Ngày 25-05-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gia đình là cộng đồng tình yêu phản chiếu tình yêu Ba Ngôi
Lm. Nguyễn Minh Hùng
08:08 25/05/2013
CHÚA BA NGÔI

GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐỒNG TÌNH YÊU

PHẢN CHIẾU TÌNH YÊU BA NGÔI

Trong lịch sử, người ta thường dùng những hình ảnh khác nhau để trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn hình ảnh của một ngọn lửa. Trong lửa luôn luôn có ba yếu tố: lửa - ánh sáng - sức nóng. Ba yếu tố đó không lẫn lộn vào nhau: ánh sáng là ánh sáng, lửa là lửa, sức nóng là sức nóng. Ba yếu tố phân biệt rõ ràng, nhưng cũng không bao giờ tách biệt khỏi nhau, ngược lại gắn chặt vào nhau. Có lửa là có ánh sáng, có sức nóng.

Từ hình ảnh ngọn lửa, người ta áp dụng để giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi chỉ là một Chúa duy nhất, nhưng phân biệt rõ ràng: Chúa Cha - Chúa Con - Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng cũng chỉ là một. Và một Thiên Chúa nhưng vẫn cứ là Ba Ngôi. Cũng như không thể lấy đi ánh sáng khỏi lửa và bảo rằng lửa cứ cháy mà không cần ánh sáng được. Cũng vậy, vì ba Ngôi vẫn chỉ là một Thiên Chúa, nên mọi hoạt động nơi Thiên Chúa đều quy về Ba Ngôi…

Dẫu sao mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi vẫn chỉ là một huyền nhiệm lớn lao đối với con người. Đi tìm câu trả lời cho huyền nhiệm ấy, con người làm một sự cố gắng vượt trên sức hiểu biết của mình. Bởi thế, những hình ảnh mà con người cố gắng suy nghĩ để giải thích, dù có hay đến mấy, vẫn chỉ là một cố gắng còn khiếm diện và bất toàn mà thôi.

Điều hay nhất chúng ta cần làm có lẽ không phải là khám phá tới cùng mầu nhiệm Thiên Chúa cho bằng quay về với chính mình để sống làm sao cho xứng đáng với tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Bởi vậy, tôi muốn mời bạn cùng tôi suy nghĩ về gia đình vì gia đình là một cộng đồng tình yêu, phản chiếu tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Từ xưa, trong Hội Thánh đã có thói quen áp dụng hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa Ba ngôi là kiểu mẫu của tình yêu cha - mẹ - con cái. Ngay từ trong cung lòng mình, tình yêu Thiên Chúa đã là một tình yêu trao ban, tình yêu mở ra, vì thế một mà lại là ba: Trao ban giữa Cha, Con, Thánh Thần.

Nếu Ba Ngôi là kiểu mẫu của gia đình thì mọi thành viên trong gia đình cũng phải yêu nhau bằng tình yêu trao ban, tình yêu hiến thân, tình yêu mở ra đối với người mà mình yêu. Tình yêu gia đình đòi hỏi có nhau, cho nhau và vì nhau. Nếu một thành viên nào trong gia đình chỉ biết có bản thân mình, yêu nhưng chỉ yêu chính mình, tình yêu đó đang phản lại kiểu mẫu của tình yêu Ba Ngôi. Không thể chấp nhận được một người chồng, một người cha quên trách nhiệm của mình, chỉ biết có say sỉn, còn vợ con có khổ, có đói không đoái hoài tới.

Cũng không ai có thể chấp nhận được một người vợ, một người mẹ tệ cho đến mức quên hết vai trò của mình, chỉ biết bài bạc, có khi thức thâu đêm suốt sáng chỉ để thỏa đam mê thấp kém này.

Chúng ta cũng không thể chấp nhận hình ảnh một đứa con trả treo với cha mẹ. Có khi bất chấp cha mẹ có khả năng hay không, nó đòi cho bằng được điều mà nó muốn có.

Tất cả những hình ảnh trên đều đi ngược lại tình yêu Ba Ngôi. Vì đó chỉ là một thứ ích kỷ, vụ lợi cho bản thân. Trên hết mọi sự, hãy bắt chước tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: Yêu là cho đi, là rộng ban, là mở ra. Hãy sống làm sao để gia đình trở thành cộng đồng tình yêu, phản chiếu tình yêu Ba Ngôi.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:09 25/05/2013
NGUYÊN NHÂN CÓ SẤM SÉT
Khi Thiên đế ra lệnh cho Lôi thần quản trị sấm sét, ông ta chỉ có một con chó chín cái tai mà không có dụng cụ để phát đi tiếng sấm chớp, thế là ông ta đi thỉnh giáo với thiên thần Nguyên Tôn. Trên đường đi thì bổng có một cây gậy dài từ trên trời rơi xuống trúng vào viên đá xanh phát ra ánh sáng rất mạnh, Lôi thần nhặt lên và phát hiện đây là cây gậy đánh ra lửa của Thái thượng Lão quân, ông ta rất phấn khởi nói: “Ta phải dùng cây gậy tịch lịch này để phát ra sấm chớp !”
Sau đó Nguyên Tôn thiên thần nói với Lôi thần lấy xương quái thú cái để làm dùi, lấy da quái thú đực chế tạo cái trống, thế là Lôi thần dẫn con chó chín tai đi đông hải tìm quái thú.
Sau một trận đại chiến kịch liệt, con quái thú cái bị con chó chín tai cắn chết, con quái thú đực tức giận chỉ một cái táp là nuốt con chó chín tai vô bụng. Lôi thần rất thương tâm bèn hô phong hoán vũ và sấm sét nổi lên công đánh con quái thú đực ấy, lấy được dùi và trống.
Từ đó về sau Lôi thần chuyên tâm quản lý sấm sét.
(Nam triều, Tống, Thịnh Hồng Chi “Hình châu ký)

Suy tư:
Có người sợ sấm chớp, có người run rẩy khi nghe tiếng sét nổ ầm ầm, cũng đúng thôi, vì có khi sét cũng đánh chết người.
Có một thứ mạnh hơn sấm sét, đó là cơn giận dữ của con người, có người khi cơn giận nổi lên thì có thể giết người gây ra án mạng; có người khi giận dữ thì quên tất cả như người bị quỷ ma ám...
Nhưng tất cả những giận dữ ấy cũng không bằng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trong ngày phán xét, Ngài không quát mắng giận dữ, cũng không trợn mắt bặm môi đánh người tội lỗi, nhưng sự công bằng khi xét xử của Ngài làm cho kẻ tội lỗi sợ hãi hơn cả sấm sét đánh, bởi vì sự công bằng chính trực của Ngài là sấm sét đánh những người kiêu ngạo và những kẻ thờ bụt thần...
Nguyên nhân sấm sét là chuyện huyền thoại cổ tích, không có thật.
Nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trong ngày phán xét thì có thật, Thánh Kinh đã chứng minh điều ấy trong Thánh Vịnh, khi ông Mô-sê cầu nguyện với Chúa:
“Ngài thịnh nộ chúng con phải mạng vong,
nổi trận lôi đình thấy mà khủng khiếp !
Tội chúng con, Chúa bày ra trước mặt Ngài,
lỗi thầm kín Thánh Nhan đều soi tỏ.
Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ,
kiếp sống thoảng qua: một tiếng thở dài...” (Tv 90, 7-9)

-----------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:12 25/05/2013
LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI

Tin mừng : Ga 16, 12-15
“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.


Bạn thân mến,
Hôm nay là ngày lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, đây là mầu nhiệm lớn trong đạo Công Giáo, và cũng là cốt lõi đức tin của người Ki-tô hữu, trong tâm tình của ngày lễ này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy ý sau đây :

Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu.
Một tình yêu bất khả phân và viên mãn, là chủ thể của mọi tình yêu trên trời dưới đất, tình yêu này được hình thành không phải do nguyên lý của xác thịt, nhưng mọi tình yêu của loài xác thịt đều phải từ tình yêu này mà có và tồn tại.

Tình yêu này đã tạo dựng nên trời đất muôn vật, và hoàn thiện nó bởi tình yêu dâng hiến hy sinh cách trọn vẹn của Đức Chúa Giê-su, khi Ngài chết trên thập giá và sống lại vinh quang.

Tình yêu này không dừng lại khi Đức Chúa Giê-su hoàn tất công trình cứu chuộc ở trần gian và lên trời vinh hiển, nhưng Thánh Thần được Đức Chúa Cha phái đến với Hội Thánh, vẫn tiếp tục hoàn thiện và đổi mới mỗi người Ki-tô hữu, cho đến ngày đạt đến viên mãn trong Nước Thiên Chúa.

Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa của Hiệp Nhất.
Đức Chúa Cha yêu thương Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần là do sự hiệp nhất yêu thương này mà có, một sự hiệp nhất như gốc cây nho với cành nho và sinh ra hoa trái để cho con người hưởng dùng. Hiệp nhất là đặc tính cốt lõi của Thiên Chúa Ba Ngôi, và cũng là nơi phát sinh ra sự hiệp nhất trong mọi cộng đoàn con cái của Giáo Hội trên trần gian.

Hiệp nhất nhưng không lệ thuộc, Đức Chúa Con không lệ thuộc vào Đức Chúa Cha nhưng đồng bản tính và ngang hàng với Cha, Đức Chúa Thánh Thần không lệ thuộc vào Đức Chúa Con và Đức Chúa Cha, nhưng là đồng bản tính với Cha và Con, và trở nên Đấng thánh hóa và đổi mới nhân loại và vũ trụ sau khi Đức Chúa Giê-su về trời.

Ba ngôi hiệp nhất để vạn vật biến hóa sinh tồn, để Giáo Hội được hiệp nhất và đổi mới luôn trong Thần Khí của Thiên Chúa.

Bạn thân mến,
Mầu nhiệm Đức Chúa Trời Chúa Ba Ngôi đã được Đức Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta biết, nhưng bí nhiệm đời đời của mầu nhiệm này thì trí óc con người của chúng ta không thể suy thấu, nhưng với đức tin, ân sủng của Thiên Chúa ban cho và qua giáo huấn của Giáo Hội, thì chúng ta hiểu rằng: đây là mầu nhiệm của tình yêu, mầu nhiệm của hiệp nhất.

Do đó khi mà bạn và tôi suy niệm đến tình yêu và sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, thì bạn và tôi cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho gia đình chúng ta có một tình yêu chân thật, một sự hiệp nhất gắn bó giữa cha mẹ và con cái với nhau, một tình yêu bất khả phân ly và tương trợ lẫn nhau giữa một xã hội đầy chia rẽ và vắng bóng tình yêu của Thiên Chúa và đồng loại này...

Bạn và tôi cũng nhớ đến cộng đoàn giáo xứ của mình khi suy đến mầu nhiệm Đức Chúa Trời Chúa Ba Ngôi này, đó là sự đoàn kết và hiệp nhất với nhau của mỗi phần tử trong giáo xứ, để dưới sự lãnh đạo của Đức Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta biết sống yêu thương đoàn kết và hiệp nhất với nhau hơn...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:14 25/05/2013
N2T

5. Thánh thiện của tôi chính là sự khổ nạn của Đức Chúa Giê-su.

(Thánh Francis de Assisi)
-----------------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Bữa Ăn
Lm Vũđình Tường
06:27 25/05/2013
Đồ ăn, thức uống, trong các bữa tiệc lớn nhỏ, ngoài việc cung cấp thực phẩm cần thiết cho con người nó còn mang lại niềm vui cho người dự tiệc. Bữa cơm tối trong gia đình đóng vai trò quan trọng cho việc củng cố hạnh phúc gia đình. Một số dùng bữa cơm gia đình thông báo tin vui, chia xẻ nỗi lo hoặc nói ra những ưu tư, sầu muộn thầm kín trong đầu. Thỉnh thoảng cũng có cặp tình nhân ngỏ lời đính hôn trong bữa ăn hoặc vui chơi sau bữa ăn. Ăn uống có lẽ là lúc ta cảm thấy thoải mái, tinh thần nhẹ nhàng và cũng là lúc ta lắng nghe cẩn thận hơn cả. Rất nhiều hợp đồng công trình thương mại được thoả thuận trong tiệm càphê, hay trong bàn tiệc. Bàn tiệc cũng là nơi nhiều í kiến chính trị đồng thuận, thoả thuận mà các buổi họp chính thường là nơi giãi bày bất đồng chính kiến, những bất đồng này đôi khi được thoả thuận trong giờ nghỉ giải lao, uống càphê, ăn bánh ngọt.

Ăn, uống đóng tầm mức sống còn của loài vật. Nhiếp ảnh gia rình rập ngoài hoang dã chụp được rất nhiều tấm hình mỗi loại súc vật đều có cách săn mồi riêng và cách cho con ăn uống. Nhìn cách chúng nuôi con chúng ta có thể hình dung ra tình yêu mẹ dành cho đàn con. Chim bồ lông săn mồi rồi về lấy thực phẩm trong bao tử ra nuôi con. Con gà bắt được con trùng lên tiếng gọi con đến mớm cho nó. Con gấu mẹ đi vòng quanh con mồi giữ an toàn cho con ăn. Tất cả những hình ảnh đó nói lên tình mẫu tử.

Bữa cơn gia đình là lúc chúng ta không phải chỉ chia cơm, xẻ bánh mà qua đó con cái nhìn thấy tình yêu hy sinh cha mẹ dành cho con cái. Cha mẹ cách nào đó nhường phần ăn cho con cái. Tình yêu hy sinh này đôi khi bị mất hút trong mắt trẻ em của những gia đình dư ăn, thừa mặc nhưng nó lại tỏ lộ rõ ràng nơi những gia đình nghèo, lao động cực nhọc. Nhiều gia đình đói không có gì ăn nhưng vẫn phải chờ cha mẹ mang thực phẩm về sau một ngày vất vả làm việc. Bữa ăn ngon hay dở, nhiều hay ít đều tuỳ thuộc vào ngày đó cha mẹ thu hoạch được nhiều hay ít. Bữa ăn cũng là lúc gia đình chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, câu chuyện xảy ra trong ngày. Vui vẻ, vất vả, hy vọng, thất vọng tất cả đều thể hiện qua khuôn mặt, giọng nói, tiếng cười trong bữa cơm gia đình.

Đức Kitô cũng trong bữa cơm giữa Thầy trò nói lên tâm sự của mình.

kẻ giơ tay chấm chung một dĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy Mat 26,23
Thầy sẽ không ăn lễ Vượt Qua này nữa cho đến khi lễ này được nên trọn trong nước Thiên Chúa Lk 22,16
Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy Gn 16,5
Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn an hem đến sự thật toàn vẹn Gn16,13
Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho an hem. Mọi sự Chúa Cha có đề là của Thầy Gn 16,14


Qua bàn tiệc Đức Kitô tỏ lộ cho các tông đồ tâm tình, ưu tư, lo lắng cũng như niềm vui của Ngài. Cũng chính qua bữa tiệc Đức Kitô nói rõ hơn về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Có thể nói Thánh Thể là trung tâm điểm gặp gỡ của ba ngôi Thiên Chúa với nhân loại.

Bữa cơm gia đình ít nhiều cũng mang những yếu tố quan trọng chia sẻ tâm tình vui buồn của cuộc sống. Bữa cơm gia đình là lúc gia đình họp mặt, đoàn tụ chia sẻ tình thân thương dành cho nhau, chia sẻ ưu tư, ngọt, bùi cho các thành viên khác trong gia đình.

Khi tham dự bí tích Thánh thể chúng ta cũng cần lưu í để cảm tạ Chúa vì qua Thánh Thể, bữa cơm tâm linh, Đức Kitô diễn tả tình yêu thương của Ngài cho nhân loại, diễn tả tình yêu hy sinh vô bờ bến, chết trên thập tự vì yêu ta. Đáp lại chúng ta cũng tâm sự cùng ngài những lo lắng trong đời, những ưu tư trong ngày và cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài lắng nghe lời ta thỏ thẻ tâm sự.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:15 25/05/2013
CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA
Cha sở vào nhà thờ để lấy Mình Thánh Chúa đi trao cho bệnh nhân, ngài thấy một thanh niên đang quỳ gối trước nhà tạm chầu Thánh Thể.
Ngài giật mình xấu hổ, vì mỗi ngày ngoài việc làm lễ, thì ngài rất ít khi vào nhà thờ chầu Mình Thánh Chúa...
------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dân Pháp tiếp tục biểu tình chống luật hôn nhân đồng giới
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
07:03 25/05/2013
PARIS – Chúa Nhật 26/05/2013 tới đây Ban Tổ Chức có tên « Biểu tình cho tất cả mọi người » tiếp tục xuống đường lần thứ ba trên phạm vi toàn quốc. Tất cả người tham dự đều tập trung về thủ đô Paris. Sở dĩ có tên gọi như thế là để chống lại một tên gọi khác « hôn nhân cho tất cả mọi người » được ông François Hollande cổ võ trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Hành động này là câu trả lời cho Tổng thống Pháp Hollande, thuộc Đảng Xã Hội, người đã chính thức phê chuẩn và ban hành ngày 17 tháng Năm 2013 đạo luật hôn nhân đồng tính cũng như cho phép các cặp này được nhận nuôi con nuôi.

Theo dự kiến, vào lúc 14 giờ Chúa Nhật, ngày 26.05.2013, ngày lễ của các bà mẹ tại Pháp, cuộc biểu tình sẽ được đồng loạt bùng nổ tại 3 địa điểm của Paris, gồm Porte Dauphine, cửa ngõ Tây Bắc của Thủ Đô ; Porte Saint Cloud, cửa ngõ Tây Nam thành phố Paris ; và tại quảng trường Valhubert, gần trung tâm Paris. Tất cả những người tham gia biểu tình sẽ diễu hành trên các đường phố theo hành trình định sẵn của một trong ba ngả đường này để cùng tiến về và tập trung tại Quảng Trường Invalides lừng danh.

Hiện nay trên trang mạng của Ban Tổ Chức, các thông tin về phương tiện di chuyển bằng xe ca hay các chuyến tàu siêu tốc từ các tỉnh lẻ về thủ đô Paris cũng được chỉ dẫn hết sức chi tiết. Ngay cả các hình ảnh và biểu ngữ được dùng cho cuộc biểu tình cũng được phổ biến tại đây giúp người tham gia có thể in ấn một cách dễ dàng. Thêm vào đó, Ban Tổ chức cũng kêu gọi đội ngũ thiện nguyện viên để phục vụ cho buổi tuần hành.

Vấn đề an toàn cho người tham gia biểu tình luôn là mối quan tâm hàng đầu của Ban Tổ Chức. Lần biểu tình lần cuối cùng vào Chúa Nhật ngày 24 tháng Ba 2013 mà các tham dự viên khắp nơi trên toàn quốc tập trung về Paris diễu hành trên Đại Lộ Foch, nối liền với Đại Lộ Champs Elysées, một số trong đó còn có cả trẻ em đã bị cảnh sát xịt khí làm chảy nước mắt.

Một trong những phát ngôn viên của Ban Tổ Chức, bà Frigide Barjot, người mà mấy ngày trước đã kêu gọi ông ông Manuel Valls, Bộ Trưởng Nội Vụ, hành động « để trật tự công cộng và an toàn được đảm bảo cho tất cả những người biểu tình », đến nay đã chính thức công bố với giới truyền thông là sẽ không có mặt trong buổi biểu tình vì nhận được quá nhiều đe dọa đến tính mạng của bà.

Một điều vẫn thường thấy, về phía giới chức trách luôn tìm cách giảm thiểu con số người tham gia biểu tình. Lần biểu tình toàn quốc lần đầu tiên tại Paris hôm Chúa Nhật ngày 13 tháng Giêng 2013, cảnh sát cho là có khoảng 300.000 người, trong khi đó phía Ban Tổ Chức xác nhận có hơn 800.000 người ; lần biểu tình thứ hai ngày 24 tháng Ba 2013, phía chính quyền đưa ra con số cũng khoảng 300.000 người, đối lập với 1.400.000 người từ Ban Tổ Chức.

Nhằm hậu thuẫn cho cuộc biểu tình sẽ diễn ra vào Chúa Nhật ngày 26.05.2013, một Nhà sử học đồng thời cũng là Nhà văn, ông Domique Vanner, 78 tuổi, thuộc phong trào cực hữu, vào chiều hôm Thứ Ba 21/05/2013 đã dùng súng tự kết liễu đời mình ngay tại bàn thờ Nhà thờ Đức Bà Paris với lý do đưa ra trước đó không lâu trên trang mạng của mình là cần phải có hành động mạnh mẽ như vậy để phản đối hôn nhân đồng giới.

Cũng tại chính nơi đây, vào ngay buổi tối cùng ngày, theo chương trình ấn định trước, diễn ra một buổi canh thức cầu nguyện cho sự sống của năm thứ năm liên tiếp do Đức Hồng Y Vingt- Trois, Tổng Giám Mục Paris chủ sự cùng với sự hiện diện của các giám mục và giáo dân của các giáo phận thuộc giáo tỉnh Paris.

« Biểu tình cho mọi người » là phong trào mang tính tự phát, quần chúng, và hòa bình, vượt lên trên cả cảm thức tôn giáo, chính kiến hay giới tính và bỏ qua tất cả những khác biệt để hướng đến mục đích gìn giữ sự hiệp nhất của đa số về quan hệ huyết thống nhân loại được pháp luật Pháp công nhận trong hôn nhân dân sự.

Mặc cho đạo luật hôn nhân đồng giới của Bộ Trưởng Tư Pháp Taubira và Tổng Thống Hollande đã được ban hành, Ban Tổ Chức biểu tình vẫn tiếp tục huy động tuần hành cho đến khi nào đạo luật này bị rút lại.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi giải quyết nạn thất nghiệp ngày càng lan tràn
LM. Trần Đức Anh OP
07:06 25/05/2013
VATICAN. ĐTC Phanxicô tố giác nạn thất nghiệp đang lan tràn và kêu gọi dùng toàn lực để bài trừ tai ương này.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 25-5-2013 dành cho 500 tham dự viên Hội nghị quốc tế do Quỹ ”Năm thứ 100 Phò Giáo Hoàng” (Centesimus Annus pro Pontifice) tổ chức tại Roma về chủ đề ”Nghĩ lại tình liên đới về công ăn việc làm: những thách đố của thế kỷ 21”. Trong số các tham dự viên cũng có một số HY và GM.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc lại sự kiện Quỹ Năm Thứ 100 do Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 thành lập cách đây 20 năm và mang tên thông điệp Người ban hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm công bố thông điệp Rerum novarum, Tân Sự.

ĐTC đề cập đến chủ đích của Hội nghị là ”Nghĩ lại tình liên đới” có nghĩa là phối hợp giáo huấn của hội Thánh với sự tiến hóa liên tục và mau lẹ của xã hội và kinh tế, mở ra những khía cạnh ngày càng mới mẻ; tiếp đến là đào sâu, suy tư thêm để làm nổi bật giá trị của tình liên đới. Ngài nói: ”Cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội hiện nay càng khiến chúng ta phải ”nghĩ lại” và làm nổi bật sự thật và tính chất thời sự của Giáo huấn như trong thông điệp ”nhờ lao động” (Laborum exercens) trước sự kiện có bao nhiêu tài nguyên của thiên nhiên không được sử dụng, trong khi biết bao nhiêu người không có hoặc không đủ công ăn việc làm, và vô số người bị đói. Điều này chứng tỏ có cái gì không ổn (n.18). Hiện tượng thiếu công ăn việc làm đang lan tràn như vết dầu loang, nới rộng biên cương của sự nghèo đói. Và không có sự nghèo đói vật chất nào tệ hại hơn sự nghèo đói không để người ta có kế sinh ngai và tước mất của con người phẩm giá của lao công”.

ĐTC giải thích rằng: ”Như thế nhu cầu phải nghĩ lại tình liên đới không còn là một sự trợ giúp từ thiện đối với những người nghèo nhất, nhưng là xét lại toàn diện hệ thống, để tìm ra những con đường cải tổ và sửa chữa hệ thống ấy, làm cho nó phù hợp các với các quyền bản của con người, của tất cả mọi người”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC khẳng định rằng ”Cuộc khủng hoảng hiện nay không phải chỉ là khủng hoảng về kinh tế và tài chánh mà thôi, nhưng có căn cội sâu xa nơi cuộc khủng hoảng về luân lý đạo đức và về con người. Theo đuổi các thần tượng quyền bính, lợi lộc, tiền bạc, vượt lên trên giá trị nhân vị con người, nay đã trở thành qui luật cơ bản cho mọi sự điều hành và thành tiêu chuẩn quyết định trong việc tổ chức. Người ta đã và đang quên rằng bên trên các doanh vụ, tiêu chuẩn và mẫu mực thị trường còn có con người và có một cái gì đó thuộc về con người, trong tư cách họ là người, do phẩm giá sâu xa của họ: nghĩa là cống hiến cho họ cơ hội sống xứng đáng và tích cực tham gia vào công ích”. (SD 25-5-2013)
 
Thai nhi là “Một trong chúng ta”: Bảo vệ cuộc sống con người trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời
Đặng Tự Do
17:01 25/05/2013
Ngày 18 tháng 10 năm 2011 đánh dấu một ngày đặc biệt đối với phong trào ủng hộ sự sống của châu Âu. Vào ngày hôm đó, Tòa án Tư pháp châu Âu công nhận phẩm giá của đời sống con người từ lúc thụ thai. Tòa án cũng nghiêm cấm hủy hoại phôi thai con người cho các mục đích nghiên cứu hoặc sản xuất.

Sau phán quyết này, các công dân châu Âu đưa ra sáng kiến thành lập phong trào “Thai nhi là một trong chúng ta” với ý nghĩa cần bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai. Những người ủng hộ hy vọng phong trào sẽ kích hoạt một sự thay đổi có thể được thực hiện trên pháp luật châu Âu.

Ông Jaime Thị Trưởng Oreja, thành viên của Nghị viện châu Âu

"Một trong chúng ta,” là một sáng kiến mang đến cho châu Âu chúng tôi một cơ hội độc đáo để cản trở sự phổ biến nền văn hóa của cái chết. Sáng kiến này cho thấy rằng bằng cách làm việc chung với nhau, với các hiệp hội và các quốc gia khác nhau, chúng ta có thể chứng minh rằng châu Âu không phải đã chết về tâm linh. "

Để đạt được điều này, mọi người từ tất cả các quốc gia tạo nên Liên minh châu Âu, đang yêu cầu hỗ trợ. Mục tiêu của họ là nhằm đạt 1 triệu chữ ký. Tại thời điểm này, có khoảng 450.000 chữ ký.

Thị trưởng Jaime nói tiếp:

"Chúng tôi chắc chắn sẽ đạt được. Chúng tôi còn thời gian cho đến ngày 1 tháng 11. Tôi hy vọng rằng những người hỗ trợ cuộc sống có thể bước ra và ủng hộ sáng kiến này. Chúng tôi cần phải có một cuộc nổi dậy lớn ở châu Âu để gửi một thông điệp rõ ràng: chúng tôi không chấp nhận nền văn hóa hiện nay là thúc đẩy sự chết ".

Các trang web 'oneofus.eu' được xuất bản dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mục đích là để bảo vệ thai nhi, và đặc biệt hơn để ngăn chặn việc Liên minh châu Âu cung cấp tài chính cho các hoạt động đi ngược lại nền văn hóa của cuộc sống.
 
Tổng thống El Salvador trao Đức Giáo Hoàng di hài của Đức Cha Oscar Romero
Lã Thụ Nhân
18:37 25/05/2013
Đức Cha Oscar Romero
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng Thống El Salvador, Mauricio Funes, đến viếng thăm Vatican. Trong cuộc hội kiến, cả hai vị lãnh đạo đã bàn thảo vấn đề làm thế nào để Tòa Thánh và El Salvador hợp tác trong các lĩnh vực như bác ái, giáo dục, cuộc chiến chống nghèo đói và nạn tội phạm có tổ chức.

Một trong những điểm chính được đề cập đến là vấn đề Đức Cố Tổng Giám mục Oscar Romero. Vị tu sĩ Dòng Tên đã bị sát hại vào lúc cao trào của cuộc nội chiến hồi năm 1980 khi ngài cử hành Thánh lễ ở El Salvador.

Đức Thánh Cha gợi ý: "Chúng ta hãy nói về Đức Cha Romero".

Tổng thống đáp: "Đức Cha Romero đã giúp chúng tôi rất nhiều, nhất là khi đất nước của chúng tôi hướng đến tiến trình hòa bình".

Tổng Thống El Salvador đã tặng Đức Thánh Cha một phần của chiếc áo dòng mà Đức Cha Romero mặc khi ngài bị bắn chết. Ông nói:

"Với sự khiêm tốn hết sức, tôi muốn tặng ngài món quà này, đã được các nữ tu khâu lại với nhau. Đây là chiếc áo Đức Cha Romero mặc lúc đang dâng Thánh Lễ khi ngài bị sát hại".

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng tổng thống ba huy hiệu triều đại giáo hoàng của ngài. Sau đó, ngài chào ngoại giao đoàn tháp tùng với tổng thống và tặng mỗi người một tràng hạt.

Như thường lệ, trước khi tạm biệt, Đức Thánh Cha xin vị Tổng thống cầu nguyện cho ngài.

"Xin Thiên Chúa ban ơn lành cho Tổng thống. Hãy cầu nguyện cho tôi".
 
ĐTC: Hãy là muối cho đời, đừng trở thành những vật trưng bày trong bảo tàng viện về Kitô hữu.
Lã Thụ Nhân
18:51 25/05/2013
Trong bài giảng vào sáng ngày 23 tháng Năm tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta của Vatican, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu hãy là "muối cho đời". Ngài mô tả đời người Kitô hữu như là một cuộc sống sinh động với 'hương vị' phản ánh đức tin, đức cậy, đức mến. Ngài cũng thúc giục họ chớ trở thành những vật trưng bày trong bảo tàng viện về Kitô hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: "Căn tính Kitô không thuần nhất! Nhưng thể hiện trên mỗi người chúng ta tùy theo cá cách, đặc điểm và văn hóa riêng của mỗi người. Ta cần bảo vệ căn tính Kitô vì đó là một kho tàng quý báu. Tuy nhiên, căn tính này còn mang đến thêm cho mỗi người một điều nữa: đó chính là hương vị! Đặc tính Kitô giáo mà chúng ta có được thật tuyệt đẹp, vì nếu anh chị em tìm kiếm sự thuần nhất - và mọi người trở thành 'muối' trong cùng một cách thức, thì mọi thứ sẽ giống như người nội trợ nấu nướng nêm quá nhiều muối, người ta chỉ nếm được vị mặn của muối thay vì thưởng thức bữa ăn. Đặc tính Kitô giáo chính là: mỗi người là chính mình, với những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban tặng".

Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng 'muối cho đời' này phải được chia sẻ với tha nhân. Ngài giải thích thêm nếu chúng ta cất giữ nó, nó sẽ trở nên nhạt nhẽo và ẩm ướt.
 
Đức Giáo Hoàng gặp đội vô địch bóng đá Ý
Lã Thụ Nhân
18:57 25/05/2013
Sự thật không có gì phải che giấu là Đức Thánh Cha là cổ động viên hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt. Khi đội 'Juventus thành Turin' giành chức vô địch Ý, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các thành viên ban huấn luyện và đội trưởng của đội bóng.

Một điều khá rõ ràng là Đức Thánh Cha theo dõi những tin tức cập nhật về thể thao, nhất là có liên quan đến đội bóng San Lorenzo de Almagro mà ngài yêu thích.

Đức Thánh Cha đã tiếp đón họ tại Nhà trọ Thánh Marta của Vatican trong một cuộc gặp gỡ nhanh chóng, thân thiện và ít lễ tiết. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone cũng tham gia cuộc gặp gỡ.

Đức Thánh Cha nói: "Một ngày nọ, tôi đi ngang qua Quảng trường Thánh Phêrô trong một buổi triều yết chung. Từ trên xe giáo hoàng, tôi thấy một người la hét và mặc chiếc áo của đội San Lorenzo. Tôi thấy anh ta và tôi phản ứng như thế này..."

Mọi người cùng cười ồ lên. Đức Thánh Cha nói đùa về lợi ích của việc chơi thể thao và để nêu gương, ngài nói về Đức Hồng Y Bertone:

"Hãy nhìn vào vị Quốc vụ khanh của chúng ta. Giờ thấy ngài hạnh phúc ra sao rồi đó".

Thủ môn Gianluigi Buffon của đội Juventus đã trao tặng Đức Thánh Cha một chiếc áo có chữ ký của chủ tịch đội bóng là Andrea Agnelli. Anh cũng tặng ngài ông một bản sao thu nhỏ chiếc cúp vô địch của họ.

Trong buổi gặp gỡ thân thiện, họ cũng trao đổi về giải đấu mùa hè, khi đội Ý sẽ giao đấu với đội bóng Argentina. Mặc dù có vẻ Đức Giáo Hoàng quan tâm, nhưng ngài không nói là sẽ có kế hoạch tham dự.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi sự hiệp nhất, yêu cầu tất cả người Công giáo cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc
Lã Thụ Nhân
19:37 25/05/2013
Tin tức từ Trung quốc cho biết Đức Tân Giám Mục Mã Đạt Khâm của Thượng Hải, người đã bị nhà nước bắt giam lỏng tại chủng viện Xà Sơn đã gởi thư cho anh chị em giáo dân Trung quốc nhân ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa 24/05/2013. Đức Cha Mã Đạt Khâm đã bị bắt hôm 8/7/2012, một ngày sau khi ngài được truyền chức Giám Mục Phụ Tá Thượng Hải

Trong bài giáo lý tuần này, Đức Thánh Cha đã nói về Chúa Thánh Thần giúp người Công Giáo trong đời sống hàng ngày ra sao. Ngài đã đã ứng khẩu một vài lời, kêu gọi người Công Giáo xây dựng sự hiệp nhất. Ngài cũng yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho Trung Quốc và suy tư về đời sống cá nhân của họ.

Đức Thánh Cha đưa ra các câu hỏi: "Tôi phải làm gì với đời sống của tôi? Tôi có mang lại sự hiệp nhất hay không? Hay là tôi gây chia rẽ bằng việc tán gẫu và đố kỵ? Chúng ta hãy tự vấn bản thân về điều này".

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng vào ngày 24 tháng Năm, Giáo Hội mời gọi tất cả các tín hữu cầu nguyện cho người Công Giáo ở Trung Quốc, nơi mà tự do tôn giáo không được tôn trọng. Ngài kêu gọi:

"Tôi thúc giục tất cả mọi người Công Giáo trên khắp thế giới hiệp lời cầu nguyện với anh chị em của chúng ta ở Trung Quốc, cầu xin Chúa ban ơn để họ công bố đức tin bằng sự khiêm nhường và niềm vui. Để loan báo Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại; để trung thành với Giáo Hội của Ngài và Người kế vị Thánh Phêrô, để sống đời sống hàng ngày nhằm phục vụ đất nước và đồng bào của họ theo cách xứng hợp với đức tin mà họ tuyên xưng".

Ở Trung Quốc có khoảng 12 triệu người Công Giáo, nhưng họ chỉ được phép thực hành đức tin của mình dưới sự kiểm soát của chính quyền. Nghĩa là, chỉ các giám mục và linh mục được Hội yêu nước Trung Quốc phê duyệt và chỉ các giáo xứ đã đăng ký mới được hoạt động. Đó là lý do tại sao nhiều người Công Giáo theo Giáo Hội 'hầm trú' vốn trung thành với Rôma.

 
Đức Thánh Cha Phanxicô bàn về việc “xét lại tình liên đới” trong Đại Hội Centesimus Annus
Bùi Hữu Thư
20:01 25/05/2013

2013-05-25 Vatican Radio

(Vatican Radio) Ngày thứ bẩy 25/5/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các thành viên của Fondazione Centesimus Annus Pro Pontifice (FCAPP) khi họ kết thúc đại hội ba ngày của họ tại Vatican.

Được Chân Phước Gioan Phaolô II thanh lập năm 1993 sau khi ngài ban hành Thông Điệp Centesimus Annus, mục tiêu của FCAPP, vào dịp họ kỷ niệm 20 năm ngày thanh lập là trở thành công cụ cho việc huấn luyện giáo dân và Phúc Âm Hóa về học thuyết xã hội Công Giáo.

Nói với các thành viên của tổ chức này, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý họ về chủ đề của đại hội: “Xét lại tình liên đới trong việc thuê mướn công thợ: những thách đố của thế kỷ 21.”

Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay và nạn thất nghiệp lan tràn nhanh chóng, Đức Thánh Cha nói “Không có hình thức nghèo đói về vật chất nào tệ hại hơn.. là khi không thể kiếm ăn và bị mất đi phẩm giá con người khi thất nghiệp.”

Vì thế, giúp đỡ người nghèo không dủ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, mà còn cần phải cải tổ hệ thống tại mức hoàn cầu, một cách nào cho phù hợp với phẩm giá căn bản của con người.

Nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng hiện hành không chỉ là kinh tế và tài chánh, mà còn là về luân lý đạo đức và nhân chủng nữa, nơi “các thần tượng của quyền lực, của lợi tức và tiền bạc,” được đánh giá cao hơn “chính con người.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta phải trở về với trọng tâm của con người, với một quan điểm đạo đức hơn về doanh thương và giao tế nhân sự, mà không sợ hãi phải đánh mất một cái gì.”
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa
Lã Thụ Nhân
20:47 25/05/2013
Đức Thánh Cha đã dành thời gian đến thăm Dòng Thừa Sai Bác Ái để mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Bếp ăn miễn phí của Tòa Thánh Vatican. Tại đây có một nhóm các nữ tu chăm sóc cho những người nghèo và túng quẫn từ ngày này sang ngày khác, chỉ cách Quảng trường Thánh Phêrô vài bước chân.

Nữ tu Mary Prema Pierick, Bề trên Tổng quyền của Dòng Thừa Sai Bác Ái cho biết: "Ngày này 25 năm về trước, ngày 21/05/1988, Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã trao Nhà 'Dono di Maria' cho Chân phước Mẹ Têrêxa thành Calcutta".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tòa nhà này được Đức Chân phước Gioan Phaolô II mong mỏi thực hiện, và đã được ngài khánh thành. Giờ đây nó trở thành hoa trái nhờ tác động của các vị thánh, và hoạt động của các vị chân phước là Đức Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêsa Calcutta. Các đấng thánh thiện đã từng hiện diện nơi đây. Thật là đẹp biết bao!"

Đức Thánh Cha cũng đã gặp gỡ khoảng 100 người thường xuyên nhận được sự nâng đỡ từ các nữ tu truyền giáo, các thiện nguyện viên và cộng tác viên. Đức Thánh Cha mô tả đó không chỉ là ngôi nhà, nhưng là một gia đình, và là một trường học của bác ái. Ngài cho hay:

"Đây là một ngôi nhà, và khi tôi nói ngôi nhà có nghĩa đây là nơi chào đón, một căn nhà với môi trường nhân bản, nơi mà người ta cảm thấy thoải mái, một nơi để gặp gỡ những người khác, có cảm giác được bao bọc ở một nơi, trong một cộng đoàn".

Sau đó, ngài nhấn mạnh thêm rằng ngôi nhà là một hồng ân cho Giáo Hội, nhưng những người giúp đỡ cũng mang hồng ân đến cho Giáo Hội. Đức Thánh Cha giải thích rằng người ta có thể thấy Chúa Giêsu trên khuôn mặt của những người nghèo túng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Chúng ta phải khám phá ý nghĩa của những ân sủng, của hồng ân, của tình liên đới. Chủ nghĩa tư bản cực đoan chủ trương lý lẽ của lợi nhuận bằng mọi giá, cho để mà nhận, khai thác mà không quan tâm đến con người. Đây là những hậu quả chúng ta thấy được trong cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang sống".

Sau đó, Đức Thánh Cha và các nữ tu bác ái lần chuỗi Mân Côi trước tượng Đức Mẹ Fatima.

Đức Thánh Cha đã tặng Nhà 'Dono di Maria' một số món quà trong đó có một giỏ thức ăn và bức hình Thánh Phanxicô Assisi.

Ngài chào hỏi từng người một, và có lúc ngài cũng nói tiếng Tây Ban Nha.

Đức Thánh Cha: "Hân hạnh được gặp con".

"Con từ đâu đến?"

"Con là người Ý nhưng sống ở Argentina 40 năm, ở Mendoza."

Đức Thánh Cha: "Con là người Mendoza à!"

"Thật là thú vị, hân hạnh được gặp con".

"Thật là thú vị được gặp Đức Thánh Cha, chúng con là mẹ và con gái."

Đức Thánh Cha:

"Con đến từ Mendoza phải không?"

"Con là người Mendoza"

Đức Thánh Cha:

"Con có nhớ rượu Mendoza không ?"

Với chuyến thăm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kế tục truyền thống của các vị tiền nhiệm. Đức Bênêđíctô XVI đến thăm Dòng Thừa Sai Bác Ái của Rôma vào năm 2008 và Đức Gioan Phaolô II viếng thăm vào năm 1988.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các đại biểu từ Bulgaria và Macedonia
Đặng Tự Do
22:31 25/05/2013
Ngày 24 tháng 5, Bulgaria và Macedonia kỷ niệm cuộc sống của hai thánh Cyril và Methodius, là các vị đã phát minh ra bảng chữ cái Cyrillic. Các ngài cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa và rao giảng Tin Mừng Kitô giáo trong các nước vùng Baltic.

Để đánh dấu ngày, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ Thủ tướng Bulgaria và Chủ tịch quốc hội Macedonia.

Đức Thánh Cha đã gặp gỡ Thủ tướng Bulgaria, Marin Raykov, trong khoảng 30 phút.

Đức Giáo Hoàng đã trao cho thủ tướng một vật dùng để mở thư trong khi Thủ tướng tặng lại ngài một bức tranh bằng bạc xi vàng với những cảnh của Tin Mừng.

Đức Thánh Cha cũng đã gặp gỡ ông Trajko Valjanoski, người đang giữ chức chủ tịch quốc hội Macedonia.

Ông chủ tịch không bỏ lỡ cơ hội để mời Đức Giáo Hoàng đến thăm đất nước của mình.

"Đó là một niềm vui lớn để chào đón ngài, thưa Đức Thánh Cha. Con có vinh dự được chính thức mời ngài đến thăm Cộng hòa Macedonia. Đất nước đã sẵn sàng để chào đón Đức Giáo Hoàng.

"Sự thật là ở đây chúng con cảm thấy như ở nhà, nhưng chúng con sẽ rất vui khi có Đức Thánh Cha là khách mời của chúng con. Chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ rất quan trọng đối với Cộng hòa Macedonia. "

Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với Valjanoski trong khoảng 20 phút.

Phái đoàn ngoại giao của Macedonia, cũng tha thiết đưa ra lời mời Đức Giáo Hoàng.

"Chúng con mời Đức Thánh Cha đến thăm chúng con, để trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm Macedonia."

Valijanoski đã trao tặng Đức Giáo Hoàng một món quà mà ông gọi là “món quà khiêm tốn”

"Đó là một món quà khiêm tốn từ Macedonia của quốc hội, phản ánh 1.200 năm truyền thống."

Đáp lại, Đức Giáo Hoàng tặng ông vật dụng để mở thư, rất đơn giản.

"Món quà của tôi thậm chí còn khiêm tốn hơn. Nhưng đó là từ trái tim. "

Trước khi từ giả Đức Thánh Cha, đoàn khách của quốc hội Macedonia đã nhắc lại lời mời một lần nữa.

- "Chúng con hy vọng chúng ta gặp lại nhau tại Macedonia."

- "Hy vọng, nhưng chúng ta hãy cầu nguyện."

Cho đến nay, kế hoạch dành cho các chuyến đi quốc tế của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong năm 2013 chỉ là đến Rio Brazil, nơi ngài sẽ chủ sự Ngày Giới trẻ Thế giới.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy tìm kiếm sức mạnh ngay cả trong bối cảnh của những thách thức của cuộc sống
Đặng Tự Do
22:04 25/05/2013
Trong Thánh Lễ buổi sáng hôm thứ Sáu 24 tháng 5 tại nhà trọ Casa Santa Marta, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng các Kitô hữu cần phải kiên nhẫn khi đối mặt với khó khăn. Ngài khuyến khích họ đáp ứng với tình yêu và sự tha thứ ngay cả trong thử thách.

Đức Thánh Cha nói:

"Chịu đựng đau khổ là chấp nhận những khó khăn của cuộc sống và mang vác chúng trên vai với sức mạnh. Như thế, khó khăn không kéo chúng ta xuống được. Mang vác chúng với sức mạnh là một nhân đức Kitô giáo! Thánh Phaolô đã nói nhiều lần: hãy chịu đựng, hãy nhẫn nại. Điều này có nghĩa là không để những khó khăn đè bẹp chúng ta. Nghĩa là Kitô hữu có sức mạnh để không bỏ cuộc, để đương đầu trước khó khăn với sức mạnh. Hãy đương đầu với khó khăn, nhưng đương đầu với sức mạnh. Không phải dễ đâu, vì chán nản ập đến, và ta bị thôi thúc bỏ cuộc: "Ồ, thôi nào, chúng ta đã làm những gì chúng ta có thể nhưng chẳng đi tới đâu." Nhưng không, cần có ân sủng để chấp nhận chịu đựng. Trong gian truân, chúng ta phải nài xin ân sủng này. "

Vì là ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, nên Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đàn Huy, tổng thư ký Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc, và một nhóm đến từ Trung Quốc cũng tham dự Thánh Lễ
 
Đức Giáo Hoàng nhận được bộ hành trang World Youth Day
Đặng Tự Do
22:10 25/05/2013
Chỉ còn hai tháng nữa là đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Để sẵn sàng cho chuyến đi lớn đến Brazil, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp tổng giám mục của Rio, Orani João Tempesta, và với một nhóm các nhà tổ chức World Youth Day hôm thứ Sáu 24 tháng Năm. Trong cuộc họp, các vị đã bàn về tất cả các chi tiết trước ngày trọng đại vào ngày 23 Tháng Bảy.

Để chuẩn bị cho Đức Giáo Hoàng trong chuyến đi lớn phía trước, ban tổ chức đã dâng lên ngài một bộ hành trang World Youth Day, bao gồm cả ba lô, một đĩa CD, và những hình ảnh về bức tượng Chúa Giêsu tại Rio De Janeiro
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Tích Mẹ thánh Têrêsa Calcutta tại Thanh Đa
Hồ Anh Minh
07:01 25/05/2013
SAIGÒN - Tiếp nối việc xây dựng Đài Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta tại Thanh Đa cách đây 05 năm, ngày 14/5/2013 vừa qua, Cha Sở Đaminh Nguyễn Đình Tân đã đặt Thánh Tích của Mẹ trên Cung Thánh Nhà Thờ Thanh Đa.

Xem hình ảnh

Và hôm sau, nhân ngày thứ tư hằng tuần, cộng đoàn giáo xứ không ra viếng Đài Mẹ thánh như thường lệ, mà viếng Thánh Tích Mẹ ngay trong Nhà Thờ, để mọi tín hữu cung kính tiến lên hôn Thánh Tích này.

Rồi từ nay, Thánh tích này được đặt ngay nơi Mẹ ngồi hiệp dâng Thánh Lễ 19 năm trước (1994).

Những cơ duyên mà Giáo xứ Thanh Đa có được với Mẹ Têrêsa Calcutta như là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng. Trong 2 lần viếng thăm Việt Nam 1993 và 1994, Mẹ đã đến giáo xứ Thanh Đa để xin được lập cơ sở Dòng tại đây, nhưng dự án không thành.

Với lòng mến yêu Mẹ Thánh và để ghi dấu vết chân Mẹ thánh đã tới Thanh Đa, ngày 14/5/2008, Đài Mẹ Têrêsa Calcutta được khánh thành trên đồi bông giấy trong khuôn viên xinh đẹp của giáo xứ Thanh Đa. Từ đó, nhiều người trong và ngoài giáo xứ đã đến cầu nguyện với Mẹ, các tu sĩ thuộc Dòng Thừa Sai của Mẹ cũng đến viếng mỗi khi công tác tại Việt Nam.

Đầu năm 2013, Cha Sở Đaminh Nguyễn Đình Tân và cha Giuse Thành (trước ở Thanh Đa, nay làm việc mục vụ tại Mỹ) đã hành hương kính viếng Mẹ Thánh tại Calcutta - Ấn Độ. Được biết lòng yêu mến của giáo dân Thanh Đa và những đóng góp của Cha với việc tôn sùng Mẹ Thánh tại Việt Nam, nhà Dòng đã trao tặng giáo xứ Thanh Đa thánh tích của Mẹ, gồm MÁU và VẢI ÁO của Mẹ thánh vào ngày 14/01/2013.

Ngoài ra, cha Thành khác ở Thụy Sĩ, một linh mục thuộc hội Corpus Christi do Mẹ thành lập, khi đọc trên mạng của giáo xứ có trình bày về Mẹ Têrêsa, Ngài đã đến viếng Mẹ Thánh tại Thanh Đa trong một lần về thăm Việt Nam, và đã tặng giáo xứ TÓC của Mẹ Thánh, vào ngày 16/10/2012.

Những ai yêu mến Mẹ Thánh giờ đây đã được chiêm ngắm và hôn kính những thánh tích này như là một gặp gỡ mầu nhiệm với Mẹ Têrêsa Calcutta, và nhiều Ơn lành đã nhận được khi cầu khẩn cùng Mẹ Thánh ở nơi đây.

Thánh tích

Một vật có liên hệ với một vị thánh,như xương cốt, quần áo hay bất cứ vật gì thánh nhân đã dùng hoặc đã chạm đến. Hội Thánh cho phép và hết lòng cổ võ việc tôn kính các thánh tích xác thực.

Thánh tích của một vị thánh tử đạo sẽ được đặt vào đá thánh khi làm phép bàn thờ.

Thánh tích gồm ba loại:

1. Xương cốt của vị thánh, được đặt vào đá thánh trên bàn thờ
2. Quần áo hay bất cứ vật gì thánh nhân đã dùng khi còn sống
3. Bất cứ vật gì, như một miếng vải chẳng hạn, đã chạm đến thân thể hay xương cốt thánh nhân

Theo Từ điển Công Giáo phổ thong [Pocket Catholic Dictionary], John A. Hardon, S.J., Image Books, New York 1985. Bản dịch Nhóm Chánh Hưng, chủ biên LM. Đặng Xuân Thành, NXB Phương Đông, tr.583

(Tài liệu ghi chú Thánh tích do ông Luy Thuận sưu tầm)
 
Những Đóa Hoa Rừng Tây Nguyên
Sr. Maria Nguyễn Thị Minh Du
08:23 25/05/2013
Mỗi nơi đi qua đều để lại trong tôi một cảm giác, vui- buồn, hạnh phúc- suy nghĩ... đặc biệt hơn khi đi thăm những ngôi nhà, mái ấm của các em khuyết tật, khiếm thị, trẻ em đường phố và những nhà mồ côi, ấn tượng để lại trong tôi là niềm vui khi thấy các em hạnh phúc, nỗi buồn khi các em không có được cơ hội đầy đủ như mỗi người Chúa dựng nên, những suy nghĩ này cứ ở trong lòng tôi với suy nghĩ: Làm sao để giúp các em.

Với các em ở chốn thành thị, các tổ chức, các đơn vị và những cá nhân biết đến rất nhiều qua các bài viết, các trang web, qua lời giới thiệu... Tôi cũng được diễm phúc theo chân các chị em trong ban tông đồ của Dòng đến thăm nhiều nơi, nên cũng cảm nhận được những hạnh phúc của các em tại các nhà gần với các trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, cảm giác khi tôi đến thăm các em cô nhi ở Hàm Rồng- Gialai đọng lại trong tôi thật nhiều là sự bình an. Trại này nằm cách xa Saigon 600 cây số. Đây là một trại mồ côi của Dòng Nữ Đaminh Rosa Lima. Có 33 em, lớn nhất hiện đang học lớp 7, nhỏ nhất là 3 tuổi, gái nhiều hơn trai, 100% là người dân tộc.

Thật là lạ, tại sao đến với người kém may mắn hơn mình, ai cũng nghĩ là mình sẽ trao tặng cái gì đó. Ý nghĩ này khởi đầu cho những chuyến đi thăm. Thế mà nơi này tôi nhận được sự bình an. Vì sao ư?

Do các sơ không đủ người để chăm sóc nên đã huấn luyện các em biết tự phục vụ và em lớn giúp bé nhỏ. Giờ tắm, các chị tắm- giặt cho em trước rồi mới đến mình. Giờ ăn, các chị xới cơm, dọn bàn... rồi cùng cầu nguyện và ăn. Chẳng ai phải đút cơm cho ai cả. Hôm tôi đến thăm, có 4 em gái chừng 3 tuổi tự ngồi xúc cơm ăn, không rơi vãi và ăn cũng rất gọn gàng.

Dễ thương nhất có lẽ là giờ cầu nguyện. Mỗi ngày các em đều viếng Chúa, đọc kinh Mân Côi chung với nhau sau đó là cầu nguyện tự phát. Một chị đọc trước, 32 cái miệng lập lại lời cầu nguyện ấy. cứ như vậy cho những ý cầu nguyện chung và những lời cầu nguyện riêng trong ngày. Phải tham dự giờ cầu nguyện này mới cảm thấy hết sự bình an và tuyệt vời Chúa cho các em. Tôi tham dự cũng lấy được sự tĩnh lặng của tâm hồn. Có lẽ Chúa Giê-su là người thích nhất khi thấy các em thưa chuyện với mình một cách gần gũi và thân mật như thế này.

Đặc biệt trong số này có Blaih, 13 tuổi là người không tay và chỉ có một chân. Tôi cứ ngỡ em chỉ quanh quẩn ở nhà, không ngờ em cũng đến trường như bạn đồng trang lứa. Tôi không thể tin vào mắt mình khi thấy em cầm bút như bao người viết những dòng nắn nót chân phương. Em đi học bình thường như bao bạn khác. Em ăn cơm, múa hát, tắm, giặt quần áo và các sinh hoạt như một em bé bình thường. Hôm tôi đến thăm, nghe biết em vẽ giỏi, nên ngồi làm mẫu để em vẽ chân dung mình. Bức hí họa của em 20 phút đã xong. Tác phẩm miêu tả rất giống, vì tác giả xấu òm nên có phần hơi hơi giống Thị Nở ở làng Vũ Đại. Tuy nhiên, tôi không biết vẽ, tôi có đủ tay, đủ chân... vẫn không thể vẽ được bức chân dung nào cho ai cả, nên tôi rất thích tấm hí họa này của em.

Được biết, một số em ở đây mồ côi, nhưng cũng có một số em bố hay mẹ qua đời, người còn lại đi lập gia đình mới nên tá túc trong ngôi nhà nhỏ này; một số các em do người trong các bản làng mang ra nhờ các sơ nuôi, một số em các sơ “ nhặt” được từ đống rác. Số là gần đó có một “ bô” rác rất lớn, rác từ các nơi đổ về tập trung nơi đây. Các em nhỏ từ các làng đến bới rác, tìm thức ăn mà tôi đã có lần viết trên VietCatholic:

Bãi rác, làng Brong Ngol và Giọt nước (http://www.vietcatholic.net/News/Html/53780.htm). Các sơ đã đưa các em về và một số em chọn nơi đây là mái ấm của mình.

Tôi ở lại chơi với các em vài ngày học được vài câu chào hỏi bằng tiếng Jrai... nhưng khi lên xe về lại Saigon thì quên mất. Nhưng có một điều làm tôi luyến lưu mãi. Các em gửi cho tôi rất nhiều thư, những con chữ mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên như cuốn lấy tôi. Những tình cảm chân thành nhất của các bé hì hục thức khuya để viết. điều làm tôi vui nữa là các em rất có tình, biết tri ân, các em viết thư cho các sơ đã từng phục vụ tại cộng đoàn này, đã từng chăm bẵm cho các em. Khi về, quà đã gửi tất cả ở lại, nhưng balô trên vai nặng trĩu những lá thư, những ân tình của những bông hoa Tây Nguyên.

Tôi tự đặt tên cho các em là “ những đóa hoa rừng”, chỉ riêng trong lòng mình. Người ta nói: “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Hôm nay, tôi nhận được tình cảm của rừng lại thấy bừng bừng niềm vui.

Các em lớn lên thanh khiết như những bông hoa trên rừng, đón nhận bầu khí trong lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Ước chi nhiều bàn tay nâng đỡ những cánh hoa rừng này. Ước chi mơ ước của Blaih, của YHLiêng, của Y’Yến, của Rulơ, của H’Thoa ... sau này trở thành cô giáo, thành bác sĩ, thành ma sơ... sẽ được hiện thực với cánh tay nối dài của những tấm lòng hào hiệp.

Maria Nguyễn Thị Minh Du
Congregation of Dominican Sisters of Saint Rose of Lima


 
Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục cho 5 Phó Tế thuộc Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời tại Illinois)
Vũ Tá
21:10 25/05/2013
Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục cho 5 Phó Tế thuộc Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời (SVD)

Techny 25.5. 2013: Bầu trời Techny, Illinois hôm nay đầy mây. Không mưa như mấy ngày trước, không gió như hôm qua, không bão như ở Oklahoma tuần trước. Gió lạnh tựa vào Thu, nhưng lòng người về đây tựa mùa Xuân nở rộ với vui mừng. Cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc tuốn về để tham dự Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục cho 5 Phó Tế thuộc Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời (SVD).

Từ muôn phương tụ họp về đây
Trong ngày tiến chức của năm thầy
Trở nên Linh mục Dòng Truyền Giáo
Ngôi Lời loan báo khắp đó đây


Thánh Lễ Truyền Chức do Đức Cha John Barwa, SVD từ Bhubaneswar, Ấn Độ chủ tế cùng với Cha Giám Tỉnh Chicago, Thomas Ascheman, và khoảng 40 cha đồng tế. Trước phần kết Lễ, Đức Cha chủ tế quỳ xuống và 5 tân chức đến đặt tay chúc lành cho Đức Cha. Sau Thánh Lễ có tiệc mừng cho các tân chức, gia đình, và mọi người. Ai nấy hân hoan vì Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời nói riêng và Hội Thánh nói chung có thêm 5 tân chức sẵn sàng bước vào cánh đồng truyền giáo thênh thang mà chính Chúa Giêsu đã ra lệnh: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20).

Lệnh truyền của Chúa Giêsu trong thánh sử Mác-cô được viết như sau: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15). Chính vì thế, 5 tân chức cũng được sai đi các vùng khác nhau: Cha Andrzej Marek Dzida, người Ba Lan, được sai đi truyền giáo tại miền Nam Sudan, Phi Châu; Cha René Cabilan Gerona, người Phi Luật Tân, được sai đi truyền giáo trong Tỉnh Dòng Chicago, Hoa Kỳ; Cha Nguyễn Thế Bảo được sai đi truyền giáo tại Papua New Guinea; Cha Trương Minh Nhiên được sai đi truyền giáo tại Ecuador; và cha Lê Sơn được sai đi truyền giáo tại Phi Luật Tân.

Xin chân thành chúc mừng và chia vui với các tân chức cũng như gia đình, thân bằng quyến thuộc trong ngày hồng ân này. Nguyện xin Chúa luôn chúc lành và đồng hành với các tân chức trong cánh đồng truyền giáo để các tân chức luôn hăng say đem Ngôi Lời đến cho muôn dân; bước theo chân Cha Thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Dòng (1837-1909), xóa đi màn đêm tăm tối, để Chúa Giêsu hiển trị trong lòng mọi người, như lời nguyện của ngài:

Nguyện xin ánh sáng Ngôi Lời
Thánh Linh ân sủng đồng thời xóa tan:
Tội khiên tăm tối tràn lan
Đêm trường bất tính phủ màn nơi nơi
Thánh Tâm Giêsu tuyệt vời
Muôn lòng ngự trị ngàn đời ước mong
Giêsu, chúc tụng vô song
Bây giờ mãi mãi không cùng. Amen.




 
Văn Hóa
Cảm tạ ơn lành
Trầm Hương Thơ
08:12 25/05/2013
CẢM TẠ ƠN LÀNH

Cảm tạ ơn lành sáng hôm nay
Nghe tiếng chuông reo lúc đầu ngày
Tỉnh bừng khi biết mình đang sống
Trong cơn mộng ảo lúc ngủ say

Cảm tạ ơn lành sáng hôm nay
Tai nghe chim hót lúc đầu ngày
Hơn bao người khác không nghe thấy
Thính giác còn đâu để ngất ngây

Cảm tạ ơn lành sáng hôm nay
Khi mắt mở ra thấy đêm ngày
Muôn hoa tươi nở đùa hương sớm
Vạn màu muôn sắc bướm nồng say

Cảm tạ ơn lành sáng hôm nay
Khi còn nguyên vẹn cả đôi tay
Đôi chân còn đứng và còn bước
Di chuyển gần xa xuốt trong ngày

Cảm tạ ơn lành sáng hôm nay
Con được lao động xác thân này
Dẫu cho cộng việc nhiều vất vả
Còn hơn vạn kẻ nằm đơ ngay

Cảm tạ ơn Trời bữa ăn này
Cho dù thanh đạm với chua cay
Hơn bao nhiêu người không vị giác
Còn đâu phân biệt để giãi bày

Cảm tạ cho con cuộc sống này
Thăng trầm sướng khổ lẫn rủi may
Qua bao nguy hiểm bao sóng gió
Ngài vẫn bảo bọc trong vòng tay.

Viết trong khóa Linh thao tại Neuenkichen.