trong trường hợp này thì hợp lí hơn.
‒ Cuối cùng trong lời nguyện, chúng ta gặp lại câu: “Chúng con lạy ơn Đức Chúa Trời...” câu này đã được giải thích trong “Kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử”, và có lẽ câu này cũng được gặp nhiều trong các kinh. “Chúng con lạy ơn...” nghĩa là “chúng con tạ ơn Chúa...” rồi tiếp đến là “chúng con xin...”. Ở đây, chúng ta lưu ý về cấu trúc trong các kinh, thường là bắt đầu bằng “lời tạ ơn” (chúng con lạy ơn) tiếp sau đó mới đến “xin ơn”.

Sr. Minh Thùy

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Gia Đình Đầm Ấm
Nguyễn Đức Cung
21:54 26/05/2014
GIA ĐÌNH ĐẦM ẤM
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Ngẫm thấy gia đình trên tất cả
Lợi danh phú quý chẳng là gì.
(Trích thơ của N.Minh)