Ngày 15-05-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:41 15/05/2009
TÀI NGHỆ SÂU BỌ

N2T


Một nhà truyền giáo đang làm việc ở vùng nhiệt đới, quyết tâm chiêu đãi giáo hữu một buổi du lịch trên không, để họ cảm thấy thú vị bất ngờ.

Phi cơ bay qua đỉnh núi, rừng sâu, sông ngòi.v.v...và các bộ lạc không giống nhau của họ nhìn xuống như cái dĩa, các giáo hữu ngẫu nhiên nhìn qua cửa sổ máy bay coi cảnh sắc; nhưng, thành thật mà nói thì tất cả mọi người không cảm thấy hứng thú gì cả...

Sau khi phi cơ hạ cánh, từng người từng người đi ra cửa máy bay mà không bày tỏ ý kiến gì, nhà truyền giáo thấy không ổn bèn tự mình cất tiếng nói:

- “Thích quá phải không nào, thành tựu của nhân loại thật quá sức tưởng tượng. Chúng ta bay vào không trung, ngất nghễu ở trên cao, vượt qua ngọn cây, vượt qua núi đồi, từ trên cao nhìn xuống trái đất.”

Giáo dân nghe mà không chút phản ứng gì, cuối cùng người dẫn đầu mở miệng nói:

- “Tụi sâu bọ cũng làm được.”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Thường thường, người dân quê mùa hoặc những người mới được đi máy bay lần đầu thì rất phấn khởi vui vẻ, hồi hộp, và có rất nhiều chuyện vui để kể cho mọi người nghe về chuyến ngồi máy bay đi du lịch của mình, nhưng những giáo hữu của nhà truyền giáo thì không coi chuyện đi du lịch bằng máy bay là “cái thá” gì cả, lại còn chê sâu bọ cũng làm được, mặc dù họ là dân quê mọi rợ, là người đi máy bay lần đầu...

Sâu bọ cũng làm được là vì họ không có quan niệm ngồi máy bay hay ngồi xe, vì con chuồn chuồn cũng bay được, con chim cũng bay được và thậm chí con bọ hung cũng bay được thì có gì là lạ chứ.

Trong cuộc sống, có khi chúng ta –người Ki-tô hữu- cũng truyền giáo theo kiểu “sâu bọ cũng làm được” của người vùng nhiệt đới: chúng ta chỉ giúp đỡ những ai mà mình thân quen, người vùng nhiệt đới cũng thường nhìn thấy loài vật cùng phe bênh vực nhau; có khi chúng ta chỉ yêu thương những ai đã từng giúp đỡ mình, người vùng nhiệt đới cũng nhìn thấy tụi sâu bọ cứ quanh quẫn quanh người nuôi nấng mình...

Máy bay là của người văn minh, sâu bọ là của người mọi rợ không văn minh, cho nên, đừng đem cái quá văn minh vào trong văn hóa những người suốt đời chưa từng thấy văn minh, nhưng hãy làm như lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ, ngài là nhà truyền giáo vĩ đại của mọi thời đại, ngài dạy rằng: phải khóc với người khóc, vui với người vui; hoặc là:anh là người Do Thái ư, tôi cũng là người Do Thái; anh là người Hy Lạp ư, tôi cũng vậy; anh là người dân tộc ư, tôi cũng vậy; anh là người Taiwan ư, tôi cũng vậy...

Tinh thần truyền giáo là ở đó vậy, nếu chúng ta không làm được như thế thì loài sâu bọ cũng làm được vậy. Ha ha ha...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:42 15/05/2009
N2T


15. Không thể nên thánh một nửa. Nếu bạn không hoàn toàn nên thánh thì căn bản không phải là thánh nhân.

(Thánh nữ Teresa of Lisieux)
 
Còn Tình Yêu nào lớn hơn là Tình Yêu Chúa Giêsu
Tuyết Mai
01:43 15/05/2009
Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau". (Ga 15, 9-17).

Lời Chúa truyền nghe sơ qua thì cảm thấy thật dễ làm, nhưng khi thực hành thì khó vô cùng, không dễ đâu thưa anh chị em, khi mà ai ai cũng muốn dành phần về cho mình, dù rằng mình đã có dư; cho dù mình thuộc nằm lòng Điều Răn của Chúa dậy đấy chứ! Nhưng ít ai thực thi được lời truyền dậy của Chúa. Nếu có thì tình yêu thương của Chúa sống trong người đó, chắc hẳn cũng đủ làm ảnh hưởng, làm tấm gương sáng cho nhiều người noi theo và bắt chước?? Quả rõ thật, lòng tham của con người thì vô tận cùng!. Chúng ta từng chứng kiến cái cảnh vào ra Nhà Thờ ở mỗi Thánh Lễ vào hai ngày cuối tuần. Khi mà chúng ta đều biết rằng mình phải dành giờ cho Chúa ít nhất một giờ cho Thánh Lễ của ngày Chúa Nhật. Nhưng hình như ít có anh chị em nào lại dành hẳn thời giờ để đến Nhà Thờ mà dành cho Chúa một giờ để thờ phượng, để cảm tạ Chúa đã ban cho anh chị em chúng ta bao nhiêu là hồng ân, sức khoẻ, và sự bình an của Ngài?? Khi mà Ngài đã hy sinh cả mạng sống mình vì tội lỗi tầy đình của chúng ta đã phạm. Khi mà chúng ta là những con người nhuốc nhơ đáng tội chết, trước Nhan Thánh Chúa. Khi mà hết thảy tội lỗi của chúng ta đáng cho Chúa quẳng chúng ta vào lửa của hoả ngục đời đời, nhưng Tình Yêu vô biên hải hà và độ lượng của Ngài đã không làm vậy! Vì Chúa biết nếu Ngài làm vậy thì Thiên Đàng quả không có một ai nếu Ngài đối xử với chúng ta quá nghiêm nghị và quá khắt khe!???

Chúng ta thật sự yêu mến Chúa qua môi miệng mà thôi! Chứ lòng của chúng ta thì ở tận đẩu tận đâu!? Vì có phải khi vị Linh Mục chưa kịp ban phép lành cho chúng ta thì chúng ta đã tranh nhau mà tuôn ra về cho thật sớm, kẻo kẹt xe, kẻo đợi lâu, kẻo người người chen lấn mà chậm trễ!?? Thưa chậm trễ cho tiệc tùng ư!? Thưa chậm trễ cho việc hẹn hò làm ăn hay một chuyến buôn lậu ư!?? Hay đi ăn đám cưới?? Hay chỉ để chạy thật nhanh mà tranh nhau đứng xếp hàng, hàng giờ cho những nhà hàng được gọi là sang, rồi khi lái xe ra khỏi Thánh Đường, phải dữ tợn không nhường nhịn nhau, mà phải chen lấn rồi tỏ lộ sự giận dữ, khi có người xin nhường để cho ra vì chờ đã quá lâu, khi chẳng ai có tinh thần nhường nhịn hay chịu nán chờ thêm một chút xíu?? Và cũng buồn cười thay là có anh chị em phải tranh dành nhau thiếu điều gởi cho nhau vài câu cho thoả mãn vì dám cả gan nhào ra cắt trước mặt mình, chỉ để về nhà ăn cơm và xem TV vì bụng đang đói và vì tối nay có phim rất hay, về nhà trễ sợ mất đi đoạn phim hay!??? Đấy là tôi chỉ cho một thí dụ nhỏ về vấn đề thiếu kiên nhẫn chứ chưa kể đến những sự thật về việc làm hại nhau vì tranh ăn.

Không biết cả cuộc đời của chúng ta, có ai thật sự đã chứng kiến được những gương hy sinh là vì tình yêu dành cho bạn hữu mà chịu hy sinh chết cho bạn chưa nhỉ!?? Nhất là trong thời buổi khó khăn gạo châu củi quế này!? Nhưng dầu gì đi chăng nữa, nếu chúng ta thật sự muốn bắt chước Chúa, bước theo con đường Thập Giá của Chúa, để tìm được sự bình an và tình yêu đích thực của Ngài, chúng ta hãy luôn sống trong nguyện cầu, hãy giữ Giới Răn của Chúa, hãy sống chia sẻ cho những anh chị em khốn cùng, hãy nghe lời khuyên dậy của Mẹ Ngài, thì không bao lâu tình yêu Thiên Chúa sẽ đến biến đổi con người của chúng ta, qua Chúa Thánh Linh. Ngài sẽ ban ơn phù trợ cho chúng ta, và qua Ngài chúng ta sẽ hiểu rõ hơn, cảm nghiệm rõ ràng hơn ý của Chúa muốn chúng ta làm chi trong cuộc đời trần thế này!?. Chúng ta sẽ được ơn Chúa Thánh Linh soi sáng, hướng dẫn, dìu dắt, và cho chúng ta có cơ hội, ngay cả vật chất để thi hành những gì Ngài muốn trên chúng ta. Thực là thế thưa anh chị em. Tìm Chúa, tình yêu, và bình an của Ngài thật không khó, nếu chúng ta hết thảy thực tâm dành thời giờ cho Ngài, để Chúa luôn làm chủ trong cuộc đời của chúng ta, mà không phải là lu bu bận rộn để kiếm cho thật nhiều tiền. Ai bảo công danh, sự nghiệp, tiền của, và quyền thế, sẽ đem lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực, mà không là sự chết trong tuyệt vọng, mà không là đường cùng khi tất cả chúng bỏ chúng ta ra đi không thương tiếc, mà không là tự huỷ khi thấy được cuộc đời là những sự giả tạo khi ta còn tiền, và còn là trên đỉnh của sự thành công trong cuộc đời phù du thật vô nghĩa này!

Có phải Chúa dậy thật phải khi chúng ta phải biết sống yêu thương nhau và với tình yêu của Ngài chúng ta biết lấy tình thương để đổi lấy ân oán, đố kỵ, ghen ghét, hận thù, và sau cùng là để ngăn chận sự chém giết lẫn nhau. Và xin được như bài hát của Kinh Hoà Bình là ".... Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. ...". Cũng thật phải khi chúng ta biết sống một cách khôn ngoan của Chúa là biết so sánh tình yêu muôn đời của Ngài với những sự dối gian của ma quỷ, là ảo tưởng, là không có thật, bởi người Việt Nam chúng ta, ai đã trải qua những lần mất mát thật lớn, thật đớn đau, thật tang thương, thật đau lòng, mà cho đến bây giờ con trong ký ức không thể nào quên được, như những đợt di cư từ bắc vào nam vào năm 1954 và một lần nữa là từ Việt Nam qua Nước Mỹ vào năm 75, để tìm tự do? Rồi thì đến những trận bão tố càn quét không còn gì ngoài hai bàn tay trắng, khi mà người thân thương đã bỏ chúng ta ra đi mãi mãi, và cũng được chứng kiến ngay trước mắt của màn ảnh trên TV khi mà hai toà nhà cao ngất tại Nữu Ước, đã bị đổ xuống trong ngày 911 là một thảm hoạ thật tang thương cho từng gia đình bị nạn trong 2 cao ốc đó và là sự mất mát lớn cho nước Mỹ.

Tham vọng của con người càng cao, thì con người càng sống xa Chúa, và đó là mục đích của ma quỷ, chúng muốn chúng ta thuộc về chúng, và là nô lệ của chúng muôn đời nơi hoả ngục, nên Thiên Chúa Cha đã giúp chúng ta thức tỉnh mà nhìn thâý được ma chước cám dỗ của chúng. Như bửu bối hữu ích mà giúp cho linh hồn đời đời của chúng ta thứ nhất là phải luôn thờ phượng một Thiên Chúa trên hết mọi sự, sau lại yêu ngươì như mình ta vậy! Đã thế Thiên Chúa lại ban cho chúng ta một bửu bối tuyệt vời thứ hai là Chuỗi Mân Côi của Đức Mẹ Maria. Mẹ ban cho và hứa cho chúng ta là hễ ai siêng năng lần chuỗi, Mẹ sẽ đặc biệt giữ gìn chúng ta luôn được hồn an xác mạnh. Mẹ hứa ngay cả lúc sinh thì Mẹ cũng sẽ ban cho chúng ta được hy vọng về Quê Trời sống cùng với Mẹ, hưởng mọi phước hạnh mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta trong vòng tay yêu thương đợi chờ của Ngài, là Thiên Chúa Cha, Chúa Con Giêsu, và Chúa Thánh Thần, cùng toàn thể đạo binh trên Thiên Quốc. Amen.
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:44 15/05/2009
N2T


116. Nói một hoặc hai lời nói quan tâm, là thái độ thông cảm người khác rất lớn, những việc ấy đều có thể làm giảm bớt tổn thương người khác.

 
Tình Ca cho người được yêu
Tình Ca 154
01:45 15/05/2009
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH Năm B: Ga 15, 9 - 17: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy"

DƯA HẤU LÀ CẬU BÍ NGÔ

Đã có một lần nghe lại những câu buồn cười và cười buồn: con cua và con còng đấu phép; đấu bao nhiêu con còng cũng vẫn thua hết, vậy mà con cua lại [bị xử là] thua con còng. Đồng dao về sự đời chua chát là thế, lại lắt léo câu chuyện liên hệ họ hàng khó tin: Dưa hấu là cậu bí ngô;bí ngô là cô đậu nành; đậu nành là anh dưa chuột,..Nhưng nếu tìm hiểu sâu rộng hơn, sẽ thấy đây là những lời châm biếm đối với những quan hệ cấm kỵ, thậm chí là loạn luân ở cuối thời Lý đầu nhà Trần, mà mục đích chỉ là để bảo vệ ngôi báu,quyền lực. Vì vậy chẳng lạ gì những mối liên hệ “siêu”huyết thống, khi tất cả đều vì là “họ nhà chim”: Bồ các là bác chim gi; chim gi là dì sáo sậu; sáo sậu là cậu sáo đen; sáo đen là em tu-hú; tu-hú là chú bồ-các…!

Mở những trang đầu của “Bổn Lẽ cần cho được rỗi linh hồn” (trước đây) của địa phận Vinh, ta đọc thấy: “Hỏi: Đức Chúa Trời là Đấng nào?”; “Thưa: Đức Chúa Trời là Đấng thiêng liêng, vô thuỷ vô chung, phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, lọn tốt lọn lành, ở khắp mọi nơi”. Hình như cho tới nay vẫn chưa có một ‘định nghĩa’ nào gọn gàng, đầy đủ và hay hơn về Đức Chúa Trời, tóm tắt những gì một tín hữu Công giáo nghĩ về Chúa của họ, giúp phân biệt hết sức rõ ràng với bụt thần và vô số thần thánh trong tín ngưỡng Á Đông, trong đó có Việt-Nam. VÔ THỦY VÔ CHUNG là ý niệm rõ ràng nhất trong cái trừu tượng thời gian, cái mà toán học dùng ± ∞ để diễn tả sự vô tận. Bên cạnh đó, con người là loài được tạo dựng, càng nên thấp hèn vì đã phạm tội vong ân bội nghĩa. Nhưng cho dù không phạm tôi, thì việc “bắt quàng làm họ” với Đấng Tạo Hoá đã là chuyện không tưởng, ngông cuồng. Ấy vậy mà chuyện ‘đũa mốc chòi mâm son’ lại thành hiện thực. Trời cao đất thấp gặp nhau: Thiên Chúa là Đấng vô thuỷ vô chung. Và chính Thiên Chúa khi tạo dựng con người theo hình ảnh của Người, chính là ban cho nó cũng được “vô chung”. Bù lại,chính cái ‘hữu thuỷ' ấy nhắc nhở chúng ta điều mà Chúa Giêsu nói: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Thiên Chúa là Tình Yêu (x. I Ga), Tình Yêu - viết hoa - vô thuỷ vô chung. Tình yêu chúng ta - hữu thủy từ bản thể, nhưng bắt nguồn từ Thiên Chúa – Tình Yêu vô thuỷ vô chung, cho nên đã trở thành ‘vô chung”. Sự tồn tại và giá trị có được là do bắt nguồn,thông hiệp và gắn chặt vào Tình Yêu vô thuỷ vô chung. Đó là ý nghĩa sâu xa của Mầu Nhiệm Nhập Thể.

Tạo dựng chính là Thiên Chúa cho vũ trụ và con người một cái “thuỷ" để từ đó sẽ được phú ban cho sự vô chung, đơn giản là vì tất cả đi vào quỷ đạo Tình Yêu (viết hoa) là Thiên Chúa. Lực hút ly tâm – Tình Yêu vô thuỷ vô chung - từ đó sẽ “nâng cấp” và làm cho mọi loài thọ tạo gắn bó vĩnh viễn với Thiên Chúa,”ở lại trong Tình Yêu Chúa”(Ga 15,9 b). Chỉ những ai tự để một lực khác chi phối và cuốn hút mạnh mẽ ra khỏi lực ly tâm Tình Yêu, thì mới tự loại trừ. Lực ly tâm ấy chính là các giới răn của Chúa, rút cuộc vẫn là ‘tình yêu’: yêu Chúa và yêu anh em. Khi người ta cho Tạo Dựng (creation)và Tiến Hoá (evolution) cái ‘đuôi’ “ism”, (thuật ngữ chuyên môn là thuyết, chủ nghĩa, hoặc đơn giản là: ‘duy’), tức là người ta muốn áp đặt suy nghĩ và tác động của mình, gạt bỏ vai trò Đấng Tạo Hoá và ban cho Tiến Hoá là Thiên Chúa. Tiến hoá vì thế chỉ là bắt đầu cuộc hành trình hữu thuỷ tiến về vô chung. Vũ trụ và con người ví được như cổ máy: Thiên Chúa dựng nên và cho khởi động với đích đến là vô chung, nôm na là muôn thuở muôn đời. Con người, vì thế, lệ thuộc vào Thiên Chúa, vào Đấng Vô Thủy. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa muốn nó ‘vô chung’ như Người. Khác biệt duy nhất, ấy là con người luôn phải hướng về vô chung để hoàn thiện mình trong sự kính uý thờ phượng Thiên Chúa; trong khi Thiên Chúa tự bản thể là Đấng vô chung như đã là vô thủy: một cuộc tiến hoá thiêng liêng, cao lên mãi, tăng thêm mãi, tinh luyện trong tình yêu và trong tạ ơn của cái hữu thuỷ đối với Đấng vô thủy vô chung, để chính bản thân được ‘vô chung’. Đó chính là ý nghĩa của Lời Chúa phán với ông Môsê ở biến cố Bụi Cây Cháy: ”Je Suis” – Tà Là – Tự Hữu - Vô Thuỷ Vô Chung.

Những năm qua,do khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, đời sống nhà nông ngày càng bấp bênh và bị hấp dẫn bởi những hào nhoáng của đời sống thị thành, lớp thanh niên ở nông thôn kéo nhau ra thành phố kiếm công ăn việc làm. Nhiều gia đình chỉ để lại cha mẹ già trông coi nhà cửa vườn tược, hoặc gửi con nhỏ cho cha mẹ già, để vào nam lập nghiệp. Chưa kể đến những hậu quả tinh thần và đạo đức mà làng xóm truyền thống phải gánh chịu, mà nó còn phương hại đến hôn nhân và gia đình. Người ta đem sức lao động “xuất khẩu”: quả là có đổi đời, đổi nhà đất nhà ngói sang mái bằng, từ thiếu thốn sang đầy đủ tiện nghi hiện đại, nhưng cũng đổi theo chúng là hạnh phúc gia đình đổ vỡ vô phương cứu chữa và vô số tệ nạn thâm nhập vào gia đình và hôn nhân. Nhà nước Việt Nam không thấy được và cũng chẳng màng tới chuyện luân lý,đạo đức, mà chỉ lo một ngày gần đây cạn kiết lực lượng sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực sẽ bị đe doạ nặng nề, nên đã nghĩ ra đủ kế sách để giữ chân lớp lao động trẻ ở lại nông thôn. Chính sách “ly nông bất ly hương” so ra không mấy khác với ý nghĩa lời Chúa Giêsu hôm nay, ngoại trừ lý do và động cơ. Chẳng ai chấp nhận một cuộc sống bán mặt cho đất bán lưng cho trời quanh năm suốt tháng, chịu bao bất công, thiệt thòi, mà rút cuộc cũng chẳng nuôi nỗi bản thân, để ‘ly nông bất ly hương’. Khi hàng hoá ế ẩm dồn cục, không xuất khẩu được, người ta mới chợt nhó đến nông thôn. Chẳng khác nào dụ khị con nít. [1.000 đồng/ngày là thu nhập bình quân của nông dân làm ruộng. Tính theo năng suất bình quân thu được từ một sào ruộng trong điều kiện canh tác tốt, thời tiết thuận lợi đạt 2,0 - 2,2 tạ thóc/vụ, quy sang tiền là 400 - 440 nghìn đồng.Trừ hết mọi khoản còn lãi gần 100 nghìn đồng chia cho 90 ngày (Trích từ Báo Lao Động số 326 Ngày 21.11.2004)]. Khi tâm tư, suy nghĩ,hành động không hề có chút thuỷ chung, không hề có tình thương, mà chỉ giáo điều,vụ lợi, thì không thể nào có sự gắn bó, không ai có thể gắn bó. Mọi cố gắng móc nối, liên kết, ràng buộc “họ hàng” nếu không sai trái, thì cũng chỉ là giả tạo.

Dưa hấu là cậu bí ngô: đây không phải là mơ tưởng huyển hoặc từ phía con người; không phải là lời động viên, hứa hẹn từ Thiên Chúa, mà là một thực tại do sáng kiến của Đấng Tạo Hoá muốn con người - một khi được Thiên Chúa cho hiện diện trên trần gian, - cũng sẽ hướng về sự sống đời đời, tức là vô chung, trong Thiên Chúa. Tình Yêu Vô Biên là đáp số của những lắt léo, mầu nhiệm nầy. “Với Thiên Chúa, không có gì là không thể được” (Lc 1,27). Thiên Chúa là Tình Yêu: với Tình Yêu, đâu chỉ có”dưa hấu” trở thành “cậu bí ngô!
 
Dòng Suối Yêu Thương
LM Inhaxiô Trần Ngà
02:14 15/05/2009
Chúa Nhật 6 phục sinh (Gioan 15, 9-17)

Nếu có ai đó chưa biết gì về đạo thánh Chúa, yêu cầu chúng ta: “Bạn có thể giúp tôi hiểu cách vắn gọn về bản chất của đạo Thiên Chúa trong vòng năm phút được không?”

Đề nghị nầy có thể làm cho chúng ta lúng túng. Trước một vấn đề quan trọng như thế thì dễ gì tóm gọn trong dăm ba phút? Thế nhưng lời Chúa hôm nay có thể giúp chúng ta giải quyết phần nào vấn nạn nầy.

Có thể hiểu cách đơn giản rằng Đạo Chúa không gì khác hơn là Dòng Suối Yêu Thương với ba chiều kích:

1. Dòng suối Yêu Thương bắt nguồn từ Chúa Cha.
2. Dòng suối Yêu Thương thông qua Chúa Con đến cùng nhân loại.
3. Mỗi người phải khơi dòng cho Tình Yêu Thương của Thiên Chúa đến được với tha nhân.

Như một quy luật tự nhiên, các suối đầu nguồn luôn trao hết, trút hết nguồn nước của mình vào lòng các dòng sông. Suối sẵn sàng cho đi luôn mãi không tiếc nuối bao giờ.

Các dòng sông, một khi đã nhận được nước từ những con suối ở thượng nguồn, cũng không ngừng cho đi, cho đi ngày đêm không ngơi nghỉ, trút hết nguồn nước của mình cho vùng hạ lưu và cho ra biển cả.

Thiên Chúa là Tình Yêu, mà đặc tính của tình yêu là thông ban, là lưu chảy như nước từ khe suối đầu nguồn chảy xuôi xuống các dòng sông và tuôn chảy vào đại dương.

Dòng suối Yêu Thương bắt nguồn từ Chúa Cha

Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn Tình Yêu. Tình yêu của Người như Suối đầu nguồn. Tình yêu ấy được thể hiện qua việc Chúa Cha trao ban tất cả mọi sự cho Chúa Con như Lời Chúa Giê-su xác nhận: “Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy” (Gioan 5, 26).

“Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Con” (Gioan 3, 35)

Bởi vì Chúa Cha đã trao ban mọi sự cho Chúa Con nên Chúa Giê-su khẳng định: “Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy”

Dòng suối Yêu Thương thông qua Chúa Con đến cùng nhân loại.

Chúa Giê-su chẳng những không giữ lại những gì Chúa Cha trao cho mình, mà còn đem tặng ban tất cả cho nhân loại, kể cả mạng sống của Người. Tình yêu của Chúa Giê-su lên đến cao điểm khi nâng con người phàm hèn lên hàng bạn hữu nghĩa thiết và hiến ban cả mạng sống mình cho họ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Gioan 15,13)

Mỗi người phải khơi dòng cho Tình Yêu Thương của Thiên Chúa đến được với tha nhân.

Chúa Cha như suối đầu nguồn đã trút hết tình yêu cho Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su như dòng sông cả đón nhận tình yêu của Chúa Cha và đã trút hết tình yêu ấy cho chúng ta.

Đến lượt mình, chúng ta được kêu mời trút hết tình yêu cho tha nhân như Chúa Giê-su đã trút hết tình yêu của Người cho chúng ta.

“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Gioan 15,12)

Thế là dòng suối Yêu Thương xuất phát từ Thiên Chúa Cha, qua Chúa Giê-su, tuôn tràn xuống chúng ta và thông qua chúng ta để đến với mọi người khắp nơi trên thế giới. Cứ thế, dòng suối Yêu Thương lưu chảy không ngừng, không nghỉ… đem lại hạnh phúc và sự sống cho tất cả mọi người.

Đừng cản trở dòng Suối Yêu Thương

Thỉnh thoảng có những thân cây to lớn bên bờ đổ xuống hoặc những ghềnh đá làm cản trở dòng chảy của con suối khiến nước không thể chảy xuôi về nuôi những cánh đồng phía dưới.

Khi không còn thương mến nhau, chúng ta trở thành những chướng ngại vật cản trở dòng chảy của tình yêu Thiên Chúa đến với anh chị em chung quanh mình và vì thế chúng ta làm cho đời sống của bao người quanh ta trở nên cằn cỗi.

Khi không còn thương mến nhau, chúng ta tự loại mình ra khỏi gia đình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Như thế chúng ta tự làm cho mình trở thành kẻ lạc loài và cô độc.

Lạy Thiên Chúa là Nguồn Mạch Tình Yêu, xin cho chúng con luôn chia sẻ Tình Yêu Chúa cho mọi người để nhờ đó, chúng con được hoà mình vào dòng suối Yêu Thương không bao giờ vơi cạn.
 
Loan báo Tin Mừng
+ GM Micae Hoàng Đức Oanh
03:15 15/05/2009


Số 48/VT/’09/Tgmkt

Kontum, ngày 10 tháng 05 năm 2009

Kính thăm Cha Tổng cùng tất cả anh chị em gia đình Giáo phận Kontum.

Nguyện xin bình an của Chúa Kitô Phục Sinh ở cùng Cha Tổng và anh chị em. Ngày 14 tháng 05 sắp tới, tôi sẽ lên đường sang Hoa Kỳ để kiểm tra sức khoẻ, sau đó đi Rôma tham dự Ad Limina dành cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đi xa, tôi luôn nhớ và hướng về Giáo phận. Giờ đây trước khi lên đường, tôi xin gửi lại chút tâm tình tôi hằng ôm ấp: “Tất cả cho việc Loan Báo Tin Mừng”.

I. Loan báo Tin Mừng.

Vâng, anh chị em rất thân mến,

Tất cả cho việc Loan báo Tin Mừng, vì đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân” (Mt 28,19); đây là sứ mạng, là trách nhiệm, là vinh dự của người kitô hữu. “Anh em hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samaria cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).

1.1._ Ra đi loan báo Tin Mừng.

Nói tới chuyện loan báo Tin Mừng trên lý thuyết thì dễ, điều cần là đi vào thực tế. Loan báo Tin Mừng cần 3 yếu tố: cầu nguyện, sống gương sáng và lời rao giảng. Có thể nhiều người trong chúng ta đã quên tất cả; có người cầu nguyện đấy, nhưng đời sống lại không sáng lắm; đi xa hơn nữa như thu xếp việc làm, để dành ít thời gian ra đi đến với anh chị em lương dân thì đa phần chúng ta chưa làm. Chúng ta cần xét lại đời sống đạo của mình, của gia đình cũng như xứ đạo qua cách sống, qua cách làm ăn, và nhất là coi xem tỉ lệ thời giờ của cải Chúa ban, chúng ta đã dành cho công cuộc loan báo Tin Mừng là bao nhiêu so với các sinh hoạt khác.

1.2._ Cầu nguyện cho công việc truyền giáo.

Cầu nguyện là cách dễ dàng nhất mà ai ai trong chúng ta cũng có thể làm được, mọi nơi, mọi lúc dưới mọi hình thức. Tôi ước mong cả Giáo phận chúng ta, từ nay tái lập lại giờ kinh nguyện ban tối. Kinh nghiệm tại một số nơi cứ 9 giờ tối, có một hồi chuông, các gia đình tắt ti-vi, tạm ngưng mọi hoạt động, quy tụ trước bàn thờ Chúa, đọc Sách Thánh và cùng nhau cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng. Hình thức này tôi cũng mong từ nay được áp dụng trong toàn Giáo phận chúng ta, giờ giấc tuỳ các Cha mỗi nơi ấn định.

1.3._ Người người Tân Ước, nhà nhà Kinh Thánh.

Giáo phận chúng ta đã có truyền thống phổ biến, học tập Lời Chúa trong suốt bao năm tháng qua. Trong khi chờ đợi có những ấn bản song ngữ Jrai-Việt, Sêđăng-Việt, Rơngao-Việt, xin quý Cha và anh chị em tiếp tục vận dụng tối đa chương trình này trong gia đình và xứ đạo. Với sáng kiến riêng của mỗi người, mỗi xứ đạo phổ biến rộng rãi Sách Thánh, cách riêng sách Tân Ước Bahnar-Việt trong mọi dịp. Ví dụ như những dịp mừng sinh nhật của nhau, mừng lễ bổn mạng của vị này vị khác, chúng ta có thể tặng nhau sách Tân Ước hay Sách Thánh, thay vì tặng quà bánh. Việc tang chế, chúng ta có thể miễn những chi phí như vòng hoa,…. dành kinh phí ấy để phổ biến Sách Thánh. Cầu mong trong mỗi gia đình có một cuốn Kinh Thánh trọn bộ. Các Cha và các nữ tu cũng như các vị huynh trưởng tìm cách giúp việc đọc và truyền đạt Lời Chúa hàng ngày.

II. Loan báo Tin Mừng qua đời sống đạo.

Anh chị em rất thân mến,

Giờ đây, tôi hướng tới một số thành phần dân Chúa trong gia đình Giáo phận.

2.1. Trước hết, tôi nhớ tới các cháu học sinh sinh viên.

Các con thân mến,

Các con là hạnh phúc, là tương lai của Gia đình và của Giáo phận. Các con đã bước vào những ngày cuối năm học. Cha cầu chúc các con kết thúc năm học tốt đẹp, và có một mùa Hè thoải mái bổ ích. Nếu được, các con hãy dùng một ít thời gian nghỉ Hè để hướng tới những hoạt động bác ái xã hội, như là một cách để tiếp cận với thực tế, ngỏ hầu những gì chúng con đã học, được hành. Hẳn đây cũng là điều bổ ích cho chúng con trong những ngày sắp tới, nó như những chất liệu đào tạo chính bản thân chúng con thành những con người có tâm, có trí, có đức.

Với các học sinh sắp thi vào Đại học năm nay, Cha rất tiếc không có mặt bên cạnh các con như mọi năm. Các Cha, các Thầy, các nữ tu cũng như các bậc cha anh sẽ tiếp tục tổ chức và chăm lo cho các con.

2.2. Với anh chị em tân tòng.

Anh chị em rất thân mến,

Tôi viết những dòng này gửi đến anh chị em, sau đúng 30 ngày anh chị em chính thức công khai gia nhập Hội thánh Chúa. Mẹ Hội thánh luôn nhắc nhở chúng tôi nhớ tới anh chị em trong kinh nguyện, hỗ trợ và đồng hành cùng anh chị em trong đời sống đạo. Như một trẻ sơ sinh, với 30 ngày tuổi, anh chị em cần sự chăm sóc đặc biệt của các bậc cha mẹ đỡ đầu, của cộng đoàn. Như trong thư gửi đến anh chị em ngày 19.4 vừa qua, hôm nay, tôi cũng cầu mong các Vị có trách nhiệm về đời sống đức tin của anh chị em sẽ tiếp tục quan tâm, nâng đỡ, khích lệ cách thiết thực theo điều kiện mỗi nơi. Phần anh chị em, xin anh chị em hãy tiếp cận với xứ đạo, tham gia các sinh hoạt phụng vụ điều đặn, và tích cực thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng qua đời sống bác ái yêu thương phục vụ, đặc biệt qua đời sống hiếu thảo trong gia đình. Qua giai đoạn “nhiệm huấn” này, anh chị em có dịp được cảm nghiệm sự ngọt ngào của đời sống đức tin, đồng thời cũng cảm nhận được sứ mạng chia sẻ niềm tin cho những người thân chung quanh.

2.3. Với các gia đình.

Anh chị em rất thân mến,

Trong một xã hội đang biến chuyển từng giờ, dòng thác tiến bộ của các ngành khoa học đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi cơ cấu xã hội, trong đó gia đình là nơi ảnh hưởng trực tiếp: có mặt tốt lẫn điều xấu. Vì thế, cầu mong các gia đình hãy nuôi dưỡng tình yêu, tôn trọng sự sống và quan tâm đặc biệt tới các con em. Ngoài việc chăm lo những nhu cầu cuộc sống, xin anh chị em không ngừng tiếp tục hy sinh, với ý thức lo cho con em được ăn học đến nơi đến chốn. Khi nói đến ăn học đến nơi đến chốn, tôi không chỉ nghĩ đến ăn học chữ nghĩa ngoài đời, mà còn là ăn học chữ nghĩa trong đạo. Chúng ta không thể lơ là công việc cao trọng này, nhằm đào tạo con em chúng ta có một cái tâm, một cái trí, một cái đức, để trở thành những con người có khả năng phục vụ trong tình yêu thương của Đức Kitô.

Khi nói tới con em, tôi không chỉ nói tới con em ruột thịt của chúng ta, mà tất cả những con em đang sống chung quanh chúng ta cách riêng các con em thiếu điều kiện học tập. Xin các bậc cha anh có điều kiện dư dả, hãy chia sẻ, để không một con em nào trong môi trường sống chung quanh chúng ta được phép nghỉ học. Ít lâu nay, tại một số giáo xứ có một số bậc cha anh hình như coi nhẹ việc đào tạo cái tâm, coi thường việc học giáo lý, học Lời Chúa của con em. Xin anh chị em đừng để con em chúng ta được đào tạo trở thành những con người dị dạng với cái đầu nhét đủ thứ kiến thức ngoài đời, còn cái tâm thì trống rỗng.

Nói tới gia đình, tôi nhớ tới các gia đình ơn gọi tại các xứ đạo và gia đình Phanxicô Xaviê trong Giáo phận. Xin Chúa cho chúng ta biết phát triển và vận dụng tốt hai chương trình này, ngỏ hầu giúp có thêm nhiều con em được chuẩn bị kỹ càng cho đời sống tận hiến phục vụ cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên đang vẫy gọi.

Cha tổng và anh chị em thân mến,

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ban muôn ơn phúc lành cho những thiện chí và quyết tâm của chúng ta trong việc sống đạo và loan báo Tin Mừng. Hẹn gặp lại Cha Tổng cùng anh chị em sau ngày tôi đi kính viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô-Phaolô và triều yết Đức Thánh Cha, cũng như làm việc với các Thánh Bộ liên hệ.

Hiệp thông cùng Cha Tổng và anh chị em trong tâm tình cảm tạ và tôn vinh.

Giám Mục Giáo Phận Kontum.
 
Dẫn nhập vào các Thư Mục Vụ của Thánh Phaolô
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế, o.p.
03:57 15/05/2009
Trong các thư của thánh Phao-lô, có hai thư gửi cho môn đệ Ti-mô-thê và Ti-tô là một khối duy nhất cả về văn chương lẫn giáo lý. Ngoài thư Phi-lê-môn, đó là các thư gửi cho những người được nhắc tên rõ rệt. Từ đầu thế kỷ XVIII, Béc-đô và An-tôn đã gọi những thư này là những thư mục vụ, và kiểu nói đó còn thịnh hành cho đến ngày nay. Qua những thư ấy, thánh Phao-lô gửi một số chỉ thị cần thiết đến các vị mục tử trong Hội thánh.

1. Những người nhận thư

1.1 Ti-mô-thê

Chúng ta có những chỉ dẫn trực tiếp về môn đệ Ti-mô-thê nhờ thánh Lu-ca trong sách Công vụ Tông đồ và nhờ chính thánh Phao-lô. Phao-lô gặp Ti-mô-thê lần đầu tiên tại Litra (Lít-tra), trong vùng Ly-ca-ô-ni-a. Litra là một thị trấn được hoàng đế Au-gút-tô thiết lập vào khoảng năm 6.trước công nguyên. Ti-mô-thêu thuộc hàng quí tộc trong thành. Thân phụ ông là người Hy lạp. Người ta đoán trước kia ông là dân ngoại, vì đã không đươc cắt bì ngày thứ tám theo luật Do thái. Nhưng thân mẫu ông, bà Êu-ni-kê là người Do thái theo Ki-tô giáo (Cv 16,1) và bà nội của ông, bà Lô-i cũng là người ngay thẳng có đức tin (2Tm 1,5). Cả hai bà dạy ông Kinh thánh ngay từ thời ông còn niên thiếu (2Tm 3,15).

Ti-mô-thê còn trẻ khi ông bắt đầu làm việc với thánh Phao-lô. Khoảng 15 năm sau, thánh Phao-lô vẫn còn viết cho ông: “Đừng ai dám khinh anh còn trẻ” (1Tm 4,12; 5,1; 2Tm 2, 22). Bề ngoài Ti-mô-thêu có vẻ nhút nhát và dè dặt (x 1Cr 16,10; 2Tm 1,8). Sức khỏe của ông lại không khả quan, nhiều khi ông hay đau. Vì vậy, có lần thánh Phao-lô phải khuyên ông: “Từ nay anh đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn” (1Tm 5,23). Để tránh gặp khó khăn với người Do thái, thánh Phao-lô đã làm phép cắt bì cho ông (Cv 16,3). Người ta không rõ ông được hàng niên trưởng đặt tay cho vào lúc nào (1Tm 4,14; 2Tm 1,6).

Họat động tông đồ của ông chịu ành hưởng sâu đậm của thánh Phao-lô. Ngài âu yếm gọi ông là “người anh em của chúng tôi, người cộng sự viên của Thiên Chúa trong công cuộc rao giảng Tin Mừng” (1Tx 3,2). Phao-lô hay đưa Ti-mô-thê đi theo trên các chặng đường truyền giáo (x Cv 17,14-15; 18,15; 20,4; 2 Cr 1,19). Ông ở bên thánh Phao-lô khi ngài viết các thư gửi giáo đoàn Thê-xa-lo-ni-ca (1Tx 1,1; 2Tx 1,1), Co-rin-tô (2 Cr1,1), Rô-ma (Rm 16,21), Phi-líp-phê (Pl 1,1) Cô-lô-xê (Cl 1,1) và Phi-lê-môn (Plm 1,1).

Thánh Phao-lô cử ông đi làm một công tác đặc biệt ở Ma-kê-đo-ni-a (Cv 19,22) cách riêng đến với tín hữu ở đó đang thao thức về ngày Chúa quang lâm, để củng cố đức tin cho họ và khuyên họ vững lòng (1Tx 3,26). Ngài cũng sai ông đi Co-rin-tô để nhắc cho mọi người nhớ cách thức phải xử sự trong Đức Ki-tô, như ngài đã dạy ở khắp nơi và trong mọi giáo đoàn ( 1Cr 4,17). Tất cả các lời chứng rải rác trong các sách Tân Ước khiến người ta phải quả quyết rằng đã có một sự cộng tác rất chặt chẽ giữa thánh Phao-lô và ông Ti-mô-thê trong công việc truyền giáo.

Tấm lòng ưu ái thánh Phao-lô dành cho ông Ti-mô-thê trước sau vẫn không thay đổi. Về cuối đời, lúc thấy tên đao phủ như đã đứng ngoài cửa nhà tù, ngài còn muốn nhìn thấy một lần chót (2 Tm 4,9.21) con người mà ngài gọi là “người con thật của tôi trong đức tin” (1 Tm 1,2).

1. 2 Ti-tô

Có rất ít tài liệu về môn đệ Ti-tô, bởi vì trong Công vụ các Tông đồ, thánh Lu-ca không bao giờ nhắc đến tên ông. Ông sinh trong một gia đình Hy lạp thuộc dân ngoại (Gl 2,3). Chắc ông theo đạo là nhờ thánh Phao-lô (x Tt 1,4). Thánh Phao-lô đưa ông lên Công đồng Giê-ru-sa-lem. Ngài không bảo ông phải cắt bì như trường hợp ông Ti-mô-thê. Trong vụ Co-rin-tô, hành động của ông có giá trị quyết định. Ông lật hẳn thế cờ có lợi cho thánh Phao-lô (x 2 Cr 7,7) và được tín hữu Co-rin-tô quí mến. Thánh Phao-lô đã làm chứng về ông; “Chúng tôi được an ủi không những vì anh Ti-tô đến, mà vì anh ấy đã được anh em an ủi. Anh ấy đã cho chúng tôi biết là anh em nóng lòng mong đợi, buồn phiền, nhưng vẫn đầy nhiệt tình đối với tôi, khiến tôi càng vui mừng hơn

nữa... Đó là điều an ủi chúng tôi. Ngoài niềm an ủi đó, chúng tôi còn đuợc đấy tràn một niềm vui lớn hơn nữa, khi thấy anh Ti-tô vui mừng vì tất cả anh em đã làm cho tâm trí anh ấy được thư thái. Nếu trước mặt anh ấy, tôi đã có đôi chút tự hào về anh em thì tôi cũng không hổ thẹn. Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi đã nói thật với anh em thế nào, thì thái độ tự hào của chúng tôi trước mặt anh Ti-tô cũng thật như vậy. Lòng anh ấy càng tha thiết quí mến anh em, khi nhớ lại anh em đã vâng lời, đã kính sợ và run rẩy đón tiếp anh. Tôi vui mừng vì trrong mọi sự, tôi có thể tin cậy anh em. (2Cr 7, 7. 13-15)

Thánh Phao-lô quí chuộng tài ba và lòng bác ái của ông Ti-tô nên đã trao cho ông sứ mệnh hoàn tất công việc tổ chức các giáo đoàn ở Creta (Cơ-rê-ta) (Tt 1,5). Theo Tm 4,10, có lẽ ông ở Rô-ma với thánh Phao-lô một thời gian, khi ngài bị giam giữ lần thứ hai, rồi sau đó ông đã đi Đa-ma-ti-a.

2. Thời gian biên soạn

2,1 Thư 2 Tm

Có lẽ đây là thư mục vụ cuối cùng vì trong đó thánh Phao-lô viết: “Tôi đã chạy tới cuối đường” Vì thế phải coi thư này như được viết vào cuối đời ngài. Có thể xác định thời kỳ thánh Phao-lô chịu tử vì đạo không, để nói thư này được viết vào lúc nào. Có hai giả thuyết được đặt ra:

Giả thuyết 1 công nhận thánh Phao-lô đã viết các thư mục vụ, và vì thế có thể nghĩ rằng ngài đã bị tù hai lần. Theo giả thuyết này thì ngài đã bị bắt trong thời hoàng đế Nê-rô cấm đạo (khoảng 64-68) và có lẽ đã chết vào năm 67. Như vậy, thư 2 Tm cũng được viết vào năm này.

Giả thuyết 2 không công nhận thánh Phao-lô là tác giả đích thật các thư mục vụ. Các thư này đã đuợc viết mãi về sau, vào khoảng cuối thế kỷ I hay đầu thế kỷ II. Nếu chỉ phân tích bản văn thì không thể biết giả thuyết nào đúng hơn giả thuyết nào.

Thật vậy, thư 2 Tm đuợc coi như viết ở Rô-ma (1,17) trong lúc thánh Phao-lô bị tù, bị xiềng xích như một tên gian phi (2,9) nên ngài coi lần bị bắt này là một sự xỉ nhtục. Hai lần ngài xin ông Ti-mô-thê đừng hổ ngươi vì ngài và hãy noi gương anh O-nê-si-pho-rô. Anh này đã không xấu hổ vì thấy thầy mình phải mang xiềng xích và đã tìm đủ cách để gặp thầy ở Rô-ma. Đàng khác, thánh Phao-lô cũng không ảo tưởng về bản án tòa sắp tuyên bố. Ngài biết mình sắp phải lìa biệt cõi đời và đến lúc phải dâng mạng sống mình làm lễ tế. Ngài cảm thấy cô đơn. Chỉ một mình Lu-ca ở lại với ngài nên ngài xin Ti-mô-thê đến trước mùa đông năm ấy.

Thánh Phao-lô đã bị giam một lần ở Rô-ma như nói trong Cv 28,30 vào khoảng năm 61-63. Hoàn cảnh lúc đó khác hẳn với những điều được nói đến trong thư 2 gửi Ti-mô-thê. Khi đó ngài ở trong một nhà trọ và được tự do tiếp khách nên phải giả thiết có một lần bị giam khác nữa mà sách Công vụ Tông đồ không nói đến. Ngài bị bắt lần thứ hai khi viết thư 2 gửi Ti-mô-thê. Lại còn một sự việc khác nữa chứng tỏ điều này, đó là ngài xin ông Ti-mô-thê gửi cho ngài cái áo khoác để ở nhà ông Các-pô tại Troie (Tro-a) cũng như sách vở và mấy tấm da thuộc. Lần trú ngụ nói đây ở Tro-a không giống với lần nói ở Cv 20,5 nên phải kết luận lần này là lần sau.

2,2 Thư 1 Tm và thư Tt

Hai thư này dùng ngữ vựng và nói về những đề tài y như trong 2 Tm. Vì thế, có lẽ cả ba thư đều được viết trong cùng một thời kỳ. Không có dữ kiện nào cho phép xác định rõ hơn. Người ta chỉ có thể nói rằng hai thư này không được viết trước và trong cuộc hành trình truyền giáo III, bởi vì trong suốt cuộc hành trình này, lúc nào ông Timô-thê cũng ở bên cạnh thánh Phao-lô.

Theo 1 Tm 1,3 thánh Phao-lô lên đường đi Ma-kê-đô-ni-a và để ông Ti-mô-thêu ở lại Ê-phê-xô để điều khiển giáo đoàn. Không có lý do để nghĩ rằng ông Ti-mô-thê ở lại đây trong cuộc hành trình truyền giáo III, bởi vì trong suốt cuộc hành trình này như đã nói trên, lúc nào ông Ti-mô-thê cũng có mặt bên cạnh thánh Phao-lô. Đàng khác đã có những lý thuyết sai lạc len lỏi vào đây, như thánh Phao-lô đã báo hiệu trước trong lời từ giã các vị trưởng lão (Cv 20,29) và điều đó chứng tỏ giáo đoàn Ê-phê-xô đã được thành lập từ trước lâu rồi. Vì thế, người ta lại phải lựa chọn, hoặc là phủ nhận các dữ kiện lịch sử của thư này, hoặc là giả thiết sau lần đầu bị giam ở Rô-ma và được thả vào khoảng năm 63, thánh Phao-lô lại tiếp tục họat

động tông đồ và viết thư này vào khoảng sau năm 63 và trước khi sọan thư 2 Tm.

Đối với thư gửi ông Ti-tô, cũng phải giả thiết như vậy. Theo Tt 1,5, thánh Phao-lô đã để ông Ti-tô ở lại Creta (Cơ-rê-ta) để hoàn thành công việc thiết lập giáo đoàn tại đó. Ngài viết cho ông Ti-tô đang lúc đi đường và bảo ông đến gặp ngài ở Ni-cô-pô-li và qua mùa đông tại đó. Nếu các dữ kiện đó đúng thì phải đặt giai đoạn họat động tông đồ này vào những năm sau khi thánh Phao-lô được thả, tức là khoảng năm 63-67.

3. Nội dung:

3,1 giáo thuyết của thánh Phao-lô trong các thư mục vụ

Không ai nghi ngờ gì về tính duy nhất của các thư mục vụ. Nhưng tương quan thần học giữa các thư này với giáo thuyết Phao-lô trong các thư khác thì lại là vấn đề khác. Khi so sánh giữa hai bên thì thấy có những điểm tương đồng và dị biệt, khiến cho người ta, tùy nghiêng về bên nào mà có những ý kiến trái ngược hẳn nhau.

3,2 Những điểm tương đồng

Có thể nói được rằng ngoài các thư của thánh Phao-lô ra, chẳng đâu có giáo thuyết Phao-lô rõ ràng như trong các thư mục vụ. Ở đây người ta có thể gặp thấy nhiều chủ đề của giáo thuyết Phao-lô như lòng thương xót của Thiên Chúa đã tỏ hiện nơi Đức Ki-tô, Đấng đã đến đến cứu chuộc nhân loại (1 Tm 1,12-17; 1,16; 2 Tm 3,15), con người được cứu nhờ ân sủng (Tt 3,7) và đức tin (1 Tm 1,16; 2 Tm 3,15), phép Thánh tẩy gắn liền với ơn cứu độ (Tt 3,15) và việc cứu chuộc loài người đã diễn ra đúng như kế hoạch đời đời của Thiên Chúa Cha. Thêm vào đó có thể kể các lời khuyên người nô lệ và các lời khuyên về thái độ phải có đối với chính quyền (1 Tm 2,1; Tt 3,1). Thánh Phao-lô còn nhấn mạnh đến các đau khổ ngài phải chịu để giáo đoàn

được nhờ (2 Tm 2, 10). Ngài nhắc lại các tâm tình của ngài đối với ông Ti-mô-thê cũng như thái độ ai cũng phải có đối với những người lầm lạc.(2 Tm 2,15). Các điểm tương đồng đó đã quá đủ để ít ra bó buộc người ta phải công nhận các thư mục vụ phát xuất từ một môi trường Phao-lô.

3,2 Những điểm dị biệt

Tuy nhiên, các điểm dị biệt giữa thần học trong các thư mục vụ và giáo thuyết Phao-lô trong các thư khác cũng rõ ràng không kém. Trong các thư mục vụ có những lời quả quyết về ơn cứu độ, nhưng lại được diễn tả bằng môt thứ ngữ vựng khác. Đức tin thay vì được hiểu như sợi dây liên lạc nối kết Ki-tô hữu với Đức Ki-tô thì lại được coi như lòng gắn bó trung kiên với một giáo lý lành mạnh (1 Tm 4,1; 6,21; 1 Tm 1,10; 2 Tm 4,3), hoặc với truyền thống đã được trao lại cho những người như ông Ti-mô-thê ( 1 Tm 6,20; x 2 Tm 2,2). Các thư mục vụ cũng nhấn mạnh đến việc phải làm những điều phước thiện ( 2 Tm 2,10). Nhưng về luân lý thì không thấy đòi hỏi gắt gao nhu trong các thư lớn. Địa vị chủ yếu của đức tin bây giờ được nhường lại

cho lòng đạo đức. Kiểu nói này được dùng đi dùng lại nhiều lần trong các thư mục vụ (1 Tm, 2,2; 3,16; 4,7-8; 2 Tm 3,5; Tt 1,1), còn trong các thư khác thì không thấy bao giờ. Đức ái cũng trở thành một nhân đức như các nhân đức khác, chứ không phải là nhân đức đứng đầu mọi nhân đức như vẫn thường được nói trước đây (1 Tm 4,12). Chúa Thánh Thần chỉ được nhắc tới sơ qua. Sau cùng, không còn thây nói đền nỗi mong chờ ngày cánh chung mà chỉ thấy nói đến phải sống đạo đức trong thời hiện tại (Tt 2,11-14). Tất cả những điều nói trên chứng tỏ Hội thánh đã bước sang một giai đọan mới, không còn cần phải đặt nền tảng đức tin nữa, nhưng phải củng cố và tổ chức thế nào để đối phó với các bè rối đang nổi lên đe dọa.

3,4 Tổ chức Hội thánh

Khi hầu hết cácTông đồ không còn nữa thì tự nhiên phải nghĩ đến người thay thế. Đó là các giám quản và kỳ mục. Hai chức này là tiền thân của chức giám mục và linh mục hiện nay. Về điểm này, các thư mục vụ phản ánh khá rõ tình trạng ở cuối thế kỷ I. Chưa có vấn đề tổ chức hàng giám mục và linh mục như hiện nay, bởi vì nhiệm vụ của giám quản và kỳ mục cũng tương tự như nhau. Cả hai chức vị này đều phải trung thành truyền đạt lại giáo lý đã nhận được. Thêm vào đó, còn phải nêu gương đời sống thánh thiện (1 Tm 3,1-7; Tt 1, 5-9), củng cố đức tin của tín hữu, đối phó với các thày dạy giả hiệu. Các phó tế cũng phải sống gương mẫu (1 Tm 3,8-13) và được trao phó cho việc giúp đỡ các bệnh nhân và người nghèo. Điều đáng

lưu ý là các thừa tác vụ như các ngôn sứ thì bị xếp vào hàng thứ yếu. Có lẽ vì muốn tránh những lộn xộn như đã xẩy ra ở Co-rin-tô. Nói chung, các thừa tác vụ chưa được phân chia rõ rệt, còn đang trong giai đọan thành hình, mãi về sau mới được xác định.

3,5 Các bè rối hay các phe lạc giáo

Các thư mục vụ luôn luôn nói đến một số các phe lạc giáo và khuyên tín hữu phải có thái độ cương quyết trung thành với giáo lý tinh tuyền. Nhưng các lạc giáo lại chỉ được mô tả một cách đại khái chung chung vậy. Các thầy dạy giả hiệu đang hoạt động trong giáo đoàn, dường như chịu ảnh hưởng của phe Do thái nhiều hơn cả. Hầu hết họ là người Do thái (Tt 1,10), muốn đóng vai luật sĩ (1 Tm 1,7), khơi lên những cuộc tranh luận về luật pháp ( Tt 3,9), nại vào các thần thoại Do thái, các chuyện truyền kỳ và các gia phả (1 Tm 1,4). Tuy nhiên, trong các tư tưởng của họ cũng thấy chớm nở khuynh hướng nhị nguyên của thuyết Ngộ đạo. Họ cấm không cho kết hôn và buộc phải kiêng một số thức ăn ( 1 Tm 4,3). Các lạc thuyết lại kèm theo một số buông thả

về luân lý. Các thư mục vụ nhiều lần kê ra những những thói xấu nói trong 1 Tm 1,9-10; 2 Tm 3,2-3; Tt 3,3. Phe Khắc kỷ cũng có những bảng kê khai như vậy. Có lẽ các thư mục vụ đã chấp nhận các bảng kê khai này qua trung gian những người Do thái thường tiếp xúc với triết học khắc kỷ.

3,6 Vinh tụng ca trong các thư mục vụ

Người ta sẽ không nhận định đúng tầm quan trọng của các thư mục vụ, nếu chỉ bàn luận xem các chức giám quản và niên trưởng trong các thư này có nhiệm vụ nào hay tìm hiểu các lạc giáo được nói đến trong các thư đó. Vì vậy còn cần phải nghe dư âm ca tụng của Hội thánh thời sơ khai nữa. Lời ca tụng này hiện ra rõ nhất trong các vinh tụng ca thời xưa còn ghi lại ( 1 Tm 1,17; 3,16; 6,15-16) cũng như trong nhiều thư, các câu tung hô địa vị cao cả và công trình vĩ đại của Đức Ki-tô.

4. Tác giả các thư mục vụ.

Các Hội thánh mang danh Đức Ki-tô đều công nhận các thư mục vụ thuộc kinh điển Tân Ước, nghĩa là các cộng đoàn Ki-tô hữu được Thánh Thần hướng dẫn, công nhận các thư này là Lời Chúa. Nhưng vấn đề ai là tác giả của những thư đó thì chưa thống nhất. Có phải thánh Phao-lô là tác giả của những thư đó không ? Có điều làm cho người ta nghi ngại là niên biểu của những thư đó, vì niên biểu có liên hệ với tác giả. Thế mà lại có nhiều lý do để phân vân.

Trước hết là những lý do của khoa phê bình ngoại tại. Nhiều người cho rằng những lý do đó mạnh đủ để quả quyết thánh Phao-lô lá tác giả của những thư đó. Thánh Cơ-lê-men-tê thành Rô-ma, thánh I-nha-xi-ô thánh An-ti-ô-khi-a có thể đã đọc và trích dẫn các thư mục vụ. Như thế có nghĩa là các giáo đoàn Rô-ma, Miếc-na và An-ti-ô-khi-a đã công nhận các thư đó là Kinh thánh. Thư qui Mu-ra-to-ri làm vào năm 180 kể các thư ấy vào số các thư của thánh Phao-lô. Thánh Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a trích các thư mục vụ hơn 40 lần. Thánh I-rê-nê cũng trích dẫn và bảo đó là thư của thánh Phao-lô. Tất cả những điều ấy có nghĩa là vào hậu bán thế kỷ II nhiều vị có thế giá trong Hội thánh công nhận các thư mục vụ là lời Chúa và là tác phẩm của thánh Phao-lô.

Bây giờ xét về mặt phê bình văn bản. Trước hết là vấn đề ngữ vựng không thuần nhất. Trên tổng số 902 từ dùng trong các thư mục vụ, có đến 305 không được dùng trong các thư khác của thánh Phao-lô và 175 từ không được dùng trong Tân Ước. Như thế là nhiều, bởi vì tính ra thì cứ 155 từ trong thư mục vụ đã có một từ lạ, đang khi cứ 533 trong 1 Cr và cứ 366 từ trong 2 Cr mới thấy như thế. Vậy phải kết luận thế nào ?

Trước hết không nên quan trọng hóa lối tính này. Trong số các từ lạ kia, có nhiều từ chẳng có ý nghĩa nào đặc biệt, thí dụ những từ phải dùng vì hoàn cảnh như từ báo tử (1 Tm 5,23), bà ngoại (2 Tm 1,5), giấy da thuộc (2, Tm 4,13). Ngoài ra, vì tác giả đang ở Rô-ma, nên ta có thể hiểu tại sao trong các thư mục vụ có những kiểu nói mượn của la ngữ như sống một đời (1 Tm 2,2), hoặc tên gian phi (2 Tm 2, 9). Sau cùng, một số những từ lạ là những từ trong bản Cựu Ước được dịch sang tiếng Hy lạp. Vì thế, người nào đã quen bản dịch này, thì tự nhiên cũng dùng những từ ấy khi viết. Chỉ còn phần giải thích vì sao có những từ lạ ý nghĩa hơn. Vấn đề bàn trong các thư này khá đặc biệt, đó là làm thế nào hướng dẫn, điều khiển được Hội

thánh. Trước đây, chưa bao giờ thánh Phao-lô đề cập đến vấn đề này một cách rộng rãi. Hoàn cảnh mới buộc phải dùng từ mới. Người ta đếm được 50 từ nói về các lạc giáo, 29 từ nói về tư cách các thừa tác viên, 61 từ nói về phận sự và nhân đức Ti-mô-thê và Ti-tô phải có, 90 từ nói về việc tổ chức Hội thánh. Rồi chính thánh Phao-lô kể từ khi viết những bức thư lớn cũng vậy. Tự nhiên một bộ óc tư tưởng mạnh mẽ như thánh Phao-lô không thể luôn cứng nhắc được. Nó phải tiến bộ và đương nhiên phải ảnh hưởng đến việc dùng từ ngữ. Điều này đâu có liên hệ riêng đến các thư mục vụ mà thôi. Đối với nhiều thư khác cũng vậy. Người ta đã thấy điều đó khi phải chứng minh thư 1 Tx và thư Cl cũng là do thánh Phaolô viết như đã viết thư 1 Cr.

Đàng khác, thánh Phao-lô bấy giờ đã già, lời văn tự nhiên phải chậm rãi, tẻ nhạt hơn và dễ có giọng giảng giải. Vì thế có ít là 30 động từ ở mệnh lệnh cách trong 2 Tm. Ngài không còn nhớ những tiếng kêu than trong 2 Cr nữa và cũng đã quên những giọng điệu trong thư Gl. Bây giờ ngài là một Phao-lô chững chạc với giọng dịu dàng và dễ dãi. Vì muốn sáng sủa và gẫy gọn nên ngài dùng một lối văn điêu luyện và thích dùng các từ mới. Tự nhiên một văn sĩ về già thường hay biến đổi như thế. Những tác giả ỡ những thời kỳ rất khác nhau như Platon (Pơ-la-tông) và Shakespeare (Sây-kơ-pia) cũng đã đi theo một đường lối như thế, càng về già càng thích dùng từ mới.

Sau cùng phải để ý đến vai trò quan trọng của thư ký. Nhà chú giải Jeremias (Giê-rê-mi-át) rất chú trọng đến điều này. Trong một nhà tù chật chội bẩn thỉu thiếu ánh sáng, thiếu phương tiện để viết lách theo kỹ thuật thời đó, phải nhiều ngày mới viết được một thư như 2 Tm, nên phần đóng góp của thư ký thật là đáng kể. Có những đọan chắc chắn thánh Phao-lô đã đọc cho người ấy viết (như 2 Tm 4, 6-18), nhưng cũng có những đoạn dài khác mà người ấy phải tự thảo ra, dựa vào các lời giảng huấn và các cuộc đàm đạo với ngài. Rồi cũng chính người ấy tự động đem những đoạn vinh tụng ca phụng vụ thời ấy vào trong thư như ở 1 Tm 1, 17; 3, 16; 6, 15-16 và 2 Tm 2, 11-13)

Người ta có thể thông qua mau lẹ những điểm khác có liên hệ đến tác giả, thí dụ như trên đã nói, giữa giáo lý của các thư mục vụ và giáo thuyết của thánh Phao-lô nói chung có nhiều điểm khác biệt đáng kể. Có thể căn cứ vào đó mà phủ nhận tư cách tác giả của thánh Phao-lô trong các thư này không ?

Có người muốn phủ nhận thánh Phao-lô là tác giả của những thư này, căn cứ vào việc các thư chống thuyết Ngộ đạo (một tà thuyết sau này mới thành hình). Nhưng các tà thuyết mà những thư này nói tới, có nhiều nét giống như chủ thuyết của phe Do thái và không rõ rệt giống như thuyết Ngộ đạo ở thế kỷ II. Các phong trào đó rất có thể đã hoạt động ngay trong thời thánh Phao-lô.

Còn về việc tổ chức Hội thánh, các thư này mô tả rõ ràng hơn các thư trước. Nhưng rất có thể đó là những chỉ thị thánh Phao-lô đã muốn để lại trước khi từ biệt cõi đời này. Vì thế cũng không thể dựa vào đó mà phủ nhận ngài là tác giả của các thư mục vụ.

Một điểm khó khăn nữa là làm sao dung hòa được bối cảnh lịch sử của các thư mục vụ với các dữ kiện của sách Công vụ Tông đồ. Người ta đưa ra giả thuyết thánh Phao-lô bị tù hai lần ở Rô-ma để đem các dữ kiện lịch sử của các thư mục vụ lồng vào đời sống của ngài. Nhưng điều ấy không có nghĩa là đã xảy ra như vậy, bởi vì khi sách Công vụ chấm dứt với câu chuyện thánh Phao-lô bị tù ở Rô-ma thì không tất nhiên có ý bảo thế là xong đời Phao-lô ! Bởi vậy, lập luận này khá tế nhị. Theo nguyên tắc, phải sẵn sàng công nhận các dữ kiện của thư mục vụ, vì khi không đủ lý do chính đáng thì không được hồ nghi những điều người khác viết.

Kết luận

Vậy, phải kết luận thế nào ? Phe phủ nhận cũng như phe khẳng định thánh Phao-lô là tác giả đều có những lý chứng đáng kể. Có người lại nghĩ nên theo giải pháp trung dung là công nhận thánh Phao-lô chỉ là tác giả một phần thôi. Có thể nghĩ rằng một người nào đó rất ngưỡng mộ ngài, thấy Hội thánh ở thời mình có những nhu cầu cấp bách nên đã viết ra những thư này, như di chúc tinh thần của ngài để lại. Còn các chi tíết khác (như chiếc áo khoác và tấm da thuộc để quên ở Trô-a) thì do những thư thật của thánh nhân đã được người đó lồng vào trong các thư mục vụ

Dù sao thì các thư.mục vụ cũng đã cung cấp cho hậu thế những điều bổ ích liên quan đến công trình gây dựng Hội thánh lúc ban đầu. Nhờ vậy, người ta biết được công lao của các vị có trách nhiệm thời bấy giờ, với bao khó khăn chồng chất của thời khai sáng, đồng thời hiểu được mối bận tâm phải lo chọn những người như thế nào đó mới giao cho công việc thành lập và điều khiển giáo đoàn được. Tựu trung, có thể nói được rằng các thư mục vụ là những mô hình mẫu cho công việc huấn luyện và đào tạo các người đứng ra lãnh đạo cộng đoàn ở mọi thời và mọi nơ..

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf-Paris tg 2285-2293)
 
Câu truyện tình báo đọc trong Cựu Ước
Nguyễn Đức Cung
04:41 15/05/2009
Nếu đối với dân tộc Trung Hoa các hoạt động về tình báo có tự thời nhà Thương (1766-1122 tr. CN) và phát triển dần mang tính hệ thống với sách Tôn Tử Binh Pháp (Dụng gián thiên) của Tôn Tử khoảng thế kỷ VI trước Công Nguyên, thì ở Palestine thuộc ảnh hưởng văn minh của vùng Lưỡng Hà Địa (hai sông Tigris và Euphrates), các hoạt động tình báo, do thám đã được Ngũ Thư (the Pentateuch) thuộc Cựu-Ước (The Old Testament) tường thuật lại, cụ thể là trong sách Dân Số (Numbers) và ở một tư liệu khác là sách Joshua với thời điểm xuất hiện khoảng 1440-1400 trước Công Nguyên. Cựu Ước là sách do Thiên Chúa mạc khải cho con người, sử dụng ngôn ngữ, văn tự của loài người để nói về lịch sử cứu độ cho nên “ngay cả các sách gọi là lịch sử cũng không phải là lịch sử theo quan niệm thực nghiệm (kể lại đúng như các sự kiện xảy ra) nhưng là lịch sử cứu độ, nghĩa là tìm đọc ra ý nghĩa cứu độ, sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa trong các diễn biến lịch sử.” [1]1 Những câu chuyện tình báo được kể lại trong Cựu Ước tuy nhiên lại đậm tính lịch sử và nhân bản, phản ảnh những tiêu chuẩn và phương thức hành sử đối chiếu với các tư liệu trong lãnh vực hoạt động của ngành tình báo tại nhiều quốc gia, qua các giai đoạn lịch sử trên thế giới nên đã rất có ích cho những ai lưu tâm đọc tới và sử dụng. Các hoạt động do thám, tình báo được nói tới nhiều trong Cựu Ước nhưng ở đây chúng tôi xin kể một số câu chuyện liên hệ tới hai nhân vật nổi tiếng đó là Mô-sê (Moses) và Giô-suê (Joshua).

1.- Mô-sê trong cuộc hành trình về Đất Hứa.

1.1. Người “được vớt ra ngoài” và chuyện về một vùng Đất Hứa.

Mô-sê sinh khoảng năm 1526 trước Công Nguyên, tiếng Hebrew có nghĩa là được vớt ra ngoài, liên hệ tới việc một bé trai con của ông Amram và bà Jochebed vốn là dân Do Thái ngụ cư ở Ai Cập, được vớt lên từ sông Nile. Khoảng năm 1876 trước Công Nguyên, tổ phụ Gia-cóp đưa gia đình sang Ai Cập để tránh nạn đói trên quê hương Palestine. Đến thời vua Pharaoh tên là Rameses II, triều đình Ai Cập không còn biết đến công ơn của Giuse, người Do Thái làm Tể tướng của Ai Cập đã giúp cho quốc gia này thoát qua nhiều nạn đói và có nhiều phát triển mở mang. Nạn đói do tình trạng hạn hán xảy ra tại một số nước vùng ven Địa Trung Hải, tuy nhiên ở Ai-Cập nhờ mưa khá nhiều ở các xứ ven bờ sông Nile nên các hoạt động canh tác ruộng đồng vẫn còn được duy trì. Trình thuật của Cựu Ước (Sáng Thế 42: 1-38) nhắc đến chuyện con cái ông Gia-cóp sang đất Ai-Cập mua lúa để cứu đói. Trong bốn thế kỷ sau đó dân Do Thái kiều cư trên đất Ai Cập sinh sôi nảy nở và trở thành một dân tộc lớn mạnh khiến cho người Ai Cập phải lo sợ. Để xây dựng các công trình kho tàng tại Pithom và Rameses, triều đình Ai Cập bắt dân Do Thái phải phục dịch công cuộc xây cất với thân phận của những người nô lệ. Vua Pharaoh Rameses II (1304-1237 BC) ra lệnh cho các bà đỡ Ai Cập hễ mỗi lần sản phụ Do Thái sinh con trai thì phải ném xuống sông Nile còn con gái để cho sống. [2]2 Ông bà Amram và Jochebed sinh hạ một trai kháu khỉnh dấu trong nhà được ba tháng, nhưng khi tình thế đã không kéo dài được nữa bèn đan một chiếc sọt trét dầu rái để cậu bé nằm trong đó và thả xuống sông Nile. Chiếc sọt trôi vào giữa đám sậy gần chỗ tắm của một công chúa con vua Pharaoh, cô này vớt đứa bé lên, và nhận ra đó là một đứa bé Do Thái. Một đứa chị gái của cậu bé giới thiệu cho công chúa Ai Cập một bà vú nuôi chính là mẹ của đứa bé. Người đàn bà mang ngay đứa trẻ về nuôi. Khi đứa bé lớn lên, bà đưa nó đến cho công chúa của Pha-ra-ô. Nàng coi nó như con và đặt tên là Mô-sê; nàng nói: “Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước.” [3]3

Lớn lên, theo sách Công Vụ Tông Đồ (7: 23) thì lúc đó chẵn bốn mươi tuổi, ông Mô-sê đi ra ngoài thăm đồng bào anh em của mình và chứng kiến những cực khổ người Do Thái phải chịu. Một hôm thấy một người Ai Cập đang đánh một người Do Thái. Ông lén giết tên Ai Cập đó nhưng sau đó cũng do sự ông can thiệp vào việc hai người Do Thái xô xát với nhau, việc giết tên Ai Cập hôm trước bị phát hiện nên Mô-sê bỏ trốn đến miền Ma-đi-an, năm 1315 trước CN căn cứ trên sách Xuất Hành; Ex. 2:15, Acts, Công Vụ Tông Đồ (7:23). Tại đây ông lấy con gái một vị tư tế tên là Xíp-pô-ra (Zipporah) và đi chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô (Jethro). Một hôm Thiên Chúa hiện ra trong đám lửa từ giữa bụi cây và chọn ông làm thủ lãnh để đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập mà về đất Canaan là đất được Chúa hứa cho tổ phụ Abraham [4]3 (Xuất Hành 6:4; Lê-Vi 25:38), đất được mô tả là tràn trề sữa và mật ong. Công tác trọng đại đó Mô-sê nhiều lần thoái thác cùng Thiên Chúa viện nhiều lý lẽ nhưng không được. Người phụ tá và là phát ngôn viên cho Mô-sê là ông A-ha-ron, anh của ông. Đối với người Do Thái Moses viết là Moshe Rabbbenu có nghĩa là “Moses Thầy của chúng ta” . Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vị Pharaoh chủ trương đàn áp bóc lột người Do Thái và tạo ra biến cố xuất hành (ra khỏi Ai-Cập) có thể là Rameses II (khoảng 1279-1213 trước CN), Thutmose III (khoảng 1479-1425 trước CN), hoặc Amenhotep II (khoảng 1427-1400 trước CN) nhưng theo sử gia Paul Johnson, biến cố xuất hành nói trên có thể chưa xảy ra dưới thời Rameses II nhưng dưới thời người kế vị ông là Merneptah [5] 5. Tuy nhiên, nếu dân Do Thái đi lang thang trong sa mạc từ năm 1440 đến 1400 trước Công Nguyên như một số nhà nghiên cứu về Kinh Thánh ước đoán thì biến cố xuất hành xảy ra thời Thutmose III. Việc đưa dân Do Thái khoảng 600.000 đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ con thoát ra khỏi cảnh nơ lệ ở Ai Cập dể về đất Canaan được tường thuật lại rõ ràng trong sách Xuất Hành (Exodus) với nhiều câu chuyện thi triển đầy phép lạ cùng những tai ương giáng xuống liên tục trên vua quan và dân chúng Ai-Cập nhưng có lẽ gây cấn và hấp dẫn nhất là việc ông Mô-sê đưa dân qua một đại dương mà truyền thống gọi là Biển Đỏ.

Trình thuật của sách Xuất Hành viết: “Có tin báo cho vua Ai-cập là dân đã chạy trốn rồi. Pha-ra-ô và bề tôi liền thay lòng đổi dạ với dân. Chúng nói: “Ta đã làm gì vậy? Ta đã thả cho Ít-ra-en đi, thành ra bọn chúng hết làm nô lệ cho ta!” Nhà vua cho thắng chiến xa và đem quân đi theo. Vua lấy sáu trăm chiến xa tốt nhất, và tất cả các chiến xa của Ai-cập, chiếc nào cũng có chiến binh. ĐỨC CHÚA làm cho lòng Pha-ra-ô vua Ai-cập ra chai đá, và vua ấy đuổi theo con cái Ít-ra-en, trong khi con cái Ít-ra-en đi ra, giơ tay đắc thắng. Quân Ai-cập, gồm toàn thể chiến mã, chiến xa của Pha-ra-ô, kỵ binh và quân lực của vua ấy, đuổi theo và bắt kịp họ, khi họ đóng trại ở bờ biển, gần Pi Ha-khi-rốt, đối diện với Ba-an Xơ-phôn. Khi Pha-ra-ô tới gần, con cái Ít-ra-en ngước mắt lên thì thấy người Ai-cập tiến đến sau lưng họ. Con cái Ít-ra-en kinh hãi, liền lớn tiếng kêu cầu ĐỨC CHÚA. Họ nói với ông Mô-sê: “Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc ? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập? Đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông bên Ai-cập sao? Chúng tôi đã bảo: Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc!” Ông Mô-sê nói với dân: “Đừng sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc ĐỨC CHÚA làm hôm nay để cứu thoát anh em: những người Ai-cập anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa. ĐỨC CHÚA sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên.

Phép lạ tại Biển Đỏ

ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Có gì mà phải kêu cứu Ta? Hãy bảo con cái Ít-ra-en cứ nhổ trại. Phần ngươi, cầm gậy lên, giơ tay trên mặt biển, rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Ít-ra-en đi vào. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá. Chúng sẽ tiến vào theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ được vẻ vang hiển hách khi đánh bại Pha-ra-ô cùng toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy. Người Ai-cập sẽ biết rằng chính Ta là ĐỨC CHÚA, khi Ta được vẻ vang hiển hách vì đã đánh bại Pha-ra-ô cùng chiến xa và kỵ binh của vua ấy. Thiên sứ của Thiên Chúa đang đi trước hàng ngũ Ít-ra-en, lại rời chỗ mà xuống đi đàng sau họ. Cột mây bỏ phía trước mà đứng về phía sau, chen vào giữa hàng ngũ Ai-cập và hàng ngũ Ít-ra-en. Bên kia, mây tỏa mịt mù, bên này, mây lại sáng soi đêm tối, khiến cho hai bên suốt đêm không xáp lại gần nhau được. Ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển, ĐỨC CHÚA cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hóa thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, và conn cái Ít-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu. Quân Ai-cập đuổi theo; toàn thể chiến mã, chiến xa và kỵ binh của Pha-ra-ô tiến vào giữa lòng biển, đằng sau dân Ít-ra-en. Vào lúc gần sáng, từ cột lửa và mây, ĐỨC CHÚA nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, Người gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người làm cho chiến xa kẹt bánh, khiến chúng phải vất vả mới di chuyển nổi. Quân Ai-cập bảo nhau: “Ta phải trốn bọn Ít-ra-en, vì ĐỨC CHÚA chiến đấu chống lại người Ai-cập để giúp họ. ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Hãy giơ tay trên mặt biển, nước sẽ ập xuống trên quân Ai-cập cùng với chiến xa và kỵ binh của chúng.” Ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển, và biển ập lại như cũ, vào lúc tảng sáng. Quân Ai-cập đang chạy trốn thì gặp nước biển, ĐỨC CHÚA xô ngã quân Ai-cập giữa lòng biển. Nước ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của Pha-ra-ô đã theo dân Ít-ra-en đi vào lòng biển. Không một tên nào sống sót. Còn con cái Ít-ra-en đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu. Ngày đó, ĐỨC CHÚA đã cứu Ít-ra-en khỏi tay quân Ai-cập. Ít-ra-en thấy quân Ai-cập phơi thây trên bờ biển. Ít-ra-en thấy ĐỨC CHÚA đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính sợ ĐỨC CHÚA, tin vào ĐỨC CHÚA, tin vào ông Mô-sê, tôi trung của Người.”
[6]6

Cũng cần biết là khoảng 1720 trước CN. Ai- cập bị những nhóm người Semite ở phía tây tràn vào chiếm cứ lãnh thổ gọi là người Hyksos (từ 1637 đến 1529 BC.) vốn là những chiến binh tài năng với kỹ thuật chế tạo chiến xa do ngựa kéo rất tinh xảo. Khoảng hạ bán thế kỷ 16 trước Công Nguyên, người Ai cập do Amosis lãnh đạo khởi nghĩa chống lại chính quyền Hyksos và năm 1550 đuổi hết người Hyksos ra khỏi lãnh thổ. Người Ai-cập đã học được cách chế chiến xa từ người Hyksos [7]7 mà Cựu Ước có nhắc lại khi nói đến việc chiến xa Ai-Cập bị kẹt bánh lúc đuổi theo dân Ít-ra-en.

Đối với cái tên Biển Đỏ trong trình thuật vừa trích dẫn, một số các nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng nhiều bản dịch của Cựu Ươc đã có thể dịch sai tiếng Do Thái yam suf chính xác là Biển Sậy (Sea of Reeds) mà theo John Bowker, địa điểm của nó không thể tìm biết được. [8]8 Tuy nhiên theo William C. Martin, trong thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, Thánh Kinh từ tiếng Do Thái được dịch qua tiếng Hy Lạp để thỏa mãn yêu cầu của người Do Thái (ở nước ngoài) chung quanh Địa Trung Hải và vùng Tiểu Á lúc bấy giờ không còn đọc được tiếng Do Thái cổ nữa. Trong thời Chúa Giêsu và các Tông đồ, bản dịch đó được sử dụng và Tân Ước khi trích dẫn Cựu Ước thì đã trích dẫn từ bản này. Bản này gọi là bản Bảy Mươi (Septuagint) rất có giá trị vào lúc bấy giờ và sau này còn được nhiều học giả Kinh Thánh sử dụng. Tuy nhiên, bản dịch cũng còn tồn đọng một vài khuyết điểm được biết tới. Dịch giả Hy Lạp khi làm việc trên bản văn cũ tiếng Do Thái hoặc đã đọc sai tiếng Do Thái hoặc cho rằng tác giả thật sự muốn nói đến Biển Đỏ (Red Sea). Bởi thế trong bản dịch, dịch giả viết Biển Đỏ thay vì viết là Biển Sậy mới đúng. Trong bản cũ Thánh Kinh tiếng Do Thái có chữ yam suph mà chữ yam có nghĩa là biển (sea) và chữ suph có nghĩa là sậy (reed). Trong Kinh Thánh có nói đến địa điểm Baal-zephon là nơi dân Do Thái đóng trại trước khi đi qua biển. (Exodus 14:1). Địa điểm này đã được các nhà khảo cổ học tìm ra. William C. Martin đã đối chiếu trên thực địa và thấy vùng này nằm về phía đông gần thị trấn Rameses và rất xa so với vị trí cực bắc của Biển Đỏ. Nếu vị trí dân Do Thái vượt qua là Biển Sậy chứ không phải là Biển Đỏ, vậy thì Biển Sậy nằm ở đâu? Ngày nay nhiều người đồng ý rằng Biển Sậy được định vị với một vùng đầm lầy nằm ở phía đông hồ Timsah, một miền nới rộng của vịnh Suez. Ở hồ Timsah có mọc rất nhiều cây sậy để làm giấy (papyrus reeds). Như vậy một cách hết sức ngẫu nhiên, chúng ta có thêm chứng liệu để thấy rằng Biển Đỏ không phải là nơi dân Do Thái vượt qua, vì ở đó không có loại sậy này mà chính là nơi được gọi là Biển Sậy. [9]9

Trong tác phẩm Archaeological Study Bible, do Walter C. Kaiser, Jr. chủ biên cùng một tập thể gồm 32 tác giả có học vị tiến sĩ, đã có phần viết nhận định rằng: “Lý lịch của Biển Đỏ vẫn còn là việc được bàn thảo. Tên Do Thái để chỉ vùng nước này là yam suph. Chữ yam nghĩa là biển và suph là sậy. Bản Septuagint (bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp cổ), tuy nhiên, đã dịch suph là “đỏ”. Vậy không rõ ràng là sự trích dẫn đó là Biển Đỏ hay Biển Sậy. Vả lại, không có bằng chứng nào cho thấy người dân đã gọi bất cứ vùng nước nào ở miền Suez là Biển Sậy. Có một lần chữ yam suph được dùng tới trong Cựu Ước một cách đặc thù tìm thấy ở sách 1King 9: 26 ở đó phần trích dẫn để nhắc tới Vịnh Aqaba (Gulf of Aqaba) nằm ở phía đông của Sinai. Một số sử gia biện luận rằng người Do Thái thường xem tất cả các vùng nước ấy kết hợp làm một với nhau (nghĩa là vùng Vịnh Aqaba; Hồng Hải ngày nay; vịnh Suez gồm cả Bitter Lakes và hồ Timsah) là yam suph (biển sậy). Nếu là như vậy thì một cái hồ ở giữa Suez và biển Địa Trung Hải cũng có thể được coi là một phần của vùng đại yam suph. Tuy nhiên điều khẳng định đó cũng không có gì là chắc chắn bởi vì không có bằng chứng nói rằng dân Do Thái đã coi các vùng nước cá biệt đó đã cấu thành yam suph.

Ngày nay, nhiều người tin rằng cái nơi gọi là Biển Đỏ (nói trong Cựu Ước) chính là hồ Timsah – mặc dù các hồ khác và mỏm cực bắc của Vịnh Suez cũng là những khả thể được nhắc tới. Tuy nhiên có một số vấn đề xem ra có ý nghĩa với sự giải thích này và một quan điểm khác đặt cái yam suph vào trong chính cái chỗ mà 1 Kings 9: 26 đã đặt: ở Vịnh Aqaba.”
[10]10

Đọc trong sách Chronological Study Bible, Explore God’s Word In Historical Order gồm sự cộng tác chung của 13 vị giáo sư, tiến sĩ triết học, thần học, do Thomas Nelson. Inc., ấn hành, chúng tôi thấy viết như sau:

“Biển Đỏ ở đâu? Những người nô lệ Do Thái trốn khỏi Ai-Cập bằng đường Biển Đỏ. Ngày xưa Biển Đỏ này bao gồm Vịnh Suez và Vịnh Aqaba, hai vịnh rẽ đôi biển ấy. Địa điểm chính xác cuộc Xuất Hành vượt qua vẫn còn là điều thảo luận giữa các nhà học giả vì từ xưa cũng không có một sự đồng ý nào về một vị trí khả dĩ chấp nhận được. Biển Đỏ được gọi là Yam Suph trong tiếng Do Thái thỉnh thoảng cũng được dịch là “biển sậy” (sea of reeds). Biển Sậy muốn nhắc tới những vùng đất trũng ở đó có nhiều cây cói hay sậy mọc chi chít. Trong một số đoạn văn của Cựu Ước, Yam Suph được dính kết với Vịnh Aqaba chỉ mũi đất phía nam của đế quốc vua Salomon (1King 9: 26; Ex. 23:31). Tuy nhiên trong những đoạn văn khác, Yam Suph lại có lẽ chỉ Vịnh Suez, vì trình thuật chỉ về một vùng nước tiếp giáp trên Ai-cập (Ex. 10:19; 13:18)

Mặc dầu truyền thống dịch là “Biển Đỏ” (Red Sea), tiếng Do Thái Yam Suph có lẽ có nghĩa là “Biển Sậy” (Sea of Reeds). Trong nhiều đoạn văn khác, Yam Suph được định vị là biển của cuộc Xuất Hành (Ex. 15: 4, 22) nơi đó dân Do Thái bước qua trên đất khô ráo, chạy thoát được người Ai-cập đang bị chết chìm. Tuy vậy, vị trí địa dư của biển này vẫn còn bí ẩn, bởi vì những sự mô tả về Yam Suph phản ánh địa lý của xứ Ai-cập dường như chỉ tác giả Thánh Kinh biết mà thôi. Phần đông các học giả chấp nhận một địa điểm ở đâu đó tại miền đông vùng Tam giác Ai-cập, nhưng vị trí đích xác vẫn còn chưa được quyết định.”
[11]11

Nếu một số đoạn văn trích dẫn ở trên, ngoại trừ luận cứ vững chắc của William C. Martin, nói lên quan điểm vẫn còn chút ít mơ hồ thì những cống hiến dưới đây dần dần tỏ ra xác quyết hơn.

Trong bản dịch sách Xuất Hành, Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã viết: “Vậy Thiên Chúa đưa dân đi vòng, qua ngả đường sa mạc Biển Sậy. Con cái Ít-ra-en võ trang đầy đủ từ đất Ai-cập đi lên.” [12]12

Trong cuốn sách Archaeological Study Bible, các tác giả sách nầy viết: “So God led the people around by the desert road toward Red Sea. The Israelites went up out of Egypt armed for battle.” Nhưng trong phần chú thích hai chữ Red Sea họ có ghi: Hebrew Yam Suph, that is, Sea of Reeds [13]13 Cũng vậy, trong bản dịch sách Giô-suê, Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã viết Biển Sậy thay vì Biển Đỏ đặt vào miệng của kỹ nữ Ra-kháp: “Vì chúng tôi nghe đồn là ĐỨC CHÚA đã làm cạn Biển Sậy trước mặt các ông khi các ông ra khỏi Ai-cập.” [14]14 Trong Archaeological Study Bible, các tác giả đã viết là Red Sea nhưng ở phần chú thích có ghi là: “Hebrew Yam Suph, that is, Sea of Reeds”, nghĩa là tiếng Do Thái Yam Suph, đấy là Biển Sậy. [15]15

Đáng chú ý hơn cả là trong cuốn LA BIBLE (cũng có tên TRADUCTION OECUMÉNIQUE DE LA BIBLE comprenant l’Ancien et le Nouveau Testament) ấn bản 2004, do Société Biblique Francaise – Le Cerf phát hành gồm các nhà nghiên cứu về Kinh Thánh của Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo hợp tác chung để phiên dịch và chú giải Kinh Thánh dựa trên các bản văn nguyên thủy bằng tiếng Do Thái và Hy-Lạp, trình thuật dân Do Thái qua biển được ghi lại như sau: “Quand le Pharaon laissa partir le peuple, Dieu ne le conduisit pas par la route du pays des Philistines, bien qu’elle fut la plus directe. Dieu s’était dit: “Il ne faudrait pas que, à la vue des combats, le people renonce et qu’il revienne en Egypte!”Dieu détourna le people vers le désert de la mer des Joncs. C’est en ordre de bataille que les fils d’Israel étaient montés du pays d’Egypte.” [16]16 dịch là: “Khi Pha-ra-ô thả cho dân đi, Thiên Chúa không dẫn họ theo ngả đường xuyên qua xứ Phi-li-tinh, dù đường đó gần hơn, vì Thiên Chúa nói: “Khi thấy phải chiến đấu, dân từ chối và có thể quay về Ai-Cập!”Thiên Chúa đổi hướng và đưa dân qua đường sa mạc Biển Sậy. Con cái Ít-ra-en võ trang đầy đủ từ đất Ai-cập đi lên”.

Trong sách JOSUÉ, các tác giả của bản dịch chung này cũng có viết về chuyện nàng kỹ nữ Ra-kháp (Rahab) nói với hai người điệp viên Ít-ra-en như sau: “Je sais que le SEIGNEUR vous a donné le pays, que l’épouvante s’est abattue sur nous, et que tous les habitants du pays ont tremblé devant vous, car nous avons entendu dire que le SEIGNEUR a asséché devant vous les eaux de la mer des Joncs lors de votre sortie d’Egypte et ce que vous avez fait aux deux rois des Amorites, au-delà du Jourdain, Sihôn et Og, que vous avez voués à l’interdit.” [17]17 dịch là: “Tôi biết ĐỨC CHÚA đã ban cho các ông đất này, tôi biết vì các ông mà nỗi kinh hoàng ập xuống trên chúng tôi, và mọi dân cư trong xứ đều rụng rời hốt hoảng trước mặt các ông. Vì chúng tôi nghe đồn là ĐỨC CHÚA đã làm cạn Biển Sậy trước mặt các ông khi các ông ra khỏi xứ Ai Cập; chúng tôi cũng nghe đồn về những gì các ông đã làm cho hai vua E-mô-ri là Xi-khôn và Ốc, mà các ông đã tru hiến ở bên kia sông Gio-đan.” [18]18

Như vậy những tiếng nói có thẩm quyền trong lĩnh vực nghiên cứu Thánh Kinh đã tiến dần đến sự thật trong các nỗ lực làm việc mang tính khoa học rất đáng cổ vũ.

1.2. Cuộc do thám đất Canaan dưới thời Môi-sê.

Nằm trên bờ biển phía đông Địa Trung Hải, phía tây sông Jordan và Biển Chết đất Canaan có một lịch sử tối cổ. Trước khi người Do Thái tiến đến, đất Canaan đã là những thị quốc tương đối độc lập và mỗi nơi có một vị vua. Sau cuộc chinh phục của vị pharaoh Ai-Cập Thutmose I (1504-1492 trước CN), những thị quốc này đã chính thức trở thành các tỉnh của Ai Cập. Nhưng theo các trình thư gửi đi từ Palestine cho Pharaoh Akhenaten, sự kiểm soát của Ai Cập trên các tỉnh này cũng tỏ ra khá lỏng lẻo. Người dân Canaan là hậu duệ của nhóm Amorite. Những thị quốc ở trung tâm đất Canaan tương đối mạnh vì đã được thành lập khá lâu trong khi các thị quốc ở phía đông sông Jordan mới được thành lập nên yếu hơn. Với tính cách là một danh từ địa lý, có khi Canaan được coi là một toàn cảnh gồm cả Syria và Palestine. Nền kinh tế của Canaan chú trọng đến nông nghiệp nhưng họ cũng nổi tiếng về thương mại.

Trong các nỗ lực tranh đấu để sinh tồn, tình báo cung cấp cho con người một số các dữ kiện về đối phương như tình trạng dân số, khả năng chiến đấu, tình hình thực phẩm dự trữ, vũ khí, sơ đồ đồn lũy, báo cáo thời tiết, hệ thống thủy văn, họa đồ chỗ cư trú và thành quách kể cả thói quen, tập quán của người chỉ huy hay của dân chúng, các lễ lạc hội hè của địa phương v.v... khi có khả năng xảy ra các cuộc chiến tranh giữa phe này với nhóm nọ. Đây là các dữ kiện cần thiết giúp cho các phe phái nắm vững để lên kế hoạch chiến đấu hay thương thuyết hòa bình. Tình báo là một ngành đi trước, chuẩn bị, dọn sẵn con đường để cho các hoạt động khác như tập kích, khai chiến, lủng đoạn hàng ngũ đối phương bằng lực lượng quân sự hay bằng các cuộc vận động tuyên truyền chính trị đánh vào các lực lượng của địch hay môi trường tâm lý của dân chúng bên đối phương. Tình báo là một mô thức hoạt động đa diện của chiến tranh mà chiến tranh lại là một biểu hiện của chính trị dưới một hình thức khác.

Trong số các tư liệu tôn giáo có lẽ Cựu Ước (the Old Testament) là sách nói về tình báo đầu tiên khi Mô-sê, một thủ lãnh của dân tộc Do Thái đã dẫn đưa dân tộc đang bị nô lệ này ra khỏi Ai Cập về miền Đất Hứa là đất Ca-na-an. Biến cố xảy ra vào khoảng năm 1440 trước CN. Sách Dân số của Cựu Ước có kể lại câu chuyện Thiên Chúa đã chỉ thị ông Mô-sê gởi một đoàn do thám vào đất Ca-na-an, bởi lẽ không một ai trong đám dân Do-Thái lúc đó biết đất Canaan như thế nào cả. Trình thuật của sách Dân Số ghi lại như sau: "Ngươi hãy sai người đi do thám đất Ca-na-an, đất mà Ta sẽ ban cho con cái Ít-ra-en. Các ngươi sẽ sai đi mỗi chi tộc một người và tất cả phải là kỳ mục trong dân. Vậy từ sa mạc Pa-ran, ông Mô-sê đã sai họ đi, theo lệnh ĐỨC CHÚA truyền. Tất cả họ đều là những người đứng đầu trong con cái Ít-ra-en. Đây là danh sách họ: Thuộc chi tộc Rưu-vên, có ông Sam-mu-a, con ông Dắc-cua. Thuộc chi tộc Si-mê-ôn, có ông Sa-phát, con ông Khô-ri. Thuộc chi tộc Giu-đa, có ông Ca-lếp, con ông Giơ-phun-ne. Thuộc chi tộc Ít-xa-kha, có ông Gích-an, con ông Giô-xép. Thuộc chi tộc Ép-ra-im, có ông Hô-sê-a, con ông Nun. Thuộc chi tộc Ben-gia-min, có ông Pan-ti, con ông Ra-phu. Thuộc chi tộc Dơ-vu-lun, có ông Gát-đi-en, con ông Xô-đi.Thuộc chi tộc Giu-se, ngành Mơ-na-se, có ông Gát-đi, con ông Xu-xi.Thuộc chi tộc Đan, có ông Am-mi-ên, con ông Gơ-ma-li. Thuộc chi tộc A-se, có ông Xơ-tua, con ông Mi-kha-ên. Thuộc chi tộc Náp-tali, có ông Nác-bi, con ông Vóp-xi. Thuộc chi tộc Gát, có ông Gơ-u-ên, con ông Ma-khi Đó là tên những người ông Mô-sê sai đi do tham đất. Rồi ông Mô-sê đặt tên cho Hô-sê-a, con ông Nun, là Giô-suê. Ông Mô-sê sai họ đi do thám đất Ca-na-an. Ông bảo họ: "Anh em hãy qua miền Ne-ghép mà lên, lên miền núi. Anh em sẽ xem đất, xem nó thế nào, dân ở đó mạnh hay yếu, ít hay nhiều, đất họ ở tốt hay xấu, thành thị của họ là lều trại hay đồn lũy, đất đai màu mỡ hay cằn cỗi, có cây cối hay không. Anh em hãy can đảm, và lấy ít hoa trái miền đó đem về." Bấy giờ là đầu mùa nho. Họ đi lên và do thám đất, từ sa mạc Xin đến Rơ-khốp, trên đường vào Cửa Ải Kha-mát. Họ qua miền Ne-ghép đi lên và tới tận Khép-rôn, ở đó có A-khi-man, Sê-sai và Tan-mai là con cháu của A-nác. Khép-rôn đã được xây bảy năm trước Xô-an bên Ai-cập. Họ vào đến thung lũng Ét-côn, ở đó họ chặt một nhành nho và một chùm nho, rồi hai người dùng sào mà khiêng, họ cũng lấy cả lựu và vả. Người ta gọi nơi ấy là thung lũng Ét-côn, vì chùm nho mà con cái Ít-ra-en đã hái ở đó." [19]19

Một số họa phẩm từ đầu thế kỷ 14 tại Đức ghi lại hình ảnh đoàn do thám trở về với cảnh hai người khiêng một nhành nho chĩu nặng trái đã được in lại trong nhiều sách vở.[20] 20 Sự kiện Mô-sê đưa dân Do-Thái thoát ách nô lệ của Ai-Cập xảy ra khoảng một nghìn ba trăm năm trước Công-Nguyên và nhóm tình báo do ông chỉ định gồm 12 người với danh tính còn lại đến ngày nay. Nhóm đó tiến hành công tác do thám khoảng bốn mươi ngày và sau đó trở về báo cáo mọi sự việc lại cho vị thủ lãnh của mình. Các chỉ thị của Mô-sê cho nhóm người do thám này khá cụ thể chứng tỏ Mô-sê là một nhà lãnh đạo tài ba. Mô-sê thường được xem là tác giả Ngũ Thư (The Pentateuch) và bộ Luật Mô-sê mặc dù trong các sách đó không hề có một hàng chữ nào chứng minh Mô-sê là tác giả.

Sau khi do thám đất Ca-na-an, những người được sai đi đã trở về báo cáo, và Cựu Ước đã ghi lại như sau: " Sau bốn mươi ngày do thám đất, họ trở về. Họ đến gặp ông Mô-sê, ông A-ha-ron và toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en, tại Ca-đê trong sa mạc Pa-ran. Họ báo cáo với hai ông và toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en, và cho những người đó xem hoa trái miền ấy. Họ thuật lại với ông Mô-sê rằng: 'Chúng tôi đã vào miền đất ông sai chúng tôi đến. Đúng là miền đất tràn trề sữa và mật, và đây là hoa trái miền ấy. Thế nhưng dân cư miền ấy thì mạnh, thành thị lại kiên cố và rộng lớn lắm; ở đó chúng tôi còn thấy cả con cháu A-nác. Có người A-ma-lếch ở miền Ne-ghép, người Khết, người Giơ-vút và người E-mô-ri ở miền núi, còn người Ca-na-an thì ở bờ biển và dọc sông Gio-đan." Bấy giờ ông Ca-lếp truyền cho dân đang phản đối ông Mô-sê phải im lặng, ông nói: "Ta cứ lên chiếm miền ấy, vì chắc chắn ta có thể thắng được". Những người đã lên cùng với ông đáp lại: " Ta không thể lên đánh dân ấy, vì họ mạnh hơn ta." Trước mặt con cái Ít-ra-en, họ bắt đầu chê bai miền đất họ đã do thám, họ nói: "Miền đất chúng ta đã đi qua để do thám là đất nuốt những người ở đó, và tất cả những người chúng tôi thấy ở đó đều là những người cao lớn. Ở đó chúng tôi trông thấy những người khổng lồ, con cháu của A-nác thuộc giống người khổng lồ. Chúng tôi thấy mình chỉ như châu chấu, và họ cũng coi chúng tôi như vậy." [21]21 Những người khổng lồ ở đây là giống Nephilim (được nói đến trong sách Dân Số bản tiếng Anh) đã được nhắc tới trong sách Sáng Thế (6:4) và sách Dân Số (13:33) là những người mạnh mẽ, cao lớn sống trước thời lụt Đại Hồng Thủy mà tác giả sách Sáng Thế gọi họ là những người con trai của Thiên Chúa (the sons of God). Một số sử gia Kinh Thánh lại cho rằng những người con trai của Thiên Chúa này là những người công chính (hậu duệ của Seth) lấy đàn bà con gái của Cain theo phương cách trần tục và trở thành nhơ bẩn. Các nhà chú giải Kinh Thánh cổ Do Thái nhất trí tin rằng những người con trai Thiên Chúa đó là các thiên thần. Nhưng nói chung có thể hiểu những người cao lớn này là những người khổng lồ (giants hay titans). 22

Ở đây chúng ta không chú trọng đi sâu vào lãnh vực tín lý hay thần học để phân tích về những đánh giá của nhóm 12 người được sai đi do thám đất Ca-na-an mà trong đó chỉ có hai người là Giô-suê và Ca-lếp là có những nhận định và quyết tâm tiến vào đất mà Thiên Chúa đã hứa trong khi những người khác đã dùng những điều mắt thấy tai nghe để khích động dân Ít-ra-en nổi loạn chống lại Đức Chúa của họ. Dân này đã nổi loạn, cằn nhằn, kêu ca và Thánh Kinh Cựu Ước thuật lại, họ đã bị Thiên Chúa phạt phải đi vòng vo trong sa mạc bốn mươi năm, tất cả thế hệ nổi loạn chống báng đó đều bị chết trong sa mạc, trừ con cháu của họ. Ngay cả Mô-sê cũng không vào được Đất Hứa bởi vì ông đã phần nào không tin vào Thiên Chúa khi đánh vào khối đá để phun nước tại Mơ-ri-va (Meribah) (Dân Số 20: 12-13). Sau những năm dài thử thách trong sa mạc, ông và dân của ông đã tới một địa điểm nằm ngay ở phía đông Ca-na-an.

Trình thuật của sách Đệ Nhị Luật (Deuteronomy) viết về cuối cuộc đời của Mô-sê như sau: “Từ đồng bằng Mô-áp, ông Mô-sê lên núi Nơ-vô, tới Pít-ga, đối diện với Giê-ri-khô, và ĐỨC CHÚA cho ông xem thấy tất cả miền đất: miền Ga-la-át cho đến Đan, tất cả Náp-ta-li, miền đất Ép-ra-im và Mo-na-se, tất cả miền đất Giu-đa cho đến Biển Tây, miền Ne-ghép, vùng sông Gio-đan, thung lũng Giê-ri-khô là thành Chà Là, cho đến Xô-a. ĐỨC CHÚA phán với ông: “Đây là miền đất Ta đã thề hứa với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, khi nói: “Ta sẽ ban đất ấy cho dòng dõi ngươi.’Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không được qua đó.” Ông Mô-sê, tôi trung của ĐỨC CHÚA, qua đời tại đó, trong đất Mô-áp, theo lệnh ĐỨC CHÚA.” [23]23 Trong số các người đi do thám, có Giô-sua và Ca-lếp là được vào Đất Hứa. Tình báo là do thám, theo dõi để thu thập tin tức. Những người Mô-sê sai đi là những chứng nhân trực tiếp, thi hành các chỉ thị, những điều dặn bảo của thủ lãnh. Dĩ nhiên trình độ kiến thức, lý tưởng phục vụ, đức tin tôn giáo của những kẻ được sai đi này cũng có nhiều khác biệt cho nên khi trở về các báo cáo tường trình hay quan điểm của họ trong lời tường thuật lại cũng khác nhau.

2.- Giô-suê và thành Giê-ri-khô, đầu cầu chiến lược vào Đất Hứa.

2.1. Giô-suê, một tài năng quân sự có tư chất lãnh đạo.

Trong số 12 người được Mô-sê cử đi thám thính đất Canaan - 10 người đã tỏ ra kinh hãi trước những người khổng lồ họ đã gặp trong vùng Đất Hứa - chỉ có hai người là Giô-suê và Calếp là những kẻ nói những điều rất có lợi cho việc chinh phục đất Canaan, thúc đẩy dân Do-Thái tiến vào vùng đất này, nhất là họ đã tỏ ra tin tưởng tuyệt đối vào sự giúp đỡ và sắp đặt của Thiên Chúa. Giô-suê thuộc chi tộc Ép-ra-im, con ông Nun, trước vốn có tên Hô-sê-a đã được Mô-sê đổi tên là Giô-suê, và Ca-lếp thuộc chi tộc Giu-đa, con ông Giê-phun-ne. Các trình thuật trong sách Cựu Ước dường như tạo một thói quen đó là việc đổi tên một nhân vật để giới thiệu một biến cố đặc biệt do người đó thực hiện sau đó, thí dụ Áp-ram được ĐỨC CHÚA đổi tên là Áp-ra-ham (Sáng Thế 17: 5) với giao ước biến ông “thành cha của vô số dân tộc”, đổi tên vợ ông là Xa-rai (Sarai) thành Xa-ra (Sarah) để rồi bà sau đó mặc dù đã chín mươi tuổi vẫn sinh cho ông một người con trai đặt tên là I-xa-ác (Isaac) với lời chúc lành là bà sẽ trở thành “những dân tộc”. Trình thuật của sách Sáng Thế cũng kể tới chuyện Gia-cóp (Jacob), cháu nội của Áp-ra-ham, đã vật lộn với Thiên Chúa như sau: “Có một người vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông. Thấy không thắng được ông, người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Gia-cóp bị trật đang khi ông vật lộn với người đó. Người đó nói: “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi.”Nhưng ông đáp: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi. Người đó hỏi: “Tên ngươi là gì?” Ông đáp: “Tên tôi là Gia-cóp.” Người đó nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng.” [24]24 Gia-cóp là cha của mười hai chi tộc Do-Thái, trong đó có Giuse, tể tướng nước Ai-cập mà chúng ta đã nhắc tới ở trên.

Được ông Mô-sê đổi tên từ Hô-sê-a sang tên Giô-suê chính ông Giô-sê đã trở thành thủ lãnh đưa dân Do Thái vào Đất Hứa, một biến cố trọng đại mà ông Mô-sê không thực hiện được.

Sau khi Mô-sê qua đời, khoảng năm 1406 trước Công Nguyên, quyền lãnh đạo dân Do-Thái trao vào tay Giô-suê, một người luôn trung thành với giao ước của Thiên Chúa và vai trò lãnh đạo của ông đã được Thiên Chúa làm cho nên sáng giá hơn bằng những lời cam kết như sau: “Mọi ngày đời ngươi, không ai sẽ đứng vững được trước mặt ngươi. Ta sẽ ở với ngươi như Ta đã ở với Mô-sê; Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi.” [25] 25 Giô-suê, tiếng Do-Thái có nghĩa “Thiên Chúa là sự cứu độ”. Nếu Mô-sê là người có công trong việc dẫn dân DoThái ra khỏi đất Ai-Cập qua việc đấu trí và thiết trí kế hoạch chống lại Pha-ra-ô, với sự trợ lực kỳ diệu của Thiên Chúa, đã lãnh đạo và tôi luyện dân này trong bốn mươi năm nơi sa mạc để biến họ trở thành một cộng đồng có tổ chức dựa trên giáo luật ông đã dạy, nhưng không được vào đất hứa thì Giô-suê với khả năng quân sự sáng chói đã chỉ huy cuộc xâm nhập và chinh phục đất Canaan qua một loạt các kỳ tích quân sự và phân chia đất đai cho các bộ tộc Ít-ra-en.

Cuộc đời của ông Giô-suê lúc thiếu thời cùng gia thế không được biết rõ. Người ta nhắc tới ông do việc khoảng vài tháng đầu cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, dân Do Thái đi tới một địa điểm gọi là Rephidim thuộc phía nam bán đảo Sinai trên đường tiến về núi Sinai thì họ bị một bộ lạc thuộc nhóm Amalekites tấn công. Dân Do Thái không biết triển khai kế hoạch phòng ngự gì cả. Người thanh niên Giô-suê lúc đó đã chứng tỏ là một tài năng quân sự. Mô-sê đã cử ông cầm đầu một nhóm người và ông đã thành công trong cuộc tổ chức cuộc phòng vệ. Trong thời gian tạm trú tại núi Sinai, Giô-suê đã tạo được mối liên lạc thường xuyên với thủ lãnh Mô-sê. Khi Mô-sê lần đầu tiên đến núi thánh này, Giô-sua cũng được phép hiện diện bên cạnh A-ha-ron và 70 vị nguyên lão và ông được nhắc tới như là một “đầy tớ” của Mô-sê (Xuất Hành 24:13). Khi Mô-sê xuống núi với tấm bia Mười Điều Răn, đến gần chỗ hạ trại trong khi dân Ít-ra-en đang thờ lạy con bê vàng (Golden Calf), Giô-suê cũng có mặt bên cạnh Mô-sê và lưu ý ông về những tiếng lạ từ đàng xa. Một lần nữa, Giô-suê được dạy phải có mặt trong Lều Hội Ngộ (Tabernacle of meeting) mới dựng lúc Mô-sê lần đầu tiên giao tiếp với Thiên Chúa ở đó; và dù khi ông Mô-sê sau cuộc đàm đạo với Thiên Chúa, rời khỏi Lều về trại, nhưng phụ tá của ông là chàng thanh niên Giô-suê, con ông Nun, thì cứ ở trong Lều, không rời khỏi đó. Từ núi Sinai, dân Ít-ra-en di chuyển lên phía bắc và tới nghỉ chân tại ốc đảo Kadesh-barnea. Đây là mũi phía nam của lộ trình họ hướng về đất Canaan và cũng tại đây Mô-sê đã chọn 12 người thuộc 12 chi tộc Do Thái để lập thành một đoàn do thám mà Giô-suê là đại diện cho chi tộc Ép-ra-im (Ephraim).

Sau cuộc hành trình bốn mươi ngày vượt qua vùng đồi núi Canaan lên cho tới tận Syria và trở về, đoàn do thám tới được ốc đảo Kadesh-barnea an toàn. Họ mô tả khá bất lợi về một vùng đất đông dân và những thành thị kiên cố. Trong số 12 người được cử đi, chỉ có Ca-lếp (Caleb) thuộc chi tộc Giu-đa, được sự hỗ trợ của Giô-suê, là thúc dục dân Ít-ra-en phải tiến thẳng vào Canaan. Các ông này nói rằng: “Vùng đất mà chúng tôi đã đi qua và dọ thám, thật là một nơi quá tốt, một vùng đất tuôn trào sữa và mật ong” . (Dân Số 14:7-8). Nhưng dân chúng đã chán nản thất vọng với lời báo cáo của mười người kia nên đã phản đối và trách cứ ông Mô-sê nặng lời. Thiên Chúa cho rằng vì dân chúng đã đặt niềm tin quá ít vào Ngài nên Ngài giáng phạt dân Do Thái phải đi lang thang trong sa mạc bốn mươi năm và sẽ không ai được vào Đất Hứa trừ Giô-suê và Ca-lếp. Cả một thế hệ dân Do Thái lúc bấy giờ phải sống cuộc đời du mục với ốc đảo Kadesh-barnea như là một trung tâm của các chi tộc, họ di chuyển quanh vùng phía nam Biển Chết và chiếm giữ hầu hết vùng đất phía đông sông Gio-đan. Khi cảm thấy sứ mệnh của mình đã mãn và cái chết đã đến kề, Mô-sê trao quyền lãnh đạo lại cho Giô-suê, vốn đã được Thiên Chúa chọn như là một người “đầy trí tuệ khôn ngoan” (Đệ Nhị Luật 34: 9). Trong một buổi lễ tổ chức rất long trọng tại Lều Hội Ngộ, Mô-sê đã đặt tay trên Giô-suê và ủy thác cho ông trách nhiệm dẫn đưa dân Do Thái vào Đất Hứa. [26]26

2.2. Cuộc do thám Giê-ri-khô.

Nhìn về mặt quân sự thành Giê-ri-khô là một trong những đầu cầu chiến lược nằm ở phía tây sông Gio-đan là một vị trí rất quan trọng trên con đường dân Do Thái tiến vào đất Thiên Chúa đã hứa. Chúng ta thử theo dõi cuộc do thám thành Giê-ri-khô theo trình thuật của sách Giô-suê như sau:

“Từ Sít-tim, ông Giô-suê, con ông Nun, bí mật sai hai người do thám và nói: “Hãy đi xem vùng đất và thành Giê-ri-khô”. Họ đã đi và vào một nhà một kỹ nữ tên là Ra-kháp; họ nằm lại đó. Người ta nói với vua Giê-ri-khô: “Đêm vừa rồi, có vài người trong số con cái Ít-ra-en đã vào đây để thăm dò vùng đất này.” Vua Giê-ri-khô sai người đến nói với cô Ra-kháp: “Hãy dẫn ra đây những người đã đến với ngươi, đã vào nhà ngươi, vì họ đã đến thăm dò toàn vùng đất này.”Nhưng người đàn bà đem hai người kia đi giấu, rồi nói: “Phải, những người ấy có đến với tôi, nhưng tôi không biết họ từ đâu đến. Lúc chập tối, khi cửa thành sắp đóng, thì những người ấy đi ra. Tôi không biết họ đi đâu. Các ông hãy mau mau đuổi theo họ thì sẽ bắt kịp.

Rồi cô ta đem họ lên sân thượng và giấu họ dưới đống cây gai cô đã xếp ở đó. Các người kia cứ đuổi theo họ trên con đường dẫn tới sông Gio-đan cho đến chỗ lội qua sông. Và người ta đóng cửa thành lại, sau khi những kẻ đuổi theo đã ra khỏi đó.

Giao kèo giữa các người do thám và cô Ra-kháp.

Họ chưa kịp nằm xuống, thì cô Ra-kháp lên gặp họ trên sân thượng. Cô nói với họ: “Tôi biết ĐỨC CHÚA đã ban cho các ông đất này, tôi biết vì các ông mà nổi kinh hoàng ập xuống trên chúng tôi, và mọi cư dân trong xứ đều rụng rời hốt hoảng trước mặt các ông. Vì chúng tôi nghe đồn là ĐỨC CHÚA đã làm cạn Biển Sậy trước mặt các ông khi các ông ra khỏi Ai-cập; chúng tôi cũng nghe đồn về những gì các ông đã làm cho hai vua E-mô-ri là Xi-khôn và Ốc, mà các ông đã tru hiến ở bên kia sông Gio-đan. Khi chúng tôi nghe đồn, thì tâm thần chúng tôi sợ hãi như muốn chảy tan ra, không ai còn nhuệ khí trước mặt các ông, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ông, là Thiên Chúa ngự chốn trời cao cũng như nơi đất thấp. Vậy bây giờ, xin các ông hãy nhân danh ĐỨC CHÚA mà thề với tôi là: bởi tôi đã lấy tình mà đối xử với các ông, thì các ông, các ông cũng sẽ lấy tình mà đối xử với gia đình tôi. Các ông sẽ cho tôi một dấu chắc chắn, đó là các ông sẽ để cho cha mẹ tôi, các anh chị em tôi và mọi người thân thuộc của họ được sống, các ông sẽ cứu chúng tôi khỏi chết.”

Những người ấy nói với cô Ra-kháp: “Chúng tôi xin thề lấy mạng đền mạng, trừ phi các người tiết lộ chuyện này. Vậy khi nào ĐỨC CHÚA ban đất này cho chúng tôi, chúng tôi sẽ lấy chữ tình chữ tín mà đối xử với cô. Bấy giờ, từ cửa sổ cô thòng dây cho họ xuống, vì nhà cô sát vách tường thành và cô ở ngay trong tường thành. Cô nói với họ: “Các ông hãy đi về phía núi, kẻo những người đuổi theo bắt được các ông. Các ông cứ ẩn núp ở đấy ba ngày cho đến khi chúng trở về. Sau đó, các ông cứ đường mình mà đi. Họ nói với cô: “Đây là cách chúng tôi sẽ giữ lời mà cô đã yêu cầu chúng tôi thề: Khi nào chúng tôi vào xứ này, cô sẽ buộc dây chỉ điều này ở cửa sổ, nơi cô đã thả chúng tôi xuống, rồi cô sẽ tập họp trong nhà, bên cạnh cô: cha mẹ, các anh chị em và cả nhà cha cô. Bấy giờ, ai bước qua cửa nhà cô mà ra ngoài, thì máu người ấy sẽ đổ xuống đầu người ấy, chúng tôi vô can. Nhưng người nào ở trong nhà với cô, thì máu người ấy sẽ đổ xuống đầu chúng tôi, nếu có ai tra tay hại người ấy. Cô mà tiết lộ chuyện của chúng tôi, chúng tôi sẽ khỏi phải giữ lời mà cô đã yêu cầu chúng tôi thề.” Cô ấy nói: “Mong được như lời các ông đã nói!”Rồi cô để họ đi, và họ ra đi. Cô buộc dây chỉ điều ở cửa sổ.

Các người do thám trở về

Họ lên đường và tiến về phía núi. Họ ở lại đó ba ngày cho đến khi những kẻ đuổi theo trở về. Những người này đã đi lùng họ trên cả con đường ấy mà không tìm được. Hai người kia trở về: họ xuống núi, qua sông Gio-đan, rồi tới gặp ông Giô-suê, con ông Nun, và thuật lại cho ông mọi việc đã xảy ra cho họ. Họ nói với ông Giô-suê: “ĐỨC CHÚA đã nộp tất cả miền đất ấy vào tay chúng ta, và mọi dân cư ở đó đều rụng rời hốt hoảng trước mặt chúng ta.”
[27]27

Nhà điếm thường cũng là địa điểm lấy tin, chuyển tin của ngành tình báo. Đó cũng là nơi mua vui công cộng nhưng cũng là chỗ trao đổi riêng tư những câu chuyện thầm kín thuộc nhiều chủ đề. Khách tìm vui thường hay đến rồi lại đi cho nên chúng ta không lạ gì khi những người làm công tác dọ thám của Giô-suê sai đi đã vào nhà một kỹ nữ nhưng may mắn là kỹ nữ tốt bụng, cô Ra-kháp. Họ không đến tìm vui nhưng dò la tin tức, thu thập các dữ kiện cần thiết mà nghiệp vụ của họ đòi hỏi. Ngành tình báo ngày nay cũng vậy, có lẽ người thực hiện nghiệp vụ bắt chước kinh nghiệm của cổ nhân hay chăng?

Theo trình thuật của sách Giô-suê, thành Giê-ri-khô lúc đó đóng kín cổng, nội bất xuất ngoại bất nhập. Đức Chúa ra lệnh cho Giô-suê cùng dân Do Thái khiêng Hòm Bia Giao Ước và bảy vị tư tế cầm bảy tù và bằng sừng cừu đi trước Hòm Bia, mỗi ngày đi quanh thành một vòng và ngày thứ bảy họ dậy sớm khi hừng đông ló dạng và đi vòng quanh thành bảy lần. Đến lần thứ bảy, khi các tư tế thổi tù và, ông Giô-suê nói với dân: ”Hãy hò reo xung trận, vì ĐỨC CHÚA đã nộp thành cho anh em. Thành và mọi sự trong thành sẽ bị án tru hiến để kính ĐỨC CHÚA, chỉ có cô kỹ nữ Ra-kháp và mọi người ở với cô trong nhà là sẽ được sống, vì cô đã giấu các sứ giả chúng ta sai đi.” Bấy giờ, dân hò reo xung trận, và người ta rúc tù và. Vừa nghe tiếng tù và, dân lớn tiếng hò reo xung trận, và tường thành sụp đổ tại chỗ.

“Ông Giô-suê nói với hai người đã đi do thám trong xứ: “Hãy vào nhà người kỹ nữ, và đem người đàn bà ấy cũng như mọi người thân thuộc của cô ra khỏi đó, theo như anh em đã thề hứa với cô. Vậy các người thanh niên do thám vào nhà cô Ra-kháp, và đem cô ra khỏi đó cùng với cha mẹ, anh em cô và mọi người thân thuộc của cô; họ đem tất cả thị tộc của cô ra khỏi đó, và cho họ ở bên ngoài trại Ít-ra-en. Rồi họ phóng hỏa đốt thành cũng như tất cả những gì trong đó; ngoại trừ vàng bạc và những đồ đồng, đồ sắt, thì người ta nộp vào kho tàng nhà ĐỨC CHÚA. Nhưng cô kỹ nữ Ra-kháp cùng với gia đình cha cô và mọi người thân thuộc của cô, thì ông Giô-suê để cho sống. Cô ở giữa dân Ít-ra-en cho đến ngày nay, vì cô đã giấu sứ giả ông Giô-suê sai đi do thám Giê-ri-khô.” [28]28

Trên phương diện địa lý và thổ nhưỡng, Giê-ri-khô được xem là một ốc đảo (oasis) mà cảnh trí thiên nhiên rất thích hợp để lập cư vì có rất nhiều con suối nước ngọt. Vị trí ở dưới mực nước biển khoảng 213 mét, ốc đảo này được coi là nơi thấp nhất của thế giới.

Ngày nay, Giê-ri-khô là một địa điểm khảo cổ học thu hút sự chú ý của thế giới vì là nơi cung cấp nhiều thông tin hữu ích về đời sống con người lúc đầu tiên tại Palestine. Theo những di chỉ khảo cổ khai quật được ở Giê-ri-khô, nơi đây đã có những kiến trúc xây dựng đầu tiên vào khoảng năm 8000 trước Công Nguyên thuộc vào thời kỳ đồ đá mới. Nhà cửa lúc bấy giờ xây bằng gạch bùn, tường thành bằng đá. Dân chúng sống bằng nghề săn bắn, chăn nuôi và nghề nông còn rất sơ khai. Dân ở đây đã tỏ ra chu đáo trong việc bảo lưu sọ người chết hầu hết được chôn ở dưới nền nhà. Từ thiên niên kỷ thứ ba và thứ tư trước Công Nguyên thành phố được bảo vệ bằng nhửng bức tường thành xây bằng đất bùn. Theo dòng chảy của thời gian, thành phố có khi bị phá hủy rồi tái lập nhiều lần. Trong thời kỳ các Tổ phụ thuộc thời đại đồ đồng trung kỳ (the Patriarchal Period Middle Bronze Age, 1900-1600 trước Công Nguyên), Giê-ri-khô là một thành phố quan trọng. Sau khi bị phá hủy tan tành trong năm 1550 trước Công Nguyên, nơi này bỏ hoang cho đến mấy trăm năm sau. Giê-ri-khô được mô tả trong sách Cựu Ước là thành phố đầu tiên bị quốc gia Ít -ra-en dưới quyền lãnh đạo của Giô-suê chiếm đóng. Sự sụp đổ của tường thành Giê-ri-khô do tiếng hò reo của dân chúng Do Thái cũng là có tính cách tượng trưng để nói lên rằng Thiên Chúa ở về phía Ít-ra-en.

Ngày nay giới sử học, nhất là khảo cổ học cũng quan tâm đến căn nhà của cô Ra-kháp, bởi vì theo trình thuật của sách Giô-suê, tất cả tường thành Giê-ri-khô đều bị sụp đổ trong ngày thứ bảy khi dân Do Thái, dưới sự trợ lực của Thiên Chúa, hò reo xung trận trong khí thế rất dũng mãnh. Thử hỏi căn nhà của cô Ra-kháp có đứng vững được chăng?

Tác phẩm Archaeological Study Bible có viết về một số chuyện liên quan tới ngôi nhà của cô Ra-kháp như sau: “Các điệp viên Do Thái đã dặn cô Ra-kháp tập họp thân nhân mình lại trong nhà cô để tránh được tai họa sắp tới (Jos 2: 18-19). Về sau, Ra-kháp và các thành viên trong gia đình đã được cứu như lời hứa (6:17, 22-23). Sách Giô-suê 2:15 nói rằng nhà cô Ra-kháp ở ngay trong tường thành Giê-ri-khô. Dịch theo nghĩa đen, câu văn Do Thái viết rằng: “Nhà nàng dựa vào mặt phẳng của tường thành và nàng sống ở trong bức tường thành. Vậy thì ngôi nhà đó làm sao giữ nguyên được khi bức tường sụp đổ? Khảo cổ học đã đặc biệt cung cấp câu trả lời.

Các cuộc khai quật của giới khảo cổ Đức từ năm 1907-1909 tại khu vực phía bắc của địa điểm khảo cổ cho biết một phần dưới của bức tường thành không bị sụp như các nơi khác. Phần còn đứng vững đó cao 8 feet (gần 2.5m) nên những căn nhà xây dựa vào đó vẫn còn nguyên vẹn. Một bức tường thứ hai ở trên chóp của một khúc thành tựa như con đê cho thấy những căn nhà đặc biệt như thế nằm giữa phần trên và phần dưới của những bức tường thành và như vậy là “ở ngay trong tường thành”. Vì phần dưới bức tường cũng làm tường lưng của nhiều căn nhà cho nên một lỗ trổ ra (cửa sổ) ở bức tường là lối thoát thuận lợi cho các điệp viên. Từ địa điểm phía bắc này có một khúc đường ngắn dẫn đến các ngọn đồi vùng sa mạc Giu-đê, nơi các người do thám ẩn núp trong ba ngày (2:16, 22).
[29]29

Theo dõi hai câu chuyện về tình báo trong Cựu Ước, nếu chuyện trước do việc báo cáo không chính xác khiến dân Do Thái sinh ra bất mãn, trách cứ Mô-sê và đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa để khiến họ phải bị lưu đày trong sa mạc bốn mươi năm, cả một thế hệ không một ai được vào đất hứa chỉ trừ Giô-suê và Ca-lếp thì chuyện sau lại là một câu chuyện với kết cấu hết sức nhân bản xuyên qua cách ứng xử khôn ngoan của cô kỹ nữ Ra-kháp và sự trung tín của Giô-suê, vị lãnh đạo dân tộc Ít-ra-en lúc bấy giờ. Ảnh hưởng của những câu chuyện này cũng như toàn bộ Kinh Thánh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đã truyền lại những kinh nghiệm vô giá cho nhân loại cho nên Kinh Thánh xứng đáng với danh hiệu “sách của mọi cuốn sách” (book of books) vậy.

New Jersey May 14, 2009

CHÚ THÍCH:

1.- Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999, trang 17. Khoảng tháng 4, 1993, Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng đã cho ra một văn kiện mang tên “Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh” đưa ra tất cả 12 lối đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội Công Giáo và loại hẳn lối giải thích bảo thủ (fondamentaliste). Một phương pháp được dùng nhiều nhất hiện nay là Phương pháp phê bình lịch sử xuất hiện từ thế kỷ XVIII với các nhà chú giải là Johann David Michaelis (1717-1791) và Johann Salomo Semler (1725-1791). Sang thế kỷ XIX dựa trên những thuyết về nguồn gốc văn chương để giải thích các bản văn là các ông Karl Heinrich Graf (1815-1869) và Julius Wellhausen 1844-1918) rồi tiếp đến có Abraham Kuenen (1828-1891), Otto Pfleiderer (1839-1908) và Emile Schơrer (1844-1910). Sau đó có Hermann Gunkel (1862-1932) với lối nghiên cứu “lịch sử các hình thức” (Formgeschichte). Tiến trình của phương pháp phê bình lịch sử được khái quát như sau: 1) Phê bình bản văn; 2) Phân tích bản văn; 3) Phê bình nguồn gốc; 4) Phê bình văn chương; 5) Lịch sử Truyền thống; 6) Lịch sử biên soạn; 7) Tóm lại những khám phá trong tiến trình chú giải và đề nghị ý thần học và hiện tại hóa bản văn. (Theo Lê Phú Hải, OMI, Strasbourg, Pháp. http://ttntt.free.fr/archive/chugiaithanhkinh.html).

Nhà nghiên cứu Kinh Thánh nổi tiếng, linh mục Nguyễn Thế Thuấn (DCCT) cho biết “ các tiên tri giải thích lịch sử không phải do hoạt động của trí khôn họ mà họ căn cứ vào lời chính Thiên Chúa phán với họ. Đó là ý nghĩa họ thấy chính trong biến cố, khi lòng trí họ mở ra cho Thiên Chúa, cũng như giác quan họ mở ra cho sự kiện bên ngoài.” (Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh Trọn Bộ, Tiểu Dẫn Vào Cựu Ước, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2007, trang XXXII).

2.- Xuất Hành 1: 22. Nhóm phiên dịch, Sách đã dẫn, trang 79. Xuất Hành thuộc Ngũ Thư tức là 5 cuốn sách của Cựu Ước gồm sách Sáng Thế (Genesis), Xuất Hành (Exodus), Lê-Vi (Leviticus), Dân Số (Numbers), Đệ Nhị Luật (Deuteronomy), theo truyền thống được coi là do Mô-sê viết nhưng nhiều nhà nghiên cứu về Thánh Kinh sau này không đồng ý vì trong Cựu Ước và Tân Ước chỉ có một vài câu ngắn ngụ ý lời dạy của Mô-sê. Sách Xuất Hành kể lại cuộc ra khỏi Ai-cập như một kinh nghiệm về quyền năng giải phóng của Thiên Chúa. Sách này ghi Mười Điều Răn và một số luật về phụng tự. Có thể Mô-sê đã viết hay đã thu thập tư liệu sách này trong khoảng thời gian từ 1440 đến 1400 trước Công Nguyên. Đối tượng của sách này là những người dân Do Thái đang trong cuộc xuất hành cùng con cháu của họ. Thiên Chúa đã uốn nắn những con người trước kia vốn là nô lệ trở thành một quốc gia thống nhất với 12 bộ tộc, chiếu cố đến nhu cầu vật chất của họ bánh (man-na), nước uống, chim cút, chiến thắng kẻ thù v.v... cho họ các điều luật và lập giao ước với họ. Sách này được coi là một thiên anh hùng ca của lịch sử Do Thái.

3.- Xuất Hành 2: 10. Nhóm phiên dịch, Sđd, tr. 80.

4.- Walter C. Kaiser, Jr. Archaeological Study Bible, Zondervan, 2005, trang 98.

5.- Paul Johnson, A History of the Jews, HarperPerennial, 1988, trang 25.

6.- Xuất Hành 14: 5-31; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 92.

7.- William C. Martin, These were God’s people, A Bible History, The Southwestern Company, Nashville Tenneseee, 1966, trang 49-51.

8.- John Bowker, The complete Bible handbook, an illustrated companion, Dk Publishing, Inc. 1998, trang 52.

9.- William C. Martin, Sách đã dẫn, trang 61.

10.- Walter C. Kaiser, Sđd, trang 110.

11.- Thomas Nelson, Inc., Chronological Study Bible, Explore God’s Word In Historical Order, Nashville, TN, 2008, trang 81

12.- Xuất Hành 13: 18; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 92.

13.- Walter C. Kaiser, Sđd, trang 113.

14.- Giô-suê 2: 10; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 246. Không ai biết chắc chắn sách Giô-suê do người nào viết và viết khi nào, ở đâu. Các học giả đề nghị một thời điểm sách được viết sau khi Giô-suê chết cho đến thời tiên tri Samuel và thời khởi đầu nền quân chủ ngay cả sau thời lưu đày. Theo truyền thống Do Thái, ông Giô-suê đã viết toàn bộ cuốn sách, dĩ nhiên, chỉ trừ phần nói về cái chết của ông. Đây cũng là một thiên anh hùng ca nối tiếp thiên anh hùng ca của cuộc xuất hành. Tất cả các bộ tộc dưới sự chỉ huy của ông vượt sông Gio-đan, chinh phục hết dân này đến dân khác, chiếm lĩnh toàn bộ đất đai Thiên Chúa đã hứa cho. Ông phân chia đất đai cho các bộ tộc và tổ chức đại hội ở Si-khem (Sechem), công bố lại Giao Ước và lập bia chứng ước, đưa hài cốt ông Giu-se, cựu tể tướng Ai-cập về chôn ở Si-khem, tại phần đất ông Gia-cóp (Jacob) đã mua.

15.- Walter C. Kaiser, Sđd, trang 306.

16.- La Bible, TOB, Cerf, 2004, trang 92.

17.- La Bible, Sđd, trang 257.

18.- Giô-suê 2: 10; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 246.

19.- Dân Số 13: 1-24; Đệ Nhị Luật 1: 19-24; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 173. Dân Số là sách tiếp tục viết về cuộc hành trình của dân Do Thái trong sa mạc, nói đến cuộc kiểm tra, tổ chức dân chúng và nghi lễ thánh hiến hàng tư tế ở Si-nai. Truyền thống cho rằng Mô-sê là tác giả sách này. Cũng giống như sách Xuất Hành và sách Lê-Vi, sách Dân Số liên tục lặp lại rằng Thiên Chúa đã ban các điều luật đặc biệt và chỉ thị cho Mô-sê. Có lẽ Mô-sê đã viết và sưu tập lại sách này trong thời gian từ 1440 đến 1400 trước Công Nguyên. Đám dân Do Thái trải qua được thời kỳ đi lang thang trong sa mạc cùng con cháu của họ đã đọc sách này để thúc đẩy ký ức họ nhớ về các tội lỗi và sai lầm của dân Do-Thái, những bất trung của họ đối với Thiên Chúa.

Sách Deuteronomy dịch là Đệ Nhị Luật mà linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch là sách Thứ luật,

Và Mô-sê được coi là tác giả sách này. Đó là những lời ông Mô-sê nói với dân khi đóng trại ở đồng bằng Mô-áp, bên kia sông Gio-đan, đối diện với Giê-ri-khô, nơi sông này chảy vào Biển Chết (Dead Sea). Các trích dẫn của Tân Ước đều coi những đoạn trong Đệ Nhị Luật là của Mô-sê. Ông Mô-sê ôn lại hành trình 40 năm trong sa mạc dưới sự dìu dắt, che chở của Thiên Chúa, tuyên lại Giao Ước, chúc phúc cho toàn dân và qua đời trên đỉnh Pít-ga. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh phái truyền thống cho là sách được viết trước cuộc tiến công vào đất Canaan, khoảng 1440 đến 1400 trước Công Nguyên.

20.- Joan Comay & Ronald Brownriggs, Who’s Who In The Bible, Wings Books, 1998, trang 276.

21.- Dân Số 13: 25-33; Đệ Nhị Luật 1: 25-28; Nhóm phiên dịch, Sđđ, trang 173.

22.- Walter C. Kaiser, Sđd, trang 215.

23.- Đệ Nhị Luật 34: 1-5; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 244.

24.- Sáng Thế 32:25-29, Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 58. Sách Sáng Thế, linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch là Khởi Nguyên, thật sự mà nói, do tác giả vô danh viết. Truyền thống lịch sử cho rằng sách đó do Mô-sê viết, nhưng có lẽ không phải toàn bộ cuốn sách. Chúng ta có thể thấy rằng chính Mô-sê trong cương vị là người biên tập hay một sử gia đã thu thập những lời dạy và chỉ thị của Thiên Chúa trong các cuộc thị kiến siêu nhiên với Người. Sách được viết trong khoảng 1440 đến 1400 trước Công Nguyên, tức thời gian dân Do Thái lưu hành trong sa mạc. Cũng có thể sách được viết trong thời dân Do Thái còn ở trong đất Ai-Cập, bảo lưu một số câu chuyện về các tổ phụ hoặc chuyện cá nhân như lời hứa của Thiên Chúa với Abraham, chuyện ông Giu-se, nuôi sống niềm hy vọng cho dân Do Thái một ngày kia sẽ được cứu thoát ách nô lệ Ai-cập. Sách gồm hai phần: Từ chương 1 đến chương 11 là một nỗ lực suy tư khởi đi từ kinh nghiệm tôn giáo của Ít-ra-en nhằm lý giải nguồn gốc vũ trụ và con người, nguồn gốc sự ác và ơn cứu độ; từ chương 12 đến hết (chương 50) trình bày các truyền thống về thủy tổ dân Ít-ra-en và giải thích sự có mặt của họ trên đất Ai-cập.

25.- Giô-suê 1:5, Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 245.

26.- Joan Comay và Ronald Brownrigg, Sđd, trang 227.

27.- Giô-suê, 2: 1-22, Nhóm phiên dịch… Sđd, trang 246.

28.- Giô-suê, 6: 22-25, Nhóm phiên dịch… Sđd, trang 250.

29.- Walter C. Kaiser, Sđd, trang 305.
 
Lưới Tình
Lm Vũđình Tường
15:17 15/05/2009
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật luôn đến từ Thiên Chúa. Gọi là tình yêu chân thật vì tình yêu đó dẫn ta đến sự thật, nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa.

Tình yêu chân thật bất biến với thời gian. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào tình Chúa yêu ta cũng sáng chói như mặt trời. Tinh ròng như nắng sớm, đẹp như hoa chớm nở và chan hoà yêu thương.

Tình Chúa vĩ đại, cao vời, vô bờ bến, tình Chúa khơi dậy trong ta:

- Tình thương người đồng loại.

- Quí trọng sự sống con người.

- Quí trọng đức công bằng.

- Yêu quí và thực thi đức ái.

- Mau mắn nhận sai trái, lỗi lầm.

- Hay thứ tha.

- Giầu lòng xót thương.

Tình yêu Chúa giúp ta nhận ra hình ảnh Chúa Kitô trong người anh chị em mình. Bất kể họ mang mầu sắc gì, tôn giáo nào, người hay thai nhi, già hay trẻ, giầu hay nghèo, nam hay nữ, sang hay hèn, tự do hay tù tội, mạnh khoẻ hay yếu liệt họ đều là con cái Chúa, anh chị em trong đại gia đình Chúa.

Dù họ không chọn Ngài nhưng Đức Kitô chọn họ làm bạn. Họ chưa thuộc đàn chiên nên Ngài đi tìm kiếm.

Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về Gn 10,16

Chúa sai tôi đi

Tình Chúa yêu ta thể hiện qua tình người. Thiên Chúa thi ân, giáng phúc cho nhân loại bằng cách cho phép ta cộng tác vào công trình của Ngài. Nhờ thế mà tình người được nâng cao và thánh hiến.

Ai ở lại trong Thầy

và Thầy ở lại trong người ấy,

thì người ấy sanh nhiều hoa trái Gn 15,5

Chính Thầy đã chọn anh em,

Và cắt cử anh em, để anh em ra đi,

Sinh được hoa trái,

Và hoa trái của anh em tồn tại Gn 15,16


Sai đến người đau khổ; đỡ dậy người vấp ngã, sánh vai người tàn tật, an ủi kẻ cô đơn, viếng thăm người bệnh tật, cho kẻ đói ăn, dóng lên tiếng kêu gọi giao hoà và thứ tha. Điều này thể hiện lòng thương xót vô bờ Chúa dành cho nhân loại, qua bàn tay yêu thương trìu mến của con cái Chúa. Các việc lành thánh, công trình từ thiện diễn tả một Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Sống đời sống xót thương là môn đệ chân chính của Chúa.

Tình người

Bên cạnh tình Chúa có tình người. Tình người tốt lành khi tình người được thánh hoá, hướng dẫn bởi Lời Chúa và ân sủng Ngài.

Lời Chúa thanh tẩy tình người

Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em Gn 15, 3

Nhờ tình người được thanh tẩy mà nhân loại tránh được muôn đại hoạ phát sinh do lòng ích kỉ.

Chối bỏ ơn Chúa, con người không làm được việc gì tốt. Vì phán đoán, quyết định hướng dẫn bởi kiêu ngạo và lợi nhuận.

Người ta nhân danh tình người hành hạ, làm khổ nhau. Vì lợi nhuận mà dân tộc này xâm chiến dân tộc nọ. Vì lợi nhuận mà quân viễn chinh đi không bao giờ trở lại. Vì lợi nhuận mà bao gia đình tan nát. Vì kiêu ngạo dân tộc này tự nhận văn minh hơn dân tộc nọ. Chủ thuyết này tìm cách triệt tiêu chủ thuyết kia. Lối sống này đòi lãnh đạo lối sống nọ. Nguồn gốc chiến tranh bắt nguồn từ lòng người. Không vì lợi nhuận thì cũng sanh bởi kiêu ngạo hoặc do ích kỉ mà ra. Chối bỏ ơn Chúa, cá nhân tự chuốc hoạ cho gia đình, lãnh đạo chuốc hoạ cho dân tộc.

Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Gn 15,5

Lưới tình

Ngoài tình yêu Thiên Chúa ra các loại tình khác đến từ con người. Sản phẩm con người sáng chế ra thường bất toàn. Tình yêu con người mặc cho cũng bất toàn nên kết quả của các cuộc tình đó cũng bất toàn. Tệ nhất là quái thai tình yêu. Quái thai tình yêu do gian tà, đội lốt và giả tạo sanh ra. Mặt ngoài là tình yêu. Vỏ trông giống tình yêu nhưng sau lớp son tô, phấn điểm là gian tà, ngụy biện và lạm dụng.

Là quái thai thời đại nên phải che đậy bằng mỹ từ, đánh bóng, tuyên truyền, tẩy não. Ai phanh phui sự thật bị liệt vào tội phản bội. Phản bội bị khai trừ. Bắt người khác yêu như họ yêu, nói như họ nói, nhận xét như họ nhận xét.

Trung thành với tình người hay phản bội tình người cả hai đều đau khổ. Kẻ phản bội sống phận hèn tôi tớ, trọn kiếp đoạ đầy. Nặng thì đầy rừng thiêng nước độc, nhẹ ở nhà sống ngày đói, đêm khát. Trung thành góp phần làm băng hoại xã hội. Vì cơm, áo, tư lợi, người dối người, lừa gạt, bỏ tù người. Vật chất trọng hơn tình người. Miệng lưỡi để lừa gạt. Kêu gọi đấu tranh, khích lệ hy sinh, hiến thân cho lí tưởng lường gạt.

Ngoài tình yêu Thiên Chúa ra không có mối tình nào tuyệt hảo.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Ngày cầu nguyện cho Giáo Hội thầm lặng!
LM. Nguyễn Hữu Thy
16:40 15/05/2009
Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh/B: Ngày cầu nguyện cho Giáo Hội thầm lặng!

(Ga 15,9-17)

Nhiều nơi trên thế giới đã chọn ngày Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh hôm nay làm ngày cầu nguyện cho các Kitô hữu đang phải sống trong cảnh bị bắt bớ, đàn áp, tù tội và phải hứng chịu bao thiệt thòi trong cuộc sống vì lý do là họ đã tin kính Thiên Chúa. Vì thế chúng ta thử cùng nhau suy gẫm Sứ Điệp Tin Mừng hôm nay, để cùng múc lấy cho mình nguồn sức sống và đồng thời nối dài nhịp cầu thông cảm với anh chị em Kitô hữu đau khổ của mình trong kinh nguyện.

Trở lại nội dung bài Tin Mừng: Khi tôi đọc lại những lời của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, tôi sực nhớ lại lời thánh Phan-xi-cô thành Sa-lét: «Với một giọt mật ong người ta có thể làm được nhiều việc hơn là với một thùng dấm chua». Nghĩa là với một chút lương thiện, một cái tai biết lắng nghe, một bàn tay biết ấm áp nắm chặt lấy tay đồng loại, người ta sẽ thu phục được lòng người hơn những vất vả tranh cãi, những xung đột háo thắng. Bởi vì tình yêu và lòng vị tha là nỗi khát khao mong mỏi cơ bản của con người.

Ðúng vậy, tất cả mọi người đều thèm khát tình yêu. Tất cả mọi người đều mong muốn được người khác thông cảm. Nhưng tiếc thay, thực tại của cuộc sống cũng như những kinh nghiệm cụ thể hằng ngày lại chứng minh cho ta thấy ngược lại: Sự bạc bẽo, ghen tương, hờn giận, kỳ thị, thù hằn, v.v… từ trong gia đình ra đến chỗ làm việc, trong đời sống giáo xứ và những nơi công cộng. Bởi vậy, nếu có ai cho thế giới là đẹp, là một nơi lý tưởng, thì người ta sẽ nghĩ ngay người đó là kẻ nói dối hay là một kẻ thiếu am tường thực tế.

Trong một cuộc sống đầy bất trắc và giao động như thế, dù là Kitô hữu, chúng ta cũng phải dự phần vào đó, không phải một cách thụ động, nhưng một cách đầy sinh động và sáng tạo. Tuy nhiên, trong mọi cảnh huống của cuộc sống, giới luật tình yêu huynh đệ mà chúng ta đã được học hỏi ngay từ lớp giáo lý vỡ lòng luôn phải là điểm tựa và nền tảng cho mọi hành động cũng như mọi cách xử thế của chúng ta. Còn trong thực tế? Thái độ cư xử của chúng ta thế nào? Chúng ta có thành tâm ngăn ngừa sự dữ, không để cho nó tiếp tục lan tràn ra trong cuộc sống xã hội? Liệu chúng ta có can đảm cùng thánh Phan-xi-cô Khó Khăn cầu nguyện và rồi đưa ra thực hành trong cuộc sống: «Lạy Chúa, xin dùng con làm khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp. Lạy Chúa, xin dạy con: Tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu, v.v…» (Kinh Hòa Bình).

Vâng, đó là một lời nguyện đẹp nhất và có hiệu quả nhất cho tâm hồn chúng ta, đặc biệt trong lúc gặp phải thất vọng, chán nản và bị bỏ rơi. Chắc chắn lời kinh đó sẽ giúp chúng ta tìm lại được quân bình, sự can đảm và nghị lực mới, để bắt đầu lại, để tiếp tục tiến bước và nhất là để nối lại tương quan với mọi người trong sự vui vẻ, thành tâm và đầy thông cảm. Vì thế chúng ta nên cố gắng lặp lại lời kinh đó và tìm cách sống theo tinh thần của nó.

Ðặc biệt, với lời kinh thánh thiện đó, chúng ta hãy cầu nguyện cho những Kitô hữu khắp nơi trên thế giới đang phải sống trong cảnh bị kỳ thị, bắt bớ, hành quyết và bị sát hại, vì đức tin Kitô Giáo của họ. Chúng ta không chỉ nói về các anh chị em cùng đức tin với chúng ta đang phải chịu mọi thử thách và đau khổ đó, nhưng chúng ta hãy lắng nghe họ, lắng nghe sứ điệp thầm lặng của họ, sứ điệp của cuộc sống và của sự đau khổ của họ, bởi vì họ là chứng nhân của Ðấng đã từng phải bị kết án bất công, bị chế nhạo, bị hành hạ tra tấn và bị giết chết một cách vô tội. Là những người Việt Nam, con cháu của trên 300.000 các vị tử đạo anh hùng, suốt từ khi Tin Mừng Phúc Âm được rao giảng trên đất nước chúng ta vào thế ký XVII mãi cho tới hôm nay, chúng ta càng cảm nghiệm cách thấm thía hơn những đau khổ và thiệt thòi mà các anh chị em đồng đạo của chúng ta đang phải gánh chịu hằng ngày trên khắp thế giới.

Hơn nữa, với kinh nguyện hằng ngày, chúng ta bắc lại một nhịp cầu xuyên qua mọi bức tường và mọi biên giới cách chia, một nhịp cầu nối gần lại tất cả mọi miền xa xôi của hận thù và của đố kỵ. Bởi vì chúng ta luôn cảm nhận được rằng lời kinh chúng ta dâng lên tòa Chúa cho những anh chị em đau khổ của chúng ta đang phải sống trong cảnh bắt bớ, sẽ là nguồn sức mạnh trợ lực to lớn để họ có thể đứng vững và chiến đấu cho niềm xác tín Kitô giáo của mình. Do đó, chúng ta hãy giữ gìn và phát hy vọng nguồn sức mạnh siêu nhiên đó.

Nói tóm lại, trong ngày cầu nguyện cho Giáo Hội bị bắt bớ hôm nay, chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện cho những anh chị em cùng đức tin với chúng ta đang phải chịu kỳ thị, ghét bỏ và đàn áp. Ðồng thời, chúng ta cũng phải tự kiểm điểm lại chính mình và tự hỏi liệu chúng ta có sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác và làm hòa với họ là những người có lẽ cũng đã phải đau khổ do cách cư xử thiếu nhã nhặn và không lịch thiệp của chúng ta không?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày thứ Tư trong chuyến tông du Do Thái và Palestine của Đức Thánh Cha
G. Trần Đức Anh OP
01:12 15/05/2009
NAZARETH. Hôm 14-5-2009, ĐTC đã dành ngày thứ 4 trong chuyến viếng thăm tại Israel cho các hoạt động tại Nazareth: thánh lễ cho 45 ngàn tín hữu vào ban sáng, sau đó, vào ban chiều, ngài gặp gỡ thủ tướng Israel, các thủ lãnh tôn giáo miền Galilea, và kinh chiều với các GM, LM, tu sĩ nam nữ tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ truyền tin.

Nazareth cách Jerusalem 110 cây số, nên ĐTC đã dùng trực thăng để di chuyển từ Jerusalem tới đây. bay. Đây là thành phố Arập lớn nhất trên lãnh thổ quốc gia Israel và cũng là thành quan trọng nhất của miền Galilea. Trong khu vực cổ thành có 40 ngàn dân cư, vừa Kitô và Hồi giáo. Trên những ngọn đồi xung quanh có nhiều khu định cư của 30 ngàn người Do thái di cư tới đây lập nghiệp từ sau năm 1948.

Thánh lễ

Tại hý trường thiên nhiên, gần khu rừng Gioan 23, một cánh đồng tại Núi Vực Thẳm, nơi Chúa Giêsu đã trừ quỉ, 45 ngàn tín hữu từ các nơi đã tụ tập tại đây từ sáng sớm để chuẩn bị tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành, nhân dịp kết thúc Năm Gia Đình do Giáo Hội Công Giáo tại Thánh Địa đề xướng. Đây là thánh lễ thứ 4 và là buổi lễ đông đảo nhất trong số 4 thánh lễ ĐTC cử hành trong chuyến viếng thăm tại Thánh Địa lần này. Bầu không khí rất nồng nhiệt và phấn khởi khi xe bọc kính chở ĐTC tiến vào địa điểm hành lễ. Các tín hữu reo hò, vẫy cờ Tòa Thánh, Israel, và nhiều cờ quốc gia nguyên quán của họ.

Đồng tế với ĐTC có 40 HY và GM, cùng với 250 linh mục. Trong lời chào mừng đầu thánh lễ, Đức Cha Elias Chacour, GM Công Giáo Hy Lạp Melkite tại miền Galilea cho biết các trường học là ưu tiên số 1 của Giáo Hội địa phương vì đây là phương tiện phổ biến sứ điệp của Chúa Giêsu và sự hòa giải. Đức Cha cũng nói đến những khó khăn của các tín hữu Công Giáo, chiến đấu để sống còn với bao nhiêu hy sinh. Ngài đề cập đến hiện tượng đau thương: nhiều tín hữu Kitô phải di cư ra nước ngoài để tìm an ninh và sinh kế, thảm trạng nhiều dân làng Kitô ở Bourum và Ikreth thuộc miền Galilea bị Israel trục xuất và truất hữu, cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, bồi thường, hoặc vẫn chưa được hồi hương”. Đức cha xin sự hỗ trợ của ĐTC trong lãnh vực này.

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng latinh, xen lẫn các bài đọc và thánh ca bằng tiếng Arập và tiếng Anh.

Trong bài giảng, ĐTC đặc biệt nêu bật tấm gương của Thánh Gia Nazareth như một điều hết sức cần thiết cho xã hội ngày nay và không quên những căng thẳng giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại miền này. Ngài nói:

”Theo kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình dựa trên sự chung thủy trọn đời của một người nam và một người nữ, được thánh hóa bằng giao ước hôn nhân và chấp nhận hồng ân đời sống mới do Chúa ban. Những người nam nữ thời nay cần phải tái lãnh hội chân lý căn bản này dường nào, một chân lý làm nền tảng cho xã hội và chứng tá của các đôi vợ chồng quan trọng dường nào đối với việc huấn luyện lương tâm con người và kiến tạo một nền văn minh tình thương.”

ĐTC đã dựa vào các bài đọc Thánh Lễ để diễn giải về tình yêu vợ chồng trong gia đình, tình yêu đưa đến những sự sống mới và được biểu lộ qua nỗ lực yêu thương của cha mẹ huấn luyện toàn diện cho con cái về mặt nhân bản và tinh thần. Ngài cũng đề cao vai trò của Nhà Nước trong việc nâng đỡ các gia đình trong sứ mạng giáo dục, bảo vệ định chế gia đình và các quyền đi kèm của gia đình, cũng như đảm bảo sao cho mọi gia đình có thể sống và triển nở trong những điều kiện xứng đáng.

ĐTC nói thêm rằng: ”Khi chúng ta suy tư về những thực tại ở thành này, nơi diễn ra cuộc truyền tin cho Đức Maria, tự nhiên chúng ta nghĩ đến Mẹ, đầy ơn phúc, Mẹ của Thánh Gia và là Mẹ chúng ta. Nazareth nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết và phải nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá Chúa ban cho phụ nữ và vai trò đặc biệt của họ, cũng như những đoàn sủng và năng khiếu của người nữ. Dù làm người mẹ trong gia đình, hay hiện diện trong các công việc ngoài xã hội, hoặc trong ơn gọi đặc thù sống theo những lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh, thanh bần và vâng phục, phụ nữ đều có một vai trò không thể thiếu được trong việc kiến tạo điều gọi là ”sinh thái học con người” (human ecology, Centesimus Annus 39) mà thế giới chúng ta, cũng như đất nước này hết sức cần đến, nghĩa là kiến tạo một môi trường trong đó trẻ em học yêu thương và chăm sóc tha nhân, sống lương thiện và tôn trọng mọi người, thực hành các đức tín từ bi và tha thứ”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, trong kinh nguyện mở đầu Thánh Lễ hôm nay, chúng ta đã xin Chúa Cha giúp chúng ta sống như Thánh Gia, đoàn kết trong sự tôn trọng và yêu thương”. Nơi đây, chúng ta hãy tái khẳng định quyết tâm trở thành men về sự tôn trọng và yêu thương trong thế giới xung quanh chúng ta. Núi Vực Thẳm này nhắc nhớ chúng ta rằng sứ điệp của Chúa đồng thời cũng là một nguồn mạch mâu thuẫn và chống đối đối với những người nghe. Đáng buồn thay, như mọi người đã biết, Nazareth đã trải qua những căng thẳng trong những năm gần đây làm thương tổn quan hệ giữa các cộng đồng Kitô và Hồi giáo. Tôi kêu gọi những người thiện chí thuộc cả hai cộng đồng hãy sửa chữa những thiệt hại gây ra, và trong niềm trung thành với niềm tin chung của chúng ta nơi một Thiên Chúa duy nhất là Cha của gia đình nhân loại, làm việc để kiến tạo những nhịp cầu và tìm ra những phương thế để sống chung hòa bình với nhau. Mỗi người hãy loại bỏ quyền lực hủy hoại của oán thù và thành kiến, chúng giết chết linh hồn con người trước khi giết chết thân xác của họ.”

ĐTC ám chỉ tới sự kiện người Hồi giáo định xây Đền thờ ngay tại Quảng trường trước Vương Cung Thánh Đường Truyền tin ở Nazareth. Do áp lực của nhiều phía và sự phản đối của Công Giáo, dự án này đã bị bãi bỏ, nhưng vết thương gây ra vẫn còn âm hưởng.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã làm phép các viên đá đầu tiên để xây cất Trung Tâm quốc tế về gia đình tại Nazareth, Công viên tưởng niệm Đức Gioan Phaolô 2, do chính phủ Israel đề xướng tại Núi Bát Phúc, chính nơi ĐTC Gioan Phaolô 2 đã cử hành thánh lễ hồi năm 2000.

Gặp các vị lãnh đạo tôn giáo

Ban chiều, thủ tướng Benjamin Netanyahu đã hội kiến với ĐTC tại tu viện Phanxicô ở Nazareth. Phái đoàn Israel gồm 6 người với 4 đại diện của Tòa Thánh trong đó có ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh, Đức TGM Phụ tá Filoni, Đức TGM Antonio Franco Sứ thần Tòa Thánh tại Israel và một giám chức thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Cha Lombardi Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong cuộc hội kiến 20 phút với ĐTC, hai phái đoàn đã đề cập tới các cuộc thương thuyết từ hơn 10 năm nay giữa Tòa Thánh và Israel về hiệp định liên quan tới vấn đề thuế khóa và tài chánh của các cơ sở Công Giáo tại Thánh Địa.

Thủ tướng Netanyahu tuyên bối với đài phát thanh Israel rằng đó là một cuộc hội kiến tốt đẹp. Ông đã xin ĐTC lên án những đe dọa bài Do thái của Iran chống Israel. Ngài đáp lại rằng ngài đã lên án những đe dọa của Iran và bất kỳ mọi thái độ bài Do thái nói chung.

Tiếp đó, ĐTC đã tiến qua Vương cung thánh đường Truyền Tin ở bên cạnh để gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo miền Galilea. Hiện diện tại Hội trường còn có hàng trăm tín hữu các tôn giáo.

Lên tiếng sau bài phát biểu của một số đại diện Hồi giáo, ĐTC cổ võ sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo, đồng thời ý thức hòa bình là hồng ân của Thiên Chúa cần sự cộng tác của con người. Ngài nói:

“Nơi trọng tâm của mọi truyền thống tôn giáo là xác tín: chính hòa bình là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng hòa bình không thể thành tựu nếu không có cố gắng của con người. Hòa bình lâu bền xuất phát từ sự nhìn nhận rằng thế giới, xét cho cùng, không phải là của chúng ta, nhưng đúng hơn đó là chân trời trong đó chúng ta được mời gọi tham gia vào tình yêu của Thiên Chúa và cộng tác vào việc hướng dẫn thế giới và lịch sử dưới sự soi sáng của Chúa. Chúng ta không thể làm bất kỳ điều gì tùy ý đối với thế giới, nhưng đúng hơn, chúng ta được kêu gọi làm sao để những chọn lựa của chúng ta được phù hợp với qui luật đã được Thiên Chúa thiết định cho vũ trụ và uốn nắn hành động của chúng ta theo khuôn mẫu tốt lành của Thiên Chúa trong thế giới này.”

ĐTC cũng ghi nhận rằng miền Galilea nổi tiếng là có nhiều tôn giáo và chủng tộc khác nhau, là quê hương của những người biết rõ cần phải cố gắng nhiều để sống chung hòa hợp với nhau. Những truyền thống khác biệt của chúng ta có một tiềm năng mạnh mẽ để thăng tiến một nền văn hóa hòa bình, nhất là qua việc giảng dạy về những giá trị tinh thần sâu xa trong nhân loại chung của chúng ta. Qua sự giáo dục tâm hồn giới trẻ, chúng ta uốn nắn tương lai của chính nhân loại. Các tín hữu Kitô sẵn sàng cùng với các tín hữu Do thái, Hồi giáo, người Druze và tín đồ các tôn giáo khác trong việc bảo vệ các trẻ em khỏi trào lưu cuồng tín và bạo lực, đồng thời chuẩn bị các em thành những người xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Cuối buổi gặp gỡ, ĐTC đã làm một cử chỉ khác thường. Ngài đã nắm tay một Rabbi Do thái và một thủ lãnh Hồi giáo để cầu nguyện cho hòa bình, theo lời đề nghị của một đại diện. Các vị đã cầu nguyện dưới hình thức một bài thánh ca có những lời ”Salam, Shalom, xin Chúa ban hòa bình cho chúng con”. Vị Rabbi Do thái đã hát bằng tiếng Do thái, Arap, Anh và latinh.

Kinh chiều

Hoạt động cuối cùng của ĐTC trong ngày 14-5-200 là chủ sự Kinh Chiều trọng thể vào lúc 5 giờ rưỡi tại Vương cung thánh đường Truyền Tin bên trên, cùng với các GM, LM, tu sĩ nam nữ, và hàng trăm thành viên phong trào Giáo Hội và các nhân viên mục vụ của Giáo Hội tại miền Galilea.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC đã giải thích về mầu nhiệm Truyền Tin cho Đức Mẹ tại Nazareth và mời gọi mọi người tín thác nơi quyền năng của Chúa Thánh Linh trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Ngài cũng ghi nhận rằng trình thuật về cuộc truyền tin cho thấy thái độ tế nhị, lịch sự ngoại thường của Thiên Chúa (Mẹ Julian of Norwich, Revelations 77-79). Chúa không áp đặt, ngài không tiền định vai trò mà Mẹ Maria sẽ nắm giữ trong chương trình cứu độ chúng ta: Chúa xin sự đồng ý của Mẹ trước. Trong sự sáng tạo nguyên thủy, không có vấn đề Thiên Chúa hỏi sự đồng ý của các loài thụ tạo, nhưng trong công trình sáng tạo mới, Ngài hỏi sự đồng ý ấy. Mẹ Maria đại diện cho toàn nhân loại. Mẹ nói thay cho tất cả chúng ta khi đáp lại lời mời gọi của sứ thần.

ĐTC nói thêm rằng: ”Khi chúng ta suy tư về mầu nhiệm vui mừng này, chúng ta cảm thấy hy vọng, niềm hy vọng chắc chắn rằng Thiên Chúa tiếp tục đi vào lịch sử chúng ta, hoạt động với quyền năng sáng tạo để đạt tới những mục tiêu mà theo sự tính toán của nhân loại, đó là những điều không thể có được. Mầu nhiệm ấy thách thức chúng ta cởi mở đón nhận hoạt động biến đổi của Chúa Thánh Linh, Đấng đổi mới chúng ta, làm cho chúng ta hiệp nhất với ngài và đổ đầy chúng ta sự sống của ngài. Với một sự lịch sự tuyệt vời, Chúa mời gọi chúng ta để cho Ngài ở trong chúng ta, đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa vào tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta có thể đáp lại tình yêu của Chúa và yêu thương nhau.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC áp dụng những ý tưởng trên đây vào hoàn cảnh các tín hữu Kitô tại Thánh Địa. Ngài nói:

”Tại Quốc gia Israel và các lãnh thổ Palestine, các tín hữu Kitô chỉ là một thiểu số trong tập thể dân chúng. Có lẽ đôi khi anh chị em cảm thấy tiếng nói của mình không đáng kể. Nhiều tín hữu Kitô đồng đạo của anh chị em đã di cư ra nước ngoài với hy vọng tìm được an ninh và viễn tượng sống tốt đẹp hơn ở nơi khác. Tình trạng của anh chị em gợi lại tình trạng của Đức Trinh Nữ Maria sống âm thầm ở Nazareth, không đánh kể gì về sự giàu sang hoặc ảnh hưởng trần thế. Nhưng Mẹ Maria đã nói trong bài ca Magnificat, Thiên Chúa đã nhìn đến phận thấp hèn của nữ tỳ Chúa, Ngài làm cho người đói khát được dư đầy. Anh chị em hãy kín múc sức mạnh từ bài ca của Mẹ Maria, mà chúng ta sắp hát trong niềm hiệp thông với toàn thể Giáo Hội trên thế giới. Anh chị em hãy tin tưởng trung thành với Chúa Kitô và ở lại đất nước này đã được thánh hóa nhờ sự hiện diện của Ngài! Như Mẹ Maria, anh chị em có vai trò cần thi hành trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, qua việc đem Chúa Kitô vào thế giới, làm chứng cho Chúa và thông truyền sứ điệp an bình và hiệp nhất của Ngài. Để được vậy, điều thiết yếu là anh chị em cần đoàn kết với nhau, để Giáo Hội tại Thánh Địa này có thể được nhìn nhận như ”một dấu chỉ và là dụng cụ hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1). Sự hiệp nhất của anh chị em trong đức tin, cậy và mến là thành quả của Thánh Linh ở trong anh chị em, làm cho anh chị em trở thành những dụng cụ hữu hiệu về an bình của Thiên Chúa, giúp kiến tạo sự hòa giải chân thành giữa các dân tộc cùng nhìn nhận Abraham như tổ phụ trong đức tin. Vì như Mẹ Maria đã vui mừng tuyên xưng trong kinh Magnificat, Thiên Chúa luôn nhớ lại lòng từ bi của Ngài, lòng từ bi đã hứa vơi cha ông chúng ta, tới Abraham và con cháu ông đến muôn đời” (Lc 1,54-55).

Giã từ Nazareth, ĐTC đã đáp máy bay trực thăng trở lại Jerusalem vào lúc gần 8 giờ tối.
 
Cuộc tông du Đất Thánh (11)
Vũ Văn An
04:13 15/05/2009
Quê hương độc lập cho người Palestine

Hôm nay, 13 tháng Năm, nhân tới thăm các Lãnh Thổ Palestine, Đức Giáo Hoàng nói lên sự yểm trợ đối với mục tiêu một quê hương độc lập cho người Palestine. Nhân dịp này, ngài công bố việc Tòa Thánh sẽ thành lập một ủy ban song phương với Thẩm Quyền Palestine.

Về việc này, ngài nói như sau: Tòa Thánh đang mong đợi thiết lập thật nhanh “Ủy Ban Song Phương Làm Việc Thường Xuyên đã được dự liệu trong Thỏa Hiệp Căn Bản” ký ngày 15 tháng Giêng năm 2000 giữa Tòa Thánh và Tổ Chức Giải Phóng Palestine.

Cuộc thăm viếng của Đức GH bắt đầu sáng hôm nay khi ngài du hành từ Giêrusalem, nơi ngài còn ở tới Thứ Sáu này, và vượt qua biên giới giữa Do Thái và các Lãnh Thổ Palestine ở ngay cửa ngõ dẫn tới Mộ Rachel. Ngừng tại dinh chủ tịch ở Bêlem, nơi ngài được chủ tịch Thẩm Quyền Palestine, Mahmoud Abbas, nghênh đón. Tại đây, Đức Thánh Cha phát biểu rằng: “Tôi khẩn khoản xin Đấng Toàn Năng ban hòa bình, một nền hòa bình công chính và bền vững, cho các Lãnh Thổ Palestine và toàn vùng”. Ngài bảo đảm với ông chủ tịch rằng: “Tòa Thánh ủng hộ quyền của dân tộc ngài có một quê hương Palestine độc lập ngay tại mảnh đất tổ tiên, sống an toàn và hoà bình với các lân bang, trong các biên giới được quốc tế công nhận”.

Đức GH khích lệ quần chúng đang tụ tập để nhânh đón ngài hãy “giữ cho ngọn lửa hy vọng luôn bừng cháy” để tìm ra một giải pháp có thể thoả mãn “các nguyện vọng chính đáng về hoà bình và ổn định cho cả người Do Thái lẫn người Palestine”. Ngài đặc biệt kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy dùng ảnh hưởng của mình mà đem lại một giải pháp. Nhìn nhận cuộc tranh chấp gần đây tại Gaza đã mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, Đức GH hy vọng: khu vực ấy sẽ mau chóng được tái thiết với sự trợ giúp của quốc tế.

Không nhà

Sau đó, ngài tới thăm trại tị nạn Aida, phía bắc Bêlem, nơi khoảng 5,000 người Palestine theo Kitô Giáo và theo Hồi Giáo đang sinh sống. Trên một khán đài dựng gần bức tường xi-măng đánh dấu biên giới Do Thái, cuộc đón tiếp Đức Giáo Hoàng đã diễn ra. Trẻ em trình diễn một điệu vũ với những chiếc chìa khóa mầu đen, muốn nói lên ước nguyện của các em được trở về “nhà” tại các làng mạc ở Do Thái, và đọc các bài thơ than cho cảnh mất quê hương của các em.

Chủ tịch Abbas đọc diễn văn nghênh đón Đức Giáo Hoàng. Ông kêu gọi việc giải quyết các tranh chấp và gửi một sứ điệp hòa bình cho Do Thái với lời kêu gọi hãy rút lại các biện pháp an ninh ngặt nghèo quanh các lãnh thổ Palestine.

Đức Giáo Hoàng được trao tặng một khăn choàng có thêu Ngôi Sao Đavít của Do Thái Giáo, Mái Vòm Đền Thờ Đá của Hồi Giáo và vương cung thánh đường Giáng Sinh của Công Giáo, tượng trưng cho ý nguyện hợp nhất giữa ba tôn giáo.

Ngỏ lời với đám đông, Đức Giáo Hoàng bày tỏ tình liên đới với “những người Palestine không nhà, những người luôn mong mỏi được trở về sinh quán, được sống thường trực tại chính quê hương của mình”. Ngài quả quyết: “Nguyện vọng chính đáng của các bạn có được mái nhà thường trực, có được một Nhà Nước Palestine độc lập, hiện vẫn chưa được thực hiện. Thay vào đó, giống như nhiều người khác trong vùng và ở khắp nơi trên thế giới, các bạn hiện vẫn còn bị giam hãm trong vòng xoáy của bạo lực, tấn công, phản công, trả thù và liên tục hủy diệt”.

Ngài nói thêm: “toàn thế giới đang mong đợi cho vòng xoáy ấy bị phá tan”. Ngài kêu gọi “các sáng kiến táo bạo và giầu tưởng tượng cho việc hòa giải” nhằm chấm dứt thế bế tắc từng phát sinh do việc bên nào cũng chỉ biết nhấn mạnh tới việc bên kia phải nhượng bộ. Theo ngài, giải pháp lâu dài cho “một cuộc tranh chấp giống như cuộc tranh chấp này chỉ có thể là giải pháp chính trị… Không ai hy vọng nhân dân Palestine và nhân dân Do Thái có thể đạt được giải pháp ấy một mình. Sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế hết sức cần thiết”. Do đó, ngài kêu gọi mọi người liên hệ hãy dùng ảnh hưởng của mình để đem lại một giải pháp công chính và lâu dài.

Tuy nhiên, ngài nhận định rằng: “các cố gắng ngoại giao chỉ có thể thành công nếu người Palestine và người Do Thái có ý chí phá vỡ chu kỳ gây hấn”.

Rời trại tị nạn, Đức Giáo Hoàng lại trở lại dinh chủ tịch một lần nữa để tham dự nghi lễ tiễn chân. Ngài gặp riêng ông chủ tịch và sau đó lại công khai ngỏ lời với đám đông. Đức GH nhìn nhận rằng “thật cảm động sâu xa” được lắng nghe nhiều câu truyện kể về “các điều kiện sống tại đây, tại West Bank và tại Gaza. Ngài cho hay ngài rất buồn khi thấy hoàn cảnh của người tị nạn và quan sát bức tường trông xuống thành phố, bức tường “chia cách người hàng xóm, chia rẽ các gia đình”.

Khi sắp rời Bêlem, Ngài bảo đảm với họ: “Tôi sẽ tiếp tục vận dụng mọi dịp may để thúc giục những ai có liên hệ tới những cuộc thương thảo hòa bình hãy cố gắng làm việc nhằm một giải pháp công chính, biết tôn trọng các nguyện vọng chính đáng của cả người Do Thái lẫn người Palestine”.

Chỉ trích các Bức Tường Trung Đông

Tại Bêlem, Đức GH Bênêđíctô XVI cho hay phải phá sập các bức tường hiện nay ở Trung Đông. Nhưng trước hết, phải phá sập các rào cản đang xây quanh trái tim con người.

Sáng nay, 13 tháng Năm, Đức Thánh Cha đã đi thăm các lãnh thổ Palestine. Tại đây, ngài đã đọc bốn bài diễn văn công khai, liên tục nhắc đi nhắc lại tình liên đới của ngài với nhân dân Palestine. Nhưng lời kêu gọi hoán cải tâm hồn là một chủ đề khác, khá hiển hiện trong các bài diễn văn trên, một hóan cải, theo ngài, phải làm nền cho bất cứ giải pháp nào đối với hàng chục năm đầy bạo lực tại ngay quê hương của Chúa Giêsu.

Vừa bước chân tới nơi, ngài đã chào thăm ông Mahmoud Abbas, Chủ Tịch Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine. Trong lời chào thăm, ngài trích dẫn Đức GH Gioan Phaolô II để nói với cử tọa rằng “không thể có hòa bình nếu không có công lý, không thể có công lý nếu không có tha thứ”. Ngài xin mọi người “hãy để qua một bên bất cứ bất bình và chia rẽ nào vẫn còn đang ngăn cản con đường hòa giải và hãy vươn tay ra một cách đại lượng và đầy cảm thương chào đón mọi người như nhau, không phân biệt”

Đặc biệt đối với giới trẻ, tương lai của Trung Đông, ngài nhắn nhủ họ “đừng để những mất mát nhân mạng và những tàn phá mà chúng con từng chứng kiến phát sinh ra cay đắng hay hận thù trong lòng chúng con. Chúng con hãy can đảm chống trả lại bất cứ cơn cám dỗ nào muốn dùng tới bạo lực hay khủng bố. Thay vào đó, hãy để những gì chúng con cảm nghiệm đổi mới quyết tâm của các con trong việc xây đắp hòa bình. Hãy để chúng đổ đầy trái tim chúng con nguyện ước sâu xa đóng góp lâu dài cho tương lai Palestine, để Palestine chiếm được chỗ đứng đúng đắn của nó trong diễn đàn thế giới. Hãy để chúng linh hứng nơi các con các cảm tình biết xót thương đối với mọi người đau khổ, biết tha thiết hòa giải, và vững tin vào khả thể một tương lai huy hoàng”.

Tiếp tục tiến lên

Tại Công Trường Máng Cỏ, trong Thánh Lễ công cộng, Đức GH cho hay: hoán cải là một phần trong sứ điệp của Bêlem. Ngài khẳng định rằng sứ điệp nơi Chúa Giêsu sinh ra mời gọi người ta “làm chứng nhân cho cuộc chiến thắng của tình yêu Thiên Chúa trên hận thù, vị kỷ, sợ sệt và ghét bỏ từng làm què quặt các mối liên hệ nhân bản và tạo ra chia rẽ ngay tại những nơi anh em nên sống hòa hợp, tạo hủy hoại tại những nơi đáng lý người ta nên xây dựng, tạo thất vọng tại những nơi đáng lý ra hy vọng phải nở rộ!”.

Ngài nói thêm: những người sống trong hy vọng cần “không ngừng trở về với Chúa Kitô, một cuộc trở về không phải chỉ được phản ảnh trong hành động mà còn trong cả tư duy của ta nữa: phải can đảm từ bỏ những lối suy nghĩ, hành động và phản ứng vô bổ và khô cằn”. Họ cần phải “vun sới một não trạng hòa bình dựa trên công lý, trên việc tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người, và dấn thân hợp tác vì ích chung. Đồng thời phải kiên tâm, kiên tâm trong điều thiện, trong việc bác bỏ tội ác”.

Theo ngài, các Lãnh Thổ Palestine không phải chỉ cần “những cấu trúc kinh tế và cộng đồng mới. Điều quan trọng hơn cả là một hạ tầng thiêng liêng mới, có khả năng vận dụng được năng lực của mọi người thiện chí, cả đàn ông lẫn đàn bà, để phục vụ giáo dục, phát triển và cổ vũ ích chung. Các bạn có đủ tài nguyên nhân bản để xây dựng tương lai hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, là những điều bảo đảm cho một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái các bạn. Công trình cao thượng ấy đang chờ đợi các bạn. Đừng sợ!”.

Tự giải thoát

Buổi chiều cùng ngày, tại trại tị nạn Aida, Đức GH lại nhắc lại một lần nữa nhu cầu phải hóan cải trước khi đạt được hòa bình. Ngài nói: “Cả hai bên bức tường đều cần thật nhiều can đảm nếu muốn thắng vượt sợ sệt và bất tín, nếu muốn chống trả ý muốn trả đũa cho mất mát hay thương tổn. Cần một lòng hào hiệp để kiếm tìm hòa giải sau nhiều năm tranh chấp. Ấy thế nhưng lịch sử từng chứng tỏ rằng hòa bình chỉ đến khi hai bên tranh chấp sẵn lòng vuợt lên trên các bất bình của mình và cùng nhau làm việc cho các mục tiêu chung, mỗi bên phải nghiêm chỉnh tiếp nhận các quan tâm và nỗi sợ của bên kia, và cố gắng xây dựng cho được một bầu khí tin tưởng lẫn nhau. Cần phải sẵn lòng đưa ra các sáng kiến táo bạo và giầu tưởng tượng hướng tới hòa giải: nếu bên nào cũng nằng nặc đòi bên kia phải nhượng bộ, thì hậu quả chỉ có thể là bế tắc”.

Đức Thánh Cha thúc giục cộng đồng quốc tế giúp đem lại giải pháp nhưng nếu người Do Thái và người Palestine không sẵn lòng tự giải thoát mình ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của gây hấn, thì các cố gắng quốc tế cũng chỉ vô ích mà thôi.

Kitô hữu Palestine xây dựng Giáo Hội

Tại Bêlem, hơn 10,000 người đã chen chúc nhau tại Công Trường Máng Cỏ và các đường phố lân cận để lắng nghe Đức Giáo Hoàng khuyên nhủ họ làm chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa. Ngài bảo họ “đừng sợ” và khích lệ họ đem mọi sáng kiến cụ thể ra làm việc để củng cố sự hiện diện của họ và đem lại các khả thể mới cho những ai đang bị cám dỗ lên đường ra đi.

Đài phát thanh Vatican hôm nay tường trình rằng con số Kitô hữu tại Bêlem gần đây đã giảm từ 80% xuống còn 15% dân số và nhiều người tìm đường di cư vì sự bất ổn của thị trường lao động, bất an chính trị và các đe dọa của một số nhóm quá khích Hồi Giáo.

Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem, Đức Tổng GM Fouad Twal cũng tường trình cho Đức GH hay “Đức Thánh Cha đang đứng trước một bày chiên đang thưa dần vì buộc phải rời cư, phần lớn do hậu quả của việc chiếm đóng bất công và mọi tủi nhục, bạo động và hận thù do sự chiếm đóng ấy gây ra”.

Đức GH khuyên nhủ họ xây dựng các Giáo Hội địa phương, biến chúng thành những trường thực tập đối thoại, khoan dung và hy vọng, cũng như liên đới và bác ái thực tiễn. Ngài nhấn mạnh nhu cầu không những phải có các cấu trúc mới cho kinh tế và cộng đồng, nhưng quan trọng nhất là hạ tầng cơ sở thiêng liêng.

Đáp ứng của Kitô hữu

Trong Thánh Lễ tại Bêlem, Thị trưởng Công Giáo là Victor Batarseh nói với hãng tin Zenit rằng sứ điệp của Đức GH khích lệ người Kitô hữu Palestine kiên vững trên mảnh đất quê hương và khuyến khích họ tiếp tục ở lại. Trước đây vốn là một y sĩ, Batarseh phát biểu thêm rằng: “trong tư cách anh chị em của Bêlem, chúng tôi hy vọng việc ngài tới đây sẽ đem lại hòa bình và yêu thương cho mọi người.

Sau đó, tại dinh chủ tịch, viên thị trưởng này đã nhân danh mọi Kitô hữu của West Banks chào mừng Đức Thánh Cha. Ông quả quyết: “Tất cả chúng con đều cảm kích về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha”. Ông mô tả chuyến viếng thăm này là “một biểu tượng vĩ đại của hy vọng, một biểu tượng sẽ linh hứng cho chúng con biết quyết tâm bám trụ vào Đất Thánh như những viên đá sống động”.

Một Kitô hữu khác, hiện là một bộ trưởng trong Thẩm Quyền Palestine và là hậu duệ của một gia tộc vốn sinh sống tại Bêlem từ ngày Chúa Giêsu sinh ra, cũng đã thưa chuyện với Đức Thánh Cha. Ông khẳng định mục tiêu ở lại quê hương và góp phần xây dựng một xã hội biết đặt cơ sở trên các giá trị hòa bình và tha thứ.

Gaza

Dù một số người Công Giáo Palestine từ Gaza tới tham dự Thánh Lễ trên và một số biến cố khác, chỉ có 48 người được nhà cầm quyền Do Thái cấp giấy phép chính thức để tới Bêlem, vượt qua các rào cản an ninh.

Đức Thánh Cha không quên ngỏ lời với họ trong Thánh Lễ tại Công Trường Máng Cỏ. Ngài bảo họ: “trái tim cha chào đón anh chị em hành hương từ Gaza đang bị xâu xé vì chiến tranh”. Nhân dịp này, ngài gửi một sứ điệp cho 1.5 triệu người đang sinh sống tại Giải Gaza, trong đó có 300 người Công Giáo: “Cha xin chúng con đem về các gia đình và các cộng đồng của chúng con vòng tay nồng nhiệt của cha, và cả nỗi buồn phiền của cha đối với những mất mát, những khó khăn và đau khổ chúng con đang phải chịu đựng”.

Ngài cam đoan với họ rằng ngài luôn liên đới với họ trong công trình tái thiết vĩ đại tiếp theo cuộc tranh chấp gần đây với người Do Thái, một tranh chấp đã chấm dứt ngày 18 tháng Giêng vừa rồi, để lại 1,300 người chết.

Ngài cũng cho biết: ngài sẽ cầu nguyện để việc cấm vận do người Do Thái áp đặt sau khi phong trào Hamas kiểm soát được Giải Gaza vào năm 2007 được bãi bỏ. Trước đó, Đức GH đã bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều tự do đi lại hơn, nhất là trong lãnh vực liên lạc gia đình và việc lui tới các nơi thánh thiêng.

Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã đi bộ tới viếng hang đá Sinh Nhật, nơi Chúa Giêsu sinh ra. Sau đó, ngài tới Bệnh Viện Bác Ái Hài Đồng. Tại đây ngài nói với các bệnh nhân tí hon và gia đình các em rằng: “Đức Giáo Hoàng đang ở cùng các con!”

Ngôi sao hy vọng

Theo nhận định của Cha Caesar Atuie, thuộc cơ quan Opera Romana Pellegrinaggi, mục tiêu duy nhất của Đức GH khi tới Bêlem là đem hy vọng lại cho một cộng đồng nhiều đau khổ. Theo cha, Bêlem trong mấy ngày qua giống như ngày lễ Giáng Sinh vậy. Mà quả đúng như thế, ngay trong Thánh Lễ tại Công Trường Máng Cỏ, người ta vẫn thoáng nghe được các bài thánh ca Giáng Sinh.

Cha Atuire nhận xét: “Thấy dân chúng ở đây, nghe họ ca hát, chúng tôi hiểu ra rằng hôm nay Đức Giáo Hoàng quả đã mang đến mảnh đất này một sứ điệp hòa bình, một sứ điệp hân hoan, để khích lệ nhóm dân vốn sống trong quá nhiều tranh chấp”. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã nhắc lại điều Phúc Âm Thánh Luca từng đề cập tới, tức việc Chúa Giêsu là dấu chỉ mâu thuẫn. Ngày nay, thực tại tại Bêlem cũng là một dấu chỉ mâu thuẫn, nhưng theo Đức Thánh Cha, nó là một dấu chỉ mâu thuẫn mang theo hy vọng. Bởi sứ điệp của Chúa Giêsu vốn là sứ điệp đem lại hy vọng cho hòa bình, cho tương lai tốt đẹp của dân tộc này.

Sứ điệp ấy cũng được Đức Thánh Cha nhắn gửi các nạn nhân của cuộc tranh chấp mới đây tại Giải Gaza cũng như toàn thể dân chúng của vùng ấy, và những người hiện còn đang sinh sống trong trại tị nạn Aida của người Palestine. Niềm hy vọng mà Đức GH nhắn gửi bao hàm việc nhìn nhận các quyền lợi của nhân dân Palestine, trong đó có quyền độc lập trên chính mảnh đất cha ông của họ. Với quyền độc lập ấy, họ có khả năng hoàn tất các dự án phát triển, công lý và hòa bình cho toàn dân.

Tha thứ đôi khi có nghĩa phải quên

Cha Thomas D. Williams, LC, tiếp tục nhận định về chuyến đi của Đức GH trên hệ thống CBS. Theo cha, cha rất biết ơn thái độ hiền hòa của vị Giáo Hoàng người Đức này và cha hiểu được tính độc đáo trong sứ mệnh của ngài tại một vùng đất bị xâu xé vì phe phái, lúc nào cũng cãi cọ về đủ mọi chuyện từ lãnh thổ tới những chi tiết vụn vặt về học lý.

Sự thực là Đức Thánh Cha không đến Đất Thánh để chơi trò chính trị đảng phái, dù là cho chính “đảng phái” của ngài.Thực vậy, Ngài không tới đây chỉ như đại diện cho Giáo Hội Công Giáo, mà thực ra nhân danh mọi người liên hệ, nhân danh chính nhân loại. Ngài lên tiếng nhân danh người Do Thái, ca ngợi gia tài tôn giáo của họ và bênh vực quyền an ninh và tự trị của họ. Ngài lên tiếng nhân danh người Palestine và quyền tự chủ và quyền tự do của họ. Ngài lên tiếng nhân danh người Hồi Giáo, kêu gọi họ hãy xứng đáng nhất đối với truyền thống tôn giáo của họ qua các xác tín tôn giáo thâm hậu và việc thờ phượng tận trái tim đối với Thiên Chúa Độc Nhất. Ngài lên tiếng cho người Kitô Giáo đang sống trong thân phận thiểu số đầy khó khăn, đau khổ. Nói tóm, ngài lên tiếng với mọi người và cho mọi người.

Đó chính là tính độc đáo trong tiếng nói và sứ điệp của Đức Giáo Hoàng. Một cách nghịch lý, giữa các thao túng đối với sứ điệp của ngài và đủ mọi thứ than phiền về việc ngài không về phe đủ với họ, ta vẫn thấy nét vĩ đại và độc đáo qua việc ngài hiện diện tại đây. Không một nhà lãnh đạo thế giới nào đã có thể lên tiếng với cùng một thế giá tinh thần hay cùng một tính vô tư chân thật như ngài. Chính việc ngài từ khước không chơi trò chính trị phe phái đã là lý do tại sao đôi khi sứ điệp của ngài bị từ khước hay lý do tại sao sứ điệp ấy lại quan trọng đến thế.

Trong khi đó, một trong những người cay cú nhất về việc cho rằng Đức Giáo Hoàng không ân hận đủ đối với Nạn Diệt Chủng chính là Giáo Sĩ Ysrael Meir Lau, chủ tịch đài tưởng niệm Yad Vashem. Ông chỉ trích, cho rằng bài diễn văn của Đức GH “thiếu lòng cảm thương, hối hận, đau đớn đối với thảm kịch khủng khiếp của sáu triệu nạn nhân”.

Cha Williams nhận xét tiếp: theo dõi chương trình truyền hình, người ta sẽ thấy Giáo Sĩ Lau ngồi phía bên phải Đức Giáo Hoàng, trông như thể vừa ăn phải món gì rất khó chịu đối với dạ dầy. Hóa ra, ông ta đâu phải là người xa lạ gì với việc chỉ trích ngôi vị giáo hoàng. Ông ta cũng là người chẳng tiếc lời hạ giá Đức GH Piô XII, ngay cả để bóp méo sự thật. Trong buổi lễ năm 1998 tại Bá Linh để tưởng niệm năm thứ 60 biến cố Bể Kiếng (Kristallnacht) xẩy ra ngày 9 tháng Mười Một năm1938, biến cố làm phát sinh ra cả một thời kỳ bách hại người Do Thái, ông Lau, lúc đó là trưởng giáo sĩ của Do Thái, đã được mời nói truyện. Trong bài diễn văn này, ông đặt câu hỏi: “Hỡi Piô XII, lúc đó ngài đang ở đâu? Tại sao ngài lại im hơi lặng tiếng trong biến cố Bể Kiếng?”. Chỉ có điều Đức Piô XII chỉ được bầu làm giáo hoàng năm 1939, 4 tháng sau ngày Bể Kiếng. Ấy thế mà không ai thấy ông Lau nhúc nhích hối tiếc gì về việc hạ nhục Đức Piô XII.

Trên chuyến bay tới Do Thái, cha Williams may mắn có dịp đọc lại cuốn tự thuật “Muối Đất” hết sức thẳng thắn của Đức Bênêđíctô XVI. Nên cha mới hiểu tuổi trẻ của Đức Thánh Cha đã bị cản trở tai hại như thế nào do việc Quốc Xã nắm quyền và nhiều người Đức tốt lành đã bị bôi bẩn cách bất công ra sao do cái bút lông Quốc Xã. Nếu người ta phải tin các nhà chỉ trích Đức Bênêđíctô, thì bất cứ ai sống tại Đức trong các thập niên 1930 và 1940 đều nhất thiết mang tội vì liên hệ.

Rất may, một vài giọng nói quan trọng đang bắt đầu gióng lên tại Giêrusalem yêu cầu những người chỉ trích như trên hãy ngưng đừng làm phiền Đức Giáo Hoàng nữa. Như Noah Frug chẳng hạn. Ông hiện đứng đầu Tổ Hợp Các Tổ Chức Người Sống Sót Nạn Diệt Chủng Ở Do Thái. Theo ông, người ta đã cường điệu các chỉ trích nhằm vào Đức Bênêđíctô XVI. Ông bảo: “Ngài đến đây để đem Giáo Hội và Do Thái Giáo gần lại với nhau, nên ta phải coi chuyến viếng thăm của ngài là tích cực và quan trọng”.

Hôm nay, 13 tháng Năm, chú ý đã được chuyển về Bêlem, Thành Vua Đavít và là nơi sinh hạ của Chúa Giêsu Kitô, nhưng đồng thời cũng là một phần thuộc Lãnh Thổ Palestine. Vừa tới Bêlem, Đức Bênêđíctô XVI đã không để mất thì giờ, nên đã bày tỏ lập tức tình liên đới tận tình của ngài đối với nhân dân Palestine đau khổ và khẳng định quan điểm của Tòa Thánh liên quan tới quyền tự chủ của họ.

Trên lý thuyết, điều ấy không gây ra bất cứ bất đồng nào, vì quan điểm chính thức của Nhà Nước Do Thái trùng hợp với quan điểm của Tòa Thánh. Vì cả Do Thái nữa cũng khẳng nhận việc người Palestine có quyền có quê hương tự chủ, miễn là việc ấy không gây hại tới an ninh của Do Thái. Dĩ nhiên, điều thòng sau mới là vấn đề,

Cha Williams kết luận: ở đây, tại Đất Thánh này, người ta có thể thuộc nhiều hậu cảnh khác nhau, có nhiều cảm nghiệm khác nhau, nhưng ai cũng có chung cảm nghiệm này: mọi người đều đau khổ. Ai cũng sẵn sàng kể cho bạn nghe nỗi cay cực hay bất công, hoặc có tính bản thân hoặc có tính lịch sử. Ít ai nhận mình đã gây ra bất công, nhưng ai cũng cho là mình chịu bất công. Điều ấy khiến một quan sát viên như cha Williams thắc mắc: phải chăng tại vùng đất có quá nhiều đau thương tiếc nhớ này, một vùng đất mà người dân hết sức tự hào với “tưởng niệm” này, đôi khi quên đi lại không phải là một nhân đức còn cần thiết hơn đấy ư?

Hôm nay tại Bêlem, Đức Bênêđíctô XVI thúc giục các thính giả Kitô Giáo hãy “là cây cầu đối thoại và hợp tác trong việc xây dựng một nền văn hóa hòa bình, thay thế cho tình trạng bế tắc hiện nay, đầy sợ sệt, gây hấn và chán chường”. Đó cũng là điều chính ngài đang cố gắng trở thành, bằng sự hiện diện, bằng lời nói và bằng quyết tâm kiên nhẫn rao giảng Tin Mừng “hết mùa này qua mùa nọ” (2 Tm 4:2).
 
Sắc lệnh ban Ơn Xá đặc biệt cho Năm Linh Mục kính thánh Gioan Maria Vianney
+ ĐHY Giacôbê Phanxicô Stafford
13:54 15/05/2009
TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO
SẮC LỆNH BAN ƠN XÁ ĐẶC BIỆT
CHO THÀNH RÔMA VÀ TOÀN THẾ GIỚI

Những việc đạo đức đặc biệt thực hiện trong Năm Linh Mục,
Năm kính Thánh Gioan Maria Vianney kèm theo Ơn Xá.

SẮC LỆNH

Gần tới ngày kỷ niệm 150 năm qua đời lành thánh của Thánh Gioan Maria Vianney, Cha Sở của Họ đạo Ars, là vị Thánh khi sống ở dưới trần gian đã nên gương sáng ngời của một vị Mục Tử chân chính phục vụ Đoàn chiên của Chúa Kitô.

Vì gương mẫu của Ngài cũng có khả năng làm phát sinh các tín hữu, và nhất là các linh mục để bắt chước các nhân đức của Ngài, nhân dịp này Đức Thánh Cha Beneđictô XVI đã quyết định một cách rõ ràng, từ ngày 19 tháng 6 năm 2009 tới ngày XIX tháng VI năm 2010, trong toàn thể Giáo Hội sẽ cử hành Năm Linh Mục để trong thời gian này qua các buổi suy niệm đạo đức, hay bằng các việc lành thánh, những sáng kiến khác thích hợp khác, các linh mục càng ngày càng được kiên vững trong việc trung thành với Chúa Kitô. Quả thế Năm Linh Mục sẽ bắt đầu từ Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, vẫn được chọn như là ngày thánh hóa các linh mục, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Kinh Chiều với sự hiện diện của hài cốt Thánh Gioan Maria Vianney được Đức Giám Mục Giáo phận Belley Ars mang tới Rôma. Chính Đức Thánh Cha cũng sẽ kết thúc Năm Linh Mục này tại Quảng trường Thánh Phêrô, có sự tham dự của các linh mục trên thế giới tụ họp về Rôma, và trong lễ nghi này các linh mục sẽ nhắc lại lời đoan kết trung thành với Chúa Kitô cũng như mối dây huynh đệ ràng buộc các linh mục với nhau.

Vậy các linh mục hãy nhờ các lời cầu nguyện và các việc lành mà khẩn nài Chúa Kitô Vị Linh Mục tối cao đời đời để có thể làm chiếu tỏa Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái, cũng như các nhân đức khác, và qua đời sống cũng như cung cách bên ngoài để hoàn toàn hiến thân lo cho ích lợi thiêng liêng của đoàn dân; đó là điều Giáo Hội hằng tâm niệm lo lắng trên hết.

Để đạt tới mục đích rất mong muốn trên đây, việc lãnh nhận các Ơn Xá cũng sẽ trợ giúp nhiều, nên qua Sắc Lệnh này được công bố theo ý của Đức Thánh Cha, Tòa Ân Giải Tối Cao vui lòng ban trong suốt Năm Linh Mục này như sau đây:

A. Ban cho các linh mục thực tình thống hối, nếu trong bất cứ ngày nào, cử hành ít là Giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều trước Thánh Thể, được đặt ra để chầu cách công cộng hoặc được lưu giữ trong nhà tạm, và với tâm hồn mau mắn và quảng đại bắt chước gương Thánh Gioan Maria Vianney, mà sẵn sàng cử hành các Bí Tích, nhất là Bí Tích Giải Tội, thì được lãnh Ơn Toàn Xá ban cho các ngài theo lòng từ bi của Chúa, và Ơn Xá này cũng có thể được chỉ cho các Anh Em linh mục khác đã qua đời theo cách thể chuyển cầu, như luật định, ngoài việc xưng tội, các ngài còn tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Ơn Xá từng phần cũng ban cho các linh mục, và cũng có thể chỉ cho các Anh Em linh mục đã qua đời, mỗi lần các ngài sốt sắng đọc các kinh đã được chính thức chấp thuận để giúp thăng tiến đời sống thánh thiện và chu toàn cách thánh thiện các tác vụ thánh đã được trao phó cho các ngài.

B. Ban cho mọi tín hữu có lòng thống hối thực tình, mà đến nhà thờ hay nhà nguyện, sốt sắng tham dự Hy tế Thánh Lễ và dâng lên Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục thượng phẩm và đời đời, các lời nguyện và bất cứ việc lành nào khác trong ngày đó để cầu cho các linh mục của Giáo Hội, xin Chúa thánh hóa các ngài và làm cho các ngài nên như Lòng Chúa mong muốn, thì cũng được Ơn Toàn xá, miễn là các tín hữu này hết lòng thanh tẩy các tội qua Bí Tích Giải Tội, và đọc kinh cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng: vào những ngày khai mạc và kết thúc Năm Linh Mục, ngày kỷ niệm 150 năm Thánh Gioan Maria Vianney qua đời, thứ năm đầu tháng bất cứ tháng nào và các ngày khác được Đấng Bản quyền địa phương định liệu theo như lợi ích cũa tín hữu.

Cũng rất nên thu xếp để tại các Nhà thờ chính tòa và nhà thờ các giáo xứ nơi các linh mục lo việc mục vụ, thì chính các linh mục này chủ sự các việc đạo đức trên đây, cũng như cử hành Thánh Lễ và ngồi tòa giải tội cho tín hữu.

Với các người già cả, ốm đau và mọi tín hữu bị cản trở cách chính đáng nào khác mà không thể ra khỏi nhà của mình, nếu họ chê ghét mọi tội và có ý định là khi nào gần nhất có thể để thi hành ba điều kiện như thường lệ, thì trong chính nhà ở của mình hoặc ở chính nơi mà họ bị cản trở, cũng được lãnh Ơn Toàn Xá cho họ, nếu trong các ngày đã nói trên đây, họ đọc các kinh để thánh hóa các linh mục và nhờ Đức Maria, Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, mà tín cẩn dâng lên Thiên Chúa mọi đau khổ hoặc những phiền hà cực nhọc trong đời sống của mình.

Sau cùng Ơn Xá từng phần cũng được ban cho mọi tín hữu với mục đích cầu xin cho các linh mục biết sống trong trắng và thánh thiện, khi họ sốt sắng đọc năm Kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh để tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu hoặc đọc các kinh khác được chấp thuận hợp pháp.

Các điều này có giá trị trong suốt Năm Linh Mục sắp tới. Bất chấp những gì trái ngược.

Ban hành tại Rôma, ở Trụ Sở Tòa Ân Giải Tối Cao, ngày 25 tháng 4 năm 2009, Lễ Kính Thánh Marcô, Thánh Sử, Năm Chúa Nhập thể thứ 2009.

+ Giacôbê Phanxicô Stafford,
Hồng Y của Giáo Hội Rôma
Trưởng Tòa Ân Giải Tối Cao

Giám Mục Phanxicô Girotti, OFM., Cap.
Hiệu Toà Meta, Trưởng Lục Sự Tòa Án
 
Sắc lệnh về Ơn Toàn Xá cho Năm Linh Mục
John Bosco Nguễn Hoàng Thương
15:51 15/05/2009
VATICAN (VIS) - Theo sắc lệnh công bố hôm 12/05 do Đức Hồng y James Francis Stafford, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao (the Apostolic Penitentiary) và Đức Giám Mục Gianfranco Girotti, O.F.M. Conv., Chánh Lục Sự Tòa đồng ký tên, thì Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ ban Ơn Toàn Xá cho các linh mục và các tín hữu nhân dịp Năm Linh Mục, từ ngày 19/06/2009 đến 19/06/2010 và để tôn kính Thánh Gioan Maria Vianney.

Sắc lệnh cho hay rằng quãng thời gian sẽ bắt đầu bằng Lễ Trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, “ngày thánh hóa các linh mục”, khi Đức Thánh Cha cử hành Kinh Chiều trước di hài Thánh Gioan Maria Vianney, được giám mục Giáo phận Belley-Ars, Pháp mang đến Rôma nhân dịp này. Năm Linh mục sẽ kết thúc ở Quảng trường Thánh Phêrô với sự hiện của các linh mục từ khắp nơi trên thế giới "những người sẽ nhắc lại lòng trung tín của họ với Chúa Kitô và các mối quan hệ ràng buộc huynh đệ giữa các linh mục".

Dưới đây là phần chính của sắc lệnh Ơn Toàn Xá:

(A) Tất cả các linh mục thực tâm thống hối, vào bất kỳ ngày nào, dâng lễ cầu nguyện Kinh Sáng hoặc Kinh Chiều trước Bí Tích Cực Thánh được mang ra để chầu công cộng hoặc để trong nhà tạm và... dâng tâm hồn sẵn sàng và quảng đại của mình cử hành các Bí tích, nhất là Bí tích Giải Tội, thì sẽ được lãnh Ơn Toàn Xá, họ cũng có thể chuyển cho các linh mục đã qua đời, theo như luật định, nếu họ xưng tội, tham dự Thánh Thể và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Các linh mục cũng có thể lãnh nhận Ơn Tiểu Xá, cũng có thể chuyển cho các linh mục đã qua đời, mỗi khi họ sốt sắng đọc các kinh cầu nguyện đã được chính thức chấp thuận nhằm dẫn đến đời sống thánh thiện và chu toàn trách nhiệm đã được trao phó cho họ.

(B) Tất cả các tín hữu thực tâm thống hối, đến nhà thờ hay nhà nguyện, tham dự Thánh Lễ cách sốt sắng và dâng lời cầu nguyện lên Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục tối cao và đời đời, cho các linh mục của Giáo Hội hoặc làm bất kỳ việc lành nào để xin Chúa thánh hóa và làm cho các linh mục như Lòng Chúa mong muốn, thì sẽ được lãnh Ơn Toàn Xá, với điều kiện các tín hữu phải đền bồi tội lỗi của mình qua Bí Tích Giải Tội và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Những việc này có thể thực hiện vào các ngày khai mạc và kết thức Năm Linh Mục, ngày kỷ niệm 150 năm Thánh Gioan Maria Vianney qua đời, ngày Thứ Năm đầu tháng, hay bất cứ ngày nào khác được đấng bản quyền thiết lập vì sự tốt lành của tín hữu.

Người già, người đau yếu và tất cả những người vì bất kỳ lý do bị ngăn trở chính đáng không thể rời khỏi nhà, với tâm hồn hoàn toàn lánh khỏi mọi hình thức tội và với ý định thi hành sớm nhất có thể 3 điều kiện thông thường, vẫn có thể lãnh nhận Ơn Toàn Xá, "vào những ngày có liên quan, họ cầu nguyện xin thánh hóa các linh mục và dâng những bệnh tật và đau khổ của mình lên Thiên Chúa qua lời cầu bàu của Đức Maria, Nữ Vương các Thánh Tông Đồ".

Ơn Tiểu Xá được ban cho tất cả các tín hữu mỗi khi họ số sắng đọc 5 Kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh hay bất cứ kinh nào khác đã được chính thức chấp thuận để "tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu và cầu xin cho các linh mục giữ đời sống thanh sạch và thánh thiện".
 
Tường thuật ngày thứ 4 trong chuyến viếng thăm Do Thái và Palestine
Nguyễn Việt Nam
17:17 15/05/2009
 
Tại Đất Thánh, ĐGH đưa ra những thách đố về tôn giáo và chính trị
Phụng Nghi
20:42 15/05/2009
JERUSALEM (CNS) - Tám ngày viếng thăm Thánh Địa của Đức giáo hoàng Benedict là một cuộc hành hương đến vùng đất của Tin Mừng, là một sứ vụ giữa các niềm tin tôn giáo, và là một hành động làm quân bình thế đứng chính trị; tất cả ba mục đích đó đều qui tụ làm một.

Đó cũng còn là một canh bạc nữa. Trong một vùng đất chai cứng bởi nhiều thập niên xung đột và âm ỉ những mối căng thẳng cả về tôn giáo lẫn xã hội, chẳng có gì bảo đảm thắng được canh bài.

Phê phán trong lâu dài về “cuộc hành hương hòa bình” này vẫn còn chưa có, nhưng Đức giáo hoàng chắc chắn đã chuyển trao một thông điệp rõ rệt và đầy thử thách cho nhiều loại thính giả khác nhau tại Jordan, Israel và các lãnh địa Palestine, trong những ngày từ 8 đến 15 tháng 5 này. Nguyên sự kiện đó không thôi cũng đã là một thành tích.

Chủ để chung nối kết các hành động của ngài lại với nhau, đó là Thiên Chúa hành động trong những biến cố của con người, và các tín đồ có nhiệm vụ làm cho tôn giáo trở thành một sức mạnh có hiệu lực để làm điều thiện hảo trong một vùng đất khổ đau vì chiến tranh, ngờ vực và hiểu lầm.

Đối với các Kitô hữu, Đức giáo hoàng chú trọng vào niềm hy vọng do cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô đem lại. Vào những ngày cuối ở Jerusalem, ngài tổng kết sứ điệp của mình, nói rằng ngôi mộ trống “đảm bảo với chúng ta rằng Thiên Chúa đã đổi mới mọi sự”, hòa bình là điều thực sự khả thi, và hận thù kéo dài từ lâu có thể vượt qua được.

Đó là trọng tâm cuộc hành hương của Đức giáo hoàng đến những nơi như Sông Jordan, Hang đá Truyền tin và Đồi Golgotha. Ngài không chỉ như một du khách đến viếng những địa điểm liên quan đến tôn giáo, nhưng còn nỗ lực kiên vững niềm cậy trông của cộng đồng Kitô giáo đang phải chiến đấu cam go nơi vùng Đất Thánh và đức tin của những Kitô hữu khác từ xa đang ngưỡng vọng và lắng nghe.

Việc ngài làm phép địa điểm mới dùng làm nơi xây cất thánh đường và một trường đại học Công giáo tại Jordan, nhấn mạnh đến quan điểm của ngài cho rằng dù là một thiểu số nhỏ bé, giáo hội cũng có thể tạo được một ảnh hưởng tích cực và đáng kể trên xã hội.

Trên bình diện liên tôn giáo, cuộc hành hương của Đức giáo hoàng dường như có hai giai đoạn rõ rệt. Tại Jordan, một quốc gia có đa số là người theo Hồi giáo nhưng đã bảo vệ quyền lợi của các Kitô hữu, Đức giáo hoàng khen ngợi những nỗ lực nhằm xây dựng một “liên minh các nền văn minh” và kiềm chế chủ nghĩa quá khích. Điểm dừng chân của ngài tại một thánh đường Hồi giáo ở Amman là một hành vi lịch sử -- nay ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đã viếng thăm tới hai nơi thờ phượng của người Hồi giáo.

Đồng thời, Đức giáo hoàng không chỉ tới Jordan để chúc phước lành cho các nỗ lực chính thức về đối thoại. Mục đích của ngài là đến với một khối thính giả lớn lao hơn và khơi động một số điều đáng suy tưởng. Bài diễn từ của ngài đọc trước các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Amman do đó trở lại đề tài đức tin và lý trí, một đề tài đã gây ra bao điều tranh cãi tại Regensburg (Đức) vào năm 2006. Lần này, ngài lựa lọc chữ nghĩa cẩn trọng hơn, nhưng tiếp tục nhấn mạnh rằng khi tôn giáo tách rời khỏi lý trí thì dễ mắc phải “sự thao túng về ý thức hệ” có thể làm khơi động lên những mối căng thẳng và bạo lực trong xã hội..

Tiến trình của ngài là xây dựng những nhịp cầu bằng cách xác định những tếng nói ôn hòa trong Hồi giáo. Chẳng hạn, khi lên tiếng về “mâu thuẫn căn bản trong việc nhân danh Thượng Đế mà dùng bạo lực hoặc trừ khử”, ngài trưng dẫn các thông điệp Hồi giáo từ những năm gần đây.

Dĩ nhiên, đối với hầu hết mọi người, thì những cuộc thăm viếng của Đức giáo hoàng tạo được kết quả trên một bình diện ít có vẻ trí thức hơn. Đức giáo hoàng đã có thể gây được thiện cảm nhiều nhất tại Jordan chỉ bằng cách quàng trên vai mình một chiếc khăn trùm đầu (kaffiyeh hay shmagh), có kẻ ô vuông hai mầu đỏ trắng, mà đối với nhiều người có hàm ý về chính trị.

Khi tới Israel hôm 11 tháng 5, chiều kích liên tôn giáo trong chuyến đi của Đức giáo hoàng bỗng nhiên trở thành phức tạp. Ngài khởi đầu bằng hành động tưởng niệm 6 triệu người Do thái bị giết trong nạn Holocaust, và lên án chủ nghĩa bài Do thái. Cùng ngày, ngài tới thăm Yad Vashem, nơi tưởng niệm nạn diệt chủng Do thái, gặp gỡ 6 nạn nhân sống sót và cảm kích nói về thảm kịch của các nạn nhân.

Tất cả những hành động đó là để tái lập lại hình ảnh Giáo hoàng Benedict thành một người bạn của người Do thái và của Do thái giáo. Nhưng những lời phê phán lại pha trộn hỗn tạp, lý do chính là vì Đức giáo hoàng, một người sinh trưởng tại Đức, từng sống dưới chế độ Quốc xã, tại đài tương niệm đã không nói về những kẻ thủ phạm đã gây ra nạn Holocaust.

Các viên chức Tòa thánh nhấn mạnh rằng Đức giáo hoàng đã đề cập trong nhiều dịp trước đây về tội ác đối với nhân loại của chế độ Quốc xã. Điều đó có thể đúng, nhưng việc xảy ra tại Yad Vashem nói lên rằng rằng phong cách dè dặt và sự ngần ngại của ngài trong việc công khai chia sẻ những cảm nghiệm cá nhân đôi khi có thể làm giảm đi những xúc cảm đáng lẽ có được trong một thời điểm như thế.

Phiên họp đối thoại liên tôn giáo của Đức giáo hoàng vào buổi chiều cùng ngày chẳng may bị trật đường rầy do hành động của một giáo sĩ Hồi giáo đứng lên tố cáo chính sách của Israel, làm cho các đại diện Do thái giáo bước ra khỏi phòng. Cùng với sự việc đó, Đức giáo hoàng đã nhúng chân sâu vào tình hình chính trị của khu vực này.

Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đụng chạm tới mọi sinh hoạt trong vùng Đất Thánh, thế nên không lạ gì khi đến chỗ nào Đức giáo hoàng cũng nghe được những lời than vãn, rầy la. Đặc biệt là tại thành phố Bethlehem trong vùng Tây Ngạn, suốt một ngày nơi lãnh địa Palestine này, diễn giả nọ tiếp theo diễn giả kia – cả đến những nhà lãnh đạo giáo hội địa phương – đã tố giác cuộc chiếm đóng của Israel, những hạn chế về kinh tế và đi lại, những vụ tàn phá nhà cửa và giam giữ tù nhân chính trị.

Đức giáo hoàng đã giữ được một thế quân bình hơn. Một mặt, ngài bày tỏ cảm tình với người Palestine và cực lực bảo vệ quyền của họ được có một quốc gia độc lập; mặt khác, ngài đề cập đến cảnh “rối loạn” chứ không dùng chữ “chiếm đóng”, và kêu gọi thanh niên Palestine khắc phục nỗi đắng cay và bác bỏ chính sách khủng bố -- những từ ngữ mà các viên chức chính quyền Israel chắc chẳng thích nghe.

Ngài kịch liệt phản đối bức tường an ninh cao 26 feet của người Israel, cắt xuyên qua vùng Tây Ngạn như một vết thẹo bằng bê tông, gọi đó là một trong những “cảnh quan buồn thảm nhất” trong cuộc tông du, và một biểu hiệu bi thương trong mối liên lạc giữa Israel và Palestine. Nhưng ngay cả tại đây, ngài đã cẩn trọng tránh lời khiển trách, chi đề cập đến “những thù hận đã tạo ra việc xây dựng bức tường này” chứ không gọi là “sự đàn áp” mà những người chủ nhà Palestine ồn ào kết tội.

Phương pháp Đức giáo hoàng dùng là sự khích động về luân lý đạo đức của một người hành hương. Chẳng hạn, khi gặp gỡ Tổng thống Israel là Shimon Peres, ngài khai thác ý nghĩa trong thánh thư Do thái của từ “an ninh”, từ ngữ này không chỉ có nghĩa là thiếu sự đe dọa mà còn có nghĩa là xây dựng niềm tin.

Tại Đất Thánh, Đức giáo hoàng đã làm nhiều hơn việc chỉ là rao giảng. Ngài cũng đã lắng nghe rất nhiều, các vị phụ tá của ngài cho biết như thế. Vì mỗi một bài diễn từ của ngài, lại có đến ba hay bốn diễn văn của chủ nhà.

Người phát ngôn của Tòa thánh, linh mục Dòng Tên Federico Lombardi nói: “Tôi nghĩ là việc đó cho ngài hiểu biết sâu xa hơn về tình hình và các khó khăn của vùng Đất Thánh và Trung Đông.”

Cuộc tông du này có nhiều khoảnh khắc đáng chú ý, nhưng có một giây phút nổi trội: Tại một cuộc họp liên tôn giáo ở Nazareth, Đức giáo hoàng và các nhà lãnh đạo Kitô giáo, Hồi giáo, Do thái và giáo phái Druze cầm tay nhau khi cầu nguyện trong lúc một bản thánh thi hòa bình được hát lên. Đây là một thành quả nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa trên bước đường hành hương của ngài.
 
Đức Thánh Cha và Thủ Tướng Do Thái thảo luận về hòa bình
Bùi Hữu Thư
21:04 15/05/2009

Đức Thánh Cha và Thủ Tướng Do Thái thảo luận về hòa bình



NAZARETH, Do Thái, ngày 14, tháng 5, 2009
(Zenit.org).-Mặc dầu chính sách của Tòa Thánh về Trung Đông không phù hợp với chính sách của thủ tướng Do Thái, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã tiếp xúc với vị lãnh tụ này ngày hôm nay để thảo luận về việc cải tiến phương thức đạt tới hòa bình.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiếp Đức Thánh Cha hôm nay trong một cuộc gặp gỡ riêng tư và ngắn gọn trong 15 phút tại một nhà dòng Phanxicô tại Nazareth.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông Vatican cho biết cuộc đàm thoại “tập trung vào vấn đề làm sao để xúc tiến phương thức hòa bình."

Ông Netanyahu không ủng hộ ý kiến về một quốc gia Palestin độc lập tại Trung Đông.

Về phần ngài, Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định với Tổng Thống Mahmoud Abbas, chính quyền Palestin ngày Thứ Tư là “Tòa Thánh yểm trợ quyền của dân chúng Palestin là có một quê hương Palestin tại đất đai của tổ tiên của ông, được an toàn và sống chung hòa bình với láng giềng, bên trong ranh giới được quốc tế công nhận."

Tuy vậy, ông Netanyahu vẫn bầy tỏ sự hài lòng về chuyến viếng thăm trên đài truyền hình Do Thái. Ông nói ông đã xin Đức Thánh Cha yểm trợ cho tình trạng đối với Iran. Tổng Thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã kêu gọi chấm dứt tình trạng có một quốc gia Do Thái.

Ủy Ban Hoạt Động Thường Trực Song Phương Do Thái - Tòa Thánh cũng nhóm họp trong khoảng 20 phút, để tiếp tục thảo luận về Thỏa Hiệp Căn Bản năm 1993.
 
Đức Thánh Cha kết thúc cuộc viếng thăm tại Thánh Địa
G. Trần Đức Anh OP
22:44 15/05/2009
ROMA. Lúc 16 giờ 43 phút chiều 15-5-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã về đến Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp 8 ngày viếng thăm tại Thánh Địa.

Ra đón ngài tại Phi trường Ciampino, có Ông Gianni Letta, Thứ trưởng tại Phủ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, và ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma. Liền đó ngài đáp trực thăng về Vatican.

Trước đó, vào ban sáng, ngài đã có một số hoạt động đại kết: đến tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp ở Jerusalem để gặp gỡ các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô tại Thánh Địa, rồi viếng thăm Mộ Chúa Giêsu gần đó. Tiếp đến, vào lúc 11 giờ, ngài tới thăm Tòa Thượng Phụ Giáo Hội Arméni tông truyền, trước khi đáp trực thăng tới phi trường Tel Aviv. Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.

Gặp gỡ các vị lãnh đạo Kitô tại tòa Thượng Phụ

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp ở Jerusalem, cách tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Jerusalem lối 4 cây số, vốn có một lịch sử cổ kính. Sau cuộc ly giáo của Chính Thống khỏi Công Giáo hồi năm 1054, Tòa Thượng Phụ này ủng hộ Đức Thượng Phụ Chính Thống ở Constantinople. Cho đến nay, hàng giáo phẩm thuộc tòa Thượng Phụ này đều là người Hy Lạp, trong khi các GM và giáo dân đều là người Arập. Tình trạng này nhiều khi gây căng thẳng trong nội bộ của Giáo Hội này, gồm 40 ngàn tín hữu tại Israel và các lãnh thổ của Palestine. Ngoài ra có lối 20 ngàn tín hữu Chính Thống tại Giordani cũng thuộc quyền Tòa Thượng Phụ Chính Thống hy lạp ở Jerusalem.

Một điều quan trọng là Tòa Thượng Phụ này có Huynh Đoàn Thánh Địa, hoàn toàn là Hy Lạp, có nhiệm vụ quản thủ và điều hành các nơi thánh. Thực vậy, Giáo Hội Chính Thống sở hữu nhiều nhà thờ và tu viện ở Thánh Địa, trong đó có phần lớn Đền Thờ Mộ Thánh, một phần đồi Canvê, Vương cung thánh đường Giáng Sinh, Nhà thờ Chúa Lên Trời, v.v.

Vị Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp ở Jerusalem hiện nay là Đức Teofilo III, 57 tuổi, được bầu lên cách đây 4 năm để thay thế Đức Thượng Phụ Ireneo I bị tố cáo là bán các bất động sản của Giáo Hội Chính Thống cho Israel.

Đến nơi vào lúc quá 9 giờ sáng 15-5-2009, ĐTC đã được Đức Thượng Phụ Teofilo III đón tiếp và mời vào Phòng khánh tiết nơi đã có các đại diện của 13 cộng động Kitô khác chờ sẵn, trong đó có cả các vị đại diện Anh giáo và Tin Lành Luther.

Trong bài diễn văn tại cuộc gặp gỡ sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp, ĐTC đề cập đến sự dấn thân đại kết các tín hữu Kitô trong bối cảnh đặc biệt của thành Jerusalem, là nơi liên hệ đặc biệt tới cuộc đời Chúa Kitô và các môn đệ của Ngài cũng như cộng động Kitô đang gặp nhiều khó khăn tại đây về mặt sống chung dân sự cũng như những cọ xát về mặt xã hội. Ngài nói:

”Đứng tại nơi thánh này, dọc theo Nhà Thờ Thánh Mộ, đánh dấu nơi Chúa chúng ta đã chịu đóng đanh và sống lại từ cõi chết cho toàn thể nhân loại, và gần nhà tiệc ly, nơi mà trong ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ tụ họp nhau (Cv 2,1), ai có thể không cảm thấy được thúc đẩy phải mang tất cả thiện chí, kiến thức nghiên cứu và ước muốn tinh thần để đóng góp vào nỗ lực đại kết của chúng ta? Tôi cầu nguyện để cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay mang lại một đà tiến mới cho công cuộc đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống, đóng góp thêm vào những thành quả của các văn kiện nghiên cứu và những sáng kiến chung khác.

Ngoài những thành quả trên đây, ĐTC cũng hài lòng nhắc đến sự tham dự của Đức Thượng Phụ chung ở Constantinople, Bartolomaios I tại Thượng HĐGM thế giới mới đây tại Roma, đồng thời ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiệp nhất, cũng như mối liên hệ sâu xa giữa việc hiệp nhất các tín hữu Kitô và công cuộc truyền giáo. Ngài nói:

”Chúng ta muốn công bố sứ điệp hòa giải của Chúa Kitô, Đấng là nền tảng sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, chúng ta cảm thấy xấu hổ vì sự chia rẽ của chúng ta. Tuy nhiên, được Chúa Kitô sai đi trong thế giới (Ga 20,21), và được vững mạnh nhờ quyền năng hiệp nhất của Chúa Thánh Linh (ibid. 20,21), được kêu gọi loan báo sự hòa giải lôi kéo mọi người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, chúng ta phải tìm được sức mạnh để gia tăng gấp đôi những cố gắng để kiện toàn sự hiệp thông của chúng ta, làm cho sự hiệp thông ấy được trọn vẹn, để cùng làm chứng về tình yêu của Chúa Cha, Đấng đã sai Con của Ngài đến để thế gian nhận biết tình thương của ngài đối với chúng ta (Ga 17,23).

Tiếp tục bài diễn văn, ĐTC nhận xét rằng mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng càng trở nên cấp thiết hơn do cuộc gặp gỡ hằng ngày với những người muốn được thấy Chúa Giêsu (Ga 12,22), như một nhóm người Hy lạp xưa kia đã yêu cầu thánh Philiphê. Nghĩa vụ giúp người khác nhận biết và yêu mến Chúa chính là ưu tiên mục vụ căn bản của tất cả các cộng động Kitô tại Thánh Địa.

Sau bài diễn văn, ĐTC lần lượt chào thăm các vị thủ lãnh các cộng đồng Giáo Hội Kitô khác và liền đó, ngài đi bộ đến Mộ Thánh chỉ cách đó 200 mét.

Viếng thăm Mộ Thánh

Theo đúng nghi thức, ĐTC được một đoàn vệ sĩ tháp tùng, họ dùng gậy nện mạnh xuống nền theo bước chân chậm rãi và trang trọng. Đến cửa Đền Thờ Mộ Thánh, ĐTC đã được 6 đại diện của 3 thực thể sở hữu Đền thờ này là Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, Dòng Phanxicô coi sóc Thánh Địa và Giáo Hội Armeni Tông Truyền.

Theo tương truyền, Mộ Thánh là nơi Chúa chịu đóng đanh, an táng và sống lại. Xưa kia được gọi là Golgota tức là Núi Sọ, vì có hình giống như cái sọ người. Vào thời Chúa Giêsu, nơi này ở ngoài thành Jerusalem và có lẽ cao hơn so với ngày nay. Qua dòng lịch sử nơi này bị tàn phá và tái thiết nhiều lần, và hiện nay Vương cung Thánh Đường Thánh Mộ được quản trị theo quí chế gọi là ”Status Quo”, với 3 đồng sở hữu chủ như vừa nói, nhưng các tín hữu Chính Thống Copte, Chính Thống Siri và Etiopi cũng có thể hành lễ trong Đền thờ.

Tiến vào Thánh Đường, ĐTC đã đứng im lặng cầu nguyện và cảm động quì hôn tấm bia đá xức dầu dài bằng đá vôi đỏ, có các chân nến bao quanh, tượng trưng chặng đàng thánh giá thứ 13, chỉ nơi thi hài Chúa Giêsu được tháo xuống khỏi thập giá, được xức dầu thơm. Bên trong Thánh Đường có Mộ Thánh là chặng thứ 14, có hình chữ nhật chỉ nơi an táng xác Chúa.

ĐTC được hướng dẫn viếng Mộ Thánh. Ngài quì cạnh quan tài đá và hôn phiến đá phủ trên đó, cầu nguyện trong thinh lặng.

Trong bài ngỏ lời nhân dịp này sau lời chào của Đức Thượng Phụ Fouad Twal, ĐTC cho biết cuộc viếng thăm Thánh Mộ này là một giai đoạn chủ yếu kết thúc cuộc hành hương của ngài tại Thánh Địa. Qua cuộc viếng thăm này, ngài theo vết thánh Phêrô Tông Đồ rao giảng sự sống lại của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất, mang lại sứ điệp Tin Mừng hy vọng. ĐTC nói thêm rằng:

”Ngôi mộ trống nói với chúng ta về hy vọng, một niềm hy vọng không làm thất vọng vì đó là hồng ân của Thánh Thần sự sống (Rm 5,5). Đó là sứ điệp mà tôi muốn để lại cho anh chị em hôm nay, trong lúc kết thúc cuộc hành hương của tôi tại Thánh Địa. Ước gì hy vọng tái nảy sinh, nhờ ơn Chúa, trong tâm hồn tất cả những người đang cư ngụ tại lãnh thổ này! Ước gì niềm hy vọng ăn rễ sâu trong tâm hồn anh chị em, trong gia đình và cộng đoàn anh chị em, và gợi hứng cho mỗi người anh chị em dấn thân làm chứng tá trung thành hơn nữa cho Vua Hòa Bình! Giáo Hội tại Thánh Địa, quá nhiều khi phải trải qua những kinh nghiệm của mầu nhiệm đen tối của Đồi Golgotha, không bao giờ được ngưng trở thành người can đảm công bố sứ điệp hy vọng rạng ngời mà chính ngôi mộ trống ở đây công bố. Tin Mừng trấn an chúng ta rằng Thiên Chúa có thể đổi mới mọi sự, và lịch sử không cần phải lập lại, các ký ức có thể chữa lành, và những hoa trái cay đắng của sự oán hận và đố kỵ có thể được vượt thắng, và một tương lai công lý, hòa bình, thịnh vượng, cộng tác với nhau, có thể nảy sinh cho mỗi người nam nữ, cho toàn thể gia đình nhân loại, đặc biệt là cho những người cư ngụ tại lãnh thổ này, vốn rất quí hóa đối với tâm hồn của Đấng Cứu Thế.

”Các bạn thân mến, với những lời khích lệ này, tôi kết thúc cuộc hành hương tại các nơi Thánh ghi dấu cuộc cứu độ chúng ta và sự tái sinh trong Chúa Kitô. Tôi cầu nguyện để Giáo Hội tại Thánh Địa luôn luôn kín múc sức mạnh mới mẻ từ sự chiêm ngắm mộ trống của Chúa Cứu Thế. Trong ngôi mộ này, các tín hữu Kitô được mời gọi chôn táng những lo âu và sợ hãi của họ, để sống lại mỗi ngày và tiếp tục hành trình qua những nẻo đường ở Jerusalem, miền Galilea và xa hơn nữa, rao giảng chiến thắng của sự tha thứ do Chúa Kitô và lời hứa đời sống mới. Trong tư cách là kitô hữu, chúng ta biết rằng hòa bình mà lãnh thổ bị xung đột xâu xé này mong mỏi có một danh xưbng, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ngài là an bình của chúng ta, Đấng đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất, qua Thập Giá, chấm dứt xung đột (Ep 2,14).

Thăm Tòa Thượng Phụ Arméni Tông Truyền

Liền đó, ĐTC tiến sang Tòa Thượng Phụ Arméni Tông Truyền chỉ cách đó 400 mét. Vị thượng phụ tại đây là Đức Torko Manoukian, năm nay đúng 90 tuổi. Ngài là thủ lãnh tinh thần của 10 ngàn tín hữu Arméni trên toàn Thánh Địa.

ĐTC đã được Đức Thượng Phụ cùng với hàng trăm tín hữu đón tiếp tại Nhà thờ của Tòa Thượng Phụ.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc đến quan hệ tốt đẹp giữa Giáo Hội Công Giáo và Arméni Tông Truyền, đồng thời gợi lại những cuộc gặp gỡ của ngài hồi năm ngoái với Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II của Giáo Hội này cũng như với Đức Thượng Phụ Aram I của các tín hữu Arméni Tông Truyền ở Cilicia.

ĐTC đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của Giáo Hội Arméni Tông Truyền cho Ủy ban hỗn hợp chung đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống, đặc biệt là văn kiện mới đây về bản chất và sứ mạng của Giáo Hội. Ngài nói:

”Cùng nhau chúng ta hãy phó thác công việc của Ủy ban hỗn hợp này cho Thánh Thần khôn ngoan và chân lý, để Ủy ban có thể mang lại thành quả dồi dào làm tăng trưởng sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô, và đẩy mạnh việc rao giảng Tin Mừng cho con người thời đại chúng ta. ĐTC nhận xét rằng:

”Từ những thế kỷ Kitô đầu tiên, cộng đồng Arméni tại Jerusalem đã có một lịch sử oai hùng, nổi bật về sự phát triển ngoại thường đời sống đan tu, và nền văn hóa gắn liền với các nơi thánh, và các truyền thống phụng vụ được phát triển quanh các nơi này. Nhà Thờ Chính Tòa đáng kính này, cùng với tòa Thượng Phụ và nhiều cơ sở giáo dục văn hóa phụ thuộc, chứng tỏ lịch sử lâu dài và nổi bật ấy. Tôi cầu nguyện để cộng đồng anh em tiếp tục kín múc sự sống mới tự truyền thống phong phú ấy, và được củng cố trong việc làm chứng cho Chúa Kitộ và quyền năng cứu độ sự phục sinh của ngài tại Thành Thánh này. Tôi cũng cam kết với các gia đình hiện diện nơi đây, đặc biệt là các trẻ em và người trẻ, là tôi sẽ đặc biệt nhớ đến tất cả trong kinh nguyện của tôi. Xin anh chị em cũng hãy cùng tôi cầu nguyện cho tất cả các tín hữu Kitô tại Thánh Địa biết cộng tác với nhau trong tinh thần quảng đại và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng về sự hòa giải chúng ta trong Chúa Kitô, và cho Nước Chúa hiển trị, nước thánh thiện, công lý và an bình”

Từ biệt tại Tel Aviv

Sau bài diễn văn của ĐTC, một số nhân vật của Giáo Hội Arméni Tông Truyền được giới thiệu lên ngài. Liền đó ngài trở về tòa Khâm Sứ Tòa Thánh. Tại đây, sau khi chào từ giã các nhân viên, ĐTC đã tới sân bay trực thăng núi Scopus để đáp máy bay ra phi trường Tel Aviv cách đó 50 cây số.

Tại đây, Tổng thống Shimon Peres, và thủ tướng Netanyahu cùng với các quan chức chính phủ Israel đã chờ sẵn để tiễn biệt ĐTC..

Ngỏ lời trong dịp này, tổng thống Israel đã cám ơn ĐTC vì những lời thật rõ ràng nói lên quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo loại bỏ nạn bài Do thái, và những chủ trương chối bỏ cuộc diệt chủng Do thái. Ông cũng mạnh mẽ lên án những người lợi dụng tôn giáo, giải thích sai trái các Kinh Thánh, để dùng bạo lực khủng bố giết hại những người vô tội. Tổng thống nói: ”Cuộc viếng thăm của ngài tại Thánh Địa đã đánh động tâm trí của những người lắng nghe ngài, như một sự nhắc nhớ về Shoah, và lên án nạn bài Do thái. Cuộc viếng thăm này góp phần quan trọng vào sự phát triển những quan hệ mới giữa Tòa Thánh và Israel, và là một sự chứng tỏ sâu xa về cuộc đối thoại lâu dài đã được khởi sự giữa dân tộc Do thái và hàng trăm triệu tín hữu Kitô trên thế giới”.

Về phần ĐTC, trong lời từ biệt, ngài đã chia sẻ một vài cảm tưởng mạnh mẽ mà cuộc hành hương tại Thánh Địa để lại nơi ngài và nhắc lại sự kiện đã cùng với Tổng thống Israel trồng một cây Oliu trong vườn phủ tổng thống. Cây Oliu là hình ảnh được thánh Phaolô dùng để mô tả quan hệ chặt chẽ giữa các tín hữu Kitô và Do thái. Trong thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô mô tả Giáo Hội dân ngoại giống như một nhánh Ôliu rừng, được tháp nhập vào cây Oliu đã trồng là Dân Giao Ước (Rm 11,17-24). Chúng ta được nuôi dũng bằng cùng những cội rễ tinh thần. Chúng ta gặp nhau như anh em, và những người anh em trong lịch sử đôi khi đã có những quan hệ căng thẳng, nhưng nay quyết tâm kiến tạo những nhịp cầu thân hữu lâu bền.

Nhắc đến cuộc viếng thăm tại Viện Yad Vashem tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái và tại đó ngài gặp gỡ một số những người sống sót đã chịu đau khổ vì thảm trạng diệt chủng, ĐTC nói: ”Những cuộc gặp gỡ cảm động ấy làm tôi nghĩ đến cuộc viếng thăm cách đây 3 năm tại trại tập trung Auschwitz, nơi mà quá nhiều người Do thái, cha mẹ, chồng vợ, anh chị em bạn hữu, bị tàn sát dã man dưới một chế độ không có Thiên Chúa, tuyên truyền một ý thức hệ bài Do thái và oán thù. Chương kinh hoàng ấy trong lịch sử không bao giờ được quên lãng hay chối bỏ. Trái lại, những ký ức đen tối ấy phải củng cố quyết tâm của chúng ta xích lại gần nhau hơn trong tư cách là những cành của cùng một cây ôliu, được nuôi dưỡng bằng cùng căn cội và hiệp nhất trong tình yêu huynh đệ.

ĐTC cám ơn tổng thống Israel về sự tiếp đón nồng nhiệt và hiếu khách, đồng thời nói thêm rằng: ”Tôi muốn nhắc nhớ rằng tôi đã đến viếng thăm đất nước này như một người bạn của dân Israel, cũng như tôi là người bạn của dân tộc Palestine. Các bạn hữu vui mừng được ở gần nhau, và cảm thấy đau buồn khi thấy người khác phải đau khổ. Không người bạn nào của dân Israel và Palestine không cảm thấy buồn vì những căng thẳng tiếp tục giữa hai dân tộc. Không người bản nào không khóc vì đau khổ và mất mát mà hai dân tộc đã phải chịu trong 6 thập niên qua. Xin cho phép tôi được kêu gọi tất cả dân chúng tại các lãnh thổ này rằng: xin đừng đổ máu nữa! Xin đừng đánh nhau nữa! Đừng khủng bố nữa! Đừng chiến tranh nữa! Trái lại chúng ta hãy phá vỡ cái vòng bạo lực lẩn quẩn. Hãy để cho hòa bình hiển trị lâu dài dựa trên công lý, hãy thực hiện sự hòa giải chân thành và chữa lành. Mọi người hãy nhìn nhận rằng Quốc gia Israel có quyền hiện hữu, được hưởng hòa bình và an ninh trong biên giới được thỏa thuận với quốc tế. Và cũng hãy nhìn nhận rằng dân tộc Palestine có quyền được một quê hương độc lập, được sống trong phẩm giá và tự do di chuyển. Ước gì giải pháp hai quốc gia trở thành một thực tại chứ không phải chỉ là một giấc mơ. Hãy làm cho hòa bình được tiến triển tại các lãnh thổ này, các nước này hãy trở thành một ngọn đèn cho các dân nước (Is 42,6), mang hy vọng cho nhiều miền khác đang bị xung đột làm thương tổn!” ĐTC nói thêm rằng:

”Một trong những cảnh tượng đau buồn nhất đối với tôi trong cuộc viếng thăm đất nước này là bức tường. Khi tôi đi dọc theo bức tường ấy, tôi cầu nguyện cho một tương lái trong đó các dân tộc tại Thánh Địa có thể sống với nhau trong an bình và hòa hợp, không cần những dụng cụ an ninh và chia cách như vậy, nhưng đúng hơn tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, từ bỏ mọi hình thức bạo lực và gây hấn. Thưa tổng thống, tôi biết đạt tới mục tiêu đó là điều rất khó. Tôi biết trách vụ của tổng thống và của chính quyền Palestine là rất có khăn, nhưng tôi cam kết với quí vị về lời cầu nguyện của tôi và của các tín hữu Công Giáo trên thế giới cho quí vị để quí vị tiếp tục nỗ lực xây dựng một nền hòa bình công chính và lâu bền tại miền này”.

Tổng thống và thủ tướng Israel đã tiễn ĐTC đến tận chân thang chiếc máy bay Boeing 777 của hàng hàng không El Al.

Sau gần 4 giờ bay, vượt qua 2.250 cây số, máy bay chở ĐTC đã về tới Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm thứ 12 của ngài tại hải ngoại và cũng là cuộc hành hương đầu tiên tại Thánh Địa.
 
Những Lời đáng ghi nhớ của ĐTC Bênêđictô XVI tại Israel và Palestine
Giuse Đặng Văn Kiếm
22:55 15/05/2009
1. Tổng thống và thủ tướng cùng với các quan chức chính quyền Israel, đại diện các tôn giáo và các Giám Mục Công Giáo chào đón ĐTC tại phi trường Ben Gourion của thành phố Tel Aviv. Đáp lời chào của tổng thống Peres, ĐTC nói: ”Tòa Thánh và Quốc gia Israel cùng chia sẻ nhiều giá trị, trong đó trước tiên có quyết tâm dành cho tôn giáo chỗ đứng hợp pháp trong đời sống xã hội…”.

2, ĐTC khẳng định: “Cần phải cố gắng hết sức để loại trừ nạn bài Do thái, bất kỳ nó ở đâu, và thăng tiến sự tôn trọng và quí chuộng mọi thành phần của mỗi dân, tộc, bộ lạc, ngôn ngữ và quốc gia trên thế giới” .

3. Hướng về thành thánh Jerusalem, ĐTC nói: ”Hy vọng nồng nhiệt của tôi là tất cả các tín hữu hành hương tại các nơi thánh ở Jerusalem có thể tự do lui tới các nơi ấy mà không phải chịu những giới hạn, họ được tham gia các lễ nghi tôn giáo và bảo trì một cách xứng đáng các nhà thờ phượng tại các nơi Thánh. Ước gì họ có thể chu toàn lời tiên tri của Isaia, theo đó nhiều dân nước sẽ tựu về Núi của Nhà Chúa, để Chúa dạy họ những đường nẻo của Ngài và có thể tiến được theo đường lối Chúa, con đường hòa bình và công chính, những con đường dẫn đến hòa giải và hòa hợp” (Is 2,2-5).

4. ĐTC kêu gọi cho hòa bình Đất Thánh: ”Niềm hy vọng của vô số người nam nữ và trẻ em mong được một tương lai chắc chắn và an toàn hơn tùy thuộc kết quả cuộc thương thuyết hòa bình giữa người Israel và Palestine. Hiệp với tất cả mọi người thiện chí, tôi tha thiết xin những người có trách nhiệm hãy tìm kiếm mọi con đường có thể, để tìm kiếm giải pháp đúng đắn cho những khó khăn hết sức lớn lao, để hai dân tộc có thể sống trong hòa bình nơi quê hương của họ, trong các biên cương chắc chắn và được quốc tế nhìn nhận. Tôi hy vọng và cầu nguyện để sớm có một bầu không khí tín nhiệm lẫn nhau hơn, để mọi phía có thể thực sự tiến triển trên con đường hòa bình và ổn định”.

5. Tại Đền Thờ Hồi Giáo Jerusalem, ĐTC khẳng định: “Trong một thế giới bị xâu xé đau thương vì chia rẽ, nơi thánh này có tác dụng như một sự kích thích, và cũng là một thách đố thúc giục mọi người nam nữ thiện chí làm việc để vượt thắng những hiểu lầm và xung đột quá khứ, để tiến bước trên con đường đối thoại chân thành, nhắm xây dựng một thế giới công lý và hòa bình cho các thế hệ mai sau… Những người tuyên xưng danh Chúa đều được ủy thác nhiệm vụ cố gắng không biết mệt mỏi để sống ngay chính, đồng thời noi gương tha thứ của Chúa, vì công lý và từ bi đều nhắm tới sự sống chung hòa hợp và an bình của gia đình nhân loại”.

6. Tại Bức Tường Than Khóc, sau khi cầu nguyện thinh lặng, ĐTC nhét một miếng giấy nhỏ vào khe tường với lời nguyện: ”Lạy Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacob, xin lắng tiếng kêu của những người sầu khổ, sợ hãi và túng thiếu, xin Chúa ban an bình cho Thánh Địa, cho miền Trung Đông, trên toàn thể gia đình nhân loại, xin đánh động tâm hồn của tất cả những người kêu cầu danh Chúa, để họ khiêm tốn tiến bước trên con đường công lý và cảm thông. Thiên Chúa từ nhân đối với những người mong đời Ngài, cho các linh hồn tìm kiếm Ngài” (Lam 3,25).

7. Gặp gỡ tại Trung Tâm Hechal Shlomo, trụ sở của tòa Đại Rabbi Israel, gồm hai vị Đại Rabbi Sefardita và Ashkenazita của Israel cùng với Tối cao pháp viện tôn giáo của nước này, ĐTC nói: ”Người Do thái và Kitô đều quan tâm bảo đảm sự tôn trọng tính chất thánh thiêng của sự sống con người, vị trí trung tâm của gia đình, nền giáo dục tốt đẹp cho người trẻ, tự do tôn giáo và lương tâm để có một xã hội lành mạnh. Những đề tài đối thoại này chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu của điều mà chúng ta tin là sẽ một cuộc hành trình lâu bền, từ từ tiến đến một sự cảm thông sâu xa đối với nhau. Một hướng đi cho loạt gặp gỡ này đã được thấy qua mối quan tâm chung đứng trước trào lưu duy tương đối về luân lý và những thương tổn mà trào lưu này gây ra chống lại phẩm giá con người” .

8. Gặp gỡ tại Nhà Tiệc Ly với các vị Thượng Phụ, Giám Mục, nói chung là các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa, trong đó có cả Cha Bề trên và đông đảo các tu sĩ dòng Phanxicô tại đây, ĐTC chia sẻ: “Anh em hãy tin cậy nơi sự ủng hộ và khuyến khích của tôi trong lúc anh em làm tất cả những gì có thể để giúp các anh chị em Kitô ở lại và phát triển tại đây, nơi phần tất của tổ tiên và trở thành những sứ giả, những người thăng tiến hòa bình. Tôi đánh giá cao nỗ lực của anh em trong việc giúp đỡ về các giá trị và những nguyên tắc, để họ giữ vai trò của mình trong xã hội, như những công dân trưởng thành và có tinh thần trách nhiệm. Qua việc giáo dục, chuẩn bị nghề nghiệp và các sáng kiến xã hội và kinh tế, điều kiện sống của họ được nâng đỡ và cải tiến. Về phần tôi, tôi lập lại lời kêu gọi các anh chị em trên thế giới hãy hỗ trợ và nhớ đến các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa và Trung Đông trong kinh nguyện”.

9. Giảng Thánh lễ tại Thung lũng Josaphat, đối diện với Vương cung thánh đường Giệtsimani và Vườn Cây Dầu, ĐTC nói: “Tụ họp nhau dưới thành của thành phố này, thành thánh đối với tín đồ của 3 tôn giáo lớn, làm sao chúng ta có thể không nghĩ đến ơn gọi phổ quát của thành Jerusalem? Ơn gọi này được các ngôn sứ công bố, và là một sự kiện thông thể phủ nhận, một thực tại ăn rễ sâu nơi lịch sử phức tạp của thành này và các dân tại đây. Người Do thái, Hồi giáo cũng như Kitô giáo đều coi thành này là nhà tinh thần của mình. Có bao nhiêu điều cần phải làm để Jerusalem thực sự là thành hòa bình cho mọi dân tộc, nơi mà mọi người có thể đến hành hương, tìm kiếm Chúa, và nghe tiếng Chúa, một tiếng nói về hòa bình” (Tv 85,8).

10. ĐTC nói tiếp: ”Tại đây, tôi muốn trực tiếp nói đến một thảm trạng, vốn là nguồn lo âu cho những ai yêu mến thành thánh và đất nước này, đó là sự di cư của quá nhiều phần tử các cộng đồng Kitô trong những năm gần đây. Trong khi những lý do có thể hiểu được làm cho nhiều người, nhất là người trẻ, di cư ra nước ngoài, quyết định này làm cho thành thánh trở nên nghèo nàn nhiều về văn hóa và tinh thần. Hôm nay, tôi muốn lập lại điều đã nói trong những dịp khác rằng: tại thánh địa này có chỗ cho mọi người! Tôi thúc giục chính quyền hãy tôn trọng, nâng đỡ và đề cao giá trị sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại đây. Tôi cũng muốn bảo đảm với anh chị em về tình liên đới, yêu thương và nâng đỡ của toàn thể Giáo Hội và của Tòa Thánh”.

11. Trong lễ nghi tiếp đón tại quảng trường trước dinh tổng thống Palestine, ĐTC chia sẻ: ”Tôi biết các bạn đã đau khổ và tiếp tục đau khổ chừng nào vì các giao dộng đã gây tang thương cho vùng đất này từ bao thập niên qua… Các bạn đừng để cho các mất mát sự sống và các tàn phá, mà các bạn đã chứng kiến, khơi dậy các cay đắng hay thù hận trong lòng. Hãy can đảm chống lại mọi cám dỗ sử dụng bạo lực hay khủng bố phá hoại. Trái lại, hãy làm sao để cho tất cả những gì các bạn kinh nghiệm, canh tân sự quyết tâm xây dựng hòa bình. Hãy làm sao để nó làm cho các bạn tràn đầy ước mong sâu thẳm cống hiến phần đóng góp lâu dài cho tương lai của đất Palestina, để nó có thể có một chỗ đứng đúng đắn trong bối cảnh thế giới”.

12. Giảng Thánh lễ tại quảng trường Máng Cỏ Bethlehem, cách dinh tổng thống 2.5 cây số, ĐTC nhắc lại lời “Đừng sợ hãi” mà thiên thần nói với các mục đồng: “Đừng sợ hãi!... Anh chị em hãy là các chứng nhân của quyền năng sự sống, sự sống mới mà Chúa Kitô phục sinh trao ban, sự sống có thể soi sáng và biến đổi cả bóng tối và các tình trạng tuyệt vọng của con người. Đất nước của anh chị em không chỉ cần có cơ cấu kinh tế mới và các cơ sở thiêng liêng hạ tầng mới mà thôi, nhưng quan trọng nhất là khả năng thu hút năng lực của các người thiện chí phục vụ giáo dục, phát triển và thăng tiến thiện ích chung. Anh chị em có khả thể xây dựng nền văn minh hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, và bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái anh chị em. Nhiệm vụ cao qúy này đang chờ đợi anh chị em. Đừng sợ”.

13. Chia sẻ với dân chúng trong trại ti nạn Aida cách Bethlehem 2 cây số, ĐTC cảm nhận nỗi đau khổ của dân tị nạn cũng như của toàn dân Palestine, hỗ trợ mong ước của họ được sống trong một quốc gia an bình. ĐTC khẳng định rằng giải pháp dài hạn cho cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel chỉ có thể là giải pháp chính trị. Không ai nghĩ rằng người Palestine và Israel tự mình có thể đạt tới giải pháp đó, vì thế sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là điều tối quan trọng: ”Tôi tái kêu gọi tất cả các phe liên hệ hãy dùng ảnh hưởng của mình để giúp đạt tới một giải pháp chính đáng và lâu bền, tôn trọng những yêu cầu hợp pháp của mọi phía, và phù hợp với công pháp quốc tế”.

14. Ngỏ lời trong lễ nghi từ biệt diễn ra trong sân của dinh tổng thống Palestine, ĐTC phát biểu: “Cần phải lấy đi các bức tường mà chúng ta xây lên chung quanh con tim chúng ta, phải lấy đi các hàng rào mà chúng ta dựng lên chống lại tha nhân. Vì thế… tôi muốn lập lại lời kêu gọi cởi mở và quảng đại tâm trí, chấm dứt sự bất khoan nhượng và loại trừ. Cho dù cuộc xung đột xem ra không có lối thoát và sâu đậm, cũng luôn luôn có các lý do để hy vọng rằng có thể giải quyết được nó, và các nỗ lực kiên trì của những người hoạt động cho hòa bình và hòa giãi sẽ đem lại hoa trái”.

15. Trong Thánh lễ tại hý trường thiên nhiên cánh đồng Núi Vực Thẳm, nơi Chúa Giêsu đã trừ quỉ, ĐTC nêu bật tấm gương của Thánh Gia Nazareth như một điều hết sức cần thiết cho xã hội ngày nay: “Gia đình dựa trên sự chung thủy trọn đời của một người nam và một người nữ, được thánh hóa bằng giao ước hôn nhân... Những người nam nữ thời nay cần phải tái lãnh hội chân lý căn bản này dường nào, một chân lý làm nền tảng cho xã hội và chứng tá của các đôi vợ chồng quan trọng dường nào đối với việc huấn luyện lương tâm con người và kiến tạo một nền văn minh tình thương…”.

16. Và ĐTC nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc “kiến tạo một môi trường trong đó trẻ em học yêu thương và chăm sóc tha nhân, sống lương thiện và tôn trọng mọi người, thực hành các đức tính từ bi và tha thứ”.

17. Gặp gỡ các vị lãnh đạo Kitô tại Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp ở Jerusalem, ĐTC mời gọi: “Chúng ta phải tìm được sức mạnh để gia tăng gấp đôi những cố gắng để kiện toàn sự hiệp thông của chúng ta, làm cho sự hiệp thông ấy được trọn vẹn, để cùng làm chứng về tình yêu của Chúa Cha, Đấng đã sai Con của Ngài đến để thế gian nhận biết tình thương của ngài đối với chúng ta” (Ga 17,23).

18. Tại Mộ Thánh là nơi Chúa Giêsu chịu đóng đanh, an táng và sống lại, ĐTC quì cạnh quan tài đá và hôn phiến đá phủ trên đó, và cầu nguyện trong thinh lặng. Sau đó, ĐTC nói: “Không bao giờ được ngưng trở thành người can đảm công bố sứ điệp hy vọng rạng ngời mà chính ngôi mộ trống ở đây công bố. Tin Mừng trấn an chúng ta rằng Thiên Chúa có thể đổi mới mọi sự, và lịch sử không cần phải lập lại, các ký ức có thể chữa lành, và những hoa trái cay đắng của sự oán hận và đố kỵ có thể được vượt thắng, và một tương lai công lý, hòa bình, thịnh vượng, cộng tác với nhau, có thể nảy sinh cho mỗi người nam nữ, cho toàn thể gia đình nhân loại…”.

19. Bước sang Tòa Thượng Phụ Arméni Tông Truyền chỉ cách đó 400 mét, ĐTC mời gọi: “Xin anh chị em cũng hãy cùng tôi cầu nguyện cho tất cả các tín hữu Kitô tại Thánh Địa biết cộng tác với nhau trong tinh thần quảng đại và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng về sự hòa giải chúng ta trong Chúa Kitô, và cho Nước Chúa hiển trị, nước thánh thiện, công lý và an bình”.

20. Tại phi trường Ben Gourion, trước khi lên phi cơ trở về Rôma, ĐTC kêu gọi: “Xin đừng đổ máu nữa! Xin đừng đánh nhau nữa! Đừng khủng bố nữa! Đừng chiến tranh nữa! Trái lại chúng ta hãy phá vỡ cái vòng bạo lực lẩn quẩn, hãy để cho hòa bình hiển trị lâu dài dựa trên công lý, hãy thực hiện sự hòa giải chân thành và chữa lành”.

ĐTC đã về tới Rôma bằng an, kết thúc tốt đẹp cuộc hành hương Đất Thánh tại Jordan, Israel và Palestine, từ ngày 8 tới 15 tháng 5 năm 2009.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn CGVN tại Vermont và Ngày Hiền Mẫu
Lại Thế Lãng
01:41 15/05/2009
VERMONT - Hôm Chúa nhật 10/5, Chúa nhật thứ hai trong tháng hoa, Cộng đoàn đã tề tựu đông đủ tại nhà thờ Đồng Chính tòa Saint Joseph ở Burlington để tham dự cuộc rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ. Hôm nay cũng là ngày Hiền Mẫu nên còn có thêm phần vinh danh các bà mẹ.

Theo chương trình đã hoạch định thì phần vinh danh các bà mẹ sẽ diễn ra sau các nghi thức rước kiệu, dâng hoa và thánh lễ. Tuy nhiên vì cha linh hướng phải vượt một đoạn đường khá dài lại gặp một vài trở ngại nhỏ trên đường đi đã đến không kịp nên chương trình phải thay đổi. Do đó phần vinh danh đã được tiến hành trước trong lúc chờ đợi cha linh hướng.

Mở đầu phần vinh danh là bản Lòng Mẹ của Y Vân do các cháu của trường Việt ngữ trình diễn. Phần trình diễn này đã được các thầy, cô chuẩn bị và dàn dựng khá công phu. Đứng đối diện với các hàng ghế trong nhà thờ, các cháu được chia thành hai nhóm. Nhóm nhỏ gồm các cháu khoảng sáu, bảy tuổi. Số còn lại lớn tuổi hơn được họp thành nhóm thứ hai.

Nhóm nhỏ dược phân công hát một số câu trong bài hát, một số nữ trong nhóm lớn hát một số câu khác trong lúc số còn lại cùng phụ họa. Thật là cảm động khi nghe “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” được hát lên từ miệng của các cháu nói tiếng Việt còn chưa sõi. Cũng không kém cảm động khi các cháu lần lượt gửi đến mẹ của mình những lời lẽ của chính các cháu được hướng dẫn viết sẵn trên một tấm card. Những lời lẽ thật đơn sơ, giản dị nhưng dễ thương làm sao! Có cháu ví mẹ mình như một bông hoa, có cháu cám ơn mẹ đã cho uống thuốc khi đau bệnh, có cháu cho rằng mẹ mình là người mẹ tốt nhất v.v. Sau khi đã đọc lên những lời lẽ nói về mẹ mình, các cháu cùng tiến đến các hàng ghế có mẹ mình để trao tặng mẹ một bông hoa cẩm chướng cùng với tấm card vừa đọc cho mọi người nghe.

Nối tiếp chương trình vinh danh, một vị đại diện phụ nữ trong Cộng đoàn đã tuyên dương ba người mẹ tiêu biểu trong cộng đoàn. Người mẹ thứ nhất có con bệnh nan y phải thức khua dậy sớm lo cho con trong lúc cũng phải chu toàn những bổn phận khác ở trong gia đình và ngoài xã hội. Người mẹ thứ hai dù mắc bệnh hiểm nghèo, phải chống chọi với đau đớn vẫn quan tâm lo lắng cho con cái. Người mẹ thứ ba vô cùng đau khổ vì người con bê tha nhưng vẫn kiên trì chịu đựng hy vọng một ngày đứa con sẽ hồi tâm.

Bài Bông Hồng Cài Áo (Phạm Thế Mỹ & Nhất Hạnh) được hát làm nền khi những lời tuyên dương được nói bằng tiếng Việt cũng như khi được dịch sang tiếng Anh. Bài hát được hai giọng nữ thay nhau trình bày lúc nhỏ lúc to, khi trầm khi bổng đã làm cho nhiều người thổn thức, không cầm được nước mắt.

Cũng trong phần vinh danh, một đại diện nam giới đã phát biểu ngỏ lời tri ân những bà mẹ, những người vợ. Ông thổ lộ rằng “cánh đàn ông chúng tôi” đôi khi đã không “ga-lăng” đủ đối với người mẹ, người vợ của mình nhưng trong thâm tâm thì không bao giờ quên được công lao của họ trong việc quán xuyến gia đình, giáo dục con cái….

Phần vinh danh kéo dài hơn 30 phút kết thúc vào đúng lúc cha linh hướng vừa có mặt. Cuộc rưóc kiệu Đức Mẹ đã được xúc tiến ngay. Đi đầu đoàn rước là thánh gía nến cao, tiếp theo là trẻ nhỏ rồi người lớn, toán dâng hoa, kiệu Đức Mẹ và sau cùng là linh mục chủ tế. Đức Mẹ được đặt sát gian cung thánh hướng về phía giáo dân và nghi thức dâng hoa đã diễn ra ngay sau đó.

Mười thiếu nữ trong tóan dâng hoa được chia thành năm cặp. Mỗi cặp mặc áo dài cùng màu sắc với những cành hoa cằm trên tay. Theo điệu nhạc của bản Hoa Thơm Dâng Mẹ của tác gỉa Thế Thông, từng màu hoa xanh, hồng, trắng, tím, vàng được dâng lên trước nhan Mẹ. Với những thao tác nhịp nhàng, uyển chuyển, lại là lần đầu tiên Cộng đoàn tổ chức dâng hoa, toán dâng hoa đã được mọi người chăm chú theo dõi.

Sau phần dâng hoa là thánh lễ. Trong bài giảng linh mục chủ tế đã xoay quanh chủ đề nói về tháng Đức Mẹ, về Mẹ Giáo hội và về những người mẹ trần thế. Linh mục cũng nhắc nhở mọi người nhớ đến và cầu nguyện cho những người mẹ đã qua đơì. Cuối thánh lễ linh mục chủ tế đọc lời nguyện và ban phép lành riêng cho những bà mẹ hiện diên trước khi ban phép lành chung cho mọi người.

Trong ngày Hiền mẫu, cùng với việc tôn vinh Mẹ trên trời, vinh danh Mẹ trần thế, Cộng đoàn không quên cầu nguyện cho Mẹ Giáo hội. Trong lời nguyện giáo dân, Cộng đoàn cầu nguyện cho sự hiệp thông trong toàn thể Giáo hội, đặc biệt xin cho tinh thần hiệp thông được triển nở trên quê hương Việt Nam để trong tinh thần ấy mọi thành phần dân Chúa cùng nhau làm chứng tá cho Tin Mừng giữa lòng dân tộc.
 
Làm thế nào để quản lý tốt việc con cái xử dụng Internet?
Trần Văn Cảnh
02:22 15/05/2009
PARIS - Tiếp tục truyền thống tốt đẹp, chiêu thứ bảy 09-05-2009 từ 15 đến 17 giờ, tại GXVN Paris, ngày Gia Đình đã được tô chức với sự tham dự đông đảo của các phụ huynh có con em sinh hoạt trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Đề tài thảo luận là: “Xử dụng Internet và những ảnh hưởng của nó trong đời sống gia đình, đặc biệt dến các em thiếu nhi từ 6 đến 17 tuổi và làm thế nào để quản lý tốt việc xử dụng Inernet”.

Anh Giang Minh Đức, người điều hành chung buổi thảo luận, trước tiên giới thiệu các vị trong Ban Mục Vụ Gia Đình hiện diện như BS Tạ Thanh Minh, GS Trần Văn Cảnh, GS Tạ Thanh Minh Khánh, BS Bích Hiên, Cha Đinh Đồng Thượng Sách, Thày Phạm Bá Nha. Anh Đức cũng giới thiệu các anh chị nhóm gia đình trẻ, trách nhiệm buổi hội thảo hôm nay: Anh Giang Minh Đức, Phạm Trung Hiền, Nguyễn Thanh Phong, Trần Thiện Hải, Chị Liên Phuong, Chị Kim Phượng, Chị Giao Phương. Rồi anh mời cha Sách nói lời khai mạc.

Được mời nói lời mở đầu, cha Đinh Đồng Thượng Sách đã đưa ra một định nghĩa nguyên ngữ: được ghép bởi hai chữ: « Inter » có nghĩa là nối kết với nhau, « Net » có nghĩa là cái lưới, Internet có thể được hiểu như cái lưới thông tin và truyền thông nối kết mọi người lại với nhau. Cha cho rằng đề tài trao đổi năm nay về Internet là rất cân thiết và thực tế đối với các phụ huynh. Internet, mạng lưới toàn cầu, đặc biệt được các trẻ em ấu thiếu ưa thích và xử dụng. Internet là một dụng cụ lan tràn khắp nơi: trong gia đình, trong trường học, trong xưởng thợ, trong xã hội. Bất cứ chỗ nào, ở đâu, hầu như ai ai cũng xử dụng Internet. Vấn đề bởi vậy không phải là « Nên hay không nên xử dụng Internet » ? Nhưng vấn đề là « Làm thế nào để quản lý tốt việc con cái xử dụng Internet » ? Cha cám ơn các anh chị Nhóm Gia Đình Trẻ đã chuẩn bị buổi hội thảo và chúc các phụ huynh trao đổi tốt đẹp.

Anh Giang Minh Đức dẫn nhập đề tài: Internet bắt nguồn từ chữ Inter Connected Netword, ra đời vào năm 1960 dùng để chuyển tải thông tin. Năm 1990 Internet được đem áp dụng vào trong kỹ nghệ và phát triển mau chóng trong việc chuyển tải tư liệu đại chúng dưới nhiều hình thức và rất đa dạng: chat, gặp gỡ, trao đổi trực tuyến, nhật ký tin học, tube hình, vidéo, thư liệu đủ loại, hình ảnh, phóng sự, tìm tin tức, thư từ liên lac, mua bán thương mại, làm quen trên mạng, nhiều trò chơi giải trí,… Ngày nay hầu hết trong mỗi gia đình đều có ít nhất một máy vi tính để xử dụng tại gia.

1. Thảo luận và trao đổi giữa các phụ huynh

Sau phần giới thiệu tổng quát của anh Giang Minh Đức, Anh Trân Thiện Hải và anh Nguyễn Thanh Phong luân phiên nhau hướng dẫn điều hành thảo luận và trao đổi với các phụ huynh, qua hai phần rõ rệt: phần trao đổi tổng quát và phần trao đổi về các nhu liệu kỹ thuật.

Xử dụng Internet giúp cho chúng ta tìm thông tin, liên lạc, giải trí, học hỏi nhiều và có thể tìm bất cứ cái gì. Nhưng bên cạnh đó, có những mặt xấu đối với trẻ chưa đủ tuổi để tìm hiểu, đặc biệt là những trẻ từ 6 đến 17 tuổi. Hoặc có nhiều trò chơi làm đưa đến đam mê, rồi lệ thuộc, không bỏ được, sao lãng học hành, lêu lổng chơi bời, trốn đến nhà bạn bè chơi trò chơi điện tử. Đòi hỏi cha mẹ mua trò chơi,… Câu hỏi được đặt ra là phải quản lý làm sao ? Các phụ huynh hiện diện đóng góp ý kiến trên hai bình diện.

a. Đối với con cái:
• Cha mẹ nên để ý giáo dục con cái biết phân biệt cái hay cái giở, kiểm soát, theo dõi, tùy theo độ tuổi. Có thể cho phép dùng Internet, nếu chúng đã làm xong bài học ở trường, hoặc sau khi đã giúp đỡ cha me làm vài công việc vặt trong nhà.
• Nên quy định thời gian xử dụng, thí dụ không dùng Internet trong mùa chay, mùa vọng. Tìm những trò chơi có tính cách giáo dục, theo từng độ tuổi.
• Cho xem những sites lành mạnh và cùng chơi với chúng. Tránh những trò chơi bạo động….
• Cho trẻ học những môn thể thao giải trí khác, tham gia những sinh hoạt khác, như hướng đạo, thiếu nhi Thánh Thể,… Tạo cho chúng không đam mê quá trớn và bỏ được những cái tật xấu khác….
• Chọn lọc bạn bè môi trường giao tiếp. Cấm không cho chúng cho người lạ biết tên tuổi, địa chỉ của mình. Chỉ « chat » với những người đã quen biết. Lý do vì khi vào mạng, có thể kết bạn với bất cứ ai, và dễ bị lợi dụng, hẹn hò, thậm chí có thể bị bắt cóc.
• Giữa cha me và con cái phải có sự tin tưởng lẫn nhau, luôn cắt nghĩa và giải thích để khi trẻ có nhiều thắc mắc, gặp khó khăn, nó không ngần ngại trao đổi tự nhiên với cha mẹ.
• Trên Internet, có những cái « blogs », gọi là nhật ký điện tử, mở ra có thể tâm sự, chia sẻ, kết bạn với người quen biết, hoặc không quen biết, ai cũng có thể vào được, nếu không khóa nó lại.
• Ngoài ra, có những sites kỳ thị, dâm dật, nói chuyện không lành mạnh. Tránh không nên vào. Cần để ý đến webcam khi xử dụng. Không nên photo hình cho ai. Có gì, phải thông báo cho cha mẹ biết liền.

b. Đối với cha mẹ:
• Có vấn đề buôn bán thương mại trên mạng. Các phụ huynh nên đề phòng. Giới hạn việc cho biết số thẻ trả tiền. Nên thông qua một dịch vụ, như Paypal, thì sự trả tiền sẽ được bảo vệ an toàn hơn.
• Một số các anh chị muốn tìm hiểu Internet hay « Chat » làm quen trên mạng. Lúc đầu, là để giải trí. Sau trở thành một thói quen và thành nghiền, làm sao nhãng việc gia đình. Quen với người khác, dễ đi đến mất hạnh phúc gia đình.
• Có nhiều cha mẹ cho ý kiến: « nên đặt máy điện toán ở phòng khách hay nơi sinh hoạt thường xuyên của gia đình hoặc ở một vị trí thuận tiện cho việc kiểm soát.
• Luôn luôn để ý theo dõi việc con cái xử dụng Internet. Chỉ xử dụng khi cần thiết. Cha mẹ làm guong cho con. Nếu cần, nên theo học vài cours điện toán để hiểu biết hơn, hầu dễ dàng hướng dẫn, thông cảm và kiểm soát con cái.
• Ngày nay đã có nhiêu phương tiện kỹ thuật giúp việc ngăn cản và kiểm soát do các opérateurs như Neuf, SFR, Free, Orange, Alice....., đề nghị. Ngoài ra còn có những logiciels trong đó có mục « contrôle parental », để giúp cha mẹ kiểm soát con em xử dụng Internet.

2. Nhu liệu kiểm soát sử dụng Internet.

Về phương diện kỹ thuật, có những dụng cụ cho phép cha mẹ hướng dẫn và kiểm soát con em sử dụng các phương tiện Internet. Anh Phạm Trung Hiền đã chiếu hình và đưa ra những góp ý sau đây:

a. Một số chức năng cần lưu ý
• Ngăn chặn virus, spam, malware, …
• Định giờ giấc sử dụng (fixer les horaires)
• Ngăn chặn những nơi không tốt trên mạng lưới Internet (blocage des sites web)
• Giới hạn các nhu liệu được dùng (limiter l’accès aux logiciels et aux jeux)
• Thanh lọc các thư từ trao đổi (filtrage des échages par emails, chat, …)
• Dễ dùng

b. Vài nhu liệu
• XOOLOO.Net (40€/ năm)
• Parental Filter (40€)
• KiddyWeb Free Edition (miễn phí)
• Free Angel (miễn phí)
• NAOMI (miễn phí)
• Các công ty cung cấp đường vào Internet cũng có những nhu liệu cho khách thuê bao (Vista, Free, Alice, Neuf, Orange, MSN, CI, …)

c. Những nhu liệu này cho phép kiểm soát những gì ?
• chọn và giới hạn dịch vụ xử dụng
• giờ giấc xử dụng
• chọn, giới hạn và ngăn chặn những trạm mình muốn hay không muốn

d. Nhưng chủ yếu vẫn là phụ huynh
• Theo dõi hoạt động của các nhu liệu (nếu có)
• Nơi đặt máy (tránh phòng riêng ở tuổi nhỏ)
• Để ý thời lượng sử dụng
• Giáo dục cách tìm hiểu và cách sử dụng
• Giải thích tại sao phải kiểm soát

e. Để tìm hiểu thêm
• http://www.controle-parental.net
• http://www.clubic.com/article-71858-1-controle-parental-solutions-enfants.html
• http://www.commentcamarche.net/telecharger/logiciel-94-controle-parental

Để giúp các phụ huynh nắm bắt được những ý tưởng chính đã được trao đổi, chị Liên Phương đã đúc kết phần thảo luận và đề nghị GS Trần Văn Cảnh làm tổng kết, kết thúc ngày gia đình. Giáo sư Cảnh đưa ra hai nhận định. Thứ nhất ông tỏ bầy niềm vui mừng được tham dự một cuộc thảo luận về một đề tài cụ thể và cần thiết hiện nay trong việc giáo dục gia đình, là việc xử dụng Internet. Thứ hai ông thấy rằng cuộc thảo luận thật rất đầy đủ. Nhưng xin nhắc đến 14 nguy hiểm của Internet mà Hội Nghị Gia Đình Pháp đã đưa ra vào năm 2005, để giúp các cha mẹ cẩn trọng hơn trong việc theo dõi con em xử dụng Internet.

Ngững nguy hiểm ấy, đại cương như: khích lệ dâm dật, bạo lực, chán ăn, chán học, chán sống, ngỗ nghịch,…thu thập dữ kiện cá nhân, quảng cáo, ức hiếp, cưỡng bách, lôi kéo vào bè đảng, giáp phái, ….thêm bớt, cắt xén sự thật, tạo ra một tư cách mê chơi trò chơi,…sao lãng việc học, bất kính cha mẹ,…cáu kỉnh anh em,…

Sau lời tổng kết của Giáo sư Cảnh, nhóm Du Ca đã đề nghị hội trường đồng ca. Bầu không khí thành vui nhận hẳn lên.

Cuối cùng GS Tạ Thanh Minh Khánh đã ngỏ lời cám ơn Cha Sách và các phụ huynh đã nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến, làm cho buổi hội thảo thành công tốt đẹp và mời các phụ huynh cộng tác với Nhóm Gia Đình Trẻ, để đưa ra đề tài thảo luận cho năm tới. Một phụ huynh đã đề nghị năm tới nên thảo luận về việc « Dậy con em nói tiếng việt trong gia đình ».

Ngày Gia Đình đã được kết thúc bằng một tấm hình lưu niệm 2009, với Cha Sách và các phụ huynh.

Paris, ngày 14 tháng 05 năm 201-09.

Nguyên Liên Phuong
Giang Minh Đức,
Phạm Trung Hiền
Trần Văn Cảnh
 
Tưởng Nhớ Đức Cố Giám Mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng: Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
Cựu Chủng Sinh LSQN
03:12 15/05/2009
Tưởng Nhớ Đức Cố Giám Mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng: Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
Nhân Dịp Sinh Nhật Lần Thứ 100 (14-5-1909--14-5-2009)

Kính thưa quý anh em,

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Cố Giám mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (14.05.1909-14.05.2009), anh em Cựu Chủng Sinh LSQN tại Đà Nẵng chúng ta xin dành ít phút để tưởng nhớ đến Ngài.

Công lao của Ngài trong công cuộc xây dựng Giáo hội Việt Nam nói chung, Giáo phận Đà Nẵng nói riêng là rất to lớn, mà chúng ta có thể tìm đọc trong tác phẩm "Một khuôn mặt lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam" do tác giả Phạm Đình Khiêm biên soạn.

Ở đây, và trong lúc này, chúng ta chỉ khiêm tốn đọc lại một vài tâm tình rất thân thương, tha thiết của Ngài đối với Giáo phận, đối với chúng ta, trong những ngày cuối đời đầy đau khổ tại nơi an dưỡng Trà Kiệu. Đồng lúc chúng ta cùng nhắc lại một vài kỷ niệm sống động của chúng ta với Ngài, để cùng tưởng nhớ đến Ngài nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của Ngài.

Xin quý anh em, chúng ta dành ít phút để cầu cho linh hồn của Cố Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được an nghỉ muôn đời trong Chúa.
Và cũng xin Ngài phù trợ cho tất cả chúng ta.

Ðôi giòng tiểu sử của Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi

* Thời thơ ấu:
Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi sinh ngày 14-5-1909 tại Tôn Ðạo, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thuộc Giáo phận Phát Diệm.
Năm 1920 được Cha Pléneau Kim (MEP) chính xứ Tôn Ðạo cho nhập trường Ba Làng (Thanh Hóa).
Năm 1921 về học tiểu chủng viện Phúc Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình. Năm 1927 mãn tiểu chủng viện và được Ðức Cha Marcou Thành chọn đi tu học tại Trường Ðại Học Truyền Giáo Rôma.

* Thời tận hiến:
Ngày 23-12-1933 thụ phong Linh Mục tại nhà thờ Thánh Gioan Laterano do Đức Hồng Y Marcheli Selvagiani chủ phong. Sau đó Ngài vẫn tiếp tục ở nội trú tại trường cũ, và theo học tại Ðại Học Apollinaire và đã tốt nghiệp các văn bằng Tiến Sĩ Triết Học, Cử nhân Thần Học và Cử nhân Giáo Luật.
Năm 1935, Ngài tiếp tục theo học Luật (Đạo và Đời) tại Ðại Học đường Paris, Pháp Quốc.
Năm 1936, ngài hồi hương và nhận chức giáo sư Ðại Chủng Viện Phát Diệm.
Năm 1944, ngài được cử làm phó Giám Ðốc của Ðại Chủng Viện này.
Năm 1946, Ðức Cha Lê Hữu Từ đặt ngài làm Chánh Án Hôn Phối Ðịa Phận đồng thời cử ngài vào Hội Ðồng Ðịa Phận. Kể từ năm 1945 đến năm 1950, ngài là vị cố vấn tin cẩn của Ðức Cha Lê Hữu Từ.
Năm 1947, Ngài được chỉ định làm Giám Ðốc Ðại Chủng Viện Phát Diệm.
Năm 1950, Ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Bùi Chu và lễ tấn phong Giám Mục được tổ chức long trọng vào ngày 4-8-1950.
Năm 1954, Ðức Khâm Sứ Dooley ủy thác Ngài thành lập Ban Hỗ trợ định cư, giúp hàng Giáo sĩ và giáo dân Bắc Việt di cư vào Nam..Ngài đã giúp xây dựng gần 300 thánh đường, trường học, nhà thương...
Ngày 5-1-1957, sau khi đã hoàn thành công tác định cư, và do sự đề cử của Ðức Khâm Sứ G. Caprio tại Saigon, Ngài được Tòa Thánh đặt làm đặc ủy Tông tòa, Phụ trách về Công Giáo Tiến Hành Việt Nam.Thời gian nay, Ngài đã soạn thảo Hiến chương,điều lệ, và phát hành tờ Việt Tiến. Ngài cũng đã mua Trung Tâm Công giáo Việt Nam ở Sàigòn, xây dựng Trung tâm huấn luyện C.G.T.H ở Đà Lạt.

Ngày 5-7-1957, Tòa Thánh bổ nhiệm Ngài làm Giám Quản Ðịa Phận Qui Nhơn, và sau đó, năm 1960 trở thành Giám Mục Chính Tòa Qui Nhơn. Trong những năm cai quản Ðịa Phận Qui Nhơn, Ngài đã mở rộng cánh đồng truyền giáo và thu hoạch về những thành quả ngoài sự ước đoán mong chờ. Nhà văn Phạm Ðình Khiêm (dưới bút hiệu Ðức Khiêm đã viết trong cuốn sách mang tựa đề: ”Thánh Giuse,” Di Cảo của Cha Chính Lý, nơi trang 101) ghi nhận: "Phong trào Tân Tòng ở Ðịa Phận Qui Nhơn hồi ấy phát triển kỳ diệu, riêng khu Ðông Mỹ, của Cha Chính Mai Học Lý, với một số linh mục Phát Diệm, mở rộng tới 40 họ đạo mới".

* Giám mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng

Ngày 18-01-1963, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII ký sắc lệnh tách Ðà Nẵng ra khỏi Giáo Phận Qui Nhơn và đặt Ngài làm Giám Mục tiên khởi cho Ðịa Phận mới Ðà Nẵng.

Lễ tựu chức của ĐGM tiên khởi được tổ chức long trọng vào ngày 1 tháng 5 năm 1963, dưới quyền chủ tọa của Đức Khâm sứ Tòa Thánh Salvatore Asta. Ngày hôm đó giáo dân và các đoàn thể ở Đà Nẵng đã lên tận phi trường Đà Nẵng để đón rước Ngài và phái đoàn. Đúng 17 giờ chiếc phi cơ chở phái đoàn từ Quy Nhơn đáp xuống phi trường Đà Nẵng giữa những tiếng hoan hô vang dội. Phái đoàn rời máy bay gồm có: Đức Khâm sứ Tòa Thánh Salvatore Asta, ĐGM Phạm ngọc Chi, ĐTGM Ngô Đình Thục, ĐTGM Nguyễn Văn Bình, ĐGM Piquet Lợi, ĐGM Lê Hữu Từ, ĐGM Hoàng Văn Đoàn, ĐGM Jacq, ĐGM Trần Văn Thiện, Đức Ông Nittis...

Và đúng 18 giờ lễ tuyên sắc và nhận chức được diễn ra đơn giản, nhưng trang trọng. Sau khi tuyên đọc hai sắc chỉ của Tòa Thánh về việc thiết lập tân giáo phận Đà Nẵng và việc bổ nhiệm ĐGM Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi làm Giám Mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng, Đức Khâm sứ Tòa Thánh hướng dẫn ĐGM Chi vào ngôi tòa. Đức Cha Chi đọc một diễn từ khoảng 10 phút, trong đó Ngài cho rằng: “Sở dĩ Đà Nẵng được thành lập một giáo khu riêng biệt vì Đà Nẵng đã có một lịch sử vẻ vang đối với Giáo Hội Việt Nam và có một tương lai rất hứa hẹn...”

Kết thúc buổi lễ là diễn văn chào mừng của L.M Nguyễn Quang Xuyên, đại diện Giáo phận.

Ngài về với con cái Ðà Nẵng thân yêu của ngài ngày 01-5-1963 cho đến ngày tạ thế, 21-1-1988. Ngày 18-1-1988, Giáo Phận đã cử hành Lễ Bạc Tạ Ơn Chúa mừng ngày Giáo Phận lên 25 tuổi, để rồi mấy ngày sau đó, toàn giáo phận đã bùi ngùi vĩnh biệt người cha chung. Chiếu theo Giáo Luật thì Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria đã cai quản Giáo Phận Ðà Nẵng được 25 năm và 4 ngày.

Từ ngày về cai quản Giáo Phận Ðà Nẵng, Ngài đã xây dựng nhiều cơ sở mới cho Ðịa Phận: Tòa Giám Mục, Nhà Hưu Dưỡng cho các Linh Mục già yếu, Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan, Bệnh Viện An Bình tại An Thượng, Ðại Chủng Viện Hòa Bình là Chủng Viện miền tại Hòa Khánh, Trung tâm Công Giáo Tiến Hành cạnh nhà thờ Chánh Tòa Ðà Nẵng. Trước năm 1963, tại Ðà Nẵng chỉ có dòng nữ Thánh Phaolô và chị em Mến Thánh Giá Quy Nhơn, nhưng sau năm 1963 trở đi, ngài đã cho phép hoặc mời thêm nhiều Hội Dòng khác nhau đến hoạt động truyền giáo trong Ðịa Phận như Dòng Mến Thánh Giá Huế, Dòng Kim Ðôi Huế, Tu Hội Tận Hiến Saigon, Tu Hội Nhà Chúa Saigon và Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa Biên Hòa ra Ðà Nẵng trông coi bệnh viện An Bình.

Con số linh mục địa phận chưa đầy 40 vị lúc Giáo Phận mới thành lập, đã tăng lên 117 vị vào năm 1975. Sau năm 1975, vì lý do mục vụ và thời cuộc, nên trong Ðịa Phận còn khoảng 50 linh mục. Ðức cố Giám Mục đã gởi rất nhiều linh mục đi du học nước ngoài. Ngài vẫn chủ trương mỗi phân ngành chuyên biệt như Giáo Luật, Luân Lý, Xã Hội, Thần Học, vân vân... ít nhất phải có 3 cha trong Ðịa Phận có cùng một loại bằng cấp, vừa để giúp nhau làm việc, vừa có người kế tục công việc, nếu chẳng may vị này qua đời đột ngột. Trong một dịp cấm phòng năm cho toàn thể linh mục địa phận, Ngài đã khuyến khích các cha dưới 40 tuổi, nên cố gắng xuất ngoại. Ngài nói: Nếu cha nào không có khả năng lấy thêm bằng cấp Ðạo, Ðời, thì ít ra có dịp quan sát tận mắt những tiến bộ của các nước Âu Mỹ, để có thêm kiến thức mà về phục vụ tốt cho Cộng đoàn dân Chúa và đồng bào trong nước. Chủ trương này của ngài đang tiến hành tốt đẹp thì biến cố năm 1975 xảy đến, nên chương trình này đành đình hoãn vô hạn định. Hiện nay có khoảng 15 linh mục Ðà Nẵng đang phục vụ ở nước ngoài, mà phần lớn là các Linh mục đi du học bị kẹt lại, sau biến cố 1975.
Sau năm 1975, Ngài vẫn tiếp tục cai quản Giáo phận trong hoàn cảnh mới cho đến ngày 11/7/1984 Ngài được đưa đi tạm cư tại Trà Kiệu cho đến ngày từ trần.

Ngoài những nhiệm vụ nặng nề, Ðức Cố Giám Mục Phêrô Maria còn viết nhiều cuốn sách giá trị về Pháp Luật và Kinh Thánh, trong đó có cuốn Phúc Âm Dẫn Giải bằng Việt ngữ dành cho những người muốn học hỏi và nghiên cứu Thánh Kinh. Hiện nay Dòng Ðồng Công tại Hoa Kỳ có cho tái bản cuốn sách giá trị này.

Ðiểm nổi bật nhất trong đời sống mục vụ của Ngài khiến những ai gần gũi Ngài đều rất dễ dàng nhận thấy, đó là luôn luôn đúng giờ và cố gắng trả lời mọi thư từ dù vắn dù dài của bất cứ ai gởi cho Ngài. Ngài hay nhắc vị quản lý của ngài rằng phải cố gắng trả lời mọi thư từ, giữ mọi liên lạc không phải chỉ vì phép lịch sự mà thôi, nhưng là để giao tế với nhau. Với 79 năm hiện hữu ở đời; Với 55 năm phục vụ Chúa và anh chị em, trong thiên chức linh mục; Với 38 năm trong chức vụ Giám Mục tại các Giáo Phận Bùi Chu, Qui Nhơn và Ðà Nẵng, trong đó có 4 năm an dưỡng tại Trà Kiệu, Ðức cố Giám Mục đã có quá nhiều công nghiệp trước mặt Chúa... Và cùng biết bao nhiêu ray rứt khổ đau Ngài đã phải chịu đựng, hy sinh, suốt hằng mấy chục năm trời trong thiên chức linh mục hiến tế và trong chức vụ giám mục chủ chăn. Công nghiệp của ngài thật lớn lao! Nhưng không phải vì vậy mà ngài không cần những lời cầu, những kinh nguyện, những Thánh lễ của con cái Ngài, để xin Chúa thương sớm đưa linh hồn Ngài về hưởng Nhan Thánh Chúa, bởi vì: “ Con người muôn thuở “vốn đầy dẫy những yếu đuối, bất toàn...
"Cây càng cao thì gió càng lay,
Càng cao danh vọng càng dày gian lao."

Xin vì công nghiệp của Chúa Kitô trên Khổ Giá,
Xin vì những khổ đau, hy sinh, và trung tín của Ngài
Xin vì những hy sinh và lời cầu nguyện của những ai yêu mến Ngài
Chúa sớm đưa linh hồn Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria về nơi VĨNH PHÚC MUÔN ĐỜI.

THƯ ĐGM. PHÊRÔ MARIA PHẠM NGỌC CHI GỞI CHA LÊ NHƯ HẢO, HẠT TRƯỞNG HỘI AN

Trà Kiệu, ngày 28-7-1984

Kính gởi Cha Lê Như Hảo, Hạt trưởng Hạt Hội An.

Cha thân mến.
Tôi tới đây hôm nay đã gần 3 tuần lễ. Từ ngày 11/7/1984 tôi đã tới Trà Kiệu, tức là đã ở phần đất thuộc Hạt Cha. Lẽ ra tôi phải vào tận nơi hay viết thư cho Cha Hạt Trưởng để báo tin tôi ở trong phần đất thuộc quyền Cha. Nhưng Cha quá biết, sự đổi chỗ của tôi nó quá bất ngờ và dĩ nhiên là vội vàng, ở Đà Nẵng tôi cũng không kịp đi từ giã những chỗ cần từ giã !
Nay thì tôi đã định cư yên ổn ở đây, tôi nghĩ ngay đến việc viết thư cho Cha. Vừa được tin tôi về địa hạt Cha, Cha đã viết thư và cho đại diện đến thăm tôi, và còn gởi quà cho tôi. Tôi rất xúc động vì những cử chỉ ân ái... Xin thành thực cám ơn Cha.
Cha sở và chính quyền đã sắp xếp cho tôi ở nhà Cha đã xây; hơn nữa tôi dọn ngủ đêm ngay ở trong phòng mà những lần trước, khi Cha còn làm Cha sở Trà Kiệu, tôi đến kinh lý, hay có việc đến thăm Cha, bao nhiêu kỷ niệm và bao nhiêu công việc nó trở lại trong đầu óc tôi, sáng mở mắt ra thì thấy ngôi nhà thờ đồ sộ và các cơ sở do tài tháo vát của Cha đã tạo ra mà nay thì không thấy Cha nữa.! Cha không còn ở đây và những công việc Cha làm ra đã im lặng, nhưng người đã được tiếp xúc với Cha và còn theo dõi các công việc ấy vẫn còn nhớ rành rành, nhớ cả những đau khổ mà có khi chính tôi đã làm cho Cha. Tôi rất hối hận và xin lỗi Cha nếu Cha còn có điều gì không bằng lòng với tôi.
Cho đến bây giờ tôi sống thoải mái ở đây: ăn được, ngủ được, bệnh già thì không khỏi, nhưng các bệnh khác đi kèm có giảm đi được phần nào. Tuy Tòa Thánh chưa trả lời thư tôi báo cho Tòa Thánh là tôi đã hết nhiệm kỳ trách nhiệm Giám mục ngày 14-5-1983 (70 tuổi). Nhưng trong thực tế thì tôi đã trao cả cho Đức Cha phó dịp cấm phòng năm vừa rồi... Mong có... dịp gặp Cha để nói chuyện dài hơn!
Chào thăm Cha và giáo xứ Hội An.
(chữ ký)
(Ghi thêm): Cám ơn Cha nữa vì em B.q. Hoàng lại mới đem quà ra nữa. Cám ơn ông Ngọc nhiều.

Bức thư cuối cùng Ðức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi gửi Giáo phận Ðà Nẵng

Kính gửi Ðức Cha Phụ Tá, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ và toàn thể anh chị em giáo hữu thân mến,

Trong những giây phút còn lại ở thế trần, trước khi bước vào cõi đời theo ý Chúa, tôi Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, người con hèn kém và bất xứng đã được Chúa thương cất nhắc làm Giám Mục Giáo Phận Ðà Nẵng, xin chân thành gửi đến Ðức Cha Phụ Tá, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo hữu đôi lời tâm huyết.

Chúng ta đã từng sát cánh bên nhau để phụng sự Chúa qua suốt đoạn đường dài, kể từ ngày thiết lập Giáo Phận. Trong mỗi ngày tôi sống, tôi hằng tha thiết đến công cuộc xây dựng Nước Chúa trên mảnh đất dấu yêu này, nơi tôi quyết hiến thân phục vụ bằng tất cả quãng đời còn lại. Tâm tư luôn hướng về anh chị em. Tôi đã cố sức vận dụng mọi khả năng mà Chúa ban cho để quyết tâm xây dựng và phát triển Giáo Phận. Hàng giờ hàng phút trong đời tôi, cả khi tôi phải yếu đau và suy nhược, tôi vẫn tha thiết và băn khoăn đến mục tiêu duy nhất này. Yêu mến anh chị em từng người một, vì Giáo Phận Ðà Nẵng là nơi tôi sống nhiều nhất và lâu dài nhất, là nơi tình yêu thương bao phủ lấy chúng ta qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, là nơi mới mẻ còn nhiều cơ sở tinh thần và vật chất phải xây dựng, là nơi quả thực "Lúa đã chín đầy đồng mà thợ gặt thì còn quá ít".

Về phần cá nhân tôi, tôi hằng tha thiết tạ ơn Chúa, vì Ngài đã chọn và đỡ nâng tôi từ thân phận mọn hèn, để tôi phục vụ Giáo Hội của Ngài giữa lòng đất Việt dấu yêu. Tôi được sinh ra và lớn lên dưới cánh tay đầy quyền năng nhưng cũng đầy tình ưu ái của Ngài. Lòng tin của tôi hằng gắn chặt vào Chúa không hề sao lãng.

Ðối với trọng trách mà tôi đã lãnh nhận, tôi luôn cố gắng làm tròn với hết sức mình. Lòng trung tín và sự tận tình đối với Giáo Hội Chúa là quyết tâm của cả đời tôi. Nếu có những điều sơ sót hoặc lỗi lầm, thì chắc chắn không phải là ý muốn của tôi, mà vì sự nhiệt tình nôn nóng muốn lo cho công cuộc xây dựng Giáo Hội được sớm thành tựu mà phát sinh.

Tâm tình tôi luôn tha thiết hướng về Ðức Thánh Cha và các đấng có trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội toàn cầu. Tôi muốn nói lên lòng tùng phục, trung thành và biết ơn. Tôi cũng bầy tỏ lòng cảm mến vô vàn đối với các anh em Giám Mục Việt Nam. Tôi ước ao chia sẻ trách nhiệm và những mối lo âu với các ngài.

Ðối với Giáo Phận nhà, mà tôi là giám mục tiên khởi, tôi hằng tận tình gắn bó. Dù mỗi phút mỗi giây còn lại tôi vẫn để tâm lo lắng từng việc từng người. Trong khi sống giữa anh chị em, nếu tôi có nói hoặc làm điều gì trái ý, tôi xin mọi người hãy cảm thông và tha thứ. Trong thâm tâm tôi không hề muốn có sự thiệt thòi cho ai. Tôi chỉ muốn đặt quyền lợi của Giáo Hội lên trên hết. Tôi muốn yêu thương tất cả, hòa hợp với tất cả. Ðiều tha thiết ước mong của tôi là mọi người tiếp tục sống Hiệp Nhất cùng nhau. Ðó là điều kiện tôi cần để chúng ta xây dựng Giáo Phận ngày càng thêm vững vàng và phát triển.

Tôi đặt nhiều tin tưởng và kỳ vọng nơi các người kế vị tôi. Xin anh chị em hãy tùng phục, yêu thương và hợp tác với các ngài để tiếp tục đưa giáo phận vươn lên.

Ðối với các hoạt động xã hội, nếu tôi có đóng góp được phần nào, thì cũng chỉ với mục đích thực thi tinh thần bác ái công giáo, nhằm thoa dịu những vết thương đau, nâng đỡ những tâm hồn sầu khổ hoặc bị ngược đãi, trợ giúp những kẻ bần hàn túng thiếu... tuyệt nhiên không hề có tham vọng nào khác.

Tôi muốn bày tỏ lòng mến phục đối với những người hảo tâm ở khắp nơi trong nhiều chức vụ và quyền hạn, bằng tinh thần và vật chất, đã chia sẻ với tôi trong việc xây đắp tình người một cách tích cực và cụ thể.
Tôi cũng thành tâm yêu mến những người hiểu lầm tôi, không hài lòng về tôi, hoặc cả những người chống đối tôi vì vô tình hay cố ý. Tôi ước mong mọi sự dị đồng được hàn gắn bằng tình thương, để hận thù không còn và mỗi tâm hồn vươn lên đến cùng đích của chân lý là Thiên Chúa.

Ðối với Ðức Cha phụ tá, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em giáo hữu, tôi xin bầy tỏ lòng yêu mến và biết ơn về tất cả những gì đã làm cho Giáo Phận và cho cá nhân tôi. Tôi cũng bùi ngùi xúc động và thành thực tri ân về biết bao điều lo lắng mà mỗi người đã dành cho tôi trong suốt thời gian tôi tuổi già sức yếu, đầy bệnh hoạn. Nguyện xin Chúa chúc lành và trả ơn bội hậu cho từng người.

Ðối với quý Ðức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo hữu thuộc những giáo phận mà xưa kia tôi đã từng chung sống, tôi xin bầy tỏ lòng cảm nhớ, biết ơn, xin hãy giúp tôi lời cầu nguyện.

Ðối với gia đình bà con thân quyến, tôi vẫn mang trong thâm tâm tình lưu luyến không bao giờ phai nhạt, công ơn sinh thành dưỡng dục, sự khích lệ đỡ nâng của mỗi người thân yêu đã giúp tôi tiến lên hiến thân phụng sự Chúa. Xin Chúa ban tràn đầy ơn phúc cho mỗi người.

Giờ đây, dù không xứng đáng, tôi cũng xin mượn lời Thánh Phaolô để thưa cùng anh chị em: "... Tôi đã già yếu, giờ ra đi của tôi đã gần kề, tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường..."
Xin tất cả mọi người cầu nguyện cho tôi được giữ vững lòng tín trung cùng Chúa cho đến giờ sau hết.

Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
Giám mục Giáo phận Ðà Nẵng
Trà Kiệu, ngày 25 tháng 12 năm 1985


Chúc Thư tinh thần của Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi

. .. Cả đời tôi là một chuỗi tình thương của Chúa, tôi ca ngợi không bao giờ cùng!...

. .. Gần cuối đời, Chúa đem tôi về Trà Kiệu, là trung tâm Thánh Mẫu của địa phận Ðà Nẵng: đó cũng là do lòng thương đặc biệt của Chúa.

Tôi hy vọng được chôn táng ở linh địa này.như tôi đã nói với Hội Đồng Giáo xứ, hôm tôi ra mắt với họ ( 10-7-1984): “ sống gởi xác, thác gởi xương “ Nếu được đặc ân này thì tôi hạnh phúc biết bao! Tôi xin cám ơn trước Chính quyền địa phương, giáo quyền và xã Trà Kiệu cũng như Hội Đồng Giáo xứ cho tôi đặc ân ấy.

. .. Cùng với các hồng ân, Chúa đã gởi đến cho tôi nhiều đau khổ, nhiều thử thách. Ðau khổ và thử thách cũng là những hồng ân Chúa ban. Tôi cũng nhớ đến những đau khổ tôi chịu là do lòng thương xót của Chúa, như là Chúa đã hoạch định cho tôi sẵn trước một chương trình đời sống... Ðọc Phúc Âm Thánh Gioan (21,18) tôi thấy Chúa đã định trước cả những chi tiết đời sống của tôi: "Khi con còn trẻ, thì con tự thắt lưng cho mình, và con muốn đi đâu thì đi. Nhưng khi con về già, thì người ta thắt lưng cho con và đem con đến nơi con không muốn".

Tôi phải cảm ơn cha mẹ đã sinh ra tôi, đã dạy dỗ tôi. Tôi cảm ơn các ân nhân, các Ðấng bậc đã giúp đỡ tôi trong 76 năm đời sống của tôi, 51 năm linh mục và 34 năm giám mục (di chúc được viết ngày 21-11-1984). Lúc này tôi không nhớ được tên tuổi hết các vị ân nhân của tôi. Dù sao tôi không quên được các vị đầu tiên đã dắt tôi lên bàn thờ Chúa: Cha già Kim (Clément Pléneau), cha tràng Tuấn (Paul Schlotterbert), cha già Trọng, ông chú tôi, Ðức Cha Thành (Alexandre Marcou), Ðức Cha Hành (Louis De Cooman), Ðức Cha Nguyễn Bá Tòng, v.v....

Tôi từ giã các đấng bậc tôi quen biết, từ giã Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, đứng đầu là Ðức Hồng Y Chủ Tịch. Tôi từ giã đặc biệt Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách đã vui lòng ghé vai gánh đỡ tôi trong nhiệm vụ Giám Mục Ðà Nẵng. Tôi từ giã Ðức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, đã đồng lao cộng khổ với tôi một cách chân thành huynh đệ trong nhiều năm.

Tôi từ giã Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, người bạn cố tri của tôi ở trường Truyền Giáo Rôma. Tôi từ giã Ðức Cha Lê Hữu Cung và Ðức Cha phó Vũ Duy Nhất (ở Bùi Chu), đã kế vị tôi.

Tôi từ giã Ðức Cha Huỳnh Ðông Các đã kế vị tôi trên Tòa Giám Mục Quy Nhơn. Tôi từ giã Ðức Cha Bùi Chu Tạo và Nguyễn Minh Nhật, đệ tử yêu quý của tôi ở Phát Diệm.

Tôi từ giã các cha quen biết thuộc địa phận gốc Phát Diệm, địa phận Bùi Chu, địa phận Quy Nhơn, địa phận Ðà Nẵng.

Tôi từ giã các tu sĩ, và anh chị em giáo hữu các địa phận Bùi Chu, Phát Diệm, Qui Nhơn, Đà Nẵng.

Tôi xin các Ðức Cha, các Cha và anh chị em hết thảy tha thứ cho tôi nếu tôi có phạm đến bất kỳ ai và bất cứ cách nào.

Tôi cảm ơn các Cha giáo sư và các người giúp việc khi tôi làm giám đốc Ðại Chủng Viện Phát Diệm. Tôi cảm ơn các Cha và các người giúp tôi khi tôi làm Giám Mục Bùi Chu, Quy Nhơn, Ðà Nẵng.

Các dòng tu đã giúp đỡ tôi rất nhiều khi tôi còn sống, thì chắc bây giờ còn tiếp tục giúp đỡ tôi trong lời cầu nguyện.

Lúc này tôi nhớ đến các Dòng: Ðồng Công, Thánh Gioan Thiên Chúa, Mân Côi, Nữ Ða Minh, Trinh Vương (Dòng Mến Thánh Giá cũ Bùi Chu), Dòng Thánh Phaolô thành Chatres (Ðà Nẵng), Nazareth, Mến Thánh Giá Phát Diệm, Mến Thánh Giá Quy Nhơn. Và tuy không thuộc quyền coi sóc của tôi, nhưng cũng đã giúp giúp tôi nhiều: Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai, Dòng Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm, Dòng Con Ðức Bà Ði Viếng.

Tôi cũng không quên ơn Hội Xuân Bích, đã giúp các chủng viện của tôi. Tuy các ngài phải bỏ dở vì hoàn cảnh, nhưng thiện chí của Hội đã vui lòng nhận Ðại Chủng Viện Giáo Tỉnh Huế, Tiểu Chủng Viện Ðà Nẵng: Tôi xin ghi nhận và biết ơn sâu xa.

Dòng Kín Bùi Chu đã di tản sang Darville ở Canada, ai có dịp liên lạc với họ thì cũng gởi lời tôi thăm hỏi họ trước khi ly trần. Tôi vẫn nhớ và biết ơn họ, xin họ cũng cầu nguyện cho tôi.

Về bà con thân thuộc, anh chị em họ hàng, cháu chắt, và anh chị em giáo xứ Tôn Ðạo, quê hương tôi. Khi còn trẻ, tôi phải ở xa anh chị em; khi lớn lên vì nhiệm vụ tôi không được ở gần anh chị em, nhưng tôi vẫn nhớ anh chị em, vẫn cầu nguyện cho anh chị em, và coi mình như người trong gia đình của anh chị em. Bây giờ sang kiếp khác, tôi được gần Chúa hơn, tôi cũng không quên anh chị em và sẽ xin Chúa chúc lành cho anh chị em, cho gia đình anh chị em.
Với anh chị em giáo hữu Trà Kiệu, với chức Giám Mục, tôi đã nên người cùng một gia đình, hay nói trắng ra, tôi đã nên người Cha Già của địa phận. Ðược về Trà Kiệu, tôi rất vui mừng vì tưởng có thể đem lại cho anh chị em một hai ích lợi thiêng liêng. Nhưng ngoài ra lời cầu nguyện và những hy sinh, tôi đã không giúp anh chị em được gì cả. Trái lại, tôi còn là gánh nặng cho anh chị em lúc đau yếu, cũng như trong những ngày tang chế. Tôi xin Chúa trả công cho anh chị em, vì nghĩa cử thảo hiếu và bác ái của anh chị em.

Ðối với những người thù ghét tôi, làm khổ tôi, nếu có, tôi không có buồn giận ai cả. Trái lại, tôi xin Chúa chúc lành cho họ, chúc lành cho gia đình họ... Họ làm như thế là làm ơn cho tôi, vì tôi có dịp lập công, đền tội, nhất là trong những ngày sau hết đời tôi.

Về nơi chôn cất thì ở đâu cũng được. Xác đất vật hèn: rồi chúng ta sẽ ra tro và bụi hết. Ðến đây tôi xin để lại cho mọi người một ý tưởng sau hết mà tôi đã nói đi nói lại nhiều lần: "Vanitas Vanitatum et omnia vanitas proeter amare Deum et illi soli servire (Phù vân nối tiếp phù vân, mọi sự đều là phù vân., trừ sự "kính mến Ðức Chúa Trời và làm tôi một mình Người")

Một lần nữa, xin cảm ơn và tạm biệt tất cả. Chúng ta sẽ gặp nhau trên Thiên Ðàng.

Xin cầu cho linh hồn Giám Mục Phêrô Maria chóng về hưởng nhan Chúa.

Maranatha: Lạy Chúa, xin hãy đến!

Trà Kiệu, 21.11.1984
(Chữ ký của ĐGM P.M. Phạm Ngọc Chi)



Những tâm tình...

GIỜ PHÚT HẤP HỐI

Ngày 18 tháng Giêng dương lịch năm 1988 bệnh tình của Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi trở nặng. Có thể vì ngày này nhắc nhở cho ngài bao nhiêu kỷ niệm quan trọng: Ngày các cha Dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) và Hội An 18 tháng 01 năm 1615; Ngày mà Tòa Thánh thiết lập tân Giáo phận Đà Nẵng và đặt ngài làm Giám mục tiên khởi 18 tháng 01 năm 1963. Ngày hôm đó Giáo phận Đà Nẵng mừng ngân khánh 25 năm. 18.01.1963 - 18.01.1988. Ngày mà trong quá khứ ngài đã chủ tọa bao nhiêu thánh lễ đại trào và bao nhiêu lễ hội khác.

Từ khi về ở với cộng đồng Trà Kiệu, tháng 7 năm 1984, nhiều lần ngài đã lâm trọng bệnh, nhưng lần này, ngài rơi vào tình trạng hôn mê. Vào thời điểm ấy, các vị Giám mục miền Trung được giấy triệu tập tham dự một cuộc hội nghị tại Hà Nội. Thông thường, các vị ở xa như Quy Nhơn, Kon Tum dùng đường bộ, tập trung tại Đà Nẵng để lấy vé máy bay đi Hà Nội.

Ngày 21 tháng 01 năm 1988, các Đức cha Kon Tum, Quy Nhơn, Huế đã về Tòa Giám mục Đà Nẵng. Tại Trà Kiệu, cộng đồng và bà con Đức Cha hiện diện dự đoán ngài sẽ ra đi vào buổi sáng hôm đó. Mọi người vây quanh ngài, cầu nguyện và chờ đợi giờ phút Chúa rước ngài đi. Vào khoảng 11 giờ, có một anh công an yêu cầu gặp tôi (Antôn Nguyễn Trường Thăng), lúc đó là linh mục quản xứ. Anh bảo tôi: Sao không yêu cầu bệnh viện Duy Xuyên truyền oxy cho Giám mục. Tôi vội lấy xe Honda xuống bệnh viện Duy Xuyên cách nhà xứ khoảng hai cây số và trình bày ý kiến trên. Bệnh viện đã đáp ứng yêu cầu. Tôi tưởng bệnh viện sẽ chở bình oxy nặng bằng kim loại như thường thấy ở bệnh viện, nhưng một y tá chỉ mang đến hai bao oxy cỡ cái gối, chất liệu cao su. Khoảng 12 giờ, Đức Cha được truyền oxy bằng một ống su qua đường mũi. Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách cho người nhắn tin là khoảng một giờ chiều, các Đức Cha sẽ vào thăm Đức Cha già (lúc đó chưa có điện thoại). Sau khi dùng cơm trưa, các Đức Cha đã lên xe và đúng 13 giờ, các ngài có mặt bên giường Đức Cha già tại Trà Kiệu. Các Đức Cha hiện diện nói lên những tâm tình của họ đối với Đức cha Phêrô Maria. Đức Cha già mở mắt to, mắt đảo quanh, và thỉnh thoảng rướn mình như hiểu ý, mặc dù ngài không nói được và trên khóe mắt ngài những giọt nước mắt long lanh. Lúc đó tôi đứng sát đầu giường và "kêu Chúa", cha Giuse Cao Văn Cường, cha xứ Xuân Thạnh cầm thánh giá.

Sau này, khi xét lại các biến cố, tôi cho rằng đây là một "phép lạ" Thiên Chúa dành cho Đức Cha già. Tại sao có cuộc triệu tập hội nghị vào ngày này và tại sao hoãn lại vào phút cuối, đúng thời điểm đó? Tại sao có chuyện truyền oxy? Hai sự kiện trên xem ra tình cờ nhưng đều mang ý nghĩa: Không có giấy triệu tập, các Đức Giám mục miền Trung không thể có mặt bên giường hấp hối, không có mấy bình oxy đơn sơ có lẽ ngài đã ra đi trước 12 giờ. Bây giờ nhìn lại mấy tấm hình ghi lại giờ phút lâm chung của Đức Cha già, chúng ta thấy thật cảm động.

Ngày nay, một số các vị có mặt hôm đó đã được Chúa gọi về như Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, cha Gioan Baotixita Trần Ngọc Quỳnh, cha Điệp - Dòng Chúa Cứu Thế, cháu ruột Đức cha, ông cố Ngọc... Lúc đó tôi không nhìn đồng hồ nhưng ai đưa tin là 16 giờ 21 phút, tôi nghĩ là quá muộn. Khoảng thời gian các Đức Cha hiện diện bên giường cho đến khi Đức Cha về với Chúa không đến một tiếng đồng hồ. Theo như thông tin của bác Phạm Đình Khiêm, 14 giờ 25 là chính xác nhất. (Xem Một khuôn mặt lớn của Giáo hội Việt Nam, Westminster 1993, tr.58). Tôi có giữ giấy báo tử của ngài nhưng chưa tìm ra.

Sau khi Đức Cha qua đời, các vị Giám mục và cộng đoàn rước xác ngài ra nhà thờ "hầm" Trà Kiệu (ý nói tầng trệt) và sau đó thay lễ phục để giáo dân kính viếng.

Vào lúc 11 giờ 00 ngày 23 tháng 01 năm 2988, thánh lễ an táng được cử hành trọng thể tại sân nhà thờ Trà Kiệu với năm vị Giám mục đồng tế là Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, Giám mục Đà Nẵng; Đức cha Huỳnh Đông Các, Giám mục Quy Nhơn; Đức cha Nguyễn Như Thể, Đức cha Phạm Văn Lộc, Đức cha Trần Thanh Chung và sự hiện diện của người bạn tâm giao là Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền.
Đức Cha Phêrô Maria theo tôi là một vị thánh.

Hội An, ngày 20 tháng 01 năm 2009
LM. Antôn Nguyễn Trường Thăng
Nguyên Quản xứ Trà Kiệu 1975-1989


LỄ KIM KHÁNH LINH MỤC CỦA ĐỨC CHA P.M. PHẠM NGỌC CHI

Ngày 23/12/1983 là ngày Lễ Kim Khánh Linh mục của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. Lẽ ra toàn Giáo phận sẽ long trọng tổ chức mừng lễ với Ngài, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, mọi sự hoàn toàn âm thầm, lặng lẽ... không kèn không trống.

Sáng hôm đó, một vài anh em CCS.LSQN.ĐN chúng tôi đã đánh liều qua Tòa Giám mục (ở Bắc Mỹ An) để thăm và mừng lễ Kim Khánh Linh mục của Ngài.

Khung cảnh Tòa Giám mục hoàn toàn vắng lặng, u buồn và hoang mạc. Bước qua những bậc cấp im lìm, lạnh lẽo... chúng tôi đến phòng khách Tòa Giám mục và chờ đợi.

Ít phút sau, trong vóc dáng khoan thai cố hữu, trang phục giản dị, Đức Cha đã hiện diện giữa chúng tôi; và chúng tôi chưa kịp mở lời chào mừng, thì Ngài đã ôn tồn nói ngay:

- Cha cám ơn các con, trong lúc này mà chúng con đến thăm Cha thật là quý giá.

Tiếp đó, chúng tôi mới trình thưa Đức Cha là nhớ ngày hôm nay kỷ niệm 50 năm Linh mục của Đức Cha, một ngày đặc biệt trọng đại... Nói đến đó, thì Đức Cha đã đáp ngay:

- Vanitas vanitatum et omnia vanitas - Thôi mọi chuyện đều là phù vân. Cha đã mừng lễ âm thầm lặng lẽ, nhưng lại rất thân tình với Chúa. Nhiều lúc hình thức bên ngoài làm ta không còn thì giờ để sống với Chúa. Cha mừng lễ kỷ niệm với Cha thư ký... nhưng lại rất sốt sắng và ý nghĩa. Đây cũng là cách thể hiện theo lòng xót thương của Chúa đối với Cha...

Chúng tôi tâm tình với Đức Cha độ nửa giờ thì xin phép cáo từ ra về vì sợ gây thêm phiền phức cho Ngài.

Ngài bảo chúng tôi đợi Ngài một chút.

Sau khi vào Văn phòng, Ngài trở ra và trao tặng cho chúng tôi một mẫu ảnh giấy để kỷ niệm Kim Khánh Linh mục của Ngài (hoàn cảnh này mà vẫn không quên tặng quà).

Nhìn mẫu ảnh kỷ niệm được in ấn đàng hoàng:

Chúng tôi vô cùng cảm động và bất ngờ. Không hiểu Ngài mới in hay in lâu rồi, vì lúc này dễ gì mà in được.

Mẫu ảnh kỷ niệm đơn sơ đó đã trở thành kỷ vật mà anh em chúng tôi đã trân trọng cất giữ mãi mãi.

Phạm Cảnh Đáng nhớ người Cha kính mến

MỘT LIỀU THUỐC QUÝ

Đầu năm 1963, tôi đang học lớp Đệ Nhị (bây giờ gọi là lớp 11) ở Tiểu Chủng viện Làng Sông, Quy Nhơn. Vì ham thích thể thao, đá bóng, tập tạ... có lẽ quá sức chịu đựng của cơ thể, cho nên bị bệnh. Tôi đi khám bệnh bác sĩ bảo là viêm phổi. Nghe bệnh phổi là thấy sợ rồi, nghĩ đến con vi trùng coke thấy rụng rời.

Trong lúc tâm trạng đầy hoang mang, lo lắng, thì Đức Cha Chi đi hội Công đồng Vatican II về, và Ngài đến thăm Tiểu Chủng viện để kể lại một kỳ hội quan trọng, được tổ chức rất công phu, vĩ đại và hoành tráng.

Sau giờ gặp chung cả trường, Đức Cha có gặp riêng các chủng sinh gốc Quảng Nam - Đà Nẵng để thông báo về việc chia cắt Địa phận. Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ thành lập địa phận riêng - Địa phận Đà Nẵng - và Đức Cha sẽ về làm Giám mục Đà Nẵng, cho nên Ngài dặn dò, gởi gắm các chủng sinh ở lại cố gắng học hành để về giúp cho Giáo phận non trẻ. Trong dịp này, Ngài biết tôi đang bị bệnh viêm phổi, Ngài mới nói: "Đừng lo lắng gì hết. Cha sẽ cho con hai liều thuốc là hết hẳn".

Nói xong Ngài bảo thầy Hạnh (thầy giúp Đức Cha) đưa cartable cho Ngài. Ngài lục tìm và lấy ra hai ống thuốc tiêm nhỏ xíu chí có 1cc/1 ống, trên ống có in dòng chữ Anozochin và đưa cho tôi bảo:

- Đây là thuốc rất tốt của Đông Đức (lúc đó Đông Đức là nước XHCN). Con chỉ chích một ống và 6 tháng sau con mới được tiêm ống thứ hai.

Tôi nhận hai ống thuốc từ tay Đức Cha mà lòng vô cùng cảm kích và biết ơn.

Tôi nhìn kỹ hai ống thuốc nhỏ xíu, trên ống in dòng chữ lớn: Anozochin.

Và quả đúng như Ngài nói: Thuốc rất tốt, rất công hiệu. Tôi chích có một mũi mà thấy hiệu nghiệm như thần. Vì thế mà mũi còn lại tôi cho người bà con, cũng bị bệnh phổi, và người đó hiện nay vẫn còn sống, đã gần 90 tuổi rồi.

Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ngài, tôi muốn ghi lại những tâm tình này như một nén hương lòng dâng lên Ngài.

Duy Trà

MỘT KÝ ỨC VỀ MỘT NGƯỜI

Một viên gạch nhỏ bé cho một bức tường trong một tòa nhà của một kiến trúc sư của một Giáo phận, trong một ký ức của một con người về một thời thơ ấu tại một chủng viện mang tên Làng Sông Quy Nhơn như sau:

Đó là năm đầu tiên tôi bước chân vào mái trường chủng viện. Năm học khởi sự được mấy tháng thì chủng viện rộn lên bầu khí sôi nổi về một lễ kỷ niệm gì đó, tôi không nhớ rõ. Và để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm này, Ban Giám đốc Chủng viện tổ chức các cuộc thi cho các chú về nhiều mặt. Nào thi bóng chuyền, bóng bàn, nào bích báo, hội họa... Lớp Đệ Thất chúng tôi nhỏ nhất, nên môn bóng chuyền bị đặt ngoài sổ. Tôi cũng tham gia làm bích báo với anh bạn Võ Tá Khánh, tuy mới mấy tháng nhưng không hiểu sao hai chúng tôi lại rất ăn-rơ với nhau trong vụ này (và đặc biệt là vụ ăn trộm chuối sau này). Ngoài vụ bích báo ra, tôi còn tham gia thi vẽ nữa. Chính môn thi vẽ này mà tôi có được viên gạch nhỏ bé nói trên. Nhớ lại là tôi đã dự thi môn vẽ với bức ảnh Thánh Giuse bồng Chúa Giêsu, là bổn mạng của Chủng viện.

Sau đó, mọi việc như đang nằm trong im lặng và chờ đợi. Rồi ngày đại lễ cũng tới theo thời gian. Hôm ấy Đức Giám mục Giáo phận từ thị xã Quy Nhơn cùng gác công việc của Giáo phận lại, về vùng quê yên ắng, nơi Chủng viện tọa lạc, để dự lễ cùng với ban Giám đốc và các chủng sinh thân yêu, vì đối với Ngài, chủng viện là con ngươi của Giáo phận, như Ngài thường nói sau này.

Lễ đón tiếp Đức Giám mục được tổ chức rất là trang trọng: Ban Giám đốc Chủng viện và các cha giáo, thầy giáo đều chỉnh tề trong bộ chùng thâm truyền thống. Các chủng sinh thì trắng toát trong bộ đồng phục áo trắng với quần tây trắng và sandale nghiêm chỉnh, đứng hai hàng dọc theo con đường chính giữa, từ cổng vào tiền đường nhà nguyện. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy vị mà trước đây tôi chỉ nghe biết qua cái tên cao quý là "Đức Cha", hay "Đức Giám Mục". Ngài có dáng người hơi thấp, nhưng có phong thái của con người sang quý. Đặc biệt là nụ cười tươi vui trên khuôn mặt phúc hậu, bắt mắt, khiến tôi bị thuyết phục ngay. Sau lễ nghi đón tiếp, tất cả Chủng viện tụ tập lại trước mặt Ngài để nghe Ngài nói chuyện.

Tuy là một vị Giám mục vào thời ấy, thời thập niên 1960, nhưng Ngài nói chuyện với chủng sinh bé nhỏ rất là thân thiện và giản dị tự nhiên, không như tôi tưởng. Các chú lớp lớn nói chuyện với Ngài một cách rất là tự nhiên vui vẻ.

Sau đó, Ngài về phòng dành riêng cho Ngài, để nghỉ, còn chúng tôi thì được ra chơi thỏa thích. Nhóm thì chơi đàn ca hát, nhóm thì đọc truyện, nhóm thì chơi các môn thể thao...

Thằng-bé-con-tôi lúc đó đang mặc quần xà lỏn chơi bóng chuyền ngoài sân cỏ, thì anh Quang (cùng Giáo xứ và cùng cha bảo trợ với tôi, nhưng trước tôi hai lớp) từ sân chơi bên chú lớn, chạy qua gọi tôi: "Cường, Đức Cha gọi mày đó!".

Nghe vậy, tôi đâm hoảng, tôi hồi hộp, tôi băn khoăn. Tôi định chạy đi rửa ráy mang quần áo, để đi gặp ngài. Nhưng một số anh khác bảo là không cần phải như vậy. Thằng-bé-tôi chẳng hiểu mô tê gì cả, chỉ biết làm theo. Đang khi cùng họ đi, thì một anh nào đó nói với tôi (mà cũng hình như anh Quang thì phải) rằng: "Mày không được thưởng nhưng mày được thưởng". Tôi chẳng hiểu mô tê gì cả, vì tôi cũng có dự thi kia mà ! Thật là khó hiểu.

Khi bước lên sân nhà chơi bên chú lớn, tôi thấy Đức Cha ngồi ở giữa, có vài thấy và một số khá đông chú lớp lớn vây chung quanh đang xem mấy bức tranh trên tay Đức Cha.
Khi tôi được dẫn tới gần và được các anh giới thiệu với Đức Cha:

- Thưa Đức Cha, chú Cường đây, Đức Cha !

Đức Cha ngước mắt nhìn tôi với nụ cười trên môi, khiến tôi an tâm. Ngài vừa nhìn tôi vừa nhìn bức ảnh như để so sánh. Sau đó Ngài đưa bức ảnh học sinh của tôi, đã được ai đó vẽ to hơn cuốn vở, cho tôi xem và vừa cười vừa hỏi: "Có giống con không ?".


Tôi rất đỗi kinh ngạc về bức ảnh này. Bao nhiêu câu hỏi liên tục chạy ra trong đầu óc thằng-bé-tôi: Ai vẽ ? Ở đâu mà có bức ảnh này ? Cộng thêm nỗi bực mình về người đã vẽ bức ảnh này. Tôi không biết nói gì hơn là mỉm cười trả lời: "Dạ, giống !". Sau một hồi đứng tần ngần và nghe mấy anh lớn nói chung quanh "Giống ghê", Đức Cha ôn tồn bảo tôi: "Thôi, con ra chơi đi !".

Thế là tôi rút lui, đồng thời cũng được mấy anh lớn cho biết, đó là bức tranh được giải thưởng. Lúc này tôi mới hiểu câu "Mày không được thưởng, nhưng mày được thưởng". Cũng trong lúc này tôi biết được tác giả bức ảnh của tôi chính là một anh bạn cùng lớp, tên là Thăng. Không biết bây giờ anh ta đang ở đâu ? Lúc ấy, anh ta được giao nhiệm vụ thu ảnh của anh em trong lớp, rồi nộp cho văn phòng để làm thẻ học sinh. Hồi ấy, thẻ học sinh đối với chúng tôi rất quan trọng, vì được giảm nửa giá vé tàu lửa. Trong khi đang giữ ảnh các bạn, không hiểu sao anh chàng lại chọn ảnh của tôi để làm tác phẩm dự thi. Có phải anh chàng đã si tình không ? Không tự hào, nhưng hồi nhỏ tôi cũng tương đối dễ thương. Nhưng dù sao, lúc ấy và cũng khá lâu về sau, tôi vẫn bực tức anh bạn Thăng này. Giả như bây giờ gặp nhau lại thì tuyệt, vì tình huống đã đảo ngược rồi.

Trở về với con người bị Giám mục đầu tiên trong đời, tôi biết được: Ngài rất quý ơn gọi và rất yêu thương các chủng sinh lớn nhỏ. Xin đan cử:

1. Cuối năm lớp Đệ Nhất (lớp 12), Giáo phận Đà Nẵng chỉ còn ba anh em, Đức Cha muốn cả ba chúng tôi đi học Đại chủng viện Piô trên Đà Lạt. Xin được nhắc lại là hồi ấy phải là chủng sinh giỏi mới được theo học tại Đại chủng viện Piô trên Đà Lạt, và linh mục xuất thân từ đó cũng có giá hơn từ Xuân Bích, Huế. Nhưng cả ba anh em chúng tôi xin ra Huế. Ngài đồng ý ngay, và rất vui vẻ.

2. Khi tôi xin về, gặp Ngài tại Tòa Giám mục, để báo cho Ngài biết. Ngài rất buồn, nỗi buồn lộ rõ trên nét mặt. Ngài hỏi xem tôi dự định làm gì. Tôi cho ngài biết là sẽ đi đầu quân sĩ quan cảnh sát hay sĩ quan Đà Lạt. Nhưng Ngài hỏi tôi:

- Tại sao con không đi học đại học ?
- Thưa Đức Cha, không được, vì phải đi quân dịch.
- Con cứ học đại học đi. Đức Cha sẽ lo giấy hoãn dịch cho.
- Dạ, nếu được vậy thì con sẽ học đại học.

3. Sau biến cố 1975, tôi xin gia nhập Đại Chủng viện Quy Nhơn và sau đó có về Đà Nẵng thăm gia đình và thăm Ngài. Ngài nói một câu mà tôi còn nhớ mãi: "Sao thầy không về Đà Nẵng ?". Ngẫm nghĩ một lúc rồi Ngài tiếp: "Nhưng mà khi nào thầy về đây, Giáo phận cũng sẵn sàng đón nhận".
Ngài thật là một vị Giám mục quý trọng ơn gọi linh mục và yêu quý chủng sinh như Ngài thường nói trong các cuộc tiếp xúc với chủng sinh rằng: "Chủng viện là con người của Giám mục".
Đình Cường
Mùa Phục Sinh 2009

Phụ lục

DANH SÁCH CÁC ĐỨC GIÁM MỤC VIỆT NAM
(Xếp theo thứ tự thời gian được Tấn Phong Giám Mục)

1. (11/06/1933) Ðức giám mục Gioan Baotixia Nguyễn Bá Tòng “Hãy châm rễ sâu trong dân Ta chọn”.
2. (29/06/1935) Ðức giám mục Giuse Ða Minh Hồ Ngọc Cẩn “Kiên nhẫn giảng dạy”.
3. (04/05/1938) Ðức Tổng giám mục Phêrô Martinô Ngô Ðình Thục "Chiến sĩ Chúa Kitô”.
4. (03/12/1940) Ðức giám mục Gioan Maria Phan Ðình Phùng “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”.
5. (29/10/1945) Ðức giám mục Tađêô Lê Hữu Từ “Tiếng kêu trong rừng vắng”.
6. (04/08/1950) Ðức giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi “Vâng lời Thầy con thả lưới”.
7. (15/08/1950) Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê “Hãy theo Thầy”.
8. (03/09/1950) Ðức giám mục Ða Minh Hoàng Văn Ðoàn “Tôi sẽ rao truyền danh Chúa cho các anh em tôi”.
9. (16/09/1951) Ðức giám mục Gioan Baotixita Trần Hữu Ðức “Hãy dọn đường Chúa”.
10. (19/03/1953) Ðức giám mục Giuse Trương Cao Ðại “Xin thánh hóa chúng trong sự thật”.
11. (30/11/1955) Ðức giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền “Rao giảng Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.
12. (30/11/1955) Ðức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình “Hãy đi rao giảng”.
13. (07/02/1956) Ðức giám mục Phêrô Khuất Văn Tạo “Chiến thắng trong bác ái”.
14. (26/04/1959) Ðức giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo “Yêu thương không giả dối”.
15. (05/03/1960) Ðức giám mục Vinh Sơn Phạm Văn Dụ “Theo Chúa trong mọi trường hợp”.
16. (25/03/1960) Ðức giám mục Ðaminh Ðinh Ðức Trụ “Lính tốt của Chúa Kitô”.
17. (23/04/1960) Ðức giám mục Phêrô Maria Nguyễn Huy Quang “Đức tin – Bình an”.
18 (10/11/1960) Ðức giám mục Giuse Maria Phạm Năng Tĩnh “Đến với Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria”.
19. (22/01/1961) Ðức giám mục Antôn Nguyễn Văn Thiện “Trong công việc và chân lý”.
20. (22/01/1961) Ðức giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ “Chúa trong anh chị em"
21. (22/01/1961) Ðức giám mục Giuse Trần Văn Thiện “Phần rỗi trong thánh giá”.
22. (22/01/1961) Ðức Tổng giám mục Philipphê Nguyễn Kim Ðiền “Nên mọi sự cho mọi người”.
23. (15/03/1963) Ðức giám mục Phaolô Trần Ðình Nhiên “Lẽ sống của tôi là Đức Kitô”.
24. (02/06/1963) Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn “Thương yêu – Vui mừng – Bình an”.
25. (15/08/1963) Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng “Tôi tin vào tình yêu Thiên Chúa”.
26. (13/02/1964) Ðức giám mục Giuse Lê Quý Thanh “Chúc tụng Chúa”.
27. (05/05/1965) Ðức giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang “Hãy nâng tâm hồn lên”.
28. (06/01/1966) Ðức giám mục Giuse Phạm Văn Thiên “Ơn Chúa ở cùng tôi”.
29. (06/01/1966) Ðức giám mục Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm “Bác ái độ lượng”.
30. (09/01/1966) Ðức giám mục Giuse Lê Văn Ấn “Hãy giết và ăn”.
31. (24/06/1967) Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận “Vui mừng và hy vọng”.
32. (15/08/1967) Ðức giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai “Ngài cần phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”.
33. (12/09/1968) Ðức giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu “Yêu thương và lao khổ”.
34. (12/03/1971) Ðức giám mục Phêrô Maria Nguyễn Năng “Vâng lời Thầy, con thả lưới”.
35. (11/08/1974) Ðức giám mục Ða Minh Nguyễn Văn Lãng "Con trông cậy Chúa", “Trong Ngài, con hằng hy vọng”.
36. (11/08/1974) Ðức giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi “Thiên Chúa là tình yêu”.
37. (11/08/1974) Ðức giám mục Phaolô Huỳnh Ðông Các “Hoà bình Chúa Kitô trong vương quốc Ngài”.
38. (17/03/1975) Ðức giám mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm “Chân lý trong bác ái”.
39. (27/03/1975) Ðức giám mục Alexis Phạm Văn Lộc “Tôi tớ mọi người”.
40. (05/04/1975) Ðức giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà “Trong tinh thần và chân lý”.
41. (01/05/1975) Ðức giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần “Giới luật mới”.
42. (06/06/1975) Ðức giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách “Để phục vụ”.
43. (06/06/1975) Ðức giám mục Emmanuel Lê Phong Thuận “Chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”.
44. (10/06/1975) Ðức giám mục Anrê Nguyễn Văn Nam “Vui mừng trong thánh giá Chúa Kitô”.
45 (22/06/1975) Ðức giám mục Phêrô Phạm Tần “Khi con trở lại hãy làm vững tin anh em con”.
46. (29/06/1975) Ðức giám mục ÐaMinh Lê Hữu Cung “Mẹ Maria, hy vọng của chúng ta”.
47. (16/07/1975) Ðức giám mục Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật “Phục vụ Chúa trong hân hoan”.
48. (15/08/1975) Ðức giám mục Raphael Nguyễn Văn Diệp “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”.
49. (07/09/1975) Ðức Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể “Cho muôn dân được sống”.
50. (22/02/1976) Ðức giám mục Giacôbê Huỳnh Văn Của “Trong bình an”, "Vua các vua, Chúa các chúa".
51. (30/03/1976) Ðức giám mục Giuse Phan Văn Hoa “Hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
52. (14/11/1976) Ðức giám mục Giuse Phan Thế Hinh “Xin vâng ý Cha”.
53. (24/04/1977) Ðức giám mục Giuse Nguyễn Thiện Khuyến “Xin vâng”.
54. (02/02/1978) Ðức giám mục Louis Phạm Văn Nẫm “Yêu thương không giả dối”.
55. (18/02/1979) Ðức giám mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương “Hãy ra khơi”.
56. (04/03/1979) Ðức giám mục Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp “Xin cho con say mê thánh giá”.
57. (08/08/1979) Ðức giám mục Giuse Maria Vũ Duy Nhất “Lạy Cha, xin vâng ý Cha”.
58. (08/12/1979) Ðức giám mục Giuse Maria Ðinh Bỉnh “Này là Mẹ con”.
59. (22/04/1981) Ðức giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang “Chân lý trong tình thương”.
60. (15/08/1981) Ðức giám mục Giuse Trịnh Chính Trực “Chúa giàu lòng thương xót”.
61. (22/11/1981) Ðức giám mục Phêrô Trần Thanh Chung “Ngài yêu tôi”.
62. (10/10/1982) Ðức giám mục Louis Hà Kim Danh “Kiên nhẫn thắng mọi sự”.
63. (16/12/1988) Ðức giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến “Vâng lời và bình an”.
64. (25/01/1989) Ðức giám mục Giuse Nguyễn Quang Tuyến “Xin cho chúng hiệp nhất”.
65. (11/04/1991) Ðức giám mục Giuse Nguyễn Phụng Hiểu “Các con hãy nên chứng nhân của Thầy”.
66. (03/12/1991) Ðức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn “Ngài phải lớn lên”.
67. (07/05/1992) Ðức giám mục Tôma Nguyễn Văn Trâm “Hiền lành và khiêm nhường”.
68. (19/11/1992) Ðức giám mục Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên “Cùng chịu đóng đinh vào thập giá Đức Kitô”.
69. (11/08/1993) Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn “Như Thầy yêu thương”.
70. (15/08/1994) Ðức giám mục Phaolô Lê Ðắc Trọng “Xin vâng ý Cha”.
71. (17/06/1997) Ðức giám mục Giuse Nguyễn Tích Ðức “Đạt tới người mới”.
72. (18/06/1997) Ðức giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nho “Hiền lành và khiêm nhường”.
73. (06/01/1999) Ðức giám mục Phêrô Trần Ðình Tứ “Yêu rồi làm”.
74. (20/05/1999) Ðức giám mục Phaolô Bùi Văn Ðọc “Chúa là nguồn vui của con”.
75. (29/06/1999) Ðức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt “Chạnh lòng thương“
76. (29/06/1999) Ðức giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu “Để tất cả nên một”.
77. (12/08/1999) Ðức giám mục Phêrô Nguyễn Soạn “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
78. (30/06/2000) Ðức giám mục Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh "Khiêm tốn phục vụ".
79. (15/08/2000) Ðức giám mục Tôma Nguyễn Văn Tân "Hành trình trong Đức Ái".
80. (08/08/2001) Ðức giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm "Người bảo sao hãy làm như vậy".
81. (11/08/2001) Ðức giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan "Tin Mừng cho người nghèo khó".
82. (17/08/2001) Ðức giám mục Giuse Vũ Duy Thống "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi".
83. (02/01/2003) Ðức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên "Phục vụ trong niềm vui và hy vọng".
84. (06/01/2003) Ðức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt "Hãy đi rao giảng cho muôn dân".
85. (18/02/2003) Ðức giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên "Đến với muôn dân"
86. (11/06/2003) Ðức giám mục Ðôminicô Mai Thanh Lương "Anh em không còn là người xa lạ"
87. (28/08/2003) Ðức giám mục Micae Hoàng Ðức Oanh "Cha chúng con".
88. (01/10/2003) Ðức giám mục Antôn Vũ Huy Chương "Xin vâng"
89. (04/08/2004) Ðức giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh "Xin cho chúng con nên một"
90. (11/11/2004) Ðức giám mục Ðominicô Nguyễn Chu Trinh
91. (07/04/2005) Ðức giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng "Như một người phục vụ".
92. (15/12/2005) Ðức giám mục Giuse Võ Ðức Minh "Người đã yêu thương họ đến cùng".
93. (18/01/2006) Ðức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Ðệ "Hãy cho tôi các linh hồn".
94. (04/08/2006) Ðức giám mục Giuse Châu Ngọc Tri “Trời mới đất mới“
95. (03/12/2007) Ðức giám mục Giuse Ðặng Ðức Ngân "Đến với muôn dân"
96. (07/10/2008) Ðức giám mục Cosma Hoàng Văn Ðạt "Tình thương và Sự sống"
97. (15/11/2008) Ðức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm "Hãy theo Thầy"
98. (05/12/2008) Ðức giám mục Lorensô Chu Văn Minh "Phục vụ trong Đức Ái"
99. (12/05/2009) Ðức giám mục Vinhsơn Nguyễn Văn Bản “Đi trong Thần Khí”
 
Trách nhiệm truyền thông nhân Ngày Quốc Tế Truyền Thông
+ ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn
13:50 15/05/2009
LÁ THƯ MỤC TỬ NHÂN NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN THÔNG 24-5-2009

Anh chị em thân mến,

Ngày Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên 24-5-2009 đã được chọn làm ngày Quốc Tế Truyền Thông cho năm nay. Theo sắc lệnh Inter Mirifica số 18 của Công Đồng Vatican II (năm 1963) và theo huấn thị “Communio et Progressio” số 167 của Hội Đồng Giáo Hoàng về Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (năm 1971), Ngày Quốc Tế Truyền Thông được cử hành để:

- Nhắc các tín hữu nhớ đến bổn phận của họ trong lãnh vực truyền thông.
- Mời gọi các tín hữu tham gia đóng góp vào công việc truyền thông.
- Cầu nguyện cho Hội Thánh được gặt hái kết quả trong lãnh vực truyền thông.
- Trân trọng các chuyên viên truyền thông và khích lệ sự hợp tác của họ.

Trong khi tham gia vào công việc truyền thông, bản thân của các tín hữu cũng được trở nên phong phú hơn nhờ được thông truyền tri thức, tình yêu và sự sống mỗi ngày một nhiều hơn từ Thiên Chúa và mọi người trên hoàn cầu. Họ trở nên giống Chúa Giêsu là mẫu mực truyền thông trọn hảo, và khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể là đỉnh cao của truyền thông, họ lại được mời gọi tham gia một cách mãnh liệt hơn nữa vào việc thông truyền Lời Chúa và tình yêu của Chúa cho người khác.

Tôi đã mời gọi mọi người tham gia vào công việc truyền thông trong “Lời Chủ Chăn tháng 4 năm 2009”. Lá Thư Mục Tử đó cũng nói về Mục Vụ Truyền Thông và về Ban Mục Vụ Truyền Thông của Tổng Giáo Phận TP.HCM mà tôi vừa thiết lập. Giống như các Ban Mục Vụ khác của Tổng Giáo Phận, Ban Mục Vụ Truyền Thông đã bắt đầu làm việc dưới sự hướng dẫn của giám mục và trong sự liên đới với mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt trong việc hợp tác với mọi người để chuẩn bị Năm Thánh 2010 như: góp phần soạn Kỷ Yếu “Giáo Phận Sài Gòn 350 năm”, tổ chức các Ngày Lễ trọng của Năm Thánh, thực hiện website của Tổng Giáo Phận.

Ban Mục vụ Truyền Thông của Giáo phận được giao nhiệm vụ thu thập thông tin và hình ảnh các giáo xứ trong 15 giáo hạt, các đoàn thể, các dòng tu, các Ban Mục Vụ, các tập san… Vậy, tôi mời gọi anh em linh mục, đặc biệt các cha xứ, các dòng tu nam nữ, các đoàn thể, các Ban Mục Vụ, đóng góp nhân sự và tạo điều kiện thuận tiện cho Ban Mục vụ Truyền Thông chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng và xây dựng gia đình Giáo phận như lòng Chúa mong muốn.

Mọi thành phần dân Chúa có thể đóng góp sáng kiến để tổ chức Ngày Quốc Tế Truyền Thông 2010 và xây dựng Ban Mục Vụ Truyền Thông theo như Hội Thánh chỉ dạy.

Xin Chúa Giêsu Phục Sinh và Thăng Thiên luôn ở với anh chị em. Xin Chúa Thánh Thần làm cho cuộc sống của anh chị em được tỏa sáng tình yêu của Cha trên trời, vì sự sống và hạnh phúc của đồng bào và đồng loại.

Mùa Phục Sinh 2009,

Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn
Tổng Giám Mục TGP. TPHCM

N.B.: Xin các cha xứ cho đọc tại Nhà thờ giáo xứ mình vào Chúa Nhật 17.5.2009 để chuẩn bị, và đọc vào Chúa Nhật 24.5.2009 để cử hành Ngày Quốc Tế Truyền Thông.
 
Legio Mariae Hải Phòng thành lập thêm Curia Liễu Dinh
Khổng Trung Sơn
17:46 15/05/2009
HẢI PHÒNG - Sau một thời gian được huấn luyện, Cha linh giám Comitium Hải phòng Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện đã thành lập thêm Curia Liễu Dinh, Curia này gồm 5 Praesidia thuộc hai xứ Liễu Dinh và Khúc Giản.

Trước khi bước vào Thánh lễ anh quyền trưởng Comitium Giuse Khổng Trung Sơn đã đọc quyết định thành lập Curia Liễu Dinh, cha Linh giám Comitium đã mời Cha Thomas Nguyễn Văn Vinh chính xứ Liễu Dinh làm linh giám Curia này.

Sau đó quý Cha linh giám cùng các thành viên lên dâng mình cho Đức Mẹ, hơn năm mươi thành viên đã lần lượt tiến lên trước bàn thờ Đức Mẹ nói lên tâm tình của những con cái Mẹ muốn dâng mình cho Mẹ, để từ hôm nay mọi sự của con là của Mẹ. Sau cùng Cha linh giám Comitium đọc lời kinh dâng mình cho Đức Mẹ.

Lời mở đầu Thánh lễ Cha Thomas Nguyễn Văn Vinh đã mời gọi mỗi thành viên con cái Mẹ hãy tạ ơn Chúa vì ngày hôm nay Chúa đã thương cộng đoàn Legio Giáo xứ Liễu Dinh rất nhiều, Xin cho mọi người hôm nay qua nhi thức dâng mình như đã thuộc về Mẹ cách rõ rệt hơn, mỗi người hãy dấn thân làm theo những gì Mẹ dạy đó là thực thi Thánh ý Chúa trong những công việc tông đồ giáo dân.

Cha linh giám Comitium trong bài chia sẻ Lời Chúa, Ngài đã nhấn mạnh về vai trò quan trọng của Đức Mẹ trong việc cộng tác vơí Chúa Giêsu trong hành trình loan báo Tin Mừng của Chúa, mỗi người con của Mẹ cũng hãy bước theo Mẹ, noi gương các các nhân đức của Mẹ. Xưa kia Mẹ đã can thiệp trong đám cưới hết rượu, Mẹ đã bảo các gia nhân đổ đầy nước vào sáu chum bằng đá, hôm nay Mẹ cũng đổ đầy nước ân sủng và sức mạnh cho 5 Preasidia trong Curia Liễu dinh, để mỗi Praesidium có được rượu mới của lòng nhiệt thành, rượu mới của sự dấn thân và rượu mới của sự hy sinh và trung thành với Giáo Hội để sau ngày hôm nay hãy lên đường làm chứng cho Tin Mừng của Chúa trên cánh đồng truyền Giáo. Mỗi thành viên Legio không chỉ loan báo Tin Mừng của Chúa nơi mình đang sống, nhưng còn phải mang ánh sáng Tin Mừng của Chúa đến với những anh chị em lương dân khác.

Kết thúc Thánh lễ Cha linh giám Comitium đã cám ơn sự quan tâm của Cha linh giám Curia Liễu Dinh, sự nhiệt thành của anh chị em trong Curia Liễu Dinh. Ngài cũng trao trách nhiệm cho Curia Liễu Dinh từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều Praesidia khác nữa và nhất là có nhiều người trở về với Chúa hơn.

Sau Thánh lễ mọi người cùng chia sẻ với nhau bữa cơm thanh đạm tình hiệp nhất của những người lính của Mẹ, thật vui vẻ và thân thiện.

Xin Chúa qua lời bầu cử của Đức Mẹ ban cho anh chị em Curia Liễu Dinh luôn mạnh mẽ, can đảm và dấn thân trong sứ vụ người tông đồ giáo dân trong cánh đồng truyền giáo hôm nay.
 
Bài chia sẻ của ĐGM Bùi Tuần nhân dịp Lễ Tạ Ơn và mừngt thọ 100 tuổi, 75 Linh Mục,50 năm Giám Mục của ĐC Micae Nguyễn Khắc Ngữ
+GM. Bùi Tuần
22:05 15/05/2009
TỪ MỘT CĂN PHÒNG NHỎ

Ngày 14 tháng 5 năm 2009, giáo phận Long Xuyên tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn và mừng Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ được:

- 100 tuổi đời.

- 75 năm linh mục.

- 50 năm Giám mục.

Thánh Lễ được tổ chức long trọng tại nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên. Nhà thờ được trang hoàng đẹp. Thành phần tham dự mang mầu sắc gia đình và toàn quốc. Nghi thức trang nghiêm sốt sắng diễn tả một Hội Thánh hân hoan bước về hướng Nước Trời.

Riêng đối với tôi, cái làm tôi suy nghĩ nhiều nhất hôm nay không phải là nhà thờ, thành phần tham dự, và nghi thức, nhưng là nơi Đức Cha Micae vốn sống đời âm thầm. Đó là một căn phòng nhỏ.

“Trong Căn Phòng Nhỏ” của ĐC Micae Nguyễn Khắc Ngữ

Thăm Đức Cha trong căn phòng đơn sơ này, tôi nhớ lại đoạn sách Tông đồ Công vụ viết về thánh tông đồ Phaolô: “Suốt hai năm tròn, ông Phaolô ở tại nhà ông thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (Cv 28,30-31).

Như thánh Phaolô Đức Cha Micae đã góp phần xây dựng Hội Thánh tại căn phòng mình ở. Không phải hai năm, mà hơn mấy chục năm.

Trước kia, hoạt động truyền giáo của Ngài là những chuyến đi mục vụ trên một không gian rộng dài từng trăm cây số. Nay, hoạt động xây dựng Hội Thánh của Ngài thu hẹp lại vào một căn phòng. Từ căn phòng bé nhỏ này, Ngài vẫn là một tông đồ hoạt động theo khả năng của Ngài. Mục vụ đó có thể thấy dưới hai hình thức sau đây:

1/ Rao giảng về Chúa Giêsu

Tại căn phòng nhỏ, Đức Cha Micae tiếp đón gặp gỡ những ai đến thăm Ngài. Ngài coi những dịp gặp gỡ đó như những giờ phút mục vụ. Ngài thường nhắc đến việc cầu nguyện, đọc Phúc Âm. Ngài dẫn người ta đến với Chúa Kitô. Đúng như khẩu hiệu Giám mục của Ngài là: “Chritus in Vobis – Đức Kitô trong anh chị em”.

Đức Kitô là Tin Mừng. Xây dựng Hội Thánh một cách đích thực là phải tập trung vào Tin Mừng Đức Kitô.

Đức Cha Micae, khi dạy người ta về Đức Kitô, thường kết thúc bằng việc khuyên cầu nguyện. Ngài khuyên mọi người năng cầu nguyện kinh Mân côi. Ngài để ý việc suy gẫm 15 mầu nhiệm kinh Mân côi là tóm lược Phúc Âm.

Cách Ngài rao giảng về Đức Kitô như thế dễ được mọi người tiếp thu. Đặc biệt là các trẻ em, chúng gặp Ngài như nắm lấy một bàn tay hiền chỉ cho chúng đến gặp gỡ Đức Kitô.

Đi đôi với việc rao giảng về Đức Kitô là nêu gương thánh thiện.

2/ Nêu gương thánh thiện

Trong căn phòng nhỏ bé của đời âm thầm, Đức Cha Micae đã luôn sống thánh thiện.

Tôi hiểu sự thánh thiện như thế này: Mọi lãnh vực trong con người đều được Chúa Thánh Thần ngự trị, chi phối.

Lãnh vực thân xác với những nhu cầu riêng của nó, như ăn uống, ngủ nghỉ.

Lãnh vực tình cảm với những sinh hoạt đa dạng của nó, như nhạy cảm, cảm xúc, yêu thương.

Lãnh vực trí tuệ như khái niệm, hiểu biết, phán đoán.

Lãnh vực ý chí như khả năng chọn lựa, ước muốn.

Những lãnh vực này có thể lành mạnh, có thể không. Một cách để tin sự lành mạnh của chúng là việc người ta khiêm tốn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần. Ơn Chúa Thánh Thần như làn gió thiêng thường xuyên thổi qua mọi lãnh vực, để chữa lành những gì cần phải chữa, để đổi mới những gì cần phải đổi mới, tất nhiên là về phương diện đạo đức.

Với nhận thức như trên, tôi nhìn vào Đức Cha Micae trong căn phòng nhỏ hẹp. Tôi thấy mọi lãnh vực trong Ngài đều trong sáng đạo đức. Từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, cho đến tình cảm, hiểu biết, chọn lựa đều toát ra sự thanh thoát, sự tự do của người con Chúa, tinh thần trách nhiệm của người mục tử, đặc biệt là sự khiêm nhường, nghèo khó và yêu thương của người môn đệ Đức Kitô. Đức Cha Micae là một nhà tu hành đích thực.

Sách Tông đồ Công vụ viết về Hội Thánh của thánh Phaolô trong một thời hết sức khó khăn: “Hội Thánh được bình an, được xây dựng và sống trong sự kính sợ Thiên Chúa, và tiến triển nhờ ơn an ủi của Chúa Thánh Thần” (Cv 9,31).

Lời trên đây có thể áp dụng cho giáo phận Long Xuyên, nhìn từ căn phòng bé nhỏ, nơi Đức Cha Già âm thầm sinh sống.

Chúa Thánh Thần an ủi chúng tôi. Chúng tôi gồm ba thế hệ giám mục với toàn thể dân Chúa cùng nhau tiến bước trên đuờng về Nước Chúa trong an bình, yêu thương, hiệp nhất.

Vì thế, từ căn phòng bé nhỏ của Đức Cha Micae, tôi coi lễ Tạ Ơn hôm nay (14-5-2009) là một thông điệp gởi cho khắp nơi. Thông điệp đó là:

Hãy sống thánh thiện. Hãy loan báo Tin Mừng Đức Kitô.

Thánh thiện là điều rất cần, rất quan trọng, rất giúp ích cho Hội Thánh và Quê Hương Việt Nam chúng ta.

Loan báo Tin Mừng Đức Kitô là mục đích chính của Hội Thánh trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không gì thay thế được việc căn bản đó.

Lạy Chúa, xin thương giúp chúng con biết đón nhận thông điệp nhỏ này cho thời sự phức tạp hôm nay.

+GM Gioan Baotixita Bùi Tuần

Long Xuyên, ngày 14-5-2009.
 
Bài chia sẻ của Đức TGM Ngô Quang Kiệt nhân dịp Lễ Tạ Ơn và mừngt thọ 100 tuổi, 75 Linh Mục,50 năm Giám Mục của ĐC Micae Nguyễn Khắc Ngữ
+TGM. Ngô Quang Kiệt
22:33 15/05/2009
BẦU TRỜI YÊU THƯƠNG

Ga 15, 9-17

Lời Chúa hôm nay thấm đẫm tình yêu thương. Chỉ trong 8 câu ngắn ngủi hai từ yêu thương được nhắc đi nhắc lại đến 10 lần. Qua đó Chúa cho ta thấy những nét đặc biệt trong tình yêu thương của Người. Tình yêu thương của Chúa không phải là tình yêu thương thụ động nhận lãnh, nhưng là tình yêu thương chủ động cho đi. Không phải là tình yêu thương cảm tính, nhưng là tình yêu thương cụ thể bằng việc tuân giữ giới răn. Không phải là tình yêu thương đi tìm bản thân nhưng là tình yêu thương quên mình vì tha nhân. Chúa Giêsu đã làm gương về tất cả những điều đó. Người đã yêu thương chúng ta trước khi ta biết và yêu mến Người. Người luôn giữ điều răn và vâng lời Chúa Cha cho đến chết. Người đã hiến mình chịu chết để thực hiện lời: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Sau đó, Người mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình yêu thương của Người và nhất là hãy yêu thương nhau bằng tình yêu thương của Người.

Nhìn lại cuộc đời của Đức cha Cố Micae, ta có thể nói ngài đã tích cực đáp lại lời mời gọi của Chúa. Suốt 100 năm sống trên đời, ngài đã bày tỏ một tình yêu thương lớn lao khi không ngừng quên mình vì Chúa, vì Giáo hội và vì tha nhân.

Yêu thương đến quên mình nên ngài từ bỏ của cải. Ngài làm cho giáo phận ngày càng trở nên giầu có trong khi ngài sống rất đơn sơ khó nghèo. Khi ngài về nhận nhiệm vụ, Long xuyên là một giáo phận mới thành lập thiếu thốn cơ sở vật chất. Chỉ sau một thời gian ngài đã xây dựng được ngôi nhà thờ chính tòa đẹp đẽ, các chủng viện khang trang, các trường trung học nề nếp. Thế nhưng cho đến khi nghỉ hưu ngài vẫn chưa có tòa giám mục, phải ở nhờ nhà thờ chính tòa. Phòng của ngài tương đối chật hẹp và thiếu thốn tiện nghi. Vật dụng duy nhất đáng giá là chiếc máy đánh chữ cũ kỹ. Y phục chỉ vài bộ bà ba. Nghỉ ngơi trên chiếc giường sắt nhỏ bé không chăn đệm. Giấy viết là những giấy thừa. Bao thư do ngài tự chế cũng bằng giấy phế thải.

Yêu thương đến quên mình nên ngài từ bỏ gia đình. Rât quan tâm chăm sóc giáo phận nhưng không mấy quan tâm đến gia đình. Khi còn làm việc, ngài biết rõ từng chủng sinh, nhưng ngài không biết trong gia đình có bao nhiêu cháu chắt. Ngài rất yêu thương các linh mục. Khi cha Giuse Vũ đăng Trình bệnh nặng, ngài đã nói: Tôi xin Chúa được chết thay cha Trình nhưng Chúa không nhận lời. Quan tâm tới các linh mục, nên có bao nhiêu tiền, ngài dồn hết vào ý lễ cho các linh mục già yếu bệnh tật và các linh mục sống trong vùng sâu, chẳng giữ lại gì cho bản thân và càng không lo lắng cho gia đình.

Yêu thương đến quên mình nên ngài từ bỏ quyền hành. Ngài luôn tìm tiến cử người khác trong khi bản thân luôn tìm cách rút lui. Ngài mở rộng cửa chiêu hiền đãi sĩ và lo bồi dưỡng nhân tài. Nên sau một thời gian đã đủ nhân sự để mở tiểu chủng viện và đại chủng viện. Không chỉ đủ nhân sự cho giáo phận mà còn có thể chia sẻ với các giáo phận khác. Nhưng bản thân ngài luôn tìm dịp rút lui. Ngày 30-04-1975, vừa tấn phong Đức cha Phó xong, ngài lập tức trao hết quyền hành cho Đức Cha Phó để rút lui vào bóng tối.

Yêu thương đến quên mình nên ngài từ bỏ ảnh hưởng. Ngài luôn tìm vun đắp uy tín cho người khác trong khi tự tước bỏ hết ảnh hưởng của mình. Khi các linh mục tu sĩ muốn xin ý kiến, ngài đều chỉ sang Đức Cha Phó và nói: “Giáo phận chỉ có một đầu thôi”. Không bàn những việc đại sự, ngài cũng tránh không bao giờ phê phán công việc hay người nào. Không bao giờ than phiền về chỗ ở, về đồ ăn, thức uống. Hoàn toàn vâng theo sự sắp xếp của mọi người trong nhà. Ngài thực sự trở nên bé nhỏ để không ai phải bận tâm về sự hiện diện của ngài, không ai phải ngần ngại khi muốn thưa chuyện với ngài và nhất là không ai phải sợ hãi kể cả khi lầm lỗi.

Để trở nên bé nhỏ như thế, ngài đã phải phấn đấu rất nhiều. Chúng ta biết rằng lúc còn trẻ ngài rất nóng tính. Nên để đạt tới tình trạng hiện tại ngài đã phải phấn đấu quên mình hằng ngày. Hoàn toàn quên mình vì yêu thương để mọi người được an vui, để giáo ohận được hiệp nhất. Hiện nay ngài vẫn tiếp tục yêu thương quên mình bằng hy sinh hãm mình cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Nếu quên mình là chết dần mòn thì đúng là ngài đang thực hiện Lời Chúa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu”. Với tình yêu thương đó, ngài ở lại trong tình yêu thương của Chúa. Với tình yêu thương đó, ngài kiến tạo bầu trời yêu thương. Trong bầu trời yêu thương đó ta được hít thở không khí yêu thương, được lớn lên trong tình yêu thương và được hạnh phúc trong niềm vui trọn vẹn.

Mừng đại thọ bách niên của Đức cha Cố Micae, chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã thương ban cho chúng ta một người cha hết lòng quên mình vì Chúa, vì Giáo hội. Chúng ta chúc mừng ngài đã đạt tới tuổi thọ hiếm có và đạt tới tình yêu thương của Chúa còn hiếm có hơn nữa. Chúng ta hãy noi gương ngài ở lại trong tình yêu thương của Chúa; tiếp tục công việc ngài đã khởi sự: yêu thương đến quên mình để góp phần nhân rộng bầu trời yêu thương.

Long Xuyên, ngày 14-5-2009
 
Bài chào mừng Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ nhân dịp mừng thọ 100 tuổi, 75 năm Linh mục, 50 năm Giám Mục
LM. Phêrô Lê Văn Kim
23:59 15/05/2009
Bài chào mừng Đức Cha Micae Nhân dịp mừng thọ 100 tuổi, 75 năm Linh mục, 50 năm Giám Mục

Kính thưa Đức Cha Micae.

Con xin được đại diện cho giáo phận Long Xuyên: Mừng Đại thọ Đức Cha 100 tuổi, kỷ niệm 75 năm linh mục, và mừng sớm 50 năm Giám mục.

Sống trăm năm trên đời quả là một sự kiện rất hiếm trên đời. Đức Cha không những là một trong các vị Giám mục cao niên cả thế giới, mà còn là một vị Giám mục cao tuổi nhất trong hàng Giám mục tại Việt Nam hôm nay.

Đức Cha quả là một cây đại thụ, che phủ bóng mát cho nhiều thế hệ. Qua bàn tay chăn dắt của Đức Cha, nhiều vị nay đã trở thành Tổng Giám mục, Giám mục, linh mục, cũng như đã trở thành những bố đời gương mẫu, sống ở muôn phương, trong nước cũng như ở nước ngoài. Và ngay cả hôm nay, còn hiện diện trong thánh lễ này, cả đàn thê tử, cháu con.

Đức cha là tượng đài oai hùng sừng sững như "trơ gan cùng tuế nguyệt" chứng kiến thế sự thăng trầm giữa 2 thế kỷ, là chứng nhân lịch sử của 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam.

Đức cha là mẫu gương sống cho tất cả chúng con dõi bước noi theo; là linh hồn cho giáo phận tiến bước; là nền tảng vững chắc cho chúng con tựa nương trong bình an.

Chúng con xin hợp ý cùng Đức Cha hôm nay dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho giáo phận Long Xuyên và tất cả chúng con:

1. Một vị lãnh đạo có tầm nhìn. Ngay sau tông huấn ngày 24/11/1960 của Toà Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, cũng là ngày giáo phận Long Xuyên được thành lập, với tông huấn Christi Mandata của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, được tách ra từ giáo phận Cần Thơ. Theo niên giám của giáo phận Long Xuyên, lúc đầu chỉ có 12 giáo xứ địa phương và một số họ lẻ, với hơn 20.000 giáo dân. Nhưng chỉ đến năm 1964, giáo phận đã có tới 93.000 giáo dân với 104 linh mục.

Từ một giáo phận mới, còn thiếu nhân sự chưa đủ cơ sở vật chất, Đức Cha đã đưa ra kế hoạch "chiêu hiền đãi sĩ", mời các cha, các thầy ở khắp nơi đến phục vụ giáo phận. Gởi các linh mục và các thầy đi du học chuẩn bị cho tương lai. Đức Cha đã thành lập 2 Tiểu chủng viện: Á Thánh Phụng và Têrêsa, một Đại chủng viên Tôma để đào tạo nhân sự.

Ngoài ra Đức Cha còn khuyến khích mở trường trung tiểu học trong hầu hết các giáo xứ. Tại các giáo xứ lớn, đều có trường trung học chính quy như: Phụng Sự (Long Xuyên), Thánh Quý (Năng Gù), Hoà Bình (Châu Đốc), Vạn Xuân (Cù lao Giêng), Sao Mai, Thái Hoà, Cái Sắn và Thanh Bình (Rạch Giá).

Đức Cha còn ưu tiên thiết lập các giáo điểm truyền giáo, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh; kêu gọi các cha, các thầy tình nguyện đi phục vụ, khơi lại đức tin cho các nơi này.

Dịp hè hằng năm, Đức Cha còn mở khoá giáo lý cho các thầy đi giúp hè các nơi. Trong tập Kỷ yếu: VIẾT VỀ CHA đã ghi đậm nét về những sinh hoạt này.

2. Đức cha còn là vị mục tử nhân lành và cương nghị, nhất là vì lý do mục vụ, Ngài phân định lại ranh giới các giáo xứ, và thay đổi các cha cho phù hợp với việc quản trị mục vụ giáo xứ. Có một lần, từ Long Xuyên, Ngài xuống Cái Sắn, đi đò vào kinh, chỉ nói một câu: "Cha lo mà đổi xứ nghe". Rồi lại đi về. Vừa nhân hậu vừa cương nghị.

3. Sau cùng Đức cha còn là một người Cha giàu lòng thương xót, chẳng những nâng đỡ tinh thần mà còn lo về vật chất. Rất nhiều cha, nhiều vị bố đời còn giữ những kỷ niệm, kể cả những kỷ vật của Ngài ban tặng.

Riêng cá nhân con, còn lưu giữ một kỷ niệm yêu thương khó phai mờ. Vào năm 1993 Đức cha lâm trọng bệnh, phải đưa xuống nằm tầng trệt TGM lúc bấy giờ. Nghe tin, con đến thăm và xin người giữ cửa cho vào. Ông không cho, bảo Đức Cha rất yếu. Con phải tự xưng là Hạt trưởng Hạt Chợ Mới, đại diện cho các cha Chợ Mới thăm Đức cha, ông mới cho vào và bảo cha đừng nói gì. Vào trong, con thấy Đức cha nằm nhắm mắt trên giường. Con đến gần, nắm tay, Đức cha mở mắt nhìn con và bảo: "Tháng này, tao chưa trao lễ cho mày". Vì hàng tháng, trong nhiều năm liền, Ngài luôn cho các cha Chợ Mới, hạt nhỏ và nghèo, mỗi cha 10 hoặc 20 lễ. Đặc biệt để tiết kiệm, Ngài dùng giấy ximăng để làm bao thư đựng tiền lễ, nên chúng tôi có tiếng lóng là "bao ximăng" của Đức Cha.

Nếu được phép con xin được kể tiếp, để kết thúc bài chào mừng hôm nay. Chỉ mấy ngày sau dịp mừng sinh nhật 2/2/2009 vừa qua, chính Đức Hồng Y và 6 vị Giám mục của Tổng giáo phận nhà, cùng một số linh mục đã đến chúc thọ Đức Cha. Trong dịp này, Đức Cha cũng hỏi Đức Hồng Y và các Đức Cha có lễ làm không? Quả là một câu hỏi đầy tình nghĩa yêu thương.

Vì thế, trong lễ mừng Đại Thọ của Đức cha hôm nay, chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa và cầu xin cho Đức cha được an khang trường thọ, theo ý Chúa muốn.

Chúng con cùng chúc thọ Đức Cha.

Sau đây một em sẽ dâng hoa mừng thọ Đức Cha.

LM. Phêrô Lê Văn Kim, Tổng Đại Diện Giáo Phận Long Xuyên
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tàn dư Cộng sản ở nước Nga và nước Việt
Lê Sáng
02:00 15/05/2009
1) Tàn dư cộng sản ở nước Nga:

Mặc dù tổng thống nước Nga hiện nay là Medvedev nhưng cứ nói đến nước Nga hôm nay, người ta lại gán cho cái tên Putin, có lẽ bởi ngài cựu tổng thống này vẫn đang nắm thực quyền, và sẽ quay lại với quyền lực chính thức vào kỳ bầu cử tới.

Kể từ khi được Boris Yelsin lựa chọn đưa lên làm tổng thống tạm quyền nước Nga, Putin đã cho thi hành một chính sách đầy tham vọng, hòng lấy lại vị thế của nước Nga, của dân tộc Nga đã bị tan nát vì ứng dụng, và xuất khẩu chủ thuyết cộng sản gây thù chuốc oán không chỉ cho dân tộc Nga…

Putin xuất thân từ một sĩ quan an ninh xô viết – đương nhiên ông ta phải là đảng viên cộng sản. Theo qui định của xã hội cộng sản, bắt đầu từ chức vụ trung uý phải là đảng viên cộng sản, nếu không phải chờ người đó được kết nạp đảng, mới phong chức cho dù đã thừa các tiêu chuẩn khác. Như thế, dù Putin không muốn cũng phải vào đảng cộng sản Liên Xô mới có thể thăng tiến được.

Là một sĩ quan an ninh Liên Xô, một cơ quan tình báo phản gián khét tiếng, mà tội ác của nó chính những người cộng sản phải công khai thừa nhận (Tìm xem vụ ANXV thủ tiêu gần mấy chục ngàn binh lính sĩ quan Ba Lan trong thế chiến II). Đương nhiên Putin có đầy đủ các phẩm chất của sĩ quan an ninh Xô Viết. Là đảng viên cộng sản, đương nhiên Putin có đầy đủ lý luận cũng như hành động của người cộng sản. Lý tưởng và phẩm chất này của Putin hẳn là đã ăn sâu vào tận tiềm thức. Nhưng Putin cũng là con người thức thời, ông ta nhận thức rất nhanh xu thế của thời đại: Một thời đại không chấp nhận thứ chủ thuyết vô luân cộng sản, với đủ mánh khoé lưu manh hiện diện từ những chính trị gia cho đến tận một thường dân trong cái xã hội quái gở đó…

Vì vậy Putin phải công khai tuyên bố đoạn tuyệt với cộng sản. Tức là ông ta đoạn tuyệt với cái ngày trước ông ta đặt tay lên ngực mà tuyên thệ suốt đời trung thành. Kể như thế cũng là kẻ làm tôi hai chủ. Người ta dễ dàng tha thứ và chấp nhận sự sám hối. Nhưng sám hối để có cơ hội mà làm tổng thống thì có lẽ không được đường hoàng lắm và bất cứ kẻ cơ hội nào cũng có thể làm được. Dân Nga chắc quá ít người nhận ra sự thật này cho nên Putin đắc cử nhiều lần … Và như để “thưởng công“ cho những người bỏ phiếu cho ông ta, Putin cho thi hành một chính sách an sinh xã hội theo kiểu chủ nghĩa dân tuý, ve vãn thoả mãn nhu cầu vật chất của người dân…

Nhưng như thế thôi thì chưa đủ yên dân. Vì xã hội Nga đang bị trống tư tưởng – ý thức hệ sau một thời gian dài thực thi chính sách cộng sản vô tổ quốc, vô dân tộc, vô tôn giáo, quan hệ gia đình huyết thống lỏng lẻo… Để lấp chỗ trống đó, Putin ngấm ngầm kích động tinh thần dân tộc đại Nga. Mang nỗi nhục dân tộc Đại Nga suy vong để khơi dậy tinh thần dân tộc đã rất cũ kỹ trong xã hội ngày nay … Thật là nực cười! Dân tộc đại Nga bị hạ nhục có phải là vì họ đem ứng dụng học thuyết cộng sản không tưởng? Và ai là kẻ góp phần không nhỏ vào cái sai lầm chết người đó? Có lẽ một sinh viên đại học cũng có thể trả lời: PUTIN có đóng góp.

Ngay như thứ chủ nghĩa dân tuý mà Putin cho thực hiện tại nước Nga cũng là một cuộc phiêu lưu… Thực chất Putin chỉ bán tài nguyên để thoả mãn nhu cầu vật chất của dân mà thôi. Tài nguyên thì không phải của Putin, nó cũng không được hình thành từ chính sách của Putin… Đương nhiên nó là của toàn dân tộc Nga, nó thấm máu tiền nhân… Nhưng dứt khoát không liên quan gì đến Putin. Putin chỉ có công khi giữ lại tài nguyên cho con cháu mà thôi… Người dân Nga thật ngây thơ. Được người ta lấy cái của mình, cắt xén ra, rồi cho chút đỉnh mà cũng vui mừng … (?) Nói chủ nghĩa dân tuý mà Putin thực hiện mang tính phiêu lưu là vì tài nguyên luôn có giới hạn. Và có giai đoạn giá thành khai thác nó còn cao hơn cả giá trị bán nó… Thực tiễn đã chứng minh điều này. Và cơn giận của những người bị lừa dối thì nước Nga đã chứng kiến khi Liên Xô sụp đổ rồi…

Còn chủ nghĩa dân tộc mà Putin khêu gợi thì sao? Có lẽ ông ta cũng hiểu rằng nó chỉ có thể dùng để lên dây cót tinh thần người dân Nga hiền lành chất phác thôi. Chứ dùng nó để gây chiến thì dân Nga với 100 Triệu cộng với kho vũ khí cứ cho là thứ nhì thế giới đi, cũng chẳng có nghĩa gì. Phát xít Đức khi xưa có tiềm lực quân sự, kinh tế gấp 8-10 lần nước Nga mà vẫn thua đó thôi. Người Nga thừa hiểu Phát xít Đức thua vì là kẻ gây chiến trước, chẳng có tí chính nghĩa nào … Không lẽ Nga lại đi gây chiến trước hay sao?

Có lẽ Putin hiểu rõ vấn đề, nên ông ta chủ yếu kích động từ trong ra ngoài, và hình như ông ta muốn một quốc gia nào đó, một thế lực nào đó gây chiến trước để ông ta thị uy trong một cuộc chiến mà nước Nga chắc thắng. Và dùng nó để tạo tình huống cả thế giới phải thương lượng với nước Nga … Nhưng có ai mà dại dột như thế? Ngay như cuộc chiến vài ngày với Gruzia hồi 2008 giới phân tích chính trị cũng cho rằng nước Nga đã thua trí tổng thống Sacatvili. Sau cuộc chiến, ai còn mơ hồ về ý đồ đế quốc của Nga trong khu vực cũng đều tỉnh ngộ. Đến như Trung Cộng, kẻ thực dụng nhất trong thế giới ngày nay cũng ngoảnh mặt đi trước việc Nga công nhận hai vùng đất của Gruzia thành hai quốc gia độc lập, và thiết lập ngoại giao… Họ sợ hãi khi nghĩ đến việc Đài Loan được công nhận độc lập… Sacatvili được giới phân tích chính trị ví như một “mụ đàn bà” nhảy vào đánh một ông võ sĩ giữa chợ, biết thừa là thua nhưng mụ đàn bà này mồm loa mép giải, giật mũ xé áo ông lực sĩ kia, để cho ông lực sĩ tát chảy máu mồm… làm xôn xao góc chợ … mọi người đổ xô đến, ông lực sĩ có gan Trời, có đai nhất đẳng cũng chẳng dám giết con đàn bà liều mạng nhưng là loại tép riu này… Thật tội nghiệp cho Ngài Putin… Vậy mà ngài vẫn già mồm. Thế mới biết làm chính trị khó hơn làm tình báo.

Khi giá dầu lửa về lại với giá trị thực, Putin bắt đầu lo sợ. Những đại dự án về quân sự, về “kinh tế liên doanh chính trị” với nước này để răn đe nước kia kiểu thời Xô Viết bỗng dưng có nguy cơ dừng lại trên giấy. Thế là âm mưu chẳng những không thành mà còn làm nước Nga bị cả thế giới nghi ngờ về tính chất hội nhập, về đóng góp cho hoà bình nhân loại… Cái giá đau nhất mà Putin phải trả là cả Chủ tịch Cu Ba lẫn tổng thống Venezela vừa hôm trước còn lớn tiếng mời nước Nga thành lập liên minh quân sự này nọ để chống Mỹ, cho mượn căn cứ quân sự trên lãnh thổ nọ kia để tăng cường ảnh hưởng nước Nga ở sân sau nước Mỹ… Bỗng dưng quay ngoắt 180 độ xin muốn làm bạn với Obama, Obama thì gỡ bỏ hạn chế này nọ cho Cu Ba… Putin chết đứng. Như khi xưa Liên Xô làm Cu Ba chết đứng vậy. Thế là hoà 1-1. Làm chính trị không thể chỉ dùng “đòn gió”, không thể chỉ dùng thủ đoạn … Nếu không sẽ ăn lại thủ đoạn của chính mình.

Tuy vậy có vẻ như Putin đã đi quá xa, và không còn dừng lại được nữa cho nên ngày 14.05.2009 tổng thống trên danh nghĩa của nước Nga là Medvedev chẳng ngần ngại mà huỵch toẹ ra rằng: “Trong bối cảnh cạnh tranh năng lượng, vấn đề sử dụng vũ lực không thể bị loại trừ và có khả năng phá vỡ cân bằng lực lượng tại các khu vực có biên giới với Liên bang Nga và các nước đồng minh” - Bản chiến lược an ninh quốc gia Nga đến năm 2020. Không hiểu Putin cho công bố cái chiến lược này làm gì? Nếu buộc phải làm như vậy thì để nó là tài liệu mật có lẽ tốt hơn. Đến 2020 chắc gì Putin còn tại vị. Người kế nhiệm đâu đã mù quáng mà rập theo cái ông ta vẽ vời phi thực tế đến thế? Putin thì không thể sống mãi. Nhưng dân tộc Nga thì không thể chết. Và thế là người Nga tốn bao nhiêu thời gian công sức để gột rửa cái tiếng cộng sản. Nay lại một lần nữa phải gột rửa cái tiếng hậu cộng sản. Nước Nga còn lâu mới thành cường quốc văn minh được thế giới vừa sợ vừa kính nể, vừa ngưỡng mộ muốn theo gương…

Càng ngày Putin càng “lộ bài” và không xứng tầm một nguyên thủ cường quốc. Người ta e dè Putin và nước Nga theo kiểu tránh va chạm với một anh lực sĩ khùng… Chứ chẳng phải nể vì với một nguyên thủ cường quốc nói đâu chết đó. Chính trị hậu cộng sản thì mang mầu sắc cộng sản, và chẳng ai muốn chơi vì nó cũng nguy hiểm chẳng kém cộng sản. WTO chẳng cầu nước Nga. Nước Nga biết rằng cầy cục chẳng vào được nên họ đứng ngoài…

2) Tàn dư Cộng sản ở nước Việt:

Nói là tàn dư vì thực tế cộng sản ở Việt Nam không còn gì là cộng sản theo học thuyết của Mac-Lenin nữa. Thậm chí nó đã cho tay chân phát ngôn thăm dò dư luận về việc vứt cái tên cộng sản đổi thành đảng nhân dân, đảng lao động hay đảng XXX nào đó…

Cộng sản Việt Nam thực chất là tập hợp những kẻ học hành nửa vời, nhận thức mù loà, biết một mà không biết hai. Sở dĩ họ lên nắm quyền là nhờ cấu kết được với quốc tế cộng sản, và trở thành tên lính xung kích cho việc bành trướng cái chủ thuyết đó thôi – Họ là Việt gian, bán nước để lên nắm quyền.

Sau khi cộng sản sụp đổ trên bình diện thế giới, lúc đầu việt gian cộng sản hô hoán lên rằng: “Học tập xây dựng chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc”. Nhưng sau một hồi lần mò chẳng định nghĩa được CNXH mang mầu sắc Trung Quốc là thế nào. Hỏi đến quan thầy Trung Cộng thì bị gạt toe đi vì Trung Cộng cũng không còn hứng thú gì với “đồng chí Cộng sản Việt nam vô ơn bạc nghĩa” ăn nói lèo lá lấy lòng chỉ vì sắp chết… Đến hôm nay không ai còn nghe thấy VGCS nói đến chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc nữa… Mà nó chắp vá lý luận cố nặn ra cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong khi Hồ là kẻ thực hành chủ nghĩa Cộng sản với những mánh lới của kẻ du thủ du thực chứ hoàn toàn không có năng lực tổng hợp vấn đề lên hàng Lý Luận Hệ Tư Tưởng. Lúc còn sống Hồ cũng công khai thừa nhận như thế.

Cho nên có thể nói Cộng sản Việt nam không có năng lực gì, từ năng lực nhận thức đến năng lực hành động. Từ hành động chính trị đến hành động kinh tế để lèo lái nền kinh tế chính trị thoat hiểm. Vì thế mà nó phải bán tài nguyên, phải bán đất bán biển đổi lấy tiền bạc kéo dài sự sống. Còn hành động quân sự trong chiến tranh - Cái csvn vẫn tự hào trong cuộc chiến nướng quân nướng dân khi xưa, nay chiến tranh công nghệ cao sẽ xử lý được trong nháy mắt. Csvn thừa biết họ sẽ thảm bại thế nào nếu đem áp dụng cái chiến thuật man rợ đó… Cho nên csvn vẫn là kẻ chẳng có năng lực hành động gì trong thế giới văn minh ngày nay.

Có vẻ như ông đại tướng Võ Nguyên Giáp không hiểu rằng, ông để lại cho hậu duệ một nền kinh tế khố rách mà lại bắt họ phải ngẩng mặt đi ra quốc tế, bảo vệ chủ quyền này nọ… Không bán Bô-xít Tây Nguyên được sao? Không bán thì họ lấy gì mà sống? Các nhà khoa học thì chẳng hiểu biết chính trị phê phán lãnh đạo cộng sản là thiển cận là không biết tính toán… Nhưng thực chất lãnh đạo csvn tính toán rất kỹ. Không bán bô-xít Tây Nguyên, không gán đất gán biển thì chết ngay. Bán đi thì có chết cũng dần dần… Biết đâu tình thế xoay chuyển có thể giúp csvn thoát hiểm như đầu thập niên 1990? Đây là lựa chọn phương án tối ưu của csvn. Mọi lời khuyên, lời cảnh báo đều vô ích.

Tàn dư cộng sản trong bộ máy nhà nước của csvn thì chưa được như nước Nga. Nhưng giới lãnh đạo csvn đang mơ tới đó chứ không phải tới mô hình Trung Cộng. Csvn cũng biết rằng Trung Cộng là người khổng lồ có đôi chân bằng đất sét. Khi nào nó to lớn quá hạn, tự sức nặng sẽ làm nó sụp đổ. Đặc tính người Á châu là đoàn kết vâng phục rất kém… càng đông, càng khó thống nhất ý kiến… Lịch sử đã chứng minh không có một đại quốc nào ở Á châu bền vững cả. Nước Tàu khi xưa thực chất cũng không thống nhất. Thiên tử vẫn phải phong vương phong hầu chứ đâu với tay tới các vùng đất xa xôi… Nay CSTQ tìm cách xiết chặt mọi dân tộc rất khác nhau trên lãnh thổ cưỡng bức của họ, chắc chắn lòng người không phục…

Có thể nói tàn dư cộng sản nguy hiểm nhất ở Việt Nam là tính chất băng đảng Mafia. Người cộng sản và cả những kẻ cơ hội theo cộng sản đều có hoạt động theo kiểu Mafia … Họ đang tìm cách thoát khỏi cái xác cộng sản, để thành những nhà tư bản, thậm chí nhà dân chủ… Họ đang tìm cách kết nối với thế giới bên ngoài để làm một cuộc cách mạng “Kim thiền thoát xác” rồi đổ mọi tội lỗi lên đầu cái xác kim thiền cộng sản rỗng tuếch kia … Còn họ sẽ xé thẻ đảng, đốt sách Mác như Putin đã làm rồi đứng ra thành lập đảng nước Việt Thống Nhất … Hay đảng XY gì gì đó… Dùng xảo thuật dân tộc chủ nghĩa, thông qua bầu cử “tự do dân chủ” với hơn 70% phiếu dân bầu mà lên nắm quyền. Rồi họ sẽ lại tiếp tục đưa dân tộc Việt, nước Việt vào một cuộc phiêu lưu mới…

Người Mỹ xưa đã bán rẻ Việt Nam Cộng Hoà nay lại mua được rẻ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tội gì họ phải đắn đo? Trung Cộng xưa đã được Mỹ nhượng cả Đông Dương, nay Mỹ đòi lại cái giải Việt Nam thì có gì quá đáng??? Dân tộc Việt còn trầm kha vì thiếu thốn đủ thứ, trước tiên là thiếu hiểu biết.

Xin các quí vị người Việt có địa vị cao trên trường quốc tế, có môi trường tự do, có năng lực trình độ hãy đem đến cho dân tộc Việt sự hiểu biết bắt đầu bằng việc xé bức màn bưng bít thông tin. Sự thật sẽ giải thoát người dân Việt và chính họ mới có thể kết liễu mọi ý đồ đen tối, mọi băng đảng Mafia dù chúng gớm ghiếc đến đâu.

Hà nội, ngày 14.5.2009
 
“Chỉ đạo” hay “chỉ đại”?
Alfonso Hoàng Gia Bảo
02:05 15/05/2009
Chuyến đi cao nguyên của các quan môi trường Phạm Khôi Nguyên, Nguyễn Xuân Cường và Lê Quốc Trung hôm 08/5/2009 tưởng đã có thể vấn an được dân tình đang lúc ‘bối rối’ vì bauxite, nhưng dư luận mấy ngày qua cho thấy thì dường như chỉ khiến họ càng thêm lo.

Nguyên nhân xuất phát từ chính những phát biểu chỉ đạo ‘cố tình’ lạc đề của họ khi xoay sang chuyện lo an cư cho dân nhiều hơn là đưa ra một lời giải đáp cho các vấn đề về quan trọng về kỹ thuật cũng như an ninh quốc phòng.

Nhưng ngay cả các phát biểu về đề tài này liệu đã thật sự nghe ổn?

Bài Dự án bôxit Tân Rai: "Sẽ lập “đội đặc nhiệm” giám sát môi trường" (Tuoitre Online 09/5/2009) lẽ ra phải là chứa đựng những ‘lời vàng ý ngọc’ mới xứng tầm là phát biểu của những hàm vị bộ trưởng, thứ trưởng. Tiếc thay, đó lại là những gì chúng ta lâu nay vẫn thường được nghe sau mỗi trận lụt, bão hay mấy vụ sập cầu bể cống “theo dõi và hỗ trợ…xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh… không gây xáo trộn nhiều đến sản xuất của người dân… tuyệt đối không được chủ quan… bảo đảm phù hợp nhất, an toàn nhất theo điều kiện thực tế của VN… không gây xáo trộn nhiều đến sản xuất của người dân… đơn vị này và đơn vị nọ (ở đây là Lâm Đồng và TKV) phải ngồi lại với nhau để bàn tính cái này cái kia …” v.v… và v.v…

Nói các Ngài đừng buồn, đây đích thị chỉ là những ‘chỉ đại’ chứ chẳng thể gọi là “chỉ đạo” vì chúng còn mang nặng tính phát biểu theo công thức đã có từ thời bao cấp. Thời mà trước các vấn đề lớn của địa phương, các quan lớn bé đều có thừa khả năng phát biểu hùng hồn ra vẻ nắm bắt rõ ruột gan sự việc. Nhưng nếu ai chịu khó ‘suy gẫm’ và có dịp copy lại để so sánh, sẽ thấy chúng không chỉ chính xác về con chữ (như thể được lấy ra từ những form được lập trình sẵn) mà ngay cả nội dung cũng na ná giống nhau, quanh đi quẩn lại chỉ bấy nhiêu hướng chỉ đạo mơ hồ như kiểu nêu trên.

Phải chăng đã có sự hiểu lầm nào đó về quan niệm chỉ đạo trong tiềm thức của các quan ta, rằng “chỉ đạo” có nghĩa là “chỉ ra những cái chung chung” còn khi thực hành cụ thể ra sao thì người nhận được sự chỉ đạo phải tự vắt óc ra mà làm, mà “vận dụng sáng tạo” nhưng “may nhờ rủi ráng mà chịu”?

Nếu không thì vì sao bóc bề mặt cả vài ngàn hécta đất đi mà các quan môi trường cấp bộ kia lại chỉ đạo kiểu đánh đố nhà đầu tư và chính quyền địa phương “tránh không gây xáo trộn đến sản xuất của người dân” , làm sao tránh được chuyện này với cái nghề nông nghiệp vốn đòi hỏi luôn phải gắn liền với đất đai?

Rồi “lỡ” hai tỉnh Đắc Nông và Bảo Lộc tránh không nổi việc gây ra xáo trộn thì liệu ông Phạm Khôi Nguyên có bị liên quan đới trách nhiệm, hay sau 5, 10 năm nữa ông quan môi trường này trở thành cựu quan sẽ lại bảo, “đấy ngày trước tớ đã bảo tránh không gây xáo trộn đến sản xuất của người dân rồi mà chẳng ai chịu nghe!” Và thế là mọi chuyện lại huề cả làng?

Người viết cũng đã có hơn chục năm theo học nghề ‘đầy tớ nhân dân’ ở một quận nội thành sau ngày ra trường, nhờ vậy mà được dịp nghe nhiều quan lớn phát biểu. Có những lời mà sau này mỗi khi nhớ lại bỗng dưng cảm thấy hơi bị… nổi da gà, vì thấy đúng như lời các cụ nhà ta thường hay la mắng con cháu “nói năng cứ linh tinh cả lên!” .

Chẳng biết bây giờ chuyện hội họp đã bớt đi được bao nhiêu, nhưng thời thập niên 80 hằng năm mỗi quận huyện của Tp.HCM chắc cũng có đến gần chục cái hội nghị lớn và thêm hàng tá hội nghị nho nhỏ tại khắp các phường.

Đã gọi là hội nghị thì luôn phải có “tổng kết rút kinh nghiệm”. Ngày khai mạc đơn vị ngành chủ quản có thể tự biên tự diễn nhưng đến lúc bế mạc, thì phát biểu sau cùng bao giờ cũng phải có “đồng chí” chủ tịch hoặc bí thư kính mến lên ban cho vài lời “chỉ đạo”.

Từ chuyện giáo dục cho tới sinh đẻ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tôn giáo v.v… “kính thưa các kiểu” hội nghị trên trời dưới đất nhưng hai đồng chí bí thư, chủ tịch vẫn “khó khăn nào cũng hoàn thành, trở ngại nào cũng vượt qua” thế mới tài.

Chẳng hiểu các sếp đào đâu ra lắm kiến thức thế để mà chỉ với đạo?

Bởi thế đám ‘đầy tớ’ bé chúng tôi mỗi khi gặp nhau ở căng-tin thường nói đùa các quan ta ai cũng tốt nghiệp “đại học bách khoa” cả. Vì tốt tới những 100 khoa nghiệp nên thứ nào mà các quan ta chẳng thể “chỉ đạo sâu sát”? (sâu sắc = xấu!)

Trở lại với nỗi lo thảm họa do khai thác Bauxite.

Không biết sau chuyến đi của các quan môi trường sẽ còn có chuyến đi an dân của các nào, Bộ Quốc Phòng hay đoàn đại biểu Quốc Hội đây? Còn nhiều quan đi kinh lý ắt sẽ có thêm nhiều “chỉ đạo” tiếp.

Chỉ mong sao chúng thiết thực chứ đừng là những lời “trời ơi đất hỡi” rập khuôn sáo rỗng chỉ tổ khiến dân thêm lo không biết đó là “chỉ đạo” hay “chỉ đại” kiểu như của các quan môi trường hôm 8/5 vừa qua.

Chỉ đạo bằng cách nào đó là toàn quyền của các quí vị có trách nhiệm, tuy nhiên trong tình hình dư luận ‘dầu sôi lửa bỏng’ vì chuyện khai thác Bauxite như hiện nay, cái mà nhiều người đang muốn lắng nghe hơn cả vào lúc này không hẳn chỉ là chuyện chỉ đạo, mà ai đó một khi đã dám chỉ đạo ủng hộ tiếp tục khai thác Bauxite thì cũng xin dám đứng ra dõng dạc tuyên bố như những người đã dám công khai tên tuổi họ khi ký tên vào các bản kiến nghị ngừng khai thác, rằng:

Hôm nay ngày... tháng… năm… Tôi họ tên … Chức vụ… Xin lấy tên tuổi mình ra đảm bảo với toàn dân rằng dự án khai thác Bauxite ở Lâm Đồng và Đắc Nông là vô hại và sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước đất nước về mọi hậu quả nếu có từ việc khai thác này đem lại.

Có làm được như thế mới xứng đáng là sự chỉ đạo đầy trách nhiệm.

Mong lắm thay!

Sàigòn, 14/5/2009
 
Từ Tuyên Ngôn nhân quyền Toàn thế giới nhìn đến giáo dân Thái Hà
J.B Nguyễn Hữu Vinh
02:12 15/05/2009
Bản tuyên ngôn Nhân quyền toàn thế giới của Liên hợp quốc được nhìn nhận là những giá trị phổ quát về những quyền cơ bản của con người mà xã hội loài người phải tuân theo. Văn bản đó được thông qua đến nay đã 61 năm.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền Toàn Thế giới và Việt Nam

Việt Nam xin gia nhập và ký kết bản Tuyên ngôn này từ 20 năm nay. Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận: “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người là văn kiện quan trọng có ý nghĩa tiến bộ lịch sử và giá trị to lớn về mặt đạo đức, chính trị và pháp lý” và “Tuyên ngôn khẳng định: "Tất cả mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng về phẩm giá và các quyền", "Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do... không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, mầu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, nòi giống hay các tình trạng khác". Tuyên ngôn nhấn mạnh tính bất di bất dịch và không thể bị xâm phạm của tất cả các quyền con người, vì đó là "nền tảng của tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới". (Trích báo Nhân Dân ngày 9-12-2008).

Bản Tuyên ngôn có 30 điều, trong đó:

“Điều 30: Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này”.

Như vậy, theo thông lệ quốc tế hiện hành, tất cả những văn bản luật pháp ở tất cả những nước đã tham gia không được phép chống lại bất cứ điều nào của bản Tuyên ngôn này. Điều này không loại trừ bất cứ đất nước nào, điều kiện nào và ở đâu. Có nghĩa là không loại trừ Việt Nam. Những văn bản luật pháp trong nước trái ngược hoặc có nội dung không đúng với bản Tuyên Ngôn nói trên, bất kể cấp nào thông qua, đều không có giá trị.

Bởi khi xem xét về luật pháp phải chiếu với các văn bản của quốc tế mà Việt Nam tham gia, cụ thể là bản Tuyên Ngôn Toàn thế giới để ưu tiên.

Báo cáo nhân quyền tại Liên Hiệp quốc.

Ngày 8/5 tại Geneva - Thụy Sỹ, Việt Nam báo cáo nhân quyền trước Liên Hợp Quốc.

Trước đó, bản báo cáo nhân quyền của Việt Nam đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra, báo chí Việt Nam đăng tải, trong đó nêu những thành tích đạt được của Việt Nam về nhân quyền.

Đọc bản báo cáo, người ta thấy những thành công, những bài học rút ra và những khó khăn, thách thức… cuối cùng là cam kết của Việt Nam.

Sau ngày 8/5/2009 khi Việt Nam báo cáo trước Liên Hợp quốc, báo chí nước ngoài đã đưa tin nhiều về việc này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm một vài ngày sau đó báo chí Việt Nam đưa tin hết sức ít ỏi về sự kiện này.

Trên báo VietnamNet của Việt Nam, nổi bật thông tin: “Các nước đánh giá cao báo cáo nhân quyền của Việt Nam”. Trong đó, nêu lên một đánh giá của số nước như Cu Ba, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… chủ yếu là nói đến vấn đề xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Còn Indonesia “mong muốn Việt Nam có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ thúc đẩy quyền con người trong khu vực”.

Tuyệt nhiên, trên báo chí Việt Nam không thấy những thông tin phản hồi từ các nước khác vốn rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền Việt Nam và thế giới. Báo chí nước ngoài, cụ thể là Hãng tin BBC đưa tin như sau:

“Báo cáo của Việt Nam nói chất lượng của việc thực hiện pháp luật còn thấp nhưng hứa rằng việc thực hiện các tiêu chí nhân quyền quốc tế là ưu tiên của chính quyền… chính quyền Việt Nam thừa nhận trong các quan chức nhà nước còn có hiện tượng "nhận thức về nhân quyền "ở một số người còn "hạn chế".

Theo dõi việc trình bày báo cáo thì không có điểm nào nói lên sự khác biệt giữa quan điểm nhân quyền của chính quyền Việt Nam và Công ước Nhân quyền Quốc tế...

…đại biểu nhiều quốc gia đã bày tỏ ý kiến của họ. Các nước phương Tây như Canada, Hà Lan và Úc nhấn mạnh Việt Nam cần cởi mở hơn về tự do báo chí.

Đại diện Canada đề nghị Việt Nam cho phép báo chí tư nhân (một ý mà Hà Lan cũng đề cập), có luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Luật Việt Nam đôi khi được dùng để hình sự hóa việc bày tỏ quan điểm chính trị hòa bình và hạn chế tự do lập hội.

Người của đoàn Canada nói: "Có vẻ luật Việt Nam đôi khi được dùng để hình sự hóa việc bày tỏ quan điểm chính trị hòa bình và hạn chế tự do lập hội." Canada đề nghị Việt Nam "giảm bớt việc dùng luật an ninh để hạn chế công chúng thảo luận dân chủ đa đảng”.

… Đại diện Úc đề nghị Việt Nam tăng cường bảo vệ tự do báo chí, và hoan nghênh Việt Nam đang cân nhắc gia nhập Công ước LHQ chống tra tấn.

Trung Quốc cũng phát biểu, kêu gọi Việt Nam "khép bớt khoảng cách giàu nghèo". Đại diện nước này đề nghị Việt Nam "giúp các nhóm thiểu số nhận thức tốt hơn quyền và trách nhiệm để họ có cuộc sống tốt hơn".

Về phần mình, Nhật Bản nhấn mạnh "tầm quan trọng của tự do ngôn luận, và vai trò của truyền thông độc lập và tự do". Nhật đề nghị Việt Nam "thúc đẩy nhân quyền cho những nhóm dễ tổn thương" và cải thiện hệ thống luật pháp trong nước.

Giáo dân Hà Nội và Thái Hà với bản Tuyên ngôn - những dẫn chứng cụ thể.

Tuyên Ngôn nhân quyền ghi rõ: “Điều 6: Mọi người đều có quyền được thừa nhận tư cách là con người trước pháp luật ở khắp mọi nơi”.

Cho đến nay, chưa có bất cứ một văn bản pháp luật nào có hiệu lực chỉ ra rằng những giáo dân và tu sĩ ở Thái Hà nói riêng và những tín hữu Công giáo Việt Nam không còn là công dân Việt Nam. Những quyền lợi được đảm bảo cho công dân, nghiễm nhiên giáo dân Thái Hà phải được hưởng, những nghĩa vụ của công dân, Giáo dân Thái Hà phải thực hiện.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền viết: “Điều 17: 1. Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hay chung với những người khác.

2. Không ai bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.


Tài sản của Giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm sứ đã bị chiếm đoạt không phù hợp ngay cả với pháp luật của nhà nước ban hành trong thời kỳ bị chiếm đoạt. Những tài sản đó bị chiếm đoạt không có văn bản, quyết định hợp hiến và hợp pháp, không đúng đối tượng của các chính sách nhà nước đã ban hành qua các thời kỳ. Trong khi Hiến pháp và pháp luật đã quy định rõ ràng: “Đất đai tôn giáo, nơi thờ tự được được bảo hộ”.

Nhà thờ Thái Hà và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã có đơn từ đề nghị được xem xét và trả lại quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu tài sản của mình kể từ năm 1996. Nhưng đơn từ đã qua cả chục năm gửi đi không được hồi đáp, đến khi hồi đáp không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về luật pháp, bỏ qua các chứng cứ cụ thể nhà thờ đã đưa ra về tài sản, đất đai của tổ chức tôn giáo.

Khi đang trong quá trình đối thoại, Nhà nước đã dùng vũ lực khống chế để đoạt bằng được làm vườn hoa công cộng.

Nhà cầm quyền Hà Nội đã căn cứ vào một Nghị quyết của Quốc Hội Việt Nam năm 2003, không xem xét trả lại tài sản đất đai bị chiếm đoạt trước năm 1991?

Việt Nam đã tham gia ký Tuyên ngôn nhân quyền Toàn thế giới năm 1988. Như vậy, văn bản này có đi ngược lại điều 17 trong bản “Tuyên ngôn nhân quyền toàn Thế giới” mà Việt Nam đã long trọng ký kết trước đó hay không?

Nếu văn bản này đi ngược lại bản tuyên ngôn nói trên, thì hiển nhiên không có giá trị pháp lý để thực hiện, bởi nguyên tắc cơ bản là phải ưu tiên tham chiếu các văn bản quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Thậm chí, ngay cả áp dụng văn bản nói trên, thì đất đai của Nhà thờ Thái Hà, Tòa Khâm sứ cũng không nằm trong diện phải bị chiếm đoạt. Nhưng các khiếu nại đã không được giải quyết thỏa đáng.

“Điều 3: Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân

Điều 12: Không ai bị can thiệp một cách độc đoán đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín của cá nhân người đó cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp hoặc xâm phạm như vậy”.


Sự kiện những người dân và tu sĩ Thái Hà, Tòa Tổng Giám mục bị cô lập trong bốn bức tường của Nhà thờ, bên ngoài là hàng loạt người bao vây, có sự chứng kiến của cán bộ, công an và nhiều thành phần khác. Chúng hò hét bên cạnh dòng tu, bệnh viện, khu dân cư đòi giết người… và sau đó là đập phá, kéo sập cửa và phá phách đền Thánh Giêrađô của Giáo xứ Thái Hà lúc nửa đêm. Những người này được nhà nước giải thích là “quần chúng tự phát”?

Phụ nữ và trẻ em đang cầu nguyện trên linh địa Đức Bà đã bị xịt hơi cay vào mặt trong khi có đầy đủ nhiều lực lượng công an, cảnh sát và cán bộ chính quyền, đã có biên bản được lập, có đơn từ, hình ảnh chứng cứ…

Nhưng, cho đến nay không hề có một cuộc điều tra nào để chỉ ra ai đứng chủ mưu, ai phải chịu trách nhiệm về những tội ác đó.

Vậy những điều nói trên của bản Tuyên ngôn này có ý nghĩa gì ở đây không? Những dòng trong báo cáo của Việt Nam về nhân quyền phải hiểu như thế nào ở đây như thế nào về quyền lợi của phụ nữ và trẻ em?

Trong khi đó, 8 giáo dân phá một đoạn tường rào giá trị chưa đầy 3 triệu 500 ngàn đồng trên một tài sản mà đến nay họ vẫn xác định là của họ đã bị bắt bớ, giam cầm, xét xử hết sức quy mô và khẩn trương như đã thấy.

Và các giáo dân cầu nguyện ôn hòa đã bị kết án là “gây rối trật tự công cộng” (?).

Giữa các sự việc đó, ai là kẻ gây rối? Vậy trong các trường hợp này giáo dân và tu sĩ Thái Hà có được đối xử bình đẳng không? Họ có được bảo vệ không? Nếu không, thì quyền được sống trong độc lập, tự do và quyền tự quyết vận mệnh của mình đối với giáo dân, tu sĩ Thái Hà có được công nhận không? Nếu có, thì quyền đó của họ hiện ai đang thụ hưởng?

Bản Tuyên ngôn nhân quyền ghi rõ: “Điều 7: Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau không có bất cứ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều được bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử vi phạm Bản tuyên ngôn này cũng như chống lại mọi hành vi xúi giục phân biệt đối xử như vậy”.

Báo cáo của Việt Nam viết: “Mọi người dân Việt Nam luôn được bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng toàn diện và đầy đủ các quyền con người, trong đó có các quyền dân sự, chính trị”…

Qua những sự việc và cách xử lý trên đối với các giáo dân, tu sĩ Công giáo, nên hiểu chữ “bình đẳng” được nhà nước luôn ghi rõ và ký kết, tuyên truyền ở đây có nghĩa như thế nào? Phải chăng, phải hiểu chữ “bình đẳng” này theo cách giải thích của nhà cầm quyền?

Sau những vụ xịt hơi cay, bao vây nhà thờ nửa đêm… Nhà thờ đã đều có đơn nhưng không được cứu xét, không trả lời… Vậy điều mà bản báo cáo của Việt Nam đã viết: “Quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ” đã thể hiện như thế nào trong trường hợp này? Ai tôn trọng quyền đó, Giáo dân và tu sĩ Thái Hà có được quyền đó không?

Bản Tuyên ngôn viết: “Điều 11: 1. Mọi người, nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai, nơi người đó đã có được tất cả những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp.”

Vậy, việc UBND TP Hà Nội bỗng dưng đưa công văn cảnh cáo TGM Giuse Ngô Quang Kiệt và các linh mục Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội hết lần này rồi lần khác. Những vị này là được coi phạm vào tội gì? Căn cứ nào để kết tội? Tòa án nào cho phép hay căn cứ luật pháp nào để cho một công dân cảnh cáo một công dân hoặc một quan chức kết tội một công dân mà không qua tòa án, không căn cứ một cơ sở nào để kết tội?

Giáo dân Thái Hà ra tòa, luật sư chính của họ, ông Lê Trần Luật đã bị gây khó dễ trong quá trình tiến hành bảo vệ cho họ và cuối cùng vẫn bị ngăn chặn trắng trợn, không thể có mặt tại phiên tòa phúc thẩm xét xử 8 giáo dân Thái Hà, có đúng với tinh thần của bản tuyên ngôn nói trên không?

Những việc làm đó có đúng với là “Tất cả mọi người đều được bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử vi phạm Bản tuyên ngôn này cũng như chống lại mọi hành vi xúi giục phân biệt đối xử như vậy”.

Trong quá trình vụ việc Thái Hà xảy ra, một đội ngũ các cơ quan truyền thông đã không tiếc lời vu cáo các giáo sĩ, giáo dân Thái Hà và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, kết tội họ ngang nhiên. Dù đã có những văn bản phản đối, những đơn khiếu nại gửi đi, nhưng hầu như không có tác dụng.

Thậm chí, khi những giáo dân Thái Hà cùng nhau cầu nguyện cho những mục đích tốt đẹp của quê hương, của đất nước, cho các nhà lãnh đạo đất nước được sáng suốt… đã bị guồng máy truyền thông báo chí áp đặt và quy kết đủ mọi thứ tội. Kể cả việc họ ngang nhiên phân biệt đổi xử trắng trợn trên mặt báo đối với các công dân là giáo dân, linh mục, tu sĩ: Rằng đã vượt qua giới hạn của nhà tu hành, rằng là can thiệp chính trị, rằng là đi ngược lợi ích dân tộc?

Vậy “điều 29: 1. Mọi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất người đó có thể phát triển nhân cách của mình một cách tự do và đầy đủ” này có được áp dụng ở Việt Nam không? Nói riêng với giáo dân và tu sĩ Công giáo?

Tất cả những ý kiến của giáo dân, giáo sĩ Thái Hà gửi đến đều không được đăng tải một cách minh bạch hoặc bị xuyên tạc ác ý. Những tiếng nói để nói lên sự thật thì bị quy kết, làm khó dễ, bị điều tra… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cá nhân.

Tôi cảm nhận sâu sắc điều này, cá nhân tôi đã nhiều lần bị triệu tập để làm việc “về nội dung một số bài viết trên mạng internet” mà những bài viết của tôi đơn giản chỉ là những sự thật được nói ra đúng bản chất của nó.

Kể cả linh mục Nguyễn Văn Khải đã nhiều lần nhận giấy mời, giấy triệu tập đến cơ quan điều tra về nội dung bài các bài viết trên internet…

Trong một đất nước mà khi nói lên những sự thật thì bị điều tra, kết tội, còn những kẻ ngang nhiên dựng chuyện, dối trá và bóp méo, xuyên tạc sự thật lại chẳng hề bị hề hấn gì và còn được khuyến khích, khen thưởng…

Điều này có ý nghĩa gì? Phải chăng, sự thật phải được lên án, sự dối trá phải được coi là mẫu mực trong hành xử và điều hành xã hội?

Thủ tướng chính phủ Việt Nam nói: “Tôi xin nói suy nghĩ riêng của mình. Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực, ghét nhất, giận nhất là sự giả dối”.

Điều này đã gây cho nhiều người những thắc mắc: Hệ thống báo chí Việt Nam là độc quyền của nhà nước, chính ông Thủ tướng là người đã khẳng định cấm báo chí tư nhân. Vậy Thủ tướng có suy nghĩ gì về sự dối trá của báo chí được nêu quá nhiều lần, nhất là qua sự việc Tòa Khâm sứ và Thái Hà hay không khi ông “ghét sự giả dối”? Ông nghĩ gì khi những người nói lên sự thật, nói lên những ý nghĩ tìm cách xây dựng tốt đẹp cho đất nước, đã bị làm khó dễ, bị hăm dọa và điều tra khi ông “yêu nhất, quý nhất là sự trung thực”?

Phải chăng điều này được giải thích: Đây chỉ là “suy nghĩ riêng” của Thủ tướng mà thôi?

“Điều 19: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới”.

Vậy nhà cầm quyền Việt Nam có loại điều này ra khỏi bản tuyên bố mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết hay không? Nếu không, những việc như trên thể hiện điều gì nếu không là sự phân biệt đối xử và vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân được pháp luật minh nhiên công nhận?

Những ngày gần đây, nhiều đoàn khách hành hương về Thái Hà đã bị ngăn chặn một cách bất hợp pháp mà không có lý do chính đáng. Đây là những cuộc hành hương hoàn toàn mang tính chất tôn giáo thuần túy. Tuy nhiên công an đã hành động bất chấp ngay cả luật pháp Việt Nam về quyền đi lại của con người. Giám mục Nguyễn Văn Sang giáo phận Thái Bình đã công khai tố cáo điều này cũng như đã có đơn phản đối. Các hình ảnh, âm thanh trên mạng internet đã chứng minh điều đó. Các linh mục, giáo dân đã nói lên những hiện tượng và sự việc có thật đó không chỉ xảy ra với giáo dân Thái Bình, mà còn nhiều nơi, nhiều chỗ khác.

Tuy nhiên, đến nay các cơ quan pháp luật Việt Nam vẫn làm ngơ những hành động này. Khi sự vi phạm pháp luật rõ ràng được làm ngơ, điều đó đồng nghĩa với sự dung túng cho các những hành động vi phạm pháp luật đối với một bộ phận giáo dân là công dân Việt Nam.

Vậy “điều 13.1 1. Mọi người đều có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãng thổ của mỗi quốc gia” đã được thực sự tôn trọng?

Những câu hỏi với những sự việc trên, đang là một sự thật hiển nhiên, nhức nhối và luôn là những vấn đề làm ảnh hưởng nặng nề đến khối đại đoàn kết dân tộc, làm cho đất nước mất đi sức mạnh cần thiết bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Vài điều cần suy nghĩ

Nhà nước Việt Nam đã long trọng ký vào bản Tuyên ngôn nhân quyền, những điều khoản của bản tuyên ngôn này mọi cá nhân, tổ chức và nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ. Không có một lý do nào có thể biện minh cho việc vi phạm.

Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Thực tế cho thấy, những vấn đề cụ thể, những vụ việc được dẫn chứng ở trên đã cho thấy con nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn ngang nhiên vi phạm.

Đó có phải là khoảng cách giữa lời nói và việc làm của những người cộng sản khi tiến hành các sự việc trên? Hay bởi nó là hậu quả của sự dung túng cho những hành động vi phạm pháp luật ngang nhiên mà không bị trừng trị? Hay đó chỉ là một trong những biểu hiện của sự kỳ thị đối với người Công giáo - những công dân hạng hai?

Dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam đã trải qua một thời kỳ lịch sử rất dài kể từ ngày dựng nước. Những người con đất Việt vốn được ca ngợi là thông minh, cần cù chịu khó và rất anh dũng. Thiên nhiên Việt Nam được coi là giàu có về tài nguyên và tươi đẹp, ưu đãi con người.

Tuy nhiên, sau bốn ngàn năm nhìn lại hiện tại, chúng ta thấy gì?

Vài chục năm gần đây là thời kỳ Việt Nam từ bỏ thói tự mãn, tự coi mình là tiến bộ hơn phần còn lại của thế giới, là lương tâm nhân loại… để hội nhập vào thế giới, đất nước đã có những biến đổi về kinh tế. Đó là máu xương, công sức của toàn dân tộc Việt Nam.

Nhưng đất nước này vẫn là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu nguy cơ tụt hậu khỏi thế giới văn minh là điều đã được cảnh báo. Chiều hướng suy đồi đạo đức xã hội đang không ngừng gia tăng. Những giá trị truyền thống bị đảo lộn, những giá trị con người bị coi nhẹ, tệ nạn xã hội lan tràn. Tệ nạn tham nhũng trong guồng máy công chức, lãnh đạo ngày càng nghiêm trọng từ vấn nạn chuyển thành quốc nạn.

Người dân dần dần bị mất đất đai, tư liệu lao động chính của họ đang dần dần bị thâu tóm vào tay một số chủ đầu tư, một số kẻ giàu có. Câu chuyện “người cày có ruộng” thời kỳ đầu của nhà nước đang được diễn ngược, đất đai đang dần dần đươc thâu tóm vào các nhà đầu tư, các cá nhân lắm của nhiều tiền, người dân cày lại hoàn toàn trở về tay trắng.

Điều này tạo ra biết bao cảnh khó khăn của nhân dân, những người đã đóng góp xương máu xây dựng nên đất nước này, chế độ này.

Những dự án như bauxit Tây Nguyên, đã và đang tạo ra những nguy cơ mới đối với đồng bào sinh sống tại chỗ, với truyền thống văn hóa Tây Nguyên lâu đời và môi trường của cả miền Nam đã gây nhiều lo ngại.

Nhưng trên hết, vấn đề an nguy của dân tộc, của Tổ quốc đã được báo động mạnh mẽ khi những đội quân của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, kẻ đã từ bao đời nay chưa bao giờ từ bỏ âm mưu thôn tính và xâm lược Việt Nam được đưa vào mái nhà Tây Nguyên. Việc ngoại bang xâm chiếm lãnh thổ của đất nước, của cha ông để lại ngàn đời nay đã là hiển nhiên và thực tế, không còn chỉ là một nguy cơ.

Đó là những sự thật hiện nay.

Trước tình hình đó, mọi người con dân Việt cần phải làm gì để đưa đất nước ra khỏi những những nguy cơ đó? Cũng như mọi dân tộc, mọi đất nước trên hành tinh này, Việt Nam cần phải vượt qua những khó khăn thử thách trên bước đường phát triển.

Một dân tộc, một đất nước hùng mạnh là điều mà mọi công dân đều mơ ước. Khi tiếp xúc với những người nước ngoài, không ai không cảm thấy hổ thẹn bởi ánh mắt nhìn, bởi sự không thân thiện khi biết mình là người Việt Nam. Câu nói của Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt dù bị cắt xén đi nữa thì không lâu sau đó đã được những người nổi tiếng như Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh đã nói rõ ràng trên báo chí nhà nước. Nhưng tất cả đã im lặng.

Đó là nỗi đau, nỗi nhục mà mọi công dân còn có lòng yêu nước còn phải trăn trở, nghĩ suy.

Để vượt qua điều đó, không thể bằng sự dối trá, lừa lọc và đàn áp bằng vũ lực. Tất cả cần sự đoàn kết nhất trí từ trong lòng mỗi người dân. Để có sự đoàn kết, nhất trí vững bền trong mọi người dân, điều cơ bản phải vẫn là sự thật. Không có một đất nước, một thể chế nào vững bền khi dựa vào sự dối trá và xảo quyệt hoặc dựa trên sức mạnh súng đạn.

Để đất nước vượt qua khó khăn, không còn con đường nào khác là phải đối diện với thực tế để sửa mình. Ngay cả bản thân chính phủ, nhà nước cũng hết sức cần thiết nhìn nhận lại chính mình nếu muốn trở thành một nhà nước chân chính.

Một Nhà nước chân chính, là một nhà nước phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nếu chính phủ nào không phục vụ nhân dân thì nhân dân có quyền đuổi chính phủ” .

Hãy để lòng dân được yên, đó mới là kế “sâu rễ, bền gốc” của một nhà nước mà cha ông ta đã ngàn đời đúc kết. Vì chèo thuyền là dân nhưng lật thuyền cũng chính là dân.

Đọc lại bản Tuyên ngôn Toàn thế giới về nhân quyền, nhìn lại vài sự kiện đã xảy ra với Giáo dân Công giáo vừa qua để thấy rằng con đường đi lên còn ở phía trước và để đi trên con đường đó Sự thật – Công lý – Hòa bình càng cần được nêu cao.

Đó cũng là con đường để mọi tín hữu Công giáo đồng hành với dân tộc, với đất nước.

Hà Nội, Ngày 15/5/2009
 
Những đề nghị về nhân quyề̀n bị Nhà nước Việt Nam bác bỏ
BBC
05:46 15/05/2009
Trang mạng của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày hôm nay đã công bố bản phúc trình, tổng kết phiên báo cáo của Việt Nam tại Geneva.

Bản báo cáo được thông qua hôm 12.5, sau khi Nhóm làm việc của Hội đồng nhân quyền theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) đã nghe và thảo luận về báo cáo của Việt Nam vào hôm 8.5.

Tuy vậy, đến hôm nay, người ta mới có thể được đọc bản tổng kết bằng tiếng Anh, 29 trang này.

Trong phần kết luận, người ta được biết Việt Nam chấp nhận 93 đề nghị từ 60 phái đoàn ở Geneva.

Cũng có những đề nghị bị Việt Nam bác bỏ, như ghi nhận dưới đây:

Canada khuyến nghị Việt Nam: a) gia tăng sự độc lập của truyền thông, cho phép báo chí tư nhân; b) đặt luật báo chí tương hợp với điều 19 của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị ( ICCPR); c) thông qua luật bảo vệ người tố giác tham nhũng; d) thông qua luật tiếp cận thông tin; e) giảm áp dụng luật an ninh để hạn chế thảo luận về dân chủ đa đảng hay chỉ trích chính phủ; f) giảm thời hạn tù cho các tội phi bạo lực; g) đăng ký và công bố thông tin về mọi cá nhân bị giam theo luật an ninh; h) bảo vệ pháp lý cho những người bị giam vì luật an ninh hay tuyên truyền, gồm cả việc có luật sư do họ tự chọn và có phiên tòa công khai; i) ra lời mời đến mọi tiến trình đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền.

Việt Nam không ủng hộ: điều a, b, e, g và i.

Na Uy đề nghị: a) giảm số tội chịu án tử hình; b) cho phép cá nhân, nhóm và các tổ chức xã hội cổ vũ nhân quyền, bày tỏ ý kiến và phản đối công khai; c) thông qua các biện pháp để tuân thủ Tuyên bố LHQ về Bảo vệ nhân quyền; d) bảo đảm truyền thông hoạt động tự do, độc lập; e) bảo đảm Luật báo chí trùng khớp với ICCPR, cho phép truyền thông tư nhân.

Việt Nam không ủng hộ: điều b, d và e.

Brazil đề nghị: a) thành lập tổ chức theo dõi nhân quyền độc lập; b) hướng tới bãi bỏ án tử hình; c) tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe cho phụ nữ; d) đạt tới các mục tiêu nhân quyền như trong nghị quyết 9/12.

Việt Nam không ủng hộ: điều a và b.

Hà Lan đề nghị: a) luật báo chí tuân thủ Điều 19 của ICCPR; b) cho phép báo chí độc lập và tư nhân; c) dỡ bỏ hạn chế về internet; d) ra lời mời đến mọi tiến trình đặc biệt của LHQ.

Việt Nam không ủng hộ: điều a, b, c và d.

Vương quốc Anh và Bắc Ireland đề nghị: a) hợp tác với chuyên gia quốc tế để phát triển luật truyền thông, tăng tính độc lập cho truyền thông; b) tiếp tục đối thoại giữa chính phủ và tổ chức dân sự; c) đối thoại với quốc tế về luật pháp; d) đào tạo cho viên chức, theo dõi việc thực thi luật pháp; e) tái đối thoại với Đặc sứ LHQ về tôn giáo.

Việt Nam không ủng hộ điều a và b.

Mexico đề nghị: a) thành lập viện nhân quyền quốc gia theo Nguyên tắc Paris; b) hợp tác với các tiến trình đặc biệt LHQ, mời Nhóm về Giam giữ đi thăm Việt Nam; c) xem xét phê chuẩn Công ước ILO số 169 về Dân tộc thiểu số và bản địa.

Việt Nam:không ủng hộ: điều a.

Azerbaijan đề nghị: a) quan tâm các nhóm dễ tổn thương; b) xem xét phê chuẩn Công ước Bảo vệ Quyền của Lao động Di cư và Công ước Người Tàn tật; c) thành lập thành lập viện nhân quyền quốc gia theo Nguyên tắc Paris.

Việt Nam không ủng hộ: điều c.

New Zealand đề nghị: a) ra lời mời đặc sứ tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tra tấn và bạo lực với phụ nữ; b) cho phép truyền thông độc lập; c) bãi bỏ án tử hình; d) thành lập viện nhân quyền quốc gia theo Nguyên tắc Paris.

Việt Nam không ủng hộ điều a, b, c và d.

Áo đề nghị: a) bảo đảm những ai mất tự do được đưa ra xử ngay; b) cung cấp thông tin có bao nhiêu trại giam; c) bảo đảm những người bị giam giữ có đại diện luật pháp; d) chống nạn mãi dâm trẻ em.

Việt Nam không ủng hộ: điều b và c.

Thụy Sĩ đề nghị: a) xem lại luật báo chí, đặc biệt là về việc bảo vệ phóng viên; b) sửa luật về án tử hình để theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt về tính minh bạch; c) luật đất đai sẽ được thực thi đầy đủ; d) ) ra lời mời đến mọi tiến trình đặc biệt.

Việt Nam không ủng hộ: điều d.

Phần Lan đề nghị: a) cho phép truyền thông đóng vai trò theo dõi; b) sửa luật báo chí theo điều khoản của ICCPR; c) sửa luật hình sự để không bị lạm dụng ngăn cản tự do ngôn luận; d) tạm hoãn thi hành các án tử để hướng tới mục tiêu bãi bỏ luôn án tử hình.

Việt Nam không ủng hộ: điều a, b, c và d.

Đức đề nghị: a) tăng cường hợp tác với cơ chế nhân quyền LHQ; b) mời đặc sứ đi thăm về tự do tôn giáo; c) thành lập thành lập viện nhân quyền quốc gia theo Nguyên tắc Paris; d) chấm dứt hạn chết tự do ngôn luận; e) công bố thông tin về án tử hình; f) giảm số tội có thể bị án tử.

Việt Nam không ủng hộ: điều b, c, d và e.

Hoa Kỳ đề nghị: a) bảo đảm tự do báo chí, bãi bỏ hạn chế với blog và truyền thông; b) cho phép cá nhân phát biểu về hệ thống chính trị, thả những tù nhân lương tâm như Cha Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân; c) đẩy nhanh quá trình đăng ký cho các nhà thờ và tổ chức tôn giáo; d) công nhận Giáo hội Phật giáo Thống nhất, cho phép các chi nhánh của đạo Hòa Hảo và Cao Đài.

Việt Nam không ủng hộ: điều a, b, c và d.

Argentina đề nghị:a) giảm các vụ tạm giam không hợp lý, đảm bảo quyền có phiên tòa công bằng; b) bảo đảm công dân được hưởng các quyền; c) mời đặc sứ về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo đi thăm; d) bãi bỏ án tử hình; e) phê chuẩn Công ước Bảo vệ Người Mất tích; Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế; Công ước về người tị nạn và vô quốc gia.

Việt Nam không ủng hộ: điều c và d.

Pháp đề nghị: a) chấm dứt hạn chế tự do ngôn luận, cho phép truyền thông tư nhân; b) thành lập thành lập viện nhân quyền quốc gia theo Nguyên tắc Paris; c) ký và phê chuẩn Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế.

Việt Nam không ủng hộ: điều a, b và c.

Italy đề nghị: a) tôn trọng tự do tôn giáo; b) trả lời tích cực với yêu cầu thăm Việt Nam của Đặc sứ tôn giáo; c) bảo đảm quyền nhận, truyền bá thông tin; d) có chiến lược quốc gia đưa giáo dục nhân quyền vào trường học.

Việt Nam không ủng hộ: điều b.

Còn tiếp tục cập nhật.

(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090514_humanrights_report.shtml)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Người Vá Xe
Josephhoa Phạm
06:31 15/05/2009

NGƯỜI VÁ XE



Ảnh của Josephhoa Phạm

Tôi không giành giựt cơ đồ

Chỉ xin một chút tự do làm người.

(Trích thơ của Trần Trung Đạo)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News