Ngày 24-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Lên Trời 24/5/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 24/05/2020

Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11

"Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: "Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần".

Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng? " Người bảo họ rằng: "Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất". Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: "Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.

Xướng: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa' hãy ca mừng, ca mừng Vua ta!

Xướng: Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người.

Bài Ðọc II: Ep 1, 17-23

"Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời".

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

"Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy".

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:47 24/05/2020

33. Đức Chúa Giê-su vác cây Thánh Giá trước mặt con, lại vì con mà chết trên Thánh Giá là vì để con cũng vác Thánh Giá, và cũng mong con chết trên Thánh Giá.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:52 24/05/2020
29. HỢP TÁC TRỒNG RUỘNG

Hai anh em cùng nhau trồng ruộng.

Khi lúa đã chín thì họ bèn thương lượng với nhau chia như thế nào đây?

Người anh nói:

- “Nửa trên là của anh, nửa dưới là của em.”

Người em cho rằng không công bằng, nên không chịu, người anh nói:

- “Sao lại không công bằng chứ, sang năm nửa trên là của em, nửa dưới là của anh, thì giống nhau thôi? ”

Năm thứ hai, phải gieo mạ nên người em hối thúc người anh đem lúa giống đến, người anh nói:

- “Năm nay không trồng lúa.”

Người em hỏi:

- “Vậy thì trồng gì? ”

Người anh đáp:

- “Trồng khoai lang.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 29:

Trồng lúa thì lấy trên bỏ dưới, trồng khoai lang thì lấy dưới bỏ trên, đó là điều ai cũng biết, rất đơn giản, nhưng cái không đơn giản và con người khó mà biết được đó chính là lòng dạ đen tối của con người ta, dù đó là anh chị em ruột thịt với nhau.

Có nhiều gia đình anh chị em ruột thịt chia rẻ nhau và coi nhau như kẻ thù, bởi vì tranh chấp gia tài của cha mẹ để lại; có những anh chị em ruột thịt phải trở thành kẻ xa lạ là vì làm ăn chia lợi không đều; có anh chị em ruột thịt vì một tiếng nói của con cháu mà trở thành người xa lạ như chưa hề gặp mặt. Đó là những nhức nhối của con người và là những mầm đại loạn của xã hội, bởi vì anh chị em ruột thịt mà không yêu thương giúp đỡ nhau, coi nhau như kẻ thù thì trong thế giới loài người ai là người thân cận chứ?

Làm anh làm chị thì nhường cho em mình mới phải, vì đó là lẽ tự nhiên và là trật tự của Thiên Chúa đã đặt định, làm em thì phải biết yêu mến và tôn trọng anh chị mình, đó cũng là điều mà Thiên Chúa đã đặt định, đi ngược những điều ấy là mất trật tự và phát sinh nhiều hổn loạn trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Không một người anh người chị nào nhẫn tâm nhìn thấy em mình đói khổ khi mình quá giàu có; cũng không một người em nào nhỡn nhơ phè phỡn khi anh chị mình nghèo đói đầu tắt mặt tối mà cũng thiếu ăn, đó là tình thương ruột thịt, tình thương rất thiêng liêng mà Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn của con người vậy.

Không yêu thương anh chị em ruột thịt của mình, thì đừng bao giờ nói với người khác là mình thương yêu họ, bởi vì đó là lời nói dối lớn nhất của ma quỷ qua mọi thời đại...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày thế giới truyền thông: Cha cựu bề trên cả Dòng Đa Minh kể truyện thời đại dịch
Vũ Văn An
00:40 24/05/2020
Nhân Ngày Truyền Thông Thế Giới, 24 tháng 5, 2020, Cha Timothy Radcliffe, cự bề trên cả Dòng Đa Minh và là một tác giả nổi tiếng quốc tế, khai thác thông điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới năm nay của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nguyên bản tiếng Anh, có thể đọc tại https://www.vaticannews.va/en/church/news/2020-05/story-telling-world-communicatins-day-timothy-radcliffe-pandemic.html



Vào hai ngày 22 và 23 tháng Giêng năm 2020, Tổng giám đốc Cơ Quan Y Tế Liên hiệp quốc (WHO) chủ tọa phiên họp của Ủy Ban Khẩn Cấp để xem xét liệu việc bùng phát loại virus mới ở Vũ Hán có tạo ra tình trạng khẩn cấp về y tế khiến thế giới phải quan tâm hay không. Ủy Ban không đi tới một thỏa thuận nào. Ngày hôm sau, tức 24 tháng Giêng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố thông điệp cho Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 54, về nghệ thuật kể truyện. Thế giới đang được đánh thức về một đại dịch hoàn cầu mới lạ. Ta phải kể những câu truyện nào đây khi đứng trước đại dịch này?

Đức Giáo Hoàng quả quyết ta cần những câu truyện ‘để không mất phương hướng... những câu truyện giúp ta tái khám phá căn cội của ta và sức mạnh cần thiết để cùng nhau bước tới’. Các câu truyện của ta, câu truyện cộng đồng hay câu truyện cá nhân, đều lên khuôn cảm thức ta về thời gian để chúng ta có thể lèo lái hướng về một tương lai hy vọng. Nhưng vào lúc bị cấm cửa này, những cuốn lịch thông thường nhằm cho ta một cảm thức về tương lai đang sụp đổ. Các cuộc tụ họp gia đình để cử hành đám cưới hay đám tang đều bất khả; chúng ta không thể đến với nhau để mừng những ngày lễ lớn của năm phụng vụ; ngay lịch thể thao cũng không còn đem lại cho ta một cảm thức mong chờ. Thì giờ của chúng ta đã trở thành không còn khuôn hình. Cơn đại dịch khiến chúng ta mất phương hướng. Chúng ta cần những câu truyện có thể lên khuôn đời ta trong thời gian đại dịch.

Một cách đầy quan phòng, thông điệp của Đức Giáo Hoàng bắt đầu bằng câu trích dẫn – “anh chị em có thể kể cho các con các cháu của mình” (Xh 10: 2) – một câu trực tiếp nhắc đến những tai họa giáng xuống người Ai Cập. Máu của những con chiên trên các cột cửa của người Do Thái đã cứu họ khỏi bệnh dịch cuối cùng, khỏi cái chết của mọi con trai đầu lòng. Các bệnh dịch trong Kinh Thánh khiến ta đối đầu với cái chết, không những như số phận không thể tránh khỏi của mọi sinh vật, mà như một sức mạnh tàn nhẫn mà chỉ có Chúa của sự sống và cái chết mới có thể lật đổ. Mỗi đại dịch mang một dấu hiệu của ngày tận cùng, của ‘con ngựa xanh nhạt! Tên người cỡi nó là Tử thần và Diêm vương theo sau nó’(Kh 6: 8).

Các bệnh dịch thường xuyên phủ bóng chết lên nhân loại nhưng chưa bao giờ trước đây, chúng ta nhận thức rõ mối đe dọa hoàn cầu đến thế. Tôi đọc mỗi ngày về việc có bao nhiêu nạn nhân ở mọi quốc gia trên thế giới. Hôm nay đây, đứng trước Covid-19, Kitô giáo có thể đưa ra câu truyện hy vọng nào?

Lễ Vượt qua của người Do Thái là một lễ tưởng niệm các tai họa vốn dẫn đến việc giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Ký ức này đã lên khuôn cuộc đối đầu của Chúa với kẻ thù cuối cùng của loài người, cái chết vào đêm trước khi Người bị phản bội. Đây là câu truyện mà với nó chúng ta có thể tìm thấy phương hướng của mình trong thời gian dịch bệnh. Vào đêm đó, tất cả những gì đem phương hướng lại cho các môn đệ đều đã sụp đổ. Mọi điều họ dùng để đánh cuộc niềm hy vọng của họ đều sắp sửa sụp đổ. Trước mắt chỉ còn là sự phản bội, chối bỏ, đào ngũ, sự sụp đổ của cộng đồng nhỏ bé của họ, và sự đau khổ và cái chết của Đấng vốn gọi họ là bạn của Người. Như các môn đệ trên đường đến Emmau từng nói, ‘Chúng tôi vốn hy vọng rằng Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel’ (Lc 24:21). Thập giá dường như không chỉ là cái chết của một người, mà là chiến thắng của chính sự chết.

Vì thế, cử chỉ của Chúa Giêsu trong việc cầm lấy bánh, chúc lành cho nó và tuyên bố nó là thân thể Người, và rượu là máu của Người, là cử chỉ mang đầy hy vọng ngoài sức tưởng tượng của họ. Nó không những vật lộn với cái chết của Người vào ngày hôm sau, mà còn với sự thống trị của sự chết, bằng cách tiến tới chiến thắng của Ngày Phục sinh.

Người ta thoáng thấy nét huy hoàng của bi kịch tối hôm đó trong những tình huống khi sự chết phủ bóng đen của nó lên các dân tộc. Lần đầu tiên tôi cảm thấy điều đó trong chuyến thăm Rwanda năm 1993, vì cuộc diệt chủng đang bắt đầu bùng lên. Tôi dự định đến thăm các nữ tu Đa Minh ở phía bắc khi Đại sứ Bỉ đến và cảnh cáo chúng tôi ở lại nhà vì đất nước đang bừng lửa, nhưng chúng tôi vẫn cứ đi. Sau một ngày đầy những bạo lực, với những phiến quân và binh lính, với những đứa trẻ bị mìn tàn phá, tôi đã đến thăm các nữ tu Đa Minh của tôi. Tôi có thể nói gì đây giữa nỗi kinh hoàng như vậy? Tôi không biết nói gì. Rồi, tôi nhớ lại tôi có một ký ức và một lời hứa để diễn lại, một ký ức bất chấp sự chết, một ký ức hứa hẹn hiệp thông gữa lúc nhân loại phân tán. Đó là câu truyện mà với nó, chúng ta dám thách thức mối đe dọa của bệnh dịch, đó là lý do tại sao thật đáng buồn khi hầu hết chúng ta không thể tụ tập để cùng nhau cử hành nó mà phải xem trực tuyến.

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho Ngày Thế giới Truyền thông là một lời mời ta nhớ rằng ngay cả trong lúc bị cô lập tại nhà, chúng ta vẫn có thể duy trì sự hiệp thông theo những cách chưa từng có trước đây. Chúng ta phản ứng cuộc khủng hoảng hoàn cầu bằng sự hiệp thông hoàn cầu. Số người tham dự trực tuyến Thánh Thể hàng ngày tại tu viện của tôi ở Oxford gấp ba lần số người đến nhà thờ ở đây trước Covid-19. Tôi đang nhận được một cơn sóng thần điện thư và các cú điện thoại. Tôi skypezoom nhiều hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, sự cô lập thể lý gặm nhấm nhân tính ta. Chúng ta cần nuôi dưỡng bằng khuôn mặt của nhau và sự bồi dưỡng bằng những tiếp xúc nhẹ nhàng. Bị tước đoạt những thứ này, nhân tính của chúng ta sẽ đói lả. Ông bà không thể ôm con cháu, và chúng ta thấy mình bị phân cách với những người chúng ta vốn yêu thương. ZoomSkype không đủ. Làm thế nào chúng ta có thể chịu đựng được?

Câu truyện Bữa Tiệc Ly kể về sự hiệp thông phát sinh từ sự cô lập sâu hoắm của Chúa Giêsu. Người chủ trì Bữa tiệc ly tại một cộng đồng đang tan rã. Tại vườn Diệtsimani, các môn đệ Người đều say ngủ cả trong khi Người một mình vật lộn đối đầu với định mệnh của Người. Người là một khuôn mặt đơn độc đứng trước sự phán xét của các linh mục thượng phẩm và Phôngxiô Philatô, và sau đó Người đạt tới sự cô độc hoàn toàn của thập tự giá, làm cho tồi tệ hơn bởi đám đông đang la hét bên dưới. Vì vậy, một cách để chịu đựng sự cô lập đang áp đặt lên hàng tỷ người là tham dự vào nỗi cô đơn của Chúa Giêsu, một nỗi cô đơn mà Người tự mang lấy để chúng ta có thể thuộc về nhau trong Người.

Ở Rwanda, và sau đó gần đây hơn ở Syria trong khoảng cách nghe được với tiền tuyến chống ISIS, niềm hy vọng hứa hẹn của câu Thánh Thể đã được tiết lộ cho tôi. Đây là câu truyện mà không dịch bệnh nào có thể phá đổ. Và, tuy thế, đối với hàng triệu người, việc đi lễ đang được trải nghiệm đơn thuần chỉ là nhàm chán. Đối với nhiều người, nó không đụng gì đến trí tưởng tượng của họ mà chỉ là một nghĩa vụ ảm đạm phải chịu đựng.

Quả là nghịch lý khi một trong những câu truyện phổ biến nhất của thế kỷ XX, The Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) của J.R.R Tolkien là một cuộc thám hiểm về niềm tin của ông vào Bí tích Thánh Thể. Ông viết cho con trai Michael, ngay trước khi cháu rước lễ lần đầu, ‘Ba đặt trước con một điều tuyệt vời để con yêu trên trái đất: Bí tích Cực Thánh. Ở đó, con sẽ tìm thấy tình lãng mạn, vinh quang, danh dự, lòng trung thành và phương cách thực sự cho mọi mối tình của con trên trái đất’. Điều xem ra lạ lùng là mối tình lãng mạn đụng đến trí tưởng tượng của thế giới lại là Bí tích Thánh Thể, thế nhưng Bí tích Thánh Thể thường không làm như vậy. Làm thế nào để vẻ đẹp của trình thuật này trở nên hiển nhiên?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận diện tính anh hùng như đặc điểm của những câu chuyện hấp dẫn
: 'Tất cả các câu chuyện của các thời đại khác nhau đều có một “khung dêt” chung: sợi chỉ xuyên suốt của các trình thuật này đều có sự can dự của “các anh hùng”, bao gồm các anh hùng hàng ngày, những người trong khi theo đuổi một giấc mơ sẵn sàng đối đầu với những tình huống khó khăn và chiến đấu chống lại sự ác, được thúc đẩy bởi một sức mạnh khiến họ can đảm, sức mạnh của tình yêu. Bằng cách dìm mình vào những câu truyện, chúng ta tìm được các lý do để anh hùng đối đầu với các thách thức của cuộc sống’. The Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) là câu truyện về việc thúc đẩy những sinh vật nhỏ bé, sợ phiêu lưu nhưng đã trở thành những vị anh hùng.

Nếu chúng ta có thể coi bi kịch Thánh Thể của chúng ta như câu truyện về tính anh hùng, nó có thể nhen nhóm trí tưởng tượng của chúng ta. Hai thí dụ bỗng nẩy ra trong tâm trí tôi. Đầu tiên là bài thơ tiếng Anh rất sớm, ‘The Dream of the Rood’ (Mơ Mảnh Đất Nhỏ), có thể có từ thế kỷ thứ bảy. Nó mô tả Chúa Giêsu như ‘một anh hùng trẻ tuổi’, người dựng thập tự giá để chiến đấu như một hiệp sĩ. Thứ hai là bộ phim ‘Des hommes et des dieux’ (Những Con Người va những vị thần), do Xavier Beavois đạo diễn, đã giành giải Grand Prix tại liên hoan phim Cannes năm 2010. Nó đụng đến trí tưởng tượng của hàng triệu người vì đây là câu chuyện có thật về những đan sĩ nhút nhát bình thường nhưng đã trở thành các anh hùng. Nó kể về một cộng đồng nhỏ của các đan sĩ Trappist ở Algeria trong những năm 1990, những người bị cuốn hút vào làn sóng bạo lực đang gia tăng. Họ nên ở lại và có nguy cơ tử vong hay ra đi? Cảnh cảm động nhất là Bữa ăn tối sau cùng của họ. Thầy già Luke đưa ra một vài chai rượu nho và vặn máy hát nhạc bài Swan Lake (Hồ thiên nga). Không ai nói gì. Chúng ta chỉ thấy khuôn mặt của họ, đầy đau buồn trước nỗi thống khổ đang ở phía trước và niềm vui họ sẽ được tham dự vào câu truyện những ngày cuối cùng của Chúa họ. Đó là vẻ đẹp hoàn toàn của tính anh hùng Thánh Thể, trầm lặng, không một chút tự phụ.

Làm thế nào chúng ta có thể sống tình huống hiện tại này một cách anh hùng và đánh động trí tưởng tượng của những người đương thời của chúng ta? Trong các dịch bệnh trước đây, chẳng hạn như Black Death (Cái chết Đen), các Kitô hữu đã ra ngoài và phục vụ người bệnh đang lâm nguy tử vong. Những người anh hùng trong trận dịch của chúng ta là các y tá và bác sĩ đang lao công ở tuyến đầu. Nhiều người trong số họ làm như vậy để biểu dương đức tin Kitô giáo của họ, nhưng làm thế nào Giáo hội có thể sống một cách minh nhiên bi kịch của câu truyện Thánh Thể vào lúc này, khi các nhà thờ bị đóng cửa, và nhiều bệnh viện, ít nhất là ở Anh, không cho các tuyên úy vào?

Tôi đã tiến tới chỗ chấp nhận, một cách khó khăn, sự khôn ngoan và đúng đắn của quyết định tự cô lập hàng giáo sĩ. Nếu không, chính chúng ta sẽ trở thành công cụ truyền nhiễm. Có một số thí dụ về tính anh hùng: Don Giuseppe Berardelli, vị linh mục 72 tuổi, đã nhường máy thở để một người trẻ có thể sống và kết quả là ngài đã chết, hoặc tôi nghĩ về một người tu sĩ Đaminh người Mỹ làm việc ở New York đã chuyển đến một bệnh viện để phục vụ những người mắc virus, mặc dù điều này có nghĩa phải rời cộng đồng của ngài. Nhưng tôi vật lộn với việc tưởng tượng làm thế nào Giáo hội có thể làm nổi bật tính anh hùng trong câu truyện vĩ đại của chúng ta khi phải đối đầu với Covid-19. Tự cô lập có thể là cần thiết nhưng nó không có vẻ anh hùng tí nào! Có lẽ đó chỉ là một loại hiện thực chủ nghĩa thánh thiện, nhìn thẳng vào sự chết, thừa nhận bi kịch độc đáo mà mỗi nạn nhân đang trải qua, nhưng từ khước hoảng sợ, vì chúng ta tin rằng quy luật của tử thần đã kết thúc.

Có một chủ đề cuối cùng trong thông điệp của Đức Giáo Hoàng đã trở nên có liên quan một cách bất ngờ trong cuộc khủng hoảng ngày nay. Đức Phanxicô nhấn mạnh vẻ đẹp của việc kể các câu truyện của chúng ta cho Thiên Chúa nghe. ‘Kể câu chuyện của chúng ta cho Chúa nghe là đi vào ánh mắt yêu thương từ nhân Người dành cho chúng ta và cho những người khác. Chúng ta có thể kể lại cho Người những câu truyện chúng ta đang sống, mang đến cho Người những con người và những tình huống lấp đầy cuộc sống của chúng ta. Với Người, chúng ta có thể dệt lại sợi vải cuộc sống, mạng lại những vết rách và chỗ mòn của nó.

Nhiều người lễ Phục sinh này đã không thể nhận được bí tích hòa giải. Hai tháng sau khi công bố thông điệp của mình, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các tín hữu xưng tội với Chúa nếu không có linh mục nào giúp. Điều này không nên chỉ là việc đọc vanh vách các tội của mình mà, như thông điệp của Giáo hoàng gợi ý, phải là việc chia sẻ một câu truyện với Chúa, với những bi kịch, thất bại và chiến thắng của nó. Thánh Tôma Aquinô, trong Scriptum super librum IV Sententiarum, đã đi xa hơn và nói rằng khi không có linh mục, người ta có thể đọc các tội của mình cho một giáo dân khác, người này không thể ban ơn tha tội nhưng là một loại thừa tác viên bí tích ‘lúc cần kíp'. Vì vậy, trong cuộc khủng hoảng này, tất cả chúng ta đều có thể đại diện cho đôi tai đầy lòng thương xót của Thiên Chúa, chăm lo bi kịch của đời nhau, trấn an nhau về chiến thắng sau cùng của tình yêu.
 
Các nhà lãnh đạo Công Giáo tại Ukraine lên án việc đẻ thuê
Đặng Tự Do
04:44 24/05/2020
Khi chính phủ Ukraine ra lệnh đóng cửa biên giới vào tháng Ba để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 coronavirus, hơn 100 em bé đã bị mắc kẹt.

Họ là con của những người mẹ cho mướn bụng mang thai. Những phụ nữ đẻ thuê này được những người giàu có từ nước ngoài trả gần 17, 000 đô la để thuê tử cung mang thai con cho họ.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, của Kiev /ki-ép/ là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi thức Đông phương, và Đức Tổng Giám Mục Mieczyslaw Mokrzycki của tổng giáo phận Lviv /lờ-vi/, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Latinh, cho biết đại dịch coronavirus đã “đưa ra ánh sáng nhiều dịch bệnh khác trong đời sống của xã hội đương đại.”

Đứng đầu danh sách các dịch bệnh này là việc đẻ thuê. Trong một lá thư chung được công bố hôm thứ Sáu, các ngài lên án việc này là “đối xử với con người như hàng hóa có thể được đặt hàng, sản xuất, và bán ra.”

Đẻ thuê là hợp pháp ở Ukraine, và các giám mục muốn “hiện tượng đáng xấu hổ” này bị cấm và bị lên án bởi chính quyền dân sự.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Công Giáo được đưa ra sau khi BioTexCom, một trong những cơ quan môi giới đẻ thuê tại Ukraine, công bố một video trên YouTube vào ngày 30 tháng Tư cho thấy 46 trẻ sơ sinh được chăm sóc trong một khách sạn ở Kiev /ki-ép/. Đó là video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Đoạn video này nhằm trấn an những người đã ký hợp đồng đẻ thuê rằng con của họ đang được an toàn, miễn là họ gởi thêm chút tiền nuôi dưỡng trong thời gian cách ly, khiến họ không thể vào Ukraine đón con được. Còn nếu họ không gởi tiền thì con của họ có thể không còn sống trên cõi đời này, và số tiền đặt cọc trước đó tan thành mây khói.

Theo báo cáo của Reuters từ Ukraine, khách sạn Venice nơi các em bé được chăm sóc được bao quanh bởi một hàng rào cao với dây thép gai. Khách sạn này thuộc về BioTexCom và cha mẹ thường ở đó trong khi đón em bé. Công ty trả khoảng 15.000 - 17.000 đô la cho các bà mẹ đẻ thuê.

Cha mẹ các em bé này đến từ khắp nơi trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Thụy Điển và Ái Nhĩ Lan để nhờ một phụ nữ Ukraine đẻ thuê cho họ.

Lyudmyla Denisova, thanh tra nhân quyền của quốc hội Ukraine, nhận xét rằng đoạn video cho thấy nước này có một ngành công nghiệp đẻ thuê “đồ sộ và mang tính hệ thống”.

Trong bức thư, hai vị Tổng Giám Mục cho rằng “những trẻ sơ sinh đang ở trong vườn ươm hiện đại, bị tước mất sự liên lạc với người mẹ, sự ấm áp của tình phụ tử, sự chăm sóc vị tha, và tình yêu gia đình.”

“Họ được quảng cáo như các sản phẩm được đặt hàng mà người mua không xuất hiện. Đó là một sự khinh miệt đối với phẩm giá con người.”

“Cái gọi là đẻ thuê này, không chỉ là một hiện tượng khủng khiếp, mà, ở cốt lõi của nó, là một tội ác đạo đức và mang lại vô số đau khổ và khó khăn cho tất cả những người tham gia vào thỏa thuận này, bao gồm cả đứa trẻ, người đẻ thuê, các thành viên trong gia đình của người ấy, và cuối cùng, những người đã đặt hàng cho việc ‘sản xuất’ trẻ em.”

Trong bức thư, các Giám mục cũng lên án cái gọi là “đẻ thuê vị tha”, trong đó một người phụ nữ mang thai giùm một cặp vợ chồng khác mà không tính tiền. Các ngài nói như thế cũng không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, “cho dù ý định của người mẹ đẻ thuê là tốt, phương tiện và mục tiêu của hành động này tự nó là vô luân.”

Nhưng đẻ thuê thương mại, “từ quan điểm luân lý còn đáng bị lên án hơn nữa vì nó thêm vào tội ác luân lý là mua và bán các chức năng của cơ thể và của chính nhân vị đứa trẻ sơ sinh. Không có trường hợp nào, không có hệ quả nào có thể biện minh cho việc đẻ thuê.”

“Mỗi đứa trẻ là một món quà của Thiên Chúa cần được biết ơn và chấp nhận trong cuộc sống hôn nhân của một người nam và một người nữ. Mọi trẻ em đều có quyền được hình thành một cách tự nhiên, và mọi trẻ em đều có quyền được sinh ra trong một gia đình và được nuôi dưỡng trong một bầu không khí của tình yêu bởi cha mẹ nó.”


Source:Crux
 
Niềm khao khát hành hương Lộ Đức của nhiều người Công Giáo Anh
Đặng Tự Do
04:46 24/05/2020

Hàng năm kể từ năm 1953, người Công Giáo từ Giáo phận Middlesbrough - nằm ở phía bắc nước Anh – đều tổ chức một chuyến hành hương đến Lộ Đức.

Năm nay, đền thánh Đức Mẹ của Pháp đã bị đóng cửa và nước Anh đang bị cách ly - cả hai đều do đại dịch coronavirus COVID-19.

Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được những người hành hương quyết định đi bộ trong tinh thần đến Lộ Đức, và sau đó tham dự các thánh lễ livestream từ các nhà thờ khác nhau trong giáo phận.

Chuyến hành hương kéo dài một tuần đã được lên kế hoạch vào ngày 23 tháng Năm tại nhà thờ chính tòa Middlesbrough, và sẽ bao gồm các Thánh lễ từ các thành phố Hull, Redcar, Whitby và York. Ngoài ra, sẽ có hai Thánh lễ chung với Tổng giáo phận Birmingham, là những người thường đi Lộ Đức chung với giáo phận Middlesbrough.

Sau Thánh lễ trực tuyến từ nhà thờ chính tòa Middlesbrough, những người hành hương đi bộ trong sân nhà mình hay trên các con đường ở miền Bắc nước Anh, mỗi ngày một vài cây số tùy theo sức khoẻ.

Gần 800 người Anh đã ghi danh nhóm Facebook hành hương Lộ Đức của giáo phận, chia sẻ các suy tư hàng ngày, những lời cầu nguyện và lời chứng của họ về những ơn lành mà Lộ Đức đã tác động đến cuộc sống của họ.

“Đó là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời, một dấu hiệu thực sự của Lộ Đức được sống ngay tại đây trong nhà của chúng tôi, ” một người viết trên Facebook.

Đức Cha Terry Drainey của giáo phận Middlesbrough nói với tờ Crux rằng những người tham gia cuộc hành hương ảo này đã cho thấy niềm say mê của họ đối với Lộ Đức.

Cuộc hành hương hàng năm đến Lộ Đức thường thu hút 800 đến 1000 người từ giáo phận Middlesbrough, bao gồm nhiều người bệnh và người già dễ bị tổn thương nhất với COVID-19.

Trong các năm qua, những người hành hương từ Middlesbrough cũng bao gồm nhân viên y tế và người chăm sóc, là những người từ bỏ thời gian nghỉ phép để giúp đỡ những bệnh nhân là trọng tâm của cuộc hành hương.


Source:Crux
 
Trung Quốc cấm các tín hữu hành hương Đức Mẹ Xà Sơn
Đặng Tự Do
04:48 24/05/2020


Hôm nay là ngày 24 tháng Năm. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thiết định là ngày thế giới cầu nguyện cho những người Công Giáo bị bách hại tại Hoa Lục. Chúng ta hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện của chúng ta.

Ngày 24 tháng 5 hàng năm cũng là ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, được các tín hữu Công Giáo Trung Quốc mừng rất trọng thể. Đặc biệt, họ thường tổ chức các cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn cách Thượng Hải 38km về phía Tây.

Liên tục trong cả tháng qua, trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, bọn cầm quyền Bắc Kinh lặp đi lặp lại các chỉ thị cấm các cuộc tụ họp tôn giáo nhằm ngăn cản các tín hữu hành hương về Xà Sơn.

Dưới áp lực của cộng sản, ngay từ ngày 20 tháng Tư, giáo phận Thượng Hải đã phải ra một loạt các thông báo cấm tất cả các cuộc hành hương dưới mọi hình thức, kể cả từng cá nhân cũng không được phép.

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đây rõ ràng là một hành vi lợi dụng tình trạng dịch bệnh để tăng cường bách hại tôn giáo. Cần lưu ý rằng hai tuần sau Tết Canh Tí đến nay, thành phố Thượng Hải đã hoạt động trở lại, và các công nhân viên chức phải đi làm như bình thường.

Ngoài cuộc hành hương đền thờ Đức Mẹ Xà Sơn, giáo phận Thượng Hải cũng tuyên bố hủy bỏ tất cả các cuộc hành hương được dự kiến vào tháng Năm.

Thị trấn Xà Sơn gồm hai quả đồi ở quận Song Giang phía tây Thượng Hải. Hai ngọn đồi, cao khoảng 100m, được gọi là Đông và Tây Xà Sơn, mặc dù ngọn đồi phía tây quan trọng hơn cũng được gọi là Xà Sơn.

Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, được các nhà truyền giáo Âu châu xây dựng từ năm 1925 đến 1935. Ban đầu mọi nghi thức Phụng Vụ trong nhà thờ được cử hành bằng tiếng Latinh. Từ khi Hoa Lục rơi vào tay cộng sản, các nghi thức Phụng Vụ được cử hành bằng tiếng Hoa.

Con đường lên đỉnh đồi, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, gọi là Via Dolorosa, tức là con đường thương khó.

Ngọn đồi cũng có một đài quan sát thiên văn được thành lập bởi các cha dòng Tên.

Theo tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai, cộng sản rất chướng mắt với ngôi đền Đức Mẹ quá hùng vĩ này nên đã nhiều lần âm mưu đặt bom giật sập ngôi đền. Nỗ lực cuối cùng diễn ra vào tháng Giêng 1967, dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, và do Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, bom không nổ. Tại sao các quả bom này không nổ thì đến nay không thể biết chính xác được. Có lẽ phải đợi hết thời cộng sản ác ôn này người ta mới có thể biết tại sao. Nhưng có điều này thì chúng ta biết chắc chắn: Sau cái chết của Mao vào tháng 9, năm 1976, chỉ một tháng sau đó, Giang Thanh bị bắt và bị kết án chung thân khổ sai. Tháng 5 năm 1991 khi được tạm tha, việc đầu tiên Giang Thanh làm là thắt cổ tự tử chết.

Sau nỗ lực đặt bom bất thành của Giang Thanh, Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn được để yên và hàng năm có các cuộc hành hương kính Đức Mẹ vào ngày 24 tháng Năm.

Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, văn phòng Tôn giáo Thượng Hải và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc đã cố gắng làm cho người Công Giáo Trung Quốc khó đến thăm Xà Sơn hơn. Các cuộc hành hương trở nên thất thường, có năm có, có năm không.

Trong Lá thư gửi người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã chọn ngày 24 tháng Năm là Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc để cầu xin Đức Mẹ Xà Sơn tăng cường sức mạnh cho các tín hữu trước những bách hại liên tục của cộng sản.

Kể từ ngày 23 tháng Giêng, khi Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tất cả các nhà thờ đã bị đóng cửa. Các nhà thờ đến nay vẫn bị đóng cửa.
 
Cảnh giác chung quanh chuyện WeChat phát trực tiếp Thánh lễ hàng ngày của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
04:50 24/05/2020


Vatican tiết lộ trong tuần này rằng người Công Giáo ở Trung Quốc đã có thể sử dụng mạng xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc, là WeChat, để theo dõi trực tiếp Thánh lễ hàng ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô trong đại dịch coronavirus.

Một chuyên gia trên phương tiện truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo rằng chế độ Trung Quốc có thể có một cái gì đó muốn đạt được trong việc cho người Công Giáo Trung Quốc quyền truy cập hạn chế này vào các thánh lễ của Đức Giáo Hoàng.

WeChat được biết đến là một mạng xã hội với hơn 1 tỷ người dùng. Bọn cầm quyền Trung Quốc có thể theo dõi tất cả các cuộc thảo luận, nội dung và dữ liệu người dùng trên ứng dụng này.

Vatican News đã phát hành một video vào ngày 20 tháng Năm cho thấy người Công Giáo ở Trung Quốc tập trung xung quanh điện thoại thông minh và màn hình máy tính đặt trên bàn thờ gia đình hoặc bên trong nhà thờ để cầu nguyện với các nghi thức được phát trực tiếp từ nhà nguyện Santa Marta.

Vào thời điểm video này được công bố, thời hạn 52 ngày giới hạn trong đó việc phát trực tiếp cho người Trung Quốc xem, từ 27 tháng Ba đến 18 tháng Năm, đã kết thúc.

Vatican News báo cáo rằng số lượng người xem Thánh lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Trung Quốc tăng lên hàng ngày, đạt đến mức cao nhất là 10, 000 người xem trên WeChat trước khi Vatican ngừng phát trực tiếp Thánh lễ.

Sarah Cook, một nhà phân tích nghiên cứu cao cấp, người theo dõi việc kiểm duyệt truyền thông và tự do tôn giáo ở Trung Quốc cho Freedom House, giải thích với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng việc phát trực tiếp Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng tại Trung Quốc có thể là kết quả của cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Tòa thánh và chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một hành động tự phát của một cá nhân hay một nhóm người Công Giáo.

“Mười ngàn vẫn còn khá thấp so với tiêu chuẩn của Trung Quốc, ” bà nói thêm.

Theo thống kê chính thức, Trung Quốc có hơn 10 triệu người Công Giáo, với sáu triệu người là thành viên của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

“Đây chỉ là một cái gì đó tạm thời, ” Cook nói.

“Cảm giác của tôi là nếu chương trình phát sóng này được tiếp tục và bắt đầu đạt được một số khán giả lớn hơn, chẳng hạn như hàng trăm ngàn hay một triệu người, thì nó sẽ bị đình chỉ tại một thời điểm nào đó.”

“Đàn áp các nhóm tôn giáo khác và thậm chí ngăn cấm việc chia sẻ thông tin hoặc các bài giảng trực tuyến đã tiếp tục trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt đối với người Tin Lành và các nhóm bị bách hại tôn giáo ở Trung Quốc, chẳng hạn như Pháp Luân Công.”

Trong đại dịch coronavirus, nhóm nhân quyền “Voice of the Martyrs”, nghĩa là “Tiếng nói của các vị Tử Đạo” báo cáo rằng các quan chức chính phủ ở tỉnh Sơn Đông đã cấm rao giảng trực tuyến giữa lúc dịch bệnh bùng phát, và ChinaAid đã chia sẻ một video ngày 15 tháng 3 trong đó một nhà thờ Tin lành ở tỉnh Giang Tô đã bị bọn cầm quyền phá hủy.

Trong khi một số người Công Giáo ở Trung Quốc rất buồn khi mất quyền truy cập vào Thánh lễ livestream, thì vấn đề lớn hơn đối với hầu hết người Công Giáo Trung Quốc là các nhà thờ, các cuộc hội thảo và tất cả các hoạt động hành hương ở Trung Quốc vẫn bị đình chỉ.

Trung Quốc đóng cửa các nhà thờ bắt đầu vào tháng Giêng, khi dịch coronavirus lan rộng khắp cả nước. Nhưng sau khi việc kiểm dịch toàn quốc được nới lỏng vào tháng Ba và lệnh cô lập Vũ Hán đã bị dỡ bỏ vào ngày 8 tháng 4, Asia News đưa tin rằng các nhà thờ Công Giáo vẫn bị Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc ra lệnh đóng cửa ít nhất là đến hết tháng 5.


Source:Catholic News Agency
 
Hồi chuông báo tử của Hương Cảng: Các cơ quan tình báo Trung Quốc đại lục thiết lập các căn cứ ở Hương Cảng
Đặng Tự Do
04:54 24/05/2020


Các nhà lãnh đạo Công Giáo tại Hương Cảng đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc thiết lập các căn cứ tình báo ở Hương Cảng – nhằm thực thi một thứ gọi là “pháp luật trực tiếp”.

Bình luận về diễn biến này Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi là một “hồi chuông báo tử” cho quyền tự trị của thành phố.

Hôm thứ Sáu 22 tháng Năm, bọn cầm quyền Bắc Kinh đã tiết lộ thêm chi tiết về luật an ninh quốc gia đối với thành phố bán tự trị.

Lãnh đạo của Hương Cảng, là bà Carrie Lam, cho biết chính phủ của bà sẽ “hợp tác đầy đủ” với quốc hội Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia.

Bà cho biết kế hoạch thiết lập các căn cứ tình báo của Trung Quốc đại lục sẽ không ảnh hưởng đến các quyền tự do hoặc tình trạng độc lập tư pháp trong thành phố.

Nhưng các nhà hoạt động dân chủ và các chính trị gia ở thuộc địa cũ của Anh không đồng ý như thế.

Trong nhiều năm qua các nhà tranh đấu đã phản đối việc xây dựng các căn cứ như vậy, lập luận nó có thể làm xói mòn quyền tự chủ của Hương Cảng, được bảo đảm qua thỏa thuận “một nước, hai chế độ” khi Hương Cảng được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Dennis Kwok nói:

“Phải chăng họ đang nói rằng có một ủy ban hoặc một tổ chức tại Hương Cảng vượt lên trên pháp luật của Hương Cảng? Nếu thế thì đây là sự kết thúc của Hương Cảng.”

Nhà hoạt động Joshua Wong, một trong những người lãnh đạo các cuộc biểu tình đường phố dân chủ năm 2014 cho biết Bắc Kinh đang làm xói mòn các giá trị phổ quát và các nguyên tắc nhân quyền với luật an ninh mới này.

Những lời kêu gọi đã nổi lên yêu cầu cư dân Hương Cảng có hành động trên khắp lãnh thổ. Trong khi đó các nhà hoạt động dân chủ có kế hoạch công bố những “hành động đường phố” nhằm chống lại mưu toan này.

Đề xuất của Bắc Kinh được các nhà phê bình coi là một bước ngoặt đối với thành phố tự do nhất này của Trung Quốc. Đề xuất này đã gây ra các phản ứng tai hại trong giới kinh doanh và ngoại giao vì sợ rằng luật an ninh có thể có khả năng gây tổn hại cho vị thế của thành phố như một trung tâm tài chính.

Chỉ số Hang Seng của Hương Cảng vào lúc đóng cửa giảm 5.6%, là tỷ lệ phần trăm giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 7 năm 2015.

Các đề xuất cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đứng bên cạnh người dân Hương Cảng và cảnh báo rằng những thay đổi này có thể có tác động đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với lãnh thổ này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington sẽ phản ứng “rất mạnh” nếu Bắc Kinh tiến hành kế hoạch này.

Bắc Kinh đã nói trước đó rằng không một quốc gia ngoại bang nào có quyền can thiệp vào các vấn đề của Hương Cảng, và rằng pháp luật là vì lợi ích của Hương Cảng vì nó sẽ tăng cường công thức “một quốc gia, hai hệ thống”.


Source:Reuters
 
Tông huấn Laudato si sẽ giúp chúng ta hoạch định tương lai cho cuộc sống sau cơn đại dịch
Thanh Quảng sdb
06:38 24/05/2020
Tông huấn “Laudato si” (Ngôi nhà chung - ’Trái đất’) sẽ giúp chúng ta hoạch định tương lai cho cuộc sống sau cơn đại dịch
Lùm cây xanh nhân tạo – tại công viên Milan nước Ý

Năm năm trước đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ấn ký một Tông thư đánh dấu một bước tiến quan trọng trong Học thuyết xã hội của Giáo hội và là một tiến trình xây dựng xã hội công bằng, bảo vệ mạng sống con người và vũ hoàn đất mẹ…

(Tin Vatican - Andrea Tornielli)

Lần kỷ niệm thứ năm ngày ấn ký Tông huấn “Laudato si” này, khác xa với một sự kiện kỷ niệm đơn thuần.

Có cả một Tuần lễ kỷ niệm - và một năm dành để triển khai các sáng kiến, suy tư, kinh nghiệm và đem Tông huấn ra thực hành...

Những sáng kiến khác nhau này đã trở nên những tài liệu cho các cộng đồng trên toàn thế giới. Các công đồng ấy cũng giúp chúng ta biết những phản ánh của tông huấn trên các vấn đề hiện tại của thời điểm mà cả thế giới đang phải đương đầu với cơn đại dịch Covid-19.

Tất cả mọi sự được liên đới với nhau

Một trong những giá trị của Tông huấn là nêu lên sự liên đới cơ bản của mối liên hệ giữa tạo vật và Đấng Tạo hóa, giúp chúng ta ý thức được sự liên đới của tất cả mọi sự với nhau. Không có vấn đề môi trường tách rời ra khỏi các vấn đề xã hội, biến đổi khí hậu, di cư, chiến tranh, nghèo đói và kém phát triển. Đây là những biểu hiện của một cuộc khủng hoảng duy nhất trước hệ sinh thái của trái đất! Đây là mấu chốt cốt lõi gây lên cuộc khủng hoảng về đạo đức, văn hóa và tinh thần. Đây là một quan điểm rất thực tế sâu sắc.

Tông huấn ‘Laudato Si’ không được ra đời để hồi nhớ lại những cảnh trạng của lịch sử xưa cũ của thời tiền kỹ thuật! Ngược lại, nó xác định và mô tả cái quá trình tự hủy diệt chỉ vì những mối lợi trước mắt và thần thánh hóa một hình thái kinh tế.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói lên cái căn nguyên của vấn đề hệ sinh thái trái đất của chúng ta là “lối hiểu biết về cuộc sống con người và hành động của con người ngày càng trở nên tồi tệ và hủy hoại nghiêm trọng thế giới vật thể chung quanh chúng ta.

Hãy tập chú vào thực tại

Hãy bắt đầu từ thực tại cụ thể, đi từ những ý niệm khách quan của cảnh trạng con người, bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng nguồn tài năng từ đất mẹ có giới hạn...

Điều đó có nghĩa là bác bỏ cái xác tín mù quáng được "mô hình công nghệ" vẽ ra như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định bằng trích dẫn những nghiên cứu của học giả Romano Guardini khi ông nói: "Đừng áp đặt những suy tư kỹ thuật, như là phán quyết cuối cùng lên thực tại, vì những suy tính công nghệ coi thiên nhiên như là một vật thể vô tri, chất thể lạnh lùng được dựng lên để 'cung cấp', như những vật thô để làm nên những sản phẩm tiện ích cho con người...

Đức Thánh Cha mời gọi: Hỡi những người nam nữ, hãy dóng lên tiếng nói “loài người chúng ta cần tôn trọng nguồn tài nguyên chung” chứ đừng lạm dụng coi đó là tài sản riêng trong tay mình, tự tung tự tác! Ngược lại, chúng ta là những người dúng tay vào các sự vật, dùng chúng nhưng lại quên hay cố ý lãng quên đi những hệ lụy của việc xử dụng bừa phức những tài nguyên chung này một cách vô trách nhiệm…"(LS, 106).

Vì lý do này, Đức Thánh Cha viết, "đã đến lúc phải chú ý đến thực tại và những giới hạn mà thiên nhiên có sẵn; đây là điều kiện cho sự phát triển lành mạnh và hiệu quả của cá nhân và xã hội (LS 116).

Tái suy tư về tương lai

Cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua trước cơn đại dịch này, đã làm cho chúng ta bừng tỉnh về tất cả những thực tại ở trên.

Đức Thánh Cha trong dịp ban phép lành đặc biệt cho dân thành Roma và toàn cầu (Urbi et Orbi) ngày 27/3 vửa qua đã nói: "Chúng ta đang tiến tới với tốc độ chóng mặt, - làm cho chúng ta tưởng mình có thể làm được mọi sự!

Tham lam trước lợi nhuận, đẩy chúng ta vào lối sống hưởng thụ và cuốn hút chúng ta vào vật chất mà đua chen với người khác! Đưa chúng ta đến thái độ bất kể chiến tranh, bất công bịt tai lại trước những tiếng kêu than, thống thiết của tha nhân và của hành tinh ‘đất mẹ’ chúng ta.

Trong giây phút cầu nguyện tha thiết xin cho cơn đại dịch được chấm dứt, đã giúp chúng ta thức tỉnh đưiợc sự mong manh và bất lực của chúng ta!

Đức Thanh Cha Phanxicô nhắc lại cho chúng ta “hãy năm bắt cơ hội đại dịch này mà dành ra một phút giây chọn lựa những vật này mà loại bỏ những sự vật kia, một khoảng khắc để nhận chân điều gì cần thiết và điều gì không cần thiết.”

Tông huấn ‘Laudato si’, có thể hướng dẫn chúng ta định hình lại một xã hội loài người chúng ta, đặc biệt lo cho những người yếu nhược, được bảo vệ; mọi người đều được chăm sóc y tế, nơi mà không ai bị loại bỏ và nơi mà thiên nhiên không bị khai thác bừa bãi, nhưng được vun trồng và bảo tồn cho những thế hệ mai sau...
 
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 11
Vũ Văn An
17:56 24/05/2020
3.2. Tính hỗ tương giữa đức tin và bí tích Thêm sức

a) Nền tảng Kinh Thánh và Lịch sử

95. [Nền tảng Kinh Thánh].

Giống như bí tích rửa tội, bí tích thêm sức cũng có nền tảng trong Kinh thánh. Thần khí này, như chúng ta đã nói, đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu (xem § 83). Thần khí này cũng chiếm một vị trí nổi bật trong đời sống Kitô hữu. Các môn đệ sẽ được mặc “quyền năng từ trên cao” (Lc 24: 46-49; Cv 1: 4-5, 8) trước khi họ trở thành các nhân chứng của Đấng Phục sinh. Theo Công vụ, Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ (Cv 2: 1-11) và nhiều người khác, kể cả người ngoại giáo (Cv 10:45), những người đã loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô và Tin mừng (Cv 2:43; 5 : 12; 6: 8; 14: 3; 15:12; xem Rm 15:13). Đấng Bảo trợ đã được hứa ban (Ga 14:16; 15:26; 16: 7) giúp các môn đệ tiến bộ trong đời sống đức tin của họ và làm chứng cho nó trước thế giới. Trong một số đoạn, đã có sự phân biệt giữa việc lãnh nhận bí tích rửa tội và việc tuôn đổ Thánh Thần sau đó, liên kết với sự can thiệp của các tông đồ qua việc đặt tay lên các Kitô hữu vốn đã sống đức tin của họ (Cv 8: 14-17; 19: 5-6; Dt 6: 2). Chúng ta có thể phân biệt thời khắc Phục Sinh với Lễ Ngũ Tuần thế nào, thì trong đời sống của Kitô hữu, những người vốn được lồng vào nhiệm cục bí tích, cũng có hai khoảnh khắc riêng biệt nhưng được nối kết qua lại với nhau: phép rửa, làm nổi bật cấu hình Phục sinh và phép thêm sức, trực tiếp nhắc đến lễ Ngũ tuần nhiều hơn, do việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần, để đuợc tháp nhập hoàn toàn vào sứ mệnh giáo hội. Trong khai tâm Kitô giáo người lớn, cả hai khía cạnh đều diễn ra trong một cử hành chung đơn nhất.

96. [Nền tảng lịch sử]. Từ thời cổ xưa, một loạt các nghi thức sau khi rửa tội đã được công nhận, không phải lúc nào cũng được phân biệt rõ ràng với chính phép rửa tội, chẳng hạn như đặt tay, xức dầu bằng dầu thánh và làm dấu thánh giá [109]. Giáo hội luôn chủ trương rằng những nghi thức sau rửa tội này là một phần của khai tâm Kitô giáo trọn vẹn. Với thời gian và sự gia tăng số các Kitô hữu, Đông phương đã duy trì tính thống nhất liên tiếp của phép rửa, phép xức dầu thánh (chrismation) và phép Thánh Thể đầu hết, do linh mục trao ban, mặc dù chỉ có giám mục mới có trách nhiệm làm phép dầu. Tuy nhiên, ở Tây phương, việc xức dầu bằng dầu thánh được dành riêng cho giám mục [110], là vị, trong nhiều thế kỷ, cho đến khi Đức Piô X can thiệp vào năm 1910 [111], đã cử hành trong chuyến viếng thăm của ngài, trước khi rước lễ lần đầu. Ngay từ đầu thế kỷ thứ IV, tại Công đồng Elvira (khoảng năm 302), sự khác biệt và khoảng cách về thời gian giữa phép rửa tội và phép thêm sức được công nhận [112].

b) Đức tin và Bí tích Thêm sức

97. Trong nghi thức Thêm sức, các tuyên hứa từ bỏ và việc tuyên xưng đức tin lúc rửa tội được lặp lại. Điều này đánh dấu tính liên tục của chúng với bí tích rửa tội cũng như sự cần thiết của nó phải diễn ra trước. Tính đặc biệt của phép thêm sức nằm ở yếu tố kép liên quan đến đức tin. Trước hết, một sự gắn bó trọn vẹn hơn và một “sức mạnh đặc biệt” của Chúa Thánh Thần (LG 11), như nghi thức đã cho thấy: “N., hãy nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần” [113]. Thứ hai, phép thêm sức ngụ ý “một mối liên kết gần gũi hơn với Giáo Hội” (LG 11). Như vậy, tính giáo hội của đức tin được tái khẳng định. Do đó, đức tin rửa tội được củng cố theo nhiều hướng. Đó là một đức tin được bố trí nhiều hơn để làm nhân chứng công khai cho đức tin giáo hội; đó là một đức tin mạnh mẽ hơn và được xác minh thuộc về giáo hội; đó là một đức tin tích cực hơn, vì phù hợp hơn nhờ ơn Chúa Thánh Thần, tiếp theo sau lần lãnh nhận Chúa Thánh Thần đầu tiên trong phép rửa tội. Những khía cạnh này biểu thị một sự trưởng thành của đức tin so với đức tin thoạt đầu cần cho bí tích rửa tội. Không có những chuẩn bị đức tin này, bí tích có nguy cơ chỉ là một nghi thức trống rỗng.

98. Sự hiện diện của giám mục, thừa tác viên “nguyên thủy” của phép thêm sức (LG 26), nói lên một cách nhấn mạnh bản chất giáo hội của bí tích này. Việc kết hợp với Giáo hội được thêm vào việc kết hợp với Chúa Thánh Thần. Việc tham dự vào phép Thêm sức là dấu hiệu và phương tiện của việc hiệp thông giáo hội. Phép thêm sức được cử hành bởi giám mục địa phương cổ vũ sự hợp nhất thiêng liêng giữa giám mục và Giáo hội địa phương. Người lãnh nhận phép thêm sức được tháp nhập vào Giáo hội, góp phần xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô (xem Êph 4:12; 1 Cr 12). Ngoài ra, nó củng cố đời sống Kitô hữu của họ, vốn đã bắt đầu với phép rửa tội. Nhờ ơn phúc mới của Chúa Thánh Thần, họ được trang bị tốt hơn để trở thành nhân chứng sống động cho đức tin đã nhận lãnh, giống như điều đã xảy ra trong Lễ Ngũ Tuần.

c) Các vấn đề hiện nay

99. Vị trí hiện nay của Bí tích Thêm sức ở Tây phương là do hoàn cảnh lịch sử và mục vụ hơn là các lý do thần học đúng nghĩa hay các lý do xuất phát từ tính chuyên biệt của bí tích. Trong khai tâm Kitô giáo người lớn, nhịp điệu nguyên thủy và nhất quán hơn về thần học được duy trì: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể. Mặc dù bí tích Thêm sức cung cấp khả thể tiếp tục giáo huấn trong đức tin, được lồng vào Giáo hội và bản thân hóa quyết định mà cha mẹ và các người đỡ đầu đã đảm nhận nhân danh đứa trẻ, người ta không thể chờ mong nó giải quyết được các khó khăn của thừa tác vụ giới trẻ cũng như sự bất mãn của người trẻ, từng được rửa tội lúc ấy, đối với giáo hội định chế và đức tin. Bất chấp các nỗ lực đáng khen và sự kiện đôi khi nó ngụ ý việc tái khám phá một đức tin trưởng thành hơn, nhưng với việc chuyển sang một thống thuộc có ý thức và trưởng thành hơn, trong không ít trường hợp, người trẻ trải nghiệm việc cử hành phép thêm sức như là chiếc chìa khóa dẫn họ vào việc tốt nghiệp đại học: một khi đã lấy được bằng cấp, họ thấy không cần phải quay trở lại lớp học nữa. Nhiều người khác chỉ đơn giản hiểu phép thêm sức như một điều kiện cho các bước tiếp theo, chẳng hạn như hôn nhân, mà không hề nắm được những gì của riêng bí tích này, bị làm mờ nhạt trong cảm quan của nhiều tín hữu.

d) Đề xuất mục vụ: Đức tin cần cho bí tích thêm sức

100. Tầm quan trọng của phép rửa đã được duy trì vững vàng với nhiều kiên trì, cũng như khía cạnh thần học của nó. Việc hoãn chịu phép thêm sức, nơi nó bị trì hoãn trong một thời gian dài, hoặc thậm chí không được ban phát, đã gây khó khăn cho việc đánh giá vị trí của nó trong việc khai tâm Kitô giáo, như một bí tích của Chúa Thánh Thần và của Giáo hội, những yếu tố căn bản trong việc khai tâm Kitô giáo. Một Giáo hội truyền giáo được tạo thành từ các Kitô hữu đã được thêm sức, những người, với quyền lực của Chúa Thánh Thần, lãnh trách nhiệm hoàn toàn đối với đức tin của mình. Hợp luận lý ra, Kitô hữu nào cũng muốn trở thành bí tích của Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao họ được tháp nhập hoàn toàn vào Giáo hội và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần qua dầu thánh và việc đặt tay, nếu nó không được lãnh nhận cùng với phép rửa tội. Chúa Kitô lãnh nhận phép xức dầu của Chúa Thánh Thần khi Người ra khỏi nước thế nào, thì Kitô hữu, người vốn đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, cũng hoàn tất hành trình đức tin của họ trong Chúa Thánh Thần như vậy, sau khi được củng cố bởi phép thêm sức [114].

101. Trong khai tâm Kitô giáo người lớn, đức tin cần thiết cho phép thêm sức trùng khớp với đức tin cần thiết cho phép rửa tội. Trong trường hợp trì hoãn việc lãnh nhận cả hai bí tích, đức tin rửa tội sẽ chín mùi theo nhiều hướng. Sự tiến bộ sẽ được thực hiện trong việc đích thân biến thành của mình đức tin của giáo hội và trong cảm thức thuộc về. Điều này ngụ ý một kiến thức tốt hơn, một khả năng lớn hơn trong việc giải trình đức tin giáo hội và một cuộc sống phù hợp với nó một cách thỏa đáng. Cũng có nẻo đường liên hệ bản thân với Thiên Chúa Ba Ngôi, đặc biệt qua cầu nguyện. Một cách dứt khoát hơn, đức tin sẽ định hình lịch sử đời mình, sau khi đã thực hiện cuộc hành trình theo chân Chúa Kitô trong Giáo hội. Phép thêm sức hàm ngụ mong ước và quyết định tiếp tục đi trên nẻo đường này; nhờ việc biện phân do Chúa Thánh Thần soi sáng, họ tìm được con đường thích đáng để theo Chúa Giêsu và làm chứng cho Người. Chìa khóa đạt điều này là mối liên hệ bản thân sâu sắc với Chúa nhận được nhờ cầu nguyện, một mối liên hệ dẫn họ đến việc làm chứng, thuộc về giáo hội và chuyên chăm thực hành bí tích. Nhiệm cục bí tích không đóng lại với lễ Phục sinh, nhưng bao gồm Lễ Ngũ tuần thế nào, thì việc khai tâm Kitô giáo cũng không đóng lại với phép rửa tội như vậy. Nếu đã có một giai đoạn chờ đợi và chuẩn bị để lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, được dẫn đầu bằng việc cầu nguyện (xem Cv 1:14), thì việc dạy giáo lý thỏa đáng để lãnh nhận phép thêm sức, mà không quên các yếu tố khác, - tín lý, luân lý-, mang đến cơ hội để thâm hậu và bản thân hóa mối liên hệ với Chúa qua cầu nguyện.

Kỳ sau: 3.3. Tính hỗ tương giữa đức tin và bí tích Thánh Thể
 
Đức Thánh Cha khuyến khích chia sẻ những mảnh chuyện đời nhân Ngày Truyền thông Thế giới
Thanh Quảng sdb
19:19 24/05/2020
Đức Thánh Cha khuyến khích chia sẻ những mảnh chuyện đời nhân Ngày Truyền thông Thế giới

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ về Ngày Truyền thông Thế giới, người cầm đầu Thánh bộ cơ quan này đã có những suy tư về vai trò xây dựng một mô hình truyền thông mới cho Giáo hội.

(Tin Vatican)

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương vào trưa Chủ nhật 24/5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại thông điệp của ngài về Ngày Truyền thông Thế giới, với chuyên đề chia sẻ những mảnh chuyện đời.

Đức Thánh Cha cầu mong ngày này giúp chúng ta kể lại những câu chuyện đời, nhằm hướng tới tương lai với một niềm hy vọng.

Sự kiện này khích lệ chúng ta kể và chia sẻ những mẫu chuyện mang tính xây dựng, giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta là thành phần của câu chuyện lớn hơn mà chúng ta trông chờ vào tương lai với hy vọng chúng ta thực sự quan tâm đến nhau như anh chị em vậy."

Chia sẻ một góc nhìn mới

Để đánh dấu dịp này, Tiến sĩ Paolo Ruffini, Chủ tịch Thánh Bộ Truyền thông (tổ chức của đài Vatican), đã phát hành một thông điệp video, phản ánh sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Ngày Truyền thông Thế giới.

Tiến sĩ Ruffini nói rằng chìa khóa của sứ điệp này là chia sẻ kinh nghiệm của chính chúng ta, cho phép chúng ta xây dựng một câu chuyện mới trong nhãn quan của ơn cứu chuộc.

Tái khám phá sự hiệp thông

Kinh nghiệm gần đây của chúng ta về sự cô lập và cách ly xã hội trước cơn đại dịch Covid-19, theo Tiến sĩ Ruffini nói, đã dạy chúng ta tái khám phá ra rằng Chúa muốn hiệp nhất chúng ta lại trong một sự hiệp thông sâu sắc hơn, nó ràng buộc chúng ta lại.

Theo cảm nghiệm của chúng ta về sự cách ly, giúp chúng ta hiểu được cốt lõi của sự hiệp thông. Ông ấy tiếp: Chúng ta không có khả năng nhận ra sự hiệp nhất trong cảm nghiệm của chúng ta nếu chúng ta không có tri thức cũng như nhận thức về điều ấy. Mọi sự được thu gọn vào một danh sách các sự kiện mà không có một câu chuyện nhất thống.

Liên kết lành mạnh của thiện tâm

Tiến sĩ Ruffini cho hay đại dịch đã cho chúng ta một lựa chọn: “Khoán trắng chúng ta cho khoa học kỹ thuật hoặc mặc cho nó một linh hồn”.

Những thông tin giả, ông nói thêm, cũng được phát sinh. “Mọi sự phụ thuộc vào chỗ chúng ta đặt niềm hy vọng vào đâu!... Chúng ta có cơ hội để đáp ứng lại sự liên kết không lành mạnh của cơn đại dịch với một sự kết hợp lành mạnh của thiện chí”.

Chiều kích siêu việt

Cơn đại dịch cũng cho chúng ta cơ hội khám phá ra lòng can đảm, để xây dựng, để chào đón các cộng đồng được thành hình trên các hình thức giao tế tốt lành.

Truyền thông, ông nói, cần phải được bắt nguồn từ một mạng lưới toàn cầu và địa phương, kỹ thuật số và thực tế. Truyền thông nhằm phục vụ đoàn kết chứ không chia rẽ; trao ban chứ không nhằm vào việc mua bán. Chúng ta phải mặc cho công nghệ kỹ thuật một chiều kích siêu việt.

Xây dựng các mối quan hệ của con người

Tiến sĩ Ruffini cho hay mối tương giao cung cấp cho chúng ta một nền tảng cơ bản cho một sự truyền thông thực sự.

Do đó, chúng ta cần phải khám phá ra những cách thế xử dụng internet để duy trì mối quan hệ thân tình giữa bạn bè, trong khi xây dựng một nền kinh tế nâng đỡ lẫn nhau. Theo tầm nhìn này, Tiến sĩ Ruffini nói, tất cả mọi người được mời gọi tham gia bằng cách cống hiến thời gian, tài năng, tiền bạc và cả tâm tình cầu nguyện nữa.

Một nụ cười trở thành một câu chuyện

Tiến sĩ Ruffini nói: Một Giáo hội rộng mở có thể giúp xây dựng sự hiệp thông, nối kết tất cả các phương tiện truyền thông lại.

Đã đến lúc chúng ta phải dùng tới truyền thông để tái phân phối lại các hàng hóa thặng dư, kể cả kiến thức lẫn tình cảm...

Tóm lại, Tiến sĩ Ruffini nói “mỗi người chúng ta có thể là những nụ cười của những người đi trước chúng ta. Mỗi câu chuyện đều có thể đổi mới và biến đổi nụ cười thành một câu chuyện”.
 
Những lệnh cấm nhà thờ gây tranh cãi ở Mississippi, một nhà thờ đã bị đốt cháy
Trần Mạnh Trác
21:39 24/05/2020
(CNA ngày 22 tháng 5 năm 2020).- Nhà chức trách đang nghi ngờ vụ cháy nhà thờ ở Mississippi là một vụ khủng bố. Vụ hỏa hoạn đã xảy ra khoảng một tháng sau khi nhà thờ Ngũ Tuần của Holly Springs đưa đơn kiện thành phố là vi hiến khi ra lệnh đóng cửa nhà thờ cuả họ.

Nhà thờ First Pentecostal Church of Holly Springs (Nhà thờ Ngũ Tuần chính toà Holly Springs, ) nằm ở thành phố Holly Springs, Mississippi, đã bị cháy rụi hôm thứ Tư, 20 tháng Năm. Lính cứu hỏa đã phải chiến đấu với ngọn lửa tới 2 giờ khuya nhưng đã phải chịu thua không thể cứu được tòa nhà.

Nhân viên điều tra hỏa hoạn mô tả vụ việc là một vụ nổ từ phía sau nhà thờ, làm hư hại đến tận mặt trước của tòa nhà. Ngôi nhà thờ được tuyên bố là bị phá hủy hoàn toàn.

Người ta đã lượm được một số lon sơn xịt tại hiện trường. Một hàng chữ nguệch ngoạc viết rằng “Đánh cá với đám giả hình này là bây giờ chúng cũng phải ở nhà”. Chữ giả hình viết sai chính tả là hypokrits [sic].

Những yếu tố này, theo bà Kelly McMillen, một quan chức cuả quận Marshall, đã khiến nhà chức trách nghi ngờ là một vụ đốt nhà cố tình.

Mục sư Jerry Waldrop, đã lãnh đạo cộng đồng Ngũ Tuần này hơn 30 năm, cho biết ông “sẽ tiếp tục giữ vững niềm tin, và tiếp tục làm những gì chúng tôi vẫn làm.”

“Tôi sẽ họp với giáo dân và có thể chúng tôi sẽ thuê một tòa nhà hoặc bất cứ điều gì chúng tôi cần làm trong thời gian này, ” mục sư Wald Waldrop nói. Ông cho biết nhà thờ của ông có đủ phương tiện để xây dựng lại, và ông không biết nghi phạm là ai.

Thống đốc Mississippi Tate Reeves (Cộng Hoà) viết trên Twitter hôm thứ Năm rằng ông rất đau lòng và tức giận khi nghe tin nhà thờ bị đốt cháy.

“Đại dịch này đang làm gì trên chúng ta? Chúng ta cần cầu nguyện cho đất nước này, ” Ông Reeves nói.

Nhắc lại mục sư Waldrop, nhân danh cộng đoàn của mình, đã đệ đơn kiện thành phố Holly Springs ngày 23 tháng 4, một ngày sau khi một buổi nghiên cứu Kinh Thánh hàng tuần của ông bị ba nhân viên cảnh sát cuả Holly Springs giải tán. Rồi vào Chủ nhật Phục sinh, ông Waldrop lại bị trao giấy phạt là vi phạm lệnh cấm cửa của thành phố khi ông tổ chức một nghi thức ở bên trong tòa nhà thay vì ở ngoài bãi đậu xe.

Để phản đối giấy phạt, ông Waldrop đã đưa giáo dân của ông đến một tiệm Walmart gần đó, ở nơi đó, họ đã tụ tập mà không gặp sự cố nào nữa.

Các nhà thờ, theo lệnh cấm cửa cuả thành phố Holly Springs ngày 30 tháng 3 năm 2020, được liệt kê là những cơ sở không quan trọng. Theo ý kiến cuả đương đơn, các điều khoản của lệnh này đã vươn xa đến mức chính ông Waldrop cũng không được phép tự mình vào văn phòng cuả nhà thờ.

Ông mục sư Waldrop tuyên bố rằng các quyền tự do trong Tu Chánh Án Thứ Nhất của ông đã bị vi phạm bởi lệnh cuả thành phố là có chọn lọc. Ông nói rằng khi tổ chức hội họp trong nhà thờ thì ông đã thực hiện những nỗ lực để đảm bảo sự xa cách xã hội và các nghi thức này phải ở trong nhà vì thời tiết khắc nghiệt.

Tại quận Marshall, đã có 68 trường hợp COVID-19, với ba ca tử vong. Hai trong số tử vong xẩy ra ở các viện dưỡng lão.

Holly Springs không phải là thành phố duy nhất ở Mississippi đã ra những lệnh cấm gây tranh cãi. Vào tháng Tư, thành phố Greenville cũng đã phải thu hồi một lệnh cấm các dịch vụ tôn giáo dành cho giáo dân ngồi trong xe trong bãi đậu xe. Trong thông cáo ngày 15 tháng Tư, Thành phố Greenville cho biết tất cả các dịch vụ tôn giáo ở bãi đậu xe sẽ được phép, miễn là các gia đình phải ở trong xe của họ với cửa sổ đóng và tuân thủ tất cả các hướng dẫn cách ly xã hội của tiểu bang và liên bang.

Nhưng trước khi có lệnh mới này, thì một nhà thờ đã bị cấp giấy phạt vì tổ chức dịch vụ trong xe, và cảnh sát Greenville cũng phong toả một bãi đậu xe của một nhà thờ khác để không cho ai đi đến.
 
Ngoại trưởng Pompeo: Conavirus cho thấy bản chất của đảng Cộng sản Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn.
Emily Nguyễn
21:52 24/05/2020
Giữa lúc xảy ra cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về cuộc khủng hoảng COVID-19, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói hôm Chúa Nhật 24 tháng Năm rằng tính chất độc đoán của Đảng Cộng sản đang cai trị Trung Quốc và ước muốn phủ trùm ảnh hưởng bá quyền của họ trên toàn thế giới đã trở nên rõ ràng hơn chính là kết quả của đại dịch coronavirus.

Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Pompeo đã lập đi lập lại rằng họ nghi ngờ loại coronavirus chủng mới được phát giác lần đầu tiên ở Vũ Hán đã được xuất phát từ phòng thí nghiệm. “Bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc bây giờ, tôi nghĩ, đã trở nên rõ ràng là kết quả của chủng coronavirus này. Những ai trong chúng ta từng theo dõi về việc này đã thấy những tình tiết trong vụ này nói lên cho thế giới nghe về nguy cơ đó. Chúng ta biết bản chất của những chế độ độc đoán. Chúng ta biết chuyện gì sẽ xảy ra khi nơi đó không có tự do, khi các nhà báo không thể nói chuyện với nhau, ” ông Pompeo nói với trang tin SkyNews Australia

“Rồi chúng ta lại chứng kiến cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc với ước muốn lan rộng ảnh hưởng bá quyền ra khắp thế giới, dù thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường hay những nỗ lực khác nhằm sử dụng các doanh nghiệp quốc doanh nhằm đạt được những thành quả về chính trị và an ninh quốc phòng.” Ông Pompeo nói rằng đó là những điều mà thế giới có thể thấy về Trung Quốc từ hậu quả của đại dịch coronavirus. “Họ thấy các phản ứng bao che, giấu diếm, không bảo vệ, bảo đảm, và giữ an toàn cho người dân- đó là những thứ mà chế độ độc đoán thường làm theo bản chất tự nhiên của chúng, và đó là những gì đã xảy ra với thế giới do coronavirus. Tôi nghĩ rằng các quốc gia trên khắp địa cầu đều có thể thấy điều đó bây giờ, ” ông nói.

Lập lại rằng cả Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới ít nhất là từ tháng 12 đến tháng 2 năm nay đã cố che đậy những gì đang diễn ra, ông Pompeo cáo buộc rằng họ đều biết điều đó; họ có thông tin.

“Họ biết rằng có nguy cơ này. Chúng ta thấy họ phong toả tỉnh Hồ Bắc nhưng lại để cho các chuyến bay được bay tới Milan, các chuyến bay đến Tehran - những nơi đều bị tác động rất lớn - những chuyến bay đến những nơi như Thành phố New York, tôi cũng chắc chắn là Úc cũng có trong danh sách này, ” ông nói.

“Đó không phải là bản chất của những gì một chính phủ tốt thường làm. Những gì mà chính phủ cố bảo vệ và giữ an toàn vẫn làm là họ sẽ cảnh báo thế giới. Họ sẽ nhờ những chuyên gia giỏi nhất thế giới để giúp giải quyết vấn đề. Họ sẽ bảo bảm rằng toàn thể thế giới có quyền truy cập vào các mẫu virus, vào các phòng thí nghiệm, là tất cả những điều cần thiết để giữ an toàn cho mọi người. Thế nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh đã chọn không làm điều đó và còn tạo ra những rủi ro rất lớn”, ông Pompeo nói.

Khi trả lời một câu hỏi, ông bày tỏ sự phản đối đối với thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường mà chính quyền đảng Lao Động của tiểu bang Victoria tại Úc đang trong thời kỳ ký kết với Trung Quốc. Tổng số trường hợp lây nhiễm coronavirus trên toàn cầu đã tăng lên hơn 5.3 triệu, trong khi số người chết tăng vọt lên tới 34, 000, theo Đại học Johns Hopkins. Riêng số người chết vì dịch coronavirus ở Mỹ là gần 100, 000.


Source:News 18 - Sky News Australia
 
Ngày cầu nguyện cho Giáo hội Trung Hoa – Ba Giám mục hầm trú đã tạ thế
Thanh Quảng sdb
22:49 24/05/2020
Ngày cầu nguyện cho Giáo hội Trung Hoa – Ba Giám mục hầm trú đã tạ thế

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tín hữu khắp nơi cầu nguyện cho các tín hữu Công Giáo tại Trung Hoa, khi họ mừng lễ Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, quan thầy của đất nước Trung Hoa, tại Đền thờ Đức Mẹ Sầm Sơn (Sheshan) ở Thượng Hải.

Đức Thánh Cha nói lên tâm tình gần gũi và cầu nguyện chia sẻ nỗi niềm hy vọng cậy trông với họ trong cơn thử thách và bách hại hiện nay.

Ngày cầu nguyện cho Giáo hội Trung Quốc

Vào năm 2007, Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã viết một thư gửi người Công Giáo Trung Quốc, và công bố ngày cầu nguyện cho Giáo hội Trung Quốc, được tổ chức hàng năm vào ngày 24 tháng 5.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã dọn một lời nguyện xin cùng Đức Trinh Nữ, xin Mẹ hướng dẫn Dân Chúa "đi theo con đường của sự thật và yêu thương" hầu tiến đạt một cuộc sống chung hài hòa với tất cả mọi người, ngay cả với những người Cộng sản… Đức Thánh Cha Bênêđictô cũng cầu khẩn Mẹ Thiên Chúa "giúp người Công Giáo Trung quốc luôn là nhân chứng của niềm tin yêu hy vọng vào Chúa, luôn hợp nhất với nền đá tảng Thánh Phêrô là nền móng của Giáo hội được xây dựng.

Một thời điểm quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã diễn ra vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, với việc ký kết Thỏa thuận lâm thời.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin mô tả hiệp ước này là "một thành quả của một đường dài và đây là điểm khởi đầu" cho "một giai đoạn hợp tác mới vì lợi ích của cộng đồng Công Giáo Trung Quốc và sự hòa hợp của toàn thể xã hội Trung quốc."

Tuy nhiên sau Thỏa thuận ấy rất nhiều sóng gió, bắt bớ cấm đoán dành cho Giáo hội hầm trú và cả Giáo hội Trung quốc như bắt tháo gỡ thánh giá xuống khỏi các thánh đường, ngăn cản hành hương về các trung tâm của Giáo hội tại Trung Hoa v.v… Ngay cả vấn đề bổ nhiệm các Giám mục vẫn là những nan đề khó giải quyết…

Hành trình đối thoại và thông cảm lẫn nhau vẫn là hai con đường không có những điểm giao thoa hai bên...

Trong lúc đó, một thời gian ngắn gần đây ba Giám mục hầm trú rất kiên cường tín trung cùng Giáo hội hoàn vũ đã lần lượt ra đi, chắc chắn đã để lại những hụt hẫng và chao đảo thách đố lớn cho các tín hữu và Giáo hội tại Trung quốc trong hiện tại cũng như những ngày tháng sắp tới.

Ba vị giám mục hầm trú đã hoàn tất cuộc hành trình dương thế là:

1. Vào tối ngày 20 tháng 11 năm 2019 Đức cha Anrê Đào Duy Tín (Andrea Jin Daoyuan), Giám mục Giáo phận Changzhi tại Sơn Tây, đã qua đời. Hưởng thọ 90.
Đức cha Anrê Đào Duy Tín (Andrea Jin Daoyuan)

2. Vào chiều ngày 23 tháng 3 năm 2020, Đức cha Giuse Mã Thống (Joseph Ma Zhongmu), Giám mục của Giáo phận Yinchuan / Ningxia, qua đời ở tuổi 101. Ngài là Giám mục duy nhất gốc người Mông Cổ.
Đức cha Giuse Mã Thống (Joseph Ma Zhongmu)

3. Vào sáng ngày 7 tháng 5 năm 2020, Đức cha Giuse Vũ Bảo (Joseph Zhu Baoyu), Giám mục của Giáo phận Nanyang, ở Hà Nam, qua đời ở tuổi 99.
Đức cha Giuse Vũ Bảo (Joseph Zhu Baoyu)

Cả ba vị đều là các Giám mục hầm trú, không được chính quyền Trung Hoa thừa nhận và bị giam lỏng không được phép thi hành chức vụ Giám mục… Tuy thế các ngài lại là những cột trụ vững mạnh cho các tín hữu tựa nương và là sức mạnh gìn giữ Giáo hội Trung Hoa kết hợp chặt chẽ với Giáo hội hoàn vũ Roma.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tây Nguyên Việt Nam Sau Cơn Đại Dịch Virus Vũ Hán
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
08:31 24/05/2020
Tây Nguyên Việt Nam Sau Cơn Đại Dịch Virus Vũ Hán

Tháng Năm đã về với tiết trời nắng nóng ở Việt Nam. Những thông tin về sự lây nhiễm Virus Vũ Hán cũng tạm thu hẹp và chính quyền cũng đã nới lỏng để các sinh hoạt bắt đầu hoạt động trở lại sau nhiều tháng tạm ngưng. Các sinh hoạt tôn giáo cũng bắt đầu trở lại nhưng trong chừng mực vì các vị hữu trách vẫn còn lo lắng biết đâu con virus vô hình này sẽ quay lại và sẽ làm vỡ trận. Thứ Bảy ngày 9 tháng 5, khi những lá thư mục vụ của các giáo phận được gởi đi cũng chính là ngày vui của những người dân Công Giáo khắp cả nước hân hoan đón nhận khi được tham dự thánh lễ trực tiếp sau gần 2 tháng phải ngồi nhà xem lễ trực tuyến.

Tháng Hoa - Tháng của Mẹ, và ngày Chúa Nhật tuần thứ Hai của tháng 5 là Ngày Hiền Mẫu đúng lúc được phép dâng lễ trực tiếp nên mọi người đều tham dự thánh lễ rất sốt sắng và người ta mới nhận ra rằng thánh lễ có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống tâm linh. Nhiều cụ ông, cụ bà đã khóc khi tham dự thánh lễ trở lại và họ chia sẻ rằng thiếu thánh lễ hình như họ mất đi một điều gì quí giá lắm mà đến giờ họ mới nhận ra. Một Facebooker Công Giáo đang là ca trưởng ở một giáo xứ đã đếm từng ngày vắng bóng thánh lễ trong niềm nuối tiếc và anh cũng sáng tác một bài về Covid-19 rất cảm động, và có lẽ nay mai sẽ được đăng trên Youtube. Chúng tôi cũng tranh thủ trong dịp này để đi thăm vài nơi và tìm hiểu đời sống đạo ở một số vùng từ thôn quê đến thành phố để xem phản ứng của người dân, nhất là những người Công Giáo trong những ngày cách ly xã hội và phải tham dự thánh lễ trực tuyến. Đa phần đều nói rằng đây là một sự kiện có một không hai trong đời người của họ, và dĩ nhiên vì sức khỏe cộng đồng nên ai cũng tự nguyện làm theo nhưng trong lòng buồn vô cùng. Có người nói rằng nếu tiếp tục kéo dài có thể họ sẽ bị căn bệnh trầm cảm hay tự kỷ vì suốt ngày phải ở nhà hay trong phòng với những sinh hoạt hàng ngày rất nhàm chán và nhiều lúc sinh ra cáu gắt, cãi nhau một cách vô lý với những người cùng trong gia đình. Có lẽ đây là một kinh nghiệm nhớ đời và nếu lập lại chắc nhiều người sẽ tự vẫn vì sốc và chán chường. Một số người bạn ở Hòa Lan có điện thăm và hỏi chúng tôi khi nào trở lại vì họ rất nhớ thánh lễ tiếng Việt, chúng tôi nói đùa với họ rằng đầu năm 2021 họ có thể mua vé cho chúng tôi qua Hòa Lan để rửa tội cho hàng tá trẻ em mà họ sẽ sinh vì mùa dịch Covid này người già chết nhiều và các đôi bạn trẻ không phải đi làm nên năm tới có lẽ dân số trẻ em sẽ tăng!

Là linh mục luôn hăng say hoạt động và hướng ngoại, bản thân chúng tôi dù bị cách ly bất đắc dĩ của chỉ thị nhà nước, chúng tôi không thể ngồi yên ở nhà nhưng cố gắng liên lạc với một số mạnh thường quân mình quen biết để qua họ, chúng tôi có thể đem đến những thứ rất cần thiết cho cuộc sống giữa và sau cơn đại dịch Corona với những mảnh đời bất hạnh và các viện mồ côi do một số nữ tu người Kinh cũng như người thiểu số ở Tây Nguyên vì họ bị cắt đường tiếp tế. Nhìn thấy các em nhỏ phải ra vườn giúp người lớn tăng gia sản xuất và tự lực cánh sinh trong lúc ngặt nghèo, chúng tôi cảm thấy xót xa. Khi đưa lương thực như gạo, mì tôm, dầu ăn và cá khô là những nhu yếu phẩm cần thiết nhất để trao tặng cho các em, các em đã chạy đến để giúp khuân vác và chào thăm rất vui vì những ngày kế tiếp ít nhất là sẽ không bị đói. Rất cảm ơn những tấm lòng quãng đại của các mạnh thường quân ở Hòa Lan, Đức và một vài người bạn ở Sài Gòn đã góp tay vào việc giúp đỡ hoàn cảnh ngặt nghèo để chúng tôi có dịp đến với họ như lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ là hãy cho họ ăn.

Một anh em cùng Dòng đang làm việc tại một vùng truyền giáo ở giáo phận Vinh đã mời chúng tôi đến thăm nơi ngài đang làm việc từ ngày tôi mới trở về Việt Nam nhưng do bị cách ly, nên mãi đến giờ chúng tôi mới có thể thực hiện được. Dù khí hậu khắc nghiệt vì nắng nóng vào dịp này, chúng tôi vẫn đến để tận mắt chứng kiến những gì người anh em linh mục trẻ này đã và đang làm trong những năm qua và cũng để giúp ngài chia sẻ vài kinh nghiệm truyền giáo trong kỳ đại hội loan báo Tin Mừng cho giáo xứ và các giáo điểm mà ngài phụ trách. Từ miền xuôi lên miền ngược của những dản tộc thiểu số người Thái, HMông, Khơ Mú, Thổ... chúng tôi phải đi gần 3 giờ đồng hồ bằng xe hơi dù đường xá bây giờ trải nhựa rất tốt nhưng khá hẹp và quanh co nguy hiểm. Người dân thiểu số ở đây khá giống với người Kinh (Việt) và nói tiếng Việt rất rõ dù họ vẫn còn giữ những phong tục và văn hóa truyền thống của họ. Tiếp xúc với một số gia đình tân tòng người Thái và người Thổ xem ra họ rất thân thiện và bộc bạch hết tất cả những gì chúng tôi muốn tìm hiểu. Họ cũng tâm sự rằng dù họ nói được tiếng mẹ để của họ nhưng vẫn không biết viết mà chỉ có những thầy mo, thầy cúng có thể viết ngoằn nghèo khi cử hành lễ cúng. Họ có thể kết hôn với người Kinh (Việt) nhưng giữa các dân tộc thiểu số với nhau hiếm khi họ lấy nhau vì phong tục tập quán và ngôn ngữ. Họ vẫn còn ở nhà sàn và uống rượu cần như các dân tộc ở Tây Nguyên nhưng cách ăn mặt nhiều người đã Kinh hóa. Nhìn thấy công việc của người anh em trẻ nhưng đầy nhiệt huyết đang làm chúng tôi cảm thấy thán phục vì ngài đã hy sinh thời giờ, sức trẻ và những gì mà các mạnh thường quân đóng góp đều đầu tư vào cho việc xây dựng giáo điểm truyền giáo nhưng nhiều lúc còn bị hiểu lầm, thiếu cảm thông của những vị hữu trách. Về mặt chính quyền cũng không được thoải mái cho lắm vì họ sợ khi người Công Giáo nhiều và mạnh lên thì họ không thể kiểm soát được. Trái với những vùng truyền giáo ở Nam Mỹ nơi chúng tôi đã từng phục vụ, chính quyền không bao giờ can thiệp vào việc tôn giáo nhưng họ còn khuyến khích, động viên và giúp đỡ hết mình miễn sao các nhà truyền giáo nâng cao được nhận thức và giúp người dân sống đúng nhân phẩm của mình. Ở những vùng truyền giáo ấy chúng tôi ít nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân nên dù muốn làm nhiều điều cho họ vẫn không làm được vì lực bất tòng tâm.

Chúng tôi cũng chia sẻ về truyền giáo cho ngày đại hội loan báo Tin Mừng do người anh em tổ chức trong giáo xứ với thành phần tham dự cũng khá đông dù nhiều người phải đi từ hàng trăm cây số giữa tiết trời nắng nóng. Nhìn thấy những anh chị em háo hức, hăng say thảo luận và lắng nghe những chia sẻ thực tế qua hình ảnh, videoclip và đối đáp trực tiếp khiến chúng tôi rất vui dù khá mệt do những ngày trước đó phải đi thăm giáo điểm truyền giáo. Có vài tham dự viên tâm sự với chúng tôi rằng họ cảm thấy an ủi phần nào khi nghe những bài chia sẻ của chúng tôi vì họ những tưởng là họ bị bỏ quên vì nghĩ rằng nơi họ đang làm việc như là tận cùng của thế giới nhưng khi nghe những chia sẻ những vùng truyền giáo nơi chúng tôi từng sống thì họ nói là họ vẫn còn sướng hơn nhiều. Buổi chia sẻ được kết thúc bằng một bài hát tạ ơn vì chúng tôi có dịp gặp gỡ, chia sẻ với nhau những trăn trở và vui buồn của đời truyền giáo.

Chúng tôi cũng có dịp thăm và nói chuyện với hai vị giám mục của giáo phận, và vị chủ chăn của giáo phận rất đơn sơ, khiêm nhường luôn thao thức, trăn trở về truyền giáo. Ngài mong muốn một ngày nào đó chúng tôi có thể làm việc trong giáo phận của ngài ở những vùng giáp biên giới với các sắc dân thiểu số vì đó là sứ mạng của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời. Chúng tôi hứa với ngài một ngày nào đó sẽ quay lại để thực hiện sứ mạng này.

Chúng tôi cũng mới nhận được thư bổ nhiệm của bề trên và cuối tháng này sẽ bắt đầu làm việc trong một vai trò mới nơi chúng tôi đã từng được đào tạo từ những ngày mới tập tu và cũng chính nơi đó tôi được thụ phong linh mục trước khi được gởi đi truyền giáo. Người ta thường nói quê hương là điều gì đó rất linh thiêng dù mình đi đâu cũng luôn nhớ về. Có lẽ cơn đại dịch Coronavirus đã đưa đầy chúng tôi về với quê hương sau nhiều năm xa cách để chính Đất Mẹ sẽ tiếp tục giúp chúng tôi thành người và bản thân cũng muốn làm điều đó cho quê hương và Hội Dòng đã từng cưu mang mình. Thời trai trẻ sung sức nhất của đời linh mục đã qua đi nhanh chóng và thoáng nhìn lại với lớp đàn em thì mình cũng cảm thấy không còn nhiều nhuệ khí và sức lực để có thể làm những điều mà mình mong muốn được. Có chăng chỉ là những kinh nghiệm trong những năm truyền giáo xa quê hương và một số vốn luyến ngôn ngữ để có thể trao đổi và chuyển dịch một số văn bản và tài liệu nước ngoài cho anh em sử dụng. Những người bạn đời cùng lớp ngày xưa giờ tóc cũng đã điểm bạc và phụ trách những công việc chuyên môn ở một số tỉnh thành quan trọng trong nước cũng như làm công tác kinh doanh khá thành công đã có dịp họp mặt nhau dù chúng tôi không cùng tôn giáo nhưng luôn hướng thiện và phục vụ cộng đồng cách công tâm nhất. Ba Má chúng tôi không còn nữa nên chuyến về quê hương lần này cảm thấy trống vắng làm sao dù các chị lo lắng cho những bữa ăn, giấc ngủ. Tạ ơn Chúa đã ban cho con sống ý nghĩa trong những ngày về thăm quê hương giữa cơn đại dịch virus Vũ Hán và Ngài cũng đã sắp đặt cho con công việc tại quê nhà dù trong lòng con muốn phiêu lưu phục vụ xa quê hương. Xin cho con biết chọn Ngài chứ không phải chọn công việc của Ngài dù chọn Ngài, theo Ngài nhiều lúc làm cho con cảm thấy không được như ý nguyện con. Xin ban ơn cho con trong công việc và sứ vụ mới để con luôn chu toàn bổn phận và nên ích lợi cho anh em con.

Hôm nay lễ Chúa về trời sau khi Ngài sống lại và hiện ra với các môn đệ thân tín để củng cố niềm tin của các ông và sai các ông ra đi loan truyền Tin Mừng tình yêu của độ của Ngài cho khắp thế gian. Sau khi dâng thánh lễ sáng với anh em thiểu số người Bahnar do các linh mục Dòng Đaminh phụ trách tại một giáo xứ khá lâu đời ở Kontum, chúng tôi cũng đồng tế thánh lễ tạ ơn với cha nguyên tổng đại diện giáo phận Kontum tại Linh Địa Măng Đen để ngài tạ ơn Chúa và Mẹ đã gìn giữ ngài trong suốt nhiều năm qua với vai trò là bề trên giáo phận và sứ vụ linh mục của ngài ở vùng đất truyền giáo đầy khó khăn này. Ngài sẽ về nhà hưu dưỡng trong tuổi già và sẽ tiếp tục giúp đỡ người nghèo trong phạm vi sức khỏe cho phép. Chúng tôi được biết ngài nhiều năm và ngài cũng từng giảng lễ an táng của thân phụ chúng tôi năm vừa qua. Một linh mục đơn sơ, chân chất, dễ gần và có lòng từ tâm đối với người nghèo và người bất hạnh. Những hy sinh đóng góp của ngài trong cuộc đời linh mục tại giáo phận truyền giáo này đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp nên tôi cảm thấy rất phục và quí trọng ngài. Chúa về trời và bàn giao sứ vụ cho các môn đệ để các ông tiếp tục công việc còn dang dở. Cha nguyên tổng đại diện về hưu và chúng tôi cũng là những người kế nghiệp công việc của ngài. Xin Chúa và Mẹ Maria luôn phù trì nâng đỡ ngài trong lúc tuổi xế chiều và đồng hành với chúng con để chúng con luôn biết xây dựng Nước Trời ở trần gian bằng chính đời sống chứng nhân và sự hiện diện đúng lúc của chúng con với những người mà chúng con phục vụ. Amen.

Việt Nam, ngày 24 tháng 5 năm 2020

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
 
Thông Báo
VietCatholic phân ưu với Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải và Cha Giuse Nguyễn Văn Tuân
VietCatholic Network
16:18 24/05/2020
CÁO PHÓ

Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh,

VietCatholic trân trọng thông báo cùng quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em

ÔNG CỐ GIUSE NGUYỄN VĂN ĐÁT

Thân phụ hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế: Phêrô Nguyễn Văn Khải và Giuse Nguyễn Văn Tuân

Sinh ngày 09 tháng 05 năm 1948

Tại xứ Tam Châu, làng Phúc Nhạc, Huyện Yên Khánh, Tỉnh Ninh Bình, Việt Nam

Đã an nghỉ trong Chúa lúc 7:35, ngày 24.05.2020 tại tư gia

Hưởng thọ 72 tuổi.

VietCatholic thành kính phân ưu với hai cha và tang quyến.

Xin Chúa Kitô Phục sinh đón nhận linh hồn ông cố

vào hưởng ánh sáng ngàn thu

và lau khô nước mắt những người đang phải than khóc trước cảnh sinh ly tử biệt.


J.B. Đặng Minh An

Phó Giám Đốc VietCatholic
 
Văn Hóa
Tỉnh Lại Đi Các Ngài !
Sơn Ca Linh
08:44 24/05/2020
… Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, …. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? ...” (Cv 1, 9-11)

Đã hai ngàn năm mà chuyện vẫn còn như mới,
“Chuyện Thầy Trò” một thuở náo động Galilê.
Thầy chết, Thầy sống lại, Thầy “cất bước đi về”,
Trò tiễn đưa, trò ở lại, trò đăm đăm tiếc nuối.

“Câu chuyện Giêsu” tưởng đâu đã đi vào chương cuối,
Bước chân Ngài nhạt mờ dần theo những vầng mây.
Con đường Canvê, nỗi buồn thập giá vẫn đong đầy,
Mộng “Nước Chúa” e rằng sẽ tan thành mây khói.

Nhưng còn đó, vẫn âm vang những lời réo gọi:
“Tỉnh lại đi các ngài,
Sao cứ mãi nhìn trời, cứ mãi ươm mơ !”
Chọn theo Ngài đâu phải chỉ để mong chờ,
Chờ sung rụng, chờ lên trời, chờ trời yên biển lặng…”

Từ dạo đó,
“Nhóm Mười Một” hôm nào, “com tim rã rời, đôi vai vác nặng”,
Giờ đã vui trở lại, Ngày thứ Nhất, nhận “hơi thở Thần linh”.
Và hôm nay thêm mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh,
“Chứng nhân cho Thầy,
ở Salem, Giuđê, Samari và cho đến tận cùng thế giới” !

Và “câu chuyện Giêsu”
đã khai mở những con đường thênh thang mới,
Hội Thánh “xuất hành” dưới “cột lửa” của Thánh Linh.
Mặc nước sâu,
bão táp cuồng phong…, thuyền vẫn cứ đăng trình,
Chuyện “Chúa Thăng Thiên”,
Giờ trở thành “Chúa hiện diện cho đến ngày tận thế”.

Chuyện của “Nhóm Mười Một”,
Là chuyện đi xây thế giới của muôn ngàn thế hệ,
Ngọn đuốc Tin Mừng, thắp sáng, tay lại chuyền tay,
Ánh sáng Phúc m, sẻ chia, ngày lại qua ngày,
Để muôn nẻo trần gian cùng đồng quy tiến về thiên quốc.

Quyện chân Ngài “áng mây” ngàn năm trước,
Xin bay về “rợp bóng” trên muôn nẻo hôm nay.
Để cuộc “xuất hành” có dập vùi trăm vạn đắng cay,
Đoàn Dân Mới vẫn mĩm cười,
Cùng tấu khúc Al-lê-lu-ia cập bến bờ “Đất Hứa” !

Sơn Ca Linh (Thăng Thiên 2020)

 
Chúa Thăng Thiên
Đinh Văn Tiến Hùng
08:47 24/05/2020
“Ngài được cất lên ngay trước mặt các ông và có đám mây quyện lấy Ngài, khiến các ông không còn thấy Ngài nữa. Và lúc ấy các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Ngài đi, thì bỗng có người đàn ông mặc áo trắng đứng bên và nói : “Hỡi các ngưới Galilê sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu Đấng vừa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Ngài lên trời” (Cv.1 : 9- 11)

’Ngài lên tận ngai vàng vĩnh cửu,
Cõi thiên đình bên hữu Chúa Cha,
Uy phong ngự chốn thiên tòa,
Quyền năng Thánh Phụ trao qua tay Ngài.’ (*)

-Theo Thày lên núi Ô-liu,
Mây giăng đỉnh núi hắt hiu gợi buồn,
Môn đệ khắc khoải tâm hồn,
Nghe sầu ly biệt bồn chồn biết bao !
Thiên Tử Thần Thánh đón chào,
Kiệu mây nhè nhẹ nâng vào không trung,
Hào quang tỏa sáng uy hùng,
Mây bao quanh núi chập chùng trôi đi,
Lâng lâng khúc nhạc diệu kỳ,
Vang vang hiệu lệnh thiên đình mở ra,
Đất trời bừng tỉnh giao hòa,
Đón mừng Thánh Tử hoan ca khải hoàn,
Tinh cầu vạn vật rộn ràng,
Màn đêm tan biến, huy hoàng vầng đông,
Ánh hồng lan tỏa mông lung,
Bừng lên sức sống muôn lòng ngất ngây.

-Như Thày đã hứa rồi đây,
Thánh Thần sẽ đổ tràn đầy hồng ân,
Giáo Hội Thiên Chúa thế trần,
Niềm tin sức mạnh vững tâm tuyệt vời,
Môn đệ đi khắp nơi nơi,
Tin Mừng rao giảng lòng người say mê,
Thần Khí trùm phủ bốn bề,
Nhận biết chân lý tìm về đường ngay.
Tà quyền tội ác tràn đầy,
Vô thần ác quỉ đến ngày tận vong.
Từ đây muôn nước chờ mong,
Vinh quang Thiên quốc, hòa đồng thế gian.

-Thân hèn cuộc sống vội vàng,
Tiền tài danh vọng con hằng đêm mê,
Xin Chúa hãy đem con về,
Để chỉ khao khát nơi quê Nước Trời.
Bụi trần bao phủ khắp nơi,
Cho con hoán cải cuộc đời đẹp tươi.
Chúa Giê-su đã về trời,
Dọn cho ta chỗ trên nơi Vĩnh Hằng.

*‘Tiến dâng Vua Cả Nước Trời,
Cùng Đấng Thánh Phụ ngàn lời chúc vinh,
Thánh Thần đồng trị uy linh,
Muôn ngàn Thiên Sứ đồng thanh hát mừng’ (*)

*Lời nguyện :
Lạy Chúa Giê-su ! Chúa đã nói với các môn đệ : ‘ Thày đi để dọn chỗ cho các con, và khi Thày đã ra đi dọn chỗ cho các con rồi, Thày sẽ trở lại để đón các con đi với Thày, để Thày ở đâu các con ở đó.’ ( Ga.14 )
Lạy Chúa Giê-su ! Chúa về trời đã không bỏ chúng con, nhưng vẫn yêu thương và nuôi dưỡng chúng con trong bí tích Thánh Thể và dìu dắt chúng con qua Lời Chúa truyền dạy trong Tin Mừng. Chúng con mong chờ mai ngày Chúa đến sẽ đem chúng con về hưởng phúc trường sinh cùng Chúa.
Xin giúp chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lối sống vị tha luôn nghĩ đến tha nhân.
Xin cho chúng con biết chiếu ánh sáng tình yêu của Chúa ra trước mặt người đời để xứng đáng được lãnh nhận hồng ân Chúa trên Nước Hằng Sống trong ngày vĩnh biệt thế trần- Amen.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
(*) Trích Thánh Thi Phụng Vụ.
 
Tản mạn phút giao thừa của tuổi đời
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
18:46 24/05/2020

Mở Kinh Thánh để tìm Lời Chúa dạy, giúp bản thân suy niệm và cầu nguyện trong giờ khắc chấm dứt một phần lớn của quá khứ đời người để đi về phía trước, dù phía trước ấy không thể biết sẽ dài thêm bao nhiêu. Tạm gọi đó là giờ khắc giao thừa của tuổi đời. Lòng nghe Chúa nói:

- "Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Đức Chúa thổi qua" (Is 40, 6-7).
- "Thân phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét" (Dt 9, 27).
- "Anh em không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, anh em chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi" (Gc 4, 14).

Lời Chúa soi rọi giúp người trong cuộc tin rằng, dẫu kiếp người có mỏng manh, thì vận mạng của nó đời đời tồn tại nơi Thiên Chúa.

Rồi nhìn lại chính mình, nhìn lại những năm tháng vụt trôi qua đời mình, nhìn lại nửa thế kỷ vừa tàn nhẫn khép chặt lại và sẽ không bao giờ còn có thể bước vào một lần nào nữa...

Tuổi đời cứ thế mải miết trôi. Năm tháng cứ thế chất chồng hết lớp này đến lớp khác. Sức lực cứ thế xô nhau chạy trốn. Biểu hiện của một xác thân rệu rã cứ thế mà rõ nét dần lên...

Đời người như hành trình của người leo núi. Ta đã lên tới đỉnh ở tuổi đôi mươi. Bây giờ dần xuống bên kia sườn núi.

Nửa thế kỷ vừa vuột khỏi tầm tay đã khoét sâu vào, cướp mất phần lớn vòng đời. Người trong cuộc không còn trẻ nữa. Cảm nhận sự già nua đang tấn công mỗi khi trái gió trở trời, chân chồn gối mỏi, xương khớp nhức đau, thân xác nặng trĩu, bước chân chậm chạp, giọng nói khàng đục, tai ù và cổ họng rát buốt..., từ lâu không còn là chuyện hiếm hoi, khó thấy.

Quỹ thời gian cho hành trình dương thế của một đời làm người đã thật sự teo tóp...

Buổi giao thừa của thời gian tuổi tác, chợt nhìn lại mình trong không gian trầm lắng, tĩnh mịch, cảm nhận kiếp nhân sinh như cơn gió nhè nhẹ phe phẩy qua bờ vai, lại càng thấy đời mình sao bé con, sao ngắn ngủi.

Lòng đong không thể đầy một chút hương của cánh hoa mới hàm tiếu đầu ngày, giờ lại rơi bên song khẽ khàng đến mức chẳng thể làm giật mình một con giun đất đang trườn mình, đủ thấy trước, hình ảnh một ngày sẽ rời xa tất cả, một ngày mà mọi thứ vẫn cứ nguyên vẹn, chỉ có xác thân là tàn phai...

Khác gì cánh hoa vừa rơi lạc lỏng, đơn côi, bỏ lại sau lưng nó cả một rừng xanh thẳm. Y như cái ngày khép lại của một kiếp người, cánh hoa rơi chẳng đủ sức làm khuyết chút nào màu xanh vốn muôn đời vẫn xanh.

Có sao đâu. Hoa có rơi, cứ rơi. Kiếp người có khép, cứ khép. Dẫu trăm năm hay ngàn năm. Rừng vẫn xanh. Đời cứ tuôn cứ chảy.

Với tất cả nỗi bâng khuâng trong thời khắc giao thừa, người trong cuộc muốn chỉ ra từ sự vội vả của thời gian là sự bất tất, nhẹ trôi của kiếp người.

Đó là sự thật. Nhìn nhận sự thật về đời mình để tìm cho mình lẽ sống, niềm vui sống và hạnh phúc sống. Không nên chạy trốn hay né tránh sự thật về sự ngắn ngủi của đời người. Bởi chính sự chạy trốn và né tránh, cho thấy tất cả sự sợ hãi. Sợ đến nỗi không dám đối diện với nó, không dám nhắc đến nó...

Dù muốn hay không, bi lụy hay can đảm đối diện cùng sự thật về đời mình, ta vẫn chết, vẫn sẽ có ngày mọi cách hiện diện hữu hình của ta sẽ chấm dứt nơi trần thế...

Sự thật không bao giờ có thể chối bỏ ấy, đã từng được tiên tri Isaia thưa cùng Chúa: "Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ" (Is 38, 12).

Vậy lẽ sống, niềm vui sống và hạnh phúc sống mà ta cần tìm đến để có thể tự tưởng thưởng cho mình một lối sống tích cực, một sự sống dồi dào, một tình yêu sống mảnh liệt, một lý tưởng sống cao đẹp, đó là luôn tìm gắn bó với Chúa, dù có phải chết vẫn một lòng nghiêm minh tuân giữ luật Chúa, và luôn hòa nhã, đáng yêu, luôn tạo tình thân nghĩa thiết với anh em, rộng lượng, bao dung, bác ái với mọi người không trừ ai...

Can đảm nhìn nhận sự thật để có trách nhiệm với sự sống của chính mình hôm nay, để luôn hướng về sự sống đích thực mai sau, mà từng thời khắc trôi qua, đều không bỏ lỡ, nhưng luôn đào tạo mình thành người hữu dụng, biết vươn lên sự thánh thiện, biết tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi ngày kết thúc đời mình, biết tiến về chốn mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho mình.

Sống như thế là sống có ý nghĩa, là tạo ra ý nghĩa và chiều sâu cho đời mình. Hay nói cách đơn giản theo ngôn ngữ thời đại, đó là sống có "chất". Sống bằng một lối sống đáng sống...

Bâng khuâng trong thời khắc giao thừa của tuổi tác đời mình, giữa lúc mọi người đang hối hả, tất bật vì cuộc mưu sinh, nhất là phải chạy tốc lực tìm mọi phương thế bù lại nền kinh tế chung, hoặc kinh tế của từng gia đình đang bị tổn hao sau mùa cúm wuhan, ta lại nghĩ về đời mình. Tưởng mình không giống ai. Nhưng không, ta lại thấy mình làm đúng. Ta thấy những suy tư này có thể giúp ai đó cùng ta nhận diện lại cuộc đời, nếu họ có chút thành ý.

Ta ước mọi người sống chậm lại một chút, giản đơn đi một chút trong cái bề bộn mà họ bị cuốn vào. Ta ước mọi người biết đi tìm lẽ sống trước khi tìm sự bồi đắp cho sự sống thân xác. Ta ước mọi người biết tìm Thiên Chúa làm chủ và là gia nghiệp duy nhất của đời mình. Ta ước... Ước nhiều lắm...

Giờ phút giao thừa này rồi sẽ qua đi như mấy chục cái giao thừa tuổi tác trong suốt hành trình đời ta. Ta thấy cần phải đón nó. Ta không muốn bỏ lỡ, nhưng lợi dụng nó để biến thành thời khắc dừng chân ngắm chính mình...

Trời ơi!... Mới đó mà đã... Thèm lắm cái ngày xưa vô ưu, vô lo, vô suy nghĩ. Thèm lắm cái ngày xưa như mơ, như huyền thoại. Thèm lắm cái ngày xưa, thứ ngày xưa sao mà thắm đến vậy, thắm tận từng làn da thớ thịt...

Dù đang sống phút giao thừa của tuổi tác. Nhưng một chớp mắt nữa thôi, phút giao thừa này cũng sẽ trôi xa. Càng tiến đi với thời gian, sự sống trong ta càng ngắn dần. Rồi một ngày, ta sẽ dừng lại, dẫu thời gian mải miết trôi.

Ta đón nhận nó. Ta yêu từng giây phút của đời mình. Vì thế, ta quyết sống cho thật là sống, để nếu phải dừng lại, sẽ xứng đáng lãnh nhận cái giờ chết ấy, không còn gì hối tiếc, không còn gì vấn vương...

Thời khắc giao thừa của sự chuyển giao tuổi mới, nghĩ về cái chết, ta thấy thật cần thiết để thúc giục mình càng ngày càng sống cho thật là sống...

Xin mọi định luật cuộc đời, xin những thiện chí của những người tốt lành hãy cùng ta cầu nguyện bằng chính lời cầu nguyện của vua Đavid xưa: "Lạy Chúa, ngày đời của chúng con trên mặt đất như bóng câu cửa sổ, không để lại dấu vết" (Sb 29, 15).

Xin chúc cho mình mãi tươi. Xin chúc đời người mãi đẹp. Xin chúc mọi người niềm vui mãi đầy đặn.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đến Với Mẹ
Nguyễn Đức Cung
21:39 24/05/2020
ĐẾN VỚI MẸ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Cầu xin Đức Mẹ ban ơn
Cứu cho nhân loại thoát cơn dịch này.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Thêm một linh mục Việt nguy kịch vì virus Tầu. Công an TQ cản trở tín hữu viếng Đức Mẹ Xà Sơn 24/5
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:06 24/05/2020

1. Thêm một linh mục Việt Nam trong tình trạng nguy ngập vì virus Tầu độc địa

Tính đến Chúa Nhật 24 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 343, 500 người, trong số 5, 391,753 trường hợp nhiễm coronavirus.

Riêng tại Hoa Kỳ, tử vong đã lên đến 98, 658 người, trong số 1, 666,372 trường hợp nhiễm coronavirus. Chỉ trong 24 giờ trước đó, Hoa Kỳ gánh chịu thêm 1, 015 người chết và 21, 278 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại New York, New Jersey, Illinois, California, Massachusetts và Pennsylvania.

Trong thông báo hôm thứ Bẩy 23 tháng Năm, cha Antôn Phạm Hữu Tâm, Tổng thư ký Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết:

Cha Vincent Bùi Đoàn là thành viên Tu Hội Xuân Bích Hoa Kỳ, hiện đang phục vụ trong ban giám đốc đại chủng viện Mẹ Lên Trời ở San Antonio, đã bị nhiễm Covid-19 và được điều trị trong nhà thương suốt tuần qua. Vì gặp khó khăn trong việc hô hấp, nhà thương cho cha dùng máy trợ thở trong vài ngày đầu, nhưng không thấy có dấu hiệu tiến triển, họ đã quay sang dùng ECMO trị liệu. Đó là một dạng trợ thở cao cấp dành cho những người trong tình trạng nguy ngập. Hiện tình trạng cha Đoàn ổn định, nhưng chưa có tiến triển khả quan.

Xin anh em linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân tiếp tục cầu nguyện cho cha Đoàn được nhanh chóng phục hồi sức khoẻ. Xin Thiên Chúa ban nhiều ơn lành, và bảo vệ anh em chúng ta.

2. Trung Quốc cấm các tín hữu hành hương Đức Mẹ Xà Sơn

Hôm nay là ngày 24 tháng Năm. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thiết định là ngày thế giới cầu nguyện cho những người Công Giáo bị bách hại tại Hoa Lục. Chúng ta hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện của chúng ta.

Ngày 24 tháng 5 hàng năm cũng là ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, được các tín hữu Công Giáo Trung Quốc mừng rất trọng thể. Đặc biệt, họ thường tổ chức các cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn cách Thượng Hải 38km về phía Tây.

Liên tục trong cả tháng qua, trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, bọn cầm quyền Bắc Kinh lặp đi lặp lại các chỉ thị cấm các cuộc tụ họp tôn giáo nhằm ngăn cản các tín hữu hành hương về Xà Sơn.

Dưới áp lực của cộng sản, ngay từ ngày 20 tháng Tư, giáo phận Thượng Hải đã phải ra một loạt các thông báo cấm tất cả các cuộc hành hương dưới mọi hình thức, kể cả từng cá nhân cũng không được phép.

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đây rõ ràng là một hành vi lợi dụng tình trạng dịch bệnh để tăng cường bách hại tôn giáo. Cần lưu ý rằng hai tuần sau Tết Canh Tí đến nay, thành phố Thượng Hải đã hoạt động trở lại, và các công nhân viên chức phải đi làm như bình thường.

Ngoài cuộc hành hương đền thờ Đức Mẹ Xà Sơn, giáo phận Thượng Hải cũng tuyên bố hủy bỏ tất cả các cuộc hành hương được dự kiến vào tháng Năm.

Thị trấn Xà Sơn gồm hai quả đồi ở quận Song Giang phía tây Thượng Hải. Hai ngọn đồi, cao khoảng 100m, được gọi là Đông và Tây Xà Sơn, mặc dù ngọn đồi phía tây quan trọng hơn cũng được gọi là Xà Sơn.

Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, được các nhà truyền giáo Âu châu xây dựng từ năm 1925 đến 1935. Ban đầu mọi nghi thức Phụng Vụ trong nhà thờ được cử hành bằng tiếng Latinh. Từ khi Hoa Lục rơi vào tay cộng sản, các nghi thức Phụng Vụ được cử hành bằng tiếng Hoa.

Con đường lên đỉnh đồi, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, gọi là Via Dolorosa, tức là con đường thương khó.

Ngọn đồi cũng có một đài quan sát thiên văn được thành lập bởi các cha dòng Tên.

Theo tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai, cộng sản rất chướng mắt với ngôi đền Đức Mẹ quá hùng vĩ này nên đã nhiều lần âm mưu đặt bom giật sập ngôi đền. Nỗ lực cuối cùng diễn ra vào tháng Giêng 1967, dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, và do Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, bom không nổ. Tại sao các quả bom này không nổ thì đến nay không thể biết chính xác được. Có lẽ phải đợi hết thời cộng sản ác ôn này người ta mới có thể biết tại sao. Nhưng có điều này thì chúng ta biết chắc chắn: Sau cái chết của Mao vào tháng 9, năm 1976, chỉ một tháng sau đó, Giang Thanh bị bắt và bị kết án chung thân khổ sai. Tháng 5 năm 1991 khi được tạm tha, việc đầu tiên Giang Thanh làm là thắt cổ tự tử chết.

Sau nỗ lực đặt bom bất thành của Giang Thanh, Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn được để yên và hàng năm có các cuộc hành hương kính Đức Mẹ vào ngày 24 tháng Năm.

Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, văn phòng Tôn giáo Thượng Hải và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc đã cố gắng làm cho người Công Giáo Trung Quốc khó đến thăm Xà Sơn hơn. Các cuộc hành hương trở nên thất thường, có năm có, có năm không.

Trong Lá thư gửi người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã chọn ngày 24 tháng Năm là Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc để cầu xin Đức Mẹ Xà Sơn tăng cường sức mạnh cho các tín hữu trước những bách hại liên tục của cộng sản.

Kể từ ngày 23 tháng Giêng, khi Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tất cả các nhà thờ đã bị đóng cửa. Các nhà thờ đến nay vẫn bị đóng cửa.


3. Cảnh giác chung quanh chuyện WeChat phát trực tiếp Thánh lễ hàng ngày của Đức Thánh Cha

Vatican tiết lộ trong tuần này rằng người Công Giáo ở Trung Quốc đã có thể sử dụng mạng xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc, là WeChat, để theo dõi trực tiếp Thánh lễ hàng ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô trong đại dịch coronavirus.

Một chuyên gia trên phương tiện truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo rằng chế độ Trung Quốc có thể có một cái gì đó muốn đạt được trong việc cho người Công Giáo Trung Quốc quyền truy cập hạn chế này vào các thánh lễ của Đức Giáo Hoàng.

WeChat được biết đến là một mạng xã hội với hơn 1 tỷ người dùng. Bọn cầm quyền Trung Quốc có thể theo dõi tất cả các cuộc thảo luận, nội dung và dữ liệu người dùng trên ứng dụng này.

Vatican News đã phát hành một video vào ngày 20 tháng Năm cho thấy người Công Giáo ở Trung Quốc tập trung xung quanh điện thoại thông minh và màn hình máy tính đặt trên bàn thờ gia đình hoặc bên trong nhà thờ để cầu nguyện với các nghi thức được phát trực tiếp từ nhà nguyện Santa Marta.

Vào thời điểm video này được công bố, thời hạn 52 ngày giới hạn trong đó việc phát trực tiếp cho người Trung Quốc xem, từ 27 tháng Ba đến 18 tháng Năm, đã kết thúc.

Vatican News báo cáo rằng số lượng người xem Thánh lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Trung Quốc tăng lên hàng ngày, đạt đến mức cao nhất là 10, 000 người xem trên WeChat trước khi Vatican ngừng phát trực tiếp Thánh lễ.

Sarah Cook, một nhà phân tích nghiên cứu cao cấp, người theo dõi việc kiểm duyệt truyền thông và tự do tôn giáo ở Trung Quốc cho Freedom House, giải thích với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng việc phát trực tiếp Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng tại Trung Quốc có thể là kết quả của cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Tòa thánh và chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một hành động tự phát của một cá nhân hay một nhóm người Công Giáo.

“Mười ngàn vẫn còn khá thấp so với tiêu chuẩn của Trung Quốc, ” bà nói thêm.

Theo thống kê chính thức, Trung Quốc có hơn 10 triệu người Công Giáo, với sáu triệu người là thành viên của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

“Đây chỉ là một cái gì đó tạm thời, ” Cook nói.

“Cảm giác của tôi là nếu chương trình phát sóng này được tiếp tục và bắt đầu đạt được một số khán giả lớn hơn, chẳng hạn như hàng trăm ngàn hay một triệu người, thì nó sẽ bị đình chỉ tại một thời điểm nào đó.”

“Đàn áp các nhóm tôn giáo khác và thậm chí ngăn cấm việc chia sẻ thông tin hoặc các bài giảng trực tuyến đã tiếp tục trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt đối với người Tin Lành và các nhóm bị bách hại tôn giáo ở Trung Quốc, chẳng hạn như Pháp Luân Công.”

Trong đại dịch coronavirus, nhóm nhân quyền “Voice of the Martyrs”, nghĩa là “Tiếng nói của các vị Tử Đạo” báo cáo rằng các quan chức chính phủ ở tỉnh Sơn Đông đã cấm rao giảng trực tuyến giữa lúc dịch bệnh bùng phát, và ChinaAid đã chia sẻ một video ngày 15 tháng 3 trong đó một nhà thờ Tin lành ở tỉnh Giang Tô đã bị bọn cầm quyền phá hủy.

Trong khi một số người Công Giáo ở Trung Quốc rất buồn khi mất quyền truy cập vào Thánh lễ livestream, thì vấn đề lớn hơn đối với hầu hết người Công Giáo Trung Quốc là các nhà thờ, các cuộc hội thảo và tất cả các hoạt động hành hương ở Trung Quốc vẫn bị đình chỉ.

Trung Quốc đóng cửa các nhà thờ bắt đầu vào tháng Giêng, khi dịch coronavirus lan rộng khắp cả nước. Nhưng sau khi việc kiểm dịch toàn quốc được nới lỏng vào tháng Ba và lệnh cô lập Vũ Hán đã bị dỡ bỏ vào ngày 8 tháng 4, Asia News đưa tin rằng các nhà thờ Công Giáo vẫn bị Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc ra lệnh đóng cửa ít nhất là đến hết tháng 5.


Source:Catholic News Agency

4. Các nhà lãnh đạo Công Giáo tại Ukraine lên án việc đẻ thuê

Khi chính phủ Ukraine ra lệnh đóng cửa biên giới vào tháng Ba để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 coronavirus, hơn 100 em bé đã bị mắc kẹt.

Họ là con của những người mẹ cho mướn bụng mang thai. Những phụ nữ đẻ thuê này được những người giàu có từ nước ngoài trả gần 17, 000 đô la để thuê tử cung mang thai con cho họ.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, của Kiev /ki-ép/ là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi thức Đông phương, và Đức Tổng Giám Mục Mieczyslaw Mokrzycki của tổng giáo phận Lviv /lờ-vi/, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Latinh, cho biết đại dịch coronavirus đã “đưa ra ánh sáng nhiều dịch bệnh khác trong đời sống của xã hội đương đại.”

Đứng đầu danh sách các dịch bệnh này là việc đẻ thuê. Trong một lá thư chung được công bố hôm thứ Sáu, các ngài lên án việc này là “đối xử với con người như hàng hóa có thể được đặt hàng, sản xuất, và bán ra.”

Đẻ thuê là hợp pháp ở Ukraine, và các giám mục muốn “hiện tượng đáng xấu hổ” này bị cấm và bị lên án bởi chính quyền dân sự.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Công Giáo được đưa ra sau khi BioTexCom, một trong những cơ quan môi giới đẻ thuê tại Ukraine, công bố một video trên YouTube vào ngày 30 tháng Tư cho thấy 46 trẻ sơ sinh được chăm sóc trong một khách sạn ở Kiev /ki-ép/. Đó là video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Đoạn video này nhằm trấn an những người đã ký hợp đồng đẻ thuê rằng con của họ đang được an toàn, miễn là họ gởi thêm chút tiền nuôi dưỡng trong thời gian cách ly, khiến họ không thể vào Ukraine đón con được. Còn nếu họ không gởi tiền thì con của họ có thể không còn sống trên cõi đời này, và số tiền đặt cọc trước đó tan thành mây khói.

Theo báo cáo của Reuters từ Ukraine, khách sạn Venice nơi các em bé được chăm sóc được bao quanh bởi một hàng rào cao với dây thép gai. Khách sạn này thuộc về BioTexCom và cha mẹ thường ở đó trong khi đón em bé. Công ty trả khoảng 15.000 - 17.000 đô la cho các bà mẹ đẻ thuê.

Cha mẹ các em bé này đến từ khắp nơi trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Thụy Điển và Ái Nhĩ Lan để nhờ một phụ nữ Ukraine đẻ thuê cho họ.

Lyudmyla Denisova, thanh tra nhân quyền của quốc hội Ukraine, nhận xét rằng đoạn video cho thấy nước này có một ngành công nghiệp đẻ thuê “đồ sộ và mang tính hệ thống”.

Trong bức thư, hai vị Tổng Giám Mục cho rằng “những trẻ sơ sinh đang ở trong vườn ươm hiện đại, bị tước mất sự liên lạc với người mẹ, sự ấm áp của tình phụ tử, sự chăm sóc vị tha, và tình yêu gia đình.”

“Họ được quảng cáo như các sản phẩm được đặt hàng mà người mua không xuất hiện. Đó là một sự khinh miệt đối với phẩm giá con người.”

“Cái gọi là đẻ thuê này, không chỉ là một hiện tượng khủng khiếp, mà, ở cốt lõi của nó, là một tội ác đạo đức và mang lại vô số đau khổ và khó khăn cho tất cả những người tham gia vào thỏa thuận này, bao gồm cả đứa trẻ, người đẻ thuê, các thành viên trong gia đình của người ấy, và cuối cùng, những người đã đặt hàng cho việc ‘sản xuất’ trẻ em.”

Trong bức thư, các Giám mục cũng lên án cái gọi là “đẻ thuê vị tha”, trong đó một người phụ nữ mang thai giùm một cặp vợ chồng khác mà không tính tiền. Các ngài nói như thế cũng không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, “cho dù ý định của người mẹ đẻ thuê là tốt, phương tiện và mục tiêu của hành động này tự nó là vô luân.”

Nhưng đẻ thuê thương mại, “từ quan điểm luân lý còn đáng bị lên án hơn nữa vì nó thêm vào tội ác luân lý là mua và bán các chức năng của cơ thể và của chính nhân vị đứa trẻ sơ sinh. Không có trường hợp nào, không có hệ quả nào có thể biện minh cho việc đẻ thuê.”

“Mỗi đứa trẻ là một món quà của Thiên Chúa cần được biết ơn và chấp nhận trong cuộc sống hôn nhân của một người nam và một người nữ. Mọi trẻ em đều có quyền được hình thành một cách tự nhiên, và mọi trẻ em đều có quyền được sinh ra trong một gia đình và được nuôi dưỡng trong một bầu không khí của tình yêu bởi cha mẹ nó.”


Source:Crux

5. Hồi chuông báo tử của Hương Cảng: Các cơ quan tình báo Trung Quốc đại lục thiết lập các căn cứ ở Hương Cảng

Các nhà lãnh đạo Công Giáo tại Hương Cảng đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc thiết lập các căn cứ tình báo ở Hương Cảng – nhằm thực thi một thứ gọi là “pháp luật trực tiếp”.

Bình luận về diễn biến này Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi là một “hồi chuông báo tử” cho quyền tự trị của thành phố.

Hôm thứ Sáu 22 tháng Năm, bọn cầm quyền Bắc Kinh đã tiết lộ thêm chi tiết về luật an ninh quốc gia đối với thành phố bán tự trị.

Lãnh đạo của Hương Cảng, là bà Carrie Lam, cho biết chính phủ của bà sẽ “hợp tác đầy đủ” với quốc hội Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia.

Bà cho biết kế hoạch thiết lập các căn cứ tình báo của Trung Quốc đại lục sẽ không ảnh hưởng đến các quyền tự do hoặc tình trạng độc lập tư pháp trong thành phố.

Nhưng các nhà hoạt động dân chủ và các chính trị gia ở thuộc địa cũ của Anh không đồng ý như thế.

Trong nhiều năm qua các nhà tranh đấu đã phản đối việc xây dựng các căn cứ như vậy, lập luận nó có thể làm xói mòn quyền tự chủ của Hương Cảng, được bảo đảm qua thỏa thuận “một nước, hai chế độ” khi Hương Cảng được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Dennis Kwok nói:

“Phải chăng họ đang nói rằng có một ủy ban hoặc một tổ chức tại Hương Cảng vượt lên trên pháp luật của Hương Cảng? Nếu thế thì đây là sự kết thúc của Hương Cảng.”

Nhà hoạt động Joshua Wong, một trong những người lãnh đạo các cuộc biểu tình đường phố dân chủ năm 2014 cho biết Bắc Kinh đang làm xói mòn các giá trị phổ quát và các nguyên tắc nhân quyền với luật an ninh mới này.

Những lời kêu gọi đã nổi lên yêu cầu cư dân Hương Cảng có hành động trên khắp lãnh thổ. Trong khi đó các nhà hoạt động dân chủ có kế hoạch công bố những “hành động đường phố” nhằm chống lại mưu toan này.

Đề xuất của Bắc Kinh được các nhà phê bình coi là một bước ngoặt đối với thành phố tự do nhất này của Trung Quốc. Đề xuất này đã gây ra các phản ứng tai hại trong giới kinh doanh và ngoại giao vì sợ rằng luật an ninh có thể có khả năng gây tổn hại cho vị thế của thành phố như một trung tâm tài chính.

Chỉ số Hang Seng của Hương Cảng vào lúc đóng cửa giảm 5.6%, là tỷ lệ phần trăm giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 7 năm 2015.

Các đề xuất cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đứng bên cạnh người dân Hương Cảng và cảnh báo rằng những thay đổi này có thể có tác động đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với lãnh thổ này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington sẽ phản ứng “rất mạnh” nếu Bắc Kinh tiến hành kế hoạch này.

Bắc Kinh đã nói trước đó rằng không một quốc gia ngoại bang nào có quyền can thiệp vào các vấn đề của Hương Cảng, và rằng pháp luật là vì lợi ích của Hương Cảng vì nó sẽ tăng cường công thức “một quốc gia, hai hệ thống”.


Source:Reuters

6. Niềm khao khát hành hương Lộ Đức của nhiều người Công Giáo Anh

Hàng năm kể từ năm 1953, người Công Giáo từ Giáo phận Middlesbrough - nằm ở phía bắc nước Anh – đều tổ chức một chuyến hành hương đến Lộ Đức.

Năm nay, đền thánh Đức Mẹ của Pháp đã bị đóng cửa và nước Anh đang bị cách ly - cả hai đều do đại dịch coronavirus COVID-19.

Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được những người hành hương quyết định đi bộ trong tinh thần đến Lộ Đức, và sau đó tham dự các thánh lễ livestream từ các nhà thờ khác nhau trong giáo phận.

Chuyến hành hương kéo dài một tuần đã được lên kế hoạch vào ngày 23 tháng Năm tại nhà thờ chính tòa Middlesbrough, và sẽ bao gồm các Thánh lễ từ các thành phố Hull, Redcar, Whitby và York. Ngoài ra, sẽ có hai Thánh lễ chung với Tổng giáo phận Birmingham, là những người thường đi Lộ Đức chung với giáo phận Middlesbrough.

Sau Thánh lễ trực tuyến từ nhà thờ chính tòa Middlesbrough, những người hành hương đi bộ trong sân nhà mình hay trên các con đường ở miền Bắc nước Anh, mỗi ngày một vài cây số tùy theo sức khoẻ.

Gần 800 người Anh đã ghi danh nhóm Facebook hành hương Lộ Đức của giáo phận, chia sẻ các suy tư hàng ngày, những lời cầu nguyện và lời chứng của họ về những ơn lành mà Lộ Đức đã tác động đến cuộc sống của họ.

“Đó là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời, một dấu hiệu thực sự của Lộ Đức được sống ngay tại đây trong nhà của chúng tôi, ” một người viết trên Facebook.

Đức Cha Terry Drainey của giáo phận Middlesbrough nói với tờ Crux rằng những người tham gia cuộc hành hương ảo này đã cho thấy niềm say mê của họ đối với Lộ Đức.

Cuộc hành hương hàng năm đến Lộ Đức thường thu hút 800 đến 1000 người từ giáo phận Middlesbrough, bao gồm nhiều người bệnh và người già dễ bị tổn thương nhất với COVID-19.

Trong các năm qua, những người hành hương từ Middlesbrough cũng bao gồm nhân viên y tế và người chăm sóc, là những người từ bỏ thời gian nghỉ phép để giúp đỡ những bệnh nhân là trọng tâm của cuộc hành hương.


Source:Crux
 
Tông huấn Laudato si và cuộc sống sau cơn đại dịch
Giáo Hội Năm Châu
16:02 24/05/2020