Ngày 16-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Hai 16/5: Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian. Suy niệm: Linh mục Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
01:33 16/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 16-May-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Ga 16, 29-33

“Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Đúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Chúa Giêsu đáp lại các ông: “Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 16/05/2021

31. Phúc thì không thể song toàn, bởi vì không thể hưởng lạc ở thế gian này rồi lại cùng hưởng vinh quang với Đức Chúa Giê-su trên thiên đàng.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:23 16/05/2021
47. TỰ NGUYỆN LÀM CON

Có một lão già hình dung cổ quái, thân hình ốm yếu, nhưng chỉ cần nói ông ta già yếu, thì ông ta lập tức giận dữ không nguôi, nếu nói ông ta trẻ trung thì ông ta vui vẻ bất tận.

Có người biết như thế bèn cố ý nói lợi cho ông ta:

- “Mặc dù ngài tóc tai đã bạc nhưng dung nhan non mượt, chẳng những có thể so với trẻ con, mà lại càng giống như đứa con mới sinh của tôi da thịt tươi tắn mềm mại.”

Ông lão vui vẻ quá sức, nói:

- “Nếu dung nhan có mềm mại như thế, thì lão phu xin tình nguyện làm con của ông.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 47:

Con gái có cái đẹp thùy mị của con gái, con trai có cái đẹp hùng mạnh của con trai, người già có cái đẹp quắc thước của người già, tóm lại là con người ta ở trong giai đoạn nào cũng đều có cái đẹp của nó, nên phải cảm tạ Thiên Chúa luôn luôn.

Thời nay có nhiều người làm nô lệ cho sắc đẹp, và có nhiều thiếu nữ đem sắc đẹp của mình đi làm nô lệ cho đồng tiền, có nhiều con trai đem cái đẹp hùng dũng của mình làm nô lệ cho xì ke ma túy, cho rượu che cờ bạc và kết cuộc thì thân tàn ma dại…

Thiên Chúa là chân thiện mỹ, có nghĩa là Ngài rất tuyệt vời: tuyệt vời vì Ngài là chân lý, tuyệt vời vì Ngài là Đấng hoàn thiện, và tuyệt vời vì Ngài là Đấng tuyệt mỹ, tuyệt mỹ là đẹp tuyệt cú mèo không gì sánh bằng. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người cũng đẹp như Ngài, nhân chi sơ tánh bổn thiện, cái bổn thiện ấy làm cho con người trở nên đẹp và dễ thương như thiên thần kề cận bên Thiên Chúa.

Người Ki-tô hữu –bất kỳ già trẻ lớn bé- đều có nét đẹp dễ thương mà ai nhìn cũng thích, nét đẹp đó được phản ảnh lại sự hiền lành và khiêm tốn của Đức Chúa Giê-su, bởi vì chính sự hiền lành khiêm tốn của người Ki-tô hữu, làm cho người khác nhìn thấy được nét đẹp của Giáo Hội và sứ điệp yêu thương của Hội Thánh, và do đó họ tự nguyện trở thành con cái của Thiên Chúa và môn đệ của Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thầy dạy khát khao
Lm. Minh Anh
21:37 16/05/2021
THẦY DẠY KHÁT KHAO
“Nguyên việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa nghe nói!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay khá bất ngờ với câu hỏi, “Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?”; đó là câu hỏi thánh Phaolô dành cho một số giáo hữu Êphêsô. Câu trả lời của họ lại bất ngờ hơn, và cũng thú vị hơn, “Nguyên việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa nghe nói!”. Đó cũng là một câu hỏi cấp thiết cho mỗi người; qua đó, chúng ta cần kíp chạy đến với Chúa Giêsu, ‘Thầy Dạy Khát Khao’ để học biết cách khao khát Thiên Chúa, khao khát Thánh Thần của Ngài mỗi ngày.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết, sau khi nghe những người Êphêsô trả lời, Phaolô tiếp tục hướng dẫn họ; và sau đó, “Họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu; và khi Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ liền nói được nhiều thứ tiếng và nói tiên tri”, khiến “Chư quốc trần ai, ca khen Thiên Chúa” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca. Tuyệt vời! Ấy thế, câu trả lời đó cũng là câu trả lời của nhiều người trong thế giới hôm nay, và thậm chí, là câu trả lời của rất nhiều người đã chịu phép Rửa tội, rằng, “Nguyên việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa nghe nói!”. Rõ ràng, các tín hữu Êphêsô cần được hướng dẫn về sự hiện diện và vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của họ; cũng thế, tất cả chúng ta dù ở đấng bậc nào, theo Chúa bao lâu… vẫn cần được Chúa Giêsu, ‘Thầy Dạy Khát Khao’ hướng dẫn, dạy dỗ nhờ Thánh Thần của Ngài trong hành trình học biết và khám phá đức tin của mình, hầu có thể sống theo đức tin đó.

Trong Tin Mừng hôm nay, các môn đệ tự tin về khả năng hiểu biết của họ, “Bây giờ chúng con biết rằng, Thầy biết mọi sự, và không ai trong chúng con cần hỏi Thầy điều gì nữa; Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Nhưng quá bất ngờ! Chúa Giêsu đã chọc thủng sự tự tin mong manh đó, ‘Không có đâu!’; vì chẳng bao lâu nữa, vài tiếng đồng hồ là cùng, họ sẽ bỏ rơi Ngài và mỗi người đi theo một con đường riêng, “Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình”. Chúa Giêsu nói trước cho họ một sự thật đầy xót xa! Từ sự thật xót xa ấy, Ngài đi thẳng vào thực trạng mà các ông sắp phải đối mặt, “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ”. Đời người môn đệ luôn luôn đau khổ, đó là một cuộc đời bơi ngược; bởi lẽ, sống trong thế gian nhưng họ không thuộc về thế gian. Vậy mà “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian!”. Bằng cái chết thập giá, Thầy của họ vượt thắng tất cả, thế gian không làm gì được Ngài, và nó cũng không làm gì được người môn đệ, nếu họ ở trong Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu sẽ dạy cho chúng ta biết khát khao Thánh Thần của Ngài, một khát khao đích thực; vì chính Thánh Thần sẽ chỉ cho chúng ta cách thức vượt thắng khốn khó.

Thiên Chúa là một mầu nhiệm, thập giá của Chúa Giêsu, thập giá của người môn đệ là một mầu nhiệm; suốt đời, chúng ta vẫn không tài nào hiểu được. Nhưng nếu hiểu biết Thiên Chúa, hiểu biết tình yêu và lòng thương xót thứ tha của Ngài, hẳn chúng ta đã ôm trọn thánh giá và nên thánh từ lâu. Thánh Gioan nói, “Thiên Chúa, chưa ai thấy bao giờ; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết”. Vì thế, mỗi ngày, không cách nào khác, chúng ta chỉ có thể đến cùng ‘Thầy Dạy Khát Khao’ Giêsu, trong Lời của Ngài, Thánh Thể của Ngài dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần, để đào sâu và kín múc những chân lý mầu nhiệm này.

Cha Éloi Leclerc, ở phần kết luận cuốn sách của mình, ‘Thầy Dạy Khát Khao’, một tác phẩm được người viết biên dịch, có một so sánh ví von rất thú vị, rằng, “Con người ví tựa dòng sông. Ở nguồn phát sinh của mình, dòng sông chảy giữa đôi bờ siết chặt. Nó tin mình được tạo thành cho đôi bờ quen thuộc và gần gũi này; nó cảm thấy ngang tầm với chúng. Thế nhưng, những con sóng lớn lên từ những dòng chảy lại xô đẩy và luôn mang nó đi xa hơn. Giờ này qua giờ nọ, trong cánh đồng, đôi bờ mở dần ra như để con người có nhiều chỗ hơn, và nó lại tìm níu kéo đôi bờ một cách vô vọng! Đôi bờ tránh xa, đôi bờ chạy trốn nó; đến một lúc, chúng biến mất hoàn toàn và để mặc dòng sông đối diện với cái mênh mông của đại dương. Chẳng còn bờ, dòng sông chỉ còn nên một với đại dương, một đại dương đón nhận dòng sông vào cung lòng mình. Sông hoá biển; rồi được nâng lên bởi những con sóng lớn, dòng sông nhảy múa với mặt trời!”.

Anh Chị em,

Như con người bơi giữa đôi bờ của một dòng sông không ngừng chảy ra biển, nhưng Thiên Chúa lại là đại dương thăm thẳm, không tài nào con người hiểu được Ngài. Vì thế, hãy bơi trong dòng sông Giêsu, Ngài sẽ dạy chúng ta biết cách mở rộng trái tim và trao phó toàn thân cho sự dắt dìu của Thánh Thần. Đó là một con đường luôn đầy dẫy những điều bất ngờ và tuyệt vời của ân sủng, khi chúng ta đi sâu hơn vào bí ẩn về các mối quan hệ yêu thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, ‘Thầy Dạy Khát Khao’, xin mở rộng lòng con đón lấy ân sủng của Thánh Thần Ngài; nhờ đó, con càng ước ao nên giống Chúa hơn và càng sớm có cơ may nên thánh hơn”, Amen.

Anh Chị em có thể đọc ‘Thầy Dạy Khát Khao’ tại đây: https://bit.ly/3fms11r

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa án ở Bangerala, Ấn Độ đã cấm chiếu phim Aquarium vì phim phỉ báng người Công Giáo với những cảnh liên quan đến lãnh vực tình dục…
Thanh Quảng sdb
05:06 16/05/2021
Tòa án ở Bangerala, Ấn Độ đã cấm chiếu phim “Aquarium” vì phim phỉ báng người Công Giáo với những cảnh liên quan đến lãnh vực tình dục…
Hình ảnh một nữ tài tử đóng vai một sơ trong phim Aquarium…

Tòa án Tối cao của bang Kerala, miền nam nước Ấn, ngày 12 tháng 5 đã đình chỉ việc cho trình chiếu cuốn phim Aquarium, một bộ phim tiếng Malayalam, khi chấp nhận đơn kiện chống lại bộ phim này.

Tòa án Tối cao ở thủ đô Delhi cũng đồng ý xem xét đơn kiện tương tự và lên lịch mở phiên tòa xử vào ngày 17/5.

Phim sẽ được phát hành trực tuyến vào ngày 14 tháng 5

Luật sư George Poonthottam cho biết Aquarium, được hoàn thành vào năm 2013, đã không được công chiếu vào năm đó do Ủy ban Kiểm tra Điện ảnh Trung ương của Ấn Độ từ chối vì nội dung gây tranh cãi và xúc phạm.

Luật sư Poonthottam, người biện hộ cho sơ Josia S.D. và sơ Mary K.G ở Tòa án Tối cao Kerala, nói với Thông tấn xã Á Châu (UCA) rằng các phát hành phim gần đây thường nhận được sự châu phê của Hội đồng kiểm duyệt phim “thông qua sự đút lót mà nhắm mắt bỏ qua những nội dung độc hại”.

Có những cảnh quan hệ tình dục đồng giới, giữa các linh mục và nữ tu, và những cảnh làm tình với xúc vật một cách rất xúc phạm

Luật sư Poonthottam nói: “Bộ phim gây tổn thương tới những tình cảm tôn giáo của các tín hữu Thiên Chúa giáo, đặc biệt những người Công Giáo, vì nó diễn tả cảnh làm tình giữa các linh mục và nữ tu một cách lệch lạc và gán ghép!...

Cơ sở xuất ban đầu muốn đặt tên cho bộ phim là “Pithavinum Puthranum Parisudhathmavinum” (Cha, Con và Thánh Thần) nhưng sau đổi thành “Aquarium” Thủy Cung như một tên ém nhẹ đi những ẩn ý để được phát hành.

Luật sư Poonthottam nói: “Họ đã che giấu sự thật qua việc đổi tên này với Hội đồng Kiểm duyệt Phim, mà trước đó, Hội đồng này đã một lần không phê nhận việc phát hành bộ phim vì nội dung của nó gây nên tranh cãi và ẩn chứa nhiều ác ý.”

Sơ Jessy Mani, một thành viên của Hội Dòng Thánh Tâm, người đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Delhi, nói rằng bộ phim đã xúc phạm tới cuộc sống của các linh mục và nữ tu Công Giáo bằng cách “miêu tả tất cả họ như những món đồ chơi tình dục”.

Phim ảnh bạo lực đang đe dọa quyền tự do ngôn luận của xứ Ấn! Sơ Mani cho hay: “Có những cảnh quan hệ tình dục giữa những người đồng giới, giữa các linh mục và nữ tu, và cả những quan hệ tình dục với xúc vật một cách rất xúc phạm.

Sơ Mani là một trong số những người đã viết kháng thư lên Bộ Thông tin và Truyền thông liên bang và Hội đồng kiểm duyệt phim để yêu cầu họ rút lại giấy phép cho phát hành và trình chiếu bộ phim.

Trong đơn khiếu nại của sơ cho biết đoạn giới thiệu của phim được phát tán trên các trang mạng quảng cáo “có sẵn các mối quan hệ tình dục của các nữ tu với hai linh mục như là mối quan hệ tình cảm với Chúa Giêsu Kitô, mục đích làm hoen ố danh thơm tiếng tốt của Giáo Hội Công Giáo và các thành viên trong Giáo hội, mục đích hủy diệt tinh thần dấn thân của ”các linh mục và tu sĩ”.

Theo đơn kiện cũng nêu nên một số các cuộc đối thoại trong phim đã tạo ra những "cảm tưởng sai lầm" cho các tín hữu...

Bộ phim cũng trích dẫn những lời trong sách Diễm ca trong Kinh thánh với ý đồ “miêu tả Chúa Giêsu Kitô như một vì Chúa lãng mạn, với ý định phạm thượng” và “làm tổn thương tâm tình tôn giáo của những người tin theo đạo Chúa”.

Tòa án Delhi chưa đưa ra bất kỳ một án lệnh nào, vì Tòa án tối cao của Kerala vẫn giữ nguyên quyền tự do phát hành…

Theo Jose Abraham, luật sư của mấy sơ, nói với Thông tấn xã Á châu (UCA) ngày 13 tháng 5 thì: “Tòa án tối cao Delhi thừa nhận sự trong sáng đúng đắn của việc đệ trình thư kháng cáo và đồng ý mở phiên tòa xét xử vào ngày 17 tháng 5.”

Các luật sư cho hay Hội đồng liên bang đã từ chối chứng nhận và từ chối đơn yêu cầu xét lại việc đã cho phát hành vào năm 2015.

Tuy công ty sản xuất đã được phép phát hành trực tuyến vào ngày 14 tháng 5 với cái tên mới, vì sự che giấu sự thật và lợi dụng các quy định nới lỏng để trình chiếu trực tuyến!
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho nhân dân Myanmar: Xin Chúa hoán đổi mọi trái tim biết tìm kiếm hòa bình
Thanh Quảng sdb
06:25 16/05/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho nhân dân Myanmar: Xin Chúa hoán đổi mọi trái tim biết tìm kiếm hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ đặc biệt dành cho những người Công Giáo Myanmar đang sinh sống ở Rome và cùng với họ cầu nguyện cho hòa bình của đất nước Myanmar.

(Tin Vatican)

Để thể hiện sự gần gũi của Giáo hội hoàn vũ với những người dân đau khổ Myanmar, Đức Phanxicô đã dâng lễ cho những người Công Giáo Miến Điện hôm nay Chủ nhật 16/5/2021.

Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong ba tháng rưỡi bạo lực, sau cuộc đảo chính của quân đội hồi tháng Hai lật đổ một chính phủ dân sự được dân bầu chọn nên...

Thánh lễ Chúa nhật thứ bảy sau lễ Phục sinh đã được cử hành tại Bàn thờ chính của Vương cung thánh đường thánh Phêrô.

Suy niệm bài Tin Mừng về tâm tình Chúa Giêsu cầu nguyện cho các bạn hữu của Ngài khi Ngài chuẩn bị từ biệt các môn đồ của Ngài và thế gian mà về cùng Chúa Cha, Đức Thánh Cha cho hay Tin mừng hôm nay dạy chúng ta cách đối phó với “những khoảnh khắc nghịch lý và đau khổ” của cuộc sống chúng ta. Khi cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã khẩn xin Chúa Cha “hãy gìn giữ chúng” còn ở lại trần gian, Đức Thánh Cha lưu ý rằng nhân dân Myanmar đang trải qua những “bạo lực, xung đột và đàn áp”, nên chúng ta tự hỏi Chúa cầu nguyện cho chúng ta phải làm gì bây giờ?...

Giữ vững niềm tin

Đáp lại, ĐTC trả lời về ba thử thách mà chúng ta đang phải đối diện là: giữ đức tin, giữ sự hiệp nhất và giữ lẽ thật.

Về điều đầu tiên, ĐTC nói chúng ta cần có niềm tin để tránh bỏ cuộc, trước một sự tuyệt vọng không lối thoát! Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu ngước mắt lên Thiên Chúa như thế nào, mặc dù đang bị những nỗi thống khổ đè bẹp. Đức Thánh Cha lưu ý rằng Chúa Giêsu không cam chịu sự dữ hoặc bị vùi dập bởi buồn đau, và Chúa khuyến khích các môn đồ của mình phải có cùng một thái độ ấy.

“Để giữ vững đức tin,” Đức Thánh Cha nói “là giữ cho ánh mắt của chúng ta luôn ngước lên trời” và “từ chối nhượng bộ các hận thù và báo thù, hãy giữ cái nhìn của chúng ta luôn chăm chú vào Thiên Chúa tình yêu, Đấng kêu gọi chúng ta là anh chị em với nhau." ĐTC nói, cầu nguyện là chìa khóa. Nó không phải là một sự rút lui hay trốn tránh các vấn đề, nhưng nó là điều cần thiết "để giữ cho tình yêu và hy vọng được tồn tại."

Hiệp nhất

Đức Thánh Cha nói, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ Ngài luôn được hiệp nhất như “một gia đình trong đó tình yêu và tình huynh đệ ngự trị”, và chúng ta phải tránh “căn bệnh chia rẽ”. ĐTC chia sẻ chúng ta có thể cảm nghiệm được điều này trong tâm hồn mình và nó được lan tỏa ra trong gia đình, cộng đồng, thậm chí trong Giáo hội của chúng ta, trong đó luôn có rất nhiều thái độ đố kỵ, ghen ghét, ích kỷ và phê phán, bởi vì “sự chia rẽ của ma quỷ, kẻ gây ra chia rẽ”.

ĐTC nói “Tất cả chúng ta có thể chọn lòng can đảm để sống trong tình bạn, tình yêu và tình huynh đệ.” Mỗi người, ngay cả “trong những việc nhỏ mọn”, đều có thể đóng góp một chút cho sự “cam kết hòa bình và tình huynh đệ”. Chúng ta được kêu gọi làm điều này với tư cách là một Giáo hội, luôn “mời gọi đối thoại và tôn trọng người khác” trong “sự hiệp thông”.

Sự thật trong trái tim

Đức Thánh Cha nói, tầm quan trọng của việc gìn giữ chân lý không chỉ có nghĩa là bảo vệ các lý tưởng hoặc trở thành người bảo vệ một hệ thống học thuyết và giáo điều, mà là “gắn bó với Chúa Kitô và phục vụ Tin Mừng của Người”. Giữ chân lý cũng có nghĩa là không làm sai trái "Tin Mừng” theo lối suy nghĩ của con người và thế gian, nhưng phải luôn giữ gìn thông điệp của nó một cách toàn vẹn... để trở thành một tiên tri trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống."

Giữa chiến tranh và hận thù, chúng ta phải luôn chọn lựa sự “trung thành với Phúc âm và trở thành những người biết kiến tạo hòa bình”, bao gồm cả các lựa chọn xã hội và chính trị của chúng ta. Điều này luôn có những rủi ro, nhưng “chỉ bằng cách này, thì những cái mới mẻ mới có thể làm thay đổi chúng ta”. Tiến trình này luôn đòi hỏi lòng can đảm!

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu xin "Thiên Chúa biến đổi các con tim để biết qui hướng về hòa bình." ĐTC kêu gọi mọi người đừng mất hy vọng nhưng xác tín rằng: “ngay cả ngày nay, Chúa Giêsu đang cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa Cha, xin Ngài gìn giữ chúng ta khỏi kẻ ác và giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự dữ.”
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 16 tháng 5
J.B. Đặng Minh An dịch
15:05 16/05/2021
Chúa Nhật 16 tháng 5, Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời. Chủ đề của bài Phúc Âm trong ngày là lời cầu xin cho cộng đoàn dân Chúa được hiệp nhất.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng. Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.



Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, ở Ý và các nước khác, chúng ta cử hành Lễ Thăng Thiên. Đoạn Tin Mừng trong ngày (Mc 16: 15-20), là phần kết của Tin Mừng theo thánh Máccô, trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chúa Phục sinh với các môn đệ trước khi Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Thông thường, như chúng ta biết, những cảnh chia tay thật là buồn. Chúng gây ra cảm giác hụt hẫng, bị bỏ rơi nơi những người ở lại. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với các môn đệ. Dù xa cách với Chúa, các ngài không tỏ ra đau buồn, mà ngược lại, các ngài vui vẻ và sẵn sàng ra ngoài thế giới với tư cách là những nhà truyền giáo.

Tại sao các môn đệ không buồn? Tại sao chúng ta nên vui mừng khi thấy Chúa Giêsu lên trời? Thưa: Vì biến cố Thăng Thiên hoàn thành sứ mệnh của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Thật vậy, nếu vì chúng ta mà Chúa Giêsu từ trời xuống thế, thì cũng là vì chúng ta mà Người lên trời. Sau khi đã ngự xuống giữa nhân loại chúng ta và cứu chuộc nhân loại của chúng ta - Con Thiên Chúa, xuống thế và làm người, mặc lấy bản tính nhân loại chúng ta và cứu chuộc chúng ta - bây giờ Ngài lên trời, mang xác thịt chúng ta với Ngài. Ngài là người đầu tiên vào thiên đàng, vì Chúa Giêsu là người, là người thật; Ngài là Thiên Chúa, Thiên Chúa thật sự; xác phàm của chúng ta ở trên trời và điều này mang lại cho chúng ta niềm vui. Giờ đây, bên hữu Chúa Cha ngự trị một thân thể con người, lần đầu tiên là thân thể của Chúa Giêsu, và trong mầu nhiệm này, mỗi người chúng ta chiêm ngưỡng đích điểm tương lai của chính mình. Đây hoàn toàn không phải là một sự từ bỏ; Chúa Giêsu ở lại mãi mãi với các môn đệ, nghĩa là ở lại với chúng ta. Ngài vẫn cầu nguyện, với tư cách là con người, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, và với tư cách là Thiên Chúa, Ngài cho Chúa Cha thấy những vết thương của Ngài, những vết thương mà nhờ đó Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở đó, với xác phàm của chúng ta: Ngài là một người trong chúng ta, là Thiên Chúa và là người, và Ngài đang cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

Và điều này phải mang lại cho chúng ta một sự tự tin, hay đúng hơn là một niềm vui, niềm vui lớn! Và lý do thứ hai để vui mừng là lời hứa của Chúa Giêsu. Ngài nói với chúng ta: “Thầy sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến cho anh em”. Và cùng với lời hứa ban Chúa Thánh Linh, một lệnh truyền mới được ban cho chúng ta trong cuộc từ biệt của Người: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng”. Và chính quyền năng của Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến trong thế giới, để mang đến cho thế gian Tin Mừng. Như lời Chúa Giêsu đã hứa, chín ngày sau đó Chúa Thánh Thần sẽ đến trong Lễ Hiện Xuống. Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho chúng ta có thể có được như ngày hôm nay. Một niềm vui lớn! Chúa Giêsu đã lên trời: con người đầu tiên trước mặt Chúa Cha.

Chúa Giêsu ra đi với những vết thương của Người, đó là cái giá cho ơn cứu rỗi của chúng ta, và Ngài cầu nguyện cho chúng ta. Và rồi Ngài gửi cho chúng ta Thánh Linh; Ngài hứa ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, để chúng ta ra đi truyền giáo. Đây là lý do của niềm vui ngày hôm nay; đây là lý do của niềm vui trong ngày Thăng Thiên này.

Thưa anh chị em, trong dịp Lễ Thăng Thiên này, trong khi chúng ta chiêm ngắm Thiên đàng, nơi Chúa Kitô đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm cho Chúa Phục Sinh trong thế giới, trong những tình huống cụ thể của cuộc sống.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói tiếp:

Anh chị em và các bạn thân mến! Tôi đang theo dõi với sự quan tâm rất lớn về những gì đang xảy ra ở Thánh Địa. Trong những ngày này, các cuộc đụng độ vũ trang bạo lực giữa Dải Gaza và Israel đã chiếm ưu thế, có nguy cơ biến thành vòng xoáy chết chóc và hủy diệt. Nhiều người đã bị thương và nhiều người vô tội đã chết. Trong số đó có cả trẻ em, và điều này thật khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Cái chết của họ là một dấu chỉ cho thấy nhiều người không muốn xây dựng tương lai, nhưng muốn phá hủy nó.

Hơn nữa, sự thù hận và bạo lực ngày càng gia tăng liên quan đến các thành phố khác nhau ở Israel là một vết thương nghiêm trọng cho tình huynh đệ và sự chung sống hòa bình giữa các công dân, sẽ khó chữa lành nếu chúng ta không mở lòng ra đối thoại ngay lập tức. Tôi tự hỏi: hận thù và báo thù sẽ dẫn đến đâu? Chúng ta có thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể xây dựng hòa bình bằng cách phá hủy bên kia không? “Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra tất cả mọi người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em” (xem Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại), tôi kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và, đối với những ai phải chịu trách nhiệm về việc đó, tôi kêu gọi hãy dẹp bỏ vũ khí và đi theo con đường hòa bình, dù cho phải nhờ đến sự giúp đỡ của Cộng đồng quốc tế.

Chúng ta hãy liên tục cầu nguyện để người Israel và người Palestine có thể tìm thấy con đường đối thoại và tha thứ, trở thành những người kiên nhẫn xây dựng hòa bình và công lý, mở ra từng bước cho một hy vọng chung, cho sự chung sống giữa các anh chị em với nhau.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, đặc biệt là cho trẻ em; chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình cùng với Nữ Vương Hòa Bình.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Hôm nay “Tuần lễ Laudato Si” bắt đầu, nhằm giáo dục ngày càng nhiều người biết lắng nghe tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của người nghèo. Tôi cảm ơn Bộ Dịch Vụ Phát Triển nhân bản toàn diện, Phong trào Khí hậu Công Giáo Toàn cầu, Caritas Quốc tế và nhiều tổ chức thành viên, và tôi mời mọi người tham gia.

Tôi chào mừng những người hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau, những người hôm qua, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của Rôma, đã tham dự Lễ phong Chân phước cho Cha Phanxicô Maria Thánh Giá, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Độ. Ngài là người loan báo Tin Mừng không mệt mỏi, sử dụng mọi phương tiện mà lòng bác ái của Chúa Kitô đã linh hứng trong ngài. Ước gì lòng nhiệt thành tông đồ của ngài là tấm gương và sự hướng dẫn cho những người trong Giáo hội, những người được mời gọi để mang lời và tình yêu của Chúa Giêsu vào mọi môi trường. Một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước! Hình ảnh ngài đang ở phía trước đây.

Tôi thân ái chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma, từ Ý và từ các nước khác, đặc biệt là Nhóm AGESCI-Lupetti từ giáo xứ Thánh Grêgôriô Cả ở Rôma; và Chủng viện Mẹ Đấng Cứu Chuộc của Giáo phận Florence.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ, đặc biệt các bạn trẻ trong phong trào Immacolata, những người rất tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng. Xin chào tạm biệt!
Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel và Palestine: Hãy dừng ngay bom đạn và vũ khí!
Thanh Quảng sdb
18:01 16/05/2021
Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel và Palestine: "Hãy dừng ngay bom đạn và vũ khí!"

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi vãn hồi hòa bình cho Đất Thánh vì bạo lực ngày càng leo thang, có nguy cơ cuốn hút cả đôi bên vào “vòng xoáy của chết chóc và hủy diệt”.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “nhân danh Thiên Chúa” hãy trả lại bầu khí thanh bình cho vùng Đất Thánh, sau bảy ngày giao tranh khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Đức Thánh Cha nói: Cái chết của hàng chục trẻ em chết cách “khủng khiếp và không thể chấp nhận được, những cái chết của các em là dấu hiệu cho thấy con người không muốn xây dựng tương lai mà muốn phá hủy nó”.

ĐTC cảnh báo bạo lực đang diễn ra ở Israel và giải Gaza có nguy cơ biến “thành vòng xoáy đưa tới chết chóc và hủy diệt”, với những vết thương rạn nứt về “tình anh chị em chung sống an hòa” sẽ khó chữa lành nếu không ngồi lại đối thoại với nhau ngay lập tức.

Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel và Palestine “Hãy ngừng chiến và bước vào con đường hòa giải, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế”.

ĐTC kêu gọi hãy cầu nguyện “không ngừng” cho người Israel và người Palestine để “tìm ra con đường đối thoại và tha thứ, trở thành những người kiên tâm xây dựng hòa bình và công lý, từng bước mở ra một chân trời hy vọng chung, để cùng nhau tồn tại như anh chị em với nhau”.

Sau đó, Đức Thánh Cha xin các tín hữu hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của các cuộc xung đột, “đặc biệt cho các nạn nhân là trẻ em”.

“Chúng ta hãy cầu xin Nữ vương Hòa bình ban hòa bình cho thế giới chúng ta” trước khi ĐTC dẫn đọc kinh Kính mừng…
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hồi tưởng chuyến viếng thăm Cha Nghị tại đảo Catalina.
Trần Mạnh Trác
13:06 16/05/2021
Xem hình ảnh

Tựa: Phóng sự viết cuối năm 2012 và đã đăng 2 kỳ trên VietCatholic, nhưng năm 2013 bị hackers xâm nhập mạng VietCatholic xoá bỏ mất. Chúng tôi xin viết lại thành 1 bài để tưởng niệm Cha Cố Giám Đốc vừa từ trần.

Lý do của một chuyến đi.
Theo qủang cáo của nhiều hãng du lịch thì đảo Santa Catalina của California (gọi tắt là Catalina) là một 'bí mật được giữ kín nhất' (the best kept secret).

Chúng tôi đã thăm đảo Catalina cách đây 10 năm, đi từ sáng sớm và trở về trên chuyến tàu tốc hành muộn nhất. Hình ảnh trời xanh mây trắng nước trong của vịnh Avalon, một cái vịnh nho nhỏ xinh xinh hình bán nguyệt, làm cho tôi chợt nghĩ tới câu ca dao:

Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng,
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang,
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

...
Mà vì sau khi đã về hưu, biết rằng mình không còn khả năng xây hồ bán nguyệt cho bà xã rửa chân nữa, tôi tự nhủ sẽ đưa nàng qua Avalon một lần nữa.

Cái quyến rũ của Catalina trở thành thúc bách hơn khi đươc tin cha Trần Công Nghị, giám đốc của VietCatholic đang làm chánh xứ bên đó.

Tôi đã cộng tác với VietCatholic khá lâu nhưng chưa gặp ngài lần nào. Vậy thì nhân một chuyến 'du hành trong ngày', sẽ ghé thăm 'xã giao' ngài, một cách ngắn ngủi thôi, để không gây phiền tóai cho một vị linh mục bận rộn.

Không ngờ cái ý định 'xã giao' ấy đã trở thành 3 ngày sống trong 'nhà Chúa' đầy ắp kỷ niệm, tràn trề niềm vui học hỏi, dạt dào tình cảm cha con trong bầu không khí gia đình thân mật.

Ngài đã dọn phòng cho chúng tôi và hai 'cháu ngọai' ở căn nhà khách cạnh nhà xứ, và vì chúng tôi vướng mắc các 'cháu nhỏ' không hẹn đúng giờ được, cho nên mỗi khi có tầu cập bến là ngài lại đứng đợi để tìm 'những khuôn mặt Việt Nam' chưa hề gặp...

Chúng tôi đến chuyến thứ ba, ngài kiên nhẫn chịu hụt 2 chuyến tàu.

Nhà cha giám đốc.

Giáo xứ Saint Catherine of Alexandria nằm ở góc trái của thành phố Avalon, cách bến tàu khỏang 10 phút đi bộ, 3 phút lái xe. Đây là xứ đạo Công Giáo duy nhất của đảo Catalina.

Thánh nữ Catarina thành Alexandria (Tiếng Anh là Catherine, tiếng Tây Ban Nha là Catalina) là một thánh nữ đồng trinh tử đạo vào thế kỷ thứ 4, danh tiếng lẫy lừng ở cả hai bên Công Giáo và Chính Thống Giáo. Suốt thời Trung Cổ, ngài được coi là một trong 14 vị thánh hay làm phép lạ nhất, danh tiếng và số đền thờ kính ngài chỉ thua Đức Mẹ. Ngài là đấng cầu bầu cho những kẻ lâm nạn bất đắc kỳ tử và vì Ngài từng dùng tài hùng biện để lôi kéo nhiều bậc khoa bảng theo đạo cho nên ngài cũng là bổn mạng của các nhà thuyết giảng và của giới truyền thông. Đối với phái nữ ngài là gương mẫu cho giới nữ sinh và các người đồng trinh. Ngày lễ của ngài từng là một lễ trọng cử hành hằng năm vào ngày 25 tháng 11.

Thuyền trưởng Sebastian Vizcaino, người Tây Ban Nha, tìm ra đảo này vào chiều áp lể thánh Catarina (24 tháng 11) cho nên ông đặt tên đảo là Catalina để vinh danh ngài.

Theo tục lệ thám hiểm, mỗi khi đổ bộ lên một đảo mới, người ta dựng lên một cây thánh giá. Cây thánh giá của đảo đã bị hư hại theo thời gian, vết tích không còn nữa. Năm ngóai (2011), cha giám đốc VietCatholic đã vận động thành phố cho phép xây dựng lại. Ngày nay những du khách đi thưởng ngọan quanh vịnh Avalon sẽ nhìn thấy một cây thánh giá trắng cao, đứng sừng sững trên mỏm núi, giang tay che chở cho cả hai eo biển Catalina và thành phố Avalon.

Thành phố Avalon là một chốn tí hon rộng khỏang 2 dặm vuông. Thống kê 2010 cho biết dân số chỉ có 3728 người, nhưng các tờ bướm quảng cáo của đảo thì ghi chép một con số cao hơn, khỏang 6000. Avalon là nơi qui tụ hầu hết dân đảo, còn những nơi định cư khác cộng lại chưa được 500 người.

Và dĩ nhiên giáo xứ Saint Catherine of Alexandria ở Avalon cũng là một giáo xứ tí hon, với một nhà thờ xinh xắn sơn màu pastel trông tựa như một bức tranh vẽ, một vườn hoa yên tĩnh nằm ở giữa, một nhà xứ khiêm nhượng nằm ngang phía sau, và một dãy nhà dọc đối diện với nhà thờ dùng làm nơi sinh họat. Giáo dân một nửa là Mỹ trắng chủ nhân của địa ốc và cơ sở thương mại, nửa khác là người Mễ công nhân. Ở đây thương vụ chính là du lịch, hằng tuần có 2 chuyến tàu Cruiseships hạ neo, đổ lên đảo hàng ngàn người. Riêng mùa hè thì ngành du lịch rầm rộ hơn, với nhiều chuyến tàu tốc hành từ Long Beach đưa dân 'tây ba lô' đến. Dân số làm việc mùa hè cũng tăng lên gấp bội. Số tạm cư ấy rủ nhau về Mễ mỗi khi mùa đông đến.

Người Mễ là những 'công dân hạng hai' ở đây. Ngay cả những người định cư vĩnh viễn lâu năm cũng không có khả năng mua nhà. Cha giám đốc kể rằng khi mới tới, ngài có ý định sẽ đi thăm tất cả mọi gia đình trong xứ đạo, và yêu cầu vị đại diện cộng đòan Mễ lập một danh sách với thời gian thuận tiện nhất cho ngài. Sau nhiều tháng không nhận được danh sách, ngài mới tìm hiểu và khám phá ra rằng người Mễ sống chen chúc nhau trong những căn hộ một phòng nhỏ bé, họ không có chỗ để tiếp ngài.

Cái nghèo lại dẫn tới cái eo. Đảo hạn chế xe hơi, chỉ cho lưu hành các lọai xe golf 'chạy điện'. Những người nghèo cần có xe để làm việc không thể mua xe hơi được vì không có nhà, mà mua xe điện thì không xong vì nhà cho thuê không có 'chấu để xạc bình'.

Nhưng dù thế họ vẫn bám víu vào cuộc sống trên đảo, vì con cái của họ được sống an bình, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Để giúp họ, cha giám đốc cho xử dụng thỏai mái các cơ sở sinh họat của giáo xứ, cổng hội trường luôn luôn mở rộng chứ không còn khóa kín như xưa. Tôi đi dự một buổi sinh họat vào chiều thứ Tư. Có khỏang 4 chục người Mễ lớn bé, nhưng con số tổng cộng có lẽ đông hơn vì người ta lui tới tự do, mãi sau 9g đêm vẫn còn người tới dự. Họ hát thánh ca dựa theo tiếng nhạc của một dàn stereo khá tối tân, âm thanh dồn dập ồn ào (tuy không đến nỗi lọan cào cào như các lọai nhạc Mỹ.) Sau một bài đọc và nhiều lời chia sẻ, đèn hội trường được tắt đi, chỉ còn le lói một ngọn đèn của cây thánh giá. Nhạc stereo được văn nhỏ lại và nhịp điệu trở nên êm đềm hơn, tức thì có nhiều lời nguyện xướng lên trong màn đêm, tiếp nối nhau, thật tha thiết. Càng về khuya, người ta càng xích lại gần nhau và lại gần cây thánh giá...

Cha cho biết đó là một chương trình diễn nguyện hàng tuần của một phong trào Công Giáo Mễ. Ngài không trực tiếp điều khiển chương trình này nhưng đã nhờ một thày Sáu người Mễ kiểm duyệt giùm.

Số thanh niên Mễ lui tới giáo xứ gia tăng, Cha nói hễ có chúng tới thì sẽ có cách lo liệu phần đạo và đời cho chúng sau này.

Việc ngài mở cổng cho người Mễ sinh họat cũng không khỏi đưa đến một vài khó khăn. Một số các bà Mỹ đã than phiền rằng ngài 'cưng chiều' người Mễ thái quá!

Và nếu đêm nào ngài quên đóng cổng thì...những chú nai rừng cũng lẻn đến 'cầu nguyện.' Hình như để ban thưởng cho các 'con chiên ngoan đạo' này, Chúa đã cho phép chúng được hưởng hết mọi hoa mầu trồng trong vườn, kể cả các cây hoa hồng có gai!

Tuy thế cũng có một khu cấm địa vì luôn luôn được rào kín mít: đó là cái vườn rau ở sau nhà xứ.

Vườn rau của cha giám đốc

Gọi là vườn cho nó 'oai,' chứ thực sự đây chỉ là một cái sân nhỏ quây kín bằng 'phên mắt xích' để chứa đồ phế thải. Khi về đây, cha giám đốc dọn lại và trồng một số cây cam, chanh, hồng. Những ngọn cây lớn lên cao, đan vào nhau trong một chu vi nhỏ hẹp giống như một cái lồng. Chung quanh, dưới tàn lá và dưới mái hiên, ngài chia lô để trồng những lọai rau thơm như húng, xả, ớt, bầu bí. Những dây bầu bí chen chúc nhau lây lan trên mặt đất vì không có chỗ dựng dàn...

Hình như hễ ở đâu có tí đất thì ngài sẽ 'canh tác' một cái gì đó mặc cho đó là đất núi cỏ khô chỉ có sương rồng mọc được, ai mang đến cho một lọai rau thơm thì ngài sẽ tìm chỗ trồng lên, trồng cả vào những góc đầy sỏi đá và gạch vụn.

Rõ ràng khu vườn của ngài thiếu hai yếu tố 'thiên thời địa lợi.'

Còn 'nhân hòa' thì sao?

Ngài than rằng anh làm vườn 'mỗi tuần 2 buổi' của giáo xứ không có nhiều 'sáng kiến', chỉ thích làm một việc 'rất tốt' là thổi lá cho đất sạch trơn, lần nào cũng vậy, dù cho đất đã nhẵn bóng...mà việc quan trọng nhấ́t thì anh ta lại quên: việc tưới cây!

Cái lạ là vườn rau vẫn xanh tốt. Cây hồng đã ra trái từ gốc tới ngọn, dây bầu cũng đã đơm hoa.

Chỉ có thể bình luận là ngài có 'green thumb' (có số trồng cây)...

Nhưng trong khi cái 'green thumb' của ngài thiếu đất dụng võ thì cái tài 'câu cá' của ngài phải nói là đã 'gặp hội long vân'. (như rồng gặp mây)

Bờ biển bao la đã đành, nhưng còn có một cái hồ lớn ẩn mình trên đỉnh núi.

Hồ nước trên đỉnh núi

Cha giám đốc rủ chúng tôi đi câu cá. Con đường lên núi quanh co. Lên càng cao cảnh núi rừng và biển cả trông càng hùng vĩ. Những khúc sâu đều có những hàng cây bạc hà trồng bên lề làm rào cản. Miền núi của đảo được cai quản bởi cơ quan 'Catalina Island Conservancy' là một tổ chức bất vụ lợi bảo vệ môi trường thiên nhiên. Muốn vào phải xin phép nhưng thể lệ dễ dàng, nghĩa là chỉ cần điền một đơn tại các quầy hàng ở bờ biển là có ngay.

Nhiều hãng du hành quảng bá dịch vụ 'đi chơi trên núi' với những động từ 'đao to búa lớn' như 'khám phá' (exploration) và 'phiêu lưu' (adventures) miền 'hoang dã ' (wild life), cha giám đốc gọi các cách rao hàng đó là 'mê hồn trận'. Mà quả thật, những dịch vụ 'phiêu lưu thám hiểm' đã vớ được khá nhiều du khách ngây thơ... Thực ra giá cả cũng rẻ thôi, khỏang 3 chục bạc một người. Thôi thì, nếu những ai không có cái may là được người địa phương dẫn đi, thì cũng nên bỏ ra vài chục, trước là làm nghĩa (giúp việc làm cho công nhân trên đảo) sau là mua vui đi tìm những con hưu con nai và bò hoang (bison) thả rong trong một khung cảnh đẹp như thiên thai.

Cái hồ chúng tôi tới không nằm trên tuyến đường cuả các hãng du lịch. Nó nằm sau một đỉnh núi trong một khu khóa kín. Ông bạn người Mễ dẫn đường của ngài làm việc trên đây nên có chìa khóa.

Và như thế, cái hồ rộng thênh thang trên đỉnh núi, có làn nước trong veo và phẳng lờ như trong bài thơ 'Thu Điếu' của Nguyễn Khuyến, là cái giang sơn yên tĩnh cho chúng tôi thảnh thơi thư dãn trọn một buổi chiều gió mát.

Hồ có cá 'rô phi' và cá bass (pecca).

Ngài dạy tôi câu cá. Thú thực cả đời tôi đã tập thả câu nhiều lần nhưng thất bại cả. Một lần duy nhất bắt được một chú cá tí hon to bằng hai ngón tay, lóng lánh quẫy đuôi ở cuối đường dây cước, nhưng khi tôi sắp với tới nó thì...nó tuột ra và biến mất trong giòng nước.

Tôi thường nghĩ mình có 'số kỵ với cá', đã cố thử 'đổi số trời' nhiều lần nhưng tới bây giờ thì đã quá muộn không còn muốn giữ ý định đó làm gì nữa. Tuy vậy, theo lời chỉ dạy của ngài, tôi đã thả câu. Và...chỉ vài phút sau, đã có một con cá vùng vẫy tung nước ở cuối đường dây cước.

Tôi hồi hộp thu sợi cước vào, chú cá giẫy mạnh hơn, bọt nước văng tung tóe, tôi có cảm tưởng sợi cước nhỏ quá, sẽ không chịu nổi sức kéo. Tôi sẽ bắt được nó không? tôi vẫn không tin ở mắt mình ngay cả khi con cá đã treo toòng teng trên ngọn cần câu ở một vị trí nằm sâu trên đất cạn.

Đó là một con cá 'rô phi' màu sắc rực rỡ to bằng bàn tay. Ngài biểu diễn cách dùng kìm gỡ nó ra để khỏi bị gai đâm và cho biết lọai cá này có nhiều xương không nên giữ lại làm gì.

"Anh sẽ còn bắt được nhiều cá khác mà, đợi có cá bass ngon thì hãy giữ lại"

Tôi cũng đã thỏa mãn khi biết rằng mình 'đổi được số trời' rồi...và đã thả chú cá 'đầu tiên trong đời' về lại hồ nước sau khi chụp một tấm hình kỷ niệm.

Tôi nói đùa, ngày xưa Chúa biến đổi các 'người bắt cá' trở thành những 'kẻ bắt người' thì ngày nay đến phiên Cha thay mặt Chuá, đổi một người bất tài như tôi trở thành một 'kẻ bắt cá'. Đây chỉ là bước đầu thôi, nhưng có vẻ là một bước đầu tốt.

Nghĩ lại, câu nói đùa đó lại hợp để mô tả công việc của ngài. Qua việc kết nạp một đội ngũ biên tập khá đông toàn cầu để tổ chức hệ thống truyền thông Công Giáo VietCatholic, ngài đã tạo ra nhiều 'người bắt cá', dùng ngòi bút để qui tụ người ta. Đó là một sự bắt đầu trong công việc mục vụ cuả Chuá.

VietCatholic

Chỉ vài thập niên trước, một tổ chức như Vietcatholic sẽ không tồn tại được. Là một tờ báo không in báo, không bán tin, không đăng quảng cáo, không nhân viên, không cơ sở.

Số 800 Beacon Street ở Avalon là địa chỉ của nhà thờ Saint Catherine of Alexandria nơi cha giám đốc cư ngụ. VietCatholic là một tổ chức bất vụ lợi dưới luật lệ Hoa Kỳ cho nên phải dùng chỗ Cha ở để đăng ký một địa chỉ.

"Nhiều cha tới chơi đòi xem cơ sở cuả VietCatholic, các ngài ngạc nhiên sao không thấy hàng chục nhân viên hoặc là một dàn máy computer vĩ đại", Cha cho biết.

Ngày nay không có cơ sở nào còn mua thiết bị (hardware, 'phần cứng') làm gì nữa, vừa tốn tiền, vừa phải lo bảo trì, và máy móc lại lỗi thời mỗi 6 tháng. Với sự phát triển cuả Internet và giải pháp 'mây phủ' (Cloud computing solution), người ta có thể hợp đồng với hãng chuyên môn để cung cấp các kho trữ liệu (storage) và máy chủ (server.)

Cho nên 'Văn phòng' chỉ là phòng đọc sách nhỏ cuả nhà xứ với 2 máy PC, một để dùng, một để phòng hờ.

Về 'nhân viên', cô thư ký 'bán thời gian' cuả giáo xứ không làm việc cho VietCatholic. Cha cho biết ngài phân biệt rõ ràng 2 công việc, chỉ dùng giờ rảnh cho VietCatholic. Do đó mà không ai (Điạ phận) có thể phê phán gì trong suốt những năm qua.

VietCatholic là một tổ chức trên Mạng, ở trong không gian ảo. Các 'nhân viên' là hằng trăm 'nhân chứng sống' tại mỗi địa phương viết bài gửi lên. Tất cả đều làm việc thiện nguyện. Giống như một ban nhạc đại hoà tấu loại "tài tử", các nghệ sĩ đến với ban nhạc khi thuân tiện để biểu diễn tài năng, và cha giám đốc là nhạc trưởng.

Tùy theo cái nhìn của mỗi cá nhân, người đọc và người viết có thể coi VietCatholic như là một diễn đàn hay là một blogsphere (bích báo ảo), là một trang văn nghệ hay một album nghệ thuật, là audio hay video.

Theo đà phát triển cuả Mạng, nó luôn được tăng cường để cung cấp những kỹ năng mới.

Cái khó là làm sao giữ vững 'trang nhà' chống lại các đánh phá ở trên Mạng. Một 'kỹ thuật gia' ở bên Úc đã thực hiện được một kỳ công là giữ cho VietCatholic đứng vững chống lại hẳng chục âm mưu xâm nhập mỗi ngày.

Một cái độc đáo nữa là phẩm chất bài vở được duy trì từ năm này qua năm nọ. Cho nên mức tín nhiệm đã đạt được tầm cỡ quốc tế. Đó là công lao cuả một nhóm 'đắc lực' ở Mỹ và ở Úc chuyên lo vấn đề biên tập.

Nhưng sự việc có nhiều người cộng tác cũng có nghĩa là có nhiều khuynh hướng. Cha cho biết đã rất tế nhị để tìm một sự cân bằng. Người này thì phóng khoáng quá, người kia thì bảo thủ quá, lại có người còn 'bảo hoàng hơn vua'.

-Con có 'bảo hoàng hơn vua' không, thưa cha? tôi hỏi ngài khi thấy ánh mắt cuả ngài dừng lại nơi tôi.

-Có đấy!

-Cha chưa gặp con bao giờ mà sao cha biết?

-'Văn là người', đọc bài là biết ngay. Vấn đề 'phá thai' và 'hội đồng giám mục' là hai vấn đề.

Rõ ràng, ngài đã bỏ thì giờ đọc bài cuả tôi và phân tích.

-Nhưng thưa cha, chính Chuá đã có lời cảnh báo rằng 'Chúng sẽ đánh chủ chăn để cho đoàn chiên tan tác'...

Tôi còn định lập luận thêm là khi quỷ vương Luciphe nổi loạn, đã có lúc thế lực cuả Sự Dữ lấn lướt đến nỗi chính Thiên Chuá phải ẩn mặt đi, thì Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã hô lên khẩu hiệu rằng 'Không ai bằng Thiên Chuá', và nhờ đó cuộc chiến trên Trời đã xoay chiều. Vậy thì, vai trò cuả những giáo dân hăng hái bảo vệ thẩm quyền cho Hội Thánh là rất đáng khuyến khích...

Nhưng ngài đã có sẵn một lời khuyên:

-Chúng ta cũng có phận sự phải nhắc nhở những điều hay lẽ phải cho các Đấng các Bậc một cách khéo léo.

Từ giã

Mọi cuộc gặp gỡ rồi cũng phải có lúc chia tay. Tối hôm trước ngài lo lắng hỏi nhiều lần giờ nào thì chúng tôi về, ngài gợi ý rằng chúng tôi nên về chuyến tầu muộn, để khỏi bị kẹt xe ở Los Angeles, và để cho các cháu nhỏ có thêm thời gian chơi các trò chơi chúng thích.

Chúng tôi quyết định đi chuyến 4g chiều. Buổi sáng cho các cháu tắm biển coi cá. Biển Catalina tháng 7 còn lạnh, cần thuê áo wetsuit, nhưng sóng êm, bãi sỏi trơn tru, nước trong vắt. Những con cá vàng mầu cam, đầy dẫy, kiếm ăn sát tận bờ. Loại cá có tên là Garibaldi là loại đặc biệt chỉ ở vùng này mới có nên được bảo vệ kỹ.

Đi bộ 10 phút từ phố Avalon đến Love Cove mà tắm có cái lợi là khỏi phải mất tiền thuê tàu đi coi cá, những tầu có đáy bằng kiếng (glass bottom) cũng chỉ bơi vòng quanh chổ chúng tôi tắm rồi lại quay về bến.

Trước khi chở chúng tôi ra bến, cha giám đốc còn muốn giới thiệu cho chúng tôi một bãi biển đắc ý cuả ngài.

Đi xa hơn một chút về phiá Nam tới ven núi, nơi không còn có các cơ sở du lịch, là một bãi vắng được dân địa phương ưa chuộng. Tại sao tôi biết là dân địa phương? bởi vì họ mang theo ghế bố và dẫn chó đi theo.

Cha chỉ cho chúng tôi những hòn sỏi. Sóng biển mài duã những mảnh đá vụn từ núi lở xuống thành những viên sỏi trơn tru. Hòn thì dẹp, hòn thì tròn, nhiều hòn đạt tới độ nhẵn nhụi gần như tuyệt hảo, đầy một bãi biển dài. Quả là một kỳ công cuả Tạo Hoá.

Các cháu ngoại cuả tôi say mê sưu tập đá cuội. Cái giỏ đựng đồ ăn cuả bà xã, mang theo nước mắm và 'gà đi bộ' để làm cơm đãi ngài, tưởng sẽ mang về trống trơn thì nay trở thành một giỏ đá nặng chĩu.

Trên đường về, chúng tôi dừng lại 'hòn' Cathedral, một cồn đá nhô ra biển có phân chim phủ trắng xoá. Nơi đây qui tụ nhiều loại chim biển như hải âu, bồ nông (pelican) và chim cốc (cormorant).

Ngài kể chuyện người Tàu dùng chim cốc săn cá, họ bắt chúng nhịn ăn, đeo một cái vòng vào cổ và thả chúng ra, những con chim gầy và đen này lao xuống nước mà bắt cá (*), nhưng chúng nuốt không trôi vì có cái vòng chẹn ở cổ, cho nên chúng phải bay về thuyền để cho anh ngư phủ moi lấy mồi.(**)

Ngài cũng kể về việc chim bồ nông đã từng là hình ảnh cuả Chuá Giêsu. Người ta đồn rằng trong khi đói kém, chim bồ nông mổ họng cho máu chảy ra để nuôi con. Vì thế các nhà thờ ngày xưa thường trang hoàng bằng những hình ảnh chim bồ nông tự cắn cổ mình.

Rõ ràng ngài rất thoải mái và sống kề cận với Thiên Chuá qua cảnh trí thiên nhiên ở trên đảo, tuy thế tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến tình cảnh cô đơn cách xa thân thuộc ở một nơi xứ lạ quê người, tôi bất giác đưa ra câu hỏi.

-Ở đây, cha có buồn không?

-Đó cũng là câu hỏi cuả tôi với cha chánh xứ cũ. Ngài trả lời.

Ngài cho biết đã hỏi như vậy khi tới đây để tìm hiểu trước khi nộp đơn xin đổi qua đảo.

Cha chánh xứ cũ nói rằng nếu buồn thì ngài đã không ở lại tới 17 năm.

Riêng về phần cha giám đốc, ngài cho biết là rất vui ở đây vì có nhiều thì giờ dành cho VietCatholic.

Tôi làm một bài tính nhẩm, tuổi về hưu cuả một linh mục là 79, vậy thì còn 12 năm nữa ngài mới hết nhiệm kỳ ở đây

Và như vậy thì tôi sẽ còn có dịp ra đảo thăm ngài một lần nữa...Cái duyên nợ với đảo Catalina vẫn còn chưa dứt...

TB: Cha Giám Đốc đã về hưu sớm và mất ngày 22 tháng 4 năm 2021.

(*) National Geographic đã thu video một bằng chứng mới vào đầu tháng 8 này, là chim cốc không chỉ tìm cá từ trên mặt nước mà thôi, chúng còn lặn sâu tới 150 ft (45m) xuống tận đáy biển và bơi là là đây đó để tìm cá. ( xin xem )

(**) Các ngư phủ hoàng gia Nhật bắt cá trên sông Nagara (tỉnh Gifu) và các ngư phủ cuả nước Macedonia ở hồ Dojran cũng dùng chim cốc để bắt cá. Đặc biệt ở bên Nhật có sự việc đốt đuốc bắt cá ban đêm, mỗi lần thả ra, một con chim cốc có thể mang về tới 6 con cá trong cổ họng.
 
Giáo xứ Thánh Phaolô Hạt Tân Sơn Nhì đi thăm các Trại Phong và Người Nghèo Dân Tộc Miền Tây Nguyên.
Giáo xứ Thánh Phaolô
21:21 16/05/2021
Hành Trình Bác Ái Phục Sinh 2021

Giáo xứ Thánh Phaolô Hạt Tân Sơn Nhì đi thăm các Trại Phong và Người Nghèo Dân Tộc Miền Tây Nguyên.

Lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô “một Hội Thánh không có bác ái thì không tồn tại”.

Xem Hình

Một trong những truyền thống tốt đẹp đã có từ rất lâu của Giáo xứ Thánh Phaolô Giáo hạt Tân Sơn Nhì – Sài Gòn, vào mỗi mùa chay Giáo xứ tổ chức quyên góp trong và ngoài Giáo xứ để đến với Anh Chị Em Bệnh Nhân Phong, người nghèo dân tộc vùng Tây Nguyên. Bình thường chương trình này được tổ chức trong mùa Chay, nhưng năm nay trong bối cảnh chung của thế giới, cũng như Việt Nam, khó khăn về mọi mặt do cơn đại dịch Corona Virus, chuyến đi được tổ chức vào mùa Phục Sinh.

Phái đoàn Giáo xứ Thánh Phaolô gồm: Cha Chánh xứ Phaolô Phạm Trung Dong làm trưởng đoàn, các Cha phó Fréderic Cao Lê Minh Vương, Giuse Trần Hải Giang, Phêrô Nguyễn Quốc Phong, quý chức trong Ban Thường Vụ Hội đồng Mục vụ, đại diện các Giáo khu, các ban ngành đoàn thể cùng đồng hành.

Đoàn khởi hành từ Thứ hai ngày 19/4/2021 và kết thúc vào 1 giờ sáng Chúa Nhật 25/4/2021. Để chuẩn bị cho chuyến đi Bác ái này, giáo dân đã đóng góp trong 2 Chúa Nhật: Chúa Nhật Lễ lá và Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Tiếp đến là việc chuẩn bị trên 2.200 phần quà, mỗi phần gồm: 10kg gạo, 1 chai dầu ăn, 1kg đường, bột nêm, 1 thùng mì gói, bánh kẹo, quần áo mới, cũ và thuốc kháng khuẩn,… giáo xứ còn gửi trên 1.200 phong bì, mỗi phong bì 200.000đ cho người nghèo dân tộc, 1.000 phong bì, mỗi phong bì 300.000đ cho các bệnh nhân phong. Sau thánh lễ 19g00 Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh 18/04/2021 rất đông anh chị em trong giáo xứ được huy động để chất đồ lên ba chiếc xe tải, mỗi chiếc tải trọng 16 tấn, ngoài ra còn 3 xe tải khác cũng chuyển đồ đi theo đoàn nhưng khởi hành vào ngày hôm sau.

Chuyến đi được bắt đầu sau khi tham dự Thánh lễ 5g00 sáng thứ hai ngày 19/04/2021. Các điểm dừng chân của đoàn trải dài từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Buôn Mê Thuột, Gia Lai, Kom Tum. Đầu tiên là các trại phong Di Linh 1 và Di Linh 2, đến các làng Gân Reo, K’Long, Đơn Dương, làng Chư Pứk, nhà thờ Mỹ Thạch cùng với các làng Tel Jỗ, Nhã, Ia Hlon, Tel Ngõ, Thyr, Mai, làng La thuộc xã Gào, làng Tang thuộc xã Ia Chía, làng Ta thuộc xã Ia O, các làng Nui, Phan, Gào, Nú, Tung, Ngó Răng, Ba, Bô Chanh, Xoncho, Đê, Mor Trang, Mot Đeng, Moi Trê, Grông, làng Plei Ngo Đak Đoa, nhà thờ Kon Thụp, Kon Chiên, làng Dông xã Pờ Tó, nhà thờ Đăk Sờ Mei, nhà thờ Ling La,...

Kết thúc chuyến đi là Thánh lễ Tạ ơn cầu bình an cho Giáo xứ, các ân nhân, cho các anh chị em phong và nghèo dân tộc tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng Đen. Thánh lễ cuối tại nhà nguyện nơi có mộ thi sỹ Hàn Mặc Tử tại thành phố Quy Nhơn; theo ý tưởng của Cha Chánh xứ: nếu khởi đầu đến với bệnh nhân phong thì khi chia tay cũng với bệnh nhân phong. Rồi đây những đôi tay, những tấm lòng, những trái tim đã, đang và sẽ tiếp tục mở rộng. Với những thành viên của đoàn mở ra để đồng cảm và chia sẻ, còn với những bệnh nhân phong và gia đình người nghèo dân tộc thì mở ra để đón nhận yêu thương. Để rồi tất cả chúng ta đều được Đấng Phục Sinh soi chiếu, được tràn ngập sức sống cùng với tình yêu và lòng thương xót của Người.

Xin tạ ơn Chúa và tri ân tất cả mọi tấm lòng đã cộng tác cách này cách khác cho chuyến Bác ái được hoàn thành tốt đẹp và gặt hái nhiều hoa trái thiêng liêng cho mỗi chúng ta. Thấm nhuần lời dạy của Đức Thánh Cha “một Hội Thánh không có bác ái thì không tồn tại”. Đây là mệnh lệnh từ khối óc đến trái tim cho cộng đoàn chúng ta để luôn biết sống đạo và thực thi Đức Ái.

Giáo xứ Thánh Phaolô – Hạt Tân Sơn Nhì – Sài Gòn.
 
VietCatholic TV
Phép lạ ngoạn mục dẫn đến lễ phong Chân Phước cho vị linh mục nói được hàng chục thứ tiếng khác nhau
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:20 16/05/2021


Một linh mục đa ngôn ngữ, và là người sáng lập Dòng Chúa Cứu Độ, đã được phong chân phước tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô ở Rôma vào thứ hôm Bảy.

Chân Phước Johan Baptist Jordan, còn được gọi Cha Phanxicô Maria Thánh Giá, đã được tuyên bố là chân phước trong một thánh lễ do Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Rôma chủ tế.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn việc phong chân phước cho Cha Phanxicô Maria Thánh giá vào mùa hè năm ngoái, sau khi công nhận một phép lạ nhờ sự chuyển cầu của ngài liên quan đến đứa con chưa chào đời của một cặp vợ chồng ở Brazil.

Cặp vợ chồng này, là những thành viên giáo dân của gia đình Salvatory, đã cầu xin sự cầu thay nguyện giúp của Cha Phanxicô Maria Thánh Giá để cho đứa con của họ được sinh ra khỏe mạnh sau khi cô bé được chẩn đoán mắc chứng skeletal dysplasia, tức là chứng loạn sản xương ở tuần thứ 23 của thai kỳ. Thai nhi mắc phải chứng loạn sản xương hầu chắc là chết vì cơ thể quá yếu ớt, không đi đứng được và rất đau đớn.

Nhiều tháng sau, bé gái chào đời hoàn toàn khỏe mạnh vào ngày 8 tháng 9 năm 2014, đúng ngày kỷ niệm cái chết của Cha Phanxicô Maria Thánh Giá. Năm nay 6 tuổi, cô bé đã tham dự thánh lễ phong chân phước cùng với gia đình ở Rôma.

Chân Phước Phanxicô Maria Thánh Giá sinh ra trong một gia đình nghèo ở một ngôi làng ở Đức vào năm 1848. Cha của ngài qua đời khi ngài mới 15 tuổi, và mặc dù ngài cảm thấy được kêu gọi làm linh mục từ khi còn nhỏ, ngài đã bị buộc phải làm việc trong một thời gian như một người lao động rày đây mai đó và một thợ sơn để nuôi gia đình.

Khi đi vòng quanh nước Đức để làm việc, ngài đã chứng kiến những ảnh hưởng của trào lưu bài Công Giáo Kulturkampf, do chính phủ Vương quốc Phổ tiến hành nhằm chống lại Giáo Hội Công Giáo. Điều này thúc đẩy ngài bắt đầu ơn gọi linh mục của mình.

Mặc dù phải vật lộn với các môn khoa học, ngài đã nhanh chóng thể hiện năng khiếu ngoại ngữ, thậm chí ngài đã trình bày một bài luận văn cho kỳ thi tốt nghiệp của mình bằng tám ngôn ngữ Âu Châu và một bài luận khác bằng bốn ngôn ngữ khác.

Ngài được thụ phong linh mục cho Tổng giáo phận Freiburg vào năm 1878 và ngay sau đó được vị giám mục bản quyền gửi đến Rome để học tiếng Syria, tiếng Armenia, tiếng Coptic, tiếng Ả Rập, tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp.

Tại Rôma, ngài bắt đầu cảm thấy có lời kêu gọi khởi động một phong trào tông đồ hợp nhất các linh mục và giáo dân. Khi đến thăm Thánh địa và Liban vào năm 1880, lời kêu gọi đó càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Trở lại Rôma, Cha Phanxicô Maria Thánh Giá thành lập Tu Hội Giảng dạy Công Giáo. Sau đó, Nam tước Maria Therese von Wüllenweber gia nhập hội với tư cách là thành viên nữ đầu tiên của hội, cùng với hai người phụ nữ khác bà đã khấn trọn trong Tu Hội. Bà được phong chân phước vào năm 1968.

Tu Hội Giảng dạy Công Giáo tiếp tục lan rộng khắp Âu Châu, và sau đó đến vùng Assam ở Ấn Độ.

Năm 1893, Cha Phanxicô Maria Thánh Giá đã đặt tên cho các cộng đồng tôn giáo của mình là Dòng Chúa Cứu Độ và Dòng Các Chị Em Của Chúa Cứu Độ, thường được gọi là Salvatory.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Cha Phanxicô Maria Thánh Giá đã chuyển việc điều hành hai dòng này từ Rôma đến Tafers, Thụy Sĩ, nơi ngài qua đời vào ngày 8 tháng 9 năm 1918, ở tuổi 70.

Ngày nay, Gia đình Salvatory có 3,100 thành viên tại 45 quốc gia trên sáu lục địa. Nhiệm vụ của gia đình là làm cho Chúa Giêsu được biết đến và được yêu mến bằng mọi cách và mọi phương tiện.

Trong bài giảng tại thánh lễ phong chân phước cho linh mục ngày 15 tháng 5, Đức Hồng Y De Donatis đã nêu bật ba nét đặc biệt trong cuộc sống của Chân phước Phanxicô Thánh giá:

Trước tiên là việc chăm chỉ suy niệm Kinh thánh. Chính qua sự học hỏi và suy niệm lời Chúa của Cha Phanxicô Thánh giá, mà ơn gọi tông đồ của cha đã nảy sinh, và cũng từ Kinh thánh, cha kín múc những nội dung cho việc huấn luyện tôn giáo.

Nét thứ hai là sự hăng say của Cha Phanxicô Thánh giá trong việc loan báo Tin mừng cứu độ: Loan báo và cứu độ là hai động từ xuất hiện rất nhiều trong các bút tích của cha. Cha luôn mang trong tâm hồn những người không đi trên con đường Tin mừng cứu độ vì thiếu huấn luyện về tôn giáo. Việc loan báo Tin mừng ngày qua ngày trở thành đối tượng chính trong cuộc sống và sứ vụ của Cha Phanxicô Thánh giá.

Thứ ba là “sự hiệp thông tông đồ, sự hiệp nhất mà chúng ta được kêu gọi làm chứng trong cuộc sống. Cha Phanxicô Thánh giá hoàn toàn hiểu sức mạnh loan báo Tin mừng của sự hiệp thông tông đồ, sự hòa hợp giữa những người loan báo Tin mừng cứu độ. Cha đã thành lập Dòng Chúa Cứu Độ với mục đích công bố Chúa Kitô như Đấng Mạc Khải về Thiên Chúa chân thực duy nhất cứu độ. Trong mục đích đó, cha đã muốn liên kết các linh mục, những người thánh hiến nam nữ và giáo dân.

“Cộng đoàn giáo phận của chúng ta ở Rôma này, từ thời các Thánh Tông Đồ đã là cái nôi của nhiều nhân vật thánh thiện, hôm nay một lần nữa được hân hoan vui mừng, bởi vì một ngôi sao mới đã đến đây để thắp sáng bầu trời và thêm vào hàng ngũ các Chân Phước”

“Cha Phanxicô Maria Thánh Giá có thể được coi là một người con đầy đủ của Giáo hội Rôma, nơi ngài đã trải qua những năm tu học của mình; tại đây ngài đã nhận được như một món quà từ Chúa Thánh Linh, đặc sủng sáng lập đã thôi thúc ngài thành lập Tu Hội Giảng dạy Công Giáo ban đầu vào ngày 8 tháng 12 năm 1881, tại Piazza Farnese. Và tại đây, tại Via della Conciliazione, hài cốt của ngài đã được an táng”.

Đức Hồng Y De Donatis nói thêm: “Hôm nay, nơi tất cả bắt đầu, tại thành phố của Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, nơi nỗ lực của ngài đã đạt được những bước đầu tiên, ngài đã được phong chân phước. Giáo hội công nhận rằng Ngài đã được biến đổi trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô và hiện đang sống giữa những người được chúc phúc. Cha Phanxicô Thánh giá sống trong Chúa Kitô!”
Source:Catholic News Agency
 
Các chứng nhân Giáo lý viên qua các thời đại trên thế giới. Bộ phim về cuộc đời của một linh mục
Giáo Hội Năm Châu
15:51 16/05/2021
 
Thảm trạng kinh hoàng ở Ấn Độ. Tòa Thánh nghiên cứu vạ tuyệt thông cho những ai dính líu đến Mafia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:16 16/05/2021


1. Đức Thánh Cha âu lo về tình trạng căng thẳng Palestine và Do Thái

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Với mối quan tâm đặc biệt, tôi đang theo dõi các sự kiện đang xảy ra ở Giêrusalem. Tôi cầu nguyện rằng Thánh Địa có thể là một nơi gặp gỡ và không xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực, một nơi cầu nguyện và hòa bình. Tôi mời mọi người tìm kiếm các giải pháp được tán đồng ngõ hầu bản sắc đa tôn giáo và đa văn hóa của Thành phố Thánh được tôn trọng và tình anh em được đề cao. Bạo lực sinh ra bạo lực. Những cuộc đụng độ đã quá đủ.

Tình trạng căng thẳng vẫn tiếp tục dâng cao trong những ngày qua.

Video từ một nhân chứng, mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, cho thấy các vệt màu trắng của hệ thống phòng thủ bằng hoả tiễn của Israel cắt ngang bầu trời, để đánh chặn tên lửa của Palestine bắn từ Dải Gaza hôm thứ Hai.

Các chiến binh Hồi giáo đã bắn một loạt tên lửa về phía Giêrusalem và miền nam Israel, vào những nơi mà nhóm Hamas của Palestine cho là nhằm trừng phạt các cuộc đối đầu bạo lực giữa cảnh sát Israel và người biểu tình Palestine.

Tại Gaza, Bộ Y tế cho biết ít nhất 20 người, trong đó có 9 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào lãnh thổ Palestine.

Một số người bị thương đã được đưa đến một bệnh viện ở phía bắc Gaza, nơi một đứa trẻ khóc thét trong đau đớn và một người phụ nữ mất chồng hét lên khi đưa thi thể anh ra khỏi bệnh viện.

Quân đội Israel cho biết họ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các nhóm vũ trang, các bệ phóng tên lửa và các chốt quân sự ở Gaza sau khi các chiến binh ở đó vượt qua điều mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi là “ranh giới đỏ” bằng cách bắn vào khu vực Giêrusalem lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến năm 2014.

“Các tổ chức khủng bố đã vượt qua lằn ranh đỏ vào Ngày Giêrusalem và tấn công chúng tôi, ở ngoại ô Giêrusalem. Israel sẽ đáp trả rất mạnh mẽ. “

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Hai kêu gọi tất cả các bên thực hiện các bước để giảm căng thẳng.

“Không cần phải nói rằng chúng tôi đang tập trung chú ý vào tình hình ở Israel, Bờ Tây, và Gaza. Rất lo ngại về các cuộc tấn công bằng tên lửa mà chúng ta đang thấy hiện nay, cần phải ngăn chặn, cần phải dừng lại ngay lập tức”.

Căng thẳng đã gia tăng trong nhiều tuần ở Giêrusalem.

Các nhóm Do Thái đang cố gắng đuổi các cư dân Palestine khỏi một khu phố ở phía đông thành phố.

Khi Israel kỷ niệm “Ngày quốc tế Giêrusalem” vào hôm thứ Hai với các cuộc tuần hành đánh dấu việc chiếm được các khu vực phía đông của thánh địa trong cuộc chiến giữa Ả Rập và Israel vào năm 1967, bạo lực đã nổ ra tại nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của thế giới Hồi giáo.

Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết hơn 300 người Palestine đã bị thương trong các cuộc đụng độ khi cảnh sát bắn đạn cao su, lựu đạn gây choáng và hơi cay.
Source:Reuters

2. Các trường hợp COVID ở Ấn Độ vẫn tiếp tục ở mức rất cao

Các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong do coronavirus ở Ấn Độ vẫn tiếp tục ở mức rất cao. Điều này làm gia tăng lời kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phải đóng cửa ngay đất nước đông dân thứ hai thế giới.

Từ đầu tuần đến nay, trung bình có 366,161 ca nhiễm bệnh mới trong 24 giờ, và 3,754 trường hợp tử vong, nâng con số nhiễm bệnh của Ấn Độ lên 22.66 triệu người với 246,116 trường hợp tử vong. Các bệnh viện hết oxy và giường bệnh, trong khi nhà xác và nhà hỏa táng tràn ngập các tử thi tạo thành một cảnh hết sức kinh hoàng. Các lò hỏa táng được thiết lập ngay tại các công viên. Mùi khét của các tử thi hoả táng bao trùm các khu phố ở New Delhi.

Các chuyên gia cho biết số liệu thực tế của Ấn Độ có thể cao hơn nhiều so với báo cáo.

Nhiều bang đã áp dụng lệnh khóa cửa nghiêm ngặt từ tháng trước trong khi những bang khác đã hạn chế việc di chuyển và đóng cửa các rạp chiếu phim, nhà hàng, quán rượu và trung tâm mua sắm.

Tuy nhiên, áp lực đang đè nặng lên Modi đòi ông ta phải tuyên bố đóng cửa trên toàn quốc như những gì ông đã làm trong đợt lây nhiễm đầu tiên vào năm ngoái.

Ông ta đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì cho phép tụ tập đông người tại một lễ hội tôn giáo và tổ chức các cuộc biểu tình bầu cử lớn trong suốt hai tháng qua ngay cả khi các trường hợp nhiễm bệnh đang gia tăng.

Bộ trưởng Y tế Delhi cho biết thành phố sắp hết vắc-xin. Tính đến hôm thứ Hai, quốc gia sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới đã tiêm chủng cho hơn 34.8 triệu người, tương đương khoảng 2.5%.
Source:Reuters

3. Vatican thành lập nhóm làm việc về “vạ tuyệt thông mafia”

Nhằm tôn vinh ông Rosario Angelo Livatino, thẩm phán được phong chân phước đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, người đã can đảm thi hành nghề nghiệp như là một sứ vụ của người giáo dân, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã thành lập một Nhóm làm việc về “vạ tuyệt thông mafia”.

Mục đích hoạt động của nhóm là đào sâu chủ đề mafia, cộng tác với các Giám mục trên thế giới, thúc đẩy và hỗ trợ các sáng kiến. Thông báo về việc thành lập nhóm được đưa ra vào Chúa nhật 09 tháng 5 năm 2021, có liên quan đến việc phong chân phước cho thẩm phán chống mafia, Rosario Angelo Livatino.

Cũng vào Chúa nhật 9 tháng 5 năm 2021, tại buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến vị thẩm phán này và ca ngợi ông là “vị tử đạo của công lý và đức tin”, một chứng nhân của Tin Mừng “đã chết một cách anh hùng”. Ngài mời gọi mỗi người, đặc biệt là các thẩm phán theo mẫu gương của chân phước, bằng cách trở thành “những người bảo vệ trung thành cho tính hợp pháp và tự do”.

Nhóm làm việc gồm tám người, tất cả đều đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống mafia, như Đức Cha Michele Pennisi, Giám mục Sicilia, ông Giuseppe Pignatone, Chủ tịch tòa án Quốc gia thành Vatican, ông Ioan Alexandru Pop, thành viên của Hội đồng Tòa thánh về các văn bản luật.

Ông Vittorio V. Alberti, điều phối viên của nhóm làm việc cho biết, sáng kiến này là một bước tiến trong sự dấn thân về vấn đề mafia của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, đã được khai sinh cách đây bốn năm. Thực tế, vào năm 2018, Ðức Hồng Y Peter Turkson đã lập một mạng lưới toàn cầu chống tham nhũng, tội phạm có tổ chức và mafia. Vì vậy, nhóm làm việc này sẽ tiếp tục công việc đã được khởi xướng.

Ông Vittorio giải thích thêm: “Mục đích của chúng tôi là nhằm nâng cao nhận thức về chủ đề này và tạo dựng một tâm thức phản đối nghiêm túc. Khía cạnh văn hóa, huấn giáo và giáo luật sẽ là trọng tâm của những suy tư cho quá trình làm việc. Ðây là một vấn đề dứt khoát trong việc loại bỏ mọi thỏa hiệp có thể có của Công Giáo đối với mafia. Ðiều căn bản là sự khẳng định một lần cho mãi mãi, đó là không thể thuộc về mafia và đồng thời là một phần của Giáo hội. Sau đó, chúng tôi muốn xây dựng một sự chăm sóc mục vụ mới, một con đường văn hóa trước hết liên quan đến các nạn nhân, làm việc với các tù nhân, bằng cách đồng hành với họ trên con đường hy vọng”.

Tiếp nối lập trường của các vị tiền nhiệm, Ðức Thánh Cha Phanxicô cương quyết lên án hoạt động của mafia. Gần đây nhất vào năm 2016, trong bài giảng Thánh lễ tại Giáo phận Cassano, một vùng bị mafia hoành hành, ngài đã tuyên bố “những kẻ mafia, họ không ở trong tình hiệp thông với Thiên Chúa: họ bị tuyệt thông”.
Source:Vatican News

4. Vụ xả súng trong trường học tại Nga gây ngỡ ngàng

Những công dân Nga trẻ tuổi, bao gồm 7 trẻ em, đã thiệt mạng hôm thứ Ba 11 tháng 5 và nhiều người khác bị thương nặng sau khi một tay súng thiếu niên đơn độc nổ súng tại một trường học ở thành phố Kazan của Nga. Chính quyền địa phương cho biết như trên, trong khi Điện Kremlin kêu gọi kiểm soát súng chặt chẽ hơn nữa.

Hai đứa trẻ có thể được nhìn thấy nhảy từ tầng ba của ngôi trường bốn tầng để trốn thoát khi tiếng súng vang lên, trong một đoạn video do một người xem quay được cung cấp cho hãng thông tấn RIA của Nga.

Tatar Inform, một phương tiện truyền thông địa phương, dẫn lời một giáo viên cho biết:

“Chúng tôi nghe thấy tiếng nổ vào đầu giờ học thứ hai. Tất cả giáo viên đều nhốt trẻ trong lớp. Vụ nổ súng xảy ra ở tầng ba”.

Rustam Minnikhanov, người đứng đầu khu vực Tatarstan rộng lớn, gọi vụ tấn công là một thảm kịch đối với đất nước, và cho biết thêm không có bằng chứng cho thấy bất kỳ ai khác có liên quan.

“Chúng ta đã mất bảy đứa trẻ - bốn trai và ba gái. Chúng ta cũng mất một giáo viên. Và chúng ta mất thêm một nhân viên nữ”, ông nói trong một diễn văn truyền hình.

“Kẻ khủng bố đã bị bắt. Anh ta 19 tuổi, người đã được đăng ký chính thức là chủ sở hữu súng”. Ông cho biết các nạn nhân đang học lớp tám, mà ở Nga thường là khoảng 14 hoặc 15 tuổi.

Ủy ban Điều tra của Nga, cơ quan điều tra các tội phạm lớn, trong một tuyên bố cho biết họ đã mở một vụ án hình sự về vụ xả súng và danh tính của kẻ tấn công bị giam giữ đã được xác định.

Đoạn phim được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một nam thanh niên bị cảnh sát đè xuống đất bên ngoài trường học.

Đài truyền hình nhà nước sau đó đã phát một đoạn video khác cho thấy nghi phạm là một thanh niên bị lột quần áo đến thắt lưng và bị khống chế, đang được các nhà điều tra thẩm vấn.

Vụ việc là vụ xả súng trường học chết người nhất ở Nga kể từ năm 2018 khi một sinh viên tại một trường cao đẳng ở Crimea sáp nhập vào Nga đã giết chết 20 người trước khi tự sát.

Minnikhanov, lãnh đạo khu vực, cho biết 18 trẻ em đã phải nhập viện với một loạt vết thương, bao gồm vết thương do đạn bắn và gãy xương. Ông nói, ba người lớn với vết thương do đạn bắn cũng đang nằm trong bệnh viện và cho biết các bác sĩ đang làm tất cả những gì có thể để cứu sống những người bị thương.

Nga có những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền sở hữu súng dân dụng, nhưng một số loại súng có thể mua cho mục đích săn bắn, tự vệ hoặc thể thao, một khi chủ sở hữu vượt qua các bài kiểm tra và đáp ứng các yêu cầu khác.

Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho người đứng đầu lực lượng vệ binh quốc gia đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về súng.

Nghi phạm chỉ mới được cấp giấy phép sử dụng súng ngắn vào ngày 28 tháng 4.

Kazan là thủ phủ của vùng Tatarstan cách Mạc Tư Khoa 725 km về phía Đông, nơi người Hồi Giáo chiếm đa số.
Source:Reuters