Ngày 19-05-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 7 Mùa Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
01:02 19/05/2010
Thứ Hai sau Chúa nhật 7 thường niên

Mc 9,14-29

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Dân Do Thái năm xưa họ đã không nhận ra dấu chỉ tình yêu quan phòng của Chúa qua bánh Manna từ trời. Họ vẫn thèm miếng thịt bên Ai Cập. Họ vẫn oán trách Mô-sê đã không thoả mãn nhu cầu vật chất cho họ. Họ còn yếu lòng tin nên chưa đủ tín thác vào Chúa.

Nhân loại hôm nay vẫn còn đó những người đã thèm khát những danh danh lợi thú trần gian nên đã xa lìa Chúa. Họ đã bị ma quỷ ràng buộc linh hồn bằng biết bao tham vọng trần gian. Ma quỷ đã gieo vào họ tư tưởng chỉ cần tiền, cần quyền và tình. Nhiều người đã bán linh hồn cho ma quỷ chỉ vì những của cải mau qua trần gian. Nhiều người đã bán rẻ lương tâm của mình chỉ vì những hư danh trần gian. Nhiều người đã đánh mất phẩm giá của mình chỉ vì những thú vui thể xác thấp hèn. Vâng, nhân loạị hôm nay đang giết mình nên vẫn cấu xé tranh giành nhau miếng ăn mau qua ở đời. Có biết bao cái chết thương tâm khi mà họ quá đề cao danh lợi thú đến nỗi coi khinh mạng sống tha nhân. Đôi khi chính chúng con cũng từng chạy đua để giành lấy danh vọng mà loại trừ anh em, mà đánh mất nhân phẩm của mình.

Lạy Chúa, xin củng cố đức tin còn yếu kém của chúng con. Xin thêm ơn trợ giúp để chúng con can đảm vượt thắng những đam mê thấp hèn, để chúng con làm chủ cuộc đời mình, để chúng con sống đúng với phẩm giá làm người của mình hơn. Xin giúp chúng con đừng bao giờ vì một chút danh lợi thú trần gian mà đánh mất thiên đàng mai sau. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 7 TN

Mc 9,30-37

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã đến để phục vụ. Chúa còn hiến mạng sống mình để nhân loại được sống và sống dồi dào. Chúa còn trở nên của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Chúa cũng cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con sống có ích cho tha nhân.

Nhưng Chúa ơi, thế giới của chúng con đang sống đầy bon chen và ích kỷ. Có rất nhiều người cần quyền. Có rất nhiều người tham quyền. Và cũng có rất nhiều người lam dụng chức quyền để vun quén cho bản thân. Họ đã vì lợi ích bản thân để làm khổ người khác, để làm nghèo đất nước. Xin Chúa giúp họ biết sửa đổi như xưa Chúa đã biến đổi Gia-kêu. Xin Chúa ban cho xã hội chúng con đang sống có nhiều người biết sống vì người khác, biết đặt lợi ích cộng đoàn lên trên lợi ích cá nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con cũng biết sẵn sàng phục vụ mọi người, biết lấy phục vụ làm niềm vui và lẽ sống của cuộc đời như Chúa đã từng sống điều đó cho chúng con. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 7 TN

Mc 9,38-40

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tạ ơn Chúa đã quy tụ chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Qua bàn tiệc Thánh Thể chúng con còn được quây quần bên nhau quanh bàn tiệc thánh thấm đượm tình Chúa tình người. Thánh Thể là đỉnh cao của tình yêu Chúa và cũng là dấu chỉ sự hiệp nhất của mọi thành phần dân Chúa. Xin Chúa cho chúng con luôn biết sống hoà hợp với nhau và cùng nhau xây dựng Nước Chúa trong yêu thương chân thành.

Lạy Chúa, người đời thường mang tính bè phái, ích kỷ, đố kỵ và ghen ghét lẫn nhau. Người đời thường tìm phe cánh cho mình để tẩy chay người khác, nhất là những người không cùng quan điểm, sở thích với mình. Thế nên vẫn còn đó những hờn giận, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian và kết án lẫn nhau. Thế giới vẫn còn đó những khổ đau vì thiếu hiệp nhất gây nên bất hoà, tranh chấp và mâu thuẫn với nhau. Xin Chúa tha thứ cho những ích kỷ và nhỏ nhoen của chúng con, và xin giúp chúng con sửa đổi mỗi ngày tốt hơn.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa là nguồn hiệp nhất trong Giáo hội, xin giúp chúng con thành tâm hiệp nhất với nhau trong khiêm tốn và chân thành. Xin giúp chúng con biết từ bỏ ý riêng để sống hoà hợp với mọi người trong tôn trọng, bác ái vị tha. Xin cho chúng con mỗi lần tuyên xưng Chúa là Cha thì cũng biết nhìn nhận nhau là anh em để yêu thương và sống trọn vẹn tình huynh đệ với nhau. Xin giúp chúng con đủ khiêm tốn để chúng con sống hoà hợp với mọi người. Amen.

Thứ Năm sau Chúa nhật 7 TN

Mc 9,41-50

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Thầy dạy và là mẫu gương cho chúng con noi theo. Chúa dạy chúng con sống yêu thương. Chúa còn làm gương cho chúng con khi Chúa chấp nhận chết vì yêu thương chúng con. Chúng con xin tri ân tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa để sống hết mình vì tha nhân. Xin cho chúng con đừng nói suông mà còn biết nêu gương sáng bằng đời sống yêu thương và phục vụ mọi người.

Lạy Chúa, khi muối đã lạt thì cũng hết tác dụng và cũng trở nên vô dụng với con người. Cuộc đời chúng con cũng trở nên vô nghĩa khi sống thiếu tình yêu với gia đình và với tha nhân. Cuộc đời chúng con cũng trở nên vô dụng khi chúng con sống ích kỷ, nhỏ nhoen tầm thường. Xin giúp chúng con vượt thắng những yếu đuối bản thân để chúng con luôn sống hoà thuận và yêu thương mọi người. Xin giúp chúng con đừng vì những đam mê thấp hèn, những tham lam ích kỷ, mà gây gương mù gương xấu qua hành vi lỗi công bình, bác ái với tha nhân. Xin giúp chúng con biết chiến thắng chính mình để luôn chu toàn bổn phận trong gia đình và giáo xứ chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin Mình và Máu Thánh Chúa ban thêm sức mạnh để chúng con cũng biết trao ban cho đời những hy sinh công sức của chúng con, làm vinh danh Chúa và đem lại hạnh phúc cho gia đình và mọi người chung quanh. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 7 TN

Mc 10,1-12

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tình yêu. Tình yêu Chúa luôn bền vững sắt son. Chúa đã lập bí tích Thánh Thể như dấu chỉ cho tình yêu bất tận mà Chúa dành cho chúng con. Xin Chúa gìn giữ chúng con trong tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con biết sống trung tín với nhau như Chúa đã sống cho chúng con.

Lạy Chúa, Chúa đã thăm dò và thử thách chúng con. Chúa biết rõ chúng con khi chúng con ngồi và khi đứng. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng xin gìn giữ chúng con luôn trung thành sống cho Chúa. Xin giúp chúng con vượt qua giới hạn bản thân để sống bao dung với mọi người. Xin giúp chúng con biết đón nhận nhau trong yêu thương tha thứ như Chúa đã tha thứ cho chúng con.

Lạy Chúa, xin cho các gia đình biết sống hoà hợp với nhau, biết vượt thắng những hiểu lầm, những ích kỷ để sống rộng lượng và tha thứ cho nhau. Xin gìn giữ các gia đình trong tình yêu của Chúa, để mỗi thành viên trong gia đình biết chu toàn bổn phận của mình, và cùng nhau xây dựng gia đình được an vui hạnh phúc. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 7 thường niên

Mc 10,13-16

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì được quây quần bên Chúa. Xin Chúa hãy chúc lành chúng con như xưa Chúa đã chúc lành cho các trẻ Do Thái. Xin ban cho tuổi thơ giáo xứ chúng con luôn hồn nhiên trong trắng, cho những năm tháng tuổi thơ luôn được cha mẹ và mọi người yêu thương. Xin đừng để tuổi thơ bị đánh mất vì thói đời giả dối, gian manh, hay vì những thói hư tật xấu làm hoen mờ hình ảnh đơn sơ nơi tuổi thơ.

Cách đặc biệt hôm nay chúng con cầu nguyện cho các bạn trẻ đang bị đánh mất tuổi thơ bởi cha mẹ, bời xã hội thiếu quan tâm chăm sóc dạy dỗ. Ở đời vẫn còn đó những tuổi thơ không được cha mẹ đón nhận và đã bị loại trừ ngay từ thai nhi hay đang vất vưởng sống lang thang hè phố. Người ta chẳng nói ngoa chút nào khi thấy 5 đứa trẻ ngoài đường thì hết 4 đứa đang bán vé số, đánh giầy, lượm ve chai,. . . may ra còn 1 đứa được đi bên cạnh cha mẹ. Biết bao trẻ em đang rơi vào tình trạng tự ti mặc cảm, hay đang lao vào con đường tội lỗi bởi thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Biết bao trẻ em đang sống trong tuyệt vọng, đang đi vào kiếp người đầy bất hạnh bởi sự vô tâm của cha mẹ. Xin hãy gìn giữ những mảnh đời bất hạnh và ban cho các em có được niềm vui, sự trong trắng tuổi thơ. Xin cho xã hội có trách nhiệm với tuổi thơ để chia sẻ với các cha mẹ, để tuổi thơ Việt Nam mãi là con cháu lạc hồng biết sống cao đẹp, thanh thoát như con cháu rồng tiên.

Lạy Chúa, Chúa luôn yêu mến tuổi thơ. Chúng con xin phó thác tuổi thơ giáo xứ chúng con cho lòng thương xót Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Cảm Nghiệm Sống # 93 - Tháng Hoa Dâng Mẹ
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
05:59 19/05/2010
Cảm nghiệm Sống # 93

Ý NGHIÃ THÁNG 5 DÂNG HOA ĐỨC MẸ

Mỗi năm, Giáo hội dành riêng tháng 5 để sùng kính Đức Mẹ bằng việc học hỏi. noi gương các nhân đức của Mẹ qua việc dâng hoa hay tiến hoa Năm Sắc lên cho Đức Mẹ, còn tháng 10 là tháng kính Đức Mẹ qua việc lần hạt, suy niệm 20 mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng và Sáng về Lời Chúa là cuốn Phúc Âm gắn gọn, khi lần hạt Mân Côi.

Có rất nhiều bài hát về tháng Dâng hoa đã có từ sau 1945 như sau: 1/ Giáo dân bao xiết mừng, tiếng ca hoà vang lừng, cùng nhau hái nhiều đoá hoa, đượm lên tiến dâng Đức Bà… 2/ Mẹ ơi nay con được (í) muôn nghìn hoa, để dâng lên cho Mẹ trước ngai toà… 3/ Đây tháng hoa chúng con trung thành thật thà, dâng tiến hoa cùng với tấm l òng cung chúc… 4/ Ngày nay con đến, hát khen mừng Mẹ Chúa Thiên Đàng, dâng ngành Mân côi muôn màu hoa thắm tươi,..v..v.. .

Vì thế, trong tháng năm này các họ đạo, giáo xứ ở Việt Nam ta thường dâng hoa năm sắc, qua các cuộc rước kiệu, dâng hoa kính Đức Mẹ từ giáo xứ này đến họ đạo kia, hàng tuần thật là sầm uất, náo nhiệt. Các đội dâng hoa ít nhất là 10 em và nhiều nhất là 100 em tùy họ và giáo xứ ở VN. Còn ở hải ngoại vì hoàn cảnh nên khó tổ chức.

Đội dâng hoa được tập rượt kỹ và xếp hàng ở cuối tiến vào nhà thờ, mọi người đều đồng thanh đọc một bài vãn, với cung trầm bổng, do hội con Đức Mẹ đọc véo von mà các Đấng ngày xưa soạn ra rất hay, sát với Phúc Âm qua việc đồng công của Đức Mẹ như sau:

Lạy ơn Đức Mẹ (í hì là ) Chúa Dêu

Chúng con (òn) trông cậy (í, a )cùng kêu van Bà.

Xin hằng, bầu cử (í hì) trước toà,

Tỏ ra lòng Mẹ rất là yêu con,

Trong cơn khổ ải chon von,

Cách xa mặt Mẹ hãy còn lầm than.

Chúa Con xưa xuống thế gian,

Chẳng từ bỏ kẻ gian ngoan tội tình.

Lại cam chịu khổ chịu hình,

Vì loài người thế liều mình đền xong.

Mẹ thương cùng hợp một lòng,

Vậng theo ý Chúa thông công như vầy..v..v…

Sau đó, đội dâng hoa tiến vào nhà thờ trước sự ngưỡng mộ của mọi người, có nhiều đội dâng hoa của nhiều giáo xứ và họ giáo cùng tổ chức dâng hoa thi đua cùng một tối, mọi người được ngắm các cô áo dài trắng,, quần đen, đầu đội khăn mào trông rất xinh. Khi đội dâng hoa đọc, hát các câu mở bài dâng hoa với cung cách, bái qùy v..v…rồi tiến hoa năm sắc: Đỏ, Trắng, Vàng, Tím, Xanh. Mỗi mầu hoa chỉ một nhân đức của Đức Mẹ mà tôi cần noi gương như sau:

1/ Nhiệm (à í ì í ì à) thay, hoa đỏ (í i) hồng hồng

Nhuộm (í)riệng (í ì i ì) Máu Thánh, thơm chung lòng người.

Vì (à í ì í ì a) thương con gánh (í i) tội đời,

Chịu như dao sắc thâu nơi (là nơi)lòng mình.

2/ Xinh thay hoa trắng tốt lành,

Ví cùng nhân đức đồng trinh Đức Bà.

Nguyên tuyền hơn ngọc hơn ngà,

Sáng trong hơn tuyết cùng là hơn gương.

3/Qúy thay này sắc hoa vàng,

Sánh nhân đức mến Bà càng trọng hơn.

Một niềm tin kính nhớn nhơn.

Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu.

4/ Dịu thay hoa tím càng màu,

Ý trên Bà những cúi đầu vâng theo.

Bằng lòng chịu khó trăm chiều.

Khiêm nhường nhịn nhục hằng yêu hãm mình.

5- Lạ thay là sắc hoa xanh,

Mừng Bà nhân đức trọn lành cực cao.

Dờn dờn sau trước một màu,

Quản chi sương nắng dãi dầu ngày đêm.

Trên đây lă năm sắc hoa chỉ về các nhân đức của Đức Mẹ để tháng 5 này và suốt cuộc đời tôi phải noi theo. Còn rất nhiều những câu ngâm hoặc hát lên để tôn vinh Đức Mẹ trong khi dâng hoa như:

Hoa năm sắc đã giãi niềm / lại chương cổ điển dâng thêm kinh đề,

Đức Bà thờ Chúa một bề / hoa qùi trăm trắm hương về thái dương.

Tôị nguyên không nhiễm khác thường / hoa sen trên nước chẳng…

Ước mong quí vị nào rảnh tìm ở trong sách Những Kinh Quen Đọc thuộc địa phận Thái bình, Bùi chu, Hải phòng là chắc có Dâng hoa.

Phó tế: GB. Maria Định Nguyễn * johndvn@yahoo.com
 
Mạch nước tuôn trào sự sống
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà
08:32 19/05/2010
Mạch nước tuôn trào sự sống

(Suy niệm Lễ Chúa Thánh Thần)

Nước là yếu tố thiết yếu cho sự sống.

Ở đâu có nước, ở đó có sự sống. Ở đâu không có nước, sự sống không thể tồn tại.

Trong cơ thể con người, nước chiếm đến ba phần tư. Con người có thể nhịn ăn cả tháng không chết nhưng không thể nhịn khát quá năm ngày.

Khi các nhà khoa học phát hiện có nước trên mặt trăng, người ta có quyền hy vọng rằng mai đây con người có thể sống được trên đó.

Sa mạc Negev cực kỳ khô cằn nóng cháy không một loài cây cỏ nào mọc được, nhưng từ khi người Do-thái đưa nước ngọt từ biển hồ Ga-li-lê về tới đây thì sa mạc nóng cháy nầy trở thành những trang trại trù phú và những vườn cam danh tiếng, cung cấp vô vàn quả cam ngon ngọt cho thị trường khắp nơi.

Chúa Thánh Thần là mạch nước hằng sống xuất phát từ Chúa Giê-su.

Hôm ấy, vào dịp lễ Lều của người Do-thái, sau khi vị tư tế cùng dân chúng kiệu một bình bằng vàng đựng đầy nước lấy từ hồ Si-lô-ác về Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nhằm tôn vinh sự kiện xưa kia Thiên Chúa đã cho nước từ tảng đá chảy ra cho dân Ít-ra-en trong hoang địa khỏi chết khát; và đang khi dân chúng tưng bừng phất cao các cành lá, đồng thanh cất cao những khúc ca cảm tạ Thiên Chúa đã ban nguồn nước nuôi sống cha ông họ, thì “bấy giờ Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống." (Ấy là) Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.” (Ga 7, 38-39)

Và khi nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng Gia-cóp, Chúa Giê-su cũng tỏ cho bà biết rằng ai uống các nguồn nước tự nhiên sẽ còn khát mãi, còn: “ai uống nước tôi (Chúa Giê-su) cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi (Chúa Giê-su) cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Gioan 4, 14)

Nguồn nước thiêng liêng mà Chúa Giê-su hứa ban cho người Do-thái trong ngày lễ Lều hay cho người phụ nữ Sa-ma-ri chính là Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống.

Qua Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 4, Công Đồng Vatican II đã xác nhận điều nầy:

“Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, là mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời.(trích dẫn Gioan 4,14 và 7,38.)”

* * *

Nước thấm nhập vào các loài hoa giúp chúng trổ sinh những bông hoa muôn màu muôn sắc rất tuyệt vời, nước thấm nhập vào các loài cây ăn trái giúp chúng cung ứng cho đời muôn vạn thứ trái trăng ngon ngọt với những hương vị khác nhau, nước thấm nhập vào đất đai khiến đất cằn khô trở nên vườn cây tươi tốt… thì Chúa Thánh Thần thấm nhập đến đâu cũng làm trổ sinh hoa trái thiêng liêng cách diệu kỳ đến đó.

Chúng ta hãy lắng nghe thánh Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, nhận định về những “hoa trái” do ơn Thánh Thần mang lại:

“Như cây khô đâm chồi nẩy lộc sau khi hút nước, thì linh hồn tội lỗi biết sám hối và đáng được ơn Thánh Thần cũng sinh hoa kết trái công chính như vậy. Dù chỉ có một cách hiện hữu duy nhất, nhưng do ý Thiên Chúa và nhân danh Đức Ki-tô, Thánh Thần vẫn tạo ra nhiều năng lực khác nhau.

Thật vậy, Thánh Thần dùng miệng người nầy để giảng sự khôn ngoan, lấy lời ngôn sứ mà soi trí người kia, ban cho kẻ nầy quyền xua trừ ma quỷ, cho kẻ kia ơn giải thích Thánh Kinh, thêm sức cho kẻ nầy sống tiết độ, dạy cho người kia biết thương người, cho người nầy biết ăn chay và sống đời khổ hạnh, cho người kia biết khinh chê những thú vui thể xác, cho kẻ khác nữa ơn chuẩn bị tử đạo.” (Trích: giáo huấn của thánh Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, trong giờ kinh sách ngày thứ hai tuần 7 phục sinh)

Hiệu quả Chúa Thánh Thần mang lại cho những ai đón nhận thật phong phú và tốt đẹp biết bao. Vậy chúng ta hãy đến với Chúa Giê-su để “uống” cho no thỏa Chúa Thánh Thần và nhờ đó, cuộc đời chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.
 
Thần Khí như một ngôi vị và như ân huệ
Linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung
08:44 19/05/2010
SUY TƯ THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN

THẦN KHÍ NHƯ MỘT NGÔI VỊ VÀ NHƯ ÂN HUỆ


Bài 1: THẦN KHÍ, NHƯ MỘT NGÔI VỊ

Có hai vấn đề được đặt ra:

1. Ngôn ngữ Kinh Thánh và ngôn ngữ thần học.

2. Suy tư thần học.

I. THẦN KHÍ, NHƯ MỘT NGÔI VỊ

1. Trước tiên, cần lưu ý rằng những khái niệm: “Ngôi vị”, “bản tính”, “bản thể”, “yếu tính”... được đưa ra trong những bối cảnh nhất định, nhằm phục vụ cho những nhu cầu nhất định: đó là minh định lập trường của Giáo Hội chống lại một số khuynh hướng lạc giáo trong những thế kỷ III, IV,V hoặc muuốn hạ thấp tư thế của Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha, hoặc muốn hạ thấp tư thế của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa Con... Vì thế, để minh giải có sự phân biệt trong mầu nhiệm Thiên Chúa như là Ba Đấng, ngôn ngữ thần học gọi đó là ‘Ba ngôi vị’, và đồng thời để khẳng định, tuy thế, chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, ngôn ngữ thần học đã phải nại tới khái niệm “bản tính” hay “bản thể” của triết học Hy-lạp: Ba ngôi vị cùng chung một bản tính...

2. Thật ra, khái niệm “Ba ngôi” (Trinité) hoàn toàn không có nguồn gốc trong Kinh Thánh. Hạn từ “Ba ngôi” được gặp thấy lần đầu tiên, cách khá kín đáo, nơi Théophile d’Antioche, trong tác phẩm ‘A Autolycos’, II,15 (khoảng năm 180)...

a. Để chỉ có sự phân biệt (distinction) trong Mầu nhiệm Thần linh, ngôn ngữ Kinh Thánh, đặc biệt Tân Ước, không bao giờ sử dụng khái niệm ‘3’ (bằng cách đếm hay cộng lại!) mà đơn giản gọi “Cha, Con, Thánh Thần” như là những Đấng phân biệt với nhau: Cha là Cha bởi vì sinh ra Con và sai Con...; Con là Con bởi vì được sinh ra và được sai bởi Cha... Thánh Thần là Thánh Thần bởi vì là Thần Khí Tình yêu mà nhờ Ngài, bởi Ngài và trong Ngài, Cha và Con yêu thương nhau...

b. Để nói lên sự hiệp nhất (Unité) giữa Cha - Con - Thánh Thần, ngôn ngữ thần học lý giải vì các Ngài có chung cùng một bản tính (une même nature), hoặc đồng bản thể (consubstantiel), còn ngôn ngữ Kinh Thánh thì đơn giản hơn: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30); “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21;10,38; 14,11); “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9b;x. 8,19; 12,45; Dt 1,3); “Thiên Chúa (Cha) là Thần Khí” (Ga 4,24); “Thần Khí của Thiên Chúa” (Rm 8, 9.14; 15, 19; 1Cr 6,11; 7,40); “Thần Khí của Đức Kitô” (Rm 8,11); “Thần Khí của Đức Chúa” (2Cr 3,17)...

3. Như vậy, cách chung chung, có thể nói rằng:

a. Sự hiện hữu Cha- Con- Thánh Thần như là những Đấng phân biệt với nhau, đối với ngôn ngữ Kinh Thánh, không phải là “vấn đề” cần được đặt ra”. Vấn đề, nếu có, đối với ngôn ngữ Kinh Thánh, đó là minh giải sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, làm sao: chỉ có một Thiên Chúa (để tránh hiểu lầm và hiểu sai, có lẽ tốt hơn nên dùng hạn từ “Thần Linh”!), một Đức Chúa, một Thần Khí (1Cr 12,4-6). Và:

• Khi nói “chỉ có một Thiên Chúa” là có ý khẳng định: “ Cha là Thiên Chúa”, “Con là Thiên Chúa”,” Thần Khí là Thiên Chúa”; và ngôn ngữ thần học gọi hạn từ “Thiên Chúa” là “bản tính” hay “bản thể” của Cha - Con - Thánh Thần...

• Khi nói “Chỉ có một Đức Chúa” là có ý khẳng định: “Cha là Đức Chúa”, “Con là Đức Chúa”, “Thần Khí là Đức Chúa”; và ngôn ngữ Thần học gọi hạn từ “ Đức Chúa” là “bản tính” hay “bản thể” của Cha - Con - Thánh Thần...

• Khi nói “chỉ có một Thần Khí” là có ý khẳng định: “ Cha là Thần Khí”, “Con là Thần Khí”,” Thánh Thần là Thần Khí” (Ga 4, 24; 2Cr 3,17), hay nói cách khác, “Cha và Con là và có chung một Thần Khí”; và ngôn ngữ thần học gọi hạn từ “Thần Khí” là “bản tính” hay “bản thể” của Cha - Con - Thánh Thần... Như vậy, hạn từ “Thần Khí” đồng thời vừa chỉ bản tính hay bản thể của Cha- Con- Thánh Thần, vừa chỉ một Đấng khác với Cha và Con; và điều đó, nói theo ngôn ngữ thần học, có nghĩa Thần Khí vừa là bản tính hay bản thể của Cha và Con vừa là chính Mình hay, nói cách khác, vừa là một Ngôi vị. Tuy nhiên, không phải là Hữu Thể trong tư cách chỉ là Chủ thể (Être-Sujet) như Chúa Cha, Đấng vốn là “Nguyên lý phi nguyên lý” và “Nguyên lý của mọi nguyên lý”..., Đấng vốn sinh ra Chúa Con và “ ái xuất” (spiration) Chúa Thánh Thần, Thần Khí Tình yêu, và đã sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần...

Từ đó, cũng có thể nói rằng, ngoại trừ “tư cách là Cha của Chúa Cha” và “tư cách là Con của Chúa Con”, tất cả những gì thuộc bản tính và cả những thuộc tính (attributs) của Cha và của Con đều là chính Thần Khí: Tình yêu, thần tính và nhân tính của Chúa Con, Tình Cha, tình Con, tình Đức Chúa, hằng hữu, tự hữu, hằng sống, vĩnh hằng, quyền năng, thánh, vinh quang, tác tạo, tác sinh, tái sinh, đá tảng, thuẫn che chở, gió, lửa, đám mây, nước, ánh sáng, bàn tay, ngón tay, chim bồ câu, sức dầu, ấn tín, v.v... Hay nói cách khác, Thần Khí chính là Hành động của Chúa Cha và Chúa Con trong Vĩnh Hằng và trong Lịch sử. Vì thế, trong ngôn ngữ Kinh Thánh, khi Cha biết và yêu là sinh ra Con (x. 1Ga 4,7-8; Rm 8,15.29.32; Cl 1,13.15tt), và khi Cha phán là tạo dựng (St 1,3-31; Ga 1,3)...

b. Sự hiệp nhất Thần linh trong ngôn ngữ Tân Ước được nhìn trong chiều hướng năng động (dynamique) chứ không quá tĩnh tại (statique) như trong ngôn ngữ thần học vốn dựa trên những khái niệm tĩnh tại, ù lì như “bản tính” và “bản thể” (nature est id quo res est id quod est!), và vì thế, đã hẳn không thể nào phản ảnh được cách đầy đủ và hoàn toàn thực tại hiệp nhất thần linh (thử so sánh bức ảnh chụp dòng sông với chính dòng sông!)... Vì thế, những khái niệm triết học như “ Ngôi vị”, ‘bản tính”, “bản thể”, “đồng bản thể”... vốn chỉ là một trong những phương thế, được dùng trong những hoàn cảnh nhất định và với những mục đích nhất định, để tiếp cận với Mầu Nhiệm Thần linh, chứ không phải là con đường duy nhất có thể có, nên chúng cần được rọi sáng và biện minh bởi ngôn ngữ Kinh Thánh chứ không phải ngược lại...

Bài 2: THẦN KHÍ, NHƯ MỘT NGÔI VỊ (tt)

II. SUY TƯ THẦN HỌC: THẦN KHÍ LÀ AI?

1. Vấn đề:

Khi được hỏi: “Chúa Cha là ai?”, người ta có thể trà lời ngay: “Chúa Cha là Cha của Chúa Con”. Và khi được hỏi “Chúa Con là ai?” đã hẳn người ta cũng có thể trả lời ngay: “Chúa Con là Con của Chúa Cha”. Thế nhưng, khi được hỏi “Thần Khí hay Chúa Thánh Thần là ai?”, thì vấn đề lại không đơn giản... Thật vậy, nếu muốn có một câu trả lời như kiểu đối với Chúa Cha và Chúa Con, thì câu hỏi bây giờ trở thành: “Thần Khí là Thần Khí của ai?”. Tuy nhiên, trong trường hợp Chúa Cha và Chúa Con, ngay hai khái niệm “Cha” và “Con” đã tự chứng được định vị (tư cách và chức năng, và cho biết những mối tương quan khá rõ ràng), còn trong trường hợp hạn từ “Thần Khí” thì không được vậy, và câu hỏi về Ngài bấy giờ lại trở thành câu hỏi kép: “Thần Khí là ai (đối với chính Mình) và của ai (đối với Chúa Cha và Chúa Con)?”...

Về Chúa Thánh Thần, những vấn đề đó được đặt ra từ những thế kỷ IV, V (scn). Một số khuynh hướng lạc giáo cho rằng trong mối tương quan với Chúa Cha, vì “được Cha đổ tràn” (Ed 39,29), “được Cha trao ban” (Ga 7,39), nên Thần Khí không thể được coi “ngang hàng” với Cha, thậm chí, có người còn cho Thần Khí là thụ tạo của Cha; và trong tương quan với Chúa Con vì “ được Con sai đi”(Ga 15,26), nên Thần Khí không thể được coi “ngang hàng” với Con, thậm chí có người còn cho Thần Khí do Chúa Con tạo ra... Nhằm đối phó lại những khuynh hướng lạc giáo đó, ngôn ngữ thần học cũng như ngôn ngữ của các Công đồng, công nghị từ thế kỷ IV,V cho đến bây giờ vẫn vậy, nghĩa là tiếp tục sử dụng những khái niệm triết học như: “đồng bản thể” (consubtantiel), “nhiệm xuất” (procession), “ái xuất” (spiration)... để khẳng định “thần tính” của Chúa Thánh Thần, Đấng phải được phụng thờ và tôn vinh hoàn toàn như Chúa Cha và Chúa Con... điều mà người ta có thể nhận ra ngay là cả ngôn ngữ đặt vấn đề, cả ngôn ngữ giải quyết vấn đề đều hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ Kinh Thánh, vốn là ngôn ngữ tình yêu và lịch sử...

2. Thần Khí là ai (đối với chính Mình) và của ai (đối với Chúa Cha và Chúa Con)?

Thử bắt đầu với khái niệm “Ngôi vị”. Ngôn ngữ thần học gọi “Thần Khí là một Ngôi vị”. Thế nhưng, khái niệm “Ngôi vị” tự nó vốn bao gồm hai khái niệm khác, đó là “tư cách” và “chức năng”. Thí dụ: khi nói Cha là một Ngôi vị thì có nghĩa “là Cha” (être Père) chính là tư cách của Ngôi vị đó, và “làm Cha”, tức là “sinh Con” và “yêu thương Con”... chính là chức năng của Ngôi vị đó. Và khi nói Con là một Ngôi vị thì có nghĩa “ là Con” (être Fils) chính là tư cách của Ngôi vị đó, và “làm Con” tức là “đón nhận sự sinh ra và tình yêu của Cha đồng thời đáp trả lại bằng tình con thảo”... chính là chức năng Ngôi vị đó. Thế nhưng, khi nói Thần Khí là một Ngôi vị, thì tư cách và chức năng của Thần Khí là gì.

a. Tư cách của Thần Khí:

Trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con, ngôn ngữ Kinh Thánh vẫn thường gọi Thần Khí cách chung chung, đôi khi có vẻ như thiếu Ngôi vị tính (a-personnel): “được thổi vào hay được hà vào...” (St 2,7; Tv 104,30), “được đặt vào...” (Is 42,1), “được ban cho...” (Ds 11,29; Ga 7,39), “được đổ tràn vào...” (Ed 39,29), “được sai đến...” (Ga 14,26), “...của Cha” (Rm 8, 9.14; 15,19; 1Cr 6,11; 7,40), “...của Con” (Rm 8,11; 2Cr 3,17), v.v... Tuy nhiên, nếu như trong tương quan với Cha và Con, Thần Khí xem ra có vẻ như thiếu Ngôi vị tính, thụ động, tiêu cực..., nhưng trong khi thi hành sứ vụ được giao, ngôn ngữ Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy Thần Khí như một Đấng đầy ngôi vị tính, năng động, mạnh mẽ, tích cực, năng nổ (Is 11,1-5; Tl 3,10; 11,29;14,6; 6,34; 1Sm 1,6; 10,1; 16,13; Am 3,8; 7,14t; Gr 20,7t;v.v...)... Đằng khác, nếu nhìn Thần Khí từ góc độ hệ quả của những tác động của Ngài trong Lịch sử, người ta sẽ có thể phát hiện ra được phần nào dung mạo và chức năng của Ngài trong lịch sử và cả trong Mầu Nhiệm Thần Linh vĩnh hằng.

a. Chức năng của Thần Khí:

Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, sự tuôn tràn Thần Khí như cơn mưa đem sự sống cho vùng đất khô cằn (Is 32, 15; 44,3; Ed 36, 25; Gr 3,1t) như sinh khí làm sống động những bộ xương khô (Ed 37); như một cuộc sáng tạo mới thay đổi bộ mặt của xứ sở (Is 32,16), thay đổi con tim, lòng dạ của con người (Is 59,21; Tv 143,10; Ed 36,27); mặc khải dung mạo đích thực của Chúa Cha (Ed 39,29), dung mạo đích thực của Chúa Con (Ga 14,16; 16,7.13t; 14,26); tác sinh (Ga 6, 63; St 1,2; Lc 1,35; Mt 1,18-20); tái sinh (Ga 3,8; Ep 2,1-2); phục sinh (Rm 8,11); mặc khải chân lý (Ga 16,13; Ep 1,17-18; v.v...)

b. Phác thảo một thứ ngôn ngữ Thần Khí học:

Nói chung, có thể nói rằng ngôn ngữ Thần Khí học đích thực phải là thứ ngôn ngữ có tính tình yêu và lịch sử. “có tính tình yêu”, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8b) “có tính lịch sử”, bởi vì dung mạo đích thực của Chúa Thánh Thần vốn được biểu lộ qua Hành động Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con mà chính Ngài là Đấng thực hiện, trong vĩnh hằng và trong lịch sử...

Để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa nói chung, ngôn ngữ Kinh Thánh khi thì sử dụng khái niệm “tình vợ chồng”, “tình yêu nam- nữ” (chủ yếu trong ngôn ngữ Cựu Ước), khi thì sử dụng khái niệm “tình Cha- Con” (Cựu Ước và Tân Ước). Như vậy, có thể nói tình yêu Thiên Chúa là một thứ tình yêu tổng hợp tất cả mọi đặc tính, mọi khả năng tích cực của những thứ tình yêu, hay nói cách khác, mọi thứ tình yêu nhân loại đích thực đều mang dáng dấp hay dấu vết của tình yêu Vĩnh hằng:

1. Sự “tận hiến”, “hiến dâng” (oblation totale): yêu nhau, trước tiên, có nghĩa là trao tặng cho nhau tất cả những gì mình là (être) và mình có (avoir). Và, trong tình yêu Thần linh, quà tặng (Donum, Don) đó chính là Thần Khí tình yêu, vốn là một Đấng, một Ngôi vị được Cha trao ban và được Con đón nhận, và trở thành của Cha và của Con, hay nói cách khác, là “của chúng ta”, hay “ của nhau” (Etre- le Nôtre)... Nói theo ngôn ngữ Augustin, đó chính là Ân huệ của Thiên Chúa (Cv 2,38; Ga 4,10).

2. Qui trình “ra đi- trở lại” (exitus-reditus): thứ đến, yêu nhau có nghĩa là “ra khỏi chính mình” (exitus de soi-même) để đến và hòa nhập với nhau (reditus à nous- même et à soi-même)... Và, trong tình yêu Thần linh, Thần Khí Tình yêu vừa chính là “Đấng ra đi” vừa chính là “Đấng trở lại” của Cha và của Con và của chính Ngài (Ga 10,17-18; 19,30; Cv 2,33).

3. Sự “hiện diện trong nhau và với nhau” (présence reciproque, intériorité reciproque; Hy ngữ: périchorèse; La ngữ: circumincessio): yêu nhau, còn có nghĩa là luôn luôn hiện diện trong nhau và với nhau (những khái niệm thời gian và không gian, ở đây không còn ý nghĩa), đến độ là nhau (Être in personna)... Và trong Tình Yêu Thần linh, chính Thần Khí Tình yêu vừa là Đấng tác sinh ra sự Hiện diện trong và với Nhau đó (sự “tương nhập của Cha-Con-Thần Khí), vừa chính là Đấng, nói theo ngôn ngữ Phaolô, làm cho Cha có thể nói: “Cha sống, nhưng không phải là Cha sống, mà chính Con và Thần Khí sống trong Cha; làm cho Con có thể nói: “Con sống, nhưng không phải Con sống, mà chính Cha và Thần Khí sống trong Con”; làm cho Ngài có thể nói: “Thần Khí sống, nhưng không phải Thần Khí sống, mà chính Cha và Con sống trong Thần Khí” (x.Gl 2,20; Pl 1,21), hay nói cách khác, Thần Khí Tình Yêu chính là Đấng làm cho Cha- Con- Thần Khí là Nhau hay là Một (Ga 10,30; 14,26)... Đó chính là sự sống Tình Yêu Thần linh, sự sống Ba Ngôi, sự sống đời đời...

4. Sự “độc hữu” hay “độc chiếm” (monogamie): Yêu nhau, ngoài ra, còn có nghĩa muốn người mình yêu (Aimé) chỉ thuộc về một mình Mình mà thôi (Aimant): một chồng- một vợ; một cha-một con (ngôn ngữ Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa vốn là Đấng hay ghen: Xh 20,5; Is 43,10t; 48,11- ngôn ngữ Tân Ước trình bày Đức Giêsu Ktiô như là “Con Một”(Unigenitus): Ga 3,16; 1Ga 4,9)... Và, trong Tình yêu Thần linh, Thần Khí Tình Yêu vừa không phải là Cha- Đấng yêu thương (Aimant), vừa không phải là Con- Đấng được yêu thương (Aimé), vừa không phải là “kẻ thứ ba quấy rầy”, mà là “ Đấng- Người yêu của chúng ta” (Notre Aimé) đối với Chúa Cha và Chúa Con. Thật vậy, Thần Khí Tình Yêu chính là Đấng hằng” tạo tác”, “ vun đắp”, “tạo điều kiện” cho tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Thiên Chúa và loài người và giữa loài người với nhau... (ngôn ngữ Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, không bao giờ nói “Chúa Cha hay Chúa Con yêu Chúa Thánh Thần” và ngược lại, mà chỉ nói “Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau trong (en) Chúa Thánh Thần...)...

5. Sự “siêu việt thời gian và không gian” (transcendance du temps et de l’space):

Đối với những kẻ yêu nhau, những khái niệm thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai; mau hay lâu, nhanh hay chậm, v.v...), không gian (gần hay xa) dường như không còn tồn tại, và không hẳn chỉ là trong ý thức: họ cảm thấy “có nhau” dường như cách vĩnh hằng và từ “Muôn kiếp” họ cảm thấy luôn luôn hiện diện bên nhau và với nhau (đã hẳn họ sẽ mất tất cả những cảm nhận đó khi họ không còn yêu nhau!)... Và trong Tình yêu Thần Linh, chính Thần Khí Tình yêu là Đấng làm cho “thời gian yêu nhau” của Chúa Cha và Chúa Con là Vĩnh hằng và “khoảng cách Cha - Con” hoàn toàn bị xóa nhòa... Và, trong Lịch sử hay trong nhiệm cục Cứu độ, Thần Khí Tình yêu chính là Đấng làm cho toàn thể Lịch sử (thời gian và không gian) hội tụ lại và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô vôn là Chúa Con - nhập thể, và như vậy, Đức Giêsu Kitô trở thành “Đấng luôn luôn là Hôm nay” (Lc 4,21) của Cha - Con - Thần Khí, “Đấng Hằng hữu” (Ga 8,24.27.57; 13,19), “Sự hoàn tất toàn bộ Lời hứa, Ý định Tình yêu, một lần thay cho tất cả, của Thiên Chúa”... Như vậy, vấn đề còn lại là của con người: đó là vấn đề sở đắc Ân sủng Tình yêu đó (possession de la Grâce). Và trong lịch sử, Thần Khí Tình yêu đồng thời vừa là Đấng làm cho con người từ bỏ những “Quê hương cũ”, những “bây giờ” (maintenants) của riêng mình để mãi mãi “lên đường”, mãi mãi “ra đi”, mãi mãi “xuất hành”, hướng về những chân trời tương lai, theo sự hướng dẫn của Thần Khí Tình yêu, Đấng muốn thổi tới đâu thì thổi (Ga 3,8), những chân trời nhiều khi hoàn toàn mới mẻ, ngoài sức tưởng tượng của con người; vừa là Đấng hiện tại hóa Ân sủng Tình yêu đó (actualiser) để con người mọi nơi và mọi thời đều có thể sở đắc: quá khứ, hiện tại và tương lai. Như vậy, còn có thể nói Thần Khí Tình yêu chính là Dung mạo tương lai của Thiên Chúa...

Bài 3: THẦN KHÍ NHƯ MỘT ÂN HUỆ

Có thể nhìn vấn đề dưới 2 góc độ:

1. Thần Khí, như Ân huệ Chúa Cha và Chúa Con trao tặng cho nhau.

2. Thần Khí, như Ân huệ Chúa Cha ban cho loài người qua Chúa Con.

I. THẦN KHÍ, NHƯ ÂN HUỆ CHÚA CHA VÀ CHÚA CON TRAO TẶNG CHO NHAU:

A. Trong Mầu Nhiệm Tình Yêu vĩnh hằng: trong ngôn ngữ Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, Thần Khí luôn được gọi là Đấng “được trao ban” hay “chưa được trao ban”, “được sai đi”, “được đổ tràn”, “được đón nhận” (Lc 11,13; Cv 2,4.17.18.38; 8,15.17.18.19; 10,45.47; 15,8; 19,2; Ga 7,39; 14,17.26; Kh 5,6; 1Ga 3,24; Rm 5,5; Gl 3,2.5.14; 1Tx 4,8; Tt 3,5; 1Pr 1,12; v.v...). Điều đó có nghĩa Thần Khí chính là Ân huệ (Donum,Don) là quà tặng Tình Yêu của Thiên Chúa. Thế mà, nếu như “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8), và nếu như Chúa Cha là Đấng đã có thể nói với Con độc nhất của mình như: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17; 12,18; Is 42,1-4; v.v...), “Tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Lc 15,31; Ga 17,10)... thì “Quà tặng” đẹp lòng nhau nhất của các Ngài là gì nếu không phải là “tất cả những gì các Ngài là (être) và có (avoir)”? Thật vậy, có thể nói, trừ tư cách là Cha của Mình, Chúa Cha, đã hẳn trao ban cho Chúa Con tất cả những gì Chúa Cha là và có (Thần tính, ngôi vị tính...), nghĩa là tất cả những gì là Mình của Cha. Và, như vậy, “Đấng được ban cho” (Donné) cũng như “ Đấng đón nhận ân huệ (Recevant) đều là và có tất cả những gì Chúa Cha là và có (thần tính, ngôi vị tính trừ tư cách là Cha). Và “Đấng được Cha ban cho Con” (Donné) đó, trong tư cách là “Đấng ra đi khỏi Cha” (Exitus de Soi-Même), được gọi là “Thần Khí Tình Yêu của Cha” (Mt 12,18; Cv 2,17; 1Cr 3,11.12.14.16; 6,11; 1Pr 4,14; 1Ga 4,2; Mt 3,16; 12,28; Rm 8,9.14; 1Cr 7,40; 12,3; Pl 3,3; v.v...). Đồng thời, đón nhận Ân huệ Thần Khí Cha ban cho, trong niềm tri ân và cảm tạ, Chúa Con “trao tặng lại” (Reditus:x. Ga 19,30) Cha “Ân Huệ được Cha ban tặng” và “đã được Con vui lòng đón nhận” như là “ Thần Khí của Con” (Cv 16,7; x. Mt 27,50; Mc 2,8; 8,12; Lc 23,46; Ga 11,33; 13,21; Pl 1,19; Rm 8,9; 1Pr 1,2; Gl 4,6; v.v...). Bởi vì, Con còn quà tặng nào đáng giá hơn là “Thần Khí Tình Yêu” của chính Mình hay là “chính Mình” (Ga 10,17-18)... Như vậy, như là “Ân huệ vĩnh hằng”, Thần Khí của Cha và của Con, Thần Khí Tình yêu là Đấng mãi mãi “sống kiếp lữ hành”, luôn luôn vận hành ở trong qui trình “ra đi - trở lại” để tình yêu của Ba ngôi luôn luôn sống động, trong Vĩnh hằng cũng như trong Lịch sử...

B. Trong lịch sử: Trong biến cố Sáng Tạo - Nhập thể - Cứu độ, Chúa Cha đã sai Thần Khí của Ngài cùng với Con trong một Sứ vụ liên kết là Sáng tạo, Yêu thương và Cứu độ (Mt 12,18; x. Is 11,1-2; GLHTCG số 702)... Chính trong sứ vụ liên kết này mà quá trình “sở đắc Thần Khí của Cha” của nhân tính của Chúa Con - Nhập thể diễn ra trong lịch sử. Nói như thế là bởi vì trong tư cách là Thiên Chúa (thần tính), Chúa Con - Nhập thể, Chúa Cha và Thần Khí, dù trong Lịch sử, vẫn luôn hiện diện trong nhau và với nhau nên như Một (Ga 10,30; 17,21; x. 10,38; 14,11; 14,9b; x. 8,19; 12,45; Dt 1,3). Việc nhân tính của Đức Giêsu sở đắc Thần Khí của Cha được thực hiện qua những Hành động yêu thương của Ngài đối với Chúa Cha, Thần Khí và loài người, trong lịch sử, và chỉ được hoàn tất trọn vẹn trong hành động tận hiến tột đỉnh trong Tình Yêu của Ngài trên Thập giá khi Ngài “giao nộp lại” Chúa Cha Thần Khí (Ga 19,30), và, chính giây phút đó, cái, “nghịch lý của Tin Mừng” đã xảy ra, để “tưởng thưởng” cho tình yêu tuyệt đối của Con đối với Cha, Chúa Cha đã “tuôn tràn Thần Khí” xuống trên con người (nhân tính) của Chúa Con - nhập thể, và chính lúc đó quá trình sở đắc Thần Khí của Cha nơi nhân tính của Đức Giêsu hoàn tất: nhân tính của Đức Giêsu được thần linh hóa vì tràn ngập Thần Khí, và trở nên hoàn toàn hiệp nhất với thần tính của Ngài ( Mt 16,24-25; Mc 8,34-35; Lc 9,23-24; Ga 3,14-21; 8,27-29), và tất cả những ai thông hiệp với Ngài sẽ được thần linh hóa như Ngài: đó chính là “ Lời hứa” của Chúa Cha (Cv 1,4; Lc 24,49; Cv 2,17) và cũng là niềm Hy vọng của loài người...

II. THẦN KHÍ, NHƯ ÂN HUỆ CHÚA CHA BAN CHO LOÀI NGƯỜI QUA CHÚA CON

“Thiên Chúa phán: trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm...” (Cv 2,17; x. Ge 3,1-5).

“Khi Đấng Bảo trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí Sư thật phát xuất từ Chúa Cha...” (Ga 15,26).

A. Cảm nghiệm của các Tông đồ: Sau ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ có cảm nhận như họ bị xâm chiếm bởi một “sức mạnh” vượt lên trên bản thân họ. Họ cảm thấy như thần trí của mình có một Thần Khí Khác xâm chiếm vượt lên trên, như có một Thần Khí Khác đã được sai đến, đã được ban cho, đã được tuôn tràn trong họ và họ đã được đón nhận (Lc 11,13; Cv 2,4; v.v..). Đồng thời, họ cũng cảm nhận rằng nỗ lực sáng kiến riêng tư của họ như được vượt quá, được nâng cao bởi Hành động của Đấng đang hiện diện bên trong họ, đang “giúp đỡ” họ, “hướng dẫn” họ, “lôi kéo” họ, “sai phái” họ, “thúc đẩy” họ, “ra lệnh” cho họ, “ngăn cấm” họ, v.v... (Cv 21,4; 13,4; 15,28; 16,6; 20,28; 8,39; Ga 16,13; Rm 8,14.26; Gl 5,16; 2Pr 1,21)...

B. Như một Hiện Diện thuộc linh hết sức thân mật: các Tông đồ dù không bao giờ có cảm nhận là Thần Khí của họ trở thành Thần Khí đó: vẫn có một sự phân biệt giữa hai bên (Rm 8,16; Cv 15,28; x. Cv 5,3), nhưng mối quan hệ lại rất thân mật với lối nói luôn luôn trên môi miệng của họ: “trong Thần Khí”(Rm 8,9; Mt 3,11; Lc 3,16; Ga 1,33; Cv 1,5; v.v...). Một điều đặc biệt đó là hình như Thần Khí chỉ “linh hứng”, “báo trước”, “mặc khải”, “tiên báo”, “dạy dỗ”,v.v... trong và qua Giáo Hội mà thôi (Lc 12,12; Cv 6,10; 11,28; 20,23). Đàng khác, họ tự gọi mình là “các thánh”, có lẽ nhằm ám chỉ đặc tính họ được Thần Khí xâm chiếm và siêu vượt lên trên, bởi vì Cựu Ước vẫn gọi Thần Khí là Thánh Thần... Đó chính là những công việc mà Thần Khí của Đức Giêsu Kitô- Phục sinh đã, đang và vẫn tiếp tục tiến hành bên trong lịch sử, với mục đích thần linh hóa con người và vũ trụ hầu Thiên Chúa trở thành mọi sự cho mọi người. (1Cr 15,28)...

(Lưu ý: phần II được soạn theo tư tưởng của Lm. Paul Aubin, le Monothéisme chrétien, Ronéotypé, GHHV Pio X, Đà Lạt, tr. 35-36)

Bài 4: THẦN KHÍ SỰ SỐNG

Có 2 vấn đề cần được được ra:

1. Khái niệm “sự sống” trong ngôn ngữ Kinh Thánh.

2. Chúa Thánh Thần, Thần Khí sự sống vĩnh hằng và lịch sử.

I. KHÁI NIỆM “SỰ SỐNG” TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH

A. Trong Mầu Nhiệm Ba Ngôi, bởi vì là “Thiên Chúa hằng sống, hằng hữu, và tự hữu” (Xh 3,14; Is 42,8; Ga 8,24.57; Gs 3,10; Tv 42,3; Dnl 6,21; 1V 18,10; v.v...), nên Sống có nghĩa là các Ngài “biết nhau”, “yêu thương nhau”, “hướng về nhau”, “ hiện diện trong nhau, vì nhau và với nhau”, “có tương quan mật thiết với nhau”, v.v... (Gr 2,13; Tv 36,10; 63,4; 84,11; Am 5,4tt; Hs 6,1tt; Ga 1,1-2.4; 14,6; 11,12...). Đó là điều mà ngôn ngữ Tân Ước gọi là “sự sống đời đời” (Mt 19,16tt. 29tt; 7,14; 18,8tt; Ga 4,14; 6,27-58; 11,25tt; 3,36; 12,47-50...).

B. Đối với các thụ tạo (trừ các thiên thần?) mà hiện hữu vốn là hiện hữu được ban cho và được đón nhận trong thời gian và không gian, nghĩa là đã có lúc không hiện hữu và sẽ có lúc không còn tồn tại, thì Sống, ngoài ý nghĩa “sự Sống đời đời” (đây là ý nghĩa chính thức và quan trọng), còn có nghĩa:

1. “Bắt đầu hiện hữu”:

- Nghĩa đen: “bắt đầu hiện hữu” và “bắt đầu sống” đồng nghĩa với nhau (đời sống khoáng vật, thực vật, sinh vật).

- Nghĩa bóng: “bắt đầu hiện hữu” không nhất thiết có nghĩa là “bắt đầu sống” (đời sống luân lý: thí dụ: những kẻ vô đạo “vừa mới sinh ra đã thôi hiện hữu” Kn 5,13)...

2. “Sống lại”:

- Nghĩa đen: chết, rồi sống lại nhưng chưa phải là sự sống đời đời (như trường hợp con gái ông Giairô, con trai góa phụ thành Naim, Lazarô.../ Mc 5,21-42tt; Lc 7,11-17; Ga 11/)...

- Nghĩa bóng: lập lại mối tương quan thân tình với Cha và anh, chị em; lại được Cha tìm thấy (Lc 15,21.32). Như vậy đồng nghĩa với “được sinh lại bởi ơn trên” (Ga 3,5.7), “được Thiên Chúa sinh ra” (1Ga 4,7b)...

- Nghĩa thực thụ: chết, rồi sống lại và được hoặc không được tham dự vào Sự sống Ba Ngôi (trong Lịch sử: sự sống lại hay Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô; “ giờ” phán xét cánh chung/ Kh 14,12-13; Lc 20,34-38; Mt 25,31-46/).

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ SỰ SỐNG VĨNH HẰNG VÀ LỊCH SỬ

A. Sự sống Ba Ngôi trong Mầu nhiệm Thiên Chúa:

Nếu, nói theo ngôn ngữ của Gioan, “sự Sống đời đời là nhận bết Cha, Thiên Chúa duy nhất và Chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3), thì, đã hẳn, ngoài Chúa Cha và Chúa Con ra chẳng ai “có” được sự Sống đời đời cách như Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Thần Khí Thiên Chúa không những “biết” (có tương quan mật thiết với) Chúa Cha và Chúa Con, mà chính Ngài là Đấng thực hiện Hành động “biết” đó để Ba Ngôi Cha - Con - Thần Khí” biết nhau”; và các Ngài không chỉ “biết nhau” mà còn “là nhau”; (hay “là Một”) nữa... Có thể nói rằng, trong Thực tại sự sống Ba Ngôi vĩnh hằng, nếu không có Thần Khí Tình Yêu là Chúa Thánh Thần, Chúa Cha chẳng thể nào “sinh ra” Con và “biết” được Con, và Chúa Con cũng chẳng thể nào “đón nhận” được sự “ sinh ra” của Cha như Ân huệ Tình yêu và “biết” được Cha và “Ân huệ Tình yêu” (Donum) nầy. Như vậy, có thể nói rằng không có Thần Khí tình yêu là Chúa Thánh Thần thì không có sự sống Ba Ngôi vĩnh hằng, hay nói cách khác, Chúa Thánh Thần chính là Đấng tác thành sự sống Thần linh vĩnh hằng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Và, nếu Thiên Chúa là “Thiên Chúa Hằng sống”, thì Hành động tác thành sự Sống vĩnh hằng đó cũng phải là Hành động vĩnh hằng, và, trong Lịch sử, Hành động tác thành sự sống đó luôn luôn là “cái Hôm nay” (l’Aujourd’hui) và “cái Bây giờ” (le Maintenant) đối với Ba Ngôi và đối với tất cả những ai được Thần Khí Tình Yêu hướng dẫn hoặc để cho Ngài hướng dẫn. Bởi thế, đối với các Sứ ngôn, sự sống chính là “tìm kiếm Giavê” (Am 5,4tt; Hs 6,1tt): “sống, đó là tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng, sống cách dồi dào, đó là gặp gỡ được Ngài” (Bruno Forte, la Trinité comme Histoiré, Nouvelle Cité, Paris 1989, p.178).

B. Sự sống của các thụ tạo (trừ các thiên thần?!):

1. Sự sống như là “được hiện hữu” (“con cám ơn Đức Chúa Trời... chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con...”): đối với với các Thụ tạo mà sự hiện hữu là được ban cho hay được đón nhận từ Thiên Chúa thì “ không có bột không thể gột nên hồ” được (ex nihilo nihil fit), nhưng đối với Thiên Chúa vừa hằng sống, tự hữu, hằng hữu và toàn năng thì không như thế. Nói theo ngôn ngữ của Karl Barth, quyền Chúa Tể (la seigneurie) của Thiên Chúa hệ tại ở chỗ Ngài là Chúa tể cả “cái có” và “cái không”, cả “cái hiện hữu” và “cái không hiện hữu”, cả sự sống và sự chết - nếu không thế Ngài chẳng thể là Đấng Toàn Năng- nghĩa là Ngài có thể làm cho hiện hữu cái không hay chưa hiện hữu, làm cho sống cái đã chết và làm cho chết cái đang sống, v.v..., nếu Ngài muốn. (x. Karl Barth, Dogmatique, I,I,2, p.88). Hay nói cách khác, đối với Thiên Chúa Tự hữu, Hằng hữu, Hăng sống, chẳng có gì là không tuyệt đối” cả, mà chỉ là “chưa hiện hữu” hoặc “không còn hiện hữu”... Vì thế, ngôn ngữ thần học và phụng vụ nói “công trình Sáng tạo được thực hiện do Chúa Cha, bởi Chúa Con, nhờ Thần Khí (của Cha và của Con), hay nói cách khác, nhờ Sức mạnh Toàn năng của Lời của Chúa Cha“(St1,1-2, 4a; Tv 33,6; 104,30; 2Mcb 7,28; 2Cr 4,6; Rm 4,17; Cv 17,28; 1Tm 6,13; Kh 10,6; Ga 1,1-10; v.v...).

2. Sự Sống do “được tái sinh” hay “được cứu độ”: đối ứng với việc sinh ra tự nhiên của con người, ngôn ngữ Kinh Thánh, đặc biệt Tân Ước còn nói tới sự sinh ra siêu nhiên mà nguyên lý là “do Chúa Cha, bởi Lời của Chúa Cha tức là Chúa Con, nhờ Thần Khí của Chúa Cha đã được Đức Giêsu Kitô Phục sinh sở đắc cách trọn vẹn và tròn đầy (và vẫn được gọi là Thần Khí của Đức Kitô Phục sinh)” hay nói cách khác, “nhờ Tin-Cậy-Mến và Phép rửa “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần-trong tư cách là Thần Khí của Đức Kitô- Phục sinh”: đó chính là Sự Sống đời đời mà con người có thể “nếm trải” ngay khi còn tại thế (Ga 3,14-21; 8,27-29; 6,35-40; 10,17; 14,15-20.23-26; 16,7-15; 15,26; Tt 3,5; Rm 8,15tt; Gl 4,6; 1Pr 2,1; Gc 1,21; 1Pr 1,14.22tt; 1Ga 3,9tt; Rm 6,5; Ga 17,3; v.v..).

3. Sự Sống bên kia sự Chết và tiêu hủy hoàn toàn sự Chết: Ngôn ngữ Cựu Ước có đề cập đến sự Sống lại sau khi chết nhưng chỉ mới cách chung chung: “Thiên Chúa sẽ trả lại tinh thần và sự sống cho họ... Họ uống nguồn sống không hề cạn khô” (2Mcb 7,23.36; Ed 33,11; 37,11-14; Is 53,10). Ngôn ngữ Tân Ước, có vẻ rõ ràng hơn, khẳng định sự sống lại sau khi chết đáng mơ ước đó là được “ở với Đức Kitô” (Lc 23,43; Pl 1,23; x. 2Cr 5,8; 1Tx 5,10), hay nói cách khác, được “ở trong Thần Khí của Đức Kitô Phục sinh”, “được Thần Khí của Đức Kitô - Phục sinh hóa hoàn toàn”... và niềm hy vọng cánh chung đó là lúc Thần Khí của Đức Kitô Phục sinh Kitô-hóa mọi sự và mọi người, và Đức Kitô, lúc đó, sẽ là Chúa tể mọi loài, mọi vật. Và lại một lần nữa, Đức Giêsu Kitô lại thực hiện một cử chỉ Tận hiến tột cùng trong tình yêu đó là “giao nộp lại” cho Cha Thần Khí của chính Mình Ân huệ của Cha, dung mạo cánh chung của Thiên Chúa và của con người (x. Ga 19,30; 1Cr 15,24. 28), và lúc đó, con người trở nên giống như Thiên Chúa và thấy được Ngài đúng như Ngài là, mặt đối mặt (1Ga 3,2): đó là bản chất của đời sống vình cửu (Ga 17,3)... và, lúc đó, Thiên Chúa trở thành mọi sự trong mọi người (1Cr 15,28)...

Bài 5: BẢY ÂN HUỆ CỦA CHÚA THÁNH THẦN

I. NHẬN XÉT:

1. Ở Việt Nam, hiện nay, đang có một tình trạng lẫn lộn, thiếu thống nhất trong cách hiểu và dịch thuật 7 khái niệm này mà vốn là nền tảng và cơ sở để hiểu về Chúa Thánh Thần và Bí tích Thêm sức...

2. Tình hình đó có lẽ phát xuất, một đàng, từ chỗ cái “logic” của Is 11,1-2 vẫn chưa được quán triệt cách sâu sắc và đúng đắn: người ta sẽ thấy rõ điều đó khi thử so sánh cách dịch và cách xếp thứ tự các ân huệ nơi một số dịch gỉa Việt Nam, như Lm. Nguyễn Thế Thuấn trong bản dịch Kinh Thánh trọn bộ, Gm. Paul Bùi Văn Đọc trong tác phẩm tập thể “Chúa Thánh Thần, Đấng Ban Sự Sống” (tr. 292-293), nhóm soạn bộ Giáo Lý Hồng Ân của TGM. Xuân Lộc trong “Lớn lên trong Chúa Thánh Thần, Đấng Ban sự sống”(tr. 87-94), Ủy Ban Giám Mục về Phụng vụ trong bản dịch về Bí tích Thêm sức, v.v...; đàng khác, từ chỗ một nền thần học về Chúa Thánh Thần vẫn chưa được nghiên cứu kỹ và sâu ở Việt Nam...

II. NGUỒN GỐC CỦA KHÁI NIỆM “BẢY ÂN HUỆ”:

1. Lịch sử: đã thấy xuất hiện trong ngôn ngữ phụng vụ khoảng cuối thế kỷ IV (thánh Ambroise de Milan và ĐGH. Sirice 385)..

2. Kinh Thánh: từ Is 11,1-2. Trong Is 11,1-2, chỉ có 6 ân huệ. Có lẽ một số dịch gỉa Hy lạp và cả Latinh khi dịch Is 11,1-2 đã tách đôi ân huệ thứ 6 “sự kính sợ Thiên Chúa” ra thành hai và thêm vào đó một ân huệ nữa cho đủ con số 7, biểu tượng của sự phong phú, đầy tràn, đó là khái niệm eusebes/ eusebeia hoặc pietas mà vốn không có tương đương trong ngôn ngữ Hipri, và rồi sau đó đã đi vào ngôn ngữ phụng vụ... Để dễ dàng so sánh đối chiếu giá trị một số bản dịch Việt ngự hiện nay, xin mạn phép trích ra đây 2 bản dịch Pháp ngữ quan trọng:

a. Is 11,1-2 qua bản dịch của Bible de Jerusalem:

“... sur lui repose l’Esprit de Yahvé

Esprit de sagesse et d’intelligence,

Esprit de conseil et de force.

Esprit de science et de crainte de Yahvé”.

b. Cuốn GLHTCG, 1992:

“... donne-leur en plénitude l’Esprit qui reposait sur ton Fils Jésus:

Esprit de sagesse et d’intelligence,

Esprit de conseil et de force,

Esprit de connaissance et d’effection filliale:

Remplis-les de ‘Esprit de la crainte de Dieu...”

III. THẦN HỌC VỀ 7 ÂN HUỆ CỦA CHÚA THÁNH THẦN:

Trước tiên, cần lưu ý là một thứ thần học về Chúa Thánh Thần hay về những ân huệ của Ngài chỉ có thể hiểu được khi được định vị:

• Trong Hành động của Thiên Chúa Ba Ngôi

• Trong Kế hoạch Mặc khải cứu độ của Ba Ngôi vốn được diễn ra trong Lịch sử...

Thật vậy, chính trên nền tảng của chân trời đó, người ta mới có thể phát hiện ra được cái “logic nội tại” ẩn tàng trong Is 11,1-2, và áp dụng của Giáo Hội đối với bản văn này và trong Bí tích Thêm sức.

1. Thần Khí Khôn ngoan và thông hiểu:

Là “Ân huệ Thần Khí” giúp con người luôn ở trong tư thế “tìm kiếm Thiên Chúa và Thánh ý của Ngài” (Am 5,4tt; Mt 7,8; Is 59,2; Kn 1,1; Xp 2,3; Tv 22,27; Dnl 3,39tt; Cv 3,27; Gr 29,14; Tv 69,33; Ga 8,21; Pl 3,8.12; Rm 10,3; Cl 3,1; Ga 13,33; v.v...), đồng thời hiểu được đâu là Thánh ý Chúa, cái gì tốt, cái gì xấu... (Ga 6,44; 14,26; Rm 12,2; Cl 1,9; v,v...).

Thử so sánh đối chiếu các khái niệm “Thần Khí khôn ngoan và thông hiểu” của Is 11,1-2 với Ga 14,6 “chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống “ với kinh nghiệm của Khổng Tử, một hiền triết Đông Phương: “Ta 15 tuổi để trí vào việc học Đạo; 30 tuổi, biết tự lập (tự mình theo chính Đạo); 40 tuổi, không còn nghi hoặc về Đạo; 50 tuổi, biết Mệnh trời; 60 tuổi, đã biết theo Mệnh trời; 70 tuổi, theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ Đạo lý” (Luận ngữ, II.4).

2. Thần Khí định liệu và mạnh bạo: là “Ân huệ Thần Khí” giúp con người có được những quyết định đúng đắn được cân nhắc kỹ lưỡng cho cuộc sống hiện tại và tương lai của mình, hợp với Thánh ý Thiên Chúa và mang lại hạnh phúc đích thực, đồng thời có đủ mạnh bạo thực hiện những quyết định đó (Lc 11,28; 14,28-33; 12,57-59; 12,47; Mt 7,21; 21,31; Dt 13,21; Pl 2,13; v.v...).

3. Thần Khí nhận biết và hiếu thảo: là “Ân huệ Thần Khí” giúp con người biết được:

a. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa duy nhất và chân thật;

b. Mối quan hệ giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu là mối quan hệ Cha-Con trong vĩnh hằng và trong lịch sử, đồng thời là Đấng sai đi Đấng được sai đi (Ga 17,3).

c. Mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người là mối quan hệ Cha-Con nhờ được thông hiệp với tình Phụ-Tử của Đức Giêsu Kitô (Mt 6,9; Rm 8,29; Gl 3,26; 4,5tt; Dt 12,5-12).

d. Mối quan hệ nhân loại với nhau là tất cả mọi người đều là anh, chị, em với nhau vì cùng có chung Thiên Chúa là Đấng Tạo thành và là Cha (Mt 6,9; 2Pr 1,4).

e. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người và muốn mọi người đều được cứu rỗi (1Tm 2,4).

f. Vì thế, con người cần đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa bằng “tình con thảo” (1Ga 4,7-8; Gl 4,6)...

4. Thần Khí kính sợ Thiên Chúa.

Là “ân huệ Thần Khí” giúp con người luôn có được những thái độ, những tâm tình đúng đắn và quân bình “vừa yêu vừa kính sợ” đối với Thiên Chúa, Đấng vừa đáng sợ vừa đáng yêu (Mysterium tremendum et fascinosum) (Ml 1,6; Dnl 10,12; Cn 1,7; Cv 10,34tt).

Như vậy, với cái vẻ bên ngoài thoạt tiên có vẻ như không ăn nhập vào đâu, Is 11,1-2 quả thực có cái “logic nội tại” sâu sắc của nó. Qua những phân tích khái quát và sơ lược trên đây, có thể coi Is11,1-2 như là tóm lược toàn bộ quá trình Mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa và quá trình đáp trả từ phía con người. Việc nghiên cứu và phân tích từng ân huệ trong những bài sau đây sẽ còn cho thấy rõ hơn những điều đó...

Bài 6: THẦN KHÍ KHÔN NGOAN

Ở đây, có 2 vấn đề được đặt ra:

1. Ý nghĩa sự Khôn ngoan trong ngôn ngữ Kinh Thánh.

2. Chúa Thánh Thần, Thần Khí khôn ngoan.

I. SỰ KHÔN NGOAN TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH

a. Trong ngôn ngữ Cựu Ước

- Nguồn gốc: có thứ khôn ngoan do con người sở đắc được nhờ học hỏi hoặc nhờ kinh nghiệm, tuy nhiên có thể mang nội dung luân lý tôn giáo và cũng có thể không (Xh 28,3; 2Sm 13,3; G 8,8; Gr 2,8; Gv 39,1tt.8; 51,23; Cn 20,22-24; 22,2.4.22tt; 24,21; 25,21tt; 29,13;v.v...); và nền tảng của sự khôn ngoan có mang nội dung luân lý tôn giáo là Sự Kính Sợ Yahvé: người khôn ngoan ở đây, là người biết làm điều đẹp lòng Thiên Chúa và tránh điều mà Ngài không hài lòng (Cn 1,7; 9,10; Gv 1,11-21; 19,20; G 28,12tt; Cn 6,16; 8,13; 11,20; 12,22; Gv 1,27; Kn 4,10.14; 7,14.28) hay nói cách khác, đó là tuân theo Lề Luật (Gv 15,1; 19,20; Br 4,1)... có thứ khôn ngoan do Thiên Chúa ban cho (G 28,12-27; Br 3,15-38; Is 28,29; Xh28,3; St41,8.38-39; Dnl 1,17; Kn 7,20; Ds 11,17.25; Dnl 1,13; Cn16,10; 2Sm 14,17.20; 1V 3,11.28; 2Sm 16,23; Is 11,2-5; v.v...). Như một sự hiểu biết siêu nhiên và đồng nghĩa với Thần Khí của Thiên Chúa (St 41,8.38; Dnl 34,9; Is 11,2-6; Dnl 4,5tt; Kn 7,22;1,4tt; 9,17; v.v...).

- Bản tính: chưa rõ ràng được coi như là một Ngôi vị, đúng hơn, sự Khôn Ngoan ở đây là một thực hữu có tính thần linh mới chỉ là một đặc tính hay thuộc tính mà thôi, dù đó là một thực hữu đã có từ muôn thuở và sẽ còn mài mãi (Cn 8,22-26; Hc 24,9), thoát ra từ miệng Đấng Tối Cao như một hơi thở hoặc Lời của Ngài (Hc 24,3), Hơi thở của quyền năng Thiên Chúa, loan truyền vinh quang của Đấng Toàn Năng, phản chiếu ánh sáng vĩnh cữu, gương soi hoạt động của Thiên Chúa, hình ảnh sự tuyệt hảo của Ngài (Kn 7,25tt), ở trên trời (Hc 24,4), thông phần ngai báu của Thiên Chúa (Kn 9,4) và sống thân mật với Ngài (Kn 8,3) (theo Điển ngữ Thần học Thánh Kinh).

b. Trong ngôn ngữ Tân Ước: Đức Giêsu được gọi là “Sự Khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24.30), sự Khôn Ngoan mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa (1Cr 2,6tt), là tột đỉnh của sự hiểu biết tôn giáo (Cl 1,9). Và những gì Cựu Ước đã gán cho Sự Khôn ngoan thì Tân Ước lấy lại gán cho Đức Giêsu, như: là Trưởng tử trước mọi tạo vật và là Tác nhân cuộc sáng tạo (Cl 1,15tt; x. Cn 8,22-31), tỏa sáng vinh quang Thiên Chúa và là hình ảnh bản thể Thiên Chúa (Dt 1,3; x.Kn 7,25tt), là Sự Khôn ngoan của Chúa Cha vì cũng là Lời của Ngài (Ga 1,1tt)...

Là Sự Khôn ngoan mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa, Đức Giêsu, như vậy, vừa mặc khải cho biết sự Sống đích thực bên trong Thực tại thần linh vĩnh hằng, vừa mặc khải cho biết Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi diễn ra trong lịch sử, như một lịch sử tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với nhau và với loài người chúng ta, lịch sử của một tình yêu hoàn toàn vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới... Đó chính là sự Khôn ngoan đích thực mà Thiên Chúa muốn mặc khải cho con người, sự Khôn ngoan mà thế gian lại coi như là điên rồ (Rm 1,21tt; 1Cr 1,21; 1Cr 2,8), và chỉ được mặc khải ra cho những con người “bé nhỏ” luôn luôn tìm kiếm và sẵn sàng vâng nghe Thần Khí của Thiên Chúa (1Cr 2,10-16; 12,8; Ep 1,17; Mt 11,25tt; 1Cr 2,7tt; Rm 11,33tt; Gl 2,3).

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ KHÔN NGOAN:

Đã hẳn, người ta có thể nói Chúa Thánh Thần là Thần Khí Khôn ngoan bởi vì Ngài là Thần Khí của Chúa Con (Gl 4,6; Rm 8,9; 2Cr 3,17), nhưng người ta cũng có thể nói điều ngược lại. Tuy nhiên, phải hiểu những điều đó như thế nào?

Trong ngôn ngữ thần học, người ta khẳng định Chúa Cha được mặc khải qua Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Con được mặc khải nhờ Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG, các số 238-248). Còn ngôn ngữ Kinh Thánh thì không chỉ gọi Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Con mà còn là Thần Khí của Chúa Cha hay Thần Khí của Thiên Chúa (chữ Thiên Chúa trong Tân Ước chỉ Chúa Cha, x. 1Cr 8,6). Như vậy, khi khẳng định Chúa Thánh Thần là Thần Khí Khôn ngoan, thì một đàng, vừa có nghĩa Chúa Thánh Thần là Thần Khí của sự Khôn ngoan của Chúa Cha được mặc khải qua Chúa Con là chính sự Khôn ngoan được tác sinh và ban tặng bởi Chúa Cha; đàng khác, vừa có nghĩa Chúa Thánh Thần là Thần khí của sự Khôn ngoan được tác sinh và ban tặng là chính Chúa Con, trong mối tương quan tình yêu Phụ - Tử vĩnh hằng: đó chính là sự sống thần linh, là hạnh phúc đích thực, là Khát vọng muôn đời của tất cả mọi người... Hay nói cách khác, Chúa Cha là Đấng tác sinh và trao ban sự Khôn ngoan là Chúa Con trong và nhờ Thần Khí Khôn ngoan là Chúa Thánh Thần. Trong nội tại thần linh, chính Thần Khí Khôn ngoan là Hoạt động vĩnh hằng của tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa Ba Ngôi, một tình yêu hoàn toàn vô vị lợi, vô điều kiện và vô biên giới...

Đàng khác, nếu như kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa vốn được diễn ra trong lịch sử là kế hoạch cứu độ (do chính cái tên Giêsu của Chúa Con-nhập thể mà trong ngôn ngữ Hipri là Yehôsa hay Yesa và có nghĩa là “lạy Yavê, xin hãy cứu!”), thì có thể nói rằng sự Khôn ngoan đồng nghĩa với sự Cứu độ hay sự Sống đời đời, sự Sống thần linh; và người khôn ngoan chính là con người được cứu độ, được tha thứ, người có sự sống thần linh, sự sống đời đời hay sự Sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, v.v... (Kn 8,3; 7,27;1Cr 2,6tt; Ep 3,10; 1Cr 2,10-16; 12,8; Ep 1,17; Ga 15,9-17; 17,3; Mt 11,25tt...); hay, nói theo ngôn ngữ của Phaolô, đó là sự Sống mà trong đó Thiên Chúa là tất cả, và trong Ý định tình yêu của Ngài, nơi mọi sự và nơi mọi người (1Cr 15,28; Pl 1,21; x. Am 5,4tt; Hs 6,1tt)...

Kết luận:

Như vậy, Chúa Thánh Thần, Thần Khí Khôn ngoan là Đấng hiện diện trong toàn bộ quá trình tìm kiếm Thiên Chúa của con người, sự tìm kiếm mà theo ngôn ngữ của các Ngôn sứ Amốt và Hôsê đó chính là nỗ lực làm cho sự sống của con người đạt được ý nghĩa đích thực của nó (Am 5,4tt; Hs 6,1tt), thông qua việc “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và Chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3), và cuối cùng là “Thiên Chúa trở thành là tất cả trong mọi sự, nơi mọi người” (1Cr 15,28).

Sự “nhận biết” đó chính là sự Khôn ngoan đích thực, là sự Sống đích thực và là niềm hạnh phúc đích thực...

Bài 7: THẦN KHÍ THÔNG HIỂU

Có 2 vấn đề được đặc ra:

1. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, “hiểu” (intelligence) và “biết” (consnaissance) là gì?

2. Chúa Thánh Thần, Thần Khí Thông Hiểu.

I. “HIỂU” VÀ “BIẾT” TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH:

Trong ngôn ngữ Sêmita, khái niệm “biết” (gốc Hipri là yd) không được hiểu trong khung cảnh tri thức, mà là trong khung cảnh đời sống, và nó vượt qua những thứ tri thức trừu tượng và được diễn tả như là một liên hệ hiện sinh: biết một cái gì hay một ai chính là có kinh nghiệm cụ thể về cái đó hay có những liên hệ cá nhân với người đó. Và, vì những liên hệ có thể mang rất nhiều hình thái và bao hàm rất nhiều cấp độ (ordres), “biết” cũng có thể mang nhiều hình thái và cấp độ khác nhau. Có lẽ chính trong chân trời đó mà Is 11,1-2 đã phân biệt ra thành 2 khái niệm “hiểu” (esprit d’intelligence) và “biết” (esprit de connaissance): khái niệm “hiểu” nhằm diễn tả một thứ “biết” mà mối liên hệ còn ở trình tạng chung chung, mờ nhạt, chưa sâu sắc, và còn ít tính liên vị, giữa chủ thể và đối tượng: thí dụ, trong trường hợp đối tượng là Thiên Chúa, người ta mới chỉ nhận ra là như là Đấng Hóa Công, Tạo hóa, Ông Trời, v.v... Ở đây, cần phải ghi nhận ngay rằng trong kiến thức tôn giáo, mọi sự đều bắt đầu do sáng kiến của Thiên Chúa: trước khi biết Thiên Chúa, người ta đã được Thiên Chúa biết đến... Điều đó có nghĩa là nguyên nhân của việc dừng lại ở tình trạng “hiểu” chung chung, ít tính liên vị, không phải do Thiên Chúa, mà do chính con người sống trong tình trạng vắng bóng tình yêu, hay nói cách khác là do con người tự khép kín lại trên chính mình mà không mở toang cõi lòng mình ra với tha nhân và tha thể. Hay nói theo ngôn ngữ triết học, để hiểu biết được con người và Thiên Chúa, người ta cần phải có một “sự hiểu biết qua trái tim” (l’intelligence du cœur) và một “sự hiểu biết của tình yêu” mà theo ngôn ngữ các bậc thầy linh đạo là một trong những ân huệ của Chúa Thánh Thần.. .

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ THÔNG HIỂU:

Khi nói Chúa Thánh Thần, Thần Khí thông hiểu, một đàng, là có ý nói rằng trong Thực Tại Vĩnh Hằng của Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba, là chính Hành động “biết” Con của Cha: Chúa Cha “biết” Chúa Con và “tức khắc” sinh ra Chúa Con, Chúa Con được sinh ra” tức khắc” “biết” Chúa Cha,- và Hành động biết đó của Chúa Cha và của Chúa Con chính là Chúa Thánh Thần -, đó chính là sự sống Thần linh nội tại, Nguồn Sống của tất cả mọi sự sống, được mặc khải cho loài người qua và nhờ Chúa Con nhập thể và Chúa Thánh Thần.. . Sự Sống đích thực, như vậy, vốn là một sự Thông hiệp (x.1Ga 1,3), một sự kết hiệp hoàn hảo trong Chân lý tình yêu (Ga 17,26; 1Ga 2,3tt; 3,16...)... Đàng khác, là có ý nói rằng trong Kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa diễn ra trong lịch sử, Chúa Thánh Thần chính là Đấng mặc khải Chúa Cha và Chúa Con và, vì thế, chỉ có Ngài mới có thể làm cho con người “nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3), chỉ có Ngài mới mang lại cho con người sự sống đời đời, sự sống được hòa nhập vào dòng Sức sống vĩnh hằng như dòng ánh sáng vĩ đại phát ra từ trái tim Thiên Chúa và trở lại với Ngài...

Tuy nhiên, ở đây, có một điều cần lưu ý, một lần thay cho tất cả, là trong Kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa diễn ra trong Lịch sử, Kế hoạch của Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng đã sai Chúa Con và Thần Khí của Ngài thực hiện Kế hoạch trong một sứ mạng liên kết (GLCG 689): Chúa Con nhập thể và Chúa Thánh Thần liên kết, một đàng trong sứ mạng mặc khải Chúa Cha nói riêng và nói chung mặc khải Mầu nhiệm Sự sống Tình yêu là Thiên Chúa Ba Ngôi, đàng khác, trong sứ mạng ban cho con người chính Sự sống Tình yêu ấy, như một ân huệ của Thiên Chúa, tức là những người khiêm tốn luôn luôn để cho Thiên Chúa dạy bảo mình (Ga 6,44tt; 10,14; 14,6; 8,28; 12,23.32; 7,39; 16,7; 14,26; 16,13; 14,7.20; 1Ga 1,3; Ga 14,19tt; 17,26; Pl 3,8tt; Rm 12,2; 1Cr 2,6-16; Cl 2,2tt; 1Cr 8,1; 13,2; Ep 3,19; 1Cr 13,12).

Như vậy, trong tư cách Ngôi Vị vĩnh hằng, Chúa Thánh Thần là Thần Khí hiểu biết của Chúa Cha và Chúa Con; trong tư cách Đấng được sai đi, cùng với Chúa Con, Chúa Thánh Thần là Thần Khí mặc khải Chúa Cha và Chúa Con; và trong tư cách là ân huệ của Chúa Cha và Chúa Con ban cho loài người, Chúa Thánh Thần là Thần Khí giúp con người thông hiểu được Mầu nhiệm Thiên Chúa được mặc khải ra trong Lịch sử, tức là Kế hoạch tình yêu của Ngài, thông hiểu được Thánh Ý Tình Yêu của Ngài là muốn tất cả mọi người đều hạnh phúc, tức là có được Sự sống Vĩnh hằng, và cuối cùng thông hiểu được rằng muốn được như thế, con người cần phải tuân theo Thánh ý của Thiên Chúa (1Tm 2,4; Mt 6,10; Dnl 30,14; Tv 1,2; 143,10; G 23,13; Is 55,11; Kn 9,13; Tv 33,11; Hs 2,16; Ed 36,26tt; Gr 31,33; Dt 10,7-9; Cv 13,22; Mt 11,25; Lc 12,32; Mt 7,21; 12,50; Ga 4,34; 5,30; 6,38tt; 15,10; 7,17; 14,23tt; 14,26; Rm 12,2; Cl 1,9; Pl 2,13; v.v...)...

Bài 8: THẦN KHÍ ĐỊNH LIỆU

Có 2 vấn đề được đặt ra:

1. Ý nghĩa của hạn từ “Định Liệu”

2. Chúa Thánh Thần, Thần Khí Định Liệu

I. Ý NGHĨA CỦA HẠN TỪ “ĐỊNH LIỆU”:

Hạn từ “Định Liệu” tạm được sử dụng để phiên dịch hạn từ “Conseil” (esprit de conseil) của Pháp ngữ. Trong Pháp ngữ, hạn từ Conseil có khá nhiều nghĩa (thí dụ: lời khuyên, sự chỉ giáo, sự cố vấn...), nhưng trong văn mạch của Is 11,1-2, ý nghĩa “quyết định đã cân nhắc kỹ” có lẽ là thích hợp hơn cả. Và hạn từ “định liệu” (dù hãy còn bất toàn!) cần phải được hiểu trong chân trời đó, tức là một sự quyết định sau khi đã được cân nhắc kỹ lưỡng...

Như vậy, trong văn mạch của Is 11,1-2, Sự Khôn ngoan chính là Thiên Chúa, là Lời, Thánh Ý và Ý Định của Ngài mà vốn được mặc khải nơi Chúa Con – Nhập thể và nơi Thần Khí của Chúa Con. Vì thế, người khôn ngoan chính là người luôn luôn lắng nghe, tìm hiểu để thông hiểu được Thánh ý của Thiên Chúa được tỏ bày ra trong lịch sử và trong các biến cố của lịch sử. Và một khi đã thông hiểu được rồi (đặc biệt dưới ánh sáng của lương tâm lành mạnh, ân huệ của Thần Khí Thiên Chúa ), con người cần phải quyết định dứt khoát, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng các khía cạnh của vấn dề, tuân theo Lời Thiên Chúa chỉ dạy và điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ Thần Khí do Đức Giêsu ban cho (Ga 14,26; Rm 12,2; Cl 1,9; 1,10; Ep 5,17; Pl 2,13)...

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ “ĐỊNH LIỆU”:

Điều này có nghĩa là trong những quyết định liên can vận mạng của con người thuộc loại này, con người luôn luôn được Thiên Chúa quan tâm giúp đỡ và chỉ bảo (Pl 2,12-13; Rm 12,2; x. Is 5,19; 14,26...; Gr 23,18-22; Mk4,12; Is 44,28; 46,10...; Hs 2,16; Ed 36,26tt; Gr 31,33; Is 50,5; Tv 40,8t; Is 53,10; v.v...). Và nếu như các ân huệ của Thần Khí là những tâm thái (dispositions) được Thiên Chúa gợi lên trong con người nhằm giúp con người thông lưu được với sự Sống thần linh của Thiên Chúa, thì Thần Khí Định Liệu hiện diện nơi con người vừa như một Ngôi vị Thần linh vừa như một ân huệ tạo điều kiện giúp con người có được những quyết định phải sống như thế nào để có được Hạnh phúc đích thực hay sự Sống đời đời...

Đàng khác, việc đưa ra một quyết định bao giờ cũng bao hàm một số yếu tố sau đây: chủ thể quyết định, hành động quyết định và chính đối tượng mà quyết định nhắm tới..., và để giúp con người có thể có được một quyết định liên hệ đến hạnh phúc đích thực và vĩnh cữu của đời mình, Thần Khí Định liệu chắc hẳn đã phải tác động lên toàn bộ những yếu tố đó:

1. Đối với chủ thể quyết định:

Con người, muôn thuở, nhiều hay ít, cách này hay cách khác, vẫn thường xuyên vướng phải hoặc có nguy cơ vướng phải tình trạng tha hóa, vong thân, đánh mất chính bản thân mình. Thế mà, để có thể có được những quyết định cân nhắc kỹ lưỡng, việc trước tiên con người phải làm đó là phải “trở nên chính mình” (Sois toi-même!). Nhưng muốn làm được thế, con người cần phải biết mình đang là gì, là ai, và đúng ra mình phải là ai và là gì... Từ đó, sản sinh ra một tâm thái- kép: một đàng là sự ăn năn sám hối (metanoein), một đàng là sự chuyển hướng nội tâm quay về với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính bản thân của mình (epistrephein). Thần Khí Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong toàn bộ quá trình đó và những nỗ lực đó... (Ed 36,26t; Mt 18,3t; 6,33; Lc 18,13; 15,2).

2. Đối với hành động quyết định:

Cũng như trong thực tại nội tại của sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần là Hành động của Thiên Chúa (Chúa Cha sinh ra Chúa Con, Chúa Cha yêu thương Chúa Con, Chúa Cha hiểu biết Chúa Con...; và ngược lại, Chúa Con đón nhận sự sinh ra bởi Chúa Cha, Chúa Con yêu thương Chúa Cha, Chúa Con hiểu biết Chúa Cha...), ở đây cũng vậy, Thần Khí Thiên Chúa, vừa như là một Ngôi vị vừa như là ân huệ, cùng hiện diện và cùng “định liệu” với chủ thể chính là con người... (Hs 2,16; Ga 14,26; Rm 12,2; Cl 1,9; Cv 15,28).

3. Đối với đối tượng mà quyết định nhắm tới:

Hay nói cách khác, đó chính là nội dung của quyết định, tức là: vấn đề phải sống như thế nào, phải làm gì để có được hạnh phúc đích thực và Sự Sống vĩnh hằng, khát vọng muôn thuở của tất cả mọi người... Ở nơi những nền luân lý tự nhiên, đó là làm điều thiện tránh điều ác, sống theo mệnh trời, hiếu thảo với Tổ tiên, tình phụ-tử, mẫu-tử, huynh-đệ, phu-thê, v.v... Ở nơi nền luân lý mặc khải sơ khai như Cựu Ước, đó là Lề Luật, là 10 Điều răn... Ở nơi nền luân lý mặc khải Tân Ước, đó là “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3), tức là sự Sống trong và bởi sự Hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi... Và tất cả những nỗ lực đó, chỉ có Thần Khí Thiên Chúa mới thực hiện được, dĩ nhiên, cùng với con người...

Bài 9: THẦN KHÍ MẠNH BẠO

Có 2 vấn đề được đặt ra:

1. Hạn từ “ Mạnh bạo” trong ngôn ngữ Kinh Thánh

2. Chúa Thánh Thần, Thần Khí Mạnh bạo

I. HẠN TỪ “MẠNH BẠO” TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH:

Trong ngôn ngữ Hipri, những khái niệm: “sức mạnh” (force), “năng lực” (puissance), “quyền lực” (pouvoir) là những chuyển từ từ các từ gốc or, wn, ms, gbr, hzq, hyl, kh,s, và trong Hy ngữ bởi các hạn từ dunamis, exousia..., được dùng vừa để chỉ sức mạnh thể lý vừa chỉ sức mạnh tinh thần.

Ngôn ngữ Kinh Thánh thường xuyên nối kết hai hạn từ “Thần Khí Thiên Chúa” và “Quyền Năng Thiên Chúa”. Hai hạn từ Thần Khí và Sức mạnh thường đi đôi với nhau và hầu như đồng nghĩa với nhau (St 1,2; Is 32,25; 44,3tt; Tv 104,30; Tl 3,10; 6,43; 13,25; 11,19; 14,6.19; Lc 1,35-37; Cv 10,38; Lc 4,14.18; 11,20; Mt 12,28; Ep 1,18-20; Cl 2,9; Pl 2,9-11; Mt 28,18; Pl 3,10; 2Cr 13,4; Rm 8,11; v.v...). Ở đây, có thể nói rằng câu nói sau đây của Cyrille d’Alexandrie hầu như phản ánh được toàn bộ vấn đề: “Thánh Thần là Quyền Năng và Hoạt động của Bản thể Thần linh. Người làm nên tất cả mọi công trình của Thiên Chúa” (Cyrille d’Alexandrie, Thesaurus, p. 75,580.608)...

Đã hẳn, hạn từ’ “Mạnh bạo” trong ngôn ngữ Kinh Thánh vừa hàm ý “sức mạnh thể xác” (Gs 1,6; Is 35,3tt; Lc 16,16; v.v..), vừa hàm ý “sức mạnh nội tâm” (1Ga 2,14; 5,18; Ep 3,16; v.v...) nhằm giúp con người có đủ khả năng thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa diễn ra trong và qua Lịch Sử (Lc 12,47; Mt 7,21; 21,31; Dt 13,21). Tuy nhiên, một điều hết sức quan trọng cần lưu ý, sự Mạnh bạo đó con người có được hoàn toàn là do Thần Khí Quyền Năng của Thiên Chúa ban cho...

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ MẠNH BẠO:

Cách chung, có thể nói rằng tất cả mọi hành vi cứu độ đều là công trình của Quyền Năng Thiên Chúa (Dnl 3,24; Tv 20,7; 106,2; 105,2; Lc 1,35; 2Cr 13,4; Rm 1,20; 2Pr 1,3; 1Cr 6,14; Mt 11,20; Mc 6,5; Mt 7,22; Cv 8,13; 1Cr 12,10; Mk 3,8; Lc 24,49; Ga 3,3-7; 1,12; Kh 2,26tt; v.v...). Để con người thấu hiểu và cảm nghiệm được điều đó, ngôn ngữ Kinh Thánh cho rằng Thiên Chúa đã hành xử một cách có vẻ nghịch thường: những công trình phi thường, vĩ đại lại được thực hiện bởi những con người bình thường, bé nhỏ, đôi khi có vẻ yếu đuối..., và với những phương tiện đơn sơ, bé nhỏ khiến người ta phải sửng sờ (1Sm 16,7; 10,23; Tl 7,2; Is 30,15tt; 2Cr 12,9; Tv 107,40; Tv 113,7; 2Cr 4,7; v.v...). Tuy nhiên, điều đó không đơn giản chỉ là vấn đề “phương pháp sư phạm” của Thiên Chúa mà thôi, mà còn là phản ánh một tình trạng thực tế của hiện hữu của con người, vốn là những thụ tạo hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa: cả cái nó là và cả cái nó có (être et avoir). Sự lệ thuộc nói ở đây không phải là mối tương quan chủ-tớ vốn luôn luôn có nguy cơ triệt tiêu cá vị và phẩm giá lẫn nhau, mà là mối quan hệ Cha- Con, mối quan hệ mà nếu được “sống” thực sự sẽ phong phú hóa lẫn nhau trong tình yêu (Mt 11,25tt; 6,4.6.18; 25,32; 21,31tt; 8,12; 23,9; 7,7-11; 6,25-34; 5,44tt; v.v...) Nếu như, nói theo ngôn ngữ của Paul Ternant (x. ĐNTHTK. từ Cha), “Thiên Chúa không bao giờ là Cha chúng ta bằng lúc Ngài tỏ lòng yêu thương và tha thứ, và chúng ta không bao giờ là con Ngài bằng lúc ta cũng hành động như vậy đối với mọi anh em chúng ta”, thì điều cần thiết nhất đối với con người không là gì khác hơn chính là Sức mạnh để có thể yêu thương và tha thứ... Và Sức mạnh này không hẳn là để con người có thể chiến thắng những kẻ thù bên trong và bên ngoài mà đúng hơn là mạnh bạo dám để cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm đoạt mình và chiến thắng mình, dám để cho Thiên Chúa định đoạt và sử dụng đời mình theo Thánh ý của Ngài (Pl 1,21; Gl 2,20; Rm 1,13; 6,10t; 2Cr 5,15; 1Cr 15,28; Ga 17,3; v.v...). Đó chính là Sức mạnh của niềm tin hoàn toàn và tuyệt đối vào Thiên Chúa (có khi còn được gọi là Đạo lương tri, lẽ phải, Chính nghĩa, Thiên mệnh, Ý trời; v.v...) dám đánh đổi cả vận mạng cuộc đời mình. Và nguồn gốc của sự Mạnh bạo đó không ai khác hơn là chính Thần khí Sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng hiện diện trong con người vừa như một Ngôi vị vừa như Ân huệ mà con người có thể sở đắc hay nói đúng hơn, như ân huệ trong đó con người được “thông hiệp” với Sức mạnh của Thiên Chúa, tức là Chúa Thánh Thần để sống sự sống của Thiên Chúa là yêu thương...

Bài 10: THẦN KHÍ NHẬN BIẾT

Có 2 vấn đề được đặt ra:

1. Khái niệm “nhận biết” trong ngôn ngữ Kinh Thánh

2. Chúa Thánh Thần, Thần Khí Nhận biết.

I. KHÁI NIỆM “NHẬN BIẾT” TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH

Trong ngôn ngữ Hipri hạn từ Yd (nhận biết) vượt qua trí thức trừu tượng và diễn tả một liên hệ hiện sinh: biết một cái gì chính là có kinh nghiệm cụ thể về cái đó (Is 53,3; Kn 3,13; Tl 3,1; Is 59,8; St 2,9.17; v.v...) và biết một người nào chính là có những mối quan hệ cá nhân với người đó (Dnl 33,9; St 4,1; Lc 1,34; Ed 12,15; Gr 31,34; v.v...) (x. ĐNTHTK, từ “Biết”)... Như vậy, đối với người Sêmita, khi nói “biết Thiên Chúa” có nghĩa là có những mối quan hệ cá nhân, trực tiếp, thân tình...với Thiên Chúa. Thế nhưng, điều đó diễn ra như thế nào khi mà Yavê luôn là Đấng siêu việt, siêu hình xa cách vời vợi (Xh 3,1-15; 33,18-23; 34,1-7; Tl 5,4t; Xh19,16; Is 6,2; Hs 11,9; Is 57,15; 40,25; v.v...)? Đối với Amốt, biết Thiên Chúa đó chính là được Thiên Chúa biết đến (Am 3,2) và là khám phá ra Ngài là nguồn gốc hiện hữu của mình. Như vậy, hành vi “nhận biết Thiên Chúa” vừa có nguồn gốc do Thiên Chúa vừa là ân huệ của Ngài, nghĩa là con người chỉ nhận biết được Thiên Chúa nhờ chính Ngài tự mặc khải mình ra cho con người ở nơi và khi mà Ngài muốn, và theo cách thức mà Ngài muốn, qua Lời và Thần Khí của Ngài (Dt 1,1-3; Mt 11,27; Ga 14,17.26; 16,13; v.v...).

Mối quan hệ cá nhân, thân tình của con người với Thiên Chúa, trong ngôn ngữ Cựu Ước, được diễn tả dưới những kiểu nói đặc biệt như “Thiên Chúa của...ai đó” (St 14,22; 16,13; 17,1; 35,7; 21,33; 14,22tt; 18,25; 49,24; 2Sm 23,3; Tv 18,3; 144,2; 84,10; 89,19; Mk 7,14; Tv 23,1; v.v...), “Ta đã nhìn thấy... Ta đã lắng nghe... Ta đã thấu hiểu... Ta quyết định... Ta sai ngươi” (Xh3,7-10)...

Mối quan hệ càng trở nên gần gũi, cụ thể, hữu hình hơn khi chính Ngôi Lời, Con Một của Thiên Chúa và là Thiên Chúa “mặc xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14; Rm 8,32; Cl 1,27; 2,2; Ep 2,18; 3,12; Ga 1,18; 17,3; v.v...)...

Vấn đề là làm thế nào cho con người nhận biết được Thiên Chúa...

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ NHẬN BIẾT

Thư 1 Gioan khẳng định: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8).

1Ga 4,7-8, như vậy cho thấy “yêu thương” không chỉ là điều kiện để nhận biết Thiên Chúa, mà còn chính là “nhận biết”:

1. “Yêu thương nhau”, điều kiện để “nhận biết” Thiên Chúa:

Để có thể có được mối quan hệ cá nhân thân tình, cụ thể với Thiên Chúa, điều kiện trước tiên là con người phải yêu thương nhau, bằng một thứ tình yêu có tính liên vị, thân tình và cụ thể (x. Lc 10,29-37). Khi yêu thương ai tức là người ta đã “sinh ra” người đó, hay nói cách khác, người ta chấp nhận sự hiện hữu và sự hiện diện của người đó cùng với mình. Thế nhưng, khi nói con người yêu thương ai thì điều đó đồng thời có nghĩa là con người đã để Thần Khí Tình yêu yêu thương mình và tha nhân, vì thế, khi con người yêu thương nhau tức là con người vừa “được Thiên Chúa sinh ra” (1Ga 4,7b) vừa “sinh ra tha thể (Thiên Chúa và tha nhân)”...: đó chính là sự hiện diện liên vị hiện diện trong nhau như trong chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (Ga 10,38; 14,10t; 17,21; 5,20.23; 10,15; 14,31; 17,24t; v.v...) và chính trên cơ sở chân trời đó, người ta có thể nói: biết là yêu thương và ngược lại...

2. “Yêu thương nhau” chính là “biết Thiên Chúa”:

Điều này chỉ có thể có trong điều kiện chính Thiên Chúa đã tự mình “đồng hóa” với nhân loại. Và điều này quả thực đã diễn ra trong mầu nhiệm Sáng tạo, Nhập thể và Cứu độ: trong mầu nhiệm Sáng tạo, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Ngài (St 1,26-27); trong mầu nhiệm Nhập thể, bởi vì Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14; x. Mt 25,31-46; Cv 9,5; Ep 1,23); trong mầu nhiệm Cứu độ, bởi vì được cứu độ có nghĩa là được trở nên con của Thiên Chúa và được sống sự sống thần linh của Thiên Chúa- Ba Ngôi và Thiên Chúa trở nên Cha của loài người (2Tl 1,4; 1Ga 3,2; 3,1; Ga 1,12; Gl 1,5t; Rm 8,14-17; 6,4), hay nói cách khác, con người và vũ trụ “đi vào trong sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,19): lúc ấy Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong tất cả mọi người” (1Cr 15,28), và “tất cả trong tất cả mọi sự” (Ep 1,23)... Vì thế, 1Ga 4,20 đã khẳng định: “vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” và Paul Ternant đã vọng lại tư tưởng đó “Thiên Chúa không bao giờ là Cha chúng ta bằng lúc Ngài tỏ lòng yêu thương và tha thứ, và chúng ta không bao giờ là con Ngài bằng lúc ta cũng hành động như vậy đối với mọi anh em chúng ta”...

Như vậy, khi nói Thần Khí Nhận biết chính là nói về Thần Khí Tình yêu của Thiên Chúa, Đấng làm cho con người, khi yêu thương nhau, hòa nhập vào Cơn Lốc Sự sống Tình yêu Thần linh là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.. . (Ga 17,3).

Bài 11: THẦN KHÍ HIẾU THẢO

Có 2 vấn đề cần được đặt ra:

1. Khái niệm “Hiếu thảo” trong ngôn ngữ Kinh Thánh.

2. Chúa Thánh Thần, Thần Khí hiếu thảo.

I. KHÁI NIỆM “HIẾU THẢO” TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH.

Nói chung, đây là một hạn từ rất phức tạp và hàm hồ về mặt ngữ nghĩa và cả về mặt ứng dụng.

Từ gốc trong ngôn ngữ Hipri là hesed, trước tiên biểu thị mối tương quan nối kết họ hàng (St 47,29), bạn hữu (1Sm 20,8), “đồng minh” (St 21,23), và giả thiết có sự tương trợ hữu hiệu và trung thành (hesed / emet: hiếu từ / trung thành có liên hệ với nhau). Bản dịch LXX đã dịch hesed ra Hy ngữ là éleos vốn có nghĩa là “nhân từ”, và từ đó ra La ngữ là “missericordia” và ra Pháp ngữ là “misséricorde”. Các dịch gỉa tân thời đôi khi coi hesed như tương đương với hạn từ “piété” và Việt ngữ đã dịch “piété” ra là “đạo đức”... GLHTCG, bản Pháp ngữ không dùng hạn từ “piété” mà dịch hesed ra là “affection filiale” (“tình con thảo”). Thật ra, trong ngôn ngữ Cựu Ước, hesed nhấn mạnh mối quan hệ của Thiên Chúa với con người (“từ”) hơn là mối quan hệ của con người với Thiên Chúa (“hiếu”), vì thế, trong Việt ngữ, khi thì được dịch ra là “hiếu từ” (đức tốt của con đối với cha mẹ là “hiếu”, đức tốt của cha mẹ đối với con là “từ”) (x. Bản dịch ĐNTHTK, hạn từ “Hiếu Từ”), khi thì được dịch là “tín nghĩa” (bản dịch Kinh Thánh của Lm. Nguyễn Thế Thuấn)...Có thể nói ngôn ngữ Tân Ước coi cả hai mối quan hệ trong mối tương quan biện chứng và quân bình hơn, vì thế rất ít khi sử dụng hạn từ piété (gốc Hy ngữ là eusebes/ eusebeia). Trong bối cảnh của vấn đề phân chia “ ân huệ thứ sáu” của Is 11,1-2 (“sự kính sợ Giavê”) ra thành 2, có thể nói rằng việc nhấn mạnh mối quan hệ của con người đối với Thiên Chúa (“hiếu”) của GLHTCG, bản Pháp ngữ là điều hợp lý và có cơ sở... Đó là lý do tại sao hạn từ “Thần Khí Hiếu thảo” hay “Thần Khí của Tình con thảo” được sử dụng ở đây:

1. Cơ sở Cựu Ước:

Trong ngôn ngữ Cựu Ước những thời kỳ đầu, khái niệm Cha- Con trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người và ngược lại không bao giờ thuộc phạm vi nhục thể, nhưng thuộc lãnh vực luân lý và tâm linh và trong viễn ảnh tập thể và lịch sử nhiều hơn là cá nhân (Xh 4,22; Ds 11,12; Dnl 14,1; Is 1,2tt; 30,1.9; Gr 3,14; Hs 11,3t.8t; Gr 3,19; Tv 27,10; Cn 3,12; Kn 2,13-18; Gs 17,2;v.v..). Gần kỷ nguyên Kitô giáo, khái niệm Thiên Chúa là Cha dân Ngài và Cha mỗi tín hữu được ý thức cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn (trong các văn phẩm của các Rabbi thời cuối Cựu Ước này, người ta gặp thấy nguyên văn công thức mà sau này Đức Giêsu đã sử dụng lại: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời “).

2. Cơ sở Tân Ước:

Đức Giêsu Kitô hoàn thành điểm tinh túy của tư tưởng Dothái về tình Phụ-tử trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người và ngược lại: nếu loài người có khả năng trở thành con Thiên Chúa chính là vì Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa - làm người, tự bản tính là Con Thiên Chúa (Ga 1,12). Và nói theo ngôn ngữ của 1Ga 4,7-8, con người chỉ là con Thiên Chúa khi con người yêu thương nhau trong Thần Khí Tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Thần Khí Tình yêu mà đã sinh ra tình Phụ-tử giữa Chúa Cha và Chúa Con trong thực tại Mầu nhiệm Ba Ngôi: “phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra...” (1Ga 4,7b)

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ HIẾU THẢO

Nếu như Tình yêu thương tạo ra tình Phụ-Tử giữa Thiên Chúa và con người và ngược lại, thì điều đó đồng thời cũng có nghĩa chính Thần Khí Hiếu thảo của Chúa Con tác sinh ra tình Hiếu thảo của con người đối với Thiên Chúa (Gl 3,26; Ep 1,5; Gl 1,5t; Rm 8,14-17; 8,29; Tt 3,5; Rm 6,4; Dt 12,5-12; Ga 1,12; 3,3.5):

“Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Bố ơi!”...” (Gl 4,6).

Cũng như trong vĩnh hằng và trong lịch sử, Chúa Cha hằng sinh ra Chúa Con và Chúa Con hằng đón nhận sự sinh ra bởi Chúa Cha trong và nhờ Thần Khí Tình yêu hỗ tương, con người nếu muốn luôn luôn vẫn là con của Chúa Cha, điều kiện tất yếu là phải luôn luôn yêu thương nhau trong Thần Khí Tình yêu hay Thần Khí Con thảo của Đức Giêsu Kitô.

Như vậy, tình Phụ–Tử nói ở đây là một mối tương quan luôn luôn ở trong tư thế năng động, nghĩa là ở trong hành động yêu thương chứ không chỉ là một mối tương quan tĩnh tại và thụ động như dựa trên huyết thống, dân tộc, cơ cấu... (Mt 3,9tt; Lc 19,9; Mt 5, 9; x. Mt 12,46-50). Bởi vì Thần Khí Hiếu thảo là Thần Khí khi ở trong hành động (en acte)...

Bài 12: THẦN KHÍ KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

Có 2 vấn đề được đặt ra:

1. Khái niệm “Kính sợ Thiên Chúa” trong ngôn ngữ Kinh Thánh.

2. Chúa Thánh Thần, Thần Khí Kính sợ Thiên Chúa.

I. KHÁI NIỆM “KÍNH SỢ THIÊN CHÚA” TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH

Nói chung, đây là một khái niệm diễn tả một thứ tình cảm tôn giáo: khi đối diện với thực tại thần linh, con người một đàng vừa sợ không dám đến gần (kính nhi viễn chi), đàng khác vừa cảm nhận như có sức cuốn hút hướng về đó (mysterium tremendum et fascinosum), chứ không phải là những thứ sợ hãi thông thường của con người, như sợ những thiên tai hoặc những cuộc tấn công của kẻ thù (Gr 6,25; 20,10). Vì thế, người ta gọi đó là tâm tình “kính sợ” (gốc Hipri là Yir’ah và gốc Hy lạp là phopos): vừa sợ vừa thích và vừa thích vừa sợ...

1. Trong ngôn ngữ Cựu Ước, hạn từ “kính sợ Giavê” hay “kính sợ Thiên Chúa”, chiếm một vị trí lớn lao hơn nhiều so với hạn từ “tình yêu” nhằm diễn tả một Vị Thiên Chúa nghiêm minh, siêu việt và đáng sợ... Tuy nhiên, sự kính sợ này không đóng khung trong nỗi lo âu, sao xuyến, mà còn kèm theo nỗi khát vọng và tình yêu đối với Thiên Chúa (Ml 1,6; Dnl 10,12). Nó chính là yếu tố cốt lõi của sự Khôn ngoan, là nền tảng của tôn giáo (Cn1,7; Gv 1,14-21; Tv 111,10). Các Ráp-bi của thời cuối Cựu Ước đã thích gọi Thiên Chúa là “Cha”...

2. Trong ngôn ngữ Tân Ước ít sử dụng hạn từ này; tuy nhiên, không phải là không biết tới như là một tâm tình tôn giáo trước Thiên Chúa (Dt 10,31; Gc 4,12; Mt 10,28; Ep 3,12; Rm 8,15; 1Ga 4,17; Lc 2,25; Cv 10,22; 1Cr 10,12; Rm 10,20; Pl 2,12; v.v...). Và chính Tân Ước, nhờ hiểu theo một nghĩa sâu xa đã làm cho nó trở nên một nhân đức chính yếu vốn là con đường cứu rỗi bằng đức tin: “Thiên Chúa chẳng thiên vị ai, nhưng bất luận dân nào, hễ ai kính sợ Ngài và thực thi công bình thì đẹp lòng Ngài” (Cv 10,34tt)...

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

Nói như vậy, trước tiên, có nghĩa tâm tình hay thái độ kính sợ Thiên Chúa mà con người có được chính là ân huệ của Thần Khí Thiên Chúa ban cho, và khi nối kết với tâm tình con thảo thì đó là do Thần Khí của Đức Giêsu Kitô... Vì thế, để có thể hiểu được cách dễ dàng và đúng đắn khái niệm “kính sợ Thiên Chúa” của Cựu Ước và Tân Ước, có lẽ nên nhìn nó qua lăng kính của điều mà tư tưởng Đông Phương gọi là thuyết “Chính Danh” (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử: vua thì cho ra vua, quan thì cho ra quan, cha thì cho ra cha, con thì cho ra con):

1. Con người- thụ tạo đối diện với Thiên Chúa Tạo Hóa:

Tất cả mọi cái con người là (être) và có (avoir) đều là ân huệ được Thiên Chúa ban cho cách nhưng không và tự do. Vì thế, con người phải luôn sống trong tâm tình lệ thuộc và tri ân đối với Thiên Chúa, và không bao giờ được có ý đồ cướp quyền và thử thách Thiên Chúa (x. St 3,1-24; Lc 4,1-13; Mt 4,1-11; Dnl 6,13tt; v.v...): tâm tình lệ thuộc và tri ân ở đây chính là những dạng thức của tâm tình kính sợ Thiên Chúa...

2. Con người trần tục - bé nhỏ - yếu đuối đối diện với Thiên Chúa siêu việt - vĩ đại - toàn năng:

Ở đây, tâm tình kính sợ Thiên Chúa được diễn tả qua những thái độ hoàn toàn tin cậy, phó thác và cầu xin (Tl 6,23; Dn 10,12; Lc 1,13.30; Mc 6,50; St 15,1; 26,24; Is 41,10; Lc 12,32; Mt 6,25-34; Ds 21,34; Tv 23,4; 27,1; 91,5-13; v.v...)...

3. Con người – tội lỗi đối diện với Thiên Chúa - thánh:

Ở đây sự kính sợ Thiên Chúa được diễn tả qua những tâm tình ăn năn sám hối và xin được tha thứ (Hs 11,9; Is 8,13; Xh 19,10-15; Tv 51; Lc 5,8; Is 6,5; v.v...)...

4. Người-Con đối diện với Thiên Chúa-Cha:

Ở đây tâm tình kính sợ Thiên Chúa được diễn tả qua tâm tình hiếu thảo (Hc 1,11-20; Rm 8,15; 1Ga 4,18; Ga 3,20tt; Ep 3,12; v.v...)

Đó là những tâm tình, những phản ứng mà Đức Giêsu Kitô đã sống và đã kinh qua nhờ Thần Khí của Chúa Cha và đồng thời cũng là của chính Ngài trong tư cách Chúa Con và sau khi Đức Giêsu Kitô đã sống trọn vẹn những tâm tình đó, Ngài đã sở đắc trọn vẹn và tràn đầy Thần Khí, như Ân Huệ được ban cho, và đó chính là Thần Khí của Đức Giêsu Kitô, trong Chu trình Tình yêu “dâng hiến là nhận lại” (Ga 19,30)... và con người, có được những tâm tình đó cũng là do Ân huệ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô ban cho...

(hết)
 
Giáo dục và Truyền thông đích thực
AP. Mặc Trầm Cung cảm nhận, tường trình
09:36 19/05/2010
Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.

Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.

Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga, 22 – 23)

Chúa Thánh Thần đang hiện diện và sống cùng với Giáo hội. Chúa Thánh Thần đang kiện toàn công trình còn dang dở của Chúa Giêsu, Ngài luôn luôn có mặt để củng cố Giáo Hội trên bước đường lữ thứ trần gian, cho dẫu Con Thuyền Giáo Hội có phải đương đầu với bão táp, có chòng chành giữa những phong ba, cũng không thể nào bị đánh úp, vì đã có Thánh Thần là Đấng An Ủi và là Đấng Sức Mạnh bao bọc chở che cho Con Thuyền Giáo Hội và cho tất cả những ai bước vào con thuyền đó trong niềm tín thác cậy trông. Chúa Thánh Thần là bổn mạng của Giáo Hội, và của tất cả những ai đang đi trên con đường của Đức Giêsu Kitô đã đi, con đường của Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ.

Hôm nay 16/5 là Năm Thánh của Giới Truyền Thông. Xét về một một thông truyền, một sứ điệp của Giáo Hội thì mọi người chúng ta đều có liên hệ với Giáo Hội trong công tác truyền thông, tạo mối hiệp thông với Giáo Hội.

Con người vận dụng mối hiệp thông, đón nhận Chúa Thánh Thần thông ơn, và trở thành máng thông ơn của Thiên Chúa đến với nhân loại. để trở thành “máng thông ơn của Thiên Chúa”, con người cần phải để cho Chúa Thánh Thần khai thông những rác rưởi, những thứ ô uế làm tắc nghẽn làm ứ đọng dòng chảy. Nếu không được hay không để Chúa Thánh Thần khai thông đường máng, thì e rằng dòng nước chảy trên máng đó bị ô nhiễm làm cho dòng nước không còn trong lành, tinh khiết như từ cội nguồn, và khi người khác đón nhận dòng nước đó vô tình đã bị nhiễm độc.



Vì thế, tu đức luôn là điều quan trọng hàng đầu của Giáo Hội. Hôm nay ngày tĩnh tâm của Ban Liên Lạc Mục Vụ Gia Đình, cha Louis Nguyễn Anh Tuấn Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình đã giúp cho các Liên Lạc Viên hồi tâm về vai trò Giáo Dục của mình trong việc truyền thông ơn Thiên Chúa đến với người khác. Giáo Dục có nhiều lãnh vực, hôm nay cha chỉ mời mọi người chú ý đến đề tài: NHÀ GIÁO DỤC – PHẨM GIÁ và NHÂN VỊ nhằm để xây dựng con người toàn diện.

1) Nhà Giáo Dục là ai? – Phẩm giá – Nhân vị xuất phát từ đâu?

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là Rabbi,

nghĩa là Thầy,vì anh em chỉ có một Thầy,

còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23, 8)

Đức Giê su là Nhà Giáo Dục duy nhất làm trung gian giữa con người và Thiên Chúa. Vậy, ai được gọi là Thầy người đó phải là người gắn bó với Đức Giêsu. Và ai không gắn bó với Đức Giêsu thì không đáng gọi là Thầy.



Người Thầy đó phải biết được hướng đi của mình và người Thầy đó phải là người có thể dẫn đưa học trò vượt qua những chông gai của cuộc đời, dẫn đưa học trò tới nguồn Chân Lý và Sự Sống. Chỉ có Thiên Chúa mới có Chân Lý và Sự Sống, mà Đức Giêsu đến từ Chúa Cha mới đủ khả năng đưa ta đến nguồn Chân Lý và Sự Sống đó.

Nhưng không hẳn chỉ những Nhà Giáo Dục Công Giáo mới biết Đức Kitô. Không hẳn chỉ những người được Rửa Tội mới là biết Đức Kitô. Biết Đức Kitô không mang ý nghĩa tâm lý học thông thường, cũng không mang theo nghĩa tâm linh. Nhưng là những ai hiểu biết một cách trọn vẹn về Ngài, từ những suy nghĩ, những ước muốn của Ngài, yêu mến và làm theo ý muốn của Ngài mới đáng gọi là “biết” Đức Kitô.

Những người ngoại giáo chưa nhận biết về Đức Kitô, chưa hiểu biết về Giáo Hội, nhưng theo tiếng nói của lương tâm do Thần Khí của Chúa soi sáng và thúc đẩy, họ sống và thực hành những điều mà Đức Kitô hằng khao khát như: sống bác ái không ích kỷ, sống yêu thương không ghen ghét, kiến tạo hòa bình không gây chia rẽ, băng bó vết thương không gây hận thù, thì những người đó, họ đang bước đi trong ánh sáng Tin Mừng của Đức Kitô và đáng được gọi là Nhà Giáo Dục mà Thiên Chúa mong muốn.

Biết nhau và yêu nhau làm cho nhau thỏa mãn, dẫn đưa nhau đến sự sống dồi dào hơn thì mới là cái biết đúng nghĩa, biết về Chân Lý. Hiểu biết về Chân Lý không trừu tượng, nhưng là nơi một con người cụ thể, biết lắng nghe, thông cảm được nỗi thổn thức nơi trái tim của Đức Kitô, mặc lấy tâm tình của Ngài và thi hành đúng ý muốn của Ngài.



Như vậy: Nhà Giáo Dục phải là người biết lắng nghe, phải sống, phải học hỏi, và yêu mến thi hành ước muốn của Đức Kitô. Sứ mạng của Nhà giáo Dục là đưa Đức Kitô đến với mọi người để mọi người nhận biết chân lý.

2) Đối Tượng Giáo Dục:

Chính Nhà Giáo Dục là đối tượng trước tiên của giáo dục. Một con người trưởng thành là con người biết rõ đường đi của mình là con đường thật, con đường dẫn đến chân lý. Người trưởng thành lúc đó cộng tác với Đức Kitô để dẫn dắt người khác đi đúng hướng.

Giáo dục chính là tự giáo dục, trước khi giáo dục ai, ta phải tự giáo dục chính mình. Trong gia đình cha mẹ chính là đối tượng giáo dục trước khi là chủ thể giáo dục cho con cái mình. Cha mẹ đón nhận sự giáo dục từ nơi Thiên Chúa, qua các giáo huấn của Giáo Hội, cha mẹ phải biết tự giáo dục và hoàn thiện chính mình, sau đó mới có thể giáo dục con cái đi đúng hướng của Thiên Chúa và Giáo Hội. Nếu cha mẹ không biết tự giáo dục chính mình, không biết lắng nghe, tìm tòi, học hỏi để hiểu biết về Thiên Chúa và Giáo Hội, thì chắc chắn không thể nào giáo dục con cái đi đúng, sống đúng theo đều Thiên Chúa và Giáo Hội mong muốn.

Nơi cha mẹ có hai tư cách, có hai chiều kích mà cha mẹ đều có mặt. Cha mẹ vừa là người dẫn dắt con cái mình, nhưng đồng thời cha mẹ cũng để Chúa được đồng hành và tham gia vào chương trình giáo dục trong gia đình.

• Cho con cái, cha mẹ là Nhà giáo dục.

• Với con cái, cha mẹ cũng là đối tượng giáo dục là học trò của Thiên Chúa.

Cha mẹ có lúc là người dẫn đầu, đôi khi cũng phải là người bạn của con cái mình. Vừa là cha mẹ, vừa là bạn, cha mẹ tìm cách gần gũi con cái, tâm sự với con cái, tỏ lộ cho con cái thân phận sự thật của con người, có như thế con cái mới nhận ra mình là một con người, có nhân vị thật sự.

Giáo dục là giúp cho con cái tự đứng vững trên đôi chân của mình, tự mình vượt qua những gian nan thử thách, như thế càng tạo cho con cái vững vàng hơn trong cuộc sống.

Về phương diện đức tin, vun mớm cho con cái nhận thức về các giá trị tâm linh, rồi để con cái tự tìm ra con đường đi đến các giá trị đó.

Nhà giáo dục khôn ngoan không nói nhiều, không vạch đường, nhưng biết khơi gợi cho người khác phương thức để tìm đường đi, như thế đối tượng được giáo dục gia tăng niềm tự tin và nhân cách được củng cố.

Con đường của Chúa Thánh Thần là khơi gợi để người ta thấy sự hấp dẫn nơi Đức Giêsu, để từ đó người ta tự khám phá, tìm đến với Ngài và trở thành môn đệ Ngài.

Khi Gioan Tiền hô giới thiệu cho môn đệ mình về Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1, 29), các môn đệ đã bỏ Gioan và đến với Đức Giêsu và trở thành môn đệ của Đức Giêsu.

Bỏ một người Thầy nhân loại để chạy theo một người Thầy nhân loại khác, đó là hạng người phản trắc. Nhưng bỏ một người Thầy nhân loại để chạy theo một người Thầy Thần Linh, đó là một sự khôn ngoan. Như Gioan đã khẳng định: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1, 27). Từ lâu, các môn đệ đang đi tìm chân lý, nghe về Đấng Mesia, các ông tìm đến và ở lại với Ngài.

Đó là công việc của Chúa Thánh Thần dẫn dắt tâm hồn con người đi tìm chân lý đến với Đức Giêsu.



Như Giakêu trước kia tâm hồn ông chỉ nghĩ đến tài chính tiền bạc, nhưng trong thẳm sâu tâm hồn, ông đã để ý vì nghe đồn về Đức Giêsu, ông tìm cách nhìn mặt Đức Giêsu bằng tất cả lòng ái mộ, ông đã trèo lên cây để thỏa lòng mong đợi. Qua hành động của ông, Đức Giêsu nhận thấy trong góc con tim của ông còn một điều gì đó ngoài tiền bạc. Đức Giêsu nhìn ông âu yếm rồi nói: “Giakêu hãy xuống mau. Hôm nay tôi muốn lưu lại nhà ông” (Lc 19, 5). Giakêu bộc phát ngay, sẽ chia phân nửa gia tài cho người nghèo, và sẽ đền bù gấp 4 lần nếu có làm thiệt hại cho ai điều gì. Có lẽ, sau khi thực hiện lời mình đã hứa, Giakêu sẽ trắng tay, nhưng ông đã tìm thấy được giá trị hạnh phúc đích thực của cuộc đời, và Đức Giê su đã nói về ông rằng: “Hôm nay, nhà này được Ơn Cứu Độ” (Lc 19, 9). Thúc đẩy Giakêu trở về đón nhận Ơn Cứu Độ nơi Đức Giêsu đó là công việc của Chúa Thánh Thần.

Như Nicôđêmô là một trong bảy mươi Kỳ Mục của dân Do Thái, là người điều hành Dân Chúa về mặt tôn giáo. Ông đã nghe về Đức Giêsu, ông tò mò và tìm đến vào ban đêm để đàm đạo với Đức Giêsu.

Tất cả là sự thúc giục của Chúa Thánh Thần trong con tim, là sự lôi kéo của Chúa Cha, đưa con người đến với Đức Giêsu. Như chính Đức Giêsu đã nói với Simon Phêrô: "Phúc cho anh, Si-mon, con ông Giô-na! Vì không phải là bởi xác thịt hay máu huyết đã mạc khải cho anh điều đó, nhưng là cha Thầy, Đấng ngự trên trời" ( Mt 16, 17 ).

Nhà Giáo Dục là người mở rộng cõi lòng trước tiếng nói của Chúa Thánh Thần, lắng nghe và gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, đó mới là Nhà Giáo Dục đích thực. Lúc đó con người mới nhận ra mình có một phẩm giá.

Nếu ta không dập tắt tiếng nói của Chúa Thánh Thần hằng luôn thúc đẩy con người đến với chân lý. Kể cả những người chưa biết Đức Kitô, Chúa Thánh Thần vẫn luôn làm việc nơi tâm hồn của những người đó, những người cả đời đi tìm chân lý, tiếng nói của Chúa Thánh Thần rót vào lương tâm của họ. Và cuộc sống của họ cũng đã phát sinh ra hoa trái của Chúa Thánh Thần như: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.”. Đó là những dấu hiệu để nhận biết người nào đó đã gặp Chúa hay chưa? Để nhận biết một ai đó có sự soi sáng của Chúa Thánh Thần hay không?

Còn những ai khi sự xuất hiện của họ, hay những lời nói, thông tin của họ truyền đi, đem lại gây gỗ, chia rẽ, bất hòa, nghi kỵ lẫn nhau, thì đó không phải là thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, vì họ đã dập tắt tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong lòng họ, nên không thể nào sinh hoa kết trái tốt lành được.

Cha Louis đã đưa ra những câu hỏi để mọi người cùng lắng đọng suy tư.

• Tôi có phải là Nhà Giáo Dục thực sự hay chưa?

• Tôi có gắn bó với Đức Giêsu là Nhà Giáo Dục duy nhất không?

• Nhìn lại gia đình, con cái, học trò, những người tôi đang hướng dẫn. Tôi có nhận ra hoa trái của Chúa Thánh Thần hay chưa?

• Tôi phải có quyết tâm gì cụ thể để đóng góp vào công cuộc giáo dục của Giáo Hội?

Kết luận: Đức Giêsu là Nhà Giáo Dục đầu tiên, nếu ta chưa ăn sâu vào Mầu Nhiệm nơi Ngài, chưa đi sâu vào chiều kích của Mầu Nhiệm Giáo Hội, thì ta chưa thực sự biết Ngài. Mang danh Giáo Hội mà lại đánh phá Giáo Hội, còn loại trừ nhau, còn đã kích nhau, thậm chí còn dùng mưu ma chước quỷ, thì đó là ta đang bị sập bẫy Satan. Vì thế, để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ, điều trước tiên là ta cần phải gắn bó và sống có ý thức về Mầu Nhiệm Giáo Hội và Mầu Nhiệm Chúa Giêsu. Nếu ta lúc nào cũng hăng hái hoạt động, không biết dừng chân để tịnh tâm thì ta không thể sống với chiều kích Mầu Nhiệm được, thì lúc đó ta đang sống trong chiều kích chiếm hữu.

Đón nhận thông tin với góc nhìn của con người, rồi khẳng định và đồng nhất thông tin đó với chân lý là một sự sai lầm. Vì thông tin không phải là chân lý mà thông tin chỉ là một phần của chân lý. Thông tin đưa mọi người đến yêu thương, hiệp nhất thì mới đáng gọi là chân lý, còn thông tin đem lại sự chia rẽ, hận thù thì thông tin đó không đáng gọi là chân lý.

Ta cần phải tĩnh lặng, cần phải chiêm niệm để đi vào chiều kích Mầu Nhiệm, để nhìn lại cuộc sống của mình và đón nhận những thông tin trong ánh sáng của Chúa, chứ không nhìn cuộc sống của mình, hay đón nhận thông tin dưới góc nhìn của con người.

Những khó khăn về vật chất, về tinh thần, hoặc những biến cố đau buồn xảy ra xung quanh ta dễ làm cho chúng ta bất an, chán nản. nhưng với góc nhìn chiêm niệm về Mầu Nhiệm Giáo Hội và Mầu Nhiệm Chúa Giêsu mời gọi ta có cái nhìn toàn diện hơn và ta sẽ cảm thấy bình an hơn. Muốn có được điều này, ắt hẳn ta phải nhờ đến ơn Chúa.

Cuối giờ tĩnh tâm. Mọi người cùng quỳ trước Thánh Thể, để xin Chúa Thánh Thần chiếu rọi tâm hồn mỗi người biết sống chiều kích Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ. Mỗi người tự nhìn lại vai trò giáo dục của mình trong gia đình và trong các mối tương quan. Trong tâm tình hiệp thông mọi người dâng những hy sinh của mình để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Benedicto XVI, người đang lèo lái Con Thuyền Giáo Hội, luôn giữ vững tay chèo trước những tấn công của sự dữ. Cầu nguyện cho Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và cầu cho tất cả anh chị em giáo dân trên mọi miền đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới được bình an tâm hồn, biết lắng nghe, đón nhận chứ đừng dập tắt tiếng nói của Chúa Thánh Thần đang gợi lên trong lòng và trong những biến cố cuộc đời. Để qua sứ mạng của Bí Tích Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu sống xứng đáng với ơn gọi là một Nhà Giáo Dục và Truyền Thông đích thực.

Lạy Chúa Thánh Thần. Xin Ngài tha thứ mọi lỗi lầm của chúng con và của anh chị em chúng con. Xin Ngài tiếp tục ban ơn thánh hóa và chiếu soi ánh sáng của Ngài vào tâm hồn của mỗi người chúng con, để chúng con nhận ra dấu chỉ của Ngài nơi mọi biến cố của cuộc đời và nơi cuộc sống của mỗi người chúng con. Amen
 
Thánh Ca: Lễ Hiện Xuống
Lê Hà
10:03 19/05/2010
Nghe bài nhạc ở cuối bài hát