Ngày 21-05-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:19 21/05/2009
QỦA BOM CHƯA NỔ (4)

N2T


Ký giả săn tin tuân lệnh đi thu lượm tin tức ở trên phố, trưng cầu ý kiến của cánh đàn ông đối với đàn bà con gái thời hiện đại thì có ý kiến gì. Ký giả gặp người đàn ông thứ nhất vừa mới mừng sinh nhật 103 tuổi.

- “Xin lỗi, anh bạn trẻ, đại khái là tôi không thể giúp gì cho anh được ! Khoảng hai năm trước đây thì tôi không thèm nghĩ đến chuyện đàn bà con gái nữa !”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Tin tức hấp dẫn nhất vẫn cứ là những tin tức thực tế trong cuộc sống hằng ngày, đó là: tin tức về tình tiền tù tội, làm phóng sự thuộc loại này là bảo đảm có nhiều độc giả theo dõi hằng ngày, bởi vì nó gần gủi với cuộc sống của mọi người hơn.

Có nhiều người cũng muốn đặt câu hỏi với người Ki-tô hữu về niềm tin của mình vào Chúa Giê-su trong thời đại hiện nay, khi mà chủ nghĩa vật chất và lối sống hưởng thụ mỗi ngày một lan tràn trong xã hội, do đó mà mỗi một người Ki-tô hữu phải là một “tờ báo tin tức” hấp dẫn mọi người đến với Chúa Giê-su, bởi vì con người thời nay thích những việc lành cụ thể, chứ không thích những lời nói suông; thích những lời lẽ khuyến khích động viên cụ thể, chứ không thích những lời lẽ khách sáo văn hoa mà rỗng tuếch.

Nếu mỗi người Ki-tô hữu sống có tình nghĩa với mọi người thì hấp dẫn người khác hơn cả ngàn lời nói...vô duyên, bằng không thì sẽ trở thành một quả bom chưa nổ rất đáng sợ đấy...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:20 21/05/2009
N2T


21. Cái gì là thánh nhân, một khối tinh thần ? Đúng vậy, linh hồn dâng hiến Thiên Chúa, thì thường biểu hiện thái độ hoạt bát sinh động.

(Linh mục Vincent Lebbe)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:25 21/05/2009
N2T


122. Trong cuộc sống có hai mục tiêu giá trị: một là anh cần phải sắp xếp có phương pháp để đạt được thứ mà anh muốn; hai là thử hưởng thụ thứ mà anh đã đạt được.

 
Sống mầu nhiệm Chúa lên trời
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
04:36 21/05/2009
Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên

Mùa Phục Sinh theo niên lịch Phụng vụ sắp kết thúc. Hội Thánh dẫn đoàn con đến với mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên. Dĩ nhiên là Kitô hữu trưởng thành, hẳn chúng ta không còn ngây ngô nhìn lên khoảng không gian trên trời để tìm xem nơi Chúa đã về. Chúa về trời nghĩa là Chúa lấy lại vinh quang của một Thiên Chúa có từ đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Điều này được Thánh Kinh trình bày khi nói Chúa Kitô về trời ngự bên hữu Chúa Cha (x. Eph.1,20-21 ). Và chúng ta có thể nói rằng mầu nhiệm Chúa về trời như là một trong những điểm tới của nhiệm cục cứu độ.

1. Mầu nhiệm Chúa về trời khẳng định “thần tính” của Đấng vào đời: Không ai có thể lên trời nếu người đó không từ trời mà xuống ( x.Ga 3,13 ). Đấng từ trên cao xuống là Đấng vượt trên muôn vật muôn loài. Khi tuyên xưng Đức Kitô về trời chúng ta không chỉ tuyên xưng một biến cố mà là tin nhận một quá trình. Đó là “ Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” ( Phil 2,6-11 ).

2. Mầu nhiệm Chúa về trời là nền tảng cho niềm hy vọng của con người: Chúa Kitô bỏ vinh quang danh dự của mình khi vào đời để rồi sau đó lấy lại thì có liên quan gì đến loài người chúng ta cũng như mọi loài thụ tạo ? Xin thưa rằng có. Khi về trời, ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang bất diệt thì trong Chúa Kitô đã có tất cả những gì là thuộc nhân tính, thuộc thế trần. Bởi vì những gì thuộc thế trần, thuộc nhân tính đã được Đức Kitô tiếp nhận khi vào trần gian. Chính vì thế, từ đây mọi sự mọi loài, đặc biệt loài người chúng ta có thể đi vào cõi vinh quang vĩnh hằng chính là nhờ, với và trong Đức Kitô. Cái hữu hạn từ đây có thể trở nên thường tồn. Sự chóng qua từ đây có thể trở nên bất diệt. Và điều này đáp ứng nỗi khát mong muôn thưở của con người đó là được sống mãi. Niềm hy vọng của con người về sự trường sinh đã được mở ra với mầu nhiệm Chúa Kitô lên trời. Đức Giáo hoàng Lêô Cả khẳng định rằng khi mừng mầu nhiệm Chúa lên trời là “chúng ta đang tưởng niệm và long trọng cử hành ngày bản tính yếu hèn của chúng ta nơi Đức Kitô được đưa lên cao hơn các đạo binh trên trời, hơn tất cả các phẩm thiên thần, hơn tất cả các quyền thần, để cùng hiển trị với Chúa Cha” (Bài đọc 2 giờ Kinh Sách Thứ Năm tuần VI mùa Phục Sinh).

3. Mầu nhiệm Chúa về trời mời gọi, đúng hơn là thúc bách ta rao truyền tin vui: “ Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28,17-20 ).” Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” ( Mc 16,15 ) Tin nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, đồng thời tin nhận Người đã đưa các thực tại trần thế vào vinh quang Thiên Chúa với mầu nhiệm Thăng Thiên, không chỉ củng cố niềm hy vọng của chúng ta mà còn thúc bách ta rao giảng Tin Mừng. Nội hàm chủ yếu của Tin Mừng chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân trần mãi đồng hành với nhân loại mọi nơi, mọi thời. Thiên Chúa đã cắm lều giữa trần gian là ở mãi với nhân loại. Người mãi đồng hành với chúng ta, đặc biệt bằng Thánh Thần Người ban tặng, bằng Lời của Người đã trao ban, bằng các Bí tích, bằng Hội Thánh Người đã thiết lập…

4. Mầu nhiệm Chúa về trời đòi hỏi chúng ta làm cho cuộc đời hữu hạn này trở nên thường tồn. “Hởi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời ?…” ( Cvtđ 1,11 ). Ái mộ những sự trên trời không có nghĩa là ái mộ những sự gì đó trên cao xanh mà là ái mộ những sự vĩnh hằng, những sự không thể bị kẻ trộm lấy mất hay mối mọt làm hư hoại ( x. Mt 6,20 ). Lòng ái mộ này thúc bách ta không ngừng tìm cách vĩnh cửu hóa các thực tại chóng qua. Mọi sự, dù là bình thường hay tầm thường đều có thể trở thành phi thường trong tình yêu của Đấng Cứu Độ dành cho nhân trần. Tình yêu ấy có thể hiện rõ qua Lời Chúa, qua các Bí tích, qua Hội Thánh. Nhưng tình yêu ấy cũng có thể bàng bạc khắp mọi nơi bằng quyền năng của Thánh Thần, Đấng luôn luôn tự do như “gió muốn thổi đâu thì thổi” ( x.Ga 3,8 ). Cùng với Thánh Thần, Hội Thánh không ngừng làm cho Nước Trời trị đến mọi lúc, mọi nơi, trong mọi thực tại của kiếp người: kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, giải trí, truyền thông…

Chính nhờ, với và trong tình yêu của Đức Kitô thì các thực tại trần gian trở thành vĩnh cửu. Đây là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu hướng tha. Và Chúa Kitô đã cụ thể hóa tình yêu ấy bằng sự hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại ( x.Ga 15,13). Yêu thương mà tự nguyện nhỏ mình đi, ẩn mình đi, tự hủy mình đi để cho người mình yêu được sống, sống dồi dào, được triển nở và tinh tuyền thì đúng là yêu thương cách hoàn toàn vị tha, chỉ vì người mình yêu. “ Thầy ra đi thì có lợi cho anh em …” ( Ga 16,8 ). Có thể nói Chúa Kitô đã khởi đầu sự ra đi ấy với việc bỏ trời xuống làm người, với hiến tế thập giá và kết thúc bằng mầu nhiệm về trời.

Ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa ( x.1Ga 4,7-21 ). Ai ở trong Thiên Chúa là ở trong Nước Trời. Tuy nhiên, tình yêu ở đây phải là tình yêu một cách nào đó như Chúa Kitô yêu thương chúng ta ( x. Ga 13,34-35 ). Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã thực thi điều này. Dù ở trong đan viện, kín cổng cao tường, chị đã làm cho những việc bé nhỏ, bình thường, và cả tầm thường như quét nhà, giặt giũ…trở nên phi thường bất diệt bằng chính con tim tràn đầy tình mến của chị. Nước trời không ở đâu xa. Nước trời đang ở giữa chúng ta. Chính vì thế, ta có thể nói rằng đừng tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời ở một cõi nào đó trên cao, nhiều khi khiến chúng ta đâm ra ảo tưởng, xa rời thực tế, bỏ bê bổn phận, nhưng hãy làm cho hạnh phúc thành hiện thực ngay ở đây, lúc này.
 
Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ trong tư tưởng Thánh Maximillian Kolbe (2)
Vũ Văn An
06:24 21/05/2009
Một cách khác để xem sét ơn thánh đặc thù đã ban cho Đức Mẹ là so sánh nó với ơn thánh bí tích vốn tạo nên dấu ấn không thể tẩy xóa trong linh hồn ta, và do đó tác động tới các sức mạnh của linh hồn ta. Phép Rửa làm chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và giúp ta gia nhập Nước của Người; Phép Truyền Chức làm các ứng viên chia sẻ chức linh mục đời đời của Chúa Kitô, đồng hình đồng dạng các ngài với Chúa Kitô và cho phép các ngài thừa hành ba chức năng tư tế là giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Cũng trong cách đó, ơn đặc thù ban cho Đức Mẹ vào lúc ngài được tượng thai làm ngài nên một và đồng hình đồng dạng một cách đặc biệt không sao diễn tả nổi với Chúa Thánh Thần, và ơn thánh đặc thù ấy lên sức mạnh cho ngài hay làm ngài có khả năng phản ảnh ngay trong linh hồn ngài chính thuộc tính có tính yếu tính nhất vốn gán cho Chúa Thánh Thần, đó là sức mạnh thần thánh của tình yêu mang nhiều hoa trái. Chúa Thánh Thần chính là Tình Yêu bằng Ngôi Vị; Tình Yêu vừa tiếp nhận vừa mang nhiều hoa trái. Chúa Thánh Thần hoàn toàn thu nhận tình yêu phát sinh từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con, và Người làm cho tình yêu ấy sinh hoa trái bằng cách đổ tràn, đáp trả một cách vô cùng bội hậu tình yêu Người đã tiếp nhận. Sự tiếp nhận của Đức Mẹ được tỏ hiện sau này trong lời “Xin Vâng” đầy ý chí tự do, nhờ đó ngài đã mở trọn con người của ngài cho tình yêu sáng tạo của Chúa Thánh Thần và do đó đã mang lại hoa trái hết sức bội hậu: ngài được trở thành Mẹ Thiên Chúa làm người là Chúa Giêsu Kitô; và trong tư cách hiền thê của Chúa Thánh Thần, ngài dự phần vào việc phân phát mọi ơn thánh do Con của Ngài lập được nhờ công nghiệp của mình.

Một cách chủ yếu, Đức Piô IX đã dạy chân lý trên trong tông hiến Ineffabilis Deus khi ngài viết rằng Đức Mẹ “thánh thiện một cách đặc biệt và hết sức trong trắng trong linh hồn và thân xác… là người duy nhất đã trở nên nơi mọi ơn thánh của Chúa Thánh Thần chí thánh cư ngụ” (19). Còn Thánh Kolbe thì phát biểu chân lý cao cả ấy cách rõ ràng trong trước tác của mình như sau: Chúa Thánh Thần làm cho ngài mang nhiều hoa trái ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên trong đời, mọi giây phút ngài hiện hữu và mãi mãi đời đời. Đấng Tượng Thai Vô Nhiễm đời đời này (tức Chúa Thánh Thần) sản sinh ra (hay đúng hơn: tượng thai?) một cách hết sức vô nhiễm chính sự sống thần linh trong ‘dạ’ linh hồn Đức Mẹ, làm ngài trở thành Tượng Thai Vô Nhiễm, hay Tượng Thai Vô Nhiễm nhân bản. Và dạ đồng trinh của thân xác Đức Mẹ đã được giữ luôn thánh thiêng cho Người; chính ở đó, trong thời gian, Người đã tượng thai sự sống nhân bản của Thiên Chúa làm người (20).

Bây giờ ta có thể nắm vững cách rõ ràng hơn điều Thánh Kolbe muốn nói khi ngài gọi Chúa Thánh Thần là sự Tượng Thai Vô Nhiễm Không Phải Là Thụ Tạo, và gọi Đức Mẹ là sự Tượng Thai Vô Nhiễm Thụ Tạo. Chúa Thánh Thần đã sản sinh hay “tượng thai” cách vô nhiễm trong linh hồn Đức Mẹ, lúc ngài được tượng thai, ơn thánh đặc thù vốn gìn giữ ngài khỏi mọi tì vết của Nguyên Tội; và hơn nữa, qua ơn thánh đặc thù này, Người kết hợp Đức Mẹ với Người một cách khôn tả và thông truyền cho ngài, một thụ tạo, khả năng trở thành “nơi cư ngụ của mọi ơn thánh [của Người]”, như lời Đức Piô từng nói. Ơn thánh đặc thù vốn kết hợp Đức Mẹ một cách mật thiết với Chúa Thánh Thần này giúp ngài có thể phản ảnh ngay trong linh hồn ngài (qua sự hợp tác đầy ý chí tự do của ngài) chính thuộc tính có tính yếu tính nhất của Chúa Thánh Thần, đó là tình yêu mang hoa trái một cách hết sức bội hậu. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, ơn thánh đặc thù của tình yêu thần thánh này mang hoa trái lại cho Đức Mẹ, trong lòng dạ ngài, là việc Nhập Thể; và trong việc ngài hợp tác với Chúa Thánh Thần để phân phát mọi ơn thánh do Chúa Kitô tạo lập được nhờ công nghiệp của Người. Như chính Thánh Kolbe từng nói: “Người làm cho Đức Mẹ mang hoa trái, ngay từ giây phút đầu tiên ngài hiện hữu, trong cuộc đời ngài và muôn đời muôn kiếp, thiên thu vạn đại”

Việc Tượng Thai Vô Nhiễm sự sống thần linh và tình yêu mang hoa trái này trong linh hồn Đức Mẹ được thực hiện nhờ hành động yêu thương, một hành động thuộc ý chí mà Thánh Tôma vốn mô tả như một “thúc đẩy và chuyển dịch hướng về một đối tượng”. Như thế, vị thánh người Ba Lan này có khả năng đi từ một tạo vật là Đức Mẹ tới Thiên Chúa Thánh Thần, và gọi cả hai vị là “Tượng Thai Vô Nhiễm”: Hành vi của ý chí hay tình yêu thần linh nơi Chúa Thánh Thần vốn sản sinh hay “tượng thai” ơn thánh đặc thù trong Đức Mẹ nhờ đó Đức Mẹ được tượng thai (sinh hạ) mà không vương Nguyên Tội và được biến thành hiền thê nhiều hoa trái của Người; và hành vi của ý chí hay tình yêu thần linh phát sinh từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con vốn sản sinh hay “tượng thai” sự phát sinh ra Tình Yêu nơi Thiên Chúa Ba Ngôi (mà Thánh Tôma gọi là sự phà hơi tích cực).

Đàng khác, Thánh Kolbe còn viết rằng Chúa Thánh Thần “sản sinh [tượng thai] một cách vô nhiễm chính sự sống thần linh ngay trong thẩm cung linh hồn Đức Mẹ, qua đó biến Đức Mẹ thành sự Tượng Thai Vô Nhiễm nhân bản”. Như thế, đối với Thánh Kolbe, sự Tượng Thai Vô Nhiễm (nơi Đức Mẹ) có ý nói tới cả hành vi yêu thương thần thánh của Chúa Thánh Thần, hành vi vốn “tượng thai” ơn thánh đặc thù trong linh hồn Đức Mẹ để kết hợp Đức Mẹ với Người; lẫn chính ơn thánh đặc thù, ơn thánh mà Đức Mẹ đã minh nhiên đồng hóa với chính con người của ngài đến nỗi đã có thể định nghĩa đúng về mình mà cho rằng “Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai”. Và vì Chúa Thánh Thần vốn phát sinh, hay được “tượng thai” một cách vô nhiễm, từ tình yêu phát sinh từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con, nên ta có thể gọi Người bằng tên riêng là Đấng Vô Nhiễm Thai Không Được Dựng Nên Nhưng Đã Có Từ Đời Đời.

Thánh Maximillian Kolbe dùng chính lời Đức Mẹ nói tại Lộ Đức không với mục đích để khai triển ra một nền thần học Ba Ngôi về Chúa Thánh Thần. Đây chỉ là một phương tiện nhằm tới một mục đích. Mục đích tối hậu của thánh nhân là để hiểu Đức Mẹ rõ hơn dưới ánh sáng những lời đẹp đẽ Đức Mẹ phán với Thánh Nữ Bernadette, và để cố gắng giải đáp câu hỏi từng khiến thánh nhân cầu nguyện và suy niệm lâu ngày: “Ôi lạy Đấng Vô Nhiễm Thai, vậy Mẹ là ai?”.

Các suy niệm của Thánh Kolbe giúp ta hiểu rõ hơn việc Đức Mẹ đứng làm trung gian phổ quát các ơn thánh. Như chính thánh nhân đã khẳng định: “Việc Đức Mẹ làm trung gian là hệ luận từ tín điều Vô Nhiễm Thai của ngài” (21). Ơn thánh đặc thù ban cho Đức Mẹ lúc ngài được tượng thai gìn giữ ngài khỏi mọi tì vết của Nguyên Tội và kết hợp ngài một cách kín nhiệm với Chúa Thánh Thần, Đấng, theo vị thánh người Ba Lan này, đã làm Đức Mẹ “mang hoa trái từ giây phút hiện hữu đầu tiên, trong suốt đời ngài và mãi mãi thiên thu vạn đại”. Những lời này vang vọng lại lời của Thánh Louis de Montfort, là người từng nói rằng Chúa Thánh Thần “đã quyết định dùng Rất Thánh Đức Mẹ, dù Người tuyệt đối không cần tới Đức Mẹ, ngõ hầu có thể trở nên đấng mang nhiều hoa trái tích cực trong việc sản sinh ra Chúa Giêsu Kitô và các chi thể của Người trong Đức Mẹ và qua Đức Mẹ” (22). Thánh de Montfort cũng là người từng nói rằng cũng một Chúa Thánh Thần ấy đã chọn Đức Mẹ làm “đấng ban phát mọi sự Người có, đến độ Đức Mẹ muốn phân phát các hồng ơn và ơn thánh của Người cho ai, bao nhiêu, cách nào và khi nào tùy thích” (23). Hai vị đại thánh của Đức Mẹ này nhất trí rằng Đức Mẹ là Đấng Trung Gian (Mediatrix) mọi ơn thánh Chúa Kitô tạo lập được nhờ công nghiệp của Người. Hai vị, trong yếu tính, cũng nhất trí về các lý do khiến Đức Mẹ có vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa: Ngài là Mẹ Chúa Giêsu Kitô và là hiền thê hay dụng cụ của Chúa Thánh Thần. Hai vị chỉ khác nhau đôi chút trong nhấn mạnh mà thôi. Thánh de Montfort (và đa số các nhà văn trong Thánh Truyền) thì nhấn mạnh tới chức làm mẹ của Đức Mẹ, trong khi Thánh Kolbe nhấn mạnh tới mối liên hệ thân mật của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần, một liên hệ phát sinh từ việc Tượng Thai Vô Nhiễm của ngài.

Ta có thể thử đưa ra một tổng hợp cho cả hai cách nhấn mạnh trên: ơn thánh và đặc ơn đặc biệt ban cho Đức Mẹ, từng kết hợp ngài một cách khôn tả với Chúa Thánh Thần và có được là do công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, đã được sắp xếp cho mục đích kép sau đây: thứ nhất, Đức Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa, và qua ngài, Chúa Giêsu Kitô sẽ đến, Đấng vốn là Suối Nguồn mọi ơn thánh; và thứ hai, Đức Mẹ sẽ là dụng cụ nhân bản sống động của Chúa Thánh Thần qua đó Chúa Thánh Thần sẽ phân phát mọi ơn thánh mà Chúa Kitô đã tạo lập được bằng công nghiệp của Người. Dĩ nhiên, mục đích sau được thực hiện trong và nhờ mục đích trước.

Ta có thể phát biểu chân lý trên một cách khác: Sự Tượng Thai Vô Nhiễm của Đức Thánh Nữ Trinh Maria được sắp xếp hướng về việc Nhập Thể của Thiên Chúa làm người là Chúa Giêsu Kitô thế nào, thì sự kết hợp huyền nhiệm giữa Đức Mẹ và Chúa Thánh Thần, khởi từ lúc ngài được Tượng Thai Vô Nhiễm, cũng tìm được ý nghĩa và mục đích tối hậu như thế khi Chúa Thánh Thần tạo thịt xương cho Ngôi Lời Vĩnh Hằng trong dạ tinh sạch của Đức Mẹ. Nhưng vì Chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ và sự kết hợp huyền nhiệm với Chúa Thánh Thần của ngài, vai trò của Đức Mẹ trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa không chấm dứt với việc Nhập Thể mà còn đi xa hơn thế, để bao hàm cả việc ngài hợp tác một cách có ý thức và đầy ý chí tự do với Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần trong công trình cứu chuộc và cứu rỗi dưới chân Thánh Giá, trong những ngày ngài còn sống trên dương thế và nay ở trên trời.

Đức Mẹ: Hiền Thê của Chúa Thánh Thần

Trong hai lối giải thích việc Đức Mẹ làm trung gian các ơn (chức làm Mẹ Chúa Kitô hay việc kết hợp huyền nhiệm với Chúa Thánh Thần), xem ra các suy tư của Thánh Maximillian Kolbe có vẻ có sức thuyết phục hơn. Vì, nếu việc phân phát các ơn thánh do cái chết cứu chuộc của Chúa Kitô đem lại là công trình đặc thù của Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, thì vai trò làm Đấng Trung Gian mọi ơn thánh của Đức Mẹ phải là hiển nhiên, xét vì tình kết hợp của ngài với Chúa Thánh Thần (thực hiện trong và qua sự Tượng Thai Vô Nhiễm của ngài). Thánh Kolbe tóm tắt điều ấy khi ngài viết: “Trong tư cách Mẹ Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của chúng ta, Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc của nhân loại; trong tư cách hiền thê của Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ tham dự vào việc phân phát mọi ơn thánh” (24). Như thế, ta có thể thấy rằng việc Thánh Kolbe nhấn mạnh tới mối liên hệ của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần để giải thích việc ngài làm trung gian phổ quát các ơn thánh của Chúa Kitô vừa bổ túc vừa cung cấp một cái hiểu trọn vẹn hơn đối với phương thức của Thánh Truyền Giáo Hội, như đã được Thánh de Montfort và các vị khác đề xướng.

Hiểu đúng đắn vai trò của Đức Mẹ trong việc phân phát mọi ơn thánh, đặc biệt, theo quan điểm mối liên hệ của ngài với Chúa Thánh Thần, sẽ giúp rất nhiều cho cuộc đối thoại đại kết với anh chị em không Công Giáo, liên quan tới giáo huấn của Giáo Hội về Đức Mẹ. Truyền Thống Công Giáo vốn dạy rằng ta đến “với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ”. Dù câu đó hoàn toàn đúng, nhưng ta cần phải giải thích nó cách đúng đắn để mọi người hiểu nó cách chính xác.

Thánh Kolbe rất đúng khi nhấn mạnh rằng mọi ơn thánh, xét cho cùng, đều từ Chúa Cha mà có, nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, và được Chúa Thánh Thần phân phát. Đáp trả của chúng ta đối với tình yêu và ơn thánh tự ý ban phát của Chúa hệ ở tình yêu; và việc chúng ta trở về với Chúa cũng đi theo cùng một thứ tự ấy, tuy có đảo ngược: Qua Chúa Thánh Thần, ta đến với Chúa Giêsu, và qua Chúa Giêsu ta đến với Chúa Cha. Trong trình tự (Ordo) do Chúa thiết lập, Chúa Giêsu đến với ta và tiếp tục đến với ta qua sự hợp tác đầy ý chí tự do của Rất Thánh Nữ Trinh Maria; đàng khác, khi phân phát ơn thánh của Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần sử dụng Đức Mẹ làm “dụng cụ nhân bản sống động” của mình vì các lý do đã trình bày trên đây. Theo nghĩa hướng này, thật là đúng khi nói rằng mọi ơn thánh do Chúa Kitô tạo lập được đều đến với chúng ta qua Đức Mẹ, qua sự giúp đỡ và cầu bầu đầy tình mẫu tử của ngài.

Cũng thế, ta đáp trả tình yêu và ơn thánh của Chúa và đến với Chúa Cha bằng cách đi theo cùng một trình tự thần linh kia: đến với Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần; và vì, trong kế hoạch của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần đã chọn hành động qua hiền thê của Người, nên ta đúng là đến với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ.

Cho nên, khi người ta (cả Công Giáo lẫn không Công Giáo) phản đối giáo huấn cho rằng ta đến với “Chúa Giêsu qua Đức Mẹ”, xét theo một nghĩa nào đó, lời phản đối của họ có giá trị. Chỉ có điều nó không đúng chỗ. Thực vậy, lời phản đối của họ thường dựa trên ý niệm sai lầm này là giáo huấn trên làm giảm đi sự trung gian của Chúa Kitô. Đúng ra, lời phản đối của họ nên như thế này: câu “[đến] với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ” có xu hướng bỏ qua hay làm tối tăm vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc phân phát các ơn do Chúa Kitô tạo lập được. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đã hiểu rõ sự kết hợp khôn tả giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ, thì cả câu “[đến] với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ” lẫn giáo huấn chứa đựng trong câu ấy đều không có vấn đề gì cả. Bởi vì, như Thánh Maximillian Kolbe đã viết, khi ta nói “[đến] với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ”, trong yếu tính, ta muốn nói cùng một điều này là “[đến] với Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần”. Tại sao thế? Vì Chúa Thánh Thần chỉ hành động trong và qua hiền thê yêu qúy của mình, một hiền thê được Người kết hợp một cách hết sức mật thiết nhờ sự Tượng Thai Vô Nhiễm của Đức Mẹ. Như Thánh Maximillian đã chính xác nhấn mạnh, Chúa Thánh Thần biểu lộ sự đóng góp của Người vào công trình Cứu Chuộc qua Nữ Trinh Vô Nhiễm, Đấng, dù là một nhân vật hoàn toàn khác với Người, nhưng đã liên kết với Người một cách mật thiết đến độ trí khôn ta không thể hiểu thấu. Như thế, dù sự kết hợp của hai vị không cùng một bình diện như cuộc kết hợp nhị tính (hypostatic union) từng kết hợp hai bản tính nhân loại và Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, ta vẫn có thể nói một cách đúng sự thật là hành động của Đức Mẹ cũng chính là hành động của Chúa Thánh Thần. Vì, trong tư cách hiền thê của Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ được nâng lên một cao độ hoàn hảo trên hết mọi thụ tạo đến độ ngài có thể thể hiện trong mọi sự chính ý muốn của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn ngự trong Đức Mẹ ngay từ giây phút đầu tiên lúc ngài được tượng thai (25).

Hiểu đúng đắn mối liên hệ của Đức Mẹ với Chúa Giêsu trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, và mối liên hệ của ngài với Chúa Thánh Thần trong “kế hoạch áp dụng sự cứu chuộc” của Thiên Chúa (nghĩa là trong việc phân phát các ơn thánh do Chúa Kitô tạo lập được) sẽ giúp cả người Công Giáo lẫn người không Công Giáo thấy rằng ta không cầu xin Đức Mẹ để đến với Chúa Giêsu, nhưng cầu xin qua Đức Mẹ mà đến với Chúa Giêsu, và qua Chúa Giêsu mà đến với Chúa Cha. Và dưới ánh sáng những điều đã nói trên đây về việc Đức Mẹ là “dụng cụ nhân bản sống động” của Chúa Thánh Thần, ta hiểu ra rằng khi ta cầu xin qua Đức Mẹ mà đến với Chúa Giêsu thì thực ra ta đang cầu xin qua Chúa Thánh Thần (và Đức Mẹ) mà đến với Chúa Giêsu vậy. Hơn nữa, với cái khung và việc nhấn mạnh thần học của Thánh Kolbe đối với mối liên hệ của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần như lý do giải thích việc ngài là Đấng Trung Gian mọi ơn thánh, thì sự cần thiết giả thiết phải đi qua Đức Mẹ đã trở nên rõ ràng rất nhiều: nếu ta biết rằng ơn thánh của Chúa Kitô đến với chúng ta qua Chúa Thánh Thần và ta phải đáp trả ơn thánh của Chúa bằng cách qua Chúa Thánh Thần mà đến với Chúa Giêsu, và nếu ta đồng thời biết rằng Chúa Thánh Thần chỉ hành động trong và qua Đức Mẹ, hiền thê yêu qúy của Người, thì ta sẽ nhận ra sự cần thiết giả thiết phải chạy đến với Rất Thánh Nữ Trinh.

Điều ấy khiến ta đặt câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại hành xử theo lối trên? Thiên Chúa của ta vốn là Thiên Chúa của lý lẽ, và các hành động của Người đều có một nền tảng trong lý lẽ. Vậy tại sao Thiên Chúa lại truyền dạy rằng Chúa Thánh Thần chỉ hành động qua Rất Thánh Nữ Trinh trong việc phân phát mọi ơn thánh? Thánh Kolbe đưa ra lời giải thích như sau: như Chúa Con đã trở nên người phàm ra sao để chứng tỏ cho ta thấy tình yêu của Người vĩ đại như thế nào, Ngôi Ba, Thiên Chúa Tình Yêu (God-who-is-Love), cũng vậy, Người cũng muốn biểu lộ sự trung gian của Người trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con bằng một dấu chỉ cụ thể như thế. Dấu chỉ ấy chính là trái tim của Trinh Nữ Vô Nhiễm, theo điều các thánh vốn nói với ta, nhất là các vị thích coi Đức Mẹ là hiền thê của Chúa Thánh Thần. Đó là kết luận đã được Thánh Louis de Montfort rút ra, phù hợp với lời dạy của Chúa Cha… Kể từ cái chết của Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần chỉ hành động trong ta qua Đức Mẹ (26).

Ở đây, Thánh Kolbe cho ta một thông tuệ sâu sắc về việc tại sao Thiên Chúa lại truyền lệnh để Chúa Thánh Thần chỉ hành động qua Rất Thánh Nữ Trinh mà thôi, bằng cách sử dụng loại suy của Nhập Thể trong công trình cứu chuộc. Thiên Chúa rất có thể truyền lệnh để việc cứu chuộc kia xẩy ra mà không cần tới việc Con Một của Người phải nhập thể và chết trên Thánh Giá. Nhưng bởi vì mọi nhận thức của ta đều từ giác quan mà có, nên Thiên Chúa có thể mạc khải tốt hơn cho ta Ngôi Thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa và tình yêu nhân hậu của Người đối với ta qua việc Nhập Thể, qua sự kiện “Ngôi Lời trở nên xác thịt và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Cùng một cách loại suy như thế, Thiên Chúa có thể mạc khải cách tốt hơn cho ta Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, tức Thiên Chúa Tình Yêu, và mạc khải cho ta thấy Ngôi này phân phát ra sao các ơn thánh do công nghiệp Chúa Kitô tạo lập được, bằng một dấu chỉ cụ thể, khả giác, tức một hữu thể nhân bản; và hữu thể nhân bản đó chính là Rất Thánh Nữ Trinh Maria.

Dù rất thận trọng khi nhấn mạnh rằng sự kết hợp giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ “không cùng một bình diện như sự kết hợp nhị tính [hypostatic union] từng liên kết hai bản tính nhân loại và thần linh nơi Chúa Kitô”, Thánh Kolbe vẫn đã viết, dưới hình thức công thức, bằng tiếng Latinh như sau: "Filius incarnatus est: Jesus Christus. Spiritus Sanctus quasi incarnatus est: Immaculata. "(Chúa Con nhập thể: [chính là] Chúa Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần gần như nhập thể: [chính là] Đấng Vô Nhiễm) (27). Trong cuốn Immaculate Conception and the Holy Spirit (Tượng Thai Vô Nhiễm và Chúa Thánh Thần), Cha H. M. Manteau-Bonamy, O.P., đã đưa ra lời bình luận nhiều ý tưởng sau đây về lối dùng thuật ngữ “gần như nhập thể” (quasi incarnatus) của Thánh Kolbe: Những ngôn từ quả táo bạo! Nhưng trước câu Đức Mẹ phán tại Lộ Đức “Ta là sự Tượng Thai Vô Nhiễm”, thì thực ra chả còn gì khác để nói, ngoại trừ ta muốn giả thiết rằng Đức Mẹ chỉ muốn tự tặng cho mình một danh hiệu có tính tượng trưng. Hơn nữa, những ngôn từ táo bạo này vốn là các ngôn từ của một thần học gia lão luyện; ngài sử dụng câu giới hạn cần thiết, "quasi incarnatus", là câu buộc tâm trí tín hữu phải mở cửa đón nhận mầu nhiệm, dù không khuấy động niềm tin. Trước sau như một, ngài vẫn chủ trương rằng chỉ một mình Chúa Con là thực sự thành phàm nhân, chứ không phải Chúa Thánh Thần. Trách vụ của thần học gia không phải là chứng minh điều khôn tả (the ineffable), nhưng là cố gắng phát biểu điều khôn tả ấy ra, nếu có thể được, bằng những ngôn từ có khả năng thúc đẩy tâm hồn tín hữu đi quá điều trí khôn họ có thể hiểu. Chúa Thánh Thần “gần như nhập thể”, một cách đặc biệt nào đó, chứ không thực sự nhập thể theo nghĩa hẹp; vì Đức Mẹ, Đấng Vô Nhiễm, hiểu đúng nghĩa, đã được Chúa Thánh Thần tiếp nhận trọn cả hữu thể, trong tư cách một người đàn bà và một người mẹ (28).

Mặc dù câu Đức Mẹ phán với Thánh Nữ Bernadette ở Lộ Đức, vốn là một mạc khải tư, không có được sức mạnh thuyết phục đối với người không Công Giáo, nhưng các nhận định trên đây của Cha Manteau-Bonamy về ý nghĩa của thuật ngữ “gần như nhập thể” có thể giúp ta hiểu rõ hơn tại sao Thiên Chúa lại truyền lệnh để Chúa Thánh Thần chỉ hành động qua hiền thê của Người là Rất Thánh Nữ Trinh.

Ta còn có thể nói: chân lý sâu sắc này, tức chân lý cho rằng Đức Mẹ là “hình tượng nhân bản sống động” (hay nói theo Thánh Kolbe, là “gần như nhập thể) của Chúa Thánh Thần, đã được mạc khải trong Thánh Kinh, qua chính lời Đức Mẹ nói: “Linh hồn tôi tán dương Chúa” (Lc 1:46). Linh hồn Đức Mẹ khuếch đại hóa (magnificat) Thiên Chúa; nhất là Ngôi Ba Thiên Chúa, vì Đức Mẹ (nói theo Thánh Kolbe) là Tượng Thai Vô Nhiễm được dựng nên, được tạo hình nhờ quyền năng của Tượng Thai Vô Nhiễm Không Được Dựng Nên. Là một thụ tạo, nhờ Đấng Hóa Công, Đức Mẹ là biểu thức hoàn hảo nhất của tình yêu thụ tạo đầy hoa trái, được Người chỉ định phản ảnh hay họa ảnh lại Ngôi Vị Thiên Chúa vốn là Tình Yêu Không Được Dựng Nên, là Hoa Trái của tình yêu phát sinh từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Chú Thích

1. Đức GH Phoalô VI, Marialis Cultus (Tông Huấn về Thứ Bậc và Việc Phát Triển Đúng Lòng Tôn Sùng Rất Thánh Nữ Trinh Maria) (Tháng Hai, năm 1974) số 27.

2. Cha H. M. Manteau-Bonamy, O.P., Immaculate Conception and the Holy Spirit (Kenosha, Wisc.: Prow Books/Franciscan Marytown Press, 1977), 3-5, từ cuốn Final Sketch của Thánh Maximillian Kolbe, ngày 17 tháng Hai, năm 1941. Sách này đã được nhà Ignatius Press mới tái bản gần đây.

3. Sách đã dẫn., 52, từ Conference của Thánh Kolbe, 9 tháng Tư, 1938.

4. Trong Marialis Cultus, số 26, Đức Phaolô VI viết: “Các giáo phụ và văn sĩ của Giáo Hội… khi khảo sát sâu xa hơn mầu nhiệm Nhập Thể, đã thấy trong mối liên hệ đầy mầu nhiệm giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ có một khía cạnh khiến người ta nhớ tới hôn nhân, được Prudentius thơ mộng mô tả như sau: ‘Trinh Nữ chưa kết hôn đã được Chúa Thánh Thần kết hôn”

5. Manteau-Bonamy, 57, trích từ Final Sketch của Thánh Kolbe.

6. Marialis Cultus, số. 25.

7. Manteau-Bonamy, 7, trích từ Letter by Kolbe from Nagasaki to the Youth of the Franciscan Order (Thư Cha Kolbe từ Nagasaki gửi Giới Trẻ Dòng Phanxicô), 28 tháng Hai, 1933.

8. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I, q. 13, a. 1

9. Sách đã dẫn, q. 27, a. 4, ad. 6.

10. Sách đã dẫn, q. 36, a. 1.

11. Sách đã dẫn, q. 37, a. 1.

12. Sách đã dẫn, q. 38, a. 2.

13. Manteau-Bonamy, 2-3, trích từ Final Sketch của Thánh Kolbe.

14. Sách đã dẫn, 3, trích từ Final Sketch của Thánh Kolbe.

15. Summa Theologiae, I, q. 27, a. 1 and a. 3.

16. Sách đã dẫn, q. 27, a. 4.

17. Đã dẫn

18. Manteau-Bonamy, 6, trích từ Letter to Fr. Anthony Vivoda (Thư gửi Cha Anthony Vivoda) của cha Kolbe, ngày 4 tháng Tư, 1933.

19. Đức Piô IX, Ineffabilis Deus (Tông hiến định nghĩa Tín Điều Vô Nhiễm Thai) (8 tháng Mười Hai, 1854) (Boston: Daughters of St. Paul), 17.

20. Manteau-Bonamy, 4, trích từ Final Sketch của Thánh Kolbe.

21. Sách đã dẫn, 90, trích từ Miles Immaculatae, I, của Thánh Kolbe, 1938.

22. de Montfort, True Devotion (Lòng Sùng Kính Chân Thật), số 21, 8.

23. Sách đã dẫn, số 25, 9.

24. Bonamy, 97, trích từ Sketch của Thánh Kolbe, 1940.

25. Sách đã dẫn, 91, trích từ Miles Immaculatae, I, của Thánh Kolbe, 1938.

26. Sách đã dẫn, 90-91.

27. Sách đã dẫn, 63, trích Thánh Kolbe.

28. Sách đã dẫn, 63-64.

Theo Dwight P. Campbell, 1993 Catholic Polls, Inc.
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần VI Sau Phục Sinh
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
10:47 21/05/2009
Thứ hai sau Chúa nhật 6 phục sinh

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể là nguồn sống dưỡng nuôi linh hồn chúng con. Xin cho chúng con được ở trong tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con được lớn lên trong tình yêu bao dung, nhân hậu và từ bi của Chúa. Xin cho mỗi lần chúng con rước Chúa, là một lần chúng con được sống bằng chính sức sống của Chúa để có thể diễn tả tình yêu của Chúa cho thế gian.

Nhưng Chúa ơi, với bản tính yếu đuối, chúng con chưa dám sống cho tình yêu của Chúa. Chúng con thường tự cao tự đại. Chúng con chưa dám sống bao dung với nhau. Chúng con thường dễ dàng kết án lẫn nhau. Chúng con thường khắc khe với nhau trong từng lời nói, việc làm. Chính lối sống thiếu bao dung đó đã khiến cho cuộc sống chung của chúng con luôn mang đầy những hiềm khích, thù hận. Xin Chúa thứ tha tội lỗi chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết sống khiêm tốn để gần gũi và hoà hợp với mọi người. Xin cho chúng con biết tôn trọng lẫn nhau và cảm thông trước những thiếu sót của nhau.

Lạy Chúa, là suối nguồn tình yêu. Chúa đã dùng tình yêu để chiến thắng sự dữ, xin giúp chúng con cũng biết dùng tình yêu để hoá giải những hiểu lầm, những đố kỵ và ghen tương. Xin ban cho chúng con một tấm lòng yêu mến như Chúa để chúng con sống chan hoà tình yêu với anh chị em của mình. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 6 phục sinh

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương chúng con. Chúa không bỏ chúng con đơn côi một mình. Chúa luôn ở với chúng con qua bí tích Thánh Thể. Chúa còn hiện diện với chúng con qua Ngôi Ba Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa luôn là dấu chỉ tình yêu mà Chúa dành cho chúng con.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con Chúa Thánh Thần, Ðấng làm cho chúng con được sống trong hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Nhờ Chúa Thánh Thần soi dẫn chúng con biết sống theo chân thiện mỹ. Nhờ Chúa Thánh Thần tác động chúng con được trở nên con của Chúa và được thừa hưởng gia nghiệp thiên quốc mai sau. Xin giúp chúng con biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Xin giúp chúng con biết mau mắn thực thi ý Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì lười biếng và u mê trong những đam mê lầm lạc mà lãng quên ân tình Chúa.

Lạy Chúa là Thần Chân Lý, xin dẫn dắt chúng con đi trong chân lý vẹn toàn để chúng con luôn sống ngay thật, sống công bình bác ái, sống xứng đáng là con cái của Chúa để mai này được phục sinh vinh hiển với Chúa. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 6 phục sinh

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã mạc khải tình yêu cứu độ của Chúa qua cái chết khổ hình thập giá. Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu tự hiến trên thập giá mỗi ngày qua thánh lễ. Chúng con xin cảm tạ và ngợi khen tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng con.

Lạy Chúa, nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần mà các tông đồ mới hiểu rõ về những biến cố diễn ra trong cuộc đời Chúa dưới ánh sáng Phục Sinh. Nhờ sự hiểu biết đó đã thay đổi đời sống các ngài. Từ những con người kém lòng tin. Từ những con người đầy yếu đuối bất toàn. Chúa Thánh Thần đã đổi mới các ngài nên phi thường để có thể thay đổi cả thế giới. Chúa Thánh Thần đã soi lòng mở trí để các tông đồ hiểu và can đảm ra đi loan báo tin mừng.

Xin Chúa cũng ban Thánh Thần của Chúa đến đổi mới cuộc đời chúng con. Xin làm cho chúng con nên những tông đồ dám làm chứng cho sự thật và can đảm đầy lùi bóng tối của tội lỗi, sa đoạ và bất công. Xin giúp chúng con biết nói không với tội lỗi và bước đi trong ánh sáng của lề luật. Xin Chúa Thánh Thần thánh hoá chúng con trong tình yêu của Chúa, nhờ đó chúng con luôn tìm được niềm vui trong cuộc sống. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 6 Phục sinh

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là nguồn vui, là nguồn hạnh phúc cuộc đời chúng con. Có Chúa chúng con sẽ quên hết ưu sầu. Có Chúa chúng con sẽ không còn sợ những nguy nan của dòng đời. Có Chúa chúng con sẽ quên đi những nhọc nhằn, những khốn khó của cuộc đời nổi trôi. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Chúa lưu lại trong chúng con. Xin Chúa ở cùng chúng con luôn mãi để chúng con được sống trong tình yêu cùa Chúa.

Lạy Chúa, cuộc đời hợp tan là lẽ thường tình. Cuộc đời có xum họp nên cũng có chia ly. Cuộc đời có vui, có buồn. Có gặp gỡ, có chia ly. Xin giúp chúng con đừng đánh mất niềm hy vọng trước những khổ đau của dòng đời. Xin giúp chúng con biết xây dựng đời mình trên đức tin kiên vững để chúng không buông xuôi, không thất vọng, nhưng luôn vững lòng cậy trông vào Chúa. Xin cho chúng con luôn chạy đến với Chúa khi gặp gian nan. Xin giúp chúng con luôn bám vào Chúa trước những sóng gió tư bề. Xin cho chúng con được tín thác vào Chúa như con thơ an vui trong sự chăm sóc của cha mẹ.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin Chúa lưu lại trong chúng con để chia sẻ với chúng con trong những thăng trầm của dòng đời. Xin Chúa ở cùng chúng con luôn mãi. Xin gìn giữ chúng con trong ân thánh của Chúa. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 6 phục sinh

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Năm xưa, Chúa đã nuôi dân riêng trên đường về đất hứa bằng bánh Manna từ trời, ngày nay trên hành trình về quê trời, Chúa đã ban cho chúng con Thánh thể Chúa làm thần lương dưỡng nuôi linh hồn chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Chúng con nguyện xin Chúa ban cho chúng con sự sống dồi dào của Chúa, để chúng con có thể trung tín với Chúa trong suốt cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chọn con đường khổ giá và hy sinh để tôn vinh Thiên Chúa Cha và cứu độ trần gian. Chúa đã dạy chúng con rằng: “qua đau khổ mới tiến tới vinh quang”. Xin cho chúng con biết dâng cho Chúa những hy sinh trong cuộc đời bác ái yêu thương mọi người. Xin cho chúng con biết rèn luyện mình trở nên người con ngoan của Chúa trong việc chu toàn bổn phận hằng ngày và yêu mến vâng lời cha mẹ. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết từ bỏ những thói hư tật xấu để chúng con xứng đáng là con của Chúa. Xin giúp chúng con sẵn lòng vác thập giá bổn phận hằng ngày với niềm yêu mến Chúa nồng nàn và yêu mến tha nhân như chính mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống yêu mến tha nhân vì lòng yêu mến Chúa, để nhờ đó chúng con tìm thấy ý nghĩa đích thực cho những hy sinh của chúng con. Amen

Thứ Bảy sau Chúa nhật 6 phục sinh

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì được nên một trong Chúa qua bí tích Thánh Thể. Chúa ở trong chúng con để những tư tưởng, ý muốn của chúng con được hợp nhất nên một trong Chúa. Chúa ở cùng chúng con để lời cầu nguyện của chúng con luôn đẹp lòng Chúa Cha và xứng đáng lãnh nhận nguồn ân phúc từ trời.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa hằng mong muốn chúng con luôn hợp nhất trong Chúa như cành liền cây để sinh hoa kết trái. Chúa muốn chia sẻ buồn vui với kiếp người chúng con. Chúa muốn là bạn đồng hành trong những tháng ngày lữ hành trần gian của chúng con. Xin giúp chúng con biết sống tâm tình tri ân cảm tạ ân tình mà Chúa luôn dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết tạ ơn Chúa khi chúng con gặp được những may mắn, những thành công, những niềm vui trong cuộc sống. Xin giúp chúng con biết tin tưởng phó thác vào Chúa khi dòng đời đong đầy những sóng gió nguy nan. Xin Chúa luôn nâng đỡ những yếu đuối của bản tính loài người chúng con. Xin Chúa thương che chở phù trì cho cuộc đời chúng con luôn được bình an trong Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cầu nguyện với Chúa để nhờ sự cầu nguyện chúng con lãnh nhận những ơn lành của Chúa. Amen
 
Hướng về quê hương vĩnh cửu trên trời
LM. Trần Bình Trọng
23:53 21/05/2009
HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG VĨNH CỬU TRÊN TRỜI

Lễ Chúa Thăng Thiên, Năm B
Cv 1:1-15; Ep 1:17-23; Mc 16:15-20


Việc Ðức Giêsu lên trời xem ra đã hoàn tất sứ mệnh của Người tại thế: sinh ra, lớn lên, chết đi và sống lại, nhưng thực ra Người vẫn hiện diện trong Giáo hội qua Thần trí của Người. Theo Phúc âm thánh Luca, Ðức Giêsu: Ðược lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Mk 16:10). Sách Công vụ Tông Ðồ thì ghi: Người được cất lên ngay trước mắt các ông và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa (Cv 1:9). Còn thánh Phaolô thì bảo: Ðức Kitô trỗi dậy từ cõi chết và đặt ngự bên hữu Người (Chúa Cha) trên trời (Ep 1:20). Việc Chúa lên trời dạy ta nhiều bài học. Là người tín hữu, ta biết thế đứng của mình, điều gì mình phải tin, việc gì mình phải làm, tại sao ta được sinh ra ở trần gian này và phải đi về đâu, bởi vì Ðức Giêsu đã đi trước để dọn đường cho ta. Ðó là điều Giáo hội tuyên xưng trong kinh Vinh danh: Chúa ngự bên hữu Chúa Cha, xin thương xót chúng con, và còn tuyên xưng trong kinh Tin kính: Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha.

Vậy thì trời là gì? Theo quan niệm của dân gian Việt nam thì trời là bầu trời, khoảng không gian, giống như một vòm vô biên úp trên trái đất. Trời cũng được hiểu là quyền lực siêu nhiên trên trời cao, đóng vai trò tạo dựng, điều hành và thưởng phạt. Khi hiểu theo nghĩa này, thì người mình thường thêm từ ông vào trước và gọi là Ông Trời. Ông Trời đó của dân gian Việt Nam, một phần nào cũng là Thượng Ðế và là Thiên Chúa của người Kitô giáo. Theo Thánk kinh, thì trời vừa là hiện tượng tự nhiên, vừa mang ý niệm thần học. Người Do thái thời bấy giờ coi trời là nơi ngự trị của Thiên Chúa ở bên trên bầu trời. Còn Thiên Chúa giáo coi trời hay thiên đàng hoặc thiên đường là nơi hạnh phúc, chốn an nghỉ hay trạng thái của linh hồn người đã được công chính hoá, hay đã được thanh luyện khỏi tội lỗi. Thi sĩ Nguyễn Du đã đọc hay nghe nói về lẽ đạo của Thiên Chúa giáo hay sao, mà trong truyện Kiều, có viết: Biết đâu địa ngục, thiên đường là đâu.

Việc Chúa về trời hay về thiên đàng là dấu chỉ cho cùng đích của người tín hữu. Dẫu có luyến tiếc nhà cửa, tài sản và sự nghiệp thế gian, một ngày nào đó, ta sẽ phải rời khỏi trần thế. Mặc dù loài người được coi là trung tâm điểm của vũ trụ, con người vẫn phải tìm cứu cánh cho mình để có thể trở về nguồn gốc và cội rễ của mình. Nếu không thì đời sống con người ở trần gian sẽ mất ý nghĩa và sẽ qua đi như loài vật, cỏ cây và hoa lá.

Hôm nay mỗi người cần tự hỏi: Có bao giờ ta đã hướng lòng trí về trời, về những lí tưởng cao đẹp, vị tha và bác ái chăng? Việc hướng lòng trí về trời sẽ giúp cho lòng trí ta siêu thoát dần dần khỏi những sự vật trần thế, mặc dầu ta vẫn phải sử dụng những sự vật này hằng ngày. Việc hướng lòng trí về trời sẽ giúp ta nghĩ đến việc sửa soạn thanh toán sổ sách nợ nần với Chúa và tha nhân (Mt 25:19). Việc hướng lòng trí về trời phải giúp ta sửa soạn rời khỏi đời này dần dần về tâm trí để đối diện trước toà phán xét công minh. Ta cũng sửa soạn cho con cháu làm tăng triển mối liên hệ với Chúa và với anh chị em theo tình huynh đệ khi ta đã ra đi vĩnh viễn.

Mỗi tuần ta đã dành cho Nước trời được bao nhiêu thời giờ để đến nhà thờ dâng thánh lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Ta đã làm việc cho Nước trời được bao nhiêu thời giờ trong việc phục vụ, việc từ thiện bác ái? Hay ta chỉ mải miết cặm cụi: bảy ngày một tuần với những sự việc trần thế? Có phải ta coi Nước trời là quá cao siêu, xa vời về thời gian cũng như không gian như trời cao đất thấp, cho nên ta đặt cùng đích của cuộc sống vào đời này cho xong chuyện? Trong Phúc âm Chúa nhắn nhủ ta: Trước hết hãy tìm kiếm nước Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những sự khác, Người sẽ ban sau (Mt 6:33).

Khi suy gẫm về Mầu Nhiệm thứ hai trong chuỗi Mân Côi Năm sự Mừng: Thứ Hai thì ngắm Ðức Chúa Giêsu lên trời, Ta xin cho được ái mộ những sự trên trời. Vậy ta có ý thức được điều mình xin hay ta chỉ đọc kinh một cách máy móc? Và nếu ý thức được điều mình xin, ta có thực hành những điều mà ta ái mộ về Nước trời không? Vậy những sự trên trời là gì? Những sự trên trời là những giá trị Phúc âm: chân thật, công chính, thanh liêm, ngay thẳng, vị tha, bác ái.. Những sự trên trời là Tám mối Phúc thật: Phúc cho những ai thế nọ, thế kia. . vì nước Trời là của họ. Khi thánh Mạc-tin thành Tours gần chết trên giường bệnh, ngài nhìn thẳng lên, suy niệm về đường Chúa lên trời, để cho tư tưởng hướng về trời. Việc Chúa lên trời phải là dấu hi vọng cho người tín hữu ở trần thế. Ðó là điều mà thánh Phaolô bảo tín hữu Êphêsô: Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hi vọng anh em đã nhận được (Ep 1: 18).

Ngày lễ Chúa lên trời phải nhắc nhở cho ta về quê hương vĩnh cửu của ta ở trên trời. Trước khi về trời Ðức Giêsu hứa sẽ trở lại đón ta khi Người phán: Thầy đi và dọn chỗ cho chúng con rồi, Thầy lại đến đón chúng con về cùng Thầy, cốt cho Thầy ở đâu, các con cũng được ở đó (Ga 14:2-3). Và Chúa còn cầu nguyện cho ý hướng đó: Lậy Cha, đối với những kẻ Cha đã trao phó cho con, thì con muốn rằng, hễ con ở đâu, họ cũng được ở đó với con, để họ mục kích sự vinh hiển Cha đã ban cho con (Ga 17:24).

Lời cầu nguyện: xin cho được yêu mến những sự trên trời:

Lậy Ðức Giêsu, qua việc lên trời,
Chúa dậy con quê hương vĩnh cửu,
không phải ở tại đời này,
nhưng hệ tại vào đời sau.
Xin khơi dậy trong con một tâm hồn,
biết ái mộ và tìm kiếm những sự trên trời,
để mai sau con được đón vào thiên giới. Amen.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC cầu mong tín hữu các tôn giáo độc thần sống chung hòa bình và thăng tiến thiện ích cho nhân loại
Linh Tiến Khải
16:28 21/05/2009
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tái lập lại ước mong trên đây trước hơn 30.000 tín hữu hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung thứ tư 20-5-2009 tại quảng trường thánh Phêrô.

Như qúy vị và các bạn đã biết Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mới công du Giordania và Thánh Địa về thứ sáu tuần vừa qua. Vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu một số tâm tình và kinh nghiệm của ngài về chuyến viếng thăm này.

Chặng đầu tiên của chuyến viếng thăm là Giordania trong các ngày từ mùng 8 đến 11 tháng 5. Đức Thánh Cha đã thăm núi Nebo nơi ông Môshê đã được Thiên Chúa chỉ cho xem thấy Đất Hứa nhưng không được vào, và Betania là nơi thánh Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa. Nhà thờ tưởng niệm Nebo biểu tượng cho lộ trình hành hương của con người bước đi giữa cái đã có và cái chưa đến. Giáo Hội sống chiều kích cánh chung và lữ hành đó trong thực tại đã được kết hiệp với Chúa Kitô Phu Quân, và nếm hưởng trước lễ cưới, trong khi chờ đợi Chúa trở lại ngày sau hết. Tại Betania Đức Thánh Cha đã làm phép các viên đá đầu tiên để xây hai nhà thờ tại nơi thánh Gioan làm phép rửa. Đây là dấu chỉ sự thừa nhận và tôn trọng của vương quốc Ascemita đối với sự tự do tôn giáo và truyền thống kitô. Sau khi nhắc lại biến cố gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo, ngoại giao đoàn, và các viện trưởng đại học tại đền thờ Al Hussein bin Talal, do vua Abdallah II xây để tưởng niệm vua cha là vua Hussein, người đã tiếp đón Đức Giáo Hoàng Phaolo VI trong chuyến viếng thăm Giordania hồi năm 1964, Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc chung sống hòa bình như sau:

Sự kiện các tín hữu kitô và hồi giáo chung sống hòa bình và tôn trong lẫn nhau quan trọng biết bao nhiêu! Cảm tạ Chúa và nhờ sự dấn thân của các nhà lãnh đạo, đây là điều xảy ra bên Giordania. Vì thế tôi đã cầu nguyện để cho các nơi khác cũng được như vậy, tôi đặc biệt nghĩ tới các kitô hữu đang phải sống các điều kiện khó khăn bên Irak.

Tại Giordania có một cộng đoàn đông đảo các kitô hữu gồm người tị nạn Palestine và Irak. Đây là một sự hiện diện có ý nghĩa, và được xã hội đánh giá cao, vì các công tác giáo dục, và trợ giúp bác ái mà Giáo Hội cống hiến cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo và chủng tộc. Thí dụ điển hình là trung tâm Nữ Vương Hòa Bình tại Amman, nơi tiếp nhận các người tàn tật. Khi thăm viếng nơi đây Đức Thánh Cha đã đem niềm an ủi đến cho người tàn tật, nhưng ngài cũng được phong phú nhờ chứng tá khổ đau và sự chia sẻ nhân bản của các anh chị em này. Nó là dấu chỉ dấn thân của Giáo Hội trong lãnh vực văn hóa. Đức Thánh Cha cũng đã làm phép viên đá xây đại học đầu tiên tại Madaba, thuộc Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem. Nó biểu lộ sự thăng tiến mà Giáo Hội dành cho việc kiếm tìm chân lý và công ích, là tiền đề không thể thiếu đối với sự đối thoại đích thật và phong phú giữa các nền văn hóa. Tại Amman Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi hát kinh chiều trong nhà thờ thánh Giorgio, và thánh lễ tại sân vận động thủ đô, với sự tham dự của dân Chúa gồm tín hữu thuộc nhiều truyền thống khác nhau nhưng hiệp nhất trong một lòng tin duy nhất.

Chặng thứ hai của chuyến tông du là Thánh Địa, từ ngày 11 đến 15 tháng 5. Đức Thánh Cha nói ngài đến Miền Đất, nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, sống, chết và phục sinh như một người hành hương của lòng tin và của hòa bình, để khẩn nài Chúa cho tất cả mọi người sống tại nơi Chúa đã nhập thể, như là con cái Chúa và là anh chị em với nhau. Đức Thánh Cha nói:

Trong vùng đất được Thiên Chúa chúc phúc đó, nhiều lần xem ra không thể ra khỏi cơn lốc của bạo lực. Nhưng không có gì là không có thể đối với Thiên Chúa và đối với những người tin tưởng nơi Chúa! Vì thế lòng tin vào một Thiên Chúa duy nhất và từ bi, là nguồn lợi qúy báu nhất của các dân tộc ấy, phải có thể làm phát xuất ra tất cả sức mạnh của sự tôn trọng, hòa giải và cộng tác. Đó là điều Đức Thánh Cha đã cầu mong khi viếng thăm Đại Mufti và các thủ lãnh các cộng đoàn hồi giáo, cũng như Rabbi Trưởng Giêruslaem, các tổ chức đối thoại liên tôn, và các vị lãnh đạo tôn giáo vùng Galilea.

Chính tại Giêrusalem là nơi gặp gỡ của ba tôn giáo lớn độc thần, Đức Thánh Cha đã cầu mong mọi tín hữu từ bỏ các thành kiến và ý muốn thống trị đề cùng nhau thực thi giới răn yêu thương: mến Chúa với tất cả con người mình và yêu thương tha nhân như chính mình. Tại Giêrusalem Đức Thánh Cha cũng đã viếng thăm Bức Tường Khóc và đền thờ Đá Tảng, là hai nơi biểu tượng cho Do thái giáo và Hồi giáo. Ngài cũng thăm đài tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái Yad Vashem và suy niệm về mầu nhiệm ”tên của con người”: mỗi người đều thánh thiêng và có tên được viết trong con tim của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha khẳng định rằng không bao giờ được phép quên cuộc diệt chủng do thái, trái lại phải luôn nhớ tới nó như là lời cảnh báo đại đồng đối với sự thánh thiêng của cuộc sống con người.

Chuyến viếng thăm Thánh Địa cũng là chuyến viếng thăm các cộng đoàn công giáo sống tại đây. Đức Thánh Cha đã đến thăm Nhà Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu đã rửa chân cho các Tông Đồ, thành lập bí tích Thánh Thể và ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội, để suy niệm về sự hiệp nhất trong một thân thể và một tinh thần duy nhất hầu biến đổi thế giới với sức mạnh của tình yêu thương. Sống ơn gọi này tại Thánh Địa có những khó khăn của nó, nhưng Đức Thánh Cha đã khích lệ các Giám Mục và tín hữu đừng sợ hãi. Đức Thánh Cha cũng đã gặp các tu sĩ sống đời chiêm niệm và cám ơn họ về lời cầu nguyện các tu sĩ dành cho Giáo Hội và cho nền hòa bình.

Trong thánh lễ cử hành tại Thung Lũng Giosaphat ở Giêrusalem, Đức Thánh Cha đã cùng mọi người suy niệm về sự Phục Sinh và sức mạnh của niềm hy vọng và hòa bình đối với Thành Thánh và toàn thế giới. Trong thánh lễ dâng trước Vương cung thánh đường Giáng Sinh Đức Thánh Cha đã cảm nghiệm được thực tại của sự bấp bênh, cô đơn và nghèo túng, xa vời sứ điệp an bình của mầu nhiệm Giáng Sinh. Ngài cũng đã thăm nhà thương nhi đồng Bếtlehem, do các giáo phận Đức và Thụy Sĩ tài trợ, cũng như thăm trại tị nạn Aida để bầy tỏ tình liên đới và sự gần gũi của Giáo Hội đối với các anh chị em tị nạn và khích lệ họ iếm tìm hòa bình với các phương thế không bạo động. Tai Nagiarét ngài cử hành thánh lễ cho tín hữu và cùng nhau cầu nguyên cho mọi gia đình, để họ tái khám phá ra vẻ đẹp của hôn nhân và cuộc sống gia đình, gía trị của tinh thần tu đức gia đình và nền giáo dục, chú ý tới trẻ em có quyền lớn lên trong hòa bình và an vui.

Chuyến hành hương của Đức Thánh Cha kết thúc với cuộc viếng thăm Thánh Mộ và Đồi Can vê, cũng như gặp gỡ đại diện các Giáo Hội Kitô tại Tòa Thượng Phụ Hy Lạp Chính Thống và nhà thờ thượng phụ Armeni Tông Truyền. Mặc dù các biến cố xảy ra tại các nơi thánh này, mặc dù đã có các chiến tranh, tàn phá và xung khắc giữa các kitô hữu tại các Nơi Thánh này, Giáo Hội vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình và tiến bước về hiệp nhất, vì được Thần Khí của Chúa Kitô phục sinh thúc đẩy.

Đức Thánh Cha đã không quên cám ơn nhà vua và hoàng hậu Giordania cũng như mọi giới chức đạo đời Giordania, Israel và Palestina cũng như tất cả mọi người đã cộng tác để cho cuộc hành lòng tin và hòa bình của ngài được diễn ra tốt đẹp.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Slovac, Croat và Ý. Ngài cầu chúc chuyến hành hương viếng mộ hai thánh Pherô Phaolô củng cố niềm tin của họ nơi Chúa và Giáo Hội. Chào đông đảo các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nói thứ năm hôm nay tại Vaticăng cũng như nhiều nước khác Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Giáo Hội Italia và các Giáo Hội khác sẽ mừng vào Chúa Nhật tới đây. Lễ Thăng Thiên mời gọi mọi người hướng nhìn lên Chúa Giêsu, là Đấng trước khi về trời đã trao phó cho các Tông Đồ sứ mệnh loan báo sứ điệp cứu độ cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ dấn thân phục vụ Tin Mừng. Ngài xin các anh chị em đau yếu dâng khổ đau cho Chúa và góp phần qúy báu làm cho Nước Chúa lớn mạnh trong thế giới. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biến gia đình trở thành các tổ ấm trong đó con người học làm chứng cho Tin Mừng hy vọng.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Tương quan giữa Giáo Hội Hồng Kông với chính quyền và Giáo Hội Hoa Lục
Linh Tiến Khải
16:31 21/05/2009
Phỏng vấn Đức Cha Gioan Thang Hán, Giám Mục Hồng Kông về tương quan của Giáo Hội với chính quyền Bắc Kinh và Giáo Hội Hoa Lục

Ngày 14 tháng 4 vừa qua Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhận đơn xin từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám Mục Hồng Kông. Đức Cha Gioan Thang Hán là Giám Mục Phó đương nhiên lên kế vị. Vào tháng 7 tới đây Đức Cha Thang Hán sẽ tròn 70 tuổi.

Lần trước chúng tôi đã gửi tới qúy vị và các bạn phần 1 bài bài phỏng vấn Đức Cha, do Linh Mục Gianni Criveller, thừa sai Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano, thực hiện, liên quan tới công tác rao truyền Tin Mừng tại Hồng Kông. Hôm nay xin gửi tới qúy vị và các bạn phần 2 của bài phỏng vấn Đức Cha Gioan Thang Hán về tương quan của Giáo Hội với chính quyền Bắc Kinh và Giáo Hội Hoa Lục.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Giáo Hội Công Giáo Hồng Kông có tiếp tục nhiệm vụ là Giáo Hội anh em cầu nối đối với Hoa Lục hay không?

Đáp: Để miêu tả tư tưởng trong 30 năm qua đã hướng dẫn công việc của tôi đối với Hoa Lục, tôi xin dùng từ viết tắt SMART: chữ S là Small, có nghĩa là bé nhỏ, vì chúng tôi tài trợ các dự án nhỏ; chữ M là Measurable, có thể đong đếm được hay kiểm thực được, vì nó đòi hỏi phải có một hệ thống kiểm thực các dự án; chữ A là Articulate có nghĩa là chi tiết, vì mọi yếu tố và mọi tình trạng của các dự án phải được diễn tả rõ ràng; chữ R là Results có nghĩa là có kết quả, vì các dự án phải đem lại các hiệu qủa như đã hứa; và chữ T là Time có nghĩa là thời gian, các dự án phải bắt đầu và kết thúc trong thời gian hữu lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc theo các tiêu chuẩn này. Và như thế chúng tôi có thể làm cho nhiệm vụ cầu nối của chúng tôi trở thành hữu hiệu hơn. Tôi không phải là một người có tham vọng. Nếu chúng tôi có thể tiếp tục công việc của chúng tôi bằng cách xây dựng trên sự tin tưởng mà những người khác đã trao ban cho chúng tôi, thì chúng tôi có thể cống hiến phần đóng góp của mình cho Giáo Hội Hoa Lục và cho Giáo Hội hoàn vũ.

Tôi đã được giáo dục trong nền triết lý và thần học kinh viện. Không có lý luận nào có gía trị chống lại các sự kiện. Theo đường hướng này chúng tôi đã đóng góp rất nhiều. Và cho tới nay công việc của chúng tôi đã được nhiều nơi trên thế giới và trong Giáo Hội hoàn vũ đánh giá cao. Dĩ nhiên chúng tôi hiểu là phần đóng góp của mình vẫn còn hạn hẹp, nhưng chúng tôi có thể trợ giúp Giáo Hội Hoa Lục trong một cách thế nào đó. Điều này đỏi hỏi phải có một cái nhìn và một quan điểm đúng đắn, và cần phải có sự cố gắng và lòng kiên trì. Tôi hy vọng là quan điểm này cũng được nhiều người khác chia sẻ. Các nguyên tắc này không chỉ hữu ích cho công việc làm của chúng tôi đối với Giáo Hội Hoa Lục, mà cũng hữu ích đối với cuộc sống tinh thần của chúng tôi nữa.

Hỏi: Trong cụ thể, Giáo Hội Hồng Kông có thể làm gì để trợ giúp Giáo Hội Hoa Lục. Trong các đại chủng viện Hoa Lục có còn có các giáo sư Hồng Kông hay không thưa Đức Cha?

Đáp: Ngày nay có nhiều tni hữu công giáo thăm Hoa Lục như khách du lịch. Rất nhiều người có thể gây được ảnh hưởng tốt giúp các anh chị em Hoa Lục cập nhật các vấn đề mới. Tình hình hiện nay cũng cho phép một vài tín hữu công giáo Hoa Lục sang Hồng Kông. Chúng tôi làm hết sức để tiếp đọn họ. Giáo phận Hồng Kông đã thành lập một ủy ban đặc trách việc này. Họ viếng thăm một số nhà thờ, tham dự một số sinh hoạt của Giáo Hội và viếng thăm một vài tổ chức như Ủy ban phụng vụ,, trung tâm giáo lý, các đơn vị mục vụ nhà thương vv... Cho tới nay các cuộc viếng thăm này đã được đánh giá rất tốt. Có sự trao đổi hai chiều trong các tương quan của chúng tôi: chúng tôi thăm Hoa Lục và các anh chị em Hoa Lục sang thăm chúng tôi.

Một vài giáo sư của chúng tôi cũng được phép dậy trong các đại chủng viện Hoa Lục, nhưng hiện nay thì ít hơn trước kia. Đàng khác có một số các linh mục và nữ tu của chúng tôi được mời giảng tĩnh tâm, làm linh hướng và hướng dẫn các khóa gặp gỡ tinh thần tại Hoa Lục. Số các vị này nhiều hơn trong qúa khứ. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn tốt lành với chúng tôi. Như một câu châm ngôn Ailen có nói: ”Khi Chúa đóng một cửa vào, thì Ngài lại mở ra một cửa sổ”.

Hỏi: Vậy thì đâu là các ưu tiên đối với Giáo Hội Hoa Lục thưa Đức Cha?

Đáp: Tôi theo bức thư mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gửi cho tín hữu công giáo Trung Quốc. Có một vài ưu tiên như: thăng tiến hòa giải và hiệp nhất gữa các cộng đoàn khác nhau tại Hoa Lục, và thăng tiến sự hiệp thông của họ với Giáo Hội hoàn vũ và với Đức Thánh Cha. Ngoài ra việc đào tạo các linh mục, nữ tu, chủng sinh và giáo dân cũng là những điểm quan trọng và ưu tiên.

Hỏi: Đức Cha có nghĩ rằng Đức Cha có thể nắm giữ một vai trò trong việc phục vụ Giáo Hội Hoa Lục hay không?

Đáp: Như là tín hữu công giáo và nhất là trong tư cách là Giám Mục chắc chắn là tôi có thể nắm giữ một vai trò trong việc này rồi. Tôi có thể hướng dẫn các cơ cấu của giáo phận, hàng giáo sĩ và giáo dân đi đúng hướng. Tôi đã làm việc này từ 30 năm nay và tôi sẽ tiếp tục làm việc này. Chính vì thế nên tôi tiếp tục ở trong đại chủng viện, thay vì di chuyển về Trung tâm của giáo phận là Tòa Giám Mục. Và cũng chính để tiếp tục công việc này mày tôi tiếp tục làm giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Chúa Thánh Linh. Tất cả những điều đó hơi đặc biệt một chút. Nhưng khi nghe tôi thông báo như vậy, không ai trong giáo phận ngạc nhiên vì mọi người đều biết tôi tha thiết với công tác trợ giúp Giáo Hội Hoa Lục.

Hỏi: Đức Cha có nhận xét gì trong tương quan với đường lối chính trị của Nhà Nước Trung Quốc. Đức Cha có liên lạc với chính quyền Bắc Kinh và với văn phòng liên lạc của nhà nước tại Hồng Kông không?

Đáp: Tôi coi tương quan với Nhà Nước là được. Cho tới nay cánh cửa cho các cuộc tiếp xúc của tôi vẫn mở, và phía họ đối với tôi cũng thế. Ít nhất chúng tôi có thể nói chuyện với nhau. Như tôi đã nói trong lời tuyên bố của tôi và trong cuộc họp báo ngày 16 tháng 4 vừa qua, tôi có các nguyên tắc không thể thương lượng được. Trước hết tôi ước mong chứng tỏ sự rộng mở và sự nồng nhiệt đối với tất cả mọi người. Nhưng tôi không thể che dấu và hy sinh các nguyên tắc của mình và các đường hướng nền tảng. Vì thế nên tôi sẽ theo lá thư Đức Thánh Cha gửi cho tín hữu công giáo trung hoa. Đức Thánh Cha đã chỉ cho chúng tôi hướng đi phải theo, và tôi sẽ làm như thế. Tôi là thành viên Ủy ban đặc trách về Giáo Hội Hoa Lục do Tòa Thánh thành lập. Trong các cuộc họp của Ủy ban, đôi khi tôi đã trình bầy các ý kiến của tôi một cách cởi mở và tôi nhận thấy các ý kiến đó đã được Tòa Thánh chấp nhận. Và tôi đã kiểm thực các đường hướng nền tảng với Tòa Thánh. Khi duy trì vững vàng các nguyên tắc, tôi có thể duy trì cuộc đối thoại với chính quyền Trung Quốc.

Hỏi: Nhà Nước Trung Quốc có gửi lời chúc mừng việc Đức Cha được chỉ định là Giám Mục Hồng Kông hay không?

Đáp: Có, tôi có nhận được các lời chúc mừng của các vị đại diện chính quyền Trung Quốc. Ông Phó giám đốc văn phòng liên lạc Hồng Kông đã gửi một bức thư nồng nhiệt chúc mừng tôi. Ngày 16 tháng 4 trong cuộc họp báo của tôi phát ngôn viên Bộ ngoại giao Bắc Kinh đã trả lời câu hỏi của một nhà báo liên quan tới việc tôi được bổ nhiệm, mà không đưa ra lời phê bình tiêu cực nào. Báo chỉ Trung Quốc đã đăng tải lời tuyên bố của ông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã trích lại hiệp định ký kết với Anh quốc, và nói tới ”một quốc gia, hai hệ thống”; ông hy vọng tương quan của chúng tôi sẽ tốt đẹp hơn và ông khích lệ liên lạc giữa Giáo Hội Hồng Kông và Giáo Hội Hoa Lục. Dĩ nhiên là ông ta cũng dùng các điệp khúc quen thuộc như: nguyên tắc không xen mình vào nội bộ, không tùng phục, và tôn trọng nhau. Nhưng ít nhất là ông ta đã nói về tôi một cách trung lập, không tiêu cực. Tôi xin lập lại là tương quan của tôi với Nhà Nước Bắc Kinh cho tới nay có thể chấp nhận được.



Hỏi: Thưa Đức Cha, nếu được mời thăm Hoa Lục Đức Cha có nhận lời không và với các điều kiện nào?


Đáp: Năm ngoái tôi đã được mời tham dự lễ nghi khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh. Trong trường hơp được mời nữa, tôi sẽ theo cùng các nguyên tắc mà tôi đã xác định trong một bài viết cho báo quan Sát Viên Roma hồi tháng 8 năm ngoái 2008. Trước hết tôi sẽ hỏi ý kiến bề trên của tôi. Thế rồi nếu thăm Hoa Lục tôi sẽ đi một cách hết sức kín đáo, vì bên Hoa Lục vẫn còn có các Giám Mục bị tù và tôi không muốn quên các vị. Các vị là anh em của tôi, vì thế tôi sẽ luôn luôn chứng tỏ sự săn sóc và qúy trọng của tôi đối với các vị. Tôi nhớ có lần tôi đã tháp tùng Đức Cha Gioan Baotixita Hồ Chấn Trung thăm Hoa Lục hồi năm 1985. Chúng tôi đã tìm cách gặp Đức Cha Cung Phần Mai, Giám Mục Thượng Hải còn đang bị tù. Trong suốt chuyến viếng thăm, khi nói chuyện với các đại diện của chính quyền, chúng tôi đã nhấn mạnh rất nhiều trên ước muốn viếng thăm Đức Cha Cung. Lúc ấy chúng tôi chưa biết là Người đã được Đức Gioan Phaolo II thăng Hồng Y kín ”in pectore”. Chính quyền cũng biết ý của chúng tôi: chúng tôi không viếng thăm Hoa Lục trong tư cách là khách du lịch, hay để được mời dự yến tiệc. Đó không phải là những điều mà chúng tôi chú ý. Nhưng chúng tôi lo lắng cho tất cả các anh chị em bị hạn chế các quyền con người và quyền tự do tôn giáo.

Hỏi: Theo Đức Cha, Nhà Nước Bắc Kinh phải có các bước đi nào để cải tiến tương quan với Giáo Hội Công Giáo?

Đáp: Cho tới khi nào chính quyền không cho phép tự do tôn giáo và tôn trọng các quyền con người của tất cả các anh chị em của Giáo Hội, thì sẽ không thể có các tương quan trọn vẹn giữa hai bên. Và chúng tôi có bổn phận phải làm tất cả những gì có thể để soi sáng cho nhà nước liên quan tới các đề tài này. Đây cũng là điều chúng ta có thể làm để trợ giúp Giáo Hội Công giáo Hoa Lục Thật là rất đẹp khi thấy Tòa Thánh có cuộc đối thoại không hình thức với chính quyền Trung Quốc. Ít nhất là cánh cửa không bị đóng. Chúng tôi được hướng dẫn bởi tinh thần của Công Đồng Chung Vaticăng II: đó là chỉ có đối thoại và thương thảo mới có thể giải quyết các xung khắc. Chống đối và oán ghét sẽ không bao giờ giúp giải quyết vấn đề. Đây là điều tôi đã học được khi học thần học tại Roma, chính trong thời Công Đồng Chung Vaticăng II nhóm họp. Tinh thần của Công Đồng Chung Vaticăng II đã rất là soi sáng đối với tôi.

Hỏi: Đức Cha đã nhắc tới bức thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi cho tín hữu công giáo Hoa Lục. Các chỉ dẫn của Đức Thánh Cha đã được thực hành như thế nào? Tòa Thánh có thể làm gì để yểm trợ Giáo Hội tại Trung Quốc, thưa Đức Cha?

Đáp: Trước hết phải làm sao để mọi người đều có khả thể đọc bức thư đó của Đức Thánh Cha. Thứ hai là giúp tín hữu hiểu nó một cách đúng đắn. Không được phép chỉ giải thích một phần bức thư đó mà thôi. Cần phải chấp nhận toàn vẹn bức thư. Nếu chúng ta đọc nó một cách đúng đắn, chúng ta sẽ học được thế nào là tha thứ và hy sinh cho thiện ích lớn lao hơn của Giáo Hội. Vì thế tôi rất sung sướng khi biết rằng trong tương lai gần Tòa Thánh sẽ cho phát hành một một cuốn sách bổ túc hướng dẫn và giải thích nó. Nó sẽ là một thiện ích đối với các tín hữu công giáo, đặc biệt đối với các tín hữu công giáo Trung Quốc, giúp hiểu biết bức thư một cách đúng đắn.

(ASIANEWS 30-4-2009)
 
Đức Thánh Cha suy tư về chuyến tông du Thánh Địa
Nguyễn Việt Nam
17:40 21/05/2009
Theo thông lệ sau mỗi chuyến tông du, sáng thứ Tư 20/5, Đức Thánh Cha đã dành buổi tiếp kiến chung hàng tuần để ôn lại chuyến tông du Thánh Địa từ ngày 8 đến 15 tháng 5 vừa qua. Ngài xem đó là “cuộc hành hương ngoại thường về những nguồn cội của đức tin, và đồng thời cũng là chuyến tông du đến nơi Giáo Hội đang sống”

Nói với hơn 20,000 khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã nhắc lại chặng đầu chuyến tông du khi ngài thăm Jordani, đặc biệt tại Núi Nebo nơi ông Môsê đã nhìn thấy miền đất hứa và tại Bethany bên bờ sông Jordan nơi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa.

“Đài tưởng niệm ông Môsê tại Núi Nebo nói với chúng ta về tình trạng của chúng ta hiện nay như những người hành hương, đang lơ lửng giữa một cái đã rồi và một cái chưa đến, giữa một lời hứa quá vĩ đại và quá đẹp nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình, và một hiện thực đè nặng lên chúng ta, đè nặng lên cả thế giới. Giáo Hội cảm nghiệm ‘vị thế’ cánh chung và lữ hành này nơi chính mình”.

Đức Thánh Cha cũng đã dành nhiều đoạn để nói về chuyến tông du của ngài tại Do Thái và Palestine. Ngài nói:

“Từ khi đến nơi, tôi đã trình bày chính mình như một người hành hương trong đức tin về miền Đất nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, lớn lên, đã chết và đã sống lại; và đồng thời như một người hành hương hòa bình cầu khẩn cùng Thiên Chúa tại nơi Ngài đã hoá thành nhục thể, xin cho mọi dân tộc có thể sống như con cái của Ngài, như anh chị em với nhau”.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Nơi miền Đất đã được Thiên Chúa chúc phúc, lúc này lúc khác ta có cảm tưởng dường như không thể thoát ra khỏi cái vòng xoáy trôn ốc của bạo lực. Nhưng đối với Thiên Chúa và với những ai tin cậy nơi Ngài thì không có điều gì là không thể được! Vì thế, đức tin nơi cùng một Thiên Chúa công bình và giầu lòng thương xót, một điều thật quý mà dân chúng trong vùng đất này thủ đắc, cần phải được phát huy hết mọi tiềm năng để mang đến tôn trọng, hòa giải và hợp tác”.

“Jerusalem là nơi hội tụ của ba tôn giáo độc thần lớn nhất, và chính cái tên của nó ‘thành phố hòa bình’ là một biểu thị chương trình của Thiên Chúa cho nhân loại: đó là biến họ thành một đại gia đình lớn. Đây chính là điều mà các tín hữu Do Thái, Kitô và Hồi Giáo được kêu gọi làm chứng để vinh danh Thiên Chúa Đấng mà họ cầu nguyện trên môi miệng.”

Cần phải có thời gian để đánh giá chính xác những hiệu quả của chuyến tông du Thánh Địa của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI. Tuy nhiên, sau những ồn ào nổi lên do việc một số báo chí Do Thái phê bình bài diễn văn của Đức Thánh Cha tại đài tưởng niệm Yad Vashem, ngày càng có những phản ứng tích cực từ phía các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo.

Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch ủy ban đối hoại với Do Thái Giáo nói với tờ National Catholic Reporter là ngài kinh ngạc trước những phản ứng của báo chí Do Thái trước bài diễn văn của Đức Thánh Cha tại Yad Vashem. “Tôi có cảm tưởng rằng đã có một thái độ cho rằng bài diễn văn của Đức Thánh Cha là ‘tốt lắm, nhưng chưa đủ”.

Những chỉ trích của báo chí Do Thái liên quan đến bài diễn văn của Đức Thánh Cha tập trung không phải vào những điều ngài nói nhưng vào những điều ngài đã không đề cập đến, chẳng hạn như Đức Thánh Cha không nhắc đến tâm tình bài Do Thái của các Kitô hữu trong các thế kỷ trước, và không phê phán đích danh nước Đức như là thủ phạm dã man vụ diệt chủng người Do Thái.

Tuy nhiên, trên tờ Wall Street Journal, Rabbi Yechiel Eckstein người sáng lập tổ chức International Fellowship of Christians and Jews đã lên tiếng phê bình mạnh mẽ những ai chỉ trích bài diễn văn của Đức Thánh Cha tại viện Yad Vashem.

“Chỉ nguyên sự có mặt của Đức Bênêđíctô XVI tại viện Yad Vashem để bày tỏ niềm cảm thông sâu xa của vị lãnh đạo hàng tỷ tín đồ trước sự đau khổ của các nạn nhân và gia đình của họ vì cuộc diệt chủng người Do Thái đã là một sự kiện có ý nghĩa lớn lao.”

Rabbi Eckstein cũng lên tiếng phê bình các chính trị gia Do Thái tẩy chay các cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha.

“Nếu họ đến dự thì chính tai họ đã nghe thấy vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo nói lên những đau khổ mà dân tộc chúng ta phải gánh chịu trong cuộc diệt chủng, quyền có được lãnh thổ của chúng ta xuất phát từ Thánh Kinh, và những mối liên hệ sâu xa trong đức tin giữa các tín hữu Kitô và các tín hữu Do Thái. Nếu họ đến, họ đã nghe thấy ngài mạnh mẽ lên án đến mức nào chủ nghĩa bài Do Thái và những ai phủ nhận cuộc diệt chủng người Do Thái”.

“Là người đã theo đuổi cuộc đối thoại Công Giáo và Do Thái Giáo trong 35 năm qua, tôi cảm thấy hết sức khích lệ trước cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng và tôi tin rằng cuộc viếng thăm này đóng một vai trò quan trọng trong việc chôn vùi quá khứ đen tối và bạo lực giữa người Do Thái và Kitô giáo”.

Rabbi Eckstein kết luận rằng:

“Thế giới rất cần đến những mẫu gương hòa giải như thế. Tôi cầu nguyện cho mẫu gương hòa giải này soi sáng anh chị em Hồi Giáo chúng ta để mọi con cái của Abraham tìm thấy hòa bình với nhau”.
 
Làm chứng nhân cho đức tin trong thế giới kỹ thuật số
Phụng Nghi
18:09 21/05/2009
VATICAN CITY (VIS) - Kết thúc buổi triều yết chung tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng ngày 20 tháng 5, Đức giáo hoàng đã vắn tắt mở lời kêu gọi về Ngày Truyền thông Thế giới sẽ được cử hành vào ngày Chủ nhật 24 tháng 5 sắp tới.

Phát biểu bằng Anh ngữ, Đức thánh cha cho biết về Thông điệp Ngày Truyền thông năm nay của ngài: “Tôi mời gọi tất cả những ai truyền đạt cách sử dụng những kỹ thuật truyền thông mới, đặc biệt là giới trẻ, hãy dùng những kỹ thuật đó một cách tích cực và nhận thức được tiềm năng lớn lao của những phương tiện này để xây dựng những mối liên lạc thân hữu và đoàn kết nhằm có thể góp phần vào một thế giới tốt đẹp hơn.

Ngài nói thêm: “Kỹ thuật mới dã đem lại những sự thay đổi cơ bản trong đường hướng các tin tức và tài liệu được phổ biến và cách thức con người truyền đạt tư tưởng và liên kết với nhau. Tôi mong được khuyến khích tất cả những người truy cập vào không gian ảo (tạm dịch từ cyberspace) nên cẩn trọng duy trì và đề cao một nền văn hóa tương kính, đối thoại và bằng hữu chân thật, ở đó các giá trị của chân lý, hài hòa và hiểu biết có thể phát triển.

“Đặc biệt với giới trẻ, cha kêu gọi các con hãy làm nhân chứng cho đức tin của chúng con qua thế giới kỹ thuật số. Hãy dùng những kỹ thuật mới đó để truyền bá Thánh Kinh, hầu cho Tin Mừng về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa vang dội bằng những phương thức mới khắp trong thế giới của chúng ta, một thế giới không ngừng tăng tiến về kỹ thuật.”
 
Tôn giáo có thể giúp tăng cuờng mối liên kết về xã hội
Phụng Nghi
18:12 21/05/2009
VATICAN CITY (VIS) - Viện Nghiên cứu về Liên tôn giáo thuộc Hoàng gia Jordan, cùng với Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, đã họp phiên đầu tiên tại Amman (Jordan) từ ngày 18 đến 20 tháng 5. Chủ đề của phiên họp là “Tôn giáo và Xã hội Dân sự.”

Bản thông cáo bằng Anh ngữ công bố trưa ngày 20 tháng 5 cho biết hướng dẫn phái đoàn Jordan là Đại sứ Hasan Abu Numah, giám đốc Viện Nghiên cứu nói trên, còn phái đoàn Tòa thánh do Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo.

Vào lúc kết thúc phiên họp đầu tiên này, các thành viên tham dự đã thỏa thuận về “tầm quan trọng của xã hội dân sự trong việc phát triển tốt đẹp và toàn bộ các cá nhân và cộng đồng, công nhận sự đóng góp đặc biệt và rất cần thiết mà xã hội dân sự có thể cung ứng như là một diễn đàn qúy giá cho việc đối thoại liên quan đến vấn đề thực thi tự do một cách có trách nhiệm.

“Các tham dự viên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công cuộc giáo dục thanh thiếu niên về các giá trị của sự tương kính, về nền văn hóa đối thoại, gạt bỏ bạo lực, nhằm để đề cao sự chung sống hòa bình dựa trên căn bản quyền công dân đầy đủ.

“Các tham dự viên đã nhấn mạnh đến tính thích đáng của thể chế dân chủ và quy tắc luật pháp trong một Quốc gia tôn trọng những khác biệt về tôn giáo, văn hóa, chủng tộc, và thực thi bình đẳng giữa mọi công dân, trên căn bản tôn trọng nhân phẩm và bảo đảm những quyền căn bản của con người, đặc biệt là công bằng và tự do.

“Các tôn giáo có một vai trò đặc biệt trong xã hội dân sự, cung ứng những động cơ thúc đẩy cho sự đóng góp của công dân vào công ích, đặt căn bản trên đức tin vào Thượng Đế, và vượt trên những thủ đoạn chính trị cũng như kiếm tìm quyền lực.”

Bản thông cáo kết luận bằng việc cho biết “các tham dự viên đã nhấn mạnh đến vai trò tôn giáo trong việc củng cố sự tham gia và liên kết về phương diện xã hội, do đó tạo ra sự trợ lực đặc biệt cho việc xây dựng một Quốc gia ổn định và thịnh vượng, đặt căn bản trên nguyên tắc phụ trợ.”

Cuộc họp kế tiếp sẽ tổ chức tại Roma trong vòng hai năm tới và trước đó sẽ có “một phiên họp chuẩn bị để xác định chủ đề và các thể thức.”
 
Top Stories
Ancora tensioni tra gruppi cattolici e autorità vietnamite
Asia-News
16:18 21/05/2009
A Thai Binh i fedeli si sono rifiutati di partecipare alle feste per il compleanno di Ho Chi Minh, mentre a Son La sono riusciti a parlare con una delegazione americana, malgrado i tentativi di bloccare l’incontro.

La riunione alla chiesa di casa
Hanoi (AsiaNews) - Ancora tensioni tra autorità governative vietnamite e gruppi di cattolici: i fedel di Thai Binh non hanno partecipato alle celebrazioni per il compleanno dello “zio Ho”, come viene chiamato il “padre della patria”, Ho Chi Minh, mentre a Son La sono riusciti a raccontare le vessazioni che subiscono da anni ad una delegazione della United States Commision for International Religious Freedom (USCIRF), malgrado le autorità avessero tentato di impedirlo.

Son La, dove da anni le autorità tentano di impedire ogni forma di vita religiosa, era una delle mete che si era posta la USCIRF. Le autorità hanno fatto del loro meglio per prevenire l’incontro. Da giorni, i cattolici erano stati messi in guardia che “avrebbero gravemente violato la legge” se avessero parlato con la delegazione. Il luogo nel quale avrebbe comunque dovuto svolgersi l’incontro era stato cambiato più volte, per creare confusione. Esso

Avrebbe dovuto svolgersi nella casa, che i proprietari mettono generosamente a disposizione cme chiesa domestica, ma all’ultimo momento le autorità l’hanno spostato in municipio, dove sarebbe stato facile limitare il numero dei partecipanti. Si sarebbe anche evitato l’incontro con Trinh Xuan Thuy, il proprietario della casa-chiesa domestica, appena rientrato da Hanoi, dove si era recato per cure e ancora troppo malato per muoversi da casa.

Il 19 maggio, però, la delegazione americana, però, ha deciso di andare a casa diThuy (nella foto) dove ha potuto sentire dai testimoni le vessazioni cui sono sottoposti. Di fronte ai funzionari che limitano la loro libertà religiosa, i fedeli hanno anche chiesto che il governo statunitense si muova rapidamente e attivamente per ottenere un reale cambiamento della politica delle autorità, che renda loro possibile praticare la propria fede.

Lo stesso giorno, a Thai Binh, i cattolici hanno boicottato la festa per il cmpleanno dello “zio Ho”, in segno di protesta per il comportamento tenuto dalle autorità che hanno cercato di impedire con ogni mezzo il loro pellegrinaggio per il giubileo dei Redentoristi di Thai Ha.

Nel ricordo di quando furono bloccati in casa o costretti a scendere dai pullman e percorrere miglia di strada a piedi, i cattolici di Thai Binh e in particolare la banda femminile della parrocchia di Cam Chau hanno rifutato l’invito delle autorità, ritenendo che la loro partecipazione non sarebbe stata considerata altro che uno “strumento” per abbellire un evento politico, di fronte agli stessi funzionari che avevano impedito l’esercizio della loro libertà religiosa.
 
Tensions continue between Catholic groups and Vietnamese authorities
Asia-News
16:20 21/05/2009
The faithful of Thai Binh have refused to take part in celebrations marking the birthday of Ho Chi Minh, while in Son La they succeeded in meeting with an American delegation despite attempts to block the encounter.

Meeting at the house church
Hanoi (AsiaNews) – Tensions persist between Catholic groups and the Vietnamese authorities: the faithful of Thai Binh refused to take part in celebrations marking the birthday of “uncle Ho”, as “the father of the homeland” is called, while in Son La others succeeded in describing the daily abuse they have been subjected to for years to a delegation from the United States Commission for International Religious Freedom (USCIRF), despite attempts to impede the encounter.

Son La, where for years local authorities have attempted to stifle all forms of religious life, was one of the main stops on USCIRF’s itinerary. Local authorities tried their best to prevent the meeting. Days prior to the arrival of the USCIRF delegation, Catholics in Son La had been warned that they would “severely violate the law” should they come to talk with the delegation.

The location of the meeting had originally been set up at a private home, used as a house church for the faithful over the years at the generosity of its owner. At the last minute, the government changed the location to the town hall where they could easily limit proceedings. They also sought to prevent a meeting between the delegation and Trinh Xuan Thuy, the owner of the house church, who has been continually harassed by local officials. Thuy had just returned from medical treatment in Hanoi and was still too ill to attend the meeting at the new location.

On May 19th, however, the American delegation decided to make a surprise visit to Thuy (see photo) where they were able to hear testimony of the abuse believers are subjected to. In front of the very officials who deny them their religious freedom, the faithful appealed to the American government to act rapidly to bring about real change in the authorities policies, to make it possible for them to practise their faith.

On the very same day in Thai Binh, Catholics led a boycott of celebrations marking the birthday of “uncle Ho”, in protest of the authorities attempts to bloc, using all available means, their pilgrimage to the Redemptorist jubilee at Thai Ha.

Recalling how they had been blocked in their homes, forced to get off buses and walk for miles, Catholics in Thai Binh and in particular the female band from Cam Chau parish rejected the authorities invitation to take part, believing their participation would be considered one more “instrument” with which to promote the political event, in front of the very officials who deny them their right to practise their religion.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội thầy thuốc Samaritanô Thanh Hóa đến với người nghèo miền núi
Nhật Vy
05:23 21/05/2009
HÀNH TRÌNH CỦA HỘI THẦY THUỐC SAMARITANÔ- THANH HÓA ĐẾN VỚI NGƯỜI NGHÈO MIỀN NÚI

“LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU”

Với tiêu chí phục vụ người nghèo bằng y đức, Hội Thầy thuốc Samaritanô Thanh Hóa đã thực hiện những chuyến hành trình đến với các giáo xứ thuộc giáo phận, để khám và phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo không phân biệt lương giáo; những con người suốt đời lam lũ vẫn cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không có điều kiện để tiếp xúc với các dịch vụ y tế, với các Y Bác sĩ, mỗi lần ốm đau, chỉ biết đến những viên thuốc vô hồn…

Sau những chuyến khám bệnh tại các giáo xứ: Ngọc Lẫm, Chính Tòa, Kẻ Láng, Yên Khánh, Bằng Phú; ngày 16.5.2009, trên 25 Y bác sĩ đã vượt qua chặng đường gần 80 cây số đường dài để đến với các bệnh nhân nghèo tại giáo xứ Phong Ý, thuộc xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Một giáo xứ với con số gần 5.000 giáo dân thuộc 21 giáo họ, nhưng chỉ có một nhà thờ và một nhà xứ duy nhất tại họ Trị sở. Còn 20 giáo họ khác, phải cử hành Thánh lễ tại nhà tư nhân, nếu đông hơn thì làm lễ ngoài sân, nhiều hơn nữa thì cha Quản xứ dâng lễ giữa đồi núi với cảnh thiên nhiên hữu tình…Giáo họ xa nhất nằm cách nhà thờ xứ khoảng 185 cây số, nếu đi bằng xe máy phải mất gần 7 tiếng đồng hồ.

Khi phái đoàn Y bác sĩ đến nơi, các bệnh nhân đã tụ họp đông đủ, phần lớn là những người cao tuổi. Cha Quản xứ Giuse Phạm Văn Nhân đã mở lời bằng câu: “Lương y như từ mẫu”, ngài cho rằng hình ảnh của các Y Bác sĩ hiện diện nơi đây với sự hy sinh vô vị lợi, sẽ mang lại niềm vui, sự ủi an cho những người kém may mắn. Cha Tôma Khấn – linh mục đồng hành của Hội đã bày tỏ sự hân hạnh được đến đây phục vụ các bệnh nhân nghèo, ngài cũng gởi tới mọi người niềm mong ước của Đức Cha Giuse muốn đồng hành với Hội đến chăm sóc họ, nhưng vì công tác của Giáo phận ngài phải vắng nhà, nên cha Tôma xin thay mặt Đức Cha Giuse gởi đến mọi người lời hỏi thăm sức khỏe và khích lệ chân tình.

Bác sĩ Thành đã đại diện cho các hội viên khuyên nhủ mọi người hãy biết giữ gìn sức khỏe, không chỉ thể lý mà cả tinh thần. Đồng thời cũng cho họ biết, hướng tương lai sẽ thành lập một văn phòng đại diện của Hội, để những ai cần giúp đỡ, trao đổi về sức khỏe được có nhiều cơ hội thuận tiện hơn. Bác sĩ Thành cũng cầu chúc mọi người sau khi ra về, sẽ mang theo nụ cười trên môi… Cha Antôn Trịnh Đình Thiệu – Trưởng ban Bác ái Xã hội, thay mặt Giáo phận cám ơn các Y Bác sĩ đã sẵn sàng hy sinh ngày nghỉ quý báu sau một tuần làm việc mệt nhọc, để đến với các bệnh nhân nghèo khổ, như người Samaritanô nhân hậu trong đoạn Tin mừng của Thánh Luca.

Sau lời hát Kinh Hòa Bình với những lời ca thật thấm thía: “Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”, các Y Bác sĩ bắt tay ngay vào việc.

CON SỐ PHÁ KỶ LỤC

Với 5 bàn khám bệnh và 2 bàn phát thuốc, bắt đầu từ 9g đến 17g, các thành viên của Hội đã phục vụ cho gần 1.200 bệnh nhân. Một con số phá kỷ lục. Những chuyến hành trình trước, thường là từ hai đến ba trăm người. Và cách đây hai tuần, tại giáo xứ Bằng phú được xem là đông nhất cũng chỉ gần 500 bệnh nhân. Nhưng hôm nay, con số đã nâng lên trên 1.000 người. Ngoài thuốc men, các bệnh nhân còn được nhận thêm sữa lon, khăn mặt, xà phòng, kem và bót đánh răng tùy nhu cầu. Hầu hết trong số họ, đều là lần khám bệnh đầu tiên. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ của những người nghèo khi nhận thuốc, chúng tôi cảm thấy xót xa. Đáng thương hơn nữa, có người được nhận được nhiều loại thuốc lại vui mừng “khoe” với người khác như bắt được vàng, họ quên rằng, họ bất hạnh hơn những người chỉ nhận được số ít…

Sau khi “đầu tắt mặt tối” khám và phát thuốc, các bác sĩ chỉ kịp ăn buổi trưa thật vội vã…Ngay sau đó, một nhóm đã lên đường đến với họ Mưởn, cách nhà thờ xứ gần 30 cây số. Giáo họ có trên dưới 300 giáo dân, tất cả đều là dân tộc Mường, họ vận sắc phục truyền thống với những màu sắc rực rỡ, nhưng vẫn không thể che lấp nổi cái nghèo hằn lên từng nếp áo, vành khăn…

Trong cái nóng oi bức, chiếc bàn thờ và những ghế ngồi được kê lại để làm nơi khám bệnh. Sau khi khám và phát thuốc cho gần 100 bệnh nhân, nơi đây, dưới mái hiên chật chội và bức tường loang lổ, một thánh lễ đồng tế đã diễn ra, thật đơn sơ nhưng đầy cảm động như lời mở đầu của cha Quản xứ: “Hôm nay đã có 2 sự kiện xảy ra cùng một ngày, những sự kiện mà “từ cổ chí kim” chưa bao giờ có, đó là lần đầu tiên trong lịch sử giáo họ, có thánh lễ đồng tế; và cũng lần đầu tiên, từ “thuở tạo thiên lập địa” đến nay, người dân được nhìn thấy những “thiên thần áo trắng”. Mọi người vỗ tay vang dội, trong khi tự sâu thẳm trong cõi lòng của mỗi thành viên trong Hội, đều dâng trào niềm thương cảm chân thành…

Buổi dâng hoa kính Đức Mẹ được tổ chức ngay sau Thánh lễ, một bàn thờ rất đơn sơ dựng ngay trước ngôi nhà sàn, với những điệu múa, lời ca, cử điệu cũng đầy nét đơn sơ, hồn nhiên của người miền sơn cước…

“…MĂNG CHUA, MUỐI MẶN, XIN ĐỪNG QUÊN NHAU”

Sau khi “chạy xô” Thánh lễ Chúa nhật tại các giáo họ, cha Quản xứ đã kịp về khuôn viên nhà thờ để chào tiễn phái đoàn, ngài đã gởi đến từng thành viên của Hội Samaritanô món quà đặc sản “Măng Chua” của miền đồi núi với lời mong ước Hội sẽ không quên hành trình trở lại nơi đây “mỗi năm ít là một lần”, để người nghèo được hưởng nhờ hơi ấm tình thương và lòng nhân ái.

Nét mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt của các Y Bác sĩ, nhưng nụ cười trên môi mỗi người vẫn tươi tắn và lời hẹn ước vẫn đầy âm hưởng, sẽ gặp lại nhau trong chuyến hành trình cuối tháng tại giáo xứ Đa Minh.
 
Cựu thủ tướng VNCH: Ông Phêrô Nguyễn Bá Cẩn đã tạ thế hưởng thọ 79 tuổi
Đồng Nhân
08:27 21/05/2009
SAN JOSE, California - Ông Phêrô Nguyễn Bá Cẩn, cựu chủ tịch Hạ Viện, cựu thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, đã bất ngờ đột qui và từ trần lúc 4giờ 30 sáng ngày 20 tháng 5 năm 2009 tại Regional Medical Center, thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Linh cữu được quàng tại Nghĩa Trang Oak Hill số 300 Curtner Avenue, San Jose, California 95125. Điện thọai 408-297-2447.

Ông Nguyễn Bá Cẩn sinh năm 1930 tại Cần Thơ. Ông từng theo học khóa 1 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, khóa 1 trường Quốc Gia Hành Chánh, và bước chân vào chính quyền bằng chức vụ quận trưởng quận Cái Bè, Ðịnh Tường, rồi lần lượt giữ các chức phó tỉnh trưởng các tỉnh Ðịnh Tường, Phước Tuy và Long An.

Ông Cẩn ứng cử dân biểu và trở thành chủ tịch Hạ Viện Việt Nam Cộng Hòa ở nhiệm kỳ thứ 2 (1971-1975). Ông Cẩn cũng trở thành tổng bí thư của đảng Công Nông từ năm 1969.

Ðến năm 1975, trước biến cố dồn dập về việc Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam Việt Nam, ông Cẩn đã được mời làm thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa vào Tháng Tư năm 1975.

Ông Cẩn là người Công giáo và rất tích cực trong công tác tông đồ tại San Jose. Ông là thành viên Cursillista rất gần gũi và gắn bó với Phong trào Cursillo tại Cộng đồng Công giáo Việt Nam San José.

Tuy đã sống lưu vong từ 1975, ông Cẩn vẫn có nhiều hoạt động động vì dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Vào tháng 9-2003, cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đã ra mắt tập hồi ký nhan đề "Đất Nước Tôi" tại Quận Cam, và sau đó tại nhiều thành phố khác.

Trong những năm qua, Ông đã đi nhiều nơi diễn thuyết, và nhiều lần nỗ lực lý luận rằng đảỏ Hoàng Sa khi bị Hải Quân Trung Quốc chiếm năm 1974 bằng một cuộc hải chiến là của quân lực VNCH trấn đóng, cho nên không bị ảnh hưởng bởi công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng về vùng lãnh hải hạn chế 12 hải lý.

Trong suốt một năm qua, cựu Thủ Tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn đã phải lao tâm, lao lực soạn hồ sơ tài liệu để khẳng định chủ quyền VN trên vùng biển Đông và các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và cuối cùng ông Nguyễn Bá Cẩn đã thay mặt chính phủ Việt Nam Cộng Hòa để nộp lên Liên Hiệp Quốc đúng thời hạn qui định với Liên Hiệp Quốc một bản văn về lãnh hải của mình, trước sự lấn chiếm vô lối, bất chấp luật lệ của Trung Quốc.

Ngoài ra mới đây nhất vào hôm Chủ Nhật 17 Tháng Năm 2009, cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đã xuất hiện tại Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH kỳ 3”, tổ chức tại trường trung học Independence High School, San Jose.

Cựu Thủ Tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn là một người yêu nước, và đã hoạt động suốt đời vì lý tưởng tự do, dân chủ và vì vẹn toàn lãnh thổ.

Theo tang gia, chương trình tổng quat tang lể được tổ chức như sau:

- Ngày thứ bảy 23-05-09: Thăm Viếng và Lễ Phủ Kỳ VNCH
- Ngày Chúa nhật 24-05-09: Thăm Viếng và Cầu Nguyện
- Ngày thứ hai 25-05-09: Thăm Viếng và Cầu Nguyện
- Ngày thứ ba 26-05-09: Thăm Viếng và Cầu Nguyện
- Ngày thứ tư: 27-05-09: Thánh Lễ An Táng cxầu cho linh hồn Phêrô Nguyễn bá Cẩn tại Nhà Thờ Maria Goretti lúc 10 giờ AM, và Lễ Hạ Huyệt tiếp ngay theo sau tại Nghĩa Trang Oak Hill, San Jose.

Xin cầu cho linh hồn Phêrô sớm hưởng phúc trường sinh trên Thiên quốc.
 
Lễ Thăng Thiên - Đức TGM Hà Nội nói: ''Đời sống ta phải làm chứng về một con người tự do...''
Giuse Trần Ngọc Huấn
15:14 21/05/2009
HÀ NỘI - Vào hồi 10 giờ sáng ngày 21 tháng 5 năm 2009, Ðức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chủ sự Thánh Lễ đại triều mừng Chúa Thăng Thiên tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội. Cùng đồng tế với ngài có Đức Cha phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh cùng quý cha trong Ðại chủng viện, quý cha giáo phận, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh và đông đảo bà con giáo hữu đến từ nhiều nơi trong - ngoài giáo phận.

Xem hình ảnh Thánh lễ tại đây

Lễ Chúa Thăng Thiên là niềm vui vì đó chính là một vinh quang hoàn tất, một thành quả cuối cùng cuả Chúa Giêsu. Ðây cũng là định mệnh mà Chúa mở ra cho những con người đã được cứu chuộc.

Bước vào thánh lễ, Ðức Tổng Giám mục Giuse mời gọi: Lễ Chúa Thăng Thiên là niềm vui vì đó chính là một vinh quang hoàn tất, một thành quả cuối cùng cuả Chúa Giêsu. Ðây cũng là định mệnh mà Chúa mở ra cho những con người đã được cứu chuộc. Vì thế chúng ta hãy vui mừng, hy vọng khi mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội, cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội và cho tất cả tín hữu đều đạt tới cứu cánh như lòng Chúa mong ước. Giờ đây, chúng ta hãy xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta để tất cả những ước nguyện của chúng ta được theo Chúa lên trời và được Chúa thương chấp nhận.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng ngày lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay, Đức Tổng Giám mục đã nhấn mạnh: "Chúa Giêsu phục sinh đã phá vỡ xiềng xích tội lỗi và sự chết... Đời sống ta phải làm chứng về một con người tự do, không còn bị xiềng xích và tù ngục ma quỉ, xác thịt, thế gian trói buộc. Không còn nô lệ cho dục vọng và tội lỗi, nhưng tự do trong nhân đức, trong ơn thánh, trong hi sinh quảng đại."

Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của Đức Tổng Giám mục trong Thánh lễ hôm nay:

Lễ Thăng Thiên

ĐẠT TỚI TẦM VÓC VIÊN MÃN


Cả ba bài đọc hôm nay đều nói đến việc Chúa Giêsu lên trời. Nhưng ở những khía cạnh khác nhau.

Bài đọc thứ nhất trích trong sách Công vụ Tông đồ nói đến việc Chúa Giêsu được cất lên khuất mắt các ông. Chúa được cất lên ở đây không phải là theo chiều cao vật lý, nhưng là lên trong cấp độ sự sống. Chúa Giêsu đi lên một sự sống mới trong một thế giới mới hoàn toàn siêu vượt sự sống và thế giới phàm trần. Đám mây cho biết đó chính là sự sống của Thiên Chúa trong thế giới thần linh, sự sống hạnh phúc trong thế giới vĩnh hằng.

Bài Tin mừng nói đến Chúa lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Ngự bên hữu có nghĩa là ngang hàng với Đức Chúa Cha và có đầy đủ quyền hành như Đức Chúa Cha, thống trị mọi loài trên trời dưới đất như lời thánh Phaolô giải thích trong thư Ephêsô (1, 20-22): “Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô”.

Bài đọc thứ hai trích trong thư Ephêsô nói đến “Chúa đã lên cao, dẫn theo một đám tù… để vũ trụ được viên mãn…để chúng ta đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”. Có lẽ anh chị em thắc mắc chúng ta tự do đâu có bị giam giữ, sao lại gọi chúng ta là tù nhân. Thưa chúng ta là những tù nhân vì chúng ta không có tự do, vì chúng ta bị khống chế không thể làm được những gì mình muốn. Chúng ta bị xiềng xích trói buộc. Chúng ta bị nhà tù giam hãm. Không phải là những xiềng xích hay tù ngục hữu hình ta có thể thấy được nhưng là xiềng xích và tù ngục vô hình. Không phải xiềng xích bằng sắt khua loảng xoảng nặng nề trói buộc thân xác nhưng là những sợi dây vô hình trói buộc tâm hồn. Không phải những nhà tù bằng sắt thép bê tông nhưng là những nhà tù do chính chúng ta dựng lên. Đó là tù ngục của tham lam, của dục vọng, của xác thịt. Xiềng xích và tù ngục đó là ma quỉ, là xác thịt, là thế gian, là tội lỗi. Đó là xiềng xích của sự chết. Chúng ta bị sự chết trói buộc. Không chỉ chết một lần mà còn cả cái chết thứ hai nguy hiểm, đau đớn hơn vì chết phần linh hồn đời đời.

Chúa Giêsu phục sinh đã phá vỡ xiềng xích tội lỗi và sự chết. Phá bỏ xiềng xích và tù ngục của ma quỉ, xác thịt và thế gian. Hôm nay Người lên trời khải hoàn, đạt tới tầm vóc viên mãn khi làm chủ cả thế giới, khi Đức Chúa Cha đem tất cả mọi sự đặt dưới chân Người. Chúa Giêsu là đầu. Người mở đường đi trước để chúng ta là thân thể của Người cũng sẽ được lên trời vì đầu lên tới đâu thì chi thể cũng lên tới đó.

Tuy nhiên Chúa Giêsu chỉ lên trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ở trần thế. Vì thế hôm nay khi các tông đồ đang ngước mắt nhìn trời, hai thiên thần áo trắng đã hiện ra và nói với các ngài hãy quay về thi hành nhiệm vụ. Nhiệm vụ đó đã được Chúa Giêsu trao lại cho các ngài trước khi lên trời. Đó là hãy “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”. Tin mừng đó là Chúa Giêsu đã khải hoàn đã mở đường lên trời, đã mở đường tới hạnh phúc vĩnh cửu. Con người và vũ trụ sẽ không chịu cảnh bị giới hạn trong sự bất toàn, trong sự mục nát chóng qua, nhưng đã được giải thóat khỏi tù ngục, và sẽ triển nở đến vô biên, sẽ đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô. Chúng ta phải loan báo tin vui đó cho hết mọi loài thụ tạo. Không chỉ loan báo bằng lời nói, nhưng phải bằng việc làm. Đời sống ta phải làm chứng về một con người tự do, không còn bị xiềng xích và tù ngục ma quỉ, xác thịt, thế gian trói buộc. Không còn nô lệ cho dục vọng và tội lỗi, nhưng tự do trong nhân đức, trong ơn thánh, trong hi sinh quảng đại. Đời sống của ta không còn gắn bó với những giá trị đời này, không ham mê tiền bạc, danh vọng, chức quyền, nhưng từ nay hướng lòng lên những giá trị cao thượng, lên những nhân đức siêu nhiên, lên quê thật chúng ta là Nước Trời. Tâm hồn bay lên tới đâu, thể xác cũng sẽ vươn lên tới đó. Khi chúng ta khao khát những sự trên trời, chúng ta sẽ được Chúa cho thỏa chí toại lòng.

Lạy Chúa Giêsu lên trời vinh hiển, xin cho con được ái mộ những sự trên trời. Amen”.

Cuối Thánh Lễ, Ðức Tổng đã ban phép lành Tòa Thánh cho những người hiện diện trong buổi lễ với ơn toàn xá.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tôi muốn trở thành “ kẻ phản động” để chống kẻ phá hoại đất nước
Xuân An
15:28 21/05/2009
Trước đây, mỗi lần thấy báo chí nhà nước ta lên án một nhân vật nào đó là thành phần phản động, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, là tôi liền có ngay cái ác cảm với những thành phần đó. Nhưng chừng ba năm gần đây, mỗi lần đọc thấy những lời lẽ “kích động”, “phản động”. “phá hoại” mà báo chí nhà nước quy chụp cho một ai đó, thì tôi lại có cảm tình với người bị quy chụp và có ác cảm với các báo đài.

Sự thay đổi này diễn ra trong tôi kể từ sự kiện Đại lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ lên tiếng ủng hộ những người nông dân mất đất kéo về Hà Nội kêu oan. Ngay sau khi lên tiếng ủng hộ dân oan, Đại lão Hoà Thượng liền bị báo đài nhà nước ta bôi nhọ thanh danh và bị quy chụp là kẻ phản động, kẻ phá hoại đất nước. Nhưng tìm hiểu kỹ sự kiện, tôi mới biết rằng mình bị báo đài nhà nước đánh lừa.

Hơn nữa, qua chuyện Thái Hà và Toà Khâm Sứ ở bên Công Giáo, tôi lại càng có ác cảm với báo đài nhà nước khi họ tuyên truyền rằng cụ Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và các linh mục Thái Hà là những người phản động, là những người phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Vào cái buổi tối đài truyền hình VTV 1 trích dẫn nửa vời lời cụ Tổng Giám Mục và quy chụp cho cụ cái tội lăng mạ dân tộc, không chỉ tôi mà mấy đứa bạn của tôi vốn rất ít quan tâm đến những vấn đề thời sự, liền thốt lên: “Ông cụ này bị báo đài Đảng ta chơi rồi!” Tôi và mấy đứa bạn liền truy cập ngay vào các trang web “phản động” để tìm hiểu sự thật. Lập tức chúng tôi khám phá ra rằng mình suýt nữa bị nhà nước đánh lừa.

Gần đây nhất, báo chí rùm beng, phản đối một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, sau đó thì thấy im bặt, hoặc nếu có bái viết nào được đăng trên báo đài nhà nước thì cũng chỉ là để xoa dịu dư luận hoặc nói tốt cho Đảng và Chính phủ về cái dự án bauxite ở Tây Nguyên. Chính cái khuất tất này đã lôi kéo sự chú ý của đám bạn tôi. Thế rồi chúng tôi lại truy cập vào các trang web “phản động” để tìm hiểu rõ điều gì đang xảy ra cho đất nước, cho dân tộc mình. Thêm một lần nữa chúng tôi lại được một phen ú vía suýt hiểu sai cái tâm huyết của giới trí thức đối với đất nước, đối với dân tộc.

Đọc Báo Nhân Dân thấy có những lời lẽ quy chụp cho giới trí thức là “thiếu hiểu biết”, “kích động” “phản động” tự nhiên trong tôi nảy sinh một cảm tình đặc biệt đối với những “kẻ kích động, phản động” như họ mà tôi cũng chẳng biết tại sao. Báo đài nhà nước bảo rằng họ là những kẻ phản động đấy, vậy mà tôi lại cảm mến và mong mình được trở thành “kẻ phản động” như họ, và cũng mong cho đất nước ta càng ngày càng có thêm nhiều người “phản động” như cụ Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Đại lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ, các linh mục Thái Hà và Lão tướng Võ Nguyên Giáp cùng các nhân sĩ đã ký tên vào bản kiến nghị đòi huỷ bỏ cái dự án lớn của Đảng và Nhà nước.
 
Thủ tướng Đức kể lại kinh nghiệm dưới thời cộng sản.
BBC
16:12 21/05/2009
Merkel bị Stasi tìm cách chiêu mộ

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, kể rằng an ninh cộng sản Đông Đức cũ từng muốn tuyển mộ bà nhưng không thành.

Trong một cuộc nói chuyện trên truyền hình hôm thứ Ba 19/05/09, bà Merkel kể khi xin việc vào Đại học Bách khoa Ilmenau cơ quan mật vụ Stasi ngỏ lời nhận bà vào làm nhân viên cho họ.

Bà kể chi tiết rằng sau cuộc phỏng vấn xin việc ở đại học, người ta mời bà sang một phòng khác, nơi bà ngạc nhiên thấy một sĩ quan an ninh Stasi ngồi đó.

Nhưng bà Merkel đã viện lý do bà có tính hay nói nên dễ có thể kể chuyện cho bạn bè và không nhận lời đề nghị đó:

"Tôi nói ngay lập tức là đó không phải là thứ cho tôi."

Theo bà, vì im lặng là điều kiện tối thiểu để làm cho Stasi nên người ta để yên cho bà.

Sau cuộc phỏng vấn xảy ra hồi thập niên 70, bà không được nhận vào làm việc ở đại học nọ.

Bài học lịch sử

Trong cuộc nói chuyện trên truyền hình, bà cũng kể bằng khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, bà đã mở một lon bia uống mừng.

Hồi đầu tháng 5 năm nay, khi đến thăm một nhà tù cộng sản cũ ở Berlin bà nói "điều rất quan trọng là chúng ta không quên giai đoạn đó trong lịch sử Đông Đức".

Nước Đức thống nhất nay còn di sản hàng triệu bộ hồ sơ công an Stasi đã thu thập để theo dõi người dân

Là lãnh đạo cấp quốc gia đầu tiên của Đức dẫn một tour thăm nhà tù ở khu Hohenschoenhausen nơi Stasi giam người một cách bí mật hồi Chiến tranh Lạnh, bà lên án chủ nghĩa cộng sản và nói: "Đây là ví dụ cho thấy sự tàn bạo vi phạm nhân phẩm của con người".

Nhà tù nay là một địa điểm tưởng niệm những người bị giam cầm, hành hạ thời Đông Đức.

Bà Merkel ca ngợi các nạn nhân của Stasi là "những người đã chứng tỏ lòng dũng cảm".

Sinh năm 1954 ở Hamburg trong một gia đình cha là mục sư nhưng bà Angela Merkel lớn lên ở Đông Đức và từng vào tổ chức đoàn viên thanh niên của Cộng hòa Dân chủ Đức.

Bà cũng từng suy nghĩ về chuyện có nên vượt biên sang Phương Tây hay không và có cơ hội làm việc ấy năm 1986 khi có khi thăm thân ở Hamburg.

Nhưng cuối cùng, bà kể vì cha mẹ ở Đông Đức và các mối ràng buộc gia đình, bạn bè, bà đã quyết định trở về.

Nhắc lại thời cộng sản Đông Đức, khi chế độ lập ra mạng lưới công an và chỉ điểm rộng khắp để kiểm soát dân, bà nói, "Cần phải giữ làm sao để họ không buộc mình phát điên".

Theo bà, cách tốt nhất là biết đùa như '"Mỗi lần vào quán bia thì đập tay vào chiếc đèn bàn và nói, nếu có microphone thì bật lên ngay nhé".

Những kinh nghiệm quá khứ thời cộng sản không ngăn cản bà trở thành một lãnh tụ của đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo Đức (CDU) thiên về phía hữu sau khi hai nước Đức thống nhất.

Tuy thế, điều này cũng khiến cho các đối thủ chính trị tìm cớ nói về bà.

Mới tuần trước, ông Oskar Lafontaine, lãnh đạo phái tả Đức nói bà Merkel từng "thuộc về nhóm chiến binh dự bị của đảng cộng sản".

Bà Merkel bác bỏ cách nhìn đó và cho rằng:

"Cách thảo luận chia đen và trắng như thế không giúp chúng ta tiến về phía trước".

Bảo vệ các cá nhân con người trong xã hội Đông Đức, nhưng khi được hỏi sự tồn tại của Đông Đức bà nói rằng hệ thống đó đem lại bài học là "không bao giờ nên lặp lại nó".
 
Sơn La: chính quyền ''chỉ đạo'' giáo dân trước cuộc gặp phái đoàn Hoa Kỳ
Gia Minh, RFA
16:38 21/05/2009
Phái đòan Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ USCIRF trong chuyến công tác tại Việt Nam hôm 19-5 đã có cuộc gặp với giáo dân Công giáo tại Thị xã Sơn La.

Đây là nơi mà trong những dịp lễ lớn vừa qua chính quyền địa phương không cho linh mục phụ trách đến lo mục vụ cho giáo dân.

Trong lần gặp hôm qua, chính quyền địa phương cũng có can thiệp nhưng giáo dân và phái đòan đã gặp được nhau và trao đổi những thông tin mà hai bên muốn chia xẻ.

Chính quyền gây khó khăn

Hôm 14 tháng 5 vừa qua, tổ dân phố 5 phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La gửi thư mời cho hai gia đình người theo đạo Công giáo tại tổ đến nghe chỉ đạo của chính quyền tỉnh. Nguời đứng thư mời là ông Tổ trưởng Tổ dân phố 5, Nguyễn Văn Lập.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Lập vào sáng ngày 19 tháng 5 để hỏi thông tin liên quan thì ông này trả lời:

Gia Minh: Hôm 14 tháng năm chính quyền có mời một số giáo dân theo đạo Công giáo đến họp?

Ông Nguyễn Văn Lập: Ờ. Chúng tôi gặp gỡ để nói chuyện thôi.

Gia Minh: Nội dung cuộc gặp là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lập: Việc đấy là việc của chúng tôi, chúng tôi chỉ nói chuyện dân chủ, bàn bạc làm ăn thôi.

Gia Minh: Vì sao chỉ mời mấy gia đình có đạo thôi?

Ông Nguyễn Văn Lập: Việc đó là việc của chúng tôi, xin lỗi ông nhé. (cúp máy)

Một trong hai gia đình giáo dân được tổ dân phố 5 mời đến nghe phổ biến chỉ đạo của chính quyền tỉnh là ông Trịnh Văn Đài trình bày mục đích cuộc gặp của tổ:

Họ có yêu cầu là không được đi gặp đòan, có thế thôi, ngòai ra mục đích không còn gì khác.

Cuộc gặp với USCIRFVào sáng ngày 19 tháng 5, chúng tôi liên lạc với ông Trịnh Văn Thủy, chủ hộ nơi mà giám mục địa phận Hưng Hóa hồi năm 2005 đã đăng ký với chính quyền tỉnh Sơn La làm nơi sinh họat cho người công giáo thuộc phạm vi trách nhiệm của giáo phận này, và được ông này cho biết một số thông tin liên quan cuộc gặp với Phái đòan Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ được dự kiến diễn ra trong cùng ngày:

Trước thì Đại sứ quán Hoa Kỳ có báo cho chúng tôi là sẽ đến làm việc tại nhà chúng tôi vào một giờ chiều ngày 19. Hôm qua đi chữa bệnh về thì tôi thấy có giấy mời do phó chủ tịch phường ký, yêu cầu một giờ chiều nay ra Trụ sở Bản Giảng Lắc để gặp phái đòan.

Tôi không biết có đi được không vì đi thứ nhất vì lý do sức khỏe, và như hôm trứơc nói với đòan thì gặp tại nhà tôi thôi, nhưng nay thì thấy giấy như thế thì tôi không đi đâu cả.

Tuy nhiên, đến tối 19 tháng 5 chúng tôi liên lạc lại với ông Trịnh Văn Thủy và được ông cho biết cuộc gặp đã diễn ra vào lúc một giờ trưa tại gia đình ông, với sự tham dự của chừng 200 giáo dân Công giáo ở Sơn La, và ông cũng cho biết những nội dung phía bản thân ông cũng như giáo dân trình bày với phái đòan:

“Phái đòan giới thiệu tên, chức vự, nhưng tôi không thể nhớ rõ. Cụ thể thì đòan hỏi là trước đến nay sinh họat có tự do tôn giáo hay không. Chúng tôi trả lời thẳng là không có tự do tôn giáo. Đòan cũng hỏi ngòai chuyện tôn giáo còn đời thường thì có được tự do không hay có sức ép nào đấy?

Một số bà con họ cũng không được tự do trong cuộc sống đời thường, có cô trước thuộc đòan thể phụ nữ, nhưng sau này thì không cho cô sinh họat nữa với lý do là ảnh hưởng đến thi đua của tổ vì theo đạo.”

Người phụ nữ mà ông Trịnh Văn Thủy nhắc đến là bà Doãn Thị Diệu Hiền, có mặt tại cuộc gặp cũng trình bày:

“Tôi là một thành viên trong tổ, và từ khi biết có cộng đòan thì tôi ra sinh họat, từ đó họ gây cho tôi nhiều khó khăn. Đầu tiên họ đến cấm không được đến cầu nguyện, sau không cấm được nữa thì họ đưa tôi ra cuộc họp của dân phố, của hội phụ nữ. Họ đưa ra những điều bất bình như vì tôi theo đạo Thiên Chúa nên tổ mất tiên tiến…

Đề đạt của chúng tôi thứ nhất là cho chúng tôi tự do để thực hiện những điều tâm linh của mình, đề nghị những người trong đòan giúp đỡ tạo điều kiện cho chúng tôi được sinh họat, cũng như làm sao cho những người lãnh đạo tỉnh Sơn La hiểu chúng tôi; chúng tôi cũng mong có được nơi sinh họat như những người trong Nam- ngòai Bắc chứ không thiệt thòi như thế này.”

Tất cả những người mà chúng tôi liên lạc được đều nói trong những ngày sắp tới chính quyền địa phương có thể sẽ làm việc với họ, tuy nhiên họ đều cho rằng những điều mà họ trình bày với phái đòan Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đến làm việc với họ vào chiều ngày 19 tháng 5 hòan tòan là sự thật.
 
Ngụy biện láo xược - đổ thừa cho dân số gia tăng - CSVN quyết không trả tài sản và tự do cho các tôn giáo
Lê Sáng
17:29 21/05/2009
Ngày 20.05.2009, khi trả lời phỏng vấn đài RFA về nội dung làm việc giữa nhà nước CS Việt Nam và ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ, Nguyễn Thanh Sơn – Phó trưởng ban tôn giáo chính phủ VN đã trả lời (xin trích nguyên văn):

“Chúng tôi cũng phải nói với quí vị uỷ ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ rằng Việt Nam đầu thế kỷ 20 chỉ có 20 triệu dân, không đến đâu, 15 triệu dân. Nhưng đến cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 đã lên đến 90 triệu dân và như vậy tăng gấp 5 lần, và đất ở Việt Nam thì không tăng lên tí nào. Mà trước khi đó thì do hoàn cảnh các tổ chức tôn giáo trong đó có Công Giáo bao chiếm hay là sở hữu rất nhiều đất. Và ở Việt Nam trước đây đã có khái niệm địa chủ Nhà Chung, tức là Nhà Chung hay giáo hội đã trở thành một địa chủ. Và do vậy tất cả các đất đai, nhà đất thì không trả lại cho các tôn giáo.



Vấn đề giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi yêu cầu UBTDTG Mỹ loại ra ngoài việc đặt ra thành cái điểm như là lưu ý, quan tâm về vấn đề tự do tôn giáo Việt Nam. Vấn đề của Phật Giáo Hoà Hảo, phục hoạt của giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo, một số vấn đề khác thì không nêu lên nữa, vì ba bốn lần đã nêu vấn đề đó rồi… Không phải cứ mỗi lần đến Việt Nam lại nêu lại những cái điểm đã cũ đấy.



Mọi người đã mói nhiều rồi, về giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, bản chất nó là gì, cái của những người mạo xưng đó là cái gì. Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo với việc của ông Lê Quang Liêm như thế là cái gì rồi. Ông Nguyễn Văn Lý vi phạm pháp luật về cái gì rồi. Mỗi lần vào Việt Nam tìm hiểu, đoàn tự do tôn giáo Mỹ lại đặt vấn đề đã cũ, ở đây tôi muốn nói đã rõ ra rồi



Chúng tôi đã công nhận từ trước đổi mới đã có những cái điều mà chưa tới, còn hạn chế trong nhận thức trong ứng xử, nhưng sau đổi mới thì tiến bộ rất lớn, và nếu đặt ngang mặt bằng đổi mới kinh tế văn hoá xã hội của đất nước thì vấn đề tôn giáo không nói là vượt trước đi trước, nhưng mà ngay với sự đổi mới nói chung”
. Hết trích.

Thật là ngụy biện hỗn láo. Con số mà Nguyễn Thanh Sơn viện dẫn cũng sai - Đến tận hôm nay, dân số Việt Nam vẫn chưa đến 90 triệu, cuối thế kỷ 20 mới đạt hơn 70 triệu. Chính sách về trả lại tài sản đã cưỡng đoạt cho các tôn giáo để họ có thể thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình lại tỉ lệ nghịch với dân số hay sao? Dân số tăng trong khi đất không tăng nên không trả lại tài sản đã cưỡng đoạt là theo tiêu chuẩn văn minh nào vậy? Đất đai không tăng, trong khi dân số tăng gấp 5 lần nên không thể trả tài sản nhà đất, vì còn ít quá ư?

Nếu không còn tài sản thì các tôn giáo làm sao thực hiện được các công việc đào tạo, tu luyện, tham gia công tác cứu trợ xã hội…? Không trả lại đất đai, nhà cửa, tài sản đã cưỡng đoạt bất công trái pháp luật (Trái ngay cả với pháp luật man rợ của CSVN) cho các tôn giáo trong khi tài sản này dần dần rơi vào tay quan chức cộng sản… Là một hình thức đàn áp tôn giáo một cách tinh vi, lấy đi của họ phương tiện hành đạo, phương tiện dấn thân cho xã hội làm sáng rõ tính nhân bản của tôn giáo họ … Làm cho người dân không cảm nhận được về sự tồn tại của tôn giáo đó, và tôn giáo đó ngày càng bị thu hẹp, hoặc mờ nhạt…

Tại sao đất đai ngày càng phải chia cho số dân tăng nhanh, nhưng đất đai nhà cửa công thổ quốc gia lại được chia ngày càng lớn cho quan chức cán bộ cộng sản? Trước đây (Khoảng những năm 1970) cấp thứ bộ trưởng có rất nhiều vị chỉ được chia một căn hộ chung cư lắp ghép chừng 70m² (Như ở khu Kim Liên – HN) Nhưng đến nay, Chủ tịch, bí thư cấp quận huyện thôi, cũng có những căn biệt thự rộng hàng nghàn m². Bà cựu phó chủ tịch nước - Nguyễn Thị Bình, có đến 5 căn biệt thự do 5 tỉnh thành hiến tặng, mỗi căn có diện tích đất bao chiến không dưới 600m², cho Việt kiều “Phản bội tổ quốc” thuê không dưới 3000USD/Tháng – Ai còn nghi hoặc xin cứ lên tiếng sẽ có Việt kiều khẳng định. Ông cựu chủ tịch nước Trần Đức Lương có trang trại rộng 230ha đồi núi hồ, giáp khu du lịch hồ Đại Lải … Muốn kê cho đủ, trưng hình ảnh tài sản nhà đất của quan chức cộng sản cho có bằng chứng hùng hồn, có lẽ phải phát hành sách… Thời kỳ chiến tranh, chỉ có quan chức BCT CSVN mới được ở trong mấy ngôi biệt thự cũ thời Pháp… Quan chức cấp tỉnh trở xuống vẫn ở trong khu tập thể chung với cán bộ nhân viên khác…

Nếu nhân danh tình trạng dân số tăng nhanh, tỉ lệ đất trên đầu người ngày càng giảm để tước đoạt tài sản thì thật láo xược và phỉ báng các tôn giáo, phỉ báng người ngay lành. Vì thực chất tài sản này không phải của cá nhân ai, nó lại được chia đều trên đầu người dân Việt. Ngoài việc thờ tự, nó còn là nơi sinh hoạt, học tập, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, bệnh nhân bị xã hội bỏ mặc... Chỉ có tài sản của quan chức csvn là không thể đem chia đều trên đầu người dân, không người dân nào bén mảnh được đến gần mà thôi.

Như vậy bất cứ quốc gia nào có dân số tăng nhanh mà đất không tăng thì đều phải cướp đoạt tài sản của các tôn giáo??? Theo lập luận này thì nước Việt đừng bao giờ mơ đồng chí Tầu Cộng của csvn trả lại đất đai biển đảo, vì đầu thế kỷ 20 Tầu chỉ có 250 triệu dân, bây giờ đã là 1 tỉ 350 triệu dân. Đất của Tầu Cộng chiếm thêm chẳng bõ với số dân tăng, làm sao họ trả cho Việt Nam được???

Lần đầu tiên người dân Việt được Nguyễn Thanh Sơn tiết lộ một khái niệm mới do csvn sáng chế ra từ lâu mà vẫn giữ bí mật: “Địa chủ Nhà Chung”. Thật là bỉ ổi! Ngay cái tên Nhà Chung đã nói lên rằng nó là của chung, nó là mồ hôi xương máu của rất nhiều giáo dân, tu sĩ của tôn giáo ấy, chẳng phải của riêng ai, thậm chí chẳng phải của riêng tôn giáo đó… Như cô nhi viện, nhà thương từ thiện chẳng hạn. Nó được dùng chung cho cả người theo tôn giáo khác, hay không theo tôn giáo nào… Thực tế có không ít quan chức cao cấp của CSVN từng ăn học bằng tiền và ở trong các trường do Công Giáo mở ra… Nếu cộng sản VN cho là có Địa Chủ Nhà Chung, thì theo pháp luật họ bị qui về thành phần địa chủ nào??? Nếu cần phải tịch thu tại sao không ra văn bản tịch thu tài sản của địa chủ Nhà Chung một cách minh bạch???

Vấn đề của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hoà Hảo, của các tu sĩ như Lê Quang Liêm, Nguyễn Văn Lý đã cũ rồi, rõ rồi không đề cập đến nữa??? Đúng là chỉ có quan chức cộng sản Việt Nam mới có cách lập luận như thế. Nếu vấn đề đã cũ, đã rõ thì không đề cập đến nữa, vậy chủ thuyết cộng sản với nền kinh tế tập chung tự sát … Tư bản là quốc sài lang … Đều là vấn đề cũ, rõ ra từ trong trang sách của Mác-Lênin rồi… Tại sao csvn phải đem ra xin bàn thảo, xin bình thường hoá quan hệ, xin vay tiền, xin dậy làm kinh tế tư bản, xin hội nhập với đế quốc sài lang???

Việt gian cộng sản, chúng không hiểu hoặc cố tình không hiểu, UBTDTGQT Mỹ kiên trì thuyết phục cho lẽ phải, cho công lý của nhân loại. Chứ thực tế Cộng sản Việt nam đã nếm mùi không “thèm nói chuyện” của người Mỹ rồi. Chính ngài cựu thứ trưởng ngoại giao cộng sản những năm 1970-1980 Trần Quang Cơ đã tiết lộ việc csvn ra điều kiện bình thường hoá quan hệ với Mỹ vào thời gian đó (*), nhưng nước Mỹ không chấp nhận, họ sẵn sàng bình thường hoá không kèm điều kiện… Csvn cương, cuối cùng Mỹ quay sang bình thường hoá quan hệ với Trung Cộng … Việt gian cộng sản tá hoả, xin “xuống thang” nhưng đã quá muộn… Và sau đó Việt gian cộng sản hứng chịu trận chiến 1979 từ người đồng chí cộng sản, trước khi tấn công lãnh tụ Đặng Tiểu Bình còn sang Mỹ “trình báo” xin ý kiến …

Cuối cùng, Nguyễn Thanh Sơn cũng thừa nhận trước cái gọi là đổi mới thì csvn còn hạn chế trong nhận thức trong ứng xử với các tôn giáo, nhưng sau đổi mới thì tiến bộ rất lớn… Rồi y so sánh vấn đề tôn giáo với đổi mới kinh tế là “nghiêng ngửa” nhau! Thật đúng với bản chất ngu dốt gia truyền của cộng sản. Đem so hai lĩnh vực vốn không có điểm chung nào và hoàn toàn khác biệt với nhau… Có nhiều người, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ rất giầu có nhưng vô đạo, và chém giết không ghê tay – Ngược lại có nhiều người, nhiều nơi tuy nghèo khó mà vẫn sống đạo đức hoà thuận vì tôn giáo được tự do… Nhận là có hạn chế, chứ csvn không bao giờ nhận lỗi với các tôn giáo. Ngay như hôm nay, chúng đã có cả bộ máy nhà nước với đầy đủ các quyền lực, tại sao không thống kê tài sản của các tôn giáo rồi ra phán quyết rõ ràng là tịch thu xung vào tài sản quốc gia? Vì làm như thế, quan chức cộng sản sẽ không dễ mà tham lạm vào đống tài sản khổng lồ đó…

CSVN cũng không quên viện dẫn luật lệ hiện hành không cho phép thực thi chính sách trả tài sản, cũng như phục hoạt các giáo hội không chịu sáp nhập vào tổ chức do cộng sản đứng đầu… Chắc các dân biểu lưỡng viện Mỹ trong UBTDTG Mỹ cũng thừa biết rằng luật lệ VN vốn do csvn nhào nặn, và chúng vẫn thay như thay tã trẻ em… Thương thay cho dân tộc Việt. Thương thay cho cụ Lê Quang Liêm, cho Hoà Thượng Thích Quảng Độ khi các cụ nói: Còn chế độ cộng sản thì chúng tôi không có tự do gì cả, nó chỉ đàn áp lúc mạnh lúc nhẹ mà thôi. Xin quí vị người Việt trong xã hội tự do dịch bài sang bản tiếng Anh gửi cho ủy ban về tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ giùm.

(*) Xem thêm:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/02/090220_tranquangco_inv.shtml

http://danluan.org/node/280
 
Trao nhượng chủ quyền trên Internet?
Trần Văn, RFA
23:54 21/05/2009
Sau hàng lọat phản ứng từ dư luận cả trong lẫn ngòai nước, từ cuối ngày 16 tháng 5 đến nay, trang web có địa chỉ http://www.vietnamchina.gov.vn, còn được gọi là “Website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc”, đã ngưng họat động.

Người ta không còn có thể tìm đọc trên trang web này những thông tin mâu thuẫn với quan điểm của chính quyền Việt Nam được nữa.

Tuy nhiên ngoài những vấn đề mà Ban Việt ngữ Đài Á châu Tự do đã nêu trong lọat bài “Quá khó hiểu nên rất khó tin”, quanh sự kiện “Website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc”, còn khá nhiều vấn đề khác không thể không quan tâm, mời quý vị nghe Trân Văn tường thuật them về một trong những khía cạnh không thể không quan tâm ấy…

Dư luận phẫn nộ

Sau khi một blogger tên Lê Tuấn Huy loan báo về nhiều điểm bất thường, liên quan đến một website của riêng chính phủ Việt Nam, có địa chỉ trên Internet là www.vietnamchina.gov.vn, mang tên là “Website Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam Trung Quốc”, các diễn đàn điện tử, các blog cá nhân, hệ thống báo chí chính thức và công chúng cùng tỏ ra bàng hòang, phẫn nộ.

Tuy website vừa kể có đuôi là “gov.vn” - về nguyên tắc, chỉ được dành cho những website thuộc quyền kiểm sóat, điều hành của chính phủ Việt Nam - song nó lại được sử dụng như một kênh thông tin chỉ nhằm truyền đạt quan điểm của riêng chính quyền Trung Quốc về các vấn đề, sự kiện liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đặc biệt là những quan điểm về chủ quyền ở biển Đông, những nhận định về các sự kiện liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền tại khu vực này trên “Website Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam Trung Quốc”, hòan tòan trái ngược với quan điểm chính thức của chính quyền Việt Nam.

Theo báo chí Việt Nam, các quan chức có tránh nhiệm đã chính thức xác nhận, máy chủ (server) của website kể trên hiện đang đặt tại… Trung Quốc và vì vậy, trước những thông tin bất lợi cho mình, tuy là website mang tên miền thuộc chủ quyền của mình nhưng phía Việt Nam phải gửi công hàm cho Bộ Thương mại Trung Quốc, đề nghị bỏ những nội dung không dành cho kinh tế và thương mại.

Những tình tiết đó cho thấy “Website Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam Trung Quốc” vi phạm nghiêm trọng cả luật pháp Việt Nam lẫn tiêu chuẩn quốc tế về tên miền trên Internet.



Luật pháp VN, Tiêu chuẩn quốc tế


Theo “Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet” do Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam ban hành ngày 26 tháng 5 năm 2003 thì: Tài nguyên Internet (bao gồm tên miền, địa chỉ Internet, số hiệu mạng, số và tên khác được các tổ chức quốc tế có thẩm quyền về tài nguyên Internet quy định) là một phần của tài nguyên thông tin quốc gia, do vậy phải được quản lý, khai thác, sử dụng, đúng mục đích và có hiệu quả.

Khỏan 4, điều 6 của quy định vừa kể, xác định: Các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị bao gồm Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị khác chỉ được sử dụng tên miền dưới tên miền quốc gia “.vn” và lưu giữ thông tin trong các máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.

Cũng theo quy định này, tên miền có đuôi là “gov.vn” chỉ dành cho các cơ quan, tổ chức thuộc bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương.

Qui định đã dẫn nhấn mạnh việc phải thực hiện cấu trúc mã quốc gia theo tiêu chuẩn ISO 3166 của thế giới.

Mã ISO 3166 là gì, các tiêu chuẩn quốc tế về tên miền trên Internet ra sao? Ông Võ Lâm Thái Bình, một chuyên gia về công nghệ thông tin, đang làm việc tại FCC – viết tắt tên gọi của Ủy ban Thông tin thuộc chính phủ liên bang Hoa Kỳ - giải thích:

“ISO 3166 là một tiêu chuẩn của tổ chức về tiêu chuẩn quốc tế quy định tên miền cho các quốc gia có sử dụng Internet. Sở dĩ họ đề ra tiêu chuẩn này là để có sự thống nhất và đồng bộ trên tòan thế giới về tên miền cho tất cả các quốc gia sử dụng Internet.

Ví dụ “.vn” là cho Việt Nam, “.us” là cho nước Mỹ, hoặc là “.ca” để cho Canada… Đó là tên miền cao nhất đại diện cho quốc gia đó. Khi nhìn vào tên miền của quốc gia đó, người ta biết được tên miền này từ quốc gia nào.”

Dựa trên ISO 3166, ông Bình giải thích them về đặc trưng của những tên miền có đuôi “,gov”:

“Một cơ quan sử dụng tên miền có đuôi “.gov” thể hiện những vấn đề sau: Cung cấp những dịch vụ trong chương trình “e-government” – “chính phủ điện tử” mà chính phủ Mỹ quy định hồi năm 1997. Các cơ quan sử dụng tên miền “.gov” từ liên bang xuống tới địa phương thành lập những website có đuôi là “.gov” để cung cấp dịch vụ cho người dân.

Cung cấp những thông tin cần thiết cho người dân cũng như là cung cấp những quan điểm của chính phủ. Trung ương hay chính quyền địa phương để người dân biết thông tin từ phía chính quyền. Đó là một cầu thông tin giữa các cơ quan chính phủ với người dân hoặc người sử dụng các dịch vụ của chính phủ.

Các quốc gia, cơ quan, cá nhân ở nước ngòai có thể tìm hiểu thông tin, quan điểm chính thống của nước Mỹ bằng cách vào những website có đuôi “.gov”. Những thông tin trên các website “.gov” được xem rằng chắc chắn là thông tin đến từ chính phủ Hoa Kỳ.”

Cũng vì vậy, ông Bình cho biết: “Hệ thống website có đuôi là “.gov” được bảo mật và phải được đặt trong phạm vi quản lý của chính phủ liên bang, chính quyền tiểu bang hay các địa phương chứ không thể nào đặt tại quốc gia khác.”

Việt Nam không gỡ được gov.vn?

Đáng ngạc nhiên là dù vi phạm nghiêm trọng cả luật pháp Việt Nam lẫn tiêu chuẩn quốc tế về tên miền trên Internet, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của chính quyền Việt Nam và thể diện của cả quốc gia nhưng việc xử lý các sai phạm này rất chậm chạp.

Trung tâm Internet Việt Nam – cơ quan có chức năng quản lý, phân bổ, giám sát và thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên Internet ở Việt Nam – thì khẳng định “sẽ không thực hiện việc gỡ tên miền ‘gov.vn’ của ‘Website Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam Trung Quốc’ vì phải chờ Bộ Thông tin và truyền thông.

Bộ Thông tin - Truyền thông – cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý lĩnh vực thông tin điện tử thì chỉ gửi công văn cho Bộ Công Thương – cơ quan đứng tên chịu trách nhiệm về “Website Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam Trung Quốc” – để “đề nghị xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật Việt Nam” rồi... thôi.

Cách hành xử này trái ngược hòan tòan với lối hành xử thường thấy trước nay của chính bộ này đối với những website ở Việt Nam có sai phạm về thủ tục hoặc nội dung.

Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng thường trực của Bộ Công thương thì kể: Bộ Công thương có thể sẽ đề nghị ngừng, không hợp tác nữa và đang chờ Thủ tướng quyết định.

Khi loan tin về những sự kiện liên quan đến “Website Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam Trung Quốc”, báo chí Việt Nam hòan tòan không đề cập đến chi tiết: Hồi giữa tháng 11 năm 2006, lúc ông Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Đảng Công sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nhà nước Công hòa nhân dân Trung Hoa đến thăm Việt Nam, Đảng và chính quyền Việt Nam đã tổ chức “Lễ công bố website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc”.

Thời điểm đó, chính báo chí Việt Nam tường thuật, “đích thân Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Tổng bí thư - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng nhấn nút kích hoạt trang thông tin điện tử hữu ích này”.

Phải chăng đây chính là lý do khiến việc xử lý các sai phạm nghiêm trọng liên quan đến “Website Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam Trung Quốc” trở nên dè dặt đến mức bất thường?
 
Thông Báo
Phân Ưu: Thân Phụ của Linh mục Vũ Đức Long đã qua đời
Lm Giuse Nguyễn Thanh Liêm
03:24 21/05/2009

Phân Ưu


Vừa được tin:
Ông Cố ĐAMINH VŨ DANH TẾ
Mới qua đời tại Bloomington, Iowa, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 78 tuổi.

Ông Cố Đaminh là Thân Phụ của Linh mục Vũ Đức Long
hiện đang phục vụ tại Tổng Giáo phận Debuque, Iowa

Hiện Quàn Tại: Gills Brothers Funeral Service
9947 Lyndale Avenue South - Bloomington
952-888-7771

Lịch trình Cầu nguyện và Thăm Viếng
Thứ Sáu ngày 22/5/2009 5:00PM - 9:00PM

GIÁO XỨ THĂM VIẾNG VÀ CẦU NGUYỆN:
Thứ Sáu ngày 22/5/2009 5:00PM - 6:00PM

THÁNH LỄ AN TÁNG
Tại Nhà Thờ Thánh Anna - Thánh Giuse Hiển
Thứ Bảy ngày 23/5/2009 lúc 10:00AM

Thay mặt cho Liên Đoàn, xin chân thành phân ưu với Cha và gia quyến.
Xin Thiên Chúa vì lượng nhân từ, sớm cho linh hồn ông Cố Đaminh
về hưởng nhan Thánh Chúa trên thiên quốc.

Thành kính phân ưu,
Thay mặt Liên Đoàn CGVN HK
 
Ảnh Nghệ Thuật
Nụ cười
Lm. Nguyễn Trung Tây
15:21 21/05/2009

NỤ CƯỜI


Ảnh của Lm. Nguyễn Trung Tây



Trần thế quanh co ngàn vạn lối,
Tâm lặng hồn ơi nở nụ cười...

(Nguyễn Trung Tây)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News