Ngày 25-05-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:54 25/05/2012
CỌP TỐ KHỔ
N2T

Một hòa thượng mang một bộ kinh điển và cái chũm chọe đi vào trong thôn để truyền đạo Phật. Khi đang đi trên đường thì gặp một con cọp to lớn đang nhắm ông ta mà phóng tới, hòa thượng kinh hoàng tay chân luống cuống, thuận tay quăng cái chũm chọe xuống, con cọp há miệng đớp, nhai vài cái rồi nuốt luôn cái chũm chọe, hòa thượng càng thêm sợ hãi vứt luôn quyển kinh, con cọp vừa thấy quyển kinh bay đến trước mặt thì vội vàng quay đầu chạy vào trong động.
Cọp con hỏi: “Bố, bố đi săn mồi trong núi, sao hôm nay về sớm thế ?”
Cọp bố trả lời: “Hôm nay thật là xui xẻo, bố gặp một hòa thượng, bố chỉ ăn được của nó hai miếng bánh mỏng, nó bèn quăng xuống quyển “sổ quyên góp”, may mà bố chạy thật nhanh, bằng không thì bố lấy gì mà bố thí cho họ chứ ?”

Suy từ:
Con người ta “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, tức là tự bản tính con người luôn thích làm điều thiện, nhưng vì hoàn cảnh của xã hội nên tính tình con người ta biến đổi nên không còn “tánh bổn thiện” nữa, thế là xã hội ngày càng có nhiều người thích làm điều dữ hơn điều thiện.
Xây dựng nhà thờ lớn nhỏ, thì đều do công lao đóng góp của những người giáo dân nhiệt thành yêu mến nhà Chúa mà có, họ không hối tiếc vì tiền bạc mình bỏ ra dâng cúng cho nhà thờ vì lòng yêu mến Chúa.
Nhưng cũng có những giáo dân ngao ngán sợ hãi khi thấy hôm nay cha sở gởi bảng quyên góp xây dựng đài Đức Mẹ đến, tháng sau thì thấy bảng quyên góp cho việc làm hang đá dịp lễ Giáng Sinh cho đẹp cho hoành tráng, và vài tháng sau thì thấy gởi đến nhà bảng quyên góp sửa lại cái lầu chuông cho cao vút cho hợp với ngôi nhà thờ hơn.v.v…đến nỗi có một vài giáo dân khi cha sở gởi thư mời họp giáo xứ hoặc tham dự một lễ nghi nào đó thì sợ hãi không dám mở bao thư mời ra…
Nếu mỗi tuần cha sở gởi cho mỗi một gia đình trong giáo xứ mình một bao thư viết bài suy niệm về giáo lý hoặc Kinh Thánh, thì chắc chắn giáo dân sẽ không còn sợ hãi khi mở những bao thư quyên góp khác, bởi vì con người ta “nhân chi sơ, tánh bổn thiện.
Ai hiểu thì hiểu !
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://blog.yahoo.com/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:55 25/05/2012
N2T

5. Tâm trí nên giữ gìn sự cảnh giác để phát hiện chỉ thị thánh ý của Thiên Chúa, ý chí nên chuẩn bị thực hiện chỉ thị của Thiên Chúa.

(Thánh Vincent de Paul)
 
Đọc sách: Nhưng, ai là người thân cận của tôi ? (tiếp theo)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:00 25/05/2012
5. “NGƯỜI THÂN CẬN” CỦA THẦY TƯ TẾ

Không ai nắm giữ lề luật tôn giáo cách chính xác cho bằng các thầy tư tế, cũng như không ai nghiêm chỉnh thi hành lề luật cách răm rắp cho bằng các thầy tư tế. Hiểu rõ lề luật cách chính xác, thi hành lề luật cách răm rắp, cho nên các thầy tư tế đã không nhìn thấy người đồng hương bị nạn đang nằm thoi thóp chờ chết bên vệ đường. Các thầy tư tế chỉ biết tuân giữ lề luật cho “trọn hảo”, nhưng các thầy đã quên mất cái làm cho lề luật nên trọn hảo, chính là tâm hồn yêu thương hướng thiện của mình, bởi vì không một người có tâm hồn yêu thương hướng thiện nào, mà lại không xúc động trước hoạn nạn của anh chị em.

Lề luật không phải là cái gông cùm để xiết chặt tâm hồn của con người, không cho con người thi hành điều thiện; lề luật cũng chẳng phải là gánh nặng đè trên vai của con người, không cho con người cúi xuông nâng đỡ người anh chị em đang bị nạn bên vệ đường đứng lên. Nhưng trái lại, lề luật được đặt ra vì con người để con người tự do làm điều thiện, thi hành bác ái và sống đúng với bổn phận của mình. “Người thân cận” của thầy tư tế, mặc dù trong bài dụ ngôn (Lc 10, 29) Đức Chúa Giê-su không đề cập đến, nhưng qua thái độ vội vàng, hấp tấp và tránh qua một bên mà đi khi thấy người bị nạn nằm bên vệ đường của thầy tư tế và thầy Lê-vi, thì cũng cho chúng ta thấy được người hoạn nạn, người bất hạnh trong xã hội không phải là người thân cận của họ, hay nói cách chính xác hơn, vì “bận” tuân giữ lề luật cho trọn hảo, nên thầy tư tế và thầy Lê-vi đã không nhìn thấy người anh em bị nạn đang nằm thoi thóp bên vệ đường.

Đi để cho kịp giờ cử hành việc tế lễ Thiên Chúa mà không cứu giúp người bị nạn nằm bên vệ đường, thì dù cho thầy tư tế tế lễ cả ngày, đọc hàng trăm khoản lề luật, cầu khẩn cả ngàn lần thì cũng không được Thiên Chúa chấp nhận, bởi vì các thầy tư tế và Lê-vi đã không đem chính tâm hồn của mình mà hiến tế cho Thiên Chúa, giống như các con buôn ma giáo, hàng hoá của họ được bọc bên ngoài những màu sắc đẹp đẽ, nhưng bên trong thì hàng đã quá hạn, xấu xí và không còn chất lượng. Các vị tư tế này chỉ dâng lên cho Thiên Chúa những lễ vật được bao bọc bởi dáng vẽ tuân giữ lề luật bên ngoài, răm rắp từng nét từng chữ. Mà của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất không phải là một tâm hồn lương thiện, nhân từ biết yêu thương người thân cận như yêu thương chính mình sao? (Mt 9, 13).

Tất cả lề luật của Mô-sê và các sách ngôn sứ đều gói gọn trong hai điều răn nầy: kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình (Lc 10, 27).

Kính mến Thiên Chúa thì ai cũng có thể làm được, và đặc biệt các thầy tư tế phải sốt sắng hơn mọi người, bởi vì nói theo ngôn ngữ của loài người, người kính mến Thiên Chúa trước tiên chính là các tư tế, vì chính họ là những người được đặt lên để thay mặt toàn dân mà tế lễ cho Thiên Chúa, cho nên -theo cách nhìn của con người- đó là việc làm của các thầy tư tế, còn kính mến Thiên Chúa nhiều hay ít, thì chẳng ai đo lường được mức độ kính mến Thiên Chúa nơi họ. Nhưng”yêu thương người thân cận” thì không cần chọn ai để thay mặt cả, ai cũng có thể thực hành được, “người thân cận” của các thầy tư tế chính là những giáo hữu ngoan đạo, những người siêng năng lui tới đền thánh, những người luôn làm theo ý của các thầy, những người cùng “phe” với các thầy. Những “người thân cận” nầy được các thầy tư tế coi trọng đặc biệt hơn những người thường ra mặt chống đối mình, vì họ không chịu được thái độ phân biệt “đây là người thân cận của tôi” nơi các thầy tư tế.

Đức Chúa Ki-tô khi đưa ra dụ ngôn “người Sa-ma-ri tốt lành” (Lc 10, 29-36), ắt hẳn Ngài cũng nhắm đến những tư tế của thời Tân Ước, mà chính Ngài là vị tư tế tối cao đã chu toàn lề luật cách trọn hảo, không như các thầy tư tế thời ấy chỉ giữ luật răm rắp, cứng nhắc theo từng chữ vô tri trên sách luật.

Trong toàn bộ sách Phúc Âm, “người thân cận” của vị Tư Tế tối cao nầy thuộc đủ mọi hạng người trong xã hội, không phân biệt một ai, không phân biệt giai cấp tư sản hay giai cấp vô sản, cũng chẳng phân biệt màu da chủng tộc, nhưng có lẽ những người bất hạnh bị xã hội bỏ rơi, bị người ta hất hủi, đều là những “người thân cận” đặc biệt nhất của Ngài. Ngài là vị tư tế, mà như trong thư gởi tín hữu Do Thái đã nói, là vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời (Dt 4, 14 ), vị Thượng Tế đã biết cảm thương nỗi yếu hèn của chúng ta (Dt 4, 15). Vì cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta nên Đức Chúa Giê-su đã vâng phục Thiên Chúa Cha, mặc lấy thân phận con người như chúng ta (Pl 2, 7) ngoại trừ tội lỗi, và Ngài đã trở nên vị tư tế dâng lên Thiên Chúa Cha của lễ hoàn hảo tinh tuyền đẹp lòng Chúa Cha nhất, chính là bản thân của Ngài. Vì thế, Đức Chúa Giê-su Ki-tô vừa là tư tế vừa là của lễ đền tội cho nhân loại, và đã trở nên “người thân cận” của mọi người.

Ngài cũng là vị tư tế làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, là Đấng bàu chữa những tội lỗi của nhân loại trước mặt Thiên Chúa Cha, cho nên, đối với Ngài, cả nhân loại đều là “người thân cận” của mình, bởi vì Ngài là thượng tế muôn đời theo phẩm trật Men-ki-xê-đê (Dt 5, 6), cho nên những “người thân cận” của Ngài cũng sẽ nhận được nơi Ngài lòng thương xót vô biên mà không mang mặc cảm là kẻ bị mang ơn, như họ đã nhận được sự giúp đỡ nơi con người thế gian.

Vị tư tế của Tân Ước, hoàn toàn khác xa với các thầy tư tế của cựu ước: cựu ước thì tạm thời, và vị tư tế của thời cựu ước chỉ thay mặt toàn dân (dân Israel) để tế lễ Đức Chúa mỗi năm một vài lần trong những dịp như hy lễ kỳ an (Lv 3, 1-17), lễ tạ tội (Lv 4, 1…), lễ đền tội (Lv 7, 1…). Tân Ước thì vĩnh viễn, và các vị tư tế của Tân Ước –linh mục- thì không những thay mặt toàn thể nhân loại để tế lễ Thiên Chúa, mà còn thay mặt Thiên Chúa để tha hoặc cầm buộc tội nhân loại ở dưới đất nầy (Mt 16, 19), các ngài là những vị tư tế được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm vị đại diện cho loài người …(Dt 5, 1). Cho nên, hơn ai hết, các vị tư tế của Tân Ước hiểu rõ những bất hạnh của anh chị em, của những người bị xã hội bỏ rơi, và coi họ chính là những “người thân cận” của mình như Đức Chúa Ki-tô đã không ngần ngại chấp nhận lời chê bai của người biệt phái: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy ? (Mt 9, 11), hoặc như những lời xầm xì của mọi người: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ “ (Lc 19, 7) để thông cảm yêu thương và tha thứ.

“Người thân cận” của các tư tế Tân Ước, không phải là những người siêng năng đến nhà thờ dâng lễ, hay những người thường quan tâm đến cuộc sống (của) vị tư tế của mình. “Người thân cận” của các tư tế Tân Ước cũng không phải chỉ riêng biệt là những người bất hạnh, bị xã hội bỏ rơi, nhưng là tất cả mọi người, người hạnh phúc cũng như người bất hạnh, kẻ giàu có cũng như người nghèo, vì các tư tế của thời Tân Ước được chọn để trở thành “người thân cận” của mọi người, có nghĩa là đại diện cho Đức Chúa Ki-tô để trở nên một “người trung gian” giữa Thiên Chúa và con người, qua sự đặt tay và xức dầu tấn phong của Giáo Hội.

Hơn hai ngàn năm qua, trên cuộc hành trình về Nước Trời cuả Giáo Hội Công Giáo, các tư tế của Tân Ước đã dần dần tìm lại được “người thân cận “ của mình trong xã hội hôm nay –như người Sa-ma-ri đã bắt gặp “người thân cận” của mình trên đường đi- “người thân cận” của các tư tế Tân Ước hôm nay chính là người mà hôm qua trong lần hội họp đã chỉ trích thái độ quan liêu của mình; “người thân cận” của các tư tế Tân Ước hôm nay chính là người hay vạch lá tìm sâu những việc làm của ông cha sở của mình; và “người thân cận” của các tư tế Tân Ước hôm nay, không ai khác hơn chính là những “Đức Chúa Ki-tô bị bỏ rơi” bên vệ đuờng của một xã hội văn minh phát triển. Tất cả những hạng “người thân cận” trên, đều phản ánh trung thực một tâm hồn yếu đuối, dòn mỏng của các tư tế Tân Ước được chọn giữa loài người, do đó, khi cúi đầu xuống để nâng đỡ “người thân cận” của mình đứng lên, thì các tư tế Tân Ước đã kéo ơn sủng của Thiên Chúa xuống, không những trên bản thân của mình mà còn trên những “người thân cận” của mình nữa, và như thế, các ngài đã tuân giữ lề luật cách trọn hảo: luật Yêu Thương.

Đức Chúa Ki-tô là vị thượng tế đích thực, vị thượng tế đời đời theo phẩm trật Men-ki-xê-đê (Dt 6, 20), cho nên các tư tế Tân Ước (linh mục) của Ngài cũng cao trọng hơn các tư tế của thời cựu ước. Một giám mục Roméo, đã vì quyền lợi của những “người thân cận” của mình mà lên án những bất công của xã hội, ngài đã bị bắn chết ngay trên bàn thờ khi dâng thánh lễ, và chính ngài đã trở nên giống vị thượng tế tối cao của mình –Đức Chúa Giê-su Ki-tô- vừa là tư tế vừa là tế phẩm hiến dâng cả mạng sống của mình, để những “người thân cận” của mình được tự do bình đẳng với xã hội.

“Người thân cận” của thánh Don Bosco không ai khác hơn chính là những trẻ em bụi đời, những trẻ em nghèo khổ, những chú nhóc mồ côi bị xã hội coi như đồ phế thải, đã được Ngài nâng niu, nuôi nấng dạy dỗ, để rồi “những chú nhóc bụi đời thân cận” nầy, có người đã trở thành vị thánh, có người làm hồng y, có người đã làm giám mục, linh mục và có người đã có một địa vị trong xã hội, và còn có rất nhiều tư tế Tân Ước khác đã nhìn thấy rất nhiều “người thân cận” của mình trong xã hội hôm nay. Các ngài đã vượt ra khỏi tình cảm tự nhiên của con người để đón nhận những người không quen biết –những người mà có lúc, đã làm cho các ngài khó chịu- làm “người thân cận” của mình. Bởi vì, chính các ngài đã học được tâm tình hiền lành và khiêm tốn nơi Đức Chúa Ki-tô, và mang trong mình tấm lòng nhân hậu của một vị tư tế thời Tân Ước.

Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành mà Đức Chúa Giê-su đã kể hơn hai ngàn năm trước, ngày hôm nay vẫn còn có giá trị cho các tư tế của Ngài, và càng ngày các tư tế Tân Ước càng khám phá ra trong dụ ngôn đầy kịch tính nầy có rất nhiều giá trị nhân bản hợp cho mọi thời đại, mà nét nổi bật nhất của dụ ngôn chính là lòng nhân hậu phải vượt qua lề luật, mới gọi là chu toàn lề luật. Bởi vì, tất cả các lề luật và các sách ngôn sứ, đều gói trọn trong hai điều nhưng là một nầy: “Kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận”.

Không có lòng nhân hậu thì không biết bao dung, không có lòng nhân hậu thì không biết thông cảm với những đau khổ của anh em, không có lòng nhân hậu thì không biết yêu thương người thân cận như chính mình. Thầy tư tế thời cựu ước chắc chắn cũng có lòng nhân hậu, nhưng vì quá chú trọng đến từng nét chữ bên ngoài của lề luật, tuân giữ lề luật cách cứng nhắc, nên đã không nhìn thấy người đồng hương của mình đang nằm thoi thóp bên vệ đường chờ chết, và như thế ông đã bị coi là người không có lòng nhân hậu và làm sai tinh thần của lề luật.

Nhưng các tư tế Tân Ước thì không phải như thế, các ngài nhìn thấy nỗi bất hạnh, những khổ đau, những khắc khoải, những nhu cầu của người anh em trước khi nghĩ đến lề luật, do đó, các ngài đã không ngần ngại đứng về phía “người thân cận” của mình, để nâng đỡ người anh em đang bất tỉnh bên vệ đường mà không sợ “trễ giờ” tế lễ, không sợ những lời đàm tiếu của những người bo bo vụ luật hình thức, vì các tư tế Tân Ước đã nhận ra lời khuyên tế nhị và sâu sắc của Đức Chúa Giê-su: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy ” (Lc 10, 37), và khi đã làm được như vậy rồi, thì trên thế giơí nầy, chẳng có ai là người không thân cận của các tư tế thời Tân Ước.

Thầy tư tế thời cựu ước và các tư tế thời Tân Ước đều là những con người như mọi người, cũng có một quả tim và một khối óc, cho nên, theo lẽ thường tình, người thân cận nhất của họ chính là cha mẹ, anh chị em, sau đó là bà con thân thuộc, bạn bè, đi ra ngoài lẽ tự nhiên nầy là trái ngược với lề luật cha ông. Chính thầy tư tế thời cựu ước đã không dám đi ra khỏi cái vỏ lề luật của cha ông để cúi xuông nâng đỡ người đồng hương bị nạn, cho nên, suốt cuộc đời ông ta sẽ không bao giờ biết “người thân cận” của mình là ai.

Đi ra khỏi lề luật không có nghĩa là chối bỏ những giá trị của lề luật, nhưng là để cho lề luật được nên gần gủi với đời thường hơn, sống động hơn, và có một giá trị đích thực hơn. Cũng như một người con đi ra khỏi tổ ấm gia đình, không phải là anh ta chối bỏ những giá trị của gia đình, nhưng là để cho mình tự lập hơn, trưởng thành hơn, và để cho mọi người nhìn thấy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình qua cách ăn nếp ở của bản thân mình. Vị thông luật kia đã hỏi Chúa Chúa Giê-su cách ngây thơ, dễ thương : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ? ” (Lc 10, 29), và Đức Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi: người nầy là thân cận, người kia không phải là thân cận của anh, Ngài chỉ kể cho vị thông luật và đám đông dân chúng nghe một câu chuyện dụ ngôn về sự tốt lành của người Sa-ma-ri, và kết luận: ông hãy đi và cũng làm như vậy (Lc 10, 37). Thế là đã rõ, “người thân cận” của thầy tư tế thời cựu ước chính là lề luật của Mô-sê, bởi vì ông sợ lỗi lề luật mà không dám cứu giúp người hoạn nạn sắp chết nằm bên vệ đường, và vì sợ lỗi lề luật, cho nên thầy tư tế đã đóng kín tâm hồn của mình lại, lòng nhân từ cũng vì đó mà bị cầm tù trong bốn bức tường của lề luật, tội nghiệp thay!

Nhưng “người thân cận” của các tư tế thời Tân Ước thì không phải như các thầy tư tế thời cựu ước, bởi vì Đức Chúa Ki-tô đã băng qua các tầng trời (Dt 4, 14) đi ra khỏi ngôi vị Thiên Chúa để làm con người như mọi người ở giữa trần thế, và đã trở nên vị thượng tế tối cao, vị thượng tế biết thông cảm với những nỗi thống khổ, bất hạnh của “người thân cận” mình là nhân loại. Do đó, “người thân cận” của các tư tế Tân Ước chính là tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp vô sản hoặc giai cấp tư sản; không phân biệt kẻ giàu người nghèo, và những “người thân cận” nghèo khó, bất hạnh là dạng “ưu tiên số một” của cá tư tế thời Tân ước! “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy!” (Lc 10, 37).
(còn tiếp)
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://blog.yahoo.com/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com

 
Lễ Ngũ Tuần
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:54 25/05/2012
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20, 19-23

Ca nhập lễ, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống có viết :” Thánh Thần Chúa tràn ngập khắp địa cầu, liên kết hết mọi người, thông thạo mọi ngôn ngữ “ ( Kn 1, 7 ). Lễ Hiện Xuống là lễ 50, có nghĩa là chung kết 50 ngày của Mùa Phục Sinh như thánh Phaolô nói :” Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần của Người ngự trong chúng ta “ ( Rm 5, 5; 8, 11 ). Lễ Ngũ Tuần hôm nay hoàn tất sứ mạng của Chúa Giêsu trên mặt đất và khai mở đời sống của Giáo Hội ở trần gian.

Lễ Hiện Xuống, Thần khí của Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu ngự trong tâm hồn các tmôn đệ một cách đầy quyền năng như sách Công Vụ Tông Đồ diễn tả :” Ai nấy đều đầy tràn Chúa Thánh Thần. Và loan báo những kỳ công của Thiên Chúa “ ( CV 2,4.11 ). Với lễ Ngũ Tuần, Chúa Giêsu kết thúc sứ vụ công khai của Người trên mặt đất trong bản tính con người, đồng thời Người cũng khai mở đời sống và sứ vụ của Người trong Giáo Hội. Hội Thánh là thân xác phục sinh, là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, được đầy tràn sự sống thần khí của Người, Thần khí là linh hồn của Giáo Hội bởi vì qua Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống, Đức Kitô Phục Sinh bắt đầu ngự trong tâm hồn các môn đệ của Người bằng một sự hiện diện thân thiện.

Vâng khi Chúa còn sống với các môn đệ, Ngài chưa tỏ cho các môn đệ biết tất cả về Ngài. Chúa đã cho các môn đệ biết mọi điều Ngài nghe được từ Cha, tuy nhiên, Chúa không bắt các môn đệ phải hiểu hết về Ngài bởi vì chính Thánh Thần sẽ cho họ biết những điều đó khi Chúa sống lại. “ Khi Thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật trọn vẹn “ ( Ga 16, 13 ). Để biết sự thật trọn vẹn, để hiểu về Chúa, về việc làm, về các phép lạ, về lời nói của Ngài, các môn đệ cũng như chúng ta cần có Thánh Thần hướng dẫn, Thánh Thần chỉ đạo. Đức Giêsu Kitô là một mầu nhiệm cao vời. Thánh Thần sẽ giúp các môn đệ và nhân loại, cũng như chúng ta khám phá ra Người luôn mới mẻ. Lời của Chúa luôn luôn có sức thu hút mãnh liệt. Đức Kitô luôn luôn mới mẻ, luôn luôn hấp dẫn và lôi cuốn. Nhờ Thánh Thần, các môn đệ và chúng ta luôn luôn mới mẻ. Giáo Hội luôn luôn mới mẻ nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

Thánh Thần luôn đổi mới Giáo Hội. Nhờ Thánh Thần, Giáo Hội luôn luôn lãnh nhận được luồng gió mát. Nhờ Thánh Thần, Giáo Hội luôn được đổi mới, được thức tỉnh. Chúa Thánh Thần là phát ngôn viên của Đức Kitô. Ngài chỉ nói những gì Chúa nói, Ngài chỉ làm những gì Chúa làm. Thánh Thần không làm những gì khác lạ nhưng chỉ thức tỉnh chúng ta nhớ lại, hiểu và sống Tin Mừng. Mỗi người chúng ta cũng là chứng nhân của Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải có thái độ khiêm nhượng để làm chứng.

Ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần dưới hình lưỡi lửa đã đi vào tâm hồn các môn đệ. Đây là một cuộc xức dầu huyền nhiệm. Trước khi có Chúa Thánh Thần nếu các môn đệ nhút nhát sợ sệt, thì nay họ đã trở thành những con người kiên vững, can đảm, bất khuất. Phêrô chẳng hạn chỉ là con người chài lưới, ít học, quê mùa, nhưng khi Thánh Thần xuống, Phêrô đã lôi cuốn biết bao người theo Chúa. Quả thực, Phêrô là người đầy tràn Thánh Thần Thiên Chúa.

Mọi Kitô đều lãnh nhận được Chúa Thánh Thần, bởi vì tất cả đã được dìm trong Thánh Thần. Thánh Thần đã đến và lưu lại trong chúng ta ( Ga 14, 17 ).

Thánh Thần là sự sống của mỗi người, của Hội Thánh. Nhờ Thánh Thần, chúng ta đọc kinh tin kính và kinh tin kính trở nên suối mạch vọt lên sự sống đời đời. Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô biên. Ngài là bình an, vui mừng, hy vọng.

Tình yêu, vui mừng và bình an là ơn quí trọng Thiên Chúa trao ban cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận món quà quí hóa ấy.

Đức Kitô đã xuống từ trời, đã đến từ Thiên Chúa Cha, Ngài sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến Thánh hóa Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần co mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao lại gọi là ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ?
2.Chúa Thánh Thần là ai ?
3.Tại sao lại gọi là ngày lễ 50 ?
4.Chúa Thánh Thần là ai ?

 
Đức Chúa Thánh Thần và đời sống con người
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
14:58 25/05/2012
Đức Chúa Thánh Thần và đời sống con người

Trong nếp sống đức tin đạo Công giáo chúng ta mừng kính ba ngày lễ lớn trọng đại trong năm: lễ Chúa Giêsu giáng sinh làm người, lễ phục sinh mừng kính mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, và lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đấng là thần linh của Thiên Chúa nguồn sức sống cho vũ trụ cùng con người.

Đâu là nguồn gốc cùng ý nghĩa ngày lễ này, và có liên quan gì tới đời sống con người?

1. Hai ngày lễ nhắc nhớ đến những biến cố lịch sử

Lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống được mừng kính 50 ngày sau lễ Chúa Giêsu phục sinh. Với ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống mùa phục sinh mừng lễ Chúa Giêsu sống lại chấm dứt. Lễ này còn gọi là lễ Ngũ tuần ( Pentacoste)

Cả hai ngày lễ trọng này đều có nguồn gốc liên quan với thiên nhiên. Lễ phục sinh, còn gọi là lễ Vưọt qua, khởi đầu mùa Xuân, sức sống mới nẩy mầm vươn lên trong trời đất. Lễ Ngũ tuần ( lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống) khởi đầu mùa thu hoạch lúa mạ mùa màng.

Với người Do Thái, hai lễ này mang sâu đậm ý nghĩa lịch sử cứu độ. Lễ Vượt qua ( lễ phục sinh) nhắc nhớ lại biến cố họ được cứu độ thoát khỏi vòng nô lệ bên Ai Cập trở về quê hương đất nước Do Thái, mà Thiên Chúa hứa ban cho họ. Lễ Ngũ tuần nhắc nhớ lại Thiên Chúa ngày xưa trên núi Sinai đã trao cho họ qua Thánh Tiên tri Maisen 10 Điều Răn của Chúa.

Với người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, lễ phục sinh là lễ mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết mang ơn cứu độ cho linh hồn con người.Và lễ Ngũ tuần là lễ mừng kính Thiên Chúa gửi sai Thánh Thần, thần linh sức sống của Người từ trời cao xuống trên vũ trụ cùng con người.

Mỗi lễ đều mang sắc thái liên quan đến đời sống con người giúp họ đổi mới đời sống, cùng trở nên vững mạnh. Lễ ngũ tuần ( 50), hay lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong tiến trình đời sống tuổi tác một con người, còn có ý nghĩa là chặng giai đoạn đỉnh cao bước sang chặng đường chín mùi với tuổi đời 50.

2. Lễ ngũ tuần và đời sống con người

Theo tập tục nếp sống dân gian, tuổi đời 50 của con người, như là ngưỡng cửa bước sang một giai đọan tuổi đời sống của một người đi vào hàng lão niên. Không chỉ mầu tóc đang dần ngả biến sang mầu bạc trắng, nhưng tâm trí họ đã gặt hái thu lượm có nhiều kinh nghiệm. Vì đã sống trải qua nhiều chặng đường đạt tới mức chín mùi khôn ngoan suy tính cẩn trọng hơn nhiều.

Trong Kinh Thánh nơi sách Levi ( 25, 8-12) năm 50 là năm kỷ niệm mừng vui, là thời gian được miễn trừ tha nợ, người nô lệ được trả tự do, và vào thời kỳ tuổi đi nghỉ hưu. Mục đích Kinh Thánh nói đến năm 50 là năm kỷ niệm mừng vui muốn khơi dậy đến trật tự cơ hội đồng đều đã có từ khởi đầu cho mọi con dân Israel trong nhắc nhớ đến tình trạng sau khi đã thoát ra khởi cảnh nô lệ vượt qua sa mạc về tới miền đất Chúa hứa ban.

Theo luật lệ thời Roma ai đạt tới tuổi 50 được về nghỉ hưu chấm dứt nhiệm vụ quân dịch trong quân đội.

Thánh Augustino đã có suy tư về ý nghĩa số 50 ( lễ Ngũ tuần): „ Ngày thứ 50. này còn mang một ý nghĩa mầu nhiệm bí ẩn khác nữa. Bảy lần bảy là bốn mươi chín. Khi ta trở về khởi đầu và cộng thêm vào ngày thứ tám, đó là ngày thứ nhất, như thế sẽ tròn đầy thành thứ năm mươi. 50 ngày sau lễ mừng Chúa Giêsu phục sinh không còn mang hình ảnh ý nghĩa của sự cực nhọc, nhưng là hình ảnh ý nghĩa của thanh bình và niềm vui. „

Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống ( lễ Ngũ tuần) theo nguyên thủy với người Do Thái là lễ tạ ơn cầu mùa.

50 ngày ,từ lễ Phục sinh tới lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, là thời gian muốn nói lên con người chúng ta như trong thiên nhiên, tâm trí tinh thần phát triển trở nên chín mùi vững mạnh. Con đường chỗi dậy khỏi nấm mồ sống lại giữa đời dòng sống hằng ngày, con đường đi xuống vào tận trong đời sống riêng mỗi người, tới điểm nơi trời cao nằm tiềm ẩn trong con người. Đó là con đường, Đấng đã sống lại cùng đồng hành với chúng ta, hướng dẫn, nói với chúng ta trong thâm tâm như Người Thầy.

Đức Chúa Thánh Thần, là ngôi ba Thiên Chúa, xuống trong tâm trí con người, đánh thức khơi dậy sức sống niềm phấn khởi trong ta cho bừng lên, cũng tựa như nụ hoa tự bung mở nở cánh hoa tươi đẹp vươn ra ngoài thiên nhiên.

Lễ Đức Chúa Thánh Thần là lễ sức sống năng động. Khi tạo thành vũ trụ trời đất, Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên không gian đổi mới mặt địa cầu. Ngày lễ hiện xuống, Thánh Thần Thiên Chúa đáp xuống vào tận tâm trí làn da thớ thịt tầng thần kinh cảm gíac con người làm đổi mới đời sống. Như thế, con người chúng ta được đụng chạm gần gũi với nguồn gốc khởi đầu trong sáng tạo, với hình ảnh nguyên thủy mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người bằng chính hơi thở thần linh của Ngài.

Vì thế trong đời sống người tín hữu Chúa Kitô luôn sống trong chờ đợi kêu mời Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống trong con người của mình.

3. Tuần chín ngày trông chờ Đức Chúa Thánh Thần

Ngày xưa các Thánh Tông đồ, sau khi Chúa Giêsu lên trời, đã cùng với Đức Mẹ và những người phụ nữ đạo đức, tụ tập trong nhà tiệc ly cầu nguyện chờ đợi Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, ban ơn sức mạnh như lời Chúa Giêsu Kitô đã hứa ( CV 1, 8-14).

Theo cung cách đạo đức này, từ thế kỷ thứ 12. đã có tập tục nếp sống đạo đức tuần chín ngày (novis) trước ngày lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, chờ đợi ơn Đức Chúa Thánh Thần. Tập tục đạo đức tuần chín ngày này rất thịnh hành được yêu chuộng thực hành sống động trong nếp sống đức tin Kitô giáo.

Số chín (9) mang đặc tính sự biến đổi. Một thai nhi sống ở trong cung lòng mẹ mình chín tháng trước khi ra chào đời. Trong thời gian chín tháng đó, thai nhi dần biến dạng thành hình hài một con người.

Hình ảnh nguyên thủy của tuần chín ngày Kitô giáo là chín ngày sau khi Chúa Giêsu về trời các Tông đồ cùng với Đức Mẹ Maria cùng với các người phụ nữ khác đã theo Chúa Giêsu tụ họp cầu nguyện chờ đợi Đức Chúa Thánh Thần ngự xuống trong nhà tiệc ly.

Ngày nay khi sống thực hành tuần chín ngày chờ đón mừng ngày lễ kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng cầu nguyện xin sức sống đổi mới làm tươi trẻ trong Giáo Hội, cho sự thay đổi mới nơi đời sống mỗi người.

Chúng ta cầu xin trông mong chờ đợi sức năng động nhiệt thành hăng say trong đời sống đã bị tiêu hao mòn mỏi hay đã mất đi. Với gánh nặng đời sống, ta cảm thấy như mình không còn đủ sức lực tương xứng cho một đời sống chân thực, mức độ đà vươn lên như chùng chìm giãn ra nhiều cần phải kéo lên cao, làm cho trong sáng phấn khởi trở lại. Thiên Chúa đã qua Thần Linh sức sống của Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ, xin Ngài thổi Thánh Thần vào đổi mới làm tươi trẻ nơi con người mệt mỏi đang khô cằn chùng giãn chìm sâu xuống.

Trong tuần chín ngày ta khẩn cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn suối cuộn vọt chảy sức tươi mát cho mạnh sức trở lại; Đấng là ngọn lửa, ánh sáng chiếu tỏa hơi nồng ấm và sự sáng trong tâm hồn; Đấng là chất dầu thuốc chữa lành những vết thương đau khổ của ta, và củng cố cho ta được mạnh khoẻ làm nhiệm vụ sinh sống ở đời.

Như thế Đức Chúa Thánh Thần là hình ảnh, là sức đà của sự sáng tạo mới. Hình ảnh này đã có trong kinh thánh còn viết để lại: núi thánh Sinai.

4. Núi thánh Sinai xưa và nay

Với người Do Thái, mừng lễ Ngũ Tuần 50 ngày sau lễ Vượt muốn qua nhắc nhớ lại biến cố Thiên Chúa trao ban 10 điều Răn cho Thánh Tiên Tri Maisen trên núi thánh Sinai. Đó là lễ Sinai, lễ Giao ước

Và khi Thiên Chúa hiện ra mạc khải cho dân Israel, cùng ký kết vói họ giao ước từ trên đỉnh núi thánh Sinai, có sấm chớp gió bão và lửa xuất hiện thổi tới cùng mây mù giăng bay khắp bầu trời không gian.

„ Thánh sử Luca đã thuật lại ngày lễ Ngũ tuần khi Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống cũng với gió to, hình ngọn lửa, nhắc nhớ đến giông bão, lưỡi lửa giống như lúc Thiên Chúa hiện ra trên núi Thánh Sinai ngày xưa.

Thánh Luca nói đến lưỡi như hình ảnh về Đức Chúa Thánh Thần có ý nói đến Giao ước lề luật mà dân Israel đã tiếp nhận trên núi thánh Sinai - Lề luật điều răn đó như ánh sáng soi đường trong đời sống hành trình có nhiều cám dỗ thử thách làm sai lạc hướng trên trần gian. Cũng thế, Thánh Luca vẽ diễn tả ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống như một núi thánh Sinai mới, như hoa trái qủa của giao ước mới. Giao ước mới này từ dân Israel lan rộng sang tới mọi dân tộc trên địa cầu. Trong Giao ước mới này những hàng rào cản của luật cũ được gỡ bỏ, và nhân tố chính yêu đơn thuần được viết nhấn mạnh: tình yêu, chính là Đức Chúa Thánh Thần. – trong tình yêu bào trùm tập họp lại tất cả.

Lề luật mới mở rộng và đơn giản làm thành một giáo ước mới, trong đó Thánh Thần Thiên Chúa làm cho trọn vẹn đầy đủ mầu nhiệm bí ẩn của Chúa Giêsu Kitô. Sự mở ra lan rộng của Giao ước mới tới mọi dân tộc như thánh sử Luca đã trình bày thể hiện một bảng liệt kê các sắc dân về mừng lễ Ngũ tuần ở Giêrusalem. Với bảng liệt kê các sắc dân tộc như thế, Thánh Luca muốn nói lên điều rất quan trọng: Giáo Hội ngay từ giây phút đầu tiên này là công giáo. Giáo Hội công giáo không từ từ do những cộng đồng khác nhau liên kết hợp lại mà thành hình. Đức Chúa Thánh Thần đã tạo lập nên Giáo Hội công giáo và trong giây phút đầu tiên đó đã giới thiệu Giáo Hội thành hình cho mọi dân tộc… Giáo Hội đã ngay từ đầu là công giáo, tông truyền từ các Tông đồ và là một.

Giáo Hội thánh thiện không do sự chăm chỉ cần mẫn của các thành phần Giáo Hội, nhưng do Đức Chúa Thánh Thần tạo dựng nên, cùng luôn luôn ban ân đức sức mạnh thánh hóa đổi mới Giáo Hội chống lại những sa ngã yếu đuối của bản tính con người.“ ( Joseph Ratzinger Benedictk XVI. , Über den Heiligen Geist, sankt Ulrich, Auburg 2012, tr. 70)

Và trong suốt dọc lịch sử đời sống, Giáo Hội cũng đã hằng cảm nghiệm cùng chứng kiến tác động, phải phép lạ của Đức Chúa Thánh Thần hay lễ hiện xuống, xảy ra trong lòng đời sống con người.

5. Phép lạ lễ Hiện Xuống

Năm 1990 chuyến Tông du lần thứ 46. từ 21. April - 22. April 1990 – ở nước Tschechoslowakei, Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, lúc còn sinh tiền đã đến thăm viếng mục vụ quốc gia Tiệp Khắc vừa mới thoát ra khỏi chế độ Cộng sản cai trị từ mấy chục năm qua. Cố Tổng Thống Valav Havel đã chào mừng đức Giáo Hoàng bằng những lời thấm đượm tin tưởng về phép lạ lễ Hiện Xuống đã đang xảy đến cho quốc gia đất nước của Ông ở thủ đô Praha.

“ Chúng ta đang sống trải qua một phép lạ. Tôi không biết có phải và thế nào là một phép lạ, dẫu vậy tôi cũng cả dám nói lên tâm tình rằng, trong giây phút này tôi đang sống trải qua một phép lạ. Một người trước đây 06 tháng đã bị bắt giam cầm như một kẻ thù của quốc gia đất nước, hôm nay trong tư cách là Tổng Thống của đất nước đó đón tiếp chào mừng vị Giáo Hoàng lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội Công giáo, bước chân trên phần đất nước này đến thăm viếng quốc gia chúng tôi.

Tôi không biết có phải và thế nào là một phép lạ, dẫu vậy tôi cũng cả dám nói lên tâm tình rằng, trong giây phút này tôi đang sống trải qua một phép lạ. Trên công trường này, tại chỗ này trước đây 5 tháng tương lai của quốc gia đất nước chúng tôi đã được quyết định, hôm nay vị Thủ lãnh Giáo Hội Công giáo cử hành dâng Thánh lễ. Có lẽ nhờ lời bầu cử của Thánh nữ Agnes xứ Bohemen, người mới đây năm 1989 đã được tôn phong lên hàng các Thánh trong Giáo Hội Công giáo, đã giúp cho những sự việc bí ẩn nhiệm mầu được xảy ra tốt đẹp. Xin cám ơn Thánh nữ.

Tôi không biết có phải và thế nào là một phép lạ, dẫu vậy tôi cũng cả dám nói lên tâm tình rằng, trong giây phút này tôi đang sống trải qua một phép lạ. Đất nước quốc gia chúng tôi đã bị ý thức hệ hận thù nghi kỵ gây nên thảm trạng tàn phá đổ nát, hôm nay đây được một sứ gỉa tình yêu thương đến thăm viếng.

Đất nước chúng tôi đã bị tàn phá đổ nát vì hệ thống cai trị bởi những người thiếu giáo dục, giờ đây bừng lên hình ảnh dấu hiệu sống động của nền giáo dục đào tạo lành mạnh.

Đất nước chúng tôi trước đây không lâu đã bị xâu xé phân tán do ý thức hệ về đối đầu và phân chia, giờ đây một sứ gỉa hòa bình, sứ gỉa của đối thoại đến thăm viếng mang lại bầu khí sự khoan dung giữa nhau, sự kính trọng thông hiểu trong quan hệ thông thương với nhau. Vị sứ gỉa đó là người loan tin về sự hợp nhất giữa những khác biệt.

Từ hàng chục năm nay Thần Linh bị đuổi loại bỏ, không có chỗ đứng trong quê hương đất nước chúng tôi. Thật là một vinh dự cho tôi hôm nay lúc này trở thành một nhân chứng, được đón tiếp chào mừng đầy tình thắm thiết ôm hôn vị Sứ Gỉa của các Tông Đồ, của Thánh Thần và của linh hồn.” Diễn văn chào mừng Đức Giáo Hoàng của Tổng Thống Tiệp Khắc Dr. Valav Havel .

Đức Chúa Thánh Thần hoạt động trong những biến cố đời sống con người. Tuy âm thầm lặng lẽ không ồn ào, nhưng gây ra hiệu qủa lớn lao tạo ra sự thay đổi biến chuyển cho mọi sinh hoạt trong đời sống chung cũng như cá nhân giữa lòng xã hội thế giới.

***************

Chúa Thánh Thần là sợi dây nối kết tới Chúa Giêsu. Hình ảnh làn sóng phát thanh, phát hình từ trung tâm phát lan truyền qua mọi không gian đi vào tới tận mọi căn phòng ngóc ngách, là hình ảnh diễn tả sự nối liền nơi này với nơi khác, mà con mắt thường không thấy có đường dây nào nối với nhau. Cũng vậy, qua nhờ Chúa Thánh Thần, không nhìn thấy bằng con mắt, chúng ta được nối liền với sức sống tình yêu, với ý muốn của Thiên Chúa, vào đại gia đình của Chúa. Trong đó Chúa Thánh Thần là động cơ sức sống, một mầu nhiệm thâm sâu ẩn dấu, cho vạn vật cùng con người.

Chúa Thánh Thần là thửa đất cấy trồng nuôi dưỡng, là khí hậu cho hoa trái phát triển tươi tốt nơi cây đời sống của con người chúng ta. Cây cối rau cỏ ngoài vườn luôn cần có phân đất mầu mỡ , nước cùng ánh sáng cho phát triển đơm bông sinh sản hoa trái. Cũng vậy âm thầm trong tâm trí, Chúa Thánh Thần khơi động thúc đẩy cho trí khôn ta vươn lên đi học hỏi tìm tòi, phát triển khả năng tiềm tàng luôn ẩn chứa nơi thân thể trí óc của ta.

Chúa Thánh Thần là làn gió gợi hứng ý tưởng mới cho tâm trí. Và vì thế Ngài gìn giữ cho tâm trí con người trước sự cứng nhắc ngủ quên, nhất là trong lãnh vực đức tin. Có những vấn đề, những thắc mắc được đặt ra vào từng giai đoạn đời sống hôm nay cùng tương lai ngày mai, đòi hỏi phải có câu trả lời cho đổi mới, thích ứng. Vì đời sống xã hội như dòng sông luôn biến chuyển thay đổi.

Giáo Hội và mỗi người cần sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần tìm ra câu trả lời thích hợp cho những thách đố mới của thời đại về lãnh vực bảo vệ sự sống, bảo vệ gía trị luân lý, gia đình, bảo vệ đức tin và lý luận khoa học.

Gìn giữ bảo vệ và mềm dẻo thích ứng là khả năng Chúa Thánh Thần luôn ban cho tâm trí con người trong đời sống.

Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, 27.05.2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:25 25/05/2012
PHAN XƯỚC NHẬP THỦY

N2T


Đường Huyền Tông ra lệnh cho tả hữu khiêng Phan Xước đến quăng vào trong hồ nước. Một lúc sau, cái đầu của Phan Xước nổi lên nói:

- “Tôi vừa gặp Khuất Nguyên, ông ta cười và nói với tôi rằng: ông gặp được minh chúa, tại sao lại rơi vào cảnh ngộ này hử ?”

Suy tư:

Con người ta dù là bậc vua chúa được người ta ca tụng là minh chúa, thì cũng vẫn là con người đầy tham sân si khi họ có quyền lực trong tay, bởi vì dù tâm địa họ tốt nhưng những kẻ tả hữu sẽ làm cho họ mất đi hào khí chí công vô tư thưở ban đầu.

Thời nay có những ông quan khi mới đổi tới nhiệm sở thì tuyên bố mình làm việc theo pháp luật chí công vô tư, nhưng chỉ vài tháng sau thì còn tệ hơn những ông quan tiền nhiệm của mình, bởi vì những kẻ tả hữu luôn bày vẻ mánh lới cho họ.

Có những linh mục khi nghe tin mình sẽ được bài sai đến giáo xứ mới, thì tuyên bố mình sẽ cải tổ lại cách làm việc của giáo xứ và thành lập ban này ngành nọ cho “hoành tráng” hơn, nhưng khi đến nhậm xứ chỉ mới vài ba tháng mà tiếng oán trách to nhỏ của giáo dân bay khắp, vì ngài choáng ngợp trước tiền tài và danh vọng của kẻ tả hữu mà không dám làm gì cả, hoặc chỉ nghe theo lời quân sư của họ mà thôi, thế là giáo xứ chẳng có gì đổi mới mà lại chất thêm gánh nặng cho giáo dân nữa…

Đường Huyền Tông là một ông vua tốt, nhưng vẫn không qua được kẻ tả hữu nịnh hót quanh mình, bởi vì ông ta đã thỏa mãn với những gì mình có.

Luôn cầu nguyện với Thiên Chúa và khiêm tốn lắng nghe tiếng nói của giáo dân, thì chắc chắn cha sở sẽ biết cách làm cho giáo xứ tốt đẹp hơn.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://blog.yahoo.com/nhantai

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Hiện Xuống)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:17 25/05/2012
CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG

Tin Mừng : Ga 20, 19-23.
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em, anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.


Anh chị em thân mến,
Hôm nay là ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, và cũng là ngày sinh nhật của Giáo Hội. Tôi xin chúc tất cả anh chị em mỗi người được tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần, để chúng ta cùng nhau xây dựng một xã hội huynh đệ, một giáo xứ yêu thương và một gia đình hạnh phúc.

Mặc dù chúng ta đã làm Tuần Cửu Nhật kính Chúa Thánh Thần, để xin Ngài ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta sống bác ái với anh chị em, và làm chứng cho tình yêu của Đức Chúa Giê-su, nhưng tôi cũng nhân dịp ngày lễ trọng này để chia sẻ với anh chị em ít điều về bổn phận của người Ki-tô hữu.

1. Thánh Thần hướng dẫn chúng ta.
Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa, của sự sáng, Ba Ngôi Thiên Chúa lập tức trở thành chủ nhân tâm hồn của chúng ta, từ đó trở về sau, chúng ta được gọi là người Ki-tô hữu, và chỉ có người Ki-tô hữu -do Thánh Thần tác động- mới hiểu được vai trò làm con Chúa ngay trong cuộc sống ở trần gian này.

Bổn phận của người con Chúa không chỉ là ngày ngày đến nhà thờ dâng lễ đọc kinh, cũng không chỉ là bỏ tiền của ra xây thờ, nhưng cái quan trọng hơn chính là “ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng” như lời của Đức Chúa Giê-su đã dạy.

Có những người Ki-tô hữu chỉ biết Chúa ở trong nhà thờ, cho nên họ thường phê bình những hoạt động bên ngoài xã hội của anh em; có những người Ki-tô hữu chỉ biết Chúa nơi những bà con họ hàng, cho nên họ thường dửng dưng trước những người nghèo bất hạnh ngay bên cạnh họ...

Rao giảng Tin Mừng của người giáo dân thì có thể nói là “thiên hình vạn trạng” hơn cả các tu sĩ nam nữ, bởi vì chính các Ki-tô hữu là những hạt giống Tin Mừng được Đức Chúa Giê-su gieo vãi khắp cùng ngõ hẽm của xã hội trần thế, bởi vì chính người Ki-tô hữu là những tai, mắt, miệng của Giáo Hội, mà trong sinh hoạt thường ngày của họ người ta luôn nhìn thấy Giáo Hội của Chúa cách sống động, và sống động nhất chính là khi họ thực hành Lời của Chúa dạy yêu người thân cận như chính mình, đó chính là lời rao giảng Tin Mừng mạnh mẽ nhất vậy.

2. Thánh Thần là quả tim sống động.
Đức Chúa Thánh Thần không ở nơi đâu xa lạ, nhưng hằng ngày Ngài vẫn luôn ở với chúng ta để hướng dẫn, dạy dỗ và làm cho chúng ta trở nên người con tốt lành của Thiên Chúa.

Có người hỏi tôi rằng: tại sao các cha ít khi nói đến Đức Chúa Thánh Thần cho giáo dân nghe, mà chỉ lúc nào có dịp lễ gì có liên quan đến Thánh Thần, hay có trẻ em lãnh nhận bí tích thêm sức thì mới giảng về Đức Chúa Thánh Thần cho giáo dân nghe ? Một câu hỏi để nhắc nhở chúng tôi là những mục tử, một câu hỏi để nhắc nhở chúng ta là những người Ki-tô hữu phải luôn luôn xác tín rằng: Đức Chúa Thánh Thần vẫn luôn mãi mãi ở trong tâm hồn chúng ta, chính Ngài đã thôi thúc chúng ta làm việc lành tránh điều dữ, chính Ngài hướng dẫn chúng ta biết chọn điều gì cho đẹp lòng Thiên Chúa để làm và điều gì không nên làm.

Vâng, Đức Chúa Thánh Thần có vai trò rất đặc biệt và quan trọng trong đời sống của người Ki-tô hữu, Chính Ngài được Đức Chúa Giê-su xin Đức Chúa Cha ban xuống cho các Tông Đồ để mở ra trí huệ cho các ngài, chính Ngài đã kiện toàn và mở mang Giáo Hội ở trần gian, chính Ngài đã làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay.

Đức Chúa Thánh Thần là quả tim trong thân thể, Đức Chúa Thánh Thần là cái bánh lái của con thuyền, thân xác không có quả tim là thân xác không có sự sống, thuyền không bánh lái là thuyền trôi nỗi trên biển không định hướng, đời sống của người Ki-tô hữu nếu không có Đức Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì chỉ là một cái mả tô vôi, hoặc chỉ là một con thuyền lênh đênh trôi vật vờ trong biển khổ của trần gian đầy cạm bẩy của cám dỗ.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay là ngày sinh nhật của Giáo Hội – lễ Hiện Xuống- chúng ta cầu xin cho Giáo Hội luôn lắng nghe lời dạy bảo và hướng dẫn của Đức Chúa Thánh Thần, để Giáo Hội luôn trở nên ánh sáng của muôn dân; chúng ta cũng xin Đức Chúa Thánh Thần ở mãi với mỗi người trong chúng ta, dù ở đâu, làm gì và trong cương vị nào, chúng ta cũng cầu xin Ngài hướng dẫn, để chúng ta trở nên những chứng nhân của Tin Mừng, của Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh, để khi mọi người nhìn thấy việc chúng ta làm, lời chúng ta nói đều phù hợp với đức ái của Tin Mừng, thì họ sẽ nhận ra Đức Chúa Giê-su đang ở trong chúng ta vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://blog.yahoo.com/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:23 25/05/2012
N2T


6. Khi chúng ta thực thi thánh ý của Thiên Chúa, thì sẽ không cảm thấy chán chường.

(Thánh nữ Jane de Chantal)
 
Đọc sách: Nhưng, ai là người thân cận của tôi ? (tiếp theo)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:21 25/05/2012
6. “NGƯỜI THÂN CẬN CỦA THẦY LÊ-VI

“Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi đến chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi ” (Lc 10, 32).
Sau thầy tư tế, là đến thầy Lê-vi cũng đi ngang qua chỗ người đồng hương đang bị nạn nằm bên vệ đường, nhưng rồi cũng bỏ đi một lèo. Các linh mục hôm nay, trong các bài giảng của mình thường “đồng hoá” các thầy Lê-vi thời cựu ước với các thầy (ngày nay) đã có “chức”, kể cả các thầy phó tế, hoặc các nam tu sĩ, bởi vì trong mười hai chi tộc Ít-ra-en, thì chi tộc Lê-vi đã được Đức Chúa chọn ra, riêng biệt để lo công việc bàn thánh, dưới quyền các tư tế (Ds 3, 5-13). Nhưng xét cho cùng, thì tất cả những ai đã dâng mình làm tôi tớ Chúa (đi tu) thì bất luận là nam hay nữ, cũng đều là những người phục vụ Thiên Chúa qua con người, phụ giúp các Linh mục theo bổn phận và công việc của mình. Vậy, theo tôi, các thầy Lê-vi bao gồm cả các nữ tu của chúng ta nữa, mà trong bài suy tư nầy sẽ dùng cụm từ “các-Lê-vi-thời-Tân-ước” để nói chung cho các tu sĩ nam nữ ấy.

Không phải ngẫu nhiên mà trong dụ ngôn “người Sa-ma-ri tốt lành”, Đức Chúa Giê-su đã đưa ra hai hình ảnh mà ấn tượng không mấy tốt đẹp về hai chức vụ có “thế giá” trong tôn giáo Ít-ra-en thời ấy, bởi vì chỉ có những thầy tư tế và các thầy Lê-vi là những người, mà có lẽ, rất ít tiếp xúc với mọi người trong cuộc sống đời thường, do đó, họ không thể cảm nghiệm được những lo âu khắc khoải, những tình cảm giữa người thân cận với nhau, hoặc họ không có ý niệm người thân cận là những người không cùng huyết thống với họ, mà đối với họ, người thân cận chính là cha mẹ, bà con, bạn bè thân thuộc …

Các Lê-vi-thời-tân-ước cũng có lúc, với ý niệm, mình là một người “đi tu”, “người được Chúa chọn”, thì phải được mọi người trọng vọng, phải được “đám dân ngu” kia kính nể và phải được ngồi chỗ cao, chỗ nhất giữa công chúng. Không ai tế nhị như Đức Chúa Giê-su khi đưa ra lời giáo huấn cho các Lê-vi-thời-Tân-ước hay nói cách thân mật hơn, các đệ tử của Ngài, bằng một câu chyện dụ ngôn rất kịch tính mà tóm gọn mọi giáo huấn của Ngài là yêu thương.

Vậy, ai là “người thân cận” của các Lê-vi-thời-tân-ước trong một xã hội quá phức tạp và có quá nhiều điều kỳ diệu hôm nay ?

a. Cộng đoàn của tôi là “người thân cận” của tôi.
Để tỏ ra sức mạnh đoàn kết của cộng đoàn, và để biểu dương cộng đoàn tôi là một cộng đoàn “luôn biết yêu thương”, nên có lúc các Lê-vi-thời-tân-ước đã ra mặt công khai bênh vực các thành viên của cộng đoàn mình, mặc dù lỗi phải đã rành rành trước mặt bàn dân thiên hạ, và lạm dụng sự kính trọng “những tôi tớ” Thiên Chúa nơi các tín hữu, mà các Lê-vi-thời-tân-ước đã làm ngơ trước những bất công của mình.

Mặc dù được gọi để phục vụ Thiên Chúa qua anh chị em của mình, nhưng có lúc các Lê-vi-thời-tân-ước đã không nhìn nhận họ là những “người thân cận” của mình, trái lại, các Lê-vi-thời-tân-ước nầy đã tự coi mình như là một “hồng ân” mà Thiên Chúa đã ban cho các tín hữu, cho nên từ cách suy nghĩ như thế, các Lê-vi-thời-tân-ước đã không nhìn thấy mình là những người được gọi để phục vụ Thiên Chúa trong những anh em đồng loại của mình, và dĩ nhiên, họ cũng chẳng thấy những khắc khoải, lo âu buồn phiền của những người mà mình được sai đến để phục vụ, vì những khuyết điểm do mình gây ra.

Cộng đoàn của tôi là “người thân cận” của tôi, đó là điều không ai chối cải, nhưng cộng đoàn sẽ không thể tồn tại, nếu không có những “người thân cận” –tức là con người- để phục vụ. Vì mục đích ấy mà cộng đoàn được thành lập và tồn tại, cho nên các Lê-vi-thời-tân-ước phải vượt qua khuôn khổ của cộng đoàn để đi tìm kiếm “người thân cận” của mình mà phục vụ. Thầy Lê-vi trong câu chuyện dụ ngôn đã không thể đưa tay ra cứu giúp người bị nạn, cũng bởi vì ông ta chỉ biết có chi tộc của mình, chỉ biết phải đi cho mau để phục vụ các tư tế nơi bàn thờ trong thánh điện, và vì thế mà ông ta đã đánh mất cơ hội phục vụ “người thân cận” của mình. Có những Lê-vi-thời-tân-ước đã to tiếng chỉ trích phê bình cộng đoàn nầy quá tệ, cộng đoàn kia quá bết, chỉ vì các cộng đoàn ấy không phải là cộng đoàn của tôi, tức là không phải “người thân cận” của tôi.

Bởi vì cộng đoàn của tôi là “người thân cận” của tôi, cho nên tôi không thể hỗ trợ cho người khác những phương tiện để họ làm công tác tông đồ, không ủng hộ những ý kiến hay, hoặc những phương pháp mới của người khác trong công việc mở mang Nước Chúa, vì thế, tôi mãi mãi vẫn chỉ là một thầy Lê-vi đi ngang qua người bị nạn, dù người bị nạn đó là đồng hương với tôi, giả mù như không thấy họ đang thoi thóp chờ chết. Bởi thế, để có tương quan tốt đẹp với mọi người, các Lê-vi-thời-tân-ước cần phải xác định lại cho thật rõ ràng mục đích dâng hiến cuộc đời của mình là phục vụ, nhưng phục vụ cho ai? cho Thiên Chúa nơi con người, hay bắt con người phục vụ cho chính bản thân mình ?

Nếu phục vụ cho cộng đoàn của tôi là “người thân cận” của tôi, thì các Lê-vi-thời-tân-ước chỉ là một tập đoàn chỉ biết tìm “lợi nhuận “ cho mình, có nghĩa là một tập đoàn tư bản mua bán không hơn không kém, nhưng xét cho cùng thì các tập đoàn tư bản mua bán ấy, họ cũng biết vượt ra khỏi chính mình, nghĩa là họ biết vươn cánh tay “mại bản” của họ đến tận các quốc gia trên thế giới để kiếm lợi nhuận, và tạo thêm công ăn việc làm cho mọi người, và như thế “người thân cận” của họ chính là những khách hàng của họ. Cũng vậy, các Lê-vi-thời-tân-ước không đóng khung trong cộng đoàn của mình, không khư khư giữ lấy những tập quán cố hữu “nó không phải là phe của chúng ta”, bởi vì khi làm như thế, thì các Lê-vi-thời-tân-ước đã vô tình bóp méo lề luật yêu thương của Tân Ước: “Yêu thương người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27) vậy.

Luật yêu thương của Tân Ước phải vượt ra khỏi chính mình, tràn ra khỏi biên giới đi tới những miền xa xăm hẻo lánh, thấm nhập vào từng thớ thịt của con người, và được nhận thấy dễ dàng nơi hành vi của những con người thấm nhuần tinh thần lề luật yêu thương trong cuộc sống đời thường. Luật yêu thương cũng là “tiêu chuẩn” để Thiên Chúa phán xét nhân loại, là thước đo lòng mến của Thiên Chúa nơi con người chúng ta, nhưng nếu yêu thương hiểu theo nghĩa thường tình, tức là yêu thương theo luật tự nhiên, như cha mẹ yêu thương con cái, con cái phải yêu thương cha mẹ, yêu thương bạn bè thân thiết…v.v…thì chắc chắn không ai “qua mặt” được các thầy tư tế các thầy Lê-vi thời cựu ước, bởi vì họ đã tuân giữ răm rắp từng nét từng chữ trong sách luật, và nếu có ai đó nói với họ phải yêu thương “người thân cận”, tức là những người nghèo nàn, bất hạnh, khổ đau như chính mình, thì chẳng khác gì xách thùng nước lạnh tạt vào mặt họ. Nhưng các Lê-vi-thời-tân-ước không những đã nhận nơi Đức Chúa Ki-tô lệnh truyền yêu thương “người thân cận”, mà còn nhìn thấy công việc yêu thương “người thân cận” cách cụ thể nơi Ngài, đó là bất cứ ai cũng đều được Ngài chiếu cố mà không đòi điều kiện nào khác, ngoài điều kiện: phải có lòng tin vào Ngài, những người tàn tật, kẻ đui mù, người tội lỗi, kẻ bất hạnh đều là những “người thân cận” nhất của Ngài.

Vì vậy, yêu thương người thân cận nơi các Lê-vi-thời-tân-ước không có nghĩa là chỉ yêu thương cộng đoàn của tôi, bởi nó là thân cận của tôi, nhưng mỗi thành viên của cộng đoàn phải là những sứ giả của cộng đoàn, đem yêu thương được hấp thụ trong cộng đoàn đến cho những đối tượng mà các Lê-vi-thời-tân-ước phục vụ, họ là những người đủ mọi thành phần của xã hội không phân biệt màu da chủng tộc, giai cấp giàu nghèo, sang hèn, họ chính là những “người thân cận” của các Lê-vi-thời-tân-ước, hay nói cách cụ thể hơn, khi các Lê-vi-thời-tân-ước tự mình phá bỏ những luật lệ cứng nhắc làm xơ cứng quả tim bằng thịt biết yêu thương, biết thông cảm của mình, thì chính họ đã tự mình trở nên người thân cận của “người thân cận” rồi vậy.

Đức Chúa Giê-su đã chọn mười hai vị tông đồ để làm một cộng đoàn nhỏ xíu giữa những người Do thái, nhưng không phải vì thế mà cộng đoàn nhỏ xíu nầy bị lãng quên hoặc bị xoá sổ trong cộng đoàn Do thái to lớn ấy, nhưng trái lại, nó càng ngày càng “bành trướng” trên khắp mặt đất, trở thành một cây cổ thụ to lớn, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành cây của nó (Mt 13, 32), nó đã trở nên một cộng đoàn sống động, có ảnh hưởng rộng lớn trên toàn diện cuộc sống của con người, bởi vì vị thủ lãnh tối cao của cộng đoàn nầy –Đức Chúa Kitô- đã tuyên bố: “Vì Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10, 40), và mỗi một thành viên của cộng đoàn nhỏ xíu mà to lớn nầy đã trở nên những người thân cận của mọi người, khi cầm chén nước lã ngon ngọt thân tình mời người anh em trong cơn đói khát (Mt 10, 42), bởi vì, họ đã nhìn thấy “người thân cận” đói rách, bất hạnh, nghèo nàn ấy, chính là hình ảnh của Đức Chúa Ki-tô đang bị đau khổ trên thập giá.

“Người thân cận” của các Lê-vi-thời-tân-ước không phải là người thân thiết, cũng không phải là bà con, bạn hữu, vì tự nó đã là thân thiết rồi. Nhưng “người thân cận” đúng nghĩa của các Lê-vi-thời-tân-ước chính là những người không thân thiết, không phải là bà con, bạn hữu, mà là những người xa lạ, những người bất đồng chính kiến với mình, bất đồng quan niệm và có khi –thậm chí- họ là những kẻ thù, nhưng trong tinh thần của luật mới –luật yêu thương- thì những người ấy chính là “người thân cận” của các Lê-vi-thời-tân-ước vậy.

Không ai có thể yêu thương “người thân cận” như chính mình được nếu không có Đức Chúa Thánh Thần thúc đẩy, bởi Thánh Thần là lửa tình yêu có khả năng đốt cháy những xiềng xích trói buộc, những bức tường ngăn cách giữa các Lê-vi-thời-tân-ước với “người thân cận”. Yêu thương “người thân cận” như chính mình, cũng chính là yêu thương Đức Chúa Ki-tô ở trong những con người mà những bất công của xã hội đang đè xuống trên cuộc đời của họ. Bởi vì khi giáng sinh làm người, Đức Chúa Giê-su đã thực sự là người thân cận của những “người thân cận” bị người đời bỏ rơi, khi chính Ngài cũng đã bị những kinh sư, biệt phái và những người thân cận trong thôn xóm cũng từ chối đón tiếp Ngài (Lc 4, 16-29).

Vì vậy, không một Lê-vi nào của thời Tân Ước có quyền chọn lựa cho mình người nầy là “người thân cận” của tôi, người kia không phải là “người thân cận” của tôi, nhưng ai cũng là “người thân cận” của mình, bởi vì chính họ là thước đo mức độ yêu thương của mình đối với Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường vậy.

b. Cá nhân tôi là “người thân cận” của tôi.
Có nhiều người chú giải câu Lời Chúa “yêu thương người thân cận như chính mình” như sau: yêu người như chính mình là trước tiên phải yêu mình đã, yêu mình tức là phải thoả mãn những nhu cầu đòi hỏi của bản thân mình trước, sau khi mình có đầy đủ rồi mới cho người khác để họ có như chính mình đã có vậy. Đây đúng là mẫu người “biết lo xa”, nhưng vì quá lo xa cho nên họ mãi mãi vẫn không thể yêu thương người thân cận như chính mình được, bởi vì trong thực tế, lòng tham của con người như cái thùng không có đáy, không có thì làm cho có, có rồi thì muốn có thêm, và như thế thì đến bao giờ mới có đầy đủ để mà giúp đỡ người thân cận chứ ? Từ khi nguyên tổ chúng ta phạm tội, thì con người trở nên ích kỷ hơn, cái tôi (cá nhân tôi) phát triển nhiều hơn, và yêu mình nhiều hơn.

Bất kể là ai, đã là con người thì luôn luôn có cái tôi ở trong mình, và cái tôi nầy tự nó lớn lên hay nhỏ đi tuỳ theo mức độ yêu thương của chính bản thân mình. Yêu thương càng lớn thì cái tôi càng nhỏ, và dễ dàng đạt tới mức độ yêu thương “người thân cận” như chính mình hơn. Trong cộng đoàn, cái tôi làm cho chúng ta muốn nổi bật hơn mọi người, do đó, chúng ta tìm đủ mọi cách (kể cả thủ đoạn) để đạt tới mục đích của cá nhân tôi, mà không thèm nghĩ đến những khó khăn của anh em chị em là những người thân cận của mình, đang phấn đấu để cộng đoàn được trưởng thành. Để cái tôi của cá nhân tiến triển theo chiều hướng chung của cộng đoàn thì là một điều tốt, bởi vì đó chính là yêu thương anh chị em trong cộng đoàn vì họ là người thân cận của tôi, và cần phát huy tác dụng đến mức độ không còn là vì cá nhân tôi nữa, mà là vì cộng đoàn.

Bởi vì chúng ta nghĩ rằng cá nhân tôi là “người thân cận” của tôi, cho nên chúng ta luôn tìm cho mình những sự chú ý của mọi người giữa công chúng, tìm một tiếng khen của mọi người nơi phòng họp, tìm sự nổi tiếng khi công tác.v.v…mà chúng ta không nghĩ rằng, chính khi chúng ta đang tìm sự thoả mãn cá nhân ấy, thì chính chúng ta đang dần dần xa cách “người thân cận” đích thực của chúng ta là những anh chị em trong cộng đoàn. Chính vì điều ấy, mà Đức Chúa Giê-su khi nói về việc nên cớ vấp ngã cho anh em, Ngài đã nhấn mạnh đến hành động dứt khoát để chúng ta mạnh dạn cắt đứt “người thân cận” ngay tự trong bản thân của mình, Ngài nói: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống …” (Mt 18, 8).

Tay và chân là những phần trong thân thể của chúng ta, cho nên khó mà chặt đi được, bởi nó chính là “cá nhân tôi”, là “người thân cận” của tôi; tay và chân cũng là ám chỉ đến bạn bè thân thiết, là “người thân cận” mà tôi đã kết thân để thoả mãn nhu cầu vui chơi cá nhân, gây bè kết cánh hơn là vì nhu cầu thăng tiến cá nhân trong đời sống cộng đoàn. Nếu các bạn bè thủ túc ấy, tức là “cá nhân tôi” là “người thân cận” của tôi làm cớ vấp phạm cho tôi, thì chặt quăng nó đi, thà không có bạn bè thủ túc để tâm hồn tôi thảnh thơi yêu mến mọi người trong cộng đoàn, cùng nhau thăng tiến đạt đến mục đích là xây dựng một cộng đoàn biết yêu thương và phục vụ, hơn là có bạn bè thủ túc mà mỗi ngày tôi càng xa cách những anh em chị em là “người thân cận” của tôi ngay trong cộng đoàn của tôi.

Đức Chúa Giê-su trước khi kêu gọi các môn đệ, Ngài không ra điều kiện trước cho ông Phê-rô và ông An-rê là các anh phải vứt bỏ chài lưới đi mà đi theo làm môn đệ của Ta. Ngài cũng chẳng nói với ông Mát-thêu dẹp cái nghề thu thuế tội lỗi ấy đi mà theo Ta. Nghề chài lưới cũng như nghề thu thuế có thể nói là những “cá nhân tôi” của các môn đệ, nó thấm sâu vào trong xương trong thịt của các ông rồi khó mà bỏ đi được, Đức Chúa Giê-su biết như thế, nên Ngài mới nói với hai ông Phê-rô và An-rê: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19), và với Mát-thêu thì Ngài nói: “Anh hãy theo tôi !” (Mt 9, 9).

Qua những lời mời gọi vắn tắt như thế, chúng ta thấy Đức Chúa Giê-su cũng đặc biệt tôn trọng “cá nhân tôi” nơi các môn đệ của Ngài khi chọn các ông, Ngài cũng không buộc các ông phải bỏ nghề, nhưng Ngài đã dùng tài nghệ chuyên môn đánh cá của các ông mà đổi cho các ông một công việc khác, công việc nầy vượt ra khỏi biển hồ Ga-li-lê, vượt ra khỏi tình cảm quê hương để trở thành “người thân cận” của các dân tộc trên mặt đất: nghề đánh cá người. Nhưng không phải vì thế mà các tông đồ đều lập tức trở nên hoàn thiện đâu, các ông còn phải học tập để nhận ra ai là “người thân cận” của mình qua những lời giáo huấn, qua những dấu lạ mà Đức Chúa Giê-su đã thực hiện, và nhất là qua sự khổ nạn và chết trên thập giá của Ngài, các ông nhận ra rằng: tình yêu tự nó đã trở nên gần gủi thân cận với mọi người rồi, và các ông đã dần dần chôn sâu, chôn chặt, từ bỏ “cá nhân tôi là người thân cận” của tôi tại biển hồ Ga-li-lê, để chỉ còn lại “cá nhân tôi” là người thân cận của mọi người mà thôi, nghĩa là các ông đã từ bỏ cha mẹ, vợ con, gia đình của cải.v.v… để rồi các ông được lại tình yêu đại đồng làm tài sản, và cả một thế giới làm người thân cận của mình vậy.

Cá nhân tôi là “người thân cận” của tôi thường xuất hiện nơi những con người ít cầu nguyện, không phải là bản thân họ không cầu nguyện, mà ngay trong khi cầu nguyện họ chỉ nói qua loa vài câu, và bắt Chúa phải nghe lời họ nói: “Lạy Chúa, xin cho con được giàu có …”, “Lạy Chúa, xin cho con được một cô vợ đẹp dễ thương…”; “Lạy Chúa, hôm nay cho con vô mánh, để con mua xe hơi đi lễ cho tiện …”…v.v… bởi vì họ chỉ biết có mình họ trong khi cầu nguyện, cho nên trong cuộc sống đời thường họ không mấy quan tâm đến những nhu cầu của anh em, họ không cảm thấy xúc động khi người anh em bị nạn, và thậm chí, họ còn cầu mong cho người anh em thua kém mình nữa.

Muốn cá nhân tôi trở thành “người thân cận” của mọi người, cũng như để nhìn thấy tất cả mọi người đều là “người thân cận” của mình, việc trước tiên là tôi phải tập cho bằng được bài học biết xúc động trước nỗi bất hạnh của tha nhân, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng (Mt 9, 36), biết mĩm cười và biết thứ tha, và chính Ngài cũng nói đã dạy chúng ta phải tha thứ đến bảy mươi bảy lần bảy (Mt 18, 22). Người biết xót thương trước những hoạn nạn, bất hạnh của anh chị em, là người biết nhìn ra lòng thương xót của Thiên Chúa đã dành cho mình; người biết tha thứ là người đã cảm nghiệm ra được tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho bản thân của mình. Vì thế, họ không còn coi cá nhân tôi là “người thân cận” của tôi nữa, mà trái lại, họ yêu thương tất cả mọi người như là người thân cận của mình. “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy ” (Lc 10, 17). Lời của Đức Chúa Giê-su trên đây đã được họ hiểu rõ, và đem áp dụng trong cuộc sống đời thường của chính mình.

(còn tiếp)
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://blog.yahoo.com/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:22 25/05/2012
NỘP THUẾ NHÀ THỜ
Nhà thờ còn tốt đẹp khang trang, ở nhà quê nằm mơ cũng không được một ngôi nhà thờ như thế, nhưng cha sở nói vì nhu cầu mục vụ nên cần phải xây lại nhà thờ và các phòng ốc khác cho “hoành tráng” hơn.
Thế là những gia đình có con em đi lao động nước ngoài lại “cày” thêm để có tiền gởi về cho gia đình nộp cho cha sở xây nhà thờ…
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://blog.yahoo.com/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Nguồn Ơn Bảy Nguồn Tái Tạo Thế Giới
LM. Giuse Trương Đình Hiền
19:36 25/05/2012
NGUỒN ƠN BẢY NGUỒN TÁI TẠO THẾ GIỚI

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Ngày xưa cách đây hơn 2000 năm, có một chú bé Phi Châu tên là Em-ma-nu-en dễ thương và hay thắc mắc tò mò. Ngày nọ chú đã hỏi vị thầy giáo trong làng : “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào ?”. Thầy giáo chỉ biết gãi đầu và nói : “Nói thực là Thầy không biết”. Sau đó Emm-ma-nu-en đến với nhà trí thức, các bậc trưởng thượng trong vùng cũng với câu hỏi đó, nhưng tất cả chẳng ai biết. Và thế là chú lang thang từ vùng nầy qua xứ nọ để tìm cho được câu trả lời cho vấn nạn : “Thiên Chúa nói bằng ngôn ngữ nào”. Nhưng từ đông sang tây, từ châu lục nầy đến châu lục kia… Emm-ma-nu-en vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Thế rồi một đêm nọ, sau khi đã kiệt sức vì muôn dăm đường dài, Em-Ma-Nu-en cũng đến được một thành phố nhỏ nọ, tên là Bê-lem. Chú bé cố đi tìm một chỗ nghỉ đêm trong quán trọ. Nhưng các quán trọ đều cửa đóng then cài vì đầy người. Thế là chú bé Em-ma-nu-en đành lặn lội ra giữa cảnh đồng hoang tìm một cái hang ngoại thành để qua đêm. Tỡi mãi khuya chú mới tìm được một cái hang đang còn leo lét bóng đèn dầu. Nhưng khi bước vào, thì ra trong hang đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi bé tí mới sinh đang trú ngụ. Nhìn thấy chú, bà mẹ trẻ liền nói : “Hân hạnh đón chào Em-ma-nu-en, chúng ta đang mong chờ con”.

Chú bé quá sửng sốt ! Làm sao bà nầy biết tên chú ? Và chú càng ngạc nhiên hơn khi nghe bà nói : “Đã từ lâu con đi tìm kiếm khắp thế giới để hỏi xem Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây hành trình của con kể như đến đích, vì dêm nay chính mắt con đã thấy được Thiên Chúa nói bằng thứ ngôn ngữ nào. Ngài nói bằng “ngôn ngữ tình yêu”. Bởi vì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đên nổi đã ban Con Một” (Ga 3, 16).

Trái tim Em-ma-nu-en trào dâng xúc động. Chú vội vã quì gối xuống trước hài nhi và mừng rỡ khóc lên. Giờ đây chú đã biết rằng thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu, thứ tiếng mà mọi người thuộc bất cứ dân tộc hay thời đại nào cũng đều có thể hiểu được…

Và thế là Em-ma-nu-en vui mừng ở lại hang Bê-lem vài ngày để giúp Đức Maria và Thánh Giuse, sau đó đã lên đường loan báo cho mọi người “Tin Mừng” vừa mới nhận được : Thiên Chúa nói bằng ngôn ngữ tình yêu. Em-ma-nu-en đã ra đi trong tâm niệm rằng : “Nếu tôi muốn kể cho mọi người biết Chúa dùng thứ tiếng nào để nói, thì chính tôi cũng phải nói bằng thứ tiếng Chúa nói, tức ngôn ngữ của tình yêu. Bởi đó chính là thứ tiếng duy nhất mà mọi người trên thế gian đều hiểu được. Và kể từ ngày đó, trên muôn dặm đường dài cuộc sống, Em-ma-nu-en đã dùng “ngôn ngữ tình yêu’ để nói và sống với mọi người…

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay có quá nhiều thứ ngôn ngữ : Ngôn ngữ chính trị, ngôn ngữ ngoại giao, ngôn ngữ làm ăn, ngôn ngữ thương mại, ngôn ngữ bụi đời…Và cũng vì có quá nhiều thứ ngôn ngữ mà lại thiếu vắng ngôn ngữ tình yêu nên đã xảy ra bao nhiêu là tấn thảm kịch : chiến tranh, khủng bố, bạo lực, bóc lột, kỳ thị, hận thù…Đứng trước một thế giới như thế, phải chăng sứ điệp của ngày Lễ Hiện Xuống là một nhắc bảo, một gọi mời để tất cả chúng ta hãy tìm lại thứ ngôn ngữ của Thiên Chúa đã dùng để nói với chúng ta : Ngôn ngữ tình yêu.

Quả thật, ngôn ngữ của chính trị, ngoại giao, thương mại, kinh tế, đảng phái… không bao giờ là ngôn ngữ của yêu thương, hòa bình, khoan dung, tha thứ. Nếu có chăng, thì chỉ là những hư từ rỗng tuếch, mỵ dân, giả dối để che đậy những âm mưu đen tối bên trong.

Cũng vì lẽ đó mà ngang qua biên giới của các dân các nước trên thế giới hôm nay, vẫn còn ngổn ngang những tháp “Ba-ben dang dở của tình liên đới, hòa bình, hiệp nhất.”

Ai cũng biết, nhân loại đã có một thời thất bại khi cùng nhau xây tháp Ba-ben. Lý do đơn giản vì “ngôn ngữ bất đồng” và không ai hiểu được tiếng nói của nhau. (St 11, 1-8).

Trước khi xảy ra sự kiện đó, Kinh Thánh đã nói với chúng ta rằng : có một nguyên do đã làm cho con người thay đổi cái ngôn ngữ thuở ban đầu Thiên Chúa đã dạy cho : nguyên do đó chính là tội lỗi. Chính tội lỗi đã khiến Ađam không còn nhìn nhận Eva như “xương bởi xương mình, thịt bởi thịt mình” để bao bọc, chở che, mà sẵn sàng đỗ thừa để khỏi dây dưa hệ lụy : “chính người đàn bà…”. Cũng chính tội lỗi đã khiến người anh ruột Cain đã không còn nói với em là Aben bằng ngôn ngữ của huynh đệ tình thâm, máu mủ ruột thịt, nhưng bằng ngôn ngữ của ghen tương, đố kỵ đến nổi ra tay sát hại em ruột giữa cánh đồng.

Quả thật khi con người không còn nói Lời của Thiên Chúa, không còn sử dụng ngôn ngử của Thiên Chúa, ngôn ngữ của những người con cùng một Cha, ngôn ngữ của anh chị em trong một mái nhà của gia đình Thiên Chúa… thì tội lỗi và sự chết đã nhập vào thế gian.

Và Thiên Chúa đã hoạch định cả một chương trình kỳ diệu để “Lời của Thiên Chúa”, để ngôn ngữ của Thiên Chúa được sử dụng trên trần gian hầu mang sự sống lại cho nhân loại.

Phải chăng, để khởi đầu cho lộ trình dài thăm thẳm đó, Thiên Chúa đã dùng dòng nước vĩ đại của cơn Đại Hồng Thủy để thanh tẩy địa cầu ; tiếp theo là ngọn lửa hỏa hào với cuồng phong sấm nỗ trên đỉnh núi Si-Nai để hình thành một dân tộc của Giao ước tiến về hứa địa. Nước đại hồng thủy hay lửa trên đỉnh Si Nai đều là những chuẩn bị và báo trước dòng nước sống và lửa thanh tẩy của Thánh Thần trong thời Giao ước mới.

Thật vậy, kể từ phép rửa khai mạc sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu nơi dòng sông Giođan ; hay chính xác hơn, kể từ khi có những dòng “máu và nước tuôn ra từ trái tim của Đấng Bị Đóng Đinh”, Lời của Thiên Chúa đã tái lập sự sống, ngôn ngữ của Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi, sự chết, hận thù, chia rẽ…Kể từ dạo ấy, kẻ nào “đến với Ngài và tin vào Ngài thì từ nơi họ sẽ tuôn chảy một nguồn nước sống”. Nguồn nước sống ấy chính là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sức mạnh tác sinh sự sống từ cõi chết, sức mạnh tẩy sạch tội khiên, sức mạnh dựng xây hiệp nhất.

Trước cửa nhà các Thánh Tông Đồ hôm nay, sách CVTĐ đã mô tả thật chính xác, thật sinh động về cuộc khai trương một “công trình Ba-ben mới” mà tất cả các công nhân trên công trường nầy cho dù muôn phương cách biệt, muôn sắc tộc, màu da…đều có thể nghe và hiểu chung một sứ điệp, một Tin Mừng do các Tông Đồ loan báo, những người được chính Đức Kitô ban tặng Thánh Thần trước tiên ngay khi Ngài vừa mới sống lại : “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần…” ; những người mà hôm nay, Chúa Thánh Thần đã long trọng tuôn xuống bằng những hình lưỡi lửa để biến đổi toàn diện con người các ông và trao cho các ông sứ vụ loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh : “…vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).

Một nhân loại bị phân tách và chia rẽ của tháp Ba-ben ngày xưa giờ đây được Chúa Thánh Thần qui tụ về một mối nhờ hồng ân của nhiệm tích Thánh Tẩy. Từ đây, đoàn Dân Mới nầy sẽ nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của Tin Mừng, ngôn ngữ tình yêu của con cái Thiên Chúa.

Thế nhưng xem ra, sau 2000 năm Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, miệt mài với công trình xây dựng Vương quốc Thiên Chúa, dạy dỗ và quảng bá ngôn ngữ của Tin Mừng của Đức Kitô, xem ra nhân loại chưa đón nhận và thực hiện được bao nhiêu. Người ta còn dành lại cho mình quá nhiều thứ ngôn ngữ ích kỷ, kiêu căng, hẹp hòi và giận ghét.

Vì thế, “Ngày lễ Ngũ Tuần” lại cần thiết biết bao phải được thể hiện trên mọi miền Giáo Hội, trên mọi cộng đoàn Dân Chúa. Tất cả mọi thành phần Hội Thánh cần phải được Ngọn Lửa của Thánh Linh thanh tẩy thường xuyên để tẩy sạch những cáu bẩn của kiêu căng và tự ái, của giả hình và thỏa hiệp, của mị dân và trần tục, của khiếp nhược và bất khoan dung…

Nói cách khác, phải để Chúa Thánh Thần làm nguyên lý sự hợp nhất trong Giáo Hội chứ không phải nhân danh một thế lực hay một trào lưu, một ý thức hệ nào, bởi vì mọi đặc sủng và ơn thánh đều bắt đầu từ một Thần Khí, một Chúa là Thiên Chúa duy nhất.

Khẳng định trên đây của thánh Phaolô không phải chỉ mang tính thời sự trong bối cảnh của cộng đoàn Kitô Côrintô đang gặp sự chia rẽ mà phải chăng, đang rất thời sự trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam và Hội Thánh hoàn vũ. Qua ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, mọi tín hữu phải ý thức trở lại sự hiệp nhất này, sự hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô, Con Người mới, Ađam mới, ông tổ của một nhân loại mới.

Chính trong ý hướng nầy, chúng ta cùng lặp lại lời cầu nguyện trong Kinh Ca Tiếp Liên để cầu cho nhau và cho Hội Thánh :

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi thương tích.
Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật đường.
Xin Chúa ban cho các tín hữu,
là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.
Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,
được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.


(Amen. Alleluia.)

LM. Giuse Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sự vắng mặt người cha gây trở ngại cho sự hiểu biết của con trẻ về Thiên Chúa
Lã Thụ Nhân
07:49 25/05/2012
Sự vắng mặt người cha gây trở ngại cho sự hiểu biết của con trẻ về Thiên Chúa

Vatican (CNA/EWTN News) – Trong buổi Triều yết chung thứ Tư hàng tuần hôm 23/05 trước 20.000 tín hữu hành hương ở Quảng Trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đưa ra huấn từ rằng những người làm cha vắng mặt trong gia đình mình sẽ gây khó khăn hơn cho con trẻ của họ nhận biết về Thiên Chúa như một người cha yêu thương.

Ngài nhận định: "Có lẽ con người hiện đại không cảm nhận được vẻ đẹp, sự cao quý và niềm an ủi sâu sắc trong từ 'cha', từ mà chúng ta hướng đến Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, vì nhân vật người cha thường không hiện diện đầy đủ trong thế giới ngày nay, và thường không hiện diện tích cực một cách đầy đủ trong đời sống hàng ngày".

Ngài nhấn mạnh rằng "vấn đề một người cha không hiện diện trong đời sống của con trẻ là một vấn đề lớn của thời đại chúng ta" bởi vì nó có thể gây khó khăn cho những đứa trẻ này "hiểu chiều sâu ý nghĩa đối với chúng ta rằng Thiên Chúa là Cha".

Tại Hoa Kỳ, hơn một phần ba trẻ em sống tách rời với cha ruột của chúng.

Suy tư của Đức Thánh Cha tập trung vào hai đoạn văn Thánh Phaolô nói về Chúa Thánh Thần cho phép mọi người có thể gọi Thiên Chúa bằng từ thân mật 'Abba', sau đó ngài tiếp tục giới thiệu loạt suy tư về vai trò của cầu nguyện trong câu chuyện cứu độ.

Trong thư gửi tín hữu Galát, Thánh Phaolô đã viết rằng "Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: 'Áp-ba, Lạy Cha!'". Thánh Phaolô cũng đã viết cho tín hữu Rôma, "anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: 'Áp-ba! Lạy Cha!'"

Đức Thánh Cha lưu ý rằng từ "Abba" được dùng trong gia đình bằng ngôn ngữ Aram cũng được Chúa Giêsu sử dụng "ngay cả tại thời điểm bi thảm nhất của cuộc sống trần gian của Ngài," do đó chứng minh rằng Ngài "không bao giờ mất niềm tin nơi Chúa Cha và luôn luôn khẩn cầu Cha bằng sự thân mật của người con yêu dấu".

Tương tự như vậy, qua Bí tích Rửa tội, mỗi Kitô hữu cũng trở thành người con trai, con gái yêu dấu của Thiên Chúa, "dự phần bằng cách được nhận làm nghĩa tử trong tình con thảo đời đời của Chúa Giêsu".

Trong đoạn văn được chọn, Đức Thánh Cha giải thích Thánh Phaolô cũng chứng minh rằng "lời cầu nguyện Kitô hữu không bao giờ theo một hướng duy nhất từ chúng ta lên Thiên Chúa". Thay vào đó, nó là "một biểu hiện của mối tương quan lẫn nhau, trong đó Thiên Chúa luôn luôn hành động trước tiên".

Vì vậy, bất cứ khi nào chúng ta trò chuyện với Cha trong lời cầu nguyện, thậm chí thinh lặng hay riêng tư, chúng ta không bao giờ một mình, vì "chúng ta nằm trong lời cầu nguyện to lớn của Giáo Hội, chúng ta là một phần của bản giao hưởng tuyệt vời mà cộng đoàn Kitô hữu khắp mọi nơi và mọi thời đại dâng lên Thiên Chúa".

Đức Thánh Cha giảng dạy rằng đó là "lời cầu nguyện được Chúa Thánh Thần soi dẫn" làm Kitô hữu kêu lên "Abba! Lạy Cha!" cả "với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô". "Nó làm cho chúng ta dự một phần vào bức tranh khảm vĩ đại gia đình của Thiên Chúa, trong đó tất cả mọi người có một vị trí và vai trò quan trọng, hiệp nhất sâu sắc về mọi thứ".

Đức Thánh Cha kết luận huấn từ của ngài bằng cách đề nghị những người hành hương nên học cách đánh giá cao vẻ đẹp của việc trở nên bạn hữu, hay đúng hơn là con Thiên Chúa" và kêu cầu Thiên Chúa Cha trong lời cầu nguyện "với sự tự tin và lòng tin tưởng của con trẻ xưng hô với cha mẹ, những người yêu thương mình".

Sau đó, Đức Thánh Cha dẫn dắt những người hiện diện trong buổi triều yết hát lời Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh trước khi ban phép lành tông đồ của ngài.
 
Tòa Thánh Vatican công bố hướng dẫn về các cuộc hiện ra và mặc khải tư
Lã Thụ Nhân
07:51 25/05/2012
Tòa Thánh Vatican công bố hướng dẫn về các cuộc hiện ra và mặc khải tư

Vatican City (CNA/EWTN News) - Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của Tòa Thánh Vatican đã công bố những hướng dẫn để giúp Giáo Hội trên toàn thế giới xử lý những tuyên bố về mặc khải tư và các cuộc hiện ra.

Trong lời tựa của ấn phẩm mới, Đức Hồng Y William J. Levadan, Tổng Trưởng Thánh Bộ lên tiếng "hy vọng chắc chắn" rằng các chuẩn tắc sẽ giúp các nhà lãnh đạo Giáo Hội "trong nhiệm vụ khó khăn của họ" nhận thức rõ các cuộc hiện ra, các mặc khải và "hiện tượng lạ thường được cho là có nguồn gốc siêu nhiên".

Các chuẩn tắc đã được soạn thảo để sử dụng nội bộ vào năm 1978 dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, và cho đến nay chưa bao giờ được chính thức công bố, hay dịch thuật từ tiếng La tinh.

Tuy nhiên, với nhiều bản không chính thức được lưu hành, Đức Hồng Y Levada cho biết ngài tin rằng "bây giờ là cơ hội để công bố các Chuẩn tắc này, cung cấp các bản dịch bằng các nguyên ngữ".

Quyết định công bố các hướng dẫn xảy đến khi một ủy ban đặc biệt do Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin thành lập bước sang năm thứ ba để điều tra các cuộc hiện ra được cho là của Đức Mẹ ở thị trấn Medjugorje (Mễ Du) thuộc Bosnia-Herzegovina.

Từ năm 1981, nó đã trở thành một nơi hành hương phổ biến do tường trình các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria dành cho sáu người Công Giáo địa phương.

Ủy ban các giám mục, các thần học gia và các chuyên gia khác đã được triệu tập vào tháng 3 năm 2010 theo yêu cầu của giám mục địa phương của Mễ Du và dưới sự chủ trì của cựu Tổng Đại Diện của Giáo Phận Rôma, Đức Hồng Y Camillo Ruini.

Các hướng dẫn vừa được công bố thiết lập một tiến trình ba giai đoạn mà một thẩm quyền giáo hội hợp pháp có thể đi đến một quyết định liên quan đến tuyên bố của cuộc hiện ra hoặc mặc khải.

Thứ nhất, tuyên bố nên được đánh giá ban đầu "theo tiêu chí tích cực và tiêu cực". Điều tra này có thể bao gồm một đánh giá "phẩm chất cá nhân" của bất kỳ người nào được cho là thị nhân về "trạng thái cân bằng tâm lý, tính trung thực và tính chính trực của đời sống đạo đức, sự chân thành và thường xuyên thuận theo quyền bính Giáo Hội, khả năng quay trở lại một chế độ bình thường của một đời sống đức tin..."

Bất kỳ sự mặc khải tiềm tàng khả năng xác thực nào cũng phải là "giáo huấn thần học và tâm linh thực sự và không có sai lạc", và phải nảy sinh "lòng sùng kính lành mạnh và hoa trái tinh thần phong phú và liên tục" chẳng hạn như "tinh thần cầu nguyện, hoán cải, chứng từ của bác ái…".

Thứ nhì, nếu thẩm quyền giáo hội địa phương đi đến một kết luận ban đầu thuận lợi, họ có thể cho phép một số hình thức sùng kính công khai trong khi tiếp tục "giám sát điều này hết sức thận trọng".

Thứ ba, một phán quyết cuối cùng sau đó có thể được thông qua "trong ánh sáng của thời gian đã trải qua và kinh nghiệm" với sự quan tâm đặc biệt đến "khả năng sản sinh hoa trái tinh thần được tạo ra từ lòng sùng kính mới này".

Đức Hồng Y Levada làm rõ trong phần dẫn nhập của bản hướng dẫn rằng không giống như sự mặc khải công cộng, những người Công Giáo không bị ràng buộc để chấp nhận tính xác thực hoặc nội dung của bất kỳ sự mặc khải tư nào, thậm chí không chính thức được các thẩm quyền giáo hội phê chuẩn.

Giáo Hội chấp thuận "về cơ bản nghĩa là thông điệp của nó không chứa đựng những gì trái với đức tin và luân lý." Tuy nhiên, ngài cho hay thêm mặc khải tư có thể có một "nhân vật tiên tri nào đó" và cũng có thể "giới thiệu tầm quan trọng mới, làm nảy sinh các hình thức mới của lòng đạo đức, hoặc làm sâu sắc hơn những cái cũ".
 
Kỷ niệm 400 năm: Cách mạng Truyền giáo Di Nobili bên Ấn
Hoành Sơn, S.J.
08:30 25/05/2012
Năm 2010 vừa qua, cả thế giới (gồm Trung Quốc luôn) đã tưng bừng khánh niệm 400 năm ngày ly trần tại Bắc Kinh của một nhân vật vĩ đại, cha Matteo Ricci, được ngưỡng mộ vừa như người tiên phong trong giao lưu khoa học-văn hóa Đông-Tây, vừa như một trong hai nhà truyền giáo, cũng tiên phong trong kế sách hội nhập văn hóa. Người tiên phong thứ hai về mặt này, đó là cha Roberto Di Nobili, cũng người Ý (và Dòng Tên). Phải chăng vì dân Ý là dân cởi mở nhất bên Tây trong việc tiếp thu ánh sáng của những nền văn minh xa lạ? Chúng ta nên nhớ, vào thế kỷ XIII, cũng một người Ý khác là Marco Polo đã du hành Phương Đông, cho tới tận xứ sở các Con Trời (Thiên Tử), và nói về văn minh này với nhiều kính nể.

Năm 2010, tôi đã viết về Ricci, năm nay không thể tôi không nói về Di Nobili nhân 400 năm (1612-2012) cuộc Cách mạng truyền giáo của cha bên Ấn Độ. Tôi nói CÁCH MẠNG TRUYỀN GIÁO, vì tuy việc trruyền giáo đã khởi sự từ trước ở đấy, nhưng cách làm của cha đi ngược hẳn cách làm của những thừa sai tiền nhiệm, do đó gây sóng gió lớn, không những làm cha đau khổ, mà còn khiến thiệt hại cho việc Phúc âm hóa đất nước đông dân thứ hai của thế giới ấy.

Tình trạng xã hội Ấn và ngõ cụt truyền giáo

Không dân tộc nào sùng đạo như dân Ấn, nhưng cũng không đất nước nào bị phân hóa xã hội cho bằng đất nước Nam Á này…

Về mặt tôn giáo, tuy Ấn giáo chia thành hai ngành, ngành lấy Vishnu làm thượng thần, ngành lấy Shiva làm đấng tối cao, nhưng các thần đều được thờ chung ở cả hai bên. Sống đạo cũng vậy, cư sỹ (tín đồ tại gia) tới cầu nguyện ở đền thờ, còn tu sỹ sống một mình trong rừng hoang hay sơn cốc, nhưng hai bên không hề va chạm nhau.

Về mặt xã hội thì khác hẳn. Dân Ấn chia thành những giai cấp cha truyền con nối, tức tập cấp (castes), và giữa những tập cấp khác nhau, người ta không kết hôn với nhau, tránh tiếp xúc với nhau. Thậm chí một số người bị loại khỏi tập cấp (outcastes), trở thành dơ dáy, được gọi là Candala (sanskrit), Dalit, Pariah (tamil), nghĩa là BẤT KHẢ XÚC ( Intouchables, Untouchables). Theo niềm tin lâu đời, sự phân cấp ấy là tự nhiên. Kinh Veda cho biết, từ Con người nguyên sơ Purusha[1] bị sát tế, các thần đã phân chia thân thể ấy mà làm nên bốn tập cấp cao thấp khác nhau:

Khi các thần phân xẻ Con người,
Họ làm nên mấy phần?
Miệng thành gì, cánh tay thành chi?
Là gì cẳng chân, là chi bàn chân?
Miệng thành tế sư (brahmana)
Cánh tay thành chiến tướng (ksatriya),
Cẳng chân nên công-nông (vaisya),
Bàn chân nên nô bộc (sudra).
Rigveda X.90

Có điều quyển X của sách Rigveda tập hợp những bài kinh khá mới, riêng bài kinh 90 chỉ có mặt sau công nguyên, cốt ý giải thích một tình trạng xã hội sẵn có rồi, đồng thời xác định địa vị cao nhất của tế sư. Chứ hẳn nhiên trước đó, địa vị cao nhất phải thuộc về giai cấp cai trị là ksatriya (do chữ ksatra là việc cai trị) từ đó chọn ra vua và những sỹ quan trong quân ngũ cùng với người cai quản trong vương quốc. Bằng chứng được tìm thấy trong bộ sử thi vĩ đại Mahâbhârata được hoàn tất vào thế kỷ II trước công nguyên, trong đó rõ ràng địa vị của vua và ksatriya là cao nhất.

Thật ra, cách đây 3500 năm sau khi dân Ârya từ Tây-Bắc sang xâm lăng Ấn Độ, tại xứ sở này chỉ có hai giai cấp : giai cấp thống trị là Ârya da trắng, giai cấp bị trị, gọi daisyu hay man di, là người Ấn da đen. Chính vì thế, tiếng dùng để chỉ tập cấp là Varna, nghĩa là mầu sắc, sắc da. Phân biệt thống trị-bị trị nay đã đổi thành phân biệt theo ngành nghề, nhưng tiếng Varna thì vẫn được dùng để chỉ tập cấp.

Có bốn tập cấp chính : tế sư, vương tướng, công nông và nô bộc, trong đó chỉ ba tập cấp trên có khả năng tôn giáo. Thật ra, khả năng ấy đầy đủ nhất là ở tập cấp tế sư, balamona (brahmana). Và cũng chỉ balamona mới học hành cao, và phải cố sống theo bốn giai đoạn (âsrama) của bộ luật Manu : lúc niên thiếu thì làm tập sinh (brahmacârin), thụ huấn với một sư phụ; lớn lên thành cư sỹ (grihastha), nghĩa là lập gia đình, có bổn phận tế tự; khi đã lo cho con cái thành gia thất thì vô ẩn tu trong rừng; đợi khi lòng thoát tục, sẽ đi lang thang và trở thành tu sỹ bỏ đời, chờ ngày giải thoát hay giác ngộ.

Như đã nói trên, thuộc tập cấp khác nhau thì khó tiếp xúc với nhau. Nhất là không thể tiếp xúc với người ngoại tập cấp (outcastes), vì bản chất họ dơ dáy, bất khả xúc (untouchables). Chỉ cần bóng họ đi qua, phủ lên thức ăn, là thức ăn ấy phải đổ đi, không ăn được nữa. Biết như thế, ta mới hiểu sự trruyền giáo xuyên tập cấp là điều khó khăn thế nào.

Sự bế tắc truyền giáo ở Madurai vào đầu thế kỷ XVI

Madurai là một thành phồ lớn, nay thuộc bang Tamil Nadu với thủ phủ Chennai (xưa là Madras) .. Về phía đối diện ở Tây Nam có căn cứ quân sự của Bồ Đào Nha tại Goa, từ đó hải quân Bồ có thể kiểm soát toàn vùng bờ biển Nam Ấn. Do đò, người Bồ theo sang đấy buôn bán và truyền giáo. Họ đi sâu vào đất liền, ở đó có những tiểu vương quốc như Madurai.

Theo đạo lúc ấy rất ít người, và hết thảy thuộc tập cấp Bất khả xúc (Pariah, Dalit). Truốc hết, đó là dân Paravers mò ngọc trai. Vì bị người Hồi đoạt hết miếng ăn và đàn áp khốn khổ, nên họ chạy đến xin quân Bồ che chở, và quân Bồ đánh đuổi lũ cướp biển Hồi giáo, giúp Paravers trở lại với nghề mò ngọc trai cũ. Do đó mà họ theo đạo đông. Cho đến năm 1537, tất cả đã chịu Phép rửa, khoảng hai chục ngàn người, nhưng gần như không được dạy dỗ gì, lại chỉ có một linh mục coi sóc thôi. Năm 1542, thánh Phan sinh Xavier tới, thấy họ dốt giáo lý quá, nên dừng lại một thời gian để dạy.

Loại người thứ hai theo KTG là một số rất ít những cô gái thuộc tập cấp rất thấp hay ngọai tập cấp, họ theo đạo để lấy chồng Bồ, nhờ đó được cấp phát nhà cửa và ruộng đất tịch thu từ người Hồi giáo.

Người theo KTG thuộc cả hai loại, đều ăn mặc như Bồ, ăn thịt như Bồ và sống theo cách Bồ, nên họ bị người Ấn ghê tởm và xa lánh. Nhất là từ khi có sắc dụ 1546 của vua Bồ, ra lệnh cấm thờ thần tượng trong vùng thuộc địa của Bồ Đào Nha; riêng tế sư nếu bị bắt quả tang tiếp tục hành nghề, sẽ bị tù khổ sai và tịch biên gia sản. Vì thế, người Ấn càng ghét Bồ và ghét người theo đạo Bồ, mà họ gọi là Prangui một cách khinh bỉ. Không may là các thừa sai, phần vì dốt tiếng Tamil và không hiểu phong tục Ấn, phần khác ít tiếp xúc với người Ấn học thức nên không hiểu họ nghĩ gì, nên tự đồng hóa mình với Prangui, để rồi thay vì hỏi ai đó có muốn theo Kytô giáo không, thì lại hỏi :-Có muốn gia nhập tập cấp (markam, vedam, kulam) Prangui không?

Như thế, làm gì có ai vì tôn kính mà theo Kytô giáo đây? Sau 12 năm trời làm việc, cha sở Fernandez không kiếm nổi dù chỉ một tân tòng, đành làm phép rửa gấp gáp “in articulo mortis” cho mấy kẻ hấp hối, thế thôi. Tình trạng bi đát đến nỗi cha Giám tỉnh dòng Tên Laerzio phải than thở :

-“Sự ghê tởm của dân Ấn đồi với người Bồ hay Prangui, đi kèm với nỗi lo mất danh hiệu quý tộc để rồi bị (đồng bào) khinh bỉ mãi mãi, chính những điều ấy khiến người ta không cách nào theo Kytô giáo được. Truyền giáo kiểu này, đi đôi với sự dốt tiếng Tamil, đã gây những hiểu lầm thực vô cùng tai hại.”

Đang lúc cha Laerzio và đức Tổng giám mục Roz, cũng dòng Tên, lâm cảnh bế tắc không lối thoát như thế, thì Trời gửi đến cho họ một cứu tinh, cha Roberto Di Nobili!

Cha Di Nolili và cuộc cách mạng truyền giáo ở Madurai

Roberto sinh năm 1577 ở Roma, từ dòng họ quý tộc danh tiếng Di Nobili, trong đó có giáo hoàng Julius III (trị vì từ 1550 đến 1555) và một số hồng y, mà vị đang sống lúc ấy là hồng y Sforza, con nữ bá tước Sforza Di Santa Fiore. Hồng y này, vì thấy Roberto học rất giỏi, nên đặt nhiều kỳ vọng vào người em họ của mình, mong ít là cậu cũng trở thành hồng y như mình.

Thế nhưng Roberto lại nuôi một tham vọng ngược lại, cậu muốn vô dòng Tên, mà dòng này muốn các thành viên phải lánh xa những chức tước như hồng y và giám mục. Thế là hồng y Sforza bèn vận động cả gia tộc chống lại ý định trên của Roberto, khiến cậu bé 16 tuổi phải “đào vi thượng sách”, một mình vượt biên giới đến ẩn lánh ở vương quốc Napoli, trong dinh của nữ công tước Di Nocera, tên Anna Carafa. Bà này cho cậu hầu cận hai năm bên mình, và giúp cậu tiếp tục việc học. Trong khi ấy, bà cũng dùng thế lực của mình mà vận động gạt bỏ những rào cản từ phía gia tộc Di Nobili. Cuốii cùng, một cách “không kèn không trống”, Robeto đã có thể vô tập viện dòng Tên ở Napoli. Sau nhà tập, Roberto theo đuổi việc học ở Napoli, rồi Roma, kế đó thụ phong linh mục năm 1603.

Ngay khi còn ở nhà tập, Roberto đã bày tỏ ý nguyện muốn được đi truyền giáo bên Ấn. Một lần nữa, sóng gió lại nổi lên từ phía dòng tộc Di Napoli, nhưng Roberto cương quyết giữ nguyên ý định của mình. Cuối cùng, cha Tổng quyền D.T. Aquaviva phải can thiệp, và gia tộc Di Nobili chịu lui bước.

Với ý chí kiên cường đi đôi với tài học như vậy, lắm người đã thấy trước được những gì phi thường cha sẽ thực hiện ở phương trời xa xôi kia.
*

Di Nobili xuống tầu năm 1604 và cập bến Goa một năm sau. Tại đây, cha bệnh tưởng chết. Sau khi khỏi bệnh, cha được Giám tỉnh Laerzio điều tới làm việc ở Madurai.

Ở Madurai, Roberto thấy rõ sự bế tắc truyền giáo, và sau một thời gian ngắn tìm hiểu, cha nhìn ra căn bệnh. Căn bệnh ấy là sự kém hiểu biết về địa phương của thừa sai, sự khinh bỉ của dân Ấn đối với cái mà họ gọi là “Đạo người Bồ”, cũng là sự lẫn lộn Kytô hữu với Prangui.

Vì thế, để bắt đầu, cha ra ở riêng để khòi dính dấp tới người Bồ và Prangui. Đồng thời, cha dành hết thời gian để học kỹ ngôn ngữ Tamil, không phải thứ Tamil bình dân, mà Tamil văn học. Cha cũng học kỹ tiếng Sanskrit, nhờ đó đi sâu vào Veda và các kinh thư khác của Bàlamôn giáo[2]. Qua hai ngôn ngữ này, dần dà cha nắm vững được các vấn đề văn hóa-xã hội-tôn giáo của chung xứ Ấn và của riêng miền Nam.[3]
*

Bằng cách ra ở riêng, ăn vận và sống theo kiểu các tu sỹ bỏ đời, cha tỏ ra cho thấy cha thuộc dòng quý tộc Roma, cũng là một samnyâsin sang truyền bá nền minh triết (vidya) đích thực. Quả thế, cha ăn chay chứ không ăn thịt như Prangui và người Bồ, cha cũng bỏ giầy mà đi guốc, lại mặc áo cà sa, quấn khăn, mang dây đeo balamona (có thánh giá) và để chỏm tóc kudumi. Cha lại sống cô độc ở nơi thanh vắng và ít tiếp khách. Riêng về mặt kinh thư Ấn giáo, khi rranh luận cha có thể trưng thuộc lòng bất cứ đoạn nào, y như một balamona thông thái vậy. Số là cha được học với một balamona uyên bác, tên Shiva-dharma, và ông này, cảm phục vì đức độ và sự thông minh của cha, đã chép tay các kinh thư cho cha học, trong khi những sách thánh này, đáng lẽ chỉ hàng balamona mới có quyền tiếp cận thôi.

“Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”, chẳng bao lâu khắp xứ nghe bàn tán về nhà tu hành quý tộc da trắng ấy, và khá nhiều balamona cùng quan chức Madurai bắt đầu xem cha như một guru (hiền triết sư phụ) để sẵn sàng nghe cha giảng thuyết. Cha thuyết cho họ về thứ Pháp (dharma) Kytô giáo, mà cha không gọi là đạo Prangui. Cha cũng cho họ biết, muốn thành đệ tử của cha, người ta không phải bỏ tập cấp của mình và những thói tục đi theo tập cấp ấy. Vâng, ai là balamona thì vẫn là balamona, cứ việc đeo dây balamona, giữ chỏm tóc kudumi, dùng bột trầm và làm các nghi thức tắm rửa. chỉ cần thay các lời kinh cũ bằng lời kinh Kytô giáo, khi đeo dây chẳng hạn. Tiến xa hơn nữa, thay vì đặt tên Bồ cho người chịu Phép rửa, cha lấy tên tamil hay sanskrit đặt cho họ, như Devadatta (Thiên Chúa-được tặng trao),v.v…[4]. Cha cũng thích nghi trong vấn đề cúng cơm-sữa ngày đầu năm, bằng cách cứ cho cúng, nhưng thay vì cúng trước thần tượng, thì cúng trước thánh giá, thế thôi. Cha còn ban phép lành cho cơm-sữa dùng để cúng nữa.

Dĩ nhiên là trước khi thi hành những thay đổi như thế, cha đã thỉnh ý cha Giám tỉnh, còn vị này thì bàn với Đức cha Roz. Cả hai vị, cùng với đức Giáo trưởng Goa đặt rất nhiều kỳ vọng vào phương pháp mới này, mong rằng nó mở được cánh cửa Madurai và Ấn Độ nói chung cho Phúc âm hóa.

Và xảy ra đúng như vậy. Ngay năm đầu tiên đã có năm chục tân tòng, trong số đó có chính balamona thông thái Shivadharma, thầy dạy ngôn ngữ của cha. Ông này, sau 20 ngày tranh luận với cha, mỗi ngày năm giờ, đã chịu khuất phục và chịu Phép rửa dưới tên mới là Alberto. Một khi đã thành Kytô hữu, ông trở nên một nhà truyền giáo hăng say, và nhiều người quý tộc theo gương ông.

Cánh cửa đã mở, và thành công lớn không ngờ, khiến Đức cha Roz phải reo lên trong bức thư gửi cha Tổng quyền Aquaviva như sau :

-“Thế là cha Roberto tốt lành ấy đã đi trước hết mọi người -tôi tin như thế-, để nhờ sự linh ứng rất đặc biệt của Chúa Thánh Thần, cha tiến vào thành phố Madurai vĩ đại, thủ đô của thần tượng cũng như của nền bác học balamona… Cha đã ăn mặc và sống theo người địa phương, từ bỏ hết mọi tiện nghi thể xác cùng với quốc tính của mình. Cha đã học được ba ngôn ngữ rất khó [tamil, sanskrit, telougou], đã hiểu sâu những bí nhiệm thần thánh Ấn Giáo… Tôi đã trao đổi với cha Roberto về ngôn ngữ và phong tục địa phương. Nghe cha, tôi rất ngỡ ngàng. Tôi nghĩ mình cũng nắm được phần nào ngôn ngữ [tamil] ấy, nhưng tôi phải thề trước Phúc âm rằng : không ai có thể ngờ cha đã thể hiện ngôn ngữ nói trên một cách tự nhiên đến vậy, cũng như đã sống khổ hạnh đến độ ấy.

……………

“Sau khi đức Giáo trưởng Menezès biết truyện, nhất là khi thấy cha Roberto đã lôi kéo được một số balamona vào đạo, thì Ngài cảm động vô cùng. Ngài còn thêm câu phát biểu tuyệt vời như sau ;”Tạ ân Chúa nếu số người sống đạo hạnh theo gương cha Roberto cũng đông bằng số kẻ gièm pha lối sống của cha! Riêng tôi, tôi chẳng ngại đeo sáu trăm dây balamona chỉ vì sự cứu độ dù của một linh hồn!”

Và cứ vậy công cuộc truyền giáo tăng tốc. Nên nhớ, không như trước kia khi người theo đạo là kẻ ít học, và họ theo đạo chỉ vì cái lợi vật chất trước mắt thôi. Chứ người theo đạo bây giờ là người có học,: họ tự đến nghe giảng, tranh luận, rồi mới quyết định. Công việc tuy bận rộn, nhưng đầy hưng phấn, và một số linh mục, như cha Vico, cũng tới gia nhập đoàn quân viễn chinh. Dù bị cấm làm phép rửa trên mười năm, nhưng khi cha Roberto qua đời năm 1656, đã có 40.000 người theo đạo. Con số sẽ thành 75.000 vào đầu năm 1688, và vào đầu thế kỷ sau, vọt tới trên 100.000.

Đất bằng nổi sóng

Một cuộc thay đổi lớn, đến đảo lộn tất cả như thế, sao khỏi gây sóng thần.

Sóng gió bắt đầu từ chính hàng tế sư Ấn Độ giáo. Trước đó, chỉ có ngoại tập cấp theo “đạo Bồ” thôi, nên không mấy ai quan tâm. Nhưng nay thì đã có hàng quý tộc, thậm chí balamona tới làm đệ tử người samnyâsin xa lạ kia, nên sự việc ấy làm chấn động Madurai. Hàng tế sư bèn tới kiện nơi tiểu vương Nayakker. Theo họ, thì Roberto vô thần, phá bỏ việc thờ cúng Vishnu và Shiva. Nhân dịp đang có nạn hạn hán, họ bèn đổ tội cho cha, rằng đây là hình phạt do các thần giáng xuống vì sự phạm thánh của cha.

May mắn thay khi ấy, một bạn thân của cha rất có thế lực tại triều đình đứng ra bênh đỡ cha. Không chịu thua, 800 tế sư tập họp lại để nghe một người tố cáo cha. Lần này, chính ông thầy dạy ngôn ngữ cho cha đứng lên phản bác. Ông nói khéo léo đến nỗi, thay vì luận tội cha, các tế sư lại đem lòng kính trọng nhà tu hành thoát tục da trắng ấy.

Một lần khác, trong đám dân mò ngọc trai có kẻ tới xúi dục đệ tử cha, rằng họ bị cha đánh lừa, rằng chính cha cũng chỉ là một prangui, và thứ muối cha cho họ ăn lúc chịu phép rửa, cũng như chính phép rửa, đều thuộc nghi thức gia nhập prangui. Thế là nhốn nháo cả lên, và một số bỏ cha. Không sao được, cha đành phải viết rõ trên lá tán treo trước cửa nhà, rằng cha thuộc dòng quý tộc Roma, chứ không phải prangui gì cả.

Dẫu sao chăng nữa những khó khăn từ phía dân Ấn chỉ là chuyện nhỏ so với những chống phá cha gặp từ chính anh em đồng đạo của mình, các thừa sai dòng Tên..
*

Quả thế, sóng gió nổi lên từ phía anh em dòng Tên, bắt đầu là cha Gonsalo Fernandez.

Để giúp cha Roberto dễ thi hành kế sách mới, cha Giám tỉnh Laerzio bèn sai cha Fenandez đi công tác một thời gian ở bờ biển. Lúc trở về, cha này thấy cha phụ tá làm đảo lộn tất cả, và hình như muốn dạy mình một bài học.

Quả vậy, Roberto bỏ hẳn cách sống quen thuộc của các thừa sai. Cha ăn mặc theo địa phương chứ không theo Bồ, nói tiếng Tamil chứ không nói tiếng Bồ, ăn chay chứ không ăn mặn như các anh em khác. Nhất nữa còn tuyên bố thẳng thừng : để thành Kytô hữu, người ta không phải trở thành Prangui, lại cứ việc giữ nguyên cách phục sức và tắm rửa theo tập cấp của mình. Nên nhớ, cách phục sức và tắm rửa đó vẫn bị các thừa sai coi là dị đoan. Sự việc càng trở nên rắc rối khi Roberto rời bỏ xứ đạo mà ra ở riêng, rồi làm nhà thờ riêng luôn.

Tức giận, Fernandez đi gõ cửa mọi nơi để kiện. May mắn cho cha, đúng lúc ấy, có một Kinh lược sứ (Visiteur) đến thanh tra hai tỉnh dòng Tên là Goa và Malabar. Đây là cha Nicolas Pimenta. Vừa là người Bồ, vừa có định kiến là phải y theo phương pháp truyền giáo cũ, nên ngài chỉ nghe Fernandez và làm ngơ trước mọi lời trần tình của Roberto, cũng như ý kiến của Giám tỉnh Laerzio, của Tổng giám mục Roz, của Ban tư vấn Tỉnh dòng, của những Kytô hữu được vời đến điều tra. Tệ hơn nữa, Pimenta còn ra lệnh ngưng chức Laerzio và thay thế bằng một giám tỉnh mới thuộc phe mình.

Trong khi ấy ở Roma, với các báo cáo của Kinh lược sứ, người ta tưởng như Roberto đã cài đạo sang Ấn giáo, khiến cả những bạn thân của Roberto, như hồng y Bellarmino, cũng trách cứ cha. Năm 1613, cha Tổng quyền Aquaviva gửi thư sang Madurai, tuy vẫn ủng hộ cách làm của Roberto, nhưng phải tỏ ra dè dặt hơn, khiến Pimenta và giám tỉnh mới có thể giải thích thư ấy theo hướng suy nghĩ của mình, nhờ đó thắt chặt hoạt động của nhóm Roberto. Vâng, giám tỉnh mới, một mặt ngăn chặn thư từ trao đổi giữa Roberto với Đức cha Roz, mặt khác cấm cha không được làm thêm Phép rửa nào nữa. Phe địch còn tìm cách mua chuộc một vài đệ tử của Roberto để họ bỏ cha và đứng lên tố cáo cha.

Thế nhưng, chưa kịp hoàn thành ý nguyện là bãi bò sứ vụ Roberto, thì giám tỉnh mới đột ngột qua đời năm 1615. Cùng lúc, Roma cũng hiểu ra vấn đề, và cả Aquaviva lẫn Bellarmino đều trấn an Di Nobili. Rồi khi Tổng giám mục mới của Goa muốn ép cha từ bỏ kế sách truyền giáo của mình, thì năm 1616, bằng đoản sắc (bref) Cum sicut Fraternitas, Đức Phaolo V hết lòng khen ngợi Di Nobili và căn dặn phải nghiên cứu kỹ phong tục xứ Ấn để thích nghi trong việc truyền giáo. Đến lúc Tổng giám mục nói trên quay sang Tòa Thẩm sát (Inquisition) Lisbonne để xin kết án cha, thì Thẩm sát trưởng lại khuyên ông phải tuân phục Tòa Thánh.

Không chịu thua, Tổng giám muc Goa bèn tổ chức một cuộc tranh luận công khai, với thành phần tham dự phần lớn là người do ông đưa vào. Biết việc ấy, Tòa Thánh cho phép Roberto được tranh cãi bình đẳng với Tổng giám mục. Vì người tham gia hội thảo hầu hết là của Tổng giám mục, nên ông thắng trong bỏ phiếu, trong khi Kinh lược sứ mới cùng với các thần học gia lại ngả theo lập luận của Di Nobili. Bất chấp tất cả, Tổng giám mục bèn vận động lần nữa với Roma để hạ gục cha, trong khi Thẩm sát trưởng ở đây lại gửi báo cáo tán thành việc làm của cha, có kèm theo lời chứng của 130 balamona, họ trưng dẫn kinh thư Ấn giáo để xác nhận bản chất dân sự (civil) của các tập tục mà cha cho phép.

Cuối cùng, bằng sắc dụ (bulle) Romanae Sedis Antistites ký năm 1623, Đức Gregorio XV chính thức cho phép các balamona theo đạo được đeo dây balamona và để chỏm tóc kudumi.

Mười hai năm sóng gió (1613-1624) và bị cấm làm phép rửa, đã khiến công cuộc truyền giáo của nhóm người cách mạng bị chựng lại rất nhiều. Sóng gió ấy nay đã yên, cha Roberto đi lập thêm căn cứ ở những vùng xa xôi, như Tiruchirapalli và Salem. Tại đây, nhiều học giả đến nghe cha,thuyết, và một vương gia gửi gấm bốn con trai cho cha dạy dỗ, để rồi cả nhà xin theo đạo. Trở lại Madurai, cha gặp một pandaram đến xin học đạo. Pandaram không phải tập cấp cho bằng một loại người từ nhiều tập cấp miền Nam làm nên. Họ thuộc Shiva giáo, có đeo biểu tượng linga trên người. Họ có thể là người phục vụ trong đền thờ như một thủ quỹ, hay thầy tế ở đền thờ làng… Họ cũng có thể làm tu sỹ khất thực nhưng thuộc tập cấp thấp. Hàng quý tộc không khinh rẻ pandaram, mà pandaram lại không ngại tiếp xúc với tập cấp thấp và ngoại tập cấp. Thấy thế, cha De Nobili bèn nảy ra ý định dùng pandaram để truyền giáo cho những tập cấp này. Điều may mắn là anh chàng pandaram xin học đạo, sau khi theo đạo đã trở thành nhà truyền giáo rất năng nổ, khiến qua anh ta, rồi qua một linh mục Bồ tự cải thành Pandaramsvâmin (pandaram-sư phụ), cha đưa về cho Chúa cả ngàn con chiên. Riêng anh pandaram đầu tiên theo đạo, vì bỏ đạo Shiva và hăng say truyền đạo mới, nên bị chính đồng đạo cũ của mình giết. Và đây là tử đạo đầu tiên của vùng trời phía Nam. Tử đạo thứ hai ở đó sẽ là thánh Gioan De Brito, một quý tộc dòng Tên Bồ. Cha tới Madurai khi Di Nobili mới qua đời. Cha cũng làm Samnyâsin theo gương Di Nobili và mang được mấy chục ngàn người về với Chúa.

Tuy biển đã lặng, nhưng vẫn còn những cơn giông nho nhỏ. Nhất là khi về già, cha không được sống già giữa những người thân tín và con chiên của mình. Lấy cớ là để cha được nghỉ hưu, người ta điều cha tới tận Sri Lanka từ 1646 đến 1648, rồi khi được trở về Ấn Độ, cha lại phải ở xa tít về phía Bắc của Tamil Nadu, tại Madras. Khi ấy cha đã 71 tuổi, hoàn toàn mù lòa, nhưng vẫn sống đời sống khổ hạnh của một samnyâsin. Cả Kytô hữu lẫn người Ấn giáo đều gọi cha một cách kính cần, là Cha thánh. Cha qua đời năm 1656.

Sau khi Roberto đã ly trần được 80 năm, cuộc tranh cãi về phương pháp mới một lần nữa được khơi dậy, gây thiệt hại thêm cho việc truuyền bá Phúc âm. Phải chờ sang thế kỷ XX, cánh cửa mới được mở hẳn, và một số thừa sai, như Jules Monchanin và Henri Le Saux đã có thể tiến xa hơn Roberto Di Nobili trong con đường hội nhập văn hóa, mà chẳng ai bắt bẻ gì nữa. Đó là đi vào con đường tu luyện và huyền nghiệm của các sâdhu, và đây mới là thế mạnh của Ấn Độ huyền nhiệm. [5]

Nhìn lại để tổng kết

Với quan niệm Mọi người bính quyền-bình đẳng hiện nay, khó ai còn có thể chấp nhận sự kỳ thị giai cấp, nói chi đến chế độ tập cấp quá khắc nghiệt của Ấn Độ thời ấy. Gần đây, hiến pháp của Ấn Độ độc lập đã xóa bỏ tập cấp, tuy một số người bảo thủ vẫn cố níu kéo lại. Những nhân vật như M.K. Gandhi và R. Tagore, cùng với những phong trào canh tân như Brahmo Samaj đều cương quyết đấu tranh cho sự bình đẳng, và cho một tình huynh đệ không bất cứ biên giới nào.

Vì thế, để hiểu con đường truyền giáo dựa theo tập cấp của Di Nobili, chúng ta phải đặt mình vào thế kỷ XVI, XVII khi mà bên Tây phương vẫn còn nặng sự phân chia giai cấp, giữa một bên là hàng quý tộc và bên kia là các nông nô. Quả thế khi ấy, đất đai thuộc hết về lãnh địa của các công tước, hầu tước, bá tước, tử tước, nam tước. Dân chúng còn lại trở thành nông nô cho họ, làm cật lực mà chỉ được giữ lại phần nhỏ hoa mầu để tạm sống thôi. Và cũng chỉ hàng quý tộc mới được làm quan trong triều, làm tướng lãnh trong quân đội, làm giám mục hay tu viện trưởng trong tôn giáo. Vâng, khi ấy, cả trong Kytô giáo, người ta cũng chấp nhận sự phân biệt giai cấp như một điều tự nhiên, và chưa ai ý thức gì về quyền được đối xử bình đẳng của mọi người.

Trong thời kỳ mà cả bên Âu lẫn bên Ấn, người ta coi phân biệt giai cấp là điều tự nhiên như thế, Roberto Di Nobili chỉ có ý khai phá một con đường cho những giai cấp cao nói riêng, cho dân Ấn nói chung, có thể tiếp cận Tin mừng, thế thôi. Chính những kẻ chống đối cha, họ cũng không hề chống đối vì chủ trương bình đẳng, mà chỉ vì tưởng lầm việc đeo dây balamona và mang chỏm tóc kudumi, v.v.…là dị đoan. Điều đáng trách nơi họ, là trước khi đem Tin mừng đến một vùng trời xa lạ, họ đã không chịu đi sâu vào ngôn ngữ và văn hóa địa phương, hầu giúp Kytô giáo nhập thể vào văn hóa ấy. Vâng, vì kiêu ngạo, họ chỉ biết ban phát chứ không thèm ngửa tay ăn xin, điều ấy đi ngược với con đường nhập thể trọn vẹn của Ngôi Hai Thiên Chúa.

_________________________
[1] Về huyền thoại Con người nguyên sơ trên thế giới và bên Ấn, xin đọc Hoành sơn Hoàng Sĩ Quý, Le mythe de l’Homme cosmique dans son contexte culturel et dans son évolution, trong Revue de l’Histoire des Religions, avril-juin 1969, tr.133-154.
[2] Ấn Độ giáo chia thành Vishnu giáo và Shiva giáo. Bàlamôn giáo là hướng đi tôn giáo truyền thống, đặt nền trên kinh thư cổ điển là các Veda, các Brahmana, các Aranyaka và các Upanishad.
[3] Tamil là ngôn ngữ phổ thông ở miền Nam ngay trước khi người Ârya tới. Có một nền văn học Tamil và một văn minh Tamil.
[4] Bên Tây phương, người ta quen lấy tên một vị thánh mà đặt tên cho con mình, nhưng không luôn như thế. Thánh Gemma chẳng hạn, vì bố mẹ già rồi mới sinh được một mụn con, nên quý như ngọc, và đặt tên Gemma, nghĩa là Ngọc; chứ trước đó, chẳng có thánh nào tên Gemma cả. Sau này, vì các thừa sai quen lấy tên một thánh mà đặt tên Phép rửa trong xứ truyền giáo, nên giáo luật cũ mới theo thói quen ấy mà ấn định làm như vậy, nhưng bên các xứ truyền giáo thôi. Nhưng đây là việc xảy ra sau này. Đến 1972, vì thấy việc đặt tên thánh không tốt cho hội nhập văn hóa, nên thánh bộ Phụng tự đã bãi bỏ.
[5] Xx. Hoành sơn, Một chứng từ của Đttg bề sâu : Henri Le Saux, trong Sống đạo với Phương Đông, tr. 14-24.
 
Trở về với các sắc thái thiết yếu của đời sống Kitô để tái khởi xướng Phúc Âm Hóa
Bùi Hữu Thư
15:02 25/05/2012
Vatican, 24 tháng 5, 2012 (VIS) - Vào buổi trưa hôm nay, Đức Thánh Cha tiếp kiến các tham dự viên của Thượng Hội Đồng lần thứ 64 của Hội Đồng Giám Mục Anh Giáo Ý. Ngài nói với họ về những thách đố của việc tân Phúc Âm hóa trong một xã hội ngày càng xa cách Thiên Chúa.

Ngài nói: "Tình trạng của chúng ta đòi hỏi phải tái thiết sự thúc đẩy, nhắm vào các sắc thái thiết yếu của đức tin và đời sống Kitô. Vào thời điểm trong đó Thiên Chúa đã trở nên cho rất nhiều người như một điều 'Bất Khả Tri' (Unknown) và Chúa Giêsu chỉ là một nhân vật quan trọng trong quá khứ, chúng ta không thể tiếp tục tung ra các hoạt động truyền giáo mà không phải cải tiến phẩm chất của chính đức tin và việc cầu nguyện của chúng ta... Chúng ta sẽ không thể lôi kéo được nhân loại về với Phúc Âm trừ khi chúng ta trước hết phải trở về với một cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa."

Đức Thánh Cha bắt đầu bài diễn từ bằng việc nhắc lại là Mùa Thu năm nay sẽ đánh dấu việc kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Vatican II, và ngài khuyên các giám mục hãy thi hành các giáo huấn của công đồng để đáp ứng những biến đổi về xã hội và văn hóa của thời đại chúng ta "cũng như phải có những kết quả hiển nhiên trong lãnh vực tôn giáo."

Các xã hội trước đây đã có các truyền thống Kitô xưa cổ, ngày nay lại có những đặc tính trần thế. Vì thế di sản thiêng liêng và luân lý vốn dĩ nằm nơi gốc rễ tại Tây Phương "không còn được thấu hiểu trong ý nghĩa sâu xa nữa,... và một khu đất mầu mỡ có nguy cơ trở nên một sa mạc không người ở."

Đức Thánh Cha nhận định một số các khuynh hướng đáng lo ngại, kể cả một sự suy giảm về việc giữ đạo và tham dự vào các phép Bí Tích. "Nhiều người đã rửa tội đã để mất căn tính. Họ không biết các yếu tố quan trọng của đức tin, hay tin rằng họ có thể tự trau dồi đức tin đó mà không cần có sự trung gian của giáo hội. Và trong khi nhiều người nghi ngờ giáo huấn của Giáo Hội, nhiều người khác lại giảm thiểu Thiên Quốc thành một vài giá trị cởi mở, chắc chắn có liên hệ với Phúc Âm nhưng không chạm đến cốt lõi trọng tâm của đức tin Kitô."

Ngài nói: "Rất tiếc là chính Thiên Chúa bị loại ra khỏi chân trời của nhiều người, và khi không bị thờ ơ, ngăn cản hay chống đối, các bài giảng về Thiên Chúa bị đưa vào lãnh vực thụ động, bị giảm thiểu thành một vấn đề mật thiết và riêng tư và bị loại ra khỏi lãnh vực của lương tâm công cộng. Trọng tâm của cuộc khủng hoảng tại Âu Châu cũng là do sự buông thả, và thiếu cởi mở cho sự siêu việt."

Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha Benedict XVI đề cao sự kiện là "các phương pháp mới để truyền bá Phúc Âm hay hoạt động mục vụ không đủ để bảo đảm rằng sứ diệp Kitô tìm được một sự chấp nhận lớn lao hơn." Như các giáo phụ của Công Đồng đã nói, "chúng ta lại phải bắt đầu từ Thiên Chúa, phải tuyên xưng và làm nhân chứng... Trách vụ chính của chúng ta, trách vụ chân thực và duy nhất phải là tận hiến đời sống cho một điều... thực sự tùy thuộc, cần thiết và tối hậu. Con người sống vì Chúa, nơi Người họ tìm kiếm để có được ý nghĩa trọn vẹn cho đời sống. Chúng ta có trách vụ phải tuyên xưng Người, giới thiệu Người và dẫn đưa kẻ khác đến với Người."

Đức Thánh Cha tiếp tục: "Điều kiện căn bản để có thể nói về Thiên Chúa là phải đối thoại với Chúa, phải ngày càng trở nên những người con của Chúa, được nuôi dưỡng bằng một đời sống cầu nguyện mật thiết và được nhào nắn bởi ân sủng của Chúa.... Chúng ta phải tự cho phép mình được Chúa tìm thấy và chiếm giữ, để có thể giúp đỡ những người chúng ta gặp gỡ cảm nhận được chân lý... Sứ vụ cũ và mới chúng ta phải đối phó là giới thiệu mọi người đương thời vào một mối tương quan với Thiên Chúa, để giúp họ cởi mở tâm trí cho một Thiên Chúa đang tìm kiếm họ và muốn đến gần họ, để dẫn đưa họ đến sự thấu hiểu là làm theo Thánh Ý Người sẽ không bị mất tự do; nhưng có nghĩa là thực sự được tự do, có nghĩa là đạt được sự chân thiện mỹ trong đời."

Đức Thánh Cha kết luận: "Thiên Chúa là Đấng bảo đảm thay vì là kẻ đối chọi với sự tự do của chúng ta, Khi dành chỗ cho Phúc Âm, và do đó dành chỗ cho một tình bạn với Chúa Kitô, con người nhận thức được rằng mình là chủ đích của một tình yêu thanh tẩy, nồng ấm, canh tân, và giúp cho chúng ta có thể phục vụ cho nhân loại bằng tình yêu Thiên Chúa."
 
Tổng kết hành hương dịp tượng Đức Mẹ Fatima đến Roma
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
15:26 25/05/2012
ROMA, (Zenit.org) – Hành hương nhân dịp tượng Đức MẹFatima đến Roma đã kết thúc. Hàng ngàn tín hữu đã đến mỗi ngày để tham dự cácnghi thức khác nhau, hoặc các buổi cung nghinh, hoặc quỳ gối trước tượng Đức MẹFatima, tại giáo xứ Đức Bà Ân Phúc Fornaci, mà tại đây có di hài của hai trongsố ba trẻ mục đồng của Fatima được Đức Mẹ hiện ra vào năm 1917 : Phanxicôvà Jaxintha Marto.

Tượng Đức Mẹ Fatima đã đến Roma ngày 13 tháng Năm vừaqua, được đức cha Benedetto Tuzia, Giám mục Phụ Tá Roma tiếp nhận. Ngày cuốicùng của chuyến hành hương tượng Đức Mẹ Fatima tại Roma đã được kết thúc vàoChúa Nhật ngày 20 tháng Năm bằng thánh lễ do Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, ĐặcTrách quản nhiệm điện Vatican chủ sự, trước khi được đưa đến Cesano, không xaThủ Đô và ở lại đó cho đến hết ngày 27 tháng Năm, rồi được đưa trở lại Bồ ĐàoNha.

Theo các nhà tổ chức, sự hiện hiện của tượng Đức MẹFatima tại Roma đã thu hút khoảng 4 đến 5 ngàn lượt người mỗi ngày, đặc biệt córất nhiều người đau bệnh lãnh nhận bí tích xức dầu bệnh nhân, hôm thứ Tư ngày16 tháng Năm trong thánh lễ do Đức Hồng Y người đảo Malta, Prosper Grech, nguyên Giáo sư Học Viện GiáoHoàng Thánh Kinh, và Học Viện Giáo Hoàng Augustinianum tại Roma, cử hành nhân dịpnày.

Cũng sau thánh lễ này được tiếp nối bởi buổi giáo lýdo Chiara Amirante, nữ sáng lập hiệp hội « Những Chân Trời Mới », đảmnhiệm. Linh đạo hiệp hội nhấn mạnh đến ơn gọi của Kitô hữu « làm chứng choĐức Giêsu Phục Sinh, trong niềm hoan lạc cũng như trong đau khổ », khámphá rằng « đau khổ có một ý nghĩa, nếu được sống như một sự đào sâu để tẩyrửa và làm ló rạng cho thế giới kho tàng quý giá này. Sự kỳ diệu này được indấu trong chúng ta và được Đấng đã yêu thương hết mực chúng ra ước mong ngay từthuở đời đời ».

« Đau khổgiúp chúng ta ý thức rằng, theo Chiara Amirante, chúng ta không phải là Chủ Tểtrong cuộc đời của mình, rằng chúng ta cần đến Thiên Chúa », nhất là trongthời đại ngày nay vốn xuất hiện nhiều trào lưu mới của vô thần. Cần ghi nhớrằng « Đức Giêsu đã mang nơi mình các đau khổ của mỗi chúng ta và Ngài đãchiến thắng ». « Nỗi đau khổ khủng khiếp nhất là xa rời Thiên Chúa »,nữ sáng lập hiệp hội này nhấn mạnh.
 
Đời sống trong Thánh Thần
LM Thái Nguyên
19:32 25/05/2012
ĐỜI SỐNG TRONG THÁNH THẦN

“Thánh Thần là bảo chứng
phần gia nghiệp của chúng ta.”
(Ep 1,14)

Đời sống thiêng liêng là đời sống trong Chúa Thánh Thần, hay nói cách sâu sát hơn, là đời sống của Chúa Thánh Thần trong ta. Điều quan trọng trong đời ta không phải là những gì mình muốn làm nên cho Chúa, mà là những gì Chúa muốn làm nên cho ta. Cuộc sống như thế đòi ta phải hoàn toàn tùy thuộc vào Thánh Thần trong mọi sự. Càng sống theo Thánh Thần, càng để cho Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta càng trở nên chính mình, càng biết sáng tạo đời mình theo định hướng của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể bước theo Thánh Thần, sống dưới tác động thâm sâu của Ngài, khi nhận biết sự hiện diện huyền diệu của Ngài trong chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, trong Giáo Hội, và cách riêng là có kinh nghiệm sống động về hoạt động tình yêu của Ngài trong cuộc đời mỗi người chúng ta.

1. Nhận biết Chúa Thánh Thần

Thánh Thần tuy tràn lan trong vũ trụ, nhưng lại hiện diện tràn đầy nhất trong tâm hồn ta: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16); “Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần mà chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 6,19).

Để nhận biết cụ thể và cô đọng về Chúa Thánh Thần, ta có thể dựa trên ba từ ngữ cơ bản: Ektasis (xuất thần), Kenosis (tự hạ) và Synthesis (kết hợp) [1] . Đây là một trong nhiều cách diễn đạt về Thánh Thần, không chỉ giúp ta khám phá ra cách thức hiện diện và hành động của Ngài, mà còn giúp ta biết cách bước theo Ngài, sống trong Ngài, để Ngài tự do hoạt động và điều hướng cuộc đời ta, làm cho ta lớn lên trong ân sủng, như một công trình tình yêu của Thiên Chúa.

a. Ektasis (έκστασις): Xuất Thần

Đặc tính “xuất thần” của ngôi vị và hoạt động của Chúa Thánh Thần được diễn tả trong chữ Thần Khí (ruah, pneuma). Thánh Thần là gió, là hơi thở, là khí, là hương thơm, là thực tại sống động luôn ra khỏi chính mình. Mạc khải thường liên kết Thánh Thần với sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử.

Cựu Ước khởi đầu với Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (x. St 1,2). Nhờ Thần Khí mà sự tạo dựng bắt đầu từ hư vô, và sự sống tràn lan trên mặt đất. Tất cả công trình tạo dựng như một khai mở xuất thần. Sự khai mở đó đi vào lịch sử cứu độ khi Thần Khí xuống trên các lãnh đạo của dân Chúa (x. Tl 3,12; 6,34; 13,25), trên các ngôn sứ (x. Ed 3,12; 8,3; 11,1).

Tân Ước cũng khai trương với việc Thánh Thần xuống trên Trinh Nữ Maria (x. Lc 1,35), trên Đức Giêsu (x. Mc 1,10), trên các tông đồ (x. Cv 2,4). Thánh Thần là quyền năng đưa sự sống đến cho tạo dựng, đưa ân sủng đến cho lịch sử. Chúng ta tin rằng trong vũ trụ có một năng lực không ngừng quy tụ và thăng tiến, đó là Thần Khí Đức Kitô hiện diện và nội tại trong toàn thể muôn vật được tạo thành. Chúng ta không nhắm mắt trước tội lỗi, nhưng tin tưởng vào Thánh Thần, Đấng không loại trừ sự chết, nhưng biến đổi thành kinh nghiệm phục sinh.

Thần học Đông Phương nhìn Chúa Thánh Thần như sự khai mở của Thiên Chúa ra khỏi chính mình để đi đến với con người, làm cho con người ra khỏi mình để gặp gỡ Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, Thánh Thần làm cho Thiên Chúa và con người kết hợp với nhau. Chúa Giêsu là khuôn mặt thần linh của con người, và là khuôn mặt con người của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa mang lấy xác thể để con người mang lấy thần linh. Nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa tự hiến mình trong Chúa Thánh Thần để cứu độ chúng ta.

Truyền thống Tây phương vẫn quen nhìn Chúa Thánh Thần là chiều sâu của Thiên Chúa, là Tình Yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con (vinculum amoris). Thánh Thần vừa là Đấng Bên Trong (Intimum Dei), vừa là Đấng Mút Cùng (Extremum Dei), Đấng nội tại nhất lại là Đấng siêu việt nhất. Tình yêu tự hiến giữa Chúa Cha và Chúa con cô đọng trong ngôi vị Thánh Thần. Thánh Thần như sự xuất hành trọn vẹn của Chúa Cha và của Chúa Con.

b. Kenosis (κένωσις): Tự Hạ

Truyền thống Đông phương và Tây phương đều nhận ra sự hạ mình sâu thẳm của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa vựợt trên chính mình bằng cách hạ mình. Sự xuất ngoại của Thánh Thần là một sự hạ mình, để yêu thương và tự hiến (x. Ga 12,24 ; Mc 8,35). Sự tự hạ đó được diễn tả như sau:

- Chúa Thánh Thần gần như không có danh xưng riêng biệt. Hai chữ Thánh và Thần ghép lại để làm danh xưng cho Ngài, là những từ ngữ chỉ các ưu phẩm chung cho Chúa Cha và Chúa Con. Thánh Tôma nghĩ rằng sự “phát xuất” của Thánh Thần không có tên riêng. Theo E. Brunner, sự độc đáo của Thánh Thần là hiện hữu cho. Mức độ hiện hữu cho cao đến gần như làm lu mờ chính chủ vị của Ngài.

- Sự ẩn khuất của Ngôi Vị Thánh Thần. Ngôi vị Chúa Cha và Chúa Con được mạc khải khá rõ ràng. Chúa Cha được Chúa Con mạc khải, Chúa Con được Thánh Thần mạc khải. Còn ngôi vị Thánh Thần như ẩn khuất sau hai ngôi vị kia. Thánh Thần như hơi thở trong tiếng nói của Cha: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” (Tv 2,7); và như hơi thở trong tiếng nói của Con hướng về Cha: “Abba, Cha ơi!”.

- Chúa Thánh Thần như không sử dụng chữ “Tôi”. Ngài là “sự phong nhiêu của Thiên Chúa”, nhưng chẳng có ngôi vị nào phát xuất từ Ngài. Ngài là chìa khóa để mở ra mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Con được sinh ra và nhập thể; và thế giới được tạo dựng theo hình ảnh Chúa Con. Ngài là sự hiệp thông, phục vụ cho sự gặp gỡ vĩnh hằng giữa Chúa Cha và Chúa Con, là dây liên kết giữa Cha và Con.

- Ngay cả trên bình diện lịch sử cứu độ, Thánh Thần vẫn luôn hạ mình. Trong cựu ước, Ngài biểu lộ như là sức mạnh của Thiên Chúa, được diễn tả bằng những hình ảnh vô chủ vị, như hơi thở, nước và lửa. Trong Tân ước, Chúa Thánh Thần hạ mình trong biến cố Ngũ Tuần, ngôi vị của Ngài ẩn dấu đằng sau thần tính.

- Chúa Thánh Thần luôn hướng về Chúa Kitô. Vai trò của Ngài là tháp nhập các tín hữu vào Chúa Kitô, tạo nên cho Chúa Cha những người con. Thánh Thần làm cho chúng ta thuộc về Chúa Kitô (Rm 8,9), và hướng về Chúa Cha (x. Rm 8,15 ; Gl 4,6). Ngài cầu nguyện cho chúng ta và trong chúng ta, nhưng không làm cho chúng ta ngỏ lời với Ngài, trái lại ngỏ lời với Chúa Cha qua lời cầu của Chúa Con, và hướng dẫn chúng ta tuyên xưng Chúa Con (x. 1Cr 12,3).

- Ngài hành động trong chúng ta cách kín đáo, làm như hành động chỉ là của riêng ta, làm cho chúng ta trở nên chính mình. Ngài chấp nhận trở nên “Ơn tha tội” của Thiên Chúa dành cho những tội nhân. Trong Thánh Thần, Thiên Chúa như tự hủy để cho con người được sống.

- Việc của Chúa Thánh Thần là việc âm thầm cho đến tận thế. Ngài không bao giờ nói gì về chính mình, nhưng chỉ nói về Chúa Cha và Chúa Kitô; cũng không tự động nói điều gì, mà mọi sự đều do Chúa Kitô (x. Ga 16,13-15). Ngài không làm vinh danh chính mình, nhưng làm vinh danh Chúa Kitô. Ngài vẫn là Đấng không được biết đến bên kia Ngôi Lời.

- Ngày cánh chung khi Chúa Cha trở nên mọi sự trong mọi nguời, Chúa Thánh Thần sẽ như ánh sáng chiếu soi gương mặt Chúa Kitô và gương mặt các thánh, nhưng Ngài vẫn như không có gương mặt riêng, Ngài tự biểu lộ nơi những con người được thần hóa, là Thánh Thần trong các thánh.

c. Synthesis (σύνθεσις): Kết Hợp

Thông điệp về Chúa Thánh Thần của Đức Gioan Phaolo II cho biết: “Trong Thánh Thần, đời sống thân mật của Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi hoàn toàn trở thành ân huệ, và qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa “hiện hữu” dưới hình thức ân huệ” (DEV 10).

Theo thánh Augustinô, Ngôi Ba là Tình Yêu cao vời nối kết Chúa Cha và Chúa Con, và nối kết chúng ta với các Ngài. Trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa ban cho chúng ta Hồng Ân không thấp hơn chính mình Ngài. Thánh Thần là hồng ân của Thiên Chúa được ban cho những ai nhờ đó mà yêu mến Thiên Chúa. Thánh Tôma dành cho Chúa Thánh Thần một danh xưng kép: “Tình yêu” và “Hồng Ân” (Amor-Donum).

Thần học Hy Lạp cũng gặp gỡ thần học La Tinh, khi bàn đến Thánh Thần như là cùng đích, là sự hoàn tất trong Ba Ngôi [2] : “Mỗi hành động đều phát sinh từ Chúa Cha, tiến hành nơi Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần”[3] .

Chúa Cha sinh ra Ngôi Lời vừa nên một với Ngôi Lời trong Thánh Thần là Tình Yêu kết hợp. Sự kết hợp giữa Cha và Con mật thiết và cụ thể đến nỗi làm thành một Ngôi Vị là Ngôi Ba. Các ngôi vị không chướng ngại cho sự duy nhất, nhưng là nguồn gốc của sự duy nhất, vì các ngôi vị có tương giao trọn vẹn và trao ban toàn vẹn sự sống thần linh viên mãn của mình cho nhau.

Nhờ sự nội tại của Thánh Thần, vừa là của Cha, vừa là của Con, mà Cha hiện diện trong Con nhờ Thần Khí của Cha; Con hiện diện trong Cha nhờ Thần Khí của Con. Như vậy Thần khí chính là sự hiệp thông sâu thẳm nhất giữa Cha và Con. Chức năng của Thần Khí trong lịch sử cứu độ là nối kết tất cả và đưa tất cả vào Tình Yêu Vĩnh Hằng là sự hiệp thông Ba Ngôi.

Mọi tương quan nhân loại phải trở thành tương quan tình yêu, thì bấy giờ nhân loại mới thực sự là nhân loại. Nhân loại chỉ thực sự trở nên chính mình nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần.

2. Chúa Thánh Thần trong Giao Ước

Qua Giao Ước cứu độ, chúng ta lại hiểu biết cụ thể hơn về Chúa Thánh Thần trong đời sống mình như sau:

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa xuất hiện như Đấng bảo vệ dân chống lại kẻ thù, giải thoát dân khỏi những nguy hiểm và dẫn đến tự do. Thiên Chúa là Thiên Chúa-vì-chúng ta.

Đến Tân Ước, Thiên Chúa đã mạc khải một chiều kích mới của giao ước. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa được sinh hạ, lớn lên, sống ẩn dật, chịu đau khổ và chết giống như ta. Thiên Chúa là Thiên Chúa-ở-với chúng ta. Khi Chúa Giêsu về Trời, Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa mạc khải chiều sâu trọn vẹn của giao ước. Thiên Chúa muốn gần gũi ta như hơi thở của ta. Ngài muốn hít thở trong ta, để tất cả những gì ta nói năng, suy nghĩ và thực hiện hoàn toàn do sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.

Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nói về hơi thở của Thiên Chúa đang hít thở trong ta. Thần Khí trong tiếng Hy lạp là pneuma (πνεύμα), nghĩa là “hơi thở”. Thần Khí Thiên Chúa giống như hơi thở của ta, nghĩa thiết thân với ta hơn cả ta thiết thân với chính mình. Chúa Thánh Thần làm nên nền tảng “đời sống thiêng liêng” của ta, vì Ngài cầu nguyện trong ta, đem lại cho ta những hoa trái của lòng yêu mến, tình thương tha thứ, những gì tốt lành, bình an và vui mừng. Thánh Thần tình yêu sống động ở trong ta là như vậy. Chính Ngài ban cho ta sự sống mà cái chết không thể hủy diệt.

Những ai sống đời cầu nguyện luôn sẵn sàng đón nhận “hơi thở” của Thiên Chúa, để Ngài canh tân và mở rộng cuộc sống mình. Nhờ Thần Khí, ta có thể kêu lên Thiên Chúa khi cầu nguyện: “Abba!”, Cha ơi! Chính trong ý nghĩa này mà ta nhận ra cội nguồn sự sống và căn tính đích thực của mình là con cái Thiên Chúa. Chính từ nhãn giới này mà ta cảm nhận về thế giới này, và được mời gọi để nhìn thế giới như Thiên Chúa nhìn.

3. Đời sống trong Chúa Thánh Thần

Sống trong Chúa Thánh Thần đòi ta luôn ý thức về sự hiện diện sống động của Ngài trong từng giây phút, từng biến chuyển bên trong cũng như bên ngoài mình. Sống trong Chúa Thánh Thần thì phải luôn đặt mình dưới sự soi sáng và thúc đẩy của Ngài, dám nương theo và buông mình theo sự lôi cuốn của Ngài. Ba phẩm tính thâm sâu và huyền diệu của Thánh Thần là chuẩn mực lý tưởng để ta định hướng và hiện thực hóa đời mình trong tương quan với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình.

a. Sống xuất thần: ra khỏi mình, hướng tới, gặp gỡ, hòa hợp.

Đời sống trong Thánh Thần là do Thánh Thần làm nên, nhưng đòi ta phải có tâm hồn mềm mại để Ngài làm nên. Xuất thần ở đây không phải là sự ngất ngây mơ hồ nào đó, mà là nhằm đến một thái độ sống tích cực, hoàn toàn mở ra cho Thánh Thần hành động:

- Ra khỏi mình: là biết thắng vượt những chướng ngại do lòng ích kỷ gây ra; đừng quá nặng lòng với những lo toan tính toán lợi lộc cho bản thân mình; đừng kềm giữ mình trong cái nhìn thành kiến hay mặc cảm; đừng chặng đứng mình trước những hoàn cảnh khó khăn hay tâm địa xấu xa của người khác; đừng quay quắt với những buồn thương hay thất bại. Hãy cho mình được tự do thanh thoát để ra khỏi mình. Lúc đó, ta mới có niềm vui đích thực: niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày phong phú hơn.

- Hướng tới: ra khỏi mình để hướng tới Thiên Chúa và tha nhân cách trọn vẹn hơn. Cuộc sống là một hành trình hướng tới để triển nở và hoàn thiện chính mình trong định hướng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là khởi điểm vừa là đích điểm, tha nhân là tâm điểm, và bản thân ta là giao điểm. Sự hướng tới đòi ta bắt đầu từ chính Chúa, gắn liền với tâm điểm và đích điểm của đời mình trong sự liên kết. Sự hướng tới cho thấy rằng, kho tàng của ta ở đâu thì lòng trí ta hướng về nơi đó (x. Mt 6,21). Điều này giúp ta dám coi nhẹ những điều thuộc trần gian, để tâm hồn được luôn hướng về Chúa trong bình an.

- Gặp gỡ: khi đã ra khỏi mình và hướng tới, nghĩa là không còn nặng lòng với danh, lợi, sắc; không còn cản trở bởi tham, sân, si, hay bất kỳ điều gì không thuộc về Chúa. Nhờ vậy, ta mới có thể gặp Chúa trong sâu thẳm lòng mình và trong mọi người, mọi việc. Câu chuyện sau đây cho ta hiểu được ý nghĩa trên :

“Có một vị ẩn sĩ khao khát được thấy Chúa, nhưng không bao giờ được toại nguyện. Vẫn còn có một cái gì vướng mắc trong cái nhìn khiến ông không thể thấy Chúa được. Càng cố gắng đọc kinh cầu nguyện, càng ăn chay hãm mình, ông càng thất vọng. Ông vẫn không biết đâu là chướng ngại khiến ông không thể thấy Chúa.

Thế rồi một buổi sáng nọ, ông bỗng reo hò sung sướng vì đã tìm được lý do: đó là một cái tách nhỏ rất đẹp, là kỷ niệm duy nhất của gia đình mà ông cố gắng gìn giữ như một báu vật. Đây cũng là của cải duy nhất mà vị ẩn sĩ còn bám víu vào. Không một chút do dự luyến tiếc, vị ẩn sĩ cầm lấy chiếc tách thân yêu ném xuống nền nhà. Từng mảnh vụn vỡ ra, từng luyến tiếc tan vỡ. Vị ẩn sĩ ngước nhìn lên và sáng hôm đó là lần đầu tiên ông đã nhìn thấy Chúa”.


- Hòa hợp: là đỉnh cao của việc gặp gỡ, là niềm vui sâu xa vì được sống với Chúa và với nhau trong tình yêu. Chỉ có sự hòa hợp hoàn toàn khi không còn ham muốn theo ý riêng, để sống theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Từ sự hòa hợp với Chúa ngay trong lòng mình, ta mới có thể đi vào sự hòa hợp với mọi người, không còn chấp mê trước những hình thức, tiểu tiết và cách thế bên ngoài. Sự bình an nội tâm và hạnh phúc chân thực hệ tại mức độ của sự hòa hợp từ chính tâm hồn ta.

b. Sống tự hạ: khiêm nhu, quên mình, phục vụ, hiện hữu cho.

Để sống tự hạ theo cách thức của Thánh Thần, ta hãy để cho mình chìm sâu vào trong Ngài bằng tâm tình “tự hủy”, “tự hiến” của Đức Giêsu. Tâm tình này khiến ta thực sự muốn quên mình, xóa bỏ mình trước Thiên Chúa và tha nhân, không còn quan trọng hóa bản thân mình, ý riêng mình, và những gì là của mình.

Thật ra, thân phận ta cũng chỉ là bèo bọt hư không, cát bụi hư vô, chẳng cao cả gì để nói hai tiếng “tự hạ”. Nhưng rồi do tham vọng và ảo tưởng về chính mình, nên ta thường tự mãn, thích tự cao, hay đánh bóng bản thân nên dễ đánh mất sự thật về mình. Tuy ơn cứu độ đã nâng ta lên, thần hóa ta, nhưng bản thân ta luôn dễ bị tục hóa. Vì thế cần đặt mình trong tâm tình “tự hủy” để phục vụ mọi người như Đức Giêsu, để sẵn sàng làm tất cả những gì Thánh Thần thúc đẩy hầu mang lại an vui và hạnh phúc cho mọi người.

Đời mỗi người chúng ta là một hiện hữu cho, vì mọi sự nơi ta đều được lãnh nhận từ Thiên Chúa cách nhưng không, nên phải cho đi cách nhưng không (x. Mt 10,8). Thánh Thần là quà tặng được trao ban cho ta, để trong Ngài ta trở nên quà tặng được trao ban cho người khác. Quà tặng đầu tiên cần trao ban là một đời sống thánh thiện, làm chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, bằng cách hiến dâng chính mình không hạn chế cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

c. Sống kết hợp: yêu thương, hiệp thông, hiệp nhất, nên một.

Sống kết hợp là đỉnh cao của yêu thương, hiệp thông, làm nên sự hiệp nhất. Tuy nhiên, chính “cái tôi” lại luôn tạo nên khoảng cách, tách rời chính mình với Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có sự “tự hủy” nhờ Thánh Thần làm nên trong ta, mới giúp ta đạt tới sự kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa, và trong Thiên Chúa, ta mới có khả năng sống kết hợp với mọi người trong tình yêu của Ngài.

Cần phải xóa bỏ “cái tôi” bề ngoài của mình thì “Cái Tôi” đích thực của ta trong Chúa mới hiển hiện. Đây chính là kinh nghiệm về trạng thái kết hợp với Chúa của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Khi không còn lo thể hiện “cái tôi” riêng tư của mình nữa, ta mới lo thể hiện ý Chúa, để Ngài sống và hành động trong ta.

Trong sự kết hiệp với Thiên Chúa, ngụ ngôn sau đây trong Ấn Độ giáo có một ý nghĩa sâu xa:

Xưa có một linh hồn tu nhiều kiếp đến gõ cửa Thiên Đàng. Thượng Đế hỏi:

- Ai đó?
- Linh hồn trả lời: Con.
- Thượng Đế hỏi lại: Con là ai?
- Linh hồn đáp: Con là con.
- Thượng Đế nói: Ở đây không đủ chỗ cho Ta và con cùng ở, con hãy đi nơi khác!
- Linh hồn ấy trở lại trần gian tu luyện thêm 1000 năm nữa, sau đó lên trời gõ cửa lại. Thượng Đế hỏi: Ai đó?
- Linh hồn trả lời: Con.
- Thượng Đế hỏi lại: Con là ai?
- Linh hồn đáp: Con là Ngài.
- Thế là cửa Thiên Đàng mở ra cho linh hồn ấy vào.


Dụ ngôn trên dưới cái nhìn của Kitô giáo, muốn nhấn mạnh rằng: để kết hợp với Thiên Chúa, con người phải xóa mình đi, đừng quan trọng hóa bản thân mình nữa. Lúc ấy, “cái tôi” bên ngoài như bị mất cái vỏ che chắn, chỉ còn cái cốt tủy bên trong là chính sự hiện diện của Thiên Chúa, làm nên “cái tôi” đích thực của mình.

Đối với tha nhân cũng thế, khi ta đã xóa mình hoàn toàn, thì tự động ta có khả năng nối kết tất cả mọi người trong sự kết hợp hài hòa, để đưa tất cả vào tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Chính thánh Inhaxiô đã mạnh mẽ khẳng định rằng: dấu chỉ đích thực của mức trưởng thành thiêng liêng không phải là kinh nguyện thể thức, cũng chẳng phải là cầu nguyện chiêm niệm, nhưng là từ bỏ chính mình (x. LT 189). Thánh nhân hiểu từ bỏ chính mình trước hết là hớn hở tiếp nhận những nhọc nhằn và thử thách, vì tùng phục cũng như vì bác ái, để nói lên lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Cũng vậy, tiêu đích của Linh Thao không phải là mức hoàn thiện trong cầu nguyện, nhưng là nỗ lực để trả lại tự do cho bản ngã bằng cách giải phóng nó khỏi những khuynh hướng ích kỷ của cái tôi, để tìm gặp ý Chúa (x. LT 1). Có những chỗ khác, thánh Inhaxiô chỉ đơn giản nói rằng, chủ đích của Linh Thao là cuộc chinh phục chính mình (x. LT 21). Đó là điều làm cho cầu nguyện nên dễ dàng và mọi hành động của ta trở thành trạng thái kết hợp với Chúa.

4. Những đặc điểm nơi con người của Thánh Thần

Kitô hữu là con người của Thánh Thần, nhưng đó là một tiến trình rộng mở suốt đời. Trong tiến trình này luôn có những cám dỗ bên trong và lôi kéo bên ngoài khiến ta lạc bước, dễ suy thoái và trở lại với kiểu “sống tự nhiên không có Thần Khí” (Gd 1,19). Cần kiểm tâm và phân định từng ngày để được làm mới lại trong Thánh Thần. Con người của Thánh Thần có những đặc điểm sau:

a. Là con người tự do (x. 2Cr 3, 17)

Vì đã để cho Thánh Thần hướng dẫn (x. Gl 5,18), nên con người được giải thoát khỏi chính mình, trở thành con cái tự do của Thiên Chúa. Khi đó, luật của Thiên Chúa chính là luật của tình yêu và tự do. Tự do vì không còn bị chế ngự bởi các đam mê của xác thịt (x. Gl 5,16); không còn nô lệ tội lỗi, không còn bị ràng buộc bởi những chuyện phù phiếm và lối sống trần tục, để sống “công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Cuộc đời như vậy giống bức thư của Chúa Kitô viết bằng mực Thần Khí, gửi đến những người chung quanh (x. 2Cr 3, 3).

b. Là người có não trạng thiêng liêng (x. Rm 8,5; 1Cr 10,15)

Người của Thánh Thần thường nghĩ đến những thực tại thần thiêng (x. Cl 3,1-4): thích những điều thuộc về Thiên Chúa, ham mê đọc Thánh Kinh để đào luyện bản thân, biết lắng nghe Lời, đón nhận Lời và thực thi Lời, vì người ấy đã trưởng thành trong Đức Kitô (x. Dt 5,13-14). Chính Thánh Thần luôn soi sáng mở lòng, khiến tâm hồn dễ nhạy cảm với những giá trị thiêng liêng, với ý muốn của Thiên Chúa. Trong hướng này, người của Thánh Thần luôn đặt trọng tâm là tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết (x. Mt 6,33) và mọi thứ khác thành phụ thuộc, và việc chủ yếu là tìm cách loan báo Đức Kitô và trở nên chứng tá Tin Mừng (x.1Cr 9,16).

c. Là người nhiệt tình dấn thân phục vụ (1Cr 12,4-11)

Phục vụ là thái độ nền tảng chi phối toàn bộ cuộc sống của con người thuộc về Thánh Thần, Đấng tự hiến cho sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con, cũng như kết hợp mọi người trong Thiên Chúa. Phục vụ cũng là một lựa chọn cơ bản và là mục tiêu để sống cho Thiên Chúa và tha nhân như Đức Kitô, Đấng trao ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta (x. Mt 20,28). Sự phục vụ trong Thánh Thần chủ yếu là xây dựng nhiệm thể Đức Kitô (x. Ep 4,12), tất cả đều phải nhằm vào việc xây dựng Hội Thánh (x. 1Cr 14,26), không như những hình thức phục vụ khác của thế gian (x. Mt 20,24-28). Sự phục vụ theo Thánh Thần là:

- Phục vụ trong tinh thần hiệp nhất: người của Thánh Thần luôn cảnh giác tối đa trước những hành vi và lời nói của mình cũng như của tha nhân, để tránh sự phân rẽ hay phân hóa trong nội bộ Hội Thánh. Mọi tranh chấp, bất hòa, chia rẽ đều do sự xúi giục của ma quỉ mà ra. Vì thế người của Thánh Thần luôn “theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau.” (Rm 14,19).

- Phục vụ vô vị lợi vì lòng mến: Thánh Thần là ngôi vị biểu lộ sự tự hiến. Ngài luôn thúc giục ta phục vụ vì lòng mến, không đòi hỏi, không chờ đợi đáp trả, không lo sợ thiệt thòi, không khép lại trước một vô ơn, không chán nản trước một lãnh đạm, “vui lòng phục vụ như thể phục vụ Chúa chứ không phải người ta” (Ep 6,7).

- Phục vụ khiêm tốn và âm thầm: Thánh Thần được ví như chiều sâu của Thiên Chúa, nên không chấp nhận việc phô trương bề mặt, không thích kiểu bày tỏ bản thân qua những việc tốt lành. Ngài luôn ẩn mặt mà vẫn hoạt động thâm sâu nơi mỗi người cách âm thầm, nhẹ nhàng, không áp đặt. Phục vụ là thái độ của người tôi tớ chứ không phải tính cách của kẻ cả, nên luôn nhận mình “là đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

- Phục vụ trong tinh thần từ bỏ: từ bỏ là điều kiện tiên quyết của người môn đệ Đức Kitô, và cũng là tiêu điểm cuối cùng để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài (x. Mc 10,45). Không thể phục vụ theo cảm tính hay sở thích cá nhân, vì như vậy là phục vụ cách tùy tiện và ngẫu hứng. Cũng không thể phục vụ với tính cách bài bác, phê phán, chống chõi, đòi được theo ý mình. Nói thế không có nghĩa là không góp ý xây dựng, không bộc lộ quan điểm đúng đắn, không đánh giá và xét lại… Nhưng điều quan trọng là biết mình phải từ bỏ những gì để Thánh Thần có thể đem lại sức sống mới cho bản thân và cộng đoàn.

Phục vụ trong tinh thần từ bỏ cũng là phục vụ trong sự nghèo khó như Chúa Giêsu (Lc 9, 58), Đấng đã chọn con đường thập giá. Bản thân Ngài cương quyết từ chối con đường thành công, quyền lực, ảnh hưởng và thế lực. Ngài chọn con đường thấp kém, hèn mọn, xem ra bất lực, là con đường của những người nghèo khổ. Đặc điểm rất riêng nơi người của Thánh Thần là con người nghèo khó: chọn sự thất thế chứ không phải quyền thế; chọn việc bị coi thường chứ không phải sự nổi tiếng; chọn sự sinh hoa kết trái âm thầm, chứ không phải những lời tán dương ca ngợi, chỉ để Thiên Chúa được nhận biết và yêu mến.

e. Là người mang hoa trái của Thánh Thần (Gl 5, 22-23)

Như nhựa sống trong thân cây mang lại hoa quả đúng mùa, Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn Kitô hữu cũng mang đến những mùa gặt thiêng liêng với nhiều hoa trái thánh thiện. Hoa trái đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”. Chúng ta cần đi vào chiều sâu nội dung của từng từ ngữ này:

- Bác ái (agape): là lòng nhân từ không lay chuyển; là tình yêu thương cho đến cùng; luôn làm những điều tốt lành cho người khác, dù họ có đối xử tệ bạc hoặc làm tổn thương ta. Đó là tình yêu đem đến tự do và sức mạnh, có thể hàn gắn và chữa lành mọi vết thương. Đó chính là tình yêu của Thánh Thần thể hiện nơi ta, để sự yếu đuối trong ta trở nên mạnh

mẽ; sự nghèo khó của ta trở nên giàu có; tính hay thay đổi của ta trở nên kiên định; tính hèn nhát nơi ta trở nên can đảm…

- Hoan lạc (chara): từ này trong tiếng Hy Lạp dùng để diễn tả niềm vui sâu xa trong Chúa (Tv 30,11; Rm 14,17; 15,13). Đó là niềm vui được sống kết hợp với Thiên Chúa, hòa hợp với bản thân, tương hợp với tha nhân, dung hợp với thiên nhiên. Đó là sự sống tươi mới từng ngày bừng lên trong tâm hồn do Thánh Thần mang lại.

- Bình an (eirene): từ này trong tiếng Hy Lạp chỉ sự an cư lạc nghiệp dưới một chế độ công bình bác ái của một vị minh quân, vừa có nghĩa tương đương với chữ Shalom trong tiếng Do Thái: là đem lại tất cả những gì lợi ích và tốt đẹp nhất cho con người. Đây là sự bình an của một tâm hồn ý thức sâu xa rằng, cuộc đời mình ở trong tay Chúa. Có những đau thương và những tối tăm trong cuộc đời, nhưng trong Thánh Thần, linh hồn vẫn sống bình an, vì đã tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa. Đó chính là sự bình an mà Chúa Giêsu trao ban cho các môn đệ ngày phục sinh, và hôm nay cho những ai sống trong Thần Khí của Ngài.

- Nhẫn nhục (makrothumia): Trong 1Macabêô 8,4 cho thấy nhẫn nhục là sự chiến thắng của tinh thần ngay trong thất bại, không bao giờ chịu khuất phục hoặc thất chí nản lòng trước mọi gian nan khốn khó. Tân Ước cũng đã nhiều lần dùng từ nhẫn nhục này để chỉ tấm lòng của Thiên Chúa đối với chúng ta (x. Rm 2,4; 9,22; 1Tm 1,18; 1Pr 3,20). Chính qua sự nhẫn nhục này mà ta thấy được nội lực thâm sâu của một con người chân chính, nhờ vào sức mạnh của Thánh Linh.

- Nhân hậu (chrestoter): từ này được dùng trong Tân Ước thường được dịch là hiền lành hay ngọt ngào (x. Tt 3,4; Rm 2,4). Rượu lâu năm được gọi là chrestos: ngọt dịu. Ách của Đức Kitô được gọi là chrestos (Mt 11,30). Những ai mang hoa trái của Thánh Thần cũng nhân hậu ngọt ngào như Đức Kitô.

- Từ tâm (agathosune): Thánh Phaolô dùng từ này chỉ có trong Thánh Kinh chứ không có trong Hy văn (x. Rm 15,14; Ep 5,9; 2Tx 1,11). Từ agathosune chỉ sự tốt lành, nhưng mang tính sửa dạy và đưa con người vào sự đúng đắn, chẳng hạn trường hợp Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ. Kitô hữu là người có tâm tính tốt lành, nhưng cũng mạnh mẽ chứ không yếu nhược trước những sai lệch của đời sống con người.

- Trung tín: là một lòng một dạ không thay đổi. Từ ngữ này được dùng rất nhiều trong Kinh Thánh, để chỉ trước tiên đến Thiên Chúa “là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời” (Tv 146, 6). Người sống trung tín là người thể hiện được tấm lòng cao cả của Thiên Chúa.

- Hiền hòa (praotes): từ này có ba nghĩa:

+ Tuân phục ý Chúa (x. Mt 5,5; 11,29; 21,5).
+ Dễ dạy, biết tự hạ để học hỏi (x. Gc 1,21).
+ Là người thông hiểu, khôn khéo (x. 1Cr 4,21; 2Cr 10,1).

Hiền hòa theo nghĩa Thánh Kinh là phẩm hạnh cao quí mà chỉ Chúa mới có thể ban cho.

- Tiết độ (egkrateia): Platon thường dùng từ này với nghĩa “tự chủ”, làm chủ mọi ước vọng và đam mê thể chất (x. 1Cr 7,9); có kỹ luật bản thân (x. 1Cr 9,25), không chạy theo sở thích.

Nhiều chỗ khác trong Tân Ước cũng nói tới hoa quả công chính và thánh thiện mà đời sống trong Thánh Thần mang lại (x. Ga 15,2; Ep 5,9; Pl 1,11; Gc 3,17; Cl 3,12).

Thánh Phaolô cho thấy Kitô hữu là người đã chết với Chúa Kitô, và đã sống lại với sự sống mới tinh sạch, không còn những thói hư tật xấu của con người cũ. Tâm hồn họ đã trở thành vùng đất tốt để các hoa trái của Thánh Thần phát sinh dồi dào.

Dựa trên đức tin, Lời Chúa và Bí tích thì Kitô hữu đã là người của Thánh Thần, nhưng thực tế vẫn chưa, vì tội lỗi và hoạt động của ma quỉ vẫn còn xâm nhập dưới mọi hình thức, nên còn phải phấn đấu và vươn lên mỗi ngày cho đến suốt đời.

Kết luận

Mỗi ngày sống, mỗi biến cố, cần đặt mình lại trong Chúa Thánh Thần, là Đấng đang hiện diện trong tâm hồn ta; là Đấng đang điều khiển Giáo Hội và canh tân đời sống nhân loại; là Đấng đang làm nên trời mới đất mới, đang điều hướng con người và vũ trụ qui tụ về nguồn sống vĩnh hằng là chính Đức Kitô, cho Thiên Chúa.

Cần tha thiết đặt mình trong Chúa Thánh Thần để lắng nghe được tiếng thì thầm của Ngài; để được thấy mọi cái trong ánh sáng của Ngài; để hiểu được ước muốn và hành động của Ngài; để cảm nhận tình yêu và sức sống của Ngài đang tràn dâng trong tâm hồn; để ta được sống trọn vẹn mọi giây phút của đời mình trong Ngài, hầu trở nên con người đích thực của Ngài, mang lại hoa trái thiêng liêng phong phú cho cuộc sống hôm nay mà Thiên Chúa đang mong đợi nơi mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa là Thần Khí, là Sự Sống và là Tình Yêu!
Xin cho con được ở trong Ngài,
Để con sống vì tình yêu, để con yêu vì cuộc sống.
Biết yêu những gì tốt đẹp, biết ghét những điều xấu xa.
Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống,
Biết đưa cuộc sống vào tình yêu.
Để từng giây phút con yêu, làm nên cuộc đời con sống,
Hòa nhập cả hai nên một: sống là yêu, yêu là sống.
Xin cho con lắng nghe Ngài trong từng ngày con sống, từng lời con nói, từng việc con làm, từng điều con thực hiện.
Xin cho con luôn sống theo từng tác động của tình yêu Chúa, không làm gì mà không phải bởi tình yêu, để Chúa luôn sống động trong con, và con luôn sống động trong Chúa. Amen.


__________________
[1] GM Phaolô Bùi Văn Đọc Suy tư thần học về Chúa Thánh Thần, chương VII.
[2] Basile, De spiritu S. 18, 45
[3] Grégoire de Nysse, Quod non sint tres dii, P.G 45.129.
[4] Thánh Phanxicô Assisi, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Người nghèo của Thiên Chúa” do văn sĩ Hy lạp Nikos Kasantzakis biên soạn.
 
Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc phổ biến cẩm nang bảo vệ sự sống và gia đình
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
19:34 25/05/2012
ROMA, (Zenit.org)- Tất cả các linh mục Hàn Quốc đã nhận được một cẩm nang hướng dẫn với các câu hỏi liên quan đến việc bảo vệ sựsống, được khởi xướng bởi Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc.

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hàn Quốc mới đây đã cho dịchvà phổ biến đến tất cả các linh mục một cẩm nang mục vụ về bảo vệ sự sống được cưu mang bởi một Tổ Chức quốc tế về Sự Sống Nhân Loại (Human LifeInternational, HLI), một thông cáo đề cập.

Sáng kiến này với mục đích là thông tin và hướng dẫncác linh mục về vấn nạn liên quan đến luân lý và khoa học trong lãnh vực sựsống và gia đình.

Được soạn thảo bởi tiến sĩ Brian Clowes, Giám Đốc Nghiên Cứu của HLI, cuốn cẩm nang này nhằm giúp đỡ các linh mục, chủng sinh, tusĩ hay các giáo dân phụ trách của Giáo Hội Công Giáo, bằng cách đề cập một cách dễ hiểu những câu hỏi về ngừa thai, các phương pháp tiến trình sinh sản có trợ giúp, nạo thai, kết thúc sự sống, và bí tích hôn phối.

Phiên bản bằng Tiếng Hàn Quốc của cẩm nang với tựa đề « Trảlời các câu hỏi về sự sống ».

Kể từ khi được ra mắt vào năm 2010, hàng ngàn ấn bản bằng Tiếng Anh được phổ biến khắp trên thế giới, và tất nhiên cẩm nang cũng được dịch ra Tiếng Tây Ban Nha.

HLI được thành lập vào năm 1981, là một tổ chức quốctế bảo vệ sự sống và gia đình quy tụ những hiệp hội tại hàng trăm quốc gia trênkhắp các châu lục. Cha Shenan Boquet, Chủ Tịch của Tổ Chức cho biết « sứ mạng của HLI là xây dựng một nền văn hóa sự sống và một nền văn minh tình thương trên khắp thế giới ».
 
Ngôn Ngữ Tình Yêu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:36 25/05/2012
LỄ HIỆN XUỐNG

1. Câu chuyện Tháp Babel

Sách Sáng Thế 11,1-9 kể câu chuyện về Tháp Babel.

Bấy giờ thiên hạ chỉ nói một thứ tiếng, sau khi định cư tại đồng bằng Senna, họ bàn luận với nhau: Ta hãy nung gạch và xây một ngọn tháp chọc trời, trước khi phân tán tới mọi miền trên mặt đất. Trước ý định đầy kiêu căng và ngông cuồng đó, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, người này không còn hiểu được người kia. Thế là họ đành phải ngưng việc xây tháp và ra đi mỗi người một ngả. Hình ảnh tháp Babel mượn từ các tháp Ziggurat miền Lưỡng Hà: tháp vuông, nhiều tầng, càng cao tầng nhỏ lại. Những tháp này xây trong khu vực đền thờ với mục đích tôn giáo là để bắt liên lạc với thần trên cao bằng dâng lễ vật và làm bệ để thần lên xuống với con người. Ngày nay còn có nhiều di tích về các tháp này. Tác giả Thánh kinh mượn hình ảnh các tháp Ziggurat để cắt nghĩa tại sao loài người lại chia rẽ và phân tán, từ đó dạy bài học tôn giáo. Babel bởi động từ balal (làm cho lộn xộn). Tác giả dùng hình ảnh xây tháp Babel để chỉ tội cộng đồng của con người, muốn dựa vào sức lực và tài năng của mình để chống lại Chúa, gạt bỏ Chúa mà tự quyết định cho mình. Trong Cựu ước, Babel là kinh đô của một đế quốc hùng mạnh tượng trưng cho sự kiêu căng.

2. Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất.

Một khi con người đã loại bỏ Chúa, tự nhiên chia rẽ và phân tán với đồng loại. Kiêu căng gây chia rẽ. Thiên Chúa là duy nhất và là giềng mối hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể được tái lập bởi và quanh Thiên Chúa. Ngày Hiên Xuống, Thánh Thần sẽ hiệp nhất nhân loại quanh Đức Kitô Phục Sinh (Cv 2,1-11). Thánh Thần làm vết thương của tháp Babel được lành. Thánh Thần là nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất. Thánh Thần làm cho con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Giáo Hội trở thành Giáo Hội của mọi dân tộc.

Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, một tình trạng mới đã được nảy sinh. Bấy giờ các môn đệ đang tụ họp ở một nơi, bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi, ùa vào nhà nơi các ông đang hội họp. Lại thấy có hình lưỡi lửa tản ra và đậu xuống trên từng người. Tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau.

Trong thời gian lễ Ngũ Tuần, có nhiều người Do thái từ khắp các nơi trở về Giêrusalem. Nghe tiếng ồn, họ liền tuốn đến. Và ai nấy đều bỡ ngỡ vì mỗi người đều nghe các Tông đồ nói tiếng của mình. Họ ngạc nhiên, sửng sốt, thán phục và bàn tán cùng nhau: Phải chăng chúng ta đều nghe họ dùng tiếng thổ âm của mình mà nói đến những sự cao trọng của Thiên Chúa?

Đây chính là một cuộc tụ họp đông đảo mà mọi người đều hiểu được nhau và cảm thông với nhau. Có được như vậy là do tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguồn sức sống mãnh liệt. Chúa Thánh Thần là sự trẻ trung của Giáo hội. Chúa Thánh Thần là năng lực đổi mới thế giới. Ngài như luồng gió cường tráng. Ngài như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động.

Qua hình ảnh lưỡi lửa và ơn nói nhiều thứ tiếng nơi các Tông đồ, chúng ta nhận thấy ngôn ngữ Chúa Thánh Thần dùng đã liên kết và tạo nên sự cảm thông. Đó chính là thứ ngôn ngữ của tình yêu. Thiếu vắng Ngài, thiếu vắng tác động của Ngài là thiếu vắng tình yêu, chúng ta không thể hiểu biết nhau, không thể xích lại gần nhau và không thể cảm thông với nhau. Khi đó hận thù sẽ bùng nổ.

Chương 17, Tin mừng Gioan là lời cầu nguyện đẹp nhất trong toàn bộ Kinh thánh mà Phụng vụ Lời Chúa đọc trong tuần lễ này, trong đó Chúa Giêsu với tư cách là Thượng tế, là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người đã dâng Chúa Cha lời khấn nguyện. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha tôn vinh Ngài qua cái chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và cầu nguyện cho những ai tin vào Ngài được hiệp nhất trong yêu thương. Chúa Giêsu không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh thường đưa con người vào nguy cơ ỷ lại chính mình, kiêu căng tự mãn. Chúa Giêsu cũng không cầu xin cho họ có quyền lực vì quyền lực dễ đưa con người vào hố sâu tham vọng, tham vọng thống trị, tham vọng giàu sang và nhiều tham vọng khác. Khi cầu nguyện cho Giáo hội, Chúa Giêsu không xin cho Giáo hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, nhưng Ngài chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu thì họ cũng được ở đó và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là thần Chân Lý và Sự Thật, gìn giữ Giáo hội trong tình thương, hiệp nhất Giáo hội trong Chân Lý và thánh hiến Giáo hội trong Sự Thật.

3. Ngôn ngữ tình yêu

Vào năm 1887, một người Ba Lan tên là Zamenhof, đã tạo ra và cổ động cho một thứ ngôn ngữ quốc tế. Ông ước mong mọi người có thể sử dụng ngôn ngữ ấy một cách dễ dàng. Tuy nhiên, thứ ngôn ngữ quốc tế này đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Thế giới vẫn còn tràn ngập những hận thù và chiến tranh. Không đạt kết quả vì người ta không sử dụng thứ ngôn ngữ của tình yêu và không đặt tình yêu làm nền tảng cho mọi mối liên hệ.

Tình yêu chân chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tình yêu là một thứ ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu được. Tình yêu không chỉ được nói bằng lời, bằng tiếng. Tình yêu còn được nói bằng thái độ, bằng cử chỉ, bằng việc làm và bằng cả cuộc sống đong đầy tình bác ái huynh đệ. Một ánh mắt thông cảm, một cử chỉ thân thiện, một việc làm giúp đỡ, ngôn ngữ tình yêu dễ hiểu dễ gần nhau. Ngôn ngữ này giúp con người hiểu được nhau và hiểu được chính Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu nên ai yêu thương thì gặp được Thiên Chúa.

Rất nhiều khi nhờ những hành động bác ái yêu thương mà những kẻ tội lỗi biết đường ăn năn trở về cùng Chúa. Người thời nay không còn tin vào những lý thuyết đẹp, những lời nói hay, những hứa hẹn xa vời thực tế. Những lý thuyết đẹp phải được kiểm nghiệm bằng những kết quả đẹp. Những lời nói hay chỉ có giá trị khi đi đôi với những việc làm tốt. Vì thế, muốn làm chứng cho Chúa, người tín hữu phải có một đời sống đạo gương mẫu. Đời sống đạo gương mẫu không phải chỉ là siêng năng đi đọc kinh, đi lễ. Nhưng nhất là phải gương mẫu trong cách ăn nết ở.

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt chia sẽ câu chuyện thật cảm động.

Thỉnh thoảng tôi có dịp gặp một ông trùm xứ Long Châu. Long Châu là một giáo xứ thuộc giáo phận Nam ninh. Trước đây, chỉ có gia đình ông tin Chúa. Gia đình ông tích cực rao giảng Lời Chúa. Kết quả là sau 20 năm hầu như cả làng gần 500 khẩu đã tin theo Chúa. Cứ mỗi dịp lễ Phục Sinh và Giáng Sinh có khoảng 20 người xin rửa tội. Tôi hỏi ông nhờ bí quyết nào mà việc truyền giáo của ông có kết quả tốt đẹp như thế. Ngẫm nghĩ một lát, ông trả lời: “Nhờ đời sống gia đình”. Bên Trung quốc, đời sống gia đình trong thời đại mới đang gặp khủng hoảng. Vợ chồng bất hoà với nhau. Con cái không vâng lời cha mẹ, có khi còn hành hung cả cha mẹ. Số gia đình tan vỡ ngày càng tăng lên. Trong khi đó gia đình ông trùm vẫn trên thuận dưới hoà, vợ chồng thương yêu kính trọng nhau, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Thấy thế, người trong làng bảo nhau: “Đây là đạo tốt vì có thể gìn giữ được hạnh phúc gia đình”. Nhờ tấm gương sống đạo của gia đình ông trùm mà mọi người trong làng tin theo Chúa. Những anh em ngoài Công giáo cũng nhìn vào đời sống của chúng ta. Nếu người Công giáo thật sự sống tốt thì không cần rao giảng mọi người cũng tin. Đời sống công bình bác ái, khiêm nhường nhịn nhục, đoàn kết yêu thương có sức thuyết phục hơn tất cả mọi lời nói hay đẹp.

Trong đời sống gia đình cũng như trong sinh hoạt xã hội, đừng nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của hận thù, hiềm khích. Đừng nói với nhau bằng ngôn ngữ của chia rẽ, nghi kị. Hãy nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần. Vì ngôn ngữ của tình yêu chính là ngôn ngữ tạo được sự cảm thông và bất cứ ai cũng có thể hiểu được. Máy vi tính là phát minh hiện đại của con người. Máy cũng có một thứ ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ của máy vi tính xây dựng trên cơ sở lý luận toán học và sự chính xác. Ngôn ngữ máy vi tính giúp con người rất nhiều trong việc thông tin và trao đổi liên lạc với nhau nhanh chóng. Trong đời sống, con người dùng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ như Anh, Pháp, Việt Nam... cho nhu cầu thông tin liên lạc với nhau. Nhưng có một thứ ngôn ngữ ngay từ thuở sơ sinh ai cũng có, ai cũng biết. Đó là ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ vỗ về âu yếm, ngôn ngữ sưởi ấm tâm hồn. Khi ngôn ngữ này được nói ra bằng âm thanh hay biểu lộ qua nét mặt nụ cười của ông bà cha mẹ, anh chị em, tất cả mọi người đều hiểu được cả. Ngôn ngữ tình yêu phát xuất từ trái tim tâm hồn, nên gọn nhẹ trong sáng và truyền đi tín hiệu nhanh chóng nhạy cảm ngay từ những giây phút đầu tiên của sự sống một con người. Qua ngôn ngữ tình yêu, mối liên lạc tình người được xây dựng từ cha mẹ tới con cái, con người với nhau trong đời sống.

Ngôn ngữ tình yêu không viết bằng mẫu tự A B C hay hình vẽ biểu tượng như chữ Nho, chữ Thái lan, chữ Ả rập... cũng không bằng những dấu hiệu chương trình lý luận toán học như ngôn ngữ của máy vi tính. Ngôn ngữ tình yêu từ bẩm sinh đã nằm ẩn sâu trong trái tim tâm hồn mỗi người. Ai ai cũng có chương trình ngôn ngữ đó và đều có thể sử dụng được chương trình này.

Dù là tiếng mẹ đẻ, ta cũng cần phải học, phải mài giũa, phải sửa đổi mới hoàn chỉnh trong sáng văn phạm cùng câu cú. Dù là ngôn ngữ đã được hệ thống và cài sẵn chương trình chạy trong máy vi tính, người sử dụng máy cũng vẫn phải học cách sử dụng điều khiển sao cho đúng không bị sai lầm.

Những sai lầm trong tiếng mẹ đẻ và trong ngôn ngữ máy vi tính là do con người sử dụng gây ra. Cần phải điều chỉnh lại cách sử dụng sao cho đúng. Trong ngôn ngữ tình yêu cũng thế, khi chương trình ngôn ngữ này sai lỗi là do con người gây ra. Thiên Chúa ghi trong tâm hồn mỗi người chương trình ngôn ngữ tình yêu. Khi sử dụng hoặc là con người không dùng đúng chương trình hoặc là muốn sử dụng sai của riêng mình. Vì thế sinh ra sai lầm và không còn truyền đi tín hiệu thông tin, không hiểu nhau được nữa.

Những sai lầm đó là do thiếu tình liên đới với nhau, do chỉ chú ý tìm quyền lợi riêng tư cho mình. Ngôn ngữ tình yêu kêu gọi sự hiểu biết thông cảm với nhau, niềm vui, niềm hy vọng, sự tha thứ làm hòa và tình liên đới trong cuộc sống. Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các thánh Tông đồ đã tìm ra được ngôn ngữ chung cho cả nhân loại. Ngôn ngữ tình yêu do Chúa Thánh Thần mang đến và ghi khắc trong tâm hồn con người. Qua ngôn ngữ này ai cũng hiểu được Tin mừng ơn cứu độ của Chúa Giêsu và đến với nhau rồi cùng nhau tìm về với Thiên Chúa. Ngôn ngữ Thánh Thần kiến tạo một gia đình, mọi người là anh em con một Cha trên trời. Chúa Thánh Thần mang từ trời cao đến cho con người ngôn ngữ của Chúa Cha, ngôn ngữ này khác gì là “tiếng mẹ đẻ” của con người : ngôn ngữ tình yêu – ngôn ngữ của toàn cầu.

Kinh Thánh đã được dịch ra hơn hai ngàn ngôn ngữ. Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy thắp lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu, để chúng con luôn nói với nhau bằng ngôn ngữ của Ngài, ngôn ngữ yêu thương và hiệp nhất. Amen.
 
Cuôc chiến giành lại Tư Do Tôn Giáo: Thông cáo của Đại Học Notre Dame
Trần Mạnh Trác
20:25 25/05/2012
Ngày 21 tháng 5 vừa qua, 43 giáo phận và tổ chức Công giáo khắp nước đã đồng loạt nộp đơn kiện chính phủ liên bang vi phạm tự do tôn giáo.

Đại học Notre Dame và Đại Học Catholic University of America là những nguyên đơn trong các vụ kiện, các vị viện trưởng đã ra thông cáo hoặc viết bài giải bày lý do vi phạm của chính phủ. Sau đây là bản dịch thông cáo của viện trưởng Đại Học Notre Dame, cha John Jenkins, dòng Tên, kỳ tới chúng tôi sẽ đăng bản dịch của ông viện trưởng Catholic University of America:


Thông cáo của linh mục John Jenkins, C.S.C.,

Viện trưởng, Đại học Notre Dame

Ngày 21 tháng năm 2012

Ngày hôm nay, Đại học Notre Dame đã nộp đơn kiện lên tòa án 'U.S. District Court for the Northern District of Indiana' liên quan đến một sắc lệnh gần đây của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS). Sắc lệnh đòi hỏi Notre Dame và các tổ chức tôn giáo tương tự phải, trái nghịch với giáo huấn Công giáo, cung cấp bảo hiểm thuốc phá thai, tránh thai và thủ tục triệt sản. Quyết định nộp đơn vụ kiện này được đưa ra sau nhiều cuộc thảo luận, và nhiều nỗ lực tìm một giải pháp khả thi cho cả 2 bên không đưa lại kết quả.

Hãy cho phép tôi nói rất rõ ràng rằng vụ kiện này không phải là để: ngăn chặn phụ nữ có quyền truy cập các biện pháp tránh thai, thậm chí cũng không ngăn chặn việc Chính phủ cung cấp các dịch vụ như vậy. Nhiều người trong số nhân viên, giảng viên và sinh viên Công giáo và không Công giáo - đã thực hiện theo lương tâm để sử dụng biện pháp tránh thai. Như chúng ta đã khẳng định về quyền lương tâm, chúng tôi tôn trọng quyền của họ. Và chúng tôi tin rằng, nếu Chính phủ muốn cung cấp các dịch vụ như vậy, thì đã có sẵn nhiều phương tiện mà không buộc các tổ chức tôn giáo trở thành những đại lý phân phối cho Chính Phủ. Chúng tôi không tìm cách áp đặt tín ngưỡng tôn giáo của chúng tôi trên những người khác, chúng tôi chỉ đơn giản yêu cầu Chính phủ không áp đặt các giá trị của họ vào Đại học khi những giá trị ấy xung đột với giáo lý tôn giáo của chúng tôi. Chúng tôi đã tham gia vào nhiều cuộc hội thoại để tìm kiếm một giải pháp tôn trọng lương tâm của tất cả mọi người và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy.

Vụ kiện này là về tự do của một tổ chức tôn giáo để có thể sống sứ mệnh của mình, và ý nghĩa của nó thì vượt xa rất xa bất kỳ cuộc tranh luận về biện pháp tránh thai nào. Vì nếu chúng ta chấp nhận rằng Chính phủ có thể quyết định một tổ chức tôn giáo nào mới đủ tôn giáo để được trao tặng sự tự do để thực hiện các nguyên tắc xác định sứ vụ của họ, thì chúng ta đã bắt đầu đi xuống một con đường mà cuối cùng sẽ dẫn đến sự hủy diệt những tổ chức đó. Nếu một Nhiệm kỳ Tổng thống (one Presidential Administration) có thể giày xéo mục đích tôn giáo của chúng ta và sử dụng các tổ chức tôn giáo để thúc đẩy các chính sách làm tổn hại đến các giá trị của chúng ta, thì chắc chắn một nhiệm kỳ khác sẽ làm những việc tương tự cho một chính sách khác, dù rằng mỗi lần như vậy đều có gợi ra một số khái niệm về ý chí quần chúng hoặc lợi ích công cộng , thì kết quả cuối cùng sẽ là các tổ chức tôn giáo sẽ trở thành những công cụ tầm thường cho việc thực thi quyền lực của chính phủ, và phục tùng nhà nước trên phương diện đạo đức, và luôn bị xâm phạm. Nếu điều đó xảy ra, thì sẽ là ngày tận cùng của các tổ chức tôn giáo thực sự, và tất cả chỉ còn là những cái tên mà thôi.

Như mọi người đã biết, trong một dự thảo cuối cùng ban hành ngày 03 tháng 8 năm 2011, chính phủ liên bang đòi hỏi những người sử dụng lao động phải cung cấp các dịch vụ đã bị phản đối. Một sự miễn trừ nhỏ hẹp được dành cho các tổ chức tôn giáo chủ yếu là phục vụ và sử dụng giáo dân của mình, như vậy thì, trái với truyền thống lâu đời của luật liên bang, các tổ chức như Notre Dame - trường học, trường đại học, bệnh viện và các tổ chức từ thiện phục vụ và sử dụng người của tất cả các tín ngưỡng sẽ không được miễn trừ, thay vào đó phải thực hiện pháp luật với cùng một mức độ như bất kỳ tổ chức thế tục nào. Ngày 28 tháng 9, tôi đã gửi một bình luận chính thức yêu cầu chính quyền tuân theo tiền lệ và áp dụng một sự miễn trừ rộng lớn hơn.

Mặc dù có một số dấu hiệu tích cực, Chính phủ đã công bố vào ngày 20 tháng 1 năm 2012, thì bản dự thảo sẽ được thông qua như là sắc lệnh cuối cùng, không thay đổi. Sau khi bị phản đối kịch liệt từ khắp nơi trên vùng quang phổ chính trị, Tổng thống Obama công bố vào ngày 10 tháng 2 rằng chính phủ của ông sẽ cố gắng thích ứng với những mối quan tâm của các tổ chức tôn giáo. Chúng tôi được khuyến khích bởi thông báo này và đã tham gia nhiều cuộc hội thoại với các quan chức chính quyền để tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được. Mặc dù tôi không đặt câu hỏi về ý định tốt và sự chân thành của tất cả các người đã tham gia vào các cuộc thảo luận, tiến bộ đã không đáng khích lệ và chính phủ đả ra một thông báo tìm kiếm ý kiến ​​về làm thế nào để đặt cơ bản cho những thích nghi (HHS Advanced Notification of Proposed Rule Making on preventative services policy, March 16, 2012), thông cáo không cung cấp một đề xuất cụ thể, cũng không có một thời gian rõ ràng để giải quyết. Hơn nữa, quá trình đặt ra trong thông báo này sẽ kéo dài nhiều tháng trời, làm cho chúng tôi không thể lập kế hoạch và thực hiện bất kỳ thay đổi nào về kế hoạch y tế của chúng tôi theo đúng thời hạn của Chính phủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục một cách nghiêm túc các cuộc thảo luận của chúng tôi với các quan chức chính phủ trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp, nhưng, sau khi thảo luận nhiều, chúng tôi kết luận rằng chúng tôi không có lựa chọn, mà phải tìm đến các tòa án liên quan đến các vấn đề cơ bản của tự do tôn giáo.

Đó là những lý do mà chúng tôi đã đệ trình vụ kiện này, với một thái độ không lơ là mà cũng không vui vẻ, nhưng với một quyết tâm tỉnh táo.
 
Top Stories
Vietnam: Les étudiants catholiques de Vinh condamnés
Eglises d'Asie
10:35 25/05/2012
Lors de leur procès qui s’est tenu hier 24 mai, les quatre jeunes catholiques de Vinh ont été reconnus coupables de propagande antigouvernementale et condamnés à des peines de prison.

Le jugement des quatre jeunes catholiques du diocèse de Vinh, qui a débuté aux alentours de 8h30 le 24 mai 2012, s’est achevé avant 12h00 par une condamnation de trois des quatre inculpés à des peines de prison ferme, le quatrième écopant d’une peine de prison avec sursis.

Dès le petit matin du 24 mai, l’affluence était déjà considérable autour du tribunal ; elle ne cessera de grandir tout au long de la matinée. Pourtant, bien avant 6h00 du matin, de nombreux agents de police avaient déjà pris place dans le quartier de la ville de Vinh où se trouve le Tribunal populaire de la province du Nghê An. Une vingtaine de minutes après l’arrivée de la police, les premiers participants se pressaient déjà sur les lieux, brandissant des banderoles ; se mêlaient à la foule les parents, les amis étudiants des prévenus et des jeunes femmes portant des bouquets de fleurs destinés aux accusés.

Des forces de police envoyées en renfort sont venues disperser les manifestants et les ont fait reculer à environ un kilomètre du tribunal. Les groupes d’étudiants, parmi lesquels se trouvaient des non-chrétiens les accompagnant par solidarité, étaient particulièrement nombreux. Ils portaient des banderoles proclamant l’innocence de leurs camarades. Le curé de Câu Râm, une paroisse de Vinh, est également venu accompagné de ses fidèles. Tous se sont installés devant l’entrée du tribunal et ont commencé à prier pour ceux qui allaient être jugés.

A 7h00, lorsque sont arrivés les inculpés, les membres de leurs familles ont essayé de s’introduire dans la salle d’audience et ont parlementé en vain avec les forces de sécurité. Certains d’entre eux semblent cependant avoir réussi à entrer dans la salle où allaient être jugés les quatre jeunes étudiants.

Au début du procès, le représentant du Parquet populaire, après avoir lu l’acte d’accusation, avait requis des peines plus élevées que celles qui ont été finalement retenues. Il était reproché aux quatre jeunes gens d’avoir mené une propagande antigouvernementale, ou plus concrètement d’avoir diffusé des tracts réclamant le pluralisme, le pluripartisme, la démocratie et les droits de l’homme, tout en exigeant des élections non contrôlées par le Parti communiste.

Peu avant le début de l'audience, le père de l’un des quatre accusés qui avait réussi à s’introduire dans la salle s’est levé et a interpellé ceux-ci à haute voix en disant : « Les enfants, vous êtes innocents. Soyez courageux ! Vos parents, vos frères et sœurs, nos amis, les avocats, l’opinion publique, les hommes et les femmes de progrès vous soutiennent ! ». L’auteur de cette harangue a été immédiatement expulsé de la salle d’audience.

Au cours du procès, les avocats ont interrogé les accusés pour savoir s’ils reconnaissaient les faits qui lui leur étaient reprochés dans l’acte d’accusation. Tous les quatre ont répondu par la négative. Les avocats ont aussi proposé au jury de reporter le procès pour supplément d’enquête, une requête qui a été rejetée par le tribunal.

Chu Manh Son a été condamné à 36 mois de prison, qui seront suivis de 12 mois de résidence surveillée. Dâu Van Duong a été condamné à 42 mois de prison et à 18 mois de résidence surveillée. Trân Huu Duc s’est vu infliger 39 mois de prison et 12 mois de résidence surveillée, tandis que le quatrième inculpé, Hoang Phung, a été condamné à 24 mois de prison avec sursis et à 36 mois de mise à l’épreuve.

Les familles ont informé leur entourage que les quatre inculpés feraient appel.

(Source: Eglises d'Asie, 25 mai 2012)
 
Văn Hóa
Tình Mẹ yêu con
Trầm Hương Thơ
08:23 25/05/2012
CON hãy hiểu cho tình yêu của Mẹ
DÙ thế nào lòng Mẹ vẫn theo con
LỚN hơn biển đầy mãi tựa trăng tròn
VẪN cứ thế và còn mãi như thế
LÀ Mẹ vui khi con mình tử tế
CON nên người mẹ kể chuyện "thành nhơn"
CỦA trên đời qúy mấy cũng không hơn
MẸ chỉ một cung đờn không thay thế.

ĐI xuyên suốt năm châu và bốn bể
SUỐT cả đời chẳng thể đổi hoặc thay
ĐỜI là thế con sẽ hiểu một ngày
LÒNG của Mẹ khoan thay đầy nhân ái
MẸ Yêu con bao hy sinh chẳng ngại
VẪN Một lòng quảng đại đến vô biên
THEO về con trọn kiếp Mẹ dịu hiền
CON dù lớn vẫn là con của Mẹ.
 
Chúa Thánh Thần hiện xuống
Hai Tê Miệt Vườn
19:39 25/05/2012
NGUYÊN LÝ HIỆP THÔNG

Thánh Thần nguyên lý hiệp thông,
Mọi người nên một ở trong ân tình.
Cũng nhau xây dựng an bình,
Chính bằng cuộc sống đệ huynh thắm nồng.
Trí tâm luôn được trinh trong,
Chẳng còn đố kỵ, cũng không hận thù.
Nhưng lòng đầy dẫu nhân từ,
Yêu thương tất cả chẳng trừ một ai.
Mọi người hướng đến tương lai,
Dựng xây thế giới ngày mai huy hoàng.
Tình yêu chất chứa đầy tràn,
Cuộc đời nhân thế bình an mọi bề.
Giúp nhau thẳng tiến về Quê,
Đến nơi Thiên Quốc chẳng hề tiêu vong.
Muôn đời hằng được hiệp thông,
Ở trong Thiên Chúa mênh mông biển tình.

HOA TRÁI XÁC THỊT

Sống theo xác thịt là đây,
Khi lòng chất chứa dẫy đầy dối gian.
Thiện chân ta chẳng có màng,
Nhưng theo sự ác, xa đàng lẽ ngay.
Để rồi ta cứ thẳng tay,
Gây bao thù hận, lại hay dối lừa.
Thế là từ sáng đến trưa,
Chẳng làm việc thiện, không ưa điều lành.
Ngày đêm chỉ biết tranh giành,
Quyền uy thế lực làm phần riêng tư.
Cõi lòng chất chứa thói hư,
Thích dùng bạo lực loại trừ tha nhân.
Vậy là chối bỏ Thánh Thần,
Ngài là Thần Khí tốt lành Ngôi Ba.

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống,(Gl 5,19-20)

THIÊN CHÚA NGÔI BA

Thánh Thần Thiên Chúa Ngôi Ba,
Cùng chung bản thể Ngôi Cha, Ngôi Lời.
Bởi Ngài cũng chính Chúa Trời,
Quyền năng tuyệt đối muôn đời vinh quang.
Ngài là mạch suối chứa chan,
Thánh ân tình mến tuôn tràn khắp nơi.
Giúp cho nhân thế làm người,
Đúng theo phẩm chất Chúa Trời dựng nên.
Mọi người biết sống trung kiên,
Theo Thầy Chí Thánh suốt trên đường trần.
Cùng nhau tích cực đấu tranh,
Loại trừ tội ác, thực hành yêu thương.
Chẳng ai còn phải lạc đường,
Không còn man trá, vấn vương tội tình.
Đây là hoa quả Thánh Linh,
Chúa Cha ban tặng vì tình yêu thương.

“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống...” (Kinh Tin Kính)

GIÚP TA RAO GIẢNG

Chính nhờ tác động Thánh Thần,
Giúp anh hăng hái thi hành giảng rao.
Sẵn sàng để biết ban trao,
Tin Mừng cứu độ cho bao người trần.
Mọi người đổi mới canh tân,
Bỏ đàng gian ác trở thành đẹp xinh.
Thánh Thần tràn ngập con tim,
Khiến cho ai nấy quên mình vì yêu.
Xác hồn lại được phong nhiêu,
Thánh ân cứu độ sinh nhiều quả hoa.
Vũ hoàn tràn ngập tiếng ca,
Bài ca Đức Mến vang xa mọi miền.
Nghĩa tình nối kết gắn liền,
Mọi người nên một suốt trên đường đời.
Dắt nhau thẳng tiến về Trời,
Muôn đời vui sống bên Người Cha yêu.

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, (Cv 5,32)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sau Một Ván Cờ - After A Chess Game
Richard Drysdale
21:26 25/05/2012
SAU MỘT VÁN CỜ – After A Chess Game

Ảnh của Richard Drysdale

Thà thua ván cờ hay, hơn là thắng ván cờ dở.

I prefer to lose a really good game than to win a bad one

(David Levy)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm /Thiền: Hoa Xương Rồng
Đặng Đức Cương
21:23 25/05/2012
HOA XƯƠNG RỒNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Đó là loài Hoa Xương Rồng hoang dã
Chỉ chút nắng thôi đời sẽ trổ Hoa…
(Trích thơ của Xương Rồng Đen)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Thế giới nhìn từ Vatican 19-25/5/2012 Cầu nguyện cho Giáo Hội bị bách hại tại Trung Hoa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:25 25/05/2012
1. Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 23/5

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng nói về việc cầu nguyện với Thiên Chúa và tham chiếu về Ngài trong hình ảnh một người Cha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã trích dẫn Thánh Phaolô và nói rằng: "Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng việc cầu nguyện của các Kitô hữu không chỉ đơn giản là công việc của riêng chúng ta, nhưng chủ yếu là của Thánh Thần, Đấng khẩn cầu cùng Chúa Cha trong chúng ta và với chúng ta."

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

"Tiếp tục loạt bài suy tư của chúng ta về lời cầu nguyện trong các Thư của Thánh Phaolô, giờ đây chúng ta xem xét hai đoạn văn trong đó Thánh Tông Đồ đề cập đến Chúa Thánh Thần, Đấng tác động để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là "Abba", Cha của chúng ta (x. Gal 4:06; Rom 8:05).

Từ "Abba" đã được sử dụng bởi Chúa Giêsu để bày tỏ mối quan hệ thân thiết của mình với Chúa Cha, việc sử dụng từ này của chúng ta là hoa trái thu được nhờ sự hiện diện của Thánh Thần Chúa Kitô trong chúng ta. Thông qua những ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Rửa Tội, chúng ta đã trở thành con cái của Thiên Chúa, chia sẻ hồng ân nghĩa tử đời đời của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng lời cầu nguyện của các Kitô hữu không chỉ đơn giản là công việc của riêng của chúng ta, nhưng chủ yếu là của Thánh Thần, Đấng khẩn cầu cùng Chúa Cha trong chúng ta và với chúng ta

Với lời cầu nguyện, chúng ta bước vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi như là các thành viên sống động của Thân Thể Chúa Kitô, là Giáo Hội. Lời cầu nguyện cá nhân của chúng ta luôn luôn là một phần của bản giao hưởng tuyệt vời là lời cầu nguyện của Giáo Hội. Chúng tôi hãy mở rộng trái tim của chúng ta hơn bao giờ cho hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, để lời cầu nguyện của chúng ta có thể dẫn chúng ta tới sự phó thác mạnh mẽ hơn nơi Chúa Cha giống như Chúa Giêsu Con Ngài.

2. Đức Thánh Cha cám ơn Hồng y đoàn trong cuộc chiến chống sự ác

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cám ơn Hồng y đoàn vì sự hỗ trợ dành cho ngài trong cuộc chiến đấu chống sự ác trên thế giới.

Ngài đã nói như trên trong bữa ăn trưa ngày 21 tháng Năm 5 để khoản đãi Hồng y đoàn, và cám ơn các vị vì những đã chúc mừng ngài nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 85 và 7 năm Giáo Hoàng.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn, Đức Thánh Cha nói: “Ngày nay, thành ngữ ‘Ecclesia militans’ (Giáo Hội chiến đấu), có phần lỗi thời, nhưng trong thực tế, chúng ta có thể ngày càng hiểu rõ thêm rằng thành ngữ ấy là thực, là rất đúng. Chúng ta đang thấy sự ác muốn thống trị trên thế giới và cần phải chiến đấu chống sự ác. Chúng ta thấy sự ác không chỉ hành động qua nhiều cách thức, tàn ác, như các hình thức bạo lực khác nhau, nhưng cả dưới hình thức che đậy bằng sự thiện và chính vì thế, nó phá hủy nền tảng luân lý của xã hội.”

Đức Thánh Cha nhắc lại lời thánh Augustino nói rằng “toàn thể lịch sử là một cuộc chiến đấu giữa hai tình yêu: yêu bản thân đến độ coi rẻ Thiên Chúa, và yêu Thiên Chúa đến độ coi rẻ bản thân trong cuộc tử đạo. Chúng ta ở trong cuộc chiến đấu này và trong cuộc chiến, điều rất quan trọng là có bạn hữu. Và đối với tôi, tôi được các bạn thuộc Hồng y đoàn quây quần, họ là các bạn hữu của tôi và tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà, tôi cảm thấy được an ninh trong cộng đoàn các bạn thân tín ở với tôi và tất cả chúng ta ở với Chúa”.

Trước đó, trong lời chào mừng, Đức Hồng Y Sodano nhận định rằng “trong 7 năm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha không ngừng mời gọi mọi tín hữu hãy tái khám phá nội dung đức tin, một đức tin được tuyên xưng, được cử hành, sống và cầu nguyện, như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng con trong Tông Thư “Cánh Cửa đức tin”.

“ĐTC cũng luôn nhắc nhở cho một thế giới đang tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn rằng sức mạnh duy nhất của sự tiến bộ chính là sức mạnh thay đổi tâm hồn con người, trong niềm trung thành với các giá trị tinh thần không bao giờ tàn lụi.”

“Và ngoài ra, như người Samaritano nhân lành trên các nẻo đường thế giới, Đức Thánh Cha tiếp tục thúc đẩy chúng con phục vụ tha nhân, luôn nhắc nhở chúng con những lời của Chúa Giêsu: ‘Điều mà anh em làm cho người bé mọn nhất trong các anh em của Thầy, là anh em làm cho Thầy” (Mt 25,40).

3. Những yếu tố then chốt để hiểu Công Đồng Vatican II dưới cái nhìn của Đức Thánh Cha

Tháng Mười sắp đến là dịp kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II. Để đánh dấu dịp này, Vatican phát hành một cuốn sách nhan đề "Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16: Những yếu tố then chốt để diễn dịch Công đồng Vatican II"

Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto là một trong các tác giả cuốn sách cho biết

“Những yếu tố này rất quan trọng để hiểu đầy đủ suy tư của Công Đồng. Đó là về cải cách và sự liên tục chứ không phải gián đoạn hoặc tách biệt. "

Tại thời điểm này, cuốn sách chỉ có phiên bản tiếng Ý, với 3 tác giả bao gồm Đức Hồng Y Walter Brandmüller, Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto và Cha Nicola Bux, là những người cùng nhau tập hợp những điểm chính trong những lời giải thích của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 về Công Đồng Vatican II.

Các tác giả nhận định rằng trong trường hợp Công Đồng Vatican II, đổi mới và truyền thống có thể đi đôi với nhau, theo một dòng diễn dịch liên tục. Trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha đã nêu bật tầm quan trọng của Công Đồng và vai trò của Công Đồng trong Giáo Hội Công Giáo.

4. Vatican ra mắt trang web cho người Công giáo ở Châu Mỹ La Tinh

Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh đã chính thức ra mắt trang web mới. Mạng lưới này bao gồm tất cả các tin tức mới nhất của 20 hội đồng giám mục ở châu Mỹ Latinh. Vatican hy vọng trang web mới này sẽ tăng cường kết nối giữa Vatican và các giám mục, các dòng tu và các phong trào trong Giáo Hội tại Mỹ Châu La Tinh.

Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh là Đức Hồng Y Marc Ouellet và thư ký của ngài là Đức Cha Guzman Carriquiry. Một trong những trách nhiệm chính của ủy ban là cố vấn và trợ giúp cho Giáo Hội Công Giáo ở các nước Mỹ châu Latinh.

Ngoài phần tin tức, trang web này còn bao gồm các thông điệp của Đức Giáo Hoàng, tin tức về Tòa thánh Vatican đang chuẩn bị cho Năm Đức Tin và thông điệp audio của vị chủ tịch của ủy ban này là Đức Hồng Y Ouellet. Ngoài ra còn có một bộ sưu tập ảnh bao gồm những hình ảnh từ chuyến thăm gần đây của Đức Giáo Hoàng đến Mexico và Cuba.

5. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng "Liên đới có nghĩa là tất cả mọi người, không chỉ Nhà nước, chịu trách nhiệm cho tất cả"

Hôm thứ bảy 19 tháng 5, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã có cuộc gặp gỡ với 8.000 người, là thành viên của các hiệp hội Ý trong ba lĩnh vực văn hoá, thiện nguyện và lao động.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nhận định "ba lĩnh vực khác nhau này được liên kết bởi một mẫu số chung là cho đi chính mình".

"Liên đới đầu tiên và quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm về phần mình của tất cả mọi người đối với mỗi một người, và do đó, không thể đơn giản là khoán trắng cho Nhà nước".

Đức Thánh Cha nhận xét: “Hoạt động của các bạn được linh hoạt bởi lòng bác ái. Điều này có nghĩa là học biết để nhìn với con mắt của Chúa Kitô và ban tặng cho tha nhân nhiều hơn những gì là cần thiết bề ngoài, và đem lại cho họ những cử chỉ yêu thương mà họ cần,”.

Cụ thể, Đức Thánh Cha đã nói về “việc cho đi thời gian, khả năng, kiến thức, và tính chuyên nghiệp của mình, tóm lại, là chú ý đến những người khác mà không mong được hồi đáp trong thế giới này. Qua đó, con người không chỉ là làm điều thiện cho những người khác, nhưng họ cũng khám phá ra niềm hạnh phúc, theo luận lý của Chúa Kitô Đấng cho đi tất cả những gì thuộc về Ngài”.

Các hiệp hội có mặt trong buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha gồm có Liên đoàn các tổ chức Kitô giáo tình nguyện viên quốc tế (FOCSIV) trong đó tập hợp 65 nhóm tại Italia, Phong trào Giáo Hội Dấn Thân Văn hóa hoạt động trong lĩnh vực văn hóa Ý, và phong trào công nhân Kitô giáo, một tổ chức xã hội thúc đẩy các nguyên tắc Kitô giáo trong văn hóa, đời sống và pháp luật.

6. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho người Công giáo tại Trung Quốc.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 20 tháng 5, Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện cho các nạn nhân của một vụ đánh bom chết người xảy ra bên ngoài một trường học ở miền Bắc nước Ý. Ngài cũng cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi một trận động đất ở phần phía bắc của đất nước.

Cùng với hàng ngàn người tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi người Công giáo cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc vào ngày thứ Năm 24 tháng 5.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Thứ năm ngày 24 tháng 5 là một ngày dành riêng trong lịch phụng vụ để kính nhớ Đức Bà phù hộ các tín hữu. Mẹ được tôn kính với lòng sùng mộ long trọng tại đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn tại Thượng Hải: Chúng ta hãy hiệp ý trong lời cầu nguyện cùng với tất cả các người Công giáo ở Trung Quốc ".

Tháng Năm năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã gửi một bức thư cho 12 triệu người Công giáo ở Trung Quốc, nơi người Công giáo bị phân hóa thành hai nhóm. Một là 'Giáo Hội Yêu nước’, do nhà nước Trung quốc khống chế và ‘Giáo Hội Thầm Lặng’ vẫn trung thành với Đức Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng cũng nhân dịp này đưa ra lời chia buồn đến các nạn nhân của vụ đánh bom tại một trường học ở Brindisi. Ngài cũng cầu nguyện cho hàng ngàn người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất, gây ra cái chết của bảy người.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Hôm nay tôi nhớ đến các trẻ em tại trường Brindisi, nơi ngày hôm qua đã xảy ra vụ tấn công hèn nhát. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các nạn nhân và những người bị thương nghiêm trọng. Trên tất cả, chúng ta hãy cầu nguyện cho Melissa, là nạn nhân vô tội của bạo lực tàn bạo, và gia đình của bé là những người đang gánh chịu đau khổ. Tôi cũng nhớ đến những anh chị em thân yêu tại Emilia-Romagna, là những người đã bị ảnh hưởng bởi một trận động đất cách đây vài giờ. Tôi gần gũi trong tinh thần với những người đang gánh chịu tai họa này. "

Trong số những người tham dự, có các thành viên của một nhóm ủng hộ sự sống Ý, là những người dấn thân bảo vệ phẩm giá con người và quyền của thai nhi. Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu họ tiếp tục công việc của mình trong việc xây dựng một nền văn hóa sự sống.

7. Vatican đề cập cách thức ngăn chặn nạn buôn người

Việc buôn bán con người là một vấn đề nghiêm trọng có ảnh hưởng đến mọi người khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, để chống lại nó, cần phải tập hợp các chuyên gia quốc tế.

Hội đồng Giáo hoàng về Hòa bình và Công Lý đã làm điều đó, bằng cách mời đại diện Giáo Hội, các vị đại sứ, các tổ chức phi chính phủ, các lực lượng thực thi pháp luật và các nạn nhân để cùng xem xét làm thế nào họ có thể kết hợp các tài nguyên của mình chống lại tai ương này của thế giới.

Ông John G. Iannarelli thuộc cơ quan FBI Hoa Kỳ nói:

"Việc buôn bán con người ảnh hưởng đến mọi người trên thế giới. Không có biên giới. Cùng với các cơ quan thi hành pháp luật, chúng tôi làm việc với các đối tác của mình để đấu tranh chống nạn buôn người. "

Đức Hồng Y Peter Turkson chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình nói:

"Đây là việc cảnh sát cộng tác với Giáo Hội để đối phó với một vấn đề xã hội. Đó là một sự công nhận của cả hai bên rằng họ không thể làm tất cả một mình. "

Trên quy mô toàn cầu, Internet đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho bọn tội phạm buôn bán người. Trong khi vẫn giữ được hành tung của mình, chúng có thể phối hợp việc mua, bán, vận chuyển nạn nhân, và tìm kiếm các nạn nhân mới qua mạng lưới điện toán toàn cầu. Trong một số trường hợp, việc buôn bán được ngụy trang hoàn hảo đến mức đáng kinh ngạc.

Ông John G. Iannarelli cho biết:

"Những tội ác được thực hiện trên internet. Những nạn nhân của chúng được tuyển dụng qua Internet và cả những tên muốn tham gia vào những tội ác này cũng được tuyển dụng qua Internet. Các cơ quan thực thi pháp luật đã làm việc với nhau để trên quy mô toàn cầu, chúng ta có thể tấn công vấn nạn này. "

Việc buôn bán người thường được liên kết với tệ nạn mại dâm, nhưng các chuyên gia nói rằng còn có những lý do khác nữa. Ở một số nước, nhiều người bị buộc làm việc không có lương cho các doanh nghiệp, chẳng hạn như trong thị trường đánh cá ở các vùng nước sâu nguy hiểm. Lý do là vì thường không dễ dàng để tuyển dụng hợp pháp những công nhân trong các công việc nguy hiểm như thế. Khi nói đến mại dâm, các sự kiện lớn như Cúp Bóng Đá thế giới thường đặt ra những thách đố.

Ông John G. Iannarelli cho biết:

"Buôn người đang xảy ra mỗi ngày trên toàn thế giới. Nhưng trong những biến cố đặc biệt, ta có thể thấy một làn sóng của những nạn nhân của tệ nạn buôn bán người. Nhưng khi những biến cố đó đã qua đi, những người này vẫn tiếp tục là nạn nhân của các lạm dụng khác.”

Bằng cách kết hợp các tài nguyên trên quy mô toàn cầu, các chuyên gia hy vọng họ có thể làm việc cùng nhau để đưa những người chịu trách nhiệm ra trước công lý trong khi giúp đỡ các nạn nhân đòi lại cuộc sống của họ.

8. Đức Hồng Y Raymond Burke viết cuốn sách về bí tích Thánh Thể: "Tình yêu Thiên Chúa hoá thân làm người '

Thánh Thể là trung tâm của đạo Công giáo. Mỗi ngày, hàng triệu người Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới đón nhận Bí Tích Thánh Thể trong các Thánh Lễ. Đức Hồng y Raymond Burke, người Mỹ, hiện là Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao đã đưa ra một số nhận xét độc đáo trong cuốn sách mới của ngài có nhan đề "Tình yêu Thiên Chúa hoá thân làm người”

Ngài nói:

"Tôi nhận ra một cuộc khủng hoảng về Thánh Thể trong đức tin và thực hành."

Vì vậy, để khích lệ độc giả củng cố đức tin của họ, ngài quyết định viết một cuốn sách bao gồm suy tư về mối liên hệ giữa Thánh Thể và các Bí tích và con đường tu đức nói chung. Đức Hồng Y cho biết ngài cũng lấy cảm hứng từ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Gioan Phaolô II.

"Đức Gioan Phaolô II đã công bố một năm Thánh Thể. Ngài đã viết thông điệp cuối cùng của mình về Thánh Thể. Ngài cũng kêu gọi một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể nhưng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã chủ toạ thay cho ngài. "

Đức Hồng Y Burke, là Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, giám sát khoảng 1.000 tòa án khắp nơi trên thế giới. Trong số những trách nhiệm khác, Tòa Ân Giải Tối Cao có nhiệm vụ bảo đảm rằng ở cấp địa phương các thẩm phán đầu tiên là các giám mục và các toà án này thực thi đúng giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội.

Đức Hồng y Raymond Burke giải thích thêm:

"Phần lớn các trường hợp được xét xử bởi tòa án Giáo Hội là các trường hợp tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Vì vậy, điều cấp bách là các phán quyết được các toà án đưa ra phải chính xác và công minh bởi vì các tòa án này đụng chạm đến căn cơ của đời sống Giáo Hội là hôn nhân và gia đình. "

Tòa Ân Giải Tối Cao cũng đưa ra các phán quyết về các vấn đề hành chính, như đóng cửa các giáo xứ, hoặc treo chén các linh mục.

Đức Hồng y Raymond Burke nói thêm:

"Nếu không phải vì Thánh Thể, vì sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, tôi không biết làm sao có thể thực hiện trách nhiệm được trao cho tôi."

Đức Hồng Y Burke nói rằng ngài hy vọng cuốn sách của ngài sẽ là một cách để kích hoạt các nỗ lực Tân Phúc Âm Hóa. Cuốn sách sẽ được xuất bản tại Mỹ vào cuối tháng Năm. Cuối cùng, nhà xuất bản Vatican sẽ dịch ra tiếng Ý.

9. Ngày Thế giới Truyền thông

Ngày 20 tháng Năm, Giáo hội Công giáo kỷ niệm Ngày Thế giới Truyền thông. Năm nay, chủ đề do Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 chọn là "Im lặng và Lời Chúa: Con đường Truyền Giáo."

Ngày Thế giới Truyền thông là một cách để các thành phần trong Giáo Hội nhận ra khả năng của mạng lưới toàn cầu như một phương tiện để truyền giáo.

Cha Juan ANTONIO Martinez sinh viên đang theo học môn Truyền Thông đại chúng tại Vatican nhận định:

"Điều cơ bản đằng sau tất cả những điều này là vấn đề con người. Nếu có những người thực sự cảm thấy có trách nhiệm để truyền bá Tin Mừng qua mạng lưới toàn cầu, thì Internet có thể biến thành một cơ hội thực sự để truyền giáo. Internet là một cách tuyệt vời để thực hiện điều này, nhưng mục tiêu cuối cùng là Chúa Kitô. "

Hàng trăm linh mục và giáo dân đã chọn mạng lưới toàn cầu để nói về Thiên Chúa. Hiện có hàng ngàn các blog và các trang web tập trung vào đức tin và tôn giáo. Cha Antonio Montero đã quản lý một trang web trong nhiều năm qua, để xuất bản những câu chuyện liên quan đến giáo phận của ngài ở Tây Ban Nha.

Ngài nói:

"Giáo Hội có thông điệp lớn nhất và tốt nhất để truyền thông, và Giáo Hội đã làm như vậy từ 2000 năm qua. Giáo Hội loan truyền thông điệp đó trong một cách thế trung thành với Tin Mừng. Ta phải mở rộng cửa cho công nghệ mới và các phương tiện truyền thông mới để Tin Mừng có thể đến được với nhiều người hơn một cách hiệu quả. "

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói rằng kết hợp giữa sự im lặng và Lời Chúa là rất cần thiết, vì những nhà báo trước hết phải thật sự lắng nghe và tiếp nhận thông tin trước khi thông truyền cho những người khác.

10. Mùa xuân Ả Rập có thể học hỏi từ lịch sử của Giáo Hội Công Giáo và dân chủ

Lịch sử lâu dài của Giáo Hội cho thấy Giáo Hội luôn cổ vũ cho dân chủ. David Forte là một sử gia và là giáo sư luật, ông nói sự hỗ trợ của Giáo Hội cho các nền dân chủ đã giúp tạo ra nhiều đảng phái chính trị hiện đại của Châu Âu.

Giáo sư David Forte của Cleveland State University đã gặp gỡ với các thành viên của Viện Acton của Rome, là một viện nghiên cứu về việc thúc đẩy các quyền tự do cá nhân cùng với các nguyên tắc tôn giáo.

Các thành viên của Viện Acton nói rằng sự hỗ trợ của Giáo Hội cho các nền dân chủ có thể được xem như là một ví dụ cụ thể cho các quốc gia đang chuyển từ chế độ chuyên quyền sang một chính phủ dân cử. Tại Ai Cập, nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo đang thắng thế sau những cuộc bầu cử gần đây. Điều này có thể gây ra những mối quan hệ căng thẳng với nước láng giềng Israel.

Giáo sư David Forte nhận xét:

"Như tôi được biết, tất cả các ứng cử viên tổng thống đều được sự ủng hộ của Hamas là nhóm bài Israel dữ dội trong quá khứ. Thành ra, với sự phát triển mạnh của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, nền hòa bình với Israel trông rất mong manh "

Ai Cập cũng có một số lượng lớn các Kitô hữu Coptic, chiếm khoảng 9% trong tổng số 80 triệu dân Ai Cập. Việc bảo vệ tự do tôn giáo và duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng là hai điều mà Giáo sư Forte và các nhà quan sát khác kỳ vọng nơi các nền dân chủ mới nổi lên gần đây.

11. Đại học Rôma thêm khóa học về Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục

Đại học là môi trường tốt nhất cho học tập. Với suy nghĩ này, một trường Công Giáo ở Rôma, vừa đưa thêm một chương trình mới vào danh sách các môn học.

Bắt đầu vào tháng Mười, Đại Học Libera Maria, sẽ đưa vào chương trình một môn học trong đó tập trung vào những giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Đức Hồng Y Giovanni Battista Re /Giô-van-ni ba-tis-ta rê/ nói:

"Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục quan tâm đến việc đào tạo giáo dân. Tất nhiên, không chỉ là sự hình thành lương tâm, sự hình thành về mặt tôn giáo của con người, nhưng cả các trách nhiệm dân sự nữa."

Giáo sư Guiseppe Dalla Torre nói:

"Trên tất cả mọi thứ, chúng ta nghĩ đến những nhà nghiên cứu trẻ không chỉ ở Ý mà còn cấp các quốc gia và quốc tế. Có rất nhiều sinh viên nghiên cứu lịch sử Kitô giáo và đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo. "

Triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục kéo dài từ 1964 đến 1978. Có rất nhiều đã xảy ra trong thời gian này từ Công đồng Vatican II đến chiến tranh tại Việt Nam. Những diễn giả này nói rằng Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã có thể cân bằng giữa truyền thống với thời hiện đại.

Mặc dù chương trình giảng dạy chưa được chính thức nêu ra, nhà trường đã lên kế hoạch giảng dạy ở nước ngoài. Tháng Tám tới đây trường đại học Công giáo tại Nairobi ở châu Phi sẽ tổ chức một chương trình hai ngày về giáo huấn của Đức Phaolô VI do Đại Học Libera Maria đảm trách.

12. Đức Giáo Hoàng đề cập đến vấn đề nhập cư và các nữ tu với các giám mục Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha đã có cuộc tiếp kiến với các giám mục đại diện cho Công Giáo theo nghi lễ Đông Phương tại Hoa Kỳ hôm 18 tháng Năm. Cuộc họp này đánh dấu chuyến thăm Ad Limina của các vị.

Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã đề cập đến tầm vóc vấn đề nhập cư ở Mỹ.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Tôi muốn bắt đầu bằng việc ca ngợi những nỗ lực không mệt mỏi của các hiền huynh, trong các truyền thống tốt nhất của Giáo Hội ở Mỹ, để đối phó với hiện tượng người nhập cư vẫn đang diễn ra ở đất nước anh em."

Một báo cáo của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ vừa cho thấy ngày nay số trẻ em sơ sinh da mầu tại Mỹ đã vượt qua số trẻ em sơ sinh da trắng.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đã ca ngợi các nỗ lực của anh chị em Công Giáo nghi lễ Đông Phương hướng đến tới việc hiệp nhất người Công giáo tại Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 ghi nhận:

"Trong suốt cuộc họp của chúng ta, các hiền huynh đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo tồn, bồi dưỡng và thúc đẩy hồng ân hiệp nhất Công giáo như là một điều kiện cần thiết cho việc thực hiện sứ mệnh của Giáo Hội tại Hoa Kỳ."

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ "lòng biết ơn sâu sắc", đối với các nữ tu tại Hoa Kỳ và cầu nguyện cho "phúc lợi xã hội".

13. Đức Giáo Hoàng tiếp tân đại sứ Pháp Bruno Joubert

Hôm 18 Tháng 5, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tiếp ông Bruno Joubert, tân đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh đến trình quốc thư.

Cùng đi với ông có gia đình và đại diện của Đại sứ quán Pháp.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã trao tặng cho ông tân đại sứ và đoàn đại biểu Pháp những huy chương triều đại giáo hoàng của ngài cũng như một số tràng hạt đặc biệt mang con dấu của Vatican.

Vị Tân Đại sứ đã có một thời gian dài phục vụ trong ngoại giao đoàn. Trước khi được bổ nhiệm tại Vatican, ông đã là đại sứ tại Ma-rốc. Vị Tân Đại sứ nói lưu loát tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Pháp.

14. Làn sóng rò rỉ nghiêm trọng các tài liệu mật của Vatican

Việc rò rỉ các tài liệu mật của Vatican vẫn đang tiếp tục diễn ra với hàng chục các thư từ và các báo cáo mật gởi cho Đức Giáo Hoàng vừa xuất hiện trong một cuốn sách được phát hành tại Ý. Nội dung các tài liệu này không có gì đặc biệt nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng là vì các tài liệu này là những tài liệu mới nhất, và đến từ phủ Quốc Vụ Khanh.

Các tài liệu đề cập đến những tin tức đã được công bố rộng rãi về cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, các lời khai của các vị nguyên là thư ký của cha Marcial Maciel người sáng lập hội Đạo Binh Chúa Kitô, sự bất bình của thủ tướng Đức Angela Merkel khi Đức Thánh Cha tha vạ tuyệt thông cho một Giám Mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô 10, các tài liệu liên quan đến tài khoản ngân hàng của Đức Giáo Hoàng, chi tiết về một cuộc họp với Tổng thống Ý, cũng như thoả thuận ngưng bắn với nhóm khủng bố ETA tại Tây Ban Nha.

Những tài liệu mới sẽ cung cấp cho đầu mối cho Đức Hồng Y Julian Herranz và ủy ban do ngài lãnh đạo hiện đang điều tra về nguồn gốc gây ra việc rò rỉ các tài liệu mật của Vatican.

Phủ Quốc Vụ Khanh cũng đang tiến hành một cuộc điều tra riêng của mình.

Bình luận về việc công bố trên sách báo các tài liệu mật của Vatican, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi nói rằng việc công bố các tài liệu của Tòa Thánh và các tài liệu riêng tư của Đức Thánh Cha không thể được coi là một vấn đề thuộc nghiệp vụ báo chí, nhưng là một hành vi phạm tội vì vi phạm quyền tư ẩn và tự do thư tín của Đức Thánh Cha và các quan chức Tòa Thánh.

15. Cộng đồng Shalom cảm ơn Đức Thánh Cha đã phê duyệt quy chế

Hôm 17 tháng 5, Tòa Thánh đã phê duyệt quy chế của Cộng đồng Shalom, sau 30 năm tổ chức này được hình thành. Với lòng biết ơn, 1.500 thành viên của phong trào Công giáo này đã đến Rôma để cảm ơn Đức Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha nói với anh chị em thuộc cộng đoàn Shalom:

"Anh chị em thân mến, anh chị em đang mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Cảm ơn sự hiện diện của anh chị em. Cầu xin cho việc công nhận và phê duyệt quy chế của anh chị em có thể khuyến khích anh chị em tiếp tục làm chứng cho Tin Mừng. Tôi có thể nhìn thấy sự nhiệt tình của anh chị em đang hiện diện nơi đây. "

Cộng đồng Shalom đã được hình thành tại Brazil vào năm 1982, gồm sinh viên các trường đại học, những người muốn đề cập đến Thiên Chúa với những bạn bè chung quanh, nhưng thấy rằng thật là khó khăn để mang họ đến nhà thờ. Sau đó, họ quyết định mở một quán cà phê nơi mọi người có thể tụ tập và trao đổi ý kiến.

Ba mươi năm sau, họ xuất hiện đông đảo nơi các nhà thờ, và hiện diện sống động trong nền văn hóa, trong các phương tiện truyền thông, trong các công việc bác ái như xây các viện mồ côi và giúp đõ thanh thiếu niên gặp khó khăn. Giáo Hội công nhận công việc của họ với sự phê chuẩn quy chế của cộng đoàn Shalom.

Maria Emmir Oquendo Nogueira người sáng lập cộng đoàn Shalom cho biết:

"Đó là một dấu hiệu cho thấy Giáo Hội chấp thuận và công nhận Shalom như công việc của Thiên Chúa. Nó là một nguồn cảm hứng từ Thiên Chúa và cũng là một con đường nên thánh. Vì vậy, nói cách khác, Giáo Hội cho chúng ta biết: bạn có thể đi đến bất kỳ quốc gia nào, Giáo Hội sai bạn đi, lối sống của bạn là một cách để nên thánh thiện ".

Cộng đoàn Shalom hiện đã có hơn 5.000 thành viên và hơn 30.000 cảm tình viên tham gia vào các hoạt động của cộng đoàn. Họ cũng có những nhà truyền giáo rời khỏi quê hương để giúp các Giáo Hội ở các nước khác. Bây giờ họ hiện diện tại 17 quốc gia.

16. Tiêu chuẩn xác định các cuộc hiện ra

Khi nói đến các cuộc hiện ra, làm cách nào Giáo Hội có thể xác định đó là những sự kiện chân thật? Quá trình này khá phức tạp, vì vậy giờ đây, trang web của Vatican đã liệt kê các chuẩn mực cần thiết cho sự hiểu biết các cuộc hiện ra và các mạc khải.

Các chuẩn mực này thực ra đã được công bố trong một tài liệu phát hành năm 1978 trong đó đưa ra các phương thức để chứng minh nếu cuộc hiện ra là thật sự, hay không. Tài liệu này gồm cả các điểm tích cực và tiêu cực.

Trong số những chuẩn mực tích cực có sự trung thực của người cho rằng đã thấy sự xuất hiện. Ngoài ra, còn có việc người ấy sống một cuộc sống ngay thẳng, tỉnh táo về tinh thần và các cuộc hiện ra đã đem lại những ơn ích thiêng liêng cho họ.

Trong số những chuẩn mực tiêu cực, tài liệu lưu ý đặc biệt đến những sai lầm tín lý do người cho rằng đã thấy sự xuất hiện đề ra, việc lạm dụng những cuộc hiện ra này để kiếm lợi nhuận, và những hành vi vô đạo đức của người đó và những người đi a dua theo.
 
Vatileaks - Hiến binh Vatican bắt giữ quản gia Phủ Giáo Hoàng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:06 25/05/2012
Từ đầu năm đến nay, một làn sóng liên tục các tài liệu mật của Tòa Thánh, những báo cáo gởi cho Đức Thánh Cha, những thư từ riêng từ của ngài đã bị rò rỉ trên sách, báo, truyền hình, và các phương tiện truyền thông khác gây ra những tổn thất về uy tín và danh dự nặng nề cho Tòa Thánh. Nghiêm trọng hơn, giới truyền thông còn thêu dệt về những bất hòa giữa các vị trong giáo triều Rôma, về những “phe nhóm” cố tình hạ nhục đối phương bằng cách tung những tin tức nội bộ ra cho giới truyền thông.

Để đối phó với vấn nạn nghiêm trọng mà giới truyền thông gọi là Vatileaks này, ngày 26 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cho thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt gồm ba vị Hồng Y do Đức Hồng Y Julian Herranz 82 tuổi lãnh đạo. Vụ việc đã dần dà được đưa ra ánh sáng:

Trong cuộc họp báo đặc biệt hôm nay thứ Sáu 25 tháng 5, cha Federico Lombardi, Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh Vatican cho biết "Các cuộc điều tra được thực hiện bởi đội hiến binh Vatican" về việc lấy cắp các tài liệu riêng tư của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh đã dẫn đến việc bắt giữ một người đang cất giữ các tài liệu này.

Cha Federico Lombardi cho biết “người bị bắt giữ đang được câu lưu để điều tra” theo lệnh của một Ủy Ban đặc biệt gồm các vị Hồng Y đã được Đức Thánh Cha ủy thác trách nhiệm tìm kiếm thủ phạm đã lấy cắp các tài liệu của Vatican. Ủy ban này đã được thành lập hồi tháng Tư vừa qua sau khi hàng loạt các tài liệu của Vatican bị rò rỉ trên truyền hình, báo chí và các phương tiện truyền thông khác.

Cha Federico Lombardi không nêu rõ danh tính người bị bắt. Tuy nhiên, các nguồn tin tại Vatican cho biết người bị bắt là Paolo Gabriele, 42 tuổi, là quản gia Phủ Giáo Hoàng từ năm 2006. Paolo Gabriele là người giáo dân duy nhất có thể ra vào phòng làm việc của Đức Thánh Cha. Những người khác có thể ra vào phòng làm việc của ngài là 2 vị linh mục bí thư của Đức Thánh Cha, và 4 nữ tu. Hiến binh Vatican đã tìm thấy một số lớn các tài liệu mật của Đức Thánh Cha trong phòng của Paolo Gabriele.

Paolo Gabriele đã lập gia đình và có một số con cái. Ông thường ngồi trên xe của Đức Thánh Cha trong các buổi triều yết chung thứ Tư hàng tuần tại quảng trường Thánh Phêrô.

Tưởng cũng nên nhắc lại là gần đây hàng chục các thư từ và các báo cáo mật gởi cho Đức Giáo Hoàng vừa xuất hiện trong một cuốn sách được phát hành tại Ý. Nội dung các tài liệu này không có gì đặc biệt nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng là vì các tài liệu này là những tài liệu mới nhất, và đến từ phủ Quốc Vụ Khanh.

Các tài liệu đề cập đến những tin tức về cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, các lời khai của các vị nguyên là thư ký của cha Marcial Maciel người sáng lập hội Đạo Binh Chúa Kitô, sự bất bình của thủ tướng Đức Angela Merkel khi Đức Thánh Cha tha vạ tuyệt thông cho một Giám Mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô 10, các tài liệu liên quan đến tài khoản ngân hàng của Đức Giáo Hoàng, chi tiết về một cuộc họp với Tổng thống Ý, cũng như thoả thuận ngưng bắn với nhóm khủng bố ETA tại Tây Ban Nha.

Bình luận về việc công bố trên sách báo các tài liệu mật của Vatican, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi nói rằng việc công bố các tài liệu của Tòa Thánh và các tài liệu riêng tư của Đức Thánh Cha không thể được coi là một vấn đề thuộc nghiệp vụ báo chí, nhưng là một hành vi phạm tội vì vi phạm quyền tư ẩn và tự do thư tín của Đức Thánh Cha và các quan chức Tòa Thánh.