Ngày 26-05-2013
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ viếng thăm Assisi vào ngày 4/10
LM. Phan Du Sinh
04:09 26/05/2013
Giáo phận của thánh Phanxicô diễn tả niềm vui mừng khi nghe tin Đức Giáo Hoàng viếng thăm

Tổng Giám mục Domenico Sorrentino, Giám mục Assisi, xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ viếng thăm thành phố của Đấng trùng tên với ngài, Assisi, vào ngày 4 tháng 10.

Tổng Giám mục Sorrentino khẳng định rằng ngài đã nhận được tin tức về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha từ Tổng Giám mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ Khanh, trong một lá thư gửi ngày hôm nay. Giám mục Assisi cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân danh toàn thể giáo phận và các giám mục của các giáo phận chung quanh.

“Giáo phận của vị thánh nghèo hân hoan vì sự quan tâm và ưu ái này,” Tổng Giám mục Sorrentino nói.

“Cùng với các giáo phận khác trong vùng khi tiến bước trên con đường làm bừng cháy lên chiếc đèn để tạ ơn vị thánh bổn mạng của Nước Ý, và chuyên chở những tình cảm của con cái thánh Phanxicô từ các Hội dòng khác nhau, cũng như của các cấp chính quyền dân sự và miền, chúng tôi muốn diễn tả lời cảm tạ và sự mong chờ nồng nhiệt của chúng tôi đến Đức Thánh Cha.”

Tổng Giám mục giao phó thừa tác vụ của Đức Thánh Cha cho thánh Phanxicô Assisi cũng như “con đường đạo đức và dân sự của quốc gia.”

Cha Federico Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, cũng khẳng định cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Assisi. “Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ được công bố sau,” Cha Lombardi khẳng định.

Một con người nghèo và hoà bình

Sau khi được bầu chọn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích trong buổi tiếp kiến đầu tiên với các ký giả tại Roma, tại sao ngài đã chọn tên “vị thánh nghèo thành Assisi.” Căn cứ trên sự xác nhận rằng ngài đã nhận được đa số phiếu bầu làm giáo hoàng, Hồng Y Claudio Hummes, Tổng Giám mục danh dự của Sao Paolo và bạn của Đức Thánh Cha, nói với Giáo hoàng vừa được bầu chọn: “Đừng quên người nghèo.”

“Và những từ này đến với tôi: người nghèo, người nghèo,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các ký giả ngày 16/03. “Liền sau đó, khi nghĩ đến người nghèo, tôi đã nghĩ đến thánh Phanxicô Assisi. Rồi tôi đã nghĩ đến tất cả các cuộc chiến tranh, khi các lá phiếu vẫn đang được đếm, cho tới hết. Phanxicô cũng là con người của hoà bình. Đó là cách danh hiệu này đến với tâm hồn tôi: Phanxicô Assisi.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục nói trong buổi triều yết đầu tiên rằng là một con người nghèo khó và hoà bình, thánh Phanxicô là một người yêu mến tạo thành, một vị thánh với tinh thần của một người nghèo. “Tôi muốn một Giáo Hội nghèo và vì người nghèo biết bao!”, ngài thốt lên.

Zenit 23/05/2013
 
Đức Thánh Cha nói: Ba Ngôi là Gương Mặt của Thiên Chúa
Bùi Hữu Thư
07:26 26/05/2013

2013-05-26 Vatican Radio

(Vatican Radio) Quảng trường Thánh Phêrô chật ních khách hành hương và du khách tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô ngày Chúa Nhật. Trước khi đọc Kinh Đức Mẹ, Đức Thánh Cha nhắc đến Lễ Chúa Ba Ngôi.

Ngài nói là “Ánh sáng của lễ Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hàng năm tái tạo cho chúng ta niềm vui và sự kỳ diệu của đức tin để công nhận rằng Thiên Chúa không phải là một sự kiện mơ hồ, hay trừu tượng, nhưng là một danh hiệu: “Thiên Chúa là tình yêu."

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Chúa Ba Ngôi không phải là sản phẩm của lý luận con người, nhưng là gương mặt Thiên Chúa đã tỏ hiện, và đang đồng hành với nhân loại.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến linh mục Giuseppe Puglisi, một vị tử đạo được phong chân phước ngày thứ bẩy vừa qua.

Chân phước Giuseppe bị băng đảng Mafia giết hại năm 1993, được Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả là một linh mục gương mẫu và là một người đặc biệt tận hiến cuộc đời cho việc tông đồ giới trẻ.

Đức Thánh Cha nói bằng tiếng Ý: ngài nghĩ đến “sự đau buồn của bao nhiêu người nam và nữ, kể cả trẻ em đã bị rất nhiều loại mafia khai thác, bắt làm việc cho chúng và biến họ thành những nô lệ như phải bán thân, và chịu đựng biết bao nhiêu áp lực của xã hội. Rồi ngài cầu xin Thiên Chúa biến đổi tâm hồn của những người này.

Đức Thánh Cha cũng chào đón một nhóm người Công Giáo Trung Hoa đang ở Rôma để cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, ngài kêu khấn sự cầu bầu của Mẹ Maria đễ Giáo Hội Trung Hoa được trợ giúp.

Cuối cùng, nhân ngày Lễ Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha Phanxicô như thường lệ, chúc tất cả mọi người tại quảng trường Thánh Phêrô một ngày Chúa Nhật vui vẻ và một bữa trưa ngon miệng.
 
Hoạch định chuyến đi Brazil với hành trang kỹ thuật số cho Ngày GTTG Rio
Jos. Tú Nac, NMS
11:09 26/05/2013
(Romereports, 25-5-2013) – Ngày Giới trẻ Thế giới Rio de Janeiro đang đến gần từng ngày. Hàng ngàn bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị, và giờ đây, với những phương tiện tại nhà, họ có thể hoạch định chuyến đi của mình tốt hơn nhờ vào Internet.

Với website ‘Horario de Missa - Thời biểu thánh lễ’, mỗi người có thể tìm kiếm để tham dự Thánh lễ hay xưng tội tại những nhà thờ gần với nơi họ nghỉ trọ nhất ở Rio de Janeiro. Trang web cũng cung cấp những bản đồ và những hướng dẫn chỉ đường để tìm những ngôi nhà thờ, phòng trường hợp đi lạc.

Từ chiếc ‘smartphone’, người dùng có thể tải ứng dụng “Siga a Cruz - Theo Thánh Giá” để theo dõi, bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu vì nó được dùng cho Ngày Giới trẻ Thế giới.

Chuyến du hành tới Brazil cũng mang đến cơ hội để biết thêm một nền văn hoá mới cùng với một ngôn ngữ mới. Website của chính phủ Brazil gồm một người thông dịch và những quy tắc văn phạm cơ bản dành cho những ai muốn phát triển thêm vốn tiếng Bồ Đào Nha của mình, cũng có vài ứng dụng điện thoại để đọc kinh và thậm chí có những đoạn Kinh Thánh bằng ngôn ngữ này.

Dù bạn không cần, nhưng có những con số để bạn liên hệ trong trường hợp khẩn cấp: 192: cấp cứu y tế, 193: sở cứu hoả, và 197: cảnh sát. Nhắc nhở về trang phục của bạn cũng quan trọng vì tháng 7 là tháng “lạnh nhất” ở Brazil, nhiệt độ trung bình khoảng 70 oF (17,5 oC).

Cuối cùng, website chính cho Ngày Giới trẻ Thế giới www.rio2013.com' có đầy đủ chi tiết và những thông tin về lịch trình của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến đi Brazil. Và để có được một vật lưu niệm của sự kiện, người sử dụng cũng có thể đặt mua tại nhà một trong hàng chục món đồ, như những phụ kiện cho chiếc áo thun chính thức của Ngày Giới trẻ Thế giới Rio chẳng hạn.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô Viếng Thăm và Dâng Thánh lễ Tại Một Giáo xứ Thuộc Giáo Phận Rôma
Nguyễn Minh Triệu sj
11:18 26/05/2013
VATICAN: Hôm qua, ngày 26 tháng 05, nhân ngày Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm và dâng thánh lễ đầu tiên tại một giáo xứ thuộc giáo phận Rôma. Giáo xứ được Đức Thánh Cha viếng thăm là Giáo xứ mang tên thánh Elisabeth và Dacaria. Cuộc viếng thăm này thể hiện tình yêu và sự gần gũi của người mục tử đối với đàn chiên của mình, một sự gần gũi trong tình yêu thương giúp vị chủ chăn hiểu và chia sẻ những khó khăn của đàn chiên được giao phó cho ngài dẫn dắt.

Đức Thánh Cha đến giáo xứ vào lúc 8h45. Sau đó, ngài gặp gỡ và chào hỏi các gia đình và trẻ em được lãnh nhận Phép rửa trong năm nay cũng như các bệnh nhân phải ngồi xe lăn. Thánh lễ bắt đầu vào lúc 9h30, trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã tự mình trao Mình thánh Chúa cho một số trẻ em và người lớn. Cuối thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ và chào mừng các cộng tác viên dấn thân cho các công việc của Giáo xứ.

Trong bài giảng lễ, nhắc lại lời của vị linh mục quản xứ, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng của mình bằng những lời tán dương Đức mẹ. Ngài nói:

“Anh chị em thân mến,

Những lời của Linh mục quản xứ nhắc nhớ tôi một điều tuyệt đẹp về Đức Mẹ. Khi Đức Mẹ đón nhận lời loan báo sẽ là mẹ của Đức Giêsu, và đồng thời Mẹ cũng được loan báo rằng, người chị của mình là Elizabeth cũng đang mang thai – như Tin Mừng thuật lại – Mẹ liền vội vã lên đường, không trì hoãn. Mẹ không nói: “Nhưng giờ tôi cũng đang mang thai, tôi phải quan tâm đến sức khỏe của mình. Chị của tôi có nhiều người bạn và họ sẽ chăm sóc cho chị”. Mẹ cảm thấy một điều gì đó và mẹ liền “vội vã lên đường”. Và đây là một điều tuyệt đẹp về Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, Ngài luôn vội vã lên đường, bởi vì Mẹ mang điều này trong mình: giúp đỡ. Lên đường để giúp đỡ, không phải đi đến để khoe khoang và nói với người chị họ rằng: “Nghe này, giờ em là người ra lệnh, vì em là Mẹ Thiên Chúa!”. Không, Mẹ không làm như vậy. Mẹ đến để giúp đỡ! Mẹ luôn là vậy! Mẹ của chúng ta luôn vội vã lên đường đến với chúng ta khi chúng ta cần đến Mẹ.
Thật dễ thương nếu chúng ta thêm vào Kinh Cầu Đức Mẹ một lời kinh như thế này: “Lạy Nữ Vương, Đấng luôn vội vã lên đường, cầu cho chúng con!” Điều này thật đẹp phải không anh chị em? Bởi vì Mẹ luôn vội vã lên đường, Mẹ không bao giờ quên con cái mình. Và khi những người con gặp khó khăn, họ cần và cầu xin, Mẹ liền vội vã lên đường. Điều này trao ban cho chúng ta một sự chắc chắn, chúng ta thấy an toàn vì biết Mẹ ở gần, Mẹ luôn ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta sẽ bước đi, thực hiện hành trình cuộc sống của mình tốt hơn khi chúng ta có mẹ ở bên. Chúng ta hãy nghĩ về ân sủng này của Mẹ, ân sủng Mẹ trao cho chúng ta: đó là sự gần gũi, không để cho chúng ta phải chờ đợi. Chúng ta có thể tin tưởng vào điều này: Mẹ luôn trợ giúp chúng ta. Đối với chúng ta, Mẹ luôn sẵn sàng vội vã lên đường.”

Sau đó, với một lối diễn tả đơn sơ và gần gũi, Đức Thánh Cha diễn giải về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho các tín hữu và đặc biệt là các trẻ em tham dự thánh lễ. Đức Thánh Cha nói:

“Mẹ cũng giúp chúng ta hiểu hơn về Thiên Chúa, Đức Giêsu, một sự hiểu biết rõ ràng về đời sống của Đức Giêsu, là sự sống của Thiên Chúa, hiểu Thiên Chúa là gì, Ngài như thế nào và Ngài là ai. Đối với các con, các em bé, cha hỏi các con: “Ai trong các con biết Thiên Chúa là ai”. Nào, các con hãy giơ tay lên, hãy nói cho cha biết! Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất. Và có bao nhiêu Chúa, phải một không các con? Nhưng có người nói với cha rằng, Thiên Chúa là ba: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần! Làm sao để giải thích điều này? Có một nhưng lại là ba? Và làm sao có thể giải thích rằng, một Đấng là Chúa Cha, Đấng khác là Chúa Con, và Đấng khác nữa là Chúa Thánh Thần? Điều này thật đẹp. Ba là một, Ba Ngôi trong một.

Và Chúa Cha làm gì? Chúa Cha là Nguyên lý, là Đấng tạo thành mọi sự, Đấng tạo dựng nên chúng ta. Chúa con làm gì? Chúa Giêsu làm gì? Ai biết Chúa Giêsu làm gì? Yêu thương chúng ta phải không? Và rồi còn gì nữa? Ngài là Đấng mang lời Thiên Chúa! Ngài đã dạy cho chúng ta Lời của Thiên Chúa. Điều này đẹp quá! Còn gì nữa không? Đức Giêsu đã làm cái gì cho thế giới? Ngài đã cứu độ chúng ta! Và Ngài đã đến để trao ban sự sống cho chúng ta. Chúa Cha đã tạo dựng thế giới, Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta. Và Chúa Thánh Thần làm gì cho chúng ta? Ngài yêu thương chúng ta! Ngài trao cho bạn tình yêu! Tất cả các con hãy cùng nói nào: Chúa cha tạo dựng mọi sự, tạo dựng thế giới.

Chúa Giêsu cứu chuộc chúng ta, và Chúa Thánh Thần? Ngài yêu thương chúng ta. Đây chính là đời sống Kitô hữu: nói với Chúa Cha, với Chúa Con và nói với Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, nhưng Ngài cũng đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, điều này đúng không? Và đồng hành như thế nào? Ngài đã làm gì khi đồng hành với chúng ta? Trước hết, Ngài trợ giúp chúng ta. Hướng dẫn chúng ta! Hay quá! Đồng hành với chúng ta, trợ giúp chúng ta, hướng dẫn chúng ta và dạy chúng ta biết tiến về phía trước.
Và Chúa Giêsu cũng trao cho chúng ta sức mạnh để bước đi. Điều này đúng không, Ngài gìn giữ chúng ta? Trong khó khăn, đúng không? Kể cả trong những bài tập ở trường! Ngài gìn giữ chúng ta, trợ giúp và hướng dẫn chúng ta. Đó! Đó chính là điều Đức Giêsu thường làm cho chúng ta. Trong Thánh Thể, Ngài trao cho chúng ta sức mạnh, chính Ngài trợ giúp chúng ta với sức mạnh. Ngài đến với chúng ta. Mà khi chúng ta nói “Ngài trao cho chúng ta Thánh Thể”, một miếng bánh mà Ngài trao cho bạn nhiều sức mạnh sao? Không phải là một tấm bánh sao? Đó chính là bánh, nhưng bánh trên bàn thờ có phải là bánh hay không phải là bánh? Dường như vẫn là bánh! Nhưng không phải là chính thứ bánh ấy? Vậy là gì? Chính là Thân Mình Chúa Kitô. Đức Giêsu đã đến trong trái tim của chúng ta. Tất cả chúng ta hãy nghĩ về điều này: Chúa Cha đã trao cho chúng ta sự sống. Đức Giêsu đã trao cho chúng ta ơn cứu độ. Ngài đồng hành, hướng dẫn, gìn giữ và dạy dỗ chúng ta; còn Chúa Thánh Thần? Ngài trao cho chúng ta điều gì? Ngài yêu mến chúng ta. Ngài trao cho chúng ta tình yêu. Chúng ta hãy nghĩ về một Vị Thiên Chúa như vậy và chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, Đấng luôn vội vã lên đường để trợ giúp chúng ta, xin mẹ dạy cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành dường bao: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần.”

Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha cảm ơn và xin mọi người cầu nguyện cho ngài. Ngài nói:

“Cảm ơn anh chị em vì sự đón tiếp này. Tôi rất hạnh phúc vì được nhìn thấy một giáo xứ sống động, với nhiều trẻ em dễ thương như thế! Đó là một phúc lành, hãy tiếp tục tiến về phía trước, gìn giữ giáo xứ và hãy cầu nguyện cho tôi. Đừng bao giờ quên cầu nguyện cho tôi. Hẹn gặp lại, và bây giờ chúng ta sẽ gặp nhau tại buổi đọc Kinh truyền tin!”

Sau đó, Đức Thánh Cha đã lên đường trở về Vatican. Tại quảng trường thánh Phêrô, dưới trời nắng đẹp, rất nhiều tín hữu và khách hành hương đã đến và chờ đợi sự xuất hiện của Đức Thánh Cha Phaxicô. Đúng 12h, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ, sau khi nhắc lại chuyến viếng thăm mà ngài vừa thực hiện, Đức Thánh Cha đã diễn giải về ý nghĩa của Lễ Chúa Ba Ngôi như sau:

“Hôm nay là Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi. Hàng năm, ánh sáng của thời gian vượt qua và Lễ hiện xuống làm mới lại trong chúng ta niềm vui và sự tuyệt diệu của đức tin: vì chúng ta tái học biết rằng Thiên Chúa không phải là một điều gì mơ hồ và trừu tượng, nhưng Ngài mang một cái tên: “Thiên Chúa là tình yêu”. Không phải là một tình yêu cảm tính và cảm xúc nhưng là tình yêu của Cha, Đấng là nguồn cội của mọi sự sống, là tình yêu của Chúa Con, Đấng đã chết trên Thập giá và đã sống lại, và là tình yêu của Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới con người và thế giới.

Ba Ngôi Cực Thánh không phải là sản phẩm của lý trí con người, nhưng là một khuôn mặt, nơi Thiên Chúa mạc khải chính mình, không phải nơi đỉnh cao của một ngai tòa, nhưng bằng cách bước đi với con người, trong lịch sử dân Israel và trên hết là nơi Đức Giêsu Nagiaret. Đức Giêsu là Chúa Con, Đấng tỏ cho chúng ta biết Chúa Cha đầy lòng thương xót, Đấng đã mang “lửa” vào mặt đất, Lửa ấy chính là Chúa Thánh Thần.

Hôm nay, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa không phải vì một mầu nhiệm cụ thể, nhưng là tạ ơn chính Ngài, “vì vinh quang bao la của Ngài”. Chúng ta tạ ơn và cảm ơn Thiên Chúa vì Ngài là Tình yêu, bởi vì Ngài đã kêu gọi chúng ta đi vào vòng tay hiệp thông của Ngài, chính là sự sống đời đời. Chúng ta phó thác lời tạ ơn của chúng ta vào bàn tay của Đức Trinh Nữ Maria.”

Sau đó Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền tin với toàn thể các tín hữu và khách hành hương hiện diện và Ngài đã ban phép lành cho toàn thể mọi người.

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ với mọi người hiện diện rằng: “Hôm qua, tại Palermo, đã công bố Phong chân Phước cho Don Puglisi, linh mục tử đạo, đã bị mafia giết vào năm 1993. Don Puglisi là một linh mục đầy gương mẫu; ngài đã dâng hiến cuộc đời một cách đặc biệt cho công việc mục vụ giới trẻ, bằng cách giáo dục những người trẻ theo tinh thần Tin mừng để mang họ ra khỏi thế giới của tội ác. Vì thế, Ngài đã bị chống đối và giết chết. Tuy vậy, trên thực tế, chính Ngài là người chiến thắng cùng với Đức Kitô phục sinh. Chúng ta tạ ơn Chúa vì tấm gương sáng ngời này, chúng ta hãy gìn giữ gương mẫu của ngài.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha chào mừng toàn thể mọi người hiện diện, các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ đến từ Ý, Pháp, Tây Ban Nha, đặc biệt là các hội đoàn.
 
Thiên Chúa luôn trung tín và chờ đợi con người hoán cải trở về với Ngài
Linh Tiến Khải
18:27 26/05/2013
Khi đọc giáo huấn của các ngôn sứ, chúng ta thấy dân Israel đã thường xuyên bị cám dỗ phạm tội, phản bội Giavê và tình yêu của Người để chạy theo tôn thờ các tà thần. Vì thế các ngôn sứ mắng chửi Israel là người vợ ngoại tình bất trung.

Tuy Israel lăng loàn như thế, nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành với các lời đã hứa với các tổ phụ xưa kia. Người đánh phạt họ, nhưng với mục đích là để họ hối lỗi hoán cải trở về với Người. Thiên Chúa chỉ chờ cống hiến cho Israel cơ may mới để bắt đầu lại cuộc tình với Người. Đó là điều ngôn sứ Hosea viết trong chương 2: ”Ta sẽ trừng phạt nó vì những ngày của Baal, những ngày nó đốt hương thờ kính chúng, những ngày nó đeo nhẫn, đeo kiềng chạy theo đám tình nhân của nó, còn Ta thì nó nỡ bỏ quên - sấm ngôn của Giavê. Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Từ nơi đó Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng Akhor thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai Cập” (Hs 2,15-17). Vì dân Người, Thiên Chúa sẽ thiết lập một giao ước với cả thú vật đồng hoang, với chim chóc trên trời, với loài bò sát dưới đất, sẽ ban bình an cho xứ sở và cho họ sống yên hàn. Người cũng sẽ thiết lập hôn ước mới với họ: ”Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Giavê” (Hs 2,21-22).

Ngôn sứ Edekiel cũng khẳng định rằng: ”Nhà Israel sẽ không còn lìa xa Ta nữa, và sẽ không ra ô uế vì tất cả những tội phản bội của chúng. Chúng sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Ed 14,11).

Bởi vì phạm tội là khước từ tình yêu của Thiên Chúa nên điều kiện để được ơn tha thứ là thái độ của con người đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa, từ bỏ ý muốn độc lập của mình và chấp nhận để cho Thiên Chúa yêu thương. Nói tắt một lời, là con người phải khước từ những gì là nỀn tảng của tội lỗi, trong trường hợp của dân Israel là tội ngoại tình phản bội Thiên Chúa và mọi thứ tội khác trong đó có tội bất công, khai thác bóc lột, ức hiếp người nghèo, kẻ góa bụa trẻ mồ côi.

Hoán cải là ơn Thiên Chúa ban, nhưng nó cũng tùy thuộc nơi ý chí hướng thiện và sự cộng tác của con người. Thiên Chúa là Mục Tử Nhân Lành luôn đi tìm các chiên lạc. Ngài dẫn dưa dân Israel bị đi đầy trở về quê cha đất tổ của họ: ”Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm... Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước, và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Israel, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi, và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của Giavê. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,11-16).

Giavê Thiên Chúa không chỉ chăn dắt và săn sóc đoàn chiên Israel, nhưng Người còn thay đổi trái tim của họ nữa, Ngôn sứ Edekiel viết trong chương 36 như sau: ”Bấy giờ Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các ngươi về đất của các ngươi. Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Giavê - sấm ngôn của Giavê là Thiên Chúa - khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi ngươi ngay trước mắt chúng. Ta sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi qủa tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi. Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành.” (Ed 36,24-27).

Cùng với một con tim mới và một tinh thần mới là những gì Thiên Chúa đã hứa là vùng đất được chúc phúc và mọi hoa trái của nó: ”Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta, Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi. Ta sẽ cứu các ngươi khỏi mọi ô uế. Ta sẽ gọi lúa mì tới và cho nó tăng thêm nhiều. Ta sẽ không để các ngươi phải chịu cảnh đói kém. Ta sẽ cho trái cây và hoa mầu đồng ruộng tăng lên nhiều, để các ngươi không còn bị ô nhục trước mặt chư dân về nạn đói kém nữa. Bấy giờ các ngươi sẽ nhớ lại lối sống xấu xa và hành vi bất hảo của các ngươi. Các ngươhi sẽ khinh tởm chính bản thân mình, vì các tội lỗi và những điều ghê tởm của các ngươi. Không phải vì các ngươi mà Ta hành động - sấm ngôn của Giavê là Thiên Chúa - hãy biết rõ như thế. Các ngươi phải lấy làm thẹn thùng xấu hổ về lối sống của các ngươi, hỡi nhà Israel” (Ed 36,27-32).

Sự tái thiết mà Thiên Chúa ban cho dân Israel là sự tái thiết toàn diện: trong cuộc sống của tâm hồn, trong tinh thần và trong cuôc sống ngoài xã hội: ”Vào ngày Ta thanh tẩy các ngươi sạch mọi tội lỗi, Ta sẽ cho các thành thị có người cư ngụ và các chốn điêu tàn sẽ được tái thiết. Xứ sở hoang tàn sẽ được cày cấy, sau khi đã là chốn hoang tàn trước mắt mọi người qua lại. Người ta sẽ nói: ”Đất này mới đây bị tan hoang, nay đã nên như vườn Eden; các thành thị đổ nát hoang tàn, bị phá hủy, nay trở nên pháo đài có người cư ngụ. Bấy giờ chư dân còn sống sót ở chung quanh các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Giavê, Đấng tái thiết những gì bị tàn phá và dựng lại những gì đã bị phá đổ” (Ed 36,33-36).

Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa còn đi xa hơn nữa. Người cho Israel ơn tìm kiếm Người: ”Ta sẽ cho nhà Israel ơn này nữa là được tìm kiếm Ta; Ta sẽ cho chúng thành một đoàn người đông đảo. Như bầy chiên người ta đưa vào thánh điện, như bầy chiên ở Giêrusalem vào các dip lễ, các thành thị đổ nát cũng sẽ đầy ắp những đoàn người như vậy. Bấy giờ người ta sẽ nhận biết chính Ta là Giavê” (Ed 36,37-38).

Sự phục sinh trên đây của dân Israel được ngôn sứ Edekiel miêu tả trong chương 37. Thiên Chúa chỉ cho ngôn sứ thấy một cánh đồng xương khô và ra lệnh cho ông gọi gió bốn phương tới. Người sai Thần Khí của Người nhập vào các bộ xương khô ấy, khiến cho da thịt chúng mọc lên lành lặn và chúng trở thành một đạo binh đông đảo hùng dũng. Dân Israel than thở: xương cốt họ đã khô, hy vọng của họ đã tiêu tan, họ đã rồi đời, nhưng Thiên Chúa phán với họ: ”Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Irael. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Giavê, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân ta. Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất các ngươi. Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết Ta là Giavê, Ta đã phán và Ta làm” (Ed 37,11-14). Thế rồi cảnh chia rẽ nội bộ cũng sẽ chấm dứt: hai vương quốc Israel miền bắc và Giuđa miền nam sẽ lại hiệp nhất với nhau.

Trong chương 31 ngôn sứ Giêrêmia cũng diễn tả cùng sự thay đổi này và gọi nó là giao ước mới: ”Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Giavê - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuda một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã hủy bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Giavê - Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của Giavê. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ”Hãy học cho biết Giavê”, vì hết thảy chúng từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Giavê. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31,31-34).

Trong tình yêu và lòng thương xót của Người Thiên Chúa nhận chịu mọi thiệt thòi và tha thứ hết mọi tội lỗi cho Israel.

Đó cũng là điều Thiên Chúa làm đối với từng người trong gia đình nhân loại qua Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu là Mục tử Nhân Lành (Ga 10,1-18). Ngài sẽ cho mọi người thấy lòng thương xót đó của Thiên Chúa, khi nói với người đàn bị bắt qủa tang phạm tội ngoại tình: ”Tôi cũng vậy, Tôi không lên án chị đâu! Thôi, chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1150)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Qúi Linh mục GP Phan Thiết kỷ niệm 1 năm thụ phong
Nguyễn Hiệp
09:53 26/05/2013
PHAN THIẾT - Chiều thứ Năm, ngày 23/5/2013, 17 linh mục được phong chức ngày 24/5/2012 cùng với Cha Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, Cha Trợ giảng Giuse Ngô Vũ Anh Tuấn, hội tụ tại Giáo xứ Thanh Xuân (Lagi) để gặp gỡ, hàn huyên tâm sự và chia sẻ kinh nghiệm mục vụ.

Xem hình ảnh

Sáng thứ Sáu, ngày 24/5/2013, quí Cha dâng Thánh lễ Tạ ơn một năm Linh mục thật long trọng và sốt sắng tại Nhà thờ Giáo xứ Thanh Xuân. Hiện diện trong Thánh lễ đồng tế có quí Cha:

1. Gioakim Trần Văn Hương, Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn (giảng lễ)
2. Giuse Ngô Vũ Anh Tuấn, Trợ giảng tại ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn
3. FX. Hồ Tấn Tú, Phó xứ Hiệp Đức (chủ tế)
4. Giuse Nguyễn Thanh Cảnh, Chính xứ Giáo xứ (đảo) Phú Quí
5. Giuse Nguyễn Anh Lâm, Phó xứ Vinh Thanh
6. Step. Bùi Vi Thành, Phó xứ Thanh Hải
7. Giuse Trương Văn Hùng, Phó xứ Tân Lý
8. G.B Trần Ngọc Linh, Phó xứ Lương Sơn
9. Antôn Trương Ngọc Cảnh, Phó xứ Hiệp an
10. Giuse Phạm Hoài Sâm, Phó xứ Võ Đắc
11. Giacôbê Tống Thành Luyến, Đặc trách Giáo họ La Dày (Đa Mi)
12. Gioan Maria Vianney Dương Nguyên Kha, Phó xứ Chính Tòa
13. Phaolô Nguyễn Bá Huân Phó xứ Chính Tòa
14. Phêrô Nguyễn Minh Triết, Phó xứ Long Hương
15. Tôma Nguyễn Văn Hiệp, Phó xứ Thanh Xuân
16. Phaolô Hoàng Phương Hoàng, Phó xứ Chính Tâm (Đức Tánh)
17. Giuse Lê Văn Linh, Phó xứ Phan Rí Cửa

Hai cha FX. Nguyễn Phạm Hoài Thương, Phó xứ Tầm Hưng và Cha Phêrô Nguyễn Thiện Khuê, Phó xứ Vinh Tân, vì công việc mục vụ không thể tham dự được.

Sau khi chia sẻ mục vụ, quí Cha đi tham quan Hòn Bà (Lagi). Buổi chiều, quí Cha dùng cơm thân mật với Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Cha Tổng Đại diện GB. Hoàng Văn Khanh và các Tân Linh mục được phong chức tròn 1 tháng.

Sáng thứ Bảy, ngày 25/5/2013, Đức Cha Giuse chủ tế Thánh lễ Tạ ơn cùng với Cha Tổng Đại diện, 17 Linh mục tròn 1 năm (thôi nôi), các Tân linh mục “đầy tháng”. Sau Thánh lễ, Đức Cha ban năng quyền Giải tội và trao Bài sai Mục vụ cho các Tân Linh mục.

Sau bữa điểm tâm thân mật đượm tình Cha – Con, quí Cha chia tay Đức Giám Mục và Cha Tổng Đại diện, về lại nơi mình đang phục vụ với một bầu nhiệt huyết mới được hun đúc từ những tâm tình sẻ chia kinh nghiệm mục vụ của anh em và lời mời gọi của vị Cha chung Giáo phận.

Bài giảng của Đức Cha Giuse trong Thánh lễ Tạ ơn một năm Linh Mục tại Giáo xứ Vinh Tân.

NĂM ĐẦU ĐỜI LINH MỤC

Chào mừng anh em linh mục chịu chức tròn môt năm và một số khác tròn một tháng hôm nay quy tụ về đây để hiệp thông trong niềm cảm tạ và để chia sẻ cho nhau cảm nhận nhiều mặt những tháng năm đầu đời mục vụ. Người mới tâm sự với người cũ và người cũ đóng góp cho người mới, nhưng dù cũ hay mới, vẫn cứ là chung chia một sự ngỡ ngàng không bao giờ vơi cạn trong ơn gọi và sứ mạng. Dựa trên kinh nghiệm trong Giáo Hội toàn cầu, các nhà đào tạo cho biết năm năm đầu đời linh mục thật quan trọng, vì định hình được thái cử, phản ứng cũng như định hướng được lối sống của linh mục trong ơn gọi phục vụ hiến dâng. Đầu xuôi đuôi lọt. Năm năm đầu bình an hạnh phúc nhiệt thành cho phép chẩn đoán một tương lai vững chắc đi lên; ngược lại, năm năm đầu trục trặc bất an chán nản lại là dấu hiệu tiên báo những ngày ảm đạm kèm theo giông tố khó lường. Xin chia sẻ với anh em một vài cảm nhận trong dịp gặp gỡ này.

1. Cảm nhận về hồng ân thánh chức

Chắc anh em vẫn nhớ như in ngày lãnh chức linh mục để có dịp kỷ niệm trong một lễ mừng như lễ hôm nay? Quý lắm! Nhưng cùng với những nghi thức vui mừng bên ngoài, tận trong đáy lòng mỗi người phải là ký ức về một hồng ân cao quý Chúa đã thương ban bằng việc chọn gọi làm linh mục qua bí tích truyền chức thánh. Ngỡ ngàng lắm! Người trần hèn mọn thân phận cỏ rơm tự mình dầu cháy bỏng ước mơ nhưng nếu không được Chúa chạm đến làm sao có thể nhận lấy phẩm chức lá ngọc cành vàng? Ngỡ ngàng lắm! Những bạn bè trổi trang hơn mình nhiều mặt sự thường sẽ thành linh mục tương lai sán lạn, nhưng rốt cuộc lại rẽ sang ngã khác; còn mình nào có hơn ai, lại còn lận đận nhiều mặt tưởng như đứt gánh, thế mà Chúa chẳng tha, lại còn cất nhắc thêm ơn và đặt vào đường sứ vụ. Ngỡ ngàng lắm! Dẫu thời gian trôi đi nhưng mỗi lần nhớ lại cứ thấy như ngày hôm qua: còn đây hình ảnh, còn đây ký ức, còn đây hồng phúc và còn mãi đây tình thương Chúa dìu bước lên, đến nỗi hôm nay trong ngày kỷ niệm, thấy không có gì đậm nét trong lòng cho bằng tình thương của Chúa, vốn là động lực khởi nguồn, là sức sống dưỡng nuôi và là sức mạnh kiên vững.

“Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người”. Anh em hãy nhẩm đi nhẩm lại câu hát quen thuộc này để thấy thấm thía chiều cao ơn thánh một trời một vực so với phận số con người của mình, và để khơi sâu sự ngỡ ngàng đọng lại qua câu hỏi “Sao Chúa gọi con?” Ngày nào còn cảm thấy ngỡ ngàng, ngày ấy linh mục còn hy vọng lớn lên trong hồng ân của Chúa; nhưng ngày nào không còn nhạy cảm với sự ngỡ ngàng này nữa, ngày ấy việc hiện diện của linh mục khó mà thoát tỏa được nét tươi tắn hiến dâng, nếu không muốn nói là sự ảm đạm như những ngày áp thấp nhiệt đới.

2. Cảm nhận về hướng phục vụ

Nhưng cảm nhận hồng ân Chúa dẫu đậm đà cách mấy cũng sớm muộn dẫn tới một cảm nhận khác về cuôc sống hiện thực. Hồng ân Chúa bao la nhưng cao xa, còn linh mục đời phục vụ lại cận kề. Với năm anh em mới chịu chức một tháng, hôm nay nhận bài sai, chắc chưa có gì để cảm nhận về đời mục vụ; nhưng có lẽ với các anh em đã một tuổi thi hành mục vụ tại các giáo xứ bên cạnh các cha quản xứ, sẽ có nhiều tâm tư để trải ra? Anh em chúng ta không phải là linh mục dòng vốn nương theo ba lời khuyên Phúc Âm để xây dựng đời sống, nhưng là linh mục triều sống và làm việc mục vụ tại các đơn vị nhỏ của Giáo Hội địa phương là các giáo xứ giữa cộng đoàn dân Chúa, nên được mời gọi để nên thánh bằng đời mục vụ của mình. Nét đẹp là đây, cái khó cũng là đây; niềm vui là đây và nỗi buồn nhiều khi cũng mọc lên từ đây.

“Linh mục không thuộc về mình”, tựa đề một cuốn sách của ĐHY Fulton Sheen cho thấy khái quát linh mục có một hiện hữu khác biệt: vừa thuộc về Chúa vừa thuộc về cộng đoàn. Thuộc về Chúa nên dù thuận lợi hay không cũng phải làm việc cho Chúa. “Ăn cơm Chúa, múa tối ngày” là thế. Nhưng thuộc về cộng đoàn mình được sai đến nên lại phải phục vụ hết tình và hết mình cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Chả thế mà cha Antoine Chevrier, vị sáng lập Hội Prado, đã để lại định nghĩa giầu hình ảnh “linh mục là người bị ăn”, nghĩa là người sẵn sàng trở nên thực phẩm chẳng những “ăn được” mà còn bổ dưỡng cho cộng đoàn cần đến mình. Sứ mạng cao đẹp, nhưng chính đây cũng là lãnh vực linh mục cảm nhận sự giằng co và xâu xé rình rập mình hằng ngày. Nhiều khi linh mục được ký họa như người bị đặt nằm căng trên đe của Thiên Chúa và dưới búa của cộng đoàn. Giải pháp nào cho cảm nhận này? Thưa: Hãy làm việc hết sức như chỉ một mình mình làm và hãy chờ kết quả như chỉ một mình Chúa ban.

3. Cảm nhận về sự thắng vượt bản thân

Không thuộc về mình, nhưng ngày ngày dù trong việc riêng hay giữa việc chung, linh mục vẫn phải là mình và trách nhiệm về mình, thế nên đây là một trận chiến nội tâm vừa khốc liệt vừa hào hùng. Khốc liệt vì mình chiến đấu với mình và hào hùng vì mình phải vượt lên chính mình. “Thắng mình khó hơn thắng vạn quân”, cổ nhân dạy thế, nhưng cậy dựa vào sức mạnh của ơn Chúa, chiến thắng là một điều có thể quan niệm được. Chỉ cần gợi lên ba trách vụ thánh hóa, giáo huấn và cai quản trong đời linh mục cũng đủ để hình dung ra cuộc chiến trường kỳ này.

Được gọi là “người phân phát các mầu nhiệm thánh”, linh mục không thể lơ là việc trau chuốt sự thánh thiện nơi đời sống và nơi nghi thức mình cử hành. Không ai có thể cho đi điều mình không có, cũng thế linh mục không thể phân phát sự thánh có hiệu quả, nếu như chính mình chưa được nâng cao ngang tầm với mầu nhiệm thánh mình cử hành. Phải chiến đấu để nâng cấp đời mình bằng việc năng gặp gỡ và cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. “Được sai đi rao giảng Tin Mừng”, linh mục không thể không để cho Tin Mừng thẩm thấu vào hồn và biến cải đời sống mỗi ngày mỗi rõ nét hơn, mong khi thi hành nhiệm vụ giáo huấn, mình không chỉ trình bày mớ kiến thức mà còn chia sẻ những trải nghiệm giúp củng cố đức tin cho mọi người. Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Phải chiến đấu để trung thành suy gẫm và sống Phúc Âm hằng ngày. Và với nhiệm vụ cai quản trong tư cách là mục tử “chăm lo phần rỗi các linh hồn”, linh mục xem ra còn phải chiến đấu nhiều hơn nữa, một mặt vì đoàn chiên bao gồm nhiều thành phần đa dạng, chênh lệch không giống nhau; mặt khác vì chính việc mục vụ cũng rất đa đoan, việc có tên thì ít mà việc không tên xem ra lại nhiều. Nguyên việc chẩn bệnh tinh thần và bốc thuốc phù hợp cũng là một cuộc chiến mệt mã rồi. Hãy miệt mài và phó thác.

Đó là ba cảm nhận đối với Chúa, đối với cộng đoàn và đối với bản thân, được chia sẻ với anh em trong dịp kỷ niệm hồng phúc. Mừng vì thấy anh em tề tựu đông đủ trong tình huynh đệ vui tươi như ngày lãnh chức. Chúc anh em luôn trung thành sống đời linh mục, biết vượt lên chính mình và hạnh phúc với lẽ hiến dâng phục vụ. Hiệp thông với anh em trong niềm phó thác. Dầu sao chúng ta cũng chỉ là những chiếc bình sành, xin Chúa thêm ơn thánh và che chở giữ gìn để bình đừng rạn nứt nhưng đẹp sáng tôn vinh.


Lm. Tôma Nguyễn Văn Hiệp
 
Thông Báo
Mời ghi danh tham dự Đại hội Linh mục VN: Emmaus V
Liên Đoàn CGVN/HK
16:52 26/05/2013
Friday, May 26, 2013

Kính gửi: - Quý Đức Cha
- Quý Đức Ông và Quý Cha

Đính Kèm Attached File là Đơn Ghi Danh và Chương Trình Đại Hội Emmaus V sẻ được tổ chức tại Trung Tâm Công Giáo, Giáo Phận Orange, California từ ngày 14-17 tháng 10 năm 2013.

Logo Emmaus V và chủ đề "Chúa Giêsu Kitô: Đấng Khai Mở và Kiện Toàn Đức Tin" trích từ Lời Chúa trong Thư gửi Tín Hữu Do Thái (Dt 12:2) phần nào diển tả được niềm tin vào Thiên Chúa, ý nghĩa và niềm vui lớn lao cho chúng ta tổ chức Đại Hội Linh Mục trong Năm Đức Tin tại Giáo Phận Orange nơi mà có Cộng Đoàn Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ - Cộng Đoàn Anaheim, St. Boniface Church.

Để chuẩn bị cho Đại Hội Emmaus V được chu đáo, xin Quý Đức Ông và Quý Cha đừng ngần ngại tiếp tục cho ý kiến, đề nghị để Chương Trình Đại Hội được đầy đủ; xin gửi về địa chỉ email: ldcgvnhk@yahoo.com trước ngày 15 tháng 6 năm 2013.

Trong khi chờ đợi Chương Trình Emmaus V đầy đủ, in và gửi đến Quý Cha theo đường bưu điện sau ngày 15 tháng 6, Ban Tổ Chức bắt đầu nhận Đơn Ghi Danh từ ngày 1 tháng 6 nhằm phục vụ Quý Cha đi nghỉ Vacation trong mùa hè này. Phiếu Ghi Danh và Check gửi về địa chỉ: Federation of Vietnamese Catholics, P.O. Box 824, Westminster, CA 92684; Check ghi: Federation of Vietnamese Catholics, memo: Emmaus V.

Cùng với Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch Liên Đoàn, và Ban Tổ Chức Emmaus V, trân trọng kính mời Quý Đức Ông và Quý Cha sắp xếp thời gian tham dự.

Trân trọng kính chào,

Tổng thư ký Liên đoàn CGVN/HK
 
Văn Hóa
Chuyện Người Đi
Đoàn Thị
10:02 26/05/2013
Chuyện Người Đi

Tôi biết Hùng, giáo lý viên, có vợ cũng là giáo lý viên và một con gái nhỏ. Biết ở đây là biết mặt, biết tên, biết chút đỉnh về gia thế nhưng không hề « quen », chưa có dịp nói chuyện và sẽ chẳng còn có dịp để làm quen và nói chuyện.
Không sao, đã có nhiều người làm thay tôi việc đó, có khi họ làm hay hơn tôi, điều tôi muốn viết ở đây là những gì đã nghe kể về Hùng.

Hùng bị ung thư thời kỳ cuối và đã ra đi trong tình thương của Chúa và trong thương tiếc của mọi người. Thời gian trị bệnh, Hùng vẫn đến giáo xứ dạy giáo lý trong thể trạng xuống dốc, tiều tụy, mất phong độ, vậy mà Hùng tĩnh bơ với những tỉnh từ bi quan rất sân si đang gắn chặc vào Hùng lúc này. Hùng đón nhận chén đắng của cuộc sống một cách tĩnh táo, vì đó là đoạn cuối đưa Hùng đến với Chúa, và thời gian thử thách này cũng là cơ hội sau cùng để Hùng truyền đạt kinh nghiệm sống đạo với mọi người.

Sau vài năm vật vả với bao phương pháp điều trị tân tiến hiện đại, y học đành bó tay, vậy là Hùng chờ ngày « Chúa thương gọi Hùng về ».
Nhưng trước khi ra đi Hùng còn một số việc phải làm, đừng nói là Hùng tiếc tiền tài danh vọng à nhe, Hùng làm gì có những thứ quá « đời thường » như vậy.
Hùng chỉ có gia tài Yêu Thương mà Chúa trao ban, nhưng vì chưa kịp mang đi phân phát hết cho tha nhân nên Hùng mới lấn cấn, thấy ngại vì mình còn nợ anh em nhiều quá.

Những ngày cuối trên giường bệnh, Hùng gầy yếu xác xơ, nhưng không hề sợ chết và rất vui khi có người đến thăm. Sau lời cảm ơn, Hùng tâm sự, Chúa luôn hiện hữu trong cuộc đời Hùng, Chúa ở ngay trong những người đến thăm Hùng.
Rồi Hùng rối rít xin lỗi về những thiếu sót của mình, vì Hùng biết có thể mai này sẽ không còn cơ hội xin lỗi bất cứ ai.

Tuy yếu đuối về thể xác nhưng Hùng vẫn sáng suốt mạnh mẽ trong ánh mắt, trong lời nói, đôi lời ăn năn, từ biệt đầy áp yêu thương như níu chân những người đến thăm Hùng. Hùng chưa về với Chúa mà thiên hạ khóc như mưa, thương tiếc một nhân chứng « sống đạo rất đời », đời có Chúa trong ta, không nhất thiết phải vào nhà thờ mới gặp Chúa. Có người sau khi gặp Hùng có cảm giác như vừa bước ra một cuộc tĩnh tâm, chả có cha thầy nào bên cạnh mà sao vẫn thấy lòng mình đổi mới, mắt mình chợt thấy Chúa qua tha nhân.

Tôi không biết Hùng dạy giáo lý cho các em như thế nào, nhưng nghe kể về đoạn cuối cuộc đời Hùng, tôi tin Hùng sống nhỏ bé, khiêm nhường mới có thể đến với Chúa, và đưa Chúa đến với các em qua lớp giáo lý.Vâng Hùng đứng lớp giáo lý để tạ ơn Chúa đã cho Hùng cơ hội đưa các em đến với Chúa một cách đơn sơ, nhẹ nhàn, không cần khoát lên vai cái chức thầy dạy giáo lý, đôi khi nghe hơi nghiêm trang, hơi nghiêm trọng đến đáng ngại. Thánh lễ tiễn Hùng về với Chúa, giáo xứ Ta âm ỉ giọt ngắn giọt dài, những lời chia sẻ tiếc thương, trẻ già đều mắt đỏ bùi ngùi, một tang lễ đầy cảm xúc ân tình.

Tôi ngồi nhà đọc bài tường trình, bài chia sẻ, bài tưởng nhớ về Hùng, bỗng nỗi hứng viết ít hàng nói lên cảm nhận riêng, rất riêng của mình. Chuyện người ra đi ngày hôm nay để lại không ít nước mắt trong cộng động giáo xứ VN tại Paris, nhân chứng tình yêu của Chúa đã xa ta, một đời người vừa khép lại. Như một truyện hay vừa đọc xong, quyễn truyện được xếp lên giá sách, nằm yên ở đó, nhưng lời hay ý đẹp vẫn còn đâu đây, có thể, lời đó, ý đó sẽ theo ta đi thêm một đoạn đường đời hay sẽ cùng ta đi xa hơn nữa.

Thôi thì,
Người đi yên nghỉ bên cạnh Chúa,
Kẻ ở nhớ thương tấm gương đời.


Mong những kỷ niệm đẹp, kỷ niệm vui hoặc kém vui của Hùng là hành trang giúp sức để vợ của Hùng và con gái vững bước trong những ngày và những năm sắp tới.

Riêng tôi cảm tạ Chúa, cảm ơn Hùng đã gợi ý để tôi viết bài này, không phải để tôn vinh ai, mà chỉ muốn tự nhắc mình, cuộc đời này chỉ thuộc về ta một nửa, đó là thân xác do mẹ cha tác tạo, nhưng một nửa kia, tâm trí ta nhờ có Chúa linh hướng để ta đừng bao giờ lạc lối mà rời xa Người.
 
Đọc lại câu chuyện tình sử Romeo và Juliet
Jos. Tú Nạc, NMS
11:22 26/05/2013
Câu chuyện này đã xảy ra cách đây rất lâu. Chuyện tình giữa một đôi trai gái, Romeo và Juliet, họ đã yêu nhau say đắm. Nhưng hai gia đình họ đã thù ghét nhau. Thình thoảng, những người hai bên gia đình thậm chí đã xô xát nhau trên đường phố.

Mở đầu câu chuyện, Romeo và Juliet chưa một lần gặp gỡ. Cha mẹ Juliet đã tổ chức một buổi liên hoan tại nhà của họ. Romeo và bạn bè của chàng nghe tin buổi liên hoan này. Họ đã quyết định tham gia bữa tiệc. Nhưng họ mặc quần áo hóa trang để không nhận ra họ là ai.

Khi họ đến, nhạc và thức ăn đã bày sẵn. Gia đình Juliet và bạn bè của họ đang cùng nhau khiêu vũ, chuyện trò. Họ không biết rằng có những người lạ mặt trong nhà.

Trong buổi liên hoan, Romeo đã thấy Juliet đi ngang qua căn phòng. Chàng yêu mến nàng và tấn công nàng. Chàng nói,

“Tôi chưa hề thấy một vẻ đẹp nào đích thực như đêm nay.”

Chàng không biết nàng là ai nhưng chàng bước tới và nói chuyện với nàng. Chàng thấy rằng nàng cũng đã thách thức chàng. Tình yêu đang choán ngập họ.

Tuy nhiên, sau khi Romeo rời khỏi, Juliet mới biết chàng thực sự là ai. Đây là cơn kích động mạnh đối với nàng. Nàng thấy mình đang hòa nhập với tình yêu con trai của kẻ thù nhà nàng,

“Duy nhất tình yêu của tôi, đã rung động trước người tôi thù oán.”

Nhưng Juliet và Romeo cũng sống trong yêu thương mà họ không cảm thấy thâm thù, chia cắt giữa gia đình họ. Họ không kể cho cha mẹ nghe về mối tình của họ. Và họ không bao giờ gặp gỡ công khai trừ những lần hẹn hò thầm kín. Sau đêm ấy, Romeo đa trèo qua tường rào nhà Juliet. Chàng ẩn mình đợi nàng đến bên cửa sổ. Khi nàng xuất hiện, chàng nghĩ rằng nàng đẹp lộng lẫy như vầng thái dương lúc bình minh,

“Đó là phương đông, và Juliet là mặt trời.”

Chàng ngắm nàng. Trông nàng thật buồn, đang đứng và gục đầu trên đôi tay,

“Nhìn dáng nàng nghiêng nghiêng má trên tay.
Ôi ở đó ta là chiếc bao tay trên tay nàng.
Ở đó ta đã chạm nhẹ trên má ấy.”


Sau đó chàng nghe nàng như đang nói với chính nàng. Nàng nói đó là Romeo người nàng yêu dấu. Tên họ gia đình chàng sẽ không là vấn đề gì cả.

“Nghĩa lí gì đối với một cái tên
Đó chỉ là cái mà chúng ta gọi một bông hồng,
Bằng bất kỳ một tên gọi nào khác hương vị ngọt ngào.”


Romeo rời khỏi chỗ chàng náu, và nói với Juliet. Chàng nói với nàng rằng chàng sẽ đổi tên nếu như nàng muốn. Nàng đã bị choáng vì chàng đã đặt cuộc đời của chàng vào sự liều lĩnh bằng cách trèo vào khuôn viên nhà nàng. Nhưng nàng hiểu rằng vì chàng đã quá đỗi yêu nàng.

Cả hai họ đều biết mình đang trong nguy hiểm. Nhưng họ cũng biết tình yêu của họ đã dành cho nhau mãnh liệt như thế nào. Họ đã quyết định đến gặp vị linh mục của họ, Friar Laurance, và yêu cầu ngài làm phép cưới cho họ, bí mật, trong ngôi nhà thờ, không có sự chứng kiến của đôi bên gia đình họ.

Họ đã kết hôn với nhau sáng hôm sau. Romeo và Juliet trở nên một, với tư cách là vợ chồng; nhưng gia đình họ vẫn tiếp tục tranh chấp.

Trên đường phố, Mercutio bạn chí thân của Romeo đã bị Tybalt tấn công. Tybalt là anh họ của Juliet. Romeo đã hết sức ngăn cản, nhưng Tybalt đã dùng kiếm giết chết Mercutio. Romeo, bất thình lình nổi giận, giết chết Tybalt. Chàng biết, chàng sẽ bị bắt, nên chàng chạy trốn. Chàng ẩn náu trong nhà thờ của linh mục Friar Laurance.

Friar Laurance đề nghị Romeo hãy đi đến một thành phố khác và hứa sẽ gửi tin tức về những gì xẩy ra ở quê nhà. Linh mục Friar Laurance hy vọng ngài có thể yêu cầu vị Hoàng tử thành phố tha thứ cho Romeo, đề chàng có thể trở lại với Juliet.

Juliet không ngớt than khóc. Gia đình nàng nghĩ nàng khóc cho người anh họ, cái chết của Tybalt. Thực ra, chẳng qua đó là những giọt nước mắt dành cho người chồng mới, thầm kín của nàng đã phải đi xa.

Sau đó cha nàng đã nói với nàng điều gì đó mà ông đã có ý định từ trước. Ông muốn nàng lấy một người bạn danh giá của ông, tên là County Paris. Nàng phản đối mạnh mẽ nhưng cha nàng sẽ không chấp nhận với câu trả lời “không”. Ông nhấn mạnh rằng sau khi cưới Paris, nàng không được nói với ông ta rằng nàng đã thành hôn với Romeo. Nàng chạy đến linh mục Friar Laurance kể với ngài vấn đề phức tạp mới này, và yêu cầu sự giúp đỡ của ngài.

Linh mục Friar Laurance cho nàng một thứ thuốc đặc biệt. Khi nàng uống vào, nàng sẽ rơi vào một giấc ngủ thật sâu khoảng hai ngày. Nó làm cho nàng tưởng như chết.

Nàng về nhà và ra vẻ như vâng lệnh của cha mình rằng nàng phải kết hôn với County Paris. Đêm trước khi đám cưới diễn ra, nàng uống thuốc của linh mục friar Laurance cho. Sáng hôm sau nàng không thức giấc. Mọi người tưởng nàng chết, và thay cho đám cưới là một đám tang. Juliet được đặt trong một hầm mộ lớn nơi mà tất cả những người thuộc dòng họ này được mai táng.

Linh mục Friar Laurance nhắn tin này cho Romeo kể cho chàng nghe về kế hoạch này và gọi chàng trở về. Ngài nói rằng cả hai sẽ cùng đến ngôi mộ; và ở đó cho đến khi Juliet tỉnh dậy sau giấc ngủ sâu. Sau đó đôi uyên ương có thể bỏ trốn. Họ có thể xây dựng một cuộc sống mới cách xa thành phố này, và xa hai dòng họ oán thù này.

Nhưng mọi việc không diễn ra như kế hoạch của Friar Laurance. Tin nhắn của ngài Romeo không nhận được. Thay vào đó, Romeo đã nghe được hung tin rằng Juliet đã chết và đã được chôn cất. Chàng chất ngất u buồn và quyết định không muốn sống mà thiếu Juliet. Chàng mua một loại thuốc độc cực mạnh, và mang theo, âm thầm, trở lại thành phố và đi thẳng tới ngôi mộ. Chàng lẻn vào và thấy Juliet đang nằm ở đó. Giống như mọi người khác, chàng nghĩ rằng nàng đã chết. Chàng nói rằng chàng sẽ không bao giờ rời khỏi nàng.

“Anh sẽ ở lại với em, Và không bao giờ ra khỏi lâu đài của đêm huyền hoặc này. Bắt đầu lại: nơi đây, nơi đây, anh vĩnh viễn bên em.”

Chàng uống thuốc độc mà chàng đã mua mang theo người, rồi chết. ngay lúc đó, Juliet tỉnh giấc và thấy xác của Romeo bên cạnh nàng.

“Đây là gì? Có phải một cái tách được nắm chặt trong bàn tay người tôi yêu chân chính? Thuốc độc em thấy đã kết liễu đời anh.”

Nàng nhìn quanh tìm kiếm thuốc độc còn sót lại để uống. Không còn gì hết. Chai thuốc đã cạn. Nên nàng đã lấy con dao của Romeo và tự sát.

Vị Hoàng tử thành phố, cùng cha mẹ của Romeo và Juliet được gọi đến. Linh mục Friar laurance đươc yêu cầu giải thích những gì đã xẩy ra. Biến cố thê thảm này đã làm cho bậc cha mẹ hiểu lòng căm thù giữa họ đã tác hại như thế nào. Họ hứa trong tương lai sẽ trở thành anh em và không còn là kẻ thù.

Họ nhìn nhận rằng sự oàn thù của họ đã dẫn đến cái chết của con cái mình, đang nằm đó trong lòng mộ.

Vị Hoàng tử của thành phố đã mô tả sự kết thúc bi thảm của câu chuyện bằng những lời cuối cùng của vở kịch:

“Chưa từng có một câu cuyện nào u buồn hơn thế, Câu chuyện của Juliet và Romeo yêu dấu của nàng.”

Những chủ đề liên quan đến Công Giáo trong “Romeo và Juliet” của Shakespeare

Joseph Pearce, nhà biên tập và là tác giả của tác phẩm “Shakespeare on Love” đã thấy sự hiện diện mang tính Công Giáo trong “Romeo và Juliet” và sửa chữa những giải thích phổ biến về vở kịch này, đã xem đôi tình nhân này chỉ là những nạn nhân.

“Nếu chúng ta không thay đổi cách đánh giá để xem nó như một câu chuyện cảnh tỉnh, với Romeo và Juliet mắc phải sai lầm, như vậy vở kịch sẽ bị đảo lộn vì trong một chừng mực nào đó họ là những người đức hạnh nhưng một nỗi họ kết liễu cuộc đời thật bi thảm, và chắc chắn chẳng gì là thỏa mãn,” Pearce, giảng dạy tại Đại học Thomas More, đã đưa ra nhận xét.

“Nhưng một khi chúng ta thực sự hiểu nó thì kết quả này là hậu quả của những hành động, những quyết định, và những lựa chọn của chính họ, và cũng là lỗi lầm vì thiếu sót không có sự định hướng của cha mẹ - quả thật là ảnh hưởng xấu của cha mẹ. Đột nhiên người ta xem nó như một triết lý Ki-tô giáo uyên thâm, một câu chuyện cảnh tỉnh.”

Pearce giải thích rằng động cơ của ông khi viết “Shakespeare on Love,” được phát hành vào tháng 3 bởi Ignatius Press, nhằm “sửa chữa cách giải thích nhầm lẫn về ‘Romeo và Juliet’ bằng cái nhìn của bi kịch hiện đại.” Một số đã giải thích đôi tình nhân này như những nạn nhân của thiên mệnh, không một ai có lỗi đối với cái chết của họ, định mệnh và số phận hủy diệt khát vọng tự do của họ.

Từ thế kỷ 19 và kỷ nguyên lãng mạn, khi cảm xúc trào dâng vượt lên trên lý trí, người ta đọc vở kịch này dạt dào cảm xúc qua lăng kính đó, Romeo và Juliet được xem như những anh hùng của tình yêu và là nạn nhân của hai dòng họ oán thù nhau.

Việc lý giải ảo tưởng về “Romeo và Juliet” như vậy là bóp méo ý nghĩa của tình yêu, Pearce nói, tạo cho nó “cảm xúc thực tế, và cảm giác đó chiếm lĩnh lý trí nơi mà lãng mạn và tình yêu gặp gỡ trùng phùng, và nó được trở thành tiêu chuẩn cho các nhà phê binh để nhận xét “Romeo và Juliet” theo phương thức này.”

“Nhưng dĩ nhiên ‘Romeo và Juliet’ không được viết dưới lăng kính thiên về chủ nghĩa lãng mạn … mà bằng một tri thức thuộc phạm trù đạo đức và tình yêu Ki-tô giáo uyên thâm, với tình yêu thì nó là một điều gì đó được liên kết giữa lý trí và khát vọng, và nhu cầu thiết yếu phó thác cuộc đời của mình cho người mình yêu.”

“Shakespeare on Love” là mục đích “đính chính tri thức phi Ki-tô giáo” về “Romeo và Juliet”, Phân tích văn bản vở kịch này để chứng minh cách mà Shakespeare khắc họa hình ảnh đôi tình nhân này như là một hậu quả tôi lỗi, rơi vào một trạng thái say mê phóng túng để cuối cùng gieo đau thương mất mát cho cả hai.

Pearce chỉ ra rằng Shakespeare khắc họa hình ảnh Romeo và Juliet vì thiếu sự thận trọng và tiết độ, mà những bậc phụ huynh của họ, những người mà có thể hướng dẫn họ những phẩm hạnh đó mà họ bỏ qua. Pearce nhận thấy vở kích này là một công cụ để giảng dạy đạo đức và bản chất của tình yêu chân chính.

Cả hai “Romeo và Juliet” cùng với “Julius Csesar” là hai tác phẩm được giảng dạy rộng rãi trong các trường trung học. Pearce đã nhận xét một cách tỉ mỉ về tầm quan trọng của nó để định hướng đúng đắn ý nghĩa nội dung của nó, ông nói nó “hầu như đã bị giảng dạy chệch hướng khó thay đổi.”

“Tiếng nói của Shakespeare đầy quyền lực, một tiếng nói đã bị bóp méo bởi bi kịch thế tục, và đó là một điều gì đó cần phải được đính chính,” Pearce kết luận.

Đọc “Romeo và Juliet” mục đích “là để có một Shakepeare am hiểu vì Shakespeare am hiểu chính mình”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tưởng Nhớ
Tấn Đạt
22:40 26/05/2013
TƯỞNG NHỚ
Ảnh của Tấn Đạt
Tưởng nhớ và cầu nguyện cho những chiến sĩ đã hy sinh.