Ngày 20-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy truyền thông Lời Chúa
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
02:04 20/05/2020

Nhân ngày quốc tế truyền thông lần thứ 54

Năm 1966, Đức Thánh Cha Phaolô VI chọn ngày lễ Chúa Giêsu Thăng thiên làm ngày Quốc tế Truyền thông. Có ba lý do để Đức Giáo Hoàng chọn ngày lễ này chứ không chọn ngày nào khác:

1. Đức Giáo Hoàng muốn nhấn mạnh việc rao giảng Lời Chúa, tức là truyền thông Lời Chúa cho anh chị em của mình.
2. Truyền thông Lời Chúa là mệnh lệnh mà Chúa truyền cho Hội Thánh trong chính ngày lễ này là hãy nhân danh Chúa mà rao giảng cho muôn dân.
3. Đức Giáo Hoàng nhắc nhở những người làm truyền thông, nhất là người Công Giáo, hãy truyền thông sự thật, truyền thông niềm hy vọng, truyền thông những điều tốt lành, phù hợp với Lời Chúa, phù hợp thánh ý Chúa.

Phải truyền thông Lời Chúa. Lệnh truyền ấy vừa là bổn phận, vừa làm cho Hội Thánh vinh quang:

- Bổn phận là vì Hội Thánh phải tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô: “Ngài sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,2).
Và một khi thi hành sứ mạng truyền giáo, sứ mạng ấy trở thành nhiệm vụ cốt yếu của cả Hội Thánh và của từng người: “Chúng tôi không thể sao nhãng Lời Thiên Chúa để lo giúp việc bàn ăn” (Cv 6,2). Thánh Phaolô còn nói mạnh hơn về nghĩa vụ không thể bỏ qua của việc thực thi sứ mạng truyền giáo: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.

- Còn vinh quang là vì Hội Thánh được cộng tác với Chúa Kitô mang ơn cứu độ cho trần gian. Lời Thiên Chúa là Lời quyền năng, lại được trao vào tay con người. Không phải chỉ hôm nay, nhưng đã có từ muôn thuở: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1, 1).

Như vậy, ngày xưa, các tổ phụ, các ngôn sứ nhận lãnh và rao truyền Lời Chúa, thì hôm nay, chúng ta cũng tiếp tục thực hiện sứ mạng của các ngài.

Nhận lãnh sứ mạng truyền thông Lời Chúa, những con người mỏng dòn, yếu đuối lại tiếp tục trao gởi cho hết thế hệ này đến thế hệ khác Lời sự sống, để mọi thời, từng con người phải ấp ủ cho mình ngày càng trưởng thành, rồi đem Lời luôn được ấp ủ ấy san sẻ cho nhau.

Ý thức bổn phận vinh quang ấy, Hội Thánh luôn luôn lên đường dấn thân cho hoạt động truyền giáo.

Thế là con người tội lỗi được giao trách nhiệm công bố Lời thánh hoá, con người yếu đuối công bố Lời quyền năng, con ngươi giới hạn công bố Lời vĩnh cửu.

Hãy tin tưởng và can đảm truyền thông Lời Chúa không bao giờ sợ hãi, để “những gì Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà mà rao giảng” (Mt 10, 27).

Hãy gieo Lời Chúa đến cùng, gieo “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4, 2).
 
Cuộc sống trở thành câu chuyện
Lm. Jos Nguyễn Hữu An
02:21 20/05/2020

Chúa Giêsu Lên Trời

Tin Mừng thuật lại hai sự kiện song hành: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền rao giảng Tin Mừng. Sự kiện Chúa Giêsu lên trời, Tin Mừng thánh Maccô ghi lại rất vắn tắt: Chúa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Tin mừng Matthêu nói đến lệnh truyền: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Theo sách Công vụ Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được 40 ngày, và nơi lên trời là núi Cây Dầu.

Thực ra sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người đã lên trời rồi theo kiểu nói của Kinh Thánh, nghĩa là Người bước vào cõi vinh quang của Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha, mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha.

Trong 40 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và cũng cố đức tin của các Tông Đồ. Giáo hội đã được thiết lập nay được cũng cố để được sai đi. Như vậy sự kiện lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa. Nó chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác, chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ. Một thời điểm có tính cách quyết định của lịch sử cứu độ là Chúa Giêsu ban những giáo huấn cuối cùng, trao những chức vụ phải thi hành trong Giáo hội, chuẩn bị cho các Tông đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của Đấng phục sinh trong thế giới.

Chúa Giêsu lên trời, những chữ lên trời bị chi phối bởi cách suy nghĩ có giới hạn của con người. Theo cách suy nghĩ đó, các biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền với các vị trí trong không gian. Thực ra trời đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là nơi đó ở trên cao. Lên trời ở đây không hiểu theo nghĩa địa lý vì trời hay thiên đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Con người đang sống trong không gian và thời gian nên định vị trí mọi sự theo hai trục đó. Trời ở đây không phải là một khoảng không gian rõ rệt, nhưng là một tình trạng (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 659-667, 2794-2796) mà Chúa Giêsu đi vào trong đó để dẫn chúng ta theo.

Lên trời là giải thích theo ngôn ngữ bình dân của con người cho dễ hiểu. Theo quan niệm phổ biến của Thánh Kinh, trời là chỗ ở của thần minh, do đó cũng được dùng một cách tượng trưng để chỉ Thiên Chúa. Còn đất là nơi loài người cư ngụ. Ngày xưa khi Chúa Giêsu nhập thế thì gọi là ‘xuống trần’. Hôm nay Người trở lại với tình trạng vinh quang thì gọi là ‘lên trời’. “Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Eph 4,10). Vì vậy “lên trời” đối với Chúa Giêsu không phải là một hành động bay đến một nơi trên chốn bồng lai tiên cảnh đầy mây, nhưng đó là tình trạng Người đã lấy lại vinh quang. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh, ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời nghĩa là sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).

Điều cốt yếu mà Thánh kinh muốn dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức Giêsu Kitô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới, trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối và vật chất đã biến đổi, đã thấm nhuần tinh thần. Người chính là “vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (x. Dt 7,26), và đã vào chính cõi trời, để đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 9,25). Từ nay trở đi, Người sẽ hiện diện với chúng ta một cách vô hình. Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Chúa Giêsu đã được thần khí hoá và đi vào cõi vĩnh hằng của Chúa Cha. Sự hiện diện này thâm sâu hơn và hiệu năng hơn. Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh một số người thôi. Từ nay, với quyền năng Thánh Thần, Người sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người (x. Pl 2,10-11).

Chúa Giêsu lên trời, điều đó dạy cho chúng ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác. Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ, rồi xuôi dòng nước ra sông lớn, nhưng mùa xuân đến, nó lại về nguồn như là trở về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa đông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa. Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn? Vì Thiên Chúa đã đặt vào lòng chúng, con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về quê trời.

Trời không phải là một nơi chốn xác định, là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm. Nhưng trời là Thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Lên trời không phải là bay bổng lên không gian, nhưng là chuyển đổi cấp độ sự sống, là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa. Lên trời không phải là vắng mặt, là xa cách nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời.

Chúa Giêsu lên trời, đưa mọi người về trời với Người vì chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô trong thư Êphêsô (1,17-23) đã nói, Giáo hội là Hiền thê của Chúa Giêsu, Người là đầu và chúng ta là những chi thể. Khi Chúa Giêsu về trời là mỗi người cũng được chia sẻ thần tính của Người, đi vào một tình trạng kết hợp hoàn toàn mới mẻ với Người. Điều này không phải chỉ xảy ra sau khi ta chết, nhưng có thể thực hiện ngay trong đời sống trần thế như đời sống của nhiều tín hữu đã chứng minh: thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba (x. 2Cr 12,2). Nhiều vị thánh như Phanxicô Assidi, Gioan Thánh Giá, Catarina de Sienna... cảm nghiệm trời trong những lần xuất thần; còn thánh Têrêsa Calcutta lại thấy trời giữa lòng xã hội với những con người khốn khổ, bệnh tật.
Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chúa Giêsu lên trời, mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo Hội chọn làm ngày Quốc tế Truyền thông. Ngày nay, các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội phát triển rất nhanh. Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng.

Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2020 là “Để ngươi thuật lại cho con cháu” (Xh 10,2) - Cuộc sống trở thành câu chuyện”.

Số 2 của Sứ điệp viết: “Trong thời đại mà sự giả mạo ngày càng tinh vi, đạt đến cấp số nhân (như trong deepfake - tin giả thâm hiểm), chúng ta cần khôn ngoan để có thể đón nhận và tạo ra những câu chuyện tươi đẹp, chân thực và tốt lành. Chúng ta cần can đảm loại bỏ những câu chuyện sai lạc và xấu xa. Chúng ta cần kiên nhẫn và suy xét để tái khám phá những câu chuyện giúp ta không lạc lối giữa bao nhiêu rắc rối của ngày hôm nay. Chúng ta cần những câu chuyện soi sáng cho chúng ta biết chúng ta thực sự là ai, ngay cả trong những nỗ lực anh hùng âm thầm của cuộc sống hằng ngày”.

Người tín hữu có trách nhiệm viết câu chuyện cuộc sống của mình bằng đời sống thực tế với đức tin đức ái và đó sứ mạng loan báo Tin mừng. Sứ mạng này đòi hỏi họ phải luôn ý thức rằng: lời nói việc làm phải luôn quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin, mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.

“Trên bình diện cá nhân, để chống lại virus gian dối và bạo lực, cách tốt nhất là tăng cường kháng thể chân lý và tình yêu. Nếu cho rằng người này nhóm nọ loan tin sai sự thật, nhưng chính chúng ta cũng vội vã đưa tin chưa kiểm chứng thì có hơn gì? Nếu bị người khác chỉ trích bằng những lời lẽ bạo lực, mà chính chúng ta cũng dùng thứ ngôn ngữ đó để đáp trả thì có khác chi? Thay vào đó, người Công Giáo cần phải bước vào thế giới mạng với tâm thế của Kinh Hòa Bình : “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” (x. Ngày thế giới truyền thông 2020 - những bài học từ đại dịch covid-19, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm ).

Truyền thông chính là chia sẻ niềm vui Tin mừng cứu độ. Truyền thông có đặc điểm là khiêm tốn, nhẹ nhàng, nên mọi sự cho mọi người và xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ yêu thương. Từ đó giúp con người nhận ra tình yêu của Chúa. Đây là sứ vụ Chúa trao phó cho mỗi người tín hữu trong thời đại hôm nay, sứ vụ theo kiểu nói của Đức Thánh Cha trong sứ điệp truyền thông 54: “Chúa Giêsu đã nói về Thiên Chúa không phải bằng những khái niệm trừu tượng, nhưng qua những dụ ngôn, những câu chuyện ngắn gọn lấy từ cuộc sống hằng ngày. Ở đấy, cuộc sống trở thành câu chuyện và sau đó, đối với người nghe, câu chuyện trở thành cuộc sống: câu chuyện đi vào cuộc sống của người nghe và biến đổi cuộc sống ấy”.

Vaticannews.va có đăng một câu chuyện tuyệt vời từ cuộc sống: “Mẹ của Thánh Gioan Phaolô II từ chối phá thai và nhờ đó Giáo Hội có Vị Thánh”.

Trong cuốn sách “Emilia và Karol Wojtyla. Thân sinh của thánh Gioan Phaolô II”, tác giả Kindziuk trưng dẫn lời chứng của một nữ hộ sinh, bà Tatarowa, và lời kể của hai người bạn của bà, cũng như những hồi ức của các cư dân thành phố Wadovice, sinh quán của thánh nhân. Những chứng từ này cho thấy thân mẫu của thánh Giáo hoàng đã đau buồn khi bác sĩ Jan Moskala khẳng định rằng bà phải phá thai.
Khi mang thai vào tháng thứ hai, thân mẫu của thánh Gioan Phaolô II đến gặp Jan Moskala, một bác sĩ nổi tiếng về phụ khoa và sản khoa để khám thai. Ông thấy việc mang thai của bà rất nguy hiểm và không có khả năng mang thai đến khi sinh hoặc đứa trẻ khó sống và khỏe mạnh, và điều tệ hơn là tính mạng của chính người mẹ sẽ bị nguy hiểm.

Chọn lựa của đức tin

Tác giả cuốn sách viết: “Bà Emilia đã phải chọn lựa giữa sự sống của chính bà và sự sống của hài nhi bà đang mang trong bụng, nhưng đức tin mạnh mẽ đã không cho phép bà chọn phá thai. Tự sâu thẳm tâm hồn bà đã sẵn sàng hy sinh vì sự sống đứa con bà đang cưu mang.”

Cả hai vị thân sinh của thánh Gioan Phaolô II đã can đảm quyết định rằng dù cho chuyện gì xảy ra, đứa con đang được thụ thai phải được chào đời. Và họ đã đi tìm một bác sĩ khác. Cuối cùng họ chọn bác sĩ Samuel Taub, một bác sĩ gốc Do Thái sinh sống ở Cracovia. Bác sĩ này cũng khẳng định rằng có nguy hiểm, phức tạp khi bà Emilia sinh đứa bé, thậm chí bà có thể chết. Nhưng ông không đề nghị phá thai.” Trong thời gian mang thai, bà Emilia thường phải nằm và yếu hơn bình thường.

Thánh Gioan Phaolô II chào đời giữa lời kinh cầu Đức Mẹ

Đến ngày 18.5.1920, bà Emilia được một nữ hộ sinh giúp để sinh con, trong khi ông Karol cha và cậu anh Edmund tham gia giờ cầu nguyện, đọc kinh cầu Đức Mẹ Loreto trong nhà thờ giáo xứ ở đối diện. Bà Emilia yêu cầu mở cửa sổ để âm thanh đầu tiên mà con trai bà nghe được là một bài hát kính Đức Mẹ. Bà đã sinh cậu bé Karol, sau này là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi tai nghe kinh cầu Đức Mẹ. Bà Emilia qua đời khi cậu bé Karol mới được 9 tuổi. Án phong chân phước cho hai vị thân sinh của thánh Gioan Phaolô II đã được chính thức bắt đầu vào ngày 7 tháng 5 vừa qua. (Hồng Thủy; vaticannews.va).

Chúa về trời, chúng ta vào đời làm chứng nhân của Tin Mừng Cứu Độ và loan báo Tin Vui.
 
Trở thành nhân chứng của Thiên Chúa Tình Yêu
Lm. Đan Vinh
02:31 20/05/2020

Lễ Chúa Thăng Thiên
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 28,16-20:
(16) Mười một Môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18) Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

2. Ý CHÍNH:
Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần để chứng minh cho các môn đệ thấy Người đã thực sự từ cõi chết sống lại. Nhưng lần này trước khi về trời, Đức Giê-su hiện ra lần cuối với Nhóm Mười Một trên một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Người không còn chứng minh Người đã sống lại như các lần trước, nhưng Người trao sứ mệnh rao giảng Tin Mừng phổ quát cho Hội Thánh qua Nhóm Mười Một môn đệ.

3. CHÚ THÍCH:
- C 16-17: +Mười một môn đệ: Nhóm Mười Hai bây giờ mất Giu-đa phản bội, nên chỉ còn mười một người (x. Mt 10,1-4; 27,5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Vâng lời dạy của thiên thần nhắn cho các môn đệ qua hai phụ nữ và sau đó chính Chúa Giê-su cũng nhắc lại khi hiện ra với hai bà này vào sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần (x. Mt 28,7.10). Ga-li-lê là trung tâm truyền giáo của Đức Giê-su trong thời gian Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. + Đến ngọn núi: Tin Mừng không xác định là núi nào. Còn sách Công Vụ Tông Đồ cho biết là núi Ô-liu (x. Cv 1,12). Núi là nơi Thiên Chúa mặc khải cho các Ngôn sứ thời Cựu Ước (x. Xh 3,1-5; 19,20; 1 V 19,8-14). Trong Tin Mừng Mát-thêu, nhiều lần Đức Giê-su cũng mặc khải những điều quan trọng trên núi. Chẳng hạn: Công bố Tám Mối Phúc Thật trên một quả núi (x. Mt 5,1), biến hình trước mặt ba môn đệ trên núi cao (x. Mt 17,1); ra lệnh cho các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc trên một ngọn núi (x. Mt 28,16). (17) + Khi thấy Người, các ông bái lạy: Các môn đệ thấy Chúa Giê-su Phục Sinh và biểu lộ niềm tin bằng việc sấp mình bái lạy Người. Hành động này tương tự như các đạo sĩ đã sấp mình bái lạy Hài Nhi Cứu Thế (x. Mt 2,2.8.11); Người phong cùi bái lạy để xin Đức Giê-su chữa lành (x. Mt 14,33); Người đàn bà xứ Ca-na-an bái lạy khi xin Đức Giê-su chữa cho con gái bà khỏi bị quỷ ám (x. Mt 15,25). + Có mấy ông lại hoài nghi: Nói đến có môn đệ còn hoài nghi sau khi các ông đã bái lạy Chúa xem ra bất nhất và khó hiểu. Thực ra, lúc này khi sắp từ giã Chúa Giê-su để về trời thì mọi môn đệ đều đã tin, và không ai còn hoài nghi gì nữa. Nhưng các trình thuật hiện ra khác đều nói đến sự nghi ngờ, và đều đã được Người đánh tan sự nghi ngờ ấy. Ở đây, Chúa Giê-su đánh tan sự hoài nghi khi cho biết Người đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18). Do câu này mà nhiều người nghĩ rằng sự hoài nghi ở đây là nhắm nói tới sự hoài nghi của cộng đoàn nói chung, vì từ đây các tín hữu sẽ không còn thấy Chúa Phục Sinh hiện ra nữa. Sự hoài nghi này từ nay sẽ được Lời Chúa trong Thánh Kinh đánh tan. Do đó, các tín hữu phải dựa vào Lời Chúa và quyền năng của Người để củng cố đức tin. Nhờ vậy đức tin của họ mới được chúc phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20,29).
- C 18-19: + Đức Giê-su đến gần: Đến gần là hành động ưu ái đặc biệt, lấp đầy khoảng cách giữa thiên quốc và trần gian mà chỉ Đức Giê-su Phục Sinh mới làm được. + Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Lúc khởi đầu việc rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã từ chối nhận quyền Sa-tan hứa ban cho Người mọi nước trên thế gian (x. Mt 4,8-10), thì giờ đây, sau khi đã vâng phục thánh ý Chúa Cha để đi con đường "Qua đau khổ vào vinh quang", Người đã được Chúa Cha ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, để ứng nghiệm lời tuyên sấm trong sách Đa-ni-en về Con Người: “Người được ban tặng quyền bính, vinh dự, vương triều. Tất cả các dân các nước và các tiếng nói đều phải phụng sự Người” (Đn 7,14), và quyền bính của Người còn bao trùm cả trời đất (x. Cv 13,33). + Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Các môn đệ đại diện Hội Thánh nhận bài sai từ Chúa Giê-su để đi chinh phục thế giới. Từ nay Hội Thánh phải nhân danh Người mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người, trước tiên là những người Do thái (x. Mt 10,5-6; 15,24), rồi đến mọi dân trên thế giới (x. Mt 8,11; 21,41). + Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Làm cho người ta trở thành môn đệ Chúa Ki-tô gồm cả việc rao giảng Tin Mừng. Để chu toàn việc này, các môn đệ phải cho họ lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, nghĩa là đặt người dự tòng trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
- C 20: + Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền: Việc đào tạo người ta nên môn đệ Chúa phải được tiếp tục sau khi đã chịu phép rửa, bằng lời giảng dạy, cho tới khi Hội thánh đạt tới sự viên mãn của Đức Ki-tô (x. Ep 1,23). Chính vì thế mà các Tông đồ phải hướng dẫn muôn dân tuân giữ các giới răn của Chúa. Đây là Dân của Giao Ước Mới phải sống theo Luật Mới do Chúa Giê-su công bố và các Tông đồ có nhiệm vụ phải truyền đạt. + Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Ki-tô Phục Sinh hứa sẽ hiện diện mãi trong Hội Thánh để hỗ trợ, giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho đến tận thế. Vì Người chính là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23).

4. CÂU HỎI:
1) Tại sao chỉ còn Mười Một môn đệ có mặt khi Chúa lên trời?
2) Tại sao các môn đệ lại họp mặt tại miền Ga-li-lê?
3) Chúa lên trời trên quả núi nào?
4) Tại sao các môn đệ bái lạy Đức Giê-su khi thấy Người xuất hiện?
5) Tại sao Tin Mừng nhắc đến thái độ hoài nghi của các môn đệ vào lúc này?
6) Tại sao trước khi lên trời Chúa Giê-su tuyên bố mình được trao toàn quyền trên trời dưới đất?
7) Mệnh lệnh thâu nạp môn đồ khắp muôn dân và công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi trong câu này chính xác đến mức độ nào, vì trong sách Công Vụ, Hội Thánh sơ khai mới chỉ nói tới công thức rửa tội “nhân danh Chúa Giê-su” mà thôi (x. Cv 2,38; 10,48)?

ĐÁP CÂU 7:
Thực ra, từ ban đầu Hội Thánh sơ khai đã ban phép rửa « nhân danh Đức Giê-su » như sách Công Vụ thuật lại lời của ông Phê-rô : « Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội » (Cv 2,38; 10,48).
Còn lời Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ « làm phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi » trước khi lên trời trong Tin Mừng Mát-thêu hôm nay (Mt 28,19) cũng thực sự là lời của Chúa Giê-su. Tuy nhiên do mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chỉ được sáng tỏ dần dần nhờ ơn Chúa Thánh Thần ban, qua kinh nghiệm sống và rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Về sau Hội Thánh đã đưa giáo lý về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vào trong công thức phụng vụ phép rửa: « Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần » thay thế công thức « nhân danh Chúa Giê-su » đã có từ thời sơ khai. Khi Tin Mừng Mát-thêu được hoàn thiện (vào khoảng năm 70-80), công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi đã được đưa vào lệnh truyền của Chúa Phục Sinh cho các môn đệ trước khi Người lên trời như Tin Mừng Mát-thêu thuật lại.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18b-20).

2. CÂU CHUYỆN:

1) LÀM CHỨNG LÀ CHIA SẺ ĐỨC TIN CHO THA NHÂN:
JUNE là một bé gái 5 tuổi có khuôn mặt đẹp như thiên thần và rất lanh lợi. Cha mẹ em đều là nhà giáo có lòng đạo đức. Mẹ thường đem em đi theo mỗi khi bà có việc ra ngoài nhà. Một hôm, hai mẹ con dắt nhau vào bưu điện thành phố. Khi bà mẹ đang lo gửi thư bảo đảm cho một người thân, thì bé June chạy chơi loanh quanh gần đó để xem người ta làm việc. Bấy giờ một ông lão ngồi gần đó trông thấy em bé kháu khỉnh dễ thương, liền bắt chuyện làm quen. Ông nói: “Này bé kia, mái tóc của cháu đẹp lắm ! Sao cháu lại có mái tóc đẹp đến thế nhỉ?” Cô bé liền vui vẻ trả lời: “Thưa ông, mẹ cháu dạy: Chúa đã ban mọi sự tốt đẹp cho cháu và cháu phải cám ơn Chúa nhiều lắm đó !” Nói xong em nhìn thẳng vào mặt ông lão, nhoẻn một nụ cười thật dễ thương và hỏi: “Thế ông đã được Chúa ban cho điều gì tốt đẹp chưa? Ông có đươc Chúa ban ơn cứu độ không?”.
Ông lão kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ của cô bé. Ông ngẩn người suy nghĩ giây lát rồi đáp: “Chưa đâu, cháu ạ”. Em bé liền nói: “Thế thì ông phải đến xin Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ ban cho ông được trở thành con của Chúa, và ông sẽ được Chúa làm cho trở nên một người mới xinh đẹp lắm đó !” Nói xong, bé vội chạy về phía mẹ đang vẫy gọi ở lối bên kia.
Ít tuần sau, ông lão tìm đến một nhà thờ xin học giáo lý dự tòng. Về sau ông cho biết: chính câu nói đơn sơ của bé gái hôm ấy đã đánh động tâm hồn vốn chai lì của ông, và luôn ám ảnh khiến ông không thể nào quên được. Cuối cùng ông đã quyết định phải xin theo đạo để được trở nên con Chúa và được đổi mới tốt đẹp như em bé đã nói.
Câu nói của một bé gái tuy đơn sơ nhưng đã có sức mạnh khiến một người già cứng lòng phải suy nghĩ và quay về với Chúa. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có dám biểu lộ đức tin trước mặt người khác không? Có dám nói về Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa để họ tin và đi theo làm môn đệ Chúa hay không?

2) HẠNH PHÚC ĐỜI SAU LÀ HOA TRÁI CỦA TÌNH YÊU ĐỜI NÀY:
Sau một tuần giảng đại phúc thật sốt sắng tại một vùng đất nọ, các cha giảng phòng đã khuyên nhủ được một ông cụ ngoại đạo xin gia nhập vào đoàn chiên của Chúa. Thấy cụ bà chưa có dấu hiệu khả quan, nên các cha cũng tích cực khuyên bà: “Ông đã theo đạo rồi, bà cũng nên theo Chúa đi thôi, để sau khi chết hai ông bà còn được lên thiên đàng sống mãi bên nhau nữa chứ.” Nghe thế cụ bà hốt hoảng trả lời: “Không được đâu, suốt đời ổng đã hành hạ tui đủ thứ. Mai mốt lên thiên đàng mà còn phải gặp lại ổng nữa thì chắc là tui chết mất.”
Thiên đàng sẽ chẳng có chút gì hấp dẫn nếu như nơi đó không có hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc chính là hoa trái của tình yêu. Hạnh phúc phát xuất từ trái tim, từ trong lòng mỗi người. Do đó, hạnh phúc hiện diện ngay trong gia đình chúng ta, tại nơi chúng ta đang làm việc, chứ không phải chỉ ở trên trời cao, như lời Chúa Giê-su dạy: “Nước Thiên Chúa không đến như một điều quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này! Hay ở kia kìa!”. Vì này, Nước Thiên Chúa ở giữa các ông” (Lc 17,20-21).

3) MÁI ẤM GIA ĐÌNH CHÍNH LÀ THIÊN ĐÀNG Ở TRẦN GIAN
Có nhà hoạ sĩ kia mơ ước mình sẽ vẽ được một bức tranh đẹp nhất thế gian. Nhưng anh ta không biết phải vẽ cái gì để bức tranh phải chứa đựng hình ảnh, màu sắc và nội dung đẹp nhất thế gian. Chàng ta đã đến hỏi một vị linh mục xem trên thế gian này thì có điều gì vừa đẹp vừa ý nghĩa nhất. Vị linh mục trả lời ngay: “Niềm tin. Niềm tin là số một, niềm tin sẽ nâng cao giá trị con người. Vì niềm tin sẽ chữa lành và biến đổi mọi sự trở nên tuyệt vời !”
Chàng hoạ sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với một cô dâu sắp lên xe hoa về nhà chồng, và được cô trả lời: “Trên thế gian này không có gì đẹp bằng tình yêu. Vì Tình yêu là hơi thở, là sức sống, là hạnh phúc, là tất cả. Tình yêu có sức biến đổi cay đắng trở thành ngọt ngào, sẽ đưa tiếng cười vào nơi than khóc, đổi nghèo hèn tầm thường thành phú quí cao sang. Tình yêu thật tuyệt vời !”
Cuối cùng người hoạ sĩ gặp một anh thương binh vừa trở về từ chiến trường. Nghe hỏi về điều nào đẹp nhất ở trần gian, thì được anh trả lời: “Bình an là điều đẹp nhất trần gian. Vì ở đâu có chiến tranh, ở đó có đổ nát, bất hạnh và khổ đau. Còn ở đâu có hoà bình, ở đó có cái đẹp tuyệt vời nhất !”
Ba câu nói của ba con người- vị linh mục, cô gái sắp lấy chồng và anh thương binh trẻ-đã làm cho chàng hoạ sĩ phân vân: không biết phải vẽ gì để bức tranh của anh cùng một lúc diễn tả được niềm tin, tình yêu, và sự bình an.
Đang suy nghĩ miên man, anh về đến nhà lúc nào không hay. Mấy đứa con anh ùa ra đón bố. Anh nhận thấy niềm tin trong ánh mắt của các con. Anh cũng cảm nghiệm được tình yêu trong cái ôm hôn chân thành của người vợ hiền. Niềm tin của con cái và tình yêu của người vợ làm cho tâm hồn anh ta trở nên ấm áp và bình an lạ lùng. Thế rồi một ý tưởng chợt loé lên trong đầu. Anh vội đến phòng vẽ bắt tay vào việc vẽ tranh về hạnh phúc gia đình. Sau khi hoàn thành tác phẩm, anh đã đặt tên cho bức tranh ấy là: “Mái Ấm Gia Đình.”
Mái ấm gia đình là hình ảnh sống động nhất để diễn tả về hạnh phúc Thiên đàng đời sau. Mái ấm gia đình cũng chính là lời chứng hùng hồn nhất mà các tín hữu chúng ta có thể trình bày về ơn cứu độ của Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa.

4) LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG LỐI SỐNG YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ:
Dù ban đầu chỉ là một nữ tu nghèo khó đơn độc với ước muốn làm việc bác ái phục vụ người nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi theo lời Chúa dạy, nhưng đến nay mẹ thánh Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã làm nên phép lạ lớn lao, khi dòng Thừa Sai Bác Ái do mẹ thiết lập đã tăng số đến 4000 nữ tu, 450 sư huynh và hàng ngàn cộng tác viên ngày đêm xuôi ngược làm công việc từ thiện, với 600 cơ sở bệnh viện, nhà nuôi người già, trẻ mồ côi, người bị liệt không ai chăm sóc trong 126 quốc gia trên thế giới. Từ ngày thành lập vào năm 1950 đến nay, nhà dòng của mẹ đã cưu mang giúp đỡ 50.000 gia đình nghèo, dạy dỗ cho 20.000 trẻ em và săn sóc cho 90.000 bệnh nhân phong cùi trong các bệnh viện tư ở 10 quốc gia. Các trẻ em mồ côi mà mẹ đã nuôi dạy từ hơn nửa thế kỷ đến nay đã nhiều không kể hết. Mẹ Tê-rê-sa đã trở nên chứng nhân bác ái của Chúa Ki-tô và góp phần kiến tạo thiên đàng yêu thương và phục vụ trong môi trường mình đang sống.
Ngày mẹ qua đời, tổng thống Pháp Jacques Chirac đã gởi một bức điện với lời lẽ phân ưu như sau: “Từ hôm nay thế giới đã có ít Tình Yêu hơn, ít lòng Trắc Ẩn hơn và ít Ánh Sáng hơn”. Mẹ Tê-rê-sa nêu gương cho các tín hữu hôm nay về việc chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng hành động cụ thể là yêu thương, chia sẻ và phục vụ tha nhân.

3. SUY NIỆM:

1) ƯỚC VỌNG LÊN TRỜI CỦA LÒAI NGƯỜI:
Con người từ xưa đến nay đều khát khao được bay lên trời cao. Vì thế, ngày 04 tháng 06 năm 1783, lần đầu tiên, hai anh em Mongolfiers, đã leo lên quả khí cầu bay lên trời được 500 mét trước hàng ngàn người chứng kiến. Ngày 12 tháng 04 năm 1961, Gagarine, phi hành gia đầu tiên của Liên-xô đã bay ra khỏi tầng khí quyển của trái đất trong phi thuyền Vostok I. Đến ngày 16 tháng 07 năm 1969 hai phi hành gia người Mỹ là Armstrong và Aldrin đã bay lên mặt trăng. Hôm nay, Hội Thánh mừng lễ Chúa Giê-su lên trời. Người trở về nhà Cha, sau khi đã hoàn thành sứ vụ được Cha trao phó. Sau thời gian 33 năm sống trên trần gian, giờ đây Người đã từ cõi chết sống lại, rồi “được đưa về trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19).

2) MẦU NHIỆM CHÚA THĂNG THIÊN:
Tin Mừng Mát-thêu hôm nay kể lại việc Chúa Phục Sinh đã giáo huấn các tông đồ lần cuối cùng, sai các ông đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,20). Sách Công Vụ cũng ghi lại lời Chúa Phục Sinh truyền cho các môn đệ: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8b). Rồi Ngài lên Trời trước mắt các ông và có đám mây rước Người lên, khuất mắt các ông.
Điều mà Tin Mừng muốn nhấn mạnh, không phải là việc Chúa Giê-su lên trời thế nào, nhưng là sứ vụ mà Người đã trao cho các môn đệ là: hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Hãy trở thành chứng nhân của Người đến mọi nơi và cho mọi dân tộc. Các Tông đồ đã đón nhận bài sai của Chúa Giê-su với niềm tin tưởng hân hoan. Khi thi hành sứ vụ này, các ông cũng đã phải đón nhận những sự chống đối, đau khổ, tù đày và có thể bị giết chết như lời Chúa tiên báo: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,18-19).

3) CHÍNH ANH EM HÃY LÀ CHỨNG NHÂN CHO THẦY:
Hơn bao giờ hết cuộc sống đã có không ít những khó khăn đang đặt ra cho mỗi người chúng ta. Những khó khăn đó đã làm chúng ta quên đi đời sống chứng nhân của mình. Nhiều tín hữu hiện nay vẫn chỉ biết quan tâm đi tìm kiếm tiền bạc, địa vị quyền hành, mà chưa ý thức sứ vụ được trao là loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa. Vậy thế nào là làm chứng cho Chúa?

- Thực ra, Chúa không đòi chúng ta phải làm điều vượt quá khả năng như: Phải lập những dòng tu mới hay xây dựng những cơ sở từ thiện như Mẹ Tê-rê-sa đã làm. Điều Người chờ đợi nơi chúng ta là hãy làm chứng cho Người bằng lối sống yêu thương, quên mình và khiêm tốn phục vụ những người nghèo đói bệnh tật đang bị bỏ rơi…
- Làm chứng là mở tai để lắng nghe, mở trí khôn để suy niệm và mở tay ra để thực hành Lời Chúa, vì Lời Chúa chính là ánh sáng và là sức mạnh giúp chúng ta “làm vinh danh cho Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn”.
- Làm chứng là sống lời Chúa và mở miệng nói về Chúa cho những người muốn nghe.
Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI cũng nhấn mạnh đến giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Anh em lương dân cũng chỉ tin điều chúng ta rao giảng khi họ nhìn thấy lối sống yêu thương, quên mình và khiêm tốn phục vụ nơi chúng ta.

4) LÀM CHỨNG NHÂN CHO CHÚA CỤ THỂ LÀ LÀM GÌ?
Trong tác phẩm “Hương rượu mới”, tác giả thuật lại về giờ phút cuối cùng của cha mình và gương sáng làm việc tông đồ truyền giáo của một nữ tu như sau: “Bấy giờ cha tôi đang hấp hối trên giường bệnh. Trong khi tôi chỉ biết ngồi nhìn cha với tâm trạng chán nản thất vọng, thì một nữ tu Công giáo với dáng người nhỏ nhắn đã bước vào phòng. Chị đi vòng qua bên kia giường cha tôi đang nằm, cầm lấy tay ông đưa lên vỗ nhè nhẹ. Sau đó chị hỏi: “Bác có nghe cháu nói không?” Ông cụ gật đầu. Đoạn chị nói với ông: “Trước đây bác đã tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế chưa?” Ông cụ lắc đầu. Chị nữ tu liền nói: “Bây giờ bác có muốn tin Chúa không?” Ông cụ đáp: “Dạ có”. Thế là chị yêu cầu ông lặp lại theo mình: “Lạy Chúa Giê-su, con tin nhận Chúa chính là Đấng Cứu Thế của con. Xin Chúa ban cho con được làm môn đệ của Chúa và được ơn tái sinh làm con Chúa Cha trên trời”. Ông cụ lặp lại theo từng câu nói và sau đó nhắm mắt lìa đời.
Như vậy “làm chứng” về Chúa Giê-su là dạy cho kẻ khác hiểu biết về Người, là chia sẻ cho họ niềm tin và tình yêu mình đang sống và hy vọng. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy nhận từ tay của Người sứ vụ mà chính Người đã nhận được từ nơi Chúa Cha, để chúng ta thay Người giúp cho người đời nhận biết tin thờ Chúa Cha và « Sống tình mến Chúa yêu người » hôm nay, theo gương mẫu và lời dạy của Người.
Ước gì Lễ Chúa Giê-su Lên Trời hôm nay giúp chúng ta ý thức nhiệm vụ kiến tạo “Trời Mới Đất Mới” ngay ở trần gian. Cụ thể là làm cho gia đình mình trở thành một mái ấm chan hòa tin yêu và an bình hạnh phúc. Đồng thời giúp tha nhân gặp được Chúa qua lối sống chứng nhân bác ái: quên mình vị tha và khiêm tốn phục vụ tha nhân.

4. THẢO LUẬN:

Bạn quyết tâm sẽ làm gì cụ thể để làm chứng cho Chúa, giúp cho một người thân đang lạc xa Chúa được quay về với Chúa, hay một người bạn lương dân tin theo làm môn đệ của Chúa?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay cùng với Hội Thánh, chúng con mừng lễ Chúa về trời. Trời là quê hương mà chúng con phải luôn hướng về. Nhưng trong Sách Công Vụ hôm nay, Chúa lại dạy các môn đệ: Điều quan trọng nhất chúng con phải làm là tiếp tục công trình cứu độ của Chúa, bằng việc loan Tin Mừng “bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Chúng con thường thoái thác nhiệm vụ làm chứng cho Chúa qua suy nghĩ ích kỷ: “Tôi phải lo tìm kiếm cái ăn cái mặc cho bản thân và gia đình mình trước đã ! Tôi không có khả năng nói về Chúa cho người khác ! Tôi không có thời gian rảnh rỗi !…” Đang khi Chúa dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Chúa muốn chúng con hãy phụng sự Chúa với hết khả năng, rồi Chúa sẽ bù đắp những gì còn thiếu sót. Vậy xin Chúa giúp chúng con ưu tiên lo công việc của Chúa và phó thác cuộc sống tương lai cho Chúa quan phòng. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được nghe lời Chúa phán: “Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì Ta sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:53 20/05/2020

29. Mục đích vào dòng của tôi chính là vì Thánh Giá cứu chuộc tất cả các linh hồn.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:59 20/05/2020
25. CHẾT RỒI VẪN THÍCH SĨ DIỆN

Có một thư sinh gia cảnh rất nghèo nhưng lại rất thích sĩ diện, luôn luôn thổi phồng mình là gia đình giàu có.

Kẻ trộm cho rằng nhà hắn ta có tiền nên một đêm nọ đến nhà hắn trộm, nhưng phát hiện trong nhà hắn ta ngoài bốn bức vách ra thì không có vật gì quý giá đáng đồng tiền bèn lớn tiếng chửi mắng:

- “Vận đen, đúng là nhà nghèo.”

Thư sinh nghe được, thì từ đầu giường mò hết mấy xu còn lại, đuổi theo tên trộm đưa cho nó và nói:

- “Anh đến thật không đúng lúc, xin cầm mấy đồng tiền này mà đi, nhưng khi anh đi ra ngoài thì tiên vàn để cho tôi cái sĩ diện, anh đừng nói cho ai biết là nhà tôi nghèo nhé” !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 25:

Sĩ diện đến thế là cùng.

Có người dù trong nhà khổ cực đến mấy chăng nữa thì cũng giữ thể diện đàng hoàng khi đi ra với người ta, đây là người có tinh thần tự trọng, không vì nhà nghèo mà luộm thuộm càng mất sĩ diện; có người vì sợ người ta nói mình nghèo nên đi mượn tiền mượn bạc để ăn tiêu hào phóng đến nỗi mang nợ ngập đầu ngập cổ...

Thời nay có những thiếu nữ vì đua đòi, vì sĩ diện mà vay nợ đến khi không trả được thì bán thân trả nợ, nhục nhã trăm bề và hối hận thì đã muộn; thời nay cũng có những thanh niên con nhà giàu học giỏi, nhưng vì cái sĩ diện phải biết chơi bời như bạn bè, nên học hành càng sa sút đàng điếm thì tăng lên và cuối cùng thì bị vào tù...

Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta nghèo khó là có phúc (Mt 5, 3), nhưng vì sĩ diện mà làm mất cái phúc nghèo khó ấy thì uổng lắm, cứ vui vẻ mà sống và nổ lực vươn lên trong cái nghèo của mình, thì sĩ diện là cái thớ gì chứ, nó chỉ là cái rác trong cuộc sống mà thôi, nhặt lên bỏ vào sọt rác là đời đẹp ngay.

Nghèo mà sống theo nghèo thì là có phúc hơn là vì sĩ diện mà sống như người có tiền của, bởi vì sĩ diện là cái mặt bên ngoài mà thôi sẽ mất đi khi hết tiền hết bạc hết bạn bè, nhưng cái tâm ở bên trong thì vẫn cứ còn mãi dù không tiền không bạc không bạn bè...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa Giêsu Kitô trở về trời
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:13 20/05/2020
Hằng năm Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Chúa Giêsu Kitô trở về trời sau khi ngài sống lại từ cõi chết được 40 ngày tính từ ngày Chúa Nhật lễ Phục sinh. Vì thế lễ Chúa Giêsu về trời luôn luôn vào ngày thứ năm trong tuần.

Theo Kinh Thánh thuật lại nơi sách Công vụ các Tông đồ 1,1-11:

: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt,8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." 9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh11 và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.“( CV 1,7-11).

Trên ngọn núi Sinai Thiên Chúa hiện xuống ban truyền 10 điều răn làm căn bản cho đức tin vào Thiên Chúa, và sự tương quan liên kết giữa Thiên Chúa với con người và ngược lại. Trong ý nghĩa đó, núi Sinai là nơi chốn của lòng suy niệm về Thiên Chúa.

Từ trên ngọn núi vùng Galilea Chúa Giêsu phục sinh trở về trời bên Đức Chúa Cha sau quãng đời 33 năm sinh sống trên trần gian đã hoàn thành sứ mạng rao truyền tình yêu ơn cứu độ Thiên Chúa cho con người. Ngọn núi Chúa Giêsu về trời là nơi chốn phản tỉnh ôn nhớ lại đời sống, lời giảng dạy và công việc Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện trên trần gian.

Từ trên ngọn núi Chúa Giêsu trở về trời, các Tông đồ, Hội Thánh được chính Chúa Giêsu Kitô sai đi truyền giáo:“ Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế,“ (Mt 28, 18-20.)

Trên đỉnh núi cây dầu thuộc khu phố cổ Jerusalem, các tín hữu Chúa Giêsu Kitô thuở ban đầu đã dùng một hang động tụ họp mừng nhớ kỷ niệm Chúa Giêsu về trời. Vào năm 387 một người Roma đạo đức tên là Poimenia đã dâng cúng cho xây dựng một nhà nguyện trên đó. Ngôi nhà thờ này bị quân BaTư dưới thời Chosrau II. năm 614 xâm chiếm tàn phá.

Trong dòng thời gian thế kỷ 7. một ngôi nhà thờ khác được xây dựng mới lại trên nơi đó, trong đó có dấu vết bàn chân Chúa Giêsu còn in trên mặt đất. Có lẽ ngôi nhà thờ này dưới thời Kalifat Al-Hakim năm 1009 đã bị tàn phá.

Đạo binh Thập Tự đã xây dựng lại trên tầng trệt của ngôi nhà nguyện ngày nay vào năm 1150, có dấu vết chân Chúa Giêsu Kitô sâu lõm khắc bằng đá hình chữ nhật trên nền nhà nguyện.

Người Hồi giáo dưới sự lãnh đạo của Saladin sau khi chiếm Jerusalem đã biến ngôi nhà nguyện này thành Moschee Hồi giáo - thánh đường Hồi giáo vào năm 1187.

Vào thế kỷ 1. sau Chúa giáng sinh Giáo hội thời sơ khai mừng lễ Chúa Giêsu Kitô trở về trời chung với lễ mừng Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lý do có sự liên hệ sát gần giữa hai biến cố trọng đại sống lại và sai gửi Chúa Thánh Thần xuống.

Tuy nhiên lễ mừng Chúa Giêsu trở về trời trong suốt dọc thế kỷ 4. được dần phát triển trở thành một ngày lễ riêng biệt như trong bản tường thuật của một người hành hương tên là Egiria năm 383-384 đã nói đến phụng vụ ngày lễ này ở Jerusalem.

Trong kinh Tin kính ngày nay chúng ta đọc tuyên xưng có câu tuyên tín: „ Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha“.

Lời tuyên xưng đức tin này đã có sớm từ thời xưa, như nơi các vị Giáo phụ Polykarpo thành Smynra, vịn tử đạo Justino và Giáo phụ Ireneus thành Lyon.

Lời Tuyên xưng Chúa Giêsu trở về trời bên Giáo Hội Roma có từ thời Công đồng Nicaea năm 325 và Công đồng Niceno-Konstantino năm 381:

„ Ngài sống lại ngày thứ ba như lời Thánh kinh.,và lên trời Ngài ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không bao giờ cùng tận.“

Từ năm 379 lễ Đức Chúa Giesu trở về trời, hay còn gọi là lễ Chúa Giêsu thăng thiên được mừng kính trọng thể 40 ngày sau lễ Đức Chúa Giêsu sống lại, và 10 ngày trước lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Lễ Đức Chúa Giêsu Kitô về trời như những lễ mừng Chúa Giêsu sống lại và lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống là những ngày lễ thay đổi ngày tháng theo từng năm.

Lễ mừng kính Chúa Giêsu Kitô về trời theo phụng vụ Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Chính Thống giáo, và Giáo hội Anh giáo là ngày đại lễ.

Theo tập tục đạo đức xa xưa, ba ngày trước lễ Chúa Giesu về trời là ba ngày rước kiệu cầu nguyện cho mùa màng được mưa thuận gío hoà, được mùa hoa trái, cầu bình an cho mọi người. Tập tục này có từ thế kỷ 4. trong Giáo hội Công gíao. Đến thế kỷ 7. dưới thời Đức Giáo Hoàng Gregor cả tập tục này được lan truyền rộng rãi trong khắp cả Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu. Nhưng từ 1969 theo luật cải tổ Phụng vụ, tập tục rước kiệu cầu mùa bị bãi bỏ. Tuy nhiên một số nơi vùng thôn quê, hay trong khuôn viên nhà Dòng, tập tục đạo đức này vẫn còn được duy trì hằng năm vào ba ngày trước lễ Chúa Giêsu trở về trời.

Vào ngày mừng lễ Chúa Giesu lên trời trong dân gian theo văn hóa xã hội xưa nay bên các nước Âu Châu và Mỹ Châu có tục lệ mừng tưởng nhớ đến những người cha gia đình.

Tục lệ này có nguồn gốc từ bên xã hội Hoa Kỳ. Bà Louisa Dodd năm 1910 đã kêu gọi thành lập phong trào tưởng niệm tưởng nhớ đến những người cha đã hy sinh chiến đấu bỏ mình trong trận chiến nội chiến 1861-1865 bên Hoa Kỳ.

Năm 1924 Tổng Thống Hoa Kỳ Calvin Coolidge đã đưa ra lời công nhận và khuyên nên dành ngày lễ mừng tưởng nhớ đến những người cha gia đính ở nơi những tiểu bang đất nước Hoa Kỳ. Năm 1974 Tổng Thống Richard Nixon đã ấn định chính thức là ngày lễ nghỉ vào Chúa Nhật thứ ba trong tháng Sáu.

Mỗi xã hội đất nước tùy theo phong tục tập quán mừng ngày nhớ ơn các người cha cách khác nhau và vào thời điểm ngày tháng cũng khác nhau. Nhưng tựu trung để nhớ đến công ơn sinh thành hưỡng dục và lòng hy sinh của các người cha gia đình, như tập tục ngày hiền mẫu nhớ biết ơn các người mẹ.

Mừng lễ Chúa Giêsu về trời, như các Thánh Tông đồ xưa, con người chúng ta hướng lòng trí tâm hồn về trời, nơi Thiên Chúa ngự, nơi Chúa Giêsu Kitô về đó trước dọn chỗ cho chúng ta sau này cũng được về sống, khi con đường hành trình đời sống trên trần gian chấm dứt.

Trời là quê hương đích thật của con người chúng ta.

Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô về trời, 21.05.2020

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên Năm A. 24.5.2020
Lm Francis Lý văn Ca
11:06 20/05/2020
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến, Trong những thâp niên gần đây, nhiều Giáo Hội Địa Phương đã dời lễ mừng kính Chúa Giêsu Thăng Thiên vào Ngày Chúa Nhật với ý hướng mục vụ là tạo điều kiện dễ dàng cho toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa mừng lễ trọng vào Ngày Chúa Nhật sắp tới thay vì thứ Năm tuần nầy.

Khi mừng kính lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, chúng ta dường như được Giáo Hội Mẹ Thánh lữ hành nhắc nhở: Chúa Kitô khi hoàn tất chương trình cứu chuộc mà Thiên Chúa Cha đã giao phó thì Ngài trở về với Thiên Chúa Cha. Phần Giáo Hội lữ hành phải tiếp tục sứ vụ mà Chúa Giêsu đã khởi sự cho đến ngày Chúa lại đến lần thứ hai trong ngày thế mạt. Đối với cộng đoàn tín hữu chúng ta, đây là dịp để suy niệm về ơn phép rửa tội khi gia nhập vào cộng đoàn Dân Chúa. Chúng ta có nhiệm vụ đi rao giảng cho thế giới Tin Mừng mà Chúa đã giao phó cho đến ngày Ngài lại đến.

Trong tâm tình đó và với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn…. bắt đầu thánh lễ Mừng Kính Chúa Giêsu Thăng Thiên với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Theo thánh sử Luca thì 40 ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại ở giữa các tông đồ, Chúa đã chuẩn bị tâm hồn các tông đồ để nhận lãnh Thánh Linh. Chúa Thánh Linh sẽ hiện diện với Giáo Hội luôn mãi.

TRƯỚC BÀI II:
Sứ vụ của Đức Kitô là kiện toàn chương trình hoạch định của Thiên Chúa Cha một cách viên mãn và tất cả tạo vật đã được Đức Kitô cứu chuộc sẽ quy tụ trong thân thể Mình Mầu Nhiệm là Giáo Hội.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Chúa Kitô trước khi về trời đã trao quyền cho các tông đồ đi khắp nơi rao giảng, làm phép rửa cho những ai tin. Ngài hứa sẽ ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế.


LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Thiên Chúa Cha đã cho Đức Kitô sống lại từ trong cõi chết và nay ngự bên hữu Ngài. Đức Kitô đã trở nên trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Với lòng tin tưởng chúng ta nhờ Ngài chuyển cầu những ý nguyện sau đây lên Thiên Chúa Cha.

1. Xin cho Giáo Hội lữ hành luôn là khí cụ của Chúa đem Tin Mừng Phục Sinh cho những ai chưa biết Tin Mừng nầy. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho những anh chị em tân tòng đã lãnh nhận bí tích rửa tội trong Mùa Phục Sinh, với ơn Chúa ban, họ khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa muốn cứu nhân loại, qua việc sai Con của Ngài đến trần gian. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Với ơn Chúa Thánh Thần tác động, xin cho chúng ta được trở thành những chứng tá của Tin Mừng trong thế giới chúng ta đang sống. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta dùng ít giây thinh lặng, dâng lên Chúa những ý nguyện riêng tư của gia đình hay cá nhân trong thánh lễ mừng Chúa Thăng Thiên hôm nay.

* Dành ít giây thinh lặng...... sau đó đọc câu sau đây như thường lệ.

Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời được hưởng niềm vui bất diệt muôn đời trên thiên quốc. đặc biệt là những nạn nhân của Covid - 19. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin soi sáng cho chúng con biết thi hành sứ mệnh truyền giáo trong hoàn cảnh chúng con đang sống. Qua sự rao giảng Tin Mừng nầy, thế giới của chúng con mỗi ngày sẽ thêm nhiều người tin thờ Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Điều kiện để thông truyền Lời Chúa
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
22:15 20/05/2020


Chúa Nhật Thăng Thiên Năm A

Lời thiên thần: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? ”.

Đó là cái nhìn vừa ngỡ ngàng, vừa yêu thương, luyến tiếc, nhưng hình như pha chút hoảng hốt. Thầy đang ở trước mắt, tự dưng lại được cất lên tức khắc.

Lời thiên thần thúc giục đủ quyền lực cắt đứt tất cả mộng mị, đưa các môn đệ của Chúa Giêsu về lại thực tế.

Độc đáo của lễ Thăng thiên là đây. Mừng Chúa về trời không chỉ ngước mắt nhìn trời. Ngược lại, phải nhìn xuống, phải quay về thực tế của cuộc đời.

Quay về để từ hôm nay, biết làm cho những lối đường trần thế thành đường dẫn đến trời cao.

Nghĩa là luôn giữ mình thanh sạch, sống trong ơn nghĩa Chúa qua từng hành động, suy tư, tương quan.. . từ những bổn phận, công tác, việc làm đến giờ phút nguyện cầu, và mọi việc đạo đức khác.

Đời sống trong sự tốt lành cũng là cách để thực hiện lời trăn trối của Chúa: "Hãy đi giảng dạy muôn dân làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con".

Đời sống tốt là bước đầu của truyền giáo. Không thể trở thành nhà truyền giáo mà đời sống bê bối, mang đầy tiếng tăm.

Ngày lễ Chúa về trời hàng năm cũng là ngày Quốc tế Truyền thông. Giữa một thế giới mà truyền thông như cánh rừng, đủ mọi thứ thượng vàng hạ cám, thì ngày Quốc tế Truyền thông của Hội Thánh càng là dịp để Kitô hữu khẳng định chỗ đứng không chỉ thanh sạch mà còn thánh thiện của mình.

Để khi tham gia truyền thông, dù là người đưa hay nhận thông tin, ta luôn ý thức mình là Kitô hữu, phụng sự Lời Chúa, phụng sự uy danh Chúa, để theo khả năng mà trao cho thế giới một Thiên Chúa cứu độ trong yêu thương.

Hơn nữa, đời sống tốt là nội lực, là sức đề kháng giúp ta ngăn ngừa mọi nhơ nhớp, mọi thứ tội lỗi do những kiểu truyền thông phục vụ ma quỷ gieo rắc.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong nhiều bài giảng, nhắc đến tội nói hành, nói xấu, vu khống.

Cũng vậy, qua kinh nghiệm mục vụ, các linh mục hoàn toàn đồng ý với Đức Thánh Cha. Các ngài đều nhận thấy tội nói hành, nói xấu, vu khống là tội người ta phạm nhiều. Đó là thứ tội phổ biến trong đời sống cá nhân và thế giới ngày nay.

Không chỉ nói xấu, vu khống trên môi miệng, người ta tiến xa hơn khi không ngần ngại sử dụng phương tiện truyền thông để lăng mạ, chửi bới nhau.

Những lời lẽ trên truyền thông đôi lúc tục tĩu, thô bỉ, sống sượng, tàn ác.. . Thậm chí nó còn cho thấy con người mất hết nhân tính. Có khi nó hàm chứa cả những mưu toan quyền lực, vụ lợi đầy tha hóa, đầy sự dữ.. .

Ngày xưa, khi nói xấu, vu khống, cùng lắm, chỉ trong một không gian thật nhỏ. Bây giờ, người ta đưa lên mạng internet, có sức lôi cuốn cả thế giới vào cuộc chứ không phải vài cá nhân.

Từ đó, ta mới thấy truyền thông hiện đại có sức mạnh đến mức độ nào. Nếu nó nâng ai, người đó sẽ cao ngất, nhưng nếu ai trở thành nạn nhân của nó, cuộc sống người đó trở thành thương tật, tàn phế.. .

Người ta đã và vẫn chứng kiến, quá nhiều lần, truyền thông thay vì nối kết, đã bị biến thành nguồn cội chia rẽ, bất hòa, hận thù, chinh chiến. Vì thế, không lạ gì khi nghe Đức Giáo Hoàng nói mạnh: “Ở đâu có vu khống, ở đó có ma quỷ”.

Trước một cánh rừng truyền thông dày đặc như thế, đời sống và lương tâm tốt lành của Kitô hữu là điều kiện phải đặt trên hàng đầu.

Vâng lệnh Chúa ra đi truyền giáo, chúng ta dùng mọi phương tiện, mọi khả năng để vinh Chúa giữa thế giới, nhưng phải luôn luôn tỉnh thức để mình không bị lôi vào thứ truyền thôngphục vụ ma quỷ, mang đầy chết chóc.

Hơn nữa, khi một thế giới bị thống trị quá nhiều bởi sự dữ, thì mỗi Kitô hữu càng phải đẩy mạnh việc truyền thông Lời Chúa, để góp phần làm lành mạnh hóa môi trường của đời sống hôm nay.

Xin Chúa huấn luyện chúng ta thành tông đồ mới cho thế giới mới để luôn luôn là những nhà thông truyền Lời Chúa, vinh danh Chúa cách hết sức nhiệt thành, hiệu quả và đúng đắn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuần kỷ niệm Tông huấn Laudato Si được ấn ký và Năm thực hiện Tông huấn
Thanh Quảng sdb
07:09 20/05/2020
Tuần kỷ niệm Tông huấn “Laudato Si" (Ngôi Nhà Chung) được ấn ký và Năm thực hiện Tông huấn



Ngày 24 tháng 5 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ấn ký một Tông huấn quan trọng của triều đại Giáo hoàng của Ngài, Tông huấn mang tên “Laudato Si” (Chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta).

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Vào Chúa Nhật tới 24/5/2020, chính xác 5 năm Tông huấn “Laudato Si” (Chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta), một tâm điểm không chỉ dành cho Giáo hội và các Kitô hữu mà còn cho tất cả các chính phủ, chính trị gia, các cơ quan thế giới, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, cũng như các tổ chức và phong trào trên toàn thế giới.

Tuần kỷ niệm “Laudato Si” (Chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta).

Phát biểu trong buổi triêu yết đọc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” vào trưa Chúa Nhật, ngày 17 tháng 5 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi một năm học hỏi suy niệm và hành động theo “Laudato Si” (Chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta) và được khởi đấu vào Chúa Nhật 24/5/2020 và kết thúc vào ngày 24 tháng 5 năm 2021.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Trong thời điểm đại dịch, chúng ta càng nhận thức rõ rệt hơn về tầm quan trọng của việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta: Hãy suy tư học hỏi và cùng nhau cam kết chăm sóc với óc sáng tạo cho ngôi nhà chung của chúng ta."

Năm kỷ niệm đặc biệt Laudato Si

Thánh bộ Tòa thánh Vatican về sự phát triển con người toàn diện cổ súy một năm kỷ niệm ngày Đức Thánh Cha ấn ký Tông huấn “Laudato Si”, sẽ được diễn ra từ ngày 24 tháng 5 năm 2020 đến ngày 24 tháng 5 năm 2021.

Cha Joshtrom Kureethadam là Điều phối viên của phân bộ Sinh thái và Sáng tạo học, được hoạt động dưới trước của Thánh bộ Tòa thánh về sự phát triển toàn diện con người.

Khủng hoảng của ngôi nhà chung của chúng ta

Trình bày về Năm kỷ niệm Tông huấn “Laudato Si”, cha Joshtrom Kureethadam, một linh mục dòng Salesian Don Bosco cho hay bối cảnh của năm này sẽ là tình trạng bấp bênh của Ngôi nhà chung của chúng ta, mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhấn mạnh tới Tông huấn “Laudato Si”. Đức Thánh Cha tự hỏi, thế giới nào chúng ta muốn để lại cho hậu thế? cho những thế hệ đang lớn lên?

Vị linh mục Ấn Độ này cho hay các khoa học gia đã cảnh báo tình trạng bấp bênh của trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài nêu ra những kinh nghiệm bi thương của rất nhiều cộng đồng đã bị tổn thương trên toàn thế giới. Thanh thiếu niên trên các đường phố đang la lên, cảnh báo chúng ta rằng chúng ta không thể đánh cắp tương lai của họ.

Với sự ra đời của cơn đại dịch Covid-19, vị linh mục Ấn Độ cho biết, thế giới đã nhận chân ra rằng con người chúng ta phụ thuộc vào nhau và liên đới với nhau ra sao, và sự cần thiết của tình đoàn kết, để kiến tạo một thế giới mới.

Tất cả những khủng hoảng này có thể là một cơ hội, một khoảnh khắc của ân sủng mời gọi tất cả chúng ta đáp lại lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng nhau bắt đầu và xây dựng lại một thế giới.

Do đó, Thánh bộ Tòa thánh về sự phát triển toàn diện con người đã lên kế hoạch cho một loạt các sự kiện và lễ hội, bắt đầu với Tuần lễ Tông huấn “Laudato Sì”.

Cha Kureethadam lấy làm tiếc vì cơn đại dịch Covid-19, nên tuần lễ bắt đầu này xảy ra bằng hệ thống truyền thông trực tuyến.

Chương trình năm kỷ niệm Tông huấn Laudato Si

Năm kỷ niệm sẽ bắt đầu vào Chúa Nhật ngày 24 tháng 5, với một lời cầu nguyện vào đúng ngọ (giữa trưa) trên toàn thế giới. Sau dó cha Joshtrom với kiến thức về Sinh thái và Sáng tạo học, đã lên một kế hoạch được dàn ra trong cả năm kỷ niệm.

- Thời gian sáng tạo sẽ diễn ra từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 4 tháng 10

- Đại hội Liên đới Giáo dục (15/10) và Đại hội Kinh tế (21/11) với Đức Thánh Cha đã được hoãn lại vào 26-29 tháng Giêng năm 2021

- Một đại hội các nhà lãnh đạo các tôn giáo dự trù nhóm họp vào mùa Xuân năm 2021 và Ngày Quốc tế về Nguồn Nước vào ngày 22/3/2021


Để kết thúc Năm kỷ niệm, Cha Kureethadam cho biết sẽ có một Hội Nghị Quốc Tế trong đó có một Đại Nhạc Hội Quốc tế, và trong chương trình Nhạc hội đó, một số giải thưởng cho những nỗ lực hoạt động theo Tông huấn “Laudato Si” sẽ được trao tặng…

Vị linh mục Ấn này cũng cho hay một vài dự án đặc biệt mà ngành Sinh thái học và Sáng tạo học đang thực hiện, chẳng hạn như thực hiện một bộ phim tài liệu chuyên đề về Tông huấn “Laudato Si”.

Ở Sahel, cha cho hay, họ đã bắt đầu “Sáng kiến Cây Laudato Si”, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vào Chúa Nhật vừa qua. Ngoài ra còn có một sáng kiến thú vị được gọi là “Ngân hàng Nhựa” để chống lại sự gây ô nhiễm vì các bao bọc nhựa và một chương trình đố vui Kinh thánh.

Đây là một số các tiết mục khai mở và kết thúc năm kỷ niệm. Nhưng chương trình này sẽ được cập nhật và sửa đổi cho thích ứng với thời gian. Cha Kureethadam mời mọi người đóng góp ý kiến cho ban tổ chức...

Chương trình hành động 7 năm theo Tông huấn Laudato Si

Cha Joshtrom cho hay khi kết thúc Năm kỷ niệm Tông huấn “Laudato Si”; một chương trình hành động theo Tông huấn Laudato Si sẽ được hoạch định trên 7 lĩnh vực đáng chú ý kéo dài trong thời gian 7 năm. Những lĩnh vực như là: gia đình, giáo phận, giáo dục tiểu học, trung và đại học, bệnh viện, các doanh nghiệp và các dòng tu trong Giáo hội.

Tất cả được yêu cầu thực hiện cuộc hành trình 7 năm theo tinh thần của Tông huấn “Laudato Si” đặc biệt trong lãnh vự giáo dục các cấp...

Cha Kureethadam hy vọng cuộc khởi động đầu tiên với khoảng 500 giáo phận hoặc các trường học vào năm 2021. Năm sau 2022, một nhóm giáo phận khác... và cứ tuần tự từ năm này sang năm khác cho tới thập kỷ tới.

Từ năm 2021 trở đi, ngành Sinh thái và Sáng tạo học cũng có kế hoạch trao 7 giải thưởng như: Vai trò lãnh đạo xuất sắc thực hành Tông huấn, Hoạt động viên xuất sắc, Họa sĩ nổi tiếng về các môi trường sinh thái, và Thúc đẩy đoàn kết theo Tông huấn Laudato Si xuất sắc.

Diễn xuất cùng nhau

Cuối cùng cha Kureethadam mời gọi tất cả mọi người cùng nhau hành động để cứu Ngôi nhà chung của chúng ta, để tạo ra một hệ sinh thái mới cho ngôi nhà chung mới, để khôi phục các hệ sinh thái, xây dựng tình đoàn kết giữa chúng ta.

Cha cũng thúc giục rằng các cuộc khủng hoảng hiện nay, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và Covid-19, là thời gian giúp loài người chúng ta thức tỉnh và ý thức việc xử dụng các tạo vật mà Thiên Chúa tạo dựng, đặc biệt trong suốt Năm kỷ niệm Tông huấn “Laudato Si” đặc biệt này.
 
Hội đồng Giám mục Ý giúp thêm 3 triệu Euro cho các nước nghèo để chăm sóc sức khỏe và đào tạo.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
10:08 20/05/2020
Phân phối thực phẩm tại Alexandra, nước Nam Phi

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý đã bổ sung thêm một đóng góp cứu trọ khác, sau lần can thiệp đầu tiên lên tới 6 triệu euro luôn dành cho cùng một mục đích và tất cả các phân bổ khác cho nước Ý. Các quỹ đến từ tám phần ngàn mà giáo dân đóng góp cho Giáo Hội Công Giáo sẽ được sử dụng để giúp các nước châu Phi và các nước nghèo khác đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khó khăn do đại dịch gây ra.

Theo thông cáo của Hội đồng Giám mục Ý: "Nhận thức được rằng tình hình vốn đã rất bi thảm của các quốc gia này có thể trở nên tàn khốc, Chủ tịch HĐGMY đã ủy thác Dịch vụ can thiệp từ thiện vì ích lợi cho các nước thuộc Thế giới thứ ba và Caritas Ý để phát triển một chiến lược hành động, cho phép tăng số lượng dự án, chọn chúng từ các dự án được trình bày bởi các bệnh viện và các tổ chức Công Giáo hoạt động trong khu vực và được coi là hiệu lực sau lần đầy tiên biểu hiện quan tâm. Do tính nghiêm trọng của hoàn cảnh, các dự án được tài trợ phải được hoàn thành trong vòng ba tháng kể từ khoản trợ giúp được giải ngân."

Với sự phân bổ sau này, tổng số các can thiệp trực tiếp của HĐGMY để đối mặt với tình trạng khẩn cấp của coronavirus ở Ý và ở các nước nghèo đã tăng lên 227,9 triệu. Một khoản tiền phải thêm vào cho các can thiệp của các giáo phận riêng lẻ và của tất cả các tổ chức khác của thế giới Công Giáo và ưu tiên là các tố chức từ thiện được tài trợ hàng năm trên khắp nước Ý. Năm 2019, ví dụ, 285 triệu euro đã được sử dụng cho mục đích từ thiện này. Điều này mang lại tổng số các can thiệp HĐGMY chỉ với con số đáng chú ý là 509,9 triệu euro.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Các đại học Công Giáo chuẩn bị nhập học khoá mùa thu, viện ĐH Notre Dame sẽ nhập học sớm hơn 2 tuần.
Trần Mạnh Trác
12:45 20/05/2020
Denver, ngày 20 tháng 5 năm 2020 ( CNA ). - Viện Đại học Công Giáo Notre Dame vừa ra thông báo rằng sinh viên sẽ nhập học khoá mùa thu sớm hơn hai tuần và sẽ không có kỳ nghỉ mùa thu (Fall break) để hoàn thành học kỳ vào dịp Lễ Tạ Ơn.

Ngoài các yêu cầu về khẩu trang và cách ly xã hội, chương trình nhập học sẽ bao gồm thử nghiệm toàn diện về COVID-19, và tăng cường làm sạch tất cả các không gian trong khuôn viên đại học, theo lời Cha viện trưởng John Jenkins cho biết trong một thông báo đề ngày 18 tháng 5.

“Đưa sinh viên trở lại trường thì giống như tập hợp một thành phố nhỏ với nhiều người từ nhiều nơi trên thế giới, kể cả những người có thể mang theo mầm bệnh. Chúng tôi ý thức được những thách thức đó, nhưng chúng tôi tin rằng đó là một trong những điều chúng tôi có thể làm, ” Cha Jen Jenkins nói.

“Các giáo chức đã được yêu cầu cung cấp học trình của họ bằng hai cách thức một lúc, ở trong lớp học và trên mạng trực tuyến, để cho các học sinh bị bệnh hoặc phải cách ly có thể tham gia, ” ngài tiếp tục.

Trước đây viện đại học đã phải giải tán sinh viên về nhà vào giữa tháng 3 trong bối cảnh đại dịch đang lan rộng và họ phải hoàn thành học kỳ mùa xuân bằng cách trực tuyến. Cha Jenkins cho biết viện đại học đã tham khảo ý kiến cuả các chuyên gia y tế cuả Cleveland Clinic và cuả các quan chức y tế quốc gia để phát triển kế hoạch mở cửa trở lại.

Mặc dù Notre Dame là một trong những đại học lớn đầu tiên công bố kế hoạch mở cửa cho mùa thu, nhưng đây không phải là đại học Công Giáo duy nhất làm như vậy.

Các quan chức tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ (CUA) ở Washington DC cũng đang lên kế hoạch nhập trường vào mùa thu, nhưng chưa công bố liệu sẽ có thay đổi nào về ngày khai trường hay ngày bế giảng.

Bắt đầu là việc mở các lớp học với giảng viên và nhân viên theo từng giai đoạn lớp lang, việc mở trường cũng sẽ bao gồm cách ly xã hội, công việc kiểm tra và làm sạch và các biện pháp cảnh báo khác, ông viện trưởng John Garvey cho biết trong một thông báo ngày 7 tháng Năm.

Ngoài ra, viện đại học cũng đầu tư vào các thiết bị video và công nghệ ảo để cho phép các giáo sư cung cấp khóa học cả hai cách trực tiếp và trực tuyến nếu cần thiết, ông Garvey nói.

Ông Christopher Lydon, giám đốc tuyển sinh tại CUA, nói rằng viện đại học đang tiếp tục đánh giá các trường hợp mà viện sẽ cần phải làm khi có thông tin y tế mới từ chính phủ và CDC.

Trường Benedictine College ở Atchison, Kansas cũng chuẩn bị mở cửa trở lại với các lớp học trực tiếp cho học kỳ mùa thu, bắt đầu học kỳ vào đúng ngày 26 tháng 8, ông viện trưởng Stephen D. Minnis tuyên bố ngày 5 tháng 5.

Trong số các kế hoạch mà các quản trị viên của Benedictine College đang xem xét cho việc mở cửa bao gồm việc giữ khoảng cách xã hội trong lớp học, điều chỉnh lịch trình các lớp học hoặc khóa học, sử dụng khẩu trang, kiểm tra, quy tắc sử dụng các khu vực chung và quy tắc tham dự các cuộc chơi thể thao.

Ông Steve Johnson, phát ngôn viên của Benedictine College, nói vào tháng trước rằng trước khi xảy ra đại dịch, trường đại học đã có một con số sinh viên năm thứ nhất kỷ lục và một con số ghi danh kỷ lục.

“Cho đến nay, chúng tôi không thấy có ai bỏ học và chúng tôi dự kiến sẽ mở cửa vào tháng 8 với các lớp học gần như bình thường nhất có thể.. . Chúng tôi không nghĩ có bất kỳ sự sụt giảm lớn nào về con số tuyển sinh, ” ông Johnson nói, ngày 23 tháng 4.

Trường Đại học Franciscan của Steubenville, Ohio, công bố hồi tháng Tư rằng học phí cho tất cả các sinh viên năm nhất và sinh viên chuyển tiếp vào mùa thu năm 2020 sẽ được chi trả bởi kho dự trữ của trường đại học.

Trường Franciscan chưa công bố kế hoạch mở cửa trở lại cho học kỳ tới nhưng ông Joel Recznik, phó chủ tịch tuyển sinh của Franciscan, đã nói vào tháng Tư rằng, ngoại trừ có những trường hợp đáng tiếc, như một đợt đại dịch thứ hai, thì trường đại học dự đoán sẽ có một đợt tuyển sinh đầy đủ và những hoạt động đại học bình thường vào mùa thu.

Trong lúc này thì các trường đại học trên toàn quốc vẫn còn vật lộn với một tương lai không rõ ràng, tờ báo New York Times lưu ý rằng hệ thống đại học cuả bang California đã tuyên bố rằng họ sẽ không mở cửa lại như bình thường vào mùa thu, và các lớp học sẽ được tổ chức chủ yếu là trên mạng trực tuyến.

Ít nhất có một trường cao đẳng Công Giáo, Holy Family College ở bang Wisconsin, đã phải đóng cửa vĩnh viễn vì những thách thức về ghi danh và gây quỹ.
 
Các tu sĩ Holy Cross đi gặt lúa để cứu vụ muà cho nông dân ở Bangladesh
Trần Mạnh Trác
18:13 20/05/2020
Xem hình ảnh

Dhaka (AsiaNews) – Khoảng 80% dân số cuả Bangladesh sống bằng nông nghiệp và gạo là thực phẩm chính. Nhưng năm nay, với nạn đại dịch đang hoành hành trên khắp thế giới, thì muà luá ở đây là một vấn đề cho cả nước.

Nhà nông ở Bangladesh cần thêm lao công để gặt lúa, nhưng nông dân không thể đến đồng ruộng vì chính phủ đã ban hành lệnh cấm coronavirus.

Để giải quyết đại dịch, chính quyền áp đặt nhiều biện pháp giam cầm xã hội nghiêm ngặt. Các hoạt động nông nghiệp vẫn được cho phép, nhưng giao thông công cộng bị đình chỉ và công nhân không thể di chuyển ra khỏi nhà.

Vụ muà diễn ra vào khoảng cuối tháng Tư và nửa đầu tháng Năm: nếu không đủ nhân công hoặc phải gặt luá muộn, thì muà luá có nguy cơ thất thu.

May mắn thay, một số nông dân địa phương ở vùng Dhaka đang được 20 tình nguyện viên của nhà dòng Holy Cross (Thánh Giá), là những tu sĩ trẻ tuổi, giúp đỡ, và họ đã rất cảm kích và biết ơn các nhà truyền giáo này.

Ở Bangladesh có 110 tu sĩ dòng Holy Cross, công việc mục vụ cuả họ là phục vụ các trường học. Đối với họ, cuộc sống nông nghiệp là khó khăn vất vả, nhưng qua dịp này, nó được thực hiện với một niềm vui và tình thương yêu. “Đất toàn là đất sét, và công việc thì rất mệt mỏi đối với chúng tôi, nhưng chúng tôi rất vui vì đã có thể đóng góp. Trong hai ngày, chúng tôi đã thu hoạch được 2 mẫu lúa, ” Thày Ujjal Placid Pereira, một trong những nhà truyền giáo tham gia vào vụ thu hoạch, nói với AsiaNews.

Thày Ujjal, thư ký điều hành của Ủy ban Giám mục về giới trẻ và trường học, tiết lộ rằng những gì anh em tu sĩ kiếm được sẽ được phân phối cho những người đang mất việc vì nạn dịch và không có gì để nuôi sống bản thân.

Thầy nhớ lại rằng đây là tuần của Laudato Si, bản tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tình trạng khẩn cấp môi trường đối với cuộc khủng hoảng xã hội của nhân loại: "Đức Giáo Hoàng dạy rằng mọi thứ đều được kết nối trên thế giới. Bằng cách làm việc trên đồng lúa, chúng ta có thể chăm sóc thiên nhiên, cây xanh, đất và giúp đỡ những người nghèo khó. ”

 
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 10
Vũ Văn An
18:40 20/05/2020
d) Đức tin và phép rửa tội trẻ em

91. Phép rửa tội trẻ sơ sinh đã được chứng thực từ thời cổ xưa [100]. Nó được biện minh ở lòng cha mẹ muốn con cái của họ dự phần vào ơn thánh bí tích, được tháp nhập vào Chúa Kitô và Giáo hội, trở thành thành viên của cộng đồng con cái Thiên Chúa như chúng đã là thành viên của gia đình, vì phép rửa là một phương tiện cứu rỗi, tha thứ tội lỗi, khởi từ tội nguyên tổ, và thông truyền ơn thánh. Đứa trẻ không có ý thức để ký nhận hay tự hào về tư cách thành viên trong gia đình tự nhiên của mình, như thường xảy ra với nhiều nghi thức khai tâm, chẳng hạn như việc cắt bì trong đức Do Thái. Nếu việc xã hội hóa theo đúng lộ trình thông thường của nó, đứa trẻ sẽ làm như vậy khi lớn lên thành người trẻ và người trưởng thành, với lòng biết ơn. Với phép rửa tội trẻ sơ sinh, người ta nhấn mạnh rằng đức tin mà với nó, chúng ta được rửa tội là đức tin giáo hội, sự lớn lên trong đức tin của chúng ta diễn ra nhờ việc được lồng vào cái “chúng ta” có tính cộng đồng (101) này. Việc cử hành xác nhận điều này một cách long trọng sau lời tuyên xưng đức tin: “Đây là đức tin của chúng ta; Đây là đức tin của Giáo hội mà chúng ta tự hào tuyên xưng” [102]. Dịp này, cha mẹ hành động như là đại diện của Giáo hội, chào đón những đứa trẻ này vào lòng Giáo Hội [103]. Vì thế, phép rửa tội trẻ em được biện minh từ trách nhiệm giáo dục trong đức tin mà cha mẹ và các người đỡ đầu ký nhận, song song với trách nhiệm giáo dục chúng trong các phần khác của lãnh vực sống.

e) Đề xuất mục vụ: Đức tin cần cho phép rửa tội trẻ em

92. Nhiều gia đình sống đức tin và truyền nó lại, một cách minh nhiên và mặc nhiên, cho con cái họ, những người được họ giáo dục trong đức tin, sau khi đã rửa tội cho chúng ngay sau khi chúng sinh ra, theo phong tục Kitô giáo của tổ tiên. Tuy nhiên, có một số vấn đề ở đây. Ở một số nơi, số lượng rửa tội giảm đi đáng kể. Ở các quốc gia có truyền thống Kitô giáo, chuyện rất thường là trẻ em, lúc chuẩn bị rước lễ lần đầu, mới phát hiện ra chúng chưa được rửa tội. Chuyện cũng rất thường là một số cha mẹ yêu cầu rửa tội cho con cái của họ do quy ước xã hội hoặc áp lực gia đình, mà không tham dự gì vào đời sống của Giáo hội và có những nghi ngờ nghiêm trọng trong ý định và khả năng cung cấp một nền giáo dục tương lai về đức tin cho con cái họ.

93. [Ánh sáng từ Thánh truyền].

Một cách hết sức liên tục, Giáo hội đã bảo vệ tính hợp pháp của bí tích rửa tội cho trẻ sơ sinh, bất chấp những lời chỉ trích cho rằng thực hành này hết sức cổ xưa. Trong thời gian sơ khai, chúng ta đã được kể cả gia đình được chịu phép rửa (xem Cv 16:15, 33). Truyền thống rửa tội cho trẻ sơ sinh đã có từ rất lâu đời. Nó đã được làm chứng bởi Truyền thống Tông đồ [104]. Một công đồng ở Carthage, từ năm 252, từng bênh vực nó [105]. Thách thức nổi tiếng của Tertullian đối với việc rửa tội cho trẻ sơ sinh chỉ có nghĩa nếu đây là một phong tục phổ biến [106]. Thực hành này luôn đi kèm với một khuôn mặt quan trọng trong giáo hội gần gũi với đứa trẻ (cha mẹ, cha mẹ đỡ đầu), những người cam kết cung cấp giáo dục trong đức tin cùng với việc giáo dục thường lệ của con cái họ. Hơn nữa, mức độ phép rửa cho trẻ sơ sinh càng trở thành một thực hành thường xuyên hơn, thì nhu cầu về giáo lý sau phép rửa để giáo huấn người chịu phép rửa trong đức tin, và do đó góp phần tránh càng xa càng tốt việc ghẻ lạnh hoặc xa cách đức tin của họ, càng được nhấn mạnh [107]. Không có khuôn mặt đại diện này cho đức tin giáo hội, phép rửa tội, một bí tích đức tin có đặc điểm ở bản chất đối thoại, sẽ thiếu một trong những thành tố thiết yếu của nó.

94. [Đề xuất mục vụ]. Trong trường hợp trẻ em, phải có niềm hy vọng vào việc giáo dục trong đức tin, nhờ đức tin của các người lớn chịu lãnh trách nhiệm. Không có bất cứ niềm hy vọng nào về một nền giáo dục trong tương lai về đức tin như thế, các điều kiện tối thiểu cho việc lãnh nhận phép rửa một cách có ý nghĩa sẽ không được thoả mãn [108].

Kỳ sau: 3. 2. Tính hỗ tương giữa đức tin và bí tích Thêm sức
 
Cựu Bề Trên Tổng quyền Dòng Tên Adolfo Nicolás đã qua đời ở Tokyo
Đặng Tự Do
19:01 20/05/2020
Cha Adolfo Nicolás, SJ, Bề Trên Tổng quyền Dòng Tên thứ 30, đã qua đời tại Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 20 tháng Năm, ở tuổi 84.

“Với nỗi buồn, nhưng đồng thời với đầy lòng biết ơn, tôi muốn thông báo cho các bạn rằng hôm nay Chúa đã gọi về với Ngài Cha Adolfo Nicolás, cựu Bề Trên Tổng Quyền của chúng ta, ” Cha Arturo Sosa, SJ Bề Trên Tổng quyền Dòng Tên cho biết như trên.

Cha Nicolás phục vụ Dòng Tên trong nhiều chức vụ khác nhau. Ngài là một học giả giảng dạy thần học ở Nhật Bản và cũng là giám đốc của Viện Mục vụ Đông Á tại Ateneo de Manila ở Phi Luật Tân.

Vị bề trên vừa quá vãng được Cha Sosa, người kế nhiệm mình, nhớ đến như “một người có tinh thần phục vụ trong vui tươi với người khác, mỉm cười giữa một công việc được thực hiện dưới áp lực. ”

“Là Bề Trên Tổng quyền, ngài đã mang ơn gọi truyền giáo sâu sắc của mình đến cho nhà Dòng giúp chúng ta nhận ra tính phổ quát của sứ vụ truyền giáo từ quan điểm và lòng nhiệt thành trình bày Tin Mừng đến mọi chân trời góc bể trên thế giới. ”

Theo Cha Sosa, Cha Nicolás “không bao giờ mệt mỏi nhắc nhở chúng ta về chiều sâu của đời sống tinh thần và chiều sâu trí tuệ như đặc tính của ơn gọi Dòng Tên. Ngài dồn nỗ lực cho các ưu tiên tông đồ hoàn vũ và phát huy việc tái cơ cấu Dòng Tên để thích nghi với thực tế mới của thế giới và cấu trúc tông đồ của chúng ta. ”


Source:America Magazine
 
Cambodia: Lễ Tưởng Nhớ các Nạn Nhân cuộc diệt chủng của Chế độ Khmer Đỏ
Thanh Quảng sdb
22:09 20/05/2020
Cambodia: Lễ Tưởng Nhớ các Nạn Nhân cuộc diệt chủng của Chế độ Khmer Đỏ

Thứ tư 20 tháng 5 năm 2020 Giáo hội Cambodia đã làm lễ Tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc diệt chủng Khmer Đỏ và cầu nguyện cho hòa bình, hòa giải nhân quyền tại đất nước Cambodia.

Phnom Penh (Theo Thông tấn xã Fides) - Đức cha Olivier Schmitthaeusler, MEP, Giám quản Tông Tòa Phnom Penh, đã biến ngày 20 tháng 5, một ngày đất nước Campuchia tổ chức để tưởng nhớ những vụ thảm sát của Khmer Đỏ và sự tàn bạo của chế độ Pol Pot, thành một ngày cầu nguyện và hòa giải. Đức cha kêu gọi: "Ngày 20/5 hôm nay, chúng ta nhớ tới các nạn nhân và những đau khổ xảy ra trong chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Chúng ta cũng hãy nhớ đến các vị tử đạo của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình, cho sự đối thoại và hòa giải ở Campuchia và trên thế giới". Đó là thông điệp được gửi đến cho mọi người dân Campuchia, thay cho "Ngày báo thù” thì trở thành ngày tái thiết, hòa giải thay vì khơi dậy mối hiềm thù như kêu gọi các sinh viên mặc đồ đen và diễn lại cảnh diệt chủng "Cánh đồng chết chóc" vang tiếng một thời...

Giáo hội muốn nhắc nhớ và kỷ niệm lại "Ngày tưởng nhớ các vị tử đạo và hòa giải", thay vì khơi dậy những cảm xúc thù hận. Đức Giám Mục giải thích với Thông tấn xã Fides: "Năm nay chúng tôi kỷ niệm 45 năm ngày Đức Giám Mục đầu tiên người Campuchia được truyền chức, Đức Cha Joseph Chhmar Salas, được bí mật tấn phong bởi Đức Cha Yves Ramousse, vào ngày 14 tháng 4 năm 1975, trong lúc nhà thờ Chính tòa Đức Bà Ở Phnom Penh đang bị dội bom.

Vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ đã tấn công vào Phnom Penh và toàn bộ dân chúng đã tháo chạy hoặc bị sơ tán. Đức cha Chhmar Salas được di tản về phía đông bắc của Cambodia, đến Tangkauk, nơi Ngài tạm trú và qua đời vào năm 1977. Ngài được ghi vào danh sách 14 anh hùng tử đạo và được tôn vinh lên hàng chân phước ngày 15 tháng 5 năm 2015.

Đức Giám quản Tông Tòa cho biết thêm: "Năm nay chúng tôi cũng kỷ niệm ba mươi năm ngày Giáo hội tại Campuchia được phục sinh: đó là ngày 14 tháng 4 năm 1990 khi Đức Cha Emile Destombes dâng lễ Phục sinh tại một rạp hát ở Phnom Penh. Đó là một ngày lịch sử đang ghi nhớ, một hình ảnh “đêm đen trùm phủ và ánh sáng Phục sinh Chúa đã bừng lên” sưởi ấm và thắp sáng cả tòa nhà u tối đó". "Hôm nay - Đức cha Schmitthaeusler cho hay - Người Công Giáo còn sống sót, tuyên xưng đức tin: Chúa Giêsu Kitô đang sống! Đây là những gì mà chúng tôi dâng lời cảm tạ và ghi nhớ những hồng ân của 30 năm qua. Chúng tôi muốn ghi nhớ lại những tâm tình của Đức cha Salas và Đức cha Ramousse, được ghi lại vào ngày 17 tháng 4 năm 1975 trước khi đất nước Campuchia đi vào những trang sử tăm tối nhất của lịch sử. Trong tinh thần này, chúng ta lưu giữ những kỷ niệm của các tiền nhân tử đạo Campuchia chúng ta, hầu cầu xin cho Tin mừng hòa bình và hòa giải được lan rộng trên quê hương này".

Dưới chế độ Khmer Đỏ, từ năm 1975 đến 1979, khoảng hai triệu người Campuchia đã chết vì bị hành quyết, bị bỏ đói hoặc chết rũ bệnh.. . Theo Tài liệu của Trung tâm Campuchia thì các trại giết người được xây dựng rải rác khắp đất nước, với hơn 20. 000 ngôi mộ tập thể chôn vùi hơn 1, 38 triệu thi thể! Trại lớn nhất trong số các trại giết người này là trại Choeung Ek, nằm ở ngoại ô Phnom Penh và ngày nay được biến thành là một khu tưởng nhớ tất cả những người đã chết và sống sótqua cơn diệt chủng; và để nhắc nhở các thế hệ tương lai về nỗi đau khôn xiết đó. So với tỷ lệ dân số Cambodia, thì hiện tượng và sự diệt chủng này được coi là một trường hợp chưa từng xả ra trong lịch sử nhân loại. (PA) (Agenzia Fides, 20/5/2020)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Truyền chức Linh mục - Ngày 19.5.2020 tại giáo phận Ban Mê Thuột
Vũ Đình Bình
09:42 20/05/2020
Giáo phận Ban Mê Thuột là một cánh đồng truyền giáo rộng lớn, bao gồm tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Đắk Nông và 1 phần tỉnh Bình Phước, được thành lập từ ngày 22/6/1967, theo Sắc chỉ “Qui Dei Benignitate” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.

Ngày đầu sơ khai, Giáo phận Ban Mê Thuột chỉ có 55 linh mục và 56.719 giáo dân. Trải qua hành trình hơn 50 năm dưới sự tác tạo của Chúa Thánh Thần, hiện nay Giáo phận Ban Mê Thuột đã có 8 giáo hạt, 118 giáo xứ, 72 giáo họ biệt lập, 459.227 tín hữu (361.725 người kinh và 97.502 người dân tộc thiểu số), 165 linh mục Triều và 56 linh mục Dòng.

Xem Hình

Là Giáo phận Truyền giáo nên Các Vị Mục Tử rất chú trọng đến việc đào tạo các linh mục. Và, hôm nay, 11 thầy phó tế được truyền chức Linh mục:

1. Phêrô Lê Minh Anh – Giáo xứ Châu Sơn

2. Phaolô Nguyễn Quang Hải - Giáo xứ Thánh Tâm

3. Giuse Nguyễn Văn Hiếu – Giáo xứ Tân Hưng

4. Phaolô Nguyễn Tùng Lâm – Giáo xứ Châu Sơn

5. Gioan B. Hồ Anh Phi – Giáo xứ Nhơn Hòa

6. Gioan Nguyễn Hoàng Tâm – Giáo xứ Phước Bình

7. Phêrô Vương Đình Thắng - Giáo xứ Vinh Hòa

8. Ambrôsiô Trần Đức Trạng – Giáo xứ Châu Sơn

9. Giuse Nguyễn Văn Triều – Giáo xứ Đăk Nhau

10. Phaolô Nguyễn Văn Yến – Giáo xứ Vinh Đức

11. Giuse Vũ Văn Tiệp – Giáo xứ Bù Đăng



Thánh lễ truyền chức Linh mục long trọng cử hành vào lúc 8 giờ ngày 19.5.2020, tại Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột, do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, chủ sự.

Đồng tế với ngài, có Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu, Linh mục Tổng Đại diện; Cha Tổng Đại diện Giáo phận Phát Diệm; Đức Ông Đaminh Hà Duy Khâm; Quý Cha Ban Giám đốc Đại Chủng viện Sao Biển – Nha Trang; Quý Cha trong và ngoài giáo phận.

Cộng đoàn Dân Chúa về tham dự rất đông, gồm Quý tu sĩ nam nữ, Quý ông bà cố, gia đình thân tộc, Quý ân nhân, bạn hữu... của 11 tân chức và các tín hữu gần xa. Do Nhà thờ không đủ chỗ ngồi nên Ban tổ chức đã lắp đặt 2 màn hình lớn bên ngoài và truyền hình trực tuyến trên internet để tất cả mọi người đều có thể hiệp thông.

Sau phần công bố Tin Mừng, Linh mục chưởng ấn, Cha Giuse Nguyễn Quang Diệu xướng danh 11 tiến chức xin được nhận lãnh chức linh mục, các tiến chức lần lượt tiến lên lễ đài. Cha Tổng Đại Diện nói lời thỉnh cầu và Đức Giám Mục tuyên bố đồng thuận... Cả cộng đoàn tạ ơn Thiên Chúa và vỗ tay nồng nhiệt, biểu lộ niềm hân hoan.

Trong bài huấn từ, Đức cha Vinh Sơn chia sẻ về sứ vụ người mục tử. Ai muốn làm lớn thì phải phục vụ anh em trong tinh thần khiêm tốn. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5, 2-4). Chính Chúa Giêsu là mẫu gương để các môn đệ noi theo. Người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.

Đức Cha Vinh Sơn khuyên dạy các tiến chức biết cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và yêu mến đoàn chiên được trao phó, nhờ đó lời rao giảng mới mang lại sức mạnh của Chúa đến cho mọi người. Hãy nhớ rằng mình là người phục vụ chứ không phải là kẻ ban phát. Hãy nhớ rằng mình là người dẫn dắt Dân Chúa chứ không phải là kẻ thống trị. Khi chọn Chúa là gia nghiệp chứ không phải là phương tiện thì phải phục vụ trong yêu thương và kính trọng.

Đức Cha cầu chúc các tiến chức luôn gặp được niềm hạnh phúc vì được hoàn toàn thuộc về Chúa và thuộc về dân của Ngài.

Sau phần thẩm vấn, các ứng viên tuyên hứa trước Đức Giám Mục và cộng đoàn Dân Chúa. Các tiến chức phủ phục trước trên cung thánh, cộng đoàn hát Kinh cầu Các Thánh cầu nguyện cho các tiến chức. Sau Kinh cầu Các Thánh và lời nguyện phong chức, Đức Cha Vinh Sơn đặt tay trên từng tiến chức, trao ban tác vụ linh mục. Lần lượt, tất cả các linh mục hiện diện đặt tay trên từng tiến chức nói lên sự hiệp thông đón nhận các anh em vào linh mục đoàn.

Sau khi Đức Cha Vinh Sơn làm phép lễ phục, 11 tân chức được chính Ông (Bà) Cố trao cho lễ phục linh mục; các Cha nghĩa phụ chia sẻ niềm vui qua việc mặc lễ phục linh mục cho các tân chức. Đây là cử chỉ thể hiện tình cảm dành cho những người con yêu thương của mình, hôm nay đã được Thiên Chúa tuyển chọn.

Đức Giám Mục xức dầu thánh hiến, trao chén thánh và đĩa thánh cho các tân chức. Nghi thức truyền chức kết thúc sau lời chúc bình an của Đức Giám Mục Giáo phận, Cha Tổng đại diện và Quý Cha nghĩa phụ.

Thánh lễ tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, các tân chức nói lên tâm tình tri ân Đức cha Vinh Sơn, Cha TĐD, Đức Ông Đa Minh, Quý Cha giáo, Quý Cha Quản Hạt, Quý Cha Quản Xứ, Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ, Cha Mẹ, Quý vị ân nhân xa gần, Quý khách và cộng đoàn Dân Chúa.

Xin Chúa thêm ơn trợ sức cho các tân chức để các ngài đủ sức đương đầu với những cám dỗ, vì sự bất toàn, yếu đuối do thân phận con người, để mãi mãi tín trung với ơn gọi của Chúa, vững bước trên con đường Hiến Tế vì phần rỗi các linh hồn, đem lại Niềm Vui và Ơn Thánh của Chúa đến cho muôn dân.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chẳng lẽ Dân cũng ngu ngơ như Đảng ?
Phạm Trần
20:37 20/05/2020
Theo dõi tình hình Việt Nam sẽ thấy đảng nói sao thì dân nghe vậy, không ai dám cãi nhưng không biết ai là người nói thật. Dân cứ giả câm giả điêc cho cho xong chuyện vì cán bộ đã bảo “mọi việc đã có nhà nước lo”, dù đảng cứ ì ra đấy từ năm này qua năm khác.

Miết rồi chuyện không thành có, việc đúng thành sai. Cả xã hội cùng phấn khởi lên đồng với đảng cho trăm họ cùng vui. Tuyên giáo đảng thì luôn khua chiêng đánh trống inh ỏi rằng mọi việc đảng làm đều đúng và trúng, lời nói của lãnh tụ đều là khuôn vàng thước ngọc và văn kiện đảng là “Văn bia, còn để lại đời sau”, như ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khoe hôm 14/02/2020.

Nhưng lịch sử không dễ dàng như thế. Trước sau sẽ được phân minh, dù thế hệ đi trước có lươn lẹo cách mấy đi chăng nữa.

Chuyện nói sai mà cứ nói dai và nói dài của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã có từ khi người khai sinh ra đảng và nhà nước gọi là công nông Cộng sản Việt Nam, ông Hồ Chí Minh, còn sống.

NGÀY SINH VÀ UNESCO

Nhưng chuyện tự biên tự diễn có liên quan đến ông Hồ đã xẩy ra từ bao giờ? Trươc hết hãy nói về việc Đảng mới tổ chức linh đình kỷ niệm 130 ngày sinh (19/5/1890 - 19/5/2020) của ông nhưng không ai biết đúng hay không trúng.

Hãy nghe ông Nguyễn Phú Trọng nói trong diễn văn:”Hôm nay, tại Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch; Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; Thành phố vì hoà bình, với tất cả niềm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn, chúng ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) - Vị cha già của Dân tộc, Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, Người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. ”

Nhưng, cố nhà báo Bùi Tín, nguyên đại tá quân đội, phó tổng biên tập báo Nhân Dân, người đã tị nạn chính trị và qua đời tại Pháp ngày 11/8/2018, nói với đài Á châu Tự do ngày 19/05/2008: ”Tôi theo dõi vấn đề này đến 15 năm nay và hiện nay tôi cũng vẫn chưa xác định được ngày sinh đúng của ông Hồ là ngày nào, bởi vì ổng khai đều là chính thức cả đến 5 chỗ, mà 5 chỗ đó là 5 ngày sinh khác nhau. Và ngày sinh gốc thì ngay sổ sinh ở quê ổng là làng Kim Liên cũng là khác, theo ngày âm lịch mà chuyển sang (dương lịch) cũng không phải là Ngày 19-5-1890.

Thế rồi ngày mà ổng sang Moscow đáng lẽ phải khai đúng với Quốc Tế Cộng Sản III (Đệ Tam Quốc Tế) cũng lại khai khác đi là Tháng 4 chứ không phải là Tháng 5.

Thế rồi đến ngày khi ở Pháp khi ổng trả lời phỏng vấn trên tờ Le Paria với tờ L'Humanité cũng lại khác nữa. Cho đến nay thì tôi nghĩ là không ai có thể chứng minh được ngày sinh chính thức của ông Hồ là ngày nào, nhưng chỉ biết đích xác Ngày 19 Tháng 5 là một ngày giả. ”

Như vậy là chẳng ai biết, hay có bằng chứng về ngày sinh của ông Hồ. Từ lâu đảng CSVN đã nổi tiếng nhét chữ vào miệng người dân nên nhiều chuyện không thật đã thành lịch sử trong sách Giáo khoa.

Thứ hai là chuyện có thật Cơ quan Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO, United Nations Educational, Scientific and Cultural Organizatio) đã vinh danh ông Hồ Chí Minh là “Danh nhân văn hóa thế giới” như lời ông Nguyễn Phú Trọng nói tại Hà Nội hôm 19/05 (2020)?

Hoàn toàn “không” vì trong Nghị quyết 18. 65 trong cuộc họp lần thứ 24 của UNESCO vào tháng 10 năm 1987 có đoạn quyết định nguyên văn như sau:

"1990 marquera le centième anniversaire de la naissance du Président Hô Chi Minh, héros de la libération nationale et éminent homme de culture du Viet Nam. "

Tạm dịch: “Ghi chú rằng năm 1990 sẽ đánh dấu bách niên ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc người Việt và là một danh nhân văn hoá của Việt Nam. ”

Ngay đến tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng viết: ”

Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. ”

Nên biết UNESCO đã quyết định theo yêu cầu của ông Võ Đông Giang, cấp Bộ trường, Chủ tịch Ủy ban UNESCO tại Việt Nam. Đây là việc làm bình thường của quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc nếu muốn để UNESCO cứu xét.

Thư của ông Võ Đông Giang khi đó viết:”Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quyết định đề nghi hội nghị lần thứ hai mươi bốn thông qua nghị quyết kỷ niệm sinh nhật của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi trân trọng đề nghị tên của chủ tịch Hồ Chí Minh được nằm trên danh sách các danh nhân thế giới được vinh danh vào năm 1990 và đề nghị này được đưa ra như một điểm độc lập trong nghị trình của cuộc họp lần thứ hai mươi bốn. Tôi khẩn thiết hy vọng rằng UNESCO sẽ hoàn tất và trợ giúp mọi sinh hoạt ở Việt Nam nhằm chào mừng lần thứ 100 ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh. "

Nguyên bản bức thư bằng tiếng Việt do Võ Đông Giang gởi cho Amadou Mahtar M'Bow, tổng giám đốc UNESCO vào tháng 5 năm 1987

Như vậy rõ ràng như đen và trắng rằng UNESCO không hề vinh danh ông Hồ la “Danh nhân văn hóa thế giới”, như lãnh đạo và nhà nước Việt Nam Cộng sản đã bịa ra để tuyên truyền.

CHUYỆN TẦU-CHUYỆN TA

Song song với chuyện có í xít ra nhiều để khoe khoang tự sướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xum xoe nói trước diễn đàn Quốc hội sáng 20/05 (2020) về chuyện chống dịch Vũ Hán (Covid 19) rằng:”Đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tổng số trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận là 324 ca, trong đó 263 ca đã được chữa khỏi và chưa có trường hợp tử vong…Qua đó góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của hệ thống chính trị nước ta. ”

“Ưu việt” và “bản chất tốt đẹp của chế độ ta” đang ở đâu mà trong diễn văn, ông Phúc đã nói lăng nhăng rằng:”Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại đạt kết quả thực chất; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Việt Nam đã gửi Công hàm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc phản đối những yêu sách, hành động sai trái, vi phạm chủ quyền của nước ta trên Biển Đông. ”

Vững chắc hay đang chết ngắc với các hành động đàn áp ngư dân, và cấm đánh bắt của Trung Cộng đối với Việt Nam ở Biển Đông từ tháng 4 (2020)?

Ngoài ra ông Phúc cũng không dám nói đến tên Trung Cộng khi đề cập đên Công hàm của Việt Nam gửi Tổng thư ký Liên hiệp quốc để phàn đối “những yêu sách, hành động sai trái, vi phạm chủ quyền của nước ta trên Biển Đông. ”

Tại sao lại sợ hãi đến mức độ nhu nhược này trước diễn đàn Quốc hội?

Ngoài ra, cũng tại kỳ họp 9 của Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã báo cáo rằng: ” Cử tri và Nhân dân đánh giá cao chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đồng tình với các giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. ”

Ô hay, tại sao lại có chuyện ngớ ngẩn và tối dạ như thế? Chính sách đối ngoại lệ thuộc và sợ Tầu hơn sợ ma của đảng và nhà nước đã không lừa được ai mà “nhân dân” vẫn có thể “đánh giá cao” và “đồng tình” với “các giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền” trên Biển Đông thì chỉ có những người mắc bệnh tâm thần nặng mới ăn nói như thế.

Hay là ông Trần Thanh Mẫn đã nhét chữ vào miệng dân để lấy điểm với Quốc hội trước thềm Đại hội đảng XIII? -/-

Phạm Trần

(05/020)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người Công Giáo có thờ Ðưc Mẹ không?
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
10:13 20/05/2020
Dĩ nhiên, người Công Giáo chúng ta chỉ THỜ phượng một Chúa duy nhất mà thôi. Nhưng chúng ta cũng rất kính mến Ðức Mẹ và các Thánh. Ðiều này đã được giải thích, trình bày rất nhiều lần và qua các thế hệ. Một số giáo hội Tin Lành như Anh giáo, Lutheran cũng đồng quan điểm với chúng ta về sự kính mến Ðức Mẹ. Giáo hội Chính Thống cũng rất tôn kính Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Tuy nhiên ở thời nào cũng có một số người qúa khích, luôn luôn tìm cách đả kích và lên án Giáo Hội Công Giáo. Một trong những đề tài mà họ thường xử dụng là việc người Công Giáo “thờ” Ðức Mẹ. Những người thuộc loại này, ngày nay chúng ta hay thấy ở các nhóm Tin Lành qúa khích (fundamentalism). Ðối với những kẻ cố tình gán ép, công kích bất kể sự giải thích của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta chỉ biết cầu nguyện cho họ mà thôi. Nhưng đối với những người thật tình muốn tìm hiểu, hoặc ngay cả việc muốn tranh luận về vấn đề này, người Công Giáo cần phải thỏa mãn họ cách nghiêm chỉnh, trong sự tương kính, và tình nhân ái.

Giáo huấn của giáo hội luôn luôn rõ ràng: Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa Cha và con người. Không một ai dù ở trên trời hay dưới thế có thể thay thế Ngài. Vai trò của Ðức Mẹ và các Thánh là dẫn đưa các tín hữu đến với Ðức Kitô. Sự trung gian phụ này do chính Chúa ban cho các ngài, chứ không phải các ngài tự có.

ÐỨC MẸ TRONG KINH THÁNH

Trong bất cứ giai đoạn quan trọng nào của cuộc đời Chúa Cứu Thế, chúng ta luôn nhìn thấy hình ảnh của Ðức Mẹ. Khi Chúa khởi đầu chương trình cứu chuộc của Ngài, Ðức Mẹ đã được Thiên Thần Gabriel ca tụng là đầy ơn phúc và nhiều phúc lạ hơn mọi người nữ (Lu-ca 1:28). Lúc Hài Nhi Thánh được sinh ra ở Bê-lem, Ngài đã không đến trực tiếp từ trời, nhưng qua cung lòng trinh nữ Maria (Mát-thêu 1:25; Lu-ca 2:7) Khi thánh Giuse và Ðức Mẹ dâng con trẻ trong đền thờ, tiên tri Simeon đã tiên báo là Ðức Mẹ sẽ phải gặp rất nhiều đau khổ (Lu-ca 2:35). Mười hai năm sau, cũng sau một lần thăm viếng đền thờ, con trẻ Giêsu đã trở về Nazareth với mẹ và cha nuôi đồng thời tuân phục các ngài (Lu-ca 2:51).

Ðức Mẹ đã hiện diện trong bữa tiệc cưới ở Cana để chứng kiến phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, đồng thời khởi sự cuộc rao giảng công khai của Ngài (Gioan 2:3). Thỉnh thoảng, Đức Mẹ đã đến thăm Chúa Giêsu khi Ngài đang rao giảng (Mát-thêu 12:46-50). Lúc Chúa chịu thọ hình, chính Ðức Mẹ đã đứng ở chân thánh giá để chứng kiến cái chết của con mình, đồng thời, theo lời truyền của Chúa, nhận thánh Gioan (đại diện Giáo Hội) làm con. Trong hiệu qủa, Ðức Mẹ đã nhận lãnh vai trò làm Mẹ của Giáo Hội (Gioan 19:26). Cuối cùng, khi các môn đệ nhận lãnh Chúa Thánh Linh trong ngày hiện xuống, Ðức Mẹ cũng có mặt ở đó (Tông Đồ Công Vụ 1:14).

ÐỨC MẸ TRONG GIÁO HỘI

Từ khởi sự cho đến hoàn thành, hình ảnh của Ðức Mẹ, lúc ẩn, khi hiện, nhưng luôn bàng bạc trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Khi Chúa Giêsu hoàn tất cuộc giáng trần, vai trò của Ðức Mẹ đã mở rộng từ việc làm mẹ thể lý của Chúa đến là mẹ tinh thần của tất cả anh chị em Ngài, cả Giáo Hội. Ðức Mẹ đã không xin hoặc đòi hỏi tước vị này, hay Giáo Hội đã phong cho Ðức Mẹ, nhưng là chính Chúa Kitô, từ trên thập gía, đã truyền lệnh ấy cho Mẹ và cho toàn thể Giáo Hội.

Người Công Giáo nhìn vào Ðức Mẹ như một gương mẫu và vị “chỉ bảo đàng lành.” Qua lời xin vâng trong ngày Truyền Tin, Ðức Mẹ đã trở nên người Kitô đầu tiên và hoàn hảo nhất. Cả cuộc đời của Ðức Mẹ là một minh chứng cho thấy những nhiệm mầu sẽ đến, nếu người ta biết hợp tác với Thánh Ý của Chúa. Niềm tin vững mạnh vào Chúa và tiếng đáp lại lời Ngài của Ðức Mẹ đã khiến Ðức Mẹ trở thành con người đầu tiên nhận lãnh Ðức Kitô, cả hồn và xác. Từ đấy, giáo hội vẫn luôn lập lại lời thánh Elizabeth: “Phúc thay cho người nữ đã tin rằng lời của Chúa về bà sẽ được hoàn thành.” (Lu-ca 1:45).

Người Công Giáo xin lời bầu cử của Ðức Mẹ cũng như họ xin lời cầu nguyện của tất cả những tín hữu tốt lành, còn sống cũng như đã chết, vì tất cả sinh tồn trong Ðức Kitô (1 Cô-rin-tô 15:22). Việc các thánh cùng thông công này đã được giáo hội thực thi ngay từ khởi đầu. Nếu chúng ta, là những người có tội mà vẫn có thể cầu nguyện cho nhau, tại sao chúng ta không thể xin Ðức Mẹ và các thánh chuyển cầu?

Lời cầu nguyện thường xuyên nhất đối với thân mẫu Ðức Kitô là kinh Ave Maria: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà... Tại sao những người Tin lành qúa khích lại có thể chống lại lời cầu nguyện rất Kinh Thánh này? Vì phần đầu của kinh Kính Mừng đã lấy trực tiếp từ lời của Thiên Sứ Gabriel khi truyền tin cho Ðức Mẹ (Lu-ca 1:28-42). Trong khi phần thứ hai của kinh này xác định Thiên Tính của Ðức Kitô, tình trạng tội lỗi của con người, nhân loại sẽ phải đối diện với cái chết, và sức mạnh của lời chuyển cầu.

Kinh Kính Mừng đã thở thành một phần quan trọng của chuỗi Mân Côi, một hình thức tổng hợp của việc cầu nguyện và suy gẫm về những mầu nhiệm của công trình Cứu Chuộc. Thế mà những người Tin Lành qúa khích đã cho đó là những lời lập đi lập lại vô ích. Người Công Giáo không đặt nặng trên những lời cầu, nhưng là thái độ và bầu khí cầu nguyện khiến người cầu kinh có thể chìm vào sự cảm nghiệm thánh, nghe được tiếng Chúa thay vì tiếng của chính mình.

Việc cầu nguyện với Ðức Mẹ tự nó không phải là cứu cánh, nhưng chỉ là một phương tiện đưa con người đến sự kết hợp sâu xa hơn với Con của Mẹ. Ðến với Ðức Giêsu qua Ðức Mẹ (Ad Jesum per Mariam) đã là châm ngôn cổ truyền nhất của mọi tín hữu Công Giáo. Sùng kính Ðức Mẹ cách thực sự, không bao giờ làm mờ đi sự duy nhất của Ðức Kitô, vì người Công Giáo biết rằng mệnh lệnh duy nhất của Ðức Mẹ đã được ghi lại trong Kinh Thánh, là phải vâng lời Chúa trọn vẹn Hãy làm bất cứ điều gì Ngài bảo. (Gioan 2:5).

CÁC TÍN ÐIỀU VỀ ÐỨC MẸ

Người Tin Lành qúa khích vẫn hiểu lầm (hay cố tình không hiểu) hai tín điều chính về Ðức Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội (Immaculate Conception) và Hồn Xác Lên Trời (Assumption). Các tín điều về Ðức Mẹ luôn được đặt qua lăng kính Kitô học và Giáo Hội học. Nói một cách khác, Giáo Hội suy niệm về Ðức Maria để nói về Ðức Giêsu và về Giáo Hội nhiều hơn là nói về chính Ðức Mẹ, Ðấng nối liền Chúa và Giáo Hội vì vai trò đặc biệt của Mẹ trong công cuộc cứu rỗi.

Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ minh chứng rằng Ðức Trinh Nữ đã không vướng tội nguyên tổ của ông bà Adam và Eve. Tín điều này còn nói lên hai điểm quan trọng khác. Thứ nhất, Ðức Mẹ được ơn Vô nhiễm vì Ngài đã hoàn toàn ưng thuận làm Mẹ Ðấng Cứu Thế và để lòng Mẹ được xứng đáng là nơi Chúa ngự. Thứ hai, qua sự chết và phục sinh của Chúa Kitô, tất cả những tì vết gây nên bởi nguyên tổ trong các tín hữu, đã được thanh tẩy nhờ phép rửa tội.

Nhiều giáo phái Tin lành đã tỏ ra lo ngại về tín điều này, vì họ cho rằng tín điều sẽ làm mất đi nhân tính của Ðức Mẹ và nâng Ngài lên hàng thần thánh. Họ trưng đẫn kinh Ngợi Khen (Magnificat), theo đó Ðức Mẹ đã tuyên xưng Thiên Chúa Ðấng cứu độ tôi (Lu-ca 1:47). Như vậy, chính Ðức Mẹ đã tự nhận rằng mình cần được cứu chuộc. Về điều này, thần học Công Giáo đã giải thích rằng, đúng vậy, Ðức Mẹ cũng cần được cứu chuộc, nhưng Mẹ đã được cứu rỗi bởi ơn ban trước (prevenient grace). Có nghĩa, Ðức Mẹ đã được Chúa cho tránh khỏi tội nguyên tổ trước khi Chúa giáng trần để chịu chết và phục sinh, cứu độ nhân loại. Ðức Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội ngay từ khi thành thai trong lòng mẹ Ngài là thánh Anna, để sau này trở nên người Mẹ Vô Nhiễm, đón nhận người Con Vô Nhiễm là Ðấng Thiên Sai vào lòng mình. Quan niệm về thời gian chỉ là của nhân loại, đối với Thiên Chúa là Ðấng hằng có đời đời thì thời gian không có nghĩa gì cả. Người nữ được vinh dự đón Ngôi Hai Thiên Chúa vào lòng cần phải được thanh tẩy và chuẩn bị trước, đó cũng là điều có thể hiểu được với sự suy luận thông thường.

Tín điều Hồn Xác Lên Trời dạy rằng Mẹ Thiên Chúa đã được cất về trời cả hồn lẫn xác. Thân xác của Ðức Mẹ đã không bị hư đi, vì Ngài đã cưu mang Ðấng Cứu Chuộc. Mọi Kitô hữu (cả Công Giáo lẫn Tin Lành) đều tin kẻ chết sẽ sống lại, tín điều hồn xác lên trời chỉ đơn thuần tái xác định sự thừa nhận của Chúa về sự xứng đáng của Ðức Mẹ để được hưởng ơn cứu độ toàn diện (sống lại trước mọi người) vì Ngài là Mẹ Ðức Kitô và là Mẹ Giáo Hội. Ở đây, chúng ta lại thấy chiều kích Kitô học và Giáo Hội học. Phần thưởng hồn xác lên trời đã trao ban cho Ðức Mẹ vì Ngài đã cưu mang Ðấng Cứu Thế. Ðồng thời phần thưởng này còn nhắc đến việc kẻ chết sống lại, điều mà cả Giáo Hội đang trông mong.

Không phải chỉ có Ðức Mẹ mới được hưởng ơn vô nhiễm nguyên tội (khỏi tội tổ tông), chúng ta đã được hưởng ơn này qua bí tích Thanh Tẩy. Ơn hồn xác lên trời, Ðức Mẹ đã được hưởng trước, nhưng mọi tín hữu đều có thể được hưởng trong ngày Chúa giáng lâm lần thứ hai.

ÐỨC MARIA TRỌN ÐỜI ÐỒNG TRINH

Người Tin lành qúa khích đã công kích Giáo Hội Công Giáo về vấn đề Ðức Maria trọn đời đồng trinh. Tất cả các Kitô hữu đều tin rằng Ðức Maria đã đồng trinh cho tới khi hạ sinh Chúa Giêsu, điều này đã được ghi rõ trong Phúc Âm (Mát-thêu 1:18; Lu-ca 1:34). Nhưng sau đó là vấn đề đã gây bất đồng ý kiến. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Ðức Mẹ đồng trinh không những cho tới khi mang thai Chúa Cứu Thế, nhưng còn suốt đời của Mẹ nữa.

Trước nhất, đây là việc bảo vệ một sự thật. Từ lâu, trước khi các giáo phái Tin Lành tự tách lìa khỏi giáo hội Roma (thế kỷ thứ 16), sự đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ đã luôn luôn được dạy và tin tưởng. Các kinh phụng vụ cổ thời nhất đã nhắc đến Ðức Mẹ là Trinh Nữ. Nếu Ðức Mẹ đã không đồng trinh trọn đời, tại sao người ta vẫn gọi Ðức Mẹ là Trinh Nữ sau khi Chúa Kitô giáng trần? Một người chưa lập gia đình thì được gọi là độc thân, nhưng đến khi anh ta thành gia thất rồi thì không ai còn gọi anh ta là chàng độc thân nữa. Giáo hội thuở ban đầu luôn luôn gọi Ðức Mẹ là Thánh Nữ Ðồng Trinh và Ngài đã sống và chết như một trinh nữ.

Thứ hai, tất cả các kinh tin kính cổ thời nhất đều nhấn mạnh đến điều Ðức Maria trọn đời đồng trinh. Kinh tin kính ở Epiphanius năm 374; Công đồng Constantinople đệ nhị năm 553; và Công đồng Lateran năm 649. Các Thánh phụ trong giáo hội như Augustine, Jerome, và Cyril thành Alexandria đều viết về Ðức Mẹ đồng trinh trọn đời. Ngay cả các nhà cải cách Tin Lành như Luther, Calvin, và Zwingli cũng đã đồng ý về sự đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ.

Sự trọn đời đồng trinh của Ðức Mẹ đã nói lên tính cách đặc biệt trong ơn gọi của Mẹ. Ðức Mẹ đã được gọi và được chọn là Mẹ của Ðấng Cứu Thế, không một công tác nào trên thế gian còn còn có thể quí trọng hơn công tác này, vì vậy thật là hữu lý khi nói rằng không còn con người trần thế nào được sinh ra từ cung lòng của Mẹ, đã cưu mang Ðấng Thiên Sai.

Ngoài ra, đã không có bằng chứng nào cho thấy Ðức Maria đã có thêm con cái sau Ðức Giêsu. Thánh sử Mác-cô, 3:31-33, đã nói đến mẹ và anh em Ngài, nhưng đây là hậu qủa của sự thiếu chính xác trong hai ngôn ngữ Do thái và Aram. Cùng một chữ này nhưng ở những nơi khác lại được dịch là đồng bào (brethren), hay còn được hiểu là anh em ruột thịt, bà con gần hoặc họ hàng xa. Truyền thống của giáo hội từ hai ngàn năm nay vẫn lưu truyền rằng Ðức Maria đã trọn đời đồng trinh. Không nên vì một vài người muốn nói khác đi mà giáo hội phải thay đổi truyền thống ngàn xưa đó.

CÁC PHÉP LẠ ÐỨC MẸ HIỆN RA

Cũng có một số các Kitô hữu ngoài Công Giáo đã tỏ ra quan tâm về việc các phép lạ Ðức Mẹ hiện ra. Chính Giáo Hội Công Giáo đã không dễ dàng chấp nhận sự xác thật của các phép lạ nói trên; tuy nhiên, Giáo Hội cũng tin rằng đối với Chúa sự gì cũng có thể xảy ra. (Lu-ca 1:37). Nếu Chúa đã tự tỏ mình ra hay gửi vị trung gian để truyền mệnh lệnh của Ngài trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, kể cả thời gian sau khi Chúa đã lên trời, như sự kiện Chúa gọi thánh Phaolô, thì tại sao ngày nay chúng ta phải thắc mắc về điều này?

Tất cả những phép lạ hiện ra, dù là do chính Chúa thực hiện như với thánh nữ Maria Magarita, hoặc qua sự chuyển mệnh của Ðức Mẹ như ở Lộ Ðức hay Fatima v.v… đều mang một chủ đề tương tự. Ðã không có những mạc khải mới, nhưng chỉ là sự tái xác định những huấn lệnh của Phúc Âm. Các con hãy cải thiện đời sống và tin tưởng vào Tin Mừng (Mác-cô 1:15). Thật lạ lùng, đây cũng chính là những thông điệp mà các giáo sĩ Tin Lành qúa khích đã và đang rao giảng.

TÔN THỜ ÐỨC MẸ?

Trở lại câu hỏi người Công Giáo có tôn thờ Ðức Mẹ không? Câu trả lời luôn luôn là KHÔNG, nhưng các giáo dân Công Giáo có bổn phận phải kính mến Ðức Mẹ cũng như các Thánh, vì các Ngài đã nêu gương sáng đức tin cho thế gian qua cuộc đời của các Ngài. Người Công Giáo xin lời bầu cử của các Ngài trước toà Chúa khi tất cả các tín hữu ở trên trời cũng như còn dưới thế cùng nhau cầu nguyện lời kinh hoàn hảo của Ðức Kitô.

Ðức Maria là dấu chỉ của niềm hi vọng cho tất cả các Kitô hữu; trong Mẹ, Chúa đã đem vườn địa đàng trở lại tình trạng tinh sạch của thuở ban đầu. Vì vậy, Mẹ là dấu chỉ và hứa hẹn của những gì Chúa sẽ làm cho những người biết noi theo gương trung tín của Mẹ. Trong Kinh Thánh, Ðức Mẹ đã tiên tri: Mọi thế hệ sẽ khen tôi có phúc. (Lu-ca 1:48). Thể hiện lời tiên tri này, người Công Giáo coi đó là điều vinh hạnh vô cùng, vì người ta không thể không nhắc đến người Phụ Nữ này và vai trò độc đáo của Bà trong đức tin Kitô giáo. Nếu không, người ta sẽ bóp méo sự thật của Kinh Thánh.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)
 
Văn Hóa
Nhớ mãi Tháng Hoa xưa ấy !
Đinh Văn Tiến Hùng
15:35 20/05/2020
* Ghi niệm những Tháng Hoa dâng kính Mẹ nơi quê nhà

‘Con dù lớn vẫn là con của Mẹ,
Đi suốt đời lòng Mẹ vẫn theo con.’


Vâng thưa Mẹ làm sao con quên được,
Những tháng Năm thơ ấu tại quê nhà,
Chuông giáo đường vang vọng gọi thiết tha,
Đoàn mục tử lại cùng nhau qui tụ.

Dưới chân Mẹ trăm bông hoa rực rỡ,
Hai hàng đèn nến toả sáng lung linh,
Ôi muôn người cất cao tiếng cầu kinh,
Thật đầm ấm vây quanh hang Lộ Đức,
Lòng trải rộng vì cuộc đời đơn thật,
Các bé thơ niềm mơ ước bao la,
Mắt tròn xoe với gưong mặt hiền hoà,
Tim nhộn nhịp đời tuổi thơ là thế.
Những thôn nữ má hồng lên e lệ,
Tà áo dài che khuất bước chân đi,
Hồn lâng lâng dạo khúc nhạc xuân thì
Rước kiệu Mẹ vòng quanh khu xóm nhỏ.
Hoa muôn màu với hào quang rực rỡ,
Trống chiêng rền theo những cánh hoa rơi.
Đoàn con chiêm bái Đức Mẹ Chúa Trời,
Tim rạo rực cùng ca vang khúc hát.
Những cụ già miệng lâm râm lần hạt,
Mắt mơ màng nhưng nhìn rõ tưong lai,
Bỗng nuối tiếc sao năm tháng không dài,
Để tiếp tục dâng lời kinh sám hối.
Riêng chúng con tâm hồn thật vô tội,
Chỉ thấy vui quên mất cả thời gian,
Đâu biết đời như mây gió hợp tan,
Nhìn cuộc sống đầy hoa thơm cỏ lạ.
Bóng Mẹ Hiền trùm lên con tất cả,
Ôm ấp vỗ về dịu ngọt tuổi thơ!

Vâng thưa Mẹ con nhớ mãi tới giờ,
Thời gian đó chỉ còn trong kỷ niệm,
Nhưng dư âm không bao giờ tan biến,
Con lớn lên theo năm tháng dòng đời,
Dù nơi đây cuối góc biển chân trời,
Con vẫn mơ về Những Tháng Hoa Xưa ấy.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Xuống Tóc
Nguyễn Trung Tây Lm.
21:37 20/05/2020
XUỐNG TÓC
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Ngày mai ngăn sông cách chợ bỏ!
Bước thẳng ra phố, kiếm một người!
Mùa hè, trời nóng, thênh thang tóc!
Cạo trọc, sạch đầu, thế cũng tươi!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Vụ ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:33 20/05/2020
Dưới ánh sáng của các tài liệu mới trong tàng thư của các quốc gia cựu cộng sản, Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan, vừa có một bài viết đăng trên First Things ngày 17 tháng Bẩy, 2019 liên quan đến vụ mưu sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây “The Quiet Hours of Leonid Brezhnev” – “Những giờ yên lặng của Leonid Brezhnev”. The Quiet Hours of Leonid Brezhnev

Những giờ yên lặng của Leonid Brezhnev.


Lần đầu tiên gặp Tiến sĩ Andrzej Grajewski, có lẽ bạn sẽ không nhận ra nhà sử học người Ba Lan có phong cách ôn hòa này lại là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Bóng tối phủ lên Giáo hội trong thời Chiến tranh Lạnh: đó là cuộc tấn công không ngừng của cộng sản vào Giáo Hội Công Giáo. Nhưng anh ấy đúng là như vậy, và chuyên môn của anh ấy chủ yếu đến từ nhiều năm kiên nhẫn tìm kiếm thông qua các tập tin tình báo bí mật của Mật Vụ cộng sản. Một số những tập tin đó đã bị đốt vào năm 1989 (hoặc vẫn bị khóa ở Mạc Tư Khoa), nhưng nhiều tài liệu vẫn còn giữ được đến nay cho các học giả có thể tra cứu. Những nghiên cứu của Grajewski gần đây trong thế giới mật vụ thường bẩn thỉu này đặt ra một số câu hỏi thú vị về vụ ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 13 tháng 5 năm 1981.

Những gì chúng ta biết chắc chắn về vụ này?

Chúng ta biết rằng vào mùa thu năm 1979, Yuri Andropov, người đứng đầu cơ quan tình báo cao nhất, và tàn nhẫn nhất là KGB (cơ quan tình báo bí mật của Liên Sô) đã kết luận rằng Đức Gioan Phaolô II là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống Sô viết, cả trong và ngoài đế chế Liên Sô. Và chúng ta biết rằng Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Sô đã ban hành một nghị định vào ngày 13 tháng 11 năm 1979, cho phép sử dụng “tất cả các phương tiện hiện có”, để khống chế các tác động mà chính sách của Đức Gioan Phaolô II đang đe dọa khối Sô viết.

Chúng ta biết tên thực hiện vụ ám sát, Mehmet Ali Agca, là một kẻ giết người chuyên nghiệp, bằng cách nào đó đã trốn thoát khỏi một nhà tù quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau khi sắc lệnh năm 1979 nêu trên được ban hành. Y được đào tạo thêm trong một trại ở Syria do các cơ quan tình báo khối Sô viết điều hành. Chúng ta biết rằng, sau khi gặp một sĩ quan tình báo Liên Sô ở Tehran, Agca đã đến Bảo Gia Lợi với sự giúp đỡ của các cơ quan an ninh nước này và sống hai tháng trong một khách sạn sang trọng ở Sofia. Chúng ta cũng biết rằng vấn đề tài chính của Agca đã được quản lý bởi một người Thổ Nhĩ Kỳ, có liên quan đến các cơ quan tình báo cộng sản, là người sau đó đã chết trong một hoàn cảnh lạ thường không giải thích được.

Những gì chúng tôi không có là bằng chứng trên giấy tờ là phải chăng vụ ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được thực hiện theo lệnh trực tiếp của Andropov, hoặc nhà lãnh đạo Liên Sô Leonid Brezhnev, hoặc cả hai. Nhưng chúng tôi biết rằng, mật vụ Bảo Gia Lợi vốn trung thành và lệ thuộc vào Mạc Tư Khoa đến mức đã ngần ngại không muốn thay đổi nhãn hiệu xà phòng trong các phòng vệ sinh của họ mà chưa có sự cho phép của Mạc Tư Khoa, chắc chắn không dám tự mình thực hiện một chiến dịch chống lại Đức Gioan Phaolô II.

Và bây giờ chúng ta biết thêm một số điều nữa, nhờ vào một cuốn lịch sử ba tập cực kỳ buồn tẻ về lịch trình hàng ngày của Leonid Brezhnev, được xuất bản ba năm trước ở Nga. Andrzej Grajewski đã cày xới những tài liệu này, tập trung vào các hoạt động của Brezhnev vào tháng 4 và tháng 5 năm 1981 (tức là ngay sau khi Agca, lúc đó đang ở Zurich, đã gặp một số nhân vật mờ ám để hoàn thành các thỏa thuận hậu cần và tài chính cho vụ ám sát, được ấn định vào ngày 13 tháng 5, 1981). Trong suốt thời gian trị vì của mình với tư cách là người đứng đầu thực tế của Liên Sô từ năm 1964 đến 1982, Brezhnev thường không tiếp xúc với Andropov, tên cầm đầu KGB. Nhưng mức độ dày đặc các cuộc họp của họ tăng lên đáng kể vào tháng Tư và tháng Năm năm 1981, cũng như tần suất các cuộc trò chuyện qua điện thoại của họ. Tại sao lại có sự tăng cường liên lạc đột ngột giữa thủ lĩnh Liên Sô và Andropov, vào thời điểm chính xác đó? Một người có đầu óc tỉnh táo và hiếu kỳ sẽ tự hỏi.

Chắc chắn người ta sẽ thắc mắc về lịch trình của Brezhnev vào ngày 13 tháng 5 năm 1981. Sáng hôm đó, Brezhnev đã gặp một phái đoàn từ Congo để ký một số thỏa thuận. Khoảng 1 giờ chiều, ông ta đến văn phòng của mình ở điện Cẩm Linh và làm việc một mình trên các tài liệu. Lịch trình cho thấy ông ta không gặp bất cứ ai trong suốt buổi chiều, và cũng không gọi điện cho ai. Ông ta đang chờ đợi điều gì? Chờ một tin tức đã được dự đoán trước? Sau 6 giờ chiều [giờ địa phương Mạc Tư Khoa], ngay sau khi Agca nổ súng tại quảng trường Thánh Phêrô, Brezhnev đã [hí hửng] rời điện Cẩm Linh để đến biệt điện của mình ở một vùng ngoại ô của Mạc Tư Khoa. Ngày hôm sau, ông ta gặp ngoại trưởng Liên Sô Andrei Gromyko tại điện Cẩm Linh, và vào ngày 15 tháng 5, có cuộc gặp gỡ với Yuri Andropov.

Kết luận cẩn thận nhưng rất gợi ý của Andrzej Grajewski:

Liệu một chuỗi các sự kiện như vậy có chứng tỏ rằng Brezhnev đã được thông báo về cuộc tấn công? Chúng ta không biết. Giả sử rằng ý tưởng ám sát vị Thánh Giáo Hoàng đã được nảy sinh trong giới lãnh đạo Liên Sô, Brezhnev chắc chắn phải biết khi nào nó sẽ xảy ra. Tất nhiên, hồ sơ về lịch trình làm việc của ông ta tại điện Cẩm Linh không phải là một bằng chứng không thể chối cãi trong vấn đề này. Tuy nhiên, lịch trình này chỉ ra rằng ngày 13 tháng 5 năm 1981 không phải là một ngày thường lệ đối với Brezhnev. Lịch trình của ông cho thấy, trong gần 18 năm ở đỉnh cao quyền lực, chỉ có một ngày, là ngày 13 tháng 5 năm 1981, là ngày mà sự chú ý của Brezhnev không bị thu hút bởi các hành động, những chỉ đạo, và công việc quản lý - nhưng có lẽ đang chờ đợi điều gì đó sắp xảy ra.


Source:First Things
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News