Ngày 15-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Yêu ở trong và mong đẹp lòng nhau
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:05 15/05/2020

Phúc Âm tuần này Chúa Giêsu khẳng định mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha, giữa Ngài với chúng ta: “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” Những lời của Chúa như là những định luật của tình yêu: Yêu muốn ở gần nhau, yêu muốn làm đẹp lòng nhau.

1. Yêu muốn ở gần nhau. Yêu nhau người ta luôn muốn ở gần nhau. Chính tình yêu đã khiến cho hai người nam nữ xa lạ kết duyên nên vợ chồng để ở với nhau, chung sống với nhau trọn cả cuộc đời như lời thơ:

Tình chúng mình kết duyên thành nên một
Suốt cả đời mình mãi ở trong nhau.


Thiên Chúa yêu thương con người nên đã sai Con Một của Ngài xuống thế làm người, ở cùng nhân loại. Khi Người Con ấy hoàn thành sứ mạng cứu độ và trở về với Chúa Cha, thì Ngài không để các môn đệ mồ côi, Ngài lại xin Chúa Cha ban Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ tới ở cùng nhân loại. Chúa là tình yêu nên Chúa không đành ở mãi trên trời cao xa, mà Ngài đến ở giữa nhân loại, ở ngay trong lòng dạ mỗi người.

2. Yêu muốn làm đẹp lòng nhau. Sống ở gần nhau mà không yêu nhau thì dễ sinh đủ thứ chuyện rắc rối lôi thôi. Còn khi đã yêu nhau thì người ta luôn muốn tìm mọi cách làm đẹp lòng nhau. Một trong những cách làm đẹp lòng nhau tốt nhất là vâng lời như câu ca dao:

Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.


Con cái vâng lời cha mẹ, học trò vâng lời thầy cô, bề dưới vâng lời bề trên, vợ chồng nghe lời nhau, công dân tuân giữ luật pháp, mọi người vâng lời, tuân giữ các điều răn của Chúa. Chính Mẹ Maria là mẫu gương làm đẹp lòng Chúa khi cất tiếng “xin vâng.”

Tạ ơn Chúa luôn yêu thương bao bọc để chúng ta được an vui hạnh phúc. Xin cho mỗi chúng ta cũng chứng tỏ tình yêu Chúa bằng việc tuân giữ các điều răn của Ngài. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:00 15/05/2020

24. Nếu yêu Đức Chúa Giê-su thì nên đồng hóa với Ngài trên Thánh Giá, và tôi cũng sẽ ở trên Thánh Giá.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:08 15/05/2020
20. KHOE BẠN QUÝ

Giáp và Ất hai người cùng đi đường, Giáp ngước mặtt nhìn thấy phía trước phóng nhanh lại một chiếc xe ngựa rất đẹp của người phú quý, bèn nói với Ất:

- “Ngay cả yếu nhân ngồi trên xe ấy cũng là bạn tớ, nhìn thấy tớ thì nhất định phải xuống xe, tớ nên tránh họ một tí.”

Không ngờ vừa khi Giáp mới núp sau cửa lớn của nhà người phú quý ấy, thì gặp ông ta vừa đi vào nhà và phát hiện ra anh ta, kinh ngạc nói:

- “Ban ngày ban mặt mà thằng ăn cướp này ở đâu đi vào nhà thế này, lại còn dám núp trong nhà của ta nữa chứ?”

Nói xong ra lệnh cho gia nhân đánh Giáp một trận và đuổi đi.

Ất hỏi:

- “Anh vừa nói ông nhà giàu ấy là bạn của anh, tại sao lại bị nó đánh đập nhục nhã như thế?”

Giáp trả lời:

- “Hắn và tôi thường đùa với nhau như thế.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 20:

Người luôn giữ sĩ diện thì bị mất sĩ diện, bởi vì họ quá chú trọng đến từng chi tiết mà một người bình thường không để ý. Bạn bè thì nhận là bạn bè, thân quen thì nói là thân quen, bạn học thì nói là bạn học, có gì đâu mà phải giấu giếm đến nỗi phải nói láo...

Thời nay có người vì thể diện mà phải nói láo với mọi người:

- Có người nói không quen biết thằng bạn nối khối khi học tiểu học trường làng, vì mình bây giờ đã giàu có rồi, họ đã nói láo.

- Có người chối thẳng thừng là chưa hề thấy mặt con mẹ ấy bao giờ, mà con mẹ ấy là người bà con của mình rách rưới đang ở quê nhà, họ nói láo là để giữ thể diện...ba cọc ba đồng.

- Có người tuyên bố với đám đông rằng mình chưa hề biết cái “ông cha” ấy, mà “ông cha” ấy là thằng em bà con nghèo khổ của mình năm xưa ở quê nhà, bởi vì ngài bây giờ quá giỏi hơn mình, họ đã nói láo vì sĩ diện..

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thì mỗi một con người đều có một sứ mệnh thiêng liêng liên đới với nhau, do đó chúng ta đừng chê bai ai nhưng cần lắm những lời khen ngợi chân thành và khuyến khích, bởi vì có khi vì sĩ diện mà chúng ta chê người này và khen người nọ, mà chê và khen vì cái sĩ diện...ba cọc ba đồng thì không có giá trị trước mặt mọi người.

Hãy sĩ diện vì mình là người con của Thiên Chúa để mà sống tốt lành hơn với nhau trong cuộc đời này...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Câu Trả Lời Cho Niềm Hy Vọng
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:40 15/05/2020
Chúa Nhật VI PS A

Thánh Phêrô nhắn nhủ tín hữu ở các xứ: Pontô, Galat, Capadokia, Axia và Bithynia và với chúng ta, những người được Thiên Chúa tuyển chọn là: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”(1P 3,15). Có thể nói động thái hy vọng là khao khát, là mong chờ điều tốt đẹp nào đó với niềm tin rằng sẽ đạt được. Niềm hy vọng của Kitô hữu chúng ta mà thánh Tông Đồ Cả nói ở đây chính là được hưởng phúc lành vĩnh cửu mà Thiên Chúa hứa ban. Và để đạt phúc lành này thì ngài khuyên bảo phải hiệp nhất nên một với nhau, biết cảm thông, yêu thương nhau như anh chị em, đừng lấy ác báo ác nhưng ăn ở nhân hậu (x.1P 3,8-9). Để thực hiện điều này thánh nhân nhấn mạnh: “hãy tôn Đức Kitô, là Đấng Thánh, làm Chúa ngự trị trong lòng chúng ta”.

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.”(Ga 14,15). Điều răn mà Chúa Kitô truyền dạy đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 13,34). Mẹ Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh Việt Nam căn cứ vào cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Cứu Thế đã cụ thể hóa giới luật tình yêu qua kinh “Mười bốn mối thương người” mà Kitô hữu chúng ta dường như thuộc nằm lòng, nhờ thường đọc trong các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng.

Một sự thật mà chúng ta cần chân nhận, đó là không ít người con cái Chúa vô tình hay vì lý do nào đó mà lãng quên lời căn dặn, đúng hơn là lời khẳng định của Chúa Kitô: “phải làm điều này mà không được bỏ điều kia”(x.Lc 11,42); đừng “gạn lọc con muỗi mà nuốt chửng cả con lạc đà” (x.Mt 23,23-24), khi họ chỉ thực hiện một vài mối thương người mà thôi hoặc né tránh không thực thi một vài mối thương người này kia.

Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng từ tín hữu giáo dân đến hàng mục tử một cách nào đó xem ra đã thực thi những nghĩa cử như “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt, chôn xác kẻ chết và có thể thêm việc “cho khách đỗ nhà”. Tuy nhiên việc thăm viếng “kẻ tù rạc” và “chuộc kẻ làm tôi” thì hình như đang bị thiếu sót cách này cách khác. Phải chăng nếu không phải là người thân thích thì chúng ta vốn ngại dây dưa với những người đang trong vòng lao lý, cả những người thực sự có tội và cả những người bị kết án cách oan sai, bất công? Ngày nay không còn chế độ nô lệ như ngày xưa, nhưng tình trạng bị ràng buộc, bị kìm giữ cách bất công vẫn nhan nhãn trước mắt chúng ta. Trên thế giới và ngay trên đất nước chúng ta vẫn còn đó tình trạng rất nhiều người không được sử dụng các quyền căn bản của họ xét như là con người (nhân quyền). Đây cũng là một hình thức nô lệ không hơn không kém.

Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng Kitô hữu chúng ta xem ra ít tắc trách trong việc “lấy lời lành mà khuyên người, an ủi kẻ âu lo, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ làm mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết”. Thế nhưng việc “mở dạy kẻ mê muội và răn bảo kẻ có tội” thì dường như còn bị hạn chế về cả đối tượng lẫn phạm vi cần điều chỉnh hay sửa sai. Chúng ta, nhất là những vị mục tử vẫn chu toàn việc răn bảo kẻ có tội và mở dạy kẻ mê muội, nhưng thường là mở dạy hay răn bảo những người đồng đạo, những người dưới quyền và cũng thường trong những lãnh vực đạo đức mang luân lý cá nhân hay trong việc tuân giữ các luật buộc như “giữ Lễ Ngày Chúa Nhật, lãnh nhận các bí tích, kiêng việc xác, ăn chay…”. Cần thú nhận rằng những lỗi lầm mang tính công bằng xã hội hoặc những lệch lạc, sai lầm mang tính hệ thống, nhất là khi người lỗi phạm đang nắm quyền cao, vị lớn trong xã hội và cả trong giáo hội thì chúng ta có vẻ như đang xao lãng bổn phận “mở dạy và răn bảo”.

“Phải làm điều này mà không được bỏ qua điều kia”. Xin lặp lại lời của Chúa Kitô để cùng thức tỉnh nhau ra khỏi tình trạng “gạn lọc con muỗi mà nuốt chửng cả con lạc đà”. Yêu thương cách có chọn lọc, cách có tính toán thì không thực sự là yêu thương, và chắc chắn không “như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta”. Yêu thương một cách có tính toán và chọn lọc như thế thì rất có thể có được sự bình an do thế gian ban tặng và dĩ nhiên cần khẳng định rằng đó không phải là sự bình an mà Chúa Kitô trao ban (x.Ga 15,27).

Xin Thần Khí sự thật đổ đầy tâm hồn Kitô hữu chúng ta để chúng ta biết thế nào là yêu mến Chúa Kitô, thế nào là tôn Đức Kitô làm Chúa ngự trị trong lòng chúng ta, thế nào là làm chứng về niềm hy vọng của chúng ta. Có thể không trọn vẹn và chắc chắn không thể đủ đầy, tuy nhiên điều chúng ta phải cần làm cho xứng với danh môn đệ Chúa Kitô, đó là kiên trì nhẫn nại trong hiền hòa và bao dung thực thi cả “Mười bốn mối thương người”, không xao lãng hay loại bỏ bất cứ mối thương người nào. Đây là câu trả lời có tính thuyết phục nhất cho niềm hy vọng của chúng ta trước bà con lương dân và anh chị em khác đạo và trước cả những người tự nhận là vô thần.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Yêu trong chân lý
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
22:44 15/05/2020

Chúa Nhật VI PHỤC SINH

Trong bối cảnh phụng vụ cuối của mùa Phục sinh, chúng ta đang chuẩn bị mừng lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, rồi lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chính vì thế, hôm nay Tin Mừng vừa có nội dung cho biết Chúa Giêsu giã từ, vừa là lời hứa Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.

Chúng ta đặc biệt quan tâm lời hứa của Chúa Giêsu: "Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Người ở với các con luôn mãi. Người là Thánh Thần Chân Lý mà thế gian không thể biết".

"Thánh Thần Chân Lý". Có lần một nhà văn phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Anh ta đề nghị: "Nếu phải tóm tắt toàn bộ Tin Mừng của Chúa Giêsu trong một câu, thì Đức Giáo Hoàng sẽ chọn câu nào?". Đức Thánh Cha trả lời ngay: "Sự thật giải thoát các con" (Ga 8, 32).

Câu trả lời ấy làm nhiều người bất ngờ. Bởi thông thường người tín hữu hay nói đến tình yêu, nói về tình yêu. Trong đầu dường như có sẵn mặc định: nói về Thánh Kinh, nói về Thiên Chúa là nói về tình yêu. Mặc định như thế không sợ sai lầm. Vì quả thật, Thiên Chúa là tình yêu, là chính nguồn tình yêu và ban phát tình yêu.

Dó đó, nếu đem câu hỏi của người phỏng vấn Đức Giáo Hoàng mà hỏi từng người trên đời, chắc anh ta sẽ nghe lặp đi lặp lại lời này: "Các con hãy yêu nhau như Thầy yêu các con" (Ga 5, 12).

Chúng ta thường rất ít, nếu không muốn nói là bỏ qua việc nói đến chân lý, nói về sự thật.

Nhưng nếu có tình yêu mà không có sự thật thì tình yêu ấy nguy hiểm vì dễ sai lầm, dễ dẫn đến nát tan, đổ vỡ.

Thử nhìn lại kinh nghiệm gia đình. Chẳng hạn, cha mẹ thương con, nhưng thương theo cảm tính, nó đòi cái gì được cái ấy, thương không muốn con buồn mà chỉ muốn con vui bất chấp niềm vui ấy có được phép không. Họ nghĩ, yêu con là cho con được thỏa mãn, được thích thú, được vừa ý, được chiều chuộng.

Tình yêu ấy dễ dẫn con mình đến lối sống sai lầm, một lối sống chỉ biết đòi hỏi, chỉ biết làm chủ mà không hy sinh, không suy nghĩ hay đong đo: người yêu và kẻ được yêu như thế có lợi gì, mất mát gì. Yêu và được yêu như thế có nền tảng giáo dục hay không, có phương hại đến tư cách, nhân cách hay không...

Nhiều bạn trẻ được nuông chiều kiểu ấy, kết cuộc là ma túy, nhà tù, bụi đời, băng hoại đạo đức, gánh nặng của xã hội. Đó là tình yêu không trong chân lý, yêu dại dột. Một lối yêu có nguy cơ quay lại sát hại người mình yêu.

Vì thế, Chúa Giêsu vừa mạc khải Chúa Thánh Thần là tình yêu, nhưng cũng vừa mạc khải Chúa Thánh Thần là Thánh Thần chân lý.

Thiên Chúa không yêu con người theo kiểu sai lầm vừa nói. Tình yêu của Chúa đưa từng người đến sự sống, đến nguồn mạch sự sống là chính Chúa.

Chúa không thể yêu mà không có chân lý, không ban chân lý. Chúa không thể yêu, để rồi đẩy mỗi người đến hư mất. Chúa không thể yêu để rồi nhìn thụ tạo muốn làm gì thì làm mà không có luật, không có giáo lý hướng dẫn.

Chính lời của Chúa trong Kinh Thánh, nhất là trong Tin Mừng, là luật, là định chế, là giáo lý giúp ta sống trọn tình yêu của Chúa, sống trọn sự thật mà tình yêu ấy mang lại.

Chúa Thánh Thần soi sáng để mỗi bước đi trong đời, ta mạnh dạn sống và thực thi lời Thiên Chúa. Người giúp ta không chệch ra ngoài tình yêu và chân lý của Thiên Chúa. Người làm cho ta đi đến đích của tình yêu là chính Thiên chúa. Đó cũng chính là chân lý vĩnh cửu mà với ơn và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, ta sẽ đạt tới.

Hãy cố gắng cộng tác với Chúa Thánh Thần, Nguồn Tình Yêu và Chân lý bằng nỗ lực từng ngày sống chính Lời của Chúa Giêsu, sống trọn lề luật và giáo lý mà Hội Thánh dựa trên lời ấy trao cho ta.

Hãy cầu nguyện luôn luôn để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần cách bền bỉ. Hãy xin ơn Chúa Thánh Thần dẫn dắt, để ta luôn đi trong ánh sáng của Người và không bao giờ lệch xa tình yêu và chân lý tối thượng ấy.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta 15/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các gia đình nhân ngày Quốc Tế Gia Đình
Đặng Tự Do
01:35 15/05/2020
Lúc 7 sáng thứ Sáu 15 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, diễn ra trong bối cảnh ngày Quốc Tế Gia Đình của Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha cầu nguyện cách riêng cho các gia đình.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay là Ngày Quốc Tế Gia đình: chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình, để Thánh Linh của Chúa có thể lớn lên trong các gia đình, và được thể hiện ra trong tinh thần yêu thương, tôn trọng và tự do.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một trích từ Sách Tông đồ Công vụ (Cv 15: 22-31), trong đó Phaolô và Banaba được gửi đến những dân ngoại vừa cải đạo tại thành Antiôkia, là những người đang đau khổ trước những bài diễn văn của một số người không được ủy quyền nhưng đang cố buộc thêm cho họ các gánh nặng.

Bài Ðọc I: Cv 15, 22-31

“Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên buộc thêm cho anh em gánh nặng nào khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, các Tông đồ, kỳ lão cùng toàn thể Hội Thánh, chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thư viết như sau: “Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Ðức Giêsu, Chúa chúng tôi. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó, là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an”.

Các ngài giã từ và đi xuống Antiôkia, triệu tập dân chúng lại và trao cho họ bức thư. Ðọc thư xong, họ vui mừng vì được an ủi.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trong Giáo hội thời kỳ đầu có những lúc thanh bình, có những lúc bị bắt bớ và cũng có những lúc xáo trộn. Những Kitô hữu nguyên là người ngoại giáo rất vui mừng vì đức tin vào Chúa Giêsu, nhưng họ đã bị sốc bởi những bài phát biểu của các môn đệ người Do Thái, là những người tuyên bố rằng để trở thành Kitô hữu, trước tiên người ta phải trở thành người Do Thái và ủng hộ luận điểm này với các lý lẽ mục vụ, thần học và đạo đức. Họ cứng nhắc.

Chúa Giêsu đã phải đương đầu với sự cứng nhắc của các thầy thông luật. Chúa nói:

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.”

Chúa Giêsu đã mắng những thầy thông luật vì họ là những người ý thức hệ, họ đã giản lược đạo lý thành một thứ ý thức hệ, họ muốn có một tôn giáo liệt kê ra các yêu cầu bắt buộc phải tuân giữ, và họ đã lấy đi sự tự do của Thánh Linh, và biến những người theo họ thành những người cứng nhắc, không biết đến niềm vui của Tin Mừng.

Những thầy thông luật này đã thao túng lương tâm của các tín hữu và khiến họ trở nên cứng nhắc. Sự cứng nhắc không xuất phát từ Thánh Thần Chúa, bởi vì nó đặt vấn đề đối với sự nhưng không của ơn Cứu Chuộc.

Trong lịch sử của Giáo hội, đó là một vấn đề đã lặp đi lặp lại nhiều lần, ngay cả trong thời đại chúng ta. Chúng ta đã thấy một số tổ chức hoạt động tốt nhưng các thành viên đều cứng nhắc và sau đó chúng ta đã biết về những bại hoại bên trong, và cả những đồi bại của những người sáng lập.

Sự cứng nhắc ngăn chúng ta tận hưởng sự tự do đến từ sự công chính hóa. Chúng ta chỉ có thể tận hưởng ân sủng của tự do khi chúng ta không cứng nhắc.

“Sự công chính hóa là ân sủng nhưng không. Cái chết của Chúa Giêsu là nhưng không, anh chị em không phải trả tiền. Điều đó là nhưng không!”

Các môn đệ đã giải quyết vấn đề cứng nhắc này bằng cách viết thư cho những người cải đạo ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Các ngài nói: “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó, là anh em làm phải.”

Những điều này là đạo lý thông thường. Những điều ấy đã giúp những người cải đạo mới không nhầm lẫn Kitô giáo với ngoại giáo. Khi những Kitô hữu bị làm phiền nhận được bức thư này, họ rất vui mừng với sự khích lệ mà các môn đệ đã dành cho họ. Sự hỗn loạn của họ được chuyển sang niềm vui.

Tinh thần tự do trong truyền giáo luôn mang lại niềm vui. Đây là những gì Chúa Giêsu đã mang lại với sự phục sinh của Người. Hoàn toàn không cứng nhắc và nhưng không. Các môn đệ đã trải nghiệm niềm vui này với Chúa Giêsu khi Người nói với họ: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15:15).

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

“Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tinh thần cứng nhắc, là điều cướp đi tự do của chúng ta.”


Source:Vatican News
 
Các nhà thờ sẽ mở cửa trở lại ở Trung Quốc đại lục không?
Trung Tín
09:05 15/05/2020
Các nhà thờ sẽ mở cửa trở lại ở Trung Quốc đại lục không?

Bây giờ người ta chấp nhận một thực tế rằng không ai trên trái đất có thể dự đoán được sự kết thúc của đại dịch Covid-19. Nhưng tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và thủ phủ Vũ Hán, nơi câu chuyện coronavirus được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái, đã gỡ bỏ phong tỏa vào ngày 8 tháng 4 với tuyên bố đã kiểm soát được virus.

Nhưng cuối tuần trước các nhà chức trách đã báo cáo sáu trường hợp Covid-19 mới trong cụm nhiễm mới ở Vũ Hán, nơi đã báo cáo không có trường hợp mới nào trong 35 ngày liên tiếp. Các trường hợp mới đã khiến các nhà chức trách đưa ra kế hoạch kiểm tra tất cả 11 triệu cư dân của thành phố trong quyết tâm chống lại virus.

Bây giờ thật hợp lý khi đặt một câu hỏi đơn giản: Thực sự có lây nhiễm ở Vũ Hán không hay chính quyền đang cố gắng giữ bí mật? Như trong nhiều trường hợp khác ở Trung Quốc, không một công dân bình thường nào biết được sự thật.

Báo cáo địa phương cho thấy đại dịch tiếp tục lan rộng ở một số vùng trong nước. Ở các tỉnh phía đông bắc Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang, các báo cáo nói các ca nhiễm bệnh gia tăng. Cát Lâm thậm chí đã áp đặt phong tỏa thành phố của mình.

Trung Quốc bắt đầu dỡ bỏ việc phong tỏa ở Hồ Bắc vào ngày 25 tháng 3 và đã mở cửa thành phố Vũ Hán vào ngày 8 tháng 4. Nhưng các nhà chức trách đã không mở chợ hải sản Hoa Nam, nơi bị nghi ngờ đã làm lây lan virus trên toàn thế giới.

Trung Quốc cuối cùng đã mở các điểm du lịch quốc gia, khiến hàng ngàn người đổ xô đến những nơi này. Ví dụ, trong năm ngày đầu tháng Năm, các điểm du lịch trong nước đã nhận được 115 triệu người, theo dữ liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch.

Khi các trường hợp dương tính được báo cáo giảm đáng kể, chính phủ đã lên lịch tổ chức Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Toàn Quốc và Đại hội Nhân dân Toàn Quốc vào ngày 21 và 22. Các hội nghị này đã bị hoãn lại trong hai tháng. Chính quyền cũng đang dần dần mở lại trường học. Nhưng sự hồi sinh của các trường hợp nhiễm bệnh ở Vũ Hán đã khiến các quan chức lo lắng.

Một nhân viên chăm sóc sức khỏe đã từng nói với tôi rằng ngay cả khi chính phủ tuyên bố ngăn chặn được đại dịch và gỡ bỏ mọi hạn chế, ông ta sẽ không tin bởi vì ông ta biết rằng “các trường hợp không còn dương tính” không phải là sự thật. Chính quyền thậm chí không có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm, ông nói.

Chính phủ vội vã dỡ bỏ phong tỏa vì lý do kinh tế. Việc phong tỏa dẫn đến việc đóng cửa các cửa hàng, nhà máy và văn phòng. Dữ liệu chính thức cho thấy tính đến ngày 11 tháng 5, ít nhất 274 doanh nghiệp bất động sản trên toàn quốc đã đưa ra thông báo phá sản.

Nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh về đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu các sản phẩm địa phương. Nhưng với sự bùng nổ của dịch bệnh, các quốc gia trên toàn cầu lần lượt đóng cửa biên giới của họ. Việc đó dẫn đến sự sụp đổ thương mại và xuất khẩu nước ngoài của Trung Quốc.

Người quản lý của một công ty sản phẩm điện tử cho biết họ từng xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ. Nhưng sau khi Ấn Độ phong tỏa biên giới vào tháng 1, công ty của ông hiện không thể vận chuyển sản phẩm cho nước láng giềng của Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố đã lảm phẳng đường cong biểu đồ coronavirus và giảm số lượng người nhiễm bệnh và mở lại các doanh nghiệp. Bây giờ nhiều người nghi ngờ không biết Trung Quốc có giữ được các trường hợp không còn dương tính như họ đã tuyên bố vào tháng Tư không. Tuyên bố đó có phải là một mánh khóe để dỡ bỏ phong tỏa và khôi phục nền kinh tế hay không?

Nếu thực sự đất nước không có trường hợp Covid-19 dương tính nào trong hơn một tháng, tại sao họ không cho phép các địa điểm tôn giáo mở cửa và hoạt động? Nếu họ có thể mở chợ và tất cả các điểm tham quan du lịch và nhà máy, điều gì ngăn họ mở nhà thờ?

Giáo phận Đài Bắc và Giáo phận Macau được phép nối lại Thánh lễ sau khi chính phủ của họ tuyên bố không còn trường hợp nhiễm bệnh. Chính phủ ở Trung Quốc đang chờ đợi điều gì?

Quyết định tiếp tục đóng cửa nhà thờ nên được coi là một phần của cuộc đàn áp đối với các Kitô hữu. Hãy nhớ rằng, khi chính phủ tuyên bố đã khống chế được virus, các quan chức bắt đầu gỡ bỏ các cây thánh giá và phá hủy các nhà thờ.

Những người ủng hộ chính phủ lan truyền một lý do khác. Họ nói rằng các nhà thờ không được phép mở cửa vào thời điểm này bởi vì các nhà chức trách quan tâm đến sức khỏe của các Kitô hữu tập trung bên trong nhà thờ của mình. Nhưng họ không có câu trả lời cho việc chính quyền cho phép hàng ngàn người tụ tập tại các điểm du lịch.

Bây giờ dịch bệnh đã quay trở lại ở Vũ Hán, nó có thể trở thành cái cớ để các nhà chức trách đóng cửa các nhà thờ.

Khi có đại dịch như Covid-19, các địa điểm tôn giáo phải bị cấm. Và các nhà thờ cũng nên bị cấm khi có sự sợ hãi về sự lây nhiễm bùng phát trở lại. Vậy khi nào thì nhà thờ mới có thể mở cửa trở lại ở Trung Quốc?

https://www.ucanews.com/news/will-churches-reopen-in-mainland-china/88031
 
Trung Quốc đã thực sự trở nên giàu có và mạnh mẽ chưa?
Trung Tín
09:10 15/05/2020
Trung Quốc đã thực sự trở nên giàu có và mạnh mẽ chưa?

Trước những gương xấu của chủ nhân, người dân Trung Quốc đã đánh mất những đức tính truyền thống của họ

Một đại dịch mang chiều kích cánh chung tiếp tục gây ra sự mất mát khôn lường về sinh mạng và các nguồn lực kinh tế. Chúng ta chưa thấy sự kết thúc của đại dịch đó, nhưng chúng ta có thể và phải nắm bắt một số sự thật rõ ràng và phân tích mối quan hệ nhân quả của chúng. Chỉ khi làm như vậy, chúng ta mới có thể chuẩn bị cho việc xây dựng lại xã hội và đem lại sự bảo vệ mới cho tương lai nhân loại.

Thực tế là: một đại dịch bắt đầu ở Trung Quốc và nó lan nhanh trên toàn thế giới.

Phân tích: phải có một cái gì đó liên hệ tới toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là một thực tế, và việc di chuyển tăng lên của một số lượng khổng lồ những con người đã giải thích sự lây lan nhanh chóng của đại dịch, một phần nào đó. Nhưng tiến bộ hiện đại trong truyền thông lẽ ra đã có thể đưa ra một sự báo động kịp thời và kềm hãm sự lây lan đó. Rõ ràng là có gì đó đã sai lầm.

Chúng ta hãy nhớ rằng toàn cầu hóa là một hiện tượng hai mặt: nó có thể tốt, nó có thể xấu, nó phụ thuộc vào cách chúng ta quản lý nó.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã từng phân biệt một sự “toàn cầu hóa đoàn kết” với một sự “toàn cầu hóa gạt sang bên lề”. Một cái được điều hành bởi những người quan tâm đến lợi ích thực sự của tất cả mọi người, cái kia được điều khiển bởi lợi ích ích kỷ của các cá nhân và các nhóm.

Đó cũng là cơ hội để ghi nhớ những gì đã được Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI nói: Tiến bộ thực sự là khi mọi người cùng tiến bộ và toàn bộ con người tiến bộ. Với những tiền đề đó, chúng ta hãy đi kiểm tra thực tế hiện nay, đặc biệt thực tế có liên quan đến Trung Quốc.

Nhiều người hoan nghênh sự xuất hiện của toàn cầu hóa: với việc thế giới trở thành một “ngôi làng”, một “gia đình lớn”, một sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn, những người giàu và mạnh có thể giúp đỡ người nghèo và người yếu. Nhưng, than ôi, kết quả thực tế rất đáng thất vọng. Tại sao tất cả những cuộc biểu tình thường là đẫm máu được tổ chức tại các địa điểm các cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới? Câu trả lời là: người nghèo của các nước nghèo không cảm thấy họ nhận được sự giúp đỡ nào từ nền kinh tế toàn cầu hóa này của thế giới.

Những người đang vận hành toàn cầu hóa kinh tế là những người giàu và mạnh của thế giới: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, v.v... Họ có ý giúp đỡ các nước nghèo, nhưng rất thường khi họ kết thúc bằng cách giúp đỡ chính phủ của các nước nghèo, những người giàu và mạnh ở những nước đó, chứ không phải những người dân nghèo, vì những người dân nghèo của các nước nghèo chưa được mời tham gia tích cực vào quá trình này.

Các nhà quản lý toàn cầu hóa lập kế hoạch cho nền kinh tế thế giới nhưng hiếm khi xét đến hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của địa phương. Chính quyền địa phương và các nhà điều hành khác, giàu có và quyền lực, có lẽ quan tâm nhiều hơn đến việc đưa tiền vào túi riêng của họ hơn là giúp đỡ những người dân nghèo của đất nước họ.

Trung Quốc bước vào thế giới

Tại thời điểm khi tất cả những điều này đang trở nên rõ ràng, Trung Quốc bước vào sân khấu thế giới, xưa là một quốc gia nghèo bây giờ giàu có và mạnh mẽ, là hình mẫu và lãnh đạo của các quốc gia châu Á và châu Phi. Trung Quốc mang đến cho họ niềm hy vọng về một xã hội ngay chính hơn, công bằng hơn, thịnh vượng hơn.

Có nhiều điều để thảo luận về một nhận thức như vậy. Trung Quốc đã thực sự trở nên giàu có và mạnh mẽ chưa? Chúng ta phải phân biệt giữa người dân và quốc gia. Trung Quốc trở nên giàu có và mạnh mẽ bởi vì người dân của họ chăm chỉ và học hỏi nhanh. Là quốc gia đông dân nhất, Trung Quốc trở thành nhà cung cấp lao động khổng lồ trên thế giới, có khả năng sản xuất khổng lồ và mang tiền vào kho bạc của quốc gia.

Nhưng còn người dân thì sao? Trong một chế độ toàn trị, người dân đóng góp vào sự giàu có của quốc gia, nhưng họ không có được sự chia sẻ công bằng về sự thịnh vượng của nó. Ở Trung Quốc, người dân là nô lệ dưới Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nô lệ không được phép có nhân phẩm xa xỉ. Dưới sự thống trị và trước gương xấu của chủ nhân, người dân Trung Quốc đã mất đi những đức tính truyền thống. Trong một thế giới đấu tranh để sinh tồn, họ tìm cách nói dối và bạo lực, giống như chủ nhân của họ. Trung Quốc trở thành mối đe dọa cho thế giới.

Thế giới hẳn đã có cơ hội nhận thức được tất cả những điều này, nhưng họ có thể chưa bao giờ nghe nói về nhiệm vụ “đầu tư đạo đức” và “tiêu dùng đạo đức” cho đến khi họ nhận ra rằng họ là đồng phạm trong việc nuôi dưỡng một con quái vật nguy hiểm.

Đặng Tiểu Bình, người khởi xướng chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc, đã từng nói rằng để quốc gia trở nên giàu có, bạn phải cho phép ai đó làm giàu trước. Nhưng ai có thể là những người đầu tiên trở nên giàu có và trong bao lâu? Rõ ràng là những người nắm quyền lực, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, và một khi họ trở nên giàu có, họ sẽ mạnh hơn và họ có thể duy trì như vậy mãi mãi.

Bây giờ, để ĐCSTQ chuyển từ việc là những nhà tư bản bóc lột đồng hương của họ sang trở thành những tên đế quốc bóc lột các quốc gia khác, chỉ còn một bước nữa.

Theo dự án “ Một Vành đai, Một Con đường” (Con đường Tơ lụa hiện đại), Tập Cận Bình tự giới thiệu mình với nhiều quốc gia châu Á và châu Phi như một vị cứu tinh, là người có thể giải thoát họ khỏi cảnh nghèo đói mà những tên thực dân đã để lại.

“Chúng tôi cho bạn mượn tiền, đặc biệt là để xây dựng cơ sở hạ tầng, là nền tảng của tiến bộ”. (Những người cộng sản “cho vay tiền”, họ không bao giờ làm “quà”).

“Chúng tôi cung cấp cho bạn kiến thức chuyên môn và chúng tôi cử người lao động đi làm việc” (Rõ ràng là bạn phải trả tiền cho tất cả những điều này. Điều đó có nghĩa là tiền đã vay quay trở lại Trung Quốc).

Khi họ không thể trả lại tiền, họ được yêu cầu thanh toán bằng các quyền lợi và các ưu tiên độc quyền, hoặc thậm chí bằng việc nhượng bộ lãnh thổ và các cảng (trong 99 năm). Những tên thực dân mới tồi tệ hơn những tên thực dân cũ!

Một đại dịch bùng nổ, một thảm họa thế giới. Đó là một sự thức tỉnh cho mọi người. Đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn nghiêm túc về hành trình trong lịch sử của nhân loại chúng ta. Chúng ta có thể tự hào về tiến bộ khoa học của mình, tự hào về nhiều cơ hội tiêu thụ nhiều hơn không? Bỗng nhiên chúng ta mất tất cả và thấy mình bất lực.

Bây giờ chúng ta nhận ra tầm quan trọng của sự thật, của quyền được thông tin của chúng ta và quyền tự do ngôn luận. Tiếp xúc gần hơn với cái chết, chúng ta được khuyến khích theo đuổi các giá trị nhân bàn và Tin Mừng với quyết tâm cao hơn.

Chúng ta phát hiện ra rằng những anh hùng thực sự không phải là những người chúng ta từng ngưỡng mộ trên màn hình mà là những người hy sinh chính mình để phục vụ những người bệnh, những người chăm sóc để giữ cho môi trường của chúng ta sạch sẽ và có lợi cho sức khỏe.

Cuối cùng, chúng ta đánh giá cao đức tin của chúng ta dạy chúng ta rằng chúng ta là con cái của Chúa, là anh chị em trong gia đình nhân loại. Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa vì bài học rút ra từ đại dịch này.

Bài viết này lần đầu tiên xuất hiện trên blog của Đức Hồng Y Giuse Trần, giám mục đã nghỉ hưu của Hương Cảng. Đây là phiên bản được biên tập của Đức Hồng Y cho một hội nghị bằng video thảo luận về “Toàn cầu hóa Hậu Đại dịch: Vai trò của Trung Quốc và Hoa Kỳ - Phân tích và Hành động”.

https://www.ucanews.com/news/has-china-really-become-rich-and-strong/88018
 
Quân đội Ý giúp các nhà thờ khử trùng chuẩn bị cho việc mở lại các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự
Đặng Tự Do
10:28 15/05/2020

Được sự yêu cầu của Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Giáo Phận Rôma, và bà Virginia Raggi, thị trưởng Rôma, quân đội Ý đang giúp các nhà thờ khử trùng chuẩn bị cho việc mở lại các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự vào ngày 18 tháng Năm tới đây.

Công việc khử trùng đã bắt đầu từ nhà thờ thánh Gioan Don Bosco, ở quận Tuscolano, như những hình ảnh quý vị và anh chị em có thể thấy trong đoạn video này.

Tổng cộng sẽ có 337 nhà thờ Công Giáo trong giáo phận Rôma được khử trùng trong vài ngày tới đây. Cung thánh, tiền đình nhà thờ, các lối đi và đặc biệt là tất cả các hàng ghế là những nơi có nguy cơ bị ô nhiễm nhất được phun thuốc để bảo đảm an toàn tối đa cho tín hữu.

Quân đội Ý đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống coronavirus tại quốc gia này, từ việc tham gia vào lực lượng các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch, khử trùng đường xá và các nơi công cộng, cho đến việc an táng những người thiệt mạng.


Source:RaiNews

 
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc toan tính đánh cắp các nghiên cứu coronavirus quan trọng của Mỹ.
Đặng Tự Do
10:29 15/05/2020

Các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo rằng các tin tặc từ Trung Quốc đã cố gắng đánh cắp các nghiên cứu coronavirus quan trọng. Cáo buộc của Hoa Kỳ được đưa ra sau khi FBI bắt giữ nhà khoa học Mỹ gốc Trung Hoa là Simon Ngang Thiệu Thái (鋸丁昂) của Đại Học Arkansas.

Trong đợt leo thang căng thẳng mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc về đại dịch, FBI và Cơ quan An Ninh Cơ Sở Hạ Tầng An Ninh Mạng cho biết họ đang điều tra việc tấn công nhằm đánh cắp và làm đình trệ công việc của các nhóm nghiên cứu tại Hoa Kỳ.

Họ cũng cảnh báo các nỗ lực của điện tặc Trung Quốc nhằm gây gián đoạn hoạt động của các bệnh viện đang điều trị các bệnh nhân nhiễm coronavirus.

Trong cuộc họp báo sáng thứ Sáu 15 tháng Năm, Trung Quốc đã gọi các cáo buộc của Hoa Kỳ cho rằng tin tặc được Bắc Kinh hậu thuẫn đang cố gắng đánh cắp các tài liệu nghiên cứu và vắc-xin liên quan đến COVID-19 là một sự vu khống trắng trợn, và nói rằng, việc bôi nhọ các quốc gia khác sẽ không làm cho virus chết người này biến mất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian- 赵丽坚) cũng phản bác Tiến sĩ Robert O’Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, là người đã cáo buộc rằng năm bệnh dịch kinh khủng nhất thế giới đã xuất phát từ Trung Quốc trong 20 năm qua. Kiên cho rằng các quan chức Mỹ đang cố đổ lỗi cho Bắc Kinh để che đậy việc đối phó sai lầm và quờ quạng đối với đại dịch coronavirus ở quê nhà.

Đây cũng là lần thứ hai trong hai ngày liên tiếp, Kiên nhắc đi nhắc lại cái gọi là “sách trắng” của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong đó có 15 điều quan trọng như Trung Quốc cũng chỉ là nạn nhân của COVID-19 như các nước khác; quân đội Hoa Kỳ là thủ phạm gây ra đại dịch; Trung Quốc là quốc gia được Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, công nhận là hàng đầu thế giới trong việc chống đại dịch coronavirus kinh hoàng này; và thế giới phải biết ơn Trung Quốc.


Source:Coronavirus News
 
Thượng viện Hoa Kỳ kêu gọi tổng thống Donald Trump tịch thu tài sản kẻ bách hại tôn giáo
Đặng Tự Do
10:30 15/05/2020

Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn một dự luật hôm thứ Năm kêu gọi chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải cứng rắn hơn đối với bọn cầm quyền Bắc Kinh sau khi có các tin tức cho thấy lợi dụng tình hình thế giới đang tập trung chống lại đại dịch coronavirus kinh hoàng xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đã gia tăng những hành động đàn áp tự do tôn giáo.

Theo báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hàng triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đối với Kitô Giáo, song song với chiến dịch triệt hạ Thánh Giá, chúng ra lệnh phải gỡ xuống hay đục bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng các lời dạy của “Bác Tập”.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đã bị giam giữ trong các trại thuộc khu vực Tân Cương của Trung Quốc trong những năm gần đây. Trung Quốc phủ nhận việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và nói rằng các trại này cung cấp việc đào tạo nghề nghiệp.

Ngay sau lệnh dỡ bỏ cô lập tại Vũ Hán, chiến dịch loại bỏ thánh giá vừa được tái tục tại Hoa Lục. Các quan chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Công Giáo Yêu Nước đang yêu sách các nhà thờ phải treo ảnh Tập Cận Bình trang trọng hơn ảnh Chúa và Đức Mẹ nếu muốn được mở cửa trở lại.

Khi virus lần đầu tiên xuất hiện, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bóp nghẹt tin tức này. Thay vì bảo vệ công chúng và hỗ trợ cho các bác sĩ, đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt những người tố giác phải im lặng. Tệ hơn nữa, khi các bác sĩ đã cố gắng báo động - như bác sĩ Lý Văn Lương (Li Wenliang - 李文亮) tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, là người đã đưa ra một cảnh báo cho các đồng nghiệp y khoa vào ngày 30 Tháng Mười Hai - cảnh sát đã ra lệnh cho họ phải “ngưng ngay không được đưa ra những lời bình luận sai trái”. Bác sĩ Lương, một bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi, đã bị răn đe là ông sẽ bị điều tra vì tội “loan truyền tin đồn” và cảnh sát buộc ông phải ký một lời thú nhận. Sau đó, ông đã chết vì nhiễm coronavirus.

Các nhà báo công dân trẻ, những người đã cố gắng báo cáo về virus sau đó cũng bị biến mất. Lý Trạch Hoa (Li Zehua - 李泽华), Trần Thu Thực (Chen Qiushi - 陈秋实) và Phương Bân (Fang Bin-方斌) nằm trong số những người được báo cáo là đã bị bắt chỉ vì nói sự thật. Học giả pháp lý Từ Chí Dũng (Xu Zhiyong - 徐志勇) cũng đã bị giam giữ sau khi xuất bản một bức thư ngỏ chỉ trích phản ứng của chế độ Trung Quốc.

Một khi sự thật được biết đến, đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ chối lời đề nghị giúp đỡ ban đầu. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã bị Bắc Kinh lờ đi trong hơn một tháng trời và ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù tổ chức này hợp tác chặt chẽ với chế độ Trung Quốc, ban đầu tổ chức ấy đã bị gạt sang một bên.

Trên hết, có mối quan ngại sâu sắc rằng các số liệu thống kê chính thức của nhà cầm quyền Trung Quốc đã cố ý che dấu rất đáng kể quy mô lây nhiễm tại Trung Quốc.

Trong cố gắng che đậy sự thật, đảng Cộng sản Trung Quốc hiện cáo buộc quân đội Hoa Kỳ gây ra đại dịch. Những lời dối trá và tuyên truyền này đã khiến hàng trăm triệu người trên thế giới gặp phải nguy hiểm. Bọn cầm quyền Trung Quốc đi xa đến mức tô vẽ bọn cầm quyền nước này như các đấng cứu nhân độ thế, và đặc biệt Tập Cận Bình là đấng cứu tinh của thế giới. Chính vì thế, ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ trong các nhà thờ phải bị gỡ xuống hay treo vào những chỗ ít trang trọng hơn vì Tập Cận Bình mới là đấng cứu tinh thật sự của nhân loại.

Dự luật lưỡng đảng, do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio giới thiệu, kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại những người chịu trách nhiệm đàn áp tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Dự luật đặc biệt kêu gọi việc tích thu tài sản trên đất Mỹ của Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo - 陈全国), ủy viên Bộ Chính Trị ban Thường Vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, là người chịu trách nhiệm việc hoạch định các chính sách bách hại tôn giáo tại quốc gia này.

Dự luật đã được thông qua tại Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số, bằng sự nhất trí, không có phiếu bầu. Các biện pháp nêu trong dự luật được gởi đến Hạ viện nơi Đảng Dân chủ chiếm đa số để thông qua.

Động thái của Thượng viện diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh về đại dịch COVID-19 toàn cầu, mà Washington đã đổ lỗi cho sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về sự bùng phát ban đầu ở đó.


Source:Reuters
 
Cảnh sát Israel bắt giữ 320 tín hữu Do Thái Giáo vi phạm lệnh cách ly
Đặng Tự Do
10:31 15/05/2020

Trong một diễn biến đang gây căng thẳng trong xã hội Do Thái, cảnh sát Israel đã bắt giữ 320 người tại một lễ hội lửa trại của người Do Thái kỷ niệm một nhà thần bí cổ đại, sau khi các tín hữu Do Thái Giáo nổi loạn vì những hạn chế trong lệnh cách ly khiến họ không thể tiếp cận ngôi mộ của ông. Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Israel cho biết như trên hôm thứ Tư.

Mặc dù nhiều giáo sĩ hàng đầu của Do Thái Giáo ủng hộ lệnh cách ly của Israel đối với các cuộc tụ họp công cộng để đề phòng sự lây nhiễm, một số người Do Thái chính thống cực đoan đã không tuân thủ trong các nghi thức tôn giáo.

Trọng tâm của lễ hội Lag Ba-Omer hàng năm, diễn ra vào tối thứ Ba 12 tháng Năm, là ngôi mộ ở miền bắc Israel của Shimon Bar Yochai, nhà huyền bí sống vào thế kỷ thứ 2. Lễ hội thường thu hút hàng ngàn tín hữu Do Thái trong những buổi cầu nguyện thâu đêm, nhảy múa và ca hát quanh đống lửa.

Cảnh sát cho biết, lần này hàng chục người đã cố gắng vào ngôi mộ, và như thế là vi phạm các hạn chế của lệnh cách ly. Khi cảnh sát ra tay bắt những người vào trong ngôi mộ, hàng trăm người khác ở bên ngoài đã xô xát và ném các vật thể vào các cảnh sát, dẫn đến việc bắt giữ hàng loạt.


Source:Reuters
 
Dâng hiến Úc Châu cho Mẹ Phù hộ các giáo hữu
Thanh Quảng sdb
19:26 15/05/2020
Dâng hiến Úc Châu cho Mẹ Phù hộ các giáo hữu

Các Giám mục Úc đang họp trực tuyến Công đồng Toàn thể Úc Châu sẽ kết thúc vào tuần tới bằng việc tận hiến nước Úc cho Đức Mẹ Phù hộ các Kitô hữu vào đúng ngày 24/5 là lễ kính Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu trong bối cảnh của cơn đại dịch Covid-19.

Ngay từ những ngày lập quốc vào năm 1844, tước hiệu Đức Mẹ Phù hộ các Kitô hữu đã được chọn làm Đấng bảo trợ chính thức của châu lục Úc Châu này.

Các giám mục Úc lưu ý rằng dù châu lục này không phải hứng chịu một hậu quả tàn khốc của cơn đại dịch như một số quốc gia khác, tuy thế chính quyền và đặc biệt các cơ quan Y tế và mọi người cũng bị ảnh hưởng sâu rộng của cơn đại dịch này cách trầm trọng; vì vậy hành vi thánh hiến châu lục cho Mẹ giữ gìn là điều nên làm.

Các Giám mục cũng kêu gọi các tín hữu hãy kiên nhẫn với những quyết định của chính quyền về các bước mở rộng dành cho dân chúng và dành cho Giáo hội trong việc phụng tự.
 
Tin vui: Các nhà thờ Úc được mở cửa lại
Vũ Văn An
20:31 15/05/2020
Tiếp theo hướng dẫn tổng quát của chính phủ Liên Bang, các tiểu bang ở Úc đã lần lượt cho phép các nơi thờ phượng nói chung được mở cửa lại, dù vẫn với những giới hạn ngặt nghèo mà Cha Sở giáo xứ Regina Coeli của tôi vẫn coi như cũ. Dù sao, ở Tiểu Bang New South Wales, trong đó có Sydney, cửa các nhà thờ đã được chính thức mở lại từ ngày 15 tháng 5, để đón tiếp nhiều nhất 10 người thờ phượng một lúc.



Tin ấy đủ để tờ Catholic Weekly đặt tiểu tít: Hân hoan khi các nhà thờ mở cửa cho việc cầu nguyện và các bí tích. Theo tờ này, sáng ngày 15 tháng 5, Cha sở Nhà thờ Chính tòa St Mary đã mở cửa nghinh đón 10 giáo dân tới dự Thánh Lễ lúc 7 giờ. Trước đó, ngài nói với giới truyền thông tụ tập ở bên ngoài Nhà Thờ rằng giây phút này quả là “một điều thực sự đặc biệt” đối với người Công Giáo.

Vì đã gần 8 tuần lễ nay, mọi nơi thờ phượng đều bị đóng cửa từ ngày 23 tháng 3 theo yêu cầu của các viên chức chính phủ vì đại dịch hoàn cầu.

Đức Cha Anthony Fisher, Dòng Đaminh, Tổng Giám Mục Sydney, cũng hoan nghinh giai đoạn 1 của việc nới lỏng các hạn chế tại Tiểu bang New South Wales. Ngài nói rằng nó sẽ là “một nhẹ nhõm lớn lao” đối với người Công Giáo, nay có thể viếng thăm và cầu nguyện trong các nhà thờ của họ trở lại.

Ngài nói với tờ Catholic Weekly: “Có được các nhà thờ của chúng ta mở cửa lại là một điều chủ yếu và dù vẫn còn nhiều giới hạn về số người có thể tụ tập, nó sẽ là một nhẹ nhõm lớn lao cho người Công Giáo nay có thể viếng thăm và cầu nguyện trong các nhà thờ của họ trở lại. Chúng ta cũng hy vọng chẳng bao lâu sau chúng ta có thể cử hành các Thánh Lễ với những cộng đoàn lớn hơn”.

Trong khi đó, tại Úc đã có một trang mạng để tín hữu toàn quốc đăng ký tham dự thánh lễ tại các giáo xứ của họ, tại địa chỉ massregister.com.au. Sở dĩ có việc này vì theo khuôn khổ 3 bước của chính phủ Liên Bang trong việc nới lỏng các hạn chế, công bố ngày 8 tháng 5, các chi tiết để liên lạc của mọi người tham dự Thánh Lễ cần được ghi chép.

Trang mạng trên viết rằng: “Qua việc đăng ký các chi tiết để liên lạc của bạn và giáo xứ bạn thường lui tới, bạn giúp giữ cho bạn và đồng giáo dân của bạn được an toàn và sẽ làm dễ dàng hơn việc thông báo cho bạn biết liệu bạn có tiếp xúc với với một ai đó đã thử là dương tính đối với Covid-19 hay không”.



Phó thác cho Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu

Vì tình huống vẫn chưa hoàn toàn sáng sủa như mong muốn, các Giám Mục Úc đã chính thức thông báo vào ngày lễ kính Quan Thầy của nước Úc, tức ngày Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, vào cuối tuần sau, 24/25 tháng 5, nước Úc sẽ được trao vào bàn tay Từ Mẫu của Ngài.

Trong một thông điệp tựa là “A word of encouragement to the Catholic people of Australia” (Một lời khuyến khích với người Công Giáo Úc Châu), các Giám Mục nhận định rằng đất nước “chắc chắn chịu đau khổ vì đại dịch, nhưng không nghiêm trọng bằng một số quốc gia khác. Vì thế, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa và ca ngợi các giới chức y tế công cộng và các chính phủ về các đáp ứng nhnh chóng và khôn ngoan của họ”.

Các ngài viết thêm “Người Úc nói chung cũng đã tỏ tình liên đới và cảm thức tốt, lòng quảng đại và từ nhân cần thiết trong một thời gian như thế. Nơi các nhân viên chăm sóc y tế của chúng ta, chúng ta đặc biệt nhìn thấy tinh thần hy sinh phi thường, và chúng ta biết ơn điều đó”.

Các Giám Mục cũng nhìn nhận vai trò của các nhà thờ và các cộng đồng tu sĩ khác trước biến cố đình chỉ việc thờ phượng công cộng và đóng cửa các nơi thờ phượng. “Đây là một tước đoạt thực sự, và các Giám Mục hiểu không những sự lo âu của anh chị em về virus và việc bị đóng cửa mà đặc biệt hơn còn là ước mong sâu xa của anh chị em được trở lại với các bí tích và tái tục việc thờ phượng công cộng. Có một đói khát thực sự trong việc này. Đây là điều tất cả chúng ta đều cảm thấy, và chúng ta mong tới ngày cơn đói khát của chúng ta sẽ được thỏa mãn khi cùng nhau được trở lại bàn tiệc của Chúa”.

Lời kinh trong dịp phó thác nước Úc cho Đức Mẹ

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm, Đấng Phù Hộ các Giáo hữu, Nữ Vương Thiên Đàng và dưới thế, và là Mẹ hiền của nhân loại, vào lúc đại dịch đang đe dọa mọi con cái của Mẹ, chúng con trao phó cho Mẹ tổ quốc Úc của chúng con và mọi người sống tại đất nước này.

Chúng con phó thác để Mẹ bầu cử mọi thành viên của cộng đồng chúng con, bắt đầu với những người yếu đuối, từ em bé chưa sinh tới người bệnh, người khuyết tật và người cao niên.

Chúng con phó thác cho Mẹ các gia đình, các người trẻ và các người già của chúng con, và tất cả những người dễ bị tổn thương, những người đang bị kiểm dịch hay lo lắng.

Chúng con phó thác cho trái tim vô nhiễm Mẹ những người đã mất kế sinh nhai hay việc làm, các mục tử của chúng con và các nhân viên phục vụ chủ yếu khác, và các nhà lãrnh đạo của chúng con vào lúc này.

Chúng con khẩn nài Mẹ cầu bầu đặc biệt cho việc che chở các bác sĩ và y tá và những người đang phục vụ người bệnh lây nhiễm trong cuộc khủng hoảng lần này,

Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin Mẹ thống trị chúng con và dạy dỗ chúng con biết cách làm cho Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trị và chiến thắng nơi chúng con và chung quanh chúng con, như đã ngự trị và chiến thắng trong Mẹ!
 
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đề nghị gọi Thánh Gioan Phaolô II là The Great
Đặng Tự Do
23:56 15/05/2020
Trong một bức thư gởi cho Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nhân sinh nhật thứ 100 của vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan, sẽ được mừng vào ngày thứ Hai 18 tháng Năm, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã đưa ra đề nghị gọi vị Thánh Giáo Hoàng là “The Great”. Như thế, nói theo tiếng Việt, ta sẽ gọi ngài là Thánh Gioan Phaolô II Cả, như ta gọi Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, và Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả.

Sau khi phân tích các thành công của hai vị Giáo Hoàng Cả, Đức Bênêđíctô 16 viết:

“Trong cuộc thảo luận về hình dạng tương lai của Châu Âu và nước Đức vào tháng 2 năm 1945, người ta nói rằng cần phải lưu ý đến ý kiến của Đức Giáo Hoàng. Stalin liền hỏi: Giáo hoàng thì có được bao nhiêu sư đoàn? Đúng thế, Đức Giáo Hoàng không có sư đoàn nào. Tuy nhiên, sức mạnh của đức tin lại hóa ra là một lực lượng cuối cùng đã giật sập được hệ thống quyền lực của Liên Sô vào năm 1989 và tạo ra một khởi đầu mới cho nhân loại. Không thể chối cãi rằng đức tin của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một yếu tố thiết yếu trong sự sụp đổ của các thế lực. Và vì vậy, sự vĩ đại xuất hiện nơi Thánh Giáo Hoàng Lêô thứ Nhất và Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô thứ nhất chắc chắn cũng được nhìn thấy ở đây.

Chúng ta hãy mở ngỏ cho câu hỏi liệu tính ngữ ‘The Great’ - [‘Cả’] - sẽ thịnh hành hay không. Đúng là sức mạnh và lòng nhân lành của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình đối với tất cả chúng ta nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong một thời gian khi Giáo hội một lần nữa phải chịu sự áp bức của cái ác, đối với chúng ta ngài là một dấu chỉ của niềm hy vọng và sự tự tin.

Thánh Gioan Phaolô II, xin cầu cho chúng con!”


Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tôn vinh Mẹ Fatima 13/5/2020 tại giáo xứ Tụy Hiền, Tgp. Hà Nội
Giáo xứ Tụy Hiền
08:47 15/05/2020
Tháng Năm, tháng Đức Mẹ, với lòng yêu mến Mẹ Maria, hôm nay ngày 13 tháng 5 năm 2020, kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ mục đồng tại Fatima. Các bổn đạo giáo xứ Tụy Hiền cùng nhau đến nhà thờ làm việc tôn kính Mẹ.

Xem Hình

Như chúng ta đã biết, tại trung tâm hành hương Fatima nước Bồ Đào Nha năm nay, Thánh lễ không có sự hiện diện trực tiếp của các tín hữu hành hương, vì thận trọng tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona. Bù lại, tại giáo xứ Tụy Hiền, Tgp. Hà Nội, Việt Nam đã có một buổi rước kiệu tôn vinh Đức Mẹ Fatima. Trước khi rước, mọi người đọc kinh cầu Đức Mẹ, lần hạt Mân Côi làm theo lời Mẹ dạy, đọc Kinh Cầu Đức Mẹ, đồng điệu vũ hoa kính Mẹ, cung nghinh tượng Mẹ Fatima và dâng lễ kính Mẹ thật sốt sáng.

Xem Video cuộc rước kiệu

Lạy Đức Mẹ Đồng Trinh Fatima, trong tâm tình tạ ơn, chúng con xin dâng lên Mẹ lời tri ân cảm tạ với tình con thảo.

Xin Mẹ cứu giúp thế giới mau thoát khỏi cơn dịch bệnh nguy hiểm này.

Xin gìn giữ chúng con trong vòng tay Mẹ. Mẹ ơi đoái thương đến nước Việt Nam. Xin lấy tình mẫu tử mà chúc lành và củng cố tất cả những ước muốn tốt đẹp nơi chúng con. Xin Mẹ nuôi dưỡng đức tin, khơi dậy và lay động đức ái nơi chúng con. Xin Mẹ dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện.

Xin Mẹ dạy cho chúng con yêu thương những người nhỏ bé và đau khổ,

những người tội lỗi. Xin dùng áo choàng mà che phủ chúng con trong lòng Con Yêu Quý của Mẹ. Amen.



Gx. Tụy Hiền
 
Văn Hóa
Một Thuở Hoàng Kim
Sơn Ca Linh
09:15 15/05/2020
Chút cảm nhận về cuộc đời từ sự “qua đời” của cha Hoàng Kym

Cuộc đời như bóng trăng qua núi,
Hết trăng non đến độ trăng rằm.
Một thoáng trăng lên rồi trăng lặn,
Lơ lửng hồi nào chợt mất tăm.

Cuộc đời như bốn mùa qua vội,
Xuân sang mang én liệng, hoa cười.
“Hạ trắng”, “Đêm đông”, “Mùa thu chết”,
Một năm, một đời cũng thế thôi !

Cuộc đời con sông xuôi qua bãi,
Đôi bờ lau lách những ngàn dâu.
Mỗi phút trôi qua là bỏ lại,
Không ai “tắm mãi một dòng đâu”

Cuộc đời như “gốc sim già đó”,
Để ngồi thấp thỏm để chờ nhau.
Bây giờ về ngang qua xóm nhỏ,
Kỷ niệm ngày xưa bỗng nhạt màu.

Cuộc đời như chuyện dài “một thuở”,
Thuở để sinh, thuở để “qua đời”.
Một thuở “hoàng kim” hay “dang dở”,
Cũng qua thôi hết một kiếp người !

Sơn Ca Linh (15.5.2020)
 
VietCatholic TV
Kết quả nhãn tiền của kẻ bắt các nhà thờ tại Hoa Lục giật ảnh Chúa xuống, đưa ảnh Tập Cận Bình lên
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
10:25 15/05/2020

1. Andrea Tornielli: Về quyết định ngưng phát sóng trực tiếp các Thánh lễ hàng ngày tại Santa Marta

Thánh lễ sáng thứ Hai, 18 tháng Năm, sẽ là Thánh lễ thứ 65 và là Thánh lễ cuối cùng trong một chuỗi các Thánh lễ hàng ngày được phát trực tiếp trên toàn thế giới qua các đài truyền hình và Internet.

Ông Andrea Tornielli, Chủ biên Vatican News, có bài nhận định về loạt các Thánh lễ này và giải thích quyết định ngưng phát sóng trực tiếp các Thánh lễ này của Đức Thánh Cha.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Thánh lễ sáng thứ Hai, 18 tháng Năm, sẽ là Thánh lễ cuối cùng trong một chuỗi các Thánh lễ hàng ngày trong đó Đức Thánh Cha đồng hành cùng hàng triệu người trên thế giới trong hơn hai tháng qua. [Nói cụ thể hơn, đó là Thánh lễ thứ 65 của ngài từ khi các Thánh lễ bị đình chỉ tại Ý vào ngày 8 tháng Ba. – chú thích của người dịch]

Các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự ở Ý được tái tục vào ngày 18 tháng Năm. Vì thế, Đức Thánh Cha đã quyết định ngưng các buổi phát sóng trực tiếp Thánh lễ sáng của ngài.

Thánh lễ cuối cùng sẽ là một thánh lễ đặc biệt, vì ngày 18 tháng 5 cũng đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Giáo Hoàng Karol Wojtyla. Trong dịp này Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ tại bàn thờ trên lăng mộ của người tiền nhiệm.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sinh năm 1920, được bầu làm Mục tử Toàn thể Hội thánh năm 1978. Ngài mất năm 2005 và được phong thánh năm 2014.

Thánh lễ phát trực tiếp cuối cùng

Các thánh lễ buổi sáng tại Casa Santa Marta được phát trực tiếp trong thời gian cách ly này là một món quà bất ngờ và thật đẹp đẽ.

Nhiều người - ngay cả những người ở xa Nhà thờ - cảm thấy được Đức Thánh Cha đồng hành và ủng hộ, qua các Thánh lễ lặng lẽ gõ cửa nhà họ vào đầu mỗi ngày.

Nhiều người đã khám phá ra tầm quan trọng và niềm an ủi trong cuộc gặp gỡ hàng ngày với Tin Mừng. Nhiều người trước đây chưa bao giờ theo dõi phụng vụ ngày thường trên TV, một Thánh lễ không cần những lời bình luận và với vài phút chầu Thánh Thể.

Vẻ đẹp và sự đơn giản trong các bài giảng ứng khẩu của Đức Giáo Hoàng cho phép tất cả chúng ta bước vào các trang sách Tin Mừng, như thể chúng ta đang có mặt khi những sự kiện đó diễn ra. Trong tình trạng khẩn cấp đã giam hãm chúng ta trong các bức tường của ngôi nhà mình, tầm quan trọng của việc giảng dạy hàng ngày của Đức Giáo Hoàng đã được khẳng định, và thậm chí còn quyết đoán hơn trong những khoảnh khắc đầy bất trắc, đau khổ, hoang mang với nhiều câu hỏi về một tương lai bất định.

Huấn quyền của Đức Thánh Cha và sứ vụ của ngài

Các bài giảng được đưa ra tại Santa Marta tiêu biểu cho một khía cạnh quan trọng trong sứ vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô với tư cách là Giám mục Rôma. Nhiều người đã quen với việc theo dõi các Thánh lễ buổi sáng tại Santa Marta thông qua các bản tóm tắt được cung cấp bởi Vatican Media và các tập kỷ yếu của Nhà xuất bản Vatican, nơi thu thập các bài giảng trong một năm và được công bố mỗi năm một lần.

Tuy nhiên, trong hai tháng qua, trải nghiệm này đã khác đi, bởi vì chương trình phát sóng trực tiếp đã mang đến khả năng tham gia – ngay cả từ các khoảng cách xa xôi - vào các cử hành phụng vụ hàng ngày này, nghe Đức Giáo Hoàng giảng và suy ngẫm về Kinh thánh.

Hàng triệu người tham gia

Hàng triệu người đã tham dự các Thánh lễ này mỗi ngày. Nhiều người đã viết thư cảm ơn. Bây giờ, khi các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự tại các nhà thờ Ý được tái tục, một giai đoạn mới bắt đầu.

Có thể chắc chắn rằng mọi người trên khắp thế giới sẽ mất đi cơ hội dự lễ hàng ngày trực tuyến này. Nhưng, như chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói, chúng ta cần trở về sự quen thuộc với Chúa có thể được tìm thấy trong các Bí tích, khi chúng ta tham gia phụng vụ tại địa phương.

Và chúng ta đừng quên một lời mời khác của Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là chúng ta đến với Kinh Thánh mỗi ngày, với cùng sự nhiệt thành và gần gũi mà chúng ta đã quen thuộc trong các Thánh lễ được truyền hình từ Casa Santa Marta.


Source:Vatican News

2. Quân đội Ý giúp các nhà thờ khử trùng chuẩn bị cho việc mở lại các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự

Được sự yêu cầu của Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Giáo Phận Rôma, và bà Virginia Raggi, thị trưởng Rôma, quân đội Ý đang giúp các nhà thờ khử trùng chuẩn bị cho việc mở lại các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự vào ngày 18 tháng Năm tới đây.

Công việc khử trùng đã bắt đầu từ nhà thờ thánh Gioan Don Bosco, ở quận Tuscolano, như những hình ảnh quý vị và anh chị em có thể thấy trong đoạn video này.

Tổng cộng sẽ có 337 nhà thờ Công Giáo trong giáo phận Rôma được khử trùng trong vài ngày tới đây. Cung thánh, tiền đình nhà thờ, các lối đi và đặc biệt là tất cả các hàng ghế là những nơi có nguy cơ bị ô nhiễm nhất được phun thuốc để bảo đảm an toàn tối đa cho tín hữu.

Quân đội Ý đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống coronavirus tại quốc gia này, từ việc tham gia vào lực lượng các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch, khử trùng đường xá và các nơi công cộng, cho đến việc an táng những người thiệt mạng.


Source:RaiNews

3. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc toan tính đánh cắp các nghiên cứu coronavirus quan trọng của Mỹ.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo rằng các tin tặc từ Trung Quốc đã cố gắng đánh cắp các nghiên cứu coronavirus quan trọng. Cáo buộc của Hoa Kỳ được đưa ra sau khi FBI bắt giữ nhà khoa học Mỹ gốc Trung Hoa là Simon Ngang Thiệu Thái (鋸丁昂) của Đại Học Arkansas.

Trong đợt leo thang căng thẳng mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc về đại dịch, FBI và Cơ quan An Ninh Cơ Sở Hạ Tầng An Ninh Mạng cho biết họ đang điều tra việc tấn công nhằm đánh cắp và làm đình trệ công việc của các nhóm nghiên cứu tại Hoa Kỳ.

Họ cũng cảnh báo các nỗ lực của điện tặc Trung Quốc nhằm gây gián đoạn hoạt động của các bệnh viện đang điều trị các bệnh nhân nhiễm coronavirus.

Trong cuộc họp báo sáng thứ Sáu 15 tháng Năm, Trung Quốc đã gọi các cáo buộc của Hoa Kỳ cho rằng tin tặc được Bắc Kinh hậu thuẫn đang cố gắng đánh cắp các tài liệu nghiên cứu và vắc-xin liên quan đến COVID-19 là một sự vu khống trắng trợn, và nói rằng, việc bôi nhọ các quốc gia khác sẽ không làm cho virus chết người này biến mất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian- 赵丽坚) cũng phản bác Tiến sĩ Robert O’Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, là người đã cáo buộc rằng năm bệnh dịch kinh khủng nhất thế giới đã xuất phát từ Trung Quốc trong 20 năm qua. Kiên cho rằng các quan chức Mỹ đang cố đổ lỗi cho Bắc Kinh để che đậy việc đối phó sai lầm và quờ quạng đối với đại dịch coronavirus ở quê nhà.

Đây cũng là lần thứ hai trong hai ngày liên tiếp, Kiên nhắc đi nhắc lại cái gọi là “sách trắng” của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong đó có 15 điều quan trọng như Trung Quốc cũng chỉ là nạn nhân của COVID-19 như các nước khác; quân đội Hoa Kỳ là thủ phạm gây ra đại dịch; Trung Quốc là quốc gia được Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, công nhận là hàng đầu thế giới trong việc chống đại dịch coronavirus kinh hoàng này; và thế giới phải biết ơn Trung Quốc.


Source:Coronavirus News

4. Thượng viện Hoa Kỳ kêu gọi tổng thống Donald Trump cứng rắn hơn với Trung Quốc

Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn một dự luật hôm thứ Năm kêu gọi chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải cứng rắn hơn đối với bọn cầm quyền Bắc Kinh sau khi có các tin tức cho thấy lợi dụng tình hình thế giới đang tập trung chống lại đại dịch coronavirus kinh hoàng xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đã gia tăng những hành động đàn áp tự do tôn giáo.

Theo báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hàng triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đối với Kitô Giáo, song song với chiến dịch triệt hạ Thánh Giá, chúng ra lệnh phải gỡ xuống hay đục bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng các lời dạy của “Bác Tập”.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đã bị giam giữ trong các trại thuộc khu vực Tân Cương của Trung Quốc trong những năm gần đây. Trung Quốc phủ nhận việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và nói rằng các trại này cung cấp việc đào tạo nghề nghiệp.

Ngay sau lệnh dỡ bỏ cô lập tại Vũ Hán, chiến dịch loại bỏ thánh giá vừa được tái tục tại Hoa Lục. Các quan chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Công Giáo Yêu Nước đang yêu sách các nhà thờ phải treo ảnh Tập Cận Bình trang trọng hơn ảnh Chúa và Đức Mẹ nếu muốn được mở cửa trở lại.

Khi virus lần đầu tiên xuất hiện, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bóp nghẹt tin tức này. Thay vì bảo vệ công chúng và hỗ trợ cho các bác sĩ, đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt những người tố giác phải im lặng. Tệ hơn nữa, khi các bác sĩ đã cố gắng báo động - như bác sĩ Lý Văn Lương (Li Wenliang - 李文亮) tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, là người đã đưa ra một cảnh báo cho các đồng nghiệp y khoa vào ngày 30 Tháng Mười Hai - cảnh sát đã ra lệnh cho họ phải “ngưng ngay không được đưa ra những lời bình luận sai trái”. Bác sĩ Lương, một bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi, đã bị răn đe là ông sẽ bị điều tra vì tội “loan truyền tin đồn” và cảnh sát buộc ông phải ký một lời thú nhận. Sau đó, ông đã chết vì nhiễm coronavirus.

Các nhà báo công dân trẻ, những người đã cố gắng báo cáo về virus sau đó cũng bị biến mất. Lý Trạch Hoa (Li Zehua - 李泽华), Trần Thu Thực (Chen Qiushi - 陈秋实) và Phương Bân (Fang Bin-方斌) nằm trong số những người được báo cáo là đã bị bắt chỉ vì nói sự thật. Học giả pháp lý Từ Chí Dũng (Xu Zhiyong - 徐志勇) cũng đã bị giam giữ sau khi xuất bản một bức thư ngỏ chỉ trích phản ứng của chế độ Trung Quốc.

Một khi sự thật được biết đến, đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ chối lời đề nghị giúp đỡ ban đầu. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã bị Bắc Kinh lờ đi trong hơn một tháng trời và ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù tổ chức này hợp tác chặt chẽ với chế độ Trung Quốc, ban đầu tổ chức ấy đã bị gạt sang một bên.

Trên hết, có mối quan ngại sâu sắc rằng các số liệu thống kê chính thức của nhà cầm quyền Trung Quốc đã cố ý che dấu rất đáng kể quy mô lây nhiễm tại Trung Quốc.

Trong cố gắng che đậy sự thật, đảng Cộng sản Trung Quốc hiện cáo buộc quân đội Hoa Kỳ gây ra đại dịch. Những lời dối trá và tuyên truyền này đã khiến hàng trăm triệu người trên thế giới gặp phải nguy hiểm. Bọn cầm quyền Trung Quốc đi xa đến mức tô vẽ bọn cầm quyền nước này như các đấng cứu nhân độ thế, và đặc biệt Tập Cận Bình là đấng cứu tinh của thế giới. Chính vì thế, ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ trong các nhà thờ phải bị gỡ xuống hay treo vào những chỗ ít trang trọng hơn vì Tập Cận Bình mới là đấng cứu tinh thật sự của nhân loại.

Dự luật lưỡng đảng, do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio giới thiệu, kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại những người chịu trách nhiệm đàn áp tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Dự luật đặc biệt kêu gọi việc tích thu tài sản trên đất Mỹ của Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo - 陈全国), ủy viên Bộ Chính Trị ban Thường Vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, là người chịu trách nhiệm việc hoạch định các chính sách bách hại tôn giáo tại quốc gia này.

Dự luật đã được thông qua tại Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số, bằng sự nhất trí, không có phiếu bầu. Các biện pháp nêu trong dự luật được gởi đến Hạ viện nơi Đảng Dân chủ chiếm đa số để thông qua.

Động thái của Thượng viện diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh về đại dịch COVID-19 toàn cầu, mà Washington đã đổ lỗi cho sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về sự bùng phát ban đầu ở đó.


Source:Reuters

5. Cảnh sát Israel bắt giữ 320 tín hữu Do Thái Giáo vi phạm lệnh cách ly

Trong một diễn biến đang gây căng thẳng trong xã hội Do Thái, cảnh sát Israel đã bắt giữ 320 người tại một lễ hội lửa trại của người Do Thái kỷ niệm một nhà thần bí cổ đại, sau khi các tín hữu Do Thái Giáo nổi loạn vì những hạn chế trong lệnh cách ly khiến họ không thể tiếp cận ngôi mộ của ông. Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Israel cho biết như trên hôm thứ Tư.

Mặc dù nhiều giáo sĩ hàng đầu của Do Thái Giáo ủng hộ lệnh cách ly của Israel đối với các cuộc tụ họp công cộng để đề phòng sự lây nhiễm, một số người Do Thái chính thống cực đoan đã không tuân thủ trong các nghi thức tôn giáo.

Trọng tâm của lễ hội Lag Ba-Omer hàng năm, diễn ra vào tối thứ Ba 12 tháng Năm, là ngôi mộ ở miền bắc Israel của Shimon Bar Yochai, nhà huyền bí sống vào thế kỷ thứ 2. Lễ hội thường thu hút hàng ngàn tín hữu Do Thái trong những buổi cầu nguyện thâu đêm, nhảy múa và ca hát quanh đống lửa.

Cảnh sát cho biết, lần này hàng chục người đã cố gắng vào ngôi mộ, và như thế là vi phạm các hạn chế của lệnh cách ly. Khi cảnh sát ra tay bắt những người vào trong ngôi mộ, hàng trăm người khác ở bên ngoài đã xô xát và ném các vật thể vào các cảnh sát, dẫn đến việc bắt giữ hàng loạt.


Source:Reuters

6. Đường phố vắng người vì cô lập, đàn dê nhân cơ hội tràn ngập một khu phố California

Khoảng 200 con dê đã chiếm một khu phố ở California trong tuần này sau khi chúng trốn thoát khỏi nơi bị nhốt.

Cuộc xâm lược một khu phố phía đông San Jose vào chiều thứ Ba 12 tháng Năm đã xảy ra sau khi một con dê bằng cách nào đó đã gõ vào một công tắc trên hàng rào điện trong khi nhai hoa. Terry Roelands, là cư dân địa phương, nói với KNTV.

“Sau đó, các tấm ván trên hàng rào được mở ra,” Roelands nói.

Zach Roelands, con trai của ông Terry Roelands, cho biết:

“Tôi chết điếng người. Khi tôi trở về từ cửa hàng tất cả các con dê đã phá vỡ hàng rào và gây ra một cảnh tàn phá kinh hoàng trên đường phố của chúng tôi.”

“Đây là điều điên rồ nhất xảy ra trong thời gian cách ly.”

Zach nói với Mercury News rằng những con dê đã bắt lại một cách nhanh chóng, nhưng chúng đã nhai những cây trong các chậu hoa của hàng xóm.

Âu lo lớn nhất của Zach là anh ta phải bồi thường những tổn thất của hàng xóm.


Source:New York Post

7. Thánh lễ tại Santa Marta 15/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các gia đình nhân ngày Quốc Tế Gia Đình

Lúc 7 sáng thứ Sáu 15 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, diễn ra trong bối cảnh ngày Quốc Tế Gia Đình của Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha cầu nguyện cách riêng cho các gia đình.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay là Ngày Quốc Tế Gia đình: chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình, để Thánh Linh của Chúa có thể lớn lên trong các gia đình, và được thể hiện ra trong tinh thần yêu thương, tôn trọng và tự do.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một trích từ Sách Tông đồ Công vụ (Cv 15: 22-31), trong đó Phaolô và Banaba được gửi đến những dân ngoại vừa cải đạo tại thành Antiôkia, là những người đang đau khổ trước những bài diễn văn của một số người không được ủy quyền nhưng đang cố buộc thêm cho họ các gánh nặng.

Bài Ðọc I: Cv 15, 22-31

“Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên buộc thêm cho anh em gánh nặng nào khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, các Tông đồ, kỳ lão cùng toàn thể Hội Thánh, chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thư viết như sau: “Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Ðức Giêsu, Chúa chúng tôi. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó, là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an”.

Các ngài giã từ và đi xuống Antiôkia, triệu tập dân chúng lại và trao cho họ bức thư. Ðọc thư xong, họ vui mừng vì được an ủi.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trong Giáo hội thời kỳ đầu có những lúc thanh bình, có những lúc bị bắt bớ và cũng có những lúc xáo trộn. Những Kitô hữu nguyên là người ngoại giáo rất vui mừng vì đức tin vào Chúa Giêsu, nhưng họ đã bị sốc bởi những bài phát biểu của các môn đệ người Do Thái, là những người tuyên bố rằng để trở thành Kitô hữu, trước tiên người ta phải trở thành người Do Thái và ủng hộ luận điểm này với các lý lẽ mục vụ, thần học và đạo đức. Họ cứng nhắc.

Chúa Giêsu đã phải đương đầu với sự cứng nhắc của các thầy thông luật. Chúa nói:

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.”

Chúa Giêsu đã mắng những thầy thông luật vì họ là những người ý thức hệ, họ đã giản lược đạo lý thành một thứ ý thức hệ, họ muốn có một tôn giáo liệt kê ra các yêu cầu bắt buộc phải tuân giữ, và họ đã lấy đi sự tự do của Thánh Linh, và biến những người theo họ thành những người cứng nhắc, không biết đến niềm vui của Tin Mừng.

Những thầy thông luật này đã thao túng lương tâm của các tín hữu và khiến họ trở nên cứng nhắc. Sự cứng nhắc không xuất phát từ Thánh Thần Chúa, bởi vì nó đặt vấn đề đối với sự nhưng không của ơn Cứu Chuộc.

Trong lịch sử của Giáo hội, đó là một vấn đề đã lặp đi lặp lại nhiều lần, ngay cả trong thời đại chúng ta. Chúng ta đã thấy một số tổ chức hoạt động tốt nhưng các thành viên đều cứng nhắc và sau đó chúng ta đã biết về những bại hoại bên trong, và cả những đồi bại của những người sáng lập.

Sự cứng nhắc ngăn chúng ta tận hưởng sự tự do đến từ sự công chính hóa. Chúng ta chỉ có thể tận hưởng ân sủng của tự do khi chúng ta không cứng nhắc.

“Sự công chính hóa là ân sủng nhưng không. Cái chết của Chúa Giêsu là nhưng không, anh chị em không phải trả tiền. Điều đó là nhưng không!”

Các môn đệ đã giải quyết vấn đề cứng nhắc này bằng cách viết thư cho những người cải đạo ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Các ngài nói: “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó, là anh em làm phải.”

Những điều này là đạo lý thông thường. Những điều ấy đã giúp những người cải đạo mới không nhầm lẫn Kitô giáo với ngoại giáo. Khi những Kitô hữu bị làm phiền nhận được bức thư này, họ rất vui mừng với sự khích lệ mà các môn đệ đã dành cho họ. Sự hỗn loạn của họ được chuyển sang niềm vui.

Tinh thần tự do trong truyền giáo luôn mang lại niềm vui. Đây là những gì Chúa Giêsu đã mang lại với sự phục sinh của Người. Hoàn toàn không cứng nhắc và nhưng không. Các môn đệ đã trải nghiệm niềm vui này với Chúa Giêsu khi Người nói với họ: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15:15).

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

“Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tinh thần cứng nhắc, là điều cướp đi tự do của chúng ta.”


Source:Vatican News
 
Tạp chí Dòng Tên Civiltà Cattolica: Trung Quốc và COVID-19
Giáo Hội Năm Châu
16:13 15/05/2020


Bản dịch của Vũ Văn An

Tờ Civiltà Cattolica của các cha Dòng Tên Ý vốn được coi là cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh. Có người cho là quan điểm của họ thường được Tòa Thánh cho nhận xét trước khi công bố. Điều chắc chắn là từ ngày Dòng này có thành viên nắm quyền lãnh đạo cao nhất trong Giáo Hội, sự liên hệ mật thiết giữa tờ báo và Vatican càng được lưu ý nhiều hơn. Riêng đối với liên hệ Trung Quốc Vatican, tờ báo có tiếng là ủng hộ đường lối chính thức của Vatican, một đường lối không hẳn được mọi người ủng hộ, nhất là những người có cái nhìn tiêu cực đối với chế độ vô thần và độc tài hiện nay tại Trung Quốc.

Điều ngạc nhiên là ngày 13 tháng 5, tờ báo cho đăng một bài của Benoit Vermander, một linh mục dòng Tên người Pháp, hiện đang dạy tại Đại học Phúc Đán (Fudan) tại Thượng Hải. Không như một số viên chức cao cấp của Vatican vốn hết lời ca ngợi chế độ Tập Cẩn Bình, Cha Vermander có cái nhìn pha trộn về việc chế độ Bắc Kinh hành xử nhân đại dịch Covid-19. Ngài nhắc đến việc kiểm soát dân số cũng như “các áp lực của nhà nước” và không ngần ngại cảnh cáo rằng “có nguy cơ này là cuộc khủng hoảng coronavirus sẽ là dịp để Trung Quốc mở rộng thêm nữa điều mà phân tích gia người Tân Gia Ba Eric Teo gọi là ‘hệ thống triều cống mới’” trong các liên hệ của họ với các quốc gia khác.

Phải chăng ở Vatican đang bắt đầu có cái nhìn mới về Trung Quốc. Để rộng đường phán đoán, chúng tôi xin chuyển ngữ bài viết của Cha Vermander. Xin đọc bản Anh ngữ tại https://www.laciviltacattolica.com/china-and-covid-19/




Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bị đại dịch Covid-19 tấn công, cũng là quốc gia đầu tiên cố gắng trở lại một thứ bình thường nào đó. Do đó, họ là một phòng thí nghiệm, đúng đến hai lần, và điều xảy ra ở đó là mối quan tâm hàng đầu đối với toàn hành tinh. Hơn nữa, các điểm chuyên biệt của hệ thống chính trị và xã hội của họ nêu ra nhiều câu hỏi về việc đại dịch đã ảnh hưởng và sẽ tiếp tục ảnh hưởng ra sao đến trạng thái cân bằng quốc nội và vị thế quốc tế của họ. Tất cả các nhân tố này sẽ quyết định việc xã hội hoàn cầu sẽ thương lượng ra sao để thoát khỏi đại dịch, quản lý lâu dài các rủi ro mà họ sẽ tiếp tục phải đối diện như thế nào, và cả mối liên hệ giữa các tác nhân quốc gia, có thể còn khó khăn hơn trước nữa.

Bác bỏ... rồi bùng phát dịch bệnh

Vào tháng 12 năm 2019, nhân viên y tế ở Vũ Hán – một thành phố với 11 triệu dân, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc - đã phải đối phó với sự xuất hiện của bệnh viêm phổi do virus gây ra nhưng không đáp ứng đối với các phương pháp điều trị thông thường. Họ lưu ý rằng nhiều bệnh nhân làm việc ở chợ thực phẩm Hoanam, nơi các điều kiện vệ sinh có vấn đề, nói cho nhẹ là như thế. Vào ngày 31 tháng 12, chính quyền quốc gia thông báo cho văn phòng Bắc Kinh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về khả năng dịch bệnh có thể bùng phát. Vào ngày 1 tháng 1 năm 2020, chợ trên đã bị đóng cửa, chính thức là để sửa sang lại, và khu vực này đã được khử trùng [1].

Chủng virus mới được phân lập lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 1. Khoảng ngày 12 tháng 1, số bệnh nhân tăng lên đáng kể. Ngày hôm sau, Thái Lan xác nhận trường hợp đầu tiên được nhận diện ở bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, thành phố Vũ Hán vẫn tổ chức một buổi liên hoan cho 40,000 gia đình vào ngày 18 tháng 1 [2] để bắt đầu mừng năm mới của Trung Quốc, rơi vào ngày 25 tháng 1 năm nay [3].

Vào ngày 30 tháng 12, Li Wenliang, một bác sĩ giải phẫu nhãn khoa, đã gửi đi hai tin nhắn trên WeChat để cảnh báo các đồng nghiệp nghiên cứu của ông về những gì đang xảy ra. Họ phát tán rộng ra ngoài nhóm nhỏ, nhóm mà họ đã ngỏ lời. Chính vị bác sĩ giải phẫu nhãn khoa đã được bác sĩ Ai Fen, giám đốc khoa cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán cảnh báo, người hiểu ngay lập tức mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này. Vào ngày 3 tháng 1, Văn phòng An ninh Vũ Hán đã gửi cho Li Wenliang một lá thư khiếu nại và sau đó bắt ông ta phải ký một tuyên bố nhìn nhận rằng ông ta đã loan truyền những tin đồn vô căn cứ và nên tự chế làm như vậy, nếu không có nguy cơ sẽ bị trừng phạt nặng hơn. Sau khi nhiễm virus trong khi thực hành nghề nghiệp của mình vào ngày 10 tháng 1, Li Wenliang đã công bố một báo cáo vào ngày 31 tháng 1, chi tiết hóa các vấn đề của ông với cảnh sát: đó là một bước ngoặt trong ý thức xã hội về sự chậm trễ trong việc đối phó với mối đe dọa.

Cái chết của ông, ở tuổi 34, vào ngày 7 tháng 2, đã gây ra nhiều phản ứng đầy đau đớn và giận dữ trên các mạng xã hội, nhiều phản ứng trong số này được những nhân vật nổi tiếng phát biểu. Bị choáng ngợp bởi cơn bão chống đối, chính phủ đã thành lập một ủy ban điều tra về việc quản lý những ngày đầu tiên của dịch bệnh. Bác sĩ giải phẫu nhãn khoa trẻ tuổi đã được phục hồi chức năng sau khi chết và trở thành một anh hùng cộng sản, cống hiến cho chính nghĩa của nhân dân [4].

Trong tuần đầu tiên của tháng 2, chính quyền Trung Quốc dường như không được trang bị, cả về bản chất của mối đe dọa và cách thức nó đang xói mòn hệ thống quản trị của họ. Nhưng đáp ứng của họ đang thành hình.

Cách ly và thiết bị hóa

Sự đa dạng của các triệu chứng lâm sàng và, thông thường, sự khó khăn trong chẩn đoán đã góp phần trì hoãn nhận thức về mối đe dọa, có lẽ như được chứng tỏ qua các phản ứng đầu tiên của chính quyền khu vực. Sự trầm trọng tương đối của các nhân tố dẫn đến việc đánh giá thấp lúc ban đầu về mối đe dọa vẫn còn là một vấn đề tranh luận. Chỉ đến ngày 21 tháng 1, một bác sĩ Trung Quốc được chính phủ chỉ định để đánh giá tình hình công khai nhìn nhận rằng virus có khả năng truyền từ người này sang người nọ. Kể từ ngày 23 tháng 1, Vũ Hán bị bao vây; cư dân của nó không được di chuyển và họ tiếp tục bị giam giữ trong nhà. Toàn bộ tỉnh Hồ Bắc lập tức bị cô lập đối với các phần còn lại của Trung Quốc; chiến lược cô lập sau đó trở nên có hệ thống, dù được áp dụng theo các quy tắc khác nhau giữa các khu vực.

Việc thực thi lệnh hạn chế được tạo thuận lợi nhờ cơ cấu đô thị của Trung Quốc: khắp nơi, nhà cửa có kích cỡ và vị thế xã hội khác nhau đều có hàng rào phân định rõ ràng; lối ra vào có lính gác ở cửa và ở cổng; ủy ban khu phố phân phối các hướng dẫn chính thức. Hầu hết cư dân thành phố sống trong tình huống này. Trong những năm gần đây, các nỗ lực đã được đưa ra, tuy không mấy xác tín, nhằm làm cho hệ thống hàng rào linh động hơn, nhưng nó đã tỏ ra rất hữu dụng trong hoàn cảnh hiện tại.

Khởi đầu bị mất cảnh giác, nên sau đó, chính phủ đã đảm nhiệm việc truyền bá hình ảnh ‘”đầy tính khoa học” và phương pháp luận, tức hình ảnh về một tổ chức có khả năng tự quản lý lấy cuộc khủng hoảng, một cuộc khủng hoảng mà ông Tập Cận Bình cho rằng đã đưa mô hình cai trị Trung Quốc trở thành mẫu mực thử nghiệm [5 ]. Đồng thời, nó tìm được một lĩnh vực áp dụng mới cho các kỹ thuật kiểm soát xã hội được phát triển một cách có phương pháp trong những năm gần đây: nhận dạng khuôn mặt giúp theo dõi và nhận diện kẻ phạm tội; chúng được đưa vào danh sách đen dưới tên “hệ thống tín dụng xã hội”, hiện ít nhiều đang vận hành [6]; máy bay không người lái đã được sử dụng để cảnh cáo những người bất cẩn hoặc cứng đầu đeo mặt nạ; robot được trang bị cảm biến (sensor) đã được sử dụng để theo dõi những người có thể bị nhiễm bệnh; và một hệ thống mã QR đã được đưa vào để theo dõi các chuyển động và cho phép mọi người ra vào các nơi công cộng.

Nối kết nối và phân mảnh, một xã hội mất tinh thần

Xã hội Trung Quốc tự phát biểu mình trong không gian tự do mong manh được phép thông qua các mạng xã hội. Không gian này về cơ bản có tính cách riêng tư, và trên hết, bị phân mảnh, giống như ở phương Tây. Xã hội Trung Quốc càng được nối kết, thì việc trao đổi càng trở nên hạn chế đối với những người cùng chí hướng. Một bầu khí như vậy chắc chắn tốt cho các tin đồn, và nguồn gốc của virus là một trong những chủ đề yêu thích. Vốn được một số lớn người Trung Quốc gán cho một âm mưu do các nhà vi khuẩn học người Mỹ tiến hành, Covid-19 cũng được một số người tri nhận như là kết quả của một mưu đồ hoặc thao túng lầm lẫn trong một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Thậm chí còn có tin đồn sau đó rằng virus này đã xuất hiện ở Ý trước khi được phát hiện ở Trung Quốc. Trong hầu hết các trường hợp, điều quan trọng là nói rằng virus không phải là của “Trung Quốc”, và về điểm này, xã hội dân sự và chính phủ phần lớn thỏa thuận với nhau.

Tuy nhiên, sự tương phản thế hệ khá hiển nhiên. Những người lớn tuổi hơn nhận ra dấu vết việc tuyển dụng xã hội và chính trị mà họ đã biết thời còn trẻ. Những người trẻ tuổi hơn đã trải qua sự xen kẽ giữa tức giận khi đối diện với sự thiếu minh bạch và sự thờ ơ cam chịu. Sự tương phản giữa tâm chấn của cuộc khủng hoảng - Vũ Hán và khu vực xung quanh - và tình hình ở phần còn lại của Trung Quốc cũng đã và vẫn còn rất ngoạn mục. Đồng thời, ngay ở các khu vực tương đối được virus tránh né, rõ ràng có một hố phân cách giữa một Trung Quốc phát triển, giàu có với đủ mọi phương tiện đối với đáp ứng lâu dài và các vùng ít thuận lợi hơn.

Trung Quốc bị dịch bệnh biến đổi

Các hiệu quả của dịch bệnh đối với hệ thống xã hội và chính trị của Trung Quốc hành động theo hướng đối nghịch nhau. Ngày nay, niềm tự hào dân tộc được biểu lộ trong cuộc chiến thắng dịch bệnh, trong khi hầu hết các quốc gia khác, đặc biệt là các nước phương Tây, dường như mong manh hơn. Bị bất ổn một chút trong những tháng gần đây bởi cuộc xung đột thương mại với Hoa Kỳ và các cuộc biểu tình gây chấn động ở Hồng Kông trong một thời gian dài, nhà nước rất thận trọng khi nhấn mạnh tới “các hy sinh” do Trung Quốc chịu thay cho phần còn lại của thế giới: virus không phải của “Trung Quốc”, và Trung Quốc đang đi đầu trong cuộc đấu tranh mà chính họ đang tiến hành vì phần còn lại của hành tinh. Trên các mạng xã hội, bạn có thể thấy nhiều người đang phẫn nộ trước sự “vô ơn” do các nước phương Tây biểu lộ đáp lại sự giúp đỡ mà Trung Quốc đang cung ứng cho phần còn lại của thế giới, và một câu chuyện có tính duy quốc gia đã được khai triển và được một số người khuếch đại đến nỗi còn dám dự đoán hoặc hy vọng sẽ có những khai triển về quân sự. Đây chủ yếu là những “chuyện hoa mỹ gây chiến” và góp phần vào việc duy trì bầu khí không lành mạnh.

Mặt khác, trong khi nhiều người bày tỏ lòng mong ước có được một thông tin minh bạch hơn, ít bị thao túng hơn (một cách công khai hoặc thầm lặng), Trung Quốc vẫn chưa thực sự sẵn sàng thay đổi mô hình cai trị bằng “công trạng” (meritocratic) của mình. Việc quản trị về mặt chính trị và tính hợp pháp về mặt kỹ trị nơi các nhà lãnh đạo đã mặc lấy một hào quang “khoa học”. Sự can thiệp trực tiếp của xã hội dân sự vào những vấn đề thực sự quan trọng đã trở nên khó dự đoán hơn. Tuy nhiên, đại dịch sẽ dẫn đến việc tăng cường kiểm soát xã hội và các hệ thống chính trị - kỹ thuật có liên quan. Tất nhiên, người ta có thể tưởng tượng rằng cuộc khủng hoảng sẽ gây ra nhiều chia rẽ mạnh mẽ trong giới lãnh đạo.

Tuy nhiên, mặc dù quần chúng nhân dân sẽ trở lại với những mối quan tâm của cuộc sống hàng ngày, một phần dân số có nguy cơ ra khỏi cuộc đấu tranh này bằng cách chịu đựng áp lực của nhà nước ít hơn trước. Nếu một hiện tượng như vậy xảy ra, cường độ của nó chắc chắn sẽ không đủ để áp đặt các cải cách lâu dài; Tuy nhiên, nó nên đủ để gia tăng các căng thẳng, những căng thẳng, dù hạn chế, vốn đã hiển hiện trước thời có dịch bệnh.

Những nghi ngờ liên tục về số người chết thực sự sẽ đổ thêm dầu vào các căng thẳng này [7], đặc biệt ở Vũ Hán và Hồ Bắc, những nơi chấn thương vẫn còn vô cùng đau đớn và là những nơi, chính quyền, bằng cách nhấn mạnh đến các vấn đề “ổn định xã hội”, sẽ không cho phép dân chúng bày tỏ thích đáng sự đau buồn của họ, khi các nghi thức tang lễ bị giới hạn trong khoảng 20 phút.

Ngoài ra, việc phục hồi kinh tế cũng đang tạo ra nhiều vấn đề. Các số liệu trong quý đầu tiên của năm đều chỉ ra một sự co cụm rất mạnh vào thời điểm mà gánh nặng nợ nần quá mức đã là một vấn đề. Xuất khẩu đang gặp nguy cơ và chính sách đầu tư công lớn lao, vốn đã được sử dụng nhiều lần trong 12 năm qua, đang phải đối đầu với nhiều giới hạn rõ ràng. Bây giờ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh mẽ sẽ gây nhiều bất ổn. Điều có khả năng xẩy ra là, mặc dù có những nguy hiểm, một chính sách đầu tư công sẽ được thực hiện ngay lập tức, nhưng khó có thể tồn tại lâu dài. Việc khuyến khích các gia hộ tiêu dùng và việc tái định hướng các công ty Trung Quốc hướng về thị trường nội địa là rất lớn lao và sẽ còn lớn lao hơn nữa. Nếu điều đó vẫn chưa đủ, thì sự bất mãn tiềm ẩn sẽ tập chú vào thu nhập và việc làm. Một nguyên nhân khác gây lo ngại là thị trường bất động sản, trong đó nhiều công dân đã đầu tư rất nhiều.

Trung Quốc trước mặt thế giới

Liệu Trung Quốc sẽ có thể đóng một vai trò tích cực trong suy tư và các cải cách hoàn cầu hy vọng sẽ được khởi diễn một khi dịch bệnh ít nhất được kiểm soát phần lớn hay không? Ở bình diện kỹ thuật, họ chắc chắn sẽ đóng góp vào việc nghiên cứu virus học; họ sẽ loại bỏ các chợ buôn bán động vật sống từng là nguyên nhân gây ra một số dịch bệnh trong 20 năm qua và họ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật cho các quốc gia được lựa chọn cẩn thận theo các mục tiêu chiến lược. Nhưng họ chắc chắn sẽ dẫn đến căng thẳng lớn với phần lớn cộng đồng quốc tế khi đọc lại các biến cố, và họ đã tích cực chuẩn bị cho việc này. Họ chắc chắn sẽ ca ngợi mô hình cai trị dựa vào “công trạng” của họ, tầm quan trọng của các công cụ kỹ thuật số trong việc kiểm soát dân số và sẽ chỉ trích sự cho là yếu kém của các mô hình dân chủ [8].

Nói cách khác, có nguy cơ này là cuộc khủng hoảng coronavirus sẽ là dịp để Trung Quốc mở rộng thêm nữa điều mà phân tích gia người Tân Gia Ba Eric Teo gọi là ‘hệ thống triều cống mới’ của năm 2004 [9]. Hệ thống triều cống cổ điển, được thành lập từ thời nhà Thanh, đã dành sự ưu đãi cho các quốc gia thừa nhận mình phụ thuộc vào Trung Quốc. Những ưu đãi như vậy ngày nay có thể bao gồm các khoản đầu tư, mua hàng ưu đãi, viện trợ kỹ thuật, hỗ trợ ngoại giao, v.v., với điều kiện nhà nước nhận các ưu đãi như vậy sẽ tự xếp mình vào cùng bình diện ngoại giao với Bắc Kinh. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, hệ thống ấy vẫn chủ yếu giới hạn trong phạm vi khu vực của Trung Quốc; ngày nay nó đã lan rộng khắp thế giới. Các “đường tơ lụa” mới đã sử dụng công cụ này một cách có hệ thống và sẽ có nhiều quốc gia yêu cầu loại hỗ trợ này vì cú sốc kinh tế và sức khỏe [10].

Ngoài ra, các giá trị đang được đánh giá lại ngày hôm nay sau đại dịch - sự điều độ, tính minh bạch, tình liên đới của xã hội dân sự - không được ghi vào DNA của mô hình phát triển do Trung Quốc lựa chọn. Các cuộc thảo luận về một trật tự thế giới mới đang xuất hiện sẽ khó khăn và có thể không thành công.

Nếu Trung Quốc duy trì thái độ biến cuộc tấn công thành hình thức phòng thủ tốt nhất, cuộc đối thoại cần bắt đầu có thể không tiến xa bao nhiêu. Một số câu hỏi sẽ không dễ dàng biến mất: những câu hỏi liên quan đến nguồn gốc của virus và việc quản lý nó trong vài ngày đầu; những câu hỏi liên quan đến tính nói sự thực trong các ước tính được cung cấp trong thời gian giam cầm ở Vũ Hán; những câu hỏi về cách Trung Quốc đối đầu với các hậu quả của đại dịch để tham gia trên cơ sở từng quốc gia một vào việc quản lý lợi ích của chính họ, hoặc có lẽ quyết định đi theo con đường có tính hoàn cầu và quảng đại hơn. Trung Quốc phải hiểu rằng cách họ giải quyết những vấn đề này sẽ ảnh hưởng cách triệt để đến mối liên hệ của họ với châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm và vô trách nhiệm khi cố gắng tẩy chay nước này. Việc tìm kiếm bất cứ điểm hội tụ và hợp tác nào cũng đều vô cùng chủ yếu, giống như việc người ta không được từ bỏ “nói sự thật”. Mặc dù vẫn còn tập chú vào việc đánh giá các nhân tố chúng ta vừa đề cập, châu Âu sẽ phải cố gắng bắt đầu một diễn trình với Trung Quốc và các tay chơi hoàn cầu khác sẽ xây dựng lại các nền tảng hợp tác quốc tế trước các nguy cơ đang đe dọa loài người, trong đó cả đại dịch. Diễn trình này sẽ đòi hỏi phải tìm kiếm sự thật và phát biểu, nhưng nó cũng đòi hỏi chúng ta phải nhìn về tương lai, trau dồi ý thức chia sẻ trách nhiệm và khám phá mọi hậu quả từ một sự kiện mà thực tại của nó đã đi vào thân phận làm người của chúng ta: nhân loại thực sự được hợp nhất bởi cùng một số phận.

___________________________________________________________________________________________________

[1]. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn là chợ này là nguồn chính của virus. Một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm suy đoán rằng các trường hợp đầu tiên được ghi nhận từ tháng 9 đến tháng 11 tại Vũ Hán, nhưng bên ngoài chợ này. Gần đây, các giả thuyết đã được phát sóng về một sai lầm có thể xảy ra tại một trung tâm nghiên cứu dịch tễ học ở Vũ Hán: hai công văn từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 2018 đã bày tỏ sự lo ngại về các điều kiện an toàn của phòng thí nghiệm, một phòng thí nghiệm vốn nhận được “trợ cấp của Mỹ”. (xem J. Rogin, “các điện tín của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo về các vấn đề an toàn tại phòng thí nghiệm Vũ Hán nghiên cứu dơi coronaviruses”, trên Washington Post, ngày 14 tháng 4). Thông tin này không chứng minh rằng virus có nguồn gốc từ vị trí này hoặc vị trí khác và không giả thuyết nào được xác minh một cách chắc chắn.

[2]. Xem news.sina.com.cn/, ngày 21 tháng 1 năm 2020.

[3]. Đây là cách chính phủ Trung Quốc thông đạt cách giải thích của họ về sự phát triển của dịch bệnh: Tân Hoa Xã, “Trung Quốc công bố dòng thời gian về chia sẻ thông tin COVID-19, hợp tác quốc tế”, ngày 7 tháng 4 năm 2020, tại www.xinhuanet.com

[4]. Vào ngày 2 tháng 4, Đảng đã trao tặng Li Wenliang danh hiệu “liệt sĩ”, cùng với nhiều nhân viên y tế đã chết khác.

[5]. Tuyên bố ngày 25 tháng 1, do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng; Tân Hoa Xã, “Xi nhấn mạnh việc ngăn ngừa lây nhiễm dựa trên luật pháp, ngăn ngừa, kiểm soát, tại Xinhuanet, ngày 5 tháng 2 năm 2020, tại www.xinhuanet.com

[6]. Tân Hoa Xã, “Trung Quốc lên danh sách đen các cá nhân vì che giấu các triệu chứng, vi phạm kiểm dịch”, ngày 13 tháng 2 năm 2020, tại www.xinhuanet.com/. Bị hệ thống tẩy chay có nghĩa là, chẳng hạn, không được mua vé tàu hoặc lấy tín dụng ngân hàng; cũng có nguy cơ bị kỳ thị công khai, một hệ thống vốn đã vận hành tại Trung Quốc ngay cả trước khi dịch bệnh xảy ra.

[7]. Những câu hỏi công khai đầu tiên về số người chết chính xác ở Vũ Hán được một tờ báo Trung Quốc, Caixin, đưa ra trong một bài báo ngày 26 tháng 3, trong đó có đề cập đến số lượng quan tài được đặt tại mỗi một trong tám nhà hỏa táng ở thành phố. Trung Quốc sau đó sửa đổi ước tính số người chết ở Vũ Hán trong đại dịch vào ngày 17 tháng 4, tăng thêm 50%. Trong số lượng chính thức mới, quả thực, chính quyền giải thích rằng họ có tái đối chiếu các dữ kiện nhận được từ hồ sơ bệnh viện, thông tin được cung cấp bởi các đồn cảnh sát và danh sách các cơ quan lo tang chế. Do đó, tổng số tử vong do coronavirus đã tăng lên tới 3,869 người.

[8]. Lời chỉ trích cuối cùng này một phần được gây ra do sự kiện này: hai nền dân chủ châu Á nằm trong số các quốc gia quản lý dịch bệnh tốt hơn cho đến nay: Hàn Quốc và Đài Loan.

[9]. Eric Teo Chu Cheow, “Paying tribute to Beijing: An ancient model for China’s new power” (nạp triều cống cho Bắc Kinh: Một mô hình cổ xưa cho quyền lực mới của Trung Quốc), trong International Herald Tribune, ngày 21 tháng 1 năm 2004. Xem cùng tác giả, “China as the Center of Asian Economic Integration” (Trung Quốc như Trung tâm hội nhập kinh tế châu Á” trong China Brief, 22 thán 7, 2004

[10]. Xem “China’s post-covid propaganda push” (Thúc đẩy tuyên truyền sau covid của Trung Quốc) trong The Economist, ngày 16 tháng 4 năm 2020.