Ngày 17-05-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:43 17/05/2009
KHÔNG GƯỢNG NỮA

N2T


Tổng giám đốc một công ty lớn nọ hết sức hăng hái, nhận được nhiều lời đánh giá tốt, nhưng rất tiếc ông ta có một tật xấu, là cứ mỗi tuần khi vào văn phòng của tổng cán sự để nghe báo cáo vắn tắt, thì nhịn không được nên tháo dạ, làm cho bản thân mình khó vị tình.

Tổng cán sự trưởng là người dễ tính kiến nghị ông ta nên đi bác sĩ khoa trực tràng để khám. Tuần thứ hai báo cáo vắn tắt sắp đến rồi, ông ta sau khi vào văn phòng của tổng cán sự thì quần lại phát ra mùi hôi.

- “Ông không có đi bác sĩ khám à ?”

- “Không, ông ta không ở trong bệnh viện nên tôi đi gặp nhà tâm lý. Tôi không có chuyện gì xảy ra, bây giờ tôi không cảm thấy gượng nữa.”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Bệnh thuộc về đường ruột thì nhất định là phải đi khoa trực tràng để khám bệnh và chữa, chứ dứt khoát là không phải đi bác sĩ tâm lý để chữa bệnh. Điều đáng nói ở đây là ngài tổng giám đốc vị tự ái, vì sĩ diện của mình mà chối bỏ cái thực tại bệnh hoạn của mình mà không đi chữa bệnh.

Có một vài người Ki-tô hữu được gọi là đạo đức rất ít khi đi xưng tội với cha sở của mình, lý do dễ hiểu là họ cảm thấy mình không có tội gì cả, và quan trọng nhất là họ không có khiêm tốn đủ để đi xưng tội với cha sở của mình, mà điều kiện quan trọng để được Chúa tha tội thì ngoài đức tin ra, thì cần phải lòng khiêm tốn xưng thú tội mình với linh mục. Có tội trọng mà không đi xưng tội với linh mục là bác sĩ của linh hồn, nhưng lại đi nghe những lời khuyên bảo “kinh nghiệm” của những người “đạo đức” khác chỉ cần ăn năn tội thì Chúa tha, thì chắc chắn rằng tội vẫn cứ tội, và có khi nặng thêm chữa không kịp.

Can đảm biết mình có những khuyết điểm xấu để mà sửa đổi, thì sẽ không thấy gượng gùng khi đi xưng tội với cha sở của mình, hoặc bất cứ linh mục nào, dù linh mục đó là con em của mình.v.v...

Khiêm tốn là ở đó vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:45 17/05/2009
N2T


17. Nếu anh thực sự khát vọng mình nên thánh, thì anh phải cùng với Abraham rời bỏ quê hương của mình, rời bỏ những người thân thiết của anh, để đi nên nơi mà anh không quen biết.

(Thánh Jerome)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:47 17/05/2009
N2T


118. Cần mẫn năng nổ bổ khuyết chính là lương tâm thuần phục, mỗi phân lao khổ là mỗi phân tài năng.

 
Yêu như Chúa Giêsu yêu
Pm. Cao Huy Hoàng
01:27 17/05/2009
Chúa nhật 6 Phục Sinh (Ga 15, 9-17)

“Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga.15,12).
Người sống được điều răn yêu thương như Chúa Giêsu dạy, chắc chắn phải là người kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, biết tường tận suy nghĩ tâm tư của Chúa Giêsu, sống theo đúng tinh thần và giáo huấn của Ngài. Đó là lý do bài Tin Mừng CN 6 PS hôm nay (Ga 15,9-17) là tiếp nối đoạn tin mừng Chúa nhật trước (Ga 15,1-8). Hai đoạn Tin Mừng có tương quan ắt có và đủ với nhau đến nỗi không thể thực thi một phần trước mà bỏ qua phần sau, và ngược lại. Quả vậy, trước khi Chúa căn dặn điều răn yêu thương tha nhân, Chúa đã tha thiết van xin các tông đồ hãy ở lại trong tình yêu Chúa. Chính vì ở lại trong tình yêu Chúa, mới có thể múc lấy một sức mạnh tình yêu vô song, một lý lẽ của tình yêu tuyệt đối, một cách thể hiện tình yêu hoàn toàn đúng theo ý của Thiên Chúa Cha, nguồn tình yêu, của Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu khuôn mẫu. Và hơn thế nữa, khi đã kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu thì con người ta sẽ suy nghĩ như Chúa Giêsu suy nghĩ, nói lời Chúa Giêsu nói, và thực hiện những gì Chúa Giêsu thực hiện. Mà, suy nghĩ, lời nói và công việc của Chúa Giêsu, tất cả là tình yêu dành cho nhân loại. Và, kết hợp với Chúa Giêsu là kết hợp với tình yêu của Thiên Chúa Cha dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Tương quan Ba Ngôi với một cá vị làm cho cá vị ấy lớn lên và sinh hoa kết trái. Cây nào thì sinh trái ấy. Cây Tình Yêu phải trổ sinh hoa trái của tình yêu. Không thể có hoa trái ganh tỵ hận thù ghen ghét trổ sinh từ cây tình yêu được.
Như vậy ta có thể tin chắc điều nầy là: kết hiệp với Chúa Giêsu, ta sẽ trổ sinh đời sống yêu thương đối với tha nhân, và ngược lại, không thể có một tình yêu thương chân thật nếu không kết hiệp với Chúa Giêsu, ở lại trong Chúa Giêsu. Đây cũng là tiêu chuẩn để mỗi người kiểm chứng tình yêu của mình là tình yêu đích thực hay là một thứ tình cảm thuộc hạ tầng nhân loại. Ấy vậy, Thánh Gioan quả quyết: "Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga.4:20
Bởi lẽ, ai cũng nói được rằng mình đang yêu, nhưng không ai tự mình dám nói rằng “tôi đang yêu như Chúa Giêsu yêu”.
Vì “yêu như Chúa Giêsu yêu” là điều mong ước tối thượng của tình yêu Thiên Chúa Cha, là cách yêu đẹp lòng Cha nhất, để tất cả đều được sum hòa vào trong tình yêu cứu rỗi của Ngài.

Bắt đầu là một tình yêu tự hạ: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” 1 Ga 4,9). Chúa Giêsu bỏ phẩm hàm chức tước, bỏ ngai vàng điện ngọc, bỏ vinh quang Thiên Chúa, mặc lấy thân phận loài người thấp bé đơn hèn, nếu không nói là bần cùng tục tử. Ai kết hiệp với Chúa Giêsu mà không mặc lấy tinh thần tự hạ trước mặt anh em, thì có thể nói, cũng là người nói dối. Sự khiêm tốn, tự hạ, không chỉ là một đức tính nhân bản tự nhiên của con người nhưng còn là đức tính nhân bản cốt lõi của Chúa Giêsu. Sự khiêm tốn định giá đạo đức của bất cứ thành phần nào, vì sự khiêm tốn bắt nguồn từ tình yêu của Chúa Giêsu.

Tiếp đến là một tình yêu tự hủy: không chỉ khước từ những gì thuộc về mình, mà còn khước từ cả mạng sống mình vì người mình yêu. “ Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Tình yêu tự hủy không mưu lợi cho mình nhưng vì ích lợi của người mình yêu, tất cả cho người mình yêu được an bình hạnh phúc. Sự dâng hiến, cho đi một cách trọn vẹn, từ ý nghĩ, đến tâm tình, lời nói đến hành động tất cả đều vì người mình yêu, đó là tình yêu của Chúa Giêsu. Kể từ lúc sinh xuống gian trần, đến khi giã từ cõi thế mà về cùng Chúa Cha, mỗi bước người đi đều mang lại điều tốt đẹp cho tha nhân.

Một tình yêu chân thành, trung tín: vì bản chất của Thiên Chúa là sự thật thánh thiện và tín trung. Vì chân thành trung tín, mà Ngài kiên nhẫn khoan nhượng vô bờ bến đối với những kẻ vô tình, vô ân, bạc tình hay phản bội. Với lỗ tai đức tin, ta có thể nghe tiếng Ngài mãi vọng ngân, Lời Chúa vẫn gọi mời tha thiết mong con người đến với Ngài và ở trong Ngài, để con người được hạnh phúc, không phải để thêm vinh quang gì cho Ngài. Ta có thể thấy Ngài vẫn đang kéo dài cơn hấp hối với lời thống thiết “Ta Khát” như lời van xin, hãy để cho Ngài yêu, bằng lòng cho Ngài đến, chấp nhận cho Ngài lớn lên và đồng hành trong đời người. Với con mắt đức tin ta có thể thấy Ngài vẫn chờ đợi mọi người đến với Ngài, ở lại trong Ngài, múc lấy tình yêu và hạnh phúc nơi Ngài. Ngài chờ đợi nơi Thánh Giá, nơi Thánh Thể, nơi bàn tiệc Lời Ngài, và cả trong cõi thinh lặng của tâm hồn.

Nhìn lại cuộc sống yêu thương của con người, nhất là thời đại ngày nay: Tự kiêu hơn là tự hạ, chiếm đoạt hơn là tự hủy, giải quyết nhanh gọn hơn là kiên nhẫn đợi chờ…Đến bao giờ Tình “Yêu Như Chúa Giêsu Yêu” mới lan tỏa chan hòa khắp mặt đất, thay cho loại tình yêu chiếm đoạt, cầu lợi, hưởng lạc…Thiết tưởng, có thể thấy được nguyên nhân “người ta không yêu người như Chúa Giêsu yêu” là do bởi người ta không kết hiệp với Chúa Giêsu, không thấm nhuần tinh thần yêu của Ngài. Những từ tình thương, tình yêu, bác ái, thiện nguyện, từ thiện… đang bị lạm dụng cách trơ trẻn, nhất là trong một đất nước không muốn biết gì về Thiên Chúa, không cần học cách yêu của Chúa Giêsu. Vì thế, mới xảy ra những chuyện trào phúng ấu trĩ: cho người nghèo một phần, cất hai phần; lũ lụt thiên tai dịch nạn trở thành cơ hội thể hiện tình thương thì ít mà tích góp được nhiều; tai nạn lao động thì người chết đã chết, người sống nhận bao nhiêu sẻ chia cũng vừa! Ôi thôi, cái thời đại nhiễu nhương, vì con người ta không muốn nhìn vào khuôn mẫu tình yêu của Chúa Giêsu để thực hành tình yêu, nhưng lại tự sáng chế cho mình một cách “yêu sao cho mình là người có lợi trước”!
Tôi mượn bài thơ “Người ta yêu” của TMT để một phần minh họa:

người ta yêu người ta
như lá yêu lá, như hoa yêu hoa
như con chuồn chuồn ớt yêu con chuồn chuồn ớt
như trái tim mình, yêu thịt yêu da
yêu mãi đến mù lòa,
tình vẫn chưa thật thà

người ta chỉ yêu người ta
yêu người ta yêu như người ta
tưởng tình bay bổng cùng thanh khí
hóa ra người ta yêu người ta
yêu mãi đến mù lòa
tình vẫn chưa thật thà

người ta vẫn yêu người ta
yêu như người ta yêu người ta
tìm cho người ta riêng hạnh phúc
tìm mãi chưa ra bỗng dưng già
yêu mãi đến mù lòa
tình vẫn chưa thật thà

thôi đừng nói chi yêu người ta
cứ hãy cho đi cái thật thà
tưởng yêu là mất, nhưng là được
được cả cho người, cả cho ta
yêu mãi đến mù lòa
vì tình yêu thật thà”

Là tín hữu công giáo, được nghe lời Chúa Giêsu dạy, “các con hãy yêu như Thầy yêu các con”, chắc chắn ta phải học nơi Thầy Giêsu cách yêu đúng đắn và thánh thiện nhất. Vì thế, trước khi và trong khi thực hành đời sống yêu người, mỗi tín hữu cần múc lấy cho mình nguồn sinh lực tình yêu dồi dào qua những giờ kết hiệp với Chúa Giêsu mật thiết: Trước Thánh Thể, trước Thánh Giá, trong giờ suy gẫm Lời chúa, trong thinh lặng… Không thể bỏ qua những giờ chiêm niệm, cầu nguyện. Thiết tưởng người yêu mến tha nhân và thực hành đời sống bác ái đối với tha nhân nhiều nhất, cũng chính là người dành cho Chúa Giêsu nhiều giờ tâm sự nhất. Chính nơi việc kết hiệp với Chúa Giêsu, trổ sinh cho bạn, cho tôi những sáng kiến tuyệt vời của tình yêu, những sáng kiến yêu của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin được kết hiệp liên lỉ với Chúa, để mỗi suy nghĩ, lời nói, và việc làm của chúng con, là thể hiện tình yêu tự hạ, tự hủy, và trung tín vì ơn cứu rỗi của Chúa cho mọi người. A men.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc tông du Đất Thánh (13)
Vũ Văn An
00:56 17/05/2009
Trên đường rời Do Thái, rộng tay với người chỉ trích

Hôm nay, 15 tháng Năm, trên đường rời Do Thái trở lại Rôma, sau tám ngày tại Đất Thánh, Đức Giáo Hoàng một lần nữa đã mạnh mẽ lên án Nạn Diệt Chủng, để phần nào minh xác với những người cho rằng ngài không phản đối đủ thảm kịch kia lúc đến viếng Đài Tưởng Niệm Yad Vashem.

Phần lớn những lời chỉ trích tập chú vào việc ngài không chịu dùng từ ngữ “sát nhân” trong bài diễn từ đọc ở đó, và không minh nhiên đích danh nhắc tới Chủ Nghĩa Quốc Xã. Tại buổi lễ tiễn chân tại Phi Trường Quốc Tế Ben Gurion tại Tel Aviv, Đức Giáo Hoàng dành ít phút để nhắc lại toàn bộ chuyến hành hương của ngài, trong đó, ngài đặc biệt nhắc đến lúc thăm đài tưởng niệm, và gọi nó là “một trong những giờ phút long trọng nhất của thời gian tôi lưu lại Do Thái”.

Nói rồi

Ngài nhắc khéo những ai chỉ trích ngài rằng: “Những giây phút hết sức cảm động ấy khiến tôi nhớ lại cuộc thăm viếng của tôi cách nay ba năm tại tử trại Auschwitz, nơi quá nhiều người Do Thái, vốn là những người mẹ, người cha, người chồng, người vợ, con trai con gái, anh em, chị em, bằng hữu, đã bị tru diệt một cách dã man dưới một chế độ vô thần từng gieo rắc một ý thức hệ bài Do Thái và hận thù”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “cái chương lịch sử khiếp đảm ấy không bao giờ được lãng quên hay bác bỏ. Trái lại, các ký ức đen tối ấy phải tăng cường quyết tâm xích lại gần nhau của chúng ta như những chiếc cành của cùng một cây ô-liu, vốn được cùng một rễ nuôi sống và vốn hợp nhất trong cùng một tình đệ huynh”.

Ở đây, Đức Giáo Hoàng nhắc tới việc ngài cùng Tổng Thống Simon Peres trồng một cây ô-liu tại dinh tổng thống hôm đầu tiên của chuyến viếng thăm Do Thái. Ngài cho hay: cây ô-liu là hình ảnh được Thánh Phaolô dùng để mô tả các liên hệ gần gũi giữa người Kitô hữu và người Do Thái Giáo. Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô nói rằng: Giáo Hội của Dân Ngoại giống như nhánh ôliu dại được tháp vào cây ôliu được vun trồng đàng hoàng, tức Dân Giao Ước (cf. 11:17-24).

Một số đại diện Do Thái vốn chỉ trích rằng Đức GH không nhắc gì tới gốc gác Đức của ngài trong bài diễn văn tại đài tưởng niệm. Đức GH trả lời họ một cách mặc nhiên bằng cách nhắc lại bài diễn văn ngài đọc hồi tháng Năm năm 2006 lúc tới thăm Auschwitz, trong đó, ngài minh nhiên nhắc tới gốc gác ấy. Thực vậy, trong bài diễn văn này, ngài nói rằng: ngài đến thăm Auschwitz trong tư cách “một người con của nhân dân Đức”. Chính vì thế, ngài có bổn phận phải tới “vì sự thật và món nợ công chính đối với những người chịu thống khổ tại đây, một bổn phận đối với Thiên Chúa”. Nhân dịp ấy, ngài lên án tội ác của “Chế độ Quốc Xã hung bạo”

Bằng hữu

Trong bài diễn từ chia tay, đọc trước sự hiện diện của Tổng Thống Simon Peres và Thủ Tướng Benjamin Netanyahu, Đức Giáo Hoàng tỏ bày thiện chí đối với mọi dân tộc. Ngài khẳng định: “Tôi đến thăm xứ sở này như một bằng hữu của người Do Thái, giống hệt như tôi là bằng hữu của nhân dân Palestine”.

Theo ngài, bằng hữu phải đau cái đau của nhau. “Không bằng hữu của người Do Thái và của người Palestine nào lại không buồn vì sự căng thẳng liên tục đang xẩy ra giữa hai dân tộc. Không bằng hữu nào lại không khóc khi thấy những đau thương và mất mát sinh mạng mà cả hai dân tộc này phải kinh qua trong suốt hơn sáu thập niên qua”.

Cho nên, ngài lớn tiếng kêu gọi: "Đừng đổ máu nữa! Đừng đánh nhau nữa! Đừng khủng bố nữa! Đứng có chiến tranh nữa!”.

Cụ thể hơn, nhân lúc tạm biệt hai người bạn thân yêu này, Đức Giáo Hoàng nói rõ: “Mọi người hãy phổ quát nhìn nhận rằng Nhà Nước Do Thái có quyền hiện hữu, và được hưởng hoà bình và an ninh trong các biên giới được quốc tế nhìn nhận. Cũng vậy, mọi người hãy thừa nhận rằng nhân dân Palestine có quyền có một quê hương tự chủ độc lập, được sống hợp phẩm giá và tự do đi lại”.

Và sợ có thể bị hiểu lầm, ngài nói thêm: “Hãy biến giải pháp hai nhà nước thành thực tế, chứ không phải là một giấc mơ nữa”. Ngài còn cụ thể hơn bằng cách đề cập thẳng tới bức tường phân cách: “một trong các cảnh tượng đau buồn nhất đối với tôi trong chuyến viếng thăm này là bức tường”. Theo ngài, các dân tộc Đất Thánh có thể sống với nhau trong hòa bình và hòa hợp mà không cần tới những “dụng cụ an ninh và phân cách” như thế. Ngài nói với ông Peres rằng mục tiêu ấy khó đối với cả Do Thái lẫn Palestine. Nên ngài và Giáo Hội Công Giáo khắp thế giới sẽ cầu nguyện để hai dân tộc tiếp tục các cố gắng nhằm xây dựng được một nền hòa bình công chính và lâu bền.

Vùng đất màu mỡ

Ngài ngỏ lời cám ơn đối với chuyến viếng thăm và hy vọng vào một “nền hòa bình lâu dài dựa trên công lý” và việc “hoà giải cũng như hàn gắn chân chính” tại Đất Thánh. Theo ngài, “vùng đất này quả là một mảnh đất màu mỡ cho cuộc đối thoại đại kết và liên tôn và tôi cầu xin cho các chứng tá tôn giáo phong phú trong vùng này mang lại nhiều hoa trái trong việc hiểu biết và kính trọng lẫn nhau mỗi ngày một thăng tiến hơn”. Ngài nói thêm: “Chúng ta gặp nhau như anh em, những anh em, đôi khi trong lịch sử, có căng thẳng trong liên hệ, nhưng nay cương quyết dấn thân vào việc xây dựng những chiếc cầu tạo tình huynh đệ lâu dài”.

Không phải chỉ là tạm biệt cho có lệ

Đối với cha Thomas D. Williams, LC, việc tiễn chân Đức Giáo Hoàng tại phi trường quốc tế Ben Gurion không phải chỉ là một nghi thức tạm biệt cho có lệ. Thực vậy, Đức GH đã lợi dụng cuộc gặp gỡ cuối cùng với Tổng Thống Sion Peres để nhắc lại các sứ điệp chủ yếu trong chuyến tông du của ngài. Vị giáo hoàng mà nhiều người nghĩ không có khả năng thốt ra lời nào lành mạnh, đã cô đọng trọn mọi sứ điệp của mình trong bài diễn văn chỉ có 859 chữ và chỉ kéo dài không quá 3 phút đồng hồ.

Dù sao, trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, ngài cũng đã tóm lược được cốt lõi 29 cuộc gặp gỡ khác nhau trong suốt tuần lễ thăm viếng. Xem ra ngài đã trở lại lớp học đại học một lần nữa để tóm lược bài giảng trong ngày giúp các sinh viên đãng trí nắm vững bài học.

Từ hình ảnh cây ôliu mà ngài và ông Peres cùng trồng trong dinh tổng thống Do Thái, hình ảnh được ngài dựa vào thư Rôma của Thánh Phaolô để nói lên mối liên hệ gần gũi giữa Kitô Giáo và Do Thái Giáo, ngài nhắc đến cuộc gặp gỡ tại Yad Vashem, để ngầm cho những ai chỉ trích ngài thiếu xúc cảm ở đấy hay: ngài “xúc động một cách sâu xa” giống như lúc thăm tử trại Auschwitz cách nay 3 năm, nơi ngài đích danh nói tới gốc gác Đức của mình và minh nhiên nêu danh kẻ tạo ra Nạn Diệt Chủng.

Rồi, như để đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài, nhất là sau những chỉ trích bất công nhân dịp ngài tha vạ tuyệt thông cho người bác bỏ Nạn Diệt Chủng là GM Richard Williamson, Đức Giáo Hoàng nói: “Cái chương lịch sử khiếp đảm ấy không bao giờ được lãng quên hay bác bỏ”.

Chưa hết, bằng một ngôn từ không chút hàm hồ, ngài xác định ngài là bạn của cả Do Thái lẫn Palestine, đau buồn vì đau đớn và mất mát của cả hai trong suốt hơn 6 thập niên qua. Rồi với một giọng tha thiết chưa từng có trong suốt chuyến viếng thăm này, ngài thống thiết xin hai người bạn hãy ngưng đổ máu để xây dựng hòa bình dựa trên công lý.

Để cụ thể hóa điều vừa nói, ngài minh nhiên kêu gọi quyền sống như một quốc gia hay như một nhà nước tự chủ, độc lập, an toàn cho cả người Do Thái lẫn người Palestine, với những biên giới được quốc tế công nhận.

Không biết thủ tướng Do Thái, ông Benjamin Netanyahu, có hài lòng hay không, nhưng hôm trước há ông đã chẳng yêu cầu Đức Giáo Hoàng lên tiếng về việc Iran bác bỏ quyền hiện hữu của Do Thái như một quốc gia đó sao? Tuy ngài không đích danh nêu tên Iran, nhưng há đó không phải là một đáp ứng đầy thiện chí hay sao?

Như trên đã nói, điều hết sức cụ thể thứ hai trong bài diễn văn tạm biệt Do Thái (và Đất Thánh nói chung) là bức tường phân cách. Ngài gọi nó là một trong những cảnh tượng đau buồn nhất trong suốt chuyến viếng thăm Đất Thánh. Phá bỏ nó là điều không dễ, nên ngài hứa cầu nguyện để mục tiêu ấy mau thành thực tại.

Với bài diễn văn tạm biệt, không ai còn mơ hồ về thiện chí và ý định của Đức Giáo Hoàng trong chuyến đi này. Chỉ còn phải chờ xem thính giả của ngài phản ứng ra sao trong trái tim họ.

Thành công hay không?

Trước ngày Đức Giáo Hoàng lên đường trở lại Rôma, Cha Thomas D. Williams, LC, đặt câu hỏi: chuyến đi của ngài có thành công hay không?

Như đã thấy, cuộc tông du Đất Thánh chủ yếu không có tính chính trị, mà có tính tâm linh. Ngay từ đầu, Đức Bênêđíctô XVI vẫn nhấn mạnh rằng đây là một chuyến “hành hương” chứ không phải là cuộc du hành hay thăm viếng thông thường. Và mặc dù khía cạnh công khai của nó, cuộc hành hương bao giờ cũng có chiều kích bản thân một cách sâu sắc. Trước hết và đầu hết, Đức Giáo Hoàng là một tín hữu Kitô Giáo, một môn đệ của Chúa Giêsu.

Hãy nghĩ việc này có ý nghĩa gì đối với Đức Bênêđíctô XVI khi ngài thăm Galilê lần đầu và có lẽ là lần cuối trong tư cách giáo hoàng. Galilê, nơi Thánh Phêrô gặp Chúa Giêsu lần đầu, được Người kêu gọi, rồi bỏ mọi sự mà theo Người, không bao giờ biết mình sẽ trở thành vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội Chúa Kitô và là một trong những tử đạo đầu tiên của Giáo Hội ấy.

Hãy nghĩ việc này có ý nghĩa gì đối với ngài khi ngài lưu lại Giêrusalem và thăm viếng các nơi thánh của nó. Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu bị Phêrô chối bỏ, bị Giuđa phản bội, lập Phép Thánh Thể, và hiến mạng sống cho chúng ta trên thánh giá. Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết và lên trời.

Đức Giáo Hoàng là người tâm linh sâu sắc, vốn mong ước được thực hiện chuyến hành hương này. Đây là cuộc hành trình mà ngài mong ước hơn bất cứ cuộc hành trình nào khác. Và rồi lúc này đây, ngài đang ở đây. Bên dưới những cơn sóng bạc đầu của hoạt động và chống đối, vẫn có những chỗ thanh thản như đáy biển nơi Đức Giáo Hoàng lui về không bị ai quấy rầy, nơi ngài hiện diện một mình với Thiên Chúa. Giống như Đức Maria, ngài giữ mọi sự ấy ở trong lòng và suy đi nghĩ lại (xem Lc 2:19).

Trong bối cảnh ấy, ta hiểu rõ câu nói đầy ý vị của Thánh Augustinô với tín hữu Hippo: “Với anh chị em, tôi là một Kitô hữu; vì anh em chị em, tôi là một giám mục”. Ở đây, tại Đất Thánh này, Đức Bênêđíctô là cả hai. Vì chúng ta, thực ra vì mọi quốc gia và mọi dân tộc, ngài là giám mục Rôma và là Đại Diện Chúa Giêsu Kitô. Ngài là một nhà lãnh đạo, một tiên tri hòa bình, một người rao giảng Phúc Âm và một thày dạy muôn nước. Vì chúng ta, ngài chăm sóc đoàn chiên của Chúa Kitô và củng cố anh chị em mình trong đức tin. Ấy thế nhưng, với chúng ta, Đức Bênêđíctô XVI chỉ là một Kitô hữu đơn giản, một khách hành hương đi thăm viếng các nơi thánh và rút tỉa được sức mạnh từ ơn thánh đang hiện diện ở đấy. Với chúng ta, ngài đứng thán phục trước mầu nhiệm của quan phòng Thiên Chúa và sự uy nghi của việc Người làm.

Cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng Bênêđíxctô XVI thành công, không phải vì những lý do nhiều người vốn nghĩ. Vì theo Đức Giáo Hoàng, sự thay đổi thực sự và lâu dài, mà chỉ có sự thay đổi này mới đáng kể, không phải là kết quả của các chương trình chính trị, biện luận hay ho, hay vận dụng được sự ủng hộ của quần chúng. Nó chính là công trình của Chúa trong trái tim con người. Đức Bênêđíctô tới trong tư cách một dụng cụ của ơn thánh đó và, như lời Thánh Phanxicô, một máng chuyến hòa bình của Thiên Chúa. Đó là điều ngài được mời gọi thực hiện, và trong tư cách người phục dịch tốt và trung thành, ngài đang thực hiện việc ấy.
 
Đức Thánh Cha kết thúc cuộc viếng thăm tại Thánh Địa
G. Trần Đức Anh OP
10:54 17/05/2009
Sau khi chào từ giã các nhân viên tòa Khâm Sứ Tòa Thánh, ĐTC đã tới sân bay trực thăng núi Scopus để đáp máy bay ra phi trường Tel Aviv cách đó 50 cây số.

Tại đây, Tổng thống Shimon Peres, và thủ tướng Netanyahu cùng với các quan chức chính phủ Israel đã chờ sẵn để tiễn biệt ĐTC..

Ngỏ lời trong dịp này, tổng thống Israel đã cám ơn ĐTC vì những lời thật rõ ràng nói lên quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo loại bỏ nạn bài Do thái, và những chủ trương chối bỏ cuộc diệt chủng Do thái. Ông cũng mạnh mẽ lên án những người lợi dụng tôn giáo, giải thích sai trái các Kinh Thánh, để dùng bạo lực khủng bố giết hại những người vô tội. Tổng thống nói: ”Cuộc viếng thăm của ngài tại Thánh Địa đã đánh động tâm trí của những người lắng nghe ngài, như một sự nhắc nhớ về Shoah, và lên án nạn bài Do thái. Cuộc viếng thăm này góp phần quan trọng vào sự phát triển những quan hệ mới giữa Tòa Thánh và Israel, và là một sự chứng tỏ sâu xa về cuộc đối thoại lâu dài đã được khởi sự giữa dân tộc Do thái và hàng trăm triệu tín hữu Kitô trên thế giới”.

Về phần ĐTC, trong lời từ biệt, ngài đã chia sẻ một vài cảm tưởng mạnh mẽ mà cuộc hành hương tại Thánh Địa để lại nơi ngài và nhắc lại sự kiện đã cùng với Tổng thống Israel trồng một cây Oliu trong vườn phủ tổng thống. Cây Oliu là hình ảnh được thánh Phaolô dùng để mô tả quan hệ chặt chẽ giữa các tín hữu Kitô và Do thái. Trong thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô mô tả Giáo Hội dân ngoại giống như một nhánh Ôliu rừng, được tháp nhập vào cây Oliu đã trồng là Dân Giao Ước (Rm 11,17-24). Chúng ta được nuôi dũng bằng cùng những cội rễ tinh thần. Chúng ta gặp nhau như anh em, và những người anh em trong lịch sử đôi khi đã có những quan hệ căng thẳng, nhưng nay quyết tâm kiến tạo những nhịp cầu thân hữu lâu bền.

Nhắc đến cuộc viếng thăm tại Viện Yad Vashem tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái và tại đó ngài gặp gỡ một số những người sống sót đã chịu đau khổ vì thảm trạng diệt chủng, ĐTC nói: ”Những cuộc gặp gỡ cảm động ấy làm tôi nghĩ đến cuộc viếng thăm cách đây 3 năm tại trại tập trung Auschwitz, nơi mà quá nhiều người Do thái, cha mẹ, chồng vợ, anh chị em bạn hữu, bị tàn sát dã man dưới một chế độ không có Thiên Chúa, tuyên truyền một ý thức hệ bài Do thái và oán thù. Chương kinh hoàng ấy trong lịch sử không bao giờ được quên lãng hay chối bỏ. Trái lại, những ký ức đen tối ấy phải củng cố quyết tâm của chúng ta xích lại gần nhau hơn trong tư cách là những cành của cùng một cây ôliu, được nuôi dưỡng bằng cùng căn cội và hiệp nhất trong tình yêu huynh đệ.

ĐTC cám ơn tổng thống Israel về sự tiếp đón nồng nhiệt và hiếu khách, đồng thời nói thêm rằng: ”Tôi muốn nhắc nhớ rằng tôi đã đến viếng thăm đất nước này như một người bạn của dân Israel, cũng như tôi là người bạn của dân tộc Palestine. Các bạn hữu vui mừng được ở gần nhau, và cảm thấy đau buồn khi thấy người khác phải đau khổ. Không người bạn nào của dân Israel và Palestine không cảm thấy buồn vì những căng thẳng tiếp tục giữa hai dân tộc. Không người bản nào không khóc vì đau khổ và mất mát mà hai dân tộc đã phải chịu trong 6 thập niên qua. Xin cho phép tôi được kêu gọi tất cả dân chúng tại các lãnh thổ này rằng: xin đừng đổ máu nữa! Xin đừng đánh nhau nữa! Đừng khủng bố nữa! Đừng chiến tranh nữa! Trái lại chúng ta hãy phá vỡ cái vòng bạo lực lẩn quẩn. Hãy để cho hòa bình hiển trị lâu dài dựa trên công lý, hãy thực hiện sự hòa giải chân thành và chữa lành. Mọi người hãy nhìn nhận rằng Quốc gia Israel có quyền hiện hữu, được hưởng hòa bình và an ninh trong biên giới được thỏa thuận với quốc tế. Và cũng hãy nhìn nhận rằng dân tộc Palestine có quyền được một quê hương độc lập, được sống trong phẩm giá và tự do di chuyển. Ước gì giải pháp hai quốc gia trở thành một thực tại chứ không phải chỉ là một giấc mơ. Hãy làm cho hòa bình được tiến triển tại các lãnh thổ này, các nước này hãy trở thành một ngọn đèn cho các dân nước (Is 42,6), mang hy vọng cho nhiều miền khác đang bị xung đột làm thương tổn!” ĐTC nói thêm rằng:

”Một trong những cảnh tượng đau buồn nhất đối với tôi trong cuộc viếng thăm đất nước này là bức tường. Khi tôi đi dọc theo bức tường ấy, tôi cầu nguyện cho một tương lai trong đó các dân tộc tại Thánh Địa có thể sống với nhau trong an bình và hòa hợp, không cần những dụng cụ an ninh và chia cách như vậy, nhưng đúng hơn tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, từ bỏ mọi hình thức bạo lực và gây hấn. Thưa tổng thống, tôi biết đạt tới mục tiêu đó là điều rất khó. Tôi biết trách vụ của tổng thống và của chính quyền Palestine là rất có khăn, nhưng tôi cam kết với quí vị về lời cầu nguyện của tôi và của các tín hữu Công Giáo trên thế giới cho quí vị để quí vị tiếp tục nỗ lực xây dựng một nền hòa bình công chính và lâu bền tại miền này”.

Tổng thống và thủ tướng Israel đã tiễn ĐTC đến tận chân thang chiếc máy bay Boeing 777 của hàng hàng không El Al.
 
Huấn dụ Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng 17-05
Bình Hòa
17:07 17/05/2009
Trong những ngày qua, dư luận chú ý theo dõi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sang Thánh địa, một nơi mà tình hình chính trị khá căng thẳng. Hôm qua, trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ, ngài đã dâng lời cám tạ Thiên Chúa vì đã kết thúc cuộc hành hương với nhiều ý nghĩa: uỷ lạo các Kitô hữu, gặp gỡ các giáo hội ngoài công giáo cũng như các tôn giáo khác, thăm viếng nạn nhân của những cuộc xung đột. Dựa theo các bài đọc Sách Thánh của Chúa Nhật Phục sinh thứ sáu thuật lại kế hoạch tình thương của Thiên Chúa đối với nhân loại được biểu lộ qua việc dân ngoại được lãnh nhận Thánh Linh, ngài đã trình bày Đất thánh như là nơi mà Thiên Chúa đã thực hiện ý định cứu độ phổ quát dành cho hết mọi người, ý định này được diễn ra trong một lịch sử của tội lỗi và tha thứ, của đau thương và hoan hỉ. Sau cùng đức Bênêđictô XVI cũng bày tỏ mối quan tâm đối với tình hình chiến sự tại Sri Lanka. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ

Anh chị em thân mến

Tôi đã trở về từ Đất thánh từ hôm thứ sáu. Tôi có ý định sẽ kể chi tiết về chuyến hành hương này với anh chị em vào thứ tư sắp tới, nhân buổi tiếp kiến chung. Bây giờ tôi muốn trước hết là cám tạ Thiên Chúa, Đấng đã ban cho tôi hoàn tất chuyến viếng thăm rất quan trọng này. Tôi cũng cám ơn tất cả những ai đã hợp tác với đức Thượng phụ latinh và các vị chủ chăn ở nước Giorđani, các tu sĩ dòng Phan-sinh thuộc tỉnh Thánh địa, chính quyền của Giordani, Israel và Palestina, các cơ quan tổ chức và an ninh. Tôi xin cám ơn các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã đón tiếp tôi cách niềm nở, và hết những ai đã tháp tùng và nâng đỡ tôi bằng lời cầu nguyện. Tôi xin hết lòng cám ơn tất cả.

Cuộc hành hương Đất thánh cũng là một cuộc thăm viếng mục vụ dành cho các tín hữu điạ phương, một sự phục vụ cho cuộc hợp nhất các kitô hữu, phục vụ cho cuộc đối thoại với những tín đồ Do thái và Hồi giáo, và cho cuộc xây dựng hoà bình. Đất thánh, biểu tượng của tình thương Thiên Chúa dành cho dân của Người và cho toàn thể nhân loại, cũng là biểu tượng của tự do và hoà bình mà Thiên Chúa muốn cho tất các con cái của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, lịch sử hôm qua và hôm nay cho thấy rằng chính vùng đất này đã trở thành biểu tượng trái ngược, nghĩa là biểu tượng của những chia rẽ và tranh chấp huynh đệ không ngừng. Tại sao lại có chuyện ấy? Cần để câu hỏi này chất vấn con tim chúng ta, cho dù chúng ta đã biết kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho đất ấy, nơi mà “Thiên Chúa đã phái Người Con của mình đến làm hy lễ xá giải tội lỗi chúng ta”, như thánh Gioan đã viết (1Ga 4,10). Đất thánh được gọi là quyển “Tin mừng thứ năm”, bởi vì nơi đây, chúng ta có thể nhìn thấy, và nói được đụng chạm thực tại lịch sử mà Thiên Chúa thực hiện đối với loài người. Khởi đầu từ những nơi của cuộc đời ông Abraham cho đến những nơi của cuộc đời Chúa Giêsu, từ lúc nhập thể đến ngôi mồ trống, dấu chỉ của cuộc phục sinh. Thực vậy, Thiên Chúa đã đi vào đất này, đã sinh hoạt với chúng ta ở đất này. Nhưng chúng ta còn thể nói thêm: Đất thánh, do lịch sử của nó, có thể coi như một tiểu vũ trụ, thu tóm lại hành trình vất vả của Thiên Chúa với loài người. Một hành trình do tội lỗi cho nên cũng bao hàm Thập giá; nhưng do sự phong phú của Tình thương Thiên Chúa cho nên nó cũng bao hàm niềm vui của Thánh Linh, sự phục sinh đã khởi đầu và là hành trình giữa vũng nước mắt tiến về Triều đại Thiên Chúa, một triều đại không thuộc trần thế này, nhưng sống trong trần thế này và cần phải thâm nhập trần thế bằng sức mạnh của công lý và hoà bình.

Lịch sử cứu độ bắt đầu từ việc tuyển chọn một người, ông Abraham, và một dân tộc, Israel, nhưng mang tầm kích phổ quát, ơn cứu độ dành cho muôn dân. Lịch sử cứu độ luôn ghi dấu đan chéo giữa tính đặc thù và tính phổ quát. Trong bài đọc thứ nhất của Thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy sự móc nối đó. Khi nhìn thấy tại nhà ông Cornêlio, đức tin của lương dân và lòng khao khát Thiên Chúa, thánh Phêrô tuyên bố rằng: “Thực sự tôi nhận ra rằng Thiên Chúa không thiên vị ai hết, nhưng tiếp đón bất cứ kẻ nào kính sợ Ngài và thực hành công lý, dù họ thuộc về bất cứ quốc gia nào đi nữa” (Cv 10,34-35). Kính sợ Thiên Chúa và thực hành công lý, mở cửa thế giới cho Triều đại Thiên Chúa: đó là mục tiêu sâu xa của mọi cuộc đối thoại giữa các tôn giáo.

Tôi không thể kết thúc buổi cầu nguyện kính Đức Mẹ mà không nói ít lời với nhân dân Sri Lanka, để bảo đảm tâm tình và sự gần gũi tinh thần với những thường dân nằm trong vùng giao chiến ở miền Bắc của nước này. Hàng ngàn thiếu nhi, phụ nữ, người già đã bị chiến tranh cướp mất sự sống và niềm hy vọng. Một lần nữa tôi muốn kêu gào các phe lâm chiến hãy nương tay cho các thường dân được thoát khỏi vòng lửa đạn, và tôi xin hợp lời với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cách đây mấy hôm, đã yêu cầu bảo đảm cho các thường dân được an toàn. Ngoài ra tôi cũng mời gọi các tổ chức nhân đạo, kể cả của công giáo, đừng bỏ qua bất cứ biện pháp nào để cứu trợ những nhu cầu lương thực và y tế cho các người di cư. Tôi xin ký thác nước này cho Đức Mẹ Madhu, được mọi người dân địa phương mộ mến, và tôi xin dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa, để chóng tới ngày hoà giải và hoà bình.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tháng Hoa,TGP Adelaide Nam Úc Rước Kiệu Kính Đức Mẹ
Jos. Vĩnh SA
17:35 17/05/2009
Tháng Hoa,Tổng Giáo Phận Adelaide Nam Úc, Rước Kiệu Kính Đức Mẹ


Kiệu Mẹ
Chúa Nhật hôm nay, bầu trời Nam Úc mây đen bao phủ âm u và có mưa phun từ sáng đến chiều. Nhưng vẫn không nản lòng các tín hữu.

Khoảng 01 giờ chiều, các giáo xứ và các cộng đồng sắc tộc, với cờ hiệu tên tay đã lũ lượt kéo nhau tập trung về công viên South Park Land, phía nam trung tâm thành phố Adelaide, thủ phủ tiểu bang Nam Úc để tham dự cuộc rước kiệu tháng hoa, lần chuỗi kính Mẹ Maria. Có khoảng gần 1,000 tín hữu, ai nấy tay trên tay cầm dù che mưa, sắp hàng sẵn sàng theo từng giáo xứ, từng cộng đồng để đi Rước Kiệu.

Đúng 2 giờ 15 phút buổi, đoàn rước kiệu bắt đầu di chuyển, thì mưa phùn từ từ thêm nặng hạt, làm ướt áo mọi người, nhưng đoàn rước vẫn tiếp tục hăng hái di chuyển trên quãng đường dài gần 1 cây số tiến về khán đài để cung nghinh Mẹ và chầu Mình Thánh Chúa.

Thánh Giá Nến Cao dẫn đầu đoàn rước, theo sau Thánh Giá là phụng đoàn, kế đến là các vị giám mục đương quyền và cựu quyền gồm có: ĐTGM Philip Wilson, TGM giáo phận Adelaide. ĐGM Greg O’Kelly Sj, giám mục phụ tá giáo phận Adelaide. ĐTGM Leonard Faulkner, cựu TGM Adelaide và một số linh mục tu sĩ và ban mục vụ đang phục vụ tại Tòa Tổng Giám Mục.

Theo sau các vị Giám Mục, tu sĩ là các giáo xứ, các cộng đồng sắc tộc lần lượt nối đuôi đi thành từng hàng theo thứ tự tên, có vần từ A đến Z. Cộng Đồng Việt Nam vần V đi sau cùng.

Trời tiếp tục mưa, đoàn rước vẫn tiếp tục bước đều, tay lần hạt, tay cầm dù che mưa. Nhìn xa giống như một con rồng, trên lưng đầy vẩy gai với nhiếu màu sắc.

Trên quãng đường rước kiệu, được phân chia làm 5 cột mốc khoảng cách, với 5 hoạt cảnh suy gẫm tràng chuỗi Mùa Thương do các giáo xứ diễn nguyện. Cộng Đồng Việt Nam chặng cuối cùng gần khán đài, đóng vai hoạt cảnh Chúa chịu chết trên cây Thánh Giá và Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá Chúa.

Khi kiệu Đức Mẹ được an vị trên khán đài. Thì giờ Thánh Thể bắt đầu cử hành và cầu nguyện do ĐGM Greg. O’Kelly Sj chủ sự. Sau giờ chầu phép lành, một linh mục Dòng Thuyết Giáo Đaminh từ Ái Nhĩ Lan qua Úc thuyết giảng.

Linh Mục người Ái Nhĩ Lan lãnh sứ vụ đi vòng quanh thế giới, cổ động phong trào lần chuỗi Mân Côi. Cha đã sang Úc hơn một tháng nay và đã đi đến nhiều cộng đồng và giáo xứ rao giảng, cổ động lần chuỗi Hương Hồng kính Mẹ Maria.

Phần kết thúc, ĐTGM Philip Wilson đứng lên cảm ơn Ban Tổ Chức và mọi người tham dự. Tiện dịp Ngài công bố tin, Đức Cha Greg. O’Kelly Sj vừa được tòa thánh bổ nhiệm làm Giám Mục chính tòa, cai quản giáo phận Port Pirie. Đầu tháng Sáu Đức Cha O’Kelly sẽ chính thức nhận giáo phận.

ĐGM Wilson nói: Giáo phận Adelaide và chính cá nhân Ngài rất buồn khi phải rời xa Đức Cha O’Kelly. Nhưng với sứ vụ mới, Đức Cha Greg O’Kelly sẽ đem lại cho Chúa và Giáo Hội nhiều lợi ích hơn.

Cuộc Rước kiệu Đức Mẹ tháng hoa hàng năm của TGP Adelaide do ĐTGM Matthew Beovich phát động từ năm 1949. Ngài về nhận giáo phận từ năm 1939 và qua đời năm 1971. Sau đó các vị Tổng Giám Mục kế nhiệm tiếp tục duy trì truyền thống rước kiệu này, cho đến nay đã qua 4 đời Tổng Giám Mục
.
Rước Kiệu
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: ''Chủ nghĩa cộng sản đã tạo nên những con người dối trá!''
cộng sản,merkel
01:23 17/05/2009
ĐỨC QUỐC - Năm 2009 Phương Tây sẽ mừng kỷ niệm 20 năm thoát khỏi hiểm họa cộng sản trên toàn cõi Đông Âu, khởi đầu được bắt đầu bằng các phong trào cầu nguyện đòi dân chủ từ Đông Đức. Trong 20 năm vừa qua bao nhiêu tội ác, bất công, tù tội, giết người… do chủ nghĩa cộng sản gây ra tại Đông Âu được lột trần trước ánh sáng và công lý. Những bản án tố cáo sự tàn ác của cs được trực tiếp và gián tiếp, được người trong cuộc lẫn ngoài cuộc ghi lại trong sử sách nhân loại.

Bức tường Bá Linh đã xụp đổ!
Mới đây nhất lời phát biểu của nữ thủ tướng, Dr. Angela Merkel vào ngày 07/5/2009 dịp nước Đức nhớ lại Phong trào nổi dậy đòi dân chủ tại Đông Đức cộng sản vào năm 1989 chống đối cuộc bầu cử gian lận ngày 07/5/1989 tại Đông Đức, là bản kết án hùng hồn nhất về một chủ nghĩa bất nhân, một chủ nghĩa gây bại hoại cho nhân loại: „Chủ nghĩa cộng sản đã tạo thành con người dối trá“. Bà Merkel kết án mạnh mẽ: „Đông Đức đã trở thành một hệ thống nhà tù kiểm soát chặt chẽ người dân nhất thế giới“. Tuy nhiên điều phá hủy được hệ thống vô luân này chính là niềm khát khao công lý và sự thật của người dân Đức, đó chính là „nền tảng cho nền dân chủ“ , chúng ta đang hưởng được tự do và công lý trong 20 năm qua, hôm nay „chúng ta không thể và không muốn quên đi tất cả những bất công đã xảy ra do cộng sản gây ra“ , những nhận định sắc bén này bà Merkel muốn nhắc nhở cho người dân Đức và cho thế giới tự do.

Trang Web hơp tác kinh tế Việt-Trung
Nếu một nhân vật nào đó nói như thế thì chưa chắc có thể dựa trên một nền tảng chứng minh chắc chắn, nhưng với Angela Merkel, một người đã sống trong lòng cs và được đào tạo lớn lên từ đây thì không có lời nào chứng minh hùng hồn hơn được bằng những phát biểu của bà nói về tội ác cộng sản.

Cứ nhìn lại lịch sử trước đây 20 năm tại Đông Âu thì rất rõ ràng, chỗ nào cũng giăng đầy bảng đỏ chữ trắng tuyên truyền như “Chủ nghĩa Mác - Lê Nin muôn năm”, “Chủ nghĩa Mác - Lê Nin bách chiến bách thắng”, “Đảng cộng sản muôn năm”… Muôn năm như thế để cộng sản ác độc tạo ra nhiều thế hệ nhằm ca tụng một chủ nghĩa dối trá phi nhân hơn 70 năm trời. Tội ác cs đã gây ra những con số chết chóc khủng khiếp cho chính dân chúng của họ, có lẽ chỉ có ác thú mới làm được như sử gia Rudolph J. Rummel đã nêu ra trong sách "Death by Government":

Cộng sản đấu tố dã man địa chủ trong việc cải cách ruộng
- Cộng sản Nga giết 61.911.000 người.

- Cộng sản Trung Hoa giết 35.236.000 người.

- Cộng sản Khmer đỏ giết 2.035.000 người.

- Cộng sản Việt Nam giết 1.670.000 người.

- Cộng sản Ba Lan giết 1.585.000 người.

- Cộng sản Nam Tư giết 1.072.000 người.

Nhìn về VN với một ví dụ rất điển hình của sự khát máu và tàn ác qua tên đồ tể của „Cải cách ruộng đất“ Đặng Xuân Khu (1907-1988), tự xưng là Trường Chinh, được sự đồng ý của Hồ Chí Minh cướp đất gây đại họa giết 172.000 người, và hơn 500.000 nạn nhân vô tội khác do chính tên đầu sỏ Trường chinh gây ra. Bao nhiêu cảnh giã man giết người trong cải cách ruộng đất với khẩu hiệu: "Trí, phú, địa, hào đào tận gốc" chẳng khác gì hơn sự diệt chủng rùng rợn của bọn cs Khmer đỏ, thế mà csVN còn dựng lên tượng đài của tên đồ tể Đặng Xuân Khu tại một quảng trường lớn thuộc huyện Xuân Trường để tuyên dương công trạng giết người tàn ác này.

Tượng tay đao phủ Trường Chinh
Nhận định của nữ thủ tướng Angela Merkel về cs Đông Đức không những có cơ sở chắc chắn, mà còn được nổi bật khi so sánh với lời tuyên bố của ông Mikhail Gorbachev: "Tôi đã bỏ hơn nửa cuộc đời đấu tranh cho lý tưởng cộng sản, nhưng ngày nay tôi phải đau buồn mà nói rằng "cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo".

Tại VN dịp kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Trường Sơn cũng như kỷ niệm 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã có những bài báo từ Nga hé lộ cho biết công công lớn của người Nga ở Điện Biên. Tin mới nhất từ tác giả Sergey Balmasov phê phán cs Bắc Việt đã vô ơn quên hẳn những tình cảm về thời được Nga giúp trong cuộc chiến - theo tác giả, "chiến thắng vang dội (đó) không thể có nếu thiếu sự ủng hộ từ Nga". Lý do được tác giả dẫn chứng rằng "Pháo phòng không của Liên Xô đã tiêu diệt hoàn toàn hệ thống phòng thủ của Pháp" ở cứ điểm 17 nghìn quân tại Điện Biên.

csVN vẫn dấu diếm và dối trá trong sự việc lớn này tại Điện Biên và dành công lớn cho chính mình.

Trong những ngày vừa qua dân cư trên mạng đã khám phá ra một điều rất thú vị có thể chứng minh csVN đang dã tâm dâng hiến đất cho Tàu cộng qua trang trang website www.vietnamchina.gov.vn. Hiểu nôm na là trang website kết nghĩa anh em với Tàu cộng lấy tên miền gov.vn do chính phủ Việt Nam làm quản lý admin, nhưng nội dung đang phổ biến bằng tiếng Việt cho biết rất nhiều miền đất và hải đảo VN đang thuộc về người Tàu.

Có thể csVN đang dối trá toàn dân trong việc hiến dâng bờ cõi thiêng liêng của tổ quốc cho ngoại bang chăng?

Giáo dân Thái Hà đòi Sự Thật
Về dự án bauxite tại Tây Nguyên, đang được toàn dân thuộc mọi tầng lớp, kể cả Võ Nguyên Giáp chú ý nói đến những hiểm họa về môi sinh và bệnh tật, trong khi đó csVN lại kêu gào thế giới về thảm trạng Da Cam trong chiến tranh. Liệu csVN có đảm bảo những thảm trạng dị tật từ bauxite theo thời gian không? Vì sao các quốc gia khác phải đóng cửa các mỏ quặng bauxite của họ? Chắc chắn thảm họa bauxite sẽ to lớn hơn chất độc da cam.

csVN ngu dại hoặc cố tình dối trá dân chúng khi không để ý đến tin tức từ ChinaDaily, Xinhua đưa đi: „Ngày 11.5.2009, hội đồng Nhà nước Trung Quốc thông qua kế hoạch ba năm, hỗ trợ ngành công nghiệp khai thác chế biến kim loại màu (nhôm, đồng…) theo hướng tái cấu trúc và hiện đại. Theo đó, sẽ thành lập 3 – 5 doanh nghiệp chủ đạo trong ngành, và đến năm 2011 có 10 doanh nghiệp hàng đầu nắm đến 90% sản lượng đồng, 70% sản lượng nhôm, 60% kẽm… Các nhà máy nhôm, đồng… ô nhiễm sẽ bị đóng cửa, chính phủ (Tàu) khuyến khích và tài trợ vốn cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác mỏ ở nước ngoài, kể cả hình thức liên doanh liên kết.“ (http://www.sgtt.com.vn/detail30.aspx?ColumnId=30&newsid=51324&fld=HTMG/2009/0512/51324).

Bauxite tại Tây Nguyên đang là ngòi bom nổ chậm đổ xuống dân tộc VN, mà csVN đang giã tâm tiếp tay với Tàu cộng.

CSVN bắt tay với Trung Quốc khai thác tài nguyên VN
Hẳn là không có sự ngẫu nhiên khi các cuộc cầu nguyện đòi Công Lý và Sự Thật được phát xuất từ Thái Hà – Hà Nội và can đảm hơn người dân Thái Hà cùng ghi danh “HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN KHỎI THẢM HOẠ BAUXITE ĐỎ”, điều này đúng với nhận định thêm của thủ tướng Angela Merkel vào cuối bài diễn văn: „Hậu quả tàn ác của cs đẩy con người vào đường cùng là dối trá với nhau, tuy nhiên khi sự dối trá được phơi bầy và người dân can đảm moi ra những điều gian lận (trong bầu cử) thì dẫn họ đến các phong trào đòi hỏi công lý. Và cuối cùng người dân Đông Đức biết kết thúc với trò chơi dối trá này. Như thế người dân can đảm tìm đến nhau, tạo dựng các phong trào nói về công lý và sự thật.“

Cuối cùng, hy vọng ông Nguyễn Tấn Dũng còn lương tâm và lòng tự trọng nghĩ lại câu nói của chính mình để xứng đáng với chức vụ thủ tướng và nhiều hơn nữa đừng dối trá cướp từng mảnh đất nhỏ của người dân VN để rồi hèn nhát dâng hiến bờ cõi tổ quốc cho giặc Tàu ngàn năm: “Tôi xin nói suy nghĩ riêng của mình. Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực, ghét nhất, giận nhất là sự giả dối”.