Ngày 22-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tình yêu hiệp nhất
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:12 22/05/2018
Chúa Nhật LỄ BA NGÔI
Mt 28, 16 – 20

Mầu nhiệm Một Chúa ba Ngôi là một mầu nhiệm cao sâu, khôn ví tuyệt vời, trí khôn của con người chúng ta khó mà hiểu thấu được.Hôm nay, Giáo Hội hân hoan mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Nhờ thường xuyên cầu nguyện, chúng ta mới cảm nhận sâu xa mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đang hoạt động tích cực trong đời sống thường nhật của chúng ta.

Nếu dùng lý trí, cách suy luận của con người, chúng ta không thể nào hiểu được mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Thánh Augustinô, một vị thánh thông minh, giỏi giang nhưng đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài cũng chỉ làm một công việc dùng vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ cát…Vâng, suy luận, phân tích dùng những ví dụ hay suy tư về Chúa Ba Ngôi của con người, tất cả đều vụng về, thiếu sót khi nói về Thiên Chúa Ba Ngôi.Chỉ có Đấng ngự trong cung lòng Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã mạc khải, tỏ lộ cho chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi tuy khác nhau nhưng cùng một Thiên Chúa. Ba Ngôi Vị nhưng không phải là ba Thiên Chúa, nhưng Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất. Đọc Kinh Thánh, chúng ta nhận ra thánh Matthêu đã cho chúng ta hiểu về Chúa Ba Ngôi rõ ràng nhất trong câu Mt 28, 19 :” Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “. Hình ảnh nổi bật nhất trong Kinh Thánh Tân Ước về Chúa Ba Ngôi là hình ảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả trong dòng sông Jorđăng : Hình ảnh một Chúa Ba Ngôi được mạc khải trọn vẹn khi Chúa bước lên khỏi nước, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, Chúa Giêsu, Ngôi hai Thiên Chúa, trên trời có tiếng Chúa Cha tuyên phán :” Con là Con Ta yêu dấu “ ( Mc 1, 11 ). Kinh Thánh đã cho chúng ta nhận biết chính Chúa Giêsu đạ mạc khải Chúa Ba Ngôi cho nhân loại, cho chúng ta. Thánh Luca cho chúng ta hay “ Lịch sử cứu rỗi mang chiều kích Ba Ngôi “. Thời Cựu Ước là thời Thiên Chúa Cha sáng tạo, tạo dựng thế giới, vũ trụ, dựng nên con người.Thời Tân Ước là thời Chúa Con cứu chuộc nhân loại, cứu độ con người, thời hậu Phúc Âm mà sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật là thời của Chúa Thánh Thần.Thiên Chúa có ba Ngôi nhưng mỗi ngôi vị đều sống cho hai Ngôi Vị kia.Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu mở ra, quảng đại, chia sẻ, mời gọi và trao ban.Tình yêu tự hiến luôn mở rộng, trao ban vô vị lợi và chia sẻ.Bởi vì, Ngôi thứ nhất là Cha đã sinh ra Ngôi Hai là Con từ thuở đời đời , và do tình yêu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con đã đã phát sinh ra Ngôi Ba là Thánh Thần ( Sách Giáo lý Tân Định ). Thánh Phaolô cũng bàn đến Chúa Ba Ngôi trong các thư của Ngài, đặc biệt đoạn nổi tiếng này :” Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em “ ( 2 Co 13, 13 ).

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta cảm tạ tri ân Thiên Chúa vì Ba Ngôi Thiên Chúa có liên hệ rất mật thiết đối với chúng ta. Ngôi Cha là Đấng đã tạo dựng nên ta, Ngôi Con đã cứu chuộc ta. Chúa Thánh Thần là lửa yêu mến nên đã được gán cho việc thánh hóa ta bằng cách ban ân sủng cho ta.

Mỗi lần chúng ta đọc kinh tin kính là chúng ta tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi. Mỗi lần đọc kinh sáng danh là chúng ta chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi lần làm dấu thánh giá là mỗi lần chúng ta chứng tỏ chúng ta là người Công Giáo, là Kitô hữu là ngưởi thuộc về Chúa. Chúng ta phải tin kính, cậy trông, kính mến, cầu xin, tạ ơn Chúa Ba Ngôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin sai Thánh Thần Chúa đến để hướng dẫn, soi sáng và để chúng con luôn gắn kết mật thiết với mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Ông bà anh chị em hiểu thế nào về Chúa Ba Ngôi ?
2.Thời Cựu Ước mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi đã sáng tỏ chưa ?
3.Ai đã vén mở cho chúng ta biết về Chúa Ba Ngôi ?
4.Câu Kinh Thánh nào giúp chúng ta hiểu được về Chúa Ba Ngôi ?
5.Thánh Phaolô có nói về Chúa Ba Ngôi không ?
 
Dấu Thánh Giá
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
23:40 22/05/2018
LỄ CHÚA BA NGÔI

Theo truyền thống của Hội Thánh, khi bắt đầu bất cứ công việc gì, người tín hữu làm “Dấu Thánh Giá” để tuyên xưng danh Chúa Ba Ngôi; và khi kết thúc công việc, họ đọc kinh “Sáng Danh” để tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi.

Giáo lý Hội thánh Công Giáo giải thích: “Kitô hữu bắt đầu một ngày của mình, các kinh nguyện và hoạt động của mình bằng dấu thánh giá ‘nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen’. Người đã chịu Phép Rửa dâng trọn vẹn ngày mình sống để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu Đấng Cứu Độ ban ân sủng giúp họ hành động trong Thần Khí như một người con của Chúa Cha. Dấu thánh giá làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trong các cơn cám dỗ và trong những khó khăn” (GLCG số 2157, 2166).

“Tôi còn nhớ một trong những câu hỏi trong sách giáo lý cho trẻ em ngày xưa: ‘Dấu chỉ của Kitô hữu là gì? Thưa, là dấu thánh giá’. Tất cả các thể chế, các thương hiệu ngày nay đều có một dấu hiệu riêng biệt, một logo nói lên nét đặc biệt của cơ quan, công ty mình. Tôi nghĩ đến các Kitô hữu đầu tiên, họ đáng được nhận giải thưởng quảng bá giỏi nhất, họ đã tạo ra một logo biểu tượng cho hình ảnh của Giáo hội. Người ta khó có thể tìm một hình ảnh nào đơn giản hơn, trọn vẹn hơn, qua chiều sâu, chiều rộng, tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị của Giáo hội, cây thánh giá hội đủ các yếu tố trên” (x. phanxico.vn, 12.12.2016).

Làm Dấu Thánh Giá là tuyên xưng Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước. (Thư Chung HĐGMVN 2011, số 19).

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo.

Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán : 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được.

Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi.

Ngài cho biết : Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa.

Ngài cũng cho biết : Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.

2. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu.

Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.

Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.

Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi : yêu thương và hiệp nhất.

3. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo.

Mầu nhiệm Ba Ngôi thật cao cả và cũng thật gần gũi. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Tình yêu gắn liền với đời sống con người.
Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương.

-Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ cHồng Yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.

-Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ cHồng Yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.

-Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.

-Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ cHồng Yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta biết sống hiệp nhất yêu thương, hiệp nhất nên một giữa vợ chồng, hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình: "Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa" (Thư chung HĐGMVN 2002, số 6), hiệp nhất giữa các thành viên trong cộng đoàn, hiệp nhất giữa mọi thành phần trong Giáo Hội.

Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.
Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.

Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.

Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.

Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin Công Giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh.

Dấu Thánh Gía là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.

Lạy Chúa, khi làm dấu Thánh Giá, xin cho con biết “khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu, Chúa mãi ở trong con, con ở trong Chúa”. Amen.







 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nạn nhân lạm dụng người Chilê kể rằng : ĐGH bảo tôi hãy hạnh phúc là người đồng tính vì Thiên Chúa đã tạo nên tôi như thế.
Giuse Thẩm Nguyễn
00:48 22/05/2018
(EWTN News/CNA) Một nạn nhân người Chilê của cuộc khủng hoảng tình dục giáo sĩ đã được gặp riêng ĐGH và đã kể cho báo giới Tây Ban Nha rằng ĐGH đã bảo với anh ta hãy chấp nhận mình và tính đồng giới của mình, bởi vì Thiên Chúa đã tạo nên anh ta như thế.

Juan Carlos Cruz, một nạn nhân của người lạm dụng tình dục là linh mục Fernando Karadima, đã được gặp riêng ĐGH vào tháng Tư sau khi được mời tới Vatican cùng với những nạn nhân khác.

Trong phần bình luận với báo chí vào ngày 2 tháng Năm, Cruz đã nói rằng ĐGH đã “chân thành, tha thiết và thực sự xin lỗi về trường hợp này (về lạm dụng tình dục).

Cruz nói rằng “Đối với tôi, ĐGH rất đau buồn, ngài thực sự xin lỗi. Tôi cũng cảm thấy rằng ngài đã bị tổn thương và tôi cảm thấy việc ấy rất nghiêm túc, bởi vì rất hiếm khi ĐGH xin lỗi bạn…Ngài nói rằng “ Tôi cũng có phần trong việc này, tôi đã gây ra và tôi xin lỗi.”

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó với tờ báo Tây Ban Nha El Pais, Cruz đã được hỏi xem anh ta và ĐGH Phanxicô có nói về đồng tính trong cuộc gặp gỡ của họ không vì Cruz tự nhận mình là người đồng tính.

Cruz đã quả quyết rằng họ đã nói về đồng tính và rằng anh giải thích cho ĐGH rằng anh ta không phải là người xấu và cố gắng không làm hại bất cứ ai.

Cruz nhớ lại rằng “Ngài bảo tôi, này anh Juan Carlos, việc anh là đồng tính không thành vấn đề. Thiên Chúa tạo nên anh như thế và Chúa yêu anh như thế và tôi không bận tâm. Giáo Hoàng yêu anh vì anh là anh, anh phải hạnh phúc với việc anh là ai.”

Lời bình luận gây nên sự tranh cãi bởi vì nó khơi lên một cuộc tranh luận thần học về những nguyên nhân của đồng tính.

Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng người có khuynh hướng đồng tính “phải được đón nhận với sự tôn trọng, cảm thông và ý nhị. Mọi biểu hiện về sự phân biệt đối xử bất công trong lãnh vực của họ cần nên tránh. Những người này được kêu gọi để thực thi đầy đủ ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ và nếu họ là Kitô hữu, hãy kết hợp với hy sinh Thánh giá của Chúa những khó khăn mà họ gặp phải trong hoàn cảnh của họ.

Giáo lý còn dạy rằng “ Những khuynh hướng đồng tính “đã có từ lâu” là “rối loạn khách quan” và những hành vi đồng tính là những hành vi suy đồi nghiêm trọng. Truyền thống luôn tuyên bố rằng “những hành vi đồng tính là thác loạn từ bản chất của chúng. Chúng trái với luật tự nhiên. Chúng đóng cửa hành vi tính dục ban tặng sự sống. Chúng không xuất phát từ một sự bổ khuyết cho sinh hoạt tình cảm và tính dục thực sự. Trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng không được chấp nhận.”

Tòa thánh vẫn chưa xác nhận hay làm rõ những công bố mà Cruz đã nói là ĐGH đã đề cập đến vấn đề đồng tính.


Source: EWTN News Chilean abuse victim: Pope told me to be happy being gay, God made me this way.
 
Quýt làm cam chịu : Đức TGM Philip Wilson của Úc Đại Lợi bì hai năm tù vì LM dưới quyền xâm phạm tình dục trẻ em.
Nguyễn Long Thao
11:18 22/05/2018
Các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới như CNN, BBC, Newsweek trong ngày 21 tháng Năm 2018, đều đăng tin Đức TGM Philip Wilson 67 tuổi cai quản Tổng Giáo Phận Adelaide, Úc Châu bị tòa tuyên án 2 năm tù ở vì đã bao che không tố cáo tội xâm phạm tình dục của một linh mục dưới quyền đối với một em giúp lễ.

Linh mục James Fletcher, vào những năm của thập niên 70, làm phó xứ của một giáo xứ tiểu bang New South Wales đã xâm phạm tình dục với một em giúp lễ. Cha đã chết trong tù năm 2006, một năm sau khi tòa tuyên án 10 năm tù vì 8 tội xâm phạm tình dục trẻ em.

Chánh án Robert Stone phán quyết Đức TGM Wilson có tội.

Theo đài phát thanh ABC (Australian Broadcasting Corporation) của Úc Châu, nhóm luật sư bào chữa cho Đức TGM đã lập luận rằng, vào thập niên 1970, tội xâm phạm tình dục với trẻ em không phải là một trọng tội nên Đức TGM đã không báo cáo với nhà chức trách.

Đức TGM đã tuyên bố Ngài rất thất vọng với phán quyết của tòa án.

Được biết Đức TGM Philip Wilson là giới chức Công Giáo cao cấp nhất bị kết án tù vì bao che không tố cáo tội phạm tình dục của linh mục dưới quyền đối với trẻ em.

Nguyễn Long Thao
 
Đức Phanxicô: “Chỉ trích Đức Giáo Hoàng không có tội”
Vũ Văn An
19:17 22/05/2018
Theo tin ngày 22 tháng 5 của Nữ Ký Giả Deborah Castellano Lubov của ZenitNews, tại buổi khai mạc phiên họp toàn thể của Hội Đồng Giám Mục Ý, khi chia sẻ ba quan tâm của ngài với các vị giám mục, Đức Phanxicô đã quả quyết với các ngài rằng: “Chỉ trích Đức Giáo Hoàng không phải là một tội”.



Thực vậy, khi lên tiếng khai mạc Phiên Họp Toàn Thể lần thứ 71 của Hội Đồng Giám Mục Ý diễn ra từ ngày 21 tới ngày 24 tháng 5 với chủ đề “Sự Hiện Diện Nào Của Giáo Hội Trong Ngữ Cảnh Truyền Thông Hiện Thời”, Đức Phanxicô đã bày tỏ các quan tâm hàng đầu của ngài và sau đó, các cửa ra vào đã được đóng kín để các giám mục thảo luận riêng.

Trong bài diễn văn của ngài, sau khi cám ơn các vị giám mục đã hiện diện trong ngày khai lễ Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội, Đức Phanxicô mời gọi các ngài “Chúng ta hãy đọc từ trong lòng, cùng với nhau tất cả: “Monstra te esse matrem”. Hãy luôn: “Monstra te esse matrem.” (hãy chứng tỏ mẹ là người mẹ).

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta không cô đơn, Đức Mẹ luôn đồng hành với chúng ta như một bà mẹ. Ta hãy cầu xin để Đức Mẹ “giúp ta sao cho Giáo Hội là một bà mẹ”, như ý nguyện của Thánh Inhaxiô thành Loyola khi gọi Giáo Hội là “Mẹ Thánh Giáo Hội Phẩm Trật”.

Đức Giáo Hoàng cũng khuyên các vị giám mục cầu xin để Đức Mẹ giúp làm cho “linh hồn chúng ta cũng là một bà mẹ, như gợi hứng của các giáo phụ”. Thành thử có ba người đàn bà: Đức Mẹ, Giáo Hội và linh hồn chúng ta. Cả ba đều là các bà mẹ.

Nói thế rồi, Đức Phanxicô tâm sự với các giám mục 3 điều khiến ngài lo âu và ngài thúc giục các vị mạnh dạn lên tiếng góp ý một cách thành thực vì “chỉ trích Đức Giáo Hoàng ở đây không phải là một tội! Không phải là một tội, cứ tự do làm”.

Quan tâm thứ nhất

Ngài nói: Điều đầu tiên khiến ngài lo lắng là cuộc khủng hoảng ơn gọi, và, với điều này, "tư cách làm cha của chúng ta bị đe dọa".

Ngài cho biết "Về mối quan tâm này, nói đúng hơn, về cuộc xuất huyết ơn gọi này, Tôi đã nói tới tại Hội nghị toàn thể của các Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, giải thích với họ rằng chính hoa trái bị đầu độc của nền văn hóa tạm bợ, của thuyết duy tương đối và của nền độc tài tiền bạc, đã làm giới trẻ cách xa cuộc sống thánh hiến; song song đó, chắc chắn, còn là sự giảm thiểu bi đát trong sinh suất, cái ‘mùa đông nhân khẩu học’ ấy; cũng như những vụ tai tiếng và làm chứng nửa vời”.

“Bao nhiêu chủng viện, nhà thờ và tu viện sẽ bị đóng cửa trong những năm tới do thiếu ơn gọi? Chỉ có Chúa mới biết. Thật buồn khi thấy lãnh thổ này, trong nhiều thế kỷ lâu dài từng màu mỡ và quảng đại trong việc sản sinh ra nhiều nhà truyền giáo, nữ tu, linh mục đầy nhiệt huyết tông đồ, nhưng nay đang song hành với lục địa cũ kỹ trong sự vô sinh ơn gọi mà không tìm cách chữa chạy có hiệu quả. Tôi tin rằng nó đang tìm kiếm các cách chữa chạy này nhưng chúng ta không lo liệu để tìm ra chúng!”

Đức Giáo Hoàng tiếp tục đề ra “một sự chia sẻ cụ thể và quảng đại hơn fidei donum (ơn phúc đức tin) nơi các giáo phận Ý, một điều chắc chắn sẽ làm phong phú mọi giáo phận, cả các giáo phận cho lẫn các giáo phận nhận, bằng cách tăng cường trong lòng các giáo sĩ và tín hữu cảm thức giáo hội (sensus ecclesiae) và cảm thức đức tin (sensus fidei)”.

Quan tâm thứ hai

Ngài nói: Mối quan tâm thứ hai của Đức Giáo Hoàng là đức khó nghèo tin mừng và sự minh bạch.

“Đối với tôi, lúc nào cũng thế, - vì tôi đã học trong hiến pháp Dòng Tên – đức khó nghèo là “mẹ” và là “bức tường”của đời sống tông đồ. Nó là người mẹ vì nó hạ sinh, và nó là bức tường vì nó bảo vệ. Không có đức khó nghèo, sẽ không có lòng nhiệt thành tông đồ, không có đời sống phục vụ người khác… Đây là mối quan tâm liên quan đến tiền bạc và sự minh bạch. Thực thế, người đã tin thì không thể nói tới đức khó nghèo nhưng lại sống như một ông vua Ai Cập”.

Đức Giáo Hoàng cho rằng đôi khi chúng ta thấy những điều ấy, quả là một phản chứng khi nói tới đức khó nghèo nhưng lại sống một cuộc sống xa hoa; và quả hết sức tai tiếng khi xử lý tiền bạc mà không có sự minh bạch hoặc quản lý tài sản của Giáo Hội như thể chúng là tài sản cá nhân.

"Chư huynh biết các tai tiếng tài chánh từng diễn ra trong một số giáo phận ... Làm ơn, điều này làm tôi cảm thấy rất buồn khi nghe nói một giáo phẩm nào đó đã để mình bị thao túng, tự đặt mình vào những tình huống mà ngài bị lún sâu hoặc tệ hơn nữa, quản lý "những đồng tiền cắc của góa phụ" một cách bất lương".

Đức Giáo Hoàng nhận định rằng chúng ta có bổn phận phải quản lý một cách gương mẫu, thông qua các quy tắc rõ ràng và phổ biến.

Mối quan tâm thứ ba

Đức Giáo Hoàng nói rằng mối quan tâm thứ ba là việc giảm thiểu và sáp nhập các giáo phận.

“Thật không dễ dàng, vì, đặc biệt trong thời gian này… Năm ngoái chúng tôi sắp sáp nhập một giáo phận vào một giáo phận khác, nhưng từ giáo phận đó, họ đến với tôi và thưa: “Thật nhỏ bé, giáo phận đó ấy… Thưa cha, sao cha làm vậy? Trường đại học đã khuất dạng, họ đã đóng cửa một trường học, bây giờ không có thị trưởng, chỉ có một đại biểu, bây giờ cả ngài cũng vậy ... ”. Và chúng tôi cảm thấy nỗi đau này nên nói, "Hãy để vị giám mục ở lại, bởi vì họ đang đau khổ". Nhưng tôi vẫn nghĩ có những giáo phận có thể sáp nhập được”.

Ngài lưu ý rằng đây là một nhu cầu mục vụ, được nghiên cứu và khảo sát nhiều lần, cả trước Giáo Ước (Concordat) năm 1929. Lưu ý rằng chúng ta đang nói về một vấn đề vừa có tính lịch sử vừa có tính hiện tại, bị bỏ quên quá lâu, và cũng được các vị tiền nhiệm, trong đó có Đức Phaolô VI, cho là cần thiết, ngài nói : “Tôi tin đã đến lúc kết thúc nó càng sớm càng tốt”.

"Có lẽ có một hoặc hai trường hợp không thể thực hiện ngay bây giờ, vì những gì tôi đã nói trên đây - vì nó là một lãnh thổ bị bỏ hoang - nhưng ta có thể làm một điều gì đó”.

Sau khi chia sẻ điều này như khởi điểm cho cuộc suy tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các giám mục Ý rằng ngài để căn phòng lại cho các ngài lên tiếng một cách tự do và một lần nữa cảm ơn các ngài.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ với các Giám Mục Ý tham dự cuộc họp thường niên của Hội đồng Giám mục
Đặng Tự Do
19:20 22/05/2018
Tối thứ Hai 21 tháng 5, trong phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các Giám mục Ý, nhân dịp các vị tập trung tại Vatican tham dự cuộc họp thường niên của Hội đồng Giám mục Ý (Conferenza Episcopale Italiana, “CEI”).

Trong bài phát biểu của mình với các Giám mục, Đức Thánh Cha đã nói về một số vấn đề mà ngài quan tâm, nhấn mạnh rằng không phải là ngài muốn “đánh phủ đầu” các vị, nhưng thực tâm là muốn chia sẻ mối quan tâm của ngài để các vị có thể thảo luận về nhiệm thể Giáo Hội. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng những suy tư của ngài là một phần của cuộc thảo luận, trong đó các Giám mục đáp trả với những câu hỏi, lo lắng, cảm hứng của riêng của các ngài, và thậm chí cả những lời chỉ trích. Đức Thánh Cha nói: “Chỉ trích Đức Giáo Hoàng ở đây không có tội đâu! Điều đó không phải là một tội lỗi, có thể làm điều đó.”

Đức Thánh Cha, sau đó, đã nêu bật ba mối quan tâm chính: cuộc khủng hoảng trong ơn gọi; nhân đức thanh bần trong Giáo Hội và tính minh bạch; việc tinh giảm và củng cố các giáo phận.

Liên quan đến ơn gọi, Đức Thánh Cha khuyến khích các Giám mục Ý quảng đại trong việc chia sẻ các ơn gọi, mà ngài mô tả như một món quà của đức tin. Nói về nhu cầu phải minh bạch và nhân đức thanh bần, Đức Thánh Cha nhắc nhở các Giám Mục rằng hành vi của các ngài đối với thiện ích của Giáo Hội phải là những gương mẫu, vì một ngày nào đó các ngài sẽ phải trả lời về việc quản trị của mình. Liên quan đến việc tinh giảm và củng cố các giáo phận, ngài nói rằng điều này có thể và phải được thực hiện, với những xem xét mục vụ của tất cả những người có liên quan, đặc biệt là với những nơi mà mọi người cảm thấy bị bỏ rơi.

Ý hiện có đến 225 giáo phận và tổng giáo phận, với 25,694 giáo xứ, 44,906 linh mục dòng và triều, 25,694 nữ tu và 23,719 nam tu sĩ không có chức linh mục. Giáo Hội tại Italia có đến 517 Giám Mục trong đó có 41 vị Hồng Y (20 vị là Hồng Y cử tri).

“Đây là ba mối bận tâm của tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói,” điều mà tôi muốn chia sẻ với các hiền huynh là những gợi ý để suy tư.”

Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục xem xét những nhận xét của ngài, cảm ơn các ngài vì sự thẳng thắn, sẵn sàng nói chuyện cởi mở và tự do.
Source Vatican News - Pope meets with Italian Bishops' Conference
 
Thiên Chúa có làm cho người ta đồng tính không? Một nhà thần học trả lời.
Giuse Thẩm Nguyễn
23:19 22/05/2018
(EWTN News/CNA) Một vị linh mục nói rằng sự quyến rũ tính dục không xác định danh xưng tính dục vì sau những công bố được cho là của ĐGH Phanxicô, người ta đã nhanh chóng thắc mắc về học thuyết Công Giáo và bản chất tự nhiên của khuynh hướng tình dục.

Cha Thomas Petri, dòng Đa Minh, Khoa Trưởng Viện Thần Học Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Washington,D.C. đã nói với hãng tin CNA rằng “Dĩ nhiên Thiên Chúa yêu thương mọi người, vì Người chính là tình yêu: Thiên Chúa là tình yêu.”

“ Nhưng Người không yêu tội lỗi, thực ra Người không thể yêu tội lỗi vì tội lỗi không chỉ chống lại Thiên Chúa mà còn chống lại sự tốt lành và hạnh phúc thật mà Người kêu gọi mỗi người chúng ta.”

“Trong lúc Thiên Chúa yêu mỗi người, Người không yêu những thứ mà nó tách biệt chúng ta ra khỏi Người và làm hại đến phẩm giá của chúng ta là con của Người.”

Vào hôm thứ Sáu, Juan Carlos Cruz, một nạn nhân bị xâm phạm tính dục bởi cha Fernando Karadima,đã nói với tờ báo Tây Ban Nha rằng ĐGH bảo anh là không thành vấn đề nếu anh là người đồng tính.

Anh kể rằng ĐGH đã bảo với anh “Thiên Chúa tạo nên con như thế này và Người yêu con như thế này và cha không quan tâm.”

Lời công bố này đã khuấy lên một cuộc tranh cãi học thuyết Công Giáo về đồng tính, và một số hãng truyền thông đã vội tường trình việc này như là “ một sự thay đổi lớn” trong giáo huấn của Giáo Hội.

Tòa Thánh Công Giáo thường không bình luận về những cuộc đối thoại riêng tư của ĐGH, và đã không xác nhận hay làm rõ những những nhận xét mà Cruz cho là của ĐGH Phanxicô.

Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng những khuynh hướng đồng tính “đã có từ lâu” là “rối loạn khách quan,” nhưng những người có khuynh hướng đồng tính “phải được đón nhận với sự tôn trọng, cảm thông và tế nhị. Mọi biểu hiện về sự phân biệt đối xử bất công trong lãnh vực của họ cần nên tránh. Những người này được kêu gọi để thực thi đầy đủ ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ và nếu họ là Kitô hữu, hãy kết hợp với hy sinh Thánh giá của Chúa những khó khăn mà họ gặp phải trong hoàn cảnh của họ.”

Cha Petri nói với CNA rằng “vì chưng tất cả chúng ta đều có những khuynh hướng và mong muốn bất thường, lệch lạc ngoài khuôn phép trong đời sống, chúng ta phải luôn tỉnh thức chống lại cám dỗ và ăn năn trở lại khi chúng ta xa ngã.”

Hơn thế nữa, thật là “ nguy hiểm” để khẳng định rằng Thiên Chúa đã làm bất cứ sự gì là tội lỗi hay gây ra đau khổ, bao gồm cả những ước muốn xáo trộn, nghiệp ngập, hay những chứng bệnh như ung thư.

Cha Peri lưu ý rằng những điều không tốt đẹp không thể đến từ một Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành, dù rằng nó vẫn còn là việc bí ẩn tại sao Thiên Chúa lại cho phép tội lỗi và sự xáo trộn hiện hữu nơi thế gian này.

“Sự liên hệ trong thánh ý toàn năng của Thiên Chúa và sự tốt lành vô bờ bến của Ngài đối với xáo trộn, tội lỗi, bạo lực và sự dữ chúng ta trải qua trên cõi đời này là một vấn nạn mà sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo gọi là “vấn nạn cấp bách và không thể tránh khỏi cũng như đau khổ và nhiệm mầu.”

“Điều mà chúng ta biết là không có sự gì trốn khỏi sự quan phòng của Thiên Chúa, ngay cả những xáo trộn, bệnh tật, tội lỗi và cái ác. Trong một phần rất đau thương nghịch lý về sự quan phòng và sự khủng hoảng của cái ác, Giáo lý chỉ ra một sự thật là Thiên Chúa tạo ra thế giới này và nhân loại này trong một trạng thái hành trình. Không có gì hoàn thiện và do vậy xáo trộn tồn tại.”

Tuy nhiên, chúng ta có thể tin tưởng rằng Thiên Chúa làm việc để mang lại điều thiện từ những hậu quả của xáo trộn và sự ác, “ngay cả những người phải đấu tranh với những ước muốn lệch lạc có thể, nhờ Ơn Chúa, đến để đáp lại lời mời gọi để trở thành con của Ngài và để sống với phẩm giá mà Ngài đã kêu gọi họ, ngay cả khi họ có thể phải chịu đau khổ bị cám dỗ.”

“Thực ra, có thể là phải đối mặt với sự cám dỗ mà sự trông cậy vào Chúa của một người trở nên mạnh mẽ hơn.”

Qua kinh nghiệm phục vụ của mình với những người có sự quyến rũ tính dục đồng giới, cha Petri nói rằng một số người đã phải trải qua thời gian khó khăn hơn những người khác trong việc tin vào tình yêu của Chúa.

Cha thấy hữu ích để so sánh những ý muốn tính dục lệch lạc với những ý muốn xáo trộn khác mà người ta trải qua, như là về thức ăn, thức uống hay những thứ khác.

Cha Petri nói rằng sự lầm lẫn đôi khi nảy sinh từ “ý hướng chữa trị (đồng tính) như là một đặc tính nhận diện của một người, như thể bằng cách nào đó xác định một thực tế cuối cùng cho một người.”

“Không phải vậy, đặc tính nhận diện của mỗi người chúng ta là chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và là con cái của Thiên Chúa. Mọi thứ khác xoay quanh điều đó.

“Những quyến rũ, tính dục hay những thứ khác, rất phức tạp. Chúng đến rồi đi, có thể thay thế và biến đổi, và thường có thể thay đổi. Nhân phẩm của chúng ta cùng với ân sủng Chúa ban, chúng ta được kêu gọi để làm chủ những ước muốn của chúng ta chứ không phải làm đầy tớ cho chúng.”


Source: EWTN News Does God make people gay? A theologian responds.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phỏng vấn Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh về việc Nhà Nước giải tỏa Dòng Saint Paul Hà Nội và Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
VietCatholic Network
11:30 22/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Phỏng vấn Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh về việc Nhà Nước giải tỏa Dòng Saint Paul Hà Nội và Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm

Thanh Thảo cộng tác viên của VietCatholic TV đã có cuộc phỏng vấn với Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh ngày 15/5/2018 trước khi ngài lên đường về Việt Nam.
Đức Cha Micae đã trả lời các câu hỏi liên quan tới:

Việc giải tỏa khu đô thị hóa thủ Thiêm nói chung. Tình trạng đền bù giải tỏa không thỏa đáng, dân chúng búc xức và bất mãn.

Về hiện tình Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm có bị giải tỏa hay không?

Những thành quả các Sơ MTG đã phục vụ dân chúng như thế nào?

Thái độ của các Đức Giám Mục và hàng Giáo sĩ việt Nam đối với vấn đề này ra sao?

Trước những diễn biến quan hệ giữa Vatican-Trung quốc thì đối với Việt Nam sẽ có ảnh hưởng như thế nào?

Việc kết án và bỏ tù những nhà hoạt động trẻ và tranh đấu dân sự như thế nào?

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bi kịch của một cô bé Trung Hoa ảnh hưởng đến một Tổng Giám Mục Hoa Kỳ như thế nào?
Đặng Tự Do
08:45 22/05/2018
Ngày 13 tháng 5 vừa qua, Giáo Hội cử hành ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 52, trong dịp này một nhân vật được coi là huyền thoại về truyền thông của Công Giáo Hoa Kỳ lại được nhắc đến như một gương sáng cho các ký giả Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen sinh ngày 8 tháng 5 năm 1895 và qua đời vào ngày 9 tháng 12 năm 1979. Án tuyên thánh cho ngài đang được xúc tiến.

Một vài tháng trước khi ngài qua đời, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã được phỏng vấn trên truyền hình quốc gia. Một trong những câu hỏi được đặt ra với ngài là: “Đức Cha đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Vậy ai là người truyền cảm hứng cho Đức Cha? Có phải đó là một giáo hoàng không?”

Câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục đã gây kinh ngạc cho nhiều người:

“Đó không phải là một giáo hoàng, Hồng Y, một giám mục khác, hay thậm chí là một linh mục hay nữ tu, mà là một cô gái Trung Quốc mười một tuổi.”

Ngài kể rằng khi những người cộng sản chiếm được Trung Quốc, họ đã giam cầm một thừa sai trong nhà xứ của mình sát bên ngôi nhà thờ. Một ngày kia, trong khi bị nhốt trong nhà mình, vị linh mục nhìn ra ngoài cửa sổ và kinh hoàng khi thấy lính tráng cộng sản rầm rập bước vào nhà thờ. Chúng tiến lên cung thánh, mở cửa nhà tạm và trong một hành động đầy hận thù, đã quăng chiếc chén thánh xuống làm vung vãi Mình Thánh Chúa trên sàn nhà. Giữa hoàn cảnh nguy ngập của tình hình đã từ lâu, bị cô lập tứ bề, nhà thờ không còn nhận được bánh lễ và rượu lễ nên vị linh mục biết chính xác có bao nhiêu bánh thánh còn trong chén: ba mươi hai chiếc.

Rồi thì chúng bỏ đi, không chú ý đến một cô gái nhỏ đang núp trong những hàng ghế trong nhà thờ, là người đã thấy mọi thứ. Đêm đó, cô trở lại, và lén lút vượt qua tên lính vẫn ngồi canh trước cửa nhà xứ. Cô bước vào nhà thờ, nơi cô đã làm một giờ thánh có lẽ để đền tạ cho sự khinh miệt Thánh Thể mà cô đã chứng kiến.

Sau giờ thánh của mình, cô lên cung thánh, và quỳ gối xuống, cô đón nhận Chúa Giêsu trong Hình Bánh bằng lưỡi mình vì vào thời điểm đó, Giáo Hội không cho phép người giáo dân chạm vào Hình Bánh bằng tay của họ.

Mỗi đêm, cô gái trở về nhà thờ để làm giờ thánh của mình và đón nhận Chúa Giêsu trong Hình Bánh trên lưỡi của mình cũng giống như cô đã làm đêm đầu tiên. Vào đêm thứ ba mươi hai, sau khi rước chiếc bánh cuối cùng, cô vô tình tạo ra tiếng động đánh thức tên lính canh đang ngủ gật trước nhà xứ của vị linh mục. Từ cửa sổ phòng ngủ của mình, vị linh mục chứng kiến một cảnh tượng quá đau đớn đang mở ra trước mắt ngài. Cô gái cố gắng chạy nhưng tên lính bắt kịp cô và dùng báng súng đánh cô đến chết.

Khi Đức Giám Mục Sheen nghe câu chuyện được chính vị thừa sai kể lại trong một Đại Hội Thánh Thể, ngài cảm động đến rơi lệ, và đã hứa với Chúa, ngài sẽ làm một giờ thánh trước Thánh Thể mỗi ngày trong suốt cuộc đời còn lại của mình. . Và không chỉ trung tín với lời hứa của mình, nhưng trong mọi cơ hội có thể có, ngài luôn truyền bá lòng tôn sùng Thánh Thể.


Source Signs and Wonders How a young Chinese girl inspired Archbishop Fulton Sheen to make a Holy Hour every day
 
Giải đáp phụng vụ: Khi nào linh mục bỏ đọc ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin’ ?
Nguyễn Trọng Đa
10:21 22/05/2018

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Ngày 14-11-2006, cha đã đưa ra ý kiến cá nhân của cha đối với các cử chỉ của một linh mục cử hành Thánh lễ một mình. Trong bài viết đó, cha đã giải thích rằng không có chỉ thị tổng quát rõ ràng nào, nhưng người ta phải giải thích nguyên tắc chung rằng các lời mời gọi trực tiếp hướng tới cộng đoàn được bỏ đọc. Con cho rằng các lời cổ xưa như lời ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’ - thực ra, trong nhiều thế kỷ là thành phần của phần truyền phép - là còn quan trọng hơn một lời mời gọi trực tiếp hướng tới cộng đoàn. - J. M., Belleville, Illinois, Hoa Kỳ
.

Đáp: Mặc dù bài báo gốc ngày 14-11-2006 của tôi có chứa một số yếu tố giải thích cá nhân, nhưng chỉ thị về việc bỏ đọc ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’ không nằm trong số giải thích ấy. Chỉ dẫn này là lần đầu tiên được tìm thấy trong một câu trả lời cho một nghi ngờ được công bố trong Notitiae vào năm 1969. Nó đã được đưa vào trong chữ đỏ cho Thánh lễ đồng tế, mà nhiều Hội Đồng Giám Mục đã công bố. Gần đây nhất, theo sự hiểu biết của tôi, là tập sách thánh lễ đồng tế rất chi tiết, được xuất bản bởi Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha vào năm 2017; sách này cũng hướng dẫn các vị đồng tế không tham gia với cộng đoàn trong việc đọc lời tung hô.

Câu hỏi và câu trả lời gốc trong Notitiae là:

“3. Khi không có tín hữu nào diện diện để có thể đọc lời tung hô sau truyền phép, linh mục có xướng lời ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’ không?

“Đáp: Không. Lời ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’, vốn được lấy từ bối cảnh của lời Chúa và được đặt sau khi truyền phép, ‘là như một lời giới thiệu cho việc các tín hữu đọc lời tung hô’ (Xem Const. Missale Romanum). Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đặc biệt, không ai có mặt để đáp lời, linh mục bỏ qua lời này, như được thực hiện trong Thánh Lễ mà, do sự cấp thiết, được cử hành không có người giúp lễ, và trong đó lời chào và ban phép lành cuối Thánh lễ cũng được bỏ qua (Inst. gen., số 211). Điều tương tự cũng là đúng cho một Thánh lễ đồng tế mà không có giáo dân nào có mặt. (Notitiae: 5 (1969), 324-325, số 3)”.

Để gỉai thích bối cảnh của chữ đỏ này, chúng tôi phải nhắc lại những gì chúng tôi đã viết trong bài ngày 7-10-2014.

“Trong phụng vụ tiền Công đồng, và do đó cũng trong hình thức ngoại thường, các từ ngữ này được tìm thấy trong nghi thức làm phép Chén thánh. Xin đọc:

“Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu: là mầu nhiệm Đức tin: sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

“Mọi người đều thừa nhận rằng cụm từ “Đây là mầu nhiệm Đức tin” là không có trong Kinh Thánh, và được bổ sung vào công thức Truyền phép trước thế kỷ VI. Một số tác giả nói một cách đáng tin cậy rằng cụm từ này đã Đức Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả (440-461) dùng để chống lại bè rối Manikê, vì bè này phủ nhận sự tốt lành của các vật chất. Bằng cách này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hồng ân cứu độ đến nhờ việc đổ máu thân thể của Chúa Kitô, cũng như nhờ sự tham dự trong bánh và rượu được dùng để Truyền phép, vốn làm cho hy lễ của Chúa Kitô hiện diện ở đây và ngay bây giờ.

“Cụm từ trên đã được rút khỏi nghi thức Truyền phép, sau một loạt cuộc tranh luận lâu dài, bởi các chuyên viên soạn thảo nghi thức Thánh lễ mới. Lúc đầu người ta đã không có ý định giới thiệu Kinh nguyện Thánh Thể mới, nhưng chỉ đơn giản thực hiện một số sửa đổi nhỏ cho Lễ Quy Rôma. Tuy nhiên, các chuyên viên, khi họ không làm như thế, đã vội bị kẹt vào các đề xuất ngược lại. Sau đó, Đức Thánh Cha Phaolô VI quyết định sẽ thôi sử dụng Lễ Quy cũ, khi sự đề nghị soạn thảo các Kinh nguyện Thánh Thể được chấp thuận.

“Không Kinh nguyện Thánh Thể mới nào đề xuất cụm từ không có nguồn gốc Kinh thánh “Đây là mầu nhiệm Đức tin” cả, và các hình thức Truyền phép đều là hơi khác nhau trong các Kinh nguyện Thánh Thể. Đức Thánh Cha Phaolô VI một lần nữa can thiệp và bắt buộc rằng hình thức Truyền phép phải là như nhau trong mọi Kinh nguyện Thánh Thể, và rằng cụm từ “Đây là mầu nhiệm Đức tin”, mà sự hiện diện của cụm từ trong Lễ Quy đã là linh thiêng trong nhiều thế kỷ, cần được duy trì, không phải trong công thức Truyền phép, nhưng như sự mở đầu cho lời tung hô của cộng đoàn.

“Sự tung hô sau Truyền phép là một điều mới mẻ cho nghi lễ Rôma, mặc dầu nó là khá phổ biến trong một số nghi lễ xưa khác, chẳng hạn như nghi lễ Alexandria.

“Về ý nghĩa của cụm từ, chúng tôi có thể nói như sau. Bối cảnh lịch sử có thể có của bè rối Manikê, như được nêu ra ở trên, là có ít liên quan cho ngày nay. Tôi tin rằng chìa khóa tốt nhất để giải thích ý nghĩa phụng vụ hiện tại của cụm từ đến từ các bản văn của việc các tín hữu tung hô:

“Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.

“hoặc:

“Lạy Chúa , mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến”.

“hoặc:

“Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con” (bản dịch Việt ngữ của Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

“Cả ba lời tung hô cho thấy rằng cụm từ "Đây là mầu nhiệm Đức tin” là không giới hạn vào sự Hiện diện Thực sự, nhưng đúng hơn là vào toàn thể mầu nhiệm của sự cứu độ nhờ cái chết, sự phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Kitô, vì mầu nhiệm này đang hiện diện trong việc cử hành Hy tế Tạ ơn.

“Ở Ireland, các Giám mục nhận được sự phê duyệt cho một lựa chọn thứ tư của lời tung hô, đó là "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Thật là một sự tò mò rằng trong một bản ghi chép của mình, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gợi ý rằng lời rao truyền đặc biệt này là không thích hợp cho việc tung hô, bởi vì trong khi nó thể hiện một chân lý Đức tin, nó dường như tập trung sự chú ý chủ yếu vào sự Hiện diện Thực sự, hơn là vào toàn bộ Hy tế Tạ ơn.

“Có lẽ nếu người ta quan tâm đến bối cảnh Kinh thánh của lời tung hô của thánh Tôma Tông đồ về thần tính của Chúa Kitô, một khi đã chết và phục sinh, thì lời này cũng bao trùm toàn bộ mầu nhiệm”.

Như tôi đã đề cập trước đây, trong một số nghi lễ Công Giáo, các lời tung hô như vậy là một phần không thể thiếu trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Thí dụ, trong Qurbana (Thánh Lễ) của nghi lễ Syro-Malabar, họ sử dụng Kinh tiến hiến (anaphora) hoặc Kinh nguyện Thánh Thể Addai và Mari, một trong các bản văn cổ xưa nhất được biết đến, có lẽ có niên đại từ thế kỷ III.

Trong bản văn này, lời cầu nguyện gần như tương ứng với câu “Xin Chúa chấp nhận lễ vật của chúng ta…” được tìm thấy trong Kinh nguyện Thánh Thể sau phần tương đương với “Thánh, Thánh, Thánh, Sanctus”:

“Xướng: Lạy Chúa, xin chúc lành cho con!

“Chủ tế hướng về cộng đoàn và nói:

“Anh chị em thân mến, xin cầu nguyện cho tôi để cho Qurbana (Thánh lễ) này được hoàn thành qua bàn tay tôi.

“Rồi ngài quay về bàn thờ

“Đáp (Cộng đoàn): Xin Chúa Kitô nghe lời cầu nguyện của cha và nhận Thánh lễ (Qurbana) của cha. Xin Ngài tôn vinh chức linh mục của cha trên Nước Trời, và hài lòng với hy lễ này mà chính cha dâng hiến, cho chính cha, cho chúng con và cho cả thế giới, đang hy vọng chờ đợi ân sủng và lòng thương xót của Ngài đến muôn đời. Amen”.

“Sau đó, là trình thuật lập Bí tích Thánh Thể. Cộng đoàn thưa Amen sau truyền phép Mình Thánh Chúa Kitô, và một lần nữa sau truyền phép Máu Thánh Chúa Kitô.

“Kế đó, trong kinh nguyện chuyển cầu, có các khoảnh khắc khác mà cộng đoàn có thể đáp lời. Thí dụ:

“Cầu cho Đức Giáo Hoàng, Mar (Tên), Giám Mục Rôma, người đứng đầu và cai trị mọi Giáo Hội của Chúa; cầu cho Đức Tổng Giám Mục Cả, Mar (Tên), người đứng đầu và cha của Giáo Hội chúng con; cầu cho Đức Tổng Giám Mục, Mar (Tên) của chúng con; cầu cho Đức Giám Mục, Mar (Tên) của chúng con, hiện đang lãnh đạo dân của Ngài; cầu cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo thánh thiện; cầu cho các linh mục, các vị lãnh đạo và các vị có thẩm quyền. Lạy Chúa tối cao, xin đón nhận Qurbana này!

“Đáp: Amen. [Hoặc: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!]

“Xướng: Vì danh dự của tất cả các vị ngôn sứ, tông đồ, tử đạo, các thánh hiển tu, và vì tất cả các Giáo phụ công chính và thánh thiện đã tìm thấy sự ưu ái trước mặt Chúa. Lạy Chúa, xin đón nhận Qurbana này!

“Đáp: Amen. [Hoặc: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!]

“Xướng: Cầu cho mọi người than khóc và đau khổ, cầu cho người nghèo và người bị áp bức, cầu cho người bệnh và người tật nguyền, cầu cho tất cả những người đã ra đi giữa chúng con trong Thánh Danh Cha; và cầu cho cộng đoàn này đang tìm kiếm và chờ đợi lòng thương xót của Cha; và cầu cho chính bản thân con yếu đuối, tội lỗi và bất xứng. Lạy Chúa, xin đón nhận Qurbana này!

“Đáp: Amen. [Hoặc: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!]”.

Vì vậy, trong khi sự tung hô của cộng đoàn tín hữu là tương đối mới trong phụng vụ Rôma, nó là một phần phổ biến và đáng kính của các truyền thống phụng vụ khác. (Zenit.org 22-5-2018)

Nguyễn Trọng Đa