Ngày 20-05-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xây dựng hôn nhân hạnh phúc
Trầm Thiên Thu
08:39 20/05/2011
Chúng ta yêu, kết hôn, có con và nuôi dưỡng gia đình. Qua nhiều năm, tình yêu thấm sâu, hệ lụy kết chặt, nhưng cảm xúc hôn nhân lại giảm dần!

Những lúc “cam go” đó xảy ra nhiều mâu thuẫn và xung đột, ít chia sẻ và ít “chạm” vào nhau, ít vui vẻ và ít xây dựng lẫn nhau – kiểu “không thèm” quan tâm nhau. Lâu ngày dày kén, cái sảy nảy cái ung, chuyện bé xé ra to, chiến tranh lạnh tăng theo cấp số nhân – dù có khoảng 50% các cặp vợ chồng vẫn cố gắng duy trì hôn nhân.

Theo các chuyên gia hôn nhân, điều mà đa số các cặp vợ chồng không nhận ra là có những việc họ khả dĩ làm để “hạ hỏa” nhau để chuyển bão thành cơn gió nhẹ.

TS Renee Colclough Hinson, giám đốc Hiệp hội Phong phú hóa Hôn nhân, nói: “Hôn nhân là khu vườn đẹp, đòi hỏi chủ nhân phải có kỹ năng chăm sóc và không ngừng luu tâm. Có vậy thì khu vườn mới luôn đẹp, nếu khinh suất thì khu vườn sẽ tàn héo và chết khô”. Một nhận xét thật thú vị và chính xác!

Hành động vì hạnh phúc chung

Không ai lại không phải làm việc cần mẫn để cải thiện gia đình và hôn nhân, cả tinh thần và vật chất. Đừng chủ quan, vì chủ quan có thể dẫn đến khinh suất mà làm tổn hại mối quan hệ.

Hôn nhân nào cũng có những vấn đề riêng gây xung đột và căng thẳng. Các vấn đề thường gặp là:

• Tiền bạc. Không bao giờ đủ, mà nếu có thì người ta cũng chưa chắc biết sử dụng hợp lý. Đôi khi lại là mối họa.

• Tình dục. Khoảng 45% các cặp vợ chồng phải nhờ tư vấn hôn nhân. Thường thì người này muốn tình dục lúc này, còn người kia muốn lúc khác; hoặc người này muốn thế này, còn người kia muốn kiểu khác. Đó là do thiếu cởi mở với nhau.

• Công việc. Vợ hoặc chồng đều có vai trò riêng, đừng so sánh và tự cho mình có vị thế cao hơn.

• Con cái. Vợ chồng có thể bấ đồng ý kiến về cách nuôi dưỡng và giáo dục con cái.

Giao tiếp tích cực

Các vấn đề này không dẫn đến đổ vỡ hôn nhân nếu bạn có thể đối thoại tích cực xây dựng lẫn nhau.

John Gottman, GS khoa tâm lý ĐH Washington và sáng lập Viện Gottman, đã ghi hình hơn 3.000 cặp vợ chồng để nghiên cứu xem điều gì làm mối quan hệ của họ thành công hay thất bại. Ông thấy rằng khi thảo luận vấn đề, các vợ chồng không hạnh phúc thường bắt đầu bằng cách chỉ trích nhau. Rồi chê trách tính cách người kia thế này thế nọ, tiếp theo là động thái khinh khi – một yếu tố làm “xói mòn” hôn nhân. Tất nhiên, người bị chỉ trích sẽ phản ứng bảo vệ bằng cách phản công. Ẩu đả có thể phát sinh, và vấn đề càng thêm nghiêm trọng có thể không giải quyết được.

Ngược lại, các cặp vợ chồng hạnh phúc thường có động thái tích cực gấp 5 lần trong những lúc xung đột. Chẳng hạn, họ có thể khôi hài để làm giảm căng thẳng và có những cách nói chuyện đầy yêu thương để làm dịu tình huống. Thật vậy, “một sự nhịn thì chín sự lành”, và “đồng vợ, đồng chồng, tát Biển Đông cũng cạn!

Với người Công giáo, hôn nhân là một bí tích. Kinh thánh nói: “Phúc thay kẻ biết xử sự khôn khéo, kẻ nói mà người ta lắng tai nghe” (Hc 25:9). Về bổn phận hôn nhân, thánh Phêrô dạy: “Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em. Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa. Xưa kia, các phụ nữ thánh thiện là những người trông cậy vào Thiên Chúa, cũng đã trang điểm như thế; họ đã phục tùng chồng. Như bà Sara, bà đã vâng phục ông Ápraham, và gọi ông là "ông chủ". Chị em là con cái của bà, nếu chị em làm điều thiện và không sợ hãi trước bất cứ nỗi kinh hoàng nào” (1Pr 3:1-6).

(Chuyển ngữ từ Discovery Health)
 
Cánh cửa mở ra con đường
Teresa Avila Phạm Thùy Chi
09:59 20/05/2011
CÁNH CỬA MỞ RA CON ĐƯỜNG

Đến một ngày kia, khi chúng ta đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời mình. Chúng ta biết cánh cửa sẽ được mở ra, cho ta đi vào. Cánh cửa mở ra cho ta vui sống và ước mơ. Hơn thế, cánh cửa mở ra con đường là Đức Giêsu Kitô trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Nhưng thật là đau lòng cho những ai không nghe tiếng của Thiên Chúa mà lại nghe tiếng lạ.

Thời đại ngày ngày nay có rất nhiều tiếng lạ. Tiếng lạ của thời đại đến với chiêu bài của mốt thời trang (mode). Tiếng lạ của internet đang ở thành thị đã về tới nông thôn, suốt ngày suốt đêm trẻ em cũng như người lớn chơi game và chat, không còn có biết 12 giờ trưa hay 12 giờ đêm nữa. Rồi tiếng lạ đem theo những văn minh, nhưng là văn minh của sự chết; văn hóa nhưng là văn hóa của tử thần. Tiếng lạ dạy mẹ giết con từ trong bụng. Tiếng lạ dạy người ta đua đòi để hưởng tình dục như là một nhu cầu tự nhiên mà không biết gì đến đạo đức. Tiếng lạ dạy cho giới trẻ ngày nay biết đủ mọi thứ lương: lương thực, lương thảo, lương khô, lương bổng, lương khoán, lương tháng... mà không biết đến lương tâm. Tiếng lạ dạy người ta đủ thứ tin: tin đồn, tin tức, tin học, tin tức, tin vịt, tin vắn... mà không biết đến Tin Mừng. Những tiếng lạ đó vẫn đang tiếp tục cuốn theo chiều gió khiến cho bao nhiêu là bạn trẻ lao theo bạo lực học đường, nói tục chửi bậy. Những tiếng lạ đó tạo ra đủ mọi con đường: đường phố, đường sông, đường đất, đường cao tốc, đường băng, đường nhựa, đường cát, đường kính, đường hóa học, đường mía, đường mật... mà Chúa Giêsu xưng mình là đường (Ga 14, 6), thì các bạn trẻ lại không biết. Cho nên giới trẻ ngày nay, nếu không cẩn thận sẽ nghe tiếng lạ và đó chính là ngu cơ khiến cho nhiều bạn trẻ ngày nay đánh mất mình. Chúng ta hãy trở về với Chúa đi. Tiếng của Chúa là cửa chuồng chiên, ai qua cửa mà vào thì được sống. Vì vậy, nếu chúng ta không lắng nghe tiếng Chúa làm cửa công chính để chúng ta qua đó mà vào và sống mà chúng ta đi tạt ngang theo tiếng lạ là chúng ta đánh mất chính mình.

Trong ngày lễ Chúa Chiên Lành tuần trước, Chúa nhật ngày 15.4.2011, chúng ta đã được nghe bài Tin Mừng nói về mối tương giao giữa Chúa Giêsu với dân riêng của Chúa là dân Do Thái. Có một hình ảnh thật là thân thương mà Chúa Giêsu đã chọn. Đó là hình ảnh của người mục tử đối với đàn chiên (x. Ga 10, 11-18). Không ai thân thiết hơn đàn chiên trong tư cách của một người mục tử và không ai cảm nghiệm được niềm vui, thậm chí là hạnh phúc nữa. Đối với người mục tử là chính đàn chiên. Vì vậy trong mối tương quan giữa chủ chiên và đàn chiên là một mối tương quan hữu cơ mang sự sống. Mối tương quan đó không phải là tương quan một chiều như người ta ngắm một bức ảnh, và cũng không mang tính chất một đối tượng để chiếm hữu nhưng là một mối tương quan phản chiếu tình cảm thân thiết của mục tử với đàn chiên, điều mà như người Việt Nam chúng ta không có chiên thì ví là “khuyển mã chi tình”, để thấy người mục tử coi chiên là gia tài, và thậm chí coi chiên là cả sự nghiệp của mình, coi chiên là niềm vui và hạnh phúc của mình nữa. Cho nên họ gắn bó suốt đời. Người nào mà đến với đàn chiên chỉ lăm le để xén lông và giết thịt, thì người đó chẳng qua là chăn thuê. Cho nên mối tương quan đầu tiên của người chủ chiên với đàn chiên là một mối tương quan bảo vệ nhau. Đàn chiên nhìn thấy chủ chiên thì sung sướng, yên tâm: “Cái roi và cái gậy của ngài, đó là điều an ủi lòng tôi” (Tv 23, 4). Gậy không để đánh chiên mà là để đánh chó sói bảo vệ cho chiên. Ngược lại, khi nhìn thấy chiên thì người chủ chiên cũng dám liều cả mạng sống vì chiên. Còn với Đức Giêsu Kitô, mối tương giao thân thiết ấy đã lấy làm hình ảnh: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14). Chừng ấy thôi đã đủ chưa? Thưa, đã quá đủ rồi. Nhưng Chúa chưa lấy làm đủ. Bởi vì, Chúa còn xưng “Ta là cửa chuồng chiên” (Ga 10, 7).

Chúa Giê su đã tự xưng “Ta là cửa chuồng chiên”. Điều đó thật sự là khiêm tốn và cho chúng ta thấy một khía cạnh khác về cánh cửa sẽ mở ra là cửa công chính, như theo lời Thánh vịnh của vua David:
“Hỡi cửa công chính, hãy nâng mình lên” (Tv 24, 7).

Các nhà chú giải Kinh Thánh giải thích rằng, người ta nói cửa công chính nâng mình lên để cho Thiên Chúa đi vào và con người được đi vào tạ ơn Thiên Chúa (x. Tv 118, 19). Cho nên hình ảnh cửa chuồng chiên mà Chúa Giêsu đón nhận, cũng còn có nghĩa nhắc cho chúng ta về cửa công chính được mở ra, để khi mỗi người đi qua cửa đó mà vào thì mới được đón nhận. Bởi thế, ai qua cửa công chính mà vào thì mới được đón nhận sự công chính và được sự sống đời đời. Vì Chúa Giêsu Kitô là Đấng trung gian duy nhất nối đất với trời.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Xin cho chúng con đừng nghe theo tiếng lạ
để rồi chúng con đánh mất chính mình.
Nhưng xin cho tiếng của Chúa vang lên trong mỗi tâm hồn chúng con
để mỗi người chúng luôn có một cuốn Tân Ước,
là cuốn Kinh Thánh và chúng con đọc Lời Chúa hằng ngày.
Trong mỗi gia đình, chúng con nhắc nhau
để mọi thành phần cùng lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Lời Chúa là Cửa Công Chính.
Xin cho chúng con được đi qua cửa,
là ngưỡng cửa Công chính của Đức Kitô
mà bước vào con đường
để chúng con được sống và sống dồi dào như lời Chúa hứa:
“Ta là cửa. Ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu.
Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:00 20/05/2011
CÁCH MAY QUẦN ÁO
N2T

Giữa năm Gia Tĩnh, trong kinh thành có một thợ may áo quần rất nổi tiếng, áo quần ông ta may ra, dài ngắn rộng hẹp, đều phù hợp thân người. Có một ngự sứ mời thợ may giỏi này đến may áo quần cho ông ta, thợ may hỏi ngự sứ đến nhậm chức năm nào ?
Ngự sứ hỏi:
- “May áo quần mà hỏi nhậm chức năm nào làm gì ?”
Thợ may trả lời:
- “Bởi vì những lão gia khác cũng như thế mà thôi: Khi mới nhậm chức thì ưỡn ngực ngẫng đầu nên áo cần phải trước dài sau ngắn; nếu nhậm chức được nửa năm thì ý chí bình bình, nên áo phải may là trước sau bằng nhau; nếu như nhậm chức lâu năm thì suy nghĩ biến đổi, trong lòng buồn bã không vui, thân thể không tránh khỏi cúi đầu luồn cúi, cho nên may áo cần phải trước ngắn sau dài; cho nên nếu không hỏi nhậm chức lúc nào, thì may áo khó mà hợp với thân người được”.

Suy tư:
Người thợ may quả thật rất hiểu tâm lý của các quan lớn, bởi vì ông ta có kinh nghiệm với những vị quan đến cai trị trong huyện của mình.
Có một vài linh mục “chia sẻ” kinh nghiệm với nhau như sau: khi mới đến nhậm chức cha sở thì năm đầu thì năng nổ làm việc để chứng tỏ tài năng của mình, qua năm thứ hai thì nhiệt tình năng nổ giảm dần, qua năm thứ ba thì bình bình không nóng không lạnh, qua năm thứ tư thì hưởng thụ, qua năm thứ sáu thì chuẩn bị tích trử để lo đổi qua xứ khác, qua năm thứ bảy thì tài sản như một đại gia và không muốn đi xứ khác nữa…
Chiếc áo chùng thâm thì không có trước ngắn sau dài, cũng không trước dài sau ngắn, bởi vì nó không có hai vạt trước sau như những chiếc áo dài thụng khác của người đời, cho nên người linh mục không lòn cúi ai, không nịnh bợ ai, cũng không theo phe này cánh nọ, cũng không làm bạn thân thiết với một gia đình giàu có nào trong giáo xứ mình, cũng không chia nhóm cha sở hay nhóm bà sơ hay nhóm của ban đại diện, cũng không trở thành kẻ cô độc cô đơn trong giáo xứ đông giáo dân của mình.
Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng chiếc áo bác ái và bổn phận mới làm cho người linh mục ngày càng giống Chúa Giê-su hơn.
-------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 5 PS A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:02 20/05/2011
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH

Tin mừng : Ga 14, 1-12.
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”.


Anh chị em thân mến,
Có con cáo mù lạc đường, đang lúc sốt ruột lo âu thì đột nhiên nghe tiếng bước xa xa đến gần, vội vàng hỏi trong vui sướng:
- “Chào anh bạn, xin hỏi đi đến đường ấy..., làm sao mà đi?”
- “Anh không thấy sao?”
- “Thấy thì còn hỏi anh làm gì”.
Người ấy lần chần một chút rồi trả lời:
- “Được, đi với tôi”.
Con cáo đi sau lưng người ấy, bảo sao nghe vậy.
Đi không bao lâu, hai đứa tập tễnh tiến vào ngõ cụt, loay hoay hết ngày hết buổi mới ra khỏi; tiếp tục đi thì lại lọt vào cái chuồng lợn, khắp nguời đầy mùi hôi thối; lại đi tiếp, cả hai lại rơi vào trong hồ nước, thật lúng túng và không dễ bám vào bờ, cuối cùng con cáo chịu không nỗi kêu thét lên:
- “Anh dẫn đường, nhưng rốt cuộc dẫn như thế nào đây?”
Thinh lặng rất lâu, mới nghe người dẫn đường ấy biết lỗi nói: “Tôi cũng là kẻ mù ạ!”


Có nhiều người tuyên bố mình là người lãnh đạo giỏi, nhưng đường đi của tâm hồn thì bị lệch hướng, thế là họ đi trên con đường đầy tối tăm với nhiều âm mưu, để đạt cho được con đường danh vọng là đường đưa đến sự chết. Phi-la-tô đã hỏi Chúa Giê-su chân lý là gì, sự thật là gì, rồi sau đó ông ta đã đem Đấng là sự thật, là chân lý ấy trao cho kẻ ác và những kẻ gian xảo dử tợn hành hình.

Ngày hôm nay cũng có những người mắt rất sáng, nhìn rất rõ những viên gạch hình con sâu nứt nẻ lót trên đường đi, để chỉ trích người này làm việc cẩu thả, người nọ làm ăn không có lương tâm, nhưng họ lại mù mắt trước những sai sót nguy hiểm đến lạc đường của mình, và đang dẫn người khác cùng đi trên sự lầm lạc ấy.

Chúa Giê-su đã tuyên bố Ngài là đường, là sự thật và là sự sống.

Chúa Giê-su là đường để đi đến sự thật, có sự thật thì mới có hòa bình, có hòa bình thì yêu thương mới triễn nở trong tâm hồn của mọi người; Chúa Giê-su là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, và chỉ có Ngài mới đủ tư cách để kiến tạo trong tâm hồn của chúng ta một con đường sự thật, yêu thương, để chúng ta đi đến với tha nhân cũng bằng chính con đường ấy, tức là phục vụ như Chúa Giê-su đã phục vụ.

Anh chị em thân mến,
Ai trong chúng ta cũng yêu thích sự thật nhưng có lúc lại là người nói dối không gượng miệng; ai trong chúng ta cũng mến chuộng chân lý, nhưng có những lúc coi lời nói thật của bạn bè, của tha nhân là những lời chói tai vì những kiêu ngạo của mình.

Trên đường đời nếu mù dắt mù thì cả hai sẽ rơi xuống hố như thế nào, trên con đường thiêng liêng cũng như thế mà thôi, bởi vì khi không nhìn thấy những khuyết điểm của mình, thì cũng có nghĩa là con mắt tâm hồn của mình đã bị mù, thì đừng nghĩ đến chuyện sẽ dẫn dắt người khác, vì như thế cả hai cũng sẽ rơi xuống vực thẳm của âm ty.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:03 20/05/2011
N2T

58. Con người ta nếu vì tình dục mà làm hại thân xác và linh hồn mình, thì đó là tội lỗi; con người ta nếu phạm tội làm điều ác làm hại người khác, thì đó là hung ác; tội lỗi và hung ác này vẫn cứ là nguyên nhân của mọi tội lỗi, không thể không thận trọng.

(Thánh Augustine)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:05 20/05/2011
BÀ CỐ
Bà cố thấy cha về thăm mừng lắm hỏi:
- “Cha ngồi máy bay có mệt không ?”
Cha cười ha ha làm bộ nhìn quanh rồi hỏi lại:
- “Cha nào, ở đây có cha nào đâu ?”
Bà cố cười móm mém:
- “Thì cha đó”.
Cha cười nói: “Ở đây chỉ có mạ và con mà thôi”.
Bà con anh em chị em cháu chắt cùng cười vui vẻ.
--------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Theo Đức Kitô là đường
Giuse Đinh Lập Liễm
21:50 20/05/2011
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH A
+++

A. DẪN NHẬP

Mọi người đều muốn vươn tới hạnh phúc, hạnh phúc tuyệt đối và trường cửu. Hạnh phúc này chỉ có trên nước Thiên Chúa. Vậy đâu là con đường đưa tới hạnh phúc đó ? Chúng ta biết Đức Kitô vừa là Chúa vừa là người. Ngài là trung gian hòan hảo duy nhất giữa Chúa Cha với chúng ta. Biết bao con đường mở ra trước mắt chúng ta, nhưng chỉ có Ngài mới là con đường đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha, vì Ngài biết Chúa Cha và bởi Chúa Cha mà ra. Chúng ta hãy tin tưởng bước theo Ngài vì chính Ngài đã khẳng định với chúng ta :”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6).

Mục đích của chúng ta phải vươn tới là nhận biết Chúa Cha, mà người ta chỉ có thể nhận biết Chúa Cha nhờ Đức Giêsu. Đức Giêsu được sai đến với lòai người để trả lời những câu hỏi đang làm họ bận tâm như Thiên Chúa là ai, bởi đâu mà có ? Không ai trả lời cho chính xác ngọai trừ Ngài, bởi chính Ngài biết rõ mối dây thân tình Cha Con. Đức Giêsu còn là chân lý, là sự sống. Vì Ngài là hình ảnh Ngôi Cha. Ngài là tiếng nói của Chúa Cha. Thiên Chúa đã phán :”Này là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Thiên Chúa là chân lý thì tiếng nói của Ngài cũng là chân lý vậy.

Chúa nhật trước, chúng ta đã nhận Chúa Giêsu là Chúa chiên nhân lành. Mọi người tín hữu vui mừng và yên tâm vì đã có Chúa Giêsu là mục tử chăn dắt. Người yêu thương và bảo vệ đàn chiên. Con chiên phải nghe tiếng chủ chăn và đi theo sự hướng dẫn của chủ để được sống và được sống dồi dào. Hôm nay, chúng ta hãy xác định lại lập trường của chúng ta là phải tin theo Chúa Giêsu vì Người là đường, là sự thật và là sự sống. Muốn đến cùng Chúa Cha, cần thiết phải qua Ngài. Chỉ có duy nhất Ngài là đường dẫn tới sự sống. Hãy dấn bước theo Ngài và theo Ngài là phải từ bỏ nếp sống cũ, từ bỏ tất cả những gì không hợp với đường lối của Ngài, phải đi qua cửa hẹp, tức là theo con đường khổ giá mà Ngài đã đi, chính con đường này sẽ dẫn chúng ta tới hạnh phúc chân thật.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Cv 6,11-7

Cộng đoàn tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem mỗi ngày một thêm đông, đời sống tốt đẹp nhưng cũng không thiếu những khó khăn. Các Tông đồ phải giải quyết cách nào cho êm đẹp.

Khó khăn phát xuất từ việc phân phối những nhu cầu đời sống không đồng đều : các bà góa bị lãng quên, do đó mới có những lời kêu trách. Các Tông đồ giải quyết khó khăn đó bằng việc thiết lập tác vụ phó tế để chuyên lo các công việc cứu trợ, bác ái và lương thực của cộng đoàn, để các ngài có thời giờ đi loan báo Tin Mừng.

Nhờ cách giải quyết khéo léo này mà cộng đoàn lại đoàn kết thương yêu nhau và tăng số. Đây là mô hình đẹp trong việc phân chia các chức vụ và công tác cho Giáo hội ngày nay : có người chuyên lo đời sống vật chất, có người chuyên lo việc cầu nguyện và loan báo Tin Mừng.

+ Bài đọc 2 : 1Pr 2,4-9

Thánh Phêrô nhắc cho các tín hữu nhớ lại phẩm giá cao qúi của mình, cũng như những trách nhiệm mà mình phải chu toàn để đáp lại tình yêu của Chúa Kitô.

Phẩm giá của Kitô hữu : là dòng giống được Thiên Chúa tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo việc tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa.

Trách nhiệm phải chu toàn : Đức Kitô là viên đá tảng, các Kitô là những viên đá sống động được xây lên trên để xây nên một đền thờ thiêng liêng. Cho nên họ phải công bố những việc kỳ diệu của Thiên Chúa, loan báo Tin Mừng, dâng lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Chúa, xây dựng hoà bình, công lý và tình yêu.

+. Bài Tin Mừng : Ga 14,11-12

Trong tâm tình Thầy trò trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu tiết lộ cho các môn đệ biết Ngài sẽ trở về cùng Cha. Ngài ra đi là để dọn chỗ cho các ông vì nhà Cha còn nhiều chỗ. Người khuyên các ông đừng xao xuyến vì Ngài đi dọn chỗ và sau đó sẽ quay trở lại đón các ông, để Ngài ở đâu, các ông cũng ở đó với Ngài. Có nhiều cách giải thích khác nhau về lời loan báo sự ra đi này của Đức Giêsu. Nhưng đúng hơn hết, sự ra đi này Đức Giêsu trở về với Chúa Cha ám chỉ biến cố Phục sinh.

Còn đối với các tông đồ muốn biết Chúa Cha thì Đức Giêsu chỉ trả lời là ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha vì Cha ở trong Ngài và Ngài ở trong Cha. Ngài nhắc cho các ông :”Muốn đến với Chúa Cha thì hãy tin vào Ngài, hãy theo Ngài vì Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Ngài”(Ga 14,8).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Bước theo Chúa Giêsu Kitô

I. HÃY TIN VÀO ĐỨC GIÊSU

1. Những lời trấn an

Đức Giêsu nhiều lần nói với các môn đệ là Ngài sắp ra đi, dù vậy họ chẳng bao giờ hiểu nổi. Những lời Đức Giêsu báo trước cho các ông : Giuđa sẽ nộp Thầy (Ga 13,21-26), Phêrô chối Thầy (Ga13,3-6), Ngài ra đi chịu tử nạn (Ga 12,32), và viễn cảnh phải xa vắng bóng Thầy giữa một thế giới thù nghịch, đã làm cho tâm trí các môn đệ tràn ngập lo âu xao xuyến (Ga 14,23; 16,6-20).

Đức Giêsu trấn an các ông bằng cách tỏ cho các ông thấy Ngài ra đi sẽ làm cho các ông hiệp thông thâm trầm hơn nữa với Ngài và với Chúa Cha, và chính Thánh Linh sẽ bảo đảm cho việc phù trì che chở các ông trong cơn giông tố thiêng liêng của cuộc sống.

Trọng tâm lời khuyên nhủ trấn an nằm trong câu :”Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Câu này có nghĩa rằng : Các con đã tin vào Thiên Chúa thế nào thì cũng hãy tin vào Thầy như vậy. Theo đó, Đức Giêsu muốn kêu gọi các môn đệ tin vào thiên tính của Ngài.

2. Trả lời thắc mắc của Tôma

Đức Giêsu nói :”Thầy còn ở với các con ít lâu nữa, rồi Thầy đi về cùng Đấng sai Thầy”(Ga 7,33). Đức Giêsu nói Ngài sẽ về với Cha, là Đấng đã sai Ngài đến, Ngài với Cha là một, nhưng họ vẫn không hiểu. Đức Giêsu còn nói thêm :”Thầy đi đâu các con đã biết đường rồi” (Ga 14,4). Họ không hiểu con đường Ngài sắp đi là con đường nào vì đó là đường thập tự, nên ông Tôma mới nói :”Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi” (Ga 14,5).

Thật vậy, Tôma là người thật thà và cũng là con người thực nghiệm, thích sờ mó, nhìn xem và chứng kiến, không chịu thỏa mãn với những câu nói mơ hồ. Ông muốn biết chắc chắn, nên đã bộc lộ những nghi ngờ về những gì ông không hiểu : chẳng hiểu được ý nghĩa việc Chúa ra đi.

Vì thế, Đức Giêsu nói với ông Tôma :”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Nói như vậy là Ngài có ý muốn nói gì ? Ngài có ý nói rằng Ngài là người dẫn đường, Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta, chúng ta sẽ không sợ lạc đường. Đó là việc Đức Giêsu đang làm cho chúng ta. Ngài không chỉ đưa ra những lời khuyên dạy, chỉ hướng đi mà thôi, nhưng Ngài nắm lấy bàn tay và dẫn chúng ta đi. Ngài cùng đi với chúng ta, đích thân Ngài thêm sức cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta mỗi ngày. Không phải Ngài chỉ cho chúng ta con đường mà chính Ngài là Đường đi của chúng ta.

Chữ “Đường” trong Tin mừng hôm nay không những chỉ có nghĩa là Đức Giêsu chỉ dùng giáo huấn mà dẫn ta đến sự sống, mà chính Ngài là con đường dẫn đến Chúa Cha nữa. Vì chính Ngài là mạc khải Chúa Cha (Ga 12,45), tuy Ngài bởi Chúa Cha mà đến và về với Chúa Cha (Ga 7,29-33), nhưng Ngài lại là một với Chúa Cha (Ga 13,30) vì chính Ngài là sự thật và là sự sống (Ga 3,15).

Chúng ta có thể tóm tắt điều Đức Giêsu muốn nói : Nếu không nhờ Thầy, không ai đến được với Cha. Chỉ một mình Đức Giêsu là con đường đến với Thiên Chúa. Chỉ trong Ngài chúng ta mới thấy được Thiên Chúa như thế nào, và chỉ một mình Ngài đưa chúng ta đến với Thiên Chúa mà chúng ta không phải sợ hãi và xấu hổ.

II. TIN TƯỞNG BƯỚC THEO ĐỨC KITÔ

1. Đức Giêsu là ai ?

Các môn đệ ở bên Chúa Giêsu ba năm mà vẫn chưa biết Đức Giêsu là ai. Sự hiểu biết của họ còn rất lơ mơ. Khi Đức Giêsu nói về Chúa Cha, Cha của Ngài, thì họ càng bỡ ngỡ, không hiểu chút nào. Vì thế, trong các môn đệ quây quần chung quanh Đức Giêsu chiều nay trong bữa tiệc ly tạ từ, có một môn đệ có một đầu óc rất thực tế. Đó là Philipphê. Đối với ông, nghe Chúa, biết Cha là một cái gì quá trừu tượng. Ông muốn được như Maisen nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa (Xh 33,18), nên, đại diện cho các bạn ông nói :”Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.

Với vẻ mặt buồn buồn, Đức Giêsu đã phản ứng lại mạnh mẽ :”Philipphê ! Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy”. Sự hiểu biết Thiên Chúa không phải là sự hiểu biết trừu tượng mà là sự hiểu biết và gặp gỡ một con người. Con người ấy chính là Đức Giêsu, hình ảnh của Đức Chúa Cha. Vì thế, Chúa phán :”Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư “? Hai nhưng là một , đồng nhất trong một bản thể với Chúa Thánh Thần :”Ai xem thấy Thầy là xem thấy Cha. Cha Ta với Ta là một”.

Trọn cuộc sống, mọi lời nói và việc làm của Đức Giêsu là một biểu hiện hoàn hảo hình ảnh của Chúa Cha vì Người kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Cuộc sống của Ngài, đó là Chúa Cha, công việc của Ngài là chính Chúa Cha thực hiện qua Ngài, lời Ngài nói đó là tư tưởng của Chúa Cha (Cf Hồng Phúc, Suy niệm lời Chúa, năm A, tr 75).

Khi nói rằng chúng ta biết Chúa, nhưng thực sự chúng ta mới có một khái niệm về Chúa chứ chưa thể diễn tả ra thế nào cho đúng. Thỉnh thoảng chúng ta nghe thấy có người nói như sau :”Kitô hữu nói về Chúa thế này. Người Do thái bảo Chúa thế kia. Người Hồi giáo cho Ngài thế khác. Phật tử còn quan niệm Ngài khác hơn nữa. Tôi cảm thấy rối trí quá nên chẳng biết nghĩ gì và cũng chẳng biết tin ai”.

Mỗi khi nghe được một người tuyên bố như thế, tôi liền nhớ lại bài thơ của John Saxe liên quan đến năm gã mù Ấn độ đứng vòng quanh một con voi và thắc mắc con voi giống cái gì. Một gã sờ vào hông voi và bảo nó giống như bức tường. Gã thứ hai sờ vào chiếc ngà và bảo nó giống như một thanh gươm. Gã thứ ba đụng vào chiếc vòi và bảo nó như rắn khổng lồ. Gã thứ tư sờ vào lỗ tai và bảo nó giống như chiếc quạt. Gã mù sau cùng sờ vào đuôi và bảo nó giống như sợi dây thừng. Thế thì ai trong năm gã này là đúng ? Có lẽ câu trả lời hay nhất là cả năm gã đều đúng, mỗi gã đúng theo quan điểm của mình. Chỉ nhờ đối thoại chung với nhau họ mới có thể có được một cái nhìn đầy đủ và sáng suốt hơn để trả lời chú voi thực sự như thế nào.

Vài người bảo : đối với trường hợp Thiên Chúa cũng thế. Họ bảo : Người Do thái có lối hiểu Thiên Chúa, người Hồi giáo có một lối thứ hai để thấu hiểu Chúa, người Phật giáo lối thứ ba và các Kitô hữu lối thứ tư. Chỉ nhờ đối thoại với nhau họ mới có thể đạt được một cái nhìn đầy đủ rõ ràng hơn về Thiên Chúa. Thế là lại khơi lên một vấn nạn : Làm sao tôn giáo này có thể tự hào rằng mình gần với chân lý hơn các tôn giáo khác ? Chẳng hạn, làm sao các Kitô hữu dám cho rằng mình có cái nhìn chính xác về Chúa hơn bất kỳ tôn giáo nào khác ?

Câu trả lời cho vấn nạn trên dĩ nhiên được đặt vào nền tảng đức tin nơi Đức Giêsu của người Kitô hữu. Đức Giêsu đã tuyên bố Ngài là Thiên Chúa bằng một cách thức mà không một vị lãnh đạo tôn giáo nào dám tuyên bố. Và hơn thế nữa, Đức Giêsu còn đồng hoá mình với Thiên Chúa: “Ta và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Từ “một”, không có tiếng trước hay sau đi kèm, có nghĩa là “đồng một bản tính”. Như vậy, Đức Giêsu tuyên bố rõ sự thực này : Ngài và Chúa Cha cùng có một quyền năng chung, tức là “đồng một bản tính”. Điều này không một vị lãnh đạo nào trên thế giới này dám làm (Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 108-109).

Từ xưa đến nay các nhà sáng lập tôn giáo, không ai dám nói :”Cha Ta và Ta là một” (Ga 10,30), chỉ có một mình Đức Giêsu mới dám nói :”Hãy tin vào Ta khi Ta nói rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 14,11). Và chỉ một mình Đức Giêsu dám nói :”Ta là bánh từ Trời xuống... Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sự sống đời và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,51,54). Và chỉ một mình Đức Giêsu dám nói :”Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ có ánh sáng ban sự sống và sẽ không bao giờ bước đi trong tăm tối” (Ga 8,12).

Như vậy, chúng ta phải nói rằng Đức Giêsu là hiện thân của Chúa Cha và ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha. Chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên phải tin theo Người.

2. Bước theo Chúa Giêsu Kitô

Đức Giêsu báo cho các Tông đồ việc ra đi của Ngài là để dọn chỗ cho các ông :”Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì các con biết đường rồi” (Ga 14, 3-4).
Ông Tôma thắc mắc và rất hồn nhiên chất phác hỏi :”Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đuờng đi”. Nhân dịp này, Đức Giêsu cho biết Ngài là con đường đưa họ đến với Chúa Cha, qua Ngài họ mới có thể vào được Nước Trời nên mới nói :”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Ngài là con đường duy nhất dẫn tới sự sống.

Chúng ta hãy bước theo chân Chúa Giêsu. “Theo” ở đây không phải là một ý tưởng trừu tượng, như chấp nhận một học thuyết, một tư tưởng hay chỉ đi theo sau một người, mà có một ý nghĩa sinh động hơn, nghĩa là phải chấp nhận người mình theo, nhận lấy số phận người mình theo, gắn bó khăng khít với họ như “thuyền theo lái, gái theo chồng”(tục ngữ). Ngoài ra còn phải chia sẻ đời sống với người ấy, bất chấp những rủi ro xẩy ra, chấp nhận tất cả như cô gái nói với chàng trai :

Lên non thiếp cũng lên theo,
Tay vịn chân trèo hái trái nuôi nhau.
(Ca dao)

Đức Giêsu đã kêu gọi mọi người hãy đi theo Chúa vì chỉ mình Ngài mới có thể ban ơn cứu độ, mới có thể dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Tuy nhiên, muốn theo Chúa cũng cần phải có một số điều kiện, đòi họ phải kiên trung đến cùng, đừng để xẩy ra cảnh “giữa đường đứt gánh. Trước khi theo Chúa hãy suy nghĩ cho kỹ, giống như người định xây nhà, phải tiên liệu để hoàn thành, đừng để dở dang.

a) Từ bỏ mọi sự

Đức Giêsu kêu gọi mọi người hãy theo Ngài, lời kêu gọi ấy có tính cách hoàn toàn tự do, muốn theo hay không theo cũng được vì Ngài chỉ dùng chữ “nếu”, không có tính cách bắt buộc. Ngài nói :”Nếu ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Đã có trường hợp người ta không dám chấp nhận điều kiện Chúa đưa ra như trường hợp người thanh niên giầu có đến xin làm môn đệ Chúa, nhưng anh ta không thể chấp nhận được điều kiện này nên đã bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Đức Giêsu là Thiên Chúa giầu sang vô cùng đã muốn trở nên con người nghèo khó đến tuyệt cùng để chia sẻ số phận nghèo khó của con người. Chúa đã nói :”Con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu”(Mt 8,20 ; Lc 9,58) . Nếu yêu Chúa, muốn theo Ngài thì đòi buộc từ bỏ tất cả, từ bỏ chính con người của mình và chấp nhận mọi rủi ro trong khi theo Chúa. Chúng ta có dám can đảm chấp nhận điều kiện ấy không ?

Trong văn chương bình dân, người ta có đưa ra một hình ảnh tương tự như thế. Đó là trường hợp một người thanh niên nghèo được một thiếu nữ yêu thương muốn theo, anh ta cho biết là mình nghèo lắm, chỉ sống nhờ sự bố thí của người ta thôi, không có gì cả ; hay nói đúng hơn anh ta chỉ có cái nghề đi ăn mày thôi, có dám theo không, nên anh ta nói :
Lấy anh, anh sắm sửa cho :
Cái bị, cái bát, cái quạt mo đuổi ruồi.

b) Phải qua cửa hẹp

Theo Chúa thì đòi buộc phải hy sinh, hy sinh cả những cái được phép, có khi phải hy sinh cả thân mình và phải nhận đến cái chết. Theo Chúa là phải khép mình vào như Chúa nói :”Hãy vào qua cửa hẹp” (Mt 7,13-14 ; Lc 13,24) vì”Nước Trời chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh”, sức mạnh đây không phải là sức mạnh thể xác nhưng là sức mạnh tinh thần, phải chiến đấu kiên cường, không chịu lùi bước theo phương châm :”Per crucem ad lucem”.

Từ bỏ mình... Vác thập giá... là khoái khổ sao ? Không. Cần phải từ bỏ mình, thẳng thắn mà tuyên bố tiêu diệt cái “tôi” của chúng ta. . Thế nhưng không phải tiêu diệt “cái tôi” tốt lành, “cái tôi” chân thật. Đức Giêsu yêu cầu chúng ta hãy hiến cái tôi giả tạo mà chúng ta tạo nên bằng những nhu cầu vô ích và những phù phiếm trẻ con :”Đó là cái tôi, thánh Gioan Thánh giá nói, của những thèm muốn thúc giục chúng ta trở nên bất hạnh đối với chúng ta, khô khan đối với tha nhân, nặng nhọc và biếng nhác đối với các công việc của Chúa” (A. Sève, Sương mai, tr 209).

c) Vâng ý Cha trên trời

Theo Chúa thì không còn gì là của mình nữa vì đã phó thác trọn vẹn cho Chúa để hoàn toàn thuộc về Người. Trong mọi việc chúng ta chỉ còn biết làm theo thánh ý Chúa, ý Chúa trên hết theo như kinh Lạy Cha :”Vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời”. Vì thế, Đức Giêsu đã khuyên nhủ những người đã theo Ngài muốn vào được Nước Trời thì phải thi hành thánh ý Chúa :”Không phải cứ kêu lạy Chúa, lạy Chúa, mà được vào Nước Trời, mà chỉ có những ai thi hành ý Cha Ta ở trên trời”(Mt 7,21-23 ; Lc 6,46 ; 13,26-27).

Truyện : Cậu bé đánh trống.
Trận chiến giữa Pháp và hai nước liên kết Ý và Áo đầu năm 1796, kết liễu ngày 17.11.1796 như sau :

Đại tướng Bonaparte đưa quân đến một địa điểm, có cái cầu bắc qua trận tuyến địch. Trong lúc trận thế đang nguy, đại tướng Bonaparte hô tiến qua cầu. Không một ai qua ! Đại tướng xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn chân bước qua cầu, miệng hô :”Ai yêu tổ quốc thì theo ta”. Ngó lại, trên cầu chỉ có một mình mà lá cờ rách nhiều mảnh vì đạn của quân địch. Khi ấy có cậu bé mới 13 tuổi đánh trống thúc quân. Hai tay đập mạnh vào trống chân bước qua cầu theo đại tướng. Quân sĩ tràn theo qua cầu, đại tướng Bonaparte toàn thắng và cũng chấm dứt cuộc chiến tranh ấy.

Tám năm sau, Bonaparte đã là hoàng đế Napoléon trở lại chỗ cũ, có nghi lễ đón tiếp rất linh đình. Hoàng đế Napoléon muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 20 tuổi hiện trong quân đoàn tại đó.

Hỏi đến Vidal thì cậu đã nghỉ phép để đưa đám tang mẹ. Hoàng đế Napoléon đã bãi bỏ mọi lễ nghi quân cách, đi thẳng đến làng Vidal, theo sau đám tang đến huyệt, đọc bài điếu văn. Rồi đi bộ với Vidal trở về. Vidal từ chối và mời hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napoléon đáp :”Tám năm trước con đã liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên đường đau khổ, con cho ta theo con cho có bạn”(Ms Lê văn Thái, Những tia sáng, tập 1, tr 5).

Đạo là đường đưa dẫn đến sự sống chính là Chúa, và không có gian lao khổ cực nào làm cho ta chối bỏ được. Những tháng năm đầu thế kỷ 20 này, nhiều người đã gặp những anh hùng vô danh còn sống sót trên đất nước Việt nam chúng ta. Đó là các cụ ông, cụ bà trước đây đã bị bắt giam cầm, bị người ta rạch mặt lấy mực tầu xâm lên trên má hai chữ “Tả dạo”, đi đâu ai cũng nhận ra là người theo tả đạo ; nhưng đối với giáo dân, đây là biểu tượng của Đức tin kiên cường sáng chói.

Kinh Thánh ca tụng những vị anh hùng bất khuất đã kiên vững theo Chúa đến cùng : “Chúng ta hãy ca tụng những bậc vĩ nhân, những bậc tiền bối của chúng ta”(Gv 44.1), đã tin Đạo, đã sống Đạo, đã hy sinh vì Đạo, gương sáng chói cho chúng ta trên đường về Trời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhóm đối thoại ca ngợi các trường có học sinh và sinh viên Công Giáo và Hồi Giáo học chung
Bùi Hữu Thư
09:44 20/05/2011
VATICAN (CNS) -- Các tham dự viên trong nhóm đối thoại cho hay: Các trường học nơi có học sinh Kitô giáo và Hồi giáo học chung, như tại nhiều trường Công Giáo tại Trung Đông, phải được yểm trợ và qúy mến bởi cả hai cộng đồng vì đã cổ võ việc đối thoại và dẫn đưa đến tình thân thân hữu chân thành.

Các phái đoàn đại diện cho Vatican và Học Viện Hoàng Gia về Nghiên Cứu LiênTôn tại Jordan đã nhóm họp từ ngày 18 đến 19 tháng 5 để thảo luận về "các giá trị nhân bản và tôn giáo được các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo cùng chia xẻ trong một nền giáo dục chung."

Một tuyên cáo được Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn được phổ biến ngày 20 tháng 5 cho hay các tham dự viên khẳng định là "Các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo cùng chia xẻ các giá trị nhân bản nền tảng như tính chất thiêng liêng của đời sống con người, phẩm giá con người và các quyền căn bản không thể xâm phạm được xuất xứ từ đó."

Họ nói: ngay cả một số các giá trị hoàn toàn có tính cách tôn giáo cũng được Kitô giáo và Hồi giáo chia xẻ, mặc dầu không có chung những tín điều khác. Các chương trình giáo lý phải trình bầy rõ ràng những khác biệt này, nhưng không được có tính cách "chỉ trích hay chống đối."

Các tham dự viên nói: "Giúp cho giới trẻ bắt rễ sâu vào cá tính tôn giáo riêng của họ, sẽ dẫn đưa tới một căn tính an toàn không bị kẻ khác đe dọa.

Bản tin của cơ quan thông tấn Tòa Thánh cho hay các tham dự viên đăc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các trường tiểu học, trung học và đại học, nơi có học sinh và sinh viên Hồi giáo và Kitô giáo học chung.

Bản tin viết: "Một kinh nghiệm như vậy phải được bảo toàn và trân qúy, cũng vì đem đến cơ hội để tạo dựng các tình thân hữu mật thiết và lâu dài."
 
Uruguay: CELAM bầu ban lãnh đạo mới
Nguyễn Trọng Đa
10:04 20/05/2011
Montevideo – Ngày 18-5, các Giám mục của Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) tham dự Hội nghị thường kỳ lần thứ 33 tại Montevideo, Uruguay, đã bầu vị chủ tịch mới và các chức danh khác.

Đức Tổng Giám mục Carlos Aguiar Retes, tổng giáo phận Tlalnepantla, Mexico, làm chủ tịch mới của CELAM, thay thế Hồng y Raymundo Damasceno Assis, người Brazil, mãn nhiệm kỳ.

Đức Tổng Giám mục Retes sẽ làm chủ tịch nhiệm kỳ 2011-2015. Ngài cũng là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Mexico.

Ngài chào đời năm 1950, tại thành phố Tepic, Mexico. Ngài được truyền chức linh mục năm 1973 và đã được gửi đến Rome để học tại Trường Giáo Hoàng châu Mỹ Latinh.

Ngài trở về Mexico và làm Giám đốc Chủng viện Tepic từ năm 1978 đến năm 1991. Sau đó, Ngài trở lại Roma và lấy bằng tiến sĩ Thần Học Kinh Thánh tại Đại học Giáo hoàng Gregorian.

Từ năm 1996 đến năm 1997, Ngài là Giáo sư Kinh thánh tại Đại học Giáo hoàng Mexico, và phụ trách tòa nhà Gioan XXIII dành cho các linh mục cư trú.

Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Texcoco ngày 28-5-1997, và được tấn phong Giám mục ngày 29-6 cùng năm.

Ngoài ra, Hội nghị CELAM đã bầu các vị giữ các chức vụ khác là: Đức Tổng Giám mục Ruben Salazar Gomez, tổng giáo phận Bogota, Colombia, làm Phó chủ tịch thứ nhất; Tổng giám mục Dimas Lara Barbosa, tổng giáo phận Campo Grande, Brazil, làm Phó chủ tịch thứ hai; Giám mục phụ tá Santiago Silva Retamales, giáo phận Valparaiso, Chile, là tổng thư ký; Đức Giám mục Carlos Collazzi Irazabal, giáo phận Mercedes, Uruguay, chủ tịch Hội đồng Giám mục Uruguay, là Chủ tịch Ủy ban kinh tế của CELAM; Đức Tổng Giám Mục Ubaldo Santana Sequera, tổng giáo phận Maracaibo, Venezuela, là Chủ tịch Ủy ban đối thoại và hiệp thông Giáo hội; Đức Giám mục phụ tá Raul Martin, tổng giáo phận Buenos Aires, Argentina, là chủ tịch Ủy ban Sự sống và gia đình... (CNS, CNA 19-5-2011)
 
Roma: ĐTC đề nghị việc linh hướng cho mọi Kitô hữu
Phạm Kim An
10:05 20/05/2011
Phát biểu với các thành viên Phân khoa Thần học Giáo hoàng Teresianum của Dòng Carmêlô Đi Chân Đất (OCD) mừng 75 năm thành lập Phân khoa, ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh rằng linh đạo Công giáo phải tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, và đề nghị việc linh hướng cho mọi người Công giáo.

ĐTC nói: “Công việc của Phân khoa Thần học Teresianum mời gọi đặt Chúa Giêsu ở trung tâm của tất cả mọi sự - tình cảm và tư tưởng của anh em, thời giờ cầu nguyện, học tập và hoạt động, toàn bộ cuộc sống của anh em. Chúa Giêsu là Lời, là “cuốn sách sống động”, như Chúa đã là như vậy cho thánh nữ Têrêsa Avila, khi thánh nữ đã khẳng định: ‘Để học hỏi sự thật, không có cuốn sách nào khác hơn là Thiên Chúa’".

ĐTC tiếp tục:

"Vì thánh nhân đã không bao giờ thất bại khi thực hiện như thế, ngày nay Giáo Hội cũng tiếp tục đề nghị việc thực hành linh hướng, không chỉ cho tất cả những ai muốn theo Chúa sát sao hơn, nhưng còn cho mọi Kitô hữu muốn sống có trách nhiệm phép Rửa tội của mình, nghĩa là sống đời sống mới trong Chúa Kitô”.

Ngài nói: “Thật ra, tất cả mọi người, và một cách đặc biệt tất cả những người đã nhận được ơn gọi của Thiên Chúa để đi theo Chúa sát sao hơn, cần được hỗ trợ về cá nhân bởi một vị linh hướng vững chắc về giáo lý và một chuyên viên về hiểu biết Thiên Chúa".

"Một vị linh hướng có thể giúp anh em tránh khỏi các giải thích chủ quan, và giúp anh em có được nhiều kiến thức và cảm nghiệm trong việc đi theo Chúa Giêsu". (Catholic Culture 20-5-2011)
 
Nghĩa vụ cầu nguyện cho Giáo Hội tại Hoa Lục trên bờ vực ly giáo
Nguyễn Thanh
18:09 20/05/2011
Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa nơi Chúa Kitô “bị chối bỏ và bị bách hại.” Hãy cầu nguyện cho các Giám Mục tại nước này đừng “bị cám dỗ để chạy theo con đường ly khai khỏi Phêrô.” Hãy cầu nguyện xin Chúa “soi sáng cho những ai đang trong cảnh tối tăm, thức tỉnh những ai lầm lạc, an ủi những người bị thương tổn, củng cố những ai đang rơi vào cạm bẫy xảo trá của những lời dua nịnh xu thời.”

Đức Thánh Cha đã nói như trên hôm 18/5 trong lời hiệu triệu toàn thể các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới hãy cầu nguyện cho Giáo Hội tại Hoa Lục. Ngài nhấn mạnh rằng “cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc là một nghĩa vụ” của các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới vì “các tín hữu tại Trung Quốc có quyền được chúng ta cầu nguyện, họ đang cần lời cầu nguyện của chúng ta.”

Tình trạng của Giáo Hội tại Hoa Lục hiện nay rất nguy hiểm. Giám mục Phòng Hưng Diệu (Fang Xinyao - 房興耀) của giáo phận Lâm Nghi (Linyi - 臨沂), người được Tòa Thánh nhìn nhận, và giám mục trái phép Mã Anh Lâm (Ma Yinglin - 馬英林) đang đẩy Giáo Hội tại nước này đi dần vào con đường ly giáo bằng những cuộc tấn phong Giám Mục trái phép. Hôm 16/5 Lưu Bách Niên, chủ tịch danh dự của Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, đe dọa rằng Hội này sẽ cho bầu và truyền chức cho 10 Giám Mục theo nguyên tắc “tam tự”, bất cần sự phê chuẩn của Tòa Thánh.

Ủy Ban Quốc Tế về Tự Do Tôn Giáo tại Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết theo ước tính thì đến tháng 7 năm nay, Trung quốc sẽ có 1,336,718,000 dân. Trong đó, người Công Giáo chỉ chiếm từ 8 đến 12 triệu và các tín hữu Tin Lành khoảng 60 triệu. Như vậy, hiện nay các tín hữu Kitô chỉ chiếm khoảng 5% dân số.

Tuy nhiên, USCIRF nhấn mạnh rằng dân số Kitô Giáo tăng rất nhanh và đảng cộng sản Trung quốc coi sự phát triển mạnh mẽ của Kitô Giáo tại Hoa Lục là mối đe doạ nguy hiểm nhất cho sự tồn vong của chế độ.

Scott Flipse, chuyên gia về Trung Hoa của USCIRF cảnh cáo rằng: “Nếu quý vị thấy tại Nam Kinh (Nanjing - 南京) có một nhà in sách Kinh Thánh lớn nhất trên toàn thế giới thì đừng có mừng vội. Các viên chức Trung quốc ngày nay càng ngày càng tỏ ra khôn khéo trong việc sử dụng các ngôn ngữ nhân quyền và các thứ luật lệ để che đậy cho việc đàn áp các cộng đoàn tôn giáo. Phá hủy các nơi thờ tự, đánh đập các chức sắc, làm họ biến mất khỏi mặt đất, tra tấn và cưỡng bức tập trung lao động cải tạo vẫn là chuyện diễn ra hàng ngày.”

Tuy nhiên, theo Scott Flipse, trò quỷ quyệt và lưu manh nhất là “gây chia rẽ và lặng lẽ triệt tiêu sự gia tăng của các tôn giáo” bằng cách mua chuộc các chức sắc tôn giáo và đưa họ ra làm trò hề như những dấu chỉ phản chứng của niềm tin Kitô.

Thực vậy, điều nguy hiểm hiện nay đối với đời sống Giáo Hội tại Trung Hoa là trong khi hiểm hoạ ly giáo tại Trung quốc gần kề, các Giám Mục công khai tại nước này (trong số đó hơn 85% trong số họ đã được Tòa Thánh nhìn nhận) không dám lên tiếng chống lại khuynh hướng ly giáo hay đưa ra các chỉ dẫn đúng đắn cho các tín hữu được ủy thác cho họ chăn dắt.

Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy SDB, Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo, đã mạnh mẽ chỉ trích một số Giám Mục Trung quốc, là những người tuy được Tòa Thánh nhìn nhận, nhưng có thái độ “quá xu thời”, 'vâng lệnh' đảng và nhà nước hơn là tuân hành các hướng đi trong thư của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI gửi các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc hồi năm 2007.

Những lời lên án mạnh mẽ của Đức Thánh Cha đối với tình trạng tự do tôn giáo tại Hoa Lục và lời kêu gọi các tín hữu chú ý đến tình trạng tự do tôn giáo bi đát tại Trung quốc cho thấy đã có những thay đổi rõ rệt trong đường hướng của Tòa Thánh đối với cộng sản Trung quốc.

Trung Tâm Thánh Linh tại Hương Cảng ghi nhận rằng Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni người vừa lên thay Đức Hồng Y Ivan Dias trong chức vụ Tổng Trưởng bộ Truyền Giáo đã từng “thay mặt Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II để làm cầu nối giữa các cộng đoàn công khai và hầm trú tại Hoa Lục” trong suốt thời gian từ 1992 đến 2001. Theo Trung Tâm Thánh Linh, Đức Cha Filoni “là một gương mặt can đảm và tuân giữ nghiêm nhặt các nguyên tắc”.

Trong bài “The Crackdown Continues: The ongoing persecution of Christians in China” đăng trên Weekly Standard, Meghan Clyne nhận định rằng trong năm 2012, Trung quốc sẽ có những thay đổi trong hàng lãnh đạo. Phó chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping-習近平) được tin là sẽ được đề cử vào chức vụ chủ tịch nước. Đường lối ngoại giao của Vatican có lẽ là sẽ “chờ đợi và quan sát”. Tuy nhiên, khi ĐHY Ivan Dias nộp đơn xin nghỉ hưu theo luật định, Đức Thánh Cha đã nhanh chóng chấp thuận (một việc ít khi xảy ra) và cử Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni, một chuyên gia về Trung Hoa, thay thế. Điều này báo hiệu cho những phản ứng mạnh mẽ của Tòa Thánh trước những chèn ép của cộng sản Trung quốc chống lại người Công Giáo.

Trung quốc đã phản ứng rất dè dặt trước những lời chỉ trích của Đức Thánh Cha. Bà Khương Du (Jiang Yu -姜瑜), phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung quốc nói hôm thứ Năm 19/5, “Chúng tôi hy vọng Vatican có thể nhìn thẳng vào thực tại tự do tôn giáo tại Trung Hoa và sự phát triển liên tục của người Công Giáo Trung quốc, và thực thi những hành động cụ thể cũng như tạo những điều kiện cho những mối quan hệ giữa Trung Hoa và Vatican”.
 
Trung Quốc: Giáo phận Duyện Châu có tân giám mục
Tiền Hô
10:48 20/05/2011
20 Tháng Năm 2011 (UCANEWS) - Hôm nay, linh mục Gioan Lu Peisen, 45 tuổi, vừa được tấn phong làm Giám mục Duyện Châu, giáo phận vốn bị trống tòa trong sáu năm qua tại Trung Quốc.

Thánh lễ được cử hành tại Nhà thờ Thánh Giuse ở thành phố Tế Ninh, chủ tế là Giám mục Johan Fang Xingyao của Giáo phận Lâm Nghi - Chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc. Phụ phong là Giám mục Giuse Zhao Fengchang của Giáo phận Liêu Thành và Giám mục Giuse Li Mingshu của Giáo phận Thanh Đảo. Ngoài ra còn có Giám mục Giuse Zhang Xianwang của Giáo phận Tế Nam, Giám mục phó Giuse Yang Yongqiang của Giáo phận Chu Thôn và 41 linh mục đồng tế với khoảng 300 người hiện diện tại Thánh lễ này. Tất cả các giám mục này đến từ tỉnh Sơn Đông và đều được Vatican chấp thuận và chính phủ công nhận.

Giáo phận Duyện Châu đã khuyết giám mục kể từ khi Đức Giám mục Tôma Zhao Fengwu qua đời năm 2005.

Tân Giám Mục Lu cho biết ngài đang có kế hoạch xây dựng một nhà thờ chính tòa, phát triển công tác truyền giáo và khởi động lại công tác bác ái xã hội. Ngài cũng sẽ tiếp tục phục vụ tại Tiểu Chủng viện Thánh Linh ở thành phố Tế Nam, thủ phủ của tỉnh.

Sinh năm 1966 trong một gia đình Công giáo, Đức Giám mục Lu vào chủng viện năm 1984. Sau khi được thụ phong linh mục năm 1989, ngài làm linh mục quản xứ và sau đó làm việc tại tiểu chủng viện từ năm 1994 đến nay. Ngài là tổng thư ký của Hội Công Giáo Yêu nước tỉnh Sơn Đông và Ủy ban Sự vụ Giáo hội.

Giáo phận Duyện Châu hiện đang có 1 giám mục, 9 linh mục, 1 phó tế và khoảng 10.000 người Công giáo.

Một người Công giáo địa phương hy vọng rằng, vị tân giám mục sẽ dẫn dắt tất cả các linh mục hiệp nhất và tập trung vào việc loan báo Tin Mừng. Ông nói, "Tôi nguyện xin Thiên Chúa ban ơn cho giáo phận của chúng tôi để giáo phận có thể tìm lại sự huy hoàng mà mình từng có trong quá khứ". Ông này là nhân chứng trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Các số liệu thống kê năm 1948 cho thấy, Giáo phận Duyện Châu đã từng có 58.400 người Công giáo, do 82 linh mục và 131 nữ tu phục vụ.

Vùng đất này được ủy thác cho các vị thừa sai Ngôi Lời nước Đức vào năm 1882, sau đó hình thành nên Hạt đại diện Tông Tòa Lộ Nam (miền nam tỉnh Sơn Đông), rồi được đổi tên thành Duyện Châu vào năm 1925, cuối cùng nâng lên thành giáo phận vào năm 1946.

Một trong những người đi tiên phong tại đây là Thánh Giuse Freinademetz (1852-1908), ngài có cái tên là Trung Hoa là Fu Rouse. Còn vị thừa sai thường được người dân gọi là "bảo mẫu Thừa Sai Lộ Nam" là Thánh Arnold Janssen - đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời. Năm 2003, các ngài đã được phong thánh. Chân dung hai vị thánh này được treo bên trong nhà thờ Thánh Giuse.
 
Có nên cầu nguyện cho Osama bin Laden không?
Trần Mạnh Trác
15:57 20/05/2011
Ông Henry Borga là một giáo dân của giáo xứ Holy Name of Jesus Catholic Church ở West Palm Beach Florida mới đây đã bỏ ra $10.00 để xin lễ cho Osama Bin Laden vào Chúa Nhật này.

Vì Thánh Lễ Chúa Nhật là của cộng đòan cho nên những 'ý lễ' xin vào Chúa Nhật chỉ là những 'ý chỉ' cầu nguyện. Đây là ý chỉ thứ 5 của Chúa Nhật sắp tới.

Tin đồn loan ra, lập tức nhiều giáo dân nhao nhao phản đối, các hãng truyền thông cũng đổ xô tới khai thác câu chuyện.

"Cầu nguyện cho bin Laden ư? Chúa dậy tôi phải tha thứ là đã khó rồi, nhưng ai lại cầu nguyện cho hắn bao giờ? Có chăng là cử hành một 'lễ tạ ơn' vì Chúa đã cứu chúng ta thóat khỏi nanh vuốt của hắn thì có lý hơn"

"Dĩ nhiên mọi người là con cái Chúa, nhưng những tên như Hitler, Timothy Mcveigh, Stalin và bin Ladin có chắc là con cái Chúa không hay là con cái của Ma Quỉ?"

"Người Công Giáo chúng ta tin rằng lời cầu nguyện sẽ giúp các linh hồn nơi lửa Luyện Tội, nhưng bin Ladin không là Công Giáo và đã tìm giết người Công Giáo. Hắn không ở Luyện Tội đâu, hắn ở Hỏa Ngục rồi"

Cha xứ Gavin Badway cũng bối rối không kém, ngài tâm sự :"mới đầu tôi cũng cảm thầy kỳ (odd)" và ngài thông cảm với những người không muốn cầu nguyện cho bin Laden, nhưng ngài cũng cho biết mọi yêu cầu để được cầu nguyện phải được tôn trọng. "Chúng ta phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ chúng ta."

Mặc dù vậy giáo xứ vẫn phân chia.

"Chúng ta có phải là ngừơi Mỹ không? nếu phải thì hãy cư xử như những người khác là vui mừng nhẩy múa trước Tòa Bạch Cung, vẫy cờ Mỹ, và ca hát 'Hey, hey, hey, good bye,' với bin Laden chứ!"

Ông Henry Borga tự nhiên nổi tiếng, nhưng một lọai nổi tiếng trước búa rìu dư luận.

"Chắc đây là một đảng viên el-Queda đang bắn tin cho đồng bọn một hiệu lệnh nào đó?"

"Ít ra hắn củng là một cảm tình viên"

"Một tên khùng."

Riêng ông Borga thì cho tờ Palm Beach Post biết rằng ông chống lại những hành động của bin Laden "nhưng đức tin Công giáo dạy rằng mọi người dù tội lỗi đến đâu cũng vẫn xứng đáng được hưởng lòng thưong xót của Thiên Chúa."

Hành động của ông là để "kềm hãm lại những hân hoan thái quá trước cái tin về cái chết của bin Laden," thí dụ như những tiếng reo hò bên ngoài Tòa Bạch Cung.

Hân hoan chắc chắn phải là phản ứng tự nhiên của mọi người. Nhưng trong ánh sáng của lý trí thì những tiêng tung hô cuồng nhiệt như "Ding, Dong, bin Laden chết chết" là dấu hiệu chưa trưởng thành.

Cho nên ngay ngày hôm sau Tòa Thánh Vatican đã đưa ra một lời khuyên thận trọng: "Đối mặt với cái chết của một người, một Kitô hữu không bao giờ vui mừng, nhưng phải phản ánh về trách nhiệm nghiêm trọng của mọi người trước mặt Thiên Chúa và lòai người."

Đó là phản ảnh sách Châm ngôn 24:17: ". Đừng vui mừng khi kẻ thù ngươi ngã xuống, và đừng để cho trái tim ngươi hớn hở khi chúng vấp chân"

Lời kêu gọi của Tòa Thành đã được nhiều tiếng dội hậu thuẫn.

Trên tờ Huffington Post Mục Sư David Gushee viết rằng "chiến tranh chính là một bi kịch và tất cả những cái chết trong chiến tranh, ngay cả trong trường hợp tự vệ, phải được xử lý với một sự điềm tĩnh và thậm chí với việc than khóc."

Tiến sĩ Erica Brown, một học giả của Liên đoàn Do Thái vùng Washington DC cũng góp ý kiến về cái chết của các kẻ dữ. Bà nhắc lại một đọan sách Talmudic, là sách giải thích Thánh Kinh của Do Thái, có chuyện dụ ngôn khi mô tả giai đọan những quân binh Ai Cập bị chết đuối trong biển Đỏ: "Những thiên thần muốn vang lên lời ca chúc tụng, nhưng Thiên Chúa đã ngưng họ lại và nói 'tạo vật do Ta dựng nên đang bị chết đuối trong biển cả, vậy cớ gì mà chúng khanh lại muốn ca hát ?'" Bà Brown viết tiếp "Khi sách Khải Huyền viết là con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì có nghĩa là không có ai duy nhất là một ngoại lệ."

Sự tha thứ không có vẻ tự nhiên và không công bằng. Nhưng phải hiểu rằng sự tha thứ không chỉ là cho kẻ thù, mà cũng chính là vì lợi ích của chúng ta. Tha thứ sẽ làm giảm bớt những dằn vặt đau buồn đi kèm với sự giận dữ và sợ hãi.

Điều đó không có nghĩa là những người đã mất người thân vì khủng bố có thể tha thứ ngay cho bin Laden. Tha thứ sẽ dễ dàng hơn nếu kẻ phạm tội bày tỏ dấu hiệu hối cải. Do đó một số tín ngưỡng như Hồi Giáo cho phép những trường hợp ngoại lệ, cho rằng có những hành vi của một số người quái ác thì không tha thứ được. Nhưng Kitô giáo, với tấm gương của Chúa Giêsu xin Đức Chúa Cha tha cho kẻ giết mình trên thập giá, thì không thể giải thích cách khác được.

Phải chăng ông Henry Borga đã cảm nhận được đạo lý này và muốn thực hành nó? Trong cácThánh Lễ chúng ta luôn cầu nguyện cho các vị lãnh đạo quốc gia, cho nạn nhân chiến tranh và thiên tai, cho thân nhân và giáo hữu, và cả cho sự hóan cải của kẻ thù. Nhưng chúng ta chưa bao giờ cầu nguyện cho kẻ thù vì họ vẫn là kẻ thù, mặc dù đó là một tấm gương từ chính Chúa Giêsu. Có lẽ đây là lúc tốt nhất để bắt đầu.
 
Top Stories
Fr Nguyễn Văn Long: from Boat Person to Auxiliary Bishop of Melbourne
VietCatholic
08:46 20/05/2011
May 20, 2011

The Congregation for Bishops
and the Archdiocese of Melbourne
have announced the appointment of
Fr. VINCENT VAN LONG NGUYEN
the present Assistant General for FAAMC
Auxiliary Bishop for the Archdiocese of Melbourne, Australia

Friar Vincent was born in Gia Kiem, Vietnam, on December 3, 1961, and made temporary profession on December 8, 1984. He made Solemn Vows on January 14, 1989, and was ordained to the Priesthood on December 30, 1989. Fra Vincent served as a Pastor for many years, and was the General Custos of Australia from October 2005 until his election as Assistant General of the FAAMC Federation on September 21, 2010.

The Episcopal Ordination is scheduled for Thursday, June 23, 2011in the Cathedral of Melbourne, Australia.

In the name of the Minister General, his Definitory, and all the Friars of the Order, best wishes and the promise of a fraternal accompaniment in prayer.

Friar Vincent Marcoli
Secretary General

From Boat Person To Catholic Bishop

Friday 20 May 2011

A Vietnamese refugee who came to Australia in a refugee boat has been appointed a Catholic Bishop in the Archdiocese of Melbourne. Bishop Vincent Long Van Nguyen was 18 years old when he, and his family, fled communism in 1980.

The Apostolic Nunciature in Australia advised Archbishop Denis Hart yesterday that Pope Benedict XVI has appointed Fr Vincent Long Van Nguyen OFM Conv as Auxiliary Bishop in the Archdiocese of Melbourne.

Welcoming the appointment, Archbishop Denis Hart said today: "The appointment of Bishop Vincent as auxiliary in Melbourne is a historic one. He escaped from Vietnam by boat as a young man, came to Melbourne, joined the Conventual Franciscans, and has already given distinguished service as a pastor in Springvale, as a leader in his order and has made a generous and gifted contribution to the Church.”

“We welcome him warmly as he returns from Rome, and look forward to his ordination as Titular bishop of Tula in St Patrick's Cathedral on Thursday 23 June at 7.30pm. He is in our prayers at this important moment."

After the fall of Saigon, three brothers settled in Holland, a sister is still in Vietnam and his parents and a brother and a sister are in Melbourne.

In 1983, Bishop Nguyen became a Conventual Franciscan friar and studied for the priesthood in Melbourne.

After his priestly ordination on 30 December 1989, he was sent to Rome for further studies and was awarded a licentiate in Christology and Spirituality from the Pontifical Faculty of St Bonaventure.

He served as a parish priest for 4 years in Kellyville NSW and for 7 years in Springvale.

He was elected superior of the Order of Friars Minor Conventuals in Australia in 2005.

Since 2008, he has been in Rome serving as Assistant General, responsible for the Asia-Oceania section of order.

The Bishop returns to Melbourne from Rome at the end of May.
 
Chine: Dans un climat tendu, Pékin évoque un problème politique tandis que le pape appelle l’Eglise à prier pour les catholiques en Chine
Eglises d'Asie
10:46 20/05/2011
Eglises d'Asie, 20 mai 2011 - 19 mai, la porte-parole du ministère chinois des Affaires étrangères a en effet déclaré que la Chine « espérait que le Vatican pourra[it] admettre la réalité de la liberté de culte et du développement du catholicisme en Chine et qu’il créera[it] par des actions concrètes les conditions du développement des relations entre la Chine et le Saint-Siège ».

Ce faisant, le gouvernement chinois a placé le débat sur le terrain de la diplomatie et des libertés, là où le pape Benoît XVI avait pris soin de s’adresser non aux dirigeants politiques, mais aux catholiques, plaçant les enjeux sur le terrain de la foi. Le 18 mai, au terme de sa catéchèse en différentes langues, le pape a en effet longuement évoqué la journée mondiale de prière pour les chrétiens de Chine, fixée au 24 mai de chaque année (2), n’hésitant pas à évoquer sans détours leur situation difficile : « Là comme ailleurs, a-t-il déclaré, le Christ vit sa passion. Alors qu’augmente le nombre de ceux qui L’accueillent comme leur Seigneur, le Christ est rejeté, ignoré ou persécuté par d’autres : ‘Saul, Saul, pourquoi me persécutes-tu ?’ (Actes 9,4). »

Le pape fait de la prière des chrétiens dans le monde pour l’Eglise en Chine un devoir : « Ces fidèles ont droit à notre prière, ils en ont besoin. » Benoît XVI dresse un parallèle entre la force agissante de la prière à l’époque des Apôtres et la situation aujourd’hui : « Nous savons des Actes des Apôtres que, lorsque Pierre était en prison, tous avaient prié avec force et obtenu qu’un ange le libère. Nous aussi faisons de même : prions intensément tous ensemble pour cette Eglise, confiants que, par la prière, nous pouvons faire quelque chose de très réel pour elle. »

Ce qui est en jeu actuellement est « l’unité (des catholiques chinois) avec l’Eglise universelle ». Cette unité est voulue par les catholiques chinois (« ils l’ont dit de nombreuses fois »), mais c’est bien la prière qui peut « obtenir que l’Eglise en Chine demeure une, sainte, catholique, fidèle et ferme dans la doctrine et la discipline ecclésiale ». L’appel du pape ne s’adresse en effet pas aux dirigeants chinois, mais aux évêques de l’Eglise de Chine : « Nous savons que, parmi nos frères évêques, certains souffrent et sont soumis à des pressions dans l’exercice de leur ministre épiscopal. A eux, aux prêtres et tous les catholiques qui rencontrent des difficultés pour professer librement leur foi, nous exprimons notre proximité. » Le ton est donc celui de la sollicitude, la prière de tous devant permettre aux évêques de « dépasser la tentation d’un chemin indépendant de Pierre » pour choisir, le cas échéant, celui du martyre, même si le mot n’est pas ici prononcé : « La prière peut obtenir pour nous et pour eux, la joie et la force d’annoncer librement et de témoigner de Jésus Christ crucifié et ressuscité, l’homme nouveau, vainqueur du péché et de la mort. »

Le pape termine en s’adressant à la Vierge Marie : « A Marie, je demande d’éclairer ceux qui sont dans le doute, de ramener les égarés, de consoler les affligés, de fortifier ceux qui sont empêtrés par les flatteries de l’opportunisme. Vierge Marie, Secours des chrétiens, Notre Dame de Sheshan, prie pour nous ! » (3).

Dès le lendemain, le 19 mai au matin, un des principaux sites Internet catholiques de Chine, Catholic Online (www.chinacath.org), mettait en ligne une traduction en chinois du texte prononcé par le pape lors de l’audience du mercredi. Selon les dernières informations disponibles, le texte n’a pas été retiré – comme cela a pu arriver par le passé pour des informations sensibles – et la partie réservée aux commentaires est restée ouverte, ce qui laisserait penser que les services chinois cherchent à connaître l’état d’esprit de la communauté catholique après qu’elle a pris connaissance de la parole papale.

Pour le moment, la vie de l’Eglise en Chine se poursuit : le 20 mai, dans la province du Shandong, un évêque « officiel » a été ordonné. Il s’agit du P. John Lu Peisen, 45 ans, ordonné évêque pour le diocèse de Yanzhou, un siège épiscopal vacant depuis le décès de Mgr Thomas Zhao Fengwu en 2005. Consacré évêque avec l’accord de Rome, Mgr John Lu Peisen a été ordonné par trois évêques qui sont en communion avec le pape, les deux autres évêques présents lors de la messe d’ordination étant eux-aussi reconnus par Rome. Le président de la Conférence des évêques « officiels », Mgr Joseph Ma Yinglin, qui a été ordonné évêque sans mandat pontifical, avait opportunément fait savoir qu’il ne pourrait pas prendre part ou assister à l’ordination de Mgr Lu Peisen, des affaires concernant son diocèse de Kunming l’appelant ce jour-là à être présent au Yunnan (sud-ouest de la Chine). Le 19 mai, Mgr Ma Yinglin avait déclaré qu’une des tâches de la Conférence épiscopale, dirigée maintenant par des évêques issus des « jeunes générations », était, entre autres, de « choisir les candidats à l’épiscopat de manière prudente et sérieuse selon la tradition de l’Eglise et les règlements de la Conférence des évêques catholiques de Chine ».

(1) Voir la dépêche diffusée par EDA le 17 mai 2011
(2) Dans sa Lettre aux catholiques de Chine du printemps 2007, le pape Benoît XVI avait demandé que le 24 mai, fête de Marie, Secours des chrétiens, fête du sanctuaire marial de Sheshan (situé à proximité de Shanghai), devienne une journée de prière pour l’Eglise en Chine. Ce jour-là, les chrétiens dans le monde entier sont donc invités à invoquer la Vierge pour l’Eglise qui est en Chine.
(3) Benoît XVI reprend ici un mot (« opportunisme ») qu’avait utilisé, le 1er avril, dernier Mgr Savio Hon Tai-fai, prêtre salésien de Hongkong nommé en décembre 2010 secrétaire de la Congrégation pour l’évangélisation des peuples. Dans une interview à L’Avvenire, Mgr Hon avait déclaré que, parmi les évêques de Chine continentale, « malheureusement le nombre des opportunistes avait augmenté » ; il avait aussi déploré que, parmi les nouveaux évêques, des nominations « de compromis » avaient été ces derniers temps concédées par Rome.Voir EDA 549

(Source: Eglises d'Asie, 20 mai 2011)
 
Press Release: Vietnam, Laos: Attack Helicopters Unleashed Death on Hmong in Dien Bien Vietnam, Laos Border
Helen Cruz
16:27 20/05/2011
Center for Public Policy Analysis (CPPA)
info@centerforpublicpolicyanalysis.org
Contact: Helen Cruz- Tele. (202) 543-1444

May 21, 2011, Dien Bien Province, Vietnam, Phongsali, Laos, and Washington, D.C. -- The Socialist Republic of Vietnam (SRV) has unleashed attack helicopters on unarmed Vietnamese civilians and those suspected of participating in mass rallies involving an estimated 8,500 Viet-Hmong protesters, including thousands of Catholic, Protestant Christian and animist religious believers seeking human rights and land reforms. Today, newly deployed squadrons of MI-24 “Hind” helicopter gunships flew bloody combat sorties against ethnic Hmong villagers and protesters fleeing into the rugged interior of Dien Bien province and across the border into Laos, according to the Center for Public Policy Analysis and Hmong and Vietnamese sources in Vietnam and Laos.

An estimated thirty-four (34) Soviet-era “HIND” MI-24 assault helicopters remain in the SRV’s current arsenal. Older MI-8 helicopters have also been deployed. Special units of the Vietnam People’s Army, including “Dac Cong” special forces units with Viet-Hmong translators, have been mobilized to assist heliborne troops in tracking, arresting, interogating and summarily executing suspected Hmong demonstrators who have fled into the rugged interior.

“Our Hmong people are being attacked without mercy and killed and wounded by the helicopters sent from Hanoi to machine gun and bomb their villages and pursue them into the mountains and jungles of Dien Bien province in Vietnam and Laos,” said Christy Lee, Executive Director for Hmong Advance, Inc.

Ms. Lee stated further: "Some Vietnamese clerics with ties to the Vietnamese Ministry of Interior, and secret police, have join Vietnamese government officials in declaring that all of the Hmong protestors are cult members and irredentists, a theme often repeated by Hanoi’s state-run media, and parroted by the official propaganda apparatus, to justify the use of armed force against ethnic Hmong-Vietnamese and Vietnamese Christians who have previously joined peaceful Catholic and mainstream Protestant demonstrations, including demonstrations in Hanoi in previous years for religious freedom and government reforms. "

“What have the Viet-Hmong people done wrong that would allow them to be slaughtered and attacked by the Vietnamese military and police, and why has the government in Hanoi escalated the attacks with these new helicopters being deployed against many innocent Catholic, mainstream Protestant Christians and Animist believers who participated in recent protests,” Ms. Lee said.

“Many of the Hmong Catholics and other Christian believers, gathered, in part, on May 1st in honor of Pope John Paul’s beatification and in support of land reforms and religious freedom,” Ms. Lee said. http://www.onlineprnews.com/news/139559-1305659370-vietnam-forces-kill-72-hmong-hundreds-arrested-and-flee.html

“Do they deserve to be attacked by armed force by the Army for their non-violent appeals for civil rights, human rights and reform?” Ms. Lee questioned.

"On the Laos side of the border, next to Dien Bien province, Vietnam People's Army troops, and special advisors and police, are active and working with the Lao People's Army, along the Vietnam-Laos border area in the Laotian provinces of Luang Prabang and Phongsali, to help with military operations to seal the border area off from independent journalists and newsmedia and to arrest or attack the Hmong who have attempted to flee," said Bounthanh Rathigna of the United League for Democracy in Laos (ULDL). http://www.onlineprnews.com/news/136891-1304943947-vietnam-army-kills-14-more-hmong-prostesters-hundreds-more-missing.html

“The General Staff of Vietnam's armed forces and the Ministry of Defense in Hanoi, including General Phung Quang Thanh, appear to be alarmed and have apparently ordered the deployment of significant numbers of the very lethal MI-24 attack helicopters to fly additional strafing and bombing sorties against the Hmong people fleeing Vietnam's military crackdown in the Dien Bien province area,” said Philip Smith, Executive Director of the Center for Public Policy Analysis (CPPA) in Washington, D.C. http://www.centerforpublicpolicyanalysis.org

“M-24 ‘Hind” attack helicopters are now being deployed by Hanoi to fire their machine guns and launch deadly rockets at the Hmong who are fleeing into the rugged mountain interior of Dien Province and across the border into Laos,” Smith said.

“Today, two Hmong mountain villages, and several enclaves, in Vietnam were attacked by helicopter gunships and we are awaiting final casualty figures since there were more killed and many wounded in the havoc and the aftermath of the aerial bombardment.” “Viet-Hmong casualties and those arrested by Vietnam People's Army soldiers continue to mount with each passing day as the military continues its bloody crackdown and security operations in Dien Bien province have intensified,” Smith stated.

“Vietnam's Minister of Defense, General Phung Quang Thanh, and others in the military and politburo, are concerned about mass demonstrations spreading to the general population who may also appeal for reforms, greater freedom and regime change in Vietnam and Laos,” Smith commented.

Smith explained: “By pursuing a policy of using overwhelming, violent, armed force against the peaceful Hmong demonstrators, Communist party officials and the military elite in Vietnam are hoping to bring things to a rapid conclusion in the Dien Bien area, but they cannot control the crisis situation because of the mountainous terrain and determination of many of the Vietnamese and Hmong demonstrators who have dispersed. What if the demonstrations in Dien Bien, and their demands for reform, spread to other parts of Vietnam and Laos ? Cozy Communist party officials in Hanoi fear that the ethnic Hmong and other minority populations in the Hanoi and Red River Delta area, and other parts of Vietnam, will join together with other ordinary Vietnamese citizens in calling for greater religious freedom, human rights, political reforms and in opposition to corrupt and draconian government policies, including the recent violence directed against the Viet-Hmong Christians and other citizens in Dien Bien.”

“We are also concerned that the Lao People's Army, lead by Vietnamese troops and advisors, has mobilized in Luang Prabang Province and the Phongsali area in Laos, in support of the efforts to seal off Dien Bien province to journalists and assist in interdicting and capturing Hmong demonstrators fleeing Vietnam,” Smith concluded.

Vietnam has sealed key areas of Dien Bien province off to independent journalists as it continues military operations against targeting the Viet-Hmong citizens who engaged in peaceful, non-violent protests that began earlier this month. Protesters were demanding greater religious freedom, land reform, human rights and an end to illegal logging and the exploitation of their lands and resources by Vietnam People's Army-owned companies.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
LM Vincentê Nguyễn Văn Long đượ bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá TGP Melbourne
VietCatholic
10:42 20/05/2011
ROMA - Hôm nay, ngày 20.5.2011, Đức Thánh Cha vừa bổ nhiệm Linh mục Vincentê Nguyễn Văn Long, hiện là Phó Tổng quyền Dòng Phanxicô làm Giám mục ohụ tá TGP Melbourne, Úc châu.

Cha Vinventê sinh ngày 3.12.1961 tại Gia Kiệm, giáo phận Xuân Lộc.

Năm 1980 khi được 18 tuổi, anh Long cùng gia đình đã trốn Cộng sản và đã vượt biên làm thuyền nhân và được định cư tại Úc.

Khi đó, 3 anh em của tân giám mục được định cư tại Hòa Lan, còn một người em gái vẫn còn tại Việt Nam, và một em gái khác hiện đang sống tại Melburne.

Năm 1983, anh Long gia nhập Dòng Phanxicô (Order of Friars Conventuals) và khấn tạm ngày 8.12.1984. Khấn trọn đời ngày 14.1.1989 và được thụ phong linh mục ngày 30.12.1989.

Sau khi thụ phong linh mục, Cha Long được gửi sang Roma du học và được cấp bằng về Kitô học và Linh đạo do trường Giáo hoàng học viện St. Bonaventura.

Trở về Úc, Cha được bổ nhiệm coi xứ đạo ở Kellyville NSW 4 năm và ở Springdale 7 năm.

Đến năm 2005, Cha Long được bầu làm Bề trên Tổng Quản Dòng Phanxicô tại Úc.

Từ năm 2008, Cha được chọn sang Roma làm Phó Tổng Quyền của Nhà Dòng, đặc trách về Á châu và Đại Dương Châu.

Lễ phong chức cho tân giám mục sẽ được cử hành ngày 23.6.2011 tại nhà thờ chính tòa Melbourne, Úc châu.

Hiện Cha Long đang sống tại Roma và sẽ trở về Úc vào cuối tháng 5 này.

Theo Niên Giám 2011 của Tòa Thánh, tổng giáo phận Melbourne hiện do Đức TGM Denis James Hart, 70 tuổi, coi sóc và có 1.085.000 tín hữu Công Giáo trên tổng số 3.844.000 dân cư, với 229 giáo xứ, 3 GM phụ tá, 561 linh mục triều và dòng, 1.232 nữ tu.
 
Bản góp ý của TGP Saigòn về xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2005 NĐ-CP
+ ĐHYGioan B. Phạm Minh Mẫn
09:37 20/05/2011
TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu . Q 3
Thành phố HCM
( (84.8) 3930 3828
Fax (84.8) 3930 0598
E.mail : tgmsaigon@vnn.vn


BẢN GÓP Ý XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH THAY THẾ NGHỊ ĐỊNH SỐ 22/ 2005/ NĐ-CP

Kính Gửi: Ngài Thủ Tướng Chính Phủ
Qua Ban Tôn Giáo Chính Phủ

Chúng tôi nhận được Lời mời của Ban Tôn Giáo Chính phủ tới dự Hội thảo góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 22/2005/NĐ-CP ngày 01/03/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Về Tín ngưỡng, Tôn giáo, vào lúc 8 giờ, ngày 26/04/2011 tại Hội trường C8, Nhà khách T8, 145 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi đến dự chúng tôi hoàn toàn bị động vì không có thời gian đủ để tìm hiểu bản dự thảo (lần 5). Theo ý kiến của mọi người dự cuộc hội thảo, chúng tôi về tìm hiểu, nghiên cứu bản Dự thảo để góp ý kiến xây dựng.

Ngày 13/05/2011 với sự hiện diện của đại diện các Giáo Phận Xuân Lộc, Phan Thiết, Đà Lạt, Phú Cường, Tp. HCM, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Cần Thơ thuộc Giáo tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chủ toạ của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có buổi hội thảo đóng góp ý kiến thẳng thắn và nhất quán.

Trải qua thực tế các sinh hoạt tôn giáo từ sau khi Pháp Lệnh Năm 2004 Về Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị Định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp Lệnh ra đời, có những mặt tích cực nhưng cũng có nhiều bất cập thậm chí gây bất công cho các Tôn Giáo và các chức sắc trong các sinh hoạt tôn giáo thuần tuý và các nỗ lực trong việc tham gia xây dựng phát triển đời sống con người, xã hội và Đất nước. Vì thế, xin gửi đến quí vị bản ý kiến chung của Giáo tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

1. “Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (Xem Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI). Khẳng định này đặt con người làm mục đích và trọng tâm của mọi hoạt động, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống Pháp Luật trên nền tảng Pháp trị mà Đảng và Nhà Nước đang nỗ lực phát triển. Luật phải thực sự “vị nhân sinh”, mang tính tôn trọng sự sống, nhân phẩm và nhân quyền, tôn trọng sự bình đẳng giữa mọi thành phần và giai cấp xã hội, tôn trọng sự tự do làm người hữu ích cho cộng đồng xã hội, hướng đến một trật tự xã hội nhân bản hơn.

2. Từ Hiến Pháp đến Pháp Lệnh Về Tín ngưỡng, Tôn giáo đều khẳng định : “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”. Nhưng thực tế ngay trong các điều khoản của Pháp Lệnh năm 2004 và nghị định 22/2005/NĐ-CP đã có nhiều bất cập và bất bình đẳng đối với các Tôn giáo và các chức sắc. Đó là Nhà nước công nhận sự hiện diện, tồn tại của các tôn giáo nhưng không công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo và các chức sắc. Do đó, chức sắc tôn giáo không được hưởng nhận những quyền công dân như các công dân khác và quyền đại diện cho tổ chức tôn giáo trước mặt pháp luật. Đồng thời, tổ chức tôn giáo không được hưởng quyền pháp nhân như các tổ chức xã hội hợp pháp khác theo hiến pháp và pháp luật. Vì thế, pháp luật cần phải xác định rõ ràng tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo và các chức sắc. Các tổ chức tôn giáo và chức sắc bị hạn chế; thay vì được hưởng những quyền lợi chính đáng thì phải đi xin những quyền đó như tự do tổ chức lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, đào tạo, phong chức …

3. Pháp lệnh qui định tài sản hợp pháp thuộc các cơ sở tôn giáo được pháp luật “bảo hộ”; nhưng trong thực tế không có văn bản pháp qui nào trình bày rõ ràng thế nào là bảo hộ và quyền lợi về phía tôn giáo được bảo hộ như thế nào. Từ đó dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở và đất đai của các tôn giáo bị chiếm dụng bất công. Luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Vì vậy, cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17). ( Xem Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Về Một Số Vấn Đề Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay công bố ngày 25.09.2008). Các tổ chức tôn giáo có quyền làm chủ tài sản và đất đai, đồng thời họ cũng phải nhận trách nhiệm của mình đối với xã hội về những tài sản đó.

4. Các tôn giáo đều có lý tưởng phục vụ con người và xã hội ngày càng thăng tiến hơn. Do đó, các tổ chức tôn giáo đều có các hoạt động xã hội, đặc biệt trong lãnh vực y tế và giáo dục. Theo Pháp Lệnh và Nghị định, các Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật nhưng lại chỉ hạn chế trong một số lãnh vực. Trong khi đó, với đường hướng phát triển xã hội hoá ngày nay, ngay cả công dân và tổ chức nước ngoài cũng được phép mở bệnh viện, mở trường học tới cấp đại học. Do đó, chúng tôi đề nghị các tổ chức tôn giáo phải được pháp luật nhìn nhận bình đẳng với các pháp nhân khác, trong lãnh vực y tế và giáo dục.

5. Nhìn chung Dự thảo Nghị Định thay thế Nghị Định 22/2005 (lần 5) là một sự thụt lùi nặng nề so với Nghị Định 22/2005, Pháp Lệnh Về tín ngưỡng, tôn giáo và Hiến Pháp. Thực chất, những dự định thay đổi của Nghị định muốn tái lập tình trạng Xin – Cho trong các sinh hoạt tôn giáo. Cơ chế Xin – Cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép. Như thế cơ chế Xin – Cho vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.


Trên đây là môt số góp ý căn bản với lòng chân thành, Giới Công giáo chúng tôi muốn xây dựng một hệ thống pháp luật ngày càng tiến bộ, thực sự vì dân, do dân, nhờ đó mà đất nước ngày càng phát triển cách bền vững. Chúng tôi hiểu rằng mọi vấn đề trong xã hội đều phải có quá trình phát triển khách quan của nó. Tinh thần thượng tôn Pháp luật cũng thế, muốn có sự phát triển cần phải can đảm thay đổi não trạng, cần phải có sự tôn trọng chân lý khách quan và thực sự thay đổi từ chính nền tảng căn bản của nền pháp trị chứ không chỉ ở các qui định hay nghị định dưới luật.

Trân trọng kính chào.

Làm Tại Toà Tổng Giám Mục TP.HCM ngày 13 tháng 05, năm 2011

Gioan Baotixita PHẠM MINH MẪN
Hồng y Tổng giám mục
Đã ký

Thư ký
Lm. Giuse M. LÊ QUỐC THĂNG
Trưởng Ban Công lý và Hoà Bình Tổng giáo phận Tp.HCM
Đã Ký

------------------------------------------------------

DƯỚI ĐÂY LÀ PHẦN GÓP Ý CỤ THỂ:

Xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị Định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005
hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo

PHẦN I: NHỮNG ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI NỘI DUNG NĐ 22/2005/NĐ-CP NGÀY 01/3/2005 (sau đây gọi tắt là NĐ 22/2005).

Ghi chú: Để thuận tiện cho việc theo dõi. Các điều có đề nghị sửa đổi được ghi
theo thứ tự của Dự thảo Nghị định (Dự thảo 5) Qui định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, sau đây được gọi tắt là Dự
thảo Nghị định và chỉ ghi tựa của các điều, không trích dẫn nội dung.

Điều 5. Đăng ký hoạt động tôn giáo

Điều 6. Hoạt động tôn giáo của tổ chức sau khi được cấp đăng ký

Nhận xét:

Việc công nhận tổ chức tôn giáo chỉ có trong PL TNTG 2004 (Đ16). Tuy nhiên Điều
39 qui định rằng : Tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công
nhận trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thì không phải làm thủ tục công nhận
lại. Đa số các tôn giáo hiện hữu như Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Hồi giáo,
Cao đài, Hoà hảo đều đã được công nhận trước đây. Như vậy là qui định tại điều
16 chỉ áp dụng cho các tôn giáo mới đăng ký.

Nghị định của Chính phủ số 22/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 hướng dẫn thi
hành một số điều của PL TNTG 2004, theo qui định tại điều 6 thì “Để được hoạt
động tôn giáo, tổ chức có trách nhiệm gởi hồ sơ đăng ký đến cơ quan nhà nước có
thẩm quyền”. Hồ sơ đăng ký gồm nhiều loại giấy tờ và số liệu, trong đó đáng chú
ý là phải có cả số lượng tín đồ vào thời điểm đăng ký. Dự thảo Nghị định tại
Điều 5 còn qui định “Được hình thành hoặc du nhập vào Việt Nam từ hai mươi năm
trở lên”.

Qui định như vậy chỉ phù hợp với những tổ chức tôn giáo đã tồn tại trước đây
nhưng vì lý do nào đó chưa đăng ký chứ không phù hợp với những tổ chức tôn giáo
mới du nhập hay mới phát sinh ở Việt Nam. Lý do là vì theo điều 7 (NĐ số
22/2005/NĐ-CP) chỉ sau khi được cấp đăng ký, các tổ chức tôn giáo mới được “tổ
chức các cuộc lễ tôn giáo, thực hiện lễ nghi, truyền đạo, giảng đạo tại các cơ
sở tôn giáo đã đăng ký”. Qui định như vậy chẳng khác nào buộc tổ chức mới đó
phải truyền đạo, giảng đạo bất hợp pháp để có một số lượng tín đồ và trong suốt
thời gian chờ đăng ký thì hoạt động đều là bất hợp pháp.

Đề nghị : chỉ nên qui định số lượng tín đồ cần phải có khi đề nghị công nhận tôn
giáo mà thôi và bỏ điều kiện về thời hạn 20 năm mới được đăng ký.

------------------------------------------

Điều 7. Công nhận tổ chức tôn giáo

Nhận xét: Về nội dung công nhận tôn giáo : PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 và Nghị
định hướng dẫn thi hành số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 đều không nói rõ nội
dung công nhận tôn giáo là gì. Dự thảo Nghị định cũng qui định tương tự. Từ công
nhận ở đây chưa rõ nghĩa. Nếu sự công nhận chỉ là công nhận sự tồn tại hợp pháp
của tổ chức tôn giáo thì đối với các tôn giáo đã tồn tại từ lâu, việc công nhận
này không có ý nghĩa gì. Chúng tôi cho rằng công nhận phải là công nhận tư cách
pháp nhân của tổ chức tôn giáo (như qui định pháp nhân trong Bộ Luật dân sự) để
các tôn giáo có thể hoạt động hợp pháp cũng như quản lý hợp pháp các tài sản của
mình. Rất tiếc vấn đề pháp nhân của các tổ chức tôn giáo chưa được đề cập trong
bất cứ văn bản pháp luật nào. Còn trong thực tế thì nhà nước đã có những quyết
định công nhận tư cách pháp nhân của một số tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên xem xét
nội dung của các quyết định đó thì thấy rằng nội dung chỉ là công nhận hiến
chương của tổ chức tôn giáo và Ban trị sự hoặc chức sắc chứ không phải là công
nhận tư cách pháp nhân theo Bộ Luật dân sự. Như vậy là có độ vênh giữa khái niệm
pháp nhân trong quyết định công nhận tư cách pháp nhân của một số tổ chức tôn
giáo với qui định về pháp nhân của Bộ Luật dân sự.

Đề nghị: Đề nghị nghiên cứu việc công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn
giáo theo Bộ Luật dân sự 2005.

---------------------------------

Điều 10. Con dấu của tổ chức tôn giáo

Nhận xét: Việc cấp con dấu cho các tổ chức tôn giáo và các tổ chức trực thuộc
được công nhận là hợp lý. Điều quan trọng là phải công nhận tư cách pháp nhân
cho tổ chức tôn giáo, trong đó qui định rõ tổ chức tôn giáo cấp nào sẽ được công
nhận là pháp nhân.

Đề nghị: Đề nghị nghiên cứu việc công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn
giáo theo Bộ Luật dân sự 2005, từ đó việc cấp con dấu sẽ hợp lý và chính xác
hơn.

-------------------------------------------------

Điều 13. Thành lập trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo
Nhận xét : Việc xin phép thành lập trường đào tạo là hợp lý. Vấn đề là tiêu
chuẩn thế nào để được chấp thuận thì chưa rõ nên việc xin phép dễ rơi vào cơ chế
xin-cho.

Đề nghị: Qui định rõ đạt tiêu chuẩn nào thì được chấp thuận.

-------------------------------------

Điều 15. Quản lý đối với trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo
Nhận xét : Điểm 3, Đ15 Dự thảo Nghị định qui định “Công dân VN theo học tại
trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo là người chấp hành nghiêm
chỉnh pháp luật được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận”.

Việc xác nhận người chuyên hoạt động tôn giáo là người chấp hành nghiêm chỉnh
pháp luật là thuộc loại hành vi xin-cho cần phải loại bỏ.

Đề nghị: Bỏ việc xác nhận người chuyên hoạt động tôn giáo là người chấp hành
nghiêm chỉnh pháp luật, chỉ cần có sơ yếu lý lịch như là đủ, như qui định tại
Điều 25 Dự thảo Nghị định đối với người đi tu.

-------------------------------------

Điều 17. Mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo

Nhận xét: Điều này sử dụng từ “đề nghị”. Không rõ là đề nghị khác thế nào với
thông báo, đăng ký, xin phép. Việc mở các lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt
động tôn giáo mà phải được sự chấp thuận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
nơi mở lớp thì không hợp lý vì đây là việc thuần tuý tôn giáo, chỉ nên qui định
đăng ký là đủ.

Đề nghị: - Bỏ điều kiện phải được sự chấp thuận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
cấp tỉnh nơi mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo.

- Nên sử dụng từ một cách thống nhất và chỉ cần qui định đăng ký là đủ.
--------------------------------------

Điều 18. Đăng ký người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử

Điều 19. Phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài

Nhận xét: Theo điều 22 của PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 thì việc phong chức,
phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử hoàn toàn thuộc quyền quyết định của các
tôn giáo, chỉ phải đăng ký với cơ quan nhà nước. Đối với những trường hợp có yếu
tố nước ngoài thì còn phải có sự thỏa thuận trước với cơ quan quản lý nhà nước
về tôn giáo ở trung ương. Các điều kiện mà người được phong chức, phong phẩm, bổ
nhiệm, bầu cử, suy cử phải đáp ứng qui định tại khoản 2, điều 22, PL TNTG 2004
(là công dân Việt Nam, có tư cách đạo đức tốt; có tinh thần đoàn kết, hoà hợp
dân tộc; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật) không có gì đặc biệt và ai cũng có
thể đáp ứng được.

Quan điểm của nhà nước Việt Nam trong PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 về việc phong
chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử như đã nói trên là có thể chấp nhận
được. Vấn đề là sự thoả thuận trước với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở
trung ương trong những trường hợp có yếu tố nước ngoài được đặt trên cơ sở nào?
Chỉ cần đủ điều kiện qui định tại điều 22 nói trên là được chấp thuận hay là
việc thoả thuận thuộc lãnh vực xin-cho? Mức độ đáp ứng các qui định tại điều 22
thế nào? Chưa có câu trả lời thoả đáng về vấn đề này.

SL 223 ngày 14/6/1955 có một điều khoản đặc biệt: Điều 13: Chính quyền không
can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa
Giáo hội Việt Nam với Toà thánh La Mã là vấn đề nội bộ của Công giáo.

Các văn bản pháp luật về tôn giáo sau này không kế thừa nội dung qui định này.
Nếu thực hiện được như Đ13 trên đây thì sẽ tránh được rất nhiều rắc rối cho cả
Giáo hội lẫn Nhà nước.

Ngoài ra, NĐ 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 còn qui định hợp lý : Điều 16.5:
Thời hạn trả lời:

a) Sau 45 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ và Ban Tôn giáo Chính phủ
không có ý kiến khác, thì chức sắc, nhà tu hành được hoạt động tôn giáo theo
chức danh đã được đăng ký;

b) Sau 30 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ và ủy ban nhân dân cấp
tỉnh không có ý kiến khác, thì chức sắc, nhà tu hành được hoạt động tôn giáo
theo chức danh đã được đăng ký.

Điều này đã bị Dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng các cơ quan có trách nhiệm
phải trả lời bằng văn bản và chỉ khi có văn bản chấp thuận thì những người được
phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử mới được hoạt động tôn giáo
theo chức năng đã đăng ký. Đây là một bước lùi so với NĐ 22/2005/NĐ-CP.

Đề nghị: - Qui định rõ những tiêu chí phải đạt được trong sự thoả thuận trước
với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở trung ương là những tiêu chí nào.

- Đề nghị giữ lại qui định hợp lý tại điều 16.5 của NĐ.

22/2005/NĐ-CP, chỉ sửa thời hạn trả lời, cụ thể như sau:

Thời hạn trả lời:

a) Sau 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ và Ban Tôn giáo
Chính phủ không có ý kiến khác, thì chức sắc, nhà tu hành được hoạt động tôn
giáo theo chức danh đã được đăng ký;

b) Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ và Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh không có ý kiến khác, thì chức sắc, nhà tu hành được hoạt động tôn
giáo theo chức danh đã được đăng ký.

-----------------------------------

Điều 21. Thông báo về việc thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc,
nhà tu hành.

Điều 22. Đăng ký thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành.

Nhận xét: Điều 23 PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 đã dùng ba khái niệm: thông báo,
đăng ký, chấp thuận để qui định các trường hợp khác nhau. Việc thuyên chuyển nơi
hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành trong trường hợp bình thường chỉ
cần đăng ký. Chỉ trong trường hợp thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức
sắc, nhà tu hành vi phạm pháp luật thì mới cần phải được sự chấp thuận của của
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đến, khác với qui định trong các văn bản pháp luật
trước đây, bất cứ sự thuyên chuyển nào cũng phải được chấp thuận. Qui định này
rõ ràng đã tạo sự dễ dàng trong việc điều chuyển nhân sự trong các tôn giáo. Tuy
nhiên Pháp lệnh và văn bản hướng dẫn thi hành đều không nói rõ là qui định về
việc thuyên chuyển này được áp dụng cho việc thuyên chuyển trong phạm vi giáo
phận, tỉnh, thành phố hay cả nước.

Ngoài ra, Điều 19.3 NĐ 22/2005/NĐ-CP còn qui định hợp lý: Sau 30 ngày kể từ
ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, nếu Ủy ban nhân dân cấp huyện không có ý kiến khác,
thì chức sắc, nhà tu hành có quyền hoạt động tôn giáo tại địa điểm đã đăng ký.

Qui định hợp lý này đã bị Dự thảo Nghị định thay đổi theo hướng các cơ quan có
trách nhiệm phải trả lời bằng văn bản.

Đề nghị: - Đề nghị qui định rõ thêm là thủ tục thuyên chuyển này được áp dụng
trong phạm vi cả nước.

- Đề nghị giữ lại qui định hợp lý như tại Điều 19.3 NĐ 22/2005/NĐ-CP, chỉ
sửa thời hạn trả lời.

GHI CHÚ ĐẶC BIỆT VỂ VIỆC TRẢ LỜI CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG

Hiện nay, có một điều mà các tổ chức tôn giáo rất bức xúc đó là việc không được
các cơ quan chức năng trả lời đúng hạn hoặc bị từ chối không có lý do chính đáng
nhưng các cơ quan chức năng không hề bị chế tài gì. Vì thế qui định cho phép sau
một thời gian kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ mà các cơ quan chức năng
không có ý kiến khác, thì tổ chức tôn giáo được hoạt động tôn giáo theo những
nội dung đã được thông báo, đăng ký là một qui định hợp lý, nên cần được áp dụng
cho mọi trường hợp mà pháp luật về tôn giáo qui định phải thông báo, đăng ký. Do
đó, đối với các điều mà Dự thảo Nghị định đã qui định là chỉ phải đăng ký hoặc
thông báo thì đề nghị qui định luôn là tổ chức tôn giáo được đương nhiên được
hoạt động tôn giáo theo những nội dung đã được thông báo, đăng ký nếu các cơ
quan chức năng trả lời trễ hạn. Ngoài ra, đối với các trường hợp bị từ chối
không có lý do chính đáng thì Dự thảo Nghị định nên qui định rằng các tổ chức
tôn giáo có quyền khiếu nại.

------------------------------------

Điều 23. Đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm của tổ chức tôn giáo
cơ sở

Điều 24. Hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký của tổ chức tôn giáo
cơ sở

Nhận xét: Việc qui định chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm chỉ phải đăng
ký một lần một năm tại Uỷ ban nhân dân cấp xã là hợp lý. Trường hợp tổ chức hoạt
động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì mới phải xin phép (Đ12 PL TNTG
2004 ngày 18/6/2004). Các qui định trước PL TNTG 2004 cũng đều yêu cầu phải đăng
ký.

Tuy nhiên việc tổ chức hội nghị, đại hội của tổ chức tôn giáo cơ sở, cấp trung ương
hoặc toàn đạo hoặc các cấp khác (qui định tại Đ18 PL TNTG 2004) lại không
thuộc trường hợp được đăng ký mà phải được UBND chấp thuận. Vấn đề là nếu các
hội nghị, đại hội đó diễn ra hàng năm hoặc theo chu kỳ thì sao, phải xin phép
từng lần hay được đăng ký hàng năm?

Đề nghị: Để giảm tải cho cơ quan nhà nước và tạo thuận lợi cho tôn giáo thì nên
cho đăng ký tất cả những hoạt động tôn giáo diễn ra theo chu kỳ (từng năm hoặc
nhiều năm).

-----------------------------------

Điều 30. Các cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo

Nhận xét: một điều chưa được giải quyết là nếu UBND không trả lời đúng thời hạn
thì giải quyết thế nào. Nếu UBND trả lời trễ hạn thì có nguy cơ cuộc lễ phải hủy
bỏ làm hao tốn công sức và tiền bạc.

Đề nghị: Nếu quá thời hạn qui định mà UBND không trả lời thì tổ chức tôn giáo
được thực hiện các cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo như
văn bản đề nghị.

-------------------------------------------

Điều 31. Việc giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành ngoài cơ sở tôn
Giáo

Nhận xét: Qui định tại điều này chưa hợp lý vì truyền đạo có nghĩa là phải đến
với những người ở những nơi chưa biết đạo (chưa có cơ sở tôn giáo) để truyền đạo
chứ không chỉ truyền đạo trong các cơ sở tôn giáo (đã có). Nói khác đi, việc
phải được Uỷ ban nhân dân cấp huyện chấp thuận khi truyền đạo ngoài các cơ sở
tôn giáo có nghĩa nhà nước chỉ muốn các tôn giáo hoạt động trong phạm vi các cơ
sở tôn giáo. Việc chấp thuận này thuộc lãnh vực xin-cho nên dễ bị lợi dụng nhằm
hạn chế hoạt động tôn giáo.

Ngoài ra, từ ngữ “phạm vi phụ trách” trong PL TNTG 2004 chưa được giải thích rõ
ràng nên còn gây cản ngại cho hoạt động truyền đạo.

Đề nghị: Đề nghị sửa lại theo hướng tạo điều kiện cho các chức sắc, nhà tu hành
được tự do thực hiện việc truyền đạo, giảng đạo trên toàn bộ địa bàn phụ trách
không có gì cản ngại.

--------------------------------------

Điều 37. Việc tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài

Điều 38. Việc tham gia khoá đào tạo tôn giáo ở nước ngoài

Nhận xét : Việc mời tổ chức, người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động do có liên
quan đến an ninh trật tự của Việt Nam nên qui định như Đ36, Dự thảo Nghị định là
hợp lý. Còn việc tổ chức tôn giáo Việt Nam tham gia hoạt động tôn giáo ở nước
ngoài thì đâu có ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự của Việt Nam đâu mà cần phải
qui định quá chặt như Đ37, Đ38.

Đề nghị: Đề nghị bỏ Đ37, Đ38 của Dự thảo Nghị định.

-----------------------------------------

PHẦN II: NHỮNG ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI MÀ NĐ 22/2005/NĐ-CP NGÀY 01/3/2005 CHƯA ĐỀ CẬP.

A/ GIÁO DỤC, Y TẾ, TỪ THIỆN

Nhận xét:

- SL 223 ngày 14/6/1955 có qui định rất hợp lý:

“Điều 8: các tổ chức của các tôn giáo có tính chất kinh tế, văn hoá, xã hội đều
được hoạt động sau khi đã xin phép chính quyền và được chính quyền chuẩn y
chương trình, điều lệ. Những tổ chức ấy đều coi như những tổ chức của tư nhân và
được pháp luật bảo hộ”.

“Điều 9: Các tôn giáo được phép mở trường tư thục. Các trường tư thục đó phải
dạy theo chương trình gíao dục của Chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình
gíao dục của Chính phủ, có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn
học”.

- PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 hiện hành đã qui định những việc thuộc lãnh vực
giáo dục, y tế, xã hội mà các tổ chức tôn giáo được thực hiện như sau :

Điều 33

1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy
trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khoẻ người nghèo, người
tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các
cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân
đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp
luật.

2. Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức
hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật.

Như vậy PL TNTG 2004 chỉ cho phép các tổ chức tôn giáo được thực hiện các hoạt
động sau đây:

Về giáo dục:

- Tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

- Hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non;

Về y tế: Hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khoẻ người nghèo, người tàn tật, người nhiễm
HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần;

Về xã hội: Tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện, nhân đạo phù hợp
với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật. Theo
qui định của pháp luật thì các hoạt động từ thiện đều phải thông qua các tổ chức
nhà nước.

Như vậy có thể thấy rằng:

- Không có sự giải thích nào về lý do không cho tổ chức tôn giáo tham gia các
hoạt động trong các lãnh vực như giáo dục phổ thông, đại học, bệnh viện.

- Với qui định như trên, nhà nước đã làm lãng phí nhiều nguồn nhân, vật lực lớn
của các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện cũng như
thiếu nhất quán trong chủ trương xã hội hoá các hoạt động xã hội.

- Việc chấp nhận chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến
khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo nhưng không cho tổ
chức tôn giáo tham gia không có lý do xác đáng. Nếu chỉ với tư cách cá nhân, các
tu sĩ không có khả năng tài chánh để thực hiện lý do là vì các tu sĩ thường
không có tài sản cá nhân còn tài sản mà họ quản lý thuộc quyền sở hữu của Giáo
hội.

Trong khi hạn chế các tổ chức tôn giáo hoạt động trong lãnh vực giáo dục thì
nhà nước lại tạo điều kiện cho người nước ngoài như sau : “Khuyến khích việc hợp
tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có chất lượng cao của nước ngoài;
khuyến khích mở các cơ sở giáo dục đào tạo có chất lượng cao, có uy tín bằng
100% vốn đầu tư nước ngoài; . . .”(Nghị quyết của Chính phủ số 05/2005/NQ-CP
ngày 18/4/2005 Về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể
dục, thể thao). Thành ra người nước ngoài được mở trường các cấp tại Việt Nam
còn các tổ chức tôn giáo trong nước bị cấm mở trường từ tiểu học trở lên. Điều
này trái với qui định tại Điều 70 Hiến pháp 1992 hiện hành như sau : “Công dân
có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các
tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”.

- Chính phủ đã có Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 “Về đẩy mạnh xã
hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao” trong đó đã
định hướng như sau:

Về giáo dục:

“Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề ngoài công
lập; chuyển một số cơ sở công lập sang loại hình ngoài công lập. Hạn chế mở thêm
các cơ sở công lập ở những vùng kinh tế phát triển. Không duy trì các cơ sở bán
công, các lớp bán công trong trường công”.

Chỉ tiêu định hướng đến năm 2010:

“Chuyển phần lớn các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập và một phần các cơ sở
giáo dục không đảm nhận nhiệm vụ giáo dục phổ cập sang hoạt động theo cơ chế
cung ứng dịch vụ. Chuyển tất cả các cơ sở bán công sang loại hình dân lập hoặc
tư thục”.

Về y tế:

“Khuyến khích mở bệnh viện, phòng khám tư nhân, bác sĩ gia đình”.

Tuy nhiên đường hướng xã hội hoá rất tốt đẹp này lại không thể áp dụng cho các
tổ chức tôn giáo vì bị cản trở bởi PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 (qui định tại
Điều 33 như đã nói trên).

Đề nghị: Vì vậy để phù hợp với tinh thần tự do tôn giáo, Nhà nước nên chấp
thuận cho các tổ chức tôn giáo được thực hiện tất cả các hoạt động giáo dục, y
tế theo định hướng xã hội hoá trong Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005,
cụ thể là sửa đổi PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 để các tổ chức tôn giáo có thể
tham gia các hoạt động giáo dục ở các cấp (tiểu học, trung học, đại học, cao
đẳng, dậy nghề và các loại trường lớp khác phục vụ cho các đối tượng đặc thù);
có thể tham gia vào lãnh vực y tế như mở bệnh viện, phòng khám, phòng bán thuốc
. . .

Để các tổ chức tôn giáo có thể có đầy đủ tư cách pháp lý thực hiện các hoạt động
giáo dục, y tế, đề nghị Nhà nước sớm công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức
tôn giáo (theo Bộ Luật dân sự).

Đối với các tài sản của Giáo hội như trường học, bệnh viện . . . mà Nhà nước
đang quản lý, đề nghị Nhà nước xem xét và trả lại cho Giáo hội theo đúng định
hướng và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết của Chính phủ số 05/2005/NQ-CP
ngày 18/4/2005. Chẳng hạn như khi Nhà nước chủ trương “Chuyển phần lớn các cơ sở
đào tạo và dạy nghề công lập và một phần các cơ sở giáo dục không đảm nhận nhiệm
vụ giáo dục phổ cập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Chuyển tất cả
các cơ sở bán công sang loại hình dân lập hoặc tư thục”, nếu các cơ sở giáo dục
công lập hay bán công đó trước đây là của Giáo hội Công giáo thì xin giao lại
cho Giáo hội.

B/ TÀI SẢN CỦA TÔN GIÁO

a/ Tài sản hợp pháp

Nhận xét: Điều 26 PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 qui định tài sản hợp pháp thuộc
cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên thế nào là tài sản
hợp pháp thì chắc còn nhiều điều phải bàn cãi. Lý do là vì hiện nay có một số
tài sản của tôn giáo vì nhiều lý do khác nhau đang do nhà nước quản lý sử dụng
nhưng vấn đề sở hữu chưa được giải quyết rốt ráo. Mặt khác, vì các tổ chức tôn
giáo chưa được công nhận là pháp nhân (theo Bộ Luật dân sự) nên có một số tài
sản của Giáo hội phải đứng tên cá nhân. Điều quan trọng nhất để giải quyết vấn
đề tài sản hợp pháp của tôn giáo là việc nhà nước phải công nhận tư cách pháp
nhân (theo Bộ luật dân sự) để các tôn giáo có thể sở hữu hợp pháp các tài sản
của mình. Rất tiếc, PL TNTG 2004 và văn bản hướng dẫn thi hành đều không đề cập
vấn đề pháp nhân của các tổ chức tôn giáo mà chỉ đề cập việc công nhận tôn giáo.
Vấn đề pháp nhân là các tổ chức tôn giáo hiện đang bị bỏ ngỏ do đó chưa có thể
xác định thế nào là tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo.
Đề nghị : công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo (theo Bộ luật dân
sự)

b/ Cơ sở tôn giáo

Nhận xét:

- Ngay sau khi thành lập nước, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà đã ra sắc lệnh SL 35 ngày 20/9/1945 về cơ sở tôn giáo. Điểm đặc biệc là Sắc
lệnh này chỉ có 2 điều và chỉ nói về một vấn đề duy nhất đó là: “Đền chùa, lăng
tẩm, nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, nhân
dân đều phải tôn trọng không được xâm phạm.”

- Sau khi hoà bình được lập lại, vào năm 1955, nhà nước lại có SL 223, trong đó
Điều 6 qui định: “Các nhà thờ, chùa, đền, miếu, thánh thất và các đồ thờ, các
trường giáo lý của tôn giáo được luật pháp bảo hộ.”

- PL TNTG 2004 điều 4 nói rõ nhất: “ Chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất,
đình, đền, miếu, trụ sở tổ chức tôn giáo, các cơ sở đào tạo của tổ chức tôn
giáo, những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp khác, kinh bổn và các đồ dùng
thờ cúng được pháp luật bảo hộ.”

Trong tất cả các văn bản pháp luật về tôn giáo, nhà nước đều công nhận việc các
cơ sở thờ tự và các cơ sở tôn giáo khác được bảo hộ, không bị xâm phạm. Rất
tiếc, thực tế không phải như vậy mà thực tế là đã có rất nhiều cơ sở tôn giáo
của Công Giáo (nhà thờ, tu viện, chủng viện, cơ sở đào tạo . . . bị nhà nước
quản lý (thực sự là tịch thu) với nhiều lý do khác nhau, có khi là mượn, buộc
phải giao, tự tiện chiếm hữu không có lý do hoặc với những lý do hết sức vô lý.

Khi Giáo hội Công giáo khiếu nại đòi Nhà nước trả lại các cơ sở đã bị tịch thu
thì đều bị Nhà nước từ chối trả lại căn cứ vào các văn bản:

- Luật đất đai 2003, điều 10

- Nghị định của Chính phủ số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 về các hoạt động tôn
giáo, điều 11.

- Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành chính
sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị
và các tỉnh phía Nam.

- Nghị quyết số 23/2003/QH11 về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng
trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo
xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991.

Các văn bản pháp luật nói trên đều có một nội dung tương tự như đã được ghi
trong Nghị Quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội là:

“Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính
sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà
đất đã ban hành trước ngày 1/7/1991.

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà nhà nước đã quản lý, bố trí sử
dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách
cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”.

Và nội dung này đã được viện dẫn như một lý do chính yếu để bác các đơn đòi lại
cơ sở tôn giáo của Công giáo đã bị chiếm dụng.

Chúng tôi cho rằng lập luận như trên là không thể chấp nhận được mà phải thấy
rằng cơ sở tôn giáo luôn được pháp luật khẳng định là được nhà nước bảo hộ nên
không phải là đối tượng quản lý của bất kỳ chính sách quản lý nhà đất và chính
sách cải tạo xã hội chủ nghĩa nào. Vậy nếu các cơ sở tôn giáo đó không phải là
đối tượng bị quản lý mà vẫn bị tịch thu thì đây là việc làm sai trái, đi ngược
lại chính sách tôn giáo của nhà nước. Đáng lẽ hành vi chiếm đoạt này phải bị
trừng trị và tài sản phải được trả lại vì đã xâm phạm vào tài sản hợp pháp của
Giáo hội Công giáo, làm cho giáo dân Công giáo nghi ngờ chính sách của nhà nước
đối với tôn giáo và phần nào đã làm phương hại đến chính sách đoàn kết quốc gia
chứ nhà nuớc không thể bảo vệ cho việc làm sai trái của cán bộ của mình bằng
cách tuyên bố không xem xét lại.

Đề nghị: Xem xét trả lại các cơ sở tôn giáo đã bị chiếm dụng bất hợp pháp.

c/ Đất đai

Nhận xét:

Qui định của pháp luật về đất đai của tôn giáo trước 1975

- Luật Cải cách ruộng đất ngày 19/12/1953, điều 10 qui định: “Ruộng đất của
tôn giáo (Nhà Chung, nhà chùa, thánh thất, tu viện, v.v.) thì trưng thu và trưng
mua. Trường hợp có mua chính đáng thì trưng mua”.

- Sắc lệnh ban hành chính sách tôn giáo số 223-SL ngày 14/6/1955 điều 10 qui
định: “Trong cải cách ruộng đất, khi Chính phủ trưng thu hoặc trưng mua ruộng
đất của các tôn giáo để chia cho nông dân, thì sẽ để lại cho nhà thờ, nhà chùa,
thánh thất một số ruộng đất đủ cho việc thờ cúng và cho những nhà tu hành có
điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo”.

Quy định của pháp luật về đất đai của tôn giáo sau 1975

- Luật đất đai ngày 29/12/1987, điều 32 qui định: “Chùa, nhà thờ, thánh thất
tôn giáo đang sử dụng đất hoặc chưa được giao đất sử dụng nếu có yêu cầu chính
đáng và có khả năng sử dụng có hiệu quả thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương và đơn vị hành chánh tương đương căn cứ vào chính sách tôn giáo
của nhà nước và khả năng đất đai của địa phương để quyết định được giao cho
chùa, nhà thờ, thánh thất đó”.

- Luật đất đai ngày 14/7/1993, điều 51 qui định: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương căn cứ vào chính sách tôn giáo của nhà nước, quỹ đất
đai của địa phương quyết định diện tích đất giao cho nhà chùa, nhà thờ, thánh
thất tôn giáo trên cơ sở đất đai mà nhà chùa, nhà thờ, thánh thất tôn giáo đang
sử dụng”.

- Hai lần sửa đổi Luật đất đai vào các năm 1998 và 2001, điều 51 nói trên vẫn
được giữ nguyên.

- Luật đất đai ngày 26/11/2003, điều 99 qui định: “1/ Đất do cơ sở tôn giáo sử
dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào
tạo riêng của tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được nhà nước cho phép hoạt
động”. 2/ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào
chính sách tôn giáo của nhà nước và quỹ đất đai của địa phương quyết định diện
tích đất giao cho cơ sở tôn giáo”.

- PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004, Điều 27 qui định:

“ 1/ Đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà
thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo những người chuyên hoạt
động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà
nước cho phép hoạt động được sử dụng ổn định lâu dài.

2/ Đất có các công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ được sử
dụng ổn định lâu dài.

Việc quản lý và sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực
hiện theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Nhận xét: pháp luật về đất đai của tôn giáo đã có nhiều thay đổi, từ trưng
thu, trưng mua toàn bộ trong Luật Cải cách ruộng đất ngày 19/12/1953 đến để lại
cho cơ sở tôn giáo một phần trong Sắc lệnh ban hành chính sách tôn giáo ngày
14/6/1955. Luật đất đai ngày 29/12/1987, Luật đất đai ngày 14/7/1993 vẫn còn chủ
trương cấp đất cho tôn giáo sử dụng (đất đai nói chung, không chỉ là đất thuộc
chùa, nhà thờ . . .). Đến Luật đất đai ngày 26/11/2003 đất được giao cho cơ sở
tôn giáo được giới hạn chỉ còn là “đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh
đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo”
chứ không phải là các loại đất khác như đất sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất
khác. PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 qui định rõ hơn : đất mà các cơ sở tôn giáo
được sử dụng ổn định lâu dài là “Đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng
gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo
những người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở
khác của tôn giáo”. PL TNTG 2004 không nói đến các loại đất khác như đất để sản
xuất nông nghiệp hay sản xuất khác.

Chúng tôi cho ràng qui định như Luật đất đai và PL TNTG 2004 hiện hành là đã
tước đi quyền sử dụng đất của các nhà tu hành. Họ cũng là công dân và phải được
quyền sử dụng đất để sản xuất như những công dân khác, nhất là đối với các cơ sở
tôn giáo chỉ sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp hay sản xuất khác. Vì thế đối
với đất đai mà các cơ sở tôn giáo đang sử dụng hợp pháp để sản xuất thì nhà nước
phải cấp quyền sử dụng đất cho họ chứ không chỉ cấp quyền sử dụng đất đối với
đất thuộc nhà thờ, nhà chùa . . .

Cũng đề nghị Nhà nước cho phép tổ chức tôn giáo được chọn cách giao đất cho tổ
chức tôn giáo không thu tiền sử dụng đất (để làm các cơ sở thờ tự) hoặc cách
giao đất có thu tiền sử dụng đất (để dùng vào các mục đích khác) chứ không phải
chỉ có một cách giao đất cho tổ chức tôn giáo không thu tiền sử dụng đất như
hiện nay.

Đề nghị:

- Cấp quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp hay sản xuất khác cho các cơ sở tôn
giáo;

- Cho phép tổ chức tôn giáo được chọn cách giao đất cho tổ chức tôn giáo không
thu tiền sử dụng đất hoặc có thu tiền sử dụng đất.
 
Lễ phong chức Linh mục tại giáo phận Mỹ Tho
Lm. Giuse Nguyễn Tuấn Hải
09:47 20/05/2011
MỸ THO - Nhân dịp mừng kỷ niệm 12 năm giám mục, vào lúc 9h30 ngày 20 tháng 05 năm 2011 tại nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho, Đức Cha Phaolô đã chủ sự thánh lễ và phong chức linh mục cho hai thầy phó tế của Giáo phận, thuộc Khóa VIII Đại Chủng Viện Thánh Giuse – Sài Gòn: 1) Phêrô Trần Trọng Khương, sinh năm 1981, thuộc giáo xứ An Đức, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; và 2) Phaolô Nguyễn Thái Ngọc, sinh năm 1980, thuộc giáo xứ Bến Siêu, xã Tân Huề, Huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Xem hình ảnh

Đoàn đồng tế khá dài được rước từ Tòa Giám mục ra trước tiền đàng nhà thờ Chánh Tòa, và từ từ tiến lên cung thánh. Trong khi đó, ca đoàn cùng hợp xướng rất tâm tình bài hát quen thuộc về ơn gọi: “Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người. Giờ đây, con hân hoan tiến lên bàn thánh…”

Đồng tế trong thánh lễ với Đức Cha có khoảng 140 linh mục gồm có: Cha Tổng Đại Diện (TĐD), Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện (ĐCV) Thánh Giuse và quí cha giáo sư, quí cha trong Giáo phận Mỹ Tho, quí cha cùng khóa và khác khóa với 2 tân chức đến từ các giáo phận khác. Hiện diện trong thánh lễ có một số khách mời của Đức Cha; ngoài ra, cũng có sự hiện diện khá đông của quý soeur, quý thầy ĐCV Thánh Giuse, quý thân nhân, ân nhân, các giáo dân ở các giáo xứ nơi hai tiến chức từng phục vụ, và bạn bè thân hữu. Số người tham dự thánh lễ khoảng 1200 người.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, Cha TĐD Phaolô đã thay mặt cho toàn thể linh mục tu sĩ, giáo dân trong Giáo phận và quí khách chúc mừng 12 năm giám mục của Đức Cha. Khi Cha TĐD nói lời mừng thì cộng đoàn hiện diện vỗ tay vang lên chúc mừng Đức Cha. Cha TĐD cũng cho rằng, 12 năm giám mục của Đức Cha cũng là 12 năm mà Đức Cha đã hết lòng để yêu thương và chăm lo cho Giáo phận. Cha cũng liên hệ đến bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ IV vừa qua, nói về Vị Mục tử nhân lành với câu trích dẫn “Ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử”. Đức Cha như Cửa Chiên, để những ai qua bàn tay phong chức của Đức Cha trở thành những mục tử phục vụ trong Giáo phận. Sau khi Cha TĐD nói xong, thì có một người đại diện lên tặng hoa chúc mừng Đức Cha. Cả cộng đoàn cùng vỗ tay một lần nữa.

Khởi đầu thánh lễ, Đức Cha chào Cha TĐD, Cha Giám đốc ĐCV, quí cha Hạt Trưởng, quí cha, quí tu sĩ nam nữ và giáo dân; cách riêng các thân nhân của hai tân chức. Sau đó, Đức Cha hướng ý cộng đoàn rằng, hôm nay kỷ niệm 12 năm giám mục của ngài, nhưng cũng là ngày kỷ niệm linh mục của nhiều cha trong Giáo phận, nên Đức Cha chúc mừng và mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho quí cha, cho hai tân chức được tràn đầy ơn Chúa.

Sau khi đọc Tin Mừng xong, phần nghi thức truyền chức linh mục bắt đầu. Nghi thức này gồm 3 phần: 1) Tuyển chọn các ứng viên, 2) Đặt tay và lời nguyện phong chức, và 3) Trao các biểu tượng diễn tả thừa tác vụ linh mục. Trong phần tuyển chọn, sau khi Đức Cha nói: “Nhờ ơn Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tôi tuyển chọn các anh em đây lên chức linh mục.” thì cộng đoàn cùng đáp: “Tạ ơn Chúa.” và vỗ tay chúc mừng hai tân chức.

Sau nghi thức tuyển chọn, Đức Cha bắt đầu giảng lễ. Đức Cha nhập đề bằng cách đặt câu hỏi cho người nghe: “Giáo Hội chờ đợi gì nơi người linh mục được kêu gọi và tuyển chọn hôm nay?”, và ngài trả lời bằng trích đoạn Kinh Thánh của sách Công vụ Tông đồ ở chương 20 câu 28: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên.” Linh mục lo cho bản thân, không theo nghĩa vật chất, nhưng điều quan trọng mà Thánh Phaolô muốn nói ở đây là “ơn cứu rỗi”. Linh mục không vì dấn thân cho ơn cứu rỗi của những người khác, mà quên rằng chính mình cũng cần được cứu rỗi. Linh mục là “máng thông ơn”, nếu ngài không có ơn thì lấy gì mà thông cho người khác. Linh mục không nên căng thẳng lo âu quá đáng; hãy trông cậy vào Chúa, nhưng cũng không nên chểnh mảng đời sống thiêng liêng.

Sau khi giải thích Kinh Thánh, Đức Cha cũng đưa ra những áp dụng thực hành một cách thích ứng trong thời đại ngày nay về những cám dỗ, và sự tỉnh thức cần có của linh mục. Trong một xã hội mà lương tâm con người càng ngày càng bị xói mòn, cám dỗ của linh mục là “một lương tâm quá rộng rãi”, một lương tâm buông lỏng. Linh mục dễ bị cám dỗ coi thường “đời sống nội tâm” của chính mình, không lo chăm sóc đời sống cầu nguyện của bản thân. Linh mục vì lơ là, không nhận ra các loại sói của thời đại quấy nhiễu đoàn chiên, hoặc nhận ra, nhưng vì tự hào và chủ quan, dễ coi thường, và không nhanh chóng đối phó, hoặc vì thiếu tin tưởng vào Chúa, thiếu “nội lực”, nên sợ hãi và ngại phiền phức, không mạnh mẽ dấn thân. Chúa Giêsu nói rõ ràng với các linh mục: “Hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” (Lc12, 35). Hãy “tỉnh thức”, vì sứ mạng của linh mục ngày hôm nay hơn bao giờ hết là “canh thức”.

Để kết thúc bài giảng, Đức Cha nhắc lại lời đáp của Chúa Giêsu với thánh Phêrô trong Tin Mừng theo Thánh Luca bằng một câu hỏi:“Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” Chúa hỏi Phêrô, Chúa hỏi hai người anh em sắp được thụ phong linh mục, Chúa hỏi tất cả anh em linh mục chúng ta. Hãy trả lời Chúa đi!

Sau bài giảng là phần tuyên hứa của hai tiến chức: hứa chu toàn nhiệm vụ tư tế, rao giảng,… và kính trọng vâng phục Đấng Bản Quyền. Kế đến là Kinh Cầu Các Thánh được ca đoàn hát. Sau Kinh Cầu Các Thánh là phần chính của nghi thức phong chức linh mục. Đức Cha đặt tay truyền chức và đọc lời nguyện phong chức, từng tiến chức được Đức Cha đặt tay trên đầu nói lên việc thông ban Thánh Thần, và lời nguyện thánh hiến làm cho hai tiến chức được chọn tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô. Sau khi Đức Cha đặt tay, tất cả các linh mục đồng tế cũng lần lượt đặt tay trên hai tiến chức như dấu chỉ nhận vào linh mục đoàn.

Trong phần nghi thức diễn nghĩa, hai tân chức đã chính thức trở thành linh mục. Hai tân linh mục thay dây stola chéo bằng dây stola thẳng và mặc áo lễ. Sau đó, Đức Cha xức Dầu Thánh trên hai bàn tay của hai tân linh mục nói lên sự tham dự đặc biệt vào chức tư tế của Chúa Kitô. Tiếp theo, Đức Cha trao Bánh Rượu và hôn bình an hai tân linh mục. Vài linh mục đại diện cũng hôn bình an hai tân chức.

Kết thúc nghi thức phong chức, Đức Cha xướng Kinh Tin Kính các Tông đồ. Sau đó, thánh lễ tiếp tục như thường lệ. Hai tân chức cùng đồng tế với Đức Cha và đọc lời nguyện dành cho linh mục đồng tế trong thánh lễ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Chủ Tịch HĐMV Giáo xứ Chánh Tòa – đại diện các thành phần dân Chúa – chúc mừng và tặng hoa cho hai tân linh mục. Ông cũng cám ơn cha mẹ và thân nhân của hai tân linh mục, đã dâng hiến con và người thân của mình để phục vụ cho Giáo hội. Tiếp theo, một tân linh mục đại diện nói cám ơn: Cám ơn Đức Cha, Cha Giám Đốc ĐCV, các cha giáo sư, cha đặc trách tu sĩ – chủng sinh, các cha trong Ban Tổ chức lễ phong chức, BMV Gx. Chánh Tòa,…

Trong phần đáp từ cuối thánh lễ, Đức Cha nói ngài muốn chia sẻ 2 ý. Thứ nhất, mấy năm nay Đức Cha thường phong chức cho các cha trong Giáo phận vào ngày 20.05, cũng là ngày kỷ niệm giám mục của Đức Cha. Việc này không có ý đề cao cá nhân ngài, nhưng có ý nghĩa sâu xa đó là tự Đức Cha không sinh ra các linh mục trong giáo phận. Sứ vụ linh mục của các cha có được là do sứ vụ giám mục của ngài, sứ vụ được thừa kế từ các Tông đồ. Thứ hai, trong thánh lễ nói đến niềm vui và hân hoan nhiều, điều này cho thấy sứ vụ của giám mục, linh mục là mang niềm vui đến cho người khác. Tin Mừng đó là tin vui, người mang Tin Mừng là người đem tin vui của Chúa đến cho anh chị em.

Thánh lễ kết thúc bằng việc ban phép lành long trọng của Đức Cha. Bài hát kết lễ của ca đoàn cất lên, như gởi gắm tất cả các lời chúc, tin yêu và hy vọng vào các tân chức, những mục tử như lòng Chúa mong ước: “Thần linh Chúa ngự trên tôi. Thần linh Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi loan báo cùng trần gian, tin Phúc Âm tin bình an…”

Thánh lễ rất long trọng, thánh thiêng và sốt sắng. Thánh lễ kết thúc vào lúc 11 giờ. Đức Cha và quí cha chụp hình lưu niệm với hai tân linh mục, trước khi trở về Tòa Giám mục dự tiệc mừng 12 năm giám mục của Đức Cha, và chúc mừng hai tân linh mục.
 
Tân Giám Mục Việt Nam đầu tiên tại Úc: Cha Vincent Nguyễn Văn Long, OFM
Lm Chu Văn Chi
18:14 20/05/2011
SYDNEY - Theo thông cáo báo chí của Tổng Giáo Phận Melbourne lúc 8 giớ tối Thứ Sáu ngày 20.5.2011, một người Việt Nam tỵ nạn được bổ nhiệm làm Tân Giám Mục đầu tiên tại Tổng Giáo Phận Melbourne. Đó là Đức Tân Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long. Năm 18 tuổi, Ngài cùng gia đình vượt biên để thoát khỏi chế độ Cộng Sản và năm 1980.

Đức Khâm Sứ Tòa Thánh đã thông báo cho Đức Tổng Giám Mục Denis Hart về sự kiện ĐGH Benedicto XVI đã bổ nhiệm Cha Vincent Nguyễn Văn Long OFM Dòng Phanxico làm Tân Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne.

Chào mừng sự kiện bổ nhiệm này, ĐTGM Denis Hart chia sẻ: "Sự kiện bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Vincent Nguyễn Văn Long làm Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne là một sự kiện lịch sử. Ngài vượt biên khỏi Việt Nam khi còn là một người trẻ. Ngài tới Melbourne, gia nhập Dòng Phanxico. Ngài đã phục vụ với nhiệm vụ Cha Xứ tại Springvale. Với vai trò lãnh đạo trong Dòng của Ngài, Ngài đã gop phần đóng góp lớn lao cho Giáo Hội. Chúng tôi nồng nhiệt chào mừng Ngài sẽ trở về từ Roma, và chuẩn bị ngày Phong Chức cho Ngài, với tước hiệu Giám Mục của Tula. Thánh Lễ Phong Chúc Giám Mục sẽ được tổ chức tại Nhà Thờ Chính Tòa St Patrick vào lua1c 7.30 tối Thứ 5 ngày 23 tháng 6 năm 2011. Ngài đang cầu nguyện trong thời gian rất quan trọng và đặc biệt này."

Sau khi Saigon thất thủ, 3 người anh của Ngài định cư tại Hòa Lan, một người chị còn ở Việt Nam, và Ông Bà Cố của Ngài với 1 người con trai và 1 người con gái đang sông tại Melboune.

Năm 1983, Tân Giám Mục Nguyễn Văn Long trở thành Tu Sĩ Dòng Thánh Phanxico và được huấn luyện để trở thành Linh Mục tại Melbourne.

Sau khi chịu chức Linh Mục vào ngày 30 tháng 12 năm 1989, Ngài được gửi sang Roma du học, với văn bằng Tiến Sĩ Kito Học và Khoa Tu Đức tại Phân Khoa Giáo Hoàng Học Viện Thánh Bonaventure.

Ngài Phục Vụ với vai trò Chính Xứ tại Kellyville Tiểu Bang NSW 4 năm và tại Springvale 7 năm.

Ngài được bổ nhiệm làm Bề Trên Tỉnh Dòng Phanxico tại Úc Đại Lợi vào năm 2005.

Từ năm 2008, Ngài được bổ nhiệm sang Roma phụ trách Bề Trên Tổng Quyền, đặc trách vùng Asia-Oceania.

Tân Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long sẽ từ Roma trở về Melbourne vào cuối tháng 5 này.

TIỂU SỬ ĐỨC TÂN GIÁM MỤC VINCENT NGUYỄN VĂN LONG, OFM.

· Sinh ngày 3.12.1961 tại Đồng Nai, Việt Nam.

· 1981: tỵ nạn tại úc Đại Lợi.

· 1983: Gia nhập Dòng Phanxico.

· 1988: Cử Nhân Thần Học tại Melbourne College of Divinity.

· 1990-1992: Linh Mục Phụ Tá Giáo Xứ Springvale.

· 1992-1994: Du học về Tu Đức và Kito Học tại Học Viện Seraphicum Roma.

· 1994-1998: Giám Đốc Thịnh Sinh tại Úc Đại Lợi.

· 1999-2002: Chính Xứ tại Giáo Xứ Kellyville, Tiểu Bang NSW Giáo Phận Parramatta.

· 2002-2008: Chính Xứ tại Giáo Xứ Springvale.

· 1995-2005: Tổng Thủ Quyền (Custodial Vicar) Dòng Phanxicô Úc.

· 2005-2008: Giám Tỉnh Dòng Phanxico.

· 2005-2008: Chủ Tịch Hội Dòng Phanxico tại Châu Á - Úc Đại Lợi.

· Chịu Chức Linh Mục ngày 3 tháng 12 năm 1989.

· 2008 tới nay: Thành Viên Tổng Quyền Quốc Tế của Dòng Thánh Phanxico OFM, cư ngụ tại Nhà Tổng Quyền Roma.
 
Buổi thuyết trình “Bí Quyết Thu Phục Nhân Tâm”
Tạ Ân Phúc
22:13 20/05/2011
Từ thưở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng mỗi một người như là chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, với những khả năng, tài trí và những đặc điểm tính cách thật khác biệt nhau. Ngài đã thiết kế để mỗi người cần đến nhau dù sống trong gia đình, ở giáo xứ, nơi làm việc, trong hội đoàn hay ngoài xã hội. Con người cần đến nhau để nhận ra tiềm năng cá nhân của mình trong Chúa Kitô, và khi thực hiện công việc cùng nhau thì tốt hơn làm một mình. Đôi khi, sự khác biệt sẽ là mầm mống của xung đột, không hợp nhau dẫn đến đối phó với nhau và làm cản trở các mối quan hệ.

Để giúp cải thiện trong giao tiếp, trong các mối quan hệ của cuộc sống cá nhân và tổ chức, hôm thứ Bảy, ngày 14/05/2011, Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện nhan đề “BÍ QUYẾT THU PHỤC NHÂN TÂM”, do Mục sư Phạm Đình Nhẫn, Chủ tịch Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam thuyết trình. Mục sư hiện phụ trách 237 cộng đoàn với 29 giáo phái Tin Lành khác nhau ở Việt Nam.

Mục sư cho hay đã có cơ hội cộng tác với người Công Giáo từ những năm sau 1975 khi có thời gian 5 năm tham gia vào ca đoàn Nhà thờ Chính toà Ban Mê Thuột và hiện nay có rất nhiều bạn bè ở các dòng tu. Bằng lối phân tích tính cách dí dỏm với những ví dụ sinh động, thực tiễn, Mục Sư đã cuốn hút người nghe vào bài giảng của mình, giúp khán giả khám phá ra các tính cách nơi mình và người xung quanh để từ đó có cách ứng xử thích hợp.

Để Hiểu Rõ Chính Mình, vì mỗi người được Chúa sáng tạo nên có những ưu điểm, khuyết điểm khác nhau, mỗi tham dự viên được phát một Bảng Khảo Sát Tính Cách Cá Nhân, để qua bảng trắc nghiệm biết mình thuộc khuynh hướng tính cách nào. Khi khám phá ra những khác biệt của nhau cũng chính là phát hiện ra ưu và khuyết điểm mà mình đem vào trong từng mối quan hệ.

Mọi người đều có ưu điểm, thế nên cần thái độ “Tôi cảm tạ Chúa” (x. TV 139,13-14) và tìm cách gia tăng tối đa những ưu điểm, nhận biết có khả năng làm tốt điều gì, và tập trung vào đó nhiều hơn.

Mọi người đều có nhược điểm, cần có thái độ “Tôi tin cậy Chúa” (x. 2 Cr 12,9-10) và tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng của nhược điểm trên bản thân mình, nhận biết lãnh vực nào chưa giỏi thì nên tránh.

Bảng khảo sát đưa ra những đặc tính các tham dự viên lựa chọn đặc tính nào miêu tả về mình để từ đó biết mình thuộc khuynh hướng nào trong 4 chiều kích của tính cách cá nhân:

Các tính cách của người có phong cách D (Dominance - Thống Trị): Hay ép buộc (forceful), khởi xướng (pioneering), can đảm (bold), hay cãi (argumentative), táo bạo (daring), tự lập (self-reliant), dứt khoát (decisive), quả quyết (assertive), kiên định (unyielding), kiên trì (persistent), cương quyết (relentles), cứng cỏi (strong-willed), thích phiêu lưu (adventurous), hung hăng (aggressive), quả quyết (determined), thích chỉ huy (commanding), cá tính mạnh mẽ (force of character), độc lập (independent), trực tính (out-spoken), thiếu kiên nhẫn (impatient), cạnh tranh (competitive), can đảm (courageous), hay nài ép (pushy), đưa ra phương hướng (directing)

Các tính cách của người có phong cách I (Influence - Ảnh Hưởng): thoả lòng (satisfied), sôi động (exciting), năng động (animated), hay thay đổi (unpredictable), thân thiện (outgoing), hay thuyết phục (persuasive), thích đám đông (life of party), được ưa thích (popular), đầy sức sống (colorful), lạc quan (optimistic), nói nhiều (talkative), khôi hài (playful), có duyên (charming), thu hút (attractive), nhiệt tình (enthusiastic), bốc đồng (impulsive), sống động (lively), có ảnh hưởng (influential), nhạy cảm (emotional), thoải mái (spontaneous), có sức thuyết phục (convincing), hay thay đổi (flighty), hay khích lệ (stimulating).

Các tính cách của người có phong cách S (Steadiness - Điềm Tĩnh): bình tĩnh (restrained), thoả lòng (satisfied), sẵn lòng (willing), do dự (indecisive), kiên nhẫn (patient), mềm mại (gentle), điềm đạm (even-tempered), rộng lượng (generous), dễ tính (easy-going), hay giúp đỡ (accommodating), thân thiện (neighbority), dễ gần gũi (friendly), có mục tiêu (deliberate), vững vàng (steady), cảm thông (sympathetic), bình thản (slow-paced), luộm thuộm (laid-back), tốt bụng (kind), dễ mến (pleasant), hay trì hoãn (procrastinatior), trung thành (loyal), chu đáo (considerate), hay lệ thuộc (dependent), dễ chấp nhận (tolerant).

Các tính cách của người có phong cách C (Conscientiousness - Cầu Toàn): cẩn thận (careful), chính xác (correct), chi tiết, cụ thể (precise), hay nghi ngờ (doubting), lễ phép (respecful), hay lý luận (logical), thận trọng (cautious), cầu toàn (perfectionist), khiêm tốn (modest), có thứ tự (systematic), khiêm nhường (humble), tinh ý (observant), có kỷ luật (disciplined), bình tĩnh (restrained), hay phân tích (analytical), hay phê phán (critical)

Qua Bảng Khảo Sát Tính Cách Cá Nhân, có thể thấy hiện diện trong hội trường nhóm người S là đông nhất trong các nhóm người. Để biết mình thuộc nhóm người nào không có nghĩa là phải hội đủ cả 24 tính cách của nhóm người đó, mà là có nhiều tính cách của nhóm người đó nhất, vì mỗi người đều là sự trộn lẫn các tính cách của những phong cách khác nhau. Sau cuộc khảo sát, Mục Sư đi vào phân tích khuynh hướng cá tính của từng nhóm người. Mỗi khi phân tích đến nhóm người nào, thì những người theo khuynh hướng đó được Mục Sư mời gọi đứng lên để cộng đoàn vỗ tay tán thưởng.

Khuynh hướng của người có phong cách “D” - Thống Trị (Dominance), với tiêu chí “Thực hiện ngay!”, “Hãy Làm Ngay”. Họ có ưu điểm: Muốn công việc được thực hiện ngay; Bền bỉ/ Kiên trì trong công việc; Chịu trách nhiệm, là người có thể tin cậy được dù có giám sát hay không cũng đeo đuổi và làm việc cho đến cùng; Chấp nhận thử thách, càng khó khăn thì càng hăng hái trong công việc; Quyết định nhanh chóng; Giải quyết các vấn đề thực tế; Giỏi tổ chức, ứng phó; Làm việc chăm chỉ. Nhưng bên cạnh đó là những nhược điểm: Vô tình với người chung quanh; Xem thường những cảnh báo; Gánh vác quá nhiều việc; Đòi hỏi người khác quá nhiều; Thích kiểm soát; Thiếu kiên nhẫn; Không linh động và ít tuân phục; Thiếu chú ý vào chi tiết; Bực bội với những cấm đoán.

Khuynh hướng của người có phong cách “I” - Ảnh Hưởng (Influence), với tiêu chí “Muốn được chấp nhận”. Họ có ưu điểm: Lạc quan; Duyên dáng; Có tài ăn nói, kể chuyện; Thích đám đông, vui nhộn; Nhiệt tình, hồn nhiên; Sáng tạo, hào hiệp; Có sức thuyết phục; Thoải mái và thân mật. Bên cạnh đó là những nhược điểm: Thiếu quan tâm đến người khác; Nói quá nhiều; Hành động bốc đồng; Hứa hẹn thiếu suy tính, mau quên; Coi mình là trung tâm; Lạc quan quá đáng; Vội vàng kết luận; Lạm dụng khẩu tài

Khuynh hướng của người có phong cách “S” - Điềm Tĩnh (Steadiness), với tiêu chí “Hòa thuận”. Họ có ưu điểm: Có khả năng quản lý; Trung thành; Kiên nhẫn, quân bình; Đáng tin cậy; Dễ dãi, thoải mái; Điềm tĩnh, biết tự chủ; Sẵn sàng lắng nghe; Coi trọng các mối quan hệ. Bên cạnh đó là những nhược điểm: Chống lại sự thay đổi; Không biểu lộ nhiệt tình; Lưỡng lự, chần chừ; Không thẳng thắn, sợ mích lòng; Không chịu quyết định, thường để “Nước đến trôn mới nhảy”; Tránh né mâu thuẫn; Thiếu sự khởi xướng.

Khuynh hướng của người có phong cách “C” - Cầu Toàn (Conscientiousness), với tiêu chí “Thực hiện đúng!”. Họ có ưu điểm: Sâu sắc, trầm lặng; Có kỷ luật; Chu đáo, ngăn nắp; Hay phân tích; Tài năng và sáng tạo; Tỉ mỉ; Tiết kiệm; Chú tâm đến chất lượng. Bên cạnh đó là những nhược điểm: Cẩn thận thái quá; Dễ ngã lòng, chán nản; Nguyên tắc, thiếu sáng tạo; Nhạy cảm với sự phê phán; Quá chi tiết; Hay để ý lỗi lầm; Hay nghi ngờ, suy diễn; Bi quan.

Sau khi khám phá ra được khuynh hướng của mình và những người chung quanh, để giúp thông hiểu, đánh giá đúng tính cách mình và người khác cần Tôn Trọng Chính Mình Và Người Khác bằng cách tìm hiểu suy nghĩ, động cơ của từng nhóm cá tính vì “Thiên Chúa đem mọi người đến trong cuộc đời bạn, họ có những tính cách khác biệt với bạn” (x. 1 Cr 12,18-19). Cần xây dựng những mối quan hệ bền vững hơn với những người Thiên Chúa đem đến trong cuộc sống mỗi người bằng cách: Cảm thông và đánh giá đúng mỗi tính cách trong bốn tính cách tiêu biểu (x. Rm 12,3-5); Nhận biết rằng sự khác biệt trong người khác được dự định để làm cho mình được hoàn hảo (x. 1 Cr 12,20-21); Hãy kết ước gầy dựng người khác qua lời nói và hành động của mình (x. Ep 4,29 - Rm 15,2). Hãy ngồi lại vì những tính cách độc đáo của nhau…

Để thông hiểu và tôn trọng người có chỉ số “D” cao cần biết đặc điểm cá tính về họ:

- Động cơ căn bản: NHỮNG MỤC TIÊU; NHỮNG THÁCH THỨC

- Tình huống thuận lợi nhất: Liên tục được thách thức; Được tự do hành động; Công việc mang tính đa dạng.

- Chấp nhận/Từ chối: Chấp nhận khó khăn; Từ chối sự trì trệ.

- Ưu điểm nổi trội: Làm cho công việc được thực hiện; Dứt khoát; Kiên trì.

- Nhược điểm chủ yếu: Thiếu nhạy bén với người khác, Thiếu kiên nhẫn, xem thường những rủi ro và bỏ qua những sự kiện. Không linh động, không chịu phục tùng.

- Cách ứng xử dưới áp lực: Độc Đoán.

- Sẽ có ích lợi khi: Biết lắng nghe

- Người có khuynh hướng “D” là người thích khởi xướng, thích thay đổi, tập trung vào mục tiêu, biến ý tưởng thành hành động nhưng thiếu nhạy bén, không kiên nhẫn. Được thúc đẩy bởi kết quả, thách thức và hành động. Dành thời gian cho ngay bây giờ, sử dụng thời gian hiệu quả, thích đi thẳng vào vấn đề. Truyền thông một chiều, không biết lắng nghe, giỏi khởi xướng cuộc chuyện trò. Đáp ứng cảm xúc khách quan, không lệ thuộc. Ra quyết định dứt khoát, nhanh nhẹn, thích hành động, tâm trí lúc nào cũng đề ra mục tiêu.

Suy nghĩ của người có chỉ số "D"cao: “Thế giới lý tưởng của tôi là nơi tôi có quyền KIỂM SOÁT”; “Tôi thích THAY ĐỔI mọi việc”; “Tôi muốn làm điều đó theo cách CỦA TÔI”; “Điều làm tôi sợ hãi nhất là mất quyền KIỂM SOÁT và không được THÁCH THỨC”

Trong Kinh Thánh, ông Phaolô là người có chỉ số "D" cao khi Phaolô được thúc đẩy bởi những mục tiêu đầy thách thức (x. Pl 3,13-14); Phaolô được hướng dẫn và đòi hỏi khắt khe (x. 2 Tx 3,10;14); Phaolô là nhà tranh luận đầy quyền năng và có sức thuyết phục (x. Cv 17,16-17; 33-34); Phaolô dứt khoát và kiên quyết trong hành động của ông (x. Cv 16,9-10).

Đặc điểm cá tính cần biết để thông hiểu và coi trọng người có chỉ số “I” cao:

- Động cơ căn bản: THÍCH ĐƯỢC THỪA NHẬN, NHỮNG LỜI KHEN.

- Tình huống thuận lợi nhất: Những cơ hội mới và đầy hứng thú; Được tự do khỏi sự điều khiển và chi tiết; Có cơ hội động viên người khác.

- Chấp nhận/Từ chối: Chấp nhận cộng tác chung với người khác; Từ chối sự cô lập.

- Ưu điểm nổi trội: Lạc quan; Duyên dáng; Nhiệt tình

- Nhược điểm chủ yếu: Đánh giá cao bản thân; Lạm dụng khẩu tài; Thiếu lòng theo đuổi đến cùng.

- Cách ứng xử dưới áp lực: TẤN CÔNG

- Sẽ có ích lợi khi: Biết đeo đuổi mục đích

- Người có khuynh hướng “I” là người sáng tạo, nhiệt thành, thân mật, động viên và liên kết mọi người với nhau nhưng bốc đồng, không chú ý đến chi tiết hay các dữ kiện. Được thúc đẩy bởi sự công nhận, sự chấp thuận và điều gì thấy được. Dành thời gian cho tương lai, có xu hướng chạy theo điều hứng thú kế tiếp. Truyền thông nhiệt tình, sôi động, thường là một chiều, có thể làm người khác hào hứng. Đáp ứng cảm xúc lên xuống thất thường, dễ bị kích động. Ra quyết định bằng trực giác, tận dụng cơ hội dựa vào cảm xúc, thắng nhiều và thất bại cũng nhiều.

Suy nghĩ của người có chỉ số "I" cao: Thế giới lý tưởng của tôi là nơi tôi được VUI ĐÙA”; “Tôi thích MƠ VỀ mọi việc”; “Tôi muốn làm điều đó theo cách HÀO HỨNG”; “Điều làm tôi sợ hãi nhất là mất MẶT hay không ĐƯỢC THỪA NHẬN”

Trong Kinh Thánh, ông Phêrô là người có chỉ số "I" cao khi Phêrô ao ước mạnh mẽ rằng ông sẽ ảnh hưởng nhiều người vì cớ Tin Mừng (x. Lc 5,8-11); Phêrô tin vào điều không thể và sẵn lòng chấp nhận mạo hiểm (x. Mt 14,28-29); Phêrô đã tuyên bố lời hứa lạ thường vì ông đầy lạc quan và tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp (x. Mc 14,27-31); Phêrô rất cảm tính và bốc đồng trong hành động của ông (x. Ga 21, 4-7; Mt 14,28-29)

Đặc điểm cá tính cần biết để thông hiểu và coi trọng người có chỉ số “S” cao:

- Động cơ căn bản: XEM TRỌNG CÁC MỐI QUAN HỆ; THÍCH ĐƯỢC TÔN TRỌNG

- Tình huống thuận lợi nhất: Cơ hội để phục vụ người khác; Ổn định và biết trước điều gì sẽ xảy đến; Thân thiện, môi trường bình yên

- Chấp nhận/Từ chối: Chấp nhận tình bằng hữu; Từ chối xung đột

- Ưu điểm nổi trội: Thích giúp đỡ; Dễ đồng ý; Trung thành

- Nhược điểm chủ yếu: Hay ngại nói thẳng; Từ chối sự thay đổi nhanh chóng; Khoan dung thái quá

- Cách ứng xử dưới áp lực: NHƯỢNG BỘ

- Sẽ có ích lợi khi: Là người khởi xướng

- Người có khuynh hướng “S” là người thích xây dựng các mối quan hệ, có kỹ năng liên kết con người, là một đồng đội hay một lãnh đạo tốt nhưng có thể hy sinh kết quả để giữ hòa khí, chần chừ trong quyết định. Được thúc đẩy bởi mối quan hệ, lời tán thưởng được phục vụ. Dành thời gian cho hiện tại, gây tổn thất đến công việc vì dành thời gian cho những mối quan hệ riêng. Truyền thông bằng thông tin hai chiều, biết lắng nghe, duyên dáng. Đáp ứng cảm xúc gần gũi, thân thiện. Ra quyết định bằng tương tác, thích người khác cho ý kiến, xây dựng sự hài hòa.

Suy nghĩ của người có chỉ số "S" cao: “Thế giới lý tưởng của tôi là nơi tôi được BÌNH AN”; Tôi thích QUAN SÁT sự việc”; Tôi muốn làm điều đó theo cách DỄ DÀNG”; “Điều làm tôi sợ hãi nhất là mất sự ỔN ĐỊNH hay đánh mất TÌNH BẠN”

Trong Kinh Thánh, ông Ápraham là người có chỉ số "S" cao khi Ápraham phục tùng sự dẫn dắt của Chúa và rời bỏ sự bình yên nơi quê nhà (x. St 12,1-2,4); Ápraham tránh xung đột khi phải đối diện với tranh chấp (x. St 13,8-9); Ápraham là người trung thành và hay giúp đỡ người khác (x. St 14,14-16); Ápraham cầu xin Chúa tha thứ cho thành Xơđôm vì ông rất nhạy cảm với nhu cầu của dân chúng trong thành (x. St 18,22-23).

Đặc điểm cá tính cần biết để thông hiểu và coi trọng người có chỉ số “C” cao:

- Động cơ căn bản: Động cơ ĐÚNG, Quan Tâm đến PHẨM CHẤT

- Tình huống thuận lợi nhất: Được định nghĩa cách rõ ràng; Giảm thiểu rủi ro; Yêu cầu chú ý đến chi tiết.

- Chấp nhận/Từ chối: Chấp nhận phương pháp và tổ chức; Từ chối sự thiếu kém về chất lượng.

- Ưu điểm nổi trội: Ngăn nắp; Chu Đáo; Hay phân tích.

- Nhược điểm chủ yếu: Thiếu tính đa dạng; Quá chi tiết; Quá thận trọng

- Cách ứng xử dưới áp lực: TRÁNH NÉ

- Sẽ có ích lợi khi: Khi bày tỏ ý kiến của mình

- Người có khuynh hướng “C” là người thích theo đuổi sự xuất sắc, hướng tới chất lượng, làm việc chính xác, tỉ mỉ nhưng thận trọng thái quá, quá tỉ mỉ nên quên mất thời gian. Được thúc đẩy bởi điều đúng đắn, chất lượng và xuất sắc. Dành thời gian cho quá khứ, làm việc thận trọng để đạt được sự chính xác. Truyền thông bằng cách biết lắng nghe, đặc biệt thích những công việc chi tiết. Đáp ứng cảm xúc một cách nhạy cảm, thận trọng. Ra quyết định bằng sự cân nhắc/thận trọng, dành thời gian để gom góp dữ liệu, tỉ mỉ.

Suy nghĩ của người có chỉ số "C" cao: “Thế giới lý tưởng của tôi là khi mọi sự quanh tôi đều XUẤT SẮC”; “Tôi thích NGHIÊN CỨU mọi việc”; Tôi muốn làm điều đó theo cách ĐÚNG ĐẮN”; Điều làm tôi sợ hãi nhất là làm SAI hay bị PHÊ PHÁN”.

Trong Kinh Thánh, ông Môsê là người có chỉ số "C" cao khi Môsê là người có tài năng và học thức cao (x. Cv 7,22); Môsê rất chu đáo và thận trọng khi đối diện với thách thức (x. Xh 3,10-11); Môsê đã trình bày đầy đủ luật lệ của Chúa cho dân Isarael và mong muốn họ tuân theo (x. Đnl 4,1-2); Môsê rất tận tâm, nhưng ông lại thấy khó chia sẻ gánh nặng trách nhiệm với người khác (x. Xh 18,13-18).

Bước thứ ba trong Giải Quyết Khác Biệt Trong Cá Tính là học cách tận dụng tính cách riêng của mình sao cho phù hợp với nhu cầu của người khác, nghĩa là Phát Triển Tính Linh Hoạt của bản thân để tìm đến thành công trong các mối quan hệ. “Thiên Chúa kêu gọi bạn hãy quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của người khác, chứ không chỉ của riêng mình” (x. Pl 2,3-4). “Điều này không tự nhiên mà đến” (x. Pl 2,19-21). “Đây là điều siêu nhiên. Hãy nhìn xem gương của Chúa Giêsu, cầu xin Thiên Chúa giúp bạn thành thật đặt lợi ích của người khác trên lên lợi ích của riêng bạn” (x. Pl 2,5-11). Tính linh hoạt nghĩa là sẵn lòng và khả năng làm cho phù hợp tính cách của bạn để đáp ứng nhu cầu của người khác (x. Pl 2,13).

Có năm bước để phát triển tính linh hoạt để thực hành khả năng linh động với người khác:

Bước 1. Nhận diện tính cách của người khác bằng cách quan sát.

Bước 2. Tập trung vào các nhu cầu của người khác.

Bước 3. Phát triển thái độ tích cực về tính cách của người khác: Chúng ta có khuynh hướng chú ý vào khuyết điểm của người khác, hơn là vào ưu điểm của họ … đặc biệt là với những người có tính cách khác biệt với mình. Để vượt qua thái độ ngăn trở này cần cầu xin Chúa giúp đỡ để chú ý vào những ưu điểm của người khác, chứ không phải nhược điểm của họ.

Bước 4. Nhận diện các phạm vi gây căng thẳng: Chúng ta tự đánh giá mình theo quan điểm riêng, nhưng lại đánh giá người khác qua cách cư xử của họ và có khuynh hướng gây căng thẳng cho người khác bằng những việc chúng ta làm hay không làm. Khi căng thẳng xảy ra chúng ta muốn người khác thay đổi, nhưng không thay đổi chính mình. Để vượt qua thái độ ngăn trở này cần cầu xin Chúa thay đổi bản thân, xin Chúa giúp mình thực hiện các bước linh động để đáp ứng nhu cầu của người khác.

Bước 5. Thực Hiện Các Bước Linh Hoạt Để Đáp Ứng Các Nhu Cầu:

- Các Bước Linh Động Đối Với người "D": Lắng nghe nhiều hơn; Khích lệ người khác; Hãy kiên nhẫn; Giải thích tại sao; Đánh giá những rủi ro; Quan tâm hơn đến người khác; Hãy hỗ trợ; Hãy gần gũi, cởi mở; Bớt điều khiển người khác; Hãy sẵn lòng phục tùng.

- Các Bước Linh Động Đối Với người "I": Giảm tốc độ; Đừng bỏ dở công việc; Hãy tập trung vào kết quả; Đừng bốc đồng quá; Thực tế hơn; Hãy tự chủ với cảm xúc; Hãy đánh giá các hoạt động; Lắng nghe nhiều, bớt nói; Tập trung vào chi tiết và sự kiện; Sử dụng tính tự chủ.

Các Bước Linh Động Đối Với người "S": Hãy dứt khoát hơn; Hãy tập khởi xướng; Tăng nhịp độ nhanh hơn; Hãy thẳng thắn hơn; Hãy sẵn sàng thay đổi; Sẵn sàng đương đầu với nan đề; Nhiệt tình hơn với các ý tưởng; Đừng nhạy cảm quá; Cần làm việc theo đúng thời hạn; Hãy tự tin hơn.

Các Bước Linh Động Đối Với người "C": Đáp ứng nhanh hơn; Liều lĩnh nhiều hơn; Tin cậy trực giác của bạn; Lạc quan hơn; Đừng sợ hãi quá; Đừng bị gò bó, tự nhiên hơn; Đừng đòi hỏi quá nhiều sự kiện; Phát triển các mối quan hệ; Tập trung vào điều tích cực; Hãy linh động hơn.

Các nhân vật trong Kinh Thánh của từng nhóm cá tính được phân tích trên đã được Thiên Chúa sử dụng trong sự quan phòng của Ngài. Đối với từng nhân vật, Chúa đã cách đối xử thích hợp:

- Đối với Phaolô, người có chỉ số “D” cao: Chúa đã sử dụng kinh nghiệm trên đường Đamát để làm Phaolô chú ý (x. Cv 9,3-5); Chúa đã đặt vấn đề trực tiếp đối với Phaolô (x. Cv 9,6); Chúa đã cho phép Phaolô phát triển chức vụ tại các lãnh thổ mới và chưa được khám phá (x. Rm 15,20-21); Chúa cho phép Phaolô mang “cái dằm” để giữ ông luôn nương dựa vào Chúa (x. 2 Cr 12,6-7).

- Đối với Phêrô, người có chỉ số “I” cao: Chúa đã khiến cho Phêrô chú ý bằng trí tưởng tượng của ông (x. Lc 5,4-5); Chúa đã khẳng định với Phêrô tính cách của ông và làm cho ông cảm thấy mình quan trọng (x. Mt 16,15-17); Chúa đã đảm bảo với Phêrô một địa vị có ảnh hưởng (x. Mt 16,18-19); Chúa đã ban cho Phêrô những cơ hội có ảnh hưởng người khác qua lời nói (x. Cv 2,40-41).

- Đối với Ápraham, người có chỉ số “S” cao: Chúa đã ban cho Ápraham lý do cụ thể để thay đổi tình trạng hiện tại của ông (x. St 12,1-3); Chúa đã kiên nhẫn ban cho Ápraham thời gian thích đáng để đáp ứng với sự thay đổi (x. St 13,14-15;17); Chúa đã tạo ra môi trường đầy khích lệ và làm cho Ápraham cảm thấy được an toàn (x. St 15,1); Chúa đã thử đức tin của Ápraham bằng cách yêu cầu ông dâng con trai là Isaác (x. 22,1-2).

- Đối với Môsê, người có chỉ số “S” cao: Chúa đã xác định với Môsê Ngài là ai bằng cách cung cấp bằng cớ rõ ràng (x. Xh 3,2.4.6); Chúa đã rất chi tiết khi truyền đạt kế hoạch của Ngài với Môsê (x. 3,7-8.10); Chúa đã thừa nhận Môsê là người thận trọng và Ngài kiên nhẫn hướng dẫn ông những điều ông quan tâm (x. Xh 3,13-14); Chúa đã cho Môsê những trọng trách đòi hỏi ông vừa chính xác vừa dung hòa (x. Xh 3,2.4.6).

Đối nhân xử thế trong cuộc sống vẫn là vấn đề xưa nay được nhiều người quan tâm, trong thời đại ngày nay, khi mà thế giới gần như đã trở thành “ngôi làng toàn cầu”, nhu cầu cùng nhau làm việc là điều tất yếu, vì thế cần phải “biết người, biết ta” để cuộc sống được dung hòa. “Bí quyết thu phục nhân tâm” là một trong những cách giúp Kitô hữu hòa vào môi trường sống và nhận ra ân huệ Chúa ban cho mỗi người với những điểm mạnh yếu khác nhau, cũng là bổ khuyết cho nhau trên con đường lữ thứ trần gian.

Sàigòn, ngày 19 tháng Năm, 2011.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đối thoại với Cộng sản: Theo gương Chân phước Gioan Phaolô II
Trần Dũng Lạc
22:01 20/05/2011
Hổm rày bận việc đi xa hổng có thời giờ theo dõi tin tức mới biết miền quê Việt nam mình còn nghèo thiệt nghèo và thiếu thốn đủ mọi thông tin, được ít bữa thoải mãi với đời sống nông thôn yên tĩnh nhưng lại mù tịt về thông tin ngay cả trong nước chớ đừng nói tới những thông tin quốc tế chấn động địa cầu như chuyện phong Chân Phước cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II. Về tới nhà lập tức tui được một Đứng Bực đáng tôn kính và tràn
đầy uy tín cho biết buổi lễ phong Chân Phước rất long trọng và còn cung cấp cho tui đầy đủ hình ảnh, bài vở, thông tin chi tiết đáng quí, kể cả cuốn sách xấp xỉ ngàn trang “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta”. Tui vùi đầu nghiến ngấu đọc và xem thì thấy quả thật là một buổi lễ hổng những long trọng mà còn tràn đầy ấn tượng sâu sắc, đặc biệt với bài giảng trên cả tuyệt vời của Đức Bênêđíctô XVI, bài giảng này nói lên quá nhiều điều nhứt là về đối thoại khác hẳn với ai đó nói Đức Chân Phước Gioan Phaolo chỉ kêu gọi đối thoại và đừng sợ đối thoại với những lý luận quanh co bao biện mà thâm ý nhằm biện minh cho thái độ cũng quanh co và bao biện như lý luận. Bài giảng của Đức Bênêđíctô XVI nói thẳng thắn về lập trường của Đức Chân Phước Gioan Phaolo II làm cho Hai Lúa sáng thêm nhiều về thái độ đối thoại của Vị Giáo Hoàng Vĩ Đại nầy. Ai cũng phải công nhận Đức Chân Phước Gioan Phaolo II là người đối thoại, nhưng hổng như ai đó, Ngài đối thoại trước tiên bằng nói lên những khác biệt chánh yếu dựa trên nền tảng lý thuyết.

NÓI LÊN NHỮNG KHÁC BIỆT CHÁNH YẾU VỀ LÝ THUYẾT

Khác với những người “đối thoại bằng mọi giá” luôn né tránh sự thực, nói những lời bùi tai mà rỗng tuếch, đưa ra những tương tự hời hợt bên ngoài giữa Công giáo và Cộng sản, Đức Chân Phước đối thoại bằng đầu tiên nêu lên những khác biệt thực sự và cơ bản giữa Công giáo và Cộng sản. Đức Bênêđíctô XVI, cộng sự viên thân tín của Đức Chân Phước trong 23 năm hiểu rõ tất cả tư tưởng và hành động của Ngài đã nêu bật điều đó trong bài giảng lễ Phong Chân Phước ngày 01-05-2011:

”Khi Karol Wojtyla ngồi vào ghế của Thánh Phêrô, ngài mang theo với ngài một nhận thức sâu xa về sự khác biệt giữa chủ nghĩa Mác-xít và Kitô giáo, căn cứ trên những tầm nhìn của mỗi bên về con người. Đây là sứ điệp của ngài: con người là con đường của Giáo Hội, và Đức Kitô là con đường của con người,… Ngài đã đúng đắn khi gọi Kitô giáo là động lực của niềm hy vọng ấy, niềm hy vọng cách nào đó từng bị rúng động trước chủ thuyết Mác-xít và trước ý thức hệ về sự tiến bộ. Ngài đã lấy lại cho Kitô giáo khuôn mặt thực của mình như là một tôn giáo của hy vọng, được sống trong lịch sử trong một tinh thần của “Mùa Vọng”, trong một cuộc hiện sinh cá nhân và cộng đồng hướng tới Đức Kitô, sự viên mãn của loài người và là sự lấp đầy nơi chúng ta mọi khát vọng công lý và hòa bình” (Bản dịch của Lm Thiên Phong, Vietcatholic ngày 5/1/2011).

Khỏi cần nói ai cũng thấy Đức Giáo hoàng Bênêđíctô đánh giá cuộc đối thoại của Đức Chân Phước với Cộng sản hổng phải chỉ quan trọng mà thôi nhưng còn là cốt lõi cuộc đời của Ngài, nên mới dành một phần quan trọng của bài giảng trong một thánh lễ long trọng nói lên cả sự nghiệp của Đức Chân Phước. Và Đức Chân Phước đối thoại trước hết bằng nói lên sự khác biệt sâu xa, cốt lõi giữa Công giáo và Cộng sản chớ hổng né tránh. Tui còn nhớ hồi thập niên 80, mấy cha Đoàn Kết đưa về những tập Thần học giải phóng của Gustavo Gutierez và mừng rỡ như bắt được vàng bởi có người biện minh cho thái độ “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa” của mình. Sau đó là cuốn “Đối thoại với Fidel Castro” của Leonardo Boff do cha Đinh châu Trân, dòng Đaminh dịch ra, ngay trang bìa giới thiệu, tui hổng nhớ chắc, đại khái như sau: “Những tương đồng giữa Công giáo và Cộng sản nhiều gấp trăm lần những khác biệt”. Thiệt là lập lờ đánh lận con đen, những tương đồng chỉ là hời hợt nhưng những khác biệt mới thực sâu xa và là cốt lõi, chẳng thế mà Đức Chân Phước đã mạnh dạn vạch rõ ngay từ lúc lãnh nhận sứ vụ Phêrô rồi sau đó trong triều đại của Ngài tiếp tục đưa ra những luận điểm vạch rõ những sai lầm của Thần học giải phóng.

Ngày 14-09-1981, nhân dịp kỷ niêm 90 năm Rerum Novarum, Ngài cho công bố Tông huấn về “Lao động” Laborem Exercens nói lên những sai lầm của nền Thần học giải phóng ở Châu Mỹ Latinh.

Ngày 06-08-1984, Ngài cho phép Bộ Giáo lý Đức tin công bố bản hướng dẫn “Libertatis Nuntius”“Hướng dẫn về một vài phương diện của Thần học giải phóng” (AAS 76(1984)876-909. Documenta 57), bẻ gẫy hoàn toàn hệ thống lý luận của Thần học giải phóng, đồng thời cảnh cáo hai linh mục Gustavo Gutierez và Leonardo Boff về lập trường Thần học giải phóng.

Ngày 22-03-1986, Bộ Giáo lý Đức tin tiếp tục cho công bố bản “Libertatis conscientia” “Hướng dẫn về tự do của Kito giáo” (AAS79 (1987) 554-599), nhắc lại những nguyên tắc của bản Hướng dẫn 1984 và còn đi xa hơn với khuyến cáo hàng linh mục, tu sĩ không được trực tiếp tham gia chính trị hoặc đưa chủ thuyết Marxism vào các sinh hoạt tôn giáo nhân danh người nghèo.

Đối với các linh mục có khuynh hướng cộng sản hoặc ủng hộ cộng sản bằng việc tham gia chánh quyền, Đức Chân Phước dứt khoát khuyến cáo và có những biện pháp mạnh mẽ. Ngày 11-03-1985, Bộ Giáo lý Đức tin công bố “Ghi chú về quyển sách “Giáo hội: đoàn sủng và quyền lực” của linh mục Leonardo Boff, OFM (AAS77(1985)756-782. Documenta 58) và huyền chức linh mục này luôn, vị này sau đó hồi tục.

Năm 1983, khi Ngài chuẩn bị thăm các nước Trung Mỹ trong đó có Nicaragua, nơi mặt trận cộng sản Sandino rất mạnh đã cướp chánh quyền với sự tham gia của nhiều linh mục dòng Tên, Đức Chân Phước đặt điều kiện các vị này phải có lập trường rõ rệt, lựa chọn hoặc Giáo hội hoặc cách mạng. Như một thách thức, đón Đức Chân Phước tại sân bay có mặt đông đủ các linh mục cách mạng mà đại diện là cha Ernesto Cardenal, SJ, Bộ trưởng bộ Văn hóa trong chánh quyền Sandino. “Tại sân bay Managua, khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đang chào các thành viên chính phủ Sandino, cha Ernesto đã nhanh chóng tháo chiếc mũ nồi đen của ông ta ra khỏi đầu, quỳ xuống khi Đức Giáo hoàng đến gần ông và nâng tay của Đức Giáo hoàng lên để hôn. Nhưng Đức Giáo hoàng đã nhanh chóng rút tay về, mặt ửng đỏ, chỉ ngón tay trỏ của bàn tay phải và phê phán ngài Bộ trưởng: “Cha phải loại bỏ sự nghi ngờ của cha đối với Giáo hội, phải loại bỏ sự chống đối của cha đối với Giáo hội”. Sau đó, để tránh bất cứ sự tiếp xúc nào với các linh mục theo cách mạng, Đức Giáo hoàng chắp tay lại, cúi đầu xuống cách nhẹ nhàng và bước tiếp” (s đ d tr. 490-491).

Thiệt là thẳng thắn, rõ ràng và đương nhiên là can đảm. Có nói lên những khác biệt thì mới có lộ trình giải quyết, còn nếu xã giao mà nói thôi mình giống nhau hết thảy thì khỏi cần phải đối thoại, thảo luận, tranh cãi làm chi hết ráo, ta với cộng sản là một thì hết thế rồi. Thiệt là can đảm tiếng nói của ngôn sứ dù sau đó Đức Chân Phước bị chống đối dữ dội, tại các nước thuộc châu Mỹ Latinh, ngài gặp nhiều phản đối, nhứt là tại Nicaragua hổng thể dâng lễ vì phe Thần học giải phóng la lối phản đối quá mạnh, nhưng ngài kiên trì chấp nhận và kiên quyết nói lên lập trường của Giáo hội bảo vệ chân lý, sự tinh tuyền của giáo lý và sự trong sáng của sứ điệp Tin mừng. Hổng biết có phải vì noi gương Đức Chân PHước mà Đức Hồng Y Phạm minh Mẫn đã buộc cha Phan khắc Từ và Đức Cha Nguyễn thái Hợp cũng buộc ông cha Từ phải chọn hoặc mục vụ hoặc chính trị? Dầu sao đây cũng là tín hiệu Việt nam đang noi gương Đức Chân Phước, thà trể còn hơn không. Xin các Đứng Lãnh Đạo hãy noi gương Đức Chân Phước có thái độ đúng đắn với những ông quan cách mạng trong Giáo hội và những ai thích làm quan hãy nhìn tấm gương của Bộ trưởng VĂn hóa Ernesto Cardenal mà răn mình.

Không tán thành cộng sản, Ngài công khai đứng về phía dân nghèo và đấu tranh cho dân nghèo khi họ là nạn nhân của cả tư bản lẫn cộng sản.

CÔNG KHAI ĐỨNG VỀ PHÍA DÂN NGHÈO

Ngay trong chuyến đầu tiên trở về thăm quê hương Ba lan, tiếng nói của Đức Chân Phước làm rung động lòng người dân, đi thẳng vào trái tim yêu mến của họ khi công khai tuyên bố đứng về phía người dân nghèo, đồng hành với họ trên con đường phục vụ Chúa và hạnh phúc đồng loại: “Hỡi các đồng bào yêu quý, Giáo hoàng mang cùng dòng máu xương thịt của các bạn, sẽ hòa tiếng nói cùng các bạn, Giáo hoàng sẽ cất cao tiếng nói để sự vinh quang của Chúa sẽ tồn tại mãi mãi. Chúng ta sẽ không quay trở lại quá khứ mà sẽ đi thẳng tới tương lai” (Carl Berstein and Marco Politi, His Holiness, the hidden story of our time, bản dịch của Nguyễn bá Long và Trần quý Thắng, NXB Công an Nhân dân 2002, tr. 296-297).

Hổng phải chỉ gắn bó với người dân Ba lan thôi đâu nghen, Đức Chân Phước ngay từ những ngày đầu tiên trên ghế của thánh Phê rô đã ý thức mình là người của mọi người, khi đầu tiên chào tất cả dân thành Rôma bằng tiếng Ý, Ngài nói: “Nếu tôi mắc lỗi khi nói tiếng nói của các bạn- ý tôi muốn nói là tiếng nói của chúng ta- các bạn sẽ sửa cho tôi” (s đ d tr. 233).

Ngài đặc biệt gắn bó với những người nghèo khổ, những người bị áp bức, những người không có tiếng nói, nhứt là những người dân trong Giáo hội thầm lặng bên kia bức màn sắt, tỉ như trong chuyến hành hương Assisi, những người hành hương đã hô lớn với Ngài: “Xin đừng quên Giáo hội thầm lặng”, thiệt lạ lùng, Ngài ứng khẩu và cũng hô lớn đáp lại: “Nay không còn Giáo hội thầm lặng nữa, bởi vì họ sẽ nói bằng tiếng nói của Cha đây” (s đ d tr. 248). Ở đây hổng phải là vấn đề ứng đối, nhưng là vấn đề của trái tim, của tấm lòng, những lời bột phát, không chuẩn bị trước phát xuất từ trái tim, hổng phải nhứt thời cho vui người nghe, nhưng chứng thực bằng hành động trải dài suốt triều đại Giáo hoàng của Ngài.

Trong chuyến viếng thăm châu Phi, Ngài xúc động tuyên xưng: “Tôi nói nhân danh những người không có tiếng nói, bằng tên tuổi của những người vô tội đang chết dần vì không có cơm ăn, nước uống” (s đ d tr. 526-527).

Đầu năm 1980, khi Ba lan ngập lút đầu trong nợ nần, người dân không có than để sưởi, bánh mì cũng chẳng đủ ăn, tức nước vỡ bờ thành những cuộc đình công biểu tình đòi lương thực rộng lớn trên cả nước, tại Rôma Đức Chân Phước đã ủng hộ những người biểu tình bằng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy giúp đỡ những người này, luôn che chở họ khỏi mọi nguy hiểm, cám dỗ và điều ác” và Ngài nói với các đoàn hành hương Ba lan tại Rôma trong ngày đó: “Tất cả chúng ta ở Roma đều thống nhất với những người yêu nước ở Ba Lan, với Giáo hội Ba lan, mà những vấn đề của họ có liên quan mật thiết với trái tim của chúng ta” (s đ d tr. 326-327). Sau đó ngài gửi thư cho Đức Hồng Y Wyszynski, Giáo chủ Ba lan và động viên hàng Giám mục Ba lan quyết liệt vào cuộc: “Tôi viết những dòng vắn tắt này để bày tỏ sự gần gũi hết sức đặc biệt của tôi dành cho Cha trong những ngày cuối cùng đầy khó khăn này. Tôi cầu mong với tất cả nhiệt huyết rằng các Giám mục Ba Lan thậm chí ngay cả bây giờ có thể giúp đỡ đất nước trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn để giành lấy bánh mì hằng ngày, công bằng xã hội, sự bảo đảm quyền bất khả xâm phạm cho sự sống và sự phát triển của Ba Lan” (s đ d tr. 327-328).

Điều này đặt ra cho những vị hữu trách đại diện dân chúng để có tiếng nói với nhà cầm quyền độc tài và xác định lập trường mỗi khi có tranh chấp hãy dứt khoát chọn đứng về phía dân chúng, nói nghe mà chơi, mấy quí vị trong Ủy ban Đoàn kết Công giáo nói chúng tui là cây cầu nối kết Giáo hội với xã hội mà có nói lên tiếng nói của Giáo hội bao giờ không, điển hình như vụ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tà, Cồn Dầu… tiếng nói của cây cầu đâu sao hổng thấy, hay là như mấy người kể cả linh mục, tu sĩ trong Mặt trận Tổ quốc hoặc Hội đồng Nhân dân, chớ thấy vị nào đứng về phía người nghèo đang bị áp bức bị chiếm đất, bị bọn tham quan nhũng nhiễu, chưa hề thấy một vị nào dám lên tiếng cho Giáo hội trước những bắt bớ, áp bức, bất công mà Giáo hội phải chịu từ khi có đảng cộng sản tới nay, quí vị chỉ đánh bóng cho chế độ, thiệt là sỉ nhục khi phải cam tâm luồn cúi, nịnh hót, ca tụng những kẻ đã làm hại đạo mình, đồng đạo mình, đồng bào mình, hết nói nổi rồi.

Với hàng Giám mục Ba lan mà Ngài còn động viên phải nhập cuộc với dân nghèo trong cuộc chiến giành lấy cơm bánh cho người nghèo, hổng lẽ với hàng Giám mục Việt nam Ngài lại nói khác đi hay là mấy người hiểu khác đi mà bóp méo lời của Ngài đó hở trời.

Còn hơn thế nữa, trong cuộc đối thoại nẩy lửa với cộng sản, Đức Chân PHước không ngần ngại đòi hỏi những quyền lợi chánh đáng của Giáo hội.

ĐÒI HỎI NHỮNG QUYỀN LỢI CHÁNH ĐÁNG CỦA GIÁO HỘI

Ngay trong chuyến viếng thăm quê nhà Balan lần đầu tiên vào ngày 02-06-1979, Đức Chân Phước khi dâng thánh lễ tại quảng trường Chiến Thắng, đã mạnh dạn tuyên bố những lời rực lửa: “Đối với Balan, Giáo Hội đã đưa Chúa Giêsu tới, chiếc chìa khóa để hiểu được thực tiễn vĩ đại và cơ bản là con người…Không thể loại Chúa Giêsu khỏi lịch sử nhân loại ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này, tại bất kỳ kinh tuyến hay vĩ tuyến nào của hành tinh. Loại trừ Chúa Giêsu khỏi lịch sử nhân loại là một tội ác chống lại loài người” (s đ d tr. 18).

Theo nhận định của các tác giả thì “Qua Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Giáo Hội đang tuyên bố một vai trò mới không chỉ là đơn thuần xin dành không gian cho bản thân nó và qua Ngài, Giáo Hội đang đòi phải tôn trọng nhân quyền cũng như giá trị của Kitô giáo. Những đòi hỏi này thể hiện một cuộc tấn công trực diện vào những kỳ vọng phổ biến của cộng sản, cái mà giờ đây đã trở thành một cái vỏ rỗng tuếch tại các nước nằm dưới ảnh hưởng của Xô Viết” (s đ d tr. 18-19).

Hổng phải chỉ nói với giáo dân trong thánh lễ, Đức Chân Phước còn gặp gỡ trực tiếp với Tổng Bí thư đảng Cộng sản Ba lan Edward Gierek, cuộc đối thoại này gây xôn xao hổng phải trong nước, trong đảng mà còn cả trong thế giới cộng sản nữa, vì trong cuộc đối thoại này trước tiên Đức Chân Phước đòi hỏi một thỏa thuận về những tôn trọng của chánh quyền đối với Giáo hội, sau đó Ngài đưa ra một danh mục những điều kiện để thuyết phục nhà cầm quyền cộng sản tin rằng họ phải tồn tại hòa bình với Giáo hội với sự tôn trọng các quyền tự do của Giáo hội.

Năm 1981, khi thấy cuộc đình công do Công đoàn Đoàn Kết lớn mạnh quá trời mau lẹ, tướng Jaruzenski ra lệnh thiết quân luật và lập tức bắt giữ hàng ngàn người, trong cuộc đụng độ xô xát có nhiều nguời thiệt mạng. Đức Chân Phước tức khắc lên tiếng, tại quảng trường thánh Phêrô, khi ngỏ lời với những người Ba lan hành hương tại Rôma, ngài nói: “Có quá nhiều máu của người Balan đã đổ xuống, nhất là trong cuộc chiến tranh cuối cùng. Không thể để cho máu của người Balan phải đổ thêm nữa. Mọi việc phải được làm để xây dựng một tương lai hòa bình.” (s đ d tr. 456).

Ngày 18-12-1981, tức tốc Ngài gởi cho tướng Jaruzelski, người đã ra thiết quân luật, một lá thơ với những lời lẽ quyết liệt: “Những sự kiện gần đây ở Balan, kể từ khi tuyên bố thiết quân luật ngày 13-12, đã dẫn đến kết quả là nhiều người bị giết và bị thương. Và tôi buộc phải gởi đến ngài lời thỉnh cầu khẩn thiết và chân thành này, cầu mong chấm dứt việc đổ máu ở Ba lan”(s đ d tr. 461-462).

Gởi thơ rồi vẫn còn chưa đủ, Ngài còn cử đặc sứ gặp tướng Jaruzelski. Và năm 1983, trong chuyến trở về quê hương lần thứ nhì, Ngài một lần nữa trực tiếp gặp Jaruzelski để nói với ông: “Tôi hiểu rằng chủ nghĩa xã hội mà hệ thống chính trị là một thực thể, nhưng vấn đề là nó phải có con người” (s đ d tr. 515).

Thiệt lạ lùng và bất ngờ khi Ngài nói thẳng thắn như thế lại thuyết phục được ông Tổng Bí thư đảng Cộng sản Ba lan nên ông đã đồng ý ký kết một thỏa thuận về các hoạt động của Giáo hội trong xã hội với công nhận rằng Giáo hội có quyền phục vụ con người trong mọi lãnh vực của trần thế. Và cũng lạ lùng không kém, tướng Jaruzelski, dù chịu áp lực nặng nề của Liên Xô muốn sử dụng bạo lực trấn áp, vẫn đồng ý bãi bỏ lệnh thiết quân luật. Sự thực bao giờ cũng có sức mạnh của nó và có sức thuyết phục hổng thể chối cãi. Nhút nhát hèn yếu nói quanh nói co nịnh hót lấy lòng chỉ tổ khiến đối phương khinh bỉ mà thôi.

Đức Chân Phước đối thoại như thế đó mà sao có nhiều người mượn danh Ngài khuyên bảo chúng ta phải dè dặt, phải khiêm tốn, phải nhượng bộ để đối thoại, thậm chí còn cố tình hiểu sai, cắt nghĩa sai nữa. Chẳng hạn như trong vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà, có ai đó nói rằng: Hổng có chủ trương đòi đất, vì thế chỉ đồng cảm chớ không đồng thuận. Xin đọc kỹ lại lời phát biểu của Đức Tổng Kiệt tại UBND Hà nội, đọc nguyên văn nghe, chớ đừng cắt xén kiểu báo đài Hà nội, có lẽ ai cũng biết hết rồi, nhưng cứ trích dẫn lại đây cho bà con khỏi quên. Tui trích từ blog của Giuse Nông văn Hiếu, chỉ cần một đoạn nhỏ nầy thôi:

“ …Chúng tôi không chanh chấp với nhà nước. Bằng chứng đó là, như ông chủ tịch có nói đó, trong tờ kê khai của linh mục Nguyên Tùng Cương, lúc đó là quản lý tòa Tổng Giám Mục, có 95 cơ sở. Chúng tôi có đòi cơ sở nào đâu, vì những cơ sở đó thực sự dùng vào những lợi ích chung. Chẳng hạn như cái trường Hoàn Kiếm, chúng tôi không bao giờ nói tới. Bệnh viện Xanh Pôn chúng tôi không bao giờ giám nói tới. Bệnh viện Bài Lao không bao giờ chúng tôi giám nói tới, vì sử dụng vào lợi ích chung. Nhưng khách san Láng Hạ (có lẽ Đức Tổng Kiệt lầm với khách sạn La Thành là chủng viện Xuân Bích cũ) chúng tôi sẽ nói tới, bởi vì sử dụng vào mục đích kinh doanh. Và cái Tòa Khâm Sứ đã thành cái nơi sàn nhảy, đã thành cái nơi kinh doanh buôn bán, đã có cái dấu hiệu buôn bán chia chác để làm cái trung tâm thương mại. Chúng tôi nói tới bởi vì nó rơi vào tay tư nhân thế nên chúng tôi nói, thế nên chúng tôi không tranh chấp với nhà nước. Nhưng chúng tôi nói lên cái tiếng nói của công lý……”.

Xin đọc kỹ giùm nghen, rõ ràng Đức Tổng Kiệt hổng có đòi đất “chúng tôi không tranh chấp với nhà nước. Nhưng chúng tôi nói lên cái tiếng nói của công lý”. Thiệt tỏ tường, ngài đòi công lý chớ đâu có đòi đất. Vậy thì người “đồng cảm chớ không đồng thuận” ở chỗ nào, hổng hiểu ý Đức Tổng Kiệt hay là hiểu mà vẫn hổng “đồng”. Hổng hiểu ý còn tha thứ được, còn hiểu ý đòi công lý mà vẫn hổng “đồng” thì thiệt hết nói rồi. Hổng đòi công lý thì còn trung thành với Giáo lý được sao? Mà dầu có đòi đất cũng đâu có sao, vì đó là quyền lợi chánh đáng của cá nhân, của tập thể, của Giáo hội. Hãy noi gương Đức Chân Phước thẳng thắn đòi hỏi những quyền lợi chánh đáng của Giáo hội

Nói về Đức Chân Phước, hổng người nào có thể quên lời ngỏ đầu tiên của Ngài trong tư cách Giáo hoàng: “Đừng sợ, hãy mở, không, hãy mở toang những cánh cống đến với Chúa Giêsu. Hãy mở tung những hạn chế của nhà nước ra trước quyền năng cứu độ của Người, mở tung các chế độ chính trị và kinh tế, các đế quốc rộng lớn về văn hóa, nên văn minh và sự phát triển” (s đ d tr. 244).

Hôm nay sao còn quá nhiều sợ hãi, quá nhiều cánh cửa đóng kín, đóng hổng cho Chúa vào mà cũng hổng cho bà con ra luôn, sao giam hãm chúng tui trong sợ hãi của các ngài? Xin hãy mở ra, mở toang ra. Lạy Đức Chân Phước Gioan Phaolo II, xin đừng để người ta bóp méo lời Ngài để buộc chúng con phải đối thoại theo lối của họ và xin ban sự can đảm của Ngài cho Việt nam, nhứt là cho những người hướng dẫn chúng con, để họ thay mặt chúng con biết đối thoại như Ngài, dám nói lên những khác biệt giữa Công giáo với Cộng sản, dám đứng về phía dân nghèo đòi hỏi công lý, dám đòi hỏi quyền lợi chánh đáng của Giáo hội phải có trong bất cứ xã hội nào. Ngài đã dắt chúng con qua ngưỡng cửa hi vọng, xin đừng để những người nhơn danh Ngài bắt chúng con quay ngược trở lại thời cổ xưa tràn đầy thất vọng như kiểu Giáo hội Trung quốc.
 
Văn Hóa
Chuyện phiếm: Vác thuyền
Trà Lũ
09:57 20/05/2011
Chuyện phiếm
VÁC THUYỀN

Canada đã vào xuân, vui qúa. Những ngày mùa đông vừa qua sao mà buồn thế. Các cụ nghĩ coi, không buồn sao được, mỗi lần ra khỏi nhà là phải mặc những thứ áo chống lạnh vừa to vừa nặng, đầu đội chùm hụp mũ len che kín cả mắt cả mũi. Nay thì thoải mái vô cùng. Ngày dân chúng bắt đầu nghĩ tới việc cởi bỏ y phục mùa đông là ngày lễ Phục Sinh. Tôi yêu chữ ‘phục sinh’ này quá. Không ở nước nào tôi thấy tiếng phục sinh đúng ý nghĩa như ở miền đất lạnh tình nồng này. Mùa đông thì mặt đất trơ trụi và đầy tuyết, sang mùa xuân một cái thì tự nhiên tuyết tan hết, hoa cỏ như bừng tỉnh giấc ngủ đông miên rồi trồi lên khỏi mặt đất ngay, thế không phải phục sinh là gì. Cha Paolo bao giờ cũng vừa cười vừa nói : lễ Phục Sinh là lễ mừng Chúa sống lại, ngài sống lại nên ngài kéo vạn vật cùng sống lại với ngài.

Năm nay cả làng tôi đi dự lễ Phục Sinh ở nhà thờ Cha Paolo. Anh John và Chị Ba gốc đạo CG đã giảng nghĩa lễ nghi cho cả làng. Ai cũng cảm động. Lễ tất, Cha Paolo xuống cuối nhà thờ chào mọi người, tay thì bắt và miệng thì nói Happy Easter. Vui vẻ qúa. Cụ Chánh tiên chỉ làng và Cụ B.95 tỏ ra xúc động. Bắt tay và ôm cha Paolo xong, hai cụ đã chính thức mời Cha đến ăn cơm tối ngày hôm sau.

Và Cha Paolo đã đến đúng giờ hẹn. Ông cha này là cái đồng hồ điện, các cụ ạ. Mọi năm thì làng tôi chính thức đãi tiệc Cha Paolo hai ngày : Lễ Tạ Ơn Thanksgiving, và Ngày Tết VN. Năm nay thêm ngày lễ Phục Sinh. Phe liền ông chúng tôi rôm rả tiếp Cha ở phòng khách còn phe liền bà tíu tít nấu ăn ở phòng bếp. Tôi hỏi thực đơn thì phe các bà vừa cười vừa lắc đầu không nói. Các bà bảo đây là bí mật quân sự. Ai cũng háo hức chờ đợi. Rồi bữa ăn được dọn ra. Đại diện nhà bếp, Chị Ba Biên Hòa cho biết thực đơn : bữa nay chỉ có hai món mà thôi, một món Bắc Kỳ một món Nam Kỳ. Món Bắc do Cụ B.95 đứng nấu. Một món Cha Paolo đã từng ăn, đó là món miến gà Hà Nội. Cụ B.95 trịnh trọng bưng bát miến nóng hổi để trước mặt Cha rồi cười tủm tỉm hỏi: Cha có thấy bát miến hôm nay có gì khác những lần trước không? Ông cha này có trí nhớ tốt thật, ông nói ngay : Tôi thấy có thêm miếng trứng non, mấy lát tim gà và mấy miếng tiết gà thái nhỏ. Phục ông cha này quá. Xong món Bắc Kỳ thì đến món Nam Kỳ. Đó là món Bún Bò Nam. Các cụ đọc kỹ nha, Bún Bò Nam chứ không phải Bún Bò Huế. Món này ăn khô, không chan nước. Bún ở dưới, trên là các thứ rau thơm, giá sống, dưa leo, trên cùng là thịt bò xào cháy cạnh, rồi một chút đậu phọng một chút cà rốt ngâm dấm, rồi rưới nước mắm chua ngọt. Ai cũng một đĩa lớn. Quả là ngon quên chết. Trong bữa ăn, Cha Paolo còn đòi thêm nước mắm, thế có khiếp không cơ chứ.

Tráng miệng là mít tươi nhập cảng từ Mã Lai. Nào ai có thể ngờ được chúng ta sung sướng như thế này. Xa quê đúng nửa vòng trái đất, sống ở xứ tuyết mà lại được ăn một thứ trái cây nhiệt đới. Thiên đàng là đây chứ còn ở đâu nữa.

Trong khi uống trà thì Cụ B.95 xin Cha Paolo nói chuyện. Cụ bảo cha nói chuyện gì cũng được, cha giảng đạo chút xíu thì càng tốt. Cha Paolo đáp ngay : Tôi không dám giảng đạo nhưng khi nhìn ra ngoài cửa sổ tôi thấy mảnh vườn của Cụ Chánh đang nói cho tôi bao nhiêu điều về Thiên Chúa. Này nha, chỉ là một mảnh đất bình thường mà từ đó cây húng cây ngò cây tía tô mọc lên và cho ta những hương và vị khác nhau, cũng từ đó cây hoa lily mọc lên, lá xanh, bông trắng, hương thơm nhè nhẹ. Cũng từ đó, cây ớt mọc lên, trái đỏ, vị cay. Cũng từ đó, cây cam mọc lên cho trái vàng ngọt lịm, cây chanh mọc lên trái xanh múi chua… Nếu đem phân chất miếng đất đen này ta không hề thấy mầu xanh trắng đỏ, không hề thấy vị ngọt vị chua vị cay và hương thơm. Lạ lùng qúa chứ. Ai làm những việc kỳ diệu này vậy?

Ông ODP nhanh miệng đáp ngay : Ông Trời làm. Cha Paolo mắt sáng lên : Tiếng VN gọi là do ông Trời hả? Người Công Giáo gọi là do Đức Chúa Trời. Thật là tuyệt vời. Nào có gì khác nhau đâu.

Nói đến đây xong, cha Paolo nhìn mọi người. Ngài thấy mặt mũi ai cũng trang nghiêm thì ngài cười xòa. Thôi, tôi giảng đạo như vậy là đủ rồi. Chúng ta vừa ăn no mà lại phải cầm trí nghe ông cha giảng đạo thì không tốt cho sức khoẻ, xin hẹn hôm khác tôi được nói nữa. Tôi sẽ nghiên cứu thêm về ‘Ông Trời’ của VN, rồi sẽ bá cáo với các ông các bà nữa nha. Tôi xin nhường tòa giảng cho quý vị. Ông cha quen miệng nên nói ‘toà giảng’. Đây là tiếng nhà đạo chỉ diễn đàn.

Anh John bèn ‘lên toà giảng’ kể một câu chuyện mà anh cho là kết qủa của một việc bác ái. Đó là chuyện cô sinh viên y khoa Mary. Vì cô định học chuyên ngành về bệnh câm điếc nên cô đã học ngôn ngữ của những người khuyết tật này. Họ không nói với nhau bằng miệng mà bằng cử chỉ bàn tay. Bữa đó tại bến xe, cô thấy một cặp nam nữ câm điếc đang nói chuyện với nhau bằng tay. Vì cô hiểu ngôn ngữ này nên cô biết cô gái đang hỏi cậu con trai về một lối đi. Cậu con trai trả lời không biết, còn cô Mary thì biết. Cô liền tiến tới làm quen và tình nguyện hướng dẫn cô câm điếc. Chàng trai cũng đi theo cho biết. Cả ba đều nói chuyện với nhau bằng dấu hiệu. Trước khi chia tay, họ trao đổi địa chỉ điện thư email. Anh con trai tên là Jack. Rồi từ bữa đó trở đi, anh Jack và chị Mary thường nói chuyện với nhau qua điện thư. Rồi họ hẹn hò nhau. Rồi từ chỗ qúy nhau họ tiến tới yêu nhau. Rồi họ quyết định lấy nhau. Cô Mary về báo tin cho cha mẹ và anh em biết mối tình này. Cả gia đình đều phản đối cuộc hôn nhân vì lẽ cô sẽ là một bác sĩ y khoa, tại sao một bác sĩ tương lai huy hoàng lại đi lấy một người câm điếc. Cô Mary đề cao anh Jack. Cô bảo anh đáng yêu vô cùng. Cô xin cho anh Jack được đến trình diện. Gia đình bằng lòng. Ngày trọng đại đến. Anh Jack bận bộ đồ đẹp nhất và mang một gói quà lớn cho người yêu Mary, và một bó hoa lớn cho cả nhà. Khi Jack tới, Mary cầm tay dẫn vào chào bố mẹ. Cô vừa nói : Thưa ba má, đây là anh Jack, thì lạ lùng thay, bó hoa và gói quà trên tay Jack rơi xuống đất, Jack nhảy lên và hét lớn :

- Ủa, em cũng nói được sao. Lạy Chúa, cái gì thế này.

Cô Mary nghe Jack nói cũng như nghe một tiếng sét. Cô hét lên :

- Anh cũng nói nữa sao? Chúa ơi, Chúa ơi ?

Thì ra, ngay ban đầu, chỉ có một cô gái câm hỏi đường mà thôi. Anh Jack vì biết ngôn ngữ của người câm điếc nên đã nói chuyện với người câm điếc bằng ngôn ngữ của ho. Rồi từ xa cô Mary thấy hai người này thì Mary tưởng cả hai đều là câm điêc hết. Và anh Jack cũng nghĩ cô Mary là người câm điếc.

Cả làng vỗ tay khen câu chuyện này có ý nghĩa và cảm động.

Anh John vừa kể xong câu chuyện thì cha Paolo đứng lên cáo từ xin về. Cha bảo cha sẽ mang câu chuyện này kể cho giáo dân nhà thờ khi giảng về đức bác ái.

Tiễn Cha Paulo xong thì làng tôi vẫn tiếp tục ngồi lại nói chuyện. Chị Ba Biên Hòa đề nghị nói những chuyện gì vui, nhưng ông ODP giơ tay xin góp ý : Chúng ta vừa qua ngày kỷ niệm ‘30 tháng Tư đen’, xin cho tôi được nói vài chuyện về Cộng Sản, tôi phải nói cho cõi lòng bớt nặng nề và ấm ức.

Chuyện thứ nhất tôi vừa đọc được trên mạng điện tử, đó là bức thư của nhà văn Bằng Phong ở Texas gửi cho ông nhạc sĩ Tô Hải ở Nha Trang. Các cụ còn nhớ ông Tô Hải chứ. Ông là đảng viện CS gộc, say mê CS và phục vụ CS hết lòng. Nhưng sau 1975 thì ông mở mắt vì thấy rằng ông đã bị CS lừa dối hoàn toàn. Ông tỉnh mộng, ông chửi toáng lên. Ông trên 80 nên không còn sợ hãi gì nữa. Ông Bằng Phong viết cho ông Tô Hải một bức thư dài, đại ý khen ông Tô Hải đã tỉnh mộng và đã không còn sợ CS nữa. Trong bức thư này, Bằng Phong nhắc tới ông Hà Sĩ Phu, đoạn thư này rất hay, ông gọi Cộng Sản VN là ‘bọn qủy’, như sau:

… Muốn chống lại qủy, ta phải đưa ánh sáng vào nơi tối tăm. Ánh sáng đó là gì? Là Trí Tuệ, là Sự Thật, là Dũng Cảm. Thập niên cuối thế kỷ trước, ông Hà Sĩ Phu đã dùng ba thứ vũ khí đó để chống lại qủy. Ấy là ông dùng trí tuệ để dẫn dắt đám qủy sứ đang lộng hành ra khỏi vũng lầy. Ông lấy từ thực tiễn ba quốc gia có lãnh thổ bị chia đôi như Đức Quốc, Triều Tiên và Việt Nam để chứng minh : cái nửa thuộc phe ’tư bản dẫy chết’ có tự do hơn, cơm no áo ấm hơn, năng xuất sản xuất cao hơn, còn cái nửa thờ tà giáo cộng sản thì như thể là địa ngục trần gian. Cái dũng cảm của ông Hà Sĩ Phu là dám ví cộng sản là loài ký sinh sống bám vào lòng yêu nước của nhân dân. Tiếc thay cái ánh sáng của nhà trí thức Hà Sĩ Phu chỉ le lói, không được các nhà trí thức khác phụ họa để tăng cường độ sáng, nên ông bị tù đầy, bị quản chế. Ông Hà Sĩ Phu đã không dồn qủy vào chân tường. Ông dành cho qủy một lối thoát. Ông tạm chấp nhận cái luận điểm của qủy phô trương rằng nhờ chủ nghĩa cộng sản mà Việt Nam có thể đánh Tây đuổi Mỹ giành độc lập. Ông bảo rằng thôi được, các ông bảo thế thì ta tạm tin như thế. Nhưng dùng thuyền để sang sông xong rồi, tại sao không bỏ thuyền lại mà đi cho thoải mái, lại cõng cái thuyền ấy trên lưng để đi lom khom chả giống ai? Chính cũng vì cõng cái thuyền trên lưng ( nhất định không bỏ Điều 4 Hiến Pháp) nên tập đoàn qủy VN cứ phải đi lom khom trước giặc thù Phương Bắc và bắt nhân dân cả nước cũng phải đi lom khom như mình! …

Ông ODP bảo ông thích nhất cái câu Hà Sĩ Phu ví chủ nghĩa công sản như cái thuyền để sang sông. Qua sông rồi thì bỏ thuyền lại chứ sao lại vác thuyền trên vai rồi đi lom khom là thế nào. Đảng CSVN đi lom khom rồi bắt toàn dân VN cũng phải đi lom khom, là thế nào.

Dân làng nghe ông lập luận như vậy thì ai cũng gật gù đồng ý vì cho rằng ông Hà Sĩ Phu nói rất đúng và ông Bằng Phong trích dẫn rất có lý. Nhận thấy dân làng có vẻ thích câu chuyên này, ông xin phép kể thêm một chuyện nữa về CS. Đó là chuyện ông Phan Khôi năm 1957 viết cuốn Nắng Chiều ở Hà Nội trong đó có truyện Cây Cộng Sản là hay nhất. Ý chính của câu truyện là chửi xéo bác Hồ. Ông không nói trực tiếp nhưng ông đi vòng vòng. Ông kể chuyện sự xuất hiện của một giống cỏ dại mọc lan rất nhanh. Cỏ bắt đầu từ đồn điền cao su của Tây. Người dân gọi nó là cỏ bù xít vì nó có mùi hôi như bọ xít, hoặc cỏ cứt lợn, cỏ chó đẻ. Tây đồn điền gọi nó là cỏ cộng sản vì nó xuất hiện từ thập niên 1930 đồng thời với làm sóng CS do Cụ Hồ mang về nước. Do vậy mà có chỗ còn gọi cỏ này là cỏ Cụ Hồ. Truyện của ông Phan Khôi chỉ có thế. Nhưng đọc xong thì ta hiểu ông Phan Khôi có ý ví cụ Hồ với cỏ cứt lợn, cỏ bọ xít, cỏ chó đẻ. Truyện này làm các cận thần Tố Hữu Xuân Diệu tím mặt mà không làm gì được. Tôi phục Ông Phan Khôi quá. Ông là cháu ngoại của danh tướng Hoàng Diệu có khác.

Ông H.O. giơ tay xin hỏi : Về mấy cái tên cỏ mà ông Phan Khôi nhắc đến, tôi có biết và nghe nói, duy cái tên ‘cỏ Chó Đẻ’ thì tôi không hiểu. Tại sao lại gọi cỏ này là cỏ chó đẻ? Ông ODPgiải thích ngay : Ở miền quê ngoài Bắc, khi con chó đẻ con, người ta thường lấy cỏ này nấu với gạo thành cháo. Con chó ăn cháo này thì có nhiều sữa cho con bú. Cỏ mang tên Chó Đẻ là thế.

Dân làng nghe xong đều xuýt xoa khen ông ODP đúng là bồ chữ thông thái. Ông ODP gạt đi, ông bảo rằng xin dành tất cả lời khen cho Cụ Phan Khôi.

Bài cỏ Chó Đẻ trên đây hay quá chứ, phải không các cụ ?

Cụ B.95 lên tiếng : Lão đây đã sống những ngày tháng ấy ở Hà Nội, nhưng chuyện cỏ Chó Đẻ, cỏ Bọ Xít, cỏ Cứt Lợn, cỏ Cụ Hồ thì lão chưa hề nghe vì lão gốc nhà quê có đọc sách báo bao giờ. Nay nghe các bác nói đến thì biết vậy, mà mới chỉ nghe không thôi lão đã thấy hôi và nhức đầu mất rồi. Xin các bác thay cỏ khác đi. Anh John đâu, anh có cỏ Canada hay cỏ nào chữa khỏi bệnh nhức đầu cho lão không?

Anh John đã làm cụ B.95 hết nhức đầu. Anh bảo anh sẽ không nói chuyện cỏ bù xít nữa. Anh xin nóí sang chuyện ‘tiếng Anh bởi tiếng VN mà ra’. Rằng sau khi đọc các chuyện bình dân VN thì anh thấy có lẽ nhiều chuyên cổ VN đã đẻ ra một số từ ngữ tiếng Anh. Chẳng hạn VN có chuyện anh con rể nịnh bố vợ trơ trẽn. Có anh chàng kia mê một cô gái như điếu đổ. Không những anh cố lấy lòng cô gái mà còn lấy lòng gia đình nhà cô ấy nữa. Một bữa kia anh tới nhà cô gái chơi, ông bố cô gái vô tình đánh một cái rắm to. Để chữa thẹn cho ông bố cô gái, anh liền bốc không khí đưa lên mũi ngửi rồi hít hà khen rằng: Rắm của bác thơm qúa. Ông bố cô gái ngạc nhiên qúa liền nói : Ta vẫn nghe thày thuốc nói rằng ai khoẻ mạnh thì rắm thối, càng thối thì chứng tỏ càng khoẻ mạnh. Nay anh bảo rắm của ta thơm là thế nào. Anh chàng này thấy mình hố, nịnh không phải kiểu , bèn lại bốc không khí ngửi rồi nói : Ôi chao bây giờ rắm bác thối quá. Chắc có nhà ngữ học Anh hay Mỹ nào sang VN nghe được chuyện này thấy hay qúa nên đã đặt ra tiếng ‘ the fart catcher’, nghĩa đen là người bốc rắm, nghĩa bóng là người nịt hót, nâng bi.Tiếng này có trong tự điển rõ ràng.

Nói đến đây xong thì anh John lại phá ra cười, anh cười như nắc nẻ. Anh xin cả làng cho anh bữa nay phá giới được nói chuyện tầm bậy một chút. Cái tiếng ‘nâng bi’ của Miền Nam hay vô cùng. Nịnh người đàn ông thì là gọi là nâng bi của ông ấy. Ôi tiếng VN hay làm sao! Bốc rắm ngửi đã là hay qúa, mà nâng bi của ông đó lên để cho ông ấy nhẹ bớt cái sức nặng của 2 viên ngọc qúy, thì hay biết là chừng nào. Tôi nhớ hình như tiếng ‘nâng bi’ phát xuất từ báo Con Ong ở Saigon thập niên 1960 hay 1970 thì phải. Ban đầu chỉ có tiếng nâng bi thôi. Về sau có độc giả nêu lên câu hỏi : thế nịnh người đàn bà thì nói làm sao, vì người đàn bà đâu có bi mà nâng. Sau đó thì phát sinh ra tiếng ‘đội đĩa’.

Rồi anh John lại cười : Biết đâu trong tương lai mấy nhà ngữ học Anh hay Mỹ nghe cái chuyện nâng bi này rồi sẽ đẻ ra một tiếng mới cho tiếng Anh thì sao. Dám lắm.

Chị Ba Biên Hòa gốc là giáo sư Anh văn ở VN cũng xin góp chuyện. Chị bảo trong tiếng Anh có 2 câu mà chị nghĩ rằng nó phát xuất từ tiếng VN. Đó là tên một ly rượu mạnh rót trên đá, ví dụ Scotch on the rocks, Cognac on the rocks. Rocks là gạch đá, là cục đá xây nhà, là cục đá làm đường. Sao lại rượu đổ trên đá gạch là thế nào. Tôi đoán đây là ngôn ngữ của mấy cô gái VN bán bar ngày xưa cho lính Mỹ. Đa số các cô đều ít chữ, chắc các cô mới học đến chữ rocks là đá, chứ chưa học đến chữ ice là đá lạnh, nên các cô dịch luôn câu ‘rót trên đá’ là on the rocks. Các chú Lính Mỹ GI nghe thấy buồn cười và lạ tai, nên giữ luôn ‘on the rocks’ chứ không sửa lại là ‘on the ice’. Và các chú GI khi giải ngũ trở về Hoa Kỳ đã dem theo tiếng ‘on the rocks’ vào các bar rượu. Người phổ biến các tiếng mới này chính là các phóng viên Hoa Kỳ.

Tiếng thứ 2 có thể có gốc cũng từ các cô gái VN bán bar cho lính Mỹ. Người VN ta khi gặp nhau thường nói ‘ Chà, lâu quá không gặp Anh…’ Các cô bán bar khi gặp lại anh lính Mỹ cũng muốn nói như vậy, và các cô đã dịch nguyên văn ra tiếng Anh ‘ Long time no see’. Chắc ban đầu các anh lính Mỹ nghe thì buồn cười, nhưng thét rồi quen. Biết là sai văn phạm nhưng cứ nói cho vui, nói hoài nên không bỏ được nữa.

Kể đến đây xong thì Chị Ba cười tủm tỉm : tôi đã để tâm tìm nguồn gốc hai tiếng trên đây trong các tự điển bách khoa danh tiếng của Hoa Kỳ mà không hề thấy dấu vết nào cả, bởi vậy tôi luận rằng : đó là tiếng Anh ba rọi của mấy các cô gái bán bar nói với lính Mỹ ngày xưa. Mấy chữ này chắc có họ hàng với tiếng ‘không sao , no star’

Cụ B.95 lại lên tiếng. Cụ hỏi anh John chuyện thời sự của cụ đâu. Anh John liền đáp ngay. Xin có tức thì. Rồi anh kể ra vanh vách như xướng ngôn viên đài phát thanh : Tin đầu tiên là đầu tháng Tư vừa qua, ở Toronto có một nhân vật VN rất nổi tiếng mới nằm xuống. Đó là Ông Đỗ Trọng Chu. Những ai đã trưởng thành thời Đệ Nhất VNCH ắt phải biết ông Chu. Năm 1954 ông đang du học tại Hoa Kỳ, cùng lứa với ông Huỳnh Văn Lang. Hai ông đã theo tiếng gọi của Cụ Ngô Đình Diệm kêu gọi các nhân tài về giúp nước. Hai ông đã bỏ hết bút nghiên, đã về Saigon giúp cụ Diệm. Ông Chu làm cho Phủ Tổng Uỷ Di Cư rồi sang ngành văn hóa, rồi sang ngành ngoại giao. Có lúc ông Chu đã là Quyền Đại Sứ VNCH ở Úc Đại Lợi. Ông định cư tại Toronto từ năm 1975 đã phục vụ cộng đồng VN ở đây nhiều mặt, đặc biệt nhất là đã cùng Tiến Sĩ Howard Adelman lập ra phong trào bảo trợ các thuyền nhân tỵ nạn VN từ các trại tỵ nạn ĐNA. Đó là phong trào Operation Lifeline. Phong trào này đã làm dấy lên trên toàn cõi Canada làn sóng bảo trợ các thuyền nhân VN. Phong trào này đã bảo lãnh được 50.000 thuyền nhân. Và với chính sách nhân đạo ‘match up’ của chính phủ Canada, ngoài con số đã định từ trước, chính phủ đã bảo trợ thêm 50.000 người nữa. Hiện nay tổng số người VN ở Canada có vào khoảng 200.000 người thì một nửa là do công của Operation Lifeline trong đó Ông Đỗ Trong Chu đã đóng góp một phần lớn. Rất đông người đã đến dự tang lễ tiễn biệt vị ân nhân họ Đỗ đáng kính này.

Tin thứ hai là tin con cá chép Á Châu đang làm sôi nổi cuộc sống ở Canada. Con chép này ở VN có rất nhiều. Cá chiên vàng chấm nước mắm chanh ớt tỏi mà nhậu thì ngon vô cùng, và làm món gỏi cá sống cuốn với lá sung lá mơ cũng ngon hết biết. Nó ở Á Châu thì nhỏ và nhẹ, dài chừng 30 cm và nặng chừng 2 kí là cùng. Nhưng khi nó vào được Ngũ Đại Hồ của Canada thì nó phát tướng, có con dài hơn thước rươi và nặng tới 45 kí lô. Nó to lớn như vậy nên nó ăn dữ lắm và phá phách khoẻ lắm. Canada đang tìm cách loại trừ con cá chép Á Châu cao bồi này.

Nhân nói tới cá chép, tôi xin được nói luôn tới đàn hải cẩu ở Canada. Xứ này phía nam giáp Hoa Kỳ, con ba mặt kia thì giáp 3 đại dương lớn. Bờ biển của ba đại dương này là nơi cư trú của các đàn hải cẩu. Bộ ngư nghiệp cho biết sơ sơ dân số hải cẩu ở Canada có vào khoảng 1 triệu con. Bầy chó biển vĩ đại này hằng ngày ăn hết bao nhiêu là hải sản. Vì chúng khoẻ như vậy nên số lượng sinh sôi của chúng rất vĩ đại. Chúng đâu có biết đến thuốc ngừa thai. Chắc nhà thuốc Võ Văn Vân năm xưa ở VN đã biết được khả năng truyền giống kinh khủng này nên mới lấy tên hải cẩu mà đặt cho thuốc bổ thận của mình. Tôi cứ ao ước gíá có cụ Võ Văn Vân ở Canada này thì sẽ mời cụ cộng tác để sản xuất thuốc bổ dương, cam đoan thị trường thuốc này sẽ đè bẹp thị trường Viagara. Xin được trở về nạn dân số khổng lồ hải cẩu. Chính phủ Canada cho phép ngư dân đánh bắt mỗi năm 250.000 con. Hiệp hội bảo vệ súc vật Âu Châu đã phản đối ầm lên. Mặc, Canada cứ tiến hành chính sách giảm dân số hải cẩu. Canada mới tìm được một thị trương béo bở để tiêu thụ thịt hải cẩu : Đó là ba nước Trung Hoa, Nhật Bản và Đại Hàn.

Đoán là ngoài chợ Canada có bán thịt hải cẩu, phe các bà trong làng tôi đã đi chợ tìm mua mà chưa thấy các cụ ạ. Các bà lập luận rằng Canada xẻ thịt đem xuất cảng thì thế nào cũng giữ lại một phần để bán ở nội địa. Thế mà không phải. Thì ra Canada khôn thật. Xưa nay Canada là nước thận trọng vô cùng. Chứng cớ là các loại thuốc mới xuất hiện trên thế giới, Canada chưa cho bán trong nước, Canada chờ các nước khác bán và dân các nước khác dùng đã đời, nếu không có phản ứng xấu thì bấy giờ Canada mới cho bán trong nước. Cho nên món thịt hải cẩu chắc cũng theo chính sách đó. Để cho dân Tàu dân Nhật ăn chán đi đã, nếu kết qủa tốt thì bấy giờ Canada mới cho dân ăn. Chừng nào tôi thấy ở chợ bán thịt hải cẩu, và nhà hàng có món này thì tôi sẽ trình các cụ ngay để mời các cụ đền Canada xơi. Riêng món ngầu pín thì làng tôi đang mở cuộc điều tra và nghiên cứu sâu rộng để sản xuất xuân dược. Coi bộ tương lai huy hoàng lắm các cụ a. Thuốc tây có Viagara, thì thuốc nam của làng tôi sẽ có thuốc tương đương, chúng tôi định đặt tên là Vinaham. Vina là Việt Nam , và ham là ham thích ham mộ. Ý kiến của các cụ thế nào cơ, xin cho làng tôi biết nha.

Tin thời sự tiếp theo là tin thể thao. Nói tới Canada mà không đưa tin về thể thao là một thiếu sót. Hính như tháng trước tôi đã đưa tin là Canada đã đăng cai tổ chức Đại Hội Thể Thao Liên Mỹ, Pan Am Games , vào năm 2015. Nơi tồ chức là thành phố Toronto mà làng tôi đang ở. Nay lại có thêm tin vui nữa là cũng năm 2015, Canada còn nhận tổ chức giải quốc tế về vô địch bóng đá phụ nữ. Chưa biết thành phố nào sẽ đăng cai. Coi bộ hấp dẫn qúa chứ. Phụ nữ đá bóng cơ mà.

Tin thời sự cuối cùng là tin bia lave hiện là thức uống được ưa thích nhất ở Canada. Theo thống kê thì trong 12 tháng vừa qua, dân Canada đã uống hết 2.4 tỷ lít bia, một số lượng khổng lồ đủ đổ đầy 10 cái hồ bơi của Thế Vận Hội, trị giá hơn 9 tỷ đồng. Tính theo đầu người thì trong 12 tháng qua mỗi cư dân Canada đã uống 84 lít bia. Ghê không cơ chứ.

Anh John vừa kể tin về dân Canada mê uống bia xong thì anh H.O. giơ tay xin góp chuyện. Rằng tuần trước đi làm về, mệt qúa, anh vào quán bia làm vài ly. Quán đông nghẹt. Anh ngồi bên cạnh 2 ông xồn xồn. Hai ông vừa uống bia vừa cười ha ha, trông rất hả hê sung sướng lắm. Anh tò mò lắng nghe. Thì một ông lè nhè kể một chuyện tiếu lâm như thế này. Rằng giả như có người cho ông một ngàn đô la thì ông sẽ làm gì với số tiền này? Ông lập luận :

- Nếu tao vào chợ thì sẽ phải mua hàng, mà đa số các món hàng đều có gốc từ Trung Cộng, thế là tiền này chảy vào túi Trung Cộng
- Nếu đổ xăng, thế là tiền chảy vào túi bọn Ả Rập
- Nếu mua một cái máy tính, thế là tiền chảy vào túi Ấn Độ,
- Nều mua rau cỏ, thế là tiền chảy vào túi Nam Mỹ
- Nếu mua cái tủ lạnh thế là tiền chạy vào túi Nhật Bản
- Nếu mua đồ nấu bếp, thế là tiền chạy vào túi Đức Quốc

Cho nên cách duy nhất để giữ tiền trong túi Canada là chi cho các em khu đèn hồng và uống bia.

Nghe đến đây thì ông bạn kia lè nhè góp ý : Bây giờ đa số các em bé ở khu đèn hồng đều có gốc Đông Âu. Mày chi cho các em đèn hồng thì tiền đổ vào túi Đông Âu mất rồi.

Ông xồn xồn kia nghe xong thì vỗ vai bạn rồi cười hô hố : Vậy chỉ có uống la de Canada là giữ được tiền Canada trong túi Canada. La de Canada muôn năm!. Thật chí phải| Anh em mình đang làm chuyện chí phải, chuyện yêu nước rõ ràng!

Tôi nghe chuyện tếu của 2 ông này xong thì thấy mình bị lây cái vui vẻ và hạnh phúc của 2 ông. Mà hai ông này và tôi hạnh phúc là đúng quá, các cụ ơi, vì Viện Gallup vừa công bố kết quả một công trình nghiên cứu toàn cầu về mức độ hạnh phúc của người dân. Họ nghiên cứu 124 quốc gia, mỗi quốc gia họ phỏng vấn 1.000 người, họ hỏi “ Bạn có hài lòng với cuộc sống hiện tại và tin tưởng vào một tương lai đầy hứa hẹn không?” Kết quả cho thấy: Đan Mạch có đông người hạnh phúc nhất, thứ hai đến dân Canada và dân Thụy Điển đồng hạng, thứ tư là dân Úc Đại Lợi, thứ năm là dân Hoa Kỳ… Và Viện Gallup đưa ra một nhận xét rất chí lý : Sự thịnh vượng của quốc gia không phải chỉ ở con số Tổng Sản Lượng GDP, mà còn phải cộng với chỉ số hạnh phúc của người dân.

Chúng tôi đang ở thiên đàng, nơi có chỉ số GDP cao nhất và chỉ số hạnh phúc cao nhất, cụ nào nơi xa muốn sống ở thiên đàng, xin kính mời di cư qua Canada nha.
 
Nguyên Tình
Giuse Triều Ca Nguyên, SVD
10:10 20/05/2011
Từ bao giờ Chúa muốn gọi con đi
Hòa với Ngài bản giao tình muôn thuở?
Ôi, tấm thân con chỉ là hơi thở
Nào dám cùng Ngài họa khúc nhạc thơ.

Từ khai nguyên, Chúa đã mời đã gọi
Không phải con có công thành danh toại
Nhưng vì tình Chúa mãi chẳng phôi phai
Ngài yêu con đến hoài hoài mãi mãi.

Đẹp xiết bao khi con vui đáp lại
Lời đoan hứa tuổi áo trắng thiên thần.
Đẹp ngất trời trong hạnh phúc dấn thân
Vì nước Chúa, vì bao người Dân Chúa.

Xin cho con khi lần đầu tuyên hứa
Cũng sẽ là lời hứa của trọn đời
Dẫu tháng năm mảnh tình con khô úa,
Xin mưa tình kịp gội lại chứa chan.

Ngày hân hoan, khúc thơ tình tấu dạo
Trong nguyên tình thấu nhiệm chút thanh cao
Chúa dẫn con đi theo đường chính lộ
“Đích tơ vàng” đến đích điểm Tình Yêu.
---------------------------------
Dành Tặng Các Bạn của Đức Kitô
nhân Mùa Tuyên Khấn - 2011
 
Hoa Tháng Năm
Trầm Thiên Thu
18:57 20/05/2011
Tháng Năm tươi thắm muôn hoa
Vàng, hồng, trắng, đỏ mặn mà sắc hương
Lung linh ánh sáng yêu thương
Nô nức muôn lòng dâng kính Mẹ Yêu
Đây hoa nhịn nhục sớm chiều
Đây hoa liên lỉ nguyện cầu không ngơi
Đây hoa thành kính vâng lời
Đây hoa thao thức một đời tận trung
Hoa VUI chen giữa hoa THƯƠNG
Với đóa hoa MỪNG dâng Mẹ Tháng Năm
Nguyện xin Đức Mẹ từ nhân
Giúp con sống tốt sớm hôm cuộc đời
Con xin tận hiến, Mẹ ơi!
Nhờ Mẹ tất cả, xin Người đỡ nâng.
 
Chúa Kitô có cười không ?
Vũ Văn An
05:42 20/05/2011
Tôn giáo không phải là chuyện cười. Hay nó là? Một tác giả Pháp tại Paris (1) cho rằng các tiên tri trong Thánh Kinh sử dụng rất kỹ kỹ thuật nói dí dỏm và có rất nhiều điển hình hài hước nơi các vị thánh của Kitô giáo. Vì hài hước gọt dũa con người xuống đúng khổ của họ. Tuy nhiên, cười thường bị chau mày bởi các nhà tư tưởng nghiêm túc, bất luận là triết gia hay thần học gia. Họ thường cho cười là khó coi, phù phiếm, mất trí hay tệ hơn nữa là cám dỗ của ma quỉ. Như ông hoàng của nhạo báng là Voltaire từng nói một cách súc tích: những người đi tìm căn cơ siêu hình của cái cười thì hiếm khi tức cười được. Phần lớn các nhà thần học cũng thế thôi. Các truyền thống tôn giáo thường có khuynh hướng nhìn tiếng cười bằng con mắt hoài nghi. Cựu Ước nhiều hài hước hơn Tân Ước vì dí dỏm và hài hước vốn là thành phần cấu tạo của Do Thái Giáo. Người Do Thái vốn khai triển được một sự tự do ăn nói nào đó và ngay cả xuồng xã trong tương quan của họ với Thiên Chúa, nhất là trong các midrashim, tức các bản chú giải truyền miệng về Kinh Torah, nhằm giải thích ý nghĩa sâu kín của Thánh Kinh. Sách Talmud dựa trên các chân lý biện chứng, mâu thuẫn, trên cách chơi chữ trong đó hài hước giữ phần quan trọng. Bây giờ thì người vô thần bắt đầu hiểu làm thế nào anh ta có thể trở thành tín đồ và tín đồ hiểu làm cách nào trở thành người vô thần. Như Woody Allen từng nói: Thiên Chúa không hiện hữu và chúng ta là dân riêng của Người. Nhiều cách chơi chữ cũng như lắt léo trong bản Hípri của Cựu Ước đã bị biến mất trong các bản dịch. Thí dụ, trong trình thuật tạo dựng của sách Sáng Thế, Thiên Chúa dựng nên con người (adham trong tiếng Hípri) từ bùn đất (adham’), còn người đàn bà được dựng nên từ một trong các xương sườn người đàn ông thì được gọi là đàn bà (ishsh’) vì nàng là sản phẩm từ đàn ông (ish). Các tên riêng đóng một vai trò quan trọng vì chúng chỉ bản sắc đích thực của người hay vật. Đổi tên có nghĩa là đổi ơn gọi. Do đó, Abram thành Abraham (cha của nhiều dân tộc) còn tên các tổ phụ bao giờ cũng bao hàm một ý nghĩa dấu ẩn. Điển hình được biết nhiều nhất chính là Isaac vì tên Yitshaq của ông có nghĩa là ông sẽ cười. Con trai của Abraham và Sarah được ban cho tên này vì lúc Thiên Chúa loan báo việc ông sinh ra, cả Abraham, 100 tuổi, và Sarah, 99 tuổi, đều cười trước ý niệm mình trở thành cha mẹ. Đó chính là tiếng cười đầu tiên trong Thánh Kinh, nhưng không hề là tiếng cười cuối cùng. Nhiều sách hoàn toàn có tính châm biếm. Sách Giôna chẳng hạn là truyện kể hư cấu dùng để nhạo cười cái óc bè phái. Còn sách Gióp là một bình luận mỉa mai gây cười đối với các ý tưởng và nền luân lý tôn giáo đầy ước lệ. Các tiên tri phải dựa vào các tác phong tức cười hay kỳ quặc để tố cáo sự sa đọa của dân riêng. Isaia ở truồng cả 3 năm, Êdêkien ăn bánh làm bằng lúa mạch và phân người, còn Hôsêa thì cưới một con điếm để biểu tượng cho cảnh làm đĩ của Israel với các thần giả. Các sách Khôn Ngoan đầy những cách ngôn hài hước liên quan tới mưu mẹo đàn bà hay việc lạm dụng rượu chè, đáng lẽ chỉ nên phát xuất từ ngòi bút của La Rochefoucald hay Oscar Wilde.

Việc thiếu hài hước trong Tân Ước dẫn các thần học gia kinh viện tới một cuộc tranh luận: Trong suốt cuộc sống dương gian, Chúa Giêsu có cười không? Đó chính là một trong các chủ đề của cuốn The Name of the Rose của Umberto Eco. Cốt truyện của cuốn truyện trinh thám thời trung cổ này xoay quanh việc dấu cuốn thứ hai trong bộ Poetics của Aristotle, chuyên về hài kịch, trong thư viện của đan viện. Người dấu chính là đan sĩ Jorge de Burgos, người cho rằng cười là việc của ma quỉ, do đó phải bị đan viện ngăn cấm. Đó là truyền thống từ thời các giáo phụ ở sa mạc và là các vị sáng lập ra phong trào đơn tu như Anthony, Pachomius, Augustine và Benedict, tất cả đều lên án tiếng cười, coi nó như kẻ thù của cuộc sống thiêng liêng. Thánh Chrysostom cho rằng ta không ở trên dương gian này để cười mà là để khóc cho tội lỗi của ta. Còn Thánh Benedict, trong luật đan viện của ngài, lên án mọi lúc và mọi nơi những việc như bông đùa và chuyện tào lao để chọc cười. Quả các tin mừng không bao giờ chỉ cho ta một Chúa Kitô cười. Ta được kể là Người khóc cho số phận của Giêrusalem và Người xúc động đến rơi lệ trước cái chết của Ladarô, bạn của Người. Người cũng cảnh giác: khốn cho các ông, những người cười bây giờ, vì các ông sẽ biết tới khóc lóc và nước mắt, một lời kết án những kẻ xấu xa chỉ những nhạo báng các nạn nhân của mình. Nhưng người ta chỉ cần quan sát tác phong của Chúa Giêsu và lắng nghe các dụ ngôn của Người để thán phục trước óc hài hước của Người. Người cùng ăn với những kẻ bị ruồng bỏ và kẻ tội lỗi, loan báo rằng đĩ điếm sẽ vào thiên đàng trước người đạo đức và phép lạ đầu tiên của Người là biến nước thành rượu. Người đảo ngược phẩm trật các giá trị đã được nhìn nhận một cách dí dỏm và hài hước. Mưu toan của Giáo Hội sơ khai định loại bỏ tiếng cười khỏi sinh hoạt Kitô Giáo chắc chắn không thể thành công. Những vở kịch huyền nhiệm chẳng bao lâu sẽ đưa vào nhiều cảnh tức cười và tinh thần hội hè sẽ đi đôi với tính chừng mực trong thực hành tôn sùng của Giáo Hội. Nhờ những người như Boccacio, Chaucer và Villon, những văn sĩ viết dụ ngôn thời trung cổ và nhất là Rabelais cũng như các tác giả vĩ đại của Phục Hưng, Erasmus và More, hài hước đã dành được chỗ đứng riêng. Ngay qui luật đan viện cũng trở nên thư dãn hơn. Thánh Phanxicô thành Assisi cảnh giác anh em của ngài đừng quá buồn sầu ảm đạm, như những người giả hình, nhưng vui tươi trong Chúa, vui vẻ và thân thiện là thích hợp. Các đan viện ngày nay nổi tiếng về tính hài hước trong sáng, đến nỗi một đan viện phụ Pháp nổi tiếng nhờ tuyên bố rằng: không có hài hước, không thể sống cuộc sống đan viện. Nói chung, Giáo Hội Công Giáo có tiếng hài hước nhiều hơn các chị em Chính Thống và Thệ Phản của mình. Người Chính Thống, nhất là Chính Thống Hy Lạp và Chính Thống Nga, coi tôn giáo của họ đầy bi kịch. Truyền thống huyền nhiệm của họ lòe loẹt hơn, nhất là truyền thống thuật lại sự điên khùng Kitô Giáo. Những kẻ điên khùng vì Chúa Kitô (yourodiv trong tiếng Nga, salos trong tiếng Hy Lạp) là những đan sĩ lang thang diễn lại sự điên khùng của Thập Giá (như Thánh Phaolô vốn gọi). Đúng hơn, giống các tiên tri Cựu Ước, họ trông như thể những người điên, những anh chàng ngu đần ở làng thôn hay những tên hề ở triều đình. Còn người Thệ Phản thì có tính khắc khổ và ép nén (subdue) hơn, ngoại trừ những thành phần cực đoan như Holy Rollers, Quakers và Pentecostalists. Truyền thống Công Giáo, một truyền thống xem sét con người toàn diện với đủ 5 ngũ quan của họ nên có tính vui nhộn nhiều hơn. Như Hilaire Belloc từng viết: Bất cứ nơi nào mặt trời Công Giáo chiếu, ở đấy có tiếng cười và rượu ngon. Ít nhất tôi thấy như vậy, Ta Hãy Chúc Tụng Chúa!

Chắc chắn có một số vị thánh Công Giáo, như anh hề của Thiên Chúa là Thánh Phanxicô, từng có một ý hướng lành mạnh về hài hước. Người tức cười nhất trong số này là Thánh Philip Neri, đấng sáng lập Dòng Oratory. Ngài có điều được người Ý gọi là festivit (hài hước tốt lành). Ngài che dấu đời sống khổ hạnh riêng của mình bằng những trò tinh nghịch và đùa bỡn. Ngài thường nhẩy cỡn nực cười trước mặt cả các hồng y, mặc áo đàng sau ra đàng trước hay mang những chiếc ủng trắng thật lớn với áo chức của mình. Ngài thường giật tóc hay kéo râu người ta, và nổi tiếng về việc ra những việc đền tội nực cười cho các viên chức thành phố để dạy họ đức khiêm nhường. Có lần ngài bảo một thị dân đạo mạo đầy vênh vang cõng một con chó khắp các phố xá Rôma. Hài hước được dùng để phá đổ cái thế vững ổn của cái tôi. Đó là lý do tại sao tiếng cười khá chủ yếu đối với tôn giáo. Nó gọt dũa con người xuống đúng khổ của họ. Hài hước là bước đầu tiến tới khiêm nhường.

(1) Alain Woodrow, Et ça vous fait rire!, do nhà Félin, Paris, xuất bản năm 2000.

Viết theo Alain Woodrow, tạp chí The Tablet số 22 tháng 7 năm 2000, dựa theo tác phẩm trích dẫn trên đây.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phố Núi Đầy Sương
Dominic Đức Nguyễn
21:42 20/05/2011
PHỐ NÚI ĐẦY SƯƠNG
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Cũng phố núi cõi mù sương huyền thoại
Một chiều buồn ta lạc dấu trăm năm ...
(Trích thơ của Thiên Nhất Phương)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền