Ngày 15-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:27 15/05/2018
71. CHỮ NHƯ PHÂN THỐI
Một hôm Du Tôn Khiêm đi thăm bạn là Vương Bách Cốc.
Họ Vương đang luyện thư pháp nên không bỏ viết xuống để cùng ông ta trò chuyện, Du Tôn Khiêm cho rằng họ Vương rất là không lịch sự nên nổi cáu, liền chửi:
- “Anh cho rằng chữ anh viết đẹp lắm sao, thật ra nó giống như phân thối ấy !”
Không lâu sau, Du Tôn Khiêm muốn đến coi dạng chữ của Vương Bách Cốc viết, nhưng tự mình đi thì không tiện, bèn sai tên tớ gái đi lấy.
Vương Bách Cốc nghe lời tớ gái yêu cầu thì cũng không nói gì, bèn viết một trang chữ, đem dáng chữ trao cho tên tớ gái và nói:
- “Về nhà nói với tướng công của ngươi rằng, phân thối vừa cho người ta gánh đi mấy gánh rồi.”
(Lộ thư)

Suy tư 71:
Con người ta khi vui vẻ đề huề thì thốt ra những lời ngon ngọt dễ nghe, lịch sự và biết tôn trọng lẫn nhau, cũng là một con người ấy nhưng khi giận dữ nổi cáu thì thốt ra những lời rất khó nghe.
Có người khi không có chuyện gì xảy ra với bạn bè thì là “anh nói năng nghe êm tai quá”, nhưng khi giận dữ với bạn bè thì nói “mày ăn nói tao ngửi không nổi...”
Tất cả cũng chỉ vì do lòng ích kỷ và kiệu ngạo mà ra, nếu tâm hồn chúng ta đề huề tình cảm bạn bè thì dù có giận hờn cách mấy cũng chỉ cười xoà là xong; nếu tâm hồn chúng ta chan chứa sự khiêm tốn, thì tự xét thấy mình ăn nói “còn ngửi không được” hơn những người khác, có như thế chúng ta mới biết thông cảm và sống chan hoà với hết mọi người.
Người ta nói xem văn là biết người, nhưng theo tôi thì thấy chữ viết cũng là biết người, nhưng văn thì tâm hồn và chữ viết thì xương cốt, không ai xem văn thì thấy như bãi rác và cũng không ai nhìn thấy chữ viết thì giống như phân thối, chỉ có người trong lòng đầy ắp kiêu ngạo mới tìm ra những lời ấy mà thốt lên để thóa mạ và chửi bới anh em chị em của mình mà thôi.
Chữ viết không thể nào giống như phân thối, nhưng sự kiêu ngạo hợm hỉnh của mình chính là phân thối làm cho mọi người tởm lợm tránh xa và Thiên Chúa cũng ngán ngẫm...thở dài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

--------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:29 15/05/2018

20. Từ bỏ phán đoán của mình, chính là khắc chế những phán đoán không phù hợp với Thiên Chúa và người khôn ngoan.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:31 15/05/2018
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. C
(Ga 20: 19-23)
LỄ HIỆN XUỐNG.


Chiều ngày thứ nhất trong tuần,
Cửa nhà đóng kín, thấm nhuần đau thương.
Sợ lo bắt bớ vấn vương,
Họp nhau cầu nguyện, tựa nương xum vầy.
Giê-su hiện đến nơi đây,
Bình an chúc phúc, chính Thầy hiện ra.
Xem tay lủng lỗ rách da,
Cạnh sườn đâm thấu, thứ tha tội đời.
Vui mừng xem thấy Ngôi Lời,
Phục sinh cõi chết, rạng ngời thánh nhan.
An bình ân sủng trao ban,
Sai đi khắp chốn, vạn ngàn khó nguy.
Thánh Thần đón nhận phát huy,
Các con tha tội, thực thi chữa lành.
Thứ tha tẩy sạch lòng thành,
Các con cầm tội, nhân danh Chúa Trời.
Tội kia cầm lại trong đời,
Khấn lòng thương xót, một thời sửa sai.
Hạ thân, Chúa chết vì ai?
Gọi người tội lỗi, mở khai tâm hồn.

Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh dưới thế. Ngài hứa ban Thánh Thần như nguồn sinh lực để khai mở một hướng mới trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần là nguồn mạch an ủi và khôn ngoan. Ngài đã biến đổi các môn đệ từ những con người nhút nhát và sợ sệt trở nên những nhân chứng can đảm. Các môn đệ không còn sợ hãi, không sợ bắt bớ, tù đầy, không sợ đau khổ và không sợ chết nữa.

Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý và nguồn sự sống. Khi tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa đã thổi hơi sự sống vào thân xác các loài thụ tạo và các thụ tạo bắt đầu có sự sống. Hơi thở là sự sống. Khi tắt thở là chết. Mọi muông thú và con người đều cần có hơi thở để sống còn. Hơi thở là sự sống mà chúng ta lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần.

Truyện kể vui: Có một cha sở bị bệnh nặng phải có bình dưỡng khí để tiếp thở. Bà giúp việc khóc lóc than van và lo lắng cho ngài. Cha xin bà làm cho ngài một việc. Bà nói thưa cha việc gì cũng được, miễn sao cha khoẻ. Cha nói: xin bà bước ra, bà đang đạp lên ống dưỡng khí của tôi, tôi không thể thở được. Khí rất cần cho sự sống. Mỗi giây phút cuộc đời, chúng ta lãnh nhận hồng ân của Chúa, đó chính là ơn sự sống.

Chúa Giêsu hứa với các môn đệ rằng: Thần Chân Lý sẽ đến dạy chúng con tất cả sự thật. Thần Chân lý là nguồn sự khôn ngoan không bao giờ vơi cạn. Như lời Kinh Thánh đã viết, đã trải qua mấy ngàn năm, nhưng lời Chúa vẫn như mới và vẫn còn tác động mạnh mẽ nơi tâm hồn. Với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, lời Chúa có thể áp dụng mọi nơi, mọi thời và không bao giờ trở nên cổ hủ. Mỗi lần đọc lời Chúa, chúng ta suy niệm và sẽ có những thúc đẩy và hướng dẫn mới.

Thánh Phaolô viết rằng: Chúng ta không thể nói “Lạy Chúa” nếu không bởi ơn Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong lòng Giáo Hội, luôn đổi mới và canh tân qua mọi thời đại. Ơn Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội tìm ra con đường thích hợp để thích ứng với cuộc sống mà không bị đi trong lầm lạc.

Chúa Giêsu đã thổi hơi và phán bảo: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại. Các Tông đồ không làm việc gì mà không do Thánh Thần thúc đẩy họ. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần như nguồn sinh lực và bình an. Mỗi lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, Chúa đều chúc: Bình an cho các con. Lời chúc đó mang lại sự bình an đích thực trong tâm hồn. Trong thánh lễ linh mục chúc: Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em và anh chị em đi bình an.

THỨ HAI, TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
(Mc 9, 13-28).
TÔI TIN


Tranh dành quyền lợi thế gian,
Được thua hơn kém, ơn ban bởi trời.
Môn đồ luật sĩ đối lời,
Chịu thua ma quỉ, đổi đời bệnh nhân.
Quỷ câm đột nhập người dân,
Đẩy xô té ngã, nhiều lần khổ đau.
Cứng đờ bọt mép trắng phau,
Nghiến răng nghiến lợi, trước sau khó lường.
Môn đồ của Chúa xót thương,
Đức tin yếu kém, không đường giải vây.
Cầu xin Chúa Cả con đây,
Xua trừ quỉ dữ, lạy Thầy cứu cho.
Chúa đành ra lệnh đừng lo,
Hỡi thần câm điếc, khôn dò xuất ra.
Quyền năng cứu chữa thứ tha,
Đức tin vững mạnh, quỉ ma xa rời.

THỨ BA, TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
(Mc 9, 29-36).
KHIÊM HẠ


Âm thầm xuống núi vào làng,
Không cho ai biết, dọc đàng đón đưa.
Giê-su mạc khải lời xưa,
Con Người bị nộp, lật lừa giết đi.
Ghen tương chối bỏ thực thi,
Những điều Chúa dậy, từ bi sống đời.
Chu toàn sứ mệnh cao vời,
Hy sinh chịu chết, vì người trần gian.
Thứ ba sống lại khải hoàn,
Vinh quang chiếu sáng, phá tan ngục tù.
Môn đồ không hiểu chữ tu,
Hãm mình dẹp xác, khiêm nhu tâm hồn.
Đơn sơ hồn trẻ ôn tồn,
Hồn nhiên trong trắng, nên khôn chân thành.
Chúa thương trẻ nhỏ lòng thanh,
Ai mà đón tiếp, ơn lành phú ban.

THỨ TƯ, TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
(Mc 9, 37-39).
ỦNG HỘ


Ai không chống đối các con,
Họ đang ủng hộ, mỏi mòn đợi trông.
Lắng nghe im lặng lập công,
Nhân danh trừ quỉ, dù không theo Thầy.
Đừng ngăn cấm cản người nầy,
Họ không nói xấu, dựng xây hợp tình.
Bon chen cuộc sống tìm vinh,
Yêu thương đoàn kết, kết tình vẫn hơn.
Đường đời muôn nỗi cô đơn,
Ghét ghen chia rẽ, như đờn đứt giây.
Muôn người muôn mặt bủa vây,
Học khôn học khéo, như cây giữa rừng.
Tựa nương liên kết không ngừng,
Vươn thân cao lớn, xin đừng tách xa.
Con ơi hãy nhớ lời cha,
Thi hành sứ vụ, chạm va lẽ thường.

THỨ NĂM, TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
(Mc 9, 40-49).
CÕI SỐNG


Dù là ly nước tầm thường,
Giúp cho kẻ khó, dẫn đường cõi thiên.
Vì danh Thiên Chúa nhân hiền,
Kể công phúc đức, vào miền trường sinh.
Ai nên cớ phạm sinh linh,
Thà ràng cối đá, chịu hình khổ đau.
Tay con nên cớ lỗi nhau,
Thà rằng cắt bớt, đời sau hưởng nhờ.
Chân con dịp tội hững hờ,
Chặt chân vấp phạm, hưởng nhờ cõi sau.
Mắt con phạm lỗi trước sau,
Thà rằng móc mắt, sạch lau tội đời.
Dụ ngôn Chúa dạy tuyệt vời,
Hy sinh buông bỏ, Nước Trời ngay bên.
Muối đời ướp mặn vững bền,
Sống chung hòa thuận, cõi trên tìm về.

THỨ SÁU, TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
(Mc 10, 11-12).
KẾT HỢP


Vợ chồng nối kết tơ duyên,
Kết thành nên một, lời truyền Hóa Công.
Sống đời thánh đức hằng trông,
Gia đình hạnh phúc, thắm nồng tin yêu.
Mấy người Biệt Phái đặt điều,
Có nên ly dị, để chiều lòng dân.
Cứng lòng nhiễm thói gian trần,
Môi-sen chiều ý, đôi lần van xin.
Từ đầu Chúa đã đoái nhìn,
Cặp đôi nam nữ, kết tình không phai.
Vợ chồng kết nối cả hai,
Một thân một xác, sánh vai cuộc đời.
Không nên chống đối luật Trời,
Cuộc đời phân rẽ, xa rời vỡ tan.
Tình yêu vun đắp ơn ban,
Chúa thương chúc phúc, bên đàn con yêu.

THỨ BẢY, TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
(Mc 10, 13-16).
TRẺ NHỎ


Tâm hồn trẻ nhỏ đơn sơ,
Tinh thần thơ bé, hằng mơ trong đời.
Chúa thương đám trẻ vui chơi,
Chạy đùa hớn hở, gọi mời thương yêu.
Đặt tay ban phúc thật nhiều,
Ai mà tiếp chúng, thiên triều sẽ ban.
Bất bình thái độ từ nan,
Khinh khi chối bỏ, lũ đàn trẻ thơ.
Chúa yêu trẻ nhỏ bơ vơ,
Ẵm ôm quí mến, vô bờ yêu thương.
Nước Trời đón nhận mở đường,
Tâm hồn thanh khiết, hoa hương cuộc đời.
Trở nên như trẻ rạng ngời,
Tấm lòng chân thật, nói lời dễ yêu.
Đường lên núi thánh cao siêu,
Giữ hồn thanh thoát, mỹ miều cao sang.
 
Tĩnh tâm đón nhận Chúa Thánh Thần - Bài 1: Ân huệ tột đỉnh của lòng Chúa xót thương: Đổi mới con người thụ tạo thành Thiên Chúa
Lm. Anton Nguyễn Ngọc Sơn
08:44 15/05/2018
LTS: Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn đã gửi tặng VietCatholic các bài tĩnh tâm chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đây là 8 bài suy niệm mà như cha Sơn viết: "Bạn có thể dành mỗi ngày khoảng 20 phút, tìm một khoảng không gian yên tĩnh, trong gia đình hay ở bất cứ nơi nào, để thực hiện cuộc tĩnh tâm này. Cầu chúc các bạn luôn an mạnh và tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần."

Tĩnh tâm cuối tuần để chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần

Sống theo ơn Chúa Thánh Thần

Bài 1: Ân huệ tột đỉnh của lòng Chúa xót thương:
Đổi mới con người thụ tạo thành Thiên Chúa
Bài 2: Chúa Giêsu đổi mới vũ trụ vạn vật
Bài 3: Thánh Thần Tình yêu nối kết con người và vạn vật
Bài 4: Thần Khí hợp nhất của Đức Kitô
Bài 5: Con đường Tình Yêu và Thần Khí Sự Thật
Bài 6: Khí thở trong đời người tín hữu
Bài 7: Thở được Thần Khí của Chúa Kitô
Bài 8: Tương quan mật thiết giữa Mình Máu Chúa Kitô và Thần Khí


Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Vài lời hướng dẫn

Bạn có thể dành mỗi ngày khoảng 20 phút, tìm một khoảng không gian yên tĩnh, trong gia đình hay ở bất cứ nơi nào, để thực hiện cuộc tĩnh tâm này.

Cuộc tĩnh tâm này bạn sẽ thực hiện với Mẹ Maria, với các Tông đồ như trong Nhà Tiệc Ly xưa để chuẩn bị đón Chúa Thánh Thần. Đây là cuộc tĩnh tâm quan trọng, có thể thay đổi cả cuộc đời bạn để bạn vui hơn, khoẻ hơn, tốt đẹp hơn, kỳ diệu hơn vì Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới mọi sự.

Tập suy niệm ngắn gọn này chỉ đưa vài điểm giúp bạn có chất liệu để nói chuyện với Chúa. Bạn có thể đọc chậm từng đoạn văn nhỏ rồi dâng lên Chúa những tâm tình ngợi khen, ca tụng, tôn vinh, cảm tạ, xin lỗi, xin ơn…

Bạn cũng có thể tự đặt câu hỏi cho mình: Tình trạng của tôi hiện nay thế nào? Tôi nên làm gì để thay đổi hay cải thiện đời sống? Tôi đang nhận những ân huệ nào của Chúa Thánh Thần? Tôi cần phải phát huy ân huệ đó như thế nào?...

Bạn có thể ghi những tâm tình hay quyết tâm vào trong cuốn sổ bạn mang theo. Ngoài giờ suy niệm chính thức, bạn có thể dùng những giờ tự do để tiếp tục cầu nguyện theo tập hướng dẫn này, bạn có thể Chầu Thánh Thể, lần chuỗi Mân Côi, đi Đàng Thánh Giá, Đường Ánh Sáng…

Trong tĩnh tâm cuối tuần này, bạn được hướng dẫn để đo khí thở của bạn xem mỗi lần bạn thở được bao nhiêu, có đủ khí cho bộ não của bạn hay không. Bạn cũng được hướng dẫn để đo huyết áp và nhịp tim vì chúng liên hệ mật thiết với khí thở và rất quan trọng cho sức khoẻ của bạn. Trong đời sống siêu nhiên, bạn cũng được mời gọi, và nhắc lại nhiều lần trong tập suy niệm này, để xét lại tình yêu trong trái tim bạn và phát huy những ân sủng của Thánh Thần.

Cầu chúc bạn luôn được bình an, hạnh phúc trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần.

Bài 1: Ân huệ tột đỉnh của lòng Chúa xót thương: Đổi mới con người thụ tạo thành Thiên Chúa

Lời mở

Khi thiết lập lễ kính lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật II mùa Phục Sinh, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II như muốn mời gọi ta nhận ra tột đỉnh lòng Chúa thương xót qua cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ trong ngày Người sống lại (x. Ga 20,19-31). Nhưng rất nhiều người tín hữu chúng ta dường như chưa hiểu được điều ấy nên cũng chưa phát huy được lòng thương xót trong đời sống thường ngày. Vì thế, chúng ta sẽ tìm hiểu ân huệ đột đỉnh lòng Chúa thương xót là gì và làm sao để thể hiện điều đó.

1. Ân huệ tột đỉnh lòng Chúa xót thương

Trong ngày Chúa Giêsu sống lại, Người hiện ra 6 lần: lần đầu tiên với Mẹ Maria, theo lời dạy của các thánh giáo phụ; tiếp đến với Maria Magdala ở gần mộ an táng Người; với các phụ nữ; rồi với thánh Phêrô, với hai môn đệ trên đường Emmaus, và chiều tối với các môn đệ ở nhà Tiệc Ly tại Giêrusalem. Lần hiện ra với các môn đệ là quan trọng nhất vì nó diễn tả lòng yêu thương tột đỉnh của Thiên Chúa đối với loài người, đồng thời cũng giúp ta hiểu được bản chất cuộc sống lại của Đức Giêsu và của chúng ta.

Trước hết, cuộc sống lại của Chúa Giêsu không phải giống như cuộc sống lại của con gái ông Giairô (x. Mc 5,22-43), con trai bà goá thành Naim (x. Lc 7,11-17), Lazarô (x. Ga 11,1-41), cậu bé Euticô (x. Cv 20,9-12), bà Tabitha (x. Cv 9,36-41). Đó chỉ là những cuộc hồi sinh của những người “trở về từ cõi chết”: họ tiếp tục sống trong cuộc đời tự nhiên, trong một không gian, thời gian với các điều kiện vật chất bình thường, rồi sau đó lại chết như mọi người.

Cuộc sống lại của Chúa Giêsu cũng không phải là cuộc “tái sinh” từ một kiếp nào đó đã qua để sống một kiếp mới nơi trần thế, trong một thời gian, không gian khác lạ so với kiếp trước, như nhiều người theo Phật giáo vẫn tin tưởng (x. Vicki Mackenzic, Tái sinh ở Phương Tây, NXB Phương Đông, 2010; Brian L.Weiss, Tiền kiếp và luân hồi có thật không?, NXB Tôn giáo, 2006). Kho tàng cổ tích Việt Nam còn kể những chuyện tái sinh mang đậm lý thuyết luân hồi của Phật giáo, từng ăn sâu trong tâm thức người Việt như Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt, Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, nhất là truyện Thủ Huờn với câu ca dao nổi tiếng: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.

Chúa Giêsu sống lại là Người muốn giới thiệu cho ta một sự hiện hữu mới, để sống theo một cách thức mới, không phải trong không gian 3 chiều hay 4 chiều của con người, mà là trong chiều kích của Thiên Chúa. Người cho ta thông phần vào sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, không còn lệ thuộc vào vật chất, thời gian và không gian tự nhiên nữa. Vì thế, ta thấy dù cửa nhà các môn đệ đóng kín, Chúa Giêsu vẫn hiện đến, đứng giữa các ông, vật chất không ngăn cản được Người. Dù Tôma nói với các tông đồ đủ điều bất mãn tưởng như Chúa Giêsu không có mặt, nhưng Chúa Giêsu nghe được tất cả, không bỏ sót điều nào và Người mời gọi Tôma thực hiện từng điều ông yêu cầu. Như thế, không gian và thời gian không ngăn cản nổi Người.

Sự hiện hữu mới mẻ này khởi đầu từ một cuộc sáng tạo mới. Khi Thiên Chúa dựng nên con người và vũ trụ, Thần Khí bay là là trên mặt nước, Chúa dùng Lời của Ngài phán bảo “Hãy có ánh sáng và muôn loài muôn vật”. Tức thì tất cả thụ tạo được hình thành (x. St 1-2). Riêng con người, Chúa thổi hơi vào khối bùn đất bất động, làm thành con người sống động (x. St 2,7).

Nhưng lần sáng tạo mới này từ cuộc phục sinh của Chúa Giêsu lạ lùng hơn nhiều: Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa “trao ban Thần Khí” (Ga 19,30) cho toàn thể vũ trụ để nâng mọi loài sa ngã lên (x. Ga 12,32) khi Người gục đầu chết trên thập giá. Còn trong ngày đầu tiên sống lại, Chúa Phục Sinh đã thổi hơi trên các môn đệ, là những con người sống động, để làm cho họ trở thành Thiên Chúa siêu việt giống như Người. Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Ga 20,22-23). Quyền tha tội là quyền chỉ thuộc Thiên Chúa, nhưng nay đã được ban cho con người, để ta thấy con người được Chúa yêu thương, tôn trọng như thế nào.

Đây là tột đỉnh của lòng Chúa thương xót, vì sau khi đã ban Con Một yêu dấu cho ta để giao hoà ta với Ngài, thì Chúa Cha và Chúa Con lại ban Thánh Thần để ta nên một với Thiên Chúa. Tuy nhiên, rất nhiều người chưa ý thức được ân huệ tột đỉnh này. Họ giống như một người được ban tặng một viên kim cương hết sức quý giá, nhưng không biết giá trị của ngọc quý, nên ném nó vào góc tủ. Vì thế họ không thể hiện được ân sủng tột đỉnh này trong đời sống của mình.

2. Làm sao thể hiện được ân huệ Phục Sinh tột đỉnh này?

Muốn thể hiện ân huệ tột đỉnh là trở nên giống Thiên Chúa, ta cần phải thở hít được dồi dào Thần Khí Thiên Chúa để biến dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu. Đây là công việc thánh hoá, thần hoá của Chúa Thánh Thần vì biến đổi ta thành thần thánh như Thiên Chúa.

Tuy nhiên, nhiều tín hữu hiện nay khác với tín hữu thời Giáo Hội sơ khai như ta thấy mô tả trong Bài đọc I (x. Cv 4,32-35): “Tất cả đều một lòng một ý, nhờ quyền năng mạnh mẽ Chúa ban, họ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại, vì Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng”. Các tín hữu thời nay chưa biết thở Thần Khí Thiên Chúa. Vì thế, họ không thể làm chứng cho Chúa Kitô, không làm được những phép lạ của Thánh Thần, không biết thương yêu nhau và phát huy sự thật trong mọi khoa học và lĩnh vực của đời sống. Trong khi thánh Gioan nhắc nhở ta trong Bài đọc II (1 Ga 5,1-6) rằng: “Chính Thần Khí là chứng nhân và Thần Khí là sự thật”.

Tất cả chỉ vì tín hữu chúng ta không biết tầm quan trọng của Thần Khí trong đời sống, giống như chúng ta chưa quan tâm đến khí thở cho thể xác của mình. Thử hỏi có anh chị em nào quan tâm đến mỗi lần mình thở được bao nhiêu lít khí? Người ta tưởng lầm rằng khí tự nhiên lọt vào buồng phổi. Trong hơn 20 năm chữa bệnh, tôi đã đo khí thở cho khoảng 20 ngàn người và có tới 95% người Việt thở không đủ khí. Mỗi lần thở trung bình người lớn cần khoảng 2000ml khí nhưng nhiều người chỉ thở được 1.000-1.500ml là cùng. Mỗi người cần khoảng hơn 10.000 lít không khí tối thiểu trong một ngày.

Chúng ta biết rằng khí oxy hết sức cần thiết trong đời sống. Thường chúng ta có khoảng 60-70-80 vòng quay máu trong 1 phút. Máu đen từ tim, chuyển sang phổi. Trong thời gian 1/20 giây máu đen đón nhận khí oxy từ các phế nang, biến thành máu đỏ, rồi trở về tim. Tim bơm máu đỏ đến từng tế bào trong khắp cơ thể để đưa khí oxy và chất bổ dưỡng nuôi từng tế bào. Sau đó máu biến thành đen vì có khí Carbonic quay về tim, kết thúc một vòng quay của máu. Đặc biệt, một phần máu đỏ đưa lên não để nuôi khoảng 16 tỉ tế bào thần kinh. Nhờ đó não mới phát ra các lệnh cho mọi cơ quan hoạt động. Nhưng nếu thiếu oxy ở não, chỉ trong vòng 1 giây, đầu óc ta choáng váng, có thể ngã té và bất tỉnh.

Nhiều người thường chỉ lo ăn, quên uống và không quan tâm đến thở. Một ngày không ăn gì là người ta thấy đói cồn cào. Nhưng thực ra con người có thể nhịn ăn tối đa khoảng 30 ngày, nhịn uống tối đa 3 đến 4 ngày vì nước uống cần hơn thức ăn và nhịn thở tối đa khoảng 4 phút. Nhịn được 4 phút là nhờ phổi luôn có khoảng 1,5 lít khí dự trữ để nếu ta có bị ngạt thở, não vẫn còn sống thêm được vài phút. Nếu chúng ta thở mạnh, có nhiều khí trong máu và não, chúng ta sẽ rất khoẻ mạnh, thông minh, tươi đẹp.

Thần Khí trong linh hồn con người và trong thân thể nhiệm mầu của Chúa Kitô cũng hoạt động giống như vậy. Nhiều người tín hữu đi dự lễ, rước Mình Máu Thánh Chúa hằng ngày, nhất là linh mục, tu sĩ, nhưng lại quên thở Thần Khí hoặc thở rất yếu kém. Khí dơ của tinh thần, là tà khí, vẫn còn đầy trong tâm trí, nên không phát huy được 7 ơn Chúa Thánh Thần cũng như các hiện sủng, đoàn sủng, đặc sủng của Ngài.

Chúng ta đáng lẽ phải khoẻ mạnh hơn, xinh đẹp hơn, thông minh hơn, thánh thiện hơn để làm chứng nhân cho sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng Thần Khí Chúa Giêsu thổi trên chúng ta đã bị ngăn cản bởi tà khí trong buồng phổi thiêng liêng của mỗi người. Đáng lẽ chúng ta có thể phát huy những ân huệ của Thánh Thần để làm các dấu lạ như chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, khám phá sự thật về con người và vạn vật trong các khoa học, ơn ngôn ngữ, ơn tiên tri, ơn phục vụ để chứng minh mình thật sự là con cái Thiên Chúa như các tông đồ và môn đệ xưa kia.

Lời kết

Vì thế, hôm nay chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì ân sủng tột đỉnh của lòng Chúa xót thương ta và tìm cách thở mạnh mẽ hơn Thần Khí của Chúa Phục Sinh để có thể chia sẻ tình thương đó cho mọi người.

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn có biết ân sủng cao quý tột đỉnh Chúa ban cho bạn là gì?

2. Bạn có ý thức mình có thể sống tốt đẹp và hành động hiệu quả hơn rất nhiều so với đời sống của bạn hiện nay không?
 
Chúa Thánh Thần là ''Nước Hằng Sống''
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:13 15/05/2018
Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng với đức tin: “Tôi tin Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, là mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (x.Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 4). Chúa Thánh Thần là mạch nước hằng sống xuất phát từ Chúa Giêsu.

Chúa Thánh Thần là "Nước hằng sống”. Người làm cho tín hữu được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa Tình Yêu và khiến cho cuộc sống của họ được Thiên Chúa soi sáng, canh tân, biến đổi, hướng dẫn, linh hoạt và dưỡng nuôi (x.Đức Thánh Cha Phanxicô huấn dụ tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư ngày 08.5.2013). Đức Thánh Cha giải thích sự kiện Chúa Thánh Thần là suối nguồn bất tận sự sống của Thiên Chúa nơi chúng ta. Con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi đều ước mong có một cuộc sống tràn đầy và xinh đẹp, công bằng và tốt lành, một cuộc sống không bị đe dọa bởi cái chết, nhưng có thể chín mùi và lớn lên cho tới sự tràn đầy của nó. Con người giống như một khách lữ hành đi qua các sa mạc cuộc đời, khát nước mát hằng sống, vọt lên, có khả năng làm cho đã khát trong tận cùng thẳm tâm hồn; nó ước mong sâu đậm có được ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và hòa bình. Tất cả chúng ta đều cảm nhận được ước mong đó! Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất từ Thiên Chúa Cha và là Đấng mà Chúa Giêsu đỗ tràn đầy con tim chúng ta. Người nói: “Ta đến để ban cho chúng sự sống, và sồng dồi dào” (Ga 10,10).

Chúa Giêsu đã đến để ban cho chúng ta “Nước Hằng Sống” là Chúa Thánh Thần, để cuộc sống của chúng ta được Thiên Chúa hướng dẫn, linh hoạt, dưỡng nuôi.
Chúa Giêsu mời gọi: "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống" (Ga 7,37tt). “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7,39). Dòng nước đó đã tuôn trào từ trái tim của Người, trái tim bị lưỡi đòng đâm thủng trên đồi Canvê (x. Ga 19,34). Đó chính là thứ nước mà Chúa Giêsu đã từng nhắc đến trong cuộc trò chuyện với người phụ nữ Samari bên giếng Giacóp, Ngài tỏ cho bà biết rằng ai uống các nguồn nước tự nhiên sẽ còn khát mãi, còn: “Ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Nguồn nước thiêng liêng mà Chúa Giêsu hứa ban chính là Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (x. Thông điệp về Chúa Thánh Thần, tựa đề Domi¬num et Vivificantem - Chúa và là Đấng Ban Sự Sống, 1986, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).

Trong Kinh Thánh, nước tượng trưng cho sự sống; do đó, Thánh Thần được biểu tượng hóa thành dòng nước ban sự sống mới.

Nước cần thiết cho sự sống muôn loài. Nước quan trọng cho sự phát triển của cơ thể con người, cho sự tăng trưởng của súc vật và cây cối. Không có nước, không có sự sống. Mọi sinh vật đều gồm phần lớn là nước dù sống ở đâu. Chín phần mười thể tích cơ thể con người là nước.

Khi sử dụng nước trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta cho là điều tự nhiên. Nhưng thật sự, nước là của châu báu Trời ban cho quả địa cầu.

Nước từ trên nguồn cao đổ xuống, nước uốn mình theo ghềnh thác, nước lượn khúc trong những khe suối, nước chảy xuôi dòng sông, nước dồn về biển cả. Không có gì mềm mại hơn nước và cũng không có gì mạnh mẽ bằng sức nước. Nước không có độ cứng dày nên không đo lường được chiều cao, sâu, rộng, dài của nước.

Nước chảy tới đâu đem lại sự sống đến đó. Gặp ghềnh thác hay các tảng đá chắn lối, nước vẫn len lõi chảy, không gây xích mích hay hận thù với ai. Nước có thể bị vẩn đục khi chảy qua rừng rậm, ruộng đồng, nương rẫy nhưng nước có khả năng thanh tẩy trở lại thanh sạch ban đầu.

Nước thấm nhập vào các loài hoa giúp chúng trổ sinh những bông hoa muôn màu muôn sắc; nước thấm nhập vào các loài cây ăn trái giúp chúng cung ứng cho đời muôn vạn thứ trái trăng ngon ngọt với những hương vị khác nhau; nước thấm nhập vào đất đai khiến đất cằn khô trở nên vườn cây tươi tốt…Chúa Thánh Thần thấm nhập đến đâu cũng làm trổ sinh hoa trái thiêng liêng cách diệu kỳ đến đó. Xem quả thì biết cây, Thánh Phaolô nói đến 12 hoa trái của Chúa Thánh Thần là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hoà, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết” (Gal 5,22-23).

Chúa Thánh Thần ban sự sống mới. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).

Khởi đi từ Chúa Thánh Thần, cả một sức sống mới được khai mở và bừng lên trong Giáo hội. Trước ngày lễ Hiện Xuống, các môn đệ co cụm lại trong căn phòng then cài khóa ổ, nhưng một khi đã đón nhận Thánh Thần, các ông không thể sống như cũ được nữa: căn phòng được mở toang và môn đệ can đảm bước tới vùng ngoại biên là những vùng địa lý xa xôi, đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người. Đó chính là mùa Hiện Xuống đầu tiên làm nên sức sống mới lạ trong Giáo hội. Lễ Hiện Xuống thường được gọi là “ngày khai sinh của Giáo hội” tựa như lễ quốc khánh của một quốc gia. Chúa Thánh Thần đã làm cho sứ mệnh của Đức Kitô được hoàn thành và thời kỳ Tân Ước được thực hiện. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, là Đấng ban sự sống, thánh hóa, hướng dẫn, soi sáng, phù trợ, hiệp nhất. Chúa Thánh Thần là ngọn gió thổi các cánh buồm của Giáo hội hướng đến đại dương của “những kênh truyền thông mới” trong thời đại kỹ thuật số hôm nay.

Mỗi người Kitô hữu được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu thánh một cách đặc biệt trong Bí tích Thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ mạng làm chứng của Giáo hội.Trong Bí tích Thêm Sức nhận lãnh, không những các ơn Chúa Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như một sức mạnh từ trên cao, như là “Thần lực của Thiên Chúa”. Đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân Lý và Sự Thật. Đó là sức mạnh cuốn hút của cái Đẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Đẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp đích thực.

Trong những ngày qua, báo chí nói nhiều về hình ảnh tuyệt đẹp cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Nam Hàn và Chủ Tịch Bắc Hàn. Nói theo Victor Gaetan của tập san Foreign Affairs số gần đây, phương thức hành động của Moon Jae-in mô phỏng theo phương thức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. “Nhà Xanh” là chỗ cư ngụ của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời là địa điểm đặt các văn phòng tổng thống và nơi đón tiếp các quốc trưởng đến thăm Hàn Quốc. Như một tín hữu Công Giáo tốt lành, tân tổng thống đã nghĩ đến việc làm phép nơi ở mới. Ngày 13.5.2017, cha Phaolô Ryu Jong-man đang coi sóc giáo xứ Chúa Ba Ngôi ở vùng phụ cận Hongje-dong (Seoul), được mời đến đến làm phép cho ngôi nhà và các đồ vật. Cha Phaolô đã đặt tay trên tổng thống và cầu nguyện cho ông được “khôn ngoan như Vua Salômon”. Cha cũng nói với tổng thống: “Trước khi quyết định về vấn đề của đất nước, hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ đến ban ánh sáng và sức mạnh của Người”. Quả thật, ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui bình an và tình yêu. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới, biết xây dựng hòa bình tình thương và công lý.

Chúa Thánh Thần là Tình Yêu. Đặc tính của tình yêu là dịu dàng như dòng nước, êm mát nhún nhường. Tình yêu có vẻ mềm yếu hơn tất cả nhưng lại mạnh hơn tất cả. Bởi vì không phải đá hay lửa thắng được nước mà là nước chảy đá mòn. Không gì có thể thắng nổi tình yêu vì Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế mọi dòng sông vẫn tiếp tục chảy ra biển cả. Tình yêu Thiên Chúa vẫn chan hoà muôn người. Tình yêu dạy cho con người niềm hạnh phúc lớn nhất cao cả nhất và đẹp nhất là biết trao ban, hiến dâng, cho đi, quảng đại, bao dung. Đó là đỉnh cao tình yêu Kitô giáo. Yêu là hy sinh cho người mình yêu. Yêu là tìm hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu như Chúa đã yêu và yêu đến cùng.

Qua phép Rửa bằng nước, người Kitô hữu lãnh nhận sự sống của Chúa Thánh Thần. Nước của phép Rửa có sức tẩy sạch tội lỗi gây sự chết và đưa vào đời sống mới. Nước của phép Rửa có sức chữa lành, thánh hóa và đem lại sự tươi mát cho tâm hồn. Từ đó, người Kitô hữu được thông dự vào nguồn ân sủng của Chúa Kitô, như cành nho được tháp nhập vào cây nho. Nước hằng sống, Chúa Thánh Thần là Ơn của Chúa Phục Sinh ở trong chúng ta, thanh tẩy, soi sáng, canh tân, biến đổi chúng ta, “Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).






 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ấn tín tòa giải tội không phải là chiếc đinh chốt của nền văn hóa bí mật
Vũ Văn An
01:08 15/05/2018
Ký giả Christopher của tạp chí Crux vừa có cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, tân Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Châu, về tình hình Giáo Hội tại châu lục này.

Ai cũng biết, trong mấy tháng qua, Giáo Hội Công Giáo Úc đã được công luận lưu ý, chủ yếu do các tin tức chung quanh việc Đức Hồng Y George Pell, cựu Tổng Giám Mục Sydney và hiện là tổng trưởng tài chánh của Tòa Thánh, sẽ phải ra tòa về “các vi phạm tình dục đã lâu năm”, một điều được nhiều người coi như một thứ hậu quả đáng tiếc của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.



Trong lúc Giáo Hội tìm cách thay đổi các truyện kể về vai trò của mình trong đời sống công cộng, thì Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc. Phục vụ trong tư cách Phó Chủ Tịch cho ngài là Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney.

Không bao lâu sau ngày hai vị được bầu, Đức Cha Richard Umbers, một Giám Mục Phụ Tá của Sydney, “hót” rằng với việc bầu 2 Đức Tổng Giám Mục Coleridge và Fisher, các giám mục Úc đã “đặt lên tuyến đầu hai vị giám mục ăn nói rành rõi nhất của Hội Đồng”.

Trong cuộc phỏng vấn của Crux, Đức Cha Coleridge nói rằng ngài có ý định lèo lái các căng thẳng giữa Giáo Hội và nhiều cuộc chiến đấu chính trị và giáo hội đa dạng tại Úc, và theo một cách Đặt Chúa Giêsu Kitô vào tâm điểm việc làm của ngài.

Ngoài ra, ngài nhấn mạnh rằng điều chủ yếu là theo đuổi cuộc đối thoại với chính phủ Úc về những lời kêu gọi gần đây nhằm loại bỏ ấn tín tòa giải tội, như một hậu quả của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, vì Giáo Hội phải giải thích điều này: dù các vụ che đậy quả đã xẩy ra, không thể chối cãi được, nhưng Bí Tích Thống Hối không phải là “cái đinh chốt của toàn bộ nền văn hóa bí mật”.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Crux: Đức Cha có nghĩ việc bầu ngài đứng đầu các giám mục Úc là dấu chỉ có sự di chuyển việc người ta tập chú vào sinh hoạt Công Giáo của đất nước khỏi miền nam của xứ sở không?

Đức Tổng Giám Mục Coleridge: Tôi không coi mình đứng đầu các giám mục Úc, mà đúng hơn là phối trí viên hay điều hợp viên. Giáo Hội Công Giáo ở Úc chưa bao giờ có giáo chủ (primate), và có khuynh hướng chống lại ý niệm này. Mỗi giám mục đứng đầu giáo phận của mình, và Hội Đồng không thể thay đổi điều này. Nhưng Hội Đồng và vị chủ tịch của nó có thể giúp mỗi giám mục làm việc hữu hiệu hơn cả trong giáo phận của ngài lẫn trong Giáo Hội phổ quát.

Trong quá khứ, Tổng Giám Mục Sydney, thường là một Hồng Y, luôn là chủ tịch của Hội Đồng. Điều đó đã thay đổi khi có sự trống tòa ở Sydney và sau đó, Tổng Giám mục Brisbane lúc đó được bầu. Sau ngài, chức chủ tịch trả về cho Sydney, nhưng rồi chúng tôi có các chủ tịch từ Canberra, Adelaide và Melbourne. Bây giờ chúng tôi quay lại Brisbane.

Điều trên có thể có nghĩa: 'trung tâm' không phải là điều nó từng là, và nó có thể là dấu hiệu của điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là 'tản quyền lành mạnh', nhưng tôi sẽ không đi quá nhiều vào vấn đề này.

Khi ngài được bầu để lãnh đạo các giám mục đồng nghiệp của ngài, ngài nhận diện những gì là thách thức lớn đang đặt ra cho Giáo Hội tại Úc và mục tiêu hàng đầu của ngài là gì?

Giáo hội ở đất nước này đang trên một hành trình từ Ủy ban Hoàng Gia bước tới Công Đồng Toàn Thể, và đó là chìa khóa để tôi hiểu tôi có thể đóng góp những gì.

Cuộc hành trình trên đã bắt đầu từ lâu trước cả Ủy ban Hoàng gia, vì Giáo hội ở đây vốn bắt đầu vật lộn nghiêm túc với cuộc lạm dụng tình dục ngay từ thập niên 1990 và sẽ tiếp tục kéo dài sau Công Đồng Toàn Thể khi chúng tôi thực thi các quyết định của nó. Nhưng sự chuyển dịch từ Ủy ban đến Công đồng đã lên khuôn cho cái hiểu của tôi về điều tôi được kêu gọi thực hiện.

Nó có nghĩa: đầu tiên, phải đáp ứng các khuyến cáo của Ủy ban Hoàng gia theo cách có thể bảo đảm công lý cho các nạn nhân sống sót và một Giáo hội an toàn hơn cho mọi người. Nó cũng có nghĩa: giải quyết nghiêm túc các vấn đề văn hóa và quản trị mà Ủy ban Hoàng gia đã đặt ra, và điều đó có nghĩa: tiếp tục cuộc đối thoại mà chúng tôi đã bắt đầu với Tòa Thánh. Liên hệ với điều đó, chúng tôi sẽ phải chuẩn bị tốt cho Công Đồng Toàn Thể, một Công Đồng có thể là quyết định của các giám mục nhưng thực sự là công việc của Chúa Thánh Thần.

Điều đó sẽ có nghĩa là lắng nghe càng nhiều tiếng nói càng tốt - trên hết là Thánh Linh, nhưng cũng lắng nghe nhiều tiếng nói trong Giáo Hội và ở những nơi khác. Việc lắng nghe của chúng tôi được lên khuôn bởi những câu hỏi rút ra từ thông điệp Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng): Đối với chúng tôi ngày nay, trở thành một Giáo Hội khiêm nhường, một Giáo Hội nghèo, một Giáo Hội cầu nguyện, một Giáo Hội có tính bao gồm, một Giáo Hội truyền giáo, một Giáo Hội hân hoan có nghĩa gì?

Điều trên dẫn đến câu hỏi chính mà chúng tôi đã chấp nhận trong quá trình tham vấn, sắp bắt đầu trên toàn quốc: Bạn nghĩ Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta điều gì ở Úc vào lúc này? Thách thức lớn mà chúng tôi phải đối đầu là trả lời câu hỏi đó đủ mạnh mẽ để chuẩn bị một tương lai mới mẻ cho Giáo Hội ở đất nước này.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây đã chấp thuận một Công đồng Toàn thể cho Giáo hội Úc vào năm 2020. Đây sẽ là một biến cố lớn cho người Công Giáo trong nước. Hy vọng của ngài là gì và ngài dự ứng thăm dò những chủ đề nào?

Hy vọng chính của tôi là chúng tôi sẽ hợp nhất trong việc bước vào diễn trình biện phân; mở lòng ra cho bất cứ điều gì Chúa Thánh Thần có thể muốn nói. Điều chủ chốt là phải coi Công đồng Toàn thể không chỉ có tính hành chính hay chính trị, mà về yếu tính phải có tính thiêng liêng và tính giáo hội.

Quyết định tiến đến một Công đồng Toàn thể phải một thời gian dài mới hình thành; trong khoảng thời gian hơn mười năm, các giám mục đã cân nhắc một điều giống như thế. Nhưng tôi tin chắc rằng quyết định đã được tạo nên dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, và Người sẽ phải hướng dẫn chúng tôi trên hành trình ở phía trước. Tôi nói tới một cuộc hành trình, bởi vì chúng ta đã chuyển từ một cảm thức coi Công đồng như một biến cố qua cảm thức coi nó như một diễn trình.

Công đồng có ba giai đoạn: chuẩn bị, cử hành và thực thi. Chúng tôi đã bắt đầu giai đoạn chuẩn bị và theo nghĩa đó, Công đồng đã bắt đầu. Nó không phải là điều gì đó “ở ngoài kia"; chúng tôi đã đang ở trên đường rồi. Cuộc hành trình sẽ có những khoảnh khắc không chắc chắn của nó, vì biện phân có thể là một mớ bòng bong; và luôn luôn có nguy cơ mất gân não khi đối đầu với một mớ bòng bong. Nhưng chúng tôi cần phải giữ vững gân não và có một lỗ tai để nhận ra điều Thánh Linh đang nói, ngay cả khi điều này là điều chúng tôi không mong đợi hoặc thậm chí không muốn.

Chúng tôi sẽ phải duyệt lại mọi cơ cấu và chiến lược của mình, hỏi xem chúng có phải là những điều mà sứ mệnh yêu cầu lúc này hay không, bất kể chúng đã hữu hiệu ra sao trong quá khứ. Chúng tôi sẽ phải bảo đảm rằng chúng tôi sẽ không chỉ nghĩ và nói về Giáo Hội theo cách hướng nội, nhưng phải để mắt tới sứ mệnh và những gì nó đòi hỏi nơi chúng tôi lúc này ở Úc.

Giữ vững gân não của chúng tôi và để mắt vào sứ mệnh đều sẽ là các thách thức; cả hai sẽ đòi một sự kiên nhẫn thánh thiện, một loại chờ mong nơi Thiên Chúa. Hy vọng của tôi là diễn trình này sẽ dẫn đến một kế hoạch được Thiên Chúa linh hứng cho tương lai của Giáo Hội tại Úc, một kế hoạch sẽ lấy Chúa Giêsu làm tâm điểm. Bởi vì cuối cùng Chúa Giêsu là tất cả những gì chúng ta có. Điều đó sẽ phải là nguyên tắc chỉ đạo của chúng tôi trên hành trình của Công đồng Toàn thể.

Ngài là một đại biểu tại Thượng Hội đồng Giám mục năm 2015 về Gia đình ở Rôma. Ngài tin đâu là thành quả của nó? Và ngài có tin rằng có những câu hỏi chính đáng có nguy hại cho tín lý (như đã được nêu lên bởi “các vị Hồng Y hoài nghi”), hay những cuộc tranh luận này chỉ là một sự xao lãng vô ích?

Một thành quả của Thượng Hội Đồng là quyết định của các giám mục Úc tổ chức Công Đồng Toàn Thể. Đối với tôi, Thượng Hội Đồng là kinh nghiệm biện phân mãnh liệt nhất mà tôi từng biết. Vào ngày 17 tháng 10 năm 2015, trong bài diễn văn đáng nhớ của Đức Giáo Hoàng về tính công đồng của Giáo Hội, một diễn văn gần như loé lên một linh hứng cho tôi hay: lúc này là lúc để các giám mục Úc quyết định tổ chức Công đồng Toàn thể.

Tới quá nửa Thượng hội đồng đó, xem ra chúng tôi không thể nào tạo ra bất cứ điều gì đáng giá vào lúc kết thúc Thượng hội đồng. Nó lung tung xòe và dường như không đi đến đâu cả. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã sản xuất được một điều gì đó đáng giá, và điều này đã dẫn đến Amoris Laetitia (Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương). Cả văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng lẫn Tông Huấn đều không phải là những lời cuối cùng, nhưng cả hai đều là những cột mốc quan trọng trong hành trình đã bắt đầu từ khi Đức Thánh Cha công bố hai thượng hội đồng về hôn nhân và gia đình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuyển từ thượng hội đồng như một biến cố qua thượng hội đồng như một diễn trình, điều vẫn còn đang tiếp diễn. Diễn trình này về yếu tính có tính mục vụ theo nghĩa của Vatican II, mà về việc này, Linh Mục Dòng Tên John O’Malley giúp chúng tôi rất nhiều. Thượng hội đồng, giống như công đồng, không mâu thuẫn với tín lý, nhưng nó tìm cách nói với người ta theo cách họ hiểu và giải quyết thực tại thường rối rắm của đời sống họ, chính trong cái rối rắm đó, họ đang tìm kiếm Thiên Chúa, trong khi chính Người cũng đang tìm kiếm họ.

Điều đó có nghĩa: di chuyển từ một cái nhìn tĩnh tụ đến một cái nhìn năng động hơn, rất đặc trưng của Thánh Kinh, và đến một cách hiểu khác về mối liên hệ giữa khách quan và chủ quan, hành động và con người. Các câu hỏi về mối liên hệ giữa tín lý và mục vụ, tĩnh tụ và năng động, khách quan và chủ quan, hành động và con người đã có với chúng ta ít nhất từ Vatican II. Tôi hy vọng Thượng hội đồng và, Công đồng Toàn thể tại Úc sẽ giúp chúng tôi có được sự cân bằng đúng đắn một các mới mẻ và sáng tạo.

Sắp tới, vụ xử Đức Hồng Y George Pell tiếp tục nổi bật trong các tin tức. Làm thế nào Giáo hội tại Úc lèo lái điều này theo một cách vừa tôn trọng diễn trình tư pháp, nhưng không trở thành điều duy nhất Giáo Hội được biết đến?

Chắc chắn chúng tôi phải tôn trọng diễn trình tư pháp, bất kể chúng tôi có thể nghĩ gì về những cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell hay diễn trình dẫn đến việc chúng được đưa ra. Chúng tôi phải tin tưởng rằng sự thật sẽ có cách của nó và công lý sẽ được thực hiện cho mọi người.

Trong khi đó, chúng tôi phải tiếp tục với nhiệm vụ thực sự của chúng tôi - đó là đáp ứng các khuyến cáo của Ủy ban Hoàng gia dưới ánh sáng Tin Mừng và dùng con đường của Công đồng Toàn thể dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó là cách chúng tôi đứng lên để bênh vực sự thật và công lý theo cách vừa tôn trọng diễn trình tư pháp vừa tập chú vào Chúa Giêsu Kitô.

Ủy ban Hoàng gia kêu gọi kết liễu ấn tín tòa giải tội và thủ hiến New South Wales đã kêu gọi một cuộc thảo luận toàn quốc về vấn đề này. Ngài có tin sẽ có bất cứ cuộc đàm phán nào có thể có về vấn đề này giữa Giáo Hội và nhà nước không?

Các cuộc thảo luận đó phải xảy ra - trước tiên, để giải thích ấn tín (hay đặc ân giải tội của linh mục) là gì và tại sao nó quan hệ trong Giáo Hội Công Giáo, và thứ hai, việc bãi bỏ nó sẽ có nghĩa gì đối với tự do tôn giáo và quyền lương tâm.

Ủy ban Hoàng gia dường như coi ấn tín là đinh chốt của toàn bộ nền văn hóa bí mật và che đậy, và do đó là một điều cần phải loại bỏ. Việc có các vụ che đậy và có thể có một nền văn hóa bí mật trong Giáo Hội là điều chắc chắn; nhưng coi ấn tín là đinh chốt của những điều đó là không hiểu rõ Bí Tích Giải Tội Lỗi nghĩa là gì cả.

Một công cụ chỉ đánh ở bên ngoài (blunt instrument) như Ủy ban Hoàng gia không thể hiểu được điều đó, nhưng trong việc định hình luật lệ, các chính phủ phải làm một số nỗ lực, và Giáo hội phải giúp đỡ trong vấn đề này, bảo vệ đức tin mà không cần phải lên giọng hay giậm chân. Đối với Giáo hội, ấn tín là điều không thể thương lượng, đó là lý do tại sao các cuộc đàm phán với chính phủ là điều quan trọng.
 
Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Jakarta về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng gây ra bởi các gia đình Hồi Giáo
Đặng Tự Do
03:54 15/05/2018
“Lập kế hoạch và thực hiện một cuộc tấn công tự sát cùng với con cái của họ là một hình thức bạo lực mới. Đó là một bi kịch gia đình”, Đức Cha Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng giám mục Jakarta và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Dương đã nhận định như trên về cuộc tấn công nổ bom tự sát tại 3 nhà thờ ở Surabaya, thủ phủ của tỉnh Đông Java, hôm Chúa Nhật 13 tháng 5.

Sau cái chết của Nathanael, một bé gái Công Giáo tám tuổi, số nạn nhân trong vụ tấn công đồng loạt này đã lên tới 28 người và 57 người khác bị thương.

Những kẻ khủng bố thuộc về cùng một gia đình khủng bố. Người cha, Dita Oeprianto, là hung thủ tự sát tại nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Ngũ Tuần, trong khi hai đứa con trai đều ở tuổi vị thành niên đã thực hiện cuộc tấn công từ trên một chiếc xe máy, nhắm vào nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Người mẹ và hai cô con gái nhỏ, một đứa 9 tuổi và một đứa 12 tuổi, đã thực hiện cuộc tấn công tự sát tại nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Nam Dương.

Đức Tổng Giám Mục Suharyo nói: “Tôi tin rằng hai đứa bé gái không biết điều gì sẽ xảy ra. Điều này là không thể hiểu nổi và tôi nghĩ những chuyện như thế này không nên xảy ra nữa, nó tạo ra một đám mây trên tình nhân loại của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục tuyên bố rằng cuộc tấn công tại Surabaya “không đơn thuần là một vấn đề tôn giáo, nhưng vấn đề là sự tồn tại của Cộng hòa thống nhất Nam Dương”.

Ngài nhận xét rằng không chỉ các Kitô hữu, mà cả các nhân viên an ninh cũng bị những kẻ khủng bố nhắm vào. “Cảnh sát thường là những người phá hủy kế hoạch của họ và phát hiện ra âm mưu của họ. Vì lý do này, các nhân viên an ninh nằm trong tầm ngắm của họ”

Một vài giờ sau các cuộc tấn công vào cộng đồng Kitô hữu, ba thành viên của một gia đình khủng bố khác đã bị giết trong một vụ nổ bất ngờ trong một căn nhà ở Sidoarjo, gần Surabaya. Các nhà chức trách nói những kẻ này đang chế bom cho một cuộc tấn công khác.

Sáng thứ Hai 14 tháng 5, một gia đình năm người lái hai chiếc xe máy đến cổng trước của trụ sở cảnh sát Surabaya nổ bom tự sát làm bị thương 10 người

Tướng cảnh sát Tito Karnavian, Chỉ huy trưởng các lực lượng cảnh sát Nam Dương, xác nhận rằng ba gia đình này thuộc cùng một mạng lưới khủng bố và họ biết nhau. Họ nằm trong số 800 người đã từng sang Syria chiến đấu cho bọn IS và nay quay lại Nam Dương.




Source: Asia News - Arcivescovo di Jakarta: Le famiglie per il jihad, un nuovo metodo di violenza
 
Thánh Lễ sáng nay: Hãy làm giám mục cho đoàn chiên, không phải cho sự nghiệp của mình.
Giuse Thẩm Nguyễn
16:23 15/05/2018
(Vatican News) Trong bài huấn dụ vào Thánh Lễ sáng nay, ngày 15 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta, ĐGH Phanxicô đã nói rằng ngài cầu nguyện cho tất cả giám mục biết noi gương Thánh Phao-lô Tông Đồ với sự vâng phục Chúa Thánh Thần và tình yêu dành cho đoàn chiên của mình.

ĐGH đã suy tư và chú trọng vào bài đọc hôm nay trích từ sách Tông Đồ Công Vụ nơi Thánh Phao-lô “bị Chúa Thánh Thần bắt buộc” rời Hội Thánh ở Ê-phê-xô để về Giê-ru-sa-lem. “Đây là một động thái quyết định, một động thái chạm tới trái tim. Nó cũng là một động thái chỉ cho chúng ta con đường của mỗi giám mục khi đến lúc ra đi hay bước xuống.”

Thánh Phao-lô xét lương tâm của mình.

Nhắc lại câu chuyện thánh kinh về việc Thánh Phao-lô đã triệu tập các kỳ mục trong Hội Thánh tại Ê-phê-xô để từ biệt họ, ĐGH Phanxicô đã chú ý đến việc Thánh Tông Đồ làm một cuộc xét hỏi lương tâm của ngài, nói với các kỳ mục về những gì ngài đã làm cho cộng đồng và để họ phán xét công việc của ngài. Thánh Phao-lô dường như “có một chút hãnh diện”, nhưng thực ra là “ ngài khách quan.” Ngài chỉ khoe khoang về hai điều: “Tội lỗi riêng của ngài và Thánh Giá của Đức Kitô đã cứu rỗi ngài.”

Tông Đồ lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Mô tả việc Thánh Phao-lô cảm thấy “bị Thánh Thần bắt buộc” để đi Giê-ru-sa-lem, ĐGH Phanxicô nói rằng: “Đây là kinh nghiệm của vị tông đồ, của vị giám mục, người có thể biện phân Thần Khí, có thể suy tư để biết khi nào Thần Khí của Thiên Chúa nói với ngài và biết làm sao để tự bảo vệ mình khi tiếng nói ấy bởi thần dữ của thế gian.”

ĐGH nói rằng, cũng trong cách ấy Thánh Phao-lô biết “mình đang đi vào những thử thách, đi vào con đường thánh giá và điều này nhắc nhở chúng ta về cuộc đi vào thành Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-su.”

Thánh Tông Đồ “đã vâng phục để dâng mình cho Thiên Chúa.” Điều này (ý chỉ) bị Chúa Thần Thần bắt buộc. Giám mục luôn luôn tiến về phía trước nhưng cậy dựa vào Chúa Thánh Thần. Đó là Phao-lô.

Cuộc chia tay của ngài: trông chừng đàn chiên.

ĐGH nhắc đến những lời từ biệt của Thánh Phao-lô rằng trong sự đau đớn nhớ thương của những người hiện diện đưa tiễn, thánh nhân đã khuyên họ trong một di chúc, không như di chúc kiểu thế gian là “để lại những vật dụng cho người này hay cho người khác.”

Tình yêu vĩ đại của Thánh Phao-lô “là Đức Kitô. Thứ đến là tình yêu của ngài dành cho đoàn chiên. Chăm sóc cho nhau và cho toàn thể đoàn chiên. Tiếp tục canh chừng đoàn chiên: Làm giám mục là để chăm sóc đoàn chiên, chứ không phải để thăng tiến trong sự nghiệp giáo sĩ của mình”

Di chúc của Thánh Phao-lô.

ĐGH Phanxicô lưu ý rằng Thánh Phao-lô tín thác các kỳ lão trong Thiên Chúa để Thiên Chúa chăm sóc họ và nhấn mạnh rằng Thánh Tông Đồ không có ước muốn gì về tiền của hay vàng bạc cho ngài. ĐGH mô tả di chúc của Thánh Phao-lô là một “chứng tá, cũng như một lời công bố và là một thách đố.” Đây không phải là di chúc mang tính trần gian vì thánh nhân chẳng có gì để lại cho người khác, “duy chỉ có hồng ân Thiên Chúa, lòng dũng cảm tông đồ của ngài, sự mặc khải của Đức Kitô Giê-su và ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa đã ban cho ngài.”

ĐGH nghĩ về giờ của ngài sẽ tới.

“Khi đọc những điều này, cha nghĩ về bản thân mình vì “cha cũng là một giám mục và sẽ có ngày cũng phải ra đi hay bước xuống.”

Ngài kết thúc bài giảng với lời nguyện: “Cha nghĩ về tất cả các giám mục. Xin Chúa ban cho tất cả chúng tôi được ơn để có thể ra đi hay bước xuống như Thánh Phao-lô với cùng Thần Khí đó, cùng sức mạnh đó và cùng tình yêu vĩ đại đó dành cho Đức Kitô Giê-su và đức tin đó nơi Chúa Thánh Thần.”

.
Source: Vatican News Pope at Mass: Be bishops for your flock, not for your career
 
Các nữ tu dòng kín thời Internet
Đặng Tự Do
19:37 15/05/2018
Cuộc sống của những nữ tu chiêm niệm, đặc trưng bởi tính chất viện tu, trong thời hiện đại này đang phải đối mặt với những hiện tượng như sự loại trừ niềm tin Kitô trong xã hội, cuộc khủng hoảng ơn gọi, cũng như các thực tại mới, chẳng hạn như sự lan rộng các kỹ thuật truyền thông xã hội và sự cần thiết phải có các mối quan hệ lớn hơn giữa các tổ chức trong Giáo Hội.

Đây là một số khía cạnh được đề cập đến trong huấn thị “Cor orans” của Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Các Hiệp Hội Tông Đồ được công bố hôm 15 tháng 5. Trình bày tài liệu này tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục José Rodríguez Carballo, O.F.M., tổng thư ký của Bộ nói rằng tài liệu này “phản ánh chính xác những gì các nữ tu nêu ra trong những câu trả lời cho bản câu hỏi đã được gửi đến tất cả các tu viện trên thế giới cách đây vài năm”.

Tài liệu khẳng định rằng: “Một trái tim cầu nguyện trong Giáo hội và cho Giáo hội là tâm điểm cuộc sống của các nữ tu chiêm niệm”

Do đó, đặc tính và mục đích của đời sống ẩn tu là sống tách biệt khỏi thế giới “không gian tu viện phải tách biệt với thế giới bên ngoài và dành riêng cho các nữ tu, trong đó sự hiện diện của người lạ chỉ có thể được chấp nhận trong trường hợp tối cần thiết. Đó phải là một không gian im lặng và suy ngắm, nơi sự tìm kiếm thường hằng thánh nhan của Thiên Chúa có thể được phát triển, theo đặc sủng của nhà dòng”.

Chỉ thị đề cập đến quyền tự chủ của các tu viện, liên đoàn các tu viện, sự tách biệt khỏi thế giới, vấn đề đào tạo, và cũng giới thiệu những luật mới liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội (số 168), trong tất cả các hình thái của chúng. Những luật này “nhằm mục đích bảo vệ sự chiêm ngắm và im lặng: vì trên thực tế, đời sống chiêm niệm có thể thành ra trống rỗng khi tu viện tràn ngập tiếng ồn ào của tin tức và các phát biểu. Chiêm ngắm và im lặng có tầm quan trọng lớn trong cuộc sống chiêm niệm như một không gian cần thiết để lắng nghe và làm sáng tỏ Lời Chúa và là điều kiện tiên quyết để có một cái nhìn đức tin về sự hiện diện của Chúa trong lịch sử cá nhân của một người và trong các chị em của mình, trong các sự kiện của thế giới.

Vì thế, huấn thị nêu bật phải có sự tỉnh táo và những quyết định quyết liệt, không chỉ đối với nội dung mà còn về số lượng thông tin và loại thông tin nào phục vụ cho việc hình thành đời sống chiêm niệm, và không phải là dịp để co cụm hoặc trốn tránh đời sống cộng đồng trong tình chị em.
Source: AsiaNews Being a cloistered nun in the age of internet
 
Hoa Kỳ và Tòa Thánh dưới mắt tân đại sứ Mỹ Callista Gingrich
Vũ Văn An
19:53 15/05/2018
Giải thich tại sao Hoa Kỳ cần một Tòa Đại Sứ bên cạnh Tòa Thánh, tân Đại Sứ Callista Gingrich nhận định rằng “Vatican là một siêu cường của quyên lực mềm”. Bài sau đây Đại Sứ viết trong DIPNote , trang blog chính thức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 14 tháng 5 năm 2018, tựa là “The United States and the Holy See: An Enduring Vision for Peace and Freedom.”



Từ ngày tôi đảm nhiệm chức vụ Đại Sứ Hiệp Chúng Quốc cạnh Tòa Thánh ngày 22 tháng 12 năm 2017, tôi thường được người ta yêu cầu giải thích ích lợi của việc duy trì một tòa đại sứ cạnh Vatican. Dù gì, lãnh thổ của Tòa Thánh, chính quyền của Giáo Hội Công Giáo Rôma, chỉ chiếm chưa tới 1 phần tư dặm vuông. Thành thử không biết tại sao cần đến một tòa đại sứ?

Câu trả lời có gốc rễ trong lịch sử. Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tới Ba Lan ngày 5 tháng 6 năm 1979, trong chuyến tông du đầu tiên trở lại quê hương của ngài, ngài tuyên bố rằng “không thể có một Âu Châu công chính nếu không có nền độc lập của Ba Lan ghi trên bản đồ của nó”.

Tổng thống Reagan, cảm hứng bởi thông điệp của Đức Giáo Hoàng rằng Đông Âu không bao lâu nữa sẽ thoát khỏi sự thống trị của Xô Viết, đã yêu cầu được gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Thành Vatican năm 1982, Tổng Thống Reagan đặt câu hỏi: “Thưa Đức Thánh Cha, chuyện ấy bao giờ sẽ có?”. Khi Đức Giáo Hoàng đáp lại “trong lúc chúng ta còn sống”, thì Tổng Thống nắm lấy tay ngài và thưa, “chúng ta hãy cùng nhau làm việc”.



Sau cuộc hội kiến trên, Tổng thống Reagan trở lại Hiệp Chúng Quốc và chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao làm việc chặt chẽ với Vatican. Ông ra lệnh “Tôi muốn một tòa đại sứ toàn quyền”. Hai năm sau, năm 1984, Tòa Đại Sứ Hiệp Chúng Quốc cạnh Tòa Thánh đã được thiết lập.

Sứ mệnh của Tòa Đại Sứ là làm việc tay trong tay với Tòa Thánh để phản công tác phong phá hoại và gây bất ổn của Liên Bang Xô Viết. Chúng ta đã thành công nhờ tài lãnh đạo của Tổng thống Regan và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và sự mềm dẻo của nhân dân Hoa Kỳ. Ngày nay, chúng ta đang đương đầu với các thách đố khác, nhưng cũng lớn lao và nguy hiểm như thế.

Như Đức Hồng Y Theodore McCarrick, Tổng Giám Mục Hưu Trí của Washington, D.C., đã nhận định “Tổng Thống Reagan không những tạo được một liên hệ bản thân mạnh mẽ với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhưng còn là một sự hiệp lực (synergy) quan trọng giữa Hiệp Chúng Quốc và Tòa Thánh”.

Sự hiệp lực trên tồn tại tới tận ngày nay. Sự cần thiết của hiệp lực này không chấm dứt với việc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh. Nó vẫn còn chủ yếu đối với các ưu tiên an ninh quốc Gia Hiệp Chúng Quốc, từ việc đáp ứng các cuộc khủng hoảng nhân đạo và bảo vệ nhân quyền tới việc phản công tác phong gây hấn của nhiều nhà nước và ngăn cản cũng như làm trung gian cho các cuộc tranh chấp.

Và lý do thật đơn giản: Vatican là một siêu cường của quyền lực mềm. Tác động của nó, dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, có thực chất và được tôn trọng khắp thế giới. Giáo Hội dấn thân vào mọi châu lục, thăng tiến nhân quyền và tự do tôn giáo, làm trung gian giải quyết xung đột và ngăn chặn bạo lực, kìm hãm việc lan tràn các dịch bệnh như HIV/AIDS và Ebola, và chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố. Tòa Thánh cũng có sự hiện diện ngoại giao lớn thứ nhì sau Hiệp Chúng Quốc, với 183 đối tác ngoại giao.

Vatican, nhờ một mạng lưới vô địch các tiếp xúc địa phương, đang đóng một vai trò tích cực tại nhiều quốc gia nơi nhiều chính phủ gặp khó khăn trong lúc điều hành, từ Cộng Hòa Trung Phi và Nam Sudan tới Syria. Khắp phần lớn Châu Phi, Giáo Hội Công Giáo phục vụ ở tuyến đầu như là định chế duy nhất có thể sống còn trong xã hội. Tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Giáo Hội Công Giáo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong việc nâng đỡ cuộc đối thoại chính trị và cung cấp trợ giúp nhân đạo. Tại Cộng Hòa Trung Phi, Tòa Thánh đã và vẫn còn là lực lượng trung gian chủ chốt, đem các phe chống đối lại với nhau và đạt các kết quả. Cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô năm 2015, chẳng hạn, đã đem người Hồi Giáo và người Kitô Giáo đến với nhau, giúp dọn đường cho một cuộc bầu cử tổng thống hòa bình và dân chủ.

Khả năng độc đáo của Vatican trong việc phát triển lòng tin, làm việc với cộng đồng địa phương, và chuyển giao các thông điệp là vô sánh so với bất cứ nhà nước quốc gia nào.Và Giáo Hội Công Giáo là một trong những định chế lớn nhất thế giới trong lãnh vực cung cấp giáo dục, chăm sóc y tế và trợ giúp nhân đạo. Mạng lưới sâu rộng các nhân viên cứu trợ và cung cấp dịch vụ của nó lui tới được và có uy tín với những khu vực gặp nhiều rắc rối nhất thế giới. Hoa Kỳ được hưởng nhờ từ việc nối vòng tay lớn và ảnh hưởng quyền lực mềm vĩ đại này.

Nói tóm lại, Tòa Đại Sứ Hiệp Chúng Quốc cạnh Tòa Thánh phục vụ như một nhiệm sở nối kết hoàn cầu. Chúng ta làm đòn bẩy cho tác động và mạng lưới hoàn cầu của Vatican, trải dài tới hơn 1.3 tỷ người Công Giáo và cả hàng triệu người không phải là Công Giáo nữa, để cổ vũ các ưu tiên chung ở mọi vùng trên thế giới.

Vatican cũng là một đối tác quan trọng của Hiệp Chúng Quốc trong cuộc chiến đấu chống nạn nô lệ hiện đại, phát huy dân chủ, và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt đối với tự do tôn giáo.

Thí dụ, Hiệp Chúng Quốc và Tòa Thánh có cùng một cam kết chiến đấu chống tội ác buôn bán người khắp thế giới. Tổng Thống Trump đã đoan hứa sẽ đem “toàn bộ lực lượng và trọng lượng” của chính phủ Hoa Kỳ vào cuộc chiến đấu này.

Hai chính phủ của chúng ta cũng cam kết bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo ở khắp nơi trên thế giới. Như đã chỉ ra trong “Phúc Trình Tự Do Quốc Tế năm 2016”, quyền căn bản này bị bác bỏ, thì “sự bất ổn, các lạm dụng nhân quyền, và chủ nghĩa quá khích đầy bạo lực sẽ có cơ hội lớn lao để đâm rễ”. Tòa Đại Sứ của chúng ta làm việc mật thiết với Tòa Thánh để bảo đảm tương lai không những của các thiểu số Kitô Giáo mà của mọi thiểu số tôn giáo đang bị bách hại chỉ vì tuyên xưng đức tin của họ.

Ảnh hưởng hoàn cầu rộng lớn của Tòa Thánh biến Tòa Thánh thành một định chế hợp tác chủ chốt để giải quyết hàng loạt các vấn đề to lớn. Cùng làm việc với Vatican, Tòa Đại Sứ Hiệp Chúng Quốc cạnh Tòa Thánh sẽ tiếp tục cổ vũ hòa bình, tự do, và nhân phẩm khắp thế giới.

Links với bài này: https://blogs.state.gov/stories/2018/05/14/en/united-states-and-holy-see-enduring-vision-peace-and-freedom
https://medium.com/statedept/the-united-states-and-the-holy-see-an-enduring-vision-for-peace-and-freedom-456fff534d5e
 
Các Giám Mục Chile bày tỏ nỗi đau đớn và niềm xấu hổ đối với việc lạm dụng
Vũ Văn An
22:29 15/05/2018
Theo tin Vatican News hôm nay, 15 tháng 5, Đức Phanxicô đang tiến hành một loạt các cuộc gặp gỡ “kín cổng cao tường” với các giám mục Chile để hình thành một phương thức giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng từng gây chấn động cho Giáo Hội tại đất nước này. Các cuộc thảo luận này được sự tham dự của 31 giám mục giáo phận và phụ tá, 3 giám mục hưu trí, và sẽ tiếp diễn cho tới ngày 17 tháng 5.



Cuộc họp báo của hai giám mục Chile

Trước ngày gặp gỡ, hai giám mục Chile đã mở cuộc họp báo tại Rôma. Các ngài là Đức Cha Fernando Ramos, Giám Mục Phụ Tá của Santiago và là tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Chile, và Đức Cha Juan Ignacio González của San Bernardo.

Được Đức Giáo Hoàng kêu gọi

Đức Cha Ramos nhắc đến lá thư ngày 8 tháng 4 của Đức Phanxicô triệu mời các giám mục về Vatican. Ngài giải thích rằng các giám mục tới đây chuyên biệt “để tiếp nhận các kết luận trong phúc trình của Đức Tổng Giám Mục Scicluna sau cuộc thăm viếng Chile của ngài, và cũng để biện phân các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để phục hồi hiệp thông và công lý”. Theo Đức Cha Ramos, đây là “hai chủ đề lớn Đức Thánh Cha đã mời gọi chúng tôi xem xét qua lá thư của ngài”.

Biện phân trách nhiệm

Nói tại cuộc họp báo tại Rôma, Đức Cha Ramos cho rằng nội dung các cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng sẽ bao gồm “các vấn đề lạm dụng quyền hành, lạm dụng lương tâm, và lạm dụng tình dục, từng xẩy ra trong mấy thập niên vừa qua trong Giáo Hội Chile, cũng như cơ chế, trong một số trường hợp, đã dẫn đến việc che đậy và bỏ sót nghiêm trọng có hại cho các nạn nhân. Điểm thứ hai là chia sẻ các kết luận mà Đức Thánh Cha đã rút ra từ phúc trình của Đức Tổng Giám Mục Scicluna. Và điểm thứ ba là lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng thực hiện diễn trình biện phân lâu dài nhằm hiểu rõ các trách nhiệm của mỗi người và mọi người liên quan tới các vết thương lạm dụng khủng khiếp này, và tìm các thay đổi cần thiết để chúng không lặp lại nữa”.

Đau đớn và xấu hổ

Đức Cha Ramos nói đến cảm quan “đau đớn và xấu hổ” của các giám mục. Ngài nói “Đau đớn vì bất hạnh thay đã có các nạn nhân: đã có những con người là nạn nhân của lạm dụng và điều này gây đau đớn sâu xa cho chúng tôi. Còn xấu hổ, vì các lạm dụng này đã diễn ra trong các môi trường Giáo Hội vốn chính là nơi loại lạm dụng này không bao giờ nên diễn ra”.

Tha thứ và sửa chữa

Đức Cha Ramos nói tiếp: “Chúng tôi phải xin tha thứ 70 lần 7. Tôi nghĩ đây là một mệnh lệnh luân lý rất quan trọng đối với chúng tôi. Điều quan trọng là lời kêu xin tha thứ thực sự có tính sửa chữa”. Ngài kết luận: “Trong đức khiêm nhường sâu xa, chúng tôi sẽ lắng nghe những điều Đức Giáo Hoàng sẽ nói với chúng tôi”; đây là “một thời điểm rất quan trọng” để canh tân Giáo Hội Chile.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nêu gương sáng cho các Giám Mục Chile

Cũng lên tiếng trong cuộc họp báo, Đức Cha González cho hay: các giám mục Chile coi Đức Giáo Hoàng Phanxicô như một tấm gương vì đã nhìn nhận lầm lỗi, đã xin được tha thứ, và gặp gỡ các nạn nhân. Ngài nói rằng các nạn nhân là tâm điểm chúng tôi phải lưu ý, và vì lý do này, Giáo Hội ở Chile phải làm việc để sửa chữa, với đức khiêm nhường và lòng trông cậy, theo giáo huấn của Chúa Giêsu.

Phục hồi lòng tin trong Giáo Hội

Khi công bố cuộc gặp gỡ các giám mục Chile, trong một thông cáo đề ngày 12 tháng 5, Phòng Báo Chí Vatican đã giải thích rằng “điều nền tảng là phục hồi lòng tin trong Giáo Hội qua các mục tử tốt lành sẵn sàng làm chứng bằng chính đời sống mình rằng các ngài đã được nghe giọng nói của Mục Tử Nhân Lành, và nay biết đồng hành với nỗi đau khổ của các nạn nhân, và làm việc một cách cương quyết và không mệt mỏi trong việc ngăn ngừa lạm dụng. Đức Thánh Cha cám ơn các giám mục Chile vì đã sẵn sàng lắng nghe Chúa Thánh Thần một cách ngoan ngoãn và khiêm nhường, và ngài lặp lại lời ngài yêu cầu dân Chúa ở Chile tiếp tục cầu nguyện cho việc hồi tâm của mọi người”. Bản thông cáo kết luận bằng cách xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng sẽ không ra một tuyên bố nào, cả trong khi lẫn sau các cuộc gặp gỡ, “những cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra hoàn toàn riêng tư”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thông báo và xin hiệp thông cầu nguyện cho dòng Thánh Phaolo thành Chartres tại Hà Nội
Bề trên Giám Tỉnh dòng Thánh Phaolo thành Chartres Hà Nội
20:42 15/05/2018
TIN HÀ NỘI - Dòng Thánh Phaolô thành Chartres Tỉnh Dòng Hà Nội ngày 11 tháng 5 năm 2018 đã ra "thông báo và xin hiệp thông cầu nguyện" gửi tới Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý nam nữ Tu sĩ cùng Cộng đồng dân Chúa trong và ngoài nước, trong đó các Sơ nói về lịch sử phục vụ của nhà Dòng như sau:

"Hội Dòng Chị em Thánh Phao-lô thành Chartres chúng con có mặt tại Hà Nội từ năm 1883, trụ sở chính được đặt tại số 37 Hai Bà Trưng, tọa lạc trên khu đất rộng 16.010m2 ở cả ba mặt đường: Hai Bà Trưng, Quang Trung và Lý Thường Kiệt hiện nay" ....

Mảnh đất 200 m2 tại số 5A-5B đường Quang Trung, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội đang bị xâm chiếm thực chất nằm trong khuôn viên số 37 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, trước đây là khu vườn của nhà Giám Tỉnh 37 Hai Bà Trưng. Lợi dụng thời cuộc, một số người dân đã chiếm đất và xây nhà lúc đầu là nhà tranh vách lá, sau dần là nhà cấp 4, nhà tầng. Họ tự ý mở cửa ra đường Quang Trung. Mảnh đất đang bị xâm chiếm tại số 5A-5B đường Quang Trung, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội có diện tích khoảng 200 m2 đã được cấp sổ Đỏ và Giấy Phép xây dựng cho Bà Trần Hương Ly là bất hợp pháp."
...

Từ khi có Thông báo số 406/TB-UBND này, chủ đầu tư dừng thi công. Đột nhiên, nửa đêm ngày 07/5/2018, và ngày 08/5/2018, chủ đầu tư lại đưa vật liệu, các loại máy xúc, máy ủi, máy trộn bê-tông... cỡ lớn vào khu đất nhằm tái thi công. Vì vụ việc chưa được giải quyết thỏa đáng và Nhà Dòng không hề nhận được một văn bản nào báo cho biết về việc thi công này nên các Nữ tu đã phản đối việc làm này. Một nhóm đàn ông đã được bố trí sẵn xông vào chửi rủa và hành hung các Nữ tu khiến một Nữ tu bị ngất xỉu và một số Nữ tu khác bị thương.

Tối ngày 08/5/2018, khi các Nữ tu đang đọc kinh cầu nguyện trên vỉa hè trước khu đất thì chủ đầu tư lại đưa các loại máy móc đến. Nhóm đàn ông nói trên tiếp tục nhục mạ, đe dọa, xô đẩy, hành hung các Nữ tu.

Ngày 11/5/2018, chúng con nhận được văn bản của UBND Quận Hoàn Kiếm. Văn bản này vẫn đơn phương và vô căn cứ pháp luật nói rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng đã cấp cho bà Trần Hương Ly là đúng.

Nhưng như chúng con đã nói ở trên, sổ Đỏ và giấy phép xây dựng đã cấp cho Bà Trần Hương Ly đều hoàn toàn bất hợp pháp."


Trước tình tạng này các Soeurs đã lên tiếng phản đối và xin mọi tầng lớp Giáo sĩ giáo dân Công Giáo lên tiếng ủng hộ lập trường và quyền lợi của các Soeurs.

Tuy dù, Tòa TGM Hà nội chưa có văn thư chính thức về vấn đề này, tuy nhiên trong văn bản "Thông báo và xin hiệp thông cầu nguyện" của dòng Thánh Phaolo thành Chartres tại Hà Nội thấy cũng có chứ ký của LM Chưởng ấn xác nhận thông báo này và đã ký tên đóng dấu. Kể như đây là văn bản mà chính Tòa Tổng Giám Mục cũng đồng tình lên tiếng.

"Xác nhận của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội (đã đóng dấu)
Linh mục Anphongsô Phạm Hùng
Chưởng Ấn (đã ký tên)"


Xin mời xem nguyên văn "Thông báo và xin hiệp thông cầu nguyện" của dòng Thánh Phaolo thành Chartres tại Hà Nội sau đây"
 
Cựu Học Sinh La San Bình Linh Và Cộng Đoàn La San Huế Mừng Lễ Thánh Quan Thầy Gioan La San
Trương Trí
21:32 15/05/2018
Cựu Học Sinh La San Bình Linh Và Cộng Đoàn La San Huế Mừng Lễ Thánh Quan Thầy Gioan La San

Tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo” từ hơn 100 năm nay của trường La San Bình Linh Huế cũng như các trường La San trên khắp thế giới. Sáng ngày 15 tháng 5, Cựu học sinh La San Bình Linh tổ chức lễ Thánh Quan thầy Gioan La San và kỷ niệm 114 năm ngày thành lập trường Trung học tư thục La San Pellerin (Bình Linh) Huế.

Xem Hình

Xuất phát từ Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam trên 2 xe 30 chỗ về nhà thờ Phước Tượng, nơi linh mục Phaolo Trần Tháng Thế làm Quản xứ. Ngài cũng là một cựu học sinh của La San Bình Linh Huế rất năng nổ nhiệt tình với việc giữ gìn tình thân ái của Hội Cựu học sinh La San nói chung và của Cựu Học sinh La San Bình Linh cách riêng. Cảm động trước sự hiện diện của quý ân sư đã trên 80 tuổi vẫn luôn hiện diện đồng hành với những buổi gặp mặt đầy nghĩa tình thầy trò, trong đó có Sư huynh Hoàng Lim Đào đã trên 90 tuổi.

Về đến Phước Tượng lúc 9 giờ sáng, chừng 20 anh chị em cựu học sinh từ Đà Nẵng nhập vào và tổ chức giao lưu gặp mặt. Sư huynh Giuse Lê Văn Phượng, Phụ trách Cộng đoàn La San Huế thay mặt mọi người nói lời chào mừng Cha Quản xứ, quý Thầy giáo và toàn thể anh chị em đã hiện diện trong ngày họp mặt mừng lễ Thánh Quan thầy Gioan La San, bổn mạng Nhà trường và kỷ niệm 114 năm thành lập trường La San Bình Linh. Một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến Sư huynh Aglibert, vị Hiệu trưởng đầu tiên và cũng là người sáng lập trường. Tiếp theo là tưởng niệm quý Sư huynh và các vị ân sư đã qua đời với bài ca “Hành khúc Bình Linh”.

Với một bầu khí trần đầy cảm xúc sau một năm gặp lại nhau, được nhìn lại những người thầy nhiều năm dạy dỗ, nay cả thầy lẫn trò mái đầu đã bạc nhưng tình nghĩa vẫn không nhạt phai.

Thánh lễ mừng kính Thánh Gioan La San, quan thầy của các Nhà Giáo dục do cha Phaolo Trần Tháng Thế chủ tế, tất cả thầy trò đều sốt sắng tham dự Thánh lễ, không phân biệt lương giáo. Đây cũng chính là mục tiêu mà Thánh Tổ phụ Gioan La San đã lập ra khi sang lập Dòng Sư huynh La San: Chuyên tâm giáo dục thanh thiếu niên, nhất là những thanh thiếu niên nghèo khổ trong xã hội, không phân biệt lương giáo.

Trong bài giảng lễ, cha chủ tế chia sẻ:

Không chỉ tại Việt Nam chúng ta ngày nay, mà cách đây chừng 400 năm, xã hội châu Âu cũng đã rơi vào tình trạng suy đồi đạo đức, con người ăn chơi trụy lạc. Linh mục Gioan La San là con của một gia đình giàu sang quyền quý, đã nhìn thấy được tương lai của thanh thiếu niên đang dần đi đến suy đồi. Ngài đã lập nên Dòng Sư huynh La San với mục đích giáo dục thanh thiếu niên, và đặc biệt quan tâm đến những thanh thiếu niên nghèo khổ, không có điều kiện học hành. Với linh đạo đó, vào năm 1904, ngôi trường La San đầu tiên đã được thành lập tại Huế, không chỉ dành cho những người Công Giáo mà cho tất cả mọi người trong xã hội không phân biệt lương giáo. Các Sư huynh chuyên tâm giáo dục, đào tạo học sinh ngoài kiến thức văn hóa, trước hết là đào tạo một nền đạo đức nhân bản. Trải qua bao năm, biết bao nhân tài xuất chúng của đất nước được đào tạo từ ngôi trường thân yêu mang tên Bình Linh này. Trong đó có: Đức Cố Tổng Giám mục Ngô Đình Thục; Đấng Đáng kính, Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận; Linh mục Thi sĩ Sảng Đình Nguyễn Văn Thích; Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm của Đệ nhất Cộng hòa; Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Đệ nhị Cộng hòa; Thi sĩ tài hoa Hàn Mặc tử với tên học sinh Trần Trọng Trí và biết bao nhân tài khác nữa.

Năm 1950, Đức Thánh Cha Pio XII đã công bố: Thánh Gioan La San là Quan thầy của các Nhà chuyên lo về giáo dục trên toàn thế giới.

Những gương sáng của Cha Thánh Tổ phụ Gioan La San mà chúng ta mừng kính hôm nay, qua những ngôi trường mang tên La San trên toàn thế giới nói chung, cách riêng trường La San Bình Linh Huế. Các Sư huynh La San qua các thời kỳ là bằng chứng sống động nhất trong tinh thần phục vụ những kẻ thấp hèn.

Buổi tối, vào lúc 18 giờ, tại Cộng đoàn La San Huế cũng đã tổ chức lễ mừng Thánh Quan thầy Gioan La San. Thánh lễ do cha Phó xứ Phủ Cam Giuse Nguyễn Hữu Quốc Huy chủ tế, với sự hiện diện của đại diện Ban Liên lạc Cựu Học sinh Bình Linh, các Cựu Nội trú La San và gần 100 em Nội trú La San và Giới trẻ La San.

Tâm tình tri ân của những Cựu Nội trú La San hiện diện trong ngày truyền thống này đã nói lên những thành quả mà quý Sư huynh đã gặt hái được trong hoàn cảnh xã hội ngày nay về việc giáo dục đạo đức nhân bản.

Trương Trí
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhận định về thư công bố Năm Thánh tôn vinh các thánh tử đạo VN của HĐGMVN
Hồn Việt
10:29 15/05/2018
LTS : Bản góp ý dưới đây của tác giả Hồn Việt không nhất thiết phản ảnh lập trường của Vietcatholic. Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ nhiều nhận định của tác giả rất có giá trị đối với thực trạng xã hội Việt Nam nên chúng tôi cho công bố tài liệu để rộng đường dư luận. Đồng thời tài liệu này xin là một góp ý nhỏ gửi tới vị nào sẽ là Tổng Giám Mục tương lai của Tổng Giáo Phận Sàigòn.

Trong thư, HĐGMVN đã đưa ra ba đề nghị chính yếu với toàn thể tín hữu. Trong mục 1, ngoài việc kêu gọi tổ chức các thánh lễ khai mạc, bế mạc theo giáo tỉnh và giáo phận, ấn định một trung tâm hành hương cho mỗi giáo tỉnh và một nhà thờ hay trung tâm hành hương cho mỗi giáo phận và việc lãnh nhận ơn toàn xá, HĐGMVN đề nghị các việc lành như việc bác ái tông đồ, và việc sám hối hy sinh với một số việc làm đạo đức truyền thống. Trong mục thứ 2, HĐGMVN kêu gọi chiêm ngắm và học gương sống của các Thánh Tử Đạo qua việc tổ chức các buổi thuyết trình, học hỏi thảo luận để hiểu biết và nêu gương các ngài. Trong mục 3, HĐGMVN nói Năm thánh 2018 “nhắc nhở, thúc đẩy chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay và kêu gọi các bậc sống hy sinh từ bỏ để sống theo tinh thần tìm kiếm Nước Trời như thửa ruộng trong vườn, như viên ngọc quý (Mt 13, 44-46) để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời. Sau đó, HĐGMVN đưa ra những đề nghị cho từng bậc sống.

Đối với những người sống đời gia đình: Từ bỏ những ham muốn bất chính và tính toán ích kỷ để làm chứng Tin Mừng về HNCG là nẻo đường hạnh phúc….

Đối với các anh chi em sống đời thánh hiến: Từ bỏ ham muốn tự nhiên sống theo lòi khuyên phúc âm làm chứng cho Nước Tròi là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá qua đó chúng ta làm góp phần “làm thức tỉnh thế giới”.

Đối với các linh mục: Trung thành với lời thề hứa, thi hành bổn phận được trao phó trong khiêm tốn và cậy trông “hiến mạng sống mình vì đàn chiên” (Ga 10, 15), hăng say rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

Đọc thư công bố này, điều mà người đọc nhận thấy sát sườn với chủ đề Năm Thánh nhất nằm trong mục 3, đó là: “Năm thánh 2018 nhắc nhở, thúc đẩy chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay.” Chỉ tiếc rằng điều này không được khai triển một cách rõ ràng cụ thể “sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay là gì?”, mà chỉ được diễn tả một cách chung chung: Ngày nay các Kitô hữu được kêu mời sống tinh thần từ bỏ, hy sinh theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời noi gương các Thánh Tử Đạo.

Người đọc có cảm tưởng rằng các đề nghị trên quá chung chung, không được bối cảnh hóa. HĐGHVN không đưa ra những hướng dẫn cụ thể, thiết thực, đáp ứng với những nhu cầu cấp bách và khẩn thiết của tình hình giáo hội và đất nước hiện nay.

Việc bác ái và tông đồ, sám hối hy sinh là đòi hỏi muôn thuở của người Kitô hữu. Sứ mạng của từng bậc sống mãi mãi vẫn là thế. Vậy đâu là điều quan trọng mà HĐGMVN muốn nhấn mạnh để cộng đồng dân Chúa ưu tiên làm ngay trong bối cảnh xã hội và thực trạng của đất nước mà trong đó Giáo hội đang sống và đang đồng hành với cả dân tộc trong thòi thòi điểm hiện tại.

Ví dụ, cũng là cầu nguyện, nhưng nhấn mạnh đến việc cầu nguyện cho công lý nhân quyền, tự do dân chủ, trong đó có tự do tôn giáo.

Cũng là việc bác ái, nhưng hệ tại ở việc giải thoát con người ra khỏi ngộ nhận và những đam mê bất chính, vô độ, giúp con người nhận chân sự thật vì như Lời Chúa nói : Sự thật sẽ giải phóng anh em. Người ta thường chỉ dừng lại ở những việc bác ái có tính cách xoa dịu mà quên đi việc làm mang tính cách triệt để hơn. Ví dụ xã hội VN ngày nay có nhiều người nghèo đói, đau khổ, bênh nan y, hay nhiều thanh thiếu niên phạm pháp, mà xét cho cùng là xuất phát từ một cơ chế tội lỗi, từ việc “thượng bất chính hạ tắc loạn”, tạo điều kiện, nuôi dưỡng bất công, tham nhủng, tệ nạn, và việc đe dọa, hủy diệt môi trường sống, vì thế điều quan trọng là HĐGMVN cần phải đưa ra những hướng dẫn cụ thể để giáo dân biết cần phải ưu tiên làm điều gì để góp phần vào việc xóa bỏ cái cơ chế tội lỗi đó, là nguồn cội phát sinh mọi thứ nhầy nhụa trong xã hội VN ngày nay, chứ không phải chỉ hài lòng với các việc làm đạo đức, bác ái truyền thống mang tính xoa dịu (ví dụ cho ăn, chữa trị, cưu mang…) mà thôi!

Cũng là việc tông đồ nhưng là ưu tiên cho việc dấn thân làm lành mạnh hóa xã hội, nói thật làm thật, bệnh vực sự thật, vạch mặt dối gian, đạo đức giả, bất công…

Cũng là sám hối nhưng ưu tiên sám hối vì đã không dám mạnh dạn lên tiếng bênh vực sự thật, bảo vệ những người cô thân cô thế, đấu tranh cho nhân quyền, bênh vực những người bị bạo quyền đàn áp, bắt bớ, sám hối vì đã thỏa hiệp với bạo quyền, nhận những ưu đãi, và bổng lộc của chúng nên câm nín, không dám lên tiếng nói sự thật khi cần, không dám làm chứng cho sự thật.

Hơn nữa, các bậc sống dù là người có gia đình, sống đời thánh hiến hay giáo sĩ ngoài bổn phận của mình đối với những người thân cận, liên quan trực tiếp đến mình, như đối với những người sống đời gia đình là vợ chồng, con cái, đối với những người sống đời sống đời thánh hiến là các đồng môn, hay những đối tượng mình phục vụ, giáo sĩ, hay đối với những giáo sĩ là bề trên, anh em linh mục, và giáo dân mà mình coi sóc, tất cả đều còn phải có trách nhiệm với xã hội, với đất nước đồng bào, điều mà không hề thấy nhắc đến trong thư mà chỉ toàn là chuyện cục bộ, nội bộ mà thôi.

Ví dụ, HĐGMVN có thể nhắc nhở dù ở bậc sống nào, mọi người đều cần phải từ bỏ những cám dỗ hấp dẫn thỏa hiệp để được hưởng những ưu đãi, dễ dãi từ bạo quyền (quà cáp, địa vị, tiệc tùng, biển số xanh… Ta có thể ăn tiệc với những người sống vì dân vì nước, nhưng ngay cả một cục kẹo của kẻ hại dân, hại nước, chà đạp quyền lợi của đồng bào, bán nước, cũng cần phải thẳng thắn từ chối…).

Là giáo dân dấn thân trong mọi mặt của xã hội, cần phải dấn thân làm chính trị vị nhân sinh, góp phần biến đổi xã hội, xóa bỏ cơ chế tội lỗi, thối nát, bất công bằng tiếng nói, và hành động dù phải chấp nhận thiệt thòi, bị phiền hà và sách nhiểu…).

Là tu sĩ, hay là giáo sĩ, nhất là các giám mục các vị chủ chăn với sứ vụ ngôn sứ, tư tế và chăn dắt có ảnh hưởng mạnh mẽ, rộng rãi và quan trọng đến tín hữu, cũng như xã hội, cần phải tận dụng điều kiện thuận lợi của mình để khai trí, gây ý thức cho người dân kém cỏi về hiểu biết và nhận thức về trách nhiệm xã hội của mình theo giáo huấn xã hội Công Giáo, phổ biến học tập và thực hiện giáo huấn đó trong bối cảnh xã hội của đất nước hiện nay, cầu nguyện và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho công lý, dân chủ, tự do, hướng dẫn giáo dân trong việc dấn thân cụ thể để góp phần thay đổi cơ chế xã hội, cải thiện môi trường sống, sẵn sàng chấp nhận thương đau nếu cần, cho dù điều đó làm cho bản thân mình phải trả giá từ chuyện bị phiền hà, dòm ngó, để ý, quấy rối, gây khó dễ, thậm chí bị bắt bớ thì mới xứng đáng với on gọi, sứ mạng mà mình lãnh nhận, mới xứng vói cương vị của chủ chăn, mới thật sự là những mục tử như lòng Chúa mong ước, như Mục Tử Giêsu sẵn sàng hy sinh bản thân cho chiên được sống và sống dồi dào …

Thiết tưởng trong tập sách Hạnh Các Thánh Tử Đạo, mà Văn phòng HĐGMVN sẽ gửi đến cộng đoàn dân Chúa để để tóm tắt đời sống và chứng tá của các Thánh Tử Đạo VN cho các tín hữu học tập và noi theo, ngoài những nét riêng về cuộc sống và chứng tá của từng vị, cần phải nhấn mạnh những điểm chung sau đây nơi các ngài: Các thánh tử đạo Việt VN là những chứng nhân anh dũng cho Chúa, cho Tin Mừng trong việc bênh vực bảo vệ, tuyên xưng sự thật, không hề sợ hãi, từ chối thỏa hiệp, không bao giờ có thái độ lấp lững nước đôi trước bạo quyền tìm cách đe dọa hoặc dụ dỗ với việc hứa ban nhiều bổng lộc, sẵn sàng chấp nhận hy sinh mọi thứ ngay cả mạng sống để làm chứng cho Chúa, cho Tin Mừng sự thật và cho đức tin Kitô giáo.

Học hỏi noi gương các Thánh Tử Đạo là gì nếu không phải là làm chứng cho Tin Mừng sự thật, dám nói sự thật khi cần, tuyên xưng, bênh vực bảo vệ, sự thật, đấu tranh cho công lý không sợ hãi, không thỏa hiệp với bạo quyền, sẵn sàng từ chối mọi điều kiện dễ dãi, đặc quyền, bổng lộc mà bạo quyền dành cho mình và thậm chí chấp nhận bị bách hại tù đầy, và hy sinh cả mạng sống.

Nếu không thì mọi sự cũng chỉ mang tính phong trào, làm cho có theo kiểu của nhà nước cộng sản, làm chiếu lệ, hình thức, chỉ có tiếng mà chẳng có miếng, chẳng mang lại hiệu quả thiêng liêng nào, hoa trái nào, và ích lợi thiết thức nào cho giáo hội, xã hội và đất nước, và tệ hơn nữa, làm ô danh các anh hùng tử đạo, đánh mất đi chính căn tính của Kitô hữu, hay làm lu mờ ơn gọi và sứ mạng của bản thân mình với tư cách là tín hữu hay chủ chăn.

Ngoài ra, thiết nghĩ các chủ chăn cũng nên chia sẻ với cộng đồng dân Chúa những quyết tâm của chính mình trong Năm Thánh 2018 để nêu gương. Ví dụ, quyết tâm từ chối mọi đặc quyền, ưu đãi mà bạo quyền dành cho mình, sẵn sàng lên tiếng nói bênh vực sự thật khi cần, đi tiên phong trong những cuộc biểu tình đấu tranh ôn hòa bảo vệ những quyền lợi chính đáng của giáo hội, của đồng bào ví dụ chống lại việc cưỡng chế, hay cưỡng đoạt cơ sở tôn giáo, việc hủy hoại tàn phá môi trường trầm trọng như Formosa, hay việc cuớp đất trắng trợn của các nhóm lợi ích, hay việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ…

Nếu không thì cũng có nguy cơ như việc người dân không tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự muốn chống tham nhũng vì bản thân ông đến nay vẫn làm lơ trước đòi hỏi của một số người trí thức đại diên cho dân yêu cầu ông hãy là người đầu tiên làm gương công khai tài sản.

Đó là chưa nói các bậc chủ chăn, đặc biệt các giám mục, Hồng Y cần phải là những người đi đầu, sẵn sàng chấp nhận thương đau thì mới xứng hợp với ơn gọi và tước vị mà các ngài đón nhận được diễn tả qua chiếc áo, chiếc mũ và chiếc gậy, mà các ngài mang trên mình, nói lên việc mình sẵn sàng hy sính tính mạng vì Tin Mùng vì đàn chiên như chính Đức Giêsu mục tử.

Tai sao Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Chân phước Oscar Romero, Đức Phanxicô dám lên tiếng mạnh mẽ chống lại quyền lực sự ác, bạo quyền, cường quyền, bọn mafia nếu không phải vì các ngài như các thánh tử đạo VN xua kia, không hề thảo hiệp, từ chối mọi đặc ân, ưu đãi, bổng lộc mà chúng ban cho hay hứa ban, hoàn toàn không sợ hãi vì bản thân các ngài đã tập sống khó nghèo, khắc khổ, từ bỏ mọi sự tiện nghi dễ dãi ngay từ đầu, chết đi cho bản thân mình mỗi ngày, sống và chia sẻ thân phân của những người nghèo nàn, bị áp bức bóc lột… Chỉ có những ai thực sự sống với người nghèo nàn bị áp bức bất công và chia sẻ cuộc sống với họ thì mới thấu hiểu được tình cảnh của họ và mới có thể đứng lên đấu tranh giành quyền lợi chính đáng cho họ.

Dù có nói hay không nói ra, chắc chắn vô số giáo dân sẽ tự hỏi vì sao các chủ chăn của mình lại có thái độ “ngại ngùng” đến độ không dám đả động gì đến tình hình chính trị xã hội nhầy nhụa thối nát của cơ chế tội lỗi hiện nay và cũng chẳng dám kêu gọi giáo dân thậm chí dám nói lên và bênh vực sự thật dù chỉ theo một nghĩa trung tính (neutre). Chẳng lẽ để được làm giám mục trong các đất nước được gọi là CS nói chung, và ở VN nói riêng, các giám mục phải “ngoan hiền” đến thế hay sao?

Một khi chính quyền CS đã hiện nguyên hình, lộ diện rõ ràng, đi ngược và chà đạp với quyền lợi của nhân dân, thì chúng ta hoàn toàn không còn lý do gì để im lặng. Ngược lại chúng ta phải làm mọi sự có thể để thay đổi cơ chế tội lỗi này, là đầu mối, cội rể của mọi tội lỗi và thảm trạng của xã hội VN ngày nay, điều này thuộc về trách nhiệm và lương tâm của người Kitô hữu sống trong lòng dân tộc theo Hiến chế Vui mừng và Hy vọng cũng như Thư Chung của HĐGMVN.

Chúng ta đấu tranh ôn hòa nhân danh Tin Mừng, vì tổ quốc vì đồng bào chứ không phải nhân danh bất kỳ đảng phái nào. Đây không phải là chuyện “làm chính trị” mà đúng hơn là làm nhiệm vụ chính trị chính đáng, thực hành nghia vụ công dân, thực thi trách trách nhiệm đòi buộc bởi lưong tâm Kitô giáo.

Uớc mong sao các chủ chăn của chúng ta đừng để giáo dân của mình tìm thấy lý do để tin vào lời của một quan chức thuộc cấp trung ương CS nào đó khi tuyên bố rằng: Các anh muốn chưởi gì thì chưởi, chúng tôi chẳng sợ, chỉ cần nắm đầu hay sờ đầu các giám mục của các anh là đủ rồi ! (trích bài viết của Lm Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, O.F.M).

Mong rằng giáo dân không chỉ nhận ra giám mục của mình qua hình ảnh đầu đội mủ, tay cầm gậy trong thánh lễ, hoặc ăn trên ngồi trước trong các bàn tiệc, là VIP trên mọi hành trình, khắp nơi, thậm chí ngay cả trong bệnh viện mà đúng hơn nơi những người phục vụ khiêm tốn cúi mình xuống rửa chân cho các con chiên như hình ảnh của thầy Giêsu, của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nơi những người đi đầu đối phó, đương đầu với kẻ cướp tấn công đàn chiên của mình. Nếu được như thế, thì quả là hảnh diện cho GHVN, cho HĐGMVN. Nếu được như thế, thì thực sự cũng chẳng cần những là thơ “phát động chiến dịch” Năm thánh các thánh tử đạo VN nữa, vì chứng tá hùng hồn của các chủ chăn như thế có giá trị gấp trăm ngàn lần những lời kêu gọi của các ngài, sẽ đưa đến những hoa trái thực sự tốt đẹp, và việc mừng kính các thánh tử đạo VN chắc chắn sẽ thực sự có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Lời mời gọi và giáo huấn của Đức Giêsu vẫn còn đó: Các con có thể uống chén đắng mà thầy sắp uống không? (Mc 10,38). Trò không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ” (Mt 10, 24-33). “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,18-19). Và lời của thánh Phaolô nói vẫn còn đó: “Không ai sống cho chính mình và cũng chẳng ai chết cho chính mình, chúng ta có sống hay chết, là cho Đức Kitô.” (Rm 14,8-9).

Là Kitô hữu mà bản thân chúng ta chưa bao giờ bị thế gian ghét bỏ, chưa bao giờ bị bách hại, thì không biết liệu mình có còn phải là Kitô hữu hay không?

Lạy Chúa, xin hãy giải thoát chúng con khỏi mọi nỗi sợ hãi! Xin hãy nhắc nhở chúng con rằng mỗi người chúng con chỉ có một cuộc sống để sống, và sớm muộn gì chúng con cũng phải chết mà thôi để chúng con biết sống cho đáng sống và chết cho đáng chết để cùng được chia sẻ vinh quang phục sinh với Người!

“Các con đừng sợ! Thầy đã thắng thế gian !”

Hồn Việt
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Các vị chủ lễ không mặc áo lễ được không? Nói thêm về phần truyền phép.
Nguyễn Trọng Đa
08:28 15/05/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi nhìn thấy nhiều linh mục chủ sự các Thánh lễ ngày thường và Chúa Nhật trong nhà thờ, chỉ mang áo chùng trắng (alba) và dây các phép (stola), chứ không mặc áo lễ (chasuble). Và đây không phải là trường hợp lễ đồng tế. Thưa cha, liệu các vị chủ lễ không mặc áo lễ được chăng? - T. P., Quebec, Canada.


Đáp: Tôi nghĩ câu hỏi này đã được giải quyết đầy đủ trong huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu Độ). Xin mời đọc:

“123. Lễ phục riêng dành cho linh mục chủ tế, để cử hành Thánh Lễ hay các hành động thánh khác liên quan trực tiếp với Thánh Lễ, là áo lễ (casula), trừ trường hợp phi có dự trù một lễ phục khác mặc trên chồng lên áo chùng trắng (alba) và dây các phép (stola). Cũng thế, khi, theo chữ đỏ, linh mục mặc áo lễ, ngài đừng bỏ không mang dây các phép (stola). Tất cả các vị Bản Quyền phải theo dõi để mọi tục lệ trái ngược được hủy bỏ.

“124. Ngoại trừ vị chủ tế phải luôn luôn mặc áo lễ theo màu ấn định, Sách Lễ Rôma cho quyền các linh mục đồng tế trong Thánh Lễ “khỏi mặc áo lễ, mà chỉ mang dây các phép (stola) trên áo chùng trắng (alba), trước một lý do chính đáng, ví dụ như số các vị đồng tế quá đông và không có đủ lễ phục. Nhưng mà, nếu người ta có thể tiên liệu một trường hợp như thế, phải cố gắng hết sức cho có đủ lễ phục. Ngoại trừ vị chủ tế, các vị đồng tế có thể, khi cần, mặc áo lễ màu trắng nữa. Về phần còn lại, các ngài phải tuân thủ các quy tắc khác của những sách phụng vụ.

“126. Phải dứt khoát bài trừ lạm dụng sau đây, trái ngược với những quy định của các sách phụng vụ : dù chỉ có một người tham dự, các thừa tác viên có chức thánh không được phép cử hành Thánh Lễ mà không mặc lễ phục phụng vụ, hay chỉ mang dây các phép (stola) trên áo thụng của tu viện, hay trên áo tu sĩ thường, hay nữa trên áo thường. Các Đấng Bản Quyền phải sửa chữa trong thời gian ngắn nhất những lạm dụng này, và các ngài phải theo dõi cung cấp cho tất cả các nhà thờ và các nhà nguyện thuộc quyền tài phán của mình, một số lễ phục phụng vụ, may đúng quy tắc” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Trong thập niên 1970, một số quốc gia được phép sử dụng một bộ áo kết hợp áo lễ và áo chùng trằng, và mang dây các phép bên ngoài bộ áo này. Mặc dù người ta vẫn thỉnh thoảng thấy bộ áo này là xấu xí và vô duyên, nó hầu như đã biến mất.

Các quy định được đề cập trên đây là mới nhất, và phản ánh tình trạng hiện tại của vấn đề từ quan điểm của luật phụng vụ.

Tôi qua việc khác. Sau bài trả lời của tôi về phần truyền phép (ngày 1.5), vài người đọc hỏi thêm như sau:

Hỏi: Hai bạn đọc, từ Ireland và Nigeria, hỏi như nhau: “Chỉ thị nào cho phép bỏ đọc “Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei” trong Thánh lễ linh mục làm riêng?”. Và: “Xét sự việc rằng lời mời gọi và lời tung hô sau Truyền phép được bỏ qua, khi các linh mục cử hành Thánh lễ riêng hay đồng tế, liệu có thể suy diễn rằng lời Đây Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei), trong khi linh mục bẻ bánh (fractio), cũng được bỏ qua trong các Thánh lễ này chăng?”.

Đáp: Về các hành động của một linh mục cử hành Thánh lễ một mình, tôi đã nói ý kiến cá nhân của tôi trong bài trả lời ngày 14.11.2006.

Trong bài viết ấy, tôi giải thích rằng không có chỉ thị tổng quát rõ ràng nào, nhưng người ta phải giải thích nguyên tắc chung là rằng các lời nói hướng trực tiếp tới các tín hữu được bỏ qua.

Về các lễ đồng tế chỉ có linh mục, có các hướng dẫn rõ ràng để bỏ qua lời đọc “Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei”, nhưng hình như phần còn lại của Thánh lễ là được đọc bình thường, với việc chủ tế xướng thưa với các linh mục đồng tế khác. Do đó, lời Đây Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) vẫn được nói hoặc hát như bình thường.

Hỏi: Cuối cùng, một bạn đọc Ireland tinh mắt đã bắt gặp một mâu thuẫn rõ ràng, giữa một số xác nhận của tôi và bức ảnh đi kèm trong bài báo ngày 1.5.2018.

“Tôi nhận thấy rằng các biên tập viên của trang mạng ZENIT đã minh họa bài viết mới nhất của Cha McNamara (https://zenit.org/articles/the-part-of-consecration-at-mass/) với một bức ảnh cho thấy có hoa trên bàn thờ, có lẽ tại nhà nguyện Santa Marta, ở đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cử hành Thánh Lễ, bất chấp những gì Cha McNamara nói về 'dọn sạch sẽ bàn thờ' theo các tài liệu phụng vụ: https://zenit.org/articles/criteria-for-preparing-the-altar/ và https://zenit.org/articles/how-brides-should-dress/ và https://zenit.org/articles/decorating-the-sanctuary/.

Đáp: Như bạn đọc ấy nói, các bức ảnh là do các biên tập viên chọn, và chúng có thể được tha thứ nếu chúng không nhắc nhớ mọi điều mà tôi đã viết trong 15 năm qua.

Nếu bức ảnh này là trong Thánh lễ do Giáo hoàng cử hành, liệu nó có thật sự tạo nên sự khác biệt nào không?

Đức Giáo Hoàng là nhà lập pháp tối cao của Hội Thánh, và nếu Ngài muốn ban cho mình một ngoại lệ đối với một quy luật phụng vụ nhỏ, Ngài có thể làm như vậy.

Nếu Ngài muốn có một sự thay đổi vĩnh viễn cho một khía cạnh nào đó, Ngài có nhiều phương thức để làm như vậy: tự sắc (motu proprio), sắc lệnh, hoặc một lá thư gửi cho Thánh Bộ Phượng Tự ra lệnh một thay đổi cho luật.

Theo như tôi biết, Ngài chưa sử dụng một hình ảnh như một công cụ pháp lý. Không có cách nào để biết, liệu hình ảnh này tượng trưng ý muốn của Đức Thánh Cha chăng, hoặc liệu đó chỉ là hương vị phụng vụ của người phụ trách phòng thánh của nhà nguyện Santa Marta chăng.

Do đó, cho đến khi một sự thay đổi chính thức được thực hiện cho các sách phụng vụ, tôi vẫn bám vào những gì tôi đã nói trong các bài viết trước đây của tôi. (Zenit.org 15-5-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: 3 Sách Mới
Trà Lũ
08:49 15/05/2018
Canada đã vào xuân, cây đào trước nhà và cây mai sau nhà đã trổ bông. Thực ra thì cây đào mới có nụ, lá non còn e ấp chưa nhú. Tạo hóa thật toàn năng, các loài cây khác thì lá ra trước rồi hoa mới ra sau, riêng cây đào cây mai thì hoa ra trước, lá ra sau. Cây đào này một năm thu hút nhiều người. Khách bộ hành đi qua nhà tôi nhìn thấy hoa vừa đẹp vừa lạ thì ai cũng ngừng lại ngắm nghía. Nhiều người còn giơ máy ra chụp. Cây hoa đào nhà tôi có cái gốc Bắc Kỳ hay lắm. Chuyện như ni: Tôi có một cô em là kỹ sư canh nông rất giỏi, Cô cũng nhớ quê hương sinh quán ra riết như tôi. Cô nhờ người bạn về VN du lịch mang lén được cây đào nhỏ gốc ở HàNội sang cho cô. Cô là dân trồng cây có tài. Cây đào mọc ở đất mới, trời mới, không khí mới nên lớn như thổi. Sinh hoa kết trái rất lẹ. Năm đó cô cắt một cành đào nhiều hoa nhất đem vào trưng trong phòng khách. Bạn bè ai thấy cũng khen nức nở. Và cành đào được chăm sóc đã có rễ. Thế là cô tìm cách gửi lén sang Canada cho tôi. Canada là đất thiên đàng, cây đào cũng lớn như thổi. Mấy năm vừa qua đã nở hoa. Năm nay coi bộ sẽ đẹp lắm vì cành nào cũng chi chít những nụ hồng. Cây đào chịu được mùa đông băng tuyết, thiệt mừng quá. Nó đã ngủ suốt 4 tháng mùa đông, nay vừa thức giấc. Tôi thật sung sướng, sống ở quê người mà có hoa đào gốc Bắc Kỳ ở ngay trước nhà, có hoa mai gốc Nam Kỳ ở ngay sau nhà. Ông bồ chữ ODP nghe tôi diễn tả sự hạnh phúc như vậy bèn nói: Bác chưa nói hết niềm vui. Trong vườn sau nhà, bác còn cấy đưọc rau dấp cá, cây kinh giới, cây tiá tô, đều là những thứ rau thơm VN lưu niên, đều Việt Nam quá đỗi. Chị Ba Biên Hoà cũng lên tiếng phụ hoạ: Trong bếp nhà chúng ta ở Canada bây giờ còn có chai nước mắm Phú quốc, có lọ mắm tôm Nha Trang, trong phòng chúng ta còn có những kệ đầy sách báo tiếng Việt... Việc này cách đây 40 năm, chưa nhà VN nào có được như vậy. Thật là một phép lạ.

Nhân nói tới sách báo tiếng Việt, tôi xin khoe các cụ tin vui này: mấy tháng vừa qua tôi nhận được 3 cuốn sách mới do bạn bè cho. Tháng Ba thì tôi nhận được cuốn ‘Lang Thang Trên Đất Mỹ, tập 5’ của nhà văn TU DINH ở Colorado gửi tặng. Tôi đã nói sơ về cuốn này rồi, các cụ còn nhớ chứ ạ. Tôi thích sách của ông nhà văn này qúa. Nó vừa trí thức vừa tếu. Nó mang lại cho tôi bao nhiêu hiểu biết và tiếng cười. Tháng Tư thì tôi được cuốn ‘Ký’ của nhà văn nhà báo ĐINH QUANG ANH THÁI từ tòa soạn báo Người Việt ở Cali gửi tặng. Tôi mê ông Thái quá. Hằng ngày tôi đọc ông trên mạng, nghe ông nói trên đài đã thích quá sức, nay lại còn được cầm trên tay những bài ông viết trước đây, bài nào cũng đầy tin tức và các chuyện đa phần là vui và tếu, tôi thấy mình sung sướng hết mức. Ông là con người đã sống qua bao nhiêu thăng trầm vừa của mình vừa cuả đất nước, ông được gặp gỡ bao nhiêu nhân vật lịch sử như Hồ Hữu Tường, Nguyễn Chí Thiện, Đỗ Ngọc Yến..., ông được đi nhiều nơi mà bao nhiêu người hằng mơ ước nhưng không có cơ hội, như ông đi Nga, đi Đông Âu, không phải một lần mà nhiều lần. Ông tiếp xúc với nhiều người mới thoát CS, còn đang choáng váng. Có một cái nghề mà ông đã từng làm và tôi rất thích, đó là lái taxi ở Hạ Uy Di. Bác tài lái taxi là người thấy, nghe, biết và chứng kiến rất nhiều chuyện. Với cái vốn trí thức và cái máu tếu sẵn có, nếu ông viết riêng một cuốn ‘Ký Taxi’ thì sách sẽ hay vô cùng vì toàn là kinh nghiệm sống. Trong làng An Lạc của tôi, dân làng đã tranh nhau đọc cuốn Ký này. Mấy cô Huế thì ngoài việc khen các bài ký còn khen tác giả Đinh Quang Anh Thái đẹp trai và có bộ râu mép đẹp hơn râu của Tướng Nguyễn Cao Kỳ... (sách trang 182}

Tôi hỏi ông H.O. thích điều gì nhất trong cuốn sách ‘KÝ’ này. Ông trả lời ngay: Tôi thích nhất lời tác giả đã kể về câu nói của một nhà văn gốc miền Bắc vừa mở mắt: ‘... Các anh Miền Nam mang tiếng là thua, nhưng còn hãnh diện là đã chiến đấu cho một lý tưởng đúng, chứ bọn tôi ở Miền Bắc tiếng là thắng mà khi bừng con mắt dậy, thấy cả đời mình bị chúng nó lừa. Bọn tôi đau hơn các anh chứ. Nói không được nói, viết thì chúng nó cấm. Thế thì sống thế mẹ nào được. Không tự do thì đếch làm gì được... (sách trang 169)

Mấy lời này làm tôi nhớ bài thơ của Phan Huy trên mạng. Chắc Phan Huy cũng là dân gốc Bắc Kỳ bị lừa, cùng một tâm trạng như ông nhà văn trên. Bài này khá dài, câu nào cũng hay thấm thía:



Bài thơ mang tên ‘Cảm tạ Miền Nam’

Tôi đã vào một xứ sở thần tiên

Nếp sống văn minh, dân khí dịu hiền

Cơm áo no lành, con người hạnh phúc

Tôi đã ngạc nhiên với lòng thán phục

...

Mở mắt to nhìn nửa nước anh em

Mà đảng bảo là bị lũ ngụy quyền

Áp bức đọa đầy đói ăn khát uống.

Trước mắt tôi, một miền Nam sinh động

Đất nước con người dân chủ tự do.

Tôi đã khóc ròng đứng giữa thủ dô,

Giận đảng giận đoàn bao năm phỉnh gạt...

Sinh ra lớn lên sau bức màn sắt

Tôi chẳng biết gì ngoài Bác, Đảng ‘kính yêu’

Xã hội sơ khai, tẩy não, một chiều

Con người nói năng như là chim vẹt

Mở miệng ra là ‘Nhờ ơn Bác Đảng’

Chế độ ta ưu việt nhất hành tinh

Đuốc soi đường chủ nghĩa Mác Lê Nin

Tiến nhanh tiến mạnh lên thiên đường vô sản

Hai mươi mốt năm trên đường cách mạng

Xã hội thụt lùi người kéo thay trâu

Cuộc sống xuống thang tính bằng tem phiếu

Nhân phẩm con người chẳng khác bèo dâu...


Trong phần cuối bài thơ, ông Huy kết luận rằng ngày 30-4-1975 thật sự không phải là ngày cộng sản Miền Bắc giải phóng Miền Nam. Mà ngược lại là ngày Miền Nam đã phá màn u tối, đã khai đường chỉ lối cho nhân dân miền Bắc thấy được bộ mặt gian trá và độc ác của bè lũ CS, thật sự chúng chỉ là một bầy ác quỷ, và tác giả không tiếc lời cảm tạ nhân dân Miền Nam. Ông đã kết bài thơ dài như thế này:

Trên đường về, đất trời như sụp đổ

Tôi thấy mình tội lỗi với Miền Nam

Tôi thấy mình hổ thẹn với lương tâm

Tôi đã khóc, cho mình và đất nước.


Tác giả Phan Huy đã khóc, giống y như bà Dương Thu Hương đã khóc giữa Saigon tháng Tư, 1975.

Cứ viết về CSVN là tôi miên man không dứt. Xin tạm ngưng chuyện dân cả nước muốn hết CS, để nói tiếp về chuyện sách vở nha. Tôi xin kể tiếp chuyện nhận sách vào mùa xuân này: Cuốn một là cuốn Lang Thang Trên Đất Mỹ của Tu Dinh ở Colorado, cuốn 2 là cuốn KÝ của Nhà văn Nhà báo Đinh Quang Anh Thái ở Nam Cali. Bây giờ xin nói tới cuốn thứ 3, người cho sách là một nhà giáo, nhà văn, một dịch giả nổi tiếng ở Toronto. Các cụ đã đoán ra ai chưa ? Thưa đó là GS Đỗ Khánh Hoan. Nói tới quý danh này thì ai cũng phải biết. Ông gốc là nhà giáo, giỏi lắm, trưởng ban Anh Văn của Đại Học Văn Khoa Saigon năm xưa cơ mà. Ông nổi tiếng ngay từ thời 1960. Ông là dịch giả cuốn’Lời Dâng’ của Tagore. Cuốn này đã được tái bản 15 lần. Thuở ấy, bạn tặng cuốn thơ này cho người yêu là tặng món quà đẹp nhất và trang nhã nhất. Có nhiều người cũng đã dịch tập thơ Tagore này, nhưng không ai dịch hay hơn dịch giả Đỗ Khánh Hoan. Sau cuốn Lời Dâng, dịch giả họ Đỗ đã dịch không biết bao nhiêu là sách, toàn những thứ kiệt tác quốc tế như Platon, Socrate, Aristote. Cuốn sách tôi vừa nhận được mang tên ‘ Aristote, Đạo Đức Luận Nicomaque, do Học Viện Công Dân bên Mỹ xuất bản. Sách dày 300 trang, bàn về các vấn đề văn hóa triết học thời xưa cách đây 2.400 năm. Xưa như vậy nhưng vẫn còn là vấn đề của ngày nay. Đọc các lời chú giải và giới thiệu của dịch giả ta mới thấy sự thông thái có chiều sâu của GS Đỗ Khánh Hoan. Ngoài các sách vừa kể, ông còn dịch một số tác phẩm của văn học Nhật Bản và Nam Mỹ. Tên các tác phẩm của họ Đỗ ghi đầy một trang sách. Phục ông qúa. Mà chưa hết đâu. Xong cuốn này, ông lại đang ra tay dịch thi tập trường thiên của Dante dài hơn 14,253 câu thơ. Các cu biết thi sĩ Dante người Ý này chứ. Mà cũng chưa hết. Ông còn hứa sẽ dịch 150 bài thơ Thánh Vịnh trong Kinh Thánh Cựu Ước. Ai cũng hồi hộp chờ mong được đọc lời của một học giả ngoài đạo Công Giáo.

Xin ngưng chuyện sách vở để trình các cụ chuyện sinh hoạt trong làng An Lạc của tôi. Trung tuần tháng Năm có lễ Tôn vinh Các Bà Mẹ, Mother’s Day, phe ta quen gọi là Ngày Hiền Mẫu. Chúng tôi đã mừng lễ này tại nhà Chị Ba. Vui qúa sức.

Theo truyền thống trong làng thì ngày lễ Hiền Mẫu mỗi năm, phe liền ông trong làng đứng ra nấu bếp thết phe liền bà. Việc này các nhà quân tử chúng tôi phó thác cho ông ODP làm đầu tầu.

Ngày lễ, trong khi chờ cơm trưa, cả làng trao đổi đủ các thứ tin. Cụ bà B.95 xin anh John là chủ nhà kể chuyện. Cụ bảo anh kể chuyện gì cũng được, miễn là chuyện vui. Chẳng hạn trong tiếng Anh có cái gì vui về các bà vợ không? Anh thưa ngay: Dạ có và nó dính tới tiếng Việt Nam. Trong tiếng Việt, vợ chồng gọi nhau là ‘mình’ như mình ơi mình à... Tiếng mình này nói lên hết ý nghĩa vợ chồng, hai người trở thành một thân xác, một thân mình. Đúng như lời Chúa phán trong Kinh Thánh: ‘ Cả hai trở nên một xương một thịt’. Có lẽ người Anh thấy tiếng ‘mình’ của tiếng VN hay quá nên trong tiếng Anh vợ chồng mới bắt chước mà gọi nhau là ‘my better half’. Tiếng VN còn đi một bước hay hơn nữa, là khi nói về vợ hay chồng mình thì người VN nói là ‘Nhà tôi’, nhà đây phải dịch là ‘ home’. Home khác với house. House chỉ cơ sở vật chất, còn home chỉ mái ấm, tổ ấm gia đình. ‘My home’ trong tiếng Anh là chỉ tổ ấm gia đình, và chỉ tổ ấm mà thôi, không mang nghĩa thứ hai là vợ tôi, chồng tôi. Mặt này tiếng Việt tài tình và sâu sắc hơn tiếng Anh. Cụ Chánh nghe xong bèn bảo nhỏ tôi: Lão chưa hề thấy ai khen vợ giỏi như cái anh John này.

Ông ODP để anh John kể chuyện xong thì gọi anh vào làm phụ bếp, phe còn lại chúng tôi phụ trách dọn bàn. Ông ra lệnh hôm nay phải có xiên muỗm và dao. Các cụ đã đoán ra ông ODP làm món gì chưa ? Thưa là món bí tết. Mỗi thực khách một đĩa. Món bí tết phải ăn nóng mới ngon, cho nên bắt đầu bữa thì anh John lên lĩnh ý thực khách. Ai ăn tái, ai ăn chin. Ai tái vừa ai tái ít. Cứ thế, anh John bưng đĩa bí tết theo đúng sở thích lên cho từng người. Trên bàn có chai magi, chai nước mắm, có đĩa bánh mì, có đĩa cơm nóng, có đĩa cà chua rau sống. Mấy cô Huế thì thắc mắc sao có nhiều thứ thế này. Ông ODP giải thich: Xưa nay ăn món bí tết ta thường theo lối Tây là ăn với bánh mì và magi. Theo ông, ông không ăn theo lối tây mà ăn theo lối ta, tức là miếng thịt bò cho chút xiú nước mắm và ăn với cơm. Nghe lời ông, ai cũng thử kiểu này và trời ơi, món bí tết ngon chi lạ. Các cụ cứ thử mà coi. Ông ODP cười hà hà: mình phải Việt Nam hóa món Tây này chứ. Ta phải cám ơn ông Tây về món bò này. Trước khi Tây sang đây, Việt Nam mình chỉ ăn thịt trâu, đâu có biết đến thịt bò. Miếng thịt bí tết ông chọn rất ngon, mềm, tươi, ngọt lịm. Chị Ba Biên Hòa lên tiếng hỏi làm sao mà ông rành về thịt bò như vậy. Ông lại cười hà hà: Nghề của tôi mà. Dân làng ai cũng thắc mắc: nghề của ông ở VN là nghề nhà binh cầm súng, đâu có nghề thịt bò. Ông nhìn mọi người trong làng với cái nhìn rất thân yêu rồi nói: Ở VN thì tôi cầm súng, còn sang tới Canada thì ban đầu tôi chọn cho tôi cái nghề cũng cầm súng, nhưng không phải bắn VC mà là bắn con bò. Hôm nay tôi xin kể hết chuyện này cho làng nghe nha.

Rằng tôi xin được cái job đầu tiên ở Canada là job giết bò trong một xưởng thịt bò rất lớn. Các con bò còn sống lần lượt được đưa tới một đường thang máy. Tôi đứng ở đầu thang, tay cầm một khẩu súng bắn bằng hơi. Khi con bò tiến đến đúng tầm tay thì tôi dí đầu súng hơi vào đầu nó. Đùng một cái, con bò lăn ra chết và rơi xuống một đầu dây chuyền khác để người ta mổ bụng và xẻ thịt. Cứ thế, hết con bò này đến con bò khác, mỗi con tiến đến trước mặt tôi, tôi bắn một phát, nó quay lơ và té xuống... Ban đầu thì tôi làm hăng say lắm nhưng sang tuần lễ thứ hai thì thấy tinh thần xuống, mình đang làm việc sát sinh, ác đức. Tụi bò cũng biết chúng đang trên đường bị giết, nhiều con khóc vì tôi thấy chúng chảy nước mắt. Tôi thấy tay bắt đầu run, đầu tôi choáng váng, và cuối cùng thì tôi xin nghỉ việc. Tôi không còn can đảm giết bò nữa. Ông chủ hãng thấy tôi làm việc nghiêm chỉnh, bèn nói: Anh xin nghỉ việc cầm súng, vậy anh có muốn làm việc cầm dao không ? Anh chỉ việc cắt thịt bò mà thôi. Tôi đồng ý và tôi được chuyển sang khâu xẻ thịt. Tại đây tôi mới biết tên các miếng thịt. Thịt ở vai gọi là chuck, thịt ở bắp đùi gọi là brisket, thịt ở sườn gọi là rib, thịt ở lưng gọi là loin.

Chị Ba Biên Hoà lên tiếng hỏi ngay: Thế miếng thịt ở con bò chỗ nào là ngon nhất ? Ông ODP đáp ngay: Ở mông con bò, vùng đùi của chân sau là ngon nhất, tên nó là ‘ eye of the round’. Hôm nay tôi đã mua miếng thịt này làm bí tết đãi cả làng. Nghe đến đây thì cả làng vỗ tay cám ơn ông, vỗ mãi mới thôi. Chị Ba nói với Cụ B.95 và hai cô Huế: Kiến thức làm bếp của phe mình vất đi hết nếu so với cái biết của bác ODP. Xin bái phục Bác và cám ơn Bác đã cho ăn bí tết ‘eye of the round’ lần đầu với cơm và nước mắm tuyệt vời này.

TRÀ LŨ
 
Tản mạn đời tha hương : Nghĩ Gì Về Bùa Ngải, Ma Thuật, Thần Thông?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
16:34 15/05/2018

Đầu đuôi ra sao ?



Mục này nói về những chuyện xảy ra cho một số người đang nghĩ mình đụng phải ‘tai họa’ rồi tìm cách chạy chữa: Bị ma nhập ? Bị dính bùa tác hại ? Bị oan ức nên muốn tìm cho ra cái bí mật, nhờ việc ‘cầu cơ ? Bị đau bệnh dị thường cần tìm thày pháp chữa trị ?...Nói chung là khi đương sự có ‘vấn đề’ khá trầm trọng (chứ không chỉ đơn giản như kẻ đi coi bói, coi chỉ tay...)

(pháp sư với nghi thức trừ tà)

Trước hết, những hình thức chữa bệnh bằng ‘ma thuật’,: hầu hết là những hành vi hết sức vô nghĩa, phản khoa học, và hoàn toàn không có căn cứ gì để lý giải. Sở dĩ những hình thức này tồn tại là nhờ dựa trên sự thiếu hiểu biết và tâm lý nhút nhát của đám quần chúng ngây thơ. Nó chỉ có ích cho túi tiền của những kẻ biết cách lợi dụng, trong việc buôn thần bán thánh. Chỉ riêng vấn đề khéo dụ dỗ để người ta tin, và thể hiện niềm tin trong khi chữa bệnh, cũng đã là một thủ đoạn tâm lý, rất xấu xa và đáng trách của những kẻ lừa đảo. Người bệnh nếu tự khỏi thì mang ơn “thày lang”, nếu không khỏi bệnh hoặc bệnh trầm trọng hơn, thì vẫn cứ tôn sùng và không dám trách cứ “thày lang”, vì đầu óc họ đã bị mê hoặc.

Con mục bùa ngải thì ngày nay cũng không phải là một khái niệm quá xa lạ. Hầu hết mọi người đều ít nhiều nghe đến việc một số kẻ ích kỷ, gian ác, dùng bùa ngải để mưu cầu điều tốt cho bản thân mình, hoặc để ám hại người khác. Vậy bùa chú có thật sự lợi hại không ? Có tác dụng ghê gớm khi xử dụng không ?

Bùa ngải có nhiều dòng phái, có nhiều hình thức và ‘dụng cụ khác nhau, và có hàng trăm loại cây hay củ ngải bí truyền, nhưng tựu trung lại là nhờ các ‘ngải sư’ làm phép “gửi lệnh” điều khiển âm lực vào một vật cụ thể nào đó, để trấn yểm, phục vụ mục đích người dùng. Việc khai triển bùa ngải vì vậy phải thông qua thầy bùa. Bùa ngải vì thế được coi là một trong những hình thức phổ thong để khai triển huyền thuật. Ngoài ra còn có trù ếm, thần thông, thôi miên…

Bùa ngải dùng đủ thứ chất liệu, tùy phép yểm và tùy mục đích. Lá bùa có loại nhỏ bằng ngón tay, có loại to như mặt bàn. Loại chôn, loại đốt, loại uống. Cũng có loại vô hình vô trạng, rất bí hiểm. Chuyện này khá phổ thông nơi các dân tộc thiểu số, đặc biệt dân Mường, Nùng, Mèo…

Còn ‘cầu cơ’ là sao ? Khi cầu cơ thì, người ta khiêu khích, người ta gọi hồn người chết phải hiện về, rồi cùng đặt tay, sẽ thấy câu đáp của hồn người chết về giúp đỡ tìm ra điều họ cần biết, thường là qua thứ tự của các mẫu tự. Những người cầu cơ và người ‘đồng
bóng’ thực sự làm chuyện này trong một tâm trạng mê tín tột đỉnh, tạo nên một đầu óc hư ảo cho chính họ, cũng như cho những người đến hỏi ý kiến. Họ là những kẻ quen sống trong sự lừa bịp. Chúng ta biết rõ Kinh Thánh đạo Chúa, nơi sách Đệ Nhị Luật dạy rằng: ”Không ai được làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn..” (18,10-11).

Tệ hại khôn lường



Phải kết luận ngay rằng, qua những thứ mê tín này mà rất nhiều người từng bị hại: không chỉ tán gia bại sản, mà tinh thần cũng như thể xác còn bị tổn thương ghê gớm. Các loại ‘huyền thuật’ đều nói mình có tôn chỉ tốt, là điều chỉnh quan hệ giữa con người với cõi siêu nhiên, nhưng tất cả chỉ là thuộc thế giới ‘ảo’. Ngày nay nhiều thầy bùa, pháp sư công khai dùng huyền thuật để kiếm tiền, khai sinh ra nhiều hình thức tà thuật.

Hiện nay, chính người cho bùa chú cũng không hiểu mục đích chân truyền của huyền thuật. Còn người ham mê bùa chú thì tin mù quáng, nên nảy sinh ra những “dịch vụ” không giống ai. Tin bùa chú đến mức phó thác cuộc sống mình vào nó thì chỉ là tự hại chính mình mà thôi.

Chuyện ma thuật bùa ngải đã bị ‘huyền bí’ hóa, và nó trở thành một phần trong đời sống tâm linh của những kẻ nhẹ dạ. Chính vì là phép ‘bí truyền’ nên các loại ngải cũng được bao phủ lớp sương mờ ‘huyễn hoặc’. Các thầy cúng, thầy pháp lợi dụng ngải, đánh vào lòng cả tin của dân chúng, tạo nên những hủ tục cúng ma, thổi bệnh hoàn toàn phù phiếm…

Có những người còn mưu cầu bao điều rất viển vông, như bùa chống vợ giận, bùa học giỏi, bùa bán được hàng hóa… Nhiều người vì quá bị ám ảnh với bùa ngải, mà đôi khi cơ thể suy nhược, hay đang mắc bệnh ốm đau thường, cũng cho rằng mình đang bị chơi ngải. Như vậy sẽ chỉ càng làm bệnh tình thêm nghiêm trọng. Chính vì vậy mà mỗi người hãy học sống cảnh giác, tránh những dụ dỗ lửa đảo dưới mọi hình thức.

Hiểu thế nào về quỷ và ma ?



Trước hết ta thử nói về MA: Khắp nơi trên thế giới đều có các giai thoại về ma, vì con người thường sợ hãi cái gì mà họ không thể nhận thức bằng các giác quan thông thường, nên họ đã bán tín bán nghi về nó. Sự kiện này quả đã mang đến niềm sợ hãi. Từ đó họ thêu dệt các giai thoại rùng rợn, ly kỳ, không đúng sự thật. Nếu chúng ta chấp nhận ma hiện hữu như một con voi hay con ngựa thì có lẽ ta sẽ không còn sợ hãi.

Theo quan niệm dân gian ở hầu hết các quốc gia thì ma (hay hồn ma) là một từ để chỉ linh hồn của người chết. Những quan niệm lâu đời về sự sống sau cái chết cũng là một trong những điều khiến nhiều người tin rằng ma (hay sự trở về của linh hồn người chết) là có thật. Dân Âu Mỹ nhiều ít tin ma trong ngày lễ Halloween. Nhà Phật nói ma là hồn xấu số không được đầu thai. Dân Việt tin nhiều thứ ma lạ: Ma Hời, Ma Gà, Ma Xó, Ma Lai…(Giới bình dân còn gọi vài hiện tượng lạ thiên nhiên là Ma Trơi). Đa số quan niệm ma theo truyền thống nói rằng các ‘oan hồn’ hay luẩn quẩn xuất hiện để oán than hay phá phách trả thù. Bên Tầu có truyện ‘Tây du ký’ và ‘Liêu trai chí dị’ tả về ma rất nhiều.

Với giáo lý Công Giáo, Ma thường được hiểu là hồn hiện về, phải được Chúa cho phép trong một số trường hợp hãn hữu. Truyện các thánh cũng hay kể về những dịp các ‘kẻ lành’ trở về từ thiên đàng hay luyện ngục, báo tin vui hay ngỏ ý xin được hỗ trợ bằng sự cầu nguyện và hy sinh.

Còn về QUỶ thì thánh kinh đạo Chúa đã nói rất rõ ràng. Lúc đầu thần Lu-xi-phe mưu phản nên bị Thiên Chúa phạt xuống hỏa ngục cùng đồng bọn, và bị tổng lãnh thiên sứ là Mi-ca-e đuổi khỏi thiên đàng. Tướng quỷ này cũng được gọi là Sa-tan và các quỷ khác lại được phép cám dỗ loài người làm những điều sai quấy, để rồi nếu trước khi chết họ vẫn ‘chọn’ tà hơn ‘chính, sẽ bị phạt vào đời sau…


Bản chất của Satan là dối trá lừa bịp chúng ta, thậm chí với cả giám mục và linh mục, tu sĩ nữa. Ngược lại khi chúng ta cương quyết đuổi nó đi, rồi xin ơn Chúa hỗ trợ, chúng ta sẽ chiến thắng. Vậy chúng ta phải luôn tỉnh thức, luôn cầu nguyện và đề phòng để không ‘sa chước cám dỗ’ của ma quỷ, là kẻ triệt để khai thác sự yếu đuối của bản tính con người và gương xấu của thế gian, của môi trường xã hội, để mong xô chúng ta xuống vực thẳm hư mất đời đời. cùng với chúng. Cho nên, muốn được cứu rỗi để vào Nước Thiên Chúa mai sau, tất cả chúng ta, những người may mắn có được đức tin, phải cương quyết chống lại Satan và bè lũ, để không phạm tội và mất hy vọng được cứu rỗi, nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.

Chúng ta cần xác tín mạnh mẽ quyền năng của Chúa trên các quyền lực tăm tối, nên đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa không để cho chúng ta thua quyền lực ma quỷ. Điều quan trọng là phải xác tín về quyền năng của Chúa Giêsu Kitô và sống cách lành thánh suốt đời.

LM Giuse Nguyễn Văn Thư